• Thuộc tính
Tên đề tài Hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng pháp luật và thực trạng thi hành pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản để thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu một số vấn đề  về lý luận và thực tiễn

  - Xác định căn cứ lý luận và thực tiễn của điều chỉnh bằng pháp luật quan hệ bán đấu giá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

  - Đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả pháp luật điều chỉnh quan hệ bán đấu giá tài sản trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

   - Làm rõ quan hệ giữa hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản với thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

   - Làm rõ yêu cầu kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế đối với pháp luật về bán đấu giá tài sản trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

   - Xác định nhu cầu, định hướng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả pháp luật điều chỉnh quan hệ bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nội dung nghiên cứu cụ thể của đề tài

1. Nghiên cứu lý luận về điều chỉnh pháp luật về bán đấu giá tài sản trên các mặt:

          - Khái niệm, đặc điểm, bản chất quan hệ bán đấu giá tài sản;

          - Khái niệm, đặc điểm, bản chất của pháp luật điều chỉnh quan hệ bán đấu giá tài sản và tiêu chí đánh giá hiệu quả, các mô hình về pháp luật về bán đấu giá tài sản;

          - Mối quan hệ giữa pháp luật về bán đấu giá tài sản và thể chế kinh tế thị trường:

          + Tác động qua lại giữa pháp luật về bán đấu giá tài sản với các yếu tố khác trong hệ thống các thể chế kinh tế thị trường;

          + Kinh nghiệm của một số nước trong xây dựng pháp luật về bán đấu giá tài sản và các yếu tố khác trong hệ thống các thể chế kinh tế thị trường – bài học cho Việt Nam.

2. Nghiên cứu thực trạng pháp luật về bán đấu giá tài sản và ảnh hưởng của nó đối với hệ thống các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

          - Thực trạng và thực tế áp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản ở Việt Nam;

          - Đánh giá những ảnh hưởng của pháp luật về bán đấu giá tài sản đối với việc thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

5.3. Nhu cầu, định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

          - Nhu cầu, định hướng chung của việc hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

          - Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Các nội dung nghiên cứu trên được kết cấu theo 3 phần:

Chương ICơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Chương II – Thực trạng pháp luật và thực tế áp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản, những ảnh hưởng của nó đối với các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam;

Chương IIINhu cầu, định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nội dung toàn văn

CHƯƠNG I

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NHẰM THÚC ĐẨY THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

1. KHÁI QUÁT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

1.1. Khái niệm về bán đấu giá tài sản

          Trên thế giới, bán đấu giá không phải là một khái niệm mới, mà đã hình thành từ các nền văn minh thời cổ đại. Những người Babylon đã bán đấu giá những người vợ; những người Hy lạp cổ đại đã bán đấu giá việc nhượng quyền khai thác mỏ; giới quy tộc cổ đại còn có những cuộc bán đấu giá nô lệ; người La Mã thì bán đấu giá tất cả mọi thứ từ các chiến lợi phẩm của các cuộc chiến tranh cho đến tài sản của các con nợ…

          Trong thế giới hiện đại, các cuộc bán đấu giá thường được tiến hành đối với một số lượng lớn về giao dịch về kinh tế và dân sự. Chính phủ các nước sử dụng việc bán đấu giá để bán trái phiếu kho bạc, các quyền khai thác khoáng sản, dầu mỏ, tài nguyên, những công ty được tư nhân hóa và những tài sản khác. Nhà cửa, xe cộ, các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ và nhiều loại tài sản khác của tư nhân và của các tổ chức thường được bán giá tăng lên một cách nhanh chóng thông qua hình thức thương mại điện tử.

          Như vậy, có thể thấy rằng bán đấu giá tài sản đã có từ rất lâu đời và liên tục phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, bán đấu giá có nhiều thay đổi về hình thức, phương thức tổ chức nhưng về bản chất vẫn không thay đổi. Bán đấu giá của bất kỳ thời kỳ nào cũng luôn là một hình thức mua bán được tổ chức thông qua việc trả giá công khai, cạnh tranh và bình đẳng.

          Hình thức mua bán thường diễn ra một cách đơn giản, tiến hành trong một phạm vi hẹp giữa hai bên mua bán với nhau, bên bán và bên mua thỏa thuận, thương lượng với nhau về giá cả, chất lượng, giao hàng… Đối với bán đấu giá, yêu cầu đầu tiên là tính công khai, tức là việc thỏa thuận, thương lượng được tiến hành công khai, đặc biệt về giá mua bán tài sản thì người muốn mua tài sản phải tham gia trả giá một cách cạnh tranh và theo những thủ tục, trình tự nhất định.

          Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: đấu giá là một quá trình mua và bán bằng cách đưa ra món hàng cần đấu giá, ra giá và sau đó bán món hàng cho người ra giá cao nhất.

Về phương diện kinh tế, bán đấu giá là một trong những cách để xác định giá trị của món hàng chưa biết giá hoặc giá trị thường thay đổi. Trong một số trường hợp, có thể tồn tại một mức giá tối thiểu hay còn được gọi là giá sàn; nếu sự ra giá không đạt được giá sàn, món hàng sẽ không được bán (nhưng người đưa tài sản ra đấu giá vẫn phải trả chi phí cho người tổ chức bán đấu giá). Đấu giá có thể áp dụng cho nhiều loại mặt hàng: đồ cổ, bộ sưu tập (tem, tiền cổ, xe cổ, tác phẩm nghệ thuật…), bất động sản, các mặt hàng đã qua sử dụng, hàng hóa thương mại và các cuộc bán đấu giá bắt buộc (thanh lý, phát mãi tài sản)[1].

          Theo Từ điển kinh tế học hiện đại: Đấu giá là một thị trường trong đó người mua tiềm tàng đặt giá cho hàng hóa chứ không phải đơn thuần trả giá theo giá công bố của người bán[2].

          Theo Từ điển luật học: Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản đó. Thông thường, để đấu giá tài sản, người bán đấu giá phải đưa ra giá giá khởi điểm của tài sản muốn bán và phải trưng bày tài sản đó để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua sẽ tham gia trả giá theo một thủ tục nhất định, người trả giá cao nhất sẽ là người được quyền mua tài sản. Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc (theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) hoặc tự nguyện (theo yêu cầu của chủ sở hữu)[3].

          Từ những khái niệm trên, chúng ta có thể đưa ra khái niệm cơ bản về bán đấu giá tài sản như sau: Bán đấu giá tài sản là một hình thức bán tài sản đặc biệt để người mua tự trả giá, không thấp hơn giá thấp nhất do người bán đưa ra. Người nào trả giá cao nhất sẽ được quyền mua bán tài sản đấu giá. Bán đấu giá được tổ chức công khai, theo những nguyên tắc, trình tự và thủ tục nhất định.

1.2. Đặc điểm và bản chất của bán đấu giá tài sản

          Hoạt động bán đấu giá tài sản là một hoạt động thương mại dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, hoạt động này có những đặc điểm cơ bản sau:

          Thứ nhất, tính công khai của việc bán đấu giá tài sản nghĩa là hầu hết các quan hệ mua bán tài sản, hàng hóa đều diễn ra công khai. Trong quan hệ mua bán tài sản, hàng hóa thông thường tính công khai không mang tính bắt buộc và phạm vi công khai tùy thuộc vào ý chí của người bán. Đối với bán đấu giá tài sản, tính công khai là một đặc trưng cơ bản đồng thời cũng là một nguyên tắc quan trọng. Dù tổ chức đấu giá theo bất kỳ phương thức nào, đối với bất kỳ loại tài sản nào, đấu giá bắt buộc hay đấu giá tự nguyện đều luôn đòi hỏi tính công khai một cách triệt để. Mọi thông tin liên quan đến cuộc bán đấu giá phải được người bán đấu giá thông báo công khai trước và trong phiên đấu giá theo những thủ tục nhất định, nhằm đảm bảo sự khách quan và trung thực trong suốt quá trình tổ chức bán đấu giá, cụ thể:

          - Công khai đối với tài sản bán đấu giá: Tài sản bán đấu giá phải được trưng bày và thông báo niêm yết công khai trước khi đấu giá, người bán đấu giá có trách nhiệm thông báo, mô tả đầy đủ, chính xác về tình trạng, chất lượng, số lượng tài sản. Những người tham gia đấu giá đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi như nhau để được xem xét tài sản đấu giá trước khi trả giá.

          - Công khai đối với phương thức tổ chức, thời gian tổ chức, địa điểm tổ chức bán đấu giá. Phiên đấu giá được tổ chức theo phương thức nào, vào lúc nào và tại đâu là do người bán đấu giá quyết định, nhưng phải được thông báo công khai rộng rãi để mọi người tham gia.

          - Phiên đấu giá phải được tổ chức công khai. Thủ tục và trình tự đấu giá phải được thực hiện trước sự chứng kiến và giám sát của tất cả mọi người tham gia đấu giá. Mọi diễn biến của phiên đấu giá, người trúng đấu giá, giá bán tài sản đều được công khai.

          Thứ hai, bán đấu giá tài sản là một hoạt động bán hàng thông qua trung gian. Trong quan hệ bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp người bán đấu giá (người có tài sản) tự mình tổ chức bán đấu giá, các trường hợp khác, ngoài bên bán, bên mua còn có sự tham gia của bên trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá. Bên bán là chủ sở hữu của tài sản hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến tài sản bán đấu giá. Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ bán đấu giá là những người tổ chức được người có quyền bán tài sản ủy quyền tiến hành bán đấu giá. Như vậy, quan hệ bán đấu giá có thể diễn ra giữa các đối tượng sau:

          - Người có tài sản với người bán tài sản (người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán tài sản hoặc người có quyền bán tài sản theo quy định của pháp luật) và giữa người có tài sản với người mua tài sản bán đấu giá. Đây là quan hệ cơ bản nhất trong mua bán đấu giá. Người có tài sản và người mua chính là hai chủ thể trong hợp đồng mua bán đấu giá. Hợp đồng đấu giá được giao kết và có hiệu lực sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này theo nội dung của hợp đồng.

          - Người có tài sản với người tổ chức bán đấu giá (thương nhân, pháp nhân kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản). Đây là mối quan hệ đại diện được xác lập thông qua hợp đồng ủy quyền. Người có tài sản sẽ ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá đại diện cho mình trong việc giao kết hợp đồng bán đấu giá với người mua tài sản. theo đó, bên bán đấu giá sẽ nhân danh người bán tài sản trong phạm vi ủy quyền. Khi người bán đấu giá giao kết hợp đồng với người mua tài sản trong phạm vi ủy quyền sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền (người có tài sản) với người mua tài sản.

          + Người bán đấu giá với người mua tài sản bán đấu giá. Đây là quan hệ giữa người được ủy quyền với người thứ ba. Người bán đấu giá là người được ủy quyền và đại diện cho người có tài sản trong việc xác lập giao dịch với người mua tài sản. Giao dịch này được xác lập sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người có tài sản và người mua tài sản.

          Thứ ba, đối tượng của bán đấu giá tài sản có thể là những tài sản thông thường, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của việc bán đấu giá tài sản thì không phải tài sản nào cũng được các chủ sở hữu quyết định định bán bằng phương thức đấu giá. Tài sản trong đấu giá rất đa dạng tùy theo nhu cầu của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Mọi tài sản đều có thể tổ chức bán đấu giá như: đồ cổ, các tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, phương tiện giải trí, tài sản công… Các tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản để thi hành án theo quy định về thi hành án; tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước; tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo; tài sản thuộc cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá; tài sản lưu giữ do người vận chuyển đường biển, đường hàng không, đường bộ lưu giữ tại Việt Nam; tài sản Nhà nước phải tổ chức bán đấu giá theo quy định về xử lý tài sản công… Chính vì vậy, hầu hết chỉ những tài sản có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới được cân nhắc để lựa chon bán theo phương thức bán đấu giá. Những tài sản này rất khó xác định giá trị thực của nó so với loại tài sản thông thường khác. Do vậy, những người bán chỉ đưa ra một mức giá làm cơ sở để người mua tham dự cuộc bán đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh với nhau. Giá bán thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức giá mà người bán đưa ra ban đầu.

          Thứ tư, về hình thức pháp lý của quan hệ bán đấu giá có thể được thiết lập dưới một dạng đặc biệt đó là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá – là văn bản được xác lập giữa người bán hàng và người làm dịch vụ tổ chức bán đấu giá. Nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền bán đấu giá. Còn văn bản bán đấu giá thực chất là hợp đồng mua bán tài sản, được xác lập giữa các bên liên quan (người mua tài sản và tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá). Văn bản này là cơ sở pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán tài sản, đồng thời là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của người mua tài sản đối với tài sản bán đấu giá.

          So với các phương thức bán tài sản khác, bán đấu giá tài sản đem lại lợi ích cho cả người bán tài sản và người mua tài sản. Nó tạo cơ hội bình đẳng cho những người mua tài sản cùng tham gia trả giá, qua đó xác định được một mức giá cạnh tranh có lợi nhất cho người bán tài sản. Nhờ việc tổ chức bán đấu giá mà hàng hóa đem bán đến tay những người mua có tiềm năng và xác định đúng giá trị thực của chúng. Bán đấu giá còn tập trung được cung và cầu về các loại tài sản vào một thời điểm nhất định, giúp cho việc xác lập qan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Nếu hình thành được những thị trường bán đấu giá chuyên nghiệp thì sẽ là động lực rất tốt để thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại phát triển, nhất là đối với các quốc gia có những mặt hàng thế mạnh của mình.

2. KHÁI QUÁT VỀ PHÁP LUẬT BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

2.1. Khái niệm về pháp luật bán đấu giá tài sản

          Pháp luật là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan, nó ra đời và tồn tại cùng với Nhà nước. Có nhiều quan niệm, nhận thức khác nhau về pháp luật. Theo Từ điển Luật học, “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp trong dân cư xã hội”[4]. Còn theo Giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật thì “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội”[5]. Từ các quan niệm như trên, có thể khái quát định nghĩa pháp luật như sau: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận thể hiện ý chí Nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội với mục đích bảo đảm trật tự ổn định xã hội và sự phát triển bền vững của xã hội”[6].

          Là một bộ phận của hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia nên ngày nay trên thế giới pháp luật của các nước về bán đấu giá tài sản cũng theo hai dòng pháp luật: Ở các nước thuộc dòng pháp luật Châu Âu lục địa, pháp luật về bán đấu giá tài sản chỉ gồm các quy phạm pháp luật thành văn. Ở các nước thuộc dòng pháp luật Anh - Mỹ, pháp luật về bán đấu giá tài sản, ngoài các văn vản pháp luật, án lệ cũng được xem là nguồn của bộ phận pháp luật này.

          Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, ở Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc đổi mới các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số văn bản liên quan đến bán đấu giá như: Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989, Bộ luật Dân sự năm 1995. Cụ thể hóa Bộ luật Dân sự năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/1996/NĐ-CP kèm theo Quy chế bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản đầu tiên quy định việc thành lập các tổ chức bán đấu giá tài sản ở các tỉnh, thành phố và quy định một số nội dung liên quan đến bán đấu giá tài sản. Tiếp theo từ năm 2002 đến 2004, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định liên quan đến bán đấu giá tài sản trên từng lĩnh vực cụ thể; bên cạnh đó các Bộ cũng ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, Nghị định có liên quan đến bán đấu giá tài sản.

          Ngày 18/01/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và ngày 04 tháng 05 năm 2005, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2005/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP. Ngày 04 tháng 03 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP;  Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Trong những văn bản pháp luật mới ban hành đã quy định khá rõ những nguyên tắc, thủ tục bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản, quản lý Nhà nước về bán đấu giá tài sản… Ngoài ra, một số quy định về bán đấu giá tài sản nằm rải rác trong Luật Thương mại; Luật Đăng ký giao dịch đảm bảo; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Luật Thi hành án dân sự, Nghị định về kê biên đấu giá quyền sử dụng đất trong thi hành án; Quyết định về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; Nghị định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam…

Từ quan niệm lý luận về pháp luật nói chung và hệ thống các quy phạm pháp luật đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật bán đấu giá tài sản hiện nay ở nước ta, có thể định nghĩa pháp luật bán đấu giá tài sản như sau:

Pháp luật bán đấu giá tài sản là hệ thống những quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm những quy định về nguyên tắc, thủ tục bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá và quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản.

*Đặc điểm của pháp luật bán đấu giá tài sản:

- Pháp luật bán đấu giá tài sản là một bộ phận pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh mang tính chất “tư” do đó các chủ thể tham gia quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

- Pháp luật bán đấu giá tài sản là một bộ phận pháp luật liên ngành không thuần túy là một chế định riêng biệt trong một văn bản pháp luật cụ thể nào đó mà nó có ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Quan hệ bán đấu giá tài sản có thể mang tính chất của quan hệ dân sự, thương mại thuần túy hoặc mang tính chất của quan hệ hành chính - tư pháp.

- Pháp luật bán đấu giá tài sản phản ánh rõ nguyên tắc công khai của quan hệ bán đấu giá tài sản. Điều này xuất phát từ nguyên lý chung là nếu không công khai thì sẽ không có nhiều người tham gia quan hệ theo quy định của pháp luật;

-  Pháp luật bán đấu giá tài sản mang đặc tính của pháp luật về thủ tục thực hiện quan hệ pháp luật. Trong hệ thống pháp luật có thể phân chia thành hai bộ phận cơ bản: các quy định về nội dung quan hệ và các quy định về thủ tục thực hiện quan hệ. Pháp luật về bán đấu giá thuộc bộ phận thứ hai.

2.2.Cấu trúc của pháp luật bán đấu giá tài sản

          Pháp luật bán đấu giá tài sản được hợp thành bởi nhiều các quy phạm pháp luật khác nhau, ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bởi vậy, nói đến cấu trúc của pháp luật bán đấu giá tài sản thực chất là nói đến các cách thức sắp xếp các quy phạm pháp luật bán đấu giá tài sản theo những trật tự nhất định được xây dựng dựa trên những tiêu chí nhất định.

Hiện có nhiều cách thức tiêu chí khác nhau để sắp xếp các quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản, cụ thể:

* Nếu căn cứ vào nội dung điều chỉnh của quy phạm pháp luật thì pháp luật bán đấu giá tài sản phân chia thành các bộ phận pháp luật sau đây:

- Nhóm quy phạm pháp luật quy định về các nguyên tắc trong bán đấu giá tài sản;

Thông thường các nguyên tắc bán đấu giá tài sản được pháp luật ghi nhận là:  nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Những nguyên tắc pháp lý cơ bản này được ghi nhận trong pháp luật  bán đấu giá ở hầu hết các quốc gia.

- Nhóm quy phạm pháp luật quy định về tài sản bán đấu giá

 Chẳng hạn, về tài sản bán đấu giá Điêu 1 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản có quy định các loại tài sản bán đấu giá bao gồm: “Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá; tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật”.

- Nhóm quy phạm pháp luật quy định về  thủ tục, trình tự bán đấu giá.

Bán đấu giá tài sản là quan hệ bán tài sản, hàng hóa qua trung gian.Về thủ tục bán đấu giá tài sản được thực hiện thông qua hình thức pháp lý là ký kết và thực hiện hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản và văn bản đấu giá tài sản.

Các quy phạm pháp luật bán đấu giá tài sản thuộc nhóm này quy định cụ thể về Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng; hình thức, nội dung của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên và quy định về chủ thể có liên quan như người giữ tài sản, người tham gia đấu tài sản….Ngoài ra, nhóm quy phạm pháp luật bán đấu giá tài sản này còn quy định trình tự thực hiện bán đấu giá tài sản.

- Nhóm quy phạm pháp luật quy định về các chủ thể bán đấu giá (người bán đấu giá).

Nhóm quy phạm pháp này này có nhiệm vụ xác định chủ thể bán đấu giá; các điều kiện đối với chủ thể bán đấu giá tài sản, quyền và nghĩa vụ của chủ thể bán đấu giá tài sản; Điều kiện để trở thành đấu giá viên; quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên…Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì chủ thể bán đấu giá tài sản là các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp bao gồm: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và Hội đồng bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp. Đấu giá viên là người điều hành cuộc bán đấu giá phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn: là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các điều kiện được cấp thẻ đấu giá viên là: có phẩm chất đạo đức tốt; đã tốt nghiệp địa học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá. Quyền, nghĩa vụ của đấu giá viên được quy định tại Điều 12 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010;

- Nhóm quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động  bán đấu giá tài sản.

Nhóm quy phạm pháp luật này có nhiệm vụ xác định các chủ thể có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; xác định thẩm quyền quản lý nhà nước cho mỗi chủ thể quản lý, nội dung quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản…

* Căn cứ vào lĩnh vực, tính chất của quan hệ bán đấu giá, pháp luật bán đấu giá được chia thành:

- Pháp luật bán đấu giá tài sản trong lĩnh vực hành chính – tư pháp; Đây là bộ phận pháp luật điều chỉnh quan hệ bán đấu giá tài sản bắt buộc theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Pháp luật bán đấu giá tài sản trong lĩnh vực dân sự, thương mại; Đây là bộ phận pháp luật điều chỉnh quan hệ bán đấu giá tài sản mang tính tự nguyện theo yêu cầu của chủ sở hữu tài sản.

Xem xét về cấu trúc nguồn quy phạm pháp luật có thể thấy ở các nước pháp luật về bán đấu giá có hai dạng chủ yếu:

Thứ nhất, các quy phạm pháp luật được quy định tập trung ở một đạo luật, thường gọi là Luật bán đấu giá tài sản (như ở Trung Quốc, Nhật Bản ...). Ở dạng này, các quy định của Bộ luật Dân sự (có thể cả Luật Thương mại) mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho các giao dịch dân sự, thương mại (trong đó có giao dịch bán đấu giá tài sản), còn các vấn đề cụ thể được quy định trong Luật Bán đấu giá.

Thứ hai, các quy phạm pháp luật về bán đấu giá không quy định tập trung thành một đạo luật độc lập mà được quy định trong Bộ luật Dân sự hoặc cả Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Cách làm luật dạng này thể hiện rõ quan điểm xem việc bán đấu giá là quan hệ tư bất luận chủ thể thực hiện là cơ quan nhà nước hay tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Điển hình áp dụng mô hình này là Pháp.

3. MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP LUẬT BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN  VÀ THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

3.1. Khái quát về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Lý luận về thể chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng rất phong phú và được phát triển dựa trên nhiều tư tưởng nhiều học thuyết, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau và cho đến nay vẫn đang được hoàn thiện.

Trong nhận thức chung, thể chế được hiểu là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo”. Thể chế kinh tế là hệ thống quy định pháp luật để quản lý, điều tiết, hỗ trợ hoặc kiềm chế các hoạt động và các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế. Thể chế kinh tế phân biệt với thiết chế kinh tế, ở chỗ, thiết chế là những chủ thể, lĩnh vực, yếu tố… tham gia vào hệ thống kinh tế; Ví dụ: các thành phần kinh tế, các loại thị trường, các pháp nhân... Trong một hệ thống sống động, thiết chế đại diện cho các nhân tố thực thể, vật thể, còn thể chế đại diện cho các nhân tố quy ước, luật lệ... Thể chế có vai trò như phần mềm - hệ điều hành trong máy tính điện tử, nó giúp cho phần cứng, tức là thiết chế, làm trọn chức năng.

Nói cách khác thể chế kinh tế là hệ thống pháp luật, chính sách những quy tắc, luật lệ nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là loại hình thể chế kinh tế trong đó có sự thống nhất biện chứng giữa cái chung là kinh tế thị trường với các đặc thù là định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thuộc về cái chung có các yếu tố như: đa dạng chủ thể kinh tế và các chủ thể tự do sản xuất kinh doanh, cạnh tranh theo pháp luật; thừa nhận các phạm trù hàng hoá, tiền tệ, thị trường, cạnh tranh, cung cầu, giá cả thị trường, lợi nhuận; sự hoạt động của quy luật kinh tế thị trường; nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Thuộc về cái đặc thù có các yếu tố: tư tưởng kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng cộng sản; các mục tiêu, nguyên tắc và nhiệm vụ cơ bản trong phát triển nền kinh tế gắn với mục tiêu và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Trong sự kết hợp giữa các chung và cái đặc thù này thì kinh tế thị trường là động lực và phương tiện để phát triển kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa giữ vai trò dẫn dắt quá trình phát triển nền kinh tế. Như vậy, nội dung cốt lõi và thực chất của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là:

- Phát triển nền kinh tế hàng hoá dựa trên sự đa dạng các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển, cạnh tranh và hợp tác với nhau.

- Hình thành đồng bộ và vận hành thông suốt, có hiệu quả hệ thống các thị trường trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phân phối theo lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh là chính, đồng thời áp dụng các hình thức phân phối khác; coi trọng hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong phân phối và phân phối lại.

- Có một hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội theo hướng từng bước thực hiện chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân, quan tâm hỗ trợ những người nghèo và yếu thế, những đối tượng được hưởng chính sách xã hội.

- Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở tôn trọng sự tác động khách quan của thị trường và cơ chế thị trường, tạo các điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động.

- Có hệ thống pháp luật thích ứng và thúc đẩy sự vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tổng thể đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật, chính sách, hệ thống đảm bảo xã hội, các quy tắc, quy chế do Đảng, Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo sự phát triển đất nước theo đúng mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.

 Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2006- 2010, Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Các yếu tố của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã từng bước được xây dựng cùng với quá trình đổi mới kinh tế”. Trải qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc để xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trên cả 3 phương diện: “luật chơi”, “sân chơi” và “người chơi”. Theo đó, hệ thống luật pháp tạo khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được từng bước xây dựng, bổ sung và đang dần hoàn thiện. Các loại thị trường bước đầu được hình thành đồng bộ, bao gồm cả thị trường công nghệ, thị trường lao động và thị trường chứng khoán. Các loại hình doanh nghiệp dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau đều được khuyến khích phát triển không giới hạn về quy mô và trình độ, trong những lĩnh vực mà luật pháp không cấm.

Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập; thể hiện rõ nhất ở chỗ: hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách chưa thật đồng bộ và thống nhất, có khi khó đi vào cuộc sống ; vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được giải quyết tốt, còn có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế (nhất là trong tiếp cận các nguồn tín dụng); các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành và phát triển chậm, chưa đồng bộ, vận hành chưa thông suốt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trốn lậu thuế, gian lận thương mại còn nhiều; cải cách hành chính còn chậm, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra, hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai và chưa đồng bộ, v.v. Những vấn đề đó đã góp phần làm cho “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH chậm; chế độ phân phối bất hợp lý, phân hóa xã hội tăng lên”2.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên do nhận thức về vai trò của thể chế với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta hiện nay chưa đầy đủ, căn bệnh coi nhẹ thể chế, pháp luật còn tồn tại. Trên thực tế, kinh nghiệm cho thấy, đôi khi do thiếu thể chế hóa mà nhiều chủ trương không được hiện thực hóa, còn các phân hệ của hệ thống thì vừa chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, vừa bỏ trống hoặc buông lỏng chức trách. Ví dụ, sự hình thành các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ; sức lao động; khoa học và công nghệ; bất động sản và thị trường tài chính... mới chỉ là phần cứng của kinh tế thị trường, còn các quy định pháp luật cho chúng là phần mềm - tức thể chế. Thể chế chưa phù hợp hoặc thiếu sót sẽ làm cho các thị trường thường xuyên nảy sinh các hành vi lách luật, trục lợi và gây nên những xáo trộn, các “cơn sốt” hoặc “đóng băng”... Theo đó, nền kinh tế quốc gia đã phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực vì thể chế chưa phù hợp hoặc bất cập với nhu cầu hoạt động của các thiết chế. Văn kiện Đại hội XI cũng nhận định rằng: “Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu”; “Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển”;

Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thời gian qua chưa đồng bộ. Thể chế cho một nền kinh tế thị trường là một tổ hợp bao gồm 3 hệ thống cấu thành là: Các quy tắc pháp luật quy định hoạt động kinh tế; Các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; Cơ chế, tổ chức thực thi hoạt động kinh tế. Ở nước ta hiện nay, cả 3 hệ thống đó đều ở trạng thái đang xây dựng và chưa hoàn thiện. Trong đó, nổi cộm là hiện trạng chưa hoàn thiện của cơ chế tổ chức thực thi hoạt động kinh tế, mà thể chế cho nó chính là yếu tố quy định.

Văn kiện của hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây nhất (Đại hội X và XI) đều dành hẳn một phần để bàn về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đại hội XI còn xác định khâu đột phá hàng đầu là “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” và nhiệm vụ chủ yếu của 5 năm tới (2011-2015) cũng là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”...

Việc xác định khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn, nhằm tạo tiền đề thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là “để cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời gian tới, Đại hội XI chủ trương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao quát cả 3 yếu tố tạo thành thể chế kinh tế, với trọng tâm hướng vào “tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. 

Thứ nhất, giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường nước ta. Có hai nhân tố tham gia định tính cho thể chế này là cơ chế thị trường và định hướng cho nó. Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế là nội dung cần quán triệt khi hoàn thiện thể chế.

- Điều quan trọng hàng đầu là phải nhận thức đúng đắn về tính phổ biến và tính đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; để trên cơ sở đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động kinh tế phù hợp với quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường , cũng như để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển.

Mặc dù nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta được nhận thức là một hình thái kinh tế thị trường đặc biệt, có nét đặc thù là “được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH”; nhưng tính phổ biến của kinh tế thị trường luôn đòi hỏi sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải chịu sự chi phối trước hết của các quy luật kinh tế khách quan. Do vậy, trong quá trình vận hành, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực; còn sự can thiệp của nhà nước XHCN vào nền kinh tế thị trường để thực hiện quyết tâm chính trị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH cũng không thể tùy tiện, duy ý chí, mà phải trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Bỏ qua hay vi phạm các quy luật thị trường, thì sự can thiệp của nhà nước XHCN chẳng những sẽ làm méo mó các quan hệ thị trường, mà các mục tiêu của CNXH cũng sẽ khó thực hiện được như mong muốn, làm nảy sinh thêm các tiêu cực. Đây là vấn đề được Đại hội nhấn mạnh cả trong Báo cáo Chính trị cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Điều này phản ảnh bước tiến mới trong tư duy và hành động của Đảng ta về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể hiện sự đoạn tuyệt triệt để với “tàn dư” của cơ chế kinh tế cũ và khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. 

Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Đại hội XI chủ trương: tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân; Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp; cùng với việc đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân, sẽ xây dựng, hoàn thiện luật pháp về sở hữu đối với các loại tài sản mới như sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước...; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu đối với xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng: giảm mạnh và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân; đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một khi các thủ tục hành chính phiền hà được xóa bỏ, thì môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. 

- Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp;

Đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động của các đơn vị dịch vụ công phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, hợp tác xã cổ phần. Đảm bảo mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể sẽ được chăm lo phát triển với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Nhất quán với chủ trương phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội, Đại hội XI tiếp tục khuyến khích phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. Điểm mới trong lần này là Đảng chủ trương thực hiện “Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp”, trong đó, sẽ tạo điều kiện để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và để tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, hình thành các doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, khác với trước đây, việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (nguồn vốn FDI) được thực hiện có chọn lọc, hướng vào những ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của đất nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, không làm hại môi trường.  

- Thứ ba, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Các yếu tố thị trường cần được sự hỗ trợ của thể chế nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng - cũng là một trọng điểm của hoàn thiện thể chế hiện nay, gồm: Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh; đổi mới, hoàn thiện thể chế về giá, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền và giải quyết tranh chấp; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường, pháp luật; xây dựng các tổ chức tư vấn có trình độ cao; hình thành đồng bộ một số quỹ hỗ trợ cho kinh doanh. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người kinh doanh và người tiêu dùng.

Phát triển đa dạng, đồng bộ, ngày càng văn minh, hiện đại các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đất đai. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Và, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động.

Để vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhất là trong điều kiện chúng ta đến thời hạn mở cửa thị trường theo lộ trình đã cam kết với quốc tế, Đại hội XI nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, tuân thủ những quy định của các tổ chức quốc tế và khu vực mà nước ta tham gia.  

Thứ tư, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Hướng và biện pháp cơ bản là: Xác định rõ và đầy đủ hơn đường lối, nhất là những nội dung định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường. Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý...

Một nội dung trọng điểm của hoàn thiện thể chế là cải cách hành chính. Nội dung này đặt trọng tâm vào đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước nhằm tạo ra những tiền đề để nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN.

Trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định sự cần thiết phải “giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường”. Theo đó, Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH, bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết khác, nhưng “trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của kinh tế thị trường ”; Nhà nước tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, vừa không phó mặc cho thị trường, vừa không tùy tiện can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường, không lẫn lộn chức năng quản lý kinh tế nhà nước với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.      

Năng lực và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước được nâng cao theo đúng những định hướng mà Đại hội XI xác định, sẽ là nhân tố vừa bảo đảm cho nền kinh tế được vận hành trôi chảy theo yêu cầu của các quy luật kinh tế khách quan, vừa bảo đảm hiện thực hóa được các mục tiêu của CNXH một cách bền vững.

3.2. Mối quan hệ giữa pháp luật bán đấu giá tài sản và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Pháp luật về bán đấu giá tài sản với tính chất là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh hình thức mua bán tài sản không thể nằm tách bạch mà luôn chịu sự tác động của các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như pháp luật điều chỉnh bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều phải đặt ra mục tiêu nhất định và có vai trò nhất định trong việc định hướng các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của đời sống kinh tế xã hội, mục tiêu và vai trò của pháp luật bán đấu giá tài sản chính là những cơ sở thuyết minh cho sự cần thiết xây dụng và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này. Do đó, mối quan hệ giữa pháp luật bán đấu giá tài sản và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có thể tập trung ở một điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, pháp luật về bán đấu giá tài sản thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. 

          Trong những năm gần đây thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Kết quả là trong hơn hai mươi năm đổi mới hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được đổi mới về cơ bản với nhiều bộ luật, luật quan trọng, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đảm bảo cho Nhà nước không chỉ có đủ pháp luật để quản lý xã hội mà còn tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu rộng. Nghị quyết số 48-NQ/TW đã xác định rõ: Hoàn thiện pháp luật nói chung không chỉ tạo lập và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đảm bảo xây dựng một nền hành chính dân chủ, sát dân, sát cơ sở, xóa bỏ mọi thủ tục phiền hà, dành thuận lợi cho dân, đáp ứng mọi yêu cầu, quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của dân, của doanh nghiệp. Một nền hành chính trong sạch vững mạnh, năng động, hoạt động thông suốt theo đúng chức năng và quyền hành pháp, chịu sự giám sát của dân, đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các quan điểm chỉ đạo đó, đối với hoạt động cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng cũng đề ra một số biện pháp, chỉ đạo những công việc chính trước mắt đến 2010 trong đó có xây dựng các chế định bổ trợ tư pháp. Mặc dù trong Nghị quyết của Đảng không đề cập cụ thể đến hoạt động bán đấu giá tài sản như các hoạt động bổ trợ khác (luật sư, giám định tư pháp, công chứng, thi hành án, chế định thừa hành viên – thừa phát lại), nhưng hiện nay một trong những hoạt động bổ trợ rất thường xuyên trong công tác thi hành án và xử lý vi phạm hành chính đó chính là hoạt động bán đấu giá tài sản. Những quan điểm và chủ trương, đường lối của Đảng trên đây chỉ có thể hiện thực hóa trong thực tiễn khi được Nhà nước thể chế hóa thông qua công cụ pháp luật riêng có của mình. Đó chính là kết quả của việc ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những năm gần đây. Tiêu biểu là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ và những văn bản quy phạm pháp luật khác. Những văn bản quy phạm pháp luật này tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện đường lối của Đảng và hoạt động bán đấu giá tài sản ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, về phương diện Nhà nước có thể nói hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần quan trọng làm cho các hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các cơ quan tư pháp (thi hành án) giải quyết các vụ việc được nhanh chóng, khách quan, công khai, minh bạch.

          Là một bộ phận pháp luật thuộc thể chế kinh tế thị trường nên các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản cụ thể hóa hơn các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể dân sự thông thường, các chủ thể là thương nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và các quy định pháp luật khác có liên quan. Do đó, thực tiễn thi hành và hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản sẽ tác động trực tiếp tới việc hoàn thiện các bộ phận pháp luật khác thuộc thể chế kinh tế thị trường.

Thứ hai, pháp luật về bán đấu giá tài sản cụ thể hóa một hình thức mua bán tài sản trong pháp luật dân sự, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong mua bán tài sản

          Bộ luật Dân sự là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trong lĩnh vực pháp luật dân sự, có quy định về hoạt động mua bán tài sản và bán tài sản thông qua phương thức bán đấu giá. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về bán đấu giá tài sản. Như vậy, xét về bản chất, bán đấu giá tài sản chính là hợp đồng mua bán tài sản, nhưng là loại hợp đồng mua bán đặc biệt. Pháp luật về bán đấu giá tài sản là một bộ phận của pháp luật về dân sự, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chung mà Bộ luật Dân sự đã quy định như nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc thiện chí, trung thực…Tuy nhiên, khác với hợp đồng mua bán tài sản thông thường, hoạt động bán đấu giá tài sản phải tuân theo những thủ tục riêng biệt từ việc xác định tài sản đấu giá, định giá, thông báo niêm yết, xem tài sản, tổ chức đấu giá…Với tính chất là một văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự về bán đấu giá tài sản bảo đảm việc bán đấu giá tài sản theo nguyên tắc trực tiếp, công khai, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

          Chế định về tài sản và quyền sỡ hữu tài sản là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự của bất kỳ quốc gia nào là cơ sở để hình thành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sỡ hữu tài sản. Trong các quyền năng của chủ sỡ hữu tài sản có quyền định đoạt, được hiểu là quyền chuyên giao quyền sỡ hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sỡ hữu tài sản (Điều 195 Bộ luật Dân sự). Chủ sỡ hữu có quyền định đoạt đối với tài sản thông qua các hình thức bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Với vai trò của Nhà nước là người quản lý xã hội thì Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện đầy đủ quyền của một cách hợp pháp.

          Trong nền kinh tế thị trường việc bảo đảm quan hệ cung cầu không phải dễ dàng, tình trạng một bán nhiều người muốn mua là điều xảy ra khá phổ biến. Tình trạng độc quyền trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả trong việc mua bán tài sản cũng là điều không hay, dễ sinh ra tình trạng mua ép, bán ép. Pháp luật bán đấu giá tài sản có vai trò tạo ra cơ chế để những người muốn mua tài sản có thể cạnh tranh một cách công khai, bình đẳng về giá cả. Thông qua đó, pháp luật quy định cơ chế công khai về đối tượng tài sản đem bán, về giá khởi điểm của tài sản..tạo cơ hội để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản có thể tiếp cận và tham gia vào quá trình mua tài sản[7].

Thứ ba, pháp luật bán đấu giá tài sản quy định một cơ chế hình thành nên giá mua, bán tài sản, tạo cơ chế kết hợp hài hòa nhu cầu và lợi ích của người sỡ hữu tài sản và người mua tài sản

          Điều chỉnh lĩnh vực điều hành giá hiện nay đang có Pháp lệnh Giá năm 2002 quy định quản lý nhà nước về giá và hoạt động về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Nhà nước chỉ sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.

          Trong việc định đoạt tài sản thuộc sỡ hữu của mình, chủ sỡ hữu có quyền quyết định giá bán tài sản. Trong quan hệ mua bán tài sản thì một yếu tố quan trọng mà các bên phải thông nhất là giá cả của tài sản được mua bán. Quan hệ mua bán tài sản chỉ được xác lập khi giá được các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Người bán thì luôn muốn bán với giá cao nhất còn người mua thì muốn mua với giá thấp nhất là một tình trạng phổ biến. Vì vậy, bán đấu giá tài sản là một cơ chế hình thành giá bán hàng hóa, kết hợp hài hòa nhu cầu, lợi ích của cả người bán và người mua. Thông qua hoạt động bán đấu giá, pháp luật tạo cơ chế bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người có tài sản được bán thông qua việc bán tài sản với giá cao nhất mà thị trường chấp nhận. Trong những trường hợp nhất định cần bán tài sản của Nhà nước thì việc bán đấu giá công khai là hình thức tốt nhất bảo vệ quyền lợi của Nhà nước khỏi bị xâm hại. Việc bán đấu giá tài sản là cơ chế trung gian để góp phần giải quyết được các xung đột lợi ích của các đồng chủ sỡ hữu và cơ quan nhà nước trong trường hợp bán tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá cả hình thành qua bán đấu giá sẽ dễ dàng được các bên chấp nhận. Đồng thời, thông qua hoạt động cạnh tranh về mua tài sản có thể đi đến việc hình thành giá mua tài sản phản ánh một cách sát nhất giá trị đích thực hàng hóa.

Thứ tư, pháp luật bán đấu giá tài sản là phương tiện bảo vệ lợi ích tốt nhất của các bên tham gia quan hệ bán đấu giá tài sản

          Khi có những tranh chấp xảy ra, pháp luật bán đấu giá tài sản quy định rõ những hành vi vi phạm và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật đối với người tham gia đấu giá tài sản và người bán đấu giá tài sản, người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản. Đồng thời, cũng quy định quyền khiếu nại, tố cáo, cụ thể cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó đã vi phạm quy định của pháp luật và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

          Pháp luật cũng chỉ rõ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản và văn bản đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Thứ năm, pháp luật bán đấu giá tài sản điều chỉnh một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, hình thành khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản

          Trong quan hệ đấu giá tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản có vai trò là người trung gian đứng ra kết nối nhu cầu của người có tài sản bán đấu giá và người tham gia bán đấu giá tài sản. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải bảo đảm tiến hành bán đấu giá tài sản một cách trung thực, khách quan nhất, không vì quyền lợi riêng của bất cứ bên nào. Tổ chức bán đấu giá tài sản cũng như đấu giá viên có hành vi thiếu trung thực, thiếu khách quan sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả cuộc bán đấu giá tài sản, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan. Chính vì vậy, dịch vụ bán đấu giá tài sản được nhiều quốc gia xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và pháp luật về bán đấu giá tài sản có vai trò thiết lập khung pháp lý quy định về điều kiện hành nghề bán đấu giá cũng như trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm tối đa mục tiêu của việc bán đấu giá tài sản.

          Pháp luật doanh nghiệp là nền tảng cho sự ra đời và hình thành của các tổ chức kinh doanh ở nước ta (công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân) đánh dấu sự hình thành với sự ra đời của Luật công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Tiếp đó, trong hơn 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của pháp luật doanh nghiệp theo xu hướng giải phóng tối đa nguồn lực tham gia sản xuất kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời đã thay đổi tư duy thành lập doanh nghiệp theo kế hoạch của Nhà nước (Nhà nước cho phép thành lập doanh nghiệp) sang tư duy thành lập doanh nghiệp theo nhu cầu của thi trường (Đăng ký thành lập doanh nghiệp) người dân có quyền kinh doanh những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã kế thừa và phát triển tinh thần giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thành lập doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực.

          Trong bối cảnh dưới sự tác động của pháp luật doanh nghệp cũng như đòi hỏi của nền kinh tế thị trường thì pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng không thể “thu mình’’ trong một thế giới riêng. Trước khi Bộ luật Dân sự 1995 ra đời, vì không có khuôn khổ chung cho hoạt động bán đấu giá nên cũng không hình thành các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Ngoài cơ quan thi hành án, việc bán đấu giá thường do các cơ quan hành chính thực hiện theo cơ chế hội đồng liên ngành. Như vậy, có thể nói, trong giai đoạn này, lĩnh vực bán đấu giá trước đây được coi là lĩnh vực độc quyền nhà nước, không phải là ngành nghề kinh doanh. Nghị định 86/CP bước đầu thừa nhận hoạt động bán đấu giá tài sản được coi là một ngành nghề kinh doanh và các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế có thể tham gia thành lập doanh nghiêp bán đấu giá tài sản là rất ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực này là các Trung tâm bán đấu giá được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Thực trạng này có thể lý giải từ một quy định hạn chế của Nghị định này là yêu cầu doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác (khoản 2 Điều 4). Điều này không phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã xóa bỏ yêu cầu này, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có thể là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề và có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản (Điều 14).

          Hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản cũng xác định những đặc thù đối với tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tham gia bán đấu giá tài sản (điều kiện kinh doanh). Luật Doanh nghiệp với tính chất là đạo luật điều chỉnh về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp không quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó đủ điều kiện theo quy định (khoản 2, Điều 7 Luật doanh nghiệp). Chính vì vậy, với tính chất là pháp luật chuyên ngành thì Nghị định số 17/20010/NĐ-CP phải có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản). Ngoài các điều kiện về thành lập, hoạt động của từng loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản phải có đủ các điều kiện:  “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên; có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng phải có những quy định bổ sung điều chỉnh cụ thể về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản”[8].

Thứ sáu, pháp luật về bán đấu giá tài sản tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước thống nhất về bán đấu giá tài sản; quy định thống nhất về phương thức bán đấu giá đối với các loại tài sản.

          Trong nền kinh tế thị trường thì vai trò điều tiết và định hướng các hoạt động kinh tế là rất quan trọng. Đối với hoạt động bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì yêu cầu quản lý nhà nước lại càng quan trọng. Pháp luật về bán đấu giá có vai trò quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vưc này như: quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; quy định về việc cấp; thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản…Khung khổ pháp lý về bán đấu giá tài sản phải vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này nhưng cũng bảo đảm không gây cản trở, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ bán đấu giá tài sản.

          Lấy ví dụ minh họa: Đất đai là một tài sản thuộc sỡ hữu nhà nước cũng thuộc loại phải bán đấu giá trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, trước ngày 01/7/2010, trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở thuộc quyền sỡ hữu nhà nước, pháp luật về bán đấu giá tài sản vẫn chưa với tới, điều chỉnh đối với việc bán đấu giá tài sản nhà nước đặc biệt này. Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (thay thế Nghị định Nghị định 86/CP) đều không quy định rõ ràng về việc áp dụng đối với tài sản nhà đất thuộc sỡ hữu nhà nước. Sự không thống nhất trong việc bán đấu giá quyền sử dụng đất (giao đất có thu tiền sử dụng đất) với pháp luật về bán đấu giá tài sản thể hiện rõ ở trong Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, theo đó, quy định việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 7). Dựa vào quy định này, nhiều địa phương tổ chức bán quyền sử dụng đất được giao quản lý một cách tùy tiện, không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản, gây tốn kém, thất thu cho ngân sách và phiền toái cho người thật sự có nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 của Bộ Tài Chính và Môi trường và Bộ nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất quy định riêng nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm phát triển quỹ đất quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm phát triển quỹ được” tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đất được giao quản lý” (tiết 2.1.6 điểm b muc 2 phần II) là không phù hợp với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, không quy định tổ chức này được quyền bán đấu giá tài sản.

          Nhằm thống nhất đầu mối và ấp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản, Nghị định số 17/20010/ NĐ_CP ngày 04/3/2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010) đã quy định rõ việc áp dụng Nghị định đối với việc bán đấu giá là: “Tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, đồng thời, trong điều khoản thi hành, nghị định này đã bãi bỏ hiệu lực của pháp luật đất đai liên quan đến bán đấu giá như Khoản 4 Điều 62 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai; Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và bỏ quy định về Hội đồng đấu giá tại khoản 1 Điều 122 Quyết định của Thủ tướng Chinha phủ số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất. Như vậy, với sự ra đời của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản đã được khẳng định rất rõ. Các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá sẽ trở thành đầu mỗi thống nhất thực hiện bán đấu giá các loại tài sản áp dụng thông nhất trình tự, thủ tục pháp lý trong quá trình bán tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, phòng ngừa tiêu cực có thể xảy ra tại các tổ chức được giao quản lý, xử lý nhà và đất thuộc sỡ hữu nhà nước, thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra việc bán tài sản nhà nước.

          Xét về mục tiêu của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đó là làm cho các bộ phận của nó đáp ứng yêu cầu vận hành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản với tính cách là bộ phận pháp luật cụ thể hóa hình thức (phương thức) bán đấu giá tài sản có nhiều ưu điểm như trình bày trên đây là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế; Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, phân phối các lợi ích ngày càng công bằng; Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng đất đai; Tôn trọng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; Tiếp tục đổi mới mãnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Phát triển các loại hình doanh nghiệp; Thu hút đầu tư nước ngoài.

4. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐÁU GIÁ TÀI SẢN

          Pháp luật bán đấu giá tài sản được coi có hiệu quả khi nó phản ánh đầy đủ hệ tiêu chí sau:

4.1. Tiêu chí về nội dung để đánh giá hiệu quả pháp luật về bán đấu giá

          Pháp luật bán đấu giá tài sản được coi là có hiệu quả khi nội dung phản ánh được các tiêu chí:

          - Phản ánh đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về lĩnh vực liên quan đến bán đấu giá tài sản;

          - Nội dung của pháp luật bán đấu giá tài sản phải phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng ở mỗi quy phạm và từng chế định pháp luật;

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời bảo đảm tính chặt chẽ của quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản.

4.2. Tiêu chí về hình thức để đánh giá hiệu quả pháp luật về bán đấu giá

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính thống nhất.

Tiêu chí đòi hỏi các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản không được mâu thuẫn, chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, sự phối hợp tác động điều chỉnh theo một chiều, hướng nhất định. Tiêu chí về tính thống nhất còn được thể hiện ở sự thống nhất giữa nội dung văn bản với đối tượng phản ánh, tức là những quan hệ kinh tế - xã hội hiện thực, nhằm đảm bảo giá trị thực tế của hệ thống pháp luật về bán đấu giá tài sản. Một hệ thống pháp luật tuy có sự thống nhất nội tại giữa các văn bản nhưng những quy định của nó lại xa lạ với các điều kiện kinh tế, xã hội thì cũng làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý bị giảm thấp, hoặc không thu được hiệu quả.  

Một yêu cầu nữa trong tiêu chí này là đòi hỏi sự thống nhất về mục đích điều chỉnh giữa hệ thống văn bản pháp luật bán đấu giá với các hệ thống có cùng chức năng điều chỉnh khác để tránh sự vênh nhau giữa chúng. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, để quản lý xã hội thực hiện sự hội nhập quốc tế toàn diện thì yêu cầu sự thống nhất về mục đích là hết sức cần thiết bởi nó tạo ra sự ăn khớp, hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy rằng ở những chừng mực nhất định, đó là việc xem xét tính mục đích của nó vừa là một hoạt động bổ trợ tư pháp vừa là một loại giao dịch dân sự tiện ích và văn minh ngày càng cần được xã hội hóa mạnh mẽ.

          Tiêu chí về tính thống nhất này đòi hỏi phải có sự tuân thủ nguyên tắc pháp chế trong việc ban hành văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được chủ quan, duy ý chí, cục bộ địa phương mình, ngành mình, ban hành pháp luật về bán đấu giá tài sản trái với văn bản pháp luật của cấp trên. Thường xuyên làm tốt công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như thực hiện tốt công tác so sánh pháp luật, học tập kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về bán đấu giá tài sản của các nước.

-        Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính toàn diện.

Tiêu chí này thể hiện mức độ thích ứng của hệ thống văn bản với tổng thể các nhu cầu điều chỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Điều đó có nghĩa là tính toàn diện bảo đảm không có bất kỳ một khoảng trống nào mà ở đó các quan hệ xã hội về bán đấu giá tài sản không hoặc chưa được điều chỉnh bằng pháp luật. Đây là tiêu chí đòi hỏi rất cao của việc hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản trong khi các quan quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi pháp luật này luôn phát triển không ngừng, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

          Tính toàn diện còn được thể hiện ở trình độ hoàn thiện hợp lý của văn bản về phạm vi, mức độ điều chỉnh, về phương pháp điều chỉnh. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về bán đấu giá tài sản ở nước ta xét ở các bình diện trên còn đang dừng lại ở mức độ thấp, hạn chế về số lượng và chưa đồng bộ, một số quy định còn chậm được cụ thể hóa như việc quy định các loại tài sản nhà nước được đưa ra bán đáu giá; Người bán đấu giá tài sản là Hội đồng bán đấu giá tài sản; Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản, hình thức đấu giá qua mạng…

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản cần đảm bảo tính phân chia và tính thứ bậc về hiệu lực giữa các văn bản pháp luật bán đấu giá tài sản.

 Tiêu chí này thể hiện sự phân loại, sắp xếp hợp lý, khoa học, trật tự các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản trên cơ sở đối tượng điều chỉnh và sự phân cấp hợp lý về thẩm quyền trong việc thi hành. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP quy định về bán đấu giá tài sản thì Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Tương tự việc mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/12/2006 ban hành Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng…

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính ổn định nhất định.

Với tư cách là một hiện tượng xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, pháp luật nói chung và pháp luật bán đấu giá nói riêng bao giờ cũng có tính ổn định tương đối . Muốn bảo đảm tính ổn định đòi hỏi phải có sự dự báo chính xác trạng thái, xu hướng vận động, phát triển của các quan hệ xã hội về bán đấu giá tài sản từ đó xác định mục đích điều chỉnh, mức độ khái quát của các quy định, giới hạn phạm vi tác động của văn bản cho thích hợp.  

Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính hiện đại của kỹ thuật lập pháp.

 Tiêu chí này thể hiện cách trình bày, diễn đạt của văn bản, ngôn ngữ, văn phong trong sáng, dễ hiểu, đơn nghĩa, và có tính logic chặt chẽ.

Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính minh bạch, khả thi;           

Tiêu chí này đòi hỏi hệ thống pháp luật này phải minh bạch, rõ ràng đến từng quy phạm, chế định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn. Mặt khác, hệ thống pháp luật này, phải đảm bảo tính khả thi cao trong quá trình điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bán đấu giá tài sản. Để đảm bảo tiêu chí này cần chú ý những vấn đề sau:

          - Đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành;

          - Các quy phạm pháp luật phải được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, phản ánh đúng thực tại khách quan; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và phù hợp với trình độ phát triển văn hóa, xã hội.

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải được ban hành kịp thời, đúng lúc, bảo đảm tính có ích, tính tiết kiệm trong quá trình soạn thảo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa.

5. PHÁP LUẬT BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

5.1. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Trung Quốc

          Hoạt động về bán đấu giá tài sản ở Trung Quốc được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Luật về bán đấu giá tài sản, được thông qua ngày 05 tháng 07 năm 1996. Một số điểm cơ bản của luật này thể hiện ở các quy định sau:

          Về tài sản bán đấu giá, Trung Quốc xem bán đấu giá tài sản như một trong những hình thức mua bán tài sản thông thường. Tài sản được đem bán đấu giá theo quy định của luật này phải là các tài sản và quyền tài sản được phép giao dịch.

          Về người bán đấu giá tài sản, là các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản do chủ sở hữu hoặc người có quyền xử lý tài sản hoặc quyền tài sản (gọi là người ủy quyền) ủy quyền. Để được phép hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: có vốn đăng ký ít nhất là 1 triệu nhân dân tệ; có tên, cơ cấu tổ chức, trụ sở và điều lệ riêng; có đấu giá viên và nhân viên đủ tiêu chuẩn để tiến hành hoạt động bán đấu giá; có quy chế bán đấu giá phù hợp với pháp luật về bán đấu giá tài sản và các quy định của pháp luật có liên quan; có giấy phép hành nghề kinh doanh đặc biệt do cơ quan công an cấp; tuân theo những quy định của Chính phủ về phát triển hoạt động bán đấu giá; đáp ứng những yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

          Riêng đối với các doanh nghiệp bán đấu giá cổ vật văn hóa thì mức vốn đăng ký ít nhất là 10 triệu nhân dân tệ và có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm trong việc bán đấu giá cổ vật.

          Về đấu giá viên, đấu giá viên là người trực tiếp chủ trì các cuộc đấu giá. Người muốn trở thành đấu giá viên trước hết phải đáp ứng các điều kiện sau: có bằng tốt nghiệp đại học và kinh nghiệm chuyên môn về bán đấu giá; đã làm việc trong doanh nghiệp bán đấu giá từ 2 năm trở lên; có tư cách đạo đức tốt. Để được công nhận chính thức là đấu giá viên, người đáp ứng những điều kiện trên phải tham gia kỳ thi tuyển chọn đấu giá viên do Hiệp hội bán đấu giá tổ chức. Hiệp hội là một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật và là tổ chức tự quản trong lĩnh vực bán đấu giá. Hiệp hội thực hiện chức năng giám sát các doanh nghiệp bán đấu giá và đấu giá viên theo quy định của luật này và điều lệ của Hiệp hội. Những người đạt yêu cầu của kỳ thi sẽ được Hiệp hội cấp chứng chỉ đấu giá viên. Khi được cấp chứng chỉ đấu giá viên, họ sẽ được chủ trì các cuộc bán đấu giá tài sản.

