• Thuộc tính
Tên đề tài Tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Nội dung tóm tắt

Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam ra đời năm 1993 đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện bảo vệ môi trường bằng pháp luật ở nước ta. Đạo luật này điều chỉnh một cách tổng thể các mối quan hệ phát sinh trong quá trình con người tác động đến môi trường, trên cả phương diện quản lý của các cơ quan nhà nước cũng như từ góc độ khai thác và sử dụng môi trường của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tiếp theo đó, một loạt các đạo luật về bảo vệ những thành phần môi trường khác cũng đã được ban hành và tổ chức thực hiện như: Luật Khoáng sản (năm 1996), Luật Tài nguyên nước (năm 1998), Luật Dầu khí (sửa đổi bổ sung năm 2000)... Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả các đạo luật này trên thực tế lại phụ thuộc ý thức pháp luật môi trường của người dân.

Với chức năng là trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý, trong một số năm vừa qua, trường Đại học Luật Hà Nội đã bắt đầu quan tâm và chú trọng đến công tác dạy và học môn Luật môi trường cho sinh viên thuộc các hệ đào tạo khác nhau của trường. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý khá mới mẻ với nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau nên quá trình giảng dạy và học tập môn học này ở trường Đại học Luật Hà Nội còn gặp phải khá nhiều vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hoà nhập chung với xu thế toàn cầu trong bảo vệ môi trường, nhu cầu hiểu biết về môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng ở Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi bức thiết và ngày một cao. Công tác giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội và một số cơ sở đào tạo của Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng tốt yêu cầu đó. Chính vì thế, để có thể giải quyết được những khó khăn này thì việc tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường là một yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đã đặt vấn đề nghiên cứu về lĩnh vực này qua đề tài: “Tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội”. Đây là một đề tài vừa mang tính lý luận lại vừa mang tính ứng dụng cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đóng góp đáng kể cho việc thực hiện tốt nhất yêu cầu giảng dạy và học tập môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội, đáp ứng các đòi hỏi cấp bách cho việc giải quyết phần nào những thách thức môi trường đã và đang đặt ra cho Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói riêng và trong tiến trình hội nhập nói chung.

1. Một số vấn đề lý luận về tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

1.1. Các yếu tố hợp thành năng lực giảng dạy Môn Luật môi trường

Theo nghĩa khách quan, năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là khả năng truyền đạt kiến thức pháp luật môi trường của giảng viên đến người học. Còn theo nghĩa chủ quan, năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường lại được hiểu là khả năng tạo lập phương pháp, kỹ năng... trong việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật môi trường của giảng viên cho người học. Năng lực giảng dạy nói chung và năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường nói riêng được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: lực lượng giảng viên, lực lượng sinh viên, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và các phương tiện trợ giúp khác. Cụ thể:

* Thứ nhất, lực lượng giảng viên

Đây là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng giảng dạy môn pháp luật môi trường. Giảng viên giữ vai trò chủ đạo trong quá trình dạy học, là người tổ chức, điều khiển, chỉ đạo các hoạt động học tập của sinh viên.

Năng lực giảng dạy của giảng viên phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của chính người giảng viên đó, bao gồm trình độ chuyên môn và trình độ sư phạm. Trình độ chuyên môn của giảng viên là mức độ hiểu biết về khoa học pháp lý nói chung cũng như pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng. Bên cạnh đó còn phải kể đến các kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội hay trình độ ngoại ngữ của người giảng viên đó, được sử dụng để phục vụ chuyên môn. Trình độ sư phạm. Đây chính là cách thức và khả năng hướng dẫn, chỉ đạo, điều khiển của giảng viên, trên cơ sở những hiểu biết chuyên môn, để truyền đạt lại kiến thức đó cho người học. Nếu hiểu trình độ chuyên môn là nội dung mang tính chất quyết định đến chất lượng của năng lực giảng dạy của giảng viên, thì trình độ sư phạm lại là hình thức quyết định đến chất lượng đó.

* Thứ hai, lực lượng sinh viên

Lực lượng này là đối tượng tiếp nhận kiến thức pháp luật môi trường, đồng thời cũng lại phản ánh một cách trung thực nhất, khách quan nhất chất lượng năng lực giảng dạy của giảng viên. Sinh viên, một mặt là đối tượng của hoạt động dạy học, mặt khác lại là chủ thể của hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu tại trường đại học. Nói cách khác, trong quá trình dạy và học, người sinh viên vừa là khách thể của hoạt động dạy, lại vừa là chủ thể hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo tiến tới làm chủ những kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường và các kỹ xảo liên quan đến nghề nghiệp tương lai của mình.

Khả năng tiếp nhận kiến thức pháp luật môi trường của sinh viên còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, ý thức thái độ học tập, cùng với các điều kiện học tập khác. Để phát huy tốt khả năng này, một tiền đề có tính chất quyết định trực tiếp là mỗi sinh viên phải phát huy cao độ vai trò chủ thể của mình trong sự thống nhất với vai trò chủ thể của cả tập thể sinh viên. Bởi lẽ, sự phát triển của mỗi sinh viên tạo nên sự phát triển chung, hài hoà, đồng bộ của cả tập thể, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Song, tập thể sinh viên lại là môi trường quan trọng cho sự hình thành và phát triển trí tuệ riêng của mỗi sinh viên. Vì vậy, nói đến năng lực giảng dạy ở Đại học nói chung và năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, không thể không đề cập đến lực lượng sinh viên - một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng.

* Thứ ba, nội dung giảng dạy

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, nội dung giảng dạy môn học này được xây dựng bao gồm hệ thống kiến thức pháp luật môi trường và hệ thống kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp tương lai cũng như về nghiên cứu khoa học phù hợp với mục đích, mục tiêu đào tạo của bộ môn và của toàn trường.

Hệ thống kiến thức pháp luật môi trường bao gồm những nhận thức cơ bản nhất về môi trường, bảo vệ môi trường, vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường và toàn bộ hệ thống các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành ở Việt Nam, cũng như pháp luật bảo vệ môi trường của một số nước trên thế giới.

Hệ thống kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp tương lai, cũng như về nghiên cứu khoa học là những tri thức được chọn lọc từ nguồn kinh nghiệm chung, đặc biệt và chủ yếu là nguồn kinh nghiệm riêng trong ngành tư pháp và trong quản lý môi trường mà bao thế hệ đi trước đã dày công tích luỹ, khái quát hoá, hệ thống hoá.

Cả hai yếu tố này đều cần phải được coi trọng trong nội dung giảng dạy để đảm bảo được chất lượng của năng lực giảng dạy. Nói cách khác, năng lực giảng dạy cao hay thấp còn tuỳ vào mức độ phù hợp và tính toàn diện của nội dung giảng dạy môn học đó.

* Thứ tư, phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường có thể được hiểu là tổng hợp các cách thức hoạt động của giáo viên và sinh viên trong quá trình dạy và học, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học pháp lý, cán bộ quản lý môi trường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Trong năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường, phương pháp giảng dạy tồn tại với tư cách là một thành tố cấu trúc. Nó có mối quan hệ qua lại mật thiết với các yếu tố khác như lực lượng sinh viên hay nội dung chương trình. Để có thể lựa chọn được các phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường phù hợp, cần phải lưu ý một số vấn đề như:

+ Phương pháp giảng dạy phải gắn liền với mục đích đào tạo các cán bộ pháp lý cũng như các cán bộ nghiên cứu và quản lý môi trường bằng pháp luật.

* Phương pháp giảng dạy phải gắn liền với các vấn đề về môi trường và quản lý môi trường bằng pháp luật đã, đang và sẽ nảy sinh trên thực tiễn.

+ Phương pháp giảng dạy phải phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, sáng tạo của sinh viên.

* Phương pháp giảng dạy cần phải gắn với phương pháp nghiên cứu khoa học.

+ Phương pháp giảng dạy cần phải gắn liền với các thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong dạy học.

+ Phương pháp giảng dạy cần phải được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

* Thứ năm, các phương tiện trợ giúp

Các phương tiện trợ giúp cho quá trình dạy và học môn pháp luật môi trường bao gồm: giáo trình Luật môi trường, các tài liệu chuyên khảo....

Giáo trình Luật môi trường là loại sách được viết theo chương trình, nội dung môn học đã được xác định trước, được dùng cho sinh viên sử dụng làm tài liệu chính trong quá trình dạy và học môn pháp luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Cùng với giáo trình, các tài liệu tham khảo cũng là một công cụ bổ trợ đắc lực cho việc dạy và học cũng như cho quá trình tự nghiên cứu của sinh viên. Bên cạnh đó, hiệu quả của năng lực giảng dạy môn học sẽ được nâng lên cao hơn nữa khi có sự trợ giúp của các phương tiện dạy học hiện đại. Đó chính là cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học. Hay nói cách khác là việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào trong quá trình dạy học đại học, kết hợp với các yếu tố khác, hình thành nên “công nghệ dạy học”.

1.2. Sự cần thiết phải tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường

Với điều kiện hiện tại và để đáp ứng tốt hơn nữa các đòi hỏi về vấn đề môi trường trong tương lai, việc tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội là một yêu cầu khách quan và cần thiết. Điều này có thể lý giải bởi những lý do cơ bản sau:

* Thứ nhất, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp nhằm thực hiện tốt đường lối chỉ đạo chung cuả Đảng và Nhà nước ta về giáo dục môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Quan điểm về giáo dục nói chung và giáo dục về bảo vệ môi trường nói riêng, đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ cộng nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Giảng dạy môn pháp luật môi trường tại các cấp học nói chung và tại các cơ sở đào tạo luật nói riêng, trong đó có trường Đại học Luật Hà Nội, chúng ta có thể thực hiện được phần nào những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Vì thế mà tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường trở thành một biện pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ đó.

* Thứ hai, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục môi trường và là một biện pháp hữu hiệu để đạt tới mục tiêu.

  Bởi chỉ khi năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường được tăng cường thì hiệu quả của công tác giáo dục môi trường mới được nâng cao. Hiệu quả của công tác giáo dục môi trường được đánh giá một phần dựa trên cơ sở kết quả giảng dạy môn pháp luật môi trường. Chúng được đo bằng mức độ thực hiện các mục tiêu đã đặt ra để giải quyết các vấn đề môi trường của đất nước, với sự chi phối tối ưu thời gian, cơ sở vật chất và công sức của thầy trò. Việc đánh giá kết quả giảng dạy môn học pháp luật môi trường phải căn cứ chủ yếu vào hiệu quả giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường trên thực tế bằng pháp luật. Mặc dù điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng kiến thức pháp luật môi trường cũng như việc áp dụng các qui định pháp luật môi trường như thế nào trên thực tế của sinh viên cũng có tác động không nhỏ đến việc giải quyết các thách thức môi trường đã và đang đặt ra.

Mặt khác, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là một biện pháp hữu hiệu để đạt tới mục tiêu của công tác giáo dục môi trường. Thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường, trước hết chúng ta có thể nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường bằng pháp luật của sinh viên. Đội ngũ này sẽ là lực lượng tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Khi đó, chúng ta sẽ có thể có được những điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết những thách thức hết sức lớn lao về bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ đặt ra.

* Thứ ba, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bằng pháp luật

 Ý thức pháp luật môi trường của dân chúng nói chung và của sinh viên Đại học Luật Hà Nội nói riêng có thể được nâng cao bằng con đường giáo dục. Nó được thể hiện phần nào thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường. Ý thức pháp luật môi trường được nâng cao thì chắc chắn công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường bằng pháp luật sẽ có được những điều kiện thuận lợi để thu được kết quả tốt nhất. Điều này có thể được lý giải bởi hai lý do cơ bản. Đó là:

- Để áp dụng đúng đắn các qui phạm pháp luật môi trường, đòi hỏi phải có sự hiểu biết chính xác nội dung và yêu cầu của qui phạm đó; phải giải thích và làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của nó. Tất cả những yêu cầu đó chỉ có thể được thoả mãn trong điều kiện người áp dụng pháp luật có ý thức pháp luật tốt.

- Vai trò của ý thức pháp luật còn được thể hiện cả trong những trường hợp áp dụng các các qui phạm pháp luật đã lạc hậu, không còn đáp ứng một cách đầy đủ các đòi hỏi của thực tế. Bởi vì, một người có ý thức pháp luật tốt có thể giải quyết đúng đắn sự việc thực tế bằng cách áp dụng kết hợp những qui phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Hơn thế nữa, ý thức pháp luật môi trường tốt còn tạo ra khả năng giải quyết đúng đắn cả những trường hợp thực tế mà vì một lý do nào đó pháp luật môi trường hiện hành chưa đề cập đến.

* Thứ tư, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo luật học nói chung và Luật Bảo vệ môi trường nói riêng trong thời gian tới

Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một Nhà nước đòi hỏi pháp luật phải được tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ. Việc các tổ chức, cá nhân phải hiểu để sống và làm theo pháp luật trở thành một yêu cầu bắt buộc. Cũng chính vì thế mà nhu cầu đào tạo luật học, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức pháp luật của nhân dân sẽ ngày một tăng, với những đòi hỏi về chất lượng ngày một cao hơn. Điều đó chỉ có thể được đáp ứng thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy luật học nói chung và tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường nói riêng tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo luật trong cả nước.

Mặt khác, hoà nhập với xu thế chung hiện nay của thế giới trong việc giải quyết các thách thức môi trường, công tác bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ môi trường bằng pháp luật ở Việt Nam sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt hơn nữa, khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, thì những tác động bất lợi cho môi trường cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Thực hiện tốt việc giáo dục ý thức pháp luật môi trường bằng con đường tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là một giải pháp hữu hiệu. Giải pháp đó không chỉ để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên thực tế, mà còn góp phần ngăn ngừa những tác động bất lợi cho môi trường bằng những hành động cụ thể của con người trong quá trình khai thác và sử dụng môi trường.

2. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường trong thời gian qua

2.1. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

Môn học Luật môi trường chính thức được nghiên cứu, giảng dạy ở trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu từ năm 1994. Thực trạng về công tác đào tạo và giảng dạy môn học này tại trường Đại học Luật Hà Nội được tìm hiểu ở những nội dung sau:

* Mục đích đào tạo, giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

i) Trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường Việt Nam.

ii) Trang bị cho sinh viên những kiến thức bổ trợ, liên quan tới pháp luật môi trường như: Vấn đề tiêu chuẩn môi trường; ô nhiễm, suy thoái sự cố môi trường; an toàn kiểm soát bức xạ, chất thải nguy hại...

iii) Cung cấp cho sinh viên các thông tin về thực tiễn quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật môi trường Việt Nam, để họ có được hệ thống kiến thức tổng hợp về pháp luật môi trường.

iv) Giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức pháp luật môi trường cho sinh viên, tạo cơ sở cho sinh viên sau khi ra trường thực hiện các công việc liên quan tới pháp luật môi trường với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

v) Bảo đảm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học Luật có thể ứng dụng một cách hiệu quả những kiến thức pháp lý về môi trường đã học trong nhà trường vào thực tiễn công tác.

Nhìn chung, trong những năm qua, các mục đích nêu trên của công tác giáo dục, đào tạo môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội đã đạt được ở những mức độ không giống nhau. Điều đó được phản ánh rất rõ nét thông qua kết quả điều tra thực tiễn, cụ thể là, có tới 91% số phiếu điều tra cho rằng công tác giảng dạy môn Luật môi trường trong thời gian qua đã giúp sinh viên có được những kiến thức cơ bản về khoa học pháp lý cũng như pháp luật môi trường và 66% số người được điều tra thừa nhận môn Luật môi trường đã đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho sinh viên. Song, chỉ có 14,7% khẳng định môn học này có thể giúp cho sinh viên tự giải quyết một số yêu cầu của công việc sau này liên quan đến bảo vệ môi trường.

* Đội ngũ cán bộ giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

Chịu trách nhiệm giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội là Tổ bộ môn Luật môi trường. Tổ bộ môn hiện gồm 5 giáo viên, trong đó có 4 thạc sỹ Luật (một giáo viên đang học nghiên cứu sinh trong nước) 1 giáo viên đang học cao học luật, chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ. Lãnh đạo chuyên môn của tổ gồm có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Đây là đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững chắc, có phương pháp giảng dạy tương đối khoa học, hiệu quả, bảo đảm truyền đạt cho người học hệ thống kiến thức cần thiết cũng như phương pháp tiếp cận, xử lý thông tin ở mức độ phù hợp với mục đích, nội dung chương trình đào tạo ở bậc đại học chuyên ngành luật.

Việc củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy cũng luôn được tổ bộ môn chú trọng. Các cuộc họp chuyên môn thường xuyên được tiến hành vào đầu mỗi năm học mới, hàng tháng và mỗi khi kết thúc một đợt giảng cho sinh viên nhằm đánh giá hiệu quả giảng dạy, học tập, đồng thời tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy được tốt hơn, đáp ứng các đòi hỏi về nhu cầu giảng dạy, học tập môn học này một cách khách quan nhất. Bên cạnh đó, các thành viên của tổ bộ môn cũng thường xuyên trao đổi, học tập lẫn nhau nhằm không ngừng bổ sung các kiến thức khoa học cũng như phương pháp giảng dạy. Mặt khác, những giáo viên lâu năm luôn giúp đỡ, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp giáo viên trẻ và cùng nhau bàn bạc, thảo luận dưới sự hướng dẫn của tổ trưởng bộ môn để tìm ra cách giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách tốt nhất.

 Không chỉ chú trọng tới công tác giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng dạy môn học Luật môi trường còn chủ động tới công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, tích cực tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp trường và cấp bộ; viết bài cho các tạp chí chuyên ngành; không ngừng học tập những nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ cho công tác giảng dạy; tham gia các lớp học vi tính, ngoại ngữ; tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành khoa học quản lý môi trường, dự hội thảo khoa học về môi trường ở trong nước và quốc tế; tổ chức đi khảo sát thực tế... Những hoạt động này đã góp phần nâng cao, mở rộng chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, có tác dụng tích cực tới công tác giảng dạy.

Tuy nhiên, vì là một tổ bộ môn mới thành lập, lại giảng dạy một môn học có những đặc thù riêng nên đội ngũ giáo viên của tổ bộ môn cũng đang đứng trước một số hạn chế nhất định. Đó là: một số giáo viên trong tổ bộ môn chưa tham gia công tác nghiên cứu khoa học một cách thực sự tích cực, các bài viết của giáo viên trong tổ đăng ở các tạp chí chuyên ngành còn hạn chế;  chưa tổ chức được các cuộc hội thảo về pháp luật môi trường cũng như các buổi tiếp xúc, nói chuyện chuyên đề về pháp luật môi trường giữa sinh viên với các cán bộ quản lý nhà nước về môi trường; chưa mời được các chuyên gia pháp lý hướng dẫn những kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường; chưa thực sự tạo được không khí nghiên cứu khoa học pháp lý về môi trường sôi nổi, hào hứng trong sinh viên và chưa tổ chức được các hoạt động khảo sát thực tế...

* Đội ngũ sinh viên, học viên

Trong thời gian gần đây, nhận thức của sinh viên về môn học này đã được nâng cao, ý thức nghiên cứu, học tập đã được nâng lên một bước, ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn đề tài thuộc môn học Luật môi trường làm luận văn tốt nghiệp và những luận văn này thường đạt kết quả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng đối với khoa học pháp lý về môi trường. Tuy nhiên, học viên chưa nhận thức được vấn đề này, họ chưa thực sự coi trọng môn học, ý thức học tập tương đối kém.

Quá trình giảng dạy, trao đổi, tiếp xúc với sinh viên, học viên học tập môn học này cho thấy một số vấn đề sau:

 i) Đây là một môn học khó, lượng kiến thức rất phong phú, đa dạng, là sự tổng hợp của nhiều ngành luật khác nhau, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

  ii) Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này đã đáp ứng được các đòi hỏi về chuyên môn, tuy vẫn cần phải tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy và nên áp dụng các phương tiện trợ giúp hiện đại trong quá trình giảng dạy.

  iii) Sinh viên rất muốn được đi khảo sát thực tế về môi trường, quản lý nhà nước về môi trường để nâng cao kiến thức thực tiễn và tham gia các cuộc hội thảo khoa học,  muốn được tiếp xúc với các chuyên gia pháp lý về môi trường để học tập các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong các tình huống cụ thể.

* Nội dung chương trình giảng dạy môn học Luật môi trường

 Môn học Luật môi trường được chia thành 9 chương với các nội dung sau:

Chương I : Khái niệm Luật môi trường

Chương II: Quản lý Nhà nước về môi trường

Chương III: Đánh giá tác động môi trường

Chương IV: Pháp luật về phòng, chống; khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

Chương V: Pháp luật bảo vệ rừng

Chương VI: Pháp luật bảo vệ tài nguyên nước

Chương VII: Pháp luật bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Chương VIII: Pháp luật bảo vệ các nguồn tài nguyên khác.

Chương IX: Quan hệ quốc tế về bảo vệ môi trường.

Thực trạng chương trình giảng dạy môn học Luật Môi trường cho thấy đặc thù của môn học này hiện nay là:

- Đây là một môn học mới ở trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, trong hệ thống giáo dục quốc gia nói chung. Chính vì vậy, việc xây dựng và thực hiện chương trình giảng dạy môn học này gặp nhiều khó khăn. Đó là khó khăn về việc xác định nội dung chương trình giảng dạy; xử lý các khái niệm trong bài giảng...

- Là môn học phải xử lý rất nhiều khái niệm liên quan tới vấn đề kỹ thuật môi trường như: đa dạng sinh học, chất thải nguy hại, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường... Nó đòi hỏi phải có sự kết hợp, lý giải một cách hợp lý giữa vấn đề khoa học pháp lý với vấn đề khoa học kỹ thuật mang tính chuyên ngành môi trường.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy: Về cơ bản, nội dung chương trình giảng dạy môn học này đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu đối với sinh viên hệ đại học, chuyên ngành luật, song vẫn còn một số tồn tại như:

+ Còn nhiều vấn đề chưa được đưa vào nội dung chương trình giảng dạy ở mức độ phù hợp (như pháp luật bảo vệ di sản văn hoá; quản lý chất thải nguy hại; bảo vệ, kiểm dịch thực vật...);

+ Kết cấu các chương cần được tiếp tục sửa đổi cho khoa học;

+ Nội dung giảng dạy chưa chú trọng tới việc hướng dẫn sinh viên các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong các tình huống cụ thể;

+ Thời lượng nghiên cứu, học tập môn học này hiện nay còn ít (45 tiết).

* Phương pháp giảng dạy môn Luật môi trường

 Phương pháp giảng dạy môn học Luật Môi trường hiện nay tại trường Đại học Luật Hà Nội vẫn mang tính truyền thống, đó là kết hợp hai phương pháp thuyết trình lý thuyết và tổ chức thảo luận.                                            

Phương pháp giảng dạy này về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của phương pháp giảng dạy đại học. Tuy nhiên, phương pháp giảng này cũng đang đứng trước một số bất cập như: trong quá trình giảng dạy thiếu các hình ảnh thực tiễn để cung cấp cho sinh viên những thông tin về môi trường một cách sinh động, khoa học, ấn tượng nhất; thiếu (thậm chí chưa có) việc tổ chức các chuyến đi khảo sát thực tế cho sinh viên để nâng cao kiến thức thực tiễn về môi trường; thiếu các cuộc hội thảo khoa học về pháp luật môi trường và các buổi tổ chức cho sinh viên tiếp xúc với cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trình độ chuyên môn về pháp luật môi trường, để giúp sinh viên có thêm các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong những tình huống cụ thể.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhà trường cùng đội ngũ giáo viên trong tổ bộ môn luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để có được phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả nhất. Chẳng hạn như: áp dụng hình thức thảo luận với hai giáo viên phụ trách; phát tận tay sinh viên câu hỏi định hướng nội dung giờ thảo luận, tổ chức chia nhóm thảo luận, phân vai từng nhân vật trong các tình huống cụ thể để giải quyết một sự kiện pháp lý về môi trường, tổ chức các chuyến đi khảo sát thực tế cho sinh viên... Về lâu dài, nhà trường cùng tổ bộ môn đang xem xét, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào quá trình giảng dạy như: sử dụng phương tiện màn hình, đèn chiếu, các công nghệ vi tính để giảng dạy trên lớp...

* Giáo trình và tài liệu tham khảo môn học Luật Môi trường

 Giáo trình luật môi trường được xuất bản năm 1999, đã tái bản lần 2, chưa có sửa đổi, bổ sung. Về cơ bản, giáo trình luật môi trường đã phản ánh được nội dung chương trình giảng dạy môn học này, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập của giới sinh viên, học viên bậc đại học chuyên ngành luật. Tuy vậy, cuốn giáo trình này cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế như sau:

i) Có nhiều lỗi kỹ thuật do in ấn;

ii) Một số chương trong giáo trình chưa hợp lý, có phạm vi nghiên cứu quá rộng, cần chia thành các chương nhỏ hơn hoặc bổ sung sang các chương khác.

iii) Nhiều nội dung khoa học cần đưa vào giáo trình như: vấn đề chất thải nguy hại, bảo vệ, kiểm dịch thực vật, bảo vệ di sản văn hoá...

Cùng với giáo trình luật môi trường, các tài liệu tham khảo về pháp luật môi trường cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn Luật Môi trường. Nhưng hiện tại, so với một số môn khoa học pháp lý khác thì tài liệu tham khảo môn luật môi trường còn hạn chế, các đầu sách tham khảo môn học này chưa nhiều. Để khắc phục tình trạng này, trường Đại học Luật Hà Nội cùng tổ bộ môn luật môi trường đang từng bước soạn thảo các tài liệu tham khảo để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn học này như: Hỏi đáp về luật môi trường Việt Nam, Tìm hiểu luật môi trường Việt Nam...

2.2. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn học Luật Môi trường tại các cơ sở đào tạo khác

* Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật Môi trường tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tìm hiểu thực trạng công tác đào tạo, giảng dạy môn học luật môi trường ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể thấy nổi lên các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về đội ngũ cán bộ giảng dạy

Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chưa có tổ bộ môn luật môi trường độc lập, chỉ có môn học luật đất đai - môi trường trực thuộc tổ bộ môn pháp luật kinh doanh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên về môn học luật môi trường cũng chưa có. Các giáo viên dạy luật đất đai thường kiêm luôn việc giảng dạy luật môi trường. Vì thế, việc giảng dạy môn học này thường được thực hiện dưới hình thức cộng tác, mời giáo viên, cán bộ nghiên cứu ở các cơ sở khác sang giảng dạy. Chính vì chưa có cơ cấu tổ chức ổn định, thống nhất nên công tác đào tạo, giảng dạy môn học luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể như:

 i) Việc bố trí lịch học cho sinh viên không được chủ động vì phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên được mời cộng tác.

 ii) Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này không được thực hiện thường xuyên, thống nhất dẫn tới có sự khác nhau về chương trình giảng dạy đối với sinh viên trong cùng một khoá học, điều đó tác động không nhỏ tới tâm lý học tập của sinh viên.

iii) Chưa tạo được không khí học tập, nghiên cứu khoa học pháp lý về môi trường một cách sôi nổi, tích cực. Các hoạt động hội thảo khoa học, viết tiểu luận, đề tài về pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang từng bước quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ giảng dạy pháp luật môi trường để hình thành một tổ bộ môn luật môi trường độc lập, thực hiện chức năng nghiên cứu giảng dạy pháp luật môi trường dưới sự lãnh đạo thống nhất của Khoa.

Thứ hai, về đội ngũ sinh viên, học viên

Ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, vấn đề pháp luật môi trường chỉ là một phần nhỏ của môn luật đất đai - môi trường. Do đó, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ và chưa thực sự coi trọng môn học này, dẫn tới hiện nay ý thức nghiên cứu, học tập môn học này của sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn thấp. Cũng chính vì lý do này mà kết quả học tập, nghiên cứu pháp luật môi trường của sinh viên, học viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn khá hạn chế.

 Giống như sinh viên, học viên nghiên cứu học tập môn học này ở các cơ sở khác, nguyện vọng của sinh viên, học viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay khi nghiên cứu pháp luật môi trường là:

i) Số tiết học môn học luật môi trường cần được bố trí nhiều hơn.

ii) Sớm được cung cấp giáo trình luật môi trường và một số tài liệu tham khảo để thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, học tập.

iii) Được nhà trường tổ chức các chuyến khảo sát thực tế, tiếp xúc với cán bộ quản lý nhà nước về môi trường để nâng cao hơn nữa kiến thức pháp luật môi trường, kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong thực tế đời sống.

iv) Được tham gia các buổi hội thảo hay tham gia viết đề tài về pháp luật môi trường để không khí nghiên cứu môn học này thêm sôi nổi, nghiêm túc.

Trước những hạn chế cũng như những đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu pháp luật môi trường của đội ngũ sinh viên như trên, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện cải cách từng bước về cơ cấu bộ môn, nội dung chương trình nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, số tiết học pháp luật môi trường... để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy pháp luật môi trường, đáp ứng các yêu cầu đào tạo bậc đại học chuyên ngành luật trong giai đoạn mới.

Thứ ba: Về nội dung chương trình giảng dạy

Chương trình giảng dạy pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội là một phần trong chương trình môn học Luật Đất đai - Môi trường. Tại cơ sở đào tạo này, hiện chưa có môn học Luật Môi trường độc lập. Từ năm 2000 trở về trước, môn học luật đất đai - môi trường được kết cấu gồm 45 tiết, trong đó số tiết học luật môi trường là 15 tiết. 

Nội dung giảng dạy môn học này được sắp xếp như sau:

- Đối với hệ dài hạn, nội dung chương trình thường được chia thành 4 phần:

Phần I: Pháp luật về môi trường.

Phần II: Pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá

Phần III: Pháp luật về bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phần IV: Pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường.

-  Đối với hệ sau đại học, có hai chuyên đề chính là:

Chuyên đề 1: Hoàn thiện pháp luật môi trường trong nền kinh tế thị trường

Chuyên đề 2: Đánh giá tác động môi trường.

Với các nội dung này, chương trình giảng dạy pháp luật môi trường mới chỉ đáp ứng ở mức độ cơ bản nhất, khái quát nhất của yêu cầu đào tạo sinh viên đại học chuyên ngành luật. Các nội dung giảng dạy pháp luật môi trường ở cơ sở này lại không thống nhất, phụ thuộc chủ yếu vào bài giảng của mỗi giáo viên. Cùng một khoá học nhưng các giáo viên giảng cho các lớp khác nhau có thể có những nội dung khác nhau trong chương trình học, điều đó ảnh hưởng tới tâm lý học tập của sinh viên, học viên.

Khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện nay Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang có những cải tiến lớn về nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật môi trường. Theo kế hoạch của Khoa Luật, bắt đầu từ năm 2001 môn học luật đất đai - môi trường sẽ nâng lên thành 75 tiết (thay vì 45 tiết như trước) trong đó thời lượng môn học pháp luật môi trường sẽ được bố trí là 30 tiết. Đây là một bước mở đầu thuận lợi để nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập nghiên cứu pháp luật môi trường ở cơ sở này.

Thứ tư, về phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ bản là mang tính truyền thống: Giáo viên giảng lý thuyết thông qua bảng, phấn viết, bút dạ, hệ thống giáo án, giáo trình, tài liệu tham khảo. Từ năm 2000 trở về trước, trong cơ cấu tiết học pháp luật môi trường ở cơ sở này không có giờ thảo luận. Đó là hạn chế lớn về phương pháp giảng dạy đại học mà cơ sở này vẫn đang tiếp tục khắc phục.

Thứ năm, giáo trình và tài liệu tham khảo

Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chưa biên soạn Giáo trình luật môi trường. Vì thế, sinh viên, học viên thường sử dụng giáo trình Luật môi trường của trường Đại học Luật Hà Nội làm tài liệu học tập. Bên cạnh đó, tài liệu tham khảo về pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng còn rất hạn chế. Sinh viên, học viên muốn có tài liệu tham khảo thường phải đi sưu tầm ở các cơ sở khác (chủ yếu là các nhà sách).

Theo kế hoạch đào tạo, giảng dạy năm 2001, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chú trọng tới việc soạn thảo giáo trình Luật môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

* Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

Tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, việc giảng dạy môn học Luật môi trường được áp dụng đối với cả hệ đào tạo đại học và sau đại học. Với chương trình đào tạo sau đại học, bắt đầu từ khoá 1 cao học luật của trường, môn Luật quốc tế về môi trường đã được đưa vào giảng dạy với tư cách là một môn học bắt buộc cho học viên cao học luật thuộc chuyên ngành luật kinh tế. Việc giảng dạy môn học này hiện vẫn do các giảng viên nước ngoài được Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế mời đảm nhận.

