• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Bộ luật dân sự và tố tụng dân sự
Nội dung tóm tắt
Đây là đề tài có phạm vi nghiên cứu  rộng gồm các vấn đề sở hữu, hợp đồng, thừa kế, trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, quyền tác giả, sáng chế: địa vị pháp lý của những người tham gia tố tụng dân sự thẩm quyền xét xử của Toà án, chứng cứ trong tố tụng dân sự... Việc nghiên cứu những vấn đề trên đòi hỏi phải có thời gian, vật chất, tập trung lực lượng các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn của nhiều lĩnh vực kinh tế, pháp lý xã hội... Việc nghiên cứu này đòi hỏi một nguồn kinh phí nhất định.

Do còn nhiều mặt hạn chế về khách quan, chủ quan nên Ban chủ nhiệm đề tài không thể cùng một lúc tiến hành nghiên cứu toàn diện các vấn đề nêu trên trong một thời gian ngắn do đó đã quyết định tiến hành nghiên cứu từng bước và có thứ tự ưu tiên các vấn đề. Trước mắt tập trung vào nghiên cứu vấn đề quyền sở hữu. Cụ thể là:

- Những cơ sở lý luận về sở hữu và quyền sở hữu ở nước ta hiện nay.

- Sở hữu nhà nước và quyền sở hữu nhà nước.

- Sở hữu tập thể và quyền sở hữu tập thể.

- Sở hữu tư nhân và quyền sở hữu tư nhân.

- Sở hữu hỗn hợp.

- Thực tiễn xét xử và vấn đề quyền sở hữu.

-  Pháp luật của một số nước về sở hữu...

Sở dĩ Ban chủ nhiệm chọn những vấn đề này trước tiên vì những lý do sau:

(i) Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay thì đổi mới kinh tế là trọng tâm. Mà đổi mới kinh tế tất yếu phải liên quan đến vấn đề sở hữu và quyền sở hữu. Bởi vì, khi chuyển nền kinh tế từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp và cùng với nó là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đã đặt ra vấn đề phải hoàn thiện chế độ sở hữu và quyền sở hữu cho phù hợp với điều kiện mới. Một điều hiển nhiên là sở hữu (với tư cách là một phạm trù kinh tế) là bộ phận cấu thành của quan hệ sản xuất, bên cạnh quan hệ quản lý và quan hệ phân phối. Quan hệ sở hữu chỉ có thể tồn tại, phát triển và hoàn thiện trong bối cảnh là quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do lực lượng sản xuất phát triển không đồng đều, còn cùng tồn tại và phát triển nhiều thành phần kinh tế, do vậy cũng còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu làm cho các quan hệ sở hữu phong phú, đa dạng, tạo nên sự hỗn hợp, đan xen giữa các hình thức sở hữu. Trong điều kiện mới chúng ta nhận thức về vấn đề sở hữu và quyền sở hữu như thế nào nhất là về mặt lý luận để một mặt phù hợp với những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta.

(ii) Pháp luật về sở hữu ở nước ta từ sau cách mạng tháng 8/945 đến nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản, mà chủ yếu là các văn bản dưới luật quy định về sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu của công dân. Trừ những văn bản được ban hành sau Đại hội VI, các văn bản ban hành trước chủ yếu xây dựng theo quan điểm quản lý kinh tế bằng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, theo quan điểm kinh tế hiện vật. Do đó các quan hệ sở hữu trước đây được điều chỉnh bằng phương pháp mệnh lệnh hành chính là chủ yếu chứ không phải bằng phương pháp dân sự kinh tế.

Sự không phù hợp, không đầy đủ của pháp luật về sở hữu hiện hành còn được thể hiện rõ thông qua hoạt động xét xử của Toà án, gây khó khăn lúng túng trong việc áp dụng luật nhất là khi giải quyết các tranh chấp về nhà cửa, các công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất...

Mặt khác, cũng thấy rằng một số các văn bản có quy định về sở hữu đã ban hành từ sau Đại hội VI bước đầu đã phát huy tác dụng, phục vụ tích cực trong công tác đổi mới, thí dụ Quyết định số 217-HĐBT, Nghị định số 50-HĐBT, 98-HĐBT, 143-HĐBT và Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; các Nghị định số 27, 28, 29-HĐBT, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty... Tuy nhiên, cần thấy rằng một số quy định cũng bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với thực tế hiện nay yêu cầu cần có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời trong đó có Luật Đất đai năm 1987, Quyết định số 217-HĐBT...

Như vậy, pháp luật về sở hữu của ta hiện nay chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, chưa có hiệu lực cao để làm tròn vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu điều chỉnh các quan hệ sở hữu. Trong một chừng mực và mức độ nhất định một số quy định về sở hữu còn là “vật cản” đối với việc giải phóng năng lực sản xuất, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó việc nghiên cứu vấn đề sở hữu và quyền sở hữu để tìm kiếm những giải pháp nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu phục vụ cho công cuộc đổi mới thực sự là vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay.

(iii) Tại một số nước trên thế giới hiện nay cũng đang diễn ra quá trình cải tổ, cải cách. Quá trình đó đều đụng chạm tới vấn đề sở hữu. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, một số nước đã và đang thực hiện chính sách “tư nhân hoá” tài sản của Nhà nước trong đó có nhà máy, xí nghiệp, đất đai. Cũng cần nói thêm rằng việc tìm tòi, làm đa dạng và phong phú chế độ sở hữu ở một nước là xuất phát từ đặc điểm kinh tế truyền thống và phong tục của mỗi nước đó, tuyệt nhiên không thể dập khuôn vào nước ta.

Tóm lại, sở hữu và quyền sở hữu là những vấn đề rất lớn và phức tạp. Việc nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về sở hữu là vấn đề không thể trì hoãn, nhất là chúng ta đang chuẩn bị cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, sửa đổi Hiến pháp 1980, xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có pháp luật về dân sự - kinh doanh, lao động, kiện toàn các cơ quan tài phán...

Mục đích nghiên cứu của đề tài là tìm kiếm những giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về sở hữu - một vấn đề không thể trì hoãn – giúp phần vào việc chuẩn bị cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, sửa đổi Hiến pháp 1980, xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có pháp luật về dân sự - kinh doanh, lao động, kiện toàn các cơ quan tài phán ở Việt Nam.

Với phạm vi nghiên cứu trên, đề tài tập trung vào ba vấn đề: (i) Quan niệm về sở hữu và quyền sở hữu nhà nước; (ii) Quan điểm cơ bản về sở hữu nhà nước và quyền sở hữu nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; (iii) Phân tích một số vấn đề cụ thể về sở hữu và quyền sở hữu nhà nước và những kiến nghị.

I. QUAN NIỆM VỀ SỞ HỮU VÀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Sở hữu là một phạm trù kinh tế nói lên cơ sở kinh tế của một xã hội, còn quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý thuộc thượng tầng kiến trúc phản ánh quan hệ sở hữu và gắn liền với Nhà nước và pháp luật.

1. Sở hữu nhà nước

 Sở hữu nhà nước là một loại hình thức sở hữu tồn tại trong bất kỳ một xã hội nào có Nhà nước, ở nước ta hiện nay quan niệm về sở hữu nhà nước cũng còn khác nhau.

- Hiến pháp 1980 quy định sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân - mọi tài sản của Nhà nước thuộc quyền sở hữu toàn dân.

- Có ý kiến cho rằng hiện nay ta chưa có sở hữu toàn dân theo đúng nghĩa của nó. Trong thời kỳ quá độ, sở hữu đại diện cho xã hội là sở hữu nhà nước.

- Cũng có ý kiến cho rằng không nên nói sở hữu nhà nước vì quan niệm này dẫn đến cách hiểu là mọi của cải xã hội là của riêng Nhà nước, chỉ nên nói sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện và mỗi công dân là một đồng sở hữu.

Ở nước ta hiện nay sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện. Sở hữu nhà nước giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân vì:

- Tất cả tư liệu sản xuất chủ yếu có tính chất quyết định đối với nền kinh tế quốc dân đều thuộc sở hữu nhà nước (đất đai, các nguồn tài nguyên, các nhà máy lớn,...)

- Sở hữu nhà nước quyết định tính chất và định hướng phát triển của các hình thức sở hữu khác, hướng dẫn các hình thức sở hữu đi vào quỹ đạo của xã hội chủ nghĩa.

2. Quyền sở hữu nhà nước

Quyền sở hữu nhà nước là một phạm trù pháp lý phản ánh quan hệ sở hữu nhà nước.

a. Khái niệm

Quyền sở hữu nhà nước có thể được hiểu theo các nghĩa khác nhau:

- Quyền sở hữu nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của nhà nước. Đó là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm mục đích:

+ Xác nhận quyền chiếm hữu của Nhà nước đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu là những tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng như các loại tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân.

+ Quy định nội dung và trình tự thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với những tài sản của Nhà nước (thuộc sở hữu toàn dân), phạm vi quyền hạn của các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan nhà nước trong việc quản lý những loại tài sản được Nhà nước giao.

+ Quy định những biện pháp pháp lý để bảo vệ tài sản (vốn) của Nhà nước.

- Theo nghĩa chủ quan quyền sở hữu nhà nước được hiểu là các quyền năng cụ thể của Nhà nước bao gồm: quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

- Quyền sở hữu nhà nước còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm các yếu tố cụ thể, nội dung (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) và khách thể (các loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước).

b. Về chủ thể của quyền sở hữu nhà nước có những ý nghĩa khác nhau:

- Nhà nước là chủ thể duy nhất và đặc biệt của tài sản toàn dân. Tính chất đặc biệt thể hiện ở chỗ: Nhà nước vừa nắm quyền lực kinh tế, lại vừa nắm quyền lực chính trị, tự mình quy định khách thể đặc biệt của quyền sở hữu nhà nước, các biện pháp và hình thức thực hiện các quyền năng của mình với tư cách là chủ sở hữu.

- Tài sản nhà nước là tài sản của toàn dân, của toàn xã hội, do đó Nhà nước chỉ là chủ sở hữu đại diện cho sở hữu toàn dân còn các công dân đều là đồng sở hữu và tập thể nào, cá nhân nào được Nhà nước giao tài sản đều là chủ sở hữu thực tế (đồng thời là chủ sử dụng) đối với tài sản đó.

c. Về khách thể quyền sở hữu nhà nước.

Những loại tài sản khác nhau thuộc quyền sở hữu nhà nước được gọi là khách thể của quyền sở hữu nhà nước.

Có những ý kiến khác nhau:

- Chỉ nhấn mạnh tài sản thuộc sở hữu nhà nước là các loại tư liệu sản xuất chủ yếu: đất đai, hầm mỏ, các xí nghiệp quốc doanh, cơ sở kết cấu hạ tầng.

- Khách thể quyền sở hữu nhà nước cần được hiểu rộng hơn ngoài đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các tư liệu sản xuất chủ yếu khác còn có các loại vốn, thị trường, thông tin, môi trường sinh thái.

Về phân loại khách thể của quyền sở hữu nhà nước cũng có những ý kiến khác nhau:

- Có loại tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện, không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ thể khác (hợp tác xã, cá nhân). Đó là một số loại tư liệu sản xuất chủ yếu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân (đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng khác - nó là khách thể đặc biệt.

- Có loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác (hợp tác xã, cá nhân) như các loại tư liệu sản xuất thông thường, các loại hàng tiêu dùng…

- Có ý kiến cho rằng trong điều kiện của  nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật thì các chủ sở hữu thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền sở hữu như nhau đối với các loại tài sản. Và được tự do chuyển dịch quyền sở hữu cho nhau chứ không thể có loại tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (kể cả đất đai, tài nguyên khác...).

d. Về nội dung quyền sở hữu nhà nước (sở hữu toàn dân)

Đó là tổng hợp ba quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

- Có ý kiến cho rằng chỉ có Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất mới có ba quyền này. Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đối với tài sản của Nhà nước bằng cách ban hành những chế độ và thể lệ bảo quản và kiểm kê tài sản, tiến hành kiểm kê hàng năm hoặc đột xuất để nắm tình hình tài sản, vật tư, tiền vốn ở các cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh được giao quản lý, sử dụng.

Nhà nước thực hiện quyền sử dụng đối với các tài sản của Nhà nước bằng cách giao tài sản cho các cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh để quản lý khai thác lợi ích của tài sản. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản toàn dân bằng cách thông qua các hợp đồng (bán, cho thuê).

Nhà nước thực hiện quyền sở hữu một cách trực tiếp thông qua các cơ quan quyền lực và các cơ quan quản lý nhà nước hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức kinh tế quốc doanh.

- Có ý kiến cho rằng cần phải định rõ quyền chủ sở hữu đại diện là Nhà nước và quyền của chủ sử dụng đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước (sở hữu toàn dân). Người chủ sử dụng (cá nhân hoặc tổ chức) không chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng lợi ích tài sản mà còn được quyền định đoạt quyền sử dụng tài sản đó (chuyển nhượng lại, để lại thừa kế, cho thuê, hưởng hoa lợi) có nghĩa là phải đa dạng hoá quyền sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài sản và làm sống động quyền sở hữu.

II. QUAN ĐIỂM CƠ BẢN VỀ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VÀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC Ở NƯỚC TA TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy về sở hữu nhà nước và quyền sở hữu nhà nước cần quán triệt các quan điểm sau:

1. Đa dạng hoá hình thức sở hữu trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI và đã thực sự đi vào cuộc sống. Nền kinh tế đó đã tạo ra nhiều thị trường hàng hoá: thị trường vật tư, hàng tiêu dùng, thị trường tiền tệ - tín dụng, sức lao động,... Sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào các tổ chức kinh tế thích hợp (các loại hình công ty...) đã tạo nên sự đan xen giữa các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu, dẫn đến làm đa dạng hoá các hình thức sở hữu (sở hữu hỗn hợp), chứ không còn thuần khiết của 3 hình thức sở hữu chủ yếu: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.

Sở hữu hỗn hợp (giữa Nhà nước với các thành phần kinh tế khác và giữa các thành phần kinh tế khác với nhau) là tất yếu trong nền sản xuất hàng hoá hiện nay ở nước ta.

2. Trong chế độ sở hữu ở nước ta sở hữu nhà nước (sở hữu toàn dân) là nền tảng, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo

Xét về mặt kinh tế, tài sản thuộc sở hữu nhà nước bao gồm các nguồn tài nguyên và tư liệu sản xuất cơ bản nhất (đất đai, tài nguyên khoáng sản, xí nghiệp quốc doanh nắm giữ các ngành then chốt, là các mạch máu chủ yếu của kinh tế quốc dân...), có tác dụng to lớn và quyết định đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh không chỉ thể hiện ở chỗ:

- Nguồn tài sản lớn nhất tập trung trong kinh tế quốc doanh.

- Kinh tế quốc doanh nắm toàn bộ mạch máu kinh tế.

- Gần như toàn bộ kỹ thuật và lực lưọng cán bộ khoa học kỹ thuật nằm ở kinh tế quốc doanh.

Kinh tế quốc doanh chính là tiêu biểu cho phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, là cơ sở kinh tế xã hội của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh không phải là ở lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải chiếm tỷ trọng tuyệt đối mà chính là ở chỗ kinh tế quốc doanh có chi phối được các thành phần kinh tế khác bằng chính uy tín và hiệu quả sản xuất kinh doanh hay không, có thể điều tiết và dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội hay không.

3. Xem xét và giải quyết vấn đề sở hữu theo quan điểm tài chính

Trước đây trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chúng ta thường xem xét và giải quyết vấn đề sở hữu theo quan điểm kinh tế hiện vật mà ít chú ý đến sở hữu về vốn. Vấn đề quan trọng của sở hữu là không cần biết có bao nhiêu nhà cửa, kho tàng máy móc, xe cộ mà là cơ sở vốn (quy ra tiền) là bao nhiêu. Chỉ có xem xét và giải quyết vấn đề sở hữu theo quan điểm tài chính mới có thể giải quyết được những vấn đề kinh tế nảy sinh trong nền kinh tế thị trường đa dạng và phức tạp.

4. Xác định rõ chủ sở hữu và chủ sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân, bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản, kết hợp lợi ích của xã hội và lợi ích của chủ sử dụng

Trong nhiều năm nhiều tài sản của Nhà nước ở tình trạng “vô chủ”, “cha chung không ai khóc”, mọi người thờ ơ thiếu trách nhiệm, tài sản của Nhà nước được sử dụng không có hiệu quả, người lao động bị tách ra khỏi tư liệu sản xuất. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là không xác định rõ ai là chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) đối với tài sản đó, đồng thời phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với tài sản đó. Trong định hướng xây dựng quyền sở hữu nhà nước, phải xác định rõ vấn đề tài sản nào là tài sản của Nhà nước, tài sản đó được để ở đâu, loại nào, trong tình trạng nào; bất kỳ tài sản nào cũng phải có chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) và chủ sở hữu thực tế phải chịu trách nhiệm đến cùng khi sử dụng tài sản đó. Trên cơ sở đó chủ sở hữu mới coi tài sản của Nhà nước như chính tài sản của mình và có ý thức bảo toàn và phát triển tài sản.

5. Giải quyết vấn đề sở hữu từng bước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta

Đất nước ta đang nằm trong trạng thái xoá bỏ cơ chế cũ tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế mới: phát triển kinh tế thị trường, cái cũ chưa mất hẳn - cái mới bắt đầu hình thành và phát triển. Do đó tình hình phát triển kinh tế xã hội còn nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy không thể xây dựng và hoàn thiện ngay các quan hệ sở hữu và gắn với nó là pháp luật về sở hữu. Đó là một quá trình cần có các bước đi thích hợp, việc xây dựng chế định pháp lý về quyền sở hữu nói chung trong đó có quyền sở hữu nhà nước cũng cần tiến hành từng bước vững chắc. 

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VÀ CÁC KIẾN NGH

1. Những vấn đề chung về quyền sở hữu nhà nước

1.1. Chủ thể của quyền sở hữu nhà nước

Sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân, trong đó, Nhà nước là chủ sở hữu đại diện và mọi công dân là đồng sở hữu, người sử dụng hợp pháp là chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng)

1.2. Khách thể của quyền sở hữu nhà nước là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu toàn dân không chỉ giới hạn ở các loại tư liệu sản xuất chủ yếu (đất đai, hầm mỏ, nước, các xí nghiệp quốc doanh) mà còn là toàn bộ môi trường sinh thái, các loại vốn khác, thị trường. Đề tài kiến nghị sửa lại Điều 19 Hiến pháp 1980 cho phù hợp và chia tài sản nhà nước làm 2 loại:

a. Loại tài sản chỉ Nhà nước có quyền sở hữu, không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác, trong đó có các nguồn tài nguyên như đất đai, khoáng sản, muối, hệ thống đường sắt, công nghiệp quốc phòng, hệ thống viễn thông...

b. Loại tài sản khác có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác.

1.3. Nội dung quyền sở hữu nhà nước - sở hữu toàn dân

Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đại diện có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản (vốn) thông qua các cơ quan đại diện. Nhà nước là chủ sở hữu về vốn, tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Người sử dụng hợp pháp tài sản nhà nước là chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) có quyền chiếm hữu, sử dụng đúng mục đích, hưởng hoa lợi, và quyền định đoạt (bán, cho, cho thuê, để lại thừa kế, thế chấp quyền sử dụng theo quy định của pháp luật đối với từng loại tài sản. Chủ sử dụng có nghĩa vụ bảo toàn vốn, đóng thuế và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với tài sản nhà nước.

Như vậy, chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) đã được mở rộng quyền sử dụng nhằm đảm bảo tài sản nhà nước thực sự “có chủ”, làm tăng hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng tài sản, đảm bảo lợi ích của Nhà nước (cũng là lợi ích xã hội) và lợi ích của người sử dụng. Như vậy Nhà nước với tư cách chủ sở hữu đại diện không còn thuần tuý sở hữu những tài sản cụ thể mà thực sự là chủ sở hữu về “vốn” và các quyền của chủ sử dụng cũng được đa dạng hoá nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế của việc sử dụng vốn, tài sản.

2. Đất đai - khách thể đặc biệt thuộc quyền sở hữu nhà nước

Theo Hiến pháp năm 1980 (Điều 19) và Luật Đất đai quy định thì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Hiện nay cũng còn có những ý kiến khác nhau về sở hữu đất đai.

2.1. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý và giao cho các tổ chức và cá nhân sử dụng, chỉ cho phép chuyển nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao, đồng thời nghiêm cấm việc bán, mua, lấn, chiếm đất đai như Điều 3, Điều 5 Luật Đất đai quy định. Ý kiến này xuất phát từ quan điểm cho rằng chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa - được xây dựng trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất, trong đó có ruộng đất, từ đó xoá bỏ giai cấp, xoá dần sự chênh lệch giàu nghèo. Mặt khác, đất đai là thành quả cách mạng nên Nhà nước phải thống nhất quản lý và độc quyền phân phối cho các thành viên trong xã hội, không thể có ruộng đất của cá nhân và tập thể. Trong một địa bàn cụ thể mọi người có nhu cầu sử dụng đất đai như nhau đều “bình đẳng” hưởng thụ vốn đất đai.

2.2. Loại ý kiến thứ hai  trong một nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần thì các thành phần này đều bình đẳng trước pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy các thành phần kinh tế đều có quyền sở hữu về ruộng đất. Nếu họ được quyền sở hữu đất đai chắc chắn sẽ có động lực thúc đẩy việc sử dụng, bảo vệ đất đai tốt hơn. Song có điều là phải căn cứ vào nguồn gốc về mặt xã hội của đất đai mà xử lý cụ thể, bảo đảm cho người cần đất để làm ăn sinh sống, thì đều được quyền sở hữu đất đai với mức diện tích hài hoà với vốn đất hiện có bình quân ở mỗi địa phương, tức là lập lại một “mặt bằng” mới về quyền sở hữu chứ không phải là dựa vào nguồn gốc sở hữu để đòi đất của mình đã có trước đây. Ý kiến này cho rằng gần đây trong sản xuất nông nghiệp việc khoán sản phẩm theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, thì hộ gia đình là đơn vị tự chủ sản xuất kinh doanh, đất đai được giao ổn định từ 10 - 15 năm cho từng hộ, việc giao đất như vậy không có nghĩa là sở hữu tư nhân, nhưng ít ra cũng gần gũi với tính “tư hữu” của họ nên đã phát huy tính tích cực của nông dân. Phải chăng đó cũng là những “tín hiệu” sở hữu tư nhân, trước mắt nó vẫn có những tác động tích cực xét về mặt hiệu quả kinh tế. Nhà nước chỉ nên giữ lại đất ở  mức nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội để các cơ sở quốc doanh sản xuất những sản phẩm mà xét thấy nếu để cho tập thể và cá nhân sản xuất không có hiệu quả bằng quốc doanh hoặc sẽ gây những trở ngại cho Nhà nước trong việc điều tiết nên kinh tế quốc dân.

Sở hữu tập thể về đất đai cũng là một hình thức cần được quy định và khuyến khích. Vấn đề là cần phải chọn quy mô sở hữu đất đai cho phù hợp với khả năng quản lý, điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi vùng và phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất tư nhân.

Tóm lại, từ những lập luận trên ý kiến này cho rằng trong điều kiện hiện nay ở nước ta nên có ba hình thức sở hữu về đất đai: Nhà nước, tập thể và tư nhân

2.3. Loại ý kiến thứ ba cho rằng, ở nước ta quyền sở hữu đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý và phân phối cho các đối tượng sử dụng, nhưng quyền sử dụng đó phải được mở rộng hơn so với luật định:

Khuyến khích người sử dụng đất đầu tư công sức trong quá trình sử dụng đất, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Theo hướng này sẽ góp phần điều tiết các quan hệ đất đai theo hướng sử dụng đất của xã hội - bảo vệ đất và nâng cao hiệu quả kinh tế của đất.

Như vậy, phải thừa nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai chứ không dùng khái niệm chuyển nhượng thành quả lao động như luật định. Cũng cần phải thừa nhận quyền thế chấp để vay vốn sản xuất. Loại ý kiến thứ ba này là phổ biến và đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 3, Điều 5 Luật Đất đai năm 1987.

Từ các loại ý kiến trên và liên hệ với thực tế các tác giả cho rằng:

(1) Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước và chủ sở hữu đại diện. Đất đai là loại khách thể đặc biệt của quyền sở hữu nhà nước và không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho tập thể và tư nhân bởi vì:

a. Đất đai là thành quả của toàn dân, của toàn xã hội, do đó không thể thuộc quyền sở hữu riêng của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào.

b. Đất đai cũng là thành quả của cách mạng qua bao cuộc đấu tranh, thấm bao mồ hôi, xương máu của nhân dân mới dành được.

c. Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng ở nước ta đất đai đã có nhiều lần điều chỉnh xáo trộn, có những thửa đã qua nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng. Nếu đặt lại vấn đề tư nhân hoá đất đai sẽ gây lên những lộn xộn, mất ổn định xã hội và những hậu quả kinh tế - chính trị khó lường.

d. Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa càng đòi hỏi Nhà nước phải thống nhất quản lý đất đai mới chủ động điều tiết các quan hệ đất đai theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa mới, đặt ra những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất đai.

(2) Phải coi đất đai là loại hàng hoá đặc biệt. Đặc biệt vì do Nhà nước nắm quyền sở hữu (sở hữu đại diện) và không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho cá nhân và tổ chức, vì là hàng hoá cho lên có “giá trị sử dụng” và có “giá trị”. Như vậy đất đai phải có “giá”. Đây là vấn đề trước đây mà ta ít quan tâm (về một Nhà nước). Bởi vậy, tuỳ thuộc  vào từng loại đất, độ màu của từng loại đất, và vị trí của đất ... mà đất có các “giá” khác nhau. Việc sử dụng đất từng bước phải được thông qua hợp đồng cho thuê đất được ký giữa đại diện Nhà nước với cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

(3) Từ những lập luận trên đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với nội dung sau:

a. Sửa lại các Điều 3,5 của Luật theo hướng mở rộng quyền của chủ sử dụng đất. Chủ sử dụng đất có quyền cho, cho thuê, đổi, bán, để lại thừa kế quyền sử dụng đất theo những quy định của pháp luật. Các từ ngữ trong Điều 3 Luật Đất đai như: quyền chuyển, nhượng là không mang tính chất pháp lý, “bán thành quả lao động kết quả đầu tư trên đất” cũng chưa rõ ràng lắm. Phải chăng đó là bán quyền sử dụng đất.

Ở đây cần quan niệm rằng quyền sử dụng đất cũng là một quyền tài sản của chủ sử dụng đất và quyền này phải thuộc sở hữu của người đó. Chủ sử dụng đất có quyền định đoạt quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vậy chủ sử dụng đất đai có quyền “thế chấp” quyền này hay không? Vấn đề “thế chấp” hay “cầm cố” cũng cần phải bàn. Có ý kiến cho rằng nên áp dụng biện pháp “cầm cố” đối với các quyền tài sản và các động sản, còn áp dụng “thế chấp” đối với bất động sản. Như vậy thì có thể đem cầm cố “quyền sử dụng đất” được. Vì đó là một quyền tài sản.

Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất đai (cho, bán, đổi cho thuê, để lại thừa kế, cầm cố) trên tinh thần các nguyên tắc sau đây:

- Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải nằm trong sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Cần có những quy định làm rõ: loại đất nào, đối tượng nào, và trong điều kiện nào thì được chuyển dịch, chống việc mua bán, phát canh, thu tô trá hình.

- Việc chuyển dịch quyền sử dụng không được làm phá vỡ và cản trở quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không được làm tổn hại đến các yêu cầu sử dụng của các loại đất, các tổ chức, cá nhân sử dụng đất lân cận.

- Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải được cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cho phép và phải nộp thuế.

b) Đề nghị xem xét lại các từ ngữ “giao đất và thu hồi đất” Điều 9, điểm 4 Luật Đất đai) và “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, “thuê sử dụng đất” (Điều 5 Luật Đất đai). Các từ ngữ này được dùng chưa thật chính xác, chưa thể hiện được đúng bản chất của vấn đề coi đất đai cũng là một loại hàng hoá đặc biệt, vẫn sử dụng các biện pháp hành chính nhiều hơn là biện pháp kinh tế.

Thực chất cần được hiểu đây phải là cho thuê đất và được thông qua hợp đồng cho thuê (để thay cho việc giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và phải trả tiền thuê đất (thay cho thuê sử dụng đất). Vậy ai là người cho thuê và ai là người đi thuê? Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đại diện thông qua cơ quan đại diện (Ủy ban nhân dân các cấp) là bên cho thuê, còn mọi cá nhân và tổ chức - chủ sử dụng đất là bên thuê.

Vấn đề này theo Ban chủ nhiệm đề tài cần phải xác định rõ vì trong thực tế còn nhiều ý kiến khác nhau về các câu hỏi:

- Ai đứng ra cho thuê đất (bên cho thuê). Chính quyền hay hợp tác xã?

- Giao đất cho ai (bên thuê), hợp tác xã hay hộ nông dân? Bên thuê đất không chỉ là công dân và tổ chức Việt Nam mà còn bao gồm cả những người nước ngoài và tổ chức nước ngoài, có như vậy mới phù hợp với chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Nhà nước ta.

Về thời hạn sử dụng đất (thời gian thuê đất), Ban chủ nhiệm đề tài nhất trí với nhiều ý kiến cho rằng tuỳ thuộc vào nhiều loại đất, mục đích sử dụng để quy định thời hạn sử dụng ngắn, dài khác nhau nhưng cơ bản là nên quy định thời gian dài nhằm tạo sự ổn định lâu dài và làm cho chủ sử dụng đất gắn bó với đất đai “coi như của mình”. Đối với đất trồng cây ngắn ngày có thể là 25 năm, đất trồng cây dài ngày (cây lấy gỗ, cây ăn quả..) có thể là 50 năm; đất cho các công trình xây dựng, nhà ở... có thể đến 99 năm. Thời hạn này cũng được áp dụng cho người nước ngoài và tổ chức nước ngoài.

Trường hợp vì mục đích công ích, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước cần lấy lại đất trước thời hạn đã ký kết thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho chủ sử dụng đất.

3. Xí nghiệp quốc doanh

Điều 19 Hiến pháp 1980 quy định các loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có các xí nghiệp quốc doanh.

Trước đây, chúng ta quan niệm rằng càng nhiều xí nghiệp quốc doanh thì càng tiến dần đến công hữu và càng nhanh tiến tới chủ nghĩa xã hội, do đó phải bằng mọi cách để có tỷ trọng lớn các xí nghiệp quốc doanh trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, mà ít chú ý đến hiệu quả kinh tế.

Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã ra Nghị quyết về “chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế” Nghị quyết này là bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh, là cơ sở định hướng cho việc xây dựng các chính sách, chế độ Nhà nước về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý xí nghiệp quốc doanh.

Quán triệt Nghị quyết trên, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 217/HĐBT ngày 14/11/1987, Nghị quyết số 50/HĐBT ngày 22/03/1988 ban hành điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, Nghị định số 98/HĐBT ngày 26/06/1988 ban hành bảng quy định về quyền làm chủ của tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh nhằm tạo quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, làm rõ vấn đề sở hữu toàn dân trong xí nghiệp quốc doanh và tạo điều kiện để người lao động làm chủ, gắn bó với tư liệu sản xuất, nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh trước tình trạng “vô chủ”, “thờ ơ, vô trách nhiệm” đối với tài sản nhà nước (thuộc sở hữu toàn dân).

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường nhiều xí nghiệp quốc doanh đã không đủ sức tự trang trải. Khoảng 1/3 xí nghiệp lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, 1/3 gặp khó khăn chỉ có 1/3 có thể đứng được, rất ít xí nghiệp quốc doanh thật sự làm ăn có hiệu quả. Đề tài đã chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể, từ khó khăn về vốn, về giá “đầu vào” và công nghệ, về trình độ cán bộ quản lý. Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân đó đều chưa đề cập đến căn nguyên liên quan đến sự mất động lực và sự thờ ơ vô trách nhiệm của người lao động cũng như của người quản lý. Các gốc rễ chính là vấn đề sở hữu. Trong thời gian qua chưa làm rõ vai trò chủ sở hữu đại diện của Nhà nước đối với tài sản và tiền vốn giao cho xí nghiệp nên quản lý của Nhà nước đối với xí nghiệp bị buông lỏng làm thiệt hại đến tài sản thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời hạn chế tính chủ động của xí nghiệp quốc doanh. Mặt khác không thể hiện rõ quyền và lợi ích của người lao động làm chủ trong xí nghiệp. Do đó mặc dù Nhà nước giao quyền làm chủ cho tập thể lao động, những người lao động vẫn chưa thật gắn bó với xí nghiệp.

Từ những hiện trạng trên, một vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu tổng kết mô hình tổ chức quản lý xí nghiệp quốc doanh theo tinh thần Quyết định số 217, Nghị định số 50, Nghị định số 98, trong đó cần làm rõ hai mối quan hệ: quan hệ giữa tác động của Nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chủ quản) với tư cách là chủ sở hữu xí nghiệp, với xí nghiệp và mối quan hệ trong nội bộ xí nghiệp giữa giám đốc với tập thể lao động và Hội đồng xí nghiệp.

Trên tinh thần đó, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 143/HĐBT ngày 10/05/1990 về việc tổng kết Quyết định số 217, Nghị định số 50 và Nghị định số 98. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng còn ra Chỉ thị số 316/CT ngày 01/09/1990 về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh .

Một trong những nội dung chủ yếu của 2 văn bản này chính là làm rõ vấn đề sở hữu toàn dân do Nhà nước là chủ sở hữu đại diện, trao quyền sử dụng vốn cho xí nghiệp quốc doanh sử dụng. Một câu hỏi đặt ra là: ai là người đại diện cho Nhà nước đứng ra trao quyền sử dụng vốn? rồi trao cho ai và theo phương thức nào? Cần chấn chỉnh các đơn vị kinh tế quốc doanh như thế nào để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và thực sự giữ vài trò trong nên kinh tế quốc dân?

3.1. Ai đại diện cho Nhà nước đứng ra trao quyền sử dụng vốn

Theo Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 01/09/1990 thì Bộ trưởng trực tiếp quản lý ngành (nếu là xí nghiệp trung ương) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (nếu là xí nghiệp địa phương) là người thay mặt Nhà nước giao vốn cho xí nghiệp. Tóm lại người giao vốn là cơ quan chủ quản - cơ quan làm chức năng quản lý nhà nước trực tiếp với xí nghiệp quốc doanh.

Cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ Bộ chủ quản, Sở chủ quản. Việc quản lý nhà nước về kinh tế đối với các xí nghiệp quốc doanh nên thực hiện thông qua các cơ quan quản lý chức năng. Ý kiến này cho rằng trong quá trình đan chéo và đấu tranh lẫn nhau giữa cơ chế quản lý mới và cơ chế quản lý cũ trong từng trường hợp cụ thể, với mô hình quản lí theo ngành dọc vẫn còn có những mặt tích cực nhất định như khắc phục kịp thời các khó khăn cho các tổ chức kinh tế thuộc quyền, đóng góp đáng kể vào quỹ phúc lợi của Bộ chủ quản hoặc ngân sách địa phương. Song do những quy định có tính nguyên tắc, các Bộ và Sở chủ quản được toàn quyền quyết định về bộ máy tổ chức và cán bộ, phương hướng và phương thức làm việc, can thiệp sâu vào tổ chức kinh doanh làm cho các tổ chức này luôn ở trong tư thế bị động và phụ thuộc, hạn chế tính năng động sáng tạo và quyền tự chủ của tổ chức kinh tế theo quan điểm sản xuất hàng hoá và hạch toán kinh tế, đã cản trở quá trình hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý mới ở tầm vĩ mô, cũng như yêu cầu lành mạnh quan hệ trên, dưới, ngang, dọc. Bởi lẽ, với chế độ “chủ quản” đã, đang, và tiếp tục dẫn đến tính trạng cấp dưới thì cống nộp cấp trên thì ban phát, cấp dưới thì ỉ lại, cấp trên thì phát lệnh, cấp dưới thụ động ngồi chờ, cấp trên giải quyết thay cho cấp dưới. Không ít nơi, nạn quà cáp biếu xén cũng phát sinh từ đây vì còn phải tranh thủ cấp chủ quản để được giải quyết nhiều việc.

Chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh bị vô hiệu hoá, gây nên tình trạng vừa ách tắc, vừa lộn xộn trong hoạt động kinh tế, không phân biệt được chức năng “trọng tài” với chức năng “cầu thủ”. Người nào cũng vừa thổi còi, vừa đá bóng cho nên sân bóng bị lộn xộn.

Thực trạng này, không chỉ do cơ chế quản lý kinh tế, mà còn do mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa “quyền” và “lợi” của các cấp chủ quản đối với các tổ chức kinh tế thuộc quyền.

Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng cần phải xem xét vấn đề sở hữu theo quan điểm tài chính. Như vậy, xu hướng là phải do các ngành quản lý theo chức năng quản lý các xí nghiệp quốc doanh, (kế hoạch, tài chính, ngân hàng, Tòa án kinh tế) trong đó cơ quan tài chính đại diện Nhà nước quản lý về vốn chi thu cho ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ các điều kiện để thực hiện theo phương án này. Vì trước hết pháp luật chưa đầy đủ để đảm bảo cho các ngành chức năng làm tròn nhiệm vụ, mặt khác các ngành chức năng cần được kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động. Do vậy việc còn tồn tại chế độ trực thuộc “Bộ chủ quản” “Sở chủ quản” của các xí nghiệp quốc doanh là cần thiết trước mắt. Tuy vậy, cần phải phân định rạch ròi hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về kinh tế vĩ mô - theo pháp luật và quản lý sản xuất kinh doanh (vĩ mô của đơn vị kinh tế cơ sở).

Cần phân định rõ quyền của chủ sở hữu và quyền của chủ sử dụng, Nhà nước là chủ sở hữu “vốn” thuộc sở hữu toàn dân, còn các xí nghiệp quốc doanh là chủ sử dụng, quản lý vốn đó, được chủ động thực sự trong sản xuất kinh doanh.

3.2. Ai đứng ra nhận quyền sử dụng vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn

Theo Quyết định số 217-HĐBT, Nghị định số 50-HĐBT, Quyết định số 143 -HĐBT và Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì người nhận vốn là tập thể công nhân viên chức của xí nghiệp, trong đó giám đốc là người đại diện cho tập thể đó. Thực tế cho thấy phương thức này không hiệu quả và tài sản Nhà nước vẫn trong tình trạng “vô chủ”, không có ai chịu trách nhiệm cá nhân, mà trách nhiệm tập thể thì là “hoà cả làng”.

Để khắc phục tình trạng này đã có nhiều ý kiến khác nhau:

- Giao hẳn cho giám đốc xí nghiệp và giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với tài sản được giao.

- Ở các xí nghiệp quốc doanh nên thành lập Hội đồng quản trị (HĐQT) với tư cách là đại diện cho “Bộ chủ quản” “Sở chủ quản” nhận vốn và cùng giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm về tài sản được giao (Giám đốc xí nghiệp không phải là thành viên của Hội đồng quản trị).

- Ở các Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh hoặc các xí nghiệp quốc doanh có quy mô lớn có thiết lập Hội đồng quản trị đại diện cho chủ sở hữu nhà nước cùng với giám đốc xí nghiệp đứng ra nhận vốn và cùng chịu trách nhiệm và bảo toàn “vốn”.

Từ các ý kiến trên Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng người nhận vốn và chịu trách nhiệm về vốn phải là một người cụ thể. Con người đó phải là người có quyền sử dụng quản lý trực tiếp nguồn vốn. Đó là giám đốc/tổng giám đốc xí nghiệp. Như vậy giám đốc các xí nghiệp quốc doanh phải do Nhà nước (cơ quan chủ quản) lựa chọn, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm trên cơ sở những quy định của pháp luật về yêu cầu kiến thức chuyên môn được đào tạo và cả việc sử dụng chuyên nghiệp hoá.

Đối với Hội đồng quản trị - không thể giao vốn cho cơ quan này vì Hội đồng quản trị là đại diện cho Bộ, Sở chủ quản và lại không trực tiếp sử dụng vốn, hay hoạt động. Mặt khác theo ý kiến trên thì không phải xí nghiệp quốc doanh nào cũng thành lập Hội đồng quản trị.

3.3. Quan niệm về “vốn Nhà nước giao cho xí nghiệp quốc doanh như thế nào”?

Theo quy định tạm thời về những nguyên tắc và nội dung trao quyền sử dụng trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cho các xí nghiệp quốc doanh (ban hành theo Chỉ thị số 316-CT ngày 01/09/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tổng số vốn nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của xí nghiệp bao gồm:

- Vốn ngân sách cấp: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp phát, hoặc có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại, khấu hao cơ bản tài sản cố định thuộc nguồn vốn ngân sách cấp được để lại cho xí nghiệp...) vốn được viện trợ, quyền tặng hoặc cho tiếp quản từ chế độ cũ để lại.

- Vốn xí nghiệp bổ sung; gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành (từ lợi nhuận, để lại hoặc chênh lệch giá không phải nộp hoặc từ vốn vay sau khi đã trả hết nợ và lãi suất tiền vay, các loại quỹ xí nghiệp (không kể quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các khoản cấp phát chuyên dùng, chi về y tế, đào tạo nếu có).

Tổng số vốn nhà nước nói trên bao gồm số vốn đang sử dụng ở xí nghiệp, số vốn xí nghiệp đã đưa đi liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần trong nước và nước ngoài.

Toàn bộ vốn ngân sách nhà nước cấp và vốn xí nghiệp bổ sung thêm từ sau thời điểm bổ giao vốn đều phải cộng chung vào số vốn xí nghiệp đã nhận và phải bảo toàn.

Ở đây cũng cần xem xét thêm vấn đề khấu hao tài sản cố định, vấn đề “vốn tự có” và vấn đề bán tài sản cố định trước và sau thời điểm giao nhận vốn.

Có ý kiến cho rằng ngoài vốn Nhà nước giao thì tất cả tài sản thu từ các khoản phải nộp cho Nhà nước do kinh doanh trên vốn của Nhà nước đều thuộc sở hữu nhà nước. Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng vấn đề cần xem xét ở đây là xí nghiệp quốc doanh có “vốn tự có” thực sự hay không? Sau khi Nhà nước đã giao vốn cho xí nghiệp thì Nhà nước là chủ sở hữu về “vốn”, chứ không phải là “chủ” đối với từng tài sản cụ thể và xí nghiệp phải bảo toàn “vốn” cho Nhà nước chứ không phải bảo toàn từng tài sản cụ thể. Trên cơ sở sử dụng vốn, xí nghiệp phải nộp các khoản thuế cho Nhà nước, trong đó, phải có khoản “thuế sử dụng vốn” hoặc “tiền sử dụng vốn” hoặc “tiền thuê vốn” cũng là một. Sau khi đã làm nghĩa vụ cho Nhà nước thì phần lợi nhuận còn lại cũng phải phân biệt hai trường hợp:

- Nếu đó là xí nghiệp quốc doanh đặc thù, hoạt động theo nhiệm vụ chuyên biệt đã được Nhà nước giao và Nhà nước có các chính sách ưu đãi riêng (giá cả, lãi suất, các khoản hỗ trợ), có nghĩa là phần nào Nhà nước vẫn bao cấp, thì mọi khoản lợi nhuận còn lại đều thuộc quyền sở hữu nhà nước.

- Nếu đó là loại xí nghiệp quốc doanh nhận vốn do Nhà nước cấp ban đầu và hoàn toàn hoạt động kinh doanh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác về chính sách, lời ăn, lỗ chịu, thì phần lợi nhuận còn lại phải là của tập thể xí nghiệp quốc doanh đó.

3.4. Nhà nước giao quyền sử dụng vốn cho xí nghiệp quốc doanh theo phương thức nào?

Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 01/09/1990 quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và Thủ trưởng cơ quan tài chính cùng cấp thành lập Hội đồng giao nhận vốn. Chủ tịch Hội đồng là đại diện cơ quan tài chính kinh tế (hoặc cơ quan công chứng nếu ở địa phương đã thành lập cơ quan này); giám đốc xí nghiệp (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị xí nghiệp), Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp (nơi chưa thành lập Hội đồng quản trị); Kế toán trưởng và Chủ tịch tổ chức công đoàn xí nghiệp. Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng, trong điều kiện còn tồn tại “Bộ chủ quản” “Sở chủ quản” thì Bộ trưởng trực tiếp quản lý ngành (đối với xí nghiệp quốc doanh trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương) thay mặt Nhà nước giao vốn cho giám đốc xí nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trong Hội đồng giao nhận vốn cần có đại diện của cơ quan tư pháp (chứ không phải là cơ quan công chứng cùng cấp như quy định) và đại diện ngân hàng nhà nước. Đây là hai cơ quan rất cần được tham gia: cơ quan tư pháp giúp hội đồng thẩm tra về pháp lý các tài liệu, văn bản, việc vận dụng pháp luật..., còn cơ quan ngân hàng theo dõi và tìm hiểu tình trạng của tài sản, vốn để xem xét vấn đề khả năng thực tế cho vay (quy mô, lĩnh vực, mức độ), cũng như khả năng thanh toán của xí nghiệp quốc doanh.

Theo quy định của pháp luật, khi giao nhận vốn Hội đồng giao nhận phải lập “Biên bản giao nhận vốn”. Biên bản giao nhận vốn không chỉ xác định: bên giao, bên nhận, người chứng kiến, tổng số vốn Nhà nước giao, mà cần phải làm rõ hơn về nội dung pháp lý để thực sự đó là một bản cam kết, hợp đồng ràng buộc giữa hai bên (bên giao và bên nhận), về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp trong việc bảo toàn vốn. Thực chất đây là hợp đồng “vay vốn” của Nhà nước và như vậy cần thay các thuật ngữ “giao” và “nhận”, “bên giao” và “bên nhận”, “biên bản giao nhận vốn” bằng các khái niệm “hợp đồng vay vốn”, với các bên tham gia hợp đồng là “bên cho vay” và “bên vay”. Nội dung của hợp đồng vay vốn cần xác định rõ:

- Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay;

- Quyền và nghĩa vụ của bên vay;

- Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng;

- Các thoả thuận khác của các bên trong đó có “lãi suất”  hay có ý kiến cho rằng là tiền sử dụng vốn, “thuế sử dụng vốn” ...

3.5. Về trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của xí nghiệp quốc doanh

Như trên đã trình bày, người nào là chủ quản lý, sử dụng vốn được giao thì người đó phải chịu tránh nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn. Trong đó, giám đốc xí nghiệp quốc doanh phải là trách nhiệm cá nhân chứ không phải là trách nhiệm tập thể.

Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quy định: việc xác định mức độ bảo toàn vốn được tiến hành hàng năm bằng cách so sánh số vốn thực có tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán với tổng số vốn xí nghiệp đã nhận. Trong trường hợp giá cả không biến động nếu số vốn thực có bằng hoặc lớn hơn số vốn xí nghiệp đã nhận thì có nghĩa là xí nghiệp đã bảo toàn và phát triển vốn. Nếu số vốn thực có nhỏ hơn số vốn đã nhận thì có nghĩa là xí nghiệp đã không bảo toàn được vốn. Trường hợp giá cả biến động thì khi xác định mức độ bảo toàn vốn phải tính đến yếu tố trượt giá do có một Hội đồng duyệt giá quyết định. Như vậy, nếu qua kiểm tra từng năm mà phát hiện có sự thiếu hụt vốn thì phải được xem xét, xử lý kịp thời.

Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất cần có những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã giao cho giám đốc xí nghiệp. Một trong những biện pháp đó là phải tăng cường giám sát và kiểm tra từ phía Nhà nước kịp thời (chứ không phải một năm kiểm tra một lần) thì mới có thể bảo toàn vốn. Phải có biện pháp ngăn chặn từ đầu trước khi có thiệt hại, thất thoát vốn của Nhà nước. Vậy đó là các biện pháp nào?

Có ý kiến cho rằng, áp dụng thể chấp tài sản của giám đốc. Giám đốc phải “thế chấp” tại Ngân hàng nhà nước một khoản tiền nhất định (hoặc một số vàng nhất định) để đảm bảo vốn cho Nhà nước trong trường hợp giám đốc gây thiệt hại hoặc làm ăn thua lỗ do lỗi của mình gây ra.

Có ý kiến cho rằng, để thường xuyên kiểm soát hoạt động kinh doanh của giám đốc nhằm bảo toàn và phát triển vốn cần quy định mỗi xí nghiệp quốc doanh có hai kiểm soát viên tài chính do đại hội công nhân viên chức bầu ra. Các kiểm soát viên có nhiệm vụ và quyền hạn: kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán, bản tổng kết năm tài chính. Bất cứ lúc nào, kiểm soát viên cũng được xem sổ sách, chứng từ kế toán và yêu cầu kế toán trưởng giải thích. Trong trường hợp các kiểm soát viên phát hiện có hành vi vi phạm phải báo cho Viện kiểm sát nhân dân biết, nếu không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng, cần có các tổ chức kiểm toán của Nhà nước và có chế độ báo cáo tài chính để kiểm tra từ phía các xí nghiệp quốc doanh.

Từ các ý kiến trên, Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng biện pháp “thế chấp” tài sản của giám đốc là không thực tế và không phù hợp vì không phải giám đốc nào cũng có tài sản để thế chấp, mặt khác vốn Nhà nước giao là rất lớn. Do đó, biện pháp này không thể áp dụng phổ biến được. Còn biện pháp thứ hai cũng khó đảm bảo hiệu quả và khách quan, vì kiểm soát viên phải chịu sức ép từ nhiều phía, nhất là từ giám đốc (việc làm, tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khác...), ngay cả trong trường hợp các kiểm soát viên có khoản phụ cấp riêng ngoài xí nghiệp.

Ban chủ nhiệm nhất trí với biện pháp thứ ba, thành lập một cơ quan kiểm toán như một hệ thống trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tài chính tại các xí nghiệp quốc doanh. Hội đồng Bộ trưởng cần có một Nghị định quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống này, cũng như mối quan hệ giữa tổ chức này với các xí nghiệp quốc doanh nhằm kiểm soát thường xuyên, kịp thời mọi hoạt động tài chính xẩy ra trong xí nghiệp quốc doanh. Nếu biện pháp này được thực hiện sẽ kịp thời ngăn chặn được những vi phạm pháp luật, bảo toàn được vốn của Nhà nước.

3.6. Vấn đề kiện toàn xí nghiệp quốc doanh trong điều kiện hiện nay

Trong những năm qua ở nước ta đã phát triển mạnh các xí nghiệp quốc doanh cả về số lượng, lĩnh vực, quy mô, cấp độ từ trung ương đến địa phương, kể cả quốc doanh cấp huyện. Thực chất là phát triển tràn lan nhưng làm ăn kém hiệu quả, số lượng các xí nghiệp thua lỗ trong kinh doanh, bị giải thể tăng lên (ở cấp huyện bị giải thể từ 50-70%), đã không thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, cần khẩn trương rà soát, sắp xếp lại các cơ sở quốc doanh, thúc đẩy việc đổi mới cơ chế quản lý xí nghiệp quốc doanh đảm bảo tính hiệu quả và hợp lý. Để góp phần thực hiện những chủ trương trên cần giải quyết một số điểm sau:

a. Phân loại, sắp xếp lại các tổ chức kinh tế quốc doanh.

- Cần thống nhất gọi các tổ chức kinh tế quốc doanh là các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với các thuật ngữ, khái niệm đã được pháp luật quy định như doanh nghiệp, tư nhân, công ty...

- Doanh nghiệp nhà nước phải có các điều kiện sau:

+ Là một tổ chức được Nhà nước thành lập và quản lý;

+ Được Nhà nước cấp vốn ban đầu và tự chịu trách nhiệm về tài chính;

+ Hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế nhằm mục đích sinh lợi hoặc thực hiện các dịch vụ công cộng được Nhà nước giao.

- Nên phân loại các doanh nghiệp nhà nước thành hai loại tuỳ thuộc vào mục đích và tính chất của doanh nghiệp .

+ Loại doanh nghiệp nhà nước đặc thù (nắm giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, đảm bảo quốc phòng an ninh hoặc thực hiện dịch vụ công ích, chính sách xã hội được Nhà nước giao).

+ Loại doanh nghiệp nhà nước phổ biến (kinh doanh sinh lợi trong kinh tế thị trường, bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cạnh tranh lành mạnh với các loại doanh nghiệp đó).

Như vậy, trong hai loại trên thì doanh nghiệp nhà nước đặc thù được nhà nước hỗ trợ trong trường hợp hoạt động thua lỗ, được hưởng các chính sách ưu đãi khác để đảm bảo hoạt động bình thường. Còn loại thứ hai, nếu hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài thì có thể cổ phần hoá, cho thuê lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tuyên bố phá sản, hoặc có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các thành phần kinh tế khác.

b. Về doanh nghiệp nhà nước cổ phần

Có ý kiến cho rằng để tạo sự gắn bó giữa các doanh nghiệp nhà nước với người lao động, sự gắn bó giữa người lao động với tư liệu sản xuất, “coi tài sản của Nhà nước như chính tài sản và lợi ích của mình” và để huy động vốn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh được với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thì doanh nghiệp nhà nưóc có thể bán cổ phần cho cán bộ, công nhân viên chức của doanh nghiệp cũng như cho các cá nhân và tổ chức ngoài doanh nghiệp. Cần quan niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp của một chủ - đó là Nhà nước (đại diện cho sở hữu toàn dân). Nếu có vấn đề bán cổ phần tức là sẽ có nhiều chủ “vốn” khác nhau cùng tham gia, các chủ sở hữu này có thể thuộc mọi thành phần kinh tế. Họ là những cổ đông của doanh nghiệp, có quyền tham gia Hội đồng quản trị để quản lý vốn và giám sát việc điều hành sản xuất, kinh doanh. Như vậy thì thực chất không còn là “doanh nghiệp nhà nước nữa” (kể cả trong trường hợp trong doanh nghiệp đó Nhà nước giữ vốn khống chế 51%, còn các chủ sở hữu khác là 49%); nên áp dụng những quy định của Luật Công ty, doanh nghiệp đã trở thành một công ty cổ phần (hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước cổ phần.

Một vấn đề nữa đặt ra là làm thế nào vừa bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, tạo sự gắn bó giữa người lao động và tư liệu sản xuất, giữa doanh nghiệp nhà nước với người lao động. Người lao động coi doanh nghiệp nhà nước “như là của mình”, thì có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp cho tập thể lao động thuê toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cho tập thể lao động, từng người lao động thuê một số loại tư liệu sản xuất cụ thể mà doanh nghiệp chưa dùng đến hoặc dùng chưa hết công suất. Theo Ban chủ nhiệm đề tài thì biện pháp đạt hiệu quả và được áp dụng phổ biến hiện nay là các hình thức khoán cho tập thể lao động hoặc từng người lao động (nhất là trong thương nghiệp, các nông trường chăn nuôi, trồng cà phê, chè...).  Vấn đề là phải hoàn thiện hơn nữa các hình thức khoán, nhất là về nội dung pháp lý.

c. Về hội đồng quản trị trong doanh nghiệp nhà nước.

Theo Quyết định số 217-HĐBT và Nghị định số 50-HĐBT thì trong tổ chức xí nghiệp quốc doanh có đại hội công nhân viên chức, hội đồng xí nghiệp và giám đốc xí nghiệp.

Thực tế cho thấy cơ chế này trong những năm qua chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, tài sản của Nhà nước vẫn trong tình trạng “vô chủ”, không ai chịu trách nhiệm đến cùng. Những điểm chưa hợp lý được thể hiện như sau:

- Việc giao cho đại hội công nhân, viên chức của xí nghiệp quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của xí nghiệp, từ vạch kế hoạch sản xuất, kinh doanh đến phân phối trong nội bộ xí nghiệp. Có nghĩa là trên thực tế không phân biệt quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản toàn dân và quyền của xí nghiệp trong quản lý và sử dụng tài sản đó. Điều đó đã tạo điều kiện để xí nghiệp đề cao lợi ích cục bộ của mình, coi nhẹ lợi ích Nhà nước và xã hội, dẫn đến làm thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân. Đấy là chưa nói đến vấn đề trình độ, kiến thức về kinh tế và quản lý kinh tế của công nhân, viên chức của xí nghiệp rất khác nhau, phần lớn là ít hiểu biết về lĩnh vực này lại được giao quyền quyết định kế hoạch và mọi vấn đề quan trọng khác của xí nghiệp. Vì vậy, trên thực tế đại hội của công nhân, viên chức cũng chỉ thông qua một cách hình thức kế hoạch do giám đốc vạch ra. Hơn nữa đại hội công nhân viên chức lại họp mỗi năm một lần rồi giao lại cho hội đồng xí nghiệp là cơ quan thường trực giữa 2 kỳ đại hội đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của đại hội. Như vậy rõ ràng là vai trò của đại hội công nhân viên chức là mờ nhạt, không đem lại hiệu quả thiết thực.

- Cơ cấu hội đồng xí nghiệp gồm toàn những người là công nhân viên chức trong xí nghiệp, trong đó giám đốc do Nhà nước bổ nhiệm là thành viên đương nhiên, còn các thành viên khác do đại hội công nhân viên chức bầu; chủ tịch hội đồng xí nghiệp do hội đồng bầu. Ở nhiều xí nghiệp quốc doanh giám đốc xí nghiệp lại là chủ tịch hội đồng xí nghiệp. Cơ cấu tổ chức hội đồng xí nghiệp như vậy vừa không đảm bảo được vai trò kiểm tra, giám sát của hội đồng xí nghiệp, vừa không đảm bảo được vai trò điều hành hoạt động kinh doanh của giám đốc theo chế độ thủ trưởng, nhất là trong trường hợp giám đốc đồng thời là chủ tịch hội đồng xí nghiệp.

Thực tế cho thấy ở nhiều nơi hội đồng xí nghiệp cũng chỉ là một tổ chức kiểm tra, tư vấn mang tính chất hình thức. Vì những thành viên trong hội đồng có nhiều sự ràng buộc đối với giám đốc. Hội đồng xí nghiệp dễ bị giám đốc thao túng để thực hiện ý đồ riêng, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.

Từ những mặt hạn chế trên, nhiều ý kiến đề nghị phải cải tiến tổ chức doanh nghiệp nhà nước.

Về đại hội công nhân viên chức, các ý kiến nhất trí cho rằng đại hội công nhân viên chức không còn là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong doanh nghiệp mà nhiệm vụ chủ yếu là tham gia ý kiến vào báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kiến nghị những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, quyết định những nguyên tắc hình thành và sử dụng quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.

Về cải tiến hội đồng xí nghiệp, có những ý kiến khác nhau:

- Ý kiến thứ nhất đề nghị thành lập ở mỗi doanh nghiệp nhà nước một hội đồng quản trị (để thay cho hội đồng xí nghiệp). Hội đồng quản trị có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, giám sát công tác điều hành của ban giám đốc và quyết định những vấn đề quan trọng về quản trị doanh nghiệp.

Số lượng uỷ viên hội đồng quản trị không quá 9 người, gồm 2 thành phần:

+ Đại diện cho Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch nhà nước. Đối với doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý thì có đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở quản lý doanh nghiệp.

+ Đại diện của công nhân viên chức doanh nghiệp, do Ban chấp hành công đoàn cử.

+ Chủ tịch hội đồng quản trị (trong số đại diện Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh) và các uỷ viên hội đồng quản trị do Bộ trưởng Bộ chủ quản (đối với doanh nghiệp trung ương) và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với doanh nghiệp địa phương) bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Các thành viên hội đồng quản trị được hưởng thù lao do Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ấn định và doanh nghiệp đó chi trả.

- Ý kiến thứ hai cho rằng hội đồng quản trị doanh nghiệp (thay cho hội đồng xí nghiệp) chỉ thành lập ở các liên hiệp doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn, Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp thuộc một chủ sở hữu cụ thể.

Hội đồng quản trị gồm thành phần:

+ Đại diện cơ quan chủ quản của doanh nghiệp (Bộ quản lý ngành hoặc Uỷ ban nhân dân) làm Chủ tịch hội đồng quản trị; đại diện cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan chủ quản và đại diện của một số cơ quan nhà nước khác nếu cần.

+ Một số thành viên hội đồng quản trị do công nhân viên chức của doanh nghiệp bầu, tối đa 1/3 tổng số thành viên của hội đồng quản trị. Tuỳ quy mô doanh nghiệp tổng số thành viên hội đồng quản trị từ 5 đến 9 người.

Hội đồng có toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến mục đích và quyền lợi kinh doanh của doanh nghiệp theo phương hướng phát triển kinh tế - xã hội do cơ quan chủ quản đề ra.

Các thành viên hội đồng quản trị được hưởng phụ cấp do Nhà nước quy định.

Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có hội đồng quản trị mà duy trì hình thức hội đồng xí nghiệp như hiện nay, nhưng thay đổi hẳn chức năng của hội đồng này. Hội đồng xí nghiệp chỉ làm chức năng tư vấn cho giám đốc và cho cơ quan chủ quản về những vấn đề mà hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp lớn làm - số thành viên từ 5 đến 7 người do đại hội công nhân viên chức doanh nghiệp bầu ra.

Từ những ý kiến khác nhau về hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước, Ban chủ nhiệm có một số ý kiến sau:

- Trước hết phải xem xét lại về mặt chức năng, quyền hạn nhiệm vụ của hội đồng quản trị. Nếu không làm rõ sẽ dễ lẫn lộn giữa chức năng quản lý của Nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý (điều hành) kinh doanh, sự hiểu lẫn lộn mà theo cơ chế cũ đã vấp phải. Ban chủ nhiệm cho rằng chức năng chủ yếu của hội đồng này chính là thực hiện việc giám sát, kiểm tra các hoạt động điều hành doanh nghiệp của giám đốc, thẩm tra các quyết định quan trọng của giám đốc để trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Ngoài ra có thể làm nhiệm vụ tư vấn cho cơ quan chủ quản và cho giám đốc trong việc đề ra phương hướng, chủ trương phát triển và kế hoạch kinh doanh cũng như phương án quản lý xí nghiệp.

Như vậy thì nhiệm vụ của hội đồng quản trị và giám đốc doanh nghiệp là độc lập tương đối với nhau, giám đốc doanh nghiệp không phải là thành viên của hội đồng.

- Về thực chất đây là cơ quan giám sát, kiểm tra tại doanh nghiệp, và như vậy nhất trí là có đại diện của cơ quan chủ quản (làm chủ tịnh hội đồng) và các cơ quan quản lý chức năng, với số thành viên là 2/3 hội đồng. Trong hội đồng cũng có đại diện của tập thể công nhân viên chức, do đại hội công nhân viên chức bầu ra, chiếm 1/3 hội đồng. Số lượng thành viên hội đồng cũng chỉ nên từ 5 đến 7 người.

Các thành viên của Hội đồng được hưởng phụ cấp do Nhà nước quy định.

- Với chức năng thành phần như đã nêu trên thì hội đồng là rất cần cho các doanh nghiệp nhà nước, và như vậy cần phải áp dụng thống nhất cho mọi doanh nghiệp nhà nước; không phân biệt doanh nghiệp đó giữ vị trí nào đối với nền kinh tế quốc dân (quan trọng hay không quan trọng), không phân biệt về quy mô (lớn, vừa hay nhỏ).

- Từ việc đó xác định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và thành phần của Hội đồng, một vấn đề cần xem xét là cần đặt tên cho hội đồng là gì cho phù hợp? là hội đồng quản trị (như những ý kiến đã nêu trên) hay vẫn gọi là hội đồng xí nghiệp hoặc là một tên gọi nào khác.

Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng, nếu gọi hội đồng quản trị cũng chưa hợp lý vì hội đồng quản trị thường được dùng trong các công ty (trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần) trong đó có nhiều chủ sở hữu về vốn. Đây là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng. Chủ tịch hội đồng có thể kiêm giám đốc (tổng giám đốc) công ty, nếu điều lệ công ty không quy định khác. Còn các doanh nghiệp nhà nước - đó là doanh nghiệp chỉ có một chủ – chủ là Nhà nước - đại diện cho sở hữu toàn dân. Vì vậy trong trường hợp này gọi là hội đồng quản trị là chưa phù hợp.

Nếu gọi tổ chức đó là hội đồng xí nghiệp cũng không phù hợp vì trong hội đồng có tới 2/3 số thành viên do cơ quan chủ quản và các cơ quan nhà nước tham gia, không phải là thành viên của doanh nghiệp, mặt khác, giám đốc không phải là thành viên của hội đồng này.

Ban chủ nhiệm đề tài cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần trên nên gọi tổ chức đó là Hội đồng giám sát của doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy về tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước có:

- Đại hội công nhân viên chức,

- Hội đồng giám sát,

- Giám đốc doanh nghiệp.

Mỗi bộ phận cấu thành có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng lại là một thể thống nhất bảo đảm cho việc bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước.
 
 

 

Nội dung toàn văn

Bộ tư pháp

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

-----------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề tàI

cơ sở lý luận và thực tiễn để

xÂy dựng Bộ luật dân sự và

tố tụng dân sự

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm 1990

 

 

Bộ tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

=*= Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

Số: 03-QATD --------------o0o---------------

 

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 1991

 

 

Bộ trưởng Bộ tư pháp

- Căn cứ Nghị định số 143-HĐBT ngày 22 .11.1981 của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 42-HĐBT ngày 17.3.1988 của Hội đồng Bộ trưởng qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ tư pháp.

- Căn cứ quyết định số 282 ngày 20 .6 .1980 của chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học - kỹ thuật.

Căn cứ và kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1990 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Quyết định

Điều 1: Thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

Điều 2: Các đồng chí có tên trong danh sách kèm theo là thành viên của các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức 8 đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

Điều 3: Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệmtiến hành công việc theo các thủ tục đã được uỷ ban khoa học nhà nước quy định.

Điều 4: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

K/T bộ trưởng bộ tư pháp

Thứ trưởng thứ nhất

 

 

 

 

Trần Đông

 

 

 

Danh sách hội dồng đánh giá và nghiệm

thu đề tài "Cơ sở lý luận và thực hiện để xây dựng

bộ luật dân sự và tố tụng dân sự" (Mã số 90-98-075)

 

(Kèm theo quyết định số 03-QĐTP ngày 24/01/1991)

 

 

1. Đồng chí Trần Đông - Thứ trưởng thứ nhất Bộ tư pháp

- Chủ tịch Hội đồng

2. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo - Phó chủ tịch Hội đồng.

3. Đồng chí Nguyễn Thế Giai - Chuyên viên cao cấp Bộ Tư

pháp - Uỷ viên

4. Đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó viện trưởng Viện quản lý kinh

tế TW - Uỷ viên

5. Đồng chí Vũ Huy Từ - Tiến sĩ - Phó chủ nhiệm Văn phòng

HĐBT - Phản biện - Uỷ viên

6. Đồng chí Trần Trọng Hựu - PTS, PGS - Phó viện trưởng Viện

Nhà nước và Pháp luật - phản biện -

Uỷ viên.

7. Cơ quan phản biện: - Vụ pháp luật

- Toà án nhân dân tối cao.

 

Bộ Tư pháp

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

------------

 

 

 

 

 

Đề tài:

 

 

 

 

 

 

cơ sở lý luận và thực tiễn để xây

dựng bộ luật dân sự và tố tụng dân sự

việt nam

Mã số 90-98-075

 

 

 

Phần: Sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước

 

 

 

Năm 1990

 

 

Ban chủ nhiệm đề tài

-----------

 

 

 

1. Dương Thị Thanh Mai - Phó Chánh án - Toà án nhân dân

tối cao

2. Đinh Trung Tụng - PTS-Phó Vụ trưởng XD Vụ pháp

pháp luật - Bộ Tư pháp

3. Chu Hải Thanh - PTS - Chủ nhiệm khoa đào tạo cán

bộ Toà án, phân hiệu Đại học pháp lý

TP Hồ Chí Minh

4. Thư ký đề tài: Đinh Mai Phương chuyên viên

Bộ Tư pháp

 

Danh sách những người tham gia đề tài

 

 

1. Nguyễn Đình Lộc - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

và Hội đồng Nhà nước

2. Trần Trọng Hựu - PTS - PGS - Phó Viện trưởng Viện

Nhà nước và pháp luật.

3. Hà Nghiệp

4. Nguyễn Vĩnh Oánh - PTS-Vụ trưởng Ban Nội chính TW.

5. Phạm Quang Lê - Vụ trưởng -Vụ tổng hợp

Ban kinh tế Trung ương.

6. Trân Ngọc Hiên - Phó giám đốc học viện

Nguyễn ái Quốc Trung ương.

7. Đào Xuân Sâm - Giáo sư - Trưởng khoa kinh tế Học

viện Nguyễn ái Quốc Trung ương.

8. Vũ Hồng Giao - Giáo sư kinh tế học.

9. Vũ Cao Đàm - Viện trưởng Viện quản lý khoa học

Uỷ ban khoa học Nhà nước.

10. Dương Đăng Huệ - PTS - Phó vụ trưởng Vụ XDPL

Bộ Tư pháp.

11. Phạm Đình Tân - Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp.

12. Lê Hồng Tâm - Giáo sư kinh tế.

13. Lê Hồng Hạnh - Phó hiệu trưởng trường ĐHPL

Hà nội.

14. Nguyễn Văn Bình - Phó vụ trưởng Vụ NCPL

Toà án nhân dân tối cao.

15. Trần Văn Nho - Phó Chánh án Toà án nhân dân

Thành phố Hà nội.

16. Nguyễn Văn Luật - Chuyên viên Vụ NCPL

Toà án nhân dân tối cao.

17. Trần Đình Hảo - PTS kinh tế Viện Nhà nước và

pháp luật.

18. Nguyễn Thị Hạnh - Chuyên viên – Toà án dân sự

Toà án nhân dân tối cao.

19. Bùi Mai Lan - Chuyên viên Vụ Xây dựng

Bộ Tư pháp.

20. Nguyễn Thị Lệ - Chuyên viên cao cấp

Toà án nhân dân tối cao.

21. Đào Công Tiến - Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế

Thành phố Hồ Chi Minh.

22. Huỳnh Tư - Viện kinh tế - Thành phố

Hồ Chí Minh.

23. Lê Thúc Anh - Phó Chánh án Toà án nhân dân

Thành phố Hồ Chí Minh.

24. Nguyễn Văn luyện - Phó hiệu trưởng trường Đại học pháp

lý Bình triệu.

25. Nguyễn Mạnh Bách - Luật sư - TP Hồ Chí Minh.

26. Đinh Viết Tứ - Chủ nhiệm câu lạc bộ Hội luật gia

Thành phố Hồ Chí Minh.

27. Nguyễn Văn Hội - Chánh án Toà án nhân dân

Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Mục lục

Phần thứ nhất

 

Báo cáo phúc trình Trang

Đặt vấn đề 13

phần một 14

 

Quan niệm về sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước. 17

 

Phần hai

 

Một số quan điểm cơ bản vê sở hữu Nhà nước và quyền sở hữu Nhà nước ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 21

 

Phần ba

 

Một số vấn đề cụ thể - các kiến nghị

I. Những vấn đề chung về quyền sở hữu Nhà nước. 24

Chủ thể của quyền sở hữu Nhà nước 24

Khách thể của quyền sở hữu Nhà nước

Nội dung của quyền sở hữu Nhà nước.

II. Đất đai-khách thể đặc biệt thuộc quyền sở hữu Nhà nước (sở hữu toà dân) 26

III. Xí nghiệp quốc doanh 52

 

 

 

Phần thứ hai

 

Các báo cáo chuyên đề 52

1. Một số khía cạch lý luận về chế độ sơ hữu và quyền sở hữu Nhà nước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay 53

PGS-PTS Trần Trọng Hựu

Phó Viện trưởng Viện Nhà

nước và Pháp luật.

2. Một số ý kiến về sở hữu toàn dân. 66

Hà Nghiệp.

3. Một số ý kiến về vấn đề sở hữu Nhà nước và giao tài sản trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. 74

Nguyễn Đình Lộc Phó chủ

nhiệm Văn phòng Quốc

hội và Hội đồng Nhà nước.

4. Mấy vấn đề về quan hệ sở hữu ở các đơn vị kinh tế quốc doanh. 84

Phạm Quang Lê Vụ trưởng

Vụ kế hoạch tổng hợp Ban

kinh tế Trung ương.

5. Những khía cạnh kinh tế của quyền sở hữu Nhà nước trong kinh tế quốc doanh 103

Đào Xuân Sâm Giáo sư

kinh tế - Học Viện Nguyễn

ái Quốc Trung ương.

 

6. Mười nội dung quyền tự quản của xí nghiệp quốc doanh. 121

Trần Đình Bút Giáo sư

trường Đại học tổng hợp

TP Hồ Chí Minh

7. Một số suy nghĩ về cơ sở pháp lý từ góc độ của việc bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở 125

Huỳnh Tư- PTS khoa học

kinh tế Viện kinh tế TP Hồ

Chí Minh.

8. Các quyền sở hữu, quyền sử dụng và loại hình xí nghiệp. 132

Đào Công Tiến – Hiệu

trưởng trường ĐH kinh tế

TP Hồ Chí Minh.

9. Sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp. 135

Giáo sư Hồng Giao.

10. Sở hữu Nhà nước về ruộng đất trong nông nghiệp nước ta. 145

Trần Ngọc Hiên - Giám

đốc học Viện Nguyễn ái

Quốc Trung ương.

11. Sở hữu Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. 155

Lê Huy Bảo-Viện khoa

học kinh tế giao thông vận

tải.

 

 

 

 

Phần thứ ba

 

Lịch sử pháp luật về sở hữu Nhà nước từ năm 1945 đến nay. 164

 

I. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959. 165

II. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980. 178

III. Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1990. 197

 

Phần thứ tư

 

Tường thuật các cuộc hội thoả

Đinh mai phương 224

Hội thảo về sở hữu và quyền sở hữu tại Hà nội và TP Hồ Chí Minh. 225

Hội thảo về sở hữu Nhà nước tại Hà nội. 238

 

Phần thứ Năm

 

Kết quả điều tra một số lĩnh vực thuộc sở hữu nhà nước. 245

 

Đối với xí nghiệp quốc doanh 246

Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, các sở, Uỷ ban nhân dân. 248

Đối với ngành thương nghiệp quốc doanh 250

Đối với ngành giao thông vận tải quốc doanh 252

 

 

Phần thứ sáu

Thông tin – tư liệu

 

1. Luật của Liên bang cộng hoà XHCN Xô Viết về sở hữu ở Liên Xô 258

(Theo Liên Xô ngày nay)

2. Quyền sở hữu trong điều kiện hoàn thiện chủ nghĩa xã hội. 276

3. Sở hữu xã hội trong chủ nghĩa xã hội. 291

(Hồng Trang dịch)

4. Về một số thay đổi trong pháp luật về sở hữu Nhà nước ở Liên Xô và Hunggari, 300

Bùi Mai Lan Vụ pháp

luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ nhất

 

 

Báo cáo phúc trình

 

 

 

Đặt vấn đề

----------

 

Đề tài "cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng bộ luật dân sự và tố tụng dân sự Việt nam" do Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp chủ trì là đề tài cấp Bộ đã được đăng ký tại Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, năm 1990 mang mã số 90-98-075. Đây là đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng gồm 2 lĩnh vực chủ yếu là pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự mà hiện nay đang cộm lên nhiều vấn đề cần được nghiên cứu đồng bộ, trao đổi sâu rộng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đó là các vấn đề sở hữu, hợp đồng, thừa kế, trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, quyền tác giả, sáng chế: địa vị pháp lý của những người tham gia tố tụng dân sự thâm quyền xét xử của Toà án, chứng cứ trong tố tụng dân sự v.v... Việc nghiên cứu những vấn đề trên đồi hỏi phải có thời gian, vật chất, tập trung lực lượng các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn của nhiều lĩnh vực kinh tế, pháp lý xã hội v.v... Việc nghiên cứu này đòi hỏi một nguồn kinh phí nhất định. Chúng tôi thấy rằng do còn nhiều mặt hạn chế về khách quan chủ quan nên Ban chủ nhiệm đề tài không thể cùng một lúc tiến hành nghiên cứu toàn diện các vấn đề nêu trên trong một thời gian ngắn do đó đã quyết định tiến hành nghiên cứu từng bước và có thứ tự ưu tiên các vấn đề. Trước mắt tập trung vào nghiên cứu vấn đề quyền sở hữu. Sở dĩ Ban chủ nhiệm đề tài chọn vấn đề này để nghiên cứu trước tiên vì những lý do sau:

1. Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay thì đổi mới kinh tế là trọng tâm. Mà đổi mới kinh tế tất phải liên quan đến vấn đề sở hữu và quyền sở hữu. Bởi vì, chuyển nền kinh tế từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp và cùng với nó là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa gồm 2 hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân) và sở hữu tập thể (hay sỏ hữu hợp tác xã) sang nên kinh tế hàng hoá nhiều thành phân đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện cơ chế thị trường có điều tiết đặt ra vấn đề phải hoàn thiện chế độ sở hữu và quyền sở hữu cho phù hợp với điều kiện mỗi chúng ta biết rằng, sở hữu (với tư cách là một phạm trù kinh tế) là bộ phận cấu thành của quan hệ sản xuất, bên cạnh quan hệ quản lý và quan hệ phân phối. Quan hệ sở hữu chỉ có thể tồn tại, phát triển và hoàn thiện trong bối cảnh là quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. ở nước ta, trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa; do lực lượng sản xuất phát triển không đồng đều, còn cùng tồn tại và phát triển nhiều thành phần kinh kế, và do vậy cũng còn cùng tồn tại nhiều hình thức sở hữu làm cho các quan hệ sở hữu phong phú, đa dạng, tạo nên sự hỗn hợp, đan xen giữa các hình thức sở hữu. Trong điều kiện mới chùng ta nhận thức về vấn đề sở hữu và quyền sở hữu như thế nào nhất là về mặt lý luận để một mặt phù hợp với những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phù hợp với trính độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta.

2. Pháp luật về sở hữu ở nước ta từ sau cách mạng tháng 8.1945 đến nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản mà chủ yếu là các văn bản dưới luật, quy định về sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu của công dân. Trừ những văn bản được ban hành sau Đại hội VI, các văn bản ban hành trước chủ yếu xây dựng theo quan điểm quản lý kinh tế bằng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, theo quan điểm kinh tế hiện vật. Do đó các quan hệ sở hữu trước đây được điều chỉnh bằng phương pháp mệnh lệnh hành chính là chủ yếu chứ không phải bằng phương pháp dân sự kinh tế.

Sự không phù hợp, không đầy đủ của pháp luật về sở hữu hiện hành còn được thể hiện rõ thông qua hoạt động xét xử của Toà án, gây khó khăn lúng túng trong việc áp dụng luật nhất là khi giải quyết các tranh chấp về nhà cửa, các công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất...

Mặt khác cũng thấy rằng, một số các văn bản có quy định về sở hữu đã ban hành từ sau Đại hội VI bước đầu đã phát huy tác dụng, phục vụ tích cực trong công tác đổi mới, thí dụ Quyết định 217- HĐBT, Nghị định 50-HĐBT; 98-HĐBT; 143-HĐBT và Chỉ thị 316 - CT của Chủ tịch HĐBT; các Nghị định 27,28,29 - HĐBT, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty... Tuy nhiên cần thấy rằng một số quy định cũng bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với thực tế hiện nay yêu cầu cần có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời thời trong đó có Luật đất đai, Quyết định 217 - HĐBT v.v...

Như vậy, pháp luật về sở hữu của ta hiện nay chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, chưa có hiệu lực cao để làm tròn vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu điều chỉnh các quan hệ sở hữu. Trong một chừng mực và mức độ nhất định một số quy định về sở hữu còn là "vật cản" đối với việc giải phóng năng lực sản xuất, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó việc nghiên cứu vẫn đề sở hữu quyền sở hữu đề tìm kiếm những giải pháp nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu phục vụ cho công cuộc đổi mới thực sự là vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay.