          Về hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản là hợp đồng được ký kết giữa người ủy quyền và doanh nghiệp bán đấu giá. Hợp đồng ủy quyền không có quy định các nội dung sau: chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản; quyền, nghĩa vụ của các bên.

          Vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản Trung Quốc là rất rõ ràng và cụ thể.

          - Đối với doanh nghiệp bán đấu giá: Người thành lập doanh nghiệp bán đấu giá mà không đăng ký hoạt động hoặc không được sự phê chuẩn thì sẽ bị đình chỉ hoạt động; các khoản thu nhập bất hợp pháp của doanh nghiệp sẽ bị tịch thu. Ngoài ra người vi phạm còn bị phạt một khoản tiền từ 100% đến 500% khoản thu nhập bất hợp pháp đó.

          Doanh nghiệp bán đấu giá hoặc nhân viên khác tham gia vào cuộc bán đấu giá hoặc ủy quyền cho người khác tham gia vào phiên đấu giá do mình tổ chức, sẽ bị cảnh cáo và có thể bị phạt từ 100% đến 500% khoản phí bán đấu giá, trường hợp nặng sẽ bị thu hồi giấy phép.

          Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoặc quyền tài sản của chính mình tại phiên bán đấu giá do mình tổ chức sẽ bị tịch thu toàn bộ khoản thu từ cuộc bán đấu giá đó.

          Doanh nghiệp bán đấu giá câu kết với người tham gia đấu giá khác mà gây thiệt hại cho người khác, thì cuộc bán đấu giá sẽ không có hiệu lực và doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật, có thể xử phạt một khoản tiền từ 100% đến 500% giá trả cao nhất đối với người bán đấu giá có hành vi cấu kết.

          Doanh nghiệp bán đấu giá nếu biết rõ rằng người ủy quyền không có ủy quyền sở hữu đối với tài sản hoặc không có quyền xử lý tài sản, quyền tài sản theo quy định của pháp luật, mà vẫn tiến hành bán đấu giá tài sản thị sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

          - Đối với người ủy quyền: Người ủy quyền ủy quyền bán đấu giá tài sản mà mình không có quyền sở hữu hoặc xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

          Người ủy quyền tham gia trả giá hoặc ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia trả giá sẽ bị phạt tiền đến 30% giá bán tài sản bán đấu giá.

          - Người tham gia đấu giá: Người tham gia đấu giá mà cố ý cấu kết với những người tham gia đấu giá khác và doanh nghiệp bán đấu giá sẽ bị xử phạt một khoản tiền từ 10% đến 30% của giá trả cao nhất đối với người tham gia đấu giá.

          - Vi phạm từ cơ quan, cán bộ nhà nước: Nhân viên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, khu tự trị hoặc chính quyền địa phương, nơi có tài sản mà không thực hiện đúng như quy định về bán đấu giá các loại tài sản trên sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường.

5.2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Nhật Bản

          Trình tự thủ tục bán đấu giá trước hết được xem xét ở việc bán đấu giá bất động sản hay động sản.

          Đối với việc bán đấu giá bất động sản, Tòa án sẽ ra quyết định bán đấu giá tài sản, cho kê biên tài sản nhằm mục đích cấm việc tẩu tán bất động sản. Chấp hành viên sẽ điều tra xem ai đang sử dụng bất động sản và định mức tối thiểu. Sau đó, niêm yết công khai thông tin bán đấu giá. Việc tiến hành bán đấu giá theo đúng thủ tục và quyết định cho người trả giá cao nhất được mua. Khi người mua nộp tiền xong, thì quyền sở hữu bất động sản đó được chuyển cho người mua. Tòa án sẽ thanh toán tiền bán bất động sản đó cho các chủ nợ và kết thúc vụ án. Để người mua được giao bất động sản một cách suôn sẻ, tòa án có một chế độ mệnh lệnh bắt buộc người sử dụng bất động sản phải giao trả bất động sản cho người mua. Như đã trình bày ở trên, từ đầu đến cuối thủ tục bán đấu giá bất động sản đều do Tòa án tổ chức thực hiện, không có một cơ quan nhà nước hay tổ chức tư nhân nào là người thực hiện cả.

          Đối với thủ tục bán đấu giá bất động sản thì chấp hành viên của Tòa án là người tổ chức thủ tục bán đấu giá động sản. Yêu cầu bán đấu giá động sản không phải gửi cho Tòa án mà gửi cho chấp hành viên. Việc kê biên, bán đấu giá và thanh toán tiền bán đều do chấp hành viên chủ trì thực hiện.

          Trên nguyên tắc, Tòa án chủ trì thực hiện thủ tục thi hành án dân sự là các Tòa án địa phương (Tòa cấp tỉnh) và các chi nhánh. Tùy theo quy mô của mỗi Tòa án, số thẩm phán phụ trách thi hành án dân sự có khác nhau. Tòa án địa phương Tokyo là nơi có số vụ án dân sự nhiều nhất trong nước, hiện nay có 15 thẩm phán chuyên trách thi hành án dân sự. Điểm khác biệt lớn nhất là chấp hành viên không nhận lương từ Nhà nước mà có nguồn thu nhập từ lệ phí của các bên đương sự. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 630 chấp hành viên, riêng Tòa án địa phương Tokyo có 50 người. Tuổi trung bình của chấp hành viên là 50 tuổi.

          Trong các chủ thể thực hiện bán đấu giá ở Nhật Bản thì có thư ký Tòa án, những quyết định quan trọng trong thủ tục thi hành án dân sự thì do thư ký Tòa án thực hiện.

          Về hình thức bán đấu giá bất động sản, Luật Nhật Bản quy định hai loại là trả giá bằng thư kín và đấu giá công khai. Trong loại trả giá bằng thư kín lại có hai loại, trả giá vào ngày đã định và trả giá trong suốt thời hạn đã định.

          Đấu giá công khai là cách kéo giá mua dần lên trong ngày đấu giá. Trả giá trong suốt thời hạn đã định là thủ tục nhận trả giá bằng thư kín trong một thời hạn đã định trong khoảng hai tuần lễ, sau đó mở thư vào một ngày đã định để quyết định được người mua. Hiện nay, hầu hết các Tòa án ở Nhật Bản đều áp dụng cách thức này vì giúp cho người dân thường dễ tham gia, nhờ đó có thể kêu gọi rộng rãi những người mua. Trước khi bỏ thư trả giá, người mua cần biết hiện trạng và giá bán tối thiểu của bất động sản. Tòa án sẽ đặt bản báo cáo của chấp hành viên, bản báo cáo của người đánh giá và bản chi tiết về bất động sản bán đấu giá ở một nơi nhất định trong Tòa án, cho người mua được xem trong một thời hạn nhất định trong khoảng hai tuần lễ trước khi mở đầu thời hạn bỏ thư trả giá. Tòa cũng cho đăng tải trên báo và tạp chí thông tin về bán đấu giá bất động sản. Chi phí đăng tin lấy từ tiền tạm ứng chi phí mà chủ nợ phải nộp khi đệ đơn yêu cầu. Người mua phải đến Tòa án nhận mẫu thư trả giá, điền vào những khoản cần thiết và đưa cho chấp hành viên hoặc cũng có thể gửi thư trả giá bằng đường bưu điện, phải nộp một khoản tiền đặt trước tương đương với 20% của mức giá khởi điểm. Về thủ tục mở thư trả giá, thư trả giá được mở công khai tại phòng bán tài sản của Tòa án. Chấp hành viên tiến hành thủ tục này. Sau khi xong thủ tục, chấp hành viên sẽ nhận tiền thù lao. Ở Tòa án địa phương Tokyo, trung bình mỗi tuần mở thư trả giá một lần, mỗi lần mở thư của khoảng 100 vụ kiện. Khi mở thư cần có người chứng kiến, thông thường thư ký Tòa án làm người chứng kiến. Người bỏ thư trả giá không bị bắt buộc phải hiện diện. Dù đã trả giá cao nhất đi nữa, nhưng nếu việc điền vào thư trả giá không đúng thì trên nguyên tắc bị xem là vô hiệu. Việc điền thư trả giá đầy đủ hay không được xem xét về mặt hình thức rất nghiêm ngặt.

          Người không thể mua tài sản bán đấu giá được Luật bán đấu giá tài sản Nhật Bản quy định rất cụ thể như không cho bên mắc nợ trong vụ kiện được mua tài sản của họ, người đã phạm một số tội đặc định, người đã có hành vi cản trở người khác trong việc tham gia bán đấu giá. Quyết định cho phép bán tài sản sau khi đã định xong người mua, Tòa án sẽ xem xét người mua có đủ tư cách pháp lý để mua hay không, thủ tục bán có đúng luật hay không, nếu thấy không có vấn đề thì Tòa án sẽ làm một văn bản cho phép bán tài sản ấy cho người mua. Các bên đương sự có thể khiếu nại đối với việc cho phép bán này.

          Cũng có trường hợp bất động sản không có ai bỏ thư trả giá nên không bán được. Trong trường hợp này Luật công nhận việc ưu tiên bán cho người đến mua trước. Đó là thủ tục đặc biệt. Thủ tục bán đặc biệt chỉ được thực hiện đối với bất động sản đã được tổ chức trả giá bằng thư kín hoặc bán đấu giá ít nhất một lần. Thời hạn nộp đơn mua là một tháng. Người mua phải mua từ giá khởi điểm trở lên nhưng vì ưu tiên cho người nộp đơn mua trước nên thông thường, người mua sẽ mua với giá khởi điểm đã định. Vì bán theo thủ tục đặc biệt sẽ phải chịu giá thấp nên cần có sự đồng ý của chủ nợ trước khi bán. Trong trường hợp tổ chức bán theo thủ tục đặc biệt mà vẫn không có người mua, thì nhờ người giám định đánh giá lại tài sản để định lại mức giá khởi điểm và Tòa án sẽ tổ chức bán theo trả giá bằng thư kín lần nữa.

5.3. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Pháp

          Tại Pháp, hoạt động bán đấu giá được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật thương mại. Hoạt động bán đấu giá phải do những cá nhân hoặc tổ chức đủ điều kiện nhất định tiến hành; không phải bất cứ ai cũng có thể tổ chức bán đấu giá như một hoạt động thương mại.

          Các công ty bán đấu giá được phép thành lập và hoạt động khi đảm bảo về cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất và tài chính đầy đủ theo quy định của pháp luật. Công ty phải đảm bảo được những yêu cầu của hoạt động đấu giá là tính trung thực, khách quan, người điều hành có kinh nghiệm trong bán đấu giá am hiểu về các loại tài sản đấu giá. Ngoài ra, các công chứng viên, các thừa phát lại cũng được tiến hành việc bán đấu giá tài sản tại văn phòng của mình khi được chủ sở hữu tài sản ủy quyền làm đại diện.

          Các công ty bán đấu giá có thể áp dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động bán đấu giá của mình, chẳng hạn như: Công ty có thể bảo đảm về giá tối thiểu cho người có tài sản bán đấu giá bằng phương thức ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán khoản chênh lệch giữa giá bán tài sản thực tế và giá đã được bảo đảm. Công ty bán đấu giá có thể tạm ứng trước tiền bán tài sản cho người có tài sản bán đấu giá.

          Các phiên bán đấu giá được tổ chức công khai theo những thủ tục, phương thức đấu giá phù hợp. Giá khởi điểm của tài sản để bán là giá thấp nhất được bên bán đồng ý hoặc giá đã được định, được thông báo công khai trước khi bán đấu giá. Người điều hành phiên đấu giá xác định người trả giá cao nhất là người được mua tài sản hoặc công bố tài sản không bán được và lập biên bản bán đấu giá chính thức.

          Ngoài ra, Bộ luật dân sự Pháp còn quy định về bán đấu giá với tài sản chung không thể phân chia, bán tài sản để thu hồi nợ. Nếu tài sản chung của nhiều người không thể chia ra từng phần một cách thuận tiện, không thể thỏa thuận được về việc ai sẽ nhận và không nhận tài sản, cũng như để không gây thiệt hại cho bất cứ ai, thì mỗi đồng chủ sở hữu đều có quyền yêu cầu đưa tài sản ra bán đấu giá. Các chủ nợ đều có quyền yêu cầu bán đấu giá công khai tài sản của con nợ, với điều kiện phải thông báo trước cho chủ sở hữu trong một thời gian thích hợp.

5.4. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của bang Floria (Hoa Kỳ)

          Ở bang Floria (Hoa Kỳ) có đạo luật Floria năm 2003, tựa đề XXXII: Quy định về nghề nghiệp, chương 468: Những nghề nghiệp khác – Đấu giá viên.

          Đấu giá viên được hiểu là người được cấp phép theo quy định của Luật này và có giấy phép hành nghề đấu giá viên của bang còn hiệu lực. Cơ quan được hiểu là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh và nghề nghiệp. Ủy ban đấu giá trực thuộc Cơ quan. Ủy ban gồm có năm thành viên do Thống đốc bổ nhiệm trên cơ sở quyết định của Thượng viện. Hai trong số năm người này từng làm việc với tư cách là đấu giá viên ít nhất là 5 năm trước khi họ được chỉ định, một người trong số họ là Giám đốc của Công ty đấu giá và hai người trong số họ là người bên ngoài. Nhiệm kỳ của các thành viên là bốn năm. Ủy ban có quyền thông qua các quy tắc theo quy định và có trách nhiệm nhận đơn đề nghị của đấu giá viên, đấu giá viên tập sự, đơn xin cấp phép của Công ty bán đấu giá và có quyền cấp, sửa đổi, thu hồi các loại giấy đó, đồng thời thực hiện các công việc cần thiết khác để thực hiện Luật. Người muốn có giấy phép hành nghề đấu giá viên đều phải trải qua kỳ thi viết do Ủy ban phê chuẩn. Ủy ban sẽ kiểm tra kiến thức của người đăng ký về pháp luật của bang liên quan tới các quy định của Bộ luật Thương mại liên bang về bán đấu giá tài sản, pháp luật về đại lý và các quy định của Luật này. Đấu giá viên tập sự không được thực hiện hoặc ký hợp đồng thực hiện việc bán đấu giá mà không có sự chấp thuận rõ ràng của người giám sát là một đấu giá viên đồng ý nhận trách nhiệm giám sát viên của đấu giá viên tập sự.

          Đấu giá viên tập sự cũng phải có đơn đề nghị cấp phép và được cấp giấy phép, phải trải qua thời gian tập sự hành nghề ít nhất 1 năm và các cuộc bán đấu giá theo quy định của Luật này phải được thực hiện bởi một đấu giá viên có giấy phép hợp lệ hoặc một đấu giá viên tập sự có giấy phép hợp lệ và được chấp thuận bằng văn bản của người hướng dẫn. Người hướng dẫn phải có mặt tại nơi bán đấu giá vào thời điểm đấu giá viên tập sự thực hiện cuộc bán đấu giá và phải chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi hoặc sự sai sót nào của đấu giá viên tập sự dẫn đến việc vi phạm pháp luật liên quan đến việc tiến hành cuộc bán đấu giá.

          Luật này còn quy định Quỹ bồi thường đấu giá là một tài khoản riêng trong quỹ ủy thác theo quy định của nghề nghiệp. Quỹ này do Ủy ban đấu giá Floria quản lý. Quỹ bồi thường đấu giá dùng để bồi thường trong các trường hợp khi người được cấp phép mà có hành vi vi phạm gây ra thiệt hại phải trả tiền bồi thường cho người yêu cầu.

          Thiệt hại thực tế có thể bao gồm cả lệ phí Tòa án, tuy nhiên không bao gồm phí của Luật sư hoặc tiền phạt do gây thiệt hại. Số tiền được trả từ Quỹ bồi thường đấu giá không được vượt quá 50.000 đôla đối với mỗi yêu cầu hoặc nhiều yêu cầu phát sinh từ cùng một giao dịch hay cuộc bán đấu giá hoặc tổng số tiền không vượt quá 100.000 đôla đối với mỗi người được cấp phép. Một yêu cầu được bồi thường từ Quỹ bồi thường đấu giá phải được thực hiện trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm hành vi đó được phát hiện hoặc phải được phát hiện. Và trong bất kỳ trường hợp nào, yêu cầu bồi thường không được đưa ra trong thời hạn bốn năm, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm.

          Theo quy định của Luật này, người được cấp phép không đủ điều kiện để được cấp phép lại cả với tư cách đấu giá viên hay Công ty đấu giá cho đến khi đấu viên hoặc Công ty đấu giá trả lại đầy đủ số tiền mà Quỹ bồi thường đấu giá đã thanh toán với lãi suất thích hợp hiện hành.

5.5. Pháp luật về bán đấu giá công khai của Canada (tỉnh Alberta)

          Đạo luật này có hiệu lực kể từ ngày công bố là ngày 01 tháng 05 năm 1982. Mô hình Nhà nước Canada là quyền lực phân tán. Vì vậy, Chủ tịch tỉnh có quyền lực rất lớn trong việc lập pháp. Đạo luật về bán đấu giá công khai của Canada quy định Giấy phép kinh doanh bán đấu giá ban hành theo Đạo luật về bán đấu giá động sản (hàng hóa và lô hàng hóa) đang có hiệu lực được coi là hợp lệ theo Đạo Luật này (Điều 19), không áp dụng Giấy phép theo quy định tại Đạo luật về thương mại và kinh doanh (Điều 18). Đạo luật quy định Chủ tịch hoặc người được Chủ tịch ủy quyền có quyền tự tiến hành điều tra hoặc điều tra theo khiếu nại thi hành Đạo luật này, có quyền kiểm tra hoạt động bán đấu giá của người kinh doanh bán đấu giá và sổ sách, hồ sơ, giấy tờ tài liệu, thư tín hoặc những tài liệu khác liên quan đến nội dung điều tra; có quyền yêu cầu người kinh doanh bán đấu giá, nhân viên và người điều hành đấu giá cung cấp cho Chủ tịch hoặc người được ủy quyền theo thời hạn (ít nhất là mười ngày kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản); có quyền sở hữu, kiểm tra, sửa đổi, trích dẫn hoặc sao bất kỳ tài liệu và có quyền thâm nhập, thanh tra và kiểm tra, tại mọi thời điểm, mọi địa điểm kinh doanh của người kinh doanh bán đấu giá (Điều 12). Cá nhân, tổ chức phải nhanh chóng trả lời trực tiếp theo những yêu cầu của người điều tra, thực hiện yêu cầu cung cấp hồ sơ, sổ sách, giấy tờ tài liệu, không được ngăn cản hoặc can thiệp vào việc kiểm tra hoặc sửa đổi theo quy định, không được cản trở hoặc can thiệp vào hoạt động điều tra của Chủ tịch hoặc người được ủy quyền (Điều 13).

          Luật quy định về tài khoản ủy thác nêu rõ: Người kinh doanh bán đấu giá phải gửi số tiền bán đấu giá vào tài khoản ủy thác tại một ngân hàng, chi nhánh kho bạc, tổ chức tín dụng hoặc Công ty tín dụng có trụ sở tại Alberta. Tài khoản này phải độc lập với các tài khoản khác của người kinh doanh bán đấu giá và phải giải ngân theo quy định tại Quy chế và các quy định về ủy thác. Chủ tịch có quyền ủy quyền bằng văn bản chỉ định người thanh tra các tài khoản theo quy định trên và không người nào được phép cản trở hoặc can thiệp vào hoạt động thanh tra của người có thẩm quyền (Điều 14).

          Tại Điều 17 của Luật quy định: Tỉnh trưởng có quyền ban hành Quy chế. Quy chế có các nội dung như sau: a) Liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép như tiêu chuẩn của người làm đơn, lệ phí, các quy định trong giấy phép, quy định về giấy phép; b) Quy chế còn quy định về tiêu chuẩn của người điều hành bán đấu giá; c) Quy định về các quy tắc ứng xử của người kinh doanh bán đấu giá và người điều hành bán đấu giá trong các hoạt động bán đấu giá; d) Quy định về mẫu và các nội dung lưu trữ theo quy định tại Đạo luật này; e) Quy định về giữ tiền bán đấu giá, thanh toán vào và ra trong tài khoản ủy thác theo quy định (Điều 17).

          Về việc quy định vi phạm và hình phạt, đạo luật quy định người vi phạm các quy định tại đạo luật này hoặc Quy chế bị phạt tiền đến 1.000 đôla, trong các trường hợp khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hai năm.

5.6. Kinh nghiệm cho Việt Nam

          Qua nghiên cứu pháp luật về bán đấu giá của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, tỉnh Alberta (Canada) và bang Floria (Hoa Kỳ), có thể rút ra một số vấn đề vận dụng cho Việt Nam như sau:

          Một là, đa phần các nước đã ban hành luật về bán đấu giá tài sản với tư cách là một đạo luật độc lập như: Trung Quốc, Nhật Bản, tỉnh Alberta (Canada). Các nước Pháp, Hoa Kỳ (bang Floria) quy định bán đấu giá tài sản là một chế định pháp luật trong luật chuyên ngành.

          Với tư cách là một đạo luật độc lập, pháp luật về bán đấu giá tài sản đã thể hiện đầy đủ phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh. Chẳng hạn, như tại Điều 1 của Luật về bán đấu giá tài sản của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: Luật này được ban hành nhằm tiêu chuẩn hóa hoạt động bán đấu giá, bảo đảm trật tự bán đấu giá và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá. Về đối tượng áp dụng, tại Điều 2 của Luật cũng quy định rõ: Luật này áp dụng đối với hoạt động bán đấu giá do các doanh nghiệp bán đấu giá tiền hành trong lãnh thổ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là kinh nghiệm quý cho hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam.

          Hai là, những nội dung pháp lý về tài sản bán đấu giá và thủ tục bán đấu giá của các nước có giá trị tham khảo tốt cho hoàn thiện chế định pháp luật tài sản bán đấu giá và thủ tục bán đấu giá ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:

          Về tài sản bán đấu giá, pháp luật bán đấu giá của các nước quy định rất cụ thể rõ ràng trong luật thế nào là tài sản bán đấu giá và tài sản không được bán đấu giá, tài sản bán đấu giá hạn chế. Điều 6 Luật bán đấu giá tài sản của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Tài sản bán đấu giá là tài sản hoặc quyền tài sản do người ủy quyền bán đấu giá sở hữu hoặc có quyền xử lý theo quy định pháp luật”. Điều 7 của Luật nói trên cũng quy định: “Không được bán đấu giá tài sản hoặc quyền tài sản mà pháp luật cấm mua bán”. Điều 8 quy định: “Việc bán các tài sản và quyền tài sản mà việc chuyển giao quyền sở hữu phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc của Chính phủ chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thận đó”. Các cổ vật văn hóa phải được sự đánh giá và được phép của cơ quan quản lý văn hóa, nơi người bán đấu giá cư trú, trước khi đưa ra bán đấu giá. Trong khi đó pháp luật ở nước ta chỉ quy định các loại tài sản được bán đấu giá tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2011 về bán đấu giá tài sản bao gồm sáu loại tài sản, còn việc quy định các loại tài sản không được bán đấu giá hoặc đấu giá hạn chế thì được quy định trong các luật chuyên ngành như các loại ma túy theo quy định của Luật phòng chồng ma túy năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008…

          Về thủ tục bán đấu giá được quy định đơn giản tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người mua như người mua được trả giá bằng thư qua đường bưu điện, qua Internet… cho nên không cần thiết người tham gia đấu giá có mặt tại cuộc bán đấu giá.

          Ba là, vấn đề mà chúng ta cũng cần quan tâm tìm hiểu để rút kinh nghiệm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản đó là các hình thức bán đấu giá trong đó đặc biệt là hình thức trả giá bất động sản trong suốt thời gian đã định (Nhật Bản).

          Bốn là, cần nghiên cứu một số quy định về việc quản lý nhà nước đối với tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản cũng như những chế tài xử lý các hành vi vi phạm của Nhà nước đối với hoạt động này trong quá trình hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam (Trung Quốc, tỉnh Alberta (Canada)).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

1. Về phương pháp luận, cần có cách nhìn đúng về bán đấu giá tài sản. Đây là hình thức (phương thức) bán đấu giá tài sản đã có từ lâu trong lịch sử nhân loại. Việc tổ chức giao dịch này mang tính kinh tế - kỹ thuật rất cao nên dù ở chế độ chính trị nào thì các nguyên tắc chung, các nội dung cốt lõi của bán đấu giá tài sản phải được tôn trọng như một nghiệp vụ kỹ thuật. Chính vì vậy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng không nên tạo ra sự khác biệt đối với những vấn đề nghiệp vụ kinh tế - kỹ thuật trong bán đấu giá tài sản. Mục tiêu cần đạt được là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo thể chế thì các thể chế được hoàn thiện sẽ thúc đẩy lẫn nhau và thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo định hướng chung.

2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường. Tác dụng điều chỉnh của bộ phận pháp luật này là làm cho các quan hệ mua bán tài sản công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích hài hòa của người sở hữu tài sản và người mua tài sản . Do nội dung điều chỉnh liên quan đến các giao dich dân sự, thương mại nên việc hoàn thiện bộ phận pháp luật này trực tiếp có tác dụng tương hỗ với các bộ phận khác của thể chế kinh tế thị trường.  Bởi vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về bán đấu giá tài sản sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

3. Ở nhiều nước Luật bán đấu giá tài sản tồn tại song hành với Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại là thực tế cần nghiên cứu để áp dụng ở Việt Nam.

4. Để việc hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản mang lại hiệu quả thiết thực, cần thiết phải có sự đánh giá chất lượng các quy định hiện hành kết hợp với khảo sát thực tiễn nhằm bảo đảm để bộ phận pháp luật này phát huy vai trò trong tổng thể thể chế kinh tế thị trường.

 

 

CHƯƠNG II

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN, NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

1. Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam.

1.1. Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1996

Dịch vụ bán đấu giá tài sản tại Việt Nam được hình thành và phát triển từ việc bán đấu giá tài sản để thi hành án dân sự. Bởi lẽ, các quy định về bán đấu giá tài sản được xuất hiện đầu tiên trong pháp luật về thi hành án dân sự.

Pháp luật về bán đấu giá tài sản được đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 28 tháng 8 năm 1989 (Pháp lệnh năm 1989), quy định về bán đấu giá tài sản để thi hành án. Khoản 1, Điều 28 của Pháp lệnh năm 1989 quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên. Đối với các loại tài sản này, thời gian bán đấu giá phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản và thông báo cho đương sự, chậm nhất là bảy ngày trước ngày bán đấu giá. Tài sản đã kê biên được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì tài sản được bán cho người mua theo giá mà Hội đồng định giá đã định. Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá (khoản 2, Điều 28).

Riêng đối với bán đấu giá nhà, Điều 30 Pháp lệnh năm 1989 quy định: người muốn mua nhà phải nộp đơn và nộp trước 1% giá trị nhà tại Tòa án. Số tiền này được hoàn lại ngay nếu họ không mua được nhà. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày bán đấu giá, người mua được nhà phải trả đủ tiền tại Tòa án. Nếu họ không trả đủ tiền trong thời hạn đó thì số tiền nộp trước không được trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

Để thực hiện Pháp lệnh năm 1989, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp có Thông tư liên ngành số 06-89/TTLN ngày 07 tháng 12 năm 1989 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh 1989. Mục VI của Thông tư có quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh năm 1989 thì khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn, chấp hành viên mời Hội đồng định giá để định giá sơ bộ tài sản đã kê biên. Quy định này nhằm giúp Chấp hành viên ước lượng số tài sản cần kê biên tương ứng với mức đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án; đồng thời, nhằm xác định trách nhiệm của người được giao bảo quản tài sản đã kê biên. Do đó, khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá thì chấp hành viên cần dựa vào ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến và các bên đương sự để sơ bộ định giá các tài sản bị kê biên. Chấp hành viên chỉ mời Hội đồng định giá tài sản trong những trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản kê biên để thi hành án theo giá do hội đồng định giá quyết định hoặc do tính chất đặc biệt của tài sản mà chấp hành viên không thể ước giá được. Đối với những trường hợp này, Hội đồng định giá cần định giá chính thức tất cả các tài sản đã kê biên của người phải thi hành án để khi bán đấu giá không phải định giá lại, trừ trường hợp có biến động đáng kể về giá.

Theo các Điều 28, 30 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 thì việc bán đấu giá do Chấp hành viên tổ chức. Chậm nhất là bảy ngày trước ngày bán đấu giá, Chấp hành viên phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án, Uỷ ban nhân dân nơi có tài sản và thông báo rộng rãi danh mục tài sản, giá khởi điểm, thời gian và địa điểm bán đấu giá. Đồng thời phải báo cho các bên đương sự biết. Trong thông báo có thể nêu rõ những yêu cầu đối với người tham gia đấu giá (khoản 2, mục VI). Trước khi bán đấu giá, người phải thi hành án có thể nộp tiền thi hành án để lấy lại tài sản bị kê biên và người được thi hành án có thể nhận tài sản đã kê biên để thi hành án theo giá đã định (khoản 3, mục VI).

Tài sản bán đấu giá được trưng bày công khai, có ghi rõ số thứ tự và giá đã định. Chấp hành viên khai mạc cuộc bán đấu giá, giới thiệu đại diện chính quyền, đoàn thể được mời tham gia chứng kiến việc bán đấu giá, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (nếu có) và công bố thể thức bán đấu giá. Chấp hành viên lần lượt bán tài sản của từng người phải thi hành án và công bố giá đã định của từng tài sản để người mua trả giá. Tài sản được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm thì bán cho người mua nếu người đó đồng ý mua theo giá khởi điểm. Khi số tiền bán tài sản đã đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án thì chấp hành viên ngừng bán và số tài sản còn lại sẽ được trả lại cho người phải thi hành án.

Đối với tài sản không phải là nhà, người mua được tài sản phải trả tiền ngay tại nơi bán đấu giá; nhưng nếu tài sản trị giá từ một triệu đồng trở lên thì người mua phải trả ngay ít nhất là 10% trị giá của tài sản và trong thời hạn ba ngày kể từ ngày bán đấu giá họ phải trả đủ số tiền còn thiếu tại Tòa án. Người mua được nhận tài sản ngay sau khi đã trả đủ tiền. Nếu người mua không trả đủ tiền trong thời hạn này, thì số tiền nộp trước không được trả lại mà được nộp vào ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp có lý do chính đáng được chấp hành viên chấp nhận.

Đối với những tài sản phải làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu thì chậm nhất là ba ngày sau khi người mua trả đủ tiền, chấp hành viên phải giao cho người mua các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu. Chấp hành viên phải lập biên bản về việc bán đấu giá tài sản của từng người phải thi hành án, trong đó cần ghi rõ danh mục tài sản, các giá đã được trả, họ và tên, địa chỉ của người mua được tài sản…Trong biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người chứng kiến và các bên đương sự tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có). Trong những trường hợp không có người mua, người mua trả giá thấp hơn giá khởi điểm hoặc không trả đủ tiền trong thời hạn quy định, chấp hành viên lập biên bản về việc bán đấu giá không thành và thông báo cho các đương sự biết.

Năm 1994, Pháp lệnh Thi hành án dân sự được ban hành mới thay thế cho Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 (Pháp lệnh năm 1994). Pháp lệnh năm 1994 bổ sung thêm một số quy định về bán đấu giá tài sản thi hành án. Quy định cụ thể hơn về thành phần Hội đồng định giá gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan và do chấp hành viên chủ trì để đánh giá sơ bộ tài sản đã kê biên (Điều 34 của Pháp lệnh năm 1994), người được thi hành án, người phải thi hành án được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá. Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá.

1.2. Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2005

Năm 1995, Bộ Luật Dân sự đầu tiên ở nước ta được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua. Đây là một văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ giao kết dân sự trong đó có quan hệ về bán đấu giá tài sản. Bộ Luật Dân sự năm 1995 đã quy định giao cho Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá. Trên cơ sở đó, ngày 19/12/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/1996/CP về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp lý chuyên ngành đầu tiên điều chỉnh về lĩnh vực bán đấu giá tài sản với những quy định về tài sản bán đấu giá, người bán đấu giá, trình tự, thủ tục bán đấu giá, giải quyết khiếu nại, tranh chấp về bán đấu giá. Có thể nói hoạt động bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp ở nước ta được hình thành từ năm 1997 trên cơ sở của Bộ luật dân sự và Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản.

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 86/CP thì Người bán đấu giá là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản bán đấu giá được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Người bán đấu giá cũng có thể là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần được thành lập theo Luật Công ty hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác do Sở Tư pháp quản lý về nghiệp vụ. Cũng theo quy định tại Nghị định này thì việc bán đấu giá tài sản được tiến hành sau khi người có tài sản bán đấu giá ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với người bán đấu giá, xác định giá khởi điểm để bán đấu giá. Người bán đấu giá tài sản phải niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá, tài sản bán đấu giá, giá khởi điểm...Người muốn tham gia đấu giá bất động sản hoặc động sản có giá khởi điểm từ mười triệu đồng trở lên phải đăng ký mua chậm nhất là hai ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá và phải nộp một khoản tiền đặt trước bằng 1% giá khởi điểm.

Ngày 07/04/1997 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 399/PLDSKT hướng dẫn một số quy định về bán đấu giá tài sản. Ở đa số địa phương, quán triệt tinh thần Nghị định số 86/CP và Thông tư số 399/PLDSKT ngày 07 tháng 4 năm 1997 của Bộ Tư pháp, các Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá công khai, rộng rãi, đúng trình tự, thủ tục; khách hàng tham gia đấu giá ngày càng nhiều. Giá tài sản bán được phần lớn tăng hơn nhiều so với giá khởi điểm, làm lợi cho người có tài sản bán đấu giá. Khoản lệ phí nộp ngân sách đạt được chỉ tiêu mà các Trung tâm đề ra, đảm bảo cho hoạt động bán đấu giá được liên tục và có hiệu quả.

Nghị định số 86/1996/CP là văn bản pháp luật quan trọng đặt nền móng cho dịch vụ đấu giá trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nội dung của Nghị định số 86/1996/CP được ban hành trong những năm đầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam nên vẫn chứa đựng các điều khoản bất cập, hạn chế nhất định, không còn phù hợp cần thay đổi cho phù hợp với thực tế.

1.3. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay

Ngày 18/01/2005, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản được ban hành thay thế Nghị định số 86/1996/CP. Ngay sau khi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.

Nghị định số 05/2005/NĐ-CP là văn bản pháp luật chuyên ngành, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, cùng với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản như Bộ Luật dân sự năm 2005; Luật Thương mại năm 2005; Luật kinh doanh bất động sản năm 2006; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất.

Sau khi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP được ban hành, hoạt động bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá tài sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần thống nhất pháp luật về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản và đáp ứng phần lớn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về hoạt động bán đấu giá tài sản trong thời kỳ này còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản. Bên cạnh một số luật, pháp lệnh còn có nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch của các Bộ, ngành... Nhiều điều khoản của các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản không thống nhất với quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, nội dung một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục bán đấu giá, về tổ chức bán đấu giá, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành và áp dụng pháp luật.

Thứ hai, do sự không đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật nên hiện nay có nhiều loại tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tài sản và bán đấu giá theo các trình tự, thủ tục rất khác nhau, không chặt chẽ dẫn đến việc khó quản lý, kiểm soát hoạt động này và gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản công. Trong số các tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì hoạt động của các Hội đồng bán đấu giá tài sản đang có nhiều bất cập. Các Hội đồng này được thành lập để bán đấu giá theo vụ việc, không mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp. Khi kết thúc cuộc bán đấu giá, Hội đồng tự giải thể. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, các bên không có cơ sở pháp lý để khiếu nại Hội đồng. Ngoài ra, do cơ chế hoạt động (bao gồm cả cơ chế tài chính) và trách nhiệm pháp lý của Hội đồng bán đấu giá tài sản không rõ ràng, nên khó kiểm soát, dẫn đến thất thoát, thiệt hại về vật chất trong việc bán đấu giá các loại tài sản của Nhà nước.

Thứ ba, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP chưa xác định rõ phạm vi áp dụng của Nghị định đối với việc bán đấu giá những loại tài sản nào. Chính vì vậy, trên thực tế, các cơ quan, tổ chức còn lúng túng khi áp dụng Nghị định số 05/2005/NĐ-CP dẫn đến việc bán đấu giá tài sản, nhất là tài sản công chưa được thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ. 

Thứ tư, một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về trình tự, thủ tục bán đấu giá còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, thậm chí có kẽ hở, dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực như thông đồng, dìm giá, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, quy định về điều kiện cấp thẻ đấu giá viên, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá còn đơn giản, dễ dãi; việc đăng ký hành nghề đối với đấu giá viên chưa được quy định chặt chẽ. Vai trò của đấu giá viên với tư cách là chức danh chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá chưa được phát huy, nhiều cuộc bán đấu giá không do đấu giá viên điều hành. Nhìn chung, tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá tài sản còn thấp.

Thứ sáu, quy định về quản lý nhà nước trong Nghị định số 05/2005/NĐ-CP còn thiếu, nội dung chưa rõ ràng dẫn đến việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản còn lỏng lẻo, vai trò của cơ quan chủ trì giúp Chính phủ và UBND các địa phương thống nhất quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản chưa được phát huy đầy đủ. Một số Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản tại địa phương. Công tác quản lý hoạt động đấu giá tài sản ở cấp huyện còn bị buông lỏng.

Thứ bảy, nhận thức và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương về quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản còn chưa thống nhất, chưa chặt chẽ và đồng bộ. Một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong một số trường hợp còn từ chối hoặc chậm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Việc giao tài sản thi hành án đã được bán đấu giá nhiều khi bị chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, cũng như uy tín của các tổ chức bán đấu giá tài sản.

Do vậy, việc thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP là sự cần thiết khách quan, để thiết lập cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ hơn cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Ngày 04 tháng 03 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/ NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Sau đó, ngày 06 tháng 12 năm 2010, để quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP.

2. Những nội dung cơ bản của pháp luật bán đấu giá tài sản ở nước ta hiện nay.

2.1. Những nguyên tắc cơ bản trong đấu giá tài sản

          Việc tổ chức bán đấu giá tài sản phải tuân theo những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và tính trung thực của cuộc bán đấu giá; ngăn ngừa những hành vi tiêu cực gây thiệt hại cho người bán, người mua và các chủ thể khác có liên quan. Điều 3 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 quy định việc bán đấu giá tài sản phải được thể hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

          - Về nguyên tắc công khai, liên tục: Đấu giá là hình thức công khai lựa chọn người mua tài sản nên mọi vấn đề liên quan đến cuộc bán đấu giá và những thông tin liên quan về tài sản bán đấu giá phải được công khai cho tất cả những ai muốn mua biết dưới các hình thức như niêm yết, thông báo, trưng bày, giới thiệu về tài sản… Những nội dung bắt buộc phải công khai là: thời gian, địa điểm tiến hành bán đấu giá; tên loại tài sản, địa điểm trưng bày tài sản, các hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản; công khai họ tên người bán tài sản; tên tổ chức dịch vụ bán đấu giá và những người đăng ký mua tài sản) nếu theo quy định của pháp luật, người mua tài sản phải đăng ký và đặt cọc trước). Tại phiên đấu giá, người điều hành bán đấu giá phải công khai liên tục các mức giá được trả và họ tên người mua trả giá cao nhất của mỗi lần trả giá…

          - Về nguyên tắc trung thực, khách quan: Các thông báo về cuộc bán đấu giá và thông tin về tài sản, các giấy tờ liên quan đến tài sản bán đấu giá, những đặc điểm khuyết tật không nhìn thấy của tài sản (nhất là khi tài sản có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật), các giấy tờ xác định tư cách người tham gia đấu giá phải thật rõ ràng, chính xác và đầy đủ để không tạo ra sự nhầm lẫn hay lừa dối đối với các bên, mà sự nhầm lẫn hay lừa dối đó sẽ làm cho cuộc đấu giá bị vô hiệu. Người bán cần phải trung thực khi xác định giá khởi điểm của tài sản. Không nên đưa ra mức giá khởi điểm quá cao so với giá trị thực tế của tài sản sẽ làm cho người mua tài sản bị thiệt. Người mua có quyền trả lại tài sản cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chất lượng của tài sản không đúng như thông báo. Tổ chức bán đấu giá không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng về tài sản bán đấu giá trừ trường hợp không thông tin đầy đủ cho người mua. Yêu cầu về tính trung thực còn thể hiện ở việc pháp luật quy định những người có thân phận pháp lý hay hoàn cảnh đặc biệt mà sự tham dự của họ có ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan của cuộc bán đấu giá thì không được tham gia trả giá.

          - Về nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên: Quyền và lợi ích của tất cả các bên trong quan hệ đấu giá tài sản đều phải được coi trọng và bảo đảm đầy đủ. Người bán tài sản có quyền xác định khởi điểm của tài sản, có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá thanh toán đầy đủ tiền bán tài sản ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, được bồi thường thiệt hại nếu tổ chức bán đấu giá hoặc bên mua có hành vi xâm hại đến lợi ích của mình. Người mua tài sản có quyền xem tài sản, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, được tự đặt giá và họ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Tổ chức bán đấu giá được thu của người bán tài sản đấu giá và các khoản chi phí cần thiết khác cho việc tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

2.2. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản

          Theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản được tiến hành theo các bước sau:

* Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản

Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp gồm có:

- Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (được quy định ở Điều 16, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

- Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (được quy định ở Điều 15, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

* Xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá

Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản hoặc trước khi chuyển giao tài sản để bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được thực hiện như sau:

- Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

- Đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trong trường hợp không xác định được giá tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì thành lập hội đồng để xác định giá tài sản.

- Đối với tài sản là tang chứng, vật chứng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán đấu giá, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan.

- Đối với tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất được bán đấu giá để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Đối với tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá thì giá khởi điểm do tổ chức, cá nhân tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác xác định.

* Ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản

          Theo quy định tại điều 26, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thì trong trường hợp bán đấu giá một số loại tài sản dưới đây thì các bên ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản được xác định như sau:

- Tài sản để thi hành án thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên có thẩm quyền xử lý tài sản đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

- Tài sản nhà nước thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá tài sản.

- Tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

- Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức có tài sản hoặc người được cá nhân, tổ chức có tài sản ủy quyền với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

- Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa các chủ sở hữu chung hoặc đại diện của họ với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chủ sở hữu phần tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

- Tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có quyền xử lý tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc giấy chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.

Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu , quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.

* Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

          Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 17/2010/NĐ-CP việc niêm yết, thông báo đấu giá tài sản được thực hiện như sau:

- Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với bất động sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

- Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đâu giá là động sản có giá khởi điểm dưới 30 triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu.

          - Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá có các nội dung chủ yếu như sau: Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản; Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản; Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá; Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá; Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá; Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

* Đăng ký tham gia đấu giá tài sản

          Điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản như sau:

          Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá tài sản thỏa thuận tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Nếu mua được tài sản bán đấu giá thì số tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người tham gia bán đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người tham gia đấu giá tài sản có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.

*Trưng bày, xem tài sản bán đấu giá

          - Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản thì người tham gia đấu giá tài sản được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản là hai ngày.

          - Đối với tài sản bán đấu giá là động sản thì ít nhất 2 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản phải được tạo điệu kiện cho người tham gia đấu giá được xem tài sản bán đấu giá. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ họ tên của người có tài sản bán đấu giá và thông tin về tài sản đó.

*Tiến hành đấu giá

           Cuộc bán đấu giá tài sản có thể được tổ chức tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản, tại nơi có tài sản hoặc tại một địa điểm khác theo thỏa thuận của tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá.

          Tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn các hình thức bán đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản:

- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói   ;

- Đấu giá bằng bỏ phiếu.

          Cuộc bán đấu giá tài sản được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

          - Mở đầu cuộc bán đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu bản thân, người giúp việc; thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản, công bố danh sách người mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá; giới thiệu từng tài sản bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điển, thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá.

          - Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá. Sau mỗi lần trả giá, đấu giá viên thông báo công khai về giá đã cho người tham gia đấu giá tài sản

          - Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được tài sản bán đấu giá. Sau khi đấu giá viên công bố, người mua được tài sản bán đấu giá được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đã đấu giá.

          - Trong trường hợp giá trả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành.

          - Trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

          - Diễn biến của cuộc bán đấu giá phải được ghi vào biên bản bán đấu giá. Biên bản bán đấu giá tài sản phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người ghi biên bản tài sản, người ghi biên bản, một người tham gia đấu giá và một người tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có)

          - Kết quả của cuộc bán đấu giá tài sản được ghi vào sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

          - Tùy từng trường hợp bán đấu giá tài sản cụ thể hoặc theo yêu cầu của người có tài sản bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá tài sản mời tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự cuộc bán đấu giá.

* Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá

          - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.

          - Thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đó.

          - Căn cứ vào văn bán xác nhận kết quả bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Những đánh giá về thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành pháp luật bán đấu giá giá tài sản ở Việt Nam hiện nay.

3.1. Thực trạng pháp luật bán đấu giá giá tài sản ở Việt Nam hiện nay.

* Những ưu điểm của pháp luật bán đấu giá tài sản

          Thứ nhất, pháp luật bán đấu giá tài sản ở nước ta từ đổi mới đến nay đang từng bước được xây dựng hoàn thiện.

Trước khi đổi mới pháp luật quy định về bán đấu giá tài sản rất ít, chủ yếu là thực hiện bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án.

Điều này chúng ta có thể thấy được qua xem xét quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Nếu trong giai đoạn thực hiện Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính Phủ ban hành Quy chế bán đấu giá thì tài sản bán đấu giá có thể là động sản hoặc bất động sản được phép giao dịch; người bán đấu giá là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý; vấn đề khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về bán đấu giá do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý; vấn đề khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản còn quy định rất chung. Nhưng với quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản chúng ta đã thấy có những quy định mở rộng và ngày càng cụ thể rõ ràng hơn. Ví dụ, tài sản bán đấu giá là động sản, bất động sản và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật và được thể hiện cụ thể qua sáu loại tài sản được quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định trên. Quy định về người bán đấu giá tài sản cũng được mở rộng theo hướng xã hội hóa phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đó là bên cạnh các Trung tâm bán đấu giá do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý còn có các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện và Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt. Nghị định cũng quy định phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các Sở Tư pháp địa phương cũng được mở rộng. Việc khen thưởng, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp cũng được quy định cụ thể hơn.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh của pháp luật đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản khá toàn diện bao quát hầu hết các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính tư pháp...Trong pháp luật bán đấu giá tài sản không chỉ bao gồm đầy đủ các quy định trong pháp luật chung mà còn quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

          Thứ ba, các quy phạm pháp luật bán đấu giá tài sản từng bước phản ánh đúng và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong nước và bước đầu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

          Với việc ban hành Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Có thể coi đây là chủ trương cải cách hành chính và xã hội hóa mạnh mẽ trong hoạt động bán đấu giá tài sản, bảo đảm cho các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản từng bước tự trang trải chi phí hoạt động, giảm dần sự bao cấp của Ngân sách Nhà nước, khuyến khích sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp chuyên nghiệp tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản.

Thứ tư,  pháp luật bán đấu giá tài sản thường xuyên được xây dựng, bổ sung đã hình thành hệ thống các quy phạm pháp luật bán đấu giá ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội . Cụ thể, bán đấu giá tài sản được quy định ở Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993, 2004 và Luật thi hành án dân sự năm 2008; Bộ luật dân sự năm 1995, 2005; Bộ luật Thương mại năm 1997, 2005; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008; Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 về quy chế bán đấu giá tài sản; Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và các Nghị định, Thông tư khác có liên quan đến bán đấu giá tài sản…

          * Những hạn chế của pháp luật bán đấu giá tài sản

Thứ nhất,  các loại tài sản bán đấu giá còn chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là tài sản nhà nước, mặc dù Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/0/2010 đã được ban hành để thay thế Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/05/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá và Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/03/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 34/2005/TT-BTC quy định về việc bán đấu giá đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

          Hiện tại, theo quy định của pháp luật thì đối với tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp mà không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá thì các địa phương phải thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt (bao gồm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bán đấu giá tài sản, cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan (Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP). Về phương diện lý luận theo quy định tại Điều 163 và Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2005: quyền sử dụng đất là một loại tài sản, hơn thế nữa nó là một loại bất động sản đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một loại hàng hóa đặc biệt được trao đổi trên thị trường và hoàn toàn có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa. Việc mua bán có thể thực hiện bằng hình thức bán đấu giá. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2003 thì Nhà nước không bán đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ trao quyền sử dụng đất của mình cho chủ thể khác thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất (Điều 5) và có quy định về mục đích, điều kiện sử dụng đất đối với chủ thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất (Điều 58). Bên cạnh đó thì vấn đề quyền sở hữu đất đai của nhà nước luôn được bảo lưu, đồng thời các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản (trong đó có đất đai và quyền sử dụng đất) ở Việt Nam cũng được khẳng định sẽ áp dụng theo pháp luật Việt Nam (Điều 769 Bộ luật Dân sự năm 2005). Như vậy, nếu thừa nhận có bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng có nghĩa là cho phép mở rộng đối tượng mua có thể là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài trong khi pháp luật các nước thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai. Sự xung đột pháp luật và việc giải quyết mối quan hệ pháp luật trên không đơn giản chỉ là luôn áp dụng pháp luật Việt Nam khi ngay trong pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền sử dụng đất có phải là bất động sản hay không.

          Thứ hai, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản chưa được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010. Các biện pháp cụ thể phòng ngừa hiện tượng tiêu cực trong bán đấu giá tài sản như quy định mức tiền đặt trước tối thiểu từ 1% đến tối đa không quá 15% (quy định này mang tính mở hơn Nghị định số 05/2005/NĐ-CP nhưng theo chúng tôi, đây cũng là một phần kẽ hở, tùy tiện đối với việc định giá tài sản là tang vật xử lý vi phạm hành chính, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản nhà nước và tài sản là quyền sử dụng đất…), quy định hình thức tiến hành cuộc bán đấu giá, mức chênh lệch giữa mỗi lần trả giá. Việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm sau khi tiến hành tạm giữ là vấn đề quan trọng để xác lập tang vật, phương tiện vi phạm đó thuộc thẩm quyền xử lý của ai và việc chuyển giao tài sản đó đến cơ quan nào để tiến hành xử lý. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại khó định giá hoặc chưa có ý kiến thống nhất giữa người có thẩm quyền quyết định tịch thu và đại diện cơ quan tài chính thì người có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập Hội đồng định giá với sự tham gia của đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh và đại diện các cơ quan có liên quan như cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Nhưng trong thực tế cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ mời cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật tham gia định giá mà rất ít khi mời thành phần đại diện của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đây cũng có thể là một nguyên nhân làm cho việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không bán được, gây khó khăn cho việc xử lý tang vật, phương tiện. Bên cạnh đó đây cũng là vấn đề thực tế phát sinh cần phải được tháo gỡ vì theo Khoản 1 Điều 49 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp này, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải tiến hành trả lại tài sản bán đâu giá cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu hàng hóa để xử lý theo quy định về xử lý vi phạm hành chính mà Trung tâm được giao để bán đấu giá không được định giá theo hướng giảm giá như bán đấu giá tài sản thi hành án, từ đó ảnh hưởng đến chi phí bán đấu giá.

          Ba là, công tác bán đấu giá tài sản để thi hành án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Vẫn còn tình trạng Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đã thực hiện xong việc bán đấu giá, nhưng cơ quan thi hành án không giao được tài sản cho người mua do phải thi hành án chống đối hoặc khiếu nại kéo dài gây thiệt hại cho người mua tài sản hoặc một số trường hợp do hồ sơ thủ tục thi hành án có thiếu sót cũng làm cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không thực hiện được thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản bán đấu giá như trong các trường hợp bán đấu giá tài sản là nhà đất chưa có giấy tờ đăng ký quyền sử dụng đất hoặc trong trường hợp bán đấu giá tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước là ô tô, xe máy, tàu thuyền… Tất cả những vấn đề trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm, doanh nghiệp, làm giảm sút hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản.

          Bốn là, người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP phải là đấu giá viên. Nhưng tại Hội đồng đấu giá tài sản cấp huyện thì Hội đồng gồm có đại diện cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu tài sản, đại diện phòng Tài chính, phòng Tư pháp và đại diện các cơ quan có liên quan (Khoản 2 Điều 19 Nghị định 17/2010/NĐ-CP) và tại Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng gồm có đại diện của cơ quan có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản, cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan (Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP) không đủ điều kiện để được cấp thẻ đấu giá viên theo quy định tại Điều 8 của Nghị định trên vẫn điều hành các cuộc bán đấu giá do Hội đồng này tổ chức. Hơn thế nữa, Hội đồng đấu giá do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì có thẩm quyền thành lập Hội đồng đấu giá. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đấu giá để đấu giá giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức. Do không nắm được những quy định về trình tự, thủ tục đấu giá và còn do việc quy định của pháp luật bán đấu giá còn chồng chéo và sơ hở nên dẫn đến tình trạng khó bảo đảm tính khách quan, chính xác, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát nên việc phải hủy kết quả bán đấu giá khá nhiều là không thể tránh khỏi. Đồng thời gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, làm phát sinh khiếu nại gây dư luận xã hội không tốt về hoạt động bán đấu giá tài sản.

          Năm là, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản hiện nay do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy và trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Trong thực tế, việc gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Sở Tư pháp nhiều khi không đúng thời hạn, dẫn đến việc theo dõi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

          Sáu là, việc quy định cấp thẻ đấu giá viên do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp cấp, Sở Tư pháp chỉ nhận danh sách đăng ký đấu giá viên do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp chuyển đến là trùng với danh sách đấu giá viên mà Bộ Tư pháp đã gửi cho Sở Tư pháp theo dõi cho nên vấn đề này làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức đấu giá chuyên nghiệp (mất thời gian của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) vì phải gửi danh sách đấu giá viên đến 2 cơ quan là Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp để quản lý, theo dõi.

          Bảy là, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP không quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bán đấu giá tài sản ở cấp tỉnh (Sở Tư pháp) và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong việc đảm bảo các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản và thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế có hoạt động bán đấu giá tài sản nên việc quản lý Nhà nước về tổ chức, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đối với Sở Tư pháp kém hiệu quả.

Thứ hai, về hình thức của pháp luật về bán đấu giá tài sản

          Một là, trước đổi mới và những năm đầu sau khi đổi mới số lượng văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản còn ít, chủ yếu trong lĩnh vực dân sự, thi hành án dân sự và trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Sau này pháp luật bán đấu giá mở rộng điều chỉnh các quan hệ bán đấu giá trong dân sự thương mại, pháp luật bán đấu gia ngoài việc được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chung điều chỉnh trực tiếp các quan hệ bán đấu giá tài sản còn có các quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về Dân sự, Thương mại, Đất đai... Tuy nhiên, những văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản có tính chung chỉ được thể hiện trong văn bản dưới luật. Chẳng hạn, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Trong khi đó bán đấu giá trong một số lĩnh vực chuyên ngành được quy định trong các Luật hoặc pháp lệnh. Chẳng hạn, bán đấu giá hàng hóa thực hiện theo quy định của Luật Thương mại; Bán đấu giá tài sản tự nguyện thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005; bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện trên cơ sở pháp luật đất đai và pháp luật chung về bán đấu giá tài sản.

          Hai là, pháp luật về bán đấu giá còn rất tản mạn, phức tạp chưa có tính hệ thống. Đặc biệt là trong thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế nhiều văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực ban hành có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản như Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi), Luật đăng ký giao dịch bảo đảm năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008… Nếu chúng ta xem pháp luật về bán đấu giá tài sản là những quy định chung thì trong mối quan hệ với những văn bản pháp luật trên có ý nghĩa như là những quy định của pháp luật chuyên ngành. Ở điểm này của pháp luật về bán đấu giá cho thấy cũng giống như đặc điểm của pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung nó tồn tại không phải bởi “tổng số cộng” đơn giản các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mà phải là một chỉnh thể thống nhất với sự phối hợp cùng tác động điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bán đấu giá tài sản hết sức linh hoạt, phong phú và trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

          * Mối quan hệ giữa pháp luật bán đấu giá với pháp luật đất đai

          Quyền sử dụng đất là một loại tài sản có giá trị lớn được mang ra bán đấu giá, đã được thực hiện ở tất cả các địa phương khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, xử lý tài sản giao dịch bảo đảm và khi thi hành án. Về cơ bản, bán đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay đã được quy định khá thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản, vấn đề trình tự, thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất đã được quy định thống nhất, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai và các văn bản liên quan vẫn còn một số quy định gây khó khăn cho việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, cần làm rõ như sau:

          - Về thẩm quyền tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất

          + Quy định về tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại Điểm a Khoản 3 Điều 130 Luật Đất đai 2003 chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo quy định tại Điều 14, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá bao gồm: Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp gồm: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) và Hội đồng bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, theo quy định của Điểm a Khoản 3 Điều 130 Luật Đất đai năm 2003, tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất là cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất.