Đối với chương trình đào tạo cử nhân, từ năm 1994, Khoa Luật thương mại đã tiến hành việc soạn thảo chương trình môn Luật môi trường để dự kiến đưa vào giảng dạy. Đến năm 1995 môn học này đã được chính thức đưa vào giảng dạy cho sinh viên khoá 16. Thời kì đầu chương trình mới chỉ được áp dụng giảng dạy cho sinh viên thuộc hệ chính qui với số tiết là 60 trong đó có 45 tiết giảng lí thuyết và 15 tiết thảo luận. Đến năm 1998 khi nhà trường thông qua chương trình đào tạo cử nhân, môn Luật môi trường vẫn được giao cho Khoa Luật thương mại đảm nhận số tiết là 45 áp dụng cho tất cả các hệ đào tạo chính qui, mở rộng, tại chức.

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn Luật Môi trường tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những thuận lợi lớn như sự quan tâm cho việc phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này của nhà trường, ý thức học tập môn Luật môi trường của sinh viên đang dần được nâng cao, còn có không ít những khó khăn cần sớm được khắc phục. Cụ thể là:

Thứ nhất,  về lực lượng giáo viên

Hiện nay ở Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa chính thức có Tổ bộ môn Luật môi trường. Hiện có 4 giáo viên giảng dạy môn học, trong đó mới có hai giảng viên có khả năng giảng dạy toàn bộ chương trình, hai giảng viên còn lại có một người giảng được 1/3 chương trình, người còn lại đang trong giai đoạn tập sự chưa có khả năng giảng dạy. Điều đáng chú ý là một số giảng viên chưa thật sự tâm huyết với môn học, năng lực chuyên môn không cao thậm chí còn có biểu hiện mặc cảm về môn học mà mình giảng dạy.

Thứ hai, về lực lượng sinh viên

Nhìn chung, sinh viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh hiện không thực sự quan tâm đến việc học tập, nghiên cứu môn học Luật môi trường. Họ cho rằng đây là môn học không thiết thực, vấn đề môi trường là vấn đề xa vời, sau này ra trường không có điều kiện áp dụng, vì vậy chất lượng học tâp nghiên cứu không cao.

Thứ ba, về nội dung chương trình giảng dạy

Nội dung của môn Luật môi trường rất phong phú, nhất là trong thời gian gần đây, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về môi trường, rất nhiều vấn đề về môi trường đã, đang nảy sinh và được dự báo là sẽ nảy sinh ngày càng nhiều, nhưng với 45 tiết nội dung giảng dạy sẽ không thể bao quát và đi sâu vào những vấn đề cần thiết. Mặt khác, theo qui định của nhà trường, muốn thay đổi nội dung chương trình phải thông qua Hội đồng khoa học. Do vậy, trong quá trình giảng dạy có những vấn đề bất hợp lí nảy sinh muốn sửa đổi là rất khó khăn.

Thứ tư, về giáo trình và tài liệu học tập

Do những năm đầu giảng dạy trường chưa biên soạn được giáo trình môn học Luật môi trường mà sử dụng giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại kết cấu chương trình môn học của hai trường có một số điểm khác nhau nên việc sử dụng giáo trình này không đạt được kết quả như mong muốn. Hiện tại, do những khó khăn trong việc điều chỉnh chương trình môn học như đã nêu trên nên việc biên soạn giáo trình riêng vẫn chưa được tiến hành. Trong khi đó, nhu cầu tham khảo tài liệu của sinh viên lại tập trung phần lớn vào giáo trình.

* Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại Trường Đại học kinh tế quốc dân.

Nghiên cứu thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại Trường Đại học kinh tế quốc dân hiện nay, có thể thấy một số vấn đề nổi bật sau:

Thứ nhất, về lực lượng giáo viên

 Trường Đại học kinh tế quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo rất chú trọng đến việc trang bị những kiến thức pháp luật cho đội ngũ sinh viên. Đặc biệt, từ khoá 37 trở lại đây, các sinh viên hệ chính qui tập trung thuộc chuyên ngành Kinh tế môi trường (có từ khoảng 50-60 sinh viên/khoá) còn được trang bị môn Luật môi trường. Đây được kết cấu là một môn học bắt buộc, thuộc "phần cứng" của chương trình đào tạo.

Hiện tại, môn Luật môi trường đang được nhà trường giảng dạy với thời lượng 45 tiết (3 đơn vị học trình). Tuy nhiên, nhà trường hiện vẫn chưa thể tự chủ trong việc đảm nhiệm chương trình giảng dạy môn học này mà phải mời giáo viên từ các cơ sở đào tạo luật tại Hà Nội, do lực lượng giáo viên giảng dạy các môn pháp luật của nhà trường còn quá mỏng. Chính vì vậy, nội dung các bài giảng của môn học Luật môi trường hoàn toàn do các giáo viên được mời chủ động xây dựng cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Nhà trường chưa biên soạn được giáo trình môn học để phục vụ sinh viên.

Phần lớn sinh viên đã xác định được sự cần thiết phải hiểu biết pháp luật nói chung, pháp luật môi trường nói riêng để phục vụ cho công tác của mình sau này, song nhìn chung những kiến thức pháp luật môi trường được tiếp nhận với ý nghĩa hoàn toàn chỉ mang tính bổ trợ nên mối quan tâm của sinh viên tới môn Luật môi trường chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Những nội dung pháp lí mà họ quan tâm cũng rất đơn giản và thuần tuý, chủ yếu là liệt kê văn bản pháp luật cũng như mô tả nội dung cơ bản của các qui định mà không quan tâm nhiều đến việc phân tích qui phạm, bình luận về thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật... Bên cạnh đó, cá biệt vẫn còn một số sinh viên do chưa xác định đúng đắn động cơ học tập cũng như còn mơ hồ về tương lai của ngành nghề mà mình đang theo học nên thái độ, ý thức học tập chưa cao.

Thứ ba, về nội dung chương trình giảng dạy

Do đối tượng đào tạo tại trường Đại học kinh tế quốc dân là các sinh viên kinh tế nên nội dung môn học Luật môi trường ở đây có một số khác biệt so với nội dung môn học được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật. Trong nội dung chương trình môn học Luật môi trường, các  kiến thức pháp lí dành riêng cho việc đào tạo luật gia (xác định các căn cứ để truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường; cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...) được lược bớt và các kiến thức mang tính kinh tế - pháp lí (các nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả giá, người thụ hưởng chất lượng môi trường phải trả giá; mục đích và ý nghĩa của việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lí môi trường; định chế đánh giá tác động môi trường  trên cả 3 phương diện: kinh tế - môi trường - pháp luật...) được khai thác sâu hơn.

Nội dung chương trình môn học Luật môi trường hiện đang được giảng dạy tại cơ sở đào tạo này, được bố trí theo các chuyên đề chính như sau:

- Chuyên đề 1: Những vấn đề lí luận về môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển và pháp luật môi trường.

- Chuyên đề 2: Quản lí Nhà nước về môi trường bằng pháp luật và bằng các công cụ kinh tế.

- Chuyên đề 3: Đánh giá tác động môi trường và lựa chọn các phương án đầu tư.

- Chuyên đề 4: Những nghĩa vụ pháp lí trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường.

Thứ tư, về phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy chủ đạo áp dụng cho môn học này tại trường Đại học kinh tế quốc dân vẫn là phương pháp thuyết trình. Do nhà trường thiếu lực lượng giáo viên giảng dạy môn học này nên không có điều kiện bố trí thời gian thảo luận cho sinh viên. Thực tế đó làm cho giáo viên rất khó bố trí xen kẽ khối kiến thức cần truyền tải với khối kiến thức nhận được từ sự phản ánh của sinh viên.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên trong quá trình giảng dạy môn học Luật môi trường, hiện tại chủ trương của nhà trường nói chung, của khoa và bộ môn nói riêng là tăng cường việc trang bị kiến thức pháp luật môi trường cho sinh viên theo các hướng sau:

Một là, từng bước hình thành đội ngũ giáo viên "chuyên trách" giảng dạy môn Luật môi trường trong nhà trường.

Hai là, nghiên cứu soạn thảo Giáo trình môn Luật môi trường dành riêng cho các sinh viên được đào tạo chuyên ngành kinh tế môi trường.

Ba là, bố trí giờ thảo luận môn học Luật môi trường với thời lượng thích hợp để kích thích tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên.

Bốn là, ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

III.  MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA NHẰM NÂNG CAO, HOÀN THIỆN ĐỂ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC GIẢNG DẠY MÔN LUẬT MÔI TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI.

1. Các yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường.

1.1. Nhu cầu hiểu biết về môi trường và Luật môi trường của xã hội

Trong xã hội hiện đại, khi con người tiến hành những hoạt động khác nhau từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, tham gia giao thông cho tới hoạt động nghỉ ngơi, du lịch... đều có thể tạo ra những yếu tố tác động xấu tới môi trường. Chính vì thế, con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của tình trạng chất lượng môi trường bị suy giảm.

Để phòng tránh những bất lợi cho chính cuộc sống của mình, con người phải đối xử “khôn ngoan” với môi trường. Luật môi trường giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng những hành vi xử sự đó cho con người. Có thể thấy một số vai trò nổi bật của pháp luật môi trường là:

- Pháp luật môi trường là phương tiện để thể chế hoá đường lối chiến lược chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Pháp luật môi trường góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường của công dân.

- Pháp luật môi trường góp phần giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho dân chúng.

- Pháp luật môi trường là phương tiện để đảm bảo phát triển bền vững.

- Pháp luật môi trường là công cụ thúc đẩy quá trình hội nhập về môi trường của Việt Nam.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập, nhận thức về vai trò của môi trường cũng như vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường của dân chúng cũng dần được nâng cao. Chính những hiểu biết về các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp các cơ quan quản lí Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình; giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với môi trường, tránh được những hình phạt của pháp luật. Từ đây xuất hiện nhu cầu hiểu biết về pháp luật môi trường của xã hội.

Khoa học kỹ thuật càng phát triển, các tác động tới môi trường do hoạt động của con người, các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực môi trường ngày càng đa dạng và phức tạp. Các hành vi vi phạm pháp luật môi trường ngày càng trầm trọng và được thực hiện với mức độ tinh vi hơn, đa dạng hơn. Để giải quyết được những vấn đề đó đòi hỏi phải có các chuyên gia về pháp luật môi trường. Do đó, nhu cầu đào tạo các chuyên gia về pháp luật môi trường cũng xuất hiện và ngày một gia tăng với những đòi hỏi cao hơn, đa dạng hơn.

1.2. Các yêu cầu chung đặt ra đối với việc tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường

Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo luật nói chung cho thấy nội dung và phương pháp giảng dạy môn Luật môi trường ở các trường đại học không thống nhất, phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo nhà trường. Từ đó, việc xác định được nội dung và phương pháp giảng dạy môi Luật môi trường “chuẩn” tại Trường đại học Luật Hà Nội là bước đột phá cho quá trình nhất thể hoá nội dung và phương pháp giảng dạy Luật môi trường trong chương trình đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam. Từ đây tạo nên sự đồng đều về kiến thức Luật môi trường của cử nhân luật được đào tạo tại các cơ sở khác nhau.

Hơn nữa, để phù hợp với sự phát triển của đất nước, chính sách và pháp luật môi trường đòi hỏi phải hoàn thiện. Hướng hoàn thiện có thể được thực hiện ở những nội dung sau:

i) Các chế định về nghĩa vụ bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp phải theo hướng tiến tới hoà nhập với khu vực và quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế không thể tách rời với vấn đề “hội nhập” về nghĩa vụ bảo vệ môi trường

ii) Hoàn thiện các chế định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước về môi trường ở trung ương và địa phương. Trong quá trình phát triển, phải nâng cao năng lực quản lí và điều hành của hệ thống cơ quan này nhằm bảo đảm được lợi ích về môi trường của quốc gia và cộng đồng dân cư.

iii) Mở rộng việc áp dụng các biện pháp mang tính kinh tế, chủ yếu là các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường. Việc áp dụng công cụ kinh tế có thuận lợi là gắn vấn đề bảo vệ môi trường, hiệu quả của vấn đề bảo vệ môi trường với lợi nhuận của doanh nghiệp, giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và lợi ích về môi trường của cộng đồng, của nhà nước.

iv) Từng bước áp dụng cơ chế phổ biến thông tin môi trường nhằm mục đích góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và cộng đồng.

Quá trình phát triển của pháp luật môi trường đặt ra cho những người nghiên cứu và giảng dạy môn học này yêu cầu phải tiếp cận, nghiên cứu và góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra. Trong quá trình giảng dạy phải định hướng cho người học về xu hướng quá trình phát triển của Luật môi trường.

Muốn thực hiện được điều này cần phải tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy Luật môi trường tại Trường đại học luật Hà Nội. Hiện nay, các yêu cầu cơ bản đặt ra của quá trình tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy Luật môi trường là:

i) Nâng cao trình độ của giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính..., các kỹ năng xử lí tình huống thực tế, khả năng nghiên cứu khoa học....

ii) Tạo điều kiện làm việc thuận lợi bao gồm thiết bị làm việc, giảng dạy, giáo trình, tài liệu tham khảo....

iii) Xác định rõ nội dung cơ bản trước mắt và lâu dài của môn luật môi trường trong chương trình trung cấp, chương trình đại học, chương trình sau đại học.

iv) Phương pháp giảng dạy phải phù hợp với đặc thù của môn luật môi trường (gắn lí thuyết với thực hành, gắn lí luận với thực tiễn).

Trong tương lai, nội dung và phương pháp giảng dạy luật môi trường trong chương trình đào tạo cử nhân luật cần được cải tiến theo hướng tăng cường khả năng tự học của sinh viên, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, phân tích, giải đáp những thắc mắc, hướng tới khả năng tự giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra sau khi tốt nghiệp. Về nội dung, mở rộng nội dung môn học theo kịp với quá trình phát triển của pháp luật môi trường, xu hướng phát triển những vấn đề pháp lí liên quan đến môi trường.

Bên cạnh đó, những vấn đề môi trường đặt ra ngày càng phức tạp và những vụ việc có liên quan tới yếu tố nước ngoài và/ hoặc xảy ra ở nước ngoài có thể diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, với chương trình đào tạo lại cần trang bị cho người học nội dung cơ bản của pháp luật môi trường một số nước có liên quan, đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp môi trường. Cần đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật môi trường. Một số nội dung cần có sự nghiên cứu thấu đáo nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cả về lí luận và thực tiễn như: Pháp luật môi trường với vấn đề quy hoạch; Pháp luật môi trường với quyền tự do kinh doanh; Luật môi trường với vấn đề sở hữu; Mối quan hệ giữa quyền sở hữu và trách nhiệm pháp lí trong luật môi trường; Pháp luật môi trường nhìn nhận dưới giác độ lợi ích của nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân, Lợi ích kinh tế với vấn đề thực thi pháp luật môi trường; Tự quản lí môi trường của doanh nghiệp; Cải cách hành chính và thực thi lợi ích về môi trường... 

1.3. Yêu cầu đặt ra với các cấp đào tạo

Mục đích đào tạo pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng là nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ có chuyên môn pháp lý, có kỹ năng để giải quyết những vấn đề đặt ra. Muốn vậy, sau khi đào tạo về luật môi trường người học cần có được những tri thức cơ bản sau:

  - Hệ thống kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường.

- Hệ thống kiến thức bổ trợ, liên quan tới pháp luật môi trường.

  - Thông tin về thực tiễn quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật môi trường.  

Tuỳ thuộc vào các cấp đào tạo khác nhau, những kiến thức cơ bản của chương trình, những kĩ năng để xử lí tình huống... cũng cần được cung cấp với những yêu cầu không giống nhau. Cụ thể là: 

 Thứ nhất, đối với hệ trung cấp luật

 Các đối tượng tốt nghiệp hệ trung cấp luật chủ yếu hoạt động thực tiễn tại cấp cơ sở (Uỷ ban nhân dân cấp xã) nên cần có đủ trình độ để giúp Uỷ ban cấp xã xử lý được những công việc tại địa phương. Trên thực tế, những vấn đề môi trường nảy sinh ở cấp Xã thông thường là các vấn đề như: vấn đề về ô nhiễm do chất thải sinh hoạt; ô nhiễm làng nghề; ô nhiễm trong nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm... Đây là lĩnh vực có thể xuất hiện những tranh chấp về môi trường. Do vậy, những đối tượng được đào tạo trung cấp luật cần phải giải quyết được những công việc như giúp Uỷ ban nhân dân xử lí những vi phạm pháp luật môi truờng đơn giản; giúp Uỷ ban nhân dân hoà giải hoặc giải quyết những tranh chấp môi trường đơn giản; hướng dẫn nhân dân thực hiện pháp luật môi trường, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Từ các đòi hỏi trên, cần xác định yêu cầu cơ bản của quá trình đào tạo luật môi trường đối với hệ đào tạo này như sau:

i) Về nội dung chương trình, cần tập trung vào nhữngvấn đề sau:

- Các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường và luật môi trường. Trong đó cần chú trọng tới các vấn đề như khái niệm cơ bản; quan điểm phát triển bền vững; các biện pháp bảo vệ môi trường và hiệu quả của việc áp dụng; các nguyên tắc của luật môi trường

- Quản lý nhà nước về môi trường, các nội dung quản lí nhà nước về môi trường; các dạng vi phạm pháp luật thường gặp; các hình thức xử lí vi phạm pháp luật môi trường; các tranh chấp môi trường, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp môi trường.

- Các quy định về phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường và các quy định về vệ sinh môi trường.

- Quy định về bảo vệ tài nguyên.

ii) Về kỹ năng, cần trang bị cho người học các kỹ năng thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ để tiến hành xử lí vi phạm hành chính. Ngoài ra, cần trang bị cho người học các kỹ năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường, các biện pháp giúp giảm lượng chất thải, xử lí chất thải...

iii) Về phương pháp, đối tượng tham gia chương trình trung cấp có trình độ văn hoá, năng lực tiếp thu, yêu cầu chuyên môn không cao. Vì vậy, phương pháp giảng dạy cần phù hợp với đối tượng này. Trong quá trình giảng và nhất là quá trình thảo luận cần đưa ra và giải quyết các tình huống cụ thể giúp cho đối tượng này có kỹ năng xử lí tình huống thực tế.

Thứ hai, đối với hệ đại học luật

Trong lĩnh vực luật môi trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp nhất thiết phải có năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tiên đoán và dự báo xu hướng phát triển của luật môi trường, tự nghiên cứu khoa học... Do đó, khi giảng dạy pháp luật môi trường cần trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện được những công việc trên.

Từ những lý do nêu trên, có thể xác định yêu cầu cơ bản của quá trình đào tạo luật môi trường đối với hệ đại học như sau:

 i) Về nội dung chương trình đào tạo Luật môi trường cho sinh viên dài hạn cần phải bao hàm  một số nội dung cơ bản sau:         

- Các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường và luật môi trường. Trong nội dung này cần chú trọng tới các vấn đề như các khái niệm cơ bản; quan điểm phát triển; các biện pháp bảo vệ môi trường; các nguyên tắc của luật môi trường; những lợi ích khác nhau đối với môi trường và các xu hướng giải quyết những xung đột về lợi ích môi trường...

- Nội dung quản lý nhà nước về môi trường. Trong đó có những nội dung chủ yếu như các nội dung quản lí nhà nước về môi trường; các dạng vi phạm pháp luật môi trường; các hình thức xử lí vi phạm pháp luật môi trường; các tranh chấp môi trường, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp môi trường; hướng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về môi trường...

- Đánh giá tác động môi trường: xác định đối tượng, nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường; trình tự, thủ tục lập và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; những bất cập và hướng hoàn thiện của chế định....

- Pháp luật về những hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường. Trong đó cần trình bày những vấn chủ yếu liên quan tới trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, đặc biệt là những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường....

- Pháp luật về các nguồn tài nguyên, bao gồm trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên...

- Pháp luật quốc tế về môi trường, gồm trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của các công ước về môi trường; quá trình thể chế hoá những nghĩa vụ này....

Bên cạnh đó, trong nội dung giảng dạy cần xây dựng những chuyên đề tự chọn nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực luật môi trường.

ii) Về kỹ năng, cần trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích và xử lí tình huống, tăng cường năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên cũng như khả năng nghiên cứu khoa học. Do đó, phương pháp nghiên cứu khoa học luật môi trường, phương pháp xử lý những tình huống cụ thể trong lĩnh vực môi trường, các kỹ năng xử lí hành chính và hình sự trong lĩnh vực môi trường là những kỹ năng cần thiết mà sinh viên cần được trang bị trong quá trình học tập môn học này.

iii) Về phương pháp giảng dạy, cần song song áp dụng những phương pháp thuyết giảng với phương pháp đối thoại và xử lí tình huống, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, đối với hệ sau đại học.

Đào tạo sau đại học về luật môi trường là đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực luật môi trường, đi sâu tìm hiểu một lĩnh vực của Luật môi trường. Đề tài mà sinh viên thực hiện cần bảo đảm tính khái quát, tính thực tiễn đồng thời phù hợp với lĩnh vực công tác của sinh viên nhằm giải quyết những vấn đề mà xã hội đặt ra.

Thứ tư, đối với hệ đào tạo lại.

Đối tượng đào tạo lại là những người đã tốt nghiệp đại học luật, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tuỳ theo lĩnh vực công tác của người học, cần trang bị cho những đối tượng này những kiến thức mới, xu hướng phát triển của Luật môi trường và những kỹ năng xử lý tình huống. Cụ thể là:

i) Về nội dung, thì tuỳ thuộc vào lĩnh vực công tác của học viên được đào tạo lại, nội dung chương trình môn học có thể được bố trí không giống nhau cho các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn với những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước cần tập trung vào những nội dung như chức năng quản lý nhà nước về môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiệp vụ quản lý về môi trường, xử lý vi phạm pháp luật môi trường. Những người làm việc ở cơ quan nghiên cứu lại cần bổ sung kiến thức về xu hướng phát triển luật môi trường của Việt Nam và của một số quốc gia, khu vực điển hình hay các đặc trưng của pháp luật môi trường. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, những người công tác ở đó lại đòi hỏi được trang bị thêm các kiến thức mới về cơ chế tự quản lý môi trường của doanh nghiệp, các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường (trong đó có các công cụ kinh tế, những lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ kinh tế, ISO 14.000)...

Ngoài ra, những nội dung áp dụng cho đối tượng đào tạo lại cần phải được xây dựng theo chuyên đề và phải được sửa đổi, bổ sung thường xuyên cùng với những tình huống thực tế điển hình cho từng nội dung cụ thể.

ii) Về kĩ năng, cần trang bị cho người học những kĩ năng trong lĩnh vực pháp luật môi trường như: kĩ năng thu thập chứng cứ, kĩ năng tranh tụng, kĩ năng soạn thảo văn bản....

iii) Về phương pháp, thì với đối tượng này cần áp dụng phương pháp giảng dạy nêu vấn đề để người học có thể  tự tìm hiểu, giải quyết.

Tóm lại, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói riêng và tiến trình hội nhập nói chung đang đặt ra những yêu cầu ngày một cao hơn cho công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội cũng như tại một số cơ sở đào tạo Luật khác. Xác định đúng đắn những yêu cầu đặt ra để đi đến các giải pháp thích hợp cho vấn đề này là một đòi hỏi khách quan và bức thiết hiện nay.

2. Các giải pháp nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường

2.1. Các giải pháp trước mắt tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường

 * Một là, tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy sẽ quyết định 50% chất lượng của việc đào tạo. Do đó, việc tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy là một việc làm cần thiết, bao gồm ba nội dung chính là:

i) Nâng cao trình độ chuyên môn:

Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy trước hết đòi hỏi sự tự nỗ lực phấn đấu của mỗi giáo viên. Để đạt được điều này, giáo viên cần phải nghiên cứu bằng cách cập nhật kiến thức, cập nhật văn bản pháp luật, tích cực theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng... Bên cạnh đó, tổ bộ môn luật môi trường và trường Đại học Luật Hà Nội cũng cần có các hình thức thích hợp cho việc nâng cao trình độ chuyên môn này. Chẳng hạn như họp chuyên môn; nghiên cứu khoa học, các dự án về pháp luật môi trường; tổ chức và tham gia thường xuyên hơn các buổi toạ đàm, các cuộc hội thảo chuyên ngành hẹp về luật môi trường hay tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với mạng Internet; đi thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp.

Để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này, mục tiêu cụ thể đưa ra là phấn đấu đến 2005, tổ bộ môn Luật Môi trường sẽ có 2 tiến sĩ và 3 thạc sĩ trên tổng số 5 thành viên, trong khi hiện tại con số này là 2 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh.

ii) Nâng cao trình độ ngoại ngữ

Để có thể tự đọc, nghiên cứu tài liệu tiếng nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học trên thế giới hay truy cập mạng Internet, tìm kiếm thông tin mới đòi hỏi giáo viên  phải sử dụng được ít nhất là một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì thế, mỗi giáo viên luật môi trường cần phải sử dụng tương đối thành thạo một ngoại ngữ, tối thiểu là ở trình độ C mà giải pháp hữu hiệu hiện nay cho vấn đề này là mỗi giáo viên phải tự học và tích luỹ vốn ngoại ngữ cho mình. Ngoài ra, phía nhà trường và Bộ Tư pháp cũng cần hỗ trợ thêm. Có rất nhiều hình thức bồi dưỡng ngoại ngữ cho các giáo viên như:

- Tổ chức các lớp học ngoại ngữ, cung cấp tài liệu sách vở, băng đĩa.

- Trao đổi giáo viên và sinh viên với các trường đại học nước ngoài,

- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo quốc tế,

- Chế độ đi thực tế cho các giáo viên...

 iii) Nâng cao kỹ năng giảng dạy

Để nâng cao kỹ năng giảng dạy, giáo viên phải chuẩn bị tốt hai công đoạn là chuẩn bị trước khi lên lớp và trong quá trình giảng dạy.

Trước khi lên lớp, giáo viên phải thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị giáo án, thông tin luôn mới, cập nhật văn bản, bổ sung kiến thức và thay thế các số liệu cũ. Muốn có được sự tự tin khi đứng trước lớp đòi hỏi giáo viên phải có một lượng kiến thức tương đối phong phú. Nên sử dụng mô hình hoặc giáo cụ để bài giảng thêm cuốn hút, sôi nổi và dễ nhớ. Mặt khác, phong cách giảng dạy của giáo viên cũng là vấn đề quan trọng. Phong cách của giáo viên được quyết định bởi nhiều yếu tố như quần áo, đầu tóc, dáng đi, thậm chí cách đứng trên bục khi viết bảng làm sao không để quay hết lưng về phía sinh viên, hoặc lời nói cần nhấn mạnh như thế nào là phù hợp, sử dụng ngôn từ đúng mực và chính xác...

Nhằm giảm bớt việc phải nói quá nhiều trên lớp cũng như tăng khả năng tự nghiên cứu cho sinh viên, giáo viên cần chuẩn bị và cung cấp các tài liệu đọc thêm. Trong một buổi giảng, kỹ năng nêu câu hỏi cũng rất quan trọng. Nó làm cho sinh viên chú ý hơn vào những phần trọng tâm, thể hiện thái độ quan tâm của giáo viên đối với sinh viên và cũng là định hướng để điều khiển bài giảng hay buổi thảo luận. Mặt khác, câu hỏi cũng nhằm kiểm tra sự nắm bắt vấn đề của sinh viên và có ngay thông tin phản hồi mà không cần đợi đến giờ thảo luận.

* Hai là, đội ngũ sinh viên

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, đề tài xin nêu ra hai yêu cầu đối với sinh viên là yêu cầu về trình độ, kiến thức và việc bố trí thời gian hợp lý cho các tiết học.

i) Về trình độ kiến thức:

Ở trường Đại học luật, trong 4 năm học tập tại trường, môn nào học trước, môn nào học sau là rất quan trọng, đặc biệt là khi sinh viên tiếp cận với các môn học chuyên ngành. Vì luật môi trường là môn học có liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau nên nếu xếp ngay từ đầu giai đoạn nghiên cứu chuyên ngành thì sẽ rất khó cho sinh viên trong việc tiếp cận. Vì vậy, nên sắp xếp môn luật môi trường ở cuối năm thứ 3, đầu năm thứ 4.

Một khía cạnh nữa liên quan đến trình độ kiến thức của sinh viên, là phải tăng cường và khích lệ khả năng tự nghiên cứu của sinh viên. Để làm được điều này thì phải tiến hành một cuộc cải cách trong các trường đại học, từ việc sửa lại hệ thống giáo trình, cho đến việc đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các giảng đường. Trong phạm vi nhỏ của đề tài này, chỉ lưu ý là giáo viên cần bằng mọi nỗ lực của mình để phát huy và kích thích nhiều hơn nữa khả năng và sự say mê nghiên cứu của sinh viên.

ii) Bố trí thời gian hợp lý cho các tiết học:

Nội dung này chỉ đề cập dưới góc độ bố trí một tiết học sao cho có lợi nhất để sinh viên có đủ sức khoẻ và sự minh mẫn cần thiết trong khi tiếp thu bài giảng. Hiện tại, sinh viên trường đại học Luật học 6 tiết một buổi, 2 môn và như vậy sẽ là khoảng thời gian quá dài và căng thẳng. Giải pháp ở đây là chỉ xếp 4 tiết 1 buổi, 1 môn, có thể áp dụng học cả sáng cả chiều. Thực hiện được điều này vừa đảm bảo sức khoẻ cho học sinh vừa nâng cao được hiệu quả tiếp thu bài ngay tại lớp.

* Ba là đổi mới nội dung, chương trình đào tạo

i) Về nội dung đào tạo

Trong nội dung chương trình đào tạo hiện tại, các vấn đề về bảo vệ môi trường thường được tiếp cận chủ yếu dưới góc độ quản lý nhà nước. Thực tế cho thấy, bảo vệ môi trường là hoạt động mang tính chất toàn dân, nghĩa là mọi người dân đều tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Do đó, nếu tiếp cận các vấn đề theo cách này sẽ là không toàn diện và không phản ánh hết bản chất của hoạt động bảo vệ môi trường. Việc kiểm soát các thành phần môi trường cũng như việc cải thiện chất lượng hiện có của nó không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước mà còn được thực hiện chủ yếu thông qua sự tự kiểm soát của các tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình tiến hành các hoạt động của họ. Chính vì lý do đó, thay vì sắp xếp nội dung chương trình thiên về bảo vệ môi trường dưới góc độ quản lý nhà nước như trước đây, do vậy, cần phải nhấn mạnh yếu tố tự kiểm soát ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó,  để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập, nội dung của luật môi trường trong chương trình đại học luật cần phải đề cập những kiến thức cơ bản.

Trong đó, có thể phân chia nội dung môn học luật môi trường thành các chương như sau:

Chương I. Những vấn đề chung về Luật môi trường

Chương II. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm

Chương III. Pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Chương IV. Đánh giá tác động môi trường

Chương V. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Chương VI. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Chương VII. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

Chương VIII. Pháp luật về kiểm soát suy thoái môi trường rừng

Chương IX. Pháp luật về kiểm soát suy thoái nguồn thuỷ sinh

Chương X. Pháp luật về kiểm soát nguồn gen

Chương XI. Pháp luật về bảo tồn di sản

Chương XII. Pháp luật về kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Chương XIII. Giải quyết tranh chấp môi trường

Chương XIV. Thực thi các công ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm ở Việt Nam

Chương XV. Thực thi các công ước quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam

Trong quá trình giảng dạy, cần quan tâm cả tới pháp luật thực định, những vấn đề lí luận, thực tiễn và xu hướng phát triển của pháp luật môi trường….

Ngoài ra, trong nội dung giảng dạy cần xây dựng thêm một số chuyên đề tự chọn nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Luật môi trường. Các chuyên đề đó có thể là:

Chuyên đề 1: Những vấn đề pháp lý về môi trường trong quá trình hội nhập

Chuyên đề 2: Tự quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập

Chuyên đề 3: Thông tin môi trường

ii) Về chương trình đào tạo

Để đảm bảo cho sinh viên tiếp thu tốt nhất nội dung chương trình, môn học Luật môi trường cần được giảng dạy sau khi sinh viên đã được nghiên cứu các môn như luật hành chính, tố tụng hành chính, luật dân sự và tố tụng dân sự, luật kinh tế, luật hình sự. Trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo cần tuân thủ nghiêm ngặt trình tự này.

 * Bốn là, cải tiến phương pháp giảng dạy môn luật môi trường cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo

Việc lựa chọn phương pháp giảng dạy Luật môi trường cho phù hợp được xác định trên những phương hướng cơ bản sau đây:

i) Cần có sự thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy.