 

3. Tại một số nước trên thế giới hiện nay cũng đang diễn ra qua trình cải tổ, cải cách. Quá trình đó đều đụng chạm tới vấn đề sở hữu. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, một số nước đã và đang thực hiện chính sách "tư nhân hoá" tài sản của Nhà nước trong đó có Nhà máy, xí nghiệp, đất đai. Cũng cần nói thêm rằng việc tìm tòi, làm đa dạng và phong phú chế độ sở hữu ở một nước là xuất phát từ đặc điểm kinh tế truyền thống và phong tục của mỗi nước đó, tuyệt nhiên không thể dập khuân vào nước ta.

Quyền nhà nước

Tóm lại sở hữu và/ sở hữu/ là những vấn đề rất lớn và phức tạp. Việc nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về sở hữu là vấn đề không thể trì hoãn, nhất là chúng ta đang chuẩn bị cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, sửa đổi Hiến pháp 1980, xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có pháp luật về dân sự - kinh doanh, lao đông, kiện toàn các cơ quan tài phán...

- Ban chủ nhiệm đề tài dự kiến sẽ nghiên cứu những vấn đề sau:

- Những cơ sở lý luận về sở hữu và quyền sở hữu ở nước ta hiện nay

- Sở hữu Nhà nước và quyền sở hữu Nhà nước.

- Sở hữu tập thể và quyền sở hữu tập thể.

- Sở hữu tư nhân và quyền sở hữu tư nhân.

- Sở hữu hỗn hợp.

- Thức tiên xét xử và vấn đề quyền sở hữu.

- Pháp luật của một số nước về sở hữu...

Về phương pháp nghiên cứu chùng tôi cho rằng cần kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng dưới giác độ kinh tế và pháp lý.

Như trên đã trình bày, vì đây là đề tài lớn và phức tạp được nghiên cứu trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phân đang được hình thành và phát triển và có rất nhiều biến động. Do đó đề tài cần được nghiên cứu từng bước và đặt kế hoạch trong vài ba năm (khoảng 1990 - 1995).

Dịp này được sự đồng ý của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành nghiệm thu bước đầu, Phần: "Sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước".

Do thời gian và lực lượng nghiên cứu có hạn nên chắc rằng không tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót, Ban chủ nhiêm đề tài rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để trong thời gian tới việc nghiên cứu được triển khai tiếp tục và đạt kết quả tốt hơn.

 

Phần một

Quan niệm về sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước

Chủ nghĩa Mác - Lênin phân biệt sở hữu và quyền sở hữu. Sở hữu trước hết là một phạm trù kinh tế nói lên cơ sở kinh tế của một xã hội còn quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý thuộc thượng tầng kiến trúc phản ánh quan hệ sở và gắn liền với Nhà nước và pháp luật.

1. Sở hữu Nhà nước là một loại hình thức sở hữu tồn tại trong bất kỳ một xã hội nào có Nhà nước, ở nước ta hiện nay quan niệm về sở hữu Nhà nước cũng còn khác nhau.

- Hiến pháp năm 1980 quy định sở hữu Nhà nước là sở hữu toàn dân - mọi tài sản của Nhà nước thuộc quyền sở hữu toàn dân.

- Có ý kiến cho rằng hiện nay ta chưa có sở hữu toàn dân theo đúng nghĩa của nó. Trong thời kỳ quá độ, sở hữu đại diện cho xã hội là sở hữu Nhà nước.

- Cũng có ý kiến cho rằng không nói sở hữu Nhà nước vì là gây mặc cảm là mọi của cải xã hội là của riêng Nhà nước chỉ nên nói sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện và mỗi công dân là một đồng sở hữu.

ở nước ta hiện nay sở hữu Nhà nước là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện. Sở hữu Nhà nước giữ vài trò quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân vì:

- Tất cả tư liệu sản xuất chủ yếu có tính chất quyết định đối với nền kinh tế quốc dân đều thuộc sở hữu Nhà nước (đất đai, các nguồn tài nguyên, các nhà máy lớn, hầm mỏ...)

- Sở hữu Nhà nước quyết định tính chất và định hướng phát triển của các hình thức sở hữu khác, hướng dẫn các hình thức sở hữu đi vào quỹ đạo của XHCN.

2. Quyền sở hữu Nhà nước:

 

Quyền sở hữu Nhà nước là một phạm trù pháp lý phản ánh quan hệ sở hữu nhà nước.

a) Quyền sở hữu Nhà nước có thể được hiểu theo các nghĩa khác nhau:

- Quyền sở hữu Nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng là: Tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của Nhà nước. Đó là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm mục đích:

+ Xác nhận quyền chiếm hữu của Nhà nước đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu là những tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng như các loại tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân.

+ Quy định nội dung và trình tự thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với những tài sản của Nhà nước ( thuộc sở hữu toàn dân), phạm vi quyền hạn của các xi nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý những loại tài sản (vốn) được Nhà nước giao.

+ Quy định những biện pháp pháp lý để bảo vệ tài sản (vốn) của Nhà nước.

- Theo nghĩa chủ quan quyền sở hữu Nhà nước được hiểu là các quyền năng cụ thể của Nhà nước bao gồm: quyền chíếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

- Quyền sở hữu Nhà nước còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm các yếu tố cụ thể, nội dung (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) và khách thể ( các loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước)

b)Về chủ thể quyền sở hữu nhà nước có những ý nghĩa khác nhau:

- Nhà nước là chủ thể duy nhất và đặc biệt của tài sản toàn dân. Tính chất đặc biệt thể hiện ở chỗ: Nhà nước vừa nắm quyền lực kinh tếlại vừa nắm quyền lực chính trị, tự mình quy định khách thể đặc biệt của quyền sở hữu nhà nước, các biện pháp và hình thức thực hiện các quyền năng của mình với tư cách là chủ sở hữu.

- Tài sản Nhà nước là tài sản của toàn dân, của toàn xã hội, do đó Nhà nước chỉ là chủ sở hữu đại diện cho sở hữu toàn dân còn các công dân đều là đồng sở hữu và tập thể nào, cá nhân nào được nhà nước giao tài sản đều là chủ sở hữu thực tế (đồng thời là chủ sử dụng) đối với tài sản đó.

c) Về khách thể của quyền sở hữu Nhà nước. Những loại tài sản khác nhau thuộc quyền sở hữu của Nhà nước được gọi là khách thể của quyền sở hữu Nhà nước.

Có những ý kiến khác nhau:

- Chỉ nhấn mạnh tài sản thuộc sở hữu Nhà nước là các loại tư liệu sản xuất chủ yếu: đất đai, hầm mỏ, các xí nghiệp quốc doanh, cơ sở kết cấu hạ tầng.

- Khách thể quyền sở hữu Nhà nước cần được hiểu rộng hơn ngoài đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các tư liệu sản xuất chủ yếu khác còn có các loại vốn, thị trường, thông tin, môi trường sinh thái.

Về phân loại khách thể của quyền sở hữu nhà nước cũng có những ý kiến khác nhau:

- Có loại tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu đại diện, không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ thể khác (hợp tác xã, cá nhân). Đó là một số loại tư liệu sản xuất chủ yếu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân (đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng khác- nó là khách thể đặc biệt.

- Có loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác (hợp tác xã, cá nhân). Các loại tư liệu sản xuất thông thường, các loại hàng tiêu dùng v.v..

- Có ý kiến cho rằng trong điều kiện của nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật thì các chủ sở hữu thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền sở hữu như nhau đối với các loại tài sản. Và được tự do chuyển dịch quyền sở hữu cho nhau chứ không thể có loại tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (kể cả đất đai, tài nguyên khác...).

Về nội dung quyền sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân).

Đó là tổng hợp 3 quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Có ý kiến cho rằng chỉ có Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất mới có 3 quyền này. Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đối với tài sản của Nhà nước bằng cách ban hành những chế độ và thể lệ bảo quản và kiểm kê tài sản, tiến hành kiểm kê hàng năm hoặc đột xuất để nắm những tình hình tài sản, vật tư, tiền vốn ở các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh được giao quản lý, sử dụng.

Nhà nước thực hiện quyền sử dụng đối với các tài sản của Nhà nước bằng cách giao tài sản cho các cơ quanNhà nước, xí nghiệp quốc doanh để quản lý khai thác lợi ích của tài sản. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản toàn dân bằng cách thông qua các hợp đồng (bán, cho thuê)

Nhà nước thực hiện quyền sở hữu một cách trực tiếp thông qua các cơ quan quyền lực và các cơ quan quản lý nhà nước hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức kinh tế quốc doanh.

- Có ý kiến cho rằng cần phải định rõ quyền chủ sở hữu đại diện là Nhà nước và quyền của chủ sử dụng đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân). Người chủ sử dụng (cá nhân hoặc tổ chức) không chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng lợi ích tài sản mà còn được quyền định đoạt quyền sử dụng tài sản đó (chuyển nhượng lại, để lại thừa kế, cho thuê, hưởng hoa lợi...) có nghĩa là phải đa dạng hoá quyền sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài sản và làm sống động quyền sở hữu.

 

Phần II

Một số quan điểm cơ bản về sở hữu Nhà nước và quyền sở hữu Nhà nước ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH

Chúng tôi cho rằng nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, về sở hữu nhà nước và quyền sở hữu Nhà nước cần quán triệt các quan điểm sau:

1. Đa dạng hoá các hình thức sở hữu trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phàn dưới sự quản lý của Nhà nước XHCN đã được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI và đã thực sự đi vào cuộc sống. Trong nền kinh tế đó đã tạo ra nhiều thị trường hàng hoá: thị trường vật tư, hàng tiêu dùng, thị trường tiền tệ- tín dụng, sức lao động, v.v... Sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào các tổ chức kinh tế thích hợp của việc tập trung vốn để kinh doanh (các loại hình công ty...) đã tạo nên sự đan xen giữa các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu dẫn đến làm đa dạng hoá các hình thức sở hữu (sở hữu hỗn hợp) chứ không còn thuần khiết của 3 hình thức sở hữu chủ yếu: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.

Sở hữu hỗn hợp (giữa nhà nước với các thành phần kinh tế khác và giữa các thành phần kinh tế khác với nhau) là tất yếu trong nền sản xuất hàng hoá hiện nay ở nước ta.

2. Trong chế độ sở hữu ở nước ta sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân)là nền tảng, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo

 

Xét về mặt kinh tế, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm các nguồn tài nguyên và tư liệu sản xuất cơ bản nhất (đất đai, các nguồn nước, tài nguyên khoáng sản, các xí nghiệp quốc doanh nắm giữ các ngành then chốt các mạch máu chủ yếu của kinh tế quốc dân...). Có tác dụng to lớn và quyết định đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Vai trò chủ đạocủa kinh tế quốc doanhkhông chỉ thể hiện ở chỗ:

- Nguồn tài sản lớn nhất tập trungtrong KTQD.

- Kinh tế quốc doanh nắm toàn bộ mạch máu kinh tế.

- Gần như toàn bộ kỹ thuật và lực lưọng cán bộ khoa học kỹ thuật nằm ở kinh tế quốc doanh.

Kinh tế quốc doanh chính là tiêu biểu cho phương thức sản xuất XHCN, là cơ sở kinh tế và hội của chế độ XHCN.

Vai trò chủ đậo của KTQD không phải là ở lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải chiếm tỷ trọng tuyệt đối mà chính là ở chỗ KTQD có chi phối được các thành phần kinh tế khác bằng chính uy tín và hiệu quả sản xất kinh doanh hay không, có thể điều tiết và dẫn đắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác đi theo quỹ đạo của CNXH hay không.

3. Xem xét và giải quyết vấn đề sở hữu theo quan điểm tài chính.

Trước đây trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chúng ta thường xem xét và giải quyết vấn đề sỏ hữu theo quan điểm kinh tế hiện vật mà ít chú ý đến sở hữu về vốn. Vấn đề quan trọng của sở hữu làkhông cần biết có bao nhiêu nhà cửa, kho tàng máy móc, xe cộ mà là cơ sở vốn (quy ra tiền) là bao nhiêu. Chỉ có xem xét và giải quyết vấn đề sở hữu theo quan điểm tài chính mới có thể giải quyết được những vấn đề kinh tế nảy sinh trong nền kinh tế thị trường đa dạng và phức tạp.

4. Xác định rõ chủ sở hữu và chủ sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản, kết hợp lợi ích của xã hội và lợi ích của chủ sử dụng.

Trong nhiều năm nhiều tài sản của Nhà nước ở tình trạng "vô chủ" "cha chung không ai khóc", mọi người thờ ơ thiếu trách nhiệm tài sản của nhà nước dược sử dụng không có hiệu quả người lao ddọng bị ách ra khỏi tư liệu sản xuất. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là không xác định rõ ai là chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) đối với tài sản đó đồng thời phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với tài sản đó.

Trong định hướng xây dựng quyền sở hữu Nhà nước phải xác định rõ vấn đề này, làm sao tài sản của Nhà nước ở đâu, loại nào, trong tình trạng nào cũng phải có chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) và phải chịu trách nhiệm đến cùng. Trên cơ sở đó chủ sở hữu mới coi tài sản của Nhà nước như của chính mình và có ý thúc bảo toàn và phát triển tài sản đó.

5. Giải quyết vấn đề sở hữu từng bước phù hợp với đièu kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

Đất nước ta đang nằm trong trạng thái xoá bỏ cơ chế cũ tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế mới: phát triển kinh tế thị trường, cái cũ chưa mất hẳn- cái mới bắt đầu hình thành và phát triển. Trong kinh tế còn nhiều vấn đề quan trọng đang trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm. Do đó tình hình phát triển kinh tế xã hội còn nhiều biến động, thay đổi. Do là một tất yếu khách quan. Do vậy khồn thể xây dựng và hoàn thiện ngay các quan hệ sở hữu và gắn với nó là pháp luật về sở hữu. Đó là một quán trình có các bước đi thích hợp, việc xây dựng chế định pháp lý về quyền sở hữu nói chung trong đó có quyền sở hữu Nhà nước cũng cần tiến hành tiến bước vững chắc.

 

Phần III

Một số vấn đề cụ thể- các kiến nghị.

I. Những vấn đề chung về quyền sở hữu Nhà nước.

 

1. Chủ thể của quyền sở hữu Nhà nước.

 

Chúng tôi cho rằng ở nước ta hiện nay sở hữu Nhà nước là sở hữu toàn dân trong đó Nhà nước là chủ sở hữu đại diện và mọi công dân là đồng sở hữu, người sử dụng hợp pháp là chủ sở hữu thực tế ( chủ sử dụng)

 

2. Khách thể của quyền sở hữu Nhà nước là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu toàn dân không chỉ giới hạn ở các loại tư liệu sản xuất chủ yếu (đất đai, hầm mỏ, nước, các XNQD, ...) mà còn là toàn bộ môi trường sinh thái, các loại vốn khác, thị trường.

Đề nghị sửa lại Điều 19 Hiến pháp cho phù hợp.

Nên chia tài sản nhà nước làm 2 loại:

a) Loại tài sản chỉ Nhà nước có quyền sở hữu, không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác, trong đó có các nguồn tài nguyên thiên nhiên: đất đai, khoáng sản, muối, hệ thống đường sắt, công nghiệp quốc phòng, hệ thống viễn thông...

b) Loại tài sản khác có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các chủ sở hữu khác.

3. Về nội dung quyền sở hữu Nhà nước.

Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đại diện có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản (vốn) thông qua các cơ quan đại diện. Nhà nước là chủ sở hữu về vốn tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Người sử dụng hợp pháp tài sản Nhà nước là chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) có quyền chiếm hữu, sử dụng đúng mục đích hưởng hoa lợi, và quyền định đoạt (bán, cho, cho thuê, để lại thừa kế thế chấp, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật, đối với từng loại tài sản. Chủ sử dụng có nghĩa vụ bảo toàn vốn, đóng thuế và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với tài sản Nhà nước.

Như vậy chủ sở hữu thực tế (chủ sử dụng) đã được mở rộng quyền sử dụng nhằm đảm bảo tài sản Nhà nước thực sự "có chủ", làm tăng hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng tài sản, đảm bảo lợi ích của Nhà nước (cũng là lợi ích xã hội) và lợi ích của người sử dụng. Như vậy Nhà nước với tư cách chủ sở hữu đậi diện không còn thuần tuý sở hữu những tài sản cụ thể mà thực sự là chủ sở hữu về "vốn" và các quyền của chủ sử dụng cũng được đa dạng hoá nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế của việc sử dụng vốn, tài sản.

II. Đất đai- Khách thể đặc biệt thuộc quyền sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân)

 

Theo hiến pháp năm 1980 ( Điều 19) và Luật đất đai quy định thì "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Hiện nay cũng còn có những ý kiến khác nhau về sở hữu đất đai.

1. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lývà giao cho các tổ chức và cá nhân sử dụng, chỉ cho phép chuyển nhượng, bán thành quả lao động kết quả đầu tư trên đất dược giao, đồng thời nghiêm cấm việc bán, mua, lấn, chiếm đất đai như điều 3, điều 5 Luật đất đai quy định. ý kiến này xuất phát từ quan điểm cho rằng chế độ ta là chế độ XHCN- được xây dựng trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất trong đó có ruộng đất, từ đó xoá bỏ giai cấp, xoá dần sự chênh lệch giàu nghèo. Mặt khác đất đai là thành quả cách mạng nên Nhà nước phải thông nhất quản lý và độc quyền phân phối cho các thành viên trong xã hội, không thể có ruộng đất của cá nhân và tập thể. Trong một địa bàn cụ thể mọi người yêu cầu sử dụng đất đai như nhau đều "bình đẳng" hưởng thụ vốn đất đai.

2. Loại ý kiến thứ hai. trong một nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần thì các thành phần này đều bình đẳng trước pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy các thành phần kinh tế đều có quyền sở hữu về ruộng đất. Nếu họ dược quyền sở hữu đất đai chắc chắn sẽ có động lực thúc đẩy sử dụng, bảo vệ đất đai tốt hơn. Song có điều là phải căn cứ vào nguồn gốc về mạet xã hội của đất đai mà xử lý cụ thể, bảo đảm cho người cần đất để làm ăn sinh sống thì đều được quyền sở hữu đất đai với mức diện tích hài hoà với vốn đất hiện có bình quân ở mỗi địa phương, tức là lập lại một "mặt bằng" mới về quyền sở hữu chứ không phải là trong loại nguồn gốc sở hữu để đòi đất của mình đã có trước đây.

ý kiến này cho rằng gần đây trong sản xuất nông nghiệp việc khoán sản phẩm theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, thì hộ là đơn vị tự chủ sản xuất kinh doanh, đất đai được giao ổn định từ 10 - 15 năm cho từng hộ, việc giao đất như vậy không có nghĩa là sở hữu tư nhân nhưng ít ra cũng gần guỹ với tính "tư hữu" của họ lên đã phát huy tính tích cực của nông dân, phải chăng đó cũng là những "tín hiệu" sở hữu tư nhân trước mắt vẫn có những tác động tích cực của nó xét về mặt hiệu quả kinh tế.

Nhà nước chỉ lên giữa lại đất ở moọt trình mực nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội để các cơ sở quốc doanh sản xuất những sản phẩm mà xét thấy nếu để cho tập thể và cá nhân sản xuất không có hiệu quả bằng quốc doanh hoặc sẽ gây những chở ngại cho Nhà nước trong việc điều tiết nên kinh tế quốc dân.

Sở hữu tập thể về đất đai cũng là một hình thức cần được quy định và khuyến khích. Vấn đề là cần phải chọn quy mô sở hữu đất đai cho phù hợp với khả năng quản lý, điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi vùng và phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất tư nhân.

Tóm lại, từ những lập luận trên ý kiến này cho rằng trong điều kiện hiện nay ở nước ta nên có ba hình thức sở hữu về đất đai Nhà nước, tập thể và tư nhân

 

3. Loại ý kiến thứ ba cho rằng ở nước ta quyền sở hữu đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý và phân phối cho các đối tượng sử dụng, những quyền sử dụng đó phải được mở rộng hơn so với luật định:

Khuyến khích người sử dụng đất đầu tư công sức trong quá trinhg sử dụng đất, bảo vệ được quyền lợi chính đang của người sử dụng đất.

- Góp phần điều tiết các quan hệ đất đai theo phương hướng sử dụng đất của xã hội - bảo vệ đất và nâng cao hiệu quả kinh tế của đất.

Như vậy cần phải thừa nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất đai chứ không dùng khái niệm chuyển nhượng thành quả lao động như luật định. Cũng cần phải thừa nhận quyền thế chấp để vay vốn sản xuất.

Loại ý kiến thứ ba này là phổ biến và để nghị sử đổi bổ sung Điều 3, Điều 5 Luật đất đai.

Từ các loại ý kiến trên và liên hệ với thực tế chúng tôi thấy rằng:

1. Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước và chủ sở hữu đại diện. Đất đai là loại khanh thể đặc biệt của quyền sở hữu Nhà nước và không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho tập thể và tư nhân bởi vì.

a) Đất đai là thành quả của toàn dân của toàn xã hội do đó không thể thuộc sở hữu riêng của bất kỳ cá nhân nào tập thể nào.

b) Đất đai cũng là thành quả của cách mạng qua bao cuộc đấu tranh thấm bao mồ hôi sương máu của nhân dân mới dành được.

c) Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng ở nước ta đất đai đã có nhiều lần điều chỉnh sáo trộn, có những thửa đã qua nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng. Nếu đặt lại vấn đề tư nhân hoá đất đai sẽ gây lên những lộn xộn, mất ổn định xã hội và những hậu quả kinh tế - chính trị khó lường.

d) Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước XHCN càng đồi hỏi Nhà nước phải thống nhất quản lý đất đai mới chủ động điều tiết các quan hệ đất đai theo kế hoạch phát triên kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng XHCN mới đặt ra những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất đai.

2. Phải coi đất đai là loại hàng hoá đặc biệt. Đặc biệt vì do Nhà nước nắm quyền sở hữu (sở hữu đại diện) và không thể chuyển dịch quyền sở hữu cho cá nhân và tổ chức vì là hàng hoá cho lên có "giá trị sử dụng" và có "giá trị". Như vậy đất đai phải có "giá". Đây là vấn đề trước đây mà ta ít quan tâm (về một Nhà nước). Bởi vậy, tuỳ thuộc vào từng loại đất, độ màu của từng loại đất, và vị chí của đất ... mà đất có các "giá" khác nhau. Việc sử dụng đất từng bước phải được thông qua hợp đồng cho thuê đât được ký giữa đại diện Nhà nước với cá nhân tổ chức sử dụng đất.

3. Từ những lập luận trên đề nghị sử đổi, bổ sung luật đất đai cho phù hợp với nội dung sau.

a) Sửa lại các Điều 3,5 của luật theo hướng mới rộng quyền của chủ sử dụng đất. Chủ sử dụng đất có quyền cho, cho thuê, đổi, bán, để lại thừa kế quyền sử dụng đất theo những quy định của pháp luật.

Các từ ngữ trong Điều 3 luật đất đai như: Quyền chuyển, nhượng là không mang tính chất pháp lý, bán thành quả lao động kết quả đầu tư trên đất cũng chưa rõ ràng lắm. Phải chăng đó là bán quyền sử dụng đât.

ở đây cần quan niệm rằng quyền sử dụng đất cũng là một quyền tài sản của chủ sử dụng đất và quyền này phải thuộc sở hữu của người đó. Chủ sử dụng đất có quyền quyết định đoạt quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vậy chủ sở dụng đất đai có quyền "thế chấp" quyền này hay không? Vấn đề "thế chấp" hay "cầm cố" cũng cần phải bàn. Có ý kiến cho rằng nên áp dụng biện pháp "cầm cố" đối với các quyền tài sản và các động sản, còn áp dụng "thế chấp" đối với bất động sản. Như vậy thì có thể đem cầm cố "quyền sử dụng đất" được. Vì đó là một quyền tài sản.

Chúng tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển dịch quyền sử dụng đất đai (cho, bán, đổi cho thuê, để lại thừa kế, cầm cố) trên tinh thần các nguyên tắc sau đây:

- Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải nằm trong sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Cần có những quy định làm rõ: loại đất nào, đối tượng nào, và trong điều kiện nào thì được chuyển dịch chống việc mua bán, phát canh, thu tô trá hình.

- Việc chuyển dịch quyền quyền sử dụng không dược làm phá vỡ và cản trở quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không được làm tổn hại đến các yêu cầu sử dụng của các loại đất, các tổ chức, cá nhân sử dụng dất lân cận.

- Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải được cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cho phép và phải nộp thuế.

b) Đề nghị xem xét lại các từ ngữ "giao đất và thu hồi đất" Điều 9, điểm 4 Luật sử dụng đất đai và "cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" "thuê sử dụng đất" (Điều 5 Luật đất đai). Chúng tôi cho rằng các từ ngữ này được dùng chưa thật chính xác chưa thể hiện được đúng bản chất của vấn đề coi đất đai côi đất đai cũng là một loại hàng hoá đặc biệt vẫn là các biện pháp hành chính nhiều hơn là biện pháp kinh tế.

Thực chất cần được hiểu đây phải là cho thuê đất và được thông qua hợp đồng cho thuê (để thây cho việc giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và phải trả tiền thuê đất (thay cho thuê sử dụng đất).

Vậy ai là người cho thuê và ai là người đi thuê? Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đại diện thông qua cơ quan đại diện (UBND các cấp ) là bên cho thuê, còn mọi cá nhân và tổ chức - chủ sử dụng đất là bên thuê.

Vấn đề này theo chúng tôi cần phải xác định rõ như thế vì trong thực tế còn nhiều ý kiến khác nhau về các câu hỏi:

- Ai đứng ra giao đất (bên cho thuê) Chính quyền hay hợp tác xã?

- Giao đất cho ai (bên thuê) Hợp tác xã hay hộ nông dân? thực chất các HTX cũng chỉ là tổ chức sử dụng đất (chủ sử dụng) không thể là người đại diện Nhà nước đứng ra "giao đất" (cho thuê đất) chúng tôi cho rằng, bên thuê đất không chỉ là công dân và tổ chức Việt Nam mà các người nước ngoài và tổ chức nước ngoài, có như vậy mới phù hợp với chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Nhà nước ta.

Về thời hạn sử dụng đất (thời gian thuê đất) chúng tôi nhất chí với nhiều ý kiến và tuỳ thuộc vào nhiều loại đất, mục đích sử dụng để quy định thời hạn sử dụng gắn, dài khác nhau nhưng cơ bản là nên quy định thời gia dài nhằm tạo sự ổn định lâu dài và làm cho chủ sử dụng đất gắn bó với đất đai "coi như của mình". Chúng tôi cho rằng đối với đất trồng cây ngắn ngày có thể là 25 năm, đất trồng cây dài ngày (cây lấy gỗ, cây ăn quả..) có thể là 50 năm; đất cho các công trình xây dựng, nhà ở... có thể đến 99 năm thời hạn này cũng được áp dụng cho người nước ngoài và tổ chức nước ngoài.

Trong trường hợp vì mục đích công ích, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước cần lấy lại đất trước thời hạn đã ký kết thì phải bồi thường thiệt hại xẩy ra cho chủ sử dụng đất.

Tóm lại cần kịp thời sửa đổi, bổ sung luật đất đai theo các kiến nghị chủ yếu trên cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

III. Xí nghiệp quốc doanh

Điều 19 Hiến pháp 1980 quy định các loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân) trong đó có các xí nghiệp quốc doanh.

Trước đây chúng ta quan niệm càng nhiều xí nghiệp quốc doanh thì càng tiến dần đến công hữu và càng nhiều CNXH do đó phải bằng mọi cách để có tỷ trọng lớn các xí nghiệp quốc doanh trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế mà ít chú ý đến hiệu quả kinh tế.

Từ mô hình cũ với cơ cấu "kinh tế XHCN", những năm trước đây chúng ta đã xây dựng được một lực lượng KTQD chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân (với khoản 87% tổng vốn cố định và 95% tổng lượng loa động kỹ thuật của cả nước) được nhiều sự uy đãi với vai trò đặc quyền Nhà nước trong cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung và bao cấp toàn bộ.

Hội nghị lần thứ 3 của ban chấp hành TW Đảng Khoá VI đã ra nghị quyết về " chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang hoạch toán kinh doanh XHCN, đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế" Nghj quyết này là bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý XNQD, là cơ sở định hướng cho việc xây dựng các chính sách, chế độ Nhà nước về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý XNQD.

Quán triệt Nghị quyết trên HĐBT đã ban hành Quyết định 217-HĐBT /14/11/1987, Nghị quyết số 50 - HĐBT /22/03/1988 ban hành điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doạnh, Nghịe định 98 HĐBT/26/06/19988 ban hành bảng quy định về quyền làm chủ của tập thể lao động tại XNQD nhằm tạo quyền tự chủ cho các XNQD, làm rõ vấn đề sở hữu toàn dân trong XNQD và tạo điều kiện để người lao động làm chủ, gắn bó với tư liệu sản xuất, nâng cao hiệu quả của SXKD trước tình trạng "vô chủ", "thờ ơ, vôn trách nhiệm" đối với tài sản Nhà nước (thuộc sở hữu toàn dân).

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường nhiều XNQD đã không đủ sức tự trang trải. Khoảng 1/3 xí nghiệp lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, 1/3 gặp khó khăn chỉ có 1/3 có thể đứng được rất ít XNQD thật sự làm ăn có hiệu quả.

Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể, từ khó khăn về vốn, về giá "đầu vào" và công nghệ, về trình độ cán bộ quản lý: trên cơ chế quản lý vĩ mô. Song chúng tôi nghĩ rằng tất cả những cái đó đều chưa được đụng đến căn nguyên liên quan đến sự mất động lực và sự thờ ơ vôn trách nhiệm của người lao động cũng như của người quản lý. Các gốc rễ chính là vấn đề sở hữu.

Trong thời gian qua chưa làm rõ vai trò chủ sở hữu đại diện của Nhà nước đối với tài sản và tiên vốn giao cho xí nghiệp nên quản lý của Nhà nước đối với xí nghiệp bị buông lỏng làm thiệt hại đến tài snả thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời hạn chế tính chủ động của XNQD. Mặt khác không thể hiện rõ quyền và lợi ích của người lao động làm chủ trong xí nghiệp. Do đó mặc dù Nhà nước giao quyền làm chủ cho tập thể lao động, những người lào động vẫn chưa thật gắn bó với xí nghiệp.

Từ những hiện trạng trên, một vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu tổng kết mô hình tổ chức quản lý XNQD theo tinh thần Quyết định 217, Nghị định 50, Nghị định 98, trong đó cần làm rõ hai mối quan hệ: Quan hệ giữa tác động của Nhà nước (cơ quan quản lý Nhà nước hay cơ quan chủ quản) với tư cách là chủ sở hữu xí nghiệp với xí nghiệp và mối quan hệ trong nội bộ xí nghiệp giữa Giám đốc với tập thể lao và HĐXN.

Trên tinh thần đó HĐBT đã ra Quyết định số 143-HĐBT/10/05/1990 về việc tổng kết QĐ 217, nghị định 50 và nghị định 98. Ngoài ra Chủ tịch HĐBT còn ra Chỉ thị số 316-CT/01/09/1990 về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn SXKD cho đơn vị cơ sở quốc doanh .

Một tỏng những nội dung chủ yếu của 2 văn bản này chính là làm rõ vấn đề sở hữu toàn dân do Nhà nước là chủ sở hữu đại diện trao cho xí nghiệp quốc doanh sử dụng. Một câu hỏi đặt ra là: Ai là người đại diện cho Nhà nước đứng ra trao quyền sử dụng vốn trao cho ai và theo phương thức nào? Cần chấn chỉnh các đơn vị KTQĐ như thế nào để SXKD có hiệu quả và thực sự giữ vài trò trong nên KTQD?

1. Ai đại diện cho Nhà nước đứng ra trao quyền sử dụng vốn.

 

Theo Chỉ thị 316 của Chủ tịch HĐBT ngày 01/09/1990 thì Bộ trưởng trực tiếp quản lý ngành (nếu là xí nghiệp TW) Chủ tịch UBND tỉnh (nếu là xí nghiệp địa phương) là người thay mặt Nhà nước giao vốn cho xí nghiệp. Tóm lại người trao vốn là cơ quan chủ quản - cơ quan làm chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp với XNQD.

Cũng có ý kiến cho rằng lên bỏ Bổ chủ quản, Sở chủ quản. Việc quản lý Nhà nước về kinh tế đối với các XNQD lên thực hiện thông qua các cơ quan quản lý chức năng.

ý kiến này cho rằng hiện nay đang trong quá trình đan chéo và đấu tranh lẫn nhau giữa hệ thống cơ chế quản lý mới và cơ chế quản lý cũ trong từng trường hợp cụ thể, với mô hình tổ chức này vẫn còn cảm thấy nó có những báo động tích cực nhất định trong việc khắc phục kịp thời các khó khăn cho các tổ chức kinh tế thuộc quyền, đã đóng góp đáng kể vào quỹ phúc lợi của Bổ chủ quản hoặc ngân sách đại phương.

Song do những quy định có tính nguyên tắc các Bộ và Sở chủ quản được toàn quyền quyết định về bộ máy tổ chức và cán bộ, phương hướng và phương thức làm việc can thiệp sâu vào tổ chức kinh doanh làm cho các tổ chức nay luôn ở trong tư thế bị động và phụ thuộc, hạn chế tính năng động sáng tạo và quyền tự chủ của tổ chức kinh tế theo quan điển sản xuẩ hàng hoá và hoạch toán kinh tế, đã cản trở quá trình hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý mới ở tầm vĩ mô và sự hoạch động năng lổ của vĩ mô cũng nhưng yêu cầu lành mạnh quan hệ trên, dưới, ngang, dọc.

Bởi lẽ, với chế độ "chủ quản" đã, đang, và tiếp tục dẫn đến tính trạng cấp dưới thì cống nộp cấp trên thì ban phát, cấp dưới thì ỉ lại, cấp trên thì phát lệnh, cấp dưới thị thụ động ngồi chờ cấp trên thì giải quyết thay cho cấp dưới. không ít nơi nạn quà cáp biếu xén cũng phát sinh từ đây vì còn phải tranh thủ cấp chủ quản đẻ được giải quyết nhiều việc.

Chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh bị vô hiệu hoá, gây nên tình trạng vừa ách tắc, vừa lộn xộn trong hoạt động kinh tế, không phân biệt được chức năng người trọng tài với chức năng người cầu thủ. Người nào cũng vừa thổi còi, vừa đá bóng cho nên sân bóng bị lộn xộn.

Thực trạng này không chỉ do cơ chế quản lý kinh tế, mà mặt khác không kém phần quan trọng là sự gắn chặt "quyền" và "lợi" giữa các cấp chủ quản với các tổ chức kinh tế thuộc quyền.

Chúng tôi cho rằng cần phải xem xét vấnđề sở hữu theo quan điểm tài chính và như vậy thì xu hướng là phải do các ngành quản lý theo chức năng quản lý các xí nghiiệp quốc doanh, (kế hoạch, tài chính, ngân hàng, Toà án kinh tế) trong đó cơ quan tài chính đại diện Nhà nước quản lý về vốn chi thu cho ngân sách, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ các điều kiện đẻ thực hiện theo phương án này. Vì trước hết pháp luật chưa đầy đủ để đảm bảo cho các ngành chức năng cần được làm tròn nhiệm vụ, mặt khác các ngành chức năng cần được kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động. Do vậy việc còn tồn tại chế độ trực thuộc "Bộ chủ quản" "Sở chủ quản" của các xí nghiệp quốc doanh là cần thiết trước mắt. Tuy vậy cần phải phân định rạch ròi hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô- theo pháp luật và quản lý sản xuất kinh doanh (vĩ mô của đơn vị kinh tế cơ sở).

Cần phân điịnh rõ quyền của chủ sở hữu và quyền của chủ sử dụng, Nhà nước là chủ sở hữu "vốn" thuộc sở hữu toàn dân, còn các xí nghiệp quốc doanh là chủ sử dụng, quản lý vốn đó, được chủ động thực sự trong sản xuất kinh doanh.

2. Ai đứng ra nhận quyền sử dụng vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn.

Theo Quyết định 217-HĐBT, NĐ - 50-HĐBT, Quyết định 143 -HĐBT và Chỉ thị 316 - CT của Chủ tịch HĐBT thì người nhận vốn là tập thể công nhân viên chức của xí nghiệp, trong đó Giám đốc là người đại diện cho tập thế đó. Thực tế cho thấy cho thấy phương thức này không lại hiệu quả và tài sản Nhà nước vẫn trong tình trạng "vô chủ", không có ai chịu trách nhiệm cá nhân, mà trách nhiệm tập thể thì là "hoà cả làng".

Để khắc phục tình trạng này đã có nhiều ý kiến khác nhau:

- Giao hẳn cho giám đốc xí nghiệp và giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với tài sản được giao.

- ở các XNQD nên thành lập Hội đồng quản trị (HĐQT) với tư cách là đại diện cho "Bộ chủ quản" "Sở chủ quản" nhận vốn và cùng GĐXN chịu trách nhiệm về tài sản được giao (GĐXN không phải là thành viên của HĐQT).

- ở các LH XNQD hoặc các XNQD có quy mô lớn có thiết lập HĐQT đại diện cho chủ sở hữu NN cùng với GĐXN đứng ra nhận vốn và cùng chịu trách nhiệm và bảo toàn "vốn".

Từ các ý kiến trên chúng tôi cho rằng người nhận vốn và chịu trách nhiệm về vốn phải là một người cụ thể. Cong người đó phải là người có quyền sử dụng quản lý trực tiếp nguồn vốn. Đó là (Tổng giám đốc xí nghiệp). Như vậy giám đốc các xí nghiệp quốc doanh phải do Nhà nước (cơ quan chủ quản) lựa chọn, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm trên cơ sở có thống đào tạo chính quy và sử dụng chuyên nghiệp hoá.

Đối với Hội đồng quản trị - không thê giao vốn cho cơ quan này vì Hội động quản trị là đại diện cho Bộ, Sở chủ quản và lại không trực tiếp sử dụng vốn, hay hoạt động. Mặt khác theo ý kiến trên thì không phải XHQD nào cũng thành lập HĐQT.

Tóm lại là người chịu quyền sử dụng vốn, có bảo toàn và phát triển vốn chịu trách nhiệm về vốn được giao là giám đốc (hoặc tổng Giám đốc) xí nghiệp quốc doanh.

 

3. Quan niệm về "vốn Nhà nước giao cho xí nghiệp quốc doanh như thế nào"?

 

Theo quy định tạm thời về những nguyên tắc và nội dung trao quyền sử dụng trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cho các xí nghiệp quốc doanh (Ban hành theo Chỉ thị số 316 - CT ngày 01/09/1990 của Chủ tịch HĐBT thì Tổng số vốn Nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của xí nghiệp bao gồm:

- Vốn ngân sách cấp: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ ban do ngân sách cấp phát, hoặc có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (như chênh lệch giá và các khoả phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại, khấu hao cơ bản tài sản cố định thuộc nguồn vốn ngân sách cấp được để lại cho xí nghiệp...) vốn được viện trợ, quyền tặng hoặc cho tiếp quản từ chế độ cũ để lại.

- Vốn xí nghiệp bổ sung; gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành (từ lợi nhuận, để lại hoặc chênh lệch giá không phải nộp hoặc từ vốn vay sau khi đã trả hết nợ và lãi suất tiền vay, các loại quỹ xí nghiệp (không kể quy khen thưởng, quỹ phúc lợi, các khoản cấp phát chuyên dùng, chi về y tế, đào tạo nếu có).

Tổng số vốn Nhà nước nói trên bao gồm số vốn đang sử dụng ở xí nghiệp, số vốn xí nghiệp đã đưa đi liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần trong nước và nước ngoài.

Toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cấp và vốn xí nghiệp bổ sung thêm từ sau thời điểm bổ giao vốn đều phải cộng chung vào số vốn xí nghiệp đã nhận và phải bảo toàn.

ở đây cũng cần xem xet thêm vấn đề khấu hao tài sản cố định, vấn đề "vốn tự có" và vấn đề bán tài sản sản cố định trước và sau thời điểm giao nhận vốn. Chúng tôi cho rằng trước thời điểm giao nhận vốn không thể nói sau khi khấu hao hết tài sản cố định, tức là Nhà nước không có quyền sở hữu đối với các tài sản còn lại và đương nhiên là tài sản của tập thể xí nghiệp bởi lẽ giá trị khấu hao dựa trên chính sách giá bao cấp do đó thực chất mới chỉ là một phần nhỏ gia trị đã đầu tư, hơn nữa những tài sản đó được bao toàn và phát triển thông qua một loạt các chính sách ưu đãi của Nhà nước (lãi suất ngân hành...) Và như vậy trước sau tài sản còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước.

Đối với "vốn tự có" cũng vậy, cái gọi là "vốn tự có" không phải tất cả đều so xí nghiệp làm ra mà không có tác động gì (các chính sách ưu đãi ) của Nhà nước. Cần nói thêm rằng theo tinh thần của Quyết định 217 - HĐBT và Nghị định 50 - HĐBT quy định về bán tài sản cố định nhằm bảo đảm quyền tự chủ trong sản xuấtn kinh doanh (phải có thủ tục xin phép cấp trên) là đúng đắn nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng SP, song chỗ sơ hở bị lợi dụng là ở việc phân biệt tài sản "thuộc vốn ngân sách cấp" với tài sản thuộc " vốn tự có" theo quan niệm không đúng nói trên.

Vậy nhưngx vấn đề này đặt ra sau khi đã chính thức trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn như thế nào?

Có ý kiến cho rằng ngoài vốn Nhà nước giao thì tất cả tài sản thu từ các khoản phải nộp cho Nhà nước do KD trên vốn Nhà nước đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Chúng tôi cho rằng vấn đề cần xem xét ở đây, là xí nghiệp quốc doanh có "vốn tự có" thực sự hay không? Chúng ta biết rằng sau khi Nhà nước đã giao vốn cho xí nghiệp thì Nhà nước là chủ sở hữu về "vốn" chứ không phải là "chủ" đối với từng tài sản cụ thể và xí nghiệp phải bảo toàn "vốn" cho Nhà nước chứ không phải bảo toàn từng tài sản cụ thể và trên cơ sở sử dụng vốn xí nghiệp phải nộp các khoản thuế cho Nhà nước, trong đó, theo chúng tôi phải có khoản "thuế sử dụng vốn" hoặc " tiền sử dụng vốn" hoặc "tiền thuê vốn" cũng là một. Sau khi đã làm nghĩ vụ cho Nhà nước thì phần lợi nhuận còn lại theo chúng tôi cũng phải phân biệt hai trường hợp:

- Nếu đó là xí nghiệp quốc doanh loại đặc thù, hoặt động theo nhiệm vụ chuyên biệt đã được Nhà nước giao và Nhà nước có các chính sách ưu đãi riêng (giá cả, lãi xuất, các khoản hổ trợ) có nghĩa là phần nào Nhà nước vẫn bao cấp thì mọi khoản lợi nhuận còn lại đều thuộc quyền sở hữu Nhà nước.

- Nếu đó là loại XNQD nhận vốn Nhà nước cấp ban đầu và hoàn toàn hoạt động kinh doanh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác về chính sách, lời ăn, lỗ chịu thì phần lợi nhuận còn lại phải là của tập thể XNQD đó.

4. Nhà nước giao quyền sử dụng vốn cho XNQD theo phương thức nào?

Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch HĐBT ngày 01/09/1990 quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và Thủ trưởng cơ quan tài chính cùng cấp thành lập Hội đồng giao nhận vốn. Chủ tịch Hội đồng là đại diện cơ quan tài chính kinh tế (hoặc cơ quan công chứng nếu ở địa phương đã thành lập cơ quan này); giám đốc xí nghiệp (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị xí nghiệp) Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp (nơi chưa thành lập Hội đồng quản trị); Kế toán trưởng và Chủ tịch tổ chức công đoàn xí nghiệp.

Khi giao nhận vốn Hội đồng giao nhận phải lập "Biên bản giao nhận vốn".

Qua việc quy định Hội đồng giao, nhận vốn và "Biên bản giao nhận vốn" chúng tôi thấy vẫn còn "nặng" tính chất hành chính nhiều hơn so với tính chất "tài chính", "kinh tế".

Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện còn tồn tại "Bộ chủ quản" "Sở chủ quản" thì Bộ trưởng trực tiếp quản lý ngành (đối với xí nghiệp quốc doanh trung ương), Chủ tịch Uy Ban nhân dân tỉnh (đối với XNQD địa phương) thay mặt Nhà nước giao vốn cho Giám đốc xí nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên trong Hội đồng giao nhận vốn cần có đại diện của cơ quan tư pháp (chứ không phải là cơ quan công chứng, như quy định) cùng cấp (Bộ Tư pháp, Sở tư pháp) và đại diện Ngân hành Nhà nước. Đây là hai cơ quan rất cần được tham gia: cơ quan tư pháp giúp Hội đồng thẩm tra về pháp lý các tài liệu, văn bản, việc vận dụng pháp luật..., còn cơ quan Ngân hàng Nhà nước theo rõi và tìm hiểu tình trạng của tài sản, vốn để xem xét vấn đề khả năng thực tế cho vay (quy mô, lĩnh vực, mức độ). cũng như khả năng thanh toán của XNQD.

Về biên bản giao nhận vốn, chúng tôi thấy biên bản không chỉ xác định: bên giao, bên nhận, người chứng kiến, tổng số vốn Nhà nước giao mà cần phải làm rõ hơn về nội dung pháp lý để thực sự đó là một bản cam kết, hợp đồng ràng buộc giữa hai bên (bên giao và bên nhận), về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp trong việc bảo toàn vốn.

Chúng tôi cho rằng thực chất đây là hợp đồng " vay vốn" của Nhà nước và như vậy cần thay các thuật ngữ "giao" và "nhận", "bên giao" và " bên nhận", "biên bản giao nhận vốn" bằng cách khái niệm "hợp đồng vay vốn" và "bên cho vay" " bên vay". về nội dung cần xác định rõ:

- Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay;

- Quyền và nghĩa vụ của bên vay;

- Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng;

- Các thoả thuận khác của các bên trong đó có "lãi xuất" hay có ý kiến cho rằng là tiền sử dụng vốn, "thuế sử dụng vốn" ...

 

5. Về trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của xí nghiệp quốc doanh.

Như ở phần trên chúng tôi đã trình bầy, người nào là chủ quản lý, sử dụng vốn được giao thì người đó phải chịu tránh về việc bảo toàn và phát triển vốn. Đó là Giám đốc xí nghiệp quốc doanh (phải là trách nhiệm cá nhân trứ không phải là trách nhiệm tập thể).

Chỉ thị số 316-CT của Chủ tịch HĐBT có quy định: Việc xác định mức độ bảo toàn vốn được tiến hành hàng năm bằng cách so sánh số vốn thực có tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán với tổng số vốn xí nghiệp đã nhận – Trong trường hợp giá cả không biến động nếu số vốn thực có bằng hoặc lớn hơn số vốn xí nghiệp đã nhận thì có nghĩa là xí nghiệp đã bảo toàn và phát triển vốn. Nếu số vốn thực có nhỏ hơn số vốn đã nhận thì có nghĩa là xí nghiệp đã không bảo toàn được vốn.

Trường hợp giá cả biến động thì khi xác định mức độ bảo toàn vốn phải tính đến yếu tố trượt giá do có một Hội đồng duyệt giá quyết định.

Như vậy, nếu qua kiểm tra từng năm mà phát hiện có sự thiếu hụt vốn thì phải được xem xét, xử lý kịp thời.

Chúng tôi cho rằng cần có những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã giao cho Giám đốc xí nghiệp. Một trong những biện pháp đó là phải tăng cường giám sát và kiểm tra từ phía Nhà nước kịp thời (chứ không phải một năm kiểm tra một lần) thì mới có thể bảo toàn vốn được. Phải có biện pháp ngăn chặn từ đầu trước khi có thiệt hại, thất thoát vốn của Nhà nước.

Vậy đó là các biện pháp nào?

Có ý kiến cho rằng áp dụng thể chấp tài sản của Giám đốc. Giám đốc phải "thế chấp" tại Ngân hàng Nhà nước một khoản tiền nhất định (hoặc một số vàng nhất định) để đảm bảo vốn cho Nhà nước trong trường hợp giám đốc gây thiệt hại hoặc làm ăn thua lỗ do lỗi của mình gây ra.

Có ý kiến cho rằng để thường xuyên kiểm soát hoạt động kinh doanh của giám đốc nhằm bảo toàn và phát triển vốn cần quy định mỗi xí nghiệp quốc doanh có hai kiểm soát viên tài chính do Đại hội công nhân viên chức bầu ra. Các kiểm soát viên có nhiệm vụ và quyền hạn: kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán, bản tổng kết năm tài chính. Bất cứ lúc nào, kiểm soát viên cũng được xem sổ sách, chứng từ kế toán và yêu cầu kế toán trưởng giải thích – trong trường hợp các kiểm soát viên phát hiện có hành vi vi phạm phải báo cho các Viện Kiểm sát nhân dân biết, nếu không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng cần có các tổ chức kiểm toán của Nhà nước và có chế độ báo cáo tài chính để kiểm tra từ phía các xí nghiệp quốc doanh.

Từ các ý kiến trên chúng tôi cho rằng biện pháp "thế chấp" tài sản của giám đốc là không thực tế và không phù hợp vì không phải giám đốc nào cũng có tài sản để thế chấp, mặt khác vốn Nhà nước giao là rất lớn. Do đó biện pháp này không thể áp dụng phổ biến được.

Còn biện pháp thứ hai cũng khó đảm bảo hiệu quả và khách quan, vì kiểm soát viên phải chịu sức ép từ nhiều phía, nhất là từ giám đốc (việc làm, tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khác...), ngay cả trong trường hợp các kiểm soát viên có khoản phụ cấp riêng ngoài xí nghiệp.

Chúng tôi nhất chí với biện pháp thứ ba - Thành lập một cơ quan kiểm toán như một hệ thống trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tài chính tại các xí nghiệp quốc doanh.Hộ đồng Bộ trưởng cần có một Nghị định quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống này cũng như mối quan hệ giữa tổ chức này với các xí nghiệp quốc doanh nhằm kiểm soát thường xuyên, kịp thời mọi hoạt động tài chính xẩy ra trong xí nghiệp quốc doanh.

Nếu biện pháp này được thực hiện, chắc rằng sẽ kịp thời ngăn chặn được những vị phạm pháp luật bảo toàn được vốn của Nhà nước.

 

6. Vấn đề kiện toàn xí nghiệp quốc doanh trong điều kiện hiện nay.

 

Thực tế cho thấy, trong những năm qua ở nước ta đã phát triển mạnh các xí nghiệp quốc doanh cả về số lượng, lĩnh vực, quy mô, cấp độ từ trung ương đến các địa phương, kể cả quốc doanh cấp huyện. Thực chất là phát triển tràn lan nhưng làm ăn kém hiệu quả, số lượng các xí nghiệp thua lỗ trong kinh doanh, bị giải thể tăng lên (ở cấp huyện bị giải thể từ 50-70%), đã không thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Chúng tôi cho rằng cần khẩn trương rà soát, sắp xếp lại các cơ sở quốc doanh, thúc đẩy việc đổi mới cơ chế quản lý xí nghiệp quốc doanh đảm bảo tính hiệu quả và hợp lý. Đã góp phần thực hiện những chủ trương trên chúng tôi thấy cần giải quyết một số điẻm sau:

a) Phân loại, sắp xếp lại các tổ chức kinh tế quốc doanh.

 

- Chúng tôi đồng tình với ý kiến gọi các tổ chức kinh tế quốc doanh là các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với các thuật ngữ, khái niệm đã được pháp luật qui định như doanh nghiệp, tư nhân, công ty...

- Doanh nghiệp Nhà nước phải có các điều kiện sau:

+) Là một tổ chức được Nhà nước thành lập và quản lý;

+) Được Nhà nước cấp vốn ban đầu và tự chịu trách nhiệm về tài chính;

+) Hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế nhằm mục đích sinh lợi hoặc thực hiện các dịch vụ công cộng được Nhà nước giao.

- Nhất trí nên phân loại các doanh nghiệp Nhà nước thành hai loại tuỳ thuộc vào mục đích và tính chất của doanh nghiệp .

+) Loại doanh nghiệp Nhà nước đặc thù (nắm giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, đảm bảo quốc phòng an ninh hoặc thực hiện dịch vụ công ích, chính sách xã hội dược Nhà nước giao).

+) Loại doanh nghiệp Nhà nước phổ biến (kinh doanh sinh lợi trong kinh tế thị trường, bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cạnh tranh lành mạnh với các loại doanh nghiệp đó).

Như vậy, trong hai loại trên thì doanh nghiệp Nhà nước đặc thù được nhà nước hỗ trợ trong trường hợp hoạt động thua lỗ, được hưởng các chính sách ưu đãi khác để đảm bảo hoạt động bình thường.

Còn loại thứ hai nếu hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài thì có thể cổ phần hoá cho thuê lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, bị tuyên bố phá sản hoặc có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho các thành phần kinh tế khác.

Các doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên có ở cấp trung ương và cấp tỉnh, còn các doanh nghiệp cấp huyện nên giải thể hoặc chuyển thành hình thức sở hữu khác.

Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều đơn vị kinh tế (khoảng 50- 70%) đã không thể "đứng" được trong nền kinh tế thị trường do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, khả năng quản lý kém. Mặt khác xu hướng cải cách trong nền hành chính quốc gia là thu hẹp cấp huyện, không phải là cấp quản lý ngân sách.

b)Về doanh nghiệp Nhà nước cổ phần.

Có ý kiến cho rằng để tạo sự gắn bó giữa các doanh nghiệp Nhà nước với người lao động, sự gắn bó giữa người lao động với tư liệu sản xuất "coi tài sản của Nhà nước như chính tài sản và lợi ích của mình" và để huy động vốn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh được với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thì doanh nghiệp Nhà nưóc có thể bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên chức của doanh nghiệp cũng như cho các cá nhân và tổ chức ngoài doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng cần quan niệm doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp của một chủ- đó là Nhà nước (đại diện cho sở hữu toàn dân). Nếu có vấn đề bán cổ phần tức là sẽ có nhiều chủ "vốn" khác nhau cùng tham gia, các chủ sở hữu này có thể thuộc mọi thành phần kinh tế. Họ là những cổ đông của doanh nghiệp, có quyền tham gia Hội đồng quản trị để quản lý vốn và giám sát việc điều hành sản xuất,, kinh doanh. Như vậy thì thực chất không còn là "doanh nghiệp Nhà nước nữa", kể cả trong trường hợp trong doanh nghiệp đó Nhà nước giữ vốn khống chế: 51%, còn các chủ sở hữu khác 49%. Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này nên áp dụng những quy định của luật công ty- Doanh nghiệp đã trở thành một công ty cổ phần (hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn), chứ không phải là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần.

Một vấn đề khác cũng rất tế nhị là các cá nhân hoặc tổ chức thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng rất ngại "hùn vốn" vào doanh nghiệp Nhà nước vì họ sẽ bị "quốc doanh hoá" "Nhà nước hoá" như trước đây.

Còn vấn đề làm thế nào vừa bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, tạo sự gắn bó giữa người lao động và tư liệu sản xuất, thì giữa doanh nghiệp Nhà nước với người lao động, coi doanh nghiệp Nhà nước "như là của mình" thì có thể có nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có cho tập thể lao động thuê toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cho tập thể lao động, từng người lao động thuê một số loại tư liệu sản xuất cụ thể mà doanh nghiệp chưa dùng đến hoặc dùng chưa hết công suất, như máy cái, phương tiện vận tải... Song chúng tôi thấy rằng biện pháp đạt hiệu quả và được áp dụng phổ biến hiện nay là các hình thức khoán cho tập thể lao động hoặc từng người lao động (nhất là trong thương nghiệp, các nông trường chăn nuôi, trồng cà phê, chè...), vấn đề là phải hoàn thiện hơn nữa các hình thức khoán nhất là về nội dung pháp lý (chúng tôi sẽ có dịp bàn sâu về vấn đề này trong một dịp khác).

c) Về Hội đồng quản trị trong doanh nghiệp Nhà nước.

 

Theo quyết định 217- HĐBT và Nghị định 50- HĐBT thì trong tổ chức xí nghiệp quốc doanh có Đại hội công nhân viên chức, Hội đồng xí nghiệp và Giám đốc xí nghiệp.

Thực tế cho thấy cơ chế này trong những năm qua chưa phát huy được hiệu quả, sử dụng vốn của Nhà nước, tài sản Nhà nước vẫn trong tình trạng "vô chủ", không ai chịu trách nhiệm đến cùng. Những điểm chưa hợp lý được thể hiện như sau:

- Việc giao cho đại hội công nhân, viên chức của xí nghiệp quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của xí nghiệp, từ vạch kế hoạch sản xuất, kinh doanh đến phân phối trong nội bộ xí nghiệp, có nghĩa là trên thực tế không phân biệt quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản toàn dân và quyền của xí nghiệp trong quản lý và sử dụng tài sản đó. Điều đó lầm cho nhiều nơi đã tạo điều kiện để xí nghiệp đề cao lợi ích cục bộ của mình, coi nhẹ lợi ích Nhà nước và xã hội, dẫn đến làm thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân. Đấy là chưa nói đến vấn đề trình độ, kiến thức về kinh tế và quản lý kinh tế của công nhân viên chức của xí nghiệp rất khác nhau, phần lớn là ít hiểu biết về lĩnh vực này lại được giao quyền quyết định kế hoạch và mọi vấn đề quan trọng khác của xí nghiệp, nên trên thực tế Đại hội của công nhân viên chức cũng chỉ thông qua một cách hình thức kế hoạch do giám đốc vạch ra. Hơn nữa Đại hội công nhân viên chức lại họp mỗi năm một lần rồi giao lại cho Hội đồng xí nghiệp là cơ quan thường trực giữa 2 kỳ đại hội đôn đốc, giám sát giám đốc trong việc thực hiện các Nghị quyết của đại hội. Như vậy rõ ràng là vai trò của đại hội công nhân viên chức là mờ nhạt, không đem lại hiệu quả thiết thực.

- Cơ cấu Hội đồng xí nghiệp gồm toàn những người là công nhân viên chức trong xí nghiệp trong đố giám đốc do Nhà nước bổ nhiệm là thành viên đương nhiên, còn các thành viên khác do Đại hội công nhân viên chức bầu; Chủ tịch hội đồng xí nghiệp do Hội đồng bầu. ở nhiều xí nghiệp quốc doanh giám đốc xí nghiệp lại là Chủ tịch hội đồng xí nghiệp. Cơ cấu tổ chức Hội đồng xí nghiệp như vậy vừa không đảm bảo được vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng xí nghiệp, vừa không đảm bảo được vai trò điều hành hoạt động kinh doanh của giám đốc theo chế độ thủ trưởng, nhất là trong trường hợp giám đốc đồng thời là Chủ tịch hội đồng xí nghiệp.

 

Thực tế cho thấy ở nhiều nơi Hội đồng xí nghiệp cũng chỉ là một tổ chức kiểm tra, tư vấn mang tính chất hình thức. Vì những thành viên trong Hội đồngcó nhiều sự ràng buộc đối với giám đốc - Hội đông xí nghiệp theo kiểu tổ chức này dễ bị giám đốc thao túng để thực hiện ý đồ riêng, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.

Từ những mặt hạn chế trên, nhiều ý kiến đề nghị phải cải tiến tổ chức doanh nghiệp Nhà nước.

Về đại hội công nhâ viên chức- Các ý kiến nhất trí cho rằng Đại hội công nhân viên chức không còn là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong doanh nghiệp mà nhiệm vụ chủ yếu là tham gia ý kiến vào báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kiến nghị những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, quyết định những nguyên tắc hình thành và sử dụng quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.

Về cải tiến hội đồng xí nghiệp - Có những ý kiến khác nhau:

- ý kiến thứ nhất đề nghị thành lập ở mỗi doanh nghiệp Nhà nước một Hội đồng quản trị (để thay cho Hội đồng xí nghiệp). Hội đồng quản trị có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, giám sát công tác điều hành của Ban giám đốc và quyết định những vấn đề quan trọng về quản trị doanh nghiệp.

Số lượng uỷ viên Hội đồng quản trị không quá 9 người, gồm 2 thành phần:

+) Đại diện cho bộ quản lý ngành, Bộ tài chính, Uỷ ban kế hoạch nhà nước. Đối với doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý thì có đại diện uỷ ban nhân dân, Sở tài chính, Sở quản lý doanh nghiệp.

+) Đại diện của công nhân viên chức doanh nghiệp, do Ban chấp hành Công đoàn cử.

Chủ tịch Hội đòng quản trị (trong số đại diện Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh) và các Uỷ viên hội đồng quản trị do Bộ trưởng Bộ chủ quản (đối với doanh ngiệp trung ương) và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (đối với doanh nghiệp địa phương) bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Các thành viên Hội đòng quản trị được gưởng thù lao do Bộ tài chính và Bộ lao động- thương binh và xã hội ấn định và doanh nghiệp đó chi trả.

- ý kiến thứ hai cho rằng Hội đồng quản trị doanh nghiệp (thay cho hội đồng xí nghiệp) chỉ thành lập ở các Liên hiệp doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn, Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp thuộcmột chủ sở hữu cụ thể.

Hội đồng quản trị gồm thành phần:

+) Đại diện cơ quan chủ quản của doanh nghiệp (Bộ quản lý ngành hoặc Uỷ ban nhân dân) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; đại diện cơ quan tài chính cùng cập với cơ quan chủ quản và đại diện của một số cơ quan Nhà nước khác nếu cần.

+) Một số thành viên Hội đồng quản trị do công nhân viên chức của doanh nghiệp bầu, tối đa 1/3 tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Tuỳ quy mô doanh nghiệp tổng số thành viên Hội đồng quản trị từ 5 đến 9 người.

Hội đồng có toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến mục đích và quyền lợi kinh doanh cuả doanh nghiệp theo phương hướng phát triển kinh tế - xã hội do cơ quan chủ quản đề ra.

Các thành viên Hội đồng quản trị được hưởng phụ cấp do Nhà nước quy định.

Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có Hội đồng quản trị mà duy trì hình thức Hội đồng xí nghiệp như hiện nay, nhưng thay đổi hẳn chức năng của Hội đồng này. Hội đồng xí nghiệp chỉ làm chức năng tư vấn cho giám đốc và cho cơ quan chủ quản về những vấn đề mà Hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp lớn làm - số thành viên từ 5 đến 7 người do đại hội công viên chức doanh nghiệp bầu ra.

Từ những ý kiến khác nhau về Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi có một số ý kiến sau:

- Trước hết phải xem xét lại về mặt chức năng, quyền hạn nhiệm vụ của Hội đồng nay, nếu không làm rõ sẽ dễ lẫn lội, trong đó dễ hiểu chức năng quản lý của Nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý (điều hành) kinh doanh, sự hiểu lẫn lội mà theo cơ chế cũ đã vấp phải. Chúng tôi cho rằng chức năng chủ yếu của Hội đồng nằy chính là thực hiện việc giám sát, kiểm tra các hoạt động điều hành doanh nghiệp của giám đốc, thẩm tra các quyết định quan trọng của giám đốc để trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Ngoài ra có thể làm nhiệm cụ tư vấn cho cơ quan chủ quản và cho giám đốc trong việc đề ra phương hướng, chủ trương phát triển và kế hoạch kinh doanh cũng như phương án quản lý xí nghiệp.

Như vậy thì Hội đồng này và giám đốc doanh nghiệp là độc lập tương đối với nhau, giám đốc doanh nghiệp không phải là thành viên của Hội đồng.

 

- Về thực chất đây là cơ quan giám sát, kiểm tra tại doanh nghiệp, và như vậy nhất trí là có đại diện của cơ quan chủ quản (làm chủ tỉnh Hội đồng) và các cơ quan quản lý chức năng như tài chính với số thành viên là 2/3 Hội đồng. Trong Hội đồng cũng có đại diện của tập thể công nhân viên chức, do đại hội công nhân viên chức bầu ra, chiếm 1/3 Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng cũng chỉ nên từ 5 đến 7 người.

Các thành viên của Hội đồng được hưởng phụ cấp do Nhà nước nước quy định.

- Với chức năng thành phần như đã nêu trên thì Hội đồng là rất cần cho các doanh nghiệp Nhà nước, và như vậy cần phải áp dụng thống nhất cho mọi doanh nghiệp Nhà nước; không phân biệt doanh nghiệp đó giữ vị trí nào đối với nền kinh tế quốc dân (quan trọng hay không quan trọng), không phân biệt về quy mô (lớn, vừa hay nhỏ).

- Từ việc đó xác định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và thành phần của Hội đồng, một vấn đề cần xem xét là vậy cần đặt tên cho Hội đồng là gì cho phù hợp? là Hội đồng quản trị (như những ý kiến đã nêu trên) hay vẫn gọi là Hội đồng xí nghiệp hoặc là môtj tên gọi nào khác.

Chúng tôi cho rằng, nếu gọi Hội đồng quản trị cũng chưa hợp lý vì theo chúng tôi hiểu thì Hội đồng quản trị thường được dùng trong các công ty (trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần) trong đó có nhiều chủ sở hữu về vốn, đây là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng có thể kiêm giám đốc (tổng giám đốc) công ty, nếu điều lệ công ty không quy định khác.

Còn các doanh nghiệp Nhà nước - đó là doanh nghiệp chỉ có một chủ – chủ là Nhà nước - đại diện cho sở hữu toàn dân. Vì vậy trong trường hợp này gọi là Hội đồng quản trị là chưa phù hợp.

Nếu gọi tổ chức đó là Hội đồng xí nghiệp cũng không phù hợp vì trong Hội đồng có tới 2/3 số thành viên do cơ quan chủ quản và các cơ quan Nhà nước tham gia, không phải là thành viên của doanh nghiệp, mặt khác, giám đốc không phải là thành viên của Hội này.

Chúng tôi cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần trên nên gọi tổ chức đó là Hội đồng giám sát của doanh nghiệp Nhà nước.

Như vậy về tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước có:

- Đại hội công nhân viên chức,

- Hội đồng giám sát,

- Giám đốc doanh nghiệp.

Mỗi bộ phận cấu thành có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng lại là một thể thống nhất bảo đảm cho việc bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có điều tiết.

Từ những trình bày trên về doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi đề nghị cần khẩn trường soạn thoả và ban hành Luật doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ hai

 

các báo cáo chuyên đề

 

 

Một số khía cạnh lý luận

về chế độ sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước

ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

----------------------

 

 

 

PGS . PTS Trần Trọng Hựu

 

Viện Nhà nước và Pháp luật

 

 

I.

 

Trong công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay, một trong những vấn đề đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về mặt quan điểm lý luận và cách giải quyết mới về mặt thực tiến là vấn đề sở hữu và cơ chế thực hiện nó. Sở hữu là phạm trù kinh và là phạm trù pháp lý. Các quan hệ kinh tế sở hữu chỉ có thể tồn tại dưới những hình thức pháp luật phù hợp. Do vậy, nói đên vấn đề sở hữu tất yếu phải đề cập vấn đề quyền sở hữu.

Trong quan hệ sản xuất, sở hữu là xương sống. Của cải xã hội, tài sản, tư liệu sản xuất v.v... thuộc về ai - điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Sở hữu là động lực để thúc đẩy nên kinh tế phát triển bền vững và đạt trình độ mới về chất lượng khi được xác lập phù hợp với những điều kiện và yêu cầu của sự phát triển ổn định kinh tế của đất nước. Ngược lại, nó sẽ trở thành trợ lực, kìm hãn.

Thực tiễn giải quyết vấn để sở hữu ở nước ta 45 năm qua đã chứng minh điều đó, đã chỉ cho chúng ta những kinh nghiệm và bài học quý giá, đã giác ngộ chúng ta về con đường phát triển tự nhiên của sự vật.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn hết sức quan trọng của đổi mới kinh tế. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã được nêu ra từ Đại hội VI, ở nước ta hiện nay đang hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và xác lập cơ chế kinh tế mới với sự phân biệt rõ ràng sự quản lý Nhà nước về kinh tế và sự quản lý kinh doanh của các đơn vị kinh tế chủ quản, áp dụng rộng rãi các chính sách kinh tế mới, các đòn bẩy kinh tế trên cơ sở tính tới đầy đủ sự đa dạng của các lợi ích của các chủ thể khác nhau, thu hút sự đầu tư của mọi thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, tư nhân...) trong và ngoài nước vào việc phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách xã hội lấy việc phục vụ con người là mục đích cao nhất của mọi hoạt động, bảo đảm công bằng xã hội, xác lập cơ chế pháp luật đảm bảo quyền tự do và quyền bình đẳng của mọi chủ thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế hoàng hoá đi lên CNXH, v.v....

Thực tiễn đổi mới đó trong lĩnh vực kinh tế của đất nước càng tiến triển sâu sắc, rộng rãi, và kết quả bao nhiêu càng làm nổi rõ hơn bao giờ hết những sai lầm biến dạng và khiếm khuyết của chế độ sở hữu trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

Trước hết, đó là sự tuyệt đối hoá XHCN dưới hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thểlấy quy mô, phạm vi của hai hình thức sở hữu làm thức đo cơ bản nó lên tính chất mức độ XHCN của sự phát triển kinh tế. Về thực chất và trên thực tế, đây là quá trình "Nhà nước hoá" sở hữu.

Sự "Nhà nước hoá" sở hữu được tiến hành bằng phương pháp mệnh lệnh này dẫn đến, một mặt là việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước với vị trí thống trị gần như tuyệt đối, và mặt khác là sự yếu kém, lệ thuộc và thiếu bền vững, ổn định của sở hữu và quyền sở hữu tập thể, sự tan rã, không được bảo hộ và bị thủ tiêu dần của sở hữu tư nhân.

ở đây, điều cơ bản không phải ở chỗ các hình thức và cơ cấu sở hữu của xã hội bị thu hẹp, bị nghèo nàn hoá. Điều khiến chúng ta day dứt và tỉnh ngộ chính là việc "Nhà nước hoá" sở hữu đó không những không giúp cho chúng ta khai thác được những tiềm năng lao động, của cải để đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế như chung ta mong muốn, mà ngược lại còn làm kiệt quệ, xói mòn và thậm chí huỷ hoại các tiềm năng đó, tạo ra ngày một sâu rộng hơn những khó khăn, bế tắc và khủng hoảng trong sản xuất kinh doanh.

Một trong những khiếm khuyết hết sức cơ bản, một thuộc tính đặc trưng khác của chế độ sở hữu trong cơ chế tập trung quan liêu là sự biến dạng sư tha hoá của sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. ở đây, muốn nói đến sự "vô chủ", sự tách rời người lao động, người chủ khỏi tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động làm ra.

Về nguyên lý và trên văn bản pháp lý, toàn bộ tài nguyên thiên nhiên và tài sản của xã hội (những tư liệu sản xuất chủ yếu) nằm trong sở hữu toàn dân thuộc về mọi người dân, toàn thể nhân dân mà Nhà nước là người đại diện. Nhưng trong cơ chế tập trung quan liêu, trên thức tế, người lao động không có vai trò gì quyết định trong việc sử dụng quản lý, định đoạt những tài sản, của cải đó. Người có quyền trong lĩnh vực này, về thực chất và trên thực tế, lại là bộ máy quản lý Nhà nước. Người lao động không xem sở hữu đó là "của mình". Dưới con mắt thực tế của người lao động, sở hữu toàn dân là sở hữu của bộ máy. Cái nghị lý ở đây chính là sự tha hoá, sự biến dạng đó.

Sở hữu tập thể (thí dụ, của các HTX sản xuất nông nghiệp) cũng nằm trong tình trạng đó. ở đây, người nông dân xã viên bị tách rời khỏi tư liệu sản xuất, hoạt động như một người làm thuê với nhiều ràng buộc khác nhau> Kinh tế gia đình bị hạn chế, cấm đoán.

Cho đến nay, chúng ta đều thấy rõ rằng, sự tha hoá, biến dạng của sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể đã làm cạn kiệt và mất đi sự quan tâm và sáng kiến của người lao động đối với việc sử dụng, khai thác và bảo vệ sở hữu được xem là "của mình". Một khi người lao động chỉ còn là người làm thuê thiếu tự do với cái giá không đủ để tái sản xuất sức lao động và mọi lợi ích kinh tế bị triệt tiêu thì bản thân sản xuất kinh doanh, kinh tế đã mất đi động lực phát triển cơ bản nhất.

Chúng tôi nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa của sự trì trệ và đình đốn của nền kinh tế nước ta trong thời gian qua chính là ở đó. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển và khởi sắc khi sự biến dạng, tha hoá được khắc phục. Thực tiễn hơn 3 năm thực hiện các chính sách kinh tế mới của Đảng và Nhà nước chứng tỏ điều đó.

Cuối cùng, theo chúng tôi, khi đề cập chế độ sở hữu trong cơ chế cũ không thể nói đến sở hữu tư nhân. Do nhận thức rằng sở hữu tư nhân "hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản", rằng đó là chế độ tư bản chủ nghĩa nên càng loại trừ, thủ tiêu càng sớm càng tốt. Trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, sở hữu tư nhân chỉ đơn giản là không thể dung hợp, là xấu xa, bẩn thỉu và do đó phải tiêu diệt.

Ngày nay, ai cũng thấy tính chất ấu trĩ và giáo điều quan niệm đó. Trong điều kiện kinh tế xã hội thấp kém và chưa phát triển của nước ta ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hôm nay, loại bỏ sở hữu tư nhân là loại bỏ một khả năng kinh tế tiềm tàng, đa dạng và hiệu quả góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, và mặt khác, sở hữu tư nhân "đẻ ra chủ nghĩa tư bản" trong điều kiện có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước XHCN là không có cơ sở.

Chúng ta đã đổi mới , đã và đang khuyến khích thành phần kinh tế tư ân phát triển vì sự giầu có của đất nước, của nhân dân và của bản thân họ. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật bảo hộ kinh tế tư nhân, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng. Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty mà Quốc hội vừa thông qua trong kỳ họp thứ tám (12/1990) vừa qua chứng tỏ điều đó.

Những quan điểm, nhận thức về sở hữu cũng như nhưũng hình thức kinh tế thực hiện nó với những sai lầm và khiếm khuyết nêu trên được phán ánh đậm nét trong sự xác lập về mặt pháp lý chế độ sở hữu, trong cơ chế pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu ở nước ta trong thời gian qua.

Sự xác lập và điều chỉnh pháp lý các quan hệ sở hữu này, một mặt, là sự phản ánh và củng cố, bảo vệ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, và mặt khác, do sự phát triển yếu ớt của khoa học pháp lý và nền pháp luật của đất nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, chứa phát triển đến độ hình thành một chế định pháp luật " quyền sở hữu" ổn định và phát triển. Điều đó thể hiện ở một khối lượng không nhiều, không đầy đủ, thiếu cơ bản và đầy mâu thuẫn của các quy phạm sở hữu hiện hành. Những quy phạm này nặng về quyền sở hữu Nhà nước và rất sơ lược về sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân, lệnh về mặt gìn giữ và bảo vệ, rất đơn giản và thiếu rõ ràng về nội dung, về các quyền năng của quyền sở hữu, còn lúng túng (thậm chí có chỗ còn lẫn lộn) và thiếu thống nhất trong việc xác định các hình thức thực hiện cụ thể các quyền năng của người sở hữu, sử dụng và sở hữu các loại sở hữu khác nhau.

Như vậy, trước yêu cầu của đổi mới kinh tế, của việc xác lập cơ chế kinh tế mới ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, xét khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh pháp lý, chế độ sở hữu cần được đổi mới để trở thành yếu tố có tác động quyết định đến sự phát triển kinh tế của đất nước, trở thành nhân tố quy định cơ chế kinh tế mới.

 

II.-

 

Để thực hiện chế độ sở hữu đa dạng, phức tạp của nên kinh tế hành hoá nhiều thành phần ở nước ta hiện nay, ngoài việc xác lập cơ chế kinh tế mới và những hình thức pháp luật thực hiện cơ chế kinh tế mới phù hợp với cơ cấu sở hữu đó, theo chúng tôi, cần xác lập cơ chế pháp lý đặc thù.

- Trước hết, cần xác lập và thực hiện chế định quyền sở hữu phức hợp, đa cơ cấu, nhiều cấp độ. Đó là chế định pháp luật đặc trưng, nền móng của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Điều này được giải thích ở chỗ tính chất và đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá, của sở hữu của cơ chế kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay quy định tính chất, đặc trưng của chế định quyền sở hữu.

Chế định pháp luật này xác lập và củng cố không chỉ tính đa dạng của các hình thức sở hữu mà còn cả tính phức hợp, tính nhiều cấp độ của các thể chế quyền sở hữu của nền kinh tế cũng như của bản thân mỗi loại hình quyền sở hữu. Tính phức tạp, nhiều cấp độ của các chủ thể quyền sở hữu tất yếu đòi hỏi phải giải quyết mối quan hệ giữa các chủ thể quyền sở hữu đối với một loại sở hữu cụ thể. Vấn đề cần đặt ra ở đây là, trong một chế định pháp luật quyền sở hữu cụ thể và thống nhất, cần xác định những quyền về nghĩa vụ pháp lý cụ thể của mỗi chủ thể sở hữu ở mỗi cấp độ và mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ pháp lý của chúng với nhaunhằm mục đích đảm bảo cho quyền sở hữu ấy được khai thác và phát triển đúng với ý nghĩa vai trò và tác dụng của nó, đồng thời tạo ra những điều kiện, "hành lang" thuận lợi để mỗi chủ thể sở hữu ở cấp độ trực tiếp thực hiện sở hữu chủ động, sáng tạo và có hiệu quả nhất sở hữu ấy.

Chế định pháp luật này bao gồm những quy phạm xác lập quyền sở hữu tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động của các chủ thể khác nhau đặc trưng cho các thành phần kinh tế đa dạng đang tồn tại và phát triển, đặc trưng cho quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khác nhau thuộc các cấp độ khác nhau ngay trong một thành phần kinh tế cũng như một loại hình sở hữu, bảo đảm cho các chủ thể quyền sở hữu thực hiện bình thường và bình đẳng, chủ động và sáng tạo những nội dung cụ thể của quyền sở hữu.

Chế định pháp luật này tạo ra những bảo đảm pháp luật cần thiết cho sự hình thành và thực hiện những hình thức sở hữu hỗn hợp, pha tạp phong phú, do kết quả của sự liên kết, hợp tác nhiều mặt và theo nhiều chiều, nhiều cách khác nhau của chủ thể sở hữu khác nhau trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta hiện nay.

Chế định pháp luật này còn giữ vai trò và có tác dụng to lớn trong việc liên kết việc thực hiện sở hữu hết sức đa dạng và quyền sở hữu của các chủ thể hết sức phong phú đó hướng vào việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế- xã hội thống nhất của đất nước mà Đảng và nhà nước đã vạch ra trong mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của xã hội nhằm đưa nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và hiệu quả.

Tóm lại, chế định quyền sở hữu của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đi lên CNXH mà chúng ta cần xác lập và thực hiện trong giai đoạn hiện nay sẽ là chế định pháp luật phức hợp, đa dạng cơ cấu, nhiều cấp độ đem lạinhững khả năng đa dạng cho các chủ thể sở hữu khác nhau thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả trên cơ sở sự quản lý đúng đắn của Nhà nước về kinh tế vì sự giàu mạnh của đất nước và hạnh phúc của bản thân mình.