          + Theo quy định tại Khoản 4 Điều 58 Luật Đất đai thì việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá. Khoản 2 Điều 55 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản quy định tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập theo quy định của pháp luật về đất đai khi tổ chức thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Điều 16 của Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản, Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử lý việc bán đấu giá quyền sử dụng đất phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản để thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.

          Trong khi đó, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch và sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Điểm 3 Điều 35) và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010 của liên Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất (Điểm g, Khoản 1, Điều 2) vẫn quy định Tổ chức phát triển quỹ đất có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là không phù hợp. Vấn đề bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng như trách nhiệm của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trách nhiệm của Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao xử lý việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất đã được quy định tại Nghị định sô 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản. Do vậy, quy định nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất của Tổ chức phát triển quỹ đất là không phù hợp, cần xem xét, loại bỏ để tránh mâu thuẫn.

          - Về thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất: Điều 20 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản quy định “Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn phức tạp”. Tuy nhiên, thế nào là “quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp” thì chưa được hướng dẫn cụ thể.

          Để các quy định về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được đầy đủ, hoàn thiện, đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thế nào là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

          - Về các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất: Điểm d Khoản 2 Điều 61 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai quy định: Không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ liên quan đến quyền sử dụng đất trong trường hợp đất đưa ra đấu giá mà không có người tham gia hoặc đấu giá không thành. Quy định này không phù hợp với thực tiễn bán đấu giá vì trong trường hợp này có thể tổ chức đấu giá lại vào thời điểm khác.

          * Mối quan hệ giữa pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về thi hành án dân sự

          - Về thẩm quyền giữa bán đấu giá tài sản kê biên của Chấp hành viên

          Khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định việc bán đấu giá tài sản đã kê biên đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Điểm a Khoản 3 Điều này quy định Chấp hành viên có quyền bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có những tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

          Quy định Chấp hành viên có quyền bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá là không phù hợp với thực tiễn bán đấu giá tài sản vì hiện nay, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã được thành lập ở tất cả các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương. Kiến nghị bỏ quy định Chấp hành viên bán đấu giá trong trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá theo Điểm a Khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự.

          - Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá trong thi hành án dân sự

          Luật Thi hành án dân sự quy định việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án, theo đó người phải thi hành án bị bán đấu giá quyền sử dụng đất của họ nên họ không ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng người trúng đấu giá được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất đã mua được. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, người thi hành án không tự nguyện nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó, dẫn đến khả năng người phải thi hành án lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để lừa đảo (đem thế chấp, bảo lãnh, chuyển quyền sử dụng đất), nhưng Luật Đất đai không quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp cho người phải thi hành án.

Như vậy thực tế đòi hỏi cần bổ sung trong Luật Đất đai quy định rõ trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong thi hành án.

          - Về bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ: Điều 86 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn về vấn đề bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ. Một vấn đề đặt ra là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản đã quy định thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bán đấu giá tất cả các loại tài sản thì có cần quy định riêng về trình tự, thủ tục và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ. Nếu có hướng dẫn riêng thì sẽ dẫn đến phá vỡ tính thống nhất của pháp luật về bán đấu giá.

          Mối quan hệ giữa pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về doanh nghiệp

          Về bán đấu giá cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Điều 38 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định về phương thức bán cổ phần. Theo Nghị định này, việc bán đấu giá cổ phần được thực hiện tại các tổ chức tài chính trung gian (nếu khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng) hoặc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trực tiếp tổ chức bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp trong trường hợp không có tổ chức tài chính trung gian nhận bán đấu giá cổ phần; và đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán nếu khối lượng cổ phần bán ra từ 10 tỷ đồng trở lên. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng có nhu cầu thực hiện bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thì do cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định. Cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá; đăng ký kế hoạch đấu giá với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để quyết định kế hoạch đấu giá trên thị trường chứng khoán. Nghị định cũng quy định về trình tự tổ chức đấu giá, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức đấu giá.

          Quy định này chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về tổ chức bán đấu giá, trình tự, thủ tục bán đấu giá. Việc bán cổ phần của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần là quy trình bán tài sản nhà nước. Do vậy, khi thực hiện bán cổ phần thông qua phương thức đấu giá phải tuân theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại Điều 20 Nghị định này và Luật, Pháp lệnh có quy định khác. Như vậy, trường hợp thành lập Hội đồng bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt và trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác, việc bán đấu giá tài sản nhà nước nói chung và bán đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước nói riêng phải do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) thực hiện và tuân theo trình tự, thủ tục bán đấu giá quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.

Theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì chỉ được quy định các tổ chức tài chính trung gian có chức năng bán đấu giá cổ phần của doanh nghiệp trong trường hợp luật, pháp lệnh chuyên ngành có quy định tổ chức tài chính trung gian được bán cổ phần, cổ phiếu. Trong trường hợp luật, pháp lệnh chuyên ngành không có quy định cụ thể thì việc bán đấu giá cổ phần để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Ngoài ra, việc quy định Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trực tiếp tổ chức bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp là không phù hợp vì đơn vị này không phải là tổ chức có chức năng bán đấu giá.

          Mối quan hệ giữa pháp luật về bán đấu giá và pháp luật về thương mại

          Trên cơ sở của Bộ luật dân sự 2005 (thay thế Bộ luạt Dân sự 1995), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định thống nhất về bán đấu giá đối với tất cả các loại tài sản. Hiện nay, trong Luật Thương mại năm 2005 (Điều 185 – Điều 213) cũng có quy định riêng về đấu giá hàng hóa (được hiểu là các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai). Tuy nhiên, Luật Thương mại có nhiều quy định về bán đấu giá không thống nhất với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP (đã được nêu tại Mục 2.1). Chẳng hạn, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên (Phương thức trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất) và người mua được tài sản bán đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm (Khoản 1, khoản 3, Điều 2). Tuy nhiên, trong Luật thương mại (Khoản 2 Điều 185) lại quy định hai phương thức đấu giá hàng hóa : 1) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng; và 2) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng. Điều này đặt ra yêu cầu xem xét lại sự tồn tại quy định về đấu giá hàng hóa trong Luật Thương mại năm 2005 (Điều 185 – Điều 213).

3.2. Thực tiễn thi hành pháp luật bán đấu giá tài sản

          Do pháp luật bán đấu giá ngày càng được hoàn thiện, nhiều văn bản pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bán đấu giá tài sản làm cho hoạt động này trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào ổn định.

 Thực tiễn thi hành  pháp luật bán đấu giá tài sản trong thi hành án, tài sản tịch thu, tài sản bảo đảm...

Nhiều doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Trong những năm qua, hoạt động bán đấu giá tài sản nói chung và hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án đã đạt được những kết quả nhất định, bảo đảm cho việc thi hành được nhanh chóng, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thi hành án, được nhân dân đồng tình. Việc giải quyết bán đấu giá tài sản sung công quỹ nhà nước được thực hiện tuân thủ nghiêm chỉnh góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước. Chủ động can thiệp, giữ quyền bán tài sản theo quy định pháp luật, đảm bảo giá trị tài sản làm lợi cho Ngân sách Nhà nước thông qua việc nắm tình hình mạnh dạn đề nghị, điều chính giá khởi điểm cho chính xác đúng với thị trường. Một số Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản còn có cách làm hay là chuyển giao tài sản của đơn vị bắt giữ đang thông báo tìm chủ sở hữu chưa ra quyết định xử lý tịch thu, để chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để tránh tài sản bị trượt giá làm thất thu cho ngân sách. Một số Trung tâm bán đấu giá còn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và bán đấu giá cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sang công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên. Đây là những việc làm khó và rất phức tạp đòi hỏi phải chặt chẽ theo đúng quy trình mà pháp luật đã quy định nhưng các Trung tâm trên đã thực hiện có hiệu quả và thu về cho Ngân sách Nhà nước khối lượng giá trị hợp đồng bán đấu giá so với giá khởi điểm gấp nhiều lần.

          Tính đồng bộ trong ban hành văn bản ngày càng được bảo đảm, Ủy ban nhân dân các địa phương với sự tham mưu tích cực của các Sở, ngành chuyên môn đặc biệt là vai trò của Sở Tư pháp, Sở Tài chính đã kịp thời ban hành các quy định về bán đấu giá dưới nhiều hình thức để chỉ đạo hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

          Các hình thức đấu giá ngày càng được quy định chặt chẽ hơn thể hiện qua nội quy của từng cuộc bán đấu giá, tăng tính chuyên nghiệp, tính công khai, minh bạch và dân chủ trong hoạt động bán đấu giá. Từ đó cũng góp phần cho các cuộc bán đấu giá tài sản ít xảy ra thiếu sót và hạn chế đến mức thấp nhất các tố cáo, khiếu nại không đáng có. Đội ngũ đấu giá viên và cán bộ trung tâm nhiệt tình từng bước đã thích ứng với cải cách hành chính, đã thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính trong bán đấu giá tài sản theo mô hình một cửa (Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh…). Một số doanh nghiệp bán đấu giá tài sản bước đầu đã tạo được uy tín và thương hiệu như Công ty Cổ phần đấu giá Thăng Long (Hà Nội), Công ty Cổ phần đấu giá Toàn Quốc (Hà Nội), Công ty TNHH đấu giá Chinh Phong (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Việt Thành Vinh (Hòa Bình)…

          Sau một thời gian triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực. Chủ trương cải cách hành chính và xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản thể hiện trong Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tăng lên đáng kể. Các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã và đang từng bước tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản ngày càng được nâng cao. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản về cơ bản được thực hiện nghiêm chỉnh; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản được bảo đảm tốt hơn.

*  Thực tiễn thi hành  pháp luật bán đấu giá  hàng hóa

Thực tế áp dụng pháp luật về đấu giá hàng hóa ở nước ta cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đấu giá hàng hóa chưa được giải quyết thỏa đáng, làm giảm hiệu quả của hoạt động đấu giá hàng hóa. Nhiều vụ việc thể hiện sự chấp hành chưa tốt pháp luật đấu giá hàng hóa của các chủ thể tham gia đấu giá hàng hóa, một số khác lại đến từ sự chậm trễ, thờ ơ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các tranh chấp, khiếu nại về quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng dẫn đến sự chán nản, bế tắc của những người tham gia đấu giá hàng hóa, đặc biệt quyền và lợi ích hợp pháp của người mua hàng hóa đấu giá không được đảm bảo, làm giảm lòng tin của khách hàng. Thực tế này làm cho hoạt động bán đấu giá chưa thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của đông đảo công chúng, làm kìm hãm sự phát triển của hoạt động thương mại này.

          Hiện tượng móc ngoặc giữa “cò đấu giá” với các đấu giá viên trên thực tế hiện nay không hiếm thấy. Hoạt động bán đấu giá đứng trước thực trạng: các đơn vị tổ chức đấu giá ngán ngẩm vì hiện tượng thông đồng, ngược lại khách hàng khốn khổ vì bị “cò” thao túng, thủ tục quá nhiêu khê.

          Hiện tượng này đã được thể hiện bằng việc người tham gia đấu giá vừa thấy tên mình được niêm yết thông báo công khai tham gia cuộc bán đấu giá thì ngay sau đó họ nhận được điện thoại của người lạ mặt thỏa thuận để họ ngồi im không tham gia đấu giá khi phát giá. Những người tham gia đấu giá này sau một vài lần tham gia đấu giá các loại hàng hóa lần lượt đã rút khỏi cuộc chơi nhường cho một số đơn vị có máu mặt.

          Ví dụ như ông Nguyên Văn A từng tham gia mua hàng hóa bán đấu giá. Buổi sáng ông thấy đơn vị tổ chức bán đấu giá vừa niêm yết tên mình thì ngay buổi chiều đã nhận được điện thoại sẽ bồi dưỡng một số tiền kha khá với điều kiện: chịu ngồi im trong buổi phát giá, nhường sân chơi cho các khách hàng khác. Ngược lại nếu không hợp tác sẽ gặp rắc rối lớn. Qua điện thoại người này còn úp mở rằng lô tài sản trong buổi đấu giá đã được mua trước với số tiền cụ thể. Trước sự việc này ông A tỏ ra rất hoài nghi, vì theo quy định của Nhà nước, đơn vị tổ chức bán đấu giá không được tiết lộ địa chỉ người tham gia bán đấu giá. Nhưng phải đặt câu hỏi tại sao thông tin về người bán đấu giá lại lọt ra ngoài. Ai đã đưa thông tin đó? Và một điều đặt ra là trách nhiệm của Trung tâm bán đấu giá.

          Chị Nguyễn Thị H một khách hàng lần đầu tiên tham gia mua hàng hóa bán đấu giá cũng gặp phải tình trạng tương tự như vậy khi bị dằn mặt trước khi buổi đấu giá diễn ra. Lý do rất đơn giản, hàng hóa được tổ chức bán đấu giá trên là đích nhắm của một tay anh chị khét tiếng. Vì sợ mình bị bọn xã hội đen trả thù nên chị H đến phiên đấu giá theo tư cách khách mới của “cò” bán đấu giá.

          Để xảy ra tình trạng trên là do việc quản lý của các giám đốc trung tâm bán đấu giá. Họ không có trách nhiệm cao trong công việc. Trao đổi với các báo đài, thông tin đại chúng về tình trạng “cò” trong hoạt động bán đấu giá tài sản, ông Nguyễn Hoàng Huy – Giám đốc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: trong thời gian qua cũng có nghe dư luận phản ánh về vấn đề này. Tuy nhiên, trung tâm chỉ quản lý được bên trong khuôn viên còn bên ngoài thì chịu. Theo ông Huy cho biết: “Cũng khó phân biệt trong buổi đấu giá nào có “cò” bán đấu giá xuất hiện cũng như cấm, cản họ tham gia vì thực tế Luật quy định không ngăn cản bất cứ người nào có đủ tư cách công dân tham gia [9]. Chính vì vậy, để đề cao tinh thần cảnh giác, tránh xảy ra tình trạng “cò” làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bán đấu giá, các Trung tâm bán đấu giá cần thường xuyên nhắc nhở và đề ra các quy định như là các đấu giá viên không được tiết lộ thông tin (số điện thoại, địa chỉ…) xung quanh các khách hàng đăng ký mua tài sản. Ngoài ra trung tâm còn phải yêu cầu các đấu giá viên đón tiếp người có nhu cầu về bán và mua hàng hóa bán đấu giá phải thực hiện công khai, minh bạch.

          Hiện nay, các cuộc bán đấu giá hàng hóa được tổ chức khá nhiều, tuy nhiên, tỷ lệ đấu giá thành công lại không cao. Lý giải về nguyên nhân này các trung tâm đấu giá cho rằng do thủ tục bán đấu giá cũng như thủ tục công nhận hàng hóa sở hữu sau trúng đấu giá còn quá rườm rà. Trong đó, nhiều người sau khi mua được hàng hóa, đến vài năm, vẫn chưa được nhận hàng hóa của mình. Có nhiều tình huống khác xảy ra như người bán hàng hóa cố tình không giao các giấy tờ hợp lệ, khẳng định quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình đối với hàng hóa bán đấu giá, không thể chuyển hết giấy tờ cho người mua hàng hóa bán đấu giá. Do đó, hồ sơ để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ không đầy đủ, các cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành thủ tục trên được.

          Theo thống kê sơ bộ hiện nay, hoạt động bán đấu giá nói chung và hoạt động bán đấu giá hàng hóa nói riêng tại các thành phố vẫn còn nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến mức giá khởi điểm và thủ tục nhận hàng hóa. Chỉ tính riêng chuyện trúng đấu giá hàng hóa nhưng chưa nhận được hàng hóa đã có nhiều trường hợp khiếu nại nhưng chưa có hướng giải quyết.

Những năm gần đây, rất nhiều chương trình đấu giá từ thiện bị đổ bể khi những người tham gia chỉ hô giá cho sướng miệng rồi “xù”, không chịu trả tiền đấu giá.

Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình để ủng hộ cho Quỹ “Vì Người Nghèo”, chiếc sim số 0988.888.888 của Viettel được doanh nhân trả 1 tỷ 10 triệu đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết.

Ngày 19/1/2010, trong chương trình “Single’day - ngày hội nối vòng tay lớn” diễn ra ở Bình Định, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng được trả giá cao nhất là 10.000 USD. Người mua đã yêu cầu Ban tổ chức chuyển tranh về một phòng trà ở TPHCM thì mới chịu chuyển tiền. Ngày 29 Tết, Mặt trận tổ quốc Bình Định đã tất tả chuyển tranh đi nhưng tiền vẫn không được Mạnh Thường Quân thanh toán như tuyên bố; 8 tỷ đồng khác trong chương trình của các doanh nhân vẫn “bặt vô âm tín”; 5 tỷ đồng của một đại gia ngân hàng vẫn đang nằm ở dạng… cam kết [10].

Và gần đây nhất, dư luận xã hội trên các mạng điện tử đang rất bất bình về vụ việc “đấu giá từ thiện” với nhiều tài sản quý giá như Bộ Tứ linh (long - lân - quy - phụng) có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng, chiếc trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long được trả mua với giá thu về là 12 tỷ đồng, bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth được trả với giá 3 tỷ đồng và viên đá rubi khổng lồ được trả với giá 11 tỷ đồng….Cuộc đấu giá thu về lên tới 75 tỷ đồng nhưng không có cá nhân, đơn vị nào thực hiện việc mua và trả tiền như đã đề cập trong phiên đấu giá[11].

Sự cố từ các cuộc đấu giá từ thiện đã gây sốc cho cộng đồng và rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. Những đặc trưng pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản, hàng hóa phục vụ mục đích từ thiện? Khung pháp luật về hoạt động bán đấu giá từ thiện? Kết quả đấu giá thành không thực hiện được có thể giải quyết dưới góc độ trách nhiệm pháp lý hay không và giải quyết như thế nào? Có thể áp dụng những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả của hoạt động bán đấu giá từ thiện? Đây quả thực là những câu hỏi rất khó để có thể trả lời được trong giai đoạn hiện nay.

Qua phân tích về thực tiễn thi hành pháp luật về đấu giá hàng hóa, có thể thấy những tồn tại, hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa. Sự bất cập, hạn chế của pháp luật về đấu giá hàng hóa thể hiện:

Thứ nhất, pháp luật về đấu giá hàng hóa không thống nhất với pháp luật về đấu giá tài sản

Đấu giá hàng hóa và đấu giá tài sản là hai hoạt động khác nhau, tuy nhiên, xét về bản chất, đấu giá hàng hóa trong thương mại có thể được coi là một trường hợp đấu giá tài sản đặc biệt. Bộ luật Dân sự được coi là Bộ luật gốc điều chỉnh cả các quan hệ kinh tế, thương mại, Luật Thương mại được coi là luật chuyên ngành. Do đó, nếu được trên thực tế xác định được rõ đó là đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại thì sẽ áp dụng Luật Thương mại để giải quyết. Tuy nhiên, nếu trên thực tế khi mà Luật Thương mại chưa quy định thì có thể dẫn chiếu áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự hoặc trong trường hợp không xác định được rõ đó là hoạt động đấu giá hàng hóa thì sẽ coi là đấu giá tài sản và cũng sẽ áp dụng quy định của pháp luật dân sự để giải quyết. Trong tương lai, hai hoạt động này nên được điều chỉnh bằng một văn bản pháp luật chung, điều chỉnh chung mọi hoạt động đấu giá.

Các quy định trong Luật Thương mại 2005 về đấu giá hàng hóa và Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản còn nhiều điểm không thống nhất. Trong đó, có những vấn đề mà pháp luật đấu giá hàng hóa thể hiện sự hợp lý, tiến bộ hơn (ví dụ như về phương thức đấu giá, hậu quả của việc rút lại giá đã trả khi đấu giá…). Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà pháp luật đấu giá hàng hóa cần phải sửa đổi, bổ sung thống nhất với pháp luật về đấu giá tài sản để đảm bảo tính hợp lý (ví dụ như về nguyên tắc đấu giá, người tổ chức đấu giá, khoản tiền đặt trước, đấu giá không thành và hậu quả của việc đấu giá không thành…). Những quy định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Thứ hai, pháp luật về đấu giá hàng hóa còn quy định chung chung, mang nặng tính hình thức, chưa phù hợp với thực tiễn và khó thi hành.            

- Điều 206, Luật Thương mại 2005 có quy định về việc đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu, nghĩa vụ của người bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua. Song ở điều luật này lại không đưa ra các căn cứ cụ thể cho việc chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá mà chỉ quy định rất chung là căn cứ vào văn bản đấu giá hàng hóa và các giấy tờ hợp lệ khác thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hóa cho người mua hàng hóa. Ở điều luật này không chỉ rõ giấy tờ hợp lệ là giấy tờ nào. Ví dụ như đối với hàng hóa của cá nhân, tổ chức cần chỉ rõ là giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa nào hoặc giấy tờ hợp lệ khác mà pháp luật quy định. Hay đối với hàng hóa đấu giá thuộc sở hữu Nhà nước thì đó là quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyết định bán hàng hóa của doanh nghiệp Nhà nước có quyền bán hàng hóa do mình quản lý và sử dụng.

- Điều 207 Luật Thương mại 2005 quy định rằng “Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hóa là do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hóa đấu giá thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì thời điểm thanh toán tiền mua hàng hóa là khi giao hàng hoặc chứng từ có liên quan”. Việc quy định như trên có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa người bán đấu giá và người mua được hàng hóa do việc người mua không chịu thanh toán bằng tiền mua hàng hóa hoặc chậm trễ trong việc thanh toán vì không muốn mua hàng nữa. Trong khi đó pháp luật không có quy định chính xác bao nhiêu ngày người mua phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình cũng như những biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu không thực hiện nghĩa vụ này. Người bán hàng hóa chỉ được thanh toán toàn bộ số tiền sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với hàng hóa đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Chính vì vậy, người bán hàng hóa có thể bị đặt ở tình trạng hao hụt tiền do đồng tiền bị mất giá, nói chung biến động luôn luôn có thể xảy ra. Do đó pháp luật cần quy định về thời hạn thanh toán tiền mua hàng hóa sao cho thời điểm thanh toán cho người bán được diễn ra nhanh chóng.

          - Theo Điều 209 Luật Thương mại 2005 quy định ở Khoản 2, “ trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người tổ chức đấu giá và người mua hàng, thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá được quy định như sau:

1. Đối với hàng hoá không phải đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải giao ngay hàng hoá cho người mua hàng sau khi lập văn bản bán đấu giá;

2. Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.”

Quy định trên là chưa phù hợp bởi vì trên thực tế hàng loạt các tình huống phức tạp có thể xảy ra sau khi cuộc bán đấu giá đã tiến hành xong, văn bản đấu giá đã được lập. Đối với người mua hàng hóa, họ có thể mất cơ hội bán lại hàng hóa mua được cho người khác do việc chậm trễ trong việc hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Cho nên phải quy định một mốc thời gian cụ thể, để tránh tình trạng người bán hàng hóa có tình không giao các giấy tờ hợp lệ khẳng định quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình đối với hàng hóa đấu giá cho bên đấu giá hay cho người mua hàng. Do vậy hồ sơ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ không đầy đủ cho nên các cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành thủ tục trên được. Điều 209 cho ta thấy việc quy định như vậy còn mang tính hình thức và gò bó.

Trong pháp luật về đấu giá hàng hóa, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được hàng hóa chưa thực sự đem lại hiệu quả, còn rất hình thức. Cho dù có mua được hàng hóa nhưng người bán không chịu chuyển giao hàng hóa cho bên đấu giá hàng hóa, điều này dễ dẫn đến tranh chấp trong bán đấu giá hàng hóa. Tình huống này rất hay xảy ra khi xử lý hàng hóa cầm cố, thế chấp mà pháp luật về đấu giá hàng hóa lại chưa quy định cụ thể các cách thức cưỡng chế hay các chế tài sẽ áp dụng trong trường hợp người bán hàng hóa không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mua.

Với mục đích của bán đấu giá hàng hóa là tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ cầm cố, thế chấp, xử lý hàng hóa nhanh chóng và bảo đảm tính chính xác trong đấu giá hàng hóa, nhưng việc quy định trên thực tế còn rất hạn chế quyền lợi của bên nhận thế chấp, cầm cố. Bởi vậy trong các quy định sắp tới về bán đấu giá hàng hóa nên chăng cần có sự sửa đổi hợp lý hơn để bán đấu giá hàng hóa sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực cho mỗi cá nhân hay tổ chức tham gia vào hoạt động này.

Thứ ba, hoạt động “đấu giá từ thiện” chưa được pháp luật về đấu giá hàng hóa nói riêng cũng như pháp luật về đấu giá tài sản nói chung điều chỉnh kịp thời.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu giá thì chưa có khái niệm pháp lý nào về “đấu giá từ thiện”. Tuy nhiên, người ta có thể hiểu “đấu giá từ thiện” là việc chủ sở hữu có tài dùng tài sản của bản thân đem bán đấu giá, kết thúc buổi đấu giá, chủ sở hữu chỉ lấy một phần giá trị đã định (thông thường giá trị này thấp hơn giá trị đã được ấn định) theo hợp đồng giữa Chủ sở hữu với tổ chức bán đấu giá và phần còn lại sẽ dùng để làm từ thiện.

Về bản chất, “đấu giá từ thiện” là một hình thức bán hàng hóa công khai, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục bán đấu giá được quy định và phương thức trả giá ở đây là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất. Chỉ khác là thay vì việc người tham gia đấu giá hàng hóa trả tiền mua hàng hóa với giá cao theo nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu lợi ích kinh doanh, thì nay họ sẵn sàng trả tiền mua hàng hóa với giá cao không chỉ vì nhu cầu cá nhân mà còn vì một mục đích cao cả đó là “làm từ thiện”. Điều này sẽ tôn vinh tấm lòng cao cả của cả người mua và người bán trong giao dịch này. Cả pháp luật về đấu giá hàng hóa nói riêng và pháp luật về đấu giá tài sản nói chung hiện nay đều không điều chỉnh hoạt động “đấu giá từ thiện”. Do vậy, khi gặp phải những rắc rối phát sinh từ hoạt động này, cơ quan chức năng vẫn đang rất lúng túng khi giải quyết. Có thể thấy rằng, pháp luật của Việt Nam điều chỉnh về vấn đề này còn quá nhiều lỗ hổng. Và không ít ý kiến khác nhau, với bức xúc của một số người, họ đã quy kết trách nhiệm cho “Ban tổ chức chương trình đấu giá”, hay người thắng cuộc trong cuộc đấu giá… Dưới góc độ pháp lý của nhà làm luật và áp dụng các quy định pháp luật trong thực tiễn thì chúng ta không thể phủ nhận rằng, hoạt động “đấu giá từ thiện” chưa được pháp luật về đấu giá tài sản điều chỉnh kịp thời.

* Thực tiễn thi hành pháp luật bán đấu quyền sử dụng đất

- Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

- Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý cho người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Việc xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã tạo điều kiện cho người tham dự đấu giá yên tâm về mảnh đất trúng giá. Người trúng giá có đầy đủ các thông tin chính xác và thửa đất mình trúng giá như quy hoạch thửa đất, sơ đồ địa chính, đồng thời được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai và hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của pháp luật đất đai, dân sự. Người trúng giá được tự do lựa chọn quyết định của mình, không lệ thuộc vào ý kiến chủ quan của người khác, không mất thêm các chi phí cho tổ chức trung gian để có được quyền sử dụng đất mình mong muốn.

Việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá thực sự là một bước tiến trong quản lý đất đai, góp phần làm giảm nạn đầu cơ đất, giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn vốn một cách công khai.

          Trong những năm qua, đấu giá quyền sử dụng đất đã trở thành một phương thức hữu hiệu trong việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất. Các địa phương trong cả nước đều đã xây dựng Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất của riêng địa phương mình, từ đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng diễn ra sôi nổi, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Về hiệu quả kinh tế: Thực tế việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua đã cho thấy những lợi ích kinh tế to lớn của phương thức này đem lại cho Nhà nước và cho nền kinh tế.

          Đấu giá quyền sử dụng đất đã giúp cho Nhà nước khai thác hợp lý quỹ đất; huy động được nhiều nguồn vốn cùng tham gia đầu tư xây dựng và giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ: Hà Nội, năm 2008, đấu giá quyền sử dụng đất thu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Năm 2009, công tác đấu giá quyền sử dụng đất đạt hiệu quả cao, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng 17,45ha đất của 28 dự án, thu về hơn 3.480 tỷ đồng, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường lên kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn sẽ thu về khoảng 3.000 tỷ đồng cho ngân sách[12].

          Thực tiễn đấu giá tại nhiều địa phương cũng cho thấy, giá đất đấu giá thường được đẩy lên rất cao so với giá ban đầu, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Ví dụ như: phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở khu nhà ở cao tầng trong khu đô thị mới Xuân Phương của huyện Từ Liêm – Hà Nội (diễn ra ngày 30/09 và 01/10 năm 2009) đã thành công với mức đấu giá cao nhất là 30,5 triệu đồng/m2 và 27 triệu đồng/m2 mặc dù với mức giá sàn được xây dựng chỉ có 10 triệu đồng/m2 với bước giá là 500.000 đồng. Tổng số tiền thu được qua phiên đấu gái 6 lô đất trên (tổng diện tích 23.218 m2) là 660 tỷ đồng. [13]

          Đấu giá quyền sử dụng đất giúp người mua được đất với giá do mình đã xác định và thường thấp hơn so với việc mua đất theo cách thông thường trên thị trường. Người mua đất không mất phí hoa hồng (môi giới) và các loại phí khác mà các trung tâm môi giới thường đặt ra.

Về hiệu quả xã hội: Tại các khu dân cư đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo điều kiện và môi trường sống ổn định, phù hợp với quy hoạch của các địa phương. Ví dụ: tại Hà Nội, số tiền thu được từ đấu giá đất tại Tây Hồ hầu hết được dùng để xây dựng kè Hồ Tây và đường ven hồ. Những đoạn đường đã được xây dựng, tình trạng lấn chiếm đất hồ, vứt rác xuống hồ đã được chấm dứt.

          Với nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, bên cạnh việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn vốn huy động được từ đấu giá quyền sử dụng đất còn hỗ trợ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, áp dụng các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.

          Sự ra đời của hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần làm sôi động cho thị trường bất động sản ở nước ta. Giá đất được công bố trong đấu giá sẽ loại bỏ tâm lý, hoang mang, dao động về giá đất của các chủ thể tham gia thị trường; xóa “giá ảo” về bất động sản, góp phần tạo sự bình ổn về giá cả đất đai, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

           Đối với công tác quản lý đất đai:  Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, đấu giá quyền sử dụng đất còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý sử dụng đất đai. Kết quả thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất đã khẳng định vai trò của đất đai trong nền kinh tế thị trường. Đấu giá quyền sử dụng đất là một căn cứ để Nhà nước định giá đất, góp phần tạo mặt bằng giá đất, tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản. Tại những dự án đấu giá bất động sản, công tác cấp giấy chứng nhận được triển khai thuận lợi, tạo niềm tin đối với người sử dụng đất.

          Việc đấu giá quyền sử dụng đất đã đưa giá đất sát với thực tế, phản ánh được nhu cầu thực tế của thị trường và giá trị thị trường của các lô đất, từ đó hạn chế những tiêu cực xảy ra trong giao đất, cho thuê đất. Đấu giá quyền sử dụng đất đã đưa quyền sử dụng đất đến với tay những chủ thể có nhu cầu và khả năng sử dụng thực sự, tránh tình trạng “xin – cho” trước đây đã để nhiều diện tích đất có tiềm năng không được sử dụng hoặc sử dụng không hợp lý, gây lãng phí. Đây thực sự là một biện pháp giúp khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của đất đặc biệt là đối với những khu đất “vàng”, đem lại lợi ích lớn cho Nhà nước và cho cộng đồng, nhất là trong hoàn cảnh “tấc đất tấc vàng” như hiện nay.

Bên cạnh thành tựu đạt được, thực tiễn thi hành pháp luật bán đấu giá quyền sử dụng đất còn những hạn chế, bất cập cụ thể như sau:

Việc xây dựng giá khởi điểm để đưa ra đấu giá còn nhiều mâu thuẫn: giá chuyển nhượng thực tế thì rất cao, còn chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật lại rất thấp, dẫn đến việc khó có thể xây dựng được một giá sàn hợp lý phù hợp với giá trị quyền sử dụng đất trong khu vực.

Giá khởi điểm được xác định sát với giá thực tế chuyển nhượng. Giá tối thiểu làm căn cứ xác định giá khởi điểm không thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng + suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có) + tiền sử dụng đất theo khung giá quy định cho 1 m­2.

Cũng chính việc đưa ra giá sàn không hợp lý lại được Nhà nước chính thức công nhận qua việc đấu giá quyền sử dụng đất nên dẫn đến việc nhân dân căn cứ vào giá đó để đòi bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án cùng trong khu vực. Điều đó Nhà nước không thể thực hiện nổi, do vậy việc giải tỏa dự án trong cùng khu vực gặp nhiều khó khăn, khiếu kiện trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng xảy ra liên tục.

- Trong nhiều trường hợp, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất chưa có tính dự báo.

Việc dự báo trước những tình huống có thể xảy ra trong tương lai là một việc làm rất cần thiết của cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật. Từ đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng các văn bản pháp luật đã điều chỉnh các tình huống dự báo. Khi tình huống đó xảy ra thì đã có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất, các văn bản pháp luật chỉ mới dừng lại ở mức đảm bảo điều chỉnh cho các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện tại, chưa có tính dự báo trước. Chẳng hạn, trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, chắc chắn sẽ có những người môi giới đấu giá, những người này đứng ra liên kết vận động mọi người tham gia đấu giá để thực hiện một hành vi nào đó như trả giá thấp, tẩy chay cuộc đấu giá… gây thiệt hại cho Nhà nước thì chúng ta cũng chưa có các quy định pháp luật về hành chính cũng như hình sự để điều chỉnh. Hoặc như khi người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thay đổi, Nhà nước thu hồi mảnh đất của họ thì sẽ được bồi thường như thế nào? Có theo giá đất mà họ đã nộp cho Nhà nước khi trúng giá đất hay không? Vấn đề xử lý tài chính sau khi đơn vị trúng đấu giá được thuê đất chuyển sang giao đất ổn định lâu dài (trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán nhà ở cho người Việt Nam). Những vấn đề này, pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng còn thiếu các quy định cụ thể có tính dự báo trước.

- Hiện nay quy định trong Bộ luật hình sự gây khó khăn cho việc xử lý thích đáng đối với những vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là hành vi “thông đồng” trong đấu giá.

Trong Điều 173, 174 Bộ luật Hình sự quy định đối tượng có hành vi “thông đồng” đấu giá quyền sử dụng đất phải bị xử lý hành chính một lần, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, trong luật lại không nêu rõ và không hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, và một khi cán bộ nào đó có hành vi “thông đồng” đấu giá quyền sử dụng đất, chắc chắn sẽ bị xử lý, thì làm gì có lần hai nữa để vi phạm mà xử lý được bằng hình sự như luật đã viện dẫn.

Hiện nay, đối với hành vi “thông đồng” trong đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính là thu tiền đặt cọc, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, sau khi xảy ra các vụ “thông đồng” trong đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan công an vào cuộc điều tra và lãm rõ đối tượng vi phạm thì cũng chỉ xử lý ở mức độ đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương ra quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá trong những vụ “thông đồng” [14].

Chính vì chưa có một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh mẽ để xử lý nên hiện tượng “thông đồng” trong đấu giá quyền sử dụng đất vẫn xảy ra ở mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Đối với công tác tổ chức: Đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua vẫn thiếu tính ổn định và ở nhiều địa phương tiến hành rất chậm và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

          Ngoài ra, một trong những khó khăn nữa trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương hiện nay là khâu thu tiền sau khi khách hàng trúng đấu giá. Theo thống kế của Sở Tài chính Hà Nội, năm 2008, số tiền nợ tiếp tục phải thu phát sinh trên 300 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn nhà đầu tư chưa thanh toán hơn 350 tỷ đồng [15]. Các chủ đầu tư cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật của các dự án chưa hoàn chỉnh; một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên không thể giao đất cho khách hàng thì đa số các trường hợp chậm nộp tiền trúng giá không có nhu cầu xây dựng nhà ở đã cố tình dây dưa, kéo dài việc thanh toán để có thời gian tiến hành giao dịch, chuyển nhượng kiểm lợi. Không ít đối tượng đã trót “găm hàng”, không đủ khả năng tài chính thanh toán nên phải chờ cơ hội “đẩy” đất cho người khác mới có tiền để nộp.

          Một thực trạng của công tác đấu giá quyền sử dụng đất là các dự án đấu giá quyền sử dụng đất các thửa nhỏ lẻ sẽ khó tạo ra được mối liên kết về hạ tầng đối với các khu vực xung quanh, dễ dẫn đến tình trạng đô thị bị chia nhỏ theo kiểu phân lô. Đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất thành công thì sau đó sẽ tạo một mặt bàng giá mới trong khu vực, điều này dẫn đến tinh trạng tăng giá đất cục bộ tại khu vực có dự án đấu giá đất.

          Đối với các dự án nằm trên địa giới hành chính của các phường khác nhau, các quận, huyện khác nhau, sau khi thực hiện san lấp, đầu tư hạ tầng ký thuật thì các ranh giới hành chính được lấy theo các địa vật tự nhiên sẽ bị xóa, rất khó khăn cho việc xác định địa giới hành chính.

          Ngoài ra, tình trạng tự điều chỉnh quy hoạch, giảm phần diện tích công cộng của chủ đầu tư sau khi trúng đấu giá, đấu thầu còn diễn ra phổ biến, tỷ lệ được phép xây dựng bị vi phạm ở tất cả các công trình, lấn chấm đất xảy ra ở hầu hết các dự án.

          Một trong những tiêu cực trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất là hiện tượng “thông thầu”. Ví dụ như vụ thông thầu đấu giá sử dụng các lô đất xen kẽ của hàng chục hộ dân chiếm đoạt 2,52 tỷ đồng và một số vụ thông thầu khác được cơ quan chức năng khám phá tại huyện Đông Anh – Hà Nội được dư luận biết đến rất nhiều trong năm 2007 [16]. Được biết, hiện tượng “thông thầu” hiện nay diễn ra khá phổ biến và thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ để xử lý nghiêm minh hành vi này.

Đối với người tham gia: Do chưa hình dung được sự phát triển của khu vực đấu giá tạo ra sự chênh lệch về giá đất sau khi đấu giá quá thấp hoặc quá cao. Một số trường hợp người tham gia đấu giá sử dụng nhiều đất xung quanh khu vực đấu giá nên đã bỏ giá cao để nâng mặt bằng giá của khu vực lên, sau đó bỏ tiền đặt cọc. Ở hầu hết các dự án đấu giá đất đều có trường hợp người tham gia đấu giá để đầu cơ đất đai.

          Một hạn chế nữa là thời hạn thanh toán, xây dựng thì người sử dụng đất đều bị động, không thể thương lượng lại được. Trong trường hợp chuyển nhượng lại cho người khác thì giá đất tính thuế trước bạ sẽ bị tính theo giá đấu giá (giá này thường cao hơn nhiều lần so với giá quy định).

          Cũng vì thế mà những người có thu nhập thấp hoặc trung bình khó có lợi thế tiếp cận được hình thức đấu giá quyền sử dụng đất vì vốn bỏ ra là rất lớn.

*Thực tế về tổ chức, hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản 

Hiện nay ở nước ta có 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở thống kế về hồ sơ xin cấp thẻ bán đấu giá tài sản và quyết định cấp thẻ bán đấu giá tài sản tính đến 29/6/2010 thì số đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá trên toàn quốc như sau:

Tổng số có 568 đấu giá viên trong đó có 14 đấu giá viên xin cấp đổi thẻ đấu giá viên. Về trình độ, hầu hết các đấu giá viên đều đảm bảo có trình độ đại học, chủ yếu là chuyên ngành luật và kinh tế, một số cán bộ có trình độ sau đại học;

Các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại 63 tỉnh, thành đang củng cố, kiện toàn, một số tỉnh đã thực hiện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Trung tâm của địa phương mình. Số còn lại tuy cũng là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng vẫn đang được đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Nhìn chung, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản các tỉnh, thành phố đã có khá đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu của công tác bán đấu giá tài sản. Đặc biệt, một số Trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại như hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn ảnh rộng bảo đảm phục vụ tốt cho công tác bán đấu giá tài sản.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, đến nay số lượng doanh nghiệp tăng đáng kể, đặc biệt tăng lên nhanh chóng trong năm 2007 và năm 2008. Theo báo cáo mới nhất của các địa phương gửi về Bộ Tư pháp tính đến 04/10/2010, hiện nay có 65 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên toàn quốc, chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hà Nội có 15 doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh có 22 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bắt đầu mở chi nhánh cả trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp đều được thành lập theo Luật doanh nghiệp dưới hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển, nguồn tài sản bán đấu giá dồi dào. Mặt khác, đa số doanh nghiệp bán đấu giá kinh doanh đa ngành nghề, trong đó bán đấu giá chỉ là một lĩnh vực đăng ký kinh doanh mới được bổ sung, do vậy tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp này chưa cao và quy mô doanh nghiệp còn tương đối nhỏ. Theo con số thống kê, hiện nay chỉ có 04 doanh nghiệp chuyên nghiệp bán đấu giá gồm: Công ty Cổ phần đấu giá Thăng Long (Hà Nội), Công ty Cổ phần bán đấu giá Toàn Quốc (Hà Nội), Công ty TNHH đấu giá Chinh Phong (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Việt Thành Vinh (Hòa Bình). Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp đấu giá họat động không hiệu quả, đăng ký đa dạng nhiều ngành nghề trong đó có đấu giá tài sản nhưng không hoạt động đấu giá.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê của Bộ Tư pháp từ năm 2005 đến nay các tổ chức bán đấu giá tài sản đạt được kết quả như sau:

Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành phố thì: Trung tâm bán tài sản khá đa dạng nhưng phổ biến nhất là tài sản thi hành án, tài sản tịch thu do vi phạm hành chính. Ngoài hai loại tài sản phổ biến này, một số Trung tâm còn bán đấu giá quyền sử dụng đất, bán tài sản nhà nước, tài sản của cá nhân, tổ chức. Số liệu cụ thể như sau:

- Số hợp đồng ủy quyền đã ký: 15064 Hợp đồng

- Số hợp đồng đã thực hiện xong: 9260 Hợp đồng

- Tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm: 4310,58 tỷ đồng

- Tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành: 4842,89 tỷ đồng

- Giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm: 532,31 tỷ đồng

Theo Báo cáo của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì: Hội đồng đấu giá tài sản cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập và bán đấu giá nhiều loại tài sản khác nhau như: tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản tịch thu do vi phạm hành chính.

- Tổng số vụ việc: 8687

- Giá khởi điểm: 3606,22 tỷ đồng

- Giá đã bán: 4119,33 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm: 513,11 tỷ đồng

Theo Báo cáo của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì: Các Doanh nghiệp thực hiện việc bán đấu giá tài sản khá phong phú bao gồm: tài sản thi hành án, tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tài sản bảo đảm, tài sản của cá nhân, tổ chức. Theo tổng hợp từ 16 doanh nghiệp thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này từ khi thành lập tới nay đã bán được:

- Tổng số vụ việc: 818

- Giá đã bán: 2436,219 tỷ đồng

 Báo cáo của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy: Theo quy định của Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV thi hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai thì Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập và một trong các chức năng của Trung tâm này là bán đấu giá quyền sử dụng đất. Kết quả như sau:

- Tổ chức bán đấu giá: 106 cuộc

- Giá khởi điểm: 295,88 tỷ đồng

- Tổng số tiền bán được: 302,71 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm là 6,83 tỷ đồng

Theo Báo cáo của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì một số tổ chức tín dụng cũng tự tổ chức bán đấu giá với tài sản thanh lý, tài sản đảm bảo, kết quả cụ thể như sau:

- Tổ chức bán đấu giá : 698 cuộc

- Giá khởi điểm 157,86 tỷ đồng

- Tổng số tiền bán được 158,10 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm là 0,024 tỷ đồng.

4. Những ảnh hưởng của pháp luật bán đấu giá tài sản đối với việc thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hưỡng XHCN ở Việt Nam.

          Qua phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam hiện nay, đồng thời căn cứ vào các tiêu chí hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này. Có thể rút ra những ảnh hưởng của pháp luật bán đấu giá tài sản đối với việc thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay như sau:

Về tác dụng tích cực, mặc dù ra đời muộn và phát triển chậm nhưng pháp luật về bán đấu giá tài sản ở Việt Nam đã đóng được vai trò khai phá cho một phương thức mua bán hàng hóa mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, thực tiễn thi hành các quy định về bán đấu giá tài sản trong Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 đã cung cấp những luận cứ thực tiễn để xây dựng các quy định về bán đấu giá của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 1997, Luật Thương mại năm 2005 v.v... Cùng với các bộ phận khác của thể chế kinh tế thị trường, pháp luật về bán đấu giá tài sản góp phần tạo nên môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh từng bước đáp ứng các yêu cầu của sự vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về những hạn chế đối với phát triển thể chế kinh tế thị trường, ở cấp độ văn bản chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 03 năm 2010 nên về mặt hình thức, văn bản này không phủ nhận được hiệu lực pháp lý của các quy định được ban hành dưới hình thức văn bản có giá trị pháp lý cao hơn như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đất đai v.v... Tuy nhiên, tình trạng các quy định liên quan đến bán đấu giá tài sản chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu minh bạch sẽ triệt tiêu hiệu lực lẫn nhau, làm cho pháp luật về bán đấu giá tài sản lâm vào tình trạng chung là kém hiệu quả trong thực tế.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

          Việc đánh giá thực trạng pháp luật về bán đấu giá tài sản và thực tế thi hành cho phép rút ra các kết luận sau:

1. Các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản ở Việt Nam còn tản mạn, thiếu hệ thống nên chưa phát huy được hiệu quả trong việc thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá pháp luật về bán đấu giá tài sản để hoàn thiện, trong đó đặc biệt chú trọng tính thống nhất của các bộ phận pháp luật cơ bản là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đất đai.

 

 

CHƯƠNG III

NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NHẰM THÚC ĐẨY THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

1. NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM

          Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản phải hướng tới mục tiêu thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

          Quan điểm có tính nguyên tắc là cần nhìn nhận đúng vai trò của pháp luật về bán đấu giá tài sản trong mối quan hệ với các bộ phận khác của thể chế kinh tế thị trường, đó là: bộ phận pháp luật này vừa đóng vai trò cấu thành của thể chế kinh tế thị trường vừa có tác động đến các bộ phận khác của thể chế kinh tế thị trường  Bản thân pháp luật về bán đấu giá tài sản không thể thay thế chức năng, vai trò của các bộ phận khác trong thể chế kinh tế thị trường nhưng nó có quan hệ mật thiết với các bộ phận khác trong thể chế này, thể hiện trên các mặt:

- Pháp luật về bán đấu giá tài sản không thay thế chức năng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại trong việc xác lập những nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự, thương mại trong nền kinh tế thị trường.

- Là một bộ phận của thể chế kinh tế thị trường nên các quy định trong pháp luật về bán đấu giá tài sản không thể trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại nhưng việc thực thi và hoàn thiện các quy định về bán đấu giá tài sản sẽ là cơ sở để hoàn thiện các quy định của các đạo luật đóng vai trò là đạo luật gốc điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại.

- Thực hiện mục tiêu hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường phải bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi của các quy định thuộc thể chế kinh tế thị trường. Đây là yêu cầu chung đối với hệ thống pháp luật, nhưng pháp luật về bán đấu giá tài sản chỉ phát huy tác dụng khi đáp ứng yêu cầu này.

          Thứ hai, hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản đặt trong toàn bộ hệ thống pháp luật chung.

          Hệ thống pháp luật bán đấu giá cần được hệ thống hóa để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bán, sắp xếp lại hợp lý hệ thống văn bản pháp luật bán đấu giá tài sản vốn hết sức tản mạn do được hình thành từ hoạt động quản lý của rất nhiều cơ quan nhà nước có chức năng quản lý các lĩnh vực khác nhau, ban hành trong các thời điểm khác nhau; Góp phần thiết lập, củng cố trật tự nghiêm ngặt về hiệu lực giữa các văn bản này, tạo cơ sở cho việc sửa đổi, ban hành các văn bản mới; phát hiện tính thiếu chặt chẽ giữa các quy định, giữa các văn bản hoặc những “chỗ trống” về bán đấu giá tài sản chưa được pháp luật điều chỉnh; loại bỏ những văn bản, những điều khoản lỗi thời, mâu thuẫn, sửa đổi cho phù hợp, bổ sung quy định mới, thực hiện sự sắp xếp, liên kết các quy phạm lại theo một trật tự nhất quán, chặt chẽ. Kết quả của toàn bộ quá trình này là đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản mới có hiệu lực cao hơn, hoàn thiện hơn cả về phạm vi, phương pháp điều chỉnh và chất lượng kỹ thuật văn bản. Việc xây dụng các luật, bộ luật có đối tượng điều chỉnh đan xem liên quan đến bán đấu giá tài sản phải xác định rõ ranh giới điều chỉnh trên nền tảng tư tưởng là coi trọng địa vị tối cao của luật trong nhà nước pháp quyền. Do đó, không thể không tính đến việc xây dựng về Luật về bán đấu giá tài sản.

          Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, xác định cụ thể các lĩnh vực kinh tế xã hội, tổ chức quản lý nhà nước cần có luật điều chỉnh. Đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, Đảng chủ trương “đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhằm xác lập môi trường, khuôn khổ pháp lý, phát huy được trong thực tế các tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, hạn chế tác động tiêu cực, ngăn chặn mặt trái của kinh tế thị trường”

          Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong những năm qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có một số Nghị quyết, Chị thị về xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật cho thấy Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành cải cách tư pháp với một quyết tâm rất mạnh mẽ, có sự chỉ đạo thống nhất.

          Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X có nêu, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật”

          Thứ ba, hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản vừa phải đảm bảo sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, đồng thời, đảm bảo xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản”

          Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, nếu không có một nhà nước được tổ chức khoa học có đủ năng lực quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhất là năng lực tổ chức quản lý kinh tế thì không thể tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng Cộng sản cũng không thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình. Nâng cao hiệu lực quản lý, nhất là quản lý kinh tế của nhà nước như đã nói ở trên có ý nghĩa quyết định bảo đẳm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản. Lĩnh vực quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản cũng bộc lộ những yếu kém khuyết điểm chung của nhà nước cần phải khắc phục như: bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu lực chưa phát huy hết tính ưu việt của nhà nước kiểu mới; trong hoạt động của bộ máy nhà nước đã nảy sinh tình trạng quan liêu, đặc quyền đặc lợi, vi phạm dân chủ, không bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất, pháp chế không nghiêm. Tình trạng buông lỏng quản lý, buôn lỏng kỷ cương của nhà nước; chưa sử dụng đúng đắn công cụ pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Trước yêu cầu khách quan, cấp bách của sự nghiệp đối mới hiện nay Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X có nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước bởi hai lý do sau:

Một là, cải cách hành chính là khâu liên quan trực tiếp đến dân, đến doanh nghiệp cho nên nó là một quy trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhưng tác động xã hội, ý nghĩa kinh tế rất lớn. Trong bối cảnh hội nhập, hai vấn đề này đều trực tiếp liên quan đến cải cách hành chính.

Hai là, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều yếu kém bất cập và vướng mắc cần tập trung giải quyết. Hệ thống thể chế, luật pháp, nhất là thể chế về kinh tế thị trường còn thiếu; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức nhà nước còn chưa rõ, còn chồng lấn, bộ máy tuy đã được rút gọn một bước, nhưng vẫn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy có được nâng lên một bước, nhưng còn thiếu rất nhiều chuyên gia; thể chế luật pháp về quản lý tài chính công còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính vẫn còn nhiều rườm rà, phức tạp; kỷ luật kỷ cương không nghiêm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chưa cao. Do đó, những điểm mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đền này thể hiện ở hai nội dung sau:

Trước hết, phải tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp để đề cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan và của cả bộ máy hành chính nhà nước. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ khi trình bày Đề án trước Trung ương có nêu: phải phấn đấu từ nay trở đi, một việc có một địa chỉ, một việc có một người chịu trách nhiệm. Sau đó, phân công, phân cấp phải rõ hơn đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nhấn mạnh cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho dân và chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân. Do đó quan điểm hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng không nằm ngoài những quan điểm chỉ đạo đó.

          Thứ tư, bảo đảm tính kế thừa giá trị của pháp luật hiện hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

          Quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 có nêu: Phát huy cao độ nội lực, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của pháp luật.

          Một trong những quan điểm của Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội tương lai.

          Quan điểm chỉ đạo này thể hiện nội dung đó là thường xuyên làm công tác tổng kết thực tiễn xây dựng pháp luật, gắn với thực tiễn kinh tế xã hội, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài để pháp luật sát với định hướng phát triển đất nước, xuất phát từ nhu cầu xã hội đồng thời phải phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện có sự tương đồng với pháp luật các nước, nhất là các nước trong khu vực và pháp luật quốc tế. Đặc biệt chú ý đến ý thức pháp luật của nhân dân tránh tình trạng áp dụng pháp luật nước ngoài một cách tùy tiện, rập khuôn, máy móc. Một nội dung nữa là phát triển nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung và khoa học pháp lý bán đấu giá tài sản nói riêng để tạo chỗ dựa khoa học cho hoạt động xây dựng pháp luật gồm cả rà soát, hệ thống hóa, tiến tới pháp điển hóa. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách huy động đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý tham gia công tác này cũng như mở rộng tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, chú trọng chất lượng của việc đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật.

2. CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NHẰM THÚC ĐẨY THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

          Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản

          Trước hết là tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Điều đó có nghĩa là Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các Nghị quyết, đặc biệt là việc tiến hành sơ kết, tổng kết các Nghị quyết chuyên đề đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan tư pháp; lạnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật. Nghị quyết có nêu: “Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế đảng lãnh đạo đối với Nhà nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và từng cấp, từng loại hình tổ chức Nhà nước”.

          Các tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ các quan điểm chỉ đạo về cải cách tư pháp, trong đó có gắn với hoạt động bán đấu giá tài sản với tính chất là một hoạt động bổ trợ tư pháp, ngày càng được xã hội hóa mạnh mẽ.

          Nghị quyết số 49-NQ/TW có nêu: Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

          Phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW là: Tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc…; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp: đội ngũ luật sư, chế định giám định tư pháp, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp, chế định công chứng, chế định thừa phát lại (thừa hành viên). Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết cũng đã nêu rõ từ nay đến 2010 phải làm được những công việc chính sau đây: Hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 08-NQ/TW, đã đề ra… Xây dựng các chế định bổ trợ tư pháp đủ mạnh, đáp ứng kịp tình hình;… từng bước xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Do đó các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao cần nhận thức đúng những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để có những giải pháp cụ thể đối với hoạt động bán đấu giá. Đặt hoạt động bán đấu giá tài sản đúng vị trí của nó trong bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng để có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đồng bộ tạo điều kiện cho nó phát triển theo đúng định hướng.

          Bên cạnh đó là việc thường xuyên sơ kết các Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng, trong lĩnh vực Nhà nước là Nghị định số 17/2010/NĐ/CP và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan, đặc biệt là các Thông tư của các Bộ và các văn bản pháp luật của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để có sự chỉ đạo đản bảo tính thống nhất trong đường lối chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Hiện nay theo chỉ đạo của Bộ CHính trị các tổ chức đảng đang tiến hành sơ kết năm năm việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Bộ tư pháp cũng đã chỉ đạo cho Ủy ban Nhân dân các địa phương và các Sở Tư pháp tiến hành sơ kết ba năm việc thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản để làm cơ sở cho việc ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

          Một nội dung cũng rất quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản đó chính là hoàn thiện cơ chế tổ chức cũng như kiểm tra, thanh tra đối với công tác này theo tinh thần Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Năm khóa X là đề cao tính sáng tạo của các cấp, các ngành phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu của ngành mình, địa phương mình; khắc phục tình trạng nhất thành bất biến (một mô hình nhân sao cho mọi địa phương, trong mọi điều kiện). Tổ chức hoạt động bán đấu giá theo hướng xã hội hóa thể hiện trong Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg là việc bán đấu giá tài sản chủ yếu thông qua các tổ chức doanh nghiệp và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp.

