Để thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân được xác định trong các Văn kiện của Đảng (Văn kiện đại hội Đảng VII, VIII và IX) thì việc xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển toàn diện hệ thống pháp luật là nhu cầu cấp bách và thiết thực.
Xuất phát từ nhu cầu đó, ngày 08/01/2001 Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Nội chính Trung ương Đảng và một số cơ quan khác thành lập Ban chỉ đạo liên ngành tiến hành đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010.
Trong quá trình thực hiện, ngoài sự cố gắng và nỗ lực của nhóm liên ngành còn có sự đóng góp hiệu quả của nhiều cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế, nên bản báo cáo được nghiệm thu đạt kết quả tốt vào năm 2002.
Bản báo cáo này gồm 4 vấn đề lớn, đó là: khung pháp luật; thiết chế pháp luật; đào tạo pháp luật; thông tin pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật.
Thông tin Khoa học Pháp lý giới thiệu số chuyên đề: "Thực trạng và nhu cầu phát triển pháp luật, hoàn thiện các thiết chế lập pháp, thi hành pháp luật, điều ước quốc tế, giải quyết tranh chấp và bổ trợ tư pháp". Để giúp cho bạn đọc, các nhà lãnh đạo, các cán bộ đang công tác trong các cơ quan bảo vệ, giám sát và thi hành pháp luật có tài liệu nghiên cứu một cách tổng thể về nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, Thông tin Khoa học Pháp lý tiếp tục giới thiệu số chuyên đề: "Đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển khung pháp luật Việt Nam đến năm 2010" sau khi đã có sự chỉnh lý và cập nhật các thông tin mới nhất cho chính xác và phù hợp với thực tế hiện nay.