• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp mà ngành Tư pháp thực hiện quản lý trong điều kiện hiện nay
Nội dung tóm tắt

Trong thời gian vừa qua, với chủ trương cải cách nền hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và xây dựng nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thúc đẩy sự tích cực của các cơ quan công quyền trong việc tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật. Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Mặc dù vậy, trong thời gian vừa qua, việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành tư pháp còn hạn chế. Có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này cơ quan quản lý bị đánh giá là chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiều văn bản được ban hành không lường trước hết được dư luận quần chúng nhân dân, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền. Hoặc là việc tổ chức thực hiện hoạt động công chứng chưa giải quyết được sức ép quá tải tại các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, công tác thi hành án dân sự còn nhiều tồn đọng...

Tất cả các vấn đề trên đây ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chúng ta thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện đề tài nghiên cứu: “Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về những hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp mà ngành Tư pháp chịu trách nhiệm thực hiện hoặc quản lý” trong điều kiện hiện nay là cấp thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần tạo môi trường xã hội, môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, công khai, minh bạch. Thông qua việc nghiên cứu những vấn đề về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân, đề tài đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả việc thu hút ý kiến của nhân dân đối với các vấn đề pháp luật và tư pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành tư pháp; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả, phát huy dân chủ, công khai minh bạch trong quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Nội dung của đề tài:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

1. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong quản lý nhà nước

1.1. Nhân dân và quyền giám sát, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội

Tùy từng lĩnh vực, tùy từng ngữ cảnh, “nhân dân” có thể được hiểu là dân cư (hiểu theo nghĩa rộng), là một cộng đồng người thay đổi trong lịch sử (hiểu theo nghĩa triết học), là cử tri (trong lĩnh vực về bầu cử), là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản (trong việc lấy ý kiến nhân dân về dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật), là bất kỳ bên nào liên quan đến quyết định nhưng không phải là bên có quyền ra quyết định quản lý nhà nước (trong quản lý nhà nước)...

Theo Điều 8, 9, 10, 11 và 53 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), cùng với quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân, quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, công chức, viên chức nhà nước của người dân... thì Nhà nước phải có nghĩa vụ lắng nghe ý kiến của người dân, nghĩa vụ giải trình, nghĩa vụ tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân...

 “Sự tham gia của nhân dân” được hiểu là bất kỳ một hoạt động nào, bất kỳ quá trình nào nhằm tìm hiểu các chuẩn mực trong nhân dân về vấn đề được đưa ra để thu hút sự tham gia của nhân dân nhằm tối ưu hoá việc ra quyết định. Nếu không có sự tham gia này, các cơ quan nhà nước có nguy cơ sa vào các vấn đề thuần tuý chuyên môn mà quên mất tầm chính sách, không có chủ thuyết để theo; sự tham gia của nhân dân là yếu tố căn bản của chủ thuyết “quản lý nhà nước tốt” (good government)[1]. Nhân dân hiểu rõ họ cần cái gì, nên có thể đưa ra nhiều giải pháp tốt mà các chuyên gia cũng không ngờ tới. Một lý do nữa để thu hút sự tham gia của nhân dân là khi được tham gia, nhân dân thấy mình thực sự là một thành viên, có vai trò tích cực trong quá trình làm ra văn bản, quyết định đó nên văn bản sẽ được tiếp nhận và ủng hộ nhiều hơn sau khi ban hành, giúp cho việc thực hiện pháp luật thuận lợi hơn.

Nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định với nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ cần xác định rõ mục tiêu, mục tiêu cần phải được giải thích cho tất cả đều hiểu; ứng với từng cấp độ cần gửi những thông điệp rõ ràng (cấp độ thông tin, cấp độ tư vấn, cấp độ thu hút ý kiến nhân dân; cấp độ cộng tác với nhân dân; cấp độ trao quyền quyết định cho nhân dân).

Để sự tham gia của nhân dân thành công, nên chú ý đến những điểm sau:

- Thứ nhất, thu hút ý kiến tham gia của nhân dân muốn thành công đòi hỏi phải có sự đối thoại chứ không phải độc thoại.

 - Thứ hai, thiết lập lòng tin, sự tín nhiệm trong nhân dân thông qua sự công khai, cởi mở.

- Thứ ba, khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

- Thứ tư, cam kết với nhân dân về việc tiếp thu ý kiến.

- Thứ năm, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để nhân dân tham gia có ý kiến một cách có hiệu quả, gồm có: cung cấp thông tin; đơn giản hóa các vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân; tập huấn những kỹ năng cần thiết cho nhân dân trong việc tham gia ý kiến; giáo dục pháp luật. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc lập kế hoạch tính đến những thay đổi về quyền lợi của nhân dân; hiểu và tôn trọng các quan điểm của những bên liên quan khác; có những bước đi để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả những ai quan tâm có thể nhận thông tin và tham gia vào quá trình lấy ý kiến.

1.2. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong quản lý nhà nước

Ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung có thể hiểu là cách nhìn nhận, đánh giá của nhân dân đối với những hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Với các nhà nước dân chủ, việc tiếp thu ý kiến nhân dân là một việc làm có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước nhằm phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân.

Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước có thể được hiểu với nghĩa chung nhất là toàn bộ các thiết chế, nguyên tắc, hình thức, phương pháp và biện pháp tổ chức việc tiếp nhận, những điều kiện đảm bảo thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy dân chủ. Tùy theo tính chất của từng loại quan hệ quản lý[2] tính chất của từng loại ý kiến nhân dân mà có các cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi khác nhau (cả về thủ tục thực hiện, hình thức đưa tin và tiếp nhận tin, chủ thể có trách nhiệm, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan...).

Theo công đoạn của quá trình xử lý thông tin, có thể chia quá trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân thành các công đoạn:

- Tiếp nhận ý kiến của nhân dân: tùy theo hình thức và loại ý kiến có cơ chế tiếp nhận khác nhau (ý kiến trực tiếp, ý kiến gián tiếp, ý kiến bằng văn bản, ý kiến bằng lời nói...) với các trình tự, thủ tục khác nhau;

- Phân loại ý kiến: căn cứ vào tính chất của ý kiến và chức năng quản lý của từng cơ quan để phân loại các ý kiến: các ý kiến góp ý, các ý kiến tư vấn, các ý kiến thăm dò dư luận, các ý kiến khiếu nại, tố cáo...;

- Xử lý ý kiến: mỗi loại ý kiến có một cơ chế xử lý khác nhau theo quy trình khác nhau;

- Phản hồi ý kiến: cũng căn cứ vào từng loại ý kiến nhân dân mà cơ chế phản hồi khác nhau: với các ý kiến tư vấn, góp ý, phản biện... thì cơ quan nhà nước có cơ chế tổng hợp khái quát từng vấn đề và phản hồi theo các nhóm vấn đề trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng; đối với các khiếu nại, tố cáo thì phải có cơ chế phản hồi đối với từng ý kiến cụ thể trong thời hạn luật định.

1.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc thu hút ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước

Với chủ trương cải cách nền hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và xây dựng nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách, liên quan đến việc thúc đẩy sự tích cực của các cơ quan công quyền trong việc tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những phân tích về các quan điểm chỉ đạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X.

Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước, trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm thể chế hóa chủ chương này. Các văn bản chủ yếu đề cập đến những nội dung này bao gồm: Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001); Luật tổ chức Quốc hội năm 2002; Luật tổ chức Chính phủ năm 2002; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban năm 2003; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Các văn bản pháp luật này đã quy định rõ việc tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua các hình thức như sau: tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước; tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội; tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở; trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước.

2. Chức năng của ngành tư pháp và đặc thù của cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong hoạt động quản lý của ngành

2.1. Đặc thù hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và sự cần thiết của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân đối với hoạt động của Bộ Tư pháp

Từ chức năng và nhiệm vụ, có thể thấy ngành tư pháp có một số đặc thù so với các  ngành khác như sau:

Thứ nhất, trong quan hệ với quyền lập pháp, ngành tư pháp có vai trò là đầu mối, giúp Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng chiến lược pháp luật, chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm, trực tiếp xây dựng các đạo luật quan trọng trên một số lĩnh vực, thẩm định, góp ý, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành tư pháp có quan hệ mật thiết với cải cách lập pháp với việc xác định nhu cầu tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong tương lai.

Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho hệ thống pháp luật giữ vững bản chất nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân; khắc phục tình trạng pháp luật phục vụ cho những nhóm lợi ích nhỏ trong xã hội.

Thứ hai, trong quan hệ với quyền hành pháp, ngành Tư pháp có vai trò là cơ quan của Chính phủ giúp chính phủ quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, như theo dõi công tác thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp), quản lý nhà nước về một số dịch vụ công như bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách... Do vậy, các hoạt động quản lý của ngành tư pháp không thể thoát ly khỏi các hoạt động quản lý nói chung của ngành hành pháp và có quan hệ mật thiết với các định hướng cải cách hành chính giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên các mặt thể chế, tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cán bộ, cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá...

Với đặc thù này, việc làm tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho Ngành Tư pháp có thể kịp thời phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những khiếm khuyết hoặc những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, trong quan hệ với quyền tư pháp, ngành Tư pháp quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (như luật sư, công chứng, giám định, thi hành án...), đào tạo các chức danh tư pháp, thậm chí là quản lý các toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (trước đây)... Những hoạt động trên có gắn bó mật thiết với định hướng cải cách tư pháp giai đoạn từ nay đến năm 2020, đặc biệt là các chủ trương về xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ tư pháp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp lấy trọng tâm là xây dựng hệ thống toà án theo cấp xét xử, tăng cường tính độc lập của toà án, cải cách thủ tục tư pháp theo hướng tăng cường tranh tụng....

Đây là một mối quan hệ đặc biệt giữa ngành tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong trường hợp này giúp cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng và niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật và công lý.

Thứ tư, hoạt động của ngành tư pháp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, ngành tư pháp được coi là “người gác cổng” cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thúc đẩy hiệu quả thi hành pháp luật. Vì đặc thù này, việc tiếp nhận ý kiến nhân dân sẽ giúp cho ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng của mình, giúp cho hệ thống pháp luật phản ánh được ý chí và nguyện vọng thực sự và một cách trực tiếp của nhân dân.

Thứ năm, hoạt động của ngành tư pháp có liên quan nhiều đến việc ban hành và thực thi quyền con người, quyền công dân. Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, lĩnh vực liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Vì đặc trưng này, việc xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân một mặt nhằm phát huy trí tuệ và đóng góp của nhân dân nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo trật tự quản lý và đúng pháp luật, tránh trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền để làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước.

2.2. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

a) Khái niệm và phân loại ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

Có nhiều cách phân loại ý kiến của nhân dân trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước nói chung, ngành tư pháp nói riêng.

* Dựa vào tính chất của lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp có thể phân loại các ý kiến nhân dân thành các nhóm sau:

Nhóm 1: Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật (xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật)

Theo quy định của pháp luật hiện hành, phạm vi các chủ thể có thể đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất rộng. Bao gồm: các chuyên gia, nhà khoa học, quần chúng nhân dân, các hội, đoàn thể quần chúng, các hiệp hội doanh nghiệp...

Đặc trưng của nhóm ý kiến liên quan đến vấn đề này là:

- Tính chất tự nguyện, tự giác của việc cho ý kiến. Các ý kiến này có thể không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của một người cụ thể, mà liên quan đến một hoặc nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

 - Các ý kiến được gửi đến thông qua nhiều phương tiện, cách thức khác nhau như: góp ý trực tiếp, thông qua cổng thông tin điện tử của các cơ quan có chức năng, thông qua báo chí, thông qua các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm...

- Hiệu quả của việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và mức độ dân chủ trong hoạt động xây dựng chính sách.

Nhóm 2: Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp (với nghĩa là quản lý hành chính nhà nước về công tác tư pháp: thi hành án, hành chính tư pháp, quản lý bổ trợ tư pháp...)

Tính chất của nhóm ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này:

- Liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

- Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này được quy định chặt chẽ bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước (pháp luật về khiếu nại, về tố cáo; pháp luật liên quan đến trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, cán bộ công chức trong việc tiếp công dân xử lý và phản hồi kiến nghị của nhân dân).

- Ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực này thường là rất phức tạp. Vì vậy, việc xử lý, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của nhân dân trong nhiều trường hợp khó khăn và kéo dài, nhất là trong lĩnh vực giải quyết các yêu cầu kiến nghị liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

- Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành tư pháp được gửi trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị thuộc ngành tư pháp với một số phương thức khác nhau như: đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, yêu cầu trả lời...

* Dựa vào tính chất của từng loại ý kiến có thể phân thành các nhóm ý kiến nhân dân trong mối quan hệ với hoạt động của ngành tư pháp như sau:

- Các ý kiến của nhân dân góp ý, tư vấn, phản biện... trong lĩnh vực xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật của ngành tư pháp.

- Các ý kiến nhân dân góp ý, tư vấn nhằm giúp cơ quan quản lý của ngành tư pháp phát hiện các bất cập, cũng như đề ra các giải pháp cụ thể trong các nghiệp vụ quản lý chuyên môn của ngành (như các giải pháp trong việc triển khai cơ chế một cửa, các giải pháp quản lý trong các lĩnh vực chuyên ngành: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý...).

- Các ý kiến nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực quản lý của ngành.

b) Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp cũng có những đặc điểm chung của cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực quản lý nhà nước (như đã nêu trên), nhưng bên cạnh đó nó cũng có những đặc thù nhất định xuất phát từ đặc thù quản lý của ngành tư pháp. Cụ thể là:

- Một trong những loại ý kiến của nhân dân quan trọng nhất ngành tư pháp phải tiếp thu là ý kiến đối với hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật. Trong lĩnh vực này, cơ quan nhà nước nói chung, ngành tư pháp nói riêng là chủ thể chủ động và tích cực, có trách nhiệm thu hút sự chú ý của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật; là quá trình đòi hỏi cơ quan nhà nước phải chủ động và có biện pháp để huy động tối đa và hiệu quả ý kiến của người dân và của toàn xã hội vào quá trình hoạch định chính sách pháp luật.

- Ngành tư pháp ngoài việc phải xây dựng các thể chế phục vụ cho công tác quản lý của ngành (như xây dựng thể chế trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý, thi hành án, hành chính tư pháp...), thì còn có chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, theo dõi chung việc thi hành pháp luật... Do vậy, các ý kiến nhân dân (góp ý, tư vấn, phản biện chính sách, thăm dò dư luận...) không chỉ gói gọn trong việc xây dựng các thể chế của ngành, mà còn mở rộng đến bất cứ lĩnh vực nào. Bất kể các ý kiến phản ánh của người dân về sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, về các ý kiến góp ý, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật của quốc gia... ngành tư pháp đều có trách nhiệm phải tiếp thu và giải trình.

Ngoài ra, với tư cách là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ và UBND các cấp về việc thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nói riêng, ngành tư pháp nói chung có trách nhiệm yêu cầu các chủ thể xây dựng pháp luật phải chủ động tham vấn ý kiến nhân dân, xử lý, tiếp thu và giải trình các vấn đề cụ thể trong trường hợp cần thiết. Nhất là việc đánh giá tác động kinh tế, xã hội đối với văn bản trước khi ban hành.

Sau cùng, với chức năng theo dõi chung việc thi hành pháp luật, thì các ý kiến của nhân dân phản ánh về tình trạng thi hành pháp luật không nghiêm trên các lĩnh vực cụ thể, các đề xuất, giải pháp của nhân dân về nâng cao chất lượng thi hành pháp luật thuộc các lĩnh vực này cũng có thể phản ánh đến ngành tư pháp và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành tư pháp có trách nhiệm tiếp thu, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

- Trong hoạt động quản lý của ngành liên quan đến lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp như: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự... thì việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi các ý kiến của người dân ngoài những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý hành chính như các bộ, ngành khác thì cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân trên các lĩnh vực này cũng có những đặc thù cụ thể. Trong đó nhiều ý kiến có liên quan trực tiếp đến quá trình tố tụng tư pháp (như điều kiện, tiêu chuẩn, tư cách của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, giám định viên tư pháp, các ý kiến khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự...) nên việc tiếp thu, xử lý và phản hồi các ý kiến này ngoài việc tuân thủ các quy trình hành chính thông thường, trong nhiều trường hợp phải căn cứ vào các quy định nghiêm ngặt có liên quan đến quá trình tố tụng tư pháp và phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, kiểm sát, công an).

II. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

1. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật

1.1. Thực trạng các quy định của pháp luật về sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam

Sau khi phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật về sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam nhóm nghiên cứu đã có một số nhận xét chung về thực trạng pháp luật huy động sự tham gia của nhân dân nói chung vào xây dựng pháp luật.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các văn bản liên quan tiếp tục khẳng định quyền tham gia ý kiến của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật theo hướng cởi mở và khuyến khích sự tham gia của nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động xây dựng pháp luật đáp ứng bản chất nhân dân. Tuy nhiên, những quy định hiện hành mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc về quyền được hỏi ý kiến của người dân nhưng chưa có cơ chế thích hợp ràng buộc cơ quan nhà nước thực hiện những quyền đó.

- Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về cách thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tùy thuộc vào cơ quan chủ trì soạn thảo.

- Các điều kiện đảm bảo về nhân lực, kinh phí cho hoạt động này cũng chưa được quan tâm một cách đúng mực. Vì vậy, với kinh phí khiêm tốn của việc xây dựng pháp luật thì cũng khó có thể triển khai việc lấy ý kiến, phản hồi ý kiến nhân dân.

- Các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, trưng cầu ý dân... chưa được quy định cụ thể làm hẹp khả năng tiếp cận và phát biểu ý kiến nhân dân đối với những chính sách và văn bản quan trọng.

1.2. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Bộ Tư pháp

Nhóm nghiên cứu đã phân tích kỹ vai trò của Bộ Tư pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật từ 1945 đến nay. Với tư cách là thành viên của Chính phủ và là cơ quan tham mưu của Chính phủ về mặt pháp luật, Bộ Tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc soạn thảo các bản Hiến pháp của Nhà nước ta qua từng thời kỳ cách mạng, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Nhà nước dân chủ nhân dân đến Hiến pháp 1992 của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay, việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Bộ Tư pháp được thực hiện thông qua các cách thức chủ yếu như:

- Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

- Báo chí;

- Khảo sát, điều tra tình hình thi hành pháp luật tại các địa phương, bộ, ngành khác;

- Ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm;

- Các diễn đàn trao đổi thông tin khoa học pháp lý, hội thảo, hội nghị.

a) Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp

Theo Quy chế hoạt động của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 4146/QĐ-BTP ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đối với các dự thảo văn bản được thực hiện thông qua Cổng thông tin của Bộ. Kết quả việc tiếp nhận ý kiến nhân dân đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua là tương đối hạn chế về số lượng ý kiến mặc dù Cổng thông tin của Bộ đã đăng tải các dự thảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xử lý và phản hồi các ý kiến đóng góp đối với các dự thảo văn bản được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ:

Theo quy chế thông tin của cổng thông tin, các ý kiến đóng góp sẽ được Trung tâm tin học xử lý. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm tin học sẽ chuyển đến các Vụ chuyên môn phụ trách đối với các dự thảo văn bản để lấy ý kiến trả lời. Các ý kiến này được phản hồi ở 2 mức độ:

1. Khi gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo, người đóng góp sẽ nhận được xác nhận đã nhận và lời cảm ơn của Ban Biên tập Cổng thông tin (Trả lời tự động - đã được lập trình sẵn).

2. Nếu ý kiến đóng góp đúng nội dung chủ đề cần lấy ý kiến của Ban soạn thảo thì sẽ được tập hợp trong Tờ trình của Ban soạn thảo gửi cơ quan và người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến góp ý được giải thích một cách ngắn gọn trong Tờ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

b) Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua cơ quan báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của các đơn vị  trong lĩnh vực pháp lý

- Báo: Việc đăng tải các nội dung thảo luận, góp ý đối với các dự thảo và quy định của pháp luật hiện hành góp phần quan trọng trong việc phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với nhân dân và bước đầu đã góp phần giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến còn ở mức độ hạn chế và hầu hết các báo chưa có chuyên mục đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật (trừ Báo Pháp luật Việt Nam có chuyên mục liên quan). Các dự thảo văn bản được đăng tải trên các báo chưa đầy đủ và thường xuyên.

- Tạp chí: các tạp chí trong lĩnh vực pháp lý không tham gia trực tiếp vào việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tạp chí lại có vai trò rất quan trọng trong việc đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật, ý kiến của nhân dân trong việc đóng góp vào văn bản quy phạm pháp luật đang được soạn thảo.

Trong thực tế, khoảng 1-2 tháng trước thời điểm Quốc hội thảo luận, thông qua dự thảo những đạo luật quan trọng, các tạp chí này đều dành khoảng 1/2 dung lượng để đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật về những vấn đề cần hoàn thiện trong dự thảo các văn bản pháp luật được trình thông qua.

- Trang thông tin của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ: Viện Khoa học Pháp lý (http://www.irl.moj.gov.vn); Đại học Luật Hà Nội (http://www.hlu.edu.vn); Học Viện Tư pháp (http://www.judaca.edu.vn); Cục Công nghệ thông tin (http://cntt.botuphap.vn/Home). Khảo sát thực trạng các trang thông tin của các đơn vị trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, các trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ có một số thông tin liên quan đến hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật, trao đổi về một số chuyên đề pháp luật song chưa có chuyên mục đăng tải các dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật, chưa có diễn đàn trao đổi về việc xây dựng và thi hành pháp luật.

Thứ hai, các trang thông tin trên chủ yếu phục vụ cho phạm vi đối tượng trực tiếp liên quan đến cơ quan đơn vị, chưa thu hút được đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia và nhà khoa học pháp lý.

Thứ ba, về hình thức và giao diện của các trang thông tin trên mặc dù đã có cải tiến nhưng nhìn chung còn khá đơn điệu và kém hấp dẫn đối với độc giả và những nhà nghiên cứu. Một số đơn vị như Viện Khoa học Pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu có giá trị cho công tác nghiên cứu nhưng chưa được phổ biến trên trang thông tin.

Thứ tư, các thông tin liên quan đến khoa học pháp lý trong nước và nước ngoài chưa được đầu tư cập nhật một cách kịp thời và đầy đủ, chưa thực sự thể hiện là diễn đàn trao đổi và cung cấp thông tin khoa học pháp lý của các đơn vị hàng đầu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam.

c) Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

- Lấy ý kiến nhân dân trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp

Việc tiếp nhận ý kiến nhân dân trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thể hiện trong một số quy định cụ thể của Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Điều 14, Điều 18). Mặc dù đã có cơ sở pháp lý, nhưng đây là nhiệm vụ mới nên trong năm 2009, Bộ Tư pháp mới chỉ dừng lại ở việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác này trong năm 2010.

- Tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Thông qua các phản ảnh của phương tiện thông tin đại chúng và ý kiến của nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hay kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện được không ít những vi phạm và đã yêu cầu sửa đổi, thay thế, hoặc huỷ bỏ nhằm đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với các vấn đề mà báo chí đăng tải phản ánh các ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân đối với một dự thảo văn bản nào đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng có những phản hồi tích cực thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp đối với tính hợp hiến và hợp pháp của dự thảo. Một số ý kiến phản hồi của Bộ đã kịp thời ngăn cản sự ban hành các văn bản chính sách sai trái và nhận được sự đánh giá cao của công luận như : quy định về điều kiện sức khỏe điều khiển xe mô tô, điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế, cấm vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn đô thị...

1.3. Những hạn chế, bất cập trong việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

* Những hạn chế, bất cập: trong quá trình khảo sát thực tế và nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gặp 4 hạn chế sau:

Thứ nhất, chưa có một đầu mối thống nhất trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân đối với hoạt động xây dựng pháp luật. Theo quy định, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại không phải là cơ quan đầu mối đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tiếp nhận các ý kiến góp ý.

Thứ hai, chưa có cơ chế cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến và phản hồi ý kiến. Khâu phản hồi ý kiến nhân dân là một thủ tục quan trọng thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời, thể hiện mối quan hệ thông tin hai chiều giữa người hỏi và người tư vấn, góp ý. Tuy nhiên, việc phản hồi ý kiến nhân dân chưa được quy định trong các văn bản pháp luật quy định về việc lấy ý kiến nhân dân, dẫn đến tình trạng việc phản hồi phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng. Các ý kiến đóng góp của người dân, các doanh nghiệp không phải luôn được các Ban soạn thảo tiếp thu một cách nghiêm túc, ít có sự tổng hợp, đánh giá các ý kiến góp ý một cách đầy đủ và công khai, chưa có nhiều diễn đàn nhằm thảo luận, phản biện công khai khi có các ý kiến đóng góp khác nhau.

Thứ ba, cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ Tư pháp có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động của ngành. Cách thức lấy ý kiến của Bộ Tư pháp đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ giống như của các Bộ ngành khác, chưa phản ánh chức năng đặc thù của Bộ Tư pháp với vai trò của cơ quan quản lý việc xây dựng hệ thống pháp luật. Các đơn vị thuộc Bộ như Viện Khoa học Pháp lý, trường Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Bộ, trang thông tin điện tử của các đơn vị cũng chưa tạo được nhiều dấu ấn và đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ tư, quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung còn mang tính khép kín trong nội bộ, chưa khuyến khích sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội.                          

* Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập:

- Từ quy trình xây dựng pháp luật: Chương trình xây dựng pháp luật đôi khi không xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp hay các nhóm lợi ích. Quy trình lập Chương trình không tạo ra nhiều cơ hội cho nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp được phát biểu quan điểm của mình từ sớm.

Trong quy trình xây dựng pháp luật, chúng ta không coi trọng hoặc bỏ qua giai đoạn xây dựng chính sách trước khi tiến hành xây dựng văn bản. Nhiều dự thảo văn bản sau khi hoàn tất dự thảo mới rõ chính sách ở trong đó. Gắn liền với giai đoạn xây dựng và thông qua chính sách, hàng loạt các câu hỏi sẽ phải được giải đáp như: ban hành văn bản pháp luật có phải là giải pháp duy nhất? tác động của chính sách tới kinh tế - xã hội như thế nào? những nhóm người nào được hưởng lợi hoặc chịu ảnh hưởng tiêu cực? và chi phí để triển khai văn bản pháp luật... Một cách tự nhiên, khi tìm lời giải cho những câu hỏi đó đòi hỏi, cơ quan soạn thảo sẽ phải tham vấn những nhà chuyên môn để tính toán, dự báo; lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội...

Trong giai đoạn soạn thảo văn bản, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải “xoay xở” trong khoảng thời gian hạn hẹp để hoàn thành dự thảo. Đặc biệt, đối với các dự án luật, là những văn bản quan trọng nhất đòi hỏi sự tham gia của nhân dân, thì thậm chí cơ quan soạn thảo lại phải rút bớt một số công đoạn quan trọng do luật định để đảm bảo kịp tiến độ thông qua luật ở các kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, thu hút sự tham gia của nhân dân lại là công việc đòi hỏi thời gian: thời gian cho nhân dân tiếp cận với dự thảo, thời gian để họ nghiên cứu, tìm hiểu; thời gian để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giải trình...

- Từ cơ chế thực hiện: mặc dù pháp luật đã có quy định về nhiệm vụ của Ban soạn thảo dự án, dự thảo văn bản trong việc lấy ý kiến nhân dân, tuy nhiên, pháp luật lại không quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan soạn thảo và cơ chế đảm bảo thi hành quyền của nhân dân, doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức thích hợp để lấy ý kiến, trong khi người dân, doanh nghiệp lại không hiểu quyền của mình, cũng như không biết địa chỉ nào để lấy thông tin về dự thảo, thậm chí họ còn không biết được là có dự thảo để góp ý. Hơn nữa, khi cơ chế lấy ý kiến chưa được thể chế hóa bằng văn bản thì cũng rất khó khăn cho cơ quan soạn thảo trong việc huy động nguồn kinh phí, cũng như dành thời gian tương xứng.

Mặt khác, sự không rõ ràng về cơ chế công khai dự thảo văn bản dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan e ngại và cho rằng dự thảo văn bản là loại tài liệu mật. Điều đó đã làm giảm khả năng tiếp cận đến những văn bản pháp luật đang được xây dựng, từ đó hạn chế sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp vào quá trình soạn thảo, làm cho các nhóm đối tượng không có cơ hội đưa ra ý kiến của mình, việc này là phổ biến đối với những văn bản dưới luật, pháp lệnh.

Thực tế cũng chứng minh rằng cơ chế không rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện trong tổ chức, phản hồi ý kiến.

- Từ nhận thức của doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa nhận thức được quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Trái lại, thực tế thời gian qua cho thấy những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật và coi đây như một hoạt động vận động hành lang về chính sách của mình, hoạt động này rất phổ biến ở các nước phát triển. Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, không phải của mình; hoặc thờ ơ, cho rằng kể cả mình có ý kiến thì cũng không có giá trị gì và mặc nhiên chấp nhận những gì pháp luật áp đặt cho mình, bất kể là những quy định đó không hợp lý. Nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước đã rất quan tâm và mời tham gia ý kiến nhưng doanh nghiệp chỉ tham gia với tính chất đối ngoại, giữ quan hệ mà không quan tâm đến thực chất, không tham gia tích cực và đưa ra các ý kiến có giá trị.

- Khó khăn về kinh phí và nhân lực:

Nhân lực phục vụ công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung và của  Bộ Tư pháp nói riêng còn thiếu và hạn chế về tính chuyên nghiệp; kinh phí hoạt động xây dựng pháp luật hạn hẹp là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chưa hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân.

2. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành tư pháp

Căn cứ vào tính chất hoạt động quản lý và tính chất của những ý kiến của nhân dân, nhóm nghiên cứu chia làm 2 loại cơ chế khác nhau:

Một là, cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân lĩnh vực thi hành án dân sự.

Hai là, cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các hoạt động quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và quản lý đối với các tổ chức dịch vụ công thuộc ngành tư pháp.

Trong đó, do tính chất đặc thù và cũng là lĩnh vực thu hút tuyệt đại đa số ý kiến của nhân dân nên Đề tài tập trung đánh giá cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực khác không có nhiều đặc thù so với các Bộ, ngành khác nên được đánh giá một cách khái quát hơn.

2.1. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân lĩnh vực thi hành án dân sự

Hoạt động thi hành án dân sự tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các đương sự, nên việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng. Về cơ sở pháp lý, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào riêng biệt, có tính chất là văn bản chuyên ngành về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thông qua các quy định về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức việc thi hành án dân sự, thì có thể nhận thấy công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thể hiện rải rác tại nhiều điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật thi hành án dân sự năm 2008; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Một số quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn việc tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp; tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Bộ Tư pháp; ...

2.1.1. Các hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất đa dạng. Có thể nêu ra những hình thức chủ yếu sau đây:

- Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện quyền yêu cầu thi hành án;

- Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự;

- Phản ánh kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân;

- Phản ánh thông qua các phương tiện thông tin truyền thông.

2.1.2. Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Tuy chưa có văn bản nào quy định cụ thể về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhưng có thể xác định việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy trình với trình tự, thủ tục cơ bản sau đây:

a) Tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

+ Bộ phận văn thư (của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm tiếp nhận và vào Sổ nhận công văn đến văn bản do các cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đến.

Việc vào Sổ công văn đến phải được thực hiện ngay trong ngày tiếp nhận, có các thông tin cơ bản về công văn, tên tài liệu (tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, ngày tháng năm và trích yếu nội dung tài liệu). Ngay trong ngày tiếp nhận, văn thư chuyển đến lãnh đạo cơ quan để kịp thời phân loại.

 Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được tài liệu do văn thư chuyển, lãnh đạo cơ quan xem xét và phê duyệt để văn thư chuyển đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để xử lý.

Cùng ngày đó, văn thư phải vào Sổ công văn đến đối với phần ghi nơi nhận xử lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển đến đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để giải quyết.

+ Ngay trong ngày nhận được tài liệu do văn thư chuyển đến, đơn vị chuyên môn, người được giao giải quyết vụ việc phải tiếp nhận để vào Sổ chuyên môn (Sổ thụ lý thi hành án, Sở theo dõi nhận đơn và giải quyết việc thi hành án v.v.) và nghiên cứu, xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b) Xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

- Nguyên tắc xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết công việc liên quan đến ý kiến phản ánh của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc như sau:

+ Báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý để quyết định việc thụ lý giải quyết.

+ Ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết, thì có văn bản trả lời cho người phản ánh biết rõ lý do không thụ lý.

+ Đơn khiếu nại về thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì không thụ lý, nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời cho người khiếu nại.

+ Đơn thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp nhưng gửi nhiều cơ quan, trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn;

+ Đơn khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự địa phương, đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết, thì Cục thi hành án dân sự có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời yêu cầu, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm giải quyết và báo cáo kết quả;

+ Đơn khiếu nại về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thi hành án dân sự, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết, thì Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời đôn đốc các đơn vị giải quyết.

 + Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí chuyển đến, thì gửi trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân đã chuyển đơn biết.

 - Thủ tục xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp sau khi nhận đơn thư, tài liệu, thông tin phải tiến hành xử lý theo thủ tục quy định từng loại việc.

Hiện nay, thủ tục xử lý các đơn thư, tài liệu, thông tin của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự không giống nhau. Ví dụ:

+ Việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về thi hành án dân sự[3]: được thực hiện như chế độ tiếp nhận, xử lý công văn khẩn, công điện khẩn. Người cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ; nếu người cung cấp thông tin có yêu cầu được biết kết quả xử lý thông tin do mình cung cấp, thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, giải quyết phải thông báo cho người đó biết.

+ Trình tự, thủ tục và thời hạn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành án dân sự[4]: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc, chuyên viên hoặc thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải tiến hành nghiên cứu nội dung công văn, hồ sơ mà cơ quan thi hành án dân sự xin hướng dẫn nghiệp vụ và trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, phải dự thảo xong công văn đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trình kèm theo hồ sơ vụ việc để lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét. Đối với vụ việc phức tạp, thì thời hạn hoàn thành xong dự thảo công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trừ trường hợp chờ bổ sung hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị hữu quan hoặc ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.

c) Phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Sau khi đã xử lý ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phản hồi cho người phản ánh, kiến nghị. Hình thức phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Bộ Tư pháp khá đa dạng, có thể là: quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc công văn trả lời chất vấn, báo cáo giải trình, tiếp thu; văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự v.v.

2.1.3. Các điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Về tổ chức bộ máy và nhân lực: Tổng cục Thi hành án đã có bộ phận chuyên làm công tác tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án (Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo). Đây là một điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tuy nhiên, số lượng ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này được gửi đến Bộ Tư pháp là rất nhiều[5] và trong đó rất nhiều vụ việc phức tạp trong điều kiện lực lượng cán bộ còn mỏng (12 người) là một thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện công tác này.

Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí: Nhìn chung, cơ sở vật chất của các cơ quan thi hành án dân sự chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện cải cách tư pháp. So với thực tế, các mẫu thiết kế trụ sở cơ quan, kho vật chứng đã lạc hậu; phương tiện, trang thiết bị làm việc mặc dù đã được quan tâm trang cấp nhưng cũng chưa bảo đảm được yêu cầu hiện đại hoá công sở. Là một lĩnh vực phức tạp và phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều nhưng cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự không được hưởng thêm khoản trợ cấp hay phụ cấp gì. Trong bối cảnh tiền lương của cán bộ, công chức và thu nhập rất thấp của công chức như hiện nay thì đây có thể sẽ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

2.1.4. Những kết quả đã đạt được trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp trong những năm gần đây

- Hoàn thiện hơn về thể chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Từ việc nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cũng như thực tiễn công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự. Trong đó, có nhiều quy định mới hoặc hoàn thiện hơn liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với Chính phủ ban hành, hoặc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành án dân sự, trong đó có nội dung liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

- Kịp thời và hiệu quả hơn trong việc quản lý, chỉ đạo việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chức việc thi hành đạt tỷ lệ cao hơn, giảm dần án tồn đọng.

- Chú trọng và đạt kết quả cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

- Báo cáo đầy đủ, trả lời chất lượng và kịp thời hơn với Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chất vấn, phản ánh kiến nghị của cử tri về công tác thi hành án dân sự.

- Đã bảo đảm những điều kiện vật chất nhất định cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp đã bố trí phòng tiếp dân riêng biệt, bố trí cán bộ thường trực tiếp dân; lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Thanh tra Bộ và lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp dân theo lịch hàng tuần; Mở đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự từ năm 2004; Ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

2.1.5 Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

a) Hạn chế, tồn tại

- Trong quản lý, chỉ đạo thi hành án dân sự có lúc còn chưa sát, chưa kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương; vẫn còn tình trạng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự chậm trả lời, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ theo kiến nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Nhiều trường hợp chưa xử lý, phản hồi đúng trình tự, thủ tục, chất lượng giải quyết chưa cao; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có vụ việc kéo dài trong thời gian dài, các khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của nhân dân chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thi hành án, kê biên tài sản, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, tính lãi suất chậm thi hành án, không đồng tình với nội dung bản án, quyết định của tòa án, cách thức thi hành án v.v. Một số địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại về thi hành án như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh.

- Số lượng vụ việc liên quan đến phản ánh ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự phải giải quyết tồn đọng còn cao.

- Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về vấn đề này, mà chỉ có các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, với nhiều lĩnh vực khác nhau, nên khó khăn cho việc thực hiện, quản lý, tổng kết, đánh giá tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự.

- Các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất eo hẹp. Trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp chật chội, chưa khang trang, chưa bảo đảm an toàn cho người tiếp dân, đã có trường hợp đương sự “tấn công” cán bộ của Tổng cục Thi hành án dân sự khi tiếp dân. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự chưa được thực hiện, mặc dù quy định của pháp luật đã đầy đủ nhưng chức danh Thẩm tra viên tại Tổng cục Thi hành án dân sự chưa được bổ nhiệm. Chưa thực hiện việc bố trí đơn vị chuyên môn, cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b) Nguyên nhân

- Về chủ quan:

+ Từ phía cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự: đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tuy đã tự chấn chỉnh và có nhiều cố gắng nhưng còn thiếu và năng lực chưa cao; Một số cán bộ quản lý chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành; Một số chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa tích cực cập nhật kiến thức nghiệp vụ và trong một số trường hợp còn tuỳ tiện, ỷ lại, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị cưỡng chế thi hành án để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan ở địa phương, chưa tranh thủ được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự.

+ Từ phía các cơ quan, cá nhân khác: vẫn còn có nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm sát sao trong việc phối hợp đánh giá, quy hoạch và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan thi hành án dân sự, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Việc phối hợp của chính quyền cơ sở, đặc biệt là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội với cơ quan thi hành án dân sự chưa thường xuyên. Còn có nhiều bản án, quyết định của toà án có sai sót, không rõ ràng hoặc vi phạm, có nơi cơ quan thi hành án đề nghị toà án giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm hoặc không được giải quyết.

- Về khách quan:

+ Luật thi hành án dân sự mới được ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, chứa đựng nhiều nội dung mới, việc triển khai thi hành Luật này đòi hỏi phải tập trung thực hiện nhiều công việc như: xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành; bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ; các vụ việc phải thi hành còn nhiều, v.v....

+ Một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu nguồn tuyển dụng, trong khi đó, công việc thi hành án vất vả và phức tạp, nhưng chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với tất cả các cán bộ, công chức thi hành án dân sự nên không tạo tâm lý an tâm công tác.

+ Nhiều vụ việc thi hành án phải thi hành theo định kỳ hàng tháng, quý kéo dài trong nhiều năm; không ít vụ việc không thể thi hành nhanh do phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc do quy định pháp luật liên quan phải kéo dài thời gian thi hành án; tài sản đã kê biên, tổ chức bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua, trong khi đó, sự quá tải công việc của một số cơ quan thi hành án có lượng án quá lớn, số việc thi hành án tồn đọng chuyển dồn từ năm này sang năm khác nhiều chưa khắc phục được.

+ Cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án.

+ Ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án còn yếu, nhất là của người phải thi hành án chưa cao, có trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, thậm chí chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án hoặc đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng vẫn khiếu nại.

2.2. Thực trạng việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Ngành Tư pháp

2.2.1. Quy định về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực quản lý khác của Bộ Tư pháp

Các quy định về tiếp nhập, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực này được thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005); Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật thi hành án dân sự năm 2008; Nghị định số 120/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo; Quyết định 06/2007/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 27/6/2007 Ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp; ...

2.2.2. Cơ chế giải quyết khiếu nại[6]

Trình tự thực hiện giải quyết khiếu nại lần 1:

- Tiếp nhận đơn khiếu nại: người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) cho cơ quan Bộ Tư pháp. Trong trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn, hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, có chữ ký của người khiếu nại. Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện.

- Thụ lý đơn: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Bộ Tư pháp thụ lý để giải quyết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

- Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại; thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại: đại diện Bộ Tư pháp trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.

Khi gặp gỡ, đối thoại, đại diện Bộ Tư pháp nêu rõ nội dung cần đối thoại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc gặp gỡ, đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; tóm tắt kết quả về những nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do.

Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, Bộ Tư pháp tiến hành thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại.

- Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Bộ trưởng hoặc thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, ngoài thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, còn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án theo Điều 142 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Cách thức thực hiện: trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thời hạn giải quyết: không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn tối đa là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết (thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự được thực hiện theo pháp luật về thi hành án dân sự).

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại; văn bản trả lời khiếu nại.

Lệ phí (nếu có): Không

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

- Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

- Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.

- Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

- Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

- Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

Trình tự giải quyết khiếu nại lần 2:

- Tiếp nhận đơn: Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự là khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp.

- Thụ lý đơn: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Bộ Tư pháp thụ lý đơn để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.

- Thẩm tra, xác minh vụ việc khiếu nại. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, Bộ Tư pháp có các quyền sau:

+ Yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng về nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về những nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại;

+ Mời người bị khiếu nại, người khiếu nại đến để tổ chức đối thoại (nếu cần);

+ Xác minh tại chỗ, kiểm tra thực địa (nếu cần);

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu nêu trên phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

-  Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, lợi ích liên quan, người đã chuyển đơn đến, cơ quan quản lý cấp trên trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thời hạn giải quyết: Không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn tối đa là 70 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết (thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự được thực hiện theo pháp luật về thi hành án dân sự).

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tư pháp.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại; văn bản giải quyết khiếu nại.

Lệ phí (nếu có): Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

- Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

- Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo.

- Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

- Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

- Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết

2.2.3. Cơ chế giải quyết tố cáo[7]:

- Tiếp nhận đơn: Người tố cáo gửi đơn đến cơ quan Bộ Tư pháp. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo;

- Thụ lý để giải quyết: Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, đơn tố cáo được thụ lý giải quyết. Trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu;

- Xác minh việc tố cáo: Bộ Tư pháp ra quyết định về việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Trong quá trình xác minh việc tố cáo, Bộ Tư pháp có quyền và nghĩa vụ sau:

+ Yêu cầu người tố cáo cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo.

+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. 

- Kết luận về nội dung tố cáo: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định kết luận về nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm.

Cách thức thực hiện: Gửi đơn tố cáo trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thời hạn giải quyết: Không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tư pháp.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo kết quả giải quyết tố cáo.

Lệ phí (nếu có): Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): tương tự điều kiện thực hiện thủ tục hành chính lần đầu.

2.2.4. Quy định về cách thức thực hiện tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo[8]

Công dân đến Bộ Tư pháp khiếu nại, tố cáo xuất trình giấy tờ tuỳ thân; nếu công dân không trực tiếp đến thì có thể uỷ quyền cho người khác, người được uỷ quyền phải có giấy uỷ quyền, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người uỷ quyền cư trú;

Cán bộ tiếp công dân yêu cầu công dân trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo. Trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung vụ việc thì cán bộ tiếp dân yêu cầu họ cử đại diện để trình bày nội dung sự việc;

Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo trực tiếp mà vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì cán bộ tiếp công dân ghi chép đầy đủ các nội dung mà công dân trình bày; tiếp nhận và viết giấy xác nhận về việc nhận các tài liệu liên quan; hướng dẫn công dân viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo theo các nội dung của mẫu đơn và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Thanh tra Bộ Tư pháp.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy biên nhận tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp; Phiếu hướng dẫn.

Lệ phí (nếu có): Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân có quyền:

- Yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ hợp lệ thay thế; từ chối tiếp những công dân không xuất trình các giấy tờ trên;

- Yêu cầu xuất trình Thẻ luật sư trong trường hợp có luật sư giúp đỡ người khiếu nại, tố cáo; từ chối tiếp luật sư nếu không xuất trình Thẻ luật sư;

- Từ chối tiếp công dân trong những trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, khiếu nại đã được tòa án thụ lý giải quyết, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ sau khi đã giải thích, trả lời đầy đủ cho đương sự và những người đang trong tình trạng say rượu, bia, tâm thần và những người vi phạm nội quy Phòng tiếp công dân;

- Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, lý do và yêu cầu giải quyết, cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo;

- Yêu cầu công dân viết thành văn bản hoặc công chức tiếp công dân ghi chép nội dung công dân trình bày, yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào văn bản đó;

2.2.5. Đánh giá chung về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo[9]

Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi kịp thời ý kiến nhân dân thông qua hoạt động khiếu nại tố cáo đã góp phần vào kết quả chung của công tác tư pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế sau:

- Theo quy định tại Nghị định số 74/2006/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động thanh tra tư pháp, tổ chức Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và thanh tra viên. Đến nay, Thanh tra các Sở đều đã có tổ chức thanh tra. Tuy nhiên, khó khăn chung của Thanh tra các Sở là số lượng biên chế còn hạn chế, nhiều Thanh tra Sở lực lượng đã mỏng lại không ổn định, thậm chí có những đơn vị Thanh tra Sở chưa có đồng chí nào được bổ nhiệm thanh tra viên, một số Sở chưa có Chánh Thanh tra mà giao cho 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách. Do đó, việc thành lập các đoàn thanh tra và công tác thanh tra của các Sở còn gặp khó khăn.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn thiếu; sự phối hợp giữa các đơn vị đầu mối tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả.

- Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ thanh tra ở các địa phương chưa ngang tầm với yêu cầu công tác; một số địa phương còn hạn chế về số lượng biên chế.

- Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng mà Thanh tra Bộ được giao xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết đều là những vụ việc rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, thậm chí phải tổ chức các cuộc họp liên ngành để lấy ý kiến, xem xét giải quyết, trong khi thời hạn giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo lại quá ngắn. Do đó, việc giải quyết chưa đảm bảo thời gian theo quy định là khó tránh khỏi.

- Pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm được bổ sung, thay đổi và bất cập, mâu thuẫn với các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng gây khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Bộ.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA ĐỀ TÀI

1. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả cơ chế tiếp thu ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và theo dõi chung việc thi hành pháp luật

1.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc tiếp thu ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

Với tư cách là “người gác cổng” cho Chính phủ về mặt xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đề xuất hoặc trình ban hành các văn bản mang tính quy phạm pháp luật để nhằm chế định hóa để nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân của hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.

Thể hiện rõ nhất ở đây là việc sớm trình Quốc hội ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, cần có các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thống nhất quy định mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và việc tiếp cận thông tin có thể do cơ quan nhà nước chủ động công bố hoặc có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Quốc hội giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức.

- Xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân.

Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể. Luật trưng cầu ý dân phải tạo một cơ sở pháp lý để mở rộng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được tham gia quản lý xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật trưng cầu ý dân phải được xây dựng phù hợp với truyền thống đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Luật được xây dựng với những điều luật có nội dung thiết thực, khả thi trong tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của đất nước. Luật trưng cầu ý dân cần phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính hiện đại, không rập khuôn máy móc.

1.2. Cần có kế hoạch lấy ý kiến nhân dân cụ thể và chi tiết, phù hợp với từng đối tượng, hình thức và phương thức lấy ý kiến, có phương án sử dụng các nguồn lực có thể.

Để việc lấy ý kiến được hiệu quả, cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ, chi tiết và đa chiều thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các điểm cung cấp thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp; Tổ chức các điểm và các kênh thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Ý kiến đóng góp phải được tập hợp và xử lý, phân loại một cách đầy đủ. Phụ thuộc vào phạm vi và quy mô lấy ý kiến mà việc tiếp nhận và tổng hợp có thể được thực hiện bởi một hoặc nhiều chủ thể, nhưng vẫn phải có một chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này. Thực tế cho thấy, đối với dự thảo luật, pháp lệnh thì chủ thể được giao chủ trì, phối hợp và chịu trách nhiệm là một cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành sẽ do Văn phòng Chủ tịch nước; Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  ban hành sẽ do Văn phòng Chính phủ; Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ  ban hành sẽ do bộ phận Văn phòng và pháp chế thực hiện; Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành sẽ do Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND thực hiện.

Sau khi các ý kiến đã được tổng hợp, các chủ thể có thẩm quyền phải tổ chức việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường giai đoạn này được chia thành các cấp độ khác nhau, tuy nhiên kết quả cuối cùng của giai đoạn này đó là hình thành bản báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 Việc nghiên cứu ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thường thực hiện theo các giai đoạn: Giai đoạn tiếp thu cấp chuyên viên; Giai đoạn cấp Ban soạn thảo; Giai đoạn Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản, nếu được thực hiện nghiêm túc thì chất lượng dự thảo văn bản sẽ tốt hơn. Điều này thể hiện qua sự khác biệt giữa dự thảo trước khi lấy ý kiến và dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp.

1.3. Tổ chức những hình thức giao lưu trực tuyến, tổ chức các buổi đối thoại về một số chủ đề, chủ điểm nhất định. Đó có thể là dịp để làm cho người dân hiểu hơn về công tác tư pháp, cũng có thể là dịp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của nhân dân liên quan đến công tác tư pháp, tránh những bức xúc rồi trở thành những khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đặc biệt, cũng là dịp để cho lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe được trực tiếp ý kiến của nhân dân - những người thực thi pháp luật trong thực tế cuộc sống, là dịp để nhìn lại những công việc mình đang làm, đang triển khai, ưu -  nhược điểm ở đâu để ngày càng hoàn thiện hơn.

1.4. Thực hiện việc cải cách hình thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tin học hóa cơ chế lấy ý kiến nhân dân, đó là việc xây dựng hộp thông tin về việc lấy ý kiến nhân dân (có thể đối với cả hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, và các hoạt động, công việc khác của Bộ khi cần), đồng thời, đề xuất Quy chế về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân qua Cổng thông tin điện tử của Bộ (có thể dưới dạng thư ngỏ, email, thông điệp điện tử khác). Nghiên cứu, hướng tới việc xây dựng một trang thông tin riêng về mảng này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó có phân quyền cho các đơn vị thuộc Bộ có thể cung cấp, trao đổi những thông tin tiếp nhận ý kiến nhân dân thông qua mạng thông tin điện tử, đồng thời cũng có thể đăng công khai kết quả xử lý, phản hồi ý kiến, qua đó để người dân có thể theo dõi được việc xử lý của đơn vị nhận ý kiến, từ đó nâng cao hơn ý thức đóng góp ý kiến đối với hoạt động của tư pháp nói riêng và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.

1.5. Quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa để nhằm nâng cao chất lượng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện sai phạm từ thực tiễn thi hành, từ đó góp phần đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở Bộ Tư pháp.

Ở đây có thể thấy rằng, trong các điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân thì về mặt cơ sở vật chất và nhân lực làm công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Trước mắt, đó là việc cải thiện cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân của Bộ sao cho tương xứng với tầm vóc và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Việc xây dựng trụ sở tiếp công dân không chỉ thể hiện về mặt hình thức bề ngoài, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với công tác này, đồng thời, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện của người dân khi đến làm việc với cơ quan.

Mặt khác, việc bố trí cán bộ tiếp công dân cần đề cao hơn nữa kinh nghiệm công tác và trình độ của cán bộ để đảm bảo xử lý các tình huống nhanh, hiệu quả, giải quyết các vướng mắc cũng như có những hướng dẫn chính xác đối với nhân dân khi đến với trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp; đồng thời, cũng cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với những cán bộ làm công tác này, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, đó còn là việc thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, thái độ hoà nhã, thân thiện của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đối với nhân dân, tạo sự gần gũi, chia sẻ, thân thiện của cán bộ tư pháp đối với dân. Để động viên và tạo không khí thi đua, đề cao sự nhanh nhạy xử lý tình huống cũng như thái độ thân thiện của cán bộ tiếp dân trong ngành tư pháp, có thể đề xuất việc tổ chức Hội thi trong toàn ngành, trong đó đưa ra các tình huống để cán bộ xử lý.

Đồng thời, cần tích cực thực hiện tốt hơn nữa Quy chế tiếp công dân, công khai lịch tiếp của lãnh đạo Bộ, của một số đơn vị chức năng bên cạnh việc có mặt thường xuyên của cán bộ Thanh tra Bộ. Cũng cần phải lưu ý thêm đối với việc quan tâm đến chế độ chính sách, bồi dưỡng chế độ đối với những cán bộ làm công tác tiếp công dân nói riêng và cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý ý kiến của nhân dân nói chung. Về mặt này, hiện nay có quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

1.6. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của Bộ để mở rộng sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó, có thể thay nhà nước thực hiện một số công việc. Đặc biệt, đối với một số mảng hoạt động của Bộ hiện nay có thể thực hiện việc nghiên cứu để đề xuất việc xã hội hóa một phần như: trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp.

1.7. Cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho xây dựng pháp luật, phải xác định rõ kinh phí đảm bảo xây dựng và hoàn thiện pháp luật là kinh phí đầu tư cơ bản của nhà nước và xã hội. Kinh phí xây dựng pháp luật phải đủ để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng của các dự án, dự thảo pháp luật, nhất là việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản và việc tham vấn, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản.

1.8. Tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng văn bản để tổ chức, cá nhân có thể tham gia ý kiến trực tiếp, phản biện trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực và cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục để đáp ứng cho người có nhu cầu khai thác, sử dụng.

1.9. Có những hình thức khen thưởng đột xuất của Bộ đối với những công dân có những ý kiến tốt, mang lại giá trị đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, nhất là đối với những mảng công tác mà ý kiến nhân dân đem lại hiệu quả cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng của Bộ, ví dụ như: đối với việc tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng thì theo Quyết định số 593/QĐ-BTP thì “người cung cấp thông tin đúng được ngành Tư pháp cảm ơn, nếu nguồn  tin có giá trị giúp kịp thời phát hiện tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự  được ngành Tư pháp xem xét khen thưởng”, hay như đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thì cũng có nhiều nguồn tin từ phản hồi của nhân dân có ý nghĩa… Đồng thời, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức ngành Tư pháp có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân được xem xét khen thưởng nhằm động viên đồng thời cũng đề cao ý nghĩa của công tác này.

2. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả tiếp dân, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp

Để việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiệu quả, rõ ràng, bài bản hơn, thì một số vấn đề sau đây cần được lưu ý thực hiện:

2.1. Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2008 để quy định chi tiết, cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự, như quy định về: Giám sát hoạt động thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự, khiếu nại, tố cáo, thủ tục thi hành án dân sự v.v.

Cần có Thông tư của Bộ Tư pháp quy định về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nội dung Thông tư cần quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, cách thức, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự để áp dụng chung, thống nhất trong toàn ngành thi hành án dân sự.

2.2. Bố trí đơn vị chuyên môn, cán bộ chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Đội ngũ cán bộ này đòi hỏi phải tinh thông về nghiệp vụ thi hành án, nhưng phải có kỹ năng dân vận, hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo v.v để có cách ứng xử phù hợp khi xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành án dân sự không chỉ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải bồi dưỡng các kiến thức khác, như: quản lý hành chính, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học.

Nên chăng thành lập Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và bộ phận tại Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chuyên về việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

2.3. Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Ở từng cơ quan thi hành án dân sự có phần mềm theo dõi, quản lý việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự; Cần được kết nối mạng thông tin về thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

2.4. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp bố trí nơi tiếp dân khang trang, lịch sự, thuận tiện cho việc tiếp dân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người trực tiếp tiếp dân. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng phải bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt.

2.5. Tiếp tục tăng biên chế cho cơ quan thi hành án dân sự để góp phần khắc phục tình trạng quá tải công việc của chấp hành viên còn tồn tại ở nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở các thành phố, tỉnh lớn và các tỉnh rộng, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ thi hành án, nhất là đối với cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

3. Một số kiến nghị khác

3.1. Nâng cao hiệu quả việc tiếp thu ý kiến nhân dân thông qua hoạt động tiếp công dân

Thường xuyên phối hợp công tác, tăng cường trao đổi thông tin và tổ chức tiếp dân trực tuyến qua mạng Internet khi có điều kiện. Bên cạnh đó, phải thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin về tiếp công dân, nối mạng Internet, tạo điều kiện để người dân được biết quá trình giải quyết đơn thư, qua đó giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư; nghiên cứu việc trả lời công dân trên mạng Internet về kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Xây dựng, hoàn thiện trụ sở, nơi làm việc, trang thiết bị; kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp dân và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp dân.

Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân  để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và bảo đảm đủ số lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu cho công tác tiếp công dân.  Bổ sung đủ cán bộ có năng lực, phẩm chất, có kỹ năng công tác tiếp dân cho các cơ quan tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm; có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu tâm lý; có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định cán bộ tiếp dân chuyên trách được hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên như cán bộ, thanh tra viên; cán bộ tiếp dân không chuyên trách được hưởng bồi dưỡng theo ngày khi tiếp công dân nhằm khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm việc tại cơ quan tiếp công dân.

3.2. Mở rộng các hình thức tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Đổi mới phương thức tiếp thu và xử lý, phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân đối với hoạt động của Bộ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch.

Bên cạnh các hình thức tiếp thu ý kiến nhân dân đang thực hiện, cần bổ sung thực hiện các hình thức lấy ý kiến nhân dân nhằm đảm bảo mở rộng phạm vi lấy ý kiến nhân dân.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp thu ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp thì cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị và con người nhằm tăng cường hiệu quả việc tiếp thu và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua các Trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ như Viện Khoa học Pháp lý, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, …Các đơn vị này cần đầu tư nâng cấp năng  lực các trang thông tin để thực sự trở thành diễn đàn rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân (đặc biệt là các nhà khoa học, sinh viên trong lĩnh vực pháp lý) đóng góp ý kiến cho công tác của Bộ Tư pháp đặc biệt là trong việc xây dựng và thi hành pháp luật.

3.3. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người

- Xây dựng phần mềm tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến công dân để triển khai tại cơ quan Thanh tra Bộ và Tổng cục Thi hành án, tích hợp cơ sở dữ liệu tiếp công dân vào hệ thống; đồng thời chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho việc triển khai nối mạng hệ thống thông tin trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức và công dân.

- Đảm bảo Cổng thông tin điện tử của Bộ có đầy đủ thông tin về pháp luật, chính sách, quy định, thủ tục hành chính, quy trình làm việc, các dự án đầu tư, đấu thầu và mua sắm, thông tin hoạt động của các đơn vị. Cá nhân và tổ chức có khả năng tìm kiếm thông tin liên quan đến hoạt động của Bộ một cách nhanh chóng, dễ dàng. Các thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ đều được cập nhật và đảm bảo tính đầy đủ và chính xác.

- Thiết kế và vận hành kênh tiếp nhận ý kiến, góp ý, đối thoại giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến và các phương tiện điện tử một cách thuận tiện trong giao dịch, trao đổi, đóng góp ý kiến với các cơ quan tư pháp trong hoạt động xây dựng.

- Xây dựng, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng, kết nối các hệ thống thông tin của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong việc thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ, đảm bảo an toàn và bảo mật, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của các đơn vị trong Bộ và giữa Bộ với các cơ quan nhà nước khác.

- Xây dựng và thiết lập các chuẩn công nghệ thông tin trong ngành tư pháp trên cơ sở chuẩn thông tin quốc gia, nhằm đảm bảo việc thiết kế, xây dựng, trao đổi, khai thác thông tin giữa các ứng dụng trong ngành và các cơ quan nhà nước khác được thống nhất và thông suốt.

- Xây dựng và đưa vào thực hiện các phần mềm quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo để hỗ trợ công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo; phần mềm tiếp nhận, phân loại và xử lý phản hồi các ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ. Tiến tới việc gửi các loại văn bản, ý kiến giữa các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống cơ quan thi hành án, tư pháp địa phương hoàn toàn thông qua mạng máy tính của ngành.

- Bổ sung biên chế cho Cục Công nghệ thông tin; kiện toàn, phân bổ chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ có triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Thi hành án dân sự; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác công nghệ thông tin của các đơn vị nhằm giúp đội ngũ này thuận lợi trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý sơ bộ đối với các ý kiến, yêu cầu kiến nghị của công dân trước khi chuyển đến các ban soạn thảo hoặc các đơn vị chức năng trả lời chính thức.

Rà soát và tăng cường cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ.

3.4. Thiết kế và ban hành các biểu mẫu nhằm tiếp thu, phản hồi ý kiến nhân dân

Các loại biểu mẫu (Biểu mẫu điện tử, Biểu mẫu văn bản); Các hộp thăm dò ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các Trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ.

Mục đích: nhằm thăm dò, tiếp nhận ý kiến của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách lớn trong xây dựng và thi hành pháp luật hoặc thăm dò với những dự thảo điều luật cụ thể có liên quan đến đông đảo người dân.

3.5. Quy định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân trong việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân liên quan đến hoạt động của ngành tư pháp. Để thực hiện được việc này, cần quy định cơ chế công khai các thông tin góp ý của nhân dân, công khai ý kiến phản hồi của cơ quan, đơn vị có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp cần thiết, phải quy định việc trả lời trực tiếp đối với các ý kiến đóng góp, chất vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ Tư pháp.

KẾT LUẬN

Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo tôn trọng quyền của người dân đồng thời cũng đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phục vụ nhân dân.

Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong thời gian vừa qua, việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp còn một số hạn chế. Đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Vai trò của ngành Tư pháp trong hoạt động quản lý này chưa thực sự rõ nét. Một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng như trên là do chưa tạo được sự quan tâm của dư luận đối với công tác xây dựng pháp luật, chưa kịp thời và hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp; chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý đủ mạnh về trách nhiệm của cơ quan nhà nước; chưa có đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo đường lối của Đảng, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo bản chất của nhà nước và phát huy dân chủ, công bằng xã hội, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với đổi mới, nâng cao hiệu quả của các thiết chế trong hệ thống chính trị, cải cách tư pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành tư pháp cần đảm bảo tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, các giải pháp trên đây cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm thu hút trí tuệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia quản lý xã hội nói chung và tham gia đóng góp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng.



[1] “Quản lý nhà nước tốt” có nghĩa là một chính phủ hoạt động có hiệu quả cùng với việc ban hành các quyết định của mình đúng trình tự, quy định: quản lý nhà nước bằng pháp luật; trách nhiệm giải trình; minh bạch và sự tham gia của nhân dân. Quản lý bằng pháp luật có nghĩa là người ra văn bản khi ra quyết định không được căn cứ trên trực giác hoặc ý tưởng ngẫu nhiên của họ, mà phải căn cứ trên các chuẩn mực được chấp nhận, có lý lẽ và cơ sở thực tiễn vững chắc. Trách nhiệm giải trình: người ra quyết định phải giải trình các quyết định của họ một cách công khai, chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và của cử tri. Minh bạch: các công chức thi hành công việc nhà nước một cách công khai để nhân dân và báo chí có thể biết và bàn bạc về công việc của họ. Sự tham gia của nhân dân: những người chịu tác động của một quyết sách sắp ban hành có cơ hội khả thi để đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định.

[2] Gồm có: hoạt động xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật; hoạt động quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể; hoạt động quản lý nhà nước, hoặc các quan hệ pháp luật cụ thể mà người dân cho rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, bị xâm phạm hoặc người dân phát hiện các sai phạm của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, các vi phạm pháp luật của các chủ thể khác.

[3] Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[4] Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành thi hành án dân sự ban hành tại Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

[5] Từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010 đã tiếp 402 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày về công tác thi hành án dân sự; nhận 3.906 đơn thư, cùng với 249 vụ việc của kỳ trước chuyển sang, trong đó có 2.605 đơn trùng (chiếm 63%), đơn phải xử lý (tương đương vụ việc) là 1.550 vụ việc (chiếm 37%), trong đó có 1.421 vụ việc khiếu nại (chiếm 91,7%), 129 vụ việc tố cáo (chiếm 8,3%). Kết quả đã giải quyết được 1.422 vụ việc (đạt 92%), trong đó có 1.392 vụ việc giải quyết xong (có kết quả giải quyết cuối cùng), đạt 90% số vụ việc phải giải quyết.

[6] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View_Detail.aspx?ItemId=133

[7] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View_Detail.

[8] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View

[9] Phần này có tham khảo Báo cáo Tổng kết công tác tư pháp giai đoạn 2007 - 2010 của Bộ Tư pháp.

 

Nội dung toàn văn

PHẦN MỞ ĐẦU

1.Tính cấp thiết của đề tài.

          Trong thời gian vừa qua, với chủ trương cải cách nền hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và xây dựng nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân nên Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách,liên quan đến việc thúc đẩy sự tích cực của các cơ quan công quyền trong việc tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật. Liên quan đến các nội dung này có thể kể dến các văn bản quan trọng như:

        Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân.

       Nghị quyết sô 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

        Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật và đã được tổ chức thực thi trong đời sống xã hội. Các văn bản chủ yếu đề cập đến những nội dung này bao gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2006 (hết hiệu lực) của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân và doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính.

        Các văn bản nói trên đã có đề cập đến sự cần thiết, nguyên tắc, nội dung, hình thức và yêu cầu về phản ánh và kiến nghị, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận xử lý ý kiến, phản ánh , kiến nghị của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước.

        Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai thực hiện các quy định này còn nhiều điểm không thống nhất và lúng túng. Thực trạng này dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước còn chưa đạt hiệu quả cao, sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức chưa có những quy định cụ thể.

        Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của Ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Các văn bản chủ yếu trong lĩnh vực này bao gồm: Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP về Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp; Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP về ban hành quy tắc công khai minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp; Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP Ban hành Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp; Quyết định số 220/2005/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp...

         Mặc dù vậy, trong thời gian vừa qua, việc tiếp thu ý, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp còn hạn chế. Có  nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này cơ quan quản lý bị đánh giá là chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiều văn bản được ban hành không lường trước hết được dư luận quần chúng nhân dân, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền. Hoặc là việc tổ chức thực hiện hoạt động công chứng chưa giải quyết được sức ép quá tải tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, công tác thi hành án dân sự còn nhiều tồn đọng...Tất cả các vấn đề trên đây ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chúng ta thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

        Việc thực hiện đề tài nghiên cứu: Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp mà ngành Tư pháp thực hiện quản lý trong điều kiện hiện nay là cấp thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần tạo môi trường xã hội, môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, công khai, minh bạch.

2.Mục đích nghiên cứu của đề tài

          Thông qua việc nghiên cứu những vấn đề về cơ chế  tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và  hoàn thiện cơ chế , nâng cao hiệu quả việc thu hút ý kiến của nhân dân đối với các vấn đề pháp luật và tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Ngành Tư pháp; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả, phát huy dân chủ, công khai minh bạch trong quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Các mục tiêu cụ thể của đề tài:

   - Làm sáng rõ những vấn đề lý luận về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân  đối với những hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

   - Đánh giá thực trạng việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các hoạt động thuộc lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

  - Đề xuất các giải pháp pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các hoạt động thuộc lĩnh vực pháp luật và tư pháp

3.Nhu cầu kinh tế xã hội và địa chỉ áp dụng

Đối với việc xây dựng đường lối, pháp luật, chính sách

        Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần tạo cơ sở khoa học phục vụ công tác xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với việc hàon thiện cơ chế tiếp nhận ý kiến của nhân dân nói chung trong quá trình phát triển của đát nước và đối với lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng.     