          Thứ hai, hoàn thiện nội dung pháp luật về bán đấu giá tài sản

          - Thực hiện công tác rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản theo thẩm quyền để xử lý kịp thời đối với những quy định có nội dung chưa phù hợp với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và khoản 1 Điều 61 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 08 năm 2008 quy định: Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá. Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định thu đóng trụ sở để bán đấu giá. Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thầm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện để bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

          - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đều giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác bán đấu giá tài sản tại địa phương nhưng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán đấu giá lại cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trong khi đó các văn bản đấu giá hiện nay không quy định cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp thông tinh về doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản kém hiệu quả cho nên việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản nên giao cho:

          + Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động như Công ty luật, Văn phòng công chứng, Trung tâm tư vấn pháp luật.

          + Nếu giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cần có quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền phải thẩm tra các doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới cấp giấy đăng ký hoạt động kinh doanh.

          - Vấn đề thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chỉ nên thành lập doanh nghiệp hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp (không kinh doanh các ngành nghề khác) như quy định ở Nghị định số 86/1996/NĐ-CP là hợp lý, tình trạng doanh nghiệp vừa thực hiện chức năng bán đấu giá tài sản vừa kinh doanh dịch vụ khác như: nhà hàng, khách sạn, ăn uống, du lịch… không mang tính chuyên nghiệp về hoạt động bán đấu giá tài sản. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế không hạn chế số lượng doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản, nhưng cũng không nên cho thành lập các doanh nghiệp đa ngành nghề trong rất nhiều các ngành nghề khác mà doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động kinh doanh là không thực tế.

          - Việc cấp thẻ đấu giá viên nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về bán đấu giá cấp tỉnh (Sở Tư pháp) cấp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bán đấu giá tài sản và trang trọng của thẻ đấu giá viên.

          - Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản với cơ quan Công an và các cơ quan có liên quan trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Chống khách hàng tham gia đấu giá thông đồng với nhau để dìm giá, dùng xã hội đen trấn áp người đăng ký tham gia đấu giá, phá giá không cho khách hàng trúng đấu giá. Chống sự thông đồng của người bán đấu giá tài sản. Muốn ngăn chặn những hành vi thông đồng nêu trên, cần có những quy định chặt chẽ hơn trong các hình thức bán đấu giá để khách hàng muốn thông đồng với nhau cũng sẽ không thực hiện được, ngoài những quy định về nâng tiền đặt trước lên tối đa 15% và thay đổi về quy định bán cho người trả giá liền kề như khoản 1 Điều 39 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì cần có các hình thức bán đấu giá như sau:

          + Tổ chức bán đấu giá bằng hình thức bỏ phiểu kín từ khi có thông báo bán đấu giá: Sau khi có thông báo bán đấu giá tài sản, tất cả các khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nộp đơn sẽ được người bán đấu ía yêu cầu trả giá bằng phiếu và niêm phong trong phong bì kín, sau đó tại cuộc bán đấu giá, người bán đấu giá sẽ công bố giá đã trả của khách hàng tham gia đấu giá và người nào trả giá cao nhất sẽ là người mua được tài sản, nếu có khách hàng trả cùng giá có thể tổ chức bốc thăm hoặc bỏ phiếu thêm một lần nữa để xác định người mua được tài sản. Hình thức này sẽ không còn cơ hội để các khách hàng tham gia đấu giá thông đồng, bàn bạc và trấn áp người khác nhưng lại không mang tính trả giá liên tục, không kích thích và không có cơ hội để khách hàng tiếp tục trả giá.

          + Tổ chức bán đấu giá thông qua mạng Internet: Hình thức này cũng loại bỏ được những hành vi thông đồng dìm giá của các khách hàng tham gia đấu giá nhưng khó thực hiện và hạn chế khách hàng tham gia đấu giá vì không phải khách hàng nào cũng đủ trình độ để tham gia đấu giá trên mạng và nếu áp dụng để bán tài sản là bất động sản thì việc chứng thực hợp đồng bán đấu giá sẽ khó khăn vì Luật Công chứng chưa có quy định về vấn đề này.

          - Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sau cuộc bán đấu giá lần 1 không thành thì cơ quan nào là chủ tài sản mời tổ chức định giá lại tài sản, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về vấn đề này nên khó thực hiện.

          - Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản muốn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản phải đóng 10% tiền ký quỹ so với giá khởi điểm cho cơ quan có tài sản bán đấu giá, nếu doanh nghiệp bán đấu giá tổ chức cuộc bán đấu giá không thành thì cơ quan có tài sản bán đấu giá thu 10% tiền ký quỹ và cũng phải chi trả cho doanh nghiệp bán đấu giá tài sản những khoản chi phí đã ứng trước như đăng báo và các chi phí hợp lý khác. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không ký hợp đồng thì không có việc làm, mà nếu tham gia ký quỹ thì vi phạm điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và và đơn vị có tài sản bán đấu giá thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

          - Cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản ban hành kịp thời sách hướng dẫn về bán đấu giá tài sản (bao gồm các nội dung pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản, các tình huống xảy ra và biện pháp giải quyết), hàng năm mở các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng bán đấu giá cho các tổ chức bán đấu giá để nâng cao chuyên môn và xử lý tình huống ngày càng tốt hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và có hình thức xử phạt đối với những đơn vị vi phạm các quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan đến bán đấu giá tài sản.

          - Qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản nên đánh giá, phân loại các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để có hình thức khen thưởng kịp thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn.

          - Hoàn thiện cụ thể các quy định về chế độ kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động bán đấu giá tài sản của các doanh nghiệp và Trung tâm. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ chưa bao quát hết các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và nhiều hình thức xử phạt bổ sung chưa chặt chẽ như tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 76/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cơ quan, tổ chức không ó chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không có đấu giá viên mà vẫn tiến hành bán đấu giá tài sản thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nhưng không quy định kèm theo phạt tiền là hủy bỏ kết quả bán đấu giá. Như vậy, phạt tiền để công nhận kết quả bán đấu giá thì nếu bán một tài sản thu phí 20.000.000 đồng, nộp phạt 10.000.000 đồng do đó vẫn còn lời một nửa. Vì vậy, các doanh nghiệp và Trung tâm vẫn điều hành các cuộc bán đấu giá.

          Thứ ba, xây dựng luật bán đấu giá tài sản

          - Lĩnh vực bán đấu giá tài sản liên quan đến thẩm quyền, lợi ích của nhiều cấp, nhiều ngành đòi hỏi phải xây dựng một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, một luật chuyên ngành, là Luật Bán đấu giá tài sản. Luật này cần điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đấu giá tài sản từ trung ương đến địa phương, quan hệ quản lý vĩ mô và vi mô, điều chỉnh các hoạt động bán đấu giá đối với tài sản bắt buộc phải bán đấu giá (tài sản thi hành án, tài sản nhà nước, tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản bắt buộc phải bán đấu giá theo sự thỏa thuận của các bên) và các tài sản bán đấu giá tự nguyện.

          Luật Bán đấu giá tài sản ban hành phải đáp ứng chủ trương xã hội hóa, tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản, loại bỏ những đầu mối bán đấu giá không chuyên nghiệp (hội đồng bán đấu giá tài sản); Luật Bán đấu giá tài sản phải được định hướng xây dựng nghề đấu giá trở thành nghề có uy tín trong xã hội dể doanh thu về bán đấu giá tài sản phải là nguồn thu lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước.

          - Cần xác định Luật Bán đấu giá tài sản là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại. Do đó, các quy định của luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo sự thống nhất, phù hợp có tính tương hỗ với pháp luật dân sự và thương mại. Tính tương hỗ này đặt ra yêu cầu là các quy định của pháp luật dân sự, thương mại phải thực sự đóng vai trò là luật khung cho Luật Bán đấu giá tài sản. Nói cách khác, thực chất Luật Bán đấu giá tài sản là “cánh tay nối dài” của pháp luật dân sự, thương mại điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại đối với một phương thức bán, mua tài sản có tính đặc thù.

          - Cần quy định rõ tài sản bán đấu giá theo quy định của Luật Bán đấu giá tài sản bao gồm tài sản và quyền tài sản.

- Người bán đấu giá tài sản: Hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam, người bán đấu giá tài sản là doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Thực tế điều chỉnh pháp luật ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... đều cho thấy các tổ chức bán đấu giá tài sản phải có tư cách bình đẳng với nhau.

          Luật Bán đấu giá tài sản phải bảo đảm điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản trong xã hội như một loại hình dịch vụ chuyên nghiệp được cung cấp bởi các tổ chức chuyên nghiệp và các chuyên gia chuyên nghiệp. Các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp bình đẳng với nhau, được điều chỉnh bởi một mặt bằng pháp lý chung. Các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Nhà nước hiện nay phải được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc bán đấu giá tài sản với các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản khác, không quy định đặc quyền trong việc cung cấp nguồn hàng, hoặc được Nhà nước bao cấp về tài chính, đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường.

          Luật Bán đấu giá tài sản cần quy định cụ thể cơ chế hoạt động tài chính của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Cụ thể, cần quy định cụ thể lộ trình thích hợp để chuyển trung tâm bán đấu giá tài sản thành doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bán đấu giá tài sản, theo đó, loại hình doanh nghiệp này được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

          Đội ngũ đấu giá viên phải được xây dựng trở thành những người hành nghề dịch vụ bán đấu giá chuyên nghiệp, quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá. Khóa đào tạo nghề cũng phải được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Đấu giá viên không chỉ có kiến thức pháp luật, kiến thức về tài sản mà còn có kiến thức sâu rộng về thị trường, về giá trị tài sản và giá trị nghệ thuật.

          Khi hành nghề đấu giá, đấu giá viên bị ràng buộc bởi nhiều nghĩa vụ do luật định, phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Vi phạm của đấu giá viên tùy theo mức độ có thể do Hiệp hội đấu giá viên thi hành kỷ luật hoặc quy trách nhiệm theo Bộ luật hình sự (trong Bộ luật Hình sự phải bổ sung điều khoản về tội thông đồng, dìm giá của những người tham gia đấu giá, và của đấu giá viên). Hiệp hội bán đấu giá tài sản là một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân và là tổ chức tự quản trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, giám sát các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và đấu giá viên. Hiệp hội có quyền tổ chức các kỳ thi tuyển chọn đấu giá viên, cấp chứng chỉ đấu giá viên.

          Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán đấu giá cũng phải được quy định tiến bộ hơn, đảm bảo tài sản bán đấu giá được bán nhanh, thanh toán nhanh cho chủ sở hữu. Điều kiện về tài chính đối với người tham gia đấu giá phải được quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo chỉ những người có đủ nguồn lực về tài chính để mua tài sản đấu giá mới được tham gia đấu giá.

          Quy định về giá khởi điểm cũng phải sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Do đấu giá viên hiểu biết về giá trị tài sản nên có thể quy định đấu giá viên là người có quyền quyết định tài sản bán đấu giá nên được tuyên bố bán bắt đầu từ giá nào. Giá khởi điểm được công bố công khai để người tham gia đấu giá biết. Song Luật Đấu giá phải đưa ra chế định mới về giá tối thiểu. Giá tối thiểu là giá do chủ sở hữu tài sản đưa ra và yêu cầu đấu giá viên chỉ bán tài sản nếu có người mua trả giá ít nhất bằng giá tối thiểu. Giá tối thiểu không được công bố cho người tham gia đấu giá biết mà giá này chỉ chủ sở hữu đấu và đấu giá viên biết. Nếu có quy định này, tình trạng thông đồng, dìm giá có thể khắc phục được.

          Luật Bán đấu giá tài sản phải đảm bảo được sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động bán đấu giá; xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan. Nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương, vai trò của các sở, ngành liên quan trong việc phối hợp quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản.

          Khi Luật Bán đấu giá tài sản được ban hành, hoạt động đấu giá sẽ được tổ chức, cá nhân quan tâm hơn, tin tưởng và sử dụng dịch vụ nhiều hơn tình trạng hiện nay. Quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá, chủ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp là tiền đề quan trọng để dịch vụ đấu giá phát triển trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

          - Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Tư pháp địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Cụ thể, đó là các nội dung về kiểm tra tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đối với Sở Tư pháp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (Điều 19 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010).

          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về bán đấu giá tài sản đặc biệt là các văn bản pháp luật như Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BTC và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của hoạt động bán đấu giá tài sản.

          Thứ tư, hoàn thiện tổ chức bán đấu giá tài sản (cán bộ, trang thiết bị cơ sở vật chất…)

          - Tăng cường đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất phương tiện làm việc đảm bảo cho các Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ bán đấu giá tại địa phương theo quy định mới của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 và Thông tư số 23/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010. Có những biện pháp thực tế để khuyến khích việc thành lập và phát triển doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, bảo đảm hoạt động bán đấu giá tài sản được xã hội hóa một cách sâu sắc.

          Trước hết là các Sở Tư pháp địa phương tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao và tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Bảo đảm việc bán đấu giá tài sản để thi hành án theo đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản.

          Chỉ đạo các Sở Tư pháp địa phương tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 và Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 về bán đấu giá tài sản để mỗi tỉnh, thành phố chỉ thành lập một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương. Những địa phương đã thành lập thêm đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản ngoài Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải chuyển chức năng bán đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp đó thành doanh nghiệp bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản.

          - Tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đâu giá cũng như khả năng linh hoạt tiếp cận thị trường đang rộng mở đề nghị Bộ Tư pháp với trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản cần quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về công tác bán đấu giá tài sản. trong xây dựng các văn bản luật không chỉ tổ chức các cuộc hội thảo, các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước thì cũng cần mở rộng việc lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực này kể cả chuyên gia nước ngoài.

          - Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc biệt là trụ sở của Trung tâm và kho giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vì trong thời gian qua các tang vật, phương tiện này chủ yếu là gửi tạm ở kho của đơn vị bắt tạm giữ tang vật, phương tiện nên việc quy định trưng bày, cho xem tài sản đấu giá gặp nhiều khó khăn. Nhiều Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản chưa có trụ sở riêng còn nằm chung trong trụ sở của Sở Tư pháp hoặc một số thì thuê mướn trụ sở, thuê mướn kho bảo quản, do đó, việc tổ chức bán đấu già tài sản của các Trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra./.

 

KẾT LUẬN CHƯƠNG III

Nghiên cứu nhu cầu định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản cho phép sinh ra những kết luận sau:

1. Hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản phải đáp ứng đúng yêu cầu chung của hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền. Vừa phải đảm bảo các yêu cầu về tính thống nhất, minh bạch, khả thi vừa phải đảm bảo tính pháp lý cao của của văn bản quy phạm pháp luật.

2. Bán đấu giá tài sản là lĩnh vực phức tạp, do đó, nếu hoạt động tổ chức bán đấu giá tài sản không minh bạch thì các tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tài sản sẽ đứng ngoài lề của đời sống xã hội. Do đó, trên nguyên lý chung là phải bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính nhưng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với bán đấu giá tài sản.

KẾT LUẬN CHUNG

1. Pháp luật về bán đấu giá tài sản là bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường gồm cả kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và cả kinh tế thị trường phi định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ phận pháp luật này có tác động tương hỗ đối với các bộ phận khác trong toàn bộ thể chế. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản phải có sự tương thích, đồng bộ và thống nhất của toàn bộ hệ thống thể chế. Đồng thời, cần thấy rằng, pháp luật về bán đấu giá tài sản điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính nghiệp vụ kinh tế rất cao. Bởi vậy, việc hoàn thiện bộ phận pháp luật này cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

2. Nhà nước cần sớm triển khai nghiên cứu xây dựng luật Bán đấu giá tài sản.

3. Để pháp luật bán đấu giá tài sản phát huy được vai trò thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải đồng thời tiến hành việc nâng cao chất lượng pháp luật và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

4. Nghiệp vụ tổ chức bán đấu giá tài sản vừa là nghiệp vụ pháp lý vừa là nghiệp vụ kinh tế và kĩ thuật đa ngành nên cần phải đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC CHUYÊN ĐỀ

 

 

Chuyên đề số 1

KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, BẢN CHẤT QUAN HỆ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

 VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

TS. Nguyễn Thị Minh

Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp -  Bộ Tư pháp

I. KHÁI NIỆM, BẢN CHẤT CỦA ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Đấu giá tài sản là một dịch vụ ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Đấu giá tài sản là một trong những cách thức  linh hoạt để chuyển quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá nói riêng phát triển một cách đa dạng. Trong những năm qua, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta đã từng bước phát triển, có những đóng góp quan trọng trong công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác thi hành án dân sự và xử lý vi phạm hành chính.

Theo quan niệm truyền thống, đấu giá là việc mua bán hàng tài sản công khai mà những  người mua sẽ trả giá từ giá thấp cho tới khi trả giá cao nhất và người bán đấu giá đồng ý bán bằng cách gõ búa. Dưới góc độ  pháp lý, định nghĩa về bán đấu giá tài sản thường được quy định trong những điều luật cụ thể: Chẳng hạn điều 3, Luật bán đấu giá tài sản nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1996 quy định “Bán đấu giá là hình thức bán và mua tài sản công khai, theo đó các tài sản và quyền tài sản được bán cho người trả giá cao nhất”. Còn đạo luật của Floriada năm 2003 đưa ra khái niệm “Bán đấu giá tuyệt đối” là cuộc bán đấu giá không yêu cầu giá khởi điểm tối thiểu mà hàng hoá sẽ được bán cho người trả giá cao nhất.

Ở Việt Nam, theo Từ điển Luật học thì “Bán đấu giá tài sản là hình thức bán công khai một tài sản, một khối tài sản; theo đó có nhiều người muốn mua tham gia trả giá, người trả giá cao nhất nhưng không thấp hơn giá khởi điểm là người mua được tài sản”.

Theo quy định của pháp luật thì khái niệm bán đấu giá tài sản trên được xem xét trong từng lĩnh vực cụ thể: Chẳng hạn trong lĩnh vực thương mại, Luật Thương mại năm 2005 coi đấu giá hàng hóa là một trong số hoạt động thương mại cụ thể, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất (khoản 1 Điều 185). Những quy định liên quan đến đấu giá hàng hóa trong Luật thương mại năm 2005 nhằm phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hóa, nâng cao hiệu quả và hiệu lực pháp lý của hoạt động thương mại này. Song trên thực tế, hoạt động bán đấu giá hàng hoá trong thương mại chưa thực sự phát triển mà chủ yếu là người bán hàng tự mình thực hiện việc bán hàng hóa qua thỏa thuận.

Theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá và tuân theo các quy định của pháp luật về bán đấu giá. Như vậy, khái niệm về đấu giá tài sản có những đặc điểm sau đây:

- Bán đấu giá tài sản là hình thức bán công khai theo nguyên tắc và thủ tục luật định.

- Chủ thể tham gia bán đấu giá từ hai chủ thể trở lên.

- Người được mua tài sản là người trả giá cao nhất.

Bản chất của bán đấu giá tài sản là quan hệ dân sự về mua bán tài sản thông qua hình thức đấu giá nhằm bán được tài sản với giá cao nhất. Hoạt động bán đấu giá tài sản được diễn ra theo ý chí của chủ sở hữu và người được chủ sở hữu ủy quyền yêu cầu tổ chức có chức năng bán đấu giá hoặc tài sản thực hiện việc bán đấu giá.

Tài sản trong đấu giá rất đa dạng. Căn cứ vào trình tự, thủ tục quy định cho việc bán đấu giá tài sản thì các loại tài sản bán đấu giá có thể được chia ra hai loại tài sản: tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được bán theo hình thức tự nguyện và tài sản tư pháp được bán theo hình thức bắt buộc. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là những tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, ví dụ như hàng hóa, một số loại đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, phương tiện giải trí, bất động sản, đồ dùng gia đình, hàng tiêu dùng, đồ văn phòng, máy tính, v.v. Tài sản tư pháp bao gồm tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án; tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch có bảo đảm; hàng hoá lưu giữ do người vận chuyển đường biển, đường hàng không; đường bộ lưu giữ tại cảng, kho; tài sản nhà nước phải bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

Đấu giá tài sản là một dịch vụ có từ lâu đời và tương đối phát triển ở các nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tuy nhiên, ở nước ta, hoạt động đấu giá tài sản chỉ mới thực sự  bắt đầu phát triển khi Đảng và Nhà nước ta áp dụng chính sách mở cửa, chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự hình thành và phát triển của pháp luật về bán đấu giá tài sản qua các giai đoạn cụ thể.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM

1. Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1996

Có thể nói dịch vụ bán đấu giá tài sản tại Việt Nam được hình thành và phát triển từ việc bán đấu giá tài sản để thi hành án dân sự. Bởi lẽ, các quy định về bán đấu giá tài sản được xuất hiện đầu tiên trong pháp luật về thi hành án dân sự.

Pháp luật về bán đấu giá tài sản được đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 28 tháng 8 năm 1989 (Pháp lệnh năm 1989), quy định về bán đấu giá tài sản để thi hành án. Khoản 1, Điều 28 của Pháp lệnh năm 1989 quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên. Đối với các loại tài sản này, thời gian bán đấu giá phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản và thông báo cho đương sự, chậm nhất là bảy ngày trước ngày bán đấu giá. Tài sản đã kê biên được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì tài sản được bán cho người mua theo giá mà Hội đồng định giá đã định. Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá (khoản 2, Điều 28).

Riêng đối với bán đấu giá nhà, Điều 30 Pháp lệnh năm 1989 quy định: người muốn mua nhà phải nộp đơn và nộp trước 1% giá trị nhà tại Tòa án. Số tiền này được hoàn lại ngay nếu họ không mua được nhà. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày bán đấu giá, người mua được nhà phải trả đủ tiền tại Tòa án. Nếu họ không trả đủ tiền trong thời hạn đó thì số tiền nộp trước không được trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

Để thực hiện Pháp lệnh năm 1989, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp có Thông tư liên ngành số 06-89/TTLN ngày 07 tháng 12 năm 1989 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh 1989. Mục VI của Thông tư có quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên theo quy định tại  khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh năm 1989 thì khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn, chấp hành viên mời Hội đồng định giá để định giá sơ bộ tài sản đã kê biên. Quy định này nhằm giúp Chấp hành viên ước lượng số tài sản cần kê biên tương ứng với mức đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án; đồng thời, nhằm xác định trách nhiệm của người được giao bảo quản tài sản đã kê biên. Do đó, khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá thì chấp hành viên cần dựa vào ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến và các bên đương sự để sơ bộ định giá các tài sản bị kê biên. Chấp hành viên chỉ mời Hội đồng định giá tài sản trong những trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản kê biên để thi hành án theo giá do hội đồng định giá quyết định hoặc do tính chất đặc biệt của tài sản mà chấp hành viên không thể ước giá được. Đối với những trường hợp này, Hội đồng định giá cần định giá chính thức tất cả các tài sản đã kê biên của người phải thi hành án để khi bán đấu giá không phải định giá lại, trừ trường hợp có biến động đáng kể về giá.

Theo các Điều 28, 30 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 thì việc bán đấu giá do Chấp hành viên tổ chức. Chậm nhất là bảy ngày trước ngày bán đấu giá, Chấp hành viên phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án, Uỷ ban nhân dân nơi có tài sản và thông báo rộng rãi danh mục tài sản, giá khởi điểm, thời gian và địa điểm bán đấu giá. Đồng thời phải báo cho các bên đương sự biết. Trong thông báo có thể nêu rõ những yêu cầu đối với người tham gia đấu giá (khoản 2, mục VI). Trước khi bán đấu giá, người phải thi hành án có thể nộp tiền thi hành án để lấy lại tài sản bị kê biên và người được thi hành án có thể nhận tài sản đã kê biên để thi hành án theo giá đã định (khoản 3, mục VI).

Tài sản bán đấu giá được trưng bày công khai, có ghi rõ số thứ tự và giá đã định. Chấp hành viên khai mạc cuộc bán đấu giá, giới thiệu đại diện chính quyền, đoàn thể được mời tham gia chứng kiến việc bán đấu giá, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (nếu có) và công bố thể thức bán đấu giá. Chấp hành viên lần lượt bán tài sản của từng người phải thi hành án và công bố giá đã định của từng tài sản để người mua trả giá. Tài sản được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm thì bán cho người mua nếu người đó đồng ý mua theo giá khởi điểm. Khi số tiền bán tài sản đã đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án thì chấp hành viên ngừng bán và số tài sản còn lại sẽ được trả lại cho người phải thi hành án.

Đối với tài sản không phải là nhà, người mua được tài sản phải trả tiền ngay tại nơi bán đấu giá; nhưng nếu tài sản trị giá từ một triệu đồng trở lên thì người mua phải trả ngay ít nhất là 10% trị giá của tài sản và trong thời hạn ba ngày kể từ ngày bán đấu giá họ phải trả đủ số tiền còn thiếu tại Tòa án. Người mua được nhận tài sản ngay sau khi đã trả đủ tiền. Nếu người mua không trả đủ tiền trong thời hạn này, thì số tiền nộp trước không được trả lại mà được nộp vào ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp có lý do chính đáng được chấp hành viên chấp nhận.

Đối với những tài sản phải làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu thì chậm nhất là ba ngày sau khi người mua trả đủ tiền, chấp hành viên phải giao cho người mua các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu. Chấp hành viên phải lập biên bản về việc bán đấu giá tài sản của từng người phải thi hành án, trong đó cần ghi rõ danh mục tài sản, các giá đã được trả, họ và tên, địa chỉ của người mua được tài sản…Trong biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người chứng kiến và các bên đương sự tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có). Trong những trường hợp không có người mua, người mua trả giá thấp hơn giá khởi điểm hoặc không trả đủ tiền trong thời hạn quy định, chấp hành viên lập biên bản về việc bán đấu giá không thành và thông báo cho các đương sự biết.

Năm 1994, Pháp lệnh Thi hành án dân sự được ban hành mới thay thế cho Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 (Pháp lệnh năm 1994). Pháp lệnh năm 1994 bổ sung thêm một số quy định về bán đấu giá tài sản thi hành án. Quy định cụ thể hơn về thành phần Hội đồng định giá gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan và do chấp hành viên chủ trì để đánh giá sơ bộ tài sản đã kê biên (Điều 34 của Pháp lệnh năm 1994), người được thi hành án, người phải thi hành án được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá. Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá.

2. Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2005

Năm 1995, Bộ Luật Dân sự đầu tiên ở nước ta được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua. Đây là một văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ  giao kết dân sự trong đó có  quan hệ về bán đấu giá tài sản. Bộ Luật Dân sự năm 1995 đã quy định giao cho Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá. Trên cơ sở đó, ngày 19/12/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/1996/CP về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp lý chuyên ngành đầu tiên điều chỉnh về lĩnh vực bán đấu giá tài sản với những quy định về tài sản bán đấu giá, người bán đấu giá, trình tự, thủ tục bán đấu giá, giải quyết khiếu nại, tranh chấp về bán đấu giá. Có thể nói hoạt động bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp ở nước ta được hình thành từ năm 1997 trên cơ sở của Bộ luật dân sự và Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản.

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 86/1996/CP thì Người bán đấu giá là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản bán đấu giá được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Người bán đấu giá cũng có thể là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần được thành lập theo Luật Công ty hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác do Sở Tư pháp quản lý về nghiệp vụ. Cũng theo quy định tại Nghị định này thì việc bán đấu giá tài sản được tiến hành sau khi người có tài sản bán đấu giá ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với người bán đấu giá, xác định giá khởi điểm để bán đấu giá. Người bán đấu giá tài sản phải niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá, tài sản bán đấu giá, giá khởi điểm...Người muốn tham gia đấu giá bất động sản hoặc động sản có giá khởi điểm từ mười triệu đồng trở lên phải đăng ký mua chậm nhất là hai ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá và phải nộp một khoản tiền đặt trước bằng 1% giá khởi điểm.

Ngày 07 tháng 04 năm 1997 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 399/PLDSKT hướng dẫn một số quy định về bán đấu giá tài sản. Ở đa số địa phương, quán triệt tinh thần Nghị định số 86/CP và Thông tư số 399/PLDSKT ngày 07 tháng 4 năm 1997 của Bộ Tư pháp, các Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá công khai, rộng rãi, đúng trình tự, thủ tục; khách hàng tham gia đấu giá ngày càng nhiều. Giá tài sản bán được phần lớn tăng hơn nhiều so với giá khởi điểm, làm lợi cho người có tài sản bán đấu giá. Khoản lệ phí nộp ngân sách đạt được chỉ tiêu mà các Trung tâm đề ra, đảm bảo cho hoạt động bán đấu giá được liên tục và có hiệu quả.

Nghị định số 86/1996/CP là văn bản pháp luật quan trọng đặt nền móng cho dịch vụ đấu giá trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nội dung của Nghị định số 86/1996/CP được ban hành trong những năm đầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam nên vẫn chứa đựng các điều khoản bất cập, hạn chế nhất định, không còn phù hợp cần thay đổi cho phù hợp với thực tế.

3. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay

Ngày 18/01/2005, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản được ban hành thay thế  Nghị định số 86/1996/CP. Ngay sau khi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.

Nghị định số 05/2005/NĐ-CP là văn bản pháp luật chuyên ngành, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cùng với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản như Bộ Luật dân sự năm 2005; Luật Thương mại năm 2005; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật kinh doanh bất động sản năm 2006; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất,  Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất.

Sau khi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP được ban hành, hoạt động bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá tài sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần thống nhất pháp luật về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản và đáp ứng phần lớn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về hoạt động bán đấu giá tài sản trong thời kỳ này còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản. Bên cạnh một số luật, pháp lệnh còn có nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch của các Bộ, ngành... Nhiều điều khoản của các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản không thống nhất với quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, nội dung một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục bán đấu giá, về tổ chức bán đấu giá, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành và áp dụng pháp luật.

Thứ hai, do sự không đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật nên hiện nay có nhiều loại tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tài sản và bán đấu giá theo các trình tự, thủ tục rất khác nhau, không chặt chẽ dẫn đến việc khó quản lý, kiểm soát hoạt động này và gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản công. Trong số các tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì hoạt động của các Hội đồng bán đấu giá tài sản đang có nhiều bất cập. Các Hội đồng này được thành lập để bán đấu giá theo vụ việc, không mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp. Khi kết thúc cuộc bán đấu giá, Hội đồng tự giải thể. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, các bên không có cơ sở pháp lý để khiếu nại Hội đồng. Ngoài ra, do cơ chế hoạt động (bao gồm cả cơ chế tài chính) và trách nhiệm pháp lý của Hội đồng bán đấu giá tài sản không rõ ràng, nên khó kiểm soát, dẫn đến thất thoát, thiệt hại về vật chất trong việc bán đấu giá các loại tài sản của Nhà nước.

Thứ ba, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP chưa xác định rõ phạm vi áp dụng của Nghị định đối với việc bán đấu giá những loại tài sản nào. Chính vì vậy, trên thực tế, các cơ quan, tổ chức còn lúng túng khi áp dụng Nghị định số 05/2005/NĐ-CP dẫn đến việc bán đấu giá tài sản, nhất là tài sản công chưa được thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ. Đây cũng là bất cập lớn cần phải sớm khắc phục.

Thứ tư, một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về trình tự, thủ tục bán đấu giá còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, thậm chí có kẽ hở, dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực như thông đồng, dìm giá, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, quy định về điều kiện cấp thẻ đấu giá viên, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá còn đơn giản, dễ dãi; việc đăng ký hành nghề đối với đấu giá viên chưa được quy định chặt chẽ. Vai trò của đấu giá viên với tư cách là chức danh chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá chưa được phát huy, nhiều cuộc bán đấu giá không do đấu giá viên điều hành. Nhìn chung, tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá tài sản còn thấp.

Thứ sáu, quy định về quản lý nhà nước trong Nghị định số 05/2005/NĐ-CP còn thiếu, nội dung chưa rõ ràng dẫn đến việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản còn lỏng lẻo, vai trò của cơ quan chủ trì giúp Chính phủ và UBND các địa phương thống nhất quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản chưa được phát huy đầy đủ. Một số Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản tại địa phương. Công tác quản lý hoạt động đấu giá tài sản ở cấp huyện còn bị buông lỏng.

Thứ bảy, nhận thức và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương về quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản còn chưa thống nhất, chưa chặt chẽ và đồng bộ. Một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong một số trường hợp còn từ chối hoặc chậm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Việc giao tài sản thi hành án đã được bán đấu giá nhiều khi bị chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, cũng như uy tín của các tổ chức bán đấu giá tài sản.

Do vậy, việc thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP là sự cần thiết khách quan, để thiết lập cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ hơn cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Ngày 04 tháng 3 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/ NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. 

 

Chuyên đề số 2

MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ

THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

                                                                               Cao Đăng Vinh

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, BTP

I . KHÁI QUÁT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN.

1 . Khái quát về bán đấu giá tài sản:

Cùng với sự ra đời và phát triển của nền kinh tế hàng hóa thì quan hệ mua bán hang hóa cùng phát triển với nhiều hình thức mua bán phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của cả người bán lẫn người mua. Hình thức bán đấu giá tài sản được hình thành từ lâu đời, khi xuất hiện nền sản xuất hàng hóa mà ở đó có người bán, người mua, có hàng hóa, có tiền làm vật trao đổi ngang giá và đặc biệt khi có sự cạnh tranh về giá giữa người mua, ai trả giá cao nhất thì được mua tài sản. Bán đấu giá tài sản là hoạt động dân sự, kinh tế, đồng thời cũng là một hình thức mua bán đặc biệt, nó phát triển rất mạnh trong nền kinh tế thị trường. Có nhiều quan điểm khác nhau về bán đấu giá tài sản nhưng tựu chung lại, có thể hiểu bán đấu giá là một hình thức mua bán công khai, có tổ chức do người bán đấu giá điều khiển trên cơ sở tham gia cạnh tranh về giá của nhiều người mua tài sản; người trả giá cao nhất là người mua được tài sản đấu giá. Khác với mua bán thông thường, người bán hàng niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết, trong bán đấu giá tài sản, giá do người bán đấu giá đưa ra chỉ là giá khởi điểm lam cơ sở cho việc cạnh tranh về giá giữa giữa những người có nhu cầu mua tài sản bán đấu giá.

2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản:

Để điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản, pháp luật của nhiều nước đã dành quan tâm thích đáng thông qua việc quy định trong các Bộ luật Dân sự, với tính chất là một đạo luật gốc, có vị trí quan trọng trong pháp luật dân sự của các nước như Bộ luật Dân sự và Bộ luật Thương mại Công hòa Pháp, Luật Thương mại Hoa Kỳ, Luật thương mại Công hòa Liên Bang Đức, Bộ luật thương mại Thái Lan, Bộ luật Dân sự Nhật Bản…Ở Việt Nam, từ thời pháp thuộc, chính quyền thực dân Pháp đã quy định về phát mại tài sản, như trong luật dân sự, thương mại, tố tụng thi hành trong các tòa án Bắc Kỳ năm 1921, Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1933, hoặc Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật năm 1936. Ở Miền Nam, trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn cũng ban hành Bộ luật Dân sự và Thương sự Tố tụng, Bộ thương luật, trong đó có điều chỉnh về bán đấu giá tài sản.

Sau khi thống nhất đất nước thống nhất 1975, Nhà nước ta xóa bỏ hệ thống pháp luật của chế độ cũ và từng bước xây dựng hệ thống pháp luật mới. Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan hệ hàng hóa tiền tệ, quy luật giá trị ít được chú ý. Do đó,trong suốt một thời gian dài, các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản không được chú trọng, nằm tản mạn, rải rác trong các văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau về thi hành, xử lý tang vật, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ công nhà nước..mà không có một văn bản điều chỉnh thống nhất, đồng bộ về quản lý nhà nước và nghiệp vụ đối với hoạt động bán đấu giá tài sản.

Với sự ra đời của Bộ Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam  thì bán đấu giá tài sản chính thức được ghi nhận là một hình thức mua bán tài sản tại các Điều 452 đến Điều 455, mục III Chương II về “ Hợp đồng dân sự thông dụng”, theo đó, Điều 454 Bộ luật Dân sự có giao” chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản”. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự, ngày 19/12/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/CP của Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá tai sản. Tiếp đó là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về  bán đấu giá tài sản.

Bộ luật Dân sự năm 2005 (thay thế Bộ luật Dân sự 1995) tiếp tục quy định về bán đấu giá tài sản trong phần quy định riêng về mua bán tài sản (từ Điều 456 đến Điều 459). Bên cạnh đó, Luật thương mại năm 2005(Điều 185- Điều 213) quy định về bán đấu giá tài sản. Trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ- CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản(thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản). Nghị định số 17/2010/NĐ- CP quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; đấu giá viên; tổ chức bán đấu giá tài sản và quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.  Nghị định số 17/2010/ NĐ- CP có đưa ra khái niệm pháp lý chính thức  về bán đấu giá tài sản, theo đó, bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định này. Phương thức trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất(Khoản 1 Điều 2).

II. VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRONG VIỆC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.

          Pháp luật về bán đấu giá tài sản với tính chất là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh hình thức mua bán tài sản không thể nằm tách bạch mà luôn chịu sự tác động của các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa. Việt xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như pháp luật điều chỉnh bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều phải đặt ra mục tiêu nhất định, và có vai trò nhất định trong việc định hướng các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của đời sống kinh tế xã hội,  mục tiêu và vai trò của pháp luật bán đấu giá tài sản chính là những cơ sở thuyết minh cho sự cần thiết xây dụng và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Theo tôi, vai trò của pháp luật bán đấu giá tài sản có thể tập trung ở một điểm cơ bản như sau:

1.Pháp luật về bán đấu giá tài sản cụ thể hóa một hình thức mua bán tài sản trong pháp luật dân sự, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong mua bán tài sản.

          Bộ luật Dân sự là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trong lĩnh vực pháp luật dân sự, có quy định về hoạt động mua bán tài sản và bán tài sản thông qua phương thức bán đấu giá. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về bán đấu giá tài sản. Như vậy, xét về bản chất, bán đấu giá tài sản chính là hợp đồng mua bán tài sản, nhưng là loại hợp đồng mua bán đặc biệt. Pháp luật về bán đấu giá tài sản là một bộ phận của pháp luật về dân sự, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chung mà Bộ luật Dân sự đã quy định như nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc thiện chí, trung thực…Tuy nhiên, khác với hợp đồng mua bán tài sản thông thường, hoạt động bán đấu giá tài sản phải tuân theo những thủ tục riêng biệt từ việc xác định tài sản đấu giá, định giá, thông báo niêm yết, xem tài sản, tổ chức đấu giá…Với tính chất là một văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự về bán đấu giá tài sản bảo đảm việc bán đấu giá tài sản theo nguyên tắc trực tiếp, công khai, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

          Chế định về tài sản và quyền sỡ hữu tài sản là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự của bất kỳ quốc gia nào là cơ sở để hình thành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sỡ hữu tài sản. Trong các quyền năng của chủ sỡ hữu tài sản có quyền định đoạt, được hiểu là quyền chuyên giao quyền sỡ hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sỡ hữu tài sản(Điều 195 Bộ luật Dân sự). Chủ sỡ hữu có quyền định đoạt đối với tài sản thông qua các hình thức bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Với vai trò của Nhà nước là người quản lý xã hội thì Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm cho chủ sỡ hữu thực hiện đầy đủ quyền của một cách hợp pháp.

          Trong nền kinh tế thị trường việc bảo đảm quan hệ cung cầu không phải dễ dàng, tình trạng một bán nhiều người muốn mua là điều xảy ra khá phổ biến. Tình trạng độc quyền trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả trong việc mua bán tài sản cũng là điều không hay, dễ sinh ra tình trạng mua ép, bán ép. Pháp luật bán đấu giá tài sản có vai trò tạo ra cơ chế để những người muốn mua tài sản có thể cạnh tranh một cách công khai, bình đẳng về giá cả. Thông qua đó, pháp luật quy định cơ chế công khai về đối tượng tài sản đem bán, về giá khởi điểm của tài sản..tạo cơ hội để moi tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản có thể tiếp cận và tham gia vào quá trình mua tài sản.

2. Pháp luật bán đấu giá tài sản quy định một cơ chế hình thành nên giá mua bán tài sản, tạo cơ chế kết hợp hài hòa nhu cầu và lợi ích của người sỡ hữu tài sản và người mua tài sản.

          Điều chỉnh lĩnh vực điều hành giá hiện nay đang có Pháp lệnh Giá năm 2002 quy định quản lý nhà nước về giá và hoạt động về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Nhà nước chỉ sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.

          Trong việc định đoạt tài sản thuộc sỡ hữu của mình, chủ sỡ hữu có quyền quyết định giá bán tài sản. Trong quan hệ mua bán tài sản thì một yếu tố quan trọng mà các bên phải thông nhất là giá cả của tài sản được mua bán. Quan hệ mua bán tài sản chỉ được xác lập khi giá được các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Người bán thì luôn muốn bán với giá cao nhất còn người mua thì muốn mua với giá thấp nhất là một tình trạng phổ biến. Vì vậy, bán đấu giá tài sản là một cơ chế hình thành giá bán hàng hóa, kết hợp hài hòa nhu cầu, lợi ích của cả người bán và người mua. Thông qua hoạt động bán đấu giá, pháp luật tạo cơ chế bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người có tài sản được bán thông qua việc bán tài sản với giá cao nhất mà thị trường chấp nhận. Trong những trường hợp nhất định cần bán tài sản của Nhà nước thì việc bán đấu giá công khai là hình thức tốt nhất bảo vệ quyền lợi của Nhà nước khỏi bị xâm hại. Việc bán đấu giá tài sản là cơ chế trung gian để góp phần giải quyết được các xung đột lợi ích của các đồng chủ sỡ hữu và  cơ quan nhà nước trong trường hợp bán tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá cả hình thành qua bán đấu giá sẽ dễ dàng được các bên chấp nhận. Đồng thời, thông qua hoạt động cạnh tranh về mua tài sản có thể đi đến việc hình thành giá mua tài sản phản ánh một cách sát nhất giá trị đích thực hàng hóa.

 

Chuyên đề số 3

CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÁP LUẬT

VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

 

                                                                 TS. Võ Đình Toàn

                                  Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp

 

          Pháp luật bán đấu giá tài sản được coi có hiệu quả khi nó phản ánh đầy đủ hệ tiêu chí sau:

1. Tiêu chí về nội dung để đánh giá hiệu quả pháp luật về bán đấu giá

          Pháp luật bán đấu giá tài sản được coi là có hiệu quả khi nội dung phản ánh được các tiêu chí:

          - Phản ánh đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về lĩnh vực liên quan đến bán đấu giá tài sản;

          - Nội dung của pháp luật bán đấu giá tài sản phải phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng ở mỗi quy phạm và từng chế định pháp luật;

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời bảo đảm tính chặt chẽ của quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản.

2. Tiêu chí về hình thức để đánh giá hiệu quả pháp luật về bán đấu giá

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính thống nhất.

Tiêu chí đòi hỏi các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản không được mâu thuẫn, chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, sự phối hợp tác động điều chỉnh theo một chiều, hướng nhất định. Tiêu chí về tính thống nhất còn được thể hiện ở sự thống nhất giữa nội dung văn bản với đối tượng phản ánh, tức là những quan hệ kinh tế - xã hội hiện thực, nhằm đảm bảo giá trị thực tế của hệ thống pháp luật về bán đấu giá tài sản. Một hệ thống pháp luật tuy có sự thống nhất nội tại giữa các văn bản nhưng những quy định của nó lại xa lạ với các điều kiện kinh tế, xã hội thì cũng làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý bị giảm thấp, hoặc không thu được hiệu quả.  

Một yêu cầu nữa trong tiêu chí này là đòi hỏi sự thống nhất về mục đích điều chỉnh giữa hệ thống văn bản pháp luật bán đấu giá với các hệ thống có cùng chức năng điều chỉnh khác để tránh sự vênh nhau giữa chúng. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, để quản lý xã hội thực hiện sự hội nhập quốc tế toàn diện thì yêu cầu sự thống nhất về mục đích là hết sức cần thiết bởi nó tạo ra sự ăn khớp, hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy rằng ở những chừng mực nhất định, đó là việc xem xét tính mục đích của nó vừa là một hoạt động bổ trợ tư pháp vừa là một loại giao dịch dân sự tiện ích và văn minh ngày càng cần được xã hội hóa mạnh mẽ.

          Tiêu chí về tính thống nhất này đòi hỏi phải có sự tuân thủ nguyên tắc pháp chế trong việc ban hành văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được chủ quan, duy ý chí, cục bộ địa phương mình, ngành mình, ban hành pháp luật về bán đấu giá tài sản trái với văn bản pháp luật của cấp trên. Thường xuyên làm tốt công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như thực hiện tốt công tác so sánh pháp luật, học tập kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về bán đấu giá tài sản của các nước.

-        Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính toàn diện.

Tiêu chí này thể hiện mức độ thích ứng của hệ thống văn bản với tổng thể các nhu cầu điều chỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Điều đó có nghĩa là tính toàn diện bảo đảm không có bất kỳ một khoảng trống nào mà ở đó các quan hệ xã hội về bán đấu giá tài sản không hoặc chưa được điều chỉnh bằng pháp luật. Đây là tiêu chí đòi hỏi rất cao của việc hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản trong khi các quan quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi pháp luật này luôn phát triển không ngừng, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

          Tính toàn diện còn được thể hiện ở trình độ hoàn thiện hợp lý của văn bản về phạm vi, mức độ điều chỉnh, về phương pháp điều chỉnh. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về bán đấu giá tài sản ở nước ta xét ở các bình diện trên còn đang dừng lại ở mức độ thấp, hạn chế về số lượng và chưa đồng bộ, một số quy định còn chậm được cụ thể hóa như việc quy định các loại tài sản nhà nước được đưa ra bán đáu giá; Người bán đấu giá tài sản là Hội đồng bán đấu giá tài sản; Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản, hình thức đấu giá qua mạng…

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản cần đảm bảo tính phân chia và tính thứ bậc về hiệu lực giữa các văn bản pháp luật bán đấu giá tài sản.

 Tiêu chí này thể hiện sự phân loại, sắp xếp hợp lý, khoa học, trật tự các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản trên cơ sở đối tượng điều chỉnh và sự phân cấp hợp lý về thẩm quyền trong việc thi hành. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP quy định về bán đấu giá tài sản thì Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Tương tự việc mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/12/2006 ban hành Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng…

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính ổn định nhất định.

Với tư cách là một hiện tượng xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, pháp luật nói chung và pháp luật bán đấu giá nói riêng bao giờ cũng có tính ổn định tương đối . Muốn bảo đảm tính ổn định đòi hỏi phải có sự dự báo chính xác trạng thái, xu hướng vận động, phát triển của các quan hệ xã hội về bán đấu giá tài sản từ đó xác định mục đích điều chỉnh, mức độ khái quát của các quy định, giới hạn phạm vi tác động của văn bản cho thích hợp.  

Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính hiện đại của kỹ thuật lập pháp.

 Tiêu chí này thể hiện cách trình bày, diễn đạt của văn bản, ngôn ngữ, văn phong trong sáng, dễ hiểu, đơn nghĩa, và có tính logic chặt chẽ.

Pháp luật bán đấu giá tài sản phải đảm bảo tính minh bạch, khả thi;           

Tiêu chí này đòi hỏi hệ thống pháp luật này phải minh bạch, rõ ràng đến từng quy phạm, chế định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn. Mặt khác, hệ thống pháp luật này, phải đảm bảo tính khả thi cao trong quá trình điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bán đấu giá tài sản. Để đảm bảo tiêu chí này cần chú ý những vấn đề sau:

          - Đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành;

          - Các quy phạm pháp luật phải được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, phản ánh đúng thực tại khách quan; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và phù hợp với trình độ phát triển văn hóa, xã hội.

          - Pháp luật bán đấu giá tài sản phải được ban hành kịp thời, đúng lúc, bảo đảm tính có ích, tính tiết kiệm trong quá trình soạn thảo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Chuyên đề số 4

KINH NGHIỆM MỘT SỐ NƯỚC TRONG VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ CÁC YẾU TỐ KHÁC TRONG HỆ THỐNG CÁC THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

                                                             Ths. Nguyễn Mạnh Cường

                                                  Phó trưởng ban Nghiên cứu Chiến lược xây                                                    dựng, thi hành pháp luật và Quản lý ngành

1. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Trung Quốc

          Hoạt động về bán đấu giá tài sản ở Trung Quốc được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Luật về bán đấu giá tài sản, được thông qua ngày 05 tháng 07 năm 1996. Một số điểm cơ bản của luật này thể hiện ở các quy định sau:

          Về tài sản bán đấu giá, Trung Quốc xem bán đấu giá tài sản như một trong những hình thức mua bán tài sản thông thường. Tài sản được đem bán đấu giá theo quy định của luật này phải là các tài sản và quyền tài sản được phép giao dịch.

          Về người bán đấu giá tài sản, là các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản do chủ sở hữu hoặc người có quyền xử lý tài sản hoặc quyền tài sản (gọi là người ủy quyền) ủy quyền. Để được phép hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: có vốn đăng ký ít nhất là 1 triệu nhân dân tệ; có tên, cơ cấu tổ chức, trụ sở và điều lệ riêng; có đấu giá viên và nhân viên đủ tiêu chuẩn để tiến hành hoạt động bán đấu giá; có quy chế bán đấu giá phù hợp với pháp luật về bán đấu giá tài sản và các quy định của pháp luật có liên quan; có giấy phép hành nghề kinh doanh đặc biệt do cơ quan công an cấp; tuân theo những quy định của Chính phủ về phát triển hoạt động bán đấu giá; đáp ứng những yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

          Riêng đối với các doanh nghiệp bán đấu giá cổ vật văn hóa thì mức vốn đăng ký ít nhất là 10 triệu nhân dân tệ và có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm trong việc bán đấu giá cổ vật.

          Về đấu giá viên, đấu giá viên là người trực tiếp chủ trì các cuộc đấu giá. Người muốn trở thành đấu giá viên trước hết phải đáp ứng các điều kiện sau: có bằng tốt nghiệp đại học và kinh nghiệm chuyên môn về bán đấu giá; đã làm việc trong doanh nghiệp bán đấu giá từ 2 năm trở lên; có tư cách đạo đức tốt. Để được công nhận chính thức là đấu giá viên, người đáp ứng những điều kiện trên phải tham gia kỳ thi tuyển chọn đấu giá viên do Hiệp hội bán đấu giá tổ chức. Hiệp hội là một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật và là tổ chức tự quản trong lĩnh vực bán đấu giá. Hiệp hội thực hiện chức năng giám sát các doanh nghiệp bán đấu giá và đấu giá viên theo quy định của luật này và điều lệ của Hiệp hội. Những người đạt yêu cầu của kỳ thi sẽ được Hiệp hội cấp chứng chỉ đấu giá viên. Khi được cấp chứng chỉ đấu giá viên, họ sẽ được chủ trì các cuộc bán đấu giá tài sản.

          Về hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản là hợp đồng được ký kết giữa người ủy quyền và doanh nghiệp bán đấu giá. Hợp đồng ủy quyền không có quy định các nội dung sau: chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản; quyền, nghĩa vụ của các bên.

          Vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản Trung Quốc là rất rõ ràng và cụ thể.

          - Đối với doanh nghiệp bán đấu giá: Người thành lập doanh nghiệp bán đấu giá mà không đăng ký hoạt động hoặc không được sự phê chuẩn thì sẽ bị đình chỉ hoạt động; các khoản thu nhập bất hợp pháp của doanh nghiệp sẽ bị tịch thu. Ngoài ra người vi phạm còn bị phạt một khoản tiền từ 100% đến 500% khoản thu nhập bất hợp pháp đó.

          Doanh nghiệp bán đấu giá hoặc nhân viên khác tham gia vào cuộc bán đấu giá hoặc ủy quyền cho người khác tham gia vào phiên đấu giá do mình tổ chức, sẽ bị cảnh cáo và có thể bị phạt từ 100% đến 500% khoản phí bán đấu giá, trường hợp nặng sẽ bị thu hồi giấy phép.

          Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoặc quyền tài sản của chính mình tại phiên bán đấu giá do mình tổ chức sẽ bị tịch thu toàn bộ khoản thu từ cuộc bán đấu giá đó.

          Doanh nghiệp bán đấu giá câu kết với người tham gia đấu giá khác mà gây thiệt hại cho người khác, thì cuộc bán đấu giá sẽ không có hiệu lực và doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật, có thể xử phạt một khoản tiền từ 100% đến 500% giá trả cao nhất đối với người bán đấu giá có hành vi cấu kết.

          Doanh nghiệp bán đấu giá nếu biết rõ rằng người ủy quyền không có ủy quyền sở hữu đối với tài sản hoặc không có quyền xử lý tài sản, quyền tài sản theo quy định của pháp luật, mà vẫn tiến hành bán đấu giá tài sản thị sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

          - Đối với người ủy quyền: Người ủy quyền ủy quyền bán đấu giá tài sản mà mình không có quyền sở hữu hoặc xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

          Người ủy quyền tham gia trả giá hoặc ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia trả giá sẽ bị phạt tiền đến 30% giá bán tài sản bán đấu giá.

          - Người tham gia đấu giá: Người tham gia đấu giá mà cố ý cấu kết với những người tham gia đấu giá khác và doanh nghiệp bán đấu giá sẽ bị xử phạt một khoản tiền từ 10% đến 30% của giá trả cao nhất đối với người tham gia đấu giá.

          - Vi phạm từ cơ quan, cán bộ nhà nước: Nhân viên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, khu tự trị hoặc chính quyền địa phương, nơi có tài sản mà không thực hiện đúng như quy định về bán đấu giá các loại tài sản trên sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường.

2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Nhật Bản

          Trình tự thủ tục bán đấu giá trước hết được xem xét ở việc bán đấu giá bất động sản hay động sản.

          Đối với việc bán đấu giá bất động sản, Tòa án sẽ ra quyết định bán đấu giá tài sản, cho kê biên tài sản nhằm mục đích cấm việc tẩu tán bất động sản. Chấp hành viên sẽ điều tra xem ai đang sử dụng bất động sản và định mức tối thiểu. Sau đó, niêm yết công khai thông tin bán đấu giá. Việc tiến hành bán đấu giá theo đúng thủ tục và quyết định cho người trả giá cao nhất được mua. Khi người mua nộp tiền xong, thì quyền sở hữu bất động sản đó được chuyển cho người mua. Tòa án sẽ thanh toán tiền bán bất động sản đó cho các chủ nợ và kết thúc vụ án. Để người mua được giao bất động sản một cách suôn sẻ, tòa án có một chế độ mệnh lệnh bắt buộc người sử dụng bất động sản phải giao trả bất động sản cho người mua. Như đã trình bày ở trên, từ đầu đến cuối thủ tục bán đấu giá bất động sản đều do Tòa án tổ chức thực hiện, không có một cơ quan nhà nước hay tổ chức tư nhân nào là người thực hiện cả.

          Đối với thủ tục bán đấu giá bất động sản thì chấp hành viên của Tòa án là người tổ chức thủ tục bán đấu giá động sản. Yêu cầu bán đấu giá động sản không phải gửi cho Tòa án mà gửi cho chấp hành viên. Việc kê biên, bán đấu giá và thanh toán tiền bán đều do chấp hành viên chủ trì thực hiện.

          Trên nguyên tắc, Tòa án chủ trì thực hiện thủ tục thi hành án dân sự là các Tòa án địa phương (Tòa cấp tỉnh) và các chi nhánh. Tùy theo quy mô của mỗi Tòa án, số thẩm phán phụ trách thi hành án dân sự có khác nhau. Tòa án địa phương Tokyo là nơi có số vụ án dân sự nhiều nhất trong nước, hiện nay có 15 thẩm phán chuyên trách thi hành án dân sự. Điểm khác biệt lớn nhất là chấp hành viên không nhận lương từ Nhà nước mà có nguồn thu nhập từ lệ phí của các bên đương sự. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 630 chấp hành viên, riêng Tòa án địa phương Tokyo có 50 người. Tuổi trung bình của chấp hành viên là 50 tuổi.

          Trong các chủ thể thực hiện bán đấu giá ở Nhật Bản thì có thư ký Tòa án, những quyết định quan trọng trong thủ tục thi hành án dân sự thì do thư ký Tòa án thực hiện.

          Về hình thức bán đấu giá bất động sản, Luật Nhật Bản quy định hai loại là trả giá bằng thư kín và đấu giá công khai. Trong loại trả giá bằng thư kín lại có hai loại, trả giá vào ngày đã định và trả giá trong suốt thời hạn đã định.