Không nên áp đặt một phương pháp nhất định nào đó vào công tác giảng dạy các môn học trong nhà trường và càng không nên áp dụng một phương pháp giảng dạy cho mọi đối tượng học và loại hình đào tạo. Cần linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy cho từng đối tượng và loại hình đào tạo nêu trên là hết sức cần thiết.

ii) Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ những kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản.

iii) Tham khảo, vận dụng một cách hợp lí và sáng tạo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.

iv) Đảm bảo tính hiệu quả và khả thi khi áp dụng một phương pháp giảng dạy mới.

Tóm lại, để cải tiến phương pháp giảng dạy các môn học nói chung, môn luật môi trường nói riêng tại trường Đại học Luật Hà Nội, thì một số phương pháp sau cần được nghiên cứu áp dụng trong thời gian tới. Các phương pháp này có thể được áp dụng một cách độc lập hoặc có thể áp dụng đan xen, lồng ghép với nhau: 

* Phương pháp 1: Thuyết trình

Mặc dù còn có điểm hạn chế nhưng phương pháp này vẫn cần được áp dụng như một phương pháp chủ đạo trong công tác giảng dạy của nhà trường. Thuyết trình là phương pháp nhanh nhất để người giáo viên có thể truyền thụ những kiến thức tích luỹ được cho người học, giúp người học nắm bắt được các vấn đề một cách có hệ thống, có chọn lọc.

Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này có hiệu quả hơn, người giáo viên cần lưu ý một số điểm sau đây: Bài giảng phải ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng học; phải luôn kiểm soát được không khí lớp học; nên chọn một số tiêu điểm chính trong bài giảng của mình để nhấn mạnh vào điểm cần lưu ý một cách trực tiếp và rõ ràng nhất; nên ghi âm lại bài giảng của mình hoặc nhờ người khác ghi lại để phản hồi một cách trung thực nhất những thông tin mà người giáo viên đã cung cấp trên lớp học.

Trong nội dung của môn học Luật Môi trường, phương pháp thuyết trình có thể vẫn được duy trì khi giảng một số chương mang tính lí luận cao hoặc một số chương thuần tuý trình bày các chế định pháp lí cơ bản. Phương pháp này có thể được áp dụng đối với mọi đối tượng và loại hình đào tạo trong nhà trường.

* Phương pháp 2: Thảo luận

Thảo luận là phương pháp thường được tiến hành theo hai cách:Thảo luận trong phạm vi cả lớp và thảo luận giữa các nhóm. Trong cả hai cách, người giáo viên luôn giữ vai trò là trung gian điều khiển. Để làm tốt vai trò đó, trước hết, cần đặt ra các câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng và dự kiến trước quĩ thời gian cần thiết cho việc thảo luận. Sau đó để ý kiến cá nhân, cũng như ý kiến các nhóm được trình bày một cách thoải mái. Người giáo viên chỉ kéo họ trở lại khi thấy xuất hiện một trong những tình huống như cần phải tóm tắt và rút ra các kết luận mấu chốt cho vấn đề đã thảo luận; hoặc cuộc thảo luận có chiều hướng đi chệch khỏi chủ đề cần thảo luận; hoặc có ý kiến nhằm chỉ trích cá nhân giữa những người thảo luận. Nếu có nhiều chủ đề cần thảo luận cùng một lúc, người giáo viên có thể chia sinh viên thành các nhóm và mỗi nhóm chịu trách nhiệm một chủ đề. Mỗi nhóm thảo luận chủ đề của mình sau đó trao đổi kết quả của nhóm mình với nhóm khác.

Phương pháp này có ưu điểm là giúp cho người học biết về mối quan hệ mật thiết giữa kiến thức lý luận với những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; phát huy tính sáng tạo của người học và tìm được tiếng nói chung về các vấn đề khoa học còn chưa rõ ràng, các ý kiến chưa thống nhất...

Trong chương trình môn học Luật môi trường, thảo luận có thể được thực hiện ở một số nội dung như: xem xét xử lí vi phạm pháp luật môi trường, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường, xác định trách nhiệm đánh giá tác động môi trường của các dự án, xem xét trình tự và thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường...

* Phương pháp 3: Nhập vai (còn gọi là bắt chước hoặc Role Play)

Phương pháp nhập vai cho phép người học thực hành ngay những gì đã học bằng cách đóng vai một nhân vật nào đó. Ưu điểm của phương pháp này là tạo cho không khí lớp học sôi động hơn rất nhiều, đồng thời giúp người học nhớ kiến thức một cách lâu hơn do họ đã có cơ hội thủ vai. Phương pháp này có thể tiến hành theo một số cách thức như: sử dụng các vai để chứng minh các quan điểm mà người giáo viên đưa ra; giáo viên không nên viết lời thoại cho các  nhân vật mà để người học tự hình thành lời thoại một cách tự nhiên theo đúng khả năng và trình độ của họ; giáo viên  cung cấp các chi tiết cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn, thói quen, thái độ, mục đích, cá tính của từng nhân vật được sắm vai cũng như cung cấp những giới hạn, ngăn cản nghề nghiệp mà nó hoặc thúc đẩy hoặc hạn chế nhân vật ấy; sử dụng phương pháp nhập vai để minh họa một vấn đề then chốt...

Phương pháp nhập vai có thể áp dụng đối với cả hình thức đào tạo dài hạn, tại chức hoặc đào tạo lại. Trong môn Luật môi trường, phương pháp nhập vai có thể được áp dụng tại một số chương có mối quan hệ mật thiết giữa lí luận và thực tiễn như: một số nội dung của Chương 2 (phần giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) hay một số nội dung của Chương 3 (phần thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường).

* Phương pháp 4: xây dựng các tình huống điển hình

Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy đại học và được áp dụng dưới hai hình thức: để thực hành một hoặc một số nội dung bài giảng lí thuyết đã được thực hiện và để tiếp cận những kiến thức mới. Trong hai hình thức đó, hình thức thứ nhất là hình thức được áp dụng phổ biến hơn. Hình thức này đòi hỏi người học phải nắm được những kiến thức lý thuyết đã học để áp dụng chúng vào việc giải quyết một số vấn đề cụ thể xảy ra trên thực tế. Còn hình thức thứ hai được xây dựng xuất phát từ nguyên lý chung là trong thế giới thực tại luôn có nhiều cách tiếp cận cho một vấn đề.

Hiện tại, Trường đại học Luật Hà Nội đang tiến hành nghiên cứu ứng dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy các môn học của khoa pháp luật kinh tế nói chung, môn luật môi trường nói riêng và bước đầu thu được kết quả đáng kể. Trong giảng dạy môn luật môi trường, phương pháp này có thể được áp dụng tại Chương 3 (ĐTM) với cả hai hình thức trên.

* Phương pháp 5: Lập phương án

 Đây là một trong những phương pháp giảng dạy hiện đại đang được nghiên cứu để áp dụng rộng rãi hơn trong giảng dạy đại học. Phương pháp này được xem là cầu nối trực tiếp giữa những kiến thức lý luận mà người giáo viên đã cung cấp cho người học và khả năng phát triển tư duy của người học. Để phương pháp có thể đạt được hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên phải tiến hành lập trong phương án một nhiệm vụ mà người học sẽ phải thực hiện sao cho người học có thể thực hành càng nhiều kĩ năng và qui trình mới càng tốt hay lập phương án có sự đòi hỏi mang tính khả thi, phù hợp với trình độ của người học. Đáp án của việc lựa chọn các phương án là đáp án mở. Điều này có nghĩa là người giáo viên không nhất thiết phải đưa ra một đáp án có tính chất chuẩn mực đối với người lựa chọn phương án.  Việc lựa chọn cụ thể các phương án là do người học thực hiện sao cho đảm bảo tính thuyết phục, tính có căn cứ.

Trong chương trình môn học luật môi trường, phương pháp lập phương án có thể được áp dụng đào tạo với mọi hình thức đào tạo, trong đó chú trọng đối với loại hình đào tạo lại, nhằm giúp người học ứng dụng ngay những kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công việc của họ như: một số nội dung của Chương 1 (phần mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường); một số nội dung của Chương 4 (phần xem xét các hoạt động có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như sử dụng chất phóng xạ, chất gây cháy nổ, hoá chất độc hại...)

* Phương pháp 6: Tài liệu viết và phát tay

Tài liệu bổ trợ là phương tiện truyền đạt thông tin thời sự một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Phương pháp này có ý nghĩa làm tăng hiệu suất bài giảng của người giáo viên bằng cách cung cấp chi tiết các minh hoạ và ví dụ được ghi thành văn. Cùng với các nguồn tư liệu khác như bản trích dẫn, biểu bản đồ, tài liệu bổ trợ  là những phương tiện mang lại kết quả cao trong giảng dạy. Các tài liệu viết được sử dụng theo những cách sau: tài liệu phải được phát trước cho người học để nghiên cứu; thảo luận các vấn đề được đề cập trong tài liệu hoặc liên hệ ngay với chủ đề đang được giảng; giải thích tài liệu trước hoặc sau khi phân phát. Để phát huy tốt hiệu quả của phương pháp này, tài liệu cần phải được viết một cách đơn giản và trực tiếp. Tài liệu viết và phát tay có thể được áp dụng đối với bất kì đối tượng và loại hình đào tạo nào, cũng như đối với tất cả các bài giảng trong chương trình môn luật môi trường.

* Phương pháp 7: Quan sát thực tế

Được nhìn thấy tận mắt thực trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường qua các phương tiện trợ giúp như băng hình, tranh ảnh… hay được chứng kiến tận nơi xảy ra các hiện tượng đó và được theo dõi diến biến một vài phiên toà giải quyết tranh chấp môi trường, sinh viên sẽ hiểu và nhớ rất lâu về những vấn đề mà họ đã từng được nghe. Chính vì vậy, đây là phương pháp có thể đem lại hiểu quả khá cao trong giảng dạy, đào tạo môn học Luật môi trường. Theo phương pháp này, sinh viên có thể được tiếp cận với các vấn đề trong bài giảng thông qua các phương tiện trợ giúp hoặc được quan sát thực tiễn thông qua các chuyến đi khảo sát thực tế. Với phương pháp này, người học cũng sẽ được cung cấp các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho việc giải quyết các yêu cầu công việc sau này.

Năm là, tăng cường hiệu quả việc áp dụng các phương tiện trợ giúp

Bên cạnh vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên đối với sự thành công của một tiết học, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận tác dụng của các phương tiện trợ giúp như giáo trình, sách chuyên khảo hay các phương tiện khác.

 i) Giáo trình

Giáo trình là nguồn tài liệu quý giá quan trọng nhất trong các phương tiện trợ giúp. Nó sẽ giúp sinh viên có được định hướng đúng đắn trong việc tiếp cận với các văn bản, số liệu. Nó cũng giúp cho sinh viên nắm bắt vấn đề một cách tốt nhất.

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình luật môi trường hệ Đại học đã được xuất bản năm 1999, còn giáo trình Luật Môi trường hệ trung cấp xuất bản năm 2000. Các đối tượng sinh viên đều nghiên cứu theo hai loại giáo trình này. Từ đó đến nay, hệ thống pháp luật môi trường đã có rất nhiều thay đổi, bổ sung. Nhiều văn bản đã hết hiệu lực, nhiều văn bản mới được ban hành. Bên cạnh đó, thực trạng về môi trường cũng đã có rất nhiều biến đổi. Vì thế, giáo trình đã xuất bản từ 3 năm nay với các số liệu cũ, lỗi thời, nhiều quy định đã bị bãi bỏ... đang đứng trước một đòi hỏi cấp thiết là phải được sửa đổi để cập nhật thông tin và văn bản mới cho phù hợp.

Hướng sửa đổi chính hiện nay là bãi bỏ những quy định cũ, đưa thêm vào những nội dung mới, thậm chí cả những nội dung mà pháp luật chưa có quy định. Một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: vấn đề chất thải nguy hại, kiểm soát và xử lý chất thải xuyên biên giới, pháp luật về an toàn và vệ sinh thực phẩm, pháp luật bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh... cần phải được bổ sung kịp thời. Mặt khác, giáo trình còn cần được soạn và rà soát lại toàn bộ theo hướng tăng cường phân tích, đánh giá, loại bỏ bớt liệt kê và tăng số lượng các ví dụ, các bài tập tình huống.

ii) Sách chuyên khảo

Hệ thống sách chuyên khảo về pháp luật môi trường cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu và giảng dạy Luật Môi trường.

Hiện tại, tổ bộ môn Luật môi trường chưa xuất bản một tập sách chuyên khảo nào. Vì vây, trong thời gian sắp tới cần phải phát hành được một số tập sách chuyên khảo với các đề tài về pháp luật môi trường như pháp luật về đánh giá tác động môi trường; pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức...

iii) Các phương tiện trợ giúp khác

Các phương tiện trợ giúp khác gồm: bảng phấn, micro, đèn chiếu, bảng cuốn, bảng ghim, bảng lật, giáo cụ trực quan, mô hình, bản đồ...

Bên cạnh các phương tiện trợ giúp trên, tuỳ thuộc vào sự sáng tạo của mình, giáo viên có thể sử dụng một số công cụ, phương tiện trợ giúp khác như các loại giáo cụ trực quan, mô hình hay các bảng biểu, sơ đồ... nhằm có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình giảng dạy, tránh sự dập khuôn, tạo lối mòn và sự nhàm chán của sinh viên hoặc của giáo viên đối với bài giảng của chính mình.

Tóm lại, để tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội, việc sớm thực hiện các giải pháp trước mắt nêu trên là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, trong tương lai, để đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội về các vấn đề môi trường mới nảy sinh cũng như giải quyết triệt để những tồn tại của công tác đào tạo Luật môi trường hiện nay, nhà trường và tổ bộ môn cần thực hiện thực hiện từng bước  một số giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

2.2. Các giải pháp lâu dài nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường

Trong tương lai, để tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là: Tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Về lâu dài, để tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường, từng giáo viên cần tự nghiên cứu không chỉ những kiến thức thuộc lĩnh vực luật môi trường mà còn phải nghiên cứu những tác động qua lại giữa các chế định của luật môi trường và các lĩnh vực pháp luật khác; nghiên cứu sâu về pháp luật môi trường của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ kinh tế, cùng có chung lợi ích về các thành phần môi trường... Bên cạnh đó, việc tham  gia một cách tích cực vào các hoạt động thực tiễn (như những vụ tranh chấp môi trường cụ thể, quá trình thực hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật...) cũng hết sức cần thiết để phát hiện những bất cập của hệ thống pháp luật cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế, làm phong phú hơn cho bài giảng của mình. 

Thực hiện tốt giải pháp này, mục tiêu lâu dài được đặt ra là toàn bộ giáo viên giảng dạy môn Luật môi trường phải đạt trình độ tiến sỹ.

Hai là, đội ngũ sinh viên

i) Về trình độ kiến thức

Cần tuân thủ nghiêm ngặt chương trình đào tạo nhằm bảo đảm cho sinh viên có đầy đủ lượng kiến thức "cơ sở" để tiếp thu có hiệu quả những nội dung khoa học của môn Luật môi trường. Việc xắp xếp chương trình theo những giải pháp "tình thế" sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu kiến thức của sinh viên.

ii) Về ý thức học tập

 Nội dung này không bàn tới những chính sách vĩ mô (như sự tác động của cơ chế tuyển dụng, cải các hệ thống phương pháp giáo dục, đào tạo...) ảnh hưởng tới ý thức học  tập của sinh viên mà chỉ bàn tới quá trình đào tạo tại Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm  nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập của sinh viên.

Cần có sự đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy một cách đồng bộ trong Trường đại học Luật Hà Nội với phương châm "sinh viên tự tích luỹ kiến thức, giáo viên chỉ là người hướng dẫn khoa học". Sự thay đổi này cần được tiến hành ngay từ những môn học đầu tiên của sinh viên.

Cần đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên nhằm bảo đảm sự gắn kết tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên với kết quả học tập cuối cùng. Loại trừ cách đánh giá kết quả học tập theo thành tích học "gạo", "trả lại những gì đã tiếp thu được từ giáo viên" như hiện nay. Từ đây có thể làm thay đổi ý thức và phương pháp học tập; nâng cao tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Ba là, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo

Quá trình toàn cầu hoá sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới pháp luật quốc gia, trong đó có luật môi trường. Vì vậy, để đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra khi giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp luật môi trường, nội dung giảng dạy luật môi trường phải đáp ứng ba yêu cầu sau:

- Phải cập nhật được những nội dung mới nhất của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về môi trường

- Tiên lượng được sự phát triển của pháp luật môi trường quốc gia và quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá

- Các rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực môi trường của các quốc gia có quan hệ kinh tế quốc tế với Việt Nam

Chương trình đào tạo cần chú trọng cả lý thuyết và thực hành nhằm bảo đảm khả năng làm việc của sinh viên sau khi ra trường. Ngoài phần lý thuyết trên lớp, sinh viên cần có lượng thời gian thích hợp thực tập tại cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan tư pháp. Việc bố trí thời gian thực tập không nhất thiết phải sau 3,5 năm học lý thuyết mà có thể xen kẽ theo năm học, thậm chí có thể sau từng học kỳ. Việc bố trí như vậy nhằm bảo đảm  cho sinh viên tiếp cận đồng thời cả lý thuyết và thực tiễn, nâng cao hiệu quả của quá trình đào tạo. Cần tạo điều kiện cho sinh viên có thể thực tập tại nước ngoài. Qua đó, sinh viên có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và tiếp thu được những kiến thức mới, những kinh nghiệm thực tiễn từ các nước, tự nâng cao trình độ và khả năng làm việc sau khi ra trường.

Bốn là, hoàn thiện phương pháp giảng dạy

Về nguyên tắc, cần áp dụng các phương pháp giảng dạy có thể tăng cường khả năng tự nghiên cứu của người học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn và trang bị cho người học phương pháp nghiên cứu thông qua những nội dung cụ thể. Mặt khác, cũng cần hướng tới khả năng tự nghiên cứu độc lập của người học đồng thời với việc trang bị cho họ khả năng diễn đạt, kỹ năng tranh tụng tốt.

Trong tương lai, các phương pháp giảng dạy vẫn cần được áp dụng cho môn học này là:

i) Phương pháp thuyết giảng

Phương pháp thuyết giảng vẫn tồn tại như là một trong những phương pháp hiệu quả để giáo viên truyền thụ kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cho người học. Tuy nhiên, cần có sự thay đổi căn bản những nội dung được trình bày trong một buổi thuyết trình. Người học sẽ phải tự nghiên cứu những nội dung cơ bản của khối lượng kiến thức pháp luật. Buổi thuyết giảng tập trung vào những vấn đề chủ yếu như các căn cứ để xây dựng những quy định, cùng những quan điểm khác nhau về quy định đó; những khó khăn, thuận lợi và các tác động tới đời sống kinh tế, xã hội... khi áp dụng quy định đó; phương án hoàn thiện quy định đó...

Trong quá trình thuyết giảng, cần chú trọng việc đưa những tình huống thực tế điển hình vào trong bài thuyết giảng

ii) Phương pháp thảo luận

Cần hướng tới sự chủ động tham gia của người học trong quá trình thảo luận. Buổi thảo luận cần phải được chuẩn bị chu đáo cả từ phía giáo viên và sinh viên.

Ngay từ đầu học kỳ, giáo viên cần cung cấp cho sinh viên những nội dung câu hỏi (vấn đề) và các tình huống thảo luận. Qua đó, sinh viên có thời gian chuẩn bị và định hướng trong quá trình tự nghiên cứu, nghe thuyết trình. Khi tiến hành thảo luận, giáo viên cần tôn trọng quan điểm riêng của sinh viên, nếu sinh viên đưa ra được luận cứ để bảo vệ được quan điểm của mình.

Cần linh hoạt áp dụng phương pháp nhập vai, giải quyết các tình huống điển hình. Về lâu dài, sẽ loại bỏ những nội dung thuần tuý lý thuyết khi thực hiện thảo luận.

iii) Phương pháp luyện tập

Đây là phương pháp giúp sinh viên khả năng tự nghiên cứu trong quá trình học tập. Giáo viên có thể đưa ra những nhóm vấn đề để sinh viên lựa chọn nội dung thích hợp để chuẩn bị. Sinh viên có thể viết nội dung đó với liều lượng phù hợp. Trong buổi luyện tập, sinh viên sẽ trình bày vấn đề đã chuẩn bị. Các sinh viên khác có thể bổ sung, nêu câu hỏi để sinh viên có sự chuẩn bị đó trả lời. Các sinh viên có thể tranh luận với nhau về các vấn đề nêu ra. Giáo viên sẽ là người giải đáp và kết luận cuối cùng về những vấn đề. 

Điều kiện để áp dụng có hiệu quả phương pháp này là trình độ cao về chuyên môn của lực lượng giáo viên và tính chủ động trong học tập của sinh viên cùng với sự đồng bộ của các phương tiện trợ giúp và tài liệu.

Năm là, tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện trợ giúp

i) Giáo trình

Trong tương lai, đối với mỗi chương trình đào tạo không chỉ có một giáo trình duy nhất. Cần có chính sách khuyến khích cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia viết giáo trình Luật môi trường với những hướng tiếp cận khác nhau. Có thể có những hướng tiếp cận như: Luật môi trường dưới giác độ nhìn nhận của luật công, Luật môi trường dưói giác độ nhìn nhận của luật tư, Luật môi trường trong hoạt động đầu tư, Luật môi trường với hoạt động kinh doanh...

Trong quá trình viết giáo trình cần đặc biệt chú trọng tới việc đưa ra và giải quyết những tình huống thực tế, những vấn đề lý luận cần được giải quyết... tránh rơi vào việc mô tả luật thực định.

ii) Sách chuyên khảo

Cần có chính sách khuyến khích cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn hợp tác viết sách chuyên khảo. Những sách chuyên khảo này cần vừa đề cập tới những vấn đề lý thuyết nhưng cũng đồng thời phải mang tính thực tiễn cao. Nó phải trở thành "cẩm nang" cho cả sinh viên muốn nghiên cứu chuyên sâu về luật môi trường cũng như những người hoạt động thực tiễn.

Danh mục tài liệu tham khảo phải được cung cấp cho sinh viên cùng với việc công bố chương trình giảng dạy. Điều này giúp cho sinh viên có thời gian tìm và tự nghiên cứu những tài liệu tham khảo cơ bản. Qua đó sinh viên có thể tự nắm bắt được những nội dung cơ bản của khối lượng kiến thức trước khi nghe thuyết trình, tham gia thảo luận.

iii) Phương tiện trợ giúp khác

Về lâu dài, cần trang bị hệ thống các phương tiện trợ giúp hiện đại nhằm bảo đảm  hiệu quả tối đa của những giờ lên lớp. Micro không dây, đèn chiếu, bảng cuốn... là những phương tiện cần có nhằm bảo đảm  cho giáo viên có thể sử dụng tối đa quỹ thời gian cho một buổi lên lớp. Các phương tiện này cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuẩn bị chu đáo hơn của giáo viên trước khi lên lớp.

 

Nội dung toàn văn

I. TÍNH CẤP THIẾT, PHƯƠNG PHÁP, MỤC TIÊU VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI.

1.1. Tính cấp thiết của việc thực hiện đề tài.

Trong lịch sử tiến hoá văn minh của mình, đặc biệt là một số năm gần đây, loài người luôn phải đối đầu với nạn khủng hoảng sinh thái. Môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm; tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt; sự cố môi trường ngày một gia tăng... đang đặt cuộc sống của con người trước những thách thức hết sức nan giải. Vì thế, phấn đấu để đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, chống đói nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã trở thành đường lối chính trị của toàn nhân loại. Mặc dầu ở một số nước phát triển, nạn nghèo khổ và đói khát đã cơ bản được giải quyết xong, nhưng chưa một quốc gia nào giải quyết được vấn đề môi trường một cách trọn vẹn. Hơn lúc nào hết, bảo vệ môi trường trở thành vấn đề cấp bách, thời sự và được sự quan tâm của cả nhân loại.

Cùng trong xu thế chung của thế giới, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong xoá đói, giảm nghèo, song lại phải đương đầu với những thách thức lớn lao về môi trường. Những thách thức này luôn đòi hỏi các nhà lãnh đạo đất nước phải sớm tìm ra con đường đúng đắn nhất để giải quyết. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, đặc biệt là một số năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp khác nhau để bảo vệ môi trường. Một biện pháp đang được thực hiện khá hiệu quả trong số đó là biện pháp pháp lý.

Luật bảo vệ môi trường Việt Nam ra đời năm 1993 đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện bảo vệ môi trường bằng pháp luật ở nước ta. Đạo luật này đã điều chỉnh một cách tổng thể các mối quan hệ phát sinh trong quá trình con người tác động đến môi trường, trên cả phương diện quản lý của các cơ quan Nhà nước cũng như từ góc độ khai thác và sử dụng môi trường của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tiếp theo đó, một loạt các đạo luật về bảo vệ những thành phần môi trường khác cũng đã được ban hành và tổ chức thực hiện như: Luật khoáng sản (năm 1996), Luật tài nguyên nước (năm 1998), Luật dầu khí (sửa đổi bổ sung năm 2000)... Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả các đạo luật này trên thực tế lại phụ thuộc vào một yếu tố không nhỏ. Đó là ý thức pháp luật môi trường của dân chúng.

Với chức năng là trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý, trong một số năm vừa qua, trường Đại học Luật Hà Nội đã bắt đầu quan tâm và chú trọng đến công tác dạy và học môn Luật môi trường cho sinh viên thuộc các hệ đào tạo khác nhau của trường. Tại trường Đại học Luật Hà Nội, tổ bộ môn Luật môi trường đã được thành lập từ năm 1995, năm 1999 đã viết xong giáo trình môn Luật môi trường để phục vụ cho học tập và giảng dạy môn học này. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý khá mới mẻ với nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau nên quá trình giảng dạy và học tập môn học này ở trường Đại học Luật Hà Nội còn gặp phải khá nhiều vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường  và hoà nhập chung với xu thế toàn cầu trong bảo vệ môi trường, nhu cầu hiểu biết về môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng ở Việt nam đang đặt ra những đòi hỏi bức thiết và ngày một cao. Công tác giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội và một số cơ sở đào tạo của Việt nam hiện nay không thể đáp ứng tốt yêu cầu đó. Chính vì thế, để có thể giải quyết được những khó khăn này thì việc tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường là một yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết.

Cho đến nay, trong phạm vi cả nước, hiện chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu, tìm hiểu về năng lực giảng dạy môn Luật môi trường ở các trường Đại học một cách hệ thống, toàn diện. Vì vậy, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý trực thuộc Bộ Tư pháp đã đặt vấn đề nghiên cứu về lĩnh vực này qua đề tài: “Tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội”. Đây là một đề tài vừa mang tính lý luận lại vừa mang tính ứng dụng cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đóng góp đáng kể cho việc thực hiện tốt nhất yêu cầu giảng dạy và học tập môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội, đáp ứng các đòi hỏi cấp bách cho việc giải quyết phần nào những thách thức môi trường đã và đang đặt ra cho Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói riêng và trong tiến trình hội nhập nói chung.

1.2. Phương pháp thực hiện đề tài.

Đề tài được nghiên cứu và thực hiện trên cơ sở phương pháp luận Mác- Lê nin, trong đó chủ yếu là phép duy vật biện chứng. Bên cạnh đó, đề tài còn được thực hiện kết hợp với một số phương pháp sau:

- Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, xây dựng mô hình... được sử dụng để làm sáng tỏ các căn cứ, các cơ sở khoa học cho việc cần thiết phải nâng cao năng lực giảng dạy môn học.

- Phương pháp điều tra xã hội học về những đánh giá, nhận xét của sinh viên đã học môn học này, qua đó xác định rõ các yêu cầu thực tế của sinh viên cũng như đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học thông qua năng lực giảng dạy.

13. Mục tiêu của đề tài.

Trên cơ sở  nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về vấn đề đào tạo, giảng dạy môn học Luật môi trường hiện tại, mục tiêu chính của đề tài là: Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường trong trường Đại học Luật Hà Nội.

1.4. Lực lượng tham gia.

Đề tài được thực hiện bởi:

·      Tiến sỹ Bùi Ngọc Cường - Chủ nhiệm khoa pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội - Chủ nhiệm đề tài.

·      Thạc sỹ Vũ Thu Hạnh - Trưởng bộ môn Luật Môi trường, trường Đại học Luật Hà Nội -  Phó chủ nhiệm đề tài.

·      Đinh Mai Phương - Viện Khoa học Pháp lý - Phó chủ nhiệm đề tài.

·      Chu Thị Hoa - Viện Khoa học Pháp lý - Thư ký đề tài.

Các cộng tác viên chính của đề tài bao gồm:

1.        Th.s. Nguyễn Văn Phương – Phó trưởng bộ môn Luật môi trường, trường Đại học Luật Hà Nội.

2.        Đặng Hoàng Sơn – Giảng viên Luật môi trường, trường Đại học Luật Hà Nội.

3.        Th.s. Lưu Ngọc Tố Tâm - Giảng viên Luật môi trường, trường Đại học Luật Hà Nội.

4.        Th.s. Vũ Thị Duyên Thuỷ - Giảng viên Luật môi trường, trường Đại học Luật Hà Nội.

1.5. Quá trình thực hiện đề tài.

Đề tài được thực hiện qua các giai đoạn sau:

* Xây dựng đề cương nghiên cứu và lập phiếu khảo sát.

Sản phẩm của giai đoạn này là đề cương khái quát và mẫu phiếu khảo sát. Thời gian thực hiện là từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 6 năm 2001.

* Xây dựng đề cương các chuyên đề.

Sản phẩm của giai đoạn này là đề cương chi tiết các chuyên đề. Thời gian thực hiện là từ tháng 7 năm 2001 đến tháng 8 năm 2001.

* Khảo sát.

Sản phẩm của giai đoạn này là thu thập được các số liệu và đánh giá thực trạng năng lực giảng dạy môn Luật môi trường hiện tại. Thời gian thực hiện là từ tháng 7 năm 2001 đến tháng 11 năm 2001.

* Tổ chức toạ đàm, hội thảo.

 Sản phẩm của giai đoạn này là các báo cáo tham luận, các bài viết đánh giá về thực trạng, vai trò, tầm quan trọng của giáo viên dạy Luật môi trường và chất lượng, hiệu quả của công tác này, đồng thời xác định một số biện pháp để tăng cường năng lực giảng dạy môn học. Thời gian thực hiện là từ tháng 7 năm 2001 đến tháng 12 năm 2001.

* Hoàn chỉnh các báo cáo khoa học của đề tài.

Sản phẩm của giai đoạn này là hoàn chỉnh các báo cáo chuyên đề của các thành viên tham gia thực hiện đề tài. Thời gian thực hiện là từ tháng 01 năm 2002 đến tháng 04 năm 2002.

* Hoàn chỉnh các phụ lục.

Sản phẩm của giai đoạn này là hoàn chỉnh các phụ lục đã được sử dụng trong các báo cáo chuyên đề. Thời gian thực hiện là từ tháng 04 năm 2002 đến tháng 05 năm 2002.

* Viết báo cáo phúc trinh, in ấn phẩm.

Sản phẩm của giai đoạn này là xây dựng, chỉnh sửa và in ấn xong báo cáo phúc trình về kết quả nghiên cứu của đề tài. Thời gian thực hiện là từ tháng 6 năm 2002 đến tháng 12 năm 2002.

* Bảo vệ đề tài.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI.

2.1. Một số vấn đề lý luận về tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội.

2.1.1. Các yếu tố hợp thành năng lực giảng dạy Môn Luật môi trường.

Theo nghĩa khách quan: năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là khả năng truyền đạt kiến thức pháp luật môi trường của giảng viên đến người học. Còn theo nghĩa chủ quan, năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường lại được hiểu là khả năng tạo lập phương pháp, kỹ năng... trong việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật môi trường của giảng viên cho người học. Năng lực giảng dạy nói chung và năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường nói riêng được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: lực lượng giảng viên, lực lượng sinh viên, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và các phương tiện trợ giúp khác (giáo trình, tài liệu tham khảo, cơ sở vật chất...). Cụ thể:

* Thứ nhất là: Lực lượng giảng viên

Đây có thể coi là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng giảng dạy môn pháp luật môi trường tại trường Đại học luật Hà Nội. Giảng viên luôn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình dạy học, là người tổ chức, điều khiển, chỉ đạo các hoạt động học tập của sinh viên.