Đối với phát triển kinh tế - xã hội

          Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong xây dựng, đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội. Từ đó, giúp chúng ta có được một hệ thống pháp luật thực sự của dân, do nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Một hệ thống pháp luật như vậy sẽ tạo lập môi trường kinh tế xã hội ổn định và có tính cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư và  đảm bảo xã hội ổn định.

Đối với nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu

         Kết quả nghiên cứu sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị, phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, tổ chức được chuyển giao. Địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu dự kiến gồm:

       - Bộ Tư pháp: Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với công tác pháp luật và hành chính tư pháp

       - Các cơ quan Tư pháp địa phương

Đối với công tác đào tạo cán bộ khoa học (kể cả việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các cá nhân và tập thể khoa học thông qua việc thực hiện đề tài)

          Việc triển khai nghiên cứu đề tài là cơ hội thuận lợi để phát triển khoa học xã hội và nhân văn, phát triển các kiến thức kinh tế- xã hội, nâng cao kỹ năng nghiên cứu của các luật gia

4.Phạm vi nghiên cứu của đề tài

          Với đề tài này, những vấn đề mới cần đặt ra nghiên cứu, giải quyết gồm:

          - Những vấn đề lý luận: Trên cơ sở nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp,  Đề tài sẽ đưa ra hệ tiêu chí cơ bản, để đánh giá mức độ phù hợp của cơ chế tiếp nhận và xử lý, phản hồi thông tin của ngành Tư pháp;

          - Những vấn đề về thực tiễn: Đề tài làm rõ thực trạng cơ chế  thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp (Với phạm vi là hành chính – tư pháp). Từ đó chỉ ra những yếu tố tích cực cần tiếp tục củng cố hoàn thiện cũng như nhận dạng những bất cập nguyên nhân của cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

          - Bên cạnh đó, đề tài cũng thực hiện việc nghiên cứu các kinh nghiệm của một số các quốc gia trong việc tiếp nhận ý kiến, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, hành chính tư pháp; nghiên cứu kinh nghiệm lấy ý kiến nhân  dân và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khác tại Việt Nam.

          - Hệ thống giải pháp về thể chế và thiết chế, nhân sự, điều kiện đảm bảo nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

5. Phương pháp  nghiên cứu của đề tài

          Để thực hiện tốt đề tài và đạt được mục tiêu đã đề ra, trong quá trình nghiên cứu, ngoài các phương pháp nghiên cứu cơ bản là phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp suy luận logic, đề tài sẽ tiến hành nghiên cứu bằng cả một số phương pháp nghiên cứu đặc thù khác như:

         - Phương pháp phân tích: Phân tích các điều kiện khách quan chủ quan, vấn đề kinh tế, xã hội của Việt nam, phân tích các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ cơ sở thực tiễn và khoa học lý luận để xây dựng và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về các hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

        - Phương pháp so sánh: Nghiên cứu, so sánh quy định của pháp luật và kinh nghiệm tổ chức việc tiếp nhận xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về các hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của một số quốc gia

         -  Phương pháp tổng hợp: Trên cơ sở những nghiên cứu lý luận và thực tế, tổng hợp các kết quả thu được, đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và hoàn thiện các giải pháp pháp về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về các hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

         - Phương pháp xã hội học: Tổ chức điều tra, khảo sát và nghiên cứu, phân tích tình huống đối với các vấn đề liên quan.

 

6. Nội dung của đề tài

         

Chương 1. Những vấn đề lý luận  chung

 

Chương 2. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của ngành tư pháp

 

Chương 3. Một số đề xuất, kiến nghị của đề tài

 

Kết luận của Đề tài:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG I

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN  CHUNG

 

I. CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC.

1. Nhân dân  và quyền giám sát, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội

Theo nghĩa thông thường, nhân dân là một cộng đồng người sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định được hưởng những quyền và phải thực hiện những nghĩa vụ do pháp luật của quốc gia đó quy định. Theo nghĩa rộng nhân dân là cộng đồng người sinh sống trên trái đất như nhân dân lao động trên toàn thế giới. Như vậy nhân dân được hiểu là dân cư của một quốc gia hay của tất cả các nước trên thế giới. Theo đó, nhân dân được đồng nghĩa với “dân cư”.

Theo nghĩa triết học, nhân dân được hiểu là một cộng đồng người thay đổi trong lịch sử, bao gồm một bộ phận, những tầng lớp, những giai cấp dân cư mà theo địa vị của mình, có khả năng cùng nhau tham gia giải quyết nhiệm vụ phát triển của một quốc gia nhất định trong một thời kỳ nhất định[1]. Theo nghĩa này, “nhân dân” được dùng như một phạm trù xã hội học và khái niệm “nhân dân” phản ánh sự thay đổi kết cấu của xã hội.

Theo nhà tư tưởng J.J. Rousseau thì nhân dân được hiểu là “dân chúng”, là “toàn dân”, là tập hợp của các cá nhân - “con người”, công dân, thành viên xã hội.

Trong khoa học pháp lý, tùy theo từng ngữ cảnh mà nhân dân được giải nghĩa theo cách tương ứng. Cụ thể như, với việc bầu cử các cơ quan đại diện hay trưng cầu ý dân, nhân dân được hiểu là cử tri; đối với việc lấy ý kiến nhân dân về dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, nhân dân được hiểu nghĩa là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, trong khoa học hình sự nhân dân được hiểu là công dân cá nhân đồng thời là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự và pháp luật TTHS....

Trong hoạt động quản lý của nhà nước, nhân dân ở đây có nghĩa là từng công dân, các hiệp hội người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người thiểu số, các hiệp hội bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, khoa học, giáo dục, chuyên ngành, các tổ chức thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, lao động. Nhân dân là bất kỳ bên nào liên quan đến quyết định nhưng không phải là bên có quyền ra quyết định.

Trong các xã hội hiện đại, thì tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền được coi là cách thức/phương thức tổ chức nhà nước phổ biến nhất dựa trên nền tảng dân chủ.. Trong đó tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, có quyền kiểm tra và giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Hạt nhân của lý luận nhà nước pháp quyền là vấn đề dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất vừa là điều kiện là tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền. Dân chủ luôn gắn liền với pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật. Dân chủ và phát huy dân chủ là nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước pháp quyền. Quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội chính là quá trình xây dựng và hoàn thiện không ngừng của nhà nước pháp quyền.

Đối với Việt Nam, xuất phát từ bản chất dân chủ của chế độ và chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Điều 2 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001). Theo đó  “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân” (Điều 8). Nhân dân cũng có thể giám sát nhà nước, xã hội thông qua Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, thông qua công đoàn (Điều 9, 10 Hiến pháp 1992); “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia các công việc của Nhà nước và xã hội” (Điều 11 Hiến pháp 1992). Công dân cũng có thể “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý” (Điều 53 Hiến pháp 1992)...

Như vậy, cùng với quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân, quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, công chức, viên chức nhà nước của người dân... thì Nhà nước phải có nghĩa vụ  lắng nghe ý kiến của người dân, nghĩa vụ giải trì, nghĩa vụ tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân...

 “Sự tham gia của nhân dân” được hiểu là bất kỳ một hoạt động nào của các bên liên quan nhằm nâng cao khả năng nhân dân hiểu và tác động lên quá trình ra quyết sách. Sự tham gia của nhân dân là bất kỳ quá trình nào nhằm tìm hiểu các chuẩn mực trong nhân dân về vấn đề được đưa ra để quyết, thu hút sự tham gia của nhân dân nhằm tối ưu hoá việc ra quyết định. Các cơ quan nhà nước ra quyết sách có những hoạt động nhằm khuyến khích nhân dân tham gia và phản hồi, đối thoại với nhân dân, để nhân dân tiếp cận được với nơi ra quyết sách, tiếp nhận và chứng tỏ rằng những ý kiến và mối quan tâm của nhân dân được lắng nghe và được tính đến. Trong đó, điều quan trọng nhất là sự đối thoại - dòng thông tin chảy cả hai chiều.

Nếu không có sự tham gia này, các cơ quan nhà nước có nguy cơ sa vào các vấn đề thuần tuý chuyên môn mà quên mất tầm chính sách, không có chủ thuyết để theo; sự tham gia của nhân dân là yếu tố căn bản của chủ thuyết “quản lý nhà nước tốt” (good government).

“Quản lý nhà nước tốt” có nghĩa là một chính phủ hoạt động có hiệu quả cùng với việc ban hành các quyết định của mình đúng trình tự, quy định: quản lý nhà nước bằng pháp luật; trách nhiệm giải trình; minh bạch và sự tham gia của nhân dân. Quản lý bằng pháp luật có nghĩa là người ra văn bản khi ra quyết định không được căn cứ trên trực giác hoặc ý tưởng ngẫu nhiên của họ, mà phải căn cứ trên các chuẩn mực được chấp nhận, có lý lẽ và cơ sở thực tiễn vững chắc. Trách nhiệm giải trình: người ra quyết định phải giải trình các quyết định của họ một cách công khai, chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và của cử tri. Minh bạch: các công chức thi hành công việc nhà nước một cách công khai để nhân dân và báo chí có thể biết và bàn bạc về công việc của họ. Sự tham gia của nhân dân: những người chịu tác động của một quyết sách sắp ban hành có cơ hội khả thi để đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định.

Sự tham gia của nhân dân cũng chứng tỏ quyền được nghe và yêu cầu các cơ quan nhà nước công khai và có trách nhiệm. Nhân dân hiểu rõ họ cần cái gì, nên có thể mách bảo nhiều giải pháp tốt mà các chuyên gia cũng không ngờ tới. Một lý do nữa để thu hút sự tham gia của nhân dân là khi được tham gia, nhân dân thấy mình thực sự là một thành viên, có vai trò tích cực trong quá trình làm ra văn bản, quyết định đó nên văn bản sẽ được tiếp nhận và ủng hộ nhiều hơn sau khi ban hành, giúp cho việc thực hiện pháp luật thuận lợi hơn.

Trước khi tìm ra giải pháp, cần xác định đúng vấn đề, sự tham gia của nhân dân sẽ giúp làm được việc này; sự tham gia của nhân dân làm cho các quyết định được tốt hơn, bao trùm được các quan điểm của những bên liên quan; mang lại cách hiểu thông thường chung nhất về các vấn đề; đem lại sự tôn trọng lẫn nhau giữa bên ra quyết định và bên chịu tác động của quyết định, bên thi hành quyết định; làm cho quyết định dược hợp lý; mang lại sự tiếp nhận và ủng hộ rộng rãi hơn; quyết định nếu có sự tham gia của nhân dân sẽ được tín nhiệm cao hơn; sự tham gia của nhân dân hướng đến những giải pháp khả thi.

Nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định với nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ cần xác định rõ mục tiêu, mục tiêu cần phải được giải thích cho tất cả đều hiểu; ứng với từng cấp độ cần gửi những thông điệp rõ ràng.

 Cấp độ thông tin: cơ quan nhà nước  ra quyết định cung cấp thông tin nhiều chiều và khách quan để giúp nhân dân hiểu các vấn đề, những sự lựa chọn và các giải pháp. Thông điệp gửi tới nhân dân ở cấp độ này là: các cơ quan nhà nước đảm bảo sẽ luôn cung cấp thông tin cho nhân dân một cách đầy đủ. Những công cụ thích hợp như thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua phổ biến, giáo dục pháp luật...

 Cấp độ tư vấn: Mục đích nhằm nhận phản hồi của nhân dân và phản hồi về các vấn đề đem ra hỏi ý kiến. Thông điệp gửi tới nhân dân ở cấp độ này là:  cung cấp thông tin, lắng nghe, tiếp nhận những mối quan tâm của nhân dân và phản hồi lại về việc ý kiến của nhân dân tác động lên quyết định công quyền như thế nào. Những công cụ thích hợp như điều tra, gặp gỡ nhân dân, tổng hợp ý kiến nhân dân đối với các vấn đề liên quan.

 Cấp độ thu hút ý kiến nhân dân: Mục đích nhằm làm việc trực tiếp với nhân dân trong cả quá trình để đảm bảo rằng các vấn đề và những mối quan tâm của nhân dân được thông hiểu. Thông điệp gửi tới nhân dân ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với nhân dân để nhân dân tin chắc rằng các vấn đề và mối quan tâm của nhân dân đã được phản ánh trực tiếp trong các phương án khác nhau, chúng tôi sẽ phản hồi về việc sự tham gia của nhân dân đã tác động lên quyết định như thế nào. Những công cụ thích hợp như hội thảo, phiếu điều tra.

 Cấp độ cộng tác với nhân dân : Mục đích nhằm hợp tác với nhân dân trên từng vấn đề nhỏ của quyết định, bao gồm cả việc phát triển các phương án và tìm kiếm giải pháp tối ưu. Thông điệp gửi tới nhân dân ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ tìm đến nhân dân để nhận lời khuyên và tìm kiếm giải pháp, đưa những lời góp ý và tư vấn của nhân dân vào quyết định càng nhiều càng tốt. Những biện pháp thích hợp: chọn nhóm đại diện cho những người liên quan, nhóm này thay mặt họ tham gia vào quá trình ra quyết định; kỹ thuật thương thuyết để đạt sự nhất trí (consensus- building techniques).

Cấp độ trao quyền quyết định cho nhân dân: Mục đích nhằm trao quyền quyết định cuối cùng vào tay nhân dân. Thông điệp gửi tới nhân dân ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ thực hiện những gì nhân dân quyết định. Những biện pháp thích hợp: chọn các nhóm nhỏ của những công dân trên một địa bàn để nghiên cứu vấn đề, thẩm vấn những người liên quan, đề xuất kiến nghị với bên ra quyết định; bỏ phiếu; uỷ quyền ra quyết định.

Để sự tham gia của nhân dân thành công, nên chú ý đến những điểm sau:

Thứ nhất. Thu hút ý kiến tham gia của nhân dân muốn thành công đòi hỏi phải có sự đối thoại chứ không phải độc thoại.

 Nói cách khác, dòng thông tin phải chảy hai chiều giữa hai bên. Cơ quan ra quyết định phải đưa thông tin đến từng người và đề nghị phản hồi. Nhân dân phải có cơ hội tiếp cận ngược với cơ quan nhà nước thông qua một “điểm tiếp xúc” (point of contact)- đó có thể là một người, một nhóm người, phòng ban. Ví dụ, nếu cơ quan nhà nước thông báo đến người dân về một hành động nào đó sắp thực hiện, thì việc thông báo đó chưa phải là sự tham gia của nhân dân. Khâu bị bỏ qua ở đây là cái cách mà cơ quan nhà nước lắng nghe phản hồi của những ai đã đọc thông báo. Để nhận được phản hồi, có thể cử người tiếp nhận phản hổi với địa điểm, số điện thoại, đến thăm các cơ sở trong cộng đồng, tổ chức các cuộc gặp, hội thảo về những vấn đề đã nêu trong thông báo. Dòng phản hồi sẽ giúp cho cơ quan nhà nước theo dõi quyền lợi, mối quan tâm của nhân dân, điều chỉnh các hoạt động của nhân dân, phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những nhu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, nhận phản hồi chưa phải là hết. Các cơ quan ra quyết định có thể làm theo hoặc không làm theo nhân dân, nhưng họ phải giải trình rõ tại sao có, tại sao không. Đấy mới là sự phản hồi đầy đủ. Lúc đó nhân dân mới thấy ý kiến của họ đã được lắng nghe thực sự và lần sau họ mới quan tâm tham gia.

Thứ hai. Thiết lập lòng tin, sự tín nhiệm trong nhân dân thông qua sự công khai, cởi mở:

Các cơ quan, cá nhân tham gia các hoạt động thu hút sự tham gia của nhân dân cần thiết lập sự trao đổi thông tin cởi mở. Cởi mở và trung thực đem lại lòng tin của các bên liên quan, cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia sẽ mang lại lòng tin ấy, ngược lại, lòng tin làm cho sự trao đổi thông tin càng tốt hơn, làm cho công chúgn chú ý hơn đến các vấn đề. Các nhân tố đem lại lòng tin gồm sự nhất quán, sự am hiểu, thái độ chăm chú, trung thực; giải thích rõ về quá trình, xóa bỏ mọi lời đồn thổi; theo sát quá trình; chỉ hứa những gì có thể làm, các lời hứa không mâu thuẫn với nhau; cung cấp những thông tin mà nhân dân cần; tránh những cuộc tiếp xúc bí mật.

Thứ ba. Khuyến khích công dân tham gia đóng góp ý kiến

Khuyến khích công dân chủ động tìm kiếm thông tin, tiếp xúc với các bên liên quan khác, thảo luận với các nhóm có cùng lợi ích cùng mối quan tâm. Những hoạt động sau đây từ phía công dân giúp họ nắm thông tin tốt hơn và có tác động hơn đến quá trình ra quyết sách: tiếp xúc sớm với cơ quan đầu mối phụ trách việc thu hút sự tham gia của nhân dân, tốt nhất là nắm được họ tên cụ thể; tìm hiểu những khía cạnh cơ bản liên quan đến vấn đề muốn tham gia bằng cách gặp gỡ với quan chức địa phương, tiếp xúc với các cơ sở nghiên cứu, đọc tư liệu do cơ quan đầu mối cung cấp, liên hệ với các nhóm có liên quan khác; mạnh dạn yêu cầu cơ quan đầu mối cung cấp các thông tin mình cần như: về các hoạt động thường nhật, cấu trúc của quá trình ra quyết sách, các chính sách và thủ tục hiện tại, dự luật hoặc dự án tương lai có thích hợp với các vấn đề chính sách lớn hơn hay không, về các phương án dự phòng; yêu cầu đưa tên của bạn vào danh sách những người tham gia, các ý kiến của bạn được tiếp thu thế nào; phản ánh với cơ quan đầu mối họat động nào thích hợp với bạn nhất, cung cấp cho họ thông tin về sở thích thông tin của cộng đồng nơi bạn sống, địa điểm tốt nhất để tổ chức thu hút sự tham gia của nhân dân; gửi các ý kiến bằng văn bản, theo luật ở các nước, các cơ quan đầu mối bắt buộc phải xem xét các ý kiến gửi đến bằng văn bản; tham gia các buổi nghe ý kiến nhân dân và các buổi gặp gỡ, nên nhớ rằng các buổi như vậy chỉ được tổ chức khi có yêu cầu của công dân bằng văn bản, nếu công dân không rõ về vấn đề nào đó, hoặc muốn bày tỏ nỗi quan ngại nào đó, họ được khuyến khích gửi yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan hữu trách; theo dõi sát sao hoạt động của cơ quan đầu mối, các quyết định cũng như phản ứng của họ trước những ý kiến của nhân dân, công dân được nhắc nhở và khuyến khích rằng, họ có quyền đòi cân nhắc lại các quyết định của cơ quan đầu mối.

Nói tóm lại, sự tham gia chủ động của từng cá nhân công dân có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình ra quyết sách. Tuy nhiên, tham gia như thế nào thì tùy tong trường hợp cụ thể; và mỗi công dân nên liên hệ với những người, những tổ chức có quan tâm khác để xác định cách thức tham gia nào là tối ưu.

Thứ tư. Cam kết với nhân dân về việc tiếp thu ý kiến.

Các cơ quan có liên quan phải thực hiện các nghĩa vụ đối với nhân dân: giải thích những hệ quả cả việc tiếp thu hay không tiếp thu các kiến nghị của nhân dân; giải thích cho nhân dân tham gia như thế nào; tạo ra sự bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc tiếp cận thông tin và các cơ quan ra quyết định; tiếp nhận mọi nguồn ý kiến từ tất cả các nhóm lợi ích liên quan

Thứ năm.  Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để  nhân dân tham gia có ý kiến một cách có hiệu quả.

          Cung cấp thông tin: Thông tin sớm, kịp thời, dễ hiểu, có tiêu điểm, có giải thích sự liên quan của vấn đề với những cộng đồng đặc biệt, sự phổ biến thông tin đến từng người dân sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao khả năng, năng lực tham gia của nhân dân.

          Đơn giản hóa các vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân: Cơ quan tổ chức cho nhân dân tham gia vào việc ra quyết sách không nên giũ bỏ gánh nặng phân tích chuyên môn lên vai công dân, mà cần phải chuyển những nội dung cần lấy ý kiến trở thành đơn giản và có thể hiểu được, phù hợp với trình độ của từng đối tượng muốn lấy ý kiến.

          Tập huấnnhững kỹ năng cần thiết cho nhân dân trong việc tham gia ý kiến: Nhân dân cần được tập huấn về việc cần tham gia như thế nào vào các hoạt động góp ý kiến. Theo những người được hỏi, công dân thường xa lạ với các thủ tục tham gia, trong khi đó, nhiều khi cơ quan tổ chức lại áp dụng những thủ tục chưa hề được giải thích ở đâu cả. Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa nhân dân và cơ quan chính phủ.

          Giáo dục pháp luật: công dân cần những kiến thức pháp lý cơ bản về vấn đề cần tham gia để tăng năng lực tham gia. Vì vậy, khả năng tham gia của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước cũng phụ thuộc vào hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc lập kế hoạch tính đến những thay đổi về quyền lợi trong nhân dân; Hiểu và tôn trọng các quan điểm của những bên liên quan khác; Có những bước đi để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả những ai quan tâm có thể nhận thông tin và tham gia vào quá trình

Theo kinh nghiệm của các nước về hoạt động thu hút sự tham gia của nhân dân vào quá trình ra quyết sách của các cơ quan chính phủ, một tổ chức phi chính phủ  chuyên về sự tham gia của nhân dân đã tổng kết những xu hướng sau đây khiến cho sự tham gia của nhân dân không thành công[2] :

(1)- Quá coi trọng mặt kỹ thuật, để kỹ thuật dẫn đường mà không theo lợi ích. Điều này khiến người ta thường hay bỏ qua các bước quan trọng như xác định mục tiêu và chuyển thông điệp đến nhân dân;

(2)- Sự tham gia của nhân dân bắt đầu khi quyết định đã được hình thành. Lúc đó còn rất ít cơ hội để tác động lên quyết định, sự tham gia của nhân dân như thế chỉ gây tranh cãi nhiều hơn là tìm giải pháp khả thi.       

(3)- Sự tham gia của nhân dân không hòa cùng với quá trình ra quyết định, thường được tiến hành song song chứ không như là một phần của việc ra quyết định. Kết quả là nhân dân không tiếp nhận được thông tin, còn bên ra quyết định không nhận được sự đóng góp của nhân dân một cách kịp thời;

(4)- Nhân dân thiếu thông tin, bởi vậy không hiểu và không nắm được vấn đề nên không đóng góp được hiệu quả;

(5)- Thiếu đồng bộ về mặt tổ chức: Có lúc bộ máy trực tiếp tổ chức quá trình thu hút sự tham gia của nhân dân không thể hiện được đầy đủ thiện ý, ý đồ của những người ra quyết định. Kết quả là nhân dân cảm thấy bị thất hứa, ý kiến tiềm tàng không được phát huy và họ thấy không còn tin tưởng vào việc thu hút sự tham gia của họ nữa;

(6)- Quy mô nhỏ, lệch: Có lúc việc thu hút sự tham gia của nhân dân không chú ý đến nhiều tầng lớp rộng rãi trong cộng đồng, tiếng nói đóng góp không điển hình. Kết quả thu được không hiệu quả và có thể gây tranh cãi, không phản ánh được các lợi ích thực sự của nhân dân

(7)- Quan niệm của nhân dân về tính hình thức: Nhân dân có thể có quan niệm rằng, những đợt thu hút sự tham gia của nhân dân chỉ diễn ra cho có, một cách hình thức, họ không có cách gì để tác động lên quyết sách của cơ quan chính phủ. Nhiều người cho rằng cơ quan chính phủ “muốn làm gì chả được”, nên những nỗ lực của người dân chỉ vô ích; rằng “cơ quan chính phủ thu thập thông tin và ra quyết sách mà không tính đến những nỗi quan ngại của cộng đồng dân cư”; các cơ quan chính phủ để cho nhân dân tham gia chẳng qua là “vì phải làm thế”; cơ quan chính phủ chỉ nghe những “cộng đồng dễ bảo” (regulated community); thông tin đưa ra là loại thông tin đã được chọn lọc, chỉ nhằm thuyết phục chứ không có tính chất trao đổi. Quan niệm này nhiều lúc có cơ sở, có lúc chỉ là cảm tính, nhưng dù thế nào nó cũng cản trở quá trình thu hút sự tham gia của nhân dân.

 

2. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong quản lý nhà nước.

          Trong một xã hội dân chủ, việc tham gia ý kiến của nhân dân luôn được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện nhằm làm cho hoạt động của Nhà nước đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quàn chúng nhân dân trong xã hội.

          Ý kiến nhân dân theo một nghĩa chung nhất là: Cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng của mỗi người về sự vật, sự việc, về một vấn đề nào đó; Lời phát biểu có tính chất nhận xét, phê bình[3].

          Ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung  có thể hiểu là cách nhìn nhận, cách đánh giá của nhân dân đối với những hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình. Với các nhà nước dân chủ, việc tiếp thu ý kiến nhân dân là một việc làm có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước nhằm phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân.

Cơ chế: là toàn bộ các nội dung, gồm: thiết chế, phương tiện, nguyên tắc, hình thức, phương pháp, biện pháp tổ chức và thực hiện một hoạt động nhất định. [4]         

Khái niệm cơ chế cũng bao gồm  là tổng thể các bảo đảm về vật chất, chính trị, tư pháp, pháp lý, tổ chức, nghiệp vụ cho việc thực hiện một quyền nào đó hoặc một việc nào đó.

          Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước có thể được hiểu với nghĩa chung nhất là toàn bộ các thiết chế, nguyên tắc, hình thức, phương pháp và biện pháp tổ chức việc tiếp nhận, những điều kiện đảm bảo thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hổi ý kiến nhân dân trong hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy dân chủ.

          Tùy theo tính chất của từng loại quan hệ quản lý, tính chất của từng loại ý kiến nhân dân mà có các cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi khác nhau.

          - Đối với hoạt động xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật thì Nhà nước phải là chủ thể chủ động trong việc huy động trí tuệ của nhân dân tham gia vào việc hoạch định chính sách, pháp luật; phương thức và các hình thức để nhân dân tham gia ý kiến cần đa dạng (thông qua việc đăng tải dự thảo trên các phương tiện truyền thông, thông qua tham vấn trực tiến, thông qua các hội thảo, tọa đàm, thông qua các tổ chức trung gia như  các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp...) ở những quy mô khác nhau (toàn quốc, một số địa phương, một số nhóm đối tượng...). Cơ chế xử lý, tiếp thu và phản hồi ý kiến cho người dân cần linh hoạt, phù hợp với từng loại vấn đề và mang tính khái quát, công khai cao (việc giải trình không nhất thiết phải giải trình cho từng chủ thể cụ thể và từng vấn đề cụ thể mà chỉ cần khái quát các vấn đề và giải trình công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc thông qua trả lời của người có thẩm quyền trong các diễn đàn phù hợp). Việc lấy ý kiến nhân dân có thể được thực hiện ở giai đoạn trước khi xây dựng chính sách, trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật hoặc trong quá trình tổ chức triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Trong những trường hợp nêu trên, luật pháp của các nước thường quy định khá chặt chẽ về cơ chế tham vấn nhân dân, trách nhiệm xử lý và phản hồi của cơ quan nhà nước. Trong thực tiễn Việt Nam, cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng pháp luật được quy định cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004.

          - Đối với hoạt động quả lý Nhà nước trên từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể thì cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân được thực hiện khá linh hoạt. Tùy từng vấn đề cụ thể cơ quan quản lý nhà nước có thể chủ động thăm dò ý kiến người dân (chẳng hạn như  các giải pháp về giao thông đường bộ, việc tham vấn ý kiến người dân về các dự án nhậy cảm...) hoặc người dân cũng có thể chủ động đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện (Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, hội nghề nghiệp...). Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các trường hợp nên trên rất linh hoạt, tùy từng trường hợp mà pháp luật có thể quy định những vấn đề buộc phải tham vấn nhân dân và trách nhiệm giải trình cụ thể của cơ quan công quyền (như việc xây dựng các dự án, công trình mang tính nhạy cảm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử dân tộc, đời sống văn hóa, tâm linh, tinh thần của người dân...) hoặc không quy định rõ cơ chế cứng, chặt chẽ cho việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân (như  các sáng kiến của người dân chủ động đề xuất một số giải pháp cụ thể trong việc xử lý các công việc quản lý thường nhật của cơ quan, nhân viên nhà nước...).

          - Đối với các hoạt động quản lý nhà nước, hoặc các quan hệ pháp luật cụ thể mà người dân cho rằng  quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, bị xâm phạm hoặc người dân phát hiện các sai phạm của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, các vi phạm pháp luật của các chủ thể khác (cá nhân, tổ chức trong xã hội)... thì cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin cần phải được quy định hết sức chặt chẽ và trách nhiệm giải trình phải rõ ràng, trong thời hạn luật định và trực tiếp với chính người cung cấp thông tin. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân cũng như việc xử lý, giải trình kết quả xử lý đươc quy định cụ thể trong Luật khiếu nại, tố cáo; việc tiếp nhận đơn thư của công dân liên quan đến tin báo tôi phạm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; việc giải quyết các vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự; việc thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự, lao động, hành chính được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính...

          Theo công đoạn của quá trình xử lý thông tin, có thể chia quá trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân thành các công đoạn:

- Tiếp nhận ý kiến của nhân dân: tùy theo hình thức và loại ý kiến có cơ chế tiếp nhận khác nhau (ý kiến trực tiếp, ý kiến gián tiếp, ý kiến bằng văn bản, ý kiến bằng lời nói...) với các trình tự, thủ tục khác nhau;

- Phân loại ý kiến: Căn cứ vào tính chất của ý kiên và chức năng quản lý của từng cơ quan để phân loại các ý kiến: các ý kiến góp ý, các ý kiến tư vấn, các ý kiến thăm dò dư luận, các ý kiến khiếu nại, tố cáo...;

- Xử lý ý kiến: trên cơ sở phân loại ý kiến thì mỗi loại ý kiến có một cơ chế xử lý khác nhau theo quy trình khác nhau: ý kiến góp ý, tư vấn chính sách có quy trình xử lý riêng; ý kiến khiếu nại có quy trình xử lý riêng; ý kiến tố cáo có quy trình xử lý riêng...;

- Phản hồi ý kiến: cũng căn cứ vào từng loại ý kiến nhân dân mà cơ chế phản hồi khác nhau: với các ý kiến tư vấn, góp ý, phản biện... thì cơ quan nhà nước có cơ chế tổng hợp khái quát từng vấn đề và phải hồi theo các nhóm vấn đề trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng; đối với các khiếu nại, tố cáo thì phải có cơ chế phản hồi đối với từng ý kiến cụ thể trong thời hạn luật định.

          Như vậy, tùy theo tính chất của từng loại quan hệ, theo tính chất của từng loại ý kiến nhân dân mà có những cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi khác nhau (cả về thủ tục thực hiện, hình thức đưa tin và tiếp nhận tin, chủ thể có trách nhiệm, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan...)

 

3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc thu hút ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, với chủ trương cải cách nền hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và xây dựng nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân nên Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách, liên quan đến việc thúc đẩy sự tích cực của các cơ quan công quyền trong việc tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.

Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ khẳng định: “Cần phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý nhà nước... cải tiến việc lấy ý kiến của nhân dân về các văn bản pháp luật theo hướng thiết thực, tránh hình thức, lãng phí” thì Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ hơn: “... Đổi mới phương thức và quy trình xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan, coi trọng sử dụng các chuyên gia liên ngành và dành vai trò rất quan trọng cho tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật và đã được tổ chức thực thi trong đời sống xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

          Ðây là nguyên tắc được nhà nước ta thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nguyên tắc này thể hiện bản chất dân chủ sâu sắc giữ vai trò quan trọng thiết yếu trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện khiếu nại tố cáo nếu cho rắng cán bộ hành chính nhà nước vi phạm quyền lợi của họ hoặc thực hiện không đúng đắn, mà còn có quyền tự mình tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Ðiều này này khẳng định vai trò hết sức đặc biệt của nhân dân lao động trong quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động được tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Ðiểm thú vị về mặt lý luận của nguyên tắc vì vậy chỉ có ý nghĩa khi được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Có thể mở rộng, tăng cường quyền của công dân trong hoạt động quản lý, nhưng không được phép hạn chế, thu hẹp những gì mà Hiến pháp đã định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Cơ quan nhà nước phải thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tốt thì nhân dân mới thấy rõ Đảng và Nhà nước luôn giữ chặt mối liên hệ với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó việc quan tâm làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là thể hiện bản chất dân chủ, là biện pháp củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ. Thêm nữa, đây cũng là một kênh thông tin để đánh giá tính khả thi của các chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước. Đánh giá chính sách là việc xem xét, nhận định về giá trị các kết quả thu được khi thực thi chính sách. Đánh giá chính sách được tiến hành trên cơ sở một chính sách đã được hoạch định, thực thi và có sự phản ánh kết quả trở lại. Đánh giá tính khả thi của chính sách, tức là trả lời câu hỏi: việc thực thi chính sách có đạt được mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của các nhóm đối tượng của chính sách hay không? Các chính sách, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước được thực thi trên thực tế sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Do vậy, cần có sự phản hồi của người dân để đánh giá chính sách. Trên cơ sở các thông tin thu được qua, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý có được các thông tin về kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu của chính sách, có căn cứ để xác định xem việc tồn tại chính sách có hợp lý hay không, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách và tìm kiếm các biện pháp quản lý thích hợp và hiệu lực để thực thi chính sách đó. Đặc biệt, tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.

          Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về tăng cường sự tham gia của nhân dân trog hoạt động quản lý nhà nước. Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm thể chế hóa chủ chương này. Các văn bản chủ yếu đề cập đến những nội dung này bao gồm: Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001); Luật Tổ chức Quốc hội 2002; Luật tổ chức Chính phủ 2002;Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003;Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008; Luật khiếu nại tố cáo; Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí;Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

 

          Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Việc tham gia đông đảo của nhân dân  vào quản lý hành chính nhà nước thông qua các hình thức như sau:

          * Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

          Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước, việc nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả nhất trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân nếu đáp ứng các yêu cầu của pháp luật đều có thể tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp vào công việc quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          - Nhân dân có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này - họ là những đại biểu được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc với tư cách là các viên chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước. Khi ở cương vị là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, người lãnh đạo trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương trong đó có các vấn đề quản lý hành chính nhà nước. Khi ở cương vị là cán bộ viên chức nhà nước thì nhân dân sẽ sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp để thực hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, có điều kiện biến những ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh.

          - Ngoài ra, nhân dân có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương. Ðây là hình thức tham gia rộng rãi nhất của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

          Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội:

          - Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội là công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Thông qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân lao động được phát huy. Ðây là một hình thức hoạt động có ý nghĩa đối với việc bảo đảm dân chủ và mở rộng nền dân chủ ở nước ta.

          *  Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở:

          - Ðây là hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện, các hoạt động này gần gủi và thiết thực đối với cuộc sống của người dân như hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,...Những hoạt động này xảy ra ở nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt nên mang tính chất tự quản của nhân dân.

          - Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản này nhân dân là những chủ thể tham gia tích cực nhất, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của họ được tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

          * Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước

          - Ðiều 53-Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hay chính người dân trực tiếp thực hiện.

          - Kiểm tra các cơ quan quản lý nhà nước.

          - Tham gia trực tiếp với tư cách là thanh viên không chuyên trách trong hoạt động cơ quan quản lý, các cơ quan xã hội.

          - Tham gia với tư cách là thành viên của tập thể lao động trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của cơ quan...

          Như vậy, với đường lối chính sách của Đảng và sự đảm bảo của pháp luật hiện hành, nhân dân có thể tham gia quản lý nhà nước với nhiều cách thức khác nhau. Một trong các cách thức đó chính là việc nhân dân có ý kiến, phát biểu quan điểm, suy nghĩ của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các thiết chế đại diện đối với hoạt động của nhà nước.

          Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến của nhân dân có ý nghĩa rất quan trong nhằm làm cho hoạt động của nhà nước đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Đó cũng chính là thể hiện bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

         

II. CHỨC NĂNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP VÀ ĐẶC THÙ CỦA CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CỦA NGÀNH.

     Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định đường lối “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng” đồng thời nêu yêu cầu “Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp...”[5].

     Trong giai đoạn tới, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế và thực hiện tốt các cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp. Đổi mới hệ thống tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức toà án, bảo đảm tốt hơn các điều kiện để viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; xác định rõ hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục đổi mới và kiện toàn các tổ chức bổ trợ tư pháp. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp[6].

 

Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu cải cách đồng bộ về thể chế, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp đã được đặt ra như một bộ phận của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xuất phát từ bản chất, từ các đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN đã và đang được đúc kết qua thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới trong suốt 65 năm qua, đặc biệt là trong 25 năm đổi mới, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2006 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác đinh mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đặt ra là chúng ta chưa có chủ thuyết khoa học về nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền lại cũng chưa có tiền lệ trên thực tế về mô hình tổ chức các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN mà ta đang hướng tới. Vì vậy, từ góc độ khoa học, các quan điểm, nhiệm vụ trong Chiến lược là định hướng chính trị quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề còn vướng mắc về lý luận và thực tiễn của cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản

Mục tiêu phát triển của ngành tư pháp trong giai đoạn tới là là làm cho hệ thống tư pháp của ngành thích nghi và hoạt động hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường thòi kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng được tốt hơn chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp và các lĩnh vực quản lý khác. Cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp phải xuất phát từ nhu cầu và điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, phát triển ngành tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phải đảm bảo giữ vững và phát huy bản chất dân chủ, vì con người và bảo vệ quyền con người của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp

Thứ ba, phát triển ngành tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phải đặt trong mối quan hệ cải cách đồng bộ lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hướng đảm bảo tính độc lập tương đối và sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trên cơ sở quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước

Thứ tư, xây dựng, phát triển ngành tư pháp phải dựa trên việc khai thác, phát huy các giá trị  truyền thống của Việt Nam đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm của quốc tế.

1. Đặc thù hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và sự cần thiết  của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân đối với hoạt động của Bộ Tư pháp

           Nghị định số 93/2008/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế và chủ trương hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án quan trọng quốc gia, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

3. Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về công tác xây dựng pháp luật:

Trình Chính phủ dự thảo chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật;Lập dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo để trình Chính phủ quyết định; kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế; Tham gia xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác chủ trì soạn thảo; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

6. Về thi hành pháp luật:

 Theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong  công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

7. Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

 Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản trái pháp luật; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

9. Về phổ biến, giáo dục pháp luật:

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật; làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật ; Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật; biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học.

10. Về thi hành án dân sự:

Tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi không chấp hành án; Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự; Quản lý thống nhất về tổ chức, hoạt động, ngân sách của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

11. Về hành chính tư pháp:

 Hướng dẫn công tác chứng thực, quản lý và đăng ký hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; ban hành, quản lý thống nhất các loại biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; Giải quyết các thủ tục về xin thôi quốc tịch, xin nhập quốc tịch hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam để trình Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.

12. Về bổ trợ tư pháp:

 Quản lý nhà nước thống nhất về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, trọng tài thương mại; ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất mẫu văn bản, giấy tờ về công chứng, giám định tư pháp, trọng tài thương mại; Cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ công chứng viên, thẻ giám định viên tư pháp; cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài, Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Trung tâm Trọng tài thương mại; phê duyệt Điều lệ của Trung tâm Trọng tài thương mại;  Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại.

13. Về công tác nuôi con nuôi:

 Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký nuôi con nuôi và thực hiện quyền, lợi ích của con nuôi trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; ban hành thống nhất biểu mẫu, giấy tờ trong lĩnh vực nuôi con nuôi; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định pháp luật;  Cấp, gia hạn, thay đổi nội dung, thu hồi giấy phép lập Văn phòng con nuôi nước ngoài và quản lý hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

14. Về trợ giúp pháp lý:

Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định các biểu mẫu, giấy tờ về trợ giúp pháp lý;  Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý;  Xây dựng và quản lý đối với hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.

15. Về đăng ký giao dịch bảo đảm:

 Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm; ban hành, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký về giao dịch bảo đảm; Tổ chức, hướng dẫn thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, tài sản cho thuê tài chính và các giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật.

16. Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

17. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

18. Về hợp tác quốc tế:

Tổng hợp, điều phối, thẩm định về nội dung các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật;  Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế và chủ trương hợp tác quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ sau khi được Chính phủ phê duyệt;  Quản lý thống nhất công tác tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài; làm đầu mối thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của pháp luật;Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật; Thực hiện việc cấp ý kiến pháp lý cho các dự án theo quy định của pháp luật; tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế có liên quan tới Việt Nam theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

19. Quản lý  khoa học

Xây dựng các quy chế đánh giá, nghiệm thu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý; xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học; phát triển và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

20. Về công nghệ thông tin

Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, thi hành án, giao dịch bảo đảm, công chứng, hộ tịch, giám định, lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ.

21. Về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ:

Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ công; về xã hội hoá các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp; điều kiện, tiêu chí thành lập các tổ chức sự nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;  Hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

22. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật; phê duyệt Điều lệ của Tổ chức luật sư toàn quốc.

23. Về kiểm tra, thanh tra:

 Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thanh tra, kiểm tra chính quyền địa phương việc thực hiện phân cấp quản lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Tư chức năng và nhiệm vụ, có thể thấy  ngành Tư pháp có một số đặc thù so với các  ngành khác như sau:

Thứ nhất. Trong quan hệ với quyền lập pháp, ngành Tư pháp có vai trò là đầu mối, cơ quan giúp Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng Chiến lược pháp luật, chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm, trực tiếp xây dựng các đạo luật quan trọng trên một số lĩnh vực, thẩm định, góp ý, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành tư pháp có quan hệ mật thiết với cải cách lập pháp với việc xác định nhu cầu tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong tương lai.

Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho hệ thống pháp luật giữ vững bản chất nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân; khắc phục tình trạng pháp luật phục vụ cho những nhóm lợi ích nhỏ trong xã hội.

Thứ hai. Trong quan hệ với quyền hành pháp, ngành Tư pháp có vai trò là cơ quan của Chính phủ giúp chính phủ quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, như theo dõi công tác thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp), quản lý nhà nước về một số dịch vụ công như bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách... Do vậy, các hoạt động quản lý của ngành tư pháp không thế thoát ly khỏi các hoạt động quản lý nói chung của ngành hành pháp và có quan hệ mật thiết với các định hướng cải cách hành chính giai đoạn từ nay đến 2020 trên các mặt thể chế, tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cán bộ, cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá...

          Với đặc thù này, việc làm tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho Ngành Tư pháp có thể kịp thời phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung những khiếm khuyết hoặc những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba. Trong quan hệ với quyền tư pháp, ngành Tư pháp quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (như luật sư, công chứng, giám định, thi hành án...), đào tạo các chức danh tư pháp, thậm chí là quản lý các toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (trước đây)... Những hoạt động trên có gắn bó mật thiết với định hướng cải cách tư pháp giai đoạn từ nay đến 2020, đặc biệt là các chủ trương về xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ tư pháp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp lấy trọng tâm là xây dựng hệ thống Toà án theo cấp xét xử, tăng cường tính độc lập của Toà án, cải cách thủ tục tư pháp theo hướng tăng cường tranh tụng....

Đây là một mối quan hệ đặc biệt giữa Ngành Tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong trường hợp này giúp cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng và niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật và công lý.

Thư tư. Hoạt động của Ngành tư pháp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, Ngành Tư pháp được coi là “người gác cổng” cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thúc đẩy hiệu quả thi hành pháp luật. Vì đặc thù này, việc tiếp nhận ý kiến nhân dân sẽ giúp cho ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng của mình, giúp cho hệ thống pháp luật phản ánh được ý chí và nguyện vọng thực sự và một các trực tiếp của nhân dân.

Thư năm. Hoạt động của Ngành Tư pháp có liên quan nhiều đến việc ban hành và thực thi quyền con người, quyền công dân. Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, lĩnh vực liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Vì đặc trưng này, việc xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân một mặt nhằm phát huy trí tuệ và đóng góp của nhân dân nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo trật tự quản lý và đúng pháp luật, tránh trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền để làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước.

2. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hổi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

2.1 Khái niệm và phân loại ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Với tính chất là một cơ quan nhà nước phụ trách một lĩnh vực quản lý khá rộng và đặc thù, hoạt động của bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung có nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vây, trong quá trình hoạt động của mình, các cơ quan tư pháp (với ý nghĩa thuộc Bộ Tư pháp) có thể tiếp nhận được nhiều ý kiến từ các đối tượng khác nhau thông qua các phương thức khác nhau.

Khái quát về các loại ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp:

Có nhiều cách phân loại ý kiến của nhân dân trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước nói chung, Ngành tư  pháp nói riêng.

 

a) Dựa vào tính chất của lĩnh vực quản lý của Ngành tư  pháp có thể phân loại các ý kiến nhân dân thành các nhóm sau:

Nhóm 1:Y kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật.(xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật)

Theo quy định của pháp luật hiện hành, phạm vi các chủ thể có thể đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất rộng. Bao gồm: các chuyên gia, nhà khoa học, quần chúng nhân dân, các hội đoàn thể quàn chúng, các hiệp hội doanh nghiệp...

Một là: Đặc trưng của nhóm ý kiến liên quan đến vấn đề này là tính chất tự nguyện, tự giác của việc cho ý kiến. Hơn nữa, các ý kiến này có thể không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của một người cụ thể mà liên quan đến một hoặc nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

 Với đặc điểm này, nếu chúng ta không có một cơ chế phù hợp thì sẽ không thu được kết quả từ hoạt động lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy, để có được một chính sách, một văn bản thực sự vì lợi ích của nhân dân thì nhà nước mà đại diện là các cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách phải thiết lập một cơ chế để lấy ý kiến phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau chịu sự tác dộng của chính sách hay quy định muốn ban hành.

Hai là: Ý kiến của nhân dân nói chung liên quan đến lĩnh vực pháp luật được thông qua nhiều phương tiện, cách thức khác nhau như: góp ý trực tiếp, thông qua Cổng thông tin điện tử của các cơ quan có chức năng, thông qua báo chí, thông qua các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm...

Hiện nay, việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân được giao cho các Ban soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Các Ban soạn thảo này lại có thành phần từ các Bộ ngành khác nhau. Trong đó, thành phần chính là Bộ ngành chủ trì soạn thảo văn bản.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở nhiều nơi thông qua nhiều hình thức khác nhau cũng có tác dụng tốt là nhằm thu hút tối đa và tạo điều kiện tham gia đông đảo của nhân dân trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, nếu không quy định một cơ quan có trách nhiệm làm đầu mối hoặc 1 địa chỉ thống nhất tiếp nhận thông tin thì hiệu quả của hoạt động lấy ý kiến không cao.

Ba là: Hiệu quả của việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật  phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội , trình độ dân trí và mức độ dân chủ trong hoạt động xây dựng chính sách.

Nhân dân chỉ tích cực tham gia ý kiến khi có khả năng tiếp cận và khả năng nhận thức được các chính sách mà Nhà nước muốn hỏi ý kiến nhân dân. Với đặc điểm này, nếu chúng ta có cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  phù hợp thì nhân dân mới tích cực cho ý kiến. Ngược lại, nếu chỉ làm một cách hình thức thì nhân dân sẽ cảm thấy việc có ý kiến không có giá trị gì và sẽ không tiếp tục tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

 

Nhóm 2: Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp (Với nghĩa là quản lý hành chính nhà nước về công tác tư pháp: thi hành án, hành chính tư pháp, quản lý bổ trợ tư pháp...)

Tính chất của nhóm ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này:

Một là: Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của Ngành Tư pháp nhằm thực hiện hoạt động quản lý hành chính tư pháp. Trong đó có nhiều hoạt động trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của các đối tượng khác nhau nên theo quy định hiện hành của pháp luật, các đối tượng này có quyền thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, quyền có ý kiến đối với việc quản lý này.

Hai là: Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực này được quy định chặt chẽ bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đó là pháp luật về Khiếu nại, pháp luật về tố cáo; pháp luật liên quan đến trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, cán bộ công chức trong việc tiếp công dân xử lý và phản hồi kiến nghị của nhân dân.

Ba là: Tính chất ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực này thường là rất phức tạp. Vì vậy, việc xử lý, giải quyết các yêu cầu kiến nghị của nhân dân trong mảng này trong nhiều trường hợp khó khăn và kéo dài, nhất là trong lĩnh vực giải quyết các yêu cầu kiến nghị liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Bốn là: Ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Ngành tư pháp được gửi trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành Tư pháp với một số phương thức khác nhau như: Đơn thư khiếu nại tố cáo, Kiến nghị, yêu cầu trả lời...

Với tính chất và đặc điểm của loại ý kiến này, cần có mộ cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi phù hợp và khác biệt với cơ chế tiếp nhận xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật. Cơ chế này phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo, về công tác tiếp dân, về trách nhiệm của công chức liên quan. Cơ chế này cũng phải đảm bảo tính hiệu quả nhằm giải quyết các loại ý kiến, yêu cầu, kiến nghị có tính chất phức tạp trong lĩnh vực quản lý của ngành.

b) Dựa vào tính chất của từng loại ý kiến có thể phân thành các nhóm ý kiến nhân dân trong mối quan hệ với hoạt động của Ngành tư pháp như sau:

          - Các ý kiến của nhân dân góp ý, tư vấn, phản biện... trong lĩnh vực xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật của Ngành tư pháp. Đây là sự thể hiện quan điểm, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội thông qua hoạt động lập pháp. Có thể nói những ý kiến loại này là nguồn trí tuệ vô giá giúp cho việc hoạch địch chính sách, pháp luật của nhà nước gần và sát với thực tiễn hơn, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của người dân thông qua hoạt động lập pháp. Do vậy, đối với cơ quan lập pháp nói chung, đối với Ngành tư pháp nói riêng (với tính chất là cơ quan giúp Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi chung việc thi hành pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật) thì việc lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật vừa là một công đoạn của quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, vừa là biện pháp khoa học, hiệu quả trong xây dựng chính sách, pháp luật, vừa là trách nhiệm do luật định.

          - Các ý kiến nhân dân góp ý, tư vấn nhằm giúp cơ quan quản lý của Ngành tư  pháp phát hiện các bất cập, cũng như đề ra các giải pháp cụ thể trong các nghiệp vụ quản lý chuyên môn của ngành (như các giải pháp trong việc triển khai cơ chế một cửa, các giải pháp quản lý trong các lĩnh vực chuyên ngành: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý...). Trong những trường hợp này trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý không được quy định rõ trong mọi trường hợp, nhưng các cơ quan, đơn vị quản lý Ngành phải có thái độ cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của nhân dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý;

- Các ý kiến nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Đây là các trường hợp người dân cho rằng  quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, bị xâm phạm hoặc người dân phát hiện các sai phạm của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, các vi phạm pháp luật của các chủ thể khác (cá nhân, tổ chức trong xã hội)... trong lĩnh vực quản lý của Ngành. Việc tiếp nhận, xử lý, giải trình là nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngành trước công dân, trước pháp luật.

2.2 Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp cũng có những đặc điểm chung của cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực quản lý nhà nước (như đã nêu trên), nhưng bên cạnh đó nó cũng có những đặc thù nhất định xuất phát từ đặc thù quản lý của Ngành tư pháp. Cụ thể là:

- So với các hoạt động tiếp thu ý kiến của các ngành khác thì một trong những loại ý kiến nhân dân quan trọng nhất ngành tư pháp phải tiếp thu đó là ý kiến của nhân dân đối với hoạt động xây dưng chính sách và pháp luật. trong các lĩnh vực khác (như quản lý hành chính thông thường, giải quyết khiếu nại, tố cáo) thì thường cơ quan nhà nước là chủ thể thụ động trong việc tiếp nhận các ý kiến của người dân. Còn trong lĩnh vực xây dựng chính sách và pháp luật thì cơ quan nhà nước nói chung, Ngành tư pháp nói riêng là chủ thể chủ động và tích cực, có trách nhiệm thu hút sự chú ý của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm chủ động tạo các diễn đàn, các hình thức tham vấn ý kiến của người dân vào quá trình đề xuất các chính sách, góp ý cho các dự thảo văn bản pháp luật, phát hiện các bất cập của hệ thống pháp luật...Đây là quá trình đòi hỏi cơ quan nhà nước phải chủ động và có biện pháp để huy động tối đa và hiệu quả ý kiến của người dân và của toàn xã hội vào quá trình hoạch định chính sách pháp luật.

- Trong lĩnh vực xây dựng chính sách và pháp luật, Ngành tư pháp ngoài việc phải xây dựng các thể chế phục vụ cho công tác quản lý của ngành (như xây dựng thể chế trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý, thi hành án, hành chính tư pháp...) thì Ngành Tư pháp còn có chức năng giúp chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, theo dõi chung việc thi hành pháp luật... Do vậy, các ý kiến nhân dân (góp ý, tư vấn, phản biện chính sách, thăng dò dư luận...) không chỉ gói gọn trong việc xây dựng các thể chế của ngành mà còn mở rộng đến bất cứ lĩnh vực nào. Bất kể các ý kiến phản ánh của người dân về sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, về các ý kiến góp ý, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật của quốc gia... thì Ngành tư pháp đều có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp, tiếp thu và giải trình. Mặt khác, ngoài việc phải tiếp nhận các ý kiến về các lĩnh vực pháp luật cụ thể thì các ý kiến của nhân dân về việc nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm sự tham gia trí tuệ của nhân dân vào quá trình lập pháp, lập quy... Ngành tư pháp đều có tránh nhiệm phải tiếp thu và giải trình.

Ngoài ra, với tư cách là cơ quan gác cổng cho Chính phủ và UBND các cấp về việc thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nói riêng, Ngành tư pháp nói chung có trách nhiệm yêu cầu các chủ thể xây dựng pháp luật phải chủ động tham vấn ý kiến nhân dân, xử lý, tiếp thu và giải trình các vấn đề cụ thể trong trường hợp cần thiết. Nhất là việc đánh giá tác động kinh tế, xã hội đối với văn bản trước khi ban hành.

Sau cùng, với chức năng theo dõi chung việc thi hành pháp luật, thì các ý kiến của nhân dân phải ánh về tình trạng thi hành pháp luật không nghiêm trên các lĩnh vực cụ thể, các đề xuất, giải pháp của nhân dân về nâng cao chất lượng thi hành pháp luật thuộc các lĩnh vực này cũng có thể phán ánh đến Ngành tư  pháp và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tư pháp có trách nhiệm tiếp thu, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

- Trong hoạt động quản lý của ngành liên quan đến lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp (có liên quan hoặc phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động tố tụng Tư pháp) như: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự... thì việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi các ý kiến của người dân ngoài những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý hành chính như các bộ, ngành khác thì cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân trên các lĩnh vực này cũng có những đặc thù cụ thể. Trong các loại ý kiến của nhân dân liên quan đến các lĩnh vực này có nhiều ý kiến có liên quan trực tiếp đến quá trình tố tụng tư pháp (như điều kiện, tiêu chuẩn, tư cách của Luật sư, trợ giúp viên pháp lý, giám định viên tư pháp, các ý kiến khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự...) nên việc tiếp thu, xử lý và phản hồi các ý kiến này ngoài việc tuân thủ các quy trình hành chính thông thường, trong nhiều trường hợp phải căn cứ vào các quy định nghiêm ngặt có liên quan đến quá trình tố tụng tư pháp và phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Kiểm sát, Công an).

Trong điều kiện và phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi sẽ tập trung đánh giá thực trạng thể chế, tổ chức bộ máy, trình tự thủ tục và các điều kiện đảm bảo đối với việc  tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó:

Về thể chế: Làm rõ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành của Nhà nước đối với cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật và tư pháp. Đánh giá những hạn chế của thể chế đối với cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong các  lĩnh vực này.

Về tổ chức bộ máy, các thiết chế liên quan đến việc thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  đối với xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và hoạt động xây dựng pháp luật của Ngành tư pháp.

Về trình tự thủ tục thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân : Đây là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân. 

Các điều kiện đảm bảo: bao gồm cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị đảm bảo cho việc thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân 

Một là:  Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong lĩnh vực pháp luật.

Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  không chỉ đối với các văn bản do Bộ chủ trì soạn thảo mà còn là đối với cả hệ thống pháp luật nói chung. Vì vậy, với nhiệm vụ này, phải có 2 cách thức thưc hiện  khác nhau:

i)                      Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong xây dựng hoàn thiện và thi hành hệ thống pháp luật nói chung.

ii)                    Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong xây dựng hoàn thiện và thi hành pháp luật thuộc phạm vi của ngành Tư pháp.

Trong phạm vi đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Ngành Tư pháp. Việc nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  nói chung trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung đòi hỏi điều kiện thời gian và sự tham gia ở cấp cao hơn.

Hai là: Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Ngành Tư pháp.

           Lĩnh vực tư pháp ở trong phạm vi nghiên cứu của Đề tài cũng chỉ dừng lại trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành tư pháp. Bao gồm: Thi hành án dân sự, Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp.

          Trong lĩnh vực này, số lượng ý kiến của nhân dân trong những năm qua tập trung vào hoạt động quản lý đối với công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ tập trung đánh giá cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong lĩnh vực thi hành án dân sự - là một lĩnh vực đặc thù trong hoạt động của Ngành tư pháp có khả năng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của Ngành.

3. Đường lối của Đảng đối với việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ khẳng định: “Cần phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý nhà nước... cải tiến việc lấy ý kiến của nhân dân về các văn bản pháp luật theo hướng thiết thực, tránh hình thức, lãng phí”.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ hơn: “... Đổi mới phương thức và quy trình xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan, coi trọng sử dụng các chuyên gia liên ngành và dành vai trò rất quan trọng cho tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp”.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ban hành theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, sự tham gia của nhân dân nói chung, của các chuyên gia nói riêng vào hoạt động xây dựng pháp luật mới được khẳng định là một trong những giải pháp chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Chiến lược xác định phải “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật. Có cơ chế thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật. Xác định cơ chế phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ban hành theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, sự tham gia của nhân dân nói chung, của các chuyên gia nói riêng vào hoạt động xây dựng pháp luật mới được khẳng định là một trong những giải pháp chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Chiến lược xác định phải “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật. Có cơ chế thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật. Xác định cơ chế phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

 

III. THAM KHẢO KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC VỀ CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT.

          Trên phương diện khái quát, Ngành tư pháp Việt Nam hiện nay đảm trách hai lĩnh vực lớn xây dựng pháp luật (bao gồm xây dựng chiến lược pháp luật, chính sách pháp luật cụ thể trên một số lĩnh vực, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản, phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi chung việc thi hành pháp luật) và lĩnh vực hành chính tư pháp (bao gồm cả các lĩnh vực hành chính tư pháp thông thường và bổ trợ tư pháp: luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý...). Tuy nhiên, trong điều kiện nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ tập trung vào tham khảo kinh nghiệm của các nước về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật. Bởi lẽ, lĩnh vực xây dựng pháp luật được coi là lĩnh vực trọng tâm của Ngành tư pháp Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai và đây cũng là lĩnh vực đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ nhằm hình thành mô hình xây dựng pháp luật khoa học, hiệu quả phù hợp với điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn tới.

          Trong xã hội hiện đại, việc quản lý và điều hành xã hội chủ yếu đều dựa vào các sáng kiến của cá nhân và vì nhân dân. Thực tế, các công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua quá trình bầu cử bằng cách bầu ra các đại diện. Trên toàn thế giới, sức ép và yêu cầu từ các hiệp hội và công dân đối với cơ quan công quyền về một nền dân chủ rộng hơn ngày càng trở nên phổ biến. Các công dân có thể ảnh hưởng lớn đến các chính sách của chính phủ. Vì vậy, sự tham gia của nhân dân là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động xây dựng pháp luật. Sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào các hoạt động điều hành của chính phủ là một yếu tố cơ bản của một chính phủ tốt.

Thực tế cho thấy, các quyết định có nhân dân tham gia thường có kết quả tốt và được nhân dân chấp nhận nhiều hơn. Nếu hoạt động thu hút nhân dân được làm tốt chắc chắn các văn bản được ban hành sẽ có chất lượng tốt. Bởi vì, nhân dân cung cấp nguồn thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, đóng góp cho hoàn thiện các giải pháp về xã hội. Không ai khác, nhân dân là lực lượng đặt ra những vấn đề thực tiễn cho những người làm luật và các nhà quản lý để họ xem xét và giải quyết.

Để thu hút nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật, các quốc gia đều có những hình thức và công cụ khác nhau. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều quốc gia đã tạo ra nhiều diễn đàn cho nhân dân được tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật.

Nguyên tắc xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia là phải lấy ý kiến nhân dân và tạo cơ hội cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng luật. Để thu hút và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quá trình làm luật, chính phủ đã thiết lập các công cụ đảm bảo thực hiện.

Những quan sát, nghiên cứu của chúng tôi tập trung chủ yếu vào một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

          1. Tham vấn ý kiến của nhân dân ở giai đoạn đánh giá tác động khi ban hành luật

Trước khi quyết định có cần ban hành một văn bản để điều chỉnh một lĩnh vực hay một hoạt động không, cơ quan chịu trách nhiệm cho phép làm luật hoặc một cơ quan hành chính có thẩm quyền phải nghiên cứu các chi phí và lợi ích hoặc kết luận rằng quy định được ban hành sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Các cơ quan này phải khởi xướng một quá trình lập kế hoạch để tham vấn ý kiến nhân dân theo quy định về chính sách làm luật của chính phủ. Tiếp theo là giai đoạn tham vấn nhân dân. Các cá nhân có lợi ích liên quan có cơ hội được biết và bày tỏ quan điểm.

Quy trình đánh giá tác động khi ban hành luật (Regulatory Impact Analysis (RIA) bắt buộc phải được soạn thảo. RIA phải chỉ ra:

  • Dự luật sẽ mang lại hiệu quả gì;
  • Những lựa chọn nào đã được cân nhắc khi xây dựng dự thảo;
  • Các chi phí dự tính và lợi ích của dự luật;
  • Hình thức tham vấn nào đã được tiến hành;
  • Các cơ quan của chính phủ đã trả lời và tiếp thu các ý kiến đóng góp như thế nào, và
  • Cơ chế nào được xây dựng để đảm bảo phù hợp với quy định khi có hiệu lực.

Việc đánh giá RIA chủ yếu thực hiện ở các quốc gia OECD đưa ra yêu cầu tham vấn của tất cả các đối tượng chủ yếu chịu ảnh hưởng của luật, từ các bộ ngành, các chuyên gia, DN, đến cộng đồng dân cư, người tiêu dùng, các tổ chức phi chính phủ và cả báo chí.

          2. Các dự thảo bắt buộc phải được đăng tải

Dự thảo văn bản bắt buộc phải được đăng trước trên một phương tiện chính thức tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada. Mục đích của việc đăng trước là tạo cơ hội cho các đối tượng có lợi ích được xem xét trong phạm vi các đề xuất có phù hợp với các lần tham vấn trước đây không. Khi dự thảo quy định được đăng tải, các cá nhân có lợi ích thông thường có một thời gian nhất định để trình bày quan điểm và RIA cũng được đăng tải cùng với dự thảo quy định.

Canada:  Dự thảo văn bản bắt buộc phải được đăng trước tại Phần I của Canada Gazette trước khi được thông qua. Mục đích của việc đăng trước là tạo cơ hội cho các đối tượng có lợi ích được xem xét trong phạm vi các đề xuất có phù hợp với các lần tham vấn trước đây không. Khi dự thảo quy định được đăng tải, các cá nhân có lợi ích thông thường có 30 ngày để trình bày quan điểm. Nếu dự thảo có sự thay đổi sau khi đăng tải, bắt buộc phải thẩm định lại. RIAS (Regulatory Impact Analysis Statement) cũng bắt buộc phải phản ánh một cách tương ứng. Các dự thảo có sự thay đổi nội dung (substantially reworked) bắt buộc phải đăng lại lần 2 tại Phần I của Canada Gazette.

Hoa Kỳ: Luật Federal Register Act: Luật này được thông qua ngày 26 tháng 7 năm 1935. Luật thiết lập các cơ sở pháp lý, quy trình làm luật, quy định:

“.....

(b) cơ hội thông báo và bình luận

(1) Quy định chung

Trừ các quy định nêu tại mục (c), bất kỳ quy định nào được ban hành theo quy định của Luật này đều phải đăng trên Federal Register để nhân dân có cơ hội bình luận, góp ý kiến trong thời hạn tối thiểu là 30 ngày.”

3.  Thông tin và phản hồi

          Việc thông tin và phản hồi lại ý kiến thể hiện mối quan hệ thông tin hai chiều giữa Chính phủ và nhân dân.

Hoa Kỳ:

+ Luật Federal Register Act: quy định

….

(3) Xem xét ý kiến nhân dân

Tất cả các ý kiến đóng góp, bình luận nhận được trong giai đoạn quy định tại đoạn (1) hoặc (2) sẽ được xem xét và đăng tải cùng với dự thảo cuối cùng bao gồm các trả lời, tiếp thu bằng văn bản của cơ quan soạn thảo về ý kiến đóng góp của nhân dân.”

+ Luật tố tụng hành chính Administrative Procedure Act (APA). APA được thông qua vào ngày 11 tháng 6 năm 1946 quy định các yêu cầu về thủ tục để đảm bảo: Bắt buộc phải đăng tải công khai các báo cáo, quan điểm đồng thời phải cung cấp các cách thức cho các nhóm đối tượng có lợi ích bình luận, kiến nghị sửa đổi hoặc phản đối.

4. Công cụ và phương tiện chính thức để công khai dự thảo và quá trình tham gia ý kiến của nhân dân

Các quốc gia được nghiên cứu đều tổ chức việc công khai dự thảo văn bản và công khai thảo luận trên hai loại phương tiện chính: phương tiện truyền thống (tạp chí, ấn phẩm giấy) và phương tiện hiện đại (thông qua một website chính thức của Chính phủ).

Phương tiện truyền thống

(1)- Canada

Canada Gazette là tạp chí chính thức của Chính phủ Canada từ năm 1841. Theo quy định tại mục 10 của Statutory Instruments Act, các cơ quan chính phủ có trách nhiệm đăng tải các thông tin về dự thảo văn bản mà mình soạn thảo trên Canada Gazette. Cụ thể, tất cả các dự thảo văn bản trước khi được thông qua phải được đăng tại Phần I của Canada Gazette để các nhóm lợi ích và cá nhân cũng như người dân nói chung có cơ hội để xem xét, bình luận.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, Canada Gazette cung cấp các thông tin cơ bản như tên và địa chỉ của ban soạn thảo, thời hạn đóng góp ý kiến. Các văn bản được lấy ý kiến được sắp xếp theo chủ đề và danh mục những vấn đề cần được nhân dân góp ý, bình luận.

Canada Gazette đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm luật và phổ biến pháp luật của Canada. Canada Gazette là một trong các công cụ thân thiện, cho phép nhân dân có thể tìm hiểu các văn bản pháp luật và các quy định điều chỉnh hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, các thông báo công khai chính thức và chỉ định chính thức, các dự thảo luật, quy định. Với các chức năng cơ bản trên, Canada Gazette thực sự là là công cụ tư vấn hữu hiệu giữa chính phủ và người dân Canada, thông qua đó người dân có cơ hội bình luận, đóng góp ý kiến về các dự luật về các chính sách của chính phủ.