          Đấu giá công khai là cách kéo giá mua dần lên trong ngày đấu giá. Trả giá trong suốt thời hạn đã định là thủ tục nhận trả giá bằng thư kín trong một thời hạn đã định trong khoảng hai tuần lễ, sau đó mở thư vào một ngày đã định để quyết định được người mua. Hiện nay, hầu hết các Tòa án ở Nhật Bản đều áp dụng cách thức này vì giúp cho người dân thường dễ tham gia, nhờ đó có thể kêu gọi rộng rãi những người mua. Trước khi bỏ thư trả giá, người mua cần biết hiện trạng và giá bán tối thiểu của bất động sản. Tòa án sẽ đặt bản báo cáo của chấp hành viên, bản báo cáo của người đánh giá và bản chi tiết về bất động sản bán đấu giá ở một nơi nhất định trong Tòa án, cho người mua được xem trong một thời hạn nhất định trong khoảng hai tuần lễ trước khi mở đầu thời hạn bỏ thư trả giá. Tòa cũng cho đăng tải trên báo và tạp chí thông tin về bán đấu giá bất động sản. Chi phí đăng tin lấy từ tiền tạm ứng chi phí mà chủ nợ phải nộp khi đệ đơn yêu cầu. Người mua phải đến Tòa án nhận mẫu thư trả giá, điền vào những khoản cần thiết và đưa cho chấp hành viên hoặc cũng có thể gửi thư trả giá bằng đường bưu điện, phải nộp một khoản tiền đặt trước tương đương với 20% của mức giá khởi điểm. Về thủ tục mở thư trả giá, thư trả giá được mở công khai tại phòng bán tài sản của Tòa án. Chấp hành viên tiến hành thủ tục này. Sau khi xong thủ tục, chấp hành viên sẽ nhận tiền thù lao. Ở Tòa án địa phương Tokyo, trung bình mỗi tuần mở thư trả giá một lần, mỗi lần mở thư của khoảng 100 vụ kiện. Khi mở thư cần có người chứng kiến, thông thường thư ký Tòa án làm người chứng kiến. Người bỏ thư trả giá không bị bắt buộc phải hiện diện. Dù đã trả giá cao nhất đi nữa, nhưng nếu việc điền vào thư trả giá không đúng thì trên nguyên tắc bị xem là vô hiệu. Việc điền thư trả giá đầy đủ hay không được xem xét về mặt hình thức rất nghiêm ngặt.

          Người không thể mua tài sản bán đấu giá được Luật bán đấu giá tài sản Nhật Bản quy định rất cụ thể như không cho bên mắc nợ trong vụ kiện được mua tài sản của họ, người đã phạm một số tội đặc định, người đã có hành vi cản trở người khác trong việc tham gia bán đấu giá. Quyết định cho phép bán tài sản sau khi đã định xong người mua, Tòa án sẽ xem xét người mua có đủ tư cách pháp lý để mua hay không, thủ tục bán có đúng luật hay không, nếu thấy không có vấn đề thì Tòa án sẽ làm một văn bản cho phép bán tài sản ấy cho người mua. Các bên đương sự có thể khiếu nại đối với việc cho phép bán này.

          Cũng có trường hợp bất động sản không có ai bỏ thư trả giá nên không bán được. Trong trường hợp này Luật công nhận việc ưu tiên bán cho người đến mua trước. Đó là thủ tục đặc biệt. Thủ tục bán đặc biệt chỉ được thực hiện đối với bất động sản đã được tổ chức trả giá bằng thư kín hoặc bán đấu giá ít nhất một lần. Thời hạn nộp đơn mua là một tháng. Người mua phải mua từ giá khởi điểm trở lên nhưng vì ưu tiên cho người nộp đơn mua trước nên thông thường, người mua sẽ mua với giá khởi điểm đã định. Vì bán theo thủ tục đặc biệt sẽ phải chịu giá thấp nên cần có sự đồng ý của chủ nợ trước khi bán. Trong trường hợp tổ chức bán theo thủ tục đặc biệt mà vẫn không có người mua, thì nhờ người giám định đánh giá lại tài sản để định lại mức giá khởi điểm và Tòa án sẽ tổ chức bán theo trả giá bằng thư kín lần nữa.

3. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của Pháp

          Tại Pháp, hoạt động bán đấu giá được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật thương mại. Hoạt động bán đấu giá phải do những cá nhân hoặc tổ chức đủ điều kiện nhất định tiến hành; không phải bất cứ ai cũng có thể tổ chức bán đấu giá như một hoạt động thương mại.

          Các công ty bán đấu giá được phép thành lập và hoạt động khi đảm bảo về cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất và tài chính đầy đủ theo quy định của pháp luật. Công ty phải đảm bảo được những yêu cầu của hoạt động đấu giá là tính trung thực, khách quan, người điều hành có kinh nghiệm trong bán đấu giá am hiểu về các loại tài sản đấu giá. Ngoài ra, các công chứng viên, các thừa phát lại cũng được tiến hành việc bán đấu giá tài sản tại văn phòng của mình khi được chủ sở hữu tài sản ủy quyền làm đại diện.

          Các công ty bán đấu giá có thể áp dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động bán đấu giá của mình, chẳng hạn như: Công ty có thể bảo đảm về giá tối thiểu cho người có tài sản bán đấu giá bằng phương thức ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán khoản chênh lệch giữa giá bán tài sản thực tế và giá đã được bảo đảm. Công ty bán đấu giá có thể tạm ứng trước tiền bán tài sản cho người có tài sản bán đấu giá.

          Các phiên bán đấu giá được tổ chức công khai theo những thủ tục, phương thức đấu giá phù hợp. Giá khởi điểm của tài sản để bán là giá thấp nhất được bên bán đồng ý hoặc giá đã được định, được thông báo công khai trước khi bán đấu giá. Người điều hành phiên đấu giá xác định người trả giá cao nhất là người được mua tài sản hoặc công bố tài sản không bán được và lập biên bản bán đấu giá chính thức.

          Ngoài ra, Bộ luật dân sự Pháp còn quy định về bán đấu giá với tài sản chung không thể phân chia, bán tài sản để thu hồi nợ. Nếu tài sản chung của nhiều người không thể chia ra từng phần một cách thuận tiện, không thể thỏa thuận được về việc ai sẽ nhận và không nhận tài sản, cũng như để không gây thiệt hại cho bất cứ ai, thì mỗi đồng chủ sở hữu đều có quyền yêu cầu đưa tài sản ra bán đấu giá. Các chủ nợ đều có quyền yêu cầu bán đấu giá công khai tài sản của con nợ, với điều kiện phải thông báo trước cho chủ sở hữu trong một thời gian thích hợp.

4. Pháp luật về bán đấu giá tài sản của bang Floria (Hoa Kỳ)

          Ở bang Floria (Hoa Kỳ) có đạo luật Floria năm 2003, tựa đề XXXII: Quy định về nghề nghiệp, chương 468: Những nghề nghiệp khác – Đấu giá viên.

          Đấu giá viên được hiểu là người được cấp phép theo quy định của Luật này và có giấy phép hành nghề đấu giá viên của bang còn hiệu lực. Cơ quan được hiểu là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh và nghề nghiệp. Ủy ban đấu giá trực thuộc Cơ quan. Ủy ban gồm có năm thành viên do Thống đốc bổ nhiệm trên cơ sở quyết định của Thượng viện. Hai trong số năm người này từng làm việc với tư cách là đấu giá viên ít nhất là 5 năm trước khi họ được chỉ định, một người trong số họ là Giám đốc của Công ty đấu giá và hai người trong số họ là người bên ngoài. Nhiệm kỳ của các thành viên là bốn năm. Ủy ban có quyền thông qua các quy tắc theo quy định và có trách nhiệm nhận đơn đề nghị của đấu giá viên, đấu giá viên tập sự, đơn xin cấp phép của Công ty bán đấu giá và có quyền cấp, sửa đổi, thu hồi các loại giấy đó, đồng thời thực hiện các công việc cần thiết khác để thực hiện Luật. Người muốn có giấy phép hành nghề đấu giá viên đều phải trải qua kỳ thi viết do Ủy ban phê chuẩn. Ủy ban sẽ kiểm tra kiến thức của người đăng ký về pháp luật của bang liên quan tới các quy định của Bộ luật Thương mại liên bang về bán đấu giá tài sản, pháp luật về đại lý và các quy định của Luật này. Đấu giá viên tập sự không được thực hiện hoặc ký hợp đồng thực hiện việc bán đấu giá mà không có sự chấp thuận rõ ràng của người giám sát là một đấu giá viên đồng ý nhận trách nhiệm giám sát viên của đấu giá viên tập sự.

          Đấu giá viên tập sự cũng phải có đơn đề nghị cấp phép và được cấp giấy phép, phải trải qua thời gian tập sự hành nghề ít nhất 1 năm và các cuộc bán đấu giá theo quy định của Luật này phải được thực hiện bởi một đấu giá viên có giấy phép hợp lệ hoặc một đấu giá viên tập sự có giấy phép hợp lệ và được chấp thuận bằng văn bản của người hướng dẫn. Người hướng dẫn phải có mặt tại nơi bán đấu giá vào thời điểm đấu giá viên tập sự thực hiện cuộc bán đấu giá và phải chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi hoặc sự sai sót nào của đấu giá viên tập sự dẫn đến việc vi phạm pháp luật liên quan đến việc tiến hành cuộc bán đấu giá.

          Luật này còn quy định Quỹ bồi thường đấu giá là một tài khoản riêng trong quỹ ủy thác theo quy định của nghề nghiệp. Quỹ này do Ủy ban đấu giá Floria quản lý. Quỹ bồi thường đấu giá dùng để bồi thường trong các trường hợp khi người được cấp phép mà có hành vi vi phạm gây ra thiệt hại phải trả tiền bồi thường cho người yêu cầu.

          Thiệt hại thực tế có thể bao gồm cả lệ phí Tòa án, tuy nhiên không bao gồm phí của Luật sư hoặc tiền phạt do gây thiệt hại. Số tiền được trả từ Quỹ bồi thường đấu giá không được vượt quá 50.000 đôla đối với mỗi yêu cầu hoặc nhiều yêu cầu phát sinh từ cùng một giao dịch hay cuộc bán đấu giá hoặc tổng số tiền không vượt quá 100.000 đôla đối với mỗi người được cấp phép. Một yêu cầu được bồi thường từ Quỹ bồi thường đấu giá phải được thực hiện trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm hành vi đó được phát hiện hoặc phải được phát hiện. Và trong bất kỳ trường hợp nào, yêu cầu bồi thường không được đưa ra trong thời hạn bốn năm, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm.

          Theo quy định của Luật này, người được cấp phép không đủ điều kiện để được cấp phép lại cả với tư cách đấu giá viên hay Công ty đấu giá cho đến khi đấu viên hoặc Công ty đấu giá trả lại đầy đủ số tiền mà Quỹ bồi thường đấu giá đã thanh toán với lãi suất thích hợp hiện hành.

5. Pháp luật về bán đấu giá công khai của Canada (tỉnh Alberta)

          Đạo luật này có hiệu lực kể từ ngày công bố là ngày 01 tháng 05 năm 1982. Mô hình Nhà nước Canada là quyền lực phân tán. Vì vậy, Chủ tịch tỉnh có quyền lực rất lớn trong việc lập pháp. Đạo luật về bán đấu giá công khai của Canada quy định Giấy phép kinh doanh bán đấu giá ban hành theo Đạo luật về bán đấu giá động sản (hàng hóa và lô hàng hóa) đang có hiệu lực được coi là hợp lệ theo Đạo Luật này (Điều 19), không áp dụng Giấy phép theo quy định tại Đạo luật về thương mại và kinh doanh (Điều 18). Đạo luật quy định Chủ tịch hoặc người được Chủ tịch ủy quyền có quyền tự tiến hành điều tra hoặc điều tra theo khiếu nại thi hành Đạo luật này, có quyền kiểm tra hoạt động bán đấu giá của người kinh doanh bán đấu giá và sổ sách, hồ sơ, giấy tờ tài liệu, thư tín hoặc những tài liệu khác liên quan đến nội dung điều tra; có quyền yêu cầu người kinh doanh bán đấu giá, nhân viên và người điều hành đấu giá cung cấp cho Chủ tịch hoặc người được ủy quyền theo thời hạn (ít nhất là mười ngày kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản); có quyền sở hữu, kiểm tra, sửa đổi, trích dẫn hoặc sao bất kỳ tài liệu và có quyền thâm nhập, thanh tra và kiểm tra, tại mọi thời điểm, mọi địa điểm kinh doanh của người kinh doanh bán đấu giá (Điều 12). Cá nhân, tổ chức phải nhanh chóng trả lời trực tiếp theo những yêu cầu của người điều tra, thực hiện yêu cầu cung cấp hồ sơ, sổ sách, giấy tờ tài liệu, không được ngăn cản hoặc can thiệp vào việc kiểm tra hoặc sửa đổi theo quy định, không được cản trở hoặc can thiệp vào hoạt động điều tra của Chủ tịch hoặc người được ủy quyền (Điều 13).

          Luật quy định về tài khoản ủy thác nêu rõ: Người kinh doanh bán đấu giá phải gửi số tiền bán đấu giá vào tài khoản ủy thác tại một ngân hàng, chi nhánh kho bạc, tổ chức tín dụng hoặc Công ty tín dụng có trụ sở tại Alberta. Tài khoản này phải độc lập với các tài khoản khác của người kinh doanh bán đấu giá và phải giải ngân theo quy định tại Quy chế và các quy định về ủy thác. Chủ tịch có quyền ủy quyền bằng văn bản chỉ định người thanh tra các tài khoản theo quy định trên và không người nào được phép cản trở hoặc can thiệp vào hoạt động thanh tra của người có thẩm quyền (Điều 14).

          Tại Điều 17 của Luật quy định: Tỉnh trưởng có quyền ban hành Quy chế. Quy chế có các nội dung như sau: a) Liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép như tiêu chuẩn của người làm đơn, lệ phí, các quy định trong giấy phép, quy định về giấy phép; b) Quy chế còn quy định về tiêu chuẩn của người điều hành bán đấu giá; c) Quy định về các quy tắc ứng xử của người kinh doanh bán đấu giá và người điều hành bán đấu giá trong các hoạt động bán đấu giá; d) Quy định về mẫu và các nội dung lưu trữ theo quy định tại Đạo luật này; e) Quy định về giữ tiền bán đấu giá, thanh toán vào và ra trong tài khoản ủy thác theo quy định (Điều 17).

          Về việc quy định vi phạm và hình phạt, đạo luật quy định người vi phạm các quy định tại đạo luật này hoặc Quy chế bị phạt tiền đến 1.000 đôla, trong các trường hợp khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hai năm.

6. Kinh nghiệm cho Việt Nam

          Qua nghiên cứu pháp luật về bán đấu giá của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, tỉnh Alberta (Canada) và bang Floria (Hoa Kỳ), có thể rút ra một số vấn đề vận dụng cho Việt Nam như sau:

          Một là, đa phần các nước đã ban hành luật về bán đấu giá tài sản với tư cách là một đạo luật độc lập như: Trung Quốc, Nhật Bản, tỉnh Alberta (Canada). Các nước Pháp, Hoa Kỳ (bang Floria) quy định bán đấu giá tài sản là một chế định pháp luật trong luật chuyên ngành.

          Với tư cách là một đạo luật độc lập, pháp luật về bán đấu giá tài sản đã thể hiện đầy đủ phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh. Chẳng hạn, như tại Điều 1 của Luật về bán đấu giá tài sản của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: Luật này được ban hành nhằm tiêu chuẩn hóa hoạt động bán đấu giá, bảo đảm trật tự bán đấu giá và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá. Về đối tượng áp dụng, tại Điều 2 của Luật cũng quy định rõ: Luật này áp dụng đối với hoạt động bán đấu giá do các doanh nghiệp bán đấu giá tiền hành trong lãnh thổ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là kinh nghiệm quý cho hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam.

          Hai là, những nội dung pháp lý về tài sản bán đấu giá và thủ tục bán đấu giá của các nước có giá trị tham khảo tốt cho hoàn thiện chế định pháp luật tài sản bán đấu giá và thủ tục bán đấu giá ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:

          Về tài sản bán đấu giá, pháp luật bán đấu giá của các nước quy định rất cụ thể rõ ràng trong luật thế nào là tài sản bán đấu giá và tài sản không được bán đấu giá, tài sản bán đấu giá hạn chế. Điều 6 Luật bán đấu giá tài sản của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Tài sản bán đấu giá là tài sản hoặc quyền tài sản do người ủy quyền bán đấu giá sở hữu hoặc có quyền xử lý theo quy định pháp luật”. Điều 7 của Luật nói trên cũng quy định: “Không được bán đấu giá tài sản hoặc quyền tài sản mà pháp luật cấm mua bán”. Điều 8 quy định: “Việc bán các tài sản và quyền tài sản mà việc chuyển giao quyền sở hữu phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc của Chính phủ chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thận đó”. Các cổ vật văn hóa phải được sự đánh giá và được phép của cơ quan quản lý văn hóa, nơi người bán đấu giá cư trú, trước khi đưa ra bán đấu giá. Trong khi đó pháp luật ở nước ta chỉ quy định các loại tài sản được bán đấu giá tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2011 về bán đấu giá tài sản bao gồm sáu loại tài sản, còn việc quy định các loại tài sản không được bán đấu giá hoặc đấu giá hạn chế thì được quy định trong các luật chuyên ngành như các loại ma túy theo quy định của Luật phòng chồng ma túy năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008…

          Về thủ tục bán đấu giá được quy định đơn giản tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người mua như người mua được trả giá bằng thư qua đường bưu điện, qua Internet… cho nên không cần thiết người tham gia đấu giá có mặt tại cuộc bán đấu giá.

          Ba là, vấn đề mà chúng ta cũng cần quan tâm tìm hiểu để rút kinh nghiệm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản đó là các hình thức bán đấu giá trong đó đặc biệt là hình thức trả giá bất động sản trong suốt thời gian đã định (Nhật Bản).

          Bốn là, cần nghiên cứu một số quy định về việc quản lý nhà nước đối với tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản cũng như những chế tài xử lý các hành vi vi phạm của Nhà nước đối với hoạt động này trong quá trình hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản ở Việt Nam (Trung Quốc, tỉnh Alberta (Canada)).

 

Chuyên đề số 5

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TS. Nguyễn Thị Minh

Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp -  Bộ Tư pháp

1. Về tổ chức và hoạt động

Hiện nay có 63 TRung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở thống kế về hồ sơ xin cấp thẻ bán đấu giá tài sản và quyết định cấp thẻ bán đấu giá tài sản tính đến 29/6/2010 thì số đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá trên toàn quốc như sau: Tổng số có 568 đấu giá viên trong đó có 14 đấu giá viên xin cấp đổi thẻ đấu giá viên, về trình độ, hầu hết các đấu giá viên đều đảm bảo có trình độ đại học, chủ yếu là chuyên ngành luật và kinh tế, một số cán bộ có trình độ sau đại học; 

 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, trong quá trình củng cố, kiện toàn các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, một số tỉnh đã thực hiện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Trung tâm của địa phương mình. Số còn lại tuy cũng là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng vẫn đang được đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Nhìn chung, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản các tỉnh, thành phố đã có khá đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu của công tác bán đấu giá tài sản. Đặc biệt, một số Trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại như hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn ảnh rộng bảo đảm phục vụ tốt cho công tác bán đấu giá tài sản.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, đến nay số lượng doanh nghiệp tăng đáng kể, đặc biệt tăng lên nhanh chóng trong năm 2007 và  năm 2008. Theo báo cáo mới nhất của các địa phương gửi về Bộ Tư pháp tính đến 04/10/2010, hiện nay có 65 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên toàn quốc, chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hà Nội có 15 doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh có 22 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bắt đầu mở chi nhánh cả trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp đều được thành lập theo luật doanh nghiệp và xây dựng theo hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển, nguồn tài sản bán đấu giá dồi dào. Mặt khác, đa số doanh nghiệp bán đấu giá kinh doanh đa ngành nghề, trong đó bán đấu giá chỉ là một lĩnh vực đăng ký kinh doanh mới được bổ sung, do vậy tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp này chưa cao và quy mô doanh nghiệp còn tương đối nhỏ. Theo con số thống kê, hiện nay chỉ có 04 doanh nghiệp chuyên nghiệp bán đấu giá gồm: Công ty Cổ phần đấu giá Thăng Long (Hà Nội), Công ty Cổ phần bán đấu giá Toàn Quốc (Hà Nội), Công ty TNHH đấu giá Chinh Phong (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Việt Thành Vinh (Hòa Bình). Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp đấu giá họat động không hiệu quả, đăng ký đa dạng nhiều ngành nghề trong đó có đấu giá tài sản nhưng không hoạt động đấu giá.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê của Bộ Tư pháp từ năm 2005 đến nay các tổ chức bán đấu giá tài sản đạt được kết quả như sau:

* Ở các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành phố thì: Trung tâm bán tài sản khá đa dạng nhưng phổ biến nhất là tài sản thi hành án, tài sản tịch thu do vi phạm hành chính. Ngoài hai loại tài sản phổ biến này, một số Trung tâm còn bán đấu giá quyền sử dụng đất, bán tài sản  nhà nước, tài sản của cá nhân, tổ chức. Số liệu cụ thể như sau:

- Số hợp đồng ủy quyền đã ký: 15064 Hợp đồng

- Số hợp đồng đã thực hiện xong: 9260 Hợp đồng

- Tổng giá trị tài sản tính theo giá khởi điểm: 4310,58 tỷ đồng

- Tổng giá trị tài sản đã bán đấu giá thành: 4842,89 tỷ đồng

- Giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm: 532,31 tỷ đồng

* Ở các Hội đồng bán đấu giá tài sản

Theo Báo cáo của  16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì:

Hội đồng đấu giá tài sản cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập và bán đấu giá  nhiều loại tài sản khác nhau như: tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản tịch thu do vi phạm hành chính.

- Tổng số vụ việc: 8687

- Giá khởi điểm: 3606,22 tỷ đồng

- Giá đã bán: 4119,33 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm: 513,11 tỷ đồng

* Ở các Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

Theo Báo cáo của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì: Các Doanh nghiệp thực hiện việc bán đấu giá tài sản khá phong phú bao gồm: tài sản thi hành án, tài sản thuộc sở  hữu nhà nước, tài sản bảo đảm, tài sản của cá nhân, tổ chức.

Theo tổng hợp từ 16 doanh nghiệp thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này từ khi thành lập tới nay đã bán được:

- Tổng số vụ việc: 818

- Giá đã bán: 2436,219 tỷ đồng

* Ở các Tổ chức phát triển quỹ đất

  Báo cáo của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy: Theo quy định của Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV thi hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai thì Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập và một trong các chức năng của Trung tâm này là bán đấu giá quyền sử dụng đất. Kết quả như sau:

- Tổ chức bán đấu giá: 106 cuộc

- Giá khởi điểm: 295,88 tỷ đồng

- Tổng số tiền bán được: 302,71 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm là 6,83 tỷ đồng

* Ở các Tổ chức tín dụng

 Theo Báo cáo của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì một số tổ chức tín dụng cũng tự tổ chức bán đấu giá với tài sản thanh lý, tài sản đảm bảo, kết quả cụ thể như sau:

- Tổ chức bán đấu giá : 698 cuộc

- Giá khởi điểm 157,86 tỷ đồng

- Tổng số tiền bán được 158,10 tỷ đồng

- Chênh lệch so với giá khởi điểm là 0,024 tỷ đồng.

2. triển khai nghị định số 17/2010/nđ-cp của chính phủ và hướng hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản         

          Việc triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản được tổ chức chặt chẽ, quán triệt nội dung và tổ chức phổ biến cho các cán bộ chủ chốt tại địa phương có liên quan. Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2039/BTP-BTTP ngày 07/07/2010, gửi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, trong đó đề nghị Ủy bân nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Nghị định với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là yêu cầu các địa phương tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến và quán triệt sâu sắc nội dung của Nghị định số 17/2010.NĐ-CP đến cán bộ chủ chốt của các Sở, ngành, UBND quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các Trung tâm và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động bán đâu giá tài sản tại địa phương.

          Để triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; xây dựng Chương trình đào tạo nghề đấu giá (ban hành kèm theo Quyết định 2446/QĐ-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), biên soạn tài liệu giảng dạy và tổ chức khóa đào tạo nghề đấu giá đầu tiên nhằm nâng cao trình độ đội ngũ đấu giá viên.

          Theo nội dung của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc không thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để bán đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ tiến hành nốt một số công việc còn dang dở; thực hiện đúng quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về việc giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

          Tuy nhiên, ở một số địa phương còn có tình trạng việc bán đấu giá quyền sử dụng đất vẫn tiếp tục do Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Trung tâm giao dịch bất động sản trực thuộc UBND hoặc các tổ chức khác không có chức năng bán đấu giá tài sản. Bởi lẽ, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều tỉnh, nhiều thành phố thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất và dịch vụ tài chính thuộc Sở tài chính, Trung tâm giao dịch bất động sản để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Bối cảnh như vậy đã gây áp lực và khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chuyển giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất từ Hội đồng bán đấu giá và các tổ chức khác sang cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Điều này cũng gây ra sự mâu thuẫn trong chỉ đạo, điều hành và áp dụng pháp luật ở địa phương.

          Nhìn chung, việc ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản đã tạo ra sự đột phá về thể chế trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, đã khắc phục được một số hạn chế của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về Hội đồng bán đấu giá tài sản, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đã được quy định chặt chẽ hơn; quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản, của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản cũng được đảm bảo tốt hơn.

          Từ khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực, số vụ việc ủy quyền bán đấu giá tài sản, giá trị tài sản bán được tăng nhiều so với giá khởi điểm, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, lợi ích của người có tài sản bán đấu giá được bảo đảm. Hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác thi hành pháp luật thông qua bán đấu giá tài sản thi hành án, bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước và các tài sản nhà nước khác.

          Nghị định số 17/2010/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động bán đấu giá các loại tài sản phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật, song do hiệu lực pháp lý của văn bản còn thấp nên chưa thể khắc phục được một số các chế định về bán đâu giá tài sản chưa phù hợp đã được quy định trong Luật và Pháp lệnh được ban hành trước Nghị định 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Do vậy, theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Pháp lệnh, các quy định hướng dẫn của Bộ, ngành còn khác nhau, chưa đầy đủ, chưa kịp thời nên mỗi địa phương áp dụng các văn bản của các ngành khác nhau nên hướng dẫn thực hiện khác nhau.

          Lĩnh vực bán đấu giá tài sản liên quan đến thẩm quyền, lợi ích của nhiều cấp, nhiều ngành đòi hỏi phải xây dựng một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, một luật chuyên ngành, là Luật Đấu giá. Luật này cần điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đấu giá tài sản từ trung ương đến địa phương, quan hệ quản lý vĩ mô và vi mô, điều chỉnh các hoạt động bán đấu giá đối với tài sản bắt buộc phải bán đấu giá (tài sản thi hành án, tài sản nhà nước, tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản bắt buộc phải bán đấu giá theo sự thỏa thuận của các bên) và các tài sản bán đấu giá tự nguyện.

          Luật Đấu giá ban hành phải đáp ứng chủ trương xã hội hóa, tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản, loại bỏ những đầu mối bán đấu giá không chuyên nghiệp (hội đồng bán đấu giá tài sản); Luật Đấu giá phải được định hướng xây dựng nghề đấu giá trở thành nghề có uy tín trong xã hội dể doanh thu về bán đấu giá tài sản phải là nguồn thu lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước.

          Luật Đấu giá phải bảo đảm điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản trong xã hội như một loại hình dịch vụ chuyên nghiệp được cung cấp bởi các tổ chức chuyên nghiệp và các chuyên gia chuyên nghiệp. Các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp bình đẳng với nhau, được điều chỉnh bởi một mặt bằng pháp lý chung. Các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Nhà nước hiện nay phải được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc bán đấu giá tài sản với các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản khác, không quy định đặc quyền trong việc cung cấp nguồn hàng, hoặc được Nhà nước bao cấp về tài chính, đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường.

          Đội ngũ đấu giá viên phải được xây dựng trở thành những người hành nghề dịch vụ bán đấu giá chuyên nghiệp, quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá. Khóa đào tạo nghề cũng phải được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Đấu giá viên không chỉ có kiến thức pháp luật, kiến thức về tài sản mà còn có kiến thức sâu rộng về thị trường, về giá trị tài sản và giá trị nghệ thuật.

          Khi hành nghề đấu giá, đấu giá viên bị ràng buộc bởi nhiều nghĩa vụ do luật định, phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Vi phạm của đấu giá viên tùy theo mức độ có thể do Hiệp hội đấu giá viên thi hành kỷ luật hoặc quy trách nhiệm theo Bộ luật hình sự (trong Bộ luật Hình sự phải bổ sung điều khoản về tội thông đồng, dìm giá của những người tham gia đấu giá, và của đấu giá viên). Hiệp hội bán đấu giá tài sản là một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân và là tổ chức tự quản trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, giám sát các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và đấu giá viên. Hiệp hội có quyền tổ chức các kỳ thi tuyển chọn đấu giá viên, cấp chứng chỉ đấu giá viên.

          Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán đấu giá cũng phải được quy định tiến bộ hơn, đảm bảo tài sản bán đấu giá được bán nhanh, thanh toán nhanh cho chủ sở hữu. Điều kiện về tài chính đối với người tham gia đấu giá phải được quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo chỉ những người có đủ nguồn lực về tài chính để mua tài sản đấu giá mới được tham gia đấu giá.

          Quy định về giá khởi điểm cũng phải sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Do đấu giá viên hiểu biết về giá trị tài sản nên có thể quy định đấu giá viên là người có quyền quyết định tài sản bán đấu giá nên được tuyên bố bán bắt đầu từ giá nào. Giá khởi điểm được công bố công khai để người tham giá đấu giá biết. Song Luật Đấu giá phải đưa ra chế định mới về giá tối thiểu. Giá tối thiểu là giá do chủ sở hữu tài sản đưa ra và yêu cầu đấu giá viên chỉ bán tài sản nếu có người mua trả giá ít nhất bằng giá tối thiểu. Giá tối thiểu không được công bố cho người tham gia đấu giá biết mà giá này chỉ chủ sở hữu đấu và đấu giá viên biết. Nếu có quy định này, tình trạng thông đồng, dìm giá có thể khắc phục được.

          Luật Đấu giá phải đảm bảo được sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động bán đấu giá; xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan. Nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương, vai trò của các sở, ngành liên quan trong việc phối hợp quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản.

          Khi Luật Đấu giá được ban hành, có lẽ hoạt động đấu giá sẽ được tổ chức, cá nhân quan tâm hơn, tin tưởng và sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá, chủ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp là tiền đề quan trọng để dịch vụ đấu giá phát triển trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam./.

 

Chuyên đề 6

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHẠM VI ÁP DỤNG, TRÌNH TỰ THỦ TỤC VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM – GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

Th.S Nguyễn Đức Ngọc

CN. Hoàng Đình Toàn[17]

1. Nguyên tắc bán đấu giá tài sản được quy định tại các văn bản sau:

- Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia (Điều 3, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

- Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai liên tục, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; mọi cuộ bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp Hội đồng bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt.

Việc quy định mọi cuộc bán đấu giá tài sản đều phải do đấu giá viên điều hành để nâng cao tính chuyên nghiệp bà bảo đảm hiệu quả của bán đấu giá.

2. Trinhg tự thủ tục bán đấu giá tài sản

a. Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản

-        Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn người bán đấu giá (theo quy định tại Điều 34 Nghị định 05/2005/NĐ-CP) gồm:

+ Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

+ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản

+ Hội đồng bán đấu giá tài sản

-        Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để lý hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp gồm có:

+  Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (được quy định ở Điều 16, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

+ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (được quy định ở Điều 15, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

b. Xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá

- Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được xác định trước khi kỹ kết hợp đồng bán đấu giá tài sản hoặc trước khi chuyển giao tài sản để bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được thực hiện như sau:

+ Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

+ Đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vu phạm hành chính thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trong trường hợp không xác định được giá tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì thành lập hội đồng để xác định giá tài sản.

+ Đối với tài sản là tang chứng, vật chứng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán đấu giá, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan.

+ Đối với tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất được bán đấu giá để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Đối với tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá thì giá khởi điểm do tổ chức, cá nhân tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác xác định. (Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          Trong trường hợp người có tài sản bán đấu giá ủy quyền cho người bán đấu giá tài sản xác định giá khởi điểm thì người bán đấu giá tài sản phải thông báo cho người ùy quyền về giá khởi điểm trước khi thông báo công khai việc bán đấu giá (theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

          Việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP có tiến bộ hơn so với Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

c. Giám định tài sản bán đấu giá

          Tài sản bán đấu giá được giám định khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu giám định phải thanh toán chi phí giám định, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Nếu giám định theo quy định của pháp luật, thì người có tài sản bán đấu giá phải thanh toán chi phí giám định. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (được quy định ở Điều 10 Nghị định 05/2005/NĐ-CP và điều 24 Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

d. Hợp đồng bán đấu giá tài sản

(Được quy định tại điều 05 Nghị định 17/2010/ NĐ-CP)

-        Hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vu phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

-        Hợp đồng bán đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và có nội dung chính như sau:

+ Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá;

+ Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

+ Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản;

+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thanh tians tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành;

+ Phí, chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành và chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

+ Các nội dung khác do các bên thỏa thuận;

Về hợp đồng bán đấu giá tài sản được quy định ở Nghị định 17/2010/NĐ-CP có điểm mới so với Nghị định 05/2005/NĐ-CP là: Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

đ. Ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản

          Theo quy định tại điều 26, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thì trong trường hợp bán đấu giá một số loại tài sản dưới đây thì các bên ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản được xác định như sau:

-        Tài sản để thi hành án thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên có thẩm quyền xử lý tài sản đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

-        Tài sản nhà nước thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá tài sản.

-        Tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

-        Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức có tài sản hoặc người được cá nhân, tổ chức có tài sản ủy quyền với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

-        Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa các chủ sở hữu chung hoặc đại diện của họ với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

-        Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chủ sở hữu phần tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

-        Tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có quyền xử lý tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc giấy chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.

Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu , quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.

So với Điều 8 – Nghị định 05/ 2005/NĐ-CP về ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thì quy định tại Điều 26-Nghị định 17/2010/NĐ-CP có điểm bổ sung thêm là: tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hoạt động bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

e. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản

          Người có tài sản bán đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự trước khi tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

          Điểm mới của Nghị định 17/2010/NĐ/CP quy định bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia và phải trả chi phí thực tế nếu có (được quy định ở khoản 2, Điều 27, Nghị định 17/2010/NĐ/CP)

f. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

          Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 17/2010/NĐ-CP việc niêm yết, thông báo đấu giá tài sản được thực hiện như sau:

- Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với bất động sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

- Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai như trên.

          Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đâu giá là động sản có giá khởi điểm dưới 30 triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu

          - Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá có các nội dung chủ yếu như sau:

          + Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

          + Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

          + Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

          + Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

          Tại khoản 2, Điều 28, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định việc niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản có điểm mới là: đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên thì phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều 12, Nghị định 05/2005/NĐ-CP quy định động sản có giá khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

g. Đăng ký tham gia đấu giá tài sản

          Điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản như sau:

          Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá tài sản thỏa thuận tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Nếu mua được tài sản bán đấu giá thì số tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người tham gia bán đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người tham gia đấu giá tài sản có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.

          Theo quy định cũ (khoản 2, Điều 14, Nghị định 05/2005/NĐ-CP) khoản tiền đặt trước không quá 5% giá khởi điểm là quá thấp, nhiều trường hợp tiền đặt cọc quá nhỏ dẫn đến người tham gia đấu giá bỏ cuộc. Vì vậy, Nghị định mới nâng mức tiền đặt trước cao hơn (tối thiểu là 1%, tối đa không quá 15%) nhằm khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc họ chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan, hoặc vì mục đích vụ lợi; đồng thời quy định mức trần với sự linh hoạt đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương

h. Người không được tham gia đấu giá được quy định ở Điều 30, Nghị định 17/2010/NĐ-CP gồm:

          - Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức làm chủ được hành vi của mình

          - Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản. Cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật

          - Người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

          - Người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước, người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước

          - Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện bán đấu giá tài sản do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó.

          - Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá gồm:

          + Người không được tham gia mua tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

          + Người không có đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật về tài sản đó

          - Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người không thuộc trường hợp được nhà nước gia đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

i. Trưng bày, xem tài sản bán đấu giá được quy định ở Điều 31, Nghị định 17/2010/NĐ-CP giống như quy định ở Điều 15, Nghị định 05/2005/NĐ-CP, cụ thể như sau

          - Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản thì người tham gia đấu giá tài sản được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản là hai ngày.

          - Đối với tài sản bán đấu giá là động sản thì ít nhất 2 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản phải được tạo điệu kiện cho người tham gia đấu giá được xem tài sản bán đấu giá. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ họ tên của người có tài sản bán đấu giá và thông tin về tài sản đó.

j. Địa điểm bán đấu giá được quy định ở Điều 32, Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng như quy định ở Điều 16, Nghị định 05/2005/NĐ-CP là

           Cuộc bán đấu giá tài sản có thể được tổ chức tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản, tại nơi có tài sản hoặc tại một địa điểm khác theo thỏa thuận của tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá

k. Hình thức bán đấu giá

          Tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn các hình thức bán đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản:

- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói    

- Đấu giá bằng bỏ phiếu

(được quy định ở Điều 33, Nghị định 17/2010/NĐ-CP

l. Trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản

          Cuộc bán đấu giá tài sản được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

          - Mở đầu cuộc bán đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu bản thân, người giúp việc; thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản, công bố danh sách người mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá; giới thiệu từng tài sản bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điển, thông báo buốc giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá.

          - Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá. Sau mỗi lần trả giá, đấu giá viên thông báo công khai về giá đã cho người tham gia đấu giá tài sản

          - Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được tài sản bán đấu giá. Sau khi đấu giá viên công bố, người mua được tài sản bán đấu giá được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đã đấu giá.

          - Trong trường hợp giá trả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành.

          - Trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

          - Diễn biến của cuộc bán đấu giá phải được ghi vào biên bản bán đấu giá. Biên bản bán đấu giá tài sản phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người ghi biên bản tài sản, người ghi biên bản, một người tham gia đấu giá và một người tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có)

          - Kết quả của cuộc bán đấu giá tài sản được ghi vào sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

          - Tùy từng trường hợp bán đấu giá tài sản cụ thể hoặc theo yêu cầu của người có tài sản bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá tài sản mời tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự cuộc bán đấu giá.

          (được quy định ở Điều 34, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          So với quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị định 05/2005/NĐ-CP thì trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản ở Nghị định mới (Nghị định 17/2010/NĐ-CP) có quy định thêm về mời tổ chức, cá nhân có liên quan dự cuộc bán đấu giá và trong biện bản bán đấu giá tài sản cũng phải có chữ ký của người dự cuộc bán đấu giá đó.

m. Hợp đồng mua bán tài sản

          - Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá quy định tại  Điều 35, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Điều 18, Nghị định 05/2005/NĐ-CP có những nội dung chính sau đây:

          + Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

          + Họ tên của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản

          + Họ tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá

          + Họ tên, địa chỉ, số CMND của người mua được tài sản bán đấu giá

          + Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản

          + tài sản bán đấu giá

          + Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá

          + Giá bán tài sản

          + Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá

          + Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá phù hợp với hợp đồng bán đấu giá tài sản, trừ khi các bên liên quan có thỏa thuận khác.

          + Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên

          - Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá có giá trị xác nhận việc mua bán tài sản bán đấu giá, là cơ sở pháp lý để chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản bán đấu giá.

          - Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định hợp đồng mua bán phải có công chứng hoặc phải được đăng ký, thì hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá phải phù hợp với quy định đó.

          - Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được lập thành ít nhất là bốn bản trong đó tổ chức bán đấu giá tài sản giữ một bản, một bản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người có tài sản bán đấu giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, mỗi nơi một bản. Trong trường hợp tài sản bán đấu giá là bất động sản thì một bản hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá còn được gửi cho cơ quan thuế.

n. Quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá

(là điểm mới được quy định ở Điều 36, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          - Quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá được xác định từ thời điểm đấu giá viên tuyên bố người đó mua được tài sản bán đấu giá.

          - Người mua được tài sản bán đấu giá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

          + Thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản

          + Nhận tài sản đã mua, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được xác định trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá

          + Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá

          + Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

o. Bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham giá

          (được quy định ở Điều 37, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          - Việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia không áp dụng đối với tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là thời điểm mới so với Nghị định 05/2005/NĐ-CP.

          - Trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia bán đấu giá tài sản mà chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó, nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý. Việc bán tài sản trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết, thông báo công khai, trưng bày tài sản và không có khiếu nại liên quan đến trình tự, thủ tục cho đến khi quyết định bán tài sản. Khi bán tài sản theo quy định tại mụa này thì đấu giá viên chịu trách nhiệm về việc bán đấu giá tài sản phải lập biên bản về việc bán tài sản, ghi kết quả vào sổ đăng ký bán đấu giá tài sản và lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Biên bán về việc bán tài sản phải thể hiện quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá, sự đồng ý của người có tài sản, có chữ ký của người đấu giá viên, người ghi biên bản, người có tài sản và người mua được tài sản.

p/ Rút lại giá đã trả

          - Tại cuộc bán đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua được tài sản thì cuộc bán đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trong trường hợp không có người trả giá tiếp thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

          - Người rút lại giá đã trả bị truất quyền tham gia trả giá tiếp và không được hoàn trả tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước này thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản. Nghị định mới quy định khoản tiền đặt trước của người rút lại giá đã trả thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, quy định này hợp lý hơn quy định tại Nghị định 05/2005/NĐ-CP là thuộc về người có tài sản. (Điều 38, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

q. Từ chối mua tài sản bán đấu giá

          (được quy định ở Điều 39, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

- Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.

          - Đối với cuộc bán đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua thì tài sản được bán cho một trong hai người trả giá liền kề đó, sau khi đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

          -  Trường hợp giá liền kệ cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

          - Trong trường hợp người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

          - Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá.

          Nghị định 05/2005/NĐ-CP quy định trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Nếu người liền kề không đồng ý mua hoặc giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì khoản tiền đặt trước của người từ chối  mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, quy định này đã bị lợi dụng trên thực tế, có tình trạng cố tình trả giá rất cao, được công bố là người mua được tài sản rồi lại từ chối mua để cho người liền kề mua được tài sản và họ chia nhau số tiền chênh lệch. Do đó Nghị định 17/2010/NĐ-CP đã sửa đổi theo hướng quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với người từ chối mua và hạn chế sự thông đồng giữa một số người tham gia đấu giá. Cụ thể, người từ chối mua tài sản không được hoàn trả khoản tiền đặt trước và khoản tiền này thuộc về người có tài sản bán đấu giá; đồng thời tài sản chỉ được bán cho người trả giá liền kế nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua. Quy định như vậy sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của người có tài sản, đồng thời hạn chế thông đồng trong bán đấu giá tài sản.

r. Trả lại tài sản bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá không thành

          Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại tài sản cho người có tài sản bán đấu giá trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày làm việc, kể từ ngày bán đấu giá tài sản không thành; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (được quy định ở điều 40, Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng như quy định điều 22, Nghị định 05/2005/NĐ-CP

s. Mua lại tài sản đã bán đấu giá

          - Người có tài sản bán đấu giá chỉ được mua lại tài sản đã bán đấu giá nếu người mua được tài sản bán đấu giá đồng ý. Việc mua lại tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng mua bán tài sản (được quy định ở điều 42, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Điều 25, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

f. Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản, giao tài sản đã bán đấu giá

          - Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá thoản thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

          - Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (được quy định ở Điều 41, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

u. Phí, chi phí bán đấu giá tài sản

          - Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, người có tài sản bán đấu giá thanh toán cho tổ chức bán đấu giá các khoản phí và chi phí sau đây:

          + Phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

          + Chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá thỏa thuận.

          - Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì người có tài sản bán đấu giá thanh toán cho tổ chức bán đấu giá các chi phí thực tế, hợp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác

          - Đối với tài sản thi hành án, trong trường hợp bán đấu giá không thành thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

          - Đơi với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trong trường hợp bán đấu giá không thành thì cơ quan tài chính có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện theo quy định của pháp luật (những nội dung ở mục này được quy định ở Điều 43 Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

v. Chi phí dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng và dịch vụ khác liên quan đến tài sản bán đấu giá

          Tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được tổ chức bán đấu giá tài sản cung cấp dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản bán đấu giá thì phải trả chi phí dịch vụ cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Mức chi phí dịch vụ do các bên thỏa thuận trên cơ sở chi phí cần thiết hợp lý và giá thị trường (được quy định ở Điều 44, Nghị định 17/2010/NĐ-CP cơ bán như quy định ở Điều 27, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

w. Việc quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác

          - Việc quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Việc quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác của dianh nghiệp bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí và chế độ tài chính của doanh nghiệp.

          - Việc quản lý, sử dụng chi phí bán đấu giá tài sản của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, và Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

          (Các nội dung trên được quy định ở Điều 45, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Điều 27, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

x. Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá

          - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá

          - Thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đó.

          - Căn cứ vào văn bán xác nhận kết quả bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

          (Các nội dung ở mục này được quy định ở Điều 46, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và viết gọn hơn ở Điều 29, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

          - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá

          - Thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đó.

          - Căn cứ vào văn bán xác nhận kết quả bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

          (Các nội dung ở mục này được quy định ở Điều 46, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và viết gọn hơn ở Điều 29, Nghị định 05/2005/NĐ-CP)

y. Trách nhiệm về giá trị chất lượng của tài sản đã bán đấu giá. Tổ chức bán đấu giá lại

          - Tổ chức bán đấu giá tài sản không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đã bán đấu giá, trừ trường hợp không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia bán đấu giá tài sản những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đã bán đấu giá theo hợp đồng bán đấu giá tài sản (được quy định ở Điều 47, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          - Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì việc sử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. (được quy định ở Điều 49, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

          Điểm mới của việc tổ chức bán đấu giá lại là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá vẫn không thành thì tổ chức bán đấu giá trả lại tài sản cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản.

z. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản

          Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau:

          + Do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thỏa thuận của người phải thi hành án.

+ Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy theo quy định của pháp luạt dân sự.

          + Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hủy kết quả bán đấu giá tài ản đối với hành vi vi phạm hành chính “không thực hiện quy định về việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 29, Nghị định 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

          Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều 48, Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tai sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

          (Những nội dung ở mục này được quy định ở Điều 48, Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

3. Thực trạng các tổ chức bán đấu giá tài sản

a. Các tổ chức bán đấu giá tài ản

- Theo quy định tại Điều 4, quy chế bán đấu giá tài sản kèm theo Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996, người bán đấu giá gồm:

+ Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp

+ Doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH, Công ty cổ phần hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác, do Sở Tư pháp quản lý về nghiệp vụ

- Theo quy định tại Nghị định 05/2005/NĐ-CP các tổ chức bán đấu giá tài sản gôm có:

+ Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

+ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản

+ Hội đồng bán đấu giá tài sản do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập để tổ chức bán đấu giá tài sản của nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng. Trong trường hợp tài sản là cổ vật, tài sản có giá trị văn hóa – lịch sử, tài sản có giá trị đặc biệt lớn phải được bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán đấu giá nước ngoài thì việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc thuê tổ chức bán đấu giá nước ngoài được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Theo quy định tại Điều 14, 19, 20, Nghị định 17/2010/NĐ-CP các tổ chức bán đấu giá tài sản gồm có:

+ Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản)

+ Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện

+ Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt

Thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hóa về tổ chức bán đấu giá tài sản, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp gồm có: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Hiện nay trong cả nước có 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản ở 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương do UBND cấp tỉnh thành lập và hơn 100 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Các Trung tâm và Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc bán đấu giá tài sản (trừ việc bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính giao cho Trung tâm bán theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 128/2008/NĐ-CP của Chính phủ). Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản khi người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản là đấu giá viên và phải bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Không còn Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất ở cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức phát triển quỹ đất không trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất; việc bán đấu giá quyền sử dụng đất do các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện

Ngoài các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, còn có hai loại Hội đồng: Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá.

b. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bán đấu giá tài sản

(được quy định ở Nghị định 86-CP, Nghị định 05/2005/NĐ-CP, Nghị định 17/2010/NĐ-CP tương tự như nhau) đó là:

          + Quyền của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

          Yêu cầu người có tài sản bán đấu giá cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, giấy tờ có liên quan đến tài sản bán đấu giá

          Yêu cầu người mua được tài sản bán đấu giá thanh toán tiền mua tài sản bán đấu giá và thực hiện các nghĩa vụ khác được xác định trong hợp đồng mua bán tài sản

          Yêu cầu người có tài sản bán đấu giá thanh toán phí, chi phí bán đấu giá tài sản và thực hiện các nghĩa vụ khác được xác định trong hợp đồng bán đấu giá tài sản

          + Nghĩa vụ của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

          Thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục quy định của Nghị định và chịu trách nhiệm về kết quả bán đấu giá tài sản. Ban hành nội quy bán đấu giá tài sản. Giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá, yêu cầu người có tài sản bán đấu giá giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá trong trường hợp người có tài sản bán đấu giá đang trực tiếp quản lý tài sản đấu giá đó. Cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá. Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê. Lập sổ theo dõi tài sản bán đấu giá, sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Bồi thường thiệt hại do lỗi của đấu giá viên và các nhân viên khác của tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện bán đấu giá tài sản. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Đặng ký danh sách đấu giá viên, việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên với Dở Tư pháp cấp tỉnh, nơi tổ chức bán đấu giá tài sản đặt trụ sở chính. Báo cáo Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động của mình theo định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất

c. Những bất cập trong quy định về tổ chức bán đấu giá tài sản

          Việc xã hội hóa về bán đấu giá tài sản là đúng quy luật kinh tế thị trường. Song để các doanh nghiệp bán đấu giá kinh doanh đa ngành là không hợp lý, không chuyên nghiệp nên hạn chế về chuyên môn bán đấu giá, khó quản lý đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản. Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở kế hoạch và đầu tư Hà nội, tính đến tháng 8 năm 2010 Sở Kế hoạch và đầu tư Hà nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 7280 doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản nhưng thực tế số doanh nghiệp có hoạt động bán đấu giá tài sản không quá 50 Doanh nghiệp.

4. Thực trạng, nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong hoạt động bán đấu giá tài sản, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp

          - Nguyên nhân phát sinh tranh chấp là xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành không thống nhất, chồng chéo về bán đấu giá của các cơ quan có chức năng bán đấu giá dẫn đến việc thực hiện bán đấu giá không thống nhất, cụ thể ở các văn bản sau:

          + Theo quy định tại đoạn 2, khoản 1, Điều 61, pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì nếu tang vật phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì người quyết định tịch thu phải giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện bị tịch thu để tổ chức bán đấu giá. Nếu tang vật phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10 triệu đồng thì người quyết định tịch thu phải giao cho cơ quan Tài chính cấp huyện tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản

          + Chức năng của Hội đồng bán đấu giá tài sản được quy định tại khoản 1, Điều 37, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP như sau: “1. Hội đồng bán đấu giá tài sản do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập để tổ chức bán đấu giá tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng”

          + Theo quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 2, Điều 44, Nghị định số 159/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rựng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì:

          “d)…trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, chi cục kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành liên quan tổ chức bán đấu giá trong vòng 1 tháng. Quá thời hạn này mà cơ quan phối hợp được mời không đến hoặc đến không đầy đủ để tổ chức bán đấu giá thì Chi cục kiểm lâm tổ chức bán đấu giá, nộp tiền vào kho bạc, sau đó thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp

          Đ)…các tỉnh, huyện không có cơ quan kiểm lâm, lâm sản sau khi xử lý tịch thu chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổ chức bán theo quy định hiện hành”

          Như vậy, việc bán đấu giá tài sản là các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản lại được Chi cục kiểm lâm tổ chức, phối hợp cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện, nếu địa phương không có cơ quan kiểm lâm thì cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán đấu giá tài sản

          + Chủ trường xã hội hóa trong hoạt động bán đấu giá tài sản thể hiện trong Nghị định 05/2005/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Song tại một số địa phương vẫn còn tồn tài Hội đồng bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tài chính thực hiện bán đấu giá những loại tài sản mà theo quy định của pháp luật phải chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp thực hiện – Như vậy đương nhiên ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hai Trung tâm bán đấu giá tài sản cấp tỉnh thì tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu xung quỹ nhà nước thì giao cho Trung tâm nào thực hiện bán đấu giá

5. một số vấn đề đặt ra trong việc áp dụng pháp luật và những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản ở việt nam

5.1. Một số vấn đề đặt ra trong việc áp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản trong thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở Việt Nam

          - Một số nội dung sau đây có sự chồng chéo trong hoạt động bán đấu giá tài sản:

          + Điểm s, đ khoản 2, Điều 44, Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (đã được đề cập ở mục 4, chương II).

          + Khoản 4, Điều 62, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai: “4. Trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu công trình có sử dụng đất được thực hiện theo cơ chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành”

          + Điều 7 (thành lập Hội đồng đấu giá). Điều 8 (thông báo tổ chức đấu giá), điều 9 (đăng ký tham gia đấu giá), điều 10 (Giá khởi điểm và bước giá để đấu giá), điều 11 (tổ chức đấu giá) và khoản 1 điều 12 (xem xét và phê duyệt kết quả đấu giá) của Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng CHính phủ về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất có thu tiền sử dụng đất.

          Những bất cập nêu trên đã được sửa đổi tại điều 56, Nghị định 17/2010/NĐ-CP; điều 35, 36, Nghị định 128/2008/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đến bán đấu giá tài sản

          - Sau ngày 01/7/2009, khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành thì không có quy định về thông báo và niêm yết về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất đề thi hành án. Đến ngày 01/7/2010, khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực thì vấn đề này đã được giải quyết.

5.2. Những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

          - UBND cấp tỉnh đều giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý công tác bán đấu giá tài sản tại địa bàn nhưng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán đấu giá lại do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trong khi đó các văn bản bán đấu giá hiện nay không quy định cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp thông tin vè doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, nên Sở Tư pháp không thể nắm được số lượng doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản kém hiệu quả. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản nên giao cho:

          + Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động như Công ti luật, văn phòng công chứng, Trung tâm tư vấn pháp luật.

          + Nếu giao cho Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản, Sở kế hoạch đầu tư gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.

          Trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền phải thẩm tra các doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới cấp giấy đăng ký hoạt động kinh doanh.

          - Vấn đề thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản: chỉ nên thành lập doanh nghiệp hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp (không kinh doanh các ngành nghề khác) như quy định ở Nghị định 86-CP là hợp lý, tình trạng doanh nghiệp vừa thực hiện chức năng bán đấu giá tài sản vừa kinh doanh dịch vụ khác như: nhà hàng, khách sạn, ăn uống, du lịch,… không mang tính chuyên nghiệp về hoạt động bán đấu giá tài sản. Để thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế không hạn chế số lượng doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản, nhưng cũng không nên cho thành lập các doanh nghiệp đa ngành nghề mà bán đấu giá tài sản chỉ là một ngành nghề trong rất nhiều ngành nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động kinh doanh là không thực tế.

          - Việc cấp thẻ đấu giá viên nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản với cơ quan Công an và các cơ quan có liên quan trong hoạt động bán đấu giá tài sản. CHống khách hàng tham gia đấu giá thông đồng với nhau để dìm giá, dùng xã hội đen trấn áp người đăng ký tham gia đấu giá, phá giá không cho khách hàng trúng đấu giá. Chống sự thông đồng của người bán đấu giá tài sản.

          - Muốn ngăn chặn những hành vi thông đồng nêu trên, cần có những quy định chặt chẽ hơn trong các hình thức bán đấu giá để khách hàng muốn thông đồng với nhau cũng sẽ không thực hiện được, ngoài những quy định về nâng tiền đặt trước lên tối đa 15% và thay đối quy định cho người trả giá liền kề như khoản 1, Điều 39, Nghị định 17/2010/NĐ-CP tôi xin đề xuất thêm những giải pháp trong hình thức bán đấu giá như sau:

          + Tổ chức bán đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín từ khi có thông báo bán đấu giá: sau khi có thông báo bán đấu giá tài sản, tất cả các khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nộp đơn sẽ được người bán đấu giá yêu cầu trả giá bằng phiếu và niêm phong trong phong bì kín, sau đó tại cuộc bán đấu giá, người bán đấu giá sẽ công bố giá đã trả của khách hàng tham gia đấu giá và người nào trả giá cao nhất sẽ là người mua được tài sản, nếu có khách hàng trả cùng giá có thể tổ chức bố thăm hoặc cho bỏ phiếu thêm một lần nữa để xác định người mua được tài sản. Hình thức này sẽ không còn cơ hội để các khách hàng tham gia đấu giá thông đồng, bàn bạc và trấn áp người khác nhưng lại không mang tính trả giá liên tục, không kích thích và không có cơ hội để khách hàng tiếp tục trả giá.

