• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng tập hệ thống hoá các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp
Nội dung tóm tắt

NỘI DUNG TÓM TẮT

Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho các cán bộ có chức danh tư pháp là một trong các biện pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Ngay từ những khoá đào tạo đầu tiên, Học viện Tư pháp đã chú trọng đến việc xây dựng hệ thống hồ sơ vụ án dùng làm tài liệu cho các bài học tình huống. Tuy vậy, các hồ sơ vụ án mới chỉ được biên tập lại một cách đơn giản cho phù hợp với ý đồ sư phạm của mỗi bài học chứ chưa được phân tích, bình luận một cách thấu đáo để học viên học tập những cách làm đúng và rút kinh nghiệm những cách làm không đúng trong thực tiễn. Việc xử lý hồ sơ tình huống phụ thuộc vào giáo viên lên lớp, vì vậy, nhiều khi cùng một tình tiết, sự kiện trong hồ sơ nhưng các giáo viên khác nhau khi lên lớp có cách đánh giá không giống nhau. Mặt khác, trong khoa học pháp lý nước ta, các vấn đề liên quan đến các vụ án điển hình (án lệ), giá trị của chúng đối với thực tiễn xét xử, đối với việc hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật cũng như đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp (như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư) còn khá mới mẻ.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp" là công trình đầu tiên ở cấp độ đề tài cấp bộ đề cập tới vấn đề này. Đề tài đặt ra mục đích nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn các vụ án điển hình, vai trò của các vụ án điển hình đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp (CCDTP), các tiêu chí lựa chọn vụ án điển hình, quy trình biên soạn lại các vụ án đã được xét xử trong thực tiễn để xây dựng Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo CCDTP.

Dưới đây là nội dung tóm tắt của đề tài:

I. VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

1. Án lệ và việc sử dụng án lệ ở một số nước trên thế giới

Để góp phần xác định đúng vị trí, vai trò của án lệ ở Việt Nam, đề tài đã giới thiệu đôi nét về vai trò của án lệ ở các nước theo truyền thống án lệ (Common Law) và ở các nước theo truyền thống dân luật (Civil Law).

Ở nhiều nước trên thế giới, án lệ có vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng, áp dụng, nghiên cứu, học tập pháp luật. Các nước theo truyền thống luật Anh - Mỹ coi án lệ là một nguồn quan trọng của pháp luật. Cùng với sự giao thoa giữa các truyền thống pháp luật, các nước theo truyền thống luật thành văn, trong đó có Liên bang Nga, Trung Quốc cũng coi trọng vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án. Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống luật thành văn, mà trước hết là luật XHCN, cũng đã bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng án lệ. Từ chủ trương phát triển án lệ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị, đến nay, Tòa án tối cao đã cho biên tập và công bố một số vụ án điển hình, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các thẩm phán cũng như những đối tượng có quan tâm khác. Trong khuôn khổ và mức độ nhất định có thể coi đây là những án lệ đầu tiên của nước ta.

2. Vụ án điển hình theo quan niệm của Việt Nam và tiêu chí phân loại

2.1. Khái niệm và các đặc trưng của vụ án điển hình

Thuật ngữ án lệ tuy không tồn tại ở Việt Nam theo cách hiểu của các nhà làm luật Anh - Mỹ nhưng vẫn có các biểu hiện dưới dạng các vụ án điển hình được phân tích, nghiên cứu trong báo cáo tổng kết hàng năm của Toà án nhân dân tối cao. Tại Học viện tư pháp (trước đây là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp) thường sử dụng các hồ sơ thực tế để làm tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên và học viên. Các hồ sơ vụ án được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định được sử dụng như những tình huống để phục vụ cho từng nội dung bài học nhất định. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vụ án (dù đó là vụ án được nhắc đến trong báo cáo tổng kết hoặc được sử dụng làm hồ sơ tình huống tại Học viện Tư pháp) đều có thể được coi là điển hình. Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay thì các vụ án được coi là vụ án điển hình để có thể xây dựng thành tài liệu học tập cho học viên là những vụ án sau đây:

- Là vụ án được tổng kết từ các vụ án  thường xảy ra, đã được nhiều toà án xét xử ở nhiều thời gian khác nhau;

- Là vụ án được tổng kết từ các vụ án mà việc áp dụng pháp luật có nhiều điểm chưa thống nhất, có thể do pháp luật nội dung quy định chưa rõ, còn thiếu, điều văn khó hiểu, dễ bị hiểu khác nhau, do đó, bản án tuyên ra có thể khác nhau và gây nhiều tranh cãi;

- Là văn bản đã được một Toà án xét xử và đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị, so với các vụ án cùng loại thì việc áp dụng pháp luật có nhiều ưu điểm, bổ sung được những quan điểm mà việc trước đó dễ bị hiểu nhầm, hiểu sai, khó hiểu; đưa ra được cách lý giải hợp lý, hợp tình; bổ sung cách hiểu đúng cho những thiếu sót mà nhà lập pháp chưa nói đến trong văn bản pháp luật áp dụng, do đó, bản án tuyên ra có sức thuyết phục, hợp lý, hợp tình, dễ thi hành;

- Là vụ án đã được xây dựng lại trên cơ sở điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao, các tình tiết vụ án bao hàm nhiều vấn đề bức xúc, phức tạp của đời sống xã hội; việc áp dụng pháp luật đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết mới bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh;

- Là vụ án có thể dùng cho Thẩm phán và những đối tượng khác tham khảo trong quá trình tố tụng hay hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

2.2. Mục đích của việc xây dựng vụ án điển hình

 Ở nước ta, việc xây dựng các án lệ bước đầu chỉ đặt trên mục đích phục vụ cho việc giảng hạy, học tập và nghiên cứu, từng bước sẽ dùng làm tài liệu cho thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ.

2.3. Tiêu chí xây dựng, phân loại các vụ án điển hình

* Tiêu chí xác định vụ án điển hình:

- Về nội dung, các tình tiết của vụ án điển hình mang tính khái quát cao.

- Về mặt áp dụng pháp luật, vụ án điển hình phải đảm bảo các yêu cầu như các chứng cứ phải đầy đủ, có sức thuyết phục, bản án tuyên ra có căn cứ, có sức thuyết phục, có khả năng thi hành trong thực tế.

- Về mặt thủ tục: vụ án điển hình phải bảo đảm tuân thủ trình tự tố tụng do luật định, không vi phạm thủ tục tố tụng.

- Về mặt hiệu quả: phải góp phần khắc phục được những thiếu sót do nhận thức không đúng hoặc chưa đúng về pháp luật nội dung và tố tụng áp dụng, hoặc làm căn cứ khi giải quyết các vụ án cùng loại.

* Tiêu chí phân loại vụ án điển hình:

Tùy theo mục đích sử dụng vụ án điển hình mà các vụ án điển hình có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Có thể đề cập tới một số tiêu chí phân loại vụ án điển hình sau đây:

- Phân loại theo lĩnh vực án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án: vụ án hình sự; vụ án dân sự (trong đó bao hàm cả bản án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại và lao động); vụ án hành chính.

- Phân loại theo nội dung các vụ việc cụ thể: các vụ án về ma tuý; các vụ án về mại dâm; các tội phạm về chức vụ; vụ án giải quyết tranh chấp đất đai, nhà ở; vụ án về ly hôn; vụ án về thừa kế; vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng; vụ án giải quyết tranh chấp ngoài hợp đồng; vụ án giải quyết tranh chấp lao động…

- Phân loại theo tính chất xét xử: bản án, quyết định sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm; quyết định tái thẩm.

- Ngoài ra, có thể phân loại theo các loại án mà thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do cách hiểu không thống nhất hoặc có nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ…

3. Giá trị của các vụ án điển hình được Tòa án nhân dân tối cao tổng kết đối với hoạt động xét xử ở nước ta

3.1. Chức năng hướng dẫn công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao

Một trong các hình thức chỉ đạo và hướng dẫn công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao là việc Toà án tối cao xác định và phân tích các vụ án đã được xét xử có sai sót đã bị giám đốc thẩm trong báo cáo tổng kết xét xử hàng năm (thời gian gần đây là trong các tham luận, báo cáo chuyên đề của các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao) để đánh giá những mặt yếu kém, những sai sót thường gặp trong hoạt động xét xử của từng vụ án cụ thể, từ đó Toà án tối cao sẽ khái quát những yêu cầu chung trong hoạt động xét xử cho thẩm phán khi áp dụng pháp luật phải thống nhất giữa các Toà án địa phương và giữa các cấp Toà án. Do đó việc xác định, phân tích đánh giá các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết của Toà án nhân dân tối cao hàng năm không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn công tác xét xử cho Toà án nhân dân các cấp mà nó còn ý nghĩa bảo đảm không can thiệp hoặc làm ảnh hưởng đến nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

3.2. Đặc điểm của các vụ án điển hình được đưa vào báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án nhân dân tối cao

- Là những vụ án tương đối phổ thông, xảy ra nhiều ở các địa phương trong toàn quốc;

- Là những vụ án được xét xử không đúng pháp luật hoặc trong giải quyết có nhiều vướng mắc, phải xét xử lại nhiều lần, có nhiều khiếu kiện hay kháng nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Là những vụ án mà trong quá trình giải quyết có sai sót về thủ tục tố tụng như các sai sót về thẩm quyền, thời hiệu, xác định sai tư cách đương sự, sai thẩm quyền của người đại diện cho đương sự; trình tự xác minh, thu thập chứng cứ không đúng quy định của pháp luật và các sai sót khác trong quá trình tố tụng;

- Những vụ án có sai sót về việc áp dụng pháp luật nội dung: việc hiểu pháp luật không đúng dẫn đến áp dụng sai; không cập nhật được các quy định mới của pháp luật hoặc pháp luật nội dung có nhiều cách hiểu, cách áp dụng dẫn tới sai sót trong việc giải quyết vụ án;

- Những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo (hoặc đương sự) cùng gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước và xã hội, đặc trưng cho các tội phạm mới trong nền kinh tế thị trường như tội phạm ma tuý, tội mại dâm, tội tham nhũng hay các vụ kiện tranh chấp khác trong các vụ án kinh tế, lao động đặc trưng cho các quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường;

- Là các loại vụ việc mà luật chưa quy định hết, nhưng do yêu cầu và tính chất chính trị xã hội, Toà án cần phải xét xử do đó trong báo cáo tổng kết cần hướng dẫn và làm sáng tỏ;

Các vụ án được lựa chọn có thể phát sinh trong các lĩnh vực khác nhau như: hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.

3.3. Vai trò của các vụ án điển hình được Toà án nhân dân tối cao tổng kết đối với công tác xét xử của Toà án 

Việc Toà án nhân dân tối cao đưa ra các vụ án điển hình để phân tích, bình luận có ý nghĩa dưới nhiều phương diện:

* Dưới phương diện lý luận:

- Xây dựng, hình thành cách hiểu thống nhất về một quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau.

- Tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung hoàn thành chỉnh các quy định pháp luật.

- Tạo cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải thích chính thức pháp luật.

- Phát hiện các bất cập trong hệ thống pháp luật thực định từ đó có định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

* Dưới phương diện thực tiễn:

- Là căn cứ để áp dụng pháp luật theo nguyên tắc tương tự.

- Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình không chỉ chỉ đạo tư duy và hành động của các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vụ án mà nó còn định hướng hoạt động cho các chủ thể tham gia quá trình tố tụng vụ án.

- Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình trong tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn định hướng dư luận xã hội đối với các bản án được xét xử khi vụ án có nhiều cách hiểu khác nhau.

II. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM

1. Khái quát về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam

1.1. Khái niệm và phân loại các chức danh tư pháp

Để hiểu thế nào là chức danh tư pháp cần làm rõ các khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quan niệm thống nhất và chính thức về các khái niệm tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp, các chức danh tư pháp. Các khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp, chức danh tư pháp mang tính tương đối và được hiểu trong từng ngữ cảnh cụ thể.

Theo Hiến pháp Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền đó. Bởi vậy, khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp được hiểu rộng hơn cách hiểu của nước ngoài. Theo quan điểm khá phổ biến của Việt Nam thì tư pháp được hiểu gồm toàn bộ các hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau nhằm giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật. Hoạt động tư pháp ở Việt Nam không chỉ là hoạt động xét xử mà còn nhiều hoạt động khác nhau. Hệ thống cơ quan tư pháp không chỉ bao gồm toà án mà còn có các cơ quan khác như viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án...

Chức danh tư pháp (hay một số văn bản gọi là cán bộ có chức danh tư pháp) là một thuật ngữ mới được sử dụng trong đời sống pháp lý ở nước ta. Cần phân biệt thuật ngữ cán bộ pháp luật với thuật ngữ chức danh tư pháp. Cán bộ pháp luật là từ chung để chỉ tất cả những người có kiến thức pháp luật nhất định (ví dụ, có trình độ cử nhân luật) đang công tác trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật. Khái niệm chức danh tư pháp là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ những người có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn theo quy định, được Nhà nước bổ nhiệm hoặc công nhận theo thủ tục luật định, có thẩm quyền độc lập để thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của hoạt động giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật.

Theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì các chức danh tư pháp chỉ bao gồm: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên. Học viện Tư pháp có chức năng đào tạo “các chức danh tư pháp” nhưng hiện nay chỉ đào tạo một số chức danh tư pháp như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên và công chứng viên.

1.2. Đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp

Tuy văn bản đầu tiên quy định về đào tạo nghề trước khi bổ nhiệm chức danh tư pháp là Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực (quy định về đào tạo nguồn bổ nhiệm công chứng viên) được ban hành vào cuối năm 2000 nhưng hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1998, khi Trường Đào tạo các chức danh tư pháp tiến hành khóa đào tạo nguồn thẩm phán đầu tiên ở Việt Nam. Dưới đây, nhóm nghiên cứu đề cập một cách khái quát về hoạt động đào tạo một số chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

- Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán: được Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (nay là Học viện Tư pháp) tiến hành từ năm 1998, có nghĩa là trước khi Pháp lệnh Thẩm phán và hội thẩm nhân dân năm 2002 quy định điều kiện bắt buộc để bổ nhiệm Thẩm phán là phải được đào tạo nghề. Tính đến thời điểm nghiên cứu đề tài, Học viện Tư pháp đã đào tạo được 10 khoá với khoảng hơn 2.900 học viên đã tốt nghiệp ra trường.

- Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên: trước khi thành lập Học viện Tư pháp thì việc đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên do Trường Cao đẳng kiểm sát (Trường Cao đẳng kiểm sát tại Hà Nội và Trường Cao đẳng kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Thực hiện Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC-TCCB của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân  tối cao về việc quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp thì Trường Cao đẳng kiểm sát không còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên. Nhiệm vụ này được chuyển giao cho Học viện Tư pháp. Để thực hiện nhiệm vụ mới này, Học viện Tư pháp đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên. Năm 2004, Học viện Tư pháp đã tổ chức 01 khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm sát 6 tháng cho Viện kiểm sát quân sự trung ương với 50 học viên. Năm 2005, Học viện Tư pháp đã tiến hành lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên khoá II với thời gian đào tạo 12 tháng. Đến nay, Học viện đã tiến hành đào tạo được 4 khóa Kiểm sát viên với hơn 850 học viên.

- Hoạt động đào tạo nguồn luật sư: được tiến hành từ năm 2001, sau khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 có hiệu lực pháp luật. Tính tới thời điểm nghiên cứu đề tài, Học viện Tư pháp đã đào tạo 3 khoá luật sư tập sự (thời gian đào tạo 4 tháng) và 6 khoá đào tạo nghiệp vụ luật sư (thời gian đào tạo 6 tháng). Các khoá đào tạo nghiệp vụ luật sư được tiến hành giảng làm hai đợt học trong một năm.

- Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm chấp hành viên: được Học viện Tư pháp bắt đầu từ năm 2002. Tính tới thời điểm nghiên cứu đề tài, Học viện Tư pháp đã đào tạo 5 khoá nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên với hơn 1.000 học viên đã tốt nghiệp ra trường.

- Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm công chứng viên: được Học viện Tư pháp bắt đầu từ năm 2000, sau khi ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực. Tính tới thời điểm nghiên cứu đề tài, Học viện Tư pháp đã đào tạo 6 khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm Công chứng viên với khoảng 300 học viên đã tốt nghiệp ra trường.

Tuy Học viện Tư pháp đang áp dụng nhiều chương trình đào tạo khác nhau, nhưng xét một cách tổng thể thì hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp đều mang các đặc điểm chung như sau:

Thứ nhất, về đối tượng đào tạo: phải có bằng cử nhân luật; riêng người học các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên còn phải thuộc biên chế các cơ quan toà án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, có thâm niên công tác và trong diện quy hoạch bổ nhiệm theo các chức danh.

Thứ hai, về mục tiêu đào tạo: Chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp hướng tới các mục tiêu sau đây:

(i) Trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản ban đầu cho những người sẽ được bổ nhiệm các chức danh tư pháp;

(ii) Nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp;

(iii) Cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của các chức danh;

Thứ ba, về nội dung chương trình đào tạo: tuy hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đang được Học viện Tư pháp thực hiện theo những chương trình riêng biệt nhưng các chương trình có cấu trúc khá giống nhau và gồm các nội dung chính như sau:

Phần chuyên đề chung: phần chuyên đề chung thường chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình. Phần này có các nhóm chuyên đề sau: Các chuyên đề về nhận thức nghề nghiệp các chức danh tư pháp; Các chuyên đề pháp luật nội dung và tố tụng; Các chuyên đề bổ trợ cho hoạt động nghề nghiệp theo từng chức danh.

Phần kỹ năng: phần này giới thiệu kỹ năng nghề nghiệp theo từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên. Đây là nội dung quan trọng nhất của chương trình (chiếm khoảng 60% tổng thời lượng chương trình đào tạo). Phần kỹ năng được chia thành 2 nội dung: Kỹ năng chung và kỹ năng giải quyết một số vụ việc cụ thể.

Phần diễn án: trong Phần kỹ năng, học viên còn được rèn luyện kỹ năng điều hành phiên toà ở các buổi diễn án. Trong các buổi diễn án, các học viên sẽ được phân vai theo hồ sơ vụ án thực tế để tiến hành diễn án. Hiện nay, các bài học diễn án chỉ áp dụng cho các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư.

Phần thực tập: thời gian thực tập được bố trí trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán và kiểm sát viên. Chương trình đào tạo nguồn luật sư, chấp hành viên, công chứng viên không có thời gian thực tập. Phần thực tập chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình. Các học viên được chia thành từng nhóm để thực tập tại các toà án, viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh.  

Thứ tư, về phương pháp đào tạo: xuất phát từ yêu cầu đặc thù của hoạt động đào tạo nghề sau đại học mà Học viện Tư pháp áp dụng rộng rãi phương pháp giải quyết tình huống và diễn án.

   2. Vai trò của hồ sơ vụ án trong việc thực hiện phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp

2.1. Phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp.

Thực tế đào tạo CCDTP của Học viện Tư pháp trong thời gian gần 10 năm qua đã chứng tỏ phương pháp giải quyết tình huống rất phù hợp với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, được các học viên và giảng viên đánh giá rất cao, vì nó mang lại nhiều hứng thú cho cả giảng viên và học viên trong giờ học, làm phong phú kiến thức cho cả hai phía, đặc biệt là học viên. Phương pháp giải quyết tình huống được coi là phương pháp chủ đạo trong hoạt động đào tạo CCDTP. Với những mức độ khác nhau, phương pháp giải quyết tình huống có thể được áp dụng cho tất cả các nội dung trong chương trình đào tạo CCDTP hiện đang được áp dụng tại Học viện Tư pháp. Nhưng nội dung trong các chương trình đào tạo sử dụng rộng rãi và triệt để nhất phương pháp giải quyết tình huống là các bài học kỹ năng.

Các bài kỹ năng trong tất cả các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng tại Học viện Tư pháp đều được thiết kế giống nhau gồm 3 phần cơ bản:       

- Bài giảng lý thuyết: giới thiệu tổng quát về các vấn đề mang tính lý thuyết về kỹ năng cho học viên.

- Các bài nghiên cứu tình huống: tuỳ theo nội dung của từng bài học trong mỗi chương trình đào tạo các chức danh tư pháp mà học viên có thể được học một hoặc một số tình huống theo các hồ sơ vụ án cụ thể. Từ lý thuyết kỹ năng đã được trang bị ở bài lý thuyết, trong bài học tình huống, học viên tự mình thực hiện (hoặc nhận xét về cách thức thực hiện) một số hoạt động nghề nghiệp cụ thể theo từng chức danh tư pháp dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

- Đối thoại - kiểm tra: giảng viên và học viên sẽ trao đổi với nhau để giải quyết các các vấn đề còn chưa rõ từ bài học hoặc các vướng mắc phát sinh từ thực tế hành nghề của học viên.

2.2. Vai trò của hồ sơ vụ án trong việc áp dụng phương pháp giải quyết tình huống

Để áp dụng phương pháp giải quyết tình huống thì một loại tài liệu không thể thiếu là các hồ sơ tình huống. Đây là hồ sơ các vụ việc đã được giải quyết trong thực tiễn, được Học viện Tư pháp rút từ hồ sơ lưu trữ của toà án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành dân sự, cơ quan công chứng ở các địa phương trong toàn quốc. Các hồ sơ này được photocopy nguyên bản từ hồ sơ gốc và được biên tập lại cho phù hợp với nội dung và ý đồ sư phạm của từng bài học trong mỗi chương trình đào tạo.

