• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia Asean
Nội dung tóm tắt

 Kể từ Tuyên bố Bankok năm 1967 đặt nền móng cho sự hình thành ASEAN, cho đến nay hiệp hội này đã phát triển được hơn 40 năm với mức độ hợp tác và hội nhập khu vực ngày càng chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên. Khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những khu vực hợp tác năng động và hiệu quả trên thế giới và có vai trò ngày càng tăng trong đời sống kinh tế-chính trị thế giới. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã nhận định: “các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; hợp tác với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình nhưng cũng phải đối phó với những thách thức mới.” Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra tháng 1/2011 cũng đã nhận định:“ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực.”

          Việt Nam tuy mới gia nhập ASEAN từ năm 1995 song đã có sự hội nhập một cách chủ động và hiệu quả và góp phần không nhỏ vào sự phát triển thành công của cả hiệp hội trong thời gian vừa qua. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và XI đều khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam đối với khối ASEAN là “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á – Thái Bình Dương”, “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

          Những trích dẫn văn kiện trên đây cho thấy chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc hội nhập ngày càng tích cực, toàn diện và hiệu quả trong khối ASEAN. Để thực hiện được chính sách hội nhập thành công, nhất thiết các nhà hoạch định chính sách đối ngoại và đối nội của Việt Nam phải có những sự hiểu biết căn bản và chính xác về các quốc gia đối tác trong khối ASEAN, mà trước tiên là những hiểu biết về cách chức vận hành của bộ máy nhà nước và những giá trị chính trị pháp lý nền tảng được quy định trong hiến pháp của các quốc gia đó. Điều này cho thấy đề tài “Nghiên cứu so sánh hiến pháp các quốc gia ASEAN” có tính cấp thiết cao về mặt thực tiễn. Việc nghiên cứu đề tài sẽ giúp hiểu thêm những giá trị hiến pháp phổ biến trong khu vực, trong đó có các vấn đề thời sự của quan hệ hợp tác khu vực, để từ đó vừa có thể tham khảo kinh nghiệm phù hợp đối với Việt Nam vừa giúp tìm ra những đối sách phù hợp xử lý những vấn đề có liên quan trong bối cảnh hội nhập khu vực.

          Ngày 6 tháng 8 năm 2011 vừa qua, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 và thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, tháng 6/2012, Bộ chính trị sẽ trình Ban chấp hành Trung ương về nội dung sửa đổi hiến pháp; tháng 10/2012 trình Quốc hội Dự thảo lần thứ nhất; và tháng 10/2013 Quốc hội khóa 13 sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu so sánh hiến pháp của các quốc gia trong khối ASEAN có ý nghĩa lớn và có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Các quốc gia ASEAN là những quốc gia láng giềng của Việt Nam. Dù ít hay nhiều các quốc gia đó đều có những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng với Việt Nam. Về cơ bản, họ cũng đều là những quốc gia đi lên chế độ dân chủ lập hiến từ những nước thuộc địa có trình độ phát triển thấp. Nhìn chung, các quốc gia này đều đề cao những giá trị pháp lý-chính trị tiến bộ giống với Việt Nam, ví dụ chế độ dân chủ dựa trên nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, sự tôn trọng rộng rãi quyền con người thông qua chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nguyên tắc nhà nước pháp quyền .v.v. Vì vậy, nghiên cứu so sánh hiến pháp các quốc gia ASEAN sẽ giúp cho Việt Nam vừa đúc kết được những vấn đề lý luận cơ bản của hiến pháp dân chủ trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, đồng thời rút ra được những kinh nghiệm đáng tham khảo, phục vụ trực tiếp cho quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

          Pháp luật các quốc gia ASEAN hiện đang bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở các cơ sở đạo tạo luật và khoa học xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, phạm vi các tài liệu tham khảo còn tương đối hạn chế, đặc biệt là về vấn đề hiến pháp. Đề tài sẽ cung cấp một nguồn tài liệu hữu ích cho việc nghiên cứu và giảng dạy môn học này.

          Từ những phân tích trên đây, có thể thấy đề án “Nghiên cứu so sánh hiến pháp các quốc gia ASEAN” thể hiện tính cấp thiết cao từ cả khía cạnh lý luận và thực tiễn.

          Trên cơ sở tính cấp thiết và tình hình nghiên cứu trình bày trên đây, đề tài nhằm tới hai mục đích chính. Mục đích thứ nhất là đóng góp một phần nào đó vào quá trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 hiện hành. Mục đích thứ hai là góp phần nâng cao hiểu biết về hiến pháp của các nước ASEAN, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cách xử lý các vấn đề quan trọng của luật hiến pháp ở các nước thành viên ASEAN.

          Để đạt được mục đích trên, đề tài thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:

          - Thứ nhất, làm rõ bối cảnh ra đời của hiến pháp hiện hành của các quốc gia ASEAN.

          - Thứ hai, so sánh sâu các nội dung tương ứng của các bản hiến pháp các quốc gia ASEAN; chỉ ra được những điểm giống nhau và khác nhau trong từng nội dung so sánh; lý giải những sự giống nhau và khác nhau đó trên cơ sở bối cảnh ra đời của hiến pháp hiện hành của các quốc gia ASEAN.

          - Thứ ba, tổng kết những điểm ưu việt và những kinh nghiệm tốt, tương đối phổ biến trong hiến pháp các quốc gia ASEAN có thể có giá trị tham khảo đối với quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 hiện nay.

          Đề tài tập trung nghiên cứu hiến pháp của 9 quốc gia ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Các bản hiến pháp được đưa vào so sánh là những bản hiến pháp hiện hành được cập nhật nhất trong phạm vi có thể tìm kiếm được. Đề tài không nghiên cứu so sánh các hiến pháp các quốc gia ASEAN trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Việc đề cập tới các bản hiến pháp trước đây của một quốc gia (nếu có) cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ cho việc phân tích làm rõ bối cảnh ra đời của các bản hiến pháp hiện hành của các quốc gia ASEAN. Do hiến pháp các quốc gia ASEAN có sự đa dạng lớn về nội dung mà mỗi bản hiến pháp đề cập tới. Sự sai biệt trong một số khía cạnh điều chỉnh giữa một bản hiến pháp với các bản hiến pháp còn lại hoặc thậm chí là giữa một nhóm hiến pháp này với một nhóm khác là khá đáng kể. Phạm vi so sánh hiến pháp các quốc gia ASEAN vì vậy chỉ bao trùm lên những khía cạnh nào có thể tiến hành so sánh được giữa các bản hiến pháp các quốc gia ASEAN.

          Về khía cạnh lý luận, đề tài sử dụng khái niệm hiện pháp đang được sử dụng phổ biến trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý. Theo đó, hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý tối cao và điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản nhất trong một quốc gia như các chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.[17]

          Về khía cạnh thực tiễn, đề tài nghiên cứu các đạo luật có tên gọi hiến pháp hiện đang được áp dụng ở 9 quốc gia ASEAN nói trên. Các đạo luật này có thể là một đạo luật đơn nhất hoặc tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được cơ quan có thẩm quyền ở mỗi quốc gia hợp nhất và công bố dưới tên gọi “Hiến pháp”.

 

Nội dung toàn văn

 

Chương 1: Khái quát về đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của các quốc gia ASEAN

1.1. Khái quát về đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Vương quốc Hồi giáo Brunei

          Brunei nằm ở phía Nam khu vực  ASEAN, tiếp giáp biên giới với Biển Đông và Malaysia. Đất nước này có khí hậu nhiệt đới điển hình, nóng, ẩm và mưa nhiều. Lãnh thổ Brunei có diện tích 5270 km vuông và nơi đây nổi tiếng có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, gồm dầu thô, khí tự nhiên và gỗ. Dân số của Brunei là khoảng 392.000 người vào thời điểm 2008. Hai nhóm sắc tộc lớn nhất sinh sống trên lãnh thổ quốc gia này là Malay (67%) và Hoa kiều (15%) ngoài ra người bản địa chiếm 6% và nhóm dân cư khác chiếm 12%. Tôn giáo lớn nhất và cũng là quốc giáo của Brunei là Đạo hồi Malay. Các tôn giáo khác là Phật giáo và Thiên chúa giáo chỉ chiếm thiểu số. Ngôn ngữ chính của Brunei là tiếng Malay, ngoài ra có hai thứ tiếng được dùng phổ biến khác là tiếng Anh và Trung Quốc. Brunei là một trong số các quốc gia giàu có nhất trong khu vực và trên thế giới. Năm 2008, tổng thu nhập quốc dân của Brunei là 14,533 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là hơn 37000 USD. Các dịch vụ công cộng ở đất nước này như y tế, trường học đều được cung cấp miễn phí cho người dân.[18]

          Hiến pháp hiện hành của Brunei được ban hành vào năm 1959 bởi vị Vua hồi giáo lúc bấy giờ là AlMarhum Sultan Haji Omar Ali Saifuddien Sa’adul Khairi Waddien, thân phụ quá cố của quốc vương hiện tại. Cho tới thời điểm đó, Brunei vẫn đặt dưới chế độ bảo hộ của Thực dân Anh, vốn được thiết lập từ năm 1888 sau khi hai nước ký hiệp ước với nhau. Theo đó, quyền hành thực tế hoàn toàn thuộc về một vị Cao ủy kiêm Toàn quyền của Anh mặc dù về mặt lý thuyết, ít nhất là về tên gọi, quyền lực vẫn được coi là nằm trong tay vương triều hồi giáo của Brunei với “quốc vương là quyền lực tối cao”. Với việc duy trì một khẩu hiệu mỵ dân như vậy, Thực dân Anh hy vọng tạo ra một hình ảnh rằng Brunei không phải là một thuộc địa. Trong khi ngầm củng cố quyền cai trị của mình, Thực dân Anh cũng tìm cách tăng dần quyền lực của Quốc vương đối với giới quý tộc địa phương để lấy lòng quốc vương. Tuy nhiên, quyền lực càng lớn mạnh, quốc vương Brunei lúc bấy giờ càng thể hiện một cách công khai và quyết liệt quan điểm độc lập dân tộc của mình và muốn cụ thể hóa bằng một bản hiến pháp đúng nghĩa. Với tinh thần đó quốc vương đã chủ động khởi xướng quá trình xây dựng hiến pháp vào năm 1953. Về phía thực dân Anh mà đại diện là Cao ủy kiêm Toàn quyền Anthony Foster Abell cũng ủng hộ việc xây dựng hiến pháp. Thâm ý của vị toàn quyền là sẽ dùng hiến pháp để ghi nhận và củng cố thêm quyền lực cũng như vai trò của người Anh tại Brunei.[19]

          Sau 6 năm thương thảo và chuẩn bị, ngày 29 tháng 9 năm 1959, bản Hiến pháp đầu tiên và cũng là hiến pháp hiện hành của Vương quốc Hồi giáo Brunei đã được Quốc vương Omar Ali kí ban hành. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hiến pháp này không đem lại được độc lập cho vương quốc như kỳ vọng. Mặc dù hiến pháp đó đã công nhận Brunei là một đất nước tự trị (self-governing state), song lĩnh vực ngoại giao, an ninh và quốc phòng vẫn thuộc thẩm quyền của Vương triều Anh, được thực hiện thông qua người đại diện là Cao Ủy kiêm Toàn quyền. Năm 1962, một cuộc bầu cử nghị viện dân chủ được tiến hành ở Brunei và đảng dành được nhiều phiếu nhất là Đảng nhân dân Brunei (Partai Rakyat Brunei). Ngay từ khi được thành lập năm 1953, đảng chính trị này đã là cái gai trong mắt của Vương triều cũng như lực lượng bảo hộ do họ cổ vũ cho phong trào dân chủ và dân tộc. Với nguyên nhân sâu xa đó, Quốc vương đã không công nhận chiến thắng của Đảng nhân dân Brunei trong cuộc bầu cử nghị viện năm 1962. Để phản ứng lại, đảng này đã tiến hành bạo loạn vũ trang, cuộc bạo loạn sau đó bị Vương triều và lực lượng bảo hộ Anh đàn áp và dập tắt. Đảng nhân dân Brunei cũng bị cấm hoạt động và kể từ đó không còn hiện hữu các phong trào dân chủ mạnh mẽ nào ở Brunei.[20]

          Kể từ khi được ban hành, Hiến pháp năm 1959 của Brunei đã trải qua ba lần sửa đổi.

          Lần sửa đổi hiến pháp đầu tiên là năm 1971. Lúc này, phong trào dân chủ trên toàn thế giới đã hết sức lớn mạnh. Các hình thức thực dân trá hình, kể cả hình thức bảo hộ chính quyền, bị công kích gay gắt. Bản thân người Anh lúc bấy giờ cũng không muốn duy trì hình thức bảo hộ đối với Brunei. Trên tinh thần đó, hiến pháp sửa đổi năm 1971 đã gỡ bỏ gần như hoàn toàn vai trò của Cao ủy Anh đối với Vương triều Brunei về các vấn đề nội chính, cho dù đó là là vai trò cố vấn hay bất kỳ vai trò nào khác. Tuy nhiên, lĩnh vực quốc phòng và chính sách ngoại giao vẫn do Cao ủy Anh phụ trách.

          Đến cuối năm 1983, người Anh bàn giao nốt lĩnh vực quốc phòng và chính sách ngoại giao cho Brunei và từ đó Brunei trở thành quốc gia độc lập hoàn toàn. Kể từ đó Vương triều Brunei nắm toàn bộ chủ quyền đối với đất nước. Để ghi nhận điều này, họ tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1959 lần thứ 2 vào ngày 13 tháng 2 năm 1984. Mục tiêu của lần sửa đổi này là giảm thiểu vai trò của cơ quan lập pháp và củng cố vai trò của Quốc vương.[21]

          Giữa năm 2004, kỷ niệm 45 năm ngày ban hành Hiến pháp 1959, Quốc vương lúc bấy giờ của Brunei, cũng là Quốc vương hiện nay, Paduka Seri Baginda Sultan Haji Hassanal Bolkiah Mu'izzaddin Waddaulah, lại tiến hành sửa đổi hiến pháp. Về mặt hình thức, lần sửa đổi này được thực hiện với tinh thần khuyến khích sự tham gia của người dân vào hoạt động chính trị và khôi phục lại cơ quan lập pháp, vốn đã bị đình chỉ từ lần sửa đổi trước đấy. Tuy nhiên, kết quả trực tiếp nhất của lần sửa đổi này lại là củng cố thêm quyền lực vốn đã tuyệt đối của Quốc vương trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp đồng thời bãi bỏ cơ chế tư pháp giám sát (judicial review) như là một công cụ thực hiện kiểm tra đối trọng[22]. Lần sửa đổi năm 2004 cũng là lần sửa đổi gần đây nhất của Hiến pháp Brunei.

1.2. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Vương quốc Campuchia

          Quốc gia này nằm ở gần khu vực trung tâm ASEAN, tiếp giáp với Thái Lan, Việt Nam và Lào. Khí hậu nơi đây cũng nóng và ẩm với rất nhiều mưa. Tài nguyên thiên nhiên của Campuchia khá phong phú, bao gồm dầu thô, khí ga, gỗ, đá quý, một số quặng sắt, măng-gan, phốt-phát và tiềm năng lớn về thủy điện. Dân số Campuchia vào thời điểm 2008 là 14,562 triệu người, sinh sống trên lãnh thổ quốc gia rộng 176.520 km vuông. Nhóm sắc tộc lớn nhất ở quốc gia này là Khmer, bên cạnh đó có hai nhóm sắc tộc lớn khác là Việt kiều và Hoa kiều. Tôn giáo chính của cả vương quốc là Phật giáo dòng Theravada. Đây cũng là quốc giáo của Campuchia. Rất nhiều người trong số tầng lớp thanh niên của đất nước này có ít nhất một vài tháng sinh sống như một nhà sư trong các chùa. Trong số các quốc gia ASEAN, Campuchia là một thành viên mới và thuộc nhóm đang phát triển ở trình độ thấp. Tổng thu nhập quốc dân của quốc gia này vào năm 2008 là 11,193 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 770 USD.[23]

          Sau khi được Quân tình nguyện Việt Nam giải thoát khỏi họa diệt chủng vào những năm đầu thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập với sự lãnh đạo của Chủ tịch Heng Samrin. Tuy nhiên, ở bên ngoài lãnh thổ Campuchia cũng có một số thế lực chính trị khác được sự hậu thuẫn của một số quốc gia cũng tích cực hoạt động nhằm quay trở lại nắm quyền lực chính trị ở trong nước, điển hình là phái bảo hoàng của Hoàng thân Sihanouk, phái Khmer Đỏ của Khieu Samphon và phái thứ ba của Son Sann. Ba phe này hợp tác với nhau thành lập nên Chính phủ liên hiệp ba phái và cũng tuyên bố là chính phủ hợp pháp của Campuchia. Cả chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia và chính phủ liên hiệp ba phái đều được một số quốc gia trên thế giới công nhận. Trong suốt thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, các phe phái này được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong đó có Việt Nam đã tiến hành đàm phán với nhau nhằm thành lập một chính quyền hợp pháp của Campuchia. Tháng 8 năm 1989, bốn phái chính trị của Campuchia cùng với Tổng thư ký Liên hợp quốc và đại diện của 18 nước gồm 6 nước thành viên ASEAN lúc bấy giờ, 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam, Lào, Nhật bản, Úc, Ấn độ, Canađa và Zimbabwe tiến hành họp hội nghị tại Paris với mục đích đạt được một thỏa thuận giải quyết toàn diện tình hình Campuchia. Sau một tháng hội nghị, nội dung cơ bản của thỏa thuận đã được thống nhất và ngày 23 tháng 10 năm 1991, các bên đã chính thức ký Thỏa thuận giải quyết tình hình chính trị một cách toàn diện đối với xung đột ở Campuchia.[24]

          Theo Hiệp định Paris, Liên hợp quốc thành lập Cơ quan chuyển giao quyền lực của Liên hợp quốc tại Campuchia(United Nations Transitional Authority in Cambodia – UNTAC) để giúp quốc gia này thiết lập một Nhà nước Campuchia dân chủ theo hình mẫu của phương Tây trong vòng 18 tháng. Hiệp định Paris cũng quy định việc xây dựng một hiến pháp cho Campuchia là nhiệm vụ cấp bách và ấn định 6 nguyên tắc cho bản hiến pháp, bao gồm:

1. Hiến pháp là đạo luật tối cao.

2. Tôn trọng quyền con người.

3. Nhà nước có chủ quyền, độc lập, đoàn kết và trung lập.

4. Chế độ dân chủ tự do dựa trên nền tảng đa nguyên.

5. Hệ thống tư pháp độc lập, có thẩm quyền để thực thi các quyền quy định trong hiến pháp.

6. Hiến pháp phải được ban hành bởi hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng lập hiến.[25]

Trên tinh thần đó, Hội đồng lập hiến gồm 118 thành viên của Campuchia đã thành lập một ủy ban gồm 13 thành viên để soạn thảo hiến pháp. Quá trình soạn thảo hiến pháp nói chung diễn ra trong phạm vi nội bộ của Campuchia, sự tham gia của UNTAC là tương đối muộn và tương đối mờ nhạt do lúc đầu họ không được hoan nghênh. Chính vì vậy mà sự đóng góp của UNTAC vào hiến pháp này, mặc dù có, song tương đối hạn chế. Cuối cùng, ngày 19 tháng 9 năm 1993, Hội đồng lập hiến đã thông qua bản Hiến pháp của Vương quốc Campuchia với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia, qua đó chấm dứt sứ mệnh của UNTAC. Đây chính là bản hiến pháp hiện hành của Vương quốc Campuchia.[26]

Cho đến nay, Hiến pháp hiện hành của Campuchia đã được sửa đổi, bổ sung tổng cộng 7 lần. Lần đầu tiên là vào năm 1994. Năm đó Quốc vương Sihanouk mắc bệnh và phải ra nước ngoài để chữa trị trong một thời gian tương đối dài. Trong khi đó Hiến pháp 1993 lại không có điều khoản dự phòng trường hợp Quốc vương vắng mặt và hậu quả là vương quốc có thể bị rơi vào tình trạng tạm thời không có nguyên thủ quốc gia. Chính vì vậy lần sửa đổi hiến pháp đầu tiên của Campuchia nhằm cho phép Quốc vương ủy quyền cho người khác làm quyền nguyên thủ quốc gia để ký các luật trong trường hợp Quốc vương mắc bệnh phải nằm viện ở nước ngoài. Năm 1998, Campuchia tiến hành cuộc tổng tuyển cử toàn quốc để bầu nghị viện. Sau cuộc bầu cử, nền chính trị Campuchia rơi vào cuộc tranh cãi và cáo buộc nhau gay gắt giữa các đảng phái chính trị tham gia tranh cử. Để tránh lặp lại tình trạng này, Hiến pháp đã được sửa đổi lần thứ 2 vào năm 1999 quy định thành lập Thượng nghị viện với vai trò làm cầu nối điều phối công việc giữa Quốc hội Campuchia (cơ quan lập pháp) và Chính phủ. Năm 2001, do lo ngại về tình hình sức khỏe của Quốc vương khi đó, một lần nữa các điều khoản điều chỉnh trường hợp Quốc vương có thể rơi vào trường hợp không thực hiện được vai trò nguyên thủ quốc gia của mình đã được bổ sung vào Hiến pháp 1993. Năm 2004, Hiến pháp Campuchia được sửa đổi lần thứ tư. Sau cuộc bầu cử nghị viện năm đó, đất nước Campuchia lại rơi vào bế tắc chính trị làm cho các cơ quan nhà nước ở trung ương không vận hành được. Vì vậy ngày 8 tháng 7 năm 2004, một luật bổ sung cho Hiến pháp đã được ban hành cho phép việc sửa đổi các quy định của hiến pháp ngay sau khi bầu cử mà không cần phải tuân thủ quy trình thủ tục sửa đổi bổ sung hiến pháp đã được ghi trong Hiến pháp. Cụ thể, nếu thủ tục sửa đổi bổ sung thông thường đối với Hiến pháp Campuchia đòi hỏi phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu nghị viện đồng ý thì thủ tục sửa đổi đặc biệt này chỉ cần đa số tuyệt đối các thành viên của nghị viện là đã có thể thông qua các nội dung sửa đổi. Năm 2005, nhân sự kiện phe đối lập trong nghị viện tẩy chay làm cho nghị viện không đủ số lượng thành viên có mặt để tổ chức các kỳ họp, Hiến pháp năm 1993 của Campuchia đã được sửa đổi lần thứ năm theo hướng giảm tỷ lệ tối thiếu các đại biểu dự một phiên họp xuống còn 7/10 tổng số đại biểu. Quy định trước đó là 3/4. Lần sửa đổi thứ 6 được tiến hành năm 2005 khi nghị viện định tiến hành bỏ phiếu bất tính nhiệm Chính phủ song không đạt được tỷ lệ cần thiết lúc đó là 2/3 tổng số đại biểu nghị viện. Vậy là tỷ lệ đại biểu ủng hộ cần thiết để bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ được giảm xuống còn đa số tương đối. Lần sửa đổi gần đây nhất là vào năm 2008 với một số điều chỉnh đối với các quy định về cơ cấu chính quyền địa phương.[27]

1.3. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Indonesia

Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới nằm ở phía Nam của khu vực Đông Nam Á, nơi tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Indonesia có biên giới tiếp giáp Đông Timo, Malaysia và Papua New Guinea. Quần đảo Indonesia bao gồm hơn 18000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có khoảng 6000 hòn đảo có người ở. Tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia hết sức phong phú bao gồm dầu khí, quặng thiếc, niken, gỗ, quặng Booxxit, đồng, than, quặng vàng, bạc và đất đai phì nhiêu. Dân số của Indonesia năm 2008 vào khoảng 227 triệu người, trong đó người Java chiếm 45%, Sundan 14%, Madure 7,5%, Malay 7,4% và các nhóm sắc tộc khác chiếm 26%. Tôn giáo chính và cũng là quốc giáo của Indonesia là Hồi giáo với số tín đồ chiếm 88% dân số cả nước. Những tôn giáo khác là Tin lành chiếm 5%, Công giáo La mã 3% và Hin du 2%. Phật giáo chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở Indonesia. Nhìn chung Indonesia là quốc gia khá mạnh về kinh tế trong khu vực. Năm 2008, tổng thu nhâp quốc dân của Indonesia đạt khoảng 510 tỷ USD, cao nhất trong khu vực; tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này chỉ đạt 2246 USD.[28]

Hiến pháp hiện hành của Indonesia được ban hành từ năm 1945 và cho đến nay có lịch sử tương đối thăng trầm.

Năm 1942 khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đang ở cao trào, Đế quốc Nhật Bản đã xâm lược Indonesia và chiếm quần đảo này từ tay thực dân Hà lan, vốn đã áp đặt ách thực dân của mình lên đất nước này hàng thế kỷ trước đó. Tập đoàn quân viễn chinh phương Nam của Nhật Bản đã trực tiếp chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Indonesia và biến nước này thành một căn cứ quân sự và hậu cần cho hoạt động viễn chinh của quân đội Nhật hoàng trong khu vực. Khi Cuộc chiến tranh thế giới thứ II đến hồi kết thúc, quân đội Nhật Bản ngày càng nhận rõ rằng họ có thể sẽ là người thua trận và sẽ phải rời bỏ Indonesia cũng như các lãnh thổ khác mà họ đang chiếm đóng. Tuy nhiên người Nhật cũng không muốn Thực dân Hà Lan quay trở lại Indonesia một lần nữa. Vì vậy, từ khoảng giữa năm 1945, họ đã chuẩn bị kế hoạch để người Indonesia tiếp quản nền độc lập. Tháng 4 năm 1945, hai cánh quân của Tập đoàn quân viễn chinh phương Nam của Nhật Bản là Cánh quân số 16 và 25 đã thành lập hai Ủy ban tìm hiểu khả năng chuẩn bị cho độc lập của Indonesia[29] tại tỉnh Java và Sumatra. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hyroshima thì một ngày sau đó, quân đội chiếm đóng Nhật đã cho phép các lãnh đạo người địa phương của Indonesia thành lập một ủy ban chung lấy tên là Ủy ban chuẩn bị độc lập của Indonesia (Preparatory Committee for Indonesian Independence - PPKI) gồm 27 thành viên. Hai ngày sau khi Nhật Bản bị ném quả bom nguyên tử thứ hai, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, Sukarno và Hatta, hai nhà lãnh đạo của Ủy ban chuẩn bị độc lập của Indonesiađã tuyên bố Indonesia độc lập. Công tác soạn thảo hiến pháp cho Indonesia được tiến hành ngay một ngày sau đó để khẳng định độc lập và chủ quyền của Indonesia, ngăn chặn ý đồ quay trở lại của người Hà Lan. Chính vì vậy mà công tác soạn thảo hiến pháp đã được tiến hành một cách rất vội vã. Trong vòng chỉ hai mươi ngày sau, Hiến pháp đầu tiên của Indonesia đã được 27 thành viên của PPKI thông qua và ban hành.[30]

Do được ban hành trong tình thế như vậy nên bản Hiến pháp năm 1945 của Indonesia có nội dung khá sơ lược. Hiến pháp chỉ bao gồm 37 điều khoản nội dung, chủ yếu điều chỉnh về chủ quyền, độc lập và một số thiết chế chính trong bộ máy nhà nước. Các vấn đề như mối quan hệ giữa công dân với nhà nước cũng như các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đều chưa được đề cập đến. Thậm chí cấu trúc của bộ máy nhà nước, đặc biệt là phạm vi nhiệm vụ quyền hạn và cách thức hoạt động của các cơ quan nhà nước chính cũng chưa được quy định rõ ràng.[31] Bản thân những người xây dựng Hiến pháp 1945 khi đó cũng chỉ xem đây là một công cụ khẩn cấp để khẳng định độc lập, chủ quyền của Indonesia chứ chưa phải là một công cụ để xây dựng một nền dân chủ lâu dài. Dự định lúc đó của các nhà lãnh đạo Indonesia là Hiến pháp này sẽ chỉ là hiến pháp tạm thời để rồi sau đó nó sẽ được sớm được thay thế bằng một bản hiến pháp khác ưu việt và ổn định hơn. Tuy nhiên, diễn biến chính trị nhiều năm sau đó thì lại dẫn đến điều hoàn toàn ngược lại. Hiến pháp 1945, cùng với những sửa đổi nhất định, cho đến nay vẫn là hiến pháp hiện hành của Indonesia.

Sau 4 năm có hiệu lực, Hiến pháp 1945 bị đình chỉ hiệu lực trong khoảng thời gian 10 năm kể từ 1949 đến 1959 do những diễn biến chính trị phức tạp thời kỳ này tại Indonesia. Thay vào đó, trong giai đoạn này Indonesia có 2 bản hiến pháp tạm thời, Hiến pháp liên bang năm 1949 và Hiến pháp tạm thời năm 1950. Năm 1959, sau khi các phe phái chính trị tại Indonesia không thể thỏa hiệp được với nhau để xây dựng một hiến pháp mới thay thế Hiến pháp tạm thời năm 1950 thì Tổng thống Indonesia khi đó là Sukarno đã tuyên bố khôi phục lại hiệu lực của Hiến pháp 1945. Suốt trong khoảng thời gian gần 4 thập kỷ sau đó, các tổng thống của Indonesia đã lợi dụng tính sơ lược và thiếu cụ thể của Hiến pháp 1945 để thiết lập nên những chế độ độc tài trên đất nước Indonesia. Thậm chí năm 1985, Tổng thống khi đó là Suharto đã ban hành luật về trưng cầu dân ý khi sửa đổi hiến pháp của Indonesia, trong đó quy định để có thể sửa đổi Hiến pháp năm 1945, vốn ban đầu được ban hành bởi 27 người, thì giờ đây phải có ít nhất 90% số dân Indonesia đi trưng cầu dân ý và trong số đó phải có ít nhất 90% đồng ý với sửa đổi hiến pháp. Đây là một tỷ lệ không tưởng và sẽ không bao giờ dẫn tới việc có thể sửa đổi được Hiến pháp năm 1945.[32]

Sau khi chế độ độc tài Suhartoz bị lật đổ năm 1998 và luật năm 1985 về trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp bị bãi bỏ, người dân Indonesia đã chuẩn bị một kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1945 để xây dựng một chế độ dân chủ hơn và tôn trọng quyền con người hơn. Quá trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1945 được tiến hành trong vòng 4 năm từ 1999 đến 2002 thông qua 4 lần sửa đổi, bổ sung. Các nội dung sửa đổi bổ sung quan trọng nhất là giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống, thành lập các hội đồng đại diện vùng (DPD) để cùng với Hội đồng đại diện nhân dân (DPR) thành lập nên Hội đồng tư vấn nhân dân (MPR), quy định tổng thống được người dân bầu trực tiếp, bãi bỏ Hội đồng cố vấn tối cao, thành lập Tòa án hiến pháp và Ủy ban tư pháp .v.v.[33]

1.4. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

          Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nằm ở phía Bắc của khu vực ASEAN, phía đông giáp Thái Lan, phía tây giáp Việt Nam, phía bắc giáp Myanmar và Trung quốc, phía nam giáp Campuchia. Lào cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực không tiếp giáp biển. Giống như hầu hết các quốc gia trong khu vực, Lào là nước có khí hậu nhiệt đới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm gỗ, thủy điện, quặng thiếc, vàng và đá quý. Dân số của Lào vào năm 2008 là 6,2 triệu người, sinh sống trên phạm vi lãnh thổ 230800 km vuông. Các nhóm sắc tộc lớn nhất của Lào là Lào Loum sinh sống ở vùng hạ Lào, Lào Theung sinh sống ở vùng thượng Lào và Lào Soung ở vùng  cao nguyên, nơi có cả cộng đồng dân tộc Hmông và Dao sinh sống. Phần lớn dân số Lào theo đạo Phật, chỉ có một số ít theo Thiên chúa giáo. Tổng thu nhập quốc dân của Lào năm 2008 là khoảng hơn 5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 800 USD.[34]

          Năm 1975, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Lào dành thắng lợi hoàn toàn, Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập. Bộ máy chính quyền theo mô hình xã hội chủ nghĩa được thiết lập từ trung ương tới cơ sở, các chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội chủ nghĩa cũng bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên phải tới năm 1991 tức là 16 năm sau đó, bản hiến pháp đầu tiên mới được ban hành và cũng là bản hiến pháp đang hiện hành của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

          Hoàn cảnh ra đời Hiến pháp 1991 của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chịu tác động của một số yếu tố nổi bật.[35]

          Thứ nhất, sau khi Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập, bộ máy nhà nước cũng như cơ chế quản lý kinh tế, điều hành xã hội được thiết lập và vận hành theo mô hình phổ biến ở các nước XHCN lúc bấy giờ mà gần gũi nhất là mô hình của Việt Nam. Nhà nước quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp. Sự quan liêu và bao cấp đã làm triệt tiêu tính sáng tạo và động lực trong sản xuất, đưa nền kinh tế tới chỗ khủng hoảng vào những năm cuối thập kỷ 80 của Thế kỷ XX. Điều này đặt ra nhu cầu phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung, bao cấp sang một cơ chế linh hoạt hơn và được thể chế hóa trong hiến pháp.

          Thứ hai, để vượt qua khủng hoảng, vực dậy nền kinh tế, điều hết sức quan trọng là thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu đã dẫn tới hệ quả là nguồn viện trợ từ khối các nước XHCN trước đây không còn nữa. Để thu hút đầu tư nước ngoài trước hết phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và ổn định, bắt đầu từ một bản hiến pháp cam kết bảo hộ quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc thiếu hiến pháp trong hệ thống pháp luật sẽ gây ra tâm lý e ngại một hệ thống pháp luật không hoàn chỉnh, không ổn định trong con mắt các nhà đầu tư.

          Thứ ba, bản thân việc chậm ban hành hiến pháp cũng đã được Đảng và Nhà nước Lào nhận định là một thiếu sót lớn. Việc không có hiến pháp được xem cũng tồi tệ như việc thiếu pháp luật, bởi dễ dẫn tới bất công bằng, vi phạm trật tự xã hội, hòa bình và có thể dẫn tới thiếu dân chủ và bất ổn. Chính vì vậy việc ban hành hiến pháp là không thể trì hoãn.

          Thứ tư, các nước trong phe XHCN đang tiến hành đổi mới kinh tế và đã có một số nước đã có thành công bước đầu trong việc chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý điều tiết của nhà nước theo định hướng XHCN. Một số nước XHCN đã bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định với quá trình đổi mới, ví dụ như Việt Nam, Trung Quốc.[36]

          Trong bối cảnh đó, vào năm 1990 và 1991, công tác soạn thảo hiến pháp đã được tiến hành rất khẩn trương và ngày 14 tháng 8 năm 1991, Hiến pháp của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được ban hành. Đây là bản hiến pháp đầu tiên, bản hiến pháp hiện hành và cũng là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới của đất nước Lào. Cho đến nay Hiến pháp 1991 của Lào mới được sửa đổi một lần vào năm 2003. Việc sửa đổi lần này cũng có bối cảnh giống như việc sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam vào năm 2001 nhằm mục đích khẳng định chính sách đổi mới và điều chỉnh bộ máy nhà nước cho linh hoạt hơn, ứng phó tốt hơn với nhu cầu đổi mới. Trên cơ sở đó, trọng tâm của sửa đổi bổ sung năm 2003 tập trung và chế độ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, một số quyền cơ bản của công dân và một số khía cạnh trong tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp, nguyên thủ quốc gia và cơ quan hành pháp của Lào.

1.5. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Vương quốc hồi giáo Malaysia

Malaysia là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN vừa có địa hình đảo vừa có địa hình bán đảo với tổng diện tích 328550 km vuông. Đất nước này chiếm 1/3 diện tính hòn đảo Borneo, nơi có cả lãnh thổ Indonesia và Brunei. Phần còn lại của Malaysia nằm trên bán đảo Malacca tiếp giáp với lãnh thổ Thái Lan. Về mặt biên giới, Malaysia tiếp giáp Indonesia, Brunei, và Thái Lan. Khí hậu của Malaysia cũng mang điển hình của khí hậu nhiệt đới với mùa mưa kéo dài từ tháng 4 tới tháng 10 hàng năm. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Malaysia bao gồm thiếc, dầu khí, gỗ, đồng, quặng sắt và Bôxit. Malaysia nổi tiến là quốc gia đa sắc tộc ở Châu Á, với tổng dân số năm 2008 vào khoảng 27 triệu người, Malaysia có ba nhóm sắc tộc lớn là người Malay, Hoa kiều và Ấn Độ. Các nhóm dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm khoảng 10% dân số. Tôn giáo của Malaysia cũng rất đa dạng. Bên cạnh tôn giáo lớn nhất là Đạo Hồi và Đạo Phật, Malaysia còn có khá đông tín đồ theo Đạo giáo, Đạo Hindu, Thiên chúa giáo và Sikh. Với tôn giáo và sắc tộc đa dạng như vậy, trên lãnh thổ Malaysia có khá nhiều loại ngôn ngữ được sử dụng như tiếng Bahasa Melayu, tiếng Anh, Trung Quốc, Tamil, Telugu, Malayalam, Panjabi và Thái Lan. Malaysia thuộc nhóm quốc gia phát triển nhất và ổn định nhất của khối ASEAN. Năm 2008, tổng thu nhập quốc dân của đất nước này đạt hơn 221 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8000 USD.[37]

Bắt đầu từ cuối Thế kỷ 17, đầu Thế kỷ 18, toàn bộ khu vực quanh eo biển Malacca bao gồm quần đảo Indonesia, Singapore, và bán đảo Malay nằm trong khu vực tranh chấp thuộc địa giữa thực dân Anh và thực dân Hà Lan. Ngày 17 tháng 3 năm 1824, hiệp định Anh – Hà Lan được ký kết, phân định lãnh thổ thuộc địa của Anh bao gồm khu vực bán đảo Malay, Singapore và lãnh thổ thuộc địa của Hà Lan bao gồm khu vực Sumatra. Kể từ đó, thực dân Anh hoàn toàn kiểm soát vùng lãnh thổ mà sau này là Malaysia và Singapor.[38]

Ngay từ cuối Thế kỷ 18, thực dân Anh đã bắt đầu có ý định liên kết các bang thuộc Malaya để thành lập một liên bang Malaya nằm dưới một bộ máy cai trị chung do người Anh kiểm soát. Ý định này tạm thời bị đình lại trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ 2 do toàn bộ khu vực bị Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng. Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, người Anh lại quay trở lại kiểm soát bán đảo Malay, thiết lập trật tự ở đây và tiếp tục thực hiện ý tưởng thành lập một nhà nước liên bang ở khu vực này. Năm 1948, Liên bang Malaya (Federation of Malaya) được thành lập gồm 11 bang và có hiến pháp riêng của mình. Bộ máy nhà nước lúc đó được thiết lập gồm Cao ủy đại diện Nữ hoàng Anh, Hội đồng hành pháp và Hội đồng lập pháp - cơ quan mang dáng dấp của một nghị viện. Cho đến lúc này, quyền lực chính trị hầu như vẫn nằm trong tay người Anh. Lãnh đạo địa phương mà đặc biệt là các tiểu vương ở các bang chỉ có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các vấn đề về đạo Hồi.[39]

Năm 1955 diễn ra một cuộc bầu cử lịch sử để bầu đại biểu Hội đồng lập pháp liên bang. Trong cuộc bầu cử năm đó, Đảng liên minh (Alliance Party) của Malaya thắng cử với tỷ lệ 51/52 số ghế của cơ quan lập pháp. Ngay lập tức đảng này sử dụng lợi thế lớn của mình để thúc đẩy đàm phán dành độc lập cho Liên bang Malaya, đi kèm với chủ trương đó là việc ban hành một bản hiến pháp của liên bang thay cho các văn bản do người Anh ban hành về tổ chức bộ máy nhà nước liên bang. Đầu năm 1956, với sự nhượng bộ của Vương quốc Anh, một Hội nghị hiến pháp đã được triệu tập trong vòng 3 tuần với sự tham gia của đại diện chính phủ đương nhiệm, các lãnh đạo địa phương và giới chức Anh lúc đó. Hội nghị này đã chỉ định một ủy ban soạn thảo hiến pháp, còn gọi là Ủy ban Reid (Reid Commission), đặt theo tên của chủ tịch ủy ban này - Thẩm phán William Reid. Ủy ban có 4 thành viên nữa là các học giả đến từ Vương quốc Anh, Úc, Pakistan và Ấn độ. Sau một năm làm việc, Ủy ban Reid trình cho một ủy ban công tác gồm các lãnh đạo địa phương một bản dự thảo hiến pháp để góp ý. Sáu tháng sau, dự thảo này được Hội đồng lập pháp Liên bang Malaya thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 8 năm 1957. Bốn ngày sau đó, Liên bang Malaya chính thức tuyên bố độc lập.[40]Năm 1963, sau khi Liên bang Malaysia chính thức thành lập với việc gia nhập của Sabah, Sarawak và Singapore. Hiến pháp Malaya theo đó chính thức đổi tên thành Hiến pháp Liên bang Malaysia.

Tính đến năm 2005, trong vòng 48 năm tồn tại và có hiệu lực, Hiến pháp Liên bang Malaysia đã được sửa đổi 42 lần. Lần sửa đổi cơ bản nhất trong số đó là năm 1963 khi bang Sabah, Sarawak và Singapore gia nhập liên bang (Singapore ngay sau đó tuyên bố rút khỏi liên bang và thành lập nhà nước độc lập). Các lần sửa đổi khác có lúc mang tính kỹ thuật, có lúc mang tính nội dung. Theo một học giả Malaysia thì tính cho tới 2003 đã có khoảng 30 điều khoản của Hiến pháp liên bang Malaysia bị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.[41]

1.6. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Myanmar

Lãnh thổ Myanmar có diện tích 657740 km vuông. Đất nước này có địa hình chủ yếu là đồi núi và thung lũng. Cũng như nhiều quốc gia ASEAN khác, Myanmar cũng nổi tiếng về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của mình, trong đó đặc biệt là quặng, vàng, gỗ và thủy điện. Tổng dân số của Myanmar vào thời điểm 2008 là gần 50 triệu người, trong đó phần lớn theo Đạo phật, tuy nhiên đây không phải là quốc giáo. Myanmar thuộc nhóm nước nghèo nhất khu vực ASEAN. Năm 2008, tổng thu nhập quốc dân của Myanmar ước đạt 28,663 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 778 USD.[42]

Từ cuối Thế kỷ XIX đến nửa đầu Thế kỷ XX, đất nước Myanmar là thuộc địa của Thực dân Anh. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đế quốc Nhật Bản hất cẳng Thực dân Anh để chiếm đóng Myanmar. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, quân đội đồng minh tiến vào giải phóng Myanmar, lực lượng giải phóng của Myanmar cũng nhân cơ hội đó đứng lên tuyên bố độc lập và trở thành một quốc gia có chủ quyền. Ngay sau độc lập, một bản hiến pháp đã được ban hành năm 1947 để thiết lập một nền dân chủ ở Myanmar với chính thể cộng hòa đại nghị. Năm 1962, một nhóm tướng lĩnh quân đội làm đảo chính, cướp chính quyền và thành lập Hội đồng cách mạng, cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Myanmar. Đến năm 1974, Hội đồng cách mạng của nhóm tướng lĩnh này ban hành một bản hiến pháp chính thức thay thế Hiến pháp 1947 và thành lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Burma nằm dưới quyền cai trị của thống tướng quân đội và lực lượng quân sự.[43]

Năm 1988 diễn ra liền hai cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar dẫn tới sự thành lập chính quyền quân sự dưới tên gọi Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật nhà nước (the State Law and Order Restoration Council – SLORC). Trong khoảng thời gian từ 1988 đến cuối thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI, tình hình chính trị ở Myanmar diễn ra hết sức phức tạp với hàng loạt các cuộc biểu tình đòi dân chủ và việc đàn áp các cuộc biểu tình đó từ phía chính quyền quân đội. Năm 1997, SLORC tự đổi tên thành Hội đồng hòa bình và phát triển nhà nước (SPDC) với dự định bắt tay xây dựng một chế độ dân chủ mới ở Liên bang Myanmar. Năm 2003, SPDC công bố một kế hoạch gồm 7 bước để xây dựng nền dân chủ. Các bước đó bao gồm: (1) tái thành lập Hội nghị Toàn quốc (2) thực hiện các bước cho phép thiết lập một chế độ dân chủ và có kỷ cương (3) soạn thảo một bản hiến pháp mới (4) ban hành hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý (5) tổ chức tổng tuyển cử tự do và công bằng (6) thiết lập các cơ quan dân cử và (7) thành lập các cơ quan nhà nước dựa trên cơ sở các cơ quan lập pháp. Để thực hiện bước 3 và bước 5, tháng 4 năm 2008, SPDC đã đề xuất một bản dự thảo hiến pháp mới được soạn thảo với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Tháng 5 năm 2008, một cuộc trưng cầu dân ý đã thông qua bản dự thảo này. Hiến pháp 2008 cũng chính là hiến pháp hiện hành của Myanmar. Có thể nói, trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar là nước có hiến pháp hiện hành ban hành gần đây nhất.

1.7. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Philippines

Philippines là quốc gia quần đảo lớn thứ nhì trong ASEAN. Toàn bộ lãnh thổ quốc gia này có diện tích 298170 km vuông với khoảng hơn 7000 hòn đảo lớn nhỏ. Khí hậu của Philippines là khí hậu nhiệt đới biển với mùa mưa vùng đông bắc kéo dài từ tháng 11 tới tháng 4 và mùa mưa vùng tây nam kéo dài từ tháng 5 tới tháng 10 hàng năm. Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia quần đảo này bao gồm gỗ, dầu khí, kiken, bạc, vàng, muối và đồng. Dân số Philippines vào năm 2008 là vào khoảng 90,3 triệu người, tổng thu nhập quốc dân cùng năm là 168,580 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 1865 USD.[44]

Trong số các quốc gia ASEAN, Philippines có lẽ là nước có lịch sử lập hiến từ lâu đời nhất. Bản hiến pháp đầu tiên của quốc gia này, còn được gọi là Hiến pháp Malolos, được ban hành năm 1898 sau khi Philippines khởi nghĩa giành được độc lập sau hơn 350 năm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha. Gần như ngay lập tức sau đó Philippines bị Hoa Kỳ chiếm đóng làm thuộc địa và lấy pháp luật của Hoa Kỳ áp đặt tại đây thay vì Hiến pháp 1898. Năm 1935, trong khi vẫn đang áp đặt chế độ thuộc địa, Hoa Kỳ đã ban hành cho Philippines một bản hiến pháp trong đó có tuyên bố về độc lập về hình thức cho Philippines. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Philippines bị Nhật Bản chiếm đóng và người Nhật cũng ngay lập tức ban hành cho Philippines một bản hiến pháp vào năm 1943, thay thế cho Hiến pháp 1935. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, như một số nước khác ở trong khu vực, Philippines giành được độc lập từ tay Nhật Bản. Tuy nhiên, họ không tự ban hành một bản hiến pháp mới mà tiếp tục áp dụng Hiến pháp 1935.

Năm 1973, Nghị viện Philippines thông qua một bản hiến pháp mới để xây dựng một chính thể đại nghị ở Philippines. Tuy nhiên, cũng trong cùng năm đó Tổng thống đương nhiệm là Marcos đã ban hành luật thời chiến áp dụng trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ và trên thực tế điều này đã làm vô hiệu quá Hiến pháp 1973. Luật thời chiến được áp dụng trong suốt thời gian cầm quyền của Marcos và biến chế độ này thành một chế độ độc tài gia đình trị.[45]

Đến đầu thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, làn sóng đấu tranh đòi dân chủ ngày càng lên cao ở Philippines. Ngày 3 tháng 11 năm 1985, Tổng thống Marcos tuyên bố bầu cử tổng thống sớm. Đối thủ của ông là bà Anquino. Cuộc bầu cử năm đó đã trở nên rất nổi tiếng do nạn lậu phiếu, dọa nạt, gian lận kiểm phiếu và không kiểm 10% số phiếu tại khu vực thành thị. Tuy nhiên, kết quả là bà Anquino vẫn có nhiều hơn ông Marcos 1 triệu phiếu. Bất chấp tất cả những điều đó, Ủy ban bầu cử vẫn tuyên bố ông Marcos là người thắng cử. Sự lật lọng trắng trợn đó của chính quyền Marcos là giọt nước làm tràn ly, dẫn tới cuộc đảo chính ngày 25 tháng 2 năm 1986.[46]

 Tháng 4 năm 1986, Tổng thống đắc cử hợp pháp Anquino chỉ định một Ủy ban hiến pháp gồm có 48 thành viên đến từ các giới khác nhau trong xã hội cũng như các quan chức của chính phủ. Nhiệm vụ của Ủy ban là soạn thảo càng sớm càng tốt một bản hiến pháp phù hợp với nhu cầu khẩn trương lập lại một chính phủ hợp hiến bình thường tại Philippines. Hơn 4 tháng sau, ủy ban này trình một bản dự thảo hiến pháp cùng các giải trình chi tiết lên tổng thống Anquinos. Sau đó bản dự thảo đã được cử tri Philippines thông qua trong một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tiến hành ngày 2 tháng 2 năm 1987 và chính thức có hiệu lực kể từ đó đến nay.[47]

1.8. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Singapore

Singapore nằm ở phía Tây Nam khu vực ASEAN, phía nam Malaysia. Đây là một quốc đảo với diện tích chỉ 682 km vuông với khoảng 4,6 triệu dân cư sinh sống vào năm 2008. Đất nước này nổi tiếng là nơi có nhiều cảng nước sâu với nguồn tài nguyên phong phúnhất là thủy sản. Các sắc tộc lớn sinh sống ở Singapore bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Malay. Tôn giáo phổ biến nhất là Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, ngoài ra còn có Hindu, Sikh và Đạo lão. Là uốc gia nhỏ nhất trong ASEAN song Singapore lại là quốc gia giàu nhất trong khu vực. Hơn 4 triệu dân cư của quốc gia này tạo ra tổng sản phẩm quốc dân ước đạt hơn 181 tỷ USD vào năm 2008 đem lại thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 39000 USD.[48]

Trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2, giống như các quốc đảo khác trong cùng khu vực, Singapore là thuộc địa của Thực dân Anh. Đến năm 1867, sau gần 100 năm thuộc địa, Thực dân Anh ban hành cho Singapore một bản Hiến pháp thuộc địa giống như một số nước thuộc địa khác của Anh trong khu vực. Đương nhiên, khi đó đảo Singapore vẫn chưa có độc lập.

Tháng 2 năm 1942, Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Singapore, bãi bỏ pháp luật của Anh quốc trong đó có Hiến pháp thuộc địa 1876 và áp đặt ở đây pháp luật của họ.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh tháng 9 năm 1945, Singapore được đặt dưới quyền quản lý của quân đội hoàng gia Anh ở khu vực Đông Nam Á và sau đó trở thành lãnh thổ thuộc địa độc lập (Crown Colony) của Hoàng Gia Anh. Cũng bắt đầu từ đây, đời sống chính trị trên hòn đảo này trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của một số đảng phái chính trị địa phương có chủ trương đàm phán để giành một nền độc lập hoàn toàn cho Singapore. Năm 1953, Chính phủ Anh lập một Ủy ban soạn thảo hiến pháp đứng đầu là Ngài George Rendal để dự thảo một bản hiến pháp nhằm phù hợp hơn với tình hình mới của Singapore. Năm 1954, ủy ban này trình lên Chính phủ Anh một dự thảo hiến pháp trao nhiều quyền về chính trị hơn cho người dân Singapore trong việc xây dựng chính quyền, tuy nhiên phần lớn các vấn đề nội chính vẫn do người Anh phụ trách. Hiến pháp này được ban hành năm 1955 với tên gọi Hiến pháp Rendal. Sau đó, phong trào đòi độc lập của người Singapore ngày càng lên cao. Tháng 7 năm 1963, cơ quan đại diện địa phương của Singapore quyết định cùng với bang Sabah và Sarawak gia nhập Liên bang Malaya. Mục đích của việc gia nhập này là để giành ngay độc lập cho Singapore và cũng là để cứu nguy về kinh tế cho hòn đảo này. Tuy nhiên, việc sáp nhập đã làm cho không khí chính trị và ngoại giao trong khu vực với chính quyền trung ương Malaysia cũng như các nước lân bang như Indonesia trở nên căng thẳng. Tháng 8 năm 1965, lãnh đạo trung ương của Malaysia triệu tập lãnh đạo Singapore (lúc đó là ông Lý Quang Diệu) để thông báo quyết định từ chối Singapore khỏi Liên bang Malaysia. Ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập.[49]

Ngay sau độc lập, ngày 22 tháng 12 năm 1965, Singapore đã ban hành hiến pháp của riêng mình trên cơ sở sửa đổi hiến pháp của Liên bang Malaysia và đây chính là hiến pháp hiện hành của Singapore.[50]Cho đến nay Hiến pháp 1965 của Singapore đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần, trong đó có một số lần sửa đổi bổ sung lớn về mặt nội dung. Năm 1970, để bảo đảm quyền lợi của các nhóm sắc tộc, tôn giáo khác nhau trên quốc đảo, hiến pháp đã được sửa đổi để bổ sung một cơ quan chuyên cố vấn cho tổng thống về các vấn đề quyền thiểu số lấy tên gọi là Hội đồng tổng thống về quyền thiểu số (Presidential Council for Minonity Rights). Năm 1984 và 1988, hiến pháp Singapore được sửa đổi liên quan tới vấn đề đại diện trong nghị viện, theo đó quy định trong thành phần của nghị viện không chỉ có đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử mà phải có cả đại biểu được bầu theo nhóm sắc tộc hay tôn giáo. Năm 1991, hiến pháp lại được sửa đổi khá căn bản khi qui định tổng thống, vốn trước đó do nghị viện bầu, giờ đây sẽ do nhân dân bầu trực tiếp và có những nhiệm vụ quyền hạn rất lớn cả về mặt lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên sau đó, lãnh đạo Singapore phát hiện ra rằng quyền hạn của tổng thống như vậy là quá lớn và có thể dẫn tới phá vỡ mô hình chính thể đại nghị mà quốc đảo vẫn quen thuộc từ trước đó. Chính vì vậy, suốt trong các năm 1994, 1996, 1997, 1998 và 2004 liên tiếp có các sửa đổi bổ sung hiến pháp để hạn chế bớt các quyền hạn to lớn của tổng thống mà lần sửa đổi năm 1991 đã mang lại.[51]

1.9. Khái quátvề đất nước và hoàn cảnh ra đời hiến pháp hiện hành của Vương quốc Thái Lan

Đất nước Thái Lan rộng khoảng 511770 km vuông, có biên giới tiếp giáp Myanmar, Campuchia, Lào và Malaysia. Năm 2008, tổng quy mô dân số của Thái Lan là hơn 67 triệu người, 95% trong số đó là những tín đồ Phật giáo. Ngoài ra ở phía Nam Thái Lan có sinh sống một cộng đồng Hồi giáo khá lớn, chiếm 3,8% dân số. Về mặt sắc tộc, dân tộc Thái chiếm đa số với 75% dân số, Hoa kiều chiếm 14% và các sắc tộc khác chiếm 11% còn lại. Trong những thập kỷ vừa qua, Thái Lan nổi lên là một trong những quốc gia khá phát triển trong khu vực ASEAN. Năm 2008, tổng thu nhập quốc dân của Thái Lan đạt 282,158 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ở mức 4187 USD.[52]

Thái Lan là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không phải chịu ách thuộc địa của các nước châu Âu trong suốt lịch sử cận đại. Chính vì vậy có lẽ đây cũng là nước duy nhất trong khối ASEAN có lịch sử lập hiến gắn với vấn đề dân chủ hóa bộ máy chính quyền nhiều hơn là vấn đề khẳng định độc lập dân tộc.

Một điều khá đặc biệt nữa trong lịch sử lập hiến của Thái Lan là đã có khá nhiều bản hiến pháp được ban hành ở nước. Hiến pháp đầu tiên được ban hành ở Thái Lan năm 1932 và cho tới nay đã có tổng cộng 18 bản hiến pháp lần lượt được ban hành. Nếu tính bình quân trong lịch sử thiết lập nền dân chủ ở Thái Lan thì cứ 4 năm một lần có một bản hiến pháp mới ra đời. Lịch sử lập hiến của Thái Lan cũng rất nổi tiếng bởi các cuộc đảo chính của giới quân sự. Thường là khi nào hoạt động chính trị của đất nước lâm vào bế tắc, giằng co không dứt và không có lối thoát giữa các đảng phái chính trị thì phe quân đội Thái Lan lại “ra tay” đảo chính, sau đó ban hành một bản hiến pháp tạm thời mở đường cho việc ban hành một hiến pháp mới thay thế hiến pháp cũ. Từ năm 1932 tới nay đã có tổng cộng 5 cuộc đảo chính (các năm 1932, 1947, 1951, 1971 và 2006) dẫn tới việc ban hành hiến pháp mới ở Thái Lan. Hiến pháp hiện hành của Thái Lan, Hiến pháp năm 2007 cũng được ra đời sau một cuộc đảo chính quân sự như vậy.[53] Mặc dù đã có tới 18 bản hiến pháp trong lịch sử lập hiến nhưng bản hiến pháp thứ 16 ban hành năm 1997 của Thái Lan mới là bản hiến pháp đầu tiên thực sự do một Hội đồng soạn thảo hiến pháp do nhân dân bầu ra soạn thảo và ban hành, đặt nền móng cho một nền dân chủ thực sự của nhân dân. Hiến pháp 1997 cũng lần đầu tiên quy định cả hai viện trong nghị viện của Thái Lan đều do nhân dân trực tiếp bầu ra. Nền dân chủ nhân dân của Thái Lan do đó trên thực tế vẫn còn khá non trẻ. Trong những năm đầu Thế kỷ XXI, nền chính trị của Thái Lan diễn ra hết sức phức tạp. Các đảng phái không những tranh cử với nhau trong các cuộc bầu cử mà còn tranh cãi và phản đối nhau liên miên ngay cả sau khi bầu cử. Sau cuộc bầu cử hạ viện Thái Lan năm 2005, ông Thaksin Shinawatra cùng với đảng dân túy TRT của mình thắng cử nhiệm kỳ thứ hai một cách áp đảo với 374/500 ghế tại Hạ viện. Chiến lược giúp ông Thaksin thắng cử vẫn tiếp tục là việc đề cao chính sách dân túy nhắm tới người dân nghèo bên ngoài các khu đô thị. Tuy nhiên, Thủ tướng Thaksin cũng có không ít kẻ thù là những đảng phái chính trị đối lập, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, những người chỉ trích ông là một nhà độc tài, mị dân và tham nhũng. Trong suốt một năm sau bầu cử các cuộc biểu tình và phản đối diễn ra liên miên. Ngày 19 tháng 9 năm 2006, nhân lúc ông Thaksin đang đi công cán ở Mỹ, phe quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của ông và thành lập Hội đồng cải cách dân chủ (Council for Democratic Reform). Hội đồng này ngay lập tức ban hành Hiến pháp tạm thời gồm 39 điều để chuẩn bị các bước cho việc ban hành một bản hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1997. Toàn bộ quá trình soạn thảo hiến pháp khi đó nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo quân đội cả về nội dung và thủ tục. Tất cả các thành viên của Hội đồng soạn thảo hiến pháp (Constitution Drafting Assembly) đều được Quốc vương chỉ định với ý kiến tư vấn của quân đội. Các tướng lĩnh quân đội cũng chỉ rõ định hướng cho việc soạn thảo hiến pháp là phải tạo ra một cơ chế nhằm kiểm soát chính phủ một cách chặt chẽ và dễ dàng hơn, ví dụ giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm dễ dàng hơn .v.v. Bản dự thảo hiến pháp đã tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo này. Đầu tháng 8 năm 2007, hiến pháp được đưa đưa ra trưng cầu dân ý và ngày 24 tháng 8 năm 2007 nó chính thức được Quốc vươngThái Lan ký lệnh ban hành.[54]

Chương 2: Hình thức, cấu trúc nội dung, tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi bổ sung các hiến pháp ASEAN

2.1. Hình thức và cấu trúc nội dung của hiến pháp các quốc gia ASEAN

2.1.1. Về hình thức của các bản hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN nghiên cứu ở đây được ban hành ở những thời điểm lịch sử khác nhau trong Thế kỷ XX và XXI. Có những bản hiến pháp ra đời cách đây đã hơn nửa thế kỷ, ví dụ hiến pháp Indonesia (1945), Malaysia (1957), Brunei (1959); có những bản hiến pháp mới vài năm tuổi, ví dụ hiến pháp Thái Lan (2007), hiến pháp Myanmar (2008). Nền tảng văn hóa pháp lý của các quốc gia ASEAN cũng khá phong phú. Đa số các quốc gia ASEAN đã từng có thời gian dài nằm dưới ách cai trị của thực dân Anh hay đế quốc Hoa Kỳ, đã khá quen thuộc với án lệ và hiến pháp bất thành văn, ví dụ Singapore, Malaysia, Myanmar, Brunei, Philippines. Bên cạnh đó cũng có những nước đã từ lâu quen với truyền thống pháp luật thành văn như Campuchia hay Indonesia. Mặc dù vậy, cho đến nay tất cả các hiến pháp hiện hành của các quốc gia ASEAN đều là những bản hiến pháp thành văn, tức là một đạo luật cơ bản tập hợp các chế định và các quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung được ban hành theo một trình tự thủ tục đặc biệt và để điều chỉnh những quan hệ xã hội cùng loại diễn ra sau khi nó được ban hành. Lý do của đặc điểm chung này có lẽ là vì có hai động cơ phổ biến cho sự ra đời của bản hiến pháp đầu tiên ở các quốc gia ASEAN. Thứ nhất, tuyệt đại đa số các quốc gia ASEAN (chỉ trừ có Thái Lan) đều từng là những nước thuộc địa của các nước thực dân và đế quốc phương Tây. Hiến pháp của họ thường được ra đời vào lúc chủ nghĩa thực dân thoái trào trên toàn thế giới, đặc biệt là sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Các nước có thể giành được nền độc lập bằng những con đường khác nhau như đàm phán hoặc cách mạng vũ trang, song hiến pháp thì luôn được xem là một công cụ để ghi nhận và khẳng định nền độc lập, cho dù là nền độc lập đó đã đầy đủ hay chưa. Thứ hai, Thái Lan là nước không phải chịu ách thuộc địa như các nước khác thì hiến pháp lại ra đời trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản, quý tộc với vương triều phong kiến với mục đích hạn chế bớt quyền lực chuyên chế của Quốc vương. Sự hạn chế quyền lực này không diễn ra một cách từ từ qua nhiều thế kỷ như ở Anh quốc mà được can thiệp hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các nước thực dân phương Tây trong quá trình đàm phán giữaQuốc vươngThái Lan với Anh và Hoa Kỳ vào khoảng cuối Thế kỷ XIX, đầu Thế kỷ XX. Chính vì vậy mà hiến pháp đầu tiên của Thái Lan năm 1932 được xem như công cụ hạn chế bớt quyền lực của Quốc vươngThái Lan và để việc hạn chế đó cụ thể và có hiệu quả, hiến pháp Thái Lan cũng được làm dưới hình thức văn bản.

          Tuy đều là những bản hiến pháp thành văn, song về tính chỉnh thể thì giữa các bản hiến pháp các quốc gia ASEAN lại có một số điểm khác nhau đáng chú ý. Thông thường khi nói tới hiến pháp thành văn, người ta thường liên hệ tới duy nhất một đạo luật cơ bản của một quốc gia, bắt đầu từ lời nói đầu, những chế định đầu tiên tới những điều khoản cuối cùng. Tuy nhiên, không phải tất cả các hiến pháp của các quốc gia ASEAN đều như vậy, hiến pháp hiện hành của Brunei và Singapore bao gồm không phải chỉ một đạo luật mà là một số đạo luật khác nhau. Sở dĩ có thực tiễn này là do hoàn cảnh lịch sử ra đời các bản hiến pháp đó.

          Khi hiến pháp 1959 của Brunei được ban hành, về cơ bản nó được xem như một công cụ để củng cố quyền lực tuyệt đối của Vương triều. Thực dân Anh cũng lại là thế lực đứng đằng sau việc soạn thảo hiến pháp. Với mục đích như vậy và với sự cố vấn của Cao ủy Anh quốc tại Brunei, bản hiến pháp của vương quốc này được hợp thành bởi ba văn bản. Văn bản thứ nhất là Hiến pháp Vương quốc Brunei Darussalam (Constitution of Brunei Darussalam), quy định chi tiết về cách thức tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan nhà nước ở Brunei. Văn bản thứ hai là Tuyên bố về việc kế vị và chấp chính (Succession and Regency Proclamation) quy định về cách thức truyền ngôi báu của vương triều Brunei. Văn bản thứ ba là Lệnh về thủ tục tài chính được quy định trong hiến pháp (Constitution (Financial Procedure) Order) quy định về các thủ tục hình thành dự luật tài chính tại nghị viện Brunei.[55]

          Như đề cập trên đây, Singapore trở thành một quốc gia độc lập nhờ vào một sự kiện lịch sử, đó là việc Malaysia từ chối Singapore khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965.Trước khi bị từ chối, Singapore đã chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Malaysia, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Malaysia trong đó có hiến pháp Malaysia. Chính vì vậy khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia, có tới ba văn bản hợp thành đạo luật tối cao của quốc gia này. Thứ nhất là Đạo luật về Hiến pháp và Malaysia (phần sửa đổi bổ sung liên quan tới Singapore) (Constitution and Malaysia (Singapore Amendment) Act) do Nghị viện Liên bang Malaysia ban hành, theo đó chuyển giao toàn bộ quyền lập pháp và hành pháp đối với hòn đảo Singapore cho chính quyền mới của Singapore. Đạo luật thứ hai là Đạo luật về nền độc lập của Cộng hòa Singapore (Republic of Singapore Independence Act) do Nghị viện Singapore ban hành ngày 22 tháng 12 năm 1965 tuyên bố sự độc lập của quốc đảo Singapore. Cuối cùng và quan trọng nhất chính là Đạo luật về Hiến pháp Singapore (Constitution of Singapore Act) do Nghị viện Singapore ban hành cùng ngày với đạo luật tuyên bố độc lập.[56]

2.1.2. Về cấu trúc, mức độ chi tiết và kỹ thuật hợp nhất các điều khoản của các hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Về cấu trúc, nhìn chung hiến pháp của các quốc gia ASEAN đều được chia thành các chương, trong các chương có chia thành các điều, khoản, điểm chứa đựng các quy phạm pháp luật. Chỉ có duy nhất hiến pháp Philippines được cấu trúc theo mô hình của Hiến pháp Hoa Kỳ, tức là lấy “Điều” (Article) làm tập hợp các quy định của hiến pháp, về thực chất giống như “Chương” ở các bản hiến pháp khác. Có một số bản hiến pháp sử dụng cấu trúc phức tạp có nhiều tầng nấc như Chương – Phần – Điều – Khoản – Điểm hoặc Phần – Chương – Điều – Khoản – Điểm, ví dụ như hiến pháp Thái Lan, Singapore và Malaysia. Sở dĩ như vậy là vì những bản hiến pháp này có mức độ chi tiết hóa cả vể tổng thể và từng quy phạm rất cao.

          Về cấu trúc nội dung, các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN đều có lời nói đầu và nội dung bao gồm các nhóm quy phạm điều chỉnh về những vấn đề cơ bản nhất và quan trọng của các quốc gia đó. Mỗi quốc gia có thể có những vấn đề cơ bản và quan trọng riêng của nước mình mà các nước khác không có. Song, cấu trúc của các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN thường bao gồm những nội dung như lời nói đầu, tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp, các quy định về chính sách của nhà nước trong từng lĩnh vực (các chế độ nhà nước), chính thể và các cơ quan nhà nước ở trung ương, chính quyền địa phương, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, điều khoản chuyển tiếp. Thứ tự đề cập của từng nội dung trong mỗi bản hiến pháp có thể khác nhau tùy vào nhận thức của quốc gia về tầm quan trọng của vấn đề tương ứng. Ngoài những nội dung phổ biến trên, một số hiến pháp của một số quốc gia có quy định trong hiến pháp của nước mình những vấn đề khác nữa mà họ cho là quan trọng, ví dụ các thiết chế và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, thủ tục lập pháp .v.v. Đặc biệt, trong cấu trúc một số bản hiến pháp như hiến pháp Brunei, Singapore, Malaysia và Myanmar còn có các phụ lục. Đây là nơi chủ yếu quy định về các vấn đề mang tính thủ tục, những lời tuyên thệ hoặc danh mục các cơ quan, các chức vụ trong bộ máy nhà nước có đề cập tới trong hiến pháp.

          Mức độ chi tiết của các bản hiến pháp các quốc gia ASEAN rất khác nhau kể cả về tổng thể cũng như các điều khoản cụ thể của hiến pháp. Có thể phân chia các bản hiến pháp này thành hai nhóm căn cứ vào mức độ chi tiết của chúng. Nhóm hiến pháp có mức độ chi tiết hóa thấp bao gồm hiến pháp Campuchia, Lào và Indonesia. Các bản hiến pháp này thường có độ dài vừa phải. Hiến pháp Indonesia và Lào có lần lượt là 37 và 98 điều. Hiến pháp Campuchia có 158 điều song các điều thường quy định rất ngắn gọn, chủ yếu mang tính ghi nhận. Tất cả các bản hiến pháp còn lại có độ dài đáng kể, đặc biệt là các hiến pháp Malaysia, Singapore và Thái Lan. Đây là những bản hiến pháp vừa dài vừa rất chi tiết ngay cả trong các quy phạm của từng điều. Ở các bản hiến pháp này không hiếm các điều có độ dài hơn một trang giấy. Chính vì vậy mà chúng có thể được xem như những đạo luật được quy định để bảo đảm sự thực thi chứ không chỉ là những quy định mang tính ghi nhận.

          Trong kỹ thuật lập hiến, kỹ thuật hợp nhất các điều khoản sửa đổi bổ sung hiến pháp là kỹ thuật không thể thiếu. Không có bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới được bảo đảm miễn trừ mọi sửa đổi trong suốt quá trình tồn tại của mình. Ngay cả hiến pháp Hoa Kỳ nổi tiếng về tính ổn định thì cho đến nay cũng đã có 27 tu chính sửa đổi bổ sung. Mà bất kỳ quốc gia nào vào một thời điểm đều có nhu cầu có một bản hiến pháp cập nhật nhất bao gồm tất cả các điều khoản đã sửa đổi, bổ sung trong đó để làm đạo luật cơ bản cho sự vận hành của quốc gia. Chính vì vậy mà vấn đề hợp nhất các điều khoản sửa đổi, bổ sung hiến pháp cũng là vấn đề hết sức quan trọng và phần nào đó thể hiện trình độ lập hiến của quốc gia. Kỹ thuật hợp nhất các điều khoản sửa đổi, bổ sung hiến pháp ở các quốc gia ASEAN được sử dụng với những sự khác nhau nhất định. Ở phần lớn các quốc gia, sau khi hiến pháp được sửa đổi bổ sung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức in lại (Reprint) bản hiến pháp với những điều khoản cập nhật nhất và bản hiến pháp trước đó coi như không được sử dụng. Điều này phần nào ảnh hưởng tới việc nhận xét, đánh giá về tính lịch sử của nội dung hiến pháp. Ở một số quốc gia, ví dụ Campuchia, bên cạnh số hiệu của điều khoản cập nhật nhất có ghi chữ “mới” với ý nghĩa đây là điều khoản vừa được sửa đổi bổ sung và bên cạnh đó có dấu ngoặc đơn trong đó ghi “trước đây là điều …”. Cách làm này cũng không thể hiện sự ưu việt hơn bởi vì một mặt nó phá đi sự nhất quán trong thứ tự điều của hiến pháp sau mỗi lần sửa đổi bổ sung mặt khác nó cũng không giúp cung cấp thông tin rằng điều khoản nào được sửa đổi vào thời gian nào. Ở một số quốc gia khác như Singapore và Malaysia, kỹ thuật hợp nhất được sử dụng đối với hiến pháp cũng giống như đối với các đạo luật và nó tỏ ra khá ưu việt. Các điều khoản sửa đổi, bổ sung được thêm vào trong khi đó vẫn giữ nguyên số thứ tự của các điều khoản trước đó, cho dù các điều khoản trước đó đã bị bãi bỏ. Cách làm này vừa bảo đảm được tính lịch sử vừa bảo đảm được tính cập nhật của bản hiến pháp.

2.2. Quy định về tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi,bổ sung hiến pháp trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

2.2.1 Quy định về tính hiệu lực của hiến pháp trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Trong các nền dân chủ hiện đại, hiến pháp thường được xem là đạo luật cơ bản của quốc gia. Nói một cách nôm na, đó là đạo luật quan trọng nhất và có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của quốc gia. Việc quy định tính hiệu lực tối cao của hiến pháp ngay chính trong bản thân bản hiến pháp là một vấn đề quan trọng, nó vừa là sự ghi nhận, vừa là cơ sở pháp lý để bảo đảm cho hiệu lực pháp lý cao nhất của hiến pháp trong hệ thống pháp luật. Nhìn chung, để quy định rõ nhất và mạnh mẽ nhất về hiệu lực pháp lý tối cao của hiến pháp thì các điều khoản có liên quan trong bản thân bản hiến pháp phải quy định được ba nội dung chính sau đây:

          - Thứ nhất, khẳng định hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao.

          - Thứ hai, quy định mọi cơ quan nhà nước, mọi văn bản pháp luật, cho dù là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản áp dụng pháp luật do bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào ban hành đều phải tuyệt đối tuân thủ hiến pháp.

          - Thứ ba, quy định bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với hiến pháp đều phải bị bãi bỏ hoặc không có hiệu lực thi hành.

          Nếu đem ba tiêu chí này để đối chiếu vào các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN và so sánh giữa các bản hiến pháp đó với nhau thì có thể thấy quy định về tính hiệu lực của hiến pháp trong các bản hiến pháp khác nhau đáng kể. Sự khác nhau đó thể hiện những mức độ mạnh mẽ khác nhau trong quy định về tính hiệu lực của các bản hiến pháp. Có thể xắp xếp một cách tương đối các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN theo mức độ mạnh mẽ trong việc quy định về tính hiệu lực của hiến pháp theo thứ tự tăng dần như sau.

* Hiến pháp Vương quốc Brunei

          Khoản 1, Điều 84, Hiến pháp Brunei quy định: “Chính quyền sẽ phải bị điều chỉnh theo quy định của hiến pháp này….” Đây là quy định hết sức ngắn gọn và nếu đối chiếu theo các tiêu chí nêu trên thì quy định như vậy thể hiện rất yếu về hiệu lực của hiến pháp Brunei.

          Hiến pháp Brunei hoàn toàn không có quy định hiến pháp là đạo luật tối cao hay đạo luật cơ bản. Quy định như trên chỉ đơn giản là hiến pháp có giá trị ràng buộc đối với chính quyền. Mà “chính quyền” theo định nghĩa trong chính bản hiến pháp đó là chính quyền của Quốc vương Brunei[57].Chính quyền ở đây muốn đề cập tới trước tiên là nghị viện và chính phủ. Phạm trù của khái niệm “chính quyền” ở đây rõ ràng không bao gồm Quốc vương. Nói cách khác, Quốc vương là vị trí đứng trên chính quyền, sở hữu chính quyền. Theo quy định tại Điều 84 nêu trên thì rõ ràng hiến pháp chỉ có hiệu lực đối với chính quyền của Quốc vương Brunei mà hoàn toàn không có giá trị ràng buộc đối với bản thân Quốc vương. Thậm chí Điều 84 của hiến pháp còn tiếp tục quy định rằng: “Hiến pháp này không được làm ảnh hưởng tới đặc quyền của Quốc vương và để tránh mọi sự hiểu nhầm, hiến pháp này tuyên bố rằng Quốc vương vẫn có toàn quyền làm luật và sửa đổi bổ sung Hiến pháp này nếu thấy cần thiết.” Như vậy là hiệu lực pháp lý của hiến pháp hoàn toàn nằm dưới quyền lực của Quốc vương.

* Hiến pháp Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Philippines

          Hai bản hiến pháp này có cùng một cách thức quy định về tính hiệu lực của hiến pháp: trong cả hai bản hiến pháp này đều không có điều khoản nào quy định hay ghi nhận về tính hiệu lực của hiến pháp, cho dù là hiệu lực cao hay hiệu lực thấp. Hiệu lực pháp lý của hiến pháp Indonesia được tìm thấy trong quy định sau: “Tòa án hiến pháp có thẩm quyền ra phán quyết cuối cùng đối với các vụ việc sơ thẩm đồng thời chung thẩm liên quan đến việc kiểm tra sự phù hợp của các luật với Hiến pháp”.[58] Hiệu lực pháp lý của hiến pháp Philippines cũng được tìm thấy trong một điều khoản tương tự; Khoản 2.a, Điều 8, Hiến pháp Philippines quy định rằng Tòa án tối cao của Philippines có “thẩm quyền xét xử các vụ việc về tính hợp hiến hay giá trị pháp lý của các điều ước, cam kết, thỏa thuận quốc tế, luật, nghị định, tuyên bố, sắc lệnh, thông tư hay quy định của Tổng thống”.

          Như vậy là dù trong bản thân hai hiến pháp không đề cập trực tiếp tới hiệu lực của hiến pháp song hai điều khoản viện dẫn trên đây gián tiếp quy định rằng các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành hoặc công nhận không được trái với hiến pháp, nếu không sẽ bị tòa án có thẩm quyền xét xử về tính hợp hiến. Ở khía cạnh này, hiến pháp Philippines có sự thể hiện mạnh mẽ hơn so với hiến pháp Indonesia. Hiến pháp Indonesia chỉ quy định rằng các luật có thể bị xem xét tính hợp hiến, trong khi đó hiến pháp Philippines quy định không chỉ văn bản luật mà các văn bản pháp luật khác cũng có thể bị xem xét tính hợp hiến.

          Như vậy là sự thể hiện về tính hiệu lực của hiến pháp Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Philippines là khá yếu và không tương xứng với tầm quan trọng cũng như vai trò của hiến pháp đối với nhà nước và xã hội. Mặc dù vậy, sự thể hiện đó vẫn ở mức độ cao hơn so với hiến pháp Brunei, bởi vì khác với hiến pháp Brunei, cả hiến pháp Indonesia và hiến pháp Philippines đều không đặt hiến pháp dưới một quyền lực nhà nước nào cả.

* Hiến pháp Liên bang Myanmar

          Điều 449, hiến pháp Liên bang Myanmar quy định: “Hiến pháp này là luật cơ bản của tất cả các văn bản pháp luật của Liên bang”.

          Thật khó có thể nói rằng quy định như vậy là sự thể hiện mạnh mẽ tính hiệu lực của hiến pháp. Điều quan trọng là đã có sự ghi nhận hiến pháp là đạo luật cơ bản của tất cả các văn bản pháp luật khác của liên bang. Vì điều này mà căn cứ theo ba tiêu chí nêu trên, hiến pháp Liên bang Myanmar được xếp trên hiến pháp Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, việc sắp xếp như vậy cũng chỉ là tương đối. Lý do là hiến pháp Myanmar không quy định cụ thể “luật cơ bản” có nghĩa là gì và “luật cơ bản của tất cả các văn bản pháp luật của Liên bang” nghĩa là như thế nào? Bên cạnh đó, hiến pháp Liên bang Myanmar cũng không có quy định rõ ràng rằng nếu văn bản pháp luật của Liên bang trái với hiến pháp sẽ có thể bị xem xét tính hợp hiến hay bị vô hiệu.

* Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và hiến pháp Vương quốc Campuchia

          Điều 96, hiến pháp Lào quy định về tính hiệu lực của hiến pháp như sau: “hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là đạo luật cơ bản của quốc gia. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp.”

          Điều 150, hiến pháp Vương quốc Campuchia quy định về tính hiệu lực của hiến pháp như sau: “Hiến pháp này là đạo luật tối cao của Vương quốc Campuchia. Pháp luật và các quyết định của các cơ quan nhà nước phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp này.”

          Mặc dù đây cũng chỉ là những điều khoản ngắn gọn, mang tính tuyên bố về hiệu lực của hiến pháp song các quy định này của hiến pháp Lào và hiến pháp Campuchia đã đề cập được hai trong số ba tiêu chí nêu trên. Thứ nhất, chúng khẳng định được giá trị pháp lý cao nhất của hiến pháp trong hệ thống pháp luật. Ở khía cạnh này, hiến pháp Campuchia dường như quy định rõ hơn hiến pháp Lào bằng việc khẳng định rằng hiến pháp là đạo luật tối cao chứ không chỉ là đạo luật cơ bản. Thứ hai các quy định trên đây của hai bản hiến pháp cũng đã khẳng định được rằng mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với hiến pháp. Ở khía cạnh này, hiến pháp Campuchia cũng đã quy định cụ thể hơn khi đề cập tới không chỉ pháp luật nói chung mà cả các quyết định của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cả hai bản hiến pháp cũng đều chưa quy định được về hậu quả pháp lý đối với văn bản pháp luật trái với hiến pháp.

* Hiến pháp Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Singapore và Liên bang Malaysia

          Điều 4.1, hiến pháp Malaysia quy định về hiệu lực của hiến pháp như sau: “Hiến pháp này là đạo luật tối cao của Liên bang và bất kỳ văn bản luật nào được ban hành sau ngày Độc lập đều phải tuân thủ Hiến pháp và nếu như không tuân thủ thì sẽ không có hiệu lực.”

          Điều 4, hiến pháp Singapore quy định về hiệu lực của hiến pháp như sau: “Hiến pháp này là luật tối cao của Cộng hoà Singapore, và bất kỳ đạo luật nào do Cơ quan lập pháp ban hành sau khi bắt đầu thực hiện Hiến pháp này mà trái với Hiến pháp này, sẽ bị vô hiệu.”

          Điều 6, hiến pháp Thái Lan quy định về tính hiệu lực của hiến pháp như sau: “ Hiến pháp là đạo luật tối cao của nhà nước. Luật, quy định trái hoặc không phù hợp với hiến pháp này sẽ không được áp dụng.”