          + Tổ chức bán đấu giá thông qua mạng Internet: hình thức này cũng loại bỏ được những hành vi thông đồng dìm giá của các khách hàng tham gia đấu giá nhưng khó thực hiện và hạn chế khách hàng tham gia đấu giá vì không phải khách hàng nào cũng đủ trình độ để tham gia đấu giá trên mạng và nếu áp dụng để bán tài sản là bất động sản thì việc chứng thực hợp đồng bán đấu giá sẽ khó khăn vì Luật Công chứng chưa có quy định về vấn đề này.

          - Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sau cuộc bán đấu giá lần một không thành thì cơ quan nào là chủ tài sản mới tổ chức định giá lại tài sản, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về vấn đề này nên khó thực hiện.

          - Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản muốn được ký hợp đồng bán đấu giá tài sản phải đóng 10% tiền ký quỹ so với giá khởi điểm cho cơ quan có tài sản bán đấu giá, nếu doanh nghiệp bán đấu giá tổ chức cuộc bán đấu giá không thành thì cơ quan có tài sản bán đấu giá thu tiền ký quỹ và cũng không phải chi trả cho doanh nghiệp bán đấu giá tài sản những khoản chi phí đã ứng trước như đăng báo và các chi phí hợp lý khác. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không ký hợp đồng thì không có việc làm, mà nếu tham gia ký quỹ thì vi phạm điều 43 Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và các đơn vị có tài sản bán đấu giá thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

          - Cấp có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định việc bán đấu giá tài sản thuộc các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước. Doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước được quyền tổ chức bán đấu giá tài sản hay doanh nghiệp phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp.

          - Cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản ban hành kịp thời sách hướng dẫn về bán đấu giá (bao gồm các nội dung pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản, các tình huống xảy ra và biện pháp giải quyết), hàng năm mở các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá để nâng cao chuyên môn và xử lý tình huống ngày càng tốt hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và có hình thức xử phạt đối với những đơn vị vi phạm các quy định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan đến bán đấu giá tài sản.

          - Qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản nên đánh giá, phân loại các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để có hình thức khen thưởng kịp thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn.

          Trong thời gian quan, thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Nghị định 05/2005/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản đã từng bước đi vào nề nếp, hướng tới tính chuyên nghiệp, bước đầu góp phần phục vụ nhu cầu bán đấu giá tài sản Nhà nước, tài sản của các tổ chức và tài sản của cá nhân.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật và thực tiễn hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa trong bán đấu giá tài sản, thiếu quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; tình trạng thông đồng, dìm giá trong các cuộc bán đấu giá vẫn còn xảy ra, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, tập thể, công dân, gây mất trật tự an toàn xã hội.

          Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, Ngày 4/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, nghị định có hiệu lực từ 1/7/2010 và thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Nghị định mới gồm có 5 chương với 57 điều thể hiện các quan điểm và nội dung cơ bán sau đây:

          Thức nhất, thống nhất nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá với các loại tài sản bắt buộc phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

          Tài sản phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật bao gồm tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền quyết định bán đấu giá theo pháp luật về đất đai, tài sản bảo đảm và tài sản của tổ chức, cá nhân yêu cầu tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của mình.

          Trước đây, việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được áp dụng theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/08/2005 của Thủ tướng Chính phủ nay đã được thống nhất áp dụng theo các nguyên tắc, trình tự và thủ tục bán đấu giá tài sản được quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP theo hướng dẫn các tổ chức phát triển quỹ đất phải ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

          Thứ hai, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản gắn với lộ trình cụ thể.

          Đặc biệt, Nghị định 17/2010/NĐ-CP đã tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ bán đấu giá tài sản, quy định doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản có quyền bình đẳng trong việc bán đấu giá tùy thuộc vào quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền lựa chọn tổ chức đủ năng lực để bán đấu giá tài sản (trừ trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để bán đấu giá đã được quy định bởi pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 128/2008/NĐ-CP của Chính phủ)

          Tuy mới được ban hành ngày 4/3/2010, có hiệu lực từ 1/7/2010, song Nghị định 17/2010/NĐ-CP đã có những bất cập được bổ sung như sau:

          Nghị định không quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản ở cấp tỉnh (Sở tư pháp) và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (Sở Kế hoạch và đầu tư) trong việc đảm bảo các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản và thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế có hoạt động bán đấu giá tài sản, nên việc quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đối với Sở Tư pháp kém hiệu quả

          - Xã hội hóa phải đi đôi với chuyên nghiệp hóa, các doanh nghiệp bán đấu giá phải là doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản chứ không phải là doanh nghiệp đa ngành nghề thì không chuyên sâu và khó quản lý

          - Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản nên giao cho: Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động như cấp cho Công ty Luật, Văn phòng công chứng, Trung tâm tư vấn pháp luật; nếu giao cho Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá tài sản, Sở Kế hoạch và đầu tư gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan

          - Việc cấp thẻ đấu giá viên do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp cấp, Sở Tư pháp chỉ nhận danh sách đăng ký đấu giá viện do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp chuyển đến là trùng với danh sách đấu giá viên Bộ Tư pháp đã gửi cho Sở Tư pháp theo dõi. Nên giao Sở Tư pháp cấp thẻ cho đấu giá viên thì việc quản lý đấu giá viên hiệu quả và trang trọng hơn.

          - Cần có những chế tài nghiêm khắc xử ký hành vi thông đồng, dìm giá mang tính chất chuyên nghiệp trong bán đấu giá tài sản gây thiệt hại quyền lợi của nhà nước, tổ chức và cá nhân có tài sản bán đấu giá.

          - Cấp có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định bán tài sản thuộc các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước.

          - Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, sau cuộc bán đấu giá lần thứ nhất không thành chưa có văn bản hướng dẫn cơ quan nào là chủ tài sản mời tổ chức định giá lại để bán đấu giá tài sản lần thứ hai.

          - Việc một số đơn vị có tài sản bán đấu giá ngoài yêu cầu giảm phí đấu giá còn yêu cầu bên bán đấu giá phải đóng 10% ký quỹ theo giá khởi điểm, nếu bán đấu giá không thành thì mất tiền ký quỹ cho bên có tài sản bán đấu giá và bên có tài sản bán đấu giá cũng không phải chi trả cho bên đấu giá những chi phí hợp lý đã ứng trước như chi đăng báo và chi phí hợp lý khác. Tổ chức bán đấu giá không ký quỹ thì không có việc làm mà ký quỹ thì vi phạm các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản pháp luật quy định về vấn đề này.

          - Việc bán, thanh lý tài sản của các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước nên chuyển giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán đấu giá, đảm bảo công khai, minh bạch.

          - Để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ bán đấu giá tài sản, các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về bán đấu giá cần ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản, định kỳ tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đấu giá viên; tăng cường kiểm tra và có hình thức xử lý vi phạm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản; qua kiểm tra tiến hành đánh giá, phân loại các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để có hình thức khen thưởng kịp thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa cá tổ chức bán đấu giá tài sản.

          Việc Chính phủ ban hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP là bước đi quan trọng trong lộ trình xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, là tiền đề cho việc xây dựng Luật bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 

Chuyên đề 7

PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

                                                                               Th.S. Vũ Văn Cương

                                                                              Đại học Luật Hà Nội

1. Khái quát chung về bán đấu giá tài sản

          Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản theo phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá. Mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng quy định của pháp luật.

          Người có tài sản bán đấu giá là chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản, người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.

          Người tham gia đấu giá tài sản là cá nhân, đại diện tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản bán đấu giá theo qui định của pháp luật.

          Người mua được tài sản bán đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm, trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm thì tài sản được bán bằng giá khởi điểm. Quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn được giao có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản đó đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá; tổ chức, cá nhân có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

          Tài sản bán đấu giá là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

          Bước giá là mức chênh lệch của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Bước giá do tổ chức bán đấu giá tài sản quy định phù hợp với từng cuộc bán đấu giá.

2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản

          Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển đáp ứng yêu cầu hoạt động dân sự, thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản được ban hành như:

-        Bộ luật Dân sự 1995, 2005 (Điều 456, 457, 458, 459 quy định về bán đấu giá tài sản)

-        Luật Thương mại năm 1997 (có 2 điều quy định về bán đấu giá hàng hóa – Điều 139, điều 140).

-        Luật Thương mại năm 2005 (có 29 điều quy định về bán đấu giá hàng hóa, từ Điều 185 đến Điều 213).

-        Luật Phá sản số 21/2004/QH11 ngày 15/06/2004

-        Pháp lệnh thi hành án dân sự số 13/2004/PL-UBTVQHK11, ngày 14/01/2002.

-        Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đồi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

-        Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/09/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án.

-        Nghị định 173/2004/NĐ-Cp ngày 30?09?2004 của Chính phủ quy định về thủ tục cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án.

-        Nghị định số 86-CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá tài sản.

-        Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

-        Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (thay thế Nghị định 86-CP)

-        Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

-        Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/08/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê.

-        Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai (các Điều 35, 41, 56, 60, 61, 62, 65, 66, 74, 99, 124, 139, 140, 157 có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất)

-        Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và lâm sản.

-        Nghị định 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

-        Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

-        Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.

-        Nghị định 92/2002/ NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật di sản văn hóa.

-        Nghị định 46/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý hoàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

-        Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 01/07/2010 và thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP.

-        Thông tư số 399/PLDSKT ngày 7/4/1997 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định 86-CP của CHính phủ về bán đấu giá tài sản.

-        Thống tư số 03/2005/TT-BTP ngày 4/5/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

-        Thông tư 72/2004/TT-BTC, ngày 15/05/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu xung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

-        Thông tư số 02/2002/TTLT/NHNN-BTP ngày 05/02/2002 của Ngân hàng nhà nước – Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện thực hiện Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục bán tài sản đảm bảo, công chứng, chứng thực văn bản bán tài sản và giao tài sản cho các ngân hàng thương mại theo bản án, quyết định của Tòa án.

-        Thông tư 66/2002/TT-BTC, ngày 06/08/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp nhà nước.

-        Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-NHNN-BTP_BCA_BTC_TCĐC, ngày 23/04/2004 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc xử lý tài  sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

     Vấn đề bán đấu giá tài sản ở nước ngoài thường được nghiên cứu dưới hai góc độ chính:

     Thứ nhất, góc độ phổ biến nhất là nghiên cứu các nội dung kinh tế của hoạt động đấu giá. Ở góc độ này các tài liệu phân tích về phương pháp đấu giá, cách thức tiến hành hoạt động đấu giá và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá. Theo hướng này có thể liệt kê một số tác phẩm được xuất bản gần đây nhue: Vijai Krishna, Aution theory, AP Press; Flavio M.Menez và Paulo K. Monteiro, An introduction to Auction theory, Oxfors University Press, 2005; Maarten Janssen, Auctioning Puplic Asstets- Analys and Alternativer, Cambridge University press, 2004. Ngoại trừ các yếu tố mang tính kỹ thuật, trong các nghiên cứu này đã chỉ ra được một cách hệ thống các yếu tố ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình đấu trá: đó là về thông tin, xử lý thông tin, tiếp cận thông tin của những người tham gia đấu giá.

     Thứ hai, các tài liệu liên quan đến đấu giá thường là sự phân tích các quy định hoặc vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động đấu giá, các quy định này thường được phân tích như một hình thức đặc thù của mua bán hàng hóa. Các nội dung phân tích chính thường là các tiêu chuẩn nghề nghiệp của người thực hiện bán đấu giá, các vấn đề về xung đột lợi ích giữa các bên trong hoạt động đấu giá hoặc phân tích các khía cạnh pháp lý của các hình thức đấu giá điện tử.

     Ở Trung Quốc vấn đề đấu giá tài sản đã được nhiều nhà nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau trong một số tác phẩm như:

- Tác phẩm “một số khía cạnh pháp lý về thuế đối với tài sản sau khi bán đấu giá” của tác giả Lưu Thụy, do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 2005. Nội dung cơ bản của tác phẩm thể hiện:

+ Tài sản sau khi được bán đấu giá, tổ chức hay cá nhân chịu trách nhiệm bán đấu giá hoặc cá nhân có tài sản bản đấu giá thông thường sẽ thu được một khoản tiền hợp pháp, nhất định. Vấn đề đặt ra ở đây là tổ chức hay cá nhân này có phải nộp thuế cho cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước hay không?

+ Luật thuế thu nhập cá nhân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ban hành năm 1994 chưa quy định cá nhân phải nộp thuế thu nhập sau khi bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, tác giả đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định về tài sản sau khi đấu giá và cần phải sửa đổi, bổ sung trong luật thuế về bán đấu giá tài sản.

- Tác phẩm: “Xử lý tài sản đấu giá trong doanh nghiệp vừa và nhỏ” của tác giả Vương Băng, do Nhà xuất bản Pháp chế xuất bản năm 2006. tác phẩm có nội dung cơ bản như sau.

+ Ngày 5/5/1986, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua nhiều văn bản mang tính cải cách đối với doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện bán, chuyển đổi hình thức chủ sở hữu hoặc liên kết tổ chức lại sản xuất. Vấn đề đặt ra là xử lý tài sản đấu giá của doanh nghiệp như thế nào>

+ Tác già đã nêu ra các nguyên tắc đấu giá tài sản, qua đấu giá tài sản đảm bảo được tài sản nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cũng không bị hảo tổn tài sản ban đầu của mình. Tác giả cũng đề xuất phương hướng và các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản trong thời gian tới.

- Tác phẩm “Bình luận và hướng dẫn thực hiện các uy định về đấu giá tài” do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc biên soạn và xuất bản năm 2008. Trong đó, đã quy định vấn đề bán đấu giá tài sản, mới gần đây tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cũng ban hành bản giải thích một số quy định trong bán đấu giá tài sản. Trên cơ sở đó, tập thể các tác giả của Tòa án nhân dân tối cáo đã bình luận, giải thích về:

+ Thủ tục mở niêm phong tài sản,

+ Đề xuất thương lượng nếu kết quả đấu giá không thành;

+ Các hình thức đấu giá;

+ Không được tiến hành đấu giá nếu chưa xác định được mứa giá khởi điểm;

+ Động sản đấu giá không được vượt quá hai lần và bất động sản đấu giá không được vượt quá ba lần;

+ Phương hướng và các giải pháp hoàn thiện các quy định về đấu giá tài sản trong thời gian tới;

3. Hợp đồng bán đấu giá tài sản

(Được quy định tại điều 05 Nghị định 17/2010/ NĐ-CP)

-        Hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vu phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

-        Hợp đồng bán đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và có nội dung chính như sau:

+ Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá;

+ Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

+ Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản;

+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thanh tians tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành;

+ Phí, chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành và chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

+ Các nội dung khác do các bên thỏa thuận;

Về hợp đồng bán đấu giá tài sản được quy định ở Nghị định 17/2010/NĐ-CP có điểm mới so với Nghị định 05/2005/NĐ-CP là: Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

          Theo quy định tại điều 26, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thì trong trường hợp bán đấu giá một số loại tài sản dưới đây thì các bên ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản được xác định như sau:

-        Tài sản để thi hành án thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên có thẩm quyền xử lý tài sản đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

-        Tài sản nhà nước thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá tài sản.

-        Tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

-        Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức có tài sản hoặc người được cá nhân, tổ chức có tài sản ủy quyền với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

-        Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa các chủ sở hữu chung hoặc đại diện của họ với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

-        Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chủ sở hữu phần tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

-        Tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có quyền xử lý tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp

Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc giấy chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.

Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu , quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.

So với Điều 8 – Nghị định 05/ 2005/NĐ-CP về ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thì quy định tại Điều 26-Nghị định 17/2010/NĐ-CP có điểm bổ sung thêm là: tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hoạt động bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

          Người có tài sản bán đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự trước khi tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

          Điểm mới của Nghị định 17/2010/NĐ/CP quy định bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia và phải trả chi phí thực tế nếu có (được quy định ở khoản 2, Điều 27, Nghị định 17/2010/NĐ/CP)

          Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 17/2010/NĐ-CP việc niêm yết, thông báo đấu giá tài sản được thực hiện như sau:

- Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với bất động sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

- Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai như trên.

          Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đâu giá là động sản có giá khởi điểm dưới 30 triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu

          - Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá có các nội dung chủ yếu như sau:

          + Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

          + Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

          + Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

          + Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

          + Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

          Tại khoản 2, Điều 28, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định việc niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản có điểm mới là: đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên thì phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều 12, Nghị định 05/2005/NĐ-CP quy định động sản có giá khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

          Điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản như sau:

          Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá tài sản thỏa thuận tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Nếu mua được tài sản bán đấu giá thì số tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người tham gia bán đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người tham gia đấu giá tài sản có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.

          Theo quy định cũ (khoản 2, Điều 14, Nghị định 05/2005/NĐ-CP) khoản tiền đặt trước không quá 5% giá khởi điểm là quá thấp, nhiều trường hợp tiền đặt cọc quá nhỏ dẫn đến người tham gia đấu giá bỏ cuộc. Vì vậy, Nghị định mới nâng mức tiền đặt trước cao hơn (tối thiểu là 1%, tối đa không quá 15%) nhằm khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc họ chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan, hoặc vì mục đích vụ lợi; đồng thời quy định mức trần với sự linh hoạt đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

 

Chuyên đề số 8

CÁC TRANH CHẤP PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH  BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

Phạm Văn Cao

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội

 

Nhằm thống kê mô hình hoạt động, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản từng bước được đáp ứng phần lớn các nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này, ngày 19/12/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/CP V/v ban hành nghèoquy chế bán đấu giá tài sản và có hiệu lực thi hành. Bắc Cạn là một tỉnh nghèo mới được thành lập năm 1997, lúc này mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh bắt đầu đang từng bước được kiện toàn và củng cố. Một trong những hoạt động kinh tế góp phần vào nguồn thu ngân sách của tỉnh phải kể tới đó là hoạt động bán đấu giá. Trước khi thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, hoạt động này mang tính chất mới mẻ, bỡ ngỡ trong triển khai nhiệm vụ và cách xử lý tài sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản áp dụng sử lý theo hình thức tự bán với giá đã được UBND tỉnh phê duyệt (số liệu tự bán là 2 tỷ đồng- thống kê khi xây dựng đề án thành lập Trung tâm). Trước tình hình đó, căn cứ các quy định tại Nghị định số 86/CP V/v ban hành quy chế bán đấu giá tài sản thì hình thức bán đấu giá đó không phù hợp, để hoạt động bán đấu giá tài sản được áp dụng và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, cuối năm 2003 Trung tâm được thành lập. Tháng 4 năm 2004 Trung tâm chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Ngay sau khi  thành lập Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh một số văn bản về bán đấu giá như: Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 17/8/2005 về việc giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, trình UBND tỉnh phê duyệt các quy chế bán đấu giá như: Quy chế phối hợp bán đấu giá được ký giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá với UBND thị xã Bắc Cạn, UBND huyện Chợ Đồn, UBND huyện Chợ Mới, UBND huyện Pác Nặm, quy chế phối hợp giữa Trung tâm với Chi cục kiểm lâm tỉnh, Chi cục quản lý thị trường tỉnh.

Ngày 18/01/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thì các quy định mà Sở đã tham mưu có nhiều điểm không phù hợp với các quy định mới nên cần sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Để làm tốt việc này Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-UBND ngày 30/11/2005 V/v tăng cường triển khai Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn. Với các quy định mới của Nghị định 05/2005/NĐ- CP như luồng gió mới tiếp sức cho hoạt động cua Trung tâm những ngày đầu mới thành lập….

Hơn 6 năm thực hiện Nghị định 86/CP và Nghị định số 05/2005/ NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá, hoạt động bán đấu giá tài sản trê địa bàn tỉnh Bắc Cạn đạt được những kết quả đáng kể, Trung tâm đã tổ chức đấu giá thành 287 hợp đồng với tổng giá khởi điểm là: 48.396.109.386,đ; tổng giá bán: 55.033.910.928,đ; tông chênh lệch: 6.637.801.542,đ (tăng thu cho ngân sách nhà nước). Số vượt giá khởi điểm tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua bán đấu giá ngày càng lớn, lợi ích của nhà nước, của tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá được đảm bảo, quyền và lợi ích của người tham giá đấu giá được bảo vệ.

Ngày 4/3/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 17/2010/NĐ- CP về bán đấu giá tài sản thay thể Nghị định 05/2005 NĐ – CP. Đây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản, thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của hoạt động bán đấu giá, pháp luật và thực tiễn hoạt động bán đấu giá tài sản cũng còn tồn tại nhất định. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản tính đến nay khi Nghị định số 17/2010/NĐ – CP đã đi vào cuộc sống song còn nhiều văn bản về lĩnh vực này có quy định khác (như Nghị định số 99/2009/NĐ – CP ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng bảo vệ rừng và quản lý lâm sản).

Viện dẫn các quy định để thực hiện trong thực tế về bán đấu giá cũng còn nhiều điểm bất cập, lợi dụng điểm này một số tổ chức, cá nhân có những hành vi thông đồng, dìm giá làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của nhà nước và các bên tham gia. Bên cạnh đó có những tổ chức lợi dụng điểm này làm bức xúc trong xã hội. Trước thực tế đó, bên cạnh việc đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị Định 17/2010/NĐ –CP, công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá cũng cần tăng cường hướng dẫn thống nhất giảm thiểu tranh chấp trong hoạt động bán đấu giá giúp cho mọi người có thể hiểu rằng sự hình thành và phát triển của hoạt động bán đấu giá tài sản là sự phát triển khách quan quan trọng của cuộc sống hiện đại hội nhập kinh tế quôc tế.

Thực hiện chương trình công tác hằng năm của ngành Sở Tư pháp tỉnh Bắc Cạn thường xuyên được nghe thông báo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản về các vướng mắc và việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động bán đấu giá, trong dó khá nhiều trường hợp Sở đã triệu tập tiểu ban ngiên cứu khoa học pháp lý của ngành để xử lý các tình huống tranh chấp trong hoạt động bán đấu giá nhằm giải quyết tranh chấp. Từ những bước đầu, nhờ tranh thủ được trí tuệ tập thể tim được những quan điểm thông nhất thích hợp để giải thích, thuyết phục các bên tham gia theo đúng quy định của pháp luật.

I. Thực trạng tranh chấp phát sinh trong quá trình bán đấu giá tài sản và thực tiễn giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Qua thực tiễn hoạt động đấu g iá trên địa bàn tỉnh từ khi thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá đến nay cho thấy, số lượng các vụ việc tranh chấp tuy không nhiều nhưng tính chất phức tạp ngày càng tăng. Các tranh chấp phát sinh chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau:

1. Tranh chấp giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Các tranh chấp trong quá trình đấu giá thuộc dạng này rất đa dạng và xảy ra nhiều trên thực tế, liên quan đến quyền và lợi ích của người mua tài sản, người bán tài sản và Trung tâm dich vụ bán đấu giá.

a .Trường hợp người tham gia đấu giá có kiến nghị về hoạt động đấu giá không khách quan, chưa phù hợp với quy định của pháp luật; việc ban hành nội quy đấu giá nhằm hạn chế đối tượng đấu giá( Bán đấu giá gỗ tại rừng Đin Đeng).

          Ngày 19/4/2010 Trung tâm dịch vụ bán đấu gái tổ chức đấu giá thành lô tài sản là gỗ nghiến tròn Nhóm II a; khối lượng : 63,90 m3; giá khởi điểm: 194.895.00,đ; tài sản tại rừng Đin Đeng thôn Pù Cà xã Sỹ Bình huyện Bạch Thông là rừng núi đá liền kề khu vực phòng thủ quan dự tỉnh. Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá thành với giá bán : 350.000.000,đ; tăng thu cho Ngân sách nhà nước; 155.105.000,đ.

          Trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, theo đề nghị của Hạt Kiểm lâm Bạch Thông (người ủy quyền bán đấu giá), Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bắc Cạn đã ban hành Nội quy bán đấu giá; trong đó có nội dung: chỉ những tổ chức, cá nhân coa trụ sở hoặc hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn mới được tham gia đấu giá.

          Nội dung trên của Nội quy bán đấu giá xuất phát từ đặc thù gỗ tại rừng nguyên sinh xa khu dân cư (từ nơi ô tô đến được bãi gổ khoảng 10km tương đương với 3 giờ leo núi) nên để phòng chống cháy rừng không tàn phá rừng thì số người vào khai thác gỗ phải ra khỏi rừng khi trời tối. Để khai thác gỗ cần 30 đến 50 người trong thời gian 50 ngày, như vậy số người này nếu làm nán trại  nghỉ tại rừng nguyên sinh thì khó tránh khỏi thiệt hại cho rừng nguyên sinh nếu để người nơi khác đến khai thác. Nếu sử dụng người tại địa phương giá thuê có thể cao song số người này sẽ không phải ở lại rừng khi trời tối và họ tự túc mọi nơi ăn ở và có trách nhiệm bảo vệ phòng chống cháy rừng theo đúng quy định tại địa phương nên hai bên thống nhất’’chỉ sử dụng ngừời địa phương vì khu vực khai thác là núi đá liền kề với khu vực phòng thủ…’’

          Với lý do Nội quy đấu giá không phù hợp với quy địn của pháp luật, một số người tahm gia đấu giá đã phản đối không tham gia đấu giá và có khiếu nại về việc bán đấu giá với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá.

b. Trường hợp đấu giá thành nhưng người đấu giá xin rút lại không mua tài sản đấu giá. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã thỏa thuận và yêu cầu người xin rút không mua tài sản đấu giá bồi thường phí đấu giá theo quy định ( Bán đấu giá quyền sử dụng đất của doanh nghiệp Thành Long).

          Thực hiện hợp đồng ủy quyền 12 B ngày 5/6/2008 Trung tâm tổ chức đấu giá thành lô tài sản là Quyề tài sử dụng đất và tài sản trên đất của doanh nghiệp Thành Long với giá khởi điểm là 1. 834.284.240,đ. Người trúng đấu giá là Bà Lý Thị Hà, sau nhiều lần xin gia hạn nộp tiền bà Hà có đơn xin rút lại không mua tài sản và đề nghị thanh lý hợp đồng do không đủ khả năng thanh toán. Trung tâm đã chủ động làm việc với từng bên và sau đó mời các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan ( Chi nhánh ngân hàng, cơ quan Thi hành án, Trung tâm và Bà Hà) tham gia họp thống nhất phương án giải quyết.Các bên đồng ý trả lại cho nhau những gì đã nhận, riêng phí bán đấu giá thành do bà Hà có trách nhiệm bồi thường.

          Tuy nhiên, trong quá trình thỏa thuận về phí đáu giá, cơ quan thi hành dân sự có ý kiến về việc bồi thường phí đấu giá là chưa phù hợp với  quy định của pháp luật.

2. Tranh chấp giữa những người tham gia đấu giá liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá, người trúng giá.

a. Người có tài sản bán đấu giá rút lại một phần tài sản bán đấu giá, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá yêu cầu bồi thường phí đấu giá; người tham gia đấu giá yêu cầu bồi hợp thường thiệt hại theo thỏa thuận (Hợp đồng ủy quyền bán tài sản thanh lý của Điện lực Bắc Cạn).

          Điện lực Bắc Cạn đã ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá thanh lý tài sản. Quá trình tổ chức bán đấu giá đã được tiến hành theo đung quy định của pháp luật. Đến ngày tổ chức bán đấu giá, Điện lực Bắc Cạn xin rút lại 2 tài sản chính trong lô tài sản đã ủy quyền bán đấu giá theo thủ tục trên (Tài sản có giá trị trên).

          Sau khi thông báo rút lại tài sản, khách hàng không đồng ý mua (nếu rút 2 mục tài sản đó) và yêu cầu bồi thường.

          Qua thỏa thuận, giữa Trung tám dịch vụ bán đấu giá tài sản, Điện Lực Bắc Cạn và người tham gia đấu giá, các bên đã thống nhất: Điện lực Bắc Cạn có trách nhiệm bồi thường cho người tham gia đấu giá (theo thỏa thuận), bồi thường do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tiền phí bán đấu giá tài sản theo quy định

b. Người có tài sản bán đấu giá rút lại tài sản đấu gia, người tham gia đấu giá yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng giá trị tiền đặt trước (Bán đấu giá phát mại quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp của Chi nhánh ngân hàng Đầu tư tỉnh Bắc Cạn).

          Hợp đồng ủy quyền số 05/2008 ký ngày 6/3 được ký giữa chi nhánh Ngân hàng đẩu tư tỉnh Bắc Cạn với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Hợp đồng nàyđược thực hiện đầy đủ đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 18/3/2008 (12 ngày) bên ủy quyền xin rút lại tài sản do khách hàng đề nghị không bán nhà nữa. Thời điểm này đã có 03 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

          Để giải quyết tranh chấp giữa các bên Sở đã chỉ đạo (sau khi tham khảo ý kiến tiểu abn khoa học pháp lý của Sở) cụ thể đối với Trung tâm cần làm việc với từng đối tượng khách hàng sau khi các ý kiến tương đối thông nhất thì tiến hành họp các bên để biểu quyết.

          Ngày 4/4/2008 các bên đã thông nhất; Khách hàng đăng ký đồng ý rút lại đăng ký. 01 khách hàng không yêu cầu bồi thường, 02 khách hàng yêu cầu bồi thường. mức bồi thường theo số tiền chuẩn bị mua nhân lãi xuất ngân hàng  (mức tiền chuwn bị này thấp hơn giá khởi điểm) cộng với phí đăng ký đã nộp.

3. Tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước về tài sản đấu giá với người trúng đấu giá và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá.

          Số lượng gỗ thực tế lớn hơn số lượng gỗ trúng đấu giá, cơ quan kiểm lâm có ý kiến đối với phần gỗ chênh lệch.

a.     Bán đấu giá gỗ trong rừng của UBND huyện Chợ Đồn

Sạu khi bán người trúng đấu giá khai thác vận chuyển ra bãi tập kết. Cơ quan kiểm lâm kiểm tra giám sát việc thu hồi cùng tổ công tác của huyện, có đại diện xa thông trong suốt quá trình khai thác của người trúng đấu giá. Sau thống kê số gỗ khai thác được lớn hơn số gỗ trong hợp đong mua bán tài sản đấu giá. Qua xác minh, sự chênh lệch nêu trên xuất phát từ quy định của nhà nước về quy đổi gỗ khai thác thành gỗ phẩm phải đóng thuế tài nguên; việc bán đấu giá được thực hiện trên cơ sở gỗ thành sản phẩm đã quy đổi theo quy định của pháp luật.

           Huyện đã họp nhiều lần và thông nhất gỗ vẫn thuộc của người nhưng phải nộp thuế tài nguyên.

b.     Bán đấu giá gỗ cây nghiến đứng của công ty quản lý đường bộ 244

        Hợp đồng ủy quyền của Công ty quản lý đường bộ 244 về bán cây nghiến đứng. Theo quy định của UBND tỉnh khối lượng là 5,9 mét khối gỗ tròn.

        Sau khi người trúng đấu giá chặt hạ cơ quan kiểm lâm do được 9,3 mét khối là của người mua tuy nhiên phải nộp thuế tài nguyên của phần lớn hơn 5.9 mết khối.

4. Tranh chấp giữa những người có tài sản bán đấu giá với trung tâm dịch vụ bán đấu giá.

a. Số lượng tài sản thực tế bàn giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thấp hơn số lượng ghi trong lý lịch tài sản chuyên giao (Bán đấu giá gỗ của Hạt kiểm lâm huyện Chợ Mới).

        Khi chuyển giao tài sản cho người mua một số tài sản (gỗ) không đúng như lý lịch gỗ chuyển giao cho Trung tâm.

        Lý do: Gỗ trong các quyết định tịch thu có 1 số gỗ đã bán theo lệch của Chi cục.

        Kết quả; người mua chịu thiệt nhưng không có khiếu nại gì.

b.Người có tài sản bán đấu giá yêu cầu hoãn bán đấu giá theo quy định của pháp luật

      Hợp đồng ủy quyền của cơ quan Thi hành án về bán đấu giá quyền sử dụng đất.

      Đã thông báo, đã có người đăng ký. Cơ quan Thi hành án đề nghị hoãn do cơ quan Việt kiểm soát có văn bản. Trung tâm đề nghị người đăng ký rút lại đăng ký. Người đăng ký đề nghị người đăng ký gửi lại đăng ký cho đến khi có thông báo mới.

      Sau 3 tháng cơ quan Thi hành án chưa chuyển giao người đăng ký có ý kiến xin rút lại do chờ đợi lâu và thủ tục đòi quyền lợi quá phức tạp.

III. Nguyên nhân của các vụ tranh chấp.

1. Tồn tại của pháp luật về bán đấu giá

- Chưa quy định chặt chẽ về việc ủy quyền bán đấu giá đối với tài sản là tài sản nhà nước.

      Theo quy định của pháp luật hiện hành, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá có trách nhiệm thực hiện việc bán đấu giá theo sự ủy quyền của người có tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, đối với tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước, páp luật chưa quy định giới hạn của việc ủy quyền để đảm bảo tránh thất thu ngân sách nhà nước.

      Trong trường hợp bán đấu giá gỗ tại rừng Đin Đèn nêu trên, việc ủy quyền của cơ quan cơ quan có tài sản gắn liền với điều kiện về người mua tài sản (phải là tổ chức cá nhân có trụ sở hoặc hộ  khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Cạn). Do đó, hoạt động bán đấu giá của Trung tâm  dịch vụ bán đấu giá tài sản là phù hợp với Hợp đồng ủy quyền.

      Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không quy định về việc hạn chế dối với dối tượng tham gia đấu giá(để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về rừng tại địa phương). Do đó, Hợp đồng ủy quyền và hoạt động bán đấu nêu trên không có căn cứ kết luận trái pháp luật.

- Chưa quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại khi người có tài sản đấu giá xin rút lại tài sản bán đấu giá.

- Chưa quy định cụ thể việc sử lý tài sản dặt trước trong một số trường hợp cụ thể, mối quan hệ giữa tiền dặt trước và tiền đặt cọc.

2. Nhận thức của một số cơ quan tổ chức và cá nhân đối với pháp luật về bán đấu giát tài sản còn hạn chế.

- Trong trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất của doanh nghiệp Thành Long ở trên, Đại diện cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Cạn cho rằng người trúng đấu giá không mua tài sản đấu giá đồng nghĩa với việc bán đấu giá không thành, do đó người trúng đấu giá chỉ phải thanh toán chi phí thực tế cho hoạt động bán đấu giá.

      Nhận thức như trên là chưa đúng quy định của pháp luật, bởi vì theo quy định của pháp luật về bán đấu giá thì đấu giá thành khi đã xác định được người trúng đấu giá, không phụ thuộc vào người trúng đấu giá có nhận tài sản đấu giá hay không.

- Bán đấu giá gỗ trong rừng của UBND huyện Chợ Đồn và bán đấu giá gỗ cây nghiến đứng của Công ty quản lý đường bộ 244.

      Đối với các trường hợp này ,cơ quan kiểm lâm nhân thức chưa đầy đủ không chấp nhận phần gỗ chênh lệch so với kết quả trúng đấu giá. Bởi vì việc quy đổi theo quy định của pháp luật chỉ là cơ sở để các cơ quan chức năng xác định giá khởi điểm phục vụ cho hoạt động bán đấu giá trên thực tế mà không phải là cơ sở để xác định số lượng tài sản bán đấu giá.

III. Đề xuất, kiến nghị

1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 17/2010/NĐ – CP.

2. Bổ sung các quy định cụ thể về việc ủy quyền bán đấu giá đối với tài sản đấu giá là tài sản nhà nước, đảm bảo khách quan, tránh thất thu ngân sách nhà nước kết hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

3. Bổ sung các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hịa khi người có tài sản bán đấu giá xin rút lại tài sản bán đấu giá.

4. Sửa đổi quy định về việc xử lý tài sản đặt trước trong một số trường hợp cụ thể, mối quan hệ giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.

5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bán đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan.

KẾT LUẬN

      Tranh chấp trong hoạt động bán đấu giá tài sản là hiện tượng khách quan phản ánh mâu thuẫn lợi ích của các chủ thể trong quá trình bán đấu giá tài sản với các nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hệ thống pháp luật và nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan

      Thực trạng tranh chấp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đã phản ánh được những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành và những khó khăn nhất định cho công tác này ở địa phương. Trên thực tế, các tranh chấp phát sinh trong quá trình bán đấu giá tài sản rất đa dạng và phong phú. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến những vụ việc tranh chấp điển hình, phổ biên để cùng thảo luận, đưa ra phương hướng giải quyết đối với các vụ việc tương tự, đông thời kiến nghị những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bán đấu giá tài snar, nâng cao hiệu quả, chất luwongj công tác bán đấu giá tài sản.

      Để thực hiện tốt công tác bán đấu giá tài sản trên phạm vi cả nước nói chùn, và tại địa bàn tỉnh Bắc Cạn nơi riêng, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan là cân thiết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bán đấu giá cũng cần phải được tăng cường, đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về bán đấu giá đối với cơ quan, tổ chức ca nhân, trên cơ sở đó đảm bảo giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình bán đấu giá tài sản.

 

Chuyên đề số 9

THỰC TRẠNG CHUNG CỦA THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, NHỮNG ẢNH HƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

                                                                                              Cao Đăng Vinh

Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế, BTP

1. Pháp luật bán đấu giá tài sản điều chỉnh một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, hình thành khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản.

          Trong quan hệ đấu giá tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản có vai trò là người trung gian đứng ra kết nối nhu cầu của người có tài sản bán đấu giá và người tham gia bán đấu giá tài sản. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải bảo đảm tiến hành bán đấu giá tài sản một cách trung thực, khách quan nhất, không vì quyền lợi riêng của bất cứ bên nào. Tổ chức bán đấu giá tài sản cũng như đấu giá viên có hành vi thiếu trung thực, thiếu khách quan sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả cuộc bán đấu giá tài sản, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan. Chính vì vậy, dịch vụ bán đấu giá tài sản được nhiều quốc gia xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và pháp luật về bán đấu giá tài sản có vai trò điều thiết lập khung pháp lý quy định về điều kiện hành nghề bán đấu giá cũng như trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm tối đa mục tiêu của việc bán đấu giá tài sản.

          Pháp luật doanh nghiệp là nền tảng cho sự ra đời và hình thành của các tổ chức kinh doanh ở nước ta( công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân) đánh dấu sự hình thành với sự ra đời của Luật công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Tiếp đó, trong hơn 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của pháp luật doanh nghiệp theo xu hướng giải phóng tối đa nguồn lực tham gia sản xuất kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời đã thay đổi tư duy thành lập doanh nghiệp theo kế hoạch của Nhà nước(Nhà nước cho phép thành lập doanh nghiệp) sang tư duy thành lập doanh nghiệp theo nhu cầu của thi trường(Đăng ký thành lập doanh nghiệp) người dân có quyền kinh doanh nhũng ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã kế thừa và phát triển tinh thần giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thành lập doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực.

          Trong bối cảnh dưới sự tác động của pháp luật doanh nghệp cũng như đòi  hỏi của nền kinh tế thị trường thì pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng không thể “thu mình’’ trong một thế giới riêng. Trước khi Bộ luật Dân sự 1995 ra đời, vì không có khuôn khổ chung cho hoạt động bán đấu giá nên cũng không hình thành các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Ngoài cơ quan thi hành án, việc bán đấu giá thường do các cơ quan hành chính thực hiện theo cơ chế hội đồng liên ngành. Như vậy, có thể nói, trong giai đoạn này, lĩnh vực bán đấu giá trước đây được coi là lĩnh vực độc quyền nhà nước, không phải  là ngành nghề kinh doanh. Nghị định 86/CP bước đầu thừa nhận hoạt động bán đấu giá tài sản được coi là một ngành nghề kinh doanh và các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế có thể tham gia thành lập doanh nghiêp bán đấu giá tài sản là rất ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực này là các Trung tâm bán đấu giá được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Thực trạng này có thể lý giải từ một quy định hạn chế của Nghị định này là yêu cầu doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác(khoản 2 Điều 4). Điều này không phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đa ngành , đa lĩnh vực. Vì vậy, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã xóa bỏ yêu cầu này, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có thể là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề và có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản (Điều 14).

          Hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản cũng xác định những đặc thù đối với tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tham gia bán đấu giá tài sản(điều kiện kinh doanh). Luật Doanh nghiệp với tính chất là đạo luật điều chỉnh về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp không quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó đủ điều kiện theo quy định (khoản 2 Điều 7 Luật doanh nghiệp). Chính vì vậy, với tính chất là pháp luật chuyên ngành thì Nghị định số 17/20010/NĐ-CP phải có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp(Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản). Ngoài các điều kiện về thành lập, hoạt động của từng loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản phải có đủ các điều kiện sau đây (Điều 16): Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên; có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng phải có những quy định bổ sung điều chỉnh cụ thể về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

2. Pháp luật về bán đấu giá tài sản tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước thống nhất về bán đấu giá tài sản; quy định thống nhất về phương thức bán đấu giá đối với các loại tài sản.

          Trong nền kinh tế thị trường thì vai trò điều tiết và định hướng các hoạt động kinh tế là rất quan trọng. Đối với hoạt động bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì yêu cầu quản lý nhà nước lại càng quan trọng. Pháp luật về bán đấu giá có vai trò quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vưc này như: quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; quy định về việc cấp; thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản…Khung khổ pháp lý về bán đấu giá tài sản phải vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này nhưng cũng bảo đảm không gây cản trở, gây  khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ bán đấu giá tài sản.

          Lấy ví duh minh họa: Đất đai là một tài sản thuộc sỡ hữu nhà nước cũng thuộc loại phải bán đấu giá trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, trước ngày 01/7/2010, trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở thuộc quyền sỡ hữu nhà nước, pháp luật về bán đấu giá tài sản vẫn chưa với tới, điều chỉnh đối với việc bán đấu giá tài sản nhà nước đặc biệt này. Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản(thay thế Nghị định Nghị định 86/CP) đều không quy định rõ ràng về việc áp dụng đối với tài sản nhà đất thuộc sỡ hữu nhà nước. Sự không thống nhất trong việc bán đấu giá quyền sử dụng đất(giao đất có thu tiền sử dụng đất) với pháp luật về bán đấu giá tài sản thể hiện rõ ở trong Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, theo đó, quy định việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất( Điều 7). Dựa vào quy định này, nhiều địa phương tổ chức bán quyền sử dụng đất được giao quản lý một cách tùy tiện, không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản, gây tốn kém, thất thu cho ngân sách và phiền toái cho người thật sự có nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 của Bộ Tài Chính và Môi trường và Bộ nội vụ hướng dẫn về chức  năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất quy định riêng nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm phát triển quỹ đất quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm phát triển quỹ được” tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định của cơ qaun nhà nước có thẩm quyền đối với đất được giao quản lý”(tiết 2.1.6 điểm b muc 2 phần II) là không phù hợp với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, không quy định tổ chức này được quyền bán đấu giá tài sản.

          Nhằm thống nhất đầu mối và ấp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản, Nghị định số 17/20010/ NĐ_CP ngày 04/3/2010( có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010) đã quy định rõ việc áp dụng Nghị định đối với việc bán đấu giá” tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, đồng thời, trong điều khoản thi hành, nghị định này đã bãi bỏ hiệu lực của pháp luật đất đai liên quan đến bán đấu giá như Khoản 4 Điều 62 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai; Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và bỏ quy định về Hội đồng đấu giá tại khoản 1 Điều 122 Quyết định của Thủ tướng Chinha phủ số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.Như vậy, với sự ra đời của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP,tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về bán đấu giá tài sản đã được khẳng định rất rõ. Các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá sẽ trở thành đầu mỗi thống nhất thực hiện bán đấu giá các loại tài sản áp dụng thông nhất trình tự, thủ tục pháp lý trong quá trình bán tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, phòng ngừa tiêu cực có thể xảy ra tại các tổ chức được giao quản lý, xử lý nhà và đất thuộc sỡ hữu nhà nước, thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra việc bán tài sản nhà nước.

 

Chuyên đề số 10

NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM

 

ThS. Vũ Văn Cương[18]

CN. Hoàng Đình Toàn[19]

          Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản đặt trong toàn bộ hệ thống pháp luật chung.

          Hệ thống pháp luật bán đấu giá cần được hệ thống hóa để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bán, sắp xếp lại hợp lý hệ thống văn bản pháp luật bán đấu giá tài sản vốn hết sức tản mạn do được hình thành từ hoạt động quản lý của rất nhiều cơ quan nhà nước có chức năng quản lý các lĩnh vực khác nhau, ban hành trong các thời điểm khác nhau; Góp phần thiết lập, củng cố trật tự nghiêm ngặt về hiệu lực giữa các văn bản này, tạo cơ sở cho việc sửa đổi, ban hành các văn bản mới; phát hiện tính thiếu chặt chẽ giữa các quy định, giữa các văn bản hoặc những “chỗ trống” về bán đấu giá tài sản chưa được pháp luật điều chỉnh; loại bỏ những văn bản, những điều khoản lỗi thời, mâu thuẫn, sửa đổi cho phù hợp, bổ sung quy định mới, thực hiện sự sắp xếp, liên kết các quy phạm lại theo một trật tự nhất quán, chặt chẽ. Kết quả của toàn bộ quá trình này là đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản mới có hiệu lực cao hơn, hoàn thiện hơn cả về phạm vi, phương pháp điều chỉnh và chất lượng kỹ thuật văn bản. Việc xây dụng các luật, bộ luật có đối tượng điều chỉnh đan xem liên quan đến bán đấu giá tài sản phải xác định rõ ranh giới điều chỉnh trên nền tảng tư tưởng là coi trọng địa vị tối cao của luật trong nhà nước pháp quyền. Do đó, không thể không tính đến việc xây dựng về Luật về bán đấu giá tài sản.

          Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, xác định cụ thể các lĩnh vực kinh tế xã hội, tổ chức quản lý nhà nước cần có luật điều chỉnh. Đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, Đảng chủ trương “đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhằm xác lập môi trường, khuôn khổ pháp lý, phát huy được trong thực tế các tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, hạn chế tác động tiêu cực, ngăn chặn mặt trái của kinh tế thị trường”

          Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong những năm qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có một số Nghị quyết, Chị thị về xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật cho thấy Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành cải cách tư pháp với một quyết tâm rất mạnh mẽ, có sự chỉ đạo thống nhất.

          Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X có nêu, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật”

          Thứ hai, hoàn thiện pháp luật bán đấu giá tài sản vừa phải đảm bảo sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, đồng thời, đảm bảo xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản”

          Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, nếu không có một nhà nước được tổ chức khoa học có đủ năng lực quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhất là năng lực tổ chức quản lý kinh tế thì không thể tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng Cộng sản cũng không thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình. Nâng cao hiệu lực quản lý, nhất là quản lý kinh tế của nhà nước như đã nói ở trên có ý nghĩa quyết định bảo đẳm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản. Lĩnh vực quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản cũng bộc lộ những yếu kém khuyết điểm chung của nhà nước cần phải khắc phục như: bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu lực chưa phát huy hết tính ưu việt của nhà nước kiểu mới; trong hoạt động của bộ máy nhà nước đã nảy sinh tình trạng quan liêu, đặc quyền đặc lợi, vi phạm dân chủ, không bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất, pháp chế không nghiêm. Tình trạng buông lỏng quản lý, buôn lỏng kỷ cương của nhà nước; chưa sử dụng đúng đắn công cụ pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Trước yêu cầu khách quan, cấp bách của sự nghiệp đối mới hiện nay Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X có nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước bởi hai lý do sau:

Một là, cải cách hành chính là khâu liên quan trực tiếp đến dân, đến doanh nghiệp cho nên nó là một quy trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhưng tác động xã hội, ý nghĩa kinh tế rất lớn. Trong bối cảnh hội nhập, hai vấn đề này đều trực tiếp liên quan đến cải cách hành chính.

Hai là, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều yếu kém bất cập và vướng mắc cần tập trung giải quyết. Hệ thống thể chế, luật pháp, nhất là thể chế về kinh tế thị trường còn thiếu; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức nhà nước còn chưa rõ, còn chồng lấn, bộ máy tuy đã được rút gọn một bước, nhưng vẫn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy có được nâng lên một bước, nhưng còn thiếu rất nhiều chuyên gia; thể chế luật pháp về quản lý tài chính công còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính vẫn còn nhiều rườm rà, phức tạp; kỷ luật kỷ cương không nghiêm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chưa cao. Do đó, những điểm mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đền này thể hiện ở hai nội dung sau:

Trước hết, phải tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp để đề cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan và của cả bộ máy hành chính nhà nước. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ khi trình bày Đề án trước Trung ương có nêu: phải phấn đấu từ nay trở đi, một việc có một địa chỉ, một việc có một người chịu trách nhiệm. Sau đó, phân công, phân cấp phải rõ hơn đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nhấn mạnh cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho dân và chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân. Do đó quan điểm hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng không nằm ngoài những quan điểm chỉ đạo đó.

          Thứ ba, bảo đảm tính kế thừa giá trị của pháp luật hiện hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

          Quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 có nêu: Phát huy cao độ nội lực, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của pháp luật.

          Một trong những quan điểm của Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội tương lai.

      Quan điểm chỉ đạo này thể hiện nội dung đó là thường xuyên làm công tác tổng kết thực tiễn xây dựng pháp luật, gắn với thực tiễn kinh tế xã hội, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài để pháp luật sát với định hướng phát triển đất nước, xuất phát từ nhu cầu xã hội đồng thời phải phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện có sự tương đồng với pháp luật các nước, nhất là các nước trong khu vực và pháp luật quốc tế. Đặc biệt chú ý đến ý thức pháp luật của nhân dân tránh tình trạng áp dụng pháp luật nước ngoài một cách tùy tiện, rập khuôn, máy móc. Một nội dung nữa là phát triển nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung và khoa học pháp lý bán đấu giá tài sản nói riêng để tạo chỗ dựa khoa học cho hoạt động xây dựng pháp luật gồm cả rà soát, hệ thống hóa, tiến tới pháp điển hóa. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách huy động đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý tham gia công tác này cũng như mở rộng tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, chú trọng chất lượng của việc đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật.

 

 

Chuyên đề số 11

BÁN ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ GIAO ĐẤT CÓ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT – THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN

                                                                               Th.S. Vũ Văn Cương

                                                                              Đại học Luật Hà Nội

 

Trong những năm qua, để phù hợp với bước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà Nước, đồng thời động viên khuyến khích được các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai đúng mục đích, đạt hiệu quả cao theo pháp luật. Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất ra đời thực sự là một bước tiến trong công tác quản lý đất đai, đưa giá đất sát với giá thị trường, góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam, và hạn chế nạn đầu cơ đất. Tuy nhiên, đất đai là một vấn đề phức tạp và rất nhạy cảm, đấu giá quyền sử dụng đất lại là một phương thức còn khá mới mẻ, do đó trong thực tế hiện nay đang nảy sinh khá nhiều những vấn đề bất cập cần được bổ sung và hoàn thiện. Thông qua việc phân tích các quy định hiện hành của pháp luật, tìm ra những hạn chế bất cập trong quy định của pháp luật cũng như trong quá trình thực thi pháp luật, chuyên đề này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.

1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1.1. Cơ sở hình thành đấu giá quyền quyền sử dụng đất

1.1.1. Nhà nước thừa nhận “đất có giá”

Trước khi có Luật đất đai 2003, Đảng và Nhà nước ta đã có những văn bản pháp luật điều chỉnh để điều chỉnh các quan hệ xã hội về đất đai, đó là: Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp; Chỉ thị 33-CT/TW ngày 28/03/1988 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thi hành Luật Đất đai; Chỉ thị 47-CT/TW ngày 31/08/1988 của Bộ Chính trị về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất; Nghị quyết 10-NQ-TW ngày 05/04/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quan lý nông nghiệp và đặc biệt là Luật Đất đai 1987. Các văn bản, nghị quyết và luật nêu trên đã làm thay đổi căn bản quan hệ đất đai ở nước ta về mặt pháp lý như: Khẳng định quyền sở hữu tối cao của Nhà nước đối với đất đai, cho phép người được giao quyền sở hữu tối cao của Nhà nước đối với đất đai, cho phép người được giao quyền sử dụng đất được bán thành quả lao động và kết quả trên đất; giao đất cho tổ chức và cá nhân sử dụng lâu dài; quy định những nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, Luật còn mang tính hành chính mệnh lệnh (người được giao dất không phải trả tiền sử dụng đất, nghiêm cấm chuyển dịch đất đai dưới mọi hình thức, không thừa nhận “đất có giá”…). Những điều luật mang nặng tính hành chính đó đã làm cho đất đai không được vận động một cách tích cực, đất đai không còn là tài sản quý hiếm, tình trạng vô chủ, mất đất, sử dụng lãng phí, lấn chiếm… liên tục diễn ra mà Nhà nước không thể quản lý nổi.

          Để khắc phục những hạn chế của Luật Đất đai năm 1987, lần đầu tiên, trong khi vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, Luật Đất đai 1993 qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và 2001 ghi nhận “đất có giá”. Việc Nhà nước thừa nhận “đất có giá”  và mở rộng quyền cho người sử dụng được phép chuyển quyền sử dụng đất dưới các hình thức như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn, bảo lãnh tùy vào hình thức sư dụng đất là nội dung rất quan trọng trong việc hàng hóa hóa quyền sử dụng đất.

Việc mở rộng các quyền của người sử dụng đất được Luật đất đai 2003 hiện hành quy định rõ ràng và chi tiết làm cho quan hệ đất đai được vận động theo quy luật khách quan, từ đó đất đai mới bao hàm nội dung kinh tế, tạo tiền đề cho việc tích tụ, tập trung đất đai, phân công lại lao động xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn nước ta, bảo đảm lợi ích kinh tế của người sử dụng đất, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản trong quá trình hình thành đồng bộ các thị trường ở nước ta. Đó chính là điều kiện để xuất hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, làm cho đất đai được sử dụng tiết kiệm hơn, có hiệu quả hơn.

1.1.2. Quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra quan điểm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong đó có quan điểm “quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt”. Đây là một bước cụ thể hóa quan trọng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX về vấn đề liên quan đến chính sách đất đai, về thị trường bất động sản trong đó có việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Thông thường, hàng hóa là sản phẩm của lao động dùng để trao đổi, là biểu hiện thống nhất của giá trị và giá trị sử dụng; lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng, lao động trừu tượng tạo ra giá trị. Giá trị sử dụng thuộc lĩnh vực tự nhiên của hàng hóa và là nội dung vật chất của giá trị hàng hóa; còn giá trị là thuộc tính xã hội của hàng hóa, là lao động xã hội thể hiện trong hàng hóa. Suy cho cùng, khi trao đổi hàng hóa là con người trao đổi lao động của mình thông qua giá trị, nên hàng hóa vốn không phải là vật mà là quan hệ xã hội được che dấu bởi cái vỏ bề ngoài của vật, thực tế nó chỉ là khách thể trao đổi trên thị trường. Từ những khái niệm về hàng hóa thông thường trên đây, có thể thấy hàng hóa quyền sử dụng đất có những nét đặc trưng sau:

- Thứ nhất, đất đai có trước con người, không phải là sản phẩm của lao động, nên bản thân đất đai không có giá trị nên cũng không là hàng hóa. Nhưng trong điều kiện kinh tế hàng hóa, lao động lại có thể sáng tạo nên giá trị sử dụng mới của đất đai, không phải chỉ là trực tiếp nên từng thửa đất là hàng hóa mà còn cả trong môi trường gián tiếp, ảnh hưởng đến giá trị, do đó mà khả năng trao đổi trên thị trường (Ví dụ: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có thể làm cho giá trị quyền sử dụng đất trong vùng lân cận cũng tăng lên, giá cả của đất cũng tăng theo) và cũng từ đó mà pháp luật Việt Nam có thể quy định khách thể trao đổi là “quyền sử dụng đất”.

- Thứ hai, tính giới hạn và không tái tạo của đất đai làm cho tổng lượng cung của loại hàng hóa này là không đổi, tính co dãn bị hạn chế… trong khi nhu cầu về sử dụng đất ngày càng tăng, nên dễ dàng trở thành thị trường cung độc quyền.

- Thứ ba, vị trí cố định của đất đai trở nên quan trọng và nhiều khi là yếu tố quyết định đến giá trị đất đai vì không thể có cái thứ hai giống nó, đất đai có vị trí “độc nhất vô nhị”.

- Thứ tư, là hàng hóa không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp, trong xây dựng công nghiệp và trong xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội.

- Thứ năm, hình thức trao đổi trên thị trường phong phú hơn nhiều loại hàng hóa khác, từ đấu giá đấu thầu, giao đất, cho thuê (giữa Nhà nước với người sử dụng), đến chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, bảo lãnh, góp vốn, để lại thừa kế (giữa những người sử dụng đất với nhau).