Thời gian học tập tình huống trên cơ sở hồ sơ vụ án chiếm phần lớn trong tổng số thời gian học chuyên môn của toàn khoá. Trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư thì các buổi học kỹ năng thông qua các hồ sơ vụ án thực tế thường chiếm hơn 60% thời lượng chương trình đào tạo. Từ thực tế trên có thể thấy rằng, việc thực hành trên các hồ sơ vụ án là nội dung cơ bản của chương trình đào tạo. Các hồ sơ vụ án thực sự là tài liệu, phương tiện rất quan trọng trong các chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP.

   3. Thực trạng sử dụng hồ sơ tình huống trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp

Thực tế sử dụng hồ sơ vụ án phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập tại Học viện Tư pháp trong thời gian qua nổi lên mấy vấn đề sau đây:

- Hồ sơ các vụ án được sử dụng khá phổ biến trong ba chương trình đào tạo là: đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, đào tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên và đào tạo nguồn bổ nhiệm luật sư. Với tính chất đào tạo nghề theo hướng cầm tay, chỉ việc thì việc học theo hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế chiếm tỷ lệ lớn trong toàn quỹ thời gian của mỗi chương trình đào tạo.

- Hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế được coi là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác giảng dạy và học tập tại Học viện Tư pháp. Thông qua việc giải quyết các vấn đề đặt ra từ hồ sơ, các học viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, nhận xét về cách thức tiến hành các hoạt động tố tụng, thể hiện qua hồ sơ vụ án từ đó đúc kết thành kinh nghiệm cho học viên.

- Ý thức được tầm quan trọng của hồ sơ vụ án trong các chương trình đào tạo, thời gian qua, Học viện đã sưu tầm được một số lượng lớn hồ sơ vụ án trong các lĩnh vực khác nhau, tiến hành biên tập lại để làm tài liệu giảng dạy và học tập. Các hồ sơ đã được biên tập và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đánh mã số, sắp xếp ổn định theo từng tình huống và làm đáp án theo yêu cầu của tình huống đó. Cách thức giao nhận hồ sơ đã được thực hiện thành nề nếp với một chương trình thực hành tương đối ổn định.

- Về số lượng, chất lượng hồ sơ: theo kết quả điều tra sơ bộ trong học viên về chất lượng hồ sơ các vụ án dùng trong hoạt động đào tạo, nhiều ý kiến học viên cho rằng hồ sơ các vụ án chưa phong phú, mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập còn hạn chế, một số hồ sơ vụ án chưa thật sát với nội dung bài học, một số hồ sơ vụ án có tình tiết đơn giản, nhiều hồ sơ được giải quyết theo quy định của pháp luật cũ (cả pháp luật tố tụng lẫn pháp luật nội dung).

- Một số hồ sơ chưa được biên tập kỹ theo ý đồ sư phạm của từng bài học, do đó, giá trị sử dụng chưa cao. Một số hồ sơ không có yêu cầu nghiên cứu cụ thể do đó khi nhận hồ sơ, các học viên lúng túng không biết cần xử lý hồ sơ như thế nào. Nhiều hồ sơ chưa có đáp án chi tiết cho các vấn đề đặt ra từ hồ sơ, do đó, giáo viên lên lớp đưa ra kết quả xử lý hồ sơ không thống nhất.

- Tuyệt đại đa số hồ sơ vụ án hiện đang được sử dụng là các hồ sơ đã được giải quyết trong thực tế, thiếu các hồ sơ mang tính chất mẫu với việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung một cách đúng đắn để học viên học tập kinh nghiệm.

III. CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP VÀ NHU CẦU XÂY DỰNG TẬP HỆ THỐNG HOÁ CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

1. Cải cách tư pháp và nhu cầu mở rộng hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp

Như phần trên đã trình bày, hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đang được thực hiện theo những chương trình riêng biệt. Các chương trình này, tuy giống nhau về cấu trúc chung nhưng các nội dung cụ thể lại khác xa nhau. Các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người học theo từng chức danh mà người học sẽ đảm nhiệm trong tương lai chứ chưa chú trọng trang bị kỹ năng của các chức danh tư pháp khác. Vì vậy, các học viên tốt nghiệp ra trường cũng chỉ biết về các kỹ năng của chức danh mà mình đảm nhiệm. Khi được bổ nhiệm vào các chức danh, các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tiến hành các hoạt động tố tụng của mình một cách biệt lập. Mức độ hiểu biết về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kỹ năng nghề nghiệp của các chức danh tư pháp khác rất hạn chế. Chính vì vậy sự phối hợp công tác giữa các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong cùng một vụ việc là không tốt. Với mặt bằng kiến thức khác nhau thì việc lựa chọn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ các luật sư giỏi là không thể thực hiện được, hoặc cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể yêu cầu những luật sư được lựa chọn bổ nhiệm làm thẩm phán, kiểm sát viên phải học bổ sung một khoá đào tạo nghề tương ứng với chức danh mà họ được dự kiến bổ nhiệm, và điều này lại gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho xã hội. Do đó, chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cần chú trọng trang bị các kỹ năng nghề nghiệp chung cho cả ba chức danh.

Bên cạnh đó, muốn xây dựng đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, kiên định về lập trường tư tưởng cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phải được coi là biện pháp chủ đạo. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp vừa phải mở rộng về quy mô, vừa phải nâng cao chất lượng. Bên cạnh việc trang bị một cách đầy đủ, hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp theo từng chức danh, chương trình đào tạo còn phải quan tâm tới việc giới thiệu các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của các chức danh khác. Muốn vậy, các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng riêng biệt cho từng chức danh cần được chỉnh sửa, bổ sung làm hài hòa hoá các nội dung tiến tới việc xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo thống nhất cho cả ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

2. Sự cần thiết phải xây dựng các vụ án điển hình để nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

Hiện nay, Học viện Tư pháp chưa tiến hành biên tập để xuất bản các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Các hồ sơ vụ án mà Học viện Tư pháp đang sử dụng trong các khóa đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp chỉ có ý nghĩa giúp học viên hình dung cách thức thực hiện một số hoạt động nghề nghiệp trong thức tế. Các hồ sơ này chỉ phản ánh một cách trung thực cách thức tác nghiệp của các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên trong thực tế mà thôi. Các hồ sơ này hoàn toàn chưa có ý kiến bình luận của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, do đó, khi nghiên cứu các hồ sơ đó học viên không biết được đúng - sai như thế nào, tại sao đúng, tại sao sai, nên làm cái gì, không nên làm cái gì?

   Bởi vậy, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CCDTP, bên cạnh việc bổ sung các hồ sơ vụ việc đã được giải quyết trong thực tế còn cần phải tổ chức biên tập và xuất bản thường xuyên các vụ án điển hình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau đã được tòa án xét xử trong thực tế.

3. Quy trình xây dựng hồ sơ vụ án điển hình làm tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp

3.1. Những hồ sơ vụ án hình sự được lựa chọn làm vụ án điển hình

Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập, khi xây dựng các vụ án hình sự điển hình phải dựa vào một vụ án thực tế đã được Toà án giải quyết. Vì vụ án điển hình có nhiều tiêu chí khác với vụ án bình thường nên phải lựa chọn trong số các vụ án đã giải quyết những vụ án bảo đảm được tiêu chí của vụ án điển hình. Có thể lựa chọn những vụ án sau xây dựng thành hồ sơ vụ án điển hình:

-  Về thời gian: Đó phải là những vụ án áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999. Những vụ án này có giá trị hướng dẫn học viên áp dụng ngay vào thực tiễn công tác và sử dụng được lâu dài. Nếu lựa chọn những vụ án mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 sẽ không phù hợp với thực tế xét xử, do đó không có giá trị cho việc nghiên cứu giảng dạy và học tập.

- Những vụ án giải quyết đúng pháp luật: Đây là những vụ án mà quá trình giải quyết vụ án đều tuân theo các quy định của pháp luật, bản án chính xác, có sức thuyết phục. Để lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình phải bảo đảm các điều kiện sau:

+ Về mặt nội dung, phải là vụ án có những tình tiết phức tạp. Dựa vào nội dung vụ án này, người biên tập có thể xây dựng thành những tình tiết mang tính khái quát cao. Nếu lựa chọn những vụ án tuy giải quyết đúng pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội nhưng đó là vụ án quá đơn giản, sự việc rõ ràng, người phạm tội bị bắt quả tang thì tính điển hình thấp, hạn chế giá trị sử dụng.

+ Về áp dụng pháp luật, các điều khoản pháp luật được áp dụng hoàn toàn phù hợp với tính chất của vụ án, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Bản án vận dụng đúng đường lối xử lý tội phạm kết hợp hài hoà giữa phương châm và chính sách hình sự trong từng thời kỳ, bổ sung và làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

+ Về thủ tục tố tụng, tất cả các hoạt động tố tụng đều được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng pháp luật, bảo đảm về trình tự thẩm quyền, thủ tục tiến hành và thời hạn giải quyết.

+ Về giá trị sử dụng của vụ án, có thể dùng vụ án này làm khuôn mẫu cho học viên học tập. Sử dụng vụ án này học viên được củng cố thêm cho những kiến thức đã học và biết cách vận dụng nó vào quá trình công tác để những vụ án do chính mình đảm nhiệm cũng được giải quyết tốt như vụ án điển hình.

- Những vụ án giải quyết được các vấn đề vướng mắt trong thực tiễn áp dụng pháp luật:

Khi áp dụng pháp luật vào việc giải quyết vụ án, có nhiều vấn đề do pháp luật chưa dự liệu hết nên không điều chỉnh hoặc quy định rất chung chung làm cho việc nhận thức về điều luật rất khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền lại chưa có văn bản hướng dẫn hoặc đã hướng dẫn nhưng chưa rõ làm cho việc giải quyết vụ án rất khó khăn. Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều vướng mắc xảy ra. Đó là hiểu thế nào là “trường hợp cần thiết” khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố nhưng viện kiểm sát hoặc toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng; khi viện kiểm sát rút truy tố trong những trường hợp nhiều tội phạm đã được nhập để điều tra trong cùng một vụ án, mỗi bị cáo bị truy tố một tội khác nhau, rút truy tố đối với một bị cáo giữ nguyên truy tố hay rút một phần quyết định truy tố; vấn đề Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau khi viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ đã được điều tra bổ sung, các thành viên của Hội đồng xét xử có được tiếp tục xét xử vụ án đó hay không, vấn đề áp dụng thẩm quyền của toà án cấp phúc thẩm: Ngoài việc xem xét để

giảm trách nhiệm hình sự cho những bị cáo không kháng cáo, cũng không bị kháng cáo, kháng nghị thì toà án cấp phúc thẩm có được xem xét các phần khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị không, hiểu và vận dụng nguyên tắc “không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo” như thế nào; khi có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu. Hội đồng xét xử phúc thẩm có được sửa bản án sơ thẩm tuyên bố bị cáo vô tội không; có được sửa bản án sơ thẩm áp dụng tội danh nặng hơn tội danh đã truy tố không; khi phát hiện việc điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì quyết định huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại hoặc chỉ có quyền kiến nghị cấp giám đốc thẩm giải quyết... Đối với việc áp dụng pháp luật về nội dung cũng có rất nhiều vướng mắc khi xét xử các tội phạm có ranh giới gần nhau giữa hình sự, dân sự, kinh tế. Những loại tội này, trong những trường hợp cụ thể có nhiều ý kiến khác nhau. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát cho rằng bị cáo phạm tội, nhưng ý kiến khác lại cho rằng chỉ là quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự là hình sự hoá các quan hệ dân sự. Đối với các tình tiết định khung hình phạt như thu lợi bất chính lớn, đặc biệt lớn, hàng phạm pháp có số lượng lớn, đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nên vận dụng vào thực tiễn xét xử rất khó khăn.

Những vụ án được lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình là những vụ án giải quyết tốt được vấn đề vướng mắc trên, góp phần bổ sung những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng các nhà làm luật chưa dự kiến hết. Những vụ án này có tác dụng hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, cách giải quyết vụ án trong những trường hợp tương tự.

- Những vụ án có nhiều sai sót trong cách giải quyết cần phải khắc phục.

Bên cạnh việc lựa chọn các vụ án làm điển hình tốt, cũng cần lựa chọn vụ án có sai lầm thiếu sót để rút kinh nghiệm chung, giúp học viên tránh nó và không bao giờ mắc phải. Đây là những vụ án mà việc giải quyết có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như Hội đồng xét xử không đúng luật, xét xử sai thẩm quyền, xét xử không có người bào chữa trong những trường hợp luật quy định bắt buộc phải có, xét xử vắng mặt bị cáo không đúng với các trường hợp do luật quy định, xét xử không có biên bản nghị án hoặc biên bản nghị án, bản án không có đủ chữ ký của các thành viên hội đồng xét xử…; là những vụ án mà việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ, chỉ tin vào hồ sơ, xét hỏi qua loa đại khái, không hỏi hết những người cần xét hỏi hoặc có hỏi thì chỉ chú ý xác định chứng cứ buộc tội, không xem xét gì đến chứng cứ gỡ tội làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác; là vụ án mà kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, kết luận chỉ dựa vào ý chí chủ quan của người xét xử, không dựa trên những chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, nên không phản ánh đúng những sự kiện thực tế đã xảy ra. Ví dụ, bị cáo bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, thực tế thì thương tích của nạn nhân chỉ là 15%, nhưng giám định pháp y kết luận tỷ lệ thương tật 45%. Toà án không kiểm tra, so sánh với các chứng cứ khác, đã tin vào kết luận giám định và xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.  Đó còn là những vụ án mà việc áp dụng Bộ luật hình sự có những sai lầm nghiêm trọng như kết án người không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, định tội danh sai, áp dụng không đúng các trường hợp loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi (tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ) cho hưởng án treo không đúng với quy định của Điều 60, tổng hợp hình phạt không đúng với quy định của Điều 50, Điều 51... của Bộ luật hình sự.

3.2. Những hồ sơ vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính được lựa chọn làm vụ án điển hình

Trước đây, việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính được tiến hành theo những thủ tục tố tụng riêng, trên cơ sở quy định của những văn bản pháp luật  khác nhau như: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Ngày 15/6/2004, Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01/1/2006, thay thế cho các Pháp lệnh quy định về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế và tranh chấp  lao động. Riêng các vụ án hành chính vẫn được giải quyết theo một thủ tục tố tụng riêng, quy định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Việc xây dựng hồ sơ vụ việc dân sự (bao hàm cả vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động) và vụ việc hành chính có nhiều điểm giống nhau. Tiêu chí để lựa chọn hồ sơ vụ việc dân sự và hành chính là:

- Những vụ án xét xử đúng có thể làm mẫu để học tập:

Đây là những vụ án mà hồ sơ thể hiện việc giải quyết của toà án hoàn toàn đúng cả về pháp luật tố tụng cũng như pháp luật nội dung. Tất cả các giấy tờ liên quan đến thủ tục tố tụng đều được lập rõ ràng, chính xác, đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, từ giấy triệu tập đương sự đến các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất, biên bản hoà giải, các quyết định… đều chuẩn về hình thức, đúng về nội dung. Các hồ sơ này sẽ được xây dựng thành những vụ án điển hình đúng và sẽ được sử dụng làm mẫu cho hoạt động giải quyết vụ án về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung.

- Những vụ án mà việc giải quyết có nhiều ý kiến khác nhau:

Các sai sót hoặc ý kiến khác nhau có thể liên quan đến tố tụng hoặc nội dung. Các ý kiến khác nhau về thủ tục tố tụng xoay quanh việc ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, hay quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên toà. Để xác định quyết định nào là đúng cần phải đối chiếu những tình tiết của vụ án với căn cứ của những quyết định này được quy định trong luật hoặc hướng dẫn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao.

Thực tế có nhiều hồ sơ vụ án mà thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự không chính xác hoặc có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Ví dụ: trong vụ án bồi thường thiệt hại phát sinh từ quan hệ xây dựng, do tiền tạm ứng chi phí giám định quá lớn, nguyên đơn không thể nộp được tiền tạm ứng chi phí giám định. Nhưng nếu không có kết quả giám định thì toà án không có căn cứ để chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, trong khi đó thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết. Nhiều toà án đã lựa chọn giải pháp ra quyết định tạm đình chỉ đến khi nào nguyên đơn có tiền nộp tạm ứng chi phí giám định thì toà án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án, nhưng pháp luật tố tụng không quy định về căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp này. Có toà án lại ra quyết định đưa vụ án xét xử vì theo quy định của pháp luật tố tụng đương sự có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ; khi người yêu cầu trưng cầu giám định không nộp tạm ứng chi phí giám định dẫn đến việc không tiến hành giám định được thì toà án có thể căn cứ vào các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án để giải quyết vụ án. Cách giải quyết này là đúng với quy định của pháp luật, nhưng nhiều khi rất khó áp dụng trong thực tế do điều kiện kinh tế, sự hiểu biết pháp luật các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Do vậy đối với những hồ sơ này cần phải hết sức thận trọng. Người biên tập phải đưa ra những kết luận trên cơ sở pháp luật, chứ không phải là dựa trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Lựa chọn các hồ sơ này sẽ giúp học viên rút được những kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý những tình huống tương tự trong thực tiễn xét xử.

Đối với hồ sơ vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng pháp luật nội dung. Thông thường đây là hồ sơ của những vụ án khó xác định đúng quan hệ tranh chấp, chẳng hạn có thể nhầm lẫn giữa thiệt hại trong hợp đồng (ví dụ hợp đồng gửi giữ hoặc hợp đồng vận chuyển) với thiệt hại ngoài hợp đồng; nhầm lẫn giữa hợp đồng vay tiền với hợp đồng dịch vụ, giữa hợp đồng dịch vụ với hợp đồng uỷ quyền... do các loại quan hệ này có nhiều điểm giống nhau khó phân định nên đã có nhầm lẫn khi xác định quan hệ. Sự nhầm lẫn này vốn xuất phát từ tính phức tạp của những quan hệ dân sự, nhất là khi Bộ luật Dân sự mới được ban hành và mới có hiệu lực trong thời gian gần đây.

- Những vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:

Thực tiễn xét xử cho thấy vì nhiều lý do, trong nhiều trường hợp việc giải quyết một vụ án dân sự có thể có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Có thể đơn cử một số vi phạm thủ tục tố tụng thường gặp như sau:

+ Vi phạm về thẩm quyền xét xử:

Thực tế thường gặp các sai sót khi xác định thẩm quyền xét xử của toà án liên quan đến thẩm quyền theo vụ việc (nhầm lẫn giữa tranh chấp dân sự với tranh chấp kinh doanh, thương mại hoặc lao động; nhầm lẫn giữa thẩm quyền giải quyết vụ việc của toà án và trọng tài thương mại; giữa toà án với Uỷ ban nhân dân), theo cấp xét xử (nhầm lẫn giữa thẩm quyền giảI quyết của toà án cấp huyện và toà án cấp tỉnh) hoặc thẩm quyền theo lãnh thổ (xung đột về thẩm quyền giải quyết vụ việc giữa các toà án của các địa phương khác nhau đối với một vụ việc cụ thể, thường gặp khi xác định toà án có thẩm quyền giải quyết căn cứ vào nơi cu trú của bị đơn, nơi có tài sản đang tranh chấp, nơi thực hiện hợp đồng…).

+ Vi phạm thủ tục triệu tập đương sự:

Việc triệu tập đương sự là thủ tục tưởng như đơn giản nhưng lại dễ sai sót. Bởi trong tố tụng chỉ thừa nhận việc triệu tập nếu việc triệu tập đó là hợp lệ. Triệu tập hợp lệ đương sự là việc triệu tập bao gồm cả việc gửi giấy triệu tập của toà án và việc nhận được giấy triệu tập của đương sự. Với trường hợp đương sự nhận và xác nhận đã nhận giấy triệu tập thì vấn đề là đơn giản. Toà án chỉ cần lưu trong hồ sơ cuống giấy triệu tập đương sự. Trường hợp đương sự không nhận giấy triệu tập thì cũng phải có văn bản giấy tờ xác nhận sự kiện này. Bởi đây là căn cứ pháp lý đảm bảo cho việc tiến hành giải quyết vắng mặt đương sự đó là đúng luật. Tuy vậy, có những vụ án mà trong hồ sơ thể hiện việc xét xử vắng mặt này là có những lý do được quy định trong pháp luật.   