          Ba bản hiến pháp này được xếp vào loại có quy định thể hiện mạnh mẽ nhất về hiệu lực của hiến pháp là bởi vì các quy định tương ứng của chúng như viện dẫn trên đây, tuy không quá chi tiết, nhưng cũng thể hiện được đầy đủ ba tiêu chí đối với quy định về hiệu lực pháp lý của hiến pháp nêu trên. Cả ba bản hiến pháp đều không những khẳng định được hiến pháp là đạo luật tối cao, luật và quy định không được trái hiến pháp mà còn quy định hậu quả pháp lý nếu luật và quy định không phù hợp với hiến pháp. Mặc dù cả ba hiến pháp đều chỉ đề cập tới mối quan hệ giữa văn bản quy phạm pháp luật khác và hiến pháp song quy định như vậy cũng đã thể hiện được tầm quan trọng của hiến pháp và sự đề cao hiến pháp trong hoạt động của nhà nước và của xã hội. Một điểm lưu ý nữa là cả ba hiến pháp trên đây đều ghi nhận tính hiệu lực tối cao của hiến pháp ở ngay những điều khoản đầu tiên. Điều này càng khẳng định sự coi trọng đúng đắn đối với vấn đề hiệu lực của bản hiến pháp. Đây là sự phù hợp rất ưu việt giữa yếu tố nội dung tức là bản thân tầm quan trọng của vấn đề hiệu lực của hiến pháp với hình thức, tức là vị trí sắp đặt điều khoản về tính hiệu lực trong bản hiến pháp. Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực thì rõ ràng ở các quốc gia khác vấn đề về hiệu lực của hiến pháp thường được quy định ở những điều khoản cuối của hiến pháp, qua đó cho thấy vẫn còn phần nào đó chưa được thể hiện một cách đúng mức tầm quan trọng của vấn đề.

2.2.2. Quy định về sửa đổi, bổ sung hiến pháp trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Khi nói tới sửa đổi, bổ sung hiến pháp là nói tới các vấn đề như ai có quyền sáng kiến sửa đổi, bổ sung hiến pháp, ai có quyền quyết định nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp và giới hạn của việc sửa đổi bổ sung hiến pháp. Nhìn một cách tổng thể có thể thấy rằng hiến pháp các quốc gia ASEAN có đề cập tới những khía cạnh nói trên của sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Mặc dù mức độ và phạm vi điều chỉnh có thể có những sự khác nhau nhất định.

          Do hiến pháp thường có vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật quốc gia, là đạo luật cơ bản của nhà nước nên khi nói việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp người ta thường nói tới mức độ “khắt khe” hay “khó khăn” của các thủ tục cần tiến hành. Về bản chất, đó chính là mức độ đồng thuận ý chí cần phải đạt được để có thể sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hiến pháp. Mức độ đồng thuận ý chí càng cao thì thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp càng khắt khe và việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp càng khó khăn hơn. Nếu đưa tiêu chí này để đối chiếu vào hiến pháp của các quốc gia ASEAN thì có thể xếp các bản hiến pháp này thành các nhóm sau.

* Hiến pháp Vương quốc Brunei

          Trong số hiến pháp của các nước ASEAN đang nghiên cứu ở đây, hiến pháp của Vương quốc Brunei là bản hiến pháp có thể bị sửa đổi mà cần đến ít sự đồng thuận nhất.

          Khoản 1, Điều 85, Hiến pháp Brunei quy định: “Đức Vua có thể sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ bất kỳ điều khoản nào của hiến pháp này bao gồm cả điều khoản này bằng một tuyên bố; và đó là cách thức duy nhất để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hiến pháp”. Như vậy là việc sửa đổi, bổ sung thậm chí bãi bỏ hiến pháp Brunei chỉ có thể được đề xuất và quyết định bởi một người, đó là Quốc vương Brunei. Các cơ quan nhà nước như nghị viện, chính phủ và nhân dân không có vai trò chính thức nào trong việc sửa đổi hiến pháp. Tất nhiên cơ quan nhà nước có thể đề nghị Quốc Vương sửa đổi hiến pháp song đó không phải là một thủ tục pháp lý và đương nhiên là không có giá trị bắt buộc đối với Quốc Vương.

          Về mặt phạm vi, hiến pháp Brunei cũng khẳng định rằng Quốc Vương có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ bất kỳ điều khoản nào. Không có sự hạn chế bất kỳ nội dung nào mà Quốc Vương không được chạm tới, thậm chí kể cả việc bãi bỏ hiến pháp hiện hành và thay thế nó bằng một hiến pháp khác.

          Về mặt thủ tục, trước khi chính thức tuyên bố sửa đổi, bổ sung hiến pháp, Quốc Vương phải tham khảo ý kiến của Hội đồng cơ mật về việc có nên sửa đổi hiến pháp hay không[59]. Tuy nhiên, Hội đồng cơ mật chỉ là một cơ quan cố vấn của Quốc Vương và ý kiến của hội đồng này không có giá trị bắt buộc đối với Quốc Vương. Sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng cơ mật, Quốc Vương sẽ lập một dự thảo tuyên bố các nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ của hiến pháp hiện hành. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 85, hiến pháp hiện hành của Brunei, dự thảo tuyên bố này phải được đưa ra trước Hội đồng lập pháp, cơ quan có chức năng lập pháp của Brunei để thảo luận. Hội đồng lập pháp có thể ra quyết định có nên sửa đổi gì vào dự thảo tuyên bố đó không. Tuy nhiên, cho dù có sửa hay không sửa thì Quốc Vương Brunei cũng có quyền tiếp thu hoặc vẫn giữ nguyên dự thảo tuyên bố ban đầu.

          Như vậy có thể thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp Brunei hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ một mình Quốc Vương. Quốc Vương có thể sửa đổi, bổ sung thậm chí bãi bỏ hiến pháp tùy theo ý muốn của mình. Một số cơ quan nhà nước nhất định có thể can dự vào quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp, song chỉ với vai trò cố vấn. Người dân hoàn toàn nằm ngoài quá trình đó. Có thể nói không quá rằng hiến pháp của Vương quốc Brunei thực sự là công cụ của Quốc vương để điều chỉnh tổ chức và hoạt động của nhà nước của mình.

* Hiến pháp Cộng hòa Indonesia

          Tại Indonesia, chỉ có nhóm thành viên với ít nhất 1/3 tổng số thành viên của Hội đồng tư vấn nhân dân mới có quyền sáng kiến sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Hội đồng tư vấn nhân dân của Indonesia là một cơ quan tập hợp các thành viên của Hội đồng đại diện nhân dân, tức cơ quan lập pháp của Indonesia ở trung ương, và Hội đồng đại diện địa phương. Tổng số đại biểu của Hội đồng tư vấn nhân dân có thể lên tới hàng trăm người và tỷ lệ 1/3 tổng số thành viên cần có để đệ trình kiến nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp là một tỉ lệ không dễ đạt được.[60]         Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hiến pháp Indonesia thuộc về Hội đồng tư vấn nhân dân với tỷ lệ đồng thuận tối thiểu là đa số giản đơn tổng số tất cả các thành viên của hội đồng. Một điều kiện phụ đi kèm là phiên họp để sửa đổi hiến pháp phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tư vấn nhân dân tham gia.[61] Hiến pháp Indonesia không có quy định về các thủ tục, trình tự cụ thể cho việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp.

          Như vậy, sửa đổi, bổ sung hiến pháp Indonesia giống như công việc riêng của Hội đồng tư vấn nhân dân. Bởi vì chỉ có cơ quan này mới là chủ thể vừa có quyền đề xuất vừa có quyền thông qua các nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Tuy nhiên, có một nội dung quy định trong hiến pháp được xem là cơ bản, sống còn đối với Nhà nước Indonesia mà việc sửa đổi, bổ sung không được làm thay đổi: đó là hình thức nhà nước Cộng hòa đơn nhất Indonesia.[62]

* Hiến pháp Vương quốc Thái Lan

          Ở Thái Lan chỉ có một số chủ thể nhất định mới có quyền đưa ra kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp, đó là Hội đồng bộ trưởng, ít nhất 1/5 tổng số thành viên hiện có của hạ nghị viện, thượng nghị viện hoặc cả hai viện, và nhóm cử tri với số lượng từ 50 ngàn người trở lên. Quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp của những đối tượng này là quyền hiến định mang tính pháp lý, có nghĩa rằng một khi kiến nghị được những đối tượng này đưa ra thì thủ tục xem xét sửa đổi, bổ sung hiến pháp sẽ được bắt đầu. Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp bắt buộc phải được làm dưới dạng một văn bản dự thảo và được trình lên hai viện của Quốc hội Thái Lan.[63]

          Thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung hiến pháp Thái Lan thuộc về Quốc hội Thái Lan phối hợp với Quốc vương. Tuy nhiên, vai trò của Quốc hội vẫn mang tính quyết định hơn. Thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp Thái Lan được quy định như sau.

          Thứ nhất, khi dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp được gửi tới Quốc hội, nó phải được Quốc hội xem xét trong ba phiên họp riêng biệt, mỗi lần đều có biểu quyết để ra quyết định. Phiên thứ nhất thảo luận về cơ sở để sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Trong phiên họp này Quốc hội Thái Lan sẽ phải biểu quyết xem có chấp nhận về nguyên tắc đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp hay không. Nếu ít nhất một nửa số phiếu của tổng số thành viên có mặt của cả hai viện biểu quyết thông qua thì dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp sẽ được tiếp tục xem xét tại phiên điều trần thứ hai, nơi mà các đại biểu hai viện thảo luận và xem xét từng phần của bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Trong phiên điều trần này cũng bắt buộc phải có sự tham gia của công chúng vào quá trình thảo luận, trao đổi. Khi đã trao đổi và xem xét từng phần của bản kiến nghị, Quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu để ra quyết định và nếu số phiếu đồng ý chiếm đa số trong số các đại biểu có mặt thì kiến nghị sẽ được đưa ra phiên điều trần thứ ba. Phiên điều trần thứ ba được tổ chức ít nhất sau 15 ngày kể từ phiên thứ hai để những người đệ trình kiến nghị hoàn thiện bản kiến nghị của mình và tiến hành các công tác chuẩn bị. Tại phiên thứ ba Quốc hội Thái Lan sẽ biểu quyết công khai thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp với ít nhất hơn một nửa tổng số thành viên của cả hai viện.[64]

          Thứ hai, trong vòng 20 ngày kể từ khi được Quốc hội thông qua, dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp Thái Lan phải được Thủ tướng chuyển cho Quốc vương để công bố. Nếu Quốc vương đồng ý với dự thảo, ngài sẽ ra quyết định công bố và hiến pháp chính thức có hiệu lực. Nếu không đồng ý, Quốc vương có quyền gửi trả lại dự thảo cho Quốc hội. Nếu Quốc vương không gửi trả lại dự thảo cho Quốc hội trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận và cũng không công bố thì xem như Quốc vương không đồng ý. Trong cả hai trường hợp đó, Quốc hội Thái Lan có quyền thảo luận và thông qua lại dự thảo. Nếu dự thảo được thông qua lần đó với ít nhất 2/3 tổng số thành viên hiện có của cả hai viện thì bắt buộc Quốc vương phải công bố hoặc dự thảo đó có giá trị như thể đã được Quốc vương công bố. Như vậy là Quốc vươngThái Lan tuy không đóng vai trò quyết định trong việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp song có thể kiểm soát các nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp ở một mức độ nhất định.[65]

          Về phạm vi, hiến pháp Thái Lan cấm sửa đổi các nội dung có thể làm thay đổi bản chất “Chế độ chính quyền dân chủ với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia” hay hình thức của nhà nước.[66]“Chế độ chính quyền dân chủ với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia” là một tên gọi khác để chỉ chính thể quân chủ lập hiến (hay quân chủ đại nghị) được áp dụng vào hoàn cảnh của Thái Lan. Như vậy, đây được xem là hai vấn đề cơ bản nhất trong hiến pháp Thái Lan mà việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp Thái Lan không thể đụng chạm tới. Cách duy nhất để thay đổi các quy định hiện hành của hiến pháp về vấn đề này có lẽ chỉ có thể là bãi bỏ hiến pháp hiện hành và thay thế nó bằng một bản hiến pháp hoàn toàn mới.

          Hiến pháp Thái Lan cũng quy định một số trường hợp đặc biệt liên quan tới sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Nếu như dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp chưa được Quốc hội thông qua mà Hạ nghị viện đã bị giải tán thì dự thảo đó sẽ chỉ có thể được tiếp tục xem xét ở hạ nghị viện khóa mới nếu như Chính phủ tiếp tục đề nghị như vậy. Nếu dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, sau đó Hạ nghị viện kết thúc nhiệm kỳ hoặc bị giải tán và Quốc vương từ chối phê chuẩn thì dự thảo đó coi như bị bãi bỏ.

* Hiến pháp các nước Lào, Campuchia, Malaysia và Singapore

          Quy định về sửa đổi, bổ sung hiến pháp ở bốn quốc gia này giống nhau ở chỗ về cơ bản cả năm quốc gia đều lấy tỷ lệ 2/3 đại biểu cơ quan lập pháp làm điều kiện để quyết định nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Tuy nhiên quy định cụ thể ở mỗi quốc gia lại có sự khác nhau đáng kể.

          Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là nước có quy định ngắn gọn nhất trong số năm nước về vấn đề sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp Lào chỉ quy định đơn giản rằng thẩm quyền sửa đổi hiến pháp thuộc về Quốc hội và chỉ có thể được thực hiện tại các kỳ họp Quốc hội mà thôi. Điều đó có nghĩa là các đại biểu phải xem xét, thảo luận và biểu quyết các vấn đề sửa đổi hiến pháp một cách công khai tại hội trường trong các kỳ họp. Việc thông qua nội dung sửa đổi hiến pháp bằng con đường thư tín, cho dù có thể đạt được sự đồng thuận cao, là không được phép. Tỷ lệ đồng thuận tối thiểu cần có để thông qua hiến pháp sửa đổi, bổ sung là 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội Lào.[67] Ngoài những quy định trên đây, hiến pháp Lào không có quy định gì về vấn đề ai là người có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp cũng như thủ tục, quy trình cần tiến hành để ra được quyết định cuối cùng về việc sửa đổi hiến pháp.

          Khác với hiến pháp Lào và giống với hiến pháp Thái Lan, hiến pháp Campuchia có quy định về những người có quyền sáng kiến sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Những người đó bao gồm Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch hạ nghị viện. Trong số những người này, riêng Chủ tịch Hạ nghị viện không được tự mình đưa ra sáng kiến sửa đổi, bổ sung hiến pháp được mà chỉ có thể đưa ra sáng kiến đó nếu có yêu cầu của ít nhất ¼ tổng số thành viên của Hạ nghị viện, tức là khoảng 30 hạ nghị sĩ. Thẩm quyền quyết định nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp Campuchia thuộc về Hạ nghị viện với tỷ lệ đại biểu tối thiểu để thông qua việc sửa đổi, bổ sung là 2/3 tổng số đại biểu. Tỷ lệ này tất nhiên thể hiện sự đồng thuận rất cao, cao hơn sự đồng thuận cần thiết cần có để Hạ viện thông qua một đạo luật. Tuy nhiên, cần lưu ý là để sửa đổi, bổ sung hiến pháp Campuchia không đòi hỏi sự đồng thuận của Thượng nghị viện trong khi đó mỗi dự thảo luật để được công bố đều cần được thượng nghị viện thông qua. Như vậy là ở khía cạnh nào đó thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp Campuchia không phức tạp bằng thủ tục làm luật. Giống như Thái Lan, Campuchia cũng quy định một số nội dung của hiến pháp không bao giờ được sửa đổi, bổ sung và trường hợp không được tiến hành sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Các nội dung không bao giờ được sửa đổi, bổ sung là các quy định liên quan tới chế độ dân chủ đa nguyên, dân chủ tự do và các nội dung xác lập chính thể quân chủ lập hiến. Trường hợp không được tiến hành sửa đổi, bổ sung hiến pháp là trường hợp đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp.[68]

          Giống với hiến pháp Lào, hiến pháp Malaysia không quy định những chủ thể nào có quyền sáng kiển sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Hiến pháp Malaysia chỉ quy định rằng việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp có thể được tiến hành bằng một đạo luật liên bang. Điều này có nghĩa là về cơ bản thẩm quyền sáng kiến, thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục sửa đổi hiến pháp Malaysia không khác gì so với trình tự thủ tục ban hành một đạo luật thông thường. Theo đó chủ thể có thẩm quyền sáng kiến sửa đổi, bổ sung hiến pháp là nghị sĩ hoặc nhóm nghị sĩ của một trong hai viện; chủ thể có thẩm quyền quyết định nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp là nghị viện Malaysia gồm cả Thượng nghị viện và Hạ nghị viện; thủ tục sửa đổi bổ sung tiến hành tại nghị viện phải trải qua ba lần điều trần trước nghị viện. Mặc dù áp dụng thủ tục giống như thủ tục làm luật song điều kiện để thông qua một dự luật sửa đổi, bổ sung hiến pháp Malaysia lại đòi hỏi trong lần điều trần thứ hai và thứ 3 ở mỗi viện, dự luật đó phải được thông qua bởi ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của mỗi viện.[69]

          Về nguyên tắc, hiến pháp Malaysia không cấm sửa đổi, bổ sung bất kỳ nội dung nào trong hiến pháp, tuy nhiên trong một số trường hợp yêu cầu về điều kiện thông qua dự luật sửa đổi bổ sung được quy định ngặt nghèo hơn so với các dự luật sửa đổi, bổ sung thông thường. Có hai loại điều kiện ngặt nghèo hơn thủ tục sửa đổi bổ sung thông thường.

          - Thứ nhất, việc sửa đổi bổ sung hiến pháp không những phải được phê chuẩn bởi 2/3 tổng số thành viên mỗi viện trong lần điều trần thứ 2 và thứ 3 mà còn phải được sự đồng ý của Hội đồng tiểu vương của Malaysia, cơ quan tập hợp tất cả các tiểu vương, các thống đốc của các bang trong Liên bang Malaysia. Điều kiện này áp dụng đối với các trường hợp dự luật sửa đổi bổ sung hiến pháp đề cập tới một trong số các vấn đề sau: [70]

          + Quyền của nghị viện được ban hành luật để hạn chế việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình vì lý do an ninh.

          + Quan hệ quốc tịch của Liên bang Malaysia.

+ Tổ chức và địa vị của Hội đồng tiểu vương.

+ Địa vị của Quốc vương Malaysia.

+ Bảo đảm dành cho các hiến pháp bang.

+ Đặc quyền của hội đồng lập pháp.

     - Thứ hai, việc sửa đổi bổ sung hiến pháp không những phải được phê chuẩn bởi 2/3 tổng số thành viên mỗi viện trong lần điều trần thứ 2 và thứ 3 mà còn phải được sự đồng ý của tiểu vương bang Sabah hoặc Sarawak, hai bang quan trọng nhất trong Liên bang Malaysia. Điều kiện này áp dụng đối với các trường hợp dự luật sửa đổi bổ sung hiến pháp đề cập tới hoặc có thể động chạm tới một trong số các vấn đề sau: [71]

+ Quyền được hưởng tư cách công dân của người sinh ra trước ngày Malaysia do có liên quan tới một trong hai bang và quyền đối xử công bằng của người sinh ra hoặc cư trú tại một trong hai bang.

+Tổ chức và thẩm quyền của Tòa thượng thẩm ở Sabah và Sarawak và việc bổ nhiệm, bãi miễn và tạm đình chỉ chức vụ thẩm phán của tòa án đó.

+ Các lĩnh vực thuộc thẩm quyền ban hành luật của nghị viện bang và cơ quan hành pháp của bang đối với vấn đề đó cũng như việc thu xếp tài chính trong lĩnh vực có liên quan giữa liên bang và bang.

+ Tôn giáo tại bang, việc sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào hoặc cư xử đặc biệt nào đối với người bản xứ của từng bang.

+ Số lượng đại diện của từng bang trong Hạ nghị viện liên bang.

          Thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp Singapore về cơ bản giống hiến pháp Malaysia, tức là cũng áp dụng thủ tục lập pháp để sửa đổi hiến pháp với tỷ lệ thông qua 2/3 tại nghị viện. Điều khác biệt ở đây là tỷ lệ 2/3 chỉ áp dụng đối với một nhóm đại biểu trong nghị viện Singapore chứ không phải tất cả đại biểu của nghị viện. Do yếu tố lịch sử, tôn giáo và sắc tộc, nghị viện Singapore có các nhóm đại biểu mang tính đại diện khác nhau. Chiếm đa số trong nghị viện là các đại biểu do cử tri bầu để đại diện cho cử tri. Nhóm này chiếm đại đa số trong nghị viện. Ngoài ra còn hai nhóm đại biểu nữa được chỉ định để đại diện cho nhóm sắc tộc và tôn giáo tại Singapore gọi là các đại diện nhóm, không do cử tri bầu.[72] Để thông qua dự luật sửa đổi bổ sung hiến pháp chỉ cần ít nhất 2/3 tổng số đại biểu ở nhóm thứ nhất tức là nhóm đại biểu do cử tri bầu thông qua là đủ để có hiệu lực. Việc ký công bố của Tổng thống Singapore chỉ mang tính thủ tục.

          Hiến pháp Singapore cũng xác định một số nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hiến pháp và không thể bị sửa đổi trừ khi đã được đưa ra để trưng cầu dân ý. Đó là các nội dung được quy định ở Phần III của bản hiến pháp, quy định về việc không được nhượng bộ chủ quyền và quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát và quân đội của Singapore cũng như việc tham gia vào các cam kết quốc tế có thể dẫn tới việc chuyển giao một phần của chủ quyền quốc gia.[73]

* Hiến pháp Liên bang Myanmar

          Theo quy định của hiến pháp Myanmar hiện hành thì dường như bất kỳ ai cũng có quyền gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp cho nghị viện miễn là đề xuất đó được làm dưới dạng một dự thảo bằng văn bản và không chứa đựng bất cứ nội dung nào khác ngoài việc sửa đổi hiến pháp[74].Tuy nhiên đó không phải là quyền pháp lý bởi vì Nghị viện chỉ khởi sự chính thức xem xét dự thảo đó khi có ít nhất 20% tổng số đại biểu của nghị viện đồng ý đưa lên. Rất tiếc, hiến pháp không quy định thủ tục làm thế nào để đạt được tỷ lệ 20% này.[75]

          Một khi đã được đưa ra toàn thể nghị viện xem xét thì dự thảo sửa đổi hiến pháp Myanmar chỉ có thể được thông qua nếu nó đạt được sự đồng thuận của ít nhất 75% tổng số đại biểu của Nghị viện.[76] Đây là một tỷ lệ đồng thuận rất cao và ở mức độ nào đó đem lại sự bảo vệ khá chắc chắn cho quyền lực của phe quân đội trong chính quyền bởi vì hiến pháp quy định một tỷ lệ đại diện bắt buộc của quân đội trong nghị viện chiếm vào khoảng 28-30%. Chính vì vậy, một khi phe quân đội không đồng ý thì dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp không thể nào được thông qua.

          Giống như các hiến pháp khác, hiến pháp Myanmar cũng quy định một số trường hợp đặc biệt việc sửa đổi hiến pháp phải đưa ra trưng cầu dân ý và phải được ít nhất ½ tổng số cử tri có tư cách đi bỏ phiếu tán thành. Đó là những trường hợp việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp động chạm tới những nội dung như Chương 1: Nguyên tắc nền tảng của Liên bang, Chương 2: Cấu trúc nhà nước, Tiêu chuẩn bầu tổng thống, cách thức bầu tổng thống, Cấu trúc nghị viện, thành phần của hạ viện và thượng viện liên bang và nghị viện bang, thành phần của chính phủ liên bang, Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia, cấu trúc chính quyền bang và khu tự trị, tổ chức hệ thống tòa án và Tòa án tối cao liên bang, số lượng và sắp xếp các tòa thượng thẩm, số lượng và sắp xếp các tòa án địa phương, tổ chức của tòa án hiến pháp, các điều khoản về tình trạng khẩn cấp và chính điều khoản sửa đổi, bổ sung hiến pháp.[77]

* Hiến pháp Cộng hòa Philippines

          Trong số các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN, hiến pháp Philippines có quy định đặc biệt nhất và cũng đòi hỏi mức độ đồng thuận cao nhất đối với việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Theo quy định, có ba chủ thể được quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp Philippines, bao gồm: [78]

          - Nghị viện Philippines khi có sự đồng ý của ¾ tổng số đại biểu.

          - Hội nghị hiến pháp được Nghị viện triệu tập trên cơ sở đề nghị của hai phần ba tổng số nghị viên. Hội nghị lập hiến cũng có thể được thành lập theo đề nghị của ½ tổng số nghị viên và được đa số cử tri cả nước đồng ý.

          - Nhóm cử tri bao gồm ít nhất mười hai phần trăm tổng số cử tri có đăng ký, trong đó mỗi đơn vị bầu cử có ít nhất 3% số cử tri đăng ký.

          Như vậy là ngay cả để đưa ra đề nghị sửa đổi hiến pháp thôi mà hiến pháp Philippines đã đòi hỏi một tỷ lệ đồng thuận rất cao, cao hơn cả tỷ lệ đủ để thông qua sửa đổi, bổ sung hiến pháp ở một số nước ASEAN như đề cập trên đây. Mức độ đồng thuận đòi hỏi để có thể thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp lại còn cao hơn nữa, bởi vì chỉ có một chủ thể duy nhất được quyết định về các đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp, đó chính là cử tri cả nước trong một cuộc trưng cầu dân ý. Để cử tri được chuẩn bị tốt nhất để trưng cầu dân ý, cuộc trưng cầu dân ý phải được tổ chức không sớm hơn 60 ngày và không muộn hơn 90 ngày kể từ ngày đưa ra đề xuất sửa đổi hiến pháp.[79]

          Chính vì việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp Philippines đòi hỏi một mức độ đồng thuận cao đến như vậy cho nên phạm vi sửa đổi, bổ sung hiến pháp là không có hạn chế. Bất kỳ điều khoản nào của hiến pháp Philippines đều có thể được sửa đổi bổ sung. Tuy vậy, để có thể xác định được tỷ lệ đồng thuận cao như vậy đòi hỏi phải có thủ tục tiến hành khá phức tạp và tốn kém, không thể thực hiện thường xuyên được. Chính vì vậy mà hiến pháp Philippines cũng đặt ra những hạn chế nhất định, không phải tới phạm vi sửa đổi, bổ sung hiến pháp mà là tần suất yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, hiến pháp Philippines hiện hành thì trong 5 năm đầu kể từ ngày phê chuẩn hiến pháp không được tiến hành sửa đổi, bổ sung hiến pháp và sau đó không được sửa đổi, bổ sung hiến pháp quá hai lần trong một năm.

2.2.3. Nhận xét về các quy định về tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Qua những phân tích trên đây có thể rút ra một số nhận xét đối với các quy định về tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp các quốc gia ASEAN như sau:

          - Ngoại trừ Brunei, các quốc gia còn lại đều khẳng định hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, trong đó phần lớn các quốc gia khẳng định hiến pháp có hiệu lực tối cao và các văn bản pháp luật trái với hiến pháp đều phải bị bãi bỏ.

          - Các quy định về thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp các quốc gia ASEAN được quy định khá đa dạng, không có quốc gia nào hoàn toàn giống quốc gia nào. Mỗi quốc gia đều có những quy định đặc thù của mình. Tuy nhiên, thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp của các quốc gia ASEAN đều có đặc điểm chung là sự chặt chẽ và đòi hỏi đồng thuận cao hơn nhiều so với việc ban hành các đạo luật. Các quốc gia theo chính thể cộng hòa như Philippines, Myanmar thường có đòi hỏi khắt khe hơn so với các quốc gia theo chính thể quân chủ.

          - Mặc dù thủ tục sửa đổi, bổ sung chặt chẽ và đòi hỏi đồng thuận cao thể hiện sự tương ứng phù hợp với tính hiệu lực tối cao của hiến pháp, song không phải quốc gia ASEAN nào cũng quy định bắt buộc phải có trưng cầu dân ý khi sửa đổi hiến pháp. Trong số 9 quốc gia ASEAN, chỉ có Philippines yêu cầu phải có trưng cầu dân ý khi sửa đổi hiến pháp. Các quốc gia còn lại hoặc không yêu cầu phải có trưng cầu dân ý hoặc chỉ yêu cầu phải có trưng cầu dân ý khi sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng nào đó của hiến pháp.

          - Một số bản hiến pháp quy định cho người dân những cách thức khác nhau để tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Trưng cầu dân ý là một trong những cách thức như vậy. Bên cạnh đó một số hiến pháp như Thái Lan hoặc Philippines còn quy định người dân, với một số lượng nhất định, có quyền đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp.

          - Một số bản hiến pháp ASEAN như hiến pháp Campuchia và Thái Lan đã phân định một số quy định không thể bị thay đổi bằng thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Đây là cách làm khá hiện đại và cũng đang được áp dụng trong một số bản hiến pháp trên thế giới, ví dụ Hiến pháp Cộng hòa liên bang Đức hay Hiến pháp Liên bang Nga. Cách thức quy định như vậy nhấn mạnh thông điệp rằng những nội dung cơ bản nhất, quan trọng nhất đối với quốc gia, ví dụ về chính thể, hình thức nhà nước .v.v., chỉ có thể bị thay đổi bằng thủ tục đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả người dân bằng việc ban hành một bản hiến pháp mới thay thế hoàn toàn hiến pháp hiện hành.

 

 

Chương 3: Lời nói đầu và các chế độ nhà nước trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

3.1. Lời nói đầu trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

3.1.1. Các hiến pháp không có lời nói đầu - hiến pháp Malaysia và hiến pháp Singapore

          Trong số các quốc gia ASEAN được nghiên cứu ở đây, Malaysia và Singapore là hai nước duy nhất không có phần “Lời nói đầu” trong hiến pháp. Giới nghiên cứu luật hiến pháp ở hai quốc gia này cũng ít đề cập tới lý do tại sao lại có sự thiếu vắng đó. Như đề cập ở phần trên, hai quốc gia cũng quy định rất rõ giá trị hiệu lực tối cao của hiến pháp cũng như cơ chế sửa đổi, bổ sung yêu cầu sự đồng thuận cao tương ứng với giá trị hiệu lực của hiến pháp. Vì vậy không thể nói rằng việc không có phần lời nói đầu cho thấy ở hai quốc gia này không đề cao vai trò của hiến pháp trong hệ thống pháp luật. Sở dĩ hai bản hiến pháp này không có lời nói đầu có thể là vì những lý do mang tính kỹ thuật sau đây:

          - Thứ nhất, cả Malaysia và Singapore đều có thời gian khá dài trong lịch sử cận đại là thuộc địa của Vương quốc Anh. Hai quốc gia này đều đã rất quen thuộc với truyền thống pháp luật bất thành văn. Mặc dù cả hai quốc gia đều đã có những bản hiến pháp thành văn, song có thể truyền thống pháp luật bất thành văn cũng đã có sự ảnh hưởng ít nhiều tới hình thức và cấu trúc của bản hiến pháp, thiên về coi trọng nội dung hơn là những tuyên bố mang tính lễ nghi, hình thức.

          - Thứ hai, những phân tích trên đây cho thấy hiến pháp của cả hai quốc gia này đều có các điều khoản nội dung hết sức chi tiết và cụ thể. Bản thân cả hai bản hiến pháp cũng đều thuộc loại dài nhất trong số hiến pháp các quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy ở hai quốc gia này hiến pháp mang đặc điểm của đạo luật với những điều khoản chi tiết có thể thi hành được ngay hơn là những điều khoản mang tính định hướng, nguyên tắc. Có lẽ chính vì điều này nên lại một lần nữa yếu tố thực dụng, làm sao cho hiến pháp đủ chi tiết và cụ thể để áp dụng được ngay, được đề cao hơn thay vì yếu tố hình thức, mang tính tuyên bố, ghi nhận như là phần Lời nói đầu của hiến pháp.

3.1.2. Các hiến pháp có lời nói đầu ngắn gọn – hiến pháp Philippines, Brunei, Campuchia, và Indonesia

          Các bản hiến pháp này đều có chung đặc điểm là có lời nói đầu ngắn gọn, súc tích hơn so với các bản hiến pháp ASEAN khác. Tuy nhiên trong những lời nói đầu đó cũng chứa đựng những nội dung và đặc điểm khác nhau.

* Lời nói đầu của hiến pháp Philippines

          Có thể nói, hiến pháp Philippines có lời nói đầu ngắn gọn nhất trong số các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN. Lời nói đầu của hiến pháp Philippines chỉ vỏn vẹn có khoảng 4 dòng khi dịch ra tiếng Việt Nam, với nội dung là nêu lý do và cũng là mục đích của việc ban hành hiến pháp. Theo đó mục đích của việc ban hành hiến pháp Philippines hiện hành là để xây dựng “một xã hội nhân đạo và công bằng, thiết lập Chính phủ thể hiện lí tưởng và nguyện vọng của người dân, thúc đẩy lợi ích chung, bảo tồn và phát triển di sản, duy trì độc lập và dân chủ trong điều kiện pháp quyền và chế độ xã hội yêu chuộng sự thật, công lí, tự do, bình đẳng, bác ái, hoà bình cho thế hệ mình và các thế hệ tiếp nối”. Có thể thấy, những mục đích, lý do này cũng chính là định hướng phát triển lâu dài của Cộng hòa Philippines, nó chứa đựng những giá trị mà dân tộc Philippines muốn hướng tới không chỉ trong lĩnh vực chính trị, pháp luật mà còn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.

* Lời nói đầu của hiến pháp Brunei

          Lời nói đầu của hiến pháp Brunei tuy về hình thức có dài hơn một chút so với hiến pháp Philippines. Song nội dung của nó thì lại có phần nghèo nàn hơn. Lời nói đầu này cũng có nội dung chính là mục đích của việc ban hành hiến pháp. Mục đích đó là việc Quốc vương Brunei muốn cai trị theo các quy định của hiến pháp và pháp luật đồng thời tiến hành những bước để thiết lập các cơ quan đại diện của người dân trong bộ máy nhà nước. Như vậy là mục đích ban hành hiến pháp Brunei chỉ bó hẹp trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và chính trị. Nó đem đến thông điệp rằng hiến pháp này được ban hành với vai trò như một công cụ để Quốc vương cai trị đất nước, đồng thời để Quốc vương thực hiện tư tưởng dân chủ hóa của mình. Lời nói đầu của hiến pháp Brunei thực sự thể hiện rằng đó là hiến pháp của một chính thể quân chủ chuyên chế, Quốc vương ban hành hiến pháp để làm công cụ thể chế hóa ý chí của mình.

* Lời nói đầu của hiến pháp Campuchia

          Cấu trúc Lời nói đầu của hiến pháp Campuchia về cơ bản có hai phần. Phần thứ nhất khẳng định thành quả của dân tộc Khmer trong lịch sử, khẳng định rằng dân tộc Khmer sinh sống trên đất nước Campuchia “được biết đến là một nền văn minh vĩ đại của một dân tộc huy hoàng, hùng mạnh và thịnh vượng mà sự vinh quang của nó sáng như viên pha lê”. Phần thứ nhất của lời nói đầu cũng đề cập tới những dấu án nổi bật trong lịch sử cận đại Campuchia, đó là thảm họa diệt chủng và quyết tâm đứng lên, xây dựng lại đất nước của người Campuchia.

          Phần thứ hai của Lời nói đầu của hiến pháp Campuchia đề cập tới mục đích và cũng là những giá trị định hướng cho sự phát triển của đất nước mà hiến pháp hướng tới để bảo vệ, đó là củng cố đoàn kết dân tộc, bảo vệ và duy trì lãnh thổ quốc gia, độc lập dân tộc, kế thừa văn minh Angkor, xây dựng Campuchia thành một “hòn đảo hòa bình” với chế độ dân chủ tự do đa đảng, bảo đảm quyền con người, tôn trọng pháp luật, hướng tới sự phát triển thịnh vượng và huy hoàng.

* Lời nói đầu của hiến pháp Indonesia

          Lời nói đầu của hiến pháp Indonesia gồm hai phần. Phần thứ nhất khẳng định các giá trị của độ lập dân tộc và thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia, coi đó là nền tảng quan trọng nhất để phát triển đất nước Indonesia độc lập, tự do, thống nhất, có chủ quyền, bình đẳng và thịnh vượng. Phần thứ hai nêu lên mục đích ban hành bản hiến pháp đó là “nhằm thiết lập Chính phủ của Nhà nước Indonesia để bảo vệ toàn dân và Tổ quốc Indonesia, để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, nâng cao đời sống tinh thần của dân tộc và đóng góp cho việc thực hiện trật tự thế giới dựa trên tự do, hoà bình lâu dài và công bằng xã hội, độc lập dân tộc của Indonesia được tuyên bố trong Hiến pháp của nhà nước Indonesia, tạo lập nên nước Cộng hoà Indonesia với chủ quyền thuộc về nhân dân, dựa trên niềm tin vào Thánh Allah, loài người tiến bộ và công bằng, sự thống nhất của Indonesia và sự lãnh đạo dân chủ được dẫn dắt bởi sức mạnh của sự sáng suốt có được từ việc bàn bạc kĩ lưỡng/dân chủ đại diện, nhằm thực thi công bằng xã hội cho mọi người dân Indonesia.”

3.1.3. Các hiến pháp có lời nói đầu dài hơn – hiến pháp Lào, Myanmar và Thái Lan

* Hiến pháp Lào

          Hiến pháp Lào dành một phần đáng kể đề cập một cách khái quát tới lịch sử phát triển của các bộ tộc Lào và của Cách mạng Lào trong thời kỳ cận đại. Phần này viết: “Các bộ tộc Lào đã tồn tại và phát triển trên mảnh đất thân thương hàng ngàn năm. Bắt đầu từ giữa thế kỷ 14, trong thời trị vì của Chao Fa Ngum, các tiền bối của chúng ta đã lập nên một nước Lane Xang đoàn kết và xây dựng đất nước thành một mảnh đất phồn thịnh. Kể từ thế kỷ 18, đất nước Lào liên tục bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm. Dân tộc chúng ta đã phát huy truyền thống bất khuất anh hùng của cha ông và tiếp tục kiên định đấu tranh giành độc lập và tự do.

          Từ những năm 1930, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Đông Dương và Đảng nhân dân cách mạng Lào hiện nay, các bộ tộc Lào anh em đã tiến hành những cuộc đấu tranh gian khổ và xương máu với những sự hy sinh cho đến khi đập tan ách thống trị và cai trị của chế độ phong kiến, thuộc địa, hoàn toàn giải phóng đất nước và thiết lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào ngày 2 tháng 12 năm 1975, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập hoàn toàn cho đất nước và tự do cho người dân.

          Trong suốt những năm đất nước được giải phóng, dân tộc chúng ta đã cùng nhau tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là tiến hành cải cách nhằm mục đích huy động các nguồn lực của đất nước để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân và thiết lập các điều kiện đi lên CNXH.”

          Sau khi đề cập khái quát lịch sử phát triển của Cách mạng Lào, hiến pháp Lào đề cập tới lý do và mục đích của việc ban hành hiến pháp. Lý do ban hành hiến pháp được đề cập một cách chung chung là để phù hợp với sự đòi hỏi của đời sống xã hội trong giai đoạn mới. Khẳng định đây là hiến pháp của chế độ dân chủ nhân dân. Mục đích của hiến pháp đồng thời cũng chính là nội dung của hiến pháp là ghi nhận thành quả vĩ đại của Cách mạng Lào, xác định chế độ chínhtrị, chế độ kinh tế, xã hội, chế độ an ninh quốc phòng, chính sách đối ngoại, quyền và nghĩa vụ của công dân và tổ chức của bộ máy nhà nước trong giai đoạn mới.

          Phần cuối cùng của lời nói đầu đề cập tới tính chính thống của bản hiến pháp, khẳng định đó là kết quả của quá trình thảo luận rộng rãi toàn dân trên khắp đất nước, phản ánh nguyện vọng lâu đời và quyết tâm mạnh mẽ của toàn dân cố gắng hoàn thành mục tiêu xây dựng Lào thành một đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, đoàn kết và thịnh vượng.

* Hiến pháp Myanmar

          Lời nói đầu của hiến pháp Myanmar đề cập tới bốn nội dung chính. Nội dung thứ nhất khẳng định truyền thống lịch sử, nền độc lập dân tộc của Myanmar, khái quát nét chính trong lịch sử cận đại của đất nước Myanmar. Lời nói đầu viết về nội dung này như sau: “Myanmar là một đất nước với truyền thống lịch sử huy hoàng. Dân tộc chúng ta đã và đang sinh sống trong đoàn kết và nhất quán, thiết lập nhà nước có chủ quyền độc lập và vươn mình dậy với niềm kiêu hãnh.

          Do sự xâm lược của thực dân, đất nước mất quyền tự chủ vào năm 1885. Cả dân tộc đã tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân và đấu tranh giải phóng dân tộc, với đoàn kết tạo thành sức mạnh, với những người đã hy sinh và vì vậy đất nước đã trở thành một nước đất độc lập vào ngày 4/1/1948.”

          Nội dung thứ hai của Lời nói đầu hiến pháp Myanmar khái quát lịch sử lập hiến và tư tưởng chủ đạo chính cho mỗi bản hiến pháp: “Nhằm mục đích sớm giành được độc lập, Hiến pháp đã được khẩn trương soạn thảo và đã được Hội đồng cử tri thông qua ngày 24/9/1947. Sau khi giành được độc lập, Chế độ dân chủ đại nghị đã được thực thi theo Hiến pháp của Liên bang Myanmar. Tuy nhiên, vì chế độ dân chủ không thể hiện thực hóa được, Hiến pháp mới của Liên bang Myanmar Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa được soạn thảo dựa trên hệ thống một đảng cầm quyền, và sau khi trưng cầu dân ý, một nhà nước dân chủ XHCN đã được thành lập năm 1974. Hiến pháp này kết thúc hiệu lực do chính biến năm 1988.

          Sau đó, theo nguyện vọng của nhân dân, Hội đồng hòa bình và phát triển nhà nước đã cố gắng thiết lập một chế độ dân chủ đa đảng và kinh tế thị trường phù hợp với hoàn cảnh đất nước.”

          Thứ ba, lời nói đầu hiến pháp Myanmar trình bày vắn tắt quá trình ban hành bản hiến pháp hiện hành, qua đó khẳng định tính chính thống của bản hiến pháp hiện hành. Để thể hiện nội dung này, lời nói đầu hiến pháp Myanmar viết: “nhu cầu có một bản hiến pháp ổn định có thể bảo đảm được lợi ích lâu dài đã trở thành thiết yếu cho sự phát triển tương lai, Hội đồng hòa bình và phát triển nhà nước đã triệu tập Đại hội toàn quốc năm 1993. Đại diện các giới và các lĩnh vực đã tham gia Đại hội toàn quốc này.

          Bất chấp những khó khăn và cản trở, Đại hội đã được triệu tập lại vào năm 2004 theo kế hoạch 7 bước ban hành năm 2003. Đại hội toàn quốc đã ban hành Các nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc cơ bản cụ thể để xây dựng hiến pháp vào ngày 3/9/2007.

          Theo đây ban hành Hiến pháp này của Liên bang Cộng hòa Myanmar thông qua cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 29/5/2008.”

          Cuối cùng, lời nói đầu hiến pháp Myanmar đề cập tới những nguyên tắc và tư tưởng chủ đạo đối với nội dung của hiến pháp và cũng là những nguyên tắc bất di bất dịch đối với sự tồn tại và phát triển của Liên bang Myanmar. Các nguyên tắc và tư tưởng chủ đạo đó bao gồm:

          - Tuân thủ tuyệt đối mục tiêu không chia rẽ liên bang, không chia rẽ đoàn kết dân tộc và duy trì chủ quyền;

          - Cố gắng hết sức để củng cố thêm các nguyên tắc bất di bất dịch như công lý, tự do, bình đẳng và bảo vệ hòa bình cũng như thịnh vượng của dân tộc;

          - Bảo vệ sự bình đẳng dân tộc, mãi mãi chung sống trong tình đoàn kết và tinh thần yêu nước của Liên bang;

          - Liên tục cố gắng phấn đấu bảo vệ các nguyên tắc cùng chung sống hòa bình giữa các quốc gia với quan điểm duy trì hòa bình thế giới và quan hệ hữu nghị với các nước.

* Hiến pháp Thái Lan

          Lịch sử hiến pháp của Thái Lan là một lịch sử đầy biến động, đã có rất nhiều bản hiến pháp được ban hành rồi lại được thay thế bởi những bản hiến pháp mới. Đây là một thực tiễn mà thường các nhà lập pháp không mong muốn. Có lẽ chính vì vậy mà Lời nói đầu của hiến pháp Thái Lan hiện hành tập trung làm nổi bật tính chính thống và giá trị ưu việt của bản hiến pháp hiện hành. Trên tinh thần đó, Lời nói đầu của hiến pháp Thái Lan bao gồm ba nội dung chính.

          Nội dung thứ nhất nêu bật những nét chính trong quá trình soạn thảo hiến pháp hiện hành, qua đó khẳng định tính chính thống của hiến pháp. Nội dung này viết: “ Đức Phrabat Somdet Phra Paramintharamaha Bhumibol Adulyadej Mahitalathibet Ramathibodi Chakkri Narubodin Sayammintharathirat Borommanatthabophit hài lòng tuyên bố rằng Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia đã thông báo chế độ chính quyền dân chủ của Thái Lan với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia đã phát triển trong suốt 75 năm qua và trong những năm đó đã ban hành, bãi bỏ và sửa đổi một số bản hiến pháp để phù hợp với tình hình của đất nước cũng như những thay đổi trong thế sự và bởi vì Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan (Lâm thời), B.E. 2549 (2006) có quy định thành lập một Hội đồng lập hiến và Uỷ ban soạn thảo hiến pháp chịu trách nhiệm chuẩn bị dự thảo hiến pháp hoàn toàn mới làm định hướng hoạt động cho chính quyền của đất nước theo cách thức cho phép thành viên của bộ máy chính quyền quốc gia, công chúng được tham gia và bày tỏ quan điểm của mình một cách rộng rãi trong mỗi giai đoạn và đưa những ý kiến đó vào xem xét trong quá trình chuẩn bị những dự thảo và liên tục xem xét những nguyện vọng của người dân đề đạt tới.

          Sau khi đã hoàn tất việc dự thảo hiến pháp, Hội đồng lập hiến đã công bố bản thảo và tiến hành trưng cầu dân ý để phê chuẩn dự thảo toàn văn hiến pháp. Cuộc trưng cầu dân ý đã cho thấy rõ ràng rằng đa số nhân dân có quyền bỏ phiếu, những người đã tham gia vào trưng cầu dân ý đều đồng ý với Dự thảo Hiến pháp mới này. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia đã trình Dự thảo Hiến pháp lên Quốc vương để ngài kí ban hành Dự thảo đó làm Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan. Quốc vương đã thấy cần sớm kí ban hành theo nguyện ước của nhân dân.

          Vì thế, theo chiếu chỉ của Quốc vương, Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan được ban hành để thay thế kể từ ngày được ban hành Hiến pháp Vương quốc Thái Lan (Lâm thời), B.E. 2549 (2006) được ban hành ngày 1 tháng 10 năm 2549 Phật lịch (2006).”

          Nội dung thứ hai khẳng định những tư tưởng chủ đạo của hiến pháp và cũng là những phần nội dung chính của hiến pháp. Những tư tưởng này bao gồm:

          - Củng cố độc lập và an ninh quốc gia.

          - Coi trọng tất cả các tôn giáo.

          - Quốc vương là nguyên thủ quốc gia và là trung tâm của đoàn kết dân tộc.

          - Mô hình chính thể với chính quyền dân chủ với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia như là công cụ để cai trị đất nước.

          - Bảo vệ các quyền và quyền tự do của nhân dân, việc công nhận vai trò và sự tham gia của công chúng vào chính quyền.

          - Giám sát các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước theo cách thức cụ thể, việc thiết lập các cơ chế bảo đảm rằng các thiết chế chính trị, cả trong lập pháp và hành pháp phải đạt được sự cân bằng và tính hiệu quả trên cơ sở chế độ đại nghị.

          - Thiết chế tư pháp và các cơ quan độc lập khác thực hiện nhiệm vụ của mình theo cách thức trung thực và công bằng.”

          Trên cơ sở làm rõ tính chính thống và những tư tưởng tiến bộ của hiến pháp, phần cuối cùng của lời nói đầu kêu gọi toàn dân Thái Lan đoàn kết, ủng hộ và bảo vệ hiến pháp: “Toàn thể nhân dân Thái Lan hãy đoàn kết trong việc tuân thủ, bảo vệ và ủng hộ Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan để duy trì chế độ chính quyền dân chủ và chủ quyền xuất phát từ nhân dân Thái Lan và đem đến hạnh phúc, thịnh vượng và uy tín cho thần dân của Đức Vua trong toàn Vương quốc theo ý chí của Đức Vua ở mọi phương diện.”

3.1.4. Nhận xét về lời nói đầu trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Phân tích trên đây cho thấy lời nói đầu trong các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN có nội dung rất đa dạng và phong phú. Các lời nói đầu đều toát lên tinh thần phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của bản hiến pháp tương ứng, ví dụ như lời nói đầu hiến pháp Brunei toát lên vai trò tối cao của Quốc vương và hiến pháp là một công cụ để Quốc vương thực hiện sự cai trị theo tư tưởng của mình; hiến pháp Thái Lan nhấn mạnh tới tính chính thống và toát lên những tư tưởng, giá trị dân chủ ưu việt mà người dân Thái Lan đều mong muốn và một vai trò khác của Quốc vương  - biểu tượng của đoàn kết dân tộc; lời nói đầu hiến pháp Myanmar toát lên quan điểm và sự nỗ lực của chính quyền quân sự đương nhiệm trong việc dân chủ hóa chính quyền, mong muốn xây dựng một chính quyền mới dân chủ hơn và mang tính đại diện cao hơn .v.v.

          Mặc dù có những điểm khác nhau nhất định, song ở bất kỳ lời nói đầu nào cũng đều đề cập tới ít nhất hai vấn đề:

          - Vấn đề thứ nhất là tính chính thống của hiến pháp. Tính chính thống có thể chỉ cần thể qua một cụm ngắn gọn “Chúng tôi, người dân …” như trong hiến pháp Philippines, hoặc có thể thể hiện qua sự mô tả dài dòng hơn về quá trình xây dựng hiến pháp và các yếu tố dân chủ, ý chí nhân dân được phản ánh trong quá trình xây dựng hiến pháp, như hiến pháp Myanmar hay Thái Lan.

          -  Vấn đề thứ hai là mục đích của việc ban hành hiến pháp và đó cũng thường là những tư tưởng chính định hướng nội dung các điều khoản của hiến pháp. Trên thực tế thì chính mục đích và những tư tưởng chính này cũng góp phần làm nên tính chính thống của bản hiến pháp tương ứng.

          Có thể thấy, hai vấn đề trên đây cũng là những vấn đề cần được đề cập tới trong Lời nói đầu của một bản hiến pháp hiện đại. Chúng cung cấp nền tảng cho sự tồn tại của bản hiến pháp đồng thời cung cấp những quan điểm khởi đầu cho việc xây dựng nội dung các chế định và các điều khoản cụ thể của hiến pháp.

3.2. Các chế độ nhà nước theo quy định của hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Phần các chế độ nhà nước trong một bản hiến pháp bao gồm các điều khoản của bản hiến pháp đó quy định về chính sách cụ thể của nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Những chính sách đó được hiểu là những chính sách nền tảng, định hướng cho hoạt động thực hiện quyền lực của cả bộ máy nhà nước nói chung và từng cơ quan nhà nước nói riêng trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Về bản chất, các chế độ nhà nước là nền tảng của từng lĩnh vực trong đời sống xã hội được thiết lập thông qua việc các quy định tương ứng của hiến pháp điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản nhất và quan trọng nhất trong lĩnh vực tương ứng. Trên cơ sở đó, các chế độ của nhà nước có thể được phân nhóm thành chế độ chính trị, chế độ kinh tế, xã hội, môi trường, chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, chế độ an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

          Trong hiến pháp của 9 quốc gia ASEAN nghiên cứu ở đây, mức độ quy định về các chế độ nhà nước có sự khác biệt khá lớn. Có những hiến pháp không hoặc gần như không có quy định một cách rõ ràng về các chế độ nhà nước. Có những hiến pháp có quy định nhưng không chi tiết cụ thể hoặc không toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như đề cập trên đây. Có những hiến pháp đề cập rất chi tiết, cụ thể và toàn diện chế độ nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

3.2.1. Các hiến pháp không có quy định về các chế độ nhà nước – hiến pháp Brunei, Malaysia và Singapore

          Trong số hiến pháp của 9 quốc gia ASEAN, hiến pháp của Brunei, Malaysia và Singapore chỉ có một hoặc hai điều khoản quy định tản mát về một số vấn đề thuộc trong số các lĩnh vực hẹp của đời sống xã hội. Có thể đó là những vấn đề quan trọng nhất đối với những quốc gia này, song những quy định tương ứng lại quá ít ỏi và không có tính hệ thống để có thể tạo thành chế độ nhà nước trong một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, nếu lấy tiêu chí quy định chế độ nhà nước để định hướng việc xây dựng và thực hiện chính sách của các cơ quan nhà nước thì có thể khẳng định rằng những quốc gia này không có quy định về chế độ nhà nước trong hiến pháp mà chỉ có một số quy định rời rạc về những vấn đề được coi là quan trọng nhất đối với họ mà thôi.

* Hiến pháp Brunei

          Liên quan tới vấn đề chế độ nhà nước, hiến pháp hiện hành của Brunei chỉ quy định về vấn đề tôn giáo với nội dung như sau:

          - Tôn giáo chính thức của Vương quốc Brunei Darussalam là Đạo hồi. Những người theo tôn giáo khác vẫn có thể được hành đạo trong hòa bình và hòa hợp.

          - Giáo chủ Hồi giáo Brunei Darussalam là Đức Vua Brunei.

          Ngoài quy định rất ngắn gọn về vấn đề tôn giáo như trên, hiến pháp Brunei hiện hành không đề cập gì tới chính sách định hướng hoạt động của nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điểm đặc thù này của hiến pháp Brunei có lẽ bắt nguồn từ hoàn cảnh ra đời của bản hiến pháp. Trong một chính thể quân chủ chuyên chế hồi giáo mạnh như Brunei, hiến pháp chỉ được xem như công cụ để Quốc Vương thực hiện sự cai trị của mình. Hiến pháp do Quốc Vương ban hành và sửa đổi bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà nếu Quốc Vương không muốn ban hành các định hướng chính sách để tự ràng buộc mình thì đương nhiên hiến pháp không thể có phần đó.

* Hiến pháp Malaysia và hiến pháp Singapore

          Giống như hiến pháp Brunei, trong hiến pháp Malaysia chỉ có một điều khoản duy nhất quy định về vấn đề tôn giáo với nội dung tương tự hiến pháp Brunei: “Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang; nhưng các tôn giáo khác cũng có thể được hoạt động một cách hòa bình và hòa hợp trong bất kỳ phần lãnh thổ nào của Liên bang”.[80] Hiến pháp Singapore cũng chỉ có một điều khoản điều chỉnh về một vấn đề của chế độ nhà nước, song đó là điều khoản quy định về chủ quyền và tên gọi của Singapore. “Singapore là một nước cộng hòa có chủ quyền được gọi là Cộng hòa Singapore”.[81] Có thể nói, hiến pháp Malaysia và Singapore có cấu trúc nội dung giống như một hiến pháp tư sản truyền thống, về cơ bản chỉ điều chỉnh hai mảng vấn đề là tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và quyền cơ bản của công dân mà thôi.

3.2.2. Các hiến pháp có quy định ít chi tiết, cụ thể về các chế độ nhà nước – hiến pháp Campuchia và Indonesia

          Hiến pháp của hai quốc gia này đều dành tới 4 chương riêng biệt để quy định về chế độ nhà nước trong các lĩnh vưc khá toàn diện của đời sống xã hội. Tuy nhiên, các quy định về mỗi chế độ thường ngắn gọn, chung chung mà mang tính định hướng hơn là cụ thể.

* Chế độ chính trị trong hiến pháp Campuchia và Indonesia

          Cả hai bản hiến pháp đều có quy định về những vấn đề quan trọng nhất của chế độ chính trị như chủ quyền, hình thức nhà nước, chủ thể quyền lực nhà nước. Hiến pháp Indonesia quy định ngay tại Điều 1: “Nhà nước Indonesia là nhà nước đơn nhất với hình thức chính thể cộng hòa. Chủ quyền thuộc về nhân dân và được thực hiện căn cứ vào hiến pháp”. Về vấn đề này, hiến pháp Campuchia lại quy định chi tiết hơn khá nhiều. Hiến pháp Campuchia khẳng định ngay tại Điều 1 rằng Campuchia là một Vương quốc với Quốc vương là người trị vì theo quy định của Hiến pháp và theo nguyên tắc dân chủ tự do và đa nguyên đa đảng; Vương quốc Campuchia là một nước độc lập, có chủ quyền, hòa bình, vĩnh viễn là một nước trung lập và không liên kết. Lãnh thổ của Campuchia là không thể bị chia cắt, bất khả xâm phạm và nằm trong đường biên giới xác định theo bản đồ tỷ lệ 1/100000 lập từ năm 1933-1953 và được thế giới công nhận từ năm 1963-1969.[82]

          Về chủ thể quyền lực nhà nước và nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, hiến pháp Indonesia quy định: “Chủ quyền thuộc về nhân dân…. Nhà nước Indonesia là nhà nước pháp quyền”,[83] trong khi đó hiến pháp Campuchia quy định chi tiết hơn khá nhiều. Hiến pháp Campuchia quy định: “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện những quyền này thông qua Quốc hội, Chính phủ hoàng gia và hệ thống tòa án. Cả ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải tách bạch với nhau”[84]

          Ngoài những nội dung giống nhau, hai bản hiến pháp trên đây cũng có những điểm khác biệt. Hiến pháp Campuchia vì một lý do nào đó rất chú trọng tới nhiệm vụ của nhà nước, theo đó quy định: “Chính phủ hoàng gia phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia, thực hiện chính sách hòa giải dân tộc để bảo đảm đoàn kết dân tộc, và bảo tồn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính phủ hoàng gia Campuchia phải gìn giữ và bảo vệ pháp luật và bảo đảm trật tự và an ninh công cộng. Nhà nước phải dành ưu tiên cho việc nâng cao phúc lợi và tiêu chuẩn sống của công dân.”[85] Ngược lại, trong hiến pháp Indonesia gần như không có quy định cụ thể nào chỉ rõ nhiệm vụ của nhà nước.

* Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường trong hiến pháp Campuchia và Indonesia

          Trong hiến pháp Campuchia và Indonesia đều có những điều khoản quy định về định hướng chính sách của nhà nước về kinh tế, xã hội và môi trường.

          Chính sách phát triển kinh tế nói chung của Indonesia được quy định một cách ngắn gọn như sau: “nền kinh tế được cơ cấu như là nỗ lực chung trên cơ sở những nguyên tắc của hệ thống gia đình”. Đây là một quy định rất chung chung và không rõ nghĩa. Hiến pháp không giải thích rõ “trên cơ sở nguyên tắc của hệ thống gia đình” có nghĩa là gì. Hiến pháp cũng không quy định rõ nền kinh tế Indonesia là nền kinh tế thị trường hay nền kinh tế tự cấp tự túc. Ngay cả về vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được quy định một cách không rõ ràng: “Đất, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong đất và nước được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước để khai thác nhằm mang lại lợi ích tối đa cho nhân dân”.[86] Tinh thần của quy định này là đất đai và tài nguyên thiên thuộc quyền sở hữu của nhà nước, mặc dù điều đó không được thể hiện một cách rõ ràng trong nội dung quy phạm. Hiến pháp Indonesia cũng quy định về việc nhà nước sẽ nắm và kiểm soát các khu vực sản xuất có vai trò quan trọng đối với đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của đại bộ phận người dân.[87]

          Khác với Indonesia, Campuchia quy định khá rõ các chính sách của mình trong lĩnh vực kinh tế. Về định hướng phát triển nền kinh tế, hiến pháp Campuchia quy định: “Vương quốc Campuchia phát triển nền kinh tế thị trường …. Nhà nước phải thúc đẩy phát triển kinh tế trong tất cả các thành phần kinh tế và vùng sâu vùng xa, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp, có chú trọng tới các chính sách sử dụng nguồn nước, điện, đường xá và phương tiện giao thông, công nghệ hiện đại và hệ thống tín dụng.” Về quyền sở hữu nhà nước, hiến pháp Campuchia quy định Nhà nước Campuchia là chủ sở hữu đất đai, tài nguyên khoáng sản, núi, biển, nước ngầm, thềm lục địa, bờ biển, khoảng không, hải đảo, sông, kênh, suối, hồ, rừng, tài nguyên thiên nhiên, các trung tâm văn hóa và kinh tế, cơ sở quân sự và các cơ sở vật chất khác. Tuy nhiên, Nhà nước cũng bảo vệ quyền sở hữu tư nhân. Tài sản tư nhân không thể bị trưng dụng hay trưng mua trừ khi được sự cho phép của luật trong những trường hợp đặc biệt.[88]

          Về chính sách xã hội, hiến pháp Indonesia cũng quy định súc tích cho từng đối tượng được hưởng chính sách xã hội. Theo đó những người nghèo khổ và trẻ em bị bỏ rơi được Nhà nước quan tâm, chăm sóc; Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội cho tất cả mọi người dân, trao quyền cho người yếu thế và người bị thiệt thòi; Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cơ sở y tế và dịch vụ công một cách phù hợp.[89] Trong khi đó hiến pháp Campuchia quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Theo đó Nhà nước Campuchia có trách nhiệm thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội cho người lao động và người làm công. Phạm vi được hưởng bảo hiểm xã hội theo hiến pháp Campuchia như vậy là hẹp hơn so với hiến pháp Indonesia. Hiến pháp Campuchia quy định Nhà nước phải chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ em, các bà mẹ, người tàn tật và gia đình liệt sĩ. Bên cạnh đó, hiến pháp Campuchia cũng quan tâm tới khía cạnh sức khỏe cộng đồng. Điều 72, hiến pháp hiện hành quy định: “sức khỏe của người dân phải được bảo đảm. Nhà nước phải coi trọng công tác chống dịch bệnh và công tác điều trị y tế. Nhà nước phải thành lập trạm xá, trạm y tế cho người dân. Những người nghèo phải được hưởng tư vấn y tế miễn phí.”[90]

          Một điểm đặc biệt là hiến pháp Indonesia dành hẳn một mục để quy định về tôn giáo và chính sách tôn giáo, theo đó nhà nước Indonesia lấy Đạo hồi là quốc đạo, song cũng đảm bảo tự do tôn giáo và thờ cúng của mọi công dân phù hợp với tôn giáo và tín ngưỡng của họ[91]; trong khi đó hiến pháp Campuchia quy định lấy Đạo Phật làm quốc đạo.[92]

          Về vấn đề môi trường, hiến pháp Campuchia quy định: “Nhà nước phải bảo vệ môi trường, bảo đảm sự cân đối giữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và xây dựng kế hoạch chi tiết để quản lý đất, nước, không khí, gió, khí hậu, hệ thống sinh thái, mỏ khoáng sản, năng lượng, dầu khí, đá và cát, đá quý, rừng và lâm sản, đời sống hoang dã, cá và các nguồn tài nguyên biển”.[93] Trong khi đó hiến pháp Indonesia không có quy định gì về chính sách của nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

* Chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong hiến pháp Campuchia và Indonesia

          Về chính sách của nhà nước đối với văn hóa, hiến pháp Indonesia quy định nhà nước phát triển nền văn hóa Indonesia vừa bảo đảm cho người dân tự do duy trì và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, vừa theo kịp nền văn minh nhân loại. Ngôn ngữ của các địa phương được coi trọng và gìn giữ như những kho báu văn hóa dân tộc.[94] Hiến pháp Campuchia về cơ bản cũng quy định những vấn đề giống như trong hiến pháp Indonesia, tuy nhiên có phần chi tiết hơn. Hiến pháp Campuchia quy định nhà nước phải bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Nhà nước phải bảo tồn các tượng đài và cổ vật của cha ông để lại đồng thời khôi phục các địa điểm lịch sử. Những danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng là di sản thế giới phải được xem là những vùng trung lập, không được phép tiến hành các hoạt động quân sự ở những nơi đó. Bất kỳ hành vi nào vi phạm các di sản nghệ thuật và văn hóa đều phải bị trừng phạt nghiêm khắc.[95] Như vậy là khác với Indonesia, hiến pháp Campuchia chú trọng duy trì và phát triển một nền văn hóa mang đậm tính dân tộc và chú trọng gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc hơn là phát triển nền văn hóa mang tính hiện đại.

          Về chính sách của nhà nước đối với giáo dục, hiến pháp Indonesia quy định trách nhiệm tổ chức và thực hiện hệ thống giáo dục quốc dân là trách nhiệm của nhà nước, mục tiêu của giáo dục là nâng cao niềm tin và lòng nhiệt thành, ý thức đạo đức, qua đó nâng cao đời sống của cả dân tộc. Trong hiến pháp Indonesia cũng quy định một mức chi ngân sách tối thiểu ở cả cấp trung ương và cấp địa phương dành cho giáo dục là 20% tổng ngân sách quốc gia.[96] Con số này thực sự không hề nhỏ so với một nước đang phát triển. Khác với Indonesia, Campuchia không có cam kết cụ thể mức chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tuy vậy, Campuchia cũng quy định khá cụ thể về chính sách giáo dục của nhà nước trong hiến pháp. Theo đó, nhà nước phải bảo đảm và nâng cao quyền được hưởng chế độ giáo dục có chất lượng tại tất cả các cấp học và phải tiến hành những bước cần thiết để làm cho hệ thống giáo dục có chất lượng đến với tất cả mọi công dân. Nhà nước phải coi trọng giáo dục thể chất và thể thao để nâng cao phúc lợi cho tất cả công dân. Nhà nước có trách nhiệm cung cấp đủ giáo dục bậc tiểu học và trung học miễn phí cho tất cả các công dân ít nhất trong vòng 9 năm. Về khía cạnh quản lý giáo dục, hiến pháp quy định nhà nước phải ban hành chương trình giáo dục áp dụng phương pháp sư phạm tiên tiến, sử dụng công nghệ trong giảng dạy và tiếng nước ngoài.[97]

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hiến pháp Campuchia không có quy định gì liên quan tới chính sách tương ứng của nhà nước. Trong khi đó hiến pháp Indonesia cũng chỉ có một quy định ngắn gọn “Nhà nước phát triển khoa học và công nghệ đồng thời duy trì các giá trị tôn giáo và thống nhất dân tộc nhằm mục tiêu thúc đẩy văn minh và sự thịnh vượng của con người”.[98]

* Chế độ quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong hiến pháp Campuchia và Indonesia

          Hiến pháp Indonesia quy định về chính sách quốc phòng, an ninh gồm ba nội dung. Thứ nhất, quốc phòng và an ninh do Nhà nước tiến hành thông qua hệ thống quốc phòng và an ninh của toàn dân mà nòng cốt là Quân đội quốc gia Indonesia (TNI) và Cảnh sát quốc gia Indonesia (POLRI) với nhân dân là lực lượng hỗ trợ. Thứ hai, nhiệm vụ quốc phòng là nhiệm vụ của quân đội quốc gia Indonesia, bao gồm lục quân, hải quân và không quân. Thứ ba, nhiệm vụ giữ gìn an ninh là Cảnh sát quốc gia Indonesia và an ninh trật tự công cộng, phục vụ nhân dân và giữ gìn luật pháp.[99]

          Hiến pháp Indonesia không có quy định về chính sách đối ngoại.

          So với hiến pháp Indonesia, hiến pháp Campuchia cũng quy định chi tiết về ba nội dung của chính sách quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, chính sách của Campuchia hoàn toàn khác so với Indonesia về từng nội dung cụ thể. Thứ nhất, quy định về chính sách quốc phòng an ninh của Campuchia chỉ tập trung vào chính sách quốc phòng chứ không có quy định về chính sách đối với an ninh. Thứ hai, hiến pháp Campuchia đề cập trực tiếp những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng. Hiến pháp Campuchia quy định: Vương quốc Campuchia không được xâm lược bất kỳ nước nào, hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và phải giải quyết các xung đột bằng con đường hòa giải với sự tôn trọng lẫn nhau. Vương quốc Campuchia không được tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào mà có nội dung trái với chính sách trung lập. Nhà nước Campuchia cũng bị cấm cho lưu trữ  vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học.[100]

Nếu như hiến pháp Indonesia không đề cập tới chính sách đối ngoại thì hiến pháp Campuchia lại quy định rất rõ về điều này. Theo Điều 53, hiến pháp Campuchia hiện hành, Vương quốc Campuchia xác định chính sách trung lập vĩnh viễn và không liên kết. Vương quốc Campuchia theo đuổi chính sách cùng tồn tại trong hòa bình với các quốc gia lân cận cũng như đối với các nước khác trên thế giới. Bất kỳ hiệp định hay cam kết quốc tế nào được ký kết không phù hợp với sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nguyên tắc trung lập và đoàn kết dân tộc của Campuchia sẽ không có hiệu lực.

3.2.3. Các hiến pháp có quy định chi tiết, cụ thể về các chế độ nhà nước – hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan

Ở hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan, chính sách của nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội không những được quy định một cách toàn diện, tức là bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn rất chi tiết.

* Chế độ chính trị trong hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan

Chế độ chính trị được quy định trong hiến pháp bốn quốc gia nêu trên thường cùng điều chỉnh về các vấn đề như chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, nguồn gốc quyền lực nhà nước, hình thức nhà nước, bản chất/nhiệm vụ của nhà nước, nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị. Ngoài ra, một số quốc gia tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử của mình có thể đưa vào hiến pháp của mình một số quy định đặc thù trong chế độ chính trị.

Trong hiến pháp Lào, vấn đề chủ quyền - lãnh thổ được khẳng định ở ngay điều 1 với nội dung như sau: “Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một nước độc lập, thống nhất không thể chia cắt của các bộ tộc, có chủ quyền và toàn vẹsn lãnh thổ bao gồm đất liền, vùng nước và vùng trời.” Bản chất nhà nước và nguồn gốc quyền lực ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được quy định ở Điều 2, theo đó “nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là nhà nước dân chủ nhân dân, do nhân dân và vì quyền lợi của nhân dân các bộ tộc Lào, mọi quyền lực thuộc về nhân dân bao gồm các tầng lớp trong xã hội do liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt.” Nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền tự do dân chủ của nhân dân, tuyên truyền, giáo dục chủ trương chính sách và pháp luật cho nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không được quan liêu hách dịch, uy hiếp gây tổn hại tới danh dự, thân thể, tính mạng, tinh thần và tài sản của nhân dân. Hiến pháp Lào cũng quy định nhà nước quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật. Mọi tổ chức và công dân đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành pháp luật, kể cả các tổ chức của Đảng nhân dân cách mạng Lào và các cơ quan nhà nước.[101]

Có hai nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được ghi nhận trong chế độ chính trị.[102] Nguyên tắc thứ nhất là mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân bầu ra quốc hội, cơ quan đại diện quyền lực và lợi ích của nhân dân để trao cho họ thực hiện quyền lực của mình. Nguyên tắc thứ hai là tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động điển hình của bộ máy nhà nước XHCN. Tuy nhiên, hiến pháp Lào chỉ ghi nhận mà không có quy định cụ thể hơn về nguyên tắc này.

Hệ thống chính trị của Lào được quy định gồm có Đảng nhân dân cách mạng Lào, Nhà nước và Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Trong đó Đảng nhân dân cách mạng Lào là hạt nhân lãnh đạo.[103] Mặt trận Lào xây dựng đất nước bao gồm Liên hiệp công đoàn Lào, Đoàn thanh niên cách mạng Lào, Hội liên hiệp phụ nữ Lào và các cơ quan, tổ chức xã hội là nơi tập hợp, đoàn kết và động viên các tầng lớp nhân dân các bộ tộc Lào tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên trong tổ chức mình.[104]

Là một quốc gia đa sắc tộc, CHDCND Lào cũng chú trọng tới chính sách dân tộc. Điều 8, hiến pháp Lào hiện hành quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các bộ tộc. Mọi bộ tộc đều có quyền bảo vệ, phát huy thuần phong mỹ tục và văn hóa tốt đẹp của bộ tộc mình, nghiêm cấm mọi hành vi gây chia rẽ và phân biệt giữa các bộ tộc. Nhà nước thực hiện mọi biện pháp nhằm không ngừng phát triển và nâng cao trình độ kinh tế - xã hội của các bộ tộc.”

Giống với hiến pháp Lào, hiến pháp Myanmar cũng quy định về chủ quyền và lãnh thổ ngay trong những điều khoản đầu tiên. Theo đó Myanmar là một nước có chủ quyền và độc lập; tên gọi của nhà nước là Cộng hòa liên bang Myanmar (the Republic of the Union of Myanmar); Nhà nước Myanmar là nhà nước có nhiều sắc tộc cùng sinh sống; lãnh thổ của Myanmar bao gồm đất liền, vùng biển, vùng trời được xác lập vào ngày hiến pháp được ban hành. Hiến pháp Myanmar không đề cập tới nguồn gốc của quyền lực hay quyền lực nhà nước với tư cách là nền tảng cho việc xác định mục đích, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước. Thay vào đó là khái niệm “quyền chủ quyền” (the Sovereign power), song khái niệm này không được định nghĩa một cách cụ thể. Mặc dù vậy, Điều 4, hiến pháp Myanmar hiện hành, vẫn quy định về nguồn gốc của quyền này như sau: “quyền chủ quyền của Liên minh bắt nguồn từ người dân và được thực hiện trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ”.

Hiến pháp Myanmar cũng không quy định về bản chất của nhà nước mà thay vào đó là một số mục tiêu của Nhà nước liên bang như sau:[105]

- Liên bang không thể bị chia cắt. Không một bang hay vùng lãnh thổ nào của Liên bang được tách ra khỏi Liên bang.

- Sự thống nhất trong Liên bang không thể bị xâm phạm.

- Bảo vệ chủ quyền.

- Xây dựng chế độ dân chủ đa đảng có kỷ luật[106]

- Củng cố các nguyên tắc bất diệt về công lý, tự do và công bằng trong Liên bang.

- Tạo điều kiện để quân đội tham gia vào đội ngũ lãnh đạo toàn quốc của nhà nước.

Theo quy định của hiến pháp, bộ máy nhà nước của Cộng hòa Liên bang Myanmar được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập và nguyên tắc về sự tham gia của quân đội vào chính quyền. Theo nguyên tắc tam quyền phân lập, ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách biệt nhau ở mức độ tối đa có thể, đồng thời có sự kiểm soát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Nguyên tắc tam quyền phân lập được áp dụng trong tổ chức của cả chính quyền liên bang và chính quyền cấp bang.[107] Theo nguyên tắc thứ hai, quân đội luôn được quy định là thành phần không thể thiếu trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất và lãnh đạo địa phương của Myanmar. Điều 14, hiến pháp Myanmar quy định trong các cơ quan đại diện ở cả cấp liên bang và cấp bang đều phải có thành phần nhất định quân nhân do Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của quân đội chỉ định mà không thông qua bầu cử. Có thể nói rằng đây là một nguyên tắc rất đặc thù trong tổ chức của bộ máy nhà nước Myanmar, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử của Myanmar tiến hành công cuộc dân chủ hóa dưới sự chủ trì và kiểm soát của quân đội.

Hệ thống chính trị của Myanmar được quy định trong hiến pháp là hệ thống chính trị dân chủ đa đảng có kỷ luật. Hiến pháp không quy định cụ thể nội hàm của khái niệm này song cũng quy định chính quyền liên bang sẽ ban hành khung pháp luật cần thiết điều chỉnh việc thành lập các đảng chính trị. Khối hành chính công vụ (civil service) phải tách bạch với chính trị. Hiến pháp không quy định cụ thể hơn về vấn đề này song có thể thấy tinh thần của quy định có nghĩa rằng nhân viên khối hành chính công vụ không được tham gia các đảng chính trị. Hiến pháp Myanmar cũng dành một chương riêng, Chương X, để quy định về việc thành lập các đảng chính trị. Theo đó, đảng chính trị phải xác định mục tiêu của mình là phụng sự tính bất khả chia cắt của liên bang, tính bất khả xâm phạm của sự thống nhất trong liên bang, bảo vệ chủ quyền và trung thành với liên bang. Đảng chính trị cũng phải hoạt động trên cơ sở tôn trọng hệ thống dân chủ đa đảng có kỷ luật, tôn trọng và tuân thủ hiến pháp và pháp luật và phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thành lập đảng chính trị sẽ có quyền tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của một đảng chính trị nếu đảng đó rơi vào một trong số các trường hợp: (1) bị tuyên bố là tổ chức bất hợp pháp theo quy định của pháp luật; (2) trực tiếp hoặc gián tiếp liên lạc hoặc chứa chấp tổ chức nổi dậy vũ trang chống lại Liên bang hoặc các tổ chức và cá nhân bị xem là khủng bố hoặc hoạt động bất hợp pháp; (3) trực tiếp hoặc gián tiếp nhận và chi dùng các khoản hỗ trợ tài chính, vật chất và các loại hỗ trợ khác từ chính phủ nước khác, các tổ chức tôn giáo hoặc bất kỳ tổ chức cá nhân nước ngoài nào; (4) lạm dụng tôn giáo vì mục đích chính trị.

Điểm đặc biệt nhất trong chế độ chính trị của Myanmar là vai trò được hiến định của quân đội trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Như trên đã đề cập, sự tham gia của quân đội vào giới lãnh đạo là nguyên tắc hiến định trong tổ chức bộ máy nhà nước Myanmar. Nguyên tắc này được thể hiện đặc biệt rõ trong cơ cấu của các cơ quan đại diện từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra quân đội cũng được trao quyền hạn tuyệt đối trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều 40, hiến pháp Myanmar hiện hành, quy định trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp có thể gây chia rẽ liên bang, xâm phạm tới sự thống nhất trong liên bang và chủ quyền quốc gia do các hoạt động nổi loạn hoặc bạo lực, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Myanmar có quyền tiếp quản và thực hiện quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp.

          Trong số các quốc gia ASEAN, Philippines có lẽ là nước có quy định chi tiết nhất về địa giới lãnh thổ quốc gia mà mình có chủ quyền. Điều 1, hiến pháp Philippines quy định lãnh thổ Philippines bao gồm “quần đảo Philippines với tất cả các đảo và vùng nước bao quanh chúng cùng các vùng lãnh thổ khác thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của Philippines được cấu thành bởi các vùng đất, vùng nước, vùng trời, bao gồm lãnh hải, đáy biển, vùng lòng đất, bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các vùng ngầm dưới biển khác. Các vùng nước bao quanh, ở giữa và nối liền các đảo của quần đảo này, không phân biệt bề rộng và chiều sâu, là bộ phận thuộc vùng nội thủy của Philippines.”

          Về chính thể nhà nước và nguồn gốc quyền lực nhà nước, Khoản 1, Điều 2, hiến pháp Philippines quy định: “Philippines là nước dân chủ và cộng hòa. Chủ quyền thuộc về nhân dân và toàn bộ quyền lực bắt nguồn từ nhân dân”. Đối lập với hiến pháp Myanmar, hiến pháp Philippines nhấn mạnh vào sự tách bạch giữa quân đội và chính quyền dân sự, trong đó đề cao vai trò của chính quyền dân sự. Khoản 3, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành quy định: “trong mọi trường hợp, chính quyền dân sự có thẩm quyền cao hơn quân đội. Lực lượng vũ trang Philippines là người bảo vệ của nhân dân và Nhà nước. Mục tiêu của lực lượng vũ trang là gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.” Trong hiến pháp của các quốc gia ASEAN còn lại không có quy định tương tự như vậy. Lý do hiến pháp Philippines có quy định này có lẽ là do trong lịch sử hiện đại, đã có một thời gian dài Philippines nằm dưới sự cai trị và lạm quyền của một số nhà nhà độc tài quân sự và điều đó đã đẩy lùi đáng kể sự phát triển của quốc gia này.

          Về nhiệm vụ của Nhà nước, hiến pháp Phillipines quy định nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ là phục vụ và bảo vệ nhân dân, đồng thời duy trì hòa bình và trật tự, bảo vệ tính mạng, tự do, tài sản và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.[108]

          Một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa Philippines được quy định trong hiến pháp bao gồm:[109]

          - Nguyên tắc tách bạch giữa Nhà thờ và Nhà nước

          - Nguyên tắc bảo đảm sự tự chủ của chính quyền địa phương.

          - Nguyên tắc Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội đảm nhiệm công vụ và nghiêm cấm chế độ đặc quyền chính trị.

          - Nguyên tắc Nhà nước đảm bảo sự trung thực và liêm khiết trong công vụ và áp dụng các biện pháp tích cực, có hiệu quả chống lại nạn hối lộ và tham nhũng.

          - Nguyên tắc công khai các giao dịch liên quan đến lợi ích công cộng.

          Khác với hiến pháp Lào và Myanmar, hiến pháp Philippines không quy định cụ thể về hệ thống chính trị và các yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, hiến pháp Philippines cũng chú trọng tới vai trò của các tổ chức nhân dân trong đời sống chính trị và xã hội nói chung. Khoản 15, Điều 13 của hiến pháp Philippines quy định: “Nhà nước tôn trọng vai trò của các tổ chức nhân dân độc lập nhằm đảm bảo cho người dân theo đuổi và bảo vệ những lợi ích và giá trị tinh thần chính đáng của các thành viên bằng các phương tiện hoà bình và hợp pháp, trong khuôn khổ của thiết chế dân chủ.”