- Thứ sáu, do tính độc quyền cao nên tính cạnh tranh của hàng hóa đất đai là không hoàn hảo, giá cả biến động thất thường, hiệu quả đầu tư nhiều khi rất cao những cũng dễ gặp phải nhiều rủi ro hơn.

Từ sáu đặc điểm trên đây, dù thấy không thể “xử sự” quyền sử dụng đất như là một loại hàng hóa thông thường và thị trường quyền sử dụng đất phải được vận hành theo cách phù hợp với sáu đặc điểm đó. Không phải đất nào cũng đều có thể trở thành hàng hóa và khi trở thành hàng hóa thì không phải mọi loại hàng hóa đất đai đều có giá cả, vị trí thị trường giống nhau.

Cùng với thừa việc thừa nhận “đất có giá”, Đảng và Nhà nước ta coi “quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt” đã làm cơ sở cho việc ra đời các văn bản pháp luật xác định được đúng bản chất của quan hệ đất đai, làm cho đất đai được vận động theo đúng vai trò của hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế thị trường.

1.2. Khái niệm đấu giá quyền sử dụng đất

Đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư là các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để giao quyền sử dụng đất (hoặc cho thuê đất) bằng hình thức đấu giá công khai.

Đấu giá quyền sử dụng đất có những điểm khác biệt so với phương thức đấu giá tài sản thông thường. Sự khác biệt này xuất phát từ chính đối tượng của đấu giá là quyền sử dụng đất – một loại “hàng hóa đặc biệt”. Việc áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất là hoạt động của cơ quan Nhà nước nhằm khai thác đất đai về mặt kinh tế. Thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất được phản ánh đúng đắn và chính xác.

Khi xác định giá đất để đấu giá phải đảm bảo lợi ích của hai phía là Nhà n­ước và ngư­ời tham gia đấu giá, giá đất tính đư­ợc phải dựa vào giá thị trư­ờng và khả năng sinh lợi của đất. Đất đai dùng vào các mục đích khác nhau thì khả năng sinh lợi khác nhau, khả năng sinh lợi phụ thuộc vào sự thuận lợi của mảnh đất bao gồm các yếu tố sau:

- Vị trí của khu đất :

Vị trí là một trong những nhân tố quan trọng trong việc xác định giá đất, ví dụ trong cùng một loại đ­ường phố của một loại đô thị thì giá đất ở những vị trí mặt tiền sẽ có giá cao hơn ở những vị trí trong ngõ hẻm. Mặt khác, các vị trí ở khu trung tâm văn hoá, kinh tế - xã hội, th­ương mại...sẽ có giá cao hơn các vị trí ở xa trung tâm (cùng đặt tại vị trí mặt tiền) hoặc cùng ở mặt đ­ường phố, nh­ưng vị trí ở gần khu sản xuất có các khí độc hại thì giá đất sẽ thấp hơn các vị trí t­ương tự như­ng đặt ở xa trung tâm hơn. Vì vậy, khi xác định giá đất, điều quan trọng là phải xác định vị trí đất và các nhân tố xung quanh làm ảnh h­ưởng đến giá đất.

- Yếu tố ảnh h­ưởng về khả năng đầu t­ư cơ sở hạ tầng

Một khu đất cho dù có rất nhiều yếu tố thuận lợi như có vị trí trung tâm, mặt tiền,…như­ng nếu ch­ưa đ­ược đầu tư­ xây dựng CSHT, khu đất sẽ có những hạn chế nhất định, ng­ược lại, cũng khu đất đó nếu đ­ược đầu tư­ CSHT đồng bộ nh­ư hệ thống đ­ường giao thông, hệ thống cấp thoát n­ước,  dịch vụ thông tin liên lạc hiện đại, điện sinh hoạt, điện sản xuất qui mô lớn,…(những yếu tố phục vụ trực tiếp và thiết thực đối với đời sống sinh hoạt cuả dân cư­ và nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp) sẽ làm tăng giá trị của đất và tác động trực tiếp đến giá đất.

- Điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng hình thành các công trình dịch vụ

Khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi cho kinh doanh th­ương mại, văn phòng, cửa hàng dịch vụ hoặc môi tr­ường sinh sống là điều kiện có sức thu hút dân cư­ đến ở, các yếu tố này sẽ làm cho giá đất thực tế ở khu vực này tăng lên. Các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu kinh tế được đầu tư xây dựng CSHT đồng bộ, hoàn thiện sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghiệp,…

- Yếu tố về khả năng sử dụng theo các mục đích và yêu cầu khác nhau

Một lô đất nếu dùng để sử dụng cho các mục đích khác thì giá đất của nó cũng chịu ảnh h­ưởng theo các mục đích đó vì đất đai là một tài sản không giống như­ những tài sản thông th­ường, đó là tính không đồng nhất, sự cố định về vị trí, có hạn về không gian và vô hạn về thời gian sử dụng. Đất có hạn về số l­ượng cung cấp nhưng nó lại cho một chức năng sử dụng xác định nh­ư nhà ở có nghĩa là sự đầu tư­ không hoàn toàn bất biến.

1.3. Vai trò của việc đấu giá quyền sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường

1.3.1. Đấu giá quyền sử dụng đất đưa giá trị quyền sử dụng đất sát với giá thị trường

Phương thức đấu giá quyền sử dụng đất đã được thực hiện trong vài năm gần đây đã hạn chế được những bất cập của giá đất quy định còn thấp. Việc định giá sàn làm căn cứ đấu giá quyền sử dụng đất được xác định trên nguyên tắc sát với giá thực tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cơ sở phát huy hết quan hệ kinh tế trong lĩnh vực đất đai. Người trúng đấu giá được hưởng đầy đủ các quyền lợi hợp pháp có liên quan tới thửa đất đấu giá quyền sử dụng đất và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đất đai, dân sự. Trước đây, chính do việc chưa thừa nhận quyền sử dụng đất là một hàng hóa đặc biệt nên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có những biện pháp quản lý mang nặng tính pháp lý mà ít (hoặc chưa) chú ý đến các mối quan hệ kinh tế trong lĩnh vực đất đai. Thực tế cho thấy, chính từ sự quan liêu bao cấp này mà việc định giá quyền sử dụng đất và các dự án phát triển khu đô thị còn có khoảng cách giữa giá quy định và giá thực tiễn.

Từ khi Luật Đất đai 2003 ra đời, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất: Nghị định 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất  và khung các loại đất; Nghị định 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 188/2004/NĐ-CP; Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, do những đặc thù riêng, việc ban hành bảng giá các loại đất cụ thể của một số tỉnh, thành phố chưa “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Thực tế việc xác định và thống nhất nguyên tắc này là rất phức tạp, do còn thiếu thông tin về giao dịch nhà đất trên thị trường, thiếu tiêu chí để xác định như thế nào là “trong điều kiện bình thường”.

Từ 1/1/2005, các tỉnh, thành phố bắt đầu đưa ra khung giá đất, tuy nhiên khung giá này mới chỉ bằng 60% giá thị trường. Tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giá đất nông nghiệp chỉ đạt khoảng 70% giá thị trường. Tại nhiều địa phương khác, giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp chỉ bằng 70 - 90%. Cá biệt có nơi chỉ bằng 30% so với giá thị trường như tại  thành phố Hạ Long [20].

Sau 2 năm, chúng ta đã cải thiện được phần nào sự chênh lệch này. Khung giá đất mới năm 2008 đưa ra tăng 20% so với năm 2007 nhưng trên thực tế cũng chỉ bằng 80% so với giá thị trường [21].

Năm 2009, 2010 bảng giá đất tại các địa phương đã được xây dựng hợp lý hơn, phù hợp với các điều kiện tại địa phương, tuy nhiên vẫn chưa thực sự sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế. Ví dụ: theo giới chuyên môn, tại thành phố Hồ Chí Minh bảng giá đất áp dụng cho năm 2010 vẫn còn khoảng cách khá xa so với giá thị trường, trung bình khoảng 4-6 lần. Đơn cử, tại Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất vẫn giữ nguyên mức giá năm 2009 là 81 triệu đồng/m2. Thực tế hiện giá thị trường ở ba tuyến đường này khoảng 650 – 860 triệu đồng/m2 [22].

Những hạn chế về giá đất như kể trên có thể được khắc phục bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất.

1.3.2. Đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế được các tranh chấp về đất đai

          Các tranh chấp đất đai thường xảy ra như sau:

          - Tranh chấp giữa những người sử dụng đất đối với nhau về ranh giới giữa các  vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này do hai bên không xác định được với nhau hoặc một bên tự ý thay đổi.

          - Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.

          - Tranh chấp về mục đích sử dụng, đặc biệt là tranh chấp giữa đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp, đất trồng lúa với đất nuôi tôm, đất hương hỏa với đất thổ cư…

          Trong phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đất đai được mang ra đấu giá trên cở sở đã nằm trong dự án đấu giá quyền sử dụng đất được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất quy định rõ mục đích sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đất đã được phân ô (thửa) rõ ràng trên bản đồ địa chính, đã được quy hoạch thoàn chỉnh. Người trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất hoàn toàn yên tâm về tính pháp lý của mảnh đất mà mình có được, không xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất đối với ô (lô) đất trúng giá.

1.3.3. Đấu giá quyền sử dụng đất – phương thức hữu hiệu để đảm bảo thi hành án dân sự

          Thực tế thi hành án dân sự trong thời gian qua cho thấy không ít trường hợp người  thi hành án không có tài sản gì đáng kể ngoài quyền sử dụng đất. Thậm chí, một số trường hợp người thi hành án tẩu tán tài sản của mình để trốn tránh trách nhiệm thi hành án bằng cách chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất. Sau khi kê biên tài sản, nếu cơ quan thi hành án áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ giải quyết được một số lượng lớn án tồn động và ngăn chặn được nhiều trường hợp trốn tránh, trì hoãn thi hành án. Tuy việc định giá quyền sử dụng đất phải thi hành án để đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều quan điểm khác nhau, song chắc chắn việc đấu giá quyền sử dụng đất của người phải thi hành án sẽ thu lại được một số tiền lớn mà được cả người phải thi hành án và người thi hành án chấp thuận, giải quyết được tình trạng nợ đọng án phải thi hành.

1.3.4. Đấu giá quyền sử dụng đất là biện pháp tích cực trong việc tăng cường công tác quản lý đất đai, làm đơn giản thủ tục về giao đất, cho thuê đất và hạn chế tham những trong bộ máy Nhà nước

          Bằng việc đấu giá quyền sử dụng đất, với thửa đất đã được quy hoạch rõ ràng và thời hạn thuê đất tới 50 năm, có thể còn được giao đất lâu dài được quy định rõ ràng trong dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất được giao đất, cho thuê đất với những thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất. Việc lợi dụng việc giao đất, cho thuê đất để tham nhũng, trục lợi của một số cán bộ, công chức cũng được giảm đi rất nhiều.

2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ GIAO ĐẤT CÓ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT

Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản nói chung và Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất nói riêng.

2.1. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất

          Luật Đất đai 2003 hiện hành được sửa đổi bổ sung năm 2009 thực sự đã mở rộng các quyền của người sử dụng đất, làm cho quan hệ đất đai được vận động theo quy luật khách quan, từ đó đất đai mới bao hàm nội dung kinh tế, tạo tiền đề cho việc tích tụ, tập trung đất đai, phân công lại lao động xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn nước ta, bảo đảm lợi ích kinh tế của người sử dụng đất, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sẩn trong quá trình hình thành đồng bộ các thị trường ở nước ta.

          Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất đai không chỉ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cho thuê bằng cách thức truyền thống mà đã mở rộng việc giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất.

          Điều 58 Luật đất đai 2003 quy định rõ các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất như sau:

“a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê;

b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;

c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;

d) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh;

đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

e) Các trường hợp khác do Chính phủ quy định.”

          Thực chât của việc đấu giá quyền sử dụng đất là Nhà nước giao quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất với phương thức đấu giá công khai, công bằng cho mọi tổ chức cá nhân (với điều kiện phải có phương án hiệu quả, phù hợp với quy hoạch). Nhờ đó, các bên tham gia có thể được sử dụng đất tại các vị trí thuận lợi còn Nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất (hoặc tiền thuê đất một lần) cao hơn so với khung giá quy định. Chính vì vậy, việc quy định rõ các trường hợp được đấu giá quyền sử dụng đất là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành việc đấu giá. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61, 62 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật đất đai được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2006/NĐ-CP; Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất (ban hành kèm theo quyết định số 216/2005/QĐ-TTg) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

          Cụ thể, đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi:

          - Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc hco thuê, trừ trường hợp đất xây dựng nhà chung cư cao tầng cho công nhân khu công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

          - Giao đất theo hình thức khác nay chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc chuyên mục đích sử dụng đất; trừ trường hợp không thay đổi chủ sử dụng đất.

          - Cho thuê đất bao gồm cả cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồn thủy sản, làm muối.

          Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện theo một trong hai hình thức là đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn bằng tiền để sử dụng trực tiếp cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hoặc đấu thầu xây dựng công trình và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng công trình đó trong cùng một gói thầu.

          Ngoài ra, pháp luật cũng quy định một số trường hợp không áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

          - Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà máy, xí nghiệp phải di dời theo quy hoạch; sử dụng đất để xây dựng nhà chung cư cho công nhân của các khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho người phải di dời do thiên tai… (Khoản 1 Điều 60 Luật Đất đai 2003).

          - Trường hợp tổ chức kinh tế chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất;

          - Trường hợp người sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

          - Trường hợp đất đưa ra đấu giá mà không có người tham gia hoặc đấu giá ít nhất là hai lần nhưng không thành hoặc trường hợp chỉ có một nhà đầu tư lập dự án xin giao hoặc thuê một diện tích đất cụ thể để thực hiện dự án đầu tư cho phù hợp với quy hoạch.

          - Các trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, xây dựng nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp thuê hoặc mua, xây dựng nhà ở công vụ;

- Trường hợp giao đất ở cho cán bộ, công chức chuyển noi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;

          - Đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng.

          Đặc biệt, pháp luật còn quy định cụ thể các điều kiện và các thửa đất được tổ chức đấu giá và điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, các thửa đất được tổ chức đấu giá phải đáp ứng 3 điều kiện: 1 – Đã có quy hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc kế hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, xây dựng; 2 – Đã được bồi thường giải phóng mặt bằng; 3 – Có phương án đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Trình tự, thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất

          Xuất phát từ tính đặc biệt của hàng hóa quyền sử dụng đất, nên việc đấu giá quyền sử dụng đất không chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật đấu giá mà còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật đất đai. Khi tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ quan Nhà nước cũng như các chủ thể tham gia phải tuân theo những trình tự và thủ tục chặt chẽ. Theo đó, trình tự thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm các bước sau:

          - Lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất;

          - Xác định giá khởi điểm;

          - Chuẩn bị bán đấu giá quyền sử dụng đất (thông báo về việc bán đấu giá; đăng ký tham gia đấu giá; xem bất động sản đem ra đấu giá);

          - Tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất;;

          - Giao đất, cấp giáy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng giá.

2.2.1. Lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất

          Lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là thủ tục đầu tiên trong trình tự bán đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với loại đất nào, dự án nào thì tiến hành lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, hình thức bán đấu giá để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp chỉ được quyền tiến hành bán đấu giá sau khi có sự uỷ quyền của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua một hợp đồng có hiệu lực pháp luật, hợp đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất.

          Hợp đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hợp đồng bán đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và có các nội dung chính sau đây:

- Họ, tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

- Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá;

- Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

- Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức giao tài sản để bán đấu giá;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành;

- Phí, chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành và chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Các nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Trong trường hợp đặc biệt, khi tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.

2.2.2. Xác định giá khởi điểm

          Giá khởi điểm của quyền sử dụng đất đem ra đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trước khi tiến hành thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.

          Đối với quyền sử dụng đất được bán đấu giá để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định công bố giá đất công khai hàng năm đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

- Sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp;

- Các thửa đất liền kề nhau, có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau;

- Đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau.   

2.2.3. Chuẩn bị bán đấu giá quyền sử dụng đất

Sau khi tổ chức bán đấu giá được lựa chọn và xác định được giá khởi điểm, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị cần thiết để tổ chức thành công cuộc bán đấu giá, trong đó có các công việc chủ yếu sau:

* Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá quyền sử dụng đất

Tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất phải niêm yết việc bán đấu giá quyền sử dụng đất tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP)

Việc niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất;

- Thời gian, địa điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất;

- Địa điểm, diện tích, kích thước, mốc giới thửa đất, mục đích sử dụng hiện tại, quy hoạch sử dụng đất chi tiết, mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, quy hoạch xây dựng chi tiết, thời hạn sử dụng đất;

- Giá khởi điểm của quyền sử dụng đất bán đấu giá;

- Địa điểm, thời hạn xem quyền sử dụng đất bán đấu giá;

- Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ quyền sử dụng đất bán đấu giá;

- Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài quyền sử dụng đất đấu giá;

- Những thông tin cần thiết khác liên quan đến quyền sử dụng đất bán đấu giá.

* Đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất

Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa là 15% giá khởi điểm của quyền sử dụng đất đấu giá. Khoản tiền đặt trước phải nộp cho tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt trước mua được quyền sử dụng đất đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 29 Nghị định 17/2010/NĐ-CP).

Ngoài ra, Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng quy định những người sau đây không được tham gia đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất nói riêng, đó là:

- Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

- Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó;

- Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

* Xem bất động sản bán đấu giá

Đối với tài sản đấu giá là bất động sản, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất hai ngày.

2.2.4. Tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất

Để tiến hành cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau:

- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói;

- Đấu giá bằng bỏ phiếu;

- Các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất thỏa thuận (Điều 33 Nghị định 17/2010/NĐ-CP).

Cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất phải được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

- Mở đầu cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu bản thân, người giúp việc; thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá; công bố danh sách người đăng ký mua quyền sử dụng bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá; giới thiệu từng quyền sử dụng đất bán đấu giá; nhắc lại giá khởi điểm; thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá;

- Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá trả giá, đấu giá viên thông báo công khai về giá đã trả cho người người tham gia đấu giá;

- Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được, thuê được quyền sử dụng bán đấu giá. Sau khi đấu giá viên công bố, người mua được, thuê được quyền sử dụng đất bán đấu giá được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán, thuê quyền sử dụng đất tài bán đấu giá. Trong trường hợp giá cả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá coi như không thành. Trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được, thuê được quyền sử dụng đất bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được, thuê được quyền sử dụng đất bán đấu giá.

Diễn biến của cuộc bán đấu giá tài sản phải được ghi vào biên bản bán đấu giá quyền sử dụng đất. Biên bản bán đấu giá quyền sử dụng đất phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người ghi biên bản, một người tham gia đấu giá và một người tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có).

Kết quả cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất được ghi vào Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản.

Tùy từng trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất cụ thể hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức bán đấu giá tài sản mời tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự cuộc bán đấu giá.

2.2.5. Giao đất, cấp giáy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng giá

Căn cứ vào quyết định phê duyệt kết quả đấu giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy xác nhận đã nộp đủ tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của người trúng đấu giá, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền được phân cấp có trách nhiệm bàn giao đất trên thực địa, lập hồ sơ đất, cấp hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và các giấy tờ liên quan khác cho người trúng đấu giá theo đúng biên bản đấu giá và quyết định giao đất, cho thuê đất, đăng ký‎ quyền sử dụng đất và làm các thủ tục cho người được sử dụng đất. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn thực hiện các nhiệm vụ trên của cơ quan tài nguyên và môi trường phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật đất đai.

Quyết định giao đất, cho thuê đất, văn bản đấu giá và các giấy tờ có liên quan khác là căn cứ để người được giao đất, thuê đất đăng ký quyền sử dụng đất.

3. THỰC TRẠNG ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ GIAO ĐẤT CÓ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT Ở VIỆT NAM - PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

3.1. Thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam

3.1.1. Thực trạng pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất

* Thành tựu

- Vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất được chú trọng điều chỉnh thống nhất bằng hệ thống văn bản từ Hiến pháp, Luật đến các văn bản dưới luật và có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự thay đổi của tình hình kinh tế xã hội. Quy định trong các văn bản pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất  đều thể hiện sự thống nhất với các nội dung đã được quy định trong Hiến Pháp, đó là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý” và theo quy định của Luật Đất đai 2003 là “Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật của các ngành luật khác có liên quan như: đầu tư, xây dựng, tài chính…

- Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

- Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý cho người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Việc xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã tạo điều kiện cho người tham dự đấu giá yên tâm về mảnh đất trúng giá. Người trúng giá có đầy đủ các thông tin chính xác và thửa đất mình trúng giá như quy hoạch thửa đất, sơ đồ địa chính, đồng thời được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai và hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của pháp luật đất đai, dân sự. Người trúng giá được tự do lựa chọn quyết định của mình, không lệ thuộc vào ý kiến chủ quan của người khác, không mất thêm các chi phí cho tổ chức trung gian để có được quyền sử dụng đất mình mong muốn.

* Hạn chế

- Quy định và xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều mâu thuẫn, tồn tại.

Giá khởi điểm được xác định sát với giá thực tế chuyển nhượng. Giá tối thiểu làm căn cứ xác định giá khởi điểm không thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng + suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có) + tiền sử dụng đất theo khung giá quy định cho 01m­2.

Việc xây dựng giá khởi điểm để đưa ra đấu giá còn nhiều mâu thuẫn: giá chuyển nhượng thực tế thì rất cao, còn chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật lại rất thấp, dẫn đến việc khó có thể xây dựng được một giá sàn hợp lý phù hợp với giá trị quyền sử dụng đất trong khu vực.

Cũng chính việc đưa ra giá sàn không hợp lý lại được Nhà nước chính thức công nhận qua việc đấu giá quyền sử dụng đất nên dẫn đến việc nhân dân căn cứ vào giá đó để đòi bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án cùng trong khu vực. Điều đó Nhà nước không thể thực hiện nổi, do vậy việc giải tỏa dự án trong cùng khu vực gặp nhiều khó khăn, khiếu kiện trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng xảy ra liên tục.

- Trong nhiều trường hợp, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất chưa có tính dự báo.

Chúng ta biết rằng, dự báo trước những tình huống có thể xảy ra trong tương lai là một việc làm rất cần thiết của cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật. Từ đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng các văn bản pháp luật đã điều chỉnh các tình huống dự báo. Khi tình huống đó xảy ra thì đã có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất, các văn bản pháp luật chỉ mới dừng lại ở mức đảm bảo điều chỉnh cho các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện tại, chưa có tính dự báo trước. Ví dụ như: trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, chắc chắn sẽ có những người môi giới đấu giá, những người này đứng ra liên kết vận động mọi người tham gia đấu giá để thực hiện một hành vi nào đó như trả giá thấp, tẩy chay cuộc đấu giá… gây thiệt hại cho Nhà nước thì chúng ta cũng chưa có các quy định pháp luật về hành chính cũng như hình sự để điều chỉnh. Hoặc như khi người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thay đổi, Nhà nước thu hồi mảnh đất của họ thì sẽ được bồi thường như thế nào? Có theo giá đất mà họ đã nộp cho Nhàn ước khi trúng giá đất hay không? Vấn đề xử lý tài chính sau khi đơn vị trúng đấu giá được thuê đất chuyển sang giao đất ổn định lâu dài (trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán nhà ở cho người Việt Nam). Những vấn đề này, pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng còn thiếu các quy định cụ thể có tính dự báo trước.

- Hiện nay quy định trong Bộ luật hình sự gây khó khăn cho việc xử lý thích đáng đối với những vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là hành vi “thông thầu”.

Trong Điều 173, 174 Bộ luật Hình sự quy định đối tượng có hành vi “thông thầu” đấu giá quyền sử dụng đất phải bị xử lý hành chính một lần, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, trong luật lại không nêu rõ và không hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, và một khi cán bộ nào đó có hành vi “thông thầu” đấu giá quyền sử dụng đất, chắc chắn sẽ bị xử lý, thì làm gì có lần hai nữa để vi phạm mà xử lý được bằng hình sự như luật đã viện dẫn.

Hiện nay, đối với hành vi “thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính là thu tiền đặt cọc, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, sau khi xảy ra các vụ “thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan công an vào cuộc điều tra và lãm rõ đối tượng vi phạm thì cũng chỉ xử lý ở mức độ đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương ra quyết định hủy bỏ kết quả đấu gía trong những vụ “thông thầu” [23].

Chính vì chưa có một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh mẽ để xử lý nên hiện tượng “thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất vẫn xảy ra ở mức độ ngày càng nghiêm trọng.

3.1.2. Thực trạng thực thi pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất

* Thành tựu

Việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá thực sự là một bước tiến trong quản lý đất đai, góp phần làm giảm nạn đầu cơ đất, giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn vốn một cách công khai.

          Trong những năm qua, đấu giá quyền sử dụng đất đã trở thành một phương thức hữu hiệu trong việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất. Các địa phương trong cả nước đều đã xây dựng Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất của riêng địa phương mình, từ đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng diễn ra sôi nổi, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Về hiệu quả kinh tế

          Thực tế việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua đã cho thấy những lợi ích kinh tế to lớn của phương thức này đem lại cho Nhà nước và cho nền kinh tế.

          Đấu giá quyền sử dụng đất đã giúp cho Nhà nước khai thác hợp lý quỹ đất; huy động được nhiều nguồn vốn cùng tham gia đầu tư xây dựng và giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ: Hà Nội, năm 2008, dấu gái quyền sử dụng đất thu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Năm 2009, công tác đấu giá quyền sử dụng đất đạt hiệu quả cao, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội đã tổ chức đấu gía quyền sử dụng 17,45ha đất của 28 dự án, thu về hơn 3.480 tỷ đồng, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường lên kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn sẽ thu về khoảng 3.000 tỷ đồng cho ngân sách[24].

          Thực tiễn đấu giá tại nhiều địa phương cũng cho thấy, giá đất đấu giá thường được đẩy lên rất cao so với giá ban đầu, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Ví dụ như: phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở khu nhà ở cao tầng trong khu đô thị mới Xuân Phương của huyện Từ Liêm – Hà Nội (diễn ra ngày 30/09 và 01/10 năm 2009) đã thành công với mức đấu giá cao nhất là 30,5 triệu đồng/m2 và 27 triệu đồng/m2 mặc dù với mức giá sàn được xây dựng chỉ có 10 triệu đồng/m2 với bước giá là 500.000 đồng. Tổng số tiền thu được qua phiên đấu gái 6 lô đất trên (tổng diện tích 23,218m2) là 660 tỷ đồng. [25]

          Đấu giá quyền sử dụng đất giúp người mua được đất với giá do mình đã xác định và thường thấp hơn so với việc mua đất theo cách thông thường trên thị trường. Người mua đất không mất phí hoa hồng (môi giới) và các loại phí khác mà các trung tâm môi giới thường đặt ra.

Về hiệu quả xã hội

          Tại các khu dân cư đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo điều kiện và môi trường sống ổn định, phù hợp với quy hoạch của các địa phương. Ví dụ: tại Hà Nội, số tiền thu được từ đấu giá đất tại Tây Hồ hầu hết được dùng để xây dựng kè Hồ Tây và đường ven hồ. Những đoạn đường đã được xây dựng, tình trạng lấn chiếm đất hồ, vứt rác xuống hồ đã được chấm dứt.

          Với nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, bên cạnh việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn vốn huy động được từ đấu gái quyền sử dụng đất còn hỗ trợ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, áp dụng các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.

          Sự ra đời của hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần làm sôi đọng cho thị trường bất động sản ở nước ta. Giá đất được công bố trong đấu giá sẽ loại bỏ tâm lý, hoang mang, dao động về giá đất của các chủ thể tham gia thị trường; xóa “giá ảo” về bất động sản, góp phần tạo sự bình ổn về giá cả đất đai, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

           Đối với công tác quản lý đất đai

          Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, đấu giá quyền sử dụng ddaata còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý sử dụng đất đai. Kết quả thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất đã khẳng định vai trò của đất đai trong nền kinh tế thị trường. Đấu giá quyền sử dụng đất là một căn cứ để Nhà nước định giá đất, góp phần tạo mặt bằng giá đất, tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản. Tại những dự án đấu giá bất động sản, công tác cấp giấy chứng nhận được triển khai thuận lợi, tạo niềm tin đối với người sử dụng đất.

          Việc đấu giá quyền sử dụng đất đã đưa giá đất sát với thực tế, phản ánh được nhu cầu thực tế của thị trường và giá trị thị trường của các lô đất, từ đó hạn chế những tiêu cực xảy ra trong giao đất, cho thuê đất. Đấu giá quyền sử dụng đất đã đưa quyền sử dụng đất đến với tay những chủ thể có nhu cầu và khả năng sử dụng thực sự, tránh tình trạng “xin – cho” trước đây đã để nhiều diện tích đất có tiềm năng không được sử dụng hoặc sử dụng không hợp lý, gây lãng phí. Đây thực sự là một biện pháp giúp khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của đất đặc biệt là đối với những khu đất “vàng”, đem lại lợi ích lớn cho Nhà nước và cho cộng đồng, nhất là trong hoàn cảnh “tấc đất tấc vàng” như hiện nay.

* Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng thực thi pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế

Đối với công tác tổ chức

          Đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua vẫn thiếu tính ổn định và ở nhiều địa phương tiến hành rất chậm và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

          Ngoài ra, một trong những khó khăn nữa trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương hiện nay là khâu thu tiền sau khi khách hàng trúng đấu giá. Theo thống kế của Sở Tài chính Hà Nội, năm 2008, số tiền nợ tiếp tục phải thu phát sinh trên 300 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn nhà đầu tư chưa thanh toán hơn 350 tỷ đồng [26]. Các chủ đầu tư cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật của các dự án chưa hoàn chỉnh; một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên không thể giao đất cho khách hàng thì đa số các trường hợp chậm nộp tiền trúng giá không có nhu cầu xây dựng nhà ở đã cố tình dây dưa, kéo dài việc thanh toán để có thời gian tiến hành giao dịch, chuyển nhượng kiểm lợi. Không ít đối tượng đã trót “găm hàng”, không đủ khả năng tài chính thanh toán nên phải chờ cơ hội “đẩy” đất cho người khác mới có tiền để nộp.

          Một thực trạng của công tác đấu giá quyền sử dụng đất là các dự án đấu giá quyền sử dụng đất các thửa nhỏ lẻ sẽ khó tạo ra được mối liên kết về hạ tầng đối với các khu vực xung quanh, dễ dẫn đến tình trạng đô thị bị chia nhỏ theo kiểu phân lô. Đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất thành công thì sau đó sẽ tạo một mặt bàng giá mới trong khu vực, điều này dẫn đến tinh trạng tăng giá đất cục bộ tại khu vực có dự án đấu giá đất.

          Đối với các dự án nằm trên địa giới hành chính của các phường khác nhau, các quận, huyện khác nhau, sau khi thực hiện san lấp, đầu tư hạ tầng ký thuật thì các ranh giới hành chính được lấy theo các địa vật tự nhiên sẽ bị xóa, rất khó khăn cho việc xác định địa giới hành chính.

          Ngoài ra, tình trạng tự điều chỉnh quy hoạch, giảm phần diện tích công cộng của chủ đầu tư sau khi trúng đấu giá, đấu thầu còn diễn ra phổ biến, tỷ lệ được phép xây dựng bị vi phạm ở tất cả các công trình, lấn chấm đất xảy ra ở hầu hết các dự án.

          Mộ trong những tiêu cực trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất là hiện tượng “thông thầu”. Ví dụ như vụ thông thầu đấu giá sử dụng các lô đất xen kẽ của hàng chục hộ dân chiếm đoạt 2,52 tỷ đồng và một số vụ thông thầu khác được cơ quan chức năng khám phá tại huyện Đông Anh – Hà Nội được dư luận biết đến rất nhiều trong năm 2007 [27]. Được biết, hiện tượng “thông thầu” hiện nay diễn ra khá phổ biến và thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ để xử lý nghiêm minh hành vi này.

Đối với người tham gia

          Người tham gia đấu giá chưa hình dung được sự phát triển của khu vực đấu giá tạo ra sự chênh lệch về giá đất sau khi đấu giá quá thấp hoặc quá cao. Một số trường hợp người tham gia đấu giá sử dụng nhiều đất xung quanh khu vực đấu giá nên đã bỏ giá cao để nâng mặt bằng giá của khu vực lên, sau đó bỏ tiền đặt cọc. Ở hầu hết các dự án đấu giá đất đều có trường hợp người tham gia đấu giá để đầu cơ đất đai.

          Một hạn chế nữa là thời hạn thanh toán, xây dựng thì người sử dụng đất đều bị đồng, không thể thương lượng lại được. Trong trường hợp chuyển nhượng lại cho người khác thì giá đất tính thuế trước bạ sẽ bị tính theo giá đấu giá (giá này thường cao hơn nhiều lần so với giá quy định).

          Cũng vì thế mà những người có thu nhập thấp hoặc trung bình khó có lợi thế tiếp cận được hình thức đấu giá quyền sử dụng đất vì vốn bỏ ra là rất lớn.

3.2. Phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam

3.2.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam

Tài nguyên đất đai có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc giá và đời sống xã hội, do đó hoàn thiện pháp luật đất đai là đòi hỏi cấp thiết, là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đảng ta đã xác định: “Phát triển thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Tạo điều kiện thuận lợi để chuyển quyền sử dụng đất, mở rộng cơ hội cho các công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được dễ dàng có đất và sử dụng đất lâu dài cho sản xuất kinh doanh” [28].

Định hướng hoàn thiện pháp luật về đất đai trong thời gian tới là:

- Khẳng định nhất quán đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng xác định rõ hơn vị trí và vai trò của Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện việc thống nhất quản lý toàn bộ đất đai;

- Phân biệt rõ chức năng quản lý Nhà nước về đất đai với chức năng quản lý và hoạt động kinh doanh về đất đai;

- Đổi mới các chính sách tài chính về đất đai, Nhà nước thực hiện việc định giá đất và thực hiện việc điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đai không do sự đầu tư của người sử dụng đất mang lại;

- Mở rộng các quyền của người sử dụng đất, từng bước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản;

- Xác lập cơ sở pháp lý cho việc ra đời thị trường quyền sử dụng đất có tổ chức, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đi đôi với cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về đất đai theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai và minh bạch…

Trong phạm vi của chuyên đề, tôi chỉ đề cập đến một số giải pháp hoàn thiện pháp luật đất đai nói chung, tạo điều kiện cho việc đấu giá quyền sử dụng đất phát triển ổn định.

* Về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất diễn ra còn chậm, không quy hoạch tổng thể, sử dụng đất không theo quy hoạch, đất hoang hóa do quy hoạch treo, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng đất ở… được xác định là những tồn tại trong quản lý và sử dụng đất hiện nay.

Để quản lý và sử dụng đất đai một cách hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, Nhà nước cần tổ chức tốt và chỉ đạo sát sao việc xây dựng và thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng các loại đất:

- Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ rộng rãi trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì vậy, cần phải quy định trong pháp luật đất đai vấn đề: trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, cơ quan lập kế hoạch cần phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

- Phải xây dựng được các chế tài đảm bảo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

* Về giá đất

Giá đất là yếu tố rất quan trọng, là cơ sở để quan hệ đất đai tiếp cận với thị trường. Để bình ổn giá đất, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

- Cân bằng cung và cầu về đất đai nhằm điều tiết giá đất một cách hợp lý.

- Tăng khả năng cung cấp hàng hóa cho thị trường bất động sản bằng việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở, đảm bảo việc cung ứng nahf ở và quản lý tốt việc cung ứng, chuyển nhượng nhà ở.

- Hoàn thiện khung pháp lý về đất đai và thị trường bất động sản, thống nhất trong quy định và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến đất đai như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp…

- Hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế, cụ thể là chính sách thuế, phí và lệ phí…

- Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi để giao dịch đất đai được đăng ký và thông tin giá cả giao dịch được công khai.

* Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất

Hiện nay, đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn chậm mà vướng mắc là ở khâu thu hồi đất. Để công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả cao hơn cần tiến hành động bộ một số giải pháp sau:

- Đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi dự án, mỗi công trình có mức bồi thường và hỗ trợ khác nhau, từ đó làm nảy sinh ý tưởng so sánh quyền lợi từ phía người dân. Khẩn trương hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo hướng dựa trên cơ sở thị trường để giải quyết vấn đề bồi thường cho người bị thu hồi đất.

- Nâng cao chất lượng công trình quy hoạch tái định cư, chú ý đến yếu tố văn hóa, tập quán, thói quen của đồng bào các dân tộc khi xây dựng các khu tái định cư.

- Nâng cao năng lực thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm, sự tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, của cán bộ trong việc kiểm kê, kiểm điểm, lập phương án đền bù.

- Có kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Khống chế một cách nghiêm chỉnh về quy mô thu hồi đất, xác định tiêu chuẩn bồi thường một cách hợp lý và hoàn thiện hơn nữa quy trình thu hồi đất.

- Khắc phục những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất dẫn đến sự khó khăn trong việc việc xác định điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.

3.2.2. Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam

* Hoàn thiện các quy định về giá đất nói chung và giá khởi điểm, bước giá đấu giá khi đấu giá quyền sử dụng đất

Thứ nhất, Điểm a Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai quy định việc định giá đất của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc “sát với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường”.  Tuy nhiện, thực tế cho thấy việc xác định và thống nhất nguyên tắc này là rất phức tạp, do đó Luật cần có hướng dẫn cụ thể tiêu chí để xác định như thế nào là “trong điều kiện bình thường”.

Thứ hai, nên quy định cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương mỗi năm công bố giá đất 2 lần để đảm bảo cho giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường.

Thứ ba, nên thành lập cơ quan quản lý giá đất thuộc Bộ Tài chính để đảm bảo quản lý Nhà nước về giá đất, kịp thời nắm bắt thông tin và đưa ra các quyết định giúp Nhà nước quản lý về đất đai làm tốt công tác quản lý và sử dụng đất đai.

Theo quy định hiện hành, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân phải nộp 100.000 đồng/hồ sơ đối với quyền sử dụng đất có giá khởi điểm từ 200 triệu đồng trở xuống. Mức phí 200.000 đồng/hồ sơ áp dụng đối với quyền sử dụng đất có giá khởi điểm từ trên 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Mức phí 500.000 đồng/hồ sơ được áp dụng đối với quyền sử dụng đất có giá khởi điểm trên 500 triệu đồng. Trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất khác (đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh…), mức phí tham gia đấu giá là 1 triệu đồng/hồ sơ (diện tích đất từ 0,5 ha trở xuống); 3 triệu đồng/hồ sơ (diện tích đất từ trên 0,5 ha đến 2 ha); và 5 triệu đồng/hồ sơ (diện tích đất trên 5 ha)[29]. Theo ý kiến của tác giả, để góp phần kích thích đầu tư cũng như giúp đỡ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tài chính nên bỏ những quy định về việc thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

* Có chế tài xử lý phù hợp với những vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là hành vi “thông thầu”

Hành vi “thông thầu” là hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật và gây những hậu quả rất xấu. Một là, gây tâm lý hoang mang và mất lòng tin của những nhà đầu tư và người tham gia đấu giá, nếu kết quả đấu giá đều đã được dàn xếp thì chắc chắc không còn ai muốn tham gia đấu giá. Hai là, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, và việc giải quyết hậu quả là rất khó khăn, đồng thời dễ dẫn đến việc thực hiện các dự án bị chậm lại, đất đai bị để không, không những lãng phí mà còn gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Do đó, cần bổ sung các chế tài xử lý với hành vi này. Cụ thể là bổ sung quy định trong Bộ luật hình sự, phải có quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về các biện pháp xử lý vi phạm (tại Điều 173 và 174 Bộ luật Hình sự). Ví dụ: vi phạm “thông thầu” trong bao nhiêu mét vuông đất và số tiền vi phạm lên tới bao nhiêu là gây hậu quả nghiêm trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001;

2.     Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992, sửa đổi bổ sung 2001;

3.     Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009;

4.     Luật Đất đai năm 2003;

5.     Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003;

6.     Nghị định 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;

7.     Nghị định 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP;

8.     Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

9.     Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản;

10. Quyết định 216/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;

11. Thông tư 23/2010/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP;

12.  Giáo trình Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2010;

13. Giá đất mới cho năm 2006 – chưa sát với giá thực tế, Thời báo kinh tế Việt Nam, tháng 1/2006;

14. Khung giá đất 2008 mới bằng 80% giá thị trường, Nông thôn ngày nay, ngày 13/12/2007 (www.vntrades.com);

15. Bảng giá đất năm 2010 của TP. HCM: Có đột phá - http://land.cafef.vn/20091205031945580CA35/bang-gia-dat-nam-2010-cua-tphcm-co-dot-pha.chn;

 

Chuyên đề số 12

PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Th.S Vũ Văn Cương

Đại học Luật Hà Nội

          Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, đấu giá hàng hóa đã ngày càng khẳng định vai trò là một bộ phận quan trọng trong các hoạt động thương mại. Cùng với sự ra đời và phát triển của hoạt động đấu giá hàng hóa, pháp luật về đấu giá hàng hóa cũng từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Việc ban hành Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005 đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về đấu giá hàng hóa, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động đấu giá hàng hóa ở Việt Nam.

          Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, pháp luật về đấu giá hàng hóa hiện hành còn nhiều hạn chế cả về nội dung quy định cũng như cơ chế thực thi. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất pháp luật. Bên cạnh đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật về đấu giá hàng hóa đã xuất hiện tình trạng tiêu cực, làm giảm hiệu quả của hoạt động bán đấu giá hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay, việc tìm hiểu pháp luật về đấu giá hàng hóa cũng như thông qua đó, đề xuất những giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đấu giá hàng hóa là hết sức cần thiết.

1. KHÁI QUÁT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA

1.1. Khái quát về đấu giá hàng hóa

1.1.1. Khái niệm về đấu giá hàng hóa

          Trong hoạt động kinh tế, thương mại, đấu giá là một phương thức đặc biệt được tổ chức công khai tại một nơi nhất định. Tại đó, khi xem xét trước hàng hóa, người mua tự do cạnh tranh trả giá và cuối cùng hàng sẽ được bán cho ai trả giá cao nhất. Bản chất của hoạt động đấu giá là một quan hệ mua bán mà trong đó người bán chỉ có một mà người mua lại rất nhiều. Mọi người mua đều mong muốn có được hàng, do vậy họ cạnh tranh giá với nhau, tăng giá của hàng hóa lên. Ai trả giá cao nhất, người đó sẽ mua được hàng. Do ưu điểm của đấu giá là có sự cạnh tranh giữa những người mua, cho nên người bán sẽ thu được một số tiền cao nhất từ việc bán đấu giá hàng hóa của mình.

          Trên thực tế, các hoạt động mua bán đấu giá hàng hóa đã tồn tại và phát triển một cách khách quan cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Bộ luật dân sự, Luật Thương mại và các văn bản pháp luật khác ra đời đã điều chỉnh các quan hệ này. Theo đó, theo Khoản 1 Điều 185 Luật Thương mại 2005, “đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất”. Với cách hiểu này, đấu giá hàng hóa đã được hiểu là một chế định pháp luật dân sự - thương mại bao gồm các quy phạm pháp luật về bán đấu giá hàng hóa. Các quy phạm này quy định về nguyên tắc, hình thức, điều kiện, trình tự thủ tục, nội dụng bán đấu giá…, thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia quan hệ.

          Theo pháp luật thương mại thì đấu giá hàng hóa có những đặc điểm, bản chất mang tính đặc thù riêng khác với hoạt đông mua bán hàng hóa thông thường, cụ thể:

* Đấu giá hàng hóa là một phương thức bán hàng đặc biệt

          Trong quan hệ đấu giá, người có hàng hóa có thể tự mình tổ chức bán đấu giá hoặc thuê thương nhận kinh doanh dịch vụ đấu giá tổ chức việc đấu giá hàng hóa. Trong trường hợp có sự tham gia của người làm dịch vụ bán đấu giá, bên bán là chủ sở hữu hàng hóa hoặc người chủ sở hữu ủy quyền, hoặc người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hóa đấu giá. Bên mua tài sản là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ bán đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hóa ủy quyền tiến hành việc bán đấu giá.

So với phương thức bán hàng khác, bán đấu giá hàng hóa đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Lợi ích của người bán hàng là được định giá khởi điểm và là người giữ vai trò quyết định trong đấu giá. Mặc dù giữ vai trò quyết định song người bán hàng hóa cũng cần phải tham khảo giá cả hàng hóa đó trên thị trường để giúp cho cuộc đấu giá hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và thành công. Còn người mua hàng hóa đó có quyền trả giá, họ sẽ cạnh tranh nhau về giá cả. Người tham gia mua tài sản có quyền biết các thông tin có liên quan đến tài sản, tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá, được quyền trả giá. Ở đây, thực tế đã tạo ra sự bình đẳng cho những người mua hàng cùng tham gia trả giá qua đó để xác định được một mức giá cạnh tranh có lợi cho người bán hàng. Ngoài ra, đấu giá hàng hóa còn tập trung được cung và cầu về loại hàng hóa vào một thời gian và một thời điểm nhất định, giúp cho việc xác lập quan hệ mua bán hàng hóa diễn ra nhanh chóng.

Vì đấu giá là một phương thức kinh doanh trong nền kinh tế thị trường nên người tổ chức đấu giá, người bán hàng, người tham gia đấu giá và người điều hành đấu giá đều vì mục đích lợi nhuận: nghĩa là người tổ chức đấu giá, người điều hành đấu giá là người đứng ra tổ chức, điều hành các cuộc đấu giá của cá nhân, tổ chức để thu phí dịch vụ; người bán hàng muốn hàng hóa của mình thông qua đấu giá sẽ được giá cao nhất hoặc giá có thể chấp nhận được; người mua hàng hóa thông qua việc trả giá hàng hóa đấu giá sẽ mua được hàng hóa theo đúng kế hoạch của mình đưa ra là mua được hàng hóa rẻ, chất lượng và có thể sinh lời.

* Đấu giá hàng hóa mang cả bản chất kinh tế và bản chất pháp lý

          Đấu giá hàng hóa là một hoạt động kinh tế khách quan tồn tại trong đời sống xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh nên đấu giá hàng hóa mang cả bản chất kinh tế và bản chất pháp lý [30].

Về bản chất kinh tế, nếu đấu thấu được xem là phương thức để bên mua lựa chọn người cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì ngược lại, đấu giá là phương thức để bên bán xác định người mua hàng. Dưới tác động của quy luật cung – cầu, bán đấu giá hàng hóa tồn tại như là một yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường. Trên thị trường, quan hệ cung – cầu về các loại hàng hóa, dịch vụ ít khi ở trạng thái cân bằng mà nó luôn diễn biến rất phức tạp. Khi cung vượt qua cầu thì thị trường dành cho người mua quyền lựa chọn (đấu thầu). Còn khi cầu lớn hơn cung thì thị trường thuộc về người bán được quyền lựa chọn người mua (đấu giá). Song nếu đấu thầu hàng hóa được áp dụng khá phổ biến thì bán đấu giá hàng hóa thường chỉ áp dụng cho những thị trường mang tính cục bộ hoặc đối với một số loại hàng hóa nhất định.

Về bản chất pháp lý, đấu giá hàng hóa là một hoạt động dân sự - thương mại. Do có sự khác nhau về chủ thể, mục đích mà đấu giá hàng hóa có thể là một hành vi dân sự thông thường hoặc trở thành một hoạt động thương mại độc lập của thương nhân. Đối tượng của bán đấu giá là hàng hóa thương mại được phép lưu thông. Quan hệ đấu giá được xác lập dưới hình thức pháp lý nhất định. Như vậy, trong quan hệ thương mại, đấu giá hàng hóa có những đặc điểm chung của hoạt động thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung đó, bán đấu giá hàng hóa còn có những nét đặc thù khác, cụ thể như sau:

          - Thứ nhất, đấu giá hàng hóa là hoạt động bán hàng thông qua trung gian. Trong quan hệ đấu giá hàng hóa, trừ trường hợp người bán đấu giá (người có hàng hóa) tự mình tổ chức đấu giá, các trường hợp khác, ngoài bên bán, bên mua còn có sự tham gia của trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá. Bên bán là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hóa bán đấu giá. Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hóa ủy quyền tiến hành việc bán đấu giá. Do vậy, quan hệ bán đấu giá có thể diễn ra giữa các chủ thể sau:

          + Người có hàng hóa (chủ sở hữu của hàng hóa hoặc người có quyền bán hàng hóa theo ủy quyền hoặc theo quy định của pháp luật) với người mua hàng hóa. Đây là mối quan hệ cơ bản nhất trong mua bán đấu giá. Người có hàng hóa và người mua chính là hai chủ thể trong hợp đồng mua bán đấu giá. Hợp đồng đấu giá được giao kết và có hiệu lực sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này theo nội dung của hợp đồng.

          + Người có mua hàng hóa và người bán đấu giá. Đây là mối quan hệ đại diện được xác lập thông qua hợp đồng ủy quyền. Người có hàng hóa sẽ ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá đại diện cho mình trong việc giao kết hợp đồng bán đấu giá với người mua hàng hóa. Theo đó bên đấu giá sẽ nhân danh người bán hàng hóa trong phạm vi ủy quyền. Khi người bán đấu giá giao kết hợp đồng với người mua hàng hóa trong phạm vi ủy quyền sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền (người có hàng hóa) với người mua hàng hóa.

          + Người bán đấu giá và người mua hàng hóa. Đây là quan hệ giữa người được ủy quyền với người thứ ba. Người bán đấu giá là người được ủy quyền và đại diện cho người có hàng hóa trong việc xác lập giao dịch với người mua hàng hóa. Giao dịch này được xác lập sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người có hàng hóa và người mua hàng hóa (mối quan hệ thứ nhất).

          - Thứ hai, đối tượng của bán đấu giá có thể là những hàng hóa thương mại thông thường, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của việc bán hàng theo phương thức này mà không phải hàng hóa nào cũng được các chủ sở hữu quyết định bán bằng phương pháp đấu giá. Chính vì vậy, hấu hết chỉ những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới thường được cân nhắc để lựa chọn bán theo phương thức đấu giá. Những hàng hóa này rất khó xác định giá trị thực của nó như các loại hàng hóa khác. Do vậy người bán chỉ đưa ra một mức giá cơ sở để người mua tham khảo (giá khời điểm), còn giá bán thực tế do những người tham dự cuộc bán đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh. Giá bán thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mà người bán đưa ra ban đầu.

          - Thứ ba, hình thức pháp lý của quan hệ bán đấu giá có thể được thiết lập dưới một dạng rất đặc biệt là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hóa. Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá được xác lập giữa người có hàng hóa (chủ sở hữu) và người tổ chức bán đấu giá. Nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền bán đấu giá hàng hóa. Còn văn bản bán đấu giá thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa, được xác lập giữa các bên liên quan (người có hàng hóa, người mua hàng và người tổ chức bán đấu giá). Văn bản này là cơ sở pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa, đồng thời là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của người mua hàng đối với hàng hóa bán đấu giá.

          Từ những đặc thù trên, chúng ta có thể nhận thấy so với các phương thức bán hàng khác, bán đấu giá hàng hóa đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Nó tạo cơ hội bình đẳng cho những người mua hàng cùng tham gia trả giá, qua đó xác định được một mức giá cạnh tranh có lợi nhất cho người bán hàng. Nhờ việc tổ chức đấu giá mà hàng hóa đem bán sẽ đến tay những người mua có tiềm năng và hiểu đúng giá trị của chúng nhất. Bán đấu giá còn tập trung được cung và cầu về các loại hàng hóa vào một thời gian và một địa điểm nhất định, giúp cho việc xác lập quan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Nếu hình thành được những thị trường bán đấu giá chuyên nghiệp thì sẽ là động lực rất tốt để thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại phát triển, nhất là với các quốc gia có những mặt hàng thế mạnh của mình.

1.1.2. Vai trò của đấu giá hàng hóa trong thương mại

          Đấu giá hàng hóa bảo đảm tính khách quan, trung thực trong mua bán hàng hóa, đặc biệt là trong vấn đề giá cả. Vấn đề giá cả là một vấn đề rất quan trọng, nó vừa thể hiện được chất lượng của hàng hóa bán đấu giá, vừa thể hiện được khả năng tài chính của người mua được hàng hóa đấu giá.

          Bán đấu giá hàng hóa giúp người mua hàng hóa mua được những hàng hóa mà họ cần. Khi mà họ có nhu cầu về sản phẩm mình cần, người bán hàng hóa sẽ cung cấp thông tin cho người mua hàng hóa thông qua cuộc bán đấu giá hàng hóa.

          Bán đấu giá hàng hóa được thực hiện một cách công khai, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, ngăn được những hành vi tiêu cực gây thiệt hại cho người bán hàng, người mua hàng và các chủ thể khác có liên quan. Thông qua hình thức bán đấu giá hàng hóa, quyền lợi của các bên được thỏa mãn một cách tốt nhất. Khi người bán hàng hóa đem hàng hóa ra bán đấu giá thì cơ hội bán được hàng hóa với giá cao nhiều khả năng xảy ra hơn so với việc đem hàng hóa ra bán thông thường, nhất là khi hàng hóa đem bán đấu giá không còn mới và đã qua sử dụng.

          Với tính khách quan công khai, thủ tục chặt chẽ hợp lý, hàng hóa sẽ được xử lý nhanh chóng với mức giá mà người bán hàng mong muốn đạt được. Đấu giá hàng hóa giúp cho việc mua bán diễn ra nhanh chóng, nó tập trung được quan hệ cung cầu về một loại hàng hóa nào đó vào một thời gian và một địa điểm nhất định. Với việc thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến hàng hóa bán đấu giá có nhiều khả năng sẽ dễ dàng tập trung được một số lượng lớn người tham gia mua hàng hóa. Do vậy, cơ hội để bán được hàng hóa cho người muốn mua là rất cao và sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, từ đó giá trị của hàng hóa đem bán được nâng cao.

          Khi tham gia mua bán hàng hóa đấu giá, người mua hàng hóa là người quyết định giá cả đặt mua, do vậy giá của hàng hóa sẽ là giá mà người mua cho là thích hợp với mình. Thông qua bán đấu giá, người mua hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa đó, điều này tạo nên tâm lý yên tâm cho người mua hàng hóa vì khi họ đã bỏ ra một khoản tiền nghĩa là họ mong muốn chất lượng của hàng hóa đó phải là tốt nhất.

          Bán đấu giá hàng hóa còn đảm bảo lợi ích cho các chủ thể khác có liên quan như: người nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo lãnh. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên cầm cố, bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận thì hàng hóa cầm cố hoặc thế chấp sẽ được xử lý theo phương thức các bên thỏa thuận hay được bán đấu giá hàng hóa để thực hiện nghĩa vụ. Bằng biện pháp bán đấu giá hàng hóa sẽ giúp cho bên nhận cầm cố, bên thế chấp thanh toán được số tiền từ bán đấu giá hàng hóa cầm cố, thế chấp. Hàng hóa cầm cố, thế chấp được xử lý bằng việc bán đấu giá thì quyền lợi của bên nhận cầm cố, nhận thế chấp sẽ được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng.

1.2. Khái quát về pháp luật đấu giá hàng hóa

          Hoạt động đấu giá hàng hóa làm phát sinh nhiều mối quan hệ, nó liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Do đó, hoạt động đấu giá hàng phải được điều chỉnh bằng pháp luật.

          Hệ thống các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình đấu giá hàng hóa tạo thành pháp luật về đấu giá hàng hóa.

          Nội dung cụ thể của pháp luật về đấu giá hàng hóa bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, tuy nhiên, nhìn chung pháp luật về đấu giá hàng hóa có những nội dung cơ bản sau:

- Đối tượng đấu giá;

- Chủ thể tham gia đấu giá hàng hóa;

- Các nguyên tắc trong đấu giá hàng hóa;

- Phương thức đấu giá hàng hóa;

- Trình tự, thủ tục đấu giá hàng hóa.

Ở Việt Nam, trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung, về cơ bản không tồn tại những điều kiện kinh tế xã hội cho sự ra đời và phát triển của hoạt động đấu giá hàng hóa trong thương mại, và vì vậy không có pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại. Kể từ khi Nhà nước thực hiện đường lối đổi mới kinh tế của Đảng là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì hoạt động kinh tế thương mại ở nước ta cũng dần phát triển và có nhiều khởi sắc. Hoạt động đấu giá hàng hóa ra đời và ngày càng phát triển; pháp luật về đấu giá hàng hóa từng bước được xây dựng và hoàn thiện.

