• Thuộc tính
Tên đề tài Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Trên thế giới, di dân đã được khẳng định là vấn đề của thời đại, mang tính toàn cầu. Đây cũng là vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt vì tốc độ di dân gia tăng nhanh, quy mô ngày một lớn, tác động không nhỏ tới mỗi gia đình và từng quốc gia. Tại Việt Nam, sức hút đô thị là rất lớn. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, trong 10 năm qua, di dân diễn ra khá mạnh; dân số thành thị tăng 3,4%, trong khi dân số nông thôn chỉ tăng 0,4%. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những vùng có tỷ lệ dân số tăng nhanh, từ 2,9-3,5%. Trong số 9,45 triệu dân tăng (1999-2009) có tới trên 7 triệu (trên 70%) tăng ở khu vực thành thị và chỉ có trên 2 triệu (dưới 30%) tăng ở khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, thành phố đô thị lớn đang thu hút làn sóng nhập cư, cuốn dòng người nông thôn "đổ" về. Có thể nhận thấy vấn đề di dân ở Việt Nam đang có xu hướng tiếp tục gia tăng về quy mô bởi đô thị hóa luôn là động lực thúc đẩy di dân. Theo dự báo của Chính phủ, 45% dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực đô thị vào năm 2020. Nguyên nhân di dân được các nhà khoa học lý giải là do sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp; đất đai ở nông thôn bị thu hẹp không đủ đáp ứng cho lực lượng lao động đang gia tăng mạnh. Trong khi đó, thành thị ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ bởi mức thu nhập và cơ hội việc làm cao hơn, đã hối thúc người nông thôn tìm đến kiếm kế sinh nhai. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, di dân là một trong những giải pháp chính cho việc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam từ đầu những năm 1990 đến nay[1].

Ở cấp độ tổng thể, di dân từ nông thôn ra thành thị góp phần đáng kể vào quá trình đô thị hóa và là một xu hướng tất yếu của những quốc gia đang trong quá trình phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, di dân nói chung và di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam nói riêng hiện nay đang bộc lộ khá nhiều bất cập:

Một là: Tạo áp lực về mật độ dân số cho các đô thị. Đặc biệt, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các quận nội thành hiện đã có số lượng dân cư quá đông đúc[2] dẫn đến tình trạng thiếu thốn các điều kiện sống tối thiểu như nhà ở, điện, nước, vệ sinh, trật tự và an toàn xã hội...

Hai là: Quá tải trong việc cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Do tập trung dân cư quá đông vào các đô thị, đặc biệt là các quận nội thành dẫn đến tình trạng quá tải tại các trường học ở bậc học phổ thông[3]; các bệnh viện công thuộc các thành phố lớn cũng luôn trong tình trạng thiếu thốn giường nằm, bác sỹ, trang thiết bị phục vụ nhu cầu của nhân dân[4].

Ba là: Làn sóng người di dân từ nông thôn nhằm tìm kiếm việc làm thu nhập cộng với việc các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại các đô thị lớn ở lại thành phố để lập nghiệp tạo thành sức ép rất lớn về lao động việc làm, thu nhập.

Bốn là: Quyền và lợi ích của người dân di dân ra đô thị trong nhiều trường hợp chưa được bảo đảm bình đẳng với những cư dân sở tại. Có nhiều chính sách xã hội trong những năm qua đã có sự phân biệt rất rõ ràng đối với những người dân sở tại (có hộ khẩu thường trú) và những người di dân từ nông thôn (tạm trú) như: chính sách nhà ở xã hội (chỉ giải quyết bán nhà ở xã hội cho những người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội), chính sách tuyển dụng công chức, viên chức (một số vị trí chỉ tuyển dụng những người có hộ khẩu thường trú tại thành phố), quyền và khả năng tiếp cận đối với các trường công (ở bậc học phổ thông), bệnh viện công (theo tuyến)... dẫn đến những thiệt thòi đối với những đối tượng cần được xã hội quan tâm như trẻ em, người già yếu, người mắc bệnh cần chữa trị...

Năm là: Trong một số năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tại các đô thị lớn của nước ta gia tăng một cách đáng kể. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ việc nhiều người lao động tự do không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị một cách tự phát gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho nhà nước, cho xã hội và cả bản thân những người dân di dân như: chưa làm tốt công tác quy hoạch đô thị, chưa giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân ở các vùng nông thôn; tập trung quá nhiều các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các đô thị... Trong đó, theo chúng tôi, một nguyên nhân rất quan trọng gây ra tình trạng di dân tự phát và gây ra nhiều áp lực cho các đô thị hiện nay ở Việt Nam là do chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật liên quan đến di dân ra đô thị, chưa sử dụng công cụ pháp lý một cách có hiệu quả để điều tiết và định hướng việc di dân của người lao động tự do và đảm bảo các tiêu chuẩn cuộc sống đối với những người di dân.

2.      Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến nội dung đề tài

Di dân từ nông thôn ra đô thị là vấn đề tất yếu của bất kỳ quốc gia nào. Di dân ở Việt Nam đang diễn biến rất đa dạng, phức tạp và chúng ta không nên và cũng không thể ngăn được dòng di dân từ nông thôn ra đô thị. Vì vậy, cần phải thiết lập chính sách thích ứng sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, người di dân hiện nay có rất nhiều thiệt thòi, vì vậy cần phải có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt như y tế, giáo dục, và các dịch vụ nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, thông tin, giải trí. Trong bối cảnh đó, hệ thống chính sách và pháp luật về di dân nói chung, di dân từ nông thôn ra đô thị nói riêng vẫn còn có những hạn chế nhất định: đối sách chưa đúng tầm còn pháp luật còn khá mờ nhạt (Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg về chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 – 2010 đã không còn phù hợp nhưng chưa ban hành chính sách cho giai đoạn mới; tình trạng khó quản lý dân nhập cư bằng hộ khẩu kéo dài; dân nhập cư vào thành thị khó tiếp cận đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội; thu nhập thấp;…), đôi khi còn có những hạn chế gây bức xúc (ví dụ như liên quan đến lao động di dân, Nghị quyết số 23/2011 của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng về hạn chế nhập cư vào các quận nội thành)... Để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về di dân từ nông thôn ra đô thị, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có thể đề cập một số công trình nghiên cứu chủ yếu như:

- Sách “Di dân và bảo trợ xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường là cuốn sách của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2008. Tác giả chính của cuốn sách là Lê Bạch Dương và Khuất Thu Hồng. Cuốn sách đã sử dụng nguồn dữ liệu của ISDS trong hơn 10 năm qua để phân tích nghiên cứu về những vấn đề sau: Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội cho những người di dân từ nông thôn ra đô thị tìm việc trong các "chợ lao động" hay các hoạt động kinh tế phi chính thức; Nguy cơ về sức khỏe liên quan đến di dân; Những rủi ro trong di dân lao động quốc tế; Tình trạng buôn bán người qua biên giới quốc gia. Nội dung chính của cuốn sách đề cập đến vấn đề di dân và Bảo trợ xã hội, đặc biệt từ sau khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng ở Việt Nam, di dân với số lượng lớn đã trở thành một thách thức trọng tâm cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực vừa thúc đầy tăng trưởng kinh tế vừa duy trì ổn định xã hội. Nhóm tác giả cũng phân tích: do quan điểm còn khá phổ biến về tác động tiêu cực của di dân đối với quá trình phát triển, sự thiếu vắng của các chính sách và chương trình toàn diện về bảo trợ xã hội cho các nhóm bị thiệt thòi cũng như những yếu kém về tổ chức đã hạn chế đáng kể năng lực của Nhà nước trong việc đối phó với thách thức đó.

- Sách “Từ nông thôn ra thành phố - Tác động kinh tế xã hội của di dân ở Việt Nam” do tác hai tác giả Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm chủ biên. Cuốn sách này là báo cáo tổng kết nghiên cứu về ảnh hưởng của di dân nông thôn – thành thị được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện năm 2008 tại 4 tỉnh/thành phố: Thái Bình (miền Bắc), Tiền Giang (miền Nam), là hai tỉnh có nhiều người di dân ra thành phố; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố đông người nhập cư nhất trong cả nước. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là nhằm cung cấp các bằng chứng thực nghiệm về tác động của di dân. Từ đó có thể thay đổi quan điểm phổ biến theo hướng tích cực là nhìn nhận những đóng góp và vai trò của di dân đối với phát triển. Nhóm nghiên cứu mong rằng các bằng chứng về những đóng góp của di dân đến xóa đói giảm nghèo ở quê hương và đến sự phát triển ở các đô thị sẽ góp phần tạo được sự đồng thuận của chính quyền cũng như xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người di dân, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống ở thành thị.

- Một số bài viết: Vai trò của di dân nông thôn – đô thị đối với phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn của ThS. Đinh quang Hà; Sách: Những biến động dân số Việt Nam – Lâm Văn Bé; Báo cáo của UNFPA Việt Nam 2009: Di dân và đô thị hóa ở Việt Nam – thực trạng và xu hướng; Báo cáo nghiên cứu: Nghiên cứu dòng di dân từ nông thôn ra thành thị trong bối cảnh toàn cầu hóa; Bài viết: Di dân và quá tải – Ngọc Lý[5]); Báo cáo tình hình kết quả công tác năm 2009 của Bộ Công an - PC13 Công an thành phố Hà Nội; Báo cáo số 05/BC - Viện quy hoạch thiết kế đô thị ngày 14/8/2009; Báo cáo số 07 BC/CAHN (PC13) ngày 24/12/2009; Bài viết: Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung quốc - Đào Thế Tuấn[6]; Báo cáo tại Hội nghị “Giải quyết các vấn đề phát triển đô thị”, TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Báo cáo tại hội thảo "Các vấn đề ven đô và đô thị hóa", PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng);…

Các công trình nghiên cứu trên đây đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến di dân nói chung và di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt, các báo cáo đánh giá đề cập nhiều đến những tác động ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và chuyển dịch ngành nghề nông thôn - đô thị và những hệ lụy từ việc di dân tự do của người dân từ nông thôn ra đô thị. Trên cơ sở đó, đã có một số khuyến nghị về giải pháp nhằm đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực đối với những người di dân ra đô thị và giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến làn sóng di dân từ nông thôn ra đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một công trình nào chuyên sâu nghiên cứu về cơ chế pháp lý đối với những lao động di dân từ nông thôn ra đô thị nhằm chỉ ra những bất cập và khoảng trống của pháp luật trong việc bảo vệ người lao động di dân ra đô thị với vị trí là những người có địa vị pháp lý thực tế thấp hơn so với những người dân đô thị trong việc tiếp cận các quyền công dân và dịch vụ công trên địa bàn sinh sống. Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài khoa học: “Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị, đảm bảo vấn đề di dân gắn với phát triển bền vững và công bằng xã hội.

3.      Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu tổng quát: Đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị nhằm đưa ra các kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo tính bền vững và công bằng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu cụ thể:

(1) Đánh giá thực trạng tình hình di dân của người lao động tự do từ nông thôn ra đô thị lớn ở Việt Nam;

(2) Làm rõ sự cần thiết phải điều chỉnh về mặt pháp lý nhằm đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân;

(3) Làm rõ thực trạng chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam; Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân;

(4) Nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia đối với việc thể chế hóa các chính sách di dân từ nông thôn ra đô thị của người lao động;

(5) Đưa ra được những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của đề tài

- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra các đô thị lớn ở Việt Nam (đô thị loại I) hiện nay.

5. Nội dung nghiên cứu của đề tài

- Nghiên cứu các vấn đề cơ bản về di dân, di dân của người lao động tự do từ nông thôn ra đô thị;

- Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật về người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị của một số nước trên thế giới;

- Đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị của Việt Nam và các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn;

- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

 

 

 

 

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DI DÂN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

 

            1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DI DÂN VÀ DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

1.1.1. Khái niệm, đặc điểm di dân

Di dân là khái niệm được các nhà nghiên cứu định nghĩa không thống nhất[7]. Tổng hợp lại, chúng ta có thể hiểu di dân là sự chuyển dịch của con người từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác trong thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Nói cách khác, di dân là một thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc quá trình con người rời bỏ hoặc hội nhập, hoặc thiết lập nơi cư trú mới vào một đơn vị hành chính - địa lý trong một thời gian nhất định. Di dân có thể liên quan đến sự di chuyển của một cá nhân, một gia đình, thậm chí cả một cộng đồng. Một điều có thể nhận thấy là không phải mọi sự di chuyển của con người đều được coi là di dân. Qua tham khảo một số quan điểm của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng “Di dân là sự di chuyển của người dân theo lãnh thổ với những giới hạn về thời gian và không gian nhất định, kèm theo sự thay đổi nơi cư trú”[8].

Hiểu về di dân theo cách tiếp cận trên đây dựa vào các đặc điểm chủ yếu sau:

Một là, con người di chuyển khỏi một nơi nào đó đến một nơi khác, với một khoảng cách nhất định. Nơi đi (nơi xuất cư) và nơi đến (nơi nhập cư) phải được xác định, có thể là vùng lãnh thổ hoặc một đơn vị hành chính. Khoảng cách giữa hai điểm là độ dài di dân. Hai là, con người khi di dân bao giờ cũng với những mục đích nhất định, họ đến một nơi nào đó và "ở lại" đó trong một thời gian nhất định. Ba là, nơi đi (xuất phát) là nơi ở thường xuyên, được quy định theo hình thức đăng ký hộ khẩu hoặc đăng ký dân sự xác định của cấp quản lý hành chính có thẩm quyền và nơi đến là nơi ở mới. Tính chất cư trú là điều kiện cần để xác định di dân. Bốn là, khoảng thời gian ở lại nơi mới trong bao lâu là đặc điểm quan trọng xác định sự di chuyển đó có phải là di dân hay không. Tuỳ mục đích, thời gian "ở lại" có thể là một số năm, một số tháng. Một số đặc điểm khác nữa có thể được đưa vào trong nghiên cứu cụ thể, chẳng hạn sự thay đổi các hoạt động lao động. Thông thường di dân được hiểu khi thay đổi nơi cư trú cũng thường kèm theo sự thay đổi công việc, nơi làm việc, nghề nghiệp... Song không nhất thiết bao giờ cũng vậy. Trong không ít trường hợp hai sự thay đổi nêu trên không đi đôi với nhau.

Có thể khái quát một số đặc điểm, yếu tố chi phối việc di dân như sau: Một là, con người có thuộc tính là luôn vươn tới điều kiện sống tốt hơn về vật chất và tinh thần. Hai là, di dân liên quan chặt chẽ với độ tuổi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người trong khoảng tuổi từ 15 đến 30 chiếm đa số trong các dòng di dân. Ba là, trong lịch sử trước đây, nam giới có xu hướng di dân nhiều hơn phụ nữ. Đây có thể phần nào đó được giải thích do bản năng và sự phân công lao động theo giới tính. Song trong điều kiện xã hội hiện nay, do nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ tăng cao, xu hướng nữ hóa các dòng di dân đã xuất hiện. Bốn là, trước thời kỳ “mở cửa” người nào có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lành nghề cao hơn thì khả năng di dân lớn hơn. Năm là, người nào ít bị ràng buộc vào tôn giáo, các yếu tố văn hoá truyền thống, hoàn cảnh gia đình sẽ dễ dàng thích nghi hơn với điều kiện sống ở nơi mới do đó khả năng di dân sẽ cao hơn so với bộ phận dân số còn lại.

1.1.2. Phân loại di dân – Hình thức di dân từ nông thôn ra đô thị

Dưới đây là một số cách phân loại chủ yếu:

Theo độ dài thời gian cư trú: Có các hình thức di dân lâu dài, tạm thời và chuyển tiếp. Di dân lâu dài, bao gồm người di chuyển đến nơi mới với mục đích sinh sống lâu dài, trong đó phần lớn những người di dân là do chuyển công tác, thanh niên tìm cơ hội việc làm mới lập nghiệp và tách gia đình... Những người này thường không quay trở về quê hương cũ sinh sống. Di dân tạm thời là sự thay đổi nơi ở gốc không lâu dài và khả năng quay trở lại là tương đối chắc chắn. Kiểu di dân này bao gồm các hình thức di chuyển làm việc theo thời vụ, đi công tác biệt phái, lao động và học tập có thời hạn... Di dân chuyển tiếp là hình thức di dân mà không thay đổi nơi ở, do tính chất công việc họ phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, chẳng hạn như các công ty xây dựng cầu đường, các công trình năng lượng điện, thăm dò địa chất, những người đi buôn bán từ các tỉnh lân cận đến các đô thị,...

Theo khoảng cách di dân: Người ta phân biệt di dân xa hay gần giữa nơi đi và nơi đến. Di dân giữa các quốc gia được gọi là hình thức di dân quốc tế, giữa các vùng, các đơn vị hành chính trong một quốc gia gọi là di dân nội địa. Trong nhiều trường hợp, người ta tách di dân quốc tế và di dân nội địa thành các nội dung nghiên cứu riêng, trong mỗi nội dung lại đề cập đến các hình thức di dân khác nhau. Trong nghiên cứu dân số toàn thế giới hoặc một vùng hay một châu lục nào đó, di dân quốc tế là một nội dung quan trọng. Di dân nội địa luôn là một nội dung được ưu tiên nghiên cứu đối với mỗi nước nhằm phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, do tính lịch sử của sự phân chia địa giới trong quá trình dựng nước và giữ nước, có các hình thức di dân: giữa ba miền Bắc, Trung, Nam, giữa các vùng kinh tế và giữa các đơn vị hành chính. Trong đó, di dân từ nông thôn ra đô thị là một hiện tượng điển hình, liên quan đến vấn đề việc làm của người lao động, quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng của đô thị hóa đến quá trình biến đổi dân cư, di dân nông thôn – đô thị...

Theo tính pháp lý: Người ta phân biệt di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, di dân tự do hay có tổ chức, di dân tình nguyện hay bắt buộc. Tuỳ thuộc vào mức độ can thiệp của chính quyền trung ương hay địa phương mà người ta phân chia di dân theo loại này hay loại khác. Di dân phù hợp với luật pháp của một quốc gia được gọi là di dân hợp pháp. Di dân hợp pháp có thể là hình thức di dân có tổ chức hoặc di dân tự do. Hình thức di dân có tổ chức trong đó nhà nước và chính quyền các cấp có thẩm quyền, hoặc có cơ quan chuyên trách về di dân, đóng vai trò quyết định và chủ động theo kế hoạch thống nhất. Đó là việc đề ra và thực thi các chính sách điều động dân cư, đi xây dựng các khu kinh tế mới, giãn dân.... Trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, với di dân nội địa, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều tới hình thức di dân tự do (lâu dài, tạm thời, chuyển tiếp...).

Các hình thức di dân khác: Có thể liệt kê một số loại di dân đáng chú ý khác như di dân cá nhân hay hộ gia đình, di dân tản mạn nhiều hướng hay thành dòng di dân, nếu căn cứ vào số lượng người di dân và hướng di dân từ nơi xuất phát đến nơi dừng. Hình thức di dân khá quan trọng là di dân giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Tiêu chí phân loại ở đây vừa theo lãnh thổ lại vừa theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai khu vực. Ở đây sẽ thấy đan xen bốn hình thức di dân: nông thôn - thành thị, nông thôn - nông thôn; thành thị - thành thị, thành thị - nông thôn. Cần lưu ý rằng hình thức di dân con lắc (đi rồi lại về hàng ngày, không định cư ở nơi đến) đang là hình thức di dân rất phổ biến hiện nay.

            1.1.3. Nguyên nhân của di dân từ nông thôn ra đô thị

Hầu hết các nghiên cứu về nguyên nhân di dân đều đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu, đó là lực hút của nơi đến và lực đẩy của nơi đi. Một quyết định di dân không chỉ là một quyết định đơn thuẩn theo ý thích cá nhân một cách ngẫu hứng, mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, vào kỳ vọng ở nơi đến và cả động lực thúc đẩy tạo ra quyết định di chuyển[9]. Nhằm giải thích đầy đủ hơn bản chất của di dân trong các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể các nhà nghiên cứu thường tập trung phân tích vì sao một số người di dân và một số khác lại không, một số người di dân theo hướng này còn một số khác lại lựa chọn các hình thức và hướng di dân khác. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX, nhiều tác giả đã nghiên cứu một số lý thuyết nhằm tổng kết các mô hình, xu hướng di dân dưới áp lực của nhiều tác nhân kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa (xem cụ thể hơn trong Báo cáo đầy đủ của đề tài).

Nhìn chung, các nguyên nhân của hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị cũng tương đồng với nguyên nhân của hiện tượng di dân nói chung. Qua tìm hiểu, có thể khái quát hai nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, đó là nguyên nhân kinh tế: hầu hết các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học đều nhất trí cho rằng hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị có thể được giải thích chủ yếu bằng nguyên nhân kinh tế. Những nhân tố này bao gồm không chỉ bởi lực đẩy quen thuộc từ nơi xuất cư như: thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp… mà còn bởi lực hút từ những nơi nhập cư: cơ hội việc làm có tính ổn định, thu nhập cao hơn so với nơi ở cũ… Các nghiên cứu đều cho thấy: tiền lương, thu nhập, việc làm, mức độ thất nghiệp… đều ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định di dân của người dân[10].

Thứ hai, là nguyên nhân phi kinh tế, như: vấn đề chất lượng cuộc sống, những người di dân muốn có cuộc sống tốt hơn thông qua cuộc sống ở đô thị, nơi đó có các phương tiện giao thông, phương tiện thông tin đại chúng… được hiện đại hóa, nơi có hệ thống giáo dục, y tế, dịch vụ phát triển; vấn đề về phong tục tập quán và các nhân tố xã hội khác cũng tác động sâu sắc tới quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị, ví dụ như những người di dân muốn thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu ở nông thôn; vấn đề đi học của con cái và đoàn tụ gia đình cũng là những lực hút của dòng di dân từ nông thôn ra đô thị.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu gần đây, mục đích (và cũng là nguyên nhân) cơ bản nhất của người di dân khi ra đô thị làm việc là để nâng cao thu nhập cho gia đình. Có tới 85,8% người di dân có ý định ra đô thị để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngoài ra số người ra đô thị với mục đích để học nghề chiếm 5,9%; để nuôi sống bản thân 35%; và để trả học phí cho con cái chiếm 5,9%[11]. Như vậy, việc hình thành quyết định di chuyển có sự tác động của nhiều động cơ khác nhau. Nhưng những khó khăn về kinh tế là động lực chính buộc phần lớn người dân ở nông thôn tìm ra đô thị làm việc. Điều đó cho thấy, việc ra đô thị làm việc vì hoàn cảnh gia đình, vì sự sống của gia đình nhiều hơn là vì bản thân họ.

1.2. NHẬN DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

Những người ở nông thôn, đặc biệt là những người trẻ tuổi đến tìm việc ở khu vực phi chính thức tại các thành phố lớn ngày càng phổ biến. Đặc điểm của những người này là không có chuyên môn nghề nghiệp, làm việc cho những chủ nhỏ hoặc cá thể, tiểu chủ. Những người chủ này thường không đăng ký sản xuất kinh doanh và không đăng ký chính thức tuyển dụng lao động. Những người lao động tại khu vực phi chính thức, thường không ký hợp đồng lao động, nên thường không được hưởng các chế độ như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có chế độ nghỉ lễ và chủ nhật. Người lao động tự do có thể là dân địa phương nhưng chủ yếu là dân từ nơi khác chuyển đến sinh sống và làm việc, nhất là ở các đô thị. Công nhân, người làm việc ở các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được xem là lao động di dân nhưng họ làm việc trong khu vực chính thức, chịu sự quản lý của Ban Quản lý, cơ quan hành chính nhà nước. Trong lực lượng lao động di dân, người lao động tự do chiếm số đông và thường khó kiểm soát, số lượng thay đổi tăng giảm trong một khoảng thời gian nhất định.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội[12], cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)…, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình... Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30-60% tổng thu nhập quốc gia. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, khu vực này lại cung cấp một nguồn việc làm lớn, dẫn đến sự chuyển dịch lao động. Vậy nhưng, chính sách an sinh xã hội hiện vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực này, nên chuyện đóng BHXH và BHYT vẫn khá xa vời. Chưa kể, những lao động luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, hạn chế về năng lực, kiến thức và thường phải làm việc bất kể thời gian nào. Số lao động tham gia BHXH, BHYT trong khu vực phi chính thức chỉ có 0,19%. Chỉ một phần nhỏ lao động tiếp cận được với chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khu vực này rất thấp, tới hơn 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Có thể nhận thấy hiện nay, Bộ luật lao động chưa thể bao phủ hết các đối tượng lao động. Để bảo vệ người lao động ở khu vực lao động phi chính thức có các hội, hiệp hội như làng nghề, các hợp tác xã… nhưng cách thức để bảo vệ họ cũng rất khó.

1.3. ẢNH HƯỞNG CỦA LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ ĐẾN PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI

1.3.1. Ảnh hưởng đến phát triển dân số

Di dân có ảnh hưởng đến quy mô dân số ở cả nơi đi và nơi đến. Ngoài ra, di dân không chỉ ảnh hưởng đến quy mô dân số mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. Những cơ cấu dân số có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất của di dân là cơ cấu tuổi, cơ cấu giới tính và cơ cấu theo trình độ học vấn. (Xem cụ thể hơn trong Báo cáo đầy đủ của đề tài).

1.3.2. Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Nhìn chung, lao động tự do di dân mang bản chất kinh tế xã hội sâu sắc. Trong điều kiện bình thường người ta di dân vì các nguyên nhân kinh tế và xã hội là chủ yếu. Do đó, động cơ di dân đã và đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu dân số và xã hội học quan tâm. Di dân tác động đến kinh tế - xã hội ở cả nơi đến và nơi đi. (Xem cụ thể hơn trong Báo cáo đầy đủ của đề tài).

 

 

 

Chương 2

CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI

LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ CỦA

VIỆT NAM TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 

2.1. THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM

2.1.1. Số lượng người di dân, đặc điểm nhân khẩu học và các dòng di dân[13]

2.1.1.2. Về số lượng người di dân

Theo Tổng điều tra dân số (TĐTDS) gần đây nhất của Việt Nam vào năm 2009[14], Việt Nam hiện có khoảng 6,6 triệu người từ 5 tuổi trở lên thay đổi nơi cư trú tới địa điểm khác trong thời gian từ năm 2004-2009 (tương đương với khoảng 7,7% tổng số dân). Con số này tăng gần 50% so với giai đoạn 1994-1999 (4,5 triệu người). Đến năm 2010, trong cuốn “Niên giám thống kê 2010” do Tổng cục thống kê phát hành, cả nước có 9,7 triệu người di dân nội tỉnh và liên tỉnh. Gần đây, tháng 6/2015 Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) công bố kết quả khảo sát, theo đó, cứ 3 hộ gia đình thì có 2 người di dân[15]. Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ của Tổng cục Thống kê năm 2014[16], tỷ suất di dân thuần của khu vực thành thị là 27,2% và của khu vực nông thôn là -13,3%, phản ánh xu hướng di dân chủ yếu vào khu vực thành thị. Kết quả điều tra cũng cho thấy, đối với di dân ngoại tỉnh, luồng di dân từ nông thôn ra thành thị chiếm tỷ trọng cao nhất (44,2%). Dân cư khu vực nông thôn từ tỉnh khác chuyển đến chiếm 3,38% dân số thành thị. So với giai đoạn 2004- 2009, tỷ trọng luồng di dân từ nông thôn ra thành thị tăng lên (44,2% so với 30,5%), tỷ trọng luồng di dân từ thành thị đến thành thị giảm xuống từ 34,6% xuống 14,9%. Điều này cho thấy sức hút kinh tế của khu vực thành thị đối với khu vực nông thôn ngày càng lớn.

Tuy nhiên, các số liệu nêu trên chưa bao gồm nhiều loại hình di dân như ngắn hạn, mùa vụ, những người tạm trú hay những sự di chuyển diễn ra hơn 5 năm trước khi tiến hành cuộc điều tra. Vì thế nhiều chuyên gia cho rằng số lượng người di dân thực tế ở Việt Nam thời gian này còn lớn hơn nhiều so với các con số nêu trên[17].

Riêng đối với lao động tự do, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội[18], cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)…, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình... Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%.

2.1.1.2. Đặc điểm nhân khẩu học

Về giới tính, các số liệu sẵn có về xu hướng di dân đều phản ánh sự gia tăng số lượng người di dân lao động nông thôn – đô thị là nữ nhiều hơn so với nam. Điều này chứng tỏ xu hướng chuyển cư mạnh của lao động nữ so với nam qua các năm. Các số liệu của Tổng cục Thống kê trong TĐTDS năm 1999, 2004, 2009 và của Viện Khoa học thống kê năm 2010 đều cho thấy kết quả này[19]. Xu hướng “nữ hóa di dân” hiện nay khá phổ biến, tỷ lệ lao động nữ di dân từ nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp chiếm 55,9%. Đặc biệt ở nhóm lao động di dân tới các khu công nghiệp, tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 68,3%.

Về độ tuổi, kết quả của các cuộc điều tra về dân số đều cho thấy xu hướng trẻ hóa dân số lao động di dân. Đa số người di dân, đặc biệt là nhóm nữ, là người trong độ tuổi lao động hiệu quả nhất. Theo kết quả khảo sát từ Dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2013 thì lao động di dân ra thành thị phần lớn còn rất trẻ, độ tuổi trung bình khoảng 25 tuổi. Nhóm tuổi dưới 24 chiếm tới 44,6% tổng số người lao động di dân. Đây là nhóm vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông không có điều kiện theo học lên các bậc học cao hơn nên họ di dân tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhóm tuổi từ 25 – 29 chiếm 22, 6%, nhóm tuổi từ 30 – 34 chiếm 12,4%. Xu hướng di dân lao động rất thấp ở những người có độ tuổi từ trên 35 tuổi, cụ thể nhóm tuổi từ 35-39 di dân chỉ chiếm 6,7% và tiếp tục giảm đều ở các nhóm tuổi cao hơn.

Tình trạng hôn nhân có thể tác động hai chiều đến khả năng di dân. Một mặt, mọi người sau khi kết hôn thường gắn bó tới gia đình và con cái, do đó không thực sự sẵn sàng để di dân. Mặt khác, nhu cầu hỗ trợ kinh tế cho gia đình lại là động cơ của di dân. Các kết quả điều tra cũng cho thấy đa số những người di dân NT-ĐT là chưa kết hôn. Có 51% những người di dân đến Hà Nội trong giai đoạn 1986-1996 là chưa kết hôn. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lên tới 68%. Điều tra di dân năm 2004 cũng chỉ ra rằng trước khi di dân lần đầu, 70% nam giới và 66% nữ giới chưa lập gia đình.

Về trình độ học vấn, số lượng lao động di dân ra thành thị đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ 45%. Có 22,7% lao động di dân có trình độ học vấn Trung học cơ sở, 17,7% đã tốt nghiệp Tiểu học. Tỷ lệ lao động di dân chưa học xong Tiểu học chiếm 4,3%. Vẫn còn có khoảng 1% người lao động di dân không biết chữ.

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: Cũng theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu trên, phần lớn lao động di dân không có chuyên môn kỹ thuật (66,1%). Chỉ có 6,3% lao động di dân có trình độ cao đẳng/cao đẳng nghề và khoảng 6,5% lao động di dân có trình độ đại học/trên đại học. So sánh thời điểm trước khi di dân với hiện tại, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động di dân đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, tỷ lệ không có chuyên môn kỹ thuật đã giảm từ 81,6% tại thời điểm trước khi di dân xuống còn 66,1%. Tỷ lệ công nhân qua đào tạo tăng đáng kể, trong đó số người có trình độ cao đẳng/cao đẳng nghề đã tăng từ 3,8% lên 6,3%; lao động di dân có trình độ đại học/trên đại học đã tăng từ 2,7% lên 6,5%.

Tình trạng sức khỏe của người di dân nói chung là tốt. Điều tra di dân năm 2004 cho biết sức khỏe của người di dân tốt hơn người không di dân. 93,8% số người di dân được hỏi tự đánh giá sức khỏe của họ từ trung bình trở lên. Trong đó, 36,9% tự đánh giá là “khỏe” hoặc “rất khỏe”. Chỉ có 6% đánh giá là “yếu” và 0,2% là “rất yếu”[20].

2.1.1.3. Các dòng di dân

Báo cáo của 2 cuộc TĐTDS (1999, 2009) cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng kinh tế - xã hội và các tỉnh/thành phố trong cả nước. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là những nơi có tỷ lệ xuất cư cao nhất nước, với hơn 77,5 vạn người xuất cư trong 5 năm (2004 - 2009), tăng hơn 1,8 lần so với giai đoạn 1994-1999. Nhóm những tỉnh xuất cư dẫn đầu trong cả nước trong 5 năm gần đây đều có thể coi là những tỉnh thuần nông bởi tỷ lệ nông dân rất cao, thậm chí chiếm đến hơn 90% và đồng thời có mật độ dân số cao như Hà Nam, Thái Bình, Bến Tre, Cà Mau… Có thể thấy rằng, thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân tạo nên “lực đẩy” khiến cho người nông dân quyết định di dân ra thành phố hoặc các khu công nghiệp để phát triển sinh kế của hộ gia đình mình.

Về nhập cư, kết quả cho thấy Đông Nam Bộ trở thành vùng nhập cư lớn nhất, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Trong 5 năm (2004-2009), đã có tới hơn 1,6 triệu người di dân từ các vùng khác đến Đông Nam Bộ, tăng gấp 3 lần số nhập cư giai đoạn  1994-1999. Đây là điều không nằm ngoài dự đoàn vì Đông Nam Bộ là vùng có 16,3% dân số nhưng chiếm tới 37% số doanh nghiệp của cả nước (tính tại thời điểm 12/2007) và thu hút tới 44% số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong 20 năm (1988-2008). Còn đồng bằng sông Hồng là vùng có lượng người nhập cư lớn thứ hai, với gần 290.000 người nhập cư đến từ các vùng khác. Như vậy, riêng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ đã thu hút 81,5% lượng người nhập cư của cả nước.

   Kết quả từ cuộc điều tra dân số giữa kỳ năm 2004 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy toàn thành phố có khoảng 1,8 triệu người nhập cư, chiếm 30,1% dân số toàn thành phố[21]. Theo số liệu thống kê năm 2000, số người không có hộ khẩu thường trú chỉ chiếm 15,2% (730.878 người), tăng lên nhiều so với năm 1998 (12,9%). Theo tính toán sơ bộ, số người nhập cư bình quân hàng năm thời kỳ 1999-2004 ở thành phố Hồ Chí Minh là 126.200 người[22]. Còn ở thành phố Hà Nội, các số liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau đều cho thấy xu hướng tăng dần của quy mô di dân vào Hà Nội trong những năm gần đây. Nếu năm 1999, tỷ lệ nhập cư vào Hà Nội là 2,12% thì con số này vào các năm 2004 là 2,96%, năm 2005 là 3,56%. Theo Báo cáo sơ bộ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của thành phố Hà Nội, từ năm 2000 đến 2009, bình quân mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 55.000 người, trong đó số lượng di dân khoảng 22.000 người (chiếm 40%) và ¾ trong số này là di dân vào khu vực nội thành[23]. Thành phố Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống tại khu vực thành thị cao nhất nước, với dân số đô thị của thành phố chiếm 86,9% trong tổng dân số. Tính từ Tổng điều tra năm 1999, trong 10 năm qua, dân số Đà Nẵng tăng 1,3 lần, bình quân tăng 20,2 nghìn người mỗi năm; tương đương tốc độ tăng bình quân là 2,62%/năm. Mỗi năm tăng dân số cơ học tại Đà Nẵng khoảng 10 nghìn người, với tỷ lệ từ 6% đến 7%. Số liệu dân cư là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động từ các nơi khác đến sinh sống, làm việc phải thuê nhà trọ để ở là 59,4 nghìn người.

   Có thể nói thiếu việc làm hoặc việc làm có thu nhập thấp là tình trạng phổ biến của người lao động trước khi di dân. Xuất phát điểm nghề nghiệp của nhóm lao động di dân ra thành thị là từ khu vực nông thôn với hoạt động nông nghiệp là chủ đạo. Có khoảng 50% lao động đang có việc vẫn quyết định di dân, trong đó tỷ lệ lao động làm nông nghiệp chiếm tới 38%. Có thể nói, nguyên nhân di dân không chỉ liên quan đến tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm mà còn bởi tính chất thiếu ổn định, thu nhập thấp của công việc ở khu vực nông thôn.

2.1.2. Việc làm, thu nhập, đời sống, giáo dục, đào tạo, y tế và bảo đảm an sinh xã hội của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị

2.1.2.1. Về thực trạng việc làm của người lao động

- Phương thức tìm việc làm: Người thân (họ hàng, bạn bè) là kênh thông tin quan trọng giúp lao động nhập cư tại khu vực phi chính thức tìm việc làm. Theo điều tra của Viện Khoa học thống kê (năm 2010) tại khu vực phi chính thức của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 75% số lao động làm thuê trong khu vực này có được việc làm nhờ mối quan hệ thân quen (gia đình, bạn bè), còn 20% liên hệ trực tiếp với chủ lao động. Bản thân 80% thanh niên di dân làm việc trong khu vực phi chính thức ở Hà Nội cũng nhận thông tin từ người thân và bạn bè để kiếm việc làm[24].

- Thời gian lao động: Theo một Báo cáo công bố năm 2009[25], người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức ở Hà Nội làm bình quân 49 giờ/tuần, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh là 52 giờ/tuần. Mặc dù có khoảng 10% số lao động làm việc dưới 24 giờ/tuần, song cũng có khá nhiều lao động (khoảng 30% số lao động trong khu vực phi chính thức) làm việc trên 60 giờ/tuần.

- Về tính chất công việc: Đối với khu vực phi chính thức, 50% người di dân làm các công việc giản đơn. Đây là dạng lao động quan trọng nhất mà người lao động khu vực phi chính thức có được khi di dân ra thành phố. Dạng lao động quan trọng thứ hai liên quan đến kinh doanh và nghề thủ công, thu hút khoảng 27% lực lượng lao động di dân[26]. Khoảng 11% khác làm các công việc vận hành máy móc hoặc trồng trọt. Số còn lại làm các nghề khác ít quan trọng hơn. Người di dân đến khu vực phi chính thức thường đăng ký tạm trú dưới 6 tháng (KT4) và làm rất nhiều loại công việc khác nhau, có cả những công việc khó khăn, nguy hiểm. TĐTDS và nhà ở năm 2009 cho thấy người di dân ở khu vực thành thị có xu hướng làm việc ở khu vực dịch vụ (lái xe taxi, xe ôm, nhà hàng,...) và khu vực sản xuất, xây dựng.

Công việc của người lao động di dân trong khu vực phi chính thức là công việc không được bảo vệ, không có hợp đồng lao động và thiếu bảo hiểm. Đặc điểm này còn nghiêm trọng hơn đối với những lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức là những người tự buôn bán (bán hàng rong), làm nghề tự do…

2.1.2.2. Về thực trạng thu nhập, đời sống của người lao động

- Việc đánh giá tiền công và thu nhập của khu vực phi chính thức là một thách thức lớn xét về phương pháp xác định cũng như cách lý giải kết quả thu được. Nhìn chung lao động ở khu vực phi chính thức nhận mức tiền công theo giờ và thu nhập bình quân tháng cao hơn gấp đôi mức tiền lương tối thiểu theo quy định nhưng thấp hơn so với lao động ở khu vực chính thức. Theo một khảo sát năm 2009, mặc dù làm việc ở khu vực phi chính thức nhưng mức thu nhập của người lao động di dân vẫn cao hơn so với mức thu nhập trước khi di dân[27].

- Lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường chỉ đăng ký tạm trú dưới 6 tháng (KT4) hoặc đăng ký “vãng lai”, thậm chí rất nhiều người không đăng ký cư trú. Theo một khảo sát được công bố năm 2013 có 42,9% người lao động di dân cho rằng việc đăng ký thường trú là không cần thiết[28]. Những lao động tự làm, công việc thất thường thì không đủ điều kiện để xét đăng ký cư trú tạm thời. Họ cũng không thực hiện đăng ký “vãng lai” vì kém hiểu biết, phần vì thấy không cần thiết và cũng do sự thiếu kiểm soát của chính quyền[29].

- Nhà ở đối với nhóm người di dân làm việc tại khu vực phi chính thức còn nan giải hơn là làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Theo UNFPA[30] (năm 2005) gần 90% người di dân diện KT4 sống ở nhà trọ chứ không sống trong nhà người thân, họ hàng, bạn bè hay cùng với chủ lao động[31]. Điều kiện nhà ở của người di dân làm việc ở khu vực phi chính thức thường rất khó khăn (ở nhà cấp bốn chật hẹp, thuê chung với nhiều người khác…). Những người có công việc không ổn định như bán hàng rong, khuân vác, tham gia chợ lao động… phải di chuyển thường xuyên thì chỉ thuê chỗ ngủ trọ buổi tối…

2.1.2.3. Về giáo dục, đào tạo, y tế và an sinh xã hội của người lao động

- Về giáo dục và đào tạo, người lao động di dân nói chung và con cái của họ khó tiếp cận với dịch vụ này. Do thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt cao nên họ khó có thể trang trải được sinh hoạt phí, gửi tiền về cho gia đình và do đó cũng không thể có tiền để chi trả cho việc nâng cao tay nghề, học tập. Con cái của lao động di dân, đặc biệt ở khu vực phi chính thức thường khó được vào học ở các cơ sở giáo dục công lập (vì không có hộ khẩu thường trú ở địa bàn đang sống) và chi phí cho việc học ở cơ sở ngoài công lập thì rất tốn kém.

- Về y tế, do không phải là cư dân chính thức trong cộng đồng nên các dự án và chương trình chăm sóc sức khỏe hay sức khỏe sinh sản do các tổ chức chính quyền địa phương thường bỏ qua đối tượng người nhập cư tạm thời, người nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức. Điều đó càng làm tăng thêm những nguy cơ của họ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

- Về an sinh xã hội: Hầu hết những lao động khu vực này không có bảo hiểm xã hội. Xét về mặt pháp lý, họ không được đưa vào diện bảo hiểm xã hội nhà nước do họ tự làm việc hoặc làm việc trong những cơ sở không đăng ký kinh doanh. Theo Viện Khoa học Thống kê (năm 2010) cho thấy, 99,6% lao động của khu vực phi chính thức ở Hà Nội và 94,6% ở Thành phố Hồ Chí Minh không có bảo hiểm xã hội. Trong số những thanh niên di dân đến Hà Nội làm việc trong khu vực phi chính thức được điều tra năm 2009, chỉ có 14% nam thanh niên và 16,1% nữ thanh niên được sở hữu bảo hiểm y tế; 3% được tham gia bảo hiểm xã hội, 0,2% được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tự nguyện[32].

Một khảo sát khác được công bố năm 2013 cũng cho thấy[33]: Lao động di dân tại khu vực đô thị phần lớn là lao động tự do, tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động thấp nên tỷ lệ tham gia các loại bảo hiểm cũng rất thấp. Có tới 52,1% lao động di dân tại thành thị được hỏi không tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào, tỷ lệ này ở lao động di dân tại các khu công nghiệp chỉ chiếm 16,4% (83,2% lao động ở khu công nghiệp có ký kết hợp đồng) và chủ yếu rơi vào nhóm lao động tự do.

2.1.3. Đánh giá chung về thực trạng di dân từ nông thôn ra đô thị

Qua việc phân tích một cách tổng quan bức tranh của người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị, bước đầu có thể thấy được những tác động tích cực của nó, nhưng mặt khác nó cũng đặt ra những vấn đề khó khăn và phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ở một mức độ nhất định, di dân từ nông thôn ra đô thị có những đóng góp không thể phủ nhận đối với sự phát triển của thành phố như góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực và các ngành nghề, dịch vụ và có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa; góp phần bổ sung nguồn lực lao động cho thành phố, đặc biệt là thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dịch vụ; đẩy mạnh sự trao đổi về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật giữa vùng đô thị và nông thôn; tham gia vào lĩnh vực hoạt động lao động phổ thông mà Nhà nước chưa bao quát được trong quá trình đô thị hóa như: xích lô, vận chuyển hàng hóa, chuyên chở hành khách và nhiều hình thức hoạt động lao động khác. Người dân di dân ngoại tỉnh vào các đô thị lớn với mục đích tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Do vậy tính năng động trong vấn đề tìm kiếm việc làm của họ rất cao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, sức khỏe, khả năng của mỗi người mà họ sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực khác nhau. Do đó, những người lao động này đã bù đắp cho nguồn lực lao động ở các đô thị khi tham gia vào những công việc mang tính chất lao động giản đơn, hoặc lao động nặng nhọc nhưng rất cần thiết cho đời sống kinh tế, xã hội. Một số lượng lớn lao động ngoại tỉnh làm việc có tính chất thời vụ vào các đô thị tìm việc, họ có thể làm bất cứ công việc gì mà lao động ở thành phố không muốn làm, những công việc nặng nhọc phải dùng sức cơ bắp mặc dù thu nhập của họ không cao lắm song vẫn hơn hẳn mức thu nhập ở nông thôn.

Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng lao động di dân từ nông thôn ra đô thị lớn tìm việc làm cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các đô thị. Có thể đưa ra những vấn đề cấp bách nổi bật sau: Thứ nhất, là vấn đề gia tăng sức ép về việc làm. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đã tồn tại nay lại được bổ sung thêm do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố, điều đó làm cho số người có nhu cầu giải quyết việc làm mỗi năm tăng nhanh, gây nên sức ép về việc làm tại thành phố ngày càng tăng. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những mặt tiêu cực khác phát sinh, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế, xã hội cho thành phố. Thứ hai, gây quá tải về sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở. Những năm trở lại đây, một số đô thị lớn như Hà Nội tuy đã được Nhà nước chú ý đầu tư về cơ sở hạ tầng, về điều kiện nhà ở nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ. Thực tế quỹ nhà ở, công trình công cộng mới xây dựng mặc dù tăng nhanh nhưng không đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa (trường học, chăm sóc sức khỏe, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị…). Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi thêm vào đó khối lượng lớn người di dân ngoại tỉnh tới Hà Nội. Thứ ba, đã và đang xuất hiện nhiều tiêu cực và tệ nạn xã hội từ tình trạng những người di dân ngoại tỉnh về các đô thị. Sau khi làm việc căng thẳng và mệt mỏi, người lao động thường tập trung qua đêm ở các xóm lao động và nhà trọ bình dân rẻ tiền. Điều kiện nghỉ ngơi và sinh sống trong các khu vực này không được đảm bảo. Do tính chất công việc, hàng ngày họ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, họ dễ dàng tiếp thu cả cái tốt và cái xấu. Vì vậy, ở họ rất dễ mắc các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng cho vấn đề an ninh trật tự và khó khăn cho các nhà quản lý.

2.2. HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ HIỆN NAY

2.2.1. Khái quát chung

Hệ thống chính sách, pháp luật Việt Nam đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị (khu vực phi chính thức) về cơ bản cũng nằm trong tổng thể chính sách, pháp luật đối với người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị nói chung. Việc đánh giá chính sách, pháp luật chủ yếu nhằm tìm hiểu và trả lời các câu hỏi: (1) Pháp luật đã quy định và tạo điều kiện cho người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị được thụ hưởng bình đẳng các quyền cơ bản của công dân trên cơ sở không phân biệt đối xử hay không? (2) Liệu trong quá trình thực thi, áp dụng các quy định pháp luật đã thực sự tạo cơ hội thụ hưởng quyền cho người lao động di dân trên cơ sở có tính đến  các yếu tố đặc thù, đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của họ?

Thứ nhất, dưới góc độ Hiến pháp, các bản Hiến pháp trước đây và hiện nay là Hiến pháp năm 2013 mặc dù không có những điều quy định riêng, cụ thể, nhưng có một số điều quy định trong các bản Hiến pháp liên quan khá chặt chẽ đến di dân nông thôn - đô thị. Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước… (Điều 23); Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (khoản 1, Điều 35). Bên cạnh đó Hiến pháp năm 2013 cũng quy định khá cụ thể về những quyền cơ bản của công dân, về một số chính sách xã hội mà mọi người dân đều có quyền hưởng lợi, kể cả nhóm di dân nông thôn - đô thị như quyền và nghĩa vụ học tập và được Nhà nước hỗ trợ đối với nhóm yếu thế; quyền và nghĩa vụ lao động; được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; quyền  có nhà ở và quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động và trả lương; Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34)… Đó là các quyền công dân và những chính sách xã hội rất cơ bản, thể hiện ý chí của toàn dân, của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, một số Bộ luật, luật cơ bản cũng đã thể hiện được ở mức độ khái quát, có tính chất nguyên tắc những vấn đề chung liên quan đến chính sách xã hội cho công dân trong đó bao gồm cả người lao động di dân đặc biệt là quyền tự do di dân, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, tự do kinh doanh, mọi công dân đều có quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, cư trú... Chính sách xã hội ưu tiên đặc biệt đối với một số đối tượng (người già, người có công với cách mạng, người tàn tật, trẻ em...) mà không phân biệt nhóm nhập cư từ nông thôn ra thành thị. (Xem cụ thể trong Báo cáo đầy đủ)

Tổng quan chung, những nội dung trên về cơ bản phù hợp với pháp luật, công ước và thông lệ quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện, nhất là các Công ước quốc tế của ILO. Tuy vậy, điểm đáng lưu ý là nội dung các quy định chủ yếu mang tính khái quát mà không đề cập đến các nhóm đối tượng áp dụng với những đặc điểm đặc thù. Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh liên quan đến những chính sách xã hội chưa được bổ sung, sửa đổi như: chính sách ASXH hoàn chỉnh theo hướng đa tầng và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện cho mọi người dân, bao gồm cả nhóm di dân nông thôn - đô thị, đều có cơ hội tiếp cận nhằm phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro; một số chính sách, pháp luật về nhà ở, hộ khẩu... liên quan đến người lao động di dân nói chung, lao động tự do từ nông thôn ra đô thị cũng đã dần bộc lộ những bất cập nhất định..

Nghiên cứu thêm về một số Chiến lược tầm quốc gia có liên quan mật thiết tới vấn đề di dân cho thấy vấn đề di dân trong nước chưa được đề cập rõ ràng trong Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Di dân trong nước vì lý do kinh tế cũng chưa được quan tâm đúng mức trong các chính sách và chiến lược do các bộ ngành ban hành. Chẳng hạn chiến lược Dân số - Sức khỏe Sinh sản giai đoạn 2011-2020 cũng chưa đề cập tới “nhóm dân di dân”. Tương tự như vậy Kế hoạch tổng thể Quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ của thanh niên hoặc Luật Thanh niên cũng chưa chú ý tới nhóm người di dân mặc dù hầu hết người di dân tự do trong nước vì lý do kinh tế là thanh niên vì thế các chương trình và kế hoạch này đã bỏ sót một lượng lớn dân số dễ bị tổn thương với các rủi ro xã hội.

Trong trường hợp người di dân được đưa vào các chiến lược chính sách thì phương pháp tiếp cận lại không phải nhằm mục đích bảo vệ người di dân. Có thể thấy điều này qua Chiến lược dân số năm 2001-2010, trong chiến lược này người di dân bị coi là đem tới nhiều tác động tiêu cực hơn là mang lại lợi ích cho phát triển. Chỉ tiêu duy nhất liên quan tới người di dân trong chiến lược là mục tiêu đạt tỷ lệ 75% người di dân tự do đăng ký hộ khẩu vào năm 2010 (chỉ tiêu này cũng không tiếp tục được đề cập trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020). Tuy nhiên chưa có một mục tiêu nào đề cập tới việc đảm bảo sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di dân hoặc giải quyết các vấn đề khác. Có một ngoại lệ đáng chú ý là Chiến lược quốc gia về HIV/AIDS xác định người dân di dân là đối tượng đặc biệt yếu thế trong vấn đề lây nhiễm HIV. Luật Phòng chống HIV/AIDS ban hành năm 2006 đã có một điều khoản cụ thể về phòng chống HIV/AIDS cho nhóm dân số lưu động.

 Liên quan tới trách nhiệm của các Bộ ngành, cần lưu ý rằng vấn đề di dân trong nước chưa được phân công cụ thể cho một Bộ nào của Chính phủ. Các chính sách xã hội có liên quan tới di dân được các Bộ ngành khác nhau ban hành[34].

2.2.2. Chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị

2.2.2.1. Chính sách, pháp luật về hộ khẩu

Để quản lý lao động di dân hiện nay, Nhà nước và chính quyền các thành phố sử dụng phương pháp hành chính là chủ yếu, cụ thể là được thực hiện thông qua hệ thống đăng ký hộ khẩu. Theo đó, mỗi hộ gia đình được phát một sổ hộ khẩu trong đó ghi tên, giới tính, ngày sinh, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp của tất cả các thành viên trong gia đình và mối quan hệ của họ với chủ hộ. Về nguyên tắc, không ai có thể có đăng ký tên mình ở hơn một sổ hộ khẩu. Hộ khẩu được gắn chặt với nơi cư trú. Nếu một người thay đổi nơi cư trú thì hộ khẩu của họ cũng phải thay đổi theo. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc đăng ký hộ khẩu và trật tự xã hội.

Các văn bản hiện hành về đăng ký và quản lý hộ khẩu được quy định trong các văn bản như: Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013), Luật Thủ đô năm 2012, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP… Hệ thống đăng ký hộ khẩu được chia thành năm loại chính. Cách phân loại này được dùng để hạn chế di dân và kiểm soát dân số[35]. Trên thực tế, chỉ có một số ít người di dân có thể có được hộ khẩu ở nơi mới đến. Theo số liệu cuộc Điều tra di dân Việt Nam năm 2004, có dưới 5% số người di dân không có hộ khẩu tại nơi họ đến và, trong số những người có giấy tờ đăng ký, chỉ có một phần nhỏ có hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú hiện tại. Cụ thể, chỉ 18% người di dân được đăng ký hộ khẩu thường trú (KT1 hoặc KT2), 34% đăng ký KT3, và 48% đăng ký KT4. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số những thành phố có tỷ lệ người nhập cư có hộ khẩu thường trú thấp. Tại Hà Nội, tỷ lệ người nhập cư có được KT1 là cao hơn nhiều so với Thành phố Hồ Chí Minh (5,3% so với 0,5%) những tỷ lệ được KT4 lại thấp hơn (35,8% so với 86,4%)[36].

Có thể nhận thấy, quy định của Luật Cư trú gần đây (sửa đổi năm 2013) đã có những quy định “siết chặt” hơn việc đăng ký hộ khẩu thường trú vào các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Qua tìm hiểu cho thấy những quy định này khi áp dụng trong thực tế cũng rất khó khăn. Ví dụ như, hầu hết các hộ dân cho thuê nhà trọ đều không đăng ký kinh doanh nhà ở và nếu có đăng ký kinh doanh nhà ở thì cũng không phải lúc nào cũng đồng ý cho người thuê làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà mình. Trong khi đó, hầu hết lao động tự do di dân đều đi ở nhà trọ, điều kiện kinh tế khó khăn và chưa có nhà thuộc sở hữu riêng của mình.

Ở cấp địa phương, thời gian gần đây tiếp tục cho thấy sự do dự của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc quản lý di dân theo kiểu “siết chặt” quy chế nhập cư đối với lao động ngoại tỉnh. Cụ thể là, theo Luật Thủ đô năm 2012, các điều kiện chặt chẽ hơn: (i) tăng lại thời gian cư trú tối thiểu thành ba năm; (ii) phải có công việc ổn định với mức lương cao gấp đôi mức tối thiểu, (iii) cư trú tại nơi hợp pháp. Tuy nhiên, lúc mới ra đời, Luật này bị chỉ trích bởi nội dung trái với pháp luật nhà nước hiện hành và các Công ước quốc tế có liên quan. Luật này không nhất quán với quy định của Luật Cư trú (trước sửa đổi năm 2013) là thời gian cư trú tối thiểu tại thành phố chỉ là một năm. Cách quản lý như vậy bị phê phán là “cổ điển, thụ động, mang tính chất đối phó và không hiện thực… không thể ngăn cản lao động di chuyển vào Hà Nội theo cách này vì một số lượng lớn người di dân sẽ giữ tình trạng đăng ký tạm trú hoặc không đăng ký hộ khẩu tại nơi đến, chấp nhận các điều kiện nhà ở không đầy đủ, thiếu thốn dịch vụ hoặc chấp nhận các dịch vụ đắt đỏ”[37]. Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích như vậy nhưng Luật Thủ đô không những vẫn có hiệu lực mà còn khiến cho Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 có quy định riêng cho Thủ đô Hà Nội cho khớp hai luật này.

Đà Nẵng là thành phố có những chính sách và quy định chặt chẽ nhất nhằm hạn chế người di dân lao động tự do. Cuối năm 2011, tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII thông qua Nghị quyết, trong đó có tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định để rà soát lại chất lượng dân nhập cư nhằm đưa ra những quyết sách trong tương lai.

Bên cạnh đó, quy định của Điều 3 Luật Cư trú hiện nay: “Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước của thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Chính điểm mở này đã dẫn đến tình trạng vận dụng tùy tiện, gây khó khăn, phiền hà cho công dân của một số cơ quan công quyền. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi Luật. Vì vậy, quy định của Luật Cư trú (sửa đổi 2013) về cơ bản không còn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Thực tế cho thấy, chính sách cư trú vẫn còn gây khó khăn cho người lao động di dân đến làm việc ở khu vực phi chính thức. Mặc dù hộ khẩu không còn là căn cứ để đăng ký các tiêu chuẩn về nhu yếu phẩm như trước nhưng nếu như chưa có hộ khẩu, người lao động trong khu vực phi chính thức (và cả khu vực chính thức) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về đăng ký nơi ở, tiếp cận các dịch vụ (như đã đề cập ở phần 2.1 của Chương này). Người lao động nhập cư tự do làm việc trong khu vực phi chính thức luôn được xem là dân ngụ cư tạm thời. Do không hoặc không thể thực hiện được đăng ký cư trú nên họ không thể được bất kỳ “xác nhận hành chính” nào từ chính quyền địa phương tại nơi cư trú hiện tại (ví dụ xác nhận Lý lịch cá nhân). Một hạn chế nữa là họ phải chi trả dịch vụ với giá cao, khó tham gia vào các hoạt động đoàn thể tại cộng đồng (một yếu tố giúp cải thiện mức độ hòa nhập về mặt xã hội của người lao động di dân).

Ở đây, xin đề cập sâu hơn đến hạn chế về chi trả dịch vụ nêu trên. Người lao động nhập cư thường phải sử dụng điện với giá cao, vượt 3-5 lần so với giá quy định của Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ, người lao động tỉnh xa đến làm việc và sinh viên thuê nhà ở, nêu cứ có 4 người thuê một phòng trọ và nếu có đăng ký tạm trú trên 1 năm có xác nhận của Công an Phường được hưởng tiêu chuẩn mắc công tơ riêng và sử dụng giá điện như người có hộ khẩu thuộc diện KT1. Như vậy, về mặt pháp lý, thủ tục hành chính của việc lắp đặt công tơ điện riêng tương đối phức tạp và có liên quan đến việc đăng ký cư trú. Chỉ có người thuộc diện KT1 và KT2 hoặc KT3 đã đăng ký tạm trú dài hạn trên 1 năm mới được hưởng dịch vụ này. Hơn nữa mặc dù đã có quy định này nhưng nhiều chủ nhà không thực hiện, sợ sẽ không hưởng lợi được từ việc sử dụng giá điện này. Bên cạnh đó, người nhập cư thuộc diện KT4 thực tế còn phải trả tiền điện gấp 3-5 lần so với người nhập cư diện KT1, KT2. Tương tự như vậy, chi phí sử dụng nước sạch của người nhập cư thuộc diện KT3, KT4 cũng cao hơn nhiều diện khác vì không có đăng lý cư trú chính thức. Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch không có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn được lắp công tơ nước cho khách hàng sử dụng nước sạch. Dưới sức ép của dân số tại các thành phố lớn, một số quy định hạn chế khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, đặc biệt là lao động nhập cư ở khu vực phi chính thức. Theo quy định của Công ty nước sạch Hà Nội, người dân muốn được lắp công tơ nước tại hộ phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Quy định này đồng nghĩa người lao động nhập cư làm việc ở khu vực phi chính thức và những người di dân tạm thời phải sử dụng nước qua công tơ của chủ nhà trọ nên phải trả giá nước cao hơn giá quy định lũy tiến của công ty nước.

Bên cạnh đó, do việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu dẫn đến người lao động nhập cư (nhất là lao động tự do) thiếu cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các quyền liên quan đến hộ tịch, khai sinh, khai tử, kết hôn… Khi thực hiện các quyền này, người lao động đều phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện (thường là quê nhà, nơi xuất phát của di dân). Điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như vấn đề kinh tế của bản thân lao động di dân. Các chương trình xóa đói giảm nghèo cũng nỗ lực vươn tới người lao động nhập cư nhưng thực tế cho thấy phần lớn họ không được hưởng chính sách hỗ trợ như vay vốn tín dụng làm ăn…[38]

2.2.2.2. Chính sách, pháp luật về lao động việc làm, an sinh xã hội

- Chính sách tiền lương trong khu vực chính thức hay phi chính thức đều còn rất nhiều hạn chế. Do quy định tiền lương tối thiểu thấp nên mức tiền lương, đặc biệt trong khu vực phi chính thức rất thấp, dẫn đến chế độ bảo hiểm xã hội cũng rất thấp. Đây là hai vấn đề bất cập lớn của người lao động di dân làm việc ở khu vực phi chính thức. Các cơ chế điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động phần lớn chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế. Trong khu vực phi chính thức, quan hệ lao động thường không được bảo vệ bằng hợp đồng lao động. Lao động nữ càng trở nên yếu thế trong trường hợp này, dễ bị lạm dụng sức lao động hoặc thậm chí bị lạm dụng tình dục. Một số đối tượng là lao động bán hàng rong hiện cũng bị hạn chế nhất định đối với công việc của mình. (Ví dụ một số Thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội đã ban hành quy định cấm bán hàng rong ở một số tuyến phố nhất định).

Trên thực tế, những chính sách này đã làm cho người lao động tự do di dân từ nông thôn lên đô thị khó tiếp cận với cơ hội việc làm ở khu vực kinh tế chính thức. Do đó, họ gặp không ít những rủi ro và khó khăn ẩn sau bề mặt tích cực của kinh tế đô thị. Mặc dù những cản trở về hộ khẩu không làm cho người lao động tự do di dân từ nông thôn lên đô thị phải chờ đợi lâu mới có cơ hội việc làm, khoảng 80% người trong số họ có việc làm ngay trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên ngành nghề chính của họ là làm cho khu vực kinh tế phi chính thức (54%) và tự doanh (45%) với các công việc lao động chân tay trong các phân xưởng tư nhân, cửa hàng, công trường xây dựng, bán hàng rong...[39] Thu nhập thấp và không ổn định, kèm theo thời gian kéo dài khoảng 55 giờ/tuần, cộng thêm gánh nặng gửi tiền về quê đã khiến nhiều người trong số họ sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu và rất khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục...

- Nhiều chế độ chính sách khác của nhà nước dành cho người lao động cũng “bỏ quên” đối tượng lao động tự do di dân từ nông thôn lên thành phố. Bộ luật lao động năm 2012 gần như chỉ điều chỉnh các chính sách bảo trợ với số lao động ở khu vực chính thức, còn số lao động thuộc diện “lao động tự do” - chiếm số lượng lớn trong hệ thống thị trường lao động của nước ta hầu như chưa được luật đề cập tới... Đa số người lao động tự do không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, y tế và thất nghiệp) và các chế độ bảo hiểm dành cho người lao động (tai nạn lao động, thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp…). Trong khi đa số lao động tự do di dân từ nông thôn lên thành phố phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm thì họ không có hợp đồng lao động và 99% trong số họ không được hưởng bất kỳ bảo trợ xã hội nào như kiểm tra sức khỏe định kỳ, hay bất kỳ loại bảo hiểm nào để đảm bảo cho họ trong các trường hợp bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp…

- Hiện số lao động tự do tham gia đóng bảo hiểm rất ít. Cả nước chỉ có 0,19% số lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế[40]. Lý do chính là do thu nhập của lao động trong khu vực này thấp, công việc lại không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội lại quá dài.

- Người lao động gần như không được giải thích một cách rõ ràng về lợi ích của các loại bảo hiểm mà họ có quyền được tham gia. Vấn đề tuyên truyền cho người lao động về chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện cũng như các loại hình bảo hiểm còn nhiều bất cập.

- Một số quy định hiện hành vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến người lao động tự do di dân đến đô thị. Điều đó dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của lao động di dân (không có hộ khẩu thường trú, nhất là ở khu vực phi chính thức) đôi khi là xa xỉ phẩm. Ví dụ như hiện nay, trẻ em thực tế thường trú tại địa phương nào thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó cấp thẻ khám chữa bệnh. Quy định này cơ bản phù hợp và giải quyết được hầu hết các trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh với cơ chế và thủ tục linh hoạt. Tuy nhiên, đối với trẻ em không có đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải xuất trình giấy chứng nhận khai sinh và xác nhận của chính quyền địa phương chứng thực việc trẻ em đó thật sự cư trú tại khu vực này để làm căn cứ cấp thẻ. Quy định việc phải xuất trình xác nhận tình trạng cư trú thực tế của trẻ em như vậy đã tạo thành thủ tục cấp phát thẻ khám chữa bệnh rườm rà và không cần thiết khi đã có giấy khai sinh chứng thực trẻ em dưới 6 tuổi.

- Thực tế rất nhiều người lao động tự do di dân ra đô thị không có cơ hội để mua được bảo hiểm y tế của Nhà nước theo dạng tự nguyện. Lý do là họ không nằm trong diện được pháp luật hiện hành quy định. Họ không có một thứ giấy tờ cam kết nào về quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động. Đó chính là rào cản về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị khi mà thu nhập của họ rất thấp và không ổn định, cuộc sống bấp bênh và các chi phí y tế tại các khu đô thị cũng rất cao.

2.2.2.3. Chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo liên quan đến con em lao động di dân tự do

- Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGD&ĐT ngày 10/8/2005 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở quy định Học sinh thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp một lần để mua sách, vở, đồ dùng học tập ngoài đơn còn phải thêm phiếu xác nhận do nhà trường cấp theo từng năm học. Các giấy tờ này nộp cho Phòng Nội vụ - Lao động cấp huyện nơi học sinh có hộ khẩu thường trú để được xét trợ cấp từ nguồn chi bảo đảm xã hội của địa phương. Quy định này làm cho các học sinh thuộc đối tượng được trợ cấp nhưng là con em người di dân đến đô thị chưa có hộ khẩu thường trú mất quyền trợ cấp theo chính sách chung.

- Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT ngày 28/4/2003 của Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn thực hiện Điều 3, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tại mục II khoản 1,2 quy định về việc tiếp nhận đối tượng vào học tại cơ sở giáo dục trung học  cơ sở đã quy định con em lao động di dân tốt nghiệp tiểu học chỉ được tiếp nhận vào các trường trung học cơ sở công lập tại nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn (6 tháng trở lên). Đối tượng không thuộc nơi cư trú tại xã, phường, thị trấn chỉ được tiếp nhận khi sĩ số học sinh/lớp không vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh). Như vậy, đã có sự phân biệt học sinh giữa diện có hộ khẩu thường trú và tạm trú dài hạn với học sinh chưa có hộ khẩu loại này tại địa phương cư trú. Cơ hội bình đẳng trong việc học tập của con em người lao động di dân đến khu vực phi chính thức tại các thành phố càng bị hạn chế.

- Quyết định số 26/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/7/2001 về việc ban hành tiêu chuẩn, kiểm tra và đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã quy định về đối tượng phổ cập trung học cơ sở: “… là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến hết 18 đã tốt nghiệp tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương”. Như vậy quy định này đã loại bỏ những học sinh là con em của người lao động di dân nếu họ không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú dài hạn.

- Chính sách về đối tượng được học trường công lập cũng khá khác nhau ở một số địa phương. Ví dụ như, theo Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì “Học sinh học lớp 9 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không phân biệt có hoặc chưa có hộ khẩu đều được dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập”[41], trong khi đó tại Thành phố Hà Nội, có trường hợp vì không có hộ khẩu Hà Nội đã bị đình chỉ học.[42] Thực tế cho thấy việc cho con cái theo học ở các trường khu vực ngoài công lập là quá khả năng của gia đình lao động di dân, nhất là những lao động di dân làm việc ở khu vực phi chính thức.

- Một số chính sách liên quan khác dành cho phát triển giáo dục cũng không bao phủ lên nhóm đối tượng lao động tự di dân từ nông thôn lên đô thị. Quyết định số 1134/2001/QĐ-NHNN ngày 26/9/2001 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay áp dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Điều 3 quy định về đối tượng học sinh vay vốn, trong đó, học sinh không thuộc diện chính sách có hộ khẩu thường trú tại các khu vực khác nhau phải đạt điểm trung bình ở các mức điểm khác nhau mới được vay vốn. Quy định này có bất cập ở chỗ: đối với học sinh là con em của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị theo học tại những nơi mà họ không có hộ khẩu thường trú nhưng lại áp dụng điều kiện của khu vực nơi có hộ khẩu thường trú đối với họ (nơi họ không sinh hoạt và học tập) sẽ làm cho quy định về điều kiện nói trên không có ý nghĩa trong thực tế.

- Bất cập về phân cấp quản lý ngân sách chi cho hoạt động giáo dục cũng ảnh hưởng đến chất lượng tiếp cận giáo dục của lao động di dân.

Định mức phân bổ ngân sách cho giáo dục theo số lượng dân số đăng ký hộ khẩu của địa phương. Từ năm 2011, định mức và nguyên tắc phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục được thực hiện theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, tại một số địa phương nhất là các đô thị lớn, số lượng dân số thực tế nhiều hơn rất nhiều do sự gia tăng của các luồng di dân từ nông thôn ra đô thị. Điều này tạo áp lực rất lớn với các địa phương có nhiều người di dân đến. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào so sánh sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng các chính sách về giáo dục giữa các địa phương, tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là với cùng một mức ngân sách chi cho hai địa phương có lượng dân số đăng ký hộ khẩu ngang nhau, địa phương nào có số dân thực tế nhiều hơn (do những người di dân không đăng ký tạm trú hoặc đăng ký tạm trú ngắn hạn) thì mức đầu tư ngân sách cho ngành giáo dục chi bình quân đầu người sẽ ít hơn. Do đó, ở địa phương đông dân thực tế hơn so với số dân đã đăng ký hộ khẩu, sức ép dành cho ngành giáo dục ở địa phương đó cao hơn, và người di dân sẽ được hưởng cơ hội cũng như quyền lợi về giáo dục ít hơn.

2.3. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Lao động di dân nhiều và rẻ đã góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách chưa đủ mạnh để tạo ra được một khung pháp lý vững chắc trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động di dân phát triển công việc, ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, người lao động di dân luôn là nhóm yếu thế và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong các vấn đề như nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội.

- Dòng di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam có xu hướng ngày càng mạnh và trở thành một hướng quan trọng phân bố lại nguồn lực, nguồn nhân lực, góp phần quan trọng giảm sức ép về việc làm trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, người di dân cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Vấn đề này có nguyên nhân từ môi trường thể chế chưa được hoàn thiện.

- Các chính sách đối với di dân theo kế hoạch của Nhà nước trước đây đã không còn phù hợp, trong khi đó quan điểm hạn chế di dân tự do trước đây chính là rào cản khiến cho vấn đề di dân lao động không được đề cập nhiều đến trong các chính sách. Tuy vậy thực tế hiện nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực thay đổi nhưng hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về lao động di dân còn thiếu hụt lớn khi có rất ít các chính sách trực tiếp dành cho nhóm đối tượng này. Các quyền cơ bản về chăm sóc y tế, đạo tạo nghề, giáo dục dành cho người lao động nhập cư và con cái họ vẫn chưa được chú ý đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hiện hành cũng bộc lộ những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai. Một bất cập lớn nhất chính là về cơ chế quản lý bằng hộ khẩu đã dẫn đến nhiều hạn chế cho người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị liên quan đến: hộ tịch, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét việc có nên tiếp tục giữ chế độ quản lý bằng hộ khẩu này hay không.

- Mặc dù lao động di dân từ nông thôn ra đô thị có trình độ học vấn thấp, phần lớn không có chuyên môn kỹ thuật song hầu hết các chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm hiện nay đều dành cho nhóm lao động nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không có những chính sách hỗ trợ đối với nhóm lao động di dân.

- Quá trình di dân cũng mang đến những hệ lụy không mong muốn đối với các địa phương sở tại trên nhiều phương diện. Ví dụ như, theo số liệu khảo sát do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố năm 2013 cho thấy, có 8,8% lao động di dân được hỏi đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương không được tốt. Có 51,3% người lao động di dân được hỏi cho rằng tình trạng mất an ninh trật tự thường đến từ nhóm người di dân, 21,0% cho rằng do người tại địa phương. Đối với lao động di dân ra thành thị, phần lớn ý kiến cho rằng tệ nạn xã hội nằm ở nhóm người di dân (58,5%), trong quan điểm của nhóm này có rất ít người địa phương gây ra tệ nạn xã hội.

- Một bất cập lớn cần phải quan tâm đó là chính sách xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội hiện không có nhiều hiệu quả đối với nhóm lao động di dân tự do, đặc biệt là đối với nữ lao động di dân tự do. Các chính sách hiện hành chưa bao phủ được đến tất cả nhóm đối tượng lao động di dân tự do, khiến họ mất quyền tiếp cận bình đẳng với các quyền về an sinh xã hội.

- Chính quyền địa phương không có vai trò rõ nét trong những ảnh hưởng tới người di dân.

- Cơ chế thực thi chính sách về lao động di dân nói chung và lao động di dân tự do nói riêng chưa rõ ràng. Liên quan đến cơ cấu hành chính, vấn đề di dân trong nước hiện nay chưa được phân công cụ thể cho một Bộ, ngành nào của Chính phủ. Các chính sách liên quan đến di dân được nhiều cơ quan khác nhau ban hành như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an,…

Nhìn chung, các hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể tóm gọn ở một vài nguyên nhân chính như sau:

- Chưa có quan niệm đúng đắn về hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị, vẫn cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn xã hội, làm mất cân bằng nông thôn – đô thị, gây áp lực đến đô thị; chưa được xem là một khía cạnh tự nhiên của quá trình phát triển của bất kỳ xã hội nào.

- Hệ thống chính sách, pháp luật vẫn chưa thực sự bao phủ lên hết đối tượng lao động di dân từ nông thôn ra đô thị. Việc thực thi các quy định hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Sự phát triển và quy hoạch các thành phố vệ tinh chậm dẫn tới việc tập trung đầu tư quá nhiều ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra lực hút rất mạnh đối với lao động nông thôn vốn đang dư thừa ở các đô thị lớn.

- Người lao động còn thiếu thông tin về quyền và cơ chế thực hiện quyền của bản thân mình. Cơ chế hỗ trợ pháp lý đối với lao động di dân còn hạn chế. Do đó người lao động di dân chưa biết được về các quyền cũng như cách thức bảo vệ quyền của bản thân mình. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước cũng chưa bao phủ được toàn bộ nhóm lao động di dân, đặc biệt là lao động di dân tự do. Trong khi đó, theo số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố năm 2013 thì có 11,1% người lao động di dân ra thành thị được hỏi cho rằng cần được cung cấp thông tin khi cần giúp đỡ, 9,6% người được hỏi cần được hỗ trợ thủ tục vay vốn, sản xuất kinh doanh, 4,1% người được hỏi cần hỗ trợ thủ tục đăng ký thường trú…

- Nhiều bất cập xuất phát từ chính thái độ, ý thức của người lao động di dân (ví dụ như liên quan đến việc đăng ký tạm trú, mua bảo hiểm y tế tự nguyện, ý thức liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự xã hội chung…)…

 

2.4. THAM KHẢO KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

Trong khuôn khổ nghiên cứu, đề tài tổng hợp và cung cấp thông tin về kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á đang phát triển và có một số nét tương đồng với Việt Nam (Indonesia và Ấn Độ)[43].

2.4.1. Kinh nghiệm của Indonesia

Từ thực tế của Indonesia, vấn đề quản lý nhà nước về lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp của Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề như:

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người dân tại những vùng mất đất để có thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động và cả nhu cầu của các khu công nghiệp tại đó hoặc để học tự tạo việc làm. Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề phù hợp cho người lao động.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di dân, người lao động nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu tìm việc làm.

- Quản lý chặt chẽ người lao động di dân từ nông thôn ra thành thị bằng việc cấp thẻ điện tử (như là một giấy phép làm việc hay một chứng chỉ đào tạo nghề). Đồng thời tổ chức điều tra hàng năm về tình hình việc làm của người lao động bị mất đất nông nghiệp, di chuyển từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp từ cấp xã.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người lao động di dân để có thể làm đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và giúp người lao động có điều kiện có việc làm ổn định.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di dân tìm việc làm và bảo vệ lao động di dân, thông qua việc cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động di dân....

- Quan tâm đến các điều kiện về vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục và các vấn đề hành chính đối với lao động di dân.

2.4.2. Kinh nghiệm của Ấn Độ

Từ thực tế của Ấn Độ, vấn đề quản lý nhà nước về lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp của Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề như:

- Nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề lao động di dân: Cần tuyên truyền và phổ biến để nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề lao động di dân trong quá trình phát triển đối với người lao động, người sử dụng lao động, các cấp (nhất là chính quyền cơ sở), các ngành để thống nhất về nhận thức và thực hiện.

- Từng địa phương phải chăm lo giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ sẽ có lợi cho người lao động.

- Xây dựng các quỹ phúc lợi xã hội cho một số lao động đặc thù trong khu vực phi kết cấu. Các quỹ này được sử dụng để cung cấp các hoạt động phúc lợi rất đa dạng cho người lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, hỗ trợ giáo dục, cung cấp nước sạch… Hình thành tổ chức để thực hiện và phát triển các hoạt động hỗ trợ lao động di dân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với lao động di dân. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với lao động di dân: tổ chức rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ lao động di dân về học nghề, lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập, đời sống... đối với lao động di dân. Nghiên cứu, xây dựng luật lao động di dân để hỗ trợ và quản lý người lao động di dân.

- Tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và khảo sát học tập ở một số nước để có thêm các chính sách, mô hình trong việc quản lý, hỗ trợ lao động di dân và lao động ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp như Trung Quốc, Philippines...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 3

CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA

ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

 

3.1. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VỀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

- Bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy di dân lao động sẽ diễn ra với quy mô ngày càng lớn trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều quốc gia đã phải trả giá do thiếu quan tâm đến quá trình này. Các chính sách và chiến lược cần có tầm nhìn xa hơn và toàn diện hơn, cần gắn với xu hướng di dân và di chuyển lao động, tiến tới ổn định đời sống cho người lao động, giảm thiểu những khó khăn và rủi ro mà người lao động di dân phải gánh chịu, thay vì can thiệp trực tiếp hay tìm cách kiểm soát quá trình khách quan này.

- Việt Nam cần tiến tới xây dựng các chính sách toàn diện, nhất quán và trực tiếp về di dân nội địa nói chung và lao động di dân nói riêng trên cơ sở nhận thức đầy đủ về những tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

+ Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong điều kiện di dân nông thôn – đô thị đối với khu vực nông thôn cần hướng đến việc tạo cơ hội để đa dạng hóa và nâng cao thu nhập trong khu vực nông thôn, nhằm giảm bớt xu hướng di chuyển dân vào các thành phố lớn; đồng thời giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh từ mất cân đối về cơ cấu lao động và dân số trong nông thôn do di chuyển lao động trẻ, khỏe, có trình độ văn hóa và kỹ thuật ra làm việc ở thành phố.

+ Đối với khu vực đô thị, hệ thống chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, khả năng của nền kinh tế và có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Lao động di dân cần trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển bền vững. Do vậy các quan điểm cơ bản sau đây cần được bổ sung:

Tạo việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của mọi người lao động; Nhà nước tạo môi trường pháp lý giải phóng triệt để sức sản xuất, sức lao động để mọi người đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm bền vững và tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội tiếp cận việc làm.

Nhà nước quy định chính sách điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội; thực hiện phân phối lại thông qua an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững và gắn với phát triển; giảm dần khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.

Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc y tế miễn phí (dù có hay không có thẻ Bảo hiểm y tế); Nhà nước hỗ trợ nhóm người nghèo, nhóm nhập cư và nhóm yếu thế tham gia bảo hiểm y tế.

Nhà nước quy định hệ thống chính sách an sinh xã hội hoàn chỉnh, đa tầng, bao gồm chính sách thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương như người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, nhóm dân số, lao động nhập cư nghèo từ nông thôn ra thành thị làm việc và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.

- Việc bảo đảm các quyền cơ bản của lao động di dân là cần thiết nhưng đồng thời phải có các giải pháp hạn chế sự lạm dụng các quyền này (ví dụ có thể xây dựng khu nhà ở giá rẻ cho lao động di dân nhưng cần có các điều kiện cụ thể để được ở như: thời gian tối thiểu đã ở tại địa phương, điều kiện về nhân khẩu, sức khỏe, khống chế thời gian được hưởng chính sách trợ giúp về nhà ở…); ngoài sự trợ giúp về tài chính cần có sự trợ giúp về xã hội (kĩ năng sống…) để giúp họ tự bản thân hòa nhập với cuộc sống nơi đến.

- Có nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng những ưu đãi đối với lao động di dân vì như vậy sẽ khuyến khích sự di dân ồ ạt và khó thực hiện công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh pháp luật là sự bảo vệ các thành viên trong xã hội, ở góc độ quyền con người thì ai cũng có quyền được hưởng các quyền mà Hiến pháp đã ghi nhận và xuất phát từ vai trò của Nhà nước thì mọi người dân đều có quyền được hưởng lợi ích một cách tốt nhất. Mặt khác, những đóng góp của lao động di dân vào sự phát triển kinh tế, xã hội là không thể phủ nhận. Vì vậy, cần có những chính sách, pháp luật bảo vệ họ trước những khó khăn, hạn chế của cuộc sống.

- Đối với lao động tự do, cần quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến tiếp cận an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nhất là đối với lao động nữ di dân tự do. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với mục tiêu phát triển xã hội. Lao động nữ cần có các dịch vụ y tế phù hợp và nhạy cảm giới, được cung cấp thông tin, kiến thức và dịch vụ sức khoẻ sinh sản, phương tiện phòng tránh thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS tại nơi ở và nơi làm việc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động có thu nhập thấp ở các trung tâm đô thị và đối với phụ nữ trẻ làm việc và sinh sống tại các khu công nghiệp.

- Ngoài ra, để tạo ra sự đồng bộ và hệ thống về chính sách, pháp luật, cũng cần quan tâm bảo đảm quyền lợi cho nhóm đối tượng lao động di dân trong một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội. (Xem cụ thể trong Báo cáo đầy đủ của Đề tài)

- Để có thể đưa ra những hoạch định chính sách hiệu quả và thiết thực với lao động di dân tự do trong nước, Nhà nước cần có một hệ thống cập nhật các thông tin, số liệu đầy đủ về số lượng, cơ cấu của lao động di dân. Cần thay đổi trong phương pháp thông kê, điều tra về dân số trong thời gian tới đối với đối tượng di dân.

- Chính phủ cũng cần phải giao nhiệm vụ cho một cơ quan làm đầu mối, chủ trì trong công tác quản lý về lao động di dân tự do, khắc phục tình trạng quản lý phân tán ở nhiều cơ quan chức năng như hiện nay. Theo nhóm nghiên cứu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị phù hợp nhất trong việc giải quyết các vấn đề lao động di dân tự do trong nước vì Bộ này chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lao động và việc làm. Vì thế, Chính phủ cần có một cơ chế cụ thể quy định các trách nhiệm trực tiếp mà Bộ này phải có đối với lao động di dân và bản thân Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có kế hoạch hay ban hành chính sách cụ thể để đáp ứng nhu cầu và ứng phó với rủi ro của người lao động di dân tự do. Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng các Bộ, ngành khác (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế,…) cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi đây là một vấn đề có tính chất liên ngành cao.

- Cần sớm hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền của nhóm lao động di dân nói chung và lao động di dân tự do nói riêng. Các cơ chế hỗ trợ pháp lý cho nhóm lao động này cũng cần có sự đổi mới hơn nữa. Ví dụ, có thể xem xét bổ sung toàn bộ nhóm lao động di dân tự do vào nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước chứ không bó hẹp trong một số trường hợp như hiện nay. Dĩ nhiên, nhóm lao động di dân tự do cũng cần đáp ứng được những điều kiện nhất định (điều kiện về kinh tế khó khăn, nghèo…) để được hưởng chính sách miễn phí này. Và cuối cùng, điều quan trọng nền tảng là cần có biện pháp tuyên truyền hợp lý, hữu hiệu để lao động di dân có thể nắm được quyền cũng như nghĩa vụ của mình nhiều hơn nữa.

3.2. HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC CỤ THỂ

3.2.1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hộ khẩu

- Năm 2014, Luật Căn cước công dân đã được ban hành, theo đó, từ ngày 1/1/2016, công dân Việt Nam sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân (thay thế cho Chứng minh nhân dân). Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, nên sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, dự kiến đến 31/12/2019 sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

- Cần tách chức năng kinh tế, xã hội ra khỏi "sổ hộ khẩu". Phải coi sức ép của dân số lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh. Việc quản lý hành chính dân cư nhằm xác định việc cư trú của công dân, tăng cường quản lý xã hội an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là hết sức cần thiết. Song hệ thống đăng ký hộ khẩu đến nay đã được gán cho những "chức năng" mới không có hoặc rất ít liên quan đến mục đích của nó. Quy định sử dụng hộ khẩu thường trú (trên sổ hộ khẩu hoặc Thẻ căn cước công dân theo quy định mới) như một tiêu chí đầu vào của người dân nếu muốn tiếp cận các dịch vụ xã hội là cực kỳ bất hợp lý và cần loại bỏ. Đã đến lúc phải trả lại cho hộ khẩu chức năng vốn có của nó. Chính vì vậy, cần xóa bỏ mọi quy định sử dụng hộ khẩu như một tiêu chí đầu vào của người dân nếu muốn tiếp cận các chính sách và dịch vụ xã hội để nhóm di dân nông thôn – đô thị bình đẳng với nhóm dân cư đô thị trong thụ hưởng các chính sách xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, đời sống (điện, nước), an sinh xã hội, vay vốn…). Nếu thực hiện chính sách này, các cơ quan có liên quan cần tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đang có quy định hộ khẩu là tiêu chí để tiếp cận các dịch vụ nêu trên (đã nêu ở Chương 2 của Đề tài). Đi kèm với việc thay đổi chính sách này, các địa phương, nhất là các đô thị cần có sự cân đối để có một nguồn ngân sách riêng hỗ trợ an sinh xã hội, giáo dục cho các đối tượng lao động di dân tự do, tránh gây sức ép trong thực tế khi mở rộng đối tượng được tiếp cận các dịch vụ xã hội không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay không.

- Chính quyền cơ sở cần cung cấp thông tin và phổ biến rõ ràng các thủ tục cấp phép tạm trú cho người lao động để giúp cho họ tránh được những khó khăn rủi ro và lệ thuộc vào chủ trọ khi xin giấy phép cư trú.

3.2.2. Chính sách, pháp luật về lao động việc làm, an sinh xã hội

Thứ nhất, đối với chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cần có những thay đổi sau đây:

- Hoàn thiện chính sách kinh tế theo hướng tiếp tục giải phóng sức sản xuất, sức lao động, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, tạo cầu lao động với chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.

- Hoàn thiện hệ thống giao dịch trên thị trường lao động, đảm bảo cho mọi người lao động, kể cả nhóm lao động nhập cư từ nông thôn ra thành thị có cơ hội việc làm thông qua phát triển hệ thống dịch vụ kết nối cung - cầu lao động.

- Tiếp tục đổi mới về chính sách lao động, việc làm nông thôn, trên cơ sở đổi mới chính sách và định hướng về đào tạo cho lao động nông thôn.

- Tổ chức đăng ký và cấp thẻ lao động cho những người di dân tự do nông thôn - đô thị: Để kiểm soát dân di dân tự do nông thôn - đô thị, cần thiết phải ban hành quy chế về quản lý lao động, tổ chức đăng ký và cấp thẻ lao động cho những người di dân tự do nông thôn - đô thị. Bởi vì, về thực chất, những người di dân tự do nông thôn - đô thị là những lao động từ khu vực nông thôn ra khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm. Vì thế, việc ban hành quy chế đăng ký và cấp thẻ lao động là biện pháp để có thể quản lý xã hội chặt chẽ với nhóm xã hội này[44].

- Đối với đối tượng lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức, Nhà nước cần tập trung các chính sách giúp cho họ nâng cao năng lực để có thể chủ động tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân mình, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra các chủ sử dụng lao động tự do để có các biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ quyền cho lao động tự do.

- Để góp phần ổn định đời sống cho người dân lao động tự do cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để áp dụng giá điện bậc thang giống như các hộ gia đình cho người lao động di dân theo Thông tư số 08/2010/TT-BCT ngày 24/02/2010. Cần có thêm chính sách tương tự quy định giá nước sinh hoạt sử dụng đối với người thuê trọ. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách cũng như xử lý triệt để đối với các vi phạm để người lao động và chủ nhà trọ nắm được.