(2)- Hoa Kỳ

Federal Register là tạp chí pháp lý được xuất bản hàng ngày. Là công cụ đăng tải các luật, các dự thảo luật, các thông báo của cơ quan hoặc tổ chức liên bang, các sắc lệnh và các văn bản tài liệu của tổng thống. Federal Register chỉ ra phương thức, thời điểm và địa điểm đóng góp ý kiến. 

Theo quy định của Luật Federal Register Act, các cơ quan liên bang phải đăng tải các thông báo về dự luật trên Federal Register để người dân tham gia góp ý, bình luận đồng thời phải tiếp thu và phản hồi ý kiến của nhân dân trong bản cuối cùng, trong đó phải chỉ ra cơ sở pháp lý và mục đích của việc tiếp thu hoặc không tiếp thu.

Hình thức thông báo và bình luận cũng đơn giản

- Một thông báo về một dự luật sắp được ban hành.

- Mọi cá nhân hoặc tổ chức có thể bình luận trực tiếp dưới hình thức văn bản, phát biểu trước các cuộc họp (hearing). Thời gian bình luận cũng đa dạng nhưng thường khoảng 30, 60 hoặc 90 ngày. Mỗi lần thông báo Federal Register đưa ra các chỉ dẫn chi tiết về cách thức, thời điểm, nơi thể hiện quan điểm. Ngoài ra, các cơ quan phải thông báo tên và địa chỉ của người phụ trách, người liên lạc để cung cấp thêm thông tin cho tiết về dự thảo văn bản khi có yêu cầu.

- Khi cơ quan chính phủ đăng tải quy định cuối cùng trong Federal Register, buộc phải thông báo những vấn đề quan trọng được đưa ra trong khi bình luận và thảo luận và những thay đổi nào đã được tiến hành để phúc đáp lại nhân dân.

Phương tiện điện tử:

(1) - Canada:

 Trang web: http://www.consultingcanadians.gc.ca

Ngoài công cụ Canada Gazette, Chính phủ Canada còn thiết lập một trang web điện tử để tham vấn ý kiến nhân dân về việc ban hành các chính sách của chính phủ, đó là trang web  http://www.consultingcanadians.gc.ca

Mục đích của http://www.consultingcanadians.gc.ca.:

-        Nâng cao nhận thức các hoạt động tư vấn cho chính phủ;

-        Tạo cơ hội cho người dân được tham gia vào các hoạt động tư vấn cho chính phủ, kể cả trên mạng và không trên mạng;

-        Nâng cao năng lực của chính phủ trong việc thu hút người dân tham gia vào các hoạt động tư vấn trên mạng và cải thiện việc quản lý các hoạt động tư vấn cho chính phủ.

Nội dung đăng tải:

      - Những vấn đề đang cần ý kiến tư vấn. Các vấn đề tư vấn được sắp xếp theo tên văn bản, chủ đề, cơ quan lấy ý kiến

      - Những vấn đề đã được tư vấn

      - Lịch tư vấn

Các chỉ dẫn để đóng góp ý kiến:

     - Tên dự thảo văn bản đề xuất lấy ý kiến

     - Tên cơ  quan xây dựng dự thảo

     - Ngày bắt đầu lấy ý kiến

      - Thời hạn lấy ý kiến

     - Người liên hệ (người phụ trách việc lấy ý kiến)

(2)- Hoa Kỳ:

Website Regulations.gov

Internet được coi là công cụ thúc đẩy sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Regulations.gov là trang web tập hợp tất cả các quy định của chính phủ để nhân dân bình luận, góp ý. Nhân dân có thể tham gia vào quá trình làm luật của liên bang theo cách thức của riêng mình tại bất cứ nơi nào, thời điểm nào. Trang web đưa ra rất nhiều cách thức giúp nhân dân có thể tìm kiếm văn bản mà mình quan tâm một cách dễ dàng. Regulation.gov là phần đầu tiên trong 3 phần của sáng kiến gọi là làm luật điện tử (eRulemaking) nằm trong chương trình Chính phủ điện tử.

eRulemaking là công cụ làm gia tăng khả năng của nhân dân trong việc tham gia góp ý vào quá trình ban hành các quyết định của chính phủ. Website này cung cấp các công cụ tiện lợi, đồng bộ để nhân dân có thể tìm kiếm, xem xét và bình luận về các dự luật của chính phủ đang được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân.

Vào bất kỳ thời điểm nào, trang web có thể đăng tải 500 dự thảo văn bản của 160 cơ quan ban hành văn bản cấp liên bang. Theo thống kê đã có 42 triệu người Mỹ đã đọc các quy định của liên bang thông qua công cụ internet, với 23 triệu ý kiến bình luận về các dự luật. Ngoài ra số lượng văn bản được nhân dân tải từ online Federal register là 65 triệu bản.

Quy định của liên bang thiết lập các quyền và nghĩa vụ của nhân dân đối với chính phủ. Các cơ quan chính phủ có trách nhiệm ban hành các quy định có ảnh hưởng lớn về những vấn đề như an ninh, sức khỏe, môi trường ... Khi các cơ quan này ban hành các quy định như vậy, nhân dân có quyền “được thông báo và bình luận”.

Regulations.gov đăng tải:

- Các văn bản lấy ý kiến nhân dân trong ngày với các chỉ dẫn như tên văn bản, ngày đăng tải, thời gian lấy ý kiến, cách thức bình luận.

- Các văn bản được liệt kê theo chủ đề như thuế, y tế, giáo dục, môi trường, việc làm, bầu cử ...

- Các ý kiến đóng góp trong ngày.

5. Tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản được thông tin và phát biểu ý kiến

Các Uỷ ban của Nghị viện trong quá trình xem xét các dự án luật đều tổ chức các hình thức thích hợp để nghe ý kiến của nhóm lợi ích.

- Tại Đức, nếu nội dung hoặc đối tượng của dự thảo là quan trọng, rất phức tạp hoặc có thể gây tranh cãi về mặt chính trị, một phiên họp công khai gồm các chuyên gia và đại diện của các nhóm có lợi ích liên quan sẽ được tổ chức. Lý do tổ chức các cuộc họp như vậy là để thu thập, tiếp nhận bổ sung các thông tin chuyên môn và tư vấn về những vấn đề cụ thể liên quan đến dự luật để hỗ trợ quá trình thảo luận. Một cách khác là thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng về dự luật, để phân loại các quan điểm, ý kiến về vấn đề có liên quan và khuyến khích tranh luận công khai.

- Tại Singapore, MPA (Cảng và hải quan Singapore) là cơ quan chủ trì trong việc chuẩn bị các văn bản pháp luật thực thi các công ước của IMO (Tổ chức hàng hải quốc tế) và biến các công ước đó thành một bộ phận của luật pháp Singapore. Trên thực tế MPA đã tư vấn kịp thời cho cộng đồng những người trong nghề đường thuỷ mỗi khi MPA dự định phê chuẩn một công ước của IMO, đề xuất một Dự luật hay ban hành các quy định thực thi Công ước của IMO. Khi MPA xem xét cân nhắc việc trở thành thành viên của một công ước nào đó của IMO, MPA sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng những người làm đường thuỷ. MPA cũng tham khảo ý kiến của Hiệp hội đường thuỷ Singapore. Sau khi đã quyết định tham gia vào một công ước MPA sẽ thông báo cho cộng đồng này những nội dung cơ bản và thông báo những yêu cầu mới, khoảng thời gian có hiệu lực thực thi những yêu cầu mới ấy. MPA sẽ tổ chức các buổi toạ đàm hoặc thông báo ngắn gọn cho cộng đồng và những người làm tàu thuyền về tác động của văn bản pháp luật mới.

 

6. Kinh nghiệm thu hút sự tham gia của chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình xây dựng pháp luật

Khác với Hoa Kỳ và Canada vốn sử dụng khái niệm nhân dân trong phạm vi rộng bao gồm nhiều đối tượng và thành phần, hoạt động thu hút nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật của một số quốc gia như Đức, Singapore, Nhật Bản lại có nhiều hình thức thiên về nhóm đối tượng là các chuyên gia.

(1)- Tại Đức, các nhóm thuộc nghị viện thường cố gắng chọn các chuyên gia, những người đánh giá những khó khăn, rủi ro hoặc cơ hội thành công của dự luật kể cả đưa vào đó các quan điểm chính trị của riêng họ hoặc có thể bác đi lập luận của các nhóm đối lập trong nghị viện. Tương tự, các quan điểm của các cơ quan có tiếng nói trọng lượng như hiệp hội giới chủ, công đoàn hoặc các tổ chức môi trường đều được ưu tiên xem xét vì các ý kiến của họ sẽ có ảnh hưởng tiềm năng trước ý kiến nhân dân về dự luật. Các cuộc họp thẩm định này có thể rất có ảnh hưởng. Quả thực, trong quá khứ, các dự luật đã được rút lại bởi vì đa số hoặc tất cả các chuyên gia được mời tham dự phiên họp (hearing) đều cho rằng dự luật không phù hợp hoặc có thể gây tác hại.

(2)- Tại Singapore, sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và những người làm công tác thực tiễn vào quá trình lập pháp tại Singapore được thực hiện theo 2 phương thức: Tư vấn chính thức và tư vấn không chính thức.

Tuy mức độ tư vấn chính thức trong quá trình lập pháp tại Singapore là hạn chế, nhưng mức độ tư vấn không chính thức lại lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong một số lĩnh vực cụ thể. Việc tư vấn thường diễn ra trong những trường hợp sau:

Thứ nhất: Cần có sự tư vấn khi đạo luật được đề xuất có thể có ảnh hưởng quan trọng tới nền kinh tế hay tới một bộ phận đối tượng nào đó của xã hội.

Thứ hai: Bộ hoặc ban có liên quan thường tích cực tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia và từ đại diện của các khu vực trọng yếu thuộc phạm vi điều chỉnh, tác động của văn bản pháp luật mới.

Thứ ba: Công tác tư vấn thường diễn ra ở giai đoạn đầu tiên, khi Chính phủ xác định được vấn đề và còn đang xem xét cần phải giải quyết vấn đề đó bằng đạo luật nào.

Thứ tư: Mặc dù việc tư vấn thường diễn ra không chính thức và dựa trên quan hệ cá nhân, các quan điểm được đưa ra trao đổi tự do và không ai sợ bị mất mặt. Trong một số trường hợp việc tư vấn có thể được thực hiện chính thức và công khai hơn.

Chính sách của Chính phủ Singapore là mời các chuyên gia, các nhân vật trọng yếu tham gia vào quá trình phỏng vấn không chính thức về các dự luật đang được xem xét đề xuất. Quá trình, thủ tục khác nhau phụ thuộc vào mức độ quan tâm của nhân dân và của khu vực kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi dự luật, cũng như tầm quan trọng của dự luật tới sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Quá trình tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn của các chuyên gia ngoài Chính phủ đều diễn ra không chính thức. Các nhà khoa học khả kính, các luật gia, các thương gia, chủ ngân hàng kế toán... thường được hỏi ý kiến về các dự luật khi Chính phủ thấy rằng những người này có chuyên môn và kinh nghiệm và có thể trợ giúp việc soạn thảo văn bản pháp luật đang được đề xuất. Điều này thường thấy ở các lĩnh vực mà dự luật đề xuất sẽ ảnh hưởng tới một khu vực cụ thể của nền kinh tế. Phương pháp tư vấn cũng hết sức đa dạng. Cụ thể:

- Chuyên gia được mời làm thành viên các uỷ ban, bao gồm thành viên của Chính phủ và của các khu vực tư nhân.

- Các chuyên gia được đề nghị cho ý kiến bình luận về một dự luật hoặc nêu lên quan điểm riêng về tác động của quy chế mới (được đề xuất) tới khu vực tư nhân. Các cơ quan nhà nước nhận thấy rằng sẽ có lợi cho họ nếu họ hỏi ý kiến những nhân vật trọng yếu, những người sẽ chịu ảnh hưởng của quy chế mới, bởi vì rõ ràng những người này sẽ hiểu và tuân thủ quy chế mới nếu họ được hỏi ý kiến về quy chế ấy từ khi nó được hình thành.

Trong phần lớn các trường hợp, những người ngoài Chính phủ khi được hỏi ý kiến đều không được trả tiền công, tuy nhiên họ sẵn sàng tự nguyện dành thời gian khi được yêu cầu hỗ trợ Chính phủ trong khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của mình.

(3)- Tại Nhật Bản, Tại Nhật bản, sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong quá trình chuẩn bị dự thảo luật của Nội các được thể hiện rõ trong các quy định về hệ thống “Shingikai”. Theo đó, mỗi cơ quan hành chính được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo được thành lập theo luật hoặc theo Quyết định của Nội các những đơn vị trực thuộc để xem xét những vấn đề quan trọng, rà soát những kháng cáo hành chính hoặc những vấn đề khác xét thấy phù hợp thông qua hội nghị của những người có học vấn hoặc những người có trình độ tương tự như vậy trong  phạm vi  thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật[7]. Dựa theo điều khoản này, nhiều Hội đồng “Shingikai” đã được thành lập. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng báo cáo của “Shingikai” không phải là quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền, ngay cả trong trường hợp cơ quan hành chính đó có nghĩa vụ trưng cầu báo cáo của “Shingikai” về những vấn đề cụ thể.

Có thể nói rằng “Shingikai” là một trong những cơ chế cho phép người dân tham gia vào quá trình quản lý. Chính vì vậy, thành viên của “Shingikai” cũng thể hiện sự tham gia của nhân dân vào quy trình quản lý dân chủ. Theo Điều 8 Luật tổ chức chính quyền quốc gia, thành viên chính của Shingikai là những người có học, có tri thức. Một số đạo luật khác quy định vấn đề này cụ thể hơn. Chẳng hạn, điều 28 (2) của Đạo luật chống gây ô nhiễm công cộng (Luật số 132 – năm 1967) quy định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ định thành viên của Hội đồng từ những người có tri thức, hiểu biết về các vấn đề chống gây ô nhiễm công cộng”.

Thành viên của Shingikai là những người có tri thức và hiểu biết và phải là những người có quan điểm trung lập, không có những lợi ích đặc biệt cụ thể. Tuy nhiên nếu như, luật pháp quy định các thành viên của “Shingikai” phải được lựa chọn từ những con người “có hiểu biết và tri thức”, thì quy định này quá rộng và quá khó hiểu, làm cho cơ quan hành chính hầu như không có năng lực kiểm soát việc lựa chọn. Chính vì thế, thật khó mà trông đợi rằng những người có ý kiến trái ngược với ý kiến của Chính phủ sẽ được lựa chọn.

Ngoài thiết chế “Shingikai”, còn có thiết chế “Konchoukai” hay còn gọi là cơ quan lắng nghe ý kiến nhân dân. Lắng nghe ý kiến nhân dân theo luật hành chính Nhật Bản có nghĩa là các cá nhân (bao gồm cả các nhà khoa học) có thể thể hiện, phát biểu ý kiến của mình trước những quyết định hành chính tại những địa điểm tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Trong một Nhà nước dân chủ thì thiết chế này cũng quan trọng như “Shingikai”. Tuy nhiên, thiết chế cho phép nhân dân tự do phát biểu hoạt động không có hiệu quả ở Nhật Bản, bởi vì “hệ thống lắng nghe ý kiến nhân dân trong quy trình lập pháp quá hình thức và chỉ mang tính một chiều”[8]. Theo Kaneko, những tồn tại trong thiết chế lắng nghe ý kiến nhân dân ở Nhật Bản là: a) Vấn đề đưa ra không được lí giải triệt để; b) Thời lượng phát biểu bị hạn chế; c) Các cá nhân phát biểu được cơ quan quản lí hành chính lựa chọn.

(4) - Tại Thụy Điển, vai trò của các thành viên đến từ các trường đại học trong các uỷ ban chuẩn bị dự án luật là cung cấp cho uỷ ban tri thức trong những công trình nghiên cứu gần đây nhất thuộc lĩnh vực mà dự thảo luật điều chỉnh. Các nhà nghiên cứu từ các trường đại học được xem như những mũi nhọn thuộc chuyên ngành hẹp. Họ cung cấp những cơ sở toàn diện phong phú cho các cuộc thảo luận tại uỷ ban và thông thường họ có mạng lưới quan hệ rộng rãi với các đồng nghiệp và vì thế có thể trợ giúp  các thành viên của uỷ ban.

Báo cáo của uỷ ban thường được gửi  tới các cơ sở, các viện để xem xét góp ý kiến. Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu bắt buộc phải tham gia vào quá trình soạn thảo đóng góp ý kiến, trong đó có: Toà án tối cao, Toà hành chính tối cao và Thanh tra Quốc hội. Ngoài ra, hầu hết các toà phúc thẩm đều được đề nghị cho ý kiến đóng góp  và có cả các đơn vị  hành chính phải xem xét một số vấn đề trong báo cáo.

Thông thường các trường luật hoặc các viện thuộc trường luật cũng thường được hỏi ý kiến. Trong số 200 báo cáo, hàng năm Khoa Luật Trường đại học Tổng hợp  Lund phải đóng góp ý kiến cho khoảng 180 báo cáo. Việc cho ý kiến đóng góp  cho báo cáo được trao cho một giáo sư hoặc một giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực đó. Bản thân tôi thường phải góp ý cho khoảng từ 10 đến 20 báo cáo  mỗi năm .

Lý do của việc gửi dự thảo lấy ý kiến đóng góp của các trường đại học cũng giống như việc mời các nhà nghiên cứu của các trường đại học tham gia vào các uỷ ban. Điều quan trọng là phải có một tầm nhìn rộng và sâu xuyên suốt vấn đề từ mọi giác độ. Các trường đại học cung cấp một cơ sở trí thức sâu rộng và khả năng trao đổi về các vấn đề vướng mắc giữa các thành viên trong trường thường đưa lại cho Chính phủ những cách tiếp cận mới, những giải pháp mới cho các vấn đề  mà uỷ ban nêu ra.

 

7. Một số đánh giá, nhận xét

- Các nước được nghiên cứu đều có những quy định trong pháp luật của mình về quyền được tham gia của nhân dân đối với các chính sách, quyết định của Nhà nước, đồng thời có công cụ để bảo đảm thực hiện quyền này như Canada có Canada Gazette và website: www.consultingcanadians.gc.ca, Mỹ có Federal Register và website www.regulation.gov. (Federal Register Act quy định: “Trừ các quy định nêu tại mục (c), bất kỳ quy định nào được ban hành theo quy định của Luật này đều phải đăng trên Federal Register để nhân dân có cơ hội bình luận, góp ý kiến trong thời hạn tối thiểu là 30 ngày” và “Tất cả các ý kiến đóng góp, bình luận nhận được trong giai đoạn quy định tại đoạn (1) hoặc (2) sẽ được xem xét và đăng tải cùng với dự thảo cuối cùng bao gồm các trả lời, tiếp thu bằng văn bản của cơ quan soạn thảo về ý kiến đóng góp của nhân dân”.

- Các nước không quy định cụ thể về quy trình tham gia mà chỉ ấn định trách nhiệm công khai dự thảo, phương thức, thời điểm và địa điểm đóng góp ý kiến và trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo. Tham vấn nhân dân chủ yếu được tiến hành bằng các biện pháp không chính thức. Rất nhiều quốc gia áp dụng phương pháp RIA để đánh giá chính sách dự kiến được ban hành, mà trong đó, một nội dung quan trọng là tham vấn ý kiến của các nhóm đối tượng. Do vậy, dù không quy định chính thức thì các cơ quan cũng mặc nhiên áp dụng việc tham vấn như một bộ phận không thể tách rời của quá trình lập pháp. Hơn nữa, việc các nghị sỹ trình độc lập hoặc các nhóm lợi ích vận động việc thông qua dự luật cũng đòi hỏi phải lôi kéo sự ủng hộ của nhân dân, các nhóm lợi ích khác để làm tăng thêm sức ép buộc Quốc hội phải thông qua dự án luật. Như vậy, quy trình lập pháp của các nước là quy trình khuyến khích sự tham gia của nhân dân.

- Hiệu quả tham gia ý kiến của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống dân chủ của mỗi quốc gia. Ở các quốc gia phương Tây, sự tham gia tích cực của nhân dân vào các quyết sách của Chính phủ đã trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống chính trị. Đối với các quốc gia như Canada, Hoa Kỳ hay Thụy Điển, các chính sách, quyết định của Nhà nước mà không có sự tham vấn của nhân dân đã trở thành một ngoại lệ. Đồng thời, sự đối thoại, quan hệ hai chiều giữa Chính phủ và nhân dân đã trở thành một nhu cầu. Trong khi đó, ở các quốc gia châu Á, dù đã cố gắng áp dụng mô hình tiên tiến của phương Tây, nhưng “hệ thống lắng nghe ý kiến nhân dân trong quy trình lập pháp quá hình thức và chỉ mang tính một chiều” (trường hợp của Nhật Bản).

Tóm lại, sự tham gia của nhân dân phải là một phần thiết yếu trong đời sống của mỗi cá nhân bởi vì đó là cách thức nhân dân quyết định tương lai và công việc kinh doanh của họ. Chúng ta không thể biết trước sự tham gia của nhân dân là có hiệu quả và có ý nghĩa cho đến khi hoạt động này thực sự diễn ra trong cuộc sống. Như đã đề cập trên đây, thông tin chính là sức mạnh, vì vậy nếu nhân dân không có đủ thông tin thì không thể có đóng góp hiệu quả, và do thiếu thông tin nhân dân có thể không biết được đâu là các lợi ích thực sự đâu là bất lợi.

Thành công của các nước trong hoạt động thu hút nhân dân chính là việc công khai thông tin đồng thời tạo ra các cơ chế và công cụ đồng bộ, hữu hiệu.           Việc công khai sẽ cải thiện chất lượng văn bản, đồng thời nắm bắt được quan điểm và ý kiến của các đối tượng mà văn bản sẽ tác động trực tiếp. Nhân dân có quyền được thông tin các thông tin tốt hơn về quy định hoặc chính sách nào đang được thông báo để góp ý, bình luận. Các công cụ thu hút nhân dân của Canada và Hoa Kỳ đã xóa bỏ các trở ngại gây khó khăn cho nhân dân tiếp cận, tham gia vào hoạt động ban hành pháp luật.

          Qua tìm hiểu khái quát kinh nghiệp của một số nước trong việc thu hút nhân dân trong hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật cho thấy có nhiều mô hình Việt Nam có thể tham khảo. Canada và Hoa Kỳ thực sự là điển hình của việc thu hút nhân dân vào hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách. Bằng việc công khai thông tin và minh bạch hóa các chính sách, người dân thực sự được phát huy quyền của mình trong việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Kinh nghiệm của Canada và Hoa Kỳ chính là cơ chế thu hút nhân dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện. Ngoài ra, bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Canada rất chú trọng đến việc tiếp thu và phản hồi ý kiến nhân dân. Các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được các cơ quan của chính phủ lắng nghe và tiếp thu một cách triệt để, đồng thời được kết hợp đưa vào một cách hợp lý vào các văn bản. Thông qua đó, nhân dân có thể giám sát quá trình ý kiến của mình đã được tiếp thu như thế nào, điều này sẽ khuyến khích nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động làm luật và hoạch định chính sách của chính phủ.

Vấn đề đặt ra là quan điểm và chủ trương của mỗi chính phủ có thực sự mong muốn thu hút nhân dân vào các hoạt động này không. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực này là bài học kinh nghiệm rất hữu ích trong quá trình cải cách pháp luật ở nước ta. (Tại Trung Quốc, cũng đã từng có nhiều cuộc họp nhân dân (public hearings) được tiến hành nhưng ý kiến của nhân dân lại không được xem xét, chấp nhận. Để chuẩn bị cho kế hoạch dự kiến áp dụng mức giá cung cấp và thuê các thiết bị công, cơ quan viễn thông Trung Quốc (China Telecom) đã tổ chức các cuộc họp để thăm dò ý kiến nhân dân, thực tế tất cả các bên đều phản đối đề xuất tăng giá cước. Tuy nhiên, kết quả là China Telecom lại là bên thắng cuộc. Như vậy, rõ ràng sự tham gia của nhân dân, thậm chí theo phương thức chính thức, trong nhiều diễn đàn thu hút nhân dân chỉ là trò chơi tốn kém, và người dân bắt đầu mất lòng tin về các cách thức thực hiện như vậy.)

 

 

 

CHƯƠNG II

THỰC TRẠNG CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

 

I. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT

1. Thực trạng các quy định của pháp luật về sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở việt nam

Văn bản đầu tiên trực tiếp quy định việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 06/8/1988. Bản Quy chế này lần đầu tiên đã quy định trình tự, thủ tục các bước tiến hành khi lấy ý kiến và xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tổ chức và thực hiện lấy ý kiến. Kế thừa các nội dung của Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh, cho đến nay cùng với sự hoàn thiện chung của hệ thống pháp luật, các quy định về quy trình lập pháp nói chung và quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và ngày càng cụ thể hơn. Đó là: Hiến pháp; Luật Tổ chức Quốc hội; Quy chế hoạt động của UBTVQH; Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế làm việc của Chính phủ và một số văn bản dưới luật khác. Trong các văn bản quy phạm pháp luật trên thì chỉ có một số văn bản như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là các văn bản quy định một cách có hệ thống, cụ thể và chi tiết nhất về quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đa dạng về hình thức và thẩm quyền ban hành. Căn cứ vào tính chất, giá trị pháp lý và chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể chia văn bản quy phạm pháp luật thành các nhóm: văn bản quy phạm pháp luật do QH, UBTVQH ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành. Với mỗi nhóm văn bản quy phạm pháp luật trên sẽ có một quy trình lấy ý kiến tương ứng.

Chủ thể có thẩm quyền lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: QH, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, HĐND, UBND các cấp. Còn đối tượng lấy ý kiến là cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: ĐBQH; Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật; đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật; các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực, hoạt động được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

- Hiến pháp 1992 Điều 53 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; năm 1996 Quốc hội đã ban hành Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, sau 06 năm thực hiện, Luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002 và ban hành Luật ban hành VBQPPL 2008; và năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Đây là hai văn bản có giá trị ý nghĩa pháp lý hết sức quan trọng cho việc quy định thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và chính quyền các cấp địa phương.

Tại hai văn bản luật này đều có các quy định về việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; một số trường hợp cần thiết thì tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

- Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 8); Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội (Điều 23); Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc (Điều 23)

- Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 6/12/1999;

- Luật Công đoàn ngày 7/7/1990;

- Nghị định 101/CP ngày 23/9/1997 (Điều 16);

- Nghị định 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về việc Tổng Liên đoàn lao động VN và đại diện của người sử dụng lao động tham gia với các cơ quan Nhà nước về chính sách, pháp luật và những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động;

          - Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ  quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Nghị định 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Kiểm tra và Xử lý VBQPPL;

 

1.1. Căn cứ, cơ sở cho việc tổ chức lấy ý kiến tham gia

Hiện nay, những căn cứ, cơ sở cho việc tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của nhân dân nói chung, của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn nói riêng được pháp luật quy định thông thường bằng công thức: “Tuỳ theo tính chất, nội dung của dự thảo văn bản ..." hay, “Khi xét thấy cần thiết...". Tuy nhiên, những “tính chất, nội dung” và sự “cần thiết” ở các Điều luật đa số lại chưa được quy định cụ thể. Phạm trù “tính chất, nội dung” của văn bản cũng như sự “cần thiết” còn chưa rõ, mang nhiều tính trừu tượng, tuỳ nghi, khó xác định.

Bên cạnh những quy định mang tính tuỳ nghi, trừu tượng đó, cũng có thể thấy một số điều, khoản quy định khá cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn như: tại Điều 4. Luật Ban hành VBQPPL 2008 quy định:  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác, các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

 Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo

1.2. Thời điểm lấy ý kiến tham gia

Theo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia được quy định như sau: “Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.”

Khoản 1 điều 62: Trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Khoản Điều 34. Soạn thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Trong quá trình soạn thảo, đơn vị chủ trì soạn thảo có thể huy động sự tham gia của viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan hoặc các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện và năng lực vào việc tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến nội dung dự thảo; tập hợp, nghiên cứu so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo.

Khoản 3 điều 58 : Tuỳ theo nội dung của dự thảo lệnh, quyết định mà Chủ tịch nước quyết định việc đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo. Việc đăng tải dự thảo phải bảo đảm thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến.

Với nội dung quy định như vậy, có thể thấy việc tổ chức lấy ý kiến tham gia sẽ được tiến hành trong quá trình xây dựng văn bản. Tuy nhiên, vào thời điểm, giai đoạn cụ thể nào thì lại chưa được làm rõ.

1.3. Biện pháp, cách thức lấy ý kiến tham gia:

Có thể khẳng định rằng, biện pháp, cách thức lấy ý kiến tham gia là một vấn đề cơ bản, đặc biệt quan trọng trong quy trình tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của việc lấy ý kiến tham gia. Những hình thức, biện pháp lấy ý kiến tham gia thích hợp ở đây được lựa chọn tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của từng loại văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Theo quy định của Khoản 2 điều 35 Luật ban hành VBQPPL 2008, việc lấy ý kiến tham gia tựu chung lại được thông qua các hình thức, biện pháp sau đây:

- Hình thức lấy ý kiến trực tiếp;

- Gửi dự thảo để góp ý;

- Tổ chức các cuộc hội thảo;

- Thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

1.4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định và phối hợp việc tổ chức lấy ý kiến tham gia:

Khoản 2 Điều 4 Luật ban hành VBQPPL 2008 quy định:

 Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

1.5. Đối tượng của việc lấy ý kiến tham gia.

- Theo quy định của Luật Ban hành văn bản 2008 và Nghị định 28, đối tượng của việc lấy ý kiến bao gồm:

i)  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên,

ii) Đơn vị vũ trang nhân dân

   iii) Các cơ quan quản lý nhà nước;

   iv) Các chuyên gia, nhà khoa học;

   v)  Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp;

    vi) Các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;

    Các đối tượng khác (nếu có).

Ngoài ra, theo quy định, trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể huy động sự tham gia của viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan hoặc các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện và năng lực vào các hoạt động sau đây:

- Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;

- Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án, dự thảo;

- Tập hợp, nghiên cứu, so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến dự án, dự thảo phục vụ cho việc soạn thảo;

- Tham gia vào hoạt động đánh giá tác động của văn bản.

 Việc lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân: 1) Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị quyết; 2) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân tại các thôn, làng, ấp, bản, phun, sóc, tổ dân phố về dự thảo nghị quyết...

 Việc lấy ý kiến vào Dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân: 1) Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, chỉ thị; 2) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân tại các thôn, làng, ấp, bản, phun, sóc, tổ dân phố ...”.

1.6. Nội dung cần lấy ý kiến tham gia.

Hiện nay, các quy định của pháp luật về việc lấy ý kiến tham gia đều có những quy định chung.Những nội dung cụ thể của việc lấy ý kiến tham gia để lấy ý kiến tham gia với từng loại chủ thể, đối tượng thì chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Trong trường hợp một văn bản với đối tượng, phạm vi điều chỉnh chỉ liên quan đến một lĩnh vực, một nhóm đối tượng cụ thể thì việc tổ chức lấy ý kiến tham gia sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, một văn bản có đối tượng, phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, có liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng cần điều chỉnh khác nhau thì việc tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với các nội dung đó sẽ rất khó khăn và thiếu hiệu quả.

Do đó, việc quy định cụ thể về nội dung lấy ý kiến tham gia, với sự  quy định  từng nội dung vấn đề để lấy ý kiến tham gia với những chủ thể, đối tượng tương ứng sẽ đảm bảo thu được hiệu quả cao trong việc lấy ý kiến tham gia.

1.7. Việc tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến tham gia.

Khoản 3 điều 4 Luật ban hành VBQPPL 2008 quy định: Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.

Với quy định trên đây, chúng ta thấy trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản là cần phải tiến hành nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tham gia của các chủ thể, đối tượng có liên quan gửi về.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu và phản hồi  những ý kiến tham gia như thế nào hoặc trách nhiêm khi không tiếp thu thì lại chưa được pháp luật quy định làm rõ.

Trường hợp không tiếp thu những ý kiến đóng góp thì trách nhiệm của Ban soạn thảo như thế nào cũng không có chế tài.

 Đánh giá, nhận xét chung về thực trạng pháp luật huy động sự tham gia của nhân dân nói chung vào xây dựng pháp luật.

- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các văn bản liên quan tiếp tục khẳng định quyền tham gia ý kiến của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật theo hướng cởi mở và khuyến khích sự tham gia của nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động xây dựng pháp luật đáp ứng bản chất nhân dân. Tuy nhiên, những quy định hiện hành mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc về quyền được hỏi ý kiến của người dân nhưng chưa có cơ chế thích hợp ràng buộc cơ quan Nhà nước thực hiện những quyền đó.

- Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về cách thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật. Vì vậy, viêc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  tùy thuộc vào cơ quan chủ trì soạn thảo.

- Các điều kiện đảm bảo về nhân lực, kinh phí cho hoạt động này cũng chưa được quan tâm một cách đúng mực. Vì vậy, với kinh phí khiêm tốn của việc xây dựng pháp luật thì cũng khó có thể triển khai việc lấy ý kiến, phản hồi ý kiến nhân dân.

- Các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, trưng cầu ý dân...chưa được quy định. (Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý kiến nhân dân ...chưa được ban hành) làm hẹp khả năng tiếp cận và phát biểu ý kiến nhân dân đối với những chính sách và văn bản quan trọng.

 

2. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân  trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Bộ Tư pháp.

Với tư cách là thành viên của Chính phủ và là cơ quan tham mưu của Chính phủ về mặt pháp luật, Bộ Tư pháp đã đóng góp phần tích cực vào việc soạn thảo các bản Hiến pháp của Nhà nước ta qua từng thời kỳ cách mạng, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Nhà nước dân chủ nhân dân đến Hiến pháp 1992 của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Trong giai đoạn 1945 - 1960, đóng góp quan trọng nhất và cũng là trọng tâm công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp là góp phần tạo lập nền tảng pháp lý cho sự hình thành và củng cố chính quyền nhân dân, đặc biệt là tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Ngoài việc tham gia cùng các Bộ trình ban hành nhiều văn bản về tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ Tư pháp đã trực tiếp soạn thảo và trình Chủ tịch Chính phủ (sau là Chủ tịch nước) ban hành hơn 90 sắc lệnh, Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 30 nghị định, chỉ thị thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, các quyền tự do cá nhân, về tổ chức và quản lý các toà án, các cơ quan tư pháp, các tổ chức bổ trợ tư pháp và các chức danh tư pháp. Đồng thời, Bộ Tư pháp ban hành hơn 100 nghị định, thông tư và cùng một số Bộ trong Chính phủ ban hành gần 90 văn bản liên bộ hướng dẫn thi hành các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tổ chức và hoạt động tư pháp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã duy trì tổ chức và hoạt động của Hội đồng tu luật Trung ương và các Ban tu luật đặt tại các Toà thượng thẩm nhằm soạn thảo những bộ luật đầu tiên có tinh thần dân chủ và phù hợp với tình trạng xã hội mới. Các dự thảo bộ Dân sự pháp điển, bộ Dân sự tố tụng pháp điển tuy không được hoàn thành do điều kiện kháng chiến ác liệt nhưng những tinh thần cơ bản đã được thể hiện trong Sắc lệnh số 97 năm 1950 về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật, có thể coi là cơ sở cho những nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 1995.

          Từ năm 1957 đến năm 1960, hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bộ Tư pháp tập trung vào việc giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Hiến pháp mới (1959) và các đạo luật về tổ chức nhà nước, trong đó có các Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960; Luật Hôn nhân và gia đình 1959... Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ngành Tư pháp (Pháp chế) đã giúp Nhà nước ban hành một số luật, pháp lệnh, nhiều văn bản pháp quy (nghị định, thông tư, điều lệ...) và gần 5 vạn văn bản hướng dẫn về quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, kinh tế, - kỹ thuật ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu đấu tranh thống nhất nước nhà.

          Sau ngày thống nhất đất nước, một vấn đề cấp bách đặt ra là Nhà nước phải có một hệ thống pháp luật thống nhất điều hành chung công việc của cả nước. Quốc hội giao cho Chính phủ công bố bản Danh mục pháp luật thống nhất chọn trong các văn bản pháp luật đang áp dụng tại Miền Bắc và trong các văn bản của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam có thể áp dụng chung cho cả hai miền.

          Dựa trên tinh thần chỉ đạo đó, Uỷ ban Pháp chế đã chủ trì cùng các Bộ, Tổng cục khẩn trương làm việc trong 4 tháng để trình Chính phủ một danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước.

Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 của Chính phủ công bố Danh mục gồm hơn 400 văn bản pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ban hành qua các thời kỳ trong 14 lĩnh vực (14 phần của danh mục) về những vấn đề thiết yếu nhất, cấp bách nhất và có thể thi hành được ngay, để đưa việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế vào nề nếp, làm cho tất cả mọi ngành hoạt động đều có những pháp luật cần thiết.

          Đối với các văn bản do các Bộ ban hành, Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các đồng chí Bộ trưởng tiếp tục xem xét, lựa chọn để trình Chính phủ công bố và hướng dẫn thi hành. Trước hết, các Bộ cần chú ý chọn các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ nói trên. Tính đến 3/ 1979, sau 3 đợt rà soát, công bố, đã có khoảng 700 văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

          Chính phủ giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn thi hành pháp luật thống nhất cho cán bộ và nhân dân trong địa phương mình. Trong khi thi hành, nếu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng mới giải phóng phát hiện có những điểm nào không thích hợp với địa phương mình mà cần xin sửa đổi, bổ sung hoặc muốn đề nghị hoãn cho thi hành một phần nào đó thì phải báo cáo lên Hội đồng Chính phủ quyết định. Trong khi chờ đợi, vẫn phải thi hành nghiêm chỉnh, không được tự ý làm trái pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan giúp việc Hội đồng Chính phủ khi nhận được báo cáo và đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng nghiên cứu và đề nghị Chính phủ giải quyết kịp thời và trả lời cho chính quyền địa phương.

          Việc thống nhất pháp luật là một sự kiện pháp lý có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam thống nhất, trong đó có sự đóng góp chủ chốt, quan trọng của các cơ quan pháp chế từ trung ương đến địa phương, pháp chế bộ, ngành.

           Từ khi thành lập lại năm 1981 đến nay, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo những bộ luật, luật lớn có tính nền tảng của hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Hình sự 1986,1999, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, 2000, Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1997, 2008... Đây là những mốc son đánh dấu những bước phát triển quan trọng về trình độ lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn thảo các bộ luật, luật khác. Đồng thời, theo chức năng được giao, Bộ Tư pháp tham gia cùng các Bộ, ngành soạn thảo hầu hết những đạo luật quan trọng trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là việc hình thành khung pháp luật cho sự hình thành, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

          Năm 2005, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

          Trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các ngành trong Khối Nội chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp như Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Pháp lệnh về cơ quan điều tra 2004, Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, Pháp lệnh Giám định tư pháp 2004... Các văn bản này đã kịp thời thể chế hoá quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần tạo sự đồng bộ giữa cải cách tư pháp với cải cách lập pháp, hành pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XI, Bộ Tư pháp đang khẩn trương, tích cực soạn thảo Bộ luật Thi hành án, Luật về Luật sư, Pháp lệnh về Công chứng, Luật Bồi thường Nhà nước... nhằm tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn, đồng bộ hơn mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020 mà Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực trong quá trình soạn thảo.

          Theo Nghị định số 38/CP, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xem xét và cho ý kiến về mặt pháp luật và từ năm 1996, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ thẩm định đối với các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo văn bản của Chính phủ trước khi trình Chính phủ xem xét. Trung bình mỗi năm, Bộ Tư pháp thực hiện thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm định của Bộ Tư pháp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các đạo luật và tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đảm bảo giữ vững định hướng chính trị của công cuộc đổi mới đồng thời tiếp cận, hội nhập với những thành tựu của khoa học pháp lý thế giới. Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì Đề án đổi mới cơ bản quy trình và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chương trình Cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001 - 2010.

          Hướng dẫn, tổ chức rà soát, hệ thống hoá pháp luật luôn là một lĩnh vực công tác quan trọng của toàn Ngành Tư pháp. Bộ Tư pháp đã tham mưu để Chính phủ ban hành các Chỉ thị về công tác rà soát, hệ thống hoá pháp luật trong từng thời kỳ và được giao trách nhiệm là thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện các chỉ thị đó, ví dụ Chỉ thị số 166/HĐBT tháng 6/1989, Chỉ thị số 51/TTg ngày 24/11/1997 và Quyết định số 355-TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1976 đến năm1996. Hàng trăm ngàn văn bản đã được pháp chế các bộ ngành, cơ quan tư pháp địa phương rà soát; hàng chục ngàn văn bản đã được đề nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, góp phần khắc phục, giảm bớt những mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã và đang chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các bộ, ngành tiến hành các đợt rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương để phục vụ cho việc Việt Nam đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, AFTA..., ký kết, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong quá trình hội nhập quốc tế. Kết quả của đợt rà soát hơn 300 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành là Bản chào pháp luật phục vụ các vòng đàm phán gia nhập WTO và các đề xuất bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2005 - 2006. Các tổ chức pháp chế, các Sở Tư pháp đã tham gia rất tích cực và hiệu quả vào công tác mới mẻ và khó khăn này, bước đầu tạo được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trong toàn ngành về những thách thức, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của công tác xây dựng và thực hiện pháp luật trong tiến trình hội nhập quốc tế

Năm 2008, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ soạn thảo 42 văn bản, đề án trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 07 dự án luật); 63 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương, các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành còn phải thực hiện một số lượng lớn các công việc liên quan đến việc xây dựng văn bản, đề án.

Bộ đã hoàn thành và trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 34 văn bản, đề án (trong đó có 18 văn bản đã được ban hành), đạt 80,95% so với kế hoạch, tăng 12,95% so với năm 2007; riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch. Các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành và trình 38 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành (trong đó có 22 văn bản đã được ban hành), đạt 60,31%, tăng 17,76% so với năm 2007.[9]

Năm 2009, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ soạn thảo và phối hợp hoàn chỉnh 40 văn bản, đề án trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 05 dự án luật[10]); 139 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành. Bên cạnh đó các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương, các Tổ chức pháp chế bộ, ngành còn phải thực hiện một số lượng lớn các công việc liên quan đến việc xây dựng văn bản, đề án. Bộ đã hoàn thành và trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 37 văn bản, đề án, đạt 92,5% tổng số văn bản, đề án phải trình trong năm 2009 (chi tiết xem Phụ lục I); riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch; ban hành, phối hợp ban hành 57 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền hoặc liên tịch ban hành, đạt 41 % kế hoạch.

Bộ đã tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn chỉnh dự án Luật Nuôi con nuôi, Luật Tiếp cận thông tin; chủ động ban hành Kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng các luật, pháp lệnh trình Chính phủ trong năm 2010 như các dự án: Luật Thủ đô, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự (phần liên quan đến quyền sở hữu và hợp đồng), Luật Phòng, chống buôn bán người, Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Quy trình xây dựng các văn bản, đề án ngày càng đi vào nền nếp khi triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL, Chỉ thị số 636/CT-TTg ngày 20/5/2009 về triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL và các biện pháp thi hành luật. Việc xây dựng văn bản, đề án không những tuân thủ quy định của Luật Ban hành VBQPPL, mà còn được đổi mới theo hướng tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ lập dự kiến chương trình đến soạn thảo, thẩm định và ban hành; chú trọng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế. [11]

Việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Bộ Tư pháp được thực hiện thông qua các cách thức chủ yếu như:

- Thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

- Thông qua báo chí;

- Thông qua khảo sát, điều tra tình hình thi hành pháp luật tại các địa phương, bộ, ngành khác;

- Thông qua ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm;

- Thông qua các diễn đàn trao đổi thông tin khoa học pháp lý, hội thảo, hội nghị.

2.1. Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua Cổng  thông tin điện tử của Bộ Tư pháp

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với số dân sử dụng Internet đông đảo. Năm 2010, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới.[12], việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua phương tiện truyền thông này là rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ internet, Bộ Tư pháp cũng đã rất chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin điện tử của ngành. Hiện nay Cổng thông tin điện tử là kênh quan trọng nhất phản ánh toàn diện hoạt động của ngành, phục vụ yêu cầu quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ và tiếp nhận ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học đối với hoạt động của Bộ và đối với các dự thảo văn bản được đăng tải.

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp là cổng thông tin điện tử được phát hành qua mạng Internet nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ, giới thiệu Bộ Tư pháp và các lĩnh vực hoạt động của Bộ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hệ thống thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp gồm có: thông tin cung cấp qua mạng Internet và thông tin sử dụng nội bộ.  Thông tin cung cấp qua mạng Internet bao gồm các nội dung sau đây:

a) Giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ;

b) Thông tin về hoạt động quản lý nhà nước của Bộ;

c) Hướng dẫn nghiệp vụ, tư vấn, giải đáp pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ;

d) Các bài viết, bài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1945 đến nay; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì cần lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo;

đ) Giới thiệu các ấn phẩm thông tin, tạp chí chuyên ngành của Bộ hoặc của các đơn vị thuộc Bộ;

e) Nhận định và bình luận của Bộ đối với những sự kiện, vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được dư luận quan tâm và có yêu cầu, đề nghị giải đáp;

g) Thông tin về hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Bộ Tư pháp;

h) Các thông tin khác theo sự chỉ đạo hoặc đồng ý của Lãnh đạo Bộ.

Tuỳ theo khả năng và điều kiện cho phép, các thông tin trên đây có thể được chọn lọc để cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp bằng tiếng Anh.

2. Thông tin sử dụng nội bộ bao gồm các thông tin phản ánh toàn diện hoạt động của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, hoạt động của Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo báo cáo, văn bản khác được đưa ra lấy ý kiến nội bộ; các quy chế làm việc, kế hoạch công tác, báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm và báo cáo công tác từng lĩnh vực; công tác thi đua khen thưởng và các thông tin khác phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp.

Cơ chế phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin lên cổng thông tin điện tử bộ tư pháp gồm các bước cơ bản sau:

          Bước 1. Cung cấp thông tin:

           Đối với văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền, đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp hồ sơ dự thảo văn bản khi Bộ tổ chức lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử và cung cấp văn bản sau khi được ban hành để cập nhật vào cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật.

 Mỗi đơn vị thuộc Bộ cử một cán bộ kiêm nhiệm làm đầu mối liên hệ về cung cấp thông tin của đơn vị và thông báo họ tên, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ liên lạc khác thuận tiện nhất của cán bộ đầu mối đó cho Trung tâm Tin học (theo địa chỉ: ttth@moj.gov.vn).

 Nhằm bảo đảm thông tin nhanh nhất, các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ gửi thông tin dưới hình thức thư điện tử (email) kèm theo tệp văn bản định dạng thông dụng (như chương trình Microsoft Office) sử dụng phông chữ Unicode theo chuẩn TCVN 6909:2001, hình vẽ dạng ảnh thông dụng (jpg, tif, img, bmp,…).

Trong trường hợp không thể gửi qua email thì có thể dùng đĩa mềm, đĩa CD, fax, văn bản giấy hoặc các phương tiện khác để chuyển thông tin (theo địa chỉ: Trung tâm Tin học 56 - 58 - 60 Trần Phú, Hà Nội, ĐT: 047332802, Fax: 7336090).

Về thời gian cung cấp:

a) Đối với tin tức, sự kiện: không quá 8 giờ hành chính đối với tin trong nước; không quá 24 giờ đối với tin nước ngoài kể từ khi diễn ra hoạt động, sự kiện;

b) Đối với văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành: không quá 02 ngày làm việc kể từ khi ban hành;

c) Đối với bài viết, bài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp: không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tác giả hay người có trách nhiệm về bài viết, bài nghiên cứu chuyên sâu đó đồng ý gửi đăng lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;

d) Đối với Báo cáo tổng hợp theo tháng, quý, 6 tháng và báo cáo tổng kết công tác năm: trong tuần đầu tiên của tháng tiếp theo đối với báo cáo tháng; trong thời hạn 15 ngày đầu tiên của quý, tháng tiếp theo đối với báo cáo quý, báo cáo 6 tháng; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối với báo cáo tổng kết công tác năm.

 

Bước 2. Biên tập và cập nhật thông tin lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

 Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Trung tâm Tin học có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận văn bản, tin, bài, ảnh do các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ cung cấp để cập nhật lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;

b) Kiểm tra nguồn gốc thông tin, đánh giá chất lượng thông tin; trong trường hợp cần thiết thì trao đổi với đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức cung cấp thông tin để xác thực, bổ sung hoặc làm rõ nội dung thông tin;

c) Liên hệ với đơn vị phụ trách lĩnh vực chuyên môn để làm rõ thông tin trong trường hợp thông tin do đơn vị khác hoặc cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị khác cung cấp;

d) Phân loại tin, biên tập và cập nhật kịp thời thông tin lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; chịu trách nhiệm về thông tin được đưa lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban biên tập báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các Thứ trưởng về nội dung và thời điểm đưa tin.

Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp có quyền từ chối đăng thông tin được cung cấp trong những trường hợp sau đây:

a) Thông tin có nội dung không thuộc phạm vi quy định của Quy chế;

b) Thông tin có nội dung không phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

c) Thông tin có nội dung thuộc bí mật nhà nước; thông tin đã được cấp có thẩm quyền quyết định chưa phổ biến công khai hoặc chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp;

d) Thông tin không đúng sự thật;

đ) Thông tin trùng lặp nội dung đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;

e) Thông tin không bảo đảm chất lượng, đã được Ban biên tập đề nghị người cung cấp thông tin xác thực, bổ sung hoặc làm rõ nhưng không được chấp nhận;

g) Các thông tin khác theo quy định của pháp luật không được đăng lên Cổng thông tin điện tử hoặc Ban biên tập cho rằng việc đăng thông tin vào thời điểm đó là không thích hợp.

 

Bước 3. Xử lý các thông tin phản hồi

Trung tâm Tin học là đầu mối tiếp nhận thông tin phản hồi về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được bạn đọc gửi đến Bộ qua Cổng thông tin điện tử.

Trung tâm Tin học có trách nhiệm phân loại, xác định rõ nội dung thông tin, mục đích thông tin và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trong Bộ để có thông tin tư vấn hoặc trả lời bạn đọc. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Tin học có thể chuyển ý kiến của bạn đọc đến các đơn vị liên quan để trả lời trực tiếp.

           Đơn vị thuộc Bộ khi nhận được yêu cầu của Trung tâm Tin học về việc trả lời bạn đọc có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Tin học để tư vấn, trả lời bạn đọc trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, trường hợp phức tạp không quá 10 ngày làm việc.

Về trách nhiệm thực hiện cơ chế phối hợp:  Việc phối hợp cung cấp thông tin của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ với Trung tâm Tin học là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng trong dịp tổng kết công tác năm.

 Đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ vi phạm Quy chế  thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy, theo Quy chế, việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đối với các dự thảo văn bản được thực hiện thông qua Cổng thông tin của Bộ.

Kết quả việc tiếp nhận ý kiến nhân dân đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua là tương đối hạn chế về số lượng ý kiến mặc dù Cổng thông tin của Bộ đã đăng tải các dựu thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. (Phụ lục 1).

 

Hộp 1.

Mặc dù được đăng tải trong một thời gian khá dài theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng ý kiến nhân dân tham gia đóng góp cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp không nhiều .

 Tại thời điểm khảo sát: Ngày 01/tháng 11 năm 2010, có tổng số 178 ý kiến/tổng số 65 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy kiến đóng góp của nhân dân. Trong đó, có rất nhiều dự thảo văn bản không có ý kiến đóng nào. [13]

 

Việc xử lý và phản hồi các ý kiến đóng góp đối với các dự thảo văn bản được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ:

Theo quy chế thông tin của Cổng thông tin, các ý kiến đóng góp sẽ được Trung tâm tin học xử lý. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm tin học sẽ  chuyển đến các Vụ chuyên môn phụ trách đối với các dự thảo văn bản để lấy ý kiến trả lời. Các ý kiến này được phản hồi ở 2 mức độ:

1. Khi gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo, người đóng góp sẽ nhận được xác nhận đã nhận và lời cảm ơn của Ban Biên tập Cổng thông tin. (Trả lời tự động – đã được lập trình sẵn).

2. Nếu ý kiến đóng góp đúng nội dung chủ đề cần lấy ý kiến của Ban soạn thảo thì sẽ được tập hợp trong Tờ trình của Ban soạn thảo gửi cơ quan và người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến góp ý được giải thích một cách ngắn gọn trong Tờ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 

 

 

2.2. Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua thông qua cơ quan báo, tạp chí  trong lĩnh vực pháp lý.

 

 Báo chí thuộc ngành Tư pháp (bao gồm báo in và các trang thông tin điện tử, diễn đàn pháp luật...)

 

STT

Tên cơ quan

Cơ quan chủ quản

Đăng tải dự thảo văn bản qppl

1

Pháp luật Việt nam

Bộ Tư pháp

2

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

3

Pháp luật và xã hội

Sở tư pháp Thành phố Hà Nội

4

Đại học Luật Hà Nội

Bộ Tư pháp

Không có

5

Viện Khoa học Pháp lý

Bộ Tư pháp

Không có

6

Học viện Tư pháp

Bộ Tư pháp

Không có

7

Cục Công nghệ thông tin

Bộ Tư pháp

Không có

8

Nhà xuất bản Tư pháp

Bộ Tư pháp

Không có

(Tại thời điểm khảo sát tháng 10 năm 2010)

Pháp luật Việt nam: http://www.phapluatvn.vn/

Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, là kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến quan trọng về pháp luật đến với độc giả và tiếp nhận ý kiến độc giả đối với các hoạt động liên quan đến xây dựng, thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo quy định tại Quyết định số 1242/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Pháp luật Việt Nam,  Báo Pháp luật Việt Nam  là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trong nước và quốc tế; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và công tác tư pháp phục vụ yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu của xã hội về thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và hoạt động của ngành Tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Báo Pháp luật Việt Nam có các nhiệm vụ, quyền hạn chính sau:

-  Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch hoạt động dài hạn, 5 năm và hàng năm của Báo; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp;

-  Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đề án, dự thảo văn bản về tổ chức và hoạt động của Báo; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản khác do Bộ trưởng giao;

-  Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Báo; đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động của Báo sau khi được phê duyệt;

-  Tổ chức biên tập, xuất bản các số báo ngày, số chuyên đề, cuối tháng, báo điện tử và các ấn phẩm khác phù hợp với quy định của pháp luật, tôn chỉ, mục đích, chức năng, kế hoạch đã được phê duyệt và giấy phép hoạt động của Báo do cơ quan có thẩm quyền cấp;

-  Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và hoạt động tư pháp thông qua hoạt động của Báo;

- Phản ánh, hướng dẫn dư luận xã hội; thực hiện diễn đàn trao đổi về hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật, hoạt động tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

-  Phát hiện, nêu gương, cổ vũ các phong trào thi đua, các nhân tố mới, điển hình người tốt, việc tốt, trong đời sống xã hội và trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp theo phương châm “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đề cao ý thức tôn trọng pháp luật, tham gia đấu tranh, phòng chống các vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động tư pháp và đời sống xã hội;

….

Thông quan khảo sát, có thể nhận thấy, Báo Pháp luật Việt Nam có thiết kế  khá phong phú, đa dạng về nội dung. Trong đó có các chuyên mục liên quan đến chủ đề pháp luật và thi hành pháp luật như Tư pháp, chuyên mục Pháp đình với các nội dung : Tin tức sự kiện, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thực tiễn xét xử, hoạt động luạt sư... Trong các chuyên mục này có đăng tải các bài viết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức cá nhân đối với một số vấn đề pháp luật và dự thảo chính sách pháp luật, tin tức về các hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động của tòa án luật sư...

Ngoài ra, trên trang tin điện tử của Báo còn có thiết kế mục Văn bản mới cập nhật bao gồm các văn bản mới được ban hành và một số dự thảo đang được lấy ý kiến nhân dân.

Ví dụ: Giao diện ngày 04/11/2010 tại http://www.phapluatvn.vn/ :

               Văn bản mới cập nhât:

               - Dự thảo chế độ cho Thanh niên xung phong

               - Nghiêm cấm ép buộc các khoản đóng góp tự nguyện

           - Dự thảo mới nhất về trợ cấp thất nghiệp

               - 4 đối tượng được miễn học phí đại học và học nghề

               - Luật Bảo hiểm Y tế

 

 

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh:           http://phapluattp.vn/home.htm

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh không có chuyên mục đăng tải dự thảo các văn bản pháp luật cần lấy ý kiến. Tuy nhiên, báo có mục Tạp chí pháp luật với các nội dung phản ánh ý kiến, một số bài viết của các tác giả có liên quan đến thực tiễn thi hành pháp luật trong một số trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, báo cũng có đăng tải một số ý kiến đóng góp đối với một số dự thảo văn bản (Ví dụ: Ngày 02/11/2010 đăng tải một số ý kiến góp ý của các luật sư liên quan đến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 02-2007 hướng dẫn một số điều của Luật Luật sư).

Ngoài ra, trên trang http://phapluattp.vn/home.htm cũng có thiết kế mục Thăm dò ý kiến với các nội dung liên quan đến các tình huống pháp lý cụ thể. Đây cũng là một kênh nhằm thăm dò ý kiến của độc giả đối với các quy định của pháp luật mà người dân quan tâm. Các nội dung thăm dò ý kiến cũng nhận được khá nhiều ý kiến đánh giá bằng cách lựa chọn phương án trả lời trong hộp cho sẵn.

Ví dụ: Thăm dò ý kiến.(Ngày 4/11/2010)

         

          Theo bạn hiếp người đồng giới hoặc chuyển giới tính có phạm tội?

 

200 (59%)

 

Không

26 (8%)

 

Không xử tội được vì luật mù mờ

50 (15%)

 

Xử tội được nếu tòa sửa cách hiểu về tội hiếp dâm

61 (18%)

 

 

Đánh giá chung:

Nhìn chung, theo kết quả khảo sát các cơ quan báo chí thuộc ngành Tư pháp (bao gồm cả báo in và báo điện tử) cũng đã tham gia và quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân đối với việc xây dựng pháp luật. Việc đăng tải các nội dung thảo luận, góp ý đối với các dự thảo và quy định của pháp luật hiện hành góp phần quan trong trong việc phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với nhân dân và bước đầu đã góp phần giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến này còn ở mức độ hạn chế và hầu hết chưa có chuyên mục đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật (trừ Báo Pháp luật Việt nam có các chuyên mục liên quan). Các dự thảo văn bản được đăng tải trên các báo chưa đầy đủ và thường xuyên.

Tạp chí

Hiện nay, tạp chí về pháp luật ở Việt Nam chủ yếu tạp chí sau: Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Luật học, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Toà án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát...

Theo quy định tại Quyết định số 1244/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong thời gian qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã thực hiện khá tốt chức năng nhiệm vụ của mình với tư cách là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi các vấn đề về khoa học pháp lý, thông tin lý luận và nghiệp vụ trong xây dựng và thi pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2010, Tạp chí chưa được đăng tải trên Internet nên chưa phát huy được hết hiệu quả trong việc sử dụng các thông tin đăng tải và hạn chế khả năng tiếp cận của những người quan tâm đến khoa học pháp lý.

          Nhìn chung, qua khảo sát thực tiễn chúng tôi nhận thấy, các tạp chí trong lĩnh vực pháp lý không tham gia trực tiếp vào việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tạp chí lại có vai trò rất quan trọng trong việc đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật trong việc đóng góp vào văn bản quy phạm pháp luật đang được soạn thảo.

          Trong thực tế, khoảng 1-2 tháng trước thời điểm Quốc hội thảo luận, thông qua dự thảo những đạo luật quan trọng (chẳng hạn như Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai v.v.) các tạp chí này đều dành khoảng 1/2 dung lượng để đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật về những vấn đề cần hoàn thiện trong dự thảo các văn bản pháp luật được trình thông qua.

          Có thể nói rằng, tuy không phải là tạp chí chuyên đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chính các tạp chí lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tập hợp ý kiến của nhân dân (mà cụ thể là các chuyên gia) về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 

Thông qua các trang thông tin của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Viện Khoa học Pháp lý: www.irl.moj.gov.vn

 

Đại học Luật Hà Nội: http://www.hlu.edu.vn/

 

Học Viện Tư pháp: http://www.judaca.edu.vn/

 

Cục Công nghệ thông tin: http://cntt.botuphap.vn/Home

 

Khảo sát thực trạng các trang thông tin của các đơn vị trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là: Các trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ có một số thông tin liên quan đến hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật, trao đổi về một số chuyên đề pháp luật song hiện chưa có chuyên mục đăng tải các dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật, chưa có diễn đàn trao đổi về việc xây dựng và thi hành pháp luật.

Thứ hai. Các trang thông tin trên chủ yếu phục vụ cho phạm vi đối tượng trực tiếp liên quan đến cơ quan đơn vị, chưa thu hút được đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia và nhà khoa học pháp lý.

Thứ ba. Về hình thức và giao diện của các trang thông tin trên mặc dù đã có cải tiến nhưng nhìn chung còn khá đơn điệu và kém hấp dẫn đối với độc giả và những nhà nghiên cứu. Một số đơn vị như Viện Khoa học Pháp lý, Trường Đại học Luật hà nội mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu có giá trị cho công tác nghiên cứu nhưng chưa được phổ biến trên trang thông tin.

Thứ tư. Các thông tin liên quan đến khoa học pháp lý trong nước và nước ngoài chưa được đầu tư cập nhật một cách kịp thời và đầy đủ, chưa thực sự thể hiện là diễn đàn trao đổi và cung cấp thông tin khoa học pháp lý của các đơn vị hàng đầu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt nam.

 

 

2.3. Hình thức tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

2.3.1 Lấy ý kiến nhân dân trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.

Có thể nói, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh trên thực tế. Thi hành pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; những phản hồi của xã hội trong quá trình thực thi pháp luật chính là thước đo hiệu quả xây dựng pháp luật, giúp cho việc phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh nhằm rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 02 Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn: Về thi hành pháp luật: a) Theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; b) Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong  công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

Theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm, nên trong thời gian đầu, việc xác định rõ định hướng và nội dung công việc đã gặp một số khó khăn nhất định nên việc triển khai nhiệm vụ có chậm hơn so với mong muốn và tiến độ đặt ra.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Trước khi Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP và Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành, Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành và địa phương chưa có sự chuẩn bị về các điều kiện và nguồn lực cần thiết cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hầu như chưa đề cập đến công tác theo dõi thi hành pháp luật, số ít văn bản có đề cập đến thì nội dung còn rất chung chung và chưa thống nhất; tổ chức bộ máy cũng như trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra.

Hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều luật khung, trong khi đó các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhiều khi không được ban hành một cách đồng bộ và kịp thời. Ngược lại, có một số lĩnh vực cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền lại ban hành quá nhiều văn bản để điều chỉnh. Theo thống kê của Văn phòng Quốc hội thì trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ ban hành được 3.263/3.892 văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết thi hành, bằng 82% tổng số văn bản cần phải hướng dẫn và quy định chi tiết để cho văn bản đi vào cuộc sống. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tư pháp, thì chỉ riêng trong lĩnh vực pháp luật về cư trú, tính đến tháng 6/2007 cả nước đã ban hành khoảng 570 văn bản; trong lĩnh vực quy hoạch, tính đến tháng 12/2008, cả nước đã ban hành gần 11.000 văn bản. Việc ban hành nhiều đầu văn bản như hiện nay, đồng thời lại quy định cho nhiều cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên dẫn đến hệ quả là rất khó xác định những văn bản nào đang có hiệu lực và áp dụng văn bản nào. Trong nhiều trường hợp, ngay cả các cơ quan, cán bộ của nhà nước cũng còn có khó khăn trong việc lựa chọn các quy định thích hợp của pháp luật để áp dụng xử lý những tình huống cụ thể.

Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, việc tiếp nhận ý kiến nhân dân được thể hiện trong một số quy định cụ thể của Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/03/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều 14 - Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở thông tin do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp: 1. Các Bộ, ngành và địa phương theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp. 2. Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp.

          Điều 18 - Thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật: 1. Thông tin về tình hình thi hành pháp luật được thu thập từ các nguồn sau đây:

a) Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật;

 c) Kết quả kiểm tra tình hình thi hành pháp luật;

d) Thông tin do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp;

 đ) Các nguồn thông tin khác.

 2. Thông tin về tình hình thi hành pháp luật chỉ được sử dụng khi đã được phân tích, đánh giá và xử lý. Việc thu thập, xử lý thông tin phải bảo đảm các quy định của pháp luật về thu thập và bảo mật thông tin.

Đây là hoạt động mới được triển khai thực hiện tập trung, thống nhất và đang triển khai theo Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Đề án được thực hiện trong thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 01/2010 và kết thúc vào tháng 6/2011. Đánh giá về mảng hoạt động này hiện nay mới chỉ tập trung vào việc: rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; thí điểm điều tra, khảo sát tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An; một số cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính; củng cố, kiện toàn hoặc thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành, địa phương; tiến hành tập huấn và triển khai thực hiện.

Mặc dù đã có cơ sở pháp lý, nhưng đây là nhiệm vụ mới nên trong năm 2009, Bộ Tư pháp mới chỉ dừng lại ở việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác này trong năm 2010. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật". Tiến hành xây dựng Thông tư quy định việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011.Thực hiện bước đầu nhiệm vụ theo dõi chung theo thẩm quyền: Bộ đã xây dựng Báo cáo công tác thi hành pháp luật hàng quý trình Chính phủ; giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc và xây dựng báo cáo của Chính phủ số 127/BC-CP ngày 17/8/2009 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội Khoá XI về kết quả giám sát việc ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; Báo cáo tình hình soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009.

 

2.3. 2. Tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân thông  qua công tác kiểm tra, xử lý  văn bản quy phạm pháp luật

Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp có thẩm quyền:  Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản trái pháp luật; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Để thực hiện nhiệm vụ này có hiệu quả, việc tiếp thu các ý kiến, phản hồi từ nhân dân,các cơ quan, tổ chức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng.

Trong thực tiễn, thông qua các phản ảnh của phương tiện thông tin đại chúng và ý kiến của nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hay kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện được không ít những vi phạm hiến pháp và đã yêu cầu sửa đổi, thay thế, hoặc huỷ bỏ nhằm đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, xin nêu một ví dụ đã được thực hiện trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật:

Ví dụ: Thông qua báo chí phản ảnh về Công văn số 283/NTBD-PQL của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa Thông tin về việc không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn tại vũ trường, quán karaoke; Phản ảnh về việc đưa ra các điều kiện thiếu cơ sở trong việc điều khiển xe gắn máy; về việc một số địa phương ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trái với quy định của pháp luật...

Đối chiếu quy định này với quy định tại Hiến pháp 1992 và pháp luật hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản  đã kịp thời có ý kiến và đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quy định nói trên và thông tin phản hồi  kịp thời với các phương tiên thông tin đại chúng về quan điểm của Bộ Tư pháp đối với các vấn đề trên. Việc kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trong hoạt động kiểm tra văn bản có tác dụng tốt đối với dư luận, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Bộ và khẳng định được vai trò của Ngành Tư pháp – với tư cách là cơ quan giúp chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Về phản hồi thông tin: Đối với các vấn đề mà báo chí đăng tải phản ánh các ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân đối với một dự thảo văn bản nào đó, Cục Kiểm tra văn bản cũng có những phản hồi tích cực thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp đối vói tính hợp hiến và hợp pháp của dự thảo. Một số ý kiến phản hồi của Bộ đã kịp thời ngăn cản sự ban hành các văn bản chính sách sai trái và nhận được sự đánh giá cao của công luận như : quy định về điều kiện sức khỏe điều khiển xe mô tô, điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế, cấm vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn đô thị...

3. Các điều kiện đảm bảo đối với việc thực hiện tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực pháp luật của Bộ Tư pháp.

3.1. Điều kiện về tổ chức bộ máy, con người[14].

Theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp thì tổ chức bộ máy của Bộ gồm 26 đơn vị, so với quy định của Nghị định số 62/2003/NĐ-CP tăng 4 đơn vị. Các đơn vị tăng thêm gồm: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Nhà xuất bản Tư pháp. Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc Bộ cũng đã được kiện toàn, nâng cấp hoặc đổi tên cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, như: Cục Công nghệ thông tin đựợc thành lập trên cơ sở Trung tâm tin học của Bộ để tham mưu, giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Cục Con nuôi quốc tế đổi tên thành Cục Con nuôi để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý toàn diện hoạt động nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Để củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Tư pháp đã rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Đến nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 28/28 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Qua đó đã khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót về nhiệm vụ của các đơn vị; phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp; tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chuyển mạnh từ quản lý chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần sang quản lý toàn diện sâu sắc các lĩnh vực được giao.

Đồng thời, Bộ đã điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thay đổi tên gọi một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu mới. Theo đó, đã điều chuyển nhiệm vụ xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, chức năng và các nhiệm vụ về quản lý công tác xây dựng pháp luật của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính sang Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Vụ Pháp luật quốc tế tiếp nhận nhiệm vụ giúp Bộ trưởng vụ về công tác nhân quyền, đồng thời chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp sang Vụ Hợp tác quốc tế; chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công chứng từ Vụ Hành chính tư pháp sang Vụ Bổ trợ Tư pháp; giao bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kế hoạch ngành cho Vụ Kế hoạch - Tài chính; đổi tên và bổ sung nhiệm vụ cho Cục Con nuôi.

Tiếp theo, hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự được nâng cấp, kiện toàn theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 9/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ được nâng cấp, kiện toàn thành Tổng cục Thi hành án dân sự, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được nâng cấp lên thành Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Việc hình thành các cơ quan thi hành án dân sự theo ngành dọc trên phạm vi cả nước là sự kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến cơ bản về mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự sau 16 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác này; đồng thời, tạo điều kiện để Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý về thi hành án dân sự nhằm đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra và sự mong đợi của xã hội.

Đồng thời, trước nhu cầu cấp bách về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở, đặc biệt là cán bộ Tư pháp cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập một số trường trung học luật ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc... Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, ngày 23/7/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1808/QĐ-BTP về việc thành lập Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột tại tỉnh Đắk Lắk để đào tạo cán bộ Tư pháp cơ sở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung. Hiện nay, Trường trung cấp luật Buôn Ma Thuột đã đi vào hoạt động, đào tạo trung cấp luật cho các tỉnh Tây Nguyên. Ngày 19/8/2010 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số Quyết định số 2222/QĐ-BTP về việc thành lập Trường Trung cấp luật Vị Thanh tại tỉnh Hậu Giang. Bộ Tư pháp đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để trường Trung cấp luật Vị Thanh tuyển sinh khoá I đào tạo cán bộ Tư pháp các tỉnh Miền Tây Nam bộ.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp bao gồm 20 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Tổ chức bộ máy của Bộ đang tiếp tục được kiện toàn để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý đa lĩnh vực và đòi hỏi chuyên môn hoá trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong cơ cấu của hầu hết các đơn vị thuộc Bộ đã thành lập các phòng nghiệp vụ theo từng lĩnh vực cụ thể. Các nhiệm vụ của các phòng có tính ổn định thường xuyên và có tính độc lập, không chồng chéo, bảo đảm tính chuyên sâu và chuyên môn hoá cao. Đồng thời cũng đã đẩy mạnh phân cấp, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị được quyền chủ động trong việc quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và bố trí cơ cấu biên chế của các phòng, ban trực thuộc.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, phân định rõ hơn giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngành Tư pháp và các đơn vị quản lý nhà nước, ngày 11/2/2010 Bộ Tư pháp và Bộ Nội Vụ đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV về hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Sự ra đời của Thông tư nhằm tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp, xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp cho phù hợp với tính chất công việc, quy mô tổ chức của mỗi đơn vị.

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Đây là văn bản pháp lý quan trọng góp phần tổ chức lại công việc, sắp xếp bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, nhằm phát huy khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, tăng nguồn thu, từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước.

 Tại thời điểm tháng 12.2009, tổng số cán bộ, công chức, nhân viên của Bộ Tư pháp là 1.193 người.Trong đó, khối quản lý là 589 người (50%); khối sự nghiệp là 587 người (49%) và nhân viên hợp đồng là 17 người (1%).

         Bảng 1. Thông tin chung về CBCC Bộ Tư pháp năm 2009.

 Đối với ngạch công chức khối quản lý (bao gồm Tổng cục Thi hành án, các Cục, Vụ chuyên môn) cơ quan Bộ thì số lượng công chức ở ngạch chuyên viên chiếm tỷ lệ cao (66%) với 389 người; chuyên viên chính là 125 người (chiếm 21%). Trong khi đó,công chức ở ngạch chuyên viên cao cấp chỉ có 19 người (chiếm 3%)

 

                    Bảng 2. Ngạch công chức

                                       

                             

 

 

Bảng 3. Trình độ chuyên môn

Theo số liệu thống kê, trình độ chuyên môn của CBCC thuộc Bộ Tư pháp là khá cao với số lượng Tiến sỹ 134 người (11%); Thạc sỹ 237 người (20%); số lượng CBCC có trình độ dưới cử nhân là 329 người (28%) chủ yếu thuộc khối văn phòng và phục vụ.

 (xem Bảng 3)

 

1.     Lý luận chính trị

Lý luận chính trị cao cấp chiếm 10% chủ yếu là công chức lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và cán bộ thuộc diện quy hoạch cấp Vụ trở lên. Trình độ lý luận trung cấp và sơ cấp không phải là do đã học qua Chương trình trung cấp lý luận chính trị hay chương trình sơ cấp mà được tính tương đương căn cứ theo bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ. (bảng 4)

Bảng 4. Lý luận chính trị

 

 

 

 

4. Ngoại ngữ và tin học (bảng 5, 6)

 

 

Bảng 5. Trình độ ngoại ngữ

Bảng 6. Trình độ tin học

 Thâm niên công tác:

Bảng 7. Thâm niên công tác

 

 Đào tạo bồi dưỡng:

Theo số liệu thống kê, tình hình đào tạo bồi dưỡng CBCC cơ quan Bộ Tư pháp trong 5 năm vừa qua có nhiều chuyển biến. Theo đó, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm đầu tư với 12.600 lượt CBCC được tham gia; tiếp đó là tập huấn và bồi dưỡng tin học với 3.600 lượt.

          Tuy nhiên, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thì còn khá khiêm tốn với 40 người đào tạo tiến sỹ (trong đó chỉ có 01 người được đào tạo trong nước) và 35 người đào tạo thạc sỹ (chỉ 02 người đào tạo trong nước).

          Sự mất cân đối giữa đào tạo bậc cao giữa trong nước và nước ngoài là rõ rệt. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đào tạo ở nước ngoài thường được tài trợ bởi các học bổng chính phủ hoặc của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án.

Trong điều kiện chức năng, nhiệm vụ được tăng cường và mở rộng, yêu cầu cao về tiến độ và chất lượng công việc, cùng với việc củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ, Bộ Tư pháp đã chú trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt, hiệu quả của bộ máy cơ quan Bộ. Nhiều văn bản quy định về phương thức, lề lối đã được ban hành như: Quyết định số 1934/QĐ-BTP ngày 09/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng; Quyết định số 880/QĐ-BTP ngày 28/4/2009 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp; Quyết định số 2377/QĐ-BTP ngày 02/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế làm việc mẫu của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Quyết định số 1718/QĐ-BTP ngày 21/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp giữa cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thuộc Bộ và nhiều quy định khác như: Quy tắc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp, Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp... Phương thức, lề lối làm việc được đổi mới nhằm hiện đại và chuyên nghiệp các hoạt động của cơ quan, đơn vị, cụ thể là:

- Quy định cụ thể trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc của tất cả các chức danh cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo cấp Vụ, lãnh đạo cấp Phòng đến công chức chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, cá nhân, đặc biệt là việc phân định rõ trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ có con dấu và tài khoản riêng (Cục trưởng, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp) với Thủ trưởng các đơn vị khác; bên cạnh đó đã bổ sung quy định về trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương thuộc các đơn vị trong Bộ.

- Xác định rõ các mối quan hệ công tác của Lãnh đạo Bộ; giữa Lãnh đạo Bộ với Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan thi hành án dân sự địa phương; giữa Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; giữa Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ với cấp uỷ và các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị theo hướng phát huy trí tuệ tập thể, tăng cường phối hợp công tác, trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị, đoàn thể trong đơn vị hoạt động có hiệu quả..., nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động của Bộ, Ngành.

- Quy trình, chế độ làm việc được sửa đổi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế làm việc mẫu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các văn bản khác mới được ban hành như: Quy chế làm việc mẫu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trên cơ sở Quy chế làm việc mẫu của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được ban hành kèm Quyết định số 2377/QĐ-BTP ngày 02/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đến nay có 15/28 đơn vị thuộc Bộ đã ban hành quy chế làm việc đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của đơn vị mình và theo quy định của pháp luật. Trong đó, về nội dung, Quy chế làm việc của các đơn vị thuộc Bộ được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa quy định của các quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ đã được ban hành trong thời gian qua và bổ sung các quy định mới phù hợp với yêu cầu về tổ chức và hoạt động của Bộ cũng như Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp, bao gồm các quy định cụ thể về nguyên tắc làm việc; trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cấp phòng và công chức chuyên môn, nghiệp vụ; quan hệ công tác giữa Lãnh đạo đơn vị, giữa lãnh đạo đơn vị với cấp phòng, với tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong đơn vị, quan hệ giữa các cấp phòng; lập, theo dõi thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, tiếp nhận văn bản và xử lý công việc, chế độ họp, thông tin và quản lý lao động trong đơn vị.

 

3.2. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Bộ Tư pháp.

Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị: Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc bước đầu đã được quan tâm, nâng cấp hơn nhằm để bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với việc trang thiết bị các phương tiện làm việc như máy vi tính, máy photocopy là việc kết nối internet, cung cấp các tài liệu cần thiết để cho công chức có thể được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đáp ứng với yêu cầu đổi mới phương thức làm việc theo hướng hiện đại, chuyện nghiệp. Do vậy, đội ngũ công chức có điều kiện tiếp cận với nhiều thông tin phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ là đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà còn là những thông tin về lý luận, thực tiễn lập pháp trong nước và nước ngoài, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và những yêu cầu về quản lý nhà nước trong giai đoạn mới.

Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin của Bộ tư pháp cũng đang xây dựng và thực hiện Đề án phát triển hệ thống thông tin, ứng dụng tin học hoá trong hoạt động chuyên môn, thiết lập cổng giao dịch điện tử trên mạng internet để tạo cơ hội cho các công chức của bộ, ngành có thể dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho công việc, đồng thời chia sẻ, cung cấp thông tin rộng rãi cho các tổ chức, công dân có nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu. Hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật đã được hình thành và bước đầu phục vụ cho việc tra cứu, tìm hiểu pháp luật, chính sách trong công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, điều kiện và hình thức để công chức tiếp cận với thông tin phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tuy phong phú nhưng lại chưa đầy đủ, cập nhật không thường xuyên, kịp thời, khai thác sử dụng chưa hiệu quả. Không có một địa chỉ thống nhất trong việc đăng tải thông tin liên quan đến việc xây dựng dự thảo và tiếp nhận ý kiến của nhân dân. 11

          Về kinh phí: Theo quy định của Thông tư liên tịch Số: 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02 tháng 12 năm 2010 Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước  bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm các văn bản sau:

          1. Luật, nghị quyết của Quốc hội;

          2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

          3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

          4. Nghị định của Chính phủ;

          5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

          6. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Thông           tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

          7. Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

          8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

          9. Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

          10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội;

          11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

           Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Ngoài nguồn kinh phí này, ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ cho việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh, bao gồm cả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông báo và cấp cho cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh.

           Việc bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo chương trình, kế hoạch chính thức và chương trình, kế hoạch bổ sung trong năm, bảo đảm phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ và trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao. Trường hợp văn bản phải ban hành gấp, chưa có trong chương trình xây dựng văn bản hàng năm của Quốc hội, Chính phủ và trường hợp văn bản có trong chương trình nhưng chuyển sang năm sau hoặc tạm dừng thực hiện thì cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo phải kịp thời thông báo đến Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung và điều chỉnh kinh phí cho phù hợp.

           Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính và quy định tại Thông tư này.

           Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tính chất phức tạp của văn bản được dự kiến xây dựng và hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật được dự kiến thực hiện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì quyết định phân bổ định mức kinh phí cụ thể cho phù hợp.

           Các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện bao gồm: Nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản;  Lập đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; chương trình xây dựng văn bản của các bộ, ngành và tổ chức phân công thực hiện; Điều tra, khảo sát và nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản và thi hành pháp luật; Soạn thảo văn bản; Đánh giá tác động của văn bản; Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án, dự thảo văn bản; ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, dự thảo văn bản; Góp ý, thẩm định dự án, dự thảo văn bản; Thẩm tra của Văn phòng Chính phủ về dự án, dự thảo văn bản; Rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Công bố văn bản; Dịch văn bản sang tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số; Đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản; Theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

          Căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì nhiệm vụ thực hiện chi theo những nội dung sau: Tập hợp, rà soát, đánh giá văn bản;  Dịch, hiệu đính tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt và ngược lại; Tổ chức nghiên cứu lý luận và đánh giá, tổng kết thực tiễn về các vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Điều tra, khảo sát về vấn đề liên quan phục vụ quá trình nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản; lập đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; đánh giá tác động của văn bản; soạn thảo văn bản; Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Chi soạn thảo các loại đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; các loại báo cáo nghiên cứu lý luận và đánh giá, tổng kết thực tiễn; các loại báo cáo đánh giá tác động văn bản; dự thảo đề nghị xây dựng văn bản; dự thảo đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản và dự thảo văn bản; Chi trả thù lao cho những người tham gia nghiên cứu, thực hiện tư vấn trong quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Chi góp ý, tư vấn về đề nghị xây dựng văn bản; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; góp ý, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản; Tổ chức giới thiệu nội dung dự thảo văn bản, lấy ý kiến của nhân dân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;  Chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; các loại báo cáo; dự thảo đề nghị xây dựng văn bản; dự thảo đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản và dự thảo văn bản;  Chi cho các hoạt động công bố luật, pháp lệnh và các văn bản đã được cấp có thẩm quyền ký ban hành;  Tổ chức đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản; Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật; In ấn, sao chụp, mua tài liệu và các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

          Định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định hiện hành mặc dù đã có sửa đổi song còn ở mức rất thấp, không thể đảm bảo chất lượng các nội dung phải chi trả cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ví dụ: Đối với văn bản luật, pháp lệnh mức chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản: Dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/đề cương; Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.500.000 đồng/đề cương. Chi cho soạn thảo luật, pháp lệnh: với mức chi tối đa là 8.000.000 đồng/dự thảo văn bản; Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung số điều: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/dự thảo văn bản. Chi Báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo;  Báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo: mức chi  tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.  Báo cáo đánh giá tác động của văn bản: Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ: mức chi tối đa 4.000.000 đồng/báo cáo;Báo cáo đánh giá tác động đơn giản: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo đánh giá tác động đầy đủ: mức chi tối đa 6.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo tổng hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trình Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng: mức chi tối đa 12.000.000 đồng/báo cáo. Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản và các loại báo cáo thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo....

Nhận xét:

Một là, đối tượng thụ hưởng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bị bó hẹp là các cơ quan hành chính. Do đó chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học và đông đảo nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản.

Hai là,  mức chi tổng thể đối với công tác soạn thảo văn bản mặc dù đã tăng lên so với Thông tư 100 nhưng nhìn chung còn thấp và không còn phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn, đặc biệt là đối với một số khâu như thăm dò dư luận, thẩm định, phản biện văn bản. Với rất nhiều mục chi nhưng lại bị hạn chế về tổng mức chi nên rất khó có thể chi đầy đủ cho các nội dung.

Ba là, thời điểm xây dựng dự toán ngân sách hàng năm không phù hợp với thời điểm xác định được chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ nên cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không lập được dự toán kinh phí cho hoạt động này. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng không có căn cứ để phân bổ và thông báo mức kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho từng cơ quan, đơn vị trong dự toán ngân sách đầu năm của các Bộ, ngành.

Bốn là, Trong Thông tư quy định mục chi tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án, dự thảo văn bản; ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, dự thảo văn bản nhưng không có quy định mục chi đối với việc tiếp nhận xử lý và trả lời ý kiến nhân dân trong trường hợp nhân dân đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản.

 

4. Những hạn chế, bất cập trong việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

          Thứ nhất. Chưa có 1 đầu mối thống nhất trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân đối với hoạt động xây dựng pháp luật.

          Theo quy định hiện hành, trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết, Nghị định cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.Việc quy định này mở rộng đối tượng tiếp nhận nhưng dẫn đến kết quả là không có một đầu mối thống nhất trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong xây dựng pháp luật.

          Theo quy định, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại yêu cầu đăng thông tin dự thảo các văn bản trên trang thông tin của Chính phủ hoặc của cơ quan chủ trì soạn thảo là chưa phù hợp vì nó dẫn đến việc tùy tiện trong khâu thực hiện và khó khăn trong việc tiếp thu và phản hồi các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự tháo pháp luật. Việc đăng tải các thông tin liên quan đến dự thảo văn bản nếu được thực hiện thống nhất tại 1 địa chỉ duy nhất thuộc sự quản lý của Bộ tư pháp sẽ giúp sự tiếp cận của những đối tượng liên quan được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ có điều kiện tốt hơn để nắm chắc và quản lý được quá trình xây dựng dự thảo của các văn bản.

          Thứ hai. Chưa  có cơ chế cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc lấy ý kiến và phản hồi ý kiến

Text Box: Theo Kết quả khảo sát của VnExpress (Thứ bảy, 13/8/2009, 08:38 GMT+7) thì việc lấy ý kiến xây dựng luật vẫn nặng về hình thức và chỉ đơn giản đưa dự luật lên mạng và một số tờ báo viết, không có cơ chế phản hồi đã khiến không ít người cho rằng hoạt động này nặng tính hình thức. Có 2914 trong tổng số 4.947 phiếu cho rằng cơ quan xin ý kiến thiếu cách phổ biến dự luật đến dân...          Trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng hiện nay chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong ciệc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân. Các quy định pháp luật hiện hành quy định về quyền của nhân dân trong việc góp ý kiến đối với hoạt động quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, việc tiếp thu ý kiến như thế nào, phản hồi ra sao là phụ thuộc vào bản thân các cơ quan tiếp nhận.

          Trong hoạt động quản lý của Bộ Tư pháp, cũng giống như các Bộ, ngành khác, việc tiếp thu và phản hồi ý kiến nhân dân còn nhiều hạn chế vì nguyên nhân này. Hầu hết các ý kiến nhân dân đối với các dự thảo văn bản pháp luật cũng chỉ được tập trung trong bản trình cơ quan có thẩm quyền ban hành dưới dạng “có quan điểm cho rằng...” và trong nhiều trường hợp “Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban soạn thảo thì ..” theo quan điểm khác mà không có sự lý giải một cách thuyết phục.

          Khi góp ý, các ý kiến đóng góp của người dân, các doanh nghiệp không phải luôn được các Ban soạn thảo tiếp thu một cách nghiêm túc, ít có sự tổng hợp, đánh giá các ý kiến góp ý một cách đầy đủ và công khai, chưa có nhiều diễn đàn nhằm thảo luận, phản biện công khai khi có các ý kiến đóng góp khác nhau. Thậm chí, trên thực tế, có trường hợp các cơ quan này tự quyết định có tiếp thu hay không ý kiến của nhân dân vì không có cơ chế kiểm tra, giám sát.

          Khâu phản hồi ý kiến nhân dân là một thủ tục quan trọng thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời, thể hiện mối quan hệ thông tin hai chiều giữa người hỏi và người tư vấn, góp ý. Phản hồi không dừng lại ở việc cơ quan chức năng thông tin lại hoặc phúc đáp cho các đối tượng được lấy ý kiến về việc tập hợp, tổng hợp và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân, mà quan trọng hơn là giải thích lý do của việc tiếp thu hay không tiếp thu đó.

          Tuy nhiên, việc phản hồi ý kiến nhân dân chưa quy định trong các văn bản pháp luật quy định về việc lấy ý kiến nhân dân, dẫn đến tình trạng việc phản hồi phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, các đợt lấy ý kiến rộng rãi, rầm rộ đối với các dự án luật lớn theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì việc tổ chức phản hồi lại rất kém, trong khi có một số cơ quan soạn thảo chủ động tổ chức lấy ý kiến nhân dân thì lại có phương thức trả lời, thông tin việc tiếp thu rất nghiêm chỉnh (như Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh lấy ý kiến về thông qua mạng Vnexpress).

          Thứ ba. Cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ Tư pháp chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.

          Qua khảo sát tất cả các phương thức lấy ý kiến của Bộ thì thấy rằng hoạt động này chưa thực sự hiệu quả. Với tư cách là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng pháp luật trogn phạm vi cả nước nhưng sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động xây dựng pháp luật nói chung của Bộ Tư pháp rất hạn chế. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, song, có nguyên nhân từ cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Bộ chưa hiệu quả.

           Cổng thông tin của Bộ tư pháp được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận thông tin về vấn đề này. Song, số lượng các dự thảo văn bản được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ còn ít. Số lượng các ý kiến đóng góp rất hạn chế. Nội dung ý kiến góp ý không được công khai Không có diễn đàn trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.

          So với một số diễn đàn về lấy ý kiến nhân dân của VCCI hay thậm chí của các trang cá nhân  như trang thông tin pháp luật dân sự (tại địa chỉ: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/ )thì nội dung và hình thức trình bày còn chưa đúng tầm của cơ quan đầu mối quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

          Qua khảo sát, có thể nhận xét cách thức lấy ý kiến của Bộ tư pháp đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ giống như của các Bộ ngành khác, chưa phản ánh chức năng đặc thù của Bộ tư pháp với vai trò của cơ quan quản lý việc xây dựng hệ thống pháp luật.

           Các đơn vị thuộc Bộ như Viện Khoa học Pháp lý, trường Đại học Luật Hà nội, Tạp chí Dân chủ, Báo Pháp luật Việt nam cũng chưa tạo được dấu ấn và đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ này. Qua khảo sát, hoạt động lấy ý kiến nhân dân của các đơn vị này cũng hết sức hạn chế .

          Thứ tư. Quy trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL nhìn chung còn mang tính  khép kín trong nội bộ , chưa khuyến khích sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội.                       

 

 Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập:

          Từ quy trình xây dựng pháp luật: Quan niệm về Chương trình xây dựng pháp luật làm cho luật không mang “hơi thở” của cuộc sống, cũng như không xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp hay các nhóm lợi ích. Hơn nữa, quy trình lập Chương trình hiện nay cũng không tạo ra nhiều cơ hội cho nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp được phát biểu quan điểm của mình từ sớm.

           Trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, chúng ta không coi trọng hoặc bỏ qua giai đoạn xây dựng chính sách trước khi tiến hành xây dựng văn bản. Trên thực tế, nhiều dự thảo văn bản sau khi hoàn tất dự thảo mới rõ chính sách ở trong đó. Gắn liền với giai đoạn xây dựng và thông qua chính sách, hàng loạt các câu hỏi sẽ phải được giải đáp như: ban hành văn bản pháp luật có phải là giải pháp duy nhất? tác động của chính sách tới kinh tế - xã hội như thế nào? những nhóm người nào được hưởng lợi hoặc chịu ảnh hưởng tiêu cực? và chi phí để triển khai văn bản pháp luật... Một cách tự nhiên, khi tìm lời giải cho những câu hỏi đó đòi hỏi, cơ quan soạn thảo sẽ phải tham vấn những nhà chuyên môn để tính toán, dự báo; lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội...

          Trong giai đoạn soạn thảo văn bản, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải “xoay xở” trong khoảng thời gian hạn hẹp để hoàn thành dự thảo. Đặc biệt, đối với các dự án luật, là những văn bản quan trọng nhất đòi hỏi sự tham gia của nhân dân, thì thậm chí cơ quan soạn thảo lại phải rút bớt một số công đoạn quan trọng do Luật định để đảm bảo kịp tiến độ thông qua luật ở các kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, thu hút sự tham gia của nhân dân lại là công việc đòi hỏi thời gian: thời gian cho nhân dân tiếp cận với dự thảo, thời gian để họ nghiên cứu, tìm hiểu; thời gian để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giải trình...

           Từ cơ chế thực hiện: Mặc dù pháp luật đã có quy định về nhiệm vụ của Ban soạn thảo dự án, dự thảo văn bản trong việc lấy ý kiến nhân dân,Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan soạn thảo và cơ chế đảm bảo thi hành quyền của nhân dân, doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức thích hợp để lấy ý kiến, trong khi người dân, doanh nghiệp lại không hiểu quyền của mình, cũng như không biết địa chỉ nào để lấy thông tin về dự thảo, thậm chí họ còn không biết được là có dự thảo để góp ý. Hơn nữa, khi cơ chế lấy ý kiến chưa được thể chế hóa bằng văn bản thì cũng rất khó khăn cho cơ quan soạn thảo trong việc huy động nguồn kinh phí, cũng như dành thời gian tương xứng.

Mặt khác, sự không rõ ràng về cơ chế công khai dự thảo văn bản dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan e ngại và cho rằng dự thảo văn bản là loại tài liệu mật. Điều đó đã làm giảm khả năng tiếp cận đến những văn bản pháp luật đang được xây dựng, từ đó hạn chế sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp vào quá trình soạn thảo, làm cho các nhóm đối tượng không có cơ hội đưa ra ý kiến của mình, việc này là phổ biến đổi với những văn bản dưới luật, pháp lệnh.

Thực tế cũng chứng minh rằng cơ chế không rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện trong tổ chức, phản hồi ý kiến.

           Từ nhận thức của cơ quan nhà nước và nhân dân:

     Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa nhận thức được quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Trái lại, thực tế thời gian qua cho thấy những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật và coi đây như một hoạt động vận động hành lang về chính sách của mình, hoạt động này rất phổ biến ở các nước phát triển. Việc quan tâm thường xuyên đến những công việc hàng ngày, trước mắt cũng chính là một đặc điểm chung của doanh nghiệp nhỏ và vừa làm hạn chế sự quan tâm đến việc xây dựng pháp luật của họ.Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, không phải của mình. Nhiều doanh nghiệp có thái độ thờ ơ, cho rằng kể cả mình có ý kiến thì cũng không có giá trị gì và mặc nhiên chấp nhận những gì pháp luật áp đặt cho mình, bất kể là những quy định đó không hợp lý. Nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước đã rất quan tâm và mời tham gia ý kiến những doanh nghiệp chỉ tham gia với tính chất đối ngoại, giữ quan hệ mà không quan tâm đến thực chất, không tham gia tích cực và đưa ra các ý kiến có giá trị.

 Khó khăn về kinh phí và nhân lực:

  Nhân lực phục vụ công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung và của  Bộ tư pháp nói riêng nhìn chung còn thiếu và  hạn chế về tính chuyên nghiệp. Vì vậy, với số lượng văn bản cần xây dựng và ban hành ngày một tăng để đáp ứng nhu cầu xã hội nên dẫn đến tình trạng không thể thực hiện một cách hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân . Bên cạnh đó, kinh phí hạn hẹp đối với hoạt động xây dựng pháp luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chưa hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân.

 

II. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

 

Trong phần này, căn cứ vào tính chất hoạt động quản lý và tính chất của những ý kiến của nhân dân. Chúng tôi sẽ chia làm 2 loại cơ chế khác nhau:

          Một là: Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân lĩnh vực thi hành án dân sự.

          Hai là: Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các hoạt động quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và quản lý đối với các tổ chức dịch vụ công thuộc ngành tư pháp.

          Trong đó, do tính chất đặc thù và cũng là lĩnh vực thu hút tuyệt đại đa số ý kiến của nhân dân nên Đề tài sẽ tập trung đánh giá cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực khác không có nhiều đặc thù so với các Bộ ngành khác nên được đánh giá một cách khái quát hơn.

 

1. Thực trạng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân lĩnh vực thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự là hoạt động đưa những nội dung quyết định trong các bản án, quyết định của Toà án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác do pháp luật quy định thực hiện trong thực tế để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân. Hoạt động thi hành án được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì các quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân được bảo đảm trong thực tế, quy tắc xã hội được tôn trọng, pháp luật được thực thi, quản lý của Nhà nước đối với xã hội được chặt chẽ.

          Hoạt động thi hành án dân sự tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các đương sự, nên việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng.

           Góp phần bảo đảm quyền lợi của các đương sự tham gia vào hoạt động thi hành án

  Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Trong quá trình thi hành án, các đương sự, cá nhân, tổ chức có quyền thông tin, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chính các ý kiến của nhân dân phản ánh về công tác thi hành án dân sự mà các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát huy kết quả đã đạt được để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

 Là một trong những căn cứ đánh giá kết quả của công tác thi hành án dân sự, công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về thi hành án, nâng cao chất lượng xét xử của Toà án

 Thông qua công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân, các cơ quan ban hành pháp luật, quản lý nhà nước đánh giá được hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về thi hành án và nghiên cứu, bổ sung biện pháp thi hành án thích hợp, đồng thời trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác thi hành án, công tác xét xử của Toà án, hạn chế những bản án có nội dung không phù hợp với thực tế, án tuyên không rõ, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

1.1. Quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Về cơ sở pháp lý, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào riêng biệt, có tính chất là văn bản chuyên ngành về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thông qua các quy định về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức việc thi hành án dân sự, thì có thể nhận thấy công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thể hiện rải rác tại nhiều điều khoản trong các văn bản quy phạm sau đây: Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009); Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự; Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP ngày 21/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp; Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Bộ Tư pháp; Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự; Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 08/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự; Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành Thi hành án dân sự.

1.2. Các hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

          Do đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự vừa có tính chủ động thi hành án từ phía cơ quan thi hành án dân sự (đối với việc thi hành án thuộc loại Thủ trưởng cơ quan thi hành án chu động ra quyết định thi hành án) vừa có tính phụ thuộc vào yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án (đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu); mặt khác thủ tục thi hành án dân sự có nhiều bước thực hiện, với sự tham gia của nhiều người, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự, kể cả Nhà nước, nhất là khi phải cưỡng chế thi hành án dân sự. Do đó, hoạt động thi hành án trong nhiều trường hợp “va chạm”, ảnh hưởng trực tiếp của đến nhiều đối tượng, từ người phải thi hành án, người được thi hành án đến các cơ quan, tổ chức hữu quan, từ địa phương đến trung ương, từ cơ quan chuyên môn đến cơ quan thông tin đại chúng, từ người dân đến Đại biều Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân v.v. Do vậy, hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất đa dang. Có thể nêu ra những hình thức chủ yếu sau đây:

          Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện quyền yêu cầu thi hành án

          Yêu cầu thi hành án là quyền của người được thi hành án và người phải thi hành án được quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại hoặc Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

          Người yêu cầu thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức là nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự, gửi đơn qua đường bưu điện. Từ việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án mà đương sự thể hiện ý chí được bảo đảm quyền lợi của mình, như: được nhận tiền, tài sản theo bản án, quyết định; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; được tự nguyện thi hành án (thực tế cho thấy trong các đợt đặc xá, nhiều trường hợp người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tiền thi hành án để được xét đặc xá, mặc dù vụ việc đó người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án hoặc bản án đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự); miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án v.v.

          Trong trường hợp nhất định, khi thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, người được thi hành án có quyền làm đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án, nhưng phải kèm theo các tài liệu chứng minh do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn.

          Hình thức phản ánh ý kiến này mang nặng tính chất chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự, nhưng lại thường xuyên được thực hiện trong hoạt động thi hành án dân sự và góp phần lớn nhất, quan trọng nhất để bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, của các đương sự tham gia vào quá trình thi hành án dân sự.

           Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

          Có thể nói, đây là hình thức phản ánh ý kiến trực tiếp nhất, rõ ràng nhất, nổi cộm nhất và bức xúc nhất trong công tác thi hành án dân sự ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khiếu nại về tổ chức việc thi hành án dân sự. Có lẽ vì thế mà pháp luật có quy định riêng, đặc thù về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại các điều từ Điều 140 đến Điều 159 Luật Thi hành án dân sự 2008, có rất nhiều điểm khác biệt so với Luật Khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định, thì đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Người khiếu nại, người tố cáo có các quyền, nghĩa vụ do luật định, như: tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có; được yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình và được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù;  trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật). Người bị khiếu nại, bị tố cáo cũng có quyền, nghĩa vụ nhất định, như: được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được thông báo về nội dung tố cáo; đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật; giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Các cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

           Phản ánh kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân

          Khoản 1 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật”. Đây là một kênh phản ánh ý kiến nhân dân rất có tác dụng đối với hoạt động thi hành án dân sự.

          Với vai trò là đại biểu của nhân dân, các Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan thi hành án báo cáo công tác thi hành án dân sự, trong đó nêu rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhiều trường hợp, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự trả lời chất vấn, kiến nghị của cử tri đối với công tác thi  hành án dân sự.

          Mặt khác, thông qua công tác kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự mà Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thi hành án dân sự đã quy định, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện việc kiểm sát định kỳ, kiểm sát vụ việc thi hành án dân sự. Nhiều trường hợp, trên cơ sở kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hoạt động thi hành án dân sự đến Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát đã tiến hành hoạt động kiểm sát đối với cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên về hoạt động đó.

           Phản ánh thông qua các phương tiện thông tin truyền thông

          Đây là hình thức phản ánh ý kiến của nhân dân đối với lĩnh vực thi hành án công khai, rộng rãi. Các cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là cơ quan báo chí, với nhiều loại hình, nhiều hình thức phản ánh, kiến nghị, từ vấn đề chung đến các lĩnh vực, vụ việc thi hành án dân sự cụ thể để cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan xét xử, kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự biết thêm sự đánh giá của dư luận đối với hoạt động thi hành án dân sự, đồng thời cũng là phương tiện quan trọng tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Do đó, phải được chú trọng trong khâu tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự thông qua phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông.

          1.3. Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tùy loại việc, hình thức, cá nhân, cơ quan tổ chức chuyển tải ý kiến mà việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh lực thi hành án dân sự có những điểm khác nhau, riêng biệt, như: nhận đơn yêu cầu thi hành án và tổ chức việc thi hành án khác với nhận đơn khiếu nại, tố cáo và thụ lý giải quyết việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự khác với nhận và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.v.v.

Quy định để áp dụng quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự ở nhiều văn bản, như: Tại Bộ Tư pháp thì đơn gửi đích danh Bộ trưởng, Thứ trưởng thì Thư ký Bộ trưởng, công chức giúp việc Thứ trưởng tiếp nhận và chuyển Thanh tra để xử lý, trừ trường hợp  Bộ trưởng, Thứ trưởng giao đơn vị khác giải quyết. Thanh tra Bộ Tư pháp tiếp nhận các đơn gửi Thanh tra, Bộ Tư pháp và là đầu mối trong việc tiếp nhận, xử lý đơn. Các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp nhận các đơn gửi cho mình. Các đơn vị và cá nhân không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải chuyển đến Thanh tra để xem xét, xử lý. Việc tiếp nhận đơn tại Phòng tiếp công dân được thực hiện theo Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp và các quy định khác của pháp luật. Việc tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự gửi đến Bộ Tư pháp qua đường dây nóng được thực hiện theo Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự.v.v.

Tuy chưa có văn bản nào quy định cụ thể về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhưng có thể xác định việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy trình với trình tự, thủ tục cơ bản sau đây:

a. Tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Đây là khâu đầu tiên trong quy trình này nên được chú trọng thực hiện, với nhiều hình thức tiếp nhận. Thực tế cho thấy có những hình thức chủ yếu là: Nhận đơn, văn bản kiến nghị, chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội (đơn gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc gửi thông qua người khác). Mở đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin, phản ánh của nhân dân. Tiếp thu ý kiến từ các cuộc họp Hội đồng nhân dân, kỳ họp Quốc hội và các hội nghị, cuộc họp khác và tiếp nhận từ việc nghiên cứu các báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới và các các cơ quan liên quan liên quan, như: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an v.v.

Về cách thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tất cả các ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự đều phải được tiếp nhận thông qua việc vào sổ sách, quản lý chặt chẽ. Do tính chất đặc thù của công tác thi hành án dân sự, do đó tùy từng trường hợp cụ thể, cách thức tiếp nhận, vào sổ ghi nhận phản ánh của nhân dân có sự khác nhau, như: Sổ công văn đến, sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, sổ thụ lý thi hành án, sổ theo dõi nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, cách thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể tóm tắt các bước như sau:

- Bộ phận Văn thư (của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm tiếp nhận và vào Sổ nhận công văn đến văn bản do các cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đến.

Việc vào Sổ công văn đến phải được thực hiện ngay trong ngày tiếp nhận, có các thông tin cơ bản về công văn, tên tài liệu (tên cơ quan, tổ chức cá nhân gửi, ngày tháng năm và trích yếu nội dung tài liệu). Ngay trong ngày tiếp nhận, Văn thư chuyển đến Lãnh đạo cơ quan để kịp thời phân loại.

 Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được tài liệu do Văn thư chuyển, Lãnh đạo cơ quan xem xét và phê duyệt để Văn thư chuyển đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để xử lý.

Cùng ngày đó, Văn thư phải vào Sổ công văn đến đối với phần ghi nơi nhận xử lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển đến đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để giải quyết.

- Ngay trong ngày nhận được tài liệu do Văn thư chuyển đến, đơn vị chuyên môn, người được giao giải quyết vụ việc phải tiếp nhận để vào Sổ chuyên môn (Sổ thụ lý thi hành án, Sở theo dõi nhận đơn và giải quyết việc thi hành án v.v.) và nghiên cứu, xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b. Xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Nguyên tắc xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết công việc liên quan đến ý kiến phản ánh của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc như sau:

- Ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để quyết định việc thụ lý giải quyết.

- Ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo, thì có văn bản trả lời cho người phản ánh biết rõ lý do không thụ lý.

          - Đơn khiếu nại về thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì không thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời cho người khiếu nại.

- Đơn về thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp nhưng gửi nhiều cơ quan, trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn;

- Đơn khiếu nại về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Cục thi hành án dân sự có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời yêu cầu, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm giải quyết và báo cáo kết quả;

- Đơn khiếu nại về công tác thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thi hành án dân sự, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời đôn đốc các đơn vị giải quyết.

 - Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí chuyển đến thì gửi trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn biết.

 Thủ tục xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp sau khi nhận đơn thư, tài liệu, thông tin phải tiến hành xử lý tùy theo thủ tục quy định từng loại việc (như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, chất vấn.v.v.): Đơn thư, tài liệu, thông tin thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo để người có thẩm quyền giải quyết quyết định việc thụ lý giải quyết. Đơn thư, tài liệu, thông tin không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển cho người có thẩm quyền giải quyết.

Hiện nay, thủ tục xử lý các đơn thư, tài liệu, thông tin của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự không giống nhau. Ví dụ: Việc tiếp nhận, xử lý thông tin quy đường dây nóng về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian, thẩm quyền và trong các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Việc chuyển thông tin, xử lý thông tin qua đường dây nóng được thực hiện như chế độ tiếp nhận, xử lý công văn khẩn, công điện khẩn. Người cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ; nếu người cung cấp thông tin có yêu cầu được biết kết quả xử lý thông tin do mình cung cấp thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, giải quyết phải thông báo cho người đó biết.

Trình tự, thủ tục và thời hạn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện theo Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành Thi hành án dân sự ban hành tại Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự như sau: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc, Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải tiến hành nghiên cứu nội dung công văn, hồ sơ mà cơ quan thi hành án dân sự xin hướng dẫn nghiệp vụ và trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, phải dự thảo xong công văn đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trình kèm theo hồ sơ vụ việc để Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét: Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Chi cục Thi hành án dân sự gửi cho Tổng cục Thi hành án dân sự thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên dự thảo công văn trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét, ký thừa lệnh (TL) Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trả lại Chi cục Thi hành án dân sự để xin ý kiến hướng dẫn của Cục Thi hành án dân sự và yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời thông báo cho Cục Thi hành án dân sự biết. Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Cục Thi hành án dân sự gửi Tổng cục Thi hành án dân sự đã đầy đủ, rõ ràng, thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý nghiên cứu, đề xuất ý kiến và phải dự thảo xong công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét.Trường hợp hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải dự thảo xong công văn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự giải trình, bổ sung hồ sơ, trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét, ký thừa lệnh (TL) Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ, Cục Thi hành án dân sự phải gửi văn bản giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Cục Thi hành án dân sự gửi nhưng nội dung công văn vừa báo cáo quá trình thi hành án vừa có nội dung xin hướng dẫn nghiệp vụ nhằm phục vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục Thi hành án dân sự thì Vụ Nghiệp vụ chủ trì, phối hợp với Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc hướng dẫn nghiệp vụ cần trao đổi ý kiến với các cơ quan, đơn vị liên quan hoặc báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ Tư pháp thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc nghiên cứu dự thảo công văn trao đổi ý kiến hoặc báo cáo xin ý kiến trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét để trình Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, ký gửi các cơ quan, đơn vị hữu quan. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án của Cục Thi hành án dân sự, ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị hữu quan hoặc ý kiến của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải tiến hành dự thảo xong công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét để trình Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục Thi hành án dân sự. Đối với vụ việc phức tạp, thì thời hạn hoàn thành xong dự thảo công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự nêu trên có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trừ trường hợp chờ bổ sung hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị hữu quan hoặc ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.v.v.

c. Phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Sau khi đã xử lý ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phản hồi cho người phản ánh, kiến nghị. Hình thức phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Bộ Tư pháp khá đa dạng, có thể là: Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc công văn trả lời chất vấn, báo cáo giải trình, tiếp thu; văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự v.v.

1.4. Các điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực

Về tổ chức bộ máy và nhân lực:

Theo quy định tại Nghị định số  74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự,Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

 Cơ cấu tổ chức bao gồm: Văn phòng; Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, phá sản, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 1); Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2); Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự. 

Như vậy, về tổ chức bộ máy, Tổng cục Thi hành án đã có bộ phận chuyên làm công tác tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án (Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo). Đây là một điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả của hoạt động  tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tuy nhiên, số lượng ý kiến nhân dân trongg lĩnh vực này được gửi đến Bộ Tư pháp là rất nhiều và trong đó rất nhiều vụ việc phức tạp trong điều kiện lực lượng cán bộ còn mỏng là một thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện công tác này.

Riêng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010 đã tiếp 402 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày về công tác thi hành án dân sự; nhận 3.906 đơn thư, cùng với 249 vụ việc của kỳ trước chuyển sang, trong đó có 2.605 đơn trùng (chiếm 63%), đơn phải xử lý (tương đương vụ việc) là 1.550 vụ việc (chiếm 37%), trong đó có 1.421. vụ việc khiếu nại (chiếm 91,7%), 129 vụ việc tố cáo (chiếm 8,3%). Kết quả đã giải quyết được 1.422 vụ việc (đạt 92%), trong đó có 1.392 việc việc giải quyết xong (có kết quả giải quyết cuối cùng), đạt 90% số vụ việc phải giải quyết.

Tuy nhiên, với số lượng nhân lực chỉ 12 người, trong đó một số người chưa qua thực tiễn công tác thi hành án dân sự (tại thời điểm 11.2010) mà phụ trách việc giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của Tổng cục trong phạm vi cả nước thì đây là những thách thức không nhỏ đối với bộ phận này.

 

Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí:

Thực hiện Luật Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự đã có nhiểu chuyển biến quan trọng, là một nỗ lực lớn của Ngành Tư pháp. Cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án dân sự. Nhiều cơ quan thi hành án địa phương đã được đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc...Tuy nhiên, nhìn chung, cơ sở vật chất của các cơ quan THADS chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện cải cách tư pháp. So với thực tế, các mẫu thiết kế trụ sở cơ quan, kho vật chứng đã lạc hậu; phương tiện, trang thiết bị làm việc mặc dù đã được quan tâm trang cấp nhưng cũng chưa bảo đảm được yêu cầu hiện đại hoá công sở.

Là một lĩnh vực phức tạp và phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều nhưng cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự không được hưởng thêm khoản trợ cấp hay phụ cấp gì. Trong bối cảnh tiền lương của cán bộ công chức và thu nhập rất thấp của công chức như hiện nay thì đây có thể sẽ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiệncơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

 

1.5. Những kết quả đã đạt được trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp trong những năm gần đây:

a. Hoàn thiện hơn về thể chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Từ việc nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cũng như thực tiễn công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội Quốc hội ban hành Luật Thi hành án dân sự số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Nghị quyết số số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự.

Luật Thi hành dân sự có nhiều quy định mới hoặc hoàn thiện hơn quy định liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 12 - Giám sát việc thi hành án). Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự, gửi đơn qua bưu điện (Điều 32). Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn (Điều 33). Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 140) và 01 chương gồm 15 điều (từ Điều 166 đến Điều 180) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành dân sự.

Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với chính phủ ban hành hoặc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành án dân sự, trong đó có nội dung liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/72010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

b. Kịp thời và hiệu quả hơn trong việc quản lý, chỉ đạo việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chức việc thi hành đạt tỷ lệ cao hơn, giảm dần án tồn đọng

Mặc dù, số lượng việc thi hành án thụ lý hàng năm đều tăng, với nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài chuyển dồn từ năm này sang năm khác, nhưng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên tổ chức rà soát, phân loại, xác định một cách chính xác số vụ việc có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành án và có biện pháp thi hành xong đạt chỉ tiêu đề ra; làm tốt công tác dân vận trong thi hành án, tích cực vận động, thuyết phục để các đối tượng tự nguyện thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ việc phải cưỡng chế thi hành án; những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng thì tổ chức các “đợt cao điểm thi hành án” nhằm giảm tối đa lượng án tồn đọng. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã có nhiều cố gắng, tích cực tổ chức thi hành án, nên kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2005, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 177.991 việc/288.147 việc có điều kiện thi hành, đạt 61,77 %; thu được 1.663 tỷ 985 triệu 752 nghìn đồng, đạt 39,89 % (tăng 505 tỷ 139 triệu 170 nghìn 872 đồng so với năm 2004, chưa kể nhiều tài sản đã thu được quy đổi thành tiền là 149 tỷ 611 triệu 662 nghìn đồng). Năm 2006, thi hành xong 270.967 việc/380.850 việc có điều kiện thi hành, đạt 71,15 % (tăng 37.454 việc so với năm 2005); thu được 1.923 tỷ 333 triệu 783 nghìn đồng, đạt 31,59 % (tăng 669 tỷ 612 triệu 431 nghìn đồng so với năm 2005 ). Năm 2007, thi hành xong 302.373 việc/381.051 việc có điều kiện thi hành, đạt 79,35 %, (tăng 31.406 việc so với năm 2006); thu được 3.351 tỷ 840 triệu 235 nghìn đồng, đạt 55 % (tăng 1.428 tỷ 506 triệu 451 nghìn đồng so với năm 2006). Năm 2008, thi hành xong 334.448 việc/424.887 việc có điều kiện thi hành, đạt 78,71%; tăng 32.075 việc so với năm 2007; thu được 4.149 tỷ 234 triệu 803 nghìn đồng, đạt 55,46% số tiền có điều kiện thu; tăng so với năm 2007 là 797 tỷ 394 triệu 568 nghìn đồng. Năm 2009, thi hành xong 354.490 việc/437.375 việc có điều kiện thi hành, đạt 81,05% (tăng 20.031 việc so với năm 2008); thu được 5.411 tỷ 370 triệu 602 nghìn đồng, đạt 57,64% số tiền có điều kiện thi hành, tăng so với năm 2008 là 1.262 tỷ 135 triệu 799 nghìn đồng. Sáu tháng đầu năm 2010, đã thi hành xong 149.038/273.873 việc có điều kiện thi hành, đạt 52,75% (tăng 20.588 việc so với cùng kỳ năm 2009); số tiền thi hành xong là 2.687 tỷ 553 triệu 841 nghìn đồng, đạt 29,44% trên số tiền có điều kiện thi hành, tăng 797 tỷ 530 triệu 946 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2009.

Kết quả thi hành án dân sự nêu trên phản ánh hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp nói riêng và của công tác thi hành án dân sự nói chung, giải quyết kiến nghị của nhân dân trong công tác tổ chức việc thi hành án, góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự.

c. Chú trọng và đạt kết quả cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là lĩnh vực được Bộ Tư pháp chú trọng nhất trong công tác giải quyết, khiếu nại, tố cáo của ngành Tư pháp. Ngoài việc căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự để giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân, Bộ Tư pháp còn ban hành các quy chế riêng cho lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Quyết định số 593/2004/QĐ-BTP ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thiết lập, tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự và chỉ đạo các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở đường dây nóng về công tác thi hành dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân ký Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/6/2010 về việc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao cho Thanh tra Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tổng cục Thi hành án dân sự có Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện việc quản lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Năm 2007, Bộ Tư pháp đã nhận 2.815 lượt đơn khiếu nại về thi hành án dân sự (có 1.504 đơn trùng lặp); Bộ Tư pháp đã trực tiếp trả lời khiếu nại 80 trường hợp, chỉ đạo địa phương giải quyết 81 trường hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 844 đơn (đạt 76,65%), trao đổi biện pháp giải quyết với các cơ quan hữu quan 38 trường hợp, số đơn còn lại đang được nghiên cứu trả lời, giải quyết theo quy định. Năm 2008, Bộ Tư pháp đã nhận 1.812 đơn khiếu nại về thi hành án (giảm 1.003 đơn so với cùng kỳ năm 2007), bao gồm 1.075 đơn trùng và 737 đơn mới (giảm 574 đơn mới so với cùng kỳ năm 2007); đã giải quyết xong 639 trường hợp (đạt 88%). Năm 2009, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận 3.212 đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (có 1.863 đơn trùng lặp), tổng số phải giải quyết là 1.349 trường hợp; thành lập nhiều đoàn công tác để xác minh; trả lời 128 trường hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 870 (đạt 73,98%), số đơn còn lại được nghiên cứu trả lời, giải quyết theo quy định.

Riêng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010 đã tiếp 402 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày về công tác thi hành án dân sự; nhận 3.906 đơn thư, cùng với 249 vụ việc của kỳ trước chuyển sang, trong đó có 2.605 đơn trùng (chiếm 63%), đơn phải xử lý (tương đương vụ việc) là 1.550 vụ việc (chiếm 37%), trong đó có 1.421. vụ việc khiếu nại (chiếm 91,7%), 129 vụ việc tố cáo (chiếm 8,3%). Kết quả đã giải quyết được 1.422 vụ việc (đạt 92%), trong đó có 1.392 việc việc giải quyết xong (có kết quả giải quyết cuối cùng), đạt 90% số vụ việc phải giải quyết.

Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với các ngành hữu quan giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, như: vụ khiếu nại của bà Lưu Thị Phương, ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; khiếu nại của Báo Lao động trong vụ TAMEXCO; vụ bà Lê Thị Kim Thanh ở Ninh Thuận, Công ty TNHH Linh Dương ở Lào Cai, ông Đặng Văn Mỹ ở Bắc Giang, bà Chu Thị Kiếm và ông Âu Văn Cường ở Lạng Sơn.v.v. Một số vụ việc phức tạp, đại diện Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại làm rõ nội dung khiếu nại để có hướng giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, như: vụ việc của ông Lê Khắc Hải, bà Nguyễn Thị Kim Dung, bà Vũ Thị Bình, Công ty điện tử công nghiệp.

d. Báo cáo đầy đủ, trả lời chất lượng và kịp thời hơn với Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chất vấn, phản ánh kiến nghị của cử tri về công tác thi hành án dân sự

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều có báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án, trong đó có phần báo cáo công tác thi hành án dân sự, riêng năm 2010 có Báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 trình Quốc hội về công tác thi hành án. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác thi hành án thường nêu rõ nhưng kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện. Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự trong những năm gần đây được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, đều được đánh giá cao trong việc chuẩn bị báo cáo, nội dung báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ về tình hình công tác thi hành án, nhất là công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc tiếp nhận và xử lý ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều văn bản trả lời chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội hoặc trả lời kiến nghị của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương.

Tổng cục Thi hành án dân sự trả lời kiến nghị, chất vấn 144 trường hợp năm 2009, trên 100 trường hợp 9 tháng đầu năm năm 2010. Bộ Tư pháp trả lời thông qua kênh phản ánh của Đại biểu Quốc hội nhiều trường hợp phức tạp, điển hình như trường hợp: Phản ánh của cử tri Phan Thị Tiến ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau về hồ sơ thi hành Bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình số 01/HNST ngày 25/9/1985 của Toà án nhân dân huyện Ngọc Hiển về cấp dưỡng nuôi con giữa bà Phan Thị Tiến, ông Trần Văn Thảo, cư trú Ấp Xóm Lớn Ngoài, Hàng Vịnh, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau và vụ việc liên quan đến phản ánh của cử tri Lê Thị Tám, trú tại ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thi hành Quyết định số 275/PTDS ngày 12/10/2004 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau thì bà Lê Thị Tám phải trả cho bà Hồ Thị Sương 15.000m2 đất tại thửa số 87 ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

e. Đã bảo đảm những điều kiện vật chất nhất định cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự

Bộ Tư pháp đã bố trí phòng tiếp dân riêng biệt, bố trí cán bộ thường trực tiếp dân; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Thanh tra Bộ và Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp dân theo lịch hàng tuần. Mở đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự từ năm 2004. Ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

1.6. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả khả quan trong công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự, thì công tác này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, với những nguyên nhân sau đây:

a) Hạn chế, tồn tại

- Trong quản lý, chỉ đạo thi hành án dân sự có lúc còn chưa sát, chưa kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương; vẫn còn tình trạng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự chậm trả lời, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ theo kiến nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Nhiều trường hợp chưa xử lý, phản hồi đúng trình tự, thủ tục, chất lượng giải quyết chưa cao; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành dân sự có vụ việc kéo dài trong thời gian dài, như: Vụ bà Đặng Thị Thông ở Bình Định; vụ bà Vũ Kiều Trinh, ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai; vụ ông Huỳnh Chiêu Đường ở Bình Thuận. Khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của nhân dân ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề về công tác thi hành án dân sự, nhưng chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thi hành ánh, kê biên tài sản, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, tính lãi suất chậm thi hành án, không đồng tình với nội dung bản án, quyết định của Tòa án, cách thức thi hành án.v.v. Một số địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại về thi hành án như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh.

- Số lượng vụ việc liên quan đến phản ánh ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự phải giải quyết tồn đọng còn cao. Tính đến cuối tháng 7/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự còn phải giải quyết 138 vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; 21 vụ việc hướng dẫn nghiệp vụ theo kiến nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổng số việc thi hành án phải thi hành của toàn Ngành thi hành án dân sự chuyển sang 6 tháng cuối năm 2010 vẫn cao, tổng cộng 310.175 việc (chưa thi hành 53.206 việc, thi hành dở dang 77.282 việc, hoãn thi hành án 87.402 việc, tạm đình chỉ 577 việc, lý do khác 91.708 việc) với tổng số tiền còn phải thi hành là 11.705 tỷ 353 triệu 224 ngàn đồng. Một số địa phương khác có tỷ lệ thi hành án trên số việc có điều kiện thi hành còn thấp, như: Long An 23,8%; Tây Ninh 27,1%; Bình Phước 30,5%; Tiền Giang 31,2%; Vĩnh Long 31,1%.

- Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc phần mềm tin học quy định riêng về vấn đề này, mà chỉ có các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, với nhiều lĩnh vực khác nhau, nên khó khăn cho việc thực hiện, quản lý, tổng kết, đánh giá tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự.

- Các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất eo hẹp. Trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp chật chội, chưa khang trang, chưa bảo đảm an toàn cho người tiếp dân, đã có trường hợp đương sự “tấn công” cán bộ của Tổng cục Thi hành án dân sự khi tiếp dân. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự chưa được thi hiện, chức danh Thẩm tra viên tại Tổng cục Thi hành án dân sự chưa được bổ nhiệm mặc dù quy định của pháp luật đã đầy đủ. Chưa thực hiện việc bố trí đơn vị chuyên môn, cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b) Nguyên nhân

- Về chủ quan:

+ Từ phía cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự: Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tuy đã tự chấn chỉnh và có nhiều cố gắng nhưng còn thiếu và về cơ bản năng lực còn yếu; một số cán bộ quản lý chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành; một số Chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa tích cực cập nhật kiến thức nghiệp vụ và trong một số trường hợp còn tuỳ tiện, ỷ lại, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị cưỡng chế thi hành án để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, như hai vụ đương sự tự thiêu (ông Nguyễn Khắc Đương ở Hưng Yên, ông Mai Viết Đa ở Bà Rịa-Vũng Tàu). Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan ở địa phương, chưa tranh thủ được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự.

+ Từ phía các cơ quan, cá nhân khác: Vẫn còn có nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm sát sao trong việc phối hợp đánh giá, quy hoạch và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan thi hành án dân sự, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Việc phối hợp của chính quyền cơ sở, đặc biệt là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội với cơ quan thi hành án dân sự chưa thường xuyên. Còn có nhiều bản án, quyết định của Toà án có sai sót, không rõ ràng hoặc vi phạm, có nơi cơ quan thi hành án đề nghị Toà án giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm hoặc không được giải quyết.

- Về khách quan:

+ Luật thi hành án dân sự mới được ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, chứa đựng nhiều nội dung mới, việc triển khai thi hành Luật này đòi hỏi phải tập trung thực hiện nhiều công việc như: xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành; bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ; các vụ việc phải thi hành còn nhiều, v.v....

+ Một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu nguồn tuyển dụng, trong khi đó, công việc thi hành án vất vả và phức tạp, nhưng chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với tất cả các cán bộ, công chức thi hành án dân sự nên không tạo tâm lý an tâm công tác.

+ Nhiều vụ việc thi hành án phải thi hành theo định kỳ hàng tháng, quý kéo dài trong nhiều năm; không ít vụ việc không thể thi hành nhanh do phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc do quy định pháp luật liên quan phải kéo dài thời gian thi hành án; tài sản đã kê biên, tổ chức bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua, trong khi đó, sự quá tải công việc của một số cơ quan thi hành án có lượng án quá lớn, số việc thi hành án tồn đọng chuyển dồn từ năm này sang năm khác nhiều chưa khắc phục được.

+ Cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án.

+ Ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án còn yếu, nhất là của người phải thi hành án chưa cao, có trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, thậm chí chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án hoặc đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng vẫn khiếu nại, như vụ bà Hồ Thị Tha ở An Giang; phản ánh, kiến nghị vượt cấp, kéo dài, không trọng tâm, không rõ ràng gây khó khăn cho việc xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

 

2. Thực trạng việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Ngành  Tư pháp.

2.1. Quy định hiện hành đối với cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực quản lý khác của Bộ Tư pháp.

Các quy định về tiếp nhập, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong các lĩnh vực này được thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Luật 26/2004/QH11 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Quyết định 06/2007/QĐ - BTP Ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp; Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự; Nghị định 120/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật 55/2005/QH11 Phòng, chống tham nhũng; Luật 58/2005/QH11 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật 09/1998/QH10 Khiếu nại, tố cáo; Nghị định 136/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo...

2.1. 1 . Cơ chế giải quyết khiếu nại[15]

- Tiếp nhận đơn khiếu nại: Người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) cho cơ quan Bộ Tư pháp. Trong trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, có chữ ký của người khiếu nại. Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện.

- Thụ lý đơn: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Bộ Tư pháp thụ lý để giải quyết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

- Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại; thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại: Đại diện Bộ Tư pháp trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi ích liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.

Khi gặp gỡ, đối thoại, đại diện Bộ Tư pháp nêu rõ nội dung cần đối thoại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc gặp gỡ, đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; tóm tắt kết quả về những nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do.

Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, Bộ Tư pháp tiến hành thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại.

- Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, ngoài thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 9, Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, còn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án theo Điều 142 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thành phần hồ sơ:

- Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;

- Giấy ủy quyền (trong trường hợp người khiếu nại ủy quyền); giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện;

- Các giấy tờ, bằng chứng, tài liệu liên quan.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn tối đa là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết (thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự được thực hiện theo pháp luật về thi hành án dân sự).

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại; văn bản trả lời khiếu nại

Lệ phí (nếu có): Không

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

- Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

- Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 1 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.

- Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

- Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

- Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

 

Trình tự thực hiện khiếu nại lần 2:

- Tiếp nhận đơn: Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự là khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp.

- Thụ lý đơn: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Bộ Tư pháp thụ lý đơn để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.

- Thẩm tra, xác minh vụ việc khiếu nại. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, Bộ Tư pháp có các quyền sau:

+ Yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng về nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về những nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại;

+ Mời người bị khiếu nại, người khiếu nại đến để tổ chức đối thoại (nếu cần);

+ Xác minh tại chỗ, kiểm tra thực địa (nếu cần);

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu nêu trên phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

-  Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, lợi ích liên quan, người đã chuyển đơn đến, cơ quan quản lý cấp trên trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thành phần hồ sơ:

- Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại, giấy uỷ quyền khiếu nại (nếu có);

- Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan;

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết: Không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn tối đa là 70 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết (thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự được thực hiện theo pháp luật về thi hành án dân sự).

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tư pháp

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại; văn bản giải quyết khiếu nại

Lệ phí (nếu có): Không

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

- Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

- Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 1 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.

- Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

- Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

- Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết

 

2.1. 2 Cơ chế giải quyết tố cáo[16]:

- Tiếp nhận đơn: Người tố cáo gửi đơn đến cơ quan Bộ Tư pháp. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo;

- Thụ lý để giải quyết: Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, đơn tố cáo được thụ lý giải quyết. Trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu;

- Xác minh việc tố cáo: Bộ Tư pháp ra quyết định về việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Trong quá trình xác minh việc tố cáo, Bộ Tư pháp có quyền và nghĩa vụ sau:

+ Yêu cầu người tố cáo cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo.

+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. 

- Kết luận về nội dung tố cáo: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định kết luận về nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm.

Cách thức thực hiện: Gửi đơn tố cáo trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính.

Thành phần hồ sơ:

-  Đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo;

- Các tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết: Không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tư pháp

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo kết quả giải quyết tố cáo

Lệ phí (nếu có): Không

 

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

Người tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo.

Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới

Trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp gồm hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân chủ yếu thông qua hoạt động tiếp công dân của Bộ và Thông qua việc lấy ý kiến nhân dân thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát, hội thảo tọa đàm tại các địa phương.

 

2.1. 3 Quy định về cách thức thực hiện tiếp nhận[17]

Công dân đến Bộ Tư pháp khiếu nại, tố cáo xuất trình giấy tờ tuỳ thân; nếu công dân không trực tiếp đến thì có thể uỷ quyền cho người khác, người được uỷ quyền phải có giấy uỷ quyền, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người uỷ quyền cư trú;

     Cán bộ tiếp công dân yêu cầu công dân trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo. Trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung vụ việc thì cán bộ tiếp dân yêu cầu họ cử đại diện để trình bày nội dung sự việc;

    Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo trực tiếp mà vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì cán bộ tiếp công dân ghi chép đầy đủ các nội dung mà công dân trình bày; tiếp nhận và viết giấy xác nhận về việc nhận các tài liệu liên quan; hướng dẫn công dân viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo theo các nội dung của mẫu đơn và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội

Thành phần hồ sơ:

- Đơn khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo (có xác nhận hoặc điểm chỉ của công dân);

- Các tài liệu, giấy tờ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Thanh tra Bộ Tư pháp

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy biên nhận tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp; Phiếu hướng dẫn.

Lệ phí (nếu có): Không

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân có quyền:

- Yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ hợp lệ thay thế; từ chối tiếp những công dân không xuất trình các giấy tờ trên;

- Yêu cầu xuất trình Thẻ luật sư trong trường hợp có luật sư giúp đỡ người khiếu nại, tố cáo; từ chối tiếp luật sư nếu không xuất trình Thẻ luật sư;

- Từ chối tiếp công dân trong những trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, khiếu nại đã được tòa án thụ lý giải quyết, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ sau khi đã giải thích, trả lời đầy đủ cho đương sự và những người đang trong tình trạng say rượu, bia, tâm thần và những người vi phạm nội quy Phòng tiếp công dân;

- Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, lý do và yêu cầu giải quyết, cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo;

- Yêu cầu công dân viết thành văn bản hoặc công chức tiếp công dân ghi chép nội dung công dân trình bày, yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào văn bản đó;

2.2. Kết quả thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp.[18]

Năm 2010, số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tư pháp giảm hơn hẳn so với năm 2009. Từ ngày 01/10/2009 đến ngày 30/09/2010, cán bộ thường trực tiếp công dân của Bộ Tư pháp đã tiếp 837 lượt công dân đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Trong đó có 540 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc thẩm quyền gồm: 530 lượt khiếu nại và 10 lượt tố cáo (chiếm 65%), 219 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không thuộc thẩm quyền (chiếm 26%), ngoài ra còn 78 lượt công dân đến có một số đề nghị khác (chiếm 9%). So với cùng kỳ năm trước, số lượt tiếp công dân đến Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo giảm 33%.

Trong năm, có 02 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người nhưng đều không thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

          Về đơn thư khiếu nại, tố cáo:

Năm 2010, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2009, thể hiện cả ở số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo và số lượng đơn thư nhận được, cũng như tính chất bức xúc, phức tạp của các vụ việc. Từ ngày 01/10/2009 đến 30/09/2010, Bộ Tư pháp đã nhận được 2425 đơn khiếu nại tố cáo, trong đó đơn thư thuộc thẩm quyền là 1258 đơn (1178 đơn khiếu nại và 80 đơn tố cáo) chiếm 52%, đơn thư không thuộc thẩm quyền là 1167 đơn (1096 đơn khiếu nại và 71 đơn tố cáo) chiếm 48%.

        Trong số đơn thư khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền có: 1176 đơn thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự (chiếm 93,5%), trong đó có 15 đơn (13 khiếu nại, 02 tố cáo) thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, 69 đơn (66 đơn khiếu nại, 03 đơn tố cáo) thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thi hành án dân sự, 1091 đơn (1017 đơn khiếu nại, 74 đơn tố cáo) thuộc thẩm quyền của các cơ quan THADS địa phương. Đơn về các lĩnh vực khác là 82 đơn (chiếm 6,5%) bao gồm về: hành chính Tư pháp 19 đơn; bổ trợ Tư pháp 44 đơn; con nuôi 02 đơn, trợ giúp pháp lý 02 đơn; kiểm tra văn bản 05 đơn; hợp tác quốc tế  07 đơn, Báo pháp luật 03 đơn, Vụ pháp luật dân sự kinh tế 01 đơn.

         So với cùng kỳ năm trước, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo Bộ Tư pháp nhận được giảm 19% (năm 2009, Bộ Tư pháp tiếp nhận tổng cộng 2983 đơn thư khiếu nại, tố cáo). Trong đó, đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 2,6% (1258 đơn thư so với 1292 đơn thư năm 2009).

          Những đơn thư thuộc thẩm quyền đều đã được chuyển đến các Vụ, Cục chức năng để xem xét giải quyết hoặc kiến nghị Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp giải quyết. Riêng những đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự các địa phương nhưng quá thời hạn mà chưa được giải quyết, căn cứ khoản 4 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dấn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã có văn bản đôn đốc việc giải quyết.