+ Xác định không đúng, không đầy đủ người tham gia tố tụng:

Vấn đề người tham gia tố tụng trong nhiều vụ án tưởng như rất đơn giản, nhưng trong nhiều trường hợp có thể chỉ vì xác định không đúng tư cách của đương sự mà vụ án không giải quyết được hoặc bị huỷ bỏ các kết quả giải quyết. Tư cách đương sự trong tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động được xác định cụ thể thành nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan, trong đó điều khó khăn nhất là xác định đúng tư cách bị đơn. Thông thường, bị đơn được xác định trên cơ sở phải có quan hệ pháp luật về nội dung với nguyên đơn, nghĩa là phải là người bị nguyên đơn kiện vì bị cho rằng đã xâm hại hoặc tranh chấp quyền lợi với nguyên đơn. Nhưng trong một số trường hợp, bị đơn có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật với nội dung có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật nội dung. Chẳng hạn trong vụ giải quyết bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông thì thông thường chủ phương tiện là bị đơn, còn người trực tiếp gây tai nạn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (Điều 622, Điều 627 Bộ luật dân sự). Hoặc có trường hợp việc xác định tư cách đương sự xuất phát từ sự thừa kế và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng: trường hợp đương sự chết thì người thừa kế của họ sẽ tham gia tố tụng. Trong trường hợp việc xác định tư cách đương sự không được thực hiện theo đúng những nguyên tắc trên thì vụ án bị xác định là có vi phạm về thủ tục tố tụng. Lựa chọn và xây dựng những vụ án này có thành điển hình cũng sẽ giúp cho các thẩm phán tương lai có được bài học lớn để vận dụng vào thực tiễn xét xử sau này.

+ Những vụ án mà việc thu thập chứng cứ không đầy đủ:

Việc việc thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ được hiểu là thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không thu thập đầy đủ các chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án hoặc đánh giá không chính xác, không khách quan, thiếu toàn diện các chứng cứ đã thu thập được. Đây có thể là những chứng cứ do đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp; cũng có thể đó là chứng tứ do toà án đã thu thập, xác minh bổ sung bằng các biện pháp khác nhau, nhưng nếu thiếu các chứng cứ này thì toà án cũng không thể giải quyết vụ án chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Hồ sơ những vụ án loại này thường sơ sài. Bên cạnh đó, có nhiều hồ sơ chứa đựng nhiều loại giấy tờ không liên quan đến yêu cầu cần giải quyết, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án. Ví dụ: đương sự kiện đòi lại diện tích đất mà cho công dân khác mượn sử dụng trong một thời gian dài. Bên bị đơn thừa nhận việc mượn này, đồng ý trả với điều kiện là bên nguyên đơn phải đền bù cho mình một khoản tiền là công tôn tạo hoặc đề nghị nguyên đơn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bị đơn với một mức tiền theo thoả thuận. Trong vụ án này, toà án chỉ cần xác định phương thức giải quyết tranh chấp để trả đất như thế nào. Trong thực tế, toà án mất nhiều thời gian để xác định có đúng việc mượn đất hay không, tiến hành đo đạc diện tích nhà đất mà hiện cả hai bên đang sử dụng rồi lập hội đồng giám định giá đối với toàn bộ nhà đất đó, còn diện tích đất bị tranh chấp thì gần như không quan tâm. Rõ ràng trong trường hợp này, toà án có tiến hành điều tra nhưng vẫn không đầy đủ, thiếu những chứng cứ để giải quyết đúng vụ án.

+ Những vụ án có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ làm cho kết luận của bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án:

Vấn đề đánh giá chứng cứ là vấn đề rất phức tạp, thậm chí trong nhiều vụ án còn được coi là phức tạp nhất. Thông thường căn cứ để đánh giá chứng cứ là những quy định của pháp luật nội dung. Ví dụ: để xác định tính hợp pháp của di chúc cần phải nghiên cứu vào những điều kiện của một di chúc hợp pháp được quy định trong Bộ luật dân sự. Tuy vậy, có không ít trường hợp việc đánh giá chứng cứ phải căn cứ vào tập quán hoặc kinh nghiệm, như tranh chấp quyền sở hữu một con trâu đi lạc, một con lợn bị mất do bão lũ…. Do vậy, khi lựa chọn hồ sơ những loại án này, cần hết sức thận trọng và nhất thiết phải có sự thống nhất cao giữa các giáo viên kể cả giáo viên lý thuyết cũng như giáo viên thực hành trong tổ bộ môn.

+ Những vụ án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật:

Đây là những vụ án mà toà án đã giải quyết không đúng quan hệ tranh chấp hoặc xác định đúng quan hệ pháp luật nhưng không áp dụng đúng quan hệ pháp luật. Ví dụ: bỏ sót người thừa kế, đưa người không có quyền thừa kế vào diện thừa kế, tính lãi suất và lãi suất chậm trả không đúng theo những quy định của Bộ luật dân sự và những văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

3.3. Lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình theo loại việc:

- Trong lĩnh vực hình sự:

Các vụ án hình sự về các loại tội phạm khác nhau đã được các toà án xét xử thì rất nhiều, nhưng chỉ nên lựa chọn một số vụ án trong một số nhóm tội thường gặp mà việc xét xử có nhiều vướng mắc. Các vụ án này được xây dựng thành vụ án điển hình sẽ giúp học viên biết học tập hoặc nên tránh những gì khi giải quyết vụ án, và các vụ án này cũng góp phần khắc phục những thiếu sót do pháp luật chưa quy định hoặc quy định không đầy đủ để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với từng trường hợp tương tự. Cần lựa chọn hồ sơ những vụ án sau: án về ma tuý ; án về nhóm tội tham nhũng; án về nhóm tội kinh tế; án về nhóm tội xâm phạm sở hữu; án về nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ.

- Trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại và lao động:

Những vụ án dân sự hiện nay được xét xử tại Toà án rất nhiều. Cùng với những vụ án hình sự thì những vụ án dân sự là những loại án được xét xử nhiều nhất hiện nay. Nếu chọn hồ sơ của tất cả các vụ án dân sự thì rất nhiều. Do vậy chỉ nên lựa chọn hồ sơ một số vụ án thường gặp hoặc việc giải quyết đang có nhiều tranh cãi trong một số lĩnh vực sau đây: án về tranh chấp hợp đồng; án về thừa kế; án về quyền sử dụng đất; án về nhà ở; án về hôn nhân và gia đình; án về tranh chấp hợp đồng trong hoạt động kinh doanh; án về tranh chấp công ty; án về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; án về tranh chấp lao động về việc làm, tiền lương; án về sa thải; án về bồi thường thiệt hại cho người lao động.

- Trong lĩnh vực Hành chính: Cần lựa chọn hồ sơ những vụ án sau: án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng; án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế; án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

3.4. Lựa chọn vụ án điển hình theo cấp xét xử:

Toà án Việt Nam tiến hành xét xử theo hai cấp xét xử. Tất cả các bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể bị xét lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ những bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm do Toà án nhân dân tối cao tiến hành. Ngoài ra còn có một thủ tục đặc biệt nhằm xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc lựa chọn hồ sơ theo cấp xét xử, một mặt, giúp cho học viên nắm được quy trình xây dựng hồ sơ xét xử ở từng cấp xét xử, một mặt có thể giúp học viên xác định được những thiếu sót mà ở từng cấp xét xử hay mắc phải. Đặc biệt qua hồ sơ án phúc thẩm và hồ sơ giám đốc thẩm, có thể xác định được những sai lầm mà toà án cấp sơ thẩm hay mắc phải. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các học viên lớp đào tạo nguồn thẩm phán. Do vậy, việc lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình cũng cần tiến hành theo cấp xét xử: Hồ sơ vụ án do Toà án cấp sơ thẩm xét xử; Hồ sơ vụ án do Toà án cấp phúc thẩm xét xử; Hồ sơ những vụ án đã giám đốc thẩm, tái thẩm.

Với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay thì việc thu thập các vụ án đã được giải quyết trong thực tế để biên tập, xây dựng thành Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là:

Thứ nhất, khả năng tiếp cận với hồ sơ các vụ án, nhất là các vụ án đáp ứng các tiêu chí lựa chọn như đã nêu trên là rất hạn chế. Do nhận thức về việc công khai hóa các vụ án đã được xét xử chưa thống nhất, nên nhiều tòa án không tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn và rút hồ sơ. Mặt khác, do chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các ngành trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó có việc chuẩn bị tài liệu cho việc giảng dạy và đào tạo nên việc rút hồ sơ, biên tập lại theo ý đồ sư phạm riêng của từng bài học gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, thực tế việc sưu tầm, biên tập hồ sơ vụ án đã được giải quyết trong thực tế thời gian qua cho thấy, các tòa án chỉ cho rút hồ sơ những vụ việc đơn giản, đã được xét xử từ lâu và ít có sai sót trong xét xử, bởi vậy nguồn hồ sơ vụ án để biên tập lại thành các vụ án điển hình, dùng làm tài liệu cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp còn chưa phong phú, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn như đã xác định.

3.5. Tổ chức biên tập:

Việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình do những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử và giảng dạy đảm nhiệm. Lựa chọn và xây dựng hồ sơ mỗi một loại vụ án (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) sẽ được giao cho từng tổ bộ môn đảm nhận. Để công việc này được tiến hành thống nhất giữa các tổ bộ môn, ban chủ nhiệm đề tài họp với các giáo viên nòng cốt trong các tổ để thống nhất các tiêu chí các vụ án điển hình. Các tổ giáo viên tiến hành họp để thống nhất lựa chọn những hồ sơ nào và phân công người thực hiện. Để có những vụ án thật điển hình, Ban giám đốc nhà trường làm việc với các đồng chí Chánh án các toà án tạo mọi điều kiện thuận lợi và cho phép các đồng chí giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án đã xét xử để lựa chọn hồ sơ những vụ án điển hình, đảm bảo các tiêu chí của nó. Căn cứ vào công việc được phân công, quy trình xây dựng vụ án đã thống nhất, các giáo viên nghiên cứu, lựa chọn hồ sơ vụ án và biên tập xây dựng các vụ án điển hình.

Có thể tóm tắt các bước của công việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình như sau:

Bước 1: họp tổ giáo viên thống nhất các tiêu chí vụ án điển hình;

Bước 2: phân công giáo viên lựa chọn vụ án theo loại việc và theo cấp xét xử;

Bước 3: làm việc với toà án để nghiên cứu các vụ án đã có hiệu lực pháp luật, chọn ra những vụ án điển hình;

Bước 4: giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án để lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình.

Sau khi đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ các vụ án được lựa chọn làm vụ án điển hình, các giáo viên tiến hành việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Quá trình này bao gồm những công việc sau đây:

a) Tóm tắt nội dung vụ án đã lựa chọn.

Sau khi nghiên cứu thật kỹ, giáo viên sẽ viết tóm tắt lại toàn bộ nội dung vụ án. Khi tóm tắt, không chép lại các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ, mà chỉ trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu này tóm tắt những diễn biến quan trọng nhất để có thể xác định nội dung cơ bản của vụ án. Ví dụ trong vụ án dân sự, từ việc nghiên cứu đơn khởi kiện, những giấy tờ, tài liệu do đương sự cung cấp, những tài liệu, chứng cứ do toà án xác minh, thu thập thêm, cũng như  toàn bộ diễn biến tại phiên toà, giáo viên sẽ viết toàn bộ nội dung vụ án. Việc tóm tắt vụ án phải đảm bảo tính khái quát, khách quan, trung thực. Bởi lẽ, để có thể bình luận về cách giải quyết vụ án của Toà án là đúng hay sai, chỉ có thể căn cứ vào diễn biến, nội dung của vụ án để đánh giá.

b) Ghi toàn bộ bản án hoặc quyết định về việc giải quyết vụ án của Toà án:

Ngoài việc tóm tắt nội dung vụ án, để có thể có đủ căn cứ đánh giá sự đúng sai trong cách giải quyết của toà án, cần  phải biết vụ án đó đã được toà án giải quyết thế nào. Cách giải quyết này thường được thể hiện ở bản án. Do vậy, khi biên tập hồ sơ vụ án điển hình, người làm công tác biên tập phải ghi lại toàn bộ bản án. Công việc này có thể được phép sao y bản chính (photo). Trường hợp bản án gốc bị mờ thì có thể cho đánh máy lại nhưng phải bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, vì nhiều khi, chỉ cần diễn đạt khác một chút là vấn đề cần giải quyết có thể là một cách hoàn toàn khác.

Đối với những vụ án mà việc giải quyết không phải bằng một bản án mà bằng một quyết định, thì quyết định kết thúc vụ án cũng phải được sao chép lại toàn bộ. Đối với vụ án hình sự thì ghi lại toàn bộ bản kết luận điều tra và cáo trạng.

Căn cứ vào bản án hoặc quyết định này, trên cơ sở nội dung của vụ án đã được tóm tắt, người biên tập đưa ra những đánh giá, kết luận việc giải quyết vụ án cả về phương diện nội dung và trên phương diện tố tụng.

c) Nhận xét về cái đúng, cái sai có tính chất tiêu biểu của vụ án, phù hợp với ý đồ sư phạm trong chương trình đào tạo:

Đây là phần việc quan trọng nhất trong quy trình biên tập hồ sơ vụ án điển hình. Người biên tập trên cơ sở tóm tắt nội dung vụ án và kết luận giải quyết của toà án thông qua bản án hoặc một quyết định, phải nêu được những nhận xét của mình về cách giải quyết của toà án. Xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng hồ sơ điển hình, người biên tập phải nhận xét một cách trực tiếp về sự đúng hoặc sai trong giải quyết vụ án của toà án, dựa trên cơ sở pháp luật, cụ thể là trên cơ sở tiêu chí và những nội dung đã thống nhất trong quá trình lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình. Do vậy, nhận xét việc giải quyết đúng sai không chỉ đơn thuần là đúng hay sai do áp dụng pháp luật nội dung mà còn phải nhận xét cả sự đúng sai về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết vụ án của toà án.

d) Kết luận rút ra sau khi nhận xét, bình luận:

Từ nhận xét về sự đúng sai trong cách giải quyết của toà án, người biên tập phải đưa ra những kết luận cụ thể: đối với những vụ án được giải quyết đúng thì cần kết luận về tính mẫu mực của hồ sơ vụ án này, theo đó các học viên có thể sử dụng làm mẫu cho việc giải quyết những vụ án tương tự cả về nội dung cũng như thủ tục. Tất nhiên, hồ sơ mẫu ở đây phải được hiểu là làm mẫu về cách làm, về quy trình chứ không phải coi hồ sơ mẫu là căn cứ xét xử. Việt Nam là nước xét xử không căn cứ vào án lệ mà căn cứ vào pháp luật.

Đối với những vụ án có những sai sót, người biên tập cũng phải chỉ rõ từng điểm sai về thủ tục hay áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra kết luận cần phải giải quyết như thế nào để khi gặp vụ án tương tự, học viên tránh được những sai sót và giải quyết như cách làm đúng.

Đối với hồ sơ những vụ án mà cách giải quyết còn gây nhiều tranh cãi, người biên tập cũng phải đưa ra kết luận về phương hướng cách xử lý tình huống này nên thừa nhận những thực tiễn mà nhiều người công nhận hay cần phải xin ý kiến hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trên cơ sở phân tích những sai sót (về tố tụng và về nội dung), người biên tập sẽ đưa ra cách làm chuẩn để học viên học tập.

đ) Sắp xếp hồ sơ, đóng quyển để làm tài liệu giảng dạy học tập:

Đây là công đoạn cuối cùng trong quy trình xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Trên cơ sở các giấy tờ là kết quả của quá trình biên tập, bao gồm tóm tắt nội dung vụ án, bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án và những tài liệu cần thiết khác, những nhận xét, kết luận của mình, người biên tập thực hiện tiếp các công việc sau đây:

- Sắp xếp hồ sơ, theo thứ tự các giấy tờ:

+ Tóm tắt nội dung vụ án;

+ Các tài liệu cần thiết của vụ án, bản án, quyết định hoặc giấy tờ cần thiết khác;

+ Nhận xét và bình luận của người biên tập;

+ Cách làm chuẩn của người biên tập theo đúng quy định của pháp luật, các hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, phù hợp với thực tiễn xét xử của các toà án.

- Đóng quyển: Trên cơ sở vụ án đã được biên tập hoàn chỉnh sẽ đóng thành các quyển dùng làm tài liệu cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, học viên và các đối tượng quan tâm khác./.

Nội dung toàn văn

LỜI NÓI ĐẦU

1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

          Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho các cán bộ có chức danh tư pháp là một trong các biện pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ: "Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ; một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kỷ cương, pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước”. Để khắc phục tình trạng nói trên, Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh trong đó chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo các chức danh. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh với việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Học viện Tư pháp (tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp) tuy là một cơ sở đào tạo mới được thành lập nhưng đã liên tục tổ chức các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp (CCDTP) như: Thẩm phán, Thư ký Toà án, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Kiểm sát viên. Mục tiêu xuyên suốt của các khoá đào tạo là trang bị một cách hệ thống và toàn diện các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản nhất cho học viên để họ có thể hành nghề một cách độc lập khi được bổ nhiệm theo từng chức danh tư pháp. Với tính chất đào tạo nghề theo hướng cầm tay, chỉ việc thì phương pháp đào tạo chủ yếu và xuyên suốt là phương pháp giải quyết tình huống. Thông qua việc tự mình xử lý các vấn đề đặt ra từ những vụ việc cụ thể trong thực tế, học viên được trang bị và rèn luyện các kỹ năng phân tích và áp dụng pháp luật; thu thập, phân tích, đánh giá, sử dụng chứng cứ; thực hiện và điều hành các hoạt động tố tụng; lập luận và trình bày vấn đề; soạn thảo các văn bản tố tụng... Trong phương pháp đào tạo này thì nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên Học viện Tư pháp là hồ sơ các vụ án đã được xét xử trong thực tế. Qua việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đặt ra từ hồ sơ vụ án, học viên sớm được tiếp cận với các vấn đề đặt ra từ thực tiễn hành nghề, tìm cách giải quyết chúng, từ đó khái quát hoá thành những kinh nghiệm nghề nghiệp theo từng chức danh cụ thể.

Ngay từ những khoá đào tạo đầu tiên, Học viện Tư pháp đã chú trọng đến việc xây dựng hệ thống hồ sơ vụ án dùng làm tài liệu cho các bài học tình huống. Học viện Tư pháp đã lựa chọn và rút hàng ngàn bộ hồ sơ vụ án đã được xét xử từ các Toà án địa phương để phục vụ từng bài học trong chương trình đào tạo của mình. Tuy vậy, các hồ sơ vụ án mới chỉ được biên tập lại một cách đơn giản cho phù hợp với ý đồ sư phạm của mỗi bài học chứ chưa được phân tích, bình luận một cách thấu đáo để học viên học tập những cách làm đúng và rút kinh nghiệm những cách làm không đúng trong thực tiễn. Việc xử lý hồ sơ tình huống phụ thuộc vào giáo viên lên lớp, vì vậy, nhiều khi cùng một tình tiết, sự kiện trong hồ sơ nhưng các giáo viên khác nhau khi lên lớp có cách đánh giá không giống nhau.

Mặt khác, trong khoa học pháp lý nước ta, các vấn đề liên quan đến các vụ án điển hình (án lệ), giá trị của chúng đối với thực tiễn xét xử, đối với việc hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật cũng như đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp (như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư) còn khá mới mẻ. Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng đã đặt vấn đề nghiên cứu vai trò của án lệ. Thực tế đó đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình dùng làm nguồn tài liệu tham khảo cho hoạt động giảng dạy và học tập trong các khoá đào tạo, bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm CCDTP. Trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến án lệ còn chưa được nghiên cứu thấu đáo về khoa học thì việc thực hiện đề tài này sẽ góp phần làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn của án lệ trong đời sống pháp lý, nhất là trong hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam.

          2. Tình hình nghiên cứu đề tài

          Trên thế giới, các vấn đề liên quan đến án lệ đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Việc tập hợp và ban hành án lệ trở thành công việc thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động lập pháp cũng như hành pháp của nhiều quốc gia. Hệ thống pháp luật của Việt Nam trước đây chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống luật xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là của Liên-xô (cũ). Trong thời kỳ này, vai trò của án lệ không được đề cao. Trong bước quá độ sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Hoạt động xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật đã bắt đầu đề cao giá trị của những vụ án đã được xét xử trong thực tế. Việc nghiên cứu làm rõ kinh nghiệm nước ngoài về sử dụng án lệ, bản chất của án lệ và vai trò của nó đối với công tác xây dựng, áp dụng, nghiên cứu, giảng dạy và học tập pháp luật bắt đầu được quan tâm.

          Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), thông qua hoạt động xét xử của mình và các Toà án địa phương, thường xuyên tổng kết công tác xét xử các loại án trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm và ra các hướng dẫn cho các Toà án địa phương nhằm thực hiện việc xét xử thống nhất, đúng pháp luật, công bằng và khách quan. Từ nhiều năm nay, TANDTC đều có Báo cáo tổng kết hàng năm (trong những năm gần đây là các Báo cáo chuyên đề), trong đó đề cập tới nhiều vụ án đã được xét xử trong thực tế để phân tích, mổ xẻ các sai sót từ đó đề ra quan điểm và đường lối xử lý thích hợp cho các vụ án tương tự. Tuy không chính thức thừa nhận đây là án lệ nhưng trong thực tiễn xét xử, các Thẩm phán thường áp dụng theo đúng phân tích của TANDTC trong các báo cáo tổng kết hoặc báo cáo chuyên đề về công tác xét xử.