- Đối với một số lao động di dân tự do đặc thù cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền của họ, ví dụ như lao động giúp việc gia đình. Hiện nay mặc dù đã có các văn bản pháp luật mới điều chỉnh vấn đề này (như đã nêu ở Chương 2) nhưng vẫn chưa thực sự bảo đảm được quyền lợi, nghĩa vụ của họ. (Xem cụ thể trong Báo cáo đầy đủ của đề tài).

Thứ hai, về chế độ an sinh xã hội:

- Mục tiêu của chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2020 là tăng nhanh tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế để tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Hết năm 2015, phấn đấu có khoảng 75% người tham gia bảo hiểm y tế[45]. Để thực hiện thành công các mục tiêu này nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải có những chính sách "mở” để hỗ trợ cho những đối tượng lao động di dân tự do. Trong đó phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di dân để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để lao động di dân tiếp cận được với chính sách bảo hiểm y tế cũng như an sinh xã hội.

- Cần tạo điều kiện để người lao động di dân tự do được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thể liên kết và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đồng thời thiết lập hệ thống cộng tác viên cấp cơ sở hỗ trợ người lao động trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…); …

- Cần xem xét mở rộng dần phạm vi của chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyên để đảm bảo, thúc đẩy việc tham gia của người lao động tự do. Trước hết, nên sớm bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ di dân khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[46]. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động di dân dễ dàng tiếp cận; Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh cho linh hoạt, phù hợp với đặc thù lao động… nhằm tạo niềm tin tưởng của người lao động di dân khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Các địa phương nơi lao động di dân cư trú cần cung cấp thông tin về quy định pháp luật liên quan đến các điều kiện về cư trú và các chính sách an sinh xã hội,… để tăng khả năng tự bảo vệ của người lao động.

- Đối với bảo hiểm y tế, đề nghị Nhà nước cần xây dựng ngay lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho lao động di dân.

- Có chính sách để lao động di dân được tiếp cận với hệ thống bảo trợ và cứu trợ xã hội chính thức khi gặp rủi ro, từ phía chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tự nguyện và nhất là từ các doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động. Nhà nước cần thường xuyên điều chỉnh mức trợ giúp xã hội cho phù hợp từng thời kì bắt kịp với những biến động của thị trường nhằm bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu.

- Đối với một số loại hình lao động tự do di dân khác, ví dụ như lao động giúp việc gia đình, pháp luật cần quy định thống nhất chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động là người giúp việc gia đình trong Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ số 27/2014/NĐ-CP. Pháp luật xác định rõ loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cụ thể mà người giúp việc gia đình được hưởng. Quy định này tạo cơ sở cho người giúp việc gia đình được bảo đảm sức khoẻ, có nhiều cơ hội cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội.

3.2.3. Chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo

Nếu như chính sách liên quan đến hộ khẩu được thay đổi theo hướng đã nêu ở mục 3.2.1. ở trên thì đồng thời cần phải có sự thay đổi trong quy định về phân cấp ngân sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Như đã nêu, ngân sách cấp chủ yếu căn cứ trên số người trên hộ khẩu nhưng số lượng người trong độ tuổi đi học ở các tỉnh/thành phố, nhất là các đô thị thường lớn hơn nhiều. Trong khi đó, các địa phương khác mặc dù có nhiều lao động di dân đi nơi khác nhưng vẫn được cấp ngân sách dựa trên số người đăng ký thường trú (hộ khẩu) tại địa phương. Nhóm nghiên cứu đề nghị phân bổ ngân sách giáo dục, đào tạo nên dựa trên số người trong độ tuổi đi học thực tế của địa phương (không tính có hộ khẩu hay không) để tạo ra sự hợp lý và bình đẳng giữa các địa phương với nhau.

Để làm được việc đó, trước hết cần có những khảo sát, điều tra và dự báo hàng năm đối với nhu cầu học sinh ở các bậc học, từ đó có đề xuất dự kiến ngân sách năm sau cũng như có kế hoạch bố trí xây dựng trường lớp hợp lý nhất là tại các tỉnh, thành phố thu hút đông lao động di dân. Đối với các địa phương đã có cơ sở hạ tầng, nếu thiếu giáo viên Nhà nước hỗ trợ các trường trả lương cho giáo viên, hỗ trợ trường kinh phí đào tạo học sinh là con em lao động di dân. Thậm chí việc hỗ trợ này cũng không ngoại trừ đối với các trường dân lập nếu họ nhận con em lao động di dân để đào tạo. Điều này sẽ giúp đảm bảo quyền được đi học của trẻ em, giảm khó khăn đối với lao động di dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng trường học tại các địa phương có đông lao động di dân nhằm đáp ứng nhu cầu học của con em họ trên cơ sở các dự báo về tình hình di dân và số lượng con em lao động di dân đến độ tuổi đi học.

3.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TỪ CHÍNH QUYỀN

- Di dân ngoại tỉnh vào các thành phố lớn nói chung là một xu thế tất yếu. Hiện tượng di dân xuất phát từ sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị. Ngoài những nguyên nhân kinh tế, còn có những nguyên nhân phi kinh tế khác mà chúng ta đã thấy ở trên. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cần phải nắm bắt tính quy luật nội tại của hiện tượng di dân để vận dụng vào việc hoạch định các chính sách, các biện pháp điều tiết nó vì mục tiêu phát triển. Quan điểm ở đây là không để quá trình di dân ngoại tỉnh (mà đặc biệt là di dân mang tính chất thời vụ) vào đô thị trở thành một quá trình tự phát, nhưng đồng thời cũng không nên duy ý chí, quản lý quá trình này bằng mệnh lệnh hành chính một cách cứng nhắc. Vấn đề quản lý và điều tiết hiện tượng di dân ngoại tỉnh vào đô thị liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các cấp quản lý. Do đó các giải pháp phải có tính đồng bộ cao. Các giải pháp quản lý và điều tiết tình trạng di dân ngoại tỉnh vào đô thị phải mang tính hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, cả về trước mắt cũng như lâu dài.

- Một chính sách quản lý lao động nhập cư xiết chặt có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói kinh niên và các vấn đề xã hội khác. Nó sẽ càng làm xấu đi tình trạng của lao động nhập cư, đặc biệt là không giải quyết được triệt để gốc rễ của vấn đề mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển và tương lai của thành phố. Chính quyền thành phố phải có biện pháp đáp ứng những nhu cầu sống thiết yếu của người dân di dân như giúp họ tiếp cận các cơ hội về nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục. Giải quyết vấn đề lao động tự do là phải bằng mọi biện pháp chủ động hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đối với các vấn đề kinh tế - xã hội và an ninh trật tự tại nơi đến và nơi đi.

- Ở đây, chúng ta có thể đề cập đến các nhóm giải pháp mang tính định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, là nhóm giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của di dân ngoại tỉnh vào đô thị.

+ Cần phải có chiến lược quy hoạch mở rộng thành phố đô thị, phát triển các khu đô thị vệ tinh, thông qua đó để giảm áp lực cho sự gia tăng dân số quá mức ở khu vực nội thành, đồng thời tạo thế phát triển về kinh tế và xã hội cho thủ đô trong tương lai.

+ Chủ động thu hút và quản lý luồng di dân vào các ngành nghề phù hợp.

+ Hoàn thiện chính sách quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu không phải chỉ là việc thực hiện các thủ tục hành chính, mà còn cần lưu ý đến các yếu tố kinh tế xã hội khác: đó là nhu cầu có việc làm và đảm bảo đời sống – quyền cơ bản của người dân.

Thứ hai, là nhóm giải pháp nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của tình trạng di dân ngoại tỉnh vào đô thị.

+ Cần phải có quy hoạch nơi ở và nơi giao dịch việc làm cho người di dân theo mùa vụ.

+ Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội. Việc xây dựng các chính sách xã hội và đưa chúng vào thực tế đối với người lao động đang là một yêu cầu thiết yếu hiện nay. Các chính sách đó bao gồm một loạt các vấn đề như: hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế…

+ Giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho người di dân.

+ Thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di dân.

Thứ ba, nhóm giải pháp về giải quyết sức ép của quá trình đô thị hóa.

+ Căn cứ vào Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 7/4/2009 về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ dân cư đô thị Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% tổng dân số vào năm 2020, tương đương với số dân đô thị khoảng 44 triệu người. Nhu cầu đất xây dựng đô thị đặt ra vào năm 2015 là khoảng 335.000 ha, tương đương với 95m2/người, vào năm 2020 là 400.000 ha, tương đương với 90m2/người. Trong khi đó, hiện nay diện tích đất xây dựng đô thị chỉ có 105.000 ha, bằng khoảng 1/4 so với yêu cầu[47]. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ quá trình đô thị hóa. Chẳng hạn, vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị làm tăng mật độ dân số ở thành thị; vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt cho lớp người trẻ tuổi; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường,... Vì vậy, việc xem xét đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn của một số trung tâm đô thị thuộc tỉnh, chia sẻ sức hút nhập cư vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần được xem là một định hướng có tính chất dài hạn.

+ Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn về nông thôn và phát triển các thành phố vệ tinh để tránh sự tăng trưởng quá nhanh của các thành phố lớn, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước. Phải giảm bớt sự thiên lệch đối với chính sách phát triển đô thị và nông thôn. Giảm thiểu bất cân bằng về các cơ hội kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Theo các nhà phân tích chính sách đối với việc điều tiết lao động di dân, thay vì cố gắng chống lại sức hút của tính kinh tế nhờ tích tụ đối với người lao động và gia đình họ ở các đô thị lớn, chính quyền các cấp cần cố gắng xóa bỏ những nhân tố đang xô đẩy người lao động “ly hương”.

+ Muốn giải quyết thất nghiệp ở đô thị, các nhà quản lý vĩ mô cần hướng vào phát triển các ngành nghề đòi hỏi chất lượng lao động cao, hàm lượng tri thức cao nhưng không đòi hỏi sử dụng nhiều lao động tại đô thị. Chính sách này một mặt vẫn đảm bảo cho sự thịnh vượng của các đô thị, mặt khác không dẫn đến tình trạng thu hút quá đông lao động từ nông thôn vào thành thị, vì không có nhiều cơ hội có việc làm tại đô thị cho bộ phận lao động có chuyên môn thấp, vốn rất đông đúc ở khu vực nông thôn. Việc làm giảm các cơ hội việc làm đối với lao động có chuyên môn thấp ở khu vực đô thị cũng góp phần đảm bảo cho mật độ dân cư tại các đô thị không quá cao, làm giảm cơ hội tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN CHUNG

 

Di dân là một hiện tượng xã hội phổ biến, mang tính quốc gia và quốc tế. Di dân diễn ra trong phạm vi không gian, thời gian với hình thái cụ thể khác nhau. Có di dân nội vùng, nội địa, có di dân quốc tế; di dân tự do và di dân có tổ chức, có kế hoạch. Trong các dòng di dân đó có di dân tự do nông thôn - đô thị.

Di dân là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển và là hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh và cùng với quá trình đô thị hóa, người dân và lao động nông thôn sẽ di dân và chuyển dịch tới các vùng đô thị, nơi có công việc mới với thu nhập cao hơn nông thôn. Dòng di dân từ nông thôn ra đô thị (nông thôn - đô thị) ở Việt Nam có xu hướng ngày càng mạnh và trở thành một hướng quan trọng phân bố lại nguồn lực, nguồn nhân lực, góp phần quan trọng giảm sức ép về việc làm trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, người di dân cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Vấn đề này có nguyên nhân từ môi trường thể chế chưa được hoàn thiện.

Qua nghiên cứu cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật hiện nay chưa đảm bảo quyền của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị. Các lĩnh vực nóng liên quan đến vấn đề này là: hộ khẩu, lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục,... Bên cạnh đó, thực tiễn Việt Nam cũng cho thấy vấn đề di dân của lao động tự do từ nông thôn ra đô thị cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với cả nơi đi lẫn nơi đến. Từ những bất cập đó, đề tài đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị thời gian tới./.



[1] Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính người di dân đóng góp tới 30% GDP của thành phố (Hiệp hội về Dân số và Phát triển Việt Nam năm 2005). Các kết quả cho thấy thu nhập được tạo ra tại khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam được chuyển về các vùng nghèo hơn. Bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) khẳng định, "đây chính là một hệ quả tích cực, trực tiếp tác động lên hoạt động di dân của người dân".

[2] Mật độ dân số chung toàn thành phố là 1.926 người/km2, (cao hơn 7,4 lần mật độ dân số cả nước 256 người/km2) và phân bố không đều giữa các quận, huyện, thị xã. Nơi có mật độ dân số cao nhất là quận Đống Đa 36.550 người/km2, quận Hai Bà Trưng 29.368 người/km2; nơi có mật độ dân số thấp nhất là huyện Ba Vì 576 người/km2 (Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009).

[3] Theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số chuẩn của bậc học này là 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, Sở Giáo dục & Đào tạo đã có qui định sĩ số, lớp trong các trường tiểu học từ 35 - 45 học sinh. Nhưng thật hiếm hoi các trường tiểu học trong nội thành thực hiện qui định này. Tại quận Cầu Giấy, các trường tiểu học Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân… sĩ số mỗi lớp đều ngấp nghé con số 60. Tại quận Đống Đa, các trường Kim Liên, Nam Thành Công, Kim Đồng, Trung Tự… sĩ số một lớp cũng dao động từ 55 - 60, chưa kể một vài trường hợp đặc biệt con số ấy vượt lên hơn 60. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học khác ở Hà Nội.

[4] Theo báo cáo của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quá tải ở bệnh viện tuyến trên trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi cộm: 2-3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120-160%, đặc biệt là các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi... ở bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Từ Dũ...

[6] Viện sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh (Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).

[7] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[8] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[9] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 29.

[10] Xem: TS. Đinh Văn Thông, Di dân ngoại tỉnh vào thành phố Hà Nội - vấn đề đặt ra và giải pháp, Hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, TP. Hà Nội, 10/2010, nguồn:

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340652&cn_id=427858

[11] Xem: Lê Văn Toàn, Di dân tạm thời nông thôn - đô thị và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế hộ gia đình người di dân, Đề tài cấp bộ, mã số XH2B-26, Hà Nội, 2001, tr. 28, 33, 38.

[13] Phần lớn các số liệu định lượng về người di cư trong phần này được lấy từ hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 và 2009. Đây được coi là hai cuộc điều tra lớn nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay đưa ra bức tranh cập nhật nhất và mang tính đại diện nhân khẩu học nhất về các dòng di cư trong nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng điều tra định nghĩa người di dân là người trên 5 tuổi có nơi thường trú tại địa điểm Tổng điều tra và nơi thường trú 5 năm trước đó không cùng một đơn vị hành chính cấp xã. Định nghĩa này đã bỏ sót những người di dân lâu hơn 5 năm trước thời điểm của cuộc Tổng điều tra và những người di dân con lắc trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng đã trở về nơi ở cũ trước thời điểm điều tra. Một hạn chế nữa của cách định nghĩa này là không phân loại được một số loại hình di dân như di dân tạm thời, di dân theo mùa vụ, vì họ chỉ di dân trong thời gian ngắn. Ngoài ra, số liệu của hai cuộc điều tra này chỉ cho phép xem xét nhóm di cư NT-TT (từ 5 tuổi trở lên) nói chung mà không phản ánh được nhóm di dân lao động (trong độ tuổi lao động từ 15-60 tuổi).

[14] Đây là cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc gần nhất của Việt Nam. Lần tổng điều tra dân số toàn quốc trước đó được thực hiện vào năm 1999.

[16] Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo Kết quả chủ yếu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014, công bố ngày 17/12/2014, tr. 9, 10.

[17] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 108.

[19] Thành phố Hồ Chí Minh: lao động nữ chiếm 56% trong khi khu vực chính thức, tỷ lệ này là 42%. Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 138.

[20] Kết quả về Điều tra di dân năm 2004.

[21] Lê Văn Thành, Đô thị hóa với vấn đề dân nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh,

nguồn: http://thienthu.weebly.com/uploads/4/8/6/9/4869850/dothihoatphcm.pdf

[22] Lê Văn Thành, Di dân và vấn đề đăng ký hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 2007.

[23] TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Quản lý nhà nước đối với lao động di cư trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh 26 (2010), tr. 189-196.

[24] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 140.

[25] Xem: Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự, Báo cáo nghiên cứu “Thanh thiếu niên di cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, Hà Nội, tháng 5/2009.

[26] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 145.

[27] Xem: Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự, Báo cáo nghiên cứu “Thanh thiếu niên di cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, Hà Nội, tháng 5/2009.

[28] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

[29] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 164.

[30] Quỹ Dân số Liên Hợp quốc.

[31] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 164.

[32] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 178.

[33] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

[34] Lê Bạch Dương, Đặng Nguyên Anh, Khuất Thu Hồng, Lê Hoài Trung và Robert Bach, Bảo trợ xã hội cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2005.

[35] Đặng Nguyên Anh, Di cư trong nước: Cơ hội và thách thức cho Đổi mới và phát triển ở Việt Nam, 2005.

[36] Theo công bố của Tổng cục Thống kê năm 2006.

[37] Theo TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Quản lý nhà nước đối với lao động di dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, 26(2010), tr. 189-196.

[38] TS. Trần Minh Tuấn, Chính sách quản lý lao động di cư ở một số nước và những gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 390, tháng 11/2010, tr. 74.

[39] Xem chuyên đề của ThS. Lê Thị Thiều Hoa thuộc hệ chuyên đề của đề tài.

[40] Xem: Nỗi niềm lao động tự do, http://www.baoyenbai.com.vn/215/112459/Noi_niemlao_dongtu_do.htm, ngày 3/6/2014.

[41] Xem: Không hộ khẩu vẫn được thi vào lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/162650/khong-ho-khau-van-duoc-thi-vao-lop-10-o-tp-hcm.html, ngày 24/2/2014.

[42] Xem: Phải nghỉ học vì không có hộ khẩu Hà Nội, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/phai-nghi-hoc-vi-khong-co-ho-khau-ha-noi-20140220223527674.htm, ngày 20/2/2014.

[43] Trong phần này đề tài có tham khảo một số nội dung từ tài liệu: Dự án Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, Báo cáo kết quả khảo sát, học tập tại nước ngoài, Hà Nội, 2012.

[44] Xem: Đinh Quang Hà, Di dân tự do nông thôn – đô thị với trật tự xã hội ở Hà Nội, Luận án Tiến sỹ Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2014.

[46] Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản có liên quan.

[47] Nguồn: Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, Xu hướng và Những khác biệt, http://portal.thongke.gov.vn/khodulieudanso2009/Tailieu/AnPham/ChuyenKhaoDiCuDoThiHoa/Chuong5.pdf

 

Nội dung toàn văn

PHẦN MỞ ĐẦU

 

1.      Tính cấp thiết của đề tài

Trên thế giới, di dân đã được khẳng định là vấn đề của thời đại, mang tính toàn cầu. Đây cũng là vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt vì tốc độ di dân gia tăng nhanh, quy mô ngày một lớn, tác động không nhỏ tới mỗi gia đình và từng quốc gia. Tại Việt Nam, sức hút đô thị là rất lớn. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, trong 10 năm qua, di dân diễn ra khá mạnh; dân số thành thị tăng 3,4%, trong khi dân số nông thôn chỉ tăng 0,4%. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những vùng có tỷ lệ dân số tăng nhanh, từ 2,9-3,5%. Trong số 9,45 triệu dân tăng (1999-2009) có tới trên 7 triệu (trên 70%) tăng ở khu vực thành thị và chỉ có trên 2 triệu (dưới 30%) tăng ở khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, thành phố đô thị lớn đang thu hút làn sóng nhập cư, cuốn dòng người nông thôn "đổ" về. Có thể nhận thấy vấn đề di dân ở Việt Nam đang có xu hướng tiếp tục gia tăng về quy mô bởi đô thị hóa luôn là động lực thúc đẩy di dân.

Theo dự báo của Chính phủ, 45% dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực đô thị vào năm 2020. Nguyên nhân di dân được các nhà khoa học lý giải là do sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp; đất đai ở nông thôn bị thu hẹp không đủ đáp ứng cho lực lượng lao động đang gia tăng mạnh. Trong khi đó, thành thị ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ bởi mức thu nhập và cơ hội việc làm cao hơn, đã hối thúc người nông thôn tìm đến kiếm kế sinh nhai. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, di dân là một trong những giải pháp chính cho việc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam từ đầu những năm 1990 đến nay[1].

Ở cấp độ tổng thể, di dân từ nông thôn ra thành thị góp phần đáng kể vào quá trình đô thị hóa và là một xu hướng tất yếu của những quốc gia đang trong quá trình phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, di dân nói chung và di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam nói riêng hiện nay đang bộc lộ khá nhiều bất cập:

Một là: Tạo áp lực về mật độ dân số cho các đô thị. Đặc biệt, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các quận nội thành hiện đã có số lượng dân cư quá đông đúc[2] dẫn đến tình trạng thiếu thốn các điều kiện sống tối thiểu như nhà ở, điện, nước, vệ sinh, trật tự và an toàn xã hội...

Hai là: Quá tải trong việc cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Do tập trung dân cư quá đông vào các đô thị, đặc biệt là các quận nội thành dẫn đến tình trạng quá tải tại các trường học ở bậc học phổ thông[3]; các bệnh viện công thuộc các thành phố lớn cũng luôn trong tình trạng thiếu thốn giường nằm, bác sỹ, trang thiết bị phục vụ nhu cầu của nhân dân[4].

Ba là: Làn sóng người di dân từ nông thôn nhằm tìm kiếm việc làm thu nhập cộng với việc các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại các đô thị lớn ở lại thành phố để lập nghiệp tạo thành sức ép rất lớn về lao động việc làm, thu nhập.

Bốn là: Quyền và lợi ích của người dân di dân ra đô thị trong nhiều trường hợp chưa được bảo đảm bình đẳng với những cư dân sở tại. Có nhiều chính sách xã hội trong những năm qua đã có sự phân biệt rất rõ ràng đối với những người dân sở tại (có hộ khẩu thường trú) và những người di dân từ nông thôn (tạm trú) như: chính sách nhà ở xã hội (chỉ giải quyết bán nhà ở xã hội cho những người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội), chính sách tuyển dụng công chức, viên chức (một số vị trí chỉ tuyển dụng những người có hộ khẩu thường trú tại thành phố), quyền và khả năng tiếp cận đối với các trường công (ở bậc học phổ thông), bệnh viện công (theo tuyến)... dẫn đến những thiệt thòi đối với những đối tượng cần được xã hội quan tâm như trẻ em, người già yếu, người mắc bệnh cần chữa trị...

Năm là: Trong một số năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tại các đô thị lớn của nước ta gia tăng một cách đáng kể. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ việc nhiều người lao động tự do không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị một cách tự phát gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho nhà nước, cho xã hội và cả bản thân những người dân di dân như: chưa làm tốt công tác quy hoạch đô thị, chưa giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân ở các vùng nông thôn; tập trung quá nhiều các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các đô thị... Trong đó, theo chúng tôi, một nguyên nhân rất quan trọng gây ra tình trạng di dân tự phát và gây ra nhiều áp lực cho các đô thị hiện nay ở Việt Nam là do chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật liên quan đến di dân ra đô thị, chưa sử dụng công cụ pháp lý một cách có hiệu quả để điều tiết và định hướng việc di dân của người lao động tự do và đảm bảo các tiêu chuẩn cuộc sống đối với những người di dân.

2.      Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến nội dung đề tài

Di dân từ nông thôn ra đô thị là vấn đề tất yếu của bất kỳ quốc gia nào. Di dân ở Việt Nam đang diễn biến rất đa dạng, phức tạp và chúng ta không nên và cũng không thể ngăn được dòng di dân từ nông thôn ra đô thị. Vì vậy, cần phải thiết lập chính sách thích ứng sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, người di dân hiện nay có rất nhiều thiệt thòi, vì vậy cần phải có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt như y tế, giáo dục, và các dịch vụ nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, thông tin, giải trí.

Trong bối cảnh đó, hệ thống chính sách và pháp luật về di dân nói chung, di dân từ nông thôn ra đô thị nói riêng vẫn còn có những hạn chế nhất định: đối sách chưa đúng tầm còn pháp luật còn khá mờ nhạt (Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg về chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 – 2010 đã không còn phù hợp nhưng chưa ban hành chính sách cho giai đoạn mới; tình trạng khó quản lý dân nhập cư bằng hộ khẩu kéo dài; dân nhập cư vào thành thị khó tiếp cận đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội; thu nhập thấp;…), đôi khi còn có những hạn chế gây bức xúc (ví dụ như liên quan đến lao động di dân, Nghị quyết số 23/2011 của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng về hạn chế nhập cư vào các quận nội thành)... Để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về di dân từ nông thôn ra đô thị, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có thể đề cập một số công trình nghiên cứu chủ yếu như:

- Sách “Di dân và bảo trợ xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường là cuốn sách của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2008. Tác giả chính của cuốn sách là Lê Bạch Dương và Khuất Thu Hồng. Cuốn sách đã sử dụng nguồn dữ liệu của ISDS trong hơn 10 năm qua để phân tích nghiên cứu về những vấn đề sau: Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội cho những người di dân từ nông thôn ra đô thị tìm việc trong các "chợ lao động" hay các hoạt động kinh tế phi chính thức; Nguy cơ về sức khỏe liên quan đến di dân; Những rủi ro trong di dân lao động quốc tế; Tình trạng buôn bán người qua biên giới quốc gia. Nội dung chính của cuốn sách đề cập đến vấn đề di dân và Bảo trợ xã hội, đặc biệt từ sau khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng ở Việt Nam, di dân với số lượng lớn đã trở thành một thách thức trọng tâm cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực vừa thúc đầy tăng trưởng kinh tế vừa duy trì ổn định xã hội. Nhóm tác giả cũng phân tích: do quan điểm còn khá phổ biến về tác động tiêu cực của di dân đối với quá trình phát triển, sự thiếu vắng của các chính sách và chương trình toàn diện về bảo trợ xã hội cho các nhóm bị thiệt thòi cũng như những yếu kém về tổ chức đã hạn chế đáng kể năng lực của Nhà nước trong việc đối phó với thách thức đó.

- Sách “Từ nông thôn ra thành phố - Tác động kinh tế xã hội của di dân ở Việt Nam” do tác hai tác giả Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm chủ biên. Cuốn sách này là báo cáo tổng kết nghiên cứu về ảnh hưởng của di dân nông thôn – thành thị được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện năm 2008 tại 4 tỉnh/thành phố: Thái Bình (miền Bắc), Tiền Giang (miền Nam), là hai tỉnh có nhiều người di dân ra thành phố; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố đông người nhập cư nhất trong cả nước. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là nhằm cung cấp các bằng chứng thực nghiệm về tác động của di dân. Từ đó có thể thay đổi quan điểm phổ biến theo hướng tích cực là nhìn nhận những đóng góp và vai trò của di dân đối với phát triển. Nhóm nghiên cứu mong rằng các bằng chứng về những đóng góp của di dân đến xóa đói giảm nghèo ở quê hương và đến sự phát triển ở các đô thị sẽ góp phần tạo được sự đồng thuận của chính quyền cũng như xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người di dân, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống ở thành thị.

- Một số bài viết: Vai trò của di dân nông thôn – đô thị đối với phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn của ThS. Đinh quang Hà; Sách: Những biến động dân số Việt Nam – Lâm Văn Bé; Báo cáo của UNFPA Việt Nam 2009: Di dân và đô thị hóa ở Việt Nam – thực trạng và xu hướng; Báo cáo nghiên cứu: Nghiên cứu dòng di dân từ nông thôn ra thành thị trong bối cảnh toàn cầu hóa; Bài viết: Di dân và quá tải – Ngọc Lý[5]); Báo cáo tình hình kết quả công tác năm 2009 của Bộ Công an - PC13 Công an thành phố Hà Nội; Báo cáo số 05/BC - Viện quy hoạch thiết kế đô thị ngày 14/8/2009; Báo cáo số 07 BC/CAHN (PC13) ngày 24/12/2009; Bài viết: Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung quốc - Đào Thế Tuấn[6]; Báo cáo tại Hội nghị “Giải quyết các vấn đề phát triển đô thị”, TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Báo cáo tại hội thảo "Các vấn đề ven đô và đô thị hóa", PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng);…

Các công trình nghiên cứu trên đây đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến di dân nói chung và di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt, các báo cáo đánh giá đề cập nhiều đến những tác động ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và chuyển dịch ngành nghề nông thôn - đô thị và những hệ lụy từ việc di dân tự do của người dân từ nông thôn ra đô thị. Trên cơ sở đó, đã có một số khuyến nghị về giải pháp nhằm đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực đối với những người di dân ra đô thị và giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến làn sóng di dân từ nông thôn ra đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một công trình nào chuyên sâu nghiên cứu về cơ chế pháp lý đối với những lao động di dân từ nông thôn ra đô thị nhằm chỉ ra những bất cập và khoảng trống của pháp luật trong việc bảo vệ người lao động di dân ra đô thị với vị trí là những người có địa vị pháp lý thực tế thấp hơn so với những người dân đô thị trong việc tiếp cận các quyền công dân và dịch vụ công trên địa bàn sinh sống. Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài khoa học: “Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị, đảm bảo vấn đề di dân gắn với phát triển bền vững và công bằng xã hội.

3.      Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu tổng quát: Đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị nhằm đưa ra các kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo tính bền vững và công bằng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu cụ thể:

(1) Đánh giá thực trạng tình hình di dân của người lao động tự do từ nông thôn ra đô thị lớn ở Việt Nam;

(2) Làm rõ sự cần thiết phải điều chỉnh về mặt pháp lý nhằm đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân;

(3) Làm rõ thực trạng chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam; Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân;

(4) Nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia đối với việc thể chế hóa các chính sách di dân từ nông thôn ra đô thị của người lao động;

(5) Đưa ra được những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của đề tài

- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra các đô thị lớn ở Việt Nam (đô thị loại I) hiện nay.

 

5. Nội dung nghiên cứu của đề tài

- Nghiên cứu các vấn đề cơ bản về di dân, di dân của người lao động tự do từ nông thôn ra đô thị;

- Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật về người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị của một số nước trên thế giới;

- Đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị của Việt Nam và các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn;

- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

Trên cơ sở những nội dung nghiên cứu trên, đề tài có các chuyên đề nghiên cứu sau đây:

Chuyên đề 1: Lao động tự do từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam và những tác động đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự – thực trạng và xu hướng dự báo.

Chuyên đề 2: Pháp luật về quyền cư trú, quyền lao động của công dân và nhu cầu hoàn thiện.

Chuyên đề 3: Kinh nghiệm một số quốc gia trong việc xây dựng chính sách pháp luật đối với vấn đề lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị.

Chuyên đề 4: Chính sách, pháp luật về quản lý hộ tịch, hộ khẩu, ở Việt Nam đối với người lao động tự do nhằm đảm bảo an ninh trật tự - trật tự an toàn xã hội ở đô thị.

Chuyên đề 5: Chính sách, pháp luật quản lý người lao động tự do di dân từ nông thôn tại một số đô thị tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp.

Chuyên đề 6: Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị trong một số lĩnh vực: lao động việc làm, y tế, giáo dục – Thực trạng và giải pháp.

Chuyên đề 7: Chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị trong lĩnh vực: đất đai, nhà ở – Thực trạng và giải pháp.

Chuyên đề 8: Nhu cầu hoàn thiện và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam.

 

 

 

 

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DI DÂN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

 

                1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DI DÂN VÀ DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

1.1.1. Khái niệm, đặc điểm di dân

Trong cuộc sống, con người di dân bởi nhiều nguyên nhân với nhiều mục đích khác nhau, với các khoảng cách xa gần khác nhau và vào các thời điểm khác nhau. Quá trình này chịu sự tác động bởi nhiều nhân tố kinh tế và xã hội, bởi vậy nó chứa đựng bản chất kinh tế - xã hội sâu sắc. Đây là một trong các điểm mấu chốt phân biệt hai bộ phận biến động dân số: biến động tự nhiên và biến động cơ học[7]. Trong lịch sử cận đại phát triển xã hội loài người, các luồng di dân từ châu Âu sang châu Mỹ, châu Đại Dương đã để lại dấu ấn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay.

Di dân là khái niệm được các nhà nghiên cứu định nghĩa không thống nhất[8]. Có nhà nghiên cứu coi đó là sự “thay đổi nơi cư trú cố định” (Lee)[9]; có nhà nghiên cứu lại coi “sự thoát ly/rời tách khỏi cộng đồng sống” là nội dung chính trong nội hàm khái niệm di dân (Mangalam và Morgan)[10]. Có nhà nghiên cứu cho rằng “giá trị hệ thống dựa trên đó con người/cộng đồng người lựa chọn nơi cư trú” là tiêu chí chủ yếu nhận dạng quá trình di dân (Paul Shaw)[11]. Tổng hợp lại, chúng ta có thể hiểu di dân là sự chuyển dịch của con người từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác trong thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Nói cách khác, di dân là một thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc quá trình con người rời bỏ hoặc hội nhập, hoặc thiết lập nơi cư trú mới vào một đơn vị hành chính - địa lý trong một thời gian nhất định. Di dân có thể liên quan đến sự di chuyển của một cá nhân, một gia đình, thậm chí cả một cộng đồng.

Một điều có thể nhận thấy là không phải mọi sự di chuyển của con người đều được coi là di dân. Trước hết, người ta phân biệt di dân với các hình thức di chuyển thông thường hàng ngày: rời khỏi nhà để đi học, đi làm, đi chơi, tham quan du lịch... Nhưng trong thực tế có nhiều hình thức di chuyển như đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, công tác biệt phái xa nhà, di chuyển làm việc theo thời vụ, chuyển cư do hôn nhân của phụ nữ theo các khoảng cách đủ xa nhất định, với những mục tiêu nghiên cứu đặc biệt, cũng có thể được coi là di dân. Bởi vậy, việc đưa ra một định nghĩa di dân sẽ giúp nhận diện rõ hơn về nội dung và các hình thức di dân.

Qua tham khảo một số quan điểm của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng “Di dân là sự di chuyển của người dân theo lãnh thổ với những giới hạn về thời gian và không gian nhất định, kèm theo sự thay đổi nơi cư trú”[12].

Hiểu về di dân theo cách tiếp cận trên đây dựa vào các đặc điểm chủ yếu sau:

Một là, con người di chuyển khỏi một nơi nào đó đến một nơi khác, với một khoảng cách nhất định. Nơi đi (nơi xuất cư) và nơi đến (nơi nhập cư) phải được xác định, có thể là vùng lãnh thổ hoặc một đơn vị hành chính. Khoảng cách giữa hai điểm là độ dài di dân. Hai là, con người khi di dân bao giờ cũng với những mục đích nhất định, họ đến một nơi nào đó và "ở lại" đó trong một thời gian nhất định. Ba là, nơi đi (xuất phát) là nơi ở thường xuyên, được quy định theo hình thức đăng ký hộ khẩu hoặc đăng ký dân sự xác định của cấp quản lý hành chính có thẩm quyền và nơi đến là nơi ở mới. Tính chất cư trú là điều kiện cần để xác định di dân. Bốn là, khoảng thời gian ở lại nơi mới trong bao lâu là đặc điểm quan trọng xác định sự di chuyển đó có phải là di dân hay không. Tuỳ mục đích, thời gian "ở lại" có thể là một số năm, một số tháng. Một số đặc điểm khác nữa có thể được đưa vào trong nghiên cứu cụ thể, chẳng hạn sự thay đổi các hoạt động lao động. Thông thường di dân được hiểu khi thay đổi nơi cư trú cũng thường kèm theo sự thay đổi công việc, nơi làm việc, nghề nghiệp... Song không nhất thiết bao giờ cũng vậy. Trong không ít trường hợp hai sự thay đổi nêu trên không đi đôi với nhau.

Trong nghiên cứu di dân một số khái niệm cần quan tâm là:

- Nơi đi: Còn gọi là nơi xuất cư, là địa điểm cư trú trước khi một người rời đi nơi khác sinh sống.

- Nơi đến: là điểm kết thúc quá trình di chuyển, là địa điểm mà một người dừng lại để sinh sống. Nơi và địa điểm ở đây là ám chỉ một lãnh thổ, một đơn vị hành chính nhất định.

- Người xuất cư hay còn gọi là người di dân đi là người rời nơi đang sinh sống để đi nơi khác.

- Người nhập cư hay còn gọi là người di dân đến là người đến nơi mới để sinh sống.

- Luồng (dòng) di dân là tập hợp người đi ra khỏi vùng đang sinh sống và đến cùng một vùng mới để cư trú theo những hướng nhất định vào những khoảng thời gian xác định.

- Chênh lệch giữa số người đến và số người đi trong cùng một lãnh thổ, đơn vị hành chính trong cùng một khoảng thời gian nhất định được gọi là di dân thuần túy.

Mỗi một hiện tượng (cá nhân, gia đình, nhóm, dòng...) di dân đều chứa đựng những nguyên nhân, những động cơ thúc đẩy di dân. Có thể khái quát một số đặc điểm, yếu tố chi phối việc di dân như sau:

Một là, con người có thuộc tính là luôn vươn tới điều kiện sống tốt hơn về vật chất và tinh thần. Đặc trưng này cho phép nhìn nhận lại động cơ và mục đích di dân. Nơi người ta dự định di dân đến, nhìn chung, phải có điều kiện sống tốt hơn về phương diện này hay phương diện khác.

Hai là, di dân liên quan chặt chẽ với độ tuổi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người trong khoảng tuổi từ 15 đến 30 chiếm đa số trong các dòng di dân. Họ có cơ hội và triển vọng lớn hơn so với các độ tuổi còn lại trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.

Ba là, trong lịch sử trước đây, nam giới có xu hướng di dân nhiều hơn phụ nữ. Đây có thể phần nào đó được giải thích do bản năng và sự phân công lao động theo giới tính. Song trong điều kiện xã hội hiện nay, do nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ tăng cao, xu hướng nữ hóa các dòng di dân đã xuất hiện. Ở một số vùng, với một số độ tuổi, nữ giới có xu hướng di dân nhiều và mạnh hơn nam.

Bốn là, trước thời kỳ “mở cửa” người nào có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lành nghề cao hơn thì khả năng di dân lớn hơn. Họ có khả năng cạnh tranh tốt hơn về việc làm với người sở tại, dễ dàng tạo được các điều kiện định cư lâu dài tại nơi mới. Nhưng hiện nay, ngoài những người có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp cao, còn có cả luồng di dân của những người có trình độ học vấn thấp đến tìm những việc mà người có trình độ học vấn cao không muốn làm hoặc không có thời gian làm, đặc biệt là di dân nông thôn - đô thị.

Năm là, người nào ít bị ràng buộc vào tôn giáo, các yếu tố văn hoá truyền thống, hoàn cảnh gia đình sẽ dễ dàng thích nghi hơn với điều kiện sống ở nơi mới do đó khả năng di dân sẽ cao hơn so với bộ phận dân số còn lại.

1.1.2. Phân loại di dân – Hình thức di dân từ nông thôn ra đô thị

Có nhiều cách khác nhau để phân loại di dân tuỳ thuộc vào từng mục đích khác nhau.  Tuy nhiên cần hiểu rằng cách phân chia nào cũng chỉ là tương đối và có thể đan xen nhau trong các loại di dân. Dưới đây là một số cách phân loại chủ yếu:

Theo độ dài thời gian cư trú: Có các hình thức di dân lâu dài, tạm thời và chuyển tiếp. Di dân lâu dài, bao gồm người di chuyển đến nơi mới với mục đích sinh sống lâu dài, trong đó phần lớn những người di dân là do chuyển công tác, thanh niên tìm cơ hội việc làm mới lập nghiệp và tách gia đình... Những người này thường không quay trở về quê hương cũ sinh sống. Di dân tạm thời là sự thay đổi nơi ở gốc không lâu dài và khả năng quay trở lại là tương đối chắc chắn. Kiểu di dân này bao gồm các hình thức di chuyển làm việc theo thời vụ, đi công tác biệt phái, lao động và học tập có thời hạn... Di dân chuyển tiếp là hình thức di dân mà không thay đổi nơi ở, do tính chất công việc họ phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, chẳng hạn như các công ty xây dựng cầu đường, các công trình năng lượng điện, thăm dò địa chất, những người đi buôn bán từ các tỉnh lân cận đến các đô thị,... Hình thức di dân này gợi ý cho các nghiên cứu điều tiết thị trường lao động, ổn định cuộc sống vật chất và tinh thần cho loại lao động này, không chỉ cho bản thân người làm mà còn cho gia đình của họ, đặc biệt về cơ sở hạ tầng như điện nước, thông tin liên lạc, y tế, trường học, nơi vui chơi giải trí...

Theo khoảng cách di dân: Người ta phân biệt di dân xa hay gần giữa nơi đi và nơi đến. Di dân giữa các quốc gia được gọi là hình thức di dân quốc tế, giữa các vùng, các đơn vị hành chính trong một quốc gia gọi là di dân nội địa. Trong nhiều trường hợp, người ta tách di dân quốc tế và di dân nội địa thành các nội dung nghiên cứu riêng, trong mỗi nội dung lại đề cập đến các hình thức di dân khác nhau. Trong nghiên cứu dân số toàn thế giới hoặc một vùng hay một châu lục nào đó, di dân quốc tế là một nội dung quan trọng. Lịch sử di dân ghi nhận những thay đổi bước ngoặt trong việc phân bố và phân bố lại dân cư giữa các châu lục, đặc biệt từ thế kỷ XV, XVI, các cuộc chuyển cư với cường độ ngày càng lớn từ các nước châu Âu sang châu Mỹ, từ châu Âu tới châu Đại Dương, châu Phi và từ châu Phi tới châu Mỹ. Như đã biết, quá trình này gắn với việc xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Trong giai đoạn hiện nay di dân quốc tế thường gắn với quá trình di chuyển lao động (hoặc là có thời hạn hoặc là lâu dài) từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển, từ các nước đông dân nghèo tài nguyên đến các nước giàu tài nguyên và thưa dân. Số lao động này bao gồm không chỉ những nhân công làm việc giản đơn, mà có cả những lao động "chất xám", những chuyên gia, tạo nên hiện tượng "chảy máu chất xám" từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Chẳng hạn các chuyên gia công nghệ tin học của Ấn Độ xuất ngoại làm việc ở Anh, Mỹ, Canada... Di dân quốc tế theo hướng trên thường gắn với việc hoạch định chính sách xuất khẩu lao động của mỗi quốc gia.

Di dân nội địa luôn là một nội dung được ưu tiên nghiên cứu đối với mỗi nước nhằm phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, do tính lịch sử của sự phân chia địa giới trong quá trình dựng nước và giữ nước, có các hình thức di dân: giữa ba miền Bắc, Trung, Nam, giữa các vùng kinh tế và giữa các đơn vị hành chính. Trong đó, di dân từ nông thôn ra đô thị là một hiện tượng điển hình, liên quan đến vấn đề việc làm của người lao động, quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng của đô thị hóa đến quá trình biến đổi dân cư, di dân nông thôn – đô thị...

Theo tính pháp lý: Người ta phân biệt di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, di dân tự do hay có tổ chức, di dân tình nguyện hay bắt buộc. Tuỳ thuộc vào mức độ can thiệp của chính quyền trung ương hay địa phương mà người ta phân chia di dân theo loại này hay loại khác. Di dân phù hợp với luật pháp của một quốc gia được gọi là di dân hợp pháp. Hình thức di dân này đôi khi mang tính chất chính trị, "tỵ nạn" hay "cư trú chính trị". Sau các cuộc chiến tranh có thể có hiện tượng "di tản", "vượt biên trái phép" từ các nước không ổn định về chính trị hoặc nghèo về kinh tế đến các nước ổn định hơn và kinh tế phát triển hơn. Hình thức di dân này được gọi là di dân bất hợp pháp.

Di dân hợp pháp có thể là hình thức di dân có tổ chức hoặc di dân tự do. Hình thức di dân có tổ chức trong đó nhà nước và chính quyền các cấp có thẩm quyền, hoặc có cơ quan chuyên trách về di dân, đóng vai trò quyết định và chủ động theo kế hoạch thống nhất. Đó là việc đề ra và thực thi các chính sách điều động dân cư, đi xây dựng các khu kinh tế mới, giãn dân.... Trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, với di dân nội địa, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều tới hình thức di dân tự do (lâu dài, tạm thời, chuyển tiếp...). Một số kết quả điều tra cho thấy cường độ di dân tự do ngày càng cao, hướng di chuyển đa dạng, quản lý phức tạp. Di dân tự do được coi là một trong những phương tiện điều tiết thị trường lao động.