          Những đơn thư không thuộc thẩm quyền đã được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

          Kết quả xác minh, kết luận và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền:

Trong năm 2010, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tập trung xác minh, giải quyết 14 vụ việc khiếu nại, tố cáo, bao gồm: 10 vụ khiếu nại, 3 vụ tố cáo, 1 vụ vừa khiếu nại vừa tố cáo, trong đó, có một số vụ việc phức tạp như: vụ khiếu nại, tố cáo của bà Lê Thị Kim Thanh (Ninh Thuận), vụ khiếu nại của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, vụ khiếu nại của bà Phạm Thị Quý (Hà Nội). Đến nay đã giải quyết xong 10/14 vụ việc, các vụ việc còn lại chủ yếu đang trong giai đoạn xác minh và hoàn thiện kết luận, Quyết định giải quyết khiếu nại. Chi tiết xem Phụ lục 2 kèm theo.

Liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2010, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ. Định kỳ hàng quý, Bộ đôn đốc, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, thống kê, báo cáo Bộ Tư pháp (qua Thanh tra Bộ) các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp, xây dựng báo cáo của về việc giải quyết các khiếu nại bức xúc, kéo dài để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ đã trực tiếp kiểm tra việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài tại Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến đáng kể. Từ 155 vụ việc quý II/2009 xuống còn 86 vụ việc vào quý III/2010.

2.3. Đánh giá chung về cơ chế tiếp nhận, xử lý và phảp hồi thông tin trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo[19].

- Có thể nói, công tác kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng gây bức xúc từ nhiều năm trước để lại. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã phối hợp rất tốt để giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc duy trì “đường dây nóng” về công tác thi hành án dân sự. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi kịp thời ý kiến nhân dân thông qua hoạt động khiếu nại tố cáo đã góp phần vào kết quả chung của công tác tư pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế sau:

- Theo quy định tại Nghị định số 74/2006/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động thanh tra Tư pháp, tổ chức Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và thanh tra viên. Đến nay, Thanh tra các Sở đều đã có tổ chức thanh tra. Tuy nhiên, khó khăn chung của Thanh tra các Sở là số lượng biên chế còn hạn chế, nhiều Thanh tra Sở lực lượng đã mỏng lại không ổn định (Cà Mau, Quảng trị, Ninh Thuận), thậm chí có những đơn vị Thanh tra Sở chưa có đồng chí nào được bổ nhiệm thanh tra viên (Quảng Trị, Bình Dương, Cà Mau, Kon Tum), một số Sở chưa có Chánh Thanh tra mà giao cho 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách như: Hoà Bình, Đồng Nai, Hậu Giang). Do đó, việc thành lập các đoàn thanh tra và công tác thanh tra của các Sở còn gặp khó khăn.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn thiếu; sự phối hợp giữa các đơn vị đầu mối tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả.

- Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ thanh tra ở các địa phương chưa ngang tầm với yêu cầu công tác; một số địa phương còn hạn chế về số lượng biên chế.

- Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng mà Thanh tra Bộ được giao xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết đều là những vụ việc rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, thậm chí phải tổ chức các cuộc họp liên ngành để lấy ý kiến, xem xét giải quyết, trong khi thời hạn giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo lại quá ngắn. Do đó, việc giải quyết chưa đảm bảo thời gian theo quy định là khó tránh khỏi.

- Pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm được bổ sung, thay đổi và bất cập, mâu thuẫn với các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng gây khó khăn, vướng mắc ảnh hướng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Bộ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG III

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA ĐỀ TÀI

 

I. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CƠ CHẾ TIẾP THU Ý KIÊN CỦA NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VÀ THEO DÕI CHUNG VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Trước hết, việc quan trọng nhất đó là việc quan tâm đến hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Với tư cách là “người gác cổng” cho Chính phủ về mặt xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đề xuất hoặc trình ban hành các văn bản mang tính quy phạm pháp luật để nhằm chế định hóa để nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân của hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.

Thể hiện rõ nhất ở đây có thể thấy rằng, đó là việc sớm trình Quốc hội ban hành Luật Tiếp cận thông tin, luật được ban hành nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, cần có các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thống nhất quy định mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và việc tiếp cận thông tin có thể do cơ quan nhà nước chủ động công bố hoặc có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Quốc hội giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Hiện dự án luật đang được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đặc biệt, đó là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Mặc dù thực tiễn trưng cầu ý dân ở nước ta chưa có, nhưng cùng với chủ trương dân chủ hoá đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đó là một thực tiễn có liên quan đến việc trưng cầu ý dân, như hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định, nói cách khác là không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, vì vậy để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, thì đã đến lúc luật hóa vấn đề này. Đối với quy định về: ai là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân. Theo Hiến pháp hiện hành, quyền trưng cầu ý dân là của Quốc hội, nhưng để Quốc hội có căn cứ để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân thì cần phải dựa trên một sáng kiến. Vấn đề này lại cũng có nhiều mô hình khác nhau, có nước thì quy định chỉ có đại biểu Quốc hội là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân, có nước lại quy định là cử tri thu thập được số lượng chữ ký nhất định thì được trình một vấn đề để Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân. Nhưng dù là mô hình nào, thông thường việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. Trong Dự án luật, phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân cũng được đưa ra để thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể. Luật trưng cầu ý dân phải tạo một cơ sở pháp lý để mở rộng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được tham gia quản lý xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật trưng cầu ý dân phải được xây dựng phù hợp với truyền thống đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Luật được xây dựng với những điều luật có nội dung thiết thực, khả thi trong tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của đất nước. Luật trưng cầu ý dân cần phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính hiện đại, không rập khuôn máy móc.

2. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của giai đoạn chuẩn bị lấy ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là việc lập kế hoạch lấy ý kiến. Trong đó, phải thấy được yêu cầu rằng: Kế hoạch lấy ý kiến phải được xây dựng cụ thể và chi tiết, phải phù hợp với từng đối tượng, hình thức và phương thức lấy ý kiến. Một kế hoạch tốt phải phác thảo được các hoạt động cần tiến hành, phương án sử dụng các nguồn lực có thể. Về cơ bản, kế hoạch phải đảm bảo cơ sở pháp lý, mục đích của việc lấy ý kiến; xác định cụ thể lấy ý kiến toàn bộ dự thảo hay chỉ một số vấn đề nhất định; Phải cung cấp các thông tin liên quan đến dự thảo lấy ý kiến một cách đầy đủ và kịp thời, nếu có thể nên cung cấp các số liệu, tài liệu cụ thể qua các bản báo cáo, kinh nghiệm nước ngoài.. Và cũng phải làm rõ nhu cầu, đặc điểm và dự đoán các phản ứng và phương án xử lý của các đối tượng lấy ý kiến. Trong kế hoạch phải hoạch định được một cách chính xác khoảng thời gian lấy ý kiến, thời gian cho từng giai đoạn; Xác định được số lượng địa điểm lấy ý kiến và địa điểm được lựa chọn là địa điểm thuận lợi nhất cho đối tượng lấy ý kiến. Bên cạnh đó, bản kế hoạch phải xác định được sẽ sử dụng các hình thức và phương thức nào. Các hình thức và phương thức này phải vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ  thực hiện, phù hợp với trình độ của đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến và cũng phải đảm bảo về nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Để việc lấy ý kiến được hiệu quả, cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ, chi tiết và đa chiều thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các điểm cung cấp thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp; Tổ chức các điểm và các kênh thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Ý kiến đóng góp phải được tập hợp và xử lý, phân loại một cách đầy đủ. Phụ thuộc vào phạm vi và quy mô lấy ý kiến mà việc tiếp nhận và tổng hợp có thể được thực hiện bởi một hoặc nhiều chủ thể, nhưng vẫn phải có một chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này. Thực tế cho thấy, đối với dự thảo luật, pháp lệnh thì chủ thể được giao chủ trì, phối hợp và chịu trách nhiệm là một cơ quan của UBTVQH; Văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành sẽ do Văn phòng Chủ tịch nước; Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  ban hành sẽ do Văn phòng Chính phủ; Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ  ban hành sẽ do bộ phận Văn phòng và pháp chế thực hiện; Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành sẽ do Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND thực hiện.

Sau khi các ý kiến đã được tổng hợp, các chủ thể có thẩm quyền phải tổ chức việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường giai đoạn này được chia thành các cấp độ khác nhau, tuy nhiên kết quả cuối cùng của giai đoạn này đó là hình thành bản báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 Việc nghiên cứu ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thường thực hiện theo các giai đoạn: Giai đoạn tiếp thu cấp chuyên viên; Giai đoạn cấp Ban soạn thảo; Giai đoạn UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình QH xem xét thông qua.

Việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản, nếu được thực hiện nghiêm túc thì chất lượng dự thảo văn bản sẽ tốt hơn. Điều này thể hiện qua sự khác biệt giữa dự thảo trước khi lấy ý kiến và dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp. Ví dụ, dự thảo Bộ luật Dân sự trước khi lấy ý kiến chỉ có 701 điều, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã nâng lên 838 điều trong đó có 38 điều được lược bỏ, hơn 600 điều được sửa đổi và 159 điều được bổ sung.

3. Tổ chức những hình thức giao lưu trực tuyến, tổ chức các buổi đối thoại về một số về một số chủ đề, chủ điểm nhất định. Đó có thể là dịp để làm cho người dân hiểu hơn về công tác tư pháp, cũng có thể là dịp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của nhân dân liên quan đến công tác tư pháp, tránh những bức xúc rồi trở thành những khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đặc biệt, cũng là dịp để cho Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe được trực tiếp ý kiến của nhân dân - những người thực thi pháp luật trong thực tế cuộc sống, là dịp để nhìn lại những công việc mình đang làm, đang triển khai, ưu -  nhược điểm ở đâu để ngày càng hoàn thiện hơn.

4. Thực hiện việc cải cách hình thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tin học hóa cơ chế lấy ý kiến nhân dân, đó là việc xây dựng hộp thông tin về việc lấy ý kiến nhân dân (có thể đối với cả hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, và các hoạt động, công việc khác của Bộ khi cần), đồng thời, đề xuất Quy chế về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân qua Cổng thông tin điện tử của Bộ (có thể dưới dạng thư ngỏ, email, thông điệp điện tử khác). Nghiên cứu, hướng tới việc xây dựng một trang thông tin riêng về mảng này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó có phân quyền cho các đơn vị thuộc Bộ có thể cung cấp, trao đổi những thông tin tiếp nhận ý kiến nhân dân thông qua mạng thông tin điện tử, đồng thời cũng có thể đăng công khai kết quả xử lý, phản hồi ý kiến, qua đó để người dân có thể theo dõi được việc xử lý của đơn vị nhận ý kiến, từ đó nâng cao hơn ý thức đóng góp ý kiến đối với hoạt động của tư pháp nói riêng và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.

5. Quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa để nhằm nâng cao chất lượng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện sai phạm từ thực tiễn thi hành, từ đó góp phần đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở Bộ Tư pháp.

Ở đây có thể thấy rằng, trong các điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân thì về mặt cơ sở vật chất và nhân lực làm công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Trước mắt, đó là việc cải thiện cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân của Bộ sao cho tương xứng với tầm vóc và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Việc xây dựng trụ sở tiếp công dân không chỉ thể hiện về mặt hình thức bề ngoài, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với công tác này, đồng thời, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện của người dân khi đến làm việc với cơ quan.

Mặt khác, việc bố trí cán bộ tiếp công dân cần đề cao hơn nữa kinh nghiệm công tác và trình độ của cán bộ để đảm bảo xử lý các tình huống nhanh, hiệu quả, giải quyết các vướng mắc cũng như có những hướng dẫn chính xác đối với nhân dân khi đến với trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp; đồng thời, cũng cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với những cán bộ làm công tác này, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, đó còn là việc thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, thái độ hoà nhã, thân thiện của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đối với nhân dân, tạo sự gần gũi, chia sẻ, thân thiện của cán bộ tư pháp đối với dân. Để động viên và tạo không khí thi đua, đề cao sự nhanh nhạy xử lý tình huống cũng như thái độ thân thiện của cán bộ tiếp dân trong Ngành Tư pháp, có thể đề xuất việc tổ chức Hội thi trong toàn Ngành, trong đó đưa ra các tình huống để cán bộ xử lý.

Đồng thời, cần tích cực thực hiện tốt hơn nữa Quy chế tiếp công dân, công khai lịch tiếp của Lãnh đạo Bộ, của một số đơn vị chức năng bên cạnh việc có mặt thường xuyên của cán bộ Thanh tra Bộ. Cũng cần phải lưu ý thêm đối với việc quan tâm đến chế độ chính sách, bồi dưỡng chế độ đối với những cán bộ làm công tác tiếp công dân nói riêng và cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý ý kiến của nhân dân nói chung. Về mặt này, hiện nay có quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

6. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của Bộ để mở rộng sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó, có thể thay nhà nước thực hiện một số công việc. Đặc biệt, đối với một số mảng hoạt động của Bộ hiện nay có thể thực hiện việc nghiên cứu để đề xuất việc xã hội hóa một phần như: trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp.

7. Cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho xây dựng pháp luật, phải xác định rõ kinh phí đảm bảo xây dựng và hoàn thiện pháp luật là kinh phí đầu tư cơ bản cho hạ tầng pháp lí của nhà nước và xã hội. Kinh phí xây dựng pháp luật phải đủ để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng của các dự án, dự thảo pháp luật, nhất là việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản và việc tham vấn, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản.

          8. Tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng văn bản để tổ chức, cá nhân có thể tham gia ý kiến trực tiếp, phản biện trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện cơ sơ dữ liệu quốc gia về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực và cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục để đáp ứng cho người có nhu cầu khai thác, sử dụng.

9. Có những hình thức khen thưởng đột xuất của Bộ đối với những công dân có những ý kiến tốt, mang lại giá trị đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, nhất là đối với những mảng công tác mà ý kiến nhân dân đem lại hiệu quả cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng của Bộ, ví dụ như: đối với việc tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng thì theo Quyết định số 593/QĐ-BTP thì “người cung cấp thông tin đúng được Ngành Tư pháp cảm ơn, nếu nguồn  tin có giá trị giúp kịp thời phát hiện tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự  được ngành tư pháp xem xét khen thưởng”, hay như đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thì cũng có nhiều nguồn tin từ phản hồi của nhân dân có ý nghĩa… Đồng thời, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức ngành Tư pháp có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân được xem xét khen thưởng nhằm động viên đồng thời cũng đề cao ý nghĩa của công tác này.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TIẾP NHÂN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP

Để việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiệu quản, rõ ràng, bài bản hơn, thì một số vấn đề sau đây cần được lưu ý thực hiện:

1. Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để quy định chi tiết, cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự, như quy định về: Giám sát hoạt động thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự, khiếu nại, tố cáo, thủ tục thi hành án dân sự v.v.

Cần có 01 Thông tư của Bộ Tư pháp quy định về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nội dung Thông tư cần quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, cách thức, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự để áp dụng chung, thống nhất trong toàn Ngành thi hành án dân sự.

2. Bố trí đơn vị chuyên môn, cán bộ chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Đội ngũ cán bộ này đòi hỏi phải tinh thông về nghiệp vụ thi hành án, nhưng phải có kỹ năng dân vận, hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo v.v để có cách ứng xử phù hợp khi xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành án dân sự không chỉ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải bồi dưỡng các kiến thức khác, như: quản lý hành chính, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học.

Nên chăng thành lập Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và bộ phận tại Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chuyên về việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

3. Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Ở từng cơ quan thi hành án dân sự có phần mềm theo dõi, quản lý việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Trong toàn Ngành thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện cần được kết nối mạng thông tin về thi hành án dân sự, trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

4. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp bố trí nơi tiếp dân khang trang, lịch sự, thuận tiện cho việc tiếp dân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người trực tiếp tiếp dân. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng phải bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt.

5. Tiếp tục tăng biên chế cho Ngành thi hành án dân sự để góp phần khắc phục tình trạng quá tải công việc của Chấp hành viên còn tồn tại ở nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở các thành phố, tỉnh lớn và các tỉnh rộng, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ thi hành án, nhất là đối với cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ KHÁC

          1. Nâng cao hiệu quả việc tiếp thu ý kiến nhân dân thông qua hoạt động tiếp công dân.

          Thường xuyên phối hợp công tác, tăng cường trao đổi thông tin và tổ chức tiếp dân trực tuyến qua mạng Internet khi có điều kiện. Bên cạnh đó, phải thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin về tiếp công dân, nối mạng Internet, tạo điều kiện để người dân được biết quá trình giải quyết đơn thư, qua đó giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư; nghiên cứu việc trả lời công dân trên mạng Internet về kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Xây dựng, hoàn thiện trụ sở, nơi làm việc, trang thiết bị; kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp dân và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp dân.

          Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân  để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và bảo đảm đủ số lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu cho công tác tiếp công dân.  Bổ sung đủ cán bộ có năng lực, phẩm chất, có kỹ năng công tác tiếp dân cho các cơ quan tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm; có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu tâm lý; có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

           Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định cán bộ tiếp dân chuyên trách được hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên như cán bộ, thanh tra viên; cán bộ tiếp dân không chuyên trách được hưởng bồi dưỡng theo ngày khi tiếp công dân nhằm khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm việc tại cơ quan tiếp công dân.

          2. Mở rộng các hình thức tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Đổi mới phương thức tiếp thu và xử lý, phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân đối với hoạt động của Bộ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch.

          Bên cạnh các hình thức tiếp thu ý kiến nhân dân đang thực hiện, cần bổ sung thực hiện các hình thức lấy ý kiến nhân dân nhằm đảm bảo mở rộng phạm vi lấy ý kiến nhân dân.

          Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp thu ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ tư pháp thì cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị và con người nhằm tăng cường hiệu quả việc tiếp thu và phản hồi ý kiến nhân dân thông qua các Trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ như Viện khoa học Pháp lý, Học viên tư pháp, báo Pháp luật Việt namTrường Đại học luật Hà nội, …Các đơn vị này cần đầu tư nâng cấp năng  lực các trang thông tin để thực sự trở thành diễn đàn rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân (đặc biệt là các nhà khoa học, sinh viên trong lĩnh vực pháp lý) đóng góp ý kiến cho công tác của Bộ Tư pháp đặc biệt là trong việc xây dựng và thi hành pháp luật.

          3. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người.

          - Xây dựng phần mềm tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến  công dân để triển khai tại cơ quan Thanh tra Bộ và Tổng cục Thi hành án, tích hợp cơ sở dữ liệu tiếp công dân vào hệ thống; đồng thời chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho việc triển khai nối mạng hệ thống thông tin trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức và công dân.

- Đảm bảo Cổng thông tin điện tử của Bộ có đầy đủ thông tin về pháp luật, chính sách, quy định, thủ tục hành chính, quy trình làm việc, các dự án đầu tư, đấu thầu và mua sắm, thông tin hoạt động của các đơn vị. Cá nhân và tổ chức có khả năng tìm kiếm thông tin liên quan đến hoạt động của Bộ một cách nhanh chóng, dễ dàng. Các thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ đều được cập nhật và đảm bảo tính đầy đủ và chính xác.

- Thiết kế và vận hành kênh tiếp nhận ý kiến, góp ý, đối thoại giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tư pháp, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến và các phương tiện điện tử một cách thuận tiện trong giao dịch, trao đổi, đóng góp ý kiến với các cơ quan tư pháp trong hoạt động xây dựng .

- Xây dựng, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng, kết nối các hệ thống thông tin của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ, đảm bảo an toàn và bảo mật, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của các đơn vị trong Bộ và giữa Bộ với các cơ quan Nhà nước khác.

- Xây dựng và thiết lập các chuẩn công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp trên cơ sở chuẩn thông tin quốc gia, nhằm đảm bảo việc thiết kế, xây dựng, trao đổi, khai thác thông tin giữa các ứng dụng trong Ngành và các cơ quan nhà nước khác được thống nhất và thông suốt.

-Xây dựng và đưa vào thực hiện các phần mềm Quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo để hỗ trợ công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo; phần mềm tiếp nhận, phân loại và xử lý phản hồi các ý kiến nhân dân trong hoạt động của Bộ. Tiến tới việc gửi các loại văn bản , ý kiến giữa các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống cơ quan thi hành án, tư pháp địa phương hoàn toàn thông qua mạng máy tính của Ngành.

- Bổ sung  biên chế cho Cục Công nghệ thông tin; kiện toàn, phân bổ chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ có triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, các Cục Thi hành án dân sự; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác công nghệ thông tin của các đơn vị nhằm giúp đội ngũ này thuận lợi trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý sơ bộ đối với các ý kiến, yêu cầu kiến nghị của công dân trước khi chuyển đến các ban soạn thảo hoặc các đơn vị chức năng trả lời chính thức.

          Rà soát và tăng cường cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ.

          4. Thiết kế và ban hành các biểu mẫu nhằm tiếp thu , phản hồi ý kiến nhân dân.

           Các loại biểu mẫu: Biểu mẫu điện tử;  Biểu mẫu văn bản; Các hộp thăm dò ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các Trang thông tin của các đơn vị thuộc Bộ.

          Mục đích: nhằm thăm dò, tiếp nhận ý kiến của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách lớn trong xây dựng và thi hành pháp luật hoặc thăm dò với những dự thảo điều luật cụ thể có liên quan đến đông đảo người dân.

          5. Quy định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân trong việc tiếp thu, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân liên quan đến hoạt động của ngành Tư pháp. Để thực hiện được việc này, cần quy định cơ chế công khai các thông tin góp ý của nhân dân, công khai ý kiến phản hồi của cơ quan, đơn vụ có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp cần thiết, phải quy định việc trả lời trực tiếp đối với các ý kiến đóng góp, chất vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ Tư pháp.

Kết luận

         

          1. Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Nhân dân  tham gia ý kiến vào hoạt động quản lý  nhà nước là một quyền quan trong của người dân. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình là trách nhiệm của các cơ chế quản lý nhà nước quan nhà nước nhằm đảm bảo tôn trọng quyền của người dân đồng thời cũng đảm bảo hoạt động của cơ  quan  nhà nước nhằm phục vụ nhân dân.

          2. Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của Ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau,  trong thời gian vừa qua, việc tiếp thu ý, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp còn một số hạn chế. Có  nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này cơ quan quản lý bị đánh giá là chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Vai trò của Ngành Tư pháp trong hoạt động quản lý này còn khá mờ nhạt. Một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng như trên là do chưa tạo được sự quan tâm của dư luận đối với công tác xây dựng pháp luật, chưa kịp thời và hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

          3.  Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chúng ta thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp; chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý đủ mạnh về trách nhiệm của cơ quan nhà nước; chưa có đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị.

4.  Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo đường lối của Đảng, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo bản chất của nhà nước và phát huy dân chủ, công bằng xã hội,  tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

5. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp phải  phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với đổi mới, nâng cao hiệu quả của các thiết chế trong hệ thống chính trị, cải cách tư pháp trong từng giai đoạn cụ thể.

6. Các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động của ngành Tư pháp cần đảm bảo tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, các giải pháp trên đây cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đảm bảo thu hút trí tuệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia quản lý xã hội nói chung và tham gia đóng góp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

I/Các văn kiện của Đảng Cộng  sản Việt Nam

1.     Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật; Hà Nội - 1991, tr.20.

2.     Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001; tr. 48-49, 130, 134.

3.     Nghị quyết đại hội đại biểu tòa án quốc lần thứ VI- Văn kiện đại hội Đảng lần thứ VI. Nxb Sự thật năm 1987, trang 128.

4.     Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến luợc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

5.     Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X

II/ Các văn bản pháp luật

1.     Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)

2.     Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008

3.     Luật khiếu nại tố cáo

4.     Luật phòng chống tham nhũng

5.      Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí

6.     Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính

7.     Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

8.     Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND 2004

9.     Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 6 năm 1999

10. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001

11. Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội

12. Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

13. Nghị định 24/2009/NĐ–CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

14. Nghị định số 50/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 8 năm 2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam

15. Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP về Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp;

16. Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP về ban hành quy tắc công khai minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp;

17. Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP Ban hành Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp;

18. Quyết định số 220/2005/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp;

19. Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự...

20. Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành kèm Quyết định số 123/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 6 năm 2003 về việc phê chuẩn Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

21. Quyết định 310/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về quan hệ giữa các cơ quan chính quyền nhà nước với VCCI

22. Quyết định số 38-HĐBT ngày 10/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về liên kết kinh tế trong sản xuất, lưu thông, dịch vụ.

23.  Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009).

24. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

25. Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự.

26.  Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP ngày 21/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp.

27.  Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Bộ Tư pháp.

28.  Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự .

29.  Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 08/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

30.  Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự.

31. Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

32.  Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành Thi hành án dân sự.

III/ Các tài liệu trong nước  

1.     Đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia vào xây dựng và thực thi pháp luật”, Văn phòng Quốc hội, năm 2003.

2.     Đổi mới quy trình lập pháp, VPQH xuất bản 2003

3.     GS.TS. Lê Minh Tâm - “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam - những vấn đề lí luận và thực tiễn”, Nxb. Công an nhân dân, H; 2003; tr.63-65.

4.      So sánh quy trình lập pháp của Việt Nam và Thuỵ Điển (Ths. Tào Thị Quyên, NCLP, 12/2006)

5.      Điều kiện thu hút sự tham gia của các nhà khoa học vào quá trình xây dựng pháp luật (TS. Nguyễn Như Phát, NCLP, 4/2007)

6.     Quan hệ của truyền thông đại chúng với ngành tư pháp ở các nước tư bản phát triển (Ths. Đỗ Đức Minh, NCLP,4/2008)

7.      Vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng nhà nước hiện nay (Trần Thị Thu Hương, NCLP, 9/2005)

8.       Tăng cường sự tham gia của nhân dân và các nhà khoa học trong công tác xây dựng pháp luật (Đề án 5- Chương trình 909)

9.     Bản tiếp thu ý kiến của UBTVQH về đánh giá thực trạng Hệ thống pháp luật Việt Nam sau 17 năm đổi mới.

10. Hàn Mạnh Tiến, “Phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực trạng và một số giải pháp” - Kỉ yếu Hội nghị đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hiệp hội các tổ chức kinh tế trong thời kì đổi mới do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Bộ nội vụ tổ chức; H, tháng 6/2004.

11. Báo Pháp luật Việt nam

12. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

13. Tạp chí Luật học

14. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

 

IV. Tài liệu nước ngoài

1.     James Madison, Thông điệp Người Liên bang số 10, (Federalist Paper # 10), 1787.

2.     The Social contract (or Principles of Political Right) của  Jean Jacques Rousseau, 1762

3.     Lagerloef, Lars Frisell, Lobbying, Information Transmission, and Unequal Representation, February 2004, Social Science Research Center Berlin, Working Paper SP 2004-02, [www.wz-berlin.de].

4.     The Second Treatise of Civil Government, John Locke, 1690

5.     Pierre Duchesne and Russell Ducasse, Must Lobbying Be Regulated?, Canadian Parliamentary Review, Vol. 7 No 4 1984

6.     Schick and Zeh, The German Bundestag: Functions and Procedures, Neue Darmstaedter Verlagsanstalt NDV, 1999, tr. 29-30.

7.     Tom Ginsbug: Dismantling the "Developmental State"? Administrative Procedure Reform in Japan and Korea (American Journal of Comparative Law – Fall 2001).

V. Các trang Web

1.     http://www.consultingcanadians.gc.ca

2.     http://www.nclp.org.vn

3.     http://www.moj.gov.vn

4.     www.regulation.gov.

5.      http://www.vibonline.com.vn www.irl.moj.gov.vn

6.     http://www.hlu.edu.vn/

7.     http://www.judaca.edu.vn/

8.     http://cntt.botuphap.vn/Home

9.     http://www.vir.com.vn

10.  http://www.clb.go.jp/english/11/11a.htm

11. http://www.house.gov/house/CommitteeWWW.html;

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các phụ lục:

 

Phụ lục 1:

 

BỘ TƯ PHÁP

Dự án ĐTCB “ Thực trạng tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp, các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp phục vụ việc xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể ngành tư pháp đến năm 2020”

 

 

 

 

PHIẾU HỎI SỐ 06:

DÀNH CHO NHÂN DÂN

 

Mã số phiếu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tỉnh/thành:…..………………………….

 

Huyện/quận:……………………………….

 

Xã/phường:……………………………

Người phỏng vấn:………………………

Thời gian phỏng vấn:......../....../200....

 

-----------------------------------------

Kính thưa: Ông (Bà)

Để có những thông tin phục vụ nghiên cứu Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành tư pháp 2010-2020, xin Ông (Bà) vui lòng trả lời phiếu hỏi sau đây bằng cách khoanh tròn vào số lựa chọn hoặc gạch chéo vào ô lựa chọn(hoặc điền các thông tin chi tiết vào dòng thích hợp). Chúng tôi cam kết các thông tin ông (bà) cung cấp chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học.

...............

C10. Đánh giá cơ quan Thi hành án dân sự:

10.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các cơ quan thi hành án dân sự chưa?

10.2. Nếu đã từng làm việc thì ông (bà) tham gia với tư cách gì?

10.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của cán bộ Cơ quan Thi hành án dân sự không?

10.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C11. Đánh giá về Phòng công chứng nhà nước:

11.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Phòng công chứng nhà nước chưa?

11.2. Nếu đã làm việc thì đó là việc gì?

11.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của Công chứng viên không?

11.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C12. Đánh giá về Văn phòng công chứng tư nhân:

12.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Văn phòng công chứng tư nhân chưa?

12.2. Nếu đã làm việc thì đó là việc gì?

12.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của Công chứng viên không?

13.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C14. Nếu ông (bà) đã từng làm việc với cả Phòng công chứng nhà nước và Văn phòng công chứng tư nhân thì ông (bà) đồng ý với quan điểm nào dưới đây?

C15. Đánh giá về Văn phòng luật sư /Công ty luật:

15.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Văn phòng luật sư/Công ty luật chưa?

15.2. Nếu đã làm việc thì đó là việc gì?

15.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các Luật sư không?

15.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C16. Đánh giá về Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách:

16.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách chưa?

16.2. Nếu đã làm việc thì đó là việc gì?

16.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các cán bộ, viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách không?

16.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C17. Đánh giá Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm:

17.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm chưa?

17.2. Nếu đã từng làm việc thì ông (bà) tham gia với tư cách gì?

17.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các cán bộ Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm không?

17.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

Câu 18. Đánh giá Trung tâm bán đấu giá:

18.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các Trung tâm bán đấu giá chưa?

18.2. Nếu đã từng làm việc thì ông (bà) tham gia với tư cách gì?

18.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các cán bộ Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm không?

18.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

C19. Đánh giá về  Giám định tư pháp:

19.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các cá nhân, Tổ chức Giám định tư pháp chưa?

19.2. Nếu đã từng làm việc thì ông (bà) tham gia với tư cách gì?

19.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các cá nhân, Tổ chức giám định tư pháp không?

19.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

20.1. Ông (bà) đã từng trực tiếp làm việc với các trung tâm Trọng tài thương mại chưa?

20.2. Nếu đã từng làm việc thì ông (bà) tham gia với tư cách gì?

20.3. Trong các lần làm việc đó thì ông (bà) có hài lòng với cách làm việc của các Trung tâm trọng tài thương mại không?

20.4. Nếu không hài lòng thì những điểm nào khiến ông (bà) không hài lòng?

..................

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 2:

 

XẾP HẠNG WEBSITE/PORTAL CỦA CÁC BỘ VÀ CƠ QUAN NGANG BỘ 2010

Bảng 2.  Xếp hạng tổng thể mức độ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Website/Portal của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

 

TT

Bộ, cơ quan ngang Bộ

Xếp hạng và điểm số 2010
(Điểm tối đa: 180)

1

Bộ Giáo dục và Đào tạo

1 (159.50)

2

Bộ Thông tin và Truyền thông

2 (154.81)

3

Bộ Tài chính

3 (144.99)

4

Bộ Công Thương

4 (144.80)

5

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 (144.31)

6

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

6 (137.48)

7

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

7 (134.72)

8

Bộ Ngoại giao

8 (132.98)

9

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

9 (127.47)

10

Bộ Y tế

10 (119.78)

11

Bộ Giao thông vận tải

11 (118.81)

12

Uỷ ban Dân tộc

12 (115.72)

13

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

13 (113.33)

14

Bộ Tư pháp

14 (100.91)

15

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

15 (97.90)

16

Bộ Nội vụ

16 (91.75)

17

Bộ Xây dựng

17 (83.36)

18

Bộ Tài nguyên và Môi trường

18 (77.19)

19

Bộ Công an

19 (77.00)

20

Thanh tra Chính phủ

20 (30.50)

       

 

 

 

 

 

 

 

Bảng 2a.  Xếp hạng mức độ cung cấp thông tin trên Website/Portal của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

TT

Bộ, cơ quan ngang Bộ

Địa chỉ Website/Portal

Xếp hạng và điểm số 2010
(Điểm tối đa: 100)

Xếp hạng và điểm số 2009
(Điểm tối đa: 81)

Xếp hạng 2008

1

Bộ Thông tin và Truyền thông

www.mic.gov.vn

1 (92,0)

5 (69)

6

2

Bộ Khoa học và Công nghệ

www.most.gov.vn

2 (88,0)

11 (58)

11

3

Bộ Tài chính

www.mof.gov.vn

3 (86,5)

6 (68)

1

4

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

www.agroviet.gov.vn

4 (85,5)

4 (72)

3

5

Bộ Tư pháp

www.moj.gov.vn

5 (82,5)

8 (65)

4

6

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

6 (82,0)

10 (60)

8

7

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

www.mpi.gov.vn

7 (80,0)

7 (66)

7

8

Bộ Giáo dục và Đào tạo

www.moet.gov.vn

8 (79,5)

1 (79)

2

9

Bộ Xây dựng

www.moc.gov.vn

9 (78,0)

2 (73)

11

10

Bộ Công Thương

www.moit.gov.vn

10 (77,5)

2 (73)

10

11

Bộ Công an

mps.gov.vn

11 (77,0)

-

-

12

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

www.sbv.gov.vn

12 (73,0)

13 (57)

13

13

Bộ Y tế

www.moh.gov.vn

13 (68,0)

17 (43)

15

14

Bộ Ngoại giao

www.mofa.gov.vn

14 (65,5)

15 (55)

16

15

Bộ Giao thông vận tải

www.mt.gov.vn

15 (65,0)

9 (61)

4

16

Bộ Nội vụ

www.moha.gov.vn

15 (65,0)

11 (58)

14

17

Bộ Tài nguyên và Môi trường

www.monre.gov.vn

17 (62,5)

16 (52)

8

18

Uỷ ban Dân tộc

www.cema.gov.vn

18 (61,0)

13 (57)

18

19

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

www.cinet.gov.vn

19 (60,0)

17 (43)

19

20

Thanh tra Chính phủ

www.thanhtra.gov.vn

20 (30,5)

19 (36)

16

* Ghi chú: Số ghi trong cặp ngoặc đơn là điểm đánh giá về cung cấp thông tin trên Website/Portal; dấu ‘-‘ trong các cột xếp hạng là đơn vị chưa được xếp hạng trong các năm trước.

Hình 3.  Biểu đồ tỉ lệ Website/Portal của các Bộ, cơ quan ngang Bộ phân theo 3 mức đánh giá (Tốt, Khá, Trung bình và dưới trung bình) về mức độ cung cấp thông tin

 

Bảng 2b.  Xếp hạng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

TT

Bộ, cơ quan ngang Bộ

Xếp hạng và điểm số 2010

(Điểm tối đa: 80)

1

Bộ Giáo dục và Đào tạo

1 (80.00)

2

Bộ Ngoại giao

2 (67.48)

3

Bộ Công Thương

3 (67.30)

4

Bộ Thông tin và Truyền thông

4 (62.81)

5

Bộ Tài chính

5 (58.49)

6

Bộ Khoa học và Công nghệ

6 (56.31)

7

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

7 (55.48)

8

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

8 (54.72)

9

Uỷ ban Dân tộc

8 (54.72)

10

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

10 (54.47)

11

Bộ Giao thông vận tải

11 (53.81)

12

Bộ Y tế

12 (51.78)

13

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

13 (37.90)

14

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

14 (27.83)

15

Bộ Nội vụ

15 (26.75)

16

Bộ Tư pháp

16 (18.41)

17

Bộ Tài nguyên và Môi trường

17 (14.69)

18

Bộ Xây dựng

18 (5.36)

 

 

Hình 4.  Biểu đồ tăng trưởng số lượng vụ công trực tuyến mức độ 3 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

 

 

Bảng 2c.  Xếp hạng Website/Portal của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo số truy cập trên toàn thế giới

TT

Bộ, cơ quan ngang Bộ

Địa chỉ Website/Portal

Xếp hạng 2010

Xếp hạng 2009

Xếp hạng 2008

1

Bộ Giáo dục và Đào tạo

www.moet.gov.vn

1

4

3

2

Bộ Xây dựng

www.moc.gov.vn

2

2

5

3

Bộ Khoa học và Công nghệ

www.most.gov.vn

3

6

13

4

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

www.sbv.gov.vn

4

3

4

5

Bộ Ngoại giao

www.mofa.gov.vn

5

7

2

6

Bộ Tư pháp

www.moj.gov.vn

6

1

1

7

Bộ Tài chính

www.mof.gov.vn

7

5

8

8

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

www.mpi.gov.vn

8

9

9

9

Bộ Công Thương

www.moit.gov.vn

9

10

6

10

Bộ Tài nguyên và Môi trường

www.monre.gov.vn

10

12

11

11

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

11

16

12

12

Bộ Thông tin và Truyền thông

www.mic.gov.vn

12

15

17

13

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

www.cinet.gov.vn

13

13

10

14

Bộ Giao thông vận tải

www.mt.gov.vn

14

11

16

15

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

www.agroviet.gov.vn

15

14

15

16

Uỷ ban Dân tộc

www.cema.gov.vn

16

17

14

17

Bộ Y tế

www.moh.gov.vn

17

8

7

18

Bộ Nội vụ

www.moha.gov.vn

18

19

18

19

Thanh tra Chính phủ

www.thanhtra.gov.vn

19

18

19

20

Bộ Công an

mps.gov.vn

20

-

-

* Ghi chú: Dấu ‘-’ trong các cột Xếp hạng 2009, 2008 là đơn vị chưa được xếp hạng trong các năm trước.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

 

Phụ lục 3:

 

PHỤ LỤC - DANH MỤC CÁC VĂN BẢN, QUY TRÌNH ĐƯA VÀO ÁP DỤNG THỬ

(Kèm theo Quyết định số 427/QĐ-BTP ngày 04 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và đưa vào áp dụng thử Hệ thống văn bản, quy trìnhquản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 vào hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp
 

TT

Tên tài liệu

Mã số

Đơn vị thực hiện

1

Quy trình kiểm soát tài liệu

QT-ISO-01

Tổ thư ký Ban điều hành đề án

2

Quy trình kiểm soát hồ sơ

QT-ISO-02

3

Quy trình đánh giá chất lượng nội bộ

QT-ISO-03

4

Quy trình khắc phục, phòng ngừa và cải tiến

QT-ISO-04

5

Quy trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

QT-HSHC-01

Vụ Pháp luật HS-HC

6

Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề luật sư trong nước

QT-BTTP-01

Vụ Bổ trợ Tư pháp

7

Quy trình cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề luật sư nước ngoài

QT-BTTP-02

8

Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá

QT-BTTP-03

9

Quy trình cấp thẻ giám định viên tư pháp

QT-BTTP-04

10

Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ công chứng viên

QT-BTTP-05

11

Quy trình bổ nhiệm công chứng viên

QT-BTTP-06

12

Quy trình miễn nhiệm công chứng viên

QT-BTTP-07

13

Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ hành chính tư pháp

QT-HCTP-01

Vụ Hành chính Tư pháp

14

Quy trình cho thôi quốc tịch

QT-HCTP-02

15

Quy trình cho nhập quốc tịch

QT-HCTP-03

16

Quy trình cho nhập trở lại quốc tịch

QT-HCTP-04

17

Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ

QT-TCCB-02

Vụ Tổ chức cán bộ

18

Quy trình đánh giá cán bộ công chức hàng năm

QT-TCCB-03

19

Quy trình thẩm định các điều ước quốc tế

QT-PLQT-01

Vụ Pháp luật Quốc tế

20

Quy trình rà soát tính tương thích giữa các VBQPPLVN với cam kết quốc tế

QT-PLQT-02

21

Quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự

QT-THA-01

Tổng cục Thi hành án dân sự

22

Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự

QT-THA-02

23

Quy trình bổ nhiệm chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự

QT-THA-03

24

Quy trình miễn nhiệm chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự

QT-THA-04

25

Quy trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

QT-KTVB-01

Cục Kiểm tra văn bản

26

Quy trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật

QT-KTVB-02

27

Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

QT-TGPL-01

Cục Trợ giúp pháp lý

28

Quy trình bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên, đột xuất

QT-TGPL-06

29

Quy trình bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý

QT-TGPL-07

30

Quy trình đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

QT-TGPL-04

31

Quy trình nghiên cứu và xử lý thông tin trợ giúp pháp lý

QT-TGPL-05

32

Quy trình thống kê báo cáo về hoạt động trợ giúp pháp lý

QT-TGPL-06

33

Quy trình kiểm tra về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý

QT-TGPL-02

34

Quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo

QT-TTR-01

Thanh tra Bộ

35

Quy trình thanh tra theo kế hoạch

QT-TTR-02

36

Quy trình xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác quốc tế

QT-HTQT-01

Vụ Hợp tác Quốc tế

37

Quy trình thẩm định chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác quốc tế

QT-HTQT-02

38

Quy trình tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế

QT-HTQT-03

39

Quy trình quản lý và tổ chức công tác nước ngoài

QT-HTQT-04

40

Quy trình quản lý và tổ chức tiếp khách nước ngoài

QT-HTQT-05

41

Quy trình ủy thác tư pháp quốc tế

QT-HTAT-06

42

Quy trình đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

QT-CĐK-01

Cục ĐKQGGDBĐ

43

Quy trình cấp, gia hạn, thay đổi và thu hồi giấy phép của văn phòng con nuôi nước ngoài

QT-CCN-01

Cục Con nuôi

44

Quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

QT-CCN-02

45

Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ đối với các sở tư pháp

QT-CCN-03

46

Quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước

QT-CCN-04

47

Quy trình thẩm định trong nội bộ đơn vị thẩm định

QT-KHPL-01

Viện Khoa học Pháp lý

48

Quy trình thẩm định trong cơ quan Bộ Tư pháp

QT-KHPL-02

49

Quy trình thẩm định theo phương thức hội đồng đối với văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo

QT-KHPL-03

50

Quy trình thẩm định theo phương thức hội đồng đối với văn bản do bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo

QT-KHPL-04

51

Quy trình lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng VBQPPL của Bộ Tư pháp

QT-KHPL-05

52

Quy trình góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

QT-DSKT-01

Vụ PLDSKT

 

Nguồn: Cổng thông tin Bộ tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỆ CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐỀ TÀI

 

CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP MÀ NGÀNH TƯ PHÁP CHỊU TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HOẶC QUẢN LÝ.

---------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ:

THỰC TRẠNG CƠ CHẾ CHUNG ĐỂ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ

VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN CỦA BỘ TƯ PHÁP

 

                                                                     

                                                                  Người thực hiện: Vũ Hồng Dương

                                                                   Ban Thư ký Lãnh đạo Bộ Tư pháp

 

I- Sự cần thiết và ý nghĩa của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân đối với hoạt động của Bộ Tư pháp

Trước hết, phải thấy rằng, ngay trong Điều 2 Hiến pháp nước ta hiện nay đã xác định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”. Từ đó thấy rằng, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước với nhiều hình thức khác nhau; pháp luật bảo đảm thực hiện trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và công dân: quyền của công dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân là quyền của Nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, với chủ trương cải cách nền hành chính theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và xây dựng nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân nên Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách, liên quan đến việc thúc đẩy sự tích cực của các cơ quan công quyền trong việc tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Cơ quan nhà nước phải thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tốt thì nhân dân mới thấy rõ Đảng và Nhà nước luôn giữ chặt mối liên hệ với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó việc quan tâm làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là thể hiện bản chất dân chủ, là biện pháp củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ. Thêm nữa, đây cũng là một kênh thông tin để đánh giá tính khả thi của các chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước. Đánh giá chính sách là việc xem xét, nhận định về giá trị các kết quả thu được khi thực thi chính sách. Đánh giá chính sách được tiến hành trên cơ sở một chính sách đã được hoạch định, thực thi và có sự phản ánh kết quả trở lại. Đánh giá tính khả thi của chính sách, tức là trả lời câu hỏi: việc thực thi chính sách có đạt được mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của các nhóm đối tượng của chính sách hay không? Các chính sách, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước được thực thi trên thực tế sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Do vậy, cần có sự phản hồi của người dân để đánh giá chính sách. Trên cơ sở các thông tin thu được qua, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý có được các thông tin về kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu của chính sách, có căn cứ để xác định xem việc tồn tại chính sách có hợp lý hay không, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách và tìm kiếm các biện pháp quản lý thích hợp và hiệu lực để thực thi chính sách đó. Đặc biệt, tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.

Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Trong đó, có thể thấy rằng, đối với các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng thì việc tham gia ý kiến của nhân dân có nhiều ý nghĩa quan trọng, đối với riêng đặc thù của Bộ Tư pháp thì có một số nội dung hoạt động được các văn bản quy phạm pháp luật quy định bắt buộc phải lấy ý kiến của nhân dân trở thành một quy trình bắt buộc (hoạt động xây dựng pháp luật), hoặc nguồn phản ánh, ý kiến của nhân dân là một trong những nguồn quan trọng để tiếp cận, đánh giá về việc triển khai thi hành, áp dụng, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật... Để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của Ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Các văn bản chủ yếu trong lĩnh vực này bao gồm: Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP về Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp; Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP về ban hành quy tắc công khai minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp; Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP Ban hành Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp; Quyết định số 220/2005/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp; Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự...

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện các quy định về tiếp cận ý kiến nhân dân còn nhiều lúng túng và không thống nhất, thực trạng này dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp còn chưa đạt hiệu quả cao, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan, các ngành khác còn chưa có những quy định cụ thể. Mặt khác, có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này còn bị đánh giá là chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Điều đó có thể thể hiện ra ở một số điểm như: Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiều văn bản được ban hành không lường trước hết được dư luận, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền; việc tổ chức thực hiện hoạt động công chứng chưa giải quyết được sức ép quá tải tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, công tác thi hành án dân sự còn nhiều tồn đọng... Tất cả các vấn đề đó ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chúng ta thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

II- Thực trạng tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân đối với hoạt động của Bộ Tư pháp

1. Những quy định chung của pháp luật

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật và đã được tổ chức thực thi trong đời sống xã hội. Các văn bản chủ yếu đề cập đến những nội dung này bao gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2006 (hết hiệu lực) của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân và doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính.

Các văn bản nói trên đã có đề cập đến sự cần thiết, nguyên tắc, nội dung, hình thức và yêu cầu về phản ánh và kiến nghị, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận xử lý ý kiến, phản ánh , kiến nghị của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai thực hiện các quy định này còn nhiều điểm không thống nhất và lúng túng. Thực trạng này dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước còn chưa đạt hiệu quả cao, sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức chưa có những quy định cụ thể.

2. Các quy định và thực trạng tiếp nhận, xử lý, phản hồi trong một số lĩnh vực hoạt động cụ thể của Bộ Tư pháp

2.1. Xây dựng pháp luật

Việc nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ là sự thể hiện quyền làm chủ của nhân dân mà còn là nguyên tắc lập pháp, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp. Việc này không chỉ thể hiện tính dân chủ trực tiếp mà còn là cách thức đơn giản và hiệu quả nhất để các chủ thể (sẽ là đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật) bày tỏ ý kiến của mình trước khi văn bản đó được ban hành và có hiệu lực trên thực tế. Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là nhằm bảo đảm và phát huy bản chất dân chủ, góp phần nâng cao tính hiệu lực của pháp luật, để “xây dựng pháp luật ngày nay không còn là độc quyền của nhà nước mà phải là công việc của toàn thể nhân dân. Chức năng của nhà nước là đảm bảo cho quy trình lập và thực hiện quy ước đó diễn ra một cách tự do và bình đẳng”. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và khả  thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Và là để khách quan, minh bạch trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có một đặc tính chung đã được thừa nhận trong nhà nước pháp quyền, là tính công khai, minh bạch trong việc thực thi quyền lực nhà nước. Hoạt động ban hành văn bản quy phạm là hoạt động lập pháp, vì vậy cũng phải thể hiện đặc tính này.

Văn bản đầu tiên trực tiếp quy định việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 06/8/1988. Bản Quy chế này lần đầu tiên đã quy định trình tự, thủ tục các bước tiến hành khi lấy ý kiến và xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tổ chức và thực hiện lấy ý kiến. Kế thừa các nội dung của Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh, cho đến nay cùng với sự hoàn thiện chung của hệ thống pháp luật, các quy định về quy trình lập pháp nói chung và quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và ngày càng cụ thể hơn. Đó là: Hiến pháp; Luật Tổ chức Quốc hội; Quy chế hoạt động của UBTVQH; Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế làm việc của Chính phủ và một số văn bản dưới luật khác. Trong các văn bản quy phạm pháp luật trên thì chỉ có một số văn bản như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là các văn bản quy định một cách có hệ thống, cụ thể và chi tiết nhất về quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đa dạng về hình thức và thẩm quyền ban hành. Căn cứ vào tính chất, giá trị pháp lý và chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể chia văn bản quy phạm pháp luật thành các nhóm: văn bản quy phạm pháp luật do QH, UBTVQH ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành. Với mỗi nhóm văn bản quy phạm pháp luật trên sẽ có một quy trình lấy ý kiến tương ứng.

Chủ thể có thẩm quyền lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: QH, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, HĐND, UBND các cấp. Còn đối tượng lấy ý kiến là cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: ĐBQH; Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật; đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật; các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực, hoạt động được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản QPPL; 2. Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản, tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; 3. Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản QPPL phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.

Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về Lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Trong đó quy định cụ thể thời gian lấy ý kiến ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến; lấy kiến có thể bằng hình thức trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức góp ý chỉ quy định cụ thể là bằng hình thức văn bản đối với cơ quan, tổ chức.

Điều 93 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về Rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hệ thống QPPL: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản QPPL.

Thực thi các quy định của pháp luật, trong những năm qua một số lượng lớn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được tổ chức lấy ý kiến. 

Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể được thể hiện dưới các hình thức và phương thức khác nhau, phụ thuộc vào chủ thể lấy ý kiến, nội dung và tính chất của văn bản cần lấy ý kiến. Thực tiễn của việc lấy ý kiến trong những năm qua cho thấy, một số hình thức và phương thức chủ yếu. Đó là: Lấy ý kiến rộng rãi hoặc lấy ý kiến đối với một số đối tượng; Lấy ý kiến toàn bộ dự thảo hoặc lấy ý kiến một số nội dung chủ yếu, quan trọng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Lấy ý kiến trong một đợt hoặc lấy ý kiến nhiều đợt.

Hình thức lấy ý kiến rộng rãi, lấy ý kiến toàn bộ dự thảo và nhiều đợt thường được áp dụng đối với các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, phạm vi áp dụng rộng, nội dung văn bản thường là những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của người dân như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập cá nhân … Hình thức lấy ý kiến đối với một số đối tượng, lấy ý kiến một số nội dung và một đợt được sử dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng hẹp, đối tượng điều chỉnh được giới hạn trong mội nhóm người hoặc thuộc một lĩnh vực, ngành nghề nhất định.

Phương thức lấy ý kiến thường thông qua việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Tiếp nhận các ý kiến đóng góp trực tiếp của các đối tượng; Tổ chức lấy ý kiến theo địa bàn cư trú, nơi công tác; Tổ chức lấy ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Các phương thức khác như điều tra xã hội, phỏng vấn trực tiếp, lấy phiếu thăm dò…

Tuy có nhiều hình thức và phương thức lấy ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào từng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế mà một hoặc nhiều hình thức, phương thức sẽ được lựa chọn để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến. Thực tế thì thường có sự đan xen, tổng hợp và linh hoạt trong việc lựa chọn các hình thức và phương thức lấy ý kiến.

Đánh giá chung, có thể thấy rằng, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, các quy định về quy trình lập pháp, lập quy nói chung và quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lại rất ít được quy định, nếu có thì mới chỉ mang tính nguyên tắc và thiếu tính cụ thể, chi tiết. Điều này dẫn đến một thực tế là thiếu một cơ chế để thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm, làm cho quá trình thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính hình thức, thiếu tính thống nhất và hiệu quả chưa cao. Do đó nhanh chóng hoàn thiện quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, minh bạch, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia là một yêu cầu mang tính cần thiết và cấp thiết.

Các quy định của pháp luật hiện hành về quy trình lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung, thiếu tính cụ thể và đồng bộ. Mới chỉ có quy trình lấy ý kiến về dự  thảo luật, nghị quyết, pháp lệnh của QH, UBTVQH là được quy định một cách tương đối cụ thể, còn quy trình lấy ý kiến của các chủ thể khác thì dường như vẫn  bỏ ngỏ. Và mặc dù trên thực tế một số cơ quan có thực hiện việc lấy ý kiến nhưng do chưa có một khung pháp lý rõ ràng và cụ thể về quy trình thực hiện nên chưa đạt được sự thống nhất cao. 

Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp”. Với cơ sở pháp lý chung chung đó đã dẫn đến tình trạng mỗi chủ thể lấy ý kiến một kiểu. Chưa xác định cụ thể việc lấy ý kiến được áp dụng ở một hay nhiều giai đoạn của quy trình lập pháp, lập quy nên chưa có sự phân biệt quy trình cho từng giai đoạn. Một câu hỏi đặt ra là việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện đối với bản dự thảo nào và do cơ quan nào thực hiện; có được thực hiện ở nhiều giai đoạn không? (Thực tế hiện nay thì việc lấy ý kiến nhân dân thường được thực hiện khi dự thảo luật đã ở giai đoạn sau thẩm tra)

Về thời gian lấy ý kiến và thời hạn cho từng giai đoạn của quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa được quy định cụ thể làm cho việc thực hiện không thống nhất, dẫn đến tình trạng không huy động được nhiều đối tượng tham gia và gây sức ép cho các chủ thể thực hiện tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý. Ví dụ: Đối với dự thảo Bộ luật Lao động năm 1994, thời gian lấy ý kiến chỉ kéo dài trong khoảng 25 ngày, lại sát thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội. Điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng của việc tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật. Trong khi đó, dự thảo Bộ luật Dân sự năm 1995 lại lấy ý kiến làm hai đợt với thời gian dài. Điều này dẫn đến tình trạng các ý kiến chỉ tập trung ở đợt một, sang đợt hai các ý kiến trùng lặp rất nhiều, không những gây tốn kém về tiền của, công sức mà còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng luật. Tuy nhiên, nếu lấy ý kiến trong một thời gian quá ngắn thì lại rơi vào hình thức, không bảo đảm chất lượng của văn bản. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có một kế hoạch, thời gian hợp lý trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp để tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc mà vẫn bảo đảm được tiến độ và chất lượng của dự án.

Việc nhận thức đầy đủ về vai trò và ý nghĩa của việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa nghiêm và chưa mang lại kết quả như mong muốn. Chủ thể tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến và chủ thể tham gia ý kiến chưa nhận thức đúng được trách nhiệm và giá trị nên việc thực hiện còn mang nặng tính hình thức. Đề tài nghiên cứu của VPQH cho thấy, từ năm 1987- 2000, chỉ có 4% tổng số luật, pháp lệnh đã ban hành là được lấy ý kiến và mỗi khi UBTVQH yêu cầu lấy ý kiến một văn bản luật thì tại địa phương, UBND lại giao cho cho cơ quan chuyên môn là Sở Tư pháp giúp việc tổng hợp ý kiến để gửi tới ban soạn thảo và VPQH. Và đôi khi việc làm hình thức của các chủ thể lấy ý kiến đã làm mất lòng tin của các đối tượng lấy ý kiến. Việc tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm theo ý kiến đóng góp chưa thật sự được chú trọng, đôi khi thiếu tính khách quan, minh bạch; Thời gian dành cho việc tập hợp, tổng hợp còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ làm công tác tập hợp, tổng hợp tại các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ở địa phương thường không phải là các chuyên gia am hiểu sâu về dự án luật, dự án pháp lệnh, đôi khi lại làm việc theo chế độ trưng tập nên chất lượng các bản báo cáo tổng hợp chưa cao, cách tính số ý kiến còn chưa thật chính xác, chỉ mang tính tương đối. Việc nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay, đây vẫn là một khâu yếu cần được chú trọng hơn nữa.

Do đó cần sớm hoàn thiện quy định của pháp luật về quy trình lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó quy định rõ quy trình lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp. Bởi thực tế đang tồn tại là việc lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp được thực hiện tương tự với việc lấy ý kiến về dự thảo luật, pháp lệnh. Điều này chưa thật sự phù hợp với vị trí và vai trò của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền. Quy trình lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp cần phải được quy định một cách chi tiết, chặt chẽ hơn; Phạm vi đối tượng tham gia đóng góp ý kiến rộng hơn; Nội dung xin ý kiến phải được xây dựng chi tiết, cụ thể và được cân nhắc, quyết định kỹ càng; việc triển khai, phổ biến, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến phải được thực hiện ở nhiều cấp với thời gian dài hơn... Cũng cần xác định việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là giai đoạn bắt buộc trong quy trình lập pháp, lập quy. Đồng thời quy định quy trình lấy ý kiến đối với từng nhóm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và nên xây dựng các quy trình này theo hướng mở. Tức là, nên căn cứ vào nội dung, tính chất của từng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; điều kiện thực tiễn mà các chủ thể có thẩm quyền có quyền lựa chọn trong phạm vi quy trình đã quy định về phạm vi, nội dung xin ý kiến, hình thức, phương thức, thời điểm và địa điểm xin ý kiến. Trong từng quy trình lấy ý kiến cần phải xây dựng thật chi tiết và đầy đủ về các công việc cần tiến hành, trật tự, thời gian cho từng công việc, trách nhiệm của từng chủ thể trong từng công việc. Và nên giao trách nhiệm tổ chức thực hiện quy trình cho một đơn vị cụ thể tương ứng với quy trình. Cụ thể, đối với việc lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp, luật, pháp lệnh thì trách nhiệm tổ chức thực hiện phải là UBTVQH. Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trách nhiệm tổ chức thực hiện phải là Văn phòng Chính phủ mà cụ thể là vụ pháp chế Văn phòng Chính phủ...

Do đặc thù của việc thực hiện quy trình lấy ý kiến nhân dân là khó có cơ chế kiểm tra, giám sát nên vấn đề then chốt quyết định đến tính hiệu quả của hoạt động này chính là nhận thức của các chủ thể tham gia quy trình mà chủ yếu là cán bộ, chuyên viên thực hiện việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ khi nào các chủ thể này nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc lấy ý kiến thì việc thực hiện quy trình mới được tuân thủ một cách nghiêm minh. Và cũng cần có sự đầu tư hợp lý về  kinh phí để đảm bảo thực hiện quy trình một cách hiệu quả. Bởi hiện nay, kinh phí chi cho hoạt động tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quy định cụ thể. Đối với dự án luật, pháp lệnh, kinh phí chi cho việc lấy ý kiến nhân dân được trích từ nguồn hỗ trợ kinh phí xây dựng pháp luật hàng năm, đối với dự án khác thì cơ quan tổ chức lấy ý kiến có trách nhiệm tự lo kinh phí. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan có thẩm quyền không tổ chức việc lấy ý kiến hoặc tổ chức một cách hình thức. Tạo cơ chế hỗ trợ cho kinh phí phục vụ việc lấy ý kiến, cơ chế này sẽ giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến chủ động về kinh phí, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để có được các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, nguyện vọng của nhân dân.

 

2.2. Theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

2.2.1. Theo dõi thi hành pháp luật

Có thể nói, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh trên thực tế. Thi hành pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; những phản hồi của xã hội trong quá trình thực thi pháp luật chính là thước đo hiệu quả xây dựng pháp luật, giúp cho việc phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh nhằm rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 02 Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn: Về thi hành pháp luật: a) Theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; b) Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong  công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

Theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm, nên trong thời gian đầu, việc xác định rõ định hướng và nội dung công việc đã gặp một số khó khăn nhất định nên việc triển khai nhiệm vụ có chậm hơn so với mong muốn và tiến độ đặt ra.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Trước khi Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP và Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành, Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành và địa phương chưa có sự chuẩn bị về các điều kiện và nguồn lực cần thiết cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hầu như chưa đề cập đến công tác theo dõi thi hành pháp luật, số ít văn bản có đề cập đến thì nội dung còn rất chung chung và chưa thống nhất; tổ chức bộ máy cũng như trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra.

Hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều luật khung, trong khi đó các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhiều khi không được ban hành một cách đồng bộ và kịp thời. Ngược lại, có một số lĩnh vực cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền lại ban hành quá nhiều văn bản để điều chỉnh. Theo thống kê của Văn phòng Quốc hội thì trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ ban hành được 3.263/3.892 văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết thi hành, bằng 82% tổng số văn bản cần phải hướng dẫn và quy định chi tiết để cho văn bản đi vào cuộc sống. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tư pháp, thì chỉ riêng trong lĩnh vực pháp luật về cư trú, tính đến tháng 6/2007 cả nước đã ban hành khoảng 570 văn bản; trong lĩnh vực quy hoạch, tính đến tháng 12/2008, cả nước đã ban hành gần 11.000 văn bản. Việc ban hành nhiều đầu văn bản như hiện nay, đồng thời lại quy định cho nhiều cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên dẫn đến hệ quả là rất khó xác định những văn bản nào đang có hiệu lực và áp dụng văn bản nào. Trong nhiều trường hợp, ngay cả các cơ quan, cán bộ của nhà nước cũng còn có khó khăn trong việc lựa chọn các quy định thích hợp của pháp luật để áp dụng xử lý những tình huống cụ thể.

Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, việc tiếp nhận ý kiến nhân dân được thể hiện trong một số quy định cụ thể của Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/03/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều 14 - Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở thông tin do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp: 1. Các Bộ, ngành và địa phương theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp. 2. Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp.

Điều 18 - Thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật: 1. Thông tin về tình hình thi hành pháp luật được thu thập từ các nguồn sau đây: a) Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; c) Kết quả kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; d) Thông tin do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp; đ) Các nguồn thông tin khác. 2. Thông tin về tình hình thi hành pháp luật chỉ được sử dụng khi đã được phân tích, đánh giá và xử lý. Việc thu thập, xử lý thông tin phải bảo đảm các quy định của pháp luật về thu thập và bảo mật thông tin.

Đây là hoạt động mới được triển khai thực hiện tập trung, thống nhất và đang triển khai theo Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Đề án được thực hiện trong thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 01/2010 và kết thúc vào tháng 6/2011. Đánh giá về mảng hoạt động này hiện nay mới chỉ tập trung vào việc: rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; thí điểm điều tra, khảo sát tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An; một số cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính; củng cố, kiện toàn hoặc thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành, địa phương; tiến hành tập huấn và triển khai thực hiện.

 

2.2.2. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản hiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, thay thế Nghị định 135/2003/NĐ-CP.

Qua 5 năm triển khai Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đã có 33.155 văn bản được kiểm tra, trong đó, số văn bản do cấp Bộ tự kiểm tra là 6.862, chiếm 21%; cấp tỉnh tự kiểm tra được 26.293 văn bản, chiếm 79%. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3.460 văn bản có dấu hiệu sai trái, trong đó, cấp Bộ đã kiểm tra, phát hiện 333 văn bản; cấp tỉnh phát hiện 3.127 văn bản. Một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, có số lượng văn bản tự kiểm tra lớn như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ... và các địa phương Tuyên Quang, Bình Dương, Hà Nội.

Trong công tác này, lực lượng tham gia vào kiểm tra văn bản sai phạm còn thiếu. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn yếu. Theo Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì ở Bộ Tư pháp có Cục Kiểm tra văn bản, nhưng biên chế hiện nay chỉ mới 2/3. Tư pháp ở địa phương cũng thiếu tương tự, còn cán bộ pháp chế ở các sở, ngành chỉ làm công tác kiêm nhiệm. Do đó, thực tế, trong công tác này, những phản ánh ý kiến của nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng. Ý kiến đó có thể được phản ánh thông qua việc gửi ý kiến trực tiếp đến Cục Kiểm tra văn bản QPPL, phản ánh qua báo chí, nguồn tin của các phương tiện thông tin đại chúng là một nguồn quan trọng để phát hiện và xử lý triệt để các sai sót của VBQPPL.

Mặt khác, các văn bản kiểm tra được Cục Kiểm tra văn bản QPPL thực hiện và phối hợp với tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đồng thời cũng chủ động thu thập văn bản từ nhiều nguồn khác nhau.

Theo Báo cáo số 127/BC-KTVB ngày 1/11/2008 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL về kết quả công tác năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2009 thì trong mục Kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin, Cục cho biết: Cục đã thực hiện việc kiểm tra và kiến nghị xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có đấu hiệu trái pháp luật theo ý kiến phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức và của cá nhân. Trong đó, các vấn đề được phản ánh thường thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc công dân, riêng trong năm 2008, nhiều văn bản nhận được sự quan tâm sát sao của dư luận như: Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT và Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT ngày 30/9/2008 của Bộ Y Tế về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định số 34/2008/QĐ-BYT ngày 30/9/2008 của Bộ Y Tế về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển xe mô tô, xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật…

Hiệu quả của phương thức kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản vi phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật theo các nguồn thông tin không những góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn giúp giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của xã hội nói chung đối với một số văn bản có dấu hiệu sai trái, củng cố thêm lòng tin của tổ chức và công dân vào nhà nước, vào pháp luật.

2.3. Tiếp công dân

Việc tiếp công dân của Bộ Tư pháp được thực hiện theo Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2006/QĐ - BTP ngày 21 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Đánh giá việc thực hiện Quy chế ở Bộ Tư pháp thời gian qua cho thấy, việc thực hiện đã đi vào nề nếp, thực hiện nghiêm túc và có chất lượng; bố trí phòng tiếp dân ở vị trí thuận lợi, lịch sự, công khai nội quy, quy chế tiếp dân, lịch tiếp dân để người dân biết, liên hệ. Bộ phận tiếp dân được củng cố, có trình độ, có tinh thần trách nhiệm và nhận thức sâu sắc về công tác tiếp dân. Qua tiếp dân kết hợp tuyên truyền Luật khiếu nại tố cáo và các chính sách pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Ngoài tiếp dân định kỳ, còn tổ chức tiếp dân đột xuất, đối với các trường hợp người dân khiếu nại những vấn đề bức xúc.

Đồng thời, Lãnh đạo Bộ thường xuyên bố trí lịch để nghe Thanh tra Bộ báo cáo về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các trường hợp khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ được cán bộ thường trực của Thanh tra Bộ tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ và cán bộ của các Vụ, Cục chức năng tiếp, lắng nghe công dân trình bày, tiếp nhận đơn và chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền; các trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cán bộ tiếp công dân hướng dẫn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Số liệu tiếp công dân qua báo cáo công tác hàng năm của Thanh tra Bộ cho thấy, năm 2009: Thanh tra Bộ cùng các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp 1.013 công dân đến khiếu nại, tố cáo và có một số yêu cầu khác, trong đó có 855 lượt công dân đến khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, còn lại là 158 công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh những nội dung không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (chủ yếu là khiếu nại bản án tranh chấp đất đai); Bộ đã tiếp nhận 3.026 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… của công dân, trong đó có 1.321 đơn thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành (lĩnh vực thi hành án dân sự có 1.199 đơn, lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp có 93 đơn).