ở đây, theo chúng tôi, trong chế định pháp luật đặc thù này, các quy định pháp luật được xây dựng, được kết hợp, bổ xung cho nhau, thống nhất và ăn khớp với nhau trên những cơ sở và cấu trúc mới. ở đây, sự thừa nhận tính đa dạng và phức tạp về lợi ích của các chủ thể sở hữu khác cũng như cơ cấu và sự kết hợp theo một cách mới cái "gam’ lợi ích khác nhau (thậm chí mâu thuẫn nhau) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các quy phạm của quyền sở hữu phức hợp, nhiều cấp độ đó được xem là sự bảo đảm chắc chắn và chặt chẹ thống nhất không thể tách rời giữa người sở hữu và người lao động, giữa người lao động với tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Và, chế định quyền sở hữu ấy được xác lập và thực hiện không có mục tiêu nào khác ngoài việc thúc đâỷ việc khai thác hiệu quả nhất mọi hình loại sở hữu vì sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của đất nưóc, thoả mãn tốt nhất các lợi ích và nhu cầu của xã hội, của mỗi người dân.

- Trong cơ chế pháp lý thực hiện sở hữu ở nước ta hiện nay, việc xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh tế và quyền bình đẳng trước pháp luật của chúng có tầm quan trọng đặc biệt.

 

Pháp luật cần định rõ các chủ thể sản xuất kinh doanh có được những thẩm quyền kinh tế như thế nào? Họ được hoạt động kinh tế trong phạm vi và giới hạn nào, mang những trách nhiệm pháp lý gì trước xã hội, trước Nhà nước và trước các chủ thể khác. Điều này tạo ra những điều kiện thuận lợi để họ thực sự yên tâm mang hết sức lực, trí lực và vốn liếng của mình tiến hành sản xuất, kinh doanh và đồng thời góp phần mình vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Những quyền và nghĩa vụ pháp lý này thể hiện những yêu cầu cơ bản, những lợi ích chủ yếu của xã hội, của bản thân người sản xuất kinh doanh cũng như của những tập thể của họ trong việc thực hiệ sỉ hữu theo hướng tạo ra những động lực thực sự mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất ổn định và phát triển không ngừng hiệu quả. Việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ pháp lý đó, tức là việc tham gia các quan hệ pháp luật... luật khác nhau sẽ bảo đảm không chỉ quyền tự do kinh tế, quyền bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể quyền sở hữu khác nhau, mà còn đem lại cho các chủ thể ấy những lợi ích chính đáng và hợp pháp, được bảo hộ mà họ quan tâm và mong muốn mỗi ngày một nhiều hơn.

Các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật ở đây có thể là những tổ chức, tập thể hoặc cá nhân. Đối với các tổ chức, tập thể hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những sở hữu khác nhau thì thẩm quyền kinh tế (các quyền và nghĩa vụ) phải thể hiện quyền tự chủ kinh tế của chúng. Pháp luật bảo đảm cho các tổ chức, đơn vị kinh tế thuộc các hình thức sở hữu khác nhau (những người sản xuất hàng hoá) có quyền rộng rãi trong việc tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Việc định rõ về mặt pháp luật những quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước quản lý kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế thuộc mọi hình thức sở hữu, loại trừ sự can thiệp thiếu căn cứ và hết sức vụn vặt của các cơ quan quản lý Nhà nước vào hoạt động và quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế.

- Cơ cấu sở hữu và cơ chế kinh tế mới đưa đến sự hình thành và mở rộng thực sự các mối liên hệ kinh tế nhiều chiều, nhiều cấp độ, làm thay đổi căn bản nội dung và hình thức thực hiện các mối liên hệ kinh tế giữa những người sản xuất hàng hoá (tổ chức và cá nhân) với nhau trong mọi lĩnh vực và ở mọi mặt của sản xuất, kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Nó thể hiện tính độc lập và năng động của các chủ kinh tế trong việc thực hiện sáng tạo quyền sở hữu, quyền sử dụng các tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động như những người chủ thực sự các tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động ấy.

Hình thức pháp luật của các mối quan hệ kinh tế là hợp đồng. Hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh bình đẳng với nhau nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế nhất định của các chủ thể đó chính là một trong những khâu quan trọng của cơ chế pháp lý thực hiện sở hữu, là đảm bảo pháp lý chủ yếu thực hiện quyền sở hữu.

Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần với cơ cấu sở hữu đa dạng và phức hợp, các mối liên hệ kinh tế không thể chỉ được xác lập về mặt pháp lý dưới hình thức một loại hình hợp đồng nào đó (như hợp đồng kinh tế đã thực hiện trong thời gian qua), mà là bằng cả một hệ thống phức tạp các hợp đồng. Chế định hợp đồng trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp là chế định pháp luật không phát triển, đơn điệu, khiên cưỡng và rất hình thức, rất kém tác dụng.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần xây dựng chế định hợp đồng mới về nội dung và đa dạng về hình thức, phát triển về cơ cấu và thực sự phù hợp với cơ cấu sở hữu cũng như cơ chế kinh tế hàng hoá nhiều thành phần hiện hay.

Vì các chủ thể của các quan hệ hợp đồng ngày nay không chỉ là các tổ chức kinh tế, mà còn là các cá nhân, tư nhân và các tổ chức của họ, vì vấn đề dân chủ hoá (và kế thừa những thành tựu dân chủ mà nhân loại đã đạt được trong lĩnh vực pháp lý) trong kinh tế đã được thực hiện và trên thực tế đang trở thành động lực to lớn của sự phát triển kinh tế nên rõ ràng không thể sử dụng trọng tài kinh tế trong việc giải quyết những tranh chấp hợp đồng như trước đây. Cần thay Trọng tài kinh tế bằng Toà án kinh tế. Toà án kinh tế không chỉ là cơ quan giải quyết những tranh chấp hợp đồng, những xung đột giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, mà còn có nhiều những chức năng khác liên quan đến việc bảo đảm pháp luật, pháp chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý kinh tế của các chủ thể khác nhau.

- Trong cơ chế pháp luật thực hiện sở hữu trách nhiệm pháp lý là yếu tố có vai trò to lớn. ở đây, trước hết và quan trọng nhất là trách nhiệm vật chất, trách nhiệm tài sản. Trong hoạt động kinh tế, một khi xẩy ra những vi phạm pháp luật gây thiệt hại về mặt vật chất cho chủ thể này hoặc chủ thể khác thì với việc áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất tài sản bị xâm hại và bị tổn thất thuộc sở hữu sử dụng của họ được bù đắp, được bảo tồn. Điều này đảm bảo cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh được tiến hành liên tục, bình thường.

Những loại trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, v..v... có tác dụng bảo vệ quyền sở hữu của các chủ thể kinh tế khỏi bị vi phạm.

- Để thực hiện sở hữu, quyền sở hữu cần giải quyết phù hợp vấn đề quản lý Nhà nước về kinh tế. ở đây, một loạt vấn đề pháp lý đặt ra cần giải quyết. Trước hết, đó là vấn đề quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế hàng hoá thành phần. Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược kinh tế- xã hội, khoa học- kỹ thuật, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế, kiểm tra và kiểm soát, xây dựng và bảo đảm thực hiện hệ thống pháp luật kinh tế, thuế và điều tiết, xây dưngh và hoàn thiện bộ máy quản lý, v.v... Sự quản lý kinh tế của Nhà nước như vậy tạo ra những điều kiện, môi trường thuận lợi để các chủ thể kinh tế sử dụng tốt sở hữu của mình cũng như hợp tác với nhau để khai thác hiệu quả nhất sở hữu của nhau cũng như của toàn xã hội.

ở đây, điều quan trọng hàng đầu là Nhà nước cần xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ pháp luật về sở hữu trong đó luật sở hữu giữ vị trí hạt nhân, tiến tới hình thành một chế định quyền sở hữu thực sự phát triển và đồng bộ ở nước ta. Từ quan điểm này, việc ban hành luật sở hữu là cần thiết.

 

 

Một số ý kiến về sở hữu toàn dân

------------------

 

 

Hà Nghiệp

9 - 1989

 

Về sở hữu toàn dân, tức là quan niệm và thái độ của ta đối với quốc doanh, thì đây là vấn đề nhạy cảm nhất. Lâu nay, ta vẫn coi công hữu hoá tư liệu sản xuất chủ yếu, quốc doanh hoá nhà máy, xí nghiệp, nông lâm trường... như là mục đích, coi đó là dấu hiệu cao nhất của CNXH. Vì vậy, mặc dù trình độ của LLSX còn rất thấp, tính chất xã hội hoá còn rất hẹp, nhưng chúng ta đã quốc doanh hoá trên phạm vi rộng, có tính chất phổ biến và làm việc đó với bất cứ giá nào. Chung ta đã áp dụng máy móc mô hình về CNXH truyền thống, là cái mà Mác đã mô tả về CNXH sau giai đoạn phát triển cao của CNTB, vào nền kinh tế tự cung tự cấp. Thậm cjí đã áp dụng mô hình đó ở nhiều nước, nơi còn mang nhiều dấu vết của nền kinh tế tự nhiên, bất chấp tính biện chứng và tính kế thừa lịch sử. Làm như vậy, chúng ta đã vi phạm quy luật cơ bản của duy vật lịch sử về mối quan hệ giữa LLSX và QHSX. Cái giá phải trả rất đắt cho sự ngộ nhận đó, điều này mọi người đều dễ dàng nhận thấy ở hiệu quả thấp kém của nền kinh tế. Rõ ràng nay phải sửa nhưng chúng tôi cho rằng bày ra thì dễ, sửa khó hơn nhiều. Phải sửa, nhưng phải có cách làm, cách sửa đúng, nếu không sẽ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Để sửa cái sai vừa kể trên, trước hết cần xác định rõ mấy điều sau đây:

Bỏ thuật ngữ "sở hữu nhà nước" mà nhiều người lâu nay quen dùng- Điều này dễ gây ra hiểu lầm và dù muốn hay không đã biến nhà máy (và tất nhiên cả sản phẩm mà nó làm ra) thành sở hữu của một số ít người có chức quyền, có điều kiện trực tiếp chi phối hoạt động kinh tế, từ đó có đặc quyền, đặc lợi. Thay bằng thuật ngữ "sở hữu toàn dân" về tư liệu sản xuất chủ yếu (ruộng đất, tài nguyên, sân bay, bến cảng, hầm mỏ...). Đây là tài nguyên thuộc về nhân dân, chứ không phải chỉ thuộc về các cơ quan nhà nước, dù ta có nói là cơ quan nhà nước đại diện cho dân chúng đi nữa. Điều xảy ra vừa nói ở trên chính làhậu quả của việc trực tiếp giao quyền chi phối hoạt động kinh tế từ A đến Z cho các cơ quan quản lý Nhà nước, biến sở hữu toàn dân thành sở hữu của một số ít người, có nhiều quyền lợi mà hoàn toàn vô trách nhiệm.

Song nói "sở hữu toàn dân" cũng lại dễ gây ra tình trạng vô chủ: phá rừng, hỏng máy, hư nhà... là biểu hiện của tình trạng đó. Cách giải quyết vấn đề này là như sau:

A. Nhà nước (chính quyền trung ương và địa phương) thay mặt nhân dân (chủ sở hữu) đóng vai trò người quản lý, bảo đảm tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân hoạt động đúng định hướng (chiến lược quy hoạch lón...), theo đúng luật pháp, bảo tồn và phát triển vốn sở hữu đó.

B. Tập thể lao động (hội đồng xí nghiệp, hội đồng công nhân) được nhân dân uỷ quyền thay mình làm người chủ cụ thể sử dụng các tư liệu đó, để tiến hành hoạt động kinh doanh đúng định hướng, đúng luật, làm cho nó phất triển. Để có thể đạt hiệu quả tối ưu, ta cũng không loại trừ trường hợp tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân được trao cho cá nhân người lao động hay hộ gia đình sử dụng (như đất đai, rừng, ao hồ....).

Các hình thức trao quyền sử dụng là: giao khoán thông qua khế ước ràng buộc nhất định, đấu thầu, cho thuê...được thể chế hoá thành luật pháp.

Như vậy, nhân dân trao sở hữu của mình cho hai đối tượng: Chính quyền thay mặt mình quản lý; người lao động, tập thể đơn vị, tổ chức kinh doanh hoặc người lao động thay mặt mình sử dụng sở hữu đó.

Nhân dân, qua cơ quan mình cử ra là Quốc hội giữ quyền lập pháp, giới hạn quyền hạn của chính quyền quản lý và cả của người và đơn vị kinh tế sử dụng - Chính quyền các cấp dứt khoát không được trực tiếp kinh doanh và chỉ đạo kinh doanh. Có thể hình dung một cách thô thiển cho dễ hiểu là: nhân dân như ban tổ chức một cuộc thi đấu bóng đá, giao cho chính quyền làm trọng tài và giao cho các đơn vị kinh tế làm cầu thủ. Trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mọi người được xác định trên cơ sở đó: thổi còi theo luật, đá cũng phải theo luật- Ai sai luật đều phải xử trí, kể cả trọng tài, thổi coi bậy thì phải cách chức, giáng cấp, phạt tiền, truy tố. Và xử trí cũng là theo luật, không thể tuỳ tiện theo ý riêng của người nào. Trong một xã hội có kỷ cương, không ai được đứng trên hoặc pháp luật.

Đương nhiên, quan niệm của chúng ta toàn bộ công cuộc phát triển kinh tế nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung đều do Đảng ta lãng đạo; song phảp nói rõ là lãnh đạo chứ không phải các cấp bộ Đảng trực tiếp làm. Thế là lãnh đạo cũng là vấn đề rất lớn, song ở đây có lẽ chưa phải chỗ bàn. ở chỗ khác chắc chắn sẽ phải bàn sau và kỹ hơn.

Từ những điều vừa nêu trên đây về hướng điều chỉnh quan hệ sản xuất cho phù hợp với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất, có thể nói tóm tắt cách xử lý đối với khu vực quốc doanh trong thời gian tới, theo quan điểm phát triên nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.

a) Đối với khu vực thương nghiệp bán lẻ như các cửa hàng bách hoá vừa và nhỏ, khu vực dịch vụ, ăn uống quốc doanh,thời trang, may mặc quốc doanh, cắt tóc quốc doanh, nhà tắm công cộng quốc doanh..., tiến hành cho thuê, đấu thầu, trước hết cho chính tập thể cán bộ, công nhân viên chức của các cơ sở đó. Nếu họ không nhận thì mở rộng đấu thầu cho các cơ sở khác cho tập thể lao động hoặc có thể cho một nhóm hoặc cá nhân. Những người chuyển sang khu vực này sẽ không còn trong biên chế nhà nước nữa. Nhà nước thôi không nuôi họ như chế độ bao cấp lâu nay, mà chuyển sang chế dộ người dân tự nuôi mình và đóng góp (thuế, tên thuê, tên đấu thầu) để nuôi bộ máy quản lý và xây dựng đất nước. Làm như vậy là trở lại với đời thường, làm hợp quy luật mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Quan niệm về CNXH cũng không nên lập dị muốn làm cái trái với đời thường, không hợp qui luật. Chẳng những không nên, mà cuối cùng vẫn không làm được. Chính sách đánh giá kinh doanh mà chúng ta thường gọi tắt là một giá đã được thi hành mấy tháng nay, có nhiều biểu hiện tích cực. Đó chính là bước đi hợp quy luật, trở lại với đời thường.

Quốc doanh cố gắng nắm bán buôn, và làm cho có hiệu quả, làm ít khâu, mà làm thật tốt thì sẽ chi phối được nền kinh tế quốc doanh nắm cả cắt tóc, tái dê, bún ốc... thì thực tế không làm chủ đạo được đâu, mà làm chủ đạo những cái đó để làm gì?

Việc này có thể làm sớm, làm ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới.

b) Đối với các cơ sở công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông lâm hải sản, công nghiệp hàng tiêu dùng..., sẽ làm ở bước sau, tích cực, nhưng phải đúng lúc khi việc đã chín muồi, không nên quá vội; nhất là không nên làm nhất loạt một lúc, sẽ rất phức tạp. Làm từng cơ sở hoặc một số trong từng thời gian, xử lý được đến đâu làm đến đó.

Cách làm phổ biến là: từng bước hình thành các xí nghiệp cổ phần, công ty cổ phần, công ty hỗn hợp, huy động các thành phần khác cùng bỏ vốn với quốc doanh để trang bị lại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra thế đan xen của các thành phần kinh tế (kể cả hợp doanh với nước ngoài và với Việt kiều).

Các xí nghiệp lỗ kéo dài nên làm trước. Ngay cả các xí nghiệp có hiệu quả cũng có thể làm cách này, nhưng ở các bước sau, ví dụ từ cuối 1990, bước sang 1991 chẳng hạn. Vì làm là đề cho có hiệu quả cao hơn nữa, huy động được nhiều năng lực cuat toàn dân hơn nữa và phát triển kinh tế.

Trong công nghệ chế biến chẳng hạn, có thể quốc doanh chỉ nắm chắc một vài khâu quyết định, như khâu tinh chế cao cấp, để xuất khẩu, còn các khâu sơ chế, bán tinh chế ... thì để cho cá nhân, tập thể làm.

Cứ làm từng bước như tằm ăn rỗi, đến một lúc, sau vài ba năm sẽ thấy xuất hiện một cục diện mới của nền kinh tế. Những công ty, xí nghiệp hỗn hợp, cổ phần; liên kết ngang thì các liên đoàn, hiệp hội... sẽ ra đời và lớn mạng cùng với sự lớn mạng của nền kinh tế hàng hoá. Chúng ta chưa thạo kinh doanh, phải vừa làm, vừa học, đi từ nhỏ đến lớn, từ bộ phận đến toàn thể, từ từng mặt đến toàn diện, đòi hỏi phải có thời gian, không vì cảm tính mà lại rời từ thái cực này sang thái cực khác...

Những hình thức vừa nêu trên đây nằm trong khuôn khổ của chế độ hợp tác và CNTB Nhà nước, sẽ là những hình thức tưng đối phổ biến, với nhiều quy mô, mức độ, trình độ (kỹ thuật; quản lý) khác nhau, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hàng hoá. Quốc doanh Nhà nước có thể bỏ vốn với tư cách cổ đông. Cổ đông lơn hay cổ đông nhỏ là tuỳ sức ta và tuỳ ta thấy cái nào Nhà nước cần nắm, cần chi phối ít nhiều. Còn cái không cần nắm thì chẳng cần bỏ vốn. Ví dụ làm bóng bay cho trẻ chơi thì dây chuyền của tư nhân, của tập thể ..., Nhà nước có lẽ chẳng cần góp vốn cổ đông làm gì.

Toàn bộ vốn liếng, nguồn lợi xã hội sẽ được động viên vào phát triển kinh tế, đó là dấu hiệu tốt lành, ta có luật để khuyến khích cái tốt, hạn chế cái xấu cái tự phát không to.

Những cơ sở này thuộc loại hình xí nghiệp cổ phần, công ty cổ phần cũng không phải do Nhà nước nuôi nữa, kể cả những người do Đảng và Nhà nước cử ra là trong đó. Mọi người làm việc, sản xuất, kinh doanh tự nuôi mình và đóng góp cho Nhà nước. Hiệu quả càng cao thì thu nhập càng cao và đương nhiên mức đóng góp cho xã hội cũng càng nhiều. Nhà nước và nhân dân trân trọng đối với những đóng góp đó.

Trong nông nghiệp, các nông lâm trường cũng giao đất cho công nhân viên chức để họ làm và đóng góp. Quản lý ở đây trở thành "dịch vụ hai đầu": Cung cấp kỹ thuật, giống, phân.... và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả đều thêo quan điểm kinh tế hàng hoá - những người quản lý cũng nhận thu nhập theo kết quả dịch vụ, không ăn lương hành chính. Quan điểm của chúng tôi là về lâu dài sẽ hình thành một cách khá phổ biến các loại trang trại (nông trại, lâm trại, ngư trang...) là hình thức đã được thử thách trên con đường đi lên sản xuất lớn trên thế giới và đã thành công rồi. Cho nên trang trại tuỳ theo hiệu quả, năng lực quản lý ... mà xác định.

c) Đối với kết cấu hạ tầng và một số lĩnh vực công nghiệp then chốt: giao thông vật tải, thông tin liên lạc, công nghiệp quốc phòng, năng lượng (dầu khí, điện), nước... thì Nhà nước trực tiếp nắm - vốn là của Nhà nước tổ chức quốc doanh là phổ biến. Đây chính là những "đầu não, đài chỉ huy" của nền kinh tế như ghi trong Nghị quyết Trung ương VI (Khoá VI).

Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, cũng không loại trừ tính linh hoạt, không máy móc. Ví dụ điện (cả thủy điện) Nhà nước nắm hoàn toàn, như làm bốc xít thì có thể hợp tác liên doanh với Liện xô, với Nhật chẳng hạn – giao thông vận tải thì Nhà nước trực tiếp đầu tư làm đường sã, mà cũng có thể cho nước nào đó đấu thầu, chẳng hạn làm đường cao tốc Hà nội - Hải phòng, rồi thu tiền đường (bằng ngoại tệ) để trang trải một số năm. Những phương tiện như tầu Viễn dương, xe lửa, máy bay Nhà nước nắm, như ô tô vận tải thì có thể liên doanh, cũng có cản vận tải tư nhân, tập thể... Tóm lại, cũng rất linh hoạt, nhưng nét nổi lên ở đây là Nhà nước, Các công ty quốc doanh nắm chắc những cái then chốt nhất, chẳng hạn bưu điện viên thông thì ta phải nắm chặc, dù hợp doanh với úc để làm, ta cũng không thể không nắm hoặc nắm lỏng lẻo được.

d) Riêng những cái quốc doanh nắm hoàn toàn thì thực hiện theo tinh thần của điểm 3 về sở hữu như nói ở trên - Nhà nước giao khoán tài sản cho tập thể lao động tiến hành kinh doanh - có chế độ tài trợ đối với một số nếu đó là cái chắc chắn phải nắm và vì nhiều lý do phải chịu lỗ trong một số thời hạn nhất định. Nói chung thì phấn đấu cho có lãi là tốt. Bởi bỏ điều quy định giám đốc vừa là người đại diện cho Nhà nước, do Nhà nước nước bổ nhiệm, lại vừa là người đại diện cho tập thể lao động. Điều này vô nghĩa, không thể có "hai mang" như vậy được.

Tập thể lao động nhận giao khoán, có hội đồng xí nghiệp với chủ tịch Hội đồng (kiểu như chủ tịch Hội đồng quản trị ở các công ty họp doanh, cổ phần) - Nếu Bí thư Đảng uỷ được tín nhiệm được bàu ra làm chủ tịch Hội đồng thì tốt; nhưng cũng nên coi đó là điều bắt buộc - giám đốc do Hội đồng cử, có thể là người trong Hội đồng, có thể không, thậm chí có thể là người ngoài xí nghiệp mà Hội đồng thuê vào làm - Tôi cho không nên dùng chữ giám đốc chung chung. mà nên dùng giám đốc điều hành là rõ nhất. Phương hướng sản xuất, hướng phát triển ... của xí nghiệp do Hội đồng xí nghiệp quyết định và Chủ tịch Hội đồng đại diện cho Hội đồng ký kết hợp đồng. Như vậy, Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp mới đích thực là đại diện pháp nhân. Còn giám đốc là người điều hành tác nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng đã được Hội đồng xí nghiệp quyết định. Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng, thể thức cử, cách tuyển giám đốc, bãi nhiệm giám đốc hay thành viên Hội đồng ..., là những cái cụ thể sẽ được quy định trong điều lệ xí nghiệp, theo đúng pháp luật. ở đây không đi sâu quá vào chi tiết.

Như vậy, có thể tóm tắt là: ít nhất là trong thời ký quá độ lên CNXH, chúng ta chấp nhận các hình thức sở hữu khác nhau, kể cả sở hữu tư bản tư nhân trong đó hình thức sở hữu phổ biến sẽ là sở hữu hỗn hợp (xin đừng hiểu phổ biến nhất thiết là lớn; phổ biến nghĩa là nhiều, nhưng cũng có thể là nhiều cái nhỏ, cộng lại vẫn bé hơn là ít cái lớn. Quốc doanh trức tiếp nắm chỉ một số ít khâu, nhưng là những khâu then chốt đặt biệt là kết cấu hạ tầng. Nắm chắc những khâu đó thì thực chất là chi phối nền kinh tế). Còn sở hữu toàn dân (bao gồm đất đai, rừng biển, hầm mỏ, bến cảng, đường sá...) thì được phân được quyền quản lý và quyền sử dụng kinh doanh. Người quản lý đại diện cho dân để quản lý sở hữu toàn dân - Tập thể hoặc cá nhân lao động đại diện cho dân để kinh doanh bằng sở hữu toan dân đó, đóng vai trò người làm chủ cụ thể. Đá bóng phải có trọng tài, nếu không thì về Chính phủ. Nhưng trọng tài kiêm cầu thủ thì còn vô Chính phủ hơn nhiều.

Trọng tài + cầu thủ giỏi mới ra trận đá hay và đá đúng phân công trong quản lý và sử dụng sở hữu toàn dân chính là để tạo ra kinh doanh và kinh doanh hay, để phát triển kinh tế để chông vô Chính phủ.

Vậy thì vì sao lại nói đó là không phải CNXH? Tôi cho rằng đó mới đích thực là CNXH chứ. Nếu không như thế thì như mô hình tả ở trên, nó sẽ là "cát cứ phong kiến", là vô chủ, là những ông chủ có chức, có quyền, có đặc quyền, đặc lợi, làm gì có CNXH được? Chính phủ Trung ương chẳng được gì, dân cũng chẳng được gì !

Đảng ta phải lãng đạo sự nghiệp đổi mới trong kinh tế theo hướng trên đây - làm được điều đó thì nhất định sẽ xây dựng được nước ta giầu đẹp, văn minh, vững mạnh, xây dựng nền dân chủ, tôn trong tự do của con người theo tinh thần pháp luật. Phải chăng như thế thì chính là xây dựng CNXH chứ còn gì nữa - và chính từ đó, Đảng sẽ xứng đáng là người lãnh đạo, ngay tầm với sứ mệnh lịch sử, được nhân dân tin cậy - Và một nước dân chủ, giầu mạnh do Đảng ta được nhân dân tin yêu, coi là người lãnh đạo của mình thì nước là gì nếu không phải là nước XHCN. Đây là một số ý kiến sơ bộ, xin gửi tới Hội nghị tham khảo. Xin nói thêm ít câu xung quanh vấn đề luật pháp - Muốn đã bóng hay và đúng, phải có luật, trong đó người ta chủ quy định một số điều cấm, ngoài ra là được tự do; tự do sáng tạo các đường bóng, các miếng kỹ thuật, các thủ thuật phối hợp, các va chạm (trong kinh tế là cạnh tranh) hợp luật..

Trong kinh tế nói riêng và cuộc sống nói chung chắc cũng vậy, một công dân đều có quyền làm tất cả, chỉ trừ điều luật cấm – Tự do đó là rất cần thiết cho sáng tạo, chỉ không được vi phạm những điều cấm mà thôi.

Xin đề nghị "Khẩn trương đưa tinh thần và nội dung đổi mới vào pháp luật và sớm đưa pháp luật được đổi mới đó vào cuộc sống" để cho nhân dân phấn khởi, yên tâm, tư do sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Phải chăng đó là điều quan trọng nhất của ngành luật pháp luac này? Xin chúc Hội nghị thành công.

 

Một số ý kiến về vất đề sở hữu Nhà nước

và giao tài sản trong

các xí nghiệp quốc doanh (công nghiệp)

--------------------

 

 

Nguyễn Đình Lộc

 

 

1. Vấn đề sở hữu. mà trước hết là sở hữu Nhà nước, đang là loại vấn đề nổi cộm hiện nay và trên thực tế, đang trở thành loại một vấn đề có tầm quan trọng, hàng đầu, vì suy cho cùng, sự giải quyết đúng đắn nó sẽ có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới của toàn xã hội ta.

Gần như một nghịch lý, nhưng là một sự thật là sở hữu Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xét theo nguồn gốc, đã tồn tại hơn 70 năm và riêng ở Việt nam đã có lịch sử gần 40 năm, đến hôm nay chúng ta phải giật mình là chưa có sự hiểu biết bao nhiêu về nội dung đích thực của nó và trong quá trình đa dạng hoá sở hữu hiện nay, vấn đề sở hữu nhà nước lại là vấn đề mà theo nhận thức của chúng tôi, là còn khá mơ hồ và khó nắm bắt nhất; từ đó, điều dễ hiểu là đang tồn tại sự lúng túng thực sự trong việc xác định hình thức, phương pháp thực hiện quyền sở hữu này.

Đến nay, hầu như không còn người nào phủ nhận rằng sự ngộ nhận máy móc tồn tại trong suốt mấy thập kỷ qua đã đưa đến sụ xác định sai lệch nội dung quyền sở hữu Nhà nước đã duy trì lâu dài cái cơ chế méo mó thực hiện quyền sở hữu này, và đièu đó đã mang lại những hiệu quả thực sự có tính chất tai họa về nhiều mặt trên quy mô toàn xã hội.

Hiện tại điều chúng ta cần kịp thời lưu ý là: phải chăng đang xuất hiện một loại ngộ nhận khác không kém phần tai họa chỉ có khác là nó đối lập với sự ngộ nhận đã bị phê phán: việc xác lập chế độ sở hữu Nhà nước (xã hội chủ nghĩa) bị nhìn nhận như một sai lầm lịch sử, trái với quy luật; nó chỉ là một con quái vật mang tính phá hoại?

Không chỉ các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng Mác-xít mà là cả các chuyên gia tư sản có đầu óc khách quan, lành mạnh đều khẳng định: toàn bộ vấn đề, nguyên nhân dẫn đến các tai hoạ trong quá khứ không phải ở bản thân chế độ sở hữu Nhà nước nói chung mà chính là ở những phương thức biện pháp, hình thức, cơ chế thực hiện chế độ sở hữu Nhà nước; "ở nghệ thuật, phương pháp quản lý, sự không hoàn chỉnh của hệ thống kích thích", ở sự vi phạm "giới hạn của việc Nhà nước hoá sở hữu..., tính độc lập của các khâu đầu tiên trong sản xuất".

Điều đáng mừng là hiện đã xuất hiện một tình hình đầy khích lệ: sự năng động đáng ghi nhận trong tư duy và cả trong hoạt động thực tiễn nhằm tìm kiếm những con đường đổi mới một cách căn bản nhận thức về chế độ sở hữu Nhà nước, từ nội dung cho đến cơ chế biểu hiện đặc thù và đều có tầm quan trọng đặc biệt: tìm kiếm, phát hiện những con đường xây dựng một cơ chế tổng quát biểu hiện các quyền năng sở hữu và cơ chế vận hành với các phương pháp, hình thức, biện pháp đặc thù bảo đảm hiệu quả thực tế của sở hữu Nhà nước.

2. Xét về mặt nguồn gốc, khái niệm "sở hữu" và "quyền sở hữu" ra đời rất sớm và có thể nói không ngoa rằng đó là một trong những thành quả lớn vào bậc nhất cuả văn minh cổ đại chính là trong xã hộiLa mã cổ đại, khái niệm "sở hữu" đã xuất hiện và được thể chế hoá bằng pháp luật với ba quyền năng hợp thành một chính thể bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Tính chính xác, khái quát cao của quy định dân luật La mã cổ đại về quyền sở hữu là không thể bàn cãi vì đã được thời gian kiểm nghiệm. Và điều luật độc đáo là chính cái khái niệm do dân Luật La mã, đưa ra hàng ngàn năm trước lại được vận dụng rộng rãi, nhất trong thời kỳ hiện đại và về cơ bản, được kế thừa và trở thành chế định quyền sở hữu của Bộ dân Luật xã hội chủ nghĩa đầu tiên Bộ dân Luật Cộng hoà Liên Bang Nga năm 1922.

Nhưng dù sao khái niệm quyền sở hữu của dân Luật La mã trước hết là thích hợp và được vận dụng rộng rãi ở những nơi mà quyền tư hữu tài sản có tính phổ biến. Sự ra đời của quyền sở hữu Nhà nước toàn dân lần đầu tìm trong các nước xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiều vấn đề phải xử lý và như thực tế chỉ rõ, đã có cố gắng tìm tòi chính đáng, tuy không phải bao giờ cũng đúng đắn nhằm bbổ sung khái niệm quyền sở hữu của luật La mã thích hợp với yêu cầu mới của quyền sở hữu Nhà nước (toàn dân).

Phải nói rằng, không đơn thuần từ góc độ học thuật và Lịch sử mà chính là từ yêu cầu của thực tế cuộc sống vấn ddề lịch sử hình thành, phát triển của khái niệm sở hữu Nhà nước (toàn dân) xã hội chủ nghĩa xứng đáng trở thành một chuyên đề hội thảo khoa học. Chắc chắn rằng một hội thảo khao học như vậy sẽ cung cấp không ít tư liệu quí báu và quy kết xác đáng về con đường hình thành, phát triển trong lý luận vầ về mặt lập pháp, lập quy và trong hoạt động thực tiễn của quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa toàn dân.

Cùng với việc xác lập chế định sở hữu Nhà nước, toàn dân (xã hội chủ nghĩa), trước hết là trong lĩnh vực đất đai đã định hình khái niệm "quyền quản lý" với tính cách là quyền năng thứ tư những năm ba mươi đã ra đời chế định "quyền quản lý tác nghiệp" tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong các xí nghiệp kinh tế quốc doanh và trong gần nửa thế kỷ nó trở thành một chế địn bao trùm, rường cột của cơ chế quản lý nền kinh tế tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Cần phải nhìn nhật và xem xét chế định này một cách tỉnh táo. Phải chăng nó là toàn bộ nguồn cơn của mội tai họa như hiện nay một số người dễ dàng quy kết hay là nguồn gốc của tai họa còn còn ở những chỗ khác, và vậy thì mức độ trách nhiệm mà nó phải gánh chịu là như thế nào và trong nội dung của nó có một tý gì mang tính hợp lý không?

Đây là một vấn đề tửng như đã thuộc về lịch sử và là một lịh sử bị lên án, trên thực tế, từ đầu nó đã đặt ra những vấn đề mà chính thực tế cuộc sống hiện cũng đang đặt ra và đang đòi hỏi có sự giải đáp thích đáng.

Rõ ràng, đối với hình thức sở hữu Nhà nước, toàn dân (xã hội chủ nghĩa) ngay trong điều kiện đổi mới, hiện nay, chúng ta càng thấy rõ khái niệm quyền sở hữu cổ điển, truyền thống cần phải được bổ sung, hoàn chỉnh. Cái gọi là "quyền quản lý", quyền quản lý "tác nghiệp" phải chăng chỉ là những án đầu tiên nhằm thực hiện yêu cầu đó. Điều sai lầm, và có thể nói là điều tệ hại thực sự phải chăng chỉ là ở chỗ chúng đã được duy trì, tồn tại quá lâu mà không được bổ sung, chỉnh lý, hoàn chỉnh kịp thời.

Nhân đây, có lẽ phải đề cập đến một nhận xét khá độc đáo, rất bất ngờ đối với chúng ta của các chuyên gia tư bản cho rằng, các xí nghiệp quốc doanh tồn tại trong các Nhà nước xã hội chủ nghĩa có một cơ cấu sở hữu hết sức mơ hồ. Một mặt, các xí nghiệp quốc doanh thuộc sơ hữu toàn dân. Họ cho rằng một cơ cấu sở hữu như vậy là qua phân tán, nhất là trong những nước có hàng trăm triệu, hàng tỷ dân ... Mặt khác, "Các xí nghiệp quốc doanh trong thực tế lại chịu sự quản lý hoặc của một bộ Trung ương, hoặc của một sở ở tỉnh, thành phố hoặc cả hai. Như vậy, trên thực tế sở hữu lại tập trung cao độ".

Phải chăng, chính ở cái gọi là "hết sức mơ hồ" này thể hiện nếu không tất cả thì cũng hầu như tất cả tích phức tạp của sở hữu Nhà nước (toàn dân) và vì vậy khái niệm sở hữu truyền thống không còn thật thích hợp và vấn đề đặt ra là phải tìm một khái niệm sở hữu tương ứng, thực chất là sự bổ sung cần thiết khái niệm sở hữu truyền thống chứa đựng được tất cả cái phức tạp vốn có của sở hữu Nhà nước toàn dân, để từ đó xây dựng một cơ chế thích hợp có khả năng đưa vào vận hành các năng lực vốn có, tiền ản của hình thức sở hữu đặc thù này.

Điều cũng cần thấy rằng, sở hữu tư nhân tư tư sản, vốn được xem là hình thức đối lập với sở hữu Nhà nước xã hội chủ nghĩa như nước với lửa mà hiện nay trong con mắt của một số người đang trở thành một phương thuốc vạn năng cho mọi căn bệnh xã hội, tại nhiều nước trên thực tế đã có sự biến dạng đáng kể, đã phát triển đến những quy mô "xuyên quốc gia" với một cơ cấu sở hữu cũng hết sức phân tan và khái niệm sở hữu truyền thống với ba quyền năng và cơ chế vận hành truyền thống cúng không còn thích hợp một mặt, nhà tư bản triệu phú, tỷ phú không còn khả năng trực tiếp quán xuyến mọi công đoạn vận hành của cơ chế sở hữu với ba quyền năng mà bắt buộc phải thông qua một bộ máy, một lớp người kỹ trị điều hành, quản lý để bảo tồn, phát triển, thực hiện quyền định đoạt khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, một mặt khác, người lao động với tư cách là người làm thuế, bán sức lao động, phải chịu một sự bóc lột hiển nhiên, nhưng lao động trong một tổ chức lao động hợp lý với một hệ thống kích thích lợi ích thích hợp, bằng những công cụ lao động ngày càng được hiện đại hoá, vẫn, đã và đang tạo ra một năng suất lao động không thể chê trách.

Như vậy, tính chất của vấn đề là khá phức tạp, vấn đề không đơn giản là thay thế hình thức sở hữu này bằng hình thức sở hữu khác, đối lập, phủ định nhau và cho đó như là lối ra duy nhất.

3. Hiện nay, điều mà hầu như được mọi người thừa nhận tính chất đúng đắn của nó là chủ chướng đa dạng hoá sở hữu. Đây chắc chắn sẽ là một quá trình phức tạp mà không ít những dích dắc. Điều cơ bản là cần dứt khoát khẳng định là: đa dạng hoá sở hữu hoàn toàn không đồng nghĩa với việc phi Nhà nước đồng loạt các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước và lsf sự ra đời của các loại hình kinh tế đan sen, liên doanh, liên kết của các thành phần kinh tế. Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 1990 đã tạo ra một cơ sở pháp luật tuy chưa thực sự hoàn chỉnh, đầy đủ nhưng rất cần thiết và đáng tin cậy cho sự hình thành các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Có thể hình dung trước rằng, từ quy định của luật do Quốc hội ban hành đến hệ thống các văn bản cụ thể hoá do Hội đồng Bộ trưởng và các bộ ban hành, và đặc biêt, đến hoạt động thực tiễn của các nhà doanh nghiệp chắc chắn đòi hỏi không ít thời gian, các bước thử ngiệm, những hình thức tập dượt từ phía quản lý của Nhà nước cũng như từ bản thân các nhà doanh nghiệp là pháp nhân hoặc thể nhân. Từ môi trường pháp lý tin cậy do Nhà nước bảo đảm đến môi trường tâm lý tin cậy cũng đòi hỏi phải có thời gian, nhất là sau các cú sốc về tín dụng tình trạng phân tâm càng không dễ khác phục.

Như nhiều nhà lý luận, quản lý và cả các nhà doanh nghiệp khẳn định, có lẽ con đường thành lập các Công ty cổ phần theo Luật Công ty mà cổ đông là thuộc đủ các thành phần kinh tế là hình thức sẽ có sức sống bên cạch các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cũng sẽ nảy nở, ra đời, nhất là ở Miền Nam.

Dù rằng chưa thể hình dung ra cụ thể từng bước đi sắp tới của quá trình này, nhưng những định hướng lớn ngay từ bây giờ đã có thể hình dung và đây không phải chủ đề mà chúng tôi mong muốn phát biểu, trình bầy ý kiết của mình tại Hội thảo này, vì vậy, xin phép chỉ lướt qua.

4. Như trên đã đề cập đến, vấn đề lớn, vấn đề khó khăn - đương nhiên, không phải là loại vấn đề hoàn toàn lan giải nhưng là vấn đề thực sự phức tạp vẫn là vấn đề sở hữu toàn dân.

Chắc chắn rằng từ những bài học - chủ yếu là chưa thành công, rút ra được từ quá khứ, với thái độ cầu thị, như Lê Nin nói, sẵng sàng làm thử đến hàng chục lần, chúng ta sẽ được thực tiễn chỉ cho cái phương thức biện pháp, cơ chế thích đáng có khả năng đưa vào vận hành thực thi cả chế độ sở hữu Nhà nước.

Để tránh chủ quan dễ rãi trong thai độ của mình có lẽ chúng ta cũng hình dung đến quy mô, tầm vóc của vấn đề: Như chúng ta đã rõ, đây không phải là loại vấn đề tầm vĩ mô là xã hội ta. Vấn đề sở hữu Nhà nước cũng đang và đã được đặt ra ở tầm vóc thế giới.

Nhưng thực chất của vấn đề cóa lẽ lại rất đơn giản: Chính ở cai gọi là tính chất mơ hồ của cơ cấu sở hữu.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục cho được tính chất mơ hồ, bản chất có thể nói gần như hai mặt đó của cơ cấu sở hữu Nhà nước (toàn dân); Vừa có chủ lại vừa vô chủ; người lao động vừa là người chủ (vì là thành viên của công đồng "toan dân" là chủ) vừa là người làm thuê, làm công và trên thực tế chỉ là người làm công đơn thuận, mất hết mọi gắn bó với mọi đối tượng sở hữu chủ yếu - tư liệu sản xuất và thành quả lao động do chính lao động của mình tạo ra.

Điều đáng mừng là hiện đang có một lỗ lực rộng lớn không chỉ ở phạm vị các cá nhân, các tập thể riêng lẻ mà ở tầm cỡ quốc gia tìm tòi những phương thức biện pháp, cơ chế đã nói ở trên để đưa vào vận hành cả chế đổe sở hữu Nhà nước (toàn dân).

- Phương châm chỉ đạo có lẽ đã rõ ràng: thông qua con đường phi tập trung hoá - một sự tập trung hoá cao nhưng thực chất là hình thức, bằng những hình thức thích hợp (đa dạng) tiến hành một sự dân chủ hoá cơ cấu sở hữu Nhà nước, làm cho sở hữu toàn dân lâu nay vô chủ, không là của ai trở thành của toàn dân thực sự và cùng người lao động không còn là người lao động làm thuê thuận tuý mà trở thành đồng sở hữu chủ của sở hữu toàn năng.

Chúng tôi cho răng nguyên tắc đa dạng hoá sở hữu không chỉ nhằm tạo ra nhiều hienh thức sở hữu: Sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân, mà cũng phải được vận dụng vào từng hình thức sở hữu, mà trước hết là đối với sở hữu Nhà nước. Chính thông qua việc đa dạng hoá cơ sở hữu Nhà nước để thực sự dân chủ hoá hình thức sở hữu này.

Về mặt này, điều đáng mứng là những bước đi đầu tiên có tính thử nghiệp ở tầm lập quy của HĐBT đã được thực hiện Quyết định số 143 ngày 10/05/1990 của HĐBT và bản phụ lục kèm theo nhằm tiếp tục đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh đã cho phép "tiến hành làm thử việc tổ chức lại bộ máy quản lý xí nghiệp; chuyển xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần; sở kết về mô hình quán và cho thuê xí nghiệp quốc doanh". Ngày01/09/1990 Chủ tịch HĐBT lại có Chỉ thị số 316 - CP về việc thí điểm trao quyền sử dụng trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sơ quốc doanh. Một bản Quy định tạm thời kèm theo Chỉ thị 316 về những nguyên tắc và nội dung trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cho các xí nghiệp quốc doanh cũng đã được ban hành.

Nếu tính đến cả Luật Công ty vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1990, trong đó các đơn vị quốc doang không hề bị ngăn cấm, ngược lại được khuyến khích tham gia, thành lập các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiện hữu hạn đan sen các hình thức sở hữu thì có thể khẳng định. ở tầm lập pháp, lập quy ở các cơ quan quyền lực và hành pháp Trung ương chúng ta đã có một cơ sở pháp lý khá phong phú để tiến hành trên thực tế phương trâm đa dạng hoá sở hữu trước hết là trong khuân khổ phạm vị của sở hữu Nhà nước. Nhưng ở đây không có sự khép kín mà có sự đan sen, hầu hết với các hình thức sơ hữu khác - với hình thức hợp tác xã (tập thể), sở hữu tư nhân (trong nước và nước ngoài).

Như vậy, ngay từ đầu các hình thức đa dạng hóa sở hữu Nhà nước đã được các văn bản pháp luật có hiệu lực cao vạch định: vấn đề lớn của khoa học hiện nay, trong đó có khoa học pháp lý, kịp thời nghiên cứu, đánh giá, được tính thực thị và giá trị pháp lý của các văn bản này để một mặt góp phần hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đưa các quy định của các văn bản đó sơm đi vào cuộc sống, mặt khác kịp thời nghiên cứu xem xét những thực tiễn đầu tiên áp dụng, thi hành các quy định này, và điều cũng không kém phần quan trong phân tích đánh giá về mặt pháp lý tính chặc chẽ, hiện thực, các mặt được và cả chưa được để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành thành các văn bản chính thức, nhất là các văn bản hiện chỉ mới ban hành dưới hình các quy chế tạm, làm thử. Hơn nữa việc làm này, hiện nay là rất đúng lúc, có ý nghĩa vì trong xây dựng pháp luật năm 1991 vừa được Hội đồng Nhà nước chính thức thông qua có Dự án luật về doanh nghiệp nhà nước (xí nghiệp quốc doanh).

- Phân tích cụ thể các quy định của Quyết định 143 và Chỉ thị 316 và các phụ lục kèm theo, các ưu điểm, những vấn đề cần được làm rõ, cụ thể hoá các văn bản này.

 

Mấy vấn đề về quan hệ sở hữu

ở các đơn vị kinh tế quốc doanh

------------------

 

 

Phạm Quan Lê

(Ban Kinh tế Trung ương)

 

 

Qua bước đầu đổi mới về kinh tế, một thành tựu có ý nghĩa cơ bản mà chúng ta đạt được là mở ra quá trình hình thành cơ cấu sở hữu đa dạng về hình thức trên nền tảng chế độ công hữu. Đó là điều kiện có tính quyết định để chuyển sang nền kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, một mô hình phù hựop với quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên mà Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra trên coư sở tư duy mới về kinh tế. Trong sự chuyển biến đó, lực lượng kinh tế quốc doanh (KTQD) đứng trước yêu cầu thay đổi nhất định về vai trò, phương hướng phát triển và cơ chế tổ chức quản lý, đặt ra những vấn đề mới cần được nhận thức rõ để vận dụng đúng.

Từ mô hình cũ với cơ cấu "kinh tế XHCN" những năm qua chúng ta đã xây dựng được một lực lượng KTQD chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân (với khoảng 87% tổng vốn cố định và 95% tổng lực lượng lao động kỹ thuật của cả nước), được nhiều sự ưu đãu với vai trò độc quyền nhà nước trong cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung và bao cấp toàn bộ (qua giá, qua ngân sách và qua lương). Điều dường như nghịch lý là trên thực tế nó lại chưa thể hiện được tính trội như ta trông đợi cả về giá trị sản phẩm, tích luỹ cho ngân sách cũng như tác dụng "chủ đạo" trong nền kinh tế quốc dân. Đó cũng là thực trạng của tất cả các nước XHCN một thời dập khuôn theo mô hình chung, ngày càng bộc lộ rõ sự trì trệ và kém hiệu quả.

Giống như đàn gà công nghiệp, mới bước chân ra khỏi cửa chuồng bao cấp để tự kiếm ăn trong vườn thị trường, hầu hết các xí nghiệp quốc doanh (XNQD) đã không đủ sức tự trang trải để tồn tại và phát triển; không ít đơn vị đang lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất, sản xuất đình đốn dẫn đến nguy cơ phá sản, đặc biệt là các XNQD địa phương có vốn ít và công nghệ lạc hậu. (Qua đánh giá sơ bộ ở thời điểm cuối 1990, trên địa bàn thành phố HCM và HN có tới 25% đơn vị kinh tế quốc doanh ở tình trạng nguy ngập, 50% gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng, chỉ có khoảng 25% là trụ lại được, trong đó chủ yếu là các đơn vị làm hàng xuất khẩu). Tình trạng ăn vào tài sản cố định, chiếm dụng vốn lẫn nhau đã trở nên phổ biến. Đã có hiện tượng giám đốc tự sát do thua lỗ, nợ nần và không ít giám đốc bị tù, bị cách chức do tham nhũng hoạc vô trách nhiệm.

Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể xác đáng, từ khó khăn về vốn, về giá "đầu vào", về công nghệ, về trình độ cán bộ quản lý... đén cơ chế quản lý vĩ mô (vừa còn gò bó, vừa nhiều sơ hở và điều hành thiếu nhất quán). Song chúng tôi nghĩ rằng tất cả những cái đó đều chưa đụng đến căn nguyên liên quan đến sự mất động lực và dung dưỡng sự thờ ơ vô trách nhiệm của người trực tiếp quản lý cũng như những người lao động ở cơ sở, cùng với sự can thiệp trực tiếp xong lại kém hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp theo kiểu "xiết chặt cái cần buông và thả lỏng cái cần nắm".

Không ít người đã trực cảm được nguyên nhân sâu xa này, xong tiếp cận nó không đơn giản, bởi lẽ phải động chạm đến vấn đề quan hệ sở hữu vốn rất phức tạp và nhạy cảm về chính trị. Một số người chạy theo một trong hai quan niệm cực đoan: hoặc là đồng nhất chế độ công hữu với hình thức sở hữu nhà nước, cường điệu vai trò KTQD như mục đích tự thân gắn với bản chất CNXH, từ đó chủ trương duy trì KTQD với tỷ trọng lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế với sự tin tưởng không điều kiện ở tính ưu việt tyuệt đối của nó; hoặc cực đoan khác là nhìn phiến diện về tác dụng của KTQD (chỉ đơn thuần hiệu quả kinh tế), cho rằng với nhược điểm không thể khắc phục được thì cần "xoá xổ" đi để thực hiện nhanh quá trình "tư nhân hoá" theo nghĩa đơn giản là tư hữu hoá.

Để tìm được giải pháp đúng đắn, chúng tôi nghĩ rằng cần bắt đầu từ sự lý giải một cách tỉnh táo hiện tượng có vẻ nghịch lý nói trên, vượt qua mọi định kiến theo cả hai thái cực để đánh giá một cách sòng phẳng mặt tích cực cũng như mặt nhược điểm của KTQD với tư cách là một trong nhiều hình thức sở hữu có thể sư dụng với những ddiều kiện nhất định, phải dựa trên nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội (cụ thể về quan hệ sở hữu ở thời kỳ quá độ lên CNXH) để các định đúng vai trò của KTQD trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với những mục tiêu chính trị- xã hội cụ thể của từng thời kỳ, từ đó có sự lựa chọn, chuyển đổi hình thức sở hữu phù hợp. Mặt khác, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân cơ bản về nhược điểm của KTQD để tìm cách hạn chế trong khi vẫn phải sử dụng nó trong những lĩnh vực cần thiết.

 

* *

*

 

Trước hết, ta thử tìm hiểu xem loại hình KTQD đã xuất hiện, tồn tại và biến đổi như thế nào trong những điều kiện lịch sử nào; việc này không chỉ đóng khung trong bối cảnh các nước XHCN mà cả trong hình thái TBCN. Rất tiếc là chúng ta còn hiểu ít về loại doanh nghiệp cùng loại ở các nước phương tây, tuy nhiên quá một số thông tin ít ỏi nhận được (chủ yếu từ Nhật, Pháp...) có thể thấy hé ra đôi diều liên hệ bổ ích.

ở giai đoạn đầu công nghiệp hoá (hoặc thời kỳ sau chiến tranh),hầu như tất cả các nước phát triển và đang phát triển đều thiết lập những đơn vị kinh tế do Nhà nước đầu tư toàn bộ và chính phủ trực tiếp diều hành hoạt động được gọi là xí nghiệp nhà nước (XNNN). Đại bộ phận các XNNN ở các nước TBCN hoạt động trong các lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, như: năng lượng, kết cấu hạ tầng, thônh tin liên lạc, công nghiệp chế tạo máy, các ngành công nghiệp mới (ứng dụng thành tựu mới nhất về khoa học và công nghệ). Đố là những lĩnh vực cần đầu tư lớn, chậm sinh lời xong lại đặc biệt trọng yếu trong việc đặt nền móng ban đầu trong cơ cấu kinh tế, mở đường cho các lực lượng kinh tế khác phát triển và: giải quyết các vấn đề xã hội thường rất cấp bách ở thời kỳ này. Ngay ở các nước kinh tế đã phát triển cao với lực lượng kinh tế tư nhân đủ mạnh, các XNNN vẫn được duy trì để phục vụ các chính sách xã hội và an ninh quốc phòng (đặc biệt là tạo việc làm, phát triển các công trình phúc lợi công cộng).

Tuy còn nhiều điều cụ thể chúng ta chưa hiểu rõ về thể chế quản lý và quan hệ giữa chính phủ với XNNN, xong có thể thấy đây là một loịa hình doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm để thực hiện mục tiêu chính trị xã hội với sự chủ động chấp nhận nhượng điểm lớn của nó là kém năng động, kém hiệu quả kinh tế, trong đó nhà nước quyết định từ nhiệm vụ (mục tiêu hoạt động) đến nguồn vốn, phân phối thu nhập và phương hướng phát triển.

Có cơ sở để liên hệ loại XNNN này tương tự XNQD của chúng ta trong những năm trước đây trong khuôn khổ một nền kinh tế hiện vật được vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung vào bao cấp toàn bộ. Từ đó có thể khẳng định sự tồn tại của KTQD ở thời kỳ lịch sử đố là tất yếu. Cái mà giờ đây chúng ta phê phán một cách xác đáng là sự chậm thay đổi trong cơ chế tổ chức và hoạt động của XNQD khi tình hình đặt ra những yêu cầu mới với tính hiệu quả cao hơn.

Điều mà lâu nay ta ít để ý là ở các nước TBCN đã có sự điều chỉnh, chuyển các XNNN sang dạng doanh nghiệp mới gọi là xí ngiệp công cộng (public corporations); có lẽ chính là các xí nghiệp "công quản" mà ta đã thấy khi tiếp quản Miền nam từ chế độ Mỹ- Nguỵ. Đó là một bước thay đổi chất lượng hoạt động của hình thức sở hữu nhà nước liên quan đến một số XNNN mà Nhà nước vẫn cần nắm xong phải có hiệu quả cao hơn trước. ở XNCC, mối quan hệ giữa Nhà nước với xí nghiệp được điều chỉnh theo hướng thực hiện chế độ hạch toán độc lập, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật bình đẳng với các xí nghiệp tư nhân, Nhà nước không điều hành cụ thể song vẫn là chủ sở hữu (định ra phương hướng kinh doanh, thu lợi nhuận và trảlương giám đốc cùng công nhân viên), vẫn có trách nhiệm hỗ trợ khi khó khăn, thua lỗ và đầu tư phát triển. Xí nghiệp được tự chủ trong tiếp cận thị trường, lựa chọn phương án kinh doanh và điều hành.

ở Nhật, ở Pháp và nhiều nước TBCN khác cho đến nay vẫn tồn tại những XNCC trong các lĩnh vực điện tín, điện thoại, đường sắt... và cả ở ngành rượu, thuốc lá; xuất phát từ sự quan tâm đến việc ổn định xã hội, bảo đảm thông tin và phát triển kỹ thuật. Sử dụng tiếp hình thức sở hữu này với bước điều chỉnh nói trên, họ không ảo tưởng về tính hiệu quả kinh tếcủa nó và cũng nhận thức một cách trực cảm khả năng dễ nảy sinh tệ quan liêu, cứng nhắc, ỷ lại, thiếu trách nhiệm và tệ tham nhũng để tìm cách hạn chế bằng cách đưa nó hoà nhập vào cơ chế thị trường (chỉ hỗ trợ khi cần thiết). Điều khiến người ta phải suy nghĩ là khi sử dụng hình thức này, người ta không bận tâm về ý thức hệ, xem đó có phải là đi "chệch con đường TBCN" hay không; chỉ thấy rằng để quản lý đất nước thì cần khuyến khích cả các hoạt động có giá trị xã hội trong lúc các doanh nghiệp tư nhân thường chỉ chạy theo lợi nhuận giá trị kinh tế đơn thuần. Rất tiếc là ta chưa có dịp nghiên cứu kỹ về bộ máy quản lý XNCC (giám đốc hoặc hội đồng quản trị) với chức năng, cơ cấu và quyền hạn cụ thể như thế nào.

Hình như ở đây lại có sự trùng hợp nữa: XNCC nói trên phải chăng chính là XNQD của chúng ta trong điều kiện chuyển sang cơ chế "hạch toán kinh doanh", mở rộng quyền tự chủ, cắt bỏ bao cấp và sự điều hành cụ thể của cơ quan "chủ quản", tiến tới tự trang trải, tự phát triển... Dĩ nhiên, còn có những điều khác nhau nào đó mà ta cần nghiên cứu kỹ thêm.

Qua liên hệ sơ lược ở trên, có thể thấy XNNN và XNCC là hai mức phát triển về chất của hình thức sở hữu nhà nước, trong đó nhược điểm tuy chưa được khắc phục cụ thể song được hạn chế đáng kể trong khi mặt tích cực vẫn được phát huy.

Với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong đó lực lượng tư nhân phát triển mạnh mẽ đầy sức sống, cùng với xu hướng quốc tế hoá nền kinh tế, ở các nước TBCN đang tiếp tục công cuộc điều chỉnh cơ bản hơn, đó là quá trình "tư nhân hoá" các XNCC theo những phương pháp khác nhau, bao gồm cổ phần hoá" (hùn vốn, phát hành cổ phiếu), bán xí nghiệp (cho tư nhân hoặc cho những người lao động), cho thuê tài sản và thực hiện các hợp đòng quản lý. Người ta cho rằng quá trình này không ngoại trừ cả các xí nghiệp thuộc những lĩnh vực trọng yếu của nền KTQD, miễn là được bảo đảm bằng những ràng buộc đủ tin cậy. Xu hướng chính mà quá trình này dẫn tới là quan hệ đã sở hữu (sở hữu nhiều chủ), phù hợp với tính xã hội hoá cao của nền sản xuất hiện đại.

Đối với chúng ta, từ chỗ "dị ứng" với xu hướng "phi quốc doanh hoá" (trên quan niệm đơn giản là quá trình xoá bỏ chế độ công hữu), gần đây đã bắt đầu có sự quan tâm như một yêu cầu tất yếu về thay đổi hình thức sở hữu khi tình hình đòi hỏi để phát triển lực lượng sản xuất mà vẫn dựa trên nền tảng chế độ công hữu.

* *

*

 

Qua vài nét liên hệ sơ bộ ở trên, có thể gợi ra một soó suy nghĩ đáng được nghiên cứu để cùng nhau khai phá hướng đi lên của nền kinh tế quốc doanh ở nước ta trong những năm trước mắt. Sự tìm tòi nầyphải được dựa trên phương pháp luận đúng đắn để nhận rõ thên cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề quan hệ sở hữu, nhìn thẳng vào bản chất đề dò được cái nút chính của thực trạng; từ đó kiến nghị gải pháp lớn cho vấn đề phắc tạp này.

1. Mỗi chế độ sở hữu (công hữu hoặc tư hữu) là kết quả của sự lựa chọn con đường đạt tới các mục tiêu chính trị xã hội do giai cấp chủ đạo vạch ra. Trên nền tảng mối quan hệ sản xuất nhất định, có thể vận dụng thực hiện nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Những hình thức đó không có mục đích tự thân, mà chỉ là phương tiện được coi là hữu hiệu đẻ phục vụ cho mục tiêu chính trị xã hội ở mỗi thời kỳ lịch sử có những điều kiện nhất định, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó bác bỏ quan niệm đơn gảin và máy móc, cố gán ghép cho mỗi chế độ sở hữu một hình thức sở hữu duy nhất bất chấp các điều kiện lịch sử có những yêu cầu cụ thể khác nhau, một tronng các biểu hiện của tư duy giáo điều, lẫn lộn mục tiêu với phương tiện.

Có thể nói một trong các kết quả quan trọng nhất của việc nhận thức đúng về CNXH là sự phân biệt chế độ sở hữu (phản ánh bản chất của phương thức sản xuất, nền tảng của quan hệ sản xuất) với các hình thức sở hữu (phản ánh điều kiện thực hiện); từ đó phân biệt quyền sở hữu (về mặt pháp lý) với quyền sử dụng (về mặt kinh tế) và hệ quả tất yếu là phân biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý hoạt động kinh doanh.

 

Theo nhận thức đó, kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu nhà nước, một trong nhiều hình thức mà chế độ công hữu cũng như chế độ tư hữu có thể và cần sử dụng trong những điều kiện nhất định. Trong trường hợp của chúng ta, trình độ lực lượng sản xuất còn thấp kém (kinh tế hàng hoá chưa phát triển) với hàng loạt vấn đề xã hội tồn tại sau chiến tranh, hình thức sở hữu nhà nước đã và đang còn đóng vai trò rất quan trọng. KTQD chính là lực lượng đặt nền móng cho nền kinh tế, trên đó sẽ hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và là công cụ mạnh để nhà nước diều tiết thị trường xã hội, định hướng đi lên sản xuất lứon XHCN với những cơ sở vật chất kỹ thuật làm tiền đề cho công cuộc công nghiệp hoá đất nước. Sự khẳng định vai trò tất yếu đó hàon toàn không xuất phát từ nhãn hiệu "XHCN" như trước đay đã ngộ nhận với ảo tưởng ở tính "ưu việt" nhờ năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hưon các hình thức sở hữu khác. Nếu như lực lượng KTQD của chúng ta hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém nghiêm trọng, điều đó chứng tỏ điều kiện đaz thay đổi đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để thích nghi, kể cả việc hạn chế phạm vi hoạt động và chuyển sang hình thức sở hữu khác mà không làm mất bản chất của chế độ công hữu. Quan điểm phủ định vai trò lịch sử của KTQD với chủ trương "xoá sổ" KTQD chính là sai lầm về phương pháp luân trong kinh tế hơn là lệch lạc về lập trường chính trị liên quan đến công cuộc đấu tranh giữa "hai con đường".

2. Kinh tế quốc doanh có nhược điểm rất cơ bản là không tạo được động lực mạnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế năng động, sáng tạo, có hiệu quả cao và vô hình chung dung dưỡng, khuyến khích tính quan liêu, thờ ờ, vô trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ quản lý cũng như người lao động. Cần nhìn thẳng vào đó để tìm cách hạn chế, thay vì cố chấp phủ nhận chỉ vì muốn giữ "uy tín" cho CNXH. Khi cần thiết phải sử dụng hình thức sở hữu này, ta chủ động chấp nhận nhược điểm cố hữu đó như một cái giá phải trả để đạt mục tiêu khác cấp thiết hơn trong điều kiện nhất định. Và cũng qua sự nhìn nhận đó ta sẽ không lạm dụng, phát triển tràn lan ở những nơi, những lúc không cần thiết; sẵn sàng thay thế băbgf hình thức khác phù hợp hơn khi tình hình đòi hỏi.

Nhược điểm nói trên tập trung chủ yếu ở tính chất "đồng sở hữu" không thật rõ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với toàn bộ số phận của đơn vị như trường hợp chủ tư nhân; từ đó dẫn đến tình trạng dường như vô chủ và mất động lực kích thích lao động sáng tạo. Các biện pháp "cai sữa bao cấp" đổi mới kế hoạch hoá, chuyển sang hạch toán kinh doanh, thực hiện chế độ tự chủ v.v... đều là những việc rất quan trọng, song nó chỉ phát huy được tác dụng khi giải quyết được vấn đề cốt tử nói trên.

Thực vậy, hiện nay khó có thể nói ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp đói với số phận của XNQD, khi "ăn nên làm ra" cũng như khi thua lỗ, phá sản. Một bên là cơ quan quản lý nhà nước (trực tiếp là bộ, sở chủ quản) giữ quyền sở hữu, một bên là cơ sở (cụ thể là giám đốc và Hội đòng xí nghiệp đại diên cho tập thể lao động) được giao quyền sử dụng. Mối quan hệ tay ba đó cho đến nay vẫn hoàn toàn chưa rõ, trong đó thiếu sự xác định nội dung cụ thể của quyền sở hữu và quyền sử dụng; và đây chính là miếng đất nảy sinh các biểu hiện quan liêu, thụ động, tắc trách, lạm quyền... dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng...

a) Trước hết, cần làm rõ thêm về vai trò của cơ quan nhà nước đói với XNQD (ngoài vai trò chủ đại diện sở hữu toàn dân có chức năng quản lý vĩ mô đối với mọi thành phần trong cơ cấu kinh tế). Là người đầu tư, sáng lập ra XNQD, hiển nhiên bộ máy nhà nước phải là chủ sở hữu các tài sản đã đầu tư, trong đó quan trọng nhất là quyền định đoạt bao gồm quyết định mục đích đầu tư, thu lợi nhuận và phân phối lợi nhuận. ĐI đôi với quyền định đoạt là trách nhiệm cao nhất, trách nhiệm đến cùng về sự tồn tại và phát triển của xí nghiệp; chính vì trách nhiệm đó mà nhà nước phải định hướng kinh doanh, thường xuyên kiểm kê kiểm soát và có biện pháp hỗ trợ để XNQD hoạt động được trong mọi điều kiện, đặc biệt khi phải kinh doanh trong các lĩnh vực khó sinh lời, kể cả biện pháp trợ giá, bổ sung vốn, đầu tư phát triển (theo chiều rộng cũng như theo chiều sâu) và xử lý tình huống có thể đi đến phá sản. Mọi biểu hiêbj khoán trắng, trút mọi trách nhiệm cho cơ sở đều là chưa làm tròn vai trò chủ sở hữu. ở đây, có lẽ phải có quan niệm rõ hơn về sở hữu tư liệu sản xuất; chúng tôi nghĩ rằng đó phải là sở hữu về toàn bộ tài sản đã đầu tư ban đầu, đầu tư phát triển và vốn sinh sôi dưới dạng tài sản cố định cũng như tiền vốn, công nghệ, chất xám và đội ngũ lao động.

Đi vào một số quy định cụ thể, cũng cần xem xét thêm về vấn đề khấu hao tài sản cố định, vấn đề "vốn tự có" là vấn đè bán tài sản cố định. Chúng tôi cho rằng không thể coi sau khi đã khấu hao hết tức là nhà nước không còn quyền sở hữu ddối với những tài sản còn lại và đương nhiên trở thành tìa sản của tạpp thể xí nghiệp; bởi lẽ giá trị khấu hao dựa trên chính sách giá bao cấp về tư liệu sản xuất, do đó thực chất mới chỉ là một phần nhỏ giá trị đã đầu tư; hơn nữa những tài sản đó đã được bảo toàn và phát triển còn phụ thuộc không ít vào sự tác động của nhà nước (thông qua cơ chế, chính sách); và như vậy trước sau những tài sản còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Cũng như vậy, cái gọi là "vốn tự có" không phải tất cả đều do xí nghiệp tự làm ra mà không có tác động gì của Nhà nước. Dĩ nhiên, cần phải tách ra một phần dể xí nghiệp chủ động sử dụng, không cần phải xin phép, coi như phần thưởng cho cố gắng phát triển vốn . Xác định rõ như vậy cũng là một cách ngăn chặn hiện tượng tự tiện bán tài sản đẻ sử sụng sai mục đích kinh doanh. Cần nói thêm rằng trên tư tưởng chủ đạo QĐ 217 và NĐ 50 của HĐBT quy định về quyền bán tài sản cố định (bảo dẩm quyền tự chủ của XNQD) là đúng đắn, song chỗ sơ hở bị lợi dụng chính là ở việc phân biệt tài sản "thuộc vốn ngân sách cấp" với tài sản thuộc "vốn tự có" theo khuynh hướng nói trên.

Tóm lại đối với XNQD, nhà nước là chủ sở hữu với toàn bộ tài sản đầu tư ban đầu cũng như phát sinh trong quá trình kinh doanh; tài sản đó không thể dần dần biến thành sở hữu tập thể. Chỉ khi do điều kiện thay đổi cần thực hiện việc cổ phần hoá hoặc bán tài sản XNQD cho tập thể lao động (hoặc cho tư nhân) thì mới thay đổi quyền sở hữu và đó là sự chuyển sang hình thức sở hữu mới mà ta sẽ đề cập ở phần sau.

Vậy nhà nước với vai trò chủ sở hữu của KTQD là cơ quan nào? Lâu nay vai trò đó được giao cho các Bộ, sở chuyên ngành với tư cách là cơ quan chủ quản của một số đơn vị KTQD cùng ngành kinh tế kỹ thuật, có thời kỳ hoạt động như các "siêu tổng công ty" điều hành cụ thể gần như hàng ngày về tiến đọ thực hiện kế hoạch với hàng loạt chỉ tiêu chi tiết, giải quyết từng đơn vị. Với chủ trương tách ra nhiều bộ theo ngành chuyên sâu về kinh tế kỹ thuật, đã có ý định thực hiện hình thức "Bộ hạch toán". Dĩ nhiên nội dung, chức năng của các bộ đó hầu như chưa bao hàm đúng nghĩa quản lý nhà nước vĩ mô đối với hoạt động của mọi thành phần kinh tế thuộc ngành.

Mặc dù tình hình đã thay đổi, đặt ra yêu cầu rõ hơn về vấn đề này, song sự chuyển biến quá là khó khăn; cho đến nay các Bộ, sở quản lý ngành vẫn chưa thực sự từ bỏ vai trò cũ để làm đúng chức năng quản lý Nhà nước và thực trạng đó lại được chính thức thừa nhận bằng khái niệm "quản lý Nhà nước trực tiếp" (Nghị định 196 của Hội đồng Bộ trưởng), chủ yếu để tránh thuật ngữ "chủ quan" hơn là thay đổi thực chất vị trí và chức năng - Nguyên nhân của sự giằng co này không đơn giản, trong đó có khía cạnh tế nhị về mối quan hệ giữa "quyền" và "lợi"; và hình thức bản thân một số xí nghiệp (cụ thể là giám đốc) củang chứa thực chất muốn "cai sữa" trước thử thách của cuộc sống tự lập có sự cạnh tranh không cân sức với các lực lượng dầy sức sôngs trong kinh tế hàng hoá. Kết quả là một sự "tự chủ" nửa vời, tiếp tục ỷ lại để nhẹ trách nhiệm.

Chúng tôi không đề cập lại ở đây nhận thức mới về quản lý ngành mà nhiều chuyên đề đã phân tích khá rõ. Phải chăng trong điều kiện thực hiện chế độ tự chủ của cơ sở, XNQD cũng giống như các đơn vị thuộc thành phần khác đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và vai trò chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện qu sự phân công cho nhiều cơ quan theo chức năng từng lĩnh vực, tập trung nhất là cơ quan kế hoạch (giao nhiệm vụ và hướng dẫn về hợp đồng kinh tế), cơ quan tài chính (quản lý tài sản, chi và thu cho ngân sách và Toà án kinh tế (xử lý các tranh chấp và các vi phạm pháp luật). Các Bộ quản lý ngành cũng có phần trách nhiệm theo chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế - kỹ thuật, chứ không phải là cơ quan chủ quản như trước.

b) Trong khi ở các xí nghiệp tư nhân, thường chủ sở hữu đồng thời là chủ sử dụng (trực tiếp điều hành) hoặc nếu có thuê giám đốc điều hành thì chủ sở hữu vẫn trực tiếp gắn với xí nghiệp và là người chịu trách nhiệm pháp lý; thì chủ sở hữu XNQD lại là cả Bộ máy Nhà nước ở xa và còn có chức năng chính là quản lý toàn xã hội với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân. Đặc điểm rất quan trọng đong đó khiến ta phải xác định ai là đại diện trực tiếp của Nhà nước ở XNQD mà chúng tôi muốn gọi là "chủ sở hữu trực tiếp" (còn Nhà nước là chủ sở hữu gián tiếp).

Chủ sở hữu trực tiếp được Nhà nước uỷ quyền đại diện để định đoạt từ phương án kinh doanh cụ thể (theo định hướng của Nhà nước) đến phương án phân phối trong nội bộ xí nghiệp. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để hạn chế nhược điểm cơ bản (về trách nhiệm và động lực) của xí nghiệp quốc doanh như đã phân tích ở phần trên.

Theo Quyết định 217 - Hội đồng bộ trưởng, vai trò đó giao cho "tập thể công nhân viên chức" với quyền "trực tiếp quảy lý và sử dụng" toàn bộ tài sản được cấp ban đầu (tương ứng nhiệm vụ thiết kế xí nghiệp). ở đây có hai điều chưa rõ: thế nào là "quyền quản lý"? và ai đại diện tập trung nhất cho tập thể công nhân viên chức? Lâu nay giám đốc được coi vừa là đại diện cho công nhân viên chức ở xí nghiệp quốc doanh; đồng thời lại có Hội đồng xí nghiệp (đại diện cho tập thể công nhân viên chức) trong đó giám đốc là thành viên. Chính sự "nước đôi" này phản ánh chế độ "đồng sở hữu" và hậu quả là tình trạng độc đoán lạm quyền của giám đốc hoặc tình trạng "vô chủ".

Dường như để khắc phục tình trạng đó, gần đây có dự án mô hình Hội đồng quản trị với tư cách là cơ quan quản lý tập thể trong đó phần lớn thành viên là những cán bộ ở các cơ quan Nhà nước được chỉ định, có thể tham gia ở nhiều xí nghiệp với tư cách đậi diện chủ sở hữu phía Nhà nước; còn lại là đại diện cho công nhân viên chức (cũng là một đồng chủ sở hữu). Theo mô hìnhnày, giám đoóc chỉ làm nhiệm vụ điều hành như được thuê, và Chủ tịch Hội đồng quản trị phái có năng lực cao hơn giám đốc.

Trước hết, từ nhận thức về hình thức sở hữu đã phân tích ở phần trên, chúng tôi cho rằng đã là sở hữu Nhà nước (do Nhà nước đầu tư toàn bộ) thì chỉ có một chủ sở hữu là Nhà nước, không được lẫn lộn với sở hữu tập thể hoặc sơ hữu hỗn hợp (có sự chúng vốn). Vai trò chủ sở hữu đó lại phải được thể hiện tập trung ở một con người cụ thể có quyền quyết đoán trong phạm vi được uỷ quyền đại diện; con người cụ thể đó chính là chủ sở hữu trực tiếp đồng thời là chủ sử dụng, tập trung ở người giám đốc. Trong trường hợp này, người giám đốc được Nhà nước (chủ sở hữu gián tiếp). Uỷ quyền quyết định mọi hoạt đồng ở xí nghiệp bao gồm quyết định đoạt ở mức độ không trái với phương hướng mục tiêu do Nhà nước giao cho. Với tư cách "ông chủ nhì" đó, giám đốc chịu trách nhiệm trước "ông chủ nhất" về bảo toàn và phát triển tài sản được giao; đồng thời là người trực tiếp chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm pháp luật hiện hành.

Một vấn đề cần làm rõ là khi xảy ra thua thiết trong kinh doanh, giám đốc phải chịu trách nhiệm vật chất như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng với mức độ được uỷ quyền định đoạt có hạn, trong đó lợi nhuận do Nhà nước thu để phân phối lại, người giám đốc khồn thể chịu trách nhiệm toàn bộ về vật chất (khi thua lỗ, khi phá sản). Như trên đã phân tích, các xí nghiệp quốc doanh thường phải hoạt động trong các lĩnh vực khó sinh lời, thậm chí phải chủ động chịu thua lỗ để phục vụ các mục tiêu chính trị - xã hội; hơn nưa bản thần hình thức sở hữu Nhà nước không thể cố động lực trực tiếp mạnh mẽ như xí nghiệp tư nhân, do đó nếu xét không phải là sai lầm trong quản lý điều hành thì Nhà nước có biện pháp hỗ trợ để vươn lên. Nếu là do sai sót trong quản lý điều hành, tuỳ theo mức độ và tính chất sai phạm mà gián đốc chịu xử lý về hành chính (khiển trách, cách chức) hoặc bồi thường một tỷ lệ tượng trưng mà khả năng một cán bộ quản lý có thể chịu đựng được với tác dụng răn đe cần thiết. Dĩ nhiên, nếu là khuyết điểm tham ô hoặc phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa thì phải xử lý theo pháp luật như mọi đối tượng khác. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm tốt việc kiểm tra, kịp thời phát hiện các sai sót khi hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng để chủ động ngăn chặn tình trạng lạm quyền, vô trách nhiệm hoặc tham nhũng ở xí nghiệp quốc doanh.

Tương ứng với trách nhiệm cáo đó là mức đãi ngộ đối với giám đốc, có khả năng kích thích mạnh tính chủ động sáng tạo, toàn tâm toàn ý với sự phát triển của xí nghiệp. Chế độ phân phối đó phải trả giá đúng giá trị lao động quản lý bao gồm sự căng thẳng thần kinh trước những mạo hiểm mà họ phải gánh chịu. Mức lương thưởng cho giám đốc luỹ tiến theo tổng lợi nhuận đạt được ở từng kỳ kế hoạch, có xét đến các lỗ lực thực tế trong điều kiện phải kinh doanh ở những linh vực trọng yếu mà ít sinh lời. Điều đó đỏi hỏi các cơ quan Nhà nước phải sâu sát để đánh giá được chính xác.

Như vậy, giám đốc phải do Nhà nước lựa chọn, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm trên cơ sở có hệ thống đào tạo chính quy và sử dụng chuyên nghiệp hoá. Chúng tôi cho rằng việc bầu giám đốc là sự vận dụng trái với hình thức sở hữu Nhà nước, lẫn lộn với hình thức khác (sở hữu hỗn hợp hoặc tập thể tự quản). Việc lấy ý kiến thăm dò tín nhiệm là phương pháp dân chủ hoá cần sử dụng, trong đó ý kiến quần chúng chỉ có giá trị tham khảo (trên thực tế, không phải giám đốc nào được "tín nhiệm" cao đều đáp ứng yêu cầu chủ yếu, và ngược lại).

c) Xí nghiệp quốc doanh là loại hình sở hữn Nhà nước thuần tuý có một chủ (Nhà nước đầu tư 100%), như vậy mô hình Hội đồng quản trị quy định một bộ phận thành viên là đại diện những người lao động (với tư cách là đồng chủ sở hữu mặc dù không góp vốn) là không phù hợp. ở đây, ta không nên ngụy biện rằng sức lao động cũng là một thứ vốn; điều đó trái với quan điểm kinh tế hàng hoá trong đó sức lao động được trả giá sòng phẳng tính trong cơ cấu giá thành. Tập thể lao động chỉ là chủ sở hữu khi xí nghiệp quốc doanh được bán hoặc cho tập thể lao động thuê và thực hiện chế độ tự quản; lúc này Nhà nước chỉ còn tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân là chức năng quản lý vĩ mô.

Trong xí nghiệp quốc doanh, quyền lợi riêng của những người lao động một mặt được pháp luật bảo hộ (tập trung nhất trong luâtj lao động), về mặt khác được bảo đảm bằng cơ chế đại diện là Đại hội công nhân viên chức àm cơ quan chấp hành (hoạt động thường xuyên) của nó là Hội đồng xí nghiệp. Đó không thể là cơ quan quản lý tập thể mà chỉ đóng vai trò thay mặt công nhân viên chức để giám sát hoạt động của giám đốc chủ yếu là việc thi hành pháp luật, đồng thời tư vấn cho giám đốc trong các quyết định có ảnh hưởng đến công ăn việc làm và phân phối thu nhập trong nội bộ xí nghiệp. Mọi quy định khiến Hội đồng xí nghiệp trở thành một cơ quan chia quyền với giám đốc hoặc là cơ quan quyền lực cáo nhất ở xí nghiệp quốc doanh đều chỉ làm giảm hiệu lực quản lý. làm yếu chế độ trách nhiệm, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả kinh doanh của xí nghiệp mà hậu quả người lao động phải gánh chịu.