Các hình thức di dân khác: Có thể liệt kê một số loại di dân đáng chú ý khác như di dân cá nhân hay hộ gia đình, di dân tản mạn nhiều hướng hay thành dòng di dân, nếu căn cứ vào số lượng người di dân và hướng di dân từ nơi xuất phát đến nơi dừng. Hình thức di dân khá quan trọng là di dân giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Tiêu chí phân loại ở đây vừa theo lãnh thổ lại vừa theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai khu vực. Ở đây sẽ thấy đan xen bốn hình thức di dân: nông thôn - thành thị, nông thôn - nông thôn; thành thị - thành thị, thành thị - nông thôn. Cần lưu ý rằng hình thức di dân con lắc (đi rồi lại về hàng ngày, không định cư ở nơi đến) đang là hình thức di dân rất phổ biến hiện nay. Loại di dân này là yếu tố rất tích cực để nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn gần sát các vùng đô thị và góp phần điều tiết giá cả hàng hóa và giá cả lao động phổ thông trên thị trường lao động tại các thành phố. Nhưng đây cũng là nhân tố làm cho việc quản lý trật tự trị an trên địa bàn các thành phố rất khó khăn.

1.1.3. Nguyên nhân của di dân từ nông thôn ra đô thị

Hầu hết các nghiên cứu về nguyên nhân di dân đều đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu, đó là lực hút của nơi đến và lực đẩy của nơi đi. Một quyết định di dân không chỉ là một quyết định đơn thuẩn theo ý thích cá nhân một cách ngẫu hứng, mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, vào kỳ vọng ở nơi đến và cả động lực thúc đẩy tạo ra quyết định di chuyển[13].

            Nhằm giải thích đầy đủ hơn bản chất của di dân trong các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể các nhà nghiên cứu thường tập trung phân tích vì sao một số người di dân và một số khác lại không, một số người di dân theo hướng này còn một số khác lại lựa chọn các hình thức và hướng di dân khác. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX, nhiều tác giả đã nghiên cứu một số lý thuyết nhằm tổng kết các mô hình, xu hướng di dân dưới áp lực của nhiều tác nhân kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, trong đó có thể kể đến một số nghiên cứu như sau:

            a) Trên cơ sở quan sát số lớn các hiện tượng di dân, nhiều lý thuyết di dân đã được khái quát, trong đó phải kể đến lý thuyết "lực đẩy- lực hút" do Ravenstein (1889) là người đầu tiên đưa ra[14]. Khi phân tích các dòng di dân ở nước Anh, tác giả cho rằng các yếu tố "lực hút" quan trọng hơn các yếu tố "lực đẩy" và viết: "Các luật lệ tồi hoặc ngột ngạt, thuế khoá nặng nề, khí hậu không thuận hoà, môi trường xã hội xung quanh không cởi mở, thậm chí có sự cưỡng bức (trong buôn bán, vận chuyển nô lệ), tất cả những điều đó đã và đang tạo ra các hình thức di dân, tuy nhiên không có loại hình di dân nào có thể so sánh với khát vọng tiềm ẩn trong mỗi người đàn ông vươn lên "làm tốt hơn cho cuộc sống của chính họ về phương diện vật chất". Rõ ràng Ravenstein cho rằng khát vọng vươn lên phía trước, tới điều kiện sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn, mong muốn trốn tránh hoàn cảnh không thuận lợi. Và đó cũng chính là thực chất động cơ di dân của phần lớn dân cư.

Các yếu tố thuộc về sức đẩy là: Thiếu đất đai canh tác, thiếu việc làm có thu nhập cao, không có cơ hội phát triển kinh tế, cuộc sống buồn tẻ, thiếu cơ hội giao lưu xã hội, chiến tranh và thiên tai, bệnh dịch.

Các yếu tố thuộc về sức hút: Kinh tế phát triển, cơ hội việc làm có thu nhập cao, cơ hội học tập đào tạo nâng cao trình độ học vấn, cơ hội giao lưu…

b) Đến những năm 50 của thế kỷ XX, Lewis (1954) cho ra đời tác phẩm “Sự phát triển kinh tế đối với việc cung cấp không giới hạn về lao động[15] và liệt kê một số lý do di dân của dân số từ nông thôn ra đô thị, trong đó lý do kinh tế đóng vai trò chủ đạo:

- Sự tăng trưởng kinh tế và sự mở rộng của khu vực công nghiệp đòi hỏi phải có thêm lực lượng lao động đáp ứng. Sự tăng lên không ngừng của dân số trong khi đất đai không tăng đã làm cho lao động nông nghiệp dư thừa. Số lao động dư thừa này có khuynh hướng tìm kiếm các cơ hội làm việc tại các khu công nghiệp và thành phố, nơi có nhu cầu tuyển dụng. Lewis coi đây là sự điều tiết có tính chất tự nhiên, là sự cân bằng lao động giữa các khu vực, các ngành nghề.  

- Sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và đô thị.

c) Nhà nghiên cứu Lee (1966)[16] tổng kết hai nhóm yếu tố quyết định việc di dân của người dân từ nông thôn ra thành thị:

- Nhóm yếu tố tiêu cực - nghèo đói, sự thiếu thốn các cơ hội kinh tế, thiếu đất, mức sống thấp ở quê nhà;

- Nhóm yếu tố tích cực - sự thịnh vượng, cơ hội, công việc làm ăn, mức sống cao ở nơi đến…

Trong hai nhóm yếu tố này, những yếu tố tiêu cực tác động mạnh hơn buộc người ta phải rời nơi sinh sống của mình còn các yếu tố tích cực phản ánh sự hấp dẫn của nơi đến. Tác giả cũng đã khái quát hai tính chất cơ bản của di dân như sau:

Một là, di dân mang tính chất chọn lọc (không phải mọi người đều di dân, mà chỉ một bộ phận "chọn lọc" trong dân số di dân mà thôi);

Hai là, mỗi thời kỳ của chu kỳ cuộc sống con người có các thiên hướng di dân khác nhau, chẳng hạn thanh niên khi trưởng thành có nhu cầu, mong muốn cơ hội học hành cao hơn, có việc làm tốt hơn, thăng tiến trong sự nghiệp và xây dựng gia đình.

d) Cũng trong thời gian này, lý thuyết di dân nông thôn - thành thị của Todaro[17] ra đời. Lý thuyết của Todaro chỉ ra rằng giữa nông thôn và thành thị luôn có những chênh lệch về tiền lương. Chính sự khác biệt này đóng vai trò thúc đẩy sự di dân. Để có thể tham gia vào thị trường lao động ở đô thị, người lao động chấp nhận tất cả các công việc có thể làm được dù là nặng nhọc, ngắn hạn, không ổn định. Những người di dân tiềm năng sẽ tính toán và tiếp tục di dân khi mà tiền lương của họ mong đợi ở thành thị vượt qua thu nhập cơ bản của nông nghiệp.

Một số tác giả khác như Asfaha và Jooste (2006)[18] và Nanavati (2004)[19] cũng đồng tình với quan điểm của Todaro, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện tượng dư thừa lao động hoặc thất nghiệp tạm thời ở khu vực nông thôn trong giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa là phổ biến. Các tác giả này chứng minh rằng quá trình chuyển đổi này có liên hệ chặt chẽ với sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, nơi năng suất trên mỗi đơn vị lao động thường cao hơn, có nghĩa là tiền lương nhận được cũng cao hơn. Xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị, do đó, được xem là một quá trình tự nhiên, trong đó lực lượng lao động dôi dư ở nông thôn được dùng để bù vào sự thiếu hụt lao động trong khu vực công nghiệp, đô thị trong quá trình phát triển công nghiệp.

            e) Lý thuyết chi phí và lợi ích: Ngày nay có nhiều lý thuyết di dân mới lý giải các nguyên nhân di dân nói chung, cũng như trong các hoàn cảnh đặc biệt. Chẳng hạn một vài lý thuyết điển hình như mô hình phân tích chi phí - lợi ích trong quyết định di dân. Người di dân tiềm năng cân nhắc các yếu tố lực đẩy và các yếu tố lực hút và họ sẽ di dân nếu như lợi ích nhiều hơn chi phí[20]. Thí dụ, nếu như anh bị mất việc và việc di dân là có lợi hơn bởi vì nếu anh ở lại cũng không tìm được việc làm khác hoặc không có các trợ cấp thất nghiệp đáng kể nào, trong khi ở nơi khác có khả năng kiếm được việc làm. Hoặc một việc làm nào đó ở nơi mới hấp dẫn hơn về thu nhập, về địa vị xã hội, về môi trường sống và làm việc so với việc làm ở nơi cũ, mà khi di dân người ta thấy sẽ có lợi hơn, trang trải được chi phí, bù đắp được tổn thất di chuyển, vượt được các trở ngại về tâm lý, mối quan hệ gia đình, cộng đồng, quê hương người ta sẽ thực hiện quyết định di dân. Cần nhấn mạnh rằng quyết định di dân, không thể chỉ dựa vào lợi ích thu được mà còn dựa cả vào những chi phí bỏ ra. Khi lợi ích lớn hơn chi phí, người dân sẽ quyết định di dân còn khi lợi ích thấp hơn chi phí người dân sẽ quyết định ở lại.

Các chi phí trong quá trình di dân và định cư ở nơi ở mới có thể gồm hai loại: chi phí kinh tế (chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội) và chi phí phi kinh tế (trước mắt và lâu dài). Lợi ích thu được khi di dân cũng có thể chia thành hai loại: lợi ích kinh tế (trực tiếp và cơ hội) và lợi ích phi kinh tế (trước mắt và lâu dài). Có thể tổng kết chi phí và lợi ích này theo bảng sau:

Bảng 1: Lợi ích và chi phí khi di dân[21]

Loại

Nơi đến

(Đối với người di dân)

Nơi đi

(Đối với gia đình người di dân)

Lợi ích

1. Lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế trực tiếp

-    Thu nhập cao hơn so với nơi ở cũ (việc làm tốt hơn)

-    Tìm được việc làm có thu nhập (ở nơi cũ không có việc làm mang lại thu nhập)

-    Điều kiện sống tốt hơn (nhà ở, đường xá…)

-    Thu nhập của gia đình tăng lên do có tiền của người di dân gửi về

-    Có thể đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình (xây nhà mới, mở rộng sản xuất)

 

Lợi ích kinh tế cơ hội

-    Sẽ tìm được việc làm có thu nhập cao hơn (sau khi hội nhập sẽ kiếm được việc làm ổn định và thu nhập cao hơn)

- Cải thiện sức khỏe (tiền gửi về của người di dân cho gia đình để chăm sóc sức khỏe) và do có sức khỏe tốt có thể kiếm được thu nhập cao hơn

- Nâng cao trình độ học vấn cho thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để mở rộng cơ hội kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn

2. Lợi ích phi kinh tế

Lợi ích phi kinh tế trước mắt

- Cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở rộng tầm nhìn

- Cơ hội được nâng cao trình độ (được học nghề, Cao đẳng, Đại học)

- Cơ hội gặp gỡ bạn bè

- Cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm ăn.

- Cơ hội tiếp cận, giao lưu với bên ngoài do các cuộc thăm nom con cái mang lại

- Cơ hội có được kinh nghiệm làm ăn do người di dân học được và truyền đạt lại.

Lợi ích phi kinh tế lâu dài

-    Sau khi học tập (học nghề, học Đại học, Cao đẳng) có thể kiếm được việc làm thu nhập cao, khẳng định địa vị xã hội

-    Trở thành công dân của nơi kinh tế phát triển, thành công trong lập nghiệp niềm tự hào của gia đình dòng họ

-    Con cái sau này được tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn, nếu cha mẹ định cư ở nơi ở mới có nền giáo dục phát triển hơn nơi cũ.

-    Gia đình tự hào về có con, cháu thành đạt.

-    Cơ hội có thể đưa các thành viên khác của gia đình để tạo cơ hội kiếm việc làm, nâng cao trình độ giáo dục và tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chi phí

1. Chi phí kinh tế

Chi phí kinh tế trực tiếp

-       Chi phí đi lại từ nơi ở cũ đến nơi ở mới.

-       Chi phi thuê nhà, ăn uống, điện, nước, giao thông (sinh hoạt phí).

-       Chi phí giáo dục, học nghề

-       Chi phí cho các cuộc gặp gỡ giao lưu.

-       Chi phi thuốc men khi ốm đau…

 

- Chi phí thăm viếng và chăm sóc người thân khi ốm đau.

- Chi phí phải trả do công việc mà người đi di dân bỏ lại gia đình phải thuê mướn nhân công.

- Chi phí ốm đau và người chăm sóc người di dân khi bị ốm quay trở lại quê nhà (ốm đau bất thường, nhiễm HIV, có thai, sinh con ngoài ý muốn...).

Chi phí kinh tế cơ hội

-    Chi phí những ngày chờ tìm việc.

-    Chi phí mất cơ hội tại nơi ở cũ (ruộng, vườn bỏ hoang, cho mượn không sinh lợi)

- Chi phí nuôi người di dân khi không kiếm được việc làm.

- Các chi phí cơ hội khác do nguy cơ bệnh tật cao.

2. Chi phi phi kinh tế

Chi phí phi kinh tế trước mắt

-    Xa gia đình người thân (nhớ nhà, không thích nghi với cuộc sống hiện tại).

-    Bị đối xử không công bằng trong sử dụng các dịch vụ xã hội (công dân hạng 2).

-    Bị lạm dụng, đánh đập, nguyền rủa và khinh ghét (người ngụ cư).

- Nhớ con cháu (người di dân).

- Người già không có người chăm sóc, phải làm việc đồng áng thay cho người di dân.

- Trẻ em nhớ cha mẹ và bị hụt hẫng về tình cảm.

Chi phí phi kinh tế lâu dài

- Không hội nhập thành công dân nơi ở mới

- Mất liên hệ với nơi ở cũ (nơi ở mới không thừa nhận và nơi ở cũ từ chối chấp nhận).

- Không có mối quan hệ họ hàng tại nơi ở mới, buồn chán vào các dịp lễ tết.

- Gia đình có nguy cơ cao tan vỡ (vợ chồng không hợp lối sống sau khi người di dân hội nhập thành công ở nơi ở mới, không chung thủy, tệ nạn xã hội).

- Nguy cơ rủi ro cao đối với trẻ em, vị thành niên con của người di dân (ăn trộm, ăn cắp, nghiện hút, học hành xa sút...).

Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng rất ít quyết định di dân được thực hiện dựa vào phân tích tất cả các yếu tố thuộc chi phí và lợi ích kể trên. Thông thường, những người nghèo nhất khi ra quyết định di dân chỉ dựa vào lợi ích và chi phí kinh tế ngắn hạn trước mắt. Chỉ có người khá giả mới cân nhắc tới một số lợi ích khác như cơ hội cho bản thân và gia đình xét về lâu dài.

Nhìn chung, các nguyên nhân của hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị cũng tương đồng với nguyên nhân của hiện tượng di dân nói chung. Qua tìm hiểu, có thể khái quát hai nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, đó là nguyên nhân kinh tế: hầu hết các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học đều nhất trí cho rằng hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị có thể được giải thích chủ yếu bằng nguyên nhân kinh tế. Những nhân tố này bao gồm không chỉ bởi lực đẩy quen thuộc từ nơi xuất cư như: thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp… mà còn bởi lực hút từ những nơi nhập cư: cơ hội việc làm có tính ổn định, thu nhập cao hơn so với nơi ở cũ… Các nghiên cứu đều cho thấy: tiền lương, thu nhập, việc làm, mức độ thất nghiệp… đều ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định di dân của người dân[22].

Thứ hai, là nguyên nhân phi kinh tế, như: vấn đề chất lượng cuộc sống, những người di dân muốn có cuộc sống tốt hơn thông qua cuộc sống ở đô thị, nơi đó có các phương tiện giao thông, phương tiện thông tin đại chúng… được hiện đại hóa, nơi có hệ thống giáo dục, y tế, dịch vụ phát triển; vấn đề về phong tục tập quán và các nhân tố xã hội khác cũng tác động sâu sắc tới quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị, ví dụ như những người di dân muốn thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu ở nông thôn; vấn đề đi học của con cái và đoàn tụ gia đình cũng là những lực hút của dòng di dân từ nông thôn ra đô thị.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu gần đây, mục đích (và cũng là nguyên nhân) cơ bản nhất của người di dân khi ra đô thị làm việc là để nâng cao thu nhập cho gia đình. Có tới 85,8% người di dân có ý định ra đô thị để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngoài ra số người ra đô thị với mục đích để học nghề chiếm 5,9%; để nuôi sống bản thân 35%; và để trả học phí cho con cái chiếm 5,9%[23]. Như vậy, việc hình thành quyết định di chuyển có sự tác động của nhiều động cơ khác nhau. Nhưng những khó khăn về kinh tế là động lực chính buộc phần lớn người dân ở nông thôn tìm ra đô thị làm việc. Điều đó cho thấy, việc ra đô thị làm việc vì hoàn cảnh gia đình, vì sự sống của gia đình nhiều hơn là vì bản thân họ.

 

1.2. NHẬN DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

Có thể thấy hiện nay, di dân lao động từ nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp đang dần thay thế các chương trình di dân theo kế hoạch của Nhà nước, di dân hộ gia đình cũng ít đi và được thay thế bằng di dân cá nhân. Trong đó, những người ở nông thôn, đặc biệt là những người trẻ tuổi đến tìm việc ở khu vực phi chính thức tại các thành phố lớn ngày càng phổ biến. Đặc điểm của những người này là không có chuyên môn nghề nghiệp, làm việc cho những chủ nhỏ hoặc cá thể, tiểu chủ. Những người chủ này thường không đăng ký sản xuất kinh doanh và không đăng ký chính thức tuyển dụng lao động. Những người lao động tại khu vực phi chính thức, thường không ký hợp đồng lao động, nên thường không được hưởng các chế độ như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có chế độ nghỉ lễ và chủ nhật. Họ thường là những người gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống như: dễ bị lạm dụng tình dục (đối với phụ nữ), bị đối xử không công bằng. Họ thường phải sống trong những ngôi nhà thiếu tiện nghi sinh hoạt. Nhiều nơi hình thức di dân này còn được gọi dưới cái tên “di dân trôi nổi”.

Người lao động tự do có thể là dân địa phương nhưng chủ yếu là dân từ nơi khác chuyển đến sinh sống và làm việc, nhất là ở các đô thị. Công nhân, người làm việc ở các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được xem là lao động di dân nhưng họ làm việc trong khu vực chính thức, chịu sự quản lý của Ban Quản lý, cơ quan hành chính nhà nước. Trong lực lượng lao động di dân, người lao động tự do chiếm số đông và thường khó kiểm soát, số lượng thay đổi tăng giảm trong một khoảng thời gian nhất định.

Quản lý lao động tự do là vấn đề khó, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào có đủ khả năng quản lý, mới có thể đưa ra được chính sách, bởi nếu không, chính sách cũng không đi vào được cuộc sống. Tuy nhiên, khi xã hội đang có sự chuyển đổi nguồn lao động phổ thông từ chính thức sang phi chính thức, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm phi chính thức. Điều quan trọng là xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức. Chính vì vậy, cần bổ sung các biện pháp để những đối tượng lao động phi chính thức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bởi đó là một phần của chính sách thị trường lao động chủ động, như thế mới lấp đầy khoảng trống an sinh xã hội.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội[24], cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)…, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình... Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30-60% tổng thu nhập quốc gia. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, khu vực này lại cung cấp một nguồn việc làm lớn, dẫn đến sự chuyển dịch lao động. Vậy nhưng, chính sách an sinh xã hội hiện vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực này, nên chuyện đóng BHXH và BHYT vẫn khá xa vời. Chưa kể, những lao động luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, hạn chế về năng lực, kiến thức và thường phải làm việc bất kể thời gian nào. Số lao động tham gia BHXH, BHYT trong khu vực phi chính thức chỉ có 0,19%. Chỉ một phần nhỏ lao động tiếp cận được với chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khu vực này rất thấp, tới hơn 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Có thể nhận thấy hiện nay, Bộ luật lao động chưa thể bao phủ hết các đối tượng lao động. Để bảo vệ người lao động ở khu vực lao động phi chính thức có các hội, hiệp hội như làng nghề, các hợp tác xã… nhưng cách thức để bảo vệ họ cũng rất khó.

Có thể nói rằng quá trình di dân từ nông thôn vào thành thị là tiền đề, đồng thời cũng là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa. Sẽ không có quá trình đô thị hóa, nếu không có sự di dân. Ở Việt Nam trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra vô cùng nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị trên phạm vi cả nước đã dẫn đến sự tập trung với quy mô và tốc độ ngày càng cao của cư dân đô thị, đặc biệt là dòng di dân của lao động nông thôn vào các thành phố tìm việc làm. Chính dòng di dân lao động này đã tạo ra sự thịnh vượng cho các đô thị, song bản thân nó cũng đẻ ra vô số hệ lụy mà đô thị phải gánh chịu đó là nạn thất nghiệp, ách tắc giao thông, thiếu nhà ở, vệ sinh môi trường kém, thiếu trường học, thiếu dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…[25]

Cùng với quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, dòng lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN-KCX) ngày càng gia tăng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm sức ép về cầu lao động ở các khu vực này nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, việc nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thích hợp để người lao động di dân có những đóng góp tích cực cho cả nơi đi và nơi đến, bảo đảm hài hòa cân đối phát triển nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề xã hội đang là những vấn đề cấp thiết đặt ra. Trong những năm gần đây, số lao động di dân từ nông thôn ra thành phố nhưng không thể hiện trên giấy tờ chính thức ngày càng tăng. Những lao động này thường làm việc trong khu vực phi chính thức, thường là các xưởng sản xuất nhỏ và các hộ gia đình. Mặc dù họ đã đáp ứng một phần nhu cầu lao động và đóng góp cho sự phát triển của các đô thị và KCN nhưng phần lớn lại bị “bỏ quên”, không nhận được sự hỗ trợ pháp lý của chính quyền ở nơi đến, nằm ngoài tầm với của các dịch vụ xã hội cơ bản[26]. Họ rất dễ bị tổn thương do quá độ thị trường và các biến đổi xã hội, hầu như không được các chương trình bảo trợ xã hội động chạm tới.

1.3. ẢNH HƯỞNG CỦA LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ ĐẾN PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI

1.3.1. Ảnh hưởng đến phát triển dân số

Di dân có ảnh hưởng đến quy mô dân số ở cả nơi đi và nơi đến. Ngoài ra, di dân không chỉ ảnh hưởng đến quy mô dân số mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. Những cơ cấu dân số có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất của di dân là cơ cấu tuổi, cơ cấu giới tính và cơ cấu theo trình độ học vấn. Tác động của di dân đến quy mô và cơ cấu dân số ở cả nơi đi và nơi đến có thể diễn ra như sau:

- Đối với nơi đến: Có thể thấy ngay được rằng di dân đến làm cho quy mô dân số nơi đến tăng lên một cách rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng dân số ở nơi đến tăng lên do ảnh hưởng cả tăng tự nhiên và tăng cơ học. Nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố, tỷ suất tăng cơ học dân số còn cao hơn tỷ suất tăng tự nhiên dân số.

Cơ cấu dân số ở nơi đến cũng thay đổi rất đa dạng, phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế và trình độ phát triển của công nghệ ở nơi đến. Đối với những khu công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động nam giới thì tỷ lệ nam trong dân số tăng lên. Đối với những nơi sản xuất đòi hỏi lao động có trình độ cao thì tỷ trọng lao động được đào tạo tăng lên. Mặt khác, nếu các ngành công nghiệp nhẹ (may mặc, giày da) du lịch, dịch vụ phát triển thì lại thu hút nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, hiện nay dòng di dân từ nông thôn đến thành thị là chủ yếu và nó mang đặc trưng rất đa dạng. Bên cạnh dòng di dân của người có trình độ cao đến tìm việc làm có thu nhập cao, lại có dòng di dân của người có thu nhập thấp đến thành phố làm những việc mà người có trình độ chuyên môn cao không còn thời gian và sức lực để làm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, hiện nay ở nước ta di dân vẫn mang tính chọn lọc theo tuổi, những người trong độ tuổi lao động thường di chuyển nhiều hơn. Vì vậy, cơ cấu dân số ở những nơi là điểm đến của các luồng di dân thường thay đổi theo chiều hướng tỷ lệ người trong độ tuổi tăng lên.

- Đối với nơi đi: Di dân làm cho quy mô dân số nơi đi giảm đi. Hiện nay ở nước ta, một số tỉnh có số người di dân cao, tốc độ tăng trưởng dân số giảm. Tuy nhiên, thành phần chủ yếu làm giảm tốc độ tăng trưởng dân số là do tỷ suất di dân thuần túy mang dấu âm. Lúc này tăng trưởng dân số hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng tự nhiên dân số.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 1999, trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 1994 đến 1999, ở Tây Nguyên trung bình cứ 1.000 người có 94,67 người mới nhập cư và 19,05 người xuất cư, chênh lệch là 75,62. Tương tự, ở vùng Đông Nam Bộ kết quả tính toán như sau: 80,20 - 27,91 = 52,29 %o. Đây là hai vùng di dân làm tăng dân số. Số tăng tuyệt đối ở Tây Nguyên là 198.469 người (75,62*2.624.553/1000) và ở vùng Đông Nam Bộ là 600.860 người (52,29*11.490.916/1000). Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng điều tra Đân số và nhà ở năm 2009, trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2004 đến 2009, ở Đông Nam Bộ trung bình cứ 1000 người có 135,4 người mới nhập cư và 27,7 người xuất cư, chênh lệch là 107,7. Tương tự, ở Tây Nguyên kết quả tính toán như sau: 43,3 – 32,1 = 11,2 phần nghìn. Đây là hai vùng di dân làm tăng dân số. Số tăng tuyệt đối ở vùng Đông Nam Bộ là 1.510.534 người (107,7*14.025.387/1000) và ở Tây Nguyên là 57.203 người (11,2*5.107.437/1000). Như vậy, dòng di dân đã thay đổi giữa hai cuộc điều tra. Nếu trong thời gian từ 1994 đến 1999 người dân di dân nhiều đến Tây Nguyên là để tìm đất đai canh tác, thì này người dân di chuyển nhiều đến vùng Đông Nam bộ là vùng có nhiều khu công nghiệp phát triển.

Mặt khác, trong những trường hợp, mặc dù số lượng di dân thuần tuý có thể không lớn, nhưng nếu số xuất cư và nhập cư lớn, chắc chắn chất lượng dân số có sự thay đổi, bởi vì sự hiện diện của những người mới đến sẽ mang trong mình các đặc trưng văn hoá, trình độ chuyên môn, tay nghề, tính cách khác với những người dân đang sinh sống tại chỗ. Ví dụ, theo số liệu di dân giữa các tỉnh trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009 cho thấy một số tỉnh có tỷ suất nhập cư và xuất cư đều lớn, thể hiện qua chỉ tiêu tỷ suất di dân tổng, nhưng tỷ suất di dân thuần tuý lại thấp, điều đó phản ánh chênh lệch di dân không đáng kể. Có thể thấy sự tương phản về tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư giữa các tỉnh trong Bảng số 2 dưới đây. Trong Bảng số 2, nơi có tỷ suất di dân thuần túy cao nhất là Bình Dương (341,7%o). Đây là tỉnh có chênh lệch di dân dương cao nhất cả nước. Tỉnh có tỷ suất di dân thuần túy âm cao nhất cả nước là Thanh Hóa (-65,2%o). Trong hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tỷ suất di dân thuần túy lớn hơn, cao gấp hơn 2 lần so với Hà Nội.

Bảng số 2: Tổng tỷ suất di dân và tỷ suất di dân thuần tuý

của một số tỉnh/thành phố theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1/4/2009[27]

Đơn vị: %

Tỉnh

Tỷ suất nhập cư[28]

Tỷ suất xuất cư[29]

Tỷ suất

di dân tổng

Tỷ suất di dân

thuần tuý[30]

(1)

(2)

(3)=(1)+(2)

(4)=(1)-(2)

1. Hà Nội

65,3

15,5

80,8

49,8

2. Cao Bằng

18,1

31,8

49,9

-13,1

3. Lai Châu

48,8

15,3

64,1

33,6

4. Quảng Ninh

28,5

24,3

52,8

4,2

5. Nam Định

11,2

62,9

74,1

-51,6

2.    Thanh Hóa

6,3

71,5

77,8

-65,2

3.    Nghệ An

10,6

52,7

63,3

-41,1

4.    Thừa Thiên Huế

27,0

45,3

72,3

-18,4

5.    Đà Nẵng

100,6

22,7

123,3

77,9

10. Khánh Hoà

20,7

27,7

48,4

-7

11. Phú Yên

10,1

35,7

45,8

25,7

12. Bình Dương

365,9

24,1

390

341,7

13. TP Hồ Chí Minh

136,7

20,7

157,4

116,0

14. Trà Vinh

11,7

66,7

78,4

-55,0

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra Dân số: 53 chỉ tiêu công bố ngày 31/12/2009

 

1.3.2. Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Nhìn chung, lao động tự do di dân mang bản chất kinh tế xã hội sâu sắc. Trong điều kiện bình thường người ta di dân vì các nguyên nhân kinh tế và xã hội là chủ yếu. Do đó, động cơ di dân đã và đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu dân số và xã hội học quan tâm. Di dân tác động đến kinh tế - xã hội ở cả nơi đến và nơi đi.

1.3.2.1. Đối với nơi đến

Ảnh hưởng của người lao động tư do di dân đến phát triển kinh tế rất rõ rệt, có thể kể tên cụ thể như sau:

(1) Tác động tích cực:

- Góp phần phát triển kinh tế - xã hội làm tăng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nơi đến đặc biệt là các thành phố.

- Lao động di dân là nguồn cung cấp nguồn nhân lực cho các công việc lao động giản đơn, đặc biệt ở các ngành nặng nhọc, thu nhập thấp và nguy hiểm mà người dân nơi đến, đặc biệt thành phố không làm.

- Góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề dịch vụ, làm cho các dịch vụ đến gần dân hơn, tiện lợi hơn (đưa gas, đưa gạo, đưa nước tinh khiết, đưa cơm hộp, rửa xe máy, ô tô...).

- Góp phần điều tiết giá cả lao động trên thị trường lao động. Nếu không có người di dân đến, tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, thiếu lao động làm việc trong các ngành xây dựng, may… Người thành phố, sẽ yêu cầu giá cả cao hơn rất nhiều nếu họ chấp nhận làm những việc nêu trên. Khác với người dân sở tại, người di dân có thể làm bất cứ việc gì không trái pháp luật bằng sức lao động của mình miễn là họ thấy có được thu nhập phù hợp.

(2) Tác động tiêu cực:

- Gia tăng dân số cơ học nhanh, đặc biệt là ở những nơi đô thị hóa nhanh đã làm cho cơ sở hạ tầng trở lên quá tải. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố, vệ sinh môi trường và các điều kiện khác hiện chưa thể đáp ứng được tốt so với số dân thực tế đang sống tại thành phố.

- Người di dân chưa có thói quen bảo vệ môi trường, đặc biệt là những người đang sống ở nông thôn di chuyển ra các đô thị như bỏ rác vào sọt rác và không chú ý đến vệ sinh đường phố, tổ dân phố nơi họ đang thuê nhà trọ để sinh sống. Vì vậy, họ làm ảnh hưởng xấu đến vệ sinh đường phố và môi trường đô thị. Mặt khác, với tâm lý mình chỉ là người “ăn nhờ ở đậu”, làm việc vất vả mà thu nhập cũng không cao so với người sở tại, người di dân thường không tham gia gia vào các hoạt động cộng đồng. Khi xa gia đình, tình cảm thiếu thốn lại không chịu sự giám sát của gia đình nên có thể trong tình cảm với người khác giới họ dễ dàng có tình yêu và trong quan hệ tình cảm nhiều lúc cũng vượt quá giới hạn cho phép theo chuẩn mực xã hội, văn hoá. Những điều đó tạo ra thái độ thiếu thiện cảm của người dân sở tại đối với người di dân.

Một đặc điểm của người di dân, đặc biệt là người di dân làm việc ở khu vực phi chính thức là hay thay đổi chỗ làm việc và hay thay đổi chỗ ở nhưng số người không đăng ký tạm trú rất nhiều. Điều này gây khó khăn cho công an trong việc quản lý trật tự trị an.

- Số lượng người di dân đến các thành phố lớn, đặc biệt đa số họ là những người trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, rất nhiều người di dân không có công việc làm ổn đinh, thu nhập thấp. Một thực tế đã được công an tại các địa bàn nơi đến thừa nhận, thì người di dân ồ ạt đến các thành phố cũng góp phần làm tệ nạn trộm cắp gia tăng. Theo nhận định của lãnh đạo công an ở các quận/huyện khảo sát thì khoảng 33% những người bị coi là tội phạm là người tỉnh ngoài đến Hà Nội[31]. Đại bộ phận trong số họ là thanh niên.

- Người di dân vừa là người gây ra các tệ nạn xã hội, nhưng họ cũng là nạn nhân của các tệ nạn xã hội.

(3) Các khó khăn mà người di dân thường gặp phải ở nơi đến:

Người di dân, nhất là di dân tự do từ nông thôn đến thành thị thường gặp rất nhiều khó khăn, các khó khăn đó thường là:

- Thứ nhất là không tìm được việc làm phù hợp với sở thích và trình độ. Thông thường những người di dân từ nông thôn đến thành phố, công việc đầu tiên là làm tại khu vực phi chính thức với mức thu nhập rất thấp. Họ buộc phải chấp nhận làm những việc không phù hợp với nguyện vọng để có thể sống qua ngày mong tìm cơ hội kiếm được việc làm phù hợp và có mức thu nhập cao hơn. Nhiều người trong số họ đã không bao giờ kiếm được việc làm phù hợp với mong muốn.

- Thứ hai là tìm nơi ở. Hiện tại, trong các thành phố lớn giá nhà ở thường cao, nên người di dân, nhất là di dân mới từ nông thôn đến thành thị phải chấp nhận ở trong những ngôi nhà trật hẹp tồi tàn và xa chỗ làm việc. Việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục cũng bị hạn chế.

- Thứ ba là họ có thể bị lạm dụng, bị đối xử không công bằng trong công việc. Giờ làm của họ thường dài hơn 10 tiếng một ngày với mức lương thấp, không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế, không có ngày nghỉ lễ và chủ nhật.

- Thứ tư là có thể bị đối xử không công bằng ở nơi sinh sống, bị người bản xứ bắt nạt, cướp giật và đôi khi còn bị chủ sử dụng lao động hành hạ đánh đập.

- Người di dân là người sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, họ dễ dàng chấp nhận quan hệ tình dục không an toàn, ngay cả khi quan hệ tình dục với những người có nguy cơ cao về các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều người trong số họ đã có thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có cả HIV/AIDS.

1.3.2.2. Đối với nơi đi

(1) Tác động tích cực:

- Góp phần phát triển kinh tế gia đình ở địa phương nơi đi qua đó làm thay đổi bộ mặt làng quê ở nơi đi. Tác động tích cực của người di dân đối với gia đình và địa phương nơi đi được đánh giá qua số tiền gửi về gia đình, sử dụng tiền gửi của gia đình vào phát triển kinh tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương.

- Góp phần phát triển kinh tế ở địa phương, người di dân còn góp phần phát triển kinh tế ở địa phương thông qua việc người di dân có thu nhập cao đầu tư về phát triển ngành nghề ở địa phương. Nhiều người di dân đã học được kinh nghiệm sản xuất ở nơi đến, khi trở về quê họ mở ngành nghề mới thu hút lao động địa phương qua đó cải thiện đời sống cho người lao động ở quê nhà.

(2) Tác động tiêu cực:

- Thiếu lao động tại địa phương nơi đi.

Khi người di dân tìm việc làm một cách ồ ạt, do đặc trưng chủ yếu của người di dân là những người trong độ tuổi lao động, nên ở lại nông thôn chỉ còn phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và những người đã hết tuổi lao động, sức yếu không thể đi làm ngoại tỉnh. Điều này làm cho những người cao tuổi phải vất vả thêm, phải làm cả việc đồng áng mà đáng lẽ đến tuổi nghỉ hưu (trên 60 tuổi) họ không còn phải làm nữa. Thậm chí có người đã đến 70 tuổi rồi vẫn còn phải làm việc trên đồng ruộng. Một số gia đình do những người trong độ tuổi lao động di dân tìm việc làm nơi khác, nên trẻ em dưới 14 tuổi đã phải thay thế cha mẹ làm việc.

- Một số lối sống đô thị không phù hợp với truyền thống đã du nhập vào cuộc sống hàng ngày ở nơi đi. Những nét văn hoá lối sống của đô thị không phù hợp với truyền thống ở nông thôn đã được thanh niên di dân mang về như nhuộm tóc màu, trang phục kiểu lố lăng. Điều này làm cho những người quen sống ở nông thôn khó chịu và cho là làm mất thuần phong mỹ tục ở nông thôn. Ngay cả cha mẹ của thanh niên di dân cũng không chấp nhận lối sống đó nên thường xảy ra mẫu thuẫn trong gia đình giữa hai thế hệ.

- Tại Việt Nam, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế cùng với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá cũng như sức ép về dân số, việc làm, đất đai, nghề nghiệp... nhất là ở các vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng “đất chật, người đông” tính bình quân đầu người chỉ có 600 m2 đất canh tác, nên hàng năm quỹ thời gian nông nhàn tới 30 - 40%, nhiều địa phương tỷ lệ này lên tới hơn 50%[32]. Dân số ngày càng tăng, trong khi đất canh tác có hạn, nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển, tất yếu dẫn đến hiện tượng một bộ phận dân cư có sức khoẻ tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập ở nơi khác bằng cách di dân vào các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Ở Hà Nội những năm gần đây mỗi năm có trên 3 vạn người lao động từ nông thôn đến, còn ở thành phố Hồ Chí Minh con số đó gấp đôi.

- Một tác động tiêu cực nữa cần phải kể đến, là một số nữ thanh niên đã có quan hệ tình dục tiền hôn nhân và mang thai ngoài giá thú. Số nữ thanh niên này quay về quê cũ tìm sự giúp đỡ của gia đình. Làm cho gia đình ở nơi đi không chỉ chịu thiệt thòi về kinh tế mà còn là gánh nặng tâm lý đối với họ, trước những dị nghị của những người xung quanh. Nhiều thanh niên di dân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS tạo ra gánh nặng về chăm sóc về y tế, về tinh thần cho gia đình. Nhiều trẻ em đã chịu những cú sốc tâm lý khi cha mẹ chúng di dân tìm việc làm ở nơi khác không thể chăm sóc chúng hàng ngày. Các biểu hiện cụ thể là: Kết quả học tập kém đi, không nghe lời ông bà hoặc người đỡ đầu. Thậm chí có một số ít thanh thiếu niên, do thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ đã có hành động vi phạm pháp luật như: trộm cắp; sử dụng ma túy… Một số cặp vợ chồng đã ly hôn sau thời gian xa cách vì nhiều lý do: không còn phù hợp về lối sống, nghi ngờ vợ (chồng) không chung thủy…

1.3.2.3. Di dân nông thôn – đô thị làm gia tăng khoảng cách nông thôn - đô thị

Dân không di dân sống ở thành thị có nhiều lợi thế hơn dân không di dân sống ở nông thôn. Dân không di dân sống ở thành thị được đào tạo cao hơn, mức sống cao hơn, tỷ lệ người lớn đã hoàn thành bậc tiểu học cao hơn, tỷ lệ sử dụng nguồn nước sạch và hố xí hợp vệ sinh cao hơn. Một mặt, chất lượng sống của dân di dân từ nông thôn ra thành thị có những cải thiện đáng kể sau di dân do điều kiện sống ở khu vực thành thị cao hơn hẳn khu vực nông thôn. Mặt khác, dân di dân từ nông thôn ra thành thị là những người khá giả hơn và có trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật cao hơn những người không di dân ở nông thôn nơi họ ra đi. Tính chọn lọc của di dân này góp phần làm gia tăng khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Các chính sách phát triển quốc gia và vùng cần phát huy tối đa những lợi ích do di dân mang lại và giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi và những khó khăn mà người dân nơi đi phải đối mặt. Tiền gửi về của người di dân chủ yếu được sử dụng cho tiêu dùng hơn là cho phát triển kinh tế ở nơi đi. Người di dân tạm thời, di dân mùa vụ hay di dân con lắc gặp nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương hơn, cần có sự quan tâm chính sách. Nơi đến nhận được nhiều lao động trẻ thông qua di dân trong khi nơi đi phải đối mặt với già hóa dân số và những hệ quả như gia tăng tỷ lệ phụ thuộc, tăng hỗ trợ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già. Vì vậy, việc phân bổ ngân sách quốc gia cho các tỉnh cần tính đến các yếu tố này nhằm giảm bớt sự cách biệt giữa nông thôn và đô thị, giữa nơi đi và nơi đến.

Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở các đô thị lớn thực tế đã tồn tại nay lại được bổ sung thêm do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố, điều đó làm cho số người có nhu cầu giải quyết việc làm mỗi năm tăng nhanh, gây nên sức ép về việc làm tại thành phố ngày càng tăng. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những mặt tiêu cực khác phát sinh, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế xã hội cho thành phố. Thực tế quỹ nhà ở, công trình công cộng mới xây dựng mặc dù tăng nhanh nhưng không đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa (trường học, chăm sóc sức khỏe, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị). Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi thêm vào đó khối lượng lớn người di dân ngoại tỉnh tới các đô thị lớn.

Về nhà ở, dân số đô thị tăng nhanh đã làm giảm diện tích bình quân nhà ở. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều khu nhà hư hỏng và xuống cấp, không an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng. Người di dân tự do vào các đô thị thì vấn đề nhà ở là vấn đề lo ngại nhất, một số người di dân mùa vụ do mục đích của họ là kiếm việc lúc nông nhàn, cùng với trình độ chuyên môn tay nghề thấp, họ không đủ tiền thuê nhà. Họ thường tập trung ở các vỉa hè hoặc ở các khu nhà trọ rẻ tiền, điều kiện ăn ở rất khó khăn.

Về môi trường, quá trình đô thị hóa diến ra nhanh và điều đó cũng tất yếu dẫn tới mâu thuẫn giữa môi trường và sự gia tăng dân số. Những mâu thuẫn đó đã tác động không tốt tới đời sống của người dân thành phố, ví dụ như:

- Chất thải sinh hoạt, mức gia tăng dân số quá nhanh hiện nay luôn gắn với việc ô nhiễm môi trường và gây bất lợi cho hệ sinh thái. Như vậy, dân số đông với tốc độ tăng quá nhanh, trong khi khả năng xử lý rác thải chưa đáp ứng được đang đặt ra một vấn đề lớn về tình trạng ô nhiễm vệ sinh môi trường của thành phố.

- Nước sinh hoạt, mặc dù có những cải thiện về hệ thống cấp nước, nhưng lượng nước sạch bình quân đầu người của thành phố vẫn không tăng vì dân số tăng nhanh. Hiện nay, một số mạch nước ngầm của thành phố cũng bị ô nhiễm do khai thác quá tải và không tuân thủ quy trình công nghệ khai thác.

- Không khí và tiếng ồn, cùng với quá trình đô thị hóa, với sự phát triển của công nghiệp và giao thông vận tải đã làm tăng các loại khí gây độc hại trong thành phố. Sự ô nhiễm trong các khu vực gần nhà máy và các trục giao thông chính vượt quá giới hạn cho phép, bụi vượt quá tiêu chuẩn từ 4-10 lần, khí CO2, NO2 từ 2-4 lần, khí SO2 vượt từ 3-5 lần. Sự phát triển của dân số và các phương tiện giao thông vân tải kéo theo sự gia tăng tiếng ồn. Các khu công nghiệp và khu dân cư đông đúc bị chịu tiếng ồn đã vượt quá mức độ cho phép.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 2

CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI

LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ CỦA

VIỆT NAM TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 

2.1. THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM

2.1.1. Số lượng người di dân, đặc điểm nhân khẩu học và các dòng di dân[33]

2.1.1.2. Về số lượng người di dân

Một thách thức nổi bật của các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay là sự báo động về tình trạng các dòng lao động nhập cư vào thành phố ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây khiến tỷ lệ tăng cơ học vượt mức tăng tự nhiên của dân số thành phố.

Theo Tổng điều tra dân số (TĐTDS) gần đây nhất của Việt Nam vào năm 2009[34], Việt Nam hiện có khoảng 6,6 triệu người từ 5 tuổi trở lên thay đổi nơi cư trú tới địa điểm khác trong thời gian từ năm 2004-2009 (tương đương với khoảng 7,7% tổng số dân). Con số này tăng gần 50% so với giai đoạn 1994-1999 (4,5 triệu người). Đến năm 2010, trong cuốn “Niên giám thống kê 2010” do Tổng cục thống kê phát hành, cả nước có 9,7 triệu người di dân nội tỉnh và liên tỉnh. Gần đây, tháng 6/2015 Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) công bố kết quả khảo sát, theo đó, cứ 3 hộ gia đình thì có 2 người di dân[35]. Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ của Tổng cục Thống kê năm 2014[36], tỷ suất di dân thuần của khu vực thành thị là 27,2% và của khu vực nông thôn là -13,3%, phản ánh xu hướng di dân chủ yếu vào khu vực thành thị. Kết quả điều tra cũng cho thấy, đối với di dân ngoại tỉnh, luồng di dân từ nông thôn ra thành thị chiếm tỷ trọng cao nhất (44,2%). Dân cư khu vực nông thôn từ tỉnh khác chuyển đến chiếm 3,38% dân số thành thị. So với giai đoạn 2004- 2009, tỷ trọng luồng di dân từ nông thôn ra thành thị tăng lên (44,2% so với 30,5%), tỷ trọng luồng di dân từ thành thị đến thành thị giảm xuống từ 34,6% xuống 14,9%. Điều này cho thấy sức hút kinh tế của khu vực thành thị đối với khu vực nông thôn ngày càng lớn.