Năm 2008, Thanh tra Bộ cùng các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp 958 công dân đến khiếu nại, tố cáo và có một số yêu cầu khác, trong đó có 764 lượt công dân đến khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, còn lại là 194 công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh những nội dung không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (chủ yếu là khiếu nại bản án tranh chấp đất đai); Bộ đã tiếp nhận 2.037 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… của công dân, trong đó có 944 đơn thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành (lĩnh vực thi hành án dân sự có 855 đơn, chiếm 90.5%).

Việc tiếp công dân nhằm mục đích tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý của người dân về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cũng như công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị. Thông qua công tác tiếp dân, các cơ quan tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xem xét ra quyết định, kết luận giải quyết hoặc trả lời cho công dân biết theo đúng thời hạn quy định của pháp luật. Đồng thời, công tác tiếp dân cũng nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.

2.4. Trong công tác thi hành án dân sự

Đây là một hoạt động có mối liên hệ nhiều, tác động đến quyền lợi của nhiều tầng lớp nhân dân trong việc thi hành các quyết định, bản án dân sự của Toà án, do vậy, đây cũng là một mảng công tác phải tiếp nhận, xử lý và phản hồi nhiều ý kiến của nhân dân, đặc biệt về việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự (Có thể thấy ở việc thể hiện số liệu tiếp nhận khiếu nại, tố cáo ở phần tiếp công dân).

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được thực hiện: phân lợi, lập danh sách các vụ việc khiếu nại bức xúc, tồn đọng kéo dài thuộc thẩm quyền để có kế hoạch giải quyết; chú trọng về tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, kỹ năng công tác dân vận kết hợp với xác minh thực tế, công khai kết quả giải quyết khiếu nại và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án, hạn chế phát sinh các trường hợp khiếu nại vượt cấp.

Năm 2008, Cục THADS (nay là Tổng cục THADS) đã nhận 2.224 đơn khiếu nại về thi hành án dân sự, tiếp 456 lượt công dân, đã giải quyết xong 658 trường hợp. Năm 2009, Cục tiếp nhận 3.212 đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (có 1.863 đơn trùng lặp), tổng số phải giải quyết là 1.349 trường hợp, thành lập 06 đoàn công tác để xác minh, trả lời 128 trường hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 870 trường hợp.

Với việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh thì sự thể hiện của việc tham gia ý kiến của nhân dân đối với hoạt động thi hành án dân sự càng thể hiện rõ rệt, đó là việc xã hội hóa, với sự tham gia vào việc chuyển giao, tống đạt giấy tờ thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án và lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, như một loại bằng chứng).

Việc tiếp nhận ý kiến nhân dân trong hoạt động thi hành án dân sự còn được thể hiện ở việc duy trì hoạt động hiệu quả của Đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự (Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự, trong đó có số điện thoại 04.37335116 đặt tại Văn phòng Bộ). Thời gian qua, việc thực hiện tiếp nhận và chuyển tin giữa Văn phòng Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn được thực hiện nhịp nhàng, phối hợp tốt, đảm bảo chuyển kịp thời những phản ánh của người dân về công tác thi hành án dân sự đến đúng đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Việc chuyển thông tin, xử lý thông tin qua đường dây nóng được thực hiện như chế độ tiếp nhận, xử lý công văn khẩn, công điện khẩn; đồng thời, người cung cấp thông tin khi có yêu cầu đều được biết kết quả xử lý thông tin do mình cung cấp. Người cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ. Tuy  nhiên, Bộ cũng từ chối tiếp nhận thông tin khi người cung cấp thông tin không nói rõ họ, tên, địa chỉ của mình; nội dung thông tin cung cấp chung chung, không thể xác định được vụ việc cụ thể, xảy ra ở đâu, có liên quan đến ai.

3. Đánh giá chung

3.1. Ưu điểm

- Những mảng hoạt động lớn có sự tham gia ý kiến của nhân dân thuộc Bộ Tư pháp đa phần đều có những quy định pháp lý cụ thể và khá chi tiết.

- Lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ đều thể hiện sự quan tâm và thực hiện nghiêm chỉnh việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến của nhân dân; đồng thời, nhiều mảng hoạt động mà ý kiến nhân dân đã được tiếp thu và phát huy tính hiệu quả cao, như đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.

- Chú trọng đẩy mạnh việc xã hội hóa nhiều mảng hoạt động của Bộ và chủ trương tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong thời gian tới.

3.2. Hạn chế

- Việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến nhân dân phần nhiều vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.

- Sự tham gia ý kiến của nhân dân chỉ tập trung vào những vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích trực tiếp, đa phần là những vụ việc cụ thể của mình mà không quan tâm nhiều đến việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cả những người khác.

- Việc thực hiện xã hội hoá một số hoạt động để khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của Nhà nước vẫn chưa phát huy hết ý nghĩa và tác dụng, chính bản thân nhiều người dân cũng còn có quan điểm chưa đúng về những loại hình được xã hội hóa của Nhà nước.

3.3. Nguyên nhân

- Thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Sự quan tâm về mặt nhân lực, cơ sở vật chất để phục vụ cho việc tiếp thu ý kiến phản hồi của nhân dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả tiếp thu còn chưa cao.

- Trình độ của người dân đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn rất khó tham gia ý kiến đối với những vấn đề mang tính học thuật cao, mang tính pháp lý chuyên ngành.

III- Những kiến nghị đối với việc nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân của Bộ Tư pháp

1. Trước hết, việc quan trọng nhất đó là việc quan tâm đến hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Với tư cách là “người gác cổng” cho Chính phủ về mặt xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đề xuất hoặc trình ban hành các văn bản mang tính quy phạm pháp luật để nhằm chế định hóa để nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân của hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.

Thể hiện rõ nhất ở đây có thể thấy rằng, đó là việc sớm trình Quốc hội ban hành Luật Tiếp cận thông tin, luật được ban hành nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, cần có các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thống nhất quy định mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và việc tiếp cận thông tin có thể do cơ quan nhà nước chủ động công bố hoặc có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Quốc hội giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Hiện dự án luật đang được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đặc biệt, đó là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Mặc dù thực tiễn trưng cầu ý dân ở nước ta chưa có, nhưng cùng với chủ trương dân chủ hoá đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đó là một thực tiễn có liên quan đến việc trưng cầu ý dân, như hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định, nói cách khác là không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, vì vậy để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, thì đã đến lúc luật hóa vấn đề này. Đối với quy định về: ai là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân. Theo Hiến pháp hiện hành, quyền trưng cầu ý dân là của Quốc hội, nhưng để Quốc hội có căn cứ để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân thì cần phải dựa trên một sáng kiến. Vấn đề này lại cũng có nhiều mô hình khác nhau, có nước thì quy định chỉ có đại biểu Quốc hội là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân, có nước lại quy định là cử tri thu thập được số lượng chữ ký nhất định thì được trình một vấn đề để Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân. Nhưng dù là mô hình nào, thông thường việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. Trong Dự án luật, phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân cũng được đưa ra để thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể. Luật trưng cầu ý dân phải tạo một cơ sở pháp lý để mở rộng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được tham gia quản lý xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật trưng cầu ý dân phải được xây dựng phù hợp với truyền thống đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Luật được xây dựng với những điều luật có nội dung thiết thực, khả thi trong tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của đất nước. Luật trưng cầu ý dân cần phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính hiện đại, không rập khuôn máy móc.

2. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của giai đoạn chuẩn bị lấy ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là việc lập kế hoạch lấy ý kiến. Trong đó, phải thấy được yêu cầu rằng: Kế hoạch lấy ý kiến phải được xây dựng cụ thể và chi tiết, phải phù hợp với từng đối tượng, hình thức và phương thức lấy ý kiến. Một kế hoạch tốt phải phác thảo được các hoạt động cần tiến hành, phương án sử dụng các nguồn lực có thể. Về cơ bản, kế hoạch phải đảm bảo cơ sở pháp lý, mục đích của việc lấy ý kiến; xác định cụ thể lấy ý kiến toàn bộ dự thảo hay chỉ một số vấn đề nhất định; Phải cung cấp các thông tin liên quan đến dự thảo lấy ý kiến một cách đầy đủ và kịp thời, nếu có thể nên cung cấp các số liệu, tài liệu cụ thể qua các bản báo cáo, kinh nghiệm nước ngoài.. Và cũng phải làm rõ nhu cầu, đặc điểm và dự đoán các phản ứng và phương án xử lý của các đối tượng lấy ý kiến. Trong kế hoạch phải hoạch định được một cách chính xác khoảng thời gian lấy ý kiến, thời gian cho từng giai đoạn; Xác định được số lượng địa điểm lấy ý kiến và địa điểm được lựa chọn là địa điểm thuận lợi nhất cho đối tượng lấy ý kiến. Bên cạnh đó, bản kế hoạch phải xác định được sẽ sử dụng các hình thức và phương thức nào. Các hình thức và phương thức này phải vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ  thực hiện, phù hợp với trình độ của đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến và cũng phải đảm bảo về nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Để việc lấy ý kiến được hiệu quả, cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ, chi tiết và đa chiều thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các điểm cung cấp thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp; Tổ chức các điểm và các kênh thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Ý kiến đóng góp phải được tập hợp và xử lý, phân loại một cách đầy đủ. Phụ thuộc vào phạm vi và quy mô lấy ý kiến mà việc tiếp nhận và tổng hợp có thể được thực hiện bởi một hoặc nhiều chủ thể, nhưng vẫn phải có một chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này. Thực tế cho thấy, đối với dự thảo luật, pháp lệnh thì chủ thể được giao chủ trì, phối hợp và chịu trách nhiệm là một cơ quan của UBTVQH; Văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành sẽ do Văn phòng Chủ tịch nước; Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  ban hành sẽ do Văn phòng Chính phủ; Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ  ban hành sẽ do bộ phận Văn phòng và pháp chế thực hiện; Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành sẽ do Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND thực hiện.

Sau khi các ý kiến đã được tổng hợp, các chủ thể có thẩm quyền phải tổ chức việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường giai đoạn này được chia thành các cấp độ khác nhau, tuy nhiên kết quả cuối cùng của giai đoạn này đó là hình thành bản báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 Việc nghiên cứu ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thường thực hiện theo các giai đoạn: Giai đoạn tiếp thu cấp chuyên viên; Giai đoạn cấp Ban soạn thảo; Giai đoạn UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình QH xem xét thông qua.

Việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản, nếu được thực hiện nghiêm túc thì chất lượng dự thảo văn bản sẽ tốt hơn. Điều này thể hiện qua sự khác biệt giữa dự thảo trước khi lấy ý kiến và dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp. Ví dụ, dự thảo Bộ luật Dân sự trước khi lấy ý kiến chỉ có 701 điều, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã nâng lên 838 điều trong đó có 38 điều được lược bỏ, hơn 600 điều được sửa đổi và 159 điều được bổ sung.

3. Tổ chức những hình thức giao lưu trực tuyến, tổ chức các buổi đối thoại về một số về một số chủ đề, chủ điểm nhất định. Đó có thể là dịp để làm cho người dân hiểu hơn về công tác tư pháp, cũng có thể là dịp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của nhân dân liên quan đến công tác tư pháp, tránh những bức xúc rồi trở thành những khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đặc biệt, cũng là dịp để cho Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe được trực tiếp ý kiến của nhân dân - những người thực thi pháp luật trong thực tế cuộc sống, là dịp để nhìn lại những công việc mình đang làm, đang triển khai, ưu -  nhược điểm ở đâu để ngày càng hoàn thiện hơn.

4. Thực hiện việc cải cách hình thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tin học hóa cơ chế lấy ý kiến nhân dân, đó là việc xây dựng hộp thông tin về việc lấy ý kiến nhân dân (có thể đối với cả hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, và các hoạt động, công việc khác của Bộ khi cần), đồng thời, đề xuất Quy chế về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân qua Cổng thông tin điện tử của Bộ (có thể dưới dạng thư ngỏ, email, thông điệp điện tử khác). Nghiên cứu, hướng tới việc xây dựng một trang thông tin riêng về mảng này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó có phân quyền cho các đơn vị thuộc Bộ có thể cung cấp, trao đổi những thông tin tiếp nhận ý kiến nhân dân thông qua mạng thông tin điện tử, đồng thời cũng có thể đăng công khai kết quả xử lý, phản hồi ý kiến, qua đó để người dân có thể theo dõi được việc xử lý của đơn vị nhận ý kiến, từ đó nâng cao hơn ý thức đóng góp ý kiến đối với hoạt động của tư pháp nói riêng và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.

5. Quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa để nhằm nâng cao chất lượng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện sai phạm từ thực tiễn thi hành, từ đó góp phần đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở Bộ Tư pháp.

Ở đây có thể thấy rằng, trong các điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân thì về mặt cơ sở vật chất và nhân lực làm công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Trước mắt, đó là việc cải thiện cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân của Bộ sao cho tương xứng với tầm vóc và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Việc xây dựng trụ sở tiếp công dân không chỉ thể hiện về mặt hình thức bề ngoài, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với công tác này, đồng thời, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện của người dân khi đến làm việc với cơ quan.

Mặt khác, việc bố trí cán bộ tiếp công dân cần đề cao hơn nữa kinh nghiệm công tác và trình độ của cán bộ để đảm bảo xử lý các tình huống nhanh, hiệu quả, giải quyết các vướng mắc cũng như có những hướng dẫn chính xác đối với nhân dân khi đến với trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp; đồng thời, cũng cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với những cán bộ làm công tác này, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, đó còn là việc thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, thái độ hoà nhã, thân thiện của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đối với nhân dân, tạo sự gần gũi, chia sẻ, thân thiện của cán bộ tư pháp đối với dân. Để động viên và tạo không khí thi đua, đề cao sự nhanh nhạy xử lý tình huống cũng như thái độ thân thiện của cán bộ tiếp dân trong Ngành Tư pháp, có thể đề xuất việc tổ chức Hội thi trong toàn Ngành, trong đó đưa ra các tình huống để cán bộ xử lý.

Đồng thời, cần tích cực thực hiện tốt hơn nữa Quy chế tiếp công dân, công khai lịch tiếp của Lãnh đạo Bộ, của một số đơn vị chức năng bên cạnh việc có mặt thường xuyên của cán bộ Thanh tra Bộ. Cũng cần phải lưu ý thêm đối với việc quan tâm đến chế độ chính sách, bồi dưỡng chế độ đối với những cán bộ làm công tác tiếp công dân nói riêng và cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý ý kiến của nhân dân nói chung. Về mặt này, hiện nay có quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

6. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của Bộ để mở rộng sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó, có thể thay nhà nước thực hiện một số công việc. Đặc biệt, đối với một số mảng hoạt động của Bộ hiện nay có thể thực hiện việc nghiên cứu để đề xuất việc xã hội hóa một phần như: trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp.

7. Có những hình thức khen thưởng đột xuất của Bộ đối với những công dân có những ý kiến tốt, mang lại giá trị đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, nhất là đối với những mảng công tác mà ý kiến nhân dân đem lại hiệu quả cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng của Bộ, ví dụ như: đối với việc tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng thì theo Quyết định số 593/QĐ-BTP thì “người cung cấp thông tin đúng được Ngành Tư pháp cảm ơn, nếu nguồn  tin có giá trị giúp kịp thời phát hiện tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự  được ngành tư pháp xem xét khen thưởng”, hay như đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thì cũng có nhiều nguồn tin từ phản hồi của nhân dân có ý nghĩa… Đồng thời, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức ngành Tư pháp có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân được xem xét khen thưởng nhằm động viên đồng thời cũng đề cao ý nghĩa của công tác này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ:

ĐẶC THÙ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP TRONG ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VÀ SỰ CẦN THIẾT  CỦA CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ TƯ PHÁP

-----------------------------

Ths. Đinh Công Tuấn[20]

Nghị định số 93/2008/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

Trước yêu cầu của quá trình cải cách hành chính, cải cách Tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan Tư pháp các cấp cũng đã được mở rộng và tăng cường trên nhiều lĩnh vực công tác, cụ thể là:

 Trong công tác thi hành pháp luật

Để cụ thể hoá chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật, tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV đã giao cho cơ quan Tư pháp các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Bộ Tư pháp có nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vị cả nước; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

- Sở Tư pháp có nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổng hợp, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương và kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.

- Phòng Tư pháp cấp huyện có nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã; tổng hợp, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp.

- Tư pháp cấp xã có nhiệm vụ theo dõi, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện, đề xuất biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã với Phòng Tư pháp cấp huyện; giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật ở địa phương.

 Trong công tác xây dựng pháp luật

Xây dựng pháp luật là một trong những lĩnh vực công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp và cơ quan Tư pháp địa phương. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn những mảng công việc bỏ trống, chưa được triển khai. Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, bên cạnh những nhiệm vụ đã được giao theo Nghị định số 62/2003/NĐ-CP, Nghị định số 93/2008/NĐ-CP đã quy định  Bộ Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ mới  như:  trình Chính phủ dự thảo chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; lập dự kiến của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo; đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo các dự án Luât, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình...

Theo Thông tư liên tịch số 01/20009/TTLT-BTP-BNV thì nhiệm vụ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Tư pháp địa phương đã được cụ thể hoá, xác định rõ trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp phê duyệt, điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân, lập dự kiến chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân theo quy định.

Những quy định này đã khẳng định và tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp các cấp trong việc tham mưu cho Chính phủ, UBND các cấp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời và cụ thể đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.

 Trong hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Khoản 17, Điều 2 của Nghị định số 93/2008/NĐ-CP đã quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ở địa phương, theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BVN,  Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ đối với tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn cùng cấp và tổ chức thực hiện, hoặc phối hợp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm tính pháp chế, thống nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, theo dõi và tổ chức thi hành pháp luật của các chủ thể, đồng thời hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong công tác tương trợ tư pháp

Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng quốc tề và khu vực, công tác quản lý các hoạt động tương trợ tư pháp ngày càng được chú trọng và đi vào chiều sâu. Thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Nghị định số 93/2008/NĐ-CP đã quy định cụ thể nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, đó là: "Quản lý thống nhất công tác tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài; làm đầu mối thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của pháp luật".

 Trong công tác bán đấu giá tài sản

Nghị định số 62/2003/NĐ-CP đã giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý về bán đấu giá tài sản, tuy nhiên trong những năm vừa qua vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất trong việc triển khai nhiệm vụ này. Nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bán đấu giá tài sản, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá tài sản, từng bước xã hội hoá hoạt động này, Nghị định số 93/2008/NĐ-CP và Nghị định số 40/2010/NDD-CP đã quy định Bộ Tư pháp quản lý nhà nước thống nhất về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước.

Để bảo đảm triển khai thống nhất nhiệm vụ quản lý công tác bán đấu giá tài sản, Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/2/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản. Theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BVN, Sở Tư pháp có những nhiệm vụ sau: Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển tổ chức bán đấu giá ở địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức bán đấu giá ở địa phương; kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền.

 Trong công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

Triển khai Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009, từ 01/7/2010, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau: trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp; quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp; ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ sổ sách về lý lịch tư pháp; triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp; thưc hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp; định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.

 Trong công tác quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường Nhà nước

Thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ: thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án; phối hợp với toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; hằng năm, thống kê, tổng kết việc thực hiện bồi thường, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác bồi thường khi có yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp thì tổ chức bộ máy của Bộ gồm 26 đơn vị, so với quy định của Nghị định số 62/2003/NĐ-CP tăng 4 đơn vị. Các đơn vị tăng thêm gồm: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Nhà xuất bản Tư pháp. Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc Bộ cũng đã được kiện toàn, nâng cấp hoặc đổi tên cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, như: Cục Công nghệ thông tin đựợc thành lập trên cơ sở Trung tâm tin học của Bộ để tham mưu, giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Cục Con nuôi quốc tế đổi tên thành Cục Con nuôi để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý toàn diện hoạt động nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Bộ Tư pháp đã rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Đến nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 28/28 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Qua đó đã khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót về nhiệm vụ của các đơn vị; phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp; tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chuyển mạnh từ quản lý chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần sang quản lý toàn diện sâu sắc các lĩnh vực được giao.

Bộ đã điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thay đổi tên gọi một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu mới. Theo đó, đã điều chuyển nhiệm vụ xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, chức năng và các nhiệm vụ về quản lý công tác xây dựng pháp luật của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính sang Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Vụ Pháp luật quốc tế tiếp nhận nhiệm vụ giúp Bộ trưởng vụ về công tác nhân quyền, đồng thời chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp sang Vụ Hợp tác quốc tế; chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công chứng từ Vụ Hành chính tư pháp sang Vụ Bổ trợ Tư pháp; giao bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kế hoạch ngành cho Vụ Kế hoạch - Tài chính; đổi tên và bổ sung nhiệm vụ cho Cục Con nuôi.

Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 9/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ được nâng cấp, kiện toàn thành Tổng cục Thi hành án dân sự, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được nâng cấp lên thành Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Việc hình thành các cơ quan thi hành án dân sự theo ngành dọc trên phạm vi cả nước là sự kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến cơ bản về mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự sau 16 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác này; đồng thời, tạo điều kiện để Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý về thi hành án dân sự nhằm đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra và sự mong đợi của xã hội.

Đồng thời, trước nhu cầu cấp bách về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở, đặc biệt là cán bộ Tư pháp cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập một số trường trung học luật ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc... Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, ngày 23/7/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1808/QĐ-BTP về việc thành lập Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột tại tỉnh Đắk Lắk để đào tạo cán bộ Tư pháp cơ sở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung. Hiện nay, Trường trung cấp luật Buôn Ma Thuột đã đi vào hoạt động, đào tạo trung cấp luật cho các tỉnh Tây Nguyên. Ngày 19/8/2010 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số Quyết định số 2222/QĐ-BTP về việc thành lập Trường Trung cấp luật Vị Thanh tại tỉnh Hậu Giang. Bộ Tư pháp đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để trường Trung cấp luật Vị Thanh tuyển sinh khoá I đào tạo cán bộ Tư pháp các tỉnh Miền Tây Nam bộ.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp bao gồm 20 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Tổ chức bộ máy của Bộ đang tiếp tục được kiện toàn để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý đa lĩnh vực và đòi hỏi chuyên môn hoá trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong cơ cấu của hầu hết các đơn vị thuộc Bộ đã thành lập các phòng nghiệp vụ theo từng lĩnh vực cụ thể. Các nhiệm vụ của các phòng có tính ổn định thường xuyên và có tính độc lập, không chồng chéo, bảo đảm tính chuyên sâu và chuyên môn hoá cao. Đồng thời cũng đã đẩy mạnh phân cấp, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị được quyền chủ động trong việc quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và bố trí cơ cấu biên chế của các phòng, ban trực thuộc.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, phân định rõ hơn giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngành Tư pháp và các đơn vị quản lý nhà nước, ngày 11/2/2010 Bộ Tư pháp và Bộ Nội Vụ đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV về hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Sự ra đời của Thông tư nhằm tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp, xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp cho phù hợp với tính chất công việc, quy mô tổ chức của mỗi đơn vị.

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Đây là văn bản pháp lý quan trọng góp phần tổ chức lại công việc, sắp xếp bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, nhằm phát huy khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, tăng nguồn thu, từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước.

 

Về cơ cấu tổ chức của Bộ, so với Nghị định 62/2003/NĐ-CP thì Bộ Tư pháp có thêm một số đơn vị mới là: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Trung tâm tin học được nâng lên thành Cục công nghệ thông tin; Văn phòng 2 được đổi thành: Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Trong đó, có thể thấy rằng, đối với các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng thì việc tham gia ý kiến của nhân dân có nhiều ý nghĩa quan trọng, đối với riêng đặc thù của Bộ Tư pháp thì có một số nội dung hoạt động được các văn bản quy phạm pháp luật quy định bắt buộc phải lấy ý kiến của nhân dân trở thành một quy trình bắt buộc (hoạt động xây dựng pháp luật), hoặc nguồn phản ánh, ý kiến của nhân dân là một trong những nguồn quan trọng để tiếp cận, đánh giá về việc triển khai thi hành, áp dụng, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật... Để đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp thu và xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động quản lý của Ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này. Các văn bản chủ yếu trong lĩnh vực này bao gồm: Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP về Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp; Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP về ban hành quy tắc công khai minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp; Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP Ban hành Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp; Quyết định số 220/2005/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp; Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự...

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện các quy định về tiếp cận ý kiến nhân dân còn nhiều lúng túng và không thống nhất, thực trạng này dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp còn chưa đạt hiệu quả cao, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan, các ngành khác còn chưa có những quy định cụ thể. Mặt khác, có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này còn bị đánh giá là chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Điều đó có thể thể hiện ra ở một số điểm như: Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiều văn bản được ban hành không lường trước hết được dư luận, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền; việc tổ chức thực hiện hoạt động công chứng chưa giải quyết được sức ép quá tải tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, công tác thi hành án dân sự còn nhiều tồn đọng... Tất cả các vấn đề đó ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chúng ta thiếu một cơ chế thống nhất và hữu hiệu trong việc tiếp nhận ý kiến nhân dân, chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

 

Tư chức năng và nhiệm vụ, có thể thấy  ngành Tư pháp có một số đặc thù so với các  ngành khác như sau:

Thứ nhất. Trong quan hệ với quyền lập pháp, ngành Tư pháp có vai trò là đầu mối, cơ quan giúp Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng Chiến lược pháp luật, chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm, trực tiếp xây dựng các đạo luật quan trọng trên một số lĩnh vực, thẩm định, góp ý, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành tư pháp có quan hệ mật thiết với cải cách lập pháp với việc xác định nhu cầu tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong tương lai.

Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho hệ thống pháp luật giữ vững bản chất nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân; khắc phục tình trạng pháp luật phục vụ cho những nhóm lợi ích nhỏ trong xã hội.

Thứ hai. Trong quan hệ với quyền hành pháp, ngành Tư pháp có vai trò là cơ quan của Chính phủ giúp chính phủ quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, như theo dõi công tác thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp), quản lý nhà nước về một số dịch vụ công như bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách... Do vậy, các hoạt động quản lý của ngành tư pháp không thế thoát ly khỏi các hoạt động quản lý nói chung của ngành hành pháp và có quan hệ mật thiết với các định hướng cải cách hành chính giai đoạn từ nay đến 2020 trên các mặt thể chế, tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cán bộ, cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá...

          Với đặc thù này, việc làm tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân giúp cho Ngành Tư pháp có thể kịp thời phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung những khiếm khuyết hoặc những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba. Trong quan hệ với quyền tư pháp, ngành Tư pháp quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (như luật sư, công chứng, giám định, thi hành án...), đào tạo các chức danh tư pháp, thậm chí là quản lý các toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (trước đây)... Những hoạt động trên có gắn bó mật thiết với định hướng cải cách tư pháp giai đoạn từ nay đến 2020, đặc biệt là các chủ trương về xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ tư pháp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp lấy trọng tâm là xây dựng hệ thống Toà án theo cấp xét xử, tăng cường tính độc lập của Toà án, cải cách thủ tục tư pháp theo hướng tăng cường tranh tụng....

Đây là một mối quan hệ đặc biệt giữa Ngành Tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong trường hợp này giúp cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng và niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật và công lý.

Thư tư. Hoạt động của Ngành tư pháp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, Ngành Tư pháp được coi là “người gác cổng” cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thúc đẩy hiệu quả thi hành pháp luật. Vì đặc thù này, việc tiếp nhận ý kiến nhân dân sẽ giúp cho ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng của mình, giúp cho hệ thống pháp luật phản ánh được ý chí và nguyện vọng thực sự và một các trực tiếp của nhân dân.

Thư năm. Hoạt động của Ngành Tư pháp có liên quan nhiều đến việc ban hành và thực thi quyền con người, quyền công dân. Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, lĩnh vực liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Vì đặc trưng này, việc xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân một mặt nhằm phát huy trí tuệ và đóng góp của nhân dân nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo trật tự quản lý và đúng pháp luật, tránh trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền để làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước./.

 

 

 

 

 

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ:

THỰC TRẠNG CƠ CHẾ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT.

 

Người thực hiện: Trần Văn Lợi

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

 

1. Đường lối của Đảng và quy định pháp luật đối với việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật .

Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ khẳng định: “Cần phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý nhà nước... cải tiến việc lấy ý kiến của nhân dân về các văn bản pháp luật theo hướng thiết thực, tránh hình thức, lãng phí”.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ hơn: “... Đổi mới phương thức và quy trình xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan, coi trọng sử dụng các chuyên gia liên ngành và dành vai trò rất quan trọng cho tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp”.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ban hành theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, sự tham gia của nhân dân nói chung, của các chuyên gia nói riêng vào hoạt động xây dựng pháp luật mới được khẳng định là một trong những giải pháp chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Chiến lược xác định phải “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật. Có cơ chế thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật. Xác định cơ chế phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

Vấn đề không chỉ còn là việc lấy ý kiến nhân dân chung chung mà là cần xây dựng một cơ chế phản biện xã hội và huy động có hiệu quả sự tham gia của các chủ thể cụ thể vào các công đoạn khác nhau của quá trình xây dựng pháp luật, trong đó, các hiệp hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học là những đối tượng được đặc biệt nhấn mạnh.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật và đã được tổ chức thực thi trong đời sống xã hội.

Văn bản đầu tiên trực tiếp quy định việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 06/8/1988. Bản Quy chế này lần đầu tiên đã quy định trình tự, thủ tục các bước tiến hành khi lấy ý kiến và xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tổ chức và thực hiện lấy ý kiến. Kế thừa các nội dung của Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh, cho đến nay cùng với sự hoàn thiện chung của hệ thống pháp luật, các quy định về quy trình lập pháp nói chung và quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và ngày càng cụ thể hơn. Đó là: Hiến pháp; Luật Tổ chức Quốc hội; Quy chế hoạt động của UBTVQH; Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế làm việc của Chính phủ và một số văn bản dưới luật khác. Trong các văn bản quy phạm pháp luật trên thì chỉ có một số văn bản như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là các văn bản quy định một cách có hệ thống, cụ thể và chi tiết nhất về quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đa dạng về hình thức và thẩm quyền ban hành. Căn cứ vào tính chất, giá trị pháp lý và chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể chia văn bản quy phạm pháp luật thành các nhóm: văn bản quy phạm pháp luật do QH, UBTVQH ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành. Với mỗi nhóm văn bản quy phạm pháp luật trên sẽ có một quy trình lấy ý kiến tương ứng.

Chủ thể có thẩm quyền lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: QH, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, HĐND, UBND các cấp. Còn đối tượng lấy ý kiến là cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: ĐBQH; Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật; đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật; các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực, hoạt động được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản QPPL; 2. Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản, tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; 3. Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản QPPL phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.

Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về Lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Trong đó quy định cụ thể thời gian lấy ý kiến ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến; lấy kiến có thể bằng hình thức trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức góp ý chỉ quy định cụ thể là bằng hình thức văn bản đối với cơ quan, tổ chức.

Điều 93 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về Rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hệ thống QPPL: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản QPPL.

Thực thi các quy định của pháp luật, trong những năm qua một số lượng lớn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được tổ chức lấy ý kiến. 

Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể được thể hiện dưới các hình thức và phương thức khác nhau, phụ thuộc vào chủ thể lấy ý kiến, nội dung và tính chất của văn bản cần lấy ý kiến. Thực tiễn của việc lấy ý kiến trong những năm qua cho thấy, một số hình thức và phương thức chủ yếu. Đó là: Lấy ý kiến rộng rãi hoặc lấy ý kiến đối với một số đối tượng; Lấy ý kiến toàn bộ dự thảo hoặc lấy ý kiến một số nội dung chủ yếu, quan trọng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Lấy ý kiến trong một đợt hoặc lấy ý kiến nhiều đợt.

Hình thức lấy ý kiến rộng rãi, lấy ý kiến toàn bộ dự thảo và nhiều đợt thường được áp dụng đối với các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, phạm vi áp dụng rộng, nội dung văn bản thường là những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của người dân như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập cá nhân … Hình thức lấy ý kiến đối với một số đối tượng, lấy ý kiến một số nội dung và một đợt được sử dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng hẹp, đối tượng điều chỉnh được giới hạn trong mội nhóm người hoặc thuộc một lĩnh vực, ngành nghề nhất định.

Phương thức lấy ý kiến thường thông qua việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Tiếp nhận các ý kiến đóng góp trực tiếp của các đối tượng; Tổ chức lấy ý kiến theo địa bàn cư trú, nơi công tác; Tổ chức lấy ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Các phương thức khác như điều tra xã hội, phỏng vấn trực tiếp, lấy phiếu thăm dò…

Tuy có nhiều hình thức và phương thức lấy ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào từng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế mà một hoặc nhiều hình thức, phương thức sẽ được lựa chọn để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến. Thực tế thì thường có sự đan xen, tổng hợp và linh hoạt trong việc lựa chọn các hình thức và phương thức lấy ý kiến.

2. Thực trạng việc lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng pháp luật của Bộ tư pháp.

2.1 Lấy ý kiến thông qua Cổng  thông tin điện tử của Bộ Tư pháp

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với số dân sử dụng Internet đông đảo. Năm 2010, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới.[21], việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua phương tiện truyền thông này là rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ internet, Bộ Tư pháp cũng đã rất chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin điện tử của ngành. Hiện nay Cổng thông tin điện tử là kênh quan trọng nhất phản ánh toàn diện hoạt động của ngành, phục vụ yêu cầu quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ và tiếp nhận ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học đối với hoạt động của Bộ và đối với các dự thảo văn bản được đăng tải.

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp là cổng thông tin điện tử được phát hành qua mạng Internet nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ, giới thiệu Bộ Tư pháp và các lĩnh vực hoạt động của Bộ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hệ thống thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp gồm có: thông tin cung cấp qua mạng Internet và thông tin sử dụng nội bộ.  Thông tin cung cấp qua mạng Internet bao gồm các nội dung sau đây:

a) Giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ;

b) Thông tin về hoạt động quản lý nhà nước của Bộ;

c) Hướng dẫn nghiệp vụ, tư vấn, giải đáp pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ;

d) Các bài viết, bài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1945 đến nay; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì cần lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo;

đ) Giới thiệu các ấn phẩm thông tin, tạp chí chuyên ngành của Bộ hoặc của các đơn vị thuộc Bộ;

e) Nhận định và bình luận của Bộ đối với những sự kiện, vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được dư luận quan tâm và có yêu cầu, đề nghị giải đáp;

g) Thông tin về hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Bộ Tư pháp;

h) Các thông tin khác theo sự chỉ đạo hoặc đồng ý của Lãnh đạo Bộ.

Tuỳ theo khả năng và điều kiện cho phép, các thông tin trên đây có thể được chọn lọc để cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp bằng tiếng Anh.

2. Thông tin sử dụng nội bộ bao gồm các thông tin phản ánh toàn diện hoạt động của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, hoạt động của Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo báo cáo, văn bản khác được đưa ra lấy ý kiến nội bộ; các quy chế làm việc, kế hoạch công tác, báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm và báo cáo công tác từng lĩnh vực; công tác thi đua khen thưởng và các thông tin khác phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp.

2.2 Thông qua cơ quan báo  và tạp chí  trong lĩnh vực pháp lý

a. Báo chí thuộc ngành Tư pháp (bao gồm báo in và các trang thông tin điện tử, diễn đàn pháp luật...)

 

STT

Tên báo or Trang thông tin

Điện tứ

Cơ quan chủ quản

Đăng tải dự thảo văn bản qppl

1

Pháp luật Việt nam

Bộ Tư pháp

2

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

3

Pháp luật và xã hội

Sở tư pháp Thành phố Hà Nội

4

Đại học Luật Hà Nội

Bộ Tư pháp

Không có

5

Viện Khoa học Pháp lý

Bộ Tư pháp

Không có

6

Học viện Tư pháp

Bộ Tư pháp

Không có

7

Cục Công nghệ thông tin

Bộ Tư pháp

Không có

8

Nhà xuất bản Tư pháp

Bộ Tư pháp

Không có

(Khảo sát tháng 10 năm 2010)

Pháp luật Việt nam: http://www.phapluatvn.vn/

Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, là kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến quan trọng về pháp luật đến với độc giả và tiếp nhận ý kiến độc giả đối với các hoạt động liên quan đến xây dựng, thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo quy định tại Quyết định số 1242/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Pháp luật Việt Nam,  Báo Pháp luật Việt Nam  là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trong nước và quốc tế; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và công tác tư pháp phục vụ yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu của xã hội về thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và hoạt động của ngành Tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Báo Pháp luật Việt Nam có các nhiệm vụ, quyền hạn chính sau:

-  Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch hoạt động dài hạn, 5 năm và hàng năm của Báo; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp;

-  Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đề án, dự thảo văn bản về tổ chức và hoạt động của Báo; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản khác do Bộ trưởng giao;

-  Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Báo; đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động của Báo sau khi được phê duyệt;

-  Tổ chức biên tập, xuất bản các số báo ngày, số chuyên đề, cuối tháng, báo điện tử và các ấn phẩm khác phù hợp với quy định của pháp luật, tôn chỉ, mục đích, chức năng, kế hoạch đã được phê duyệt và giấy phép hoạt động của Báo do cơ quan có thẩm quyền cấp;

-  Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và hoạt động tư pháp thông qua hoạt động của Báo;

- Phản ánh, hướng dẫn dư luận xã hội; thực hiện diễn đàn trao đổi về hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật, hoạt động tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

-  Phát hiện, nêu gương, cổ vũ các phong trào thi đua, các nhân tố mới, điển hình người tốt, việc tốt, trong đời sống xã hội và trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp theo phương châm “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đề cao ý thức tôn trọng pháp luật, tham gia đấu tranh, phòng chống các vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động tư pháp và đời sống xã hội;

….

Thông quan khảo sát, có thể nhận thấy, Báo Pháp luật Việt Nam có thiết kế  khá phong phú, đa dạng về nội dung. Trong đó có các chuyên mục liên quan đến chủ đề pháp luật và thi hành pháp luật như Tư pháp, chuyên mục Pháp đình với các nội dung : Tin tức sự kiện, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thực tiễn xét xử, hoạt động luạt sư... Trong các chuyên mục này có đăng tải các bài viết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức cá nhân đối với một số vấn đề pháp luật và dự thảo chính sách pháp luật, tin tức về các hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động của tòa án luật sư...

Ngoài ra, trên trang tin điện tử của Báo còn có thiết kế mục Văn bản mới cập nhật bao gồm các văn bản mới được ban hành và các dự thảo đang được lấy ý kiến nhân dân.

Ví dụ: Giao diện ngày 04/11/2010 tại http://www.phapluatvn.vn/ :

               Văn bản mới cập nhât:

               - Dự thảo chế độ cho Thanh niên xung phong

               - Nghiêm cấm ép buộc các khoản đóng góp tự nguyện

           - Dự thảo mới nhất về trợ cấp thất nghiệp

               - 4 đối tượng được miễn học phí đại học và học nghề

               - Luật Bảo hiểm Y tế

 

 

 

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh: http://phapluattp.vn/home.htm

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh không có chuyên mục đăng tải dự thảo các văn bản pháp luật cần lấy ý kiến. Tuy nhiên, báo có mục Tạp chí pháp luật với các nội dung phản ánh ý kiến, một số bài viết của các tác giả có liên quan đến thực tiễn thi hành pháp luật trong một số trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, báo cũng có đăng tải một số ý kiến đóng góp đối với một số dự thảo văn bản (Ví dụ: Ngày 02/11/2010 đăng tải một số ý kiến góp ý của các luật sư liên quan đến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 02-2007 hướng dẫn một số điều của Luật Luật sư).

Ngoài ra, trên trang http://phapluattp.vn/home.htm cũng có thiết kế mục Thăm dò ý kiến với các nội dung liên quan đến các tình huống pháp lý cụ thể. Đây cũng là một kênh nhằm thăm dò ý kiến của độc giả đối với các quy định của pháp luật mà người dân quan tâm. Các nội dung thăm dò ý kiến cũng nhận được khá nhiều ý kiến đánh giá bằng cách lựa chọn phương án trả lời trong hộp cho sẵn.

    

               Ví dụ: Thăm dò ý kiến.(Ngày 4/11/2010)

         

          Theo bạn hiếp người đồng giới hoặc chuyển giới tính có phạm tội?

 

200 (59%)

 

Không

26 (8%)

 

Không xử tội được vì luật mù mờ

50 (15%)

 

Xử tội được nếu tòa sửa cách hiểu về tội hiếp dâm

61 (18%)

 

 

Đánh giá chung:

Nhìn chung, theo kết quả khảo sát các cơ quan báo chí thuộc ngành Tư pháp (bao gồm cả báo in và báo điện tử) cũng đã tham gia và quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân đối với việc xây dựng pháp luật. Việc đăng tải các nội dung thảo luận, góp ý đối với các dự thảo và quy định của pháp luật hiện hành góp phần quan trong trong việc phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với nhân dân và bước đầu đã góp phần giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến này còn ở mức độ hạn chế và hầu hết chưa có chuyên mục đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật (trừ Báo Pháp luật Việt nam có các chuyên mục liên quan). Các dự thảo văn bản được đăng tải trên các báo chưa đầy đủ và thường xuyên.

b.Tạp chí

Hiện nay, tạp chí về pháp luật ở Việt Nam chủ yếu tạp chí sau: Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Luật học, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Toà án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát...

Theo quy định tại Quyết định số 1244/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong thời gian qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã thực hiện khá tốt chức năng nhiệm vụ của mình với tư cách là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi các vấn đề về khoa học pháp lý, thông tin lý luận và nghiệp vụ trong xây dựng và thi pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2010, Tạp chí chưa được đăng tải trên Internet nên chưa phát huy được hết hiệu quả trong việc sử dụng các thông tin đăng tải và hạn chế khả năng tiếp cận của những người quan tâm đến khoa học pháp lý.

          Nhìn chung, qua khảo sát thực tiễn chúng tôi nhận thấy, các tạp chí trong lĩnh vực pháp lý không tham gia trực tiếp vào việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tạp chí lại có vai trò rất quan trọng trong việc đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật trong việc đóng góp vào văn bản quy phạm pháp luật đang được soạn thảo.

          Trong thực tế, khoảng 1-2 tháng trước thời điểm Quốc hội thảo luận, thông qua dự thảo những đạo luật quan trọng (chẳng hạn như Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai v.v.) các tạp chí này đều dành khoảng 1/2 dung lượng để đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật về những vấn đề cần hoàn thiện trong dự thảo các văn bản pháp luật được trình thông qua.

          Có thể nói rằng, tuy không phải là tạp chí chuyên đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chính các tạp chí lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tập hợp ý kiến của nhân dân (mà cụ thể là các chuyên gia) về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 

3. Những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp.

           

Khi góp ý, các ý kiến đóng góp của người dân, các doanh nghiệp không phải luôn được các Ban soạn thảo tiếp thu một cách nghiêm túc, ít có sự tổng hợp, đánh giá các ý kiến góp ý một cách đầy đủ và công khai, chưa có nhiều diễn đàn nhằm thảo luận, phản biện công khai khi có các ý kiến đóng góp khác nhau. Thậm chí, trên thực tế, có trường hợp các cơ quan này tự quyết định có tiếp thu hay không ý kiến của nhân dân vì không có cơ chế kiểm tra, giám sát.

          Khâu phản hồi ý kiến nhân dân là một thủ tục quan trọng thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời, thể hiện mối quan hệ thông tin hai chiều giữa người hỏi và người tư vấn, góp ý. Phản hồi không dừng lại ở  việc cơ quan chức năng thông tin lại hoặc phúc đáp cho các đối tượng được lấy ý kiến về việc tập hợp, tổng hợp và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân, mà quan trọng hơn là giải thích lý do của việc tiếp thu hay không tiếp thu đó.

Tuy nhiên, việc phản hồi ý kiến nhân dân chưa quy định trong các văn bản pháp luật quy định về việc lấy ý kiến nhân dân, dẫn đến tình trạng việc phản hồi phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, các đợt lấy ý kiến rộng rãi, rầm rộ đối với các dự án luật lớn theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì việc tổ chức phản hồi lại rất kém, trong khi có một số cơ quan soạn thảo chủ động tổ chức lấy ý kiến nhân dân thì lại có phương thức trả lời, thông tin việc tiếp thu rất nghiêm chỉnh (như Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh lấy ý kiến về thông qua mạng Vnexpress).

4. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

          Từ quy trình xây dựng pháp luật

          a) Quan niệm về Chương trình xây dựng pháp luật làm cho luật không mang “hơi thở” của cuộc sống, cũng như không xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp hay các nhóm lợi ích. Hơn nữa, quy trình lập Chương trình hiện nay cũng không tạo ra nhiều cơ hội cho nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp được phát biểu quan điểm của mình từ sớm.

          b) Trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, chúng ta không coi trọng hoặc bỏ qua giai đoạn xây dựng chính sách trước khi tiến hành xây dựng văn bản. Trên thực tế, nhiều dự thảo văn bản sau khi hoàn tất dự thảo mới rõ chính sách ở trong đó. Gắn liền với giai đoạn xây dựng và thông qua chính sách, hàng loạt các câu hỏi sẽ phải được giải đáp như: ban hành văn bản pháp luật có phải là giải pháp duy nhất? tác động của chính sách tới kinh tế - xã hội như thế nào? những nhóm người nào được hưởng lợi hoặc chịu ảnh hưởng tiêu cực? và chi phí để triển khai văn bản pháp luật... Một cách tự nhiên, khi tìm lời giải cho những câu hỏi đó đòi hỏi, cơ quan soạn thảo sẽ phải tham vấn những nhà chuyên môn để tính toán, dự báo; lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội...

          c) Trong giai đoạn soạn thảo văn bản, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải “xoay xở” trong khoảng thời gian hạn hẹp để hoàn thành dự thảo. Đặc biệt, đối với các dự án luật, là những văn bản quan trọng nhất đòi hỏi sự tham gia của nhân dân, thì thậm chí cơ quan soạn thảo lại phải rút bớt một số công đoạn quan trọng do Luật định để đảm bảo kịp tiến độ thông qua luật ở các kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, thu hút sự tham gia của nhân dân lại là công việc đòi hỏi thời gian: thời gian cho nhân dân tiếp cận với dự thảo, thời gian để họ nghiên cứu, tìm hiểu; thời gian để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giải trình...

          Từ cơ chế thực hiện

Mặc dù pháp luật đã có quy định về nhiệm vụ của Ban soạn thảo dự án, dự thảo văn bản trong việc lấy ý kiến nhân dân,Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan soạn thảo và cơ chế đảm bảo thi hành quyền của nhân dân, doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức thích hợp để lấy ý kiến, trong khi người dân, doanh nghiệp lại không hiểu quyền của mình, cũng như không biết địa chỉ nào để lấy thông tin về dự thảo, thậm chí họ còn không biết được là có dự thảo để góp ý. Hơn nữa, khi cơ chế lấy ý kiến chưa được thể chế hóa bằng văn bản thì cũng rất khó khăn cho cơ quan soạn thảo trong việc huy động nguồn kinh phí, cũng như dành thời gian tương xứng.

Mặt khác, sự không rõ ràng về cơ chế công khai dự thảo văn bản dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan e ngại và cho rằng dự thảo văn bản là loại tài liệu mật. Điều đó đã làm giảm khả năng tiếp cận đến những văn bản pháp luật đang được xây dựng, từ đó hạn chế sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp vào quá trình soạn thảo, làm cho các nhóm đối tượng không có cơ hội đưa ra ý kiến của mình, việc này là phổ biến đổi với những văn bản dưới luật, pháp lệnh.

Thực tế cũng chứng minh rằng cơ chế không rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện trong tổ chức, phản hồi ý kiến.

          Từ nhận thức của cơ quan nhà nước và nhân dân

- Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa nhận thức được quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Trái lại, thực tế thời gian qua cho thấy những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật và coi đây như một hoạt động vận động hành lang về chính sách của mình, hoạt động này rất phổ biến ở các nước phát triển. Việc quan tâm thường xuyên đến những công việc hàng ngày, trước mắt cũng chính là một đặc điểm chung của doanh nghiệp nhỏ và vừa làm hạn chế sự quan tâm đến việc xây dựng pháp luật của họ.

- Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, không phải của mình. Nhiều doanh nghiệp có thái độ thờ ơ, cho rằng kể cả mình có ý kiến thì cũng không có giá trị gì và mặc nhiên chấp nhận những gì pháp luật áp đặt cho mình, bất kể là những quy định đó không hợp lý. Nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước đã rất quan tâm và mời tham gia ý kiến những doanh nghiệp chỉ tham gia với tính chất đối ngoại, giữ quan hệ mà không quan tâm đến thực chất, không tham gia tích cực và đưa ra các ý kiến có giá trị.

CHUYÊN ĐỀ:

NGUYÊN TẮC VÀ KỸ NĂNG TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỔI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM

Ths. Dương Bạch Long[22]

1. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân

1.1. Quy định về sự tham gia của nhân dân nói chung:

- Hiến pháp 1992 Điều 53 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

          - Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; năm 1996 Quốc hội đã ban hành Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, sau 06 năm thực hiện, Luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008; và năm 2004, Quốc hội khoá XI thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Đây là hai văn bản có giá trị ý nghĩa pháp lý hết sức quan trọng cho việc quy định thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và chính quyền các cấp địa phương.

Tại hai văn bản luật này đều có các quy định về việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; một số trường hợp cần thiết thì tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

- Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 8); Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội (Điều 23); Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc (Điều 23)

- Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 6/12/1999;

- Luật Công đoàn ngày 7/7/1990;

- Nghị định 101/CP ngày 23/9/1997 (Điều 16);

- Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về Kiểm tra và Xử lý VBQPPL;

- Nghị định 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về việc Tổng Liên đoàn lao động VN và đại diện của người sử dụng lao động tham gia với các cơ quan Nhà nước về chính sách, pháp luật và những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động;

- Quyết định số 933/2004/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/07/2004 về nâng cao chất lượng xây dựng chính sách và pháp luật.

- Quyết định 1117/2003/QĐ-BTM ngày 8/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định Dự án, Dự thảo VBQPPL của Bộ Thương mại;

- Quyết định 4278/2004/QĐ-BYT ngày 1/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện VBQPPL về Y tế;

- Quyết định 180/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 21/2/2005 ban hành Quy chế ban hành VBQPPL của Ngân hàng Nhà nước;

- Quyết định 18/2004/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 1/10/2004 ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý VBQPPL về giao thông vận tải;

1.2. Một số văn bản còn quy định riêng về sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình này như:

- Chỉ thị 27/2003/CT-TTg của Thủ tướng CP ngày 11/12/2003 về việc tiếp tục đẩy mạnh Luật Doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;

- Chỉ thị 08/2003/CT-TTg của Thủ tướng CP ngày 4/4/2003 về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp;

- Chỉ thị 28/2001/CT-TTg của Thủ tướng CP ngày 28/11/2001 về việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp;

Ngoài ra, vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng VBQPPL cũng được thể hiện trong các văn bản như:

- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành khi soạn thảo các văn bản pháp luật về kinh doanh nhất thiết phải có ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI (Quyết định 310/TTg ngày 25/06/1993 của Thủ tướng Chính phủ về quan hệ công tác của các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 28/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp).

- Chỉ thị 27/2003/CT-TTg ngày 11/12/2003 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành: "Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến môi trường kinh doanh, đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, phải lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp" và "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh".

- Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 123/QĐ-TTg ngày 12/6/2003 chuẩn y điều lệ của VCCI, trong đó Điều 6 quy định chức năng nhiệm vụ đóng góp xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước, nhằm thực hiện chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: "Tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh".

1.3. Liên quan đến vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học

- Quyết định số 22/2008/QĐ-TTg ngày 30/01/2008 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam.

2. Phân tích về thực trạng các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này.

Nghiên cứu những quy định pháp luật về vấn đề này, chúng ta có thể nhận thấy việc tổ chức lấy ý kiến tham gia được đảm bảo theo một kết cấu, với những thành phần, giai đoạn thực hiện sau đây:

2.1. Căn cứ, cơ sở cho việc tổ chức lấy ý kiến tham gia

Hiện nay, những căn cứ, cơ sở cho việc tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của nhân dân nói chung, của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn nói riêng được pháp luật quy định thông thường bằng công thức: “Tuỳ theo tính chất, nội dung của dự thảo văn bản ..." hay, “Khi xét thấy cần thiết...". Tuy nhiên, những “tính chất, nội dung” và sự “cần thiết” ở các Điều luật đa số lại chưa được quy định cụ thể. Phạm trù “tính chất, nội dung” của văn bản cũng như sự “cần thiết” còn chưa rõ, mang nhiều tính trừu tượng, tuỳ nghi, khó xác định.

Bên cạnh những quy định mang tính tuỳ nghi, trừu tượng đó, cũng có thể thấy một số điều, khoản quy định khá cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn như: tại Điều 30 của Luật năm 2008 có quy định: "Đối với Dự án Luật, Dự án Pháp lệnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tổ chức bộ máy nhà nước, thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi Dự án Luật, Dự án Pháp lệnh đến ..."

2.2. Thời điểm lấy ý kiến tham gia

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia được quy định như sau: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào ..., cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để...”. Với nội dung quy định như vậy, có thể thấy việc tổ chức lấy ý kiến tham gia sẽ được tiến hành trong quá trình xây dựng văn bản. Tuy nhiên, vào thời điểm, giai đoạn cụ thể nào thì lại chưa được làm rõ.

Việc quy định về thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật cụ thể được quy định như sau:

a) Thứ nhất, đối với các dự án luật, pháp lệnh:

+ Thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ  đối với các Dự án Luật, Pháp lệnh. Tại khoản 3, Điều 28 của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 có quy định: “Đối với... không do Chính phủ trình, thì chậm nhất là bốn mươi năm ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội,... có trách nhiệm gửi Dự án, Dự thảo đến Chính phủ để Chính phủ tham gia ý kiến.” Và “Đối với ... không do Chính phủ trình, thì chậm nhất là bốn mươi ngày, trước ngày khai mạc phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ... có trách nhiệm gửi Dự án, Dự thảo đến Chính phủ để Chính phủ tham gia ý kiến.” .

+ Thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân đối với các Dự án Luật, Pháp lệnh. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật, Dự án Pháp lệnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

+ Thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia của Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về các Dự án Luật, Pháp lệnh. Điều 42, 43 Luật năm 2008 quy định: “... Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Dự án Luật phải được gửi đến đại biểu Quốc hội.”; “Khi xét thấy cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi... để lấy ý kiến... chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.”; ngoài ra, Đại biểu Quốc hội còn có quyền bổ sung ý kiến tham gia với các Dự án Luật, Pháp lệnh trong quá trình thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội.

b) Thứ hai, Thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đối với các Dự thảo Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước. Theo quy định của Luật năm 2008, việc quyết định tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các Dự thảo Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước quyết định. Tuy nhiên, về thời điểm của việc tổ chức lấy ý kiến tham gia lại chưa được quy định cụ thể.

c) Thứ ba, thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với các Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ. Việc lấy ý kiến tham gia vào các Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ được quy định tại Luật năm 2008, do cơ quan soạn thảo gửi tới các chủ thể, đối tượng cần lấy ý kiến và Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ đăng tải các Dự thảo này trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet để lấy ý kiến tham gia. Tuy nhiên, về thời điểm cụ thể của việc thực hiện lại chưa được Luật quy định cụ thể.

Ngoài ra, việc tham gia ý kiến đối với các Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ còn tiếp tục được thực hiện tại khâu xem xét, thông qua, cụ thể tại khoản 2, Điều 64 của Luật năm 2008 có quy định: “2. Tại phiên họp của Chính phủ, ...; đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến.”

c) Thứ tư, thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với các Dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Hiện nay, Luật chưa có những quy định cụ thể về thời điểm lấy ý kiến tham gia đối với các Dự thảo Quyết định, Chỉ thị và Thông tư của Bộ trưởng.

e) Thứ năm, thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Việc lấy ý kiến tham gia đối với Dự thảo do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định, song thời điểm tiến hành việc tổ chức lấy ý kiến tham gia chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Ngoài ra, việc lấy ý kiến tham gia đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao còn tiếp tục được thực hiện tại phiên họp thông qua Dự thảo của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao với sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định thời điểm tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc quy định thời điểm lấy ý kiến đối với các loại văn bản này chưa được làm rõ.

2.3. Biện pháp, cách thức lấy ý kiến tham gia:

Luật năm 2008 có quy định chung: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ... cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để ... góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của ... trong phạm vi và hình thức thích hợp”. “Tổ chức lấy ý kiến ... trong phạm vi và với hình thức thích hợp tuỳ theo tính chất và nội dung của từng Dự án, Dự thảo”.

Có thể khẳng định rằng, biện pháp, cách thức lấy ý kiến tham gia là một vấn đề cơ bản, đặc biệt quan trọng trong quy trình tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của việc lấy ý kiến tham gia. Những hình thức, biện pháp lấy ý kiến tham gia thích hợp ở đây được lựa chọn tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của từng loại văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc lấy ý kiến tham gia tựu chung lại được thông qua các hình thức, biện pháp sau đây:

- Gửi Dự thảo văn bản tới cơ quan, tổ chức và cá nhân cần lấy ý kiến tham gia.

- Đăng tải Dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet để lấy ý kiến tham gia.

- Tổ chức Phiên họp, Hội nghị thảo luận để lấy ý kiến tham gia.

2.4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định và phối hợp việc tổ chức lấy ý kiến tham gia:

Để đảm bảo cho việc tổ chức lấy ý kiến tham gia được tiến hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả, vấn đề xác định rõ trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở những căn cứ quy định của pháp luật tiến hành và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lấy ý kiến tham gia là điều cần thiết.

Luật năm 2008 có quy định: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,..., cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản ...". Đây là Điều khoản quy định mang tính khái quát về việc các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm “tạo điều kiện” để các chủ thể, đối tượng theo quy định của pháp luật được quyền tham gia ý kiến.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, cơ quan, tổ chức hữu quan được quy định trong trường hợp này được hiểu là cơ quan cơ quan nào: cơ quan chủ trì soạn thảo? cơ quan thẩm định? cơ quan có thẩm quyền ký ban hành văn bản? hay cơ quan điều phối chung? (bộ phận Văn phòng, tổng hợp), hay là Ban soạn thảo văn bản?...;

Nghiên cứu, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chúng ta có thể liệt kê các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến tham gia như sau:

- Đối với các Dự án Nghị quyết, Luật của Quốc hội, Dự án Nghị quyết, Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: 1) Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến...; 2) Cơ quan soạn thảo (ban soạn thảo) có trách nhiệm gửi Dự án Luật, Dự án Pháp lệnh đến ... để lấy ý kiến.

- Đối với các Dự thảo Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước: Tuỳ theo ... Chủ tịch nước quyết định việc lấy ý kiến ...”

- Văn bản do Chính phủ ban hành:

+ Nghị định của Chính phủ: 1) Cơ quan soạn thảo gửi bản dự thảo tới... để tham gia ý kiến; 2) Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ đăng tải dự thảo Nghị quyết, Nghị định trên... để... tham gia ý kiến; 3) Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

+ Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Việc Dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao cho các đơn vị trực thuộc soạn thảo. Tuy nhiên, về thẩm quyền của cơ quan quyết định việc tổ chức lấy ý kiến tham gia hiện nay chưa được làm rõ, mới chỉ dừng lại ở việc quy định chung: Tuỳ theo... được gửi để lấy ý kiến của...

2.5. Chủ thể, đối tượng của việc lấy ý kiến tham gia.

- Việc tham gia ý kiến vào các văn bản Luật, Pháp lệnh... của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: 1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; 2) Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp tuỳ theo tính chất và nội dung của từng dự án, dự thảo…; 3) Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về: a) Dự án luật; b) Dự án pháp lệnh (khi xét thấy cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi dự án pháp  lệnh để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội…).

- Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia cho Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ và Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: 1) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thành viên trong Ban soạn thảo có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản về những nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác của mình và chịu trách nhiệm về ý kiến đó; 2) Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp tuỳ theo tính chất và nội dung của từng dự thảo; 3) Tuỳ theo ... của dự thảo nghị quyết, nghị định, cơ quan soạn thảo gửi bản dự thảo tới Hội đồng dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tham gia ý kiến; 4) Tuỳ theo... của dự thảo quyết định, chỉ thị, cơ quan soạn thảo gửi lấy ý kiến Hội đồng dân tộc, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.”.

- Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia cho Dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Tuỳ theo ... của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, dự thảo được gửi để lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

- Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia cho Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: 1) Tuỳ theo ... của dự thảo nghị quyết, Chánh án TANDTC quyết định gửi lấy ý kiến VKSNDTC, Bộ Tư pháp, TAND địa phương, TAQS và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan; 2) Dự thảo nghị quyết được thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, có sự tham dự của Viện trưởng VKSNDTC và Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 3) Dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án TANDTC được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thảo luận và cho ý kiến; 4) Tuỳ theo ... của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, Chánh án TANDTC quyết định gửi dự thảo ... để lấy ý kiến của Bộ quốc phòng, Thường trực HĐND cấp tỉnh, TAND địa phương, Toà án quân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan; 5) Dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao được Uỷ ban kiểm sát VKSND tối cao thảo luận và cho ý kiến; 6) Tuỳ theo ... của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, Viện trưởng VKSNDTC quyết định gửi dự thảo ... để lấy ý kiến của TANDTC, Bộ Tư pháp, VKSND địa phương, VKS quân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan...”.

- Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia cho Dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa TANDTC với VKSNDTC; giữa TANDTC, VKSNDTC với Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội: Cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức xây dựng dự thảo văn bản và lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan. Đối với dự thảo... phải được lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thành viên Uỷ ban Kiểm sát VKSNDTC.

- Việc lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân: 1) Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị quyết; 2) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân tại các thôn, làng, ấp, bản, phun, sóc, tổ dân phố về dự thảo nghị quyết...

- Việc lấy ý kiến vào Dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân: 1) Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, chỉ thị; 2) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân tại các thôn, làng, ấp, bản, phun, sóc, tổ dân phố ...”.

2.6. Nội dung cần lấy ý kiến tham gia.

Thông thường một văn bản quy phạm pháp luật đều có những quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Trên cơ sở đó mà tiếp tục phát triển thành các Chương điều, với những nội dung tương ứng về những vấn đề mà văn bản cần quy định. Việc lấy ý kiến tham gia có thể căn cứ theo nội dung của những quy định này để tổ chức lấy ý kiến cho phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành việc lấy ý kiến tham gia với nội dung lấy ý kiến là toàn bộ những quy định của Dự thảo văn bản hay là từng phần quy định, cũng có thể là những vấn đề lớn còn nhiều tranh luận được cơ quan soạn thảo tổng hợp, định hướng để các chủ thể, đối tượng tham gia góp ý kiến?.

Hiện nay, các quy định của pháp luật về việc lấy ý kiến tham gia đều có những quy định chung theo công thức: tổ chức lấy ý kiến của các ... trong phạm vi và với hình thức thích hợp tuỳ theo tính chất và nội dung của từng dự án, dự thảo... Tuy nhiên, những nội dung cụ thể của việc lấy ý kiến tham gia ở đây là gì, cần được bóc tách từng mảng nội dung, hay giữ nguyên toàn bộ nội dung của Dự thảo để lấy ý kiến tham gia với từng loại chủ thể, đối tượng thì chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Có thể thấy, trong trường hợp một văn bản với đối tượng, phạm vi điều chỉnh chỉ liên quan đến một lĩnh vực, một nhóm đối tượng cụ thể thì việc tổ chức lấy ý kiến tham gia sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, một văn bản có đối tượng, phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, có liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng cần điều chỉnh khác nhau thì việc tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với các nội dung sẽ phải tiến hành ra sao? Vì nếu chuyển tất cả các nội dung của Dự thảo văn bản để xin ý kiến tham gia mà có những nội dung chủ thể, đối tượng được lấy ý kiến không nắm rõ, không hiểu thì chắc chắn hiệu quả của việc lấy ý kiến không cao, không tập trung vấn đề. Do đó, việc quy định cụ thể về nội dung lấy ý kiến tham gia, với sự bóc tách từng nội dung vấn đề để lấy ý kiến tham gia với những chủ thể, đối tượng tương ứng sẽ đảm bảo thu được hiệu quả cao trong việc lấy ý kiến tham gia. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý rằng giữa các nội dung trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng có những mối liên hệ nhất định. Sẽ không thể tồn tại việc, trong cùng một văn bản lại điều chỉnh các lĩnh vực, vấn đề hoàn toàn khác biệt. Do đó, sự bóc tách từng nội dung vấn đề để lấy ý kiến tham gia với những chủ thể, đối tượng tham gia tương ứng chỉ là tương đối. Nếu cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức việc lấy ý kiến tham gia, quá nghiêng về việc bóc tách nội dung, tiến hành việc lấy ý kiến tham gia độc lập từng nội dung vấn đề với từng loại chủ thể, đối tượng riêng rẽ, theo chúng tôi sẽ không đảm bảo cho yêu cầu đề ra.

2.7. Việc tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến tham gia.

Có thể nói, đây là công đoạn cuối cùng của việc tổ chức lấy ý kiến tham gia; là việc các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến tiến hành việc tổng hợp, phân loại ý kiến để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua.

 Luật năm 2008 có quy định: “3. Ý  kiến tham gia về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản.” Với việc quy định như vậy, cho chúng ta thấy trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản là cần phải tiến hành nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tham gia của các chủ thể, đối tượng có liên quan gửi về. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tham gia như thế nào thì lại chưa được pháp luật quy định làm rõ. Trong trường hợp, giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan, tổ chức và cá nhân có ý kiến khác nhau về nội dung của Dự thảo văn bản thì sẽ phải tiến hành giải quyết ra sao? Trong trường hợp đó, nếu nội dung tham gia ý kiến của các chủ thể, đối tượng là không có căn cứ cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tế áp dụng thì còn có thể dễ dàng giải quyết; nhưng với trường hợp, ý kiến tham gia là đúng, là chính xác nhưng vì lý do cục bộ nên cơ quan soạn thảo không tiếp thu, chỉnh lý thì sẽ phải giải quyết như thế nào?...

Về vấn đề này, tại Điều 38 của Luật năm 2008 có quy định: “Việc tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết theo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, Đại biểu Quốc hội trình Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và tổ chức việc chỉnh lý Dự án. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, Đại biểu Quốc hội trình Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết có ý kiến khác với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”.

3. Đánh giá, nhận xét chung về thực trạng pháp luật huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn vào xây dựng pháp luật.

Từ những quy định nêu trên có thể rút ra một số kết luận về thực trạng pháp luật liên quan đến việc huy động sự tham gia của nhân dân, các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn vào xây dựng pháp luật như sau:

3.1. Những quy định hiện hành mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc về quyền được hỏi ý kiến của người dân nhưng chưa có cơ chế thích hợp ràng buộc cơ quan Nhà nước thực hiện những quyền đó.

3.2. Những quy định hiện hành chỉ mới dừng ở mức khuôn mẫu chung: "Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo văn bản mà cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lấy ý kiến tham gia...; thậm chí chỉ là: Trong trường hợp cần thiết... tổ chức việc lấy ý kiến tham gia" cho việc áp dụng với tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật mà không có những quy định cụ thể cho từng loại văn bản quy phạm pháp luật, ở Trung ương và địa phương.

3.3. Chưa có sự phân loại đối tượng lấy ý kiến, chủ đề tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật

Chưa có sự phân loại thành các nhóm đối tượng để làm rõ sự cần thiết của việc tổ chức lấy ý kiến tham gia với những cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể. Đặc biệt là những quy định về các chủ thể tham gia ý kiến “đặc thù” như: các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, nhân dân và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Những quy định mang tính khái quát, công thức chung cho mọi trường hợp áp dụng thực hiện, dường như sẽ rất khó triển khai, cũng như khó đảm bảo yêu cầu về mặt hiệu quả của vấn đề.