          Hiến pháp Thái Lan cũng dành ngay những điều khoản đầu tiên để quy định về những vấn đề quan trọng nhất của chế độ chính trị. Tuy nhiên, so với ba quốc gia ASEAN trên đây, các quy định về chế độ chính trị của hiến pháp Thái Lan bao trùm một phạm vi hẹp hơn đáng kể, chỉ bao gồm các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, hình thức nhà nước, nguồn gốc quyền lực nhà nước và khẳng định nguyên tắc nhà nước pháp quyền trong việc thực hiện các hoạt động của nhà nước. Theo đó Thái Lan là vương quốc thống nhất và không thể bị chia cắt. Chính thể quân chủ lập hiến Thái Lan được phát biểu dưới tên gọi “chế độ chính quyền dân chủ với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia”. Ở Thái Lan, quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Quốc vương với tư cách nguyên thủ thi hành quyền lực đó thông qua Quốc hội, Hội đồng bộ trưởng và các tòa án theo quy định của hiến pháp. Nguyên tắc pháp quyền là nguyên tắc tối cao cho hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước.[110]

          Vấn đề được chú trọng nhất trong quy định về chế độ chính trị của Thái Lan có lẽ là phần quy định về sự tham gia của công chúng vào đời sống chính trị. Theo quy định của hiến pháp, người dân được khuyến khích tham gia vào tất cả các hoạt động thuộc các công đoạn khác nhau của quá trình ra quyết định chính trị. Khoản 1-3, Điều 87, hiến pháp hiện hành của Thái Lan quy định:

          “(1) Khuyến khích sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cả cấp địa phương và trung ương;

          (2) Thúc đẩy và hỗ trợ sự tham gia của công chúng vào quá trình ra các quyết định chính trị, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp dịch vụ công;

          (3) Thúc đẩy và hỗ trợ sự tham gia của công chúng vào việc giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước tại tất cả các cấp dưới hình thức các tổ chức chuyên nghiệp hoặc các nhóm nghề nghiệp hoặc các hình thức khác...”

          Người dân cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động chính trị ở địa phương mình để thể hiện ý kiến và đưa ra yêu cầu đối với chính quyền địa phương. Hiến pháp Thái Lan yêu cầu thành lập một quỹ nhân dân vì sự phát triển chính trị để góp phần hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động chính trị ở địa phương. Thậm chí, hiến pháp Thái Lan còn yêu cầu đưa vào hệ thống giáo dục công lập nội dung về chế độ chính trị, về chính thể quân chủ lập hiến và quyền bầu cử công bằng, trung thực tại các cuộc bầu cử để giáo dục ý thức chính trị đúng đắn cho thế hệ trẻ.[111]

* Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường trong hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan

          Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường trong hiến pháp CHDCND Lào được quy định những nội dung chính sau:[112]

          - Về chính sách phát triển kinh tế, hiến pháp Lào quy định nền kinh tế của quốc gia này là nền kinh tế nhiều thành phần, nhà nước khuyến khích phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, chuyển từ nền kinh tế tự nhiên sang phát triển nền kinh tế hàng hóa, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mở rộng hợp tác với các nền kinh tế trên thế giới trong mọi lĩnh vực, củng cố và phát triển nền kinh tế quốc dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các bộ tộc.

          - Về các thành phần kinh tế, hiến pháp Lào công nhận nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong nền kinh tế. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật và vận hành theo cơ chế thị trường, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, phát triển sản xuất, kinh doanh dưới sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích, được tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn, kĩ thuật-công nghệ và trình độ quản lý hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ.Tài sản và vốn hợp pháp của nhà đầu tư tại cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không bị tịch thu hoặc quốc hữu hóa.

          - Về các hình thức sở hữu, hiến pháp Lào công nhận và bảo vệ nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu cá thể, sở hữu tư nhân của tư bản trong nước và sở hữu của người nước ngoài ở Lào. Riêng đất đai được khẳng định là thuộc sở hữu nhà nước và nhà nước bảo đảm quyền sử dụng, chuyển nhượng và thừa kế theo quy định của pháp luật.

          - Về quản lý nhà nước đối với nền kinh tế, hiến pháp Lào quy định: “nhà nước quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý tập trung thống nhất của các ngành trung ương với sự phân cấp quản lý cho địa phương theo pháp luật.”

          - Trong lĩnh vực xã hội, hiến pháp Lào chú trọng quy định các chính sách của nhà nước đối với y tế, thể dục thể thao, đào tạo nghề, chính sách trợ cấp đối với thương binh, chiến sĩ thi đua, cán bộ hưu trí, người tàn tật, nhân thân của người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, chính sách khuyến khích sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.

          - Trong lĩnh vực môi trường, Điều 19, hiến pháp Lào quy định ngắn gọn như sau: “mọi tổ chức và công dân phải bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên: mặt đất, dưới lòng đất, rừng cây, muông thú, nguồn nước và không khí.”

          Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường trong hiến pháp Myanmar quy định những nội dung chính sau:[113]

          - Về chính sách phát triển kinh tế, hiến pháp Myanmar khẳng định nền kinh tế của Myanmar là nền kinh tế thị trường. Nhà nước có trách nhiệm cung cấp các yếu tố đầu vào thiết yếu như công nghệ, vốn, máy móc, vật liệu thô ở mức độ có thể để chuyển từ phương thức sản xuất nông nghiệp giản đơn sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời để phát triển các ngành công nghiệp. Trong nền kinh tế, các quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân, công nhân và tầng lớp trí thức được bảo vệ bằng pháp luật.

          - Về các thành phần kinh tế, hiến pháp quy định rằng Nhà nước cho phép sự tồn tại của tất cả các thành phần kinh tế như thành phần kinh tế nhà nước, thành phần kinh tế vùng, hợp tác xã, thành phần kinh tế liên doanh, thành phần kinh tế tư nhân và những thành phần kinh tế khác để phát triển nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hiến pháp không quy định rõ chính sách đối với các thành phần kinh tế.

          - Về các hình thức sở hữu, nhà nước công nhận hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Hiến pháp cũng khẳng định Nhà nước là chủ sở hữu tối cao của tất cả đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trên và dưới lòng đất, trong lòng nước và trong không gian của liên minh.

          - Hiến pháp Myanmar không có điều khoản nào quy định về vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế.

          - Trong lĩnh vực xã hội, hiến pháp Myanmar chú trọng quy định chính sách giảm thất nghiệp, chính sách chăm sóc bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh, con cái của liệt sĩ, người già và người tàn tật, đồng thời bảo đảm thương binh mất sức lao động được hưởng trợ cấp để có được cuộc sống tối thiểu và được hưởng đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên các chính sách này, cũng giống như hiến pháp Lào, được quy định chung chung và mang tính nguyên tắc.

          - Trong lĩnh vực môi trường, giống như hiến pháp Lào, hiến pháp Myanmar cũng quy định một cách chung chung: “Liên bang bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên”.

          Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường trong hiến pháp Philippines có khá nhiều điểm khác biệt so với các bản hiến pháp của các quốc gia khác trong khối ASEAN. Có thể nhận xét ngay rằng hiến pháp Philippines là bản hiến pháp duy nhất trong số các quốc gia ASEAN không có quy định về chính sách của Nhà nước đối với môi trường. Các quy định về chế độ kinh tế, xã hội của Philippines cũng có nội dung dài nhất trong số các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN. Sở dĩ như vậy là một số khía cạnh của chế độ kinh tế, xã hội được quan tâm hơn nhiều so với những khía cạnh khác và vì vậy được quy định với mức độ chi tiết hóa cao trong hiến pháp. Chế độ kinh tế, xã hội trong hiến pháp Philippines bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:

          - Về mục tiêu phát triển kinh tế, hiến pháp Philippines xác định mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Mục tiêu lâu dài của nền kinh tế quốc dân Philippines là “phân phối một cách công bằng hơn các cơ hội, thu nhập và của cải; duy trì tăng trưởng hàng hoá và dịch vụ của quốc gia vì lợi ích của nhân dân; mở rộng sản xuất như là chìa khoá để nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là người có hoàn cảnh thiệt thòi.” Mục tiêu trước mắt của nền kinh tế quốc dân Philippines là “thúc đẩy công nghiệp hoá và việc làm đầy đủ trên cơ sở cải cách ruộng đất và phát triển nông nghiệp hợp lí, thông qua các ngành công nghiệp để sử dụng đầy đủ và hiệu quả nguồn lực tự nhiên và con người và tạo ra thế cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài.”[114]

          - Về chính sách phát triển kinh tế, hiến pháp Philippines quy định: “nhà nước xây dựng nền kinh tế quốc dân tự chủ và độc lập do người Philippines kiểm soát một cách hữu hiệu”.[115] Có thể nói đây là một chính sách phát triển kinh tế khá đặc biệt. Philippines, khác với Lào hay Myanmar, không quy định rõ ràng về việc phát triển một nền kinh tế thị trường trong hiến pháp của mình. Thay vào đó, quốc gia này nhấn mạnh tới yếu tố tự chủ và độc lập của nền kinh tế. Cụ thể là nền kinh tế đó phải do người Philippines kiểm soát. Dường như Philippines đã không ngần ngại thể hiện rất rõ tính bảo hộ trong chế độ kinh tế nước mình và tính bảo hộ đó là có mục đích – hướng tới một nền kinh tế tự chủ. Chính đặc điểm này trong chính sách phát triển kinh tế đã dẫn tới một đặc điểm nổi bật khác của chế độ kinh tế, xã hội và môi trường như được phân tích sau đây, đó là chính sách dành riêng một số lĩnh vực kinh tế cho công dân Philippines.

          - Về chính sách đối với các thành phần kinh tế, hiến pháp Philippines khẳng định mọi thành phần kinh tế và địa phương của đất nước đều được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển. Thành phần kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển. Đối với thành phần kinh tế này, hiến pháp Philippines quy định: “Nhà nước thừa nhận vai trò không thể thiếu của thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và đưa ra các biện pháp khuyến khích đối với các lĩnh vực cần đầu tư …. Các doanh nghiệp tư nhân bao gồm cả các công ti, hợp tác xã và các tổ chức tập thể tương đương được khuyến khích mở rộng nền tảng quyền sở hữu của mình.”[116]

          - Về các hình thức sở hữu, hiến pháp Philippines công nhận và bảo hộ sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất. Khoản 6, Điều 12, hiến pháp Philippines quy định: “Cá nhân và các nhóm tư nhân bao gồm các công ti, hợp tác xã và các tổ chức tập thể tương tự có quyền sở hữu, thành lập, vận hành các doanh nghiệp kinh tế và chịu sự tác động khi Nhà nước thực hiện nghĩa vụ đẩy mạnh phân phối công bằng và can thiệp khi lợi ích chung yêu cầu.” Hình thức sở hữu nhà nước được quy định hết sức chi tiết và toàn diện trong hiến pháp, cả về khía cạnh đối tượng của quyền sở hữu, phạm vi và nguyên tắc định hướng việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước. Chính phần quy định về sở hữu nhà nước và việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước là một nội dung đặc thù của chế độ kinh tế, xã hội của hiến pháp Philippines.

          - Hiến pháp Philippines khẳng định đối tượng thuộc sở hữu nhà nước là tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất công, nguồn nước, khoáng sản, than đá, dầu mỏ và các loại dầu thô khác, các nguồn năng lượng tiềm năng, ngư trường, rừng hoặc các loại cây lấy gỗ, động vật hoang dã, động thực vật và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thuộc sở hữu Nhà nước. Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với các đối tượng này cũng được quy định chi tiết: “việc khai thác, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đặt dưới sự kiểm tra và giám sát đầy đủ của Nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động nói trên hoặc kí kết các thoả thuận cùng sản xuất, liên doanh, hay chia sẻ sản xuất với các công dân, công ti hay hiệp hội của Philippines mà ít nhất sáu mươi phần trăm số vốn thuộc về sở hữu của công dân. Các thoả thuận được thực hiện trong khoảng thời gian không quá hai mươi lăm năm và có thể được gia hạn không quá hai mươi lăm năm trên cơ sở các căn cứ và điều kiện được pháp luật quy định. Trong trường hợp liên quan đến hiện trạng nước cho thủy lợi, nước cung cấp cho ngư nghiệp hoặc sử dụng trong công nghiệp ngoài mục đích phát triển năng lượng nước, sử dụng hiệu quả có thể là tiêu chuẩn và hạn chế của việc cấp phép … Tổng thống có thể kí kết thoả thuận với các công ti thuộc sở hữu của nước ngoài liên quan đến hỗ trợ kĩ thuật hay tài chính cho việc khai thác, phát triển và sử dụng ở quy mô lớn các loại khoáng sản, dầu mỏ và các loại dầu thô khác phù hợp với các căn cứ và điều kiện chung được pháp luật quy định trên cơ sở có đóng góp thực sự đối với sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng chung của đất nước. Trong các thoả thuận như vậy, Nhà nước thúc đẩy việc phát triển và sử dụng các nguồn lực khoa học và kĩ thuật trong nước.Tổng thống sẽ thông báo cho Quốc hội về mỗi hợp đồng mà Tổng thống kí kết phù hợp với quy định của điều khoản này trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày kí kết.”[117]

          - Nội dung quy định về sở hữu đất đai trong hiến pháp Philippines cũng khác biệt so với hiến pháp của các quốc gia ASEAN khác.Về nguyên tắc hiến pháp Philippines có quy định và qua đó công nhận cả sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân về đất đai. Tuy nhiên, chính sách đối với hai loại hình sở hữu này lại rất khác nhau. Sở hữu tư nhân về đất đai tuy được công nhận song bị áp dụng chính sách hạn chế. Đất tư chỉ có thể được chuyển nhượng cho một tư nhân khác mà vẫn giữ nguyên sở hữu tư nhân thông qua con đường thừa kế. Ngoài con đường này, đất tư chỉ có thể chuyển nhượng cho các chủ thể có đủ điều kiện được sở hữu đất công. Khoản 7, Điều 12, hiến pháp Philippines quy định: “Ngoài các trường hợp thừa kế theo huyết thống, không được chuyển nhượng hoặc sang tên đất tư cho bất kì ai ngoài các cá nhân, công ti hay hiệp hội có đủ điều kiện được sở hữu hoặc nắm giữ đất công.” Như vậy rõ ràng là việc thương mại hóa quyền sở hữu đất đai giữa các chủ thể tư nhân hoàn toàn bị ngăn chặn và có thể nói rằng chính sách của Philippines là dần dần chuyển đất đai thành sở hữu công. Đất đai thuộc sở hữu công của Philippines phải chịu một chế độ quản lý hết sức chặt chẽ được quy định ngay trong hiến pháp. Cụ thể, “Đất công được phân loại thành đất nông nghiệp, đất rừng hoặc trồng cây lấy gỗ, đất mỏ và các khu công viên quốc gia. Đất nông nghiệp công có thể tiếp tục được phân loại căn cứ vào việc sử dụng chúng. Đất công có thể chuyển nhượng được giới hạn trong phạm vi đất nông nghiệp. Các công ti hay hiệp hội tư nhân không được nắm giữ các khu đất công có thể chuyển nhượng trừ trường hợp thuê trong thời hạn không quá hai mươi lăm năm, có thể được gia hạn không quá hai mươi lăm năm và diện tích thuê không vượt quá một nghìn héc ta. Công dân Philippines có thể thuê không quá năm trăm héc ta đất hoặc được sở hữu không quá mười hai héc ta đất thông qua việc mua bán, cấp cho người định cư hay chuyển nhượng. Trên cơ sở tính toán các yêu cầu của việc bảo tồn, hệ sinh thái, phát triển và các yêu cầu của cải cách ruộng đất, Quốc hội sẽ ban hành pháp luật quy định diện tích của các khu đất công có thể được sở hữu, khai thác, nắm giữ hay cho thuê và các điều kiện liên quan.”[118]

          - Điểm đặc thù thứ ba trong quy định về chế độ kinh tế, xã hội trong hiến pháp Philippines là chính sách bảo hộ kinh tế được thể hiện một cách rất rõ ràng. Chính sách bảo hộ này có lẽ xuất phát từ chính sách phát triển kinh tế được quy định ở ngay điều khoản đầu tiên của hiến pháp Philippines như phân tích trên đây. Với chính sách xây dựng một nền kinh tế tự chủ, do người Philippines kiểm soát, hiến pháp đã không ngần ngại tuyên bố “Nhà nước sẽ bảo hộ các doanh nghiệp Phillipines trước sự cạnh tranh và những hành vi thương mại không công bằng của nước ngoài”.[119] Chính sách này ngay lập tức được cụ thể hóa trong chính hiến pháp. Hàng loạt các lĩnh vực, các ngành nghề được ưu tiên cho công dân hoặc công ty của Philippines. Ví dụ như “Nhà nước bảo vệ tài nguyên biển của quốc gia trong các vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, duy trì việc sử dụng và tận hưởng nguồn tài nguyên này chỉ dành cho công dân Philippines …. Theo đề nghị của cơ quan kinh tế và kế hoạch, khi lợi ích quốc gia đòi hỏi Quốc hội sẽ bảo lưu những lĩnh vực đầu tư nhất định cho công dân Philippines, công ti hay hiệp hội của Philippines mà ít nhất sáu mươi phần trăm hoặc có thể cao hơn theo quy định của Quốc hội số vốn thuộc về sở hữu của công dân. Quốc hội sẽ ban hành những biện pháp khuyến khích việc thành lập và triển khai hoạt động các doanh nghiệp mà toàn bộ số vốn thuộc sở hữu của người Philippines….Nhượng quyền thương hiệu, giấy chứng nhận hay bất cứ hình thức ủy quyền để triển khai hoạt động của một ngành phục vụ công cộng không được phép cấp cho đối tượng nào trừ khi là công dân của Philippines, công ti hay hiệp hội được tổ chức theo pháp luật của Philippines mà ít nhất sáu mươi phần trăm số vốn thuộc về sở hữu của công dân; việc nhượng quyền thương hiệu, giấy chứng nhận hay ủy quyền như vậy không được độc quyền hoặc kéo dài hơn năm mươi năm…. Việc hành nghề trong các lĩnh vực (ví dụ luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư .v.v.) trên lãnh thổ Philippines chỉ dành cho công dân Philippines, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.”[120]

          - Về chính sách xã hội, giống như các hiến pháp khác trong cùng khu vực, hiến pháp Philippines chú trọng tới y tế, đời sống gia đình, bà mẹ và trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người tàn tật và người lao động.[121] Chính sách y tế, phụ nữ và gia đình là những mảng chính sách lớn được đặc biệt quan tâm. Về y tế, hiến pháp Philippines quy định “Nhà nước áp dụng chính sách đồng bộ và thống nhất phát triển lĩnh vực y tế nhằm cố gắng đảm bảo cung cấp hàng hoá, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và xã hội thiết yếu cho người dân với giá cả phù hợp. Sẽ có chính sách ưu tiên đối với những nhu cầu thiết yếu của những người bị thiệt thòi, đau ốm, người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em. Nhà nước sẽ cố gắng cung cấp miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho những người nghèo…. Nhà nước thiết lập và duy trì hệ thống kiểm tra có hiệu quả các loại thực phẩm, thuốc men và tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển phù hợp trong lĩnh vực y tế và nhân lực, đáp ứng nhu cầu và giải quyết các vấn đề về y tế của quốc gia”.[122] Về chính sách đối với phụ nữ, hiến pháp Philippines quy định: “Nhà nước bảo vệ phụ nữ bằng việc đảm bảo cho họ có điều kiện làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe, có tính đến chức năng làm mẹ của họ cũng như các điều kiện vật chất và cơ hội để nâng cao phúc lợi, đảm bảo cho họ nhận thức được đầy đủ tiềm năng của mình trong việc phục vụ đất nước”.[123] Chính sách của nhà nước đối với gia đình được Điều 15, hiến pháp Philippines quy định như sau: “Nhà nước thừa nhận gia đình Philippines là nền tảng của quốc gia. Trên cơ sở này, Nhà nước củng cố sự vững chắc của gia đình và tích cực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nó. Hôn nhân với tư cách là thiết chế xã hội bất khả xâm phạm được coi là nền tảng của gia đình và được Nhà nước bảo vệ…. Gia đình có nghĩa vụ chăm sóc thành viên lớn tuổi của mình tuy nhiên Nhà nước cũng có thể tham gia vào việc này thông qua các chương trình an sinh xã hội công bằng.”

          Chế độ kinh tế, xã hội và môi trường của hiến pháp Thái Lan không được quy định một cách chi tiết như của hiến pháp Philippines. Các nội dung chính của chế độ này được quy định trong hiến pháp Thái Lan hiện hành như sau:

          - Về mục đích và chính sách phát triển kinh tế, giống với Philippines, Thái Lan đề cao tính tự chủ của nền kinh tế. Nền kinh tế của Thái Lan không được quy định một cách rõ ràng là nền kinh tế thị trường mà là một nền kinh tế công bằng và tự do dựa trên các quy luật thị trường và khuyến khích phát triển nền kinh tế bền vững. Để đạt được điều đó, nhà nước thực hiện chính sách tự do hóa thị trường một cách tối đa, để thị trường tự điều chỉnh ở những lĩnh vực không cần có sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước “bãi bỏ hay không ban hành luật hay quy định nhằm kiểm soát kinh doanh một cách không phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế và không tham gia vào các doanh nghiệp mà về cơ bản cạnh tranh với khu vực tư nhân trừ khi điều này là cần thiết nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích công hoặc cung cấp dịch vụ công cộng”[124]

          - Các chính sách lớn liên quan tới chế độ sở hữu hay thành phần kinh tế đều không được đề cập trong hiến pháp Thái Lan. Thay vào đó, hiến pháp Thái Lan quy định hàng loạt những chính sách rất cụ thể liên quan tới các khía cạnh khác của nền kinh tế, ví dụ khích lệ việc áp dụng nhận thức, đạo đức kinh doanh đúng đắn cũng như quản trị tốt vào hoạt động của các doanh nghiệp; bảo đảm việc thực hiện các tiêu chuẩn tài chính với quan điểm vì sự ổn định và bảo đảm an ninh kinh tế và xã hội của đất nước đồng thời điều chỉnh hệ thống thuế để đạt được sự công bằng và phù hợp với những biến đổi của các điều kiện kinh tế và xã hội; giám sát hoạt động của các doanh nghiệp và bảo đảm cạnh tranh công bằng và tự do, ngăn ngừa độc quyền trực tiếp hay gián tiếp và bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ và duy trì các lợi ích của người nông dân trong sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp đạt được mức giá cao nhất và thúc đẩy hiệp hội nông dân dưới hình thức các hội đồng nông dân để đề ra kế hoạch mùa vụ và bảo vệ các lợi ích chung của người nông dân; thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ hệ thống hợp tác xã theo hướng tự chủ, tương tự đối với các hiệp hội nghề nghiệp cũng như hiệp hội của người dân cùng tiến hành các hoạt động kinh tế; cung cấp các dịch vụ công cộng cơ bản cần thiết cho cuộc sống của cộng đồng  và bảo đảm an ninh quốc gia trong lĩnh vực kinh tế và tiến hành các biện pháp bảo đảm các dịch vụ công cộng cơ bản thiết yếu đối với cuộc sống người dân không bị độc quyền bởi các doanh nghiệp tư nhân theo các thức có thể gây hại cho Nhà nước .v.v. ([125])

          - Về chính sách xã hội, hiến pháp Thái Lan chú trọng vấn đề tôn giáo, trẻ em, thanh thiếu niên và y tế cộng đồng. Đối với vấn đề tôn giáo, chính sách của nhà nước Thái Lan vẫn coi trọng và ưu tiên Phật giáo, vốn là tôn giáo phổ biến ở Thái Lan từ lâu nay. Song hiến pháp Thái Lan không xác định đó là quốc giáo như hiến pháp Campuchia mà vẫn có sự công nhận và bảo vệ những tôn giáo khác, khuyến khích sự hiểu biết và hài hòa tốt đẹp giữa tín đồ của tất cả các tôn giáo. Điểm ưu việt trong chính sách tôn giáo của Thái Lan là thấy được những điều tốt đẹp trong giáo lí của các tôn giáo, bởi vậy họ khuyến khích áp dụng những giáo lý đó vì mục đích hình thành lương tâm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Về chính sách xã hội nói chung, giống như hiến pháp của nhiều nước ASEAN khác, hiến pháp Thái Lan quy định bảo vệ và phát triển trẻ em, thanh thiếu niên, khuyến khích giáo dục tiểu học, chú trọng bình đẳng nam nữ, chú trọng sự gắn kết giữa gia đình và cộng đồng, quan tâm tới sự trợ giúp và phúc lợi cho người già, người yếu thế, giúp cho họ có thể tự chủ được cuộc sống. Hiến pháp Thái Lan cũng xác định chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế là phát triển hệ thống y tế, cung cấp các dịch vụ y tế công cộng phù hợp với tiêu chuẩn một cách hiệu quả và triệt để, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên cơsở tôn trọng y đức.[126]

          - Chính sách môi trường trong hiến pháp Thái Lan được gắn chặt chẽ với vấn đề sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Về cơ bản, hiến pháp Thái Lan quy định chính sách trong lĩnh vực này chú trọng tới sự hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh, mặt đất, mặt nước, tập quán sinh hoạt địa phương và bảo tồn có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiến pháp cũng quy định người dân phải được tham gia vào quá trình ra các quyết định liên quan tới vấn đề sử dụng đất đai có ảnh hưởng tới môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước cũng có trách nhiệm duy trì, thúc đẩy và bảo vệ chất lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo nguyên tắc phát triển bền vững, kiểm soát và loại trừ các tác nhân ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe, điều kiện vệ sinh, phúc lợi và chất lượng cuộc sống công cộng.[127]

* Chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan

          Nếu căn cứ vào mức độ chi tiết về nội dung thì có thể phân loại chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong hiến pháp của bốn quốc gia ASEAN trên thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các bản hiến pháp có quy định ngắn gọn về chế độ văn hóa, giáo dục khoa học công nghệ, gồm Lào, Myanmar và Thái Lan. Nhóm thứ hai chỉ có bản hiến pháp của Philippines có quy định rất cụ thể và chi tiết chính sách của nhà nước đối với những lĩnh vực này.

          Chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Lào, Myanmar Thái Lan thường chỉ quy định những chính sách lớn, bao quát về các lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, với nội dung cơ bản giống nhau.

          Về chính sách văn hóa, hiến pháp ba quốc gia ASEAN nói trên đều chú trọng tới việc phát triển bản sắc dân tộc trong nền văn hóa của mình. Hiến pháp Myanmar quy định nhà nước có trách nhiệm phát triển ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật và văn hóa của các dân tộc Myanmar, hỗ trợ việc phát triển, củng cố và bảo tồnnền văn hóa dân tộc.[128] Hiến pháp Thái Lan quy định chính sách định hướng của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa là chú trọng việc phổ biến nghệ thuật, văn hóa, tập quán, truyền thống của quốc gia.[129] Riêng chính sách văn hóa của Lào được quy định rõ ràng trong hiến pháp không những chú trọng tới tính dân tộc mà còn cả tính hiện đại trong việc phát triển văn hóa. Điều 23, hiến pháp Lào hiện hành quy định: “nhà nước khuyến khích bảo vệ bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp các dân tộc, kết hợp với sự tiếp nhận một cách có chọn lọc văn hóa tiên tiến của thế giới…. Cấm mọi hoạt động văn hóa hoặc lợi dụng quần chúng nhằm gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, phá hoại phong tục tập quán tốt đẹp hoặc danh dự của người Lào”.

          Về chính sách giáo dục, hiến pháp Lào, Myanmar và Thái Lan đều chú trọng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong khi đó hiến pháp Lào và Myanmar còn quy định chế độ giáo dục bắt buộc. Hiến pháp Lào quy định: “nhà nước quan tâm thực hiện phát triển giáo dục, thực hiện chế độ giáo dục phổ cập cấp I bắt buộc để tào tạo cộng dân trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Nhà nước và toàn xã hội tích cực phát triển chất lượng nền giáo dục quốc gia, tạo cơ hội và điêu kiện cho nhân dân được học tập, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc, phụ nữ, trẻ em và người ít cơ hội”.[130] Hiến pháp Myanmar quy định nhà nước có trách nhiệm cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, áp dụng hệ thống giáo dục tiên tiến để phát triển tư duy đúng đắn toàn diện và nâng cao đạo đức tốt đẹp, thực hiện chế độ giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc.[131]Hiến pháp Thái Lan quy định: “nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn của việc cung cấp dịch vụ giáo dục ở tất cả các cấp và các hình thức trong sự hài hoà với sự thay đổi kinh tế, xã hội; đưa ra kế hoạch giáo dục quốc gia và pháp luật nhằm phát triển giáo dục quốc gia, nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ giáo dục để đảm bảo sự tiên tiến theo kịp những thay đổi trong cộng đồng thế giới và in sâu trong người học nhận biết được những giá trị Thái, kỉ luật, sự quan tâm đến lợi ích chung và ủng hộ chế độ dân chủ của chính quyền với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia.”[132]

          Cũng liên quan đến chính sách giáo dục, trong số ba bản hiến pháp nêu trên, hiến pháp Lào và Thái Lan còn chú trọng tới vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, khuyến khích sự tham gia của thành phần tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Điều 22, hiến pháp Lào hiện hành quy định: “nhà nước khuyến khích và thúc đẩy các cá nhân đầu tư vào việc phát triển nền giáo dục theo luật định”. Khoản 4, Điều 80, hiến pháp Thái Lan hiện hành quy định cũng về vấn đề này như sau: “nâng cao và hỗ trợ cho việc phân cấp quản lý nhằm cho phép các cơ quan nhà nước địa phương, các cộng đồng, các tổ chức tôn giáo và cá nhân cung cấp, tham gia vào việc cung cấp dịch vụ giáo dục với quan điểm phát triển tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục tương xứng, phù hợp.”

          Về chính sách đối với khoa học công nghệ, trong ba quốc gia ASEAN trên, chỉ có hiến pháp Lào và hiến pháp Thái Lan là có đề cập, song với nội dung sơ lược và rất chung chung. Hiến pháp Lào quy định: “nhà nước quan tâm khuyến khích hoạt động trí thức và sáng tạo trong việc nghiên cứu và áp dụng khoa học-kỹ thuật, bảo hộ sở hữu trí tuệ đi đối với việc bồi dưỡng và đào tạo các nhà khoa học để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”([133]). Hiến pháp Thái Lan quy định về vấn đề này có phần chi tiết hơn: “nâng cao và hỗ trợ các hoạt động học tập, nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học và phổ biến thông tin, công trình học tập, nghiên cứu được thực hiện với nguồn tài chính của nhà nước…. Thúc đẩy sự phát triển các ngành khoa học, công nghệ và sáng chế bằng việc ban hành luật cụ thể về vấn đề này, cung cấp ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển và khuyến khích sử dụng kết quả nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ hiệu quả và sự phát triển hợp lí đội ngũ cán bộ, truyền bá tri thức khoa học, công nghệ hiện đại cũng như khuyến khích công chúng áp dụng kiến thức khoa học trong cuộc sống của họ; khuyến khích sáng chế, phát minh tìm ra tri thức mới, bảo tồn và phát triển tri thức địa phương và của người Thái và bảo hộ sở hữu trí tuệ”.[134]

          Về cơ bản, chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ được quy định trong hiến pháp hiện hành của Philippines cũng đề cập tới những vấn đề chính giống như hiến pháp Lào, Myanmar và Thái Lan. Song, các chính sách tương ứng của nhà nước đối với từng lĩnh vực, từng nội dung được quy định cụ thể và chi tiết hơn khá nhiều, trong đó có những chính sách tính đặc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia này.

          Chính sách văn hóa được quy định trong hiến pháp Philippines hết sức đề cao việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc. Hiến pháp quy định: “Nhà nước thúc đẩy việc bảo tồn, làm phong phú và phát triển năng động nền văn hoá quốc gia Philippines trên nguyên tắc thống nhất trong đa dạng và tự do thể hiện các ý tưởng trí tuệ và nghệ thuật…. Tất cả sự phong phú về nghệ thuật và lịch sử tạo ra kho báu về văn hoá của dân tộc và được Nhà nước bảo vệ bằng việc điều chỉnh việc bố trí, sắp đặt chúng. Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền của các cộng đồng văn hoá sắc tộc nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá, truyền thống và các thiết chế của họ. Nhà nước sẽ cân nhắc các quyền này trong khi xây dựng các kế hoạch và chính sách quốc gia”.[135] Tinh thần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc cũng được thể hiện rất rõ trong chính sách phát triển ngôn ngữ dân tộc của Philippines. Khoản 6, Điều 14, hiến pháp Philippines quy định: “ngôn ngữ quốc gia của Philippines là tiếng Philippines. Song hành với quá trình phát triển, ngôn ngữ chính thức có thể tiếp tục được mở rộng và phong phú thêm trên cơ sở ngôn ngữ Philippines và các ngôn ngữ khác hiện có.Trên cơ sở các quy định của pháp luật và khi Nghị viện cho là phù hợp, Chính phủ sẽ tiến hành các bước để khởi xướng và duy trì việc sử dụng tiếng Philippines là phương tiện giao tiếp chính thức và là ngôn ngữ được sử dụng giảng dạy trong nhà trường”. Dường như chính sách văn hóa của Philippines chú trọng vào việc phát triển ngôn ngữ quốc gia nhiều hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử của Philippines trong thời kỳ cận đại và hiện đại đã có thời gian dài là thuộc địa của Hoa Kỳ. Một trong những di sản văn hóa của giai đoạn đó là tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ sử dụng phổ biến trong xã hội và nhà trường. Chính vì vậy mà để đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, nhà nước Philippines rất chú trọng tới mục tiêu phát triển ngôn ngữ bản địa để có thể sử dụng một cách phổ biến và chính thức.

          Về chính sách giáo dục, hiến pháp Philippines cũng chú trọng tới việc phát triển một nền giáo dục tiên tiến, thiết lập và duy trì hệ thống giáo dục công lập và miễn phí không những ở bậc tiểu học mà còn trung học. Lại một lần nữa tính dân tộc lại rất được đề cao trong chính sách giáo dục. Hiến pháp Philippines quy định các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ khắc sâu chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, nuôi dưỡng lòng nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, biết quý trọng vai trò của các anh hùng dân tộc trong lịch sử. Đặc biệt, hiến pháp Philippines yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đưa việc học hiến pháp vào một phần của chương trình học. Chính sách xã hội hóa cũng được ghi nhận và thực hiện, theo đó các cơ sở tư nhân được thừa nhận với vai trò hỗ trợ các cơ sở công lập trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa giáo dục của Philippines được tuyên bố rõ ràng là chỉ dành cho công dân Philippines mà thôi. Người nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài không được hoan nghênh trong lĩnh vực giáo dục của Philippines. Cụ thể, hiến pháp quy định ngoài các cơ sở do các nhóm tôn giáo và các hội đồng truyền giáo thành lập, các cơ sở giáo dục ở Philippines chỉ do công dân Philippines hay các công ty, hiệp hội có ít nhất 60% vốn của Philippines nắm giữ thành lập. Cơ quan lập pháp của Philippines có thể yêu cầu tăng tỷ lệ này bất cứ lúc nào. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát hoặc điều hành các tổ chức giáo dục phải do công dân Philippines nắm giữ. Không trường học nào được thành lập chỉ giành riêng cho người nước ngoài hoặc có số học sinh nước ngoài chiếm quá 2/3 tổng số học sinh, trừ trường hợp trường giành cho ngành ngoại giao.[136]

          Về chính sách khoa học công nghệ, hiến pháp Philippines có những quy định khá cụ thể và thiết thực: “Khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt cho sự phát triển và tiến bộ của quốc gia. Nhà nước ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, việc phát minh, đổi mới và ứng dụng chúng trong thực tế; cho hoạt động giáo dục, đào tạo và dịch vụ về khoa học và công nghệ. Nhà nước ủng hộ năng lực tự chủ phù hợp của người bản xứ về khoa học, công nghệ và ứng dụng chúng vào hệ thống sản xuất và đời sống của quốc gia…. Nghị viện có thể quy định các biện pháp khuyến khích trong đó có biện pháp giảm thuế nhằm động viên việc tham gia của tư nhân vào các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng…. Nhà nước bảo vệ và bảo đảm bản quyền của các nhà khoa học, các nhà phát minh, các nghệ sĩ và các công dân tài năng khác đối với sản phẩm trí tuệ và sáng tạo của họ đặc biệt khi chúng mang lại lợi ích cho người dân trong thời gian được pháp luật quy định.”[137]

* Chế độ quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong hiến pháp Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan

          Nhìn chung, hiến pháp các quốc gia ASEAN nói trên có xu hướng quy định một cách ngắn gọn và khái quát về chính sách của nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nếu so với các chế độ nhà nước khác thì chế độ quốc phòng, an ninh và đối ngoại thường có mức độ chi tiết thấp hơn nhiều. Trong số bốn quốc gia ASEAN nói trên, chỉ có Myanmar là có quy định khá chi tiết, cụ thể về cả ba lĩnh vực này.

          Chính sách quốc phòng, an ninh trong hiến pháp Lào, Philippines Thái Lan về cơ bản đều coi trọng việc xây dựng một lực lượng vũ trang lớn mạnh và hiện đại. Cả 3 quốc gia đều xác định lực lượng vũ trang là nòng cốt có nhiệm vụ bảo vệ đất nước.[138] Riêng hiến pháp Lào xác định bảo vệ tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia còn là nghĩa vụ của mọi tổ chức và công dân Lào, qua đó xác định chính sách xây dựng một nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.[139]Philippines là quốc gia duy nhất trong ba nước tuyên bố chính sách quốc phòng phi vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia mình.[140]

          Chính sách đối ngoại trong hiến pháp Lào và Philippines về cơ bản giống nhau. Hiến pháp Philippines quy định nhà nước theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Trong quan hệ quốc tế, Philippines tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và quyền tự quyết.[141] Chính sách đối ngoại của Lào ngoài những nguyên tắc nêu trên còn chú trọng tới một số nguyên tắc khác như hòa bình, hữu nghị và hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.[142] So với Lào và Philippines, Thái Lan chú trọng tới những khía cạnh cụ thể nhiều hơn là những vấn đề mang tính nguyên tắc khi xác định chính sách đối ngoại. Điều 82, hiến pháp Thái Lan quy định: “nhà nước tăng cường quan hệ và hợp tác với các nước khác, tôn trọng nguyên tắc đối xử bình đẳng và tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan tới quyền con người mà Thái Lan là thành viên cũng như các nghĩa vụ quốc tế đối với những quốc gia hay các tổ chức quốc tế khác. Nhà nước thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch với các nước khác và bảo vệ cũng như quan tâm tới các lợi ích của người Thái ở nước ngoài.”

          Chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Myanmar đề cao một cách đặc biệt vai trò của Quân đội quốc gia. Trong tất cả các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN còn lại, không một bản hiến pháp nào thể hiện sự đề cao quân đội của quốc gia mình nhiều đến như vậy. Quân đội Myanmar được dành hẳn một chương riêng trong hiến pháp để điều chỉnh. Chương 7, hiến pháp Myanmar hiện hành quy định: “quân đội là lực lượng vũ trang chính của nền quốc phòng Liên bang. Tất cả các lực lượng vũ trang trong Liên bang đều nằm dưới sự chỉ huy của quân đội. Quân đội lãnh đạo việc bảo vệ Liên bang chống lại các mối nguy hiểm từ bên ngoài và bên trong”. Quân đội Myanmar được tổ chức giống như một lực lượng riêng có đầy đủ thầm quyền và tách rời khỏi bộ máy nhà nước. Đứng đầu quân đội là Tổng tư lệnh do Tổng thống Myanmar bổ nhiệm theo đề cử và phê chuẩn của Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia. Quân đội có hệ thống tòa án xét xử riêng, trong đó Tổng tư lệnh là cấp xét xử cuối cùng. Thêm vào đó, như trên đã đề cập, hiến pháp còn cho phép quân đội Myanmar được tự động tiếp quản mọi quyền lực nhà nước trong trường hợp khẩn cấp. Trên thực tế, rất khó tìm thấy trong hiến pháp Myanmar một điều khoản nào đó quy định một cách rõ ràng về trách nhiệm hay nhiệm vụ của quân đội. Song tương phản với điều đó là nhiều quy định trao quyền rất lớn cho quân đội. Quân đội Myanmar là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ hiến pháp; quân đội có toàn quyền quản lý và thực hiện tất cả các hoạt động của các lực lượng vũ trang một cách độc lập; quân đội có quyền quản lý việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của toàn thể người dân trong Liên bang.[143]

          Đối với chính sách đối ngoại, Myanmar quy định chính sách cùng tồn tại và không xâm phạm lẫn nhau với các quốc gia khác. Hiến pháp Myanmar quy định: “Liên bang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tích cực và không liên minh vì hòa bình thế giới và quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, tuân thủ các nguyên tắc nhằm tồn tại trong hòa bình với các nước. Liên bang không tiến hành các hoạt động thù địch với nước khác. Lực lượng quân đội nước ngoài không được phép triển khai trong lãnh thổ của Liên bang.”[144]

 * Một số nét đặc thù trong quy định về các chế độ nhà nước của hiến pháp Thái Lan

          Trong số các quốc gia ASEAN nghiên cứu ở đây, Thái Lan không phải là nước có quy định về các chế độ nhà nước chi tiết nhất và dài nhất, vị trí đó thuộc về Philippines. Tuy nhiên, các chế độ nhà nước được quy định trong hiến pháp của Thái Lan có đề cập tới một số nội dung mà hiến pháp của các quốc gia khác không có. Và những nội dung này thể hiện một sự ưu việt lớn của chế định về các chế độ nhà nước trong hiến pháp Thái Lan.

          Nội dung thứ nhất là những quy định chung về chính sách của nhà nước Thái Lan trong từng lĩnh vực. Nội dung này được quy định trong ngay phần đầu tiên của Chương 5, chương về các chế độ nhà nước, của hiến pháp Thái Lan. Các quy định trong phần này cho thấy rõ khái niệm các chính sách của nhà nước có nghĩa là gì, vai trò của chúng như thế nào, tại sao chúng được quy định trong hiến pháp và việc hiện thực hóa chúng phải được quán triệt như thế nào. Phần 1, Chương 5, hiến pháp Thái Lan hiện hành quy định rõ chính sách trong từng lĩnh vực được quy định trong hiến pháp thể hiện quan điểm của Nhà nước khi làm luật và xây dựng các chính sách đối với việc quản lý các hoạt động của nhà nước. Khi đề xuất chính sách ra Nghị viện để được phê chuẩn, cơ quan hành pháp của Thái Lan phải có tờ trình nêu rõ về những nội dung đề xuất thực hiện, khung thời gian thực hiện để nhằm mục đích đạt được những mục đích đặt ra trong các chính sách nền tảng của nhà nước. Cơ quan hành pháp cũng phải chuẩn bị một báo cáo đề cập tới kết quả đã thực hiện bao gồm cả những trở ngại trong việc thực hiện để trình lên quốc hội ít nhất một lần. Các công việc của cơ quan hành pháp kể cả khâu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cũng như quản lý công việc đều phải phù hợp với những nguyên tắc định hướng các chính sách nền tảng của nhà nước. Kế hoạch lập pháp cũng phải bám theo những chính sách định hướng này. Rõ ràng với những quy định như vậy, phần các chế độ nhà nước trong hiến pháp Thái Lan trở nên có tính quy phạm và việc thực hiện chúng có tính khả thi rất cao.

          Bên cạnh nội dung trên, hiến pháp Thái Lan còn quy định về chính sách của nhà nước trong hai lĩnh vực liên quan tới hoạt động của các cơ quan nhà nước mà ở các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN khác không có, đó là lĩnh vực tổ chức hoạt động hành chính nhà nước và lĩnh vực công tác lập pháp và thực thi công lý. Một số nguyên tắc cơ bản chỉ đạo trong quản lý các công việc của nhà nước được xác định như sau: thực hiện quản lí các công việc của Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia một cách bền vững; tổ chức hệ thống quản lí hành chính trung ương, cấp tỉnh và địa phương cần phải xác định địa giới, thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm một cách rõ ràng và phù hợp với sự phát triển của quốc gia, có thể cho phép một tỉnh có kế hoạch và ngân sách cho sự phát triển của tỉnh vì lợi ích của người dân địa phương; thực hiện sự phân cấp quản lí theo đó các tổ chức chính quyền địa phương có được sự độc lập và tự quyết, thúc đẩy tổ chức chính quyền địa phương tham gia vào việc thi hành các nguyên tắc chỉ đạo đối với các chính sách cơ bản của Nhà nước; phát triển hệ thống công vụ trong khu vực công, đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển về chất lượng, lương tâm và đạo đức của công chức nhà nước song song với việc cải thiện mô hình và cách thức làm việc nhằm đạt được sự hiệu quả trong quản lí các hoạt động của Nhà nước và để khuyến khích áp dụng nguyên tắc quản trị tốt trong các cơ quan nhà nước; tổ chức hệ thống quy trình thủ tục hành chính và các công việc khác của Nhà nước để việc cung ứng các dịch vụ công được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm, chú ý đến sự tham gia của công chúng; có những hoạt động tạo điều kiện cho các cơ quan pháp luật thực hiện nhiệm vụ của mình một cách độc lập để đảm bảo rằng việc quản lí các hoạt động của Nhà nước tuân thủ nguyên tắc Nhà nước pháp quyền; đưa ra kế hoạch cải cách chính trị và thiết lập Hội đồng cải cách chính trị độc lập để giám sát việc thực hiện nhất quán kế hoạch đó; có các hoạt động cho phép nhân viên chính phủ và nhân viên nhà nước nhận được phúc lợi phù hợp.[145]

          Trong lĩnh vực công tác lập pháp và thực thi công lý, hiến pháp Thái Lan xác định một số chính sách chính như sau: đảm bảo sự phù hợp và thực thi pháp luật theo một cách thức đúng đắn, nhanh chóng, công bằng và toàn diện, dễ hiểu, tăng cường cung cấp trợ giúp pháp lí và phổ biến kiến thức pháp luật tới công chúng, tổ chức bộ máy và công việc của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành công lí có hiệu quả, theo đó các tổ chức nghề nghiệp và công cộng có sự tham gia xứng đáng vào quá trình thi hành công lí cũng như cung cấp hỗ trợ pháp lí cho công chúng; bảo vệ các quyền và tự do của người dân trước sự vi phạm của các cán bộ nhà nước và những người khác; thiết lập một cơ quan cải cách pháp luật độc lập chịu trách nhiệm sửa đổi và hoàn thiện pháp luật của đất nước, bao gồm cả việc sửa đổi các luật thực thi Hiến pháp, với điều kiện các ý kiến của những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi những luật đó phải được lắng nghe;thành lập một tổ chức cải cách việc thực thi công lí độc lập chịu trách nhiệm nâng cao và hoàn thiện hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực thực thi công lí.[146]

          Rõ ràng những nội dung riêng của hiến pháp Thái Lan khi quy định về các chế độ nhà nước đề cập trên đây là những nội dung hết sức ưu việt. Một mặt chúng làm cho các chế độ nhà nước trong hiến pháp Thái Lan có giá trị bắt buộc và tính thực thi cao, qua đó giải quyết được nhược điểm cố hữu về tính thực thi của các quy định về các chế độ nhà nước trong các bản hiến pháp hiện đại. Mặt khác chúng cũng đã đề cập được tới hai nội dung quan trọng là công tác lập pháp và thi hành công lý. Những đường lối, chính sách cụ thể được quy định về hai vấn đề này rất có giá trị nhằm hiện thực hóa nguyên tắc nhà nước pháp quyền, nguyên tắc hiến định thường được tuyên bố trong chế độ chính trị của các bản hiến pháp hiện đại.

3.2.4. Một số nhận xét về các chế độ nhà nước theo quy định của hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Thứ nhất, phần lớn các quốc gia ASEAN có quy định khá cụ thể, chi tiết về các chế độ nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này chứng tỏ các quốc gia đó đã có được quan điểm và tầm nhìn phát triển tương đối rõ ràng và kiên định đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ.

          Thứ hai, đối với các học giả pháp lý XHCN phần các chế độ nhà nước như đề cập trên đây là một nội dung khá quen thuộc của một bản hiến pháp XHCN. Các học giả pháp lý XHCN thường gọi phần này là phần các chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, an ninh, quốc phòng và chính sách đối ngoại. Các chế độ này xác lập nền tảng và cũng là mục tiêu xây dựng xã hội của nhà nước trong từng lĩnh vực. Nói cách khác, đây là nơi mà bản hiến pháp XHCN quy định về những mối quan hệ quan trọng nhất, cơ bản nhất trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội.

          Ngoại trừ hiến pháp Lào, không có bản hiến pháp nào trong số các hiến pháp còn lại có thể được xếp vào phân loại hiến pháp XHCN. Tuy nhiên, ngoài hiến pháp Brunei, Malaysia và Singapore, tất cả các bản hiến pháp còn lại đều có quy định về các chế độ nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ .v.v. Những phân tích trên đây cho thấy mặc dù không hoàn toàn giống với các chế độ tương ứng được xác lập trong bản hiến pháp XHCN song nội dung này của hiến pháp các quốc gia ASEAN cũng có thể được xem là một bước phát triển so với các hiến pháp tư sản truyền thống, vốn chỉ chú trọng tới tổ chức bộ máy nhà nước và quyền cơ bản của công dân. Với sự biểu hiện của các chế độ nhà nước, bản hiến pháp các quốc gia ASEAN trở nên hoàn thiện hơn bởi vì nó không những vạch ra ranh giới cho việc thực hiện quyền lực nhà nước mà còn đặt ra định hướng mang tính ràng buộc trong việc lập và thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước. Điều này làm cho chính sách của nhà nước, cho dù có sự thay đổi lực lượng lãnh đạo, không thể được ban hành hoặc thay đổi một cách tùy tiện, qua đó góp phần làm cho sự phát triển của xã hội mang tính ổn định cao hơn. Điều này cũng là một minh chứng góp phần khẳng định sự hiện diện của các chế định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, chính sách đối ngoại trong hiến pháp XHCN thể hiện tính ưu việt, đi trước thời đại của hiến pháp XHCN.

          Thứ ba, trong số các quốc gia ASEAN, Thái Lan đã thể hiện một trình độ kỹ thuật lập hiến cao trong quy định về các chế độ nhà nước. Các quy định của hiến pháp Thái Lan về vấn đề này có tính hệ thống cao, bắt đầu từ quan điểm đối với vai trò của các chính sách định hướng cho từng lĩnh vực cho tới cách thức và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan nhà nước trong việc đưa các chính sách đó vào cuộc sống thực tiễn. Điều này là vô cùng quan trọng và thường ít được quan tâm trong phần quy định về các chế độ nhà nước của các bản hiến pháp khác. Bên cạnh đó, hiến pháp Thái Lan còn quy định chính sách cụ thể của nhà nước đối với một số lĩnh vực rất thiết thực, mặc dù có thể là gián tiếp, cho sự phát triển của xã hội.

          Thứ tư, trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, chính sách của các quốc gia ASEAN thường hướng đến những vấn đề chung, ví dụ trong lĩnh vực kinh tế -xã hội thường đề cập tới chính sách phát triển kinh tế, chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, chính sách đối với y tế, người già, trẻ em, phụ nữ, người yếu thế, trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ thường đề cập tới chính sách phát triển nền văn hóa, phát triển ngôn ngữ quốc gia, chính sách phát triển giáo dục .v.v. Trong bản thân nội dung chính sách đối với từng lĩnh vực cũng hay có những nội dung tương tự nhau do sự chia sẻ nhất định về nền tảng văn hóa và quan điểm phát triển, ví dụ các nội dung về chính sách phát triển kinh tế, sở hữu đất đai, phát triển nền văn hóa, các ưu tiên chính sách xã hội .v.v. Tất nhiên, bên cạnh đó các quốc gia cũng có những nội dung riêng biệt trong quy định về các chế độ nhà nước trong hiến pháp của mình xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, chính trị riêng của mình.

 

 

Chương 4: Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

4.1 Các quy định về quyền cơ bản trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

4.1.1. Khái niệm và phân loại quyền cơ bản        

          Theo nghĩa thông thường trong khoa học pháp lý, quyền cơ bản được hiểu là những quyền mà Nhà nước công nhận cho công dân của mình và/hoặc những người sinh sống trên lãnh thổ quốc gia mình. Những quyền này thuộc các lĩnh vực khác nhau và được ghi nhận cụ thể trong hiến pháp. Quyền cơ bản của công dân là phần cơ bản và chủ yếu của nội dung mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và công dân. Các quyền cơ bản của công dân thể hiện Nhà nước cam kết đem lại cho người dân của mình cái gì và bảo đảm cho người dân của mình cái gì dưới chế độ mà mình đang xây dựng và duy trì. Một khi đã được quy định trong hiến pháp, quyền cơ bản của người dân cũng có nghĩa là nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo đảm cho người dân những quyền cơ bản đó. Tất cả các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng của mình phải tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản đã được quy định trong hiến pháp.

          Trong số các bản hiến pháp ASEAN được nghiên cứu ở đây, có một số bản hiến pháp không chỉ đề cập tới những quyền cơ bản được quy định cho công dân nước mình mà còn cho cả những người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ nước mình, ví dụ Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia. Chính vì vậy mà tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, khái niệm “quyền cơ bản của công dân” hay “quyền cơ bản” được sử dụng trong đề tài này cũng bao trùm đối tượng thụ hưởng không chỉ là công dân của quốc gia tương ứng mà cả những người khác sinh sống trên lãnh thổ quốc gia đó. Khái niệm “quyền cơ bản của công dân” được sử dụng ở đây có thể được thể hiện dưới những tên gọi khác nhau trong các bản hiến pháp. Ví dụ, hiến pháp Malaysia và Singapore gọi đó là “các quyền tự do cơ bản”; hiến pháp Philippines gọi đó là “các quyền”; hiến pháp Campuchia “quyền và nghĩa vụ của người Khmer”; hiến pháp Thái Lan “quyền và quyền tự do của người Thái”; hiến pháp Indonesia “các quyền con người cơ bản”; hiến pháp Myanmar và hiến pháp Lào “quyền cơ bản của công dân”.

          Ngoại trừ Brunei, các quốc gia ASEAN còn lại đều có quy định về quyền cơ bản của công dân. Sự thiếu vắng chế định về quyền cơ bản công dân trong hiến pháp Brunei là một bằng chứng nữa cho thấy bản hiến pháp này giống như một công cụ để phục vụ sự cai trị của Quốc vương Brunei trong một chính thể quân chủ chuyên chế.

          Trong tám bản hiến pháp ASEAN còn lại đều quy định một số lượng lớn các quyền cơ bản trên các lĩnh vực khác nhau. Căn cứ vào nội dung và tính chất các quyền cơ bản, có thể nhóm các quyền cơ bản đó thành bảy loại như sau:

          - Các quy định chung về quyền cơ bản của công dân: nhóm này bao gồm các quy định mang tính nguyên tắc chi phối việc quy định và thực thi quyền cơ bản của công dân trong các bản hiến pháp. Có nhiều khi các quy định mang tính nguyên tắc này cũng đồng thời là các quyền cơ bản mang tính định hướng, phổ quát để định hướng các quyền cơ bản trong từng lĩnh vực cụ thể.

          - Các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm: nhóm này bao gồm những điều mà người dân được tự do thực hiện. Cách duy nhất mà Nhà nước phải làm để tôn trọng các quyền cơ bản trong nhóm này là không làm gì để cản trở hoặc vi phạm các quyền này. Các hạn chế mà Nhà nước có thể đặt ra đối với việc thực hiện nhóm quyền này phải hữu hạn, có lý do chính đáng và phải được ban hành theo thủ tục pháp luật phù hợp. Đây là nhóm quyền cơ bản quan trọng nhất trong tổng số các quyền cơ bản mà hiến pháp quy định. Nhóm quyền này cũng hay được gọi là nhóm quyền cơ bản tối thiểu mà Nhà nước phải bảo đảm cho người dân quốc gia mình.

          - Các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị: nhóm này bao gồm những điều mà Nhà nước phải bảo đảm cho người dân được làm hoặc được hưởng trong lĩnh vực chính trị. Đây cũng là nhóm quyền cơ bản hết sức quan trọng bởi vì chúng là những tiêu chí căn bản để đánh giá một nền dân chủ.

          - Các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý: nhóm này bao gồm các quyền và quyền lợi mà Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm cho người dân của mình được thực hiện khi vướng vào vòng lao lý hay trong quá trình kiện tụng trước tòa. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực này là yếu tố cốt yếu bảo đảm công lý cho người dân khi.

          - Các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế-xã hội: nhóm này bao gồm những gì mà Nhà nước cam kết sẽ cố gắng đáp ứng cho người dân được hưởng, được thực hiện trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các quyền này đòi hỏi Nhà nước phải có những hành động tích cực thì chúng mới có thể được bảo đảm thực hiện.

          - Các quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ: nhóm này bao gồm những gì mà Nhà nước cam kết cố gắng đáp ứng cho người dân được hưởng, được thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ. Cũng giống như các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, các quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ đòi hỏi Nhà nước phải có những hành động tích cực để bảo đảm cho các quyền cơ bản đó được thực hiện.

          - Các quyền của cộng đồng dân cư: nhóm này bao gồm các quyền được trao cho một cộng đồng dân cư có sự tập hợp với nhau dựa trên một yếu tố ổn định nào đó. Đây là nhóm quyền cơ bản này khá mới trong phân loại các nhóm quyền con người hiện đại.

4.1.2. Các quy định chung về quyền cơ bản của công dân

          Có hai quy định chung về quyền cơ bản của công dân được khá nhiều các quốc gia ASEAN ghi nhận trong hiến pháp, đó là quyền bình đẳng trước pháp luật và nguyên tắc tôn trọng quyền con người.

          Quyền bình đẳng trước pháp luật vừa là một quy định chung chi phối tới việc xây dựng và thực hiện các quyền cơ bản vừa đồng thời chính bản thân nó là một quyền cơ bản. Tinh thần của quyền bình đẳng trước pháp luật là mọi chủ thể nằm trong phạm vi được hưởng quyền cơ bản theo quy định của một hiến pháp nhất định sẽ được hưởng toàn bộ các quyền cơ bản đó một cách đầy đủ như nhau với những điều kiện giống nhau đồng thời trong những điều kiện, hoàn cảnh giống nhau thì được hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trước pháp luật. Toàn bộ tám bản hiến pháp ASEAN có quy định về quyền cơ bản đều có quy định về quyền bình đẳng trước pháp luật, tuy nhiên nội hàm và mức độ thể hiện ở từng bản hiến pháp không hoàn toàn giống nhau.

          Hiến pháp Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đều quy định quyền bình đẳng được trao cho các đối tượng được hưởng quyền cơ bản và những đối tượng đó không bắt buộc phải là công dân của họ. Hiến pháp Indonesia quy định: “mỗi người đều có quyền … được đối xử một cách công bằng trước pháp luật”.[147]Hiến pháp Philippines quy định: “không ai có thể bị từ chối quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng”[148]. Khoản 1, Điều 8, hiến pháp Malaysia hiện hành quy định: “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau”. Khoản 1, Điều 12, hiến pháp Singapore quy định: “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được quyền bảo vệ bình đẳng của pháp luật”. Trong số bốn bản hiến pháp, hiến pháp Indonesia và Philippines chỉ quy định quyền này một cách chung chung, trong khi đó hiến pháp Singapore và Malaysia có nhấn mạnh thêm rằng trừ trường hợp hiến pháp quy định khác đi, không được có sự phân biệt đối xử đối với các công dân chỉ vì lý do tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc hoặc nơi sinh trong bất kỳ đạo luật nào hoặc khi bổ nhiệm công tác hay tuyển dụng vào một cơ quan nhà nước hoặc trong quá trình thực thi pháp luật.

          Bốn bản hiến pháp ASEAN còn lại đều quy định quyền bình đẳng trước pháp luật chỉ được trao cho công dân của mình. Nội hàm của quyền này cũng được quy định khá giống nhau. Điều 35, hiến pháp Lào quy định ngắn gọn hơn: “công dân Lào không phân biệt nam, nữ, địa vị xã hội, trình độ văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật”. Cùng với tinh thần như vậy, hiến pháp Campuchia và Myanmar liệt kê ra những căn cứ không được phân biệt đối xử một cách chi tiết hơn, ví dụ sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, nguồn gốc nơi sinh, địa vị xã hội, tình trạng giàu nghèo. Riêng hiến pháp Campuchia còn khẳng định không được phân biệt đối xử dựa trên các tình trạng nhân thân khác. Hiến pháp quy định chi tiết nhất về quyền bình đẳng trước pháp luật có lẽ là hiến pháp Thái Lan. Điều 30, hiến pháp Thái Lan quy định tất cả mọi người dân Thái đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau, cấm sự phân biệt đối xử một cách không chính đáng dựa trên sự khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính, tuổi tác, khuyết tật, điều kiện thể chất hay sức khoẻ, tình trạng hôn nhân, điều kiện kinh tế, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, giáo dục hay quan điểm chính trị hiến pháp. Bên cạnh đó, hiến pháp Thái Lan cũng quy định thêm rằng nhà nước có thể tiến hành các biện pháp nhằm ưu tiên một đối tượng nào đó để xóa bỏ cản trở hoặc thúc đẩy khả năng thực hiện quyền cơ bản của một nhóm cho công bằng với những người khác mà không bị coi là sự phân biệt đối xử.

          Khác với quyền bình đẳng trước pháp luật được cả tám bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN quy định, nguyên tắc tôn trọng quyền con người chỉ được công nhận và quy định ở hiến pháp Campuchia và Indonesia. Hiến pháp Campuchia ghi nhận chung rằng đó là một nguyên tắc mà không có quy định cụ thể hơn việc thể chế hóa nguyên tắc đó trong chế định quyền cơ bản. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng một khi nguyên tắc này đã được công nhận thì các quyền cơ bản được quy định trong hiến pháp của các quốc gia này không được trái với các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

          Điều 31, hiến pháp Campuchia quy định: “Vương quốc Campuchia công nhận và tôn trọng các quyền con người được quy định trong Hiến chương liên hợp quốc, Tuyên bố toàn cầu về quyền con người, các công ước và điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền phụ nữ và trẻ em”. Hiến pháp Indonesia có quy định chi tiết hơn hiến pháp Campuchia. Khoản 4, 5, Điều 28I, hiến pháp Indonesia quy định: “Bảo vệ, thúc đẩy, duy trì và thực hiện quyền con người là trách nhiệm của nhà nước mà trước hết là của chính quyền. Duy trì và bảo vệ quyền con người phù hợp với những nguyên tắc của nhà nước dân chủ và pháp quyền, thực hiện các quyền con người căn bản đảm bảo, điều chỉnh và ghi nhận trong các luật và quy định”. Hiến pháp CHDCND Lào tuy không ghi nhận một cách rõ ràng nguyên tắc tôn trọng quyền con người, song trong hiến pháp cũng có quy định một số quyền mang tính chất đề cao quyền con người. Điều 50 và 51 hiến pháp Lào quy định các quyền và lợi ích nghi nhận và bảo hộ trong pháp luật của Lào cũng được trao cho ngoại kiều và người không có quốc tịch, đồng thời người nước ngoài bị đàn áp do đấu tranh cho tự do, công lý, hòa bình và sự nghiệp khoa học có thể được cho phép tị nạn chính trị tại Lào.

4.1.3. Các quyền tự do và bất khả xâm phạm

          Như trên đã đề cập, trong nhóm quyền cơ bản này có hai phân nhóm: các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm. Đây được coi là những quyền cơ bản nền tảng nhất, những quyền cơ bản “tự nhiên” của cá nhân hoặc công dân được thụ hưởng. Nhóm quyền này rất được chú trọng quy định trong hiến pháp tám quốc gia ASEAN. Thống kê số lượng các quyền thuộc nhóm này được quy định trong hiến pháp của cả tám quốc gia ASEAN cho thấy các hiến pháp này quy định về những quyền tự do và bất khả xâm phạm sau:

          - Các quyền tự do bao gồm: quyền tự do ngôn luận (tự do tư tưởng); tự do báo chí; tự do biểu tình, hội họp; tự do tôn giáo; tự do cư trú; tự do đi lại; tự do lập hội; tự do thu thập, truyền bá thông tin; và tự do nghiên cứu, phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghệ.

          - Các quyền bất khả xâm phạm bao gồm: bất khả xâm phạm về tính mạng; tự do cá nhân; tài sản, giấy tờ có giá; thân thể; nơi ở; thư từ liên lạc; thông tin riêng tư; và nhân phẩm, danh dự.

          Nếu so sánh các quyền tự do và bất khả xâm phạm được quy định trong hiến pháp của các nước ASEAN dựa trên số lượng 16 quyền cơ bản trên đây thì có thể thấy rằng có một số quyền tự do luôn được quy định trong hiến pháp của tất cả các quốc gia ASEAN, đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình, hội họp, tự do tôn giáo, tự do cư trú và tự do lập hội. Tuy nhiên ngay cả khi cũng quy định về những quyền giống nhau thì trong cách thức quy định của mỗi nước lại có những nét đặc thù. Cách thức quy định về các quyền bất khả xâm phạm trong hiến pháp các quốc gia ASEAN lại có sự đa dạng lớn hơn.

          Hiến pháp Campuchia có quy định về tất cả các quyền tự do được nêu trên, trừ quyền tự do thu thập, truyền bá thông tin và quyền tự do phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghệ. Cách thức quy định trong hiến pháp Campuchia chủ yếu là ghi nhận và khẳng định công dân Khmer được hưởng các quyền tự do đó. Bên cạnh đó, hiến pháp Campuchia cũng chú trọng quy định rằng việc thực hiện quyền các quyền tự do của người này không được làm ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác.[149] Campuchia là một trong số ít các hiến pháp các quốc gia ASEAN có quy định cụ thể quyền lập hội bao gồm cả quyền thành lập các đảng phái chính trị. Tuy nhiên việc thực hiện quyền này sẽ phải tuân thủ các quy định cụ thể của pháp luật.[150]

          Trong số các quyền bất khả xâm phạm đề cập ở trên, hiến pháp Campuchia chỉ quy định về quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, tự do cá nhân, bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự, nhà cửa và thư từ liên lạc.[151] Đối với quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, hiến pháp Campuchia nhấn mạnh rằng hình phạt tử hình sẽ không được áp dụng. Khi quy định về các quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và bí mật thư tín, hiến pháp Campuchia cũng quy định rằng việc khám xét nhà, khám người phải tuân thủ theo quy định của luật.

          Có hai đặc điểm dễ nhận thấy liên quan tới quy định về các quyền tự do và bất khả xâm phạm trong hiến pháp Indonesia. Thứ nhất, các quy định của hiến pháp Indonesia chủ yếu ghi nhận công dân hoặc các cá nhân được hưởng những quyền gì mà không có các quy định cụ thể về giới hạn các quyền đó được thực hiện đến đâu hoặc nhà nước phải làm gì để bảo đảm những quyền đó. Chính vì vậy mà các quyền cơ bản thuộc nhóm này được quy định một cách khá ngắn gọn. Thứ hai, trong hiến pháp Indonesia có 2 mục riêng biệt, tương đương với 2 chương, cùng quy định quyền cơ bản, nhưng dành cho hai đối tượng khác nhau. Mục X quy định về công dân và người cư trú trên lãnh thổ Indonesia, trong đó quy định một số quyền tự do và bất khả xâm phạm dành riêng cho công dân Indonesia, trong đó có quyền thự do lập hội, hội họp, thể hiện tư tưởng. Trong khi đó Mục XA được bổ sung vào hiến pháp Indonesia ngày 18/8/2000 được dành toàn bộ để quy định về các quyền con người cơ bản với đối tượng thụ hưởng là con người sinh sống trên lãnh thổ Indonesia nói chung. Mối quan hệ giữa hai mục này không được quy định rõ trong hiến pháp và dường như cũng có sự trùng lặp nhất định giữa hai mục bởi các quyền tự do và bất khả xâm phạm dành cho công dân như đề cập trên cũng được quy định lặp lại ở Mục XA.

          Nếu nhìn một cách tổng thể các quyền cơ bản được quy định ở cả Mục X và XA có thể thấy hiến pháp Indonesia quy định bảo hộ hầu hết các quyền tự do đối với người sinh sống trên lãnh thổ nước mình như liệt kê ở trên đây. Hiến pháp Indonesia là một trong số ít các hiến pháp ASEAN có quy định về quyền tự do thu thập, lưu trữ, xử lý và truyền bá thông tin qua tất cả các kênh có thể. Các quyền tự do không được hiến pháp Indonesia quy định là quyền tự do báo chí, tự do đi lại và tự do nghiên cứu văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghệ. Quyền tự do ngôn luận cũng được hiến pháp Indonesia quy định khác đặc biệt, không phải dưới cái tên “tự do ngôn luận” mà là quyền “tự do đối với niềm tin, tự do thể hiện tư tưởng, quan điểm phù hợp với nhận thức của mình”.[152]

          Các quyền bất khả xâm phạm trong hiến pháp Indonesia được quy định theo kiểu “mỗi người có quyền tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, tài sản…”.[153] Quy định như vậy tuy không sai song không hẳn đã thể hiện đúng tinh thần của phân nhóm quyền này là sự bảo đảm của nhà nước không xâm phạm với tính bất khả xâm phạm của các quyền. Mặc dù vậy, hiến pháp Indonesia đề cập khá đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm cho các cá nhân sinh sống trên lãnh thổ nước mình. Các quyền không được đề cập một cách rõ ràng là quyền bất khả xâm phạm về thư từ liên lạc và thông tin riêng tư. Quyền bất khả xâm phạm về nơi ở cũng không được quy định rõ ràng, song có lẽ nó được ẩn trong quy định về quyền được bảo vệ tài sản thuộc sở hữu riêng được quy định tại khoản 1, Điều 28G, hiến pháp Indonesia.

          Hiến pháp Lào có phần giống với hiến pháp Indonesia khi quy định về các quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm của công dân; các quyền này đều được quy định mang tính ghi nhận và do đó rất ngắn gọn. Toàn bộ các quyền tự do và bất khả xâm phạm của công dân Lào được gói gọn trong bốn điều luật, điều 40, 42, 43 và 44. Hiến pháp Làoghi nhận khá đầy đủ các quyền tự do của công dân; chỉ duy nhất có một quyền không được quy định là quyền tự do thông tin. Các quyền bất khả xâm phạm được ghi nhận là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhà cửa và quyền tự do cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về tài sản, thư từ liên lạc và thông tin riêng tư không được quy định. Một số quyền tự do như ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình tuy được hiến pháp Lào ghi nhận song hiến pháp cũng quy định công dân Lào được hưởng các quyền này theo quy định của pháp luật.[154]Đây là quy định khá đặc thù của hiến pháp Lào bởi lẽ không nhiều quốc gia ASEAN có quy định như vậy trong hiến pháp của mình. Một phần nào đó quy định như vậy đã làm giảm đi giá trị của các quyền tự do hiến định của công dân Lào.

          Hiến pháp Malaysia và Singapore có những quy định giống nhau về quyền tự do và bất khả xâm phạm của công dân, từ số lượng các quyền cho tới cấu trúc của các quy phạm.[155] Có lẽ là khi hiến pháp Singapore được ban hành, nó đã kế thừa toàn bộ chế định của hiến pháp Malaysia về các quyền cơ bản của công dân và phù hợp hóa các quyền đó với điều kiện của Singapore. Nhìn một cách tổng quát, quy định về các quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm trong hiến pháp Malaysia và Singapore có chung những đặc điểm sau. Thứ nhất, cả hai bản hiến pháp này rất chú trọng quy định về các quyền tự do cơ bản của công dân mà không chú trọng tới các quyền bất khả xâm phạm. Bằng chứng là chỉ có một quyền bất khả xâm phạm được quy định, đó là quyền tự do cá nhân. Thứ hai, các quyền tự do của công dân và quyền tự do cá nhân một khi đã được đề cập thì đều được quy định một cách rất chi tiết, không chỉ là ghi nhận quyền mà còn cụ thể hóa nội dung và yêu cầu cụ thể đối với cơ quan nhà nước để bảo đảm sự tôn trọng đối với các quyền này.

          Hiến pháp Malaysia và Singapore quy định về hầu hết các quyền tự do được đề cập trên đây, chỉ trừ ba quyền là quyền tự do báo chí, quyền tự do thông tin và quyền tự do phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghệ. Các quyền tự do khác đều được đề cập và quy định khá chi tiết. Ví dụ Điều 10, hiến pháp Malaysia và Điều 14, hiến pháp Singapore quy định mọi công dân đều có quyền tự do phát ngôn và bày tỏ chính kiến, có quyền tụ tập hòa bình và phi vũ trang, có quyền lập hội. Tuy nhiên, nghị viện có thể quy định trong luật những hạn chế đối với các quyền tự do trên nếu có cơ sở chính đáng. Cơ sở chính đáng đề nghị viện được hạn chế quyền tự do ngôn luận là lợi ích an ninh quốc gia, quan hệ hữu nghị với các nước khác, trận tự công cộng, chuẩn mực đạo đức hoặc chống lại sự coi thường tòa án, phi báng hay xúi giục hành vi phạm tội; cơ sở chính đáng để hạn chế quyền tự do hội họp là lợi ích an ninh quốc gia hoặc để duy trì trật tự công cộng; cơ sở chính đáng để hạn chế quyền lập hội là lợi ích an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc chuẩn mực đạo đức.

          Quyền bất khả xâm phạm về tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp Malaysia và Singapore theo một nghĩa rộng, bao gồm cả quyền bất khả xâm phạm về tính mạng và tự do cá nhân. Hiến pháp cả hai nước đều quy định: “không ai bị tước đoạt mạng sống hay tự do cá nhân trừ các trường hợp theo quy định của luật.

 Hiến pháp Malaysia và Singapore không đi quá xa trong việc quy định cấm hình phạt tử hình giống như hiến pháp Campuchia. Quyền bất khả xâm phạm về tự do cá nhân của hai hiến pháp này cũng gián tiếp đưa đến một quy định khá phổ biến trong hiến pháp các quốc gia ASEAN, đó là quy định cấm nô lệ và lao động cưỡng bức.[156] Theo các quy định này thì không ai có thể bị buộc làm nô lệ; mọi hình thức lao động cưỡng bức đều bị nghiêm cấm. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là lao động công ích vì lợi ích quốc gia và lao động khi đang chấp hành án phạt tù theo quy định của luật.

          Hiến pháp Philippines thuộc loại quy định đầy đủ nhất về các quyền tự do và bất khả xâm phạm trong số các quốc gia ASEAN. Trong số các quyền tự do và bất khả xâm phạm đề cập trên đây chỉ có duy nhất một quyền tự do và một quyền bất khả xâm phạm không được đề cập tới trong hiến pháp Philippines, đó là quyền tự do thông tin và quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm, danh dự. Tất cả các quyền tự do và bất khả xâm phạm còn lại được quy định chi tiết ở mức độ vừa phải trong Điều 3(tương đương với Chương 3) của hiến pháp Philippines. Ngoài việc quy định ghi nhận các quyền, hiến pháp Philippines còn quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định những ngoại lệ của các quyền này. Trong phần lớn trường hợp, ví dụ liên quan tới quyền bí mật thông tin riêng tư, thư từ liên lạc, quyền tự do cư trú, tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định về các ngoại lệ.

          Hiến pháp Myanmar cũng quy định khá đầy đủ các quyền tự do của công dân, chỉ có một quyền tự do không được quy định – quyền tự do báo chí. Đối với các quyền tự do còn lại, quy định của hiến pháp Myanmar cũng chủ yếu mang tính ghi nhận quyền và điều kiện thực hiện quyền. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, tôn giáo chỉ được thực hiện nếu nó không bị pháp luật cấm trên cơ sở an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, bảo vệ pháp luật, bảo đảm hoàn bình trong cộng động, trật tự và chuẩn mực đạo đức. Trong quy định về các quyền tự do của hiến pháp Myanmar có nét giống với hiến pháp Lào ở chỗ, hiến pháp Myanamr cũng đặt điều kiện thực hiện hầu hết các quyền tự do của công dân trên cơ sở phù hợp với pháp luật, do đó làm giảm đi giá trị của những quyền hiến định này.

          Hiến pháp Thái Lan là bản hiến pháp duy nhất trong số hiến pháp các quốc gia ASEAN có quy định đầy đủ về tất cả các quyền tự do và bất khả xâm phạm nêu trên đây, kể cả quyền tự do phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghệ cũng được quy định dưới tên gọi “quyền tự do học thuật”. Không những quy định đầy đủ, hiến pháp Thái Lan còn quy định khá chi tiết về các quyền này. Các quyền tự do và bất khả xâm phạm của công dân Thái Lan được quy định trong 14 điều khoản thuộc Chương III - Các quyền và quyền tự do của người Thái. Đối với mỗi quyền, hiến pháp Thái đều có quy định công nhận quyền, về các nội dung cụ thể hóa hơn của quyền và các trường hợp hoặc căn cứ có thể hạn chế các quyền. Ví dụ, Điều 36, hiến pháp Thái Lan quy định về quyền tự do thông tin như sau: “Người dân được hưởng quyền tự do thông tin liên lạc thông qua các phương tiện hợp pháp.Sự kiểm duyệt, giam cầm hoặc tiết lộ thông tin trao đổi giữa các cá nhân bao gồm bất kì hành vi nào khác tiết lộ thông tin trao đổi giữa các cá nhân đều không được phép trừ trường hợp được quy định bởi các điều khoản trong luật được ban hành đặc biệt để bảo đảm an ninh Nhà nước, trật tự công cộng hoặc các giá trị đạo đức tốt đẹp.” Giống với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan cũng có quy định rõ quyền lập hội của người Thái bao gồm cả quyền lập đảng phái chính trị.[157]

4.1.4. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị

Các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị được hiểu là các quyền mà nhà nước cam kết dành cho đối tượng thụ hưởng tham gia một cách nhất định vào quá trình thực hiện quyền lực nhà nước, hay nói cách khác là tham gia vào đời sống chính trị. Đối tượng thụ hưởng quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị thường là công dân của quốc gia có quy định về quyền đó trong hiến pháp của mình. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, quyền lực nhà nước là do và chỉ do các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện. Sự tham gia của người dân vào quá trình đó, nếu có thì cũng chỉ là gián tiếp và diễn ra không thường xuyên. Điều này được thể hiện khá rõ trong hiến pháp của các quốc gia ASEAN.

          Nhìn tổng thể, có những quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị sau được đề cập tới trong hiến pháp các quốc gia ASEAN: (1) quyền bầu cử; (2) quyền khiếu nại, tố cáo; (3) quyền được thông tin; (4) quyền tham gia một cách chủ động vào chính trị; và (5) quyền bình đẳng trong việc tham gia chính quyền. Trong số năm quyền này thì chỉ có ba quyền đầu tiên là được đề cập nhiều nhất, hai quyền còn lại được ít hiến pháp quy định. Mặc dù vậy, không có bản hiến pháp nào trong số tám hiến pháp ASEAN được nghiên cứu ở đây có quy định đầy đủ tất cả năm quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị nêu trên.

          Quyền bầu cử là quyền được quy định phổ biến nhất trong các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN. Quyền này được hiến pháp của năm quốc gia ASEAN quy định, đó là hiến pháp Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Hiến pháp của Malaysia, Singapore và Indonesia không quy định một cách rõ ràng quyền này với tư cách là một quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị. Mức độ quy định chi tiết về quyền này ở năm bản hiến pháp rất khác nhau. Tuy nhiên các bản hiến pháp đó đều quy định quyền bầu cử chỉ dành cho công dân nước mình chứ không phải các đối tượng không có quốc tịch, đồng thời độ tuổi được xác định đủ điều kiện thực hiện quyền bầu cử đều là từ 18 tuổi trở lên. Bốn trong số năm bản hiến pháp nói trên quy định cả về quyền bầu cử và quyền ứng cử, hiến pháp Philippines là trường hợp duy nhất chỉ quy định quyền bầu cử mà không có quyền ứng cử. Trong một số hiến pháp có quy định cả độ tuổi để thực hiện quyền ứng cử và lúc này có sự khác nhau khá lớn giữa các quốc gia. Hiến pháp Lào quy định độ tuổi được hưởng quyền ứng cử là 21 tuổi trở lên, hiến pháp Thái quy định 25 tuổi; trong khi đó hiến pháp Campuchia phân biệt độ tuổi tối thiểu được thực hiện quyền ứng cử vào viện dân biểu là 25 tuổi và vào thượng nghị viện là 40 tuổi. Một số bản hiến pháp còn quy định khá chi tiết về điều kiện được thực hiện quyền bầu cử và ứng cử hoặc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử. Hiến pháp Lào quy định những người mất trí, tâm thần hay bị tòa án tước quyền bầu cử không có quyền bầu cử.[158] Hiến pháp Philippines quy định công dân không những phải đủ tuổi mà còn phải cư trú ở Philippines ít nhất là một năm hoặc ở nơi họ sẽ thực hiện quyền bầu cử ít nhất là sáu tháng trước khi diễn ra bầu cử.[159] Hiến pháp Myanmar quy định một số đối tượng không có quyền bầu cử, bao gồm: chức sắc tôn giáo, người đang chấp hành án phạt tù, người do tòa án tuyên bố là không minh mẫn, người đang bị phá sản, và người bị tước quyền theo quy định của pháp luật bầu cử.[160] Hiến pháp Thái Lan có quy định giống với hiến pháp Myanmar về điều kiện không có quyền bầu cử.

          Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định trong hiến pháp của Campuchia, Lào và Thái Lan. Về tinh thần chung, quyền này cho phép công dân đưa các vụ việc vi phạm lên cơ quan nhà nước để yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Tuy nhiên, nội dung quy định quyền này trong ba bản hiến pháp trên cũng có nhiều điểm khác nhau. Quyền khiếu nại, tố cáo được ghi nhận một cách khá chung chung trong hiến pháp Lào: “công dân Lào có quyền khiếu nại, quyền tố cáo, đề đạt ý kiến với các cơ quan của nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chung hoặc quyền và lợi ích riêng của mình”.[161] Có thể nói quyền này được hiến pháp Lào quy định mang tính chất ghi nhận chứ chưa đủ cụ thể để thực thi, bởi vì đối tượng có thể bị khiếu nại tố cáo có thể là bất kỳ đối tượng nào và thủ tục khiếu nại tố cáo cũng chưa được xác định, cho dù là về mặt nguyên tắc. Hiến pháp Campuchia quy định về quyền này tuy cũng rất ngắn gọn song khá cụ thể: “công dân Khmer có quyền khiếu nại, tố cáo hay nộp đơn kiện đối với bất kỳ vi phạm pháp luật nào của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hoặc thành viên của những cơ quan, tổ chức đó… Tòa án là người có thẩm quyền xét xử những khiếu nại và đơn kiện đó”.[162] Trong hiến pháp Thái Lan, quyền khiếu nại tố cáo được đặt trong mối quan hệ biện chứng với quyền được thông tin. Từ quyền được thông tin, người dân Thái Lan có các quyền khiếu nại tố cáo tương ứng. Vì vậy đối tượng có thể bị khiếu nại tố cáo theo hiến pháp Thái Lan cũng là các cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nhà nước khác.[163]

          Quyền được thông tin liên quan tới hoạt động của nhà nước hoặc do nhà nước nắm giữ là một quyền cơ bản rất ưu việt trong lĩnh vực chính trị. Quyền này thường được xem là đóng vai trò nền tảng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ bởi vì một khi quyền này được bảo đảm thực hiện thì bộ máy nhà nước sẽ trở nên minh bạch đối với người dân. Mặc dù vậy chỉ có hai trong số tám bản hiến pháp của các nước ASEAN đề cập ở đây có quy định về quyền cơ bản này, đó là hiến pháp Philippines và Thái Lan.