Tuy nhiên, các số liệu nêu trên chưa bao gồm nhiều loại hình di dân như ngắn hạn, mùa vụ, những người tạm trú hay những sự di chuyển diễn ra hơn 5 năm trước khi tiến hành cuộc điều tra. Vì thế nhiều chuyên gia cho rằng số lượng người di dân thực tế ở Việt Nam thời gian này còn lớn hơn nhiều so với các con số nêu trên[37]. Các nghiên cứu về di dân trong nước đã chỉ ra rất nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di dân trong một thập kỷ vừa qua, trong đó phải kể đến việc chuyển đổi kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, việc dỡ bỏ các quy định hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân, sự phát triển của giao thông vận tải[38], sự gia tăng khác biệt giữa các vùng[39] và sự nới lỏng các quy định về hạn chế di dân[40].

Năm 2009, người di dân nông thôn – đô thị từ 5 tuổi trở lên đóng góp hơn 2 triệu người vào dân số đô thị, tăng gần 1,2 triệu người so với năm 1999. Hay nói cách khác, 9% dân số thành thị từ 5 tuổi trở lên vào năm 2009 là người di dân từ nông thôn trong giai đoạn 2004-2009. Tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm của dòng di dân này là 9,2%, cao hơn nhiều so với dòng di dân từ khu vực đô thị ra đô thị và người không di dân ở đô thị.

 

 

Năm 1999

Năm 2009

Tỷ lệ gia tăng hàng năm (%)

Số người

%

Số người

%

Di dân NT-ĐT

855.943

7,2

2.062.171

8,9

9,2

Di dân ĐT-NT

971.486

8,2

1.719.056

7,4

5,9

Không di dân ở ĐT

10.089.625

84,7

19.413.699

83,7

6,8

Tổng

11.917.055

100

23.194.927

100

6,9

(Nguồn số liệu: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và 2009)

Một dự báo dân số đơn giản dựa trên tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hàng năm được dùng để ước tính dân số di dân của các dòng di dân đến năm 2019. Dự báo cho thấy, dân số di dân NT-ĐT sẽ đạt 5 triệu người, nhiều hơn đáng kể so với dân số di dân ĐT-NT với 1,4 triệu người di dân vào năm 2019. Dự báo cũng cho thấy, tỷ lệ dân số di dân NT-ĐT trên tổng số dân thành thị sẽ tăng từ 8,9% lên 11% vào năm 2019[41].

Hộp số 1

Hà Nội được xem là mảnh đất hấp dẫn dân nhập cư nhờ sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp, phát triển các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm công nghệ cao…. Chính vì vậy, có thể nói quy mô và tốc độ của lượng người di dân vào Hà Nội qua các năm ngày càng tăng, chẳng hạn năm 2001 số người di dân vào Hà Nội là 16,985 người thì đến năm 2007 là 46,240 người và con số đó đã là 52,588 người vào năm 2010. Như vậy, xu thế chung trong những năm tới là số lượng người lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội vẫn tăng lên một cách nhanh chóng. Hiện tượng này, nếu không có sự quản lý, điều tiết sẽ gây ra những vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội cho thủ đô trong những năm tới.

Riêng đối với lao động tự do, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội[42], cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)…, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình... Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%.

2.1.1.2. Đặc điểm nhân khẩu học

Về giới tính, các số liệu sẵn có về xu hướng di dân đều phản ánh sự gia tăng số lượng người di dân lao động nông thôn – đô thị là nữ nhiều hơn so với nam. Điều này chứng tỏ xu hướng chuyển cư mạnh của lao động nữ so với nam qua các năm. Các số liệu của Tổng cục Thống kê trong TĐTDS năm 1999, 2004, 2009 và của Viện Khoa học thống kê năm 2010 đều cho thấy kết quả này[43]. Xu hướng “nữ hóa di dân” hiện nay khá phổ biến, tỷ lệ lao động nữ di dân từ nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp chiếm 55,9% . Đặc biệt ở nhóm lao động di dân tới các khu công nghiệp, tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 68,3%. Xu hướng này là kết quả tất yếu của thay đổi cơ cấu lao động ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn, đó là giảm cầu lao đông trong các hoạt động nông nghiệp ở nông thôn và gia tăng các cơ hội việc làm cho phụ nữ tại các thành phố và các khu công nghiệp lớn.

Bảng 3. Tỉ lệ giới tính trong các loại hình di dân

LOẠI HÌNH DI DÂN

GIỚI TÍNH

Nam

Nữ

Nông thôn ra đô thị

46,6

53,4

Nông thôn tới các khu công nghiệp

31,7

68,3

CHUNG

44,1

55,9

  (Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án của Bộ LĐ, TB & XH năm 2013)

 

Về độ tuổi, kết quả của các cuộc điều tra về dân số đều cho thấy xu hướng trẻ hóa dân số lao động di dân. Đa số người di dân, đặc biệt là nhóm nữ, là người trong độ tuổi lao động hiệu quả nhất. Theo kết quả khảo sát từ Dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2013 thì lao động di dân ra thành thị phần lớn còn rất trẻ, độ tuổi trung bình khoảng 25 tuổi. Nhóm tuổi dưới 24 chiếm tới 44,6% tổng số người lao động di dân. Đây là nhóm vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông không có điều kiện theo học lên các bậc học cao hơn nên họ di dân tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhóm tuổi từ 25 – 29 chiếm 22, 6%, nhóm tuổi từ 30 – 34 chiếm 12,4%. Xu hướng di dân lao động rất thấp ở những người có độ tuổi từ trên 35 tuổi, cụ thể nhóm tuổi từ 35-39 di dân chỉ chiếm 6,7% và tiếp tục giảm đều ở các nhóm tuổi cao hơn. (Xem Bảng 4)

Bảng 4. Lao động di dân ra thành thị và các khu công nghiệp chia theo nhóm tuổi (%)

KHOẢNG TUỔI

CHUNG

Di dân ra
THÀNH THỊ

Di dân tới các khu công nghiệp

15 - 19

11,7

10,6

16,9

20 - 24

36,1

34,0

46,3

25 - 29

22,1

22,6

19,5

30 - 34

11,6

12,4

8,0

35 - 39

6,2

6,7

3,6

40 - 44

4,5

4,8

2,8

45 - 49

3,7

4,1

1,7

50 - 54

2,5

2,8

1,0

55 - 59

1,1

1,2

0,3

60 - 64

0,3

0,4

0,0

65+

0,3

0,4

0,0

 

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án của Bộ LĐ, TB & XH năm 2013)

Có sự khác biệt khá rõ trong độ tuổi của nhóm lao động di dân ra thành thị với nhóm lao động di dân làm việc tại các khu công nghiệp. Phần lớn lao động di dân làm việc tại các khu công nghiệp có độ tuổi trẻ, tỷ lệ lao động dưới 30 tuổi chiếm 82,7%. Trong khi đó, lao động di dân tại các đô thị có độ tuổi lớn hơn, tỷ lệ lao động dưới 30 tuổi chiếm khoảng 67,2%. Giữa các vùng miền, không có sự khác biệt quá lớn trong nhóm tuổi của lao động di dân được khảo sát ở 3 vùng miền Bắc, miền Trung & Tây Nguyên và miền Nam.

Bảng 5. Cơ cấu nhóm tuổi của lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp chia địa bàn khảo sát (%)

KHOẢNG TUỔI

MIỀN BẮC

MIỀN TRUNG & TÂY NGUYÊN

MIỀN NAM

15 - 19

12,3

11,5

11,3

20 - 24

36,7

37,1

35,0

25 - 29

21,0

20,0

24,0

30 - 34

10,7

10,6

12,9

35 - 39

6,6

6,9

5,5

40 - 44

4,6

5,2

4,0

45 - 49

3,9

3,7

3,4

50 - 54

2,8

3,4

1,8

55 - 59

1,1

0,7

1,2

60 - 64

0,1

0,4

0,4

65+

0,0

0,4

0,5

 

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án của Bộ LĐ, TB & XH năm 2013)

Hộp số 2

Phân tích về cơ cấu dân cư và lao động di dân tới Hà Nội, thực tế đã cho thấy rằng, khoảng 85% người di dân là vào độ tuổi từ 15-29 tuổi, đặc biệt cao nhất là ở độ tuổi từ 20-24 tuổi chiếm 37,14% và độ tuổi từ 15-19 tuổi chiếm 28,27% tiếp theo là độ tuổi 25-29 tuổi chiếm 10,88%. Như vậy, di dân chủ yếu là người trong độ tuổi lao động trẻ, khỏe, rất ít người trên 50 tuổi. Hiện tượng này có thể là do yêu cầu đối với lao động di dân, tính cạnh tranh trên thị trường lao động và một phần tâm lý người trẻ thường thích sống ở các thành phố. Nhìn về tổng thể thì nam có xu hướng di dân nhiều hơn đôi chút so với nữ. Tuy nhiên, nhìn vào từng nhóm tuổi thì nữ chiếm ưu thế hơn ở các nhóm tuổi trên 30; còn ở các nhóm tuổi dưới 30 số di dân nam nhiều hơn số di dân nữ. Sự gia tăng tỷ lệ nữ so với nam giới ở độ tuổi trên 30 trong số di dân có thể liên quan tới việc đoàn tụ gia đình cũng như sự phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh tế dịch vụ…

Tình trạng hôn nhân có thể tác động hai chiều đến khả năng di dân. Một mặt, mọi người sau khi kết hôn thường gắn bó tới gia đình và con cái, do đó không thực sự sẵn sàng để di dân. Mặt khác, nhu cầu hỗ trợ kinh tế cho gia đình lại là động cơ của di dân. Các kết quả điều tra cũng cho thấy đa số những người di dân NT-ĐT là chưa kết hôn. Có 51% những người di dân đến Hà Nội trong giai đoạn 1986-1996 là chưa kết hôn. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lên tới 68%. Điều tra di dân năm 2004 cũng chỉ ra rằng trước khi di dân lần đầu, 70% nam giới và 66% nữ giới chưa lập gia đình.

Về trình độ học vấn, số lượng lao động di dân ra thành thị đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ 45%. Có 22,7% lao động di dân có trình độ học vấn Trung học cơ sở, 17,7% đã tốt nghiệp Tiểu học. Tỷ lệ lao động di dân chưa học xong Tiểu học chiếm 4,3%. Vẫn còn có khoảng 1% người lao động di dân không biết chữ.

Bảng 6. Trình độ học vấn của lao động di dân

TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

CHUNG

Di dân ra THÀNH THỊ

Di dân tới các khu công nghiệp

Mù chữ

1,0

1,1

0,4

Lớp 1

0,5

0,5

0,3

Lớp 2

1,0

1,1

0,2

Lớp 3

1,4

1,5

0,6

Lớp 4

1,5

1,6

0,9

Lớp 5

3,8

4,1

1,9

Lớp 6

4,5

5,0

2,1

Lớp 7

6,0

6,6

2,6

Lớp 8

3,5

3,7

2,4

Lớp 9

22,4

22,7

21,4

Lớp 10

4,3

4,7

2,5

Lớp 11

2,4

2,3

2,5

Lớp 12

47,8

45,0

62,1

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án của Bộ LĐ, TB & XH năm 2013)

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: Cũng theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu trên, phần lớn lao động di dân không có chuyên môn kỹ thuật (66,1%). Chỉ có 6,3% lao động di dân có trình độ cao đẳng/cao đẳng nghề và khoảng 6,5% lao động di dân có trình độ đại học/trên đại học. So sánh thời điểm trước khi di dân với hiện tại, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động di dân đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, tỷ lệ không có chuyên môn kỹ thuật đã giảm từ 81,6% tại thời điểm trước khi di dân xuống còn 66,1%. Tỷ lệ công nhân qua đào tạo tăng đáng kể, trong đó số người có trình độ cao đẳng/cao đẳng nghề đã tăng từ 3,8% lên 6,3%; lao động di dân có trình độ đại học/trên đại học đã tăng từ 2,7% lên 6,5%.

Hộp số 3

Tìm hiểu về  trình độ học vấn và chuyên mô kỹ thuật của người di dân đến Hà Nội tìm việc làm và lập nghiệp cho thấy: trình độ học vấn của người di dân lâu dài tương đối khá, không hề thua kém với dân sở tại. Còn trình độ của nhóm di dân mùa vụ thì thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ những người di dân có trình độ học vấn phổ thông cũng chiếm tới hơn 70%; chất lượng của dân số không những được đánh giá qua trình độ học vấn phổ thông mà còn qua các cấp đào tạo về chuyên môn, số người di dân ra Hà Nội có một bộ phận khá lớn là không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, họ làm việc theo thời vụ hoặc không có nghề nghiệp cố định. Đây cũng là một vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý phải quan tâm. Thực tế cũng cho thấy lao động giản đơn vào Hà Nội chiếm một tỷ lệ khá cao và họ làm đủ các nghề: nghề xây dựng và sản xuất thủ công; nghề đạp xích lô và Honda ôm, nghề thu gom phế liệu, nghề dịch vụ trong các nhà hàng… Những người lao động này thường tập trung chờ việc ở các tụ điểm mà người ta quen gọi là các chợ lao động, họ có thể thuê nhà trọ hoặc có nhiều người nghỉ qua đêm ngay trên vỉa hè, lề đường một cách tạm bợ. Họ làm thuê bất cứ nghề gì, kể cả việc nặng nhọc với tiền công thấp.

Tình trạng sức khỏe của người di dân nói chung là tốt. Điều tra di dân năm 2004 cho biết sức khỏe của người di dân tốt hơn người không di dân. 93,8% số người di dân được hỏi tự đánh giá sức khỏe của họ từ trung bình trở lên. Trong đó, 36,9% tự đánh giá là “khỏe” hoặc “rất khỏe”. Chỉ có 6% đánh giá là “yếu” và 0,2% là “rất yếu”[44].

Như vậy, di dân có tính chọn lọc cao về tuổi, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn và sức khỏe.

2.1.1.3. Các dòng di dân

Báo cáo của 2 cuộc TĐTDS (1999, 2009) cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng kinh tế - xã hội và các tỉnh/thành phố trong cả nước. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là những nơi có tỷ lệ xuất cư cao nhất nước, với hơn 77,5 vạn người xuất cư trong 5 năm (2004 - 2009), tăng hơn 1,8 lần so với giai đoạn 1994-1999. Nhóm những tỉnh xuất cư dẫn đầu trong cả nước trong 5 năm gần đây đều có thể coi là những tỉnh thuần nông bởi tỷ lệ nông dân rất cao, thậm chí chiếm đến hơn 90% và đồng thời có mật độ dân số cao như Hà Nam, Thái Bình, Bến Tre, Cà Mau… Có thể thấy rằng, thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân tạo nên “lực đẩy” khiến cho người nông dân quyết định di dân ra thành phố hoặc các khu công nghiệp để phát triển sinh kế của hộ gia đình mình.

Về nhập cư, kết quả cho thấy Đông Nam Bộ trở thành vùng nhập cư lớn nhất, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Trong 5 năm (2004-2009), đã có tới hơn 1,6 triệu người di dân từ các vùng khác đến Đông Nam Bộ, tăng gấp 3 lần số nhập cư giai đoạn  1994-1999. Đây là điều không nằm ngoài dự đoàn vì Đông Nam Bộ là vùng có 16,3% dân số nhưng chiếm tới 37% số doanh nghiệp của cả nước (tính tại thời điểm 12/2007) và thu hút tới 44% số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong 20 năm (1988-2008). Còn đồng bằng sông Hồng là vùng có lượng người nhập cư lớn thứ hai, với gần 290.000 người nhập cư đến từ các vùng khác. Như vậy, riêng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ đã thu hút 81,5% lượng người nhập cư của cả nước. Tính về khác biệt theo tỉnh, trong giai đoạn 2004-2009, thành phố Hồ Chí Minh là tỉnh đón nhận nhiều người di dân nhất cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương và Đà Nẵng. Trong khi đó, Thanh Hóa, Nghệ An và An Giang là ba tỉnh có nhiều người “xuất cư” nhất.

            Kết quả từ cuộc điều tra dân số giữa kỳ năm 2004 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy toàn thành phố có khoảng 1,8 triệu người nhập cư, chiếm 30,1% dân số toàn thành phố[45]. Theo số liệu thống kê năm 2000, số người không có hộ khẩu thường trú chỉ chiếm 15,2% (730.878 người), tăng lên nhiều so với năm 1998 (12,9%). Theo tính toán sơ bộ, số người nhập cư bình quân hàng năm thời kỳ 1999-2004 ở thành phố Hồ Chí Minh là 126.200 người[46]. Còn ở thành phố Hà Nội, các số liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau đều cho thấy xu hướng tăng dần của quy mô di dân vào Hà Nội trong những năm gần đây. Nếu năm 1999, tỷ lệ nhập cư vào Hà Nội là 2,12% thì con số này vào các năm 2004 là 2,96%, năm 2005 là 3,56%. Theo Báo cáo sơ bộ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của thành phố Hà Nội, từ năm 2000 đến 2009, bình quân mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 55.000 người, trong đó số lượng di dân khoảng 22.000 người (chiếm 40%) và ¾ trong số này là di dân vào khu vực nội thành[47]. Thành phố Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống tại khu vực thành thị cao nhất nước, với dân số đô thị của thành phố chiếm 86,9% trong tổng dân số. Tính từ Tổng điều tra năm 1999, trong 10 năm qua, dân số Đà Nẵng tăng 1,3 lần, bình quân tăng 20,2 nghìn người mỗi năm; tương đương tốc độ tăng bình quân là 2,62%/năm. Mỗi năm tăng dân số cơ học tại Đà Nẵng khoảng 10 nghìn người, với tỷ lệ từ 6% đến 7%. Số liệu dân cư là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động từ các nơi khác đến sinh sống, làm việc phải thuê nhà trọ để ở là 59,4 nghìn người.

            Liên quan đến vấn đề các dòng di dân là vấn đề nguyên nhân của di dân từ nông thôn ra đô thị. Một khảo sát được công bố năm 2013 cho thấy các nguyên nhân cụ thể tại Việt Nam như sau[48]:

            - Muốn đi nhiều nơi khi còn trẻ: 5.5%;

            - Do người khác rủ đi: 5.7%

            - Môi trường ở địa phương bị ô nhiễm: 0.1%

            - Xung đột gia đình: 0.5%

            - Muốn thay đổi môi trường sống: 13.3%

            - Đi học/chữa bệnh: 8.7%

            - Việc làm không phù hợp với chuyên môn: 3.8%

            - Việc làm ở địa phương thu nhập thấp: 46%

            - Không có việc làm ở địa phương: 38.4%

Có thể nói thiếu việc làm hoặc việc làm có thu nhập thấp là tình trạng phổ biến của người lao động trước khi di dân. Xuất phát điểm nghề nghiệp của nhóm lao động di dân ra thành thị là từ khu vực nông thôn với hoạt động nông nghiệp là chủ đạo. Trong rất nhiều các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, lao động nông nghiệp thường thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, thời gian nông nhàn nhiều và công việc mang lại thu nhập thấp. Nói cách khác, tình trạng thiếu việc làm và năng suất lao động thấp là những thách thức lớn đối với vấn đề việc làm ở khu vực nông thôn hiện nay. Tại nhiều địa phương, đất sản xuất nông nghiệp cũng bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu chế xuất,... càng làm gia tăng tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp. Có khoảng 50% lao động đang có việc vẫn quyết định di dân, trong đó tỷ lệ lao động làm nông nghiệp chiếm tới 38%. Có thể nói, nguyên nhân di dân không chỉ liên quan đến tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm mà còn bởi tính chất thiếu ổn định, thu nhập thấp của công việc ở khu vực nông thôn.

Người lao động di dân nhằm cải thiện tình trạng việc làm hiện tại của họ. Điều này giải thích tại sao những tiêu chí lựa chọn công việc của họ thường xoay quanh các vấn đề như có thu nhập tốt, tính ổn định và công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật. Thực tế cho thấy, thật khó để cho người lao động có thể thỏa mãn các tiêu chí mâu thuẫn nhau như vậy. Không dễ gì tìm được một công việc có thu nhập cao nếu họ không chấp nhận dành thời gian cho việc học và nâng cao kỹ năng nghề hoặc phải chấp nhận bỏ sức lao động nhiều hơn so với người khác. Và ở thời điểm hiện tại, phần lớn lao động di dân phải chấp nhận đánh đổi sức lao động bởi không có chuyên môn kỹ thuật.

2.1.2. Việc làm, thu nhập, đời sống, giáo dục, đào tạo, y tế và bảo đảm an sinh xã hội của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị

2.1.2.1. Về thực trạng việc làm của người lao động

- Phương thức tìm việc làm: Người thân (họ hàng, bạn bè) là kênh thông tin quan trọng giúp lao động nhập cư tại khu vực phi chính thức tìm việc làm. Theo điều tra của Viện Khoa học thống kê (năm 2010) tại khu vực phi chính thức của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 75% số lao động làm thuê trong khu vực này có được việc làm nhờ mối quan hệ thân quen (gia đình, bạn bè), còn 20% liên hệ trực tiếp với chủ lao động. Bản thân 80% thanh niên di dân làm việc trong khu vực phi chính thức ở Hà Nội cũng nhận thông tin từ người thân và bạn bè để kiếm việc làm[49].

- Thời gian lao động: Theo một Báo cáo công bố năm 2009[50], người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức ở Hà Nội làm bình quân 49 giờ/tuần, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh là 52 giờ/tuần. Mặc dù có khoảng 10% số lao động làm việc dưới 24 giờ/tuần, song cũng có khá nhiều lao động (khoảng 30% số lao động trong khu vực phi chính thức) làm việc trên 60 giờ/tuần. Có những nghiên cứu định tính về người lao động nhập cư đến khu vực phi chính thức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, thời gian làm việc của lao động nhập cư rất căng thẳng (khoảng từ 12 tiếng trở lên) và khác nhau ở từng ngành nghề. Ví dụ như đối với nhóm phụ nữ giúp việc gia đình, thời gian làm việc là rất nhiều, có thể từ 5, 6 giờ sáng đến 10, 11 giờ đêm[51].

- Về tính chất công việc: Đối với khu vực phi chính thức, 50% người di dân làm các công việc giản đơn. Đây là dạng lao động quan trọng nhất mà người lao động khu vực phi chính thức có được khi di dân ra thành phố. Dạng lao động quan trọng thứ hai liên quan đến kinh doanh và nghề thủ công, thu hút khoảng 27% lực lượng lao động di dân[52]. Khoảng 11% khác làm các công việc vận hành máy móc hoặc trồng trọt. Số còn lại làm các nghề khác ít quan trọng hơn. Người di dân đến khu vực phi chính thức thường đăng ký tạm trú dưới 6 tháng (KT4) và làm rất nhiều loại công việc khác nhau, có cả những công việc khó khăn, nguy hiểm. TĐTDS và nhà ở năm 2009 cho thấy người di dân ở khu vực thành thị có xu hướng làm việc ở khu vực dịch vụ (lái xe taxi, xe ôm, nhà hàng,...) và khu vực sản xuất, xây dựng. Để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình ở quê họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Đó là những công việc mà người dân thành phố không muốn làm: phụ hồ, bốc vác, bán vé số, xe ôm, đánh giầy, đạp xích lô, phục vụ bàn… Theo một khảo sát gần đây đối với 650 thanh niên nông thôn (độ tuổi từ 16-30 tại 4 tỉnh), công việc mà họ thường làm khi ra thành phố như sau[53]:

STT

Công việc

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1

Xe ôm

23

5,1

2

Phu hồ

220

48,6

3

Bán hàng rong

33

7,3

4

Bốc vác, chuyển đồ đạc, hàng hóa

196

43,3

5

Thu mua đồng nát

19

4,2

6

Ai thuê gì thì làm

190

41,9

7

Bán nước, trà đá

41

9,1

8

Bảo vệ

148

32,7

9

Bán hàng, phục vụ tại các cửa hàng, nhà hàng

241

53,2

10

Bán vé số

148

32,7

11

Các công việc khác

88

19,8

Bảng 7: Công việc thường làm của thanh niên khi ra thành phố

Công việc của người lao động di dân trong khu vực phi chính thức là công việc không được bảo vệ, không có hợp đồng lao động và thiếu bảo hiểm. Đặc điểm này còn nghiêm trọng hơn đối với những lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức là những người tự buôn bán (bán hàng rong), làm nghề tự do…

2.1.2.2. Về thực trạng thu nhập, đời sống của người lao động

- Việc đánh giá tiền công và thu nhập của khu vực phi chính thức là một thách thức lớn xét về phương pháp xác định cũng như cách lý giải kết quả thu được. Nhìn chung lao động ở khu vực phi chính thức nhận mức tiền công theo giờ và thu nhập bình quân tháng cao hơn gấp đôi mức tiền lương tối thiểu theo quy định nhưng thấp hơn so với lao động ở khu vực chính thức. Theo một khảo sát năm 2009, mặc dù làm việc ở khu vực phi chính thức nhưng mức thu nhập của người lao động di dân vẫn cao hơn so với mức thu nhập trước khi di dân[54].

- Lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường chỉ đăng ký tạm trú dưới 6 tháng (KT4) hoặc đăng ký “vãng lai”, thậm chí rất nhiều người không đăng ký cư trú. Theo một khảo sát được công bố năm 2013 có 42,9% người lao động di dân cho rằng việc đăng ký thường trú là không cần thiết[55]. Những lao động tự làm, công việc thất thường thì không đủ điều kiện để xét đăng ký cư trú tạm thời. Họ cũng không thực hiện đăng ký “vãng lai” vì kém hiểu biết, phần vì thấy không cần thiết và cũng do sự thiếu kiểm soát của chính quyền[56]. Do đó, họ có thể gặp những khó khăn khi không đăng ký thường trú như: khó xin việc làm, tìm trường học cho con cái khó khăn, đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế khó khăn, khó vay vốn, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của địa phương…

- Nhà ở đối với nhóm người di dân làm việc tại khu vực phi chính thức còn nan giải hơn là làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Theo UNFPA[57] (năm 2005) gần 90% người di dân diện KT4 sống ở nhà trọ chứ không sống trong nhà người thân, họ hàng, bạn bè hay cùng với chủ lao động[58]. Điều kiện nhà ở của người di dân làm việc ở khu vực phi chính thức thường rất khó khăn (ở nhà cấp bốn chật hẹp, thuê chung với nhiều người khác…). Những người có công việc không ổn định như bán hàng rong, khuân vác, tham gia chợ lao động… phải di chuyển thường xuyên thì chỉ thuê chỗ ngủ trọ buổi tối… Bên cạnh đó, người lao động nhập cư đến làm việc trong khu vực phi chính thức có xu hướng sống trong môi trường có dấu hiệu ô nhiễm nặng, không đảm bảo vệ sinh tại khu vực hiện đang cư trú như: bụi bặm, nhiều tiếng ồn, ít cây xanh. Theo một khảo sát năm 2009, trên 60% thanh niên nhập cư vào đô thị cho biết họ hiện đang sống trong môi trường có nhiều bụi bặm và tiếng ồn, 1/3 thanh niên được khảo sát cho biết nơi họ đang sống có biểu hiện suy thoái môi trường nặng[59].

2.1.2.3. Về giáo dục, đào tạo, y tế và an sinh xã hội của người lao động

- Về giáo dục và đào tạo, người lao động di dân nói chung và con cái của họ khó tiếp cận với dịch vụ này. Do thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt cao nên họ khó có thể trang trải được sinh hoạt phí, gửi tiền về cho gia đình và do đó cũng không thể có tiền để chi trả cho việc nâng cao tay nghề, học tập. Con cái của lao động di dân, đặc biệt ở khu vực phi chính thức thường khó được vào học ở các cơ sở giáo dục công lập (vì không có hộ khẩu thường trú ở địa bàn đang sống) và chi phí cho việc học ở cơ sở ngoài công lập thì rất tốn kém.

- Về y tế, do không phải là cư dân chính thức trong cộng đồng nên các dự án và chương trình chăm sóc sức khỏe hay sức khỏe sinh sản do các tổ chức chính quyền địa phương thường bỏ qua đối tượng người nhập cư tạm thời, người nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức. Điều đó càng làm tăng thêm những nguy cơ của họ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

- Về an sinh xã hội: Hầu hết những lao động khu vực này không có bảo hiểm xã hội. Xét về mặt pháp lý, họ không được đưa vào diện bảo hiểm xã hội nhà nước do họ tự làm việc hoặc làm việc trong những cơ sở không đăng ký kinh doanh. Theo Viện Khoa học Thống kê (năm 2010) cho thấy, 99,6% lao động của khu vực phi chính thức ở Hà Nội và 94,6% ở Thành phố Hồ Chí Minh không có bảo hiểm xã hội. Trong số những thanh niên di dân đến Hà Nội làm việc trong khu vực phi chính thức được điều tra năm 2009, chỉ có 14% nam thanh niên và 16,1% nữ thanh niên được sở hữu bảo hiểm y tế; 3% được tham gia bảo hiểm xã hội, 0,2% được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tự nguyên[60].

Một khảo sát khác được công bố năm 2013 cũng cho thấy[61]: Lao động di dân tại khu vực đô thị phần lớn là lao động tự do, tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động thấp nên tỷ lệ tham gia các loại bảo hiểm cũng rất thấp. Có tới 52,1% lao động di dân tại thành thị được hỏi không tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào, tỷ lệ này ở lao động di dân tại các khu công nghiệp chỉ chiếm 16,4% (83,2% lao động ở khu công nghiệp có ký kết hợp đồng) và chủ yếu rơi vào nhóm lao động tự do. Bên cạnh đó, bản thân người lao động nhập cư đến làm việc ở khu vực phi chính thức có kiến thức rất hạn chế về quyền lợi của người lao động. Việc phát triển bảo hiểm tự nguyện hầu như không được  khuyến khích và có sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước để người lao động có thể tiếp cận được hệ thống bảo hiểm này. Người lao động gần như không được giải thích một cách rõ ràng về lợi ích của các loại bảo hiểm mà họ có quyền được tham gia. Có thể thấy rằng, vấn đề tuyên truyền cho người lao động về chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện cũng như các loại hình bảo hiểm khác còn quá nhiều bất cập.

Một khảo sát được tiến hành năm 2012 đối với 650 thanh niên cho thấy một bức tranh chung về những khó khăn, rủi ro thanh niên nông thôn gặp phải trong quá trình làm việc tại đô thị[62] (Bảng 8):

STT

CÁC NỘI DUNG

ĐIỂM TRUNG BÌNH

XẾP HẠNG

1

Công việc nặng nhọc, vất vả

2,57

1

2

Nhà cửa, điều kiện ăn ở chật hẹp, tồi tàn, mất vệ sinh

2,43

3

3

Dễ bị tai nạn, bắt nạt, cướp hàng, tiền

2,34

6

4

Thu nhập bấp bênh, không đảm bảo

2,48

2

5

Các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp

2,09

13

6

Điều kiện chăm sóc sức khỏe không có

2,24

10

7

Không có cơ hội vươn lên về học vấn, sự nghiệp

2,25

9

8

Nhiều lo lắng, bất an, thách thức

2,3

8

9

Bị coi thường, hắt hủi

1,98

14

10

Thiếu thốn tình cảm gia đình, làng xóm

2,31

7

11

Thiếu kỹ năng ứng phó với rủi ro

2,12

12

12

Dễ sa vào tệ nạn xã hội

2,39

4

13

Có cơ hội kiếm tiền nhiều

2,14

11

14

Thiếu lao động ở quê do thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa

2,38

5

2.1.3. Đánh giá chung về thực trạng di dân từ nông thôn ra đô thị

Qua việc phân tích một cách tổng quan bức tranh của người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị, bước đầu có thể thấy được những tác động tích cực của nó, nhưng mặt khác nó cũng đặt ra những vấn đề khó khăn và phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ở một mức độ nhất định, di dân từ nông thôn ra đô thị có những đóng góp không thể phủ nhận đối với sự phát triển của thành phố như góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực và các ngành nghề, dịch vụ và có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa; góp phần bổ sung nguồn lực lao động cho thành phố, đặc biệt là thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dịch vụ; đẩy mạnh sự trao đổi về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật giữa vùng đô thị và nông thôn; tham gia vào lĩnh vực hoạt động lao động phổ thông mà Nhà nước chưa bao quát được trong quá trình đô thị hóa như: xích lô, vận chuyển hàng hóa, chuyên chở hành khách và nhiều hình thức hoạt động lao động khác. Người dân di dân ngoại tỉnh vào các đô thị lớn với mục đích tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Do vậy tính năng động trong vấn đề tìm kiếm việc làm của họ rất cao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, sức khỏe, khả năng của mỗi người mà họ sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực khác nhau. Do đó, những người lao động này đã bù đắp cho nguồn lực lao động ở các đô thị khi tham gia vào những công việc mang tính chất lao động giản đơn, hoặc lao động nặng nhọc nhưng rất cần thiết cho đời sống kinh tế, xã hội. Một số lượng lớn lao động ngoại tỉnh làm việc có tính chất thời vụ vào các đô thị tìm việc, họ có thể làm bất cứ công việc gì mà lao động ở thành phố không muốn làm, những công việc nặng nhọc phải dùng sức cơ bắp mặc dù thu nhập của họ không cao lắm song vẫn hơn hẳn mức thu nhập ở nông thôn.

Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng lao động di dân từ nông thôn ra đô thị lớn tìm việc làm cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các đô thị. Có thể đưa ra những vấn đề cấp bách nổi bật sau: Thứ nhất, là vấn đề gia tăng sức ép về việc làm. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đã tồn tại nay lại được bổ sung thêm do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố, điều đó làm cho số người có nhu cầu giải quyết việc làm mỗi năm tăng nhanh, gây nên sức ép về việc làm tại thành phố ngày càng tăng. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những mặt tiêu cực khác phát sinh, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế, xã hội cho thành phố. Thứ hai, gây quá tải về sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở. Những năm trở lại đây, một số đô thị lớn như Hà Nội tuy đã được Nhà nước chú ý đầu tư về cơ sở hạ tầng, về điều kiện nhà ở nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ. Thực tế quỹ nhà ở, công trình công cộng mới xây dựng mặc dù tăng nhanh nhưng không đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa (trường học, chăm sóc sức khỏe, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị…). Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi thêm vào đó khối lượng lớn người di dân ngoại tỉnh tới Hà Nội. Thứ ba, đã và đang xuất hiện nhiều tiêu cực và tệ nạn xã hội từ tình trạng những người di dân ngoại tỉnh về các đô thị. Sau khi làm việc căng thẳng và mệt mỏi, người lao động thường tập trung qua đêm ở các xóm lao động và nhà trọ bình dân rẻ tiền. Điều kiện nghỉ ngơi và sinh sống trong các khu vực này không được đảm bảo. Do tính chất công việc, hàng ngày họ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, họ dễ dàng tiếp thu cả cái tốt và cái xấu. Vì vậy, ở họ rất dễ mắc các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng cho vấn đề an ninh trật tự và khó khăn cho các nhà quản lý.

            Như vậy, dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, làn sóng di chuyển lao động từ nông thôn vào đô thị trong thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền thành phố khi tạo sức ép cơ sở hạ tầng, tăng thêm gánh nặng cho công tác quản lý trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc khống chế và điều tiết mật độ dân cư là yêu cầu và mục tiêu được đặt ra khi xây dựng và quản lý đô thị. Tuy nhiên việc sử dụng các chính sách, pháp luật như thế nào để vừa có thể đảm bảo được việc kiểm soát và điều tiết được tình trạng di dân nhưng đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của người lao động (dù là lao động ở khu vực phi chính thức) mới là vấn đề khó đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý đô thị.

2.2. HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ HIỆN NAY

2.2.1. Khái quát chung

Hệ thống chính sách, pháp luật Việt Nam đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị (khu vực phi chính thức) về cơ bản cũng nằm trong tổng thể chính sách, pháp luật đối với người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị nói chung. Việc đánh giá chính sách, pháp luật chủ yếu nhằm tìm hiểu và trả lời các câu hỏi: (1) Pháp luật đã quy định và tạo điều kiện cho người lao động di dân từ nông thôn ra đô thị được thụ hưởng bình đẳng các quyền cơ bản của công dân trên cơ sở không phân biệt đối xử hay không? (2) Liệu trong quá trình thực thi, áp dụng các quy định pháp luật đã thực sự tạo cơ hội thụ hưởng quyền cho người lao động di dân trên cơ sở có tính đến  các yếu tố đặc thù, đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của họ?

Thứ nhất, dưới góc độ Hiến pháp, các bản Hiến pháp trước đây và hiện nay là Hiến pháp năm 2013 mặc dù không có những điều quy định riêng, cụ thể, nhưng có một số điều quy định trong các bản Hiến pháp liên quan khá chặt chẽ đến di dân nông thôn - đô thị. Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước… (Điều 23); Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (khoản 1, Điều 35). Bên cạnh đó Hiến pháp năm 2013 cũng quy định khá cụ thể về những quyền cơ bản của công dân, về một số chính sách xã hội mà mọi người dân đều có quyền hưởng lợi, kể cả nhóm di dân nông thôn - đô thị như quyền và nghĩa vụ học tập và được Nhà nước hỗ trợ đối với nhóm yếu thế; quyền và nghĩa vụ lao động; được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; quyền  có nhà ở và quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động và trả lương; Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34)… Đó là các quyền công dân và những chính sách xã hội rất cơ bản, thể hiện ý chí của toàn dân, của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, một số Bộ luật, luật cơ bản cũng đã thể hiện được ở mức độ khái quát, có tính chất nguyên tắc những vấn đề chung liên quan đến chính sách xã hội cho công dân trong đó bao gồm cả người lao động di dân đặc biệt là quyền tự do di dân, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, tự do kinh doanh, mọi công dân đều có quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, cư trú... Chính sách xã hội ưu tiên đặc biệt đối với một số đối tượng (người già, người có công với cách mạng, người tàn tật, trẻ em...) mà không phân biệt nhóm nhập cư từ nông thôn ra thành thị. Cụ thể như sau:

- Về chính sách dân số: Hiện nay chính sách này được quy định trong Pháp lệnh dân số năm 2003 (Điều 17, 18, 19). Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho di dân trong nước, có chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn, hạn chế di dân tự phát; giải quyết kịp thời các vấn đề của di dân tự phát; quản lý lao động từ nơi khác đến; tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện chính sách dân số; cung cấp dịch vụ dân số đa dạng, chất lượng, thuận tiện và an toàn,... Các quy định này thể hiện và cụ thể hóa quyền tự do di dân của công dân và lao động, thúc đẩy phân bố hợp lý dân cư trên phạm vi cả nước thông qua di dân, quản lý được người dân, lao động ở đầu đến (đô thị); đồng thời tạo điều kiện để người lao động di dân từ nông thôn đến đô thị sinh sống, có việc làm phù hợp…

- Về chính sách lao động, việc làm:

Bộ luật Lao động năm 1994 (bổ sung, sửa đổi năm 2002, 2006, 2007) và Bộ luật Lao động mới nhất ban hành năm 2012 có các điều khoản quy định: Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử; mọi hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ,... (một số Điều như: 5, 10, 19, 179…). Đây là khung pháp lý chung điều chỉnh quan hệ lao động trong điều kiện nền kinh tế thị trường, bao gồm cả số lao động di dân từ nông thôn ra đô thị. Liên quan đến người lao động làm việc trong điều kiện di dân nông thôn – đô thị, đối với lao động nhập cư được nêu rõ tại Điều 5, 9, 59, 153, 161, 162, 176, 177, 186 Bộ luật Lao động năm 2012. Các quy định này cũng đã được cụ thể hóa, ví dụ như ngày 7/4/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó có một số quy định mới, tiến bộ liên quan đến đối tượng lao động này. Bên cạnh đó, một số đạo Luật khác như Luật dạy nghề, Luật việc làm… cũng góp phần hình thành nên hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm nói chung và đối với lao động di dân nói riêng. Gần đây nhất, Luật việc làm năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) cũng khẳng định “Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc; bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động”. Nhà nước “Có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động. Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề”[63].

- Về chính sách giáo dục, dạy nghề: Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Luật Dạy nghề năm 2007 quy định quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; quy định chính sách dạy nghề cho lao động, trong đó người lao động trong điều kiện di dân nông thôn - thành thị là một trong những đối tượng được ưu tiên hưởng lợi và được Nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách xã hội; Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg ngày 2/3/1998 về việc lập Quỹ tính dụng đào tạo; Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (được sửa đổi bởi Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/7/2015) về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020... Trong các Quyết định này, đối tượng hưởng lợi bao gồm cả lao động di dân từ nông thôn ra đô thị tìm việc làm.

- Về chính sách y tế:

Hiện nay, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Luật Bảo hiểm y tế quy định mọi người khi ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi công dân cư trú, lao động, học tập... Xuất phát từ tình hình thu nhập của các nhóm đối tượng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng, không phân biệt người di dân nông thôn – đô thị, mua bảo hiểm y tế (ví dụ xem Điều 3, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014).

Về chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động tự do hiện nay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện[64]. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Nghị định này là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; Cán bộ không chuyên trách cấp xã; Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công trong các hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã; Người lao động tự tạo việc làm; Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã nhận bảo hiểm xã hội một lần; Người tham gia khác (Điều 2).

- Về chính sách nhà ở, hộ khẩu:

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền sở hữu nhà. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Luật Cư trú (ban hành năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013) được thể hiện bằng việc công dân tự do lựa chọn, quyết định nơi thường trú, nơi tạm trú theo quy định. Để bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do cư trú, Luật đã quy định rõ các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân được Nhà nước bảo đảm, mọi hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý nghiêm minh. Về chính sách hộ khẩu, pháp luật có những quy định cụ thể về việc nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) vào địa bàn đang sinh sống, làm việc, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương[65]. Riêng đối với việc đăng ký thường trú vào nội thành Thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 19 của Luật Thủ đô năm 2012[66]. Người lao động phải đáp ứng được những điều kiện nhất định mới được nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú). Chính sách hộ khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác của lao động di dân, ví dụ như về vấn đề hộ tịch, việc đăng ký khai sinh cho con vẫn phải theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của mẹ hoặc cha (theo Điều 13, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hiện nay là Luật Hộ tịch năm 2014[67])…

Như vậy, tổng quan chung, những nội dung trên về cơ bản phù hợp với pháp luật, công ước và thông lệ quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện, nhất là các Công ước quốc tế của ILO như: Công ước 142 về Hướng nghiệp và đào tạo nghề trong phát triển nguồn nhân lực; Công ước số 122 về chính sách việc làm; Công ước 131 về Ấn định lương tối thiểu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển; Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội (ASXH)... Các Công ước này đã quy định rất rõ về các quyền cơ bản của lao động liên quan đến di dân nông thôn – đô thị; quy định trách nhiệm của nhà nước các nước thành viên ILO về tạo khung pháp lý, xây dựng sàn tối thiểu về ASXH. Tuy vậy, điểm đáng lưu ý là nội dung các quy định chủ yếu mang tính khái quát mà không đề cập đến các nhóm đối tượng áp dụng với những đặc điểm đặc thù. Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh liên quan đến những chính sách xã hội chưa được bổ sung, sửa đổi như: chính sách ASXH hoàn chỉnh theo hướng đa tầng và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện cho mọi người dân, bao gồm cả nhóm di dân nông thôn - đô thị, đều có cơ hội tiếp cận nhằm phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro; một số chính sách, pháp luật về nhà ở, hộ khẩu... liên quan đến người lao động di dân nói chung, lao động tự do từ nông thôn ra đô thị cũng đã dần bộc lộ những bất cập nhất định..

Nghiên cứu thêm về một số Chiến lược tầm quốc gia có liên quan mật thiết tới vấn đề di dân cho thấy vấn đề di dân trong nước chưa được đề cập rõ ràng trong Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Di dân trong nước vì lý do kinh tế cũng chưa được quan tâm đúng mức trong các chính sách và chiến lược do các bộ ngành ban hành. Chẳng hạn chiến lược Dân số - Sức khỏe Sinh sản giai đoạn 2011-2020[68] cũng chưa đề cập tới “nhóm dân di dân”. Tương tự như vậy Kế hoạch tổng thể Quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ của thanh niên[69] hoặc Luật Thanh niên[70] cũng chưa chú ý tới nhóm người di dân mặc dù hầu hết người di dân tự do trong nước vì lý do kinh tế là thanh niên vì thế các chương trình và kế hoạch này đã bỏ sót một lượng lớn dân số dễ bị tổn thương với các rủi ro xã hội. Chiến lược quốc gia về Gia đình giai đoạn 2005-2010[71] cũng chưa chú trọng tới các loại hình gia đình khác nhau bao gồm cả gia đình di dân hoặc gia đình phải chịu sự vắng mặt tạm thời của cha mẹ di dân.