Năng lực giảng dạy của giảng viên phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của chính người giảng viên đó, bao gồm trình độ chuyên môn và trình độ sư phạm. Trình độ chuyên môn của giảng viên là mức độ hiểu biết về khoa học pháp lý nói chung cũng như pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng. Bên cạnh đó còn phải kể đến các kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội hay trình độ ngoại ngữ của người giảng viên đó, được sử dụng để phục vụ chuyên môn. Song những hiểu biết của giảng viên có thể cung cấp cho sinh viên được đến đâu lại phụ thuộc vào một yếu tố không kém phần quan trọng đối với giảng viên. Đó là trình độ sư phạm. Đây chính là cách thức và khả năng hướng dẫn, chỉ đạo, điều khiển của giảng viên, trên cơ sở những hiểu biết chuyên môn, để truyền đạt lại kiến thức đó cho người học. Nếu hiểu trình độ chuyên môn là nội dung mang tính chất quyết định đến chất lượng của năng lực giảng dạy của giảng viên, thì trình độ sư phạm lại là hình thức quyết định đến chất lượng đó. Khi giảng viên có đầy đủ cả hai yếu tố ấy thì cũng có nghĩa là họ có thể thực hiện được một cách tốt nhất vai trò của mình trong quá trình dạy học - vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và điều khiển - một yếu tố tiên quyết của năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường.

* Thứ hai là: Lực lượng sinh viên

Lực lượng này là đối tượng tiếp nhận kiến thức pháp luật môi trường, đồng thời cũng lại phản ánh một cách trung thực nhất, khách quan nhất chất lượng năng lực giảng dạy của giảng viên. Sinh viên, một mặt là đối tượng của hoạt động dạy học, mặt khác lại là chủ thể của hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu tại trường Đại học. Nói cách khác, trong quá trình dạy và học, người sinh viên vừa là khách thể của hoạt động dạy, lại vừa là chủ thể hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo tiến tới làm chủ những kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường và các kỹ xảo liên quan đến nghề nghiệp tương lai của mình.

Khả năng tiếp nhận kiến thức pháp luật môi trường của sinh viên không chỉ phụ thuộc vào trình độ của giảng viên, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, ý thức thái độ học tập của chính sinh viên đó, cùng với các điều kiện học tập khác. Bên cạnh đó, để phát huy tốt khả năng này, một tiền đề có tính chất quyết định trực tiếp là mỗi sinh viên phải phát huy cao độ vai trò chủ thể của mình trong sự thống nhất với vai trò chủ thể của cả tập thể sinh viên. Bởi lẽ, sự phát triển của mỗi sinh viên tạo nên sự phát triển chung, hài hoà, đồng bộ của cả tập thể, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Song, tập thể sinh viên lại là môi trường quan trọng cho sự hình thành và phát triển trí tuệ riêng của mỗi sinh viên. Vì vậy, nói đến năng lực giảng dạy ở Đại học nói chung và năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, không thể không đề cập đến lực lượng sinh viên - một yếu tố cấu thành tuy không phải là quyết định nhưng cũng có vai trò hết sức quan trọng.

* Thứ ba là: Nội dung giảng dạy

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, nội dung giảng dạy môn học này được xây dựng bao gồm hệ thống kiến thức pháp luật môi trường và hệ thống kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp tương lai cũng như về nghiên cứu khoa học phù hợp với mục đích, mục tiêu đào tạo của bộ môn và của toàn trường.

Hệ thống kiến thức pháp luật môi trường bao gồm những nhận thức cơ bản nhất về môi trường, bảo vệ môi trường, vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường và toàn bộ hệ thống các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành ở Việt Nam, cũng như pháp luật bảo vệ môi trường của một số nước trên thế giới.

Hệ thống kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp tương lai, cũng như về nghiên cứu khoa học là những tri thức được chọn lọc từ nguồn kinh nghiệm chung, đặc biệt và chủ yếu là nguồn kinh nghiệm riêng trong ngành tư pháp và trong quản lý môi trường mà bao thế hệ đi trước đã dày công tích luỹ, khái quát hoá, hệ thống hoá.

Cả hai yếu tố này đều cần phải được coi trọng trong nội dung giảng dạy để có thể đảm bảo được chất lượng của năng lực giảng dạy. Nói cách khác, năng lực giảng dạy cao hay thấp còn phải tuỳ thuộc không nhỏ vào mức độ phù hợp và tính toàn diện của nội dung giảng dạy môn học đó.

* Thứ tư là: Phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường có thể được hiểu là tổng hợp các cách thức hoạt động của giáo viên và sinh viên trong quá trình tổ chức, điều khiển hoạt động dạy và học, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học pháp lý, cán bộ quản lý môi trường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Trong năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường, phương pháp giảng dạy tồn tại với tư cách là một thành tố cấu trúc. Nó có mối quan hệ qua lại mật thiết với các yếu tố khác như lực lượng sinh viên hay nội dung chương trình. Để có thể lựa chọn được các phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường phù hợp, cần phải lưu ý một số vấn đề như:

·      Phương pháp giảng dạy phải gắn liền với mục đích đào tạo các cán bộ pháp lý cũng như các cán bộ nghiên cứu và quản lý môi trường bằng pháp luật. Để thực hiện được điều đó, giảng viên ngoài việc trang bị các kiến thức pháp luật môi trường cho sinh viên còn phải chú ý rèn luyện cho họ các kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp.

·      Phương pháp giảng dạy phải gắn liền với các vấn đề về môi trường và quản lý môi trường bằng pháp luật đã, đang và sẽ nảy sinh trên thực tiễn. Phương pháp này tạo cho sinh viên khả năng nắm bắt thực tiễn và có thể dự liệu trước những vấn đề có thể nảy sinh cùng khả năng xử lý linh hoạt các tình huống đó.

·      Phương pháp giảng dạy phải phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, sáng tạo của sinh viên. Nó đòi hỏi giảng viên phải luôn tôn trọng ý kiến của sinh viên, tổ chức, điều khiển họ tích cực tham gia vào hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học.

·      Phương pháp giảng dạy cần phải gắn với phương pháp nghiên cứu khoa học. Muốn thế, giảng viên trong suốt quá trình giảng dạy phải chú ý đề cập các quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề và quan tâm bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

·      Phương pháp giảng dạy cần phải gắn liền với các thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong dạy học.

·      Phương pháp giảng dạy cần phải được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và có thể kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau.

* Thứ năm là: Các phương tiện trợ giúp

Các phương tiện trợ giúp cho quá trình dạy và học môn pháp luật môi trường bao gồm: giáo trình Luật môi trường, các tài liệu chuyên khảo (hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ thống hỏi đáp về pháp luật bảo vệ môi trường, các tài liệu tìm hiểu về pháp luật bảo vệ môi trường của các nước trên thế giới...), cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học cũng như phục vụ cho quá trình tự nghiên cứu của sinh viên (bàn, ghế, micro, đèn chiếu...).

Giáo trình Luật môi trường là loại sách được viết theo chương trình, nội dung môn học đã được xác định trước, được dùng cho sinh viên sử dụng làm tài liệu chính trong quá trình dạy và học môn pháp luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Cùng với giáo trình, các tài liệu tham khảo cũng là một công cụ bổ trợ đắc lực cho việc dạy và học cũng như cho quá trình tự nghiên cứu của sinh viên. Bên cạnh đó, hiệu quả của năng lực giảng dạy môn học sẽ được nâng lên cao hơn nữa khi có sự trợ giúp của các phương tiện dạy học hiện đại. Đó chính là cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học. Hay nói cách khác là việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào trong quá trình dạy học đại học, kết hợp với các yếu tố khác, hình thành nên “công nghệ dạy học”.

2.1.2. Sự cần thiết phải tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường.

Với điều kiện hiện tại và để đáp ứng tốt hơn nữa các đòi hỏi về vấn đề môi trường trong tương lai, việc tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội là một yêu cầu khách quan và cần thiết. Điều này có thể lý giải bởi những lý do cơ bản sau:

* Thứ nhất: Tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp nhằm thực hiện tốt đường lối chỉ đạo chung cuả Đảng và Nhà nước ta về giáo dục môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng cộng sản Việt Nam, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đã xác định: "Tiếp tục quán triệt quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu và tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện trong phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy và phương thức đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao...". Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục về môi trường, Chỉ thị số 36 CT - TW cũng đặt ra các nhiệm vụ mà chúng ta cần phải thực hiện là: Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo điều kiện để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản để bảo vệ môi trường. Để thực hiện được điều đó, cần phải tổ chức một hệ thống đào tạo cán bộ, chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường với các cấp trình độ, các loại ngành nghề một cách đồng bộ. Giáo dục pháp luật môi trường cũng là một trong số đó.

Giảng dạy môn pháp luật môi trường tại các cấp học nói chung và tại các cơ sở đào tạo luật nói riêng, trong đó có trường Đại học Luật Hà Nội, chúng ta có thể thực hiện được phần nào những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Vì thế mà tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường trở thành một biện pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ đó.

* Thứ hai: Tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục môi trường và là một biện pháp hữu hiệu để đạt tới mục tiêu của công tác này.

Ở Việt Nam, giáo dục môi trường nói chung, giáo dục pháp luật môi trường nói riêng đã bị bỏ ngỏ trong một thời gian quá dài và mới được chú ý đến trong một số năm gần đây. Tuy vậy, vấn đề này hiện nay vẫn chưa được chúng ta quan tâm đúng mức.

 Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói riêng, không còn con đường nào khác hiệu quả hơn là phải tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường tại các cơ sở đào tạo luật, trong đó có trường Đại học Luật Hà Nội. Bởi lẽ: Chỉ khi năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường được tăng cường thì hiệu quả của công tác giáo dục môi trường mới được nâng cao. Hiệu quả của công tác giáo dục môi trường được đánh giá một phần dựa trên cơ sở kết quả giảng dạy môn pháp luật môi trường. Chúng được đo bằng mức độ thực hiện các mục tiêu đã đặt ra để giải quyết các vấn đề môi trường của đất nước, với sự chi phối tối ưu thời gian, cơ sở vật chất và công sức của thầy trò. Việc đánh giá kết quả giảng dạy môn học pháp luật môi trường phải căn cứ chủ yếu vào hiệu quả giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường trên thực tế bằng pháp luật. Mặc dù điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng kiến thức pháp luật môi trường cũng như việc áp dụng các qui định pháp luật môi trường như thế nào trên thực tế của sinh viên cũng có tác động không nhỏ đến việc giải quyết các thách thức môi trường đã và đang đặt ra.

Mặt khác, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là một biện pháp hữu hiệu để đạt tới mục tiêu của công tác giáo dục môi trường. Thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường, trước hết chúng ta có thể nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường bằng pháp luật của sinh viên - những người sau này sẽ tham gia trực tiếp vào công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc làm các công tác khác liên quan đến bảo vệ môi trường. Đội ngũ này cũng sẽ là lực lượng tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có ý thức pháp luật môi trường cho dân chúng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể có được những điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết những thách thức hết sức lớn lao về bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ đặt ra.

* Thứ ba: Tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bằng pháp luật

Sự hình thành và phát triển của ý thức pháp luật, trong đó có ý thức pháp luật môi trường là một quá trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (điều kiện kinh tế xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hoá...). Vì vậy, để nâng cao ý thức pháp luật môi trường trong cán bộ và nhân dân thì bên cạnh việc phải chú trọng xây dựng một hệ thống pháp luật môi trường hoàn chỉnh, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội, thì cũng cần phải tiến hành nhiều biện pháp khác nhau để tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển toàn diện ý thức pháp luật môi trường. Một trong những biện pháp có tầm quan trọng đặc biệt để đạt được điều đó là phải không ngừng bồi dưỡng, giáo dục kiến thức pháp luật môi trường cho cán bộ và nhân dân.

 Ý thức pháp luật môi trường của dân chúng nói chung và của sinh viên Đại học Luật Hà Nội nói riêng có thể được nâng cao bằng con đường giáo dục. Nó được thể hiện phần nào thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường. Ý thức pháp luật môi trường được nâng cao thì chắc chắn công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường bằng pháp luật sẽ có được những điều kiện hết sức thuận lợi để thu được kết quả tốt nhất. Điều này có thể được lý giải bởi hai lý do cơ bản. Đó là:

- Để áp dụng đúng đắn các qui phạm pháp luật môi trường, đòi hỏi phải có sự hiểu biết chính xác nội dung và yêu cầu của qui phạm đó; phải giải thích và làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của nó. Tất cả những yêu cầu đó chỉ có thể được thoả mãn trong điều kiện người áp dụng pháp luật có ý thức pháp luật tốt.

- Vai trò của ý thức pháp luật còn được thể hiện cả trong những trường hợp áp dụng các các qui phạm pháp luật đã lạc hậu, không còn đáp ứng một cách đầy đủ các đòi hỏi của thực tế. Bởi vì, một người có ý thức pháp luật tốt có thể giải quyết đúng đắn sự việc thực tế bằng cách áp dụng kết hợp những qui phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Hơn thế nữa, ý thức pháp luật môi trường tốt còn tạo ra khả năng giải quyết đúng đắn cả những trường hợp thực tế mà vì một lý do nào đó pháp luật môi trường hiện hành chưa đề cập đến.

* Thứ tư: Tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là biện pháp góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo luật học nói chung và luật bảo vệ môi trường nói riêng trong thời gian tới

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một Nhà nước đòi hỏi pháp luật phải được tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ. Việc các tổ chức, cá nhân phải hiểu để sống và làm theo pháp luật trở thành một yêu cầu bắt buộc. Cũng chính vì thế mà nhu cầu đào tạo luật học, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức pháp luật của nhân dân sẽ ngày một tăng, với những đòi hỏi về chất lượng ngày một cao hơn. Điều đó chỉ có thể được đáp ứng thông qua việc tăng cường năng lực giảng dạy luật học nói chung và tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường nói riêng tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo Luật trong cả nước.

Mặt khác, hoà nhập với xu thế chung hiện nay của thế giới trong việc giải quyết các thách thức môi trường, công tác bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ môi trường bằng pháp luật ở Việt Nam sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt hơn nữa, khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, thì những tác động bất lợi cho môi trường cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Thực hiện tốt việc giáo dục ý thức pháp luật môi trường bằng con đường tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường là một giải pháp hữu hiệu. Giải pháp đó không chỉ để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên thực tế, mà còn góp phần ngăn ngừa những tác động bất lợi cho môi trường bằng những hành động cụ thể của con người trong quá trình khai thác và sử dụng môi trường.

Năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến chất lượng giảng dạy môn học. Nó được cấu thành bởi nhiều yếu tố như: lực lượng giáo viên, lực lượng sinh viên, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và các phương tiện trợ giúp khác. Các yếu tố này có mối liên hệ mật thiết và có ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau. Chính vì thế, tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường phải được thực hiện trên cơ sở tăng cường đồng bộ tất cả các yếu tố cấu thành của nó. Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường năng lực giảng dạy môn pháp luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội là một đòi hỏi cấp thiết. Đòi hỏi ấy bắt nguồn từ nhiệm vụ thực hiện các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục và bảo vệ môi trường, từ yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác giáo dục môi trường, từ việc phải thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ môi trường bằng pháp luật cũng như đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đã và sẽ đặt ra.

2.2. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường trong thời gian qua.

2.2.1. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Môn học Luật môi trường chính thức được nghiên cứu, giảng dạy ở trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu từ năm 1994. Thực trạng về công tác đào tạo và giảng dạy môn học này tại trường Đại học Luật Hà Nội được tìm hiểu ở những nội dung sau:

* Mục đích công tác đào tạo, giảng dạy môn học Luật Môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

Trong công tác đào tạo, giảng dạy môn học Luật Môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội, nhà trường cùng đội ngũ giáo viên giảng dạy luôn xác định rõ mục đích đào tạo, giảng dạy môn học này, với những nội dung cơ bản là:

i)    Trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường Việt Nam. Trong quá trình học môn Luật Môi trường, sinh viên được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường như: Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật môi trường Việt Nam; nội dung cơ bản các quy phạm pháp luật môi trường hiện hành, cách vận dụng pháp luật môi trường trong thực tiễn; các điều kiện kinh tế - xã hội... ảnh hưởng tới hiệu quả điều chỉnh của pháp luật môi trường; mối quan hệ giữa pháp luật môi trường với các ngành luật khác, phương hướng hoàn thiện pháp luật môi trường v.v...

ii)   Trang bị cho sinh viên những kiến thức bổ trợ, liên quan tới pháp luật môi trường như: Vấn đề tiêu chuẩn môi trường; ô nhiễm, suy thoái sự cố môi trường; an toàn kiểm soát bức xạ, chất thải nguy hại v.v...

iii) Cung cấp cho sinh viên các thông tin về thực tiễn quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật Môi trường Việt Nam, để họ có được hệ thống kiến thức tổng hợp về pháp luật môi trường .

iv) Giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức pháp luật môi trường cho sinh viên, tạo cơ sở cho sinh viên sau khi ra trường thực hiện các công việc liên quan tới pháp luật môi trường với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

v)   Bảo đảm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học Luật có thể ứng dụng một cách hiệu quả những kiến thức pháp lý về môi trường đã học trong nhà trường vào thực tiễn công tác.

Nhìn chung, trong những năm qua, các mục đích nêu trên của công tác giáo dục, đào tạo môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội đã đạt được ở những mức độ không giống nhau. Điều đó được phản ánh rất rõ nét thông qua kết quả điều tra thực tiễn mà đề tài đã thực hiện. Cụ thể là, có tới 91% số phiếu điều tra cho rằng công tác giảng dạy môn Luật môi trường trong thời gian qua đã giúp sinh viên có được những kiến thức cơ bản về khoa học pháp lý cũng như pháp luật môi trường và 66% số người được điều tra thừa nhận môn Luật môi trường đã đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho sinh viên. Song, chỉ có 14,7% khẳng định môn học này có thể giúp cho sinh viên tự giải quyết một số yêu cầu của công việc sau này liên quan đến bảo vệ môi trường. Tỷ lệ này cũng tương đồng với kết quả điều tra tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

 

Ph­¬ng ¸n 1: Gióp sinh viªn cã ®­îc nh÷ng kiÕn thøc c¬ b¶n vÒ khoa häc ph¸p lý vµ ph¸p luËt m«i tr­êng.

Ph­¬ng ¸n 2: N©ng cao ý thøc vÒ b+¶o vÖ m«i tr­êng cho sinh viªn.

Ph­¬ng ¸n 3: Gióp sinh viªn cã thÓ tù gi¶i quyÕt mét sè yªu cÇu thùc tÕ cña c«ng viÖc sau nµy liªn quan ®Õn b¶o vÖ m«i tr­êng.

 

  * Đội ngũ cán bộ giảng dạy môn Luật Môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội

Chịu trách nhiệm giảng dạy môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội là Tổ bộ môn Luật Môi trường. Tổ bộ môn hiện gồm 5 giáo viên, trong đó có 4 thạc sỹ Luật (một giáo viên đang học nghiên cứu sinh trong nước) 1 giáo viên đang học cao học luật, chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ. Lãnh đạo chuyên môn của tổ gồm có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Đây là đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững chắc, có phương pháp giảng dạy tương đối khoa học, hiệu quả, bảo đảm truyền đạt cho người học hệ thống kiến thức cần thiết cũng như phương pháp tiếp cận, xử lý thông tin ở mức độ phù hợp với mục đích, nội dung chương trình đào tạo ở bậc đại học chuyên ngành luật.

Việc củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy cũng luôn được tổ bộ môn chú trọng. Các cuộc họp chuyên môn thường xuyên được tiến hành vào đầu mỗi năm học mới, hàng tháng và mỗi khi kết thúc một đợt giảng cho sinh viên nhằm đánh giá hiệu quả giảng dạy, học tập, đồng thời tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy được tốt hơn, đáp ứng các đòi hỏi về nhu cầu giảng dạy, học tập môn học này một cách khách quan nhất. Bên cạnh đó, các thành viên của tổ bộ môn cũng thường xuyên trao đổi, học tập lẫn nhau nhằm không ngừng bổ sung các kiến thức khoa học cũng như phương pháp giảng dạy. Mặt khác, những giáo viên lâu năm luôn giúp đỡ, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp giáo viên trẻ và cùng nhau bàn bạc, thảo luận dưới sự hướng dẫn của tổ trưởng bộ môn để tìm ra cách giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách tốt nhất.

 Không chỉ chú trọng tới công tác giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng dạy môn học Luật Môi trường còn chủ động tới công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, tích cực tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp trường và cấp bộ; viết bài cho các tạp chí chuyên ngành; không ngừng học tập những nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ cho công tác giảng dạy; tham gia các lớp học vi tính, ngoại ngữ; tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành khoa học quản lý môi trường, dự hội thảo khoa học về môi trường ở trong nước và quốc tế; tổ chức đi khảo sát thực tế... Những hoạt động này đã góp phần nâng cao, mở rộng chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, có tác dụng tích cực tới công tác giảng dạy.

Tuy nhiên, vì là một tổ bộ môn mới thành lập, lại giảng dạy một môn học có những đặc thù riêng nên đội ngũ giáo viên của tổ bộ môn cũng đang đứng trước một số hạn chế nhất định. Đó là: một số giáo viên trong tổ bộ môn chưa tham gia công tác nghiên cứu khoa học một cách thực sự tích cực, các bài viết của giáo viên trong tổ đăng ở các tạp chí chuyên ngành còn hạn chế;  chưa tổ chức được các cuộc hội thảo về pháp luật môi trường cũng như các buổi tiếp xúc, nói chuyện chuyên đề về pháp luật môi trường giữa sinh viên với các cán bộ quản lý Nhà nước về môi trường; chưa mời được các chuyên gia pháp lý hướng dẫn những kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường; chưa thực sự tạo được không khí nghiên cứu khoa học pháp lý về môi trường sôi nổi, hào hứng trong sinh viên và chưa tổ chức được các hoạt động khảo sát thực tế...

* Đội ngũ sinh viên, học viên

Là môn học mới cho nên trong thời gian đầu mới học tập, nghiên cứu môn học này, một bộ phận lớn sinh viên hệ chính quy, học viên hệ tại chức chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò của pháp luật môi trường và môn học Luật Môi trường. Vì thế ý thức học tập, nghiên cứu của đại bộ phận sinh viên còn hạn chế. Điều này được thể hiện rõ qua tinh thần, thái độ của sinh viên, học viên trên lớp cũng như kết quả học tập của họ. Hiện nay, cùng với quá trình phát triển của pháp luật môi trường và khoa học pháp lý về môi trường, nhận thức của sinh viên về môn học này đã được nâng cao, ý thức nghiên cứu, học tập đã được nâng lên một bước. Số lượng sinh viên, học viên lên lớp ngày một đông (sĩ số đạt 90% -100%), tinh thần học tập nghiêm túc, kết quả học tập qua các kỳ thi ngày một cao, ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn đề tài thuộc môn học Luật Môi trường làm luận văn tốt nghiệp và những luận văn này thường đạt kết quả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng đối với khoa học pháp lý về môi trường. Tuy nhiên, hiện nay cũng vẫn còn một bộ phận sinh viên, học viên chưa nhận thức được vấn đề này, họ chưa thực sự coi trọng môn học, ý thức học tập tương đối kém.

Quá trình giảng dạy, trao đổi, tiếp xúc với sinh viên, học viên học tập môn học này cho thấy một số vấn đề sau:

 i)   Đây là một môn học khó, lượng kiến thức rất phong phú, đa dạng, là sự tổng hợp của nhiều ngành luật khác nhau, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

  ii) Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này đã đáp ứng được các đòi hỏi về chuyên môn, tuy vẫn cần phải tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy và nên áp dụng các phương tiện trợ giúp hiện đại trong quá trình giảng dạy.

  iii) Sinh viên rất muốn được đi khảo sát thực tế về môi trường, quản lý Nhà nước về môi trường để nâng cao kiến thức thực tiễn và tham gia các cuộc hội thảo khoa học,  muốn được tiếp xúc với các chuyên gia pháp lý về môi trường để học tập các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong các tình huống cụ thể.

* Nội dung chương trình giảng dạy môn học Luật Môi trường

 Môn học Luật Môi trường được chia thành 9 chương với các nội dung sau:

1.    Chương I : Khái niệm Luật Môi trường

2.    Chương II: Quản lý Nhà nước về môi trường

3.    Chương III: Đánh giá tác động môi trường

4.    Chương IV: Pháp luật về phòng, chống; khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

5.    Chương V: Pháp luật bảo vệ rừng

6.    Chương VI: Pháp luật bảo vệ tài nguyên nước

7.    Chương VII: Pháp luật bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

8.    Chương VIII: Pháp luật bảo vệ các nguồn tài nguyên khác.

9.    Chương IX: Quan hệ quốc tế về bảo vệ môi trường.

 Các nội dung trên được giảng dạy trong thời lượng là 45 tiết đối với sinh viên hệ chính quy (30 tiết lý thuyết, 15 tiết thảo luận) và 50 tiết với học viên tại chức. Môn học này hiện còn được giảng dạy cho hệ tại chức lớp văn bằng 2, hệ trung cấp (mở tại một số địa phương do cán bộ địa phương giảng dạy trên cơ sở tài liệu nhà trường cung cấp) nhưng chưa đưa vào giảng dạy ở hệ sau đại học (chỉ có một số lớp nghiên cứu dưới dạng chuyên đề).

Thực trạng chương trình giảng dạy môn học Luật Môi trường cho thấy đặc thù của môn học này hiện nay là:

-       Đây là một môn học mới ở trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, trong hệ thống giáo dục quốc gia nói chung. Chính vì vậy, việc xây dựng và thực hiện chương trình giảng dạy môn học này gặp nhiều khó khăn. Đó là: Khó khăn về việc kết cấu chương trình, xác định nội dung chương trình giảng dạy (chưa có tiền lệ); khó khăn trong việc hoàn thiện từng bước chương trình giảng dạy, xử lý các khái niệm trong bài giảng v.v... Mặt khác, vì là môn học mới nên một bộ phận sinh viên, học viên thậm chí giáo viên của trường chưa nhận thức rõ ý nghĩa môn học, dẫn tới không coi trọng môn học, làm ảnh hưởng lớn tới quá trình giảng dạy.

-       Là môn học phải xử lý rất nhiều khái niệm liên quan tới vấn đề kỹ thuật môi trường như: Đa dạng sinh học, chất thải nguy hại, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường... Nó đòi hỏi phải có sự kết hợp, lý giải một cách hợp lý giữa vấn đề khoa học pháp lý với vấn đề khoa học kỹ thuật mang tính chuyên ngành môi trường.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy: Về cơ bản, nội dung chương trình giảng dạy môn học này đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu đối với sinh viên hệ Đại học, chuyên ngành Luật, song vẫn còn một số tồn tại như:

§  Còn nhiều vấn đề rất cần thiết chưa được đưa vào nội dung chương trình giảng dạy ở mức độ phù hợp (như: Pháp luật bảo vệ di sản văn hoá; pháp luật về quản lý chất thải nguy hại, pháp luật bảo vệ, kiểm dịch thực vật...);

§  Kết cấu các chương cần được tiếp tục sửa đổi cho khoa học hơn nữa;

§  Nội dung giảng dạy hiện chưa chú trọng tới việc hướng dẫn sinh viên các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong các tình huống cụ thể;

§  Thời lượng nghiên cứu, học tập môn học này hiện nay còn ít, cần nâng lên thành 60 tiết học (với cả hệ chính quy và tại chức). Qua kết quả điều tra thực tiễn, có 59,5% số người được điều tra cho rằng thời lượng giảng dạy môn học Luật môi trường hiện nay là chưa phù hợp. Các ý kiến này đều khẳng định cần phải tăng thêm thời lượng giảng dạy môn học này, tuy nhiên, thời lượng do các học viên đề xuất ở mức độ tương đối cao (từ 60-90 tiết) chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

 

  * Phương pháp giảng dạy môn học Luật Môi trường

 Phương pháp giảng dạy môn học Luật Môi trường hiện nay tại trường Đại học Luật Hà Nội vẫn mang tính truyền thống, đó là kết hợp hai phương pháp thuyết trình lý thuyết và tổ chức thảo luận. Trong quá trình thuyết giảng lý thuyết, giáo viên truyền đạt kiến thức cho sinh viên thông qua các phương tiện: phấn (bút dạ) viết bảng, ngôn ngữ, giáo án, giáo trình, các văn bản pháp luật và tài liệu tham khảo khác. Trong quá trình thảo luận, một mặt giáo viên đưa ra những nội dung cơ bản liên quan tới chương trình môn học để định hướng nội dung thảo luận cho sinh viên, mặt khác khuyến khích, tôn trọng các ý kiến, phát hiện của sinh viên để cho sinh viên chủ động đưa ra các ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề liên quan tới môn học.                                            

Phương pháp giảng dạy môn Luật Môi trường như hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của phương pháp giảng dạy Đại học. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy môn học này cũng đang đứng trước một số bất cập như: trong quá trình giảng dạy thiếu các hình ảnh thực tiễn để cung cấp cho sinh viên những thông tin về môi trường một cách sinh động, khoa học, ấn tượng nhất; thiếu (thậm chí chưa có) việc tổ chức các chuyến đi khảo sát thực tế cho sinh viên để nâng cao kiến thức thực tiễn về môi trường, pháp luật môi trường; thiếu các cuộc hội thảo khoa học (theo định kỳ với một quy mô phù hợp) và các buổi tổ chức cho sinh viên tiếp xúc với cán bộ ở các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có trình độ chuyên môn về pháp luật môi trường để giúp sinh viên có thêm các kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong những tình huống cụ thể. Kết quả điều tra thực tiễn cũng phản ánh rất rõ những tồn tại này. Cụ thể là không một phiếu điều tra nào khẳng định người học môn học Luật môi trường trong thời gian qua đã được học theo phương pháp sắm vai hay tìm hiểu thực tế. Phần lớn nội dung môn học là được giảng dạy theo phương pháp thuyết trình - một phương pháp mang tính truyền thống.

 

Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhà trường cùng đội ngũ giáo viên trong tổ bộ môn luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để có được phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả nhất. Chẳng hạn như: áp dụng hình thức thảo luận với hai giáo viên phụ trách; phát tận tay sinh viên câu hỏi định hướng nội dung giờ thảo luận, tổ chức chia nhóm thảo luận, phân vai từng nhân vật trong các tình huống cụ thể để giải quyết một sự kiện pháp lý về môi trường, tổ chức các chuyến đi khảo sát thực tế cho sinh viên v.v... Về lâu dài, nhà trường cùng tổ bộ môn đang xem xét, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào quá trình giảng dạy như: sử dụng phương tiện màn hình, đèn chiếu, các công nghệ vi tính để giảng dạy trên lớp...

* Giáo trình và tài liệu tham khảo môn học Luật Môi trường

 Giáo trình Luật Môi trường được xuất bản năm 1999, đã tái bản lần 2, chưa có sửa đổi, bổ sung. Đây là cuốn giáo trình Luật Môi trường đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, gồm lời nói đầu, mục lục và nội dung được thiết kế gồm 9 chương (như nội dung chương trình giảng dạy môn Luật Môi trường). Về cơ bản, giáo trình Luật Môi trường đã phản ánh được nội dung chương trình giảng dạy môn học này, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập của giới sinh viên, học viên bậc đại học chuyên ngành luật. Tuy vậy, cuốn giáo trình này cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế như sau:

i)    Trong cuốn giáo trình có nhiều lỗi kỹ thuật do đánh vi tính, in ấn, mà đến nay chưa sửa đổi.

ii)   Một số chương trong giáo trình chưa hợp lý. Chẳng hạn như chương IV có phạm vi nghiên cứu quá rộng, cần chia thành các chương nhỏ hơn hoặc bổ sung sang các chương khác.

iii) Có nhiều nội dung khoa học cần được đưa vào giáo trình như: Vấn đề chất thải nguy hại, bảo vệ, kiểm dịch thực vật, bảo vệ di sản văn hoá...

 Bên cạnh đó, kết quả điều tra thực tiễn mà đề tài đã thực hiện còn thu thập được rất nhiều ý kiến đánh giá về những nhược điểm của giáo trình môn học này như: Giáo trình còn được viết chung chung ở tất cả các chương;  nội dung của một số chương còn dàn trải, chưa tập trung; số liệu đưa ra trong giáo trình chưa được cập nhật thường xuyên; thiếu các vụ việc thực tế để làm ví dụ minh hoạ...

Cùng với giáo trình luật Môi trường, các tài liệu tham khảo về pháp luật Môi trường cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn Luật Môi trường. Nhưng hiện tại, so với một số môn khoa học pháp lý khác thì tài liệu tham khảo môn Luật Môi trường còn hạn chế, các đầu sách tham khảo môn học này chưa nhiều. Trong thư viện nhà trường hiện nay có rất ít tài liệu tham khảo về Luật Môi trường. Nguồn tài liệu tham khảo môn học này chủ yếu được đội ngũ giáo viên và sinh viên tự thu thập, tìm hiểu từ các cơ sở bên ngoài nhà trường.

 

            Để khắc phục tình trạng này, trường Đại học Luật Hà Nội cùng tổ bộ môn Luật Môi trường đang từng bước soạn thảo các tài liệu tham khảo để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn học này như: Hỏi đáp về Luật Môi trường Việt Nam, Tìm hiểu Luật Môi trường Việt Nam v.v...

Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn học Luật Môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội hiện nay cho thấy hai vấn đề lớn:

Một là: Công tác đào tạo, giảng dạy môn học Luật Môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội hiện đã đạt được những thành tựu đáng kể, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, giảng dạy môn khoa học pháp lý ở bậc đại học, chuyên ngành luật.

Hai là: Vẫn còn một số hạn chế nhất định mà nhà trường và tổ bộ môn Luật Môi trường cần phải từng bước khắc phục, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, giảng dạy môn học này. Đặc biệt công tác đào tạo giảng dạy môn học này ở bậc sau đại học trong trường Đại học Luật Hà Nội cần có sự chuẩn bị tích cực hơn nữa về nội dung chương trình nghiên cứu cũng như đội ngũ cán bộ giảng dạy thì mới đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu pháp luật môi trường trong hiện tại và tương lai. Tuy vậy, những bất cập này Nhà trường và tổ bộ môn Luật môi trường hoàn toàn có thể khắc phục được trong thời gian tới.

2.2.2. Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn học Luật Môi trường tại các cơ sở đào tạo khác

* Thực trạng công tác đào tạo và giảng dạy môn Luật Môi trường tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tìm hiểu thực trạng công tác đào tạo, giảng dạy môn học Luật Môi trường ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể thấy nổi lên các vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Về đội ngũ cán bộ giảng dạy

Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chưa có tổ bộ môn Luật Môi trường độc lập, chỉ có môn học Luật Đất đai - Môi trường trực thuộc tổ bộ môn Pháp luật kinh doanh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên về môn học Luật Môi trường cũng chưa có. Các giáo viên dạy Luật Đất đai thường kiêm luôn việc giảng dạy Luật Môi trường. Vì thế, việc giảng dạy môn học này thường được thực hiện dưới hình thức cộng tác, mời giáo viên, cán bộ nghiên cứu ở các cơ sở khác sang giảng dạy. Đây là đội ngũ giáo viên luôn tích cực hoàn thành công việc của mình, song do chưa có cơ cấu tổ chức ổn định, thống nhất  nên công tác đào tạo, giảng dạy môn học Luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn như:

 i)   Việc bố trí lịch học cho sinh viên không được chủ động thực sự vì phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên được mời cộng tác.

 ii) Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này không được thực hiện thường xuyên, thống nhất dẫn tới có sự khác nhau về chương trình giảng dạy đối với sinh viên trong cùng một khoá học, điều đó tác động không nhỏ tới tâm lý học tập của sinh viên.

iii) Chưa tạo được không khí học tập, nghiên cứu khoa học pháp lý về môi trường một cách sôi nổi, tích cực. Các hoạt động hội thảo khoa học, viết tiểu luận, đề tài về pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn hạn chế .

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện nay Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang từng bước quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ giảng dạy pháp luật môi trường để hình thành một tổ bộ môn Luật Môi trường độc lập, thực hiện chức năng nghiên cứu giảng dạy pháp luật môi trường dưới sự lãnh đạo thống nhất của Khoa.

Thứ hai: Về đội ngũ sinh viên, học viên

Cũng giống như ở các cơ sở khác đào tạo chuyên ngành luật khác, pháp luật môi trường là một nội dung mới trong số nội dung các môn học ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chính vì vậy, nhận thức của sinh viên, học viên về vấn đề này còn hạn chế, do đó ý thức nghiên cứu, học tập pháp luật môi trường chưa cao. Về mặt này, sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tương đối giống so với sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, song có điểm khác ở chỗ: Trường Đại học Luật Hà Nội sớm chú trọng tới việc xây dựng, phát triển Tổ bộ môn Luật Môi trường và chương trình giảng dạy học tập, nghiên cứu cũng như phương pháp giảng dạy môn học này, do đó ở trường Đại học Luật Hà Nội môn Luật Môi trường có bước phát triển mạnh, tới nay chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các môn học. Cùng với sự phát triển đó thì ý thức nghiên cứu học tập môn học Luật Môi trường của học viên, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội được nâng lên một bước đáng kể. Ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, vấn đề pháp luật môi trường chỉ là một phần nhỏ của môn Luật Đất đai - Môi trường (13 tiết). Do đó, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ và chưa thực sự coi trọng môn học này, dẫn tới hiện nay ý thức nghiên cứu, học tập môn học này của sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn thấp. Cũng chính vì lý do này mà kết quả học tập, nghiên cứu pháp luật môi trường của sinh viên, học viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội còn khá hạn chế.

 Giống như sinh viên, học viên nghiên cứu học tập môn học này ở các cơ sở khác, nguyện vọng của sinh viên, học viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay khi nghiên cứu pháp luật môi trường là:

i)    Số tiết học môn học Luật Môi trường cần được bố trí nhiều hơn.

ii)   Sớm được cung cấp giáo trình Luật Môi trường và một số tài liệu tham khảo về môn học này để thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, học tập.

iii) Được nhà trường tổ chức các chuyến khảo sát thực tế, tiếp xúc với cán bộ quản lý Nhà nước về môi trường để nâng cao hơn nữa kiến thức pháp luật môi trường, kỹ năng áp dụng pháp luật môi trường trong thực tế đời sống.

iv) Được tham gia các buổi hội thảo hay tham gia viết đề tài về pháp luật môi trường để không khí nghiên cứu môn học này thêm sôi nổi, nghiêm túc.

Trước những hạn chế cũng như những đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu pháp luật môi trường của đội ngũ sinh viên như trên, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện cải cách từng bước về cơ cấu bộ môn, nội dung chương trình nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, số tiết học pháp luật môi trường v.v... để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy pháp luật môi trường, đáp ứng các yêu cầu đào tạo bậc đại học chuyên ngành Luật trong giai đoạn mới.

Thứ ba: Về nội dung chương trình giảng dạy.

Chương trình giảng dạy pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội là một phần trong chương trình môn học Luật Đất đai - Môi trường. Tại cơ sở đào tạo này, hiện chưa có môn học Luật Môi trường độc lập. Từ năm 2000 trở về trước, môn học Luật Đất đai - Môi trường được kết cấu gồm 45 tiết, trong đó số tiết học Luật Môi trường là 15 tiết. Với thời lượng giảng dạy quá ngắn đó, sinh viên, học viên khó có thể nghiên cứu, học tập môn học này một cách hiệu quả.

Về cơ bản, nội dung chương trình giảng dạy pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đáp ứng được ở mức độ nhất định yêu cầu về đào tạo sinh viên đại học chuyên ngành Luật. Nội dung giảng dạy môn học này hiện được sắp xếp chủ yếu mang tính khái quát, giới thiệu một số vấn đề về pháp luật môi trường và pháp luật liên quan tới luật môi trường. Cụ thể là:

- Đối với hệ dài hạn, nội dung chương trình thường được chia thành 4 phần:

Phần I: Pháp luật về môi trường.

Phần II: Pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá

Phần III: Pháp luật về bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phần IV: Pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường.

           -  Đối với hệ sau đại học, có hai chuyên đề chính sẽ được giới thiệu là:

Chuyên đề1: Hoàn thiện pháp luật môi trường trong nền kinh tế thị trường

Chuyên đề 2: Đánh giá tác động môi trường.

Với các nội dung này, chương trình giảng dạy pháp luật môi trường mới chỉ đáp ứng ở mức độ cơ bản nhất, khái quát nhất của yêu cầu đào tạo sinh viên đại học chuyên ngành Luật. Hơn nữa, các nội dung giảng dạy pháp luật môi trường ở cơ sở này lại cũng không thống nhất. Nội dung giảng dạy thường phụ thuộc chủ yếu vào bài giảng của mỗi giáo viên. Cùng một khoá học nhưng các giáo viên giảng cho các lớp khác nhau có thể có những nội dung khác nhau trong chương trình học, điều đó ảnh hưởng tới tâm lý học tập của sinh viên, học viên.

Khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện nay Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đang có những cải tiến lớn về nội dung- chương trình giảng dạy pháp luật môi trường ở cơ sở mình. Theo kế hoạch của khoa Luật, bắt đầu từ năm 2001 môn học Luật Đất đai - Môi trường sẽ nâng lên thành 75 tiết (thay vì 45 tiết như trước) trong đó thời lượng môn học pháp luật môi trường sẽ được bố trí là 30 tiết. Đây là một bước mở đầu thuận lợi để nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập nghiên cứu pháp luật môi trường ở cơ sở này.

Thứ tư: Về phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy môn pháp luật môi trường ở Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ bản là mang tính truyền thống: Giáo viên giảng lý thuyết thông qua bảng, phấn viết, bút dạ, hệ thống giáo án, giáo trình, tài liệu tham khảo. Từ năm 2000 trở về trước, trong cơ cấu tiết học pháp luật môi trường ở cơ sở này không có giờ thảo luận.. Đó là hạn chế lớn về phương pháp giảng dạy Đại học mà cơ sở này vẫn đang tiếp tục khắc phục.

Giống như phần lớn các trường đại học khác, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội hiện cũng thiếu các phương tiện hỗ trợ cho việc áp dụng những phương pháp giảng dạy đại học hiện đại đối với pháp luật môi trường, như:                                                      

i)    Thiếu hệ thống phương tiện truyền hình làm cho bài giảng thêm sinh động, dễ hiểu.

ii)   Thiếu (thậm chí không có) các chuyến khảo sát thực tế về môi trường, về công tác quản lý môi trường để nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên

iii) Chưa tổ chức các cuộc hội thảo về pháp luật môi trường nhằm tạo không khí nghiên cứu khoa học sôi nổi trong giáo viên cũng như sinh viên.

Khắc phục tình trạng này, cùng với việc cải tiến chương trình giảng dạy, học tập pháp luật môi trường, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách, hoàn thiện phương pháp giảng dạy ở mức độ khoa học, hiệu quả hơn.

Thứ năm: Giáo trình và tài liệu tham khảo

Hiện nay Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội chưa biên soạn Giáo trình Luật Môi trường. Vì thế, sinh viên, học viên của Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội thường sử dụng giáo trình Luật Môi trường của trường Đại học Luật Hà Nội làm tài liệu học tập cơ bản. Bên cạnh đó, tài liệu tham khảo về pháp luật môi trường ở Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội cũng còn rất hạn chế. Sinh viên, học viên muốn có tài liệu tham khảo thường phải đi sưu tầm ở các cơ sở khác (chủ yếu là các nhà sách).

Theo kế hoạch đào tạo, giảng dạy năm 2001, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chú trọng tới việc soạn thảo giáo trình Luật Môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Tóm lại, nghiên cứu thực trạng công tác đào tạo, giảng dạy pháp luật môi trường ở Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể thấy: ở cơ sở đào tạo này, công tác đào tạo giảng dạy pháp luật môi trường mới chỉ đáp ứng được các đòi hỏi ở mức độ cơ bản nhất chương trình đào tạo sinh viên đại học chuyên ngành luật. Công tác đào tạo giảng dạy pháp luật môi trường ở đây còn rất nhiều bất cập về chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu tham khảo v.v... Những vấn đề đó đòi hỏi phải được khắc phục kịp thời để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập môn pháp luật môi trường.

* Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật Môi trường tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

Tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, việc giảng dạy môn học Luật môi trường được áp dụng đối với cả hệ đào tạo đại học và sau đại học. Với chương trình đào tạo sau đại học, bắt đầu từ khoá 1 cao học luật của Trường, môn Luật quốc tế về môi trường đã được đưa vào giảng dạy với tư cách là một môn học bắt buộc cho học viên cao học luật thuộc chuyên ngành luật kinh tế. Việc giảng dạy môn học này hiện vẫn do các giảng viên nước ngoài được Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế mời đảm nhận.

Đối với chương trình đào tạo cử nhân, bắt đầu từ năm 1994, Khoa Luật thương mại đã tiến hành việc soạn thảo chương trình môn Luật môi trường để dự kiến đưa vào giảng dạy trong những năm tiếp theo. Đến năm 1995 môn học này đã được chính thức đưa vào giảng dạy cho sinh viên khoá 16. Thời kì đầu chương trình mới chỉ được áp dụng giảng dạy cho sinh viên thuộc hệ chính qui với số tiết là 60 trong đó có 45 tiết giảng lí thuyết và 15 tiết thảo luận. Đến năm 1998 khi nhà trường thông qua chương trình đào tạo cử nhân, môn Luật Môi trường vẫn được giao cho Khoa Luật Thương mại đảm nhận số tiết là 45 áp dụng cho tất cả các hệ đào tạo chính qui, mở rộng, tại chức. Riêng sinh viên chính qui chuyên ngành Luật Thương mại học thêm hai học phần tự chọn của môn Luật Môi trường là Pháp luật về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và Pháp luật hoạt động ĐTM tại Việt Nam. Ngoài ra đối với sinh viên chính qui chuyên ngành Luật Quốc tế có học thêm một phần tự chọn là Luật Quốc tế về môi trường. Việc giảng dạy môn học này do Khoa Luật quốc tế đảm nhiệm.

Nội dung chương trình giảng dạy môn Luật môi trường đối với đối tượng này bao gồm  02 chương:

Chương 1: Khái niệm luật môi trường

Chương 2: Pháp luật môi trường Việt Nam. Chương này bao gồm các nội dung: Quản lí Nhà nước về bảo vệ môi trường; đánh giá tác động môi trường; pháp luật về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; pháp luật về vệ sinh môi trường; pháp luật về các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xử lí vi phạm pháp luật môi trường và Luật quốc tế về môi trường

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn Luật Môi trường tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh , bên cạnh những thuận lợi lớn như sự quan tâm đáng kể cho việc phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này của nhà trường và ý thức học tập môn Luật môi trường của sinh viên đang dần được nâng cao còn có không ít những khó khăn cần sớm được khắc phục. Cụ thể là:

Thứ nhất:  Về lực lượng giáo viên.

Hiện nay ở Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa chính thức có Tổ bộ môn Luật Môi trường. Hiện có 4 giáo viên giảng dạy môn học, trong đó mới có hai giảng viên có khả năng giảng dạy toàn bộ chương trình, hai giảng viên còn lại có một người giảng được 1/3 chương trình, người còn lại đang trong giai đoạn tập sự chưa có khả năng giảng dạy. Điều đáng chú ý là trong số các giảng viên được giao giảng dạy môn Luật Môi trường vẫn còn có người chưa thật sự tâm huyết với môn học, năng lực chuyên môn không cao thậm chí còn có biểu hiện mặc cảm về môn học mà mình giảng dạy.

 

Thứ hai: Về lực lượng sinh viên.

Nhìn chung, sinh viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh hiện  không thực sự quan tâm đến việc học tập, nghiên cứu môn học Luật môi trường. Họ cho rằng đây là môn học không thiết thực, vấn đề môi trường là vấn đề xa vời, sau này ra trường không có điều kiện áp dụng, vì vậy chất lượng học tâp nghiên cứu không cao.

Thứ ba: Về nội dung chương trình giảng dạy

Tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, số tiết dành cho môn học Luật Môi trường hiện nay là quá ít. Nội dung của môn Luật Môi trường rất phong phú, nhất là trong thời gian gần đây, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về môi trường, rất nhiều vấn đề về môi trường đã, đang nảy sinh và được dự báo là sẽ nảy sinh ngày càng nhiều hơn, nhưng với 45 tiết ít ỏi nội dung giảng dạy sẽ không thể bao quát và đi sâu vào những vấn đề cần thiết. Mặt khác, theo qui định của nhà trường hiện nay, muốn thay đổi nội dung chương trình thì phải thông qua Hội đồng khoa học. Do vậy, trong quá trình giảng dạy có những vấn đề bất hợp lí nảy sinh muốn sửa đổi là rất khó khăn.

Thứ tư: Về giáo trình và tài liệu học tập:

Do những năm đầu giảng dạy với đội ngũ giáo viên còn mỏng nên trường chưa biên soạn được giáo trình môn học cho sinh viên của trường mà sử dụng giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại kết cấu chương trình môn học của hai trường có một số điểm khác nhau nên việc sử dụng giáo trình này không đạt được kết quả như mong muốn. Hiện tại, do những khó khăn trong việc điều chỉnh chương trình môn học như đã nêu trên nên việc biên soạn giáo trình riêng vẫn chưa được tiến hành. Trong khi đó, nhu cầu tham khảo tài liệu của sinh viên lại tập trung phần lớn vào giáo trình.

  Thứ năm:  Về vấn đề nghiên cứu khoa học

Hiện nay các giáo viên Khoa Luật Thương mại đang thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Trong thời gian qua cũng có nhiều sinh viên lựa chọn đề tài của môn luật môi trường trong các đợt nghiên cứu khoa học do nhà trường tổ chức song nhìn chung kết quả nghiên cứu của sinh viên chưa cao vì chưa thu hút được những sinh viên thật giỏi, môn học vẫn chưa được nhìn nhận và tôn trọng ở mức cần thiết từ cả hai phía - người tổ chức và đối tượng tiếp nhận.

Những khó khăn nêu trên là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Sớm khắc phục những khó khăn đó để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo môn học Luật môi trường là vấn đề cấp bách đang được đặt ra tại cơ sở đào tạo này.

* Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật Môi trường tại Trường Đại học kinh tế quốc dân.

Nghiên cứu thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật Môi trường tại Trường Đại học kinh tế quốc dân hiện nay, có thể thấy một số vấn đề nổi bật sau:

Thứ nhất: Về lực lượng giáo viên.

 Trường Đại học kinh tế quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo rất chú trọng đến việc trang bị những kiến thức pháp luật cho đội ngũ sinh viên. Đặc biệt, từ khoá 37 trở lại đây, các sinh viên hệ chính qui tập trung thuộc chuyên ngành Kinh tế môi trường (có từ khoảng 50-60 sinh viên/khoá) còn được trang bị môn Luật Môi trường. Đây được kết cấu là một môn học bắt buộc, thuộc "phần cứng" của chương trình đào tạo.

Hiện tại, môn Luật Môi trường đang được nhà trường giảng dạy với thời lượng 45 tiết (bằng 3 đơn vị học trình). Tuy nhiên, nhà trường hiện vẫn chưa thể tự chủ trong việc đảm nhiệm chương trình giảng dạy môn học này mà phải mời giáo viên từ các cơ sở đào tạo luật tại Hà Nội, do lực lượng giáo viên giảng dạy các môn pháp luật của nhà trường còn quá mỏng. Chính vì vậy, nội dung các bài giảng của môn học Luật môi trường hoàn toàn do các giáo viên được mời chủ động xây dựng cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Nhà trường chưa biên soạn được giáo trình môn học để phục vụ sinh viên.

Thứ hai: Về thái độ, ý thức học tập của sinh viên

Phần lớn sinh viên đã xác định được sự cần thiết phải hiểu biết pháp luật nói chung, pháp luật môi trường nói riêng để phục vụ cho công tác của mình sau này, song nhìn chung những kiến thức pháp luật môi trường được tiếp nhận với ý nghĩa hoàn toàn chỉ mang tính bổ trợ nên mối quan tâm của sinh viên tới môn Luật Môi trường chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Những nội dung pháp lí mà họ quan tâm cũng rất đơn giản và thuần tuý, chủ yếu là liệt kê văn bản pháp luật cũng như mô tả nội dung cơ bản của các qui định mà không quan tâm nhiều đến việc phân tích qui phạm, bình luận về thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật... Bên cạnh đó, cá biệt vẫn còn một số sinh viên do chưa xác định đúng đắn động cơ học tập cũng như còn mơ hồ về tương lai của ngành nghề mà mình đang theo học nên thái độ, ý thức học tập chưa cao.

Thứ ba: Về nội dung chương trình giảng dạy.

Do đối tượng đào tạo tại trường Đại học kinh tế quốc dân là các sinh viên kinh tế nên nội dung môn học Luật môi trường ở đây có một số khác biệt so với nội dung môn học được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật. Trong nội dung chương trình môn học Luật môi trường, các  kiến thức pháp lí dành riêng cho việc đào tạo luật gia (kiến thức có liên quan đến việc xác định các căn cứ để truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường; kiến thức có liên quan đến cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...) được lược bớt và  các kiến thức mang tính kinh tế - pháp lí (các nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả giá, người thụ hưởng chất lượng môi trường phải trả giá; mục đích và ý nghĩa của việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lí môi trường; định chế đánh giá tác động môi trường  trên cả 3 phương diện: kinh tế - môi trường - pháp luật...) được khai thác sâu hơn.

Cụ thể, nội dung chương trình môn học Luật môi trường hiện đang được giảng dạy tại cơ sở đào tạo này được bố trí dưới dạng các chuyên đề chính như sau:

  • Chuyên đề 1: Những vấn đề lí luận về môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển và pháp luật môi trường.
  • Chuyên đề 2: Quản lí Nhà nước về môi trường bằng pháp luật và bằng các công cụ kinh tế.
  • Chuyên đề 3: Đánh giá tác động môi trường và lựa chọn các phương án đầu tư.
  • Chuyên đề 4: Những nghĩa vụ pháp lí trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường.

Thứ tư: Về phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy chủ đạo áp dụng cho môn học này tại trường Đại học kinh tế quốc dân vẫn là phương pháp thuyết trình. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính chủ động, tích cực của người học nên giờ học thường rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài hoặc gây tâm lý nhàm chán đối với người nghe.

Bên cạnh đó, do nhà trường thiếu lực lượng giáo viên giảng dạy môn học này nên không có điều kiện bố trí thời gian thảo luận cho sinh viên. Thực tế đó làm cho giáo viên rất khó bố trí xen kẽ khối kiến thức cần truyền tải  với khối kiến thức nhận được từ sự phản ánh của sinh viên. Tuy nhiên, hạn chế này cũng đã phần nào được khắc phục thông qua việc giáo viên đã chủ động xây dựng một số bài tập tình huống giả định để sinh viên làm quen với việc tính toán cụ thể do nội dung một số bài giảng có liên quan đến việc sử dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên trong quá trình giảng dạy môn học Luật môi trường, hiện tại chủ trương của nhà trường nói chung, của khoa và bộ môn nói riêng là tăng cường việc trang bị kiến thức pháp luật môi trường cho sinh viên theo các hướng sau:

Một là: Từng bước hình thành đội ngũ giáo viên "chuyên trách" giảng dạy môn Luật môi trường trong nhà trường.

Hai là: Nghiên cứu soạn thảo Giáo trình môn Luật môi trường dành riêng cho các sinh viên được đào tạo chuyên ngành kinh tế môi trường.

Ba là: Bố trí giờ thảo luận môn học Luật môi trường với thời lượng thích hợp để kích thích tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên.

Bốn là: Ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thực trạng giảng dạy và những chủ trương của nhà trường cho thấy, Luật Môi trường là một môn học mới và đang từng bước được hình thành, củng cố tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong tương lai môn học sẽ được mở rộng cho một số chuyên ngành đào tạo khác của trường.

2.3. Thực trạng pháp luật môi trường Việt Nam

Sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số với tốc độ lớn trên thế giới trong thời gian qua, cùng những tác động của nó đến môi trường trái đất đã buộc con người phải xem xét, đánh giá lại các mối quan hệ: con người với trái đất; phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Đứng trước thực trạng như hiện nay, việc bảo vệ môi trường được đặt ra và tiến hành song song với phát triển kinh tế-xã hội là mục tiêu và nhiệm vụ của bất kỳ quốc gia nào trong tiến trình phát triển của mình. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bằng những nỗ lực của mình, Việt Nam đang dần hình thành một cơ chế bảo vệ môi trường với những phương pháp, cách thức khác nhau mà một trong những phương pháp, cách thức quan trọng nhất là bảo vệ môi trường bằng pháp luật. Điều này được thể hiện bởi sự ra đời của hàng loạt các văn bản pháp luật về môi trường ở Việt Nam như: Luật bảo vệ môi trường (1993); Nghị định số 175- CP về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường (1994); Luật khoáng sản (1996); Luật tài nguyên nước (1998)... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia, phê chuẩn nhiều Công ước quốc tế liên quan đến môi trường như: Công ước Ramsar về bảo vệ các vùng đất ngập nước; Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên của thế giới; Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật quý hiếm (CITES); Công ước về đa dạng sinh học (CBD)...

Mặc dù vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng làm suy thoái và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt vẫn ngày một gia tăng, đặc biệt, đối với môi trường không khí và môi trường nước. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật này và đưa ra những nhận xét xác đáng từ góc độ đào tạo Luật môi trường là vấn đề cần thiết để giảm thiểu phần nào tình trạng trên.

Hệ thống pháp luật môi trường Việt nam hiện hành đã điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình con người khai thác, sử dụng và bảo vệ hầu hết các thành phần môi trường, bao gồm:

* Thứ nhất: Pháp luật về bảo vệ môi trường đất

Đất đai là tài nguyên vô vùng quý giá đối với con người, song Việt nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường đất. Đó là hiện tượng đất đai bị ô nhiễm, suy thoái, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nghiêm trọng, nguy cơ hoang mạc hoá gia tăng... Để giải quyết phần nào những thách thức đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đất ở Việt nam đã được xây dựng và hoàn thiện dần. Nói đến hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này hiện nay, có thể kể đến một số văn bản pháp luật cơ bản như: Luật bảo vệ môi trường năm 1993; Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất ngày 02- 12-1998, lần thứ hai ngày 29-6-2001; Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11-2-2000 của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai; Nghị định số 66/2001/NĐ-CP ngày 28-9-2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11-2-2000; Nghị định số 04/CP ngày 10-1-1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; Nghị định số 26/CP ngày 26-4-1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường...

Bên cạnh việc định hướng và ràng buộc hành vi của các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng đất theo hướng bảo vệ và cải thiện chất lượng hiện có của đất, làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất, pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường đất cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là:

i)    Pháp luật về bảo vệ môi trường đất mới chỉ dừng lại ở mức độ quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất một cách nói chung. Trong khi đó, đất đai lại bao gồm nhiều loại, với những đòi hỏi về mức độ bảo vệ theo những yêu cầu khác nhau.

ii)   Pháp luật bảo vệ môi trường đất hiện hành chưa phải là công cụ hữu hiệu để bảo vệ đất với tư cách là một thành phần quan trọng, không thể thiếu của môi trường. Thực tế, môi trường đất thường bị thoái hoá dưới các hình thức xói mòn, bị rửa trôi, mất cân bằng dinh dưỡng, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, thoái hoá hữu cơ, đất khô hạn và sa mạc hoá, đất bị sạt lở... phần lớn do chính bởi những hành vi của con người (do sử dụng phân bón hoá học không đúng quy trình công nghệ, do hoá chất bảo vệ thực vật, do chất thải ở các khu đô thị, khu công nghiệp, chất độc hóa học...). Nhưng pháp luật  đất đai chủ yếu điều chỉnh các quan hệ khai thác, sử dụng đất, quan tâm đến việc khai thác giá trị kinh tế của đất; khi đề cập đến khía cạnh bảo vệ đất với tư cách là thành phần môi trường thì phần lớn các quy định của Luật đất đai lại dẫn chiếu sang các quy định của Luật bảo vệ môi trường, trong khi  Luật môi trường lại có rất ít qui phạm về vấn đề này.

iii) Một số quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật đất đai và môi trường của Luật đất đai và Luật bảo vệ môi trường có sự trùng lắp khiến cho việc áp dụng trên thực tế gặp khó khăn. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 04/CP ngày 10/1/1997 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi huỷ hoại đất với mức phạt tiền từ 1.000.000đ đến 5.000.000đ trong khi đó Điều 16 Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm ô nhiễm đất song với mức phạt từ 2.000.000đ đến 15.000.000đ.

* Thứ hai: Pháp luật về bảo vệ môi trường nước

Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu của môi trường sống và cũng là tài nguyên dễ bị ô nhiễm nhất. Đồng thời với tốc độ gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... là quá trình suy thoái và ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng như nguồn nước mặt. Tình trạng thiếu nước sạch đã và đang xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, đe doạ trực tiếp đến sự tồn tại của con người. Thực tế đó là một bài toán nan giải đang và sẽ đặt ra cho các các cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn lúc nào hết, việc xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, có hiệu quả điều chỉnh cao trở thành một đòi hỏi hết sức bức thiết.

Trong những năm vừa qua, cùng với việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hoà nhập với xu thế chung của thế giới về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ tài nguyên nước, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ nguồn tài nguyên này. Hàng loạt các văn bản pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình con người  khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra... đã được ban hành và triển khai áp dụng trên thực tế. Có thể kể đến một số văn bản pháp luật chủ yếu trong lĩnh vực này như: Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998; Nghị định 179 CP ngày 30/12/1999 qui định việc thi hành Luật tài nguyên nước; Chỉ thị số 200-TTg ngày 29-4-1994 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Quy phạm hút nước thí nghiệm trong điều tra địa chất thuỷ văn (ban hành kèm theo Quyết định 46/2000/QĐ-BCN ngày 7-8-2000 Bộ Công nghiệp)...

Các văn bản pháp luật nêu trên đã phần nào làm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ những hoạt động của con người cho tài nguyên nước, thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Các biện pháp phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước cũng đã được đề cập tương đối sâu trong các văn bản pháp luật này... Tuy nhiên Luật Tài nguyên nước ra đời tương đối muộn, việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên này còn được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật nên hiệu quả điều chỉnh chưa cao.

Thứ ba: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển[1]

Cũng giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, môi trường biển ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đáng báo động do bị ô nhiễm, tuy ở những khu vực khác nhau, mức độ ô nhiễm có khác nhau. Tình trạng các loại chất thải công nghiệp,  nông nghiệp chưa qua xử lý, rác thải sinh hoạt... đổ ra biển đã làm hệ sinh thái biển Việt nam bị mất đi khả năng tự làm sạch vốn có của nó. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch, hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản diễn ra ngày một nhiều hơn trên các vùng biển cộng với các sự cố tràn dầu đang ngày một gia tăng càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng ô nhiễm  môi trường biển.

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt nam được hình thành đã và đang có những tác động tích cực góp phần làm giảm thiểu tình trạng trên, cải thiện phần nào nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển từ phía hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước. Có thể kể đến các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này như: Luật BVMT Việt Nam được thông qua ngày 27/12/1993. (Điều 17, 18, 20, 21, 22); Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990, Luật dầu khí 1993 sửa đổi năm 2000, Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật hình sự 1999; Pháp lệnh Cảnh sát biển 1998; Pháp lệnh Bộ đội biên phòng;  Nghị định số 92/1999/NĐ-CP ngày 4-9-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải...

Quá trình áp dụng các văn bản pháp luật này trên thực tế đã cho thấy một số điểm hạn chế. Đó là:

i)    Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường biển của Việt nam hiện hành còn qui định khá tản mát ở nhiều văn bản khác nhau, gây không ít khó khăn cho quá trình áp dụng trên thực tế.

ii)   Qui định về bảo vệ môi trường biển với tư cách là một thành phần không thể thiếu của môi trường sống được xây dựng rất ít. Phần lớn các qui định về vấn đề này còn rất chung chung, một vài quy định lại chưa phù hợp với quy tắc ngăn ngừa ô nhiễm do Công ước MARPOL quy định mà Việt Nam đã là thành viên ký kết.

iii) Tuy số lượng văn bản trong lĩnh vực này là rất lớn nhưng vẫn còn thiếu một số quy định về biện pháp đảm bảo hệ thống tiếp nhận chất thải của tàu tại các cảng biển và quy định về đền bù thiệt hại do dầu từ tàu phù hợp với pháp luật quốc tế.

iv) Các quy định về khắc phục, xử lý vi phạm hầu hết chỉ dừng lại ở các quy định xử phạt hành chính, với mức phạt không hợp lý, không mang tính phòng ngừa.

v)   Việc sử dụng các công cụ kinh tế trong lĩnh vực này chưa được tính đến, mặc dù hiệu quả của chúng không phải là nhỏ. Chẳng hạn, nếu đánh thuế, phí sử dụng cao vào những hoạt động có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển cao (ví dụ xây dựng cảng chuyên dụng, khu dịch vụ nghề cá, cơ sở sửa chữa đóng tàu) thì buộc các nhà đầu tư gây ô nhiễm tiềm tàng này phải suy tính đầu tư cho phù hợp, hiệu quả.

vi) Mặc dù chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường là văn bản khung về Bảo vệ môi trường nhưng văn bản này còn quá chung chung, chưa có những quy định về bảo vệ môi trường biển cũng như phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm biển do tàu. Còn Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990 lại ghép vấn đề Bảo vệ môi trường cùng với những quy định an toàn hàng hải. Vì vậy, cần phải tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo ra một cơ chế thống nhất trong khai thác, bảo vệ và quản lý biển như xây dựng Bộ Luật hoặc Pháp lệnh biển của Việt Nam.