3. Trong khi hình thức sở hữu Nhà nước (kinh tế quốc dân thuần khiết) vẫn tiếp tục có vai trò rất quan trọng ở một số linh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân mà Nhà nước cần nắm độc quyền (điện, dầu khí, giao thông, bưu điện, luyện kim...), thì trong nhiều linh vực khác không cần thiết phải duy trì hình thức này, với những nhược điểm lớn như trên đã phân tích. Duy trì tràn lan hình thức này chỉ là cho Nhà nước phải chịu một gánh nặng trong lúc hiệu quả kinh doanh không tương xứng với cố gắng đó và lãng phí các năng lực khác tiềm tàng trong xã hội.

Phải chăng đã đến lúc (cần thiết và điều kiện chín muồi) để chuyển một bố phận kinh tế quốc dân sang hình thức sở hữu khác "phi Nhà nước", còn gọi là quá trình "tư nhân hoá". ở đây có vấn đề về thuật ngữ mà chúng ta chưa quen, dễ bị hiểu lầm là xoá bỏ chế độ công hữu để thực hiện tư hữu hoá, nghĩa là đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa - Thực ra, đây đơn thuần là sự vận dụngcác hình thức phù hợp, không những không làm mất bản chất mà còn làm cho bản chất đó được thể hiện tốt hơn. Khái niệm "tư nhân" ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng gồm tất cả các loại sở hữu không phải thuần tuý là Nhà nước, kể cả sự đan xen, hỗn hợp các sở hữu khác nhau.

Có nhiều hình thức sở hữu "phi Nhà nước" có thể vận dụng trong đó chúng ta quan tâm nhiều đến các hình thức "cổ phần hoá" (trước hết là dạng công ty trách nhiệm hữu hạn) và hình thức "cho thuê tài sản" (ưu tiên cho tập thể lao động thuê nếu có điều kiện). Cũng không loại trừ một số đơn vị có quy mô nhỏ ở các ngành không trọng yếu (phục vụ tiêu dùng thông thường) có thể bán hẳn cho tập thể hoặc tư nhân để kinh doanh có hiệu quả hơn.

Có ý kiến nôn nóng về việc phát trển mạnh các công ty cổ phần (có phát hành cổ phiếu) từ chỗ nhấn mạnh tác dụng của nó trong nền kinh tế thị trường và đánh giá cao nguồn vốn phân tán trong nhân dân có thể dễ dàng huy động. Chúng tôi nghĩ rằng quả là loại hình này có khả năng làm cho hoạt động kinh tế hết sức năng động và tăng hiệu quả, song đối với nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển ở nước ta hiện nay thì có thể còn hơi sớm để hình thành thị trường chứng khoán, hơn nữa đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế của chúng ta thực ra còn hiểu ít về vấn đề mới mẻ này; cần phải có thời gian để các điều kiện chín muồi hơn. Cố nhiên, việc làm thử trong diẹn hẹp là cần thiết để rút kinh nghiệm. Về đối tượng áp dụng cổ phần hoá, có ý kiến cho rằng đó phải là những đơn vị đang "ăn nên làm ra" mới có sức hấp dẫn; ý kiến khác lại cho rằng trước hết phải cổ phần hoá các đơn vị đang trên đà sa sút không thể trụ lại được. Chúng tôi có phần thiên về ý kiến sau song phải với điều kiện các đơn vị đó không thuộc diện các ngành trọng yếu mà Nhà nước cần tập trung đầu tư và trực tiếp nắm để chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo định hướng cần thiết; những đơn vị đó cần được chuyển sang hình thức sở hữu khác để có thể hoạt động có hiệu quả. Tốt hơn hết là ta nên bắt đầu cổ phần hoá bằng loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, dễ thu hút vốn và dễ quản lý hơn.

Cho thuê tài sản là một hình thức quan hệ kinh tế trong đó người có quyền sở hữu giao tài sản (từ tài nguyên đến tài sản tích luỹ) cho tư nhân hoặc tập thể lao động thuê để sử dụng trên nguyên tắc phải trả tiền thuê và hoàn lại tài sản khi kết thúc hợp đồng. Như vậy là Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu, song người thuê có quyền sử dụng và thu lợi la ra tài sản đó; trong trường hợp phát triển thêm tài sản bằng thu nhập thì phần tăng thêm đó thuộc quyền sở hữu của người thuê, ở đây, diễn ra quá trình sở hữu hỗn hợp với nhiều chủ sở hữu và trở thành công ty (hùn vốn) phản ánh tính "đa chủ thể" của quan hệ sở hữu (khác với "đồng chủ thể" dẫn đến tình trạng vô chủ).

Việc lựa chọn phương pháp, hình thức "tư nhân hoá" (hiểu theo nghĩa đúng) phải được xem xét đầy đủ các yếu tố, chủ yếu là: mục tiêu của Nhà nước (thể hiện qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội), thực trạng của xí nghiệp quốc doanh (điều kiện tài chính và kết quả hoạt động), lĩnh vực hoạt động, mức độ phát triển của thị trường vốn, thời giá tài sản và các yếu tố chính trị - xã hội có liên quan.

Quá trình chuyển đổi hình thức sở hữu phải được tiến hành theo những chế định của pháp luật, trong trường hợp ở nước ta hiện nay phải sửa đổi, bổ sung luật pháp để mở ra khung cảnh pháp lý; đồng thời phải có cải cách về chính sách xã hội; có biện pháp giải quyết thoả đáng việc thay đổi đội ngũ quản lý phù hợp với hình thức tổ chức quản lý mới.

 

* *

*

Xung quanh vấn đề quan hệ sở hữu liên quan đến thành phần kinh tế quốc doanh, đã có không ít ý kiến trao đổi. Tuy nhiên, đi vào giải pháp cụ thể thường chưa xoay vào nguyên nhân cơ bản dẫn tới những nhược điểm nghiêm trọng của hình thức sở hữu này. Như trên đã cố gắng lý giải, chúng tôi tìm nguyên nhân cơ bản theo hướng nhìn thẳng vào nhược điểm cố hữu của hình thức sở hữu Nhà nước, chấp nhận có điều kiện và tìm cách hạn chế bằng vài trò "chủ sở hữu trực tiếp" gắn với chủ sử dụng. tập trung ở người giám đốc, với tư cách là đại diện của chủ sở hữu gián tiếp để quản lý mọi hoạt động của xí nghiệp quốc doanh.

Chúng tôi cũng đã chứng minh sự cần thiết phải chuyển một bộ phận (có thể là bộ phận lớn xét về số lượng đơn vị) sang các hình thức sở hữu khác có hiệu quả hơn với khả năng cạnh tranh để phát triển trong một nền kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 

Những khía cạnh kih tế của quyền sở hữu

Nhà nước trong kinh tế quốc doanh

 

 

I.- Tính chất của đề tài và cách tiếp cận

 

 

G.S. Đoàn Xuân Sâm

 

Nước ta đang trong bước ngoẳt của công cuộc đổi mới mà thức chất là sự từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội hành chính Nhà nước đặt trên cơ sở nền kinh tế công cộng hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp; từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt trên cơ sở phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là chủ đạo.

Xét riêng góc độ kinh tế, công cuộc đổi mới có tính cách mạng, sâu sắc như thế là cuộc đổi mới có nguyên tắc. Điều đó có nghĩa là chúng ta kiên định và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê Nin, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là một mặt. Mặt thứ hai, không kém phần quan trọng, là sự đổi mới sâu sắc về nguyên tắc. Từ bỏ mô hình cũ, chuyển sang mô hình mới - sự đổi mới đến cấp mô hình như vậy bao hàm sự từ bỏ một loạt nguyên tăt thiết kế mô hình cũ, xác lập một loạt nguyên tắc của mô hình mới. Đó không chỉ là lý luận, mà là thực tiễn chính sách mới, thực tiễn đã diễn ra trong cuộc sống: từ bỏ nguyên tắc công cộng hoá triệt để, xác lập nguyên tắc cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; từ bỏ chính sách hiện vật hoá các quan hệ kinh tế đề xuất quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hoá; từ bỏ kế hoạch, giá cả, tỷ giá lãi suất pháp lệnh hành chính, đề xuất nguyên tắc kế hoạch hoá và xử lý giá cả, tỷ giá lãi suất thu trên cơ sở các quan hệ kinh tế thị trường, có điều tiết vĩ mô. Phải đặt rõ tính nguyên tắc trong cuộc đổi mới như vậy mới có thể bảo đảm đổi mới có định hướng, đồng thời có tính cách mạng; không bảo thủ, không tuỳ tiện, cũng không ngập ngừng do dự.

Nói riêng về vấn đề sở hữu, càng phải có sự nhận thứclại vừa có nghuyê tắc, vừa đủ sâu sắc đến mức từ bỏ nguyên tắc thiết kế cũ, đưa ra nguyên tắc thiết kế mới của quá trình xây dựng nền kinh tế XHCN.

Kinh tế quốc doanh nói chung, và quốc doanh công nghiệp nói riêng, đã và đang trong bước ngoặt cấu trúc lại- từ bỏ mô hình cấu trúc cũ, tìm tòi tạo lập mô hình cấu trúc mới.

Xử lý lại các quan hệ sở hữu, và quyền sở hữu nhà nước trong kinh tế quốc doanh nói riêng, là vấn đề cực kỳ mới, phức tạp, là bài toán đang đặt ra cấp bách xong là bài toán chưa được giải, hơn nữa định hướng phương pháp luận (thuật toán) cho việc tìm tòi giải cũng chưa được rõ.

Từ đó đã diễn ra thực trạng đáng lo: Nếu trong chính sách và cơ chếcủa công hữu dẫn tới vô chủ, dẫn tới tổn thất và lãng phí to lớn; thì trong trạng thái định hướng và giải pháp đổi mới chưa rõ, tình trạng tranh tối tranh sáng như hiện nay, công hữu càng chịu tổn thất to lớn, như cái bánh thả nổi cho một ngàn lẻ một cách đục khoét.

Đặt vấn đề như thế không phải để từ chối việc nghiên cứu tìm lời giải, mà để định hướng phương pháp luận sao cho có thể từng bước tìm lời giải- càng gỡ càng sáng.

Có thể nêu máy vấn đề phương pháp luận tìm lời giải:

1. Nghiên cứu vấn đề sở hữu và quyền sở hữu Nhà nước nói riêng đã và đang là vấn đề cơ bản và cấp bách nhất trước hết của kinh tế học và luật học. Không thể làm luật về sở hữu mà không trên cơ sở nghiên cứu các quan hệ ở góc độ kinh tế học. Đề tài nghiên cứu này, nhằm mục tiêu tạo cơ sở xây dựng luật, tiến hành trong sự cộng tác liên ngành luật, kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Quyền sở hữu và các quan hệ phân phối tương ứng, với tư cách quan hệ pháp lý, phải phù hợp với nội dung bên trong của nó là các quan hệ kinh tế.

2. Yêu cầu nghiên cứu là cơ bản và cấp bách, nhưng kinh tế học và luật học ở nước ta đang rất lạc hậu, trong tình cảnh rất lạc hậu của cả hệ thống khoa học xã hội. nếi ở rất nhiều nước, luật học và kinh tế học đã từng là những ngành học hàng đầu của khoa học xã hội, thì tình cảnh hai môn học này ở nước ta thật đáng buồn. Đại học pháp lý là ngành học sinh sau, đẻ muộn nhất của hệ giáo dục và đào tạo. Còn kinh tế học, tuy có sớm nhưng lại đi vào con đường giáo điều sao chép, có lúc tưởng như đã có ngành khoa học với đội ngũ đông đảo, thì đến nay hệ giáo khoa cơ bản nhất là kinh tế học và chủ nghĩa xã hội bị cháy giáo án trước cuộc đổi mới. Trong khi đó người dậy vẫn cần dậy, người học vẫn phải học, cuộc sống vẫn cần luật và người ta vẫn dùng sách cũ, luật là thể chế cũ có tên trong ít nhiều. Hơn nữa các Hội đồng giám khảo, Hội đồng chức danh khoa học, căn cứ vào văn bằng chứng chỉ sinh ra trong một nền khoa học lạc hậu vẫn xúc tiến bầu cử và tân phong hàng loạt bằng cấp học vị và học hàm. Đề ra, trước thực trạng lạc hậu, tâm huyết và công sức tiền của phải dành cho việc nghiên cứu kiểm kê đội ngũ đã có, xây dựng nhận thức mới và chỉnh đốn lại đội ngũ trong quá trình tìm tòi tổng kết thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Thực tiễn nước ta, thực tiễn kinh tế nói riêng, đi trước lý luật khá xa. Nhiều cán bộ và cơ quan nghiên cứu, đào tạo, đứng trướccông cuộc đổi mới, không chỉ lạc hậu mà còn lạc lõng (đứng ngoài cuộc) và lạc điệu (do vận lấy sách vởi cũ làm tiêu chuẩn chân lý). Chúng tôi đặc biệt lưu ý sự lạc hậu này đề thấy công trình của chúng tôi là cần thiết, cơ bản cấp bách nhưng rất khó khăn, muốn đạt kết quả, cần có cách làm phù hợp về bước đị và tổ chức lực lượng.

 

 

3. Về bước đi và tổ chức lực lượng nghiên cứu, chúng tôi đề nghị:

 

- Kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai phục vụ thiết thực cho quá trình xây dựng hệ thống mới, và luật về sở hữu Nhà nước nói riêng.

Nhìn toàn cục, chắc không ai dám nghĩ có thể xây dựng đầy đủ hệ thống luật pháp mới và luật sở hữu Nhà nước nói riêng nhanh chóng trong ít năm. Nhưng chắc chắn rằng phải đi từ nghiên cứu cơ bản, đồng thời chọn vấn đề cấp bách để nghiên cứu triển khai ứng dụng. Với chuyên đề quyền sở hữu Nhà nước trong khu vực quốc doanh hay quốc doanh công nghiệp nói riêng, chúng tôi đề nghị phải nghiên cứu cơ bản các quan hệ sở hữu trong bước chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, từ đó nghiên cứu ứng dụng tạo cơ sở kinh tế và luật học ngay cho việc tổng kết Nghị định - 217 và xây dựng Quyết định mới. Điều đó cũng có nghĩa là đề tài này phải phối hợp chặt chẽ với việc tổng kết Nghị định - 217 và đưa ra Quyết định mới. Đồng thời qua nghiên cứu cơ bản, hình thành danh mục vấn đề và trình tự nghiên cứu tiếp tục trong một số năm.

- Về lực lượng nghiên cứu, với quá trình nghiện cứu có cơ bản có ứng dụng, và còn tiếp tục nhiều năm, cần có lực lượng công tác viên dài hạn ổn định kết hợp các nhà luật học và kinh tế học, tranh thủ lực lượng chuyên gia các kinh tế thị trường có điều kiện tương tự như nước ta. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp là trung tâm tổ chức và lực lượng chính, cần được cấp kinh phí và phương tiện nghiên cứu đủ bảo đảm thu hút cộng tác viên có khả năng góp sức bảo đảm công trình đạt kết quả. Riêng nhánh đề tài sở hữu Nhà nước trong công nghiệp cũng nên có công trình chuyền khác cơ bản về kinh tế học, luật học, đồng thời có công trình nghiên cứu trực tiếp đóng góp vào việc tổng kết Nghị định 217 và xây dựng Nghị định mới ở góc độ bình luận, phân biệt, và tư vấn, kiến nghị.

 

II.- Những vấn đề thực tiễn, lý luận về quyền sở hữu Nhà nước trong kinh tế quốc doanh.

 

Trong điều kiện của cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật hôm nay, và của sự phát triển kinh tế thị trường đang quốc tế hoá rất nhanh, người đã và đang phải liên tục nhận thức lại nhiều khái niệm và phạm trù kinh tế cơ bản, như: Lực lượng sản xuất là gì? tư liệu sản xuất là gì? cơ cấu ngành nghề sản xuất và vị trí mỗi ngành nghề trong cơ cấu sản xuất xã hội là như thế nào? Cái gì là của cải và cái gì là của của quan trọng nhất? Lao động nào tạo ra của cải? Cơ cấu một nền sản xuất xã hội, một nền kinh tế như thế nào là có tiềm lực, có thế mạnh trong phân công lao động quốc tế. v.v...

Xét riêng góc độ các quan hệ sở hữu, trong bước ngoặt sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần ở nước ta đã xuất hiện nhiều vấn đề đòi hỏi lý giải. Sau đây xin thử lý giải một vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu Nhà nước trong kinh tế quốc doanh.

 

1. Cái gì là của cải với tư cách đối tượng sở hữu.

 

Kinh tế học của ta cho đến gần đây, khi nói đối tượng sở hữu, trước hết nói đến tư liệu sản xuất theo nghĩa cổ điển: công cụ lao động đất đai, nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản, trong đó yếu tố cách mạng nhất là công cụ lao động. Hơn nữa, theo cách hiểu cũ thường chủ xét những của cải ở dạng vật thể hữu hình. Cách hiểu cũ đó so với thực tiễn hiện nay là quá đơn giản.

Nhìn tổng quát, đối tượng sở hữu, nhất là đối tượng của sở hữu Nhà nước, không thể chỉ là hoặc chủ yếu là tu liệu sản xuất. Đối tượng sở hữu phải là những của cải, tự nhiên và nhân tạo, cần cho đời sống xã hội mà con người và cộng đồng người có thể chi phối. ở đây ít nhiều có mấy khía cạnh phải lưu ý:

- Của cải với tư cách đối tượng sở hữu nhất là đối tượng công hữu phải bao gồm cả tư liệu sản xuất tư liệu tiêu dùng và tài nguyên, môi trường sinh thái.

- Của cải với tư cách đối tượng sở hữu, trong điều liện cách mạng khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường hiện đại không thể là hoặc chủ yếu là đối tượng ở dạng vật thể, mà còn có những đối tượng ở dạng thông tin và dạng quan hệ tâm lý - xã hội (chữ tín uy tín). Người ta đã nói đến tài nguyên thông tin trí tuệ coi như dạng: của cải quý nhất. Trong kinh tế thị trường, chữ tín - sự tin cậy trong quan hệ hợp tác liên kết với bạn hàng, sự chiến lĩnh thị trường là một của cải mà tổ chức kinh doanh phải tốn công của gây dựng mới có; khi đã có thì nó mang lại của cải cho người sở hữu, nó cũng cần được bảo vệ và nâng cao. Chữ tín của công chúng với đồng tiền Ngân hàng Nhà nước, công trái và tín phiếu Nhà nước, Công ty bảo hiểm quốc doanh, tín dụng Ngân hàng Nhà nước, cổ phần hùn vốn quốc doanh ... đều là những của cải vô hình, nhưng cực kỳ quan trọng.

- Trong nên kih tế thị trường, của cải còn có dạng tiền tệ với đồng tiền giấy, và các chứng phiếu có giá trị, trong đó giá trị không gắn với một giá trị sử dụng cụ thể (không có giá trị sử dụng như vật mang giá trị) nhưng được bảo đảm sức mua một số lượng giá trị sử dụng có giá trị tương ưng với giá trị nghi trên giấy. Như vậy tiền Ngân hàng, ngoại tệ các loại chứng phiếu ... đều là của cải, là đối tượng sở hữu. Dạng sở hữu này tạo khả năng để chủ sở hữu sử dụng cơ động, để vốn sản xuất xã hội dễ dàng luân chuyển tích tụ tích luỹ. Nhưng vì là dạng của cải dựa trên đồng tiền giấy (đồng tiền hiện đại - đồng tiền thể chế), nó luôn bị nguy cơ lạm pháp đe doạ mất giá, do dó mất ý nghĩa là một dạng của cải. Đồng tiền bị lạm pháp mất giá là sự tước đoạt mọi chủ sở hữu có của cải mang dạng tiền tệ. Bảo đảm sức mua tương đối ổn định của đồng tiền, tức là bảo vệ chữ tín đó là của cải quốc gia vì nó là đặc trưng quan trọng nhất của một nền tiền tệ và tài chính quốc gia ổn định có khả năng phát triển.

Từ sự xem xét đối tượng sở hữu với các dạng như vậy, có thể nêu ra một số điều lưu ý: do nhận thức cũ quá hẹp về đôứi tượng sở hữu, trong hoạt động kinh tế, và trong xây dựng luật lệ thể chế, ta còn bỏ qua hoặc xem nhẹ những của cải ở các dạng, môi trường sinh thái, thông tin quan hệ tâm lý xã hội ... là những của cải rất quý, thậm chí là quý nhất. Sự lạc hậu của khoa học xã hội, gắn liền với sai lầm chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo quản lý kinh tế xã hội. Sự thất tín của khu vực kinh tế Nhà nước và bộ máy quản lý Nhà nước do trình độ yếu kém và nạn quan liêu tham nhũng; sự lạc hậu của hệ thống, giáo dục đào tạo gắn liền với sự xuống cấp của lớp người trẻ, với lớp trí thức trẻ nói riêng; Sự tuỳ tiện phá hoại môi trường sinh thái .... Tất cả những mất mát đó có nguồn gốc nhận thức coi thông tin trí tuệ, môi trường sinh thái là của quý hàng đầu của đất nước.

2. Phân định quyền sở hữu về phần vốn "tự tạo, tự tích luỹ".

 

Trong quá trình khôi phục và phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội một vấn đề đã rõ và có sự nhất trí rộng rãi là xét về quan hệ sở hữu có ba hình thức sở hữu cơ bản: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể hoặc nhóm và sở hữu cá nhân. Mỗi hình thức cơ bản đó lại bao gồm một số hình thức cụ thể như trong sở hữu Nhà nước, có sở hữu của cộng đồng địa phương do Nhà nước địa phương nắm. Trong sở hữu tập thể và nhóm có sở hữu của Công ty cổ phần, hợp tác xã, đoàn thể và tổ chức xã hội, giữa các hình thức sở hữu lại có sự đan xen, đan kết rất đa dạng.

Trong quá trình xử lý lại các vấn đề về đánh giá, kiểm kê và xử lý tài sản trong kinh tế quốc doanh, đã nẩy sinh những vấn đề khá phức tạp về phân định quyền sở hữu. Nhiều xí nghiệp, Công ty quốc doanh đã nhiều năm hoạt động một phần với vốn Nhà nước, một phần với "vốn tự tích luỹ", thậm chí có trường hợp trên sổ sách tài sản cố định đã được khấu hao hết hoặc phần lớn tài sản lưu động thò một phần quan trong là vốn "tự tích luỹ". Tình hình đó đã có trong hầu hết các ngành, đương nhiên là chỉ ở những đơn vị được xam là làm ăn có lãi. Thậm chí hệ thống Ngân hàng Nhà nước cũng có thể nói vốn cấp ban đầu rất nhỏ, đã kinh doanh có lãi và "tự tích luỹ" rất lớn vì cũng có ba quỹ. Trước tình hình đó đã nhiều nơi đặt vấn đề; có thể coi toàn bộ hoặc một phần vốn "tự tích luỹ" đó là thuộc sở hữu tập thể lao động? Có thể dùng làm vốn không chia hoặc đem phân phối cho các cá nhân với hình thức cổ phần không? Để lý giải vấn đề này, cần lưu ý những đặc điểm sau đây của sự hình thành vốn trong các đơn vị.

Trong cơ chế bao cấp vốn, ngoài hình thức trực tiếp cấp vốn, Nhà nước vòn bao cấp qua hệ thống giá vật tư rất rẻ, khấu hao rất thấp, lãi suất rất thấp, thuế suất ưu đãi, và bao cấp qua việc bù lỗ hàng tiên dùng, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục... Một số trường hợp thu lãi lớn chủ yếu do Nhà nước cho một đặc quyền nào đó như kinh doanh suất nhập khẩu, Ngân hàng .v.v... Trong cơ chế bao cấp và điều tiết đan chéo phức tạp như vậy, việc đánh giá lời lỗ rất khó. Tuy vậy có thể khẳng định: nhìn tổng quát thì toàn bộ khu vực nền kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ. Xét cụ thể trên hình thức sổ sách, nơi lãi nơi lỗ rất khác nhau, nhưng điểm giống nhau là con số không thật, rất khó phân định rõ lãi lỗ thật hay giả, cũng không thể định lượng: Xét nguyên nhân gây ra lời lỗ, nhìn chung trong cơ chế cũ tập thể lao động là yếu tố thừa hành rất thụ động. Hoạt động của cơ quan Nhà nước và giám đốc được bổ nhiệm và bãi miễn như viên chức Nhà nước, mới là yếu tố chủ động gây thực trạng lãi hoặc lỗ, thậm chí phá sản.

Từ sự phân tích như vậy, cần xác định rõ về nguyên tắc không thể quy trách nhiệm chủ yếu trước sự lời, lỗ cho tập thể lao động; không thể chia cổ phần cho người lao động ở nơi "làm ăn có lãi" coi như sự chia lãi, cũng như không thể bỏ mặc người lao động ở nơi là ăn thua lỗ, thậm chí phá sản coi như sự chịu lỗ. Trong quá trình xử lý lại các quan hệ tài sản, nếu làm như vậy thì rất bất công, có thể đem lại hiệu quả xã hội rất xấu. Có thể đề cương giải pháp cổ phần hoá, kể cả biện pháp chia cổ phần cho người lao động với hình thức thích hợp, nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho mọi người lao động, ở nơi đang làm ăn thuận lợi cũng như ở nơi đang thua lỗ phá sản, để họ có thể thích nghi với cơ chế mới. Nếu ở nơi đang làm ăn thuận lợi dùng biện pháp chia cổ phần, thì ở nơi thua lỗ và phá sản có thể dùng tài sản còn lại và ngân sách để cấp vốn hoặc tạo điều kiện cho người lao động chuyển thành tổ chức hợp tác xã, theo quy mô và hinh thức tự chọn, hoặc chuyển thành hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Nhìn tổng quát, do thực tế rất đa dạng, cách xử lý phải đa dạng, nhưng nguyên tắc là Nhà nước có trách nhiệm giải quyết, có lý có tình.

3. Vấn đề kiểm kê đánh giá tài sản.

Trên thực tế chúng ta đã tiến hành kiểm kê, đánh giá tài sản, và đầu 1991 là thủ tục giao vốn. Cuộc kiểm kê đánh giá đã kết thúc trong điều kiện: đánh giá thực ra là các đơn vị tự đánh giá, với xu hướng đánh giá thấp khoảng 25%. Điều đó rất dễ hiểu vì ai cũng biết nếu đánh giá tài sản càng cao nghĩa vụ sau này càng nặng. Để bù đắp thiếu sót đó, đã có giái pháp để cấp trên đánh giá phúc tra, Sự phúc tra đó mang nhiều khả năng thông cảm.

Tại sao ta rơi vào cách đánh giá, đầy sơ hở như vậy? Đó là do ta đã từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong đó cũng từ bỏ hệ thống giá cả do Nhà nước thống nhất quy định rất tỷ mỷ. Sự tu bổ đó là đương nhiên khi đã chuyển sang nên kinh tế thị trường. Đó là một mặt. Mặt khác, ta lại gần như chưa có và chưa thể có ngay hệ thống giá cả thị trường bình thường có điều tiết vĩ mô, có gắn liền với thị trường quốc tế. Hơn nữa, ngay cả đồng tiền Ngân hàng nước ta cũng chưa thật sự là đồng tiền, chưa thể làm tốt chức năng thước đo, thậm chí còn gây rối loạn về thước đo, vì sức mua của đồng tiền rất bấp bênh theo xu hướng mất giá nhanh; Nói đến cùng, một hệ thống đã rối loạn về thước đo thì rất khó đánh giá và điều khiển.

Trong thực trạng này, cần xử lý như thế nào?

trước hết phải khẳng định rằng trong bước ngoặt sang kinh tế thị trường, việc kiểm kê đánh giá tài sản đương nhiên phải lấy giá thị trường. Hệ thống giá cả thị trường đã bắt đầu hình thành, mà khả năng đi tới hệ thống giá cả thị trường bình thường tuỳ thuộc vào khâu xử lý vĩ mô, đặc biệt là xử lý tiền, tệ, tín dụng, tài chính và bảo đảm cân đối chiến lược những vật tư và hành hoá chủ yếu. Từ đó từng bước sẽ có hệ thống giá cả, tỷ giá, lãi suất thị trường bình thường có điều tiết vĩ mô, làm ăn cư đánh giá tài sản.

Trước mắt hiện nay, không phải mọi của cải đều khó đánh giá như nhau. Tài sản cố định và các bất động sản nói chung chưa có giá thị trường vì ta chưa có thị trường vốn, chưa có thị trường cổ phiếu, càng chưa có thị trường chứng khoán. Hơn nữa giá trị tài sản cố định và bất động sản loại lớn phụ thuộc rất nhiều vào phương án đầu tư xây dựng. Trương hợp phương án đầu tư sai thì dù bỏ vốn rất lớn cũng mất giá ngay từ đầu, vì khả năng, sinh lời kém, lại không dễ gì tháo gỡ. Tài sản cố định loại nhỏ, dễ cơ động, đặc biệt là các vật tư hàng hoá thông dụng thì ít nhiều đã có giá thị trường. Nhưng ta lại vấp khó khăn do giá cả thị trường còn nhiều bất hợp lý và luôn biến động. Vốn dưới dạng tiền tệ, tưởng như tự nó đã có giá, không có gì khó khăn về đánh giá. Thật ra cũng vẫn có khó khăn do đồng tiền chưa vững giá, đồng tiền luôn giảm sức mua. Đồng tiền mất giá và chấn động đòi hỏi phải sử dụng chỉ số giá cả trong khi kiểm kê đánh giá nhâts là với các tài sản lưu động và vốn bằng tiền. Hơn nữa, sự biến động giá cả như vậy gây ra sự bất trắc, may rủi rất lớn trong bảo vệ và sử dụng tài sản: dug vô tình hay hữu ý, người dự trữ trúng loại hàng lên giá càng nhanh, thì lãi càng lớn; người lại, dự trữ loại hàng giá không tăng thì tự nhiên bị lỗ; Giữ vốn dưới dạng tiền tệ nếu bị chiếm dụng hoặc đem cho vay lại suất nhỏ hơn chỉ số giá cả, sẽ bị lỗ.

Từ sự phân tích trên đây, có thể đí tới một số điềm lưu ý.

Do nước ta mới bước đầu chuyển sang kih tế thị trường, hệ thống thị trường và giá cả thị trường đã vừa thiếu, lại còn nhiều bất hợp lý, đặc biệt là đồng tiền còn biến động. Do đó, đánh giá, kiểm kê tài sản rất khó, kinh doanh gặp rất nhiều bất chắc, may rủi về bảo vệ tài sản vầ kết quả lời, lỗ. Nói cách khác, người quản lý kinh doanh muốn làm ăn thật sự có lãi, và đúng thể chế, thì rất khó. Nhưng muốn lợi dụng, muốn tham nhũng thậm chí còn tham nhũng hợp lệ không khó, ngay cả trong trường hợp xí nghiệp gặp bất chắc thua lỗ, phá sản. Kinh doanh càng lớn thì càng may rủi, bất trắc càng lớn trong tình huống như vậy, không nên ảo tưởng an tâm với kết quả kiểm kê đánh giá và bàn giao tài sản. Về cơ bản, chỉ có lối thoát và ít sở hở tổn thất nhất, khi giải pháp chống lạm phát thành công, đồng tiền sơm ổn định, gắn với việc sớm có hệ thống giá cả, tỷ giá và lãi suất thị trường bình thường có điều tiết vĩ mô.

 

4. Về tình trạng tài sản công bị lãng phí và tham nhũng.

 

Chúng ta đã nói nhiều đến sự vô chủ này, nhưng thực chất nó là gì? Thực chất của sự cô của sự vô chủ không phải ở chỗ của công không trao cho ai chi phối, mà ở chỗ của công bị cơ quan và người được trao chi phối đã được xử lý tuỳ tiện, lạm dụng không ai thực sự có nhiệm và thương sót. Số của cải bị tham nhũng khá lớn và các đương sự ít nhiều đã bị xét sử kết tội. Số của cải bị lãng phí còn lớn gấp bội, mà dường như các đương sự đều vô tội. Trong cơ chế cũ, điều đó đã quá rõ. Sang cơ chế mới, với giải pháp trao quyền cho tập thể lao động, cho giám đốc, tình hình vẫn diễn biến ngày càng xấu.

Đã có cách phân tích lập luận như sau: giám đốc không phải chủ sở hữu (tập thể lao động cũng vậy), nay được quyền chi phối tài sản, mà giám đốc do cấp trên kể cả do Hội đồng quản trị nhân danh Nhà nước tuỳ ý bổ nhiệm bãi miễn. Như vậy luôn có khả năng: giám đốc tranh thủ kiếm lợi ích riêng, và để đứng vững, cũng rất dễ lo lót cấp trên "lo lót" tập thể cử tri. Các giám đốc kinh doanh ấy trong quan hệ với nhau theo hình thức hợp đồng mua bán, giao thầu, liên doanh liên kết, luôn có khả năng cùng nhau thoả thuậnb kiếm lợi riêng. Từ lập luận đó, nhiều người đi tới kết luận: tham nhũng là chứng tật không thể nào sửa được chừng nào người quản lý chi phối không đồng thời là chủ sở hữu!

Quả là trên thực tế đã có tình trạng đó. Nhưng từ đó nếu đi tới kết luận: phải làm sao để người quản lý đồng thời là chủ sỏ hữu, thì lại rơi vào sự bế tắc khác. Điều đí chỉ làm được với kinh tế tư nhân, cá thể quy mô không lớn. Khu vực kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước có quy mô lớn, cũng như kinh tế đại tư bản, từ nhiều năm trước đây đã sử dụng chế độ uỷ quyền quản lý gắn liền với sự ra đời của lớp người lao động quản lý làm thuê, mà ngày nay lớp người đó đã thành một ngành nghề lao động chuyên trong đó giám đốc kinh doanh là nhân vật chính. Chủ sở hữu sử dụng chế độ uỷ quyền quản lý có thể là công ty tư bản, nhà tư bản lớn, Nhà nước, cổ động trong công ty vô danh với trách nhiệm hữu hạn của cổ động. Đội ngũ giám đốc kinh doanh với tư cách một ngành lao động chuyên, là một trong những dấu hiệu có khả năng về toàn lực phát triển của một nều kinh tế có khả năng phát triển và tham gia tích cực vào sự hợp tác, và đua tranh quốc tế.

Chúng ta rơi vào thực trạng của công vô chủ, bị lạm dụng, bị lãng phí, quy cho cùng là do:

- Sự tu bổ các quan hệ hàng hoá tiền tệ, sự công cộng hoá triệt để mọi tư liệu sản xuất, đưa tới tất yếu phải quản lý theo cơ chế tập trung theo lệnh và bao cấp, từ đó đã tạo ra miếng đất rất tốt cho tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của công.

- Hiện nay ở bước ngoạt sang nền kinh tế thị trường ta chưa có được những yếu tố cần và đủ cho việc thực hiện chế độ uỷ quyền quản lý. Chưa có một thị trường bình thường và tương đối đủ các mặt; do đó chưa có cơ sở khách quan để kiểm kê đánh giá tài sản, mà đó là điều kiện sơ đẳng nhất để bàn giao tài sản và uỷ quyền quản lý. Về phía người được uỷ quyền quản lý, như mục trên đã trình bầy, họ đang ở trong tình huống kinh doanh đầy bất trắc, may ruit về kết quả lời lỗ; đồng thời còn mang nặng hậu quả xấu do cơ chế cũ để lại: bỡ ngỡ trước thị trường, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, lao động quá đông về lượng, yếu kém về chất, điều tiết vĩ mô cũng đang mò mẫn. Đó là tình huống mà muốm làm ăn có hiệu quả đồng thời lại đúng luật thì rất khó, nhưng muốn lạm dụng thậm chí lạm dụng hợp lệ thì không khó. Đội ngũ giám đốc kinh doanh của nước ta mới hình thành, không ít người có tài có tâm huyết, một số đã có uỷ tín trên thị trường trong nước và quốc tế, những hầu như chưa được sử dụng như một loại lao động chuyên, này làm, mai thay, tưởng như ai làm giám đốc cũng được. Hơn nữa, bổ nhiệm giám đốc nhiều khi còn xem như một sự đãi ngộ! Hậu quả xấu do xử lý cán bộ như vầy, đến lượt nó lại là chứng cơ để dư luận và luật pháp chĩa mũi nhọn vào hàng ngũ giám đốc. Từ đó, làm cho những người có tài có tâm huyết cũng nản lòng, trong khi tình huống chỉ còn cho ta một khả năng để hạn chế tổn thất và chuyển nhanh sang cơ chế mới: chọn mặt gửi vàng, đề cao vai trò cá nhân của những người thật sự có tài, có tâm huyết, nhất là đã có uy tín trên thương trường, tin cậy, bảo vệ họ lúc thắng cũng như luc rủi ro, đồng thời đãi ngộ xứng đang, và kiểm tra uốn nắn đúng mức.

Xét cơ bản và lâu dài, nhất thiết phải tìm lời phải theo hướng sử dụng chế độ uỷ quyền quản lý, gắn liền với việc xây dựng đội ngũ lao động quản lý, nhất là đội ngũ giám đốc kinh doanh như một ngành lao động chuyên có năng khiếu, tài năng, tâm huyết. Điều đó là quan trọng với sự nghiệp kinh tế, giống như vai trò các cương lĩnh và sĩ quan trong chiến tranh cách mạng.

Chế độ uỷ quyền quản lý và đội ngũ giám đốc chuyền nghề như vậy, chỉ có thể tạo ra từng bước khi nhất quán chuyển sang nền kinh tế hàng hoá, mà cấp bách nhất là phải xử lý thành công giải pháp chống lạm phát, xây dựng nền tiền tệ, tín dụng, tài chính tương đối ổn định. Trong bước ngoặt này, ta rấ thiếu kinh nghiệm, cần và có thể học kinh nghiệm và dùng chuyên gia của các nước có kinh tế thị trường.

 

III.- Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh và khả năng, thực hiện vai trò đó.

(Mục này mới viết đại ý, sau này sẽ triển khai)

 

Kinh nghiệm của nước ta cũng như của các nước đang phát triển về vấn đề này là khá phong phú. Trên thế giới đã có lúc có cao trào quốc doanh hoá, lại có lúc thao trào - tư nhân hoá khu vực quốc doanh. Kinh tế quốc doanh nước ta đã phát triển quá rộng, nhưng chất lượng yếu kém, mất tín nhiệm. Lối thoát cũng chưa đủ rõ. Đã có xu hướng nhấn mạng tư nhân hoá, đến mức coi như càng ít quốc doanh càng tốt, coi đó là bài học quốc tế phổ biến. Trong tình huống này, cần xem xét lại vấn đề kinh tế quốc doanh một cách cơ bản: vai trò tất yếu của nó, và con đường phát huy vai trò đó.

1. Về tất yếu và vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh .

Chúng tôi dùng khái niệm kinh tế quốc doanh hay kinh tế Nhà nước với hàm nghĩa đó là những tổ chưcs kinh tế mà tài sản công hữu Nhà nước chiếm phần quyết định trong tài sản của nó do đó Nhà nước có vau trò chủ sở hữu trong khi sử dụng chế độ uỷ quyền quản lý.

Nước ta thuộc loại nước đang phát triển, lại là nước đi theo con đường XHCN, bỏ qu gia đoạn phat triển tư bản chủ nghĩa, Điều kiện của ta như vậy căn bản khác điều kiện của các nước tư bản phát triển; Những chừng nào đó tương tự như một số nước đang phát triển, trong đó việc xây dựng khu vựa kinh tế quốc doanh đã diển ra như một xe hướng tất yếu. Sự phát triển kinh tế quốc doanh quá mức, đưa tới phải tư nhân hoá bớt, không loại bỏ được xu hướng tất yếu đó.

Người ta đã đi đến nhận thức tổng quát vai trong kinh tế quốc doanh trong trường hợp của các nước đang phát triển vốn là thuộc địa nửa phong kiến: kinh tế quốc doanh tất yếu phải làm sứ mệnh huy động, tích tụ, tích luỹ đầu tư phát triển với tư cách khu vực kinh tế chủ đạo, vì giai cấp tư bản trong nước đã không thể làm được sứ mệnh đó như giai cấp tư sản ở các nước đã và đang phát triển thật sự theo con đường tư bản.

Có ít nhất bốn lý do đưa tới sứ mệnh tất yếu đó:

- Việc quốc hữu hoá tư bản thực dân và đại tư bản mại bản;

- Việc xây dựng, phát triển những ngành có ý nghĩa chiến lược, tốn vốn mà tư nhân không thể làm và không đủ tin cậy như: Hệ thống Ngân hàng và các cơ quan tài chính, bảo hiểm; giao thông thông tin và công nghiệp mũi nhọn.

- Việc đứng ra nhân dang tổ chức kinh tế lớn cỡ quốc gia để thu hút đầu tư và liên doanh với các hãng lớn bên ngoài cũng như làm đối trong với các hãng ấy trong thị trường nội địa, hoặc vươn ra thị trường thế giới. ĐIều này còn rất hệ trọng cả về chính trị bảo đảm tự chủ và tạo thế mạnh trong điều kiện kinh tế quốc tế hoá.

- Việc gánh vác những khu vực có nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội Nhà nước phải bảo đảm, mà tư nhân không làm.

Như vậy vấn đề không phải là vần hay không cần kinh tế quốc doanh, mà làm kinh tế quóc doanh như thế nào để thật sự làm được sứ mệnh chu đáo.

 

 

 

2. Khả năng, con đường xây dựng kinmh tế quốc doanh là đúng sứ mệnh.

Chỉ ít có bốn vấn đề lớn.

Một: Chỉ làm quốc doanh ở những lĩnh vực thật cần, đồng thời khuyền khích phát triển các thành phần kinh tế khác, đặt trong quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết, trong đó quốc doanh làm nòng cốt chủ đạo. Do đã mở quốc doanh quá rộng, ta cần chọn lọc lại, trong đó có thể tư nhân hoá, hợp tác hoá. Chỉ nên hiểu quốc doanh chủ đạo trên quy mô toàn quốc, căn bản là quốc doanh lớn, quốc doanh Trung ương. Không thể chọn lọc lại một lần là xong, mà tất yếu phải thường xuyên chọn lọc lại, thực hiện hợp lý cả hai xu hướng: khi cần và có lợi thì có thể quốc doanh hoá hoặc ngược lại - tư nhân hoá.

Hai: Thật sự chuyển sang nền kinh tế thị trường và quốc doanh được đặt trước thị trường như mới thành phần kinh tế khác, hoạt động theo một luật chơi thống nhất. ở tất cả các nước, mức độ hoàn thiện của kinh tế quốc doanh tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của các quan hệ thị trường. Với chính sách và cơ chế cũ quốc doanh nước ta yếu kém là điều dễ hiểu.

Ba: Không có bất kỳ tổ chức kinh doanh lớn nàu lại có thể làm ăn có hiệu quả, kể cả tổ chức đại bản, nếu không có đội ngũ giám đốc kinh doanh chuyên nghiệp có tài có đức. Quốc doanh nhiều nước thua kinh tế tư bản, chính là do xử lý với giám đốc quốc doanh giống như sử lý viên chức, quan chức hành chính.

Bốn; Kinh tế quốc doanh luôn chịu sự quản lý của bộ máy Nhà nước. Do đó chất lượng và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước là điều không thể thiếu để có thể sử dụng chế độ uỷ quyền quản lý, để chọn lọc và sự dụng nhân tài, đề định hướng chiến lược, chính sách, lập pháp, tác động kinh tế vĩ mô, dư báo và hướng dẫn, tạo môi trường có định hướng cho các nhà kinh doanh./.

 

 

Nội dung quyền tự quản của xí nghiệp

quốc doanh

----------

 

GS: Trần Đình Bút

 

 

1. Quyền xác định nhiệm vụ và quy mô SXKD một cách chủ động, chỉ giữ một chỉ tiêu pháp lệnh đó là các khoản thuế gồm thuế tài sản của xí nghiệp quốc doanh và các khoản thuế khác bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau.

2. Quyền xác định các dạng sản xuất, các dạng xí nghiệp hoặc dịch vụ không hạn chế theo chức năng. Trước đây xem xét hoạt động của một cơ sở theo một luận điểm cũ là cơ sở đó có hoạt động theo đúng chức năng hay không - Trong điều kiện của cơ chế thị trường cần mở rông quyền tự do lựa chọn, nếu như quy định theo chức năng cứng nhắc thì có nghĩa là một cơ sở chỉ có quyền chuyền môn hoá một mặt thôi sẽ có thể tạo sự bị động cho cơ sở đó không thích nghi với sự hiếu động của nhu cầu cơ chế thị trường cho nên cần tạo điều kiện cho các cơ sở vừa có chuyên môn hoá đồng thời phải xây dựng tổng hợp, miễn sao có hiệu quả xu hướng của các công ty đa quốc gia trên thế giới cũng vậy thôi.

3. Quyền tự chủ về tài chính, lấy thu bù chi trong đó có các quyền sử dụng vốn cố định gồm quyền sử dụng trong sản xuất kinh doanh, quyền mang đổi khi cần thiết, quyền cho thuê khi tạm thời chưa cần và quyền thanh lý những tài sản thừa với sự đồng ý của cấp trên đối với vốn cố định, còn đối với vốn lưu động thì có toàn quyền tạo nguồn vốn lưu động để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh. Về điểm này hiện nay các cơ sở rất lúng túng, cơ sở cũng có thể tạm vay vốn cố định chuyển sang vốn lưu động để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh với điều kiện là hoàn trả lại nguồn vốn cố định khi kết thúc chu kỳ sản xuất kinh doanh đó. Nếu không có tháo khoán chỗ này, thì cũng trói buộc các giám đốc.

4. Quyền liên kết với mọi hình thức sở hữu và chủ động chọn bạn hàng để liên kết (chống gán gép kiểu ép duyên).

5. Quyền chọn bạn hàng để mua vật tư và chọn mua vật tư phù hợp với yêu cầu sản xuất. Nếu không có quyền này thì quyền tự chủ trong sản xuất chỉ là trên giấy vì cơ sở cần đúng loại vật tư để đảm bảo phẩm chất của các sản phẩm vì trong điều kiện cơ chế thị trường thì phẩm chất sản phẩm quyết định kinh doanh lỗ lãi do đó không được quyền lựa chọn vật tư để bảo đảm chất lượng sản phẩm thì quyền tự chủ cũng nói cho vui thôi.

6. Quyền lập quỹ dự phòng vì bất kỳ cơ sở sản xuất nào cũng cần có sự mạo hiểm nhất định vì vậy nếu không có quỹ dự phòng thì đứng trước biến động của thị trường chắc rằng khó chống đỡ được nguy cơ phá sản.

7. Quyền chủ động giao quỹ ngoại tệ để đổi mới thiết bị và hoạt động sản xuất kinh doanh chủ động về điểm này cơ chế của Nhà nước đã bắt đầu tháo gỡ, cho phép cơ sở tự do mua ngoại tệ ở Ngân hàng Nhà nước. Nhưng thực sự cơ chế mua bán ngoại tệ của ta là nửa vời, vẫn có khoảng cách khoảng 15% so với giá thực tế, tạo kẽ hở cho đầu cơ, buôn lậu ngoại tệ cũng như tư bản nước ngoài vào đầu tư ta cũng dè dặt. Do đó đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát (tránh nửa với trong việc xác định tỷ xuất hối đoái như hiện nay. nửa với trong việc xác định tỷ xuất hối đoái như hiện nay).

8. Quyền chủ động định biên chế sa thải những cán bộ, công nhân viên không đủ tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh và có trách nhiệm quyền lực chọn cán bộ có trách nhiệm điều hành cơ sở của mình. Trên thực tế giám đốc không sử dụng được quyền này.

9. Quyền xác định quỹ lương, mức lương hoàn toàn tuỳ thuộc hiện quả sản xuất kinh doanh nhằm giữ lấy cán bộ kỹ thuật và công nhân giỏi. Về vấn đề này Nghị định - 217 nói rất hay nhưng lại theo quy chế hiện hành của chế đội tiền lương dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật bỏ quốc doanh ra ngoài làm - cần có quy định này, tất nhiên Nhà nước cần có sự điều tiết để không có mức chênh lệch quá đáng giữa cơ sở này và cơ sở khác, nhưng thực chất sản xuất kinh doanh của cơ sở thì lại là công bằng.

10. Quyền xác định giá tiêu thụ sản xuất theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Quyền kinh doanh trên thị trường và quyền cạnh tranh thể hiện cuối cùng ở quyền chủ động xác đinhj giá tiêu thụ sản phẩm (thuận mua vừa bán bảo đảm chi phí, có lợi) thì toàn bộ các quyền đã nói ở trên cũng không được thể hiện. Nói như vậy không phải để cho hệ thống giá tuỳ nghi biến động hòan toàn theo cơ chế thị trường. Nhà nước xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng giữ cho được quyền điều tiết trong phạm vi nhất định, có thể đối với lĩnh vực này Nhà nước quy định giá có thể là lỗ để thực hiện một chính sách xã hội nào đó. Nói chung phải tôn trọng nguyên tắc tôn trọng giá cả theo nguyên tắc thuận mua , vừa bán của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Các kiến nghị cụ thể:

1. Sớm bổ sung luật để lành mạnh hoá môi trường kinh tế cụ thể có một đạo luật thống nhất mới để cụ thể hoá môi trường kinh doanh cho mọi thành phần kinh kế để tạo sự bình đẳng thực sự trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh kế với nhau.

+) Sửa đổi gấp cơ chế tiền lương quá bất hợp lý tạo sự chủ động cho cơ sở tuyển lựa người tốt, ngươi già, tạo sự công bằng xã hội.

+) Chuyển gấp các cơ sở quốc doanh không cần thiết giữ ở dạng Quốc doanh thuần tuý sang dạng Công ty cổ phần trong đó có sở hữu Nhà nước tham gia. Do đó, chuyển sang Công ty cổ phần không sợ mất vai trò cảu sở hữu Nhà nước.

 

Một số suy nghĩ về cơ sở pháp lý

từ góc độ của việc đảm bảo quyền

tự chủ sản xuất kinh doanh của

các đơn vị kinh tế cơ sở

---------

 

Huỳnh Tư

Phó tiến sĩ khoa học kinh tế

Viện kinh tế TP Hồ Chí Minh.

 

 

I. Hiện nay, đứng trước tình trạng sản xuất kém hiệu quả của các đơn vị kinh tế, trước hết là các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh; nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đặt ra và cần được làm sáng rõ.

Công cuộc đổi mới ở nước ta nói chung, trong lĩnh vực kinh tế nói riêng càng đi vào chiều rộng lẫn cả chiều sâu, nhiều vấn đề mới xuất hiện có liên quan đến nhận thức về chủ nghĩa xã hội, về mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó có vấn đề về vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh.

ở nước ta, vấn đề vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh có cội nguồn lịch sử của nó. Trước đây xuất phát từ quan niệm cho rằng, nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu là quốc doanh và tập thể, thị trường là thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất luôn được củng cố, và vì vậy, vấn đề về vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh được đặt ra. Thêm vào đó là sự hiểu biết, nhận thức thô thiển về vai trò kinh tế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa; là sự lẫn lộn giữa chức năng quản lý của Nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các cơ sở kinh tế. Chúng tôi cho rằng, chúng ta đã sai lầm, ngộ nhận khi coi quá trình cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế ở nước ta, coi quá trình vận động đi lên của nền kinh tế nước ta như là một quá trình nâng cao tỷ trọng của kinh tế quốc doanh. Tính hợp quy luật của sự phát triển các hình thức sở hữu, chúng tôi cho rằng, chính là ở sự phong phú, đa dạng và cuối cùng là hiệu quả kinh tế xã hội, chứ không phải là sự nâng cao tỷ trọng của sở hữu Nhà nước, của kinh tế quốc doanh. Chúng tôi cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, các hình thức sở hữu sẽ hoà nhập vào nhau, đan cháo nhau. Đó là một xu hướng phát triển của các hình thức sở hữu, của quá trình xã hội hoá chế độ sở hữu, nếu chưa thể nói, đó là tính quy luậtcủa sự phát triển của chế độ sở hữu. Quá trình phát triển lịch sử của chế độ sở hữu sẽ đến lúc là không còn một hình thức sở hữu nào thuần khiết, dù cho đố lad sở hữu quốc doanh hay sở hữu tư nhân. Có chăng, chỉ là nhất thời lúc mới hình thành, là có tính chất giai đoạn ngắn.

II. Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề là "làm thế nào để phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh" hoặc "làm thế nào để kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo"... như nhiều đồng chí trong chúng ta đã trăn trở. Vấn đề hiện nay cần được đặt ra, theo chúng tôi là làm thế nào để các đơn vị kinh tế cơ sở, cả quốc doanh và ngoài quốc doanh (tư nhân, cá thể, kinh tế hợp tác...) có thể phát triển được sản xuất- kinh doanh có hiệu quả. Mục đích của việc điều hành, quản lý nền kinh tế là làm sao cho các hoạt động kinh tế có hiệu quả, chứ không phải là quốc doanh hay không quốc doanh. Theo hướng đó, cơ chế mới về quản lý kinh tế ở nước ta, một mặt phải "đảm bảo quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở, quyền làm chủ của các tập thể lao động..." (* ), mặt khác "bảo đảm hiệu lực quản lý tập trung thống nhất của trung ương trong những vấn đề có tầm quan trọng đối với cả nước, đồng thời bảo đảm quyền chủ đọng của các cấp địa phương trong việc quản lý kinh tế, xã hội trên lãnh thổ" (* ).

Bản thân vấn đề chủ đạo được hay không là tuỳ thuộc vào chính bản thân xí nghiệp. Chúng ta không thể áp đặt bán cho nó làm vai trò chủ đạo. Bản thân hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp sẽ tự khặng định vai trò chủ đạo hày không chủ đạo của nó. Nếu chúng ta áp đặt ngay một vai trò nào đó thì sẽ có một sự không hợp lý trong cơ chế quản lý đối với các xí nghiệp quốc doanh. Do vậy, cùng với việc thừa nhận sự cần thiết và hợp lý, đảm bảo sự phong phú và đa dạng của các hình thức sở hữu, với sở hữu Nhà nước hiện nay, vấn đề cốt lõi có tính sống còn của nó là làm thế để nó chủ thật sự. Cần có cơ chế hợp lý để thực hiện có kết quả sở hữu Nhà nước về mặt kinh tế. Khi đề cập đến những quan điểm và phương hướng lớn chỉ đạo cho công cuộc đổi mới ở nước ta trong thời gian đến. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khoá VI) đã coi việc thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là vấn đề "...có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội..." Đó là kết luận được rút ra từ sự phân tích tình hình thực tiễn của nước ta. Kết luận đó thể hiện sự trưởng thành của Đảng ta về sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào điều kiện của nước ta.. Bảo đảm cự phát triển phong phú, đa dạng của các hình thức sở hữu là một kiểu tư duy mới về kinh tế. Chúng tôi cho rằng, đó là kết luận cùng với những kết luận khác của Hội nghị lần 6 (khóa VI) Ban chấp hành Trung ương vừa có tính chất chấm dứt cho thời kỳ khó khăn, lúng túng trong tư duy lý luận, trong chỉ đạo thực tiễn đã qua, vừa mở đường cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Các kết luận này sẽ giúp chúng ta lý giải được một cách thoả đáng, khoa học cho những bài học của quá khứ, và định hình được con đường hợp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.

Xét về mặt thực tiễn, mỗi chúng ta với tư cách là người tiêu dùng, khi mua một hành hoá nào đó, điều quan tâm trước tiên không phải là hàng hoá đó do xí nghiệp quốc doanh hay không phải quốc doanh sản xuất ra. Điều quan tâm trước tiên của người tiêu dùng khi mua một hàng hoá là hàng hoá đó đáp ứng được nhu cầu gì của họ, chất lượng của hàng hoá đó ra sao, giá cả thế nào? ... Nghĩ là, người mua quan tâm trước tiên đến giá trị sử dụng về giá trị của hàng hoá, chứ không phải sở hữu nào đã sản xuất ra nó.

III. Làm thế nào để các đơn vị kinh tế cơ sở, cả quốc doanh và ngoài quốc doanh có thể phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả? nghị quyết Hội nghị lần 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã giải đáp về cơ bả, tổng thể những vấn đề trên. Đó là, phải tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận nhằm hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về đổi mới, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động. Đây là yêu cầu cực kỳ quan trọng, Công cuộc đổi mới đang vào giai đoạn mà kết quả tiếp theo của nó tuỳ thuộc rất lớn vào giai đoạn vào công việc này. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã chỉ ra rằng, cùng với việc xác định những bước đi, hình thức và cách làm phù hợp với thực tiễn, phải kiên trì và đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đổi mới toàn diện và đồng bộ. Theo chúng tôi, đã đến lúc, chúng ta phải bước những bước mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, đồng bộ hơn trên con đường đổi mới trên một số vấn đề cốt tử sau đây:

Một: Phải tổ chức lại một cách cơ bản nền kinh tế của nước ta hiện nay theo hướng thật sự thừa nhận èn kinh tế của nước ta là một nền kinh tế hàng hoá có cơ cấu nhiều thành phần, phát triển một cách có kế hoạch. Nền kinh tế đó là một thể thống nhất, không chia cắt thành kinh tế trung ương, kinh tế địa phương, không bị chia cắt theo địa giới hành chính như hiện nay. Hoạt động trong nền kinh tế đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Chúng không cần cấp chủ quản, không cần có cơ quan chủ quản, không cần có cấp trên trực tiếp. Không có cơ chế quản lý riêng cho các xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau như hiện nay. Không có cơ chế quản lý riêng cho các địa phương. Cơ chế quản lý là chung cho tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Không có cơ chế riêng cho các xí nghiệp Trung ương, cơ chế riêng cho các xí nghiệp địa phương ... Chỉ có cơ chế để điều phối sự vận hàng toàn bộ nền kinh tế quốc dân (cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô) và cơ chế để điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở (cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô).

Hai: Tiếp tục làm rõ, phân định và tách hẳn, rạch ròi hai chức năng: quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các cơ sở - đó là chức năng và là quyền của các đơn vị cơ sở, và chức năng quản lý của Nhà nước về kinh tế - đó là chức năng của các cơ quan Nhà nước các cấp cùng các cơ quan uỷ quyền bằng hệ thống luật pháp..

Nhà nước nói chung, Nhà nước xã hội chủ nghĩa nói riêng, có vai trò hết sức to lớn đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như đối với các quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế. Tuy nhiên, với tư cách là Nhà nước, dù đó là Nhà nước xã hội chủ nghĩa thì sự tác động của nó đến các quá trình kinh tế cũng có ranh giới, giới hạn nhất định. Hơn nữa, sự tác động của Nhà nước và các quá trình kinh tế ở các phạm vi khác nhau - kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô - cũng không giống nhau về nội dung, phương pháp và các công cụ dùng để tác động. Chúng tôi không cho rằng, quản lý kinh là chức năng gắn liền với bản chất của Nhà nước tế xã hội chủ nghĩa, không phải là chức năng đặc thù của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi cho rằng, bất kỳ một kiểu Nhà nước nào, để duy trì sự tồn tại của mình, đều phải thực hiện chức năng quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, quán lý các quán trình kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, tuỳ bản chất khác nhau của các kiểu Nhà nước mà bản chất, mục đích của việc quản lý đó có khá nhau. Chính từ sự lẫn lộ, ngộ nhận trên, nên tư lâu, chúng ta đã bỏ qua những cái hay, những cái hợp lý về mặt phương pháp và các công cụ được sử dụng trong quản lý kinh tế mà các Nhà nước không phải xã hội chủ nghĩa đã sử dụng. Bên cạnh đó, chúng ta đã "Nhà nước hoá" các quá trình sản xuất kinh doanh, đã không phân biệt được đâu là hành vi Nhà nước, đau là hành vi kinh doanh trong quá trình tác động vào nền kinh tế. Từ đó, Nhà nước đã làm những phần việc đáng ra không phải làm, làm không có hiệu quả; trong khi đó lại bỏ rơi những việc đáng ra phải làm, không thể bỏ qua.

Ba: Trên cơ sơ đó, cần tổ chức lại hệ thống các cơ quan Nhà nước và các cơ quan chức năng giúp việc từ Trung ương đến địa phương, đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa các cơ quan đó với các chủ thể sản xuất hàng hoá. Cần mạnh bạo giải thể các Bộ, Tổng cục xưa nay có quản lý sản xuất kinh doanh với tư cách là các cơ quan chủ quản, cơ quan cấp trên của các xí nghiệp. Các cơ quan tổng hợp, như uỷban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, v.v... cũng cần được xem xét, kiện toàn tổ chức lại. ở cấp địa phương, sự tồn tại của Uỷ ban Kế hoạch, Uỷ ban Vật giá...trong điều kiện mới là không cần thiết. Chức năng hết sức tổng hợp, điều phối, phối hợp của các cơ quan này trước kia, giờ đây có thể do một bộ phận nhỏ nằm trong Uỷ ban nhân dân thực hiện... quan điểm nay suất phát từ chổ chúng tôi cho rằng, trong điều kiện mới, chỉ có hai cấp là thực sự làm kế hoạch: đó là cấp kế hoạch ở Trung ương - kết hoạch sự phát triển nền kinh tế vĩ mô - và kế hoạch của các đơn vị sản xuất kinh doanh - kế hoạch ở cấp vi mô. Như vậy là không còn kế hoạch địa phương, kế hoạch ngành với tư cách là một cấp kế hoạch hoàn chỉnh. Nếu có chăng chỉ là sự phối hợp.

Bốn: Khẩn trương hình thành một hệ thống pháp luật đủ để quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Quản lý đất nước trước hết phải được thực hiện bằng pháp luật. Phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền mà trong đó không một ai, không một cơ quan, tổ chức nào, kể từ người lãnh đạo cao nhất cảu đất nước đến người dân bình thường, từ cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước đến các tổ chức đoàn thể, quần chúng... được sống và hoạt động trên và ngoài khuôn khổ của luật pháp.

Cuối cùng: Phải tôn trọng và đảm bảo thật sự quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở với tư cách là các chủ thể sản xuất hàng hoá, không phân biệt thành phần kinh tế quốc doanh hay ngoài quốc doanh. Nghĩa là, các đơn vị kinh tế cơ sở phải được quyền mua các điều kiện để tiến hành các quá trình sản xuất, được quyền điều hành quản lý, các quá trình sản xuất kinh doanh của minh và quyền bán các kết quả cảu hoạt động sản xuất kinh doanh (sản phẩm và các dịch vụ). Sự tôn trọng và đảm bảo này phải được thể hiện bằng pháp luật.

 

 

TP Hồ Chí Minh

ngày14/12/1989

 

Các quyền sở hữu, quyền sử dụng và

loại hình xí nghiệp

---------------

 

 

Đào Công Tiến

 

 

Cả về góc, lý luận lẫn thực tiễn của công cuộc đổi mới ở nước ta, vấn đề hình thức sở hữu, quyền sử dụng cũng như các loại hình xí nghiệp, đang là vấn đề có vị trí quan trọng cần sớm làm sáng tỏ.

Xét trong phạm vi sản xuất xã hội thì các yếu tố của nó như tài nguyên, đất đai, sức lao động, tư liệu sản xuất bao giờ cũng là vật sở hữu của những người chủ sở hữu và vật sử dụng của những người chủ sử dụng nhất định. Có trường hợp chủ sở hữu và chủ sử dụng là một, cũng không ít trường hợp chủ sở hữu và chủ sử dụng lại khác nhau.

Hiện tại và trong một tương lai không phải gần ở nước ta sẽ tồn tại các hình thức sở hữu và sử dụng khác nhau sau đây:

- Đất đai, tài nguyên vốn là sản phẩm của tự nhiên, trong quá trình được khai thác sử dụng trở thành sản phẩm của lao động - lao động xã hội của nhiều thế hệ lối tiếp nhau. Đó là những tư liệu sản xuất đặt biệt có vị trí vô cùng quan trọng cả trước mắt và lâu dài, cả cục bộ và toàn cục của nền sản xuất xã hội. Do đó, nó phải là vật sở hữu trung của quốc gia, do quốc gia định hướng sử dụng và chi phối một phần lợi ích từ kết quả sử dụng đó. Nhưng để đất đai, tài nguyên được khai thác và có hiệu quả, phải trao quyền sử dụng lâu dài (nếu không gọi là vĩnh viễn) cho người sản xuất. Quyền sử dụng này bao gồm cả việc thừa kế và sang nhượng.

- Sức lao động cũng là yếu tố của sản xuất, là vật sở hữu của từng con người. Điều này thật hiển nhiên vì loài người đã đoạn tuyệt với chế độ chiếnm hữu nô lệ quá lâu rồi. Tuy nhiên, sức lao động của từng con người riêng biệt không có sự kết hợp với sức lao động của nhiều người khác, kế hợp sức lao động với tư liệu sản xuất thì cũng không thể sản xuất. Do đó phải có hình thức thích hợp về chuyển giao quyền sử dụng sức lao động cho người sản xuất (kể cả việc thuê mướn sức lao động).

- Các tư liệu sản xuất khác, tuỳ theo yêu cầu và khả năng tranh bị, sử dụng, có thể là vật sở hữu của Nhà nước, của tập thể, của tư nhân hoặc của cá nhân và gia đình. ở đây có thể vừa có sự thống nhất vừa có sự khác nhau giữ chủ sở hữu và chủ sử dụng. Các hình thức sở hữu và sử dụng khác nhau cùng tồn tại và có sự chuyển dịch do yêu cầu và khả năng tranh bị sử dụng. Xu hướng chuyển dịch và việc xác lập vị trí, mối quan hệ mới giữ các chủ sở hữu, chủ sử dụng được diễn ra do sự phát triển của trình độ và tính chất của lược lượng sản xuất nói chung và các yếu tố tư liệu sản xuất nói riêng quyết định.

Mặc dù chủ sở hữu và chủ sử dụng là một hay không phải là một, thì quyền sở hữu và quyền sử dụng cũng là hai phạm trù khác nhau có sự chi phối, tác động vào các quá trình sản xuất khác nhau. Chủ sở hữu có quyền định hướng sử dụng vật sở hữu và chi phối một phần lợi ích từ kết quả sử dụng nó với dưới thức cổ tức, tiền lương, giá nhân công. Chủ sử dụng có quyền quản lý, sử dụng các yếu tố sản xuất trong một thể thống nhất của quá trình sản xuất, không phân biệt chúng thuộc quyền sở hữu của ai. Thực chất quyền sử dựng là quyền của người sản xuất là các đơn vị sản xuất kinh doanh, là những xí nghiệp (kể các đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể, gia đình).

Lịch sử phát triển của sản xuất xã hội đã trải qua những giai đoạn mà lực lượng sản xuất và tính chất xã hội hoá của sản xuất chưa cao. ở đó, tồn tại phổ biến các dạng hình xí nghiệp tương ứng, cần thiết của một hình thức sở hữu nhất định (xí nghiệp Nhà nước, xí nghiệp tập thể, tư nhân, cá thể gia đình). Trong thời đại khoa học kỹ thuật và sản xuất hàng hoá lớn phát triển cả về thực lực và xu thế như hiện nay, các dạng hình xí nghiệp trên dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm lên đã chuyển sang hình thức xí nghiệp cổ phần. Đây là một xu thế của thời đại. Sự phát triển và định hướng xã hội chủ nghĩa nền sản xuất xã hội của đất nước ta không thể đứng ngoài ảnh hưởng của xu thế này.

Xí nghiệp cổ phần không phải là loại hình xí nghiệp cần thiết, tương ứng của một hình thức sở hữu nhất định, mà là chính thức xí nghiệp đượchình thành trên cơ sở các yếu tố sản xuất của nhiều chủ sở hữu và nhiều thành phần kinh tế đan sen lại với nhau. Loại hình xí nghiệp này có ưu điểm trong việc huy động vốn và sự qua tâm trung của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Vai trò định hướng và chi phối một phần kết quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp thuộc về tập thể chủ sở hữu, trong đó vị trí và mối quan hệ của từng chủ sở hữu có khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ góp vốn. Điều này tạo điều kiện cho Nhà nước với thực lực kinh tế của mình vừa phát huy được nguồn lực các chủ sở hữu, các thành phần kinh tế khác nhau, vừa thực hiện được vai trò của mình trong việc phát triển và định hướng các quá trình kinh tế - xã hội của đất nước. Xí nghiệp cổ phần hoạt động trên cơ sở các yếu tố sản xuất của nhiều chủ sở hữu, những hoàn toàn có khả năng thoát ra khỏi sự lộng hành của những chủ sở hữu đó đề dành quyền thống nhất quản lý, sử dụng các yếu tố sản xuất, thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Ranh giới giữ quyền chủ sở hữu và chủ sử dụng được phân định rạc ròi ở đây.

Phải chăng từ đây cho phép chúng ta cảm nhận những gì Lê Nin đã suy nghĩ khi đề ra hình thức xí nghiệp tư bản Nhà nước và đặt chỗ đứng của nó trong việc phát triển nên kinh tế và thực hiện bước quá độ nền chủ nghĩa xã hội.

 

Tháng 6 năm1990

 

 

Sở hữu nhà nước trong Nông nghiệp

------------

 

GS. Hồng Giao

 

Đặt vấn đề

 

Tài sản xã hội chủ nghĩa, tức là tài sản thuộc về xã hội hay là của toàn thể nhân dân, là đối tượng sở hữu của Nhà nước. Còn nhà nước với tư cách chủ thể sở hữu, là Nhà nước thể hiện quyền lực của nhân dân, tức Nhà nước của Nhân dân.

Theo Mác, sự xuất hiện sở hữu Nhà nước, theo khái niệm trên đây, chỉ có thể là kết quả của một trình độ xã hội hoá rất cao của lực lượng sản xuất đã đạt tới quy mô tập trung toàn xã hội, và một trình độ tổ chức rất cao của giai cấp công nhân cho phép chuyển chính quyền về tay nhân dân.

ở nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phần rất lớn dân cư là nông dân, chế độ sở hữu Nhà nước ra đời trong điều kiện đó là do thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc cho phép chính quyền về tay nhân dân, đồng thời biến tài sản của chủ nghĩa đế quốc và đại tư sản thành tài sản của xã hội, thuộc sở hữu Nhà nước.

Trong bối cảnh trên đây, sở hữu Nhà nước chỉ chiếm lĩnh được một số đỉnh cao của nền kinh tế và nắm giữ những vị trí yết hầu của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh sở hữu Nhà nước, tồn tại phổ biến là sở hữu Nhà nước những vị trí yết hầu của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh sở hữu Nhà nước, tồn tại phổ biến là sở hữu tư nhân, chủ yếu là sở hữu cá thể của nông dân.

Sở hữu của Nhà nước mang tính công hữu, sở hữu của nông dân mang tính tư hữu. Tương ứng là hai trình độ lực lượng sản xuất: một bên là sản xuất lớn- kinh tế quốc doanh và một bên là sản xuất nhỏ- kinh tế hộ gia đình.

Không thể coi sở hữu nhà nước là đối địch với sở hữu cá thể của nông dân, càng không thể thủ tiêu sở hữu cá thể của nông dân để biến thành sở hữu Nhà nước hay sở hữu tập thể phụ thuộc Nhà nước!

Không thể duy trì sở hữu cá thể của nông dân như cũ, để kinh tế nông dân rơi vào tình trạng tự phát và phân hoá. Cũng không thể tư nhân hoá kinh tế quốc doanh, thu hẹp sở hữu Nhà nước để tự do phát triển kinh tế cá thể, tư nhân !

Khó khăn của chủ nghĩa xã hội là ở đó, và sai lầm trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng bắt đầu từ đó !

Vậy mấu chốt của vấn đề là ở chỗ nào? V.Lênin đã nói về nước Nga: "Cái quan trọng nhất, căn bản nhất của toàn bộ cuộc cách mạng và của tất cả các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tương lai" (V.L tập 44, trang 375).

Rằng: "Vấn đề căn bản nhất, then chốt nhất, là vấn đề thái độ của giai cấp công nhân đối với nông dân, là sự liên minh của giai cấp công nhân với nông dân" (nt)

Rằng: "Toàn bộ ý nghĩa của chính sách kinh tế mới... là ở chỗ này và chỉ ở chỗ này thôi: là kiến tập sự liên minh giữa nền kinh tế mới mà chúng ta đang hết sức cố gắng để xây dựng với nền kinh tế nông dân. Đó là công lao của chúng ta; không có cái đó, chúng ta sẽ không phải là những người cộng sản cách mạng nữa" (V.L tập 45, trang 90).

Vấn đề sở hữu nhà nước phải được đặt ra theo quan điểm đó.

 

* *

*

 

I. Vai trò sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp.

 

1. Đối tượng thuộc sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp hiện nay bao gồm:

- Một phần đất đai thuộc sở hữu nhà nước và hệ thống các quốc doanh sản xuấtd nông- lâm ngư nghiệp và chế bién.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng của nước cùng hệ thống quôcs doanh dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ lưu thông trên địa bàn nông thôn.

- Vốn tài sản cố định và lưu động của Nhà nước đầu tư phát triển nông nghiệp và giao lưu kinh tế vơí nông dân, thông qua hệ thống tài chính, ngân hàng và thương nghiệp Nhà nước.

Những đối tượng thuộc sở hữu Nhà nước trên đây tiêu biểu cho tình trạng xã hội hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, hình thành khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp.

 

Đặc biệt đối với tài nguyên đất đai, vai trò của Nhà nước không chỉ giới hạn trong số đất đai cho nhà nước trực tiếp sở hữu và sử dụng: Bởi vì khi chính quyền thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ, thì đương nhiên toàn bộ đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn thể nhân dân do nhà nước nắm quyền sở hữu. Như vậy, chế độ tư hữu về ruộng đất của nông dân đã bị xoá bỏ theo Hiến pháp, song nông dân vẫn được quyền có ruộng đất và sử dụng ruộng đất. Ruộng đất thuộc sở hữu của toàn thể nhân dân, song không có nghĩa là tất cả đất đai đều là tải sản xã hội chủ nghĩa trực tiếp thuộc sử hữu Nhà nước. Nhà nước đại diện cho nhân dân, nắm quyền sở hữu đất đai và thực hiện quyền sở hữu đó thông qua việc phân phối đất đai cho nông dân sử dụng.

2. Với tính chất sở hữu về tài sản và đất đai như trên, vai trò Nhà nước nắm quyền sở hữu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

- Nó tạo nên cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa của Nhà nước trở thành chủ đạo đối với sự phát triển nông nghiệp và giải phóng lao động của nông dân đưa nông dân tiến lên cong đường xã hội chủ nghĩa.

Mác dự kiến rằng: "Nếu như quyền sở hữu ruộng đất được biến thành quyền sở hữu của nhân dân thì nói chung cái sơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa - cơ sở biến điều kiện lao động tách rời người lao động, sẽ không còn nữa". (Tư bản QIV, trang 138).

- Nó thiết lập sự Liên minh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế nông dân, là cơ sở của chế độ hợp tác trong nông nghiệp. Đó là chế độ hợp tác theo quan điểm của V.Lênin. Rằng: "chế độ hợp tác .. có một ý nghĩa đặc biệt trước hết là về phương diện nguyên tắc - Nhà nước nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, sau nữa là về phương diện bước quá độ sang chế độ mới bằng con đường giản đơn nhất, dễ dàng nhất, dễ tiếp thu nhất đối với nông dân"

(VL tập 45, trang 422)

- Những sai lầm trước đây trong việc xây dựng kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp và cải tạo kinh tế cá thể của nông dân bằng cách tập thể hoá nông nghiệp, xét cho cùng là do nhận thức không đúng về vai trò sở hữu Nhà nước và Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai trong nông nghiệp. Ngày nay, công cuộc đổi mới đang làm thay đổi chế độ sở hữu trong nông nghiệp. Song vấn đề sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp. Đặc biệt là việc Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đại vẫn chưa được giải quyết về văn bản. Khuyết điểm đó vừa cản trở quá trình đổi mới, vừa gây ra tình trạng tự phát khu chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá trên cơ sở kinh tế hộ gia định.

 

* *

*

 

III. Các hình thức sở hữu hỗn hợp trong nông nghiệp.

 

1. Quá trình đổi mới trong nông nghiệp đang diễn ra các hình thức hỗn hợp giữa sở hữu Nhà nước và sở hữu gia đình xã viên cá thể, tư nhân, do đó đang làm biến đổi tổ chức hợp tác xã và tổ chức quốc doanh, kể cả kinh tế cá thể tư nhân trong nông nghiệp:

Sự đổi mới đó bắt nguồn từ việc tách quyền sở hữu, và quyền sử dụng thông qua các hình thức: giao khoán hoặc cho thuê ruộng đất và tư liệu sản xuất.

Ngoài số diện tích do Nhà nước trực tiếp quản lý không đưa vào kinh doanh, các loại đất đai, kể cả dất rừng, đất hoang, mặt nước ... kể cả diện tích do các quốc doanh nông lâm - ngư nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp đang quản lý đều thực hiện việc giao quyền sử dụng cho hộ gia đình xã viên, hộ gia định công nhân, cá thể và hộ kinh doanh tư nhân. Việc giao quyền sử dụng đất đai thông qua hình thức giao khoán ruộng đất, cho thuê ruộng, đi đôi với cấp đất ở và làm vườn gia đình.

Các hộ sử dụng ruộng đất với tư cách là đơn vị tự chủ kinh doanh ký hợp đồng với Nhà nước. Về mặt sử dụnh ruộng đất, họ là người thuê ruộng đất của xã hội. Song về mặt sở hữu ruộng đất họ là người cùng làm chủ sở hữu ruộng đất chung của xã hội.

Như vậy, chế độ sở hữu ruộng đất về bản chất là sở hữu công cộng, mạng hình thức sở hữu hỗn hợp, vừa là sở hữu chung của cộng đồng, vừa là sở hữu cụ thể của các thành viên trong cộng đồng, với hình thức sở hữu và sử dụng đó, mọi đất đai đều gắn liền với người chủ cụ thể, thực hiện sự phân phối gắn đất đai gắn với lao động, làm cho đất đai được sử dụng có hiệu quả, người lao động có việc làm, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích riêng và lợi ích chung của xã hội.

2. Việc Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các hộ phải được thực hiện thông qua việc quản lý hành chính về ruộng đất. Ruộng đất phải được đo đạc, diện tích, đánh giá chất lượng đất cùng vốn đầu tư và sản phẩm trên đất đai, và phân phối đất đai sử dụng thưo quy hoạch và kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Nhà nước cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất đai cho các hộ theo thời hạn dài và quy định nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai, đăng ký trong số địa bàn và nộp thuế đất đai.

Đồng thời, việc giao quyền sử dụng ruộng đất cho các hộ phải thực hiện thông qu việc quản lý kinh doanh ruộng đất theo hợp đồng,, giữa một bên là các hộ sử dụng ruộng đất, một bên là các doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã thực hiện các chức năng hướng dẫn và dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ cho vay vốn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật - văn hoá, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dựa vào nguồn vốn của Nhà nước và vốn của nhân dân trong quá trình sử dụng và kinh doanh chung ruộng đất.

Như vậy chế độ sở hữu tài sản trong nông nghiệp mang hình thức hợp tác giữa Nhà nước và nông dân.

Bằng cách kết hợp quản lý hành chính và quản lý kinh doanh theo hợp đồng như trên sẽ gắn tổ chức quốc doanh với hộ nông dân trên cơ sở kinh tế hàng hoá và chế độ hợp tác do đó đổi mới về căn bản kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp.