Trong trường hợp người di dân được đưa vào các chiến lược chính sách thì phương pháp tiếp cận lại không phải nhằm mục đích bảo vệ người di dân. Có thể thấy điều này qua Chiến lược dân số năm 2001-2010[72], trong chiến lược này người di dân bị coi là đem tới nhiều tác động tiêu cực hơn là mang lại lợi ích cho phát triển. Chỉ tiêu duy nhất liên quan tới người di dân trong chiến lược là mục tiêu đạt tỷ lệ 75% người di dân tự do đăng ký hộ khẩu vào năm 2010 (chỉ tiêu này cũng không tiếp tục được đề cập trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020). Tuy nhiên chưa có một mục tiêu nào đề cập tới việc đảm bảo sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di dân hoặc giải quyết các vấn đề khác. Có một ngoại lệ đáng chú ý là Chiến lược quốc gia về HIV/AIDS xác định người dân di dân là đối tượng đặc biệt yếu thế trong vấn đề lây nhiễm HIV[73]. Luật Phòng chống HIV/AIDS ban hành năm 2006 đã có một điều khoản cụ thể về phòng chống HIV/AIDS cho nhóm dân số lưu động[74].

 Liên quan tới trách nhiệm của các Bộ ngành, cần lưu ý rằng vấn đề di dân trong nước chưa được phân công cụ thể cho một Bộ nào của Chính phủ. Các chính sách xã hội có liên quan tới di dân được các Bộ ngành khác nhau ban hành[75]. Chẳng hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ chịu trách nhiệm cho phần di dân có tổ chức của Chính phủ còn Bộ Công an chịu trách nhiệm đăng ký hộ khẩu và trật tự xã hội. Không có vụ nào hoặc đơn vị nào trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm về sức khỏe của người di dân hay về sự tiếp cận của người di dân tới các dịch vụ y tế. Có lẽ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị phù hợp nhất giải quyết vấn đề di dân tự do trong nước vì lý do kinh tế vì Bộ này chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động và việc làm và vì thế chịu trách nhiệm trực tiếp trong lĩnh vực lao động di dân. Chẳng hạn như Bộ này phải chịu trách nhiệm về vấn đề việc làm cho lao động Việt Nam ở nước ngoài và sự di chuyển tới các vùng kinh tế mới vì mục đích việc làm. Tuy nhiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chưa có kế hoạch hay chưa ban hành chính sách cụ thể nào để đáp ứng nhu cầu và ứng phó với rủi ro của người di dân tự do vì lý do kinh tế.

2.2.2. Chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị

Về cơ bản, các vấn đề đối với người lao động di dân tự do làm việc trong khu vực phi chính thức cũng tương đối giống với người lao động di dân làm việc trong khu vực chính thức. Chính vì vậy, trong các phân tích dưới đây sẽ có những điểm chung cho hai đối tượng này và một số điểm riêng biệt đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị.

2.2.2.1. Chính sách, pháp luật về hộ khẩu

Để quản lý lao động di dân hiện nay, Nhà nước và chính quyền các thành phố sử dụng phương pháp hành chính là chủ yếu, cụ thể là được thực hiện thông qua hệ thống đăng ký hộ khẩu. Theo đó, mỗi hộ gia đình được phát một sổ hộ khẩu trong đó ghi tên, giới tính, ngày sinh, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp của tất cả các thành viên trong gia đình và mối quan hệ của họ với chủ hộ. Về nguyên tắc, không ai có thể có đăng ký tên mình ở hơn một sổ hộ khẩu. Hộ khẩu được gắn chặt với nơi cư trú. Nếu một người thay đổi nơi cư trú thì hộ khẩu của họ cũng phải thay đổi theo. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc đăng ký hộ khẩu và trật tự xã hội.

Các văn bản hiện hành về đăng ký và quản lý hộ khẩu được quy định trong các văn bản như: Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013), Luật Thủ đô năm 2012, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP… Hệ thống đăng ký hộ khẩu được chia thành năm loại chính. Cách phân loại này được dùng để hạn chế di dân và kiểm soát dân số[76]. Bảng 9 tổng hợp các loại hộ khẩu hiện có tại Việt Nam, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như hạn chế pháp lý tương ứng với các loại hộ khẩu này.

Bảng 9: Phân loại hệ thống đăng ký hộ khẩu

Loại

Tình trạng

Quyền lợi

Nghĩa vụ/Hạn chế pháp lý

KT1

Cư dân (gồm cả người di dân và không di dân) có hộ khẩu thường trú tại nới cư trú hiện tại.

 

·        Mua bán nhà đất và được có giấy chứng nhận sở hữu đất/nhà ở

·        Tiếp cận công trình công cộng và dịch vụ xã hội tại nơi cư trú hiện tại

·        Tiếp cận các khoản vay tài chính chính thức

·        Tiếp cận việc làm

·        Tiếp cận các dịch vụ xã hội công cộng gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe chỉ trong quận/huyện mà họ cư trú

KT2

Người di dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh/thành phố đang cư trú

 

·        Mua bán nhà đất và được có giấy chứng nhận sở hữu đất/nhà ở

·        Tiếp cận công trình công cộng và dịch vụ xã hội tại nơi cư trú hiện tại

·        Tiếp cận các khoản vay tài chính chính thức

·        Tiếp cận việc làm

·        Tiếp cận đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe chỉ trong phạm vi quận/huyện mà họ đăng ký

·        Khó tiếp cận đến các khoản vay tài chính/ dịch vụ tài chính chính thức

KT3

Người di dân không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú hiện tại nhưng có đăng ký tạm trú từ 6-12 tháng với khả năng gia hạn

 

·        Mua bán nhà đất và được có giấy chứng nhận sở hữu đất/nhà ở

·        Tiếp cận công trình công cộng và dịch vụ xã hội

·        Trẻ em KT3 chỉ có thể được vào trường công lập khi chưa dùng hết công suất (bởi trẻ em KT1 và KT2). Nếu các trường học quá tải, trẻ em KT3 sẽ phải học trường tư thục và trả học phí cao hơn

·        Khó tiếp cận đến các khoản vay tài chính/ dịch vụ tài chính chính thức

KT4

Người di dân không có hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú hiện tại nhưng có đăng ký tạm trú từ 1-6 tháng. Đa số nhân khẩu KT4 là công nhân khu công nghiệp và lao động ngoại tỉnh, tập trung ở các nhà trọ, nhà tạm.

·        Mua bán nhà đất và được có giấy chứng nhận sở hữu đất/nhà ở

·        Không thể tiếp cận các dịch vụ xã hội công cộng và các khoản vay chính thức.

Trẻ em KT4 tùy thuộc vào chính sách cụ thể của từng địa phương, nhìn chung chỉ được học ở khu vực ngoài công lập.

Không có đăng ký hộ khẩu

Những người không thuộc các nhóm trên

Không có quyền mua đất và tiếp cận các dịch vụ xã hội công cộng và các khoản vay chính thức.

 

Trên thực tế, chỉ có một số ít người di dân có thể có được hộ khẩu ở nơi mới đến. Theo số liệu cuộc Điều tra di dân Việt Nam năm 2004, có dưới 5% số người di dân không có hộ khẩu tại nơi họ đến và, trong số những người có giấy tờ đăng ký, chỉ có một phần nhỏ có hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú hiện tại. Cụ thể, chỉ 18% người di dân được đăng ký hộ khẩu thường trú (KT1 hoặc KT2), 34% đăng ký KT3, và 48% đăng ký KT4. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số những thành phố có tỷ lệ người nhập cư có hộ khẩu thường trú thấp. Tại Hà Nội, tỷ lệ người nhập cư có được KT1 là cao hơn nhiều so với Thành phố Hồ Chí Minh (5,3% so với 0,5%) những tỷ lệ được KT4 lại thấp hơn (35,8% so với 86,4%)[77].

Có thể nhận thấy, quy định của Luật Cư trú gần đây (sửa đổi năm 2013) đã có những quy định “siết chặt” hơn việc đăng ký hộ khẩu thường trú vào các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên thành 2 năm và phải có chỗ ở hợp pháp là nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài. Riêng đối với nội thành Hà Nội, người đăng ký phải có thời gian tạm trú từ 3 năm trở lên để phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê. Qua tìm hiểu cho thấy những quy định này khi áp dụng trong thực tế cũng rất khó khăn. Ví dụ như, hầu hết các hộ dân cho thuê nhà trọ đều không đăng ký kinh doanh nhà ở và nếu có đăng ký kinh doanh nhà ở thì cũng không phải lúc nào cũng đồng ý cho người thuê làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà mình. Trong khi đó, hầu hết lao động tự do di dân đều đi ở nhà trọ, điều kiện kinh tế khó khăn và chưa có nhà thuộc sở hữu riêng của mình.

Ở cấp địa phương, thời gian gần đây tiếp tục cho thấy sự do dự của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc quản lý di dân theo kiểu “siết chặt” quy chế nhập cư đối với lao động ngoại tỉnh.

Cụ thể là, theo Luật Thủ đô năm 2012, các điều kiện chặt chẽ hơn: (i) tăng lại thời gian cư trú tối thiểu thành ba năm; (ii) phải có công việc ổn định với mức lương cao gấp đôi mức tối thiểu, (iii) cư trú tại nơi hợp pháp. Tuy nhiên, lúc mới ra đời, Luật này bị chỉ trích bởi nội dung trái với pháp luật nhà nước hiện hành và các Công ước quốc tế có liên quan. Luật này không nhất quán với quy định của Luật Cư trú (trước sửa đổi năm 2013) là thời gian cư trú tối thiểu tại thành phố chỉ là một năm. Cách quản lý như vậy bị phê phán là “cổ điển, thụ động, mang tính chất đối phó và không hiện thực… không thể ngăn cản lao động di chuyển vào Hà Nội theo cách này vì một số lượng lớn người di dân sẽ giữ tình trạng đăng ký tạm trú hoặc không đăng ký hộ khẩu tại nơi đến, chấp nhận các điều kiện nhà ở không đầy đủ, thiếu thốn dịch vụ hoặc chấp nhận các dịch vụ đắt đỏ”[78]. Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích như vậy nhưng Luật Thủ đô không những vẫn có hiệu lực mà còn khiến cho Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 có quy định riêng cho Thủ đô Hà Nội cho khớp hai luật này.

Còn đối với thành phố Hồ Chí Minh, một mặt chính quyền thành phố vẫn tuân theo các quy định về đăng ký hộ khẩu của Luật Cư trú sửa đổi năm 2013, mặt khác có những quy định riêng để hạn chế dòng nhập cư tự phát. Ví dụ, Luật Cư trú mới có quy định: “Việc đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân tổ chức phải đảm bảo về diện tích ở bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố”. Từ đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Sở Xây dựng đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu bình quân đầu người tại thành phố để được nhập hộ khẩu. Sở đã đề xuất hai mức 16m2 hoặc 17m2/người, tăng lên hơn ba lần so với quy định hiện tại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về phát triển đô thị cho rằng việc tính bình quân đầu người để ra một con số về diện tích ở áp dụng cho người di dân lao động mà chủ yếu là người nghèo, căn nhà có khi chỉ vài m2/người là chưa hợp lý, chưa chắc đã hạn chế được người nhập cư mà chỉ gây khó khăn cho họ.

Đà Nẵng là thành phố có những chính sách và quy định chặt chẽ nhất nhằm hạn chế người di dân lao động tự do. Cuối năm 2011, tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII thông qua Nghị quyết, trong đó có tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định để rà soát lại chất lượng dân nhập cư nhằm đưa ra những quyết sách trong tương lai. Quyết định này xuất phát từ nhiều nguyên nhân[79]:

+ Năm 2011, số người ở địa phương khác đến Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là 11.356 hộ với 114.290 nhân khẩu, chiếm 11,5% dân số toàn thành phố. Số đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là 2.163 hộ với 14.344 nhân khẩu. Với 278 bị can mới khởi tố trong năm 2011 (chiếm tỷ lệ 24,9%) là người địa phương khác thì đây là con số cần hết sức lưu tâm đối với công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung và quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự là người từ nơi khác đến tạm trú, lưu trú ở Đà Nẵng nói riêng.

+ Hiện có nhiều lao động phổ thông, người bán vé số, bán dạo… tập trung về Đà Nẵng tìm việc cũng gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội của địa phương.

+ Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng, áp lực quá tải tại các trường học trên địa bàn rất lớn, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ người nhập cư, khiến lượng học sinh tăng cơ học. Bên cạnh đó là tình trạng chạy hộ khẩu từ các nơi về trung tâm Thành phố để đưa con em vào học tại trường có tiếng, đạt chuẩn...

Bên cạnh đó, quy định của Điều 3 Luật Cư trú hiện nay: “Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước của thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Chính điểm mở này đã dẫn đến tình trạng vận dụng tùy tiện, gây khó khăn, phiền hà cho công dân của một số cơ quan công quyền. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi Luật. Vì vậy, quy định của Luật Cư trú (sửa đổi 2013) về cơ bản không còn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Thực tế cho thấy, chính sách cư trú vẫn còn gây khó khăn cho người lao động di dân đến làm việc ở khu vực phi chính thức. Mặc dù hộ khẩu không còn là căn cứ để đăng ký các tiêu chuẩn về nhu yếu phẩm như trước nhưng nếu như chưa có hộ khẩu, người lao động trong khu vực phi chính thức (và cả khu vực chính thức) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về đăng ký nơi ở, tiếp cận các dịch vụ (như đã đề cập ở phần 2.1 của Chương này). Người lao động nhập cư tự do làm việc trong khu vực phi chính thức luôn được xem là dân ngụ cư tạm thời. Do không hoặc không thể thực hiện được đăng ký cư trú nên họ không thể được bất kỳ “xác nhận hành chính” nào từ chính quyền địa phương tại nơi cư trú hiện tại (ví dụ xác nhận Lý lịch cá nhân). Một hạn chế nữa là họ phải chi trả dịch vụ với giá cao, khó tham gia vào các hoạt động đoàn thể tại cộng đồng (một yếu tố giúp cải thiện mức độ hòa nhập về mặt xã hội của người lao động di dân).

Ở đây, xin đề cập sâu hơn đến hạn chế về chi trả dịch vụ nêu trên. Người lao động nhập cư thường phải sử dụng điện với giá cao, vượt 3-5 lần so với giá quy định của Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ, người lao động tỉnh xa đến làm việc và sinh viên thuê nhà ở, nêu cứ có 4 người thuê một phòng trọ và nếu có đăng ký tạm trú trên 1 năm có xác nhận của Công an Phường được hưởng tiêu chuẩn mắc công tơ riêng và sử dụng giá điện như người có hộ khẩu thuộc diện KT1. Như vậy, về mặt pháp lý, thủ tục hành chính của việc lắp đặt công tơ điện riêng tương đối phức tạp và có liên quan đến việc đăng ký cư trú. Chỉ có người thuộc diện KT1 và KT2 hoặc KT3 đã đăng ký tạm trú dài hạn trên 1 năm mới được hưởng dịch vụ này. Hơn nữa mặc dù đã có quy định này nhưng nhiều chủ nhà không thực hiện, sợ sẽ không hưởng lợi được từ việc sử dụng giá điện này. Bên cạnh đó, người nhập cư thuộc diện KT4 thực tế còn phải trả tiền điện gấp 3-5 lần so với người nhập cư diện KT1, KT2. Tương tự như vậy, chi phí sử dụng nước sạch của người nhập cư thuộc diện KT3, KT4 cũng cao hơn nhiều diện khác vì không có đăng lý cư trú chính thức. Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch không có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn được lắp công tơ nước cho khách hàng sử dụng nước sạch. Dưới sức ép của dân số tại các thành phố lớn, một số quy định hạn chế khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, đặc biệt là lao động nhập cư ở khu vực phi chính thức. Theo quy định của Công ty nước sạch Hà Nội, người dân muốn được lắp công tơ nước tại hộ phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Quy định này đồng nghĩa người lao động nhập cư làm việc ở khu vực phi chính thức và những người di dân tạm thời phải sử dụng nước qua công tơ của chủ nhà trọ nên phải trả giá nước cao hơn giá quy định lũy tiến của công ty nước.

Bên cạnh đó, do việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu dẫn đến người lao động nhập cư (nhất là lao động tự do) thiếu cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các quyền liên quan đến hộ tịch, khai sinh, khai tử, kết hôn… Khi thực hiện các quyền này, người lao động đều phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện (thường là quê nhà, nơi xuất phát của di dân). Điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như vấn đề kinh tế của bản thân lao động di dân. Các chương trình xóa đói giảm nghèo cũng nỗ lực vươn tới người lao động nhập cư nhưng thực tế cho thấy phần lớn họ không được hưởng chính sách hỗ trợ như vay vốn tín dụng làm ăn…[80]

2.2.2.2. Chính sách, pháp luật về lao động việc làm, an sinh xã hội

Người lao động di dân nhằm cải thiện tình trạng việc làm hiện tại của họ. Điều này giải thích tại sao những tiêu chí lựa chọn công việc của họ thường xoay quanh các vấn đề như thu nhập cao, tính ổn định và công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật. Thực tế cho thấy, thật khó để cho người lao động có thể thỏa mãn các tiêu chí mâu thuẫn nhau như vậy. Không dễ gì tìm được một công việc có thu nhập cao nếu họ không chấp nhận dành thời gian cho việc học và nâng cao kỹ năng nghề hoặc phải chấp nhận bỏ sức lao động nhiều hơn so với người khác. Và ở thời điểm hiện tại, phần lớn lao động di dân phải chấp nhận đánh đổi sức lao động bởi không có chuyên môn kỹ thuật, nhất là lao động di dân làm việc ở khu vực phi chính thức. Chính sách tiền lương trong khu vực chính thức hay phi chính thức đều còn rất nhiều hạn chế. Do quy định tiền lương tối thiểu thấp nên mức tiền lương, đặc biệt trong khu vực phi chính thức rất thấp, dẫn đến chế độ bảo hiểm xã hội cũng rất thấp. Đây là hai vấn đề bất cập lớn của người lao động di dân làm việc ở khu vực phi chính thức.

Các cơ chế điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động phần lớn chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế. Trong khu vực phi chính thức, quan hệ lao động thường không được bảo vệ bằng hợp đồng lao động. Lao động nữ càng trở nên yếu thế trong trường hợp này, dễ bị lạm dụng sức lao động hoặc thậm chí bị lạm dụng tình dục.

Một số đối tượng là lao động bán hàng rong hiện cũng bị hạn chế nhất định đối với công việc của mình. Đà Nẵng là thành phố đầu tiên đưa ra chủ trương cấm bán hàng rong trên các tuyến phố. Chủ trương này của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chính thức có hiệu lực từ 1/7/2005. Những đối tượng hàng rong bị cấm bán gồm: bán dạo sách báo, đánh giày, các loại hàng rong di động. Tương tự, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND về ban hành quy định quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó công bố danh mục 63 tuyến phố không được bán hàng rong. Tuy nhiên, lệnh cấm này không những không thể ngăn cấm hàng rong được bày bán trên các tuyến phố chính mà còn khiến cho công tác quản lý trật tự đô thị gặp không ít trở ngại, do người bán hàng rong phải tìm cách cách để lo đối phó với công an và cuộc sống của người lao động di dân trở nên bấp bênh và nhiều rủi ro hơn.

Trên thực tế, những chính sách trên đã làm cho người lao động tự do di dân từ nông thôn lên đô thị khó tiếp cận với cơ hội việc làm ở khu vực kinh tế chính thức. Do đó, họ gặp không ít những rủi ro và khó khăn ẩn sau bề mặt tích cực của kinh tế đô thị. Mặc dù những cản trở về hộ khẩu không làm cho người lao động tự do di dân từ nông thôn lên đô thị phải chờ đợi lâu mới có cơ hội việc làm, khoảng 80% người trong số họ có việc làm ngay trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên ngành nghề chính của họ là làm cho khu vực kinh tế phi chính thức (54%) và tự doanh (45%) với các công việc lao động chân tay trong các phân xưởng tư nhân, cửa hàng, công trường xây dựng, bán hàng rong...[81] Thu nhập thấp và không ổn định, kèm theo thời gian kéo dài khoảng 55 giờ/tuần, cộng thêm gánh nặng gửi tiền về quê đã khiến nhiều người trong số họ sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu và rất khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục... Thậm chí, trong một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, một phần ba số lao động di dân từ nông thôn ra đô thị đang trong tình trạng nợ nần và một nửa trong số họ không đủ khả năng để trả nợ[82].

Nhiều chế độ chính sách khác của nhà nước dành cho người lao động cũng “bỏ quên” đối tượng lao động tự do di dân từ nông thôn lên thành phố. Bộ luật lao động năm 2012 gần như chỉ điều chỉnh các chính sách bảo trợ với số lao động ở khu vực chính thức, còn số lao động thuộc diện “lao động tự do” - chiếm số lượng lớn trong hệ thống thị trường lao động của nước ta hầu như chưa được luật đề cập tới... Đa số người lao động tự do không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, y tế và thất nghiệp) và các chế độ bảo hiểm dành cho người lao động (tai nạn lao động, thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp…). Trong khi đa số lao động tự do di dân từ nông thôn lên thành phố phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm thì họ không có hợp đồng lao động và 99% trong số họ không được hưởng bất kỳ bảo trợ xã hội nào như kiểm tra sức khỏe định kỳ, hay bất kỳ loại bảo hiểm nào để đảm bảo cho họ trong các trường hợp bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp… Bên cạnh đó, phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động… đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo cho người lao động làm việc trong điều kiện an toàn nhằm phòng ngừa tai nạn lao động theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với lao động tự do đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Khi sự cố tai nạn lao động xảy ra thì gần như không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm cho những người lao động tự do vì họ không có hợp đồng, không nộp bảo hiểm. Và điều này đã vô tình tiếp tay cho người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động cũng như sử dụng các trang thiết bị lao động thiếu an toàn.

Trước những khó khăn mà người lao động tự do đang gặp phải, những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế giúp người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định có cơ hội được hưởng lương hưu dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Tuy nhiên, hiện số lao động tự do tham gia đóng bảo hiểm rất ít. Cả nước chỉ có 0,19% số lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế[83]. Lý do chính là do thu nhập của lao động trong khu vực này thấp, công việc lại không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội lại quá dài.

Một thực tế nữa là, người lao động gần như không được giải thích một cách rõ ràng về lợi ích của các loại bảo hiểm mà họ có quyền được tham gia. Vấn đề tuyên truyền cho người lao động về chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện cũng như các loại hình bảo hiểm còn nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy khoảng 25% người lao động thường khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân hoặc khám tại nhà bác sĩ[84]. Họ không lựa chọn đến các cơ sở y tế công lập bởi bệnh nhẹ, khám tại các cơ sở y tế công lập mất nhiều thời gian và thủ tục rườm rà, phức tạp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, người di dân ngày càng dễ bị tổn thương về sức khỏe do họ phải sống và làm việc trong những điều kiện không được đảm bảo[85]. Một số quy định hiện hành vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến người lao động tự do di dân đến đô thị. Điều đó dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của lao động di dân (không có hộ khẩu thường trú, nhất là ở khu vực phi chính thức) đôi khi là xa xỉ phẩm. Ví dụ như hiện nay, trẻ em thực tế thường trú tại địa phương nào thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó cấp thẻ khám chữa bệnh. Quy định này cơ bản phù hợp và giải quyết được hầu hết các trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh với cơ chế và thủ tục linh hoạt. Tuy nhiên, đối với trẻ em không có đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải xuất trình giấy chứng nhận khai sinh và xác nhận của chính quyền địa phương chứng thực việc trẻ em đó thật sự cư trú tại khu vực này để làm căn cứ cấp thẻ. Quy định việc phải xuất trình xác nhận tình trạng cư trú thực tế của trẻ em như vậy đã tạo thành thủ tục cấp phát thẻ khám chữa bệnh rườm rà và không cần thiết khi đã có giấy khai sinh chứng thực trẻ em dưới 6 tuổi. Chính thủ tục rườm rà và không cần thiết này lại gây chậm trễ cho quá trình điều trị bệnh cho trẻ em di dân, và trở thành rào cản cho công bằng y tế đối với con em của người di dân, trong đó có lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị. Bên cạnh đó, thực tế rất nhiều người lao động tự do di dân ra đô thị không có cơ hội để mua được bảo hiểm y tế của Nhà nước theo dạng tự nguyện. Lý do là họ không nằm trong diện được pháp luật hiện hành quy định. Họ không có một thứ giấy tờ cam kết nào về quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động. Đó chính là rào cản về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị khi mà thu nhập của họ rất thấp và không ổn định, cuộc sống bấp bênh và các chi phí y tế tại các khu đô thị cũng rất cao.

2.2.2.3. Chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo liên quan đến con em lao động di dân tự do

Qua thực tế cho thấy, chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo liên quan đến lao động tự do di dân (nhất là đối tượng con cái của họ) hiện đã bộc lộ một số hạn chế như sau:

- Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGD&ĐT ngày 10/8/2005 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở quy định Học sinh thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp một lần để mua sách, vở, đồ dùng học tập ngoài đơn còn phải thêm phiếu xác nhận do nhà trường cấp theo từng năm học. Các giấy tờ này nộp cho Phòng Nội vụ - Lao động cấp huyện nơi học sinh có hộ khẩu thường trú để được xét trợ cấp từ nguồn chi bảo đảm xã hội của địa phương. Quy định này làm cho các học sinh thuộc đối tượng được trợ cấp nhưng là con em người di dân đến đô thị chưa có hộ khẩu thường trú mất quyền trợ cấp theo chính sách chung.

- Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT ngày 28/4/2003 của Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn thực hiện Điều 3, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tại mục II khoản 1,2 quy định về việc tiếp nhận đối tượng vào học tại cơ sở giáo dục trung học  cơ sở đã quy định con em lao động di dân tốt nghiệp tiểu học chỉ được tiếp nhận vào các trường trung học cơ sở công lập tại nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn (6 tháng trở lên). Đối tượng không thuộc nơi cư trú tại xã, phường, thị trấn chỉ được tiếp nhận khi sĩ số học sinh/lớp không vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh). Như vậy, đã có sự phân biệt học sinh giữa diện có hộ khẩu thường trú và tạm trú dài hạn với học sinh chưa có hộ khẩu loại này tại địa phương cư trú. Cơ hội bình đẳng trong việc học tập của con em người lao động di dân đến khu vực phi chính thức tại các thành phố càng bị hạn chế.

- Quyết định số 26/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/7/2001 về việc ban hành tiêu chuẩn, kiểm tra và đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã quy định về đối tượng phổ cập trung học cơ sở: “… là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến hết 18 đã tốt nghiệp tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương”. Như vậy quy định này đã loại bỏ những học sinh là con em của người lao động di dân nếu họ không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú dài hạn.

- Chính sách về đối tượng được học trường công lập cũng khá khác nhau ở một số địa phương. Ví dụ như, theo Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì “Học sinh học lớp 9 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không phân biệt có hoặc chưa có hộ khẩu đều được dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập”[86], trong khi đó tại Thành phố Hà Nội, có trường hợp vì không có hộ khẩu Hà Nội đã bị đình chỉ học.[87] Thực tế cho thấy việc cho con cái theo học ở các trường khu vực ngoài công lập là quá khả năng của gia đình lao động di dân, nhất là những lao động di dân làm việc ở khu vực phi chính thức.

- Một số chính sách liên quan khác dành cho phát triển giáo dục cũng không bao phủ lên nhóm đối tượng lao động tự di dân từ nông thôn lên đô thị. Quyết định số 1134/2001/QĐ-NHNN ngày 26/9/2001 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay áp dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Điều 3 quy định về đối tượng học sinh vay vốn, trong đó, học sinh không thuộc diện chính sách có hộ khẩu thường trú tại các khu vực khác nhau phải đạt điểm trung bình ở các mức điểm khác nhau mới được vay vốn. Quy định này có bất cập ở chỗ: đối với học sinh là con em của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị theo học tại những nơi mà họ không có hộ khẩu thường trú nhưng lại áp dụng điều kiện của khu vực nơi có hộ khẩu thường trú đối với họ (nơi họ không sinh hoạt và học tập) sẽ làm cho quy định về điều kiện nói trên không có ý nghĩa trong thực tế.

- Bất cập về phân cấp quản lý ngân sách chi cho hoạt động giáo dục cũng ảnh hưởng đến chất lượng tiếp cận giáo dục của lao động di dân.

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện đất nước và ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước vẫn quan tâm dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Trung bình hàng năm nhà nước chi 40.257 tỷ đồng (theo giá thực tế) ngân sách cho ngành giáo dục. Tính ra, chi tiêu công cho giáo dục chiếm khoảng trên 5% GDP và trên 17,2% tổng chi tiêu công hàng năm của cả nước. Tuy nhiên định mức phân bổ ngân sách cho giáo dục lại theo số lượng dân số đăng ký hộ khẩu của địa phương. Từ năm 2011, định mức và nguyên tắc phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục được thực hiện theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, định mức chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1-18 tuổi và phân biệt theo 4 vùng (mức thấp nhất là 1.241.680 đồng/người dân/năm và mức cao nhất là 2.775.500 đồng/người dân/năm, tương ứng gần gấp 2,2 lần và 2,5 lần so với giai đoạn 2007-2010). Mức phân bổ chi ngân sách cho sự nghiệp đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa theo dân số và phân biệt theo 4 vùng (mức thấp nhất là 53.340 đồng/người dân/năm và mức cao nhất là 112.610 đồng/người dân/năm, tương ứng gấp 2,5 lần và 2,63 lần so với giai đoạn 2007-2010).

Trên thực tế, tại một số địa phương nhất là các đô thị lớn, số lượng dân số thực tế nhiều hơn rất nhiều do sự gia tăng của các luồng di dân từ nông thôn ra đô thị. Điều này tạo áp lực rất lớn với các địa phương có nhiều người di dân đến. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào so sánh sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng các chính sách về giáo dục giữa các địa phương, tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là với cùng một mức ngân sách chi cho hai địa phương có lượng dân số đăng ký hộ khẩu ngang nhau, địa phương nào có số dân thực tế nhiều hơn (do những người di dân không đăng ký tạm trú hoặc đăng ký tạm trú ngắn hạn) thì mức đầu tư ngân sách cho ngành giáo dục chi bình quân đầu người sẽ ít hơn. Do đó, ở địa phương đông dân thực tế hơn so với số dân đã đăng ký hộ khẩu, sức ép dành cho ngành giáo dục ở địa phương đó cao hơn, và người di dân sẽ được hưởng cơ hội cũng như quyền lợi về giáo dục ít hơn.

2.3. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong vòng 20 năm trở lại đây, những thay đổi trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam làm gia tăng đáng kể số người di dân trong nước. Từ năm 2007, Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tiến trình hội nhập kéo theo các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng mạnh mẽ, giúp thay đổi căn bản các hoạt động sản xuất, thương mại. Các thành phố lớn, đô thị cũng như các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành đã và đang tạo nên sức hút rất lớn đối với lao động trong nước và là nhân tố thúc đẩy di dân lao động. Trong giai đoạn 2004-2009 có 6,6 triệu người di dân giữa trong và ngoài tỉnh của Việt Nam. Các số liệu thống kê cũng cho thấy đa số người di dân là thanh niên, trong đó nữ di dân gia tăng đáng kể. Phần lớn người di dân không di chuyển cùng gia đình, lý do có thể là họ chưa lập gia đình hoặc gia đình họ vẫn đang cư trú tại địa bàn nơi họ ra đi. Hầu hết người di dân là vì lý do kinh tế bao gồm những người tìm việc làm, những người muốn tăng thêm thu nhập và nâng cao điều kiện sống và những người di dân theo gia đình có mục đích nêu trên. Số liệu của Tổng điều tra dân số năm 1999 cho rằng di dân tới các khu vực đô thị chiếm hơn một nửa tổng số di dân trong nước của Việt Nam với 53%, trong đó 27% di dân từ các khu vực nông thôn ra thành thị và 26% di dân giữa các khu vực thành thị[88]. Đối với những người di dân từ nông thôn ra thành thị, các nơi đến phổ biến nhất là các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Lao động di dân nhiều và rẻ đã góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách chưa thực sự đầy đủ, hợp lý để tạo ra được một khung pháp lý vững chắc trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động di dân phát triển công việc, ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, người lao động di dân luôn là nhóm yếu thế và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong các vấn đề như nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Về cơ bản, di dân là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển và là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh và cùng với quá trình đô thị hóa, người dân và lao động nông thôn sẽ di dân và chuyển dịch tới các vùng đô thị, nơi có công việc mới với thu nhập cao hơn nông thôn. Dòng di dân từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam có xu hướng ngày càng mạnh và trở thành một hướng quan trọng phân bố lại nguồn lực, nguồn nhân lực, góp phần quan trọng giảm sức ép về việc làm trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, người di dân cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Vấn đề này có nguyên nhân từ môi trường thể chế chưa được hoàn thiện.

Các dòng di dân nông thôn tới các đô thị và các khu công nghiệp là những xu hướng di dân mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thay thế di dân nông thôn – nông thôn trước đây. Trong rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, di dân lao động là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đô thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các chính sách đối với di dân theo kế hoạch của Nhà nước trước đây đã không còn phù hợp, trong khi đó quan điểm hạn chế di dân tự do trước đây chính là rào cản khiến cho vấn đề di dân lao động không được đề cập nhiều đến trong các chính sách. Tuy vậy thực tế hiện nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực thay đổi nhưng hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về lao động di dân còn thiếu hụt lớn khi có rất ít các chính sách trực tiếp dành cho nhóm đối tượng này. Người lao động nhập cư làm việc ở các khu vực phi chính thức là một bộ phận lớn của lực lượng lao động Việt Nam và đóng đóng góp đáng kể vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, các quyền cơ bản về chăm sóc y tế, đạo tạo nghề, giáo dục dành cho người lao động nhập cư và con cái họ vẫn chưa được chú ý đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hiện hành cũng bộc lộ những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai. Một bất cập lớn nhất chính là về cơ chế quản lý bằng hộ khẩu đã dẫn đến nhiều hạn chế cho người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị liên quan đến: hộ tịch, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét việc có nên tiếp tục giữ chế độ quản lý bằng hộ khẩu này hay không.

Phần lớn lao động di dân có trình độ học vấn thấp, không có chuyên môn kỹ thuật và hệ quả là làm các công việc nặng nhọc, thiếu ổn định, số giờ làm việc cao, không có hợp đồng lao động và mức thu nhập thấp. Mặc dù lao động di dân từ nông thôn ra đô thị có trình độ học vấn thấp, phần lớn không có chuyên môn kỹ thuật song hầu hết các chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm hiện nay đều dành cho nhóm lao động nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không có những chính sách hỗ trợ đối với nhóm lao động di dân.

Bên cạnh những tác động tích cực, quá trình di dân cũng mang đến những hệ lụy không mong muốn đối với các địa phương sở tại. Di dân tạo sức ép xã hội đối với địa phương nơi đến trên nhiều phương diện. Sức ép đối với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm nằm ở việc khó có thể đáp ứng nhu cầu tăng quá cao của người di dân và gia đình của họ. Người di dân cũng mang theo những đặc điểm văn hóa mang tính chất vùng, miền mà những đặc điểm này có thể tạo ra xung đột với những đặc điểm văn hóa tại địa phương nơi đến. Tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng với nhiều thành phần xã hội khác nhau cũng kéo theo những tệ nạn xã hội có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Theo số liệu khảo sát do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố năm 2013 cho thấy, có 8,8% lao động di dân được hỏi đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương không được tốt. Có 51,3% người lao động di dân được hỏi cho rằng tình trạng mất an ninh trật tự thường đến từ nhóm người di dân, 21,0% cho rằng do người tại địa phương. Đối với lao động di dân ra thành thị, phần lớn ý kiến cho rằng tệ nạn xã hội nằm ở nhóm người di dân (58,5%), trong quan điểm của nhóm này có rất ít người địa phương gây ra tệ nạn xã hội. Như vậy, vấn đề về an ninh trật tự đối với người di dân cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Một bất cập lớn cần phải quan tâm đó là chính sách xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội hiện không có nhiều hiệu quả đối với nhóm lao động di dân tự do, đặc biệt là đối với nữ lao động di dân tự do. Các chính sách hiện hành chưa bao phủ được đến tất cả nhóm đối tượng lao động di dân tự do, khiến họ mất quyền tiếp cận bình đẳng với các quyền về an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm y tế đối với người lao động nhập cư trong khu vực chính thức cao hơn rất nhiều so với người lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức. Điều này xuất phát từ những yêu cầu của pháp luật lao động, theo đó quyền hưởng bảo hiểm y tế của người lao động nhập cư chính thức được quy định trong Hợp đồng lao động. Mặc dù hợp đồng lao động là cơ sở vô cùng quan trọng để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của người lao động, người lao động nhập cư phi chính thức lại không có hợp đồng lao động. Do đó, người lao động nhập cư làm việc trong khu vực chính thức được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tốt hơn so với người lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức.

Một điểm nữa có thể nhận thấy là chính quyền địa phương không có vai trò rõ nét trong những ảnh hưởng tới người di dân. Có 92,9% người lao động di dân được hỏi cho rằng địa phương sở tại không có bất kỳ hỗ trợ gì cho họ[89]. Vai trò nổi bật nhất của các địa phương chính là hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại nơi người lao động di dân thuê trọ. Chính quyền địa phương nơi lao động di dân đến cũng chịu những áp lực lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… đặc biệt là các vấn đề về phân bổ ngân sách thực hiện các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa…). Như đã nêu ở trên, kết quả là cơ chế phân bổ ngân sách cho các dịch vụ xã hội về văn hóa, giáo dục, y tế dựa trên dân số chính thức, mà dân số chính thức chỉ tính đến số người tạm trú 6 tháng trở lên (chỉ tính đến diện KT3), như vậy gần 10% dân số Hà Nội và khoảng 15% dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc thụ hưởng dịch vụ xã hội. Ngoài ra, các quy định ưu tiên phân bổ ngân sách không được công khai và không quy định rõ nguồn ngân sách đó phải sử dụng vào mục đích cố định nào, vì vậy đã tạo điều kiện cho các địa phương, dù có ngân sách nhưng vẫn không muốn chia sẻ gánh nặng chi phí dịch vụ xã hội với lao động tự do di dân lên thành phố.

Cơ chế thực thi chính sách về lao động di dân nói chung và lao động di dân tự do nói riêng chưa rõ ràng. Liên quan đến cơ cấu hành chính, vấn đề di dân trong nước hiện nay chưa được phân công cụ thể cho một Bộ, ngành nào của Chính phủ. Các chính sách liên quan đến di dân được nhiều cơ quan khác nhau ban hành như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an,…

Ở một khía cạnh khác, các vấn đề liên quan đến lao động di dân nói chung và lao động di dân tự do nói riêng là rất phức tạp và nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ được quy định cho một Bộ, ngành. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chức năng bảo vệ người lao động, trong đó có cả nhóm lao động nhập cư – thường dễ bị tổn thương và gặp khó khăn nhiều hơn so với nhóm lao động thường trú. Tuy nhiên, sự dịch chuyển lao động cũng chứa đựng các hàm ý chính sách đối với nhiều vấn đề khác nằm ngoài khả năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như xúc tiến đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) và phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng), giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các dịch vụ y tế (Bộ Y tế). Ngoài ra, di dân lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp cũng đặt lên vai những tỉnh thành có sức hút lao động lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai,… Di dân lao động cũng tạo ra những sức ép lớn đối với các địa phương này trong việc quản lý lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở và các dịch vụ xã hội,… Rõ ràng, cách tiếp cận đối với vấn đề di dân lao động đòi hỏi sự chung tay phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành, địa phương. Các chính sách, quy định hiện hành chưa đáp ứng được thực tế vấn đề lao động di dân, cần thiết phải có những chính sách nhất quán và trực tiếp đối với vấn đề này.

Nhìn chung, các hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể tóm gọn ở một vài nguyên nhân chính như sau:

            - Chưa có quan niệm đúng đắn về hiện tượng di dân từ nông thôn ra đô thị, vẫn cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn xã hội, làm mất cân bằng nông thôn – đô thị, gây áp lực đến đô thị; chưa được xem là một khía cạnh tự nhiên của quá trình phát triển của bất kỳ xã hội nào. Do vậy, chế độ quản lý bằng hộ khẩu vẫn được duy trì trong một thời gian dài đến nay. Hạn chế nhập cư thông qua các biện pháp hành chính sẽ không làm giảm nhập cư mà còn góp phần làm tăng mức độ yếu thế của người nhập cư, trong đó có lao động tự do di dân làm việc ở khu vực phi chính thức.

            - Hệ thống chính sách, pháp luật vẫn chưa thực sự bao phủ lên hết đối tượng lao động di dân từ nông thôn ra đô thị. Việc thực thi các quy định hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Sự phát triển và quy hoạch các thành phố vệ tinh chậm dẫn tới việc tập trung đầu tư quá nhiều ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra lực hút rất mạnh đối với lao động nông thôn vốn đang dư thừa ở các đô thị lớn.

- Người lao động còn thiếu thông tin về quyền và cơ chế thực hiện quyền của bản thân mình. Cơ chế hỗ trợ pháp lý đối với lao động di dân còn hạn chế. Do đó người lao động di dân chưa biết được về các quyền cũng như cách thức bảo vệ quyền của bản thân mình. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước cũng chưa bao phủ được toàn bộ nhóm lao động di dân, đặc biệt là lao động di dân tự do. Trong khi đó, theo số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố năm 2013 thì có 11,1% người lao động di dân ra thành thị được hỏi cho rằng cần được cung cấp thông tin khi cần giúp đỡ, 9,6% người được hỏi cần được hỗ trợ thủ tục vay vốn, sản xuất kinh doanh, 4,1% người được hỏi cần hỗ trợ thủ tục đăng ký thường trú…

- Nhiều bất cập xuất phát từ chính thái độ, ý thức của người lao động di dân (ví dụ như liên quan đến việc đăng ký tạm trú, mua bảo hiểm y tế tự nguyện, ý thức liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự xã hội chung…)…

 

2.4. THAM KHẢO KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

Trong khuôn khổ nghiên cứu, đề tài tổng hợp và cung cấp thông tin về kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á (Indonesia và Ấn Độ)[90].

2.4.1. Kinh nghiệm của Indonesia

Luật của Cộng hoà Indonesia số 13 năm 2013 về nhân lực quy định bất kỳ nhân lực nào cũng có quyền bình đẳng và cơ hội lựa chọn việc làm và thay đổi công việc để có thu nhập chính đáng; việc sắp xếp việc làm sẽ được tiến hành trên cơ sở công khai, tự do, khách quan, công bằng và chia đều cơ hội cho mọi người mà không hề có sự phân biệt đối xử, sự công khai ở đây chính là việc đưa ra các thông tin rõ ràng cho người tìm việc về loại hình công việc, mức lương được hưởng và thời gian làm việc, tránh được những tranh chấp có thể xảy ra; đồng thời pháp luật quy định việc sắp xếp việc làm phải hướng tới sắp xếp nhân lực đúng vị trí, công việc thích hợp nhất với khả năng chuyên môn, kỹ năng và tài năng, sở thích của nhân lực và phải tôn trọng nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người lao động; sắp xếp việc làm phải tính tới việc phân bổ đồng đều cơ hội bình đẳng và khả năng cung ứng nhân lực cho phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia và khu vực hoặc vùng miền.

Luật quy định người sử dụng lao động có nhu cầu nhân lực có thể tự tuyển dụng hoặc thông qua cơ quan giới thiệu việc làm, cơ quan giới thiệu việc làm có nghĩa vụ bảo vệ nhân lực và cơ quan này phải chịu trách nhiệm về nhân lực. Chính phủ có trách nhiệm phát huy nỗ lực để mở rộng cơ hội việc làm, Chính phủ cùng xã hội mở rộng cơ hội việc làm dù là trong hay ngoài quan hệ việc làm; tất cả các chính sách của nhà nước ở Trung ương hay địa phương và ở các ngành phải hướng tới mục tiêu thực hiện hoá việc mở rộng các cơ hội việc làm dù ở trong hay ngoài quan hệ việc làm; mở rộng các cơ hội ngoài quan hệ việc làm sẽ được tiến hành thông qua việc tạo lập các hoạt động sản xuất bền vững bằng cách sử dụng có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và các công nghệ thiết thực, hữu hiệu và được thực hiện thông qua hình thức tạo cơ chế để mọi người tự tạo việc làm cho mình hoặc phát triển doanh nghiệp để sử dụng nhiều  nhân công. Nhà nước và xã hội cùng có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các chính sách việc làm.