          Thời gian gần đây, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu giá trị của các vụ án đã được xét xử trong thực tiễn đối với hoạt động xây dựng pháp luật, áp dụng, nghiên cứu, giảng dạy và học tập pháp luật. Dưới sự hỗ trợ về tài chính của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TANDTC đang thực hiện đề tài phương pháp soạn thảo bản án hình sự, dân sự, hành chính; Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với đề tài “Vai trò của thực tiễn xét xử trong việc hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật’’. Một số nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn cũng đã nêu nhiều vụ án thực tiễn để bình luận với mục đích làm sáng tỏ các vấn đề về pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung như PGS. TSKH Lê Cảm, Thẩm phán TANDTC Đinh Văn Quế... Ngoài ra, trên các tạp chí nghiên cứu pháp lý, báo cũng có nhiều bài viết đề cập tới các vụ án đã được giải quyết để đưa tin và bình luận, trong đó một số vấn đề pháp lý được mổ xẻ khá sâu sắc.

          Trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo pháp luật cơ bản (như: Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp (như Trường Cao đẳng Kiểm sát, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tòa án, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp mà nay là Học viện Tư pháp) đã đào tạo, bồi dưỡng được một số lượng lớn cán bộ pháp luật cho đất nước. Phụ thuộc vào đối tượng đào tạo, mục đích, yêu cầu của hoạt động đào tạo mà các cơ sở này sử dụng các phương pháp đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu khác nhau. Trong hệ thống tài liệu học tập, các cơ sở đã cố gắng biên tập lại các hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế để làm tài liệu giảng dạy và học tập. Nhiều giảng viên trong các cơ sở đào tạo pháp luật cơ bản và đào tạo nghề cũng đã khái thác các tình tiết trong những vụ án đã được xét xử trong thực tiễn để xây dựng các tình huống sư phạm. Tuy vậy, mức độ sử dụng các hồ sơ vụ án này còn rất hạn chế. Học viện Tư pháp mà tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp là cơ sở đầu tiên sử dụng rộng rãi hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tiễn để làm nguồn tài liệu cho việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho học viên. Tuy vậy, các vấn đề liên quan đến vụ án điển hình, nhất là việc xây dựng các vụ án điển hình và sử dụng chúng làm nguồn tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và một số chức danh tư pháp khác chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và thấu đáo. Đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp’’ là công trình đầu tiên ở cấp độ đề tài cấp bộ đề cập tới vấn đề này.

          3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

          Đề tài đặt ra mục đích nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn các vụ án điển hình, vai trò của các vụ án điển hình đối với công tác đào tạo CCDTP, các tiêu chí lựa chọn vụ án điển hình, quy trình biên soạn lại các vụ án đã được xét xử trong thực tiễn để xây dựng Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo CCDTP.

          Với mục đích đó, Đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể như sau:

          - Làm rõ kinh nghiệm sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo chuyên gia pháp luật ở nước ngoài để rút ra các kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam;

          - Đánh giá vai trò của việc phân tích, bình luận các vụ án đã được xét xử trong thực tế đối với hoạt động thực tiễn của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và các chức danh tư pháp khác, nhất là đối với hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp nói trên;

          - Đánh giá thực trạng sử dụng hồ sơ các vụ án đã được xét xử trong thực tiễn trong việc sử dụng phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động đào tạo CCDTP ở Việt Nam để chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm của việc sử dụng hồ sơ các vụ án trong việc thực hiện phương pháp đào tạo đặc thù của Học viện Tư pháp từ đó có giải pháp biên tập các vụ án điển hình cho phù hợp với mục đích và phương pháp đào tạo;

          - Xây dựng quy trình tuyển lựa các vụ án điển hình, cách thức biên tập lại cho phù hợp với ý đồ sư phạm, cách thức xuất bản thành Tập hệ thống hoá và cách thức sử dụng cho hoạt động đào tạo CCDTP tại Học viện Tư pháp.

          4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Đề tài vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để luận giải bản chất và vai trò của các vụ án điển hình đã được xét xử trong thực tiễn đối với hoạt động áp dụng pháp luật, hoạt động giảng dạy và học tập kỹ năng nghề nghiệp của CCDTP. Từ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Chiến lược cải cách tư pháp, Đề tài dự báo nhu cầu đào tạo CCDTP cả về số lượng và chất lượng, từ đó khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình và sử dụng làm tài liệu cho công tác đào tạo CCDTP ở Việt Nam.

Để giải quyết các nhiệm vụ đề tài đặt ra, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể như phương pháp phân tích, tổng hợp, luật học so sánh, khảo sát thực tiễn.    

          5. Những đóng góp mới của công trình nghiên cứu

          Công trình nghiên cứu đã có các đóng góp  mới sau đây:

          - Chỉ ra bản chất của án lệ; điều kiện hình thành án lệ và vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của các nước trên thế giới, nhất là các nước điển hình cho các truyền thống pháp luật và các nước có điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều nét tương đồng với Việt Nam;

          - Khẳng định vai trò quan trọng của các vụ án điển hình đối với thực tiễn hoạt động tư pháp ở nước ta; đánh giá vai trò của các vụ án điển hình đối với công tác đào tạo CCDTP ở Việt Nam;

          - Đánh giá toàn diện và sâu sắc thực trạng hoạt động đào tạo CCDTP cũng như thực trạng sử dụng hồ sơ các vụ án trong việc thực hiện chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP ở Việt Nam;

          - Xây dựng được quy trình biên tập các vụ án điển hình để xuất bản thành Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình phục vụ cho công tác đào tạo CCDTP và cho các đối tượng quan tâm khác.

          6. Địa chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu

          Các kết quả nghiên cứu đã đạt được có giá trị tham khảo cho việc biên tập các vụ án dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP mà trước hết là các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cũng như việc biên tập để xuất bản định kỳ Tập hệ thống hoá các vụ án đã được xét xử trong thực tế, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật.

          7. Kết cấu của Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu

          Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, Báo cáo phúc trình đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ với đề tài: "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp" có nội dung gồm 3 chương:

Chương 1: Vụ án điển hình và vai trò của nó đối với công tác đào tạo                            các chức danh tư pháp.

          Chương 2: Thực trạng sử dụng hồ sơ các vụ án trong công tác đào tạo                          các chức danh tư pháp ở Việt Nam.

          Chương 3: Chiến lược đào tạo các chức danh tư pháp và nhu cầu xây                                      dựng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình.

          Dưới đây là nội dung của từng chương.

CHƯƠNG 1:

VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ

ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

 

1.1. ÁN LỆ VÀ VIỆC SỬ DỤNG ÁN LỆ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

          Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống pháp luật dân sự (Civil Law), bởi vậy, án lệ (Precedent) không phải là nguồn luật áp dụng ở Việt Nam và do đó, nó không mang tính ràng buộc đối với Toà án. Tuy nhiên, án lệ càng ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong đời sống pháp lý ở nước ta. Để góp phần xác định đúng vị trí, vai trò của án lệ ở Việt Nam, công trình nghiên cứu sẽ giới thiệu đôi nét về vai trò của án lệ ở các nước theo truyền thống án lệ (Common Law) và ở các nước theo truyền thống dân luật (Civil Law).

1.1.1. Án lệ và nguyên tắc áp dụng án lệ ở các nước theo truyền thống án lệ (Common Law)

 

          *Sự ra đời của án lệ:

          Vào thế kỷ thứ 12, tại Anh, lần đầu tiên các Toà án Hoàng gia của Nhà Vua được thành lập bên cạnh Hội đồng Nhà vua và các Toà án này khi xét xử đã áp dụng những tập quán thông dụng đối với toàn bộ đất nước chứ không áp dụng tập quán của một địa phương nào đó như Toà án địa phương áp dụng, do đó luật pháp áp dụng khi xét xử là luật tập tục thông dụng và từ đó, khái niệm thông pháp (Common Law) ra đời.

          Sau đó các Thẩm phán khi xét xử phải có nghĩa vụ ra các phán quyết mang tính nhất quán với các phán quyết trước đó của Toà án Hoàng gia. Nguyên tắc này được gọi là stare decisis[1]. Nguyên tắc này yêu cầu Thẩm phán phải dựa theo các phán quyết trước đây khi xét xử các vụ án có những tình tiết tương đồng. Mặt khác, nguyên tắc này cũng giúp các Thẩm phán đưa ra những phán quyết đối với những vụ án phức tạp khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Trong những trường hợp đó, Thẩm phán thường trích dẫn những phán quyết trước đây đối với những vụ án tương tự.

          Đến thế kỷ 17, khi trào lưu Luật La-mã xâm nhập châu Âu thì Common Law gặp khó khăn để khẳng định sự tồn tại của mình. Nhà Vua muốn áp dụng pháp luật thành văn mà nguồn gốc là Luật La-mã để dễ kiểm soát chặt chẽ hơn việc xét xử của Thẩm phán, nhưng Nghị viện thì lại mong muốn duy trì Common Law, vì có như vậy thì vị trí của các Thẩm phán mới được tôn trọng và khó bị Nhà vua kiểm soát. Kết cục là Nghị viện đã thắng trong cuộc tranh đấu với Nhà vua để duy trì Common Law. Tuy nhiên, Common Law không những đã tồn tại ở Anh mà nó còn phát triển ở các nước khác, ví dụ như: Australia, Canada, New Zealand, Hoa Kỳ và một số nước khác.

          *Khái niệm án lệ:

          Theo Black’s Law Dictionary lần xuất bản thứ 6, trang 814 đưa ra khái niệm án lệ như sau: “Án lệ là vụ án đã xét xử hay phán quyết của toà án được coi là mẫu hoặc có giá trị hiệu lực đối với vụ án tương tự phát sinh sau đó và  đối với những vấn đề pháp lí tương tự. Các toà án cố gắng giải quyết các vụ án trên cơ sở của các nguyên tắc đã được thiết lập trong các vụ án trước đó. Các án lệ này phải có các dữ kiện và nguyên tắc pháp lí gần gũi với vụ án đang được giải quyết. Án lệ là nguyên tắc pháp lí được xác lập lần đầu tiên tại Toà án đối với một dạng án cụ thể và sau đó được dẫn chiếu đến khi giải quyết các vụ án tương tự” [2].

          Một án lệ có cấu trúc chung gồm:

          - Các dữ kiện của vụ án;

          - Phán quyết mẫu, có giá trị hiệu lực do Toà án xác lập.

          *Nguyên tắc áp dụng án lệ:

          Việc áp dụng án lệ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:

          (i) Toà án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của Toà án cấp trên;

          (ii) Toà án cùng cấp không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ của nhau;

          (iii) Trong cùng một Toà án thì Toà án không bị ràng buộc bởi án lệ của chính mình;

          (iv) Các toà án có thể tham khảo nhưng không buộc phải tuân theo án lệ của các toà án không cùng hệ thống pháp luật với mình nhưng có những mối quan hệ theo truyền thống, thí dụ toà án của các nước trong Khối Liên hiệp Anh thường tham khảo án lệ của nhau và của Hoa Kì. Một số án lệ đã được thừa nhận chung và được áp dụng trong nhiều nước theo truyền thống Common Law;

          (v) Khi có đạo luật thành văn thì đạo luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ, tuy nhiên trong trường hợp luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích những quy định thành văn không rõ ràng đó;

          (vi) Toà án không áp dụng án lệ chỉ trong trường hợp chỉ ra được sự khác biệt cơ bản về dữ kiện giữa án lệ và vụ án đang xét xử.

          Mặc dù không quy định về sự ảnh hưởng bắt buộc của án lệ đối với tổ chức ngoài Toà án nhưng trên thực tế, án lệ đã được các cơ quan, tổ chức và công dân rất tôn trọng và có thể nói nhiều khi nó được coi có giá trị như là đạo luật thành văn, đặc biệt là đối với những vụ án liên quan đến giải thích hiến pháp. Khi cơ quan lập pháp không “hài lòng” với án lệ thì cơ quan lập pháp có thể thông qua đạo luật điều chỉnh mối quan hệ được giải quyết bởi án lệ. Điều đó có nghĩa án lệ có thể bị “phủ quyết” (Overruled) bởi cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, ở những nước Toà án có chức năng xem xét tính hợp hiến của luật pháp thì Toà án có thể ra phán quyết về việc đạo luật đó không phù hợp với Hiến pháp. Các cơ quan lập pháp ở nhiều nước theo hệ thống có xu hướng ngày càng ban hành nhiều đạo luật thành văn để hạn chế bớt sự tùy tiện của các quan toà.

          *Vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Toà án:

          Theo Giáo sư Luật học William Geldart thì việc áp dụng nguyên tắc xét xử theo án lệ (Stare Decisis) có những ưu điểm sau đây:

          - Việc xét xử mang tính rõ ràng, xác định trước (Certanity);

          - Pháp luật được phát triển và cụ thể hoá một cách chi tiết thông qua thực tiễn xét xử của Toà án.

          Bên cạnh đó, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử cũng có những hạn chế sau:

          - Việc bắt buộc áp dụng án lệ một cách nghiêm ngặt đã hạn chế sự sáng tạo của các Thẩm phán;

          - Tạo nguy cơ áp dụng tùy tiện án lệ của Thẩm phán;

          - Án lệ được hình thành rất chậm nên ngày càng trở nên không phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế- xã hội.

          - Số lượng các vụ án được Toà án xét xử ngày càng gia tăng nhanh chóng nên nhiều án lệ không được cập nhật. Bên cạnh đó, nhiều vụ án có những tình tiết phức tạp làm phát sinh những mâu thuẫn giữa các vụ án đã được xét xử dẫn đến sự phức tạp trong việc áp dụng án lệ của cả Thẩm phán lẫn Luật sư.

1.1.2. Án lệ ở các nước theo truyền thống Luật dân sự (Civil Law)

 

          Với sự ra đời của Luật La-mã và đặc biệt là Bộ luật dân sự Pháp (Bộ luật Napoleon) vào năm 1804, nhiều nước châu Âu đã chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật dân sự hay còn gọi là pháp luật châu Âu-lục địa. Điểm cơ bản của hệ thống pháp luật này là nguyên tắc áp dụng các văn bản pháp luật thành văn (statutes) do cơ quan lập pháp thông qua chứ không áp dụng án lệ của Toà án.

          Tuy nhiên, chính tại các nước theo truyền thống Luật dân sự càng ngày càng có  xu hướng truy nhập và viện dẫn các bản án trước đây của Toà án cùng cấp hoặc Tòa án cấp cao hơn, đặc biệt của Toà án tối cao về vụ án tương tự so với vụ án đang xét xử để lưu ý Thẩm phán rằng trước đây đã từng có phán quyết của Toà án cấp trên về cùng một sự kiện hoặc về cùng một nguyên tắc pháp lý. Mặc dù các nước theo truyền thống luật thành văn không coi án lệ là một nguồn luật áp dụng nhưng trên thực tế, án lệ đã đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tư pháp.

          Nhưng ngay trong hệ thống các nước theo truyền thống luật dân sự thì việc áp dụng án lệ ở các nước cũng rất khác nhau:

          (i)  Áp dụng án lệ ở Cộng hoà Pháp:

          Thực tiễn xét xử trước khi có Bộ luật dân sự năm 1804 cho phép Thẩm phán Pháp đưa ra những phán quyết mang tính hướng dẫn chung[3] nhưng với sự ra đời của Bộ luật dân sự thì thực tế đó đã bị bãi bỏ. Theo Điều 5 Bộ luật Dân sự Pháp thì các Thẩm phán khi giải quyết vụ án không được phép đưa ra những quy định mang tính hướng dẫn chung. Điều đó có thể hiểu rằng những phán quyết của Toà án Pháp phải mang tính cụ thể áp dụng cho chính vụ án đó và không có ý nghĩa dẫn chiếu cho các vụ án khác. Ngay cả Toà Phá án  (the Cour de Casation) cũng không được phép giải thích pháp luật.

          Những phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được coi là án lệ[4] (le jurisprudence). Tuy án lệ không phải là nguồn luật (đây là một nguyên tắc mang tính hiến định ở Pháp) nhưng trên thực tế, án lệ có vai trò khá quan trọng. Thực tiễn xét xử cho thấy le jurisprudence của Toà Phá án Pháp thông thường được các Toà án các cấp tuân thủ mặc dù không có điều luật cụ thể nào quy định nghĩa vụ của họ phải chấp hành. Khi áp dụng “tinh thần” của những phán quyết trước đây khi xét xử vụ án cụ thể có tình tiết tương tự, Toà án không trích dẫn những phán quyết đó. Nếu Toà án nào đó trích dẫn vụ án cụ thể nào đó làm cơ sở đưa ra phán quyết đối với vụ án đang thụ lý giải quyết thì phán quyết đó bị huỷ bỏ vì bị coi là không có cơ sở pháp lý. Ngay cả khi Toà Phá án muốn huỷ các bản án của Toà án cấp dưới có mâu thuẫn với le jurisprudence của mình thì Toà Phá án cũng không thể dẫn chiếu đến bản án trước đây của mình mà vẫn phải trích dẫn điều luật cụ thể hoặc những nguyên tắc pháp lý nhất định.

          Tuy nhiên, các Toà án cấp dưới, đặc biệt là Toà án cấp phúc thẩm (Cours dappel) cũng có thể giải quyết vụ án không theo tinh thần của le jurisprudence của Toà án cấp trên hay của chính Toà án mình nếu như xét thấy những phán quyết đó không phù hợp pháp luật bởi nghĩa vụ của họ là áp dụng pháp luật chứ không phải là án lệ.

          Vấn đề đặt ra là khi nào phán quyết có hiệu lực của Toà án được coi là le jurisprudence? Thực tiễn xét xử cho thấy không phải bất kỳ một phán quyết có hiệu lực pháp luật nào đều cũng có thể được coi là le jurisprudence để các Thẩm phán tham khảo. Được coi là le jurisprudence khi có một số phán quyết giống nhau của những vụ án có tình tiết giống nhau hoặc là khi bản án của Toà Phá án có tính chất phủ nhận những phán quyết trước đây của mình (overule the previous decisions)[5].

          Tóm lại, để minh hoạ vai trò án lệ ở Pháp chúng ta có thể trích dẫn lời một luật gia nổi tiếng của Pháp khi ông nói về vị trí của án lệ trong hệ thống nguồn luật rằng lịch sử tư pháp Pháp cho thấy la jurisprudence đã trở thành một trong những nguồn luật quan trọng ở Pháp ngay cả khi các Thẩm phán không được phép đưa ra những hướng dẫn chung và ngay cả chính khi các phán quyết chỉ có giá trị pháp lý đối với vụ án cụ thể mà thôi[6].

          (ii) Áp dụng án lệ ở Cộng hoà Liên bang Đức:

          Cũng như Pháp, án lệ của các Toà án Đức không phải là nguồn luật áp dụng đối với các Toà án cấp dưới. Ngay cả đối với Toà án cùng cấp thì về lý thuyết một Toà án có thể đưa ra quan điểm pháp lý hoàn toàn khác khi giải quyết vụ án cụ thể so với quan điểm đã đưa ra trong vụ án đã giải quyết trước đây[7]. Không Toà án nào có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết trước đây của Toà án cùng cấp hoặc của Toà án cấp trên, hoặc của chính mình. Hay nói cách khác, án lệ đã không có hiệu lực pháp lý bắt buộc ở Đức. Khoản 3 Điều 20 Luật Cơ bản (Hiến pháp) của Cộng hoà Liên bang Đức quy định: Thẩm phán có nghĩa vụ xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

          Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định nêu trên vẫn có một số ngoại lệ, thể hiện qua các trường hợp cụ thể sau:

          Thứ nhất: Các quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang về tính hợp hiến của văn bản pháp luật nào đó hoặc tính tuân thủ của văn bản pháp luật của Bang đối với pháp luật liên bang được coi là quyết định mang tính pháp lý có giá trị như một đạo luật áp dụng chung chứ không phải đối với vụ việc cụ thể đó. Toà Hiến pháp Liên bang có quyền quyết định văn bản pháp luật hoặc những quy định pháp luật cụ thể nào đó là trái với Hiến pháp hoặc văn bản pháp luật của bang nào đó là trái với luật pháp liên bang, và tuyên bố văn bản pháp luật hoặc quy định pháp luật đó là vô hiệu.

          Thứ hai: Khi Toà án cấp phúc thẩm đã huỷ án sơ thẩm và giao Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì Toà án cấp sơ thẩm khi xét xử lại vụ án có trách nhiệm phải tuân thủ những nhận định mang tính áp dụng pháp luật mà Toà án cấp phúc thẩm đã nêu ra.

          Thứ ba: Thực tế xét xử cho thấy các Toà án Đức cố gắng bảo đảm việc áp dụng và giải thích pháp luật của Toà án cấp trên được thi hành một cách thống nhất. Ví dụ, tại Toà án tối cao Đức, việc xét xử được thực hiện bởi các Toà mang tính chuyên trách. Nếu một Toà nào đó có ý định đưa ra quan điểm pháp lý khác với quan điểm của Toà khác trong vụ án dân sự hoặc hình sự đã giải quyết trước đây thì vụ việc phải được trình ra Đại hội nghị (Great Senate - tương tự như Hội đồng thẩm pháp Toà án nhân dân tối cao của Việt Nam) của Toà án để quyết định xem quan điểm pháp lý nào được áp dụng cho vụ án cụ thể đó và cho chính các Toà liên quan. Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng quyết định của “Great Senate” không phải là nguồn luật bởi lẽ nó không mang tính áp dụng chung cho các công dân và cho các Toà án nói chung. Với trình tự làm việc như vậy Toà án tối cao Đức bảo đảm việc thống nhất trong áp dụng và giải thích pháp luật bởi Toà án tối cao, tránh tình trạng cùng một vụ việc mà các Toà trong Toà án tối cao giải thích, áp dụng pháp luật một cách khác nhau.