Hiện nay, các quốc doanh nông - lâm trường đang đổi mới theo hướng đó đưa nhiều hình thức sách tạo và mang lại hiệu quả rõ rết, Ví dụ:

- Liên hợp các xí nghiệp chè Việt Nam đã thực hiện ở khắp các xí nghiệp của cả nước việc giao quyền sử dụng đất và tư liệu sản xuất cho gia đình công nhân trồng chề theo hợp đồng giao khoán giữa xí nghiệp và giá đình công nhân. Xí nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, ứng trước vật tư và mua lại sản phẩm chè theo giá thoả thuận. Gia đình công nhân ứng thêm chi phí và lao động. Sau khi thanh toán với xí nghiệp và trừ chi phí, hộ gia đình được hưởng 50% giá trị sản lượng chè.

- Nông trường bò sữa Mộc Châu bán đàn bò cho gia đình công nhân chăn nuôi, cho thuê đất trồng thức ăn cho bò, cấp đất làm nhà ở và làm vườn các hộ mua chịu trả dần bằng sản phẩm (sữa, bò con), sau khi trả hết nợ, bò thuộc quyền sở hữu của gia đình. Nông trường hướng dẫ kỹ thuật, dịch vụ chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ. Các hộ bán toàn bộ sản phẩm chô nông trường theo giá thoả thuận.

- Nông trường Cà Phê Cakao (Đaklak) chuyển lao động biên chế sang lao động hợp đồng, cấp tiền làm vốn, cấp đất làm nhà ở - làm vườn. Đất chè giao khoán cho các hộ gia đình công nhân trồng chè theo hợp đồng. Nông trường hướng dẫn kỹ thuật, ứng chi phí vật tư. Hộ gia đình công nhân ứng chi phí vật tư và lao động. Sản phẩm nộp theo định mức khoán 58%, hộ gia đình hưởng 48%. Và sản lượng vượt mức khoán, bán cho nông trường cho người vẫn cho thuê đất trồng chè, hộ nông dân đầu tư trồng chè nộp 20% theo định mức và bán toàn bộ chè cho nông trường.

Ngoài hình thức giao khoán và cho thuê còn có các hình thức khác thực hiện việc giao quyền sử dụng đất và tư liệu sản xuất như:

- Đất cấp cho gia đình nông dân, công nhân cán bộ ... làm nhà và làm vườn kinh tế gia đình, vườn gia đình vừa là điều kiện sinh hoạt, vừa là đất sản xuất hàng hoá. Có nơi còn cấp đất ruộng theo nhân khẩu, bảo đảm cho gia đình tự sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu của gia đình. Đất nhận khoán, đất thuê là đất chuyên sản xuất hàng hoá.

- Đấu thầu là hình thức cho thuê theo cơ chế thị trường, đối với loại đất đai chưa sử dụng và thiếu vốn đầu tư. Người nhận thuê thầu là người có vốn đầu tư 100%, kinh doanh dưới hình thức kinh tế tư doanh hoặc hợp doanh cổ phần, thuê lao động ..., trong quan hệ kinh tế với Nhà nước.

- Bán tư liệu sản xuất như máy móc, gia súc, cây trồng ... là hình thức nhượng quyền sở hữu cho người khác để sử dụng theo hợp đồng. Doanh nghiệp Nhà nước hoặc hợp tác xã thu hồi vốn để đầu tư sang lĩnh vực sản xuất khác.

- Chuyển nhượng là hình thức chuyển tiếp sử dụng đất đai sang tay người khác, là người có tư cách pháp nhân sử dụng tiếp đất khoán hoặc đất cho thuê. Việc chuyển nhượng dựa trên sự thoả thuận giữa hai bên và thông qua cơ quan chính quyền công nhận. Người chuyển nhượng đất thu hồi vốn đầu tư và sản phẩm trên đất khoán đất cho thuê.

Riêng đất cấp, việc nhượng lại theo "giá trị" của đất thu hồi vốn (đất) để di chuyển đến chỗ ở mới.

- Cho thuê lại mang tính hình thức chuyển nhượng theo thời hạn ngắn. Người cho thuê tiếp vẫn giữ quyền sử dụng ruộng đất và nộp thuế cho Nhà nước. Việc sử dụng đất trên thực tế chuyển cho người khác và thu lại một phần hoa lợi.

Hình thức cho thuê tiếp cũng như chuyển nhượng đất đồng thời mở rộng phân công trong nông nghiệp, chuyển vốn và lao động sang lĩnh vực sản xuất khác.

Các hình thức trên đây đang xuất hiện ở khắp các nơi cần được nghiên cứu kỹ càng và chờ sự kiệm nghiệm trong thực tiễn.

 

* *

*

 

IV. Quán lý sở hữu Nhà nước.

 

1. Nhà nước với tư cách là người sở hữu tài sản xã hội chủ nghĩa và nắm quyền sở hữu đất đai, vừa trực tiếp sử dụng dưới các hình thức kinh tế quốc doanh, vừa giao quyền sử dụng cho nhân dân theo chế độ hợp đồng.

Việc quản lý sở hữu tài sản xã hội chủ nghĩa và đất đai đòi hỏi phải được thực hiện theo hai hệ thống:

Một là: Hệ thống quảnlý hàng chính về quyền sở hữu tài sản xã hội chủ nghĩa gồm các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành quy hoạch và kế hoạch, tài chính ..., các cơ quan khoa học lỹ thuật và quản lý, các cơ quan lập pháp và tư pháp.

Các cơ quan này làm chức năng trực tiếp thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước, phân phối quyền sử dụng và giám sát quyền sử dụng và quản lý vĩ mô về hành chính.

Hai là: Hệ thống quản lý kinh doanh đất đai và tài sản xã hội chủ nghĩa với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý sử dụng đất đai và tài sản của Nhà nước cùng hiệu quả sử dụng đất đai và tài sản đó nhằm thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước. Đó là hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước (Công ty, liên hiệp sản xuất, xí nghiệp nông - lâm nghiệp, ....).

2. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp này phải theo nguyên tắc tách quyền sở hữu về mặt hành chính và quyền kinh doanh về mặt sử dụng. Hình thức giao quyền sử dụng – kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chủ yếu là hình thức thuê - khoán tài sản Nhà nước, do Công ty tài chình quản lý sở hữu Nhà nước là bên cho thuê- khoán. Đồng thời thí nghiệm vịc cổ phần hóa kinh tế quốc doanh và áp dụng từng bước theo điều kiện phát triển của kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò điều tiết vĩ mô thông qua thị trường hướng dẫn sự phát triển nền kinh tế theo kế hoạch. Các doanh nghiệp Nhà nước trên mặt trận nông nghiệp phẩi thật sự trở thành đầu tầu, nòng cốt trong việc thiết lập sự liên minh kết hợp giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế nông dân. Xu hướng đơn thuần chạy theo cơ chế thị trường nhằm mục đích lợi nhuận thương mại, hoạt động theo kiểu phường hội, đầu cơ, tham nhũng cần phải được ngăn chặn tận gốc bằng giải pháp trên đây.

Việc chuyền nền nông nghiệp từ kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hoá theo đơn vị kinh tế hộ gia định đặt trong khuôn khổ chế độ sở hữu hỗn hợp, kết hợp kinh tế Nhà nước với kinh tế nông dân như trên, đòi hỏi phải đổi mới hệ thống hợp tác xã. Đó là các tổ chức kinh doanh hợp tác của kih tế nông dân trong quan hệ hợp tác với kinh tế Nhà nước. Trước hết là nhiệm vụ kinh doanh dịch vụ hai đầu cho các hộ nông dân. Các hợp tác xã trở thành môi giới, liên kết giữa các doanh nghiệp Nhà nước và các hộ nông dân, vừa đại diện cho lợi ích của nông dân vừa đại diện cho lợi ích của Nhà nước.

Đó là chế độ hợp tác xã kiểu mới theo quan điểm của V. Lênin: "Việc hợp lợi ích tư nhân, lợi ích thương nghiệp tư nhân với việc Nhà nước kiểm soát và kiểm tra lợi ích đó, ... làm cho lợi ích tư nhân phục tùng lợi ích chúng".

 

(VL tập 45, trang 422).

 

* *

*

 

Các vấn đề nêu trên đây là những vấn đề rất mới mẻ đang đặt ra trong quá trình đổi mới và bước đâu thử nghiệm trong thực tiễn. Người viết bài này chỉ mong được nêu lên một số suy nghĩ bước đâu góp phần vào việc nghiên cứu chung. Những vấn đề đã rõ ràng và có kết luận chắc chắc, như kinh nghiệm của liên hiệp xí nghiệp che Việt Nam... cần được sớm đưa vào chủ trường chính sách để chỉ đạo thực tiễn nhằm tiếp tục công cuộc đổi mới đúng hướng và có hiệu quả hơn. Những chủ chương, chính sách đó phải trở thành luật pháp và đi vào cuộc sống, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới diễn ra một cách có tổ chức, trật tự và lành mạnh.

 

30/01/1991

 

Sở hữu nhà nước và ruộng đất

trong nông nghiệp nước ta

-------------

 

 

Trần Ngọc Hiên

 

Vấn đề sở hữu luôn luôn là vấn đề nền móng của chế độ xã hội. Muốn ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, muốn nhanh chóng sửa chữa những sai phạm sai lầm trong chính sách kinh tế, phải bắt đầu từ vấn đề sở hữu.

Nền kinh tế nước ta hiện nay, xét về cơ bản, vẫn còn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy, giải quyết đúng vấn đề sở hữu trong nông nghiệp là một yêu cầu cấp bách khi bước vào thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội . ở đây chúng tôi chỉ bàn đến sở hữu Nhà nước về ruộng đất trong nông nghiệp nước ta.

Không phải bây giờ người ta mới thấy tầm quan trọng của vấn đề sở hữu ruộng đất. Phải qua trả giá nhiều năm, mới giúp người ta chuyển từ nhận thức vấn đề sở hữu trong sách vở sang nhận thức vấn đề này trong thực tế.

Muốn giải quyết đúng đắn vấn đề này, cần có cách tiếp cận từ mấy góc độ sau đây:

- Từ khía cạnh Lịch sử kinh tế - xã hội nước ta.

- Trong sự vận động của kinh tế hàng hoá chứ không phải trong kinh tế tự cung tự cấp, trong định hướng quá độ lên chủ nghĩa xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên ở nước ta.

Chỉ có cách tiếp cận như vậy mới đem lại suy nghĩa về những giải pháp phù hợp.

 

I.- Sở hữu nhà nước trong nông nghiệp nhìn từ khía cạnh lịch sử kinh tế và xã hội nước ta.

 

Tình hình sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp hiện nay không tách rời với lịch sử. Cần thiết phải nhìn lại và làm rõ ảnh hưởng của tàn dư các chế độ sở hữu trước kia, dựa trên những kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử.

1. Tàn dư của chế độ sở hữu công xã thị tộc.

 

Từ xã xưa, công xã thị tộc dựa trên chế độ sở hữu công cộng về đất đai, và gắn liền với chế độ sở hữu này là quan hệ cống nạp của chế độ bộ lạc.

Tàn dư này tuy có biến dạng qua các thời kỳ, nhưng còn tồn tại cho đến thời điểm xuất phát quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó thể hiện ở chế độ thị tộc mẫu hệ trong chế độ nhà dài ở Tây nguyên, ở chế độ Lang đạo và quan hệ cống nạp ở miền núi phía Bắc trước cách mạng, ở quan hệ huyết thống, gia trưởng đang tồn tại ở nông thôn hiện nay.

Tàn dư này đã trải qua biến đổi, nhưng nó vẫn để lại dấu ấn mà hiện nay ta thấy ở đặc điểm của chế độ sở hữu này là: sở hữu công cộng về đất đai đi liền với quyền chiếm hữu, sử dụng của các hộ nông dân. Quan hệ cống nạp là hình thức thực hiện lợi ích kinh tế cảu chế độ sở hữu ấy.

2. Di sản chế độ sở hữu của phương thức sản xuất Châu á.

Lịch sử xã hội Việt Nam đã không phải trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình. Từ xã hội công xã nguyên thuỷ chuyển sang hình thức phương thức sản xuất Châu á, có nô lệ gia đình. Đây là giai đoạn nước ta bước vào xã hội có gia cấp đầu tiên, mà đặc trưng cơ bản là:

- Chế độ sở hữu Nhà nước về đất đai thiết lập trên các công xã nông thôn. ở bên trên , nhà Vua là người sở hữu duy nhất tất cả đất đai trong nước. Nhưng ở bên dưới, các công xã có quyền phân phối, sử dụng đất đai ấy. Hai mặt ấy tạo ra "sở hữu kép: về đất đai.

- Quan hệ giai cấp gắn liền với chế độ sở hữu ấy là hai giai cấp cơ bản: giai cấp quý tộc quan liêu (người thu công phẩm) và giai cấp nông dân công xã (người nộp công phẩm). Quan hệ cống nạp ấy đi đôi với quan hệ bình quân chủ nghĩa trong nội bộ nông dân.

- Phản ánh cơ sở kinh tế ấy, Nhà nước có ba chức năng thể hiện ở ba bộ: Bộ Tài chính, Bộ côg trình công cộng và Bộ chiến tranh.

Tác động tiêu cực của di sản phương thức sản xuất Châu á la duy trì tần dư chế độ công xã nông thôn, kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất của gia đình nông dân, do đó đã duy trì kinh tế tự cung tự cấp và kìm hãm kinh tế hàng hoá phát triển.

Trong các thời kỳ lịch sử trước cách mạng, yêu cầu phát triển của hộ nông dân thể hiện ở quá trình tư hữu hóa ruộng đất. Quá trình đó phát triển trong sự giằng co giữa công điền với tư điền qua nhiều thế kỷ. Đến trước cách mạng tháng tám, công điền vẫn còn chiếm 20% tổng số ruộng đất cánh tác.

3. Di sản chế độ sử hữu phong kiến.

 

Cho đến điểm xuất phát quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tàn dư của phương thức sản xuất Châu á đã đan xen cùng với di sản của chế độ sở hữu phong kiến. Di sản này thể hiện ở:

- Sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến được thực hiện qua quyền thu tô và thuế.

- Quan hệ bóc lột là địa tô phong kiến trong kinh tế tự cung tự cấp (khác với địa tô tư bản chủ nghĩa tỏng kinh tế hàng hoá).

4. Di sản sở hữu ruộng đất trong kinh tế tư bản ở nông thôn.

 

Bộ phận kinh tế phú nông ra đời và phát triển từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cho đến 1954, tình hinhd kinh tế tư bản nông thôn như sau:

- Tầng lớp phú nông nhỏ bá chỉ chiếm 1,2% số nông hộ chiếm hữu 4,4% ruộng đất, bình quân chiếm hữu thấp: ở miền Bắc từ 4-5 mẫu Bắc bộ, ở miền Nam khoảng 3-5 ha (phú nông Ba lan chiếm hữu 50 đến 100 ha).

- Phú nông tự lao động một phần còn chủ yếu thuê mướn nhân công để kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, đồng thời có cho vay nặng lãi. Tuy vậy, họ vẫn sử dụng cả lối bóc lột phong kiến, như phát cánh thu tô, hoặc lĩnh canh của địa chủ rồi thuê mưới lao động canh tác.

Thời kỳ thực dân mới ở miền Nam, kinh tế phú nông có sự phát triển hơn, như:

- Có người kinh doanh nông nghiệp là chính và mở rộng thêm kinh doanh công thương nghiệp, có sử dụng đáng kể máy móc và lao động kỹ thuật.

- Có người chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp trong nông thôn là chủ yếu.

Cả hai loại này chiếm gần 20% số hộ nông thôn. Họ chiếm hữu gần 50% ruộng đất miền Nam (xem: Nông dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội , H., 1979).

Kinh tế phú nông là kinh tế hàng hoá khá lớn trong nông thôn, tạo ra điểm xuất phát cao hơn cho quá trình phát triển sau cách mạng.

 

 

* *

*

 

Nhìn lại và phân tích các di sản về chế độ sở hữu ruộng đất ở nước ta, có thể rút ra vài nhận xét:

1. Sở hữu Nhà nước về ruộng đất có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử xã hội Việt Nam. Nó có tác động tích cực về mặt kinh tế và cơ cấu xã hội truyền thống. Đồng thời ở thời kỳ cân đại đã sinh ra tác đông tiêu cực, kìm hãm phát triển kinh tế và xã hội ở nông thôn. Vấn đề đặt ra là cần kế thừa mặt tích cực và xoá bỏ mặt tiêu cực như thế nào trong điều kiện mới, đáp ứng yếu cầu phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.

2. Từ các di sản sở hữu đã thể hiện tính quy luật của sự vận động của chế độ sở hữu: mối quan hệ giữa chế độ sở hữu của Nhà nước với quyền chiếm hữu và sử dụng ruộng đất của nông dân. Cần vận dụng tính quy luật này phù hợp với từng giai đoạn.

3. Chế độ sở hữu Nhà nước về ruộng đất không phải là bất biến. Nó vận động cùng với quá trình phân công lao động sản xuất hàng hoá trong nông thôn, mà chủ thể là tầng lớp nông dân giàu có. Vì vậy xuất hiện mối quan hệ giữa sở hữu Nhà nước với sở hữu nông dân cần được tính tới.

II.- Sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp, nhìn từ khía cạnh phát triển sản xuất hàng hoá và định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

 

Chuyển dần sang kinh tế hàng hoá là xu thế chung của nền nông nghiệp, trong đó tầng lớp trung nông ngày càng đông đảo. Theo tài liệu điều tra ở 112 xã và 31 thôn ở miền Bắc (sau sửa sai) của Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương cho thấy:

 

Sở hữu trước CCRĐ

Sở hữu sau CCRĐ

Trung nông

1.257 m2

1.610 m2

Bần nông

492 m2

1.437 m2

Cố nông

262 m2

1.433 m2

 

Kinh tế hàng hoá trong nông nghiệp phát triển đòi hỏi tập trung ruộng đất ngày càng cao, thể hiện rỏ hơn ở miền Nam. Cuộc điều tra 1981 của Tổng Cục thống kê và Ban nông nghiệp Trung ương cho thấy:

(Bao nhân dân 19/8/1982).

 

 

Sở hữu ruộng đất

Tỷ lệ hộ

Trung nông thấp

2081 m2/người

56,21%

Trung nông khá

3623 m2/người

12,04%

Phú nông

5688 m2/người

2,43%

 

Nền kinh tế chúng ta nói chung và nông nghiệp nói riêng đang đứng trước hai xu thế đi đôi với nhau: xú thế chuyển sang nền nông nghiệp hàng hoá và xu thế đi lên kinh tế - xã hội chủ nghĩa. Các hai xu thế đó đều đòi hỏi giải quyết thuận lợi. Vấn đề sở hữu, bảo đảm thoả mãn các yêu cầu:

- Phát huy mọi tiềm năng lực lượng sản xuất trong nông thôn, mà điểm xuất phát là hộ nông dân.

Yêu cầu này dựa trên tiền đề quyền chiếm hữu và sử dụng ruộng đất của các hộ nông dân và các chủ thể sản xuất hàng hoá nông nghiệp khác.

- Đưa nông nghiệp từ hình thức khoán hộ (với phân phối đất vòng 1, 2 có tính chất tự cung tự cấp) lên hình thức sản xuất lớn, cho phép vận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật về kinh tế hiện đại, kể cả vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và mầu mỡ đất đai.

Yếu cầu này dựa trên tiền đề vận dụng quy luật tập trung ruộng đất với quyền chiếm hữ và sử dụng của các chủ thể sản xuất lớn như chủ trại và giám đốc các nông trường, lâm trường và thuỷ sản.

- Phát triển quá trình phân công lao động và hợp tác hoá trong nông thôn, hình thành cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp nông thôn và dịch vụ, đồng thưòi hình thành cơ cấu xã hội mới trong nông thôn.

Yêu cầu này chỉ được đáp ứng khi quyền chiếm hữu và sử dụng được thực hiện dưới hình thức hàng hoá, nghĩa là có thể mua bán, chuyển nhượng, kế thừa.

- Quá trình xã hội, đi đôi với các quá trình kinh tế nói trên, là qú trình tiến bộ nông thôn, trong đó toàn bộ giai cấp nông dân đều có điều kiện kinh tế, văn hoá để vươn lên địa vị làm chủ của mình, không bị phân hoá thành hai cực giàu có và bần cùng, văn minh và lạc hậu, giống như các nước tư bản chủ nghĩa ở buổi ban đầu của nó.

Yêu cầu này được dựa trên liên kết nông nghiệp với công nghiệp, thành thị với nông thông, từng bước thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp trên cơ sở những thành tựu của nông nghiệp thế giới hiện nay, nhằm không ngừng giảm bớt dâu cư nông nghiệp trong khi sản lương, năng suất và tích luỹ từ nông nghiệp không ngừng tăng. Quá trình này làm biến đổi sâu sắc chế độ sở hữu truyền thống khi thực hiện các quy hoạch đầu tư xây dựng quy mô lớn. Sở hữu ruộng đất sẽ gắn liền với các hình thức sở hữu khác trong cơ cấu đầu tư, kể cả hợp tác đấu tư quốc tế trong xây dựng cơ sở sản xuất và kết cấu hạ tầng.

III.- Suy nghĩ bước đầu về phương hướng giải quyết sở hữu nhà nước trong nông nghiệp.

1. Những căn cứ định hướng giải quyết vấn đề.

 

- Những bước thăng trầm trong nên nông nghiệp nước ta cho đến nay cho thấy việc giải quyết vấn đề sở hữu trong nông nghiệp chưa tiếp cận thật sự quy luật kinh tế. Các chính sách và quy định còn nặng về thích nghi đối phó với tình hình cấp bách trước mắt, chưa xây dựng nhưng căn cứ khoa học là định hướng giải quyết vấn đề một cách cơ bản, lâu dài.

Từ cách tiếp cận ở hai phần trên có thể gợi ý cho việc xác định căn cứ khoa học dưới đây:

a) Giải quyết vấn đề sở hữu phải dựa trên sự vận dụng quy luật kinh tế hàng hoá trong từng thời kỳ phát triển ở nước ta, có tính đến trình độ phát triển nền nông nghiệp hiện đại của thế giới. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho việc sử dụng và phát triển lực lượng sản xuất ở các lĩnh vực khác nhau nông, lâm, ngư, ở các vùng lãnh thổ khác nhau, tạo ra công việc làm nhiều hơn, thu nhập tăng lên.

b) Vấn đề sở hữu phải gắn liền với lợi ích kinh tế, nhờ đó lực lượng lao động gắn bó với tư liệu sản xuất cho phép chuyển từ tiềm năng thành của cải. Không được biến "tính chất thiêng liêng", tính chất pháp lý của sở hữu thành mục đích. Càng không nên đồng nhất sở hữu Nhà nước với sở hữu toàn dân, như một chỉ tiêu hình thành chủ nghĩa xã hội.

c) Phân biệt chế độ sở hữu với quyền chiếm hữu - sử dụng ruộng đất và tư liệu sản xuất khác. khắc phục tình trạng vô chủ của sở hữu Nhà nước trong thực tế, dừng lại quy định chung chung về danh nghĩa trong văn kiện. Bảo đảm cho chế độ sở hữu vận động được bằng cách thực hiên quyền chiếm hữu - sử dụng để gắn lao động với đất đai.

d) Khác với sở hữu Nhà nước các lĩnh vực ngoài nông nghiệp, sở hữu Nhà nước về ruộng đất mang những đặc điểm riêng (như quỹ đất có hạn trong khi dân số cũng như quy mô xây dựng tăng nhanh, đất đai nói chung bao gồm đất nông nghiệp, đất rừng mặt nước) có quan hệ trực tiếp đến môi trường sinh thái nhiều thế hệ quan hệ đến hiệu quả sản xuất nhiều ngành, đến tình hình ổn định và phát triển kinh tế xã hội nên cần được duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt hơn so với sở hữu Nhà nước ở các lĩnh vực khác, so với các chế độ xã hội khác.

2. Một số phương hướng giải quyết vấn đề sở hữu Nhà nước về ruộng đât.

 

- Xét về toàn bộ và lâu dài, toàn bộ đất đai thuộc chế độ sở hữu toàn dân, mà Nhà nước là người chủ đại diện về pháp lý. Quy hoạch sử dụng đất đai phải được Quốc hội thông qua, dựa trên quy hoạch về cơ cấu kinh tế.

- Cần sửa đổi: Cấp nào có quyền cấp đất cho phù hợp yêu cầu bảo vệ quỹ đất. Sớm khác phục việc cấp đất đai sai lầm đã xảy ra vừa qua. Vấn đề cấp đất cần đưa vào nộ dung luật chặt chẽ hơn.

- Tính đến thực tế hiện nay của sản xuất nông nghiệp và nhiệm vụ nặng nề nó trong thực hiện chiến lược sắp tới, cần nghiên cứu việc sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng nông nghiệp chuyên canh, thâm canh cao, cũng như đất rừng đầu nguồn và vùng quan trong khác.

- Cần quy định cụ thể hơn và thể chế hoá quyền chiếm hữu sử dụng đất đai đối với các chủ thể kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Đặc biệt những mặt sau đây cần làm rõ hoặc sửa lại cho phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh nông lâm ngư nghiệp hiện nay.

+) Về thời gian: Cần quy định cho phù hợp với đặc điểm đối tượng kinh doanh, bảo đảm có lợi cho cả chủ thể kinh doanh và Nhà nước. Mặt khác, cần chiếu cố đến tâm lý chiếm hữu của nông dân chỉ muốn đầu tư cho ruộng đất với thời giai dài, kể cả kế tiếp cho đời sau nếu vốn đầu tư đòi hỏi. Hiện này đất khoán, nhiều địa phương đã tạm thời quy định 10 -15 năm. Khi hết thời gian quy định có thể tiếp tục giao khoán đất đai hoặc không giao nữa.

+) Về thuế đât: Đây coi như thuê đối với vốn đất, khác với thuế nước hay thuế nông nghiệp nói chung. Mức thuế này khác nhau tuỳ theo hạng đất và điều kiện kinh doanh. Tuy vậy khi mức thuế đó được xác định thì cần ổn định trong một số chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Chỉ sửa đổi khi xuất hiện sự bất hợp lý quá đáng giữa lợi ích người kinh doanh và Nhà nước.

+) Về bảo vệ quỹ đất, độ màu mỡ và môi trường: cần được quy định và thể chế hoá đối với các vùng khác nhau, với các đối tượng kinh doanh khác nhau.

+) Giao quyền chiếm hữu sử dụng cho ai? Tài sản hay đất đai chỉ được bảo vệ và sử dụng tốt khi nó gắn liền với động lực và quyền lợi thiết thực. Vì vậy, quyền chiếm hữu - sử dụng đất đai chỉ có thể giao cho người quản lý kinh doanh chủ yếu (giám đốc, chủ nhiệm). Các cơ quan khác như Hội đồng xí nghiệp ... chỉ có thể đóng vai trò tư vấn hoặc kiểm tra việc sử dụng vốn, đất đai. Còn Bộ hay Uỷ ban nhân dân luôn luôn là người quản lý Nhà nước về mặt kinh tế.

+) Hình thức giao quyền chiếm hữu - sử dụng:

Hình thức này phải bảo đảm tính kinh tế và tính pháp lý. Ngoài ra còn phải căn cứ vào đặc điểm riêng của đối tượng đem giao (rừng quý, vùng biên giới, công trình quan trọng...) để lựa chọn một trong các hình thức mà cuộc sống đã diễn ra như khoán, đấu thầu, cho thuê, mua bán ... Tuy vậy, dù hình thức nào cũng không được phá vỡ chế độ sở hữu toàn dân về đất dâi, mà Nhà nước là người đại biểu.

 

Hà nội: ngày 20 tháng 1 năm 1991

 

Chuyên đề

sở hữu nhà nước trong lĩnh vực

Giao thông vận tải

-------------

 

Lê Huy Bảo

Viện KHKT - GTVT - BD

 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khoá VI) xác định: "Tài sản của xí nghiệp quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân được Nhà nước giao cho tập thể lao động trực tiếp quản lý, sử dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tập thể xí nghiệp và giám đốc có trách nhiệm cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý tài sản đó và tận dụng mọi khả năng để phát triển sản xuất kinh doanh theo phương hướng mục tiêu của kế hoạch Nhà nước, nhiệm vụ thiết kế của xí nghiệp, kết hợp chuyên môn hoá với kinh doanh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội với hiệu quả cao nhất".

Nghị quyết trung ương định hướng cho việc ra đời QĐ. 217- HĐBT ngày 14-11-1987 tạo quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các đơn vị kinh tế cơ sở. Quyết định 217-HĐBT là bước mở đầu quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý các xí nghiệp quốc doanh, nhằm tạo ra bước đi và các hoạt động cần thiết để xí nghiệp thích ứng với tình hình mới. Từ những thành đầu năm 1989, Nhà nước ta thực hiện hàng loạt chính sách mới, xóa dần bao cấp trên các lĩnh vực vốn, giá tiêu thụ tín dụng, ngân hàng và mở cửa thị trường rộng hơn. Đồng thời Bộ Chính trị cùng ra Nghị quyết số 16 đổi mới chính sách quản lý đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, giải phóng sức lao động xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá thì hoạt động cạnh tranh khí sôi động và có nhiều diễn biến phức tạp. Trong tình hình chung đó các xí nghiệp trong ngành giao thông vận tải đã có những chuyển diến để thích ứng với tình hình.

1. Một vài đặc điểm của các xí nghiệp vận tải trong tình hình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.

Ngành giao thông vận tải trước đây và hiện nay là giao thông vận tải - đường bộ là ngành sản xuất vật chất khá lớn, với hơn 300 xí nghiệp quốc doanh, gồm 5 loại hành chính là vận tải, công nghiệp, xây dựng và quản lý công trình giao thông, bưu điện viễn thông, và các xí nghiệp kinh doanh vật tư - dịch vụ. Quy mô trình độ tổ chức và công nghệ rất khác nhau, có xí nghiệp trang bị tương đối hoàn chỉnh, công nghệ tương đối mới như tổ chức tầu biển phà rằng, Voocô, trạm thông tin viễn thông Jntersat nhưng tuyệt đại bộ phận ra đời trước năm 1975, thiết bị phương tiện, công nghệ lạc hậu, quen quản lý theo cơ chế bao cấp.

Tiêu biểu cho các hoạt động trên, và cũng là một chuyên ngành có tính đặc trưng là các xí nghiệp vận tải. Các xí nghiệp này sản xuất ra sản phẩm đặc biệt là trạm luân chuyển, hoặc hành khách và khách luân chuyển, một hoạt động gắn chặt với sinh hoạt xã hội, phản ánh mức sống và văn minh xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Đối tượng quản lý của các xí nghiệp vận tải là phương tiện và đội ngũ công nhân vận hành như tầu thuyền xe máy và hoạt động vận tải là mắt xích quan trọng trong sự vận động của thị trường trong tình hình mới, nó đã bộc lộ các mâu thuẫn sau:

- Trước đây luôn luôn thiếu phương tiện nay lại dư phương tiện thiếu hàng.

- Các loại hình vận tải như đường sông, đường sắt, ô tô cạnh tranh nhau, giữa lực lượng trung ương và địa phương, giữa quốc doanh và ngoài quốc doanh cạnh tranh găy gắt.

- Phương pháp quản lý cũ tỏ ra mất hiệu lực, cồng kềnh, chậm chạp, không thích ứng được với sự năng động của thị trường.

- Một số trang bị và chất lượng kỹ thuật phương tiện trở nên lạc hậu, kém hiệu quả như xe chạy xăng, đoàn tàu tải trọng quá lớn v.v...

Các mâu thuẫn trên cũng là những khó khăn buộc các xí nghiệp vận tải quốc doanh phải tìm cách khắc phục, để hạn chế thua lỗ vươn lên tự trang trải đảm bảo đời sống công nhân viên chức và làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước.

2. Các biện pháp quản lý - dễ thoát đầu ra khỏi khó khăn, bước vào đầu năm 1989, các XN vận tải công cộng quốc doanh trước hết là các xí nghiệp Trung ương thự hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất kinh doanh và hoạch toán kinh tế theo Chỉ thị 65 - CT và 118 - CT của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, phù hợp với Quyết định 217 - HĐBT từng bước tự trang trải. Các biện pháp được các xí nghiệp áp dụng là:

- Mở rộng các hoạt động khai thác hàng hoá.

- áp dụng cơ chế giá thoả thuận và linh hoạt.

- Đổi mới phương tiện có năng suất và chất lượng hơn.

- Đổi mới phong cách phục vụ, và các phương thức vận tải như nhà tới nhà, kho tới kho, Expres.

- Khoán phương tiện, đội tàu, đội xe.

Hệ thống các biện pháp này bước đầu đã giúp nhiều xí nghiệp vận tải ổn định dần sản xuất, đảm bảo được đời sống cho người lao động, có tích luỹ để tự đổi mới.

Trong phạm vi buổi hội thảo này chúng tôi xin đề cập một số vấn đề trong khoán và quan hệ giữa sở hữu Nhà nước về phương tiện. máy móc với quản lý xí nghiệp ra sao?

4. Quá trình hình thành và những hình thức khoán.

Chế độ lương khoán được áp dụng trong ngành giao thông vận tải từ đầu những năm 70, khi nước ta thực hiện cải tiến quản lý xí nghiệp. Sau Quyết định 25, 26 - CP năm 1981, khoán phát triển cao hơn cả về hình thức và nội dung. Trong vận tải đã xuất hiện các mô hình khoán như khoán chuyển xe, đoàn tàu, khoán các chi tiêu kinh tế kỹ thuật v.v...Tuy nhiên hình thức khoán chủ yếu vãn là khoán sản phẩm vượt sức khoán cơ thưởng, hoặt khoán các chi phí, thời gian quay vong phương tiện, hoặc khoán tỷ lệ hư hao hàng hoá. Các hình thức khoán trên thể hiện bước tiến trong quản lý, tạo điều kiện cho người lao động phát huy sáng tạo, tự chủ trong quản lý phương tiện và được kích thích bằng lợi ích vật chất thông qua tiền thưởng. Trong các hình thức khoán này, quyền sử dụng phương tiện vẫn chỉ giới hạn trong ca kíp lao động và quản lý vẫn áp dụng hình thức quản lý tập trung.

Phát triển cao hơn trong vài năm gần đây là hình thức khoán sản lượng theo kế hoạch hàng tháng có khi hàng quý mà tiêu biểu nhất là khoán trong vận tải ô tô.

Hình thức khoán gọn sản lượng có quá trình phát triển riêng của nó, trước hết ở các xí nghiệp hợp doanh phía nam. ở các xí nghiệp này, phương tiện được công tiền vốn được xí nghiệp trả dần. Phương tiện nhiều chủng loại, kỹ thuật đa dạng, phước tạp, khan hiếm phụ tùng. Các xí nghiệp hợp doanh, nhất là hợp doanh ở huyện, thị vừa hoạt động theo kế hoạch cấp trên giao, vừa kết hợp thị trường vốn hình thành từ lâu ở các tỉnh phía nam. Người lái xe trước kia là chủ phương tiện, nay là công nhân viên xí nghiệp có cuộc sống gắn bó với phương tiện và sự hoạt động của thị trường.

Trong điều kiện phức tạp ấy đã mạnh dạn khoán xe cho lái thực chất là chủ cũ, để họ vừa hành nghề vừa làm nghĩa vụ với xí nghiệp kể cả vận chuyển theo kế hoạch xí nghiệp nhận trước Nhà nước.

Quyền quản lý vẫn do xí nghiệp nắm và quyền sử dụng lái xe được toàn quyền.

Hình thức khoán này đã gắn bó người lao động với xí nghiệp, khai thác được tay nghề và kỹ thuật giữ được đầu xe tốt vừa sử dụng được kinh nghiệm kinh doanh, bạn hàng đảm bảo cả doanh thu, nghĩa vụ giao nộp Nhà nước và người lao động thực sự yên tâm. Nhưng cơ chế mới lúc bấy giờ chưa hình thành, nên không ít ý kiến phê phán phương pháp quản lý này là trái với quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa vì vậy nó phát triển chậm và phần lớn chỉ hạn chế ở các tỉnh phía nam.

Từ khi chuyển sang cơ chế mới hình thức khoán này mới thực sự phát triển mạnh trong cả nước, cơ sở khu vực quốc doanh Trung ương với hình thức đa dạng hơn, dựa trên việc phân tích rõ quyền sở hữu: Nhà nước, quyền quản lý: xí nghiệp và sử dụng: người lao động.

Các hình thức khoán đó là:

- Khoán doanh thu và thưởng phần lãi vượt.

- Khoán gọn doanh thu định mức theo từng loại phương, và lái xe nộp các khoản chi phí khấu hao, các loại phí quản lý và các chỉ tiêu nộp ngân sách tương ứng.

5. Các vấn đề quản lý trong khoán.

Khi giao quyền sử dụng tư liệu sản xuất cho người lao động, các nội dung cần được làm rõ là:

- Tài sản của xí nghiệp quốc doanh là tài sản sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý.

- Xí nghiệp là người nhận trách nhiện trước chủ sở hữu, quản lý trực tiếp để bảo tồn số tài sản đó.

- Người lao động là thành viên trong xí nghiệp, nhận trách nhiệm sử dụng, bảo quản tài sản nhằm tạo ra giá trị mới theo kế hoạch xí nghiệp để tự nuôi mình và làm nghĩa vụ với xí nghiệp. Đó cũng chính là căn cứ để xí nghiệp yên tâm giao khoán và người lao động hiểu rõ trách nhiệm trức lúc ký kết hợp đồng nhận khoán.

Hình thức khoán này có gì khác so với loại khoán trắng, trách nhiệm không rõ, dẫn đến Nhà nước mất vốn, mất phương tiện, lợi dụng tài sản Nhà nước làm việc lạm pháp.

Các xí nghiệp khi bắt tay vào khoán đều xem nó là một biện pháp quản lý và thúc đẩy kinh doanh trong thời kỳ quá độ hiện nay phù hợp với nền sản xuất hàng hoá còn phân tán và sự vận động của cơ chế thị trường. Khi xem khoán là biện pháp quản lý, các xí nghiệp đã tiến hành nghiên cứu, hình thành hệ thống biện pháp quản lý phù hợp với nội dung giao khoán và đặc điểm xí nghiệp. Các biện pháp quản lý gồm có:

Quản lý kế hoạch: Xí nghiệp cần phải cân đối vừa đảm bảo phần kế hoạch do hợp đồng hoặc đơn đặt hàng Nhà nước (vận chuyển các mặt hàngchiến lược hoặc vận tải phục vụ các yêu cầu đột xuất), vừa đảm bảo thực hiện doanh thu và lợi nhuận cao nhất.

Riêng đối với loại vận tải theo quy trình vận hành chặt chẽ như xe Bus thành phố, vận tải đường sắt không được khoán sản lượng thuần tuý dẫn đến phá bỏ quy trình hoặc biểu đồ vận hành.

Quản lý tài chính: Đảm bảo nguyên tắc giao khoán thông qua hợp đồng kinh tế giữa giám đốc XN với người nhận khoán trong đó các nội dung tài chính là nội dung quan trọng hàng đầu. Xí nghiệp không vì khoán mọi vi phạm quy định về thủ tục ghi chép ban đầu theo pháp lệnh kế toán thống kê và các quy định hiện hành về các chứng từ thanh toán giao nhận. Vì vậy việc 1 số XN khôi phục lại việc thông báo giá cước, giá vé, bán vé trong từng thời điểm là việc làm đúng, không vì khoán mà bỏ qua các nguyên tắc về quản lý.

Để quản lý tài chính có nội dung và phản ánh đúng giá trị sử dụng phương tiện, trước khi giao khoán các xí nghiệp đều phân loại; đánh giá lại phương tiện cả về nguyên giá và giá trị còn lại để đảm bảo khấu hao đúng và quản lý nguồn vốn đã giao.

Quản lý kỹ thuật: Dựa trên các chuẩn tắc và phương pháp đánh giá chất lượng kỹ thuật phương tiện theo các tổng thành, của quyết định 483/KHKT do Uỷ ban KHKN Nhà nước ban hành ngày 23-9-1989, xác định tỷ lệ chất lượng phương tiện còn lại làm cơ sở tính giá trị vốn sẽ giao cũng như thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng; bảo quản phương tiện. có thưởng phạt thoả đáng và khi cần thiết phải xử lý tước bỏ quyền nhận khoán của những cá nhân vi phạm hợp đồng.

Quản lý con người là biện pháp phức tạp nhất khi người nhận khoán xa XN. Việc quản lý con người được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

Người nhận khoán hoàn toàn tự nguyện và đăng ký địa bàn hoạt động để XN quản lý.

Xí nghiệp và Công đoàn XN phải thường xuyên cử người đi sát nguồn nhận khoán và địa phương nơi phương tiện hoạt động để hình thành mối quan hệ: XN- người lao động- Địa phương nhằm đảm bảo các quyền lợi chính trị cho họ như sinh hoạt đoàn thể, truyền đạt các chế độ chính sách kịp thời các thông tin kinh tế cần thiết (giá cả thị trường) để hướng dẫn họ kinh doanh có hiệu quả hơn. Mối quan hệ với địa phương tốt nhằm hạn chế, giám sát các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra, và là chỗ dựa về mặt luật pháp (XNQD) để người lao động yên tâm kinh doanh không bị chèn ép hoặc những hành vi gây khó khăn cho sản xuất.

Tuy vậy, do khoán chỉ là 1 biện pháp quản lý với những điều kiện khách quan nhất định, nên nó cũng có những nhược điểm nhất là khi pháp luật chưa đầy đủ như:

Tranh thủ kinh doanh vượt ra ngoài sự kiểm soát của xí nghiệp, vi phạm pháp luật.

Chạy nhanh, chạy ẩu gây tai nạn.

Trốn doanh thu, chây ì, không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ giao nộp tài chính.

Cạnh tranh vô tổ chức, gây lộn xộn khó cho việc điều hành chung.

Chúng tôi đã trình bày một số hình thức khoán với các nội dung chủ yếu hiện nay đang áp dụng . Ngoài ra cũng có những dạng khác như cho thuê hoặc đấu thầu để người trúng thầu mua lại phương tiện đã thanh lý nhưng còn giá trị sử dụng, để họ tận dụng khai thác và làm các nghĩa vụ nộp các phí quản lý cho, bảo hiểm và các khoán thuế cho XN.

ở đây XN vẫn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về phương tiện và người lao động, chịu trách nhiện thu hồi nguồn vốn còn lại nhưng không quản lý kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người trực tiếp cho người trúng thầu. Với biện pháp này, XN đã tạo thêm công ăn việc làm cho số lao động dôi dư, tăng thêm nguồn thu ngoài kinh kinh doanh cơ bản. Thực tế ở dạng khoán này quyền sở hữu tài sản Nhà nước đã được XN hoàn trả, còn trách nhiệm quản lý kinh doanh ở XN vẫn tồn tại cho đến khi người lao động tự nguyện rút ra ngoài biên chế Nhà nước theo quy định hiện hành.

Các kết qủa và những vấn đề cần hoàn thiện.

Khoán đi vào cuộc sống trong vận tải tuy chưa gây được tiếng vang như khoán 10 trong nông nghiệp, nhưng nó góp phần hình thành các biện pháp quản lý thích hợp trong giai đoạn quá độ hiện nay và giúp các XN tháo gỡ một phần các khó khăn lúng túng hiện nay như:

Tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng sản lượng hàng hoá từ chỗ sa sút tới nay đã ở mức 70-80% so với thời bao cấp ổn định.

Thích nghi được với cơ chế thị trường tạo ra sự năng động trong kinh doanh, cộng đồng trách nhiệm, xoá bỏ sự ỷ lại trông chờ vào cấp trên.

Bộ máy gián tiếp giảm nhẹ từ 20-22% xuống 8%.

Năng suất lao động và phương tiện tăng lên.

Tăng thu cho xí nghiệp, khắc phục dần tình trạng thiếu vốn, vì người lao động cũng tự nguyện góp vốn đầu tư cho phương tiện tốt hơn và đổi mới phương tiện. Vòng quay vốn lưu động cũng tăng nhanh, ở hầu khắp các loại hình vận tải chỉ số tăng đều xấp xỉ 2 lần.

Loại trừ tình trạng lấy cắp hàng háo và cửa quyền.

Cùng với việc chuyển nền kinh tế sang cơ chế quản lý mới trong giai đoạn quá độ hiện nay, việc hình thành các biện pháp quản lý phù hợp với mỗi giai đoạn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên khi xem xét vấn đề phải đặt nó trong sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, không quá dè dặt nhưng cũng không kết luận vội vàng, giai đoạn hiện nay đòi hỏi Nhà nước ta vừa phải huy động được mọi tiềm năng lao động, vật chất của toàn xã hội, vừa phải tạo cơ hội và môi trường kinh tế quốc doanh khẳng định được vai trò chủ đạo không phải bằng số lượng các XN, hoặc ở mọi khâu sản xuất mà phải bằng hiệu quả kinh doanh, năng suất chất lượng, trình độ công nghệ, tác dụng chi phối đến nền kinh tế- xãa họi. Đối với những ngành sản xuất, những khâu sản xuất, mà các thành phần kinh tế khác làm hiệu quả hơn, thích hợp với cơ chế thị trường của nền sản xuất hàng hoá còn phân tán thì thiết nghĩ không nhất thiết phải có XNQD.

Khi đó các hình thức khoán hiện nay có thể sẽ tồn tại ở 1 dạng khác, tương xứng với XNQD đang đứng vị trí chủ đạo trong nền kinh tế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ ba

Tổng thuật lịch sử pháp luật

về sở hữu nhà nước từ

năm 1945 đến nay

 

Tổng thuật lịch sử pháp luật về

sở hữu nhà nước từ năm 1945 đến nay

-------------

 

 

Đinh Mai Phương

 

Chuyên viên - Bộ Tư pháp

 

Hiện nay vấn đề sở hữu Nhà nước là một vấn đề nóng bỏng cần được nghiên cứu khẩn trương, nghiêm túc có hệ thống góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của nước ta hiện nay. Trong việc xây dựng những định chế về quyền sở hữu nhà nước, lịch sử pháp luật về sở hữu nhà nước từ khi thành lập đến nay có một vai trò rất quan trọng. Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này theo 3 giai đoạn:

- Giai đoạn I : Từ năm 1945 đến 1959

- Giai đoạn II : Từ năm 1960 đến 1980

- Giai đoạn III : Từ năm 1980 đến nay.

 

I. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959.

 

Đặc trưng của giai đoạn này là cả dân tộc giành chính quyền và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, xoá bỏ sở hữu của thực dân Pháp, phong kiến và đế quốc, tập trung tư liệu sản xuất vào tay nông dân. Thời kỳ này, những sắc lệnh và luật xác lập những chế định về chế độ sở hữu mới, các khách thể quan trọng quền sở hữu Nhà nước (đất đai) được chúng tôi đặc biệt chú ý. Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2/9/1945 nước VNDCCH ra đời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử 4000 năm của dân tộc Việt Nam, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Việt nam ghi nhận: "Nước Việt nam là một nước dân chủ cộng hoà, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".

Bài 12 ghi nhận "Quyền sở hữu tài sản của công dân Việt nam được bảo đảm".

Trên tinh thần Hiến pháp 1946, Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 97 SL ngày 22-5-1950 (Công báo số 6-1950 trang 142); với việc ban hành sắc lệnh này, những nguyên tắc đầu tiên về một chế độ sở hữu mới được xác lập và phủ nhận những nguyên tắc của luật pháp tư sản phong kiến trong lĩnh vực quyền sở hữu: Bài 1: "Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của Nhân dân".

Bài 2: "Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân".

Là Nhà nước do dân, vì dân, chính quyền cách mạng non trẻ đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã hoàn thành nhiệm vụ cấp bách là xoá bỏ quyền sở hữu của thực dân Pháp, bọn địa chủ phong kiến và tay sai Việt gian phản động đối với những tư liệu sản xuất (TLSX) quan trongj. Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ nhưng kiên quyết đã ban hành một loạt văn bản pháp luật và thưcj hiện những biện pháp thích ứng để chuyển những xia nghiệp , hầm mỏ, hệ thống giao thông, các nguồn khoáng sản.... Tức những khách thể quan trọng của quyền sở hữu vào tay nhân dân. Các văn bản pháp luật đó là:

- Sắc lệnh ngày 22/9/1945: bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi Việt nam (Công báo số 2/1945 trang 17): Sắc lệnh quy định giao cho Bộ trưởng Bộ kinh tế tổ chức thanh toán các nghiệp đoàn nông sản, lâm sản, kỹ nghệ, khoáng sản, thương mại (nội thương và ngoại vận tải ngân hàng). Tài sản còn lại của các nghiệp đoàn sát nhập vào các cơ quan kinh tế liên quan đến hoạt động của nghiệp đoàn và cơ quan đó do Bộ trưởng Bộ kinh tế ấn định.

- Sắc lệnh ngày 03-10-1945 bãi bỏ các Sở trước thuộc phủ toàn quyền Đông Dương và sát nhập các Sở vào các Bộ của chính phủ lâm thời Việt nam. (Công báo số 4/1945 trang 33). Theo Sắc lệnh này toàn bộ động sản và bất động sản cùng những người làm việc trong các công sở đó chuyển sang các Bộ của Chính phủ lâm thời Việt nam Dân chủ cộng hoà.

- Sắc lệnh 68 ngày 30/11/1945 quy định việc trưng thu, trưng tập, trưng mua (Công báo số 12/1945 trang 105).

Theo Sắc lệnh này, trong thời kỳ quốc gia bảo vệ và củng cố nền độc lập trên khắp địa hạt Việt nam các nhà chức trách quân sự hoặc hành chính (Bộ trưởng, tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt nam, Chủ tịch uỷ ban kkháng chiến hành chính liên khu có quyền trưng tập nhưng phải báo cáo lên chính phủ. Chủ tịch UBKC Hành chính tỉnh trở lên có quyền trưng thu. Trưng thu, trưng dụng là sung công quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản của tư nhân trong một thời gian định rõ và chưa định rõ, trong từng trường hợp trưng thu sẽ có bồi thường theo giá trị do hội đồng ước giá được thành lập tại mỗi tỉnh. Nếu ai cưỡng lại sẽ phải chịu trách nhiệm về hình sự và bị phạt tiền cao nhất là 3 năm tù và bồi thường bằng 2 lần giá trị tài sản bị trưng thu.

- Sắc lệnh số 26 ngày 25/2/1946 về truy tố việc phá huỷ công sản (Công báo số 10/1946 trang 141)

Sắc lệnh này quy định mức hình pjhạt từ 2 năm đến 10 năm tù và có thể bị xử tử nếu có hành động cố ý phá hoại một phần hay toàn bộ các cầu cống, kênh, sông, đào, vận hà, nông giang thuộc công ích, đường xe lửa cùng các đường giao thông công hay tư, đường bộ hay đươngd thuỷ, đê đập, các công sở kho tàng hoặc nhà máy điện, nước, phương tiện điện thoại, điện tín.

* Về đất đai: (đất đai)

 

Là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm tuyệt đại đa số trong dân cư nhưng không có ruộng đất, cho nên vấn đề sở hữu ruộng đất được đặc biệt chú ý trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ.

- Bắt đầu từ sắc lệnh số 69 SL ngày 1/12/1945 sát nhập vào bộ canh nông tất cả các cơ quan canh nông, thú y, mục súc ngư nghiệp, lâm chính và nông nghiệp, tín dụng đến Sắc lệnh số 88 SL ngày 22/5/1950 quy định việc sử dụng các loại ruộng đất bỏ hoang từng bước Nhà nước DCND ban hành chính sách giảm địa tô những năm 1947-1948 đi đôi với việc bắt buộc địa chủ cho nông dân được quyền lĩnh canh ruộng đất. Đó là các sắc lệnh:

- Sắc lệnh số 78 SL ngày 14/7/1949 (giảm tô 25%)

- Sắc lệnh số 90 SL ngày 22/5/1950 quy định việc lĩnh canh ruộng đất.

- Nghị định số 5 NĐ- LB ngày 27/7/1950 quy định việc cất quyền sở hữu và việc cho mượn để canh tác những ruộng đất có chủ bỏ hoang.

- Nghị định số 6 căn cứ vào sắc lệnh số 09 SL ngày 22/5/1950 quy định cấm bỏ hoang ruộng đất (Công báo số 9/1950 trang 196).

- Sắc lệnh số 25 SL 13/2/1950 quy định việc sử dụng ruộng đất vắng chủ (Công báo số 2/1950 trang 28)

Đồng thời với việc từng bước chuyển quyền sở hữu đất đai cho nông dân, chính quyền DCND cũng ban hành pháp luật về quản lý ruộng đất:

- Sắc lệnh số 40 SL ngày 15/7/1951 ban hành điều lệ tạm thời về thuế nông nghiệp (Công báo số 7/1951 trang 108)

- Thông tư ngày 6/8/1951 về việc sử dụng đất của bọn nguỵ quyền ban hành do Sắc lệnh số 75 SL ngày 1-7-1949 quy định: Bọn nguỵ quyền và Việt gian xử đã thành án ruộng đất bị tịch thu đem chia cho dân nghèo.

- Sắc lệnh số 85 SL ngày 5/3/1952 ban hành thể lệ trước bạ về việc mua, bán, cho và đổi nhà cửa ruộng đất (Công báo số 2/1951 trang 12) quy định việc bắt buộc phải trước bạ sang tên trong sổ địa bạ khi chuyển, nhượng, mua, bán, đổi cho nhà cửa ruộng đất. Mức thuế là 8% giá trị vật chuyển nhượng.

- Năm 1953 chính quyền DCND đã ban hành một loạt các Sắc lệnh và luật cải cách ruộng đất, thực hiện biện pháp kiên quyết để xoá bỏ sở hữu địa chủ, phong kiến và tay sai về ruộng đất và mang lại ruộng đất cho nông dân:

- Sắc lệnh số 151-SL trừng trị những tên địa chủ chống pháp luật trong và khi ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách cải cách ruộng đất. Bài 1 quy định "trừng trị những tên địa chủ chống pháp luật... Nhằm mục đích giữ gìn cách mạng, tài sản của nhân dân".

Bài 2 : "Địa chủ nào chống lại chính sách ruộng đất, dùng thủ đoạn trái phép để cưỡng bức nộp tô hay trả nợ cũ, lấy lại nhà cửa... sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tù... Địa chủ nào phân tán tài sản, của cải, ruộng đất bằng những cách: cầm, bán, cho, chia gia tài hoặc những thủ đoạn lén lút khác, phá hoại tài sản của mình... sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm và bồi thường thiệt hại hoặc tịch thu tài sản".

- Sắc lệnh số 149-SL ngày 12/4/1953 quy định về chính sách ruộng đất như giảm tô, thời hạn lĩnh canh, quyền ưu tiên cho tá điền mua ruộng, đất hiến và đất công, đất bỏ hoang được đem chia cho nông dân ít hoặc không có ruộng.

- Sắc lệnh số 197-SL ngày 19/12/1953 ban bổ luật cải cách ruộng đất do quốc hội thông qua ngày 4/12/1953 .

Bài 1 Luật cải cách ruộng đát quy định: "Mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của Thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt nam xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ".

Bài 2: "Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Pháp".

Đ3: "Đối với địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác thì tuỳ theo tội nặng nhẹ mà tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò, nông cụ, lương thực thừa, nhà cửa thừa và các tài sản khác. Phần không tịch thu thì trưng thu".

Luật cải cách ruộng đất còn quy định hình thức và mức độ tịch thu hoặc trưng thu trưng mua với từng loại ruộng đất của từng đối tượng giai cấp khác: Trưng mua ruộng đất hiện có và nông cụ trâu bò của nhân sĩ dân chủ và địa chủ thường ( Điều 4) tịch thu hoặc trưng mua ruộng đất của địa chủ đã phân tán ( Điều 5) trưng thu hoăch trưng mua đối với đất nửa công nửa tư và đất tôn giáo (Điều 9). Đối với những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ thì bảo hộ phần tài sản và đất trực tiếp dùng vào việc công thương nghiệp. Những đất khác trưng mua (Điều 11), trưng thu hoặc trưng mua đối với dất bỏ hoang và ruộng đất vắng chủ (Điều 15,16,17,18).

Về nguyên tắc không công nhận quyền sở hữu ruộng đất của ngoại kiều chỉ công nhận quyền sử dụng ruộng đất (Điều 19). Nếu ngoại kiều hợp tác với địch, phản động hay cường hào gian ác thì tuỳ mức dộ mà tịch thu, hoặc trưng thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ (Điều 20).

- Luật cải cách ruộng đất cũng quy định nguyên tắc chia ruộng đất nông cụ cho nông dân (Điều 21,26,27,28,29) ruộng đất và tư liệu sản xuất được chia trong cải cách ruộng dất là sở hữu của người được chia, phù hợp với điều 12 của Hiến pháp năm 1946. Điều 31 luật cải cách ruông đất hgi rõ: "Người được chia ruộng có quyền sở hữu ruộng đất đó và không phải trả cho chính quyền bất cứ một khoản nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất và được quyền thừa kế, cầm bán, cho,... ruộng đất được chia".

Như vậy, luật cải cách ruộng đất 1953 đánh dấu một bưqớc ngoặt vĩ đại trong lịch sử của nông dân. Lần đầu tiên có một văn bản khẳng dịnh và bảo hộ quyền sở hữu của nông dân về ruộng đất. Chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân nếu không tính đến những sai lầm trong cải cách ruộng đất thì đẫ mang lại một thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt nam, thực hiên thành công khẩu hiệu "Người cày có ruộng" và thể chế hoá nó bằng luật cải cách ruộng đất 1953 kết thúc một giai đoạn của chính quyền DCND non trẻ vừa bảo vệ nền độc lập, vừa hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đưa lại sở hữu cho toàn dân những TLSX quan trọng và mang lại ruoọng đất cho người cày.

Luật cải cách 1953 Điều 22 quy định những thứ không trong cải cách ruộng đất: "Đồn điền... rừng níu, hầm mỏ, hồ lớn, sông ngòi, công trình thuỷ lợi, đê điều, đất ven đường xe lửa, đường xá, đất thuộc ccs đô thị , thị trấn, đất dùng vào các công trình lợi ích... cảnh vật, di tích...." là của nàh nước và của chung của nhân dân, do chính quyền quản lý.

* Về hầm mỏ:

 

- Sắc lệnh số 89 ngày 30/5/1946 dành quyền tìm mỏ cho chính quyền Việt nam trong một khu vực nhất định (Công báo số 29/1946 trang 320).

- Sắc lệnh số 9 ngày 22-1-1950 đãc ghi rõ: Tất cả các nguồn khoámg chất ở VN đều là của Nhà nước. Các nguồn khoáng chất (Hay tài nguyên khoáng sản chia làm hai loại hầm và mỏ. Đều thuộc sở hữu Nhà nước (Điều 22) Luật cải cách ruộng đất).

- Sắc lệnh số 10 SL ngày 22/1/1950 quy định chế độ khai thác các mỏ (Công báo số 1/1950 trang 10).

- Thông tư 337 TTG ngày 25/7/1957 về việc quản lý và sử dụng các loại quặng.

* Về nước: Luật cải cách ruộng đất 1953 đã tuyên bố xoá bỏ sự chiếm hữu của tư nhân đối với mặt biển và khúc sông (Xoá bỏ độc quyền mặt biển và khúc sông) và quy định rõ những hồ lớn hoặc sông ngòi công trình thuỷ lợi là những thứ không chia trong cải cách ruộng đất và thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (Điều 8,22 Luật cải cách ruộng đất) Điều 13 lệ cải cách ruộg đất ở ngoại thành số 559/ TTG ngày 9/10/`1955 của Thủ tướng chính phủ.

* Về rừng:

 

- Nghị định 81 Bộ canh nông 1946 tổ chức Nha lâm chính Việt nam.

- Nghị định 596/TTG ngày 3/10/1955 ban hành điều lệ tạm thời về khai thác rừng.

- Chỉ thị 469 NL ngày 29/1/1958 về hướng dẫn khai thác gỗ, củi, tà vẹt.

* Về vũ khí

- Điều lệ tạm thời số 392 TTg của Thủ tướng Chíng phủ ngày 17/9/1954 về quản lý các loại vũ khí (Công báo số 9/1954).

 

 

* Về ngoại hối:

- Thể lệ tạm thời 404-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10/1954 quy định về quản lý ngoại hối (Công báo số 9/1954 trang 110).

* Về kim khí quý đá quý:

- Nghị định 355-TTg ngày 6/7/1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định quản lý các loại kim khí đá quý ngọc trai.

* Về chiến lợi phẩm:

- Thông tư số 245-TTg ngày 29/3/1953 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thu thập, bảo quản và phân phối chiến lợi phẩm. Thông tư quy định rõ "chiến lợi phẩm là tài sản quốc gia".

* Về di tích:

- Chỉ thị 1999- VG ngày 15/5/1958 quy định việc cấm đào bới những ngôi mộ cổ.

* Về xí nghiệp quốc doanh:

- Giai đoạn này mới hình thành doanh nghiệp quốc gia. Các Sắc lệnh số 104-SL ngày 1/4/1948; Sắc lệnh số 9-SL ngày 25/2/1949; Sắc lệnh 128-SL ngày 4/1/1952 quy định những nguyên tắc cơ bản về doanh nghiệp quốc gia. Mỗi doanh nghiệp quốc gia được thành lập bởi một sắc lệnh nếu số vốn của doanh nghiệp từ 5 triệu đồng trở lên; do một Nghị định của Bộ sở quan thành lập nếu số vốn từ 5 triệu trở xuống (bài 9 Sắc lệnh số 9). Doanh nghiệp quốc gia là 1 tổ chức kinh doanh nhằm mục đích xây dựng cơ sở vật chất cho nền kinh tế dân chủ nhân dân. Nếu doanh nghiệp có từ 50 công nhân trở lên sẽ thành lập Uỷ ban quản lý xí nghiệp (Sắc lệnh 128-SL ngày 4/1/1952).

- Nghị định số 214-TTg ngày 31/10/1952 ban hành điều lệ tạm thời về doanh nghiệp quốc gia.

- Sắc lệnh 127-SL ngày 1/11/1952 ban hành điều lệ về doanh nghiệp quốc gia.

Điều lệ quy định rõ, các doanh nghiệp quốc gia thuộc sở hữu của Nhà nước là cơ sở của chế độ DCND có vai trò lãnh đạo và giúp đỡ các thành phần kinh tế khác và được cấp một số vốn riêng để hoạt động. Mỗi doanh nghiệp có một giám đốc, 1 hay 2 phó giám đốc có trách nhiệm quản lý tài sản và vốn của xí nghiệp, xây dựng và phát triển doanh nghiệp (Đ4, Đ5 điều lệ). Như vậy, Giám đốc và phó giám đốc xí nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành chính, tài chính và nghiệp vụ trong quản lý doanh nghiệp.

Để hướng dẫn và quản lý các doanh nghiệp quốc gia, thời kỳ này có một số văn bản như:

- Quyết định 130-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/1957 về thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế trong xí nghiệp quốc doanh.

- Thể lệ tạm thời số 132-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/1957 về nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu của xí nghiệp quốc doanh.

- Quyết định sô 141-TTg ngày 8/4/1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê tài sản xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh.

- Quyết định 198-TTg ngày 18/4/1958 về việc kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng ở các xí nghiệp, các Bộ và tài sản rải rác ở các địa phương.

- Thông tư Liên bộ 127 TT/LB 12/58 về việc nộp vào kho bạc và các khoản lợi nhuận khấu hao cơ bản và các khoản khác mà xí nghiệp quốc doanh phải nộp vào cho dự toán Nhà nước.

- Thông tư 049 ngày 14/2/1959 về việc giám đốc quản lý quỹ tiền lương đối với các xí nghiệp quốc doanh.

- Thông tư 137-TTG ngày 4/4/1959 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc cấp vốn.

Tình thần chung của các văn bản này là Nhà nước bảo hộ cho các xí nghiệp quốc doanh, cấp vốn cho xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo kế hoạch Nhà nước thống nhất từ trên xuống dưới, có hạch toán kinh tế nhưng trên tinh thần lỗ Nhà nước chịu. Xí nghiệp là lấy mức chênh lệch giữa lỗ thực của sản xuất theo thống kê cuối năm đã được duyệt làm mức lãi của xí nghiệp. Như vậy ngay từ thời kỳ này đã hình thành nền kinh tế bao cấp và pháp luật về sở hữu phản ánh tương đối rõ nét trong các văn bản.

Về sở hữu tư bản tư doanh: Nhà nước công nhận và bảo hộ sở hữu của các nhà tư bản tư doanh:

- Luật cải cách ruọng đất 1953: "Bảo hộ phần tài sản và đất trực tiếp dùng vào công thương nghiệp" của các nhà tư bản kiêm địa chủ (đ11).

- Điều lệ tạm thời số 464-TTg ngày 27/12/1955 quy định việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp tư bản tư doanh. (Công báo 18/55 trang 248).

- Nghị định 420-TTg ngày 27/11/1959 bàn hành điều lệ tạm thời về xí nghiệp công tư hợp doanh (Công báo số 49/1959 trang 797).

Các văn bản này cũng thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc cải tạo sở hữu tư bản tư doanh. Tuy điều lệ xí nghiêpọ công tư hợp doanh có nêu nguyên tắc tự nguyện của chủ xí nghiệp. Nhưng đề cao vai trò của Nhà nước, "phụ trách xí nghiệp do Nhà nước bổ nhiệm" (Điều 10).

Về vốn điều lệ quy định xí nghiệp công tư hợp doanh là xí nghiệp cổ phần, có thể góp vốn bằng nhiều hình thức máy móc, dụng cụ, nhà xưởng, tiền vàng ... tài sản của nhà tư bản và của tư nhân hùn thêm đều phải quy ra thành cổ phần (Điều 7,8,9).

Về lợi nhuận Điều 16 quy định "không kể xí nghiệp công tư hợp doanh có lãi hay không cổ phần của tư nhân được hưởng số lãi hàng năm cố định do Uỷ ban hành chính khu hoặc tỉnh xét duyệt".

Qua lịch sử pháp luật về sở hữu Nhà nước 1945-1959 chúng tôi có một số nhận xét:

Đi đôi với nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ là bảo vệ nền độc lập, Chính phủ cách mạng lâm thời đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ xoá bỏ sở hữu của Thực dân đế quốc và bọn địa chủ tay sai Việt gian phản động, tập trung vào tay Nhà nước và nhân dân lao động các TLSX chủ yếu mà đỉnh cao của nó là mang lại quyền sỏ hữu ruộng đất cho nông dân. Các văn bản Pháp luật về sở hữu thời kỳ này tuy chưa đạt về kỹ thuật lập pháp, phần nào còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, các quy phạm còn sơ đẳng song đã phản ánh được chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước kịp thơì, vừa thể hiện được tính cưỡng chế cao (đa số là Sắc lệnh), vừa thể hiện được sự mềm dẻo đối với các hình thức sở hữu trong quá trình cải tạo chúng. Các văn bản về nông nghiệp chiếm đa is. Đã hình thành các văn bản về sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp quốc gia (XNQD), song cũng cho thấy cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã hình thành và chi phối mọi hoạt động của sở hữu Nhà nước trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

 

II. Giai đoạn 1959-1980.

 

Từ những năm 1954, Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ then chốt mà Đảng và Nhà nước đặt ra thời kỳ này là "xác lập và hoàn thiện chế độ sở hữu XHCN" Từ chế độ dân chủ nhân dân đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhất là vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa và phong kiến tất yếu vòn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, mỗi thành phần kinh tế ứng với một chế độ sở hữu nhất định.

Bài 11. Hiến pháp 1959 công nhận những hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất là: sở hữu Nhà nước (toàn dân) sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ, sở hữu của nhà tư sản dân tộc, Điều 12 đến Điều 19 Hiến pháp 1959 quy định bảo hộ đối với các quyền sở hữu nói trên.

Tuy công nhận và bảo hộ những hình thức sở hữu đó, nhưng trong các chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn xác định: "công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ xã hội chủ nghĩa trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa "(). Với đường lối và phương hướng như vậy Đảng chủ trương vừa bảo hộ theo Luật pháp những tư liệu sản xuất của người lao động riêng lẻ, vừa cải tạo nền kinh tế cá thể theo con đường hợp tác hoá xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu tập thể về TLSX và lao động tập thể của xã viên. Đối với kinh tế tư bản tư doanh Đảng xác định là đối tượng của cách mạng trong thời kỳ quá độ Điều 16 Hiến pháp 1959: "Nhà nước chiểu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc (DT) Nhà nước ra sức hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc hoạt động có lợi cho quốc kế dân sinh, góp phần phát triển kinh tế quốc dân và hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác".

Đối với kinh tế quốc doanh Điều 12 Hiến pháp quy định "kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên". Đến Hiến pháp 1980 vấn đề sở hữu Nhà nước được quy định rất cụ thể. Điều 19 Hiến pháp 1980: "Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp quốc doanh, nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh, ngân hàng và tổ chức bảo hiểm, công trình phục vụ lợi ích công cộng, hệ thống đường sắt, đường bộ đường sông, đường biển, đường không, để điều và công trình thuỷ lợi quan trọng; cơ sở phục vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, điện ảnh; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cơ sở văn hoá và xã hội cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân".

Với tinh thần đó, thời kỳ này chúng tôi đề cập đến những văn bản pháp luật nhằm bảo về, duy trì tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các khách thể quan trọng của quyền sở hữu Nhà nước như đất đai; tài nguyền, rừng, ngoại hối, vùng biển, vũ khí ... Đặc biệt chú ý đấn lĩnh vực xí nghiệp quốc doanh trong đó đi sau vào vấn đề trách nhiệm quản lý đối với xí nghiệp quốc doanh và chế độ pháp lý đối với vốn và tài sản của xí nghiệp,

1. Các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ, quy trì tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

 

- Pháp lệnh trình trị tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 23/10/1970 Điều 2 quy định "Tài sản xã hội chủ nghĩa là thiêng liêng tuyệt đối không ai được xâm phạm mọi người đều có nhiệm vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản đó. Mọi hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

- Điều lệ kỷ luật lao động ban hành kèm theo Nghị định 195-CP ngày 31/12/1964.

- Nghị định 49-CP ngày 9/4/1968 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm vật chất (Thông tư 18-NT ngày 11/6/1970 hướng dẫn thi hành).

- Nghị quyết 91 - CP ngày 12/5/1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa (Công báo số 7/1971 trang 63).

- Chỉ thị 23 ngày 24/8/1971 về việc bảo vệ tài sản Nhà nước, Hợp tác xã và nhân dân vùng lũ lụt.

- Chỉ thị 146-TTg ngày 5/6/1974 quy định việc chấm dứt lệ buôn bán, tàng trữ vận chuyển trái phép vật tư, hàng hoá do Nhà nước thống nhất quản lý.

2. Các văn bản pháp luật đối với các khách thể quan trọng của quyền sở hữu Nhà nước.

 

* Pháp luật về sở hữu Nhà nước đối với đất đai.

 

Như trên chúng tôi đã trình bầy, cho đến những năm 1959, Nhà nước vẫn công nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với đất đai và tư liệu sản xuất đưa vào hợp tác xã. Năm 1959 Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp kèm theo Thông tư 449-TTg ngày 7/11/1959 (Công báo 50 trang 81). Nhà nước coi hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp bậc thấp là bước quá độ của việc xã hoá các tư liệu sản xuất Nông nghiệp, trong hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp bậc thấp quyền sở hữu cá nhân đối với ruộng đất và tư liệu sản xuất vẫn được thừa nhận.

- Nghị quyết số 125-CP ngày 28/6/1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường quản lý ruộng đất Nghị quyết quy định những vấn đề về những loại đất được thuộc quyền sở hữu của tư nhân, mục đích sử dụng "nghiêm cấm việc mua bán trái phép, mọi hành vi phá hoại đất đai, làm mất diện tích ruộng đất, làm giản bớt mầu mỡ, bỏ hoang hoá ruộng đất". Việc đổi, nhượng bán giữa các hợp tác xã phải đước cấp có thẩm quyền cho phép. Nghị quyết còn quy định việc trưng dụng ruộng đất xây dựng các công trình của Nhà nước phải theo đúng quy định của Hội đồng Chính phủ về quản lý đất xây dựng cơ bản.

- Chỉ thị 231 - TTg ngày 24 / 9 / 1974 về việc tăng cường quản lý ruộng đất: Nội dung của chỉ thị đề cập đến việc giải quyết các vi phạm Nghị quyết số 125-CP của Hội đồng Chính phủ. Chỉ thị xác định rõ: "Công tác quản lý ruộng đất nhằm bảo vệ sản xuất Nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa".

- Ngày 28/4/1969 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua bản điều lệ (tóm tắt) Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao bước đầu thể chế bằng pháp luật những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã, trong điều lệ này, đất đai và tư liệu sản xuất của nông dân đã thuộc sở hữu của tập thể, nông dân chủ còn giữ được lại quyền tư hữu ở đất 5% cho mỗi đầu người.

- Đến năm 1980, đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực quyền sở hữu ruộng đất. Lúc này Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện được mục đích của mình là cải tạo chế độ tư hữu trong nông nghiệp.

- Quyết định 201-CP ngày 1/7/1980 về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tằng cường công tác quản lý ruộng đất (Công báo số 11/1980 trang 193) Nghị quyết quy định: "Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước quản lý thao quy hoạch, kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo đảm đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết còn quy định nhiệm vụ quyền hạn và nội dung của các cơ quan quản lý ruộng đất. Khái niệm "Người sở hữu đất" chuyển thành "người sử dụng đất" không được phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố, nhượng bán dưới bất cứ hình thức nào. Không được dùng đất để thu những khoản lợi không do lao động mà có trừ trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định. Nghị quyết cũng quy định nhiệm vụ khi sử dụng đất và trách nhiệm cơ quan quản lý cấp và thu hồi đất.

- Hiến pháp 1980 là văn bản pháp luật cao nhất ghi nhận sở hữu toàn dân về ruộng đất. "Bài 20": Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm.

Bài 28 "Khi thật cần thiế vì lợi ích chung, Nhà nước có thể trưng mua, trưng dụng hoặc trưng thu có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc của tập thể".

Như vậy, cho đến năm 1980, Đảng và Nhà nước ta có thể tụ hào tuyên bó về thắng lợi của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, biến đất đai thành sở hữu toàn dân xóa bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất một cách nhanh chóng song để làm gì khi mà 20 năm sau ta lại phải ghi nhận trong các văn kiện của Đảng rằng: Năng xuất và hiệu quả thì quốc doanh thua tập thể và tập thể đang thua cá thể. Ta đã đánh đổi việc sử dụng, bảo vệ đất đai một tư liệu sản xuất quý hiếm để trao vào tay một số người quản lý, biến ruộng đất trở thành vô chủ.

* Đối với tài nguyên, khoán sản, kim khí quý đá quý:

 

- Nghị định 42-CP quy định chính sách đối với những người mò, đào, nhật được các loại kim khí quý đá quý: bài1. Quy định: tất cả các thứ kim khí quý đá quý mà được dưới nước, đào được dưới đất, nhặt được trên mặt đất ... Đều coi là tài sản của Nhà nước..

- Thông tư 442 ngày 25/11/1961 quy định việc cất giữ, sử dụng các vật bằng kim khí quý, đá quý đối với các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước (Công báo 48 năm 1961 trang 736) quy định việc kể biên, bảo quản, sử dụng kim khí quý đá quý trong các xí nghiệp cơ quan Nhà nước.

- Quyết định số 39-CP ngày 9/2/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc Nhà nước thống nhất quản lý vàng bạc, bạch kim và kim cương.

- Nghị định số 36-CP ngày 14/3/1961 về việc quản lý và bảo vệ tài nguyên dưới đất (Công báo số 11 trang 163).

* Đối với Rừng và đất rừng tài nguyên chim thú rừng: có các văn bản:

- Pháp lệnh bảo vệ rừng ngày 6/9/1972 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Bài 1 quy định rừng và đất rừng thuộc sở hữu Nhà nước, tức của toàn dân không ai được xâm phạm.

Bài 2 Nhà nước thống nhất và quản lý việc bảo vệ rừng, triệt để tuân theo pháp luật bảo vệ rừng và chống mọi hành vi vi phạm luật lệ đó. Pháp lệnh còn quy định biện pháp tổ chức bảo vệ rừng và chế tài trong việc vi phạm cần thiết sẽ áp dụng pháp lệnh truy tố tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tội phản cách mạng.

- Trước đó còn một số văn bản khác cũng quy định quản lý tài nguyên rừng: Nghị định số 39-CP ngày 5/4/1963 ban hành điều lệ tạm thời về săn bắt chim thú rừng. (Công báo 11/63 trang 32) quy định việc cấm săn bắt các loại chim thú rừng quý hiếm, khu vực cấm săn bắt và thủ tục xin cấp giấy phép săn bắt.

- Thông tư số 55-LN-TC ngày 18/9/1965 quy định tạm thời việc tổ chức và chế độ bồi dưỡng khen thưởng người mò vớt gỗ chìm.

- Quyết định 54-LN/QD 20/1/1967 ban hành quy trình tạm thời về khai thác tre nứa.

- Quyết định Liên bộ VH-TCLN số 35 GD/LB 22-5-1970 về những biện pháp bảo vệ các di tích cổ nằm trong rừng Cúc Phương.

- Chỉ thị 257-TTg 16/7/1975 về việc đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng và giao đất giao rừng cho HTX kinh doanh (C.báo 14/1975 trang 219).

- Thông tư số 3984 LN/KL ngày 15/10/1977 hướng dẫn việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm luật lệ về bảo vệ rừng.

* Đối với Ngoại hối tín dụng, tiền tệ:

 

- Nghị định 102-CP ngày 6/7/1963 của hội đồng Chính phủ ban hnàh điều lệ quản lý ngoại hối của nước VNDCCH (C.báo 24/1963 trang 383), quy định người nước ngoài được phép mang ngoại tệ vào Việt nam không hạn chế về số lượng. Quyết định 155-CP 21/8/1970 của Hội đồng Chính phủ quy định chính sách khuyến khích Việt kiều chuyển ngoại tệ vào nước Việt nam. Thông tư số 2-TTg ngày 5/1/1971 quản lý những tặng phẩm của người nước ngoài (PLC báo số 1/1971 trang 15).

Về nguyên tắc tất cả những tặng phẩm của các phái đoàn, các tổ chức các nước tặng cho cá nhân cho đoàn, đơn vị chính quyền đoàn thể ta ở trong nước (trung ương và địa phương) và ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, đều do Nhà nước quản lý và sử dụng cho công việc chung.

Thông tư còn quy định cụ thể các loại tang vật do cơ quan nào quản lý.

- Quyết định số 32-CP ngày 31/1/1980 về C/S khuyến khích việc chuyển ngoại tệ vào Việt nam và được chuyển đổi qua tiền Việt nam theo tỷ giá khuyến khích. Vàng và đá quý được Nhà nước mua theo giá chỉ đạo khuyến khích điều 2 QĐ cho phép Việt kiều mở tài khoản bằng ngoại tệ tư bản tại Ngân hàng Việt nam với lãi xuất do Ngân hàng ngoại thương Việt nam ấn định. Vốn và lãi cho phép chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

- Nghị định 75-CP ngày 9/6/1967 quy định chế độ quản lý tiền mặt.

- Nghị quyết số 98 CP ngày 15/5/1972 Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường quản lý tín dụng tiền tệ ở nông thôn và chấn chỉnh HTX tín dụng.

 

* Đối với vũ khí quân trang quân dụng chiến lợ phẩm:

 

- Nghị định 23/CP ngày 24/2/1973 về việc tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ.

- Nghị định 175-CP ngày 11/12/1964 về việc quản lý vũ khí vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng.