Pháp luật còn quy định quan hệ việc làm tồn tại trên cơ sở một hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, hợp đồng lao động quy định rõ yêu cầu đối với công việc được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi người phải tuân thủ. Thu nhập cho phép người lao động đảm bảo cuộc sống bao gồm đảm bảo nhu yếu phẩm (thức ăn, nước uống, quần áo, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, giải trí và phúc lợi tuổi già), mức lương tối thiểu theo lĩnh vực và thiết lập cho nhóm doanh nghiệp và phân theo từng loại doanh nghiệp, doanh nghiệp không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định. 

Chính quyền Indonesia quản lý người lao động di dân từ nông thôn ra thành thị làm việc bằng việc cấp cho họ thẻ vàng (trong đó có ghi đầy đủ các thông tin của người làm việc như tên, tuổi, địa phương, trình độ) và được quản lý bằng phần mềm người lao động. Những người không có thẻ vàng này sẽ bị đưa về địa phương của họ. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp này tỏ ra không hiệu quả, do phụ thuộc vào ý thức tự giác của người lao động. Người lao động không tuân thủ quy định chỉ có thể bị phát hiện nhờ những đợt kiểm tra ngẫu nhiên của chính quyền thành phố nơi mà họ di dân tới.

Indonesia có một hệ thống Hiệp hội liên đoàn lao động, trong đó có 06 hiệp hội thuộc nhà nước và 01 hiệp hội thuộc tư nhân được gọi là hiệp hội liên đoàn lao động KSBSI. Hệ thống của hiệp hội này bao gồm 11 liên đoàn và 300 chi nhánh, họ giao kết với hơn 1.600 công ty, có hơn 5.000 thành viên. Chức năng, mục tiêu của tổ chức này là bảo vệ và hỗ trợ người lao động di dân từ vùng này sang vùng khác, cụ thể như khi người lao động tái định cư theo chương trình của Chính phủ đưa ra, người lao động được hỗ trợ từ 2-4 ha đất và chi phí để giúp họ sống được đến khi mùa vụ đó kết thúc hoặc hiệp hội hỗ trợ một lượng vốn nhỏ và dạy cách kinh doanh cho người lao động. Những chi phí cho việc hỗ trợ người lao động được cấp bởi Chính phủ Indonesia hoặc từ khoản thu phí 1% trên mức lương của hơn 5.000 thành viên hiệp hội liên đoàn lao động. Chính phủ Indonesia có quan điểm rõ ràng rằng lao động được di chuyển phải là những người lao động có kĩ năng, do vậy Chính phủ hướng tới việc đào tạo những kĩ năng tối thiểu cho người lao động chứ không chỉ đào tạo trình độ học vấn. Điều đó một phần ảnh hưởng tới số lao động làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức.

Nhà nước có hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Theo đó, người lao động phải trải qua nhiều thủ tục như kiểm tra chứng nhận sức khỏe, nhận dạng vân tay, mua bảo hiểm, cấp hộ chiếu,... Tất cả các công đoạn này sau khi đã hoàn thành sẽ được gửi hồ sơ lên chính quyền Indonesia để lưu trữ trong hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia. Sau đó, mỗi người lao động sẽ được cấp một thẻ nhận dạng ghi đầy đủ thông tin chi tiết về người lao động. Dù người lao động làm việc ở bất cứ đâu trên thế giới, nhờ vào thẻ nhận dạng đó, người ta có thể tìm được tất cả thông tin về người lao động, cũng như rất thuận lợi cho việc bảo vệ người lao động Indonesia ở nước ngoài. Tại các nước đến, có những tổ chức bảo vệ và giúp đỡ những người làm việc này khi có những vấn đề xảy ra. Những người đi lao động nước ngoài sẽ được mua bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo đảm quyền lợi của họ khi có vấn đề xảy ra. Năm 2011, Indonesia đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài trên khắp thế giới, một số nước nhận lao động Indonesia nhiều nhất là Ả rập với 137.637 người nhưng trong đó có 18.977 người gặp các vấn đề rủi ro, Malaysia có 1.282 gặp rủi ro trên tổng số 133.906 người, tương tự ở Đài Loan là 3.520 người/75.562 người, Hồng Kông là 1.808 người/50.252 người, Singapore là 2.972 người/47.503 người, UEA là 6.770 người/39.819 người, Quatar là 3.460/16.578 người. Riêng tại Hàn Quốc, số lao động Indonexia là 11.248 người (không có số lao động rủi ro được thống kê). Riêng ở Malaysia, tổ chức hội đoàn lao động KSBSI đã ký kết thỏa thuận với một hiệp hội lao động ở Malaysia nhằm bảo vệ hỗ trợ cho khoảng 1 triệu lao động Indonesia đang sinh sống và làm việc tại nước này. Vụ Lao động vấn đề theo từng quốc gia thuộc Bộ Nhân lực và Di dân Indonesia cho biết đứng đầu danh sách các vấn đề rủi ro là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, có 11.804 trường hợp gặp phải vấn đề này trong năm 2011, đứng thứ hai là vấn đề làm việc quá thời gian quy định với 9.695 trường hợp, ngoài ra còn các vấn đề rủi ro như bệnh nghề nghiệp, bị đánh đập hay quấy rối tình dục, bị nhiễm bệnh, không được trả lương... Trong tương lai, Indonesia đang hướng tới bảo vệ cả hai nguồn lao động di dân hợp pháp và bất hợp pháp.

Về cơ bản, Indonesia là quốc gia có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, thực trạng di dân của người lao động từ nông thôn ra thành thị diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, đảo Java có diện tích chỉ bằng 7% tổng diện tích cả nước, nhưng tập trung tới hơn 60% cư dân cả nước. Chênh lệch giàu nghèo ở Indonesia diễn ra khá rõ rệt. Bên cạnh các khu trung tâm thương mại sầm uất, Indonesia vẫn tồn tại rất nhiều các khu dân cư lao động, đời sống người dân nhiều nơi còn ở mức rất thấp.

Điểm đáng chú ý là các chính sách về người lao động mất đất, lao động di dân từ nông thôn ra thành thị đều có sự tham vấn chính sách của đại diện các giới, bao gồm chính phủ, giới chủ và đại diện người lao động. Vì thế, chính sách đưa ra thường sẽ có sự thống nhất cao và phù hợp với thực tế quan hệ diễn ra.

Tuy nhiên, cũng như các quốc gia đang phát triển nói riêng và tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung, mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn luôn hiện hữu. Người lao động Indonesia có xu hướng áp dụng các cuộc biểu tình, đình công, bỏ việc với tần suất cao để đấu tranh cho quyền lợi của mình với giới chủ. Thế nhưng trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất lo ngại vì quyền lợi cả về tài sản, thời gian và năng lực sản xuất tại quốc gia này không được bảo đảm. Có vẻ như chính phủ Indonesia đã thực hiện được rất tốt việc bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng việc dàn xếp lợi ích và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư tại quốc gia đông dân thứ sáu thế giới này vẫn chưa thực sự được tốt. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc hai trong số ba ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất đã biến mất khỏi Indonesia.

Từ thực tế của Indonesia, vấn đề quản lý nhà nước về lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp của Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề như:

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người dân tại những vùng mất đất để có thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động và cả nhu cầu của các khu công nghiệp tại đó hoặc để học tự tạo việc làm. Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề phù hợp cho người lao động.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di dân, người lao động nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu tìm việc làm.

- Quản lý chặt chẽ người lao động di dân từ nông thôn ra thành thị bằng việc cấp thẻ điện tử (như là một giấy phép làm việc hay một chứng chỉ đào tạo nghề). Đồng thời tổ chức điều tra hàng năm về tình hình việc làm của người lao động bị mất đất nông nghiệp, di chuyển từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp từ cấp xã.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người lao động di dân để có thể làm đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và giúp người lao động có điều kiện có việc làm ổn định.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di dân tìm việc làm và bảo vệ lao động di dân, thông qua việc cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động di dân....

- Quan tâm đến các điều kiện về vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục và các vấn đề hành chính đối với lao động di dân.

2.4.2. Kinh nghiệm của Ấn Độ

Luật về lao động di dân giữa các bang và lãnh thổ liên bang (quy định về việc làm và điều kiện làm việc) đã được ban hành ngày 11/6/1979 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di dân. Luật này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ của Ấn Độ. Các quy định áp dụng cho bất kì một doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu (sau đây viết tắt là người sử dụng lao động) nào có thuê từ 05 lao động  trở lên di dân giữa các bang và lãnh thổ liên bang. Về việc tổ chức thực hiện như sau:

Chính quyền các bang và lãnh thổ liên bang sẽ chỉ định và thành lập cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm cấp phép đăng ký và kiểm tra quá trình thực hiện của người sử dụng lao động khi họ thuê từ 05 lao động trở lên di dân giữa các bang và lãnh thổ liên bang.  

Người sử dụng lao động phải đăng ký (nộp đơn) việc sử dụng lao động di dân với cơ quan có thẩm quyền và phải chi trả phí đăng ký theo quy định của pháp luật.

Trong vòng một tháng sau khi nhận được đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải cấp chứng nhận hoặc trả lại và nêu rõ lý do.

Trường hợp người sử dụng lao động khai báo không trung thực hoặc thực hiện không đúng cam kết sẽ bị tịch thu giấy chứng nhận và xử phạt theo quy định. Trách nhiệm của người sử dụng lao động: Phát hành cho mỗi một người lao động di dân giữa các các bang và lãnh thổ liên bang một quyển "sổ di dân" (Pass - Book) với đầy đủ các nội dung chi tiết như họ và tên, nơi ở, nơi làm việc, thời gian làm việc, lương và hình thức trả lương, hỗ trợ về thay đổi chỗ ở...

Theo cuộc Tổng điều tra dân số năm 2001 thì có 314,54 triệu người đã thay đổi nơi cư trú, trong đó 29,9 triệu người đã đổi nơi cư trú vì công việc, người sử dụng lao động đã chi trả trợ cấp dịch chuyển tương đương 50% lương hàng tháng hoặc 75 rupees tùy thuộc định mức nào cao hơn, chi trả trợ cấp di chuyển bao gồm chi trả lương trong suốt thời gian di chuyển, tiền nhà ở phù hợp, trang thiết bị y tế, quần áo bảo hộ, mức chi trả phù hợp với công việc và không phân biệt giới tính…

Các vấn đề liên quan đến lao động di dân được xem xét, kiểm tra thông qua nhiều hoạt động đa dạng như phát triển nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, phân bổ hợp lý các nguồn lực để xóa bỏ khoảng cách phát triển các vùng, miền, tạo việc làm, cải tạo đất, tăng biết viết biết đọc, hỗ trợ tài chính…để tạo nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Chính phủ đã có một số chương trình như chương trình lương thực quốc gia, chương trình phát triển các vùng đất hoang hỗn hợp.

Chương trình đảm bảo việc làm nông thôn (Mahatma Gandhi National Rural Employment Guarantee Act - MGNREGA) nhằm đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói nghèo cho đối tượng lao động nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động đang trong tình trạng thiếu việc làm và lao động trong tình trạng thất nghiệp thời vụ tại khu vực nông thôn thông qua việc đảm bảo 100 ngày làm việc được trả công/năm (hầu hết là các công việc lao động phổ thông) và cũng đảm bảo mức thu nhập tối thiểu của các hộ gia đình tham gia Chương trình. Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ người lao động chuyển dịch hướng tới các việc làm bền vững.  

Quá trình hình thành và triển khai Chương trình đảm bảo việc làm nông thôn Ấn Độ (MGNREGA):

Hiện tại, Ấn Độ có khoảng 300 triệu dân sống dưới chuẩn nghèo quốc gia. Thu nhập thấp tiếp tục là rào cản chính đối với con đường thoát nghèo của người dân. Chương trình MGNREGA được bắt đầu triển khai từ 07/9/2005 với mục đích tạo việc làm được trả công cho người lao động nông thôn có nhu cầu, qua đó cải thiện đời sống của người lao động ngay tại khu vực nông thôn. Trong giai đoạn đầu triển khai từ 02/02/2006, Chương trình được triển khai thí điểm tại 200 huyện. Tại giai đoạn tiếp theo từ 2007 - 2008, thêm 130 huyện được tham gia bổ sung vào Chương trình và kể từ ngày 01/4/2008 Chương trình được triển khai trên toàn bộ khu vực nông thôn của Ấn Độ ngoại trừ các huyện/quận đô thị (có 100% dân cư không làm nông nghiệp).

- Đối tượng tham gia: Chương trình MGNREGA dành cho đối tượng lao động khu vực nông thôn trong độ tuổi lao động và sẵn sàng làm các công việc phổ thông. Lao động nữ giới được ưu tiên và theo quy định có 1/3 số việc làm của chương trình dành cho lao động nữ. 

- Nội dung chính sách (loại hình công việc và công trình): Các công việc do người lao động đảm nhận là các công việc phổ thông, không áp dụng máy móc hoặc sử dụng nhà thầu trong thực hiện các công trình thuộc phạm vi của Chương trình MGNREGA. Các công trình được xây dựng trong khuôn khổ của Chương trình là nhà trẻ, hệ thống cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, trạm y tế, trồng rừng và các công trình sinh thái. Trọng tâm của Chương trình tập trung vào các công trình, dự án phục hồi sinh thái, tăng năng suất sử dụng đất và xây dựng các công trình thủy lợi. Có gần 80% số công trình thuộc chương trình liên quan tới phục hồi độ mầu mỡ đất đai và thủy lợi. 

- Cách thức thực hiện: 

+ Đăng ký tham gia chương trình:

Chủ thể đăng ký là hộ gia đình, sau khi đăng ký hoặc thông báo với chính quyền xã. Chính quyền xã sẽ tiến hành xác minh nơi cư trú và tuổi của các thành viên hộ gia đình (chỉ các thành viên đủ tuổi lao động mới được cung cấp việc làm), hộ gia đình đáp ứng điều kiện đươc cung cấp Thẻ lao động (Job Card) sau khoảng thời gian 15 ngày tính từ khi đăng ký. Thẻ lao động cũng đồng thời là thẻ chấm công và thẻ trả công cho đối tượng thụ hưởng khi tham gia lao động trong khuôn khổ Chương trình. Đăng ký làm việc của Hộ gia đình được gửi tới Chính quyền xã hoặc thôn, trong đó nêu rõ khoảng thời gian có thể làm việc, sau đó Hộ gia đình sẽ được cấp giấy biên nhận về ngày nhận đăng ký làm việc của hộ gia đình, theo đó hộ gia đình sẽ được cung cấp việc làm trong khoảng thời gian 15 ngày. Nếu người lao động chưa nhận được việc làm trong khoảng thời gian đó, chính quyền bang có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Thời gian làm việc của người lao động lên tới 100 ngày/năm tùy thuộc vào nhu cầu lao động thực tế. Chương trình quy định rõ tối thiểu 1/3 đối tượng hưởng lợi là nữ giới.

+ Phân bổ công việc:

Công việc được phân bổ trong phạm vi bán kính 5km từ nơi cư trú của hộ gia đình. Trong trường hợp công việc được phân bổ ngoài phạm vi bán kính 5km, người lao động được nhận thêm 10% tiền công để trang trải kinh phí đi lại và sinh hoạt. Ưu tiên tạo việc làm cho đối tượng lao động nữ và tối thiểu 1/3 công việc được phân bổ trong khuôn khổ Chương trình là dành cho lao động nữ giới. Tối thiểu 50% tổng chi phí công trình phải được thực hiện bởi lao động địa phương.   

+ Tiền công:

Tiền công cho người lao động được chi trả căn cứ theo định mức bình quân, theo đó một người lao động làm việc 9 giờ kèm theo 1 giờ nghỉ ngơi được nhận tiền công tối thiểu trong khuôn khổ Chương trình MGNREGA. Tiền công được trả theo tuần và không được chậm chi trả lương cho người lao động quá 02 tuần. Việc chi trả tiền công bắt buộc phải được chi trả qua tài khoản ngân hàng hoặc qua tài khoản tiền gửi bưu điện. 

+ Cơ cấu ngân sách:

Dựa theo cơ chế đồng tài trợ giữa Chính quyền trung ương và Chính quyền bang. Chính quyền trung ương tài trợ 100% kinh phí tiền công đối với lao động phổ thông và 75% chi phí nguyên vật liệu và tiền công trả cho lao động có tay nghề và lao động trình độ trung cấp. Chính phủ các bang tài trợ 25% chi phí nguyên vật liệu và tiền công trả cho lao động có tay nghề và lao động trình độ trung cấp. Chính phủ các bang chịu trách nhiệm chi trả 100% trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Trong năm tài khóa đầu tiên triển khai Chương trình (2006-2007), tổng ngân sách của Chương trình là 2,5 tỷ USD.

- Kết quả thực hiện Chương trình trong những năm qua:

Kể từ năm 2005, Chương trình đã triển khai 146 triệu công trình trên toàn quốc, trong đó có 60% số công trình đã hoàn thiện, đi vào sử dụng, cụ thể là:

+ 19% số công trình thuộc về lĩnh vực giao thông nông thôn (xây dựng đường xá, cầu cống phục vụ giao thông nông thôn);

+ 25% số công trình thuộc về lĩnh vực thủy lợi và cấp nước sinh hoạt;

+ 14% số công trình liên quan tới xây dựng và tu bổ kênh đào, đường thủy;

+ 13% số công trình phục vụ phòng chống lụt và ngăn ngừa hạn hán;

+ 13% số công trình liên quan tới hoạt động khai hoang;

+ 14% số công trình được xây dựng trên đất sở hữu tư nhân (diện tích đất của các hộ gia đình ở các khu vực chiếm tới 89% tổng số diện tích canh tác tại địa phương, các hộ sống dưới mức nghèo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng của thu hồi đất...).

Số ngày làm việc trung bình của mỗi thành viên/hộ gia đình tham gia Chương trình trong giai đoạn 2008-2009 là 48 ngày và 47 ngày trong giai đoạn 2010-2011. Về việc cấp Thẻ lao động, có 93% số hộ gia đình tại khu vực nông thôn được cấp thẻ lao động so với mức bình quân cả nước là 68% trong giai đoạn 2009-2010. 

Từ thực tế của Ấn Độ, vấn đề quản lý nhà nước về lao động di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp của Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề như:

- Nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề lao động di dân: Cần tuyên truyền và phổ biến để nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề lao động di dân trong quá trình phát triển đối với người lao động, người sử dụng lao động, các cấp (nhất là chính quyền cơ sở), các ngành để thống nhất về nhận thức và thực hiện.

- Từng địa phương phải chăm lo giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ sẽ có lợi cho người lao động.

- Xây dựng các quỹ phúc lợi xã hội cho một số lao động đặc thù trong khu vực phi kết cấu. Các quỹ này được sử dụng để cung cấp các hoạt động phúc lợi rất đa dạng cho người lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, hỗ trợ giáo dục, cung cấp nước sạch… Hình thành tổ chức để thực hiện và phát triển các hoạt động hỗ trợ lao động di dân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với lao động di dân. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với lao động di dân: tổ chức rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ lao động di dân về học nghề, lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập, đời sống... đối với lao động di dân. Nghiên cứu, xây dựng luật lao động di dân để hỗ trợ và quản lý người lao động di dân.

- Tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và khảo sát học tập ở một số nước để có thêm các chính sách, mô hình trong việc quản lý, hỗ trợ lao động di dân và lao động ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp như Trung Quốc, Philippines...

 

 

 

Chương 3

CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA

ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

 

3.1. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VỀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ

Bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy di dân lao động sẽ diễn ra với quy mô ngày càng lớn trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều quốc gia đã phải trả giá do thiếu quan tâm đến quá trình này. Mặc dù ảnh hưởng về tâm lý - xã hội đối với gia đình và bản thân người di dân là không thể tránh khỏi song trước sức ép của cuộc sống và nhu cầu mưu sinh, người dân vẫn chấp nhận vất vả, bất kể những rào cản và khó khăn để rời quê hương đi làm ăn xa. Các chính sách và chiến lược cần có tầm nhìn xa hơn và toàn diện hơn, cần gắn với xu hướng di dân và di chuyển lao động, tiến tới ổn định đời sống cho người lao động, giảm thiểu những khó khăn và rủi ro mà người lao động di dân phải gánh chịu, thay vì can thiệp trực tiếp hay tìm cách kiểm soát quá trình khách quan này.

Việt Nam cần tiến tới xây dựng các chính sách toàn diện, nhất quán và trực tiếp về di dân nội địa nói chung và lao động di dân nói riêng trên cơ sở nhận thức đầy đủ về những tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các giải pháp về chính sách chỉ là một trong số nhiều nhóm giải pháp khác đối với vấn đề lao động di dân và đòi hỏi cần sự thực hiện đồng bộ, phối kết hợp với nhau nhất là khả năng đánh giá, dự báo sự phát triển của các dòng lao động di dân để có các cơ chế, chính sách cho phù hợp. Do vậy, cần kiện toàn hệ thống chính sách về di dân nội địa nói chung và di dân lao động nói riêng. Việc ban hành một hệ thống chính sách mới, toàn diện để hỗ trợ riêng cho nhóm lao động di dân từ nông thôn là cần thiết. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại hiệu quả, những hạn chế, bất cập của chính sách phát triển nhà cũng như các quy định cho vay vốn từ Quĩ phát triển nhà ở,… Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ tính giá điện, nước sinh hoạt phù hợp cho nhóm lao động di dân.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong điều kiện di dân nông thôn – đô thị đối với khu vực nông thôn cần hướng đến việc tạo cơ hội để đa dạng hóa và nâng cao thu nhập trong khu vực nông thôn, nhằm giảm bớt xu hướng di chuyển dân vào các thành phố lớn; đồng thời giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh từ mất cân đối về cơ cấu lao động và dân số trong nông thôn do di chuyển lao động trẻ, khỏe, có trình độ văn hóa và kỹ thuật ra làm việc ở thành phố.

Đối với khu vực đô thị, hệ thống chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, khả năng của nền kinh tế và có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Lao động di dân cần trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển bền vững. Do vậy các quan điểm cơ bản sau đây cần được bổ sung:

- Tạo việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của mọi người lao động; Nhà nước tạo môi trường pháp lý giải phóng triệt để sức sản xuất, sức lao động để mọi người đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm bền vững và tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội tiếp cận việc làm.

- Nhà nước quy định các tiêu chuẩn lao động bao gồm việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội và các điều kiện làm việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và những người làm công hưởng lương; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

- Nhà nước quy định chính sách điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội; thực hiện phân phối lại thông qua an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững và gắn với phát triển; giảm dần khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.

- Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển; giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Bậc tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc, không mất tiền.

- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc y tế miễn phí (dù có hay không có thẻ Bảo hiểm y tế); Nhà nước hỗ trợ nhóm người nghèo, nhóm nhập cư và nhóm yếu thế tham gia bảo hiểm y tế.

- Nhà nước quy định hệ thống chính sách an sinh xã hội hoàn chỉnh, đa tầng, bao gồm chính sách thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Mọi công dân đều có quyền tham gia hệ thống chính sách an sinh xã hội; được tạo cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

- Nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương như người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, nhóm dân số, lao động nhập cư nghèo từ nông thôn ra thành thị làm việc và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.

- Việc bảo đảm các quyền cơ bản của lao động di dân là cần thiết nhưng đồng thời phải có các giải pháp hạn chế sự lạm dụng các quyền này (ví dụ có thể xây dựng khu nhà ở giá rẻ cho lao động di dân nhưng cần có các điều kiện cụ thể để được ở như: thời gian tối thiểu đã ở tại địa phương, điều kiện về nhân khẩu, sức khỏe, khống chế thời gian được hưởng chính sách trợ giúp về nhà ở…); ngoài sự trợ giúp về tài chính cần có sự trợ giúp về xã hội (kĩ năng sống…) để giúp họ tự bản thân hòa nhập với cuộc sống nơi đến.

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng những ưu đãi đối với lao động di dân vì như vậy sẽ khuyến khích sự di dân ồ ạt và khó thực hiện công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh pháp luật là sự bảo vệ các thành viên trong xã hội, ở góc độ quyền con người thì ai cũng có quyền được hưởng các quyền mà Hiến pháp đã ghi nhận và xuất phát từ vai trò của Nhà nước thì mọi người dân đều có quyền được hưởng lợi ích một cách tốt nhất. Mặt khác, những đóng góp của lao động di dân vào sự phát triển kinh tế, xã hội là không thể phủ nhận. Vì vậy, cần có những chính sách, pháp luật bảo vệ họ trước những khó khăn, hạn chế của cuộc sống.

Mặc dù lao động nhập cư cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội nhưng cũng cần nhìn nhận di dân đóng vai trò trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Do đó, cần một chính sách tập trung để tối ưu hóa các lợi ích tiềm năng của di dân cho bản thân người di dân và cho xã hội nói chung. Cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu, hạn chế các yêu cầu về hộ khẩu trong việc đăng kí các dịch vụ, cải thiện chính sách nhà ở xã hội, luật lao động, luật bảo trợ xã hội, y tế và các chương trình xóa đói giảm nghèo, nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng cho tất cả mọi công dân Việt Nam cho dù họ là người dân tạm trú hay thường trú. Đối với lao động tự do, cần quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến tiếp cận an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nhất là đối với lao động nữ di dân tự do. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với mục tiêu phát triển xã hội. Lao động nữ cần có các dịch vụ y tế phù hợp và nhạy cảm giới, được cung cấp thông tin, kiến thức và dịch vụ sức khoẻ sinh sản, phương tiện phòng tránh thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS tại nơi ở và nơi làm việc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động có thu nhập thấp ở các trung tâm đô thị và đối với phụ nữ trẻ làm việc và sinh sống tại các khu công nghiệp.

Ngoài ra, để tạo ra sự đồng bộ và hệ thống về chính sách, pháp luật, cũng cần quan tâm bảo đảm quyền lợi cho nhóm đối tượng lao động di dân trong một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ như:

- Lồng ghép đối tượng là người lao động tự do di dân vào các chương trình phát triển và xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là những chương trình có mục tiêu giảm nghèo. Hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2010-2020 đã phần nào công nhận di dân trong nước là một vấn đề của phát triển. Tuy nhiên, rất nhiều chính sách chiến lược lại không công nhận điều này dẫn tới sự không thống nhất và đồng bộ trong chính sách. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần phải xác định vai trò của di dân lao động trong nước như một động lực của sự phát triển đồng thời giải quyết toàn diện các nhu cầu cần được bảo trợ xã hội của người di dân: như hỗ trợ về nhà cửa, việc làm và tiếp cận vốn vay ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục, nắm bắt được nhu cầu của từng nhóm di dân khác nhau trong tổng số lao động phổ thông.

-  Lồng ghép chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chương trình mục tiêu khác (Chương trình việc làm, Chương trình giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn…). Điều kiện cơ bản nhất để người lao động di dân chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là phải có việc làm với giá trị và thu nhập tương xứng, có tích lũy để có khả năng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do vậy, muốn mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược việc làm, xóa đói giảm nghèo…

 Để có thể đưa ra những hoạch định chính sách hiệu quả và thiết thực với lao động di dân tự do trong nước, Nhà nước cần có một hệ thống cập nhật các thông tin, số liệu đầy đủ về số lượng, cơ cấu của lao động di dân. Hiện nay, chỉ có cuộc tổng Điều tra Dân số và Nhà ở (năm 1999 và 2009) có cỡ mẫu lớn và cho phép đưa ra những số liệu đại diện quốc gia về người di dân tự do. Nhưng như trên đã trình bày, số liệu của hai cuộc điều tra này có nhiều hạn chế, đặc biệt là không phân tách ra được người lao động di dân tạm thời hay mùa vụ trong khi đó đây là dòng di dân chiếm tỷ trọng lớn trong những năm gần đây. Ở cấp địa phương, cho đến nay, cũng chưa có số liệu thống kê một cách hệ thống số lượng lao động di chuyển đi hoặc đến. Và do đó, chính sách quản lý lao động di dân hiện nay chưa thể bao trùm toàn bộ các đối tượng lao động nhập cư, đặc biệt là bộ phận lao động trong khu vực phi chính thức. Hệ quả là, việc đầu tư trong hoạt động quy hoạch và lập kế hoạch đô thị dựa trên bằng chứng chưa được đầy đủ. Từ đó cho thấy rất cần nâng cấp hệ thống thông tin phục vụ cho việc hoạch định chính sách quản lý và điều tiết lao động di dân vào các thành phố lớn. Cho đến nay, chưa có một số liệu thống kê một cách hệ thống số lượng lao động di chuyển vào các đô thị lớn qua các năm. Trên thực tế, thông tin về một số loại hình lao động di chuyển ngắn hạn, theo mùa vụ, di chuyển không đăng ký thường không được thu thập do không nằm trong định nghĩa về di dân của các cuộc điều tra di dân. Do đó, cần thay đổi trong phương pháp thông kê, điều tra về dân số trong thời gian tới đối với đối tượng di dân.

Chính phủ cũng cần phải giao nhiệm vụ cho một cơ quan làm đầu mối, chủ trì trong công tác quản lý về lao động di dân tự do, khắc phục tình trạng quản lý phân tán ở nhiều cơ quan chức năng như hiện nay. Do không có một cơ quan nào tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc xây dựng chính sách, quản lý người di dân nên các cách làm, quyết định riêng rẽ của các tỉnh, thành phố tỏ ra manh mún, không đồng bộ và kém hiệu quả. Ví dụ như trường hợp thành phố Đà Nẵng năm 2011 tạm dừng việc nhập hộ khẩu cho dân nhập cư (thuê, mượn nhà, không có việc làm ổn định) đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau. Theo nhóm nghiên cứu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị phù hợp nhất trong việc giải quyết các vấn đề lao động di dân tự do trong nước vì Bộ này chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lao động và việc làm. Vì thế, Chính phủ cần có một cơ chế cụ thể quy định các trách nhiệm trực tiếp mà Bộ này phải có đối với lao động di dân và bản thân Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có kế hoạch hay ban hành chính sách cụ thể để đáp ứng nhu cầu và ứng phó với rủi ro của người lao động di dân tự do. Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng các Bộ, ngành khác (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế,…) cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi đây là một vấn đề có tính chất liên ngành cao.

Một điểm nữa cũng cần quan tâm đó là, cần sớm hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền của nhóm lao động di dân nói chung và lao động di dân tự do nói riêng. Các cơ chế hỗ trợ pháp lý cho nhóm lao động này cũng cần có sự đổi mới hơn nữa. Ví dụ, có thể xem xét bổ sung toàn bộ nhóm lao động di dân tự do vào nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước chứ không bó hẹp trong một số trường hợp như hiện nay. Dĩ nhiên, nhóm lao động di dân tự do cũng cần đáp ứng được những điều kiện nhất định (điều kiện về kinh tế khó khăn, nghèo…) để được hưởng chính sách miễn phí này. Và cuối cùng, điều quan trọng nền tảng là cần có biện pháp tuyên truyền hợp lý, hữu hiệu để lao động di dân có thể nắm được quyền cũng như nghĩa vụ của mình nhiều hơn nữa.

 

3.2. HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA ĐÔ THỊ TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC CỤ THỂ

3.2.1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hộ khẩu

Qua các phân tích ở các phần trên cho thấy, quản lý dân cư thông qua “hộ khẩu” dẫn đến một số hạn chế nhất định đối với lao động di dân (nhất là đối tượng di dân tự do, làm việc ở các khu vực phi chính thức). Nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng hộ khẩu như một công cụ nhằm phân biệt người di dân với người địa phương, làm cản trở sự tiếp cận của họ đối với các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc quản lý hộ khẩu cũng cần có cách tiếp cận thích hợp, tách tối đa chức năng kinh tế - xã hội, trong bối cảnh hiện nay theo hướng linh hoạt hơn và không gây phiền hà cho người dân. Chẳng hạn, trong các tranh luận gần đây, những nhà lập pháp chống lại hộ khẩu đề nghị rằng hoặc bãi bỏ hệ thống này và sử dụng chứng minh nhân dân được thêm thông tin về hộ gia đình của người sở hữu hoặc kết hợp hộ khẩu và chứng minh nhân dân thành một cái gọi là “giấy phép cư trú” hoặc “thẻ cư trú điện tử” – một phương pháp quản lý hiện đại hơn.

Năm 2014, Luật Căn cước công dân đã được ban hành, theo đó, từ ngày 1/1/2016, công dân Việt Nam sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân (thay thế cho Chứng minh nhân dân). Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, nên sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, dự kiến đến 31/12/2019 sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Bên cạnh đó, các thông tin trên thẻ căn cước công dân được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể chứng minh các thông tin trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải xuất trình một số giấy tờ khác của công dân như: Giấy khai sinh; các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; các giấy tờ chứng minh dân tộc của công dân... Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người. Đây là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu. Với việc quy định số định danh cá nhân được ghi trên thẻ căn cước công dân sẽ giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ không cần thiết.

Di dân nông thôn – đô thị là kênh có tác động mạnh làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo lao động vốn đang còn lạc hậu theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động là con đường phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Vì thế, chính sách di dân nông thôn – đô thị không lấy khả năng tiếp nhận di dân đến mà nên lấy nhu cầu phát triển làm điểm xuất phát. Chính vì vậy, cần tạo điều kiện thông thoáng cho dòng di dân này diễn ra trôi chảy. Theo đó, cần tách chức năng kinh tế, xã hội ra khỏi "sổ hộ khẩu". Phải coi sức ép của dân số lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh. Việc quản lý hành chính dân cư nhằm xác định việc cư trú của công dân, tăng cường quản lý xã hội an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là hết sức cần thiết. Song hệ thống đăng ký hộ khẩu đến nay đã được gán cho những "chức năng" mới không có hoặc rất ít liên quan đến mục đích của nó. Quy định sử dụng hộ khẩu thường trú (trên sổ hộ khẩu hoặc Thẻ căn cước công dân theo quy định mới) như một tiêu chí đầu vào của người dân nếu muốn tiếp cận các dịch vụ xã hội là cực kỳ bất hợp lý và cần loại bỏ. Đã đến lúc phải trả lại cho hộ khẩu chức năng vốn có của nó. Chính vì vậy, cần xóa bỏ mọi quy định sử dụng hộ khẩu như một tiêu chí đầu vào của người dân nếu muốn tiếp cận các chính sách và dịch vụ xã hội để nhóm di dân nông thôn – đô thị bình đẳng với nhóm dân cư đô thị trong thụ hưởng các chính sách xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, đời sống (điện, nước), an sinh xã hội, vay vốn…). Nếu thực hiện chính sách này, các cơ quan có liên quan cần tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đang có quy định hộ khẩu là tiêu chí để tiếp cận các dịch vụ nêu trên (đã nêu ở Chương 2 của Đề tài). Đi kèm với việc thay đổi chính sách này, các địa phương, nhất là các đô thị cần có sự cân đối để có một nguồn ngân sách riêng hỗ trợ an sinh xã hội, giáo dục cho các đối tượng lao động di dân tự do, tránh gây sức ép trong thực tế khi mở rộng đối tượng được tiếp cận các dịch vụ xã hội không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay không.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần cung cấp thông tin và phổ biến rõ ràng các thủ tục cấp phép tạm trú cho người lao động để giúp cho họ tránh được những khó khăn rủi ro và lệ thuộc vào chủ trọ khi xin giấy phép cư trú.

3.2.2. Chính sách, pháp luật về lao động việc làm, an sinh xã hội

Thứ nhất, đối với chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cần có những thay đổi sau đây:

- Hoàn thiện chính sách kinh tế theo hướng tiếp tục giải phóng sức sản xuất, sức lao động, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, tạo cầu lao động với chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn (nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội...).

- Hoàn thiện hệ thống giao dịch trên thị trường lao động, đảm bảo cho mọi người lao động, kể cả nhóm lao động nhập cư từ nông thôn ra thành thị có cơ hội việc làm thông qua phát triển hệ thống dịch vụ kết nối cung - cầu lao động.

- Tiếp tục đổi mới về chính sách lao động, việc làm nông thôn, trên cơ sở đổi mới chính sách và định hướng về đào tạo cho lao động nông thôn. Để tạo cơ hội và điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận thị trường lao động hiện nay một cách chủ động, cần có ba định hướng chính trong chính sách đào tạo cho lao động nông thôn: một bộ phận lao động nhằm cung cấp cho các ngành kinh tế quốc dân, công nghiệp, xây dựng; một bộ phận lao động có tính chuyên lao động trong nông nghiệp thực sự làm nông nghiệp, có tay nghề, trình độ và am hiểu kỹ thuật nông nghiệp; một bộ phận lao động nghề nhằm chuyên phát triển ngành phi nông nghiệp trong nông thôn. Có như vậy, lao động nông thôn mới được tổ chức và việc cung cấp lao động mới đảm bảo những yêu cầu cho phát triển trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn cụ thể có khả năng thích ứng tốt hơn cho thị trường lao động và hạn chế sự rủi ro của người lao động. Ngoài ra, trước tình hình đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, cần phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thực hiện phân công lao động tại chỗ nhằm tạo điều kiện việc làm và tính ổn định cho những lao động ít có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

- Tổ chức đăng ký và cấp thẻ lao động cho những người di dân tự do nông thôn - đô thị: Để kiểm soát dân di dân tự do nông thôn - đô thị, cần thiết phải ban hành quy chế về quản lý lao động, tổ chức đăng ký và cấp thẻ lao động cho những người di dân tự do nông thôn - đô thị. Bởi vì, về thực chất, những người di dân tự do nông thôn - đô thị là những lao động từ khu vực nông thôn ra khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm. Vì thế, việc ban hành quy chế đăng ký và cấp thẻ lao động là biện pháp để có thể quản lý xã hội chặt chẽ với nhóm xã hội này[91].

- Đối với đối tượng lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức, Nhà nước cần tập trung các chính sách giúp cho họ nâng cao năng lực để có thể chủ động tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân mình, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra các chủ sử dụng lao động tự do để có các biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ quyền cho lao động tự do.

- Để góp phần ổn định đời sống cho người dân lao động tự do cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để áp dụng giá điện bậc thang giống như các hộ gia đình cho người lao động di dân theo Thông tư số 08/2010/TT-BCT ngày 24/02/2010. Cần có thêm chính sách tương tự quy định giá nước sinh hoạt sử dụng đối với người thuê trọ. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách cũng như xử lý triệt để đối với các vi phạm để người lao động và chủ nhà trọ nắm được.

- Đối với một số lao động di dân tự do đặc thù cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền của họ, ví dụ như lao động giúp việc gia đình. Hiện nay mặc dù đã có các văn bản pháp luật mới điều chỉnh vấn đề này (như đã nêu ở Chương 2) nhưng vẫn chưa thực sự bảo đảm được quyền lợi, nghĩa vụ của họ, cụ thể :

+ Pháp luật cần quy định trách nhiệm quản lí đối tượng lao động là người giúp việc gia đình thuộc về Phòng lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan này có thẩm quyền chuyên môn sẽ thực hiện vai trò quản lí lao động giúp việc gia đình một cách hiệu quả.

+ Pháp luật cần quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người giúp việc gia đình. Trong tương lai, người giúp việc gia đình cần phải được cấp chứng chỉ hành nghề khi thực hiện các công việc trong gia đình. Đó chính là tính chuyên môn hoá trong hoạt động giúp việc gia đình. Điều này sẽ rút ngắn khoảng cách về văn hoá, lối sống giữa người sử dụng lao động và người giúp việc, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra giữa các bên. Đào tạo, bồi dưỡng nghề là việc làm cần thiết và pháp luật nên quy định cho các trung tâm dịch vụ việc làm, các liên đoàn lao động chủ động tổ chức các lớp học để người giúp việc tham gia. Khi người giúp việc được đào tạo các kĩ năng cơ bản, có chứng nhận về kĩ năng nghề thì mức tiền lương sẽ được tăng lên cũng như có cơ hội được làm việc và đối xử bình đẳng, công bằng, được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm.

+ Pháp luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của các trung tâm dịch vụ việc làm và cơ quan quản lí trung tâm dịch vụ việc làm. Pháp luật quy định cụ thể mức phí môi giới, trách nhiệm của trung tâm dịch vụ việc làm trong hoạt động giới thiệu giúp việc gia đình, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động, người giúp việc gia đình trong trường hợp trung tâm dịch vụ việc làm gây ra thiệt hại. Đồng thời pháp luật quy định cụ thể cơ quan quản lí các trung tâm dịch vụ việc làm, quy định cụ thể về cấp phép, hành nghề và quản lí hoạt động của các trung tâm này khi thực hiện hoạt động liên quan đến lao động là người giúp việc gia đình.

+ Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động chưa thành niên và các chế độ ưu đãi khác (về lương, về học văn hoá, học nghề...) khi sử dụng đối tượng lao động đặc thù này. Pháp luật Philippines quy định: “Nếu người giúp việc gia đình dưới 18 tuổi thì người sử dụng lao động phải tạo cơ hội cho người đó đi học, tối thiểu là bậc tiểu học. Chi phí học sẽ được coi là một phần tiền công của người giúp việc trừ khi có quy định khác” (Điều 146 Bộ luật lao động năm 1974). Đây cũng là quy định để Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật.

+ Pháp luật cần tăng mức chế tài khi các bên vi phạm hoạt động giúp việc gia đình, đặc biệt là các chế tài đối với hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động và dùng vũ lực đối với người giúp việc gia đình. Luật lao động của Campuchia quy định những người vi phạm về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc bị cấm hoàn toàn theo Công ước quốc tế số 29 về lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc, được ILO thông qua vào ngày 28/6/1930 và được Vương quốc Campuchia phê chuẩn đều chịu phạt 61 đến 90 ngày lương cơ bản hoặc bị tù từ 6 ngày đến 1 tháng (Điều 369).

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm đối với giúp việc gia đình. Pháp luật cần tạo hành lang pháp lí để cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thường xuyên hoạt động này. Giúp việc gia đình sẽ phát huy hiệu quả nếu có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, giám sát và xử lí vi phạm. Bên cạnh những giải pháp nêu trên, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức, thái độ của người sử dụng lao động, người giúp việc và xã hội đối với giúp việc gia đình. Phải xem giúp việc gia đình là một nghề chính danh được xã hội thừa nhận và pháp luật tạo hành lang bảo đảm thực hiện. Giúp việc gia đình cần được quan tâm và có định hướng phát triển để tạo việc làm bền vững cho người giúp việc.

Thứ hai, về chế độ an sinh xã hội:

- Lao động tự do từ nông thôn ra thành thị do không có tổ chức và trên thực tế là khó kiểm soát, nên họ dễ gặp rủi ro và dễ bị tổn thương. Do vậy, nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng này là rất cần thiết và chính đáng. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội cho người lao động di dân, nhưng tập trung chủ yếu cho nhóm lao động di dân trong khu vực chính thức. Còn hình thức di dân tự do từ nông thôn ra thành thị là một lực lượng rất lớn, song chính sách cho đối tượng này còn chưa nhiều.

Mục tiêu của chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2020 là tăng nhanh tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế để tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Hết năm 2015, phấn đấu có khoảng 75% người tham gia bảo hiểm y tế[92]. Để thực hiện thành công các mục tiêu này nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải có những chính sách "mở” để hỗ trợ cho những đối tượng lao động di dân tự do. Trong đó phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di dân để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để lao động di dân tiếp cận được với chính sách bảo hiểm y tế cũng như an sinh xã hội.

- Cần tạo điều kiện để người lao động di dân tự do được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thể liên kết và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đồng thời thiết lập hệ thống cộng tác viên cấp cơ sở hỗ trợ người lao động trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…); nắm bắt tình hình, khả năng đóng để vận động, khuyến khích họ tham gia; cần thiết thì phải có chính sách hỗ trợ đối với họ (giống như  bảo hiểm y tế cho người nghèo), hình thức hỗ trợ có thể theo tỷ lệ % hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi để họ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguồn quỹ cho vay bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động này có thể thông qua thành lập Quỹ An sinh xã hội ở cơ sở từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của nhân dân và hỗ trợ quốc tế. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của lao động di dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện  để họ hiểu, tin tưởng và tham gia.

- Lao động di dân tự do (khu vực phi chính thức) làm việc thường không có hợp đồng lao động nên họ chỉ có thể tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Do điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, mức độ gặp rủi ro cao hơn nhưng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động lại không có trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, không khuyến khích được lao động di dân phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hơn nữa, bản thân người lao động di dân tự do phải lo kiếm sống, thu nhập là vấn đề quan trọng nhất và thông tin cũng hạn hẹp nên nhiều người không quan tâm đến các vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nhóm nghiên cứu cho rằng Nhà nước cần xem xét mở rộng dần phạm vi của chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyên để đảm bảo, thúc đẩy việc tham gia của người lao động tự do. Trước hết, nên sớm bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ di dân khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[93]. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động di dân dễ dàng tiếp cận; Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh cho linh hoạt, phù hợp với đặc thù lao động… nhằm tạo niềm tin tưởng của người lao động di dân khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Quy định cụ thể về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn thông tin về chính sách an sinh xã hội, về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện đến lao động di dân trên các kênh thông tin phù hợp như: thông qua chủ nhà trọ, chi hội phụ nữ, tổ dân phố,… Các địa phương nơi lao động di dân cư trú cần cung cấp thông tin về quy định pháp luật liên quan đến các điều kiện về cư trú và các chính sách an sinh xã hội,… để tăng khả năng tự bảo vệ của người lao động.