* Thứ tư: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí

Không khí là thành phần môi trường vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến sống trên trái đất.  Nhưng hiện nay, môi trường không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ở hầu khắp các quốc gia trên thế gới nói chung cũng như ở Việt nam nói riêng. Bảo vệ môi trường không khí đang là mối quan tâm chung của cả thế giới để bảo vệ cho sự sống còn của loài người. Pháp luật về bảo vệ môi trường  không khí là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trên.

Trong thời gian qua, cùng với quá trình thực hiện bảo vệ môi trường bằng pháp luật, các qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí cũng đã dần được hình thành. Đó là sự xuất hiện của một loạt các qui phạm  pháp luật điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến môi trường không khí như:  Điều 21, 22, 29 Luật bảo vệ môi trường; Điều 22, 26, 27 Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Điều 26 Nghị định số 26/CP ngày 26-04-1996 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về Tội gây ô nhiễm không khí; Điều 10 Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân; Chỉ thị số 73/TTg ngày 25-02-1993 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác cần ngay về bảo vệ môi trường; Quyết định 395/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 10-04-1998 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong việc tìm  kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan; Điều 21 Quyết định 62/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 09-08-2002 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường khu công nghiệp...

Các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí nêu trên đã phần nào ràng buộc được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vào bảo vệ môi trường không khí trong quá trình tiến hành các hoạt động phát triển của mình. Việc buộc họ phải thực hiện các biện pháp xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường xung quanh; buộc các chủ dự án phải thực hiện việc dự báo trước những tác động tiêu cực có thể gây ra cho môi trường không khí khi dự án đi vào hoạt động; buộc các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường không khí... là những giải pháp tích cực để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, các qui định pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này cũng không tránh khỏi những hạn chế cần sớm được khắc phục. Cụ thể là:

i)    Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực môi trường không khí rất tản mạn. Chúng ta chưa có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh về vấn đề này, các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, chẳng hạn, Luật bảo vệ môi trường có 3 Điều (21, 22, 29); Nghị định 175/CP có 3 điều (22, 26, 27); Nghị định số 26/CP có 1 điều (26)...

ii)   Nội dung các quy định về bảo vệ môi trường không khí rất chung chung, phần lớn chỉ tập trung chủ yếu vào việc nghiêm cấm hành vi thải khói, bụi, khí độc vào không khí của các tổ chức, cá nhân.

iii) Chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường không khí chưa đầy đủ. Trong xử lý hành chính  mới chỉ tập trung vào việc xử lý hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, thiếu các quy định xử phạt các hành vi vi phạm của các cá nhân không kinh doanh nhưng có gây ô nhiễm. Trong lĩnh vực hình sự chỉ truy tố cá nhân (Điều 182), đối với pháp nhân có hành vi thải khói, bụi, khí độc vào môi trường mà đã bị xử lý hành chính nhưng cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục thì không thể bị truy tố theo luật hình sự.

* Thứ năm: Pháp luật về bảo vệ môi trường rừng

Hệ sinh thái rừng là một hệ sinh thái phong phú đa dạng và giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt nam đang phải đối mặt với những thách thức hết sức lớn lao để bảo vệ nguồn nước tài nguyên qúi giá này. Hiện tượng suy thoái tài nguyên rừng đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương có rừng trên phạm vi cả nước. Tình trạng  cháy rừng, khai thác rừng trái phép với số lượng lớn vẫn tiếp tục gia tăng. Đây là một tổn thất to lớn đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, đe doạ trực tiếp tới chất lượng đất, nguồn nước và cuộc sống của con người.

So với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, rừng là loại tài nguyên được quan tâm bảo vệ bằng pháp luật sớm nhất ở Việt Nam. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường rừng hiện hành bao gồm một số văn bản pháp luật chủ yếu như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12- 8-1991; Nghị định số 17/HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật  rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ; Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ  ban  hành kèm theo Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên; Nghị định số 77/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, và quản lý lâm sản được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2002/NĐ-CP ngày 08/2/2002; Điều 189, 190, 191 Bộ luật hình sự quy định các tội danh “Tội huỷ hoại rừng, Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên"...

Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường rừng hiện hành của Việt Nam trong một chừng mực nhất định đã cho thấy một số ưu điểm nổi bật sau:

i)    Pháp luật bảo vệ môi trường rừng hiện hành đã bước đầu thể hiện quan điểm và cách tiếp cận có hệ thống, phát huy sức mạnh của các cơ quan quản lý Nhà nước và toàn thể xã hội trong công tác bảo vệ môi trường rừng. Đồng thời, thông qua triển khai cơ chế giao đất, giao rừng tới tận tay người dân, bước đầu đã gắn họ với việc bảo vệ môi trường rừng.

ii)   Công tác quy hoạch tổng thể, rà soát, khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên rừng đã được chú trọng và thực hiện một cách khoa học bằng pháp luật.

iii) Quan điểm của Nhà nước về bảo vệ và phát triển bền vững môi trường rừng đã được ghi nhận và khẳng định trong các văn bản pháp luật như là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Sự ghi nhận này thể hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình phát triển và hợp tác quốc tế bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường rừng cũng đã bộc lộ những tồn tại như:

i)    Sự không đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật về chính sách phát triển rừng, giao đất lâm nghiệp và khoán rừng gồm nhiều văn bản được xây dựng và ban hành ở các thời điểm khác nhau đã bộc lộ rõ.

ii)   Do Nhà nước chưa thật sự mạnh dạn, cởi mở trong việc giao quyền làm chủ rừng, quyền tham gia kinh doanh lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên cơ chế giao, cho thuê rừng còn có những hạn chế nhất định.

iii) Nhà nước chưa có chính sách và giải pháp thích hợp đối với rừng làng, rừng bản ở địa phương, do vậy chưa động viên được đồng bào tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

iv) Chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc quản lý từng loại rừng và đất lâm nghiệp. Điều đó làm cho một số địa phương lúng túng, khó khăn trong việc quản lý, có nơi khoán trắng cho kiểm lâm quản lý  rừng.

v)   Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mà cụ thể là lực lượng kiểm lâm còn yếu, chưa có trang thiết  bị và lực lượng đủ mạnh để trấn áp bọn phá rừng. Sự can thiệp của lực lượng kiểm lâm thường nặng về bắt giữ khi các lâm sản đã ra khỏi rừng, không ngăn chặn việc khai thác trái phép từ trong rừng.

vi) Một số quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật bảo vệ môi trường có nội dung trùng lắp, chẳng hạn cùng quy định về trách nhiệm phòng chống các hành vi gây thiệt hại đến rừng như nghiêm cấm hành vi đốt phá rừng, khai thác trái phép rừng...

vii) Một số quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về khai thác, kinh doanh động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục quý hiếm còn có sự không thống nhất. Chẳng hạn như: pháp luật bảo vệ môi trường quy định mức phạt từ 500.000đ đến 30.000.000đ (Điều 8 Nghi định 26/CP) trong khi pháp luật bảo vệ rừng lại quy định mức phạt từ 100.000đ đến 50.000.000đ (Điều 10 Nghị định số 17/2002/NĐ-CP ngày 08/2/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/CP ngày 29/11/1996).

* Thứ sáu: Pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là tổ hợp những nguồn sống trên hành tinh, bao gồm toàn bộ các loài thực vật, động vật tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Sự sống trên trái đất dựa vào tính đa dạng sinh học để duy trì những chức năng sinh thái nhằm điều hoà nguồn nước cũng như chất lượng, sự màu mỡ của đất đai.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái phong phú, đa dạng, có nhiều loài sinh vật có giá trị khoa học và tiềm năng kinh tế lớn. Tuy nhiên,  những giá  trị của đa dạng sinh học lại chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Sự khai thác quá mức các giống loài, nguồn gen động thực vật để phục vụ cho các nhu cầu trước mắt của con người, đặc biệt là trong một số năm gần dây đã đẩy nhanh tốc độ suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, các loại thuốc bảo vệ mùa màng, thuốc kích thích tăng trưởng một cách bừa bãi trong phát triển nông nghiệp ở nước ta cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm đi số lượng các loài sinh vật có ích, giảm tính đa dạng sinh học, làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

Nhận thức rõ điều đó, Nhà  nước ta đã ban ban hành hàng loạt các quy định nhằm bảo vệ đa dạng sinh học như Điều 12, 13, 19, 29 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 21, 23 Nghị định số 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính Phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Điều 7, 13 Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991; Điều 190 Bộ luật hình sự... Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là các quy định pháp luật về lĩnh vực này còn tản mạn và hiệu quả điều chỉnh trên thực tế chưa cao, nên suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong sự nghiệp bảo vệ môi trường ở nước ta.

* Thứ bảy: Pháp luật về quản lý chất thải

Chất thải là chất được loại ra trong sinh hoạt, trong quá trình sản xuất hoặc trong các hoạt động khác. Chất thải có thể ở dạng rắn, khí, lỏng hoặc các dạng khác”[2]. Ở Việt nam, trong một số năm gần đây, các hoạt động phát triển kinh tế cùng với quá trình đô thị hoá nhanh đã khiến lượng chất thải gia tăng một cách nhanh chóng. Ngoài các loại chất thải công nghiệp ra thì phải kể đến một lượng chất thải khổng lồ khác đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái của nước ta đó là chất thải từ trong các hộ gia đình, ở các nhà hàng, khách sạn, trường học, công sở, trong các chợ và các nơi công cộng và đặc biệt là rác thải Y tế. Đây đã và đang là một thách thức lớn đặt ra cho bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường bằng pháp luật nói riêng.

Để giải quyết tình trạng trên, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật về quản lý chất thải, điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động có sản sinh hoặc liên quan đến các loại chất thải như: chất thải công nghiệp, chất thải thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế...

Có thể kể đến các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này như: Điều 11, 16, 23, 27, 29 Luật bảo vệ môi trường; Quy chế quản lý chất thải nguy hại (ban hành kèm theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16-7-1999 của Thủ tướng Chính phủ); Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải ở Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 25-2-1994 của Chính phủ); Chỉ thị số 199/TTg ngày 3-4-1999 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách trong công tác quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp; Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BKHCNMT-BXD ngày 18-1-2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn; Thông tư liên tịch số 1590/1997/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 17-10-1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 199/TTg ngày 3-4-1997 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu Công nghiệp; Quy chế quản lý chất thải y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 2575/1999/QĐ-BYT ngày 27-8-1999 của Bộ trưởng Bộ y tế).

Nghiên cứu thực trạng pháp luật hiện hành về quản lý chất thải, có thể thấy:

i)    Trong những năm gần đây, Việt Nam đã quan tâm và ban hành một số văn bản pháp luật nhằm quản lý và xử lý chất thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các loại chất thải.

ii)   Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục sự cố còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa được tuân thủ một cách nghiêm  minh;

iii) Các quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân có sản sinh ra chất thải chưa theo kịp và chưa phù hợp với yêu cầu thải bỏ chất thải trên thực tế.

iv) Việc thu gom và vận chuyển, xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc xử lý chất thải còn rất thiếu

v)   Việc đầu tư kinh phí cho xây dựng bãi chôn lấp chất thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường còn hạn chế và chưa có qui định pháp luật hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này.

* Thứ tám: Pháp luật về bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường

Cùng với việc định hướng hành vi xử sự cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng các thành phần môi trường, hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam hiện hành cũng đã xây dựng các hình thức chế tài phù hợp với từng hành vi vi phạm. Bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường là một trong những cách thức xử lý tương đối phổ biến trong lĩnh vực này. Hệ thống các qui định pháp luật về bồi thường thiệt hại đã có tác dụng tích cực trong phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ phía cơ sở sản xuất kinh doanh - tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường.

Điều chỉnh về vấn đề này, có thể kể đến một số văn bản pháp luật cơ bản như: Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được thông qua ngày 27/12/1993 (Điều 7, 30, 49, 50, 51, 52); Nghị định số 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;  Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 268, Điều 628); Bộ luật Hàng hải năm 1990 (Điều 195, Điều 196);

Nhìn chung, trong quá trình áp dụng các qui phạm pháp luật nêu trên, phần lớn các hành vi  vi phạm  pháp luật môi trường, gây thiệt hại cho môi trường và cho sức khoẻ, tài sản của con người đã bị xử lý kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm có giảm về lượng nhưng tính chất phức tạp và phạm vi ảnh hưởng của vi phạm ở một số vụ việc có phần tăng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường chưa được áp dụng một cách thống nhất. Điều đó bắt nguồn từ những tồn tại sau của hệ thống pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:

i) Các quy định về bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường tuy đã được đề cập trong pháp luật Việt Nam nhưng các quy định này cũng chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, dẫn chiếu lòng vòng gây không ít khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.  Qui định tại Điều 628 Bộ luật dân sự và Điều7, Điều 52 Luật bảo vệ môi trường là minh chứng cụ thể cho điều đó.

ii) Hiện tại chưa có qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho môi trường do tác động cộng hưởng.

iii) Pháp luật hiện hành về vấn đề này còn thiếu các qui định hướng dẫn về các phương pháp xác định thiệt hại, xác định mức bồi thường. Hơn nữa,  các chi phí giám định lại quá lớn, mà nếu không giám định thì sẽ không đưa ra được con số chính xác về thiệt hại để đảm bảo được nguyên tắc “thiệt hại bao nhiêu, bồi thường bấy nhiêu”.

* Thứ chín: Pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường là một trong những biện pháp phòng ngừa môi trường khá hữu hiệu. Vấn đề này chính thức được luật hoá ở Việt nam kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường được ban hành (27-12-1993). Công tác đánh giá tác động môi trường ở nước ta đã được triển khai mạnh mẽ, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đánh giá tác động môi trường những năm qua cũng còn nhiều thiếu sót, bất cập mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự bất cập của chính các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường.

Hệ thống văn bản pháp luật về đánh giá tác động môi trường bao gồm một số văn bản pháp luật như: Điều 17, 18, Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 1420/MTg ngày 26/11/1994 của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở đang hoạt động; Quyết định số 1806/QĐ-MTg ngày 31/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn Quy chế hoạt động của Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29/4/1998 của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; Thông tư số 10/2000/TT-BXD ngày 8-8-2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng...

Các văn bản nói trên đã tạo thành hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam. Nếu chỉ nhìn về số lượng, có thể thấy văn bản ở lĩnh vực này tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hệ thống các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về vấn đề này cũng đã bộc lộ một số nhược điểm. Đó là:

i)    Các quy định  pháp luật về ĐTM tuy nhiều nhưng còn tản mạn, nằm rải rác trong các văn bản dưới luật của các Bộ, ngành gây khó khăn cho việc tra cứu và áp dụng.

ii)   Còn thiếu các quy định về việc giám sát hoạt động sau khi thẩm định dẫn đến các dự án, cơ sở không thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết và yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

iii) Công tác lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa có những căn cứ hoàn chỉnh, thiếu các quy định hướng dẫn chuyên ngành.

iv) Các quy định về phí chất thải chưa đầy đủ dẫn đến các dự án, cơ sở không thực hiện nghiêm chỉnh việc xử lý chất thải theo đúng cam kết và yêu cầu nêu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tóm lại, hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam hiện hành đã điều chỉnh một cách tổng thể các mối quan hệ phát sinh trong quá trình con người khai thác, sử dụng và bảo vệ từng yếu tố tạo thành môi trường. Qua thực tiễn áp dụng, bên cạnh những đóng góp đáng kể cho công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước, hệ thống pháp luật này cũng bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Hoàn thiện hơn nữa các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần giải quyết những thách thức môi trường đã, đang và sẽ đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2.4. Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc đào tạo và giảng dạy môn luật môi trường.

2.4.1. Kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc đào tạo, giảng dạy môn luật môi trường

Ở Thuỵ Điển, tại trường Luật hoặc khoa Luật thuộc Đại học Tổng hợp, sinh viên được học các ngành luật khác nhau như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Môi trường... Cấu trúc của chương trình Luật Môi trường khác nhau rất nhiều giữa các trường Đại học Tổng Hợp. Sau đây là một số kinh nghiệm trong giảng dạy và đào tạo môn học này tại trường khoa Luật thuộc trường Đại học Tổng hợp Lund.

* Về nội dung giảng dạy:

 Nội dung môn học Luật Môi trường ở khoa Luật, Đại học Lund sẽ được tập trung chủ yếu vào Bộ luật Môi trường... Ngoài ra, sinh viên cũng phải học Luật Quy hoạch và Xây dựng vì quy hoạch là một phần quan trọng của bảo vệ môi trường. Nội dung chương trình đào tạo được bố trí riêng cho phần lý thuyết và phần thảo luận. Cụ thể là:

Phần bài giảng, sinh viên được giới thiệu các nội dung sau:

  • Bài một : Giới thiệu.
  • Bài hai : Hoạt động có hại cho Môi trường.
  • Bài ba : Sửa chữa các khu vực bị ô nhiễm và hoạt động nước.
  • Bài bốn: Bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ các loài.
  • Bài năm: Hoá chất.
  • Bài sáu: Các giá trị hạn chế chất lượng môi trường và đánh giá tác                                                                                                                                                                    động môi trường.
  • Bài bảy: Giấy phép.
  • Bài tám: Luật môi trường  ở Liên minh Châu Âu
  • Bài chín,  bài mười:  Luật Quy hoạch và xây dựng.
  • Bài mười một:  Truất hữu (Expropriete)
  • Bài mười hai: Khái quát về Môi Trường nói chung.
  • Bài mười ba: Quan điểm của người thực hành Luật Môi trường (Luật sư Môi trường).
  • Bài mười bốn và mười lăm - Nhắc lại. (Với hai bài này, sinh viên có cơ hội đặt câu hỏi về những gì họ chưa rõ ràng hoặc chưa được giải thích đầy đủ. Nếu còn thời gian, giáo viên sẽ đưa ra một số tình huống có vấn đề mà sinh viên cần phải giải quyết)

Phần thảo luận bao gồm 4 buổi với những nội dung sau: Hoạt động nguy hiểm cho môi trường; Bảo tồn thiên nhiên; Luật Quy hoạch và xây dựng; Luật môi trường EU.

*  Về tài liệu tham khảo:

Ngoài các buổi lên lớp (giảng, thảo luận), sinh viên sẽ phải đọc hai cuốn sách bắt buộc, nghiên cứu 1 cuốn tài liệu là bài tập từ các các câu hỏi được xây dựng dựa trên các sự việc có thật tại những vụ xử của Toà Môi trường hoặc tưởng tượng. Bên cạnh đó, sinh viên còn phải nghiên cứu 1 cuốn tài liệu khá toàn diện cho các buổi thảo luận với các nội dung cơ bản, các vụ việc và tài liệu khác về những vấn đề sẽ được thảo luận.

* Về thời lượng giảng dạy:

Thời lượng chương trình được sắp xếp cho các buổi giảng, buổi thảo luận và buổi thi là không giống nhau. Hiện tại, trong trường Đại học tổng hợp Lund, sinh viên được nghe 15 buổi giảng (mỗi buổi 2 tiếng liên tục), 4 buổi thảo luận (2 tiếng/buổi) và 1 buổi thi viết kéo dài 4 tiếng.

* Về phương pháp giảng dạy.

 Hai phương pháp giảng dạy được áp dụng chủ yếu ở đây là phương pháp thuyết trình và thảo luận, song phương thức thực hiện hai phương pháp này có những khác biệt nhất định. Đó là: Số lượng sinh viên cho mỗi buổi giảng hay thảo luận là không giống nhau, với cách thức tổ chức khác nhau. Một buổi giảng có 50 sinh viên, theo phương pháp giảng truyền thống, nhưng sinh viên có thể đặt câu hỏi bất kỳ lúc nào nếu họ không hiểu hoặc có ý tưởng khác. Một buổi thảo luận chỉ có 25 sinh viên chia làm 5 nhóm nhỏ theo phương pháp làm bài tập, đóng vai, thảo luận nhóm... với nội dung được đưa trước. Mỗi nhóm sẽ tự chuẩn bị, phân công người trình bày và những người trợ giúp khác rồi báo cáo kết quả chuẩn bị trước 4 nhóm còn lại và giáo viên. Sau đó sẽ có sự tranh luận giữa các nhóm về chính nội dung đó.

Từ những kinh nghiệm giảng dạy môn học Luật môi trường của trường Đại học Lund - Thuỵ Điển, chúng ta có thể xem xét và học tập phương pháp giảng dạy theo hướng tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận và làm quen với các tình huống thực tế. Đây là một nhược điểm rất lớn trong hệ thống giáo dục Đại học của Việt nam nói chung và giáo dục môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội nói riêng. Học tập kinh nghiệm này của Thuỵ Điển, trong quá trình giảng dạy môn Luật môi trường, chúng ta cần sớm xây dựng thêm các tài liệu tham khảo thông qua việc giới thiệu một số vụ việc đã nảy sinh trên thực tế và cách thức giải quyết chúng để sinh viên không bỡ ngỡ khi ra trường, phải giải quyết các tình huống thực tế nảy sinh do yêu cầu của công việc.

2.4.2. Kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc đào tạo, giảng dạy Luật môi trường.

Ở Cộng hoà liên bang Đức, chương trình đào tạo, giảng dạy  Luật  môi trường được áp dụng cho cả hệ đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Luật. Cụ thể là:

* Đối với hệ đại học:

 Nội dung và hình thức đào tạo đối với chương trình đào tạo đại học được bố trí như sau:

Do hệ thống đào tạo đại học ở CHLB Đức là hệ thống đào tạo theo tín chỉ, nên sinh viên sẽ tự xắp xếp, lựa chọn kế hoạch học tập, thời gian lên lớp trên cơ sở chương trình của nhà trường. Theo cách đó, đầu mỗi học kì, nhà trường kết hợp với các giáo sư xây dựng chương trình giảng dạy và thông báo công khai cho sinh viên. Nhà trường (các khoa luật) có những hướng dẫn và lời khuyên về trình tự tham gia những môn học một cách khoa học thông qua hình thức phân phát những tài liệu tờ rơi. Sau quá trình nghe giảng, tham gia thảo luận và tham gia luyện tập nếu đạt yêu cầu, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ kèm theo sự đánh giá của giáo viên. Khi sinh viên tích luỹ được đầy đủ các tín chỉ theo yêu cầu, sinh viên sẽ được dự kỳ thi tốt nghiệp.

Phương pháp giảng dạy chủ yếu được áp dụng trong chương trình giảng dạy môn học Luật môi trường ở CHLB Đức là phương pháp thuyết trình kết hợp với luyện tập, thảo luận. Cụ thể là:

i)    Vào buổi thuyết trình đầu tiên, giáo sư phân phát (hoặc bán) kế hoạch giảng của mình. Kế hoạch này đề cập tới nội dung cụ thể của từng bài giảng, các tài liệu mà sinh viên cần phải đọc và tài liệu tham khảo. Khi thuyết trình, giáo viên không trình bày lại những nội dung được đề cập trong các tài liệu đã được chỉ định phải tự nghiên cứu mà chỉ phân tích nội dung theo chuyên đề. Trong từng chuyên đề, giáo viên đưa ra và phân tích những quan điểm của cơ quan ban hành pháp luật, các nhà khoa học, cơ qua tiến hành tố tụng... Thời gian thuyết trình môn Luật môi trường là 30 tiết

ii)   Đầu học kỳ, giáo viên cung cấp nội dung luyện tập thông qua các tình huống. Trước khi tham gia mỗi buổi luyện tập, sinh viên phải chuẩn bị nội dung liên quan đến tình huống luyện tập, tìm hướng giải các tình huống đó. Trong giờ luyện tập, các sinh viên đưa ra cách thức giải quyết tình huống và tranh luận để tìm hướng giải quyết tối ưu. Giáo viên định hướng quá trình thảo luận và cuối cùng kết luận hướng giải quyết. Thời gian luyện tập của môn luật môi trường 2 tiết/tuần

iii) Sinh viên muốn tham gia thảo luận phải đăng kí với giáo viên. Sau khi chọn đề tài, sinh viên viết bài theo đề tài đã chọn với nội dung từ 20 đến 30 trang. Trong buổi thảo luận, sinh viên phải thuyết trình nội dung cơ bản của đề tài trong thời gian 15, 20 phút. Sau đó, sinh viên có thể trình bày hiểu biết của mình về đề tài đang thảo luận, các sinh viên có thể tranh luận với nhau về những nội dung liên quan đến đề tài. Giáo viên giữ vai trò là người định hướng trong quá trình tranh luận. Cuối cùng giáo viên kết luận, đánh giá nội dung của buổi thảo luận. Thời gian thảo luận môn luật môi trường: 2 tiếng/tuần cho đến khi hết các đề tài.

* Đối với hệ sau đại học:

Sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành được đào tạo. Trong chương trình đào tạo thạc sỹ, sinh viên phải nghe giảng, tham gia thảo luận và thi một số môn chuyên ngành trong đó có chuyên ngành mà mình lựa chọn (số lượng chuyên ngành khác mà sinh viên phải tham gia phụ thuộc vào quy chế đào tạo của từng trường đại học). Sau khi hoàn thành chương trình bắt buộc, sinh viên lựa chọn đề tài với sự đồng ý của giáo sư hướng dẫn. Thời gian viết bài là 6 tháng. Sau khi hoàn thành bài viết sinh viên phải thi một số môn và bảo vệ luận án.

Như vậy, có thể thấy, tại Cộng hoà liên bang Đức, sinh viên chủ yếu được học môn Luật môi trường theo hình thức tự nghiên cứu. Giảng viên là người định hướng những vấn đề cần thiết cho sinh viên, cung cấp nguồn tài liệu và người học tự tìm tòi, nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Đây là phương pháp giảng dạy môn học Luật môi trường mà Việt nam chúng ta có thể tiêpd thu và vận dụng. Bởi lẽ phương pháp này buộc người học phải chủ động trong học tập và từ đó phát huy được tính sáng tạo của chính họ trong quá trình nghiên cứu môn học. Phương pháp này cũng tạo cho sinh viên cách tư duy độc lập, nhanh nhạy trong giải quyết các công việc sau này. Phương pháp này sẽ khắc phục được tỉnh ỷ lại trong đại đa số sinh viên đang học tập môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà nội hiện nay - những người vẫn đang được nghiên cứu môn học này theo phương pháp thuyết trình - phương pháp mà sinh viên luôn luôn là người nghe một cách thụ động.

2.4.3. Kinh nghiệm của Singapore trong việc giảng dạy, đào tạo Luật Môi trường

Việc giảng dạy môn Luật Môi trường tại Khoa Luật - Trường đại học quốc gia Singapore (National University of Singapore, viết tắt là NUS) được thực hiện bởi Trung tâm Luật Môi trường Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Centre for Environmental Law - Viết tắt là APCEL) với những nội dung chương trình và phương pháp chính như sau:

*  Về nội dung, chương trình môn học:

Nội dung, chương trình môn Luật môi trường được xây dựng thành các chuyên đề lớn và được sắp xếp hợp lý cho các hệ đào tạo khác nhau:

Thứ nhất: Đối với hệ đào tạo cử nhân

Các chuyên đề được trình bày trên cơ sở hai phần: Phần cứng (còn gọi là chương trình bắt buộc) và phần mềm (còn gọi là chương trình tự chọn). Có 06 chuyên đề thuộc phần cứng bao gồm:

Chuyên đề một: Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm, trong đó bao gồm các nội dung: Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm không khí; Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn; Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm đất; Pháp luật về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm biển;  Pháp luật về quản lý chất thải...

Chuyên đề hai: Pháp luật về bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyên đề này đề cập đến các vấn đề như: Pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã; Pháp luật về bảo vệ sinh vật biển;  Pháp luật về bảo vệ thực vật;

Chuyên đề ba: Pháp luật về kế hoạch hoá môi trường, bao gồm: Pháp luật về lập kế hoạch phát triển các nguồn tài nguyên; Pháp luật về lập kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường;  Pháp luật về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Chuyên đề bốn: Pháp luật về đánh giá môi trường. Chuyên đề này có các nội dung cơ bản là: Đánh giá hiện trạng môi trường; Đánh giá tác động môi trường; Kiểm toán môi trường...

Chuyên đề năm: Pháp luật về giải quyết các xung đột môi trường, bao gồm:  Xung đột trong nước và xung đột quốc tế...

Chuyên đề sáu: Pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường.

 Ngoài ra, còn có 02 chuyên đề thuộc phần mềm. Đó là chiến lược, kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường hàng năm và chương trình hành động bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Đối với hệ đào tạo sau đại học

Chương trình đào tạo chuyên ngành luật môi trường đối với hệ đào tạo sau đại học (gồm đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) cũng được xây dựng thành các chuyên đề, song điểm khác biệt chính là những kiến thức chuyên sâu trong từng chuyên đề.  So với chương trình đào tạo đại học, đối với đào tạo sau đại học, các chuyên đề sau được đề cập sâu sắc hơn:

- Chuyên đề về thông tin môi trường (vấn đề môi trường trong các bản tin)

- Chuyên đề về vai trò của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong việc bảo vệ môi trường

- Chuyên đề về thiết kế xây dựng với việc bảo toàn năng lượng...

Thứ ba: Đối với hệ đào tạo lại.

Singapore là một trong những quốc gia rất quan tâm đến việc tăng cường năng lực quản lí môi trường thông qua việc đào tạo lại những chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng. Nội dung, chương trình đối với hệ đào tạo lại được xây dựng nhằm mục đích cập nhật những kiến thức pháp lý mới nhất về bảo vệ môi trường cho các nhà quản lí, các nhà chuyên môn để họ có điều kiện áp dụng một cách kịp thời vào hoạt động thực tiễn của mình.

* Về phương pháp giảng dạy:

Phương pháp giảng dạy môn Luật môi trường ở Singapore khá đa dạng và được áp dụng một cách hợp lí vào từng chuyên đề, từng phần trong chuyên đề. Các phương pháp giảng dạy được sử dụng chủ yếu là: phương pháp tình huống (cases study), phương pháp nhập vai (role play) kết hợp với nghiên cứu trên thực địa (field trip). Chẳng hạn như nhà trường thường bố trí một số tiết học cho học viên có điều kiện đi học tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên hay đi thực tế tại các toà án về môi trường, dự các phiên toà về giải quyết xung đột môi trường hoặc tham khảo hồ sơ các vụ tranh chấp về môi trường tại toà án...

Các vấn đề được đề cập trong nội dung chương trình đào tạo hệ đại học và sau đại học tại Singapore là  điều mà chúng ta có thể xem xét và áp dụng trong đào tạo môn học Luật môi trường tại các cơ sở đào tạo Luật ở nước ta nói chung và tại trường Đại học Luật Hà nội nói riêng. Với nội dung này, các vấn đề về bảo vệ môi trường dưới góc dộ pháp lý được đề cập, nghiên cứu một cách khá toàn diện. Đó là lượng kiến thức cần và đủ về pháp luật môi trường cho một cán bộ pháp lý sau này.  Bên cạnh đó, một số phương pháp giảng dạy đã và đang được áp dụng trong đào tạo môn Luật môi trường ở quốc gia này như phương pháp tình huống, phương pháp nhập vai... cũng là những phương pháp giảng dạy tích cực và có hiệu quả mà chúng ta có thể học tập.

2.4.4. Kinh nghiệm của Australia trong việc giảng dạy và đào tạo Luật môi trường.

Ở hầu hết các khoa luật của các trường đại học tổng hợp tại Australia như Sydney University, Melbourne University, Quensland, Monash... môn Luật môi trường là môn học bắt buộc đối với cả hai hệ đào tạo: đào tạo cử nhân và  đào tạo sau đại học. Cụ thể:

* Về nội dung, chương trình đào tạo:

 Đối với hệ đào tạo cử nhân, nội dung cơ bản của môn học được chia làm hai phần. Đó là: Luật pháp quốc tế về môi trường; Luật pháp quốc gia về môi trường và  mối quan hệ giữa hai hệ thống này.

Phần luật pháp quốc gia về môi trường bao gồm một số nội dung cơ bản như: Khái niệm chung về Luật môi trường; Các quyền cá nhân và kiểm soát môi trường; Tiếp cận hệ thống pháp luật về môi trường; Những nguyên tắc cơ bản của kế hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường; Đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Bảo vệ môi trường trong sử dụng và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Dự trữ vì mục đích bảo tồn; Bảo vệ các loài hoang dã ; Bảo vệ di sản; Mối quan hệ giữa người thổ dân với luật môi trường và hoạt động khai thác khoáng sản; Thiệt hại môi trường và tranh chấp môi trường.

Đối với hệ đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, nội dung chương trình được xây dựng theo các chuyên đề có tính chất chuyên sâu như: Các công cụ kinh tế và công cụ hành chính trong quản lý môi trường; Các nguyên tắc chung của pháp luật môi trường quốc tế về môi trường...