- Thông tư liên bộ 01-LB- 19/3/1966 quy định chế độ sử dụng bảo quản, vận chuyển, sản xuất, sửa chữa các loại súng đạn thể thao quốc phòng.

* Đối với vùng biển, thềm lục địa, lãnh hải, nguồn lợi thuỷ sản:

 

- Thông tư số 114-TTg-N/V quy định và hướng dẫn việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn ven bờ biển.

- Tuyên bố 12/5/1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt nam về vùng biển và thềm lục địa.

- Nghị định số 30- CP ngày 29/1/1980 về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước CHXHCN Việt nam (C.báo số 3/1980 trang 65).

Điều 1 quy định mọi tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt nam (bao gồm việc vào, ra, qua lại, trú đậu và làm các công việc khác) đều phải tôn trọng chủ quyền của nước CHXHCN Việt nam đối với từng vùng biển, phải chấp hành đầy đủ quy định của Nghị định này và những chế độ luật lệ các quy định khác có liên quan của Việt nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt nam ban hành.

Điều 11-12 NĐ quy định: Tàu thuyền nước ngoài không được tiến hành mọi hoạt động điều tra, thăm dò nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở kãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế của Việt nam nhằm mục đích kinh tế hoặc khoa học trừ trường hợp được chính phủ Việt nam cho phép.

Tàu thuyền nước ngoài không được tiến hành đánh bắt, khai thác, mua bán dưới hình thức bất cứ sản vật gì trong lãnh hải vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trừ trường hợp được chính phủ cho phép. Không được diễn tập quân sự, dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực, có hại cho phòng thủ. Cấm thông tin liên lạc quay phim chụp ảnh, phóng hoặc hạ cánh những phương tiện bay. Nếu có trang bị vũ khí phải đưa toàn bộ vào tư thế bảo quản, niêm phong. Muốn liên lạc phải qua trung tâm của Cảng Việt nam. Nếu chở chất phóng xạ phải có tài liệu và theo đúng quy định không được gây ô nhiễm và phải dùng hoa tiêu Việt nam.

Nghị định nhằm "bảo vệ quyền và các quyền của nước CHXNCN Việt nam trên biển chống lại mọi âm mưu hoạt động xâm phạm".

- Nghị định số 31-CP ngày 29/1/1980 quy định việc tàu thuyền đánh cá nước ngoài tiến hành mọi hoạt động nghề cá trên các vùng biẻen của nước CHXHCN Việt nam.

Điều 1: Nước CHXHCN Việt nam thực hiện chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật và không sinh vật của mình như tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt nam. Các tàu thuyền muốn đánh bắt phải có hiệp định thoả thuận của Việt nam và giấy phép Bộ hải sản Việt nam cho phép.

- Đối với đê điều, công trình thuỷ nông.

 

- Nghị định 173-CP ngày 21/11/1963 ban hành điều lệ bảo vệ đê điều: Nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH.

Nghị định quy định cụ thể cách thức, phạm vi quản lý đê điều do Bộ Thủy lợi quản lý.

- Chỉ thị số 230 ngày 24/8/1971-TTg về việc nghiêm cấm việc tự động phá huỷ các công trình đê thác lũ, thoát nước (C.báo số 15- trang 183).

- Thông tư179-1960 TTg về việc thu tiền thuỷ lợi phí ở các hệ thống nông giang.

- Nghị định số 141-CP 26/9/1963 việc ban hành điều lệ quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ nông.

- Ngoài ra còn một số văn bản quy định

 

Sở hữu Nhà nước về tài sản vắng chủ, vô chủ điện thoại điện tín, phế liệu, di tích lịch sử...

- Thông tư 46- TTg ngày 9/4/1962 ban hành điều lệ khai thác sử dụng điện báo điện thoại.

- Nghị định số 94-CP ngày 7/5/1973 của Hội đồng Chiónh phủ ban hành điều lệ thông tin điện báo và điều lệ thông tin điện thoại.

- Chỉ thị 344- TTg 24/8/1977 của Thủ tướng chính phủ về việc quản lý thu hồi và sử dụng phế kim loại (C.báo số 17 trang 210).

- Chỉ thị 352- TTg ngày 7/10/1977 của Thủ tương Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo tồn di tích lịch sử của giai đoạn choóng Mỹ cứu nước (C.báo 18/1977 trang 227).

* Đối với các xí nghiệp quốc doanh.

 

Vì đặc điểm xã hội thời kỳ này có nhiều biến động. Miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, tiến hành đấu tranh cách mạng ở Miền Nam. Sau năm 1975 giải phóng Miền Nam cả nước tiến lên CNXH. Thời kỳ khôi phục và cải tạo (1958-1960) đến kế hoạch 5 năm lần 1 (1960-1965) kế hoạch 5 năm lần 2 (1975-1980) là cả một chặng đường Nhà nước ta xây dựng củng cố các xí nghiệp quốc doanh (thành phần kinh tế chủ đạo) đi vào nền nếp. Pháp luật về sở hữu Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc doanh thời kỳ này có những văn bản chủ yếu sau:

- Về trách nhiệm quản lý xí nghiệp:

 

Nổi bật là cơ chế quản lý tập trung quan liêu thời bao cấp từ khâu cấp phát, sản xuất, phân phối lưu thông đều tập trung dưới 1 kế hoạch tập trung thống nhất đó là các Bộ đầu ngành. Cụ thể trong thời kỳ này, Đối với xí nghiệp công tư hợp doanh: Chỉ thị 114 TTg 24/5/1960 về việc giao xí nghiệp công tư hợp doanh cho các Bộ quản lý, Thông tư số 353-TTg ngày 4/9/1961 về việc áp dụng chế độ hợp đồng kinh tế đối với các xí nghiệp công tư hợp doanh. Quyết định số 71-CP ngày 13/4/1972 về việc thanh toán tiền trước cho người tư sản đã đưa vốn vào công ty hợp doanh.

Tinh thần của các văn bản trên thể hiện việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã hoàn thành về cơ bản, tư liệu sản xuất chuộc lại của nhà tư sản đó thuộc sở hữu toàn dân. Thời kỳ này các xí nghiệp công tư hợp doanh đã chính thức trở thành các xí nghiệp quốc doanh còn phần vốn cảu nhà tư sản được thanh toán dần cho đến hết theo quyết định số 71-CP ngày 13/4/1972. Theo quyết định này nhà nước sẽ trả tiền chuộc lại TLSX của nhà tư sản bằng tiền lãi cố định hằng năm tính theo tỷ lệ phần trăm của số vốn đến ngang mức vốn của nhà tư sản ddưa vào hợp doanh.

Cũng như các xí nghiệp quốc doanh, các công tư hợp doanh từ năm 1960 do các Bộ thống nhất quản lý như trong Nghị định 172-CP ngỳa 1/11/1973 của HĐCP ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế (kèm theo có chỉ thị 275-TTg tổ chức thực hiện điều lệ).

Bài 14 "Bộ là cơ quan quản lý Nhà nước trung ương lãnh đạo 1 số ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước. Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, lãnh đạo giúp đỡ các công ty, xí nghiệp liên hiệp xí nghiệp không làm thay, bao biện, Bộ chịu trách nhiệm trước Hội đồng chính phủ và quốc hội về hoàn thành kế hoạch Nhà nước và việc giữ gìn tài sản và việc sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc Bộ mình quản lý ! Công tác quản lý kinh tế lấy kế hoạch làm trung tâm (đ.16) Bộ có quyền phân phối vốn và kinh phí cho các xí nghiệp trực thuộc Bộ, điều động vốn cố định và vốn lưu động, xét duyệt việc trích lập các quỹ của xí nghiệp và kiểm tra việc sử dụng các loại quỹ của xí nghiệp (đ.27). Dưới Bộ là các công ty, LHXN... do giám đốc đứng đầu và hoạt động theo chế độ thủ trưởng Nghị định 17-CP ngày 10/2/1962 ban hành điều lệ chế độ giám đốc phụ trách xí nghiệp, giúp việc gồm phó giám đốc kinh doanh, sản xuất. Giám đốc chịu trách nhiệm quản lý xí nghiệp về mọi mặt (đ.2), sử dụng mọi tài sản của xí nghiệp vào sản xuất và sử dụng quỹ xí nghiệp theo đúng chế độ hiện hành (Đ 4) sử dụng vốn hợp lý và kinh doanh có lãi (Đ 4). Tuy nhiên chế độ giám đốc trong các căn bản thời kỳ này có nhiều hạn chế: Mọi quyền hạn của giám đốc trong khuôn khổ sự lãnh đạo của cấp trên (Bộ, tổng, cục, UBHC, khu, thnàh phố, cấp uỷ...) giám đốc không có quyền định đoạt tài sản và vốn của xí nghiệp, việc sử dụng tài sản giao về cho các phân xưởng phòng ban theo kế hoạch bản thân giám đốc cũng không chịu trách nhiệm cá nhân trước tài sản được giao của Nhà nước.

- Chế độ pháp lý đối với việc quản lý, sử dụng hạch toán tài sản cố định trong xí nghiệp quốc daonh.

 

- Các xí nghiệp quốc doanh là đưon vị sản xuất kinh doanh của nền kinh tế XHCN thống nhất, được Nhà nước cấp phát vốn và cho vay vốn để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch sản xuất Nhà nước giao. Nghị định 93-CP 8/4/1977 của HĐCP xác định tài sản ở các xí nghiệp quốc doanh bao gồm tài sản cố định, tài sản lưu động, các công trình phúc lợi công cộng khác được hoàn thành và xây dựng bởi các nguồn vốn tự có và coi như tự có (do ngân sách Nhà nước cấp phát; do vay Ngân hàng Nhà nước; do huy động từ phần lợi nhuận được để lại xí nghiệp hoặc được hình thành và xây dựng bởi quỹ xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi) toàn bộ tài sản đó thuộc sở hữu toàn dân là thiêng liêng và không được xâm phạm.

Có một điều rất rõ ta thấy các văn bản của Nhà nước thời kỳ này là quyền quản lý và sử dụng các loại tài sản đã nêu trên ở các xí nghiệp quốc doanh không đồng nghĩa với quyền sở hữu đối với các loại tài sản đó. Các XNQD chỉ quản lý và sử dụng tài sản cố định, tài sản lưu động và các loại tài sản khác không phân biệt nguồn vốn quản lý và sử dụng các loại vốn (cố định và lưu động). Từ năm 1959 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quy định việc quản lý, sử dụng các loại tài sản trong xí nghiệp quốc doanh.

- Nghị định số 48-TTg ngày 27/4/1962 của TTg Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về cấp phát và quản lý vốn lưu động ở các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh (C.báo số 16 trang 249).

- Chỉ thị số 131-TTg ngày 31/1/1963 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tài sản ứ đọng kém hoặc mất phẩm chất- Nghị định 93-CP ngày 8/4/1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ XHCN quốc doanh (C.báo 10/15-6-1977 tr 111-112). Về quyền "định đoạt" đói với tài sản cố định và tài sản lưu động: Đ.7 NĐ 93 quy định đối với tài sản cố định xí nghiệp phải sử dụng theo đúng công dụng của từng loại, thực hiện đúng chế độ kiểm kê và bảo dưỡng, nếu có tài sản thừa mà không dùng đến xí nghiệp phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp có thẩm quyền điều đi sau 1 thời gian quy định là 60 ngày không thấy cấp trên trực tiếp trả lời xí nghiệp có quyền nhượng lại cho cơ quan Nhà nước, cơ sở quốc doanh theo giá thoả thuận trên cơ sở giá chuẩn của Nhà nước. Đối với tài sản thừa thuộc vốn vay Ngân hàng, tài sản cố định đã khấu hao hết thì XN được quyền chủ động bán cho các cơ quan Nhà nước hay các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa khác và báo cáo lên cấp trên. Tiền bán tài sản cố định thừa phải được hoàn lại nguồn vốn theo chế độ Nhà nước đã quy định.

Điều 8 Nghị định 93 quy định đối với vốn lưu động do Nhà nước cấp hoặc vay Ngân hàng phải bảo vệ và sử dụng có hiệu quả ... đối với tài sản thừa thuộc vốn lưu động ... xí nghiệp cũng xử lý như đối với tài sản cố định thừa theo quy định ở Điều 7.

Điều 9 Nghị định 93 còn quy định xí nghiệp có thẩm quyền cho thuê nhà xưởng, kho tàng thiết bị, máy móc và phương tiện vận tải tạm thời chưa dùng đến theo giá quy định của Nhà nước Nghị định còn quy định vấn đề bảo vệ tài sản và vốn của Nhà nước ở điều 10.

- Nghị định số 302-CP ngày 1/12/1978 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh quy định tiêu chuẩn về tài sản cố định, về khấu hao tài sản cố định và sửa chữa lớn, việc giải quyết tài sản cố định thừa không dùng đến. Việc nhượng bán tài sản cố định giữa các xí nghiệp hợp tác kinh tế trực thuộc Bộ và Tổng cục hoặc Sở ty ... do cơ quan cấp trên trực tiếp của xí nghiệp quyết định và phải thông qua các cơ quan tài chính cùng cấp biết. Việc nhượng bán tài sản xí nghiệp Trung ương cho xí nghiệp địa phương hoặc xí nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục khác, do Bộ, Tổng cục quyết định sau khi bàn với Bộ Tài chính và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước theo giá căn cứ vào nguyên giá của tài sản cố định xét mức hao mòn thực tế và giá trị sử dụng hiện có của tài sản cố định. Việc nhượng bán tài sản cố định trong Liên hiệp do Tổng giám đốc Liên hiệp quyết định. Việc nhượng bán tài sản cố định của xí nghiệp quy định cho Hợp tác xã phải do Bộ, Tổng cục, Sở ty quyết định...

Việc nhượng bán tài sản cố định giữa các xí nghiệp và tổ chức kinh tế nêu trên phải thực hiện chế độ giao nhận tài sản cổ định, giá cả thanh toán và thu nộp Ngân sách theo quy định trong thông tư 260-TTg ngày 20/6/1977 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung, sửa đổi một số quy định về quản lý và hạch toán tài sản cố định của xí nghiệp quốc doanh (Công báo số 1/77 trang 128) và theo đúng chế độ kế toán tài sản cố định Ban hành theo quyết định 222-TC/CĐKT ngày 11/10/1980 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán tài sản cố định trong xí nghiệp quốc doanh.

- Chế độ pháp lý đối với vốn lưu động và tài sản lưu động:

Quan điểm về vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh thời kỳ này là sự biểu hiện dưới hình thức tiền tệ của Tài sản lưu động và tài sản lưu thông của xí nghiệp. Tài sản lưu động của xí nghiệp quy định gồm: Nhiên liệu, vật liệu, nhiên liệu cần thiết phục vụ sản xuất, và vật tư đang ở trong quá trình sản xuất: sản phẩm dở dang, bán thành phẩm.

Tài sản lưu thông của xí nghiệp quốc doanh bao gồm: vốn thành phẩm, vốn bằng tiền và vốn trong thành phẩm toán. Có hai loại vốn lưu động: Vốn lưu động định mức và vốn lưu động không định mức. Những văn bản quy định việc định mức, kế hoạch cấp phát, cho vay, quản lý, sử dụng và định đoạt vốn lưu động đối với các xí nghiệp quốc doanh là: Nghị định 48-TTg ngày 27/4/1962; Chỉ thị 150-TTg/TN ngày 8/12/1965 và tổng kiểm kê tồn kho vật tư hàng hoá; Quyết định 28-TTg/TN ngày 19/3/1969 về cấp phát và cho vay vốn đối với XNCN quốc doanh địa phương, Quyết định sô 32-CP ngày 11/2/1977 về việc cải tiến và mở rộng tín dụng Ngân hàng; Thông tư liên bộ NHNN-TC số 14-TT/LB ngày 24/2/1977; Quyết định số 16-NH/QĐ ngày 25/2/1977 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nội dung các văn bản này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn trong xí nghiệp quốc doanh hoàn toàn dựa trên chế độ cấp phát của Nhà nước thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Vốn lưu động định mức của xí nghiệp quốc doanh được hình thành bằng hai nguồn vốn: Nguồn vốn lưu động tự có và coi như tự có, vốn lưu động vay của Ngân hàng Nhà nước.

- Vốn lưu động tự có và coi như tự có gồm: vốn Ngân sách Nhà nước cấp phát, vốn được bổ sung bằng lợi nhuận xí nghiệp; Vốn coi như tự có gồm: Tiền lương phái trả nhưng chưa đến kỳ trả; các khoản phải nộp Ngân sách nhưng chưa đến kỳ nộp; chi phí trích trước và các khoản khác.

Như vậy, nôị dung của pháp luật về sở hữu trong các xí nghiệp quốc doanh trong những năm 1960 –1980 phản ánh rất rõ mối quan hệ giữa việc Nhà nước giao tài sản cho các xí nghiệp để tiến hành hoạt động sản xuất và kinh doanh. Thực tiễn lập pháp gọi đó là quyền quản lý tài sản Nhà nước (còn gọi là quyền quản lý nghiệp vụ đối với tài sản Nhà nước. Nội dung qua quyền này bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản Nhà nước theo mục địch cấp tài sản và đúng kế hoạch. Ngược lại xí nghiệp không có quyền sử dụng những sản phẩm do mình làm ra mà tất cả những sản phẩm đó phải được tập trung vào tay Nhà nước bằng các cơ quan thương nghiệp quốc doanh để phân phối và phân phối lại theo kế hoạch của Nhà nước. Quyền định đoạt của xí nghiệp đối với tài sản cố định chỉ có vị trí thứ yếu nói chung xí nghiệp quốc doanh không có quyền đem bán, trao đổi, cho thuê hoặc chuyển nhượng dưới một hình thức nào khác đối với tài sản cố định đang dùng. Đối với vốn và tài sản lưu động, xí nghiệp chỉ có quyền định đoạt tài sản lưu động dưới hình thức giao nhận vật liệu cho các đơn vị gia công theo Hợp đồng, ký kết các hợp đồng kinh tế theo phương thức bán nhiên liệu mua thành phẩm.

Tóm lại, các văn bản về sở hữu trong các xí nghiệp quốc doanh thời kỳ này đã phản ánh được một "thắng lợi rực rỡ" trong việc hoàn thành công cuộc thiết lập và hoàn thiện chế độ đại bao cấp trong toàn bộ nền kinh tế, trên mọi mặt từ khâu cấp phát đến sản xuất và lưu thông phân phối của quá trình sản xuất và tái sản xuất của Đảng và Nhà nước ta. Quyền sở hữu Nhà nước trong thời kỳ bao cấp này bị đánh đồng với quyền sử dụng và quản lý không còn chỗ cho việc xây dựng những quan hệ về sở hữu. Các Bộ, Tổng cục... đã độc chiếm tất cả các chức năng của nền sở hữu ở tất cả các cấp (từ phân xưởng đến Tổng cục, Bộ, trong suốt những năm 1960-1980 này. Thông qua bộ máy quyền lực quan liêu này mà tạo khả năng xa rời tính chất xã hội hoá của tư liệu sản xuất, làm cho quan hệ sản xuất không phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và đó chính là bi kịch của chế độ bao cấp từ đầu đến chân của thời kỳ này.

 

Thời kỳ 1980 đến nay:

 

 

Có thể nói, thời kỳ này diễn ra quá trình "nhận thức lại" về CNXH của các nước XHCN nói chung và quá trình "nhận thức lại" về công cuộc cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đã rút ra một kết luận quan trọng về lý luận và thực tiễn:

"Lực lượng quan hệ sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu mà ngay cả khi quan hệ sản xuất pháp triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất". Nguyên nhân chính của việc đi xuống của nền kinh tế nước ta cũng chính là ở chỗ chủ trương, chính sách và pháp luật không theo đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Như qua hai thời kỳ trên ta thấy, nhận thức sai lầm của Đảng và Nhà nước đã dẫn đến việc hoàn thành và cải tạo các thành phần kinh tế diễn ra ào ạt trong một thời gian ngắn và việc "cho chung vào một rọ"đã dẫn đến việc kìm hãm sự phát huy tiềm năng to lớn của nhân dân về vốn, sức lao động, tay nghề của nhân dân, biến những người làm việc trong bộ máy tập trung quan liêu bao cấp thành những người thụ động, bàng quan dẫn đến các tài sản của sở hữu Nhà nước trở thành vô chủ, không phát huy hiệu quả và bị xói mòn dần.

Từ những nhận thức mới về CNXH và thực trạng nền kinh tế Đảng ta khẳng định quan điểm " đẩy mạnh cải tạo XHCN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những hình thức và bước đi thích hợp làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất" "Xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế (1)". Chấp nhận sự tồn tại lâu dài của các thành phần kinh tế dựa trên quan hệ sản xuất tư nhân về tư liệu sản xuất bên cạnh sự phát triển của các thành phần kinh tế khác... đó là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ"(2).

Từ quan điểm này, Đảng ta xác định nên kinh tế nước ta là nền kinh tế hàng hoá có cơ cấu nhiều thành phần với nhiều loại hình sở hữu, nhiều hình thức tổ chức kinh tế đan xen nhau cùng tồn tại. Đảng đề ra khuyến khích đối với từng loại hình kinh tế nhằm giải phóng, khai thác mọi khả năng phát triển lực lượng sản xuất.

Pháp luật về sở hữu trong thời kỳ này đã thể chế hoá được đường lối của Đảng và Nhà nước cụ thể các văn bản quy định về sở hữu Nhà nước trong thời kỳ này trên những lĩnh vực sau:

* Đối với các khách thể quan trọng của sở hữu Nhà nước;

 

* Đối với đất đai.

 

- Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai.

- Luật đất đai quy địnhk chế độ quản lý và sử dụng đất đai (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 29/12/1987). Mục 1 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước giao đất cho cá nhân và cơ quan đoàn thể (người sử dụng đất) để sử dụng lâu dài.

Nhà nước bảo đảm cho người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất (Điều 3). Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn chiếm đất và phát canh thu tô dưới mọi hình thức và sử dụng đất không đúng mục đích, huỷ hoại đất (Điều 5) luật đất đai còn quy định việc thu hồi đất (quyền chiếm hữu) (Điều14) Việc chuyển quyền sử dụng đất (Điều 16), quyền sử dụng đất nhà ở (Điều 18), quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Điều 48, Điều 49). Chế tài đối với việc vi phạm luật đất đai (Điều 52, Điều 53, 54, 55 ...).

Như vậy, với luật đất đai, sở hữu Nhà nước về đất đai có sự thay đổi rất lớn nhất là về quyền sử dụng, song đây vẫn là một vấn đề đang được quan tâm và tranh cãi sôi nổi về những vấn đề quyền sở hữu đối với đất đai, quyền thừa kế, thời gian sử dụng ... ở các ngành các địa phương. Pháp luật về sở hữu đất đai phải giải quyết những vấn đề đó có thể đảm bảo sử dụng đất đai một cách có hiệu quả nhất.

- Những văn bản dưới luật khác quy định về chế độ pháp lý đối với việc quản lý và sử dụng đất như:

- Chỉ thị sô 57-CT/TW ngày 15/11/1978 của Bộ Chính trị các Chỉ thị của Ban Bí thư số 19-TC/TW ngày 3/5/1983 và số 100-TC/TW nhằm xóa bỏ các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn, tịch thu ruộng đất của ngụy quyền và tay sai ác ôn đem chia cho nông dân. Các Chỉ thị này còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng "xáo canh", "cào bằng" gây xáo trộn lớn về ruộng đấy. Các hộ buôn bán không dùng đến ruộng đất cũng được chia vì thế dẫn đến việc nền sản xuất nông sản hàng hoá ở nông thôn Nam Bộ đã phát triển nay giảm sút, nhiều tiêu cực. Chủ trương xây dựng các tập đoàn sản xuất nóng vội và gò ép dẫn đến hiệu quả thấp.

Gần đây các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp liên quan đến đất đai có Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 của trung ương Đảng, Nghị quyết 10 của Bộ chính trị TW Đảng khoá VI, Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của TW Đảng khoá VI. Rất tiếc các van bản của Nhà nước cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng ra còn quá chậm.

- Các văn bản hướng dẫn và cụ thể hoá thi hành luật đất đai: Gồm Nghị định số 30- HĐBT ngày 23/3/1989 của Hội đồng bộ trưởng về việc thi hành luật đất đai, chỉ thị số 60-HĐBT ngày 14/4/1988 của Hội đồng bộ trưởng về việc thực hiện luật đất đai, chỉ thị số 47-CT/TW ngày 31/8/1988 về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất của Bộ Chính trị, chỉ thị số 154-HĐBT ngày 11/10/1988 của Hội đồng chính phủ về triển khai thực hiện chỉ thị của Bộ chính trị về việc giải quyết 1 số vấn đề ruộng đất, quyết định số 13-HĐBT ngày 1/2/1989 của HĐBT về việc giải quyết 1 số vấn đề cấp bách về ruộng đất, chỉ thị số 67-CT ngỳa 23/3/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về 1 số việc cần tiếp tục triển khai thực hiện để thi hành luật đất đai.

Với việc ban hành 1 loạt các văn bản của Đảng và Nhà nước cùng với luật đất đai, Nhà nước đã khôi phục lại quyền làm chủ thực sự của nông dân đối với ruộng đất. Các chế độ khoán 100, khoán 10, khoán gọn ra đời, việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài của Nghị quyết 10 của Bộ chính trị... đã tạo ra động lực mới phát triển nông nghiệp. Song vấn đề sở hữu và quyền sử dụng đất đai vẫn là 1 vấn đề nổi cộm trong pháp luật sở hữu Nhà nước, đòi hỏi phải nghiên cứu nghiêm túc và khẩn trương.

* Tài nguyên- khoáng sản, kim khí quý, đá quý.

 

Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28.7.1989 (Công báo 18/1989 trang 383). Pháp lệnh quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia vô cùng quý giá phải được bảo vệ, sử dụng hợp lý. Pháp lệnh này quy định việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong các lĩnh vực điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Mục 1 Pháp lệnh quy định tài nguyên khoáng sản gồm những loại gì kể cả khai thác và chưa khai thác. "Toàn bộ tài nguyên khoáng sản ở đất liền, thềm lục địa, các hải đảo và vùng biển của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo thành vốn tài nguyên khoáng sản thống nhất của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý". (Điều 2) Nhà nước khuyến khích tính chất, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, vốn vào khai thác, bảo vệ tài nguyên (Điều 3) ưu tiên đối vơi cá nhân, tổ chức thăm dò tìm kiếm mỏ (Điều 4) quyền và nhiệm vụ của các cá nhân, tổ chức khai thác mỏ (Điều5; Điều 6) Pháp lệnh còn quy định việc quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (Điều 7; Điều 8) bảo vệ tài nguyên (Điều 9) (Điều 28; 29;30;31), giải quyết tranh chấp (Điều 33) chế tài đối với viêci vi phạm (Điều 35).

- Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30/6/1990 (NXB Pháp lý Hà nội 1990).

Mục 29: Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng sử dụng đất đau mặt nước, mặt biển của Việt Nam, thì phải trả tiền thuê, trong trường hợp khai thác tài nguyên thì phải nộp thuế tài nguyên".

- Về kim khí quý đá quý có các văn bản: Thông tư 202-TC ngày 2/7/1988 quy định tạm thời đối với việc khai thác vàng từ lòng đất (Công báo số 10/88 trang 337).

+ Quyết định số 76 - HĐBT ngày 13/5/1987 về việc thăm dò khai thác, chế biến, mua bán vàng đá quý khai thác từ lòng đất.

+ Thông tư số 10 - TC ngày 20/4/1989 CTN hướng dẫn chế độ thu đối với khai thác vàng tư lòng đất thuộc khu vực kinh tế cá nhân tập thể (Công báo số 16/1989 trang351).

+ Quy định số 139 - CT ngày 24/5/1989 về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc đá quý.

Các văn bản trên quy định cho phép các tổ chức, địa phương, cá nhân được phép khai thác vàng từ lòng đất ở những nơi pháp luật quy định và các khoản thu nộp ngân sách địa phương và ngân sách Nhà nước. Quy định thể thức kinh doanh vàng bạc, đá quý. Đánh dấu một bước đổi mới trong pháp luật về sở hữu Nhà nước đối với kim khí quý đá quý.

* Rừng, đất rừng, chim thú rừng:

- Thông tư số 46 - TT/HTX ngày 13/12/1982 hướng dẫn đẩy mạnh giữ đất giữ rừng cho tập thể và nhân dân trồng câp gây rừng theo quyết định số 184 - HĐBT ngày 6/11/1982.

- Nghị định số 160 - HĐBT ngày 10/12/1984 về việc thống nhất quản lý các loại đặc sản rừng.

- Thông tư số 9 - LN/KL ngày 12/4/1986 quy định thủ tục vận chuyển gỗ và các loại Lâm sản đặc sản rừng.

* Ngoại hối, tín dụng, tiền tệ:

Chỉ thị số 308 - CT ngày 30/10/1989 về việc tăng cường quản lý ngoại hối (Công báo số 21/1989 trang 447).

Quyết định số 218 - HĐBT ngày 18/8/1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chế độ báo ngoại tệ cho quỹ tập trung của Trung ương bỏ chế độ kết hối ngoại tệ.

* Biển, tầu biển thềm lục địa, lãnh hải, nguồn lợi thuỷ sản.

- Luật hàng hải Việt Nam Quốc hội thông qua ngày 30 / 6 / 1990 (Công báo 15+16/1990 trang 282).

Mục 1; mục 2; mục 3 của luật hàng hải quy định phạm vi áp dụng của bộ luật: đối với những quan hệ pháp luật phát sinh từ hoạt động liên quan đến hoạt động hàng hải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật và các điều ước quốc tế đã ký kết giữa các bên. Sở hữu Nhà nước đối với tầu biển Việt Nam (Điều 8) các quyền về sở hữu tầu biển (Mục I chương II) trách nhiệm bồi thường tổn thất hàng hoá (Điều 108; 109; 110), cầm giữa hàng hoá (Điều 113; 114; 115) trục vớt tài sản chìm đắm (Điều 175; 176; 177; Điều 178; 179; 180) giải quyết tranh chấp về hàng hải (Điều 241; Điều 242).

Mục 29 luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định về trách nhiệm của bên nước ngoài thuê đất đai, mặt nước, mặt biển của Việt Nam.

- Về nguồi lợi thuỷ sản có các văn bản Pháp lệnh ngày 25/4/1989 bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Công báo 17/1989 trang 358).

- Thông tư số 1 - TS/TT ngày 10/1/1989 hướng dẫn thực hiện các quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, tư doanh hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, khai thác nuôi trồng và chế biến đối với thuỷ sản (Công báo số 3/1989 trang 64).

- Nghị định số 195 - HĐBT ngày 2/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguông lợi thuỷ sản (Công báo số 12/90 trang 227).

Nội dung của các văn bản trên quy định nguông lợi thuỷ sản là tài nguyên sịnh vật vô cùng quý giá, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài. Pháp lệnh quy định những sinh vật thủy sản sống tự nhiên ở các vùng nước thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân. Sinh vật thuỷ sản do nuôi trồng thuộc sở hữu toàn dân hoặc hình thức sở hữu khác. Nhà nước thống nhất quản lý nguồn lợi và môi trường sống của các loại thuỷ sản bằng các chính sách (Điều 1; 2; 3). Tổ chức Nhà máy, XH, tập thể và tư nhân cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên theo quy định của Pháp lệnh này ở những vùng do Nhà nước quản lý (Điều 4). Các văn bản khác nêu trên nhằm cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bảo vệ và phát triênr nguồn lợi thuỷ sản.

- Ngoài ra còn có những văn bản pháp luật quy định về sở hữu Nhà nước đối với các khách thể khác như:

+ Quyết định số 149 - CT ngày 17/9/1981 về việc thống nhất quản lý lưới điện quốc gia (công báo 17/1/1983, trang 352), Nghị định số 80 - HĐBT ngày 19/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng quy định điều lệ cung ứng và sử dụng điện; Các quy định về quản lý đường bộ gồm Nghị định số 203 - HĐBT ngày 21/12/1982 ban hành điều lệ bảo vệ đượng bộ Thông tư 185 - TT/PC ngày 26/9/1983 hướng dẫn thực hiện điều lệ bảo vệ đường bộ; về vũ khí như Nghị định số 94-HĐBT quy định bổ sung Nghị định số 175 - CP 11/12/1964 và số 33 - CP ngày 24/2/1973 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng, tàng trữ sử dụng vạt liệu nổ, về phế liệu như Chỉ thị 368 - CT ngày 27/12/1982 về việc thu hồi kim loại ở đang phế liệu phê thải trong quân đội ban ngành giao thông vận tải và các địa phương (công báo số 25/1982 trang 522), Chỉ thị số 41 - CT ngày 12/2/1986 về việc thống nhất quản lý kim loại đen phế liệu phế thải trong cả nước (công báo sô 7/1986 trang 130); về tài liwuj lữu trữ quốc gia như pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia công bố do lệnh của Chủ tịch Hộ đồng Nhà nước số 8 - LCT/HĐNN7 ngày 11/12/1982; về di tích lịch sử như Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và đanh làm thắng cảnh công bố do lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 14-LCT/HĐNN7 ngày 4/4/1984.

* Đối với xí nghiệp quốc doanh.

Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước bảo đảm cho các đơn vị xí nghiệp quốc doanh có quyền tự chủ, thật sự chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN, bằng cách mở rộng liên doanh, liên kết với các hình thức sở hữu khác, có chế độ quản lý thích hợp đối với từng loại vốn và tài sản của xí nghiệp. Các văn bản điều chỉnh mối quan hệ về sở hữu và chế độ pháp lý đối với tài sản và vốn của Nhà nước trong các xí nghiệp quốc doanh thời kỳ này có nhiều đổi mới tạo nên động lực thúc đẩy nền kinh tế.

- Về trách nhiệm quản lý xí nghiệp quốc doanh.

- Nghị định số 35 - CP ngày 9/2/1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước (công báo số 1/1981 trang 2).

- Nghị định 205 - HĐBT ngày 12/7/1985 ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Hợp đồng xí nghiệp (Công báo số 14/1985 trang 292).

- Nghị quyết số 156 - HĐBT ngày 30/1/1984 về một số vấn đề cải tiến quản lý XNCN quốc doanh.

- Quyết định số 76 - HĐBT ngày 26/6/1986 về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

- Quyết định số 217 - HĐBT ngày 14/11/1987 thành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với các xí nghiệp quốc doanh.

- Nghị định 50 - HĐBT ngày 22/3/1988 thành điều lệ XNCN quốc doanh.

- Nghị định 98-HĐBT ngày 2/6/1988 ban hành quy định về quyền làm chủ của tập thể lao động trong xí nghiệp.

- Nghị định số 98 - HĐBT ngày 2/6/1988 ban hành quy định về quyền làm chủ tập thể lao động trong xí nghiệp.

- Nghị định số 27 - HĐBT ngày 22/3/1989 ban hành điều lệ liên hiệp xí nghiệp quốc doanh.

- Quyết định số 143-HĐBT ngày 10/5/1990 ban hành kèm theo phụ lục.

- Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Điều 12; Điều 14).

- Luật công ty (Điều 27; 37; 38; 39).

Tất cả các văn bản pháp luật đã nêu trên là cả một quá trình các xí nghiệp quốc doanh được dần dần "cởi trói", và cho xí nghiệp từng bước quyền chủ động sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính. Cơ cấu lãnh đạo của xí nghiệp quốc doanh hiện nay bao gồm: Cấp bên trên của xí nghiệp (Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân, Tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp ...).

+ Đại hội công nhân viên chức (thể hiện quyền làm chủ của xí nghiệp) và giám đốc xí nghiệp: vừa đại diện cho Nhà nước, vừa đại diện cho công nhân viên chức, quản lý xí nghiệp theo chế độ thủ trưởng.

+ Hội đồng xí nghiệp và Ban thanh tra công nhân chủ là cơ quan thường trực của Đại hội công nhân viên chức và có vai trò rất hạn chế đối với quản lý xí nghiệp.

Như vậy quyền hạn của giám đốc ngày càng được mở rộng từ những quy định về sử dụng vốn, tự tạo các nguồn vốn và tài sản cố định trong Nghị quyết số 156 - HĐBT, đến quản lý và sử dụng chính đối với tài sản của xí nghiệp (Điều lệ xí nghiệp quốc doanh); quyền nhượng bán tài sản cố định, định giá bán (Quyết định 217 - HĐBT), quyền phát triển và bảo toàn vốn (chỉ thị số 316 - CT). Song cũng có ý kiến cho rằng những quy định về trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản của xí nghiệp như vậy dẫn đến giám đốc vừa là đại diện cho Nhà nước, (chủ sở hữu) vừa là đại diện cho công nhân viên chức (người sử dụng) như vậy sẽ dẫn đến những việc tiêu cực, tham nhũng, làm giàu bất chính và về mặt pháp lý giám đốc lạm dụng quyền của người chủ sở hữu đối với tài sản của xí nghiệp.

- Chế độ pháp lý đối với tài sản và vốn trong các xí nghiệp quốc doanh.

 

Từ năm 1981-1985, cơ chế quản lý kinh tế có những chuyển biến mới thể hiện đặc điểm: Từ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển dần sang có chủ động song rất chậm chạp, là cả một cuộc đấu tranh gian khổ và khó khăn. Những năm đầu của thời kỳ này được đánh dấu bằng quyết định 25 - CP ngày 21/1/1981 về một số biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh (Công báo số 2/1981 trang 18).

+ Thông tư 20 - NH/TT ngày 18/3/1981 hướng dẫn thi hành Quyết định số 25 - CP ngày 21/1/1981 của Hội đồng chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của xí nghiệp quốc doanh. (C.báo số 5/1981 trang 98).

+ Quyết định 146 - HĐBT ngày 25/8/1982 của Hội Đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ xung quyết định số 25 - CP ngày 21/1/1981 của Hội đồng chính phủ (Công báo số 20/1982 trang 382).

+ Theo tinh thần của các văn bản này, việc quản lý và sử dụng tài sản cố định ở các xí nghiệp quốc doanh gắn liền với quyền chủ động sản xuất- kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Đồng thời quyền sử dụng các loại tài sản cố định ở các xí nghiệp quốc doanh gắn liền với việc thưcj hiện quyền hạn và nhiệm vụ của xí nghiệp. Xí nghiệp có quyền bố trí lại dây truyền sản xuất, có quyền tận dụng nguyên liệu, phế liệu, vật tư ở các nguồn khác và công suất máy móc còn thừa để sản xuất thêm sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Quyền định đoạt tài sản cố định của xí nghiệp thể hiện ở quyền chuyển dịch, chuyển nhượng, thanh lý, cho thuê tài sản cố định theo pháp luật nhà nước. Tuy những văn bản này có mở ra một số quyền về mua nhiên liệu, bán sản phẩm, kế hoạch sản xuất phụ song vẫn chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp. Hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh vẫn phải dựa trên chỉ tiêu pháp lệnh hoặc quyết định của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên từ khâu cấp phát đến lưu thông phân phối. Sản phẩm làm ra theo 25 - CP và 146 - HĐBT xí nghiệp đều phải bán cho các cơ quan thương nghiệp quốc doanh và các đơn vị kinh tế theo theo kế hoạch nhà nước đã được duyệt trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Vì vậy có thể nói các văn bản trên chỉ giao quyền chủ động một cách hình thức và không đáp ứng được thực tiễn của nền kinh tế. Tuy 25 - CP có mở ra cho xí nghiệp chủ động tìm kiếm vật tư... Song chưa nêu rõ tiêu chuẩn điều kiện xây dựng kế hoạch vật tư và vốn, chỉ đạo thực hiện nhiều thiếu sót và văn bản hướng dẫn chậm khong đồng bộ, chưa phát huy được tác dụng.

Những năm tiếp theo của thời kỳ này có một loạt văn bản nhằm đổi mới từng bước chế độ pháp lý đối với tài sản và vốn trong xí nghiệp quốc doanh:

+ Nghị quyết số 156 - HĐBT ngày 30/11/1984 "về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh" thay thế cho Quyết định số 25CP và Quyết định 146 - HĐBT. Theo Nghị quyết 156 - HĐBT việc cấp phát vốn và tư liệu sản xuất của nhà nước không theo nguồn vật tư mà theo tầm quan trọng của việc sắp xếp lại sản xuất; khuyến khích làm cả những sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh (5 chỉ tiêu).

Nghị quyết 156 - HĐBT xác định vốn coó định và vốn lưu động được sử dụng và được bù đắp trong giá trị thành phẩm. Việc cung ứng vốn cho xí nghiệp được xây dựng và mở rộng vốn tự có từ các nguồn: vốn do ngân sách cấp theo chế độ hiện hành (gồm vốn cố định và vốn lưu động); quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, phần trích khấu hao cơ bản những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng được và vẫn tham giai vào sản xuất; những tài sản cố định đầu tư bằng vốn tự có....

Nguồn vốn tự có của xí nghiệp được tăng cường theo sự nâng cao quyền tự chủ về tài chính của xí nghiệp. Nghị quyết 156 - HĐBT đã quy định các điểm cụ thể tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất xây dựng vốn tự có của mình bao gồm tiền Việt nam và ngoại tệ, vồn bằng tiền và vật tư để xí nghiệp có thể chủ động trong sản xuất kinh doanh. Về nguồn vốn lưu động, đối với xí nghiệp mới đưa vào sản xuất, Nhà nước cấp 50% vốn lưu động định mức, phần còn lại Nhà nước phải vay vốn ngân hàng hàng năm xí nghiệp phải sử dụng 1 phần vốn tự có để bổ xung vốn lưu động. Nghị quyết định hướng chuyển phương thức cấp phát vốn sang phương thức vay vốn lưu động định mức 100% thông qua con đường tín dụng. Ngoài ra xí nghiệp còn được quyền vay ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước Việt nam để nhập các loại vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết. Thực hiện giám đốc bằng đồng tiền đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp. Về khấu hao tài sản cố định, Nghị quyết chỉ rõ mức khấu hao thấp, đặt ra vấn đề bù đắp đúng mức hao mòn tài sản dưới hình thức tiền, chuyển giá trị tài sản cố định vào sản phẩm mới được tạo ra trong quá trình sản xuất. Cùng với Nghị quyết 156 - HĐBT, còn có Thông tư số 09 - TC/NC ngày 10/3/1985 của Bộ tài chính hướng dẫn về quản lý vốn lao động. Quy định cụ thể nguồn vốn, sử dụng và quản lý vốn lưu động việc trích lập các quỹ theo tinh thần Nghị quyết 156 - HĐBT ngày 30/11/1984 của Hội đồng Bộ trưởng.

+ Thông tư số 12 - TC/ĐTXD ngày 10/3/1985 của Bộ tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản của các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc dân.

+ Quyết định của Hội Đồng Bộ Trưởng số 150 - HĐBT ngày 27/11/1986 về việc xử lý kết quả tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định 0 giờ ngày 1/10/1985 về việc tăng cường tài sản cố định trong các đơn vị kinh tế cơ sở sản xuất kinh doanh (Công báo số 25/1986 trang 486). Quyết định quy định vấn đề xác định giá trị mới của tài sản cố định cho phù hợp với hệ thống giá bán buôn vật tư mới, việc khấu hao tài sản cố định theo giá trị mới, đề cao trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp Bộ, Tổng cục, Bộ tài chính Cục thống kê trong việc quản lý đánh giá tài sản cố định.

+ Nghị quyết 306 - TL HN (dự thảo) của Bộ chính trị ngày 08/4/1986 về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý kinh tế. Cụ thể hoá Nghị quyết 306 có những văn bản:

+ Quyết định 76 - HĐBT ngày 26/6/1986 của Hội đồng Bộ trưởng về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở ban hành kèm theo quy định tạm thời về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở. Nội dung của quy định tạm thời quy định về vốn và sử dụng vốn của xí nghiệp, mở rộng quyền trách nhiệm tự tạo vốn tự có vấn đề khấu hao tài sản cố định (điều 4,5,6) nhượng bán tài sản cố định (điều 7 quy định có thể nhượng bán cho các đơn vị ngoài kinh tế quốc doanh có thể giữ lại tiền bán tài sản cố định để mua sắm tài sản cố định thay thế nhưng phải xin ý kiến cơ quan cho phép nhượng bán và cơ quan tổ chức chính cung cấp. Về nguồn vốn lưu động xí nghiệp được duyệt cấp một phần định mức tuỳ theo từng ngành xí nghiệp phải giải quyết nhu cầu voón tăng thêm bằng nguồn vốn tự có và vay Ngân hàng trên cơ sở kế hoạch và hợp đồng tín dụng (Điều 8,9.10) quy định về thanh lý hạch toàn tài sản lưu động.

Kèm theo Nghị quyết 76 - HĐBT là một loạt các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm tăng cường quyền chủ động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp quốc doanh.

+ Chỉ thị số 263 ngày 10/9/1987 sửa đổi bổ sung Quyết định số 76-HĐBT ngày 26/6/1986 bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của đơn vị KTQD (Công báo số 16/1987 trang 311).

+ Quyết định 507 - TC/DTXD ngày 22/7/1986 về chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định và định mức tỷ lệ khấu hao.

+ Quyết định 101 - NK/QĐ ngày 30/7/1986 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam về việc ban hành thể lệ tạm thời tín dụnh vốn lưu động đối với các tổ chức kinh tế quốc dân và tập thể.

+ Thông tư số 10 - TC/ĐTXD ngày 22/7/1986 của Bộ tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng vốn tự có về đầu tư Xây dựng cơ bản của các tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh.

+ Thông tư số 29 / TC / GTBD ngày 26/9/1986 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập quỹ đối với xí nghiệp vận tải, bốc xếp và đại lý vận tải thuộc ngành giao thông vận tải theo Quyết định 76 HĐBT.

+ Thông tư số 100 -NK/TT ngày 28/7/1986 hướng dẫn thực hiện quy định tạm thời về cơ chế kinh doanh XHCN và quản lý Nhà nước của Ngân hàng để bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở gồm cả việc quy định tín dụng bằng ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay Ngân hàng, chuyển nhượng ngoại tệ và tín dụng đối với các hình thức kinh tế khác.

+ Quyết định 217 - HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội Đồng Bộ trưởng Ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với các xí nghiệp quốc doanh (Công báo số 21/1987 trang 394).

+ Nghị định số 50 - HĐBT ngày 22/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

+ Nghị định số 98 - HĐBT ngày 2/6/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành bản quy định về quyền làm chủ tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh (Công báo số 12/1987 trang 241).

Với việc ban hành các văn bản trên, Nhà nước đã thực hiện một bước đổi mới cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế quốc doanh. Theo tinh thần của các văn bản này tài sản của xí nghiệp thuộc sở hữu toàn dân Nhà nước giao cho tập thể lao động, đứng đầu là giám đốc xí nghiệp quản lý và sử dụng, bảo vệ xí nghiệp phải không ngừng đổi mới tài sản bằng vốn tự có, vốn tín dụng và vốn huy động từ các nguồn khác Điều 4 Điều lệ xí nghiệp quốc doanh và Điều 18 bản quy định ban hành kèm theo Quyết định 217 - HĐBT. Xí nghiệp có quyền nhượng, bán, thuê hoặc cho thuê những tài sản chưa dùng đến hoặc dùng chưa hết công suất việc bán tài sản cố định thuộc vốn ngân sách cấp và phải xin ý kiến cấp trên. Xí nghiệp được quyền hoàn thiện cơ cấu tài sản cố định theo yêu cầu đổi mới công nghệ, tiền bán hoặc cho thuê tài sản được đưa vào quỹ phát triển sản xuất của xí nghiệp (điều 5 Điều lệ và điều 19 quy định). Xí nghiệp có quyền để lại toàn bộ khấu hao cơ bản để đổi mới tài sản cố định (Điều 44 Điều lệ; Điều 21 bản quy định). Đối với vốn xí nghiệp quốc doanh được Ngân sách Nhà nước cấp ban đầu lần 1 theo mức quy định của Nhà nước. Khi Nhà nước điều chỉnh giá mức vốn đó được xây dựng lại và được bổ sung. Nếu như cần vốn tăng lên thì xí nghiệp đáp ứng bằng vốn tự có hoặc vốn vay. Xí nghiệp có quyền chủ động tạo vốn bằng mở rộng sản xuất kinh doanh và liên kết kinh tế.

Tiền nhượng, bán vật tư, nhiên liệu và xí nghiệp (Mục 6); Việc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn (Mục 1), chế độ cấp phát vốn 1 lần (Mục 2).

So với các văn bản pháp luật trước quy định về chế đọ tài sản và vốn của các xí nghiệp quốc doanh trước dây, các văn bản này có nhiều điểm mới tiến bộ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh. Cùng với việc hạ chỉ tiêu pháp lệnh, giao chỉ tiêu pháp lệnh cho từng ngành sản xuất kinh doanh thích hợp theo chủ động về nguồn hàng, thị trường tiêu thụ và kế hoạch vật tư thì chế độ về nhượng bán tài sản cố định, cho phép liên kết về kinh tế; sử dụng linh hoạt các nguồn vốn theo nguyên tắc có hoàn lại; chế độ cấp vốn một lần và chỉ đạo bổ sung ngồn vốn lao động và tài sản cố định của xí nghiệp bằng nhiều cách đã tạo cho xí nghiệp quyền chủ động mang lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh. Song các văn bản trên có nhiều thiếu sót ví dụ quy định về giao tài sản và vốn cho giám đốc chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng, bán tài sản không rõ ràng, giám đốc có quyền hạn đối với vốn và tài sản của xí nghiệp nhưng không thấy nói đến trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp khi làm ăn thua lỗ, mất mát. Đối với tài sản thuộc vốn tự có không thấy quy định chế độ báo cáo việc định giá, xác dịnh tài sản cố định cần bán không có quy định rõ ràng; các quy định pháp luật chưa chặt chẽ tạo nhiều sơ hở dẫn đến việc tài sản và vốn của Nhà nước bị sử dụng tuỳ tiện, không đúng mục đích, ít có hiệu quả, nhiều cơ sở quy định dùng vốn sản xuất để đi buôn kiếm lời gây rối loạn thị trường. Cụ thể là sau một năm thực hiện quyết định 217 thống kê của sở công nghiệp Hà nội xí nghiệp loại I (có lãi) chiếm 12%; Xí nghiệp loại II (hoạt động được không có lãi): 53%; Xí nghiệp loại III (thua lỗ) 20% và loại IV (phá sản) 14%.

Một điểm nổi bật của thời kỳ này là Nhà nước ta chú ý nhiều đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư được quốc hội thông qua ngày 29/12/1987 đã bổ sung vào hệ thống pháp luật của Nhà nước nhằm điều chỉnh phát sinh trong việc đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại CHXHCN Việt nam.

Điều 1 quy định việc khuyến khích cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt anm. Nhà nước Việt nam bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của bên nước ngoài.

Điều 2 quy định "Đầu tư nước ngoài" là việc tổ chức cá nhân người nước ngoài đưa vào Việt nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được chính phủ Việt nam chấp thuận trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh với Việt nam hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài. Điều 2 còn quy định các khái niệm về "phần góp vốn", "vốn pháp định", "tái đầu tư", "Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài"; Điều 7,8,9 quy định cụ thể về vốn pháp định, cách thức góp vốn của bên nước ngoài và bên Việt nam. Vấn đề bảo hiểm đối với tài sản của bên nước ngoài... Điều 22,23 quy định việc bên nước ngoài được chuyển ra nước ngoài vốn và các khoản thu của họ bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật Việt nam.

Sau Quyết định 217, Nghị định 50 và Nghị định 98 Nhà nước ban hành một số văn bản tăng cường đổi mới hơn nữa cơ chế quản lý kinh tế. Những văn bản pháp luật có liên quan đến sở hữu tài sản Nhà nước trong xí nghiệp quốc doanh gồm:

+ Luật công ty: Quốc hội thông qua ngày 21/12/90.

+ Quyết định 101 - HĐBT ngày 1/8/1989 của Hội đồng Bộ trưởng đánh giá, kiểm kê vốn sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh (Công báo 18/1989 trang 390).

+ Nghị định số 27 - HĐBT ngày 22/3/1989 ban hành điều lệ Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh.

- Nghị định 28 - HĐBT ngày 22/3/1989 ban hành điều lệ xí nghiệp liên doanh.

+ Quyết định 144 - HĐBT ngày 10/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh (Công báo 9/1990 trang 163).

+ Quyết định 143 - HĐBT bgày 10/5/1990 về việc tổng kết thực hiện Quyết định 217 - HĐBT ngày14/11/1987.

Nghị định 50 - HĐBT ngày 10/5/1988 và Nghị định 98 - HĐBT ngày 2/6/1988 và làm thử việc tiếp tục đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh (Công báo số 10/1990 trang 174).

+ Quyết định 315 - HĐBT ngày 1/9/1990 về việc chấn chỉnh tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh.

+ Chỉ thị 316 - CT ngày 1/9/1990 về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn cho các xí nghiệp quốc doanh (Công báo 20/1990 trang 408).

+ Quyết định 93 - HĐBT ngày 24/7/1989.

+ Thông tư 33 - TC/CN ngày1/9/1989 của Bộ tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung số 217 - HĐBT ngày 14/11/1987.

Những văn bản pháp luật này đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ cơ chế quản lý kinh tế sang nền kinh tế hàng hoá có cơ cấu nhiều thành phần, nền kinh tế thị trường. Quyết định 101 HĐBT ngày 1/8/1989 kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định và vốn sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh "nhằm trao quyền sử dụng tài sản cho các đơn vị cơ sở theo nguyên tắc đơn vị cơ sở phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn cho Nhà nước và thực hiện các chính sách tài chính khác đối với vốn sản xuất, tạo điều kiện cho các xí nghiệp thực hiện quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, hạch toán đầy đủ theo yêu cầu đó".

+ Nghị định số 27 HĐBT ngày 22/3/1989 ban hành điều lệ liên hiệp xí nghiệp quốc doanh là tổ chức sản xuất kinh doanh do các xí nghiệp quốc doanh có mối quan hệ mật thiết tự nguyện lập nên (Điều 1) về tài sản của liên hiệp bao gồm tài sản cố ddịnh, vốn lưu động và các loại quỹ tập trung do sơ quan Liên hiệp trực tiếp quản lý không bao gồm tài sản cố định, vốn lao động và các loại quỹ của xí nghiệp thành viên. Các xí nghiệp thành viên thực hiện quản lý tài sản theo quy định trong điều lệ XHCN quốc doanh (Điều 22 Điều lệ).

- Nghị định 28 HĐBT ngày 22/3/1989 ban hành Điều lệ xí nghiệp liên doanh. Xí nghiệp liên doanh là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện cùng góp vốn cổ phần bao gồm các tổ chức kinh tế quốc doanh, các tổ chức kinh tế tập thể và tổ chức kinh tế tư nhân. Vốn góp có thể bằng tài sản cố định hoặc tiền tạo thành vốn pháp định (Điều 1 điều lệ); hoạt động theo nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi (Điều 6) Điều lệ còn quy định cụ thể hoạt đọng của xí nghiệp liên doanh có vốn quy định của Nhà nước chiếm 50% và dưới 50% (Điều 13,14) những quy định riêng đối với những xí nghiệp quốc doanh đang hoạt động được Nhà nước cho phép gọi vốn của tư nhân có thời hạn hoàn vốn (Điều 16,17,18,19,20,21,22).

+ Quyết định 315 HĐBT ngày 1/9/1990 về việc chấn chỉnh lại tổ chức sản xuất và kinh doanh trong khu vực quản lý kinh tế quốc doanh. Kèm theo bản quy định một số điểm cơ bản về thủ tục giải thể xí nghiệp quốc doanh bị thua lỗ nghiêm trọng (Công báo 19/1990 trang 386).

Quyết định 315 nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý làm cho kinh tế quốc doanh thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Quyết định quy định vấn đề soát xét, đánh giá tình trạng tài sản cố định, vốn lưu động của các cơ sở kinh tế quốc doanh. Nếu các xí nghiệp thua lỗ nhiều năm không đủ khả năng trả nợ thì cho phép giải thể theo quy định hướng dẫn (Điều 3 quyết định). Quy định về thủ tục giải thể xí nghiệp quốc doanh thua lỗ được áp dụng đối với các xí nghiệp thuộc quyền quản lý của các Bộ, tổng cục được thành lập bằng nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước trung ương hoặc địa phương (Điều 2 quy định) khi giải thể phải xác định và liệt kê tất cả các tài sản của xí nghiệp, bao gồm tài sản cố định và lưu động hiện thuộc quyền quản lý và sử dụng của xí nghiệp kể cả thuê hay mượn của tổ chức cá nhân khác; tiền gửi của xí nghiệp tại Ngân hàng, tiền các tổ chức cá nhân nợ xí nghiệp; Tài sản mà xí nghiệp cho các tổ chức và cá nhân khác mượn, thuê. Các tài sản này được coi là vật bảo đảm không thuộc tài sản của xí nghiệp. Nếu giá trị vật bảo đảm vượt quá số nợ của xí nghiệp thì giá trị chênh lệch đó thuộc tài sản của xí nghiệp (Điều 8 quy định). Bộ Và UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm bảo tồn toàn bộ tài sản của xí nghiệp khi khởi xướng đề nghị giải thể xí nghiệp (Điều 10) bị coi là phạm pháp nếu có hành vi cất giâú, phân tán, phân phối hay chuyển nhượng tài sản của xí nghiệp kể cả việc thanh toán các khoản nợ (Điều 10) tài sản của các tổ chức cá nhân mà xí nghiệp mượn, thuê phải xuất trình giấy tờ sở hữu chủ (Điều 11) phương án giải thể có thể là sát nhập vào xí nghiệp quốc doanh khác; bán toàn bộ hay từng phần không phân biệt thành phần kinh tế; cho thuê đấu thầu hoặc hoá giá và thanh lý có ưu tiên cho công nhân của xí nghệp và chủ sở hữu tại chỗ tài sản (Điều 1). Việc sử dụng giá trị thu được khi giải thể được quy định ở Điều 14 bản quy định.

Chỉ thị 316 CT ngày 1/9/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh kèm theo bản quy định tạm thời nguyên tắc và nội dung trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cho các xí nghiệp quốc doanh (C.báo số 20/1990 tr 407).

Chỉ thị 316 CT là căn cứ để tiến hành việc trao quyền sử dụng và bảo toàn phát triển vốn sản xuất cho từ 2 đến 4 cơ sở quốc doanh trực thuộc mỗi Bộ, UBND thành phố và đặc khu. Vốn của các đơn vị được giao gồm: Vốn ngân sách cấp (vốn cố định, vốn lao động, vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp phát khấu hao cơ bản tài sản cố định thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước để lại cho xí nghiệp... Vốn được viện trợ, quyền tặng hoặc do tiếp quản từ chế độ cũ); vốn xí nghiệp bổ sung gồm: vốn cố định, vốn lao động, vốn xây dựng cơ bản hình thành từ lợi nhuận để lại và chênh lệch giá không phải nộp hoặc từ vốn vay sau khi trả hết nợ và lãi suất tiền vay; các loại quỹ. Tổng số vốn này bao gồm cả vốn đang sử dụng ở xí nghiệp; Vốn đưa đi liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần ở trong và ngoài nước.

Toàn bộ giá trị tài sản cố định và tư liệu sản xuất thuộc vốn ngân sách cấp cũng phải làm thủ tục giao cho đơn vị bảo quản thành "tài sản chờ xử lý".

- Không tính vào vốn giao cho xí nghiệp loại vốn nhận liên doanh, liên kết của tổ chức cá nhân khác trong và ngoài nước, các khoản vay khác chưa trả và các khoản phải thanh toán khác. Mục III bản quy định còn nêu vấn đề trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. Việc xử lý thiếu hụt vốn; Mục IV quy định quan hệ về vốn giữa Ngân sách Nhà nước và xí nghiệp từ thời điểm giao vốn trở đi.

+ Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 143 HĐBT ngày 20/5/1990 về việc tổng kết thực hiện quyết định của HĐBT số 217 HĐBT ngày 14/11/1987; Nghị định 50 HĐBT ngày 22/3/1988 và Nghị định 98 HĐBT ngày 2/6/1988 và làm thử việc tiếp tục đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh.

Quyết định này quy định việc tiến hành làm thử việc tổ chứclại bộ máy quản lý xí nghiệp chuyển xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần; sơ kết về mô hình khoán và cho thuê xí nghiệp quốc doanh; việc xây dựng văn bản pháp quy đối với trường hợp xí nghiệp quốc doanhphá sản; mhấn mạnh việc tổ chức lại bộ máy quản lý xí nghiệp là vấn đề cấp bách nhằm vừa đảm bảo quyền quản lý của Nhà nước đối với tư cách vừa là người chủ sở hữu, vừa bảo đảm quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh. Quyết định nêu rõ mục đích là nhằm bảo đảm quyền chủ sở hữu về tài sản và tiền vốn của Nhà nước; duy trì, phát triển tài sản và tiền vốn thuộc sở hữu toàn dân, huy động tiền nhàn rỗi của công nhân viên chức và của tâng lớp nhân dân. Nhà nước chủ trương rút một phần vốn của mình để tái đầu tư vào các công trình trọng điểm của nền kinh tế quốc dân. Đây là một điểm rất mới nhằm chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Nghị định còn ban hành phụ lục kèm theo quy định về việc tổ chức xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần có phát hành cổ phiếu, cách phát hành cổ phần, đối tượng vận động mua...

Lịch sử pháp luật về sở hữu Nhà nước, chúng tôi đã trình bày ở trên về số lượng các văn bản chủ yếu có chứa đựng những quy định liên quan đến sở hữu nhà nước gồm:

 

1. Hiến pháp: 3 bản (46,59,80)

 

2. Luật :

Luật cải cách ruộng đất

Luật đất đai

Luật hàng hải

Luật đầu tư

Luật công ty.

 

3. Pháp lệnh: Có 6 pháp lệnh trong đó

Một Pháp lệnh về bảo vệ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (XHCN)

Một Pháp lệnh quy định về tài nguyên khoáng sản, một quy định về rừng, một về nguồn lợi thuỷ sản, quy địn về bảo vệ tài liệu lưu trữ và 1 quy định về bảo vệ di tích lịch sử.

4. Sắc lệnh: Tất cả 18 sắc lệnh (chủ yếu thời kỳ I) trong đó quy định về nguyên tắc chung sở hữu Nhà nước và bảo vệ sở hữu (5).

Đất đai: 11 Sắc lệnh (chủ yếu là thời kỳ 1945-1959); 3 sắc lệnh quy định về tài nguyên khoáng sản, 4 sắc lệnh quy định về xí nghiệp quốc doanh.

 

5. Nghị quyết : 9 Nghị quyết

 

Trong đó quy định về nguyên tắc chung sở hữu Nhà nước và bảo vệ sở hữu (1) đất đai (3), ngoại hối tín dụng tiền tệ (1) xí nghiệp quốc doanh (4)

 

6. Quyết định: 34 văn bản.

 

Trong đó quyết định quy định về đất đai (3) tài nguyên khoáng sản, kim khí quý đá quý (2) Rừng- đất rừng (4), ngoại hối tín dụng, tiền tệ (3), lãnh hải, biển, thềm lục địa nguồn lợi thuỷ sản, đê điều mặt nước và các loại khách thể khác của sở hữu Nhà nước (2). Riêng xí nghiệp quốc doanh chiếm 20 văn bản.

 

7. Nghị định gồm: 36 Nghị định.

 

- Trong đó các văn bản quy định về đất đai có (3);

- Hầm mỏ tài nguyên khoáng sản kim khí quý đá quý (3)

- Rừng đất rừng (4 VB)

- Ngoại hối tín dụng, tiền tệ (2 VB)

- Vùng lãnh hải, mặt nước, mặt biển, thềm lục địa, thuỷ sản đê điều (5) văn bản

- Xí nghiệp quốc doanh: 11 văn bản.

- Các khách thể khác: 8

 

8. Thông tư : 37 văn bản.

 

- Trong đó đất đai (3VB)

- Tài nguyên khoáng sản, kim khí quý đá quý (3) văn bản

- Rừng đất rừng (4) văn bản

- Ngoại hối tín dụng tiền tệ (2 VB)

- Mặt biển, mặt nước, thềm lục địa lãnh hải, đê điều thuỷ lợi thu sản (5) văn bản

- Xí nghiệp quốc doanh: 16

- Các khách thể khác: 4

 

9. Chỉ thị, quy định: Tổng cộng có 27 văn bản.

 

- Trong đó quy định về đất đai: 6

- Tài nguyên khoánh sản kim khí quý đá quý

- Ngoại hối tín dụng tiền tệ: 1

- Mặt biển, mặt nước, thềm lục địa, lãnh hải, thuỷ sản, đê điều: 3

- Xí nghiệp quốc doanh: 8

- Các khách thể khác: 8.

Như vậy tổng công các văn bản pháp luật chủ yếu chứa đựng quy định về sở hữu Nhà nước gồm có 175 văn bản quy định về sở hữu Nhà nước đối với tất cả các loại tài sản (khách thể)của Nhà nước, việc quản lý, sử dụng và chế dộ pháp lý đối với từng loại. Chủ yếu là các văn bản dưới luật và các quy diịnh về đất đai và xí nghiệp quốc doanh.

Như vậy, qua các văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu. Những năm 1980-1990 này, chúng ta thấy nền kinh tế của Việt nam đã chuyển mình sang giai đoạn mới, giai đoạn của nền kinh tế thị trường với sự đan xen của nhiều hình thức tổ chức kinh tế và nhiều hình thức sở hữu. Các văn bản pháp luật của Nhà nước tuy đã có những cố gắng lớn trong thời kỳ này một số lượng lớn các luật, pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị về mọi mặt của điều kiện xã hội nhất là lĩnh vực kinh tế cũng như pháp luật về sở hữu Nhà nước được thông qua, chưa bao giờ công việc lập pháp của Nhà nước lại đạt được những thtnàh tựu to lớn như vậy. Song mặt khác, với số lượng lớn nhưng các văn bản pháp luật vẫn vhưa đáp ứng được sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế, chưa theo kịp với tốc độ cũng như những đòi hỏi mới của sự phát triển nền kinh tế. Các quy định chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể, chưa giải quyết được những vấn đề mấu chốt của sở hữu Nhà nước: ai là chủ sở hữu thực sự và chịu trách nhiệm đến cùng đối với tài sản được Nhà nước giao, đối tượng được giao quyền quản lý và sử dụng tài sản, quyền hạn của xí nghiệp đối với phần tài sản, quyền hạn của xí nghiệp đối với phần tài sản và vốn được giao chưa rõ. Các quy định về tài sản cố định đã không phát huy tác dụng mà còn tạo điều kiện để thất thoát tài sản, vốn liếng của Nhà nước...

Cùng với khí thế đổi mới của nền kinh tế đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước, đòi hỏi pháp luật vể sở hữu nói chung và pháp luật về sở hữu Nhà nước nói riêng cần được khẩn trương hoàn thiện đảm bảo phát huy mọi tiềm năng, vật lực trong sản xuất kinh doanh, duy trì và không ngừng phát triển tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ tư

Tổng thuật các cuộc hội thảo

 

 

 

Tổng thuật hội thảo về sở hữu và

quyền sở hữu tại hà nội và

thành phố hồ chí minh

Ngày 26-9-1989 và ngày 04-6-1990 Ban chủ nhiệm Đề tài kết hợp với Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ tư pháp tổ chức hội thảo khoa học với chuyên đề sở hữu và quyền sở hữu ở Việt nam tại Hà nội và

thành phố Hồ Chí Minh.

---------------

 

I. - Thành phần tham gia Hội thảo có đông đủ các chuyên gia nghiên cứu Luật học, kinh tế học, đại diện của các ban ngành trung ương, giám đốc của một số các xí nghiệp quốc doanh tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh tới dự.

 

II.- Mục đích của Hội thảo:

Nhằm nêu lên những vấn đề cấp bách hiện nay trong lĩnh vực sở hữu và quyền sở hữu cần được nghiên cứu, trao đổi trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, bước đầu nêu lên cơ sở lý luận và thực tiễn làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng pháp luật về sở hữu trong tình hình mới.

 

III.- Nội dung của Hội thảo:

 

Các tham luận khoa học và ý kiến tranh luận xoay quanh những vấn đề cấp bách cần được nghiên cứu khẩn trương trong lĩnh vực sở hữu và quyền sở hữu ở Việt nam trong tình hình mới, cách thức, phương pháp nghiên cứu, đề tài trong năm 1990.

 

IV. - Phần thảo luận:

 

 

1. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo : Viện trưởng Viện NCKH Pháp lý Bộ tư Pháp: Nêu lên những vấn đề sở hữu và quyền sở hữu là vấn đề cốt yếu của pháp luật dân sự, là trọng tâm của đổi mới. Không nên quan niệm rằng ngay từ thời gian đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội đã có sở hữu toàn dân theo đúng nghĩa. Hiện nay, các hình thức của sở hữu toàn dân đang xuất hiện hết sức đa dạng phải có sự nghiên cứu để phân tích, đánh giá và đi đến chấp nhận hay không chấp nhận chúng. Ví dụ các quan hệ sở hữu ở nông thôn như đấu thầu ruộng đất; việc chuyển các cửa hàng cho tư nhân trong thương nghiệp; giao xe cho lái xe từ khâu tiêu thụ đến thu nhập trong giao thông vận tải... Thái độ của các nhà nghiên cứu luật học, kinh tế học, xã hội học với các hình thức mới của sở hữu như thế nào? Chúng ta cùng trao đổi và tranh luận về vấn đề này 1 cách nghiêm túc kho học trong hội thảo lần này.

 

2. Đồng chí ĐInh Trung Tụng: Chủ nhiệm đề tài Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng pháp luật Bộ tư pháp.

 

Việc chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cùng với chế độ sở hữu Nhà nước XHCN thuần nhất gồm 2 hình thức là sở hữu Nhà nước (toàn dân) và sở hữu tập thể (HTX) sang nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên CNXH đặt ra vấn đề phải nhận thức lại về sở hữu trong điều kiện mới, đồng chí cho rằng việc nhận thức một cách cơ bản và sâu sắc hơn nữa về sở hữu ở nước ta hiện nay, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách và biện pháp phù hợp để phục vụ cho công cuộc đổi mới đồng chí Tụng nhấn mạnh dến sự không phù hợp, thiếu sót và hạn chế của pháp luật về sở hữu hiện hành, tình trạng vô chủ của sở hữu Nhà nước cho thấy sự cần thiết tính cấp bách của việc nghiên cứu, trao đổi về đề tài sở hữu, đó chính là mục đích, yêu cầu của hội thảo đồng chí đề nghị các nhà nghiên cứu trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn, khoa học về vấn đề sở hữu dưới giác độ kinh tế và giác độ pháp lý. Đồng chí khẳng định hội thảo lần này là con đường "cày vỡ" đầu tiên cho việc nghiên cứu vấn đề sở hữu và quyền sở hữu.

 

3. Đồng chí Phạm Đình Tân: Nguyên Vụ trưởng Vụ PL kinh tế Bộ Tư Pháp.

Tham luận của đồng chí nêu lên quan niệm về quyền sở hữu và những kiến nghị nhằm xây dựng bộ luật dân sự. Đồng chí khẳng định tính chất, vị trí vai trò chủ đạo của sở hữu Nhà nước về khái niệm quyền sở hữu ngoài quyền sở hữu sử dụng theo đồng chí có thể thêm quyền hưởng hoa lợi có phân biệt quyền hưởng hoa lợi của người sử dụng chứ không phải chủ sở hữu. Luật về sở hữu phải làm rõ quyền và nghĩa vụ của những người được giao quyền sở hữu, chế tì thích đáng với những vi phạm. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản của Nhà nước sang cho tư nhân là trường hợp vạn bất đắc dĩ và phải tuân theo những quy định hết sức chặt chẽ.

 

4. Đồng chí Lê Hồng Tâm: Giáo sư kinh tế học :

Đồng chí Tâm nhất trí với quan điểm và cách đặt vấn đề của đồng chí Chủ nhiệm đề tài: Xem xét nghiên cứu vấn đề quyền sở hữu trong khuôn khổ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Tham luận của đồng chí nêu lên một số thuật ngữ về chế độ sở hữu từ trước tới nay như: chế dộ sở hưũ quốc gia; chế độ sở hữu tư nhân; chế độ sở hữu cổ phần, chế độ sở hữu công cộng; chế độ sở hữu công tư... phân biệt giữa sở hữu Nhà nước và tài sản quốc gia. Đối với các xí nghiệp quốc doanh đồng chí cho rằng giám đốc xí nghiệp do Nhà nướcbổ nhiện chỉ là một viên chức Nhà nước chế độ chính trị xã hội là cơ sở, nền tảng cho việc quy định chế độ sở hữu. Dựa trên cơ sở đó mà thực hiện quản lý Nhà nước.

 

5. Đồng chí Phạm Quang Lê: Vụ trưởng, Ban kinh tế trung ương Đảng.

 

Đây là một vấn đè trung tâm, có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc cải tổ ở các nước XHCN trên thế giới chỉ có hai chế độ sở hữu: chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Lâu nay chúnh ta thường đồng nhất sở hữu quốc doanh và công hữu XHCN và thường mặc nhiên coi sở hữu nàh nước là mục tiêu của CNXH. Theo quan điểm cá nhân của đồng chí thì sở hữu Nhà nước là phương tiện của CNXH chứ không phải là mục đích của chủ nghĩa xã hội và là phương tiện cực kỳ quan trọng. Khi nghiên cứu về sở hữu Nhà nước phải xác định thời điểm thực tế vận dụng đúng mới mang lại hiệu quả cao. Sở hữu quốc doanh hiện nay có nhiều thiếu sót dẫn đến tình trạng vô chủ (nói khác đi là đồng sở hữu tư nhân) nhưng không phải là bản chất. Cần coi trọng sở hữu quốc doanh và tạo điều kiện cho quốc doanh phát triển (không bỏ mặc và cũng không quá ưu ái như thời kỳ trước đây). Việc phân biệt quyền sở hữu có tổ chức pháp lý và quyền sở hữu với tính chất kinh doanh là lẽ tất nhiên, nhưng cũng cần chẻ nhỏ vấn đề hơn nữa để nghiên cứu. Về khái quát, quyền sở hữu theo đồng chí gồm quyền chiếm hữu (tạm thời hay vĩnh viễn), quyền sử dụng (hay tổ chức sử dụng) quyền phân phối thành quả sử dụng sở hữu (định đoạt). Vấn đề cụ thể trong các văn bản pháp lý cần cụ thể hoá ba quyền trên ví dụ quyền sử dụng gồm những quyền gì? Đồng chí đưa ra ba phương án trong chế độ giám đốc:

Một là; giám đốc là viên chức Nhà nước hưởng lương theo đồng chí phương án này là giám đốc không gắn bó với xí nghiệp.

Hai là; giám đốc là người của tập thể lao động đứng đầu Hội đồng xí nghiệp. Phương án này cần phải giải quyết mối quan hệ giữa giám đốc và Đảng uỷ xí nghiệp.

Ba là; coi giám đốc là chủ sở hữu cụ thể của các tài sản trong xí nghiệp; thực hiện chế độ tuyển giám đốc.

 

6. Đồng chí Nguyễn Niên: Giáo sư, Phó viện trưởng Viện nhà nước và pháp luật, chủ nhiệm khoa luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội:

Khẳng định các hình thức sở hữu luôn luôn gắn liền với các hình thái xã hội và sự phân chia giai cấp. Đặc thù của chủ nghĩa xã hội là chế độ công hữu tư liệu sản xuất. Hiện nay 80% tư liệu sản xuất là sở hữu Nhà nước. Vì vậy đòng chí nhất trí với đồng chí Phạm Đình Tân và đồng chí Phạm Quang Lê về vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, trong thời kỳ quá độ quy kết lại có ba hình thái sở hữu: Nhà nước, tư nhân, hỗn hợp (kiên kết, liên doanh trong ngoài nước...) từ trước tới nay chúng ta chỉ tập trung phát triển hình thức sở hữu Nhà nước mà không chú ý tới sự phát triển hài hoà các hình thức khác; cái cần nắm thì lại không nắm chắc hay ngược lại. Theo đồng chí sở hữu phải gắn liền với phân phối đó chính là các mặt (quyền năng) của quyền sở hữu. Thực trạng của sở hữu xã hội chủ nghĩa trước đây tách quyền sở hữu ra khỏi quyền của người chủ sở hữu dẫn đến việc quyền lợi của công nhân, người lao động không gắn liền với quyền lợi của xí nghiệp theo đồng chí quan điểm "các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật là không hợp lý".

 

7. Đồng chí Vũ Cao Đàm: Viện trưởng Viện quản lý khoa học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

 

Theo quan điểm cá nhân của đồng chí: Mác và Lênin coi công hữu XHCN là mục tiêu của CNXH. Vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về sở hữu: Một là quan điểm về sở hữu; Hai là những cơ sở pháp lý của sở hữu nên nghiên cứu sâu về vấn đề này trong thời gian trước mắt, đây là một vấn đề quá lớn và phức tạp phải tiến hành từng bước vấn đề đặt ra cho các nhà pháp lý là nghiên cứu một cơ chế để công nhận những hình thức sở hữu nào trong gíai đoạn hiện nay.

 

8. Đồng chí Trần Thái Nguyên: Ban Nội chính Trung ương:

Tham luận của đồng chí nêu lên mấy vấn đề sau:

1. Quan điểm cá nhân của đồng chí dù sở hữu là vấn đề cực kỳ quan trọng song vẫn là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng. Vì vậy điều căn bản nhất, chủ yếu nhất là phương tiện đó được thực hiện, được sử dụng bằng phương pháp và nhằm mục đích gì? quan điểm cá nhân đồng chí Nguyên bởi trước đây ta coi sở hữu là mục đích vì vậy đã mắc sai lầm trong việc xã hội hoá nền sở hữu, thiếu tỉnh táo trong việc tìm kiếm những hình thức kinh tế quá độ ngoài quyền công hữu hoá triệt để.

2. Vai trò của vốn, một nhân tố hết sức quan trọng trong quá trình tái sản xuất XHCN.

3. Trong nền kinh tế hàng hoá có 2 quy mô sở hữu: Tiểu sở hữu và đại sở hữu. Trong đó người chủ sở hữu và người chr sử dụng luôn có khuynh hướng tách rời nhau, nói đúng hơn là có sự thống nhất biện chứng. Chỉ có xử lý rõ quan hệ sở hữu thì mới rõ và yên tâm với quan hệ quản lý. Nếu ta quan niệm sở hữu và sử dụng là một thì không thể làm khác như lâu nay là tập trung điều hành, chỉ huy vào tay Nhà nước trong khi tất yếu kinh tế không cho phép hoặc chưa cho phép nên khả năng thực thi rất yếu.

4. Trong nền kinh tế hàng hoá nhiêù thành phần đi lên CNXH thì cơ cấu các quan hệ sở hữu không tồn tại biệt lập mà xâm nhập vào nhau ở tất cả mọi nơi, từ quy mô xí nghiệp ớn đến bản thân từng hộ gia dình. Đây là một đặc trưng rất lớn và cũng rất phức tạp. Vì vậy, tình hình thực tế hiện nay diễn ra thứ nhất là nền kinh tế đang xuất hiện ngày càng nhiều kiểu toỏ chức kinh tế hùn vốn gồm 3 dạng:

Dạng thứ nhất là kiểu xí nghiệp cổ phần tập thể (Ví dụ xí nghiệp vôi Nhân Tân của huyện Hoài Nhơn, Nghĩa Bình).

Dạng thứ hai là xí nghiệp cổ phần Nhà nước ví dụ Hải Phòng SHIP.

Dạng thứ ba là xí nghiệp cổ phần tư nhân trong xí nghiệp (ví dụ hợp tác xã Diên An, Diên Khánh).

Tình hình thứ hai sau khi thực hiện nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ở các hợp tác xã đang áp dụng rộng rãi cơ chế bán, đấu thầu các tài sản, các cơ sở sản xuấtcủa tập thể và diễn ra một nghịch lý bán tư liệu sản xuất của tập thể mà không hề mất tài sản: Quyền sở hữu của hợp tác xã mà không hề chuyển quyền sở hữu tập thể.