          Thứ tư: Các bản án, quyết định của Toà án cấp trên có những ảnh hưởng rất lớn trên thực tế đối với các Toà án cấp dưới. Nếu có sự xung đột về áp dụng pháp luật giữa Toà án cấp trên và Toà án cấp dưới thì thế nào Toà án cấp trên cũng “thắng” bởi lẽ, cuối cùng thì Toà án cấp trên sẽ phán xét lại vụ án một lần nữa. Các quyết định mang tính áp dụng pháp luật của Toà án cấp trên thông thường có tính thuyết phục đối với Toà án cấp dưới còn bởi lẽ các Thẩm phán Toà án cấp trên thường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn. Vì những lý do như vậy mà xét về yếu tố tâm lý, Thẩm phán của các Toà án cấp dưới thường có xu hướng tuân thủ những án lệ của Toà án cấp trên trong khi giải quyết các vụ án cụ thể có những tình huống tương tự.

(iii) áp dụng án lệ ở Tây Ban Nha:

 

          Trước cuộc Cách mạng Pháp, Toà án ở Tây Ban Nha đã từng áp dụng án lệ trong công tác xét xử. Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của Cách mạng Pháp với thuyết tam quyền phân lập nhưng Toà án Tây Ban Nha vẫn tiếp tục áp dụng án lệ để bổ sung cho luật pháp được quy định thành văn, tập quán và luật tục. Theo Điều 1 Bộ luật Dân sự của Tây Ban Nha thì các nguồn luật bao gồm: 1/ Các đạo luật thành văn (leyes); 2/ Tập quán; 3/ Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật (principios generales del derecho).

Tuy là quốc gia theo truyền thống luật thành văn nhưng Tây Ban Nha vẫn thừa nhận vai trò của án lệ (la doctrina legal[8]) đối với hoạt động xét xử của Toà án. Thực tiễn xét xử đã cho thấy Toà án tối cao (Tribunal Supremo) Tây Ban Nha đã kháng nghị bản án phúc thẩm vì đã không tuân thủ la doctrina legal được đưa ra tại một bản án giám đốc thẩm trước đó [9].

          Việc hình thành án lệ  và áp dụng án lệ ở Tây Ban Nha có những đặc thù sau:

          - La doctrine legal có thể bao hàm án lệ của Toà án tất cả các cấp;

          - Để các bản án có thể trở thành La doctrina legal phải có ít nhất hai bản án với những phán quyết như nhau đối với một quan hệ pháp luật tương tự;

          - Thẩm phán có thẩm quyền rất rộng khi xây dựng án lệ nhưng khi án lệ đã được thừa nhận thì bất kỳ Thẩm phán nào cũng có trách nhiệm tôn trọng và tuân thủ nó. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Toà án tối cao không chịu sự ràng buộc bởi những án lệ của mình bất luật án lệ đó được hình thành từ rất nhiều bản án có hiệu lực của Toà án tối cao. Nhưng thực tế hiếm khi xảy ra trường hợp Toà án tối cao Tây Ban Nha không áp dụng án lệ của chính mình.

          - Nguyên tắc tuân thủ án lệ rất linh hoạt. Nếu Toà án áp dụng sai án lệ thì những Thẩm phán khác không bắt buộc phải áp dụng án lệ đó đối với những vụ án có tình tiết tương tự[10].

          (iv) Vấn đề áp dụng án lệ ở các nước châu Mỹ-latinh:

          Đại đa số các nước châu Mỹ-latinh theo truyền thống pháp luật dân sự. Do đó, về mặt lý thuyết, án lệ không được coi là nguồn luật. Tuy nhiên, cũng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, ở các nước châu Mỹ-latinh, án lệ cũng có vai trò nhất định đối với hoạt động xét xử của Toà án, mà Mexico là một ví dụ điển hình.

Theo quy định của Hiến pháp Mexico thì án lệ (jurisprudencia[11]) được coi là một trong những nguồn luật áp dụng ở Mexico. Tuy nhiên, đa số các học giả và ngay chính Toà án tối cao Mexico cũng thừa nhận rằng không nên coi jurisprudencia có địa vị như các văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Những phán quyết của Toà án tối cao Mexico chỉ có thể nhằm giải thích Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Lịch sử phát triển jurisprudencia cho thấy xét từ khía cạnh thực tế thì jurisprudencia đã được coi là một công cụ hữu hiệu để làm rõ hơn những quy định còn chưa rõ ràng của Hiến pháp và pháp luật, và đã lấp đi được những “khoảng trống” của pháp luật.

          Việc hình thành án lệ và áp dụng án lệ ở Mexico có một số điểm đáng lưu ý như sau:

          - Không phải tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án các cấp đều được coi là án lệ. Chỉ các bản án, quyết định của Toà án tối cao tại phiên họp toàn thể (the Supreme Court en banc) hay của các Toà trong Toà án tối cao, hoặc của Toà án tập thể khu vực (collegial circuit tribunals) mới có thể được coi là án lệ mà thôi;

          - Án lệ chỉ được hình thành sau khi có ít nhất là 5 bản án, quyết định giống nhau của một trong các Toà án nêu trên về những vụ án có tình tiết tương tự. Đối với vụ án do Toà án tối cao xét xử tại phiên toàn thể Thẩm phán thì mỗi bản án, quyết định (trong số 5 bản án/quyết định cấu thành án lệ) phải được thông qua bởi ít nhất là 14 Thẩm phán; đối với bản án, quyết định của các Toà trong Toà án tối cao thì cần đa số phiếu trong hội đồng (4 phiếu); đối với bản án/quyết định của Toà án tập thể khu vực thì cần sự thống nhất của toàn bộ thành viên hội đồng xét xử gồm 3 người[12];

          - Án lệ chỉ có hiệu lực áp dụng trong nội bộ ngành Toà án hoặc các cơ quan hành chính - tư pháp (quasi-judicial administrative agencies). Các cơ quan hành pháp không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ. Tuy vậy, thực tế cho thấy xu hướng là các cơ quan hành pháp ngày càng tôn trọng án lệ của Toà;

          - Án lệ cũng có thể được thay đổi. Nếu Toà xét thấy án lệ sai hoặc đã không còn phù hợp nữa thì Toà có thể ra bản án, quyết định khác. Để thay đổi án lệ cần phải ít nhất 5 bản án, quyết định liên tục giống nhau phủ nhận án lệ hiện hành. Có nghĩa là thủ tục thay đổi án lệ cũng tương tự như thủ tục hình thành án lệ mới.

          Thời gian gần đây, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của hệ thống Toà án Mexico ngày càng phổ biến. Trong một công trình nghiên cứu tình hình áp dụng án lệ trong khi xét xử ở Toà án tối cao của luật gia Licenciado Rodriguez cho thấy nếu trong năm 1930 chỉ có 2% các bản án, quyết định của Toà án tối cao Mexico lấy án lệ làm căn cứ pháp lý, thì năm 1990 con số đó đã tăng lên 18% và đến năm 1968 là 51%.

         (v) Áp dụng án lệ ở Nhật Bản:

          Khái niệm án lệ lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1917 khi một học giả trẻ tuổi - giáo sư Shigeto Hozumi (1883-1957) của Trường Đại học Imperial Tokyo, sau khi tu nghiệp ở Anh quốc trở về đã có một bài viết phê phán một phán quyết của Toà án tối cao Nhật Bản đã không tuân thủ theo án lệ trước đây của mình và đưa ra những luận điểm của mình về vị trí và vai trò của án lệ. Năm 1920, một giáo sư khác tên là Izutaro Suehiro sau khi tu nghiệp ở Đại học Luật Chi-ca-go (Hoa Kỳ) trở về nước cũng có những bài viết ủng hộ ý tưởng nên cân nhắc kỹ lưỡng án lệ khi xét xử vụ án. Sau đó, ảnh hưởng của hai giáo sư này dần dần lan rộng trong giới luật ở Nhật. Trên thực tế, Toà án cũng áp dụng án lệ một cách không chính thức khi xét xử các vụ án.

          Tuy vậy, đến tận năm 1947, cùng với việc ban hành Luật về Toà án thay thế cho Luật năm 1890 thì vai trò của án lệ mới chính thức được ghi nhận. Điều 10 Luật về Toà án năm 1947 quy định: “Trong trường hợp ý kiến của Toà thành phần hẹp (Petty Bench) của Toà án tối cao khác với ý kiến trước đây của Toà án tối cao về giải thích hoặc áp dụng Hiến pháp hoặc các văn bản pháp luật khác thì Toà thành phần rộng (Grand Bench) ra quyết định còn Toà thành phần hẹp không có quyền đưa ra phán quyết”. Tiếp theo, Điều 5 Nghị định thi hành Luật về Toà án khẳng định rằng phán quyết mà Toà mở rộng đưa ra chính là dựa vào phán quyết trước đây của Toà án tối cao. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự mới ban hành sau Thế giới chiến thứ hai đã quy định rằng trong trường hợp bản án của Toà án cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm không phù hợp với án lệ (hanrei) của Toà án tối cao thì vụ án được xét xử giám đốc thẩm theo trình tự jokoky. Tóm lại, Nhật Bản mặc dù theo truyền thống pháp luật dân sự nhưng ở mức độ nào đó đã áp dụng án lệ trong công tác xét xử.[13]

          (vi) Áp dụng án lệ ở Cộng hoà nhân dân Trung Hoa:

          Trung Hoa đã có một lịch sử áp dụng án lệ khá lâu đời. Từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đã ghi nhận thực tiễn xét xử các vụ án dựa trên án lệ[14]. Các bản án này thường được khắc  hoạ lại trên các giá ba chân để lưu giữ. Sau đó, thực tiễn xét xử dựa trên các bản án đã xử trở thành một bộ phận quan trọng của nền hành chính - tư pháp trong hệ thống pháp luật cổ đại Trung Hoa với tên gọi Jueshibi thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), Yuyiqianju thời nhà Đường (từ năm 618 đến năm 907 sau Công nguyên). Từ thời Yuan (1271-1438) đến thời Qing (1644-1911) các án lệ giữ vai trò ngày càng lớn và tích cực trong hoạt động xét xử. Trong nhà nước Cộng hoà Trung Hoa (1912-1949), hệ thống án lệ được thiết lập dựa trên thực tiễn của phương Tây: các bản án đã xử (panli) và các giải thích luật (jieshili) thường được sử dụng như án lệ và được tập hợp, công bố trong các tập hợp các bản án đã xử của Daliyuan So với Tạp chí toà án hiện nay thì điểm khác biệt là các bản án đã được đăng trong Tập hợp này có giá trị bắt buộc đối với các toà án cấp dưới. Cho đến nay, tại Đài Loan,  hệ thống này vẫn tồn tại.

          Sau năm 1949, Chính quyền chuyên chính vô sản tuyên bố xoá bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật và tư pháp của chế độ phong kiến, tư sản. Sự thay đổi này đương nhiên vô hiệu hoá hệ thống án lệ. Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bắt đầu xây dựng và phát triển hệ thống văn bản pháp luật xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ bản Hiến pháp năm 1954. Năm 1962, Chủ tịch Mao Trạch Đông nêu vấn đề cần sớm xây dựng Luật hình sự, Luật dân sự và tập hợp các bản án đã xét xử, tuy nhiên, trong suốt thập kỉ 60 và 70 với cuộc cách mạng văn hóa, điều này không được thực hiện.

          Sau đó, Nhà nước Trung Hoa đã ban hành hàng loạt đạo luật quan trọng trong đó có Hiến pháp 1982 (bản Hiến pháp thứ 4 trong vòng 31 năm tồn tại của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Từ năm 1983, Toà án nhân dân tối cao bắt đầu cung cấp các bản án đã được xét xử của mình cho các Toà án cấp dưới. Trước khi có Tạp chí Toà án (1985) thì các bản án được chuyển tới toà án cấp dưới theo con đường công văn nội bộ, nghĩa là công chúng không được tiếp cận với các bản án. Từ năm 1985, Toà án bắt đầu đăng trên Tạp chí Toà án các bản án đồng thời vẫn chuyển bằng đường nội bộ một số phán  quyết cho các Toà án cấp dưới.

          Việc đăng công khai các bản án đã xét xử được coi là một bước chuyển biến lớn của Trung Quốc. Các bản án này không chỉ hữu ích cho việc tăng cường hiểu biết đúng hơn về các đạo luật vốn còn nhiều khiếm khuyết và không rõ ràng mà quan trọng hơn, tất cả các đạo luật đều được giải thích qua thực tiễn xét xử. Theo Hiến pháp thì Quốc hội có quyền giải thích luật còn Toà án chỉ có quyền giải thích tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế thì Toà án được  quyền giải thích tất cả các văn bản còn chính Quốc hội thì lại hầu như không thực hiện quyền của mình.

          Kể từ năm 1981, Toà án nhân dân tối cao của Trung Quốc thực hiện chức năng giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật nhiều hơn chức năng xét xử. Bởi vậy, phần lớn bản án được đăng trên Tạp chí Toà án là do các Toà án cấp dưới xét xử chứ không phải bản án của chính Toà án tối cao. Tại mỗi Toà án cấp tỉnh đều có một bộ phận nghiên cứu với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu các vấn đề pháp luật khó phát sinh từ các vụ án được xét xử tại toà của mình. Khi Bộ phận nghiên cứu này xác định được các vấn đề pháp luật khó, có ý nghĩa lớn ở tầm quốc gia, những vấn đề pháp lí nhạy cảm về chính trị, các vụ án phức tạp có yếu tố  nước ngoài… thì họ sẽ gửi báo cáo về bản án đó cho Toà án nhân dân tối cao và Ban biên tập của Tạp chí Toà án. Các tài liệu được gửi thường gồm: Bản án, quyết định của Toà án (đã được Bộ phận nghiên cứu biên tập lại dưới dạng hoàn chỉnh hơn) và ý kiến phê chuẩn của Uỷ ban Thẩm phán của chính Toà án đã ra Bản án, quyết định đó. Ý  kiến này rất quan trọng vì nó ghi lại những cuộc thảo luận nội bộ giữa các Thẩm phán xét xử vụ án hoặc giữa các thành viên của Uỷ ban Thẩm phán, vì vậy, công chúng không được tiếp cận các thông tin này.

          Quá trình lựa chọn bản án để đăng của Toà án nhân dân tối cao rất nghiêm ngặt. Trước tiên, Ban Biên tập Tạp chí Toà án xem lại các bản án nhận được và lựa chọn theo các tiêu chí: án mới, quan trọng, có ý nghĩa quốc gia. Sau khi đã chọn, các thành viên của Ban biên tập còn phải làm chuẩn hoá phần lập luận trong bản án. Thậm chí, một số bản án còn được biên tập lại khá nhiều để dễ hiểu hơn đối với công chúng và giống như các mô hình án mẫu để Toà án cấp dưới học tập, nhất là phần lập luận. Các bản án đã được lựa chọn và biên tập lại sẽ được gửi Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao để lựa chọn lần thứ hai, sau đó mới được trình lên Hội đồng Thẩm phán của Toà án nhân dân tối cao - cơ quan cao nhất của Toà án để xem xét lần cuối và phê duyệt cho đăng. Bên cạnh quy trình chung đó thì cũng có những trường hợp các bản án được tập hợp, biên tập và cho đăng nhanh chóng nhằm mục đích đặc biệt, có ý nghĩa thời sự, ví dụ, các bản án thể hiện kết quả của chiến dịch “xét xử và thi hành án hình sự nhanh chóng” năm 1983; 4 bản án liên quan đến ly hôn giữa các quân nhân được đăng năm 1985.

          Trung bình mỗi năm Toà án nhân dân tối cao nhận được khoảng 500 đến 600 bản án do các Toà án cấp tỉnh gửi lên nhưng chỉ lựa chọn và cho đăng khoảng 25 bản án.

          Mặc dù các bản án được lựa chọn kỹ lưỡng và đăng công khai trên Tạp chí Toà án nhưng rất khó khẳng định chắc chắn giá trị của chúng đối với hoạt động xét xử của Toà án. Hiện nay, ở Trung Quốc không có văn bản pháp luật nào quy định chính thức về vai trò của các bản án được đăng tải trên Tạp chí Toà án. Theo một số nhà nghiên cứu, trong số các bản án được đăng ở Tạp chí Toà án có thể tạm chia làm ba loại theo mức độ giá trị (hiệu lực) áp dụng như án lệ. Loại thứ nhất là các bản án mà Toà án tối cao chỉ biên tập và cho đăng trên Tạp chí mà không có bình luận gì. Loại thứ hai Toà án tối cao cho đăng  quan điểm ủng hộ hoặc phản đối của mình đối với phán quyết của Toà án cấp dưới. Loại thứ ba Toà án tối cao chỉ dẫn rõ ràng cho toà án cấp dưới phải tuân theo. Đối với hai loại đầu, các Toà án cấp dưới chỉ nghiên cứu và tham khảo trong khi họ phải tuân theo nghiêm chỉnh loại án thứ ba. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì các bản án được đăng trên Tạp chí Toà án thường được Toà án cấp dưới tuân thủ, mặc dù các Toà án cấp dưới hầu như không bao giờ trích dẫn các bản án đã được đăng trên Tạp chí vào phần lập luận của mình.

          Như vậy, các bản án đã xét xử và được đăng trên Tạp chí Toà án có giá trị hướng dẫn cho hoạt động xét xử của các Toà án cấp dưới. Từ tính chất hướng dẫn này mà các bản án đăng trên Tạp chí Toà án hiện nay mang nhiều bóng dáng của án lệ. Mặc dù Toà án tránh nói trực tiếp “có giá trị như án lệ” mà chỉ đưa ra các bình luận hay quan điểm  kiểu “ Phán quyết này hoàn toàn đúng” và “cần tham khảo khi xét xử”. Theo truyền thống văn hoá và chính trị của Trung Quốc thì thuật ngữ “cần tham khảo” được dùng giữa những người có vị trí pháp lí, quyền lực khác nhau và có nghĩa là người ở vị trí thấp hơn cần phải rất nghiêm túc cân nhắc để áp dụng quan điểm của người ở địa vị cao hơn.

          Trong Báo cáo năm 1986 của Toà án tối cao trước Quốc hội, Chánh án Toà án tối cao lúc đó đã nhấn mạnh: “Việc thấu hiểu các vụ án điển hình đã xét xử và giải thích chi tiết các đạo luật dựa trên các vụ án đó sẽ  làm rõ sự khác biệt giữa tính hợp pháp và tính bất hợp pháp cũng như sự khác nhau giữa hợp đồng kinh tế vô hiệu và hợp đồng kinh tế có hiệu lực. Luật sẽ là vũ khí của nhân dân và được dùng để điều chỉnh các hoạt động kinh tế của họ. Toà án tối cao sẽ thu thập các vụ án đã xét xử trong lĩnh này để tăng cường các hướng dẫn cụ thể cho việc xét xử về kinh tế... Đối với các vụ án có những vấn đề mới và khó, toà án tối cao đã giải thích cách áp dụng pháp luật và cho công bố các bản án đã xét xử để hướng dẫn cụ thể” [15]. Có thể thấy rằng, trong báo cáo này, Chánh án đã không chỉ đặt các vụ án đã xét xử ngang với các điều luật về giá trị hiệu lực mà còn coi các bản án đó như  một công cụ ưu tiên để hướng dẫn cụ thể cho các toà án cấp dưới trong quá trình ra phán quyết đối với các loại án có vấn đề pháp lí mới và khó khi mà các đạo luật còn nhiều chỗ hổng, chưa đầy đủ.

          Đến năm 1988, thuật ngữ hướng dẫn cụ thể được thay bằng bản án mẫu (điển hình/model or exemplary cases) mà về bản chất không khác gì nhiều với án lệ. Cũng trong Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Toà án tối cao khẳng định: “Mục đích của việc đăng các bản án đã xét xử chủ yếu nhằm thống nhất chuẩn mực về hình phạt đối với các vụ án hình sự quan trọng và phức tạp, để trang bị mô hình mẫu cho việc xác định tội phạm và chuẩn hình phạt trong các vụ án hình sự mới, mô hình mẫu cho những vụ án kinh tế và dân sự mới phát sinh trong quá trình vận động của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế”[16]. Như vậy, xét về bản chất, tính thống nhất bằng mẫu chuẩn làm cho các bản án được đăng trên Tạp chí Toà án không khác gì với án lệ nhưng vì Trung Quốc là nước luật thành văn nên nếu dùng trực tiếp thuật ngữ án lệ sẽ không hợp lý. Cũng vì lí do đó nên các Toà án cấp dưới không được phép trích dẫn trong lập luận của mình các bản án đã đăng trên Tạp chí.