Bán đấu giá hàng hóa với tính chất là một hành vi thương mại của thương nhân lần đầu tiên được luật hóa trong Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, Luật Thương mại năm 1997 (Điều 139 và Điều 140) quy định về đấu giá hàng hóa. Những vấn đề cụ thể về đấu giá hàng hóa được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Trên thực tế, trong thời gian thi hành Luật Thương mại năm 1997, hoạt động bán đấu giá chủ yếu được thực hiện đối với các tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính hoặc để thi hành án (theo Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ban hành Quy chế đấu giá tài sản và sau đó được thay thế bởi Nghị định 05/2005/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản).

Khắc phục sự thiếu sót của Luật Thương mại 1997, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động đấu giá hàng hóa phát triển, nâng cao hiệu quả và hiệu lực pháp lý của hoạt động thương mại này, Luật thương mại năm 2005 đã dành 27 điều quy định về hoạt động đấu giá hàng hóa.

          Luật Thương mại 2005 quy định về đấu giá hàng hóa (từ Điều 185 đến Điều 213) trên cơ sở những quy định chung về đấu giá tài sản trong Bộ luật Dân sự. Các quy định về đấu giá hàng hóa trong Luật Thương mại tạo cơ sở pháp lý nền móng quan trọng cho sự phát triển của hoạt động đấu giá hàng hóa ở Việt Nam.

2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM

2.1. Đối tượng đấu giá hàng hóa

Đối tượng của bán đấu giá hàng hóa chính là hàng hóa. So với Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005 đã đưa ra quan niệm và hàng hóa theo nghĩa rộng hơn cho phù hợp: “hàng hóa bao gồm các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lại và những vật gắn liền với đất”. Với cách hiểu về hàng hóa như vậy, hàng hóa là đối tượng bán đấu giá có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lại; hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại; hoặc hàng hóa có thể hiểu là một dạng của tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự như: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

2.2. Các nguyên tắc trong đấu giá hàng hóa

          Nguyên tắc đấu giá hàng hóa là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện đấu giá hàng hóa. Các chủ thể tham gia quan hệ bán đấu giá hàng hóa phải tuân theo những nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và tính trung thực của cuộc bán đấu giá; ngăn ngừa những hành vi tiêu cực gây thiệt hại cho người bán hàng, người mua hàng và các chủ thể có liên quan. Theo Điều 188 Luật Thương mại 2005, “việc đấu giá hàng hóa trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia”.

2.3.1. Nguyên tắc công khai trong đấu giá hàng hóa

          Nguyên tắc công khai là nguyên tắc đảm bảo cho phiên đấu giá được diễn ra trôi chảy, đảm bảo tính trung thực khách quan, từ đó bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia quan hệ.

          Đấu giá hàng hóa là hình thức công khai lựa chọn người mua hàng hóa nên mọi vấn đề có liên quan đến cuộc bán đấu giá và những thông tin và hàng hóa bán đấu giá phải được công khai cho tất cả những ai muốn biết dưới các hình thức như niêm yết, thông báo, trưng bày, giới thiệu tài sản… Những nội dung bắt buộc phải công khai là: thời gian, địa điểm tiến hành bán đấu giá; tên loại hàng hóa bán đấu giá, số lượng, chất lượng, giá khởi điểm của hàng hóa, địa điểm trưng bày giới thiệu hàng hóa, các hồ sơ tài liệu liên quan đến hàng hóa công khai, họ tên người bán hàng, tên tổ chức bán đấu giá và những người đăng ký mua hàng hóa (nếu theo quy định của pháp luật người mua hàng phải đăng ký trước)… Trong khi tiến hành bán đấu giá hàng hóa, người bán đấu giá hàng hóa tổ chức đấu giá hàng hóa một cách công khai, giới thiệu về tài sản đấu giá, công bố danh sách người đăng ký mua hàng, nhắc lại giá khởi điểm, quy định mức chênh lệnh của mỗi lần trả giá, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá hàng hóa. Tại phiên bán đấu giá, người điều hành bán đấu giá phải công khai các mức giá được trả và họ tên người mua trả giá cao nhất của mỗi lần trả giá… Pháp luật có quy định như vậy để tránh tình trạng móc ngoặc giữa khách hàng mua hàng hóa bán đấu giá và người điều hành cuộc bán đấu giá. Việc công khai các nội dung trên thể hiện được rất rõ các quy định trong nguyên tắc bán đấu giá hàng hóa.

Tất cả các công việc liên quan đến hoạt động đấu giá hàng hóa phải được thực hiện công khai. Không được có hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa. Pháp luật đã quy định rất cụ thể thời hạn phải công khai đối với từng nội dung trên.

2.3.2. Nguyên tắc trung thực trong đấu giá hàng hóa

          Đây là một nguyên tắc quan trọng và cơ bản nhất trong bán đấu giá hàng hóa. Nguyên tắc trung thực có quan hệ chặt chẽ gắn bó mật thiết với nguyên tắc công khai. Nếu nguyên tắc trung thực không được đưa vào để thực hiện trong đấu giá hàng hóa thì sẽ xảy ra tình trạng lừa đảo, móc ngoặc hoặc thiên vị, phá quấy làm ảnh hưởng, phương hại đến lợi ích của các chủ thể có liên quan.

          Các thông báo về cuộc bán đấu giá và thông tin về hàng hóa, giấy tờ có liên quan đến hàng hóa bán đấu giá, những đặc điểm khuyết tật không nhìn thấy của hàng hóa (nhất là khi hàng hóa là những tài sản có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật); các giấy tờ xác định tư cách người tham gia đấu giá phải thật rõ ràng, chính xác và đầy đủ để không tạo ra sự nhầm lẫn hay lừa dỗi đối với các bên mà sự nhầm lẫn hay lừa dỗi sẽ làm cho cuộc đấu giá vô hiệu. Người bán cần phải trung thực khi xác định giá khởi điểm của hàng hóa. Không nên đưa ra mức giá khởi điểm quá cao so với giá trị thực tế của hàng hóa sẽ làm cho quyền lợi của người mua không được bảo đảm. Người mua có quyền trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiết hại nếu chất lượng của hàng hóa không đúng như thông báo. Tổ chức bán đấu giá không phải chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng hàng hóa bán đấu giá trừ trường hợp không thông tin đầy đủ cho người mua. Yêu cầu về tính trung thực còn thể hiện ở việc pháp luật quy định những người có thân phận pháp lý hay hoàn cảnh đặc biệt mà sự tham gia của họ có ảnh hưởng đến sự trung thực của cuộc bán đấu giá thì không được tham gia.

 Quy định tính trung thực cho mỗi cuộc bán đấu giá chính là nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia bán đấu giá, nhất là trong các cuộc bán đấu giá hàng hóa có giá trị lớn thì tính trung thực càng đóng vai trò quan trọng hơn. Nguyên tắc trung thực đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa đều phải tuân theo. Không thể xảy ra tình trạng lừa lọc, dối trá với khách hàng mà người bán hàng hóa và người tổ chức đấu giá hàng hóa móc ngoặc, thông đồng với nhau. Nguyên tắc trung thực còn đảm bảo cho khách hàng có sự yên tâm về hàng hóa mà mình đã lựa chọn.

2.3.3. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá

          Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá gắn liền với nguyên tắc trung thực. Nguyên tắc này được thể hiện khá rõ qua việc pháp luật đưa ra các quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia đấu giá. Quyền  và lợi ích của các bên tham gia quan hệ bán đấu giá hàng hóa còn được bảo đảm thông qua việc pháp luật quy định cụ thể về tất cả các vấn đề như thời gian, địa điểm, quyền hạn của các bên tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa. 

Trong quan hệ đấu giá hàng hóa thì quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đều được coi trọng và bảo đảm. Người bán hàng có quyền xác định giá khởi điểm của hàng hóa, có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá thanh toán đầy đủ tiền bán hàng hóa ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, được bồi thường thiệt hại nếu tổ chức đấu giá hoặc bên mua có hành vi xâm hại đến lợi ích của minh. Người mua hàng hóa có quyền xem hàng hóa, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, được tự đặt giá, được xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa sau khi hoàn thành văn bản đấu giá và thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Người mua có quyền trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nếu chất lượng hàng hóa không đúng như thông báo. Tổ chức bán đấu giá được thu của người bán hàng lệ phí và các khoản chi phí khác cho việc tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bán hàng hóa không thông tin đầy đủ về giá trị, chất lượng hàng hóa thì người tổ chức bán đấu giá không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua hàng.  Tổ chức bán đấu giá phải bảo quản hàng hóa khi người bán hàng giao giữ, trưng bày hàng hóa, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét. Tổ chức bán đấu giá còn phải có trách nhiệm thông báo cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp…

Từ những quy định trên cho thấy pháp luật về bán đấu giá hàng hóa ở Việt Nam đã thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá hàng hóa. Tuy vậy, để quyền và lợi ích của các bên tham gia đấu giá hàng hóa ngày càng được bảo đảm thì nhất thiết phải có những quy định hoàn thiện hơn nữa về pháp luật về đấu giá hàng hóa.

2.3. Phương thức đấu giá hàng hóa

          Việc đấu giá hàng hóa được thực hiện theo hai phương thức: phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống (Khoản 2 Điều 185 Luật Thương mại 2005).

- Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;

- Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

2.4. Trình tự, thủ tục đấu giá hàng hóa

          Bán đấu giá hàng hóa cũng được tiến hành theo trình tự thủ tục giống như bán đấu giá tài sản nói chung. Theo quy định của Luật Thương mại 2005, thủ tục đó gồm các bước sau:

          - Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa;

          - Xác định giá khởi điểm;

          - Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa (thông báo về việc bán đấu giá; đăng ký tham gia đấu giá; trưng bày hàng hóa đấu giá);

          - Tiến hành đấu giá;

          - Hoàn thành văn bản bán đấu giá;

          - Đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa đấu giá.

2.4.1. Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa

          Đấu giá hàng hóa có thể được thực hiện bởi chính chủ sở hữu hàng hóa hoặc thông qua một người bán hàng (không phải là tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp). Trong những trường hợp này, các chủ thể tự tiến hành đấu giá hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về công việc này. Tuy nhiên, do tính chất khá phức tạp của việc tổ chức một cuộc bán đấu giá, hơn nữa, do tính đặc thù của hàng hóa mà sự thành công hay thất bại của một cuộc bán đấu giá hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức bán đấu giá. Chính vì vậy, hầu hết các chủ sở hữu hàng hóa, khi đã chọn lựa bán hàng bằng phương thức đấu giá thì cũng lựa chọn cho mình một người trung gian – thương nhân bán đấu giá chuyên nghiệp để tiến hành đấu giá.

          Đối với trường hợp bán đấu giá hàng hóa thông qua trung gian thì việc lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa là thủ tục đấu tiên trong trình tự bán đấu giá hàng hóa. Người bán đấu giá chỉ được quyền tiến hành bán đấu giá sau khi có sự ủy quyền của người bán hàng hóa bằng một hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa được ký kết giữa người bán hàng và người bán đấu giá, hợp đồng này phải được ký dưới hình thức văn bản (hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương). Trường hợp hàng hóa được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thỏa thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá (Điều 193 Luật Thương mại 2005).

2.4.2. Xác định giá khởi điểm

          Giá khởi điểm của hàng hóa do người bán hàng xác định với sự tham gia của đại diện tổ chức bán đấu giá. Giá khởi điểm cũng có thể do người bán đấu giá xác định nếu được người bán ủy quyền nhưng phải thông báo cho người bán hàng hóa biết trước khi được công bố cho người mua. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh thì người nhận thế chấp, người cầm cố, người bảo lãnh xác định giá khởi điểm của tài sản với sự tham gia của tổ chức bán đấu giá. Nếu người cầm cố, người thế chấp, người bảo lãnh vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc từ chối tham gia xác định giá khởi điểm thì giá khởi điểm của tài sản do người nhận cầm cố, thế chấp xác định. Mức giá khởi điểm phải phù hợp với giá trị thực tế của hàng hóa bán đấu giá, không nên xác định mức giá khởi điểm quá cao sẽ làm cho người mua e ngại không muốn đặt giá. Cũng không nên xác định mức giá khởi điểm quá thấp làm ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng.

2.4.3. Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa

          Sau khi hợp đồng dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa được xác lập, các bên đã xác định được giá khởi điểm, người bán hàng hóa (trong trường hợp bán đấu giá không thông qua trung gian) hoặc người tổ chức bán đấu giá (trong trường hợp bán đấu giá thông qua trung gian) phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị cần thiết để tổ chức thành công cuộc bán đấu giá, trong đó có các công việc chủ yếu sau:

          * Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá

          Trước khi tiến hành bán đấu giá chậm nhất là 7 ngày, người bán đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tài tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hóa và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá. Nếu không thông qua trung gian, người bán hàng hóa có quyền ấn định thời gian niêm yết. Mục đích của việc niêm yết và thông báo này là để nhiều người muốn mua hàng hóa được biết và tham gia trả giá. Càng có nhiều người tham gia trả giá thì càng đảm bảo sự cạnh tranh có lợi cho người bán hàng.

          Theo Điều 197 Luật Thương mại 2005, thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung sau đây:

          - Thời gian, địa điểm đấu giá;

          - Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;

          - Tên, địa chỉ của người bán hàng;

          - Danh mục hàng hóa, số lượng, chất lượng hàng hóa;

          - Giá khởi điểm;

          - Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa;

          - Địa điểm, thời gian trưng bày hàng hóa;

          - Địa điểm, thời gian tham khảo hồ sơ hàng hóa;

          - Địa điểm, thời gian đăng ký mua hàng hóa.

          * Đăng ký mua hàng hóa bán đấu giá và đặt cọc

          Đối với những hàng hóa bán đấu giá là bất động sản hoặc động sản có giá trị tương đối lớn thì việc đăng ký người mua là cần thiết để tổ chức bán đấu giá nắm được số lượng cũng như tư cách của những người sẽ tham gia đấu giá, qua đó có thể có sự điều chỉnh thích hợp và kịp thời trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Người muốn tham gia đấu giá phải ghi tên mình vào danh sách đăng ký tại tổ chức bán đấu giá đồng thời người mua phải đặt trước một khoản tiền để giữ chỗ trong cuộc bán đấu giá, trong trường hợp người tổ chức đấu giá yêu cầu. Khoản tiền đặt trước được xác định theo tỉ lệ phần trăm giá khởi điểm của hàng hóa nhưng phải phù hợp để vừa khuyến khích cạnh tranh lại vừa chống lại tình trạng những người tham gia bán đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc sẵn sàng chịu mất số tiền đặt trước khi từ chối mua với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan hoặc vì mục đích vụ lợi. Thông thường, người tổ chức đấu giá có thể đưa giá mức đặt cọc nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa được đấu giá (Khoản 2 Điều 199 Luật Thương mại 2005). Nếu người đăng ký không mua được hàng hóa bán đấu giá thì khoàn tiền đặt trước được trả lại ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc; trong trường hợp mua được hàng hóa thì khoản tiền đặt cọc được trừ vào giá mua; trong trường hợp người đăng ký mua đã nộp tiền đặt trước nhưng sau đó tự ý không tham gia đấu giá thì khoản tiền đặt trước của người đó thuộc về người tổ chức bán đấu giá.

          * Trưng bày, xem hàng hóa bán đấu giá

          Việc trưng bày, xem hàng hóa nhằm tạo điều kiện để người tham giá có dịp tận mắt xem hàng hóa và hồ sơ gốc của hàng hóa bán đấu giá, giúp cho họ an tâm về chất lượng và tính hợp pháp của hàng hóa để có những quyết định đúng đắn khi tham gia đấu giá. Đối với hàng hóa là động sản có giá trị lớn thì phải trưng bày công khai tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc tại một địa điểm khác nhưng phải được thông báo trước. Đối với hàng hóa là động sản có giá trị nhỏ thì có thể không cần trưng bày để giảm bớt chi phí nhưng cũng phải tạo điều kiện để người mua được tận mắt chứng kiến hàng hóa đó. Nếu hàng hóa là bất động sản thì phải tổ chức cho người mua đến tận nơi có bất động sản đó để tham quan. Việc trưng bày, xem xét tài sản phải tiến hành cùng thời điểm niêm yết và thông báo việc bán đấu giá. Người mua có quyền yêu cầu giám định hàng hóa nếu thấy cần thiết để biết rõ về chất lượng hàng hóa và phải chịu chi phí giám định. Nếu người mua hàng không xem trước hàng hóa và không có thắc mắc gì về chất lượng hàng hóa trước khi diễn ra cuộc bán đấu giá thì sau này sẽ không được quyền khiếu nại về chất lượng hàng hóa.

2.4.4. Tiến hành bán đấu giá

          Cuộc bán đấu giá hàng hóa có thể được tổ chức công khai tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc tại nơi có tài sản bán đấu giá để những người muốn mua đến tham dự và trả giá. Địa điểm và thời gian tổ chức cuộc bán đấu giá phải được công bố rộng rãi hoặc ít nhất phải được thông báo tới những người đã đăng ký, trong trường hợp theo quy định người mua hàng hóa phải được đăng ký trước. Cuộc bán đấu giá chỉ được tiến hành khi có số người tham gia trả giá tối thiểu đủ đảm bảo sự cạnh tranh về giá. Nếu sau khi đã hết thời hạn niêm yết, thông báo công khai về cuộc bán đấu giá mà chỉ có một người đăng ký mua và trả ít nhất bằng giá khởi điểm thì hàng hóa được bán cho người đó mà không phải tổ chức cuộc bán đấu giá.

          Tại cuộc đấu giá, người điều hành bán đấu giá thực hiện các công việc sau đây:

          - Điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hóa;

          - Giới thiệu hàng hóa bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá (trả giá lên – Khoản 3 Điều 201 Luật Thương mại 2005; trả giá xuống – Khoản 3 Điều 201 Luật Thương mại 2005);

          - Xác định người trả giá hợp lệ để trở thành người mua hàng hóa;

          - Tổ chức rút thăm giữa những người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống;

          - Lập văn bản đấu giá hàng hóa ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành.

          Việc trả giá được xem như hành vi chấp nhận hợp đồng. Vì vậy, sau khi đã trả giá cao nhất mà người mua rút lại mức giá đó thì coi như họ vi phạm hợp đồng và sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý phát sinh. Trường hợp người trả giá cao nhất rút lại giá đã trả thì việc bán đấu giá được tổ chức lại ngay, và bắt đầu từ mức giá đã trả trước đó. Hậu quả pháp lý đối với người rút lại giá đã trả bao gồm: thứ nhất, không được trả giá tiếp; thứ hai, nếu giá bán hàng hóa đấu giá thấp hơn giá mà người rút lại đã trả, người rút lại sẽ phải trả khoản tiền chênh lệch cho tổ chức bán đấu giá, nếu hàng hóa bán được giá cao hơn thì người rút lại không được hưởng khoản tiền chênh lệch đó; thứ ba, trong trường hợp cuộc đấu giá không thành thì người rút lại giá đã trả phải chịu chi phí cho việc bán đấu giá và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước (Điều 204 Luật Thương mại 2005).

          Trong trường hợp hoặc là không có người tham gia đấu giá, trả giá; hoặc là giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên thì cuộc đấu giá coi như không thành (Điều 202 Luật Thương mại 2005). Tổ chức bán đấu giá và người bán hàng hóa có thể thỏa thuận tổ chức bán đấu giá lần thứ hai hoặc các lần tiếp theo. Các lần bán đấu giá sau cũng được tiến hành theo thủ tục như đối với lần bán đầu tiên.

2.4.5. Hoàn thành văn bản đấu giá hàng hóa

          Văn bản đấu giá là căn cứ xác nhận việc mua bán, có thể coi văn bản này là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa người bán hàng hóa, tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa bán đấu giá. Nó không chỉ có giá trị xác nhận quan hệ mua bán hàng hóa thông qua đấu giá mà còn là căn cứ pháp lý để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu. Căn cứ vào văn bản đấu giá hàng hóa và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hóa cho người mua theo quy định của pháp luật.

          Văn bản bán đấu giá hàng hóa được lập ngay tại cuộc bán đấu giá, kể cả trường hợp đấu giá không thành. Văn bản này ghi rõ kết quả phiên đấu giá, có chữ ký của người điều hành bán đấu giá, người mua hàng hóa và hai người chứng kiến được mời trong số những người tham gia đấu giá. Tùy thuộc vào từng loại hàng hóa mà văn bản đấu giá có bắt buộc phải công chứng hay không. Văn bản đấu giá hàng hóa phải có các nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa, gồm:

          - Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá;

          - Tên, địa chỉ của người điều hành bán đấu giá;

          - Tên, địa chỉ của người bán hàng hóa;

          - Tên, địa chỉ của người mua hàng hóa;

          - Thời gian, địa điểm bán đấu giá;

          - Hàng hóa bán đấu giá;

          - Giá đã bán;

          - Thời hạn, địa điểm giao hàng hóa bán đấu giá cho người mua;

          - Tên, địa chỉ của những người chứng kiến.

          Trong trường hợp đấu giá không thành, văn bản bán đấu giá vẫn phải được lập với đầy đủ các nội dung như trên trừ tên, địa chỉ người mua hàng (vì không xác định được người mua hoặc xác định được người mua nhưng người này từ chối mua hàng) và giá đã bán (vì chưa có quan hệ mua bán diễn ra). Nếu đã xác định được người mua hàng qua văn bản bán đấu giá đã lập nhưng người này từ chối mua hàng  thì việc từ chối mua hàng này phải được người bán hàng hóa chấp nhận, ngoài ra, người từ chối mua hàng phải chịu một số hậu quả pháp lý như phải chịu mọi chi phí liên quan đến cuộc đấu giá; không được hoàn trả lại số tiền đặt cọc để tham gia đấu giá (nếu có), khoản tiền này thuộc về người bán hàng.

          Về thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán tiền mua hàng hóa, về nguyên tắc là do tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì người mua phải thanh toán đủ một lần toàn bộ số tiền mua hàng hóa tại trụ sở kinh doanh của tổ chức bán đấu giá ngay sau khi nhận  hàng hóa; hàng hóa được giao ngay sau khi lập văn bản đấu giá (đối với những hàng hóa không phải đăng ký quyền sở hữu) hoặc sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua (đối với những hàng hóa phải đăng ký quyền sở hữu); địa điểm giao hàng hóa bán đấu giá là nơi có hàng hóa (đối với những hàng hóa gắn liền với đất đai) hoặc nơi bán đấu giá hàng hóa nếu hàng hóa là động sản trong trường hợp không có thỏa thuận khác giữa tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa.

          Người bán hàng hóa, tổ chức bán đấu giá không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của hàng hóa bán đấu giá, trừ khi những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa bán đấu giá đã không được thông báo và cung cấp đầy đủ cho người mua hoặc những thông tín đó là sai sự thật. Người mua có quyền  trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chất lượng của hàng hóa không đúng như thông báo. Người bán đấu giá (trong trường hợp không phải là người bán hàng hóa) có quyền trả lại hàng hóa cho người bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sự không phù hợp về nội dung thông báo, niêm yết liên quan đến cuộc bán đấu giá không phải do lỗi của người bán đấu giá (Điều 213 Luật Thương mại 2005).

3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM – PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

3.1. Thực trạng pháp luật về đấu giá hàng hóa ở Việt Nam

          Thực tế áp dụng pháp luật về đấu giá hàng hóa ở nước ta cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đấu giá hàng hóa chưa được giải quyết thỏa đáng, làm giảm hiệu quả của hoạt động đấu giá hàng hóa. Nhiều vụ việc thể hiện sự chấp hành chưa tốt pháp luật đấu giá hàng hóa của các chủ thể tham gia đấu giá hàng hóa, một số khác lại đến từ sự chậm chễ, thờ ơ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các tranh chấp, khiếu nại về quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng dẫn đến sự chán nản, bế tắc của những người tham gia đấu giá hàng hóa, đặc biệt quyền và lợi ích hợp pháp của người mua hàng hóa đấu giá không được đảm bảo, làm giảm lòng tin của khách hàng. Thực tế này làm cho hoạt động bán đấu giá chưa thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của đông đảo công chúng, làm kìm hãm sự phát triển của hoạt động thương mại này.

* Thực trạng “cò đấu giá”

          Hiện tượng móc ngoặc giữa “cò đấu giá” với các đấu giá viên trên thực tế hiện nay không hiếm thấy. Hoạt động bán đấu giá đứng trước thực trạng: các đơn vị tổ chức đấu giá ngán ngẩm vì hiện tượng thông đồng, ngược lại khách hàng khốn khổ vì bị “cò” thao túng, thủ tục quá nhiêu khê.

          Hiện tượng này đã được thể hiện bằng việc người tham gia đấu giá vừa thấy tên mình được niêm yết thông báo công khai tham gia cuộc bán đấu giá thì ngay sau đó họ nhận được điện thoại của người lạ mặt thỏa thuận để họ ngồi im không tham gia đấu giá khi phát giá. Những người tham gia đấu giá này sau một vài lần tham gia đấu giá các loại hàng hóa lần lượt đã rút khỏi cuộc chơi nhường cho một số đơn vị có máu mặt.

          Ví dụ như ông Nguyên Văn A từng tham gia mua hàng hóa bán đấu giá. Buổi sáng ông thấy đơn vị tổ chức bán đấu giá vừa niêm yết tên mình thì ngay buổi chiều đã nhận được điện thoại sẽ bồi dưỡng một số tiền kha khá với điều kiện: chịu ngồi im trong buổi phát giá, nhường sân chơi cho các khách hàng khác. Ngược lại nếu không hợp tác sẽ gặp rắc rối lớn. Qua điện thoại người này còn úp mở rằng lô tài sản trong buổi đấu giá đã được mua trước với số tiền cụ thể. Trước sự việc này ông A tỏ ra rất hoài nghi, vì theo quy định của Nhà nước, đơn vị tổ chức bán đấu giá không được tiết lộ địa chỉ người tham gia bán đấu giá. Nhưng phải đặt câu hỏi tại sao thông tin về người bán đấu giá lại lọt ra ngoài. Ai đã đưa thông tin đó? Và một điều đặt ra là trách nhiệm của Trung tâm bán đấu giá.

          Chị Nguyễn Thị H một khách hàng lần đầu tiên tham gia mua hàng hóa bán đấu giá cũng gặp phải tình trạng tương tự như vậy khi bị dằn mặt trước khi buổi đấu giá diễn ra. Lý do rất đơn giản, hàng hóa được tổ chức bán đấu giá trên là đích nhắm của một tay anh chị khét tiếng. Vì sợ mình bị bọn xã hội đen trả thù nên chị H đến phiên đấu giá theo tư cách khách mới của “cò” bán đấu giá.

          Để xảy ra tình trạng trên là do việc quản lý của các giám đốc trung tâm bán đấu giá. Họ không có trách nhiệm cao trong công việc. Trao đổi với các báo đài, thông tin đại chúng về tình trạng “cò” trong hoạt động bán đấu giá tài sản, ông Nguyễn Hoàng Huy – Giám đốc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: trong thời gian qua cũng có nghe dư luận phản ánh về vấn đề này. Tuy nhiên trung tâm chỉ quản lý được bên trong khuôn viên còn bên ngoài thì chịu. Theo ông Huy cho biết: “Cũng khó phân biệt trong buổi đấu giá nào có “cò” bán đấu giá xuất hiện cũng như cấm, cản họ tham gia vì thực tế Luật quy định không ngăn cản bất cứ người nào có đủ tư cách công dân tham gia [31]. Chính vì vậy, để đề cao tinh thần cảnh giác, tránh xảy ra tình trạng “cò” làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bán đấu giá, các Trung tâm bán đấu giá cần thường xuyên nhắc nhở và đề ra các quy định như là các đấu giá viên không được tiết lộ thông tin (số điện thoại, địa chỉ…) xung quanh các khách hàng đăng ký mua tài sản. Ngoài ra, trung tâm còn phải yêu cầu các đấu giá viên đón tiếp người có nhu cầu về bán và mua hàng hóa bán đấu giá phải thực hiện công khai, minh bạch.

          * Thưc trạng “khốn khổ vì trúng giải”

          Hiện nay, các cuộc bán đấu giá hàng hóa được tổ chức khá nhiều, tuy nhiên, tỷ lệ đấu giá thành công lại không cao. Lý giải về nguyên nhân này các trung tâm đấu giá cho rằng do thủ tục bán đấu giá cũng như thủ tục công nhận hàng hóa sở hữu sau trúng đấu giá còn quá rườm rà. Trong đó, nhiều người sau khi mua được hàng hóa, đến vài năm, vẫn chưa được nhận hàng hóa của mình. Có nhiều tình huống khác xảy ra như người bán hàng hóa cố tình không giao các giấy tờ hợp lệ, khẳng định quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình đối với hàng hóa bán đấu giá, không thể chuyển hết giấy tờ cho người mua hàng hóa bán đấu giá. Do đó, hồ sơ để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ không đầy đủ, các cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành thủ tục trên được.

          Theo thống kê sơ bộ hiện nay, hoạt động bán đấu giá nói chung và hoạt động bán đấu giá hàng hóa nói riêng tại các thành phố vẫn còn nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến mức giá khởi điểm và thủ tục nhận hàng hóa. Chỉ tính riêng chuyện trúng đấu giá hàng hóa nhưng chưa nhận được hàng hóa đã có nhiều trường hợp khiếu nại nhưng chưa có hướng giải quyết.

          * Thực trạng “xù tiền” trong đấu giá từ thiện

Những năm trở lại đây, rất nhiều chương trình đấu giá từ thiện bị đổ bể khi những người tham gia chỉ hô giá cho sướng miệng rồi “xù”, không chịu trả tiền đấu giá.

Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình để ủng hộ cho Quỹ Vì Người Nghèo, chiếc sim số 0988.888.888 của Viettel đã được doanh nhân trả 1 tỷ 10 triệu đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết.

Ngày 19/1/2010, trong chương trình “Single’day - ngày hội nối vòng tay lớn” diễn ra ở Bình Định, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng được trả giá cao nhất là 10.000 USD. Người mua đã yêu cầu Ban tổ chức chuyển tranh về một phòng trà ở TPHCM thì mới chịu chuyển tiền.

Ngày 29 Tết, Mặt trận tổ quốc Bình Định đã tất tả chuyển tranh đi nhưng tiền vẫn không được Mạnh Thường Quân thanh toán như tuyên bố. 8 tỷ đồng khác trong chương trình của các doanh nhân vẫn “bặt vô âm tín”. 5 tỷ đồng của một đại gia ngân hàng vẫn đang nằm ở dạng… cam kết [32].

Và gần đây nhất, dư luận xã hội trên các mạng điện tử đang rất bất bình về vụ việc “đấu giá từ thiện” với nhiều tài sản quý giá như Bộ Tứ linh (long - lân - quy - phụng) có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng, chiếc trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long được trả mua với giá thu về là 12 tỷ đồng, bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth được trả với giá 3 tỷ đồng và viên đá rubi khổng lồ được trả với giá 11 tỷ đồng….Cuộc đấu giá thu về lên tới 75 tỷ đồng nhưng không có cá nhân, đơn vị nào thực hiện việc mua và trả tiền như đã đề cập trong phiên đấu giá[33].

Sự cố từ các cuộc đấu giá từ thiện đã gây sốc cho cộng đồng và rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. Những đặc trưng pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản, hàng hóa phục vụ mục đích từ thiện? Khung pháp luật về hoạt động bán đấu giá từ thiện? Kết quả đấu giá thành không thực hiện được có thể giải quyết dưới góc độ trách nhiệm pháp lý hay không và giải quyết như thế nào? Có thể áp dụng những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả của hoạt động bán đấu giá từ thiện? Đây quả thực là những câu hỏi rất khó để có thể trả lời được trong giai đoạn hiện nay.

 

Qua phân tích về thực trạng thực thi pháp luật về đấu giá hàng hóa, có thể thấy những tồn tại, hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa. Sự bất cập, hạn chế của pháp luật về đấu giá hàng hóa thể hiện qua:

* Pháp luật về đấu giá hàng hóa không thống nhất với pháp luật về đấu giá tài sản

Đấu giá hàng hóa và đấu giá tài sản là hai hoạt động khác nhau, tuy nhiên, xét về bản chất, đấu giá hàng hóa trong thương mại có thể được coi là một trường hợp đấu giá tài sản đặc biệt. Bộ luật Dân sự được coi là Bộ luật gốc điều chỉnh cả các quan hệ kinh tế, thương mại, Luật Thương mại được coi là luật chuyên ngành. Do đó, nếu được trên thực tế xác định được rõ đó là đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại thì sẽ áp dụng Luật Thương mại để giải quyết. Tuy nhiên, nếu trên thực tế mà Luật Thương mại chưa quy định thì có thể dẫn chiếu áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự hoặc trong trường hợp không xác định được rõ đó là hoạt động đấu giá hàng hóa thì sẽ coi là đấu giá tài sản và cũng sẽ áp dụng quy định của pháp luật dân sự để giải quyết. Trong tương lai, hai hoạt động này nên được điều chỉnh bằng một văn bản pháp luật chung, điều chỉnh chung mọi hoạt động đấu giá.

Đối chiếu các quy định tại Luật Thương mại 2005 và Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản, ta có thể chỉ ra nhiều điểm không thống nhất giữa pháp luật về đấu giá hàng hóa và đấu giá tài sản. Trong đó, có những vấn đề mà pháp luật đấu giá hàng hóa thể hiện sự hợp lý, tiến bộ hơn (ví dụ như về phương thức đấu giá, hậu quả của việc rút lại giá đã trả khi đấu giá…). Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà pháp luật đấu giá hàng hóa cần phải sửa đổi, bổ sung thống nhất với pháp luật về đấu giá tài sản để đảm bảo tính hợp lý (ví dụ như về nguyên tắc đấu giá, người tổ chức đấu giá, khoản tiền đặt trước , đấu giá không thành và hậu quả của việc đấu giá không thành…). Những quy định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

* Pháp luật về đấu giá hàng hóa còn quy định chung chung, mang nặng tính hình thức, không phù hợp với thực tiễn thi hành                         

- Điều 206 Luật Thương mại 2005 có quy định về việc đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu, nghĩa vụ của người bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua. Song ở điều luật này lại không đưa ra các căn cứ cụ thể cho việc chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá mà chỉ quy định rất chung là căn cứ vào văn bản đấu giá hàng hóa và các giấy tờ hợp lệ khác thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hóa cho người mua hàng hóa. Ở điều luật này không chỉ rõ giấy tờ hợp lệ là giấy tờ nào. Ví dụ như đối với hàng hóa của cá nhân, tổ chức cần chỉ rõ là giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa nào hoặc giấy tờ hợp lệ khác mà pháp luật quy định. Hay đối với hàng hóa đấu giá thuộc sở hữu Nhà nước thì đó là quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyết định bán hàng hóa của doanh nghiệp Nhà nước có quyền bán hàng hóa do mình quản lý và sử dụng.

- Điều 207 Luật Thương mại 2005 quy định rằng “Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hóa là do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hóa đấu giá thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì thời điểm thanh toán tiền mua hàng hóa là khi giao hàng hoặc chứng từ có liên quan”. Việc quy định như trên có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa người bán đấu giá và người mua được hàng hóa do việc người mua không chịu thanh toán bằng tiền mua hàng hóa hoặc chậm trễ trong việc thanh toán vì không muốn mua hàng nữa. Trong khi đó pháp luật không có quy định chính xác bao nhiêu ngày người mua phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình cũng như những biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu không thực hiện nghĩa vụ này. Người bán hàng hóa chỉ được thanh toán toàn bộ số tiền sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với hàng hóa đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Chính vì vậy, người bán hàng hóa có thể bị đặt ở tình trạng hao hụt tiền do đồng tiền bị mất giá, nói chung biến động luôn luôn có thể xảy ra. Do đó pháp luật cần quy định về thời hạn thanh toán tiền mua hàng hóa sao cho thời điểm thanh toán cho người bán được diễn ra nhanh chóng.

          - Theo Điều 209 Luật Thương mại 2005 quy định ở Khoản 2, “ trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người tổ chức đấu giá và người mua hàng, thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá được quy định như sau:

1. Đối với hàng hoá không phải đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải giao ngay hàng hoá cho người mua hàng sau khi lập văn bản bán đấu giá;

2. Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.”

Quy định trên là chưa phù hợp bởi vì trên thực tế hàng loạt các tình huống phức tạp có thể xảy ra sau khi cuộc bán đấu giá đã tiến hành xong, văn bản đấu giá đã được lập. Đối với người mua hàng hóa, họ có thể mất cơ hội bán lại hàng hóa mua được cho người khác do việc chậm trễ trong việc hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Cho nên phải quy định một mốc thời gian cụ thể, để tránh tình trạng người bán hàng hóa cố tình không giao các giấy tờ hợp lệ khẳng định quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình đối với hàng hóa đấu giá cho bên đấu giá hay cho người mua hàng. Do vậy hồ sơ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ không đầy đủ cho nên các cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành thủ tục trên được. Điều 209 cho ta thấy việc quy định như vậy còn mang tính hình thức và gò bó.

Trong pháp luật về đấu giá hàng hóa, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được hàng hóa chưa thực sự đem lại hiệu quả, còn rất hình thức. Cho dù có mua được hàng hóa nhưng người bán không chịu chuyển giao hàng hóa cho bên đấu giá hàng hóa, điều này dễ dẫn đến tranh chấp trong bán đấu giá hàng hóa. Tình huống này rất hay xảy ra khi xử lý hàng hóa cầm cố, thế chấp mà pháp luật về đấu giá hàng hóa lại chưa quy định cụ thể các cách thức cưỡng chế hay các chế tài sẽ áp dụng trong trường hợp người bán hàng hóa không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mua.

Với mục đích của bán đấu giá hàng hóa là tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ cầm cố, thế chấp, xử lý hàng hóa nhanh chóng và bảo đảm tính chính xác trong đấu giá hàng hóa, nhưng việc quy định trên thực tế còn rất hạn chế quyền lợi của bên nhận thế chấp, cầm cố. Bởi vậy trong các quy định sắp tới về bán đấu giá hàng hóa nên chăng cần có sự sửa đổi hợp lý hơn để bán đấu giá hàng hóa sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực cho mỗi cá nhân hay tổ chức tham gia vào hoạt động này.

* Hoạt động “đấu giá từ thiện” chưa được pháp luật về đấu giá hàng hóa nói riêng cũng như pháp luật về đấu giá tài sản nói chung điều chỉnh kịp thời

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu giá thì chưa có khái niệm pháp lý nào về “đấu giá từ thiện”. Tuy nhiên, người ta có thể hiểu “đấu giá từ thiện” là việc chủ sở hữu có tài dùng tài sản của bản thân đem bán đấu giá, kết thúc buổi đấu giá, chủ sở hữu chỉ lấy một phần giá trị đã định (thông thường giá trị này thấp hơn giá trị đã được ấn định) theo hợp đồng giữa Chủ sở hữu với tổ chức bán đấu giá và phần còn lại sẽ dùng để làm từ thiện.

Về bản chất, “đấu giá từ thiện” là một hình thức bán hàng hóa công khai, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục bán đấu giá được quy định và phương thức trả giá ở đây là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất. Chỉ khác là thay vì việc người tham gia đấu giá hàng hóa trả tiền mua hàng hóa với giá cao theo nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu lợi ích kinh doanh, thì nay họ sẵn sàng trả tiền mua hàng hóa với giá cao không chỉ vì nhu cầu cá nhân mà còn vì một mục đích cao cả đó là “làm từ thiện”. Điều này sẽ tôn vinh tấm lòng cao cả của cả người mua và người bán trong giao dịch này.

Cả pháp luật về đấu giá hàng hóa nói riêng và pháp luật về đấu giá tài sản nói chung hiện nay đều không điều chỉnh hoạt động “đấu giá từ thiện”. Do vậy, khi gặp phải những rắc rối phát sinh từ hoạt động này, cơ quan chức năng vẫn đang rất lúng túng khi giải quyết. Có thể thấy rằng, pháp luật của Việt Nam điều chỉnh về vấn đề này còn quá nhiều lỗ hổng. Và không ít ý kiến khác nhau, với bức xúc của một số người, họ đã quy kết trách nhiệm cho “Ban tổ chức chương trình đấu giá”, hay người thắng cuộc trong cuộc đấu giá… Dưới góc độ pháp lý của nhà làm luật và áp dụng các quy định pháp luật trong thực tiễn thì chúng ta không thể phủ nhận rằng, hoạt động “đấu giá từ thiện” chưa được pháp luật về đấu giá tài sản điều chỉnh kịp thời.

3.2. Phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật về đấu giá hàng hóa

Theo ý kiến cá nhân của tác giả, để hoàn thiện pháp luật về đấu giá hàng hóa tại Việt Nam, cần chú trọng vào các nội dung chính sau:

3.2.1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về đấu giá hàng hóa thống nhất với quy định pháp luật về đấu giá tài sản

* Về nguyên tắc đấu giá

- So sánh với đấu giá hàng hóa, đấu giá tài sản ghi nhận nhiều hơn đấu giá hàng hóa các nguyên tắc “liên tục, khách quan, bình đẳng”, nguyên tắc “mọi cuộc đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục”. Có thể thấy rằng, khi được ghi nhận thêm các nguyên tắc này, cuộc đấu giá sẽ được tiến hành một cách chuyên nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hơn rất nhiều. Vì vậy, theo ý kiến của tác giả, nên sửa đổi, bổ sung Điều 188 Luật Thương mại năm 2005 về nguyên tắc đấu giá theo hướng như sau:

“1. Việc đấu giá hàng hoá trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

2. Mọi cuộc đấu giá đều phải tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá hàng hóa quy định tại Luật này”

Ở đây, không đặt ra việc có sự tham gia của đấu giá viên vào các cuộc đấu giá, bởi về bản chất, đấu giá hàng hóa là một hoạt động thương mại, mang tính linh hoạt rất cao, mục đích hướng tới cuối cùng luôn là đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Chỉ cần cuộc đấu giá có người điều hành đấu giá (không cần là đấu giá viên), tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo luật định, như vậy đã là điều kiện đảm bảo để cuộc đấu giá được tổ chức thành công và hiệu quả.

* Về người tổ chức đấu giá

 Trong bán đấu giá hàng hóa, người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá. Có thể thấy rằng, để tiến hành tổ chức một cuộc đấu giá hàng hóa phải không phải đơn giản, người tổ chức đấu giá sẽ phải thực hiện rất nhiều công việc. Đối với người tổ chức bán đấu giá là chủ thể tự bán hàng hóa của mình, việc này lại càng khó khăn hơn. Do vậy, theo ý kiến của tác giả, để nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá, nên sửa đổi, bổ sung quy định người tổ chức đấu giá giống với quy định người tổ chức đấu giá được ghi nhận tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản, đó là:

“1. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

2. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản.”

* Về khoản tiền đặt trước

Quy định hiện hành về khoản tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá phải nộp đó là không quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa được đấu giá. Theo ý kiến của tác giả, khoản tiền đặt trước phải nộp như vậy là ít, không mang nặng tính răn đe đối với các trường hợp rút lại giá đã trả và từ chối mua hàng hóa. Vì vậy, theo ý kiến của tác giả, nên sửa đổi lại khoản tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 15% giá khởi điểm của hàng hóa giống với quy định của hoạt động đấu giá tài sản. Như vậy, tùy từng cuộc bán đấu giá, tùy thuộc vào mục đích của người tổ chức bán đấu giá mà có thể lựa chọn quy định khoản tiền đặt trước hợp lý.

* Về vệc xử lý hậu quả của đấu giá không thành

Theo quy định về đấu giá tài sản thì khi đấu giá không thành tài sản sẽ được trả lại cho người có tài sản đấu giá. Trong khi các quy định về đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005 không đề cập tới. Vì vậy, theo ý kiến của tác giả, cần bổ sung thêm quy định “Hàng hóa được trả lại cho người bán hàng hóa khi đấu giá không thành” tại Điều 202 Luật Thương mại 2005.

3.2.2. Quy định chi tiết, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật về đấu giá hàng hóa để tăng hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về đấu giá hàng hóa

- Nâng cao hiệu quả hoạt động bán đấu giá hàng hóa và hiệu lực của văn bản đấu giá hàng hóa theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa đã được bán đấu giá. Do đó, để tăng hiệu quả hơn cho hoạt động bán đấu giá hàng hóa thì cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn so đối với văn bản bán đấu giá và các giấy tờ hợp lệ khác để chúng thực sự có hiệu lực hơn với vai trò là căn cứ pháp lý cho việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa bán đấu giá.

          - Cần quy định cụ thể cách tính các loại thời hạn trong đấu giá hàng hóa để khắc phục các vướng mắc có liên quan trong thực tế.

          - Cần quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đơn giản và nhanh chóng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển quyền đồng thời nâng cao hiệu lực của văn bản bán đấu giá hàng hóa. Quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa, bán đấu giá hàng hóa của người mua được hàng hóa cần được đảm bảo theo hướng đã mua hàng hóa, qua tổ chức đấu giá với trình tự thủ tục chặt chẽ, công khai thì người mua trở thành chủ sở hữu chủ sử dụng hàng hóa trong mọi trường hợp. Nếu quyền và lợi ích của người có hàng hóa đấu giá bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm, kể cả phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra trên thực tế. Việc quy định như trên sẽ đem lại niềm tin lớn cho các bên tham gia đấu giá đặc biệt là với người mua được hàng hóa do quyền, lợi ích hợp pháp của họ đã được bảo vệ một cách chắc chắn.

3.2.3. Cần có biện pháp điều chỉnh hợp lý đối với hoạt động “đấu giá từ thiện”

Xung quanh vấn đề “đấu giá từ thiện” và “giải quyết hậu quả của những vụ xù tiền trong đấu giá từ thiện”, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo luật sư Nguyễn Chiến - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, thì cần căn cứ vào Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại và Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Người trả giá có đầy đủ tư cách chủ thể để đại diện cho công ty trả giá hay không? Nếu có thì có thuộc nghĩa vụ phải trả giá theo quy định của luật này hay không? Trường hợp người trả giá không rõ danh tính, không đúng theo danh tính mà họ xưng, không được ủy quyền thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào? Những người không phải đại diện của công ty, không xác định được thuộc doanh nghiệp nào thì luật cũng xác định họ được phép đấu giá và cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Thị Bích Lan - Thẩm phán Tòa dân sự (Toà án nhân dân TP Hà Nội), lại cho rằng: "Đây là hoạt động xã hội từ thiện tổ chức theo hình thức đấu giá. Pháp luật chưa quy định cụ thể về việc này. So với các vụ việc dân sự thông thường, vụ việc này lẫn lộn giữa mục đích thương mại và mục đích xã hội từ thiện. Nên cần phải có đơn khởi kiện kèm theo thông tin về vụ việc để tòa xem xét… Có nên coi lời hứa đấu giá với sự chứng kiến của nhiều người là một chứng cứ trong một vụ án và cần thiết phải trở thành một quy định bổ sung".

Tiến sĩ Phạm Như Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Học Viện Tư Pháp), tổng hợp ý kiến của các đại biểu và cho rằng cần loại bỏ hoạt động này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật đấu giá. Trong hoạt động này, tất cả các chủ thể như ban tổ chức, người chủ hiện vật, người trả giá đều thuộc quy định của pháp luật. Quan hệ pháp luật ở đây là thuộc mua bán tài sản. Chủ thể có đủ năng lực hành vi, có xác định, có ý chí của người tham gia. Khi việc đấu giá kết thúc thì giao dịch đã hoàn thành, trách nhiệm pháp lý đã được đặt ra và người mua phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Như vậy là đã có đủ cơ sở pháp lý để xử lý vấn đề này [34].

Theo ý kiến của tác giả, thì nên chăng, với những vi phạm trong đấu giá, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện nay, tại sao chúng ta không sử dụng đến việc yêu cầu thực hiện hợp đồng đã được ký kết giữa các bên theo Luật Thương mại năm 2005. Việc không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết mà không có sự đồng ý của bên còn lại, gây thiệt hại thì phải thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định rất rõ tại Điều 302, Điều 303, Luật Thương mại năm 2005.

Trường hợp nếu lỗi do bên tổ chức đấu giá gây ra làm chủ sở hữu tài sản không thực hiện được việc bán tài sàn thì tổ chức đâu giá phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trường hợp này là rất khó xác định, bởi lẽ, tổ chức đấu giá chỉ như một đơn vị đại diện thay mặt chủ sở hữu tài sản thực hiện việc bán đấu giá tài sản/hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đấu giá thành, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thiết lập, nhưng người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với chủ sở hữu tài sản. Cụ thể: (i) chủ sở hữu không thực hiện được mục đích bán tài sản theo giá ấn định và mức chênh lệch cao nhất có thể; và (ii) tốn kém chi phí tổ chức bán đấu giá…

Thiết nghĩ, dù luật nào điều chỉnh, thì việc đấu giá tài sản đều phải thực hiện theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 9, Bộ luật Dân sự năm 2005. Với nguyên tắc chung này, chúng ta sẽ có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại khi một trong các bên vi phạm hợp đồng đã ký kết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ luật Dân sự 2005;

2.     Luật Thương mại 2005;

3.     Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản;

4.     Luật Thương mại 1997;

5.     Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản;

6.     Nghị định 86/1996/NĐ-CP ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản;

7.     Đại từ điển Tiếng Việt

8.     Đại tư điển bách khoa Việt Nam

9.     Từ điển luật học, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp;

10. Giáo trình Luật thương mại tập II, Trường đại học Luật Hà Nội, NXB.CAND, Hà Nội, 2009;

11. Lê Hoàng Oanh,  Bình luận các vấn đề mới của luật thương mại trong điều kiện hội nhập, 2007;

12. Nguyễn Mạnh Cường, Nhận diện về đấu giá hàng hoá trong pháp luật thương mại, Tạp chí Nhà nước và pháp luật Số 11/2010;

13. Đấu giá Hà Lan, lịch sử và những vấn đề áp dụng (http://www.tuvanluat.com.vn);

14. Chiêu độc trên sàn đấu giá – Bài 3: Chưa đấu đã thắng  (http://nld.com.vn);

15. “Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện (http://dantri.com.vn);

16. Đấu giá từ thiện được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam (http://www.luatdaiviet.vn);

17. Cơ sở pháp lý nào cho đấu giá làm từ thiện (http://www.baomoi.com);

18. Và một số thông tin, tài liệu khác.Kinh nghiệm bán đấu giá quyền sử dụng đất tại Mỹhttp://www.saga.vn/view.aspx?id=23254;

19. Nghiên cứu đổi mới hệ thống quản lý đất đai để hình thành và phát triển thị trư­ờng bất động sản ở Việt Nam, Nguyễn Đình Bồng (2005), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nư­ớc;

20. “Thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất, An ninh thủ đô ngày 26/07/2008;

21. Hà Nội – Đấu giá năm 2009 đạt 3.480 tỷ đồng – Hà Nội mới ngày 16/01/2010;

22. Thu 660 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Xuân Phươngwww.baomoi.com ngày 02/10/2008;

23. Hà Nội – Chợ đấu giá quyền sử dụng đất “thưa thớt” – Theo ATP Việt Nam ngày 25/08/2008, www.atpvietnam.com;

24. Điều chỉnh phí đấu giá quyền sử dụng đất - http://landtoday.net/vn/tintuc/29098/dieu-chinh-phi-dau-gia-quyen-su-dung-dat.aspx;

25. Và một số thông tin, tài liệu khác.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới

2.     Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

3.     Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020

4.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn liện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

5.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn liện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

6.     Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005

7.     Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Pháp

8.     Luật Thương mại năm 1997, 2005

9.     Luật đất đai năm 2003

10. Luật Doanh nghiệp năm 2005

11. Luật Thi hành án dân sự năm 2008

12. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2008

13. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008

14. Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

15. Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai

16. Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất

17. Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 về Kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án

18. Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 quy định về thủ tục cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án

19. Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 ban hành quy chế bán đấu giá tài sản

20. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản (thay thế Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 ban hành quy chế bán đấu giá tài sản)

21. Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp

22. Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai

23. Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển đối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

24. Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

25. Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008

26. Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

27. NGhị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản (thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản)

28. Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất

29. Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản

30. Thông tư số 399/PLDSKT ngày 07/4/1997 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 ban hành quy chế bán đấu giá tài sản

31. Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất

32. Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước về bán đấu giá

33. Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản

34. Giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học luật Hà Nội (1994), Nxb Tư pháp, Hà Nội (tr55)

35. Viện Khoa học Pháp lý –Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội

36. Davis. W.Pearce (1999), Từ điển kinh tế học hiện đại, NXB CHÍnh trị quốc gia, Hà Nội

37. Lê Minh Thông (2001), “Một số vấn đề lý luận về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội (tr228).

38. Pháp luật Trung Quốc về bán đấu giá tài sản, Tạp chí dân chủ và Pháp luật số 10(tr26-27) (2006)

39. Bán đấu giá tài sản ở Nhật Bán, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 10 (tr28-32) (2006)

40. Các quy định pháp luật nước ngoài về bán đấu giá tài sản (tài liệu tham khảo) (Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ tư pháp (2004)

41. Vietbao.vn ngày 05/12/2005

42. tuoitreonline.com.vn ngày 26/6/2005

43.  “Đấu Giá” http://vi.wikipedia.org

 

 

 

 



[1] “Đấu giá” http://vi.wikipedia.org

[2] Davis W.Pearce (1999), Từ điển kinh tế học heienj đại, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, NXB Tư pháp, Hà Nội.

[4] Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, NXB Tư pháp, Hà Nội (tr 66).

[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (1994), “Giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật”, NXB Tư pháp, Hà Nội (tr 55).

[6] Lê Minh Thông (2001), “Một số vấn đề lý luận về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội (tr228).

[7] “Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia” Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2011 về bán đấu giá tài sản

[8] Điều 16, Nghị định số 17/20010/NĐ-CP

[9] Chiêu độc trên sàn đấu giá – Bài 3: Chưa đấu đã thắng - http://nld.com.vn/145127p0c1002/bai-3-chua-dau-da-biet-nguoi-thang.htm

[10] “Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - http://dantri.com.vn/c36/s20-443345/xu-va-nhung-ke-ho-trong-dau-gia-tu-thien.htm

[11] Đấu giá từ thiện được quy định như thế nào theo pháp luật việt nam - http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/dau-gia-tu-thien-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-theo-phap-luat-viet-nam

[12] Hà Nội – Đấu giá năm 2009 đạt 3.480 tỷ đồng – Hà Nội mới ngày 16/01/2010

[13] Thu 660 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Xuân Phươngwww.baomoi.com ngày 02/10/2008

[14] “Thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất, An ninh thủ đô ngày 26/07/2008

[15] Hà Nội – Chợ đấu giá quyền sử dụng đất “thưa thớt” – Theo ATP Việt Nam ngày 25/08/2008, www.atpvietnam.com

 

[16]Thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất; An ninh thủ đô ngày 26/07/2008

[17] Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn

[18] Đại học Luật Hà Nội

[19] Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn

[20] Giá đất mới cho năm 2006 – chưa sát với giá thực tế, Thời báo kinh tế Việt Nam, tháng 1/2006.

[21] Khung giá đất 2008 mới bằng 80% giá thị trường, Nông thôn ngày nay, ngày 13/12/2007 (www.vntrades.com)

[22] Bảng giá đất năm 2010 của TP. HCM: Có đột phá - http://land.cafef.vn/20091205031945580CA35/bang-gia-dat-nam-2010-cua-tphcm-co-dot-pha.chn

[23] “Thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất, An ninh thủ đô ngày 26/07/2008

[24] Hà Nội – Đấu giá năm 2009 đạt 3.480 tỷ đồng – Hà Nội mới ngày 16/01/2010

[25] Thu 660 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Xuân Phươngwww.baomoi.com ngày 02/10/2008

[26] Hà Nội – Chợ đấu giá quyền sử dụng đất “thưa thớt” – Theo ATP Việt Nam ngày 25/08/2008, www.atpvietnam.com

 

[27]Thông thầu” trong đấu giá quyền sử dụng đất; An ninh thủ đô ngày 26/07/2008

[28] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

[29] Điều chỉnh phí đấu giá quyền sử dụng đất - http://landtoday.net/vn/tintuc/29098/dieu-chinh-phi-dau-gia-quyen-su-dung-dat.aspx

[30] Giáo trình Luật thương mại tập II, Trường đại học Luật Hà Nội, NXB.CAND, Hà Nội, 2009.

 

[31] Chiêu độc trên sàn đấu giá – Bài 3: Chưa đấu đã thắng - http://nld.com.vn/145127p0c1002/bai-3-chua-dau-da-biet-nguoi-thang.htm

[32] “Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - http://dantri.com.vn/c36/s20-443345/xu-va-nhung-ke-ho-trong-dau-gia-tu-thien.htm

[33] Đấu giá từ thiện được quy định như thế nào theo pháp luật việt nam - http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/dau-gia-tu-thien-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-theo-phap-luat-viet-nam

[34] Cơ sở pháp lý nào cho đấu giá làm từ thiện - http://www.baomoi.com/Co-so-phap-ly-nao-cho-dau-gia-tai-san-lam-tu-thien/45/5356626.epi

 

File đính kèm downloadTải về