Cơ sở các yếu tố sản xuất của nhiều chủ sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen nhau, ưu điểm của loại hình xí nghiệp này là việc huy động vốn và sự qun tâm chung của nhiều chủ sở hữu và như vậy Nhà nước với thực lực kinh tế của mình vẫn có thể nắm vai trò chủ đạo.

 

9. Đồng chí Chu Hải Thanh: Phó tiến sĩ luật dân sự khoa luật Dân sự phân hiệu đại học pháp lý Bình Triệu thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tham luận của đồng chí đề cập đến chính sách đổi mới kinh tế và vấn đề quyền sở hữu ở nước ta hiện nay.

Phần I của tham luận nêu lên vấn đề chế độ kinh tế và chế độ sở hữu, đồng chí đi sâu phân tích mối liên hệ, sự thích ứng và luật pháp về sở hữu (hay quyền sở hữu): xã hội loài người trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội và tương ứng là 5 chế độ sở hữu. Công cuộc đổi mới kinh tế hiện nay đòi hỏi có những đổi mới thích ứng trong chế độ sở hữu (đổi mới chứ không phải là thay thế). Phần II nêu lên những đổi mới nền kinh tế và quyền sở hữu cần có hiện nay. Thực trạng của kinh tế cơ chế mới là sản xuất hàng hoá không còn là độc quyền của kinh tế quốc doanh và tập thể, việc tái sản xuất của tư nhân tạo nên nguồn của cải ngày càng dồi dào đòi hỏi phải được đảm bảo sở hữu bằng các định chế pháp lý chắc chắn. Nền kinh tế có sự đan xen giữa các hình thức sở hữu thuộc thành phần kinh tế khác nhau. Vậy chấp nhận hay không chấp nhận việc chuyển một số tư liệu sản xuất, xí nghiệp và các chủng loại tài sản khác thuộc sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân và cụ thể tôi có một số kiến nghị sau:

Cần đổi mới các văn bản pháp quy về sở hữu:

a) Hệ thống hoá lại toàn bộ các văn bản và quy định pháp quy về sở hữu theo trình tự quyền về sở hữu kèm theo hướng dẫn áp dụng các văn bản đó, loại bỏ các văn bản đã lạc hậu.

b) Xúc tiến việc soạn thảo luật về sở hữu để sớm ban hành.

c) Cần tham khảo về mặt lập pháp kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương tự nước ta.

d) Mở thêm những cuộc trao đổi khoa học để xác định một số quan điểm lý luận về quyền sở hữu trong giai đoạn quá độ.

 

10. Đồng chí Đào Xuân Sâm:

 

Nhất trí với cách đặt vấn đề cũng như mục đích của hội thảo. Về bước đi và tổ chức lực lượng nghiên cứu đồng chí đề nghị phối hợp chặt chẽ với việc tổng kết quyết định 217 - HĐBT hình thành danh mục vấn đề và trình tự nghiên cứu trong một số năm. Về lực lượng nghiên cứu cần có cộng tác viên dài hạn ổn định kết hợp với các nhà luật học và kinh tế học trước mắt trong năm 1991 tập trung nghiên cứu về sở hữu Nhà nước.

 

11. Đồng chí Nguyễn Vĩnh Oánh: Ban nội chính trung ương.

 

Tham luận của đồng chí Oánh đề cập đến vấn đề sở hữu và quyền sở hữu trong xí nghiệp quốc doanh. Theo ý kiến đồng chí cần phải ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh vì kinh tế quốc doanh chiếm 60-70% tổng giá trịsản phẩm công nghiệp vì vậy cần phát huy hết vai trò chủ đạo của sản xuất kinh doanh. Đồng chí nêu lên thực trạng hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh đang gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, vốn, kỹ thuật lạc hậu nhất là trình độ quản lý yếu kém cũng như cơ chế quản lý trong các xí nghiệp quốc doanh chưa thích hợp với cơ chế kinh tế mới, từ thực trạng đó đồng chí nêu ra quan điểm cần phải mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp, giám đốc xí nghiệp phải là người chịu trách nhiệm về tài sản của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản được Nhà nước giao.

 

12. Đồng chí Trần Đình Bút: Giáo sư trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tham luận của giáo sư Trần Đình Bút nêu lên 10 nội dung quyền tự quản của xí nghiệp quốc doanh đó là các quyền:

Thứ nhất là; quyền xác định nhiệm vụ và quy mô sản xuất kinh doanh một cách chủ động trong đó chỉ giữ một chỉ tiêu pháp lệnh;

Thứ hai là; quyền xác định các dạng sản xuất, các dạng kinh doanh hoặc dịch vụ không hạn chế theo chức năng;

Thứ ba là; quyền tự chủ về tài chính, lấy thu bù chi trong đó các quyền sử dụng vốn cố dịnh trong sản xuất xây dựng, quyền mang đổi khi cần thiết, quyền cho thuê khi tạm thời không cần đến và quyền thanh lý những tài sản thừa với sự đồng ý của cấp trên với vốn cố định. Đối với vốn lưu động xí nghiệp có toàn quyền chủ động để đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh;

Thứ tư là; quyền liên kết với mọi hình thức sở hữu và chủ động chọn bạn hàng khi liên kết;

Thứ năm là; quyền chọn bạn hàng để mua vật tư và chọn mua vật tư phù hợp với yêu cầu sản xuất;

 

Thứ sáu là; quyền lập quỹ dự phòng;

Thứ bảy là; quyền chủ động tạp quỹ ngoại tệ để đổi mới thiết bị;

 

Thứ tám là; quyền chủ động định biên chế sa thải những cán bộ, công nhân viên chức không đủ tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh và chọn cán bộ điều hành xí nghiệp;

Thứ chín là; quyền xác định quỹ lương, mức lương hoàn toàn tuỳ thuộc hiệu quả sản xuất kinh doanh;

 

Thứ mười là quyền xác định giá tiêu thụ theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Trên cơ sở 10 nội dung tự quản của xí nghiệp quốc doanh, giáo sư Trần Đình Bút kiến nghị việc sớm có một đạo luật thống nhất cụ thể hoá môi trường kinh doanh tạo sự bình đẳng thực sự trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Chuyển gấp các cơ sở quốc doanh không cần thiết sang công ty cổ phần trong đó có sở hữu Nhà nước tham gia như vậy công ty cổ phần không sợ mất vai trò của sở hữu Nhà nước.

 

13. Đồng chí Huỳnh Tư: Phó tiến sĩ khoa học kinh tế Viện kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tham luận của đồng chí tập trung vào vấn đề làm thế nào để tất cả các thành phần kinh tế (cả quốc doanh và ngoài quốc doanh) sản xuất có hiệu quả. Trong tình hình hiện nay đồng chí tán thành quan niệm nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu hoà nhập vào nhau đan chéo nhau đó là một xu hướng phát triển của các hình thức sở hữu của quá trình xã hội hoá chế độ sở hữu. Vấn đề cốt tử là làm thế nào để sở hữu Nhà nước có chủ thực sự? Đồng chí có nêu năm vấn đề cần đổi mới sau:

Một là; phải tổ chức lại một cách cơ bản nền kinh tế của nước ta hiện nay theo hướng thực sự thừa nhận nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế hàng hoá có cơ cấu nhiều thành phần.

 

Hai là; tiếp tục làm rõ, phân định là tách hẳn rạch ròi hai chức năng. Chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị kinh tế cơ sở.

Ba là; tổ chức lại hệ thống cơ quan Nhà nước và các cơ quan chức năng giúp việc trung ương đến địa phương đổi mới mối quan hệ giữa các cơ quan đó với chủ thể sản xuất hàng hoá.

 

Bốn là; khẩn trương hình thành một hệ thống pháp luật đủ để quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Năm là; tôn trọng thật sự quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở không phân biệt thành phần kinh tế: quyền mua các điều kiện để tiến hành sản xuất kinh doanh, quyền điều hành, quản lý sản xuất và quyền bán các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

 

14. Đồng chí Trần Đình Hảo: Phó tiến sĩ luật kinh tế Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Tham luận của đồng chí Trần Đình Hảo nêu lên mô hình về sở hữu mới được đề xuất ở các nước XHCN như Hunggari, CHDC Đức, Trung quốc... Xu hướng chung là việc sử dụng pháp luật về sở hữu Nhà nước (quốc doanh) và xí nghiệp (đơn vị kinh tế cơ sở) ngày càng trở thành chủ thể độc lập một cách thực sự, quyền hạn của xí nghiệp ngày càng được mở rộng- trước hết là quyền định đoạt; ý kiến cá nhân của đồng chí là: "Kinh tế quốc doanh cần được củng cố để giữ vị trí chủ đạo; kinh nghiệm "quyền quản lý nghiệp vụ đã trở nên lỗi thời và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế". Vấn đề đặt ra ai là chủ sở hữu đơn vị những tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân giao cho xí nghiệp? Nhà nước không còn là chủ sở hữu tuyệt đối duy nhất song chắc chắn vẫn là một chủ thể sở hữu đơn vị tài sản đó. Tôi có thể cùng chia sẻ quan điểm cho rằng đơn vị sở hữu toàn dân- đặc biệt là tư liệu sản xuất tồn tại một hệ thống các chủ thể sở hữu, có mối quan hệ rầng buộc ở cấp độ khác nhau cùng thực hiện sở hữu tài sản đó trong đó có cơ quan Nhà nước trung ương, địa phương, cơ quan Nhà nước quản lý kinh tế và xí nghiệp quốc doanh.

 

15. Đồng chí Lê Hồng Hạnh: Phó tiến sĩ luật kinh tế, Phó hiệu trưởng trường Đại học Pháp lý hà nội.

 

Trong hệ thống pháp luật nước ta có sự tách rời mối liên hệ giữa tính khách quan của quan hệ sở hữu và sự cần thiết phải điều chỉnh chúng bằng pháp luật, vì vậy hạn chế sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là:

1. Sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữủ nước ta là thực tế khách quan.

2. Trong những năm mới đay với xu hướng phủ định dần dần các thành phần kinh tế phi XHCN nhằm thiết lập kinh tế thuần nhất bao gồm hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, Nhà nước không chú ý đến việc ban hành các quy định về sở hữu cá thể, cở hữu tư bản tư doanh, điều này gây không ít khó khăn cho việc hoạt động của các thành phần kinh tế và việc quản lý chúng.

3. Các quy định hiện nay về sở hữu, ngay cả quyền về sở hữu Nhà nước, quyền sở hữu tập thể vẫn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và nhiều mâu thuẫn vì vậy kiến nghị cần gấp rút hoàn thiện pháp luật về sở hữu đối với mọi hình thức sở hữu.

 

16. Đồng chí Nguyễn Văn Luật: Vụ nghiên cứu pháp luật Toà án Nhân dân tối cao.

 

Tham luận của đồng chí xoay quanh vấn đề "đổi mới nhận thức về sở hữu trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế" tham luận nêu lên thực trạng của tình trạng "vô chủ" của sở hữu Nhà nước trong kinh tế quốc doanh đi sâu phân tích nội dung của 3 quyền năng của quyền sở hữu trên cơ sở đó đồng chí nêu lên quan điểm chuyển hình thức sở hữu đối với một số cơ sở quốc doanh làm ăn thua lỗ và coi việc Nhà nước bán tư liệu sản xuất cho tư nhân không làm biến dạng sở hữu Nhà nước.

 

17. Đồng chí Trần Quang Quỳ: Giám đốc nhà máy cao su Sao Vàng.

 

Các nhà khoa học với vai trò là nhà thiết kế. Cần ban hành gấp về luật về sở hữu để các giám đốcthực hiện vai trò là người thi công của mình. Thực tiễn sản xuất của Nhà máy cho thấy kế hoạch và chỉ tiêu pháp lệnh do trên đưa xuống không phù hợp với lưu thông, thị trường, sản phẩm làm ra ứ đọng không bán được. Quan điểm cá nhân của đồng chí là cần đánh giá sự tồn tại của một hình thức kinh tế thông qua hiệu quả sản xuất không phân biệt thành phần kinh tế: Khi đi vào hạch toán kinh tế độc lập chúng tôi thấy rất khó khăn như lãi suất ngân hàng quá cao, thu quốc doanh quá lớn vì vậy sản xuất không có lãi. Việc quy định chế độ sở hữu phải khuyến khích đơn vị làm ăn tốt.

 

18. Đồng chí Đào Công Tiến (Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Tham luận của đồng chí đề cập đến vấn đề các quyền sở hữu, quyền sử dụng và loại hình xí nghiệp. Theo ý kiến cá nhân đồng chí trong tương lai nước ta sẽ tồn tại các hình thức sở hữu và sử dụng sau: Đất đai, TLSX đặc biệt là sở hữu toàn dân được trao quyền sử dụng lâu dài cho người sản xuất bao gồm cả việc chuyển nhượng và thừa kế.

Sức lao dộng cũng là yếu tố của sản xuất, là vật sở hữu của từng con người. Tuy nhiên sức lao động của từng con người riêng biệt không có sự kết hợp với sức lao động của nhiều người khác do đó phải có hình thức kết hợp về chuyển giao quyền sử dụng sức lao động cho người sản xuất (kể cả việc thuê mướn sức lao động) đồng chí Tiến còn nêu ra vấn đề chủ sở hữu và chủ sử dụng, đồng chí coi việc cổ phần hoá xí nghiệp quốc doanh là 1 xu thế của thời đại và xí nghiệp cổ phần là loại xí nghiệp được hình thành trên cơ sở các yếu tố sản xuất của nhiều quyền sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen nhau, ưu điểm của loại hình xí nghiệp này là việc huy động vốn và sự quan tâm chung của nhiều chủ sở hữu và như vậy Nhà nước với thực lực kinh tế của mình vẫn có thể nắm vai trò chủ đạo.

 

19. Đồng chí Đinh Trung Tụng:

 

Chủ nhiệm đề tài thay mặt Ban tổ chức tổng kết những ý kiến đóng góp trong 2 Hội thảo cả về lý luận và thực tiễn. Nhấn mạnh tới các đề xuất nhằm xây dựng các định chế pháp lý đối với quyền sở hữu nhất là sở hữu Nhà nước. Đồng chí đặc biệt đánh giá cao các kiến nghị giải pháp nhằm từng bước xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật về sở hữu nói chung, trong đó có sở hữu Nhà nước. Đồng chí cũng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu (vì đây mới chỉ là bước đầu) để cùng trao đổi góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

 

 

 

 

 

Tổng thuật hội thảo khoa học chuyên đề về "sở hữu Nhà nước trong cơ chế kinh tế mới" ngày 31-01-1990 tại hà nội

 

 

I. - Thành phần tham gia Hội thảo gồm có các cộng tác viên chủ chốt đại diện cho các ban ngành: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, các nhà kinh tế và luật gia tại các viện nghiên cứu.

 

II. - Mục đích và phạm vi của Hội thảo.

 

 

Kinh nghiệm tiếp thu được tại các hội thảo trước đây về sở hữu cho thấy vấn đề sở hữu và quyền sở hữu quá rộng và phức tạp vì vậy hội thảo lần này tập trung vào vấn đề sở hữu Nhà nước, chủ yếu là các xí gnhiệp quốc doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... Nhằm tập trung những kiến nghị cụ thể, thiết thực trong lĩnh vực sở hữu Nhà nước.

 

I.- Nội dung của hội thảo.

 

 

Các ý kiến và tham luận tập trung vào việc đưa ra một bức tranh tương đối rõ nét về thực trạng của sở hữu Nhà nước trong một số ngành: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải. Trên cơ sở đó đưa ra một số những biện pháp nhằm bảo toàn và phát triển tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong các xí nghiệp quốc doanh, đưa ra một số quan điểm nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu Nhà nước.

 

II.- Phần thảo luận.

 

1.- Đồng chí Đinh Trung Tụng chủ nhiệm đề tài:

Khai mạc Hội thảo: Vấn đề sở hữu Nhà nước có nhiều ý kiến khác nhau ví dụ: về đất đai, tài sản trong các xí nghiệp quốc doanh; các tài sản nào thuộc sở hữu Nhà nước có thể thuộc sở hữu tư nhân? Các kiến nghị cụ thể về sở hữu Nhà nước đó là một nội dung cần thảo luận trong Hội thảo lần này.

2. Đồng chí Nguyễn Đình Lộc phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Nhà nước.

 

Tham luận của đồng chí tập trung vào vấn đề sở hữu Nhà nước và giao tài sản trong các xí nghiẹp công nghiệp quốc doanh.

Theo đồng chí đến nay không còn người nào phủ nhận rằng sự ngộ nhận tồn tại suốt mấy thập kỷ qua đưa đến sự xác định sai lệch nội dung quyền sở hữu Nhà nước và còn một sự ngộ nhận khác là việc nhìn nhận việc xác lập chế độ sở hữu Nhà nước XHCN như một sai lầm của lịch sử. Theo đồng chí những người có cách nhìn nhận khách quan và lành mạnh đều khẳng định sự tăng trưởng của nền kinh tế không phải ở bản thân chế độ sở hữu Nhà nước nói chung mà chính ở những phương thức, biện pháp, hình thức cơ chế thực hiện chế độ sở hữu Nhà nước.

Tham luận của đồng chí còn đề cập đến nội dung của chế định "quyền quản lý tác nghiệp", đồng chí tán thành nhận xét các xí nghiệp quốc doanh tồn tại trong các Nhà nước XHCN có một cơ cấu sở hữu hết sức mơ hồ thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu trong các xí nghiệp quốc doanh là quá phân tán. Vấn đề đặt ra là phải tìm một khái niệm sở hữu tương ứng chứa đựng tất cả cái phức tạp vốn có của sở hữu Nhà nước toàn dân, để từ đó xây dựng một cơ chế thích hợp có khả năng đưa vào vận hành cái năng lực vốn có, tiềm ẩn của hình thức sở hữu đặc thù này.

Đối với vấn đề "đa dạng hoá sở hữu" quan điểm của đồng chí đa dạng hoá sở hữu hoàn toàn không đồng nghĩa với việc phi Nhà nước hoá đồng loạt các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước mà là sự ra đời của các loại hình kinh tế đan xen nhau. Đồng chí khẳng định con đường thành lập các công ty cổ phần sẽ có sức sống bên cạnh các doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề lớn hiện nay của khoa học pháp lý là kịp thời nghiên cứu, đánh giá được tính thực thi và giá trị pháp lý của các văn bản của Nhà nước đã ban hành như: Quyết định 143/HĐBT và Chỉ thị 316/CT để kịp thời đưa ra các kiến nghị đúng đắn.

3. Đồng chí Trần Trọng Hưu Phó viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật.

 

Tham luận của đồng chí Trần Trọng Hựu đề cập đến "một số khía cạnh lý luận về chế độ sở hữu và quyền sở hữu Nà nước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay".

Đồng chí nói: "Thực tiễn đổi mới trong lĩnh vực kinh tế của đất nước càng tiến triển sâu sắc, rộng rãi và kết quả bao nhiêu càng làm nổi rõ hơn bao giờ hết những sai lầm biến dạng và khiếm khuyết của chế độ sở hữu trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Theo đồng chí những sai lầm đó là:

- Sự tuyệt đối hoá sở hữu XHCN dưới hình thức sở hữu Nhà nướcvà sở hữu tập thể. Đây là quá trình "Nhà nước hoá" sở hữu.

- Sự "Nhà nước hoá" sở hữu được tiến hành bằng phương pháp mệnh lệnh dẫn đến một mặt việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước thống trị gần như tuyệt đối, mặt khác là yếu kém lệ thuộc thiếu bền vững của sở hữu tập thể, sự tan rã không được bảo hộ và thủ tiêu dần của sở hữu tư nhân.

- Sự biến dạng, tha hoá của sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, đó là sự vô chủ, sự tách rời người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất và thành quả lao dộng của mình. là một chuyên gia về luật học, đồng chí nêu lên sai lầm khuyết điểm của khoa học pháp lý nói chung và sự hạn chế của các văn bản pháp luật về sở hữu nói riêng. Đồng chí còn nêu lên quan điểm của mình về việc càn xác lập cơ chế pháp lý đặc thù, xác lập và thực hiện chế định quyền sở hữu phức hợp, đa cơ cấu, nhiều cấp độ, đây là chế dịnh pháp luật đặc trưng, nền móng của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Sự thừa nhận tính đa dạng và phức tạp của các chủ thể sở hữu khác nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh tới việc xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền bình đẳng trước pháp luật. Điều quan trọng hàng đầu là Nhà nước cần xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ pháp luật về sở hữu trong đó có luật sở hữu, tiến tới hình thành một chế định quyền sở hữu thực sự phát triển và đồng bộ ở nước ta.

4. Đồng chí Đào Xuân Sâm- giáo sư, trưởng khoa kinh tế học viện Nguyễn ái Quốc trung ương.

 

Tham luận của giáo sư đề cập đến "những khía cạnh kinh tế cảu quyền sở hữu Nhà nước, trong kinh tế quốc doanh". Đồng chí nêu ra những vấn đề lý luận, thực tiễn về quyền sở hữu Nhà nước trong kinh tế quốc doanh. Trước hết đối tượng của sở hữu bao gồm cả tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và tài nguyên, môi trường sinh thái. Khái niệm sở hữu cần phân biệt rõ ràngt oàn bbộ tài sản thuộc đối tượng của sở hữu trong đó quan trọng nhất là vốn. Toàn dân ở đây là toàn thể nhân dân. Sở hữu Nhà nước là tài sản xã hội hoá (vốn xã hội) trong điều kiện Việt nam phần lớn nằm ở tư nhân.

Đứng về mặt kinh tế phải công nhận quyền sở hữu của nhân dân. Người công dân được tự do phải có tư cách là người hữu sản và phải được pháp luật bảo vệ, xí nghiệp với tư cách là chủ sở hữu sử dụng tài sản.

Khi Nhà nước là của dân, độc quyền tài sản thuộc về người dân thì độc quyền tài sản sẽ không còn nữa. Vốn tài chính phải thông qua cổ phần hiện nay có hai vấn đề nóng hổi:

1. Tài sản Nhà nước trong quốc doanh: khi giao tài sản phải hoá giá. Bên giao và bên nhận sẽ là Bộ tài chính và xí nghiệp với tư cách là một nhà kinh doanh.

2. Đất đai: đất nông trường giao xuống theo chế độ thuê, như vậy sẽ giải quyết được quyền sở hữu và quyền sử dụng. Người sử dụng là người đi thuê, như vậy sẽ hạn chế được vấn đề tham nhũng, vấn đề sở hữu tài sản. Vốn xã hội cần phải có Bộ tài chính và Bộ tư pháp tham gia điều tiết và quản lý.

Về vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh và khả năng thực hiện đồng chí cho rằng dùng khái niệm kinh tế quốc doanh với hàm nghĩa đó nhưng tổ chức kinh tế mà tài sản công hữu Nhà nước chiếm phần quyết dịnh. Sự phát triển kinh tế quốc doanh quá mức đưa tới phải tư nhân hoá bớt đó là một xu thế tất yếu. Đồng chí đưa ra bốn vấn đề xây dựng kinh tế quốc doanh lớn mạnh:

Một là, chỉ làm quốc doanh ở những lĩnh vực thật cần, đồng thời khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế khác.

Hai là, phải có đội ngũ giám đốc chuyên nghiệp có tài và có đức.

Ba là, chuyển thật sự chuyển sang nền kinh tế thị trường và quốc doanh được đặt trước thị trường như mỗi thành phần kinh tế khác.

Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước.

5. Đồng chí Vũ Hồng Giao- giáo sư kinh tế.

 

Quan điểm tài chính là quan điểm quan trọng nhất. Cần nhất quán quan điểm chuyển sang cơ chế thị trường từ đó giải quyết vấn đề tài chính- giá cả.

Quyết định 217 HĐBT và quyết định 143/HĐBT đều chưa đề cập đến vấn đề ngân hàng do đó không thể giải quyết được vấn đề tài chính. Hiểu quan điểm này là thiếu điều kiện cần và đủ trong vấn đề quản lý khai thác sở hữu Nhà nước không có nghĩa là sở hữu toàn dân và quốc doanh. Giữa các vấn đề này chúng ta thiếu sự uỷ quyền và chế độ giám đốc.

Hiện nay tư liệu sản xuất không còn là vấn đề then chốt của sở hữu. Giá cả đất đai luôn biến động, Nhà nước giữ quyền thu thuế đối với từng loại đất. Quan điểm chung là phải định được giá trị của đất cho phù hợp với giá trị của nó. Nếu để các địa phương tự đánh giá sẽ rất rắc rối cho nên Nhà nước phải nắm quyền định giá.

Chính vì chưa giải quyết được vấn đề tài chính nên hạn chế rất nhiều đầu tư nước ngoài.

Xu thế bay giờ là các xí nghiệp công ty cổ phần đang hình thành trong đó nhất định sẽ có sự đóng góp của cán bộ công nhân viên chức. Vậy phải phân biệt với số vốn của Nhà nước nghĩa là phân biệt chủ sở hữu về vốn và chủ sở hữu tài sản hiện tại.

 

6. Đồng chí Phạm Quang Lê: Vụ trưởng vụ tổng hợp kế hoạch- Ban kinh tế trung ương.

 

Tận cùng của vấn đề sở hữu đụng đné chế độ chính trị. Mục đích của chúng ta là giải quyết vấn đề kinh tế. Đồng chí tán thành quan điểm quá trình "tư nhân hoá" bao gồm cổ phần hoá, bán xí nghiệp, cho thuê tài sản, quá trình này không loại trừ cả các xí nghiệp thuộc lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân. Xu hướng mà quá trình này dẫn đến là quan hệ đa sở hữu, phù hợp với tính xã hội hoá cao của nền sản xuất hiện đại. Kinh tế quốc doanh là sở hữu Nhà nước, là lực lượng đặt nền móng cho nền kinh rế song phải giải quyết vấn đề cốt tử là tình trạng vô chủ trong nền kinh tế quốc doanh vấn đề ai là người chủ sở hữu thực sự của tài sản Nhà nước, ai chịu trách nhiệm thua lỗ trong mối quan hệ tay ba (cơ chế quản lý Nhà nước- giám đốc - Hội đồng xí nghiệp). Theo đồng chí, chỉ có một chủ sở hữu là Nhà nước, con người cụ thể là chủ sở hữu trực tiếp đồng thời là chủ sử dụng tức là giám đốc; là người trực tiếp chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm pháp luật. Về trách nhiệm vật chất của giám đốc: tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm mà giám đốc chịu xử lý về hành chính hoặc bồi thường một tỷ lệ tượng trưng mà khả năng của một cán bộ quản lý có tác dụng răn đe cần thiết, không kể đến phạm pháp về hình sự. Về một số vấn đề cụ thể như khấu hao tài sản cố định, vấn đề vốn tự có và vấn đề vốn tài sản cố định. Đồng chí cho rằng không thể coi sau khi đã khấu hao hết tức là Nhà nước không còn quyền sở hữu đối với những tài sản còn lại mà trước sau những tài sản còn lại vẫn phải thuộc về sở hữu của Nhà nước.

7. Đồng chí Trần Ngọc Hiên: Phó hiệu trưởng Học viện Nguyễn ái Quốc trung ương.

 

Tham luận của đồng chí đề cập đến vấn đề "sở hữu Nhà nước về ruộng đất trong nông nghiệp" vấn đề di tài sản chế độ sở hữu trong các chế độ xã hội từ trước tới nay được đồng chí nhìn nhận trên bình diện lý luận kinh tế và pháp lý, trên cơ sở đó đề ra những căn cứ định hướng vấn đề sở hữu Nhà nước trong nông nghiệp. Đó là việc vận dụng quy luật kinh tế hàng hoá trong từng thời kỳ phát triển, gắn quyền chiếm hữu sử dụng với lao động trên đất đai. Xét về lâu dài, đất đai thuộc chế độ sở hữu toàn dân, Nhà nước là chủ đại diện về pháp lý đối với đất đai.

8. Đồng chí Lê Huy Bảo - chuyên viên 5 Viện KHKT - Bộ giao thông vận tải.

 

Với chuyên đề "sở hữu Nàh nước trong lĩnh vực giao thông vận tải" đồng chí nêu lên quan điểm về việc đánh giá tài sản cố định theo QĐ-101-HĐBT vấn đề vốn vẫn còn chưa giải quyết được triệt để. Quyền sở hữu Nhà nước hiện nay còn chưa rõ ràng. Nếu chúng ta tiến lên công nghiệp hiện đại thì giữa thuê và khoán cũng còn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

- Vấn đề sử dụng vốn các giám đốc chưa hiểu hết được ý nghĩa của vấn đề này bởi vậy vẫn chưa đáp ứng được mục đích của nó. Đồng chí nêu quan điểm: Các quyền Nhà nước cho phép có thể trở thành tài sản được không? Nên chăng các xí nghiệp chỉ nên trực thuộc Bộ tài chính. Vấn đề cụ thể trong ngành Giao thông vận tải đồng chí nêu lên các hình thức khoán trong ngành, các nội dung cần được làm rõ trong việc quản lý khoán về kế hoạch, về tài chính, con người...

9. Đồng chí Tụng, chủ nhiệm đề tài tóm tắt những ý kiến đóng góp trong hội thảo. Những kiến nghị lần này là những đóng góp rất thiết thực và bổ ích cho việc tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhằm xây dựng pháp luật về sở hữu Nhà nước./.

31.01.1991

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ năm

kết quả điều tra một số lĩnh vực

thuộc sở hữu nhà nước

 

đề tài luật dân sự kết quả điều tra đối với

và TTDS các xí nghiệp quốc doanh

-------- --------------------

 

Số phiếu hỏi: 200

Số phiếu trả lời: 150

Trả lời

Đồng ý

Không đồng ý

Số phiếu

Phần trăm

Số phiếu

Phần trăm

 

 

 

 

1

Theo đồng chí, nên giao tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong xí nghiệp quốc doanh cho ai quản lý

a) Giao cho giám đốc xí nghiệp?

b) Giao cho HĐXN?

c) Giao cho tập thể lao động?

 

 

 

 

 

120

 

34

0

 

 

 

 

 

 

79%

 

23%

 

 

 

 

 

30

 

116

Không 150

 

 

 

 

 

21%

 

77%

đồng ý 100%

 

 

 

2

Ai phải chịu đến cùng đối với tài sản Nhà nước

a) Giám đốc?

b) Cấp trên xí nghiệp

c) Hội đồng xí nghiệp

 

 

 

130

10

10

 

 

 

86%

7%

7%

 

 

 

20

140

140

 

 

 

14%

93%

93%

 

 

 

 

3

Loại liên doanh liên kết nào làm ăn có hiệu quả nhất:

a) Góp vốn

b) Góp lao động

c) Các hình thức góp khác

 

 

 

100

5

45

 

 

 

66%

3,5%

30%

 

 

 

50

147

107

 

 

 

34%

96,5%

70%

 

 

 

 

4

Hình thức liên kết liên doanh nào kém hiệu quả nhất:

a) Giữa quốc doanh và quốc doanh?

b) Giữa QD và HTX?

c) Giữa quốc doanh và tư nhân?

 

 

 

20

 

50

80

 

 

 

14%

 

34%

53%

 

 

 

130

 

100

70

 

 

 

86%

 

66%

47%

 

 

 

 

 

 

5

Theo đồng chí nên chuyển các xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả sang phương thức nào:

a) Giải thể xí nghiệp?

b) Sang hình thức sở hữu tập thể và tư nhân?

 

 

 

 

 

 

70

 

80

 

 

 

 

 

 

47%

 

53%

 

 

 

 

 

 

80

 

70

 

 

 

 

 

 

 

53%

 

47%

 

 

Đề tài luật dân sự kết quả điều tra đối với

 

và TTDS Ngành nông nghiệp (Các HTX nông nghiệp,

-------- các Sở, các Uỷ bán nhân dân)

 

 

Số phiếu hỏi: 300

Số phiếu trả lời: 270

Trả lời

Đồng ý

Không đồng ý

Số phiếu

Phần trăm

Số phiếu

Phần trăm

 

 

 

 

 

 

 

1

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên giao cho nông dân như thế nào?

a) Giao hẳn quyền sở hữu bằng cách bán lại đất đai cho nông dân?

b) Không giao quyền sở hữu nhưng giao quyền sử dụng lâu dài?

c) Giao như Luật đất đai hiện nay (sử dụng ngắn hạn và không được thừa kế)?

 

 

 

 

13

 

 

243

 

 

 

13

 

 

 

 

 

5%

 

 

90%

 

 

 

5%

 

 

 

 

257

 

 

27

 

 

 

257

 

 

 

 

95%

 

 

10%

 

 

 

95%

 

 

 

 

 

 

 

2

Thời gian sử dụng cụ thể :

a) Vĩnh viễn

b) 10 đến 30 năm?

c) 30 năm trở lên?

d) Theo thời gian canh tác?

e) Theo Nghị quyết 10?

f) Không có ý kiến?

 

 

8

135

67

27

 

13

19

 

 

3%

50%

25%

10%

 

5%

7%

 

 

262

135

203

243

 

257

251

 

 

90%

43%

68%

83%

 

88%

 

 

 

 

 

3

Quyền sử dụng đất đai.

a) Có được chuyển nhượng không?

b) Có được thừa kế không?

 

 

216

 

216

 

 

80%

 

80%

 

 

54

 

60

 

 

20%

 

20%

 

 

4

Nông dân có được thuê người làm khồng?

 

 

264

 

 

98%

 

 

10

 

 

2%

 

 

5

Nông dân có được quyền đổi cho người sử dụng đất khác?

 

 

230

 

 

85%

 

 

40

 

 

15%

 

6

Nông dân có quyền bán lại đất không?

 

54

 

20%

 

216

 

80%

 

 

 

7

Nông dân có được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp (làm nhà ở, xây dựng trụ sở) không?

 

 

 

 

 

81

 

 

 

 

 

30%

 

 

 

 

 

189

 

 

 

 

 

70%

 

 

 

 

 

 

8

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên giao cho lâm trường quốc doanh như thế nào?

a) Giao hẳn quyền sở hữu cho giám đốc?

b) Giao cho tập thể công nhân?

c) Giao cho từng gia đình công nhân?

 

 

 

 

 

54

 

13

 

203

 

 

 

 

 

20%

 

5%

 

75%

 

 

 

 

 

216

 

257

 

67

 

 

 

 

 

80%

 

95%

 

25%

 

 

đề tài luật dân sự kết quả điều tra đối với

và TTDS Ngành thương nghiệp quốc doanh

-------- --------------------

 

Số phiếu hỏi: 200

Số phiếu trả lời: 100

Trả lời

Đồng ý

Không đồng ý

 

 

 

 

 

1

Hiện nay, thương nghiệp quốc doanh trong đơn vị đồng chí quản lý, đồng chí cho biết việc quản lý tài sản Nhà nước (cửa hành, khách sạn ...) bằng phương thức nào để đạt hiệu quả kinh tế cao và bảo toàn vốn:

a) Bán toàn bộ thu vốn về ? Bán lại 1 phần cho CNVC, tư nhân?

b) Liên doanh với tập thể?

c) Liên doanh với tư nhân?

d) Đấu thầu?

e) Cho thuê?

f) Khoán gọn cho cửa hàng?

g) Khoán định mức?

 

 

 

 

 

 

15

0

 

11

5

6

3

65

2

 

 

 

 

 

 

100

 

81

95

94

94

25

98

 

 

 

2

Trong các hình thức kinh doanh dưới dây loại nào làm ăn có hiệu quả nhất:

a) Liên doanh với tập thế ?

b) Liên doanh với tư nhân ?

c) Khoán gọn cho nhân viên cửa hàng ?

d) Khoán định mức ?

 

 

8

15

 

75

2

 

 

92

85

 

25

 

 

3

Trong các phương thức liên doanh liên kết dưới đây, loại nào mang lại hiệu quả cao?

a) Góp vốn bằng tiền?

b) Góp của hàng nhà xưởng?

c) Các phương tiện khác?

 

 

 

70

25

5

 

 

 

30

75

95

 

 

đề tài luật dân sự kết quả điều tra đối với

và TTDS Ngành giao thông vận tải

-------- --------------------

 

Số phiếu hỏi: 150

Số phiếu trả lời: 107

Trả lời

Đồng ý

Không đồng ý

Số phiếu

Phần trăm

Số phiếu

Phần trăm

 

 

 

 

 

 

 

1

Theo đông chí, cần giao tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong ngành giao thông vận tải theo phương thức nào để đạt hiểu quả kinh tế:

a) Bán lại toàn bộ?

b) Bán lại một phần?

c) Liên doanh với:

+) Tập thể

+) Từ nhân

d) Cho thuê?

e) đấu thầu?

f) Khoán và nộp lợi nhuận?

 

 

 

 

 

 

 

15

20

 

5

7

8

20

 

32

 

 

 

 

 

 

 

14,1%

18,7%

 

4,7%

6,6%

7,5%

18,7%

 

30,0%

 

 

 

 

 

 

 

92

87

 

102

100

99

87

 

75

 

 

 

 

 

 

 

85,9%

81,3%

 

95,3%

93,4%

91,5%

81,3%

 

70,0%

 

 

 

 

 

 

 

Chủ yếu ngành vật tải ô tô

 

 

 

Chủ yếu ngành đường sắt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ sáu

 

Thông tin tư liệu

 

 

Luật của liên bang cộng hoà XHCN Xô viết

về sở hữu ở liên xô

----------------

 

Chương I. - Những điều khoản chung

 

 

Điều 1. - Quyền sở hữu.

1. Quyền sở hữu ở Liên Xô được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Chủ sở hữu được tuỳ ý nắm giữ, sử dụng và định đoạt những tài sản thuộc về mình.

Chủ sở hữu được quyền thực hiện đối với tài sản của mình bất kể hành động nào mà không trái với pháp luật. Chủ sở hữu có thể sử dụng tài sản để thực hiện hoạt động kinh tế hoặc những hoạt động bất kỳ nào khác không bị pháp luật ngăn cấm.

3. Trong những trường hợp, những điều kiện và giới hạn do luật định, chủ sở hữu có nghĩa vụ phải cho phép những người khác được quyền sử dụng có hạn chế đối với tài sản của mình.

4. Chủ sở hữu được quyền, trong những điều kiện và giới hạn do luật Liên Xô, luật các nước cộng hoá liên bang và cộng hoà tự trị quy định, ký kết các hợp đồng với các công dân về việc sử dụng lao động của họ trong quá trình thực hiện quyền sở hữu vủa mình.

Không phụ thuộc vào hình thức sở hữu được dùng làm cơ sở cho việc sử dụng lao động của công dân, người đó được bảo đảm về tiền công lao động và các điều kiện lao động cũng như những đảm bảo khác về kinh tế xã hội do bộ luật hiện hành quy định.

5. Việc thực hiện quyền về sở hữu không được phép gây thiệt hại cho môi trường xung quanh, xâm phạm những quyền và lợi ích của các công dân, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức và nhà nước được pháp luật bảo vệ.

6. Việc sử dụng bất kỳ hình thức sở hữu nào đều phải loại trừ việc cách biệt người lao động với tư liệu sản xuất và tình trạng người bóc lột người.

 

Điều 2. - Luật Liên bang CHXHCNXV, các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị.

1. Bộ luật hiện hành, chiểu theo Hiến pháp Liên Xô, quy định những điều luật cơ bản về sở hữu, có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ Liên Bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

2. Những quan hệ sở hữu không thuộc phạm vi xem xét của bộ luật này được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật phù hợp với nó của Liên Xô, các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị.

3. Những đặc điểm thực hiện quyền sở hữu đối với các di tích lịch sử và văn hoá được xác định bởi một bộ luật riêng của liên bang Cộng hoà xã hội xhủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị.

4. Những mới quan hệ về việc tạo ra và sử dụng các sáng chế, phát minh, các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật và những công trình sở hữu trí tuệ khác được điều chỉnh bởi một bộ luật riêng của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị.

 

Điều 3. - Những đối tượng của quyền sở hữu.

1. Nằm trong quyền sở hữu có thể là đất đai, lòng đất, nước, thế giới động vật và thế giới thực vật, nhà cửa, các công trình kiến trúc, máy móc thiết bị, các vật dụng của nền văn minh vật chất và tinh thần, tiền và những loại tài sản khác.

2. Các kết quả của quá trình sử dụng kinh tế tài sản (sản phẩm và các thu nhập), nếu pháp luật hoặc hợp đồng không quy định điều khác, thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó.

 

Điều 4. - Những chủ thể của quyền sở hữu. các hình thức sở hữu.

1. Sở hữu ở Liên Xô được thể hiện dưới dạng sở hữu của các công dân Liên Xô, sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước.

ở Liên Xô có thể tồn tại sở hữu của các nước ngoài, các tổ chức quốc tế, những pháp nhân và công dân nước ngoài.

2. Cho phép quyền được hợp nhất tài sản thuộc quyền sở hữu của các công dân, pháp nhân và nhà nước, và hình thành trên cơ sở đó những hình thức sở hữu hỗn hợp, trong đó có sở hữu thuộc các xí nghiệp liên doanh với sự tham gia của những pháp nhân Liên Xô, những pháp nhân và công dân nước ngoài.

3. Các văn bản pháp luật của các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị có thể quy định những hình thức sở hữu khác, không được đưa ra trong bộ luật này.

4. Tài sản có thể thuộc quyền sở hữu chung (một phần hoặc cùng nhau) đồng thời của một số người mà không phụ thuộc vào hình thức sở hữu.

5. Nhà nước tạo những điều kiện cần thiết cho việc phát triển các hình thức sở hữu đa dạng và đảm bảo trách nhiệm bảo vệ các hình thức sở hữu đó.

 

Điểu 5.- Sử dụng chế tài đối với tài sản của chủ sở hữu.

1. Theo các cam kết của các pháp nhân chế tài có thể được áp dụng đối với bất kể tài sản nào thuộc về người có nằm trong quyền sở hữu hoặc hoạt động kinh tế toàn phần, cũng như quản lý hàng ngày, trừ trường hợp được xem xét trong điều 26 thuộc Luật này.

Chủ sở hữu không phải chịu trách nhiệm về các cam kết của những pháp nhân do người đó tạo ra, và những người này cũng không phải chịu trách nhiệm về các cam kết của chủ sở hữu, trừ trường hợp được quy định trong các văn bản pháp luật của liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị.

2. Các công dân phải chịu trách nhiệm về những cam kết của mình bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Danh mục những tài sản công dân ngoài diện áp dụng chế tài theo đòi hỏi của các chủ nợ do các văn bản pháp luật của nhà nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị quy định.

 

Chương II.- Sở hữu của các công dân Liên Xô

 

 

Điều 6.- Những khoản chung về sở hữu công dân.

1. Sở hữu của các công dân được tạo ra và mở mang phát triển dựa vào các thu nhập lao động của họ có được nhờ tham gia vào nền sản xuất xã hội, tiến hành kinh tế cá nhân và các thu nhập từ những nguồn đầu tư voà quỹ tín dụng, góp cổ phần, tiền và những tài sản được thừa kế cũng như dưới những hình thức khác được pháp luật cho phép.

2. Công dân được quyền định đoạt các năng lực đối với lao động có năng suất và sáng tạo của mình.

Công dân tự mình hoặc trên cơ sở hợp đồng lao động thực hiện quyền nói trên.

3. Công dân với sự thoả thuận của chủ sở hữu, có quyền được góp tiền hoặc dưới những hình thức khác, vào tài sản của một xí nghiệp, một tổ chức kinh tế khác, một đơn vị kinh tế nông nghiệp hay một ngành lao động khác, nơi người đó làm việc theo hợp đồng lao động, và tham gia vào quá trình phân phối lợi nhuận (thu nhập) của xí nghiệp (hoặc tổ chức, đơn vị kinh tế) nói trên ở mức độ tỷ lệ với mức góp vốn của mình.

4. Phục vụ cho việc làm kinh tế nhà nông, kinh tế phụ cá thể, kinh tế vườn, xây dựng và dịch vụ nhà ở và để thoả mãn những nhu cầu khác mà pháp luật cho phép, các công dân được cấp đất với tư cách là sở hữu có tính chất kế thừa từ đời này sang đời khác.

5. Quyền thừa kế tài sản của công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

 

Điều 7.- Những đối tượng của quyền sở hữu công dân.

1. Nằm trong quyền sở hữu công dân có thể là các nhà ở, biệt thự, nhà vườn, cây trồng trên phần đất canh tác, các phương tiện giao thông vận tải, các loại tiền, cổ phiếu, tín phiếu, các vật dụng làm kinh tế gia đình và sử dụng cá nhân, các tư liệu sản xuất phục vụ kinh tế nhà nông và các ngành lao động khác, phục vụ kinh tế phụ cá thể, làm vườn, trồng rau, hoạt động kinh tế cá thể và các hoạt động kinh tế khác, sản phảm làm ra và những thu nhập nhận được, cũng như các tài sản phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất khác.

2. Thành viên thuộc hợp tác xã nhà ở, xây dựng nhà ở, biệt thự, gara ôtô hoặc các hợp tác xã khác nhau khi đã đóng góp đầy đủ phần của mình để mua căn hộ, biệt thự, gara ôtô, hoặc những công trình xây dựng khác mà người đó được phép sử dụng được hưởng quyền sở hữu đối vơí những tài sản đó.

Người thuê diện tích ở trong nhà thuộc quỹ nhà ở của nhà nước và xã hội và các thành viên của gia đình người đó có quyền được mua đứt của chủ sở hữu căn hộ hoặc ngôi nhà tương ứng.

Sau khi có được tài sản thuộc quyền sở hữu nói trên công dân có quyền sử dụng nó theo ý mình - Bán, di chúc, cho thuê nhượng, làm những điều khác không trái với pháp luật.

3. Các văn bản pháp luật của Liên Xô, các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị có thể quy định những dạng tài sản không thuộc quyền sở hữu công dân. Nội dung và giá trị của những tài sản khác mà người công dân có được nhờ các nguồn thu nhập lao động của mình, nhờ tiết kiệm hoặc các cách làm khác được pháp luật cho phép không bị hạn chế.

 

Điều 8. - Sở hữu kinh tế lao động.

 

1. Thuộc về sở hữu của các thành viên gia đình và những người khác cùng nhau tiến hành sản xuất kinh doanh có thể bao gồm: xưởng máy, xí nghiệp loại nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ đời sống thương nghiệp, ăn uống công cộng và các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác, nhà ở và các công trình phục vụ làm kinh tế, máy móc, thiết bị, các phương tiện vận tải, nguyên vật liệu và những tài sản khác cần cho hoạt động tự chủ sản xuất kinh doanh.

2. Tài sản thuộc kinh tế lao động, trong đó có sản phẩm làm ra và các thu nhập nhận được, là sở hữu chung theo phần của các gia đình và những người khác cùng tham gia làm ăn, nếu như hợp đồng giữa họ không quy định khác.

 

Điều 9. - Sở hữu kinh tế nhà nông và kinh tế phụ cá thể.

1. Kinh tế nhà nông có thể được sở hữu nhà ở, nhưng công trình xây dựng phục vụ công việc làm ăn, cây trồng trên phần đất cánh tác, xúc vật cung cấp sức kéo và thịt sữa, gia cầm, máy móc và tài sản nông nghiệp, các phương tiện giao thông vận tải và những tài sản khác cần cho việc tự chủ tiến hành sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thu sản phẩm.

Sản phẩm làm ra và những thu phập nhận được là sở hữu của nhà nông và được nhà nông tuỳ ý sử dụng.

2. Tài sản thuộc kinh tế nhà nông thuộc về các thành viên của nó trong quyền được đồng sở hữu, nếu các văn bản pháp luật của các nước Cộng hoà liên bang và Cộng hoà tự trị có những quy định khác.

3. Những quy định của điều này cũng được áp dụng cả với kinh tế phụ cá thể của các công dân.

 

 

Chương III. - Sở hữu tập thể

 

 

Điều 10. - Những điềuluật chung về sở hữu tập thể.

1. Sở hữu tập thể bao gồm sở hữu của các xí nghiệp cho thuê, các xí nghiệp tập thể, các hợp tác xã, các hiệp hội cổ phần, các hiệp hội và hội tương trợ kinh tế, các liên hiệp kinh doanh, các tổ chức xã hội và các hình thức hợp nhất có tư cách pháp nhân khác.

2. Việc hình thành và khuyết trương sở hữu tập thể được đảm bảo bởi quá trình chuyển các xí nghiệp Nhà nước sang chế độ cho thuê, mở ra cho các tập thể khả năng sử dụng những thu phập nhận được để chuộc lại những tài sản Nhà nước, chính sách cải tạo các xí nghiệp Nhà nước thành các hiệp hội cổ phần, các hiệp hội và hội tương trợ kinh tế khác.

 

Điều 11. - Sở hữu của xí nghiệp cho thuê.

Sở hữu của xí nghiệp cho thuê bao gồm các sản phẩm làm ra, các thu nhập nhận được và giá trị, tài sản khác kiếm được nhờ các nguồn kinh phí của xí nghiệp đó.

Thể thức và những điều kiện tham gia của các thành viên của tập thể lao động của xí nghiệp thuê trong quản lý các công việc của nó và phân phối lợi nhuận (thu nhập) do luật cho thuê của Liên Bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết và các nước Cộng hoà liên bang quy định.

 

Điều 12. - Sở hữu của xí nghiệp tập thể.

1. Sở hữu của xí nghiệp tập thể hình thành trong trường hợp quá độ truyển toàn bộ tài sản của xí nghiệp Nhà nước thành sở hữu của tập thể lao động, chuộc lại tài sản đã được cho thuê hoặc tậu được tài sản bằng những cách khác mà pháp luật cho phép.

Tài sản của xí nghiệp tập thể, kể cả các sản phẩm làm ra và những thu nhập nhận được, là sở hữu chung của tập thể xí nghiệp.

2. Đóng góp của các thành viên của xí nghiệp tập thể được xác đinh trong vốn tài sản của nó. Nội dung của đóng góp đó bao gồm: Tổng giá trị đóng góp của thành viên trong tài sản của xí nghiệp nhà nước hay xí nghiệp cho thuê được dùng làm cơ sở hình thành lên xí nghiệp tập thể, cũng như phần đóng góp của thành viên đó vào sự tăng trưởng tài sản của xí nghiệp sau khi nó đã được thành lập.

Giá trị phần đóng góp của người lao động vào sự tăng trưởng tài sản được xác định xuất phát từ mức động đóng góp lao động của thành viên đó trong hoạt động của xí nghiệp.

Căn cứ vào đóng góp của người lao động thuộc xí nghiệp tập thể mà xác định và trả một tỷ lệ thích ứng tỷ lệ này do tập thể lao động xác định trên cơ sở các kết quả hoạt động kinh tế của xí nghiệp.

Người lao động sau khi đã chấm dứt các quan hệ lao động với xí nghiệp cũng những người thừa kế của thành viên xí nghiệp đã qua đời được thành toán những phần giá trị đóng góp.

Trong trường hợp giải thể xí nghiệp tập thể, phần giá trị đóng góp sẽ được trả cho người lao động (hoặc những người thừa kế của họ) từ nguồn tài sản còn lại sau các khoản thanh toán với ngân sách, các ngân hàng và các xí nghiệp chủ nợ khác.

 

Điều 13. - Sở hữu của hợp tác xã.

 

1. Tài sản của hợp tác xã được hình thành thông qua những đóng góp bằng tiền và tài sản của các thành viên của nó, sản phẩm do hợp tác xã làm ra, những thu nhập nhận được nhờ tiêu thụ sản phẩm cùng những hoạt động khác được điều lệ hợp tác xã cho phép.

2. Trong trường hợp giải thể hợp tác xã, tài sản còn lại sau khi đã thanh toán với ngân sách, các ngân hàng và các chủ nợ khác, sẽ được phân chia giữa các thành viên hợp tác xã.

 

Điều 14. - Sở hữu thuộc về các hiệp hội và hội tương trợ kinh tế.

1. Sở hữu thuộc các hiệp hội và hội tương trợ kinh tế có tư cách pháp nhân được hình thành thông qua đóng góp của các thành viên, những tài sản thu được trong quá trình hoạt động kinh tế và có được nhờ những cách khác mà pháp luật cho phép.

2. Nội dung đóng góp của các thành viên hiệp hội và hội tương trợ kinh tế có thể bao hàm vốn cố định và vốn lưu động, tiền, vật quý trao đổi, tín phiếu cũng như những quyền sử dụng tài sản.

3. Thành viên của hiệp hội và hội tương trợ kinh tế có thể là các xí nghiệp, các công sở, tổ chức, các cơ quan nhà nước cũng như các công dân, nếu các văn bản pháp luật của liên bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Ngĩa Xô Viết, Các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị không có những quy định khác.

 

 

 

Điều 15.- Sở hữu của hiệp hội cổ phần.

1. Hiệp hội cổ phần là chủ sở hữu của tài sản hình thành thông qua việc bán các cổ phiếu, cũng như những tài sản thu được thông qua hoạt động kinh tế của nó và có được nhờ những biện pháp khác mà pháp luật cho phép.

2. Chủ cổ phần có thể là các xí nghiệp, công nợ, các tổ chức hoặc cơ quan nhà nước.

Chủ cổ phần có thể là những người làm việc thuộc hiệp hội đó, cũng như những công dân khác, nếu các văn bản pháp luật của liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết, ccác nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị hoặc các điều lệ hiệp hội không có những quy định khác.

3. Xí nghiệp nhà nước, theo quyết định tập thể của tập thể lao động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực này, có thể cải tạo thành các hiệp hội cổ phần thông qua con đường phát hành các cổ phiếu trên toàn bộ giá trị tài sản của xí nghiệp. Nguồntài chính nhận được từ việc bán cổ phiếu sau khi thanh toán các khoản nợ của xí nghiệp nhà nước sẽ được chuyển vào một ngân sách tương ứng.

 

Điều 16.- Sở hữu của các nghiệp đoàn (liên hợp) kinh tế.

1. Nghiệp đoàn kinh tế của các xí nghiệp và các tổ chức (trong đó có conxecsion, liên hiệp ngành, liên ngành và lãnh thổ) được hưởng quyền sở hữu đối với những tài sản do các xí nghiệp và các tổ chức tự nguyện chuyển giao cho nó, cũng như những tài sản có được thông qua hoạt động kinh tế của mình.

2. Nghiệp đoàn kinh tế không có quyền sở hữu đối với những tài sản của các xí nghiệp và các tổ chức tham gia của nó.

3. Những tài sản còn lại sau khi đã chấm dứt hoạt động của nghiệp đoàn kinh tế sẽ được phân chia giữa các xí nghiệp và các tổ chức thành viên.

 

Điều 17.- Sở hữu của các tổ chức và các quỹ xã hội.

1. Các tổ chức xã hội, trong đó có các quỹ từ thiện và các quỹ xã hội khác, có thể được sở hữu nhà trụ sở, các công trình kiến trúc, quỹ nhà ở, trang thiết bị, vật dụng, những tài sản mang tính chất văn hoá- giáo dục và bảo vệ sức khoẻ; tiền, các cổ phiếu, tín phiếu và những tài sản khác cần để đảm bảo về mặt vật chất cho các hoạt động do các điều lệ (quy chế) của chúng quy định. Nằm trong sở hữu của các tổ chức (quỹ) xãa hội cũng có thể là các xí nghiệp được thành lập tương ứng với những mục tiêu được vạch ra trong các điều lệ (quy chế) của chúng, từ nguồn kinh phí của các tổ chức (quỹ) trên.

2. Những tài sản còn lại sau khi giải thể tổ chức (quỹ) xã hội sẽ được sử dụng cho những mục tiêu do điều lệ (quy chế) của nó đề ra.

 

Điều 18.- Sở hữu của các tổ chức tôn giáo.

Sở hữu của các tổ chức khu vực có thể bao gồm các toà nàh trụ sở, các vật thờ cúng, các công trình có chức năng sản xuất, xã hội và từ thiện, tiền và những tài sản khác cần để đảm bảo mọi hoạt động của các tổ chức trên.

Các tổ chức tôn giáo được hưởng quyền sở hữu mhững tài sản được tạo nên hoặc có được nhờ những nguồn kinh phí tự có, do các công dân, các tổ chức quyên góp, được nhà nước chuyển giao hoặc nhờ những phương thức khác mà pháp luật cho phép.

 

Chương IV.- Sở hữu nhà nước.

 

 

Điều 19.- Những điều luật chung về sở hữu Nhà nước.

1. Sở hữu nhà nước bao gồm sở hữu toàn liên bang, sở hữu của các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị, sở hữu của các đơn vị hành chính lãnh thổ (sở hữu công cộng). Việc sử dụng và quản lý sở hữu nhà nước do các xô viết đại biểu nhân dân tương ứng và những cơ quan nhà nước được họ uỷ quyền, thay mặt cho nhân dân (dân cư thuộc đơn vị hành chính lãnh thổ), thực hiện.

Tuỳ theo sự thoả thuận giữa các chủ sở hữu tài sản nhà nước, tài sản đó có thể thuộc về sở hữu chung của họ.

2. Những tài sản được tạo nên hặc có được nhờ các nguồn ngân sách hoặc các nguồn vật chất khác của liên bang CHXNCNXV, nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị, đơn vị hành chính- lãnh thổ hoặc các phương tiện của các xí nghiệp tổ chức, công sở thuộc diện chúng quản lý, tương tự cũng sẽ thuộc về sở hữu toàn liên bang, sở hữu nước cộng hoà liên bang, sở hữu nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, vùng tự trị hoặc sở hữu của đơn vị hành chính- lãnh thổ

3. Liên bang CHXHCNXV không chịu trách nhiệm về những cam kết của các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, các đơn vị tự trị, và các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, các khu vực tự trị, các đơn vị hành chính- lãnh thổ cũng không chịu trách nhiệm về những cam kết của liên bang cũng như của nhau.

 

Điều 20.- Sở hữu đối với đất đai và những tài nguyên thiên nhiên khác.

1. Đất đai và lòng đất, nước, thế giớí động vật và thực vật là tài sản không thể tách rời của các dân tộc sinh sống trên địa bàn đó.

Nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị thi hành trong khuôn khổ các luật Liên Xô quyền sở hữu, sử dụng và quản lý đất đai và những tài nguyên thiên nhiên khác có trên địa bàn của mình, vì những lợi ích của mình và cả liên bang. Nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, vùng tự trị thực hiện các thẩm quyền đó cũng vì lợi ích của nước cộng hoà liên bang và trong khuôn khổ các luật của nó.

Quyền sử dụng và quản lý nước và những tài nguyên thiên nhiên khác nằm trong lãnh thổ của hai hoặc một số nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự tị, tỉnh tự trị, vùng tự trị thực hiện theo sự thoả thuận giữa họ, trong trường hợp nếu có sự cần thiết sẽ có sự tham gia của liên bang.

2. Thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Liên bang CHXHCNXV (các cơ quan và tổ chức của nó) là những phần đất và đối tượng thiên nhiên khác được xem là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan quyền lực và quản lý của các liên bang, của các lực lượng vũ trang Liên Xô, các lực lượng cảnh sát biên phòng, cảnh sát nội biên và cảnh sát đường sát, trục vận chuyển đường ống, hệ thống năng lượng thống nhất của Liên Xô, các hệ thống vũ trụ và các hệ thống thông tin liên lạc toàn liên bang, cũng như để khai thác các tài sản khác, mà theo mục 2 điều 21 của bộ luật này sẽ thuộc về sở hữu toàn liên bang theo sự thoả thuận giữa liên bang CHXHCNXV với nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị tương ứng.

Việc thu hồi các phần đất và các đối tượng thiên nhiên khác đã nói ở trên sẽ được thực hiện với sự đồng ý của LBCHXHCN Xô Viết. Việc trao cho liên bang (các cơ quan và tổ chức của nó) quyền sở hữu và sử dụng những phần đất mới và những đối tượng thiên nhiên sẽ được thực hiện theo thoả thuận của liên bang với nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, vùng tự trị.

3. Thể thức giao những phần đất và những đối tượng thiên nhiên khác nằm trong nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, vungf tự trị, cho nước cộng hoà liên bang mà chúng là bộ phận để đảm bảo cho những nhu cầu chung của nước cộng hoà được ấn định theo sự thoả thuận giữa nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị tương ứng và nước cộng hoà.

4. Những nguyên tắc chung của toàn liên bang về khai thác và bảo vệ các nguồn tài nghuyên thiên nhiên do luật liên bang CHXHCNXV quy định.

Thể thức giao đất và những tài nguyên thiên nhiên khác cho sở hữu và sử dụng do luật các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị xác định, còn đối với sự đảm bảo những nhu cầu mang tính chất toàn liên bang và giữa các nước cộng hoà, nền quốc phòng và an ninh đất nước- do luật liên bang CHXHCNXV, các nước cộng hoà tự trị về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên xác định.

5. Những tranh chấp nảy sinh giữa liên bang, các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, vùng tự trị liên quan đến việc giao nhượng và đất đai cùng những tài nguyên thiên nhiên khác sẽ được xem xét dưới thể thức phân xử trọng tài hoặc dưới một thể thức khác do luật định.

 

 

Điều 21.- Sở hữu toàn liên bang.

Thuộc sở hữu toàn liên bang bao gồm tài sản của các cơ quan quyền lực và quản lý cấp liên bang, trục vận chuyển đường ống, hệ thống năng lượng thống nhất của Liên Xô, các hệ thống vũ trụ và thông tin liên lạc toàn liên bang, những tài sản thuộc các lực lượng vũ trang Liên Xô, các lực lượng cảnh sát biên phòng, nội biên và đường sắt, các công trình quốc phòng, ngân sách liên bang, ngân hàng nhà nước Liên Xô và những ngân hàng khác thuộc liên bang CHXHCNXV cùng các quỹ dự trữ, bảo hiểm và những quỹ khác.

Thuộc sở hữu toàn liên bang còn là các xí nghiệp và tổ hợp kinh tế quốc dân thuộccác ngành công nghiệp năng lượng, xây dựng, vận tải đường sắt, đường không và đường biên, các trường đại học cấp toàn liên bang và những tài sản khác có được nhờ các nguồn kinh phí chung toàn liên bang hoặc do các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, các đơn vị tự trị và hành chính lãnh thổ, các công dân và pháp nhân chuỷen giao không hoàn lại vào sở hữu liên bang CHXHCN Xô Viết.

 

Điều 22.- Sở hữu các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị, các tỉnh tự trị và các khu vực tự trị.

1. Sở hữu của nước cộng hoà liên bang gồm tài sản của các cơ quan quyền lực và quản lý nước cộng hoà liên bang các bảo vật văn hoá và lịch sử của các dân tộc thuộc nước cộng hoà liên bang, các ngân sách nước cộng hoà, các ngân hàng nước cộng hoà, các quỹ bảo hiểm, dự trữvà quỹ khác của nước cộng hoà cũng như các xí nghiệp và tổ hợp kinh tế quốc dân, các trường đại học cấp nước cộng hoà, các công trình văn hoá xã hội và những tài sản khác đảm bảo cho chủ quyền, quyền tự chủ kinh tế của nước cộng hoà, cho quá trình phát triển kinh tế và xã hội của nó.

2. Sở hữu của nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị bao gồm những tài sản của các cơ quan quyền lực và quản lý của chúng, các giá trị văn hoá và lịch sử của các dân tộc thuộc nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị, ngân sách tương ứng, khu vực kinh tế nhà ở và nhà ở công cộng thuộc xô viết đại biểu nhân dân tương ứng, cũng như các xí nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, thương nghiệp. dịch vụ đời sống, giao thông vận tải, các xí nghiệp và tổ hợp công nghiệp, xây dựng và các ngành khác, các cơ quan, công sở, giáo dục nhân dân, văn hoá, bảo vệ sức khoẻ và những tài sản khác đảm bảo việc duy trì nền văn minh tinh thần và vật chất của các dân tộc sống trên nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị, đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế- xã hội cũng như những việc thực hiện những nhiệm vụ khác được đặt ra trước nước cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị, khu vực tự trị.

 

 

 

Điều 23.- Sở hữu các đơn vị hành chính lãnh thổ (sở hữu công cộng).

Sở hữu của miền, tỉnh, huyện (quận) hay 1 đưon vị hành chính- lãnh thổ khác bao gồm tài sản của các cơ quan quyền lực và quản lý đơn vị hành chính- lãnh thổ, ngân sách địa phương, quỹ nhà ở và khu vực nhà ở công cộng của Xô viết đại biểu nhân dân địa phương, cũng như các xí nghiệp nông nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ đời sống, giao thông vận tải, các xí nghiệp tổ hợp công nghiệp, xây dựng và các ngành khác, các cơ quan công sở ngành giáo dục nhân dân, văn hoá, bảo vệ sức khoẻ và những tài sản khác cần cho công cuộc phát triển kinh tế và xã hội cũng như cho việc thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra trước đơn vị hành chính- lãnh thổ tương ứng.

 

Điều 24. - Tài sản của xí nghiệp Nhà nước.

1. Những tài sản là sở hữu Nhà nước và được giao cho xí nghiệp Nhà nước thuộc quyền của xí nghiệp được sử dụng để tiến hành các hoạt động kinh tế toàn phần.

Thực hiện quyền dùng vốn tài sản của mình cho hoạt động kinh tế toàn phần, xí nghiệp được quyền sở hữu, sử dụng và quản lý những tài sản nói trên và tùy ý thực hiện với chúng bất kỳ hành động nào không trái với pháp luật. Gắn với quyền được hoạt động kinh tế toàn phần là các quy định về quyền sở hữu, nếu các văn bản pháp lý của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hòa liên bang và cộng hòa tự trị không có những quy định khác.

2. Các cơ quan Nhà nước được trao thẩm quyền quản lý tài sản Nhà nước quyết định các vấn đề thành lập xí nghiệp và xác định những mục tiêu cho hoạt động của nó, việc tổ chức lại và giải thể xí nghiệp, thực hiện công tác giám sát hiệu quả sử dụng, giám sát tình trạng những tài sản Nhà nước được giao cho xí nghiệp và những quyền hạn khác phù hợp với các văn bản pháp lý của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị về xí nghiệp.

3. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước được giao thẩm quyền quản lý tài sản Nhà nước thông qua quyết định về tổ chức lại hay giải thể xí nghiệp Nhà nước, trừ những trường hợp họ kết luận là phá sản (vỡ nợ), tập thể lao động ở đó có quyền đòi hỏi chuyển xí nghiệp sang phương thức cho thuế hoặc cải tạo nó thành một phần xí nghiệp khác dựa trên nền tảng sở hữu tập thể. Những tranh chấp nảy sinh trong các trường hợp như vậy giữa cơ quan Nhà nước và tập thể lao động sẽ được Hội đồng trọng tài Nhà nước xem xét và giải quyết.

 

 

 

Điều 25. - Sở hữu của các thành viên tập thể lao động của xí nghiệp Nhà nước.

1. Lợi nhuận còn lại ở xí nghiệp Nhà nước sau khi đã nộp các loại thuế và thực hiện các khoản nộp ngân sách (lợi nhuận ròng) sẽ thuộc quyền quản lý của tập thể lao động xí nghiệp. Một phần số lợi nhuận đó được chuyển thành sở hữu của các thành viên tập thể lao động theo trình tự và những tỷ lệ do các văn bản pháp luật quy định.

2. Tổng số lợi nhuận thành viên tập thể lao động được hưởng sẽ tạo thành cổ phần của thành viên đó. Thành viên tập thể lao động có thể được phát một số cổ phần tương đương giá trị của cổ phần đó.

Xí nghiệp hàng năm phải trả lãi cho các cổ phần (cổ phiếu). Giá trị của phần lợi nhuận được trích ra để trả lãi được xác định theo thỏa thuận giữa ban lãnh đạo xí nghiệp và tập thể lao động.

3. Với sự đồng ý của các thành viên tập thể lao động cổ phần của họ (một phần hay toàn bộ) có thể được chi dùng cho việc xây dựng hoặc mua sắm nhà ở hoặc những công trình mang chức năng văn hóa xã hội khác. Khoản chi dùng này không được tính lãi.

Thành viên tập thể lao động có quyền được nhận số tiền cổ phần (giá trị các cổ phiếu) của mình theo thể thức và những thời hạn do nghị quyết liên tịch của ban lãnh đạo và tập thể lao động xác định.

Trong trường hợp giải thể xí nghiệp số tiền cổ phần (giá trị các cổ phiếu) được trả hết cho các thành viên tập thể lao động hoặc những người thừa kế của họ) từ vốn tài sản còn lại sau khi đã thanh toán với ngân sách, các ngân hàng và chủ nợ khác của xí nghiệp.

Điều 26. - Tài sản thuộc công sở Nhà nước.

1. Những tài sản là sở hữu Nhà nước và được chủ sở hữu gắn vào cơ quan (tổ chức) Nhà nước được cấu thành dựa trên ngân sách Nhà nước, thuộc quyền quản lý hàng ngày của cơ quan (tổ chức) đó.

2. Những cơ quan (tổ chức) Nhà nước, được xây dựng dựa trên ngân sách Nhà nước mà trong những trường hợp được các văn bản pháp luật Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị cho phép có thể tiến hành hoạt động kinh tế, được quyền tự định đoạt những thu nhập do hoạt động đó đem lại cùng những tài sản được tạo ra từ thu nhập đó.

3. Cơ quan (tổ chức) Nhà nước phải chịu trách nhiệm về những cam kết bằng các vốn tiền thuộc quyền định đoạt của mình. Trong trường hợp cơ quan (tổ chức) không có đủ kinh phí trách nhiệm đối với những cam kết của nó thuộc về chủ sở hữu nguồn tài sản tương ứng.

 

Chương V. - Sở hữu của các xí nghiệp liên doanh, các công dân, tổ chức và quốc gia nước ngoài.

 

 

Điều 27. - Sở hữu của các xí nghiệp liên doanh.

Các xí nghiệp liên doanh với sự tham gia của các pháp nhân Liên xô và những pháp nhân và công dân nước ngoài được thành lập trên lãnh thổ Liên xô dưới dạng các Hiệp hội cổ phần, các Hiệp hội và tổ chức kinh tế có thể được sở hữu những tài sản cần thiết cho việc thực hiện những hoạt động do các văn bản sáng lập thông qua.

 

Điều 28.- Sở hữu của các công dân nước ngoài.

Những điều khoản của Bộ luật này nói về sở hữu của các công dân Liên xô cũng được áp dụng đối với sở hữu trên đất Liên xô của các công dân nước ngoài, những điều nói về sở hữu kinh tế lao động nông dân và các cơ sở kinh tế lao động khác được áp dụng đối với sở hữu của công dân nước ngoài thường trú ở Liên xô.

 

Điều 29. - Sở hữu của các pháp nhân nước ngoài.

Các pháp nhân nước ngoài được quyền có trên lãnh thổ Liên xô sở hữu bao gồm các xí nghiệp công nghiệp và các dạng xí nghiệp khác, những tòa nhà, công trình kiến trúc và các tài sản khác phụ vụ các mục đích hoạt động kinh tế và những hoạt động khác của họ trong những trường hợp và thể thức được các văn bản pháp luật của Liên xô quy định.

 

Điều 30. -Sở hữu của các quốc gia nước ngoài và các tổ chức kinh tế.

Các quốc gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế có quyền sở hữu trên lãnh thổ Liên xô những tài sản cần thiết cho việc thực hiện các quan hệ ngoại giao, lãnh sự và các quan hệ quốc tế khác trong những trường hợp và thể thức được các hiệp định quốc tế và các văn bản pháp luật của Liên xô và các nước cộng hòa quy định.

 

Chương VI. - Những đảm bảo và bảo vệ quyền sở hữu.

 

 

Điều 31. - Những đảm bảo quyền sở hữu.

1. Nhà nước bảo đảm tính ổn định của các quan hệ sở hữu được xác lập phù hợp với Bộ luật này.

2. Trong trường hợp Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị ra những văn bản pháp luật đình chỉ quyền sở hữu, những thiệt hại, gây ra cho các chủ sở hữu do việc thực hiện những văn bản trên, theo quyết định của tòa án sẽ được Nhà nước Liên xô, nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị tương ứng hoàn bù đầy đủ cho chủ sở hữu.

3. Nhà nước đảm bảo về mặt pháp luật cho các công dân, tổ chức và các chủ sở hữu khác những điều kiện như nhau trong việc bảo vệ quyền sở hữu.

 

Điều 32. - Bảo vệ quyền sở hữu.

1. Chủ sở hữu có quyền đòi tài sản của mình bị người khác chiếm giữ bất hợp pháp chiểu theo luật dân sự của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hòa liên bang và cộng hòa tự trị.

2. Chủ sở hữu có thể đòi hỏi loại trừ mọi sự vi phạm quyền nói trên của mình cho dù những vi phạm đó không đồng nhất với sự đoạt quyền chiếm giữ.

3. Việc bảo vệ quyền sở hữu do Tòa án, Hội đồng trọng tài Nhà nước hoặc Tòa án trọng tài thực hiện.

4. Các quyền ra điều luật này quy định cũng thuộc về người tuy không phải là chủ sở hữu nhưng đang chiếm giữ tài sản để thực hiện quyền tiến hành hoạt động kinh tế đầy đủ, quản lý hàng ngày, chiếm giữ kế thừa đời này qua đời khác hoặc theo những phương thức khác, được pháp luật hay hợp đồng quy định. Người đó được hưởng quyền bảo vệ sự chiếm giữ của mình kể cả trước chủ sở hữu.

 

Điều 35. - Việc bảo vệ các lợi ích của chủ sở hữu khi đình chỉ các quyền của người đó theo những trường hợp của pháp luật quy định.

1. Việc đình quyền sở hữu gắn với quyết định về thu hồi phần đất mà trên đó có nhà cửa những công trình xây dựng khác, các vật kiến trúc hoặc cây trồng thuộc tài sản chủ sở hữu, hoặc một quyết định khác của cơ quan Nhà nước, không nhằm trực tiếp vào việc thu hồi tài sản của chủ sở hữu, chỉ được cho phép trong những trường hợp và thể thức do các văn bản pháp luật của Liên xô, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị quy định, cùng với sự hoàn bù cho chủ sở hữu đầy đủ những thiệt hại do việc đình chỉ quyền sở hữu gây nên.

Trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyết định vô đình quyền sở hữu sẽ không được phép thi hành trừng nào Tòa án Hội đồng trọng tài Nhà nước hoặc Tòa án trọng tài chưa giải quyết song tranh chấp. Trong quá trình xem xét tranh chấp cũng giải quyết luôn tất cả những vấn đề về hoàn bù những thiệt hại gây nên cho chủ sở hữu.

2. Nhà nước chỉ được phép thu hồi tài sản của chủ sở hữu khi áp dụng chế tài đối với tài sản đó theo các cam kết của chủ sở hữu trong những trường hợp và thể thức do các văn bản pháp luật của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị quy định cũng như trong chế độ chưng dụng và tịch thu.

Trong những trường hợp thiên tai, sự biến, dịch bệnh người, động vật và những tình huống mang tính chất bất thường khác, vì lợi ích của xã hội, tài sản của chủ sở hữu có thể bị chưng dụng theo quyết định của các cơ quan quyền lực Nhà nước theo những điều kiện và thể thức do các văn bản pháp luật của Liên xô, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị quy định, có sự trả tiền cho phần giá trị tài sản đó.

Trong những trường hợp được các văn bản pháp luật Liên xô, các nước cộng hòa liên bang, cộng hòa tự trị quy định, tài sản của chủ sở hữu có thể bị trưng thu do quyết định của Tòa án, Hội đồng trọng tài Nhà nước hay một cơ quan (nhà chức trách) Nhà nước có thẩm quyền khác dưới dạng trừng phạt vì hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác (tịch thu tài sản).

 

Điều 34. - Tính phi hiệu lực của các văn bản vi phạm quyền của người sở hữu.

Nếu do việc cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương ra văn bản không phù hợp với Luật mà các quyền của chủ sở hữu và những người khác về chiếm giữ, sử dụng và định đoạt những tài sản thuộc về họ bị vi phạm, văn bản đó sẽ bị xem như không có hiệu lực theo đơn tố tụng của chủ sở hữu hay của đối tượng có quyền lợi bị vi phạm.

Những thiệt hại gây ra cho các công dân, tổ chức và những đối tượng khác do việc thực hiện những văn bản kể trên phải được hoàn bù đầy đủ từ những nguồn kinh phí thuộc quyền định đoạt của cơ quan quyền lực hoặc quản lý tương ứng.

 

Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô

M. Goóc ba chốp

 

Mátxơcơ va, Cremli. 6-3-1990.

(Hồng Trung dịch)

 

 

 

 

 

quyền sở hữu trong điều kiện hoàn thiện

chủ nghĩa xã hội

 

 

(Theo tư liệu Hội nghị toàn Liên bang do Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô tổ chức vào tháng 6/1988 tại 3 venhigôrớg).

Trong việc giải quyết những nhiệm vụ do Đại hội 27 Đảng cộng sản Liên Xô và Hội nghị Đảng lần thứ 19 đặt ra vấn đề hoàn thiện quan hệ sở hữu xã hội chủ nghĩa có một ý nghĩa rất quan trọng. Tính hiệu quả của tấ cả các biện pháp nhằm thay đổi một cách cơ bản hệ thống quản lý đương thời phụ thuộc rất nhiều vào việc các quan hệ ấy có được thiết lập một cách phù hợp với những nhu cầu mới của sự phát triển kinh tế hay không.

Trong khi đó, thực tiễn áp dụng luật về xí nghiệp quốc doanh và acác văn bản pháp quy khác mới ban hành gần đây cho thấy tiềm lực của chế định vẫn chưa được sử dụng hết. Một trong những nguyên nhân đoa là sự thiếu sót của pháp luật hiện hành về quyền sở hữu, các loại pháp luật chỉ thiên về sử dụng các phương pháp hành chính hơn là phương pháp kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Nhiệm vụ của khoa học pháp lý bây giờ là xây dựng một quan điểm rõ ràng về sở hữu trong điều kiện cải tổ, đồng thời phải đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm thay đổi pháp luật hiện hành. Hiện nay vấn đề này còn đang được tranh luận sôi nổi, và chính vì chiếu cố đến phần quan trọng và tính thời sự nóng hổi của nó mà tạp chí "Nhà nước và pháp luật Xô Viết" đã nhiều lần cho đăng các tài liệu khác nhau vè quyền sở hữu. Một trong số những tài liệu đó là chương trình "bàn tròn" về vấn đề này và tư liệu của chương trình đó đã đăng ở số 5 và số 6 trong năm 1988. Như bạn đọc của chúng ta đã thấy, trung tâm bàn luận chương trình "bàn tròn" là vấn đề về mối tương quan về quyền sở hữu của nhà nước và quyền của các xí nghiệp đối với tài sản mà xí nghiệp đang có. Rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Nhưng nhìn chung, các người tham gia chương trình "bàn tròn" cho rằng quan niệm quyền quản lý nghiệp vụ được nghi nhận trong luật là hoàn toàn có thể áp dụng được trong tình hình hiện nay nếu như pháp luật có khả năng đảm bảo cho xí nghiệp thực hiện được các quyền của mình.

Hội nghị khoa học toàn liên bang về quyền sở hữu trong điều kiện chue nghĩa xã hội đã tăng thêm đoọng lực mới cho cuộc tranh luận. Theo thành phần của mình, hội nghị này là cuộc trao đổi tầm cỡ nhất của những nhà luật dân sự trong những năm gần đây. Các nhà khoa học từ 35 trung tâm khoa học của Liên Xô đã tham dự hội nghị.

Khi khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Viện nhà nước và pháp luật thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện sĩ V.N. Kutriaxep đã xác định nhiệm vụ của nó là: Thảo luận tất cả các khía cạnh của vấn đề sở hữu và xây dựng tất cả các kiến nghị cụ thể về các con đường hoàn thiện pháp luật hiện hành cụ thể một tư tưởng mới, hoàn toàn chưa thông dụng trong thực tiễn của chúng ta- tư tưởng xây dựng quan điểm luật chuyên biệt về quyền sở hữu- đã được tham gia thảo luận.