- Đối với bảo hiểm y tế, đề nghị Nhà nước cần xây dựng ngay lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho lao động di dân.

- Có chính sách để lao động di dân được tiếp cận với hệ thống bảo trợ và cứu trợ xã hội chính thức khi gặp rủi ro, từ phía chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tự nguyện và nhất là từ các doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động.  Nhà nước cần thường xuyên điều chỉnh mức trợ giúp xã hội cho phù hợp từng thời kì bắt kịp với những biến động của thị trường nhằm bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu. Có cơ chế khuyến khích, tuyên truyền vận động, hỗ trợ để người lao động di dân tiếp cận được với hệ thống bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh tại nơi đến (giống như chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo). Chính quyền nơi đến cần có sự quan tâm về chế độ nhà ở như khu nhà cho thuê, bán nhà thu nhập thấp, với các điều kiện sống an toàn, ổn định, và đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Đối với một số loại hình lao động tự do di dân khác, ví dụ như lao động giúp việc gia đình, pháp luật cần quy định thống nhất chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động là người giúp việc gia đình trong Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ số 27/2014/NĐ-CP. Pháp luật xác định rõ loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cụ thể mà người giúp việc gia đình được hưởng. Quy định này tạo cơ sở cho người giúp việc gia đình được bảo đảm sức khoẻ, có nhiều cơ hội cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội.

3.2.3. Chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo

Những khó khăn đối với việc tiếp cận giáo dục công lập của con em người lao động di dân tự do chủ yếu do nhu cầu tăng đột biến, cục bộ tại một số tỉnh thành, khu vực và vấn đề liên quan đến hộ khẩu. Nếu như chính sách liên quan đến hộ khẩu được thay đổi theo hướng đã nêu ở mục 3.2.1. ở trên thì đồng thời cần phải có sự thay đổi trong quy định về phân cấp ngân sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Như đã nêu, ngân sách cấp chủ yếu căn cứ trên số người trên hộ khẩu nhưng số lượng người trong độ tuổi đi học ở các tỉnh/thành phố, nhất là các đô thị thường lớn hơn nhiều. Trong khi đó, các địa phương khác mặc dù có nhiều lao động di dân đi nơi khác nhưng vẫn được cấp ngân sách dựa trên số người đăng ký thường trú (hộ khẩu) tại địa phương. Ví dụ như trong năm 2013, tỉnh Bình Dương (một trong những địa phương thu hút lao động nhập cư lớn của cả nước) tăng thêm 24.000 học sinh đến từ con em lao động di dân và điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư thêm phòng học với số tiền dự tính cần thêm 2.000 tỷ đồng[94]. Đây là điều rất khó khăn với Bình Dương mà cần chính sách điều tiết từ vĩ mô. Nhóm nghiên cứu đề nghị phân bổ ngân sách giáo dục, đào tạo nên dựa trên số người trong độ tuổi đi học thực tế của địa phương (không tính có hộ khẩu hay không) để tạo ra sự hợp lý và bình đẳng giữa các địa phương với nhau.

Để làm được việc đó, trước hết cần có những khảo sát, điều tra và dự báo hàng năm đối với nhu cầu học sinh ở các bậc học, từ đó có đề xuất dự kiến ngân sách năm sau cũng như có kế hoạch bố trí xây dựng trường lớp hợp lý nhất là tại các tỉnh, thành phố thu hút đông lao động di dân. Đối với các địa phương đã có cơ sở hạ tầng, nếu thiếu giáo viên Nhà nước hỗ trợ các trường trả lương cho giáo viên, hỗ trợ trường kinh phí đào tạo học sinh là con em lao động di dân. Thậm chí việc hỗ trợ này cũng không ngoại trừ đối với các trường dân lập nếu họ nhận con em lao động di dân để đào tạo. Điều này sẽ giúp đảm bảo quyền được đi học của trẻ em, giảm khó khăn đối với lao động di dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng trường học tại các địa phương có đông lao động di dân nhằm đáp ứng nhu cầu học của con em họ trên cơ sở các dự báo về tình hình di dân và số lượng con em lao động di dân đến độ tuổi đi học.

 

3.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TỪ CHÍNH QUYỀN

Theo dự báo chung, xu hướng di dân ở nước ta những năm tới còn tiếp tục diễn ra mạnh. Theo Tổng cục Thống kê (năm 2011), dự báo tỷ lệ dân số di dân nông thôn ra đô thị trên tổng số dân thành thị sẽ tăng từ 8.9% năm 2009 lên 11% năm 2019, trong khi tỷ lệ người di dân từ đô thị đến đô thị trên tổng số dân đô thị sẽ giảm từ 7.4% năm 2009 xuống 6.7% năm 2019[95].

Di dân ngoại tỉnh vào các thành phố lớn nói chung là một xu thế tất yếu. Hiện tượng di dân xuất phát từ sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị. Ngoài những nguyên nhân kinh tế, còn có những nguyên nhân phi kinh tế khác mà chúng ta đã thấy ở trên. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cần phải nắm bắt tính quy luật nội tại của hiện tượng di dân để vận dụng vào việc hoạch định các chính sách, các biện pháp điều tiết nó vì mục tiêu phát triển. Quan điểm ở đây là không để quá trình di dân ngoại tỉnh (mà đặc biệt là di dân mang tính chất thời vụ) vào đô thị trở thành một quá trình tự phát, nhưng đồng thời cũng không nên duy ý chí, quản lý quá trình này bằng mệnh lệnh hành chính một cách cứng nhắc. Vấn đề quản lý và điều tiết hiện tượng di dân ngoại tỉnh vào đô thị liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các cấp quản lý. Do đó các giải pháp phải có tính đồng bộ cao. Các giải pháp quản lý và điều tiết tình trạng di dân ngoại tỉnh vào đô thị phải mang tính hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, cả về trước mắt cũng như lâu dài.

Giải pháp thường thấy tại các tỉnh thành phải đối mặt với luồng nhập cư lớn là áp dụng các tiêu chí, điều kiện chặt chẽ để kiểm soát và quản lý người nhập cư. Các chính sách quản lý lao động nhập cư xiết chặt được xây dựng dựa trên lập luận cho rằng lao động nhập cư thường là đi kèm với các gánh nặng khác cho các dịch vụ xã hội cũng như là làm tăng thêm tính nghiêm trọng của các vấn đề xã hội đang diễn ra. Cách đặt vấn đề như vậy không thể cho thấy đóng góp tích cực của lao động nhập cư tới sự phát triển của tỉnh thành nơi họ di chuyển đến. Bên cạnh đó, đối xử không công bằng sẽ mang lại các hậu quả về mặt dài hạn đối với lao động bị phân biệt đối xử - là những lao động thứ cấp và có ít cơ hội thăng tiến. Vì vậy, một chính sách quản lý lao động nhập cư xiết chặt có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói kinh niên và các vấn đề xã hội khác. Nó sẽ càng làm xấu đi tình trạng của lao động nhập cư, đặc biệt là không giải quyết được triệt để gốc rễ của vấn đề mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển và tương lai của thành phố. Chính quyền thành phố phải có biện pháp đáp ứng những nhu cầu sống thiết yếu của người dân di dân như giúp họ tiếp cận các cơ hội về nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục. Giải quyết vấn đề lao động tự do là phải bằng mọi biện pháp chủ động hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đối với các vấn đề kinh tế - xã hội và an ninh trật tự tại nơi đến và nơi đi.

Ở đây, chúng ta có thể đề cập đến các nhóm giải pháp mang tính định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, là nhóm giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của di dân ngoại tỉnh vào đô thị. Nhóm giải pháp này cần tập trung vào vấn đề cải thiện khả năng tiếp cận tới thông tin thị trường lao động và các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và y tế cho lao động nhập cư và gia đình họ. Cụ thể như:

- Cần phải có chiến lược quy hoạch mở rộng thành phố đô thị, phát triển các khu đô thị vệ tinh, thông qua đó để giảm áp lực cho sự gia tăng dân số quá mức ở khu vực nội thành, đồng thời tạo thế phát triển về kinh tế và xã hội cho thủ đô trong tương lai.

- Chủ động thu hút và quản lý luồng di dân vào các ngành nghề phù hợp. Di dân ngoại tỉnh vào các đô thị lớn là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Do vậy cần có những biện pháp chủ động nhằm tổ chức thu hút lực lượng lao động theo nhu cầu của thị trường thay vì hạn chế bằng các rào cản hành chính. Bên cạnh khu vực công nghiệp hiện đại, thì các hoạt động dịch vụ đời sống như các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, vận tải nhỏ, buôn bán nhỏ… là các hoạt động mang tính truyền thống. Do vậy, một trong những giải pháp vừa mang tính chất cấp bách, vừa mang tính chất lâu dài là phải hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu kể trên. Việc phát triển các loại hình dịch vụ có tổ chức thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các trung tâm tư vấn, các trung tâm môi giới việc làm, các loại hình doanh nghiệp… sẽ tạo điều kiện thu hút và quản lý có hiệu quả hơn tình trạng di dân ngoại tỉnh về đô thị, tránh được tình trạng tự phát như hiện nay.

- Hoàn thiện chính sách quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Trước kia, trong cơ chế tập trung bao cấp, việc nhập khẩu vào đô thị được quản lý chặt chẽ không chỉ vì lý do an ninh mà còn vì lý do kinh tế như chế độ phân phối lương thực – thực phẩm… Nay chuyển sang cơ chế thị trường nên việc lưu chuyển lao động cũng linh hoạt và đa dạng hơn. Nhu cầu về các loại lao động đa dạng hơn. Do đó, việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu không phải chỉ là việc thực hiện các thủ tục hành chính, mà còn cần lưu ý đến các yếu tố kinh tế xã hội khác: đó là nhu cầu có việc làm và đảm bảo đời sống – quyền cơ bản của người dân.

Thứ hai, là nhóm giải pháp nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của tình trạng di dân ngoại tỉnh vào đô thị. Ở đây có thể nêu lên những giải pháp cụ thể sau:

- Cần phải có quy hoạch nơi ở và nơi giao dịch việc làm cho người di dân theo mùa vụ. Đối với người di dân mùa vụ làm việc ở đô thị thì vấn đề thông tin việc làm đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên vấn đề nhà ở cũng là một vấn đề khó khăn đối với họ. Do vậy, việc hỗ trợ về chỗ ở cho người di dân, ví dụ như: dịch vụ cho thuê phòng trọ giá rẻ, quy hoạch khu trọ cho người di dân và nơi giao dịch việc làm là một việc làm thiết thực cho người di dân, đồng thời đem lại hiệu quả tốt hơn cho nhà quản lý.

- Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội. Việc xây dựng các chính sách xã hội và đưa chúng vào thực tế đối với người lao động đang là một yêu cầu thiết yếu hiện nay. Các chính sách đó bao gồm một loạt các vấn đề như: hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế… Việc thực hiện các chính sách này cũng rất cần thiết đối với người di dân tự do, giúp cho họ có điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của công dân, tạo điều kiện tham gia tốt hơn vào thị trường lao động.

- Giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho người di dân. Một vấn đề bức xúc trong hoạt động của người dân di dân theo mùa vụ là ý thức cộng đồng cũng như những hành động tự phát của họ làm mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, cần phải có các chương trình tuyên truyền nếp sống văn minh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó cũng cần có những chế tài, những hình thức xử phạt hành chính để nhắc nhở họ, qua đó để xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngày một tốt hơn.

- Thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di dân. Đây là một giải pháp nhằm tạo điều kiện giúp người di dân tìm kiếm việc làm, đồng thời nhằm tăng cường quản lý người di dân vào làm việc tại đô thị. Đây có thể là những tổ chức tư vấn về việc làm nhằm hướng họ vào những ngành nghề phù hợp với năng lực của họ. Đồng thời, từng bước hình thành nên thị trường lao động có thể quản lý được, giúp cho nhà quản lý thực hiện tốt chức năng của mình.

Thứ ba, nhóm giải pháp về giải quyết sức ép của quá trình đô thị hóa.

- Căn cứ vào Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 7/4/2009 về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ dân cư đô thị Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% tổng dân số vào năm 2020, tương đương với số dân đô thị khoảng 44 triệu người. Nhu cầu đất xây dựng đô thị đặt ra vào năm 2015 là khoảng 335.000 ha, tương đương với 95m2/người, vào năm 2020 là 400.000 ha, tương đương với 90m2/người. Trong khi đó, hiện nay diện tích đất xây dựng đô thị chỉ có 105.000 ha, bằng khoảng 1/4 so với yêu cầu[96]. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ quá trình đô thị hóa. Chẳng hạn, vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị làm tăng mật độ dân số ở thành thị; vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt cho lớp người trẻ tuổi; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường,... Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, tự nhiên đối với mọi quốc gia. Tuy nhiên, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch khoa học sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc xem xét đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn của một số trung tâm đô thị thuộc tỉnh, chia sẻ sức hút nhập cư vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần được xem là một định hướng có tính chất dài hạn. Sự đầu tư này cũng nên chú trọng đến việc nâng cao phúc lợi và cơ hội cho cư dân đô thị ở các tỉnh, giảm bớt sự bất bình đẳng đang tồn tại giữa các trung tâm đô thị ở Việt Nam. Sức hấp dẫn của các thành phố trực thuộc tỉnh chỉ có thể cân bằng với hai thành phố lớn nếu như các chính sách dân số và đô thị hóa là cấu thành cơ bản của chiến lược phát triển chung, gắn kết hữu cơ với bối cảnh kinh tế vĩ mô và được triển khai thực hiện hài hoà với các chính sách phát triển và phúc lợi xã hội khác ở nông thôn.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn về nông thôn và phát triển các thành phố vệ tinh để tránh sự tăng trưởng quá nhanh của các thành phố lớn, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước. Phải giảm bớt sự thiên lệch đối với chính sách phát triển đô thị và nông thôn. Giảm thiểu bất cân bằng về các cơ hội kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Việc thực thi chính sách phát triển thiên lệch của Chính phủ tại các nước đang phát triển đã kéo theo quá trình “đô thị hóa cưỡng bức” bởi các quyết định hành chính dẫn đến hình thành nhiều đô thị mới, nâng cấp, mở rộng thêm hàng loạt đô thị hiện có. Chính điều này đã làm cho tình trạng mất cân đối về đầu tư giữa khu vực đô thị và nông thôn ngày càng thêm gay gắt. Trong điều kiện nguồn lực quốc gia bị hạn chế, việc cùng lúc xuất hiện nhiều đô thị đã dẫn đến dòng vốn đầu tư đổ vào khu vực đô thị tăng nhanh, kích thích mạnh mẽ dòng dịch chuyển dân cư từ nông thôn vào thành thị vì có nhiều cơ hội kiếm được việc làm với thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, do việc hình thành và phát triển đô thị quá nhanh, trong phút chốc hàng triệu nông dân bỗng trở thành cư dân đô thị, trong khi các tiền đề cơ bản để đảm bảo cho cuộc sống, cho hoạt động kinh tế và tâm lý của người dân chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng đã làm cho công tác quản lý đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, do việc nguồn vốn của toàn xã hội bị hút vào khu vực đô thị, dẫn đến nông thôn không được đầu tư thỏa đáng nên không tạo thêm được nhiều việc làm, năng suất lao động cận biên trong nông nghiệp thấp nên tiền lương trong khu vực này thấp, không giữ chân được người lao động tại nông thôn. Vì vậy, các thành phố cần tăng cường trách nhiệm trong việc hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để đẩy mạnh phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn nhằm giữ chân lao động tại chỗ. Cần quy hoạch phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động ra xa các đô thị lớn; kéo dãn các hoạt động thương mại, dịch vụ vốn rất thịnh hành tại thành phố ra các khu vực ngoại ô nhằm tăng cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp cho lao động nông thôn. Cần có chính sách hữu hiệu để thu hút doanh nghiệp về khu vực nông thôn, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, vừa sử dụng được lao động tại chỗ, thực hiện được phương châm “ly nông bất ly hương”, góp phần giảm bớt sự quá tải do vấn đề di dân gây ra tại các thành phố lớn.

Theo các nhà phân tích chính sách đối với việc điều tiết lao động di dân, thay vì cố gắng chống lại sức hút của tính kinh tế nhờ tích tụ đối với người lao động và gia đình họ ở các đô thị lớn, chính quyền các cấp cần cố gắng xóa bỏ những nhân tố đang xô đẩy người lao động “ly hương”. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông đường bộ thuận tiện, không ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình
hình ô nhiễm và các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên các phương tiện truyền thông để
nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống trong đô thị. Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, không gây ô nhiễm.

- Trong chính sách giải quyết việc làm hiện nay, các cấp chính quyền thành phố thường nghĩ rằng việc tạo ra nhiều công ăn việc làm trong thành phố sẽ giúp giải quyết áp lực thất nghiệp cho khu vực đô thị. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy, trong điều kiện thị trường lao động tự do, khi cơ hội việc làm ở đô thị tăng lên sẽ kéo theo sự kỳ vọng về có việc làm tăng lên trong khi thu nhập từ khu vực nông thôn không được cải thiện. Vì vậy, muốn giải quyết thất nghiệp ở đô thị, các nhà quản lý vĩ mô cần hướng vào phát triển các ngành nghề đòi hỏi chất lượng lao động cao, hàm lượng tri thức cao nhưng không đòi hỏi sử dụng nhiều lao động tại đô thị. Chính sách này một mặt vẫn đảm bảo cho sự thịnh vượng của các đô thị, mặt khác không dẫn đến tình trạng thu hút quá đông lao động từ nông thôn vào thành thị, vì không có nhiều cơ hội có việc làm tại đô thị cho bộ phận lao động có chuyên môn thấp, vốn rất đông đúc ở khu vực nông thôn. Việc làm giảm các cơ hội việc làm đối với lao động có chuyên môn thấp ở khu vực đô thị cũng góp phần đảm bảo cho mật độ dân cư tại các đô thị không quá cao, làm giảm cơ hội tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN CHUNG

 

Di dân là một hiện tượng xã hội phổ biến, mang tính quốc gia và quốc tế. Di dân diễn ra trong phạm vi không gian, thời gian với hình thái cụ thể khác nhau. Có di dân nội vùng, nội địa, có di dân quốc tế; di dân tự do và di dân có tổ chức, có kế hoạch. Trong các dòng di dân đó có di dân tự do nông thôn - đô thị.

Di dân là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển và là hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh và cùng với quá trình đô thị hóa, người dân và lao động nông thôn sẽ di dân và chuyển dịch tới các vùng đô thị, nơi có công việc mới với thu nhập cao hơn nông thôn. Dòng di dân từ nông thôn ra đô thị (nông thôn - đô thị) ở Việt Nam có xu hướng ngày càng mạnh và trở thành một hướng quan trọng phân bố lại nguồn lực, nguồn nhân lực, góp phần quan trọng giảm sức ép về việc làm trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, người di dân cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Vấn đề này có nguyên nhân từ môi trường thể chế chưa được hoàn thiện.

Qua nghiên cứu cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật hiện nay chưa đảm bảo quyền của người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị. Các lĩnh vực nóng liên quan đến vấn đề này là: hộ khẩu, lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục,... Bên cạnh đó, thực tiễn Việt Nam cũng cho thấy vấn đề di dân của lao động tự do từ nông thôn ra đô thị cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với cả nơi đi lẫn nơi đến. Từ những bất cập đó, đề tài đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị thời gian tới./.

-------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

A. Tài liệu Tiếng Việt

1.      Đặng Nguyên Anh, Di dân ở Việt Nam: Tiếp cận lý thuyết và chứng cứ từ một cuộc điều tra, Nxb. Giao thông và thông tin, Hà Nội, 2001.

2.      Đặng Nguyên Anh, Di dân trong nước: Vận hội và thách thức đối với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, (Chương trình phát triển xã hội, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2005.

3.      Đặng Nguyên Anh, “Chiều cạnh giới của di dân lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tạp chí Khoa học về phụ nữ, 2/2005.

4.      Đặng Nguyên Anh, Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.

5.      Đặng Nguyên Anh, Di dân và phát triển ở Việt Nam: Những vấn đề nổi bật cần xem xét về chính sách, Tài liệu hội thảo về Di dân, phát triển và giảm nghèo, 2009.

6.      Đặng Nguyên Anh, “Di dân con lắc và di dân mùa vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Tạp chí Xã hội học, 4/2012.

7.      Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Quá trình thực hiện và kết quả sơ bộ.

8.      Lê Xuân Bá, Nghiên cứu dự báo chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp giải quyết việc làm trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở nước ta, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KX.02.01/06-10, năm 2009.

9.      Lê Xuân Bá, Lưu Đức Khải, Một số giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2009.

10. Bộ Công an, Báo cáo số 587/BC-BCA-C61 ngày 21/11/2012 sơ kết 5 năm thực hiện Luật Cư trú.

11. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

12. Mai Ngọc Cường, Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, Sách chuyên khảo, NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013.

13. Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Từ nông thôn ra thành phố tác động kinh tế - xã hội của di dân ở Việt Nam, Nxb. Lao động, 2011.

14. Lê Bạch Dương và Khuất Thu Hồng chủ biên, Di dân và bảo trợ xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ kinh tế thị trường, Nhà xuất bản Thế giới, 2008.

15. Dự án Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, Báo cáo kết quả khảo sát, học tập tại nước ngoài, Hà Nội, 2012.

16. Đại học Lao động, Thương binh, Xã hội, ActionAid Việt Nam (AAV), Nghiên cứu về tiếp cận an sinh xã hội của người lao động nhập cư, Hà Nội, năm 2014.

17. Phạm Thị Hồng Điệp, Quản lý nhà nước đối với lao động di dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, 26(2010), tr. 189-196.

18. Đào Mộng Điệp, Pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 12/2014.

19. Đỗ Thị Minh Đức, Nguyễn Viết Thịnh, Di dân ở Hà Nội và những chính sách quản lí, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, Hà Nội, 7-9/10/2010, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.1025-1032.

20. Đinh Quang Hà, Di dân tự do nông thôn – đô thị với trật tự xã hội ở Hà Nội, Luận án Tiến sỹ Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2014.

21. Mai Văn Hải, Vài nét về thực trạng việc làm theo thời vụ của thanh niên nông thôn tại các thành phố, Tạp chí Tâm lý học, số 9/2012.

22. Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thiềng, Chất lượng cuộc sống của thanh niên nông thôn di dân đến Hà Nội làm việc trong khu vực phi chính thức, Tham luận Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4 “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, Hà Nội, 26-28/11/2012.

23. Hà Thị Hằng, Quản lý lao động di dân ở Thừa Thiên – Huế, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 201(10/2012).

24. Lê Văn Hảo, Động cơ làm việc của thanh niên đô thị, Tạp chí Tâm lý học, số 9, tháng 9/2012.

25. Trần Trọng Hựu, Di dân tự do – Một số vấn đề pháp lý cơ bản, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 10/1998.

26. Nguyễn Thị Thu Hương, Pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam đối với lao động di dân trong nước, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Luật Hà Nội, 2010.

27. Đỗ Minh Khuê và cộng sự, Những vấn đề an sinh xã hội của nhóm dân cư lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở đô thị, Tạp chí Xã hội học, số 1/2007.

28. Nguyễn Thanh Liêm, Di dân thanh niên, đô thị hóa và phát triển ở Việt Nam, Tài liệu hội thảo về di dân, phát triển và giảm nghèo, 2009.

29. Nguyễn Đình Long, Nguyễn Thị Minh Phượng, Lao động nông thôn di dân ra thành thị - Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 193, tháng 7/2013.

30. Trương Bá Thanh, Đào Hữu Hòa, Vấn đề di dân trong quá trình đô thị hóa – Từ lý luận đến định hướng chính sách, Tạp chí Khoa học công nghệ (Đại học Đà Nẵng), số 3(38)/2010.

31. Nguyễn Thị Phương Thảo, Các đặc trưng cơ bản của di dân nông thôn – đô thị ở Việt Nam, Tạp chí Giáo dục Lý luận, số 5/2012.

32. Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự, Báo cáo nghiên cứu “Thanh thiếu niên di dân làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, Hà Nội, tháng 5/2009.

33. Trần Minh Tuấn, Chính sách quản lý lao động di dân ở một số nước và những gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 390, tháng 11/2010.

34. Nguyễn Đức Tuyến, Thực trạng việc làm của người di dân tự do trong cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), năm 2006.

35. UN Việt Nam, Di dân trong nước và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam: Kêu gọi hành động, Hà Nội, tháng 7/2010.

36. Nguyễn Đức Vinh, Tình trạng sức khỏe và điều kiện chăm sóc y tế của người di dân, Báo cáo Hội thảo Di dân và Sức khỏe tại Việt Nam – Viện Xã Hội học, Hà Nội, 15-17/12/1998.

37. Viện Xã Hội học, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Đại học tổng hợp Brown, Di dân và Sức khỏe tại Việt Nam, Báo cáo hội thảo, Hà Nội – Việt Nam, 15-17/12/1998.

38. http://www.baomoi.com/Lao-dong-tu-do-va-khoang-trong-chinh-sach/47/8661359.epi, ngày 12/6/2012.

39. Hồng Kiều, http://www.vietnamplus.vn/da-so-lao-dong-di-cu-tu-do-khong-biet-den-chinh-sach-bhxh-bhyt/330201.vnp, ngày 29/6/2015.

40. Nga My, Di dân nông thôn - đô thị với nhà ở, một số vấn đề xã hội, Tạp chí Xã hội học số 2/1997, http://www.ios.org.vn/~iosorg/images/stories/BaiTapChi/TCXHH%201997/So2_1997_NgaMy.pdf

41. Nỗi niềm lao động tự do, http://www.baoyenbai.com.vn/215/112459/Noi_niemlao_dongtu_do.htm, ngày 3/6/2014.

42. Không hộ khẩu vẫn được thi vào lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/162650/khong-ho-khau-van-duoc-thi-vao-lop-10-o-tp-hcm.html, ngày 24/2/2014.

43. Phải nghỉ học vì không có hộ khẩu Hà Nội, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/phai-nghi-hoc-vi-khong-co-ho-khau-ha-noi-20140220223527674.htm, ngày 20/2/2014.

44. Quy hoạch đô thị phải nhìn từ nông thôn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, http://aejjrsite.free.fr/goodmorning/gm95/gm95_DoThiHoa.pdf

45. Tổng cục thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc, Điều tra di dân Việt Nam năm 2004: Di dân và sức khỏe, nguồn: http://www.unfpa.org/webdav/site/vietnam/shared/DidanvaSuckhoe_GSO1206_v.pdf

46. Lê Văn Thành, Đô thị hóa và vấn đề dân nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, 2008: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/393529/Nhung-noi-dau-xe-long.html

47. Phạm Bảo Dương, Nguyễn Thị Tình, Việc làm và đời sống của lao động nữ nông thôn làm việc tự do tại Hà Nội, Tạp chí Khoa học và Phát triển 2012, tập 10, số 4, nguồn: http://www.hua.edu.vn:85/tc_khktnn/Upload%5C25102012-tap%20chi%204.15.pdf

48. Tổng cục thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Điều tra di dân Việt Nam năm 2004: Di dân trong nước và mối liên hệ với các sự kiện của cuộc sống, http://www.unfpa.org/webdav/site/vietnam/shared/Dicuvalienhedoisong_GSO1206_v.pdf

49. Lao động nông thôn: thách thức và xu thế phát triển giai đoạn sau 2010, http://www.isgmard.org.vn/Information%20Service/Special%20Events/Plenary%20Meeting%202007/Documents/Panel%20dicussion/Bo%20lao%20dong%20TB-XH-v.pdf

50. http://www.truongcb.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=2ec18722-7306-4f84-9b5d-ca58f5fc0aad&groupId=10217

51. Trần Minh Tuấn, Chính sách quản lý lao động di dân ở một số nước và những gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 390, tháng 11/2010, tr. 71-76, nguồn: http://lrc.tnu.edu.vn/upload/collection/brief/27114_194201210125771.nckt.11.pdf

52. Tạp chí Dân số & Phát triển (số 3/2005), Website Tổng cục Dân số & KHHGĐ, http://danso.giadinh.net.vn/2011112502234104p1161c1175/khia-canh-gioi-cua-di-dan-lao-dong-trong-thoi-ky-cnh-hdh.htm

 

B. Tài liệu tiếng nước ngoài

53. Asfaha & Jooste, The agricultural input elasticity of rural-urban migration in South Africa, Agrekon, Vol 45, No 1 (March), 2006.

54. Amano, M., “On the Harris-Todaro Model with Intersectoral Migration of Labour”, Economica: 311-323, 1983.

55. Bhattacharya, B., “Rural-Urban Migration in Economic Development,” Journal of Economic Surveys, 7 (3): 243-281, 1993.

56. E.G. Ravenstein, JRSS, The Laws of Migration, Journal of the Royal Statistical Society, Vol. 52, No. 2 (Jun., 1889)

57. Goldschmidt, Walter, “The Communities of the San Joaquin Valley: The Relationship between Scale of Farming, Water Use, and the Quality of Life”, Testimony before the House Subcommittee on Family Farms, Rural Development, and Social Studies, Sacramento, CA, October 28, 1977.

58. Lee, Everett S., General theory of migration, Demography, Vol 3, 1966.

59. Mangalam, J.J. and G. Morgan, Human Migration: a Guide to Migration Litrature in English, 1955-1962, Lexington: University of Kentucky Press, 1968

60. Mark VanLandingham, Impacts of rural to urban migration on the health of working-age adult migrants in Ho Chi Minh city, Vietnam, XXV International Population Conference – Tours, France – July, 2005.

61. Nanavati, Shahid Sadruddin, Impact of Rural-Urban Migration on the Sustainability of Cities, WSCSD, 2004.

62. Todaro, M. P.: “Internal Migration in Developing Countries: A Review of Theory, Evidence, Methodology and Research Priorities,” International Labour Office, Geneva, 1976.

63. Todaro, M. P. and J. Harris: “Migration Unemployement and Developement: A Two Sectors Analysis,” American. Economic. Review, 60 (1):126-42, 1970.

64. Todaro, M. P. and J. Harris: “Urban Job Expansion, Induced Migration and Rising Unemployment: a Formulation and Simplified Empirical Test for LDCs,” Journal of Development Economics, 3 (3): 211-22, 1976.

65. W. Arthur Lewis, Economic Development with Unlimited Suplies of Labour, The Manchester School, Volume 22, Issue 2, pages 139–191, May 1954.

----*----

 

 



[1] Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính người di dân đóng góp tới 30% GDP của thành phố (Hiệp hội về Dân số và Phát triển Việt Nam năm 2005). Các kết quả cho thấy thu nhập được tạo ra tại khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam được chuyển về các vùng nghèo hơn. Bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) khẳng định, "đây chính là một hệ quả tích cực, trực tiếp tác động lên hoạt động di dân của người dân".

[2] Mật độ dân số chung toàn thành phố là 1.926 người/km2, (cao hơn 7,4 lần mật độ dân số cả nước 256 người/km2) và phân bố không đều giữa các quận, huyện, thị xã. Nơi có mật độ dân số cao nhất là quận Đống Đa 36.550 người/km2, quận Hai Bà Trưng 29.368 người/km2; nơi có mật độ dân số thấp nhất là huyện Ba Vì 576 người/km2 (Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009).

[3] Theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số chuẩn của bậc học này là 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, Sở Giáo dục & Đào tạo đã có qui định sĩ số, lớp trong các trường tiểu học từ 35 - 45 học sinh. Nhưng thật hiếm hoi các trường tiểu học trong nội thành thực hiện qui định này. Tại quận Cầu Giấy, các trường tiểu học Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân… sĩ số mỗi lớp đều ngấp nghé con số 60. Tại quận Đống Đa, các trường Kim Liên, Nam Thành Công, Kim Đồng, Trung Tự… sĩ số một lớp cũng dao động từ 55 - 60, chưa kể một vài trường hợp đặc biệt con số ấy vượt lên hơn 60. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học khác ở Hà Nội.

[4] Theo báo cáo của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quá tải ở bệnh viện tuyến trên trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi cộm: 2-3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120-160%, đặc biệt là các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi... ở bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Từ Dũ...

[6] Viện sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh (Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).

[7] Biến động dân số bao gồm: Biến động tự nhiên và biến động cơ học. Biến động tự nhiên dân số mô tả sự thay đổi dân số gắn với quá trình ra đời, sinh ra và mất đi của con người qua thời gian. Biến động cơ học dân số phản ánh sự thay đổi về mặt không gian và lãnh thổ.

[8] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[9] Lee, Everett S., General theory of migration, Demography, Vol 3, 1966.

[10] Mangalam, J.J. and G. Morgan, Human Migration: a Guide to Migration Litrature in English, 1955-1962, Lexington: University of Kentucky Press, 1968, p.8.

[11] Tiến sỹ, Đại học Hard Knocks, Hoa Kỳ.

[12] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[13] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 29.

[14] E.G. Ravenstein, JRSS, The Laws of Migration, Journal of the Royal Statistical Society, Vol. 52, No. 2 (Jun., 1889), pp. 241-305.

[15] W. Arthur Lewis, Economic Development with Unlimited Suplies of Labour, The Manchester School, Volume 22, Issue 2, pages 139–191, May 1954.

[16] Lee, Everett S., General theory of migration, Demography, Vol 3, 1966.

[17] Todaro, M. P. and J. Harris, “Migration Unemployement and Developement: A Two Sectors Analysis”, American Economic Review, 60 (1), 1970, 126-42

[18] Asfaha & Jooste, The agricultural input elasticity of rural-urban migration in South Africa, Agrekon, Vol 45, No 1 (March), 2006.

[19] Nanavati, Shahid Sadruddin, Impact of Rural-Urban Migration on the Sustainability of Cities, WSCSD, 2004.

[20] Kosinski và Prothero,1975; Stone, 1975.

[21] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[22] Xem: TS. Đinh Văn Thông, Di dân ngoại tỉnh vào thành phố Hà Nội - vấn đề đặt ra và giải pháp, Hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, TP. Hà Nội, 10/2010, nguồn:

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340652&cn_id=427858

[23] Xem: Lê Văn Toàn, Di dân tạm thời nông thôn - đô thị và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế hộ gia đình người di dân, Đề tài cấp bộ, mã số XH2B-26, Hà Nội, 2001, tr. 28, 33, 38.

[25] Xem: Trương Bá Thanh, Đào Hữu Hòa, Vấn đề di dân trong quá trình đô thị hóa – Từ lý luận đến định hướng chính sách, Tạp chí Khoa học công nghệ (Đại học Đà Nẵng), số 3(38)/2010, tr. 157-158.

[26] Xem: Nguyễn Huyền Lê (Viện Khoa học lao động xã hội), Rủi ro của lao động di dân và một số khuyến nghị, tr.1-3.

[27] Tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần được sử dụng để đánh giá tình hình gia tăng dân số do tác động của biến động di cư (nhập cư, xuất cư) giữa các địa phương, vùng lãnh thổ, thành thị và nông thôn.... Đối với dân số của các địa phương và vùng lãnh thổ, do mức độ di cư nội địa thường khá cao nên tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần là yếu tố quan trọng dùng để tính tổng số dân có đến các thời điểm khác nhau. Đặc biệt, tỷ suất di cư thuần là nguồn thông tin không thể thiếu đối với công tác dự báo dân số theo địa phương và các vùng lãnh thổ.

[28] Tỷ suất nhập cư là số người từ đơn vị lãnh thổ khác (nơi xuất cư) nhập cư đến một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó (nơi nhập cư).

[29] Tỷ suất xuất cư là số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó. 

[30] Tỷ suất di dân thuần là hiệu của tỷ suất nhập cư và tỷ suất xuất cư. Con số này có giá trị dương nếu số người nhập cư lớn hơn số người xuất cư; có giá trị âm, nếu số người nhập cư nhỏ hơn số người xuất cư.

[31] Xem: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Dân số học (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình), Hà Nội, 2011.

[32] Xem: Nghiêm Xuân Đạt, Vũ Trọng Lâm, Nguyễn Quý Nghị, Di dân tự phát vào Hà Nội - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 282/2001, tr. 44.

[33] Phần lớn các số liệu định lượng về người di cư trong phần này được lấy từ hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 và 2009. Đây được coi là hai cuộc điều tra lớn nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay đưa ra bức tranh cập nhật nhất và mang tính đại diện nhân khẩu học nhất về các dòng di cư trong nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng điều tra định nghĩa người di dân là người trên 5 tuổi có nơi thường trú tại địa điểm Tổng điều tra và nơi thường trú 5 năm trước đó không cùng một đơn vị hành chính cấp xã. Định nghĩa này đã bỏ sót những người di dân lâu hơn 5 năm trước thời điểm của cuộc Tổng điều tra và những người di dân con lắc trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng đã trở về nơi ở cũ trước thời điểm điều tra. Một hạn chế nữa của cách định nghĩa này là không phân loại được một số loại hình di dân như di dân tạm thời, di dân theo mùa vụ, vì họ chỉ di dân trong thời gian ngắn. Ngoài ra, số liệu của hai cuộc điều tra này chỉ cho phép xem xét nhóm di cư NT-TT (từ 5 tuổi trở lên) nói chung mà không phản ánh được nhóm di dân lao động (trong độ tuổi lao động từ 15-60 tuổi).

[34] Đây là cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc gần nhất của Việt Nam. Lần tổng điều tra dân số toàn quốc trước đó được thực hiện vào năm 1999.

[36] Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo Kết quả chủ yếu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014, công bố ngày 17/12/2014, tr. 9, 10.

[37] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 108.

[38] Đặng Nguyên Anh, Sidney Goldstein and James McNally, “Internal Migration and Development in Vietnam”, International Migration Review, Vol. 31(2), 1997, p.312-337.

[39] Koesveld, E.V, “People on the move: Migration and Urbanization in Vietnam”. UN News. Volume 7, Number 4 – October, 2001.

[40] Doãn Mậu Diệp và Trịnh Khắc Thâm, “Rural-Urban Migration in Vietnam: Nature, Relations, and Management Policies”, Migration Policies in Asia, HaNoi: Agricultural Publishing House, 1998, p.103-115.

[41] Tổng cục Thống kê, 2010.

[43] Thành phố Hồ Chí Minh: lao động nữ chiếm 56% trong khi khu vực chính thức, tỷ lệ này là 42%. Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 138.

[44] Kết quả về Điều tra di dân năm 2004.

[45] Lê Văn Thành, Đô thị hóa với vấn đề dân nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh,

nguồn: http://thienthu.weebly.com/uploads/4/8/6/9/4869850/dothihoatphcm.pdf

[46] Lê Văn Thành, Di dân và vấn đề đăng ký hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 2007.

[47] TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Quản lý nhà nước đối với lao động di cư trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh 26 (2010), tr. 189-196.

[48] Dự án điều tra được tiến hành trên 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

[49] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 140.

[50] Xem: Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự, Báo cáo nghiên cứu “Thanh thiếu niên di cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, Hà Nội, tháng 5/2009.

[51] Xem: Đỗ Minh Khuê và cộng sự, Những vấn đề an sinh xã hội của nhóm dân cư lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở đô thị, Tạp chí Xã hội học, số 1/2007.

[52] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 145.

[53] Địa bàn nghiên cứu: Thái Bình, Hòa Bình, Khánh Hòa, Tiền Giang. Xem: ThS. Mai Văn Hải, Vài nét về thực trạng việc làm theo thời vụ của thanh niên nông thôn tại các thành phố, Tạp chí Tâm lý học, số 9/2012, tr. 86, 87.

[54] Xem: Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự, Báo cáo nghiên cứu “Thanh thiếu niên di cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, Hà Nội, tháng 5/2009.

[55] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

[56] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 164.

[57] Quỹ Dân số Liên Hợp quốc.

[58] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 164.

[59] Xem: Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thiềng, Chất lượng cuộc sống của thanh niên nông thôn di cư đến Hà Nội làm việc trong khu vực phi chính thức, Tham luận Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4, Hà Nội, 26-28/11/2012.

[60] Xem: GS.TS. Mai Ngọc Cường (Chủ biên), Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn – thành thị ở Việt Nam hiện nay, tlđd, tr. 178.

[61] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án: “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cành gia nhập WTO”, Hà Nội, ngày 26/8/2013.

[62] Địa bàn nghiên cứu: Thái Bình, Hòa Bình, Khánh Hòa, Tiền Giang. Xem: ThS. Mai Văn Hải, Vài nét về thực trạng việc làm theo thời vụ của thanh niên nông thôn tại các thành phố, Tạp chí Tâm lý học, số 9/2012, tr. 87.

[63] Điều 4, Điều 5 của Luật Việc làm năm 2013.

[64] Hiện nay đang có dự thảo sửa đổi Nghị định này để phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[65] Ví dụ theo Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013) thì công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

[66] Điều 19 quy định về quản lý dân nhập cư vào thủ đô cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây từng có hộ khẩu trong nội thành... Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân (theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội) và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

[67] Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

[68] Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

[69] Bộ Y tế, Chương trình Tổng thể quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc và hỗ trợ Sức khỏe cho Thanh niên và Vị thành niên giai đoạn 2006 – 2010 và Định hướng chiến lược đến năm 2020; Quyết định số 2010/QD-BYT, (7 tháng 6, 2006).

[70] Quốc hội, Luật Thanh niên, số 53/2005/GH11, do Quốc hội thông qua ngày (29 tháng 11, 2005).

[71] Quyết định số 106/2005/QD-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược Xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 (16 tháng 5, 2005).

[72] Quyết định số 147/2000/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dân số giai đoạn 2001-2010 (22 tháng 12, 2000).

[73] Quyết định số 36/2004/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng chống HIV ở Việt Nam đến năm 2010 với tầm nhìn tới năm 2020 (17 tháng 3, 2004).

[74] Luật Quốc hội về phòng chống HIV/AIDS, Quyết định số 64/2006/QH11 (29 tháng 6, 2006).

[75] Lê Bạch Dương, Đặng Nguyên Anh, Khuất Thu Hồng, Lê Hoài Trung và Robert Bach, Bảo trợ xã hội cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2005.

[76] Đặng Nguyên Anh, Di cư trong nước: Cơ hội và thách thức cho Đổi mới và phát triển ở Việt Nam, 2005.

[77] Theo công bố của Tổng cục Thống kê năm 2006.

[78] Theo TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Quản lý nhà nước đối với lao động di dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, 26(2010), tr. 189-196.

[79] Đà Nẵng ra Nghị quyết hạn chế nhập cư, nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/da-nang-ra-nghi-quyet-han-che-nhap-cu-416648.html, ngày 24/12/2011.

[80] TS. Trần Minh Tuấn, Chính sách quản lý lao động di cư ở một số nước và những gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 390, tháng 11/2010, tr. 74.

[81] Xem chuyên đề của ThS. Lê Thị Thiều Hoa thuộc hệ chuyên đề của đề tài.

[82] Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm (chủ biên), Từ nông thôn ra thành phố tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2011; Lê Bạch Dương và Khuất Thu Hồng (chủ biên), Di dân và bảo trợ xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ kinh tế thị trường, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2008.

[83] Xem: Nỗi niềm lao động tự do, http://www.baoyenbai.com.vn/215/112459/Noi_niemlao_dongtu_do.htm, ngày 3/6/2014.

[84] Xem chuyên đề của ThS. Lê Thị Thiều Hoa thuộc hệ chuyên đề của đề tài.

[85] Đặng Nguyên Anh, Di dân ở Việt Nam: tiếp cận lý thuyết và chứng cứ từ một cuộc điều tra, Nhà xuất bản Giao thông và thông tin, Hà Nội, 2001.

[86] Xem: Không hộ khẩu vẫn được thi vào lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/162650/khong-ho-khau-van-duoc-thi-vao-lop-10-o-tp-hcm.html, ngày 24/2/2014.

[87] Xem: Phải nghỉ học vì không có hộ khẩu Hà Nội, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/phai-nghi-hoc-vi-khong-co-ho-khau-ha-noi-20140220223527674.htm, ngày 20/2/2014.

[88] Theo Báo cáo điều tra của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội năm 2013.

[89] Theo Báo cáo điều tra của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội năm 2013.

[90] Trong phần này đề tài có tham khảo một số nội dung từ tài liệu: Dự án Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, Báo cáo kết quả khảo sát, học tập tại nước ngoài, Hà Nội, 2012.

[91] Xem: Đinh Quang Hà, Di dân tự do nông thôn – đô thị với trật tự xã hội ở Hà Nội, Luận án Tiến sỹ Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2014.

[93] Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản có liên quan.

[95] Xem: Tổng cục Thống kê, Chuyên khảo “Di dân và đô thị hóa ở Việt nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt”, 2010.

[96] Nguồn: Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, Xu hướng và Những khác biệt, http://portal.thongke.gov.vn/khodulieudanso2009/Tailieu/AnPham/ChuyenKhaoDiCuDoThiHoa/Chuong5.pdf

 

File đính kèm downloadTải về