          Trên thực tế các toà án sử dụng các án mẫu này như thế nào? Trước tiên, toà án cấp dưới phải xác định xem các dữ kiện của vụ án đang xem xét có gần giống, tương tự với dữ kiện của án mẫu không; nếu có thì toà án cấp dưới sẽ kết tội theo cùng tội danh và phán quyết cũng theo lập luận như trong án mẫu. Nếu dữ kiện không gần với án mẫu, cũng không có án mẫu nào khác tương tự và cũng không có điều luật nào để áp dụng mà ý nghĩa của vụ án lại lớn (khó và mới)thì các toà án cấp dưới sẽ báo cáo cho Toà án tối cao quan điểm của mình. Sau khi Toà án tối cao lựa chọn, một số quan điểm quan trọng sẽ được đăng trên Tạp chí dưới hình thức giải thích pháp luật. Dù có áp dụng hay không áp dụng án mẫu của Tạp chí thì các toà án cấp dưới cũng không được trích dẫn các án đó trong phán quyết của mình.

          Nhưng so với các án lệ ở các nước thông luật và ở Trung Hoa trước năm 1949, các bản án đã xử được đăng tại Tạp chí Toà án có những đặc trưng sau:

          - Chỉ các bản án do Toà án tối cao lựa chọn và cho đăng trên Tạp chí Toà án mới có giá trị án lệ trên thực tế cho dù đó là án do các toà án cấp dưới xử. Khác với các nước Common Law - nơi mà Toà án nào cũng có quyền tạo ra án lệ có giá trị bắt buộc với chính Toà án đó và các Toà án cấp dưới, ở Trung Hoa chỉ có Toà án tối cao là Toà án duy nhất được đưa ra các án lệ này, không Toà án địa phương hay Toà án chuyên trách nào khác có quyền này.

          - Các quan điểm của Toà án trong các bản án được đăng trên Tạp chí Toà án thường rất đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn, khác hẳn với các quan điểm dài dòng như ở các nước theo thông luật. Trong trường hợp Toà án tối cao chỉ biên tập và cho đăng trên Tạp chí mà không đưa ra quan điểm hay lời bình luận nào thì điều đó vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của toà án cấp dưới.

          - Trong hoạt động xét xử của mình, các Toà án cấp dưới áp dụng theo tinh thần của những bản án được đăng trên Tạp chí Toà án chứ không được viện dẫn các bản án này trong phán quyết của mình.

1.1.4. Án lệ tại các Toà án quốc tế và tổ chức quốc tế

 

          *Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice):

          Các phán quyết của Toà án quốc tế chỉ có hiệu lực pháp luật đối với các quốc gia tranh chấp trong vụ án cụ thể đó, do đó nguyên tắc stare decisis (tuân thủ theo án lệ) không áp dụng ở Toà án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Toà án Công lý quốc tế đã rất thận trọng khi đưa ra những phán quyết khác với những phán quyết trước đây của mình đối với vụ án tương tự. Mặt khác, Toà án cũng thường dẫn chiếu các phán quyết trước đây để ủng hộ cho phán quyết của mình với những thận trọng để tránh bị hiểu rằng Toà án có nghĩa vụ tuân thủ án lệ[17].

          *Toà án Công lý thuộc Liên minh châu Âu (EU):

          Về nguyên tắc, Tòa án Công lý trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu không áp dụng án lệ của mình cũng như án lệ của các nước thành viên khi xét xử.

          *Tại Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO):

          Cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO được thực hiện thông qua Panel of Jurors với tư cách là cơ quan giải quyết cấp sơ thẩm và cơ quan phúc thẩm (Appelate Body) với tư cách là cơ quan giải quyết cấp phúc thẩm.  Trình tự tố tụng giải quyết tranh chấp tại hai cơ quan này mang màu sắc tố tụng của hệ thống pháp luật dân sự, do đó, cũng như các nước theo pháp luật dân sự, các cơ quan này không có nghĩa vụ phải tuân thủ những quyết định trước đây của mình. Tuy nhiên, trên thực tế những phán quyết trước đó đều được cân nhắc kỹ lưỡng tham khảo khi giải  quyết các tranh chấp tương tự tại hai cơ quan này.

          Từ những dẫn chứng minh hoạ nêu trên, có thể khẳng định một điều rằng án lệ đã không còn là khái niệm mới mẻ ngay cả đối với các nước theo truyền thống pháp luật dân sự. Sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của án lệ ở những nước này và vai trò ngày càng phát triển của luật thành văn ở các nước theo truyền thống Common Law đã cho thấy sự phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới ngày nay dường như mang tính lịch sử hơn là bản chất.

1.2. VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH THEO QUAN NIỆM VIỆT NAM VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI

1.2.1. Khái niệm và các đặc trưng của vụ án điển hình

 

          Hệ thống pháp luật của Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là của Liên- xô (cũ). Sau khi Liên-xô tan rã, cùng với việc cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường có điều tiết thì hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những biến chuyển mạnh mẽ, phù hợp với tình hình mới. Pháp luật Việt Nam hiện đại có nhiều thiên hướng theo hệ thống pháp luật dân sự. Ở Việt Nam hệ thống pháp luật được xây dựng thành văn, trong đó Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm nền tảng, trên cơ sở đó xây dựng các đạo luật để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội khác nhau phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

          Hoạt động xét xử của Toà án nhân dân lấy các quy định pháp luật làm nền tảng; Thẩm phán và hội thẩm khi xét xử độc lập, ngang quyền nhau và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy vậy, Toà án nhân dân tối cao, thông qua hoạt động xét xử của mình và của các toà án nhân dân địa phương, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm và ra các hướng dẫn giúp các toà án nhân dân trong toàn quốc thực hiện việc xét xử thống nhất, đúng pháp luật, công bằng và khách quan. Từ nhiều năm nay, Toà án nhân dân tối cao đều có báo cáo tổng kết hàng năm, báo cáo chuyên đề trong từng lĩnh vực xét xử và các văn bản hướng dẫn, trong đó nhiều vụ án điển hình được nghiên cứu, mổ xẻ và phân tích trên cơ sở đó đề ra các quan điểm và đường lối xử lý thích hợp cho các vụ án tương tự.

          Chúng ta chưa thừa nhận án lệ và không xây dựng án lệ thành các nguồn luật như ở các nước theo hệ thống thông pháp; chúng ta cũng không xây dựng án lệ để dùng làm tài liệu tham khảo cho Thẩm phán trong hoạt động xét xử như ở một số nước theo hệ thống luật dân sự. Đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mới chính thức đặt ra cho “Tòa án nhân dân tối cao tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”.

          Thuật ngữ án lệ tuy không tồn tại ở Việt Nam theo cách hiểu của các nhà làm luật Anh – Mỹ nhưng vẫn có các biểu hiện dưới dạng các vụ án điển hình được phân tích, nghiên cứu trong báo cáo tổng kết hàng năm của Toà án nhân dân tối cao. Như vậy, có thể hiểu chủ trương dùng các vụ án trên cơ sở tổng kết thực tiễn để làm rõ thêm những vấn đề mà pháp luật không chuyển tải đến một cách thống nhất cho người áp dụng pháp luật và thực hiện pháp luật là một chủ trương đúng ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Học viện tư pháp (trước đây là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp) thường sử dụng các hồ sơ thực tế để làm tài liệu giảng  dạy và học tập cho giảng viên và cho học viên. Các hồ sơ vụ án được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định được sử dụng như những tình huống (case) để phục vụ cho từng nội dung bài học nhất định. Tuy nhiên, các case này cũng không thể gọi là vụ án điển hình được mà các vụ án điển hình có thể được xây dựng từ các hồ sơ vụ án như thế này.

Như vậy, không phải tất cả mọi vụ án (dù đó là vụ án được nhắc đến trong báo cáo tổng kết hoặc được sử dụng làm hồ sơ tình huống tại Học viện Tư pháp) đều có thể được coi là điển hình nhưng cũng không nên hiểu rằng vụ án điển hình là một cái gì đó phức tạp hoặc trừu tượng. Vụ án điển hình trước hết phải là những vụ án mà bản thân sự tồn tại khách quan của nó hoặc sau khi đã được xây dựng lại thường mang tính khái quát, tính điển hình. Vụ án điển hình cũng có thể là những vụ án thường gặp nhưng trong giải quyết có nhiều vướng mắc mà bản thân các quy định của pháp luật không bao trùm hết được. Vụ án được chọn trong số các loại án thường gặp nhưng đã được một Toà án nào đó xét xử phù hợp với thực tế khách quan, bảo đảm được pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân do trong quá trình xét xử Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã biết vận dụng đúng pháp luật, hiểu đúng pháp luật vì vậy bản án được tuyên giải quyết được những vấn đề mấu chốt mà các bản án cùng loại không giải quyết được. Thực ra, án lệ trong hệ thống các nước thông pháp thay thế chức năng của các điều luật hoặc các quy định pháp luật và vì thế nó là một nguồn luật được Thẩm phán dùng làm căn cứ khi xét xử các vụ án tương tự.

Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, vì vậy, khi xét xử, Thẩm phán dùng các quy định của pháp luật làm căn cứ để tuyên án. Tuy vậy, nhà lập pháp không thể nào đặt ra các điều luật một cách thật chi tiết để bao hàm hết tất cả các quan hệ trong xã hội. Đó là lý do dẫn đến có nhiều trường hợp không được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, có thể cùng một quy định của pháp luật nhưng được hiểu khác nhau, được nhìn nhận khác nhau, vì thế được áp dụng khác nhau trong các trường hợp gần như giống nhau. Vụ án điển hình trước hết nêu lên được những tình tiết điển hình thường gặp trong một loại án nhất định. Vụ án điển hình sau khi được phân tích, hướng dẫn giúp những Thẩm phán hiểu được những điểm chi tiết bổ sung cho những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng pháp luật nhà lập pháp chưa nghĩ ra. Vụ án điển hình sau khi có sự can thiệp, có sự gọt rũa, có sự điều chỉnh, có sự hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao đã khắc phục được những thiếu sót mà khi xét xử các vụ án tương tự Thẩm phán thường hay gặp.

          Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay thì các vụ án được coi là vụ án điển hình để có thể xây dựng thành tài liệu học tập cho học viên là những vụ án sau đây:

          - Là vụ án được tổng kết từ các vụ án hay thường xẩy ra, đã được nhiều toà án xét xử ở nhiều thời gian khác nhau;

          - Là vụ án được tổng kết từ các vụ án mà việc áp dụng pháp luật có nhiều điểm chưa thống nhất có thể do pháp luật nội dung quy định chưa rõ, còn thiếu, điều văn khó hiểu, dễ bị hiểu khác nhau, do đó, bản án tuyên ra có thể khác nhau và gây nhiều tranh cãi;

          - Là văn bản đã được một Toà án xét xử và đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị, so với các vụ án cùng loại thì việc áp dụng pháp luật có nhiều ưu điểm, bổ sung được những quan điểm mà việc trước đó dẽ bị hiểu nhầm, hiểu sai, khó hiểu; đưa ra được cách lý giải hợp lý, hợp tình; bổ sung cách hiểu đúng cho những thiếu sót mà nhà lập pháp chưa nói đến trong văn bản pháp luật áp dụng, do đó, bản án tuyên ra có sức thuyết phục, hợp lý, hợp tình, dễ thi hành;

          - Là vụ án đã được xây dựng lại trên cơ sở điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao, các tình tiết vụ án bao hàm nhiều vấn đề bức xúc, phức tạp của đời sống xã hội; việc áp dụng pháp luật đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết mới bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh;

          - Là vụ án có thể dùng cho Thẩm phán và những đối tượng khác tham khảo trong quá trình tố tụng hay hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

          Như vậy, vụ án điển hình là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các Toà án nhân dân nhưng được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh và có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiến nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất trong các trường hợp tương tự. Với cách hiểu này, khái niệm vụ án điển hình có nhiều điểm khác biệt so với khái niệm án lệ theo quan niệm của nước ngoài.

1.2.2. Mục đích của việc xây dựng vụ án điển hình

 

     Thực tiễn xét xử ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, trong nhiều trường hợp pháp luật không điều chỉnh được các quan hệ xã hội pháp sinh do quá trình làm luật đã không dự báo trước được hoặc điều văn của luật không bao hàm hết được các tình tiết cần giải quyết của vụ án. Trong lúc đó, Thẩm phán trong quá trình xét xử lại không được phép giải thích luật hoặc ra một bản án, quyết định không dựa trên các căn cứ pháp luật. Vì vậy, ở các nước theo hệ thống thông pháp, Thẩm phán chỉ cần căn cứ vào các án lệ để xem xét và giải quyết trường hợp thực tế mà toà đang thụ lý. Tại các nước theo hệ thống luật dân sự thì mặc dù án lệ không được xem là một nguồn luật nhưng Thẩm phán có quyền tham khảo các án lệ khi xét xử. Ngoài ra, trong các bộ luật thành văn, ngoài các điều văn của luật thông thường có các án lệ liên quan được in kèm để tiện cho việc tham khảo khi xét xử.

     Ở nước ta, việc xây dựng các án lệ bước đầu chỉ đặt trên mục đích phục vụ cho việc giảng hạy, học tập và nghiên cứu, từng bước sẽ dùng làm tài liệu cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Việc phổ biến vụ án điển hình cho các đối tượng rộng rãi quần chúng nhân dân cũng sẽ được nghiên cứu để triển khai khi có điều kiện thuận lợi. Hiện nay việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống đang được thực hiện ngày càng rộng rãi trong các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tư pháp như Học viện Tư pháp. Các hồ sơ tình huống được tập hợp trên cơ sở các vụ án thực tế đã và đang trở thành những tài liệu quan trọng trong đào tạo. Tuy vậy, các bộ hồ sơ này chưa được biên tập lại một cách công phu, nhiều hồ sơ còn bộc lộ cả những sai sót về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung. Nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng các bộ hồ sơ này để làm tình huống trong đào tạo nhằm giúp cho các học viên nắm được những cái chuẩn và chưa chuẩn của hồ sơ thì được. Nhưng nếu sử dụng hồ sơ cho một đối tượng rộng hơn và với một mục đích không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho học viên các tình huống thực tiễn mà còn giúp họ có được một phương pháp giải quyết vụ án, áp dụng pháp luật đúng trong những trường hợp khó; trang bị cả về những kỹ năng về soạn thảo các văn bản tố tụng thì hồ sơ tình huống chưa đáp ứng được. Nếu tập hợp được những vụ án điển hình, biên tập lại theo các thuộc tính như đã nêu ở trên và hệ thống lại thành lập theo từng chủ đề riêng thì chắc chắn hiệu quả sử dụng các tập hệ hoá hoá các vụ án điển hình này trong đào tạo còn cao hơn rất nhiều.

     Ngoài ra, cũng cần đặt mục tiêu ngày từ bây giờ là Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình còn dùng làm tài liệu tham khảo cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Mục tiêu này từng bước sẽ được thực hiện hằng năm bởi một nhóm nghiên cứu bao gồm các Thẩm phán nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia pháp lý giỏi của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao và các Toà án địa phương để biên tập lại các vụ án đã được xét xử thành các vụ án điển hình. Có thể xuất bản định kỳ Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình theo nhu cầu của các Toà án và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

     Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin đang có những bước tiến vượt bậc. Việc áp dụng các thành quả của công nghệ thông tin vào tất cả các mặt của đời sống xã hội đang được tiến hành ở nhiều ngành khác nhau mà hoạt động tư pháp cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Do đó, việc xây dựng các Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình là những công việc đầu tiên để tiến hành các công việc mang tính chiến lược lâu dài là phổ biến các vụ án điển hình lên một mạng nội bộ để giúp những người có nhu cầu khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả.

     Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình có thể được sử dụng cho nhiều đối tượng với nhiều mục đích khác nhau. Những đối tượng khai thác giá trị vụ án điển hình có thể là những người tham gia hoạt động xây dựng pháp luật; các cán bộ nghiên cứu khoa học pháp lý; những người làm công tác giảng dạy và học tập pháp luật; những người làm công tác thực tiễn như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các đối tượng khác.

     Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình để làm tài liệu học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật, nhất là trong các cơ sở đào tạo nghề thuộc ngành chuyên môn đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp. Từ các vụ án điển hình có thể tổng kết hoạt động thực tiễn để qua đó rút ra được những bài học bổ ích cho hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật nói riêng và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống pháp luật nói chung. Bên cạnh giá trị lý luận, Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình còn có giá trị tham khảo cho những người làm công tác thực tiễn như Luật sư, Thẩm phán, hội thẩm, Kiểm sát viên…. Ngoài ra, việc công bố công khai các vụ án điển hình còn tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân có thể tiếp cận được với hoạt động xét xử của TAND, trên cơ sở đó hiểu rõ hơn hoạt động này nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và duy trì sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối cơ quan tư pháp.

1.2.3. Tiêu chí xây dựng, phân loại các vụ án điển hình

 

          *Tiêu chí xác định vụ án điển hình:

          Như trên đã nêu, trong khuôn khổ công trình nghiên cứu này, vụ án điển hình được hiểu là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ một số loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các Toà án nhân dân, được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh và có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất pháp luật trong các trường hợp tương tự. Từ khái niệm cơ bản này có thể xây dựng các tiêu chí để đánh giá một vụ án điển hình như sau:

          - Về nội dung, các tình tiết của vụ án điển hình mang tính khái quát cao.

          - Về mặt áp dụng pháp luật, vụ án điển hình phải đảm bảo các yêu cầu như các chứng cứ phải đầy đủ, có sức thuyết phục, bản án tuyên ra có căn cứ, có sức thuết phục, có khả năng thi hành trong thực tế.

          - Về mặt thủ tục: Vụ án điển hình phải bảo đảm tuân thủ trình tự tố tụng do luật định, không vi phạm thủ tục tố tụng.

          - Về mặt hiệu quả: Phải góp phần khắc phục được những thiếu sót do nhận thức không đúng hoặc chưa đúng về pháp luật nội dung và tố tụng áp dụng hoặc làm căn cứ khi giải quyết các vụ án cùng loại.

          Tuy nhiên, nếu xây dựng vụ án điển hình theo các tiêu chí nêu trên một cách tức thì thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có lộ trình thích hợp để xây dựng vụ án điển hình theo hướng có thể sử dụng cả những vụ án mà việc xây dựng mất ít thời gian hơn. Ví dụ, chỉ cần biên tập lại kèm theo các phần đánh giá, bình luận để từ đó rút ra được những kinh nghiệm nhằm tránh được những sai sót nếu khi hành nghề gặp phải những tình huống tương tự.

          *Tiêu chí phân loại vụ án điển hình:

          Tùy theo mục đích sử dụng vụ án điển hình mà các vụ án điển hình có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Có thể đề cập tới một số tiêu chí phân loại vụ án điển hình sau đây:

          (i) Phân loại theo lĩnh vực án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án:

          - Vụ án hình sự;

          - Vụ án dân sự (trong đó bao hàm cả bản án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại và lao động);

          - Vụ án hành chính.

          (ii) Phân loại theo nội dung các vụ việc cụ thể:

          - Các vụ án về ma tuý ;

          - Các vụ án về mại dâm;

          - Các tội phạm về chức vụ; 

          - Vụ án giải quyết tranh chấp đất đai, nhà ở;

          - Vụ án về ly hôn;

          - Vụ án về thừa kế;

          - Vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng;

          - Vụ án giải quyết tranh chấp ngoài hợp đồng;

          - Vụ án giải quyết tranh chấp lao động…

          (iii) Phân loại theo tính chất xét xử:

          - Bản án, quyết định sơ thẩm;

          - Bản án, quyết định phúc thẩm;

          - Quyết định giám đốc thẩm;

          - Quyết định tái thẩm.

          Ngoài ra, có thể phân loại theo các loại án mà thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do cách hiểu không thống nhất hoặc có nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ….

1.3. GIÁ TRỊ CỦA CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH ĐƯỢC TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TỔNG KẾT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ Ở NƯỚC TA

1.3.1. Chức năng hướng dẫn công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao

 

          Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật quy định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong phạm vi chức năng của mình, Toà án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân. Bằng hoạt động của mình, Toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là một nguyên tắc hết sức quan trọng để Thẩm phán và hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, chi phối bởi bất kỳ một sức ép nào. Trên cơ sở đó đảm bảo cho việc xét xử của Toà án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thực hiện được nguyên tắc trên là cả quá trình phấn đấu của Thẩm phán và người Thẩm phán phải có lập trường kiên định; phải giám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, không bị chi phối về mặt tình cảm cũng như quyền lực và cám dỗ về vật chất. Thẩm phán phải chí công vô tư trong việc xét xử. Mặt khác, Thẩm phán phải có kiến thức pháp lý, phải thông thạo nghiệp vụ chuyên môn, biết áp dụng thành thạo pháp luật và việc giải quyết vụ án. Chính vì vậy, Pháp lệnh về Thẩm phán và hội thẩm Toà án nhân dân đã quy định những tiêu chuẩn cụ thể cho Thẩm phán và hội thẩm nhân dân, trong đó một tiêu chuẩn chung là “có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Về mặt khách quan, để đảm bảo “Khi xét xử Thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ. Tuy nhiên, dù pháp luật hoàn chỉnh đến mấy cũng mới chỉ có thể là “khuôn mẫu” chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong khi đó, các quan hệ xã hội rất đa dạng, phức tạp và không ngừng biến đổi. Chính vì vậy, trong quá trình xét xử, một mặt cần phải có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết, mặt khác người Thẩm phán phải vận dụng pháp luật một cách sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế. Có như thế mới bảo đảm được tính thống nhất trong hoạt động xét xử giữa các Thẩm phán trong phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà làm luật cũng chỉ đưa ra được các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội xảy ra, nên những quan hệ xã hội phát sinh sau khi có quy định cụ thể của pháp luật thì Toà án nhân dân tối cao phải tổng kết hướng dẫn làm cơ sở cho Toà án cấp dưới tham khảo khi tiến hành xét xử các vụ án có những tình tiết tương tự. Mặt khác, việc áp dụng pháp luật vào công tác xét xử để đưa ra những phán quyết chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án là cả quá trình đúc kết kinh nghiệm của người Thẩm phán. Việc xét xử của các Thẩm phán về cơ bản là đúng nhưng không phải không có những trường hợp xét xử sai. Toà án nhân dân tối cao phải tổng kết để rút ra những sai sót trong việc xét xử giúp các Thẩm phán có thêm kinh nghiệm trong nghề nghiệp.