          Hiến pháp Philippines quy định: “quyền của người dân được thông tin về các vấn đề liên quan đến các mối quan tâm của cộng đồng được thừa nhận”. Bên cạnh việc ghi nhận quyền, hiến pháp Philippines cũng quy định cách thức mà nhà nước và pháp luật phải bảo đảm cho việc thực hiện quyền này của người dân: “Trừ những hạn chế do luật định, việc tiếp cận của người dân đối với các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ liên quan đến các hành vi, giao dịch, quyết định chính thức cũng như các cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Nhà nước được sử dụng làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách được đảm bảo.”[164]

          Hiến pháp Thái Lan quy định về quyền được thông tin một cách toàn diện và chi tiết hơn nhiều so với hiến pháp Philippines.[165] Về phạm vi thông tin được tiếp cận, hiến pháp Thái Lan quy định rõ: “Cá nhân có quyền được biết và tiếp cận dữ liệu hay thông tin công do cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay tổ chức chính quyền địa phương đang chiếm hữu”. Các căn cứ có thể được áp dụng để hạn chế quyền được thông tin bao gồm an ninh quốc gia, an toàn công cộng, lợi ích của các cá nhân nằm trong diện bảo vệ hoặc thông tin riêng tư. Công dân Thái Lan cũng có quyền “nhận được số liệu, giải thích từ phía cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc tổ chức chính quyền địa phương trước khi phê chuẩn hoặc tiến hành bất kì dự án hay hoạt động nào mà có thể ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, điều kiện vệ sinh và y tế, chất lượng cuộc sống hoặc bất cứ lợi ích vật chất nào khác liên quan tới cá nhân đó hoặc cộng đồng dân cư địa phương và có quyền bày tỏ ý kiến của mình tới các cơ quan có liên quan để phục vụ việc xem xét kĩ lưỡng hơn các vấn đề đó”. Quyền được thông tin của người Thái cũng được liên kết một cách biện chứng với một số quyền khác liên quan tới việc người dân tham gia vào đời sống chính trị nhằm làm tăng thêm ý nghĩa và hiệu quả của nó. Từ việc thực hiện quyền được thông tin, người dân Thái Lan có thể thực hiện quyền tham gia vào quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước, có quyền gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiện cơ quan nhà nước, công chức nhà nước, hoặc quyền theo dõi và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

          Quyền tham gia chủ động vào chính trị được quy định trong hiến pháp Campuchia và Thái Lan. Hiến pháp Campuchia quy định về quyền này một cách khá chung chung và mang tính ghi nhận về mặt nguyên tắc rằng công dân Campuchia không phân biệt giới tính có quyền tham gia một cách chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia. Bất kỳ đề xuất nào từ phía người dân đều phải được nhà nước quan tâm xem xét đầy đủ. Khác với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan tuy không quy định một cách rõ ràng về quyền tham gia chủ động vào chính trị của người dân song lại quy định một cách khá chi tiết một số quyền cụ thể nhằm tới mục đích cho phép người dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp Thái Lan cũng đặt các quyền này trong mối quan hệ nhân quả với quyền được thông tin. Hiến pháp Thái Lan quy định: “cá nhân có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định của các quan chức nhà nước trong việc thực hiện các chức năng quản lí hành chính mà ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng tới các quyền và quyền tự do của cá nhân. Cá nhân có quyền gửi khiếu nại và được phúc đáp về kết quả xem xét kiến nghị một cách không chậm trễ.Cá nhân có quyền nộp đơn kiện cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có tư cách pháp nhân để buộc trách nhiệm đối với hành vi (hành động hoặc không hành động) do công chức chính phủ, nhân viên hoặc người làm công của các cơ quan đó thực hiện”.[166] Rõ ràng tuy không đề cập trực tiếp tới quyền tham gia chủ động vào chính trị của người dân Thái nhưng với một số quyền cụ thể trên đây, khả năng người dân Thái Lan được tham gia một cách chủ động vào hoạt động của các cơ quan nhà nước được bảo đảm về mặt hiến định một cách khá hiệu quả và toàn diện.

          Quyền bình đẳng trong việc tham gia chính quyền là một quyền cơ bản khá mới trong lĩnh vực chính trị. Nó cũng ít được nhắc tới trong các bản hiến pháp khác ở trên thế giới. Cũng có thể có những quan điểm cho rằng quyền này thực ra nằm trong ngoại diên của quyền và cũng là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Quan điểm này cũng không hẳn là sai. Tuy nhiên, trong duy nhất một bản hiến pháp của một quốc gia ASEAN, Indonesia, quyền này được quy định một cách rõ ràng “mỗi công dân có quyền nắm được các cơ hội bình đẳng trong chính quyền”([167]). Trong tất cả các bản hiến pháp còn lại đều không quy định quyền này. Rất tiếc hiến pháp Indonesia cũng không có quy định chi tiết hơn về quyền bình đẳng trong việc tham gia chính quyền chính vì vậy vẫn chưa rõ nội hàm của quyền này là như thế nào và việc qui định về quyền này trong hiến pháp Indonesia vẫn chỉ mang tính nguyên tắc.

          Nhìn chung, các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị được quy định trong hiến pháp các quốc gia ASEAN khá đầy đủ, bao gồm cả những quyền mang tính chất truyền thống như quyền bầu cử, ứng cứ, cho tới những quyền ưu việt mới xuất hiện trong thời gian gần đây như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được thông tin, quyền tham gia tích cực vào đời sống chính trị. Trong số các quốc gia ASEAN, có thể thấy Thái Lan là nước có những quy định ưu việt nhất về các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị.

4.1.5. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý

          Các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý là những quyền mà người dân được thực hiện khi họ rơi vào những trường hợp có thể phải chịu chế tài của pháp luật hoặc bị áp dụng pháp luật đối với mình. Ở góc độ nào đó, có thể nói các quyền này cũng nằm trong lĩnh vực tố tụng và được các cơ quan nhà nước bảo đảm bằng hành vi hành động hoặc không hành động để người dân có thể thực hiện được quyền tương ứng của mình. Trong số tám quốc gia ASEAN có quy định về quyền cơ bản, Lào và Indonesia không có các quy định về quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý. Sáu quốc gia còn lại có quy định rất khác nhau về các quyền cơ bản trong lĩnh vực này.

          Hiến pháp Campuchia quy định cho công dân của mình một số quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý như: quyền được có luật sư, quyền không bị tra tấn hay nhục hình, quyền không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không theo thủ tục do pháp luật quy định, quyền suy đoán vô tội.[168]

          So với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Myanmar quy định ít quyền cơ bản hơn trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý. Hiến pháp Myanmar quy định những quyền sau: quyền không bị áp dụng hồi tố pháp luật, quyền không bị xét xử hai lần, quyền được có luật sư và quyền được xét xử theo thủ tục tố tụng do luật định.[169]

          Hiến pháp Thái Lan quy định những quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý như quyền suy đoán vô tội, quyền tiếp cận công lý dễ dàng, kịp thời và toàn diện, quyền được xét xử công khai, quyền không bị áp dụng pháp luật hồi tố, quyền được xét xử một cách chính xác, nhanh chóng, công bằng, quyền được bào chữa và có luật sư bào chữa.[170]

           Hiến pháp Malaysia Singapore cũng quy định về những quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý như quyền được thông báo lý do bắt giữ, quyền được có luật sư, quyền được xét xử bởi tòa án, quyền không bị áp dụng pháp luật hồi tố, quyền không bị xử phạt hai lần.([171])

          Hiến pháp Phililppines có quy định chi tiết nhất về các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý. Người dân Philippines có những quyền sau: quyền được thông báo về quyền giữ im lặng, quyền thuê luật sư, quyền không tra tấn, đàn áp, hành hạ ép buộc, đe dọa, quyền được bảo lãnh tại ngoại, quyền không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không theo thủ tục, quyền suy đoán vô tội, quyền được xét xử nhanh chóng, quyền không phải làm nhân chứng chống lại mình, quyền không bị tù chỉ vì không đóng thuế, quyền không bị xử phạt hai lần, quyền không được áp dụng pháp luật hồi tố.

4.1.6. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội

          Các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thể hiện sự bảo đảm của nhà nước, bằng hành vi hành động của các cơ quan nhà nước, đối với người dân của mình trong lĩnh vực kinh tế, phúc lợi xã hội, chính sách xã hội. Những quyền này thường không mang tính chất thuần pháp lý bởi vì xét về mặt kỹ thuật nó khó có thể được viện dẫn để kiện cơ quan nhà nước do không thực hiện nghĩa vụ của mình. Những quyền này thể hiện quan điểm của nhà nước trong việc đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân của mình. Các quy định về những quyền này trong hiến pháp thường là những quy định chung, mang tính cam kết, còn cách thức và nội dung cụ thể lại tùy thuộc vào chính sách của nhà nước. Nhóm quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội được xem là tiêu chí đánh giá mức độ “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước tương ứng. Trong tám quốc gia ASEAN có quy định về quyền cơ bản, hiến pháp Malaysia và Singapore không có quy định về các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với các quốc gia còn lại mức độ cụ thể hóa trong quy định về các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội trong hiến pháp các quốc gia ASEAN rất khác nhau.

         Trong hiến pháp PhilippinesLào các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế xã hội có được quy định, song với số lượng rất ít và nội dung quy định rất chung chung. Hiến pháp Philippines chỉ có một điều khoản có quy định về quyền tư hữu tài sản của cá nhân. Tuy nhiên, quyền này cũng chỉ được quy định một cách gián tiếp thông qua quy định “cấm không được trưng dụng tài sản của tư nhân cho mục đích công mà không có bồi thường công bằng”.[172] Hiến pháp Lào có quy định về nhiều quyền cơ bản của công dân trong lĩnh vực kinh tế, xã hội hơn so với hiến pháp Philippines. Tuy nhiên, những quy định đó cũng rất ngắn gọn, chủ yếu mang tính ghi nhận quyền. Trong lĩnh vực kinh tế, hiến pháp Lào quy định công dân có quyền làm việc và hành nghề không trái với quy định pháp luật. Ở khía cạnh xã hội, hiến pháp Lào chú trọng tới quyền của người lao động và quyền bình đẳng của phụ nữ. Hiến pháp Lào quy định người lao động có quyền được nghỉ ngơi, được điều trị khi đau ốm, được nhận trợ cấp khi mất khả năng lao động, tàn tật, khi già yếu và trong các trường hợp khác theo luật định; công dân Lào nữ và nam có quyền ngang nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và gia đình.[173]

          Các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế, xã hội được quy định trong Hiến pháp Myanmar có số lượng nhiều hơn so với hiến pháp Lào và Philippines.[174]Về khía cạnh kinh tế, công dân Myanmar có các quyền cơ bản như quyền tự do kinh doanh vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc dân; quyền sở hữu tài sản kể cả động sản và bất động sản và quyền tự do sáng chế trong quá trình kinh doanh nếu không trái với hiến pháp và pháp luật hiện hành. Công dân Myanmar cũng có quyền bình đẳng về cơ hội trong các lĩnh vực: việc làm trong khối nhà nước, việc làm công, thương mại, kinh doanh, nghề nghiệp và bí quyết công nghệ, khai thác nghệ thuật, khoa học và công nghệ. Phụ nữ bình đẳng về quyền và thu nhập với đàn ông khi làm công việc tương tự. Tương phản với các quyền cơ bản về kinh tế, các quyền cơ bản liên quan tới chính sách xã hội ít được quan tâm trong hiến pháp Myanmar, chỉ có hai quyền cơ bản thuộc loại này được quy định theo một cách thức rất chung chung, đó là quyền trẻ em và phụ nữ sắp sinh có quyền bình đẳng như quy định trong luật và mỗi công dân đều có quyền được chăm sóc sức khỏe theo chính sách của nhà nước.

          Hiến pháp Campuchia quy định công dân Khmer bất kể giới tính được hưởng quyền lựa chọn công việc theo khả năng và phù hợp với nhu cầu của xã hội; tất cả mọi người đều có quyền sở hữu. Song, chỉ có người Khmer và pháp nhân Khmer mới có quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo vệ, việc tịch thu tài sản chỉ có thể được thực hiện vì lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật và phải có sự bồi thường công bằng của nhà nước; quyền được trả lương như nhau cho công việc giống nhau, công việc do nội trợ ở nhà có giá trị ngang với công công việc họ làm việc bên ngoài; người lao động có quyền tham gia công đoàn.

          Trong lĩnh vực xã hội, hiến pháp Campuchia chú trọng tới gia đình và các mối quan hệ trong gia đình. Hiến pháp Campuchia quy định trong một gia đình cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cái trở thành công dân tốt, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già yếu theo truyền thống Khmer. Nam và nữ bình đẳng trên mọi lĩnh vực đặc biệt là trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật căn cứ trên chế độ hôn nhân tự nguyện, một vợ, một chồng. Nhà nước bảo vệ quyền trẻ em như trong Công ước về quyền trẻ em, cụ thể là quyền được sống, giáo dục, bảo vệ trong thời kỳ chiến tranh, chống lại bóc lột tình dục hoặc sức lao động. Nhà nước phải bảo vệ trẻ em không bị tước đoạt các cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi. Hiến pháp Campuchia cũng hết sức chú trọng tới việc bảo vệ phụ nữ. Tất cả các hình thức phân biệt đối xử cũng như việc bóc lột phụ nữ về kinh tế bị tuyệt đối cấm. Hiến pháp quy định trách nhiệm của nhà nước Campuchia phải trao các cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông nghiệp không có sự trợ giúp xã hội đầy đủ để họ có việc làm, được chăm sóc y tế và cho con cái tới trường cũng như có cuộc sống tối thiểu. Phụ nữ không thể bị đuổi việc do mang thai, có quyền nghỉ thai sản mà vẫn được trả nguyên lương và phúc lợi xã hội. Cấm tất cả các hành vi buôn bán, bóc lột người qua mại dâm cũng như các hình ảnh đồi trụy mà có thể làm ảnh hướng tới nhân phẩm của người phụ nữ.

          So với các quốc gia trên, Thái Lan có quy định một bộ quyền cơ bản khá dày dặn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội cho người dân của mình. Các quyền cơ bản đó được quy định khá chi tiết và đi kèm với đó là những điều kiện cụ thể để bảo đảm tính thực thi của các quyền. Về kinh tế công dân Thái Lan có một số quyền cơ bản rất quan trọng. Thứ nhất, người dân Thái Lan có quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế tài sản. Việc quốc hữu hóa tài sản, bao gồm cả quốc hữu hóa đất đai bị cấm và chỉ được thực hiện khi có một trong các lý do chính đáng như: để cung cấp dịch vụ công cộng, quốc phòng, khai thác tài nguyên quốc gia, quy hoạch đo thị và nông thôn, bảo tồn môi trường, phát triển công nghiệp hay nông nghiệp, cải cách đất đai, bảo tồn di tích lịch sử hay các lợi ích công cộng khác. Khi công hữu hóa tài sản cố định của tư nhân, nhà nước phải có sự bồi thường thỏa đáng và kịp thời cho chủ sở hữu cũng như các cá nhân có quyền liên quan, những người chịu mất mát do việc quốc hữu hóa đó theo quy định của luật. Giá trị bồi thường phải cân nhắc thích đáng tới giá thị trường. Một trong cách cách phổ biến mà hiến pháp đưa ra để tính là phải đối chiếu giữa giá trị vật chất bị tịch thu, bị mất mát và giá trị mà người thụ hưởng sau khi tịch thu có được. Chỉ có thể quốc hữu hóa bằng một luật và luật đó phải quy định rõ khoảng thời gian hoàn thành mục tiêu mà việc quốc hữu hóa hướng tới. Quá thời hạn đó nếu mục tiêu chưa đạt được thì phải hoàn trả lại tài sản cho người sở hữu trước đó. Thứ hai, người dân Thái Lan có quyền tự do nghề nghiệp, người dân có quyền tự do kinh doanh hay tham gia hoạt động nghề nghiệp, được cạnh tranh tự do, công bằng. Giới hạn quyền tự do kinh doanh chỉ có thể được đặt ra bởi luật ban hành đặc biệt để bảo đảm an ninh và an toàn của Nhà nước, của nền kinh tế, của đất nước, bảo vệ công chúng liên quan tới dịch vụ công cộng, bảo vệ người tiêu dùng, quy hoạch thành thị và nông thôn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên hay môi trường, phúc lợi công cộng, ngăn ngừa độc quyền hoặc loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh.[175]

          Ở khía cạnh xã hội, cá nhân có quyền được bảo đảm đối với vấn đề an toàn và phúc lợi nơi làm việc, bảo đảm cuộc sống trong khi làm việc và cả lúc rời khỏi công việc. Quyền của người tiêu dùng cũng được bảo vệ bao gồm quyền có được thông tin hợp pháp về sản phẩm, có quyền khiếu nại đòi bồi thường những mất mát cũng như quyền tập hợp lại với nhau để bảo vệ quyền của mình. Cá nhân có quyền bình đẳng hưởng các dịch vụ y tế công cộng, người nghèo có quyền được nhận sự chăm sóc sức khỏe miễn phí từ các trung tâm y tế công cọng của Nhà nước. Cá nhân có quyền nhận được dịch vụ y tế công cộng từ nhà nước, dịch vụ này phải được cung cấp đầy đủ và hiệu quả. Trẻ em, thanh niên có quyền được sống và phát triển trí tuệ, tinh thần, thể chất. Trẻ em, thanh niên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình có quyền được Nhà nước bảo vệ chống lại bạo lực và đối xử không công bằng. Người từ 60 tuổi trở lên có thu nhập không đủ có quyền nhận phúc lợi và tiện nghi công cộng phù hợp. Người thiểu năng, người yếu thế có quyền tiếp cận và sử dụng phúc lợi và dịch vụ công cộng. Người vô gia cư không đủ thu nhập để sống có quyền nhận trợ giúp từ nhà nước.[176]

          Hiến pháp Indonesia quy định cho công dân có khá nhiều quyền trong lĩnh vực kinh tế, ví dụ quyền được làm việc, được trả lương, đối xử công bằng phù hợp trong các quan hệ lao động; có quyền sở hữu tài sản riêng không thể bị ai chiếm đoạt tùy tiện, vô căn cứ.[177] Đối tượng được thụ hưởng các quyền này là bất kỳ cá nhân nào chứ không có giới hạn trong phạm vi công dân Indonesia.

          Hiến pháp Indonesia là bản hiến pháp quy định số lượng nhiều nhất các quyền cơ bản liên quan tới chính sách xã hội so với các bản hiến pháp ASEAN khác. quy định về các quyền lập gia đình và sinh con một cách hợp pháp, quyền trẻ em được sống, trưởng thành và phát triển, được bảo vệ khỏi bảo lực và được phát triển, mỗi người đều có quyền tự phát triển, quyền được học tập và chia sẻ lợi ích khoa học, công nghệ, nghệ thuật; quyền tự hoàn thiện mình thông qua đấu tranh tập thể giành laijc ác quyền của mình nhằm thúc đẩy sự tiến bộ XH; đặc biệt, mỗi người đều có quyền có nhà để ở, hưởng môi trường tốt và lành mạnh và nhận được chăm sóc về y tế; được hỗ trợ để bình đẳng với nhau về cơ hội; có quyền được bảo đảm an sinh xã hội nhằm tạo khả năng tự hoàn thiện.[178]Hiến pháp Indonesia đặc biệt nhấn mạnh tới quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử. Thậm chí quyền này còn được nhắc lại nhiều lần ở những điều khoản khác nhau trong hiến pháp, ví dụ Điều 27, 28I, 28H, 28D.

          Tuy số lượng các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế, xã hội được quy định trong hiến pháp Indonesia nhiều như vậy song nội dung quy định về các quyền vẫn chỉ dừng lại ở việc ghi nhận một cách chung chung giống như nhiều hiến pháp ASEAN khác. Các nội dung bảo đảm thực hiện các quyền cơ ban vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức.

          Mặc dù có những mức độ quy định chi tiết khác nhau, song nhìn chung hiến pháp các quốc gia ASEAN cũng đã ghi nhận và quy định được những quyền cơ bản khá tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, ví dụ như quyền tự do kinh doanh, quyền tư hữu và nhận bồi thường công bằng khi bị tịch thu tài sản vì mục đích công, quyền bình đẳng nam nữ, quyền của trẻ em, người yếu thế .v.v. Các quyền cũng được quy định theo cách thức đa dạng, không những quy định trực tiếp quyền được thụ hưởng mà còn dưới dạng quy định về nghĩa vụ của các đối tượng có trách nhiệm bảo đảm quyền. Đặc biệt đã có những bản hiến pháp rất chú trọng và quy định rất chi tiết và toàn diện về quyền bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ví dụ hiến pháp Campuchia; cũng có những bản hiến pháp quy định được những quyền cơ bản cốt yếu nhất, quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế, xã hội đồng thời có quy định đủ cụ thể chi tiết để bảo đảm tính thực thi của các quyền cơ bản đó, ví dụ như hiến pháp Thái Lan.

4.1.7. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ

          Ngoại trừ hiến pháp Campuchia, tất cả bảy bản hiến pháp ASEAN còn lại đều chỉ quy định về quyền được học tập là quyền cơ bản duy nhất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ. Trong hiến pháp Campuchia, ngoài quyền được học tập còn có một quyền cơ bản khác nữa mà người dân Khmer được hưởng trong lĩnh vực này, đó là quyền tham gia một cách bình đẳng và chủ động vào đời sống mọi mặt của đất nước, trong đó có đời sống văn hóa, khoa học công nghệ. Tuy nhiên sự xuất hiện của quyền này cũng không đem lại sự khác biệt nhiều cho hiến pháp Campuchia bởi lẽ quyền này cũng chỉ được quy định một cách chung chung, không rõ nội hàm cụ thể và cũng không có các biện pháp bảo đảm thực hiện. Ở đây cũng cần lưu ý rằng trong một số bản hiến pháp ASEAN có đề cập tới quyền tự do sáng tác, phát triển hoặc nghiên cứu văn học, nghệ thuật, khoa học-công nghê. Song những quyền này không xếp vào nhóm quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ mà được xếp vào nhóm quyền tự do và bất khả xâm phạm.

          Tuy quyền học tập được hiến pháp của cả tám quốc gia ASEAN quy định, song mức độ chi tiết về mặt nội dung cũng như chính bản thân nội dung của quyền đó ở từng bản hiến pháp lại có những đặc điểm riêng. Một số bản hiến pháp ASEAN chỉ đơn giản ghi nhận người dân có quyền học tập mà không có quy định gì thêm, ví dụ hiến pháp Lào và hiến pháp Philippines. Một số bản hiến pháp khác, như hiến pháp Myanmar, Indonesia, Campuchia,và Thái Lan, thì quy định rộng hơn về quyền học tập, bao gồm bản thân quyền được học tập và quyền được hưởng chế độ học tập miễn phí ở một trình độ nhất định. Hiến pháp Myanmar là bản hiến pháp duy nhất chỉ quy định quyền học tập và quyền được hưởng giáo dục cơ bản bắt buộc, song không nói rõ giáo dục cơ bản là trình độ giáo dục nào.[179]Hiến pháp Indonesia, khác với hiến pháp Myanmar, chỉ rõ cấp giáo dục bắt buộc và miễn phí là cấp tiểu học.[180] Hiến pháp Campuchia cũng quy định tương tự như vậy. Song, đây lại là quốc gia duy nhất trong số tám nước ASEAN quy định về quyền học tập trong hiến pháp một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Điều 48, hiến pháp Campuchia quy định chung về quyền trẻ em như sau: “nhà nước phải bảo vệ quyền trẻ em như được quy định trong Công ước về quyền của trẻ em, cụ thể là quyền được sống, học tập, được bảo vệ trong thời gian chiến tranh, chống lại sự bóc lột lao động và tình dục”. Điều 28, Công ước về quyền của trẻ em quy định rằng các nước thành viên công nhận quyền được học tập của trẻ em, phải bảo đảm cho trẻ em được hưởng giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí. Như vậy có thể nói rằng hiến pháp Campuchia đã quy định về quyền trẻ em một cách gián tiếp, với nội dung bao gồm quyền được học tập và quyền được học tiểu học bắt buộc và miễn phí. Đặc điểm riêng của hiến pháp Thái Lan về quyền học tập lại là ở chỗ hiến pháp này quy định về thời gian giáo dục miễn phí dài nhất, 12 năm. Theo đó, Thái Lan là quốc gia duy nhất trong khu vực cam kết cung cấp toàn bộ chương trình học phổ thông miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, hiến pháp Thái Lan lại không quy định rõ đây có phải là chế độ giáo dục bắt buộc hay không. Bên cạnh đó hiến pháp Thái Lan cũng quy định những người nghèo, thiểu năng, khuyết tật, ốm yếu được hưởng quyền giáo dục và được nhà nước hỗ trợ để nhận được giáo dục bình đẳng như những người khác.[181]

          Quy định của hiến pháp Malaysia và Singapore về quyền học tập khác với tất cả các hiến pháp trên ở chỗ hai bản hiến pháp này đều không quy định trực tiếp về quyền học tập, cũng không quy định gián tiếp về quyền này như hiến pháp Campuchia. Thay vào đó hai bản hiến pháp này nhấn mạnh tới yếu tố bình đẳng trong việc tiếp cận tới nền giáo dục và các chính sách giáo dục của nhà nước. Theo đó công dân của hai nước có quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, sắc tộc, nguồn gốc, nơi sinh, trong việc tiếp cận và hưởng lợi đối với nền giáo dục công lập hay chế độ đóng học phí, hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với giáo dục.[182] Trên tinh thần đó hiến pháp hai quốc gia này cũng không quy định cụ thể về chế độ giáo dục bắt buộc và miễn phí dành cho người dân.

4.1.8. Các quyền của cộng đồng dân cư

          Chỉ có hai trong số tám quốc gia ASEAN trên đây có quy định về quyền của các cộng đồng dân cư, đó là hiến pháp Philippines và Thái Lan. Trong hiến pháp Philippines, quyền của cộng đồng dân cư được quy định trong chế định về nền kinh tế và gia sản quốc gia, trong đó trực tiếp hơn là vấn đề chính sách đối với đất đai nhằm phục vụ mục đích phát triển kinh tế quốc gia. Chính vì vậy quyền của cộng đồng dân cư Philippines chỉ đề cập tới đối tượng đất đai và nằm trong ngoại diên của quyền đối với đất đai nói chung. Khoản 5, Điều 12, hiến pháp Philippines quy định: “căn cứ vào các quy định của Hiến pháp này và các chính sách, chương trình phát triển quốc gia, nhà nước bảo vệ quyền của các cộng đồng văn hóa sắc tộc đối với các khu đất do tổ tiên họ để lại nhằm bảo đảm sự vững mạnh về kinh tế, xã hội và văn hóa của nhóm các cộng đồng này.”

          Khác với hiến pháp Philippines, hiến pháp Thái Lan quy định quyền của cộng đồng dân cư như một loại quyền cơ bản thực sự nằm trong chế định về quyền cơ bản nói chung của người dân Thái Lan. Chính vì vậy, phạm vi của quyền của cộng đồng dân cư Thái Lan được xác định rất rộng bao gồm quyền bảo tồn hay duy trì phong tục tập quán, tri thức bản địa, giá trị nghệ thuật, văn hóa tốt đẹp của cộng đồng và của quốc gia; tham gia vào việc quản lý, duy trì, bảo tồn và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sự đa dạng sinh học theo cách thức cân bằng và bền vững. Chủ thể được hưởng các quyền này cũng được xác định cụ thể, gồm cộng đồng nói chung, cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng truyền thống. Tuy nhiên các khái niệm tương ứng không được định nghĩa rõ. Hiến pháp Thái Lan cũng quy định hai quyền phái sinh quan trọng xuất phát từ quyền cơ bản nói trên của cộng đồng dân cư. Thứ nhất, nhà nước phải lấy ý kiến tham vấn của công chúng và ý kiến của các tổ chức độc lập trong cộng đồng dân cư về bất kỳ dự án hoặc hoạt động nào có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng liên quan tới môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe. Nếu không tiến hành thủ tục này, dự án hoặc hoạt động liên quan sẽ không được phép triển khai. Thứ hai, cộng đồng dân cư có quyền khởi kiện cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nếu vi phạm quyền của cộng đồng dân cư.([183]) Có thể nói, quyền của cộng đồng dân cư được hiến pháp Thái Lan quy định khá toàn diện và có tính khả thi cao.

4.1.9. Một số nhận xét về chế định quyền cơ bản trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Về mặt hình thức, có thể nhận thấy các quy định về quyền cơ bản của công dân trong hiến pháp các quốc gia ASEAN có một số đặc điểm như sau. Thứ nhất, ngoại trừ hiến pháp Brunei, tất cả các bản hiến pháp còn lại đều có quy định về các quyền cơ bản của công dân. Hầu hết các bản hiến pháp đều có một chương riêng quy định về quyền (và có thể cả nghĩa vụ) cơ bản của công dân, ví dụ hiến pháp Lào quy định ở Chương 4, hiến pháp Campuchia Chương 3, hiến pháp Myanmar Chương 8, hiến pháp Thái Lan Chương III, hiến pháp Malaysia Chương 2, hiến pháp Singapore Chương 4. Hiến pháp Philippines không bố cục theo chương mà bố cục theo điều, giống với Hoa Kỳ. Mỗi điều của hiến pháp này là tập hợp của một nhóm các quy phạm như thểmột chương ở các bản hiến pháp khác. Tuyên ngôn về các quyền của hiến pháp Philippines được quy định ở Điều 3. Thứ hai, có một số bản hiến pháp các quốc gia ASEAN ngoài các quy định tập trung về quyền cơ bản của công dân còn có một số quyền cơ bản nằm rải rác ở những phần khác của bản hiến pháp, ví dụ hiến pháp Philippines và hiến pháp Indonesia. Hiến pháp Philippines có quy định về một số quyền cơ bản của công dân ở Điều 5 – Chế độ bầu cử; trong khi đó một số quyền cơ bản trong hiến pháp Indonesia lại được quy định tại Phần 10 – Công dân và cư trú.

          Về mặt nội dung, bên cạnh những nhận xét được trình bày trong quá trình so sánh theo từng nhóm quyền cơ bản trên đây có thể rút ra một vài nhận xét chung như sau. Thứ nhất, các hiến pháp ASEAN có quy định về quyền cơ bản đều đã đề cập được tới những quyền cơ bản cốt lõi nhất, cụ thể là nhóm quyền tự do, bất khả xâm phạm, quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị và lĩnh vực áp dụng pháp luật, thi hành công lý. Thứ hai, mức độ cụ thể chi tiết của các quyền quy định trong các bản hiến pháp có sự khác nhau rất lớn. Có những bản hiến pháp chỉ quy định mang tính ghi nhận về quyền cơ bản, ví dụ hiến pháp Indonesia, Phillipines, Lào; có những bản hiến pháp khác lại quy định khá cụ thể, chi tiết, có tính thực thi cao, ví dụ hiến pháp Thái Lan, Malaysia, Singapore. Thứ ba, nếu để chọn ra một bản hiến pháp có quy định ưu việt nhất về các quyền cơ bản thì có lẽ đó là hiến pháp Thái Lan. Số lượng các quyền cơ bản quy trong một số lĩnh vực được hiến pháp này quy định có thể không phải là nhiều nhất nếu so với các hiến pháp của các quốc gia ASEAN khác. Song, nhìn tổng thể thì hiến pháp Thái Lan đã quy định được một phạm vi đầy đủ nhất các quyền cơ bản phải được quy định trong hiến pháp. Bên cạnh đó các quyền cơ bản trong hiến pháp Thái Lan cũng được quy định khá chi tiết, đủ để làm rõ nội hàm cũng như nội dung của các quyền; đồng thời hiến pháp Thái Lan cũng khá chú trọng, và đã thành công, trong việc quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền cơ bản hiến định. Hai yếu tố sau này đem lại tính khả thi cao cho các quyền cơ bản của hiến pháp Thái Lan, điều không phải bất kỳ bản hiến pháp nào cũng đạt được.

4.2. Các quy định về nghĩa vụ cơ bản trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Phạm trù “nghĩa vụ cơ bản” và phạm trù “quyền cơ bản” có thể được coi là hai mặt của một vấn đề, hai nội dung của một mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và Người dân của mình (có thể là công dân hoặc có thể cả những người không phải là công dân). Quyền cơ bản là những gì nhà nước bảo đảm cho người dân được thực hiện hoặc được hưởng. Còn nghĩa vụ cơ bản của công dân là những gì nhà nước yêu cầu người dân phải thực hiện đối với nhà nước và vì lợi ích công cộng. Trong số tám bản hiến pháp ASEAN có quy định về quyền cơ bản của công dân thì chỉ có năm bản hiến pháp là hiến pháp Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan và Myanmar là có quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ba bản hiến pháp còn lại, hiến pháp Malaysia, Philippines và Singapore không có quy định về nghĩa vụ cơ bản. Lý do có lẽ là bởi vì ba nước này đều chịu ảnh hưởng khá lớn từ truyền thống pháp luật chung Anh – Mỹ, trong luật hiến pháp thường chỉ coi trọng vấn đề quyền cơ bản. Vấn đề nghĩa vụ cơ bản thường được mặc định trong nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của người dân ở những nước này.

          So sánh các quy định về nghĩa vụ cơ bản trong năm bản hiến pháp ASEAN có thể thấy rằng có một số ít các nghĩa vụ cơ bản được hầu hết các bản hiến pháp quy định. Nghĩa vụ cơ bản được cả năm bản hiến pháp quy định là nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên nội dung cụ thể của nghĩa vụ cơ bản này ở mỗi bản hiến pháp cũng có những khác biệt nhỏ. Hiến pháp của Indonesia, Lào và Thái Lan quy định đầy đủ công dân có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và nghĩa vụ quân sự; trong khi đó hiến pháp Campuchia chỉ quy định nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và hiến pháp Myanmar quy định ngoài nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và nghĩa vụ quân sự công dân Myanmar còn có nghĩa vụ tham gia các hình thức đào tạo quốc phòng nữa. Nghĩa vụ cơ bản phổ biến thứ hai trong số năm bản hiến pháp ASEAN là nghĩa vụ tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Chỉ có hiến pháp Indonesia là không quy định nghĩa vụ cơ bản này. Ngoài hai nghĩa vụ cơ bản này, hiến pháp của năm quốc gia ASEAN đều có những quy định riêng về nghĩa vụ cơ bản cho người dân của mình trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoản cảnh lịch sử của quốc gia mình.

          Hiến pháp Campuchia quy định mỗi công dân có trách nhiệm tham gia vào tái thiết quốc gia, tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và dân chủ tự do đa nguyên. Những nghĩa vụ cơ bản này phần nào đó phản ánh lịch sử cận đại của đất nước Campuchia với nạn diệt chủng để lại hậu quả nặng nề cho đất nước và sự ra đời của một nhà nước với một chính thể mới, non trẻ trong lịch sử dân tộc. Ngoài ra, công dân Campuchia còn có nghĩa vụ tôn trọng các tài sản công và tài sản tư hợp pháp.[184]

          Như trên đã đề cập, hiến pháp Indonesia khá chú trọng vào vấn đề quyền con người. Ngay chế định quyền cơ bản trong hiến pháp Indonesia cũng được đặ tên là “các quyền con người cơ bản”. Vì vậy một trong các nghĩa vụ cơ bản được chú trọng trong hiến pháp Indonesia chính là nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người căn bản của những người khác. Hiến pháp cũng quy định khi thực hiện các quyền tự do của mình, người dân phải có nghĩa vụ chấp nhận các hạn chế được luật xác định với mục tiêu duy nhất là để đảm bảo việc công nhận và tôn trọng quyền tự do của những người khác hoặc để đáp ứng những yêu cầu hợp lý của xã hội dân chủ.[185]     

Hiến pháp Lào quy định các nghĩa vụ cơ bản hướng tới việc xây dựng xã hội nhiều hơn so với hiến pháp Campuchia và Indonesia. Theo hiến pháp, công dân Lào có nghĩa vụ thực hiện nội quy lao động, các quy tắc sinh hoạt cộng đồng và trật tự kỷ cương xã hội, có nghĩa vụ đóng thuế và phí theo quy định của pháp luật.[186]

          So với các hiến pháp khác, hiến pháp Thái Lan quy định khá nhiều nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, công dân Thái Lan, ngoài nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tôn trọng pháp luật, còn phải tuân thủ các nghĩa vụ như bảo vệ tôn giáo, bảo vệ Quốc vương và chế độ dân chủ với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia theo hiến pháp, bảo vệ các lợi ích quốc gia. Đặc biệt, công dân Thái Lan có nghĩa vụ bầu cử. Bên cạnh đó, công dân Thái Lan còn có nghĩa vụ đóng thuế và lệ phí, giúp đỡ dịch vụ công, tiếp nhận giáo dục đào tạo, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật, văn hóa quốc gia và tri thực bản địa và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường theo quy định của luật. Đối với đối tượng là công chức, viên chức nhà nước, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hiến pháp Thái Lan cũng quy định phải có nghĩa vụ hành động theo đúng pháp luật và thực hiện nguyên tắc quản trị tốt.[187]

          Hiến pháp Myanmar cũng quy định nhiều nghĩa vụ cơ bản cho công dân của mình. Công dân Myanmar có các nghĩa vụ cơ bản như nghĩa vụ bảo vệ sự bất khả phân chia của Liên bang, bảo vệ tình đoàn kết trong liên bang, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Công dân Myanmar cũng có trách nhiệm bảo vệ sự đoàn kết giữa các sắc tộc, bảo đảm hòa bình và trật tự công cộng, có trách nhiệm xây dựng quốc gia phát triển hiện đại, trách nhiệm đóng thuế theo quy định của pháp luật, mỗi công dân có trách nhiệm tham gia cùng với nhà nước trong việc bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ tài sản công.[188]

 

 

Chương 5: Chính thể và sự thể hiện nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước các quốc gia ASEAN

5.1. Phân loại chính thể và sự đề cập tới nguyên tắc tam quyền phân lập trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

5.1.1. Phân loại chính thể các quốc gia ASEAN

          Trong khoa học luật hiến pháp, “chính thể” là thuật ngữ dùng để chỉ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước để thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp cao nhất của một quốc gia. Đối với quốc gia đơn nhất, chính thể là mô hình tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp trung ương; đối với quốc gia liên bang đó là mô hình tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp liên bang. Theo nghĩa đó, nói tới chính thể là nói tới mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước cao nhất ở mỗi quốc gia, bao gồm nguyên thủ quốc gia, cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp được thể hiện trong hiến pháp.

          Có hai tiêu chí thường được sử dụng để phân loại các chính thể trên thế giới. Tiêu chí thứ nhất là cách thức hình thành các cơ quan nhà nước để nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước, đặc biệt là cách thức hình thành nên nguyên thủ quốc gia. Nếu nguyên thủ quốc gia được hình thành bằng con đường kế truyền, người dân hoàn toàn nằm ngoài quá trình đó thì quốc gia tương ứng có chính thể quân chủ. Nếu nguyên thủ quốc gia được hình thành bằng con đường do nhân dân bầu trực tiếp hoặc gián tiếp thì đó là chính thể cộng hòa. Tiêu chí thứ hai là mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp cao nhất trong bộ máy nhà nước. Tiêu chí này được sử dụng để phân loại các nước thuộc hai chính thể lớn là quân chủ và cộng hòa theo các chính thể nhỏ hơn. Nếu nguyên thủ quốc gia do dân bầu trực tiếp và nắm quyền hành pháp thì quốc gia tương ứng có chính thể cộng hòa tổng thống. Nếu nghị viện được bầu trực tiếp và nắm quyền lập pháp, đồng thời nguyên thủ quốc gia không được bầu trực tiếp và không nắm quyền hành pháp thì quốc gia tương ứng có chính thể cộng hòa đại nghị .v.v.

          Hai tiêu chí trên đây có thể được sử dụng để phân loại chính thể của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ một quốc gia tuy có nguyên thủ quốc gia được chọn trong một phạm vi đối tượng nào đó và tại vị theo nhiệm kỳ nhưng vẫn có thể bị xếp vào chính thể quân chủ. Ngoài ra, mỗi quốc gia sau khi đã được phân loại vào một chính thể nhất định còn có thể được gắn thêm những cụm từ nhất định vào phía sau tên gọi chính thể. Sở dĩ có điều đó là vì các quốc gia tuy có thể được xếp vào cùng một loại chính thể nhưng trong tổ chức bộ máy nhà nước của chúng vẫn có những đặc thù nhất định và cụm từ thêm vào phía sau tên gọi chính thể của chúng để phản ánh những nét đặc thù đó.

          Nếu xem xét nội dung của hiến pháp các quốc gia ASEAN dựa trên các tiêu chí và cách thức phân loại trên đây, chính thể của các quốc gia ASEAN có thể được phân loại như sau:

          - Các nước theo chính thể quân chủ: bao gồm Brunei, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Tất cả các nước này đều có một điểm chung là nguyên thủ quốc gia đều là Quốc vương. Quốc vương nắm chức vụ thông qua con đường kế truyền hoặc lựa chọn trong một phạm vi hẹp theo một cách thức mà không có sự tham gia của công chúng. Tuy thuộc về một nhóm lớn là chính thể quân chủ song các quốc gia này lại có cách thức tổ chức quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở cấp cao nhất hết sức khác nhau. Chính vì vậy các quốc gia này lại được xếp vào những nhóm chính thể nhỏ rất khác nhau. Brunei có chính thể quân chủ chuyên chế hồi giáo; Campuchia và Thái Lan là những quốc gia theo chính thể quân chủ lập hiến, hay nói cách khác là quân chủ đại nghị; và Malaysia có chính thể quân chủ lập hiến hồi giáo có phần nào đặc điểm của quân chủ đại nghị. Chi tiết về chính thể của các quốc gia này sẽ được phân tích kỹ ở các mục dưới đây.

          - Các quốc gia theo chính thể cộng hòa: bao gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Lào và Myanmar. Nguyên thủ quốc gia ở các nước này đều được người dân bầu bằng cách thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Các quốc gia này lại có thể được phân loại thành các nhóm chính thể nhỏ hơn. Singaproe về hình thức là chính thể cộng hòa lưỡng tính, song trên thực tế lại vận hành như một chính thể cộng hòa đại nghị. Indonesia và Philippines là những chính thể cộng hòa tổng thống đúng nghĩa. Lào và Myanmar đều có chính thể cộng hòa đại nghị, song Myanmar lại có sự tham gia sâu rộng của quân đội vào chính quyền. Chính thể của các quốc gia này sẽ được phân tích kỹ ở các mục dưới đây.

5.1.2. Sự đề cập nguyên tắc tam quyền phân lập trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

Nguyên tắc tam quyền phân lập, hiểu theo nghĩa chung nhất là nguyên tắc áp dụng trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp cao nhất của một quốc gia mà theo đó quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được thực hiện bởi những chủ thể khác nhau. Ở nghĩa chung nhất đó, tam quyền phân lập cũng có thể được hiểu là sự phân chia giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực hiện bởi những chủ thể khác nhau; không có chủ thể nào đồng thời thực hiện nhiều hơn một trong ba quyền đó. Nguyên tắc tam quyền phân lập được nhà triết học và chính trị học thời Khai sáng là Bá tước Montesquieu kế thừa và phát triển từ những tư tưởng chính trị cổ đại vào đầu Thế kỷ 18. Cho đến nay, cùng với nguyên tắc chủ quyền nhân dân của Rousseau, nguyên tắc tam quyền phân lập đã trở thành một trong hai nguyên tắc được áp dụng phổ biến nhất trong tổ chức và hoạt động của các bộ máy nhà nước hiện đại.

Trong số 9 bản hiến pháp ASEAN đang được nghiên cứu, nguyên tắc tam quyền phân lập được nhắc tới một cách cụ thể và trực tiếp ở hai bản hiến pháp, đó là hiến pháp Campuchia và Myanmar. Điều 51, hiến pháp Campuchia ghi nhận nguyên tắc này như sau: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải riêng biệt nhau. Hiến pháp Myanmar quy định về nguyên tắc này một cách cụ thể và rõ ràng hơn: “ba nhánh của quyền chủ quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp tách biệt với nhau ở mức độ có thể và thực hiện sự kiểm soát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Ba nhánh quyền này tách biệt và được phân chia giữa cấp chính quyền liên bang, vùng, bang và khu tự quản”.[189] Như vậy là hiến pháp Myanmar không những ghi nhận nội dung nguyên tắc tam quyền phân lập mà còn phần nào quy định nguyên tắc vận hành của nó trong tổ chức bộ máy nhà nước từ cấp liên bang tới cấp bang. Cách thức vận hành đó làm người ta liên tưởng tới cơ chế kiềm chế đối trọng trong bộ máy nhà nước liên bang áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập cứng của bộ máy nhà nước cấp liên bang của Hoa Kỳ. Quy định trong Điều 11, hiến pháp Myanmar là như vậy song, như phân tích dưới đây, điều đó không đương nhiên dẫn tới việc nguyên tắc tam quyền phân lập cứng được tuân thủ triệt để trong tổ chức bộ máy nhà nước Myanmar.

Trong số các bản hiến pháp còn lại, hiến pháp của Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan không ghi nhận cụ thể nguyên tắc tam quyền phân lập. Song, các bản hiến pháp này đều chịu ảnh hưởng của nguyên tắc này khi quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Trong bộ máy nhà nước ở cấp cao nhất ở các quốc gia này đều có cơ quan thực hiện quyền lập pháp riêng biệt so với cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tất nhiên, ở mỗi quốc gia như vậy, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có những nét đặc thù về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn. Như vậy có thể nói các bản hiến pháp nói trên cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng và thể hiện nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Hiến pháp Brunei là một hiện tượng đặc biệt. Như được phân tích dưới đây, Brunei theo chính thể quân chủ chuyên chế với quốc vương ở vị trí tối cao. Trong tổ chức bộ máy có những cơ quan có chức năng lập pháp, hành pháp hay tư pháp và những cơ quan này cũng riêng biệt với nhau. Tuy vậy, quốc vương lại là người chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mặc dù không trực tiếp thực hiện các quyền đó. Như vậy có thể nói nguyên tắc tam quyền phân lập đã được vận dụng một cách hình thức như một công cụ để quốc vương Brunei thực hiện sự cai trị tuyệt đối của mình.

5.2. Chính thể quân chủ trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

5.2.1. Hiến pháp Brunei và chính thể quân chủ chuyên chế hồi giáo

Như thể hiện trong hiến pháp, chính thể hiện tại của Brunei có sự kết hợp giữa mô hình quân chủ chuyên chế Á đông và quân chủ thần quyền hồi giáo Malay. Sự kết hợp giữa hai mô hình này đem đến cho Brunei một chính thể quân chủ chuyên chế hồi giáo với vai trò cao tuyệt đối của Quốc vương với tư cách là người nắm trọn vẹn cả thế quyền và thần quyền. Vai trò độc tôn của Quốc vương trong tổ chức quyền lực nhà nước Brunei được thể hiện rất rõ trong các quy định của hiến pháp. Như trên đã đề cập, hiến pháp của Brunei hoàn toàn không phải là đạo luật tối cao của quốc gia mà thực chất chỉ là một công cụ để Quốc vương thực hiện sự cai trị của mình đối với toàn bộ vương quốc. Trong hiến pháp đó có quy định về các cơ quan có chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp, thậm chí cả cơ quan có quyền giải thích hiến pháp. Song, tất cả các cơ quan đó đều xoay quanh Quốc vương, phục vụ sự cai trị của Quốc vương. Một trong những cụm từ phổ biến nhất trong các quy định của hiến pháp Brunei về tổ chức bộ máy nhà nước là “phục vụ theo sự hài lòng của Quốc vương”.

Trong hiến pháp của Brunei không có chương nào quy định riêng về Quốc vương bởi vì đơn giản Quốc vương là người đứng trên tất cả, nắm toàn bộ quyền lực trong vương quốc Brunei. Quốc vương chính là chủ quyền quốc gia và là người ban hành, sửa đổi, thay thế hiến pháp. Quốc vương cũng chính là người đứng đầu tôn giáo chính thống của Brunei – Hồi giáo. Với tư cách này, Quốc vương có quyền tự mình ban hành và áp dụng luật Hồi giáo cho toàn vương quốc. Có hai hội đồng tương ứng tư vấn giúp quốc vương ban hành và áp dụng luật Hồi giáo là Hội đồng tôn giáo và Hội đồng Adat Istiadat. Tuy nhiên, tất cả các thành viên của hai hội đồng này đều do Quốc vương bổ nhiệm và bãi nhiệm theo ý muốn và Quốc vương không bắt buộc phải theo ý kiến tư vấn của hai hội đồng.[190]

Ngôi báu của Vương quốc Brunei được chuyển giao qua con đường kế truyền trong gia đình của hoàng gia và hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của quốc vương hiện tại. Trong Tuyên bố về chấp chính và thừa kế ngôi vua do Quốc vương Brunei ban hành có tuyên bố rõ tên của thái tử sẽ kế vị ngôi vua và quyền của quốc vương được phế truất ngôi vị thái tử để lập người khác làm người kế vị vào bất kỳ lúc nào. Trong trường hợp bị vua cha phế truất, thái tử lập tức bị tước tư cách kế vị ngôi vua. Trường hợp quốc vương đương nhiệm vì lý do gì đó qua đời mà không thể hiện được ý chí của mình là chọn ai làm thái tử thì ngôi vua sẽ tự động được truyền cho người con trai cả của Quốc vương hoặc cho người cháu trưởng trực hệ của Quốc vương.[191] Trong cách thức chuyển giao ngôi vua của Brunei không hề có sự tham gia cho dù là với vai trò tích cực hay thụ động của nhân dân. Cách thức kế truyền ngôi báu của Brunei thể hiện đầy đủ đặc điểm của chính thể quân chủ chuyên chế.

Đóng vai trò cố vấn trực tiếp cho Quốc vương Brunei trong việc thực hiện vai trò của nguyên thủ quốc gia có Hội đồng cơ mật (Privi Council) và Hội đồng ân xá (Pardon Board). Hội đồng cơ mật bao gồm Phó quốc vương, các quan chấp chính do vua phong,một số thành viên quý tộc đương nhiên và những người khác do Quốc vương bổ nhiệm. Tất cả các thành viên của Hội đồng cơ mật đều phục vụ theo sự hài lòng của Quốc vương. Chức năng của hội đồng này cố vấn cho Quốc vương về các vấn đề sửa đổi hiến pháp, phong hàm, tước quý tộc và bất kỳ vấn đề nào khác mà Quốc vương giao. Hội đồng ân xá bao gồm Luật sư trưởng (Artorney General), và bốn thành viên khác do Quốc vương chỉ định và cách chức. Tất cả những thành viên này đều phục vụ theo sự hài lòng của Quốc vương. Hội đồng ân xá đóng vai trò cố vấn cho Quốc vương trong những trường hợp phạm tội xin ân xá. Các ý kiến cố vấn của Hội đồng ân xá cũng như Hội đồng cơ mật đều không có giá trị bắt buộc đối với Quốc vương.[192]

Hiến pháp Brunei quy định quyền lập pháp ở vương quốc này hoàn toàn thuộc về Quốc vương. Khi đất nước nằm trong tình trạng khẩn cấp bao gồm cả tình trạng chiến tranh thì Quốc vương có toàn quyền ban hành luật cho vương quốc dưới hình thức lệnh hoặc sắc lệnh. Đi kèm với quyền đó, Quốc vương cũng có thể ban hành các chế tài pháp lý đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào đồng thời chỉ định bất kỳ tòa án nào để xét xử những vi phạm đó. Theo quy định của hiến pháp, Quốc vương cũng chính là người có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào bất cứ khi nào và gần như là với bất cứ lý do nào.[193] Trên thực tế, suốt từ năm 1962 tới nay Quốc vương Brunei luôn tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn vương quốc và lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp của quốc vương liên tục được gia hạn hai năm một lần.

Trong thời bình, quyền lập pháp của vương quốc Brunei cũng thuộc về Quốc vương. Hiến pháp Brunei quy định thành lập Hội đồng lập pháp (Legislative Council) có chức năng trong lĩnh vực lập pháp tương tự như các cơ quan lập pháp ở các chính thể cộng hòa. Tuy nhiên, chức năng đó chỉ là hình thức; về bản chất thì Hội đồng lập pháp của Brunei chỉ là một cơ quan tư vấn, giúp việc cho Quốc vương trong việc thực hiện quyền lập pháp của Quốc vương. Hội đồng này gồm các thành viên do Quốc vương bổ nhiệm, phục vụ không theo nhiệm kỳ và hoàn toàn tùy thuộc vào sự hài lòng của Quốc vương. Mỗi thành viên của hội đồng đều có quyền trình hoặc đề nghị dự án luật. Dự án luật sau đó phải được trao đổi trong hội đồng và được bỏ phiếu. Cho dù hội đồng có đồng ý hay bác bỏ hoặc sửa đổi dự luật thì dự luật đó cùng với ý kiến đa số của hội đồng cũng sẽ được chuyển lên cho Quốc vương, người sẽ quyết định cuối cùng về việc có ban hành dự luật đó hay không và nội dung dự luật đó là như thế nào. Nếu có ban hành dự luật với nội dung khác với nội dung do Hội đồng lập pháp trình lên thì Quốc vương cũng không có nghĩa vụ phải thông báo lại với Hội đồng lập pháp.[194] Như vậy rõ ràng quyền lập pháp thuộc về Quốc vương một cách tuyệt đối còn Hội đồng lập pháp chỉ là một cơ quan giúp việc mà ý kiến của nó không có giá trị ràng buộc đối với Quốc vương.

Không những nắm quyền lập pháp, Quốc vương Brunei còn nắm toàn bộ quyền hành pháp, bao gồm cả quyền chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang hoàng gia của Brunei. Hiến pháp quy định Quốc vương cũng đồng thời là Thủ tướng chính phủ. Giúp việc cho Quốc vương thực hiện quyền hành pháp là một chính phủ bao gồm các bộ trưởng do Quốc vương bổ nhiệm và bãi nhiệm theo ý muốn của mình. Không những thế, Quốc vương còn tùy nghi bổ nhiệm và bãi nhiệm tất cả các thứ trưởng giúp việc cho các bộ trưởng trong chính phủ. Tất cả các bộ trưởng và thứ trưởng trong bộ máy hành pháp đều phải tuyên thệ trung thành và phục vụ trong sự hài lòng của Quốc vương. Vì quyền hành pháp thuộc về cá nhân Quốc vương nên Quốc vương có thể tự mình quyết định bất kỳ vấn đề gì thuộc lĩnh vực hành pháp mà không cần tham vấn ý kiến của Chính phủ. Ngay cả trong trường hợp có tham vấn ý kiến Chính phủ thì Quốc vương cũng không có nghĩa vụ phải theo các ý kiến đó.[195] Như vậy, rõ ràng là quyền hành pháp ở Vương quốc Brunei cũng hoàn toàn thuộc về Quốc vương.

Trong hiến pháp Brunei không có quy định một cách rõ ràng về cách thức tổ chức thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp chỉ để cập một cách gián tiếp sự hiện diện của một tòa án tối cao (supreme court), tuy nhiên tổ chức và hoạt động của tòa án này cũng như các tòa án cấp dưới được điều chỉnh hoàn toàn bởi luật do Quốc vương ban hành. Như đề cập ở trên, hiến pháp Brunei quy định rằng khi có tình trạng khẩn cấp thì Quốc vương có quyền tùy nghi ban hành lệnh và sắc lệnh thay cho luật; và khi đó Quốc vương cũng có quyền tùy nghi chỉ định bất kỳ tòa án nào để xét xử những vi phạm đối với những lệnh và sắc lệnh đó.[196] Tất cả những quy định đó cho thấy Quốc vương Brunei kiểm soát toàn bộ quyền tư pháp của quốc gia.

Không những nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, bao gồm toàn bộ thế quyền và thần quyền, Quốc vương Brunei còn được miễn trừ mọi trách nhiệm. Điều 84B, hiến pháp Brunei hiện hành quy định rằng hành vi của Quốc vương không bao giờ có thể bị coi là sai cho dù làm với tư cách cá nhân hay tư cách quốc vương. Vì vậy Quốc vương không bao giờ phải can dự vào các thủ tục tố tụng ở bất cứ tòa án nào vì những việc mình làm hoặc không làm trong hoặc sau khi tại nhiệm. Ngay cả những người được sự ủy quyền của quốc vương để làm hoặc không làm một điều gì đó thì cũng không bao giờ phải chịu bất kể trách nhiệm gì đối với việc mình làm trong phạm vi được ủy quyền. Hơn nữa, tòa án Brunei cũng không được phép xem xét tính hợp hiến và hợp pháp của bất kỳ hành vi nào của các cơ quan nhà nước. Những quy định trên đây rõ ràng tạo ra một bức tường vững chắc bảo vệ cho sự bất khả xâm phạm của quyền lực tuyệt đối của Quốc vương Brunei.

5.2.2. Hiến pháp Campuchia, Thái Lan và chính thể quân chủ lập hiến

          Campuchia và Thái Lan đều theo chính thể quân chủ lập hiến. Nguyên thủ quốc gia là quốc vương, bên cạnh có một bản hiến pháp được ban hành một cách dân chủ, quy định về việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để hạn chế quyền lực của quốc vương. Điều này được thể hiện rõ nét trong các quy định của hiến pháp về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước cao nhất của hai quốc gia này.

* Quốc vương Campuchia và Quốc vương Thái Lan

Hiến pháp Campuchia quy định rõ tại Điều 153 rằng chính thể của nước này là chính thể quân chủ lập hiến lưỡng viện (bi-cameral constitutional monarchy) và quy định về mô hình chính thể đó không được phép thay đổi kể cả khi hiến pháp bị sửa đổi, bổ sung.

Khác với hiến pháp Brunei, hiến pháp Campuchia dành một chương ngay đầu hiến pháp - Chương II, để quy định về Quốc vương. Đây là một trong những chương lớn của hiến pháp Campuchia với 24 điều quy định chi tiết về các vấn đề như cách thức hình thành, chức năng, quyền hạn và các vấn đề khác liên quan tới chế định nguyên thủ quốc gia của Campuchia.

Theo quy định của hiến pháp, Quốc vương Campuchia là Nguyên thủ quốc gia suốt đời của Vương quốc Campuchia. Ngôi vị của Quốc vương là tôn kính và bất khả xâm phạm.Tuy nhiên, khác hẳn với Brunei, hiến pháp quy định rất rõ rằng Quốc vương Campuchia chỉ trị vì chứ không cai trị.[197] Đây cũng là một nguyên tắc hiến định không thể bị thay đổi dù là trong trường hợp sửa đổi hiến pháp. Nguyên tắc này có nghĩa là vị trí của Quốc vương là cao nhất và tôn kính như vậy song Quốc vương chủ yếu thực hiện các quyền mang tính lễ nghi mà thôi. Quốc vương là biểu tượng của đoàn kết và sự trường tồn của dân tộc, là biểu tượng bảo vệ cho độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia, người bảo vệ các quyền và quyền tự do của công dân và người bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Campuchia đã tham gia.[198]Quốc vương cũng có vai trò như người trọng tài tôn kính bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực nhà nước một cách trung thực nhất.

Việc kế truyền ngôi vua của Campuchia được thực hiện theo nguyên tắc trọng nam. Quốc vương của Campuchia luôn là nam giới và phải là thành viên của gia đình hoàng gia thuộc dòng dõi trực hệ của các vua Ang Duong, Norodom hoặc Sisowath. Khác với Brunei, quốc vương kế vị của Campuchia không phải do quốc vương hiện tại mà là do Hội đồng hoàng gia về kế vị ngôi báu lựa chọn theo đề nghị của quốc vương hiện tại. Hội đồng này bao gồm Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, Thủ tướng chính phủ, các vị quý tộc tước Mohanikey và Thammayut, Phó Chủ tịch thứ nhất và thứ hai của Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Trong trường hợp Quốc vương băng hà hoặc bị lâm vào tình trạng không thể thực hiện chức năng nguyên thủ quốc gia được thì sẽ có một quan chức nhà nước thực hiện chức năng của quan chấp chính. Quan chức nhà nước đó là một trong những người theo thứ tự sau: Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, Phó chủ tịch thứ nhất của Thượng nghị viện, Phó chủ tịch thứ nhất của Hạ nghị viện, Phó chủ tịch thứ hai của Thượng nghị viện, Phó chủ tịch thứ hai của Hạ nghị viện. Tuy nhiên, trong bảy ngày kể từ ngày Quốc vương băng hà, Hội đồng hoàng gia về kế vị ngôi báu phải tiến hành lựa chọn xong người kế vị.[199]

Vợ của Quốc vương được mang tước hiệu cao quý là Hoàng hậu của Campuchia. Hiến pháp Campuchia quy định Hoàng hậu phải tham gia các hoạt động phục vụ lợi ích xã hội, nhân đạo, tôn giáo và tháp tùng Quốc vương trong các nghi lễ và thủ tục. Hoàng hậu bị cấm tuyệt đối không được tham gia vào chính trị, tiếp quản chức vụ nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính quyền, không được nắm giữa bất kỳ chức vụ hành chính hay chính trị nào.[200]

Quốc vương của Campuchia có những nhiệm vụ quyền hạn, chủ yếu mang tính chất lễ nghi, như sau: [201]

          - Bổ nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng theo đa số trong Hạ nghị viện.

          - Tiếp và nghe báo cáo của Thủ tướng chính phủ và các bộ trưởng về tình hình quốc gia hai lần một tháng.

          - Ký sắc lệnh bổ nhiệm, thuyên chuyển, kết thúc nhiệm vụ của các quan chức dân sự và quân sự cao cấp, đại sứ, đặc phái viên đặc mệnh toàn quyền theo đề cử của Hội đồng bộ trưởng (tức là chính phủ của Campuchia).

          - Ký sắc lệnh bổ nhiệm, thuyên chuyển, cách chức các thẩm phán theo đề cử của Hội đồng thẩm phán tối cao.

          - Giữ chức vụ Chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang Khmer. Tuy nhiên, bên cạnh Quốc vương là chức vụ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang do chính Quốc vương chỉ định để trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang Khmer.

          - Giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng tối cao.

          - Tuyên bố chiến tranh sau khi đã có sự phê chuẩn của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.

          - Tiếp nhận quốc thư của đại sứ và đặc phái viên đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài.

          - Ký và phê chuẩn các hiệp định và điều ước quốc tế sau khi Hạ nghị viện và Thượng nghị viện đã phê chuẩn.

          - Ký công bố hiến pháp, luật do Hạ nghị viện ban hành và Thượng nghị viện đã thông qua, ký sắc lệnh hoàng gia theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng. Quốc vương không có quyền phủ quyết đối với các đạo luật đã được cơ quan lập pháp thông qua.

          - Đặt và phong các huân chương nhà nước theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng, phong các tước hiệu dân sự và quân sự theo quy định của luật liên quan.

          - Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi đã có sự đồng thuận của Thủ tướng, Chủ tịch Hạ nghị viện và Chủ tịch Thượng nghị viện.

          - Giải tán Hạ nghị viện theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ có sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ nghị viện trong trường hợp Chính phủ hoàng gia Campuchia bị buộc phải từ chức ít nhất hai lần trong cùng một năm.

Ngoài những nhiệm vụ quyền hạn mang tính lễ nghi như trên Quốc vương Campuchia còn có quyền ra lệnh đặc xá.[202] Đây là quyền hạn duy nhất tương đối thực chất của Quốc vương Campuchia mà Quốc vương có thể tự mình thực hiện mà không phụ thuộc vào ý kiến trước của bất kỳ ai.

Cũng giống như hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan đặt Quốc vương vào vị trí Nguyên thủ quốc gia tôn kính và bất khả xâm phạm. Hiến pháp Thái Lan thậm chí còn quy định Quốc vương được miễn trừ khỏi mọi việc kiện tụng hoặc buộc tội. Quốc vương Thái Lan cũng giữ vị trí người đứng đầu các lực lượng vũ trang Thái Lan. Việc kế vị ngôi báu hoàn toàn do Quốc vương tại nhiệm quyết định theo Đạo luật về kế truyền ngôi báu được ban hành từ năm 1924. Theo đạo luật này, việc chỉ định người được kế thừa ngôi báu sẽ được thực hiện tuần tự từ người con trai cả tới các người con trai theo thứ tự tiếp theo của Quốc vương đang trị vì. Hiến pháp Thái Lan chỉ quy định một điều kiện duy nhất, đó là Quốc vương phải là Phật tử. Đạo luật về kế truyền ngôi báu này có thể được Quốc vương tại nhiệm sửa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nội dung nào. Vì vậy có thể nói rằng việc kế vị ngôi báu ở Vương quốc Thái Lan hoàn toàn do Quốc vương tại nhiệm quyết định. Khi Quốc vương đi vắng hoặc không thực hiện được chức năng của mình thì Quốc vương có thể chỉ định một Nhiếp chính làm người thay thế mình. Trong trường hợp không có Nhiếp chính mà Quốc vương bị lâm vào tình trạng không có khả năng thực hiện chức năng của mình thì Hội đồng cơ mật sẽ tiến cử một người để Nghị viện phê chuẩn làm Nhiếp chính.[203]

So với Quốc vương Campuchia, Quốc vương Thái Lan có những nhiệm vụ quyền hạn khá lớn và mang tính thực chất cao như sau: [204]

- Quyền ký công bố các đạo luật do Nghị viện Thái Lan ban hành. Nói chung các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều có quyền này và quyền này được xem là chỉ mang tính thủ tục, bởi lẽ một khi nghị viện đã thông qua một đạo luật với một tỷ lệ nào đó thì thông thường nguyên thủ quốc gia có nhiệm vụ phải công bố đạo luật đó. Đối với Quốc vương Thái Lan thì không phải như vậy, bởi vì Quốc vương Thái Lan còn có thêm quyền phủ quyết và quyền giải tán Nghị viện. Như phân tích sau đây, hai quyền này hỗ trợ và làm cho quyền ký công bố đạo luật của Quôc vương Thái Lan mang tính thực chất cao.

- Quyền phủ quyết đạo luật do Nghị viện đã thông qua. Sau khi một đạo luật do Nghị viện thông qua, Thủ tướng Thái Lan sẽ trình đạo luật đó lên Quốc vương để ký công bố. Tuy nhiên, Quốc vương có quyền không ký công bố và gửi trả lại hoặc không gửi trả lại đạo luật đó cho Nghị viện trong vòng 90 ngày. Khi đó mặc nhiên được hiểu là đạo luật đã bị Quốc vương phủ quyết. Nghị viện có quyền xem xét lại đạo luật đó và nếu tiếp tục thông qua đạo luật đó với tỷ lệ tối thiểu 2/3 tổng số đại biểu Nghị viện thì Quốc vương buộc phải ký công bố hoặc nếu không thì đạo luật cũng coi như đã được công bố.

- Quyền giải tán Hạ nghị viện – Điều 108. Hiến pháp không quy định Quốc vương phải tuyên bố lý do giải tán Hạ nghị viện mà chỉ quy định đây là đặc quyền của Quốc vương. Trong trường hợp Quốc vương giải tán Hạ nghị viện thì mọi đạo luật đã bị Quốc vương phủ quyết đều bị bãi bỏ.

Có thể nói là ba quyền trên đây đem lại cho Quốc vương Thái Lan uy thế rất lớn trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp của Thái Lan. Với ba quyền này, có thể nói Quốc vương Thái Lan có thể kiểm soát được cơ quan lập pháp. Nếu không đồng ý với một đạo luật nào đó của cơ quan lập pháp, trước tiên Quốc vương có thể phủ quyết đạo luật đó. Việc phủ quyết sẽ buộc cơ quan lập pháp phải xem xét lại đạo luật mà mình vừa thông qua. Nếu cơ quan lập pháp, với số phiếu tập trung hơn, vẫn nhất quyết thông qua đạo luật, qua đó đẩy thêm một bước mâu thuẫn với Quốc vương thì Quốc vương có thể giải tán Hạ nghị viện, qua đó làm cho đạo luật bị vô hiệu hóa, cho dù đạo luật đó đã được thông qua. Quyền giải tán Hạ nghị viện có thể được coi là vũ khí tối thượng của Quốc vương trong quan hệ với cơ quan lập pháp của Thái Lan. Đây có thể nói là một đặc điểm độc đáo của chính thể quân chủ lập hiến Thái Lan. Cũng có thể coi đây là một biện pháp hiến định mà các nhà lập hiến của Thái Lan đã đặt ra nhằm đối phó với trường hợp bất đồng giữa các đảng chính trị dẫn tới bế tắc chính trị ở vương quốc này. Khi đó, Quốc vương Thái Lan với những quyền năng của mình có thể đứng lên để tập hợp sự đoàn kết dân tộc, giải quyết bế tắc chính trị có thể xảy ra.

- Quyền ký kết hiệp ước hòa bình, hiệp ước đình chiến và các hiệp ước khác với các nước khác hoặc với các tổ chức quốc tế. Các hiệp ước làm thay đổi lãnh thổ Thái Lan hoặc có tác động lớn tới an ninh, xã hội, kinh tế quốc gia, các cam kết nội dung về thương mại, đầu tư hay ngân sách của đất nước đều phải được Nghị viện phê chuẩn.[205]

- Quyền ban lệnh ân xá.[206]

- Quyền rút lại tước vị và huân chương.[207]

          Bên cạnh đó Quốc vương Thái Lan, với tư cách nguyên thủ quốc gia cũng có những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính lễ nghi cao, như:[208]

- Quyền ấn định ngày bầu cử Hạ nghị viện, Thượng nghị viện;

- Bổ nhiệm chủ tịch Hạ nghị viện, Thượng nghị viện theo nghị quyết của hai viện.

- Triệu tập, khai mạc, bế mạc kỳ họp Quốc hội.

- Quyền ký sắc lệnh kéo dài kỳ họp Nghị viện hoặc triệu tập họp bất thường theo đề nghị của nhóm nghị sĩ không ít hơn 1/3 tổng số thành viên đương nhiệm của cả hai viện.

- Quyền chỉ định lãnh đạo phe đối lập trong Hạ nghị viện. Lãnh đạo phe đối lập là người đứng đầu của đảng chính trị có nhiều ghế nhất trong số các đảng chính trị không có ghế bộ trưởng, với điều kiện là đảng đó có ít nhất 1/5 tổng số ghế trong Hạ nghị viện.

     - Quyền bổ nhiệm Thủ tướng chính phủ.

- Quốc vương có đặc quyền cách chức một bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng .

- Quyền ban bố Sắc lệnh khẩn cấp có hiệu lực như một đạo luật nhằm mục đích duy trì an ninh quốc gia, an toàn công cộng, an ninh kinh tế quốc gia, ngăn chặn bạo động phá phách. Tuy nhiên việc ban bố Sắc lệnh này cũng chỉ có thể được thực hiện theo đề nghị của cơ quan hành pháp.

- Quyền tuyên bố chiến tranh với sự phê chuẩn của Nghị viện hoặc của Thượng nghị viện nếu Nghị viện đang hết nhiệm kỳ hoặc giải thể.

- Quyền phong và giáng cấp hàm cấp trong quân đội cũng như chức Quốc vụ khanh thường trực, tổng cục trưởng và chức vụ tương đương trong khối dân sự. Các lệnh phong, giáng cấp như vậy phải có sự tiếp ký của một bộ trưởng của chính phủ .

- Quyền bổ nhiệm và cách chức chánh án và các thẩm phán của các tòa án. Việc bổ nhiệm được tiến hành trên cơ sở đề cử của một cơ quan hoặc một hội đồng nhất định, ví dụ việc bổ nhiệm chánh án và thẩm phán tòa án hiến pháp được thực hiện theo đề cử của Thượng nghị viện, việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án tư pháp và tòa án hành chính được thực hiện theo đề cử của ủy ban tư pháp của các tòa án này.

- Quyền bổ nhiệm thành viên của các thiết chế hiến pháp độc lập như Ủy ban bầu cử, thanh tra Nghị viện, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia, Ủy ban kiểm toán nhà nước, Tổng công tố, Ủy ban nhân quyền quốc gia theo sự cố vấn của Thượng nghị viện.

- Triệu tập họp bất thường của Nghị viện theo đề nghị của Chủ tịch Nghị viện.

Sở dĩ Hiến pháp Thái Lan trao cho Quốc vương những nhiệm vụ quyền hạn khá lớn và thực chất như đề cập trên đây là vì điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Thái Lan trong thời gian vừa qua đầy biến động. Những cuộc đảo chính quân sự xảy ra khá thường xuyên làm cho đời sống chính trị rối loạn. Phong trào ly khai cũng đang nổi lên ở một địa phương ở phía Nam Thái Lan. Vấn đề đoàn kết, quy tụ dân tộc, vì vậy, trở thành một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với người Thái. Quốc vương chính là người luôn được người dân Thái Lan tôn kính, tin tưởng và vì vậy đã được hiến pháp trao cho nhiều quyền khá mạnh mẽ để Quốc vương có đủ năng lực về mặt pháp lý để bảo vệ cho nền độc lập của đất nước, tập hợp được sự đoàn kết của nhân dân Thái Lan.

Bộ máy giúp việc cho Quốc vương Thái Lan thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn hiến định của mình cũng được tổ chức khác biệt so với Campuchia và có phần nào đó giống với hiến pháp Brunei. Giúp việc và đóng vai trò cố vấn cho Quốc vương Thái Lan là Hội đồng cơ mật, bao gồm 1 chủ tịch và tối đa 18 thành viên do Quốc vương chỉ định và cách chức. Thành viên của Hội đồng cơ mật không được đồng thời là nghị sĩ hay nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong bộ máy nhà nước hoặc thậm chí không được là viên chức doanh nghiệp quốc doanh cũng như không được là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Nói tóm lại, Hội đồng cơ mật là một cơ quan hoàn toàn độc lập, có nhiệm vụ tư vấn cho Quốc vương trong việc ra mọi quyết định của Quốc vương trên tinh thần hoàn toàn khách quan.[209]

* Cơ quan lập pháp của Campuchia và Thái Lan

          Cơ quan lập pháp của Vương quốc Campuchia được tổ chức theo mô hình nghị viện lưỡng viện, bao gồm Quốc hội (National Assembly), tức Hạ nghị viện và Thượng nghị viên (Senate). Hai cơ quan này được thành lập một cách riêng rẽ và thường là hoạt động độc lập với nhau để thực hiện chức năng lập pháp. Cũng có trường hợp hai viện này họp và ra quyết định chung về những vấn đề quan trọng của đất nước Campuchia. Khi hai nghị viện họp chung như vậy được gọi là Nghị viện.[210] Rất tiếc các trường hợp cụ thể mà nghị viện họp và ra quyết định như vậy lại được quy định trong luật chứ không phải trong hiến pháp.

          Theo quy định của hiến pháp, Hạ nghị viện của Campuchia gồm có ít nhất 120 thành viên được bầu thông qua cuộc bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín. Các hạ nghị sĩ được bầu theo các đơn vị bầu cử, song sau khi được bầu thì họ phải đại diện cho tất cả người dân Khmer chứ không chỉ cử tri của của đơn vị bầu cử. Hạ nghị sĩ có thể được tái bầu. Tiêu chuẩn để được bầu làm hạ nghị sĩ bao gồm: (1) có quyền đi bầu, ít nhất 25 tuổi và có quốc tịch Khmer khi sinh ra. Nhiệm kỳ của hạ nghị viện là 5 năm và có thể được kéo dài 1 năm một lần mỗi khi có tình hình đặc biệt. Các hạ nghị sĩ có thể được tái bầu. Hạ nghị sĩ không được phép kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan công quyền trừ trường hợp kiêm nhiệm chức vụ trong Chính phủ. Ngay cả khi đó, hạ nghị sĩ đó cũng không được đồng thời là thành viên của bất kỳ cơ quan nào của Hạ nghị viện. Hạ nghị sĩ Campuchia được một số quyền miễn trừ, bao gồm đặc quyền không bị truy tố, bắt giam hoặc tạm giữ vì những ý kiến của họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ đại biểu, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Mọi trường hợp khởi tố, bắt giam hoặc tạm giữ hạ nghị sĩ đều phải được sự cho phép của Hạ nghị viện hoặc Ủy ban thường vụ Hạ nghị viện. Nếu là bắt quả tang thì vụ việc phải được báo lên Hạ nghị viện hoặc Ủy ban thường vụ Hạ nghị viện để quyết định. Quyết định của Ủy ban thường vụ Hạ nghị viện cũng phải trình lên kỳ họp gần nhất của Hạ nghị viện để thông qua. Bất luận trong bất cứ trường hợp nào, nếu ¾ tổng số hạ nghị sĩ thông qua thì việc bắt giam hoặc truy tố hạ nghị sĩ đều phải chấm dứt. Hạ nghị sĩ được hưởng lương từ ngân sách nhà nước để làm công việc của người đại diện.[211]

Hạ nghị viện Campuchia là cỗ máy chính thực hiện hoạt động lập pháp. Điều 90, hiến pháp Campuchia quy định: “Hạ nghị viện là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp và thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của hiến pháp và luật”. Hạ nghị viện không được phép ủy thác quyền lập pháp cho bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan nào khác. Ngoài quyền lập pháp, Hạ nghị viện Campuchia còn có một số quyền khác như phê chuẩn ngân sách quốc gia, các kế hoạch nhà nước, các khoản nợ, hợp đồng tài chính và việc thiết lập, sửa đổi và bãi bỏ các loại thuế; thông qua báo cáo của cơ quan hành chính; ban bố luật đặc xá; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các hiệp ước quốc tế và điều ước quốc tế; ban hành luật về tuyên bố chiến tranh; bỏ phiếu thông qua bất tín nhiệm đối với Chính phủ với tỷ lệ đồng thuật ít nhất là 2/3 tổng số đại hạ nghị sĩ; và bãi nhiệm một hoặc một số thành viên nào đó của Chính phủ cũng với tỷ lệ đồng thuận ít nhất là 2/3 tổng số hạ nghị sĩ.

          Trong số các quyền của Hạ nghị viện, quyền lập pháp là quyền quan trọng nhất bởi đó là quyền cốt lõi để thực hiện chức năng lập pháp. Hiến pháp quy định Hạ nghị viện là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp song điều đó không có nghĩa rằng Hạ nghị viện có toàn quyền trong lĩnh vực lập pháp. Hiến pháp Campuchia quy định về một cơ chế do Thượng nghị viện Campuchia thực hiện nhằm kìm chế một cách tương đối quyền lập pháp của Hạ nghị viện. Hiến pháp Campuchia quy định chỉ có thành viên của Thượng viện, Hạ viện hoặc Thủ tướng chính phủ mới có quyền trình dự án luật ra Hạ nghị viện. Các nghị viên cũng có quyền đề nghị sửa đổi luật nhưng với điều kiện dự thảo luật sửa đổi không được làm giảm nguồn thu công hoặc tăng gánh nặng cho nhân dân. Khi dự thảo luật đã được trình ra qua các công đoạn của thủ tục lập pháp và đã được Hạ nghị viện thông qua với đa số tuyệt đối, dự thảo đó sẽ được gửi tới Thượng nghị viện. Trong vòng một tháng sau đó Thượng nghị viện phải xem xét dự luật. Nếu Thượng nghị viện thông qua hoặc sau khi quá thời hạn một tháng mới không thông qua thì coi như dự luật đã được thông qua và được gửi tới Quốc vương để công bố. Nếu Thượng nghị viện bác bỏ dự luật thì phải một tháng sau đó Hạ nghị viện mới được xem xét lại dự luật. Trong lần xem xét này nếu Hạ nghị viện vẫn được thông qua với đa số tuyệt đối thì dự luật được gửi tới Quốc vương để công bố. Như vậy Thượng viện có quyền tương tự như quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với các dự luật do Nghị viện Mỹ ban hành; tuy nhiên, “quyền phủ quyết” của Thượng nghị viện Campuchia có ít uy lực hơn nhiều.

          Quyền bỏ phiếu thông qua bất tín nhiệm và bãi nhiệm thành viên chính phủ cũng là một quyền quan trọng của Hạ nghị viện Campuchia. Quyền này được hỗ trợ bởi một loạt các quyền khác của các ủy ban của Hạ nghị viện và của các hạ nghị sĩ. Trước tiên, các hạ nghị sĩ có tố quyền chất vấn Chính phủ. Đơn đề nghị chất vấn phải được gửi tới Chủ tịch Hạ nghị viện để được gửi cho Chính phủ. Trong thời hạn 7 ngày sau đó, Chính phủ sẽ phải trả lời chất vấn bằng văn bản hoặc lời nói. Tùy vào bản chất của nội dung chất vấn, Thủ tướng chính phủ có thể phân công một hoặc một số bộ trưởng trả lời hoặc tự mình trả lời nếu vấn đề liên quan tới chính sách chung của Chính phủ. Trong trường hợp trả lời chất vấn bằng lời nói, Chủ tịch Hạ nghị viện phải quyết định xem có tổ chức tranh luận hay không. Nếu không có tranh luận thì trả lời của thành viên chính phủ được coi như trả lời cuối cùng còn nếu có tranh luận thì lần lượt các bên liên quan và các nghị sĩ khác đều được tham gia. Hiến pháp quy định Hạ nghị viện phải chọn mỗi tuần 1 ngày để các hạ nghị sĩ thực hiện quyền chất vấn của mình. Không chỉ cá nhân các hạ nghị sĩ có quyền chất vấn Chính phủ; nhóm các hạ nghị sĩ chiếm ít nhất 1/10 tổng số hạ nghị sĩ cũng có quyền triệu tập bất kỳ quan chức cao cấp nào tới để trả lời các vấn đề chính sách. Các ủy ban của Hạ nghị viện cũng có quyền tương tự đối với bất kỳ bộ trưởng nào. Mặc dù Hạ nghị viện không thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn cũng như thuyết trình chính sách này song bất cứ khi nào có 30 hạ nghị sĩ đề nghị thì Hạ nghị viện phải tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. Rất tiếc, hiến pháp Campuchia không quy định cụ thể số lượng hạ nghị sĩ cần thiết để đưa ra đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ.[212]

          Hạ nghị Campuchia họp thường lệ 2 kỳ một năm. Mỗi kỳ họp kéo dài ít nhất 3 tháng. Nếu có đề nghị của Quốc vương, Thủ tướng chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số hạ nghị sĩ thì Ủy ban thường vụ nghị viện sẽ phải triệu tập kỳ họp bất thường của Hạ nghị viện. Tất cả các kỳ họp của Hạ nghị viện đều được tiến hành công khai; để họp kín cần có sự đề nghị của Chủ tịch hạ nghị viện, Quốc vương, Thủ tướng chính phủ hoặc ít nhất 1/10 tổng số hạ nghị sĩ. Một cuộc họp toàn thể để ra quyết định của Hạ nghị viện cần phải có ít nhất 7/10 tổng số hạ nghị sĩ.[213]

Về mặt tổ chức, Hạ nghị viện Campuchia bao gồm Ủy ban thường vụ Hạ nghị viện và một số ủy ban giúp việc. Ủy ban thường vụ Hạ nghị viện bao gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và các chủ nhiệm ủy ban của Hạ nghị viện. Đây là cơ quan giải quyết các công việc của Hạ nghị viện giữa các kỳ họp. Sự xuất hiện của cơ quan này trong cơ cấu tổ chức của Hạ nghị viện là một nét đặc thù trong tổ chức bộ máy nhà nước của Campuchia. Trong khu vực ASEAN, ngoài Việt Nam chỉ còn một quốc gia nữa có thành lập cơ quan tương tự, đó là CHDCND Lào. Sự giống nhau giữa hai cơ quan đó được phân tích ở phần nghiên cứu về chính thể của CHDCND Lào dưới đây.