Phạm vi các vấn đề được hội nghị đề cập đến là ruộng đất từ các khái niệm chung đến các vấn đề liên quan đến việc sử dụng quyền sở hữu đối với các khách thể cụ thể. Một số bản báo cáo đã dành cho việc nghiên cứu sở hữu tập thể, sở hữu của công dân hoạt động lao động cá thể. Nhưng trung tâm tranh luận vấn đề vẫn là vấn đề về chủ thể của quyền sở hữu nhà nước và các quyền của xí nghiệp đối với tài sản được giao.

Cuộc bàn luận được bắt đầu từ báo cáo của Sketop (thành phố Matxcơva). Ông ta cho rằng các hình thức thực hiện sở hữu hiện nay đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Điều đó là do, trên thực tế, cơ chế hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý kinh tế hiện nay được hình thành từ những năm 30, và mặc dù cuộc sống đã thay đổi rất lớn nhưng cơ chế đó vẫn chưa theo kịp những chuyển biến đó. Do đó, cần phải từ bỏ những quan điểm truyền thống được hình thành dưới áp lực của lãnh đạo kinh tế và chính trị đã hình thành trước đây.

Trước hết, cần phải có những cơ chế mới để thực hiện sở hữu. Những cơ chế này phải cho phép khắc phục tính thụ động của người lao động, khắc phục tình trạng tách người lao động ra khỏi thành quả lao động của họ. Và hậu quả của cái đó là sự phổ biến một cách rộng rãi những hiện tượng tiêu cực như "đại lãn chờ sung" sự tìm kiếm những thu thập không phải do lao động mang lại. Việc tuyên bố sở hữu thuộc về toàn dân và nhà nước là chủ thể thực hiện sở hữu đó mang lại tính chất tuyên ngôn hơn là tính thực tế. Trên thực tế sở hữu được chiếm hữu và định đoạt bởi một bộ máy không hề chịu trách nhiệm cụ thể về các hành vi của mình.

V.P.Môjô Lin (Mockva) đã thu hút các độc giả bằng việc đưa ra một mô hình quyền sở hữu có cơ cấu phức tạp. Theo ông ta, một tài sản có thể thuộc quyền sở hữu cảu nhiều người và nhẵng người sở hữu ấy có những quyền khác nhau đối với tài sản đó. Trong khi đó, pháp luật hiện hành về các dạng (loại) và hình thức sở hữu không tính đến tất cả các biến tướng của nó, những biến tưứng được sử dụng và só thể được sử dụng trong công cuộc cải cách và điều đó có nghĩa là đã không xây dựng một cơ sở hợp pháp để hình thành và phát triển các hình thức sở hữu mới. Cơ sở kinh tế của xãa hội ta dựa trên hai loại sở hữu- xã hội và cá nhân. Sở hữu Xã hội chủ nghĩa của nhân dân Xô Viết, nhà nước Xô Viết và của các tập thể những người lao động đối với các tư lệu sản xuất và các quỹ phúc lợi, cũng như sở hữu đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu chung của các tổ chức Xô Viết và nước ngoài là sở hữu xã hội. Sở hữu xã hội tồn tại dưới hình thức sở hữu toàn dân đối với đất đai, tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất, nước, rừng, các tư liệu sản xuất được các xí nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp... sử dụng, dưới hình thức sở hữu hạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh, các liuên hiệp, các tổ chức: dưới hình thức sở hữu tập thể, sở hữu của các tổ chức xã hội, sở hữu của các xí nghiệp hỗn hợp được xây dựng dưới sự tham gia của các tổ chức Xô Viết và nước ngoài. Sở hữu cá nhân công nhân - đó là sở hữu của người công dân đối với tài sản có tác dụng thoả mãn những nhu cầu cá nhân cũng như nhu cầu của gia đình họ hoặc là để sử dụng để sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ cho các công dân khác. Khách thể quyền sở hữu cá nhân có thể là các vật phẩm tiêu dùng, các tư liệu sản xuất nhỏ, các tài sản khác được sử dụng làm mục đích thương mại.

Không được đồng nhất sở hữu toàn đân với sở hữu nhà nước với tư cách sở hữu chủ, ngoài nhà nước ra, cần phải có các chủ thể khác nữa- xí nghiệp quốc doanh, các liên hiệp, các tổ chức, còn trong phạm vi quốc gia- các đưon vị hành chính- các nhà nước khác nhau. Như vậy là, nhiệm vụ "nối những nhịp cầu" giữa quyền lợi xã hội, tập thể và cá thể theo ý kiến của Môjô Lin, có thể được giải quyết, nếu như trao cho xí nghiệp quyền hạch toán kinh tế. Hình thức thực hiện vấn đề này chính là việc nêu ra kiến nghị xây dựng quan niệm luật chuyên biệt về sở hữu.

Sau những báo cáo này là những cuộc tranh luận sôi nổi. Trong một số bài phát biểu đã toát lên quan điểm cho rằng quan niệm thống trị từ trước tới nay về quyền quản lý nghiệp vụ đã tự đào thải mình và hiện nay cần phải có những thay đổi cơ bản. V.Ph. Iacốplép (Matxcơva) nhấn mạnh rằng, cần phải tránh những cuộc tranh luận thuân ftuý mang tính chất thuật ngữ. Về tên gọi của quyền của xí nghiệp thì xí nghiệp là những người sản xuất hàng hoá độc lập. Và để cho xí nghiệp có được những quyền này trong thực tiễn, cần phải xoá bỏ những hạn chế hành chính có thể có, sau khi đã xây dựng song những mối quan hệ giữa xín nghiệp với nhà nước (chứ không phải với bộ chủ quản) theo nguyên tắc thuế. Nhà nước, trong khi vẫn nắm giữ khả năng chi phối hoạt động của xí nghiệp (thong qua phạm trù năng lực pháp luật chuyên biệt được hiểu một cách rộng rãi hơn bây giờ) sẽ vẫn có thể định hướng được sự phát triển của nền kinh tế. Đơn đặt hàng của nhà nước trong hình thức hiện nay- đó là con đẻ của thời kỳ quá độ. Sau này chúng sẽ được chuyển thành những đơn hàng thật sự và việc tiếp nhận chúng sẽ được kích thích bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải bằng các biện pháp hành chính. Còn việc trao cho xí nghiệp quyền sở hữu đối với thu nhập của có, trong điều kiện hạch toán toàn bộ, là hoàn toàn hợp lý.

Tư tưởng về các định mức được BaXin (AnmAta) phát triển thêm. Ông ta cho rằng, hiện nay, các định mức đang là tay lái của việc quản lý mang tính chất hành chính- mệnh lệnh, bởi vì chúng không ổn định, được các cơ quan có liên quan tự mình quy định ra. Đối vơi nmhững xí nghiệp làm việc trong những điều kiện như nhau thì phải được xây dựng những định mức như nhau. Các xí nghiệp cần phải được trao quyền tham gia giải quyết vấn đề sử dụng các quỹ tập trung của hộ, tổng cục được tạo ra từ những khoản trích nộp theo định mức. Phạm vi của định mức cần phải được quy định không phải bởi các cơ qun cấp trên, những cơ quan luôn mong muốn nâng cao chúng, mà là các cấp được uỷ quyền chuyen trách. Cần xây dựng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt một nguyên tắc này. Các xí nghiệp chỉ phải thanh toán với các cơ quan nhà nưốc các khoản tiền theo định mức mà thôi. Ngoài các khoản đó ra xí nghiệp không phải nộp bất cứ một khoản tiền nào khác, không phải chuyển giao bất cứ một tài sản của mình nào khác cho bất cứ một ai mà không trên cơ sở ngang giá. U.KH.Kanmưcốp (Xapatốp) cho rằng hiện nay không thể coi xí nghiệp như là cơ quan nghiệp vụ, luận thuyết của nó (cơ quan quản lý nghiệp vụ) đã được sinh ra bởi các phương pháp hành chính - mệnh lệnh. Xí nghiệp đó là sở hữu chủ của tài sản được giao và tài sản dược mua sắm bằng các nguồn thu nhập do tập thể người lao động làm ra. Quan hệ kinh tế về sở hữu chính là sự chiếm hữu các tư liệu sản xuất và kết quả của sản xuất, là sự đối xử đối với chúng như đối xử với cái của mình. Ví dụ như luật về xí nghiệp đã ghi nhận rằng, thu nhập hạch toán kinh tế thuộc quyền định đoạt hoàn toàn của xí nghiệp, được xí nghiệp sử dụng một cách độc lập và không ai có quyền tước đoạt: tập thể những người lao động là người chủ thực sự, có quyền độc lập quyết địng mọi vấn đề về phát triển sản xuất và xã hội. Các dấu hiệu này (và còn các dấu hiệu khác nữa ) thấy rằng, nhà làm luật, với nhiều cách biểu hiện khác nhau đã cố gắng nhấn mạnh sự độc lập hoàn toàn của xí nghiệp trong các vấn đề quản lý tài sản của nó. Ông cho rằng khái niệm quản lý nghiệp vụ đã mất đi ý nghĩa của mình.

V.A.Ôigenuka (Đusanbe) ủng hộ luận điểm của V.P. Môjô Lin về tính phức tạp về cơ cấu của quyền sở hữu. Song, theo ông ta, tính phức tạp về cơ cấu ấy có thể được hiểu theo một nghĩa rộng hơn như một hệ thống các chủ thể thực hiện quyền sở hữu. Các xí nghiệp quốc doanh cũng là những chủ thể thực hiện quyền sở hữu toàn dân. Tập thể những người lao động theo Điều 1 luật về xí nghiệp, cũng sử dụng sở hữu toàn dân như một ông chủ vậy (nói chính xác hơn chỉ sử dụng phần tài sản nó đang chiếm giữ mà thôi). Nhưng chỉ điều đó thôi thì chưa thể hiện nó thành chủ sở hữu được mà nó chỉ mới cho phép nó sử dụng những quyền năng đặc biệt trong việc thực hiện sở hữu toàn dân.

A.Apuskin (Kháccốp) cũng cho rằng mọi ý định hoàn thiện về quyền quản lý nghiệp vụ đều là bảo vệ cái lỗi thời. Đồng thời ông cũng rất thận trọng trong vấn đề có nên trao cho xí nghiệp quyền sở hữu chủ hay không. Cái học thuyết xuất phát từ khái niệm chủ thể duy nhất của quyền sở hữu Nhà nước- Nhà nước và quyền sở hữu hạch toán kinh tế của xí nghiệp, theo ông ta, chẳng qua là một sự thoả hiệp khoa học. Học thuyết kể trên làm sống lại luận thuyết về sở hữu phân tán đã ra đời trong một hệ thống pháp luật hoàn toàn khác. Ông Puskin đưa ra một cách giải quyết như sau: Sở hữu toàn dân cần phải được tồn tại không chỉ dưới hình thức sở hữu nhà nước mà còn dưới hình thức sở hữu của các tổ chức tự quản xã hội chủ nghĩa - những bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị của xã hội Xô Viết. Như vậy là có thể biến các tập thể cụ thể của những người lao động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thành người nắm giữ trên thực tế sở hữu toàn dân. Quan điểm này, theo tác giả, không có nghĩa là "sự chia nhỏ" sở hữu toàn dân, vì rằng nhà nước cũng như các xí nghiệp đều có quyền sở hữu đối với tài sản. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trên thực tế, quan điểm của Puskin cũng chẳng khác quan điểm của Môjô Lin là mấy.

A.M.Kurenôi (Matxcơva) đề cập đến vấn đề về mối tương quan giữa quyền sở hữu và quyền tự quản của tập thể ngườì lao động. "Ông chủ" phạm trù quản lý, phản ánh những quyền hạn thực tế của người lao động như một thực thể người trong việc sử dụng sở hữu toàn dân. Người chủ sở hữu chỉ có thể là toàn thể tập thể lao động, quyền sở hữu không thể bị chia ra thành quyền phân xưởng của từng cá nhân người lao động, mặc dù để thực hiện các nguyên tắc của hạch toán kinh tế nội bộ tài sản có thể chuyển cho chúng. Song, không được cho rằng xí nghiệp hoàn toàn tự trị trong hệ thống kinh tế quốc dân. Nhà nước cần thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với tính hiệu quả của việc sử dụng các tư liệu sản xuất đã được chuyển giao cho xí nghiệp.

Nhiều người tham gia hội nghị không tán đồng quan điểm về việc chuyển giao sở hữu hạch toán kinh tế như một hình thức sở hữu độc lập cho các xí nghiệp. Trong nhiều báo cáo khoa học đã toát lên ý nghĩa cho rằng, mặc dù còn có nhiều hạn chế, quan niệm về quyền quản lý nghiệp vụ hãy còn có thể phục vụ một thời gian dài nữa nếu như chúng ta bổ xung cho nó một nội dung thực tế, nếu như chúng ta bảo đảm cho xí nghiệp thực hiện được các quyền hợp pháp và pháp luật quy định của nó. Tư tưởng đó, đặc biệt được ông Bratus (Matxcơva) diễn tả một cách rõ ràng. Ông nói rằng chúng ta cần phải có thái độ trân trọng đối với di sản sáng tạo của chúng ta, cần phải biết giữ lại những gì được cuộc sống kiểm nghiệm trên thực tế. Nếu như chấp nhận yêu cầu trao cho xí nghiệp quyền của sở hữu chủ, cho dù chỉ đối với thu nhập hạch toán kinh tế thội, thì điều ấy sẽ chỉ dẫn đến sự "phung phí" khối tài sản thống nhất và hậu quả của nó sẽ không thể lường hết được. Ngoài ra, chắc gì bản thân việc công nhận các xí nghiệp là chủ sở hữu đã là phương thuốc vạn năng có thể cưú giúp chúng ta thoát khỏi những khó khăn hiện nay, có thể nâng cao một cách đáng kể hiệu quả sản xuất- kinh doanh? ý kiến này cũng được ông Tônxtôi (Aeninggrag) ủng hộ. Theo ông ta, chúng ta chưa phát triển đều trình độ để có thể công nhận các xí nghiệp là các chủ sở hữu. Sự nhà nước hoá tràn lan đã làm cho con người trở nên thụ động trước lao động, và tình trạng này chắc gì đã có thể khắc phục ngay được bằng một giải pháp pháp lý.

Nhiều nhà ngiên cứu khác đã phê phán quan điểm của ông Môdô Lin về sự phân định sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Ví dụ như A.A. Xáptác (Aêninggrat) và A.L.Macốpxiki (Mokba) cho rằng sở hữu toàn dân- đó chỉ là phạm trù kinh tế- xã hội chứ không phải là phạm trù pháp lý.

V.A.Raxmilôvich (Matxcơva) nói về tính đa nghĩa của thuật ngữ "sở hữu". Thuật ngữ này có thể dùng để chỉ một hệ thống các quan hệ sản xuất của 1 xã hội cụ thể có thể được sử dụng để quy định quan hệ của cá nhân hoặc tập thể đối với tài sản (TLSX và sản phẩm của sản xuất), và đồng thời quy định toàn bộ các quyền dân sự tài sản và đôi khi cả quyền dân sự, phi tài sản nữa. Sở hữu hiểu theo nghĩa phá lý- đó luôn luôn là sự phân biệt giữa "của anh" và "của tôi". Sở hữu như một phạm trù pháp lý "trả lời cho câu hỏi của ai"?, nó luôn luôn cần đến chủ thể của quyền tương ứng. Sở hữu toàn dân tồn tại trên thực tế với sự hiện diện của 1 chủ thể thay mặt cho toàn dân. Tính nhiều chủ thể làm mất đi tính chất toàn dân của nó. Cho nên tính chủ động sáng tạo và sự độc lập về mặt tài sản của các xí nghiệp quốc doanh chỉ có thể được đảm bảo trong phạm vi quyền quản lý nghiệp vụ, mặc dù tên gọi ấy chưa thật chuẩn xác.

M.F.Prônhin (Minxcơ) lưu ý về tính phức tạp của việc phân biệt sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân. Bởi vì, theo Môdô Lin, các quỹ tập trung có mục đích phát triển sản xuất, các quỹ chuyên dùng và các tài sản khác đều thuộc sở hữu nhà nước và được nhà nước sử dụng cho lợi ích của toàn xã hội. ngoài ra, luận điểm của Môdô Lin chưa cho ta thấy rõ cần phải cơ chế như thế nào để thực hiện sở hữu Nhà nước đối với quỹ phúc lợi xã hội và các quỹ chuyên dùng. Rõ ràng rằng, các quyền năng của nhà nước sẽ được thực hiện bằng những cơ quan chuyên trách. Nhưng hình thức pháp lý gì cần (có thể) được sử dụng ở đây?

J.M.Jamengốp (Matxcơva) cho rằng thu nhập hạch toán kinh tế, như đã rõ, được hình thành từ một phần lợi nhuận được trích vào quỹ kích thích kinh tế theo những định mức nhất định, từ quỹ lương. Nếu công nhận quỹ tiêu dùng là sở hữu cảu xí nghiệp quốc doanh, thì trong trường hợp xí nghiệp bị giải thể sẽ xuất hiện rất nhiều sự phiền phức trong việc quyết định vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, nhà ăn, các trại hè của trẻ em. Tất yếu sẽ đạt ra vấn đề về việc bồi thường cho các nhà ở, vườn trẻ... dưới hình thức hiện vật. Thế nhưng, trên thực tế thì điều đó chưa chắc đã làm được. Ông Gribanốt (Matxcơva) nhấn mạnh rằng thiếu sót lớn nhất của hệ thống quản lý kinh tế hiện nay là sự tách rờ nhân dân ra khỏi việc thực thị quyền sở hữu. Sở hữu toàn dân đã không phải là sở hữu Nhà nước mà là sở hữu "của bộ máy". Nhưng lối ra cần phải tìm không phải trong việc chuyển giao cho xí nghiệp quyền của sở hữu chủ mà là trong việc mở rộng quyền cho chúng trong phạm vi phạm trù quản lý xí nghiệp. Sở hữu toàn dân – phạm trù bất di bất dịch. Sự chia nhỏ sở hữu toàn dân chỉ làm khó khăn thêm công tác quản lý nền kinh tế quốc dân mà thôi. Còn đối với luật về sở hữu, thì tư tưởng đó khồng đặc trưng cho pháp luật của chúng ta, mà chúng ta không cần xây dựng một hệ thống mới các luật riêng biệt để thay thế cho các nguyên tắc của pháp luật dân sự Liên Xô và các bộ luật dân sự của các nước cộng hoà hiện đang tồn tại. Các quy phạm về sở hữu cần phải được dung lạp trong các văn bản ấy.

Quan điểm nêu trên về con đường phát triển của pháp luật chúng ta đã được ủng hộ trong nhiều bài phát biểu của đa số những người tham dự Hội nghị. Theo ý kiến của V.V.Luns (Lờvốp), việc hoàn thiện chế định sở hữu chỉ nên thực hiện trong phạm vi "những nguyên tắc của dân luật Xô Viết và các bộ luật dân sự". Còn về quyền sở hữu của các xí nghiệp thì quan điểm của Môrôlin không trả lời được câu hỏi về bản chất quyền của các tổ chức hành chính sự nghiệp và các cơ quan Nhà nước khác không phải là đơn vị hạch toàn kinh tế.

K.E.Torgan (Riga) cũng cho rằng trong diện mạo như hiện nay, quyền quản lý nghiệp vụ không đảm bảo được tính ổn định của các quyền mà Nhà nước dành cho xí nghiệp. Theo ông ta, các khuyết tật này có thể khắc phục bằng cách mở rộng quyền cho xí nghiệp, bằng cách xây dựng nhiều đảm bảo pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các quyền đó. Thuật ngữ "quản lý nghiệp vụ" không "đắt" và ông ta đề nghị thay nó bằng quyền quản lý hạch toán kinh tế hay bằng việc kinh doanh.

Vấn đề quan trọng thứ hai được Hội nghị bàn đến đó là vấn đề sở hữu tập thể. Người đầu tiên nói về vấn đề này là ông Kôzưr (Mátxcơva) ông ta nhấn mạnh rằng, một trong những vấn đề to lớn nhất của chính sách cải cách kinh tế đang tiến hành ở nước ta là sự phát triển sau rộng phong trao hợp tác. Phong trào hợp tác trong sự phát triển của mình, đã dựa trên chế độ sở hữu tập thể, một chế độ sở hữu đã cùng với sở hữu Nhà nước xã hội chủ nghĩa tạo thành nền tảng của hệ thống kinh tế Liên Xô. Sự phát triển của phong trào hợp tác, sự xuất hiện nhiều loại hợp tác mới đã kéo theo sự hình thành nhiều hình thức sở hữu tập thể. Theo mục 2 Điều 3 luật về hợp tác, trong hệ thống hợp tác xã hội chủ nghĩa hoạt động hai loại hình hợp tác: sản xuất và tiêu thụ. Các hợp tác sản xuất thực hiện việc chế tạo sản phẩm hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho các xí nghiệp, cơ quan, các công dân. Hoạt động của chúng dựa trên sự tham ra của các thành viên. Các hợp tác xã tiêu thụ thoả mãn nhu cầu của các thành viên của mình và các công dân khác không qua dịch vụ thương nghiệp này, tiêu dùng và các dạng dịch vụ khác. Sự phong phú của các hình thức phát triển phong trào hợp tác dẫn đến sự phong phú của các chủ thể quyền sở hữu tập thể. Ngoài các hợp tác xã ra, luật (phần 3 Điều 7) còn công nhận các liên hiệp của các HTX là chủ thể của quyền sở hữu tập thể. Như vậy là vi phạm chủ thể của quyền sở hữu tập thể được mở rộng không chỉ theo chiều ngang mà còn cả theo chiều dọc.

L.I.Levitin (Phôrunge) nói về những hình thức mới của hợp tác trong nông nghiệp. Theo Điều 33 luật về hợp tác thì hình thức cơ bản của hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là các nông trang tập thể. Nhưng luật đó và các văn bản pháp luật khác cũng cho phép thành lập ở nông thôn nhiều loại hình hợp tác khác, ví dụ như hội sản xuất và chế biến nguyên liệu nông nghiệp, các HTX thủ công cung ứng - tiêu thụ, tín dụng...

Phần 2 Điều 34 luật về hợp tác quy định rằng các tổ chức công nông nghiệp, các xí nghiệp, các tổ chức khác thực hiện những biện pháp nhằm khuyến khích các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bán nhiều sản phẩm theo đơn đặt hàng Nhà nước. Song cũng không thiều những nỗi no âu có lý do chính đáng về việc nếu thiếu cơ chế pháp lý để thực hiện điều luật này thì đơn đặt hàng Nhà nước sẽ bị biến thành bắt buộc và như vậy thì sự độc lập của các HTX như những đơn vị sản xuất hàng hoá sẽ bị giảm đến mức thấp nhất.

E.N.Gengekhátge (Mátxcơva) cho rằng việc thông qua luật về hợp tác đã đưa đến sự xuất hiện của nhiều hình thức hợp tác hoàn toàn mới có ý nghĩa rất lớn sau này. Cho nên, trong Hiến pháp Liên Xô, Hiến pháp các nước cộng hoà, những nguyên tắc của pháp luật dân sự Xô Viết và các văn bản pháp luật khác cần phải thay thuật ngữ "quyền sở hữu hợp tác xã - nông trang" hay " quyền sở hữu của nông trang tập thể và các tổ chức hợp tác khác" bằng một khái niệm thống nhất: "quyền sở hữu hợp tác xã". Cũng cần phải được bổ sung thêm những quy định về khách thể của quyền sở hữu HTX. Trong sở hữu của các tập thể có thể có bất cứ một loại tài sản nào, nếu là nó cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và mục đích ghi nhận trong điều lệ của nó. Các liên hiệp của các hợp tác xã của có thể có tài sản thuộc sở hữu của mình. Ngoài ra cả hợp tác xã, cả các liện hiệp của các HTX có thể cùng với các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, các tổ chức hợp tác khác chiếm hữu tài sản trên cơ sở sở hữu chung trong sở hữu của các liên hiệp HTX có thể có các ngân hàng các cơ quan bảo hiểm được chúng lập ra. Các cổ phiếu cũng đang đòi được nhắc đến trong hàng ngũ các khách thể quyền sở hữu tập thể.

Aidimốp (Kháccốp) dành cả bài phát biểu của mình cho vấn đề về bản chất của sở hữu đóng vai trò là nền tảng của hoạt động lao động cá thể. Theo ông ta đó là một loại sở hữu độc lập, đảm bảo cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông ta đề nghị đặt tên cho nó là sở hữu lao động cá thể. Sở hữu lao động cá thể, giống như sở hữu cá nhân, điều phụ thuộc vào sở hữu XHCN, bởi vì nền sản xuất hàng hoá nhỏ, trong bất kỳ chế độ xã hội nào, cũng đều lệ thuộc vào phương thức sản xuất thống trị cho nên Nhà nước có thể xác định phạm vi, hình thức hoạt động lao động cá thể, quy định chế độ pháp lý đối với tài sản vốn là nền tảng, là cơ sở của các hình thức hoạt động lao động cá thể đó. Quyền sở hữu lao động cá thể đang trong giai đoạn hình thành, và một số các chế định của nó còn chưa được pháp luật ghi nhận. Ví dụ như cần phải quy định một trình tự đặc biệt về việc kế thừa của nó.

Một số báo cáo khoa học đã giành cho các khách thể cụ thể của việc sở hữu V. N. Xkoblép (Kosi nhốp) nói về việc hoàn thiện các hình thức pháp lý tổ chức thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với đất đai. Nhưng trong quá trình sử dụng nó phát sinh nhiều quan hệ xã hội phức tạp giữa chủ sở hữu đất đai và những tổ chức khác - chủ thể của quyền sử dụng đất. Theo ý kiến của ông Iacốplép, theo bản chất của mình các quan hệ này mang tính chất cho thuê. Người thuê đất là các xí nghiệp nông nghiệp, trong đó có các nông trang tập thể. Nhưng, nên xuất phát từ quan điểm này thì các quy phạm trong luật về hợp rác và trong Điều lệ mẫu của nông trang tập là do những quy phạm cho phép nông trang tập thể cho các tổ chức khác thuê đất trở thành không có cơ sở nữa. Rõ ràng ở đây đã có sự sử dụng đất lần thứ 2. Mà để có được sự cho thuê đất lần thứ hai này thì không chỉ cần đến sự biểu lộ ý chí của người sử dụng đất thứ nhất mà còn cần đến quyết định của Uỷ ban nhân dân tương ứng nữa.

1.K. KRabxốp (neniagrag) cho biết rằng đã bắt đầu quá trình các xí nghiệp (Nhà nước cũng như tập thể) bán cổ phiếu. Hiện nay pháp luật chuyên ngành về sở hữu cổ phần chưa có. Nghị quyết của Xô viết tối cao LiênXô "về trình tự đưa" Luật về hợp tác ở Liên xô "vào hoạt động" (phần1) nói rằng điều kiện phát hành và lưu thông cổ phiếu và các giấy có giá trị khác của các hợp tác xã được quy định bằng thủ tục do Hội đồng bộ trưởng quyết định. Nhưng như chúng ta thất còn cần đến những quy định khác có liên quan đến các tổ chức xã hội và các tổ chức Nhà nước. Rõ ràng hiện tại đang cần đến một sự điều chỉnh pháp luật sâu rộng và đầy đủ, được ghi nhận trong một văn bản như Bộ luật thương mại chẳng hạn.

. V. Cavelépva (Mátxcơva) đề cập đến luận thuyết về sở hữu trí tuệ (sáng tạo). Xuất jiện trong thời đại các cuộc cách tư sản, luận thuyết này phản ánh một bước phát triển của tư duy pháp lý, vì rằng nó đã đặt ngang hàng (đánh đồng quyền đối với các sản phẩm của trí tuệ và quyền đối với các khách thể vật chất. Luật về tác giả và luật về sáng chế phát minh hiện nay được xây dựng trên những nguyên tắc hoàn toàn khác: ghi nhận sự kiện sáng tạo, trao cho tác giả các quyền nhân thân, quy định phạm vi bảo vệ các lợi ích văn hoá, khoa học và các lợi ích khác của xã hội. Luận thuyết luật sở hứuáng tạo là giai đoạn đã trải qua của lịch sử khoa học pháp lý và con đường nâng cao trình độ của Luật Xô Viết về quyền tác giả, về quyền sáng chế phát minh không thể tìm kiếm ở đây được.

Kết quả của hội nghị là việc thông qua một văn kiện quan trọng, trong đó nói rằng việc tiếp tục hoàn thiện xã hội Xô Viết không thể tiến hành được nếu không xoá bỏ những vướng mắc trong lĩnh vự quan hệ sản xuất, nếu không hoàn thiện một cách cơ bản hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu. Để giải quyết các nhiệm vụ này, theo ý kiến của các người tham gia hội nghị cần phải:

1. Cần phải làm chính xác thêm các quy định của Hiến pháp về loại sở hữu và hình thức sở hữu áp dụng cho giai đoạn hiện tại của xãa hội Xô Viết, cụ thể là khái niệm "sở hữu toàn dân" phải được thể hiện về mặt pháp lý trong các hình thức tồn tại sở hữu XHCN khác nhau. Cần phải soạn thảo về mặt khoa học và sự điều chỉnh về mặt pháp lý đối với quan hệ sở hữu của các hội đồng nhân dân, sở hữu công cộng và các loại hỗn hợp của sở hữu nàh nước sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân.

2. Trong khái niệm chung về quyền sở hữu phải tăng cường vị trí của chủ "sở hữu" trong quan hệ với tất cả các tổ chức và công dân, mở rộng khả năng cho sở hữu chủ bảo vệ các quyền của mình.

3. Do những người tham gia hội nghị đề xuất nhiều ý kiến khác nhau về quyền của các xí nghiệp đối vớí tài sản mà nó đang có thấy rằng có thể ghi nhận trong luật sự kết hợp các phương án đó. Mặc dù có sự bất đồng trong các quan điểm đề ra vẫn thấy hợp lý khi ghi nhận trong luật các vấn ddề sau đây:

a) Quyền của xí nghiệp được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình trong phạm vi được luật quy định.

b) Cấm bất cứ cơ quan nhà nước cấp trên nàođịnh đoạt tài sản thuộc sở hữu của xí nghiệp.

c) Mọi sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước và các người có chức có quyền vào hoạt động của xí nghiệp (liên hiệp) mà không được pháp luật trực tiếp cho phép, đều bị trọng tài nhà nước coi là vô hiệu.

d) Sự định đoạt kết quả lao dông của mình- sản phẩm làm ra phải được thực hiện thông qua hợp đồng, kể cả khi có đơn đặt hàng nhà nước.

4. Giữ quyền quản lý nghiệp vụ, với tư cách là hình thức pháp lý của việc trao cho các đơn vị hành chính sự nghiệp tài sản của nhà nước.

5. Việc sửa đổi hiến pháp Liên Xô cần phải tiến hành đồng thời với việc xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Xô Viết trong phần có liên quan đến quyền sở hữu.

6. Trong lĩnh vực sở hữu tập thể chủ yếu nên áp dụng các phương pháp pháp luật dân sự để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

7. Xenm xét lại khái niệm quyền sở hữu cá nhân bằng cách từ boe quan niệm về chức năng tiêu dùng là chủ yếu của sở hữu thuộc công dân, Do vậy, cần phải ghi nhận trong pháp luật sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu cá nhân khác nhau, kể cả sở hữu đối với các công cụ lao dộng được sử dụng trong hoạt động sản xuất. Xây dựng chế độ pháp lý thống nhất đối với tài sản của gia đình công dân, không phụ thuộc vào mối quan hệ của nó với các hình thức sản xuất xã hội.

8. Việc nâng cao trình độ điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ sở hữu trong xã hội XHCN là một điều kiện quan trọng bậc nhất đề thiết lập nhà nước pháp quyền XHCN.

 

 

Anhickina E. B. Brưchépva L.I.

 

 

 

Người dịch: Nguyễn Đăng Huệ

(Phó tiến sĩ - luật kinh tế)

 

 

Sở hữu xã hội trong chủ nghĩa xã hội

-----------

(Bài thứ nhất)

 

Nhiều nhà bác học và chính luận gia Xô Viết khi nghiên cứu vấn đề này, cho rằng xã hội được xây dựng ở Liên Xô là xã hôi XHCN, nhưng theo kiểu "hành chính", "quan liêu", "hình thức", "sơ khai", "trại lính", "phong kiến quân phiệt" v.v....

Có cả một cách nhìn nhận khác - xã hội được dựng lên không phải là xã hội xã hội chủ nghĩa. Quan điểm nói trên đang vấp phải một câu hỏi mang tính khẳng định: phải chăng những người tán thành nó đã quên rằng ở chúng ta nền sở hữu xã hội đối với tư liệu sản xuất từ lâu đã được khẳng đinh và từ lâu đã không còn bóc lột?

Song tôi cho rằng đánh giá một chế độ xã hội là một việc không lên chỉ hiểu theo một nghĩa.

Sự khởi đầu xã hội hoá đã trở thành điểm kết thúc ra sao.

 

Sự khẳng định nền sở hữu xã hội - đó không phải là thứ văn bản xung công cách mạng chỉ ra một lần, mà là cả.

Sự khẳng định nền sở hữu xã hội - đó không phải là thứ văn bản xung công cách mạng chỉ ra một lần, mà là cả một quá trình cực kỳ phức tạp và lâu dài. Thắng lợi của nó đồng nghĩa với sự chiếm hữu liên tục các nguồn của cải xã hội đã và đang được làm ra của những người sản xuất đã được cộng đồng hoá. Diễn ra trong quá trình đưa con người tư một thế giới tự phát và thù định với nó trở về với chính mình. Công hữu hoá (hay xã hội hoá) tư liệu sản xuất - tức là tìm được quyền lực đối với chúng: quyền sở hữu, điều hành và sử dụng chúng chỉ tất cả những cái đó cộng lại mới đảo bảo được tính toàn vẹn của công hữu hoá.

Từ đó thấy rằng sẽ là sớm khi nói về thắng lợi của nền sở hữu xã hội chủ nghĩa khi mới chỉ trả về cho nhân dân quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Các quan hệ về sở hữu nói chúng không thể là những quan hệ dùng để xác định, bởi có thể sử dụng một vật trong khi ta không sở hữu hoặc thậm chí không quản lý nó, hoặc có thể quản lý một vật trong khi không sở hữu nó. Mác đã thường nhấn mạnh rằng quyền sở hữu - đó là phạm trù tối ưu đơn giải nếu đem so sánh nó với nền sở hữu và trong một xã hội phát triển cao hơn "nó có tư cách như một qua hệ đơn giản nhất của một cơ chế phát triển".

Các quan hệ sở hữu đồng thời cũng đã nhận thức hơn cả đối với các tầng lớp quần chúng và dễ thay đổi để làm điều này chỉ cần một quyết định xung công của cách mạng. Bởi lẽ đó mà sau khi hoàn tất nó thường người ta cũng tuyên bố luôn về thắng lợi của nên sở hữu XHCN, có biết đâu những mối quan hệ kinh tế phức tạp hơn còn đang khuất bóng.

Sự hoán vị đã rõ ràng: Nhà nước hoá tư liệu sản xuất trở lên không phải bước khởi đầu mà là điểm kết thúc của công cuộc xã hội hoá. Quá trình phức tạp và dài lâu để thiết lập được quyền lực đối với các điều kiện sản xuất được thay thế bằng lời tuyên bố hình thức nói rằng những người lao động là những người đồng chủ sở hữu tập thể. Quyền sở hữu ở đây bị đánh đồng với quyền sử dụng và quản lý, và không còn chỗ dành cho công cuộc xây dựng các quan hệ về sở hữu, của chúng dường như đã trở lên không cần thiết sau khi đã loại trừ sự xích gần của những hình thức khác nhau. Cái còn lại đằng sau nền sở hữu chỉ còn là đặc trưng mang tính vật chất, vật dụng đó là các nhà máy công xưởng, những cỗ máy cái, nhà máy phát điện và v.v..., những cái cần phải được gìn giữ, bảo vệ, mở mang, phát triển.

Trên thực tế, các quan hệ sở hữu vẫn được duy trì, nhưng bởi không có được những khoảng không cần thiết cho quá trình phát triển XHCN của mình chúng trở thành những mối quan hệ phản xã hội chủ nghĩa trong cái nền kinh "ngầm" ấy, hàng chục tỷ Rúp đang liên tục quay vòng phục vụ quá trình phân phối lại.

Điều đó sẩy ra khi mà những kẻ có nghĩa vụ phục vụ nhân dân lại đứng lên đầu họ, chiếm đoạt về mình đặc quyền quản lý là sử dụng của cả xã hội. Nền sở hữu Nhà nước không tìm được tính chất xã hội, mà lại trở thành nền "đồng sở hữu tư nhân" của những kẻ đang nắm giữ quyền lực và sử dụng nó một cách hầu như không bị giám sát như là một "con bò sữa" phục vụ cho những mục đích khác nhau, trong đó có cả mục đích là giàu cho bản thân. Trò chơi "đồng sở hữu" trở thành bức màn che những hình thức bóc lột bên ngoài quan hệ kinh tế, mà chỉ có thể loại trừ chúng bằng việc làm sống lại cộng cuộc xã hội hoá xã hội chủ nghĩa và phát triển nền tự quản lý của nhân dân trong tất cả mọi lĩnh vực.

Bản chất của dân chủ hoá - sự phân đinh lại các chức năng của nền sở hữu.

Trong chủ nghĩa xã hội tồn tại những hình thức sở hữu đa dạng: cá nhân và xã hội; Nhà nước và HTX; Quốc gia và quốc tế. Có cả những hình thức hỗn hợp, và ở một số nước duy trì lâu dài cả sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Không đi vào bàn luận về nhưng đặc điểm của các hình thức sở hữu nói trên cùng ý nghĩa của chúng, chúng ta thấy rằng trong thời gian qua sự đa dạng của các hình thức sở hữu đã được công nhận là có lợi, được khuyến khích bởi nó giúp cho việc cuốn hút các tầng lớp xã hội khác nhau vào công cuộc phát triển chủ nghĩa xã hội trên nền tảng những lợi ích của họ. Chẳng hạn giờ dây cái quan niệm đã tồn tại lâu nay xem sở hữu hợp tác xã như một hình thức sở hưũ ít chất của xã hội chủ nghĩa, thuộc loại thứ hạng, cần pjải được vực kéo lên thành sở hữu nhà nước- vốn mặc nhiên được công nhận như là sở hữu toàn dân, đã đang được khắc phục. Tuy vậy các quyền nói trên vẫn đang bị hạnchế bởi hàng loạt vô số những chỉ thị các loại. Các bộ cho đến nay vẫn đang cố duy trì chế độ tập trung kiểu bộ ngành bằng cách độc chiếm tất cả các chức năng của nền sở hữu ở tất cả các cấp (từ phân xưởng cho đến tổng cục). Họ không mấy hăng hái bước vào việc phân lại các quyền sở hữu theo hướng có lợi cho các xí nghiệp hạch toán kinh tế. Nhiều bộ ngành đx không đủ dũng cảm tự nguyện hạn chế mình ở cấp các xí nghiệp (liên hiệp)- chỉ là người sở hữu những quyền của những cơ quan được lập nên. Sự tuỳ tiện của quyền lực tuyệt đối trong các quan hệ sở hữu kéo dài suốt nhiều thập kỷ đã quá sâu gốc bền rễ. Thực tiễn trày trật của việc áp dụng luật về xí nghiệp (liên hiệp) XHCN đang khẳng định rõ ràng điều đó: nhiều tập thể lao động vẫn như trước đang lệ thuộc hoàn toàn vào các cấp lãnh đạo "bên trên".

Cần phải thừa nhận rằng sở hữu nhà nước- đó chỉ là 1 tiền đề của sở hữu xã hội. Nhờ vào tính chất tổng thể, nó mang trong mình khả năng tiếp tục xã hội hoá lao động cũng như cả khả năng xa rời quá trình đó thông qua bộ máy quyền lực quan liêu. Mác đã lường trước điều này khi chỉ ra "nguy sơ thường xuyên của việc nhà nước độc chiếm quyền thống trị giai cấp". Ph. Enghelx, khi gọi nhà nước hiện đại là "nhà tư sản cộng đồng lý tưởng", đã cho rằng sự khẳng định sở hữu nhà nước trong tiến trình cách mạng không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản mà chỉ mang trong nó một phương tiện có tính hình thức, một khả năng để giải quyết mâu thuẫn ấy.

 

 

 

(Hồng Trung dịch)

 

Vichtor Kixialép

 

Phó tiến sĩ triết học (APN)

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở hữu xã hội trong chủ nghĩa xã hội.

 

--------------

 

(Bài thứ hai)

 

Tiến tới một cách tổ chức quyền lực nhà nước mới.

Công cuộc xã hội hoá TLSX, như ta thấy phụ thuộc vào sự tổ chức quyền lực nhà nước, một thứ quyền lực luôn luôn ngả theo hướng quan liêu, theo những phương pháp quản lý chỉ huy- mệnh lệnh, hành chính hoá. Và nền tảng khách quan của xu hướng nói trên- đó là sở hữu nhà nước đối với TLSX.

Những cuộc cải tạo cách mạng và sự khẳng định của nhà nước với tư cách một người chủ sở hữu toàn quyền đã làm nảy sinh sự thống nhất xã hội không thông qua thị trường, mà thông qua hệ thống chính trị của toàn xã hội. trong trường hợp nói trên các quan hệ chính trị trở thành những nhân tố mang tính xác định, thống trị, và vấn đề những quan hệ qua lại giữa chính quyền, tức là những người đại diện cho toàn thể xã hội nói chung, và những người lao động cùng với các tập thể của họ trở nên mâu thuẫn cơ bản của quá trình phát triển xã hội. Những người lãnh đạo và có nghĩa vụ phải phục vụ các lợi ích của xã hội (và ở họ lại có những cung bậc lợi ích riêng của mình: bộ, ngành, địa phương và v.v..., tuỳ thuộc vào phạm vị hoạt động) đều muốn củng cố lại vai trò của mình. Bởi vậy mà việc phân định lại các chức năng sở hữu (từ đó- cả các quan hệ quyền lực), làm phong phú nội dung của chúng, sự giám sát về mặt kinh tế (với sự giúp đỡ của các quan hệ hàng hoá- tiền tệ) đối với bộ máy quyền lực tính hiệu quả của nó- đó là không có gì khác là bản chất của quá trình dân chủ hoá xã hội mới. Nảy sinh một nghịch lý: quá trình chính trị hoá tất cả các quan hệ xã hội đã làm triệt tiêu chẳng những một nền chính trị đích thực, đã dẫn nó tới chỗ tuỳ tiện và chủ nghĩa duy ý chí của 1 số người và sự vô chính trị của 1 số khác, mà còn không cho phép áp dụng những phương pháp kinh tế vào trong quản lý. Nhiều nước sau khi đã đạt được những thành quả nhất định trong giai đoạn khởi đầu công cuộc xây dựng CNXH nhờ nhiệt tình cách mạng của quần chúng, nhờ vào những giá đắt phải trả cho việc tập trung các nguồn sức mạnh, đã phải đứng trước 1 sự lựa chọn: hoặc là tăng cường sự cưỡng bức ngoài kinh tế, hoặc là sử dụng các cơ chế thị trường, khôi phục lại quá trình xã hội hoá TLSX. Những cuộc cải cách tại phần lớn các nước này đang cho thấy sự lựa chọn của họ ngả về phương án thứ hai.

Một khi quá trình xã hội hoá còn chưa hoàn tất (nó mới bước dược những bước đầu tiên), sự cần thiết phải sử dụng rộng rãi các mối quan hệ hàng hoá tiền tệ là điều dễ hiểu. Chỉ với sự giúp đỡ của chúng mới có thể thực hiện được sự giám sát về kinh tế đối với hiệu quả hoạt động của tất cả các cấp, các khâu của bộ máy quyền lực, có nghĩa là áp dụng phương thức hạch toán kinh tế cả với chúng,. Để đấu tranh với thói quan liêu, với các khuynh hướng "tiếm quyền" của bộ máy quản lý thì đó là phương pháp hữu hiệu hơn cả. Tất nhiên, điều này không thể không vấp phải sự bất bình và thậm chí, sự chống đối từ phía bộ máy đó, một khi lâu nay đã không tồn tại sự giám sát kinh tế như vậy. Chính đây là ngọn nguồn của nhưng mâu thuẫn giữa các tập thể xí nghiệp và các cấp kế hoạch hoá và quản lý bên trên nảy sinh cùng với các cuộc cải cách đang được tiến hành tại các nước XHCN.

 

Tính chất của sức lao động.

Cần phải hiểu ra sao về tính chất hàng hoá của sức lao động trong XHCN? Rõ ràng là nó cũng không mất đi cùng với việc thủ tiêu các giai cấp bóc lột truyền thống mà vẫn được duy trì.

Có cảm tưởng răng quan điểm trên không có sức thuyết phục cho lắm, một khi những người lao động không bị tách rời hoàn toàn khỏi TLSX (tất cả đều là những đồng sở hữu), tất cả mọi người trong phần lớn các nước này đều được đảm bảo công ăn việc làm, việc trả công lao động diễn ra không chỉ trong những khuôn khổ giá trị của nó mà còn được các quỹ phúc lợi xã hội bổ xung nữa.

Song phải chăng lại có thể coi thường sự khác biệt khách quan giữa các lợi ích nhà nước, nhóm giới và cá nhân, xem thường sự đa dạng và những đụng độ giữa chúng,các quan hệ làm thuê giữa những người làm công ăn lương và nhà nước, xem thường nguyên tắc trả công lao động tiền trên cơ sở quy luật giá trị, bỏ qua quy luật cạnh tranh đang phát triển giữa những người lao động. Tiếc rằng tất cả những cái nói trên đã không được khích lệ và tính toán một cách đầy đủ trong suốt chiều dài lịch sử của chủ nghiã xã hội.

Một giáo điều phổ biến: trong chủ nghĩa xã hội sức lao động đã không còn là hàng hoá nữa - lấy tiền đề từ phân tích của Mác và Engen phân tích chủ nghĩa xã hội về nguyên tắc như một nền sản xuất phi hàng hoá. Thậm chí cả những bác học đã từng định bằng cách nào đó nản tránh điều này cũng không giữ được sự nhất quán. Chẳng hạn trong khi thừa nhận sở hữu cá nhân của người lao động đối với sứ lao động trong chủ nghĩa xã hội, họ đã khẳng định như một tiền đề rằng người lao động đồng thời còn là những "đồng chủ sở hữu" đối với các tư liệu sản xuất đang được sử dụng. Những vấn đề cũng lại ở chỗ các chức năng sở hữu được phân định không như nhau xét trên góc độ kinh tế và pháp lý. Chẳng hạn, mỗi người lao động - chủ sở hữu toàn vẹn sức lao động của mình nhưng lại không toàn vẹn, và thường là trên hình thức, đối với tư liệu sản xuất, không có một thứ quyền căn bản nào trong việc quản lý và sử dụng chúng. Điều đó ít nhất cũng đã tồn tại cho đến mãi gần đây.

Người chủ sở hữu toàn vẹn tư liệu sản xuât - đó là Nhà nước. Giữ người lao động và Nhà nước (mà đại diện là ban lãnh đạo xí nghiệp vậy là xuất hiện các quan hệ thuê - làm thuê, và chúng không thể không được phản ánh dưới hình thức các quan hệ hàng hoá. Nhân thể cũng xin nói, nếu như một người không bán sức lao động - điều đó có nghĩa anh ta không có yêu cầu về chuyện đó: anh ta hoặc là người chủ toàn vẹn của tư liệu sản xuất, hoặc đã bị tước đoạt quyền này bởi các công cụ điều chỉnh không mang tính kinh tế. Chẳng hạn, sức lao động của anh ta đã bị một ai đó (chứ không phải anh ta) sắp đặt và tổ chức từ trước. Trong trường hợp như vậy người lao động đã bị tước đoạt thậm chí cả việc tự do bán sức lao động của mình và thay vào đó là một "chế độ bảo hiểm kiểu trại lính". Thừa nhận tính chất hàng hoá của sức lao động - đó là sự thừa nhận trình độ xã hội hoá đã đạt được trên thực tế trung thực thừa nhận tính chất làm thuê của lao động - điều đó cũng có nghĩa là bắt buộc phải thừa nhận quyền tự do lựa chọn việc làm, đặc biệt trong điều kiện tồn tại những hình thức sở hữu khác nhau, là truyền cảm trong lĩnh vực này tư các phương pháp hành chính - mệnh lệnh sang các phương pháp kinh tế.

Đại diện cho toàn xã hội, Nhà nước theo đúng nghĩa của nó là tấm gương phản chiếu các lợi ích xã hội. Vì thế chỉ thông qua sự liên hệ với nó các thành viên của xã hội mới có thể bộc lộ mình như những người chủ sở hữu. Nhà nước tập trung trong tay nó không chỉ tư liệu và sản phẩm của sản xuất màm còn cả một phần căn bản lợi nhuận do người lao động làm ra, và hầu như các điều kiện lao động và sinh hoạt của con người. Nếu bản thân những người lao động không tham gia vào quá trình quản lý (điều hành và sử dụng các nguồn dự trữ khi đó, nói theo cách nói của Mác, họ sẽ có thái độ đối với những gì do mình làm ra không như những điều kiện do sự giầu có của mình mà như những điều kiện để làm giàu cho kẻ khác và đem lại sự bần cùng cho chính họ.

Và cái đó cũng làm nảy sinh mối quan hệ tương ứng đối với Nhà nước và với sở hữu của nó: Từ chỗ làm việc tồi, thu mình vào cuộc sống cá nhân thuần tuý - đến chỗ ăn cắp, nhận hối lộ, lạm dụng chức quền. Đương nhiên, nguyên nhân của các hiện tượng nói trên không đồng nhất, những trong số chúng có cả những phạm vi thô bạo nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đang dẫn tới cái công thức "chúng ta và họ", đến sự đối định và thậm chí là những cuộc xung đột giữa lãnh đạo và những nguời bị lãnh đạo. Sự cần thiết phải có những cải cách chính trị cũng là từ đấy.

Quá trình xã hội hoá các điều kiện lao động nói chung không thể hoàn tất được một cách dứt điểm, bởi lẽ các quan hệ sở hữu luôn được tái sản xuất và phát triển bởi những thế hệ con người mới. Khẩu hiệu "nhiều chủ nghĩa xã hội hơn nưa!" trước hết có nghĩa là quá trình tiếp tục công cuộc xã hội hoá, là quá độ chuyển giao dần dần công tác quản lý, điều hành tư liệu sản xuất cho người chủ thực sự của nó là nhân dân. Bộ máy quyền lực cùng với đạo quân quan chức nhiều triệu của nó cần phải được không đơn thuần là giút gọn mạnh mẽ mà còn phải được đặt vào sự lệ thuộc trực tiếp về mặt kinh tế bởi những người mà nó đang quản lý.

 

 

 

 

(Hồng Trung dịch)

Victor Kixielép

Phó tiến sĩ triết học (APN)

 

"Về một số thay đổi trong pháp luật

về sở hữu nhà nước ở liên xô và Hunggari"

----------------------

 

 

Người viết: Bùi Thị Mai Lan

 

Vụ pháp luật Bộ Tư pháp

 

Hiện nay yêu cầu sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều chỉnh quan hệ sở hữu nói chung, sở hữu nhà nước nói riêng đang được đặt ra nhằm giải quyết vấn đề làm sao để sử dụng tài sản của nhà nước một cách hợp lý và đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển một nền kinh tế sản xuất hàng hóa nền kinh tế thị trường có điều tiết đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại một số phương pháp pháp lý đã sử dụng từ trước đến nay khi điều tiết quan hệ sở hữu, xem xét khả năng ứng dụng những phương pháp pháp lý khác vào lĩnh vực này.

ở các nước nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước kia quan hệ sở hữu được điều chỉnh bằng nhiều phương pháp pháp lý khác nhau, đặc biệt phương pháp hành chính - nhà nước đã được sử dụng nhiều hơn phương pháp pháp lý dân sự. ở nước ta việc điều tiết sở hữu nhà nước cũng lâm vào bối cảnh tương tự, thậm chí còn chưa được nhìn nhận rõ dưới góc độ của quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Phần nghiên cứu dưới đây trình bày kinh nghiệm của một số nước như : Hungari - Liên Xô và một số nước khác trong việc sử dụng phương pháp pháp lý nhân sự, trong việc điều chỉnh quan hệ sở hữu nhà nước và một số thay đổi trong thời gian gần đây.

 

I.- Đặc điểm điều chỉnh quan hệ sở hữu bằng luật pháp dân sự.

 

1. Quyền sở hữu là một chế định pháp lý rất quan trọng bởi vì mọi nhu cầu về vật chất suy cho cùng đều được đáp ứng nhờ có tài sản - đối tượng của sở hữu. Các quy phạm về quyền sở hữu không chỉ nằm trong các luật khác nữa. Điều này đặc biệt rõ đối với quyền sở hữu nhà nước. Sở hữu được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự ở những khía cạnh mang hình thức hàng - tiền hoặc phát sinh do sử dụng hình thức này, nói khác đi sở hữu được luật Dân sự điều chỉnh thông qua các khái niệm quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt.

2. Mặt khác các quan hệ tài sản được điều chỉnh bằng phương pháp pháp lý dân sự đều xuất phát từ quan niệm mỗi một thành viên tham gia quan hệ tài sản đều có tài sản riêng biểu hiện dưới các hình thức khác nhau và do đó độc lập với nhau trong quan hệ.

3. Vì vậy Luật Dân sự của các nước như Hungari - Liên Xô đều giải quyết vấn đề của cải, tài sản trong xã hội là của ai và giới hạn mà người chủ sở hữu được làm đối với tài sản của họ.

4. Luật Dân sự của Liên Xô và của Hungari đều coi sở hữu nhà nước là một hình thức của loại sở hữu xã hội hay sở hữu xã hội chủ nghĩa (khác với loại sở hữu cá nhân, sở hữu công dân hay sở hữu tư nhân) (điều 93 Bộ luật Dân sự Liên Xô năm 1964, điều 89 Bộ luật Dân sự Hungari năm 1970).

5. Điểm đặc biệt là trong những năm gần đây các nước xã hội chủ nghĩa không phân biệt sở hữu theo tiêu chuẩn về mặt "chính trị" nữa, không có sở hữu xã hội chủ nghĩa và sở hữu không xã hội chủ nghĩa. Luật về sở hữu của Liên Xô ngày 6/3/1990 không dùng tính từ CNXH đối với sở hữu nhà nước nữa.

6. Luật Dân sự điều chỉnh quan hệ sở hữu nói chung, sở hữu nhà nước nói riêng thông qua việc xác định thẩm quyền của chủ sở hữu đối với vật của mình; thẩm quyền của các thành viên tham gia quan hệ dân sự đối với vật không phải của mình. Về nội dung này pháp luật dân sự của Liên Xô không quy định chi tiết bằng luật pháp của Hungari kể cả luật về Sở hữu mới ban hành ngày 6/3/1990. Theo chúng tôi kinh nghiệm của Hungari giúp chúng ta đi sâu hơn vào bản chất của quyền sở hữu và do đó có thể sử dụng phương pháp dân sự để thay cho việc đưa ra các quy phạm mang tính mệnh lệnh hành chính trước đây trong việc sử dụng định đoạt tài sản của nhà nước.

Theo luật Dân sự của Hungari chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, quyền dùng và thu lợi, quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Song song với việc quy định các quyền năng của chủ sở hữu luật pháp cũng quy định một số hạn chế đối với việc thực hiện quyền sở hữu. chủ yếu những hạn chế này liên quan đến sở hữu đất đai bởi vì ở Hungari đất đai có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hay tư nhân do đó có những trường hợp phát sinh mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và lợi ích của nhà nước hoặc chủ sở hữu nhà nước với lợi ích của công dân. Để giải quyết mâu thuẫn này ở Hungari đã sử dụng chế định Cepbutyc. Chủ sở hữu phải chịu những địa dịch, có nghĩa là quyền chiếm hữu của mình bị hạn chế, phải để cho người khác sử dụng tạm thời bất động sản...(đất) và sẽ được đền bù. Như vậy nội dung của quyền sở hữu không phải chỉ hoàn toàn là quyền mà còn bao hàm cả các nghĩa vụ mà chủ sở hữu phải thực hiện (Điều 108 Bộ luật Dân sự Hungari năm 1970).

7. Các căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu nhà nước cũng được đặt trong hệ thống các căn cứ trung để thủ đắc quyền sở hữu. Chương 11 Bộ luật Dân sự Hungari, Chương 11 Bộ luật Dân sự Liên Xô nêu lên các phương pháp thủ đắc quyền sở hữu như phương pháp chuyển nhượng, thủ đắc quyền sở hữu theo quyết định của cơ quan nhà nước hay bằng bán đấu giá, thủ đắc quyền sở hữu bằng thời hiệu, quyền sở hữu đối với hoa quả, cây con, quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản bị thất lạc được tìm thấy, sản phẩm chế biến lại hay cải tạo lại. Về nguyên tắc các quy định này cũng áp dụng cho quyền sở hữu nhà nước, những gì không áp dụng cho quyền sở hữu nhà nước cũng được quy định ngay trong luật. Đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước (trừ những động sản là vật dụng thông thường) không áp dụng chế độ thủ đắc sở hữu bằng thời hiệu (Điều 121 Bộ luật Dân sự Hungari). Luật Dân sự của Liên Xô không công nhận thời hiệu là một căn cứ thủ đắc quyền sở hữu vì luật Liên xô cho rằng không có truyện chiếm giữ tài sản chung chung mà bao giờ việc chiếm giữ cũng phải dựa trên căn cứ pháp lý nào đó.

Luật Dân sự của Hungari còn quy định nhà nước có thể trở thành sở hữu chủ trong trường hợp có quyết định của Tòa án hay của một cơ quan có thẩm quyền mà không phải đền bù gì cho chủ sở hữu cũ. Tuy nhiên Luật cũng quy định trong trường hợp ấy nhà nước chủ sở hữu mới phải gánh chịu trách nhiệm trong giới hạn trị giá tài sản vừa được nhận đối với các nghĩa vụ của chủ sở hữu cũ, có vào thời điểm chuyển thủ đắc quyền sở hữu (Điều 120 Bộ luật Dân sự Hungari). Theo chúng tôi quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong lưu thông hàng hóa hiện nay, nó đảm bảo bảo vệ lợi ích của người thứ ba trong những trường hợp phải can thiệp bằng biện pháp hành chính - Nhà nước và quan hệ dân sự.

8. Việc điều chỉnh thống nhất các căn cứ xác minh quyền sở hữu và nội dung quyền sở hữu trong pháp luật của Liên xô và Hungari cho ta thấy rõ một quan niệm cơ bản đặt sở hữu nhà nước ngang hàng với các hình thức sở hữu khác, tạo ra vị trí pháp lý bình đẳng giữa các chủ sở hữu với nhau, giải quyết những cái chung cho cái riêng, và quan trọng hơn là để thấy sở hữu nhà nước vận hành không tách rời các sở hình thức sở hữu khác mặc dù có những đặc điểm riêng.

Chúng tôi thấy rằng kinh nghiệm này có thể sử dụng được để thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần nêu ra tại đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 6 và được bổ sung thêm bằng Nghị quyết TW lần thứ 6 Đảng cộng sản Việt Nam.

 

II.- Phân định thẩm quyền đối với vật (tài sản) giữa chủ sở hữu và các chủ chiếm hữu hợp pháp khác trong luật Dân sự :

 

1. Đối với sở hữu nhà nước việc phân định này được đặt ra xuất phát từ yêu cầu khách quan trong cơ chế thực hiện sở hữu nhà nước.

2. Việc phân định thẩm quyền giữa nhà nước - chủ sở hữu nhà nước với các xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức ngân sách nhà nước điễn ra theo cơ chế: nhà nước giao tài sản cho xí nghiệp. Theo Điều 31 Bộ luật dân sự Hunggari xí nghiệp thực hiện quyền tự chủ quản lý đối với tài sản được giao đó ngay từ năm 1970 (thời gian ban hành Bộ luật dân sự) Hunggari đã có quan điểm rõ ràng hơn với các nước xã hội chủ nghĩa khác về quyền hạn của các xí nghiệp, cơ quan được giao tài sản của Nhà nước để hoạt động. Điều176 Bộ luật dân sự Hunggari quy định: khi thực hiện các nhiệm vụ của mình các xí nghiệp, cơ quan đó thực thi các quyền trong khuôn khổ quan hệ pháp lý dân sự và thi hành các nghĩa vụ đưọc phát minh từ các quan hệ đó của người chủ sở hữu.

3. Theo luật dân sự của Hunggari thì quyền của xí nghiệp chính là quyền làm chủ nói trong chương 16 Bộ luật dân sự Hunggari. Như trên đã trình bày, luật dân sự Hunggari coi chiếm hữu là một quyền năng của chủ sở hữu và khi chủ sở hữu cần bảo vệ quyền sở hữu của mình thì có thể sử dụng các phương thức quy định riêng cho từng loại sở hữu. Mặt khác chúng ta đều biết có thể có những trường hợp có quyền chiếm hữu nhưng lại không phải là chủ sở hữu. Luật dân sự của Hunggari đã điều chỉnh vấn đề này thành riêng một chương chế định về chiếm hữu. Để tạm phân biệt với chiếm hữu, mộy trong các nội dung quyền sở hữu ta có thể gọi quyền đó là quyền làm chủ. Quyền làm chủ này cũng được nói đến trongluật dân sự của các nước tư bản chủ nghĩa. Nội dung chủ yếu của chế định này là vấn đề bảo vệ quyền làm chủ (chiếm hữu) hay nói khác đi bảo vệ quyền chủ quyền của người chiếm hữu hợp pháp. Việc pháp luật quy định phương thức bảo vệ chủ quyền của người chiếm hữu hợp pháp nhằm mục đích trực tiếp là đảm bảo tính ổn định của lưu thông dân sự nói chung và rông hơn là lưu thông kinh tế làm giải toả nhanh chóng các cản trở trong việc đưa tài sản vào lưu thông. Ví dụ việc chứng minh cơ sở pháp lý chủ quyền của người chiếm hữu đơn giản hơn là việc chứng minh ai đó đích thực là chủ sở hữu.

4. Như vậy việc phân định thẩm quyền giữa nhà nước chủ sở hữu với các xí nghiệp, cơ quan đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước có thể được xác định thông qua cơ chế pháp lý bảo vệ chủ quyền của người chiếm hữu hợp pháp. Sử dụng cơ chế này xí nghiệp quốc doanh có thể trở thành một bên trong vụ kiện dân sự nhằm bảo vệ quyền tài sản của mình trước sự xâm phạm của người khác, thậm chí cả đối với sự can thiệp không đúng mức của chủ sở hữu.

5. Liên Xô trước đay sử dụng cơ chế "quyền quản lý tác nghiệp" đẻ nói về quyền tài sản của xí nghiệp. Ngày nay theo luật sở hữu mới ban hành ngày 6-3-1990 đã không dùng khái niệm đó nữa mà thay bằng quyền "dùng vốn tài sản" của mình cho hoạt động kinh tế toàn phần xí nghiệp, được quyền sở hữu, sử dụng và quản lý những tài sản đó, tuỳ ý thực hiện chúng với bất kỳ hành vi nào không trái pháp luật, gắn với quyền được hoạt động kinh tế toàn phần là các quy định về quyền sở hữu nếu các văn bản pháp lý của Liên bang CHXHCN Xô Viết, các nước cộng hoà liên bang, cộng hoà tự trị không có những quy định khác (điều 24 Luật sở hữu của Liên Xô ngày 6-3-1990).

Như vậy so với nội dung quyền quản lý tác nghiệp trước đây quyền tài sản của xí nghiệp quốc doanh đã được nhìn nhận qua lăng kính của quan hệ hàng tiền, đối với tài ản được giao xí nghiệp quốc doanh có thẩm quyền như người chủ sở hữu và không phải là trong phạm vi pháp luật quy định như điều 92 Bộ luật dân sự Liên Xô năm1968 đã nói mà có thể làm bất kỳ hành vi nào không trái pháp luật.... Phạm vi thẩm quyền bây giờ rất lớn, phương pháp và nghĩa vụ chứng minh thẩm quyền trong trường hợp tranh chấp với chủ sở hữu và nghĩa vụ chứng minh hoàn toàn ngược lại so với trước.

Bây giờ Nhà nước chủ sở hữu chỉ giữ lại cho mình quyền quyết định việc thành lập hay giải thể xí nghiệp, xác định mục tiêu hoạt động cho xí nghiệp, giám sát hiệu quả sử dụng và tình trạng tài sản (điều 24 luật sở hữu Liên xô)

6. Theo luật sơ hữu của Liên Xô ngày 6/3/1990 và Luật về Hiệp hội kinh doanh của Hunggary năm 1988 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/1989) thì các loại công ty khác nhau. Ví dụ theo luật về Hiệp hội kinh doanh của Hunggary có thể có khác hình thức công ty sau: Công ty trách nhiệm vô hạn; công ty vô danh, liên hiệp kinh doanh, xí nghiệp liên doanh công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Khi chuyển thành công ty như vậy thì quyền hạn của chủ sở hữu Nhà nước sẽ được giới hạn tương đương với mức vôn mà Nhà nước góp. Bằng cách này luật pháp đã đưa ra một cách thức xác định về lượng thẩm quyền của chủ sở hữu Nhà nước đối với tài sản giao cho người khác quản lý. Mặt khác việc thành lập hay chuyển các xí nghiệp của Nhà nước thành hình thức công ty nói lên việc tách quyền quản lý ra khỏi quyền sơ hữu, từ quyền sở hữu đối với vật chuyển thành quyền sở hữu đối với trị giá của vật. Quá trình này đều đã diễn ra ở các có nền kinh tế thị trường phát triển, bắt đầu xuất hiện ở Hunggary và ở Việt Nam.

7. ở Hunggary sau khi ban hành luật về Hiệp hội kinh doanh có một số cơ sở kinh tế quốc doanh được chuyển thành công ty cổ phần, chủ yếu mới là các xí nghiệp làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán, các xí nghiệp trong ngành thương nghiệp và ngoại thương; quá trình này ở Hunggary sau một năm thực hiện luật nói trên cũng đã bộc lộ một số nhược điểm chẳng hạn như phát hành cổ phiếu rộng rãi nhưng không phải ai cũng mua được có một số người lợi dụng chức vụ quyền hạn mua vét phần lớn các cổ phần giá rẻ để đầu cơ do đó Nhà nước đã phải lập hẳn một cơ quan kiểm soát việc chuyển các xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần và việc bán cổ phần của các xí nghiệp quốc doanh.

8. Với xu hướng này quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu Nhà nước chuyển thành quyền của các thành viên công ty; thẩm quyền của các chủ sở hữu đối với tài sản cảu mình chuyển thành thẩm quyền của đại hội đồng. Với tư cách là chủ sở hữu quyền của Nhà nước đối với các xí nghiệp quốc doanh chuyển thành công ty sẽ gần giống như quyền của các chủ sở hữu đối với công ty tư nhân quyền quyêts định chiến lược phát triển và kiểm tra giám sát hoạt động của công ty.

Tất nhiên cái chính vẫn là làm sao để chủ sở hữu Nhà nước có thể thực hiện được các quyền đó.

9. Từ xu hướng phát triển của luật pháp Liên Xô và Hunggary trên đây ta thấy rõ xu hướng chuyển biến cảu sở hữu Nhà nước ở các nước đó. ở nước ta hiện nay vấn đề này đang được đặt ra trong khôn khổ cảu việc cải tiến quản lý xí nghiệp quốc doanh.

10. ở các nước tư bản chủ nghĩa - nơi đã thực hiện việc chia tách quyền quản lý định đoạt tài sản với quyền được hưởng lợi ích từ tài sản ra theo kiểu nói ở mục B trên đây đã được ra một số cơ chế giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa việc thực hiện quyền của công ty và quyền của chủ sở hữu vốn. Mục tiếu chủ yếu của chính sách đó là nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu vốn chống độc quyền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Như vậy theo chúng tôi, nếu định áp dụng cơ chế chuyển xí nghiệp quốc doanh thành các loại công ty thì về mặt luật pháp cũng phải nghĩ ngay đến việc lập một cơ chế pháp lý đảm bảo cho lợi ích của Nhà nước. Cơ chế đó có thể nằm dưới dạng một trái vụ theo khái niệm của dân luật: hợp đồng lập hội, hợp đồng hiệp tác. Các dạng hợp đồng này đã được đề cập đến trong Bộ luật dân sự Hunggary, Bộ luật dân sự nước Cộng hoà Liên Bang Nga năm 1924 và Bộ luật dân sự Liên Xô.

11. Từ kinh nghiệm lập pháp trên đây về mặt khoa học pháp lý chúng tôi nhận thấy khoa học pháp lý dân sự cần được nghiên cứu rất cơ bản để thấy rõ sự chuyển biến từ qun hệ dân sự sang quan hệ thương mại như thế nào và việc sử dụng các phương pháp dân sự khi điều chỉnh quan hệ thương mại. Chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp đó mới đem lại hiệu quả thiết thực trong việc điều tiết các quan hệ kinh doanh- thương mại.

 

III.- Điều chỉnh bằng pháp luật sở hữu Nhà nước về đất đai.

 

1. Luật dân sự Hunggari quy định những nguyên tắc chung về việc sử dụng đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Trước hết việc đặt các quy định này trong luật dân sự thể hiện quan niệm dùng đất, sử dụng đất là một quyền tài sản của công dân hoặc pháp nhân và quyền này cũng được bảo vệ theo cơ chế của quan hệ pháp lý dân sự.

Theo luật dân sự Hunggary đất thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho các cá nhân và pháp nhân sử dụng lâu dài để sản xuất kinh doanh hoặc xây dựng. Hunggary đã đi trước một bước trong quan niệm về sử dụng đất đai so với Liên Xô ở chố từ năm 1970 luật đã quy định việc giao đất để sử dụng kèm theo điều kiện phải trả tiền nếu pháp luật không có quy định khác (Điều 150 Bộ luật dân sự Hunggary) và nếu người sử dụng đất chết đi thì quyền sử dụng đất lâu dài sẽ được thừa kế lại cho con cháu theo luật về thừa kế (Điều 152 Bộ luật dân sự Hunggary. Quyền sử dụng lâu dài đất đai thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành trên cơ sở ký kết hợp đồng và phải đăng ký vào sổ địa chính. Luật dân sự Hunggary quy định biệt lệ đối với sở hữu nhiều nước về đất đai: nhà cửa các công trình xây dựng, máy móc, cây cối do người sử dụng đất lâu dài dựng nên trên đất được sử dụng hợp pháp và sở hữu của người đó trong khi đối với đất thuộc các chủ sở hữu khác thì những gì dựng nên trên đất đó về nguyên tắc thuộc về sở hữu của chủ sở hữu đất nếu pháp luật không có quy định khác (Điều 97 Bộ luật dân sự Hunggary).

Ngoài quyền sử dụng đất lâu dài ở Hunggary còn có chế định về quyền dùng và hoa lợi (.........). Chế định này cũng có trong luật dân sự của các nước tư bản chủ nghĩa, được coi là một trong những loại quyền của một người đối với vật thuộc sở hữu của người khác (.........). là quyền dung một vật của người khác và thu lợi với trách nhiệm phải giữ gìn trông nom vật. Quyền này theo luật dân sự của Hunggary phải được phát sinh trên cơ sở hợp đông, theo luật hay theo quyết định của Toà án. Thông thường hợp đông tô nhựa (thuê) hay được sử dụng trong trường hợp này (Điều 452 Bộ luật dân sự Hunggary).

Về mối quan hệ giữa người chủ sở hữu đất và người có quyền dùng vật và thu lợi Điều 157 Bộ luật dân sự Hunggary quy định như sau: người có quyền dùng và thu lợi được chiếm hữu, dùng vật thuộc sở hữu của người khác cũng như được thu lợi nhuận từ vật đó. Trong thời gian thực hiện quyền dùng và thu lợi đó chủ sở hữu chỉ được chiếm hữu dùng vật và thu lợi trong trường hợp người có quyền dùng - thu lợi không sử dụng các tiềm năng của mình. Quyền dùng và thu lợi chỉ có một thời hạn nhất định và cùng nắm là đến khi người được dùng và thu lợi chết.

Như vậy so sánh với quyền dung đất dài hạn nói ở trên quyền này cũng liên quan đến sử dụng đất nhưng lại khác rất cơ bản về cơ chế quan hệ giữa chủ sở hữu đất và người dùng đất.

Luật dân sự Hunggary đưa ra quyết định đảm bảo tính ổn định cho người dùng đất thu lợi (Điều 157 Bộ luật dân sự Hunggary) đồng thời lại có quy định bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu ví dụ như người có quyền dùng và thu lợi không được chuyển nhượng quyền này cho người khác, chỉ có thể cho người khác thực hiện thay mình thôi. Còn nếu chuyển nhượng để lấy tiền thì phải được chủ sở hữu đồng ý và với điều kiện là chủ sở hữu cũng chưa muốn sử dụng đất.

Thông qua mô hình sử dụng cơ chế quyền dùng và thu lợi người ta thấy được sự đan sen giữa chế định quyền sở hữu và chế định trái vụ trong việc điều chỉnh quản hệ sử dụng đất. Chúng tôi thấy việc sử dụng cơ chế này vừa đảm bảo gắn người sử dụng với đất vừa đảm bảo được lợi ích của chủ sở hữu là Nhà nước.

2. Luật sở hữu của Liên Xô ngày 6/3/1990 và Luật đất đai mới của Liên Xô ngày 28/2/1990 cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc điều chỉnh quan hệ sở hữu đất đai.

Khác với Hunggary và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, ở Liên Xô toàn bộ đất đai được coi là sở hữu của Nhà nước. Lần này Liên Xô đã thay đổi quan niệm đó không dùng thuật ngữ "đất đai thuộc sở hữu" Nhà nước nữa mà dùng "đất là thành quả của người dân sống trên vùng lãnh thổ đó". Với quan niệm này trong luật đất đai mới và luật sở hữu Liên Xô đã có những thay đổi nhằm phi Nhà nước hoá về đất đai, trả đất lại cho người dân.

Theo luật về sở hữu Liên Xô ngày 6/3/1990 thì đất vẫn là đối tượng của sở hữu Nhà nước nhưng đã được phân định rõ chủ quyền của Nhà nước, các nước công hoà Liên Bang, cộng hoà tự trị, tỉnh tự trị với Liên Bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết đề chánh tình trạng cùng một lúc trên một khu đất có hai chữ nguyên tắc phân định ở đây chủ yếu dựa vào việc xác định chức năng thẩm quyền của Liên Bang đối với các nước cộng hoà và ngược lại, tức là dựa vào tiêu chuẩn về chính trị, hành chính nhiều hơn là về tài sản do đó chúng tôi hình dung rằng sẽ có rất nhiều vướng mắc xảy ra do xu hướng nâng quyền của các nước công hoà lên và phi tập trung hoá. Tất nhiên việc đưa ra cơ chế này là xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Liên Xô trong thời gian này mà ở các nước khác không có hoặc không gay gắt tới mức độ đó.

3. Đất đai là sở hữu của Nhà nước nhưng mọi người đều có quyền nhận đất để sử dụng. Điều này đã trở thành một nguyên tắc. Bấy giờ không sử dụng thuật ngữ quyền sử dụng đất nữa mà dùng thuật ngữ quyền làm chủ đất. Quyền làm chủ đất áp dụng cho các cá nhân và pháp nhân dùng đất như tư liệu để sản xuất còn sử dụng đất chỉ áp dụng cho những đối tượng không sản xuất nông nghiệp, các xí nghiệp liên doanh dùng đất có thời hạn. Quyền làm chủ đất có thể thừa kế lại theo luật thừa kế. Người chủ đất phải trả tiền thuế đất còn người sử dụng đất phải trả tiền thuê đất. Như vậy Liên Xô cũng đã thay đổi chế độ sử dụng đất từ không mất tiền sang mất tiền. Tiền thuê đất khác thuế đất ở chỗ nó được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa bên cho thuê và bên thuê (bên nhượng và bên thọ nhượng) nó có thể nhỏ hơn hoặc bằng tiền thuê đất. Đặc biệt Điều 18 luật đất đai mới của Liên Xô quy định cơ chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người chủ đất, người sử đất đai trong trường hợp chủ sở hữu đất đai lấy đất phục vụ mục đích khác: Bảo vệ bằng con đường tư pháp chứ không phải bằng con đường hành chính trước đây.

4. Theo luật sở hữu mới của Liên Xô việc thực hiện quyền sở hữu không được phép gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Như vậy nếu sau này Liên Xô sửa luật dân sự chắc chắn sẽ có những vi phạm mới được đưa vào đề đảm bảo yêu cầu trên. ở Mỹ đối với những vùng phải nuôi rừng thì chủ sở hữu đất rừng chỉ được chặt cây khi có giấy phép, ở Đức chủ sở hữu không được xây nhà trong khu vực phù xanh quanh sân bay v.v... Những quy định này cũng nằm trong nội dung của quyền sở hữu như nói ở phần I ở trên.

5. Hiện nay ở nước ta trong việc sử dụng đất đã bắt đầu dùng hai cơ chế pháp lý như của Hunggary và Liên Xô, tuy nhiên cơ chế thuê mới chủ yếu áp dụng cho quan hệ có đầu tư nước ngoài còn chủ yếu trong nước vẫn là quyền sử dụng đất. Theo chúng tôi đối với những quan hệ trong nước cơ chế thuê cần được áp dụng rộng rãi hợn nơi quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bên thuê và bên cho thuê. Hai cơ chế này có thể áp dụng không chỉ đối với đất mà có thể áp dụng với các đối tượng khác như lòng đất, thiên nhiên v.v... mặt khác khi sử dụng các cơ chế ấy cần chú ý tới bản chất của các quyền của chủ thể. Các quyền đó đều là các quyền tài sản, có giá trị tính được ra bằng tiền. Hiện nay quan niệm này chưa được quán triệt thống nhất. Đối với quan hệ kinh tế có nước ngoài tham gia thì quyền sử dụng đất của bên Việt Nam được coi là một hình thức vốn góp nhưng đối với đầu tư trong nước thì lại chưa được thừa nhận và cho phép, thậm chí quyền sử dụng đất lâu dài cũng không được thừa kế (xem luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam luật công ty và pháp lệnh về thừa kế). Chúng tôi cho rằng cần nhìn đúng bản chất kinh tế và pháp lý của quyền sử dụng đất đai để sử dụng đất đai - tư liệu sản xuất môt cách có hiệu quả hơn và không nên phân biệt như vậy đối với quan hệ sản xuất trong nước.

Trên đây là một số kinh nghiệm của Hunggary và Liên Xô trong việc điều chỉnh quan hệ sở hữu Nhà nước mà chúng tôi thấy có thể vận dụng được ở nước ta. Từ kinh nghiệm trên đây chúng tôi rút ra một điều lớn nhất đó là: Có thể sử dụng phương pháp pháp lý dân sự để điều tiết quan hệ sở hữu bởi vì trong điều kiện kinh tế thị trường hình thức sở hữu Nhà nước không thể chỉ vận hành riêng trong khu vực quốc doanh, hình thức sở hữu Nhà nước tồn tại trong một nên kinh tế hàng hoá cùng với nhiều hình thức kinh tế khác. Muốn đạt được hiệu quả cao về kinh tế đồng thời san sẻ bớt các rủ ro trong hoạt động kinh tế chủ sở hữu phải chuyền bớt các tiền năng của mình cho người khác đảm nhiệm, đặc biệt là quyền chiếm hữu và sử dụng, bằng cách này có thể nên gọi đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước để tẳng thưởng cho khu vực kinh tế quốc doanh nói riêng, nền kinh tế quốc dân nói chung

File đính kèm downloadTải về