          II. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN VÀ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC VÀO QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

          1. Các hình thức, phương thức tham gia

          Xét tổng thể, sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian qua tập trung vào các hình thức chủ yếu:

          1.1. Lấy ý kiến rộng rãi

Trong thời gian qua, một số dự án được tổ chức lấy ý kiến theo cách này như: Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, Bộ luật lao động, Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật đất đai năm 1993, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Việc nghiên cứu, phân tích các số liệu về tập hợp, tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy, số lượng các ý kiến góp ý là lớn hơn so với các hình thức khác. Chất lượng các ý kiến góp ý tuy không cao bằng việc tổ chức lấy ý kiến chuyên sâu theo lĩnh vực (thể hiện ở tỷ lệ số ý kiến được tiếp thu chỉnh lý trong các dự án luật, pháp lệnh), nhưng các ý kiến góp ý lại xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, của các địa phương, các cơ quan, tổ chức trong toàn quốc.

      Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo hình thức này phần nào đã đạt được hai mục đích quan trọng, đó là:

- Phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của toàn dân, góp phần bảo đảm tính khả thi và hiệu lực của văn bản sau khi được ban hành.

- Tuyên truyền pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm của công dân. Có thể thấy rằng hiệu quả về vấn đề này đạt được tương đối tốt như đối với việc lấy ý kiến về Hiến pháp hoặc lấy ý kiến về Bộ luật dân sự.

Bên cạnh những hiệu quả đã được thì hình thức này có một hạn chế cơ bản đó là tốn kém. Tổng kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được trích từ ngân sách của các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành ở trung ương và địa phương là một khoản khá lớn. Các cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương phải dành khá nhiều thời gian cho việc tổ chức lấy ý kiến, việc tập hợp, tổng hợp, phân tích, đánh giá các ý kiến góp ý nhưng hiệu quả thực tế còn khá hạn chế.

          1.2. Lấy ý kiến ở địa phương

          Việc tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương gồm hai loại:

          a) Tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản của Trung ương. Hoạt động này  diễn ra theo nhiều cấp độ: nằm trong khuôn khổ Kế hoạch lấy ý kiến toàn quốc đối với một dự án luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho lấy ý kiến, hoặc là văn bản do Bộ, ngành ở Trung ương tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành.

          b) Tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản của địa phương.

          Tại thời điểm trước khi Luật ban hành văn bản QPPL ở địa phương được ban hành, các địa phương đã có văn bản quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có các nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến của nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

          Ví dụ như Quy chế làm việc của UBND thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 980/QĐ-UB ngày 25/6/1993) quy định dự thảo văn bản trước khi trình UBND thành phố ban hành phải được gửi lấy ý kiến của các ngành, đoàn thể có liên quan.

          Chỉ thị số 27/2001/CT-UB của UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/9/2001 về công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL trên địa bàn thành phố có qui định: “Đối với những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, liên quan đến các cá nhân do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố trực tiếp vận động (các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, công thương gia, những người tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân trong nước), liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, thì phải gửi dự thảo văn bản cho UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố ít nhất trước 15 ngày để tham gia ý kiến.”

          Phương pháp lấy ý kiến chủ yếu là sử dụng phương pháp góp ý bằng văn bản và tổ chức hội nghị góp ý, chủ yếu là chỉ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, chỉ một số ít văn bản lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, thành phố.

          Đồng thời, chỉ có một số ít văn bản ở địa phương, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu Hội liên hiệp khoa học, kỹ thuật thành phản biện đối với dự thảo Quy chế quản lý người lao động tạm trú trên địa bàn thành phố. 

          Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/4/2005, tuy nhiên, nội dung lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản là một quy định mới, đồng thời chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, nội dung, phạm vi, thể thức, thời gian lấy ý kiến của nhân dân nêu hầu như chưa được các cơ quan chủ trì soạn thảo triển khai.

          1.3. Lấy ý kiến các Bộ, ngành

          Hiện nay, các Bộ, ngành được lấy ý kiến gồm 3 loại:

          - Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm phát biểu về điều kiện đảm bảo thực thi Luật như Bộ Tài chính có ý kiến về các vấn đề tài chính, Bộ Nội vụ có ý kiến về tổ chức, Bộ Tư pháp có ý kiến về các vấn đề pháp lý như tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo trong hệ thống pháp luật hiện hành.

          - Các Bộ, ngành quản lý các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nội dung dự thảo. Các Bộ, ngành này đều có thành viên tham gia Ban soạn thảo và được tiếp cận với văn bản từ sớm.

          - Các Bộ, ngành khác: được tiếp xúc và góp ý bằng văn bản đối với dự thảo luật sau khi Văn phòng Chính phủ, cơ quan soạn thảo tổ chức cuộc họp chính thức để lấy ý kiến.

          1.4. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp

Việc huy động doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua ở Việt Nam đã có những chuyển biến và kết quả khả quan:

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật, không chỉ là quyết tâm chính trị mà đã từng bước được "luật hoá", điển hình là Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 1996 (được sửa đổi năm 2008).

- Đang có bước chuyển biến liên tục, với mức độ ngày càng cao hơn trong nhận thức, hành động của cơ quan nhà nước về vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật. Đây là một tín hiệu lạc quan, nhất là khi đối chiếu với lịch sử của vấn đề này. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc cần lấy ý kiến của doanh nghiệp nên cũng đã áp dụng một số hình thức khác nhau để lấy ý kiến, ví dụ như tổ chức hội nghị, hội thảo tổng kết thực tiễn hoặc thảo luận về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên phương tiện thông tin đại chúng. Trong số đó có những cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế đã thể hiện nhiều yếu tố tích cực tạo nên sự trao đổi thông tin đa chiều giữa những người tham gia, vừa nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp, vừa qua đó nhằm giới thiệu quan điểm chính sách của các cơ quan nhà nước đồng thời là một môi trường tốt để cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp học hỏi được kinh nghiệm của quốc tế.

- Nhà nước đã có những biện pháp cụ thể, tích cực để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, đã có những văn bản pháp luật nêu rõ vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng VBQPPL .

- Các doanh nghiệp cũng từng bước tích cực tham gia vào công tác xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật với tư cách một chủ thể có liên quan được quyền tham gia xây dựng theo quy định của pháp luật. Sự tham gia của doanh nghiệp thể hiện tích cực ngay từ khâu nêu những khó khăn, trao đổi trực tiếp với các cơ quan Nhà nước nhằm kiến nghị những giải pháp. Tại nhiều diễn đàn, đặc biệt là những buổi đối thoại trực tiếp giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp đã có những kiến nghị hết sức cụ thể về việc điều chỉnh hoặc xây dựng chính sách, pháp luật, là cơ sở để các cơ quan Nhà nước kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Các diễn đàn, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng được nâng cao, trong đó cơ quan soạn thảo hoặc trực tiếp hoặc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp khác.

- Hiệp hội doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức đại diện cho một nhóm quyền lợi chung của doanh nghiệp cũng ngày càng phát huy được vai trò của mình trong công tác xây dựng pháp luật. Trên thực tế cũng đã có nhiều Hiệp hội đã có những kiến nghị cụ thể và hiệu quả về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như Hiệp hội Dệt - May Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, Hiệp hội xây dựng Việt Nam trong công tác thanh tra xây dựng cơ bản, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam trong công tác đấu tranh chống hàng giả v.v… Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng là một tổ chức có đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật với nhiều hình thức khác nhau (tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn; thiết lập trang web về xây dựng pháp luật …) đã tổng hợp và chuyển đến các cơ quan soạn thảo nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp vào các dự thảo văn bản pháp luật và dần trở thành một nguồn thông tin, ý kiến quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là những văn bản luật, pháp lệnh.

- Một số văn bản quy phạm pháp luật đã có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp trong suốt quá trình soạn thảo và triển khai thực hiện. Các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp thời gian qua cũng có những tác động ngày càng tích cực, được thể hiện qua chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Doanh nghiệp 1999 được xem là một điển hình. Từ Ban soạn thảo Luật có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp cho đến các lần góp ý dự thảo Luật đều được lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp trên khắp cả nước, có tổng kết và tiếp thu nghiêm túc. Sau hơn năm năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp 1999 được coi là một thành công mang tính đột phá. Theo quan sát thì Dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Dự án Luật đầu tư chung là những bước tiến mới theo hướng này.

          1.5. Huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học

          Những kết quả nghiên cứu và điều tra xã hội học dưới đây cho thấy thực tiễn vận hành các hình thức huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và tác động của các hình thức đó lên thực tế xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam trong thời gian qua như sau:

          - Thẩm bình chính sách, pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

          Trong thời đại thông tin, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trở thành một quyền lực to lớn trong xã hội. Nước ta có trên dưới 600 tờ báo, tạp chí, khoảng 200 nhà xuất bản, các hãng truyền tin, truyền hình trung ương và các đài địa phương (gọi tắt là cơ quan thông tin đại chúng). Do thiếu vắng tự do báo chí tư nhân và báo chí trung lập với Chính phủ, hầu hết các cơ quan thông tin đại chúng này đều trực thuộc các bộ, ngành, trực thuộc các tổ chức hành chính các cấp hoặc các tổ chức chính trị, chính trị xã hội từ trung ương tới địa phương: báo chí đều có cơ quan chủ quản. Việc các cơ quan này trước hết phải đại diện cho  quyền lợi của các cơ quan nhà nước là điều dễ hiểu.

          Tuy nhiên một thực tiễn khác cũng đã xuất hiện. Do kinh phí nhà nước và sự bao cấp về cơ sở vật chất đối với các tổ chức truyền tin dường như ngày càng có giới hạn, thêm nữa ngày càng có một sự tự do nhất định trong việc tổ chức các hoạt động sự nghiệp có thu (gần như kinh doanh), không thể phủ nhận được rằng các tổ chức này ngày càng có được một sự tự do hạn chế trong việc thẩm bình chính sách. Không hiếm khi báo chí đăng tải vô số ý kiến đa chiều về những vấn đề mà công chúng quan tâm (xem các tranh luận liên quan đến Dự án thuỷ điện Sơn La, Đồi Vọng Cảnh, Đường hầm Thủ Thiêm, đến cải cách giáo dục, đến lương bổng cho công chức, nhà công vụ, cổ phần hoá và vô số vấn đề khác). Nhiều tờ báo, tạp chí, tờ tin đã nghiêng hẳn về bảo vệ lợi ích của bạn đọc, hơn là bảo vệ và tuyên truyền lợi ích của cơ quan nhà nước (vụ nhà báo Lan Anh của báo Tuổi trẻ và bản công văn mật của Bộ y tế liên quan đến thanh tra công ty Zuellig là một ví dụ).

          Tham gia thẩm bình chính sách trên những kênh truyền tin đó, các nhà khoa học cung cấp thông tin và góp một phần to lớn định hướng dư luận. Đó thường là bước đi đầu tiên tiến tới nhận diện chính sách.

          -  Tư vấn cho các nhóm lợi ích, tư vấn cho các hiệp hội.

Theo số liệu của Vụ tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, nước ta có khoảng 300 hiệp hội đã đăng kí hoạt động toàn quốc, ngoài ra có vô số hiệp hội khu vực và địa phương. Hiệp hội thực ra là cách người dân tập hợp sức mạnh và đề đạt nguyện ước của mình. Thiếu quyền lập hội thì từng người dân sẽ vô cùng nhỏ bé và yếu ớt trước quyền lực công khổng lồ của nhà nước. Các hiệp hội chính là nguồn quan trọng nhất giúp các cơ quan chính phủ nhận biết sự cần thiết của chính sách từ những bức bách của cử tri, ví dụ xoá bỏ đặc lợi xe công hay nhà công vụ cho quan chức.

Khác với đảng phái chính trị, do không tranh cử và mưu cầu cầm quyền, hiệp hội chỉ bày tỏ ý dân thông qua các biện pháp thuyết phục và vận động công chức, nhất là công chức lãnh đạo cấp vụ trong các bộ/ngành. Bằng cách "hô thần nhập tượng", họ làm cho quan chức hiểu nhu cầu và lợi ích của chính sách, từ đó quan chức đề xuất chính sách pháp luật. Đó là bước thứ hai của lập pháp.

Hiệp hội dân sự của nước ta hiện nay rất yếu ớt, chưa biết cách tổ chức gây quỹ và càng chưa biết cách gây ảnh hưởng chính trị đối với quan chức. Không hiếm hiệp hội do cơ quan nhà nước tài trợ, cung cấp kinh phí và cơ sở vật chất; khi đó hiệp hội hoạt động na ná như các thiết chế quốc doanh khác. Lãnh đạo các cơ quan hiệp hội đôi khi có cách hành xử chẳng khác công chức. Trong số các hiệp hội hưởng ngân sách, phải kể đến các hiệp hội của giới hoạt động khoa học. Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam hàng năm vấn nhận kinh phí ngân sách từ Bộ KH&CN; các hội thành viên vấn gắn liền với các bộ/ngành tương ứng; tiếng nói độc lập của họ chưa thể dễ dàng có được. Bởi vậy, hiếm khi các hiệp hội đề xuất được chính sách hoặc pháp luật, ngược lại dường như họ chỉ tham gia lập pháp, nếu được các cơ quan hành chính yêu cầu và tạo điều kiện. Vận động hành lang chưa thể xuất hiện khi thiếu vắng các hiệp hội dân sự đủ mạnh. Vai trò tư vấn của chuyên gia/nhà khoa học trong quá trình này dường như mới chỉ là các hiện tượng đơn lẻ, mà chưa thành một dịch vụ phổ biến.

          -  Tư vấn cho các đại biểu Quốc hội.

          Tuy đã có có 120 đại biểu hoạt động chuyên trách và rất nhiều cách tân trong sự vận hành thiết chế nghị viện, song có thể khẳng định 498 nghị sĩ Quốc hội nước ta hoạt động chưa chuyên nghiệp, chưa dành hết thời gian, tâm huyết để hành nghề dân biểu của mình. Còn rất nhiều đại biểu Quốc hội là quan chức Chính phủ, là cán bộ, công chức hoạt động trong bộ máy công quyền. Mỗi nghị sĩ chưa có văn phòng dân biểu riêng, chưa có thư kí và bộ máy giúp việc riêng, phụ cấp và thẩm quyền cho nghị sĩ chưa đủ lớn để họ phải quan tâm đến lợi ích cử tri cũng như gây sức ép đáng kể đối với giới chức hành chính và tư pháp. Họ sinh hoạt theo các đoàn đại biểu theo địa giới hành chính các tỉnh, một số ít tham gia các uỷ ban của Quốc hội16.

          Vì không hành nghề dân biểu và gắn chặt cuộc đời đại biểu của mình với một hạt bầu cử, thành ra đại biểu không lo lắng giữ lá phiếu của cử tri nơi mình đã được bầu (vì lần bầu cử sau họ có thể không được cơ cấu vào Quốc hội, càng có thể không được xếp vào hạt bầu cử cũ). Họ bỏ phiếu vì trách nhiệm đại biểu Quốc hội, chứ không vì lo lắng sẽ mất phiếu trong kỳ bầu cử tới. Đây là điểm hạt nhân làm cho thể chế chúng ta xa với tiếng vọng của lòng dân.

          Vì không lo mất phiếu của cử tri trong hạt bầu cử cũ, họ cũng không quá lo lắng trước các lần ấn nút thông qua chính sách, pháp luật. Nhu cầu tư vấn chưa xuất hiện, và không ngạc nhiên, dường như rất hy hữu đại biểu Quốc hội nước ta bỏ tiền túi ra tham vấn các chuyên gia hoặc nhà khoa học trước khi phát biểu hoặc biểu quyết các chính sách trên nghị trường.

          Việc các nhà khoa học tư vấn cho đại biểu sẽ khó có thể diễn ra nếu không có những thay đổi tận gốc rễ chế độ đại diện nhân dân hiện hành.

          - Tham gia các ban soạn thảo xây dựng chính sách, pháp luật.

Các ban soạn thảo các đạo luật quan trọng đều do lãnh đạp cấp bộ đứng đầu với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp vụ của nhiều bộ ngành khác. Dường như người ta quan tâm đến sự hài hoà lợi ích giữa các bộ trong xây dựng chính sách và pháp luật. Hy hữu mới có sự tham gia của các hiệp hội dân sự và đối tượng chịu sự điều chỉnh của các đạo luật này trong các ban soạn thảo.

          Với thành phần như trên, những người tham gia các ban soạn luật thời nay có thể là các nhà khoa học/chuyên gia hàng đầu, song họ đại diện cho lợi ích của các bộ/ngành đã tiến cử họ. Vai trò của chuyên gia độc lập trong các ban soạn thảo chính sách, pháp luật rất mờ nhạt17.

          - Phản biện độc lập chính sách, pháp luật.

Trong quá trình lấy ý kiến cho dự án pháp luật hiện nay, các nhà khoa học/chuyên gia thường được yêu cầu cho ý kiến. Các ý kiến đó có thể được trưng cầu một cách cá nhân hoặc thông qua tổ chức, đoàn thể. Song như đã bình luận, việc tập hợp, tổng hợp chưa có quy trình khách quan18. Việc này hiện thời được giao cho Văn phòng Quốc hội. Việc tiếp thu và phản hồi các ý kiến đó cũng chưa thật rõ ràng. Trong quy trình soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật vẫn chưa có một quy định và sự khẳng định một cách rõ ràng về giá trị tham khảo của các loại ý kiến của các chính giới - điều lẽ ra cần quy định trong Luật về trình tự và thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Dường như trí tuệ của người Việt thì vô tận, mà tầm nhìn, hiểu biết và khả năng chọn lọc của những người làm công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân, trong đó có ý kiến của các nhà khoa học thì có hạn; vô vàn sáng ý của nhân dân từ nhiều thập kỷ nay đã rơi vãi đi trong quên lãng.

Thực ra, công việc, song phản biện chính sách đã bắt đầu được Liên hiệp các hội KH&KT và các hội thành viên tiến hành; có những phản biện khá gay gắt (ví dụ Dự án Thuỷ điện Sơn La)19. Phản biện mang tính cá nhân của các nhà khoa học cho các dự án pháp luật hầu như chưa xuất hiện. Tiếp đến là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong thời gian gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có nhiều cố gắng tổ chức các hoạt động này nhân dịp có những văn bản pháp luật mới về kinh tế, song vẫn có thể khẳng định rằng, việc lấy ý kiến này vẫn chưa tỏ ra là thực chất và đặc biệt đáng buồn là những ý kiến khách quan và phù hợp, đôi khi không được các ban soạn thảo tham khảo một cách nghiêm túc.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các chuyên gia pháp lý còn ở mức khá khiêm tốn. Chúng tôi cho rằng, các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý ở Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều tiếng nói độc lập trong khoa học pháp lý, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao chất lượng hoạch định chính sách và hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, những tiếng nói khoa học, độc lập và mang tính phản biện đường lối, chính sách pháp lý và hoạt động xây dựng pháp luật còn khá lạc lõng. Tại các diễn đàn khoa học, sự e ngại và thiếu bản lĩnh của các chuyên gia vẫn là không khí "khoa học" thường thấy. Những hiện tượng này đặc biệt xuất hiện ở những chuyên gia đang có một vị trí nhất định trong bộ máy quản lý nhà nước hay trong bộ máy lập pháp. Có lẽ vì những lý do cơm áo gạo tiền và động cơ thăng tiến mà đôi khi họ không dám có cái tôi trong những tranh luận khoa học. Đây cũng là bối cảnh để xem xét xác định thế nào là chuyên gia, là nhà khoa học được coi là đối tượng để "huy động" vào việc tham gia xây dựng pháp luật với tính cách là chuyên gia độc lập. Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân là những người có ý kiến tham gia với các dự thảo luật nhiều khi chưa phải là các chuyên gia và chuyên gia trong lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của văn bản luật. Thêm vào đó, sự tham khảo các ý kiến nghiệp vụ và khoa học của chuyên gia từ phía các Ban soạn thảo còn bị ngăn cản bởi những chỉ đạo và định hướng từ phía quyền lực chính trị. Vì vậy, hình thức tham gia của các chuyên gia vào quá trình xây dựng và ban hành pháp luật còn hạn chế.

          - Bình luận khoa học các chính sách, pháp luật.

          Nếu hiểu lập pháp theo nghĩa rộng, bao gồm cả công đoạn thẩm bình chính sách hiện hành, sáng tạo học lí và phát triển pháp luật, thì nhà khoa học/chuyên gia; nhất là các chuyên gia phân tích chính sách và pháp luật có thể đóng góp một phần rất đáng kể trong công đoạn này. Các sách bình luận khoa học, các tổng kết kinh nghiệm tốt (best practice), các sách hướng dẫn… đều có thể góp phần phát hiện khuyết tật của chính sách hiện hành và tạo dư luận cho những đề đạt chính sách mới.

          Tuy nhiên, trong thực tế, Báo Nhân dân chỉ đăng tải khi đã có kế hoạch lấy ý kiến chính thức, chứ không tự ý đăng tải và cũng không chủ động liên hệ với các Ban soạn thảo để thực hiện việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Báo nhân dân chủ yếu chỉ đăng tải dự thảo những văn bản pháp luật quan trọng, chủ yếu là Hiến pháp, các đạo luật lớn, quan trọng trong hệ thống pháp luật nhất là Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Các loại văn bản quy phạm pháp luật khác trong đó có dự thảo các Pháp lệnh, dự thảo các văn bản do Chính phủ hoặc cấp thấp hơn ban hành chưa bao giờ được đăng tải.

          Việc đăng tải dự thảo trên Báo Nhân dân là công việc tương đối tốn kém. Theo thông tin từ phía ông Nguyễn Chí Dũng - Văn Phòng Quốc hội, thì một lần đăng tải Dự thảo Luật Đất đai năm 2003 trên Báo Nhân Dân, chỉ riêng tiền in ấn dự thảo trên Báo Nhân Dân nhà nước đã phải bỏ ra mất 1,5 tỷ đồng.

          - Về việc đăng tải ý kiến đóng góp của người dân

          Tuy Báo Nhân Dân là tờ báo duy nhất ở Việt Nam cho đến nay được giao nhiệm vụ đăng tải dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến, nhưng trong suốt thời gian lấy ý kiến, Báo Nhân dân hầu như không thiết kế những chuyên mục riêng để đăng tải công khai ý kiến đóng góp của người dân vào dự thảo văn bản. Có thể, lý do của việc không đăng tải này là do dung lượng của tờ báo rất có hạn, nhiều bản tin quan trọng hơn cần phải được đăng tải trên tờ báo này.

          Thời gian qua, nhân dịp Nhà nước tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), một số tờ báo khác, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam đã có chuyên mục riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp trên báo Pháp luật Việt Nam cũng chủ yếu là các ý kiến của các luật gia, các nhà chuyên môn chứ không phải là ý kiến của đại đa số người dân.

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề:

THỰC TRẠNG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN

NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

 

Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1,

Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

                   

 

I. MỘI SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

          1. Sự cần thiết và ý nghĩa của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là hoạt động đưa những nội dung quyết định trong các bản án, quyết định của Toà án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác do pháp luật quy định thực hiện trong thực tế để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân. Hoạt động thi hành án được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì các quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân được bảo đảm trong thực tế, quy tắc xã hội được tôn trọng, pháp luật được thực thi, quản lý của Nhà nước đối với xã hội được chặt chẽ.

          Hoạt động thi hành án dân sự tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các đương sự, nên việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng.

          1.1. Góp phần bảo đảm quyền lợi của các đương sự tham gia vào hoạt động thi hành án

  Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Trong quá trình thi hành án, các đương sự, cá nhân, tổ chức có quyền thông tin, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chính các ý kiến của nhân dân phản ánh về công tác thi hành án dân sự mà các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát huy kết quả đã đạt được để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

1.2. Là một trong những căn cứ đánh giá kết quả của công tác thi hành án dân sự, công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về thi hành án, nâng cao chất lượng xét xử của Toà án

 Thông qua công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân, các cơ quan ban hành pháp luật, quản lý nhà nước đánh giá được hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về thi hành án và nghiên cứu, bổ sung biện pháp thi hành án thích hợp, đồng thời trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác thi hành án, công tác xét xử của Toà án, hạn chế những bản án có nội dung không phù hợp với thực tế, án tuyên không rõ, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

2. Các quy định hiện hành về việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Về cơ sở pháp lý, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào riêng biệt, có tính chất là văn bản chuyên ngành về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thông qua các quy định về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức việc thi hành án dân sự, thì có thể nhận thấy công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thể hiện rải rác tại nhiều điều khoản trong các văn bản quy phạm sau đây:

2.1. Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009).

2.2. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

2.3. Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự.

2.4. Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP ngày 21/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp.

2.5. Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Bộ Tư pháp.

2.6. Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự .

2.7. Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 08/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

2.8. Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự.

2.9. Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

2.10. Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành Thi hành án dân sự.

3. Các hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

          Do đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự vừa có tính chủ động thi hành án từ phía cơ quan thi hành án dân sự (đối với việc thi hành án thuộc loại Thủ trưởng cơ quan thi hành án chu động ra quyết định thi hành án) vừa có tính phụ thuộc vào yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án (đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu); mặt khác thủ tục thi hành án dân sự có nhiều bước thực hiện, với sự tham gia của nhiều người, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự, kể cả Nhà nước, nhất là khi phải cưỡng chế thi hành án dân sự. Do đó, hoạt động thi hành án trong nhiều trường hợp “va chạm”, ảnh hưởng trực tiếp của đến nhiều đối tượng, từ người phải thi hành án, người được thi hành án đến các cơ quan, tổ chức hữu quan, từ địa phương đến trung ương, từ cơ quan chuyên môn đến cơ quan thông tin đại chúng, từ người dân đến Đại biều Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân v.v. Do vậy, hình thức phản ánh ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất đa dang. Có thể nêu ra những hình thức chủ yếu sau đây:

          3.1. Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện quyền yêu cầu thi hành án

          Yêu cầu thi hành án là quyền của người được thi hành án và người phải thi hành án được quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại hoặc Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

          Người yêu cầu thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức là nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự, gửi đơn qua đường bưu điện. Từ việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án mà đương sự thể hiện ý chí được bảo đảm quyền lợi của mình, như: được nhận tiền, tài sản theo bản án, quyết định; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; được tự nguyện thi hành án (thực tế cho thấy trong các đợt đặc xá, nhiều trường hợp người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tiền thi hành án để được xét đặc xá, mặc dù vụ việc đó người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án hoặc bản án đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự); miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án v.v.

          Trong trường hợp nhất định, khi thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, người được thi hành án có quyền làm đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án, nhưng phải kèm theo các tài liệu chứng minh do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn.

          Hình thức phản ánh ý kiến này mang nặng tính chất chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự, nhưng lại thường xuyên được thực hiện trong hoạt động thi hành án dân sự và góp phần lớn nhất, quan trọng nhất để bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, của các đương sự tham gia vào quá trình thi hành án dân sự.

          3.2. Phản ánh ý kiến thông qua thực hiện việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

          Có thể nói, đây là hình thức phản ánh ý kiến trực tiếp nhất, rõ ràng nhất, nổi cộm nhất và bức xúc nhất trong công tác thi hành án dân sự ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khiếu nại về tổ chức việc thi hành án dân sự. Có lẽ vì thế mà pháp luật có quy định riêng, đặc thù về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại các điều từ Điều 140 đến Điều 159 Luật Thi hành án dân sự 2008, có rất nhiều điểm khác biệt so với Luật Khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định, thì đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Người khiếu nại, người tố cáo có các quyền, nghĩa vụ do luật định, như: tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có; được yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình và được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù;  trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật). Người bị khiếu nại, bị tố cáo cũng có quyền, nghĩa vụ nhất định, như: được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được thông báo về nội dung tố cáo; đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật; giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Các cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

          3.4. Phản ánh kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân

          Khoản 1 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật”. Đây là một kênh phản ánh ý kiến nhân dân rất có tác dụng đối với hoạt động thi hành án dân sự.

          Với vai trò là đại biểu của nhân dân, các Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan thi hành án báo cáo công tác thi hành án dân sự, trong đó nêu rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhiều trường hợp, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự trả lời chất vấn, kiến nghị của cử tri đối với công tác thi  hành án dân sự.

          Mặt khác, thông qua công tác kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự mà Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thi hành án dân sự đã quy định, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện việc kiểm sát định kỳ, kiểm sát vụ việc thi hành án dân sự. Nhiều trường hợp, trên cơ sở kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hoạt động thi hành án dân sự đến Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát đã tiến hành hoạt động kiểm sát đối với cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên về hoạt động đó.

          3.5. Phản ánh thông qua các phương tiện thông tin truyền thông

          Đây là hình thức phản ánh ý kiến của nhân dân đối với lĩnh vực thi hành án công khai, rộng rãi. Các cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là cơ quan báo chí, với nhiều loại hình, nhiều hình thức phản ánh, kiến nghị, từ vấn đề chung đến các lĩnh vực, vụ việc thi hành án dân sự cụ thể để cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan xét xử, kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự biết thêm sự đánh giá của dư luận đối với hoạt động thi hành án dân sự, đồng thời cũng là phương tiện quan trọng tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Do đó, phải được chú trọng trong khâu tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự thông qua phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông.

          4. Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tùy loại việc, hình thức, cá nhân, cơ quan tổ chức chuyển tải ý kiến mà việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh lực thi hành án dân sự có những điểm khác nhau, riêng biệt, như: nhận đơn yêu cầu thi hành án và tổ chức việc thi hành án khác với nhận đơn khiếu nại, tố cáo và thụ lý giải quyết việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự khác với nhận và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.v.v.

Quy định để áp dụng quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự ở nhiều văn bản, như: Tại Bộ Tư pháp thì đơn gửi đích danh Bộ trưởng, Thứ trưởng thì Thư ký Bộ trưởng, công chức giúp việc Thứ trưởng tiếp nhận và chuyển Thanh tra để xử lý, trừ trường hợp  Bộ trưởng, Thứ trưởng giao đơn vị khác giải quyết. Thanh tra Bộ Tư pháp tiếp nhận các đơn gửi Thanh tra, Bộ Tư pháp và là đầu mối trong việc tiếp nhận, xử lý đơn. Các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp nhận các đơn gửi cho mình. Các đơn vị và cá nhân không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải chuyển đến Thanh tra để xem xét, xử lý. Việc tiếp nhận đơn tại Phòng tiếp công dân được thực hiện theo Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp và các quy định khác của pháp luật. Việc tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự gửi đến Bộ Tư pháp qua đường dây nóng được thực hiện theo Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng trong công tác thi hành án dân sự.v.v.

Tuy chưa có văn bản nào quy định cụ thể về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhưng có thể xác định việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy trình với trình tự, thủ tục cơ bản sau đây:

4.1. Tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Đây là khâu đầu tiên trong quy trình này nên được chú trọng thực hiện, với nhiều hình thức tiếp nhận. Thực tế cho thấy có những hình thức chủ yếu là: Nhận đơn, văn bản kiến nghị, chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội (đơn gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc gửi thông qua người khác). Mở đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin, phản ánh của nhân dân. Tiếp thu ý kiến từ các cuộc họp Hội đồng nhân dân, kỳ họp Quốc hội và các hội nghị, cuộc họp khác và tiếp nhận từ việc nghiên cứu các báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới và các các cơ quan liên quan liên quan, như: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an v.v.

Về cách thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tất cả các ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự đều phải được tiếp nhận thông qua việc vào sổ sách, quản lý chặt chẽ. Do tính chất đặc thù của công tác thi hành án dân sự, do đó tùy từng trường hợp cụ thể, cách thức tiếp nhận, vào sổ ghi nhận phản ánh của nhân dân có sự khác nhau, như: Sổ công văn đến, sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, sổ thụ lý thi hành án, sổ theo dõi nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, cách thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể tóm tắt các bước như sau:

- Bộ phận Văn thư (của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm tiếp nhận và vào Sổ nhận công văn đến văn bản do các cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đến.

Việc vào Sổ công văn đến phải được thực hiện ngay trong ngày tiếp nhận, có các thông tin cơ bản về công văn, tên tài liệu (tên cơ quan, tổ chức cá nhân gửi, ngày tháng năm và trích yếu nội dung tài liệu). Ngay trong ngày tiếp nhận, Văn thư chuyển đến Lãnh đạo cơ quan để kịp thời phân loại.

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được tài liệu do Văn thư chuyển, Lãnh đạo cơ quan xem xét và phê duyệt để Văn thư chuyển đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để xử lý.

Cùng ngày đó, Văn thư phải vào Sổ công văn đến đối với phần ghi nơi nhận xử lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển đến đơn vị chuyên môn hoặc người được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết để giải quyết.

- Ngay trong ngày nhận được tài liệu do Văn thư chuyển đến, đơn vị chuyên môn, người được giao giải quyết vụ việc phải tiếp nhận để vào Sổ chuyên môn (Sổ thụ lý thi hành án, Sở theo dõi nhận đơn và giải quyết việc thi hành án v.v.) và nghiên cứu, xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

4.2. Xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

a) Nguyên tắc xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết công việc liên quan đến ý kiến phản ánh của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự có trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc như sau:

- Ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để quyết định việc thụ lý giải quyết.

- Ý kiến phản ánh thuộc thẩm quyền nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo, thì có văn bản trả lời cho người phản ánh biết rõ lý do không thụ lý.

          - Đơn khiếu nại về thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì không thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời cho người khiếu nại.

- Đơn về thi hành án dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp nhưng gửi nhiều cơ quan, trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn;

- Đơn khiếu nại về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Cục thi hành án dân sự có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời yêu cầu, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm giải quyết và báo cáo kết quả;

- Đơn khiếu nại về công tác thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thi hành án dân sự, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời đôn đốc các đơn vị giải quyết.

 - Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí chuyển đến thì gửi trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn biết.

b) Thủ tục xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp sau khi nhận đơn thư, tài liệu, thông tin phải tiến hành xử lý tùy theo thủ tục quy định từng loại việc (như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, chất vấn.v.v.): Đơn thư, tài liệu, thông tin thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo để người có thẩm quyền giải quyết quyết định việc thụ lý giải quyết. Đơn thư, tài liệu, thông tin không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển cho người có thẩm quyền giải quyết.

Hiện nay, thủ tục xử lý các đơn thư, tài liệu, thông tin của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự không giống nhau. Ví dụ: Việc tiếp nhận, xử lý thông tin quy đường dây nóng về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian, thẩm quyền và trong các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Việc chuyển thông tin, xử lý thông tin qua đường dây nóng được thực hiện như chế độ tiếp nhận, xử lý công văn khẩn, công điện khẩn. Người cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ; nếu người cung cấp thông tin có yêu cầu được biết kết quả xử lý thông tin do mình cung cấp thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, giải quyết phải thông báo cho người đó biết.

Trình tự, thủ tục và thời hạn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện theo Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành Thi hành án dân sự ban hành tại Quyết định số 1675/QĐ-TCTHA ngày 17/6/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự như sau: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc, Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải tiến hành nghiên cứu nội dung công văn, hồ sơ mà cơ quan thi hành án dân sự xin hướng dẫn nghiệp vụ và trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, phải dự thảo xong công văn đề xuất phương án hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trình kèm theo hồ sơ vụ việc để Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét: Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Chi cục Thi hành án dân sự gửi cho Tổng cục Thi hành án dân sự thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên dự thảo công văn trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét, ký thừa lệnh (TL) Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trả lại Chi cục Thi hành án dân sự để xin ý kiến hướng dẫn của Cục Thi hành án dân sự và yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời thông báo cho Cục Thi hành án dân sự biết. Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Cục Thi hành án dân sự gửi Tổng cục Thi hành án dân sự đã đầy đủ, rõ ràng, thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý nghiên cứu, đề xuất ý kiến và phải dự thảo xong công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét.Trường hợp hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải dự thảo xong công văn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự giải trình, bổ sung hồ sơ, trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét, ký thừa lệnh (TL) Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ, Cục Thi hành án dân sự phải gửi văn bản giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trường hợp công văn, hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ do Cục Thi hành án dân sự gửi nhưng nội dung công văn vừa báo cáo quá trình thi hành án vừa có nội dung xin hướng dẫn nghiệp vụ nhằm phục vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục Thi hành án dân sự thì Vụ Nghiệp vụ chủ trì, phối hợp với Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc hướng dẫn nghiệp vụ cần trao đổi ý kiến với các cơ quan, đơn vị liên quan hoặc báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ Tư pháp thì Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc nghiên cứu dự thảo công văn trao đổi ý kiến hoặc báo cáo xin ý kiến trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét để trình Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, ký gửi các cơ quan, đơn vị hữu quan. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án của Cục Thi hành án dân sự, ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị hữu quan hoặc ý kiến của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Chuyên viên hoặc Thẩm tra viên được phân công thụ lý vụ việc phải tiến hành dự thảo xong công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ xem xét để trình Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục Thi hành án dân sự. Đối với vụ việc phức tạp, thì thời hạn hoàn thành xong dự thảo công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự nêu trên có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trừ trường hợp chờ bổ sung hồ sơ xin hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị hữu quan hoặc ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.v.v.

4.3. Phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Sau khi đã xử lý ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phản hồi cho người phản ánh, kiến nghị. Hình thức phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Bộ Tư pháp khá đa dạng, có thể là: Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc công văn trả lời chất vấn, báo cáo giải trình, tiếp thu; văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự v.v.

II. THỰC TRẠNG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CỦA BỘ TƯ PHÁP

          1. Các biện pháp đã triển khai, thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Bộ Tư pháp

          Với trách nhiệm được giao giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo thống nhất công tác thi hành dân sự trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã triên khai nhiều biện pháp thực hiện quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự, như:

          a) Ban hành các nhiều quy định có liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b) Thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

c) Báo cáo, trả lời chất vấn, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đòan thể, thông tin báo chí về thi hành án dân sự.

d) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

          đ) Bảo đảm các điều kiện vật chất cho việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

2. Những kết quả đã đạt được trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp trong những năm gần đây:

2.1. Hoàn thiện hơn về thể chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Từ việc nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cũng như thực tiễn công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội Quốc hội ban hành Luật Thi hành án dân sự số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Nghị quyết số số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự.

Luật Thi hành dân sự có nhiều quy định mới hoặc hoàn thiện hơn quy định liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 12 - Giám sát việc thi hành án). Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự, gửi đơn qua bưu điện (Điều 32). Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn (Điều 33). Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 140) và 01 chương gồm 15 điều (từ Điều 166 đến Điều 180) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành dân sự.

Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất với chính phủ ban hành hoặc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành án dân sự, trong đó có nội dung liên quan đến tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/72010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

2.2. Kịp thời và hiệu quả hơn trong việc quản lý, chỉ đạo việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chức việc thi hành đạt tỷ lệ cao hơn, giảm dần án tồn đọng

Mặc dù, số lượng việc thi hành án thụ lý hàng năm đều tăng, với nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài chuyển dồn từ năm này sang năm khác, nhưng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên tổ chức rà soát, phân loại, xác định một cách chính xác số vụ việc có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành án và có biện pháp thi hành xong đạt chỉ tiêu đề ra; làm tốt công tác dân vận trong thi hành án, tích cực vận động, thuyết phục để các đối tượng tự nguyện thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ việc phải cưỡng chế thi hành án; những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng thì tổ chức các “đợt cao điểm thi hành án” nhằm giảm tối đa lượng án tồn đọng. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã có nhiều cố gắng, tích cực tổ chức thi hành án, nên kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2005, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 177.991 việc/288.147 việc có điều kiện thi hành, đạt 61,77 %; thu được 1.663 tỷ 985 triệu 752 nghìn đồng, đạt 39,89 % (tăng 505 tỷ 139 triệu 170 nghìn 872 đồng so với năm 2004, chưa kể nhiều tài sản đã thu được quy đổi thành tiền là 149 tỷ 611 triệu 662 nghìn đồng). Năm 2006, thi hành xong 270.967 việc/380.850 việc có điều kiện thi hành, đạt 71,15 % (tăng 37.454 việc so với năm 2005); thu được 1.923 tỷ 333 triệu 783 nghìn đồng, đạt 31,59 % (tăng 669 tỷ 612 triệu 431 nghìn đồng so với năm 2005 ). Năm 2007, thi hành xong 302.373 việc/381.051 việc có điều kiện thi hành, đạt 79,35 %, (tăng 31.406 việc so với năm 2006); thu được 3.351 tỷ 840 triệu 235 nghìn đồng, đạt 55 % (tăng 1.428 tỷ 506 triệu 451 nghìn đồng so với năm 2006). Năm 2008, thi hành xong 334.448 việc/424.887 việc có điều kiện thi hành, đạt 78,71%; tăng 32.075 việc so với năm 2007; thu được 4.149 tỷ 234 triệu 803 nghìn đồng, đạt 55,46% số tiền có điều kiện thu; tăng so với năm 2007 là 797 tỷ 394 triệu 568 nghìn đồng. Năm 2009, thi hành xong 354.490 việc/437.375 việc có điều kiện thi hành, đạt 81,05% (tăng 20.031 việc so với năm 2008); thu được 5.411 tỷ 370 triệu 602 nghìn đồng, đạt 57,64% số tiền có điều kiện thi hành, tăng so với năm 2008 là 1.262 tỷ 135 triệu 799 nghìn đồng. Sáu tháng đầu năm 2010, đã thi hành xong 149.038/273.873 việc có điều kiện thi hành, đạt 52,75% (tăng 20.588 việc so với cùng kỳ năm 2009); số tiền thi hành xong là 2.687 tỷ 553 triệu 841 nghìn đồng, đạt 29,44% trên số tiền có điều kiện thi hành, tăng 797 tỷ 530 triệu 946 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2009.

Kết quả thi hành án dân sự nêu trên phản ánh hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp nói riêng và của công tác thi hành án dân sự nói chung, giải quyết kiến nghị của nhân dân trong công tác tổ chức việc thi hành án, góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự.

2.3. Chú trọng và đạt kết quả cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là lĩnh vực được Bộ Tư pháp chú trọng nhất trong công tác giải quyết, khiếu nại, tố cáo của ngành Tư pháp. Ngoài việc căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự để giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân, Bộ Tư pháp còn ban hành các quy chế riêng cho lĩnh vực thi hành án dân sự, như: Quyết định số 593/2004/QĐ-BTP ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thiết lập, tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự và chỉ đạo các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở đường dây nóng về công tác thi hành dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân ký Quyết định số 1420/QĐ-GQKNTC ngày 01/6/2010 về việc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao cho Thanh tra Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tổng cục Thi hành án dân sự có Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện việc quản lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Năm 2007, Bộ Tư pháp đã nhận 2.815 lượt đơn khiếu nại về thi hành án dân sự (có 1.504 đơn trùng lặp); Bộ Tư pháp đã trực tiếp trả lời khiếu nại 80 trường hợp, chỉ đạo địa phương giải quyết 81 trường hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 844 đơn (đạt 76,65%), trao đổi biện pháp giải quyết với các cơ quan hữu quan 38 trường hợp, số đơn còn lại đang được nghiên cứu trả lời, giải quyết theo quy định. Năm 2008, Bộ Tư pháp đã nhận 1.812 đơn khiếu nại về thi hành án (giảm 1.003 đơn so với cùng kỳ năm 2007), bao gồm 1.075 đơn trùng và 737 đơn mới (giảm 574 đơn mới so với cùng kỳ năm 2007); đã giải quyết xong 639 trường hợp (đạt 88%). Năm 2009, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận 3.212 đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (có 1.863 đơn trùng lặp), tổng số phải giải quyết là 1.349 trường hợp; thành lập nhiều đoàn công tác để xác minh; trả lời 128 trường hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 870 (đạt 73,98%), số đơn còn lại được nghiên cứu trả lời, giải quyết theo quy định.

Riêng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010 đã tiếp 402 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày về công tác thi hành án dân sự; nhận 3.906 đơn thư, cùng với 249 vụ việc của kỳ trước chuyển sang, trong đó có 2.605 đơn trùng (chiếm 63%), đơn phải xử lý (tương đương vụ việc) là 1.550 vụ việc (chiếm 37%), trong đó có 1.421. vụ việc khiếu nại (chiếm 91,7%), 129 vụ việc tố cáo (chiếm 8,3%). Kết quả đã giải quyết được 1.422 vụ việc (đạt 92%), trong đó có 1.392 việc việc giải quyết xong (có kết quả giải quyết cuối cùng), đạt 90% số vụ việc phải giải quyết.

Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với các ngành hữu quan giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, như: vụ khiếu nại của bà Lưu Thị Phương, ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; khiếu nại của Báo Lao động trong vụ TAMEXCO; vụ bà Lê Thị Kim Thanh ở Ninh Thuận, Công ty TNHH Linh Dương ở Lào Cai, ông Đặng Văn Mỹ ở Bắc Giang, bà Chu Thị Kiếm và ông Âu Văn Cường ở Lạng Sơn.v.v. Một số vụ việc phức tạp, đại diện Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại làm rõ nội dung khiếu nại để có hướng giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, như: vụ việc của ông Lê Khắc Hải, bà Nguyễn Thị Kim Dung, bà Vũ Thị Bình, Công ty điện tử công nghiệp.

2.4. Báo cáo đầy đủ, trả lời chất lượng và kịp thời hơn với Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chất vấn, phản ánh kiến nghị của cử tri về công tác thi hành án dân sự

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều có báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án, trong đó có phần báo cáo công tác thi hành án dân sự, riêng năm 2010 có Báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 trình Quốc hội về công tác thi hành án. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác thi hành án thường nêu rõ nhưng kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện. Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự trong những năm gần đây được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, đều được đánh giá cao trong việc chuẩn bị báo cáo, nội dung báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ về tình hình công tác thi hành án, nhất là công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc tiếp nhận và xử lý ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều văn bản trả lời chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội hoặc trả lời kiến nghị của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương.

Tổng cục Thi hành án dân sự trả lời kiến nghị, chất vấn 144 trường hợp năm 2009, trên 100 trường hợp 9 tháng đầu năm năm 2010. Bộ Tư pháp trả lời thông qua kênh phản ánh của Đại biểu Quốc hội nhiều trường hợp phức tạp, điển hình như trường hợp: Phản ánh của cử tri Phan Thị Tiến ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau về hồ sơ thi hành Bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình số 01/HNST ngày 25/9/1985 của Toà án nhân dân huyện Ngọc Hiển về cấp dưỡng nuôi con giữa bà Phan Thị Tiến, ông Trần Văn Thảo, cư trú Ấp Xóm Lớn Ngoài, Hàng Vịnh, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau và vụ việc liên quan đến phản ánh của cử tri Lê Thị Tám, trú tại ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thi hành Quyết định số 275/PTDS ngày 12/10/2004 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau thì bà Lê Thị Tám phải trả cho bà Hồ Thị Sương 15.000m2 đất tại thửa số 87 ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

2.5. Đã bảo đảm những điều kiện vật chất nhất định cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự

Bộ Tư pháp đã bố trí phòng tiếp dân riêng biệt, bố trí cán bộ thường trực tiếp dân; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Thanh tra Bộ và Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp dân theo lịch hàng tuần. Mở đường dây nóng về công tác thi hành án dân sự từ năm 2004. Ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

3. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả khả quan trong công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự, thì công tác này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, với những nguyên nhân sau đây:

a) Hạn chế, tồn tại

- Trong quản lý, chỉ đạo thi hành án dân sự có lúc còn chưa sát, chưa kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương; vẫn còn tình trạng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự chậm trả lời, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ theo kiến nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Nhiều trường hợp chưa xử lý, phản hồi đúng trình tự, thủ tục, chất lượng giải quyết chưa cao; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành dân sự có vụ việc kéo dài trong thời gian dài, như: Vụ bà Đặng Thị Thông ở Bình Định; vụ bà Vũ Kiều Trinh, ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai; vụ ông Huỳnh Chiêu Đường ở Bình Thuận. Khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của nhân dân ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề về công tác thi hành án dân sự, nhưng chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thi hành ánh, kê biên tài sản, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, tính lãi suất chậm thi hành án, không đồng tình với nội dung bản án, quyết định của Tòa án, cách thức thi hành án.v.v. Một số địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại về thi hành án như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh.

- Số lượng vụ việc liên quan đến phản ánh ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự phải giải quyết tồn đọng còn cao. Tính đến cuối tháng 7/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự còn phải giải quyết 138 vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; 21 vụ việc hướng dẫn nghiệp vụ theo kiến nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổng số việc thi hành án phải thi hành của toàn Ngành thi hành án dân sự chuyển sang 6 tháng cuối năm 2010 vẫn cao, tổng cộng 310.175 việc (chưa thi hành 53.206 việc, thi hành dở dang 77.282 việc, hoãn thi hành án 87.402 việc, tạm đình chỉ 577 việc, lý do khác 91.708 việc) với tổng số tiền còn phải thi hành là 11.705 tỷ 353 triệu 224 ngàn đồng. Một số địa phương khác có tỷ lệ thi hành án trên số việc có điều kiện thi hành còn thấp, như: Long An 23,8%; Tây Ninh 27,1%; Bình Phước 30,5%; Tiền Giang 31,2%; Vĩnh Long 31,1%.

- Quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc phần mềm tin học quy định riêng về vấn đề này, mà chỉ có các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, với nhiều lĩnh vực khác nhau, nên khó khăn cho việc thực hiện, quản lý, tổng kết, đánh giá tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về thi hành án dân sự.

- Các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân về lĩnh lực thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất eo hẹp. Trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp chật chội, chưa khang trang, chưa bảo đảm an toàn cho người tiếp dân, đã có trường hợp đương sự “tấn công” cán bộ của Tổng cục Thi hành án dân sự khi tiếp dân. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Tổng cục Thi hành dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự chưa được thi hiện, chức danh Thẩm tra viên tại Tổng cục Thi hành án dân sự chưa được bổ nhiệm mặc dù quy định của pháp luật đã đầy đủ. Chưa thực hiện việc bố trí đơn vị chuyên môn, cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

b) Nguyên nhân

- Về chủ quan:

+ Từ phía cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự: Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tuy đã tự chấn chỉnh và có nhiều cố gắng nhưng còn thiếu và về cơ bản năng lực còn yếu; một số cán bộ quản lý chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành; một số Chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa tích cực cập nhật kiến thức nghiệp vụ và trong một số trường hợp còn tuỳ tiện, ỷ lại, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị cưỡng chế thi hành án để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, như hai vụ đương sự tự thiêu (ông Nguyễn Khắc Đương ở Hưng Yên, ông Mai Viết Đa ở Bà Rịa-Vũng Tàu). Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan ở địa phương, chưa tranh thủ được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự.

+ Từ phía các cơ quan, cá nhân khác: Vẫn còn có nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm sát sao trong việc phối hợp đánh giá, quy hoạch và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan thi hành án dân sự, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Việc phối hợp của chính quyền cơ sở, đặc biệt là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội với cơ quan thi hành án dân sự chưa thường xuyên. Còn có nhiều bản án, quyết định của Toà án có sai sót, không rõ ràng hoặc vi phạm, có nơi cơ quan thi hành án đề nghị Toà án giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm hoặc không được giải quyết.

- Về khách quan:

+ Luật thi hành án dân sự mới được ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, chứa đựng nhiều nội dung mới, việc triển khai thi hành Luật này đòi hỏi phải tập trung thực hiện nhiều công việc như: xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành; bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ; các vụ việc phải thi hành còn nhiều, v.v....

+ Một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu nguồn tuyển dụng, trong khi đó, công việc thi hành án vất vả và phức tạp, nhưng chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với tất cả các cán bộ, công chức thi hành án dân sự nên không tạo tâm lý an tâm công tác.

+ Nhiều vụ việc thi hành án phải thi hành theo định kỳ hàng tháng, quý kéo dài trong nhiều năm; không ít vụ việc không thể thi hành nhanh do phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc do quy định pháp luật liên quan phải kéo dài thời gian thi hành án; tài sản đã kê biên, tổ chức bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua, trong khi đó, sự quá tải công việc của một số cơ quan thi hành án có lượng án quá lớn, số việc thi hành án tồn đọng chuyển dồn từ năm này sang năm khác nhiều chưa khắc phục được.

+ Cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án.

+ Ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án còn yếu, nhất là của người phải thi hành án chưa cao, có trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, thậm chí chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án hoặc đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng vẫn khiếu nại, như vụ bà Hồ Thị Tha ở An Giang; phản ánh, kiến nghị vượt cấp, kéo dài, không trọng tâm, không rõ ràng gây khó khăn cho việc xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

III. NHỮNG KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiệu quản, rõ ràng, bài bản hơn, thì một số vấn đề sau đây cần được lưu ý thực hiện:

1. Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để quy định chi tiết, cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự, như quy định về: Giám sát hoạt động thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự, khiếu nại, tố cáo, thủ tục thi hành án dân sự v.v.

Cần có 01 Thông tư của Bộ Tư pháp quy định về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nội dung Thông tư cần quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, cách thức, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự để áp dụng chung, thống nhất trong toàn Ngành thi hành án dân sự.

2. Bố trí đơn bị chuên môn, cán bộ chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Đội ngũ cán bộ này đòi hỏi phải tinh thông về nghiệp vụ thi hành án, nhưng phải có kỹ năng dân vận, hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo v.v để có cách ứng xử phù hợp khi xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành án dân sự không chỉ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải bồi dưỡng các kiến thức khác, như: quản lý hành chính, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học.

Nên chăng thành lập Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và bộ phận tại Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chuyên về việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

3. Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Ở từng cơ quan thi hành án dân sự có phần mềm theo dõi, quản lý việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Trong toàn Ngành thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện cần được kết nối mạng thông tin về thi hành án dân sự, trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

4. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp bố trí nơi tiếp dân khang trang, lịch sự, thuận tiện cho việc tiếp dân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người trực tiếp tiếp dân. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng phải bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt.

Tiếp tục tăng biên chế cho Ngành thi hành án dân sự để góp phần khắc phục tình trạng quá tải công việc của Chấp hành viên còn tồn tại ở nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở các thành phố, tỉnh lớn và các tỉnh rộng, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ thi hành án, nhất là đối với cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ:

CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ TƯ PHÁP.

Ths. Nguyễn Quang Hưng

Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ khẳng định: “Cần phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý nhà nước... cải tiến việc lấy ý kiến của nhân dân về các văn bản pháp luật theo hướng thiết thực, tránh hình thức, lãng phí” thì Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ hơn: “... Đổi mới phương thức và quy trình xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan, coi trọng sử dụng các chuyên gia liên ngành và dành vai trò rất quan trọng cho tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật và đã được tổ chức thực thi trong đời sống xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tiếp tục khẳng định: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

          Ðây là nguyên tắc được nhà nước ta thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nguyên tắc này thể hiện bản chất dân chủ sâu sắc giữ vai trò quan trọng thiết yếu trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện khiếu nại tố cáo nếu cho rắng cán bộ hành chính nhà nước vi phạm quyền lợi của họ hoặc thực hiện không đúng đắn, mà còn có quyền tự mình tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Ðiều này này khẳng định vai trò hết sức đặc biệt của nhân dân lao động trong quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động được tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Ðiểm thú vị về mặt lý luận của nguyên tắc vì vậy chỉ có ý nghĩa khi được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Có thể mở rộng, tăng cường quyền của công dân trong hoạt động quản lý, nhưng không được phép hạn chế, thu hẹp những gì mà Hiến pháp đã định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Cơ quan nhà nước phải thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tốt thì nhân dân mới thấy rõ Đảng và Nhà nước luôn giữ chặt mối liên hệ với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó việc quan tâm làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là thể hiện bản chất dân chủ, là biện pháp củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ. Thêm nữa, đây cũng là một kênh thông tin để đánh giá tính khả thi của các chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước. Đánh giá chính sách là việc xem xét, nhận định về giá trị các kết quả thu được khi thực thi chính sách. Đánh giá chính sách được tiến hành trên cơ sở một chính sách đã được hoạch định, thực thi và có sự phản ánh kết quả trở lại. Đánh giá tính khả thi của chính sách, tức là trả lời câu hỏi: việc thực thi chính sách có đạt được mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của các nhóm đối tượng của chính sách hay không? Các chính sách, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước được thực thi trên thực tế sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Do vậy, cần có sự phản hồi của người dân để đánh giá chính sách. Trên cơ sở các thông tin thu được qua, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý có được các thông tin về kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu của chính sách, có căn cứ để xác định xem việc tồn tại chính sách có hợp lý hay không, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách và tìm kiếm các biện pháp quản lý thích hợp và hiệu lực để thực thi chính sách đó. Đặc biệt, tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.

          Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về tăng cường sự tham gia của nhân dân trog hoạt động quản lý nhà nước. Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm thể chế hóa chủ chương này. Các văn bản chủ yếu đề cập đến những nội dung này bao gồm: Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001); Luật Tổ chức Quốc hội 2002; Luật tổ chức Chính phủ 2002;Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003;Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008; Luật khiếu nại tố cáo; Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí;Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

 

          Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Việc tham gia đông đảo của nhân dân  vào quản lý hành chính nhà nước thông qua các hình thức như sau:

                    * Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

          Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước, việc nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả nhất trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân nếu đáp ứng các yêu cầu của pháp luật đều có thể tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp vào công việc quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          - Nhân dân có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này - họ là những đại biểu được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc với tư cách là các viên chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước. Khi ở cương vị là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, người lãnh đạo trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương trong đó có các vấn đề quản lý hành chính nhà nước. Khi ở cương vị là cán bộ viên chức nhà nước thì nhân dân sẽ sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp để thực hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, có điều kiện biến những ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh.

          - Ngoài ra, nhân dân có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương. Ðây là hình thức tham gia rộng rãi nhất của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

          Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội:

          - Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội là công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Thông qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân lao động được phát huy. Ðây là một hình thức hoạt động có ý nghĩa đối với việc bảo đảm dân chủ và mở rộng nền dân chủ ở nước ta.

          *  Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở:

          - Ðây là hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện, các hoạt động này gần gủi và thiết thực đối với cuộc sống của người dân như hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,...Những hoạt động này xảy ra ở nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt nên mang tính chất tự quản của nhân dân.

          - Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản này nhân dân là những chủ thể tham gia tích cực nhất, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của họ được tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

          * Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước

          - Ðiều 53-Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hay chính người dân trực tiếp thực hiện.

          - Kiểm tra các cơ quan quản lý nhà nước.

          - Tham gia trực tiếp với tư cách là thanh viên không chuyên trách trong hoạt động cơ quan quản lý, các cơ quan xã hội.

          - Tham gia với tư cách là thành viên của tập thể lao động trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của cơ quan...

          Như vậy, với đường lối chính sách của Đảng và sự đảm bảo của pháp luật hiện hành, nhân dân có thể tham gia quản lý nhà nước với nhiều cách thức khác nhau. Một trong các cách thức đó chính là việc nhân dân có ý kiến, phát biểu quan điểm, suy nghĩ của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các thiết chế đại diện đối với hoạt động của nhà nước.

          Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến của nhân dân có ý nghĩa rất quan trong nhằm làm cho hoạt động của nhà nước đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Đó cũng chính là thể hiện bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới cần phải tiến hành các giải pháp cơ abnr sau đây:

1. Trước hết, việc quan trọng nhất đó là việc quan tâm đến hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Với tư cách là “người gác cổng” cho Chính phủ về mặt xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đề xuất hoặc trình ban hành các văn bản mang tính quy phạm pháp luật để nhằm chế định hóa để nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân của hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.

Thể hiện rõ nhất ở đây có thể thấy rằng, đó là việc sớm trình Quốc hội ban hành Luật Tiếp cận thông tin, luật được ban hành nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, cần có các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thống nhất quy định mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và việc tiếp cận thông tin có thể do cơ quan nhà nước chủ động công bố hoặc có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Quốc hội giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Hiện dự án luật đang được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đặc biệt, đó là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Mặc dù thực tiễn trưng cầu ý dân ở nước ta chưa có, nhưng cùng với chủ trương dân chủ hoá đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đó là một thực tiễn có liên quan đến việc trưng cầu ý dân, như hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định, nói cách khác là không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, vì vậy để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, thì đã đến lúc luật hóa vấn đề này. Đối với quy định về: ai là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân. Theo Hiến pháp hiện hành, quyền trưng cầu ý dân là của Quốc hội, nhưng để Quốc hội có căn cứ để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân thì cần phải dựa trên một sáng kiến. Vấn đề này lại cũng có nhiều mô hình khác nhau, có nước thì quy định chỉ có đại biểu Quốc hội là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân, có nước lại quy định là cử tri thu thập được số lượng chữ ký nhất định thì được trình một vấn đề để Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân. Nhưng dù là mô hình nào, thông thường việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. Trong Dự án luật, phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân cũng được đưa ra để thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể. Luật trưng cầu ý dân phải tạo một cơ sở pháp lý để mở rộng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được tham gia quản lý xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật trưng cầu ý dân phải được xây dựng phù hợp với truyền thống đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Luật được xây dựng với những điều luật có nội dung thiết thực, khả thi trong tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của đất nước. Luật trưng cầu ý dân cần phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính hiện đại, không rập khuôn máy móc.

2. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của giai đoạn chuẩn bị lấy ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là việc lập kế hoạch lấy ý kiến. Trong đó, phải thấy được yêu cầu rằng: Kế hoạch lấy ý kiến phải được xây dựng cụ thể và chi tiết, phải phù hợp với từng đối tượng, hình thức và phương thức lấy ý kiến. Một kế hoạch tốt phải phác thảo được các hoạt động cần tiến hành, phương án sử dụng các nguồn lực có thể. Về cơ bản, kế hoạch phải đảm bảo cơ sở pháp lý, mục đích của việc lấy ý kiến; xác định cụ thể lấy ý kiến toàn bộ dự thảo hay chỉ một số vấn đề nhất định; Phải cung cấp các thông tin liên quan đến dự thảo lấy ý kiến một cách đầy đủ và kịp thời, nếu có thể nên cung cấp các số liệu, tài liệu cụ thể qua các bản báo cáo, kinh nghiệm nước ngoài.. Và cũng phải làm rõ nhu cầu, đặc điểm và dự đoán các phản ứng và phương án xử lý của các đối tượng lấy ý kiến. Trong kế hoạch phải hoạch định được một cách chính xác khoảng thời gian lấy ý kiến, thời gian cho từng giai đoạn; Xác định được số lượng địa điểm lấy ý kiến và địa điểm được lựa chọn là địa điểm thuận lợi nhất cho đối tượng lấy ý kiến. Bên cạnh đó, bản kế hoạch phải xác định được sẽ sử dụng các hình thức và phương thức nào. Các hình thức và phương thức này phải vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ  thực hiện, phù hợp với trình độ của đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến và cũng phải đảm bảo về nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Để việc lấy ý kiến được hiệu quả, cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ, chi tiết và đa chiều thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các điểm cung cấp thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp; Tổ chức các điểm và các kênh thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Ý kiến đóng góp phải được tập hợp và xử lý, phân loại một cách đầy đủ. Phụ thuộc vào phạm vi và quy mô lấy ý kiến mà việc tiếp nhận và tổng hợp có thể được thực hiện bởi một hoặc nhiều chủ thể, nhưng vẫn phải có một chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này. Thực tế cho thấy, đối với dự thảo luật, pháp lệnh thì chủ thể được giao chủ trì, phối hợp và chịu trách nhiệm là một cơ quan của UBTVQH; Văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành sẽ do Văn phòng Chủ tịch nước; Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  ban hành sẽ do Văn phòng Chính phủ; Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ  ban hành sẽ do bộ phận Văn phòng và pháp chế thực hiện; Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành sẽ do Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND thực hiện.

Sau khi các ý kiến đã được tổng hợp, các chủ thể có thẩm quyền phải tổ chức việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường giai đoạn này được chia thành các cấp độ khác nhau, tuy nhiên kết quả cuối cùng của giai đoạn này đó là hình thành bản báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 Việc nghiên cứu ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thường thực hiện theo các giai đoạn: Giai đoạn tiếp thu cấp chuyên viên; Giai đoạn cấp Ban soạn thảo; Giai đoạn UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình QH xem xét thông qua.

Việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản, nếu được thực hiện nghiêm túc thì chất lượng dự thảo văn bản sẽ tốt hơn. Điều này thể hiện qua sự khác biệt giữa dự thảo trước khi lấy ý kiến và dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp. Ví dụ, dự thảo Bộ luật Dân sự trước khi lấy ý kiến chỉ có 701 điều, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã nâng lên 838 điều trong đó có 38 điều được lược bỏ, hơn 600 điều được sửa đổi và 159 điều được bổ sung.

3. Tổ chức những hình thức giao lưu trực tuyến, tổ chức các buổi đối thoại về một số về một số chủ đề, chủ điểm nhất định. Đó có thể là dịp để làm cho người dân hiểu hơn về công tác tư pháp, cũng có thể là dịp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của nhân dân liên quan đến công tác tư pháp, tránh những bức xúc rồi trở thành những khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đặc biệt, cũng là dịp để cho Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe được trực tiếp ý kiến của nhân dân - những người thực thi pháp luật trong thực tế cuộc sống, là dịp để nhìn lại những công việc mình đang làm, đang triển khai, ưu -  nhược điểm ở đâu để ngày càng hoàn thiện hơn.

4. Thực hiện việc cải cách hình thức tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tin học hóa cơ chế lấy ý kiến nhân dân, đó là việc xây dựng hộp thông tin về việc lấy ý kiến nhân dân (có thể đối với cả hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, và các hoạt động, công việc khác của Bộ khi cần), đồng thời, đề xuất Quy chế về việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân qua Cổng thông tin điện tử của Bộ (có thể dưới dạng thư ngỏ, email, thông điệp điện tử khác). Nghiên cứu, hướng tới việc xây dựng một trang thông tin riêng về mảng này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó có phân quyền cho các đơn vị thuộc Bộ có thể cung cấp, trao đổi những thông tin tiếp nhận ý kiến nhân dân thông qua mạng thông tin điện tử, đồng thời cũng có thể đăng công khai kết quả xử lý, phản hồi ý kiến, qua đó để người dân có thể theo dõi được việc xử lý của đơn vị nhận ý kiến, từ đó nâng cao hơn ý thức đóng góp ý kiến đối với hoạt động của tư pháp nói riêng và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.

5. Quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa để nhằm nâng cao chất lượng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện sai phạm từ thực tiễn thi hành, từ đó góp phần đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở Bộ Tư pháp.

Ở đây có thể thấy rằng, trong các điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân thì về mặt cơ sở vật chất và nhân lực làm công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Trước mắt, đó là việc cải thiện cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân của Bộ sao cho tương xứng với tầm vóc và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Việc xây dựng trụ sở tiếp công dân không chỉ thể hiện về mặt hình thức bề ngoài, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với công tác này, đồng thời, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện của người dân khi đến làm việc với cơ quan.

Mặt khác, việc bố trí cán bộ tiếp công dân cần đề cao hơn nữa kinh nghiệm công tác và trình độ của cán bộ để đảm bảo xử lý các tình huống nhanh, hiệu quả, giải quyết các vướng mắc cũng như có những hướng dẫn chính xác đối với nhân dân khi đến với trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp; đồng thời, cũng cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với những cán bộ làm công tác này, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, đó còn là việc thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, thái độ hoà nhã, thân thiện của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đối với nhân dân, tạo sự gần gũi, chia sẻ, thân thiện của cán bộ tư pháp đối với dân. Để động viên và tạo không khí thi đua, đề cao sự nhanh nhạy xử lý tình huống cũng như thái độ thân thiện của cán bộ tiếp dân trong Ngành Tư pháp, có thể đề xuất việc tổ chức Hội thi trong toàn Ngành, trong đó đưa ra các tình huống để cán bộ xử lý.