Thượng nghị viện của Campuchia bao gồm một số lượng thượng nghị sĩ không vượt quá một nửa tổng số hạ nghị sĩ. Hiến pháp Campuchia quy định Thượng nghị viện cũng là một cơ quan có quyền mang tính chất lập pháp. Tuy nhiên, như phân tích trên đây, vai trò của Thượng nghị viện Campuchia là khá khiêm tốn so với Hạ nghị viện. Trong khi Hạ nghị viện hoàn toàn kiểm soát chức năng lập pháp của nhà nước thì Thượng nghị viện chỉ “phối hợp” với Hạ nghị viện trong việc thực hiện quyền này. Tiếng nói quyết định trong lĩnh vực lập pháp thuộc về Hạ nghị viện. Quyền phủ quyết của Thượng nghị viện như được đề cập trên đây làm cho Thượng nghị viện có vai trò chỉ như cơ quan “kiểm tra” theo nghĩa rộng hoạt động lập pháp của Hạ nghị viện để bảo đảm chất lượng của hoạt động lập pháp.

Khác với hạ nghị sĩ, không phải tất cả thượng nghị sĩ đều được hình thành thông qua con đường bầu cử. Trong tổng số các thượng nghị sĩ, có hai người do Quốc vương chỉ định và hai người khác do Hạ nghị viện chỉ định; những thành viên còn lại được bầu phổ thông. Nhiệm kỳ của Thượng nghị viện là 6 năm và kết thúc khi thượng nghị sĩ mới được bầu xong. Thượng nghị sĩ không được kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào khác trong bộ máy nhà nước, kể cả là thành viên của Chính phủ.[214]

Ngoài những điểm khác với Hạ nghị viện như được nêu trên đây, các đặc điểm cơ bản khác về tổ chức và hoạt động của Thượng nghị viện đều giống với Hạ nghị viện. Thượng nghị viện cũng có ngân sách riêng và cũng có hai phiên họp thường kỳ mỗi năm, mỗi phiên họp kéo dài ít nhất 3 tháng và có thể có các phiên họp bất thường theo cách thức triệu tập tương tự như đối với Hạ nghị viện. Tất cả các kỳ họp của Thượng nghị viện đều được tiến hành một cách công khai và chỉ có thể họp kín theo thủ tục và điều kiện giống như đối với Hạ nghị viện. Trong tổ chức của Thượng nghị viện cũng có Ủy ban thường vụ và các ủy ban chuyên trách của Thượng nghị viện. Trong đó Ủy ban thường vụ Thượng nghị viện bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và chủ nhiệm các ủy ban chuyên trách của Thượng nghị viện, đây là cơ quan thường trực, quản lý các công việc của Thượng nghị viện giữa các kỳ họp. Giống như hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ cũng được trả lương và được hưởng các đặc quyền miễn trừ về mặt tư pháp.

Trong hiến pháp Campuchia quy định về Đại hội toàn quốc (National Congress). Đây là một cơ quan mang tính lâm thời, được triệu tập mỗi năm một lần, do Quốc vương đích thân chủ trì. Tất cả người dân Khmer không kể giới tính đều có quyền tham dự Đại hội toàn quốc. Mặc dù tính dân chủ thể hiện rõ nét như vậy song Đại hội toàn quốc không có chức năng lập pháp. Nhiệm vụ của cơ quan này là tạo diễn đàn để thông báo cho người dân về các vấn đề quan trọng của quốc gia đồng thời đưa ra các kiến nghị về những vấn đề đó để Thượng nghị viện, Hạ nghị viện và Cơ quan hành pháp phản ánh trong quá trình hoạt động của mình.[215]

          Giống với Campuchia, cơ quan lập pháp của Thái Lan cũng là một nghị viện lưỡng viện, bao gồm Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Trong hiến pháp, nghị viện này được gọi là Quốc hội (National Assembly), trùng với tên gọi Hạ nghị viện của Campuchia. Hạ nghị viện của Thái Lan có 480 thành viên, trong đó 400 đại biểu được bầu trực tiếp từ đơn vị bầu cử, số còn lại được bầu theo nguyên tắc đại diện tỉ lệ của các đảng phái chính trị. Nhiệm kỳ của Hạ nghị viện là 4 năm. Về cơ bản các hạ nghị sĩ của Thái Lan đều đại diện cho các đảng phái chính trị. Một trong các điều kiện quan trọng để được bầu làm hạ nghị sĩ là tư cách thành viên của một đảng phái chính trị nào đó trong thời gian không ít hơn 90 ngày trước ngày bầu cử. Nếu đã được bầu làm hạ nghị sĩ song nếu bị mất tư cách thành viên đảng chính trị của mình trong thời gian nhiệm kỳ thì vị hạ nghị sĩ đó sẽ đương nhiên mất tư cách hạ nghị sĩ. Trong thành phần của Hạ nghị viện, đảng phái chính trị chiếm đa số sẽ được thành lập Chính phủ còn các đảng chính trị chiếm thiểu số cũng được thành lập phe đối lập trong Hạ nghị viện, với một người lãnh đạo là thủ lĩnh của đảng nhiều ghế nhất trong số các đảng chính trị không có chân trong Chính phủ.[216]

Thượng nghị viện của Thái Lan bao gồm 150 thượng nghị sĩ. Mỗi tỉnh của Thái Lan được bầu 1 thượng nghị sĩ và số thượng nghị sĩ còn dư sẽ được chọn trực tiếp bởi một Ủy ban tuyển chọn thượng nghị sĩ bao gồm Chủ tịch Toà án hiến pháp, Chủ tịch Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán Nhà nước, một thẩm phán từ Toà án tư pháp tối cao được uỷ thác của Hội đồng toàn thể của Toà án tư pháp tối cao và một thẩm phán Toà án hành chính tối cao được uỷ thác của Hội đồng toàn thể Toà án hành chính tối cao. Thượng nghị sĩ là những thành viên có học thức với trình độ cử nhân trở lên, có độ tuổi ít nhất là 40 và có uy tín trong xã hội. Thượng nghị sĩ không được đại diện cho đảng phái. Thậm chí hiến pháp còn quy định rằng nếu một người đã từng là thành viên một đảng chính trị nhưng thời gian chấm dứt tư cách đó chưa đủ 5 năm kể từ ngày bầu cử thì cũng không đủ tư cách ứng cử vào ghế thượng nghị sĩ. Như vậy là khác với Hạ nghị viện là cơ quan đại diện mang tính chất đảng phái, Thượng nghị viện hoàn toàn mang tính chất phi đảng phái.[217]

 Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nghị viện Thái Lan cũng như của từng viện được quy định khá tản mát trong hiến pháp Thái Lan. Về cơ bản, nhiệm vụ, quyền hạn của Nghị viện Thái Lan xoay quanh việc thực hiện hai chức năng quan trọng là lập pháp và giám sát hoạt động hành chính. Trong tổ chức của Nghị viện, Hạ nghị viện thể hiện một vai trò quan trọng hơn trong việc thực hiện chức năng lập pháp, song vai trò đó không cao tới mức có thể được coi như “cỗ máy lập pháp chính” giống như Hạ nghị viện Campuchia. Hiến pháp Thái Lan quy định tất cả các luật đều chỉ có thể được thông qua nếu được Nghị viện, bao gồm cả hai viện, đồng thuận. Tất nhiên, ở đây còn đòi hỏi phải có thủ tục phê chuẩn và công bố của Quốc vương, người có quyền phủ quyết rất lớn như phân tích trên đây. Hiến pháp Thái Lan phân chia các đạo luật thành ba loại khác nhau: các luật cơ bản, các luật liên quan tới tiền tệ và các luật thông thường. Có sự khác nhau khá lớn trong thủ tục lập pháp áp dụng đối với từng loại luật. Luật cơ bản của Thái Lan là những luật có vai trò quan trọng nhất cho sự vận hành của bộ máy nhà nước, bao gồm các luật điều chỉnh về bầu cử hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, luật về ủy ban bầu cử, luật về các đảng phái chính trị, luật về trưng cầu dân ý, luật về thủ tục tố tụng của Tòa án hiến pháp, luật về thủ tục tố tụng hình sự đối với quan chức nhà nước, luật về thanh tra quốc hội, luật về chống tham nhũng và luật về kiểm toán nhà nước. Chỉ có những chủ thể sau mới được trình dự luật cơ bản: Chính phủ, tối thiểu 1/10 tổng số thành viên của hạ nghị viện hoặc của toàn bộ nghị viện, Tòa án hiến pháp, Tòa án tối cao hoặc một thiết chế hiến định độc lập chịu trách nhiệm thi hành luật cơ bản có liên quan. Các dự luật cơ bản sau khi được Nghị viện thông qua bắt buộc phải được gửi tới Tòa án hiến pháp để kiểm tra tính hợp hiến trước khi được Quốc vương công bố. Các luật về tiền tệ là các luật liên quan tới việc xác định các khoản thuế nội địa, thuế hải quan, phân bổ thu chi ngân sách, các khoản vay, bảo đảm vay và hoàn trả vay của nhà nước, vấn đề lưu thông tiền tệ. Một dự luật thông thường có thể được Chính phủ, nhóm hạ nghị sĩ có tối thiểu 20 người, tòa án hoặc thiết chế hiến định độc lập (nếu luật liên quan tới tổ chức, hoạt động của các cơ quan này) hoặc nhóm cử tri có không dưới 10000 người. Đối với dự luật liên quan tới tiền tệ thì việc trình dự luật bắt buộc phải có sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ.[218]

Theo thủ tục thông thường, một dự luật bắt buộc phải được trình tới Hạ nghị viện trước. Sau khi được Hạ nghị viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển cho Thượng nghị viện. Thượng nghị viện phải hoàn thành việc xem xét dự luật trên trong vòng sáu mươi ngày nhưng nếu đó là một dự luật về tiền tệ, việc xem xét nói trên phải được hoàn thành trong vòng ba mươi ngày với điều kiện Thượng nghị viện có thể, trong trường hợp đặc biệt, thông qua một nghị quyết kéo dài thời hạn nhưng không được nhiều hơn ba mươi ngày. Vượt quá những thời hạn này mà Thượng nghị viện chưa có ý kiến thì xem như Thượng nghị viện đã đồng ý với dự luật và trong trường hợp đó, dự luật được gửi tới Quốc vương để công bố. Nếu Thượng nghị viện bác bỏ dự luật thì dự luật được trả về cho Hạ nghị viện. Hạ nghị viện chỉ có thể xem xét lại dự luật này sau 180 ngày, khi đó nếu Hạ nghị viện vẫn quyết định thông qua dự luật với đa số tuyệt đối hạ nghị sĩ đồng ý thì dự luật đó sẽ được coi như đã được toàn thể Nghị viện thông qua và có thể được gửi tới Quốc vương để xem xét, công bố. Trong trường hợp dự luật bị Thượng nghị viện bác bỏ là dự luật về tiền tệ thì Hạ nghị viện có thể xem xét lại ngay sau khi dự luật bị gửi trả về từ Thượng nghị viện mà không phải lệ thuộc vào thời hạn 180 ngày.[219] Như vậy là trong việc thực hiện chức năng lập pháp Hạ nghị viện là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong lập pháp, trong khi đó Thượng nghị viện có chức năng phê chuẩn, sửa đổi hoặc từ chối dự luật.

          Ngoài chức năng lập pháp, nghị viện Thái Lan còn có một chức năng hết sức quan trọng nữa là giám sát việc thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Chức năng này được thực hiện thông qua một loạt quyền mà hiến pháp quy định cho nghị viện và các nghị sĩ được thực hiện. Trước tiên, mỗi nghị sĩ đều có quyền chất vấn một bộ trưởng về bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi phụ trách của bộ trưởng. Tuy nhiên, mức độ triệt để của quyền chất vấn của hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ là khác nhau. Các thượng nghị sĩ chỉ có thể thực hiện quyền chất vấn theo nhóm. Cụ thể là nhóm thượng nghị sĩ với số lượng không dưới 1/3 tổng số thượng nghị sĩ có quyền đề xuất Thượng nghị viện tổ chức phiên họp để chất vấn thành viên của Chính phủ về một vấn đề nào đó và khi đó thành viên chính phủ liên quan phải có mặt để giải trình. Quyền chất vấn của các hạ nghị sĩ có mức độ triệt để hơn. Mỗi hạ nghị sĩ đều có quyền thông báo cho Chủ tịch Hạ nghị viện bằng văn bản trước thời điểm bắt đầu phiên họp rằng mình muốn chất vấn Thủ tướng hoặc thành viên chính phủ về một vấn đề nào đó có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia hoặc xã hội. Hạ nghị sĩ đó không cần phải nêu rõ câu hỏi và Chủ tịch Hạ nghị viện bắt buộc phải đưa vấn đề chất vấn vào chương trình của phiên họp hôm đó. Theo quy định của hiến pháp, việc chất vấn có thể diễn ra hàng tuần và mỗi hạ nghị sĩ không được chất vấn quá 3 lần về cùng một vấn đề. Các hạ nghị sĩ cũng có thể chất vấn theo nhóm. Khi một nhóm hạ nghị sĩ với số lượng không dưới 1/10 tổng số hạ nghị sĩ yêu cầu thì Hạ nghị viện phải tổ chức phiên tranh luận chung nhằm thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng. Khi đưa ra đề xuất, thậm chí nhóm hạ nghị sĩ còn có quyền đề nghị tên Thủ tướng thay thế. Nếu Hạ nghị viện thông qua nghị quyết bất tín nhiệm với số phiếu đồng thuận từ 2/3 tổng số hạ nghị sĩ trở lên thì Chủ tịch Hạ nghị viện có thể đề xuất tên Thủ tướng mới lên Quốc vương. Hiến pháp Thái Lan cũng dự liệu trường hợp phe thiểu số trong Hạ nghị viện có ít hơn tỷ lệ 1/10 tổng số hạ nghị sĩ và không thể đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong trường hợp đó nhóm hạ nghị sĩ với số lượng tối thiểu ½ số hạ nghị sĩ đó có thể trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng cũng như bộ trưởng nào đó.[220]

          Ngoài việc phối hợp với Hạ nghị viện để thực hiện chức năng lập pháp và chức năng giám sát của Nghị viện nói chung, bản thân riêng Thượng nghị viện của Thái Lan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực của Thái Lan. Tất cả những quan chức cao cấp nhất trong tổ chức quyền lực nhà nước Thái Lan từ Thủ tướng, bộ trưởng, hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, Chánh án tòa án tư pháp tối, Chánh án tòa án hiến pháp, Chánh án tòa án hành chính tối cao, Tổng công tố, thẩm phán tòa án hiến pháp, ủy viên ủy ban bầu cử, thanh tra quốc hội, ủy viên ủy ban kiểm toán nhà nước, thẩm phán, công tố viên nếu có dấu hiệu tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đều có thể bị cách chức. Cơ quan có thẩm quyền cách chức chính là Thượng nghị viện.[221]

Hạ nghị viện và thượng nghị viện của Thái Lan là những cơ quan làm việc theo chế độ tập thể, phối hợp với nhau để cùng thực hiện chức năng lập pháp và giám sát hành chính. Chính vì vậy về cơ bản tổ chức và hoạt động hai viện này có khá nhiều điểm chung với nhau.

          Thứ nhất, giống với Campuchia, các nghị viên của Thái Lan được hiến pháp quy định tính độc lập rất cao. Ngoài việc không được đồng thời làm thành viên của cả hai viện, hiến pháp Thái Lan quy định một loạt các chức vụ mà hạ nghị sĩ không được phép kiêm nhiệm mà về cơ bản thì hạ nghị sĩ không được kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan nhà nước khác từ trung ương tới địa phương trừ việc là thành viên của Chính phủ. Thậm chí, hạ nghị sĩ cũng không được đồng thời là cán bộ hoặc nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù hạ nghị sĩ luôn gắn với đảng phái chính trị song Chủ tịch và các phó chủ tịch Hạ nghị viện, những người lãnh đạo Nghị viện, lại không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo các đảng phái chính trị trong suốt nhiệm kỳ của mình cũng như không được đồng thời là Thủ tướng hoặc bộ trưởng. So với hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ còn có tính độc lập cao hơn rất nhiều. Thượng nghị sĩ không những không được nắm tất những chức vụ và công việc cấm đối với hạ nghị sĩ mà còn không được làm rất nhiều điều khác nữa, bao gồm không phải là người đỡ đầu, vợ/chồng hoặc con trai hay con gái của hạ nghị sĩ hay bất kỳ người nắm giữ chức vụ chính trị nào, không được phép tham gia đảng chính trị hoặc là hạ nghị sĩ kể cả là trong vòng 5 năm trước ngày bầu cử, không được tham gia chính phủ hoặc tham gia hội đồng địa phương hoặc cơ quan hành chính địa phương kể cả trong thời gian 5 năm trước ngày bầu cử, không được nắm giữ chức bộ trưởng hay chức vụ chính trị khác trong vòng 2 năm sau khi thôi làm thượng nghị sĩ.[222] Có thể thấy rằng, bởi vì công việc của thượng nghị sĩ liên quan rất nhiều tới công tác kiểm soát quyền lực nhà nước nên những điều cấm trên nhằm làm cho mỗi thượng nghị sĩ có được sự độc lập tối đa cho công việc của mình. Hầu như mọi sự liên hệ trong vòng 5 năm trước khi được bầu và 2 năm sau khi được bầu mà có thể dẫn tới xung đột lợi ích với công việc của thượng nghị sĩ đều bị ngăn chặn một cách tối đa.

          Thứ hai, mỗi nghị sĩ, cho dù là hạ nghị sĩ được bầu mang tính đảng phái hay thượng nghị sĩ có tính độc lập cao đều phải đại diện cho toàn thể nhân dân Thái Lan mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ sự ủy thác hoặc áp đặt nào. Trước khi nhậm chức, mỗi nghị sĩ đều phải tuyên thệ rằng: “Tôi, (tên của người đưa ta tuyên bố) long trọng tuyên bố rằng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo tiếng gọi trung thực của lương tâm vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Tôi cũng sẽ phụng sự và tuân theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan trên mọi phương diện”.[223]

          Thứ ba, về mặt tổ chức, giống như Campuchia, mỗi viện của Nghị viện Thái Lan đều có một chủ tịch và các phó chủ tịch. Tuy nhiên vì các phiên họp chung của hai viện là hình thức hoạt động khá phổ biến của Nghị viện và được quy định trong hiến pháp nên Chủ tịch hạ nghị viện đồng thời giữ chức Chủ tịch nghị viện và Chủ tịch thượng nghị viện giữ chức Phó chủ tịch nghị viện.([224])

          Thứ tư, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện hoạt động theo chế độ hội nghị, biểu quyết theo đa số. Mỗi phiên họp của mỗi viện thông thường phải có sự tham gia của ít nhất một nửa tổng số thành viên mỗi viện. Cả hai viện cùng tiến hành các kỳ họp vào thời gian giống nhau, gọi là các kỳ họp nghị viện. Mỗi năm thường có hai kỳ họp nghị viện, một kỳ họp chung thường lệ để bàn về các vấn đề chung của quốc gia và một kỳ họp lập pháp thường lệ. Mỗi kỳ họp kéo dài 120 ngày. Giống như Quốc vương Campuchia, Quốc vương Thái Lan cũng có quyền triệu tập họp Nghị viện bất thường theo đề nghị của nhóm nghị sĩ với số lượng ít nhất 1/3 tổng số nghị sĩ hoặc nhóm hạ nghị sĩ với số lượng ít nhất 1/3 tổng số hạ nghị sĩ.[225]

          Thứ năm, tương tự như đối với nghị sĩ Campuchia, các nghị sĩ của Thái Lan cũng được hưởng các quyền đặc miễn gắn liền với công việc của họ, bao gồm quyền miễn trừ trách nhiệm đối với mọi phát ngôn mà nghị sĩ đưa ra tại Nghị viện, quyền không bị bắt, tạm giam hay triệu tập theo lệnh để xét hỏi với tư cách nghi phạm trong một vụ việc hình sự trừ khi có sự chấp thuận của viện mà người đó là thành viên hay người đó bị bắt quả tang. Trong trường hợp một hạ nghị sĩ hay thượng nghị sĩ bị bắt quả tang, sự việc phải được báo cho Chủ tịch của viện nơi người đó là thành viên và vị Chủ tịch đó có thể ra lệnh thả người đã bị bắt. Trường hợp khởi tố trách nhiệm hình sự đối với hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ, cho dù là viện tương ứng có đang trong kì họp hay không, toà án vẫn không được quyền xét xử trong thời gian kì họp, trừ khi có sự chấp thuận của viện tương ứng hay vụ việc liên quan tới Luật cơ bản về bầu cử thành viên Viện dân biểu hay Thượng nghị viện, Luật cơ bản về Uỷ ban bầu cử hay Luật cơ bản về các đảng chính trị; với điều kiện việc xét xử của toà án không được ngăn cản thành viên đó tham gia các phiên họp của viện tương ứng.[226]

          Thứ sáu, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện đều có quyền thành lập các ủy ban thường trực để giúp việc cho mỗi viện về những lĩnh vực nhất định. Mỗi viện cũng có quyền thành lập bất kỳ ủy ban lâm thời để thực hiện bất kỳ công việc nào, điều tra hay nghiên cứu bất kỳ vấn đề nào trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ của viện đó và báo cáo kết quả cho viện đó. Ủy ban lâm thời của mỗi viện có thể bao gồm thành phần là nghị sĩ của viện tương ứng hoặc có thể là người bên ngoài. Thành phần của mỗi ủy ban dù là thường trực hay lâm thời đều phải phản ánh tỷ lệ các thành phần đại diện trong mỗi viên. Mỗi ủy ban cũng đều có quyền ra lệnh yêu cầu cung cấp tài liệu từ bất kì người nào hoặc triệu tập bất kì người nào để thẩm vấn hoặc hỏi ý kiến về nhiệm vụ đang thực hiện hoặc về vấn đề đang được điều tra hay nghiên cứu. Lệnh yêu cầu này có giá trị bắt buộc đối với bất kỳ cơ quan nhà nước nào, trừ các thẩm phán tòa án, thanh tra quốc hội hoặc thành viên các thiết chế hiến định độc lập.[227]

* Cơ quan hành pháp của Campuchia và Thái Lan

          Hiến pháp Campuchia quy định khá ngắn gọn về cơ quan hành pháp. Cơ quan hành pháp của Campuchia, được gọi là Chính phủ hoàng gia, là Hội đồng bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, bộ trưởng nhà nước (state ministers) và các quốc vụ khanh (state secretaries) làm thành viên. Thủ tướng chính phủ phải là đại diện của đảng chiếm đa số trong Hạ nghị viện, được sự tín nhiệm của Hạ nghị viện và sau đó phải được Chủ tịch và các Phó chủ tịch cùng nhau đề cử lên Quốc vương bổ nhiệm. Các bộ trưởng do Thủ tưởng đề cử theo một danh sách với sự tín nhiệm của Hạ nghị viện và cũng được Quốc vương phê chuẩn. Chính vì vậy mà Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể trước Hạ nghị viện về các chính sách chung của Chính phủ. Các thành viên chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Hạ nghị viện về hoạt động của mình. Thành viên chính phủ hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân, không được viện cớ chịu chỉ đạo của bất kỳ người nào khác để chối bỏ trách nhiệm. Quy định này về mặt pháp lý dường như loại trừ cá nhân Thủ tướng chính phủ ra khỏi chế độ trách nhiệm trước Hạ nghị viện bởi vì chỉ có chính phủ chịu trách nhiệm tập thể hoặc từng bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân. Các thành viên chính phủ nếu phạm tội hoặc có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực thi công vụ thì phải bị trừng phạt. Hạ nghị viện với đa số phiếu tán thành có thể đưa thành viên chính phủ đó ra tòa có thẩm quyền để xét xử. Hiến pháp quy định Chính phủ họp một lần mỗi tuần, biên bản họp phải gửi tới Quốc vương để báo cáo.[228]

          Trong hiến pháp Thái Lan, các quy định về cơ quan hành pháp cũng ít hơn so với các quy định về cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, so với hiến pháp Campuchia, các quy định của hiến pháp Thái Lan cụ thể và chi tiết hơn khá nhiều. Cơ quan hành pháp của Thái Lancũng là Hội đồng bộ trưởng, có nhiệm vụ thực hiện hoạt động quản lý công việc của nhà nước. Hiến pháp quy định Hội đồng bộ trưởng là một tập thể gồm Thủ tướng và không quá 35 bộ trưởng hoạt động theo nguyên tắc trách nhiệm tập thể. Thủ tướng chính phủ phải là thành viên của Hạ nghị viện, do ít nhất 1/5 tổng số hạ nghị sĩ đề cử và được hơn một nửa tổng số hạ nghị sĩ tán thành. Như vậy, Thủ tướng Thái Lan cũng phải đến từ phe chiếm đa số phiếu trong Hạ nghị viện. Trong trường hợp không có phe chiếm đa số tuyệt đối trong Hạ nghị viện và do đó trong 30 ngày kể từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội được triệu tập mà không bầu được Thủ tướng thì Chủ tịch hạ nghị viện sẽ đưa danh sách những người có số phiếu bầu cao nhất để Quốc vương bổ nhiệm thủ tướng. Thủ tướng Thái Lan không được tại nhiệm liên tục quá tám năm.[229]

          Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhậm chức, Thủ tướng, đại diện cho Hội đồng bộ trưởng, phải tuyên bố các chính sách với Nghị viện và thuyết trình các chính sách đó trên cơ sở các nguyên tắc định hướng các chính sách cơ bản của Nhà nước đã được tuyên bố trong hiến pháp Thái Lan. Các kế hoạch hoạt động hàng năm sau đó của Hội đồng bộ trưởng phải đưa ra kế hoạch quản lý các công việc của nhà nước sao cho hoàn thành được nhiệm vụ của từng năm. Trên cơ sở đó, có hai loại chế độ trách nhiệm gắn với Hội đồng bộ trưởng: trách nhiệm tập thể trước Nghị viện và trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng trước Hạ nghị viện. Giống như hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan không quy định rõ chế độ trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng mà gắn trách nhiệm đó với tập thể Hội đồng bộ trưởng. Tuy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện song trong trường hợp cần thiết Hội đồng bộ trưởng vẫn có thể đề nghị Chủ tịch nghị viện triệu tập họp toàn thể Nghị viện để lấy ý kiến liên quan tới vấn đề quan trọng đối với việc quản lí các hoạt động của Nhà nước.[230]

Bên cạnh các quy định trên đây, hiến pháp Thái Lan cũng có những quy định khá độc đáo nhằm mục đích trực tiếp ngăn chặn các hành vi trục lợi của các thành viên Hội đồng bộ trưởng trong thời kỳ sắp mãn nhiệm. Điều 181 quy định trong trường hợp chờ Hội đồng bộ trưởng mới nhậm chức, Hội đồng bộ trưởng và các bộ trưởng sắp mãn nhiệm vẫn thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình song không được làm những việc sau:

- Thực hiện bất kì hoạt động nào mà về bản chất là bổ nhiệm hoặc điều động các quan chức chính phủ giữ chức vụ ổn định hoặc hưởng lương ổn định hay các quan chức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp trong đó đa số cổ phần thuộc về Nhà nước hay cách chức những người như vậy khỏi trách nhiệm mà họ thực thi hoặc chức vụ của họ hoặc chỉ thị những người khác thực hiện nhiệm vụ đó, trừ khi có sự chấp thuận trước bởi Uỷ ban bầu cử;

- Phê chuẩn bất cứ khoản giải ngân nào của các quỹ dự trữ dành để dùng cho các trường hợp khẩn cấp hoặc cần thiết, trừ khi có chấp thuận trước của Uỷ ban bầu cử;

- Phê chuẩn bất kì công trình hay dự án nào hay các cam kết ràng buộc đối với Hội đồng bộ trưởng kế nhiệm;

- Khai thác nguồn lực nhà nước hoặc nhân lực của Nhà nước cho bất kì hoạt động nào có tác động tới một cuộc bầu cử và không được thực hiện bất cứ hành vi nào mà về bản chất là sự vi phạm các điều cấm theo các quy định của Uỷ ban bầu cử.

* Cơ quan tư pháp của Campuchia và Thái Lan

          Hiến pháp Capuchia quy định khá ngắn gọn về nhánh quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước Campuchia. Các quy định chủ yếu đề cập tới những khía cạnh quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án. Trước tiên, hiến pháp Campuchia khẳng định quyền tư pháp là một nhánh quyền lực độc lập, có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ kiện bao gồm cả các vụ kiện hành chính. Nhánh lập pháp và nhánh hành pháp không được thực hiện quyền tư pháp. Nhiệm vụ của tòa án là phải xét xử khách quan và bảo vệ các quyền và quyền tự do của công dân. Nguyên tắc độc lập được quy định là nguyên tắc căn bản trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án. Không những ghi nhận nguyên tắc độc lập, hiến pháp Campuchia còn quy định một số biện pháp bảo đảm cụ thể cho nguyên tắc này. Thứ nhất, Quốc vương là người bảo vệ cho nguyên tắc độc lập của tòa án. Hỗ trợ cho Quốc vương trong công việc này có Hội đồng thẩm phán tối cao (Supreme Council of Magistracy) do Quốc vương làm chủ tịch. Hội đồng thẩm phán tối cao là cơ quan giới thiệu để Quốc vương bổ nhiệm thẩm phán và công tố viên của tất cả các tòa án. Thứ hai, thẩm phán Campuchia không thể bị cách chức và chỉ có Hội đồng thẩm phán với chủ tọa lúc này là Chánh án tòa án tối cao là người có thẩm quyền kỷ luật thẩm phán. Thẩm phán là người duy nhất có quyền xét xử và phải xét xử trên cơ sở tuyệt đối tuân thủ pháp luật, nhiệt tâm và cẩn trọng. Hiến pháp Campuchia không quy định cụ thể về tổ chức hệ thống tòa án mà chỉ quy định trong hệ thống đó có một Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới được bố trí theo đơn vị lãnh thổ và theo các lĩnh vực chuyên trách.[231]

          So với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan quy định về tòa án một cách chi tiết hơn nhiều. Toàn bộ các quy định về hệ thống tòa án Thái Lan được đưa vào một chương riêng với một số phần riêng biệt chứa đựng các quy định chung áp dụng cho tất cả các tòa án và các quy định áp dụng riêng cho từng tiểu hệ thống tòa án chuyên trách.[232] Toàn bộ hệ thống tòa án Thái Lan gồm có ba tiểu hệ thống tòa án và một Tòa án hiến pháp. Tòa án hiến pháp được phân loại vào nhóm các thiết chế bảo vệ hiến pháp và sẽ được nghiên cứu ở những chương tiếp theo. Ba tiểu hệ thống tòa án là tiểu hệ thống tòa án tư pháp, tiểu hệ thống tòa án hành chính và tiểu hệ thống tòa án quân sự. Hiến pháp cũng quy định các tranh chấp về thẩm quyền giữa các tiểu hệ thống tòa án này sẽ được giải quyết bởi một ủy ban gồm Chánh án tòa án tối cao, Chánh án tòa án hành chính tối cao, chánh án các tòa án khác và bốn người đủ tiêu chuẩn theo quy định của luật. Mỗi tiểu hệ thống tòa án Thái Lan đều được điều chỉnh bởi những quy định riêng. Tuy nhiên, xét từ góc độ tổng thể toàn hệ thống, tất cả các tòa án Thái Lan, bao gồm cả Tòa án hiến pháp đều được hiến pháp quy định chung về một số vấn đề cơ bản nhất định.

          Thứ nhất, tòa án tổ chức phiên tòa và thực hiện việc xét xử theo một cách thức công bằng, nhanh chóng, trên cơ sở phụng sự công lí và tuyệt đối tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Các phiên tòa và công việc xét xử được tòa án thực hiện dưới danh nghĩa Quốc vương Thái Lan. Điều này khác với tòa án Campuchia, vốn tiến hành xét xử dưới danh nghĩa nhân dân Khmer như đề cập trên đây.

          Thứ hai, giống với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Thái Lan cũng quy định nguyên tắc độc lập là nguyên tắc căn bản trong quá trình xét xử. Một số biện pháp cụ thể cũng được quy định với tư cách là những biện pháp bảo đảm tính độc lập của các thẩm phán Thái Lan nói chung, ví dụ như các thẩm phán không được nắm giữ các chức vụ chính trị; không được phép thuyên chuyển thẩm phán mà không có đồng thuận trước của thẩm phán đó trừ các trường hợp thuyên chuyển có thời hạn, bị kỷ luật hay đang là bị cáo trong vụ việc hình sự hay các trường hợp quy định rõ trong luật; không được thành lập các tòa án đặc biệt chỉ để xét xử những vụ việc cụ thể đã xảy ra; các thẩm phán do Quốc vương bổ nhiệm và cách chức; tiền lương, tiền công của thẩm phán áp dụng theo hệ thống thang, bảng lương riêng độc lập với khối hành chính.

          Bên cạnh những quy định chung như trên, mỗi tiểu hệ thống tòa án của Thái Lan lại có những quy định riêng trong Hiến pháp.

          Tiểu hệ thống tòa án tư pháp có thẩm quyền chung đối với tất cả các vụ việc trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của các tòa án khác. Tiểu hệ thống tòa án này được tổ chức theo cấp xét xử, gồm ba cấp: các tòa án sơ thẩm, các tòa án phúc thẩm và Tòa án tối cao. Tòa án tối cao có thẩm quyền xét xử các vụ việc kháng cáo đối với các phán quyết hay lệnh của các tòa án cấp dưới và các vụ việc liên quan tới bầu cử thượng nghị viện hoặc hạ nghị viện. Tương tự tòa án phúc thẩm có thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan tới bầu cử và tước quyền bầu cử thành viên hội đồng địa phương và cơ quan hành chính địa phương. Đặc biệt, trong tổ chức của Tòa tối cao có Tòa hình sự đối với những người nắm giữ các chức vụ chính trị, bao gồm chín thẩm phán cao cấp được thành lập tùy theo từng vụ việc. Tòa này được thành lập để xét xử các quan chức chính trị cao cấp nhất của đất nước.

          Như trên đã đề cập, việc bổ nhiệm, cách chức đối với thẩm phán các tòa án tư pháp do Quốc vương thực hiện, song phải dựa trên đề xuất của Ủy ban tư pháp của các tòa án tư pháp. Ủy ban này cũng phê chuẩn việc thăng chức, nâng lương, hoặc kỉ luật đối với các thẩm phán tòa án tư pháp. Ủy ban tư pháp bao gồm 15 thành viên do Chánh án tòa án tối cao làm chủ tịch. Các thẩm phán kỳ cựu, mà chủ yếu là lãnh đạo các tòa án các cấp, chiếm tuyệt đại đa số thành viên của Ủy ban tư pháp (13/15). Hai thành viên còn lại do Thượng nghị viện bầu.

          Tiểu hệ thống tòa án hành chính bao gồm Tòa án hành chính tối cao và các tòa án hành chính sơ thẩm. Tòa án hành chính phúc thẩm cũng có thể được thành lập, song điều này là không bắt buộc. Các tòa án hành chính của Thái Lan có thẩm quyền xét xử các vụ việc tranh chấp giữa một bên là cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, thiết chế hiến pháp, hay quan chức nhà nước với bên kia là cá nhân, hoặc giữa một bên là cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, thiết chế hiến pháp hay quan chức nhà nước với bên kia là cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, thiết chế hay quan chức tương tự như vậy, phát sinh từ việc thực hiện quyền hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc phát sinh từ việc thực hiện hành vi hành chính bởi cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, thiết chế hiến pháp hay quan chức nhà nước theo quy định của pháp luật và đồng thời cũng có thẩm quyền xét xử về các vấn đề thuộc thẩm quyền được quy định trong Hiến pháp hoặc luật.

          Tiểu hệ thống tòa án hành chính cũng có một Ủy ban tư pháp, bao gồm 13 thành viên do Chánh án tòa án hành chính tối cao làm Chủ tịch. Trong số các thành viên còn lại có 9 người là các thẩm phán hành chính có trình độ được chọn bởi các đồng nghiệp, 2 người có trình độ do Thượng nghị viện bầu và một người có trình độ do Hội đồng bộ trưởng cử. Về cơ bản, Ủy ban tư pháp của các tòa án hành chính có vai trò giống như Ủy ban tư pháp của các tòa án tư pháp đối với việc bổ nhiệm, đề bạt, kỉ luật, cách chức và nâng lương của thẩm phán hành chính. Tuy nhiên ở đây có một khác biệt đáng lưu ý. Đối với việc bổ nhiệm thẩm phán hành chính, sau khi có đề cử của Ủy ban tư pháp của các tòa án hành chính thì đề cử đó phải được sự phê chuẩn của Thượng nghị viện và sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ trước khi trình lên Quốc vương ký bổ nhiệm. Điều này phần nào phản ánh nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Thái Lan. Về cơ bản quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp riêng biệt với nhau. Điều này cũng có nghĩa là quyền hành pháp chịu trách nhiệm đối với hoạt động của hệ thống hành chính. Chính vì vậy việc Thượng nghị viện và đặc biệt là Thủ tướng chính phủ đồng ý với việc bổ nhiệm thẩm phán hành chính cũng đồng nghĩa thẩm phán hành chính được sự chấp thuận của nhánh hành pháp và lập pháp để tiến hành xét xử các vi phạm hành chính của các cơ quan thuộc khối hành pháp.

          Giống như đối với tiểu hệ thống tòa án tư pháp, tiểu hệ thống tòa án hành chính của Thái Lan cũng có cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính, văn phòng giúp việc riêng để quản lý nhân sự, cơ sở vật chất và ngân sách.

          Tiểu hệ thống tòa án quân sự được nhắc đến trong hiến pháp Thái Lan như một bộ phận cấu thành của hệ thống tòa án Thái Lan. Tuy nhiên có rất ít các quy định cụ thể về tiểu hệ thống này trong hiến pháp. Hiến pháp chỉ quy định một cách chung chung rằng các tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử các vụ phạm tội của những người thuộc thẩm quyền xét xử của các tòa án quân sự và các vụ việc khác theo quy định của luật. Việc bổ nhiệm và cách chức thẩm phán quân sự cũng như tổ chức tòa án quân sự được quy định trong các luật.

5.2.3. Hiến pháp Malaysia và chính thể quân chủ hồi giáo lập hiến

          Chính thể của Malaysia được thể hiện ở sự hiện diện của Quốc vương Malaysia, một bản hiến pháp và Đạo hồi với tư cách là quốc giáo của Malaysia. Quốc vương Malaysia là nguyên thủ quốc gia và tiếp quản quyền lực theo một hình thức đặc trưng không liên quan tới ý chí của người dân. Bản hiến pháp Malaysia là một hiến pháp thành văn và là đạo luật có giá trị tối cao quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và có giá trị bắt buộc đối với tất cả các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất trong đó có cả Quốc vương. Đạo hồi được công nhận là quốc giáo và các thủ tục, lễ nghi và tôn chỉ của tôn giáo này được bảo vệ bởi hiến pháp và những thiết chế đặc biệt do hiến pháp lập ra.

          Quốc vương Malaysia là một thiết chế quân chủ đặc biệt, không giống với các thiết chế quân chủ khác trong khu vực như Brunei, Campuchia hay Thái Lan. Trước tiên, trong bộ máy nhà nước của Malaysia có sự hiện diện của một thiết chế đặc biệt – Hội đồng các tiểu vương (Majlis Raja-Raja). Hội đồng này được quy định ngay trong những điều khoản đầu tiên của hiến pháp. Hội đồng gồm các tiểu vương và các thống đốc từ các bang và các vùng lãnh thổ trực thuộc Malaysia. Tiểu vương là người đứng đầu về mặt tôn giáo (Hồi giáo) và chính quyền tại các bang và tiếp quản chức vụ theo con đường kế truyền. Thống đốc là người đứng đầu chính quyền của các bang và vùng lãnh thổ không có tiểu vương. Chức năng chính của Hội đồng tiểu vương là lãnh đạo tôn giáo và ban hành các chính sách tôn giáo trong toàn liên bang. Ngoài ra, Hội đồng tiểu vương cũng thực hiện một số công việc quan trọng liên quan tới tổ chức nhà nước.[233]

Quốc vương Malaysia được gọi theo danh tự hồi giáo là Yan di-Pertuan Agong, tương tự như Quốc vương Brunei. Song về vị trí và phạm vi quyền lực thì khiêm tốn hơn nhiều so với người đồng nhiệm láng giềng. Quốc vương Malaysia tiếp quản vị trí nguyên thủ quốc gia không phải trên cơ sở kế truyền mà là được bầu bởi Hội đồng tiểu vương. Khi bầu Quốc vương thì Hội đồng tiểu vương chỉ bao gồm thành viên là các tiểu vương, tức là các lãnh tụ tôn giáo mà thôi và ứng cử viên cho vị trí Quốc vương cũng chỉ được chọn trong số các tiểu vương. Việc mất tư cách tiểu vương cũng đồng nghĩa với việc mất tư cách quốc vương. Khác với vị trí quân chủ truyền thống ở Brunei, Campuchia hay Thái Lan nắm ngôi vua trong suốt cuộc đời sinh học, Quốc vương Malaysia nắm giữ ngôi vua theo nhiệm kỳ 5 năm và có thể được tái bầu. Sau khi được bầu thì Quốc vương vẫn giữ vị trí là tiểu vương của tiểu bang gốc của mình. Về mặt thần quyền, các tiểu vương vẫn là lãnh tụ hồi giáo của bang mình; song khi tiến hành các thủ tục hoặc nghi lễ trong toàn Liên bang thì các tiểu vương ủy quyền cho Quốc vương làm đại diện. Ở các bang Malacca, Penang và Sarawak không có tiểu vương do đó Quốc vương cũng là lãnh tụ hồi giáo ở những nơi này. Như vậy là về thần quyền thì Quốc vương Malaysia không hoàn toàn là đấng tối cao của đạo Hồi toàn Liên bang bởi có sự hiện diện của các lãnh tụ hồi giáo địa phương nắm giữ thần quyền gốc.

Về thế quyền, hiến pháp Malaysia quy định Quốc vương là nguyên thủ tối cao trong toàn Liên bang, có vị trí tôn kính hơn bất kỳ ai trong liên bang. Giúp việc cho Quốc vương là một Phó Quốc vương, gọi là Timbalan Yangdi-Pertuan Agong, cũng được Hội đồng tiểu vương bầu ra trong số các tiểu vương và có nhiệm kỳ 5 năm giống như Quốc vương. Hiến pháp quy định Quốc vương vừa là nguyên thủ quốc gia, tổng chỉ huy tối cao lực lượng vũ trang, vừa đứng đầu quyền lập pháp, hành pháp và chi phối quyền tư pháp. Tuy nhiên, phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của Quốc vương Malaysia có phần nào đó giống với người đồng nhiệm Campuchia, có nghĩa là chủ yếu mang tính chất lễ nghi chứ không mang nhiều thực quyền. Mọi quyết định của Quốc vương đưa ra đều dựa trên cơ sở ý kiến tư vấn hoặc đề nghị của một cá nhân hoặc một tập thể nào đó. Quốc vương Malaysia thậm chí còn có thể bị kiện hình sự hoặc dân sự bởi bất kỳ cá nhân nào. Khi đó vụ kiện sẽ được xét xử bởi một Tòa án đặc biệt gồm thành phần là Chánh án Tòa án Liên bang, Chánh án Tòa án thượng thẩm và hai thành viên là thẩm phán khác do Hội đồng tiểu vương chọn. Tất cả các vụ kiện đó đều phải được thực hiện thông qua hoặc có sự phê chuẩn của Tổng công tố.[234]

 Điều 39, hiến pháp Malaysia quy định “quyền hành pháp của Liên bang được trao cho Quốc vương”. Tuy nhiên, điều khoản ngay sau đó lại quy định “khi thực hiện các quyền lực theo Hiến pháp hay luật Liên bang, Quốc vương phải quyết định theo đề nghị của Chính phủ hay của một bộ trưởng do Chính phủ chỉ định”. Như vậy là quyền lực của Quốc vương trong lĩnh vực hành pháp chỉ mang tính biểu tượng, hợp thức hóa mọi đề nghị liên quan đến việc thực hiện quyền hành pháp do các thành viên Chính phủ đưa ra. Hiến pháp Malaysia quy định rõ rằng Quốc vương phải quyết định phù hợp với đề nghị, theo đề nghị hoặc sau khi xem xét đề nghị thì Quốc vương phải chấp nhận và làm theo đề nghị đó. Trên thực tế thì Quốc vương chỉ có thể tùy ý thực hiện hai quyền mà thôi, đó là quyền từ chối đồng ý với yêu cầu giải tán nghị viện và quyền yêu cầu tổ chức cuộc họp của Hội đồng tiểu vương để bàn về các vấn đề liên quan tới quyền, vị trí, danh dự hay nhân phẩm của Hoàng gia.[235]

Theo quy định của hiến pháp, quyền hành pháp thực tế do Chính phủ, được gọi là Nội các của Quốc vương, nắm giữ. Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng do Quốc vương bổ nhiệm và là thành viên đạt được sự tín nhiệm của đa số hạ nghị sĩ. Các bộ trưởng thành viên của Chính phủ được Thủ tướng đề cử trong số thành viên của Thượng nghị viện hoặc Hạ nghị viện, được Quốc vương bổ nhiệm và phục vụ theo sự hài lòng của Quốc vương. Chính phủ phải chịu trách nhiệm tập thể trước Nghị viện và nếu Thủ tướng không còn được sự tín nhiệm của Hạ nghị viện thì hoặc Thủ tướng đệ đơn giải tán Chính phủ hoặc đề nghị Quốc vương giải tán Hạ nghị viện.[236]

          Theo hiến pháp, quyền lập pháp của Liên bang Malaysia được trao cho Nghị viện, gọi là Majlis, bao gồm Quốc vương và hai viện. Hạ nghị viện của Malaysia, gọi là Dewan Rakyat, có nhiệm kỳ 5 năm và Thượng nghị viện, gọi là Dewan Negara có nhiệm kỳ 3 năm.[237] Quốc vương là người đứng đầu Nghị viện về mặt hình thức còn trên thực tế quyền lập pháp được thực hiện bởi Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Hạ nghị viện Malaysia bao gồm 222 hạ nghị sĩ được hình thành bằng con đường bầu cử trực tiếp, trong đó 209 người được bầu ở 13 bang và 13 người được bầu từ 3 vùng lãnh thổ liên bang, Kuala Lumpur, Labuan và Putrajaya. Khác với hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ được hình thành không phải bằng con đường bầu cử trực tiếp. Thượng nghị viện của Malayssia bao gồm 70 thượng nghị sĩ. Mỗi bang trong số 13 bang của Malaysia được đại diện bởi 2 thượng nghị sĩ do Hội đồng lập pháp bang bầu. Số còn lại do Quốc vương bổ nhiệm. Về độ tuổi, các hạ nghị sĩ phải từ 21 tuổi trở lên còn các thượng nghị sĩ từ 30 tuổi trở lên. Các thượng nghị sĩ do Quốc vương bổ nhiệm còn phải là những người có uy tín trong khối các cơ quan công hoặc có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực chuyên môn, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa xã hội hoặc là đại diện của dân tộc thiểu số hay có khả năng đại diện cho lợi ích của dân tộc thiểu số bản xứ. Tóm lại, thành viên của Thượng nghị viện là đại diện cho lợi ích của các bang và đội ngũ tinh hoa trong xã hội Malaysia; trong khi đó thành viên của Hạ nghị viện đại diện cho các tầng lớp dân cư của Malaysia. Hiến pháp Malaysia cũng quy định thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ được quyền miễn trừ trách nhiệm đối với những lời nói hay phát biểu trước nghị viện hoặc trước các ủy ban của nghị viện.[238]

          Thông thường, một dự luật của Liên bang Malaysia có thể bắt nguồn từ Hạ nghị viện hoặc Thượng nghị viện. Sau khi một viện đã thông qua thì dự luật đó sẽ được gửi cho viện còn lại. Chỉ khi nào viện thứ hai cũng thông qua thì dự luật mới được gửi tới Quốc vương để công bố. Khác với Quốc vương Thái Lan, Quốc vương Malaysia không có quyền phủ quyết đối với dự luật đã được hai viện của Nghị viện thông qua. Hiến pháp quy định trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được dự luật đã được thông qua, Quốc vương phải công bố đạo luật bằng cách đóng con dấu Liên bang lên đó. Nếu Quốc vương không thông qua thì dự luật vẫn trở thành một đạo luật có hiệu lực khi thời hạn 30 ngày đó kết thúc.([239])   Hiến pháp Malaysia cũng quy định một số trường hợp chỉ cần Hạ nghị viện thông qua là dự luật đã có thể được công bố và có hiệu lực. Trường hợp thứ nhất là đối với các dự luật về tài chính, ngân sách (money bill). Những dự luật này chỉ có thể được trình bởi một bộ trưởng phụ trách vấn đề đó lên Hạ nghị viện và chỉ cần viện này thông qua là đã có thể được gửi tới Quốc vương công bố. Trong trường hợp đó, việc Thượng nghị viện có đồng ý với dự luật tài chính, ngân sách hay không không đóng vai trò quyết định. Trường hợp thứ hai là khi dự luật đã được Hạ nghị viện thông qua nhưng không được Thượng nghị viện thông qua trong cùng kỳ họp thì tới kỳ họp sau cách đó hơn một năm Hạ nghị viện có quyền xem xét và thông qua lại dự luật đó. Lúc này cho dù Thượng nghị viện có thông qua lần thứ hai hay không thì dự luật vẫn có thể được Quôc vương công bố như một đạo luật có hiệu lực.[240]

          Quyền tư pháp của Liên bang Malaysia được trao cho một hệ thống tòa án được tổ chức theo ba cấp và không có thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan tới tôn giáo. Ở cấp sơ thẩm là các tòa sơ thẩm, bao gồm hai tòa án thượng thẩm ở Malaya và ở Sabah và Sarawak; ngoài ra còn có một số tòa án sơ thẩm cấp thấp được thành lập theo các đạo luật của nghị viện. Ở cấp phúc thẩm là một Tòa án phúc thẩm, được gọi là Mahkamah Rayuan, có thẩm quyền xét xử các bản án của tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Ở cấp cấp cao nhất của hệ thống tòa án Liên bang Malaysia là một Tòa án Liên bang có thẩm quyền xem xét lại bất kỳ bản án nào của các tòa án cấp dưới. Ngoài ra, Tòa án liên bang còn có thẩm quyền xét xử các tranh chấp giữa các bang và giữa các bang với Liên bang, đồng thời đóng vai trò cố vấn pháp lý theo yêu cầu của Quốc vương về các vấn đề liên quan tới tính hợp hiến của các dự luật do Nghị viện gửi tới Quốc vương. Thành phần của Tòa án liên bang bao gồm một Chánh án Tòa án liên bang, các chánh án của Tòa án phúc thẩm, tòa án thượng thẩm và một số thẩm phán tòa án liên bang khác.[241]

Tất cả các thẩm phán của Malaysia, từ Chánh án Tòa án Liên bang cho tới thẩm phán của các tòa án thượng thẩm đều do Quốc vương bổ nhiệm trên cơ sở đề cử của Thủ tướng chính phủ và sau khi đã tham vấn ý kiến của Hội đồng tiểu vương. Trước khi đưa đề cử tới Quốc vương, Thủ tướng sẽ phải tham vấn ý kiến của các chánh án tòa án có liên quan. Nếu là bổ nhiệm thẩm phán tòa án thượng thẩm vùng Sabah và Sarawak thì Thủ tướng còn phải hỏi ý kiến thủ hiến của hai bang này.Thẩm phán của Malaysia đều phải là công dân Malaysia và có ít nhất là 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.[242]

          Hiến pháp Malaysia không quy định một cách rõ ràng về nguyên tắc độc lập của thẩm phán. Tuy nhiên, rải rác trong một số điều khoản của hiến pháp có quy định về những biện pháp nhất định có thể được coi là để bảo đảm sự độc lập của thẩm phán. Thứ nhất, sau khi được bổ nhiệm thì thẩm phán Malaysia có nhiệm kỳ suốt đời cho đến độ tuổi về hưu là 65 tuổi. Trong suốt quá trình đó, thẩm phán không thể bị cách chức theo con đường hành chính. Thứ hai, để cách chức một thẩm phán, bắt buộc phải theo thủ tục tư pháp tại một tòa án riêng. Thủ tướng chính phủ hoặc chánh án tòa án liên quan có thể để xuất việc xem xét cách chức thẩm phán lên Quốc vương. Theo đó, Quốc vương sẽ thành lập một tòa án riêng bao gồm 5 người đang hoặc đã từng giữ chức thẩm phán Tòa án liên bang hoặc tòa án thượng thẩm. Những người này sẽ xem xét theo thủ tục tư pháp và ra quyết định cuối cùng về việc cách chức thẩm phán. Rất tiếc là hiến pháp Malaysia không quy định cụ thể các trường hợp Thủ tướng được đề nghị cách chức thẩm phán. Theo những quy định hiện tại thì Thủ tướng có thể đưa ra đề nghị bất cứ khi nào và với bất cứ lý do gì. Thứ ba, không ai ngoài Quốc vương có thể thuyên chuyển công tác một thẩm phán từ tòa án này sang tòa án khác. Thứ tư, chính sách đãi ngộ bao gồm cả lương hưu của thẩm phán không thể bị giảm theo hướng bất lợi hơn kể từ sau khi thẩm phán được bổ nhiệm.Thứ năm, Tòa án liên bang hoặc tòa thượng thẩm có quyền trừng phạt bất kỳ hành vi nào xúc phạm tới tòa án và thẩm phán. Thứ sáu, ngay cả nghị viện cũng không có quyền bàn luận hay nhận xét về tư cách của thẩm phán, trừ khi có đề nghị trực tiếp của ít nhất ¼ thành viên của viện tương ứng.[243] Trong bối cảnh hiến pháp Malaysia cho phép sự can thiệp khá sâu của nhánh hành pháp vào tổ chức của hệ thống tòa án thì những biện pháp này, tuy không quá mạnh, song cũng có thể được coi là cần thiết để bảo đảm cho sự độc lập của thẩm phán Malaysia ở một mức độ nhất định.

Có thể thấy rằng, về mặt lý thuyết, chính thể Malaysia là chính thể quân chủ lập hiến hồi giáo. Song trên thực tế, hiến pháp Malaysia đã thiết lập nên một nền dân chủ đại nghị theo mô hình dân chủ đại nghị của Vương quốc Anh. Vai trò của Quốc vương là tối cao chỉ về danh nghĩa còn thực chất cơ quan hành pháp, về hình thức là Nội các của Quốc vương, lại là nhánh quyền lực mạnh nhất, nắm giữ mọi quyết định tới chính sách và lập pháp trong Liên bang. Ngành tư pháp được tổ chức theo cách thức tập trung quyền lực vào chánh án các tòa án và cũng nằm dưới sự chi phối lớn của Thủ tướng, người nắm cả quyền bổ nhiệm và phần nào đó thẩm quyền nhất định trong vấn đề kỷ luật các thẩm phán. Vấn đề độc lập thẩm phán không được nhấn mạnh ở Malaysia như ở Campuchia và Thái Lan và các biện pháp bảo đảm tính độc lập của thẩm phán tuy cũng được hiến pháp quy định song còn khá hạn chế.

5.3. Chính thể cộng hòa trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Trong số các quốc gia ASEAN nghiên cứu ở đây thì có 5 quốc gia theo chính thể cộng hòa. Tuy nhiên, các chính thể cộng hòa này cũng không hoàn toàn giống nhau cho dù là có thể được xếp vào một nhóm chính thể cộng hòa nhất định. Singapore theo chính thể cộng hòa tổng thống hình thức trong khi trên thực tế lại là một chính thể cộng hòa đại nghị. Indonesia và Philippines theo chính thể cộng hòa tổng thống. Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo chính thể cộng hòa đại nghị. Myanmar theo chính thể cộng hòa đại nghị quân đội.

5.3.1. Hiến pháp Singapore và chính thể cộng hòa lưỡng tính hình thức

Điều 3, hiến pháp Singapore hiện hành quy định: “Singapore là một nước cộng hòa có chủ quyền được gọi là Cộng hòa Singapore”. Thoạt nhìn qua các quy định của hiến pháp thì chính thể của Singapore là chính thể cộng hòa lưỡng tính. Tổng thống Singapore là Nguyên thủ quốc gia, được trao quyền hành pháp và là người đứng đầu Chính phủ với một Nội các. Tổng thống do người dân bầu thông qua một cuộc bầu cử trực tiếp toàn quốc. Nội các của Singapore được thành lập từ Nghị viện với Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu Nội các, được Tổng thống bổ nhiệm và phải chiếm được đa số phiếu ủng hộ trong Nghị viện([244]). Đây là cách thức bố trí thực hiện quyền lực nhà nước đặc trưng của một chính thể cộng hòa lưỡng tính. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng về hình thức. Trên thực tế thì bộ máy nhà nước của Singapore vận hành theo mô hình của chính thể cộng hòa đại nghị với vai trò nổi trội của một Chính phủ mạnh được thành lập từ Nghị viện. Tổng thống Singapore tuy được bầu trực tiếp song lại có vị trí mang đậm tính hình thức tương tự như Quốc vương Malaysia ở một mức độ nào đó.

               Tổng thống Singapore được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được tái bầu cử. Nếu trong thời gian nhiệm kỳ và chức vụ tổng thống bị khuyết thì Chủ tịch hội đồng cố vấn tổng thống, Chủ tịch Nghị viện hoặc một người do Nghị viện bầu sẽ thực hiện các chức năng của Tổng thống cho đến khi Tổng thống mới được bầu.[245]

               Để đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên Tổng thống của Singapore, một người phải đáp ứng được một loạt các tiêu chuẩn như: phải là công dân Singapore; không dưới 45 tuổi; có đủ tiêu chuẩn làm cử  tri; có thời gian cư trú ở Singapore ít nhất 10 năm và phải ở Singapore vào ngày được đề cử; không rơi vào trường hợp không được ứng cử làm nghị sĩ như bị tâm thần, đang bị phá sản, đang giữ chức vụ ở nơi khác, chưa nộp bản sao kê chi phí bầu cử trong những lần được đề cử vào chức vụ tổng thống hoặc nghị sĩ hoặc đại diện bầu cử trước đây, đã bị kết án phạt tù từ 1 năm trở lên hoặc phạt tiền từ 2000 đô la trở lên bởi tòa án Singapore hoặc Malaysia mà chưa được xóa án, đã nhập quốc tịch nước ngoài hoặc thực hiện các quyền theo quốc tịch nước ngoài hoặc tuyên bố trung thành với nước ngoài, đã có các hành vi vi phạm pháp luật trong các cuộc bầu cử nghị viện hoặc Tổng thống trước đó và đã bị tước tư cách ứng cử viên; là người liêm chính, có nhân thân tốt và có uy tín. Đặc biệt ứng cử viên tranh cử tổng thống phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhằm bảo đảm tính khách quan và trình độ của chức vụ tổng thống như: (1) không phải là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào vào ngày người đó được đề cử và (2) có thời gian ít nhất 3 năm đã từng là (i) Bộ trưởng, Chánh án toà án Tối cao, Chủ tịch Nghị viện, Tổng công tố, Chủ tịch Uỷ ban Công vụ, Tổng kiểm toán, Tổng kế toán, hoặc Thư ký Thường trực, (ii) chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của cơ quan được Nghị viện thành lập để thực hiện công việc quản lý hành chính, (iii) chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc điều hành của công ty được thành lập hoặc được đăng ký theo Luật công ty (Luật số 50) có số vốn ít nhất là 100 triệu Đô la Singapore hoặc tương đương nếu là ngoại tệ; hoặc (iv) giữ bất kỳ chức vụ nào khác tương tự hoặc tương đương về thâm niên và trách nhiệm trong các tổ chức hoặc các cơ quan khác có quy mô và tính phức tạp tương đương thuộc khu vực nhà nước hoặc tư nhân mà Uỷ ban Bầu cử Tổng thống cho rằng chức vụ đó đã mang lại cho người đó kinh nghiệm và năng lực trong việc quản lý và điều hành các vấn đề tài chính để người đó có thể thực hiện có hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của chức vụ Tổng thống. Sau khi được bầu, Tổng thống cũng không được là thành viên của bất kỳ đảng chính trị nào, tham gia bất kỳ tổ chức thương mại nào, hoặc nắm giữ bất kỳ chức vụ nào khác trong bộ máy nhà nước, kể cả là nghị sĩ.[246] Như vậy là vị trí Tổng thống của Singapore được xây dựng để bảo đảm hình tượng của người lãnh đạo hội tụ được các phẩm chất tốt đẹp cũng như tính khách quan, trung thực và trình độ.

               Cuộc bầu cử Tổng thống Singapore do một cơ quan độc lập được thành lập theo hiến pháp - Ủy ban bầu cử Tổng thống - chủ trì. Những người có nguyện vọng tranh cử Tổng thống sẽ phải đăng ký và ủy ban này sẽ bảo đảm các ứng cử viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ngặt nghèo trên đây. Ủy ban bầu cử tổng thống gồm có Chủ tịch Ủy ban công vụ, một cơ quan chuyên phụ trách vấn đề nhân sự do Nghị viện thành lập, Chủ tịch Cơ quan quản lý hoạt động Kế toán và Doanh nghiệp và một thành viên của Hội đồng Tổng thống về các Quyền của người thiểu số do Chủ tịch Hội đồng này chỉ định. Các quyết định của Ủy ban bầu cử Tổng thống về việc một người nào đó đã đáp ứng đủ điều kiện để làm ứng cử viên là quyết định cuối cùng và không thể bị kiện lên bất kỳ tòa án nào. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan tới vi phạm trong quá trình bầu cử Tổng thống có thể được kiện lên Tòa án tối cao để giải quyết.[247]

               Tổng thống Singapore sau khi được bầu được hưởng quyền miễn trừ không bị kiện về bất kỳ vấn đề gì tại bất kỳ tòa án nào. Tuy nhiên, Tổng thống cũng có thể bị miễn nhiệm theo kiến nghị của Thủ tướng hoặc nhóm nghị sĩ không ít hơn ¼ tổng số nghị sĩ được bầu trực tiếp. Lý do để các chủ thể này kiến nghị miễn nhiệm tổng thống có thể là: (1) tổng thống vĩnh viễn không thể đảm nhiệm được chức năng của mình vì lý do không đủ năng lực về tinh thần hoặc thể chất hoặc (2) Tổng thống đã cố ý vi phạm hiến pháp, phản bội tổ quốc, có hành vi sai trái hoặc tham nhũng do lạm dụng quyền lực, phạm tội lừa đảo, không trung thực, sa đọa về đạo đức. Kiến nghị miễn nhiệm Tổng thống phải được đưa ra trước Nghị viện để biểu quyết. Nếu được từ một nửa tổng số nghị sĩ được bầu đồng thuận, kiến nghị đó sẽ được gửi tới Tòa án tối cao. Tòa án này sẽ thành lập một hội đồng xét xử bao gồm tối thiểu năm thẩm phán của Tòa án tối cao trong đó có cả Chánh án để xem xét. Nếu hội đồng xét xử kết luận theo hướng đồng ý với kiến nghị miễn nhiệm thì kết luận sẽ được gửi lên Nghị viện để thảo luận và xem xét bãi nhiệm Tổng thống với số phiếu đồng thuận tối thiểu là ¾ tổng số nghị sĩ được hình thành bằng con đường bầu cử trực tiếp.[248]

Theo quy định của hiến pháp Singapore, quyền hành pháp được trao cho Tổng thống, Nội các hoặc bất kỳ bộ trưởng nào được Nội các ủy quyền thực hiện.[249] Hiến pháp cũng quy định tổng thống có hai nhóm nhiệm vụ quyền hạn trong lĩnh vực hành pháp. Nhóm thứ nhất bao gồm những nhiệm vụ quyền hạn mà khi thực hiện thì Tổng thống sẽ quyết định theo ý kiến tư vấn của Nội các hoặc bộ trưởng được nội các ủy quyền. Nhóm thứ hai bao gồm những nhiệm vụ quyền hạn mà khi thực hiện Tổng thống sẽ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng cố vấn tổng thống. Nhóm nhiệm vụ quyền hạn thứ nhất là nhóm chung và nhóm thứ hai là nhóm cụ thể, có nghĩa rằng hiến pháp liệt kê những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể thuộc nhóm thứ hai và tất cả những nhiệm vụ quyền hạn còn lại mà Tổng thống có thể được hiến pháp quy định sẽ thuộc nhóm thứ nhất.

          Các nhiệm vụ quyền hạn thuộc nhóm thứ hai bao gồm:[250]

          - Quyền bổ nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng. Thủ tướng phải đến từ đảng chiếm đa số trong nghị viện và các bộ trưởng do Thủ tướng đề cử.

          - Quyền từ chối đồng ý với đề nghị giải tán Nghị viện.

          - Quyền từ chối chấp thuận các dự luật về tài chính, các dự luật liên quan tới các khoản bảo đảm vay hoặc cho vay của nhà nước, các dự luật có thể làm thu hẹp phạm vi quyền hạn của Tổng thống và các dự luật về ngân sách. Riêng đối với dự luật ngân sách, nếu Nghị viện vẫn tiếp tục thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận tối thiểu là 2/3 thì việc từ chối chấp thuận của Tổng thống không có giá trị.

          - Quyền từ chối bất kỳ khoản vay hay bảo lãnh vay nào của Chính phủ. Mọi khoản vay hoặc bảo lãnh vay phải được Chính phủ trình lên Nghị viện phê chuẩn và sau đó Tổng thống phải đồng ý thì mới có thể được thực hiện. Nếu Tổng thống từ chối đồng ý thì khoản vay hoặc bảo lãnh vay không được thực hiện.

          -  Quyền từ chối đồng ý việc thành lập các cơ quan quản lý hành chính hoặc công ty nhà nước bởi Nghị viện hoặc từ chối phê chuẩn bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo các cơ quan và công ty đó. Tuy nhiên, Nghị viện cũng có thể vô hiệu hóa quyền từ chối của Tổng thống bằng tỷ lệ phiếu đồng thuận 2/3.

          - Quyền từ chối chấp nhận các giao dịch rút tiền từ các khoản dự trữ không do Chính phủ hiện tại tích lũy được.

          - Từ chối đề nghị bổ nhiệm các chức vụ như Chánh án, các thẩm phán, Cao ủy tư pháp của Tòa án tối cao, Tổng công tố, Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Tổng thống về các Quyền của Người thiểu số, chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Tổng thống về Sự hoà hợp Tôn giáo, chủ tịch và các thành viên của ban tư vấn được thành lập theo yêu cầu của Chính phủ, Chủ tịch và uỷ viên của Uỷ ban Công vụ, uỷ viên không đương nhiên của Uỷ ban Công vụ Pháp luật, Giám đốc cơ quan thẩm định giá trị đất đai và công trình xây dựng Singapore, Tổng kiểm toán, Tổng kế toán, Tổng tư lệnh Lực lượng Quốc phòng, các Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân, Lục quân và Hải Quân, người đứng đầu cơ quan cảnh sát quốc gia, giám đốc Cục điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, nếu Tổng thống từ chối bổ nhiệm theo đề cử của Hội đồng Cố vấn Tổng thống, Nghị viện có thể bãi bỏ quyết định của Tổng thống bằng nghị quyết được không ít hơn hai phần ba tổng số Nghị sĩ được hình thành bằng con đường bầu cử thông qua.

          Như trên đã đề cập, khi thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn thuộc nhóm thứ hai này Tổng thống Singapore luôn phải tham khảo và ở mức độ nào đó hành xử theo ý kiến tư vấn của Hội đồng cố vấn Tổng thống. Việc đi ngược lại ý kiến của Hội đồng cố vấn có thể dẫn tới chỗ quyết định của Tổng thống bị Nghị viện vô hiệu hóa bằng số phiếu đa số tăng cường. Hội đồng cố vấn Tổng thống bao gồm sáu ủy viên, hai trong số đó do Tổng thống tự bổ nhiệm, hai ủy viên do Thủ tướng đề cử, một ủy viên do Chánh án Tòa án tối cao và một ủy viên còn lại do Chủ tịch Ủy ban công vụ đề cử. Các ủy viên này hoạt động theo nhiệm kỳ 6 năm và có thể được gia hạn thêm 4 năm.[251]

          Nhóm nhiệm vụ quyền hạn thứ nhất bao gồm tất cả các nhiệm vụ quyền hạn còn lại của Tổng thống do hiến pháp quy định. Có thể kể đến một số nhiệm vụ quyền hạn chính của nhóm này như: quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyền đồng ý tiến hành điều tra các vụ việc chống tham nhũng do Cục điều tra chống tham nhũng tiến hành trong bối cảnh Thủ tướng không ủng hộ cuộc điều tra đó, quyền đặc xá một phần hoặc đặc xá hoàn toàn, quyền tuyên bố giải tán nghị viện .v.v.[252]

Như trên đã đề cập, mỗi khi thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn thuộc nhóm này, Tổng thống đều phải theo ý kiến đề xuất của Nội các mà đứng đầu Thủ tướng. Tổng thống không thể thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn này mà không có những đề xuất đó.

          Trong lĩnh vực lập pháp, hiến pháp Singapore cũng quy định quyền lập pháp được trao cho Cơ quan lập pháp bao gồm Tổng thống và Nghị viện. Tuy nhiên, các quyền của Tổng thống trong lĩnh vực này cũng mang tính hình thức. Công việc lập pháp hoàn toàn do Nghị viện thực hiện và thông thường khi một dự luật đã được Nghị viện thông qua, Tổng thống có trách nhiệm phải công bố. Quyền phủ quyết của Tổng thống đối với các dự luật của Nghị viện là rất hạn chế, chỉ có một trường hợp duy nhất đối với dự án ngân sách của Nghị viện như đã đề cập trên đây.

          Trong lĩnh vực tư pháp, như phân tích dưới đây, Tổng thống là người bổ nhiệm hầu hết các thẩm phán trong hệ thống tòa án. Tuy nhiên quyền đó của Tổng thống cũng một lần nữa mang tính hình thức vì việc bổ nhiệm luôn dựa trên cơ sở đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền mà trong phần lớn trường hợp là Chính phủ.

          Có thể thấy rằng Tổng thống Singapore được hiến pháp quy định khá nhiều vai trò, bao gồm cả đứng đầu nhánh hành pháp và lập pháp bên cạnh vai trò nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, những vai trò này chỉ là hình thức bởi về thực chất nội dung của các nhiệm vụ quyền hạn tương ứng đều do các chủ thể khác trong bộ máy nhà nước quyết định và đề xuất. Điều đó làm cho vai trò của Tổng thống Singapore cũng tương tự như Quốc vương Malaysia. Mặc dù vậy, so với người đồng nhiệm Malaysia, Tổng thống Singapore vẫn có một số thực quyền nhất định trong một số lĩnh vực như kiểm soát các dự luật liên quan tới tài chính và vấn đề bảo đảm chất lượng của công tác nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước Singapore.

          Nghị viện Singapore hoạt động theo mô hình đơn viện. Hiến pháp quy định trong thành phần của Nghị viện có 3 loại nghị sĩ: nghị sĩ được bầu cử trực tiếp, nghị sĩ không theo đơn vị bầu cử và các nghị sĩ được bổ nhiệm. Nghị sĩ được bầu cử trực tiếp là những nghị sĩ do cử tri trực tiếp bầu từ các đơn vị bầu cử. Các nghị sĩ này có thể được bầu trực tiếp với tư cách cá nhân độc lập hoặc cũng có thể được bầu theo đảng phái chính trị hoặc theo nhóm sắc tộc tùy theo từng đơn vị bầu cử khác nhau. Hiến pháp không quy định cụ thể số lượng các nghị sĩ này, song theo luật bầu cử hiện hành của Singapore thì hiện có 75 nghị sĩ được hình thành bằng con đường bầu cử trực tiếp. Các nghị sĩ được bầu cử trực tiếp luôn chiếm tuyệt đại đa số trong Nghị viện và đóng vai trò chính trong hoạt động lập pháp của Singapore. Nghị sĩ không theo đơn vị bầu cử là những nghị sĩ đến từ những đảng chính trị không nằm trong liên minh trúng cử, tức là không tham gia thành lập Chính phủ. Trên thực tế thì những nghị sĩ này không trúng cử qua cuộc bầu cử trực tiếp song để đảm bảo các đảng chính trị thất cử có tiếng nói tại Nghị viện thì pháp luật vẫn cho phép họ có tư cách nghị sĩ một cách hạn chế. Số lượng của các nghị sĩ này không vượt quá 6 người. Các nghị sĩ được bổ nhiệm là những nghị sĩ được Tổng thống bổ nhiệm chứ không phải được cử tri trực tiếp bầu ra. Vai trò của họ là bảo đảm cho các tiếng nói khác trong xã hội, đặc biệt là của giới chuyên môn, cũng được phản ánh tại nghị trường. Điều này góp phần làm cho các vấn đề xem xét tại nghị viện được tiếp cận từ nhiều góc nhìn hơn là chỉ những lợi ích của các đảng phái tại Nghị viện. Chính vì vậy mà các nghị sĩ được bổ nhiệm thường là những nhân sĩ, trí thức không màng tới chính trường. Hiến pháp Singapore quy định số lượng của họ không quá 9 người. Do không được bầu cử một cách trực tiếp nên các nghị sĩ không theo khu vực bầu cử và các nghị sĩ được bổ nhiệm không có đầy đủ tư cách nghị sĩ như đối với các nghị sĩ được bầu cử trực tiếp. Cụ thể, họ được tham gia vào thảo luận song không được tham gia bỏ phiếu để quyết định tới một số vấn đề như: dự luật sửa đổi hiến pháp, dự luật chi tiêu ngân sách, dự luật tài chính, bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ và bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống. Đối với các vấn đề khác các nghị sĩ này có tư cách giống như nghị sĩ được bầu cử trực tiếp.[253]

          Về mặt tổ chức, Nghị viện Singapore có một Chủ tịch và hai Phó chủ tịch Nghị viện. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nghị viện không được đồng thời là thành viên chính phủ hoặc kiêm các chức vụ khác trong Nghị viện. Đặc biệt, hiến pháp Singapore cũng không yêu cầu Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Nghị viện phải là nghị sĩ mà có thể là bất cứ người nào có đủ tiêu chuẩn để được bầu làm nghị sĩ.[254] Tất nhiên, nếu Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Nghị viện không phải là nghị sĩ thì cũng không có quyền bỏ phiếu quyết định một vấn đề nào đó thuộc thẩm quyền của Nghị viện.

          Số đại biểu phải có để tổ chức phiên họp của Nghị viện Singapore không phải là một đòi hỏi quá cao. Chỉ cần có từ ¼ tổng số đại biểu của Nghị viện có mặt là đã có thể tổ chức phiên họp Nghị viện. Khi biểu quyết để quyết định một vấn đề nào đó thuộc thẩm quyền của Nghị viện cần có sự đồng thuận của đa số tuyệt đối các nghị sĩ có mặt dự họp. Nếu số phiếu biểu quyết ngang nhau thì vấn đề đó coi như chưa được thông qua. Điều này có nghĩa rằng về mặt lý thuyết một quyết định của Nghị viện Singapore hoàn toàn có thể được thông qua một cách hợp pháp chỉ bởi nhóm nghị sĩ chiếm nhiều hơn 1/8 tổng số nghị sĩ hiện có của Nghị viện.[255]

          Bất kỳ nghị sĩ nào của Nghị viện cũng có thể trình dự án luật ra trước Nghị viện để xem xét thông qua. Riêng quyền trình dự án các luật về tài chính, thuế, các khoản thanh toán, nợ .v.v. chỉ thuộc về Tổng thống hoặc các bộ trưởng có liên quan. Một khi dự luật đã được Nghị viện thông qua một cách hợp pháp thì Tổng thống có nghĩa vụ phải ban hành mà không có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Tổng thống lại có quyền tạm ngừng hoạt động của Nghị viện vào bất kỳ lúc nào. Tất nhiên, quyền này thuộc phạm vi nhóm quyền chung của Tổng thống và vì vậy Tổng thống phải thực hiện nó theo ý kiến tư vấn của Chính phủ. Ngoài ra, Tổng thống cũng có quyền tuyên bố giải tán Nghị viện theo đề nghị của Thủ tướng.[256]

          Nội các của Tổng thống Singapore bao gồm Thủ tướng và các bộ trưởng. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm và phải được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ được bầu cử trực tiếp trong Nghị viện. Các nghị sĩ do Tổng thống bổ nhiệm hoặc được bầu không dựa trên các đơn vị bầu cử thì không có quyền tham gia vào quá trình lựa chọn Thủ tướng. Điều này có nghĩa rằng Thủ tướng trên thực tế là nghị sĩ của đảng hoặc liên minh các đảng thắng cử trong cuộc bầu cử phổ thông và trực tiếp của Nghị viện. Các bộ trưởng do Thủ tướng đề cử để Tổng thống bổ nhiệm. Như vậy tuy Tổng thống là người đứng đầu Chính phủ song không được tùy nghi trong việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Hiến pháp Singapore cũng quy định rằng Nội các, chứ không phải Tổng thống, là người chỉ đạo và điều hành chung hoạt động của Chính phủ; Tổng thống khi đưa ra các phán quyết của mình trong việc thực hiện quyền hành pháp đều phải dựa trên ý kiến đề xuất của Nội các.[257]Với những quy định như vậy thì trên thực tế, Nội các chứ không phải Tổng thống là người chi phối hoạt động hành pháp còn Tổng thống đóng vai trò là người hợp thức hóa việc thực hiện các quyền hành pháp, đồng thời kiểm soát hoạt động của Nội các trong một số lĩnh vực liên quan tới nhân sự và tài chính như đã phân tích trên đây.

          Về mặt cá nhân, người chi phối toàn bộ hoạt động của Nội các, mà qua đó là hoạt động của Chính phủ, chính là Thủ tướng. Thủ tướng chứ không phải là Tổng thống có quyền triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Nội các. Khi Thủ tướng không dự họp được thì một bộ trưởng được ủy quyền của Thủ tướng sẽ nắm quyền chủ tọa. Tống thống là người bổ nhiệm, cách chức các bộ trưởng, nhân viên cao cấp của các bộ và Tổng công tố. Tuy nhiên mỗi trường hợp bổ nhiệm hoặc cách chức đó đều phải được thực hiện theo ý kiến đề xuất của Thủ tướng. Thủ tướng cũng là người phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cho mình và các bộ trưởng trong Nội các.[258]

          Quyền tư pháp của Singapore được thực hiện bởi một hệ thống tòa án bao gồm Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới được thành lập theo luật. Trong hiến pháp chỉ quy định khá cụ thể về tổ chức và hoạt động của Tòa án tối cao. Cách thức hình thành và phạm vi thẩm quyền xét xử của các thẩm phán và tòa án Singapore có nhiều nét tương đồng với các đồng nghiệp Malaysia. Về thẩm quyền, ngoài thẩm quyền tư pháp thông thường Tòa án tối cao Singapore còn có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện liên quan tới giá trị pháp lý của cuộc bầu cử Tổng thống. Các vụ việc như vậy sẽ được xét xử bởi Chánh án Tòa án tối cao hoặc một thẩm phán của Tòa án tối cao do Chánh án chỉ định. Quyết định của của vị thẩm phán đó được coi là quyết định cuối cùng.[259] Giống với Tòa án liên bang Malaysia, Tòa án tối cao Singapore cũng có thể thực hiện vai trò cố vấn theo yêu cầu của Tổng thống về tính hợp hiến của bất kỳ hành vi nào. Như vậy là phạm vi của đối tượng bị xem xét tính hợp hiến bởi Tòa án tối cao Singapore rộng hơn Tòa án liên bang Malaysia. Yêu cầu của Tổng thống về tính hợp hiến sẽ được xem xét bởi một hội đồng gồm 3 thẩm phán Tòa án tối cao và phải được gửi tới Tổng thống trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày Tổng thống có yêu cầu.[260]

          Để trở thành thẩm phán Tòa án tối cao, ứng cử viên cần phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hoặc công quyền. Giống với hiến pháp Malaysia, hiến pháp Singapore quy định cho Chính phủ một vai trò khá quan trọng trong việc bổ nhiệm và cách chức thẩm phán Tòa án tối cao. Thẩm phán tòa án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Thủ tướng, người cũng phải tham vấn ý kiến của Chánh án Tòa án tối cao trước khi đưa đề cử lên Tổng thống. Chánh án tòa án nhân dân tối cao cũng do Tổng thống bổ nhiệm và người đề cử cũng là Thủ tướng.[261]

          Hiến pháp Singapore, mặc dù không quy định cụ thể nguyên tắc thẩm phán độc lập, song có quy định một số biện pháp bảo đảm nguyên tắc này tương tự như hiến pháp Malaysia. Thứ nhất, sau khi được bổ nhiệm, thẩm phán Singapore cũng có nhiệm kỳ suốt đời cho đến độ tuổi về hưu là 65 tuổi. Trong suốt quá trình đó, thẩm phán Singapore cũng không thể bị cách chức theo con đường hành chính. Thứ hai, để cách chức một thẩm phán, bắt buộc phải theo thủ tục tư pháp tại một tòa án riêng. Thủ tướng chính phủ hoặc chánh án Tòa án tối cao có thể để xuất việc xem xét cách chức thẩm phán lên Tổng thống. Theo đó, Tổng thống sẽ thành lập một tòa án riêng bao gồm 5 người đang hoặc đã từng giữ chức thẩm phán Tòa án tối cao. Những người này sẽ xem xét theo thủ tục tư pháp và ra quyết định cuối cùng về việc cách chức thẩm phán. Hiến pháp Singapore cũng không quy định cụ thể các trường hợp Thủ tướng được đề nghị cách chức thẩm phán mà theo những quy định hiện tại thì Thủ tướng Singapore cũng có thể đưa ra đề nghị cách chức thẩm phán Tòa án tối cao vào bất cứ khi nào và với bất cứ lý do gì. Thứ ba, chính sách đãi ngộ bao gồm cả lương hưu của thẩm phán không thể bị giảm theo hướng bất lợi hơn kể từ sau khi thẩm phán được bổ nhiệm. Thứ tư, Nghị viện Singapore cũng không có quyền bàn luận gì về tư cách đạo đức của thẩm phán Tòa án tối cao trừ khi có một bản kiến nghị riêng biệt của không ít hơn một phần tư tổng số Nghị sĩ.[262]

               Những trình bày, phân tích trên đây cho thấy trên thực tế Nội các Singapore mà người đứng đầu là Thủ tướng mới thực sự là người chi phối lớn nhất đối với hoạt động tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở Singapore. Nội các không những nắm đa số trong Nghị viện, chỉ đạo và thực hiện quyền hành pháp mà còn chi phối về tổ chức đối với hệ thống tư pháp. Có thể thấy rằng chính thể của Singapore chỉ là chính thể cộng hòa lưỡng tính về mặt hình thức. Còn về thực chất, đó là một chính thể cộng hòa đại nghị với một Nội các có vai trò mạnh trong bộ máy nhà nước.