* Về phương pháp đào tạo:

Phương pháp chủ đạo giảng dạy môn luật môi trường tại các trường đại học của Australia là phương pháp thuyết trình, phương pháp thảo luận và khảo sát thực địa. Do số lượng người học tại mỗi khoá học tương đối đông nên phương pháp thuyết trình được áp dụng chủ yếu đối với hệ đào tạo cử nhân (mỗi lớp khoảng 150 đến 200 người học). Giờ thảo luận được sắp xếp ngay sau giờ giảng nên người học có điều kiện làm sáng tỏ những vấn đề còn khúc mẵc, những nội dung pháp lý chưa rõ ràng...

Bên cạnh đó, các phương tiện trợ giúp cho công tác giảng dạy và học tập môn luật môi trường được đặc biệt quan tâm như; các hình ảnh thực tế về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường...được chiếu ngay trong giờ học; các đợt khảo sát thực địa được tiến hành thường xuyên giúp  người học có thêm rất nhiều kiến thức thực tế về những vấn đề mà họ đang được nghiên cứu.

Nhìn chung cách thức tiếp cận và phương pháp giảng dạy môn học Luật môi trường tại Australia cũng gần giống với Việt nam, tuy các vấn đề được đề cập trong nội dung chương trình đào tạo có phong phú và đa dạng hơn. Kinh nghiệm quí báu nhất trong giảng dạy môn Luật môi trường tại quốc sia này mà chúng ta cần phải học hỏi đó là việc áp dụng một cách hiệu quả các phương tiện trợ giúp trong giảng dạy và học tập. Việc cho sinh viên được nhìn thấy những hình ảnh thực tế về thực trạng môi trường hay cách thức xử lý vấn đề nước thải, rác thải... giúp học có thể nắm bắt vấn để một cách nhanh nhạy hơn và dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

Tóm lại, kinh nghiệm của các nước trong công tác giảng dạy và đào tạo pháp luật về môi trường khá phong phú và đa dạng. Từ những kinh nghiệm đó, bộ môn luật môi trường của Trường đại học luật Hà Nội có thể nghiên cứu, tham khảo được các nội dung sau đây:

i)    Môn học luật môi trường cần phải được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc sau đại học với một số chuyên đề thích hợp.

ii)   Có thể bổ sung thêm một số nội dung vào chương trình môn học như vấn đề thông tin môi trường, qui hoạch, kế hoạch hoá môi trường, kiểm soát ô nhiễm, mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư với các chủ dự án trong công tác bảo vệ môi trường...

iii) Có thể từng bước ứng dụng và lồng ghép hợp lý các phương pháp giảng dạy phục vụ môn học, đặc biệt là phương pháp khảo sát thực địa, phương pháp nhập vai , xử lý tình huống...

III.  MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA NHẰM NÂNG CAO, HOÀN THIỆN ĐỂ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC GIẢNG DẠY MÔN LUẬT MÔI TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI.     

3.1. Các yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy môn Luật Môi trường.

3.1.1. Nhu cầu hiểu biết về môi trường và Luật Môi trường của xã hội.

Trong xã hội hiện đại, khi con người tiến hành những hoạt động khác nhau từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, tham gia giao thông cho tới hoạt động nghỉ ngơi du lịch... đều có thể tạo ra những yếu tố tác động xấu tới môi trường. Chính vì thế, con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của tình trạng chất lượng môi trường bị suy giảm.

Để phòng tránh những bất lợi cho chính cuộc sống của mình, con người phải đối xử “khôn ngoan” với môi trường. Luật môi trường giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng những hành vi xử sự đó cho con người. Có thể thấy một số vai trò nổi bật của pháp luật môi trường là:

- Pháp luật môi trường là phương tiện để thể chế hoá đường lối chiến lược chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Pháp luật môi trường góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường của công dân.

- Pháp luật môi trường góp phần giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho dân chúng.

- Pháp luật môi trường là phương tiện để đảm bảo phát triển bền vững.

- Pháp luật môi trường là công cụ thúc đẩy quá trình hội nhập về môi trường  của Việt Nam.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập, nhận thức về vai trò của môi trường cũng như vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường của dân chúng cũng dần được nâng cao. Chính những hiểu biết về các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp các cơ quan quản lí Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình; giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với môi trường, tránh được những hình phạt của pháp luật. Từ đây xuất hiện nhu cầu hiểu biết về pháp luật môi trường của xã hội.

Khoa học kỹ thuật càng phát triển, các tác động tới môi trường do hoạt động của con người, các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực môi trường ngày càng đa dạng và phức tạp. Các hành vi vi phạm pháp luật môi trường ngày càng trầm trọng và được thực hiện với mức độ  tinh vi hơn, đa dạng hơn. Để giải quyết được những vấn đề đó đòi hỏi phải có các chuyên gia về pháp luật môi trường. Do đó, nhu cầu đào tạo các chuyên gia về pháp luật môi trường cũng xuất hiện và ngày một gia tăng với những đòi hỏi cao hơn, đa dạng hơn.

3.1.2. Các yêu cầu chung đặt ra đối với việc tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy môn Luật Môi trường

Thực trạng công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo luật nói chung cho thấy nội dung và phương pháp giảng dạy môn Luật môi trường ở các trường đại học không thống nhất, phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo nhà trường. Từ đó, việc xác định được nội dung và phương pháp giảng dạy môi Luật môi trường “chuẩn” tại Trường đại học luật Hà Nội là bước đột phá cho quá trình nhất thể hoá nội dung và phương pháp giảng dạy Luật môi trường trong chương trình đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam. Từ đây tạo nên sự đồng đều về kiến thức Luật môi trường của cử nhân luật được đào tạo tại các cơ sở khác nhau.

Hơn nữa, để phù hợp với sự phát triển của đất nước, cơ chế, chính sách và pháp luật môi trường cũng đòi hỏi ngày càng phải hoàn thiện. Hướng hoàn thiện có thể được thực hiện ở những nội dung sau:

i)    Các chế định về nghĩa vụ bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp phải theo hướng tiến tới hoà nhập với khu vực và quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế không thể tách rời với vấn đề “hội nhập” về nghĩa vụ bảo vệ môi trường

ii)   Hoàn thiện các chế định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước về môi trường ở trung ương và địa phương. Trong quá trình phát triển, phải nâng cao năng lực quản lí và điều hành của hệ thống cơ quan này nhằm bảo đảm được lợi ích về môi trường của quốc gia và cộng đồng dân cư.

iii) Mở rộng việc áp dụng các biện pháp mang tính kinh tế, chủ yếu là các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường. Việc áp dụng công cụ kinh tế có thuận lợi là gắn vấn đề bảo vệ môi trường, hiệu quả của vấn đề bảo vệ môi trường với lợi nhuận của doanh nghiệp, giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và lợi ích về môi trường của cộng đồng, của nhà nước.

iv) Từng bước áp dụng cơ chế phổ biến thông tin môi trường nhằm  mục đích góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và cộng đồng.

Quá trình phát triển của pháp luật môi trường đặt ra cho những người nghiên cứu và giảng dạy môn học này yêu cầu phải tiếp cận, nghiên cứu và góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra. Trong quá trình giảng dạy phải định hướng cho người học về xu hướng quá trình phát triển của Luật môi trường.

Muốn thực hiện được điều này cần phải tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy Luật môi trường tại Trường đại học luật Hà Nội. Hiện nay, các yêu cầu cơ bản đặt ra của quá trình tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy Luật môi trường là:

i)    Nâng cao trình độ  của giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính..., các kỹ năng xử lí tình huống thực tế, khả năng nghiên cứu khoa học....

ii)   Tạo điều kiện làm việc thuận lợi bao gồm thiết bị làm việc, giảng dạy, giáo trình, tài liệu tham khảo....

iii) Xác định rõ nội dung cơ bản (nội dung “chuẩn”), trước mắt và lâu dài của Luật môi trường trong chương trình trung cấp, chương trình đại học, chương trình sau đại học.

iv) Phương pháp giảng dạy phải phù hợp với đặc thù của môn Luật môi trường (Gắn lí thuyết với thực hành, gắn lí luận với thực tiễn) nhằm chuyền tải nội dung tới sinh viên đạt hiệu quả cao nhất.

Trong tương lai, với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và quá trình hội nhập, nội dung và phương pháp giảng dạy Luật môi trường trong chương trình đào tạo cử nhân luật cần được cải tiến hơn nữa theo hướng tăng cường khả năng tự học của sinh viên, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, phân tích, giải đáp những thắc mắc của sinh viên, hướng tới khả năng tự giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra sau khi tốt nghiệp. Về nội dung, cần mở rộng nội dung môn học theo kịp với quá trình phát triển của pháp luật môi trường, xu hướng phát triển những vấn đề pháp lí liên quan đến môi trường.

Bên cạnh đó, những vấn đề môi trường đặt ra ngày càng phức tạp và những vụ việc có liên quan tới yếu tố nước ngoài và/ hoặc xảy ra ở nước ngoài có thể diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, với chương trình đào tạo lại cần trang bị cho người học nội dung cơ bản của pháp luật môi trường một số nước có liên quan, đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp môi trường. Cần đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật môi trường. Một số nội dung cần có sự nghiên cứu thấu đáo nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cả về lí luận và thực tiễn như: Pháp luật môi trường với vấn đề quy hoạch, Pháp luật môi trường với quyền tự do kinh doanh, Luật môi truờng với vấn đề sở hữu, Mối quan hệ giữa quyền sở hữu và trách nhiệm pháp lí trong luật môi trường, Pháp luật môi trường nhìn nhận dưới giác độ lợi ích của nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân, Lợi ích kinh tế với vấn đề thực thi pháp luật môi trường, Tự quản lí môi trường của doanh nghiệp, Cải cách hành chính và thực thi lợi ích về môi trường... 

3.1.3. Yêu cầu đặt ra với các cấp đào tạo

Mục đích của quá trình đào tạo là tạo ra đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, đội ngũ lao động “có tri thức và tay nghề, có năng lực thực hành, năng động và sáng tạo; có khả năng thích ứng với những thay đổi về nghề nghiệp trong nền kinh tế hàng hoá, có ý thức thực hiện nghĩa vụ công dân...”.

Mục đích của quá trình đào tạo pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng là nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ có chuyên môn pháp lí, có kỹ năng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Muốn vậy, sau khi được đào tạo về luật môi trường người học cần có được những tri thức cơ bản sau:

            - Hệ thống kiến thức cơ bản về pháp luật môi trường : Đây là cơ sở cơ bản để người học có đủ điều kiện, khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

            - Hệ thống kiến thức bổ trợ, liên quan tới pháp luật môi trường: Hệ thống kiến thức này sẽ giúp người học hiểu một cách cơ bản và nắm vững các kiến thức bổ trợ cho việc xây dựng, thực hiện pháp luật môi trường như những kiến thức về khoa học môi trường, kinh tế môi trường....

           - Thông tin về thực tiễn quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật môi trường: Hệ thống thông tin này có vai trò giúp người học tiếp cận gần hơn với thực tiễn và từ đó góp phần gắn kết quá trình đào tạo và thực tiễn cuộc sống.

Tuỳ thuộc vào các cấp đào tạo khác nhau, những kiến thức cơ bản của chương trình, những kĩ năng để xử lí tình huống... cũng cần được cung cấp với những yêu cầu không giống nhau. Cụ thể là:   

 Thứ nhất: Đối với hệ trung cấp luật

 Các đối tượng tốt nghiệp hệ trung cấp luật chủ yếu hoạt động thực tiễn tại cấp cơ sở[3] (UBND cấp Xã, Phường) nên cần có đủ trình độ để giúp UBND cấp xã xử lý được những công việc tại địa phương. Trên thực tế, những vấn đề môi trường nảy sinh ở cấp Phường, Xã thông thường là các vấn đề như: vấn đề về ô nhiễm do chất thải sinh hoạt; vấn đề ô nhiễm làng nghề (đối với khu vực làng nghề); ô nhiễm trong nông nghiệp, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm... Đây là lĩnh vực có thể xuất hiện những tranh chấp về môi trường. Các cấp chính quyền ở cơ sở lại có trách nhiệm hoà giải và giải quyết những tranh chấp này. Do vậy, những đối tượng được đào tạo trung cấp luật cần phải giải quyết được những công việc như: Giúp UBND xử lí những vi phạm PLMT đơn giản; giúp UBND hoà giải hoặc giải quyết những tranh chấp MT đơn giản; hướng dẫn nhân dân thực hiện pháp luật môi trường, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm....

Từ các đòi hỏi nêu trên, cần xác định yêu cầu cơ bản của quá trình đào tạo luật môi trường như sau đối với hệ đào tạo này:

i) Về nội dung chương trình:

Nội dung của chương trình trung cấp cần tập trung vào nhữngvấn đề sau:

- Các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường và luật môi trường. Trong nội dung này cần chú trọng tới các vấn đề: Các khái niệm cơ bản; quan điểm phát triển bền vững; các biện pháp bảo vệ môi trường và hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp này; các nguyên tắc của luật môi trường

- Quản lý nhà nước về môi trường, bao gồm một số vấn đề chủ yếu như: các nội dung quản lí nhà nước về môi trường; các dạng vi phạm pháp luật thường gặp; các hình thức xử lí vi phạm pháp luật môi trường; các tranh chấp môi trường, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp môi trường.

- Các quy định về phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường và các quy định về vệ sinh môi trường. Nội dung này cần chú trọng tới trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

- Quy định về bảo vệ tài nguyên: chú trọng tới nội dung về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên.

ii) Về kỹ năng:

Cần trang bị cho người học các kỹ năng về xử lí hành chính trong lĩnh vực môi trường. Kỹ năng thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ để tiến hành xử lí vi phạm hành chính cũng cần được chú trọng.

Ngoài ra cần trang bị cho người học các kỹ năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường, các biện pháp giúp giảm lượng chất thải, xử lí chất thải....

iii) Về phương pháp:

Đối tượng tham gia chương trình trung cấp có trình độ văn hoá, năng lực tiếp thu, yêu cầu chuyên môn không cao. Vì vậy, phương pháp giảng dạy cần phù hợp với đối tượng này (giáo trình và phương pháp trình bày, thảo luận cần dễ hiểu, tiếp cận gần với thực tế). Trong quá trình giảng và nhất là quá trình thảo luận cần đưa ra và giải quyết các tình huống cụ thể giúp cho đối tượng này có kỹ năng xử lí tình huống thực tế.

Thứ hai: Đối với hệ đại học luật

Đối tượng tốt nghiệp đại học luật sẽ công tác chủ yếu ở các Cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu, cơ quan xét xử hay tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Những công việc mà họ phải thực hiện cũng khác nhau, bao gồm xử lí các vấn đề môi trường thực tế đặt ra, nghiên cứu về khoa học luật, giải quyết tranh chấp, tư vấn pháp luật (trong đó có pháp luật môi trường).... Các công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có những năng lực nhất định. Riêng trong lĩnh vực Luật môi trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp nhất thiết phải có năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tiên đoán và dự báo xu hướng phát triển của Luật môi trường, có năng lực tự nghiên cứu khoa học.... Do đó, khi giảng dạy pháp luật môi trường cần trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện được những công việc trên.

Từ những lý do nêu trên, có thể xác định yêu cầu cơ bản của quá trình đào tạo luật môi trường đối với hệ đại học như sau:

 i) Về nội dung:

Nội dung chương trình đào tạo Luật môi trường cho sinh viên dài hạn cần phải bao hàm  một số nội dung cơ bản sau:     

- Các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường và luật môi trường. Trong nội dung này cần chú trọng tới các vấn đề: Các khái niệm cơ bản; quan điểm phát triển; các biện pháp bảo vệ môi trường; các nguyên tắc của luật môi trường; những lợi ích khác nhau đối với môi trường và các xu hướng giải quyết những xung đột về lợi ích môi trường...

- Nội dung quản lý nhà nước về môi trường. Trong vấn đề này cần đề cập tới những nội dung chủ yếu: các nội dung quản lí nhà nước về môi trường; các dạng vi phạm pháp luật môi trường; các hình thức xử lí vi phạm pháp luật môi trường; các tranh chấp môi trường, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp môi trường; hướng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về môi trường...

- Đánh giá tác động môi trường: Xác định đối tượng, nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường; trình tự, thủ tục lập và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; những bất cập và hướng hoàn thiện của chế định....

- Pháp luật về những hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường. Trong nội dung này cần trình bày những vấn chủ yếu liên quan tới trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, đặc biệt là những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường....

- Pháp luật về các nguồn tài nguyên. Phần này cần tập trung vào nội dung liên quan tới trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lí nhà nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên....

- Pháp luật quốc tế về môi trường: trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của các công ước về môi trường; quá trình thể chế hoá những nghĩa vụ này....

Tuy nhiên, các yêu cầu đặt ra cho các đối tượng làm việc ở những vị trí khác nhau là đa dạng và phong phú. Với thời lượng quá giảng dạy như hiện nay (50 tiết) không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra. Việc tăng thời lượng giảng dạy để đáp ứng đầy đủ tất cả các yêu cầu đặt ra là không thực tế. Vì vậy, trong nội dung giảng dạy cần xây dựng những chuyên đề tự chọn (trong chương trình tự chọn) nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Luật môi trường. Các chuyên đề tự chọn có thể đề cập đến  những nội dung như: Tranh chấp và giải quyết tranh chấp môi trường; công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; vấn đề về thông tin môi trường; quan hệ giữa quản lí nhà nước về môi trường và tự quản lí về môi trường của doanh nghiệp; nghĩa vụ pháp lí đối với môi trường Việt Nam khi thực hiện dự án đầu tư, khi tiến hành sản xuất kinh doanh; pháp luật môi trường một số quốc gia....

ii) Về kỹ năng:

Cần trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích và xử lí tình huống, tăng cường năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên cũng như khả năng nghiên cứu khoa học. Do đó, phương pháp nghiên cứu khoa học luật môi trường, phương pháp xử lý những tình huống cụ thể trong lĩnh vực môi trường, các kỹ năng xử lí hành chính và hình sự trong lĩnh vực môi trường là những kỹ năng cần thiết mà sinh viên cần được trang bị trong quá trình học tập môn học này.

iii) Về phương pháp giảng dạy:

Cần song song áp dụng những phương pháp thuyết giảng với phương pháp đối thoại và xử lí tình huống, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Thứ ba: Đối với hệ sau đại học.

Xã hội hiện đại cần có những chuyên gia có trình độ cao về pháp luật để giải quyết về mặt lí luận những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Các chuyên gia này sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lí.... Với vai trò đó,  các chuyên gia này cần được nâng cao nhận thức một cách đáng kể về pháp luật môi trường. Vì vậy, quá trình giảng dạy sau đại học cần đưa một số chuyên đề Luật môi trường vào nội dung đào tạo thạc sỹ.

Đào tạo sau đại học về luật môi trường là đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực luật môi trường, đi sâu tìm hiểu một lĩnh vực của Luật môi trường. Đề tài mà sinh viên thực hiện cần bảo đảm tính khái quát, tính thực tiễn đồng thời phù hợp với lĩnh vực công tác của sinh viên nhằm giải quyết những vấn đề mà xã hội đặt ra.

Thứ tư: Đối với hệ đào tạo lại.

Đối tượng đào tạo lại là những người đã tốt nghiệp đại học luật, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tuỳ theo lĩnh vực công tác của người học, cần trang bị cho những đối tượng này những kiến thức mới (chưa được giảng dạy ở bậc đại học), xu hướng phát triển của Luật môi trường và những kỹ năng xử lý tình huống. Cụ thể là:

i) Về nội dung:

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực công tác của học viên được đào tạo lại, nội dung chương trình môn học có thể được bố trí không giống nhau cho các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như: Với những người đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước cần tập trung vào những nội dung như chức năng quản lí nhà nước về môi trường của các cơ quan quản lí Nhà nước, nghiệp vụ quản lí về môi trường, xử lí vi phạm pháp luật môi trường. Những người  làm việc ở cơ quan nghiên cứu lại cần bổ sung kiến thức về xu hướng phát triển luật môi trường của Việt Nam và của một số quốc gia, khu vực điển hình hay các đặc trưng của pháp luật môi trường. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, những người công tác ở đó lại đòi hỏi được trang bị thêm các kiến thức mới về cơ chế tự quản lí môi trường của doanh nghiệp, các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường (trong đó có các công cụ kinh tế, những lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ kinh tế, ISO 14.000)...

Ngoài ra, những nội dung áp dụng cho đối tượng đào tạo lại cần phải được xây dựng theo chuyên đề và phải được sửa đổi, bổ sung thường xuyên cùng với những tình huống thực tế điển hình cho từng dung cụ thể.

ii) Về kĩ năng:

Cần trang bị cho người học những kĩ năng trong lĩnh vực pháp luật môi trường như: kĩ năng thu thập chứng cứ, kĩ năng tranh tụng, kĩ năng soạn thảo văn bản....

iii) Về phương pháp:

Đối với đối tượng này cần áp dụng phương pháp giảng dạy nêu vấn đề để người học có thể  tự tìm hiểu, giải quyết.

Tóm lại, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói riêng và tiến trình hội nhập nói chung đã đang và sẽ đặt ra những yêu cầu ngày một cao hơn cho công tác giảng dạy và đào tạo môn Luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội cũng như tại một số cơ sở đào tạo Luật khác. Xác định đúng đắn những yêu cầu đặt ra để đi đến các giải pháp thích hợp cho vấn đề này là một đòi hỏi khách quan và bức thiết hiện nay.

3.2. Các giải pháp nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường.

3.2.1. Các giải pháp trước mắt nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn luật môi trường.

 * Một là: Tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy sẽ quyết định 50% chất lượng của việc đào tạo. Do đó, việc tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy là một việc làm cần thiết, bao gồm ba nội dung chính là: nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giảng dạy đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy môn Luật Môi trường.

i) Nâng cao trình độ chuyên môn:

Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy trước hết đòi hỏi sự tự nỗ lực phấn đấu của mỗi giáo viên. Để đạt được điều này, giáo viên cần phải nghiên cứu bằng cách cập nhật kiến thức, cập nhật văn bản pháp luật, tích cực theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng... Bên cạnh đó, tổ bộ môn Luật môi trường và trường Đại học Luật Hà Nội cũng cần có các hình thức thích hợp cho việc nâng cao trình độ chuyên môn này. Chẳng hạn như: Họp chuyên môn là một việc làm cần phải được tiến hành thường xuyên và nên tổ chức họp ít nhất là mỗi tháng một lần; tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án về pháp luật môi trường hoặc có khi là kỹ thuật môi trường để giáo viên có dịp cọ sát, nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức và tham gia thường xuyên hơn các buổi toạ đàm, các cuộc hội thảo chuyên ngành hẹp về Luật môi trường hay tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với mạng Internet nhằm tìm kiếm thêm thông tin, học hỏi kinh nghiệm; đi thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp để lấy số liệu thực tế về tình trạng thực hiện pháp luật môi trường, đánh giá tác động môi trường, hoạt động kiểm soát ô nhiễm hay giảm thiểu chất thải...

Để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này, mục tiêu cụ thể đưa ra là phấn đấu đến 2005, tổ bộ môn Luật Môi trường sẽ có 2 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ trên tổng số 5 thành viên, trong khi hiện tại con số này là 2 Thạc sĩ và 1 Nghiên cứu sinh.

ii) Nâng cao trình độ ngoại ngữ:

Để có thể tự đọc, nghiên cứu tài liệu tiếng nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học trên thế giới hay truy cập mạng Internet, tìm kiếm thông tin mới đòi hỏi giáo viên  phải sử dụng được ít nhất là một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì thế, mỗi giáo viên Luật Môi trường cần phải sử dụng tương đối thành thạo một ngoại ngữ, tối thiểu là ở trình độ C mà giải pháp hữu hiệu hiện nay cho vấn đề này là mỗi giáo viên phải tự học và tích luỹ vốn ngoại ngữ cho mình. Ngoài ra, phía nhà trường và Bộ Tư pháp cũng cần hỗ trợ thêm bởi lẽ, đây là một việc làm rất thiết thực nhằm nâng cao trìmh độ chuyên môn cũng như năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy môn học này. Có rất nhiều hình thức bồi dưỡng ngoại ngữ cho các giáo viên như:

- Tổ chức các lớp học ngoại ngữ, cung cấp tài liệu sách vở, băng đĩa.

- Trao đổi giáo viên và sinh viên với các trường Đại học nước ngoài,

- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo quốc tế,

- Chế độ đi thực tế cho các giáo viên...

 iii) Nâng cao kỹ năng giảng dạy:

Để nâng cao kỹ năng giảng dạy, giáo viên phải chuẩn bị tốt hai công đoạn là chuẩn bị trước khi lên lớp và trong quá trình giảng dạy.

Trước khi lên lớp, giáo viên phải thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị giáo án. Mỗi lần lên lớp phải có thêm các thông tin mới, cập nhật văn bản, bổ sung kiến thức và thay thế các số liệu cũ. Muốn có được sự tự tin khi đứng trước lớp đòi hỏi giáo viên phải có một lượng kiến thức tương đối phong phú. Trong quá trình giảng, cần có thái độ niềm nở và dễ chịu trong suốt bài giảng. Các chương mục phải được ghi rõ ràng, ngắt bài ra thành nhiều phần nhỏ, đánh số thứ tự một cách nhất quán. Trong mỗi phần lại có những ý nhỏ theo một trật tự logic. Nên sử dụng mô hình hoặc giáo cụ để bài giảng thêm cuốn hút, sôi nổi và dễ nhớ.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả của mỗi giờ lên lớp, phong cách giảng dạy của giáo viên cũng là vấn đề quan trọng. Phong cách của giáo viên được quyết định bởi nhiều yếu tố như quần áo, đầu tóc, dáng đi, thậm chí cách đứng trên bục khi viết bảng làm sao không để quay hết lưng về phía sinh viên, hoặc lời nói cần nhấn mạnh như thế nào là phù hợp, sử dụng ngôn từ đúng mực và chính xác...

Nhằm giảm bớt việc phải nói quá nhiều trên lớp cũng như tăng khả năng tự nghiên cứu cho sinh viên, giáo viên cần chuẩn bị và cung cấp các tài liệu đọc thêm. Trong một buổi giảng, kỹ năng nêu câu hỏi cũng rất quan trọng. Nó làm cho sinh viên chú ý hơn vào những phần trọng tâm, thể hiện thái độ quan tâm của giáo viên đối với sinh viên và cũng là định hướng để điều khiển bài giảng hay buổi thảo luận. Mặt khác, câu hỏi cũng nhằm kiểm tra sự nắm bắt vấn đề của sinh viên và có ngay thông tin phản hồi mà không cần đợi đến giờ thảo luận.

* Hai là: Đội ngũ sinh viên

Hiệu quả của mỗi giờ lên lớp không chỉ được quyết định toàn bộ bởi giáo viên mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào phía sinh viên. Vì thế, để đảm bảo chất lượng đào tạo,  xin nêu ra 2 yêu cầu đối với sinh viên là yêu cầu về trình độ, kiến thức và việc bố trí thời gian hợp lý cho các tiết học.

i) Về trình độ kiến thức:

Sinh viên luật có mặt bằng kiến thức và trình độ tương đối đồng đều thể hiện qua kết quả của các kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn cần phải đề cập đến vấn đề này theo một chiều hướng khác. Vì ở trường Đại học luật, trong 4 năm học tập tại trường, môn nào học trước, môn nào học sau là rất quan trọng, đặc biệt là khi sinh viên tiếp cận với các môn học chuyên ngành. Vì Luật Môi trường là môn học có liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau nên nếu xếp ngay từ đầu giai đoạn nghiên cứu chuyên ngành thì sẽ rất khó cho sinh viên trong việc tiếp cận. Theo chúng tôi, yêu cầu chắc chắn đặt ra đối với sinh viên học môn Luật Môi trường là phải ở cuối năm thứ 3, đầu năm thứ 4.

Một khía cạnh nữa có liên quan đến trình độ kiến thức của sinh viên, là phải tăng cường và khích lệ khả năng tự nghiên cứu của sinh viên. Có thể nói đây là một khâu yếu nhất trong toàn bộ quá trình tiếp cận với kiến thức của sinh viên. Để làm được điều này thì phải tiến hành một cuộc cải cách trong các trường Đại học, từ việc sửa lại hệ thống giáo trình cho đến việc đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các giảng đường. Trong phạm vi nhỏ của đề tài này, chỉ lưu ý là giáo viên cần bằng mọi nỗ lực của mình để phát huy và kích thích nhiều hơn nữa khả năng và sự say mê nghiên cứu của sinh viên.

ii) Về việc bố trí thời gian hợp lý cho các tiết học:

Nội dung này chỉ đề cập dưới góc độ bố trí một tiết học sao cho có lợi nhất để sinh viên có đủ sức khoẻ và sự minh mẫn cần thiết trong khi tiếp thu bài giảng. Hiện tại, sinh viên trường đại học Luật học 6 tiết một buổi, 2 môn. Nếu có học Luật Môi trường, sinh viên sẽ học 3 tiết đầu hoặc 3 tiết sau. Ba tiết là một khoảng thời gian hợp lý, đủ để sinh viên tiếp thu bài tốt. Nhưng nếu 6 tiết cùng một lúc, sẽ là khoảng thời gian quá dài và căng thẳng. Nếu là 3 tiết sau, sinh viên lúc đó vừa đói, vừa mệt và buồn ngủ nên hiệu quả nhận thức chắc chắn sẽ giảm sút. Giải pháp ở đây nên chăng là chỉ xếp 4 tiết 1 buổi, 1 môn, có thể áp dụng học cả sáng cả chiều. Thực hiện được điều này vừa đảm bảo sức khoẻ cho học sinh vừa nâng cao được hiệu quả tiếp thu bài ngay tại lớp.

* Ba là: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo

i) Về nội dung đào tạo

Trong nội dung chương trình đào tạo hiện tại như đã trình bày ở phần trên, các vấn đề về bảo vệ môi trường thường được tiếp cận chủ yếu dưới góc độ quản lý Nhà nước. Thực tế cho thấy, bảo vệ môi trường là hoạt động mang tính chất toàn dân, nghĩa là mọi người dân đều tham gia vào công tác bảo vệ môi trường . Do đó, nếu tiếp cận các vấn đề theo cách này sẽ là không toàn diện và không phản ánh hết bản chất của hoạt động bảo vệ môi trường. Việc kiểm soát  các thành phần môi trường cũng như việc cải thiện chất lượng hiện có của nó không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước  mà còn được thực hiện chủ yếu thông qua sự tự kiểm soát của các tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình tiến hành các hoạt động của họ. Chính vì lý do đó, thay vì sắp xếp nội dung chương trình thiên về bảo vệ môi trường dưới góc độ quản lý Nhà nước như trước đây, chúng tôi cho rằng cũng cần phải nhấn mạnh yếu tố tự kiểm soát ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó,  để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập, nội dung của Luật môi trường trong chương trình đại học luật cần phải đề cập những kiến thức cơ bản như: Các vấn đề về Luật môi trường; đánh giá tác động môi trường; pháp luật về kiểm soát ô nhiễm; pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; pháp luật về bảo tồn di sản; pháp luật về giải quyết tranh chấp môi trường; pháp luật quốc tế về môi trường: cần tập trung vào những nội dung như trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của các công ước về môi trường; quá trình thực thi những nghĩa vụ này....

Với những nội dung trên, có thể phân chia nội dung môn học Luật môi trường thành các chương cụ thể như sau:

Chương I. Những vấn đề chung về Luật môi trường

Chương II. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm

Chương III. Pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Chương IV. Đánh giá tác động môi trường

Chương V. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Chương VI. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Chương VII. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

Chương VIII. Pháp luật về kiểm soát suy thoái môi trường rừng

Chương IX. Pháp luật về kiểm soát suy thoái nguồn thuỷ sinh

Chương X. Pháp luật về kiểm soát nguồn gen

Chương XI. Pháp luật về bảo tồn di sản

Chương XII. Pháp luật về kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Chương XIII. Giải quyết tranh chấp môi trường

Chương XIV. Thực thi các công ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm ở Việt Nam

Chương XV. Thực thi các công ước quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam

            Trong quá trình giảng dạy, cần quan tâm cả tới pháp luật thực định, những vấn đề lí luận, thực tiễn và xu hướng phát triển của pháp luật môi trường….

Ngoài ra, trong nội dung giảng dạy cần xây dựng thêm một số chuyên đề tự chọn nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Luật môi trường. Các chuyên đề đó có thể là:

  • Chuyên đề 1: Những vấn đề pháp lý về môi trường trong quá trình hội nhập
  • Chuyên đề 2: Tự quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập
  • Chuyên đề 3: Thông tin môi trường

ii) Về chương trình đào tạo

Để đảm bảo cho sinh viên tiếp thu tốt nhất nội dung chương trình, môn học Luật môi trường cần được giảng dạy sau khi sinh viên đã được nghiên cứu các môn: Luật hành chính, Tố tụng hành chính, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật kinh tế, Luật hình sự. Trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo cần tuân thủ nghiêm ngặt trình tự này.