Đồng thời, cần tích cực thực hiện tốt hơn nữa Quy chế tiếp công dân, công khai lịch tiếp của Lãnh đạo Bộ, của một số đơn vị chức năng bên cạnh việc có mặt thường xuyên của cán bộ Thanh tra Bộ. Cũng cần phải lưu ý thêm đối với việc quan tâm đến chế độ chính sách, bồi dưỡng chế độ đối với những cán bộ làm công tác tiếp công dân nói riêng và cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý ý kiến của nhân dân nói chung. Về mặt này, hiện nay có quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

6. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của Bộ để mở rộng sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó, có thể thay nhà nước thực hiện một số công việc. Đặc biệt, đối với một số mảng hoạt động của Bộ hiện nay có thể thực hiện việc nghiên cứu để đề xuất việc xã hội hóa một phần như: trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp.

7. Có những hình thức khen thưởng đột xuất của Bộ đối với những công dân có những ý kiến tốt, mang lại giá trị đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, nhất là đối với những mảng công tác mà ý kiến nhân dân đem lại hiệu quả cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng của Bộ, ví dụ như: đối với việc tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng thì theo Quyết định số 593/QĐ-BTP thì “người cung cấp thông tin đúng được Ngành Tư pháp cảm ơn, nếu nguồn  tin có giá trị giúp kịp thời phát hiện tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự  được ngành tư pháp xem xét khen thưởng”, hay như đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thì cũng có nhiều nguồn tin từ phản hồi của nhân dân có ý nghĩa… Đồng thời, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức ngành Tư pháp có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến nhân dân được xem xét khen thưởng nhằm động viên đồng thời cũng đề cao ý nghĩa của công tác này.

 

II. Những kiến nghị nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến nhân dân trong lĩnh vực tư pháp

Để việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiệu quản, rõ ràng, bài bản hơn, thì một số vấn đề sau đây cần được lưu ý thực hiện:

1. Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để quy định chi tiết, cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự, như quy định về: Giám sát hoạt động thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự, khiếu nại, tố cáo, thủ tục thi hành án dân sự v.v.

Cần có 01 Thông tư của Bộ Tư pháp quy định về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nội dung Thông tư cần quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, cách thức, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm về tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự để áp dụng chung, thống nhất trong toàn Ngành thi hành án dân sự.

2. Bố trí đơn bị chuyên môn, cán bộ chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Đội ngũ cán bộ này đòi hỏi phải tinh thông về nghiệp vụ thi hành án, nhưng phải có kỹ năng dân vận, hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo v.v để có cách ứng xử phù hợp khi xử lý, phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành án dân sự không chỉ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải bồi dưỡng các kiến thức khác, như: quản lý hành chính, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học.

Nên chăng thành lập Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và bộ phận tại Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chuyên về việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

3. Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Ở từng cơ quan thi hành án dân sự có phần mềm theo dõi, quản lý việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Trong toàn Ngành thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện cần được kết nối mạng thông tin về thi hành án dân sự, trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự.

4. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp bố trí nơi tiếp dân khang trang, lịch sự, thuận tiện cho việc tiếp dân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người trực tiếp tiếp dân. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng phải bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt.

5. Tiếp tục tăng biên chế cho Ngành thi hành án dân sự để góp phần khắc phục tình trạng quá tải công việc của Chấp hành viên còn tồn tại ở nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở các thành phố, tỉnh lớn và các tỉnh rộng, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ thi hành án, nhất là đối với cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của nhân dân về thi hành án dân sự./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ:

KINH NGHIỆM VỀ XÂY DỰNG CƠ CHẾ LẤY Ý KIẾN, XỬ LÝ VÀ PHẢN HỒI Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA

Ths.Nguyễn Quang Hưng[23]

 

1. Lý thuyết về sự tham gia của công chúng trong pháp luật nước ngoài

          Ở các nước, người ta dùng khái niệm “sự tham gia của công chúng” (public participation) vào quá trình ra quyết sách, thay cho khái niệm “lấy ý kiến nhân dân” hoặc “sự tham gia của nhân dân” trong pháp luật Việt Nam.

1.1 Sự tham gia của công chúng là gì?

Công chúng ở đây có nghĩa là từng công dân, các hiệp hội người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người thiểu số, các hiệp hội bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, khoa học, giáo dục, chuyên ngành, các tổ chức thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, lao động, các quan chức công chúng. Công chúng là bất kỳ bên nào liên quan đến quyết định nhưng không phải là bên có quyền ra quyết định. Với nghĩa rộng này của từ “công chúng”, “sự tham gia của công chúng” được hiểu là bất kỳ một hoạt động nào của các bên liên quan nhằm nâng cao khả năng công chúng hiểu và tác động lên quá trình ra quyết sách. Sự tham gia của công chúng là bất kỳ quá trình nào nhằm tìm hiểu các chuẩn mực trong công chúng về vấn đề được đưa ra để quyết, thu hút sự tham gia của công chúng nhằm tối ưu hoá việc ra quyết định. Các cơ quan nhà nước ra quyết sách có những hoạt động nhằm khuyến khích công chúng tham gia và phản hồi, đối thoại với công chúng, để công chúng tiếp cận được với nơi ra quyết sách, tiếp nhận và chứng tỏ rằng những ý kiến và mối quan tâm của công chúng được lắng nghe và được tính đến. Trong đó, điều quan trọng nhất là sự đối thoại - dòng thông tin chảy cả hai chiều.

1.2. Tại sao lại cần đến sự tham gia của công chúng?

Nếu không có sự tham gia này, các cơ quan nhà nước có nguy cơ sa vào các vấn đề thuần tuý chuyên môn mà quên mất tầm chính sách, không có chủ thuyết để theo; sự tham gia của công chúng là yếu tố căn bản của chủ thuyết “quản lý nhà nước tốt” (good government).

“Quản lý nhà nước tốt” có nghĩa là một chính phủ hoạt động có hiệu quả cùng với việc ban hành các quyết định của mình đúng trình tự, quy định: quản lý nhà nước bằng pháp luật; trách nhiệm giải trình; minh bạch và sự tham gia của công chúng. Quản lý bằng pháp luật có nghĩa là người ra văn bản khi ra quyết định không được căn cứ trên trực giác hoặc ý tưởng ngẫu nhiên của họ, mà phải căn cứ trên các chuẩn mực được chấp nhận, có lý lẽ và cơ sở thực tiễn vững chắc. Trách nhiệm giải trình: người ra quyết định phải giải trình các quyết định của họ một cách công khai, chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và của cử tri. Minh bạch: các công chức thi hành công việc nhà nước một cách công khai để công chúng và báo chí có thể biết và bàn bạc về công việc của họ. Sự tham gia của công chúng: những người chịu tác động của một quyết sách sắp ban hành có cơ hội khả thi để đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định.

Sự tham gia của công chúng cũng chứng tỏ quyền được nghe và yêu cầu các cơ quan nhà nước công khai và có trách nhiệm. Công chúng hiểu rõ họ cần cái gì, nên có thể mách bảo nhiều giải pháp tốt mà các chuyên gia cũng không ngờ tới. Một nguyên nhân nữa để thu hút sự tham gia của công chúng là khi được tham gia, công chúng thấy mình thực sự là một thành viên, có vai trò tích cực trong quá trình làm ra văn bản, quyết định đó nên văn bản sẽ được tiếp nhận và ủng hộ nhiều hơn sau khi ban hành, giúp cho việc thực hiện pháp luật thuận lợi hơn.

Trước khi tìm ra giải pháp, cần xác định đúng vấn đề, sự tham gia của công chúng sẽ giúp làm được việc này; sự tham gia của công chúng làm cho các quyết định được tốt hơn, bao trùm được các quan điểm của những bên liên quan; mang lại cách hiểu thông thường chung nhất về các vấn đề; đem lại sự tôn trọng lẫn nhau giữa bên ra quyết định và bên chịu tác động của quyết định, bên thi hành quyết định; làm cho quyết định dược hợp lý; mang lại sự tiếp nhận và ủng hộ rộng rãi hơn; quyết định nếu có sự tham gia của công chúng sẽ được tín nhiệm cao hơn; sự tham gia của công chúng hướng đến những giải pháp khả thi.

1.3. Các cấp độ tham gia của công chúng

Công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định với nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ cần xác định rõ mục tiêu, mục tiêu cần phải được giải thích cho tất cả đều hiểu; ứng với từng cấp độ cần gửi những thông điệp rõ ràng.

- Cấp độ thông tin: cơ quan ra quyết định cung cấp thông tin nhiều chiều và khách quan để giúp công chúng hiểu các vấn đề, những sự lựa chọn và các giải pháp. Thông điệp gửi tới công chúng ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ luôn cung cấp thông tin cho quý vị. Những công cụ thích hợp như tờ rơi, trang web, nhà thông tin.

- Cấp độ tư vấn: Mục đích nhằm nhận phản hồi của công chúng và phản hồi về các vấn đề đem ra hỏi ý kiến. Thông điệp gửi tới công chúng ở cấp độ này là: chúng tôi luôn cung cấp thông tin cho quý vị, lắng nghe, tiếp nhận những mối quan tâm của quý vị và phản hồi lại về việc ý kiến của công chúng tác động lên quyết định công quyền như thế nào. Những công cụ thích hợp như điều tra, gặp gỡ công chúng.

- Cấp độ thu hút: Mục đích nhằm làm việc trực tiếp với công chúng trong cả quá trình để đảm bảo rằng các vấn đề và những mối quan tâm của công chúng được thông hiểu. Thông điệp gửi tới công chúng ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với quý vị để quý vị tin chắc rằng các vấn đề và mối quan tâm của quý vị đã được phản ánh trực tiếp trong các phương án khác nhau, chúng tôi sẽ phản hồi về việc sự tham gia của công chúng đã tác động lên quyết định như thế nào. Những công cụ thích hợp như hội thảo, phiếu điều tra.

- Cấp độ cộng tác: Mục đích nhằm hợp tác với công chúng trên từng vấn đề nhỏ của quyết định, bao gồm cả việc phát triển các phương án và tìm kiếm giải pháp tối ưu. Thông điệp gửi tới công chúng ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ tìm đến quý vị để nhận lời khuyên và tìm kiếm giải pháp, đưa những lời góp ý và tư vấn của quý vị vào quyết định càng nhiều càng tốt. Những biện pháp thích hợp: chọn nhóm đại diện cho những người liên quan, nhóm này thay mặt họ tham gia vào quá trình ra quyết định; kỹ thuật thương thuyết để đạt sự nhất trí (consensus- building techniques).

- Cấp độ trao quyền: Mục đích nhằm trao quyền quyết định cuối cùng vào tay công chúng. Thông điệp gửi tới công chúng ở cấp độ này là: chúng tôi sẽ thực hiện những gì quý vị quyết định. Những biện pháp thích hợp: chọn các nhóm nhỏ của những công dân trên một địa bàn trong 4-5 ngày để nghiên cứu vấn đề, thẩm vấn những người liên quan, đề xuất kiến nghị với bên ra quyết định; bỏ phiếu; uỷ quyền ra quyết định.

1.4. Làm gì để sự tham gia thành công?

Những nguyên tắc cơ bản của quá trình thu hút sự tham gia của công chúng vào việc ra quyết định:

(1)- Quyền bày tỏ chính kiến về những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và trách nhiệm cam kết của cơ quan nhà nước rằng những ý kiến, quan điểm của công chúng đóng góp sẽ có tác động nhất định lên quyết định;

(2)- Quá trình tham gia của công chúng hướng đến và thu hút những ai có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định;

(3)- Sự tham gia có ý thức, chủ động của công chúng dựa trên cơ sở thông tin đầy đủ;

(4)- Những người tham gia được phản hồi lại về việc sự tham gia của họ đã tác động lên quyết định như thế nào.

Để sự tham gia của công chúng thành công, các chuyên gia khuyến cáo nên chú ý đến những điểm sau:

a. Đối thoại và phản hồi

Một chương trình thu hút tham gia của công chúng muốn thành công đòi hỏi phải có sự đối thoại chứ không phải độc thoại. Nói cách khác, dòng thông tin phải chảy hai chiều giữa hai bên. Cơ quan ra quyết định phải đưa thông tin đến từng người và đề nghị phản hồi. Công chúng phải có cơ hội tiếp cận ngược với cơ quan nhà nước thông qua một “điểm tiếp xúc” (point of contact)- đó có thể là một người, một nhóm người, phòng ban. Ví dụ, nếu cơ quan nhà nước thông báo đến người dân về một hành động nào đó sắp thực hiện, thì việc thông báo đó chưa phải là sự tham gia của công chúng. Khâu bị bỏ qua ở đây là cái cách mà cơ quan nhà nước lắng nghe phản hồi của những ai đã đọc thông báo. Để nhận được phản hồi, có thể cử người tiếp nhận phản hổi với địa điểm, số điện thoại, đến thăm các cơ sở trong cộng đồng, tổ chức các cuộc gặp, hội thảo về những vấn đề đã nêu trong thông báo. Dòng phản hồi sẽ giúp cho cơ quan nhà nước theo dõi quyền lợi, mối quan tâm của công chúng, điều chỉnh các hoạt động của công chúng, phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những nhu cầu của công chúng.

Tuy nhiên, nhận phản hồi chưa phải là hết. Các cơ quan ra quyết định có thể làm theo hoặc không làm theo công chúng, nhưng họ phải giải trình rõ tại sao có, tại sao không. Đấy mới là sự phản hồi đầy đủ. Lúc đó công chúng mới thấy ý kiến của họ đã được lắng nghe thực sự và lần sau họ mới quan tâm tham gia.

b. Công khai, cởi mở

Thiết lập lòng tin, sự tín nhiệm trong công chúng thông qua sự công khai, cởi mở: Các cơ quan, cá nhân tham gia các hoạt động thu hút sự tham gia của công chúng cần thiết lập sự trao đổi thông tin cởi mở. Cởi mở và trung thực đem lại lòng tin của các bên liên quan, cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia sẽ mang lại lòng tin ấy, ngược lại, lòng tin làm cho sự trao đổi thông tin càng tốt hơn, làm cho công chúgn chú ý hơn đến các vấn đề. Các nhân tố đem lại lòng tin gồm sự nhất quán, sự am hiểu, thái độ chăm chú, trung thực; giải thích rõ về quá trình, xóa bỏ mọi lời đồn thổi; theo sát quá trình; chỉ hứa những gì có thể làm, các lời hứa không mâu thuẫn với nhau; cung cấp những thông tin mà công chúng cần; tránh những cuộc tiếp xúc bí mật.

c. Khuyến khích công dân tham gia

Khuyến khích công dân chủ động tìm kiếm thông tin, tiếp xúc với các bên liên quan khác, thảo luận với các nhóm có cùng lợi ích cùng mối quan tâm. Những hoạt động sau đây từ phía công dân giúp họ nắm thông tin tốt hơn và có tác động hơn đến quá trình ra quyết sách: tiếp xúc sớm với cơ quan đầu mối phụ trách việc thu hút sự tham gia của công chúng, tốt nhất là nắm được họ tên cụ thể; tìm hiểu những khía cạnh cơ bản liên quan đến vấn đề muốn tham gia bằng cách gặp gỡ với quan chức địa phương, tiếp xúc với các cơ sở nghiên cứu, đọc tư liệu do cơ quan đầu mối cung cấp, liên hệ với các nhóm có liên quan khác; mạnh dạn yêu cầu cơ quan đầu mối cung cấp các thông tin mình cần như: về các hoạt động thường nhật, cấu trúc của quá trình ra quyết sách, các chính sách và thủ tục hiện tại, dự luật hoặc dự án tương lai có thích hợp với các vấn đề chính sách lớn hơn hay không, về các phương án dự phòng; yêu cầu đưa tên của bạn vào danh sách những người tham gia, các ý kiến của bạn được tiếp thu thế nào; phản ánh với cơ quan đầu mối họat động nào thích hợp với bạn nhất, cung cấp cho họ thông tin về sở thích thông tin của cộng đồng nơi bạn sống, địa điểm tốt nhất để tổ chức thu hút sự tham gia của công chúng; gửi các ý kiến bằng văn bản, theo luật ở các nước, các cơ quan đầu mối bắt buộc phải xem xét các ý kiến gửi đến bằng văn bản; tham gia các buổi nghe ý kiến công chúng và các buổi gặp gỡ, nên nhớ rằng các buổi như vậy chỉ được tổ chức khi có yêu cầu của công dân bằng văn bản, nếu công dân không rõ về vấn đề nào đó, hoặc muốn bày tỏ nỗi quan ngại nào đó, họ được khuyến khích gửi yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan hữu trách; theo dõi sát sao hoạt động của cơ quan đầu mối, các quyết định cũng như phản ứng của họ trước những ý kiến của công chúng, công dân được nhắc nhở và khuyến khích rằng, họ có quyền đòi cân nhắc lại các quyết định của cơ quan đầu mối.

Nói tóm lại, sự tham gia chủ động của từng cá nhân công dân có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình ra quyết sách. Tuy nhiên, tham gia như thế nào thì tùy tong trường hợp cụ thể; và mỗi công dân nên liên hệ với những người, những tổ chức có quan tâm khác để xác định cách thức tham gia nào là tối ưu.

d. Cam kết với công chúng

Các cơ quan có liên quan phải thực hiện các nghĩa vụ đối với công chúng: giải thích những hệ quả cả việc tiếp thu hay không tiếp thu các kiến nghị của công chúng; giải thích cho công chúng tham gia như thế nào; tạo ra sự bình đẳng cho mọi tầng lớp công chúng trong việc tiếp cận thông tin và các cơ quan ra quyết định; tiếp nhận mọi nguồn ý kiến từ tất cả các nhóm lợi ích liên quan

e. Bắt đầu từ sớm

Thu hút sự tham gia của công chúng từ sớm, nhận phản hồi, giải đáp các mối quan tâm của công chúng trước khi ra quyết định. Cần tránh việc ra quyết định trước khi có sự tham gia của công chúng. Thu hút từ sớm đem lại niềm tin và giảm những thông tin thất thiệt; sử dụng vốn thời gian và các nguồn lực khác được nhiều hơn; thu hút được nhiều hơn sự tham gia của công chúng; tạo khoảng thời gian đủ cho công chúng cân nhắc, suy nghĩ; nó cũng làm cho việc thay đổi chính sách được tiếp nhận dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, không bị sốc.

      f. Xác định mức độ quan tâm của công chúng

      Có những quyết sách, dự luật hoặc dự án gây sự chú ý rất lớn trong công chúng, có khi họ quan tâm ít hơn, có khi lại hầu như không quan tâm. Mức độ quan tâm của công chúng phụ thuộc vào: mức độ ảnh hưởng của quyết sách đối với lợi ích của công chúng; quan hệ giữa cộng đồng với các cơ quan ra quyết sách, với các nhóm lợi ích, với các bên liên quan…; bối cảnh chính trị, kinh tế khi tổ chức sự tham gia của công chúng. Không phải lúc nào mức độ quan tâm bề ngoài cũng phản ánh mức độ thực chất. Để đoán định mức độ tham gia của công chúng, ở nhiều nước đã thiết kế những công cụ kỹ thuật thích hợp. Nhưng cơ quan đầu mối cần linh hoạt và chuẩn bị tinh thần trước những thay đổi về mức độ tham gia của công chúng trong quá trình thu hút sự tham gia, từ đó đề ra những điều chỉnh thích hợp. Có những trường hợp chỉ cần sự điều phối tối thiểu của cơ quan đầu mối, nhưng có những lúc cần sự can thiệp nhiều hơn của họ

g. Xác định công chúng cần hỗ trợ những gì

Trường Luật môi trường ở Washington đã tiến hành khảo sát người dân Mỹ cần gì khi họ muốn tham gia vào quá trình ra quyết sách trong lĩnh vực môi trường. Kết quả của cuộc khảo sát là người dân cần những thứ sau:

-        Thông tin: Thông tin sớm, kịp thời, dễ hiểu, có tiêu điểm, có giải thích sự liên quan của vấn đề với những cộng đồng đặc biệt, sự phổ biến thông tin đến từng người dân sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao khả năng, năng lực tham gia của công chúng. Thông điệp mà thông tin chuyển tải cũng được nhấn mạnh nhiều: nhiều người được hỏi đã chê cách thức cung cấp thông tin của nhiều cơ quan chính phủ hiện nay ở Mỹ là hết sức quan liêu, không nhạy bén, xa rời các mối quan tâm và nhu cầu của công chúng.

-        Sự trợ giúp về chuyên môn sâu: Nhiều người được hỏi đã nhấn mạnh đến sự trợ giúp nhiều hơn về chuyên môn sâu, vì trong nhiều trường hợp các quyết sách liên quan đến các vấn đề chuyên môn này. Cơ quan tổ chức cho công chúng tham gia vào việc ra quyết sách không nên giũ bỏ gánh nặng phân tích chuyên môn lên vai công dân, mà cần phải chuyển những nỗi quan ngại, mối quan tâm của công dân, của công chúng thành ngôn ngữ chuyên môn. Người muốn tham gia cũng cần sự trợ giúp về chuyên môn để hiểu rõ hơn quan điểm của cơ quan ra quyết sách.

-        Tập huấn: Công dân cần được tập huấn về việc cần tham gia như thế nào vào các hoạt động góp ý kiến. Theo những người được hỏi, công dân thường xa lạ với các thủ tục tham gia, trong khi đó, nhiều khi cơ quan tổ chức lại áp dụng những thủ tục chưa hề được giải thích ở đâu cả. Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa công chúng và cơ quan chính phủ.

-        Giáo dục pháp luật: công dân cần những kiến thức pháp lý cơ bản về vấn đề cần tham gia để tăng năng lực tham gia.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc lập kế hoạch tính đến những thay đổi về quyền lợi trong công chúng; Hiểu và tôn trọng các quan điểm của những bên liên quan khác; Có những bước đi để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả những ai quan tâm có thể nhận thông tin và tham gia vào quá trình

1.5. Tại sao sự tham gia của công chúng bị thất bại?

Qua thực tiễn hoạt động thu hút sự tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết sách của các cơ quan chính phủ, một tổ chức phi chính phủ chuyên về sự tham gia của công chúng đã tổng kết những xu hướng sau đây khiến cho sự tham gia của công chúng không thành công:

(1)- Quá coi trọng mặt kỹ thuật, để kỹ thuật dẫn đường mà không theo lợi ích. Điều này khiến người ta thường hay bỏ qua các bước quan trọng như xác định mục tiêu và chuyển thông điệp đến công chúng;

(2)- Sự tham gia của công chúng bắt đầu khi quyết định đã được hình thành. Lúc đó còn rất ít cơ hội để tác động lên quyết định, sự tham gia của công chúng như thế chỉ gây tranh cãi nhiều hơn là tìm giải pháp khả thi. Trong cuộc điều tra của Viện Luật môi trường, Washington D.C., nhiều người bày tỏ nỗi quan ngại rằng, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ ra nhiều quyết sách trước khi nghe công chúng.

(3)- Sự tham gia của công chúng không hòa cùng với quá trình ra quyết định, thường được tiến hành song song chứ không như là một phần của việc ra quyết định. Kết quả là công chúng không tiếp nhận được thông tin, còn bên ra quyết định không nhận được sự đóng góp của công chúng một cách kịp thời;

(4)- Công chúng thiếu thông tin, bởi vậy không hiểu và không nắm được vấn đề nên không đóng góp được hiệu quả;

(5)- Thiếu đồng bộ về mặt tổ chức: Có lúc bộ máy trực tiếp tổ chức quá trình thu hút sự tham gia của công chúng không thể hiện được đầy đủ thiện ý, ý đồ của những người ra quyết định. Kết quả là công chúng cảm thấy bị thất hứa, ý kiến tiềm tàng không được phát huy và họ thấy không còn tin tưởng vào việc thu hút sự tham gia của họ nữa;

(6)- Quy mô nhỏ, lệch: Có lúc việc thu hút sự tham gia của công chúng không chú ý đến nhiều tầng lớp rộng rãi trong cộng đồng, tiếng nói đóng góp không điển hình. Kết quả thu được không hiệu quả và có thể gây tranh cãi, không phản ánh được các lợi ích thực sự của công chúng

(7)- Quan niệm của công chúng về tính hình thức: Công chúng có thể có quan niệm rằng, những đợt thu hút sự tham gia của công chúng chỉ diễn ra cho có, một cách hình thức, họ không có cách gì để tác động lên quyết sách của cơ quan chính phủ. Nhiều người cho rằng cơ quan chính phủ “muốn làm gì chả được”, nên những nỗ lực của người dân chỉ vô ích; rằng “cơ quan chính phủ thu thập thông tin và ra quyết sách mà không tính đến những nỗi quan ngại của cộng đồng dân cư”; các cơ quan chính phủ để cho công chúng tham gia chẳng qua là “vì phải làm thế”; cơ quan chính phủ chỉ nghe những “cộng đồng dễ bảo” (regulated community); thông tin đưa ra là loại thông tin đã được chọn lọc, chỉ nhằm thuyết phục chứ không có tính chất trao đổi. Quan niệm này nhiều lúc có cơ sở, có lúc chỉ là cảm tính, nhưng dù thế nào nó cũng cản trở quá trình thu hút sự tham gia của công chúng.

1.6. Các công cụ kỹ thuật

Các chuyên gia khuyến cáo, đừng bắt đầu với các công cụ kỹ thuật thu hút sự tham gia của công chúng, vì các công cụ hay ho không đồng nghĩa với sự tham gia thành công. Muốn thành công, hãy bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu, vì quá trình tham gia của công chúng là một chuỗi các hoạt động. Không chỉ xác định mục tiêu cho cả quá trình, mà cho cả từng hành động một. Sau đó chọn các công cụ phù hợp với mục tiêu, áp dụng các công cụ cùng với những kỹ năng và cách ứng xử thích hợp; và đánh giá mục tiêu đã được thực hiện đến đâu.

Các kỹ năng thu hút sự tham gia của công chúng bao gồm: Lắng nghe một cách hiệu quả; truyền đạt hiệu quả; tích cực tạo điều kiện cho công chúng tham gia; giới thiệu thông tin; đối mặt và giải quyết mâu thuẫn; tiếp tục đánh giá. Các cách ứng xử cần thiết khi thu hút sự tham gia của công chúng bao gồm: Tinh thần cộng tác; sự trung thực; sự tôn trọng; sự cởi mở; thái độ khiêm tốn. Khi đã xác định rõ mục tiêu, khi các kỹ năng và cách ứng xử đâu vào đấy, lúc đó có thể áp dụng nhiều công cụ kỹ thuật khác nhau.

Các công cụ cũng được thiết kế và áp dụng tuỳ thuộc vào ba thành tố của quá trình tham gia của công chúng: thông tin, đối thoại và các mối quan hệ.

Muốn thiết lập các mối quan hệ hiệu quả với công chúng, nên thực hiện những hành động sau: bắt đầu sớm; đến tận nơi với công chúng; làm việc với các tổ chức cộng đồng hiện có; tránh những hình thức xa vời, hãy hoà đồng cùng công chúng (hãy rời bục diễn thuyết- get down off the podium); hãy chân thành; trực tiếp tìm hiểu công chúng; hãy lắng nghe. Việc thiết kế các công cụ xây dựng quan hệ với công chúng cần chú ý đến những điểm sau: tìm kiếm cơ hội để đối thoại trực tiếp (face-to-face); tìm kiếm và tận dụng mọi hoạt động để xây dựng quan hệ; giành thời gian để nói về chuyện ngoài lề; cung cấp tư liệu. Ví dụ, đối với phỏng vấn: cần phỏng vấn sớm, gặp nhiều người càng tốt; bỏ thời gian lắng nghe các vấn đề, các mối quan tâm, ý kiến của công chúng trước khi các luận điểm đã thành hình; cố gắng phản hồi về việc tiếp thu như thế nào các vấn đề, các mối quan tâm, các ý kiến vào quyết định.       

Để tiếp nhận thông tin hiệu quả, cần hiểu rõ nhu cầu của công chúng; chú ý đến những gì người dân không biết; ngôn ngữ, giọng điệu, cách diễn đạt, truyền tải phải dễ tiếp cận đối với công chúng; đơn giản hoá sự việc, nhưng đừng quá đơn giản; hãy nói toàn bộ sự thật; cố gắng cung cấp thông tin chứ không bày tỏ ý kiến để thuyết phục; chú ý cung cấp thông tin cho những người ra quyết định tiềm năng. Để thiết kế các công cụ nhằm thu thập thông tin, bên ra quyết định cần phải tổ chức những hoạt động có thể thu hút được công chúng; cần liên kết các mẩu thông tin rời rạc với nhau; luôn thiết lập được ngữ cảnh của thông tin; tìm kiếm nhiều cách giải thích khác nhau cho cùng một sự việc; sử dụng tối đa thông tin thị giác. Ví dụ, hội thảo cần chia sẻ kết quả nghiên cứu và tìm tòi; tổ chức các nhóm thảo luận cả số lượng nhỏ và lớn; tạo cơ hội để tiếp cận thật sự với các luồng ý kiến thông qua các phương án, giải pháp khác nhau được đưa ra trong hội thảo. 

Để đối thoại hiệu quả, những người tham gia phải được biết mục tiêu của cuộc đối thoại; cùng được nghiên cứu các vấn đề đem ra đối thoại; có thể nhận các thông tin được yêu cầu; đủ thời gian để xây dựng lòng tin; những người tham gia lắng nghe để hiểu nhau; những người tham gia chia sẻ các phương án.

          Cuối cùng, như chúng tôi đã nhấn mạnh, sự tham gia của công chúng là quá trình đối thoại hai chiều: một chiều là cung cấp thông tin cho các bên liên quan, chiều ngược lại là tiếp nhận phản hồi của công chúng dưới dạng các ý tưởng, vấn đề và nỗi quan ngại. Bởi vậy, các công cụ kỹ thuật để thu hút tham gia của công chúng có hai nhóm chính: nhóm thứ nhất cung cấp thông tin, nhóm thứ hai thu thập và trao đổi thông tin; có những hoạt động thích hợp cho cả hai mục đích, có họat động lại chỉ thích hợp với một mục đích. Kinh nghiệm cho thấy, nên kết hợp nhiều công cụ kỹ thuật khác nhau để hoạt động thu hút sự tham gia của công chúng diễn ra hai chiều. Các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài chuyên về sự tham gia của công chúng thường thiết kế khoảng 30-40 công cụ kỹ thuật khác nhau cho họat động này.

 

2. Pháp luật và thực tiễn thu hút sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng pháp luật ở một số quốc gia

          Trong xã hội hiện đại, việc quản lý và điều hành xã hội chủ yếu đều dựa vào các sáng kiến của cá nhân và vì nhân dân. Thực tế, các công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua quá trình bầu cử bằng cách bầu ra các đại diện. Trên toàn thế giới, sức ép và yêu cầu từ các hiệp hội và công dân đối với cơ quan công quyền về một nền dân chủ rộng hơn ngày càng trở nên phổ biến. Các công dân có thể ảnh hưởng lớn đến các chính sách của chính phủ. Vì vậy, sự tham gia của công chúng là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động xây dựng pháp luật. Sự tham gia rộng rãi của công chúng vào các hoạt động điều hành của chính phủ là một yếu tố cơ bản của một chính phủ tốt.

Thực tế cho thấy, các quyết định có công chúng tham gia thường có kết quả tốt và được công chúng chấp nhận nhiều hơn. Nếu hoạt động thu hút công chúng được làm tốt chắc chắn các văn bản được ban hành sẽ có chất lượng tốt. Bởi vì, công chúng cung cấp nguồn thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, đóng góp cho hoàn thiện các giải pháp về xã hội. Không ai khác, công chúng là lực lượng đặt ra những vấn đề thực tiễn cho những người làm luật và các nhà quản lý để họ xem xét và giải quyết.

Để thu hút công chúng vào hoạt động xây dựng pháp luật, các quốc gia đều có những hình thức và công cụ khác nhau. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều quốc gia đã tạo ra nhiều diễn đàn cho công chúng được tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật.

Nguyên tắc xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia là phải lấy ý kiến công chúng và tạo cơ hội cho công chúng tham gia vào quá trình xây dựng luật. Để thu hút và tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình làm luật, chính phủ đã thiết lập các công cụ đảm bảo thực hiện.

Những quan sát, nghiên cứu của chúng tôi tập trung chủ yếu vào một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

2.1. Tham vấn ý kiến của công chúng ở giai đoạn đánh giá tác động khi ban hành luật

Trước khi quyết định có cần ban hành một văn bản để điều chỉnh một lĩnh vực hay một hoạt động không, cơ quan chịu trách nhiệm cho phép làm luật hoặc một cơ quan hành chính có thẩm quyền phải nghiên cứu các chi phí và lợi ích hoặc kết luận rằng quy định được ban hành sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Các cơ quan này phải khởi xướng một quá trình lập kế hoạch để tham vấn ý kiến công chúng theo quy định về chính sách làm luật của chính phủ. Tiếp theo là giai đoạn tham vấn công chúng. Các cá nhân có lợi ích liên quan có cơ hội được biết và bày tỏ quan điểm.

Quy trình đánh giá tác động khi ban hành luật (Regulatory Impact Analysis (RIA) bắt buộc phải được soạn thảo. RIA phải chỉ ra:

  • Dự luật sẽ mang lại hiệu quả gì;
  • Những lựa chọn nào đã được cân nhắc khi xây dựng dự thảo;
  • Các chi phí dự tính và lợi ích của dự luật;
  • Hình thức tham vấn nào đã được tiến hành;
  • Các cơ quan của chính phủ đã trả lời và tiếp thu các ý kiến đóng góp như thế nào, và
  • Cơ chế nào được xây dựng để đảm bảo phù hợp với quy định khi có hiệu lực.

Việc đánh giá RIA chủ yếu thực hiện ở các quốc gia OECD đưa ra yêu cầu tham vấn của tất cả các đối tượng chủ yếu chịu ảnh hưởng của luật, từ các bộ ngành, các chuyên gia, DN, đến cộng đồng dân cư, người tiêu dùng, các tổ chức phi chính phủ và cả báo chí.

2.2. Các dự thảo bắt buộc phải được đăng tải

Dự thảo văn bản bắt buộc phải được đăng trước trên một phương tiện chính thức tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada. Mục đích của việc đăng trước là tạo cơ hội cho các đối tượng có lợi ích được xem xét trong phạm vi các đề xuất có phù hợp với các lần tham vấn trước đây không. Khi dự thảo quy định được đăng tải, các cá nhân có lợi ích thông thường có một thời gian nhất định để trình bày quan điểm và RIA cũng được đăng tải cùng với dự thảo quy định.

Canada:  Dự thảo văn bản bắt buộc phải được đăng trước tại Phần I của Canada Gazette trước khi được thông qua. Mục đích của việc đăng trước là tạo cơ hội cho các đối tượng có lợi ích được xem xét trong phạm vi các đề xuất có phù hợp với các lần tham vấn trước đây không. Khi dự thảo quy định được đăng tải, các cá nhân có lợi ích thông thường có 30 ngày để trình bày quan điểm. Nếu dự thảo có sự thay đổi sau khi đăng tải, bắt buộc phải thẩm định lại. RIAS (Regulatory Impact Analysis Statement) cũng bắt buộc phải phản ánh một cách tương ứng. Các dự thảo có sự thay đổi nội dung (substantially reworked) bắt buộc phải đăng lại lần 2 tại Phần I của Canada Gazette.

Hoa Kỳ: Luật Federal Register Act: Luật này được thông qua ngày 26 tháng 7 năm 1935. Luật thiết lập các cơ sở pháp lý, quy trình làm luật, quy định:

“.....

(b) cơ hội thông báo và bình luận

(1) Quy định chung

Trừ các quy định nêu tại mục (c), bất kỳ quy định nào được ban hành theo quy định của Luật này đều phải đăng trên Federal Register để công chúng có cơ hội bình luận, góp ý kiến trong thời hạn tối thiểu là 30 ngày.”

2.3.  Thông tin và phản hồi

          Việc thông tin và phản hồi lại ý kiến thể hiện mối quan hệ thông tin hai chiều giữa Chính phủ và công chúng.

Hoa Kỳ:

+ Luật Federal Register Act: quy định

….

(3) Xem xét ý kiến công chúng

Tất cả các ý kiến đóng góp, bình luận nhận được trong giai đoạn quy định tại đoạn (1) hoặc (2) sẽ được xem xét và đăng tải cùng với dự thảo cuối cùng bao gồm các trả lời, tiếp thu bằng văn bản của cơ quan soạn thảo về ý kiến đóng góp của công chúng.”

+ Luật tố tụng hành chính Administrative Procedure Act (APA). APA được thông qua vào ngày 11 tháng 6 năm 1946 quy định các yêu cầu về thủ tục để đảm bảo: Bắt buộc phải đăng tải công khai các báo cáo, quan điểm đồng thời phải cung cấp các cách thức cho các nhóm đối tượng có lợi ích bình luận, kiến nghị sửa đổi hoặc phản đối.

2.4. Công cụ và phương tiện chính thức để công khai dự thảo và quá trình tham gia ý kiến của công chúng

          Các quốc gia đều tổ chức việc công khai dự thảo văn bản và công khai thảo luận trên hai loại phương tiện chính: phương tiện truyền thống (tạp chí, ấn phẩm giấy) và phương tiện hiện đại (thông qua một website chính thức của Chính phủ).

Phương tiện truyền thống

(1)- Canada

Canada Gazette là tạp chí chính thức của Chính phủ Canada từ năm 1841. Theo quy định tại mục 10 của Statutory Instruments Act, các cơ quan chính phủ có trách nhiệm đăng tải các thông tin về dự thảo văn bản mà mình soạn thảo trên Canada Gazette. Cụ thể, tất cả các dự thảo văn bản trước khi được thông qua phải được đăng tại Phần I của Canada Gazette để các nhóm lợi ích và cá nhân cũng như người dân nói chung có cơ hội để xem xét, bình luận.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng, Canada Gazette cung cấp các thông tin cơ bản như tên và địa chỉ của ban soạn thảo, thời hạn đóng góp ý kiến. Các văn bản được lấy ý kiến được sắp xếp theo chủ đề và danh mục những vấn đề cần được công chúng góp ý, bình luận.

Canada Gazette đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm luật và phổ biến pháp luật của Canada. Canada Gazette là một trong các công cụ thân thiện, cho phép công chúng có thể tìm hiểu các văn bản pháp luật và các quy định điều chỉnh hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, các thông báo công khai chính thức và chỉ định chính thức, các dự thảo luật, quy định. Với các chức năng cơ bản trên, Canada Gazette thực sự là là công cụ tư vấn hữu hiệu giữa chính phủ và người dân Canada, thông qua đó người dân có cơ hội bình luận, đóng góp ý kiến về các dự luật về các chính sách của chính phủ.

(2)- Hoa Kỳ

Federal Register là tạp chí pháp lý được xuất bản hàng ngày. Là công cụ đăng tải các luật, các dự thảo luật, các thông báo của cơ quan hoặc tổ chức liên bang, các sắc lệnh và các văn bản tài liệu của tổng thống. Federal Register chỉ ra phương thức, thời điểm và địa điểm đóng góp ý kiến. 

Theo quy định của Luật Federal Register Act, các cơ quan liên bang phải đăng tải các thông báo về dự luật trên Federal Register để người dân tham gia góp ý, bình luận đồng thời phải tiếp thu và phản hồi ý kiến của công chúng trong bản cuối cùng, trong đó phải chỉ ra cơ sở pháp lý và mục đích của việc tiếp thu hoặc không tiếp thu.

Hình thức thông báo và bình luận cũng đơn giản

- Một thông báo về một dự luật sắp được ban hành.

- Mọi cá nhân hoặc tổ chức có thể bình luận trực tiếp dưới hình thức văn bản, phát biểu trước các cuộc họp (hearing). Thời gian bình luận cũng đa dạng nhưng thường khoảng 30, 60 hoặc 90 ngày. Mỗi lần thông báo Federal Register đưa ra các chỉ dẫn chi tiết về cách thức, thời điểm, nơi thể hiện quan điểm. Ngoài ra, các cơ quan phải thông báo tên và địa chỉ của người phụ trách, người liên lạc để cung cấp thêm thông tin cho tiết về dự thảo văn bản khi có yêu cầu.

- Khi cơ quan chính phủ đăng tải quy định cuối cùng trong Federal Register, buộc phải thông báo những vấn đề quan trọng được đưa ra trong khi bình luận và thảo luận và những thay đổi nào đã được tiến hành để phúc đáp lại công chúng.

Phương tiện điện tử:

(1) - Canada:

 Trang web: http://www.consultingcanadians.gc.ca

Ngoài công cụ Canada Gazette, Chính phủ Canada còn thiết lập một trang web điện tử để tham vấn ý kiến công chúng về việc ban hành các chính sách của chính phủ, đó là trang web  http://www.consultingcanadians.gc.ca

Mục đích của http://www.consultingcanadians.gc.ca.:

-        Nâng cao nhận thức các hoạt động tư vấn cho chính phủ;

-        Tạo cơ hội cho người dân được tham gia vào các hoạt động tư vấn cho chính phủ, kể cả trên mạng và không trên mạng;

-        Nâng cao năng lực của chính phủ trong việc thu hút người dân tham gia vào các hoạt động tư vấn trên mạng và cải thiện việc quản lý các hoạt động tư vấn cho chính phủ.

Nội dung đăng tải:

      - Những vấn đề đang cần ý kiến tư vấn. Các vấn đề tư vấn được sắp xếp theo tên văn bản, chủ đề, cơ quan lấy ý kiến

      - Những vấn đề đã được tư vấn

      - Lịch tư vấn

Các chỉ dẫn để đóng góp ý kiến:

     - Tên dự thảo văn bản đề xuất lấy ý kiến

     - Tên cơ  quan xây dựng dự thảo

     - Ngày bắt đầu lấy ý kiến

      - Thời hạn lấy ý kiến

     - Người liên hệ (người phụ trách việc lấy ý kiến)

(2)- Hoa Kỳ:

Website Regulations.gov

Internet được coi là công cụ thúc đẩy sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng pháp luật. Regulations.gov là trang web tập hợp tất cả các quy định của chính phủ để công chúng bình luận, góp ý. Công chúng có thể tham gia vào quá trình làm luật của liên bang theo cách thức của riêng mình tại bất cứ nơi nào, thời điểm nào. Trang web đưa ra rất nhiều cách thức giúp công chúng có thể tìm kiếm văn bản mà mình quan tâm một cách dễ dàng. Regulation.gov là phần đầu tiên trong 3 phần của sáng kiến gọi là làm luật điện tử (eRulemaking) nằm trong chương trình Chính phủ điện tử. 

eRulemaking là công cụ làm gia tăng khả năng của công chúng trong việc tham gia góp ý vào quá trình ban hành các quyết định của chính phủ. Website này cung cấp các công cụ tiện lợi, đồng bộ để công chúng có thể tìm kiếm, xem xét và bình luận về các dự luật của chính phủ đang được đăng tải để lấy ý kiến công chúng.

Vào bất kỳ thời điểm nào, trang web có thể đăng tải 500 dự thảo văn bản của 160 cơ quan ban hành văn bản cấp liên bang. Theo thống kê đã có 42 triệu người Mỹ đã đọc các quy định của liên bang thông qua công cụ internet, với 23 triệu ý kiến bình luận về các dự luật. Ngoài ra số lượng văn bản được công chúng tải từ online Federal register là 65 triệu bản.

Quy định của liên bang thiết lập các quyền và nghĩa vụ của công chúng đối với chính phủ. Các cơ quan chính phủ có trách nhiệm ban hành các quy định có ảnh hưởng lớn về những vấn đề như an ninh, sức khỏe, môi trường ... Khi các cơ quan này ban hành các quy định như vậy, công chúng có quyền “được thông báo và bình luận”.

Regulations.gov đăng tải:

- Các văn bản lấy ý kiến công chúng trong ngày với các chỉ dẫn như tên văn bản, ngày đăng tải, thời gian lấy ý kiến, cách thức bình luận.

- Các văn bản được liệt kê theo chủ đề như thuế, y tế, giáo dục, môi trường, việc làm, bầu cử ...

- Các ý kiến đóng góp trong ngày.

2.5. Tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản được thông tin và phát biểu ý kiến

Các Uỷ ban của Nghị viện trong quá trình xem xét các dự án luật đều tổ chức các hình thức thích hợp để nghe ý kiến của nhóm lợi ích.

- Tại Đức, nếu nội dung hoặc đối tượng của dự thảo là quan trọng, rất phức tạp hoặc có thể gây tranh cãi về mặt chính trị, một phiên họp công khai gồm các chuyên gia và đại diện của các nhóm có lợi ích liên quan sẽ được tổ chức. Lý do tổ chức các cuộc họp như vậy là để thu thập, tiếp nhận bổ sung các thông tin chuyên môn và tư vấn về những vấn đề cụ thể liên quan đến dự luật để hỗ trợ quá trình thảo luận. Một cách khác là thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng về dự luật, để phân loại các quan điểm, ý kiến về vấn đề có liên quan và khuyến khích tranh luận công khai.

- Tại Singapore, MPA (Cảng và hải quan Singapore) là cơ quan chủ trì trong việc chuẩn bị các văn bản pháp luật thực thi các công ước của IMO (Tổ chức hàng hải quốc tế) và biến các công ước đó thành một bộ phận của luật pháp Singapore. Trên thực tế MPA đã tư vấn kịp thời cho cộng đồng những người trong nghề đường thuỷ mỗi khi MPA dự định phê chuẩn một công ước của IMO, đề xuất một Dự luật hay ban hành các quy định thực thi Công ước của IMO. Khi MPA xem xét cân nhắc việc trở thành thành viên của một công ước nào đó của IMO, MPA sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng những người làm đường thuỷ. MPA cũng tham khảo ý kiến của Hiệp hội đường thuỷ Singapore. Sau khi đã quyết định tham gia vào một công ước MPA sẽ thông báo cho cộng đồng này những nội dung cơ bản và thông báo những yêu cầu mới, khoảng thời gian có hiệu lực thực thi những yêu cầu mới ấy. MPA sẽ tổ chức các buổi toạ đàm hoặc thông báo ngắn gọn cho cộng đồng và những người làm tàu thuyền về tác động của văn bản pháp luật mới.

 

2.6. Kinh nghiệm thu hút sự tham gia của chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình xây dựng pháp luật

Khác với Hoa Kỳ và Canada vốn sử dụng khái niệm công chúng trong phạm vi rộng bao gồm nhiều đối tượng và thành phần, hoạt động thu hút công chúng vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật của một số quốc gia như Đức, Singapore, Nhật Bản lại có nhiều hình thức thiên về nhóm đối tượng là các chuyên gia.

(1)- Tại Đức, các nhóm thuộc nghị viện thường cố gắng chọn các chuyên gia, những người đánh giá những khó khăn, rủi ro hoặc cơ hội thành công của dự luật kể cả đưa vào đó các quan điểm chính trị của riêng họ hoặc có thể bác đi lập luận của các nhóm đối lập trong nghị viện. Tương tự, các quan điểm của các cơ quan có tiếng nói trọng lượng như hiệp hội giới chủ, công đoàn hoặc các tổ chức môi trường đều được ưu tiên xem xét vì các ý kiến của họ sẽ có ảnh hưởng tiềm năng trước ý kiến công chúng về dự luật. Các cuộc họp thẩm định này có thể rất có ảnh hưởng. Quả thực, trong quá khứ, các dự luật đã được rút lại bởi vì đa số hoặc tất cả các chuyên gia được mời tham dự phiên họp (hearing) đều cho rằng dự luật không phù hợp hoặc có thể gây tác hại.

(2)- Tại Singapore, sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và những người làm công tác thực tiễn vào quá trình lập pháp tại Singapore được thực hiện theo 2 phương thức: Tư vấn chính thức và tư vấn không chính thức.

Tuy mức độ tư vấn chính thức trong quá trình lập pháp tại Singapore là hạn chế, nhưng mức độ tư vấn không chính thức lại lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong một số lĩnh vực cụ thể. Việc tư vấn thường diễn ra trong những trường hợp sau:

Thứ nhất: Cần có sự tư vấn khi đạo luật được đề xuất có thể có ảnh hưởng quan trọng tới nền kinh tế hay tới một bộ phận đối tượng nào đó của xã hội.

Thứ hai: Bộ hoặc ban có liên quan thường tích cực tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia và từ đại diện của các khu vực trọng yếu thuộc phạm vi điều chỉnh, tác động của văn bản pháp luật mới.

Thứ ba: Công tác tư vấn thường diễn ra ở giai đoạn đầu tiên, khi Chính phủ xác định được vấn đề và còn đang xem xét cần phải giải quyết vấn đề đó bằng đạo luật nào.

Thứ tư: Mặc dù việc tư vấn thường diễn ra không chính thức và dựa trên quan hệ cá nhân, các quan điểm được đưa ra trao đổi tự do và không ai sợ bị mất mặt. Trong một số trường hợp việc tư vấn có thể được thực hiện chính thức và công khai hơn.

Chính sách của Chính phủ Singapore là mời các chuyên gia, các nhân vật trọng yếu tham gia vào quá trình phỏng vấn không chính thức về các dự luật đang được xem xét đề xuất. Quá trình, thủ tục khác nhau phụ thuộc vào mức độ quan tâm của công chúng và của khu vực kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi dự luật, cũng như tầm quan trọng của dự luật tới sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Quá trình tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn của các chuyên gia ngoài Chính phủ đều diễn ra không chính thức. Các nhà khoa học khả kính, các luật gia, các thương gia, chủ ngân hàng kế toán... thường được hỏi ý kiến về các dự luật khi Chính phủ thấy rằng những người này có chuyên môn và kinh nghiệm và có thể trợ giúp việc soạn thảo văn bản pháp luật đang được đề xuất. Điều này thường thấy ở các lĩnh vực mà dự luật đề xuất sẽ ảnh hưởng tới một khu vực cụ thể của nền kinh tế. Phương pháp tư vấn cũng hết sức đa dạng. Cụ thể:

- Chuyên gia được mời làm thành viên các uỷ ban, bao gồm thành viên của Chính phủ và của các khu vực tư nhân.

- Các chuyên gia được đề nghị cho ý kiến bình luận về một dự luật hoặc nêu lên quan điểm riêng về tác động của quy chế mới (được đề xuất) tới khu vực tư nhân. Các cơ quan nhà nước nhận thấy rằng sẽ có lợi cho họ nếu họ hỏi ý kiến những nhân vật trọng yếu, những người sẽ chịu ảnh hưởng của quy chế mới, bởi vì rõ ràng những người này sẽ hiểu và tuân thủ quy chế mới nếu họ được hỏi ý kiến về quy chế ấy từ khi nó được hình thành.

Trong phần lớn các trường hợp, những người ngoài Chính phủ khi được hỏi ý kiến đều không được trả tiền công, tuy nhiên họ sẵn sàng tự nguyện dành thời gian khi được yêu cầu hỗ trợ Chính phủ trong khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của mình.

(3)- Tại Nhật Bản, Tại Nhật bản, sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong quá trình chuẩn bị dự thảo luật của Nội các được thể hiện rõ trong các quy định về hệ thống “Shingikai”. Theo đó, mỗi cơ quan hành chính được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo được thành lập theo luật hoặc theo Quyết định của Nội các những đơn vị trực thuộc để xem xét những vấn đề quan trọng, rà soát những kháng cáo hành chính hoặc những vấn đề khác xét thấy phù hợp thông qua hội nghị của những người có học vấn hoặc những người có trình độ tương tự như vậy trong  phạm vi  thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật[24]. Dựa theo điều khoản này, nhiều Hội đồng “Shingikai” đã được thành lập. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng báo cáo của “Shingikai” không phải là quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền, ngay cả trong trường hợp cơ quan hành chính đó có nghĩa vụ trưng cầu báo cáo của “Shingikai” về những vấn đề cụ thể.

Có thể nói rằng “Shingikai” là một trong những cơ chế cho phép người dân tham gia vào quá trình quản lý. Chính vì vậy, thành viên của “Shingikai” cũng thể hiện sự tham gia của công chúng vào quy trình quản lý dân chủ. Theo Điều 8 Luật tổ chức chính quyền quốc gia, thành viên chính của Shingikai là những người có học, có tri thức. Một số đạo luật khác quy định vấn đề này cụ thể hơn. Chẳng hạn, điều 28 (2) của Đạo luật chống gây ô nhiễm công cộng (Luật số 132 – năm 1967) quy định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ định thành viên của Hội đồng từ những người có tri thức, hiểu biết về các vấn đề chống gây ô nhiễm công cộng”.

Thành viên của Shingikai là những người có tri thức và hiểu biết và phải là những người có quan điểm trung lập, không có những lợi ích đặc biệt cụ thể. Tuy nhiên nếu như, luật pháp quy định các thành viên của “Shingikai” phải được lựa chọn từ những con người “có hiểu biết và tri thức”, thì quy định này quá rộng và quá khó hiểu, làm cho cơ quan hành chính hầu như không có năng lực kiểm soát việc lựa chọn. Chính vì thế, thật khó mà trông đợi rằng những người có ý kiến trái ngược với ý kiến của Chính phủ sẽ được lựa chọn.

Ngoài thiết chế “Shingikai”, còn có thiết chế “Konchoukai” hay còn gọi là cơ quan lắng nghe ý kiến công chúng. Lắng nghe ý kiến công chúng theo luật hành chính Nhật Bản có nghĩa là các cá nhân (bao gồm cả các nhà khoa học) có thể thể hiện, phát biểu ý kiến của mình trước những quyết định hành chính tại những địa điểm tổ chức lấy ý kiến công chúng. Trong một Nhà nước dân chủ thì thiết chế này cũng quan trọng như “Shingikai”. Tuy nhiên, thiết chế cho phép công chúng tự do phát biểu hoạt động không có hiệu quả ở Nhật Bản, bởi vì “hệ thống lắng nghe ý kiến công chúng trong quy trình lập pháp quá hình thức và chỉ mang tính một chiều”[25]. Theo Kaneko, những tồn tại trong thiết chế lắng nghe ý kiến công chúng ở Nhật Bản là: a) Vấn đề đưa ra không được lí giải triệt để; b) Thời lượng phát biểu bị hạn chế; c) Các cá nhân phát biểu được cơ quan quản lí hành chính lựa chọn.

(4) - Tại Thụy Điển, vai trò của các thành viên đến từ các trường đại học trong các uỷ ban chuẩn bị dự án luật là cung cấp cho uỷ ban tri thức trong những công trình nghiên cứu gần đây nhất thuộc lĩnh vực mà dự thảo luật điều chỉnh. Các nhà nghiên cứu từ các trường đại học được xem như những mũi nhọn thuộc chuyên ngành hẹp. Họ cung cấp những cơ sở toàn diện phong phú cho các cuộc thảo luận tại uỷ ban và thông thường họ có mạng lưới quan hệ rộng rãi với các đồng nghiệp và vì thế có thể trợ giúp  các thành viên của uỷ ban.

Báo cáo của uỷ ban thường được gửi  tới các cơ sở, các viện để xem xét góp ý kiến. Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu bắt buộc phải tham gia vào quá trình soạn thảo đóng góp ý kiến, trong đó có: Toà án tối cao, Toà hành chính tối cao và Thanh tra Quốc hội. Ngoài ra, hầu hết các toà phúc thẩm đều được đề nghị cho ý kiến đóng góp  và có cả các đơn vị  hành chính phải xem xét một số vấn đề trong báo cáo.

Thông thường các trường luật hoặc các viện thuộc trường luật cũng thường được hỏi ý kiến. Trong số 200 báo cáo, hàng năm Khoa Luật Trường đại học Tổng hợp  Lund phải đóng góp ý kiến cho khoảng 180 báo cáo. Việc cho ý kiến đóng góp  cho báo cáo được trao cho một giáo sư hoặc một giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực đó. Bản thân tôi thường phải góp ý cho khoảng từ 10 đến 20 báo cáo  mỗi năm .

Lý do của việc gửi dự thảo lấy ý kiến đóng góp của các trường đại học cũng giống như việc mời các nhà nghiên cứu của các trường đại học tham gia vào các uỷ ban. Điều quan trọng là phải có một tầm nhìn rộng và sâu xuyên suốt vấn đề từ mọi giác độ. Các trường đại học cung cấp một cơ sở trí thức sâu rộng và khả năng trao đổi về các vấn đề vướng mắc giữa các thành viên trong trường thường đưa lại cho Chính phủ những cách tiếp cận mới, những giải pháp mới cho các vấn đề  mà uỷ ban nêu ra.

2.7. Một số đánh giá, nhận xét

- Các nước đều quy định trong pháp luật của mình về quyền được tham gia của công chúng đối với các chính sách, quyết định của Nhà nước, đồng thời có công cụ để bảo đảm thực hiện quyền này như Canada có Canada Gazette và website: www.consultingcanadians.gc.ca, Mỹ có Federal Register và website www.regulation.gov. (Federal Register Act quy định: “Trừ các quy định nêu tại mục (c), bất kỳ quy định nào được ban hành theo quy định của Luật này đều phải đăng trên Federal Register để công chúng có cơ hội bình luận, góp ý kiến trong thời hạn tối thiểu là 30 ngày” và “Tất cả các ý kiến đóng góp, bình luận nhận được trong giai đoạn quy định tại đoạn (1) hoặc (2) sẽ được xem xét và đăng tải cùng với dự thảo cuối cùng bao gồm các trả lời, tiếp thu bằng văn bản của cơ quan soạn thảo về ý kiến đóng góp của công chúng”.

- Các nước không quy định cụ thể về quy trình tham gia mà chỉ ấn định trách nhiệm công khai dự thảo, phương thức, thời điểm và địa điểm đóng góp ý kiến và trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo. Tham vấn công chúng chủ yếu được tiến hành bằng các biện pháp không chính thức. Rất nhiều quốc gia áp dụng phương pháp RIA để đánh giá chính sách dự kiến được ban hành, mà trong đó, một nội dung quan trọng là tham vấn ý kiến của các nhóm đối tượng. Do vậy, dù không quy định chính thức thì các cơ quan cũng mặc nhiên áp dụng việc tham vấn như một bộ phận không thể tách rời của quá trình lập pháp. Hơn nữa, việc các nghị sỹ trình độc lập hoặc các nhóm lợi ích vận động việc thông qua dự luật cũng đòi hỏi phải lôi kéo sự ủng hộ của công chúng, các nhóm lợi ích khác để làm tăng thêm sức ép buộc Quốc hội phải thông qua dự án luật. Như vậy, quy trình lập pháp của các nước là quy trình khuyến khích sự tham gia của công chúng.

- Hiệu quả tham gia ý kiến của công chúng vào quá trình xây dựng pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống dân chủ của mỗi quốc gia. Ở các quốc gia phương Tây, sự tham gia tích cực của công chúng vào các quyết sách của Chính phủ đã trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống chính trị. Đối với các quốc gia như Canada, Hoa Kỳ hay Thụy Điển, các chính sách, quyết định của Nhà nước mà không có sự tham vấn của công chúng đã trở thành một ngoại lệ. Đồng thời, sự đối thoại, quan hệ hai chiều giữa Chính phủ và công chúng đã trở thành một nhu cầu. Trong khi đó, ở các quốc gia châu Á, dù đã cố gắng áp dụng mô hình tiên tiến của phương Tây, nhưng “hệ thống lắng nghe ý kiến công chúng trong quy trình lập pháp quá hình thức và chỉ mang tính một chiều” (trường hợp của Nhật Bản).

Tóm lại, sự tham gia của công chúng phải là một phần thiết yếu trong đời sống của mỗi cá nhân bởi vì đó là cách thức công chúng quyết định tương lai và công việc kinh doanh của họ. Chúng ta không thể biết trước sự tham gia của công chúng là có hiệu quả và có ý nghĩa cho đến khi hoạt động này thực sự diễn ra trong cuộc sống. Như đã đề cập trên đây, thông tin chính là sức mạnh, vì vậy nếu công chúng không có đủ thông tin thì không thể có đóng góp hiệu quả, và do thiếu thông tin công chúng có thể không biết được đâu là các lợi ích thực sự đâu là bất lợi.

Thành công của các nước trong hoạt động thu hút công chúng chính là việc công khai thông tin đồng thời tạo ra các cơ chế và công cụ đồng bộ, hữu hiệu. Việc công khai sẽ cải thiện chất lượng văn bản, đồng thời nắm bắt được quan điểm và ý kiến của các đối tượng mà văn bản sẽ tác động trực tiếp. Công chúng có quyền được thông tin các thông tin tốt hơn về quy định hoặc chính sách nào đang được thông báo để góp ý, bình luận. Các công cụ thu hút công chúng của Canada và Hoa Kỳ đã xóa bỏ các trở ngại gây khó khăn cho công chúng tiếp cận, tham gia vào hoạt động ban hành pháp luật.

          Qua tìm hiểu khái quát kinh nghiệp của một số nước trong việc thu hút công chúng trong hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật cho thấy có nhiều mô hình Việt Nam có thể tham khảo. Canada và Hoa Kỳ thực sự là điển hình của việc thu hút công chúng vào hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách. Bằng việc công khai thông tin và minh bạch hóa các chính sách, người dân thực sự được phát huy quyền của mình trong việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Kinh nghiệm của Canada và Hoa Kỳ chính là cơ chế thu hút công chúng và các biện pháp bảo đảm thực hiện. Ngoài ra, bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến công chúng, Canada rất chú trọng đến việc tiếp thu và phản hồi ý kiến công chúng. Các ý kiến đóng góp của công chúng đều được các cơ quan của chính phủ lắng nghe và tiếp thu một cách triệt để, đồng thời được kết hợp đưa vào một cách hợp lý vào các văn bản. Thông qua đó, công chúng có thể giám sát quá trình ý kiến của mình đã được tiếp thu như thế nào, điều này sẽ khuyến khích công chúng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động làm luật và hoạch định chính sách của chính phủ.

Vấn đề đặt ra là quan điểm và chủ trương của mỗi chính phủ có thực sự mong muốn thu hút công chúng vào các hoạt động này không. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực này là bài học kinh nghiệm rất hữu ích trong quá trình cải cách pháp luật ở nước ta.

Tại Trung Quốc, cũng đã từng có nhiều cuộc họp công chúng (public hearings) được tiến hành nhưng ý kiến của công chúng lại không được xem xét, chấp nhận. Để chuẩn bị cho kế hoạch dự kiến áp dụng mức giá cung cấp và thuê các thiết bị công, cơ quan viễn thông Trung Quốc (China Telecom) đã tổ chức các cuộc họp để thăm dò ý kiến công chúng, thực tế tất cả các bên đều phản đối đề xuất tăng giá cước. Tuy nhiên, kết quả là China Telecom lại là bên thắng cuộc. Như vậy, rõ ràng sự tham gia của công chúng, thậm chí theo phương thức chính thức, trong nhiều diễn đàn thu hút công chúng chỉ là trò chơi tốn kém, và người dân bắt đầu mất lòng tin về các cách thức thực hiện như vậy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Từ điển triết học. NXB. Tiến bộ, Matxcova, 1975, Tr.401.

[3] Từ điển tiếng Việt: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/

 

[4] Từ điển Tiếng Việt (tr. 464 Nxb. Văn hóa - Thông tin, năm 1998)

[5] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX

[7] Điều 8 luật Tổ chức Chính Quyền Quốc gia (Luật số 120- 1948, bản sửa đổi). 

[8] Kaneko, 1983:123.

[9] Báo cáo công tác tư pháp năm 2008

[10] Trình Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011); cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Nuôi con nuôi; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉnh lý dự án Luật Tiếp cận thông tin.

[11] Báo cáo công tác Tư pháp 2009.

[12] Theo báo cáo “Hiện trạng Internet toàn cầu 2010” do Pingdom - hãng chuyên cung cấp dịch vụ giám sát hoạt động của website, máy chủ cho tổ chức, doanh nghiệp - vừa công bố, trong số 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất. Châu Á đứng đầu về số quốc gia với 7 nước, trong đó có Việt Nam đứng thứ 20 (với 24,3 triệu người). Châu Âu đứng thứ 2 với 5 quốc gia (hoặc 6 nếu tính cả Nga). Đáng chú ý, châu Phi cũng có 1 đại diện là Nigeria, đứng thứ 10 trong danh sách này.

[13] Phụ lục 1.

[14] Nguồn: Dự án điều tra cơ bản về chiến lược ngành Tư pháp đến năm 2020 - Bộ Tư pháp và Báo cáo tổng kết công  tác tổ chức cán bộ giai đoạn 2007-2010 của Bộ Tư pháp.

11 Hiện có nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau hỗ trợ tra cứu văn bản và đăng tải dự thảo văn bản như trang thông tin của Chính phủ (www.vietnam.gov.vn); Công báo điện tử của Chính phủ Việt Nam (http://album.moj.gov.vn/cbcp/congbao.htm); trang thông tin của Quốc Hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội (www.na.gov.vn/vietnam/vbpl.html); các trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành và địa phương như Bộ Công nghiệp (www.moi.gov.vn); Bộ Tài chính (www.mof.gov.vn); Thành phố Hồ Chí Minh (www.hochiminhcity.gov.vn) và các trang tra web tra cứu văn bản có thu phí như www.luatvietnam.com.vn  của công ty Phần mềm và Truyền thông VASC…

[15] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View_Detail.aspx?ItemId=133

[16] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View_Detail.

[17] Bộ thủ tục hành chính Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/tthc/Lists/ThutucHanhChinh/View

[18] Phần này có tham khảo Dự thảo Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp năm 2010.

[19] Phần này có tham khảo Báo cáo Tổng kết công tác tư pháp giai đoạn 2007 -2010 của Bộ Tư pháp

[20] Viện Khoa học Pháp lý

[21] Theo báo cáo “Hiện trạng Internet toàn cầu 2010” do Pingdom - hãng chuyên cung cấp dịch vụ giám sát hoạt động của website, máy chủ cho tổ chức, doanh nghiệp - vừa công bố, trong số 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất. Châu Á đứng đầu về số quốc gia với 7 nước, trong đó có Việt Nam đứng thứ 20 (với 24,3 triệu người). Châu Âu đứng thứ 2 với 5 quốc gia (hoặc 6 nếu tính cả Nga). Đáng chú ý, châu Phi cũng có 1 đại diện là Nigeria, đứng thứ 10 trong danh sách này.

[22] Viện Khoa học Pháp lý

16 Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh có văn phòng, thường hoạt động chung với văn phòng hội đồng nhân dân, có ngân sách chi tiêu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Mỗi văn phòng có trên dưới 6 nhân viên, đứng đầu bằng thư ký văn phòng. Các đại biểu chuyên trách nhóm họp tại các phiên hội nghị giữa kỳ. Những thiết chế này mới xuất hiện từ vài năm gần đây, rất cần được xem xét lại dưới khía cạnh pháp luật hiến pháp. Văn phòng đoàn đại biểu làm cho đại biểu gắn chặt với quyền lợi địa phương. Hội nghị đại biểu chuyên trách hoạt động như một thiết chế nghị viện nhỏ. Liệu những thiết chế này có tăng thêm cát cứ quyền lực cục bộ giữa các vùng, miền và các tỉnh? Liệu người ta có nên xem xét một thiết chế thượng viện đại diện cho các tỉnh và các giai tầng dân cư, bổ khuyết cho hạ viện chỉ đại diện cho cử tri? Tất cả những điều này ảnh hưởng đến quy trình lập pháp, và phải khảo cứu thêm mới nên phê phán hay khuyến cáo.

17 Đoàn Mạnh Giao, Kỷ yếu Hội thảo đổi mới quy trình xây dựng Luật, Pháp lệnh - Tài liệu của Ban công tác lập pháp 2004 , tr. 33

18 Hoàng Văn Tú, Kỷ yếu Hội thảo đổi mới quy trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Sdd, tr. 106-109.

19 Xem Hồ Uy Liêm, Báo cáo tại Đại hội Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam 12/2004, www.vusta.org.vn

[23] Tập đoàn Bưu chính viễn thông

[24] Điều 8 luật Tổ chức Chính Quyền Quốc gia (Luật số 120- 1948, bản sửa đổi). 

[25] Kaneko, 1983:123.

 

File đính kèm downloadTải về