5.3.2. Hiến pháp Indonesa, Philippines và chính thể cộng hòa tổng thống

Indonesia và Philippines là hai quốc gia duy nhất theo hình thức chính thể cộng hòa tổng thống trong khu vực ASEAN. Do đó trong cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở hai quốc gia về cơ bản là giống nhau, mặc dù vậy bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt đáng kể phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi  quốc gia.

Hiến pháp của các Indonesia và Philippines đều quy định, quyền hành pháp được trao cho tổng thống và tổng thống đều do cử tri trực tiếp bầu ra trong một cuộc tổng thống toàn quốc. Tổng thống, vì vậy, vừa là nguyên thủ quốc gia vừa trực tiếp thực thi quyền hành pháp. Trong bộ máy nhà nước không có chính phủ và cũng không có nội các, tổng thống chính là quyền hành pháp và quyền hành pháp được trao cho cá nhân tổng thống. Giúp việc cho tổng thống của cả hai quốc gia là một phó tổng thống cũng do người dân trực tiếp bầu ra. Ở cả hai quốc gia, tổng thống và phó tổng thống hợp thành một cặp để cùng tham gia tranh cử tổng thống. Cặp ứng cử viên nào nhận được hơn 50% phiếu bầu của cử tri sẽ trúng cử. Ở Indonesia, để trúng cử tổng thống thì ứng cử viên phải dành được ít nhất 20% phiếu bầu ở bất kỳ tỉnh nào. Ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Indonesia phải là công dân Indonesia do sinh ra, chưa bao giờ nhận quốc tịch nước khác theo mong muốn của mình, chưa bao giờ phản bộ tổ quốc và có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ của tổng thống và phó tổng thống. Hiến pháp Indonesia cũng quy định ứng cử viên tổng thống và phó tổng thổng phải tranh cử theo đảng phái; các ứng cử viên độc lập do đó sẽ không được chấp nhận. Điều kiện để trở thành ứng cử viên tổng thống ở Philippines có phức tạp hơn một chút. Ngoài điều kiện quốc tịch như quy định của hiến pháp Indonesia, ứng cử viên tổng thống Philippines còn phải là cử tri đã đăng ký, không dưới 40 tuổi và phải cư trú ở Philippines ít nhất 10 năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Tuy nhiên, không có quy định bắt buộc các ứng cử viên tổng thống phải tranh cử theo đảng phái.[263]

 Tổng thống Indonesia có nhiệm kỳ 5 năm và chỉ có thể nắm giữ chức vụ này tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng thống Philippines có nhiệm kỳ dài hơn một chút, 6 năm; song đổi lại, Tổng thống Philippines không được tái bầu. Những người kế nhiệm của tổng thống Philippines nếu nắm giữ chức vụ từ 4 năm trở lên cũng sẽ không được tái bầu. Trước khi nhậm chức, tổng thống của cả hai quốc gia này đều phải tuyên thệ với những nội dung giống nhau như giữ gìn và bảo vệ hiến pháp, thi hành các luật, bảo vệ công lý, hết lòng phục vụ tổ quốc .v.v. Trong trường hợp Tổng thống Indonesia qua đời hoặc không còn đảm nhiệm chức vụ trong khi vẫn còn nhiệm kỳ, Phó tổng thống sẽ thay thế tổng thống; nếu Phó tổng thống cũng lâm vào tình trạng tương tự thì chức vụ tổng thống sẽ được thực hiện bởi một tập thể gồm Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng nội vụ và Bộ trưởng quốc phòng trong khi chờ Hội đồng tư vấn nhân dân họp để bầu Tổng thống và Phó tổng thống mới cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Đối với Philippines, người tiếp quản chức vụ tổng thống nếu cả Tổng thống và Phó tổng thống đều không thể đảm nhiệm được chức vụ tổng thống trong khi vẫn còn nhiệm kỳ sẽ lần lượt là Chủ tịch Thượng nghị viện và Chủ tịch Hạ nghị viện.[264]

Ngoài các nhiệm vụ quyền hạn để thực hiện quyền hành pháp, tổng thống Indonesia và Philippines còn có các nhiệm vụ quyền hạn gắn liền với vị trí nguyên thủ quốc gia như thống lĩnh các lực lượng vũ trang, ban hành lệnh ân xá, đặc xá, thay mặt quốc gia ký kết các điều ước quốc tế, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm đại sứ tại nước ngoài và tiếp nhận đại sứ nước ngoài. Đối với một số nhiệm vụ quyền hạn, khi thực hiện tổng thống phải dựa trên ý kiến hoặc sự phê chuẩn của một cơ quan khác. Ví dụ quyền ban lệnh ân xá của Tổng thống Indonesia khi thực hiện phải tham khảo ý kiến của Hội đồng đại diện nhân dân. Khi tuyên bố chiến tranh hay hòa bình, Tổng thống Indonesia cũng phải được sự phê chuẩn của Hội đồng đại diện nhân dân. Đối với Tổng thống Philippines, khi ký kết các điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế đều phải có sự đồng thuận của ít nhất 2/3 tổng số thượng nghị sĩ.[265] So với tổng thống Singapore và các quốc vương của chính thể quân chủ lập hiến trong khu vực ASEAN, tổng thống của Indonesia và Philippines, với tư cách nguyên thủ quốc gia, ít phải lệ thuộc vào một cơ quan khác hơn khi thực hiện các quyền nguyên thủ của mình. Đó là bởi vì sự kết hợp vị trí nguyên thủ quốc gia với người đứng đầu nhánh hành pháp trong mô hình chính thể cộng hòa tổng thống của hai quốc gia này.

Mang đặc trưng của mô hình cộng hòa tổng thống, tổng thống của Indonesia và Philippines đều có quyền phủ quyết đối với các dự luật đã được cơ quan lập pháp thông qua song nội dung của quyền này ở mỗi quốc gia lại có đặc thù riêng. Hiến pháp Indonesia quy định Hội đồng đại diện nhân dân có thẩm quyền ban hành luật. Tuy nhiên, mỗi dự luật đều phải được thảo luận giữa Hội đồng đại diện nhân dân và Tổng thống để đi đến thống nhất chung. Chỉ khi có ý kiến thống nhất chung thì Tổng thống mới kí xác thực dự luật; trong trường hợp ngược lại, dự luật đó có thể sẽ không được bàn tới nữa. Quyền của Tổng thống Indonesia về thực chất lớn hơn rất nhiều so với quyền phủ quyết thông thường. Vai trò của Tổng thống Indonesia về thực chất là ngang bằng với toàn bộ Hội đồng đại diện nhân dân trong công tác lập pháp chứ không chỉ là vai trò kiểm tra, kiềm chế công tác lập pháp thông thường. Hơn nữa hiến pháp Indonesia cũng quy định Tổng thống có quyền trình dự án luật ra Hội đồng đại diện nhân dân và quyền ban hành các quy định dưới luật để thực hiện các luật khi cần thiết. Như vậy là Tổng thống Indonesia không những nắm quyền hành pháp và vị trí nguyên thủ quốc gia mà còn nắm thực quyền trong lĩnh vực lập pháp, cho phép Tổng thống tham gia một cách tích cực, chủ động và đầy chi phối trong các hoạt động lập pháp. Đây là một nét đặc thù của chính thể cộng hòa tổng thống của Indonesia, khác với các chính thể cộng hòa tổng thống truyền thống như Philippines, nơi mà ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tách biệt với nhau và do đó tổng thống thường là không có quyền trình dự án luật và ít tham gia chủ động vào hoạt động lập pháp.[266]

Trong chính thể cộng hòa tổng thống của Philippines, quyền phủ quyết của Tổng thống mang tính chất truyền thống hơn. Tổng thống có thể phủ quyết các dự luật đã được Nghị viện thông qua bằng cách từ chối công bố dự luật đó và gửi trả lại Nghị viện. Hai viện của Nghị viện sẽ tiến hành xem xét lại dự luật và nếu có từ 2/3 tổng số thành viên của mỗi viện đều cùng thông qua dự luật trong lần xem xét lại thì dự luật đó sẽ trở thành luật cho dù Tổng thống có đồng ý hay không. Như vậy là Tổng thống Philippines chỉ có vai trò kiểm tra chứ không thực sự quyết định công tác lập pháp.[267]

Cho dù có quyền lớn thế nào trong lĩnh vực lập pháp thì cả tổng thống Indonesia và Philippines đều không có quyền giải tán cơ quan lập pháp. Song cả hai vị trí tổng thống đều có thể bị cách chức do thủ tục đàn hạch do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Tổng thống và Phó tổng thống Indonesia có thể bị luận tội và bãi nhiệm nếu bị chứng minh là phản bội tổ quốc, tham nhũng, hối lộ, có bất cứ hành vi phạm trọng tội nào khác hoặc có hành vi ô nhục hoặc bị chứng minh là không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà mình đang gánh vác. Cơ quan có thẩm quyền đàn hạch và cách chức tổng thống là Hội đồng tư vấn nhân dân. Thủ tục luận tội trước tiên bắt đầu bằng việc ít nhất có 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng đại diện nhân dân đồng ý luận tội Tổng thống trước Tòa án hiến pháp. Trong vòng 90 ngày sau đó Tòa án hiến pháp phải ra phán quyết về việc Tổng thống có thực sự phạm tội hoặc vi phạm như quan điểm của Hội đồng đại diện nhân dân hay không. Nếu phán quyết là khẳng định thì vụ việc sẽ được chuyển lên Hội đồng tư vấn nhân dân để giải quyết trong 30 ngày sau đó. Phiên họp của Hội đồng tư vấn nhân dân để đàn hạch Tổng thống phải có ít nhất ¾ tổng số thành viên tham gia, nếu có ít nhất 2/3 trong số đó đồng ý với việc đàn hạch Tổng thống thì Tổng thống sẽ bị bãi nhiệm.[268]

Ở Philippines, Tổng thống có thể bị đàn hạch và bãi nhiệm nếu vi phạm hiến pháp, phản bội tổ quốc, nhận hối lộ, đưa hối lộ, tham nhũng, đã phạm vào các tội phạm nguy hiểm khác hoặc đã phản bội lại lòng tin của công chúng. Hạ nghị viện, với tối thiểu 1/3 tổng số hạ nghị sĩ, là cơ quan có thẩm quyền khởi xướng thủ tục đàn hạch. Cơ quan có thẩm quyền đàn hạch Tổng thống chính là Thượng nghị viện. Số phiếu tối thiếu để Thương nghị viện đàn hạch và bãi nhiệm Tổng thống Philippines là 2/3 tổng số thành viên Thượng nghị viện.[269]

Bên cạnh thủ tục đàn hạch, hiến pháp Philippines cũng có những quy định đặc thù mang tính phòng ngừa nguy cơ Tổng thống tham nhũng hoặc lạm quyền. Tổng thống được yêu cầu tuyệt đối tránh trường hợp xung đột lợi ích khi thực thi nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, vợ/chồng, họ hàng ruột thịt hoặc thân thuộc trong phạm vi 4 đời của Tổng thống không được bổ nhiệm làm thành viên của các ủy ban hiến định hoặc cơ quan thanh tra, bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, văn phòng kể cả các công ty hoặc chi nhánh thuộc thành phần kinh tế nhà nước.[270]

Khác với vị trí nguyên thủ quốc gia và quyền hành pháp, quyền lập pháp được tổ chức thực hiện theo những cách thức tương đối khác nhau ở Indonesia và Philippines.

Hiến pháp Indonesia quy định hết sức ngắn gọn về cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp của Indonesia là Hội đồng đại diện nhân dân. Tuy nhiên, như phân tích trên đây, trên thực tế quyền lập pháp ở Indonesia được phối hợp thực hiện giữa Hội đồng đại diện nhân dân và Tổng thống. Ở một khía cạnh nào đó Tổng thống thậm chí còn “mạnh” hơn Hội đồng đại diện nhân dân trong lĩnh vực lập pháp bởi vì bên cạnh vai trò phối hợp ngang bằng với Hội đồng đại diện nhân dân, Tổng thống còn có quyền trình dự án luật và quyền lập quy. Hiến pháp Indonesia thậm chí còn quy định trong trường hợp khủng hoảng bắt buộc, Tổng thống có quyền ban hành các sắc lệnh thay cho luật. Tuy nhiên các sắc lệnh này sau đó phải được Hội đồng đại diện nhân dân phê chuẩn thì mới có thể được tiếp tục thi hành.[271]

Hội đồng đại diện nhân dân của Indonesia là cơ quan được hình thành bằng con đường bầu cử thông qua các đơn vị bầu cử. Hội đồng này họp ít nhất một năm một lần. Ngoài chức năng lập pháp, Hội đồng đại diện nhân dân còn có chức năng lập ngân sách và giám sát. Để thực hiện chức năng giám sát, Hội đồng có quyền chất vấn, điều tra, bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên hiến pháp Indonesia không quy định cụ thể các quyền chất vấn, điều tra, bày tỏ quan điểm này có nghĩa là như thế nào.[272]

Trong tổ chức bộ máy nhà nước của Indonesia còn có một cơ quan có vai trò hỗ trợ Hội đồng đại diện nhân dân trong việc ban hành luật về một số vấn đề nhất định, đó là Hội đồng đại diện địa phương. Cơ quan này bao gồm các thành viên được cử tri bầu trực tiếp ở mỗi tỉnh. Số thành viên đại diện cho các tỉnh là như nhau và tổng số đại biểu của Hội đồng đại diện địa phương không vượt quá 1/3. Thẩm quyền của Hội đồng đại diện địa phương được tập trung vào hai lĩnh vực: (1) trình, thảo luận các dự luật về tự chủ địa phương, thành lập, phát triển cũng như sáp nhập các địa phương tại Hội đồng đại diện nhân dân; (2) tham gia thảo luận và đưa ra khuyến nghị đối với Hội đồng đại diện nhân dân về các dự luật liên quan tới ngân sách nhà nước, thuế, giáo dục và tôn giáo; (3) giám sát việc thực hiện các đạo luật liên quan tới tự chủ địa phương, thành lập, phát triển cũng như sáp nhập các địa phương, quản lí các nguồn lợi thiên nhiên cũng như các nguồn lợi kinh tế khác, việc thực hiện ngân sách nhà nước, thuế, giáo dục, tôn giáo.[273]

Hội đồng đại diện nhân dân và Hội đồng đại diện địa phương hợp thành Hội đồng tư vấn nhân dân, một cơ quan rất đặc biệt của Indonesia. Giống như Hội đồng đại diện nhân dân và Hội đồng đại diện địa phương, Hội đồng tư vấn nhân dân họp mỗi năm một lần và có thẩm quyền tập trung vào hai lĩnh vực: (1) sửa đổi và ban hành hiến pháp; (2) bãi nhiệm Tổng thống và/hoặc Phó tổng thống theo các quy định của Hiến pháp.([274])

Khác với hiến pháp Indonesia, hiến pháp Philippines quy định quyền lập pháp ở Philippines được thực hiện bởi hai chủ thể: người dân và Nghị viện. Người dân Philippines được thực hiện một số quyền lập pháp thông qua thủ tục trưng cầu dân ý và theo quy định của luật về trưng cầu dân ý. Phần còn lại của quyền lập pháp, chiếm phần lớn, thuộc về một nghị viện theo mô hình lưỡng viện. Thượng nghị viện bao gồm 24 thượng nghị sĩ, mỗi người trong số đó đều do toàn thể nhân dân Philippines bầu ra. Để có thể được làm ứng cử viên thượng nghị sĩ, một người phải đáp ứng các điều kiện như: có quốc tịch Philippines do sinh ra, ít nhất 35 tuổi, có khả năng đọc và viết, là cử tri đã đăng ký và cư trú ở Philippines ít nhất hai năm trước ngày bầu cử. Các thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm và không được bầu quá 2 nhiệm kỳ liên tục.[275]

Các hạ nghị sĩ của Philippines cũng do người dân bầu trực tiếp, song cuộc bầu cử đó diễn ra theo các đơn vị bầu cử. Tiêu chuẩn để trở thành ứng cử viên hạ nghị sĩ về cơ bản giống với tiêu chuẩn ứng cử viên thượng nghị sĩ. Chỉ có yêu cầu về tuổi là thấp hơn, đối với ứng cử viên hạ nghị sĩ, yêu cầu đó là từ 25 tuổi trở lên. Sau khi trúng cử, hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 3 năm và có thể được tái bầu tối đa 3 nhiệm kỳ liên tục.[276]

Như vậy là có sự khác biệt khá cơ bản trong tính đại diện của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Philippines. Hạ nghị sĩ là những người đại diện cho các đơn vị bầu cử, thường được bầu theo đảng phái; trong khi đó thượng nghị sĩ được bầu bởi cử tri toàn quốc và thường có xu hướng là những người có thâm niên, có uy tín trong xã hội.

Cho dù là thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ thì cũng phải chịu chế độ cấm đoán khá ngặt nghèo để bảo đảm sự độc lập của Nghị viện Philippines đối với các nhánh quyền lực cũng như các công việc khác. Hiến pháp Philippines quy định không nghị sĩ nào được đồng thời làm việc cho các cơ quan Chính phủ kể cả các công ti hoặc chi nhánh mà Chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát. Không nghị sĩ nào có thể là luật sư trước toà án, cơ quan tài phán về vấn đề bầu cử, cơ quan bán tư pháp hoặc các cơ quan hành chính khác. Họ cũng không thể trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm về mặt tài chính đối với bất cứ hợp đồng nào hoặc các vụ việc về nhượng quyền thương hiệu hay những ưu đãi đặc biệt do Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Chính phủ, kể cả các công ti hoặc chi nhánh mà Chính phủ là chủ sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát mang lại trong suốt nhiệm kì của mình. Họ không được can thiệp vào bất kì vấn đề gì trước bất cứ cơ quan nào của Chính phủ liên quan đến lợi ích tiền bạc của mình hay trong trường hợp họ được yêu cầu thay mặt cơ quan mình thực hiện công việc.[277]

Trong cơ cấu tổ chức, Nghị viện hoặc mỗi viện đều có thể thành lập bất cứ ủy ban nào. Các ủy ban của Nghị viện đều có quyền tiến hành các cuộc điều tra cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động lập pháp. Đặc biệt quan trọng trong số các ủy ban của Nghị viện là Ủy ban về các vấn đề bổ nhiệm. Ủy ban này bao gồm Chủ tịch Thượng nghị viện và 24 nghị sĩ, một nửa trong số đó đến từ Thượng nghị viện và nửa còn lại đến từ Hạ nghị viện. Chức năng của ủy ban này là đề cử hoặc kiểm tra việc bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng của nhà nước. Nghị viện Philippines được triệu tập họp thường kỳ mỗi năm một lần, mỗi lần kéo dài 11 tháng.[278]

Giống với nghị sĩ ở một số nước khác trong khu vực ASEAN, nghị sĩ Philippines cũng được hưởng một số quyền miễn trừ. Khoản 11, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành quy định “thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ nào thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt không quá sáu năm tù giam thì được hưởng đặc ân không bị bắt giữ trong thời gian Nghị viện đang họp. Không nghị sĩ nào bị chất vấn hoặc bị truy cứu trách nhiệm về việc phát biểu hoặc thảo luận tại Nghị viện hoặc ở bất cứ ủy ban nào của Nghị viện.”

Quyền lập pháp được Thượng nghị viện và Hạ nghị viện phối hợp thực hiện. Ngoại trừ các dự luật về phân bổ ngân sách, thuế, dự luật cho phép tăng nợ công bắt buộc phải bắt đầu từ Hạ nghị viện, các dự luật trong các lĩnh vực còn lại đều có thể được bắt đầu từmột trong hai viện. Tại mỗi viện, một dự luật phải được xem xét và bỏ phiếu trong ba ngày riêng biệt trước khi được chuyển cho viện kia.[279]

Ngoài quyền lập pháp, Nghị viện Philippines còn một số quyền khác như quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, quyền đàn hạch tổng thống .v.v. Nghị viện Philippines cũng có quyền chất vấn các bộ trưởng.[280]

 Hiến pháp của cả Indonesia và Philippines đều trao quyền tư pháp cho một hệ thống tòa án đứng đầu là Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới. Riêng Indonesia còn có Tòa án hiến pháp trong hệ thống tòa án của mình. Ở Philippines, thẩm quyền bảo hiến thuộc về Tòa án tối cao. Mặc dù đề cập tới cả các tòa án cấp dưới, song hiến pháp của cả hai quốc gia thực sự chỉ quy định về Tòa án tối cao và đối với Indonesia là cả Tòa án hiến pháp. Tổ chức và thẩm quyền của các tòa án cấp dưới được điều chỉnh bởi các luật có liên quan.

Về mặt thẩm quyền, hệ thống tòa án của Indonesia được xét xử các vụ án liên quan tới pháp luật chung, các vụ án quân sự, hành chính, hiến pháp và cả các vấn đề tôn giáo. Trong khi đó hiến pháp Philippines không đề cập tới thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan tới tôn giáo của hệ thống tòa án.[281]

Cả hai bản hiến pháp đều nhấn mạnh tới nguyên tắc tính độc lập của tòa án, đặc biệt là của tòa án tối cao. Hiến pháp Indonesia quy định: quyền tư pháp là độc lập nhằm tổ chức hoạt động xét xử đảm bảo duy trì luật pháp và công lý. Các ứng cử viên thẩm phán tòa án tối cao do Ủy ban tư pháp đề xuất, Hội đồng đại diện nhân dân phê chuẩn và Tổng thống là người bổ nhiệm. Ủy ban tư pháp là một cơ quan độc lập bao gồm các thành viên do Tổng thống bổ nhiệm và bãi nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng đại diện nhân dân. So với hiến pháp Indonesia, hiến pháp Philippines quy định cụ thể và chi tiết hơn khá nhiều về nguyên tắc tòa án độc lập. Hiến pháp quy định Nghị viện Philippines có thẩm quyền ban hành luật để phân định thẩm quyền của các tòa án khác nhau trong hệ thống tư pháp, song không được tước đoạt thẩm quyền của Tòa án tối cao như quy định trong hiến pháp. Các luật liên quan tới tổ chức lại cơ quan tư pháp, làm ảnh hưởng dển đảm bảo nhiệm kỳ của thẩm phán đều bị cấm. Hệ thống tòa án được hưởng độc lập tài chính. Ngân sách cho hoạt động hàng năm của tòa án không thể bị thay đổi, việc giải ngân cũng được tiến hành tự động. Các thẩm phán của Philippines do Tổng thống bổ nhiệm căn cứ trên một danh sách có 3 người được Hội đồng tư pháp và luật sư đề xuất. Hội đồng này bao gồm Chánh án Tòa án tối cao, Bộ trưởng Bộ tư pháp, đại diện của Nghị viện, đại diện của đoàn luật sư, một giáo sư luật và một thẩm phán Tòa án tối cao đã về hưu và một đại diện của khu vực tư nhân. Các thành viên của hội đồng này đều do Tổng thống bổ nhiệm với sự nhất trí của Ủy ban về các vấn đề bổ nhiệm, có nhiệm kỳ 4 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Một biện pháp khác được hiến pháp Philippines quy định trong hiến pháp nhằm bảo đảm tính độc lập của tòa án nước này là lương của Chánh án Tòa án tối cao và tất cả các thẩm phán trong hệ thống tòa án sẽ không bị giảm trong thời gian đương nhiệm. Thẩm phán Philippines có nhiệm kỳ suốt đời cho đến năm 70 tuổi. Thẩm phán chỉ có thể bị kỷ luật và bị bãi nhiệm nếu họ bị quyết định như vậy bởi một hội đồng gồm đầy đủ tất cả 15 thành viên của Tòa án tối cao.[282]

Phạm vi đối tượng có thể bị kiện vì vi phạm hiến pháp của hai hệ thống tòa án cũng có sự khác nhau đáng kể. Thẩm quyền bảo hiến của Indonesia chỉ bao gồm các đạo luật do Nghị viện ban hành. Trong khi đó thẩm quyền bảo hiến của Phillipines bao trùm lên cả các đối tượng là điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, luật, nghị định, tuyên bố, sắc lệnh, thông tư hay quy định của Tổng thổng.[283]

Qua những phân tích trên đây, có thể kết luận ngắn gọn về sự khác biệt nổi bật nhất giữa chính thể cộng hòa tổng thống của Indonesia và Philippines như sau. Chính thể Philippines thể hiện rõ hơn đặc điểm của một chính thể cộng hòa tổng thống truyền thống, nơi sự tách biệt và cơ chế kiềm chế đối trọng giữa ba quyền hành pháp – lập pháp – tư pháp thể hiện khá rõ ràng. Trong khi đó ở Indonesia sự tách bạch đó ít rõ ràng hơn thể hiện ở vai trò mạnh của Tổng thống cả trong lĩnh vực hành pháp và lập pháp. Điều này dẫn tới vai trò và tầm ảnh hưởng của Tổng thống Indonesia trong bộ máy nhà nước lớn hơn nhiều so với người đồng nhiệm Philippines.

5.3.3. Hiến pháp Lào và chính thể cộng hòa đại nghị

          Chính thể cộng hòa đại nghị của Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào được đặc trưng bởi vị trí của Quốc hội trong tổ chức bộ máy nhà nước. Quốc hội Lào là cơ quan trung ương duy nhất được nhân dân trực tiếp bầu ra. Chính vì vậy ngoài chức năng lập pháp, Quốc hội còn có chức năng quyết định những vấn đề cơ bản, quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính, các tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Với tư cách là cơ quan lập pháp, Quốc hội Lào có quyền làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp, làm luật, sửa đổi hoặc hủy bỏ luật, phê chuẩn hoặc bãi bỏ các hiệp ước, hiệp định ký với nước ngoài. Để thực hiện chức năng quyết định những vấn đề cơ bản, quan trọng của đất nước, Quốc hội Lào xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ngân sách, quyết định đại xá, quyết định chiến tranh hay hòa bình. Quốc hội cũng thành lập tất cả các cơ quan nhà nước cao nhất ở cấp trung ương như bầu, bãi miễn Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét và phê chuẩn Thủ tướng chính phủ theo đề nghị của Chủ tịch nước; xem xét và phê chuẩn cơ cấu tổ chức của chính phủ và việc bổ nhiệm, thuyên chuyển hoặc cách chức các thành viên chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ; bầu và bãi nhiệm Chánh tòa án tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước; quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh và thành phố, quyết định về địa giới tỉnh và thành phố theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ. Để thực hiện chức năng giám sát, Quốc hội Lào có các quyền chất vấn Thủ tướng chính phủ, các thành viên chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hình thức chất vấn có thể là đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản. Quốc hội cũng có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ hoặc một thành viên nào đó của Chính phủ theo đề nghị của Ủy ban thường vụ quốc hội hoặc một phần tư tổng số đại biểu quốc hội. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội xem xét lại quyết định bất tín nhiệm trong vòng 24 giờ sau đó. Nếu trong lần xem xét lại, Quốc hội vẫn bất tín nhiệm Thủ tướng thì Thủ tướng phải từ chức. Có thể nói là về mặt pháp lý, Quốc hội Lào có sự chi phối đối với Chính phủ, Chánh án tòa án tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cả về phương diện tổ chức và hoạt động. Riêng đối với Chủ tịch nước, vị thế của Quốc hội có phần khác hơn như được phân tích dưới đây.[284]

          Giống với hiến pháp Campuchia, hiến pháp Lào có quy định một cơ quan rất đặc thù trong cơ cấu, tổ chức các cơ quan của Quốc hội, đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cơ quan này đóng vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội và giải quyết một số công việc thuộc phạm vi thẩm quyền được Quốc hội giao giữa hai kỳ họp quốc hội. Trong cơ cấu tổ chức của nghị việc các quốc gia ASEAN khác không có sự hiện diện của cơ quan thường vụ này. Nét đặc thù này có lẽ bắt nguồn từ lịch sử hình thành và phát triển của cơ quan đại diện cao nhất của Campuchia và Lào. Cả hai quốc gia đều đã từng hoặc đang tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình XHCN với sự hiện diện của cơ quan thường vụ của cơ quan đại diện cao nhất. Có lẽ do những đặc điểm ưu việt nào đó của loại cơ quan này nên Campuchia mặc dù hiện không còn tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình XHCN nữa song vẫn tiếp tục sự hiện diện của cơ quan này.

          Mặc dù các đại biểu quốc hội Lào do nhân dân trực tiếp bầu ra để lập thành Quốc hội, song các đại biểu lại không có quyền sáng kiến lập pháp như tất cả những người đồng nhiệm của họ trong khu vực. Vai trò của họ chỉ là phê duyệt theo nguyên tắc đa số tuyệt đối các dự án luật do một số chủ thể nhất định có quyền trình ra trước Quốc hội, bao gồm: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức đoàn thể ở cấp trung ương. Một dự luật sau khi được Quốc hội thông qua sẽ phải được Chủ tịch nước công bố trong thời hạn không quá 30 ngày. Trong thời gian đó, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội xem xét lại. Nếu Quốc hội vẫn quyết định thông qua dự luật thì Chủ tịch nước phải công bố trong thời hạn 15 ngày.[285]

Quốc hội Lào có nhiều nét giống với Hạ nghị viện Campuchia về mặt cơ cấu tổ chức với sự hiện diện của một cơ quan thường trực, gọi là Ủy ban thường vụ Quốc hội, và các ủy ban chuyên trách. Ủy ban thường vụ quốc hội được coi là cơ quan thường trực, thực hiện nhiệm vụ thay mặt Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp. Ủy ban thường vụ quốc hội có các nhiệm vụ quyền hạn như chuẩn bị báo cáo cho kỳ họp quốc hội và bảo đảm cho quốc hội thực hiện được chương trình của mình theo qui định; giải thích hiến pháp và các văn bản pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân khi quốc hội không họp; bổ nhiệm, thuyên chuyển hoặc bãi nhiệm thẩm phán của tòa án nhân dân các cấp và thẩm phán tòa án quân sự; triệu tập kỳ họp của quốc hội và một số quyền hạn và nhiệm vụ khác theo luật định. Các ủy ban chuyên trách của Quốc hội Lào được lập ra để xem xét các dự thảo luật, sắc lệnh trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Các ủy ban này cũng giúp Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.[286]

          Nhiệm kỳ của Quốc hội Lào là 5 năm kể từ khi được bầu. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc những lý do khách quan không tiến hành bầu cử được thì có nhiệm kỳ này có thể được kéo dài. Khi tình hình đã trở lại bình thường thì quốc hội khóa mới phải được bầu trong vòng 6 tháng sau đó. Với sự đồng thuận của 2/3 tổng số đại biểu, Quốc hội cũng có thể rút ngắn nhiệm kỳ của mình. Mỗi năm Quốc hội Lào họp 2 lần thường kỳ hoặc họp bất thường theo sự triệu tập của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Số đại biểu cần thiết để tiến hành họp và bỏ phiếu là quá nửa tổng số đại biểu. Các quyết định thông thường của Quốc hội được thông qua với đa số phiếu đồng thuận của các đại biểu dự họp. Các đại biểu Quốc hội Lào cũng có những quyền miễn trừ như không bị truy tố hoặc giam giữ nếu chưa được sự đồng ý của Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội khi Quốc hội không họp. Trường hợp phạm pháp quả tang thì cơ quan có thẩm quyền phải ngay lập tức thông báo với Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.[287]

          Theo quy định của hiến pháp, Chủ tịch nước CHDCND Lào là nguyên thủ quốc gia và là người đại diện cho nhân dân các bộ tộc Lào về mặt đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra với ít nhất 2/3 số phiếu tán thành của các đại biểu dự họp và có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Phó chủ tịch nước là người được Quốc hội bầu với quá nửa số phiếu tán thành. Phó chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước làm nhiệm vụ, có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ và thay mặt Chủ tịch nước khi vắng mặt.[288]

          Trong cấu trúc quyền lực nhà nước CHDCND Lào, Chủ tịch nước được hiến pháp quy định một số quyền hạn khá lớn và khá đặc biệt so với vai trò nguyên thủ quốc gia trong một chính thể cộng hòa đại nghị thông thường. Thứ nhất, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội Lào xem xét lại dự luật đã được thông qua. Khi Chủ tịch nước có yêu cầu như vậy, Quốc hội Lào sẽ thảo luận và thông qua lại dự luật một lần nữa. Nếu dự luật vẫn được thông qua bởi đa số đại biểu dự họp thì Chủ tịch nước phải ký lệnh công bố. Quyền này tương tự như quyền phủ quyết của tổng thống trong chính thể cộng hòa tổng thống hay quốc vương trong một số quốc gia theo chính thể quân chủ lập hiến như đề cập trên đây. Thứ hai, Chủ tịch nước có quyền ban hành lệnh và sắc lệnh. Lưu ý ở đây là Chủ tịch nước có quyền ban hành sắc lệnh chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội. Với việc ban hành sắc lệnh, Chủ tịch nước CHDCND Lào cũng nắm trong tay quyền lập pháp ở một mức độ nào đó. Thứ ba, Chủ tịch nước CHDCND Lào có quyền triệu tập và chủ tọa cuộc họp đặc biệt của Chính phủ. Hiến pháp Lào không quy định cụ thể thêm về thể thức, chủ đề họp và tính hiệu lực của các quyết định của các cuộc họp đó. Mặc dù vậy, sự hiện diện của quyền này cũng đem lại ảnh hưởng nhất định của Chủ tịch nước đối với Chính phủ. Thứ tư, Chủ tịch nước CHDCND Lào có quyền quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương. Theo các quy định của hiến pháp Lào thì Chủ tịch nước không được yêu cầu phải tham vấn ý kiến ai trước khi thực hiện quyền này. Vì vậy có thể hiểu đây là quyền thuộc về cá nhân Chủ tịch nước và do Chủ tịch nước tự quyết định thực hiện.

          Bên cạnh những nhiệm vụ quyền hạn có phần nào đó cao hơn nhiệm vụ quyền hạn thông thường của một nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa đại nghị, Chủ tịch nước CHDCND Lào cũng được hiến pháp quy định những nhiệm vụ quyền hạn thông thường khác của một nguyên thủ quốc gia như công bố hiến pháp và pháp luật đã được quốc hội thông qua; đề cử để Quốc hội xem xét và phê chuẩn chức vụ Thủ tướng Chính phủ; bổ nhiệm và bãi nhiệm thủ tướng chính phủ, bổ nhiệm, điều động hoặc bãi nhiệm thành viên chính phủ sau khi quốc hội thông qua; bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm phó chánh án tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của chánh án tòa án nhân dân tối cao, bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân theo đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân; bổ nhiệm, điều động hoặc bãi nhiệm tỉnh trưởng, thị trưởng theo đề nghị của thủ tướng chính phủ; giữ chức vụ tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân; quyết định thăng hàm hoặc hạ cấp bậc các tướng lĩnh trong lực lượng quốc phòng, an ninh theo đề nghị của thủ tướng chính phủ; quyết định tặng thưởng huy chương vàng quốc gia, huấn chương quân công, huân chương chiến công và danh hiệu cao nhất của nhà nước; quyết định đặc xá; quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ điều ước quốc tế; bổ nhiệm, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước công hòa dân chủ nhân dân Lào theo đề nghị của thủ tướng chính phủ; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của các nước tại CHDCND Lào và những nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của pháp luật.[289]

          Hiến pháp CHDCND Lào quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước, thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ được hiến pháp quy định là nhiệm vụ thi hành hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, lệnh và sắc lệnh của Chủ tịch nước. Như vậy về mặt hiến định, Chính phủ là cơ quan hành pháp không chỉ của Quốc hội mà còn cả Chủ tịch nước.[290]

          Thành phần Chính phủ CHDCND Lào gồm có Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các bộ trưởng và chủ nhiệm các cơ quan ngang bộ. Thủ tướng chính phủ do Chủ tịch nước đề cử và Quốc hội phê chuẩn, sau đó được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Các thành viên khác của chính phủ do Thủ tướng đề cử và Quốc hội phê chuẩn. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

          Trong tập thể Chính phủ, Thủ tướng là người đứng đầu và chỉ đạo, điều hành công việc chung cũng như chỉ đạo công việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cục và các cơ quan trực thuộc chính phủ, chỉ đạo công tác của các tỉnh và thành phố. Thủ tướng có quyền bổ nhiệm, điều động, cách chức thứ trưởng, phó chủ nhiệm cơ quan ngang bộ, cục trưởng, phó tỉnh trưởng, phó thị trưởng, nâng ngạch bậc và tước quân hàm chức vụ đại tá trong lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh quốc phòng và chức vụ khác theo luật định. Các phó thủ tướng là người giúp việc cho thủ tướng, phụ trách một lĩnh vực nhất định theo sự phân công của thủ tướng, trong khi thủ tướng chính phủ vắng mặt, một phó thủ tướng được thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của chính phủ.[291]

          Ngoài nhiệm vụ chấp hành luật của Quốc hội và lệnh, pháp lệnh của Chủ tịch nước, Chính phủ còn có những nhiệm vụ quyền hạn khác như trình dự thảo luật trước quốc hội, dự thảo sắc lệnh, pháp lệnh trước chủ tịch nước; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách hàng năm của nhà nước trình quốc hội xem xét và phê chuẩn; báo cáo hoạt động trước quốc hội, trước Ủy ban thường vụ quốc hội (trong khi quốc hội không họp) và Chủ tịch nước; ban hành các văn bản về quản lý kinh tế-xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tổ chức chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các ngành và chính quyền địa phương; tổ chức kiểm tra hoạt động của lực lượng quốc phòng an ninh; ký các hiệp ước, hiệp định với nước ngoài và chỉ đạo việc thi hành các hiệp ước, hiệp định đó; đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ các quyết định, chỉ thị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ và cơ quan chính quyền địa phương trái với qui định của pháp luật và các quyền hạn và nhiệm vụ khác theo luật định.[292]

          Theo quy định của hiến pháp Lào, tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nhà nước và viện kiểm sát nhân dân là cơ quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật đúng đắn và thống nhất của các cơ quan nhà nước hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong xã hội. Có thể nói tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân Lào hợp thành nhánh quyền tư pháp bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong các cơ quan nhà nước và xã hội Lào. Tòa án nhân dân bảo đảm sự tuân thủ pháp luật thông qua hoạt động xét xử; viện kiểm sát nhân dân bảo đảm sự tuân thủ pháp luật thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát.

          Hiến pháp Lào quy định hệ thống tòa án nhân dân của đất nước này bao gồm tòa án nhân dân tối cao, tòa án phúc thẩm, tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, tòa án nhân dân huyện và tòa án quân sự. Trong trường hợp cần thiết Ủy ban thường vụ quốc hội có thể thành lập tòa án đặc biệt. Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của cả nước và có quyền quản lý hành chính tòa án nhân dân các cấp. Đứng đầu hệ thống tòa án là Chánh án tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu theo đề cử của Chủ tịch nước. Các phó chánh án tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Tất cả các chánh án, phó chánh án của các tòa án khác và các thẩm phán tòa án nhân dân của Lào đều do Ủy ban thường vụ quốc hội bổ nhiệm, điều động hoặc bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao.[293]

          Cũng giống các hiến pháp khác trong khu vực, hiến pháp Lào quy định nguyên tắc thẩm phán phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong khi xét xử. Tuy nhiên, hiến pháp thiếu các quy định cụ thể hơn về các biện pháp bảo đảm nguyên tắc này. Bên cạnh nguyên tắc xét xử độc lập, hiến pháp còn quy định một số nguyên tắc hoạt động khác của hệ thống tòa án nhân Lào như nguyên tắc xét xử tập thể, nguyên tắc xét xử công khai, nguyên tắc có luật sư bào chữa, nguyên tắc được kháng cáo bản án của tòa án.[294]

          Viện kiểm sát nhân dân Lào được tổ chức theo các cấp giống như đối với tòa án, bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân phúc thẩm, viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, viện kiểm sát nhân dân huyện và viện kiểm sát quân sự. Ngoài quyền kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, viện kiểm sát nhân dân Lào còn có quyền công tố trước tòa. Toàn bộ hoạt động hệ thống viện kiểm sát nhân dân đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hiến pháp quy định Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo hoạt động của viện kiểm sát nhân dân các cấp. Trong khi thi hành nhiệm vụ, viện kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện theo pháp luật và chỉ thị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tất cả các viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát các cấp và các kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp đều do Viện trưởng viện kiểm sát nhân tối cao bổ nhiệm, cách chức. Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị và Chủ tịch nước bổ nhiệm.[295]

          Có thể thấy rằng, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương của CHDCND Lào cho thấy chính thể của Lào có nhiều điểm tương đồng với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Điểm tương đồng nội bật nhất là sự hiện diện của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân Lào bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát phúc thẩm, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và viện kiểm sát quân sự. Viện kiểm sát nhân dân có quyền công tố và quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan hành chính từ cấp bộ trở xuống, Mặt trận Lào xây dựng đất nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, công chức và công dân.[296] Một điểm tương đồng khác là vai trò của Quốc hội. Quốc hội Lào là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra. Cơ quan này bầu, cách chức hoặc phê chuẩn việc hình thành các chức vụ cao cấp nhất trong bộ máy nhà nước.

          Mặc dù có những điểm tương đồng trên đây song vẫn khó có thể xếp CHDCND Lào vào nhóm nước có chính thể CHXHCN. Quốc hội Lào tuy là cơ quan duy nhất do nhân dân bầu ra song không được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vị trí của Quốc hội trong bộ máy nhà nước cũng không thể hiện tính tối cao. Hiến pháp quy định Quốc hội bầu Chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội song hiến pháp lại không có quy định thủ tục để Quốc hội có thể bãi nhiệm Chủ tịch nước. Trong hiến pháp Lào không có quy định Chủ tịch nước hay Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Quốc hội có quyền giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao song không có quyền giám sát Chủ tịch nước bởi lẽ Chủ tịch nước không phải là cơ quan chấp hành của Quốc hội.[297] Mặc dù Chủ tịch nước do Quốc hội bầu và bãi miễn song Quốc hội không có quyền chất vấn Chủ tịch nước mà chỉ có quyền chất vấn Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.[298] Bên cạnh đó, nếu Quốc hội có quyền ban hành luật thì Chủ tịch nước cũng có quyền ban hành sắc lệnh.[299] Những quy trên đây cho thấy Quốc hội Lào không phải là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, đặc điểm cốt yếu nhất của bộ máy nhà nước được tổ chức theo chính thể CHXHCN. Chính thể của Lào vì vậy có đặc điểm giống với chính thể cộng hòa đại nghị nhiều hơn so với chính thể CHXHCN.

5.3.4. Hiến pháp Myanmar và chính thể cộng hòa đại nghịhình thức, chính thể tổng thống – quân đội chế thực chất

Chính thể của Myanmar được thể hiện qua hiến pháp hiện hành của nước này là một chính thể cộng hòa đại nghị. Giống với tất cả các nước theo chính thể cộng hòa đại nghị khác, Nghị viện Myanmar là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước ở trung ương có thành phần do nhân dân trực tiếp bầu ra. Nghị viện cũng nắm quyền lập pháp và cơ quan hành pháp của Nghị viện, tức Chính phủ, cũng được thành lập từ nghị viện. Tuy nhiên chính thể cộng hòa đại nghị thể hiện trong hiến pháp Myanmar chỉ là hình thức bởi lẽ nó mang nhiều đặc điểm khác với chính thể cộng hòa đại nghị thông thường. Quân đội Myanmar đóng một vai trò cực kỳ quan trọng được công nhận đương nhiên trong đời sống chính trị của quốc gia; chính phủ được thành lập từ nghị viện song lại rất độc lập với nghị viện và do một tổng thống đứng đầu. Hai đặc điểm này cũng với nhiều đặc điểm khác phân tích dưới đây làm cho chính thể Myanmar trên thực tế vận hành theo mô hình tổng thống – quân đội chế, khác xa với cách thức vận hành của các nhà nước theo mô hình cộng hòa đại nghị thông thường.

Điều đặc biệt trước tiên cần phải nói về chính thể Myanmar là vai trò của quân đội trong đời sống chính trị. Hiến pháp Myanmar được xây dựng trên một số nguyên tắc căn bản của toàn Liên bang. Những nguyên tắc này được quy định ngay trong những điều khoản đầu tiên của hiến pháp và được coi là kim chỉ nam cho tổ chức cũng như hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương. Trong só các nguyên tắc đó có nguyên tắc: “cho phép Quân đội tham gia vào đội ngũ lãnh đạo chính trị của toàn liên bang”.[300] Nguyên tắc này đã được thể chế hóa trong toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Myanmar từ trung ương tới địa phương. Một nguyên tắc cơ bản nữa cũng được ghi nhận trong hiến pháp là nguyên tắc: “Quân đội là người chịu trách nhiệm chính bảo vệ hiến pháp”.[301]

Nghị viện, cơ quan đại diện và là cơ quan lập pháp của Liên bang Malaysia bao gồm hai viện là Hạ nghị viện và Thượng nghị viện gồm các đại biểu đại diện cho các thành phần và lợi ích trong xã hội. Theo quy định của hiến pháp Hạ nghị viện có 440 đại biểu, trong đó có 110 đại biểu là đại diện đương nhiên của giới Quân đội; Thượng nghị viện có 224 đại biểu, trong đó có 56 đại biểu đương nhiên đến từ giới Quân đội. Tất cả các đại biểu quân đội đều do Tổng tư lệnh quân đội trực tiếp chỉ định mà hoàn toàn không qua bầu cử. Mô hình cơ cấu cơ quan đại diện như vậy được áp dụng thống nhất từ cấp liên bang xuống tới cấp bang và cơ sở. Tất cả những vấn đề liên quan tới quản lý, điều hành công việc trong Quân đội và thậm chí là tư pháp quân đội đều là lãnh địa riêng của Quân đội. Các tòa án quân sự hợp thành một hệ thống tòa án riêng để xét xử tất cả các vấn đề liên quan tới quân nhân. Tòa án quân sự đặt dưới sự quản lý và phán xử cuối cùng của Tổng tư lệnh quân đội.[302]

Hiến pháp Myanmar quy định Tổng thống Myanmar vừa là nguyên thủ quốc gia của Liên bang Myanmar vừa nắm quyền hành pháp của Liên bang. Tuy có vai trò tương tự như trong chính thể cộng hòa tổng thống như vậy song Tổng thống Myanmar không phải do nhân dân Myanmar trực tiếp bầu ra mà do Nghị viện bầu ra. Tổng thống và phó tổng thống Liên bang Myanmar phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của hiến pháp như: trung thành với Liên bang, là công dân Myanmar do sinh ra hoặc cả hai cha mẹ là công dân Myanmar, ít nhất 45 tuổi, không có cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc con dâu, rể có tuyên thệ với chính quyền nước ngoài, đã từng sống ở Liên bang ít nhất 20 năm liên tục cho đến thời điểm bầu cử và đủ tiêu chuẩn được bầu làm hạ nghị sĩ.[303]

Để bầu Tổng thống, Nghị viện liên bang Myanmar sẽ thành lập ba nhóm nghị sĩ. Nhóm nghị sĩ thứ nhất là nhóm hạ nghị sĩ không phải là đại biểu quân đội; nhóm thứ hai là nhóm thượng nghị sĩ không phải là đại biểu quân đội; và nhóm thứ ba là nhóm nghị sĩ là đại biểu quân đội. Mỗi nhóm được quyền đề cử một ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống. Sau đó Nghị viện sẽ họp chung và bầu tổng thống trong ba ứng cử viên đó theo nguyên tắc đa số. Người có số phiếu cao nhất sẽ trở thành Tổng thống Liên bang Myanmar và hai người còn lại sẽ làm Phó tổng thống. Vị Phó tổng thống dành được nhiều phiếu hơn sẽ làm Quyền tổng thống trong trường hợp Tổng thống vắng mặt.[304]

Tổng thống và Phó tổng thống Myanmar đều có nhiệm kỳ 5 năm và không được làm quá hai nhiệm kỳ. Tổng thống và Phó tổng thống không được đồng thời là thành viên của Nghị viện. Tổng thống hay Phó tổng thống là nghị sĩ thì sau khi được bầu họ phải từ chức nghị sĩ. Tổng thống và Phó tổng thống cũng không được phép tham gia như một thành viên tích cực của các đảng phái chính trị của mình trong suốt nhiệm kỳ của mình. Hiến pháp quy định Tổng thống vẫn phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Tuy nhiên, trong một điều khoản khác, Điều 215, hiến pháp lại quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình Tổng thống không có trách nhiệm phải trả lời (answerable) trước bất kỳ viện nào hay tòa án nào, trừ trường hợp bị đàn hạch theo thủ tục hiến pháp. Trước khi nhậm chức, cả Tổng thống và Phó tổng thống đều phải kê khai tất cả tài sản gia đình cho Chủ tịch Nghị viện đương nhiệm.[305]

Tổng thống và Phó tổng thống có thể bị đàn hạch trong các trường hợp như: phạm tội phản quốc, vi phạm các quy định của hiến pháp, hành vi xử xự không đúng, bị mất tư cách Tổng thống hoặc Phó tổng thống, làm việc không hiệu quả. Chỉ có nhóm đại biểu chiếm ít nhất ¼ tổng số nghị sĩ mỗi viện mới có đủ thẩm quyền khởi xướng thủ tục đàn hạch. Nếu viện đó đồng ý đàn hạch với số phiếu chiếm ¾ đại biểu thì vụ việc sẽ được chuyển tới viện còn lại để quyết định việc đàn hạch. Nếu ít nhất 2/3 thành viên của viện còn lại quyết định luận tội tổng thống thì Tổng thống và Phó tổng thống sẽ bị cách chức.[306]

Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Myanmar cũng có một số nhiệm vụ quyền hạn giống như các nguyên thủ quốc gia khác như quyền ân xá, đặc xá theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia (National Defence and Security Council), phong và thu hồi hàm, tước, phần thưởng danh dự, bổ nhiệm Tổng tư lệnh quân đội, bổ nhiệm, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền, tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ngoài, phê chuẩn, bãi bỏ điều ước quốc tế, và quyền đọc thông điệp trước Nghị viện, công bố chiến tranh hay hòa bình theo sự phê chuẩn của Nghị viện.v.v. [307]

Ngoài ra, Tổng thống Myanmar còn có một số nhiệm vụ quyền hạn khá lớn mà nguyên thủ quốc gia các nước, kể cả các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống, không có. Thứ nhất, Tổng thống Myanmar có quyền ban hành Pháp lệnh để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp lệnh của Tổng thống có giá trị thực thi như một đạo luật cho đến khi nó bị Nghị viện không công nhận. Chỉ có một lĩnh vực Tổng thống không được ban hành pháp lệnh, đó là lĩnh vực ngân sách. Quyền này làm cho Tổng thống cũng đồng thời thực hiện chức năng lập pháp ở một mức độ đáng kể. Thứ hai, Tổng thống có quyền trình dự án luật lên Nghị viện. Như được phân tích dưới đây, một số dự luật do Tổng thống trình còn có giá trị bắt buộc nhất định đối với bản thân Nghị viện. Tổng thống có quyền phủ quyết. Trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được dự luật, Tổng thống có quyền chưa công bố mà gửi trả lại dự luật cùng với góp ý sửa đổi của mình để hai viện thảo luận và thông qua lại. Nếu hai viện vẫn tiếp tục thông qua theo cách cũ thì Tổng thống bắt buộc phải công bố đạo luật.[308]

Tổng thống Myanmar bên cạnh chức năng nguyên thủ quốc gia còn là người đứng đầu quyền hành pháp liên bang, vị trí đem lại cho Tổng thống quyền hạn tuyệt đối trong lĩnh vực hành pháp.

Cơ quan hành pháp của Liên bang Myanmar là một Chính phủ liên bang do Tổng thống là người đứng đầu và có một tập thể Chính phủ hỗ trợ cho Tổng thống. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động hành pháp của Myanmar đều được tiến hành dưới danh nghĩa Tổng thống. Chính phủ Liên bang bao gồm Tổng thống, các Phó tổng thống, các bộ trưởng Liên bang và Trưởng công tố Liên bang. Tất cả các nhân sự này đều do Tổng thống đề cử, Nghị viện phê chuẩn và Tổng thống bổ nhiệm và cách chức. Tất cả họ đều không phải thành viên của nghị viện hay của hệ thống công vụ. Họ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống chứ không phải Nghị viện. Tổng thống còn có quyền thay đổi số lượng các bộ, số lượng thành viên chính phủ, bổ nhiệm thứ trưởng các bộ và tất cả các chức vụ đứng đầu các cơ quan công vụ. Ở cấp chính quyền địa phương, Tổng thống đề cử và bổ nhiệm những người đứng đầu cơ quan hành pháp ở cấp bang và vùng, đồng thời đề cử và phân công lĩnh vực phụ trách cho thành viên của cơ quan hành pháp cùng cấp. Tổng kiểm toán, người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động chi tiêu ngân sách liên bang cũng do Tổng thống bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Tổng thống.[309]

Nghị viện, cơ quan lập pháp của Myanmar, được gọi theo tiếng địa phương là Pyidaungsu Hluttaw bao gồm hai viện: Pyithu Hluttaw (Hạ nghị viện) và Amyotha Hluttaw (Thượng nghị viện). Như trên đã đề cập, Hạ nghị viện Myanmar có 440 hạ nghị sĩ, trong đó có 110 hạ nghị sĩ do Tổng tư lệnh quân đội chỉ định và không qua bầu cử. 330 đại biểu còn lại được nhân dân bầu trực tiếp. Các hạ nghị sĩ phải thỏa mãn một số điều kiện như có độ tuổi ít nhất là 25, có quốc tịch do sinh ra hoặc cả hai bố mẹ có quốc tịch Myanmar, đã cư trú ở Myanmar ít nhất 10 năm liên tục trước khi bầu cử, không được là giáo sĩ tôn giáo, không phải là đã bị án phạt tù, không bị lâm vào tình trạng phá sản, không đồng thời làm trong hệ thống công vụ .v.v. Thượng nghị viện gồm có 224 thượng nghị sĩ trong đó có 56 thượng nghị sĩ do Tổng tư lệnh quân đội chỉ định không qua bầu cử. Số còn lại được bầu đồng đều bởi các cơ quan đại diện của các bang và các vùng của Myanmar. Tiêu chuẩn của thượng nghị sĩ về cơ bản giống với hạ nghị sĩ, song về độ tuổi tối thiểu là 30 chứ không phải 25.  Mỗi viện đều tự bầu ra Chủ tịch và Phó chủ tịch viện của mình. Mỗi chủ tịch và phó chủ tịch của mỗi viện thay phiên nhau giữ chức Chủ tịch và phó Chủ tịch nghị viện trong một nửa nhiệm kỳ của Nghị viện, tức là 30 tháng. Các nghị viên đều có quyền miễn trừ không bị bắt giữ mà chưa có sự đồng ý của viện tương ứng. Trong trường hợp bắt quả tang thì lệnh bắt giữ cũng phải được viện của nghị viên đó phê chuẩn.[310]

 Một dự luật có thể bắt đầu được thảo luận và thông qua ở một viện và sau đó được thảo luận và thông qua ở viện còn lại. Tất cả các cơ quan nhà nước ở cấp Liên bang đều có quyền trình dự thảo luật ra trước Nghị viện. Tuy nhiên, chỉ có Chính phủ mới được quyền trình các dự luật liên quan tới kế hoạch quốc dân, ngân sách và thuế. Một số dự luật được trao tư cách đặc biệt khi trình ra Nghị viện, đó là những dự luật có liên quan tới tiền lương và phụ cấp của người đứng đầu và các thành viên cơ quan cấp liên bang hoặc chi tiêu của các cơ quan này; các khoản nợ của Liên minh; các khoản chi tiêu theo phán quyết của tòa án; các khoản chi tiêu theo quy định của các cam kết quốc tế hoặc pháp luật trong nước. Những dự luật này chỉ có thể được trình bởi Tổng thống và khi Tổng thống trình thì Nghị viện chỉ có quyền thảo luận và thông qua chứ không có quyền cắt giảm hoặc từ chối thông qua. Đối với các dự luật nói chung, một khi đã được cả hai viện thông qua thì dự luật được coi là đã được Nghị viện thông qua và có thể trình lên Tổng thống để công bố trừ khi Tổng thống tiến hành thủ tục phủ quyết như quy định của hiến pháp như phân tích trên đây.[311]

Theo quy định của hiến pháp, chức năng tư pháp của nhà nước Myanmar được thực hiện theo ba nguyên tắc: thực thi công lý độc lập và theo quy định của pháp luật, công lý được thực thi tại các phiên tòa công khai trừ khi pháp luật cấm như vậy và bảo đảm quyền bào chữa và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở ba nguyên tắc này, quyền tư pháp của Myanmar được thực hiện bởi một hệ thống tòa án thống nhất trong toàn liên bang bao gồm Tòa án Tối cao Liên bang, các tòa án thượng thẩm nằm ở các vùng và các bang, các tòa án của khu hành chính tự trị, các tòa án cấp quận, và các tòa án khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Bên cạnh các tòa án thông thường, hệ thống tòa án của Myanmar còn có tòa án quân sự và Tòa bảo hiến Liên bang (Constitutional Tribunal of the Union).[312]

Tòa án Tối cao Liên bang là tòa án cao nhất trong Liên bang song không có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo hiến và tư pháp quân sự. Tòa án Tối cao Liên bang là cấp xét xử cuối cùng đối với tất cả các kháng cáo, kháng nghị của tất cả các tòa án tư pháp thông thường khác trong lãnh thổ liên bang. Ngoài thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm, Tòa án Tối cao Liên bang có có thẩm quyền xét xử gốc đối với các vấn đề phát sinh từ các hiệp định song phương của Liên bang; những tranh chấp không liên quan tới hiến pháp phát sinh giữa Chính phủ Liên bang và chính quyền các bang hay các vùng; tranh chấp không liên quan tới hiến pháp giữa các bang, các vùng, các khu vực lãnh thổ của Liên bang với nhau. Phán quyết của Tòa án Tối cao Liên bang là chung thẩm và có giá trị bắt buộc đối với mọi đối tượng liên quan. Về mặt tổ chức, Tòa án Tối cao Liên bang bao gồm một Chánh án và từ 6 đến 10 thẩm phán. Các tòa án thượng thẩm cấp vùng và bang có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với một số loại vụ việc cũng như thẩm quyền xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm và tái thẩm đối với các bản án của các tòa án cấp dưới. Mỗi tòa án thượng thẩm có từ 3 tới 7 thẩm phán, bao gồm cả chánh án. Các tòa án thuộc thẩm quyền phúc thẩm và giám đốc thẩm của các tòa án thượng thẩm, tức là các tòa án cơ sở, được tổ chức ở các đơn vị hành chính lãnh thổ khác nhau, bao gồm các tòa án huyện, tòa án thị xã, tòa án cấp đơn vị hành chính tự quản .v.v. Những tòa án này có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ việc dân sự, hình sự và các loại vụ việc khác theo quy định của pháp luật.[313]

Về mặt tổ chức, Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang do Tổng thống đề cử để Nghị viện phê chuẩn và sau đó Tổng thống là người bổ nhiệm. Các thẩm phán khác của Tòa án Tối cao Liên bang do Tổng thống sau khi tham khảo ý kiến của Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang đề cử để Nghị viện phê chuẩn. Sau khi Nghị viện phê chuẩn thì Tổng thống cũng là người bổ nhiệm. Các chánh án và thẩm phán các tòa án thượng thẩm cũng đều do Tổng thống sau khi tham khảo ý kiến của Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang và Thủ hiến đứng đầu cơ quan hành pháp của bang đề cử để nghị viện bang tương ứng phê chuẩn. Sau khi được nghị viện bang phê chuẩn thì cũng chính Tổng thống là người bổ nhiệm các chánh án và thẩm phán tòa án thượng thẩm. Có một điểm đặc biệt là Hiến pháp Myanmar quy định trong mọi trường hợp khi nhận được đề cử của Tổng thống về nhân sự thẩm phán, Nghị viện liên bang và các nghị viện bang hoặc vùng có liên quan nếu không phê chuẩn thì phải có căn cứ rõ ràng và chỉ được dựa trên quy định của hiến pháp về tiêu chuẩn của thẩm phán. Nếu những người mà Tổng thống đề cử đã thỏa mãn tiêu chuẩn thẩm phán thì nghị viện có liên quan có trách nhiệm phải phê chuẩn. Nhân sự thẩm phán của các tòa án cấp dưới cấp thượng thẩm được quy định trong các luật của Nghị viện. Với những quy định như vậy thì rõ ràng Tổng thống là người chi phối gần như toàn bộ nhân sự thẩm phán trong hệ thống tòa án Myanmar.[314]

Hiến pháp Myanmar cũng quy định khá cụ thể các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm Chánh án và thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang cũng như chánh án và thẩm phán tòa án thượng thẩm. Tiêu chuẩn để có thể được bổ nhiệm làm Chánh án và thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang bao gồm: không trẻ hơn 50 tuổi và không lớn hơn 70 tuổi; đáp ứng đủ tiêu chuẩn của hạ nghị sĩ; đã từng là thẩm phán tòa án thượng thẩm ít nhất 5 năm hoặc đã từng là cán bộ tư pháp hay pháp luật ở cấp bang hoặc vùng ít nhất 10 năm hoặc đã làm luật sư ít nhất 20 năm hoặc là người mà Tổng thống thấy rằng là một luật gia xuất sắc; trung thành với Liên bang và công dân của Liên bang; không phải là đảng viên của đảng chính trị nào; và không phải là nghị sĩ của bất cứ nghị viện nào. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chánh án và thẩm phán tòa án thượng thẩm chỉ khác tiêu chuẩn của thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang ở độ tuổi và yêu cầu về kinh nghiệm công tác. Về độ tuổi, thẩm phán tòa án thượng thẩm phải nằm trong độ tuổi từ 45 đến 65. Về kinh nghiệm công tác, thẩm phán tòa án thượng thẩm phải có ít nhất 5 năm làm cán bộ tư pháp hay pháp luật ở cấp vùng hoặc bang trở lên hay 10 năm từ cấp huyện trở lên hoặc đã là luật sư hành nghề ít nhất 15 năm hoặc cũng theo ý kiến của Tổng thống, là một luật gia xuất sắc. Như vậy là tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán từ cấp thượng thẩm trở lên của Myanmar khá đề cao tính khách quan, phi đảng phái, phi chính trị cũng như năng lực, trình độ của thẩm phán.[315]

Chánh án và thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang sau khi được bổ nhiệm có nhiệm kỳ suốt đời cho tới năm 70 tuổi; nhiệm kỳ đối với chánh án và thẩm phán ở tòa án thượng thẩm tương ứng tới năm 65 tuổi. Nhiệm kỳ của các thẩm phán này chỉ có thể bị chấm dứt trước khi đến độ tuổi quy định khi họ từ chức, bị qua đời, bị lâm vào tình trạng vĩnh viễn mất năng lực thực hiện công việc hoặc bị đàn hạch. Thủ tục đàn hạch đối với các thẩm phán này được hiến pháp quy định khá chi tiết. Trước tiên, một thẩm phán Myanmar từ cấp tòa thượng thẩm trở lên chỉ có thể bị đàn hạch bởi một trong số các lý do sau: phạm tội phản quốc; vi phạm hiến pháp; rơi vào các trường hợp không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm thẩm phán; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; làm việc không hiệu quả. Chủ thể có thẩm quyền khởi xướng một vụ việc đàn hạch đối với thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang là Tổng thống hoặc một trong hai viện liên bang; đối với thẩm phán tòa án thượng thẩm, đó là Tổng thống hoặc nghị viện của bang hoặc vùng tương ứng. Nếu Tổng thống là người khởi xướng một vụ việc đàn hạch thẩm phán, Tổng thống sẽ chuyển đề nghị của mình lên Chủ tịch của Nghị viện liên bang nếu là đàn hạch thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang hoặc nghị viện bang tương ứng nếu là đàn hạch thẩm phán tòa án thượng thẩm. Chủ tịch của nghị viện tương ứng sẽ thành lập một ủy ban điều tra bao gồm các nghị sĩ của nghị viện. Nếu là ủy ban điều tra của Nghị viện liên bang thì số thành viên phải được chia đều cho hai viện liên bang. Sau khi kết thúc điều tra, ủy ban điều tra sẽ trình báo cáo lên nghị viện tương ứng để biểu quyết. Nếu nghị viện thông qua việc đàn hạch thì toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển lên Tổng thống để ra quyết định cách chức thẩm phán bị đàn hạch. Nếu nghị viện không thông qua thì coi như đề nghị đàn hạch bị bác. Nếu một trong hai viện liên bang khởi xướng vụ việc đàn hạch thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang thì đề nghị đàn hạch phải được khởi xướng bởi ít nhất ¼ tổng số nghị viên của viện tương ứng. Nếu đề nghị đàn hạch được ít nhất 2/3 tổng số nghị viên của viện tương ứng ủng hộ thì đề nghị đó sẽ được chuyển sang viện thứ hai. Viện thứ hai sẽ thành lập ủy ban điều tra và xem xét kết quả điều tra. Nếu dựa vào kết quả điều tra, viện thứ hai thông qua đề nghị đàn hạch với ít nhất 2/3 tổng số nghị viên ủng hộ thì kết quả điều tra sẽ được chuyển lên Tổng thống để ra quyết định cách chức thẩm phán. Trong trường hợp nghị viện bang hoặc vùng muốn đàn hạch thẩm phán tòa án thượng thẩm của mình thì đề nghị đàn hạch cũng phải được trình bởi ít nhất ¼ tổng số nghị sĩ của viện đó. Nghị viện tương ứng theo đó sẽ thành lập ủy ban điều tra và bỏ phiếu về kết quả điều tra. Nếu nghị viện ủng hộ việc đàn hạch thì hồ sơ sẽ được chuyển tới Tổng thống để ra quyết định cách chức. Như vậy là có thể thấy rằng mặc dù các thẩm phán tòa án từ cấp thượng thẩm trở lên có nhiệm kỳ suốt đời cho đến khi về hưu song sinh mệnh chính trị của họ vẫn nằm trong tay Tổng thống. Những căn cứ mập mờ ví dụ như “làm việc không hiệu quả” luôn luôn có thể được Tổng thống sử dụng để loại bỏ một thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang hay tòa án thượng thẩm liên bang ra khỏi chức vụ của họ. Tổng thống Myanmar, vì vậy, có khả năng kiểm soát một cách hoàn toàn hệ thống tòa án Myanmar.[316]

Tòa bảo hiến liên bang của Myanmar là một tòa án độc lập trong hệ thống tòa án Myanmar. Tòa án này gồm có 9 thành viên bao gồm cả một Chủ tịch. Các khía cạnh về tổ chức và hoạt động của tòa này sẽ được phân tích kỹ ở phần sau.

Giống như Tòa bảo hiến liên bang, các tòa án quân sự là một hệ thống độc lập khỏi hệ thống các tòa án thông thường của Myanmar, thuộc quyền kiểm soát của quân đội và nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng tư lệnh quân đội. Cơ cấu tổ chức cụ thể của tòa án quân sự không nằm trong hiến pháp mà được quy định bởi các đạo luật của Nghị viện hoặc thậm chí là pháp lệnh của Tổng thống do quân đội trình.[317]

          Như vậy có thể khẳng định chính thể của Myanmar về hình thức là cộng hòa đại nghị song mang đậm màu sắc tổng thống – quân đội chế. Quân đội là một thế lực biệt lập không chịu sự điều chỉnh của pháp luật song lại tham gia tích cực vào đời sống chính trị quốc gia. Nằm trong chính thể cộng hòa đại nghị song Tổng thống Myanmar có nhiều quyền hạn hơn bất kỳ tổng thống của chính thể cộng hòa nào trong khu vực ASEAN. Tổng thống không do nhân dân bầu ra song không chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nghị viện bầu ra Tổng thống và Chính phủ được thành lập từ nghị viện. Nhưng ngay sau khi thành lập Chính phủ ngay lập tức độc lập với Nghị viện giống như chính thể cộng hòa tổng thống. Tống thống hoàn toàn kiểm soát Chính phủ đồng thời gần như không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ cơ quan nào, kể cả Nghị viện. Quyền lực của Tổng thống bao trùm lên cả lĩnh vực lập pháp với quyền sáng kiến luận, quyền trình dự luật không thể bị bác bỏ, quyền phủ quyết. Quyền lực của Tổng thống cũng bao trùm lên cả nhánh tư pháp với sự chi phối toàn diện về nhân sự của Tòa án Tối cao Liên bang và các tòa án thượng thẩm vùng và bang.

 

 

 

Chương 6: Kiểm soát quyền lực nhà nước trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Kiểm soát quyền lực được hiểu là việc sử dụng các biện pháp, công cụ thiết chế và thể chế để tạo ra cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước được các chủ thể nắm giữ thực hiện một cách đúng đắn, đúng pháp luật mà trước tiên là không vượt quá phạm vi quyền hạn của mình. Kiểm soát quyền lực nhà nước có thể được thực hiện bởi những cơ chế và biện pháp khác nhau song cơ chế quan trọng nhất là các cơ chế và biện pháp tồn tại bên ngoài cơ quan trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước chịu sự kiểm soát. Đối tượng tác động trực tiếp của kiểm soát quyền lực nhà nước là các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước và cách thức mà quyền lực nhà nước đó được thực hiện. Mục đích cuối cùng của kiểm soát quyền lực nhà nước là quyền lực nhà nước được thực hiện một cách dân chủ, vì lợi ích của xã hội và thúc đẩy được những giá trị tiến bộ của nhà nước pháp quyền. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một lĩnh vực quan trọng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước hiện đại và đó cũng là một lĩnh vực được khá nhiều hiến pháp các quốc gia ASEAN quan tâm điều chỉnh. Chế định về kiểm soát quyền lực nhà nước trong hiến pháp các quốc gia ASEAN chính là tập hợp các quy định của hiến pháp từng quốc gia ASEAN điều chỉnh về vấn đề kiểm soát quyền nhà nước của quốc gia tương ứng. Nhìn chung chế định kiểm soát quyền lực điển hình nhất trong hiến pháp một quốc gia ASEAN đề cập tới ba nội dung: cơ chế bảo vệ hiến pháp, các thiết chế hiến pháp độc lập nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước và các quy định bảo đảm trách nhiệm của người nắm giữ, thực hiện quyền lực nhà nước. Trong số các bản hiến pháp ASEAN, duy nhất có hiến pháp CHDCND Lào là không có những quy định cụ thể về bất cứ nội dung nào trong số ba nội dung trên với mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước. Các bản hiến pháp ASEAN còn lại đều có quy định ít nhất một nội dung về kiểm soát quyền lực nhà nước ở những mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

6.1. Cơ chế bảo vệ hiến pháp trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Cơ chế bảo vệ hiến pháp được hiểu là một hệ thống được thiết lập để xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới tính hợp hiến của các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước. Một cơ chế bảo vệ hiến pháp điển hình thường bao gồm ba thành tố: cơ quan có thẩm quyền bảo vệ hiến pháp; thẩm quyền bảo vệ hiến pháp; và quy trình thủ tục tiến hành các vụ việc bảo vệ hiến pháp.

          Mức độ và nội dung quy định về cơ chế bảo vệ hiến pháp trong hiến pháp các quốc gia ASEAN có sự đa dạng khá lớn. Có ba bản hiến pháp ASEAN không có quy định về cơ chế bảo vệ hiến pháp, đó là hiến pháp Brunei, Lào và Malaysia. Một bản hiến pháp, hiến pháp Singapore, không có quy định về cơ chế bảo hiến, song lại có một số điều khoản có quy định về cách thức xử lý một trường hợp vi phạm hiến pháp. Các điều khoản này không nhằm mục đích quy định về một cơ chế nhằm xử lý các vụ việc vi phạm hiến pháp nói chung mà thực chất chúng quy định về các trường hợp Tổng thống Singapore có thể bị đàn hạch. Một trong các lý do có thể làm cho Tổng thống bị đàn hạch là cố ý vi phạm hiến pháp. Như phần trên đã đề cập, nếu trường hợp đó xảy ra, Thủ tướng hoặc không ít hơn ¼ tổng số Nghị sĩ do bầu cử có thể gửi kiến nghị lên Nghị viện. Nếu được hơn một nửa tổng số đại biểu do bầu cử thông qua thì Chánh án Tòa án Tối cao Singapore sẽ thành lập một cơ quan tài phán gồm không ít hớn 5 thẩm phán Tòa án Tối cao. Cơ quan này tiến hành thẩm tra về vụ việc và gửi báo cáo về quyết định của mình lên Chủ tịch Nghị viện. Nếu cơ quan tài phán này ủng hộ việc đàn hạch thì vụ việc sẽ được đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu có từ ¾ tổng số nghị sĩ do bầu cử tán thành việc đàn hạch thì Tổng thống sẽ bị bãi nhiệm.[318]

          Các quốc gia ASEAN còn lại, gồm Campuchia, Philippines, Indonesia, Myanmar và Thái Land đều có quy định trong hiến pháp một cơ chế bảo hiến nhất định. Nhìn vào các bản hiến pháp của các quốc gia ASEAN này có thể thấy sự đa dạng trong mô hình bảo vệ hiến pháp mà từng nước áp dụng. Campuchia áp dụng mô hình hội đồng bảo hiến; Philippines lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp thực hiện bởi tòa án thường; ba quốc gia còn lại theo mô hình cơ quan tài phán hiến pháp chuyên trách với những đặc thù nhất định của quốc gia mình.

          Cơ chế bảo vệ hiến pháp của Campuchia được quy định trong một chương riêng, Chương 12. Trung tâm của cơ chế này là một Hội đồng bảo hiến (Constitutional Council). Hội đồng này là một cơ quan có chín thành viên và độc lập với các cơ quan nhà nước khác. Trong số chín thành viên có ba người do Quốc vương Campuchia bổ nhiệm, ba người do Quốc hội (tức Hạ nghị viện) bầu, và ba người còn lại do Hội đồng thẩm phán Tối cao bầu. Sau khi được bầu hoặc bổ nhiệm, các thành viên của Hội đồng bảo hiến sẽ tự mình bầu Chủ tịch Hội đồng bảo hiến. Cứ 3 năm một lần, 1/3 số ủy viên Hội đồng bảo hiến lại được bầu mới. Hiến pháp Campuchia quy định ủy viên Hội đồng bảo hiến phải là những người có bằng cử nhân trở lên của chuyên ngành luật, hành chính, ngoại giao hoặc kinh tế, có uy tín trong xã hội và có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Sau khi được bầu hoặc bổ nhiệm, thành viên Hội đồng bảo hiến không được đồng thời giữ bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy công quyền, kể cả làm nghị viên của Hạ nghị viện hoặc Thượng nghị viện. Đặc biệt, chức vụ chủ tịch hoặc phó chủ tịch các đảng chính trị và chủ tịch hoặc phó chủ tịch công đoàn được xem là những chức vụ có xung đột lợi ích với chức vụ ủy viên Hội đồng bảo hiến. Chính vì vậy một người không thể đồng thời nắm giữ hai chức vụ này.[319]

Cách thức hình thành và thành phần của Hội đồng bảo hiến của Campuchia cho thấy cơ quan này không nhất thiết phải là một tòa án đúng nghĩa với thành viên toàn là thẩm phán. Trong số chính thành viên của hội đồng, ba thành viên do Hội đồng thẩm phán bầu tất nhiên có xu hướng là những thẩm phán chuyên nghiệp; sáu thành viên còn lại được hình thành bằng con đường chính trị nên không nhất thiết phải là thẩm phán chuyên nghiệp. Tiêu chuẩn để có thể được chọn làm thành viên của Hội đồng bảo hiến đề cập trên đây cũng cho thấy rõ điều đó. Một nhận xét khác về Hội đồng bảo hiến của Campuchia là về tính độc lập của cơ quan này. Về mặt tổ chức, rõ ràng cơ quan này độc lập,không nằm trong phạm vi thẩm quyền của bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Thành phần của Hội đồng thẩm phán đến từ những nguồn chính trị - pháp luật khác nhau cũng có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau trong nội bộ của hội đồng. Bộ máy lãnh đạo của hội đồng cũng do bản thân các thành viên lựa chọn. Các thành viên đều phải là nhưng cá nhân có uy tín và có trình độ trong xã hội. Tất cả những yếu tố đó, được bảo đảm bằng quy định của hiến pháp, đem đến một ấn tượng tốt về khả năng hoạt động độc lập của Hội đồng bảo hiến. Yếu tố duy nhất có ảnh hưởng đôi chút tới tính độc lập của cơ quan này có lẽ là việc thiếu một quy định cụ thể trong hiến pháp về việc các thành viên của Hội đồng bảo hiến, sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoạt động 9 năm của mình, có thể được tái bổ nhiệm hay không và độ tuổi về hưu của thành viên Hội đồng bảo hiến là bao nhiêu? Tuy vậy, đây cũng chỉ là những khiếm khuyết nhỏ trong tổng thể chung khá ấn tượng về sự bảo đảm hiến định về tính độc lập của Hội đồng bảo hiến.

          Theo quy định của hiến pháp, Hội đồng bảo hiến Campuchia có trách nhiệm bảo đảm sự tôn trọng đối với hiến pháp. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội đồng bảo hiến được giao phạm vi thẩm quyền khá rộng, không phải lúc nào cũng chỉ bó hẹp trong khuôn khổ phán xử các vụ việc vi phạm hiến, bao gồm: [320]

          - thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của tất cả các đạo luật đã được cơ quan lập pháp thông qua, cho dù là đạo luật đó đã được Quốc vương công bố hay chưa. Đặc biệt các quy tắc làm việc của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện cũng như các luật về tổ chức (organic law) bắt buộc phải có ý kiến của Hội đồng bảo hiến trước khi được công bố.

          - thẩm quyền giải thích hiến pháp và các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành.

          - thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan tới bầu cử Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.

          - thẩm quyền cung cho Quốc vương những ý kiến chính thức về các dự thảo hiến pháp sửa đổi.

          Về mặt thủ tục, những chủ thể có quyền đề nghị xem xét tính hợp hiến của dự luật đã được cơ quan lập pháp thông qua nhưng chưa được công bố bao gồm: Quốc vương, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ nghị viện, Chủ tịch Thượng nghị viện, 1/10 tổng số thành viên Hạ nghị viện và ¼ tổng số thành viên Thượng nghị viện. Các chủ thể này cùng với tòa án cũng có quyền đề nghị Hội đồng bảo hiến xem xét tính hợp hiến của các đạo luật đã được Quốc vương công bố. Công dân của Campuchia không có quyền trực tiếp yêu cầu Hội đồng bảo hiến xem xét tính hợp hiến của một đạo luật; song họ có quyền yêu cầu các nghị viên của mình thực hiện thẩm quyền khởi kiện bảo vệ hiến pháp theo quy định của hiến pháp.[321]

          Hội đồng bảo hiến Campuchia làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Trong trường hợp số phiếu ngang bằng nhau thì sẽ lấy theo ý kiến của Chủ tịch hội đồng. Các quyết định của hội đồng có giá trị chung thẩm, không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Các quy định của luật nếu bị tuyên là vi hiến sẽ không được ban hành hoặc không được áp dụng.[322]

          Khác với Campuchia, Philippines lựa chọn mô hình cơ quan tài phán cho cơ chế bảo hiến của mình. Cơ quan có thẩm quyền bảo hiến của Philippines là các tòa án thường trong hệ thống tư pháp, bao gồm Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới. Như vậy là mỗi tòa án trong hệ thống tư pháp của Philippines đều có thẩm quyền thụ lý và xét xử bất cứ vụ việc nào liên quan tới vấn đề vi phạm hiến pháp. Các đối tượng có thể bị kiện vi phạm hiến pháp trước tòa án Philippines là một phạm vi rộng tất cả các công cụ pháp lý mà các cơ quan nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước của mình, bao gồm các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế, luật, sắc lệnh, lệnh, tuyên bố, thông tư, hoặc các quy định dưới luật khác do Tổng thống ban hành. Các vụ kiện vi hiến sau khi đã được tòa án cấp dưới xét xử có thể bị kháng cáo lên Tòa án Tối cao, ở đây tòa án sẽ tổ chức phiên xử bao gồm tất cả các thẩm phán của Tòa án tối cao. Thủ tục tố tụng áp dụng đối với các vụ kiện vi hiến cũng là thủ tục kiện tố tụng tư pháp thông thường. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai, kể cả từng cá nhân công dân cũng có thể đặt vấn đề vi hiến đối với bất kỳ loại công cụ pháp lý nào mà các cơ quan nhà nước sử dụng để tác động lên xã hội như đề câp trên đây.