 * Bốn là: Cải tiến phương pháp giảng dạy môn luật môi trường cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo.

Thực trạng công tác giảng dạy môn Luật Môi trường cho thấy, phương pháp giảng dạy các môn học khoa học pháp lí nói chung, Luật Môi trường nói riêng tại trường Đại học Luật Hà Nội hiện vẫn theo phương pháp truyền thống, có nghĩa là thực hiện giảng lý thuyết trên theo phương pháp thuyết trình (còn gọi là phương pháp độc thoại) và sau đó là tổ chức thảo luận các nội dung đã được trình bày tại giờ giảng lý thuyết. Trong điều kiện hiện nay, phương pháp này không còn tỏ ra tối ưu nữa. Điểm hạn chế của nó là đặt người học vào trạng thái tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Tại trường Đại học Luật Hà Nội, cơ hội cho sinh viên trở lại xem xét hoặc bình luận sâu hơn các vấn đề lí luận thường được thực hiện tại giờ thảo luận, song giờ thảo luận thường được xếp vào sau giờ giảng lý thuyết với khoảng thời gian khá lâu nên khả năng tái hiện lại các vấn đề cần trao đổi, tranh luận gặp nhiều khó khăn và tốn khá nhiều thời gian. Điều này càng khó khăn hơn khi sinh viên cùng một lúc phải học nhiều môn học khác nhau, phải cập nhật nhiều thông tin từ các lĩnh vực khoa học khác nữa.

Lựa chọn một hoặc một số phương pháp thích hợp nhằm khắc phục những điểm hạn chế nêu trên là việc làm cần thiết của Trường Đại học luật nói chung, bộ môn Luật môi trường nói riêng. Việc lựa chọn này được xác định trên những phương hướng cơ bản sau đây:

i) Cần có sự thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy.

Không nên có sự áp đặt một phương pháp nhất định nào đó vào công tác giảng dạy các môn học trong nhà trường và càng không nên áp dụng một phương pháp giảng dạy cho mọi đối tượng học và loại hình đào tạo. Hiện tại, đối tượng học trong nhà trường được phân thành 4 nhóm chính: đào tạo ở bậc đại học; đào tạo ở bậc trung cấp; đào tạo ở bậc sau đại học; đào tạo lại và hình thức đào tạo trong nhà trường được phân thành 3 loại chính: đào tạo tập trung dài hạn; đào tạo tập trung ngắn hạn; đào tạo tại chức. Do đó, sự linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy cho từng đối tượng và loại hình đào tạo nêu trên là hết sức cần thiết.

ii) Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ những kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản.

Theo nghiên cứu của ngành giáo dục và đào tạo, hiện tại có rất nhiều phương pháp  giảng dạy như:  bài giảng; tài liệu phát tay; thao tác cách thực hiện; thảo luận giữa các nhóm nhỏ; thảo luận chung trong lớp với qui mô lớn; dạy thành nhóm;  nhập vai; nêu tình huống điển hình; đào tạo trên thực tế công việc; các khoá lập phương án; học cách bắt chước; chơi trò chơi; hướng dẫn theo chương trình; đào tạo dữ liệu máy tính và sử dụng băng video... Tuy nhiên, mỗi phương pháp lại có ưu thế riêng và có tác dụng riêng nhất định đối với từng đối tượng học.

 

iii) Tham khảo, vận dụng một cách hợp lí và sáng tạo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.

 Điều kiện riêng của Trường đại học Luật Hà Nội bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, mặt bằng chung về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng giáo viên, mục tiêu đào tạo của nhà trường... Vào các thời điểm khác nhau các điều kiện trên là không giống nhau. Do đó, cần phải áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy sao cho thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể.

iv) Đảm bảo tính hiệu quả và khả thi khi áp dụng một phương pháp giảng dạy mới.

Trước khi áp dụng đại trà một phương pháp giảng dạy mới, cần có sự nghiên cứu áp dụng thí điểm ở một vài loại hình, một vài đối tượng đào tạo để có thể nhận biết hiệu ứng của phương pháp cũng như để dự báo đầy đủ hơn về khả năng ứng dụng phương pháp đó trên diện  rộng.

Tóm lại, để cải tiến phương pháp giảng dạy các môn học nói chung, môn Luật môi trường nói riêng tại trường đại học luật Hà Nội, chúng tôi cho rằng một số phương pháp sau đây cần được nghiên cứu áp dụng trong thời gian tới. Các phương pháp này có thể được áp dụng một cách độc lập hoặc có thể áp dụng đan xen, lồng ghép với nhau: 

* Phương pháp 1: Thuyết trình

Mặc dù còn có điểm hạn chế nhưng phương pháp này vẫn cần được áp dụng như một phương pháp chủ đạo trong công tác giảng dạy của nhà trường. Điều này được lý giải một phần từ đặc tính của các môn khoa học xã hội. Đó là nội dung của các môn học đòi hỏi phải được tổng hợp kiến thức từ rất nhiều phương diện, cả về lí luận và thực tiễn. Thuyết trình là phương pháp nhanh nhất để người giáo viên có thể truyền thụ những kiến thức tích luỹ được cho người học, giúp người học nắm bắt được các vấn đề một cách có hệ thống, có chọn lọc. Ngoài ra, trong điều kiện hiện tại của nhà trường, với đội ngũ giáo viên còn quá mỏng, lực lượng sinh viên lại đông thì phương pháp này được xem là cách thức tốt nhất để truyền tải cùng một lúc kiến thức đến với nhiều người.

Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này có hiệu quả hơn, người giáo viên cần lưu ý một số điểm sau đây: Bài giảng phải ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng học; phải luôn kiểm soát được không khí lớp học; nên chọn một số tiêu điểm chính trong bài giảng của mình để nhấn mạnh vào điểm cần lưu ý một cách trực tiếp và rõ ràng nhất; nên ghi âm lại bài giảng của mình hoặc nhờ người khác ghi lại để phản hồi một cách trung thực nhất những thông tin mà người giáo viên đã cung cấp trên lớp học.

Trong nội dung của môn học Luật Môi trường, phương pháp thuyết trình có thể vẫn được duy trì khi giảng một số chương mang tính lí luận cao hoặc một số chương thuần tuý trình bày các chế định pháp lí cơ bản. Phương pháp này có thể được áp dụng đối với mọi đối tượng và loại hình đào tạo trong nhà trường.

 

* Phương pháp 2: Thảo luận

Thảo luận là phương pháp thường được tiến hành theo hai cách:Thảo luận trong phạm vi cả lớp và thảo luận giữa các nhóm. Trong cả hai cách, người giáo viên luôn giữ vai trò là trung gian điều khiển.  Để làm tốt vai trò đó, trước hết, cần đặt ra các câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng và dự kiến trước quĩ thời gian cần thiết cho việc thảo luận, sau đó để ý kiến cá nhân, cũng như ý kiến các nhóm được trình bày một cách thoải mái. Người giáo viên chỉ kéo họ trở lại khi thấy xuất hiện một trong những tình huống như cần phải tóm tắt và rút ra các kết luận mấu chốt cho vấn đề đã thảo luận; thấy cuộc thảo luận có chiều hướng đi chệch khỏi chủ đề cần thảo luận; có ý kiến nhằm chỉ trích cá nhân giữa những người thảo luận. Nếu có nhiều chủ đề cần thảo luận cùng một lúc, người giáo viên có thể chia sinh viên thành các nhóm và mỗi nhóm chịu trách nhiệm một chủ đề. Mỗi nhóm thảo luận chủ đề của mình sau đó trao đổi kết quả của nhóm mình với nhóm khác.

Phương pháp này có một số ưu điểm là giúp cho người học biết về mối quan hệ mật thiết giữa kiến thức lý luận với những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; phát huy tính sáng tạo của người học và tìm được tiếng nói chung về các vấn đề khoa học còn chưa rõ ràng, các ý kiến chưa thống nhất...

Tuy nhiên, với các hệ đào tạo khác nhau, phương pháp thảo luận cần được thực hiện không giống nhau cho phù hợp với từng đối tượng. Trong chương trình môn học Luật môi trường, thảo luận có thể được thực hiện ở một số nội dung như: xem xét xử lí vi phạm pháp luật môi trường, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường, xác định trách nhiệm đánh giá tác động môi trường của các dự án, xem xét trình tự và thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường...

* Phương pháp 3: Nhập vai (còn gọi là bắt chước hoặc Role Play)

Phương pháp nhập vai cho phép người học thực hành ngay những gì đã học bằng cách đóng vai một nhân vật nào đó. Ưu điểm của phương pháp này là tạo cho không khí lớp học sôi động hơn rất nhiều, đồng thời giúp người học nhớ kiến thức một cách lâu hơn do họ đã có cơ hội thủ vai. Phương pháp này có thể tiến hành theo một số cách thức như: Sử dụng các vai để chứng minh các quan điểm mà người giáo viên đưa ra; giáo viên không nên viết lời thoại cho các  nhân vật mà để người học tự hình thành lời thoại một cách tự nhiên theo đúng khả năng và trình độ của họ; giáo viên  cung cấp các chi tiết cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn, thói quen, thái độ, mục đích, cá tính của từng nhân vật được sắm vai cũng như cung cấp những giới hạn, ngăn cản nghề nghiệp mà nó hoặc thúc đẩy hoặc hạn chế nhân vật ấy; sử dụng phương pháp nhập vai để minh họa một vấn đề then chốt...

Phương pháp nhập vai có thể áp dụng đối với cả hình thức đào tạo dài hạn, tại chức hoặc đào tạo lại. Trong môn Luật môi trường, phương pháp nhập vai có thể được áp dụng tại một số chương có mối quan hệ mật thiết giữa lí luận và thực tiễn như: một số nội dung của chương 2 (phần giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) hay một số nội dung của Chương 3 (phần thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường).

* Phương pháp 4: Xây dựng tình huống điển hình

Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy đại học và được áp dụng dưới hai hình thức: để thực hành một hoặc một số nội dung bài giảng lí thuyết đã được thực hiện và để tiếp cận những kiến thức mới. Trong hai hình thức đó, hình thức thứ nhất là hình thức được áp dụng phổ biến hơn. Hình thức này đòi hỏi người học phải nắm được những kiến thức lý thuyết đã học để áp dụng chúng vào việc giải quyết một số vấn đề cụ thể xảy ra trên thực tế. Còn hình thức thứ hai được xây dựng xuất phát từ nguyên lý chung là trong thế giới thực tại luôn có nhiều cách tiếp cận cho một vấn đề.

Hiện tại, Trường đại học Luật Hà Nội đang tiến hành nghiên cứu ứng dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy các môn học của khoa pháp luật kinh tế nói chung, môn Luật Môi trường nói riêng[4] và bước đầu thu được kết quả đáng kể.  Trong giảng dạy môn Luật Môi trường, phương pháp này có thể được áp dụng tại Chương 3 (ĐTM) với cả hai hình thức nêu trên.

* Phương pháp 5: Lập phương án

 Đây là một trong những phương pháp giảng dạy hiện đại đang được nghiên cứu để áp dụng rộng rãi hơn trong giảng dạy đại học. Phương pháp này được xem là cầu nối trực tiếp giữa những kiến thức lý luận mà người giáo viên đã cung cấp cho người học và khả năng phát triển tư duy của người học. Để phương pháp có thể đạt được hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên phải tiến hành lập trong phương án một nhiệm vụ mà người học sẽ phải thực hiện sao cho người học có thể thực hành càng nhiều kĩ năng và qui trình mới càng tốt hay lập phương án có sự đòi hỏi mang tính khả thi, phù hợp với trình độ của người học. Đáp án của việc lựa chọn các phương án là đáp án mở. Điều này có nghĩa là người giáo viên không nhất thiết phải đưa ra một đáp án có tính chất chuẩn mực đối với người lựa chọn phương án.  Việc lựa chọn cụ thể các phương án là do người học thực hiện sao cho đảm bảo tính thuyết phục, tính có căn cứ.

Trong chương trình môn học Luật Môi trường, phương pháp lập phương án có thể được áp dụng đào tạo với mọi hình thức đào tạo, trong đó chú trọng đối với loại hình đào tạo lại, nhằm giúp người học ứng dụng ngay những kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công việc của họ như: một số nội dung của Chương 1 (phần mối quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường); một số nội dung của Chương 4 (phần xem xét các hoạt động có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như sử dụng chất phóng xạ, chất gây cháy nổ, hoá chất độc hại...)

* Phương pháp 6: Tài liệu viết và phát tay

Tài liệu bổ trợ là phương tiện truyền đạt thông tin thời sự một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Phương pháp này có ý nghĩa làm tăng hiệu suất bài giảng của người giáo viên bằng cách cung cấp chi tiết các minh hoạ và ví dụ được ghi thành văn. Cùng với các nguồn tư liệu khác như bản trích dẫn, biểu bản đồ, tài liệu bổ trợ  là những phương tiện mang lại kết quả cao trong giảng dạy. Các tài liệu viết được sử dụng theo những cách sau: tài liệu phải được phát trước cho người học để họ có dịp nghiên cứu; thảo luận các vấn đề được đề cập trong tài liệu hoặc liên hệ ngay với chủ đề đang được giảng; giải thích tài liệu trước hoặc sau khi phân phát. Để phát huy tốt hiệu quả của phương pháp này, tài liệu cần phải được viết một cách đơn giản và trực tiếp. Tài liệu viết và phát tay có thể được áp dụng đối với bất kì đối tượng và loại hình đào tạo nào cũng như đối với tất cả các bài giảng trong chương trình môn Luật môi trường.

* Phương pháp 7: Quan sát thực tế (fiel trip)

Được nhìn thấy tận mắt thực trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường qua các phương tiện trợ giúp như băng hình, tranh ảnh… hay được chứng kiến tận nơi xảy ra các hiện tượng đó và được theo dõi diến biến một vài phiên toà giải quyết tranh chấp môi trường, sinh viên sẽ hiểu và nhớ rất lâu về những vấn đề mà họ đã từng được nghe. Chính vì vậy, đây là phương pháp có thể đem lại hiểu quả khá cao trong giảng dạy, đào tạo môn học Luật môi trường. Theo phương pháp này, sinh viên có thể được tiếp cận với các vấn đề trong bài giảng thông qua các phương tiện trợ giúp hoặc được quan sát thực tiễn thông qua các chuyến đi khảo sát thực tế. Với phương pháp này, người học cũng sẽ được cung cấp các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho việc giải quyết các yêu cầu công việc sau này.

          * Năm là: Tăng cường hiệu quả việc áp dụng các phương tiện trợ giúp

Bên cạnh vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên đối với sự thành công của một tiết học, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận tác dụng của các phương tiện trợ giúp như giáo trình, sách chuyên khảo hay các phương tiện khác.

 i) Giáo trình

Giáo trình là nguồn tài liệu quý giá quan trọng nhất trong các phương tiện trợ giúp. Nó sẽ giúp sinh viên có được định hướng đúng đắn trong việc tiếp cận với các văn bản, số liệu. Nó cũng giúp cho sinh viên nắm bắt vấn đề một cách tốt nhất.

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật môi trường hệ Đại học đã được xuất bản năm 1999, còn giáo trình Luật Môi trường hệ trung cấp xuất bản năm 2000. Các đối tượng sinh viên đều nghiên cứu theo hai loại giáo trình này. Từ đó đến nay, hệ thống pháp luật môi trường đã có rất nhiều thay đổi, bổ sung. Nhiều văn bản đã hết hiệu lực, nhiều văn bản mới được ban hành. Bên cạnh đó, thực trạng về môi trường cũng đã có rất nhiều biến đổi. Vì thế, giáo trình đã xuất bản từ 3 năm nay với các số liệu cũ, lỗi thời, nhiều quy định đã bị bãi bỏ... đang đứng trước một đòi hỏi cấp thiết là phải được sửa đổi để cập nhật thông tin và văn bản mới cho phù hợp.

Hướng sửa đổi chính hiện nay dành cho cả hai loại giáo trình là bãi bỏ những quy định cũ, đưa thêm vào những nội dung mới, thậm chí cả những nội dung mà pháp luật chưa có quy định. Một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: vấn đề chất thải nguy hại, kiểm soát và xử lý chất thải xuyên biên giới, pháp luật về an toàn và vệ sinh thực phẩm, pháp luật bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh... cần phải được bổ sung kịp thời. Mặt khác, giáo trình còn cần được soạn và rà soát lại toàn bộ theo hướng tăng cường phân tích, đánh giá, loại bỏ bớt liệt kê và tăng số lượng các ví dụ cũng như các bài tập tình huống.

ii) Sách chuyên khảo

Bên cạnh giáo trình là tài liệu cơ bản bắt buộc thì hệ thống sách chuyên khảo về pháp luật môi trường cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu và giảng dạy Luật Môi trường. Bởi lẽ, sách chuyên khảo với các đề tài phong phú sẽ khích lệ được tinh thần học tập của sinh viên và giúp họ hứng thú hơn đối với môn học này. Mặt khác, nó còn rất hữu ích đối với những ai không phải là sinh viên nhưng cũng quan tâm dến một chuyên ngành hẹp về môi trường.

 Hiện tại, tổ bộ môn Luật môi trường chưa xuất bản một tập sách chuyên khảo nào. Chắc chắn, trong một tương lai gần thì cần phải phát hành được một số tập sách chuyên khảo với các đề tài về pháp luật môi trường như: Pháp luật về Đánh giá tác động môi trường; Pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng các nguồn tài nguyên; Pháp luật về các hoạt động đặc biệt nguy hiểm cho môi trường; trách nhiệm pháp lý của các tổ chức cá nhân khi có hành động tổn hại cho môi trường, trách nhiệm của các chủ Dự án đối với Môi trường...

iii) Các phương tiện trợ giúp khác

Ngoài giáo trình và sách chuyên khảo, các phương tiện trợ giúp khác cũng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của một bài giảng. Các phương tiện trợ giúp khác bao gồm: bảng phấn, micro, đèn chiếu, bảng cuốn, bảng ghim, bảng lật, giáo cụ trực quan, mô hình, bản đồ...

Về bảng phấn và micro: Hiện tại, nhà trường đã trang bị các phương tiện này một cách tương đối hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh cũng vẫn chưa tạo được sự thoải mái cho giáo viên khi đứng lớp. Trong tương lai, nhà trường cần đưa ra một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Về hệ thống bảng cuốn, bảng ghim, bảng lật: Đều là các loại bảng nhưng mỗi loại bảng lại phát huy những thế mạnh riêng, phù hợp với một số nội dung cụ thể. Ví dụ như bảng cuốn rất thích hợp cho việc đưa ra các bảng biểu, các số liệu về hiện trạng môi trường (tỷ lệ che phủ của rừng hoặc tốc độ suy giảm của tầng ôzon..); bảng lật lại có vẻ phù hợp hơn đối với việc mô tả cụ thể về hệ thống các văn bản pháp luật (kể cả đang còn hiệu lực cũngnhư đã hết hiệu lực để từ đó có thể đối chiếu và đưa ra nhận xét cho từng trường hợp cụ thể. Còn đối với bảng ghim thì đặc biệt thích hợp cho buổi thảo luận. Sinh viên có thể ghi lại ý kiến của mình vào giấy một cách thoải mái mà không sợ bị cười nếu sai, sau đó mang ghim tất cả các ý kiến đó lên bảng, khoanh vùng những ý kiến tương đồng hoặc trái ngược rồi đưa ra giải pháp... Do đó, ngoài việc áp dụng hệ thống bảng phấn đang rất hữu hiệu hiện nay, nhà trường nên chú trọng vào một số các loại bảng khác nữa như đã nêu thì chắc chắn sẽ cải thiện tốt hơn nữa hiệu quả của các giờ học và thảo luận.

Về hệ thống đèn chiếu: Hiện tại, ở trường Đại học Luật đang dần đưa hệ thống đèn chiếu áp dụng trong quá trình giảng dạy một cách thường xuyên hơn. Nhu cầu sử dụng đèn chiếu nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của Tổ bộ môn cũng như của mỗi giáo viên. Tổ Luật Môi trường chưa đăng ký giảng bằng đèn chiếu. Trong một tương lai gần, mỗi giáo viên cũng như tổ bộ môn nên có một giải pháp thích hợp cho việc áp dụng loại công cụ này.

Ngoài tất cả các phương tiện nêu trên, tuỳ thuộc vào sự sáng tạo của mình, giáo viên có thể sử dụng một số công cụ, phương tiện trợ giúp khác như các loại giáo cụ trực quan, mô hình hay các bảng biểu, sơ đồ... nhằm có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình giảng dạy, tránh sự dập khuôn, tạo lối mòn và sự nhàm chán của sinh viên hoặc của giáo viên đối với bài giảng của chính mình.

Tóm lại, để tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường tại trường Đại học Luật Hà Nội, việc sớm thực hiện các giải pháp trước mắt nêu trên là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, trong tương lai, để đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội về các vấn đề môi trường mới nảy sinh cũng như giải quyết triệt để những tồn tại của công tác đào tạo Luật môi trường hiện nay, nhà trường và tổ bộ môn cần thực hiện thực hiện từng bước  một số giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

3.2.2. Các giải pháp lâu dài nhằm tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường.

Trong tương lai, để tăng cường năng lực giảng dạy môn học Luật môi trường, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là: Tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Về lâu dài, để tăng cường năng lực giảng dạy môn Luật môi trường, từng giáo viên cần tự nghiên cứu không chỉ những kiến thức thuộc lĩnh vực Luật môi trường mà còn phải nghiên cứu những tác động qua lại giữa các chế định của Luật môi trường và các lĩnh vực pháp luật khác; nghiên cứu sâu về pháp luật môi trường của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ kinh tế, cùng có chung lợi ích về các thành phần môi trường... Bên cạnh đó, việc tham  gia một cách tích cực vào các hoạt động thực tiễn (như những vụ tranh chấp môi trường cụ thể, quá trình thực hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật...) cũng hết sức cần thiết để phát hiện những bất cập của hệ thống pháp luật cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế, làm phong phú hơn cho bài giảng của mình. 

Thực hiện tốt giải pháp này, mục tiêu lâu dài được đặt ra là toàn bộ giáo viên giảng dạy môn Luật môi trường phải đạt trình độ tiến sỹ.

Hai là: Đội ngũ sinh viên

i) Về trình độ kiến thức

Cần tuân thủ nghiêm ngặt chương trình đào tạo nhằm bảo đảm cho sinh viên có đầy đủ lượng kiến thức "cơ sở" để tiếp thu có hiệu quả những nội dung khoa học của môn Luật môi trường. Việc xắp xếp chương trình theo những giải pháp "tình thế" sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu kiến thức của sinh viên.

ii) Về ý thức học tập

 Nội dung này không bàn tới những chính sách vĩ mô (như sự tác động của cơ chế tuyển dụng, cải các hệ thống phương pháp giáo dục, đào tạo...) ảnh hưởng tới ý thức học  tập của sinh viên mà chỉ bàn tới quá trình đào tạo tại Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm  nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập của sinh viên.

Một tổ bộ môn sẽ không thể làm thay đổi ngay ý thức học tập của sinh viên. Nếu một tổ bộ môn thực hiện một cách "đơn độc" thì có thể dẫn tới thất bại bởi sinh viên sẽ cảm thấy lạ lẫm với cách tiếp cận này. Chính vì vậy, cần có sự đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy một cách đồng bộ trong Trường đại học Luật Hà Nội với phương châm "sinh viên tự tích luỹ kiến thức, giáo viên chỉ là người hướng dẫn khoa học". Sự thay đổi này cần được tiến hành ngay từ những môn học đầu tiên của sinh viên.

  Cần đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên nhằm bảo đảm sự gắn kết tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên với kết quả học tập cuối cùng. Loại trừ cách đánh giá kết quả học tập theo thành tích học "gạo", "trả lại những gì đã tiếp thu được từ giáo viên" như hiện nay. Từ đây có thể làm thay đổi ý thức và phương pháp học tập; nâng cao tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Ba là: Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo

Quá trình toàn cầu hoá sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới pháp luật quốc gia, trong đó có luật môi trường. Chính vì thế, để đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong tương lai khi giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp luật môi trường, nội dung giảng dạy Luật môi trường phải đáp ứng được 03 yêu cầu sau đây:

  • Phải cập nhật được những nội dung mới nhất của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về môi trường
  • Tiên lượng được sự phát triển của pháp luật môi trường quốc gia và quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá
  • Các rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực môi trường của các quốc gia có quan hệ kinh tế quốc tế với Việt Nam

Chương trình đào tạo cần chú trọng cả lý thuyết và thực hành nhằm  bảo đảm khả năng làm việc của sinh viên sau khi ra trường. Ngoài phần lý thuyết trên lớp, sinh viên cần có lượng thời gian thích hợp thực tập tại cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp. Việc bố trí thời gian thực tập không nhất thiết phải sau 3,5 năm học lý thuyết mà có thể xen kẽ theo năm học, thậm  chí có thể sau từng học kỳ. Việc bố trí như vậy nhằm bảo đảm  cho sinh viên tiếp cận đồng thời cả lý thuyết và thực tiễn, nâng cao hiệu quả của quá trình đào tạo. Cần tạo điều kiện cho sinh viên có thể thực tập tại nước ngoài. Qua đó, sinh viên có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và tiếp thu được những kiến thức mới, những kinh nghiệm thực tiễn từ các nước, tự nâng cao trình độ và khả năng làm việc sau khi ra trường.

Bốn là: Hoàn thiện phương pháp giảng dạy

Về nguyên tắc, cần áp dụng các phương pháp giảng dạy có thể tăng cường khả năng tự nghiên cứu của người học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn và trang bị cho người học phương pháp nghiên cứu thông qua những nội dung cụ thể. Mặt khác,  cũng cần hướng tới khả năng tự nghiên cứu độc lập của  người học đồng thời với việc trang bị cho họ khả năng diễn đạt, kỹ năng tranh tụng tốt.

Trong tương lai, các phương pháp giảng dạy vẫn cần được áp dụng cho môn học này là:

i) Phương pháp thuyết giảng

Phương pháp thuyết giảng vẫn tồn tại như là một trong những phương pháp hiệu quả để giáo viên truyền thụ kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cho người học. Tuy nhiên, cần có sự thay đổi căn bản những nội dung được trình bày trong một buổi thuyết trình. Người học sẽ phải tự nghiên cứu những nội dung cơ bản của khối lượng kiến thức pháp luật. Buổi thuyết giảng tập trung vào những vấn đề chủ yếu như : Các căn cứ để xây dựng những quy định cùng những quan điểm khác nhau về quy định đó; những khó khăn, thuận lợi và các tác động tới đời sống kinh tế, xã hội... khi áp dụng quy định đó; phương án hoàn thiện quy định đó...

Trong quá trình thuyết giảng, cần chú trọng việc đưa những tình huống thực tế điển hình vào trong bài thuyết giảng

ii) Phương pháp thảo luận

Cần hướng tới sự chủ động tham gia của người học trong quá trình thảo luận.  Buổi thảo luận cần phải được chuẩn bị chu đáo cả từ phía giáo viên và sinh viên.

Ngay từ đầu học kỳ, giáo viên cần cung cấp cho sinh viên những nội dung câu hỏi (vấn đề) và các tình huống thảo luận. Qua đó, sinh viên có thời gian chuẩn bị và định hướng trong quá trình tự nghiên cứu, nghe thuyết trình. Khi tiến hành thảo luận, giáo viên cần tôn trọng quan điểm riêng của sinh viên, nếu sinh viên đưa ra được luận cứ để bảo vệ được quan điểm của mình.

Cần linh hoạt áp dụng phương pháp nhập vai, giải quyết các tình huống điển hình. Về lâu dài, sẽ loại bỏ những nội dung thuần tuý lý thuyết khi thực hiện thảo luận.

iii) Phương pháp luyện tập:

Đây là phương pháp giúp sinh viên khả năng tự nghiên cứu trong quá trình học tập. Giáo viên có thể đưa ra những nhóm vấn đề để sinh viên lựa chọn nội dung thích hợp để chuẩn bị. Sinh viên có thể viết nội dung đó với liều lượng phù hợp. Trong buổi luyện tập, sinh viên sẽ trình bày vấn đề đã chuẩn bị. Các sinh viên khác có thể bổ sung, nêu câu hỏi để sinh viên có sự chuẩn bị đó trả lời. Các sinh viên có thể tranh luận với nhau về các vấn đề nêu ra. Giáo viên sẽ là người giải đáp và kết luận cuối cùng về những vấn đề nêu ra. 

Điều kiện để áp dụng có hiệu quả phương pháp này là trình độ cao về chuyên môn của lực lượng giáo viên và tính chủ động trong học tập của sinh viên cùng với sự đồng bộ của các phương tiện trợ giúp và tài liệu.

Năm  là: Tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện trợ giúp

i) Giáo trình

Trong tương lai, đối với mỗi chương trình đào tạo không chỉ có một giáo trình duy nhất. Cần có chính sách khuyến khích cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia viết giáo trình Luật môi trường với những hướng tiếp cận khác nhau. Có thể có những hướng tiếp cận như: Luật môi trường dưới giác độ nhìn nhận của luật công, Luật môi trường dưói giác độ nhìn nhận của luật tư, Luật môi trường trong hoạt động đầu tư, Luật môi trường với hoạt động kinh doanh...

Trong quá trình viết giáo trình cần đặc biệt chú trọng tới việc đưa ra và giải quyết những tình huống thực tế, những vấn đề lý luận cần được giải quyết... tránh rơi vào việc mô tả luật thực định.

ii) Sách chuyên khảo

Cần có chính sách khuyến khích cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn hợp tác viết sách chuyên khảo. Những sách chuyên khảo này cần vừa đề cập tới những vấn đề lý thuyết nhưng cũng đồng thời phải mang tính thực tiễn cao. Nó phải trở thành "cẩm nang" cho cả sinh viên muốn nghiên cứu chuyên sâu về luật môi trường cũng như những người hoạt động thực tiễn.

Danh mục tài liệu tham khảo phải được cung cấp cho sinh viên cùng với việc công bố chương trình giảng dạy. Điều này giúp cho sinh viên có thời gian tìm và tự nghiên cứu những tài liệu tham khảo cơ bản. Qua đó sinh viên có thể tự nắm bắt được những nội dung có bản của khối lượng kiến thức trước khi nghe thuyết trình, tham gia thảo luận.

iii) Phương tiện trợ giúp khác

Về lâu dài, cần trang bị hệ thống các phương tiện trợ giúp hiện đại nhằm bảo đảm  hiệu quả tối đa của những giờ lên lớp. Micro không dây, đèn chiếu, bảng cuốn... là những phương tiện cần có nhằm bảo đảm  cho giáo viên có thể sử dụng tối đa quỹ thời gian cho một buổi lên lớp. Các phương tiện này cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuẩn bị chu đáo hơn của giáo viên trước khi lên lớp.

Trên đây là những nội dung cơ bản của các chuyên đề mà nhóm tác giả sẽ đề cập và phân tích chi tiết ở phần sau, trong từng chuyên đề cụ thể. Những nội dung này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiến hết sức quan trọng cho việc đổi mới nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy, đào tạo môn Luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội, nhằm đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất.

Khoa học môi trường nói chung và khoa học pháp lý về môi trường nói riêng là lĩnh vực khá rộng và tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu về môi trường, pháp luật bảo vệ môi trường, đặc biệt là năng lực giảng dạy môn Luật môi trường là vấn đề mà các tác giả còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Những hạn chế, sai sót trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực này là không thể tránh khỏi. Tập thể tác giả rất mong nhận được sự góp ý chân thành của Hội đồng nghiệm thu đề tài cùng toàn thể các bạn bè đồng nghiệp để đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo môn học Luật môi trường tại trường đại học Luật Hà Nội nói riêng và ở các cơ sở đào tạo Luật nói chung.

Ban chủ nhiệm đề tài cùng tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn.

 Ban chủ nhiệm đề tài

 

 



[1] Môi trường biển là thành phần chủ yếu và hết sức quan trọng của môi trường nước. Nhưng hiện nay, với những tác động ngày một gia tăng của con người , đặc biệt là các hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản, giao thông vận tải, du lịch, dầu khí... đã làm cho môi trường biển bị đặt trước những nguy cơ ô nhiễm rất cao. Hơn lúc nào hết, bảo vệ môi trường biển là một nhiệm vụ cấp bách và cần được đặc biệt ưu tiên trong bảo vệ các nguồn nước. Chính vì lý do  đó, đề tài được thực hiện trên cơ sở chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường biển trong quá trình nghiên cứu các qui định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường  nước nói chung. 

[2] Điều 2 Luật bảo vệ môi trường Việt nam 1993

[3] Với tư cách là cán bộ tư pháp xã, phường

[4] Phương pháp này được nghiên cứu trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, năm 2001.

 

 

File đính kèm downloadTải về