          Giống Philippines, Myanmar cũng lựa chọn mô hình cơ quan tài phán cho cơ chế bảo vệ hiến pháp của mình. Có điều, cơ quan tài phán hiến pháp của Myanmar, gọi là Tòa bảo hiến (Constitutional Tribunal) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chuyên trách xét xử các vụ án vi phạm hiến pháp. Tòa bảo hiến Myanmar không có thẩm quyền xét xử các vụ việc thông thường như dân sự, hình sự, lao động hay hành chính. Tòa bảo hiến Myanmar gồm có 9 thẩm phán trong đó có 1 người là Chánh tòa. Các thẩm phán Tòa bảo hiến của Myanmar đến từ những nguồn khác nhau giống Hội đồng bảo hiến của Campuchia, trong đó có 3 người do Tổng thống đề cử, 3 người do Chủ tịch Thượng nghị viện đề cử và 3 người do Chủ tịch Hạ nghị viện đề cử. Sau khi đã có đề cử, danh sách ứng cử viên sẽ được Tổng thống tập hợp và gửi tới Nghị viện Myanmar để thông qua. Bước thông qua này chỉ mang tính thủ tục bởi lẽ nếu các ứng cử viên đều đã thỏa mãn các điều kiện có thể trở thành thẩm phán Tòa bảo hiến thì Nghị viện bắt buộc phải thông qua danh sách đó. Sau khi được nghị viện thông qua, Tổng thống sẽ chính thức bổ nhiệm các thẩm phán. Tổng thống cũng là người có thẩm quyền bổ nhiệm Chánh tòa bảo hiến. Thẩm phán tòa bảo hiến Myanmar không được đồng thời làm nghị viên, giữ chức vụ trong bộ máy công quyền, hay tham gia vào bất cứ hoạt động đảng phái chính trị nào trong suốt nhiệm kỳ của mình. Tuy vậy, trong tổ chức của Tòa bảo hiến không coi trọng tính độc lập của thiết chế này. Không có điều khoản nào trong hiến pháp nhấn mạnh tới tính độc lập của Tòa bảo hiến. Trên thực tế, Tòa bảo hiến Myanmar hoạt động theo nhiệm kỳ và nhiệm kỳ của tòa này trùng với nhiệm kỳ của Nghị viện, tức là 5 năm.[323]

          Các tiêu chuẩn để có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa bảo hiến Myanmar nhấn mạnh tới trình độ kiến thức pháp luật, uy tín và tư cách của các ứng cử viên. Các tiêu chuẩn này bao gồm: (1) từ đủ 50 tuổi trở lên; (2) có đủ tiêu chuẩn để làm hạ nghị sĩ; (3) đã từng có ít nhất 5 năm làm thẩm phán tòa án thượng thẩm hoặc tòa án vùng hoặc ít nhất 10 năm làm quản lý công tác pháp luật ở cấp bang hoặc vùng hoặc ít nhất 20 năm làm công tác tư vấn pháp luật hoặc là một luật gia nổi tiếng theo quan điểm của Tổng thống; (4) không phải là thành viên của đảng chính trị; (5) không phải là nghị viên; (6) có sự hiểu biết về chính trị, hành chính, kinh tế và an ninh; (7) trung thành với Liên bang Myanmar và công dân của liên bang. Trong thời gian nhiệm kỳ của mình, các thẩm phán Tòa bảo hiến, kể cả Chánh tòa có thể bị luận tội nếu phạm tội phản quốc, vi phạm hiến pháp, có hành vi không đúng đắn, không còn thỏa mãn các tiêu chuẩn của thẩm phán Tòa bảo hiến hoặc thực hiện nhiệm vụ của mình một cách không hiệu quả. Thủ tục luận tội thẩm phán Tòa bảo Hiến được áp dụng giống như thủ tục luận tội Chánh án và thẩm phán Tòa án Tối cao của Liên bang Myanmar. Trong thủ tục luận tội này, Tổng thống đóng vai trò chi phối.[324]

          Theo quy định của hiến pháp, Tòa bảo hiến của Myanmar có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

          - Giải thích các quy định của hiến pháp;

          - xem xét tính hợp hiến của các luật và các công cụ pháp lý do Nghị viện liên bang, nghị viện vùng, nghị viện bang, cơ quan tự quản địa phương và cơ quan quản lý các vùng tự quản;

          - xem xét tính hợp hiến của các công cụ pháp lý do các cơ quan hành pháp từ cấp liên bang tới các cấp cơ sở ban hành;

          - Xét xử tranh chấp hiến pháp giữa tất cả các cấp trong bộ máy nhà nước với nhau, từ cấp liên minh tới cấp tự quản cơ sở;

          - Xét xử các tranh chấp phát sinh từ vấn đề quyền và nhiệm vụ của các cấp trong liên bang trong việc thực hiện pháp luật của bang tại các cấp hành chính lãnh thổ dưới liên bang;

          - Xét xử các vấn đề do Tổng thống yêu cầu có liên quan tới lãnh thổ liên bang.

          Các tòa án khác của Myanmar không có quyền xét xử các vụ việc vi hiến. Mặc dù vậy, trong quá trình xét xử trong phạm vi thẩm quyền của mình, nếu có vấn đề phát sinh hay khiếu nại liên quan tới khả năng vi hiến của bất cứ công cụ pháp lý nào thì tòa án đang thụ lý vụ việc có thể dừng việc xử lý vụ việc và chuyển vấn đề vi hiến lên Tòa bảo hiến xem xét cho đến khi có kết quả xem xét của Tòa bảo hiến. Những chủ thể có quyền đưa một vụ việc bảo hiến ra trước Tòa bảo hiến để yêu cầu cơ quan này giải thích, ra phán quyết hoặc ý kiến: (1) Tổng thống; (2) Chủ tịch Nghị viện, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện; (3) Chánh án tòa án liên bang; (4) người đứng đầu nhánh hành pháp của các vùng hoặc bang; (5) chủ tịch nghị viện cấp vùng hoặc bang; (6) chủ tịch nghị viện cấp vùng hoặc bang; (7) người đứng đầu các cơ quan tự quản địa phương; và nhóm đại biểu chiếm ít nhất 10% tổng số nghị viên.[325]

          Có thể thấy Tòa bảo hiến của Myanmar có phạm vi thẩm quyền rất rộng, song về mặt tổ chức, các thẩm phán Tòa bảo hiến Myanmar có sự lệ thuộc lớn vào Tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp. Các thẩm phán Tòa bảo hiến có nhiệm kỳ ngắn, phụ thuộc vào nhiệm kỳ chính trị của Nghị viện. Khả năng được tái bầu cử được để ngỏ. Các tiêu chí có thể bị luận tội rất chung chung và thủ tục luận tội phụ thuộc chủ yếu vào Tổng thống. Như vậy, mặc dù hiến pháp quy định về việc thẩm phán Tòa bảo hiến không được kiêm nhiệm các công việc khác trong bộ máy nhà nước song trên thực tế tính độc lập của Tòa bảo hiến Myanmar có thể sẽ là một dấu hỏi lớn.

          Cơ quan có thẩm quyền bảo hiến của Indonesia cũng là một cơ quan chuyên trách - Tòa án hiến pháp. Khác với hiến pháp Myanmar, Tòa ánhiến pháp là một tòa án độc lập trong hệ thống tư pháp của Indonesia. Tòa án này gồm chín thẩm phán trong đó 3 người do Tổng thống đề cử, ba người do Tòa án tối cao đề cử và ba người cuối cùng do Hội đồng đại diện nhân dân đề cử. Cuối cùng, tất cả các ứng cử viên đều do Tổng thống bổ nhiệm. Sau khi được bổ nhiệm, chín thẩm phán sẽ bầu chọn Chánh án và Phó chánh án của Tòa án hiến pháp. Tiêu chuẩn để có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án hiến pháp Indonesia bao gồm: (1) có lòng chính trực; (2) phẩm chất cá nhân trong sạch, công bằng; (3) có năng lực chính khách; (4) thông thạo các vấn đề về hiến pháp và hành chính nhà nước; và (5) không phải là người đang nắm giữ một chức vụ trong cơ quan nhà nước. Có thể nói, các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án hiến pháp Indonesia khá chung chung. Các tiêu chuẩn như phẩm chất cá nhân trong sạch hay có năng lực chính khách thiên về định tính và tùy thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Nhiệm kỳ và khả năng được tái bổ nhiệm của thẩm phán tòa án hiến pháp cũng không được quy định rõ. Điều đó cũng có nghĩa là sự nghiệp của thẩm phán tòa án tối cao hoàn toàn do người có thẩm quyền bổ nhiệm họ, tức là Tổng thống, chi phối.

          Tòa án hiến pháp Indonesia có thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan tới tính hợp hiến của luật với hiến pháp, các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước được quy định trong hiến pháp, các vụ kiện giải tán các đảng phái chính trị, các tranh chấp liên quan tới các cuộc tổng tuyển cử. Tòa án hiến pháp Indonesia cũng có quyền ra phán quyết về các quan điểm của Hội đồng đại diện nhân dân về những hành vi bị cho là vi hiến của Tổng thống và Phó tổng thống. Quyết định của Tòa án hiến pháp có hiệu lực chung thẩm. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại Tòa án bảo hiến thì không được quy định cụ thể trong hiến pháp. Hiến pháp cũng không quy định rõ về những ai có quyền khởi động các vụ việc bảo hiến và thủ tục giải quyết các vụ kiện bảo hiến cũng do Hội đồng đại diện nhân dân quy định.

          Mô hình bảo hiến của Thái Lanvề cơ bản giống với Indonesia với sự xuất hiện của tòa án hiến pháp. Tuy nhiên, hiến pháp Thái Lan quy định về cơ chế bảo vệ hiến pháp của mình một cách chi tiết hơn nhiều so với các quốc gia ASEAN còn lại.

          Tòa án hiến pháp Thái Lan là một cơ quan xét xử tập thể bao gồm chín thẩm phán, trong đó có một Chánh án. Về cơ bản, cách thức hình thành thẩm phán Tòa án hiến pháp của Thái Lan cũng tương tự như các cơ quan bảo hiến chuyên trách của Campuchia, Indonesia và Myanmar – họ đều được đề cử từ những nguồn khác nhau. Trong số chín thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan, ba người là thẩm phán Tòa án tư pháp tối cao được đề cử thông qua bỏ phiếu kín tại hội nghị toàn thể của Tòa án tư pháp tối cao; hai người là thẩm phán Tòa án hành chính tối cao được đề cử thông qua bỏ phiếu kín tại hội nghị toàn thể của Tòa án hành chính tối cao; bốn người còn lại là những người có trình độ trong lĩnh vực pháp luật (hai người) và lĩnh vực khoa học chính trị, quản trị công hay lĩnh vực khoa học xã hội khác có kiến thức và trình độ trong lĩnh vực quản lý các công việc của nhà nước (hai người) do ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Ủy ban tuyển chọn thẩm phán Tòa án hiến pháp bầu chọn. Ủy ban tuyển chọn này có 5 thành viên, bao gồm Chánh án Toà án tư pháp tối cao, Chánh án Toà án hành chính tối cao, Chủ tịch Viện dân biểu, lãnh đạo phe đối lập trong Viện dân biểu và chủ tịch của một thiết chế hiến pháp độc lập được bầu chọn trong số các chủ tịch của những thiết chế đó. Sau khi được đề cử, các thẩm phán Tòa án hiến pháp sẽ được Quốc vương Thái Lan bổ nhiệm. Chánh án Tòa án hiến pháp do các thẩm phán Tòa án hiến pháp bầu và cũng được Quốc vương ký lệnh bổ nhiệm.[326]

Một người chỉ có thể trở thành thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan khi đã thỏa mãn đủ những điều kiện khá ngặt nghèo sau đây: [327]

 (1)   Là người có quốc tịch Thái Lan kể từ khi sinh;

(2)   Không ít hơn bốn mươi lăm tuổi;

(3)   Đã từng là bộ trưởng, thẩm phán của Toà án quân sự tối cao, uỷ viên Uỷ ban bầu cử, Thanh tra Quốc hội, thành viên của Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia, thành viên của Uỷ ban kiểm toán nhà nước hoặc thành viên của Uỷ ban nhân quyền quốc gia, hoặc đã từng giữ chức vụ không thấp hơn chức phó tổng công tố, tổng cục trưởng hoặc người điều hành trong một cơ quan chính phủ với quyền hành pháp tương đương với tổng cục trưởng, hoặc giữ chức danh không thấp hơn giáo sư, hoặc đã từng là luật sư có thời gian hành nghề liên tục và thường xuyên không ít hơn ba mươi năm cho đến ngày được đề cử;

(4)   Phải có quyền bầu cử và đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để có thể được bầu làm hạ nghị sĩ;

(5)   Không phải là hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, quan chức chính trị, thành viên của hội đồng địa phương hoặc cơ quan hành chính địa phương;

(6)    Không phải hoặc đã từng là thành viên hoặc người nắm giữ những vị trí khác trong một đảng chính trị trong thời gian ba năm trước khi nhậm chức; và

(7)   Không phải đang là uỷ viên Uỷ ban bầu cử, Thanh tra Quốc hội, thành viên của Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia, thành viên của Uỷ ban kiểm toán quốc gia hoặc thành viên của Uỷ ban nhân quyền quốc gia.

Thẩm phán của Tòa án hiến pháp Thái Lan sau khi được bầu không được phép đồng thời kiêm nhiệm một số chức vụ hay làm một số công việc như:

(1)    Là quan chức chính phủ giữ các vị trí lâu dài hoặc hưởng lương ổn định;

(2)   Là quan chức hoặc nhân viên của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay tổ chức chính quyền địa phương hoặc giám đốc hay cố vấn cho doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan nhà nước;

(3)    Giữ bất kì chức vụ nào trong công ti liên danh, công ti hay tổ chức kinh doanh với mục đích chia lãi hoặc thu nhập, hoặc là người làm công của bất kì người nào; hay

(4)    Tham gia vào các nghề nghiệp độc lập, ví dụ luật sư hay tư vấn kinh tế.

Nếu rơi vào một trong số những trường hợp kể trên, thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan đương nhiên bị mất tư cách thẩm phán.[328]

Tất cả các thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan, bao gồm cả Chánh án, đều có nhiệm kỳ 9 năm kể từ ngày được Quốc vương bổ nhiệm và chỉ được làm một nhiệm kỳ cho đến khi có thẩm phán mới được bổ nhiệm để thay thế mình. Tư cách thẩm phán Tòa án hiến pháp sẽ kết thúc trước khi hết nhiệm kỳ trong những trường hợp sau:

(1)   Qua đời;

(2)    Đủ bảy mươi tuổi;

(3)    Từ chức;

(4)    Rơi vào trường hợp không đủ tiêu chuẩn trở thành thẩm phán Tòa án hiến pháp hoặc những trường hợp cấm thẩm phán Tòa án hiến pháp làm như đề cập trên đây;

(5)   Bị kết án tù có thời hạn bởi một bản án bất kể bản án đã có hiệu lực hay chưa hay hình phạt có được tạm đình chỉ hay không, trừ khi đối với các vụ việc chưa chung thẩm hoặc hình phạt được đình chỉ đối với tội do vô ý hoặc ít nghiêm trọng hoặc tội vu khống; hay

(6)   Bị thượng nghị viện luận tội.

          Thủ tục và cơ sở tiến hành luận tội đối với thẩm phán Tòa án tối cao được áp dụng tương tự như việc luận tội đối với các quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước như Thủ tướng, bộ trưởng, hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, Chánh án Tòa án hiến pháp, Chánh án Tòa án tư pháp tối cao, Chánh án Tòa án hành chính tối cao .v.v. Chủ thể có quyền khởi xướng vụ việc luận tội một thẩm phán Tòa án hiến pháp là nhóm không ít hơn ¼ tổng số hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ. Yêu cầu luận tội phải được gửi tới Chủ tịch Thượng nghị viện với đầy đủ lý do luận tội. Chủ tịch thượng nghị viện phải chuyển yêu cầu luận tội đó tới Ủy ban chống tham nhũng để tiến hành điều tra. Báo cáo điều tra của Ủy ban chống tham nhũng, nếu ủng hộ việc luận tội, sẽ được chuyển tới phiên họp toàn thể của Thượng nghị viện để thảo luận và biểu quyết. Nếu có ít nhất 3/5 tổng số thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội thì thẩm phán Tòa án hiến pháp đó đã bị cách chức.[329]

          Tòa án hiến pháp Thái Lan có ngân sách riêng và có bộ máy giúp việc riêng, gọi là Văn phòng Tòa án hiến pháp do Tổng thư ký văn phòng Tòa án hiến pháp đứng đầu. Tổng thư ký do Chánh án Tòa án hiến pháp đề cử và toàn thể thẩm phán Tòa án hiến pháp thông qua. Văn phòng Tòa án hiến pháp tự quyết định về nhân sự và ngân sách hoạt động của mình.[330]

          Không như hiến pháp Campuchia, Indonesia hay Myanmar, ở hiến pháp Thái Lan, thẩm quyền của Tòa án hiến pháp được quy định ở nhiều điều khoản nằm rải rác. Có thể tổng hợp phạm vi thẩm quyền của Tòa án hiến pháp Thái Lan như sau:[331]

- Giải tán đảng chính trị hoạt động trái với hiến pháp;

- Đình chỉ các nghị quyết hoặc quy định của các đảng chính trị trái với hoặc không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ của chính quyền với Quốc vương là nguyên thủ quốc gia ;

- Bãi nhiệm hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ do không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định của Hiến pháp;

- Xem xét tính hợp hiến của các dự luật, kể cả các dự luật cơ bản, sau khi đã được Nghị viện thông qua nhưng chưa được Quốc vương công bố;

- Xem xét tính hợp hiến của bất kỳ quy định nào của luật, văn bản dưới luật hoặc bất kỳ hành vi pháp lý nào;

- Tuyên bố ủy viên Ủy ban bầu cử không đủ điều kiện theo quy định của Hiến pháp ;

- Tuyên bố một sắc lệnh khẩn cấp của Quốc vương không phù hợp với thủ tục ban hành sắc lệnh khẩn cấp theo quy định của Hiến pháp;

- Phán xử về tranh chấp về nhiệm vụ quyền hạn giữa các cơ quan Hạ nghị viện, Chính phủ và các thiết chế hiến pháp .

          Hiến pháp Thái Lan cũng quy định những trình tự thủ tục khác nhau để thực hiện những thẩm quyền nêu trên. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào nếu cho rằng vấn đề của vụ kiện đã được xem xét và giải quyết trong các vụ kiện trước đó, Tòa án hiến pháp có quyền không thụ lý vụ án. Khi thực hiện nhiệm vụ, Tòa án hiến pháp có quyền yêu cầu bất kì người nào cung cấp tài liệu hoặc những chứng cứ thích hợp hay có quyền triệu tập bất cứ người nào để lấy lời khai cũng như yêu cầu các quan chức, cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc các tổ chức chính quyền địa phương thực hiện bất kì hành động nào để phục vụ cho việc xem xét của mình. Tất cả các phán quyết của Tòa án hiến pháp đều được quyết định bởi đa số với sự có mặt của tối thiểu 5 thẩm phán Tòa án hiến pháp. Các bản án của tòa án đều có hiệu lực chung thẩm. Mỗi thẩm phán của Toà án hiến pháp khi xét xử phải chuẩn bị ý kiến và đưa phán quyết về phần mà mình thụ lí và phải trình bày miệng trong cuộc họp trước khi thông qua phán quyết. Các phán quyết của Toà án hiến pháp và các ý kiến đưa ra trong phán quyết của tất cả các thẩm phán của Toà án hiến pháp phải được công bố trên Công báo Chính phủ. Bản án của Toà án hiến pháp phải trình bày được ít nhất là bối cảnh hay các lập luận liên quan, tóm tắt các tình tiết sự kiện tìm hiểu được qua các phiên xét xử, lập luận cho phán quyết về các vấn đề sự kiện và vấn đề pháp lí và các điều khoản của Hiến pháp và luật được viện dẫn làm căn cứ pháp lí. Phán quyết của Toà án hiến pháp được coi là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc đối với Quốc hội, Hội đồng bộ trưởng, các Toà án và các cơ quan nhà nước khác.[332]

          Một điểm đặc biệt trong cơ chế bảo hiến của Thái Lan là sự cho phép các cá nhân cũng có thể tiến hành các vụ kiện vi hiến. Điều 212 của bản hiến pháp này quy định công dân Thái Lan có quyền tự do cơ bản bị vi phạm bởi bất kỳ cơ quan nhà nước nào dưới bất kỳ hành vi nào đều có quyền kiện lên Tòa án hiến pháp để bảo vệ lợi ích của mình, cho dù cơ quan đó là Nghị viện, chính phủ, tòa án hay bất kỳ cơ quan nào khác. Ngoài ra khi một tòa án thường đang thụ lý một vụ việc mà phát sinh khiếu nại về tính hợp hiến của một văn bản pháp luật có liên quan tới vụ việc thì vụ việc phải bị đình chỉ cho tới khi Tòa án hiến pháp có câu trả lời cuối cùng đối với vấn đề vi hiến.

          Như vậy, có thể thấy rằng hiến pháp Thái Lan có những quy định rất ưu việt về cơ chế bảo vệ hiến pháp. Phạm vi thẩm quyền của Tòa án hiến pháp Thái Lan được quy định rất rộng và cụ thể. Người dân Thái Lan có quyền tiếp cận trực tiếp tới Tòa án hiến pháp để bảo vệ các Quyền cơ bản hiến định của mình. Các trình tự thủ tục bảo hiến được quy định tuy phức tạp song rất cụ thể và chi tiết. Đặc biệt, hiến pháp Thái Lan đã có những quy định bảo đảm tương đối chắc chắn cho tính độc lập của Tòa án hiến pháp, hơn hẳn so với các bản hiến pháp trong khu vực. Tòa án hiến pháp Thái Lan có ngân sách hoạt động riêng và có bộ máy giúp việc riêng, có thẩm quyền buộc các cơ quan nhà nước khác phải hợp tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn. Các quyết định của Tòa án hiến pháp Thái Lan không mang tính nửa vời mà nói chung đều mang lại hậu quả pháp lý cho các đối tượng vi phạm hiến pháp. Cá nhân các thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan cũng được bảo đảm một mức độ độc lập ấn tượng. Họ là những người có uy tín trong xã hội, được lựa chọn dựa trên những tiêu chuẩn cao và rõ ràng. Nhiệm kỳ của họ đủ dài và đủ chặt chẽ để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của mình mà không bị băn khoăn bởi vấn đề tái bổ nhiệm. Các quy định về cơ chế bảo hiến trong hiến pháp Thái Lan hiện hành có thể được coi là ưu việt nhất trong số hiến pháp các quốc gia ASEAN.

6.2. Các thiết chế hiến pháp độc lập nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Thiết chế hiến pháp độc lập kiểm soát quyền lực nhà nước là những cơ quan nhà nước được quy định cụ thể về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hiến pháp. Đây là những cơ quan nhà nước song tồn tại độc lập với các nhánh quyền lực nhà nước truyền thống, tức là nó không nằm trong nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp hay tư pháp. Các thiết chế hiến pháp này có thực hiện một số quyền lực nhà nước nhất định, tuy nhiên thứ quyền lực nhà nước mà các cơ quan này thực hiện nhắm trực tiếp tới bản thân việc hình thành và thực hiện các quyền lực nhà nước chứ không phải nhắm tới việc điều chỉnh các hành vi của các cá nhân hay tổ chức thông thường trong xã hội. Mục đích trực tiếp của các thiết chế hiến pháp này là góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện một cách “đúng đắn”, tuân thủ và thúc đẩy được những giá trị tiến bộ mà quốc gia có các thiết chế đó hướng tới.

          Sự xuất hiện tương đối phổ biến của các thiết chế hiến pháp độc lập là một đặc điểm chung của các hiến pháp ASEAN. Trong số 9 hiến pháp ASEAN được nghiên cứu ở đây thì chỉ có hiến pháp Vương quốc Campuchia và CHDCND Lào không quy định về thiết chế hiến pháp độc lập. Các quốc gia còn lại đều quy định về những thiết chế hiến pháp độc lập ở những mức độ khác nhau về cả loại thiết chế và mức độ chi tiết của các quy phạm. Có 5 loại thiết chế hiến pháp độc lập thường được đề cập tới: ủy ban bầu cử, ủy ban công vụ, cơ quan kiểm toán quốc gia, thanh tra nghị viện và ủy ban quyền con người. Ngoài ra, riêng hiến pháp Thái Lan còn quy định về một loại thiết chế hiến pháp độc lập khác là Ủy ban chống tham nhũng quốc gia.

6.2.1. Ủy ban bầu cử trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Có bốn hiến pháp ASEAN quy định về ủy ban bầu cử, đó là hiến pháp Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Bên cạnh những đặc điểm chung, các ủy ban bầu cử ở các quốc gia này đều mang những đặc điểm riêng nhất định về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ quyền hạn.

          Về mặt tổ chức, ủy ban bầu cử của cả 4 quốc gia đều là những cơ quan làm việc theo chế độ tập thể; các thành viên của tập thể đó đều do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm về mặt hình thức; và cách thức hình thành cũng như cơ cấu tổ chức của các ủy ban này đều được quy định theo hướng bảo đảm tốt nhất tính khách quan trong hoạt động của chúng. Tuy nhiên, về các thủ tục hình thành và cơ cấu tổ chức cụ thể ở mỗi quốc gia đều có nét đặc thù riêng.

          Ủy ban bầu cử của Malaysia bao gồm năm ủy viên, trong đó có một Chủ tịch và một Phó chủ tịch. Tất cả các ủy viên đều do Quốc vương bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng tiểu vương. Hiến pháp Malaysia không quy định cụ thể điều kiện để có thể được bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban bầu cử, ngoài điều kiện không bị phá sản. Sau khi được bổ nhiệm, ủy viên ủy ban bầu cử Malaysia cũng không được tham gia vào bất kỳ chức vụ hay công việc nào khác có trả lương, kể cả việc trở thành thành viên ban giám đốc hoặc ban điều hành hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động của bất kỳ tổ chức thương mại hay công nghiệp nào dù có được đãi ngộ hay không. Ủy viên ủy ban bầu cử cũng không được đồng thời làm nghị viên hoặc thành viên hội đồng lập pháp của các bang. Các ủy viên làm việc theo nhiệm kỳ theo luật định cho đến năm 65 tuổi và chỉ có thể bị cách chức theo thể thức quy định đối với thẩm phán tòa án tối cao.[333]

          Ủy ban bầu cử của Myanmar bao gồm tối thiểu năm ủy viên. Tất cả cả các ủy viên, bao gồm cả Chủ tịch đều do Tổng thống bổ nhiệm theo cách thức giống với cách thức bổ nhiệm bộ trưởng, có nghĩa rằngviệc lựa chọn các ứng cử viên phải được Tổng thống thực hiện và Nghị viện liên bang phê chuẩn. Hiến pháp Myanmar quy định khá chi tiết điều kiện để có thể được bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban bầu cử. Các điều kiện đó bao gồm: (1) ít nhất 50 tuổi; (2) có đủ điều kiện để được bầu làm nghị sĩ; (3) đã từng là chánh án hoặc thẩm phán tòa án cấp vùng trở lên trong thời gian tối thiểu 5 năm hoặc đã từng làm công tác quản lý trong lĩnh vực pháp luật từ cấp bang trở lên trong thời gian tối thiểu 10 năm hoặc đã từng hành nghề luật sư trong thời gian tối thiểu 20 năm hoặc là một nhân vật xuất chúng trong xã hội theo quan điểm của Tổng thống; (4) là người trung thực, kiên định và có kinh nghiệm; (5) trung thành với nhà nước và liên bang; (6) không được làm thành viên bất kỳ đảng chính trị nào; (7) không được đồng thời làm nghị sĩ hay các công việc có hưởng lương, phụ cấp hoặc được trả công. Ủy viên ủy ban bầu cử của Myanmar cũng có thể bị luận tội và cách chức theo thủ tục áp dụng đối với Chánh án và thẩm phán Tòa án tối cao liên bang nếu rơi vào một trong các trường hợp: (1) phạm tội phản quốc; (2) vi phạm quy định của hiến pháp; (3) không còn đủ điều kiện do hiến pháp quy định để trở thành ủy viên bầu cử; (4) hành vi không phù hợp; hoặc (5) không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.[334]

          Ủy ban bầu cử của Philippines có bảy ủy viên, trong đó có một Chủ tịch, đều do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng thuận của Ủy ban về các vấn đề bổ nhiệm của Nghị viện. Để được bổ nhiệm, ứng cử viên ủy ban bầu cử phải có đủ các điều kiện sau: (1) là người có quốc tịch Philippines khi sinh ra; (2) có tuổi đời ít nhất là 35 vào thời điểm bổ nhiệm; (3) tối thiểu có bằng cử nhân; (4) không phải là ứng cử viên cho bất kỳ vị trí nào ở các cuộc bầu cử ngay trước đó; (5) phải là thành viên đoàn luật sư Philippines và hành nghề luật ít nhất 10 năm. Các ủy viên ủy ban bầu cử của Philippines có nhiệm kỳ 10 năm kể từ khi được bổ nhiệm và không được tái bổ nhiệm. Đây là thời gian nhiệm kỳ dài nhất trong số các ủy viên ủy ban bầu cử của các nước ASEAN. Theo quy định của hiến pháp, các ủy viên ủy ban bầu cử của Philippines có thời gian kết thúc nhiệm kỳ không trùng nhau. Trong số các ủy viên ủy ban bầu cử đầu tiên được bổ nhiệm, có hai người có nhiệm kỳ chỉ ba năm, hai người có nhiệm kỳ năm năm và ba người còn lại có nhiệm kỳ bảy năm. Mục đích của cách sắp xếp này là bảo đảm sự đan xen giữa các thành viên cũ và mới của ủy ban bầu cử, làm cho ủy ban bầu cử không bao giờ rơi vào tình trạng có ít hoặc không có thành viên có kinh nghiệm. Hiến pháp không cấm ủy viên ủy ban bầu cử đồng thời là đảng viên của một đảng chính trị, song họ không được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ hay công việc hay hành nghề (luật sư, bác sĩ .v.v.) nào khác. Việc tham gia quản lý các doanh nghiệp thương mại cũng tuyệt đối bị cấm. Ở góc độ thiết chế, ủy ban bầu cử của Philippines có ngân sách riêng độc lập với các cơ quan nhà nước khác, có bộ máy giúp việc riêng do ủy ban này tự quyết định và tự ban hành các quy trình thủ tục làm việc riêng của mình.[335]

          Giống với Myanmar và Malaysia, ủy ban bầu cử Thái Lan cũng có năm thành viên. Tất cả các thành viên của ủy ban bầu cử Thái Lan đều do Quốc vương bổ nhiệm theo sự chấp thuận trước của Thượng nghị viện. Tuy nhiên thẩm quyền đề cử danh sách ứng cử viên lại thuộc về các chủ thể khác. Ba trong số năm ủy viên ủy ban bầu cử được tuyển chọn bởi một hội đồng với bảy thành viên bao gồm Chánh án Toà án tư pháp tối cao, Chánh án Toà án hiến pháp, Chánh án Toà án hành chính tối cao, Chủ tịch Viện dân biểu, lãnh đạo phe đối lập trong Viện dân biểu, một người do hội nghị toàn thể Toà án tư pháp tối cao bầu và một người do hội nghị toàn thể các thẩm phán Toà án hành chính tối cao bầu. Hai ủy viên còn lại do hội nghị toàn thể của Tòa án tư pháp tối cao bầu chọn. Danh sách những người được chọn sau đó sẽ được chuyển tới Thượng nghị viện phê chuẩn trước khi trình lên Quốc vương ký lệnh bổ nhiệm. Tiêu chuẩn để được bầu chọn làm ủy viên ủy ban bầu cử của Thái Lan cũng được quy định khá chặt chẽ trong hiến pháp. Trước tiên người được chọn phải có quan điểm và lập trường trung gian rõ ràng về chính trị. Đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để có thể được Thượng nghị viện đề cử lên Quốc vương bổ nhiệm. Ngoài ra các ứng cử viên cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác nhứ (1) có quốc tịch Thái Lan; (2) từ 40 tuổi trở lên; (3) có bằng cử nhân hoặc tương đương trở lên; (4) không phải là thành viên đảng chính trị hoặc nắm chức vụ trong đảng chính trị trong thời gian ít nhất 3 năm trước khi được bổ nhiệm; (5) không đồng thời nắm giữ bất kỳ chức vụ, vị trí nào trong bộ máy nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Các ủy viên ủy ban bầu của của Thái Lan có nhiệm kỳ bảy năm kể từ ngày được bổ nhiệm và chỉ được làm một nhiệm kỳ. Các ủy viên này cũng có thể bị bãi nhiệm nếu như nhóm các nghị sĩ với số lượng không dưới 1/10 thành viên hiện có của cả hai viện gửi khiếu nại lên Chủ tịch Hạ nghị viện. Đề nghị đó phải được Chủ tịch Hạ nghị viện chuyển tới Tòa án hiến pháp trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được đơn để Tòa án hiến pháp xét xử và ra quyết định. Với tư cách là một thiết chế độc lập, Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng có bộ máy giúp việc và ngân sách riêng. [336]

          Về thẩm quyền, các ủy ban bầu cử của Malaysia, Myanamar, Philippines và Thái Lan đều có chung thẩm quyền tổ chức các cuộc bầu cử để hình thành các cơ quan đại diện các cấp; riêng ở Malaysia, ủy ban bầu cử chỉ tiến hành bầu cử cơ quan đại diện ở cấp liên bang. Thẩm quyền tổ chức các cuộc bầu cử của các ủy ban bầu cử thường bao gồm cả việc lên danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên, phân chia đơn vị bầu cử, đặt ra các quy định hướng dẫn các công tác chuẩn bị bầu cử, thực hiện các công tác hậu cần, an ninh, tuyên truyền cho cuộc bầu cử, công bố kết quả bầu cử và cấp thẻ trúng cử .v.v. Bên cạnh đó, một số ủy ban bầu cử của một số quốc gia còn có thêm một số thẩm quyền quan trọng khác. Ủy ban bầu của của Myanmar, Philippines và Thái Lan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với các cuộc bầu cử, đặc biệt là liên quan tới kết quả bầu cử. Nếu là tranh chấp liên quan đến kết quả bầu cử ở cấp thành phố hoặc cơ sở thì quyết định của ủy ban bầu cử có giá trị chung thẩm. Trong những trường hợp liên quan tới kết quả bầu cử ở cấp quốc gia, quyết định của ủy ban bầu cử được gửi tới tòa án cấp cao nhất trong hệ thống tòa án thường để xác nhận. Ở Thái Lan và Philippines, ủy ban bầu cử còn có một số thẩm quyền quan trọng là đăng ký hoạt động cho các đảng chính trị và tổ chức cả các quộc trưng cầu dân ý. Riêng ủy ban bầu cử của Thái Lan còn có quyền đặt ra quy định cấm thành viên của chính phủ thực hiện một số công việc trong quá trình tranh cử và quyền quy định và giám sát vấn đề tài trợ cho các đảng chính trị, hỗ trợ tài chính của Nhà nước, chi tiêu của các đảng chính trị cũng như các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử, bao gồm cả việc kiểm toán các tài khoản của các đảng chính trị nhằm bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra một cách công bằng.[337]

6.2.2. Ủy ban công vụ trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Có bốn quốc gia ASEAN quy định về ủy ban công vụ trong hiến pháp của mình, đó là Brunei, Philippines, Malaysia và Singapore.

          Ủy ban công vụ của Brunei là một tập thể gồm các thành viên do Quốc vương bổ nhiệm và với số lượng do Quốc vương quyết định. Việc bổ nhiệm hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí của Quốc vương, hiến pháp không có quy định về các điều kiện cụ thể. Các thành viên, kể cả Chủ tịch ủy ban hoạt động theo nhiệm kỳ ba năm và có thể được tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, hiến pháp Brunei cũng quy định rõ các thành viên của ủy ban hoạt động theo sự hài lòng của Quốc vương và vì vậy có thể bị Quốc vương bãi nhiệm bất cứ lúc nào. Tiền lương và phụ cấp của các ủy viên ủy ban công vụ cũng do Quốc vương quyết định. Ủy ban công vụ được trợ giúp bởi thư ký cũng là người do Quốc vương bổ nhiệm. Có thể thấy rằng với cách thức hình thành và tổ chức như vậy, ủy ban công vụ là cánh tay của Quốc vương trong lĩnh vực quản lý tổ chức đối với dịch vụ công. Thực vậy, hiến pháp Brunei quy định rất rõ rằng thẩm quyền bổ nhiệm, cách chức, thuyên chuyển, kỷ luật bất cứ công chức nào đều thuộc về Quốc vương. Ủy ban công vụ được đặt ra để tư vấn và đề xuất cho Quốc trong việc thực hiện thẩm quyền đó. Thông thường thì Quốc vương sẽ nghe theo ý kiến tư vấn hay đề xuất của ủy ban song Quốc vương cũng có quyền đặt ra những trường hợp ngoại lệ chỉ do Quốc vương quyết định bổ nhiệm, cách chức, thuyên chuyên hay kỷ luật mà không cần tham vấn ý kiến của ủy ban công vụ.[338]

          Khác với ủy ban công vụ của Brunei, ủy ban công vụ của Philippines chỉ có ba ủy viên, trong đó có một chủ tịch ủy ban. Để có thể trở thành ủy viên ủy ban công vụ, ứng cử viên cần thỏa mãn một số điều kiện: (1) có quốc tịch Philippines do sinh ra; (2) có tuổi đời ít nhất là 35; (3) có khả năng về quản lý hành chính công. Giống như ủy viên ủy ban bầu cử, các ủy viên ủy ban công vụ của Philippines cũng không được phép kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy nhà nước cũng như các công việc có hưởng lương trong khối tư nhân. Các ủy viên ủy ban công vụ cũng đều do Tổng thống bổ nhiệm theo sự đề cử của Ủy ban về các vấn đề bổ nhiệm của Nghị viện. Nhiệm kỳ của ủy viên ủy ban công vụ là bảy năm và không được tái bổ nhiệm. Giống như ủy viên ủy ban bầu cử, việc bổ nhiệm các ủy viên ủy ban công vụ cũng được tiến hành theo cách thức so le để bảo đảm luôn có sự kế thừa kinh nghiệm trong hoạt động của ủy ban. Ở góc độ thiết chế, ủy ban công vụ Philippines cũng được quy định những biện pháp nhằm bảo đảm cho sự hoạt động độc lập của mình, bao gồm quyền tự quyết định về cơ cấu tổ chức bộ phận giúp việc, đặt ra các quy định, quy trình phục vụ hoạt động của mình và có ngân sách riêng.[339]

          Khác với ủy ban công vụ của Brunei, ủy ban công vụ của Philippines không có các quyền đề xuất bổ nhiệm, thuyên chuyển, cách chức hay bổ nhiệm đối với các công chức. Khối công vụ của Philippines bao trùm một phạm vi rộng, trong đó có tất cả các nhánh, chi nhánh, đơn vị, cơ quan của Chính phủ kể cả các công ti do chính quyền sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát có điều lệ riêng mình. Ủy ban công vụ phụ trách các công việc liên quan tới chính sách và cách thức vận hành hệ thống đó một cách hiệu quả, dân chủ và vì lợi ích của xã hội. Cụ thể, ủy ban công vụ áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao đạo đức, hiệu quả công việc, tính liêm trực, thái độ cảm thông, cầu thị và lịch sự, nhã nhặn của công chức trong khi thi hành công vụ. Ủy ban công vụ cũng đẩy mạnh hệ thống khen thưởng, thống nhất các chương trình phát triển nguồn nhân lực ở mọi cấp và mọi đối tượng, thể chế hoá môi trường quản lí có lợi cho trách nhiệm công vụ.[340]

          Khác với Brunei và Philippines, hiến pháp MalaysiaSingapore quy định về việc thành lập không phải chỉ của một ủy ban công vụ mà là một số ủy ban công vụ phụ trách những mảng nhân sự khác nhau của các hệ thống cơ quan trong bộ máy nhà nước. Ở Malaysia có bốn ủy ban công vụ trong bốn lĩnh vực khác nhau: ủy ban công vụ công chức trong lĩnh vực công vụ trong hệ thống cơ quan hành pháp và hành chính nhà nước; ủy ban công vụ pháp luật và tư pháp trong lĩnh vực công vụ tư pháp và pháp luật; ủy ban công vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu; và ủy ban công vụ cảnh sát trong lĩnh vực công vụ của lực lượng cảnh sát. Ủy ban công vụ công chức bao gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch và từ 4 đến 30 thành viên khác. Ủy ban công vụ giáo dục bao gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch và từ 4 đến 8 thành viên khác. Các thành viên của hai ủy ban này đều do Quốc vương bổ nhiệm theo sự đề cử của Thủ tướng Malaysia và sự đồng ý của Hội đồng tiểu vương. Ủy ban công vụ cảnh sát bao gồm bộ trưởng phụ trách cảnh sát làm chủ tịch, sĩ quan tổng chỉ huy lực lượng cảnh sát, tổng thư ký cho bộ phụ trách lực lượng cảnh sát là các thành viên đương nhiên. Ngoài ra ủy ban công vụ cảnh sát còn có từ ba đến bảy thành viên khác do Quốc vương bổ nhiệm, một trong số đó đến từ ủy ban công vụ công chức. Ủy ban công vụ pháp luật và tư pháp bao gồm 2 ủy viên đương nhiên là chủ tịch ủy ban công vụ công chức làm chủ tịch ủy ban công vụ pháp luật và tổng trưởng lý. Ngoài ra, ủy ban này còn có một hoặc nhiều thành viên khác có đủ tiêu chuẩn trở thành thẩm phán Tòa án tối cao do Quốc vương bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Chánh án Tòa án tối cao Malaysia. Ngoại trừ các ủy viên đương nhiên, tất cả các ủy viên khác của bốn ủy ban trên đây đều có nhiệm kỳ hoạt động 5 năm và không được kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ hay công việc nào khác ngoài những chức vụ được đề cập trên đây. Về thẩm quyền, các ủy ban công vụ của Malaysia có vai trò cao hơn ủy ban công vụ của Brunei trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, các ủy ban công vụ của Malaysia có thẩm quyền bổ nhiệm, hoặc vị trí hưởng lương hưu, thăng cấp, thuyên chuyển và kỷ luật tới công chức, viên chức nằm trong lĩnh vực công vụ thuộc thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, Quốc vương vẫn có thể giành quyền bổ nhiệm, thuyên chuyển, kỷ luật vị trí lãnh đạo hoặc cấp phó ở các bộ hoặc cấp tương đương nhưng trong trường hợp đó Quốc vương phải hỏi ý kiến của ủy ban công vụ có thẩm quyền.[341]

          Có lẽ vì quy mô dân số và lãnh thổ nhỏ hơn nhiều so với Malaysia nên mặc dù tổ chức bộ máy nhà nước của Singapore có nhiều điểm giống với Malaysia song Singapore chỉ có hai thay vì bốn ủy ban công vụ như nước láng giềng, đó là ủy ban công vụ và ủy ban công vụ pháp luật. Ủy ban công vụ pháp luật có thẩm quyền đối với công tác tổ chức cán bộ trong các ngành pháp luật và tư pháp; còn ủy ban công vụ phụ trách các lĩnh vực công chức khác trong bộ máy nhà nước Singapore, bao gồm cả công chức hành chính, giáo dục và cảnh sát. Ủy ban công vụ Singapore có một chủ tịch và từ 5 tới 14 thành viên khác do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Thủ tướng. Ủy ban công vụ Singapore có thư ký và văn phòng riêng để giúp việc cho hoạt động của mình.  Các ủy viên ủy ban công vụ không được đồng thời làm công chức trong bất kỳ lĩnh vực nào hoặc làm việc cho bất kỳ công ty nào. Các ủy viên cũng không được nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong các tổ chức chính trị hay là thành viên công đoàn. Các ủy viên ủy ban công vụ có nhiệm kỳ từ 3 đến 5 năm tùy theo quyết định bổ nhiệm mình. Nhiệm kỳ ủy viên có thể bị kết thúc sớm nếu như bị Tổng thống miễn nhiệm theo đề cử của Thủ tướng do có hạnh kiểm xấu hay không đủ khả năng về thể chất hay tinh thần. Tuy nhiên, Tổng thống Singapore cũng không tự mình ra quyết định mà trên cơ sở tham vấn một cơ quan tài phán bao gồm Chánh án và hai thẩm phán khác của Tòa án tối cao Singapore.[342]

          Khác với ủy ban công vụ, ủy ban công vụ pháp luật của Singapore có từ 6 đến 9 ủy viên, trong đó có 3 ủy viên đương nhiên là Chánh án Tòa án tối cao, Tổng công tố và Chủ tịch ủy ban công vụ. Các ủy viên khác do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử đồng đều và riêng biệt của Chánh án Tòa án tối cao, Chủ tịch ủy ban công vụ và Thủ tướng. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, nhiệm kỳ và cơ chế bãi nhiệm của các ủy viên ủy ban công vụ pháp luật của Singapore được thực hiện tương tự như đối với các ủy viên ủy ban công vụ.[343]

          Ủy ban công vụ và ủy ban công vụ pháp luật của Singapore có phạm vi quyền hạn giống với các ủy ban công vụ của nước láng giềng Malaysia. Các ủy ban này cũng có bổ nhiệm, hoặc vị trí hưởng lương hưu, thăng cấp, thuyên chuyển và kỷ luật tới công chức, viên chức nằm trong lĩnh vực công vụ thuộc thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, điểm khác biệt là vai trò của các ủy ban của Singapore có phần cao hơn so với các ủy ban của Malaysia, bởi vì Tổng thống Singapore không được hiến pháp trao cho quyền tự quyết định các chức vụ quan trọng trong nền công vụ giống như Quốc vương Malaysia.[344]

6.2.3. Cơ quan kiểm toán độc lập trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Có bốn quốc gia ASEAN có quy định về cơ quan kiểm toán độc lập trong hiến pháp, đó là Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền của các cơ quan kiểm toán này đều có những điểm khác nhau nhất định.

          Cơ quan kiểm toán độc lập trong hiến pháp Indonesia là Hội đồng kiểm toán tối cao bao gồm một số lượng ủy viên được xác định theo luật. Các ủy viên đều do Hội đồng đại diện nhân dân, tức hạ nghị viện của Indonesia bầu ra có tính tới sự cân nhắc, xem xét từ phía Hội đồng đại diện địa phương, tức Thượng nghị viện. Nhiệm kỳ và tiêu chuẩn để có thể được bầu làm thành viên hội đồng kiểm toán tối cao cũng không được quy định rõ trong hiến pháp. Hội đồng kiểm toán tối cao Indonesia có một ban quản lý do các ủy viên hội đồng bầu chọn. Thẩm quyền của hội đồng kiểm toán tối cao được quy định một cách khá chung chung, bao gồm thẩm quyền kiểm tra hoạt động quản lí và trách nhiệm đối với các hoạt động tài chính nhà nước ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Các báo cáo kết quả hoạt động kiểm toán được trình lên Hội đồng đại diện nhân dân, các hội đồng đại diện địa phương và các hội đồng đại diện nhân dân ở địa phương tùy theo thẩm quyền của từng cơ quan.[345]

          Khác với Indonesia, cơ quan kiểm toán độc lập của Singapore là một cá nhân – Tổng kiểm toán – do Tổng thống bổ nhiệm theo đề xuất của Thủ tướng và trên cơ sở tham vấn Chủ tịch ủy ban công vụ Singapore. Tổng thống có quyền không đồng ý với đề xuất của Thủ tướng và bổ nhiệm một người khác. Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán là 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Hiến pháp Singapore không quy định cụ thể tiêu chuẩn để một cá nhân có thể được bổ nhiệm làm Tổng kiểm toán. Tuy nhiên, sau khi được bổ nhiệm thì Tổng kiểm toán có thể bị Tổng thống miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng do Tổng kiểm toán không thể đảm nhiệm công việc của mình hoặc có hạnh kiểm xấu. Quyết định của Tổng thống sẽ dựa trên cơ sở một kết luận của cơ quan tài phán gồm có Chánh án và hai thẩm phán của Tòa án tối cao. Cơ quan này tự quyết định thủ tục xử lý vụ việc và ra quyết định cuối cùng về việc có đủ cơ sở để bãi nhiệm Tổng kiểm toán hay không. Về thẩm quyền, Tổng kiểm toán Singapore có quyền tiến hành kiểm toán và báo cáo về tài khoản của tất cả các cơ quan không thuộc nhánh lập pháp trong bộ máy nhà nước, bao gồm các cơ quan và văn phòng của Chính phủ, Ủy ban công vụ, Ủy ban công vụ pháp luật, Tòa án tối cao, tất cả các tòa án cấp dưới và Nghị viện. Trên cơ sở hoạt động kiểm toán của mình, Tổng kiểm toán có thể báo cáo lên Tổng thống về những giao dịch của Chính phủ mà Tổng kiểm toán cho rằng được rút ra từ các khoản tích lũy không phải do Chính phủ có được trong nhiệm kỳ của mình. Báo cáo của Tổng kiểm toán sẽ là cơ sở để Tổng thống ra quyết định không chấp nhận các giao dịch đó.[346]

          Cơ quan kiểm toán độc lập của Philippines - Ủy ban kiểm toán - có ba thành viên, trong đó có một chủ tịch. Tất cả các thành viên đều do Tổng thống bộ nhiệm trên cơ sở đề cử của Ủy ban các vấn đề bổ nhiệm của Nghị viện Philippines. Nhiệm kỳ của các thành viên ủy ban kiểm toán là 7 năm và không được bổ nhiệm lại. Cơ chế bổ nhiệm từng thành viên của ủy ban cũng được thực hiện một cách so le tương tự như đối ủy viên ủy ban công vụ. Về tiêu chuẩn, các ủy viên ủy ban kiểm toán, bao gồm cả chủ tịch, phải là công dân Singapore, có độ tuổi từ 35 trở lên và phải có kinh nghiệm hành nghề luật hoặc làm kế toán công ít nhất 10 năm. Đặc biệt, hiến pháp Philippines quy định các thành viên của ủy ban kiểm toán không được có lĩnh vực kinh nghiệm giống nhau. Điều đó có nghĩa là luôn luôn có sự kết hợp giữa kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và kế toán công trong hoạt động của ủy ban. Ủy viên ủy ban kiểm toán Philippines cũng không được đồng thời kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ, công việc hoặc hành nghề nào khác. Về phương diện thiết chế, ủy ban kiểm toán được hưởng những biện pháp bảo đảm tính độc lập giống như các ủy ban hiến định  khác như ủy bản bầu cử và ủy ban công vụ. Ủy ban kiểm toán Philippines có phạm vi thẩm quyền khá rộng. Thứ nhất, ủy ban có thẩm quyền và cũng là nhiệm vụ kiểm tra, kiểm toán và xem xét tất cả các tài khoản ngân sách và các khoản thu, chi tiêu hay sử dụng các loại quỹ và tài sản của tất cả các cơ quan nhà nước không thuộc nhánh lập pháp và tư pháp, bao gồm các cơ quan, đơn vị của Chính phủ, kể cả trong các công ti hay chi nhánh của nó, các cơ quan, uỷ ban hiến định được quyền tự chủ tài chính theo quy định của bản Hiến pháp này, các trường đại học hoặc cao đẳng độc lập của Nhà nước, các công ti hay chi nhánh của nó do chính quyền sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát khác, các pháp nhân phi chính phủ nhận tiền hỗ trợ hay vốn trực tiếp hay gián tiếp qua Chính phủ được pháp luật hay cơ quan cung cấp vốn yêu cầu thực hiện kiểm toán như là điều kiện để cấp tiền hỗ trợ hoặc vốn. Thứ hai, ủy ban có thẩm quyền ban hành các quy định, quy tắc về kế toán, kiểm toán trong đó có các quy định liên quan đến việc phòng chống và ngăn chặn việc chi tiêu hoặc sử dụng bất thường, không cần thiết, lạm chi, phung phí và không có ý thức các nguồn ngân quỹ và tài sản của chính quyền. Thứ ba, ủy ban có thẩm quyền trình lên Tổng thống và Nghị viện báo cáo hàng năm đề cập đến điều kiện tài chính và hoạt động của Chính phủ, cơ quan, đơn vị của Chính phủ, kể cả trong các công ti hay chi nhánh của nó do chính quyền sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát, các pháp nhân phi chính phủ chịu sự kiểm toán của nó và khuyến nghị các biện pháp cần thiết để hoàn thiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chúng.[347]

          Cơ quan kiểm toán độc lập của Thái Lan là Ủy ban kiểm toán nhà nước. Ủy ban có một chủ tịch và sáu ủy viên do Quốc vương bổ nhiệm theo thủ tục giống như thủ tục bổ nhiệm thành viên ủy ban bầu cử Thái Lan như trình bày trên đây. Các thành viên ủy ban kiểm toán nhà nước là những người có năng lực và kinh nghiệm về kiểm toán nhà nước, kế toán, kiểm toán nội bộ, tài chính và các lĩnh vực khác. Ngoài ra họ cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tương tự như các tiêu chuẩn áp dụng đối với việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan về độ tuổi, tư cách công dân, không được kiêm nhiệm chức vụ khác .v.v. Các thành viên của ủy ban kiểm toán nhà nước của Thái Lan có nhiệm kỳ 6 năm kể từ khi được bổ nhiệm và chỉ được làm một nhiệm kỳ. Giống như các cơ quan hiến định khác, ủy ban kiểm toán nhà nước có bộ máy giúp việc và ngân sách riêng để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của mình. Ngoài thẩm quyền tiến hành các hoạt động kiểm toán nhà nước, ủy ban kiểm toán nhà nước của Thái Lan còn có quyền đặt ra những quy tắc mang tính tiêu chuẩn liên quan tới việc kiểm toán Nhà nước, cung cấp ý kiến góp ý và đề xuất hoàn thiện những khuyết điểm liên quan tới kiểm toán Nhà nước và có quyền chỉ định một uỷ ban kỉ luật tài chính tiền tệ độc lập chịu trách nhiệm xem xét và đưa ra biện pháp xử lí kỉ luật đối với các hoạt động tài chính và ngân sách.[348]

6.2.4. Thanh tra nghị viện

          Chỉ có hai trong số các quốc gia ASEAN nghiên cứu ở đây có quy định về thanh tra nghị viện trong hiến pháp của mình, đó là Philippines và Thái Lan.

          Trong hiến pháp Philippines, thanh tra nghị viện không được quy định ở phần các thiết chế hiến pháp độc lập mà ở phần chế độ trách nhiệm công vụ. Thanh tra nghị viện của Philippines là một tập thể gồm 4 thanh tra viên, một người phụ trách chung và ba người còn lại lần lượt đại diện cho một trong ba khu vực Luzon, Visayas và Mindanao. Các thanh tra viên do Tổng thống bộ nhiệm trong số ít nhất 6 ứng cử viên do Hội đồng tư pháp và luật sư  đề cử. Mỗi thanh tra viên đều có một cấp phó cũng do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Hội đồng tư pháp và luật sư. Nhiệm kỳ của thanh tra viên và phó thanh tra viên là 7 năm và không được tái bổ nhiệm. Họ cũng không được kiêm nhiệm bất cứ chức vụ gì trong quá trình tại nhiệm. Để được bổ nhiệm làm thanh tra viên, ứng cử viên cũng phải đáp ứng được các điều kiện như đối với thành viên của ủy ban bầu cử, ủy ban công vụ hay ủy ban kiểm toán của Philippines như trình bày trên đây. Đặc biệt, thanh tra viên bắt buộc phải là người đã từng là thẩm phán hay hành nghề luật tối thiểu 10 năm ở Philippines.[349]

          Nhiệm vụ hiến định của thanh tra nghị viện Philippines là bảo vệ nhân dân trước các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, hiến pháp yêu cầu các thanh tra nghị viện phải hành động ngay khi nhận được khiếu nại dưới bất kỳ hình thức nào chống lại các quan chức, nhân viên công vụ của Chính phủ, cơ quan, đơn vị của Chính phủ, kể cả trong các công ti hay chi nhánh của nó do chính quyền sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát và thông báo cho người khiếu nại biết những việc đã làm và kết quả thực hiện được khi xét thấy phù hợp. Để thực hiện nhiệm vụ này, thanh tra nghị viện Philippines có một số quyền hạn quan trọng như: (1) tự mình hay trên cơ sở có khiếu nại của bất cứ cá nhân nào tiến hành điều tra về những hành vi hành động hay không hành động bị coi là không hợp pháp, không công bằng, không đúng đắn hay không có hiệu quả của các đối tượng trong phạm vi thẩm quyền của thanh tra; (2) đề nghị, đề xuất, yêu cầu các biện pháp xử lý đối với người vi phạm gửi tới cấp lãnh đạo của người vi phạm, bao gồm các biện pháp như bãi nhiệm, tạm đình chỉ, giáng chức, phạt, phê bình hoặc truy tố; (3)Xác định nguyên nhân gây ra tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thói quan liêu, lệch lạc trong quản lí, gian dối, tham nhũng trong Chính phủ và đưa ra những đề xuất loại trừ tình trạng này cũng như đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn cao về đạo đức và hiệu quả hoạt động. Có thể thấy, đây là những nhiệm vụ quyền hạn rất mạnh đối với đối tượng chịu sự tác động của cơ quan thanh tra, tức là các cơ quan trong bộ máy hành pháp và hành chính nhà nước. Chính vì vậy, để bảo đảm sự độc lập của thanh tra quốc hội, ngoài các biện pháp bảo đảm cá nhân đối với thanh tra viên, hiến pháp Philippines còn quy định một số biện pháp bảo đảm đối với cơ quan thanh tra nghị viện như sự độc lập về ngân sách, tổ chức bộ máy giúp việc và tự chủ trong việc đặt ra các quy trình, thủ tục cho hoạt động của mình.[350]

          Cách thức tổ chức của thanh tra nghị viện Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với thanh tra nghị viện Philippines. Thanh tra nghị viện Thái Lan có ba thanh tra viên do Quốc vương bổ nhiệm theo sự cố vấn của Thượng nghị viện và sự đề cửa của một ủy ban được thành lập để tuyển chọn thanh tra nghị viện cũng như các thiết chế hiến pháp độc lập khác. Chánh thanh tra do các thanh tra viên bầu chọn. Các thanh tra nghị viện Thái Lan có nhiệm kỳ sau năm và cũng không có cơ hội được bổ nhiệm lại. Về mặt tiêu chuẩn trở thành thanh tra viên, hiến pháp Thái Lan không quá chú trọng tới kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Để được bổ nhiệm, ứng cử viên phải là người có uy tín và được tôn trọng trong công chúng, có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính nhà nước, doanh nghiệp hay hoạt động vì lợi ích công cộng và có đạo đức. Cũng như những người đồng nhiệm Philippines, thanh tra nghị viện Thái Lan có văn phòng giúp việc riêng, có quyền tự chủ về tổ chức và có ngân sách riêng để hoạt động.[351]

          Phạm vi thẩm quyền của thanh tra nghị viện Thái Lan có phần rộng hơn so với những người đồng nhiệm Philippines. Thanh tra nghị viện Thái Lan có những quyền hạn sau:

          - Xem xét, điều tra theo các khiếu nại đối với các quan chức chính phủ, nhân viên công vụ của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước hay chính quyền địa phương làm trái pháp luật, lạm dụng quyền hạn, thực hiện hay không thực hiện nhiệm vụ của mình dẫn tới thiệt hại cho người khiếu nại cho dù hành vi có hợp pháp hay không. Quyền hạn này được mở rộng tới cả các thiết chế hiến pháp và các cơ quan thi hành công lý thiếu trách nhiệm trong công việc, trừ hoạt động xét xử của tòa án.

          - Giám sát, đánh giá và chuẩn bị các khuyến nghị về việc tuân thủ Hiến pháp, bao gồm cả việc cân nhắc sửa đổi Hiến pháp khi cần thiết.

          - Báo cáo hàng năm các kết quả thực hiện nhiệm vụ, cùng với những nhận xét thích hợp, tới Hội đồng bộ trưởng, Viện dân biểu và Thượng nghị viện. Các báo cáo này cũng được công bố trên Công báo Chính phủ và để công khai đối với công chúng.

          - Đưa vấn đề tới tòa án hiến pháp khi xét thấy cần xem xét tính hợp hiến của bất kì điều khoản nào của luật hoặc đề nghị tòa án hành chính xem xét tính hợp pháp của bất cứ văn bản dưới luật nào.

6.2.5. Ủy ban quyền con người

          Philippines và Thái Lan cũng là hai nước duy nhất trong khối ASEAN có quy định về ủy ban quyền con người trong hiến pháp của mình.

          Ủy ban quyền con người của Philippines gồm một chủ tịch và bốn thành viên có quốc tịch Philippines và có đa số là thành viên luật sư đoàn. Cách thức thành lập, nhiệm kỳ và tiêu chuẩn bổ nhiệm thành viên ủy ban nhân quyền Philippines được quy định trong các văn bản luật. Trong khi đó, cơ quan đồng nhiệm ở Thái Lan gồm có chủ tịch và sáu thành viên khác được Quốc vương bổ nhiệm theo một quy trình giống như quy trình áp dụng đối với việc bổ nhiệm thanh tra nghị viện. Các ủy viên nhân quyền của Thái Lan phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền và quyền tự do của nhân dân. Họ có nhiệm kỳ 6 năm và không được tái bổ nhiệm. Ủy ban nhân quyền Thái Lan cũng có văn phòng riêng, có sự tự chủ về bộ máy giúp việc và ngân sách hoạt động riêng.[352]

          Ủy ban quyền con người của cả Philippines và Thái Lan đều đóng vai trò quan trọng, ít nhất là trên lý thuyết, trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người ở hai quốc gia này. Ủy ban quyền con người của Philippines có một số nhiệm vụ quyền hạn quan trọng như: (1) điều tra theo sáng kiến của mình hoặc trên cơ sở khiếu nại của người dân các vi phạm nhân quyền liên quan đến các quyền dân sự và chính trị dưới mọi hình thức;  (2) áp dụng các quy tắc hướng dẫn về hoạt động, các quy định về thủ tục và căn cứ vào Quy định của Toà án gọi ra hầu toà những người có hành vi coi thường việc vi phạm; (3) quy định các biện pháp pháp lí phù hợp để bảo vệ nhân quyền của tất cả mọi người trong phạm vi lãnh thổ Philippines cũng như người Philippines sống ở nước ngoài, quy định các biện pháp phòng ngừa và dịch vụ trợ giúp pháp lí cho những người bị thiệt thòi, có nhân quyền bị xâm phạm hoặc cần phải bảo vệ; (4) Thực hiện quyền thăm viếng nơi giam giữ, nhà tù hoặc các trung tâm tạm giữ người; (5) Thiết lập chương trình tiếp tục nghiên cứu, giáo dục và thông tin nhằm tăng cường sự tôn trọng tính ưu việt của nhân quyền; (6) Khuyến nghị với Quốc hội các biện pháp hiệu quả nhằm phát triển nhân quyền và quy định việc bồi thường cho nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền cũng như gia đình của họ; (7) Kiểm tra việc tuân thủ các nghĩa vụ điều ước quốc tế về nhân quyền của Chính phủ Philippines. Ủy ban quyền con người của Thái Lan có các nhiệm vụ quyền hạn tương tự như nhiệm vụ quyền hạn số 5, 6 và 7 của ủy ban quyền con người Philippines. Ngoài ra, ủy ban nhân quyền Thái Lan còn có một số nhiệm vụ quyền hạn khác như: (1) trong trường hợp đồng ý với nội dung khiếu nại của người khiếu nại rằng một điều khoản nào đó của luật ảnh hưởng tới nhân quyền và vì vậy cần xem xét tính hợp hiến, đưa vấn đề tới Toà án hiến pháp giải quyết cùng với ý kiến của mình; (2) trong trường hợp đồng ý với nội dung khiếu nại của người khiếu nại rằng một điều khoản nào đó của văn bản dưới luật, lệnh hay các hành vi hành chính khác ảnh hưởng tới nhân quyền và cần phải xem xét tính hợp hiến hay tính hợp pháp của nó, đưa vấn đề tới Toà án hành chính cùng với ý kiến của mình; (3) khởi kiện vụ án ra trước Toà án tư pháp thay mặt cho người bị thiệt hại khi người bị thiệt hại yêu cầu và cần thiết phải tìm giải pháp đối với việc vi phạm quyền con người đối với công chúng nói chung, theo quy định của luật; (4) đề xuất tới Nghị viện hay Hội đồng bộ trưởng các chính sách và khuyến nghị liên quan tới việc sửa đổi luật và văn bản dưới luật nhằm mục đích thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; và (5) gửi báo cáo thường niên đánh giá tình hình quyền con người trên cả nước và trình báo cáo đó lên Nghị viện.[353]

6.2.6. Ủy ban chống tham nhũng quốc gia của Thái Lan

          Mạng lưới các thiết chế hiến pháp độc lập nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước của Thái Lan đặc biệt hơn tất cả các quốc gia ASEAN khác ở chỗ, bên cạnh số lượng đáng kể các thiết chế hiến định độc lập khác, Thái Lan là quốc gia ASEAN duy nhất có quy định về ủy ban chống tham nhũng quốc gia với tư cách như một thiết chế hiến pháp độc lập nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước.

          Ủy ban chống tham nhũng quốc gia của Thái Lan gồm có Chủ tịch và tám thành viên khác do Quốc vương bổ nhiệm với sự cố vấn của Thượng nghị viện. Danh sách các ứng cử viên được đề cử bởi một hội đồng tuyển chọn bao gồm Chánh án Toà án tư pháp tối cao, Chánh án Toà án hiến pháp, Chánh án Toà án hành chính tối cao, Chủ tịch Viện dân biểu và lãnh đạo phe đối lập trong Viện dân biểu. Để được bổ nhiệm, các ứng cử viên phải đạt đủ các tiêu chuẩn và điều kiện để được bầu làm thẩm phán Tòa án hiến pháp Thái Lan. Ngoài ra, các ứng cử viên phải có phẩm chất đạo đức, có trình độ, phải đã từng là bộ trưởng, uỷ viên Uỷ ban bầu cử, Thanh tra Quốc hội, uỷ viên Uỷ ban nhân quyền quốc gia hoặc uỷ viên Uỷ ban kiểm toán nhà nước, hoặc phải đã từng phục vụ trong hệ thống công vụ với chức vụ không thấp hơn tổng cục trưởng hoặc điều hành trong cơ quan chính quyền với các quyền điều hành tương đương với tổng cục trưởng, hoặc giữ vị trí không thấp hơn vị trí giáo sư, hoặc là đại diện của các tổ chức phi chính phủ hoặc người tham gia vào các nghề nghiệp theo các tổ chức nghề nghiệp theo pháp luật với thời gian không dưới ba năm và được những tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức nghề nghiệp đó giới thiệu và ủng hộ. Các ủy viên ủy ban chống tham nhũng quốc gia có nhiệm kỳ 9 năm và không được tái bổ nhiệm. Trước khi hết nhiệm kỳ, các ủy viên cũng có thể bị bãi nhiệm nếu nhóm hạ nghị sĩ có tối thiểu ¼ tổng số hạ nghị sĩ hoặc cử tri với số lượng tối thiểu hai mươi nghìn người có quyền đệ đơn khiếu nại lên Chủ tịch Thượng nghị viện rằng ủy viên ủy ban chống tham nhũng quốc gia đã có hành vi không đúng đắn, cố ý vi phạm hiến pháp hoặc thực hiện hành vi nguy hại tới uy tín của chức vụ họ đang đảm nhiệm và vì vậy Thượng nghị viện phải bãi nhiệm ủy viên đó. Nếu ít nhất ¾ tổng số thượng nghị sĩ đồng ý với đơn khiếu nại thì ủy viên đó sẽ bị bãi nhiệm. Ngoài ra, ủy viên ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng có thể bị truy tố và xét xử nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự, nhóm các vị dân biểu, thượng nghị sĩ hoặc thành viên của cả hai viện với số lượng từ một phần năm tổng số thành viên hiện có của cả hai viện cũng có quyền đệ đơn khiếu nại lên Toà hình sự Toà án tư pháp tối cao đối với những người nắm giữ các chức vụ chính trị rằng uỷ viên nào đó của Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia đã trở nên giàu có một cách bất thường hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng hoặc lạm dụng chức vụ.

          Về cơ bản, ủy ban chống tham nhũng quốc gia của Thái Lan là một cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và chuyển hồ sơ cũng như kết luận của mình tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo hình thức bãi nhiệm hoặc cách chức. Cụ thể, ủy ban chống tham nhũng quốc gia có quyền điều tra và kết luận về việc quan chức nhà nước, từ cấp điều hành tới cấp quan chức chính phủ giữ vị trí giám đốc hay tương đương trở lên, đã trở lên giàu có bất thường hoặc đã có hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền hạn hoặc lạm dụng quyền tư pháp và có những hành động đối với những quan chức nhà nước hay quan chức chính phủ giữ vị trí thấp hơn đã có hành vi thông đồng với những người giữ chức vụ kể trên hoặc với những người giữ chức vụ chính trị hoặc đã có những hành vi vi phạm mà theo Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia là cần phải bị điều tra theo quy định của Luật cơ bản về chống tham nhũng. Bên cạnh đó, ủy ban này còn có một số quyền hạn lớn khác như điều tra tính chính xác, tình hình thực tế cũng như những thay đổi về tài sản và trách nhiệm tài chính của những người nắm giữ chức vụ chính trị từ cấp Thủ tướng trở xuống và giám sát tư cách đạo đức của những người nắm giữ chức vụ chính trị.[354]

6.3. Bảo đảm trách nhiệm của người nắm giữ, thực hiện quyền lực nhà nước trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Bên cạnh cơ chế bảo vệ hiến pháp và các thiết chế hiến pháp độc lập chủ động, bằng hành vi tính cực kiểm soát quyền lực nhà nước đề cập trên đây, một số quốc gia ASEAN còn quy định trong hiến pháp của mình các biện pháp mang tính phòng ngừa các khả năng tham nhũng hoặc thực hiện quyền lực nhà nước một cách không đúng đắn. Có hai bản hiến pháp có quy định những nội dung này, đó là hiến pháp Philippines và hiến pháp Thái Lan.

          Hiến pháp Philippines dành hẳn một trong số 18 điều quy định về nội dung nói trên, đó là Điều 11 có tiêu đề “trách nhiệm của quan chức”. Điều này trước tiên khẳng định “cơ quan công quyền là cơ quan được công chúng uỷ nhiệm. Quan chức và nhân viên công vụ luôn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân với trách nhiệm cao nhất, liêm trực, trung thành và có hiệu quả; làm việc với tinh thần yêu nước, công tâm và có cuộc sống khiêm tốn, giản dị.”

          Để bảo đảm điều đó, Điều 11 đề cập tới hai biện pháp là luận tội đối với các quan chức cấp cao của bộ máy nhà nước và thanh tra nghị viện đối với toàn bộ hệ thống công quyền như đã trình bày trên đây. Các thủ tục luận tội được thiết kế bảo đảm sự tiếp cận dễ dàng của người dân. Bất cứ công dân nào đều có thể trực tiếp hoặc thông qua hạ nghị sĩ đại diện cho mình nộp đơn đề nghị tiến hành thủ tục luận tội tại Nghị viện. Đề nghị này phải được đưa vào chương trình làm việc trong vòng mười ngày họp kể từ ngày nhận đơn, đồng thời được chuyển đến Ủy ban phù hợp trong vòng ba ngày họp sau đó. Sau khi xem xét, với đa số biểu quyết của các thành viên, Ủy ban này sẽ đệ trình báo cáo với Hạ nghị viện cùng với nghị quyết về vụ việc trong vòng sáu mươi ngày họp kể từ ngày nhận được đơn đề nghị. Nghị quyết này sẽ được Hạ nghị viện lên lịch xem xét trong vòng mười ngày họp kể từ ngày nhận được đề nghị đó. Trong trường hợp đơn hay nghị quyết về việc luận tội tại Quốc hội được ít nhất một phần ba tổng số thành viên của Hạ nghị viện đưa ra, Hạ nghị viện sẽ soạn thảo các điều khoản về việc luận tội trước Quốc hội và Thượng nghị viện sẽ tiến hành việc luận tội này ngay lập tức.

          Hiến pháp Thái Lan có những quy định chi tiết hơn rất nhiều so với hiến pháp Philippines về các biện pháp bảo đảm trách nhiệm của người nắm giữ, thực hiện quyền lực nhà nước.

          Thứ nhất, tất cả các quan chức chính trị của Thái Lan từ trung ương tới địa phương đều phải chịu chế độ kê khai và giám sát tài sản hết sức chặt chẽ. Các quan chức chính trị được hiến pháp định nghĩa bao gồm: Thủ tướng, các bộ trưởng, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các quan chức chính trị khác trong bộ máy nhà nước, các cán bộ quản lý hành chính địa phương và ủy viên hội đồng địa phương – có nghĩa là hầu hết quan chức làm việc theo chế độ nhiệm kỳ trong bộ máy nhà nước Thái Lan. Theo quy định của hiến pháp, những quan chức chính trị này đều phải trình bản kê khai chi tiết tài sản và trách nhiệm tài chính của bản thân họ, của vợ, chồng hoặc con cái chưa có năng lực pháp luật của họ cho Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan. Thời điểm nộp bản kê khai là trong vòng 30 ngày kể từ khi nhậm chức và 30 ngày kể từ khi rời khỏi chức vụ. Thậm chí, các quan chức này cũng phải nộp bản kê khai tài sản của bản thân mình sau một năm kể từ khi rời khỏi chức vụ. Nghĩa vụ kê khai tài sản là một nghĩa vụ được quy định rất nghiêm túc và được bảo đảm bằng chế tài rất nặng. Hiến pháp Thái Lan quy định rõ rằng bất cứ người nào cố tình không nộp bản kê khai tài chính hoặc nộp bản kê khai không chính xác thì Ủy ban chống tham nhũng quốc gia phải đưa vấn đề tới Tòa án hình sự tối cao đối với người nắm giữ các chức vụ chính trị để xét xử. Trong trường hợp bị tòa án này tuyên là đã vi pham nghĩa vụ khai báo thì người vi phạm ngay lập tức sẽ bị luận tội, bị bãi nhiệm và bị cấm giữ các chức vụ chính trị hay chức vụ trong đảng phái chính trị trong vòng 5 năm. Các bản kê khai tài sản của Thủ tướng, bộ trưởng, nghị sĩ đều được công khai. Các bản kê khai tài sản của những đối tượng khác chỉ có thể công bố theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các bản kê khai tài sản này là công cụ để Ủy ban chống tham nhũng quốc gia giám sát tình hình tài sản của các quan chức chính trị Thái Lan. Trong trường hợp có sự tăng bất thường, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia có thể chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tổng công tố để truy tố quan chức chính trị ra trước Tòa hình sự tối cao đối với những người nắm giữ các chức vụ chính trị.[355]

          Thứ hai, một số trường hợp bị xem là xung đột lợi ích và các quan chức của bộ máy nhà nước không được phép thực hiện. Hiến pháp Thái Lan có quy định rõ những trường hợp đó. Tất cả các thành viên của Chính phủ sắp mãn nhiệm không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà về bản chất là bổ nhiệm hoặc điều động các quan chức Chính phủ trong khối cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước, không được phê chuẩn bất cứ khoản giải ngân nào của các quỹ dự trữ giành cho các trường hợp khẩn cấp và không được phê chuẩn bất kỳ công trình hay cam kết ràng buộc nào đối với Chính phủ kế nhiệm. Thủ tướng, bộ trưởng và nghị sĩ Thái Lan không được nắm giữ bất kỳ chức vụ nào khác trong bộ máy nhà nước hoặc làm các công việc có hưởng lương hay nhận bất kỳ các khoản tiền bất thường hay lợi ích đặc biệt nào từ bất kỳ cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước nào. Nghị sĩ cũng không được can thiệp vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của người hay của đảng của mình vào việc thực hiện công vụ của các quan chức nước, việc tuyển dụng, bổ nhiệm,  tổ chức, điều động, thăng chức, tăng lương của các quan chức chính phủ. Thủ tướng, bộ trưởng, vợ/chồng và con cái chưa thành niên của họ không được là một bên liên danh hoặc cổ đông trong một công ti liên danh hoặc công ti hay vẫn duy trì vai trò của mình giống như một bên liên danh hay cổ đông vượt quá giới hạn quy định của luật.[356]

          Thứ ba, hiến pháp Thái Lan yêu cầu phải có các tiêu chuẩn đạo đức, ứng xử của người giữ các chức vụ chính trị và quan chức Chính phủ trong từng lĩnh vực ngành nghề nhất định.  Các tiêu chuẩn đạo đức đó phải có tính hệ thống và có tính khả thi một cách hiệu quả và phải quy định được những thủ tục áp dụng chế tài theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, ứng xử của người giữ các chức vụ chính trị và quan chức chính phủ sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật. Khi phát hiện vi phạm, thanh tra nghị viện phải báo cáo vụ việc lên Nghị viện, Chính phủ, hội đồng địa phương có liên quan hoặc thậm chí là Ủy ban chống tham nhũng quốc gia để xem xét và áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết, kể cả việc áp dụng thủ tục bãi nhiệm.[357]

          Có thể thấy các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định hết sức phong phú và đa dạng trong hiến pháp các quốc gia ASEAN. Ngoại trừ CHDCND Lào không quy định trong hiến pháp về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, các quốc gia ASEAN còn lại đều có quy định ở những mức độ khác nhau. Các quốc gia ASEAN đặc biệt chú trọng tới các thiết chế độc lập kiểm soát quyền lực nhà nước. Số lượng các thiết chế này được quy định trong hiến pháp là khá nhiều và phong phú về chủng loại. Trong đó, các ủy ban công vụ là thiết chế thực sự thể hiện nét đặc thù của các nước Á-Đông. Trong số các quốc gia ASEAN, có thể thấy cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước Philippines và Thái Lan là ấn tượng nhất với sự đa dạng và phức tạp về loại hình thiết chế, cơ cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền. Hai quốc gia này cũng là hai quốc gia duy nhất có quy định các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước. Số lượng các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Thái Lan cũng là nhiều nhất so với các quốc gia ASEAN còn lại. Ở các quốc gia khác, hoặc là chỉ tồn tại một số lượng ít các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ví dụ như Malaysia hay Singapore; hoặc là các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định quá chung chung trong hiến pháp và do đó khó có thể bảo đảm hoạt động một cách hiệu quả trên thực tế, ví dụ như Indonesia, Myanmar và Brunei.

 

 

Chương 7: Các quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Nếu dựa trên đặc điểm của các quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp, có thể chia các quốc gia ASEAN thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các quốc gia không có quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp, bao gồm Brunei và Singapore. Lý do của điều này có lẽ là bởi vì hai quốc gia này đều có quy mô dân số nhỏ, sống tập trung trên một diện tích nhỏ; vì thế việc chia cắt lãnh thổ thành những đơn vị hành chính nhỏ hơn trở nên không cần thiết. Nhóm thứ hai là các quốc gia theo mô hình liên bang, bao gồm Malaysia và Myanmar. Nhóm thứ ba là những quốc gia còn lại, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan. Đây là những quốc gia theo mô hình đơn nhất. Các quy định về chính quyền địa phương của các quốc gia này có những điểm đặc thù khác với các quốc gia theo mô hình liên bang.

7.1. Chính quyền địa phương trong hiến pháp các quốc gia ASEAN theo mô hình liên bang

          Các quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp Malaysia chủ yếu xoay quanh vấn đề phân định thẩm quyền giữa cấp chính quyền liên bang và cấp chính quyền bang, hầu như không có bất cứ quy định cụ thể nào về cấu trúc các cấp chính quyền địa phương các cấp ở các bang. Quy định trong Phụ lục 9 của hiến pháp Myanmar là ba danh sách gồm những lĩnh vực thuộc quyền lập pháp của chính quyền cấp liên bang, chính quyền cấp bang và các lĩnh vực thẩm quyền chung của chính quyền cấp liên bang và cấp bang. Ba danh sách này cũng chính là căn cứ để phân định phạm vi thẩm quyền hành pháp ở cấp liên bang và cấp bang. Bên cạnh nhiệm vụ chấp hành quyết định của cơ quan lập pháp cấp bang, cơ quan hành pháp của cấp bang còn có nhiệm vụ đảm bảo việc tuân thủ pháp luật liên bang có hiệu lực ở bang và không được cản trở việc thực thi quyền hành pháp của liên bang. Hiến pháp Malaysia không có quy định cụ thể về tổ chức bộ máy chính quyền ở từng cấp ngoài việc công nhận sự tồn tại của tiểu vương hay thống đốc và hội đồng lập pháp ở mỗi bang.[358]

          Giống như hiến pháp Malaysia, quan hệ giữa cấp liên bang và cấp bang là mối quan tâm chủ yếu của các quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp Myanmar. Mối quan hệ này về căn bản được dựa trên ba danh sách phân định một cách khá rõ ràng lĩnh vực thuộc quyền lập pháp của cấp liên bang, cấp bang và cấp khu vực tự trị.[359] Dựa trên danh sách này các quyền lập pháp và hành pháp của bang được thực hiện một cách độc lập tương đối với cấp chính quyền liên bang. Tuy nhiên, sự độc lập tương đối này chỉ là về hình thức bởi lẽ hiến pháp Myanmar quy định rất rõ rằng trong mọi trường hợp bất kỳ quy định pháp luật nào do cấp bang ban hành trái với luật hay hiến pháp của cấp liên bang thì hiến pháp và pháp luật liên bang được ưu tiên áp dụng.[360]

          Bên cạnh điểm giống nhau rất cơ bản đó, hiến pháp Myanmar quy định về chính quyền địa phương một cách chi tiết hơn nhiều so với hiến pháp Malaysia. Tuyệt đại đa số các quy định này tập trung vào cách thức hình thành đường ranh giới hành chính lãnh thổ, cấu trúc hành chính lãnh thổ và cơ cấu tổ chức chính quyền cấp bang.

          Theo quy định của hiến pháp, Myanmar được chia thành năm cấp hành chính lãnh thổ ở địa phương, bao gồm làng, xã, thị trấn, quận, bang hoặc vùng. Đường ranh rới giữa các bang, các vùng có thể được thay đổi bởi Nghị viện liên bang tuy nhiên trước tiên cử tri của bang hoặc vùng đó và sau đó là nghị viên của bang hoặc vùng đó phải chấp thuận với việc thay đổi địa giới. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết thì ¾ tổng số đại biểu nghị viện liên bang cũng có thể thay đổi ranh giới lãnh thổ giữa các bang hoặc vùng. Đường ranh giới của đơn vị hành chính lãnh thổ cấp thấp hơn do Tổng thống quyết định thay đổi theo đề xuất của người đứng đầu cơ quan hành pháp của bang tương ứng.[361]

          Hiến pháp Myanmar dành khá nhiều quy định về chính quyền địa phương song tuyệt đại đa số các quy định đó điều chỉnh về chức năng, cơ cấu tổ chức của chính quyền cấp bang, vùng và khu tự trị. Trong hiến pháp hầu như không có quy định về vai trò cũng như cơ cấu tổ chức của chính quyền cơ sở ở cấp làng, xã hoặc quận. Về mặt tổ chức, chính quyền cấp bang của Myanmar bao gồm một nghị viện do cử tri bầu trực tiếp và một tập thể cơ quan chấp hành đứng đầu là thủ hiến và các thành viên là bộ trưởng của bang. Theo quy định của hiến pháp, thủ hiến chính quyền cấp bang, bao gồm bang, vùng, khu vực tự trị, do Tổng thống liên bang tuyển chọn và giới thiệu để nghị viện bang phê chuẩn. Nghị viện sẽ không có quyền từ chối phê chuẩn nếu như người được giới thiệu đã đủ tiêu chuẩn theo quy định của hiến pháp. Sau khi được phê chuẩn, thủ hiến sẽ được Tổng thống liên bang chính thức ký quyết định bổ nhiệm. Các bộ trưởng của bang sẽ do thủ hiến lựa chọn và đề cử để nghị viện bang phê chuẩn trước khi được Tổng thống bổ nhiệm chính thức.[362] Như vậy về mặt tổ chức, cơ quan hành pháp cấp bang của Myanmar có sự lệ thuộc lớn vào Tổng thống, người đứng đầu quyền hành pháp liên bang. Có thể nói rằng, tuy Myanmar là một quốc gia liên bang và hình thức quy định về mối quan hệ giữa cấp bang và liên bang trong hiến pháp như thể rằng đây là một quốc gia liên bang. Song, về thực chất sự lệ thuộc của chính quyền cấp bang vào cấp liên bang của Myanmar thậm chí còn mạnh hơn sự lệ thuộc của chính quyền địa phương vào chính quyền trung ương ở các nhà nước đơn nhất.

          Như vậy, hiến pháp của các quốc gia liên bang trong ASEAN - Malaysia và Myanmar - có những đặc điểm giống nhau trong các quy định về chính quyền địa phương. Hai hiến pháp này đều chỉ chú trọng tới việc phân định một cách tương đối lĩnh vực thẩm quyền giữa cấp liên bang và cấp bang, từ đó vạch ra ranh giới về thẩm quyền cho hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp bang. Cả hai bản hiến pháp đều không quy định cụ thể về cấp chính quyền địa phương ở cơ sở, không có sự ghi nhận về quyền tự quản cũng như nghĩa vụ cung cấp dịch vụ tối thiểu phục vụ cuộc sống của người dân địa phương. Riêng hiến pháp Myanmar còn quy định khá cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp bang, bao gồm các bang, vùng và khu tự trị.

7.2. Chính quyền địa phương trong hiến pháp các quốc gia ASEAN theo mô hình đơn nhất

          Như trên đã đề cập, có năm quốc gia ASEAN theo mô hình đơn nhất có quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp, đó là Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, mức độ chi tiết và phạm vi về các vấn đề liên quan tới chính quyền địa phương được quy định trong hiến pháp của các quốc gia này lại có sự khác nhau lớn. Nếu căn cứ theo sự tăng dần của mức độ chi tiết và phạm vi các vấn đề liên quan tới chính quyền địa phương được quy định trong các bản hiến pháp này thì có thể xếp loại chúng theo thứ tự sau: Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

          Hiến pháp Campuchia quy định hết sức sơ lược về chính quyền địa phương mặc dù cũng dành hẳn một chương với hai điều khoản cho vấn đề này (Chương 13). Nội dung chính được đề cập ở Chương 13 chỉ là sự ghi nhận về việc phân chia lãnh thổ Vương quốc Campuchia theo các đơn vị hành chính lãnh thổ. Theo đó toàn bộ vương quốc được chia thành các tỉnh và các khu vực. Các tỉnh được chia thành các quận (srok) và các quận được chia thành các xã (khum). Các khu vực được chia thành Khan và các Khan được chia thành Sangkat. Không có bất cứ sự ghi nhận nào về tính tự chủ của chính quyền địa phương, sự phân biệt giữa các tỉnh và khu vực, cấu trúc chính quyền địa phương từng cấp .v.v. trong hiến pháp. Tất cả những vấn đề này cùng với những khía cạnh khác liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương các cấp của Campuchia được quy định trong luật.

          Hiến pháp Lào cũng dành hẳn một chương riêng - Chương 13, trong hiến pháp với hai điều khoản nhiều hơn Chương 13 của hiến pháp Campuchia để quy định về chính quyền địa phương. Tuy nhiên phạm vi các vấn đề được điều chỉnh cũng không rộng hơn là mấy so với hiến pháp Campuchia. Hiến pháp Lào chỉ quy định về cấu trúc hành chính lãnh thổ và khái quát cơ cấu, tổ chức chính quyền địa phương ở mỗi cấp. Theo đó, toàn bộ lãnh thổ Lào được chia thành ba cấp: tỉnh (thành phố), huyện (quận) và bản. Về tổ chức chính quyền, hiến pháp Lào chỉ chú trọng quy định khái quát về cơ quan quản lý hành chính ở mỗi cấp. Ở mỗi đơn vị hành chính lãnh thổ của Lào đều có một người đứng đầu bộ máy hành chính và đều được gắn với chức danh “trưởng”, ví dụ tỉnh trưởng, thị trưởng, huyện trưởng, quận trưởng, trưởng bản. Mỗi cấp trưởng đều có các phó giúp việc. Trong hiến pháp hoàn toàn không có quy định về cơ quan đại diện ở địa phương cũng như cách thức hình thành vị trí “trưởng” bộ máy hành chính từng cấp. Các cấp “trưởng” của tỉnh, thành phố, huyện được quy định một số nhiệm vụ quyền hạn cụ thể như: (1) đảm bảo thi hành hiến pháp và pháp luật, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết do cấp trên đề ra; (2) chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của tất cả các ngành, các cấp thuộc phạm vi phụ trách của mình; (3) đình chỉ thi hành, xóa bỏ hoặc bãi bỏ quyết định của các ngành thuộc cấp mình hoặc cấp dưới trái với pháp luật; và (4) quản lý công dân, xét và giải quyết các khiếu tố, khiếu nại và kiến nghị của nhân dân trong phạm vi quyền hạn của mình theo luật định. Trong các nhiệm vụ quyền hạn của cấp “trưởng” trên đây không hề có nhiệm vụ bảo đảm sự cung cấp và phục vụ các nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương. Giống hiến pháp Campuchia, hiến pháp Lào cũng không quy định về quyền tự quản của các cấp chính quyền địa phương.

          So với hiến pháp Campuchia và Lào, hiến pháp Indonesia không quy định dài hơn và chi tiết hơn về chính quyền địa phương. Song phạm vi các vấn đề được đề cập có sự mở rộng hơn một cách đáng kể. Lãnh thổ nước cộng hòa đơn nhất Indonesia được phân chia thành các tỉnh, mỗi tỉnh được chia thành các huyện và thành phố. Các tỉnh, huyện và thành phố có chính quyền riêng của mình. Cấu trúc chính quyền ở mỗi cấp đều có một hội đồng đại diện do nhân dân bầu trực tiếp. Bên cạnh hội đồng đại diện là người đứng đầu chính quyền, được gọi tương ứng là tỉnh trưởng, huyện trưởng và thị trưởng. Những chức vụ này được hình thành theo những cách thức bầu chọn dân chủ khác nhau. Các quy định của hiến pháp về cấu trúc chính quyền địa phương Indonesia có vẻ mâu thuẫn với nhau. Một mặt hiến pháp quy định chính quyền mỗi tỉnh, huyện, thành phố có hội đồng đại diện địa phương riêng của mình; một mặt khác tỉnh trưởng, huyện trưởng và thị trưởng là những người đứng đầu chính quyền. Sự thiếu vắng các quy định cụ thể hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và mối quan hệ giữa hai loại cơ quan này dễ dẫn tới các cách giải thích khác nhau về vai trò của chúng và cách thức vận hành chính quyền địa phương.[363]

          Điểm quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong quy định của hiến pháp Indonesia về chính quyền địa phương có lẽ là việc ghi nhận nguyên tắc tự quản địa phương và nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân địa phương. Khoản 2, Điều 18 quy định “chính quyền tỉnh, huyện và thành phố điều chỉnh và quản lí các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình phù hợp với nguyên tắc tự quản địa phương và nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của địa phương”. Phạm vi tự quản của chính quyền địa phương Indonesia được xác định trên nguyên tắc những vấn đề quản lý không được luật xác định thuộc đặc quyền của chính quyền trung ương thì thuộc quyền quyết định của chính quyền địa phương. Trong phạm vi đó, chính quyền địa phương có quyền ban hành các quy định của địa phương cũng như các quy tắc khác để thực hiện quyền tự quản và nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương.[364]

          Theo quy định của hiến pháp Philippines, các đơn vị hành chính lãnh thổ phổ biến của quốc gia này gồm có các tỉnh, thành phố, khu đô thị và các đơn vị cơ sở (Barangay). Địa giới của mỗi đơn vị hành chính lãnh thổ nói trên đều được xác định theo luật và việc thành lập, phân chia, sáp nhập, giải thế hay sự điều chỉnh địa giới của chúng đều phải được sự đồng thuận của người dân địa phương đó thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Trong tổ chức chính quyền ở mỗi địa phương đều phải có một cơ quan lập pháp và một cơ quan điều hành. Cơ quan lập pháp được hình thành bằng con đường bầu cử trực tiếp và có đại diện các thành phần dân cư trong phạm vi đơn vị đó. Hiến pháp Philippines cũng quy định cụ thể rằng các quan chức địa phương được bầu có nhiệm kỳ là 3 năm và không được làm quá 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, hiến pháp cũng không quy định cụ thể hơn về cách thức hình thành cơ quan chấp hành của địa phương cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan lập pháp và cơ quan điều hành ở mỗi cấp.

          Hiến pháp Phillipines đề cập tới quyền tự quản địa phương như là một nguyên tắc hoạt động của chính quyền địa phương. Song, hiến pháp không quy định rõ thế nào là tự quản địa phương và phạm vi quyền tự quản của địa phương được xác định như thế nào. Những nội dung tự quản chỉ được thể hiện hạn chế trong quyền tạo lập nguồn thu ngân sách riêng cho địa phương thông qua các khoản thuế, lệ phí và các khoản thu khác theo hướng dẫn của cơ quan lập pháp trung ương. Bên cạnh các nguồn thu từ địa phương, các cấp chính quyền địa phương Philippines cũng được nhận trợ cấp ngân sách từ chính quyền trung ương. Quyền tự quản của chính quyền địa phương Philippines còn được thể hiện ở chỗ chính quyền ở các cấp có thể tự mình liên kết, điều phối tiềm năng, thế mạnh với nhau để cùng phục vụ có hiệu quả lợi ích chung. Mặc dù có quyền tự quản theo hiến pháp song các chính quyền địa phương của Philippines từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở đều nằm dưới sự giám sát chung của Tổng thống nhằm bảo đảm hoạt động của chúng phù hợp với chức năng và quyền hạn do pháp luật quy định.[365]

          Ngoài các đơn vị hành chính lãnh thổ đề cập trên đây, hiến pháp Philippines còn quy định về việc thành lập hai khu vực tự trị là khu tự trị Hồi giáo Mindanao và khu tự trị Cordilleras. Đây là các khu vực địa lý lớn có đặc thù về di sản lịch sử, văn hóa, cấu trúc kinh tế-xã hội và dân cư. Trong khu tự trị cũng có các tỉnh, thành phố và khu đô thị giống như những đơn vị hành chính thông thường khác. Do những đặc thù về lịch sử, văn hóa, cấu trúc kinh tế-xã hội và dân cư nên chính quyền khu tự trị được trao quyền tự chủ và tự quản lớn hơn nhiều so với tính tự quản của chính quyền địa phương thông thường. Hiến pháp quy định thẩm quyền lập pháp của chính quyền khu tự trị bao trùm lên các vấn đề như: (1) Tổ chức hành chính; (2) Tạo lập các nguồn thu ngân sách; (3) Khu vực lãnh thổ của tổ tiên (ancestral domain) và nguồn tài nguyên tự nhiên; (4) Các quan hệ cá nhân, gia đình và tài sản; (5) Phát triển quy hoạch đô thị và nông thôn ở khu vực; (6) Phát triển kinh tế, xã hội và du lịch; (7) Chính sách giáo dục; (8) Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá; (9) Các vấn đề khác có thể được pháp luật ủy quyền nhằm phát triển sự thịnh vượng chung của người dân trong khu vực. Chính quyền khu tự trị có cơ quan cảnh sát riêng của mình để bảo vệ hòa bình và trật tự trên địa bàn khu tự trị. Tuy nhiên, vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực tự trị lại thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương. Cơ cấu tổ chức của chính quyền khu tự trị bao gồm một cơ quan lập pháp và một cơ quan hành pháp. Cả hai cơ quan này phản ánh ý chí và đại diện cho người dân trong khu tự trị. Khu tự trị cũng có hệ thống tòa án riêng để xét xử các vấn đề liên quan tới dân sự, gia đình, hôn nhân phù hợp với hiến pháp, pháp luật quốc gia và pháp luật khu tự trị. Cách thức tổ chức và thành lập các cơ quan chính quyền và hệ thống tòa án của khu tự trị được điều chỉnh bởi luật do Nghị viện Philippines ban hành.[366]

Khác với các bản hiến pháp ASEAN khác, hiến pháp Thái Lan không quy định về cấu trúc các cấp hành chính lãnh thổ, mà tương ứng với nó là cấu trúc các cấp chính quyền địa phương, của Thái Lan. Tất cả các cấp chính quyền địa phương của Thái Lan đều được điều chỉnh chung và theo cách thức giống nhau dưới tên gọi “các tổ chức chính quyền địa phương” (local government organizations). Các quy định về chính quyền địa phương trong hiến pháp Thái Lan chỉ xoay quanh bốn vấn đề là tự quản địa phương, trách nhiệm đáp ứng nhu cầu cơ bản của địa phương, cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền địa phương.

          Quyền tự quản là vấn đề được đề cập đầu tiên khi hiến pháp Thái Lan quy định về chính quyền địa phương. Quyền tự chủ được trao cho các tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc chính quyền tự quản trên cơ sở ý chí của người dân địa phương. Bất kỳ địa phương nào đáp ứng đủ điều kiện thành lập chính quyền tự quản đều có quyền tổ chức địa phương. Như vậy việc thành lập chính quyền địa phương của Thái Lan không được thực hiện theo kiểu áp đặt từ trên xuống dưới và theo một mô hình đồng phục ở tất cả các địa phương mà được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Quyền tự quản của chính quyền địa phương Thái Lan luôn được gắn liền với trách nhiệm cung cấp chính các dịch vụ công cộng phục vụ người dân địa phương, vì lợi ích của người dân địa phương. Một trong những loại hình dịch vụ cơ bản công cộng mà hiến pháp quy định chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp là dịch vụ giáo dục đào tạo nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của địa phương. Trong quá trình cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương phải quan tâm tới việc bảo tồn nghệ thuật, phong tục, tri thức bản địa và văn hoá tốt đẹp của địa phương mình. Có thể nói trách nhiệm đáp ứng dịch vụ công công cơ bản cũng chính là mục đích của quyền tự quản. Tự quản để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ công cộng cơ bản ở địa phương được đầy đủ hơn, kịp thời hơn.[367]

          Mặc dù nhấn mạnh tới quyền tự quản, hiến pháp Thái Lan không cho rằng quyền tự quản địa phương là tuyệt đối. Hoạt động của các tổ chức chính quyền Thái Lan vẫn phải được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc giám sát phải phù hợp với mức độ cần thiết trên cơ sở các quy định, thủ tục rõ ràng và phù hợp với điều kiện tương ứng của tổ chức chính quyền địa phương chịu sự giám sát. Quan trọng nhất là bất kỳ sự giám sát nào cũng không được làm phương hại tới nguyên tắc chính quyền tự quản dựa trên ý chí của người dân và bảo đảm mục đích bảo vệ lợi ích của người dân địa phương.[368]

          Mấu chốt của quyền tự quản của các tổ chức chính quyền địa phương Thái Lan là phạm vi nhiệm vụ quyền hạn mà nó được thực hiện. Hiến pháp Thái Lan hiện hành không quy định cụ thể phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương. Thay vào đó hiến pháp quy định Nghị viện phải ban hành luật lập ra kế hoạch và quy trình tản quyền từ cấp trung ương xuống cấp địa phương trong đó phân địch rõ nhiệm vụ quyền hạn và phân bổ các nguồn thu giữa hành chính trung ương và hành chính tỉnh với các tổ chức chính quyền địa phương các loại. Nghị viện cũng phải ban hành một hệ thống xem xét, đánh giá với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ có liên quan, đại diện của các tổ chức chính quyền địa phương và các thành viên có uy tín với số lượng bằng nhau để đánh giá hiệu quả hoạt động và tự quản của các tổ chức chính quyền địa phương. ([369])

          Giống như các hiến pháp ASEAN khác, hiến pháp Thái Lan không quy định cơ cấu tổ chức cụ thể cho từng tổ chức chính quyền địa phương ở từng cấp; thay vào đó hiến pháp chỉ quy định một cơ cấu tổ chức chung cho tất cả các tổ chức chính quyền địa phương bao gồm một hội đồng địa phương và một ủy ban hành chính địa phương. Hội đồng địa phương là cơ quan đại diện của người dân nên được hình thành bằng con đường bầu cử trực tiếp và kín. Ủy ban hành chính vừa là cơ quan chấp hành của hội đồng địa phương vừa là cơ quan hành chính địa phương nên có thể do nhân dân trực tiếp bầu ra hoặc cũng có thể do hội đồng địa phương thành lập. Cả hội đồng địa phương và ủy ban hành chính địa phương đều có nhiệm kỳ 4 năm. Ủy viên hội đồng địa phương và ủy ban hành chính địa phương đều phải chịu những điều cấm tương tự như những điều cấm áp dụng đối với nghị sĩ và thành viên chính phủ ở cấp trung ương để bảo đảm tránh những xung đột lợi ích khi thực hiện công việc của mình. Việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với quan chức và nhân viên tổ chức chính quyền địa phương được thực hiện theo tiêu chuẩn quy định thống nhất toàn quốc và phải được sự phê chuẩn trước của một cơ quan quản lý nhân sự các chính quyền địa phương, gọi là Ủy ban quan chức địa phương. Ủy ban này bao gồm đại diện của các cơ quan chính phủ thích hợp, các tổ chức chính quyền địa phương, các quan chức địa phương và những người có uy tín với số lượng ngang bằng theo quy định của luật.[370]

          Các quy định về sự tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền địa phương là một nét đặc thù riêng, rất đặc sắc của hiến pháp Thái Lan so với các hiến pháp khác trong khu vực. Hiến pháp quy định các cử tri có quyền bỏ phiếu bãi nhiệm ủy viên hội đồng địa phương hoặc thành viên ủy ban hành chính địa phương nếu cho rằng những người này không phù hợp để tiến hành chức vụ. Ngoài quyền bãi nhiệm,các cử tri còn có quyền trình kiến nghị lên Chủ tịch hội đồng địa phương để hội đồng ban hành các quy định hay nghị quyết của địa phương. Luật có trách nhiệm quy định quy trình, thủ tục và điều kiện cụ thể để cử tri thực hiện những quyền này. Bên cạnh đó, người dân địa phương có quyền tham gia vào hoạt động quản lí hành chính ở các tổ chức chính quyền địa phương. Tổ chức chính quyền địa phương phải có các biện pháp để bảo đảm sự tham gia đó của người dân. Theo quy định của hiến pháp, tổ chức chính quyền địa phương cũng có nghĩa vụ báo cáo hoạt động của mình trước người dân về những vấn đề liên quan tới việc chuẩn bị ngân sách, các khoản chi tiêu và kết quả công việc trong năm, để bảo đảm cho sự tham gia của người dân vào vấn đề theo dõi, đánh giá và xem xét hoạt động quản lí hành chính của của tổ chức chính quyền địa phương.[371] Các quy định trên đây cho thấy hiến pháp Thái Lan thể hiện rất rõ quan điểm gắn chặt hoạt động của các tổ chức chính quyền địa phương với việc phục vụ lợi ích của người dân địa phương. Mối quan hệ của người dân với chính quyền địa phương được quy định ở các khía cạnh khác nhau trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính quyền địa phương.Có thể nói đó là tư tưởng rất tiến bộ bởi vì nó đề cao dân chủ trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.Thái Lan cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực quy định về vấn đề này trong hiến pháp.

 

 

Chương 8: Một số nhận xét chung về hiến pháp các quốc gia ASEAN và những kinh nghiệm có thể tham khảo với Việt Nam

8.1. Một số nhận xét chung về hiến pháp các quốc gia ASEAN

Trên đây đã trình bày một số nhận xét cụ thể tương ứng với việc so sánh các hiến pháp ASEAN theo cụm vấn đề. Bên cạnh những nhận xét cụ thể đó có thể rút ra một số nhận xét chung về các hiến pháp ASEAN như sau:

          Thứ nhất, hiến pháp của các quốc gia ASEAN có sự đa dạng lớn về nhiều khía cạnh. Về mặt hình thức, tuy tất cả các bản hiến pháp đều là những hiến pháp thành văn song có những bản hiến pháp lại được xây dựng dày dặn như những đạo luật thực thụ (ví dụ hiến pháp Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan), trong khi đó cũng có những hiến pháp khá chung chung, mang tính cương lĩnh (ví dụ hiến pháp Campuchia, Indonesia, Lào). Về mặt thời gian ban hành, có những bản hiến pháp đã được ban hành từ khá lâu (ví dụ hiến pháp Indonesia, Malaysia) trong khi đó có những hiến pháp mới được ban hành trong thời gian gần đây (ví dụ hiến pháp Thái Lan, Myanmar). Nếu xếp theo mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, các bản hiến pháp ASEAN bao gồm hầu hết tất cả các hình thức chính thể trên thế giới từ hình thức chính thể ít phổ biến như quân chủ chuyên chế (Brunei), quân chủ lập hiến hồi giáo (Malaysia) cho tới các hình thức chính thể phổ biến hơn như cộng hòa đại nghị (Lào, Myanmar), cộng hòa tổng thống (Philippines, Indonesia) hay quân chủ lập hiến (Campuchia, Thái Lan). Với tính đa dạng cao như vậy, những nội dung hoặc đặc điểm giống nhau được xác định thông qua nghiên cứu so sánh giữa các bản hiến pháp có thể là những căn cứ đáng tin cậy để khẳng định các giá trị chung của nền lập hiến trong khu vực cũng như xu hướng hiến pháp hiện đại trên thế giới. Sự đa dạng lớn của các bản hiến pháp ASEAN còn là minh chứng cho thấy một lý thuyết lập hiến hiện đại khi áp dụng vào một quốc gia hoàn toàn có thể được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia đó. Sự áp dụng thuyết tam quyền phân lập là một ví dụ điển hình. Phần lớn các quốc gia ASEAN đều có áp dụng học thuyết tam quyền phân lập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cấp cao nhất của mình, cho dù có quy định trực tiếp và rõ ràng điều đó trong hiến pháp hay không. Tuy nhiên việc áp dụng học thuyết này trong tổ chức bộ máy nhà nước ở mỗi quốc gia ASEAN lại mang màu sắc khác nhau.

          Thứ hai, các chính thể được quy định trong chín bản hiến pháp ASEAN nghiên cứu ở đề tài này cũng hết sức đa dạng. Như trên đã đề cập, tất cả các hình thức chính thể trên thế giới đều xuất hiện trong các bản hiến pháp ASEAN, từ chính thể quân chủ chuyên chế, quân chủ hồi giáo, quân chủ lập hiến, cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị. Thậm chí ngay trong cùng một chính thể thì vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của mỗi cơ quan nhà nước ở cấp trung ương cũng không giống nhau. Ví dụ cùng theo chính thể quân chủ lập hiến song vai trò của Quốc vương Thái Lan cao hơn khá nhiều so với vai trò của Quốc vương Campuchia. Nếu Quốc vương Campuchia chỉ “trị vì chứ không cai trị” thì Quốc vương Thái Lan có khá nhiều thực quyền. Một ví dụ khác là cùng theo chính thể cộng hòa tổng thống song vai trò của Tổng thống Indonesia rõ ràng cao hơn rất nhiều so với người đồng nhiệm Philippines. Các chính thể được quy định trong hiến pháp các quốc gia ASEAN không những đa dạng mà còn khá phức tạp, thể hiện ở chỗ trong khi có các vị trí ở cùng một hình thức chính thể có vai trò và quyền hạn khác nhau thì lại có những hình thức chính thể khác nhau song vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất ở các quốc gia đó lại giống nhau, ví dụ trường hợp của Singapore và Malaysia. Singapore theo chính thể cộng hòa tổng thống hình thức còn Malaysia theo chính thể quân chủ hồi giáo lập hiến song vị trí, vai trò, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia cũng như cơ quan lập pháp, hành pháp ở hai quốc gia này có nhiều điểm giống nhau. Sự đa dạng và phức tạp trong các chính thể của các quốc gia ASEAN có thể làm cho quá trình hội nhập ASEAN gặp nhiều thách thức hơn quá trình hội nhập EU. Các nước thành viên EU hầu hết theo các hình thức chính thể mà trong đó cơ quan lập pháp chiếm ưu thế so với cơ quan hành pháp, ví dụ quân chủ nghị viện (như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan), cộng hòa đại nghị (như CHLB Đức), cộng hòa lưỡng tính (Pháp và một số nước chuyển đổi). Khi cơ quan lập pháp, tức là cơ quan đại diện chiếm ưu thế, thì lợi ích công cộng, lợi ích của nhân dân dễ tìm được tiếng nói và được ưu tiên hơn các lợi ích cá nhân. Điều này cũng có nghĩa là các nước thành viên EU dễ tìm được tiếng nói chung hơn trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực vì lợi ích của người dân trong toàn Liên minh. Trong khi đó sự khác biệt khá lớn về chính thể của các quốc gia thành viên ASEAN có thể dẫn tới những định hướng ưu tiên lợi ích khác nhau ở từng quốc gia và qua đó đặt ra những khó khăn nhất định trong việc tìm tiếng nói chung trong toàn khối.

          Cân nhắc tới sự đa dạng trong chính thể của các quốc gia ASEAN cũng có thể giúp xác định sách lược ngoại giao phù hợp với từng nước trong khối. Đối với quốc gia theo hình thức chính thể quân chủ chuyên chế, lợi ích cao nhất luôn là lợi ích của quốc vương, của vương triều, vì vậy những hoạt động ngoại giao mang lại hiệu quả cao nhất luôn là những hoạt động tiếp cận trực tiếp tới quốc vương. Đối với các quốc gia theo chính thể cộng hòa tổng thống, lợi ích được quân tâm thường là lợi ích của quốc gia, của dân tộc; các kênh ngoại giao hiệu quả nhất cũng lại là những kênh tiếp cận trực tiếp tới cơ quan hành pháp. Trong khi đó ở các quốc gia có nghị viện chiếm ưu thế thì lợi ích của các nhóm, của các tầng lớp đôi khi lại nổi trội hơn trong các hoạt động chính trị và hoạt động ngoại giao nghị viện cũng có thể đem lại những kết quả tốt.

          Thứ ba, nghiên cứu so sánh cấu trúc các vấn đề lớn được điều chỉnh trong hiến pháp các quốc gia ASEAN cho thấy hầu hết các hiến pháp ASEAN đều điều chỉnh về ba lĩnh vực lớn: (1) chính sách định hướng của nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội; (2) quyền và nghĩa vụ cơ bản; và (3) tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước mà trực tiếp nhất là tổ chức bộ máy nhà nước. Có thể thấy rằng cấu trúc này phản ánh xu hướng phát triển hiến pháp ở các nước đang phát triển. Ở các bản hiến pháp theo mô hình cổ điển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, các vấn đề được quan tâm điều chỉnh thường chỉ là quyền cơ bản và tổ chức bộ máy nhà nước. Ở các nước đang phát triển, phạm vi quan tâm điều chỉnh trong hiến pháp còn được mở rộng thêm tới việc nhà nước cần phải vận hành theo định hướng chính sách nào khi thực hiện sự cai trị của mình đối với xã hội. Như vậy là các bản hiến pháp của các nước đang phát triển, thể hiện qua các hiến pháp ASEAN, có phạm vi điều chỉnh toàn diện hơn và có sự ràng buộc chặt chẽ hơn đối với việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Các cơ quan nhà nước không những chỉ được hoạt động trong phạm vi quyền hạn được hiến pháp quy định, phải tôn trọng các quyền cơ bản hiến định mà chính sách, pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành còn phải tuân thủ theo những định hướng chính sách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được đặt ra trong hiến pháp.

          Thứ tư, qua so sánh các hiến pháp ASEAN từ các góc độ khác nhau có thể thấy bản hiến pháp ưu việt nhất là hiến pháp của Thái Lan. Tất nhiên, đây là hiến pháp mới được ban hành và cần có thời gian khẳng định tính hiệu quả của nó trên thực tế. Song về mặt nội dung hiến pháp Thái Lan quy định chi tiết, cụ thể và khoa học về các vấn đề mà nó điều chỉnh. Trong các bản hiến pháp, chế định về chính sách định hướng của nhà nước trong từng lĩnh vực thường bị chỉ trích là mang tính kêu gọi, cương lĩnh nhiều hơn là khả năng ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trong Hiến pháp Thái Lan đã dành riêng một phần trước khi đi vào quy định cụ thể chính sách trong từng lĩnh vực để quy định về vai trò của các chính sách được tuyên bố trong hiến pháp trong việc định hướng hoạt động lập pháp và hành pháp của nhà nước. Các quy định mang nội dung tương tự như “Khi công bố những chính sách ra Quốc hội, Hội đồng bộ trưởng – cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lí hành chính nhà nước - phải tuyên bố rõ về nội dung hoạt động và khung thời gian thực hiện, dự định tiến hành nhằm mục đích đạt được những nguyên tắc định hướng các chính sách nền tảng của Nhà nước và phải chuẩn bị một báo cáo đề cập các kết quả thực hiện, bao gồm cả các vấn đề phát sinh và trở ngại gặp phải trình lên Quốc hội ít nhất một lần mỗi năm”[372] có tác dụng làm cho các định hướng chính sách được quy định trong hiến pháp không chỉ là những lời tuyên bố trên giấy mà thực sự đi vào cuộc sống thông qua các hoạt động hàng ngày của các cơ quan nhà nước. Chế định về quyền cơ bản của hiến pháp Thái Lan cũng quy định được với nhiều quyền cơ bản tiến bộ một cách chi tiết và cụ thể có thể tránh được những giải thích khác nhau về nội hàm của các quyền. Đồng thời hiến pháp Thái Lan còn có các quy định rất cụ thể về việc người dân có thể làm gì để thực thi các quyền cơ bản của mình một khi có dấu hiệu bị vi phạm. Đây là những quy định hết sức ưu việt vì nó đem lại tính khả thi cao cho các quyền cơ bản được quy định trong hiến pháp. Các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước của Thái Lan cũng được quy định hết sức chi tiết trong hiến pháp với hệ thống thể chế và thiết chế nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước và chống tham nhũng khá chặt chẽ và ấn tượng. Đặc biệt, giống một số quốc gia khác, Thái Lan còn có nhiều quy định trong hiến pháp về việc người dân được tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị của quốc gia.

          Thứ năm, qua nghiên cứu so sánh trên đây cho thấy trong cách thức tổ chức quyền lực nhà nước ở các quốc gia ASEAN khá chú trọng tới vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Đa số các hiến pháp ASEAN đều ít nhất đề cập tới một loại thiết chế nào đó có chức năng kiềm chế hoạt động tổ chức thực hiện của các nhánh quyền lực nhà nước truyền thống (lập pháp, hành pháp và tư pháp), bảo đảm các nhánh quyền lực này hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Có những bản hiến pháp chỉ quy định về cơ chế bảo vệ hiến pháp để qua đó tác động tới những hành vi pháp lý không phù hợp với hiến pháp của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó có khá nhiều bản hiến pháp khác đề cập tới cả những cơ chế khác để kiểm soát việc thực hiện quyền lực, bảo đảm việc thực hiện quyền lực nhà nước tuân thủ pháp luật hay tuân theo những chuẩn mực luân lý nhất định. Nhìn một cách khái quát, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định trong các bản hiến pháp ASEAN khá toàn diện cả về mặt thiết chế, thủ tục và thể chế. Về mặt thể chế, hiến pháp các quốc gia ASEAN quy định về nhiều loại hình cơ quan có chức năng liên quan tới kiểm soát quyền lực nhà nước như thiết chế bảo vệ hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng, cơ quan kiểm toán, cơ quan phụ trách vấn đề đề cử và nhân sự, cơ quan thanh tra nghị viện, cơ quan bảo vệ quyền con người .v.v. Về mặt thủ tục, hiến pháp các quốc gia ASEAN quy định các thủ tục khá cụ thể để các cơ quan có chức năng liên quan tới kiểm soát quyền lực nhà nước có thể vận hành mà không cần hoặc cần ít những quy định cụ thể thêm, ví dụ thủ tục khởi kiện bảo hiến, thủ tục hoạt động của ủy ban nhân sự hay ủy ban chống tham nhũng. Điểm nổi bật nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của các bản hiến pháp ASEAN là sự hiện diện của các quy định mang tính phòng ngừa, ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực hoặc thực hiện quyền lực một cách không đúng đắn. Đó là những quy định liên quan tới nghĩa vụ khai báo tài sản của quan chức và việc so sánh bắt buộc tài sản của quan chức có trước và sau nhiệm kỳ chức vụ; đó cũng là những quy định ràng buộc về đạo đức nghề nghiệp gắn với chức vụ của quan chức nhà nước .v.v. Có thể nói xét tổng thể, nội dung về cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự là sự phát triển của các hiến pháp ASEAN so với các bản hiến pháp cổ điển, vốn thường chỉ chú trọng quy định về các nhánh quyền lực truyền thống: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các quốc gia ASEAN hầu hết là các quốc gia đang phát triển. Một trong những mối quan tâm hàng đầu ở những quốc gia này là ngăn chặn lạm dụng quyền lực nhà nước và chống tham nhũng. Sự xuất hiện của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong hiến pháp, vì vậy, thể hiện sự phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của các quốc gia này.

          Thứ sáu, chế định quyền cơ bản của công dân trong có sự khác biệt khá lớn giữa các bản hiến pháp ASEAN, song nhìn một cách quát thì rất phong phú. Trong một số hiến pháp, quyền cơ bản đi đôi với nghĩa vụ cơ bản. Có thể nói ở góc nhìn tổng hợp các bản hiến pháp ASEAN đã ghi nhận đầy đủ tất cả những quyền cơ bản ưu việt nhất theo các điều ước quốc tế hiện hành về quyền con người, kể cả các nhóm quyền mới như quyền của các cộng đồng dân cư. Ở một số hiến pháp, ví dụ hiến pháp Thái Lan và Philippines, không những các quyền cơ bản được quy định khá đầy đủ mà bản thân cơ chế pháp lý để người dân sử dụng bảo vệ quyền cơ bản của mình cũng được quy định rất cụ thể. Ở một số hiến pháp, kỹ thuật lập hiến cũng đã được vận dụng ở trình độ cao làm cho các quy định về quyền cơ bản rõ ràng và có giá trị ràng buộc lớn đối với các cơ quan nhà nước, ví dụ hiến pháp Thái Lan, Philippines.

          Thứ bảy, trong 9 hiến pháp ASEAN được nghiên cứu trong đề tài này, chế định về hệ thống tòa án được quy định rất khác nhau. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án cũng được quy định với độ dầy, mỏng khác nhau trong mỗi hiến pháp. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh tới nguyên tắc tòa án độc lập và có một số hiến pháp đã bước đầu quy định một số biện pháp khá thiết thực để bảo đảm tính độc lập của tòa án, ví dụ hiến pháp Philippines và hiến pháp Thái Lan. Điều này cho thấy khi hiến pháp quy định về tòa án thì vấn đề cốt lõi nhất luôn là tính độc lập của tòa án; mặt khác, việc đề cập tới các biện pháp bảo đảm tính độc lập của tòa án thay vì áp đặt nghĩa vụ độc lập lên tòa án cho thấy một số hiến pháp ASEAN đã bắt đầu tiệm cận với cách tiếp cận hiện đại của thế giới khi quy định về tính độc lập của tòa án.

          Thứ tám, tương tự với chế định về tòa án, chế định về chính quyền địa phương trong phần lớn các hiến pháp ASEAN theo mô hình đơn nhất nói chung đã đề cập được những nội dung cơ bản và hiện đại về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đó là tự chủ địa phương và chức năng cung cấp dịch vụ cơ bản phục vụ cho cuộc sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, một số bản hiến pháp cũng đã có kỹ thuật lập hiến hiện đại chỉ quy định về nguyên tắc ở các cấp chính quyền tự quản thì phải có cơ quan đại diện của người dân địa phương có chức năng đưa ra các quyết định quản trị ở địa phương và môt cơ quan chấp hành của cơ quan này. Các thức tổ chức chính quyền ở từng cấp hành chính lãnh thổ không được quy định cụ thể để tránh sự gò bó trong quá trình thực thi sau này.

8.2. Cơ sở xem xét nghiên cứu các kinh nghiệm tốt trong quy định của hiến pháp các quốc gia ASEAN

          Nằm ở khu vực Đông-Nam của châu Á, các quốc gia ASEAN có điều kiện địa lý, đặc điểm về nhân chủng học và tôn giáo tương đối khác nhau. Về mặt địa lý, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nằm ở bán đảo Trung-Ấn, trong khi đó các quốc gia còn lại tạo nên quần đảo Malaysia. Về mặt nhân chủng học giống người sinh sống ở Việt Nam, Singapore, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Brunei, Malaysia cũng có nguồn gốc khác nhau. Về tôn giáo, có thể nói rằng khu vực Đông Nam Á là khu vực đa dạng nhất về tôn giáo trên thế giới. Trong khi ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đạo Phật chiếm ưu thế thì ở Malaysia, Brunei, Indonesia là đạo hồi và ở Philippines là đạo Thiên chúa. Những đặc điểm khác biệt này tạo ra sự đa dạng về văn hóa trong khối các nước ASEAN. Tuy nhiên, từ góc nhìn của khoa học luật hiến pháp có thể thấy trong khối ASEAN có những đặc điểm chung nhất định có thể tạo cơ sở để Việt Nam xem xét, nghiên cứu để tiếp thu một số kinh nghiệm tốt trong các quy định của hiến pháp các quốc gia ASEAN.

          Thứ nhất, mặc dù có những khía cạnh văn hóa khá đa dạng và khác nhau, các nước ASEAN về cơ bản vẫn có nền tảng văn hóa về chiều sâu tương đồng với nhau. Sự tương đồng này về sâu xa đến từ điều kiện khí hậu. Toàn bộ khu vực Đông Nam Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mỗi năm đều có hai mùa khô và mùa mưa. Khí hậu quanh năm về tổng thể là mưa nhiều và độ ẩm cao. Điều này tác động tới đời sống dân cư nói chung và từ xa xưa đã làm hình thành trong tất cả các quốc gia ASEAN một nền văn minh lúa nước. Điều này thể hiện qua hình ảnh biểu tượng của Khối ASEAN là một bó lúa nước. Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN từ xưa cho tới ngày nay về cơ bản vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Cuộc sống của người dân các nước ASEAN vì vậy nhìn chung gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên, dễ chấp nhận những giá trị tự nhiên, có xu hướng coi trọng gia đình và các giá trị cộng đồng.

          Thứ hai, ngoại trừ Thái Lan, các quốc gia ASEAN còn lại, trong đó có Việt Nam, đều đã từng là những nước thuộc địa của các nước thực dân, đế quốc. Lịch sử lập hiến ở các quốc gia này ít nhiều đều gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia vì vậy, thường có một vị trí quan trọng trong hiến pháp.

          Thứ tư, mặc dù có sự đa dạng về tôn giáo lớn trong khu vực song có thể phân loại các quốc gia ASEAN thành những nhóm quốc gia cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của một tôn giáo nào đó. Việt Nam giống với Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo trong khi đó Malaysia, Singapore và Brunei lại chịu ảnh hưởng của Hồi giáo Malay. Sự tương đồng về tôn giáo trong các nhóm nước thường dẫn tới những đặc điểm văn hóa tương tự nhau trong từng nhóm nước đó.

          Thứ năm, về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, các quốc gia ASEAN có sự tương đồng khá lớn. Mặc dù trình độ phát triển cao thấp khác nhau khá rõ ràng song về cơ bản các quốc gia ASEAN đều đang là những nước đang phát triển, đang xây dựng nền kinh tế thị trường và đều đang gặp phải những vấn đề xã hội tương ứng nhất định như sự phân hóa giàu nghèo, phúc lợi xã hội chưa có điều kiện để được quan tâm đầy đủ.

          Thứ sáu, là những nước đang phát triển, hầu hết các quốc gia ASEAN chia sẻ một số mối quan tâm lớn ở tầm vĩ mô như xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, vai trò của nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền con người, dân chủ hóa, chống tham nhũng .v.v.

          Thứ bảy, giống Việt Nam, tuyệt đại đa số các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh và coi trọng giá trị tối cao của hiến pháp. Bản hiến pháp đều quy định về ba mảng vấn đề cơ bản và quan trọng nhất là các chính sách định hướng của nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản (của công dân) và tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

8.3. Một số kinh nghiệm tốt có thể tham khảo với Việt Nam

Chính vì có những điểm tương đồng trên cùng với việc hiến pháp Việt Nam và hiến pháp các quốc gia ASEAN về cơ bản cùng điều chỉnh những mảng vấn đề lớn giống nhau nên việc đặt vấn đề nghiên cứu, tham khảo một số kinh nghiệm tốt liên quan tới các bản hiến pháp ASEAN để hoàn thiện hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những đề cập trên đây chỉ đủ để khẳng định một điều rằng có cơ sở để xem xét, nghiên cứu những kinh nghiệm tốt của các quốc gia ASEAN. Trong phạm vi đề tài này không có ý định khẳng định kinh nghiệm nào thực sự phù hợp đến đâu và mức độ tham khảo, tiếp thu như thế nào. Để có thể đi đến kết luận đó cần dựa trên những nghiên cứu khác toàn diện hơn về điều kiện, hoàn cảnh văn hóa, lịch sử, chính trị, pháp luật, kinh tế - xã hội của Việt Nam.

          Qua nghiên cứu so sánh các hiến pháp các quốc gia ASEAN trên đây, bước đầu có thể xem xét, nghiên cứu một số kinh nghiệm tốt sau đây trong hiến pháp các quốc gia ASEAN để tham khảo cho quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 của Việt Nam.

          Thứ nhất: Cấu trúc ba vấn đề lớn được điều chỉnh trong phần lớn hiến pháp các quốc gia ASEAN khẳng định rằng đây là cấu trúc của hiến pháp hiện đại, phù hợp với các quốc gia đang phát triển. Kể từ năm 1959, các bản hiến pháp của Việt Nam cũng đều đề cập tới ba vấn đề lớn là các chế độ, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức bộ máy nhà nước. Như vậy là hiến pháp Việt Nam, mà cụ thể là Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) hiện hành có cấu trúc không những phù hợp cấu trúc của một bản hiến pháp XHCN mà còn phù hợp với xu hướng hiện đại trong bối cảnh của một nước đang phát triển.

          Tuy nhiên, điều cần lưu ý nằm ở nhận thức về vai trò của việc điều chỉnh từng vấn đề lớn đó trong hiến pháp cũng như cách thức quy định từng vấn đề này. Cụ thể, các nội dung liên quan đến vấn đề thứ nhất (các chế độ) và vấn đề thứ hai (quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) không nên chỉ mang tính chất ghi nhận thành quả của cách mạng mà cần phải được quy định để mang tính pháp lý bảo đảm sự thực thi. Trong hiến pháp một số quốc gia ASEAN như Thái Lan và Singapore, phần các quy định về chính sách của nhà nước trong các lĩnh vực được xác định rõ ràng là những chính sách định hướng mà nhà nước phải tuân thủ, có giá trị ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách của mình. Trong hầu hết các hiến pháp ASEAN, các quy định về quyền cơ bản đều mang tính chất ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước theo nghĩa đó là các nghĩa vụ tương ứng của các cơ quan nhà nước. Đây là những đặc điểm ưu việt và đáng tham khảo. Bởi vì các chế độ quy định trong Hiến pháp 1992 trong các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ khó có ý nghĩa, ngay cả khi chỉ xem nó như là sự ghi nhận thành quả, nếu như không quan tâm tới việc nó được thực thi như thế nào trong thực tế. Lập luận tương tự cũng phù hợp với chế định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chính vì vậy, cách thức quy định đối với hai vấn đề này cũng cần mang tính quy phạm nhiều hơn để có tính ràng buộc và có giá trị thực thi cao hơn đối với các cơ quan nhà nước.

          Thứ hai: Như trên đã đề cập, sự đa dạng trong việc áp dụng các hình thức chính thể là một đặc điểm nổi bật trong các hiến pháp ASEAN. Về mặt nguyên tắc, hiến pháp các quốc gia ASEAN được nghiên cứu trong đề tài này đều áp dụng học thuyết phân chia quyền lực nhà nước ở mức độ này hay mức độ khác và điều đó được thể hiện qua các hình thức chính thể đa dạng được áp dụng ở các quốc gia trong khối. Điểm đặc biệt là ngay cả khi áp dụng cùng một hình thức chính thể thì phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của từng nhánh quyền lực nhà nước ở một số hiến pháp cũng có sự khác biệt đáng kể. Campuchia và Thái Lan đều áp dụng chính thể quân chủ lập hiến. Song, quốc vương Thái Lan có khá nhiều quyền hạn thực chất trong khi đó quốc vương Campuchia lại chỉ có thể “trị vì” mà không “cai trị” và chỉ có các quyền hạn mang tính thủ tục. Sự gia tăng vai trò thực chất của quốc vương Thái Lan là phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của quốc gia này bởi vì nó tạo ra một cơ chế giải quyết có thể tin tưởng được khi xảy ra bế tắc chính trị. Tương tự như vậy, Indonesia và Philippines đều theo chính thể cộng hòa tổng thống song tổng thống Indonesia có phạm vi quyền hạn rộng hơn khá nhiều so với người đồng nhiệm Philippines. Quyền hạn được tăng cường của tổng thống Indonesia cũng có thể được coi là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia này bởi vì nó tạo ra sự tập trung quyền lực nhất định bảo đảm điều hành một quốc gia quần đảo một cách hiệu quả. Ở một khía cạnh khác, Singapore theo chính thể cộng hòa lưỡng tính về mặt hình thức song trên thực tế chính phủ chứ không phải tổng thống là người chi phối quyền hành pháp.

          Trên đây là những minh họa điển hình cho thấy sự áp dụng một cách linh hoạt học thuyết tam quyền phân lập vào tổ chức bộ máy nhà nước các quốc gia ASEAN. Dường như không có sự máy móc y nguyên một mô hình chính thể truyền thống nào đó, có nghĩa rằng không phải là cứ mô hình cộng hòa tổng thống là phải giống với Hoa Kỳ, cộng hòa lưỡng tính là phải giống Pháp hay quân chủ lập hiến là nhà vua chỉ được giữ vai trò tượng trưng. Đương nhiên, cho dù có sự khác nhau nhất định thì tổ chức bộ máy nhà nước thuộc cùng một hình thức chính thể bao giờ cũng mang nét đặc trưng cơ bản nhất của hình thức chính thể đó. Kinh nghiệm có thể tham khảo ở đây là khi thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước ở các quốc gia đang phát triển, hoàn toàn có thể áp dụng các học thuyết một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia mà không nhất nhất bị gò bó bởi nội hàm truyền thống của một khái niệm nào đó.

          Thứ ba: Như trên đã phân tích, một trong những đặc điểm nổi bật trong các hiến pháp ASEAN được so sánh trong đề tài này là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước khá toàn diện. Cơ chế đó bao gồm từ thiết chế bảo vệ hiến pháp, các thiết chế hiến pháp độc lập và các quy định nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền hay sử dụng quyền lực không đúng mục đích. Có thể nói hầu hết các quốc gia ASEAN đều có nhu cầu chống tham nhũng và ngăn ngừa lạm quyền rất lớn nên trong bộ máy nhà nước của họ mới hình thành nên cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước toàn diện đến như vậy. Các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước dường như đã tạo thành một nhánh quyền lực độc lập trong bộ máy nhà nước, là đối trọng với các nhánh quyền lực truyền thống. Kinh nghiệm có thể tham khảo ở đây là cách tiếp cận hệ thống đối với vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước phải được bắt đầu từ những thiết chế nhà nước độc lập, được trao quyền hạn đủ lớn và phù hợp để thực hiện chức năng của chúng một cách hiệu quả. Cũng không cần phải có một cơ quan duy nhất để kiểm soát quyền lực nhà nước của tất cả các nhánh quyền lực nhà nước khác bởi lẽ cấu trúc như vậy sẽ dẫn dắt vấn đề vào chỗ tranh cãi không dứt về việc ai sẽ là người có quyền kiểm soát cuối cùng. Trên thực tế có thể hình thành một vài thiết chế hiến định độc lập để phụ trách một số mảng công việc nào đó nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm quyền lực nhà nước không bị tha hóa. Mô hình các thiết chế hiến pháp độc lập như ủy ban chống tham nhũng, ủy ban nhân sự, ủy ban bầu cử, thanh tra nghị viện, thiết chế bảo hiến ở hiến pháp các quốc gia ASEAN rất đáng được tham khảo trong quá trình sửa đổi hiến pháp 1992 của Việt Nam.

          Thứ tư: Trong các quốc gia ASEAN, một số quốc gia áp dụng các hình thức chính thể trong đó vai trò truyền thống của nguyên thủ quốc gia chỉ mang tính hình thức như Campuchia, Thái Lan, Lào, Singapore. Tuy nhiên, ở Thái Lan, Lào và Singapore, vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia đã có một số sự thay đổi nhất định. Như đã đề cập, ở Thái Lan, quốc vương không còn chỉ giữ vai trò biểu tượng mà đã có những quyền hạn thực chất như quyền giải tán nghị viện hay phủ quyết các đạo luật mà nghị viện đã thông qua. Quốc vương Thái Lan cũng là người bảo đảm sự độc lập của các thẩm phán. Ở Singapore, tuy chính phủ mới thực sự là người điều hành đất nước song tổng thống lại có một số quyền kiểm tra nhất định đối với chính phủ và nghị viện trong lĩnh vực sử dụng nguồn dự trữ quốc gia, bảo đảm chính phủ không lạm tiêu vào phần tích lũy từ những năm trước. Ở Lào, bộ máy nhà nước được tổ chức theo chính thể cộng hòa đại nghị, chủ tịch nước do quốc hội bầu. Song, chủ tịch nước không chỉ thực hiện những quyền mang tính lễ nghi mà còn có quyền phủ quyết đối với những đạo luật được quốc hội thông qua và quyền triệu tập và chủ tọa các phiên họp đặc biệt của chính phủ. Như vậy là bên cạnh vai trò mang tính lễ nghi truyền thống thì nguyên thủ quốc gia của các quốc gia nói trên đã có thêm vai trò đáng kể trong lĩnh vực kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện một cách đúng đắn. Đây là một xu hướng khá thú vị và đáng tham khảo trong hiến pháp các quốc gia ASEAN.

          Thứ năm: Ở hiến pháp Thái Lan có những quy định khá thiết thực cho phép người dân tham gia trực tiếp vào chính trị. Ví dụ hiến pháp Thái Lan quy định nhóm công dân đạt được số lượng nhất định có quyền sáng kiến lập pháp, quyền khởi kiện một vụ việc chống tham nhũng chống lại một quan chức nào đó hay quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bãi nhiệm những chức vụ cao nhất của nhà nước như Thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, chánh án tòa án tối cao .v.v. Hiến pháp Việt Nam đã quy định bản chất của nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Những quy định trao quyền cho người dân trực tiếp tham gia vào chính trị của hiến pháp Thái Lan rất đáng được xem xét, tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992 của Việt Nam.

          Thứ sáu: Không phải hiến pháp ASEAN nào khi đề cập đến chính quyền địa phương cũng đều quy định chi tiết về các cấp hành chính lãnh thổ cũng như cơ cấu tổ chức chính quyền ở mỗi cấp. Trong khi đó, hầu hết các hiến pháp ASEAN có quy định về chính quyền địa phương đều quy định về tự quản địa phương và trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ cơ bản của người dân địa phương. Bên cạnh đó, liên quan tới tổ chức chính quyền ở mỗi cấp, một số bản hiến pháp chỉ quy định về nguyên tắc rằng các quyết định của chính quyền tự quản địa phương phải thuộc thẩm quyền của một cơ quan đại diện và phải được thực thi bởi một cơ quan chấp hành của cơ quan đại diện này. Đây cũng là xu hướng hiện đại trong quy định về chính quyền địa phương trong các bản hiến pháp và đáng được xem xét, tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992 của Việt Nam. Cách thức quy định như vậy cho phép xác định chính xác vai trò của chính quyền địa phương một cách đúng đắn đồng thời cho phép sự linh hoạt trong quy định về tổ chức chính quyền ở từng cấp.

          Thứ bảy: Hầu hết các hiến pháp ASEAN khi quy định về hệ thống tòa án đều nhấn mạnh tới nguyên tắc tòa án độc lập. Một số bản hiến pháp như hiến pháp Thái Lan, Singapore, Philippines còn quy định về một số biện pháp khá thiết thực nhằm bảo đảm tính độc lập của tòa án và thẩm phán. Hiến pháp Philippines quy định ngân sách của hệ thống tòa án do Tòa án tối cao quyết định và được giải ngân tự động; lương của các thẩm phán không bị giảm trong suốt nhiệm kỳ; các thẩm phán đều có nhiệm kỳ suốt đời cho đến năm 70 tuổi; và các thẩm phán chỉ có thể bị bãi nhiệm bởi một hội đồng gồm các thành viên là thẩm phán đồng nghiệp. Theo hiến pháp Singapore, thẩm phán cũng có nhiệm kỳ suốt đời cho đến độ tuổi về hưu là 65 tuổi. Trong suốt quá trình đó, thẩm phán Singapore cũng không thể bị cách chức theo con đường hành chính. Để cách chức một thẩm phán Singapore bắt buộc phải theo thủ tục tư pháp tại một tòa án riêng. Cả lương khi đang làm việc và lương hưu của thẩm phán Singapore không thể bị giảm theo hướng bất lợi hơn kể từ khi thẩm phán được bổ nhiệm. Để bảo đảm tính độc lập của các thẩm phán Tòa án tối cao Singapore, ngay cả Nghị viện Singapore cũng không có quyền bàn luận gì về tư cách đạo đức của thẩm phán Tòa án tối cao trừ khi có một bản kiến nghị riêng biệt của không ít hơn một phần tư tổng số Nghị sĩ. Để bảo đảm tính độc lập của các thẩm phán Thái Lan, hiến pháp Thái Lan quy định các thẩm phán không được nắm giữ các chức vụ chính trị; không được phép thuyên chuyển thẩm phán mà không có đồng thuận trước của thẩm phán đó trừ các trường hợp thuyên chuyển có thời hạn hay bị kỷ luật; không được thành lập các tòa án đặc biệt chỉ để xét xử những vụ việc cụ thể đã xảy ra; các thẩm phán do Quốc vương bổ nhiệm và cách chức; tiền lương, tiền công của thẩm phán áp dụng theo hệ thống thang, bảng lương riêng độc lập với khối hành chính. Như vậy, nhận thức về nguyên tắc tòa án độc lập ở các hiến pháp ASEAN đã bắt đầu theo xu hướng hiện đại của thế giới. Mặc dù các biện pháp bảo đảm cụ thể thì có thể được áp dụng một cách thích hợp tùy vào quan niệm và điều kiện hoàn cảnh của từng quốc gia; song quan điểm coi độc lập của tòa án là một quyền thay vì là nghĩa vụ của tòa án, thẩm phán và sự chú trọng tới các biện pháp bảo đảo cho quyền này của tòa án, thẩm phán rất đáng được tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992 của Việt Nam.

          Thứ tám: Về mặt kỹ thuật, một số hiến pháp ASEAN cũng có những kinh nghiệm đáng tham khảo.Trong đa số các bản hiến pháp hiến pháp ASEAN có phần quy định các điều khoản chuyển tiếp. Mỗi khi hiến pháp được sửa đổi bổ sung, đương nhiên sẽ có các quy phạm mới được ban hành và một số quy phạm cũ bị mất hiệu lực. Đôi khi, cần phải có thời gian để các quan hệ xã hội vận động theo các quy định mới. Các điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định quá trình thích ứng với các quy định mới đó. Cách làm ở Việt Nam từ trước đến nay là ban hành nghị quyết về việc thực hiện hiến pháp sửa đổi bổ sung. Nghị quyết này được ban hành theo thủ tục thông thường song lại có tác động tới tính hiệu lực của các quy định của hiến pháp. Nếu đưa một nội dung về các điều khoản chuyển tiếp vào hiến pháp sửa đổi bổ sung thay cho nghị quyết về việc thi hành hiến pháp sửa đổi, bổ sung hiến pháp thì hiệu lực tối cao của hiến pháp cũng như tính khoa học trong việc thực thi hiến pháp sẽ có thể được bảo đảm hơn./.

 



[1] Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008.

[2]The making and remaking of constitutions in Southeast Asia: an overview

[3]Human right in Asia: a comparative legal study of twelve Asian jurisdicitions, France, and the United States. NXB New York: Routledge, 2006.

[4]“Constitutional structures and human rights in Southeast Asia: Cambodia, Indonesia, Thailand and Vietnam”. University of New Brunswick Law Journal, 1998.

[5] “The elected Presidency in Singapore” .Singapore Journal of Legal Studies, 1991

[6]Creating a utopian parliament: the constitution of the Republic of Singapore (Amendement) Act 1984

[7]The Singapore constitution and its critics. 17 Denning L. J., 2004.

[8]The constitution of Malaysia

[9]Indonesian constitutional reform: muddling towards democracy.

[10]Indonesia – in search for a democratic constitution

[11] Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 5/2004.

[12] Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 4/2002.

[13] Tạp chí Khoa học pháp lý, 3/2000.

[14] Luận văn thạc sĩ Luật học, 2003.

[15] Luận văn thạc sĩ luật học, 2007.

[16] Luận án tiến sĩ luật học, 2007.

[17] Theo Giáo trình Luật hiến pháp Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008, Giáo trình Luật hiến pháp của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội.

[18] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[19] B. A. Hussainmiya, The Brunei Constitution of 1959: An Inside History, Brunei Press Bhd, 2000, trang 10-12; Asean law Association, Brunei Legal System, 2006, Chương 2; Lương Trọng Yêm, Bùi Thế Vĩnh, Mô hình nền hành chính các nước ASEAN, NXB chính trị quốc gia, 1996, trang 59, 60.

[20] B. A. Hussainmiya, The Brunei Constitution of 1959: An Inside History, Brunei Press Bhd, 2000, trang 20-25; Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 15-16.

[21]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 19, 20.

[22] Tsun Hang Tey, Brunei’s Revamped Constitution: The Sultan as th Grundnorm, Australian Journal of Asian Law, Vol. 9, No. 2 (2007).

[23] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[24]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 45, 46; Cambodia settlement agreement, Điều 5, 6.

[25]Phục lục 5, Hiệp định Paris

[26] Ted L. McDorman & Margot Young, Constitutional  structure and human rights in Southeast Asia: Cambodia, Indonesia, Thailand and Vietnam, 47 U.N.B.L.J. 85, 1998, trang 97, 98.

[27]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 49, 50.

[28] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[29]Agency for investigating efforts for the preparation of Indonesian independence.

[30] R.M.A.B Kusuma, The birth of the 1945 Constitution, Badan Penerbit Fakultas Hukum Universitas Indonesia, Jakarta, 2004, trang 17-25; Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 96.

[31] Asean law association, Indonesia, 2005, trang 1-3.

[32] Adnan Buyung Nasution, The Transition to Democracy: Lessons from the Tragedy of Konstituante in Crafting Indonesian Democracy, Mizan Media Utama, Jakarta, 2001, trang 25-33.

[33]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 100; Jimly Asshiddiqie, The Constitutional Law of Indonesia, Maxwell Asia, 2009; Denny Indrayana, Indonesian Constitutional Reform 1999-2002: An Evaluation of Constitution-Making in Transition, Kompas Book Publishing, Jakarta, 2008, trang 360, 361.

[34] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[35]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 134-136.

[36] MacAlister Brown and Joseph J. Zasloff. "Development of the Constitution". A country study: Laos (Andrea Matles Savada, editor). Library of Congress Federal Research Division (July 1994).

[37] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[38]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 165, 166.

[39]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 165, 166.

[40]Jawan, Jayum A. (2003). Malaysian Politics & Government, p. 43. Karisma Publications.

[41] Ahmad, Zainon & Phang, Llew-Ann (Oct. 1, 2005), the all-powerful executive; Wu, Min Aun & Hickling, R. H. (2003). Hickling's Malaysian Public Law, Petaling Jaya: Pearson Malaysia, tr. 33)

[42] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[43]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 193-195.

[44] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[45]US Congress, Marcos and the Road to Martial Law, 1965-1972, 1991.

[46] Asean Law Association, Legal system in Phillipines, 2005, Chương 1.

[47]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.) Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, trang 217, 220; Asean Law Association, Legal system in Phillipines, 2005, Chương 1.

[48] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[49]Kevin Tan Yew Lee, 1 Singapore Academy of Law Journal, 1989, tr. 15 – 20).

[50]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 253

[51]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 256-259.

[52] Tổng hợp từ UN’s Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (ESCAP), Statistical year book for Asia and the Pacific, 2009.

[53]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 309-314.

[54]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 314-316.

[55]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 14

[56]Clauspeter Hill & Jorg Menzel (Eds.), Constitutionalism in Southeast Asia, Konrad Adenauer Stiftung, 2008, Vol 2, tr. 253.

[57] Điều 2. Hiến pháp Brunei hiện hành.

([58]) Điều 24C, Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[59] Khoản 2, Điều 85, Hiến pháp Brunei

[60] Khoản 1, 2 Điều 37, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[61] Khoản 3, 4, Điều 37, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[62] Khoản 5, Điều 37, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[63] Khoản 1, 2, Điều 291, Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[64] Khoản 3, 4, 5, Điều 291, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[65] Điều 150, 151, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[66] Khoản 1, Điều 291, Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[67]Điều 97, hiến pháp Lào hiện hành

[68] Điều 113, 151.Hiến pháp Campuchia  hiện  hành.

[69] Điều, 66, 67, Khoản 1, 3, Điều 159, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[70] Khoản 5, Điều 159, Hiến pháp Malaysia hiện hành.

[71] Điều 161E, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[72]Điều 39.1.a, hiến pháp Singapore hiện hành.

[73] Điều 8, hiến pháp Singapore hiện hành.

[74] Điều 433, 434, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[75] Điều 435, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[76] Khoản a, Điều 436, hiến pháp Myanmar hiện hành

[77]Khoản b, Điều 436, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[78] Khoản 1, 2, Điều 17, hiến pháp Philippines hiện hành

[79] Khoản 4, Điều 17, hiến pháp Philippines hiện hành.

[80] Khoản 3, Điều 1, Hiến pháp Malaysia

[81] Điều 3. Hiến pháp Singapore hiện hành.

[82] Điều 1, 2, 3, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[83] Khoản 3, Điều 1. Hiến pháp Indonesia.

[84] Điều 51. Hiến pháp Campuchia.

[85] Điều 52, Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[86]Khoản 3, Điều 33, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[87]Khoản 2, Điều 33. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[88] Điều 58, 60. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[89]Điều 34. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[90] Điều 72, 73, 74, 75 Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[91]Điều 29, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[92] Điều 43, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[93] Điều 59. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[94]Điều 32, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[95] Điều 69, 70, 71.Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[96]Khoản 4, Điều 31, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[97] Điều 65-68, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[98]Khoản 5, Điều 31, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[99] Khoản 2-4, Điều 30, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[100] Điều 53, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[101] Điều 6, 10. Hiến pháp Lào hiện hành.

[102] Điều 2, 4, 5. Hiến pháp Lào hiện hành.

[103] Điều 3, hiến pháp Lào hiện hành.

[104] Điều 7, hiến pháp Lào hiện hành.

[105] Điều 6, 7, 8, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[106]disciplined multi-party democratic system.

[107] Điều 11, hiến pháp hiện hành của Myanmar.

[108] Khoản 4, 5, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành

[109] Khoản 6, 25-28, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành.

[110]  Điều 1-3, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[111] Khoản 4, 5, Điều 87, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[112]  Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 25 - 29. Hiến pháp Lào hiện hành

[113] Điều 23, 24, 25, 29, 30, 36, 37,31,32,45. hiến pháp Myanmar hiện hành.

[114] Khoản 1, Điều 12, hiến pháp Philippines hiện hành

[115] Khoản 19, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành

[116] Khoản 20, Điều 1,;Khoản 1, Điều 12, hiến pháp Philippines hiện hành.

[117]Khoản 2, Điều 12, hiến pháp Philippines hiện hành

[118] Khoản 3, Điều 12, hiến pháp Philippines

[119] Khoản 1, Điều 12, hiến pháp Philippines hiện hành.

[120] Điều 12, hiến pháp Philippines hiện hành.

[121] Khoản 12-18, Điều 1, hiến pháp Philippines hiện hành.

[122] Khoản 11, 12, Điều 13, hiến pháp Philippines hiện hành.

[123] Khoản 14, Điều 13, hiến pháp Philippines hiện hành.

[124]Khoản 1, Điều 84, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[125]Khoản 2-14, Điều 84, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[126]Điều 79, 80, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[127]Điều 85, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[128] Khoản a, Điều 22 và Điều 27. Hiến pháp Myanmar hiên hành.

[129] Khoản 6, Điều 80. Hiến pháp Thái Lan.

[130] Điều 22. Hiến pháp Lào hiện hành.

[131] Điều 27. Hiến pháp Myanmar hiên hành

[132] Khoản 3, Điều 80. Hiến pháp Thái Lan hiện hành

[133] Điều 24. Hiến pháp Lào hiện hành.

[134] Khoản 5, Điều 80, Khoản 1, 2, Điều 86. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[135] Khoản 14, 16, 17, Điều 14, hiến pháp Philippines hiện hành.

[136] Khoản 1-4, Điều 14. Hiến pháp Philippines hiện hành

[137] Khoản 10, 11, 13, Điều 14. Hiến pháp Philippines hiện hành.

[138] Điều 31, 32, hiến pháp Lào hiện hành;

       Khoản 3, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành;

       Điều 77, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[139] Điều 11, 31. Hiến pháp Lào hiện hành

[140] Khoản 8, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành.

[141] Khoản 8, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành

[142] Điều 12, hiến pháp Lào hiện hành

[143]Chương 1, Chương 7, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[144]Điều 41, 42, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[145]Điều 78, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[146]Điều 81, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[147] Điều 28 D. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[148] Khoản 1, Điều 3. Hiến pháp Philippines hiện hành.

[149] Điều 41, 43, hiến pháp Campuchia hiện hành

[150] Điều 42, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[151] Điều 32, 38, 40. Hiến pháp Campuchia hiện hành

[152] Khoản 2, Điều 28E. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[153] Điều 28G. Hiến pháp Indonesia hiện hành

[154] Điều 44. Hiến pháp Lào hiện hành

[155] Điều5, hiến pháp Malaysia và Điều 9, hiến pháp Singapore hiện hành.

[156] Điều 6, hiến pháp Malaysia và điều 10, hiến pháp Singapore.

[157]Điều 65. Hiến pháp Thái lan hiện hành.

[158] Điều 36. Hiến pháp Lào hiện hành

[159] Khoản 1, Điều 5. Hiến pháp Philippines hiện hành.

[160] Điều 392. Hiến pháp Myanmar hiện hành

[161] Điều 41. Hiến pháp Lào hiện hành

[162] Điều 39. Hiến pháp Campuchia hiện hành

[163] Điều 60, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[164] Khoản 7, ĐIều 3. Hiến pháp Philippines hiện hành

[165] Điều 56, 57 – 62. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[166]Điều 58-60. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[167]Khoản 3, Điều 28D. Hiến pháp Indonesia hiện hành

[168] Điều 38. Hiến pháp Campuchia hiện hành

[169] Điều 373-375, 381. Hiến pháp Myanmar hiện hành.

[170] Điều 39, 40. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[171] Điều 5, 7, hiến pháp Malaysia, Điều 9, 12, hiến pháp Singapore.

[172] Khoản 9, Điều 3, hiến pháp Philippines hiện hành

[173] Điều 37, 39, hiến pháp Lào hiện hành.

[174] Điều 349, 356, 372, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[175] Điều 41, 42, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[176] Điều 44, 51-55, 61, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[177] Điều 28D. hiến pháp Indonesia hiện hành

[178] Điều 28B, 28C, 28D hiến pháp Indonesia hiện hành.

[179]) Điều 366. Hiến pháp Myanmar hiện hành

[180] Điều 31. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[181] Điều 49. Hiến pháp Thái lan hiện hành.

[182] Điều 12, hiến pháp Malaysia, Điều 16, hiến pháp Signapore hiện hành.

[183] Điều 66, 67. Hiến pháp Thái lan hiện hành.

[184] Điều 49, 50, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[185] Điều 28J. Hiến pháp Indonesia hiện hành.

[186] Điều 47, 48. Hiến pháp Lào hiện hành.

[187] Điều 70-74. Hiến pháp Thái lan hiện hành

[188]Điều 383-390. Hiến pháp Myanmar hiện hành.

[189] Điều 11. Hiến pháp Myanmar hiện hành

[190]Điều 3, 3A, hiến pháp Brunei hiện hành.

[191]Điều 3, Tuyên bố về chấp chính và thừa kế ngôi vua

[192] Phần IV và IVA, hiến pháp Brunei hiện hành.

[193] Điều 83, hiến pháp Brunei hiện hành.

[194] Điều 39, 40, 43 đến 46, hiến pháp Brunei hiện hành

[195] Điều 4, 10, 11, 12, 18, 19, hiến pháp Brunei hiện hành.

[196] Điều 2, 83, hiến pháp Brunei hiện hành.

[197] Điều 7. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[198] Điều 8. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[199] Điều 10 – 14, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[200] Điều 15, 16. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[201] Điều 19, 21, 23 – 26, 28, 29, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[202]Điều 27, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[203]Điều 8, 9, 18, 19, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[204] Điều 90, 150, 151, 153. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[205] Điều 190. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[206]  Điều 191 Hiến pháp Thái Lan hiện hành

[207]  Điều 192 Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[208] Điều 107, 118, 124, 128, 127, 129,158,183, 184, 189, 193, 195, 200, 205, 220, 224,229, 242, 246, 252, 254, 255, 273. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[209] Điều 13, 14. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[210]Điều 116. Hiến pháp Campuchia hiện hành.

([211]) Điều 76, 79, 80, 81, hiến pháp Campuchia.

[212] Điều 89, 96, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[213] Điều 83, 88, hiến pháp Campuchia hiện hành

[214] Điều 102, 103 hiến pháp Campuchia hiện hành.

[215] Điều 147-149, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[216]Điều 93, 101, 102, 110, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[217]Điều 111 – 116, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[218]Điều 138, 139, 141-143, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[219]Điều 146 – 148, 150, 151, Hiến pháp Thái Lan

[220] Điều 157-162, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[221] Điều 270, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[222]Điều 102, 115, 116, 124, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[223] Điều 122, 123, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[224] Điều 89, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[225] Điều 124, 126, 127, 128, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[226] Điều 130, 131, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[227]Điều 135, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[228] Điều 118-122, 126, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[229] Điều 171-174, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[230] Điều 176-179, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[231] Điều 128-134 Hiến pháp Campuchia hiện hành.

[232] từ Điều 197 đến Điều 228. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[233] Điều 38, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[234] Điều 32, 33 và Phần XVI, hiến pháp Malaysia hiện hành

[235] Điều 40, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[236] Điều 43, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[237] Điều 44, 45, 55. Hiến pháp Malaysia hiện hành

[238] Điều 46, 47, 55, 56, 57.Hiến pháp Malaysia hiện hành

[239] Điều 66.Hiến pháp Malaysia hiện hành.

[240] Điều 67, 68, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[241]Điều 120, 121, 128, 130, hiến pháp Malaysia hiện hành.

[242] Điều 122B, 123. Hiến pháp Malaysia hiện hành

[243] Điều 122B, 122C, 125, 126. Hiến pháp Malaysia hiện hành.

[244]Điều 17, 23, 24. Hiến pháp Singapore hiện hành.

[245]Điều 20, 22N.Hiến pháp Singapore hiện hành.

[246] Điều 19. Hiến pháp Singapore hiện hành

[247]Điều 18, 22M, 93A. Hiến pháp Singapore hiện hành.

[248]Điều 22K, 22L. Hiến pháp Singapore

[249] Điều 23. Hiến pháp Singapore

[250]Điều 21, 22E, 22H, 25, 144, 148A, 148D, 148G, hiến pháp Singapore hiện hành.

[251] Điều 37B. Hiến pháp Singapore

[252]Điều 22G, 22P, 65, 150, hiến pháp Singapore hiện hành.

[253]Điều 39, 39A, hiến pháp Singapore hiện hành

[254] Điều 40, 42. Hiến pháp Singapore hiện hành

[255]Điều 56, 57, hiến pháp Singapore hiện hành.

[256]Điều 65, hiến pháp Singapore hiện hành.

[257]Điều 24, 25 Hiến pháp Singapore hiện hành.

[258]Điều 28, 30, 34, 35, hiến pháp Singapore hiện hành

[259]Điều 93, 93A Hiến pháp Singapore hiện hành.

[260]Điều 100. Hiến pháp Singapore hiện hành

[261]Điều 94-96, hiến pháp Singapore hiện hành.

[262]Điều 98, 99, hiến pháp Singapore hiện hành.

[263]Điều 4, 6, 6A, hiến pháp Indonesia, Khoản 1, 2, 3, Điều 2, hiến pháp Phillipines hiện hành.

[264] Điều 8, 9, hiến pháp Indonesia, Khoản 5, 6, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành

[265] Điều 10-14, hiến pháp Indonesia, Khoản 17-20, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành.

[266] Điều 5, 20, hiến pháp Indonesia hiện hành

[267] Khoản 27, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành.

[268] Điều 7A, 7B, hiến pháp Indonesia hiện hành

[269] Khoản 2, 3, Điều 11, hiến pháp Philippines hiện hành

[270] Khoản 16, Điều 2, hiến pháp Philippines hiện hành.

[271] Điều 19, 20, 22, hiến pháp Indonesia hiện hành

[272] Điều 20, 20A, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[273] Điều 22C, 22D, hiến pháp Indonesia hiện hành

[274] Điều 2, hiến pháp Indonesia hiện hành

[275] Khoản 2, 3, 4, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành

[276] Khoản 6, 7, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành

[277] Khoản 13, 14, Điều 6. Hiến pháp Philippines hiện hành

[278]Khoản 15,b18, 21, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành.

[279] Khoản 26, Điều 6, hiến pháp Philippines hiện hành

[280]Khoản 22, Điều 6, hiến pháp Philippines

[281] Điều 24, hiến pháp Indonesia hiện hành.

[282] Điều 24A, 24B, hiến pháp Philippines, Khoản 2-4, Điều 8, hiến pháp Philippines.

[283]Điều 24C, hiến pháp Philippines hiện hành, Khoản 5 Điều 8, hiến pháp Philippines.

[284]Điều 52, 53, 63, 74, hiến pháp Lào hiện hành

[285]Điều 59, 60, hiến pháp Lào hiện hành.

[286] Điều 56, 62, hiến pháp Lào hiện hành

[287]Điều 54, 64, hiến pháp Lào hiện hành

[288] Điều 65, 66, 68, hiến pháp Lào hiện hành.

([289]) Điều 67, hiến pháp Lào hiện hành

[290] Khoản 1, Điều 70, hiến pháp Lào hiện hành

[291] Điều 73, hiến pháp Lào hiện hành.

[292] Điều 70, hiến pháp Lào hiện hành

[293] Điều 79 – 81, hiến pháp Lào hiện hành

[294] Điều 82, 83, hiến pháp Lào hiện hành

[295] Điều 87, 88, hiến pháp Lào hiện hành.

[296] Điều 86, hiến pháp Lào hiện hành.

[297] Điều 65, hiến pháp Lào hiện hành.

[298] Điều 63, hiến pháp Lào hiện hành.

[299] Khoản 2, Điều 67, hiến pháp Lào hiện hành.

[300]Điều 6, hiến pháp Myamnar hiện hành

[301]Khoản f, Điều 20, hiến pháp Myanmar hiện hành

[302]Điều 20, 109, 141, 319, 342 hiến pháp Myanmar hiện hành

[303]Điều 57-59, hiến pháp Myanmar hiện hành

[304]Điều 60, 73, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[305]Điều 61-64, 68, 203, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[306]Điều 71, hiến pháp Myanmar hiện hành

[307]Điều 204, 205, 207, 209, 210, 213, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[308]Điều 104, 105, 212, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[309]Điều 199, 202, 200, 208, 218, 232, 234, 235, 237, 238, 242, 261, 262, hiến pháp Myanmar hiện hành

[310] Điều 75, 76, 92, 93, 120, 121, 152 hiến pháp Myanmar hiện hành.

[311] Điều 95, 100, 103, 105, hiến pháp Myanmar hiện hành

[312] Điều 18, 19, 293 hiến pháp Myanmar hiện hành.

[313] Điều 294 295, 306, 314, 316, hiến pháp Myanmar hiện hành

[314] Điều 299, 308, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[315] Điều 301, 310, hiến pháp Myanmar hiện hành

[316] Điều 302, 303, 311, 312, hiến pháp Myanmar hiện hành

[317]Điều 319, hiến pháp Myanmar hiện hành

[318]Điều 22L, hiến pháp Singapore hiện hành.

[319]Điều 137-139, hiến pháp Campuchia hiện hành

[320] Điều 136, 143, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[321]Điều 140, 141, hiến pháp Campuchia hiện hành

[322]Điều 142, hiến pháp Campuchia hiện hành.

[323]Điều 320, 321, 327, 329, 331, 335, hiến pháp Myanmar hiện hành

[324]Điều 333, 334, hiến pháp Myanmar hiện hành

[325]Điều 322, 323, 335, 336, hiến pháp Myanmar hiện hành

[326]Điều 204, 206, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[327]Điều 205, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[328]Điều 205, 207, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[329]Điều 270-274, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[330]Điều 168, 217, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[331] Điều 68, 65, 91, 154, 155, 245, 233, 185, 214. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[332]Điều 213, 216, hiến pháp Thái Lan.

[333]Điều 114, hiến pháp Malaysia hiện hành

([334]Điều 398, 399, hiến pháp Myanmar hiện hành.

[335]Mục C, Điều IX, hiến pháp Philippines hiện hành

[336]Điều 229-232, 235, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[337]Điều 113, hiến pháp Malaysia hiện hành; Điều 399, hiến pháp Myanmar hiện hành; Khoản 2, Mục C, Điều IX, hiến pháp Philippines hiện hành; Điều 235-240, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[338]Điều 71-75, hiến pháp Brunei hiện hành

[339]Khoản 1, 2, Mục B, Điều 9, hiến pháp Philippines hiện hành

[340]Khoản 3, Mục B, Điều 9, hiến pháp Philippines hiện hành

[341]Điều 138-144, hiến pháp Malaysia hiện hành

[342]Điều 105-109, hiến pháp Singapore hiện hành

[343]Điều 111, hiến pháp Singapore hiện hành

[344]Điều 110, hiến pháp Singapore

[345]Điều 23F, 23G, hiến pháp Indonesia hiện hành

[346]Điều 148F, 148G, hiến pháp Singapore hiện hành

[347]Mục C, Điều 9, hiến pháp Philippines hiện hành

[348]Điều 252-254, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[349]Khoản 7-11, Điều 11, hiến pháp Philippines hiện hành

[350]Khoản 12, 13, Điều 11, hiến pháp Philippines hiện hành

[351]Điều 242, 243, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[352]Khoản 17, Điều 13, hiến pháp Philippines hiện hành; Điều 256, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[353]Khoản 18, Điều 13, hiến pháp Philippines hiện hành, Điều 257, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[354]Điều 250, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[355]Điều 259-263, hiến pháp Thái Lan hiện hành

[356]Điều 265-269, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[357]Điều 279, hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[358] Điều 74, 81, hiến pháp Malaysia hiện hành

[359] Phụ lục 1, 2, 3, hiến pháp Myanmar hiện hành

[360] Điều 198, hiến pháp Myanmar hiện hành

[361] Điều 49-51. Hiến pháp Myanmar hiện hành.

[362] Điều 261-265, hiến pháp Myanmar hiện hành

[363] Khoản 1, 3, 4, Điều 18, hiến pháp Indonesia

[364] Khoản 5, 6, Điều 18, hiến pháp Indonesia

[365] Khoản 2, 4, 5, 11, Điều 10, hiến pháp Philippines hiện hành.

[366] Khoản 15-21, Điều 10, hiến pháp Philippines hiện hành.

[367] Điều 281. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[368] Điều 282. Hiến pháp Thái Lan hiện hành

[369] Điều 283, 289. Hiến pháp Thái Lan hiện hành

[370] Điều 284, 288. Hiến pháp Thái Lan hiện hành

[371] Điều 285, 286, 287. Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

[372] Điều 75, Hiến pháp Thái Lan hiện hành.

 

File đính kèm downloadTải về