Theo Điều 19 Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 02/4/2002 thì một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân tối cao là hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Toà án. Điều 21, Điều 22 Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 02/4/2002 còn chỉ rõ: “Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và là cơ quan hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật”; “Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn (...) hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật; tổng kết kinh nghiệm xét xử”. Như vậy, bên cạnh nhiệm vụ xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm các vụ án thì Toà án nhân dân tối cao còn có nhiệm vụ hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xét xử.

Nhiệm vụ hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xét xử được Toà án nhân dân tối cao thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ban hành các Nghị quyết hướng dẫn công tác xét xử; ra các công văn giải đáp thắc mắc phát sinh trong hoạt động xét xử của các Toà án địa phương; tổng kết công tác xét xử hàng năm của ngành Toà án; nêu và phân tích một số vụ án đã được các Toà án địa phương xét xử để hướng dẫn công tác xét xử.

Một trong các hình thức chỉ đạo và hướng dẫn công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao là việc Toà án tối cao xác định và phân tích các vụ án đã được xét xử có sai sót đã bị giám đốc thẩm trong báo cáo tổng kết xét xử hàng năm (thời gian gần đây là trong các tham luận, báo cáo chuyên đề của các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao) để đánh giá những mặt yếu kém, những sai sót thường gặp trong hoạt động xét xử của từng vụ án cụ thể, từ đó Toà án tối cao sẽ khái quát những yêu cầu chung trong hoạt động xét xử cho Thẩm phán khi áp dụng pháp luật phải thống nhất giữa các Toà án địa phương và giữa các cấp Toà án. Do đó việc xác định, phân tích đánh giá các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết của Toà án nhân dân tối cao hàng năm có ý nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn công tác xét xử cho Toà án nhân dân các cấp mà nó còn ý nghĩa bảo đảm không can thiệp hoặc làm ảnh hưởng đến nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

1.3.2. Đặc điểm của các vụ án điển hình được đưa vào báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án nhân dân tối cao

 

Để minh hoạ cho việc tổng kết công tác xét xử trong năm, những vụ án được lựa chọn để đưa vào báo cáo tổng kết xét xử, báo cáo chuyên đề  hàng năm của Toà án nhân dân tối cao thường mang các đặc điểm chung như sau:

- Là những vụ án tương đối phổ thông, xảy ra nhiều ở các địa phương trong toàn quốc;

- Đây là những vụ án được xét xử đúng pháp luật hoặc trong giải quyết có nhiều vướng mắc, được xét xử đi xét xử lại nhiều lần, có nhiều khiếu kiện hay kháng nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Là những vụ án mà trong quá trình giải quyết có sai sót về thủ tục tố tụng như các sai sót về thẩm quyền, thời hiệu, xác định sai tư cách đương sự, sai thẩm quyền của người đại diện cho đương sự; trình tự xác minh, thu thập chứng cứ không đúng quy định của pháp luật và các sai sót khác trong quá trình tố tụng;

- Những vụ án có sai sót về việc áp dụng pháp luật nội dung: việc hiểu pháp luật không đúng dẫn đến áp dụng sai; không cập nhật được các quy định mới của pháp luật hoặc pháp luật nội dung có nhiều cách hiểu, cách áp dụng dẫn tới sai sót trong việc giải quyết vụ án;

- Những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo (hoặc đương sự) cùng gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước và xã hội, đặc trưng cho các tội phạm mới trong nền kinh tế thị trường như tội phạm ma tuý, tội mại dâm, tội tham nhũng hay các vụ kiện tranh chấp khác trong các vụ án kinh tế, lao động đặc trưng cho các quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường;

- Là các loại vụ việc mà luật chưa quy định hết, nhưng do yêu cầu và tính chất chính trị xã hội, Toà án cần phải xét xử do đó trong báo cáo tổng kết cần hướng dẫn và làm sáng tỏ;

Các vụ án được lựa chọn có thể phát sinh trong các lĩnh vực khác nhau như: hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.

1.3.3. Vai trò của các vụ án điển hình được Toà án nhân dân tối cao tổng kết đối với công tác xét xử của Toà án 

 

Việc Toà án nhân dân tối cao đưa ra các vụ án điển hình để phân tích, bình luận có ý nghĩa dưới nhiều phương diện:

*Dưới phương diện lý luận:

Việc nêu và phân tích các vụ án điển hình có các ý nghĩa sau đây:

- Xây dựng, hình thành cách hiểu thống nhất về một quy  định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế hiện nay, các quan hệ kinh tế xã hội luôn vận động và phát triển, đòi hỏi các quy  phạm luật luôn phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội, pháp luật thường lạc hậu hơn so với sự phát triển kinh tế, chính yếu tố này làm cho các Thẩm phán rất khó khăn khi xét xử để áp dụng pháp luật chính xác đúng đắn và phù hợp. Một mặt, theo yêu cầu của pháp chế thì các quy phạm pháp luật còn có hiệu lực thì bất kỳ ai, kể cả Thẩm phán đều phải tuân thủ. Mặt khác, khi pháp luật đã bộc lộ bất cập so với yêu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội thì các quy phạm pháp luật đó cũng sẽ điều chỉnh không chính xác các quan hệ xã hội. Chính vì vậy, khi xét xử các vụ án có tính chất giống nhau hay gần giống nhau thì việc áp dụng pháp luật của các Thẩm phán ở các Toà án có nhiều điểm khác nhau. Hay trong cùng một vụ án Toà án sơ thẩm xử khác, Toà phúc thẩm xử khác, sự khác nhau đó là do việc áp dụng pháp luật có những điểm khác nhau. Sự hiểu biết không thống nhất về một quy định pháp luật có nguyên nhân khách quan là do sự phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng có thể do nguyên nhân chủ quan, do trình độ năng lực của Thẩm phán hay cũng có thể do xuất phát từ một động cơ cá nhân nào đó của Thẩm phán, dẫn tới việc áp dụng pháp luật có nhiều cách khác nhau. Để khắc phục những điểm bất cập đó, khi xác định, phân tích các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao, sẽ góp phần xây dựng, hình thành cách hiểu thống nhất về những quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Vậy bằng cách nào có thể xây dựng hình thành cách hiểu thống nhất về một quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau? Qua phân tích những áp dụng pháp luật khác nhau của Thẩm phán về quy định của pháp luật, báo cáo tổng kết chỉ ra những cách hiểu không đúng về quy định pháp luật, dẫn tới áp dụng pháp luật khác nhau, từ đó báo cáo cũng chỉ ra một cách hiểu chung thống nhất về quy phạm pháp luật được áp dụng.

- Tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung hoàn thành chỉnh các quy định pháp luật. Thông qua việc phân tích đánh giá về các vụ án điển hình không những thấy được sai sót hay khiếm khuyết trong việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán, mà qua việc áp dụng đó còn thấy được lỗ hổng của pháp luật làm cho Thẩm phán áp dụng không thống nhất, đó là những bất cập đang tồn tại của luật pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sai sót, vi phạm trong việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán mà một nguyên nhân quan trọng là luật pháp chưa sát và phù hợp với đời sống xã hội hay pháp luật lạc hậu và không theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật của Thẩm phán, qua phân tích các bản án dưới nhiều hình thức Toà án tối cao sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật cũng cần phải nắm bắt được các yêu cầu khi khảo sát nghiên cứu xây dựng pháp luật qua các hình thức áp dụng pháp luật trong công tác xét xử của Thẩm phán để ban hành pháp luật kịp thời, tạo sự ổn định lâu dài cho các quy phạm pháp luật, có như vậy khi áp dụng pháp luật trong công tác xét xử mới thống nhất và ổn định.

- Tạo cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải thích chính thức pháp luật. Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan giải thích chính thức pháp luật. Văn bản giải thích pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có giá trị như các quy định pháp luật đã được ban hành, còn các văn bản quy phạm pháp luật khác do các cơ quan Nhà nước ban hành thì thẩm quyền giải thích văn bản đó là do chính cơ quan ban hành. Thông qua hoạt động xét xử, Toà án cũng thực hiện chức năng giải thích pháp luật đối với các quy  phạm được áp dụng. Báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao cũng được coi là văn bản giải thích chính thức của Toà án về việc áp dụng các quy  định pháp luật trong các bản án điển hình. Trên cơ sở báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao Toà án các cấp có thể lấy đó làm căn cứ, làm cơ sở để giải thích chính thức pháp luật về các quy  phạm sẽ được áp dụng.

- Phát hiện các bất cập trong hệ thống pháp luật thực định từ đó có định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật chỉ có thể thấy được qua hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật. Đối với Thẩm phán khi áp dụng pháp luật gặp những khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân là sự mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật. Thông qua việc phân tích các bản án điển hình không những thấy được những sai sót hay khó khăn vướng mắc của Thẩm phán trong việc áp dụng pháp luật mà qua đó còn thấy được những bất cập của các quy định pháp luật về những mâu thuẫn, chồng chéo của các quy  định pháp luật. Từ việc xác định và phân tích các bản án điển hình Toà án nhân dân tối cao sẽ kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khắc phục các mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định pháp luật, góp phần lấp lỗ hổng trong pháp luật.

*Dưới phương diện thực tiễn:

Việc nêu và phân tích các vụ án điển hình có các ý nghĩa sau:

- Là căn cứ để áp dụng pháp luật theo nguyên tắc tương tự. Trong thực tế công tác xét xử không bao giờ có những vụ án giống nhau 100% với tất cả những dữ kiện và chứng cứ, do đó khi xét xử Thẩm phán không thể áp dụng tất cả những nhận định và kết luận của vụ án này vào nhận định và kết luận của vụ án khác. Hoạt động xét xử đòi hỏi ở trình độ, năng lực, bản lĩnh của người Thẩm phán. Các Thẩm phán không chỉ hiểu biết chính xác các quy định pháp luật mà họ còn phải hiểu và thấy được mối liên hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức được mối liên quan giữa ngành luật này và luật khác. Người Thẩm phán cũng như người tiến hành áp dụng pháp luật nào khác muốn làm tròn bổn phận của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì họ phải có được ý thức pháp luật sâu rộng. Do đó những phân tích đánh giá của Toà án tối cao đối với các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết sẽ là những căn cứ rất quan trọng cho các Toà án địa phương khi tiến hành xét xử các vụ án gần giống với nó. Có nghĩa là người Thẩm phán khi xét xử sẽ lấy những tình tiết hay kết luận của vụ án trước đó làm căn cứ để kết luận theo nguyên tắc tương tự. Để áp dụng pháp luật tương tự người Thẩm phán trước tiên phải căn cứ vào những quy định của pháp luật sau đó mới tính tới các căn cứ khác trong đó có căn cứ là các hướng dẫn của Toà án tối cao đối với các bản án điển hình đã được phân tích đánh giá trong báo cáo tổng kết của ngành hàng năm.

Các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn là mô hình mẫu để xét xử các vụ án tương tự và qua đó, Thẩm phán sẽ tránh được những cái sai và khiếm khuyết của các Thẩm phán trước đó đã mắc phải, đồng thời những kết luận và căn cứ đúng được khẳng định thì Thẩm phán sẽ tự tin trong việc áp dụng tương tự.

Để xét xử một vụ án đảm bảo chất lượng người Thẩm phán phải tiến hành các bước trong quá trình xét xử như nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, trực tiếp xét xử. Các bước như vậy người Thẩm phán sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều về những kết luận được đánh giá trong các bản án điển hình của Toà án nhân dân tối cao. Ở đây các vụ án điển hình sẽ góp phần chỉ đạo tư duy và hành động của các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vụ án. Đó chính là giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao.

- Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình không chỉ chỉ đạo tư duy và hành động của các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vụ án mà nó còn định hướng hoạt động cho các chủ thể tham gia quá trình tố tụng vụ án. Như Công tố viên, Luật sư, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn. Các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Thẩm phán mà còn đối với những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng khác. Hoạt động xét xử là khâu cuối cùng và quan trọng nhất của quá trình tố tụng, do đó, các vụ án điển hình được Toà án nhân dân tối cao tổng kết thường được các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác tham khảo như là những tài liệu quan trọng trong hoạt động của mình, bởi nếu không tham khảo hay không cần biết đến kết luận của Toà án tối cao về các bản án điển hình thì những kết quả xét xử của Toà án cấp dưới sẽ chịu ảnh hưởng đối với các vụ án tương tự. Những người không hiểu biết về vai trò của mình trong các quan hệ tố tụng mới không quan tâm tới những kết luận của Toà án tối cao trong các bản án điển hình, còn những người hiểu biết họ sẽ tập trung khai thác những nhận định, đánh giá, kết luận được nêu trong bản án điển hình của Toà án tối cao để bảo vệ những chứng cứ và quan điểm của mình khi tham gia tố tụng trong những vụ án mới. Vì lý do như vậy mà các vụ án điển hình có giá trị định hướng hoạt động cho các chủ thể khác khi tham gia quá trình tố tụng vụ án.

- Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình trong tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn định hướng dư luận xã hội đối với các bản án được xét xử khi vụ án có nhiều cách hiểu khác nhau. Sau mỗi phiên toà xét xử của toà án về một vụ án cụ thể nào đó, đều có những tranh luận khác nhau về kết luận của Toà án, bởi vì dù người Thẩm phán có nhân danh nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tuyên án thì những nhận định và kết luận trong bản án vẫn là những nhận định chủ quan của hội đồng xét xử, mà đã là những nhận thức chủ quan của bất kỳ người nào hay nhóm người nào cũng đều có thể đúng hoặc không đúng, nhận định này đúng, nhận định này sai, tất cả những cái đó sẽ luôn được tranh cãi, được dư luận xã hội quan tâm ở những góc độ khác nhau. Để bảo đảm cho việc xét xử được công bằng và đảm bảo công lý, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật, pháp luật tố tụng quy định quyền kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, bị cáo và quyền kháng nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng để xét xử theo trình tự phúc thẩm hay giám đốc thẩm. Sự xem xét và xét xử các bản án theo trình tự phúc thẩm hay giám đốc thẩm sẽ góp phần làm cho việc xét xử mang tính khách quan và chính xác. Tuy vậy, trong thực tế nhiều bản án phúc thẩm và giám đốc thẩm vẫn còn là các đề tài luôn được tranh luận và quan tâm không phải của những người trong giới, kể cả những người ngoài giới và của dư luận xã hội. Những cách hiểu khác nhau đó về từng bản án cụ thể chỉ có thể tương đối được hiểu giống nhau khi thông qua sự phân tích đánh giá các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao, dư luận xã hội mới có những định hướng tập trung hơn. Bản báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng nó giá trị tham khảo và luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội và những người tham gia tố tụng. Nó góp phần vào định hướng dư luận xã hội đối với các bản án được xét xử khi vụ án có nhiều cách hiểu khác nhau.

 

 

 

CHƯƠNG 2:

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH TRONG

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM

 

 

2.1. KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM

2.1.1. Khái niệm và phân loại các chức danh tư pháp 

 

          Để hiểu thế nào là chức danh tư pháp cần làm rõ các khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quan niệm thống nhất và chính thức về các khái niệm tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp, các chức danh tư pháp. Các khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp, chức danh tư pháp mang tính tương đối và được hiểu trong từng ngữ cảnh cụ thể.

          Theo thuyết tam quyền phân lập thì tư pháp là một trong ba quyền của quyền lực nhà nước gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Hiểu theo cách này thì quyền tư pháp là hoạt động xét xử của Toà án. Cơ quan tư pháp ở nước ngoài chính là hệ thống Toà án còn Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, Bộ Tư pháp đều thuộc hành pháp. Ở nhiều quốc gia, Viện kiểm sát được gọi là Viện Công tố và thuộc Bộ Tư pháp. Hoạt động Luật sư, giám định, công chứng, thi hành án chỉ mang tính chất bổ trợ cho hoạt động xét xử mà thôi.

          Theo Hiến pháp Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền đó. Bởi vậy, khái niệm tư pháp, cơ quan tư pháp được hiểu rộng hơn cách hiểu của nước ngoài. Theo quan điểm khá phổ biến của Việt Nam thì tư pháp được hiểu gồm toàn bộ các hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau nhằm giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật. Hoạt động tư pháp ở Việt Nam không chỉ là hoạt động xét xử mà còn nhiều hoạt động khác nhau. Hệ thống cơ quan tư pháp không chỉ bao gồm Toà án mà còn có các cơ quan khác như Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án...

          Chức danh tư pháp (hay một số văn bản gọi là cán bộ có chức danh tư pháp) là một thuật ngữ mới được sử dụng trong đời sống pháp lý ở nước ta. Cần phân biệt thuật ngữ cán bộ pháp luật với thuật ngữ chức danh tư pháp. Cán bộ pháp luật là từ chung để chỉ tất cả những người có kiến thức pháp luật nhất định (ví dụ, có trình độ cử nhân luật) đang công tác trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật như: cán bộ trong hệ thống Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng, giám định tư pháp, bộ phận pháp chế của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế... Khái niệm chức danh tư pháp là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ những người có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn theo quy định, được Nhà nước bổ nhiệm hoặc công nhận theo thủ tục luật định, có thẩm quyền độc lập để thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của hoạt động giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật.

          Các chức danh tư pháp có các dấu hiệu chung như sau:

          - Là những người có kiến thức chuyên môn nhất định, phù hợp với yêu cầu của công việc, ví dụ, phải có trình độ cử nhân luật; được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp; có thâm niên công tác trong lĩnh vực pháp luật. Mỗi chức danh phải đáp ứng các yêu cầu riêng theo quy định của pháp luật;

          - Được Nhà nước, thông qua các thiết chế của mình bổ nhiệm (ví dụ, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên được bổ nhiệm) hoặc công nhận (ví dụ, Luật sư);

          - Có thẩm quyền độc lập, tức là được Nhà nước trao cho những quyền hạn riêng mà những người khác không thể có được, ví dụ, không một người nào khác ngoài Thẩm phán, hội thẩm nhân dân có thể tiến hành xét xử các vụ án;

          - Được tiến hành các hoạt động tư pháp như một nghề nghiệp nhằm giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật.

          Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về các đối tượng được coi là các chức danh tư pháp. Có thể liệt kê các đối tượng được coi là cán bộ có chức danh tư pháp như sau: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, điều tra viên, giám định viên, đấu giá viên, trọng tài viên... Nhưng theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì các chức danh tư pháp chỉ bao gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, điều tra viên. Học viện Tư pháp có chức năng đào tạo “các chức danh tư pháp” nhưng hiện nay chỉ đào tạo một số chức danh tư pháp như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên và Công chứng viên.

2.1.2. Đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp

 

          Một người muốn được bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên phải thoả mãn các điều kiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật, trong đó điều kiện bắt buộc về chuyên môn là phải tốt nghiệp khoá đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và hội thẩm nhân dân năm 2002 quy định: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn, có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của Pháp lệnh này, có sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn để bổ nhiệm làm Thẩm phán”. Tương tự như vậy, Điều 2 Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân quy định một trong các điều kiện bổ nhiệm Kiểm sát viên là có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát. Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 quy định các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư là phải có trình độ đại học luật và tốt nghiệp khoá đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài được Việt Nam công nhận, trừ các trường hợp được miễn theo quy định. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Công chứng năm 2006 cũng quy định chi tiết các điều kiện để bổ nhiệm làm Chấp hành viên và Công chứng viên, trong đó đều nhấn mạnh điều kiện về chuyên môn phải tốt nghiệp đại học luật và được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

          Tuy văn bản đầu tiên quy định về đào tạo nghề trước khi bổ nhiệm chức danh tư pháp là Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực (quy định về đào tạo nguồn bổ nhiệm Công chứng viên) được ban hành vào cuối năm 2000 nhưng hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1998, khi Trường Đào tạo các chức danh tư pháp tiến hành khóa đào tạo nguồn Thẩm phán đầu tiên ở Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi xin đề cập một cách khái quát về hoạt động đào tạo một số chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

- Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán: Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán được Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (nay là Học viện Tư pháp) tiến hành từ năm 1998, có nghĩa là trước khi Pháp lệnh Thẩm phán và hội thẩm nhân dân năm 2002 quy định điều kiện bắt buộc để bổ nhiệm Thẩm phán là phải được đào tạo nghề. Đến nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo được 10 khoá với khoảng hơn 2.900 học viên đã tốt nghiệp ra trường. Hiện nay, Học viện Tư pháp đang tiến hành đào tạo nghiệp vụ thẩm phán khoá XI.

          - Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên: Trước khi thành lập Học viện Tư pháp thì việc đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên do Trường Cao đẳng kiểm sát (Trường Cao đẳng kiểm sát tại Hà Nội và Trường Cao đẳng kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. Trước năm 2002, Trường Cao đẳng kiểm sát chủ yếu đào tạo hệ cao đẳng kiểm sát theo hình thức tập trung và tại chức. Theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên thì tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên phải có trình độ cử nhân luật và được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát. Vì vậy, Trường Cao đẳng kiểm sát đã kết thúc khoá đào tạo cao đẳng kiểm sát để chuyển sang đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Trường Cao đẳng kiểm sát Hà nội đã tổ chức được 2 lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho trên 100 học viên là những người đã tốt nghiệp Đại học Luật và đã công tác ít nhất 3 năm trong ngành kiểm sát. Số học viên này đã được trang bị kiến thức về các ngành luật, do đó thời gian đào tạo là 12 tháng và chỉ học các môn về nghiệp vụ kiểm sát. Trường Cao đẳng kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng đang mở 1 lớp đào tạo Kiểm sát viên với số lượng 116 học viên.

Trong những năm vừa qua Trường Cao đẳng kiểm sát tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được 13 khóa hệ đào tạo tập trung chính quy 4 năm; 4 khóa đào tạo tập trung chính quy 3 năm; 16 khóa chuyên tu; 19 khóa tại chức; 11 khóa hệ cử tuyển (KVO); 14 khóa thuộc hệ trung cấp; 1 khóa đào tạo Kiểm sát viên cho cán bộ đã tốt nghiệp Đại học luật. Tổng số học viên, sinh viên đã qua đào tạo trên 8.000 người.

Thực hiện Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC-TCCB của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc quy định bộ máy làm việc của Viện KSND tối cao cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp thì Trường Cao đẳng kiểm sát không còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên. Nhiệm vụ này được chuyển giao cho Học viện Tư pháp. Để thực hiện nhiệm vụ mới này, Học viện Tư pháp đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên. Năm 2004, Học viện Tư pháp đã tổ chức 01 khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm sát 6 tháng cho Viện kiểm sát quân sự trung ương với 50 học viên. Năm 2005, Học viện Tư pháp đã tiến hành lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên khoá II với thời gian đào tạo 12 tháng. Đến nay, Học viện đã tiến hành đào tạo được 4 khóa Kiểm sát viên với hơn 850 học viên.

- Hoạt động đào tạo nguồn Luật sư: Hoạt động đào tạo nghiệp vụ Luật sư được tiến hành từ năm 2001, sau khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 có hiệu lực pháp luật. Tính tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo 3 khoá Luật sư tập sự (thời gian đào tạo 4 tháng) và 6 khoá đào tạo nghiệp vụ Luật sư (thời gian đào tạo 6 tháng). Các khoá đào tạo nghiệp vụ Luật sư được tiến hành giảng làm hai đợt học trong một năm. Đến nay Học viện đã đào tạo 06 khoá nghiệp vụ luật sư với tổng số 8199 học viên và hiện đang tiến hành lớp đào tạo nguồn Luật sư Khoá 7 đợt 1. 

          - Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên: Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên được Học viện Tư pháp bắt đầu từ năm 2002. Tính tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo 5 khoá nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên với hơn 1.000 học viên đã tốt nghiệp ra trường.

          - Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Công chứng viên: Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Công chứng viên được Học viện Tư pháp bắt đầu từ năm 2000, sau khi ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực. Tính tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo 6 khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm Công chứng viên với khoảng 300 học viên đã tốt nghiệp ra trường.

          Năm 2008, Học viện Tư pháp đang đào tạo 3.137 học viên các chức danh tư pháp. Hiện nay, hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên được thực hiện theo từng chương trình riêng tại Học viện Tư pháp. Bắt đầu từ niên học 2007 - 2008, Học viện Tư pháp bắt đầu áp dụng chương trình chung cho đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán và Kiểm sát viên, trong đó có những nội dung chung và có những nội dung chuyên sâu theo từng chức danh. Tuy Học viện Tư pháp đang áp dụng nhiều chương trình đào tạo khác nhau, nhưng xét một cách tổng thể thì hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp đều mang các đặc điểm chung như sau:

          Thứ nhất,về đối tượng đào tạo: Đối tượng theo học các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên phải có bằng cử nhân luật; riêng người học các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên còn phải thuộc biên chế các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, có thâm niên công tác và trong diện quy hoạch bổ nhiệm theo các chức danh.

Thứ hai,về mục tiêu đào tạo: Chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp hướng tới các mục tiêu sau đây:

(i) Trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản ban đầu cho những người sẽ được bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Kỹ năng nghề nghiệp của các chức danh tư pháp bao hàm nhiều nội dung khác nhau như: kỹ năng phân tích và áp dụng pháp luật; thu thập, phân tích và đánh giá chứng cứ; điều hành và tham gia phiên toà; lập luận và trình bày vấn đề; soạn thảo các văn bản tố tụng... Với tính chất đào tạo nguồn để bổ nhiệm các đối tượng sẽ làm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, hoạt động đào tạo chỉ đặt ra mục đích trang bị một cách hệ thống và tương đối toàn diện các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản nhất cho các chức danh tư pháp để họ có thể bước đầu hành nghề một cách độc lập khi được bổ nhiệm theo từng chức danh. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, họ có thể củng cố, năng cao kỹ năng hành nghề của mình bằng các con đường khác nhau.

(ii) Nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp. Song song với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thì việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp cũng được chú trọng. Dưới bất kỳ chế độ xã hội nào, đạo đức nghề nghiệp nói riêng và đạo đức của những người làm công việc bảo vệ pháp luật luôn cần được coi trọng. Chính vì vậy, những chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp là những chuyên đề học viên được học ngay từ khi họ bắt đầu một chương trình học tại trường. Bên cạnh đó, các học viên cũng được giới thiệu các vấn đề liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh tư pháp trong việc bảo vệ công lý; trách nhiệm nghề nghiệp của từng chức danh.

(iii) Cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của các chức danh. Nhiều cán bộ có chức danh tư pháp là những người thường được đào tạo pháp luật từ khá lâu. Trong khi đó hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trong thời gian gần đây có rất nhiều biến động. Do đó cần thường xuyên cập nhật các thông tin pháp luật mới, củng cố kiến thức pháp luật chuyên sâu cho các chức danh để họ có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

          Hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên được thực hiện theo một chương trình chung giúp những người sẽ được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên nắm được các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của các chức danh tư pháp khác nhằm thực hiện tốt hơn kỹ năng nghề nghiệp của mình và đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động nghề nghiệp của các chức danh trong hoạt động tố tụng.

          Thẩm phán, Kiểm sát viên là hai chức danh có quan hệ mật thiết với nhau trong các hoạt động tố tụng; nếu họ hiểu được kỹ năng nghề nghiệp của nhau sẽ nhanh chóng thống nhất ý kiến với nhau khi đánh giá về cùng một vấn đề. Và vì vậy, vụ án có thể được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật và phù hợp với các tình tiết khách quan. Việc đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên trong một chương trình thống nhất còn tạo cơ sở cho việc luân chuyển công tác giữa các chức danh tư pháp.

          Thứ ba, về nội dung chương trình đào tạo: Tuy hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đang được Học viện Tư pháp thực hiện theo những chương trình riêng biệt nhưng các chương trình có cấu trúc khá giống nhau và gồm các nội dung chính như sau:

Phần chuyên đề chung: Phần chuyên đề chung thường chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình. Phần này có các nhóm chuyên đề sau:

- Các chuyên đề về nhận thức nghề nghiệp các chức danh tư pháp như: đạo đức nghề nghiệp; vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nghề nghiệp của các chức danh tư pháp; quan hệ giữa các chức danh tư pháp trong hoạt động nghề nghiệp...

- Các chuyên đề pháp luật nội dung và tố tụng giới thiệu các nội dung chuyên sâu và cập nhật thông tin pháp luật mới của pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng liên quan đến việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo từng chức danh.

- Các chuyên đề bổ trợ cho hoạt động nghề nghiệp theo từng chức danh như: Tâm lý tư pháp, đánh giá kết luận giám định, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập luận, trình bày vấn đề...

Phần kỹ năng:Phần này giới thiệu kỹ năng nghề nghiệp theo từng chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên. Đây là nội dung quan trọng nhất của chương trình. Thời lượng dành cho phần kỹ năng thông thường chiếm khoảng 60% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Phần kỹ năng được chia thành 2 nội dung: Kỹ năng chung trang bị cho học viên kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi chức danh và kỹ năng giải quyết một số vụ việc cụ thể trang bị các kỹ năng đặc thù trong việc giải quyết từng loại vụ việc cụ thể.

Mỗi bài kỹ năng được cấu trúc theo mô hình khép kín gồm:

- Một bài giới thiệu lý thuyết chung về các kỹ năng có liên quan: Bài này giới thiệu một cách khái quát về lý thuyết kỹ năng làm cơ sở cho học viên tự rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể trong các bài nghiên cứu hồ sơ tình huống.

- Một số bài tình huống: Trên cơ sở kỹ năng được trang bị ở bài giới thiệu lý thuyết chung, các học viên sẽ được rèn luyện từng kỹ năng nghề nghiệp cụ thể thông qua các bài học tình huống theo hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế.

- Một bài đối thoại và kiểm tra: Trong bài học này giáo viên, học viên sẽ có cơ hội đối thoại đa chiều để giáo viên có thể giải đáp cho học viên các vướng mắc phát sinh từ bài học hoặc từ thực tiễn hoạt động xét xử của họ.    

Phần diễn án: Trong Phần kỹ năng, học viên còn được rèn luyện kỹ năng điều hành phiên toà ở các buổi diễn án. Trong các buổi diễn án, các học viên sẽ được phân vai theo hồ sơ vụ án thực tế để tiến hành diễn án. Các buổi diễn án được tiến hành nhằm rèn luyện kỹ năng điều khiển phiên toà, giải quyết tình huống phát sinh tại phiên toà, kỹ năng ra một số văn bản tố tụng. Việc diễn án giúp học viên bước đầu cọ xát với thực tiễn qua đó tạo sự tự tin cho học viên khi tốt nghiệp ra trường và tiến hành các hoạt động nghề nghiệp. Hiện nay, các bài học diễn án chỉ áp dụng cho các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư.

          Phần thực tập: Thời gian thực tập được bố trí trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán và Kiểm sát viên. Chương trình đào tạo nguồn Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên không có thời gian thực tập.  Phần thực tập chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình. Các học viên được chia thành từng nhóm để thực tập tại các Toà án, Viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh.  

          Thứ tư: Về phương pháp đào tạo: Xuất phát từ yêu cầu đặc thù của hoạt động đào tạo nghề sau đại học mà Học viện Tư pháp áp dụng rộng rãi phương pháp giải quyết tình huống và diễn án.

*Phương pháp giải quyết tình huống thông qua hồ sơ vụ việc cụ thể: Việc giải quyết tình huống giúp học viên vận dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tế. Đây là phương pháp giảng dạy phát huy được tối đa sự tham gia của học viên trong giờ học, có tác dụng làm tăng khả năng suy nghĩ độc lập, tiếp cận một tình huống dưới nhiều góc độ; xây dựng kỹ năng xử lý thông tin, xác định những thông tin cơ bản, loại bỏ những thông tin không cần thiết; phát triển các kỹ năng giao tiếp như nghe, nói, trình bày, từ đó, tạo được lòng tin của học viên vào chính khả năng của mình trong việc giải quyết công việc, đánh giá được kết quả công việc của mình và hiểu biết nhiều hơn về bản thân. Phương pháp giải quyết tình huống được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các bài giảng kỹ năng, được tiến hành sau khi học viên đã được truyền đạt các kiến thức lý thuyết kỹ năng.

Phương pháp này được triển khai trên cơ sở các hồ sơ thực tế. Học viên được phát trước hồ sơ thực tế trong một thời gian hợp lý trước mỗi buổi học tình huống; nghiên cứu trước hồ sơ, phát hiện những tình huống pháp lý và tình huống hành nghề cần giải quyết. Tại buổi học, việc trao đổi giữa học viên với nhau, giữa học viên với giảng viên được diễn ra liên tục đến khi tình huống pháp lý và hành nghề được giải quyết rõ ràng. Thông qua việc giải quyết các vấn đề mà tình huống đặt ra, giảng viên khái quát hoá thành các kinh nghiệm nghề nghiệp, làm cơ sở cho các thao tác nghề nghiệp chuẩn sau này của học viên.

          *Phương pháp thực hành đóng vai, diễn tập (diễn án): Phương pháp thực hành đóng vai (diễn án) là phương pháp yêu cầu các học viên tự đặt mình vào vị trí của một chủ thể tiến hành tố tụng để chủ động đặt ra và chủ động xử lý tình huống, giải quyết vấn đề. Phương pháp này phù hợp với các nội dung rèn luyện kỹ năng phản ứng nhanh, linh hoạt, chuẩn xác như kỹ năng thẩm vấn;  kỹ năng đối đáp trong phần tranh luận tại phiên toà; kỹ năng hỏi cung bị can, lấy lời khai đương sự...

Mục đích của các buổi diễn án là nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cụ thể theo từng chức danh (học viên thẩm phàn rèn luyện kỹ năng điều khiển phiên toà, giải quyết tình huống phát sinh tại phiên toà, kỹ năng ra một số văn bản tố tụng; học viên Luật sư rèn luyện kỹ năng tham gia phiên toà, trình bày phương án bảo vệ tại phiên toà, kỹ năng tiếp khách hàng, hỗ trợ khách hàng ký kết hợp đồng..). Việc học viên phân vai để trực tiếp thực hành các kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp học viên nắm vững kiến thức pháp luật đã được học và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thành thục. Các buổi diễn án, đóng vai cũng giúp học biên bước đầu cọ xát với thực tiễn qua đó tạo được sự tự tin cho học viên khi tốt nghiệp ra trường và tiến hành các hoạt động nghề nghiệp sau này. Thực tế cho thấy, phương pháp học tập thông qua việc diễn án được nhiều học viên và giáo viên đánh giá cao. Các học viên rất hứng thú khi tham gia các buổi diễn án, đặc biệt đối với các buổi diễn án chung (có sự phối hợp giữa học viên các lớp đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư).

Các học viên sẽ được phân vai diễn án theo hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế. Tiêu chí để lựa chọn hồ sơ diễn án là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp để có thể khai thác dưới nhiều khía cạnh khác nhau; vụ án có sự tham gia của nhiều đối tượng như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo, người bị hại trong các vụ án hình sự hoặc đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án dân sự - kinh tế - lao động - hành chính để có thể bố trí nhiều vai diễn; vụ án có chứng cứ đầy đủ để có thể ra phán quyết cuối cùng. Hồ sơ vụ án có thể được biên tập lại để phù hợp với yêu cầu bài học và ý đồ sư phạm.

Như vậy, với mục đích đào tạo CCDTP là trang bị kỹ năng nghề nghiệp theo hướng cầm tay, chỉ việc thì tâm điểm của chương trình đào tạo là phần đào tạo kỹ năng với phương pháp đào tạo phổ biến là giải quyết tình huống từ những hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế, đã được biên tập lại để phù hợp với mục đích và yêu cầu của từng bài học trong tổng thể chương trình của các khoá học.

2.2. VAI TRÒ CỦA HỒ SƠ VỤ ÁN TRONG VIỆC THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

2.2.1. Phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp.

 

          Chất lượng đào tạo được đảm bảo bằng các yếu tố: người học - chương trình đào tạo - người dạy - phương pháp đào tạo. Bốn yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau, nếu thiếu một trong số các yếu tố đó thì hoạt động đào tạo không thể đạt được chất lượng như mong muốn. Phương pháp đào tạo vừa là một yếu tố độc lập tạo nên chất lượng đào tạo, vừa giữ vai trò duy trì mối liên hệ giữa các yếu tố còn lại. Dù có chương trình đào tạo tốt, người học nhiệt tình, giáo viên giỏi nhưng không có phương pháp đào tạo phù hợp thì cũng không thể có chất lượng đào tạo.

          Việc lựa chọn áp dụng phương pháp này hay phương pháp khác chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, mà hàng đầu là:

- Mục đích đào tạo;

- Đối tượng đào tạo (người học);

- Nội dung chương trình đào tạo cần truyền đạt đến người học;

- Đội ngũ giáo viên và khả năng vận dụng các phương pháp giảng dạy của giáo viên;

- Khả năng đảm bảo các điều kiện cho việc áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập như: cơ sở vật chất (phương tiện giảng dạy, hội trường); nội dung chương trình; giáo trình, tài liệu tham khảo; cách thức đánh giá chất lượng đào tạo...

Với mục đích, yêu cầu đặt ra từ hoạt động đào tạo nghề, Học viện Tư pháp sử dụng phối hợp nhiều phương pháp đào tạo khác nhau như: thuyết giảng, giải quyết tình huống, diễn án, thảo luận nhóm…, trong đó phương pháp giải quyết tình huống, diễn án được sử dụng khá phổ biến.

Mục đích của hoạt động đào tạo CCDTP là trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho những người sẽ được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên. Để có thể trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho các đối tượng này, trước hết phải có đội ngũ giáo viên thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt các kinh nghiệm mình đã tích luỹ được từ hoạt động thực tiễn cho học viên. Nhưng nếu học viên chỉ nghe giáo viên giới thiệu về kinh nghiệm nghề nghiệp một cách thụ động thì không bao giờ có thể biến kỹ năng nghề nghiệp của thày thành kỹ năng nghề nghiệp của mình. Để làm được việc này, học viên phải tự rèn luyện tay nghề (tự làm) dưới sự hướng dẫn cặn kẽ của giáo viên theo quy trình:

=> Giáo viên giới thiệu khái quát về kỹ năng thực hiện một hoặc một số hoạt động nghề nghiệp cho học viên; trường hợp cần thiết, giáo viên có thể thực hiện mẫu hoạt động nghề nghiệp đó cho học viên chứng kiến;

=> Học viên (hoặc nhóm học viên) tự mình thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo cách thức giáo viên đã hướng dẫn và đã làm mẫu;

=> Các học viên (hoặc nhóm học viên) khác đánh giá về hoạt động nghề nghiệp đã được thực hiện; thảo luận để góp ý kiến cho nhau và rút kinh nghiệm cho mình;

=> Giáo viên nhận xét, đánh giá để chỉ ra cái đúng, cái sai của hoạt động nghề nghiệp đã được học viên tiến hành; chỉ ra nguyên nhân và khái quát hoá thành kinh nghiệm nghề nghiệp cho học viên.

Học viên các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP là những người đã có trình độ đại học luật, ít nhiều đã có kinh nghiệm thực tiễn (nhất là đối với học viên các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên) và thường ở độ tuổi từ 30 - 35. Với đối tượng này thì phương pháp thuyết giảng thuần tuý ít phát huy được hiệu quả, dễ gây cảm giác chán nản, mỏi mệt. Xét về tâm lý lứa tuổi thì họ muốn tự làm, tự trải nghiệm, tự trau dồi những kỹ năng nghề nghiệp mà họ cho là cần thiết. Do đó, phương pháp đào tạo thụ động, “nhồi nhét” tỏ ra không thích hợp và ít phát huy được hiệu quả.          

Hoạt động thực tiễn của CCDTP được cấu thành bởi hàng loạt hoạt động nghiệp vụ đặc thù với sự quy định chặt chẽ của pháp luật. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, CCDTP không chỉ cần nắm vững các quy  định của pháp luật mà còn phải có kỹ năng nghề nghiệp thuần thục, có tư duy pháp lý, kỹ năng vận dụng pháp luật giải quyết linh hoạt các tình huống pháp lý xảy ra trong thực tiễn, đặc biệt là các tình huống xảy ra ngoài dự liệu của pháp luật và dự kiến chủ quan của cán bộ tư pháp. Do đó, bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, học viên đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP còn phải rèn luyện các phẩm chất nghề nghiệp khác như: tác phong, giao tiếp, ký năng soạn thảo các văn bản, kỹ năng lập luận để thuyết phục người khác.

Thực tế đào tạo CCDTP của Học viện Tư pháp trong thời gian gần 10 năm qua đã chứng tỏ phương pháp giải quyết tình huống rất phù hợp với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy phương pháp giải quyết tình huống được các học viên và giảng viên đánh giá rất cao (72,5% học viên Thẩm phán; 65,7% học viên Luật sư cho rằng phương pháp rèn luyện kỹ năng qua giải quyết hồ sơ vụ án cụ thể rất phù hợp với việc đào tạo nghề) bởi vì nó mang lại rất nhiều hứng thú cho cả giảng viên và học viên trong giờ học, làm phong phú kiến thức cho cả hai phía, đặc biệt là học viên.

Phương pháp giải quyết tình huống được coi là phương pháp chủ đạo trong hoạt động đào tạo CCDTP. Với những mức độ khác nhau, phương pháp giải quyết tình huống có thể được áp dụng cho tất cả các nội dung trong chương trình đào tạo CCDTP hiện đang được áp dụng tại Học viện Tư pháp. Nhưng nội dung trong các chương trình đào tạo sử dụng rộng rãi và triệt để nhất phương pháp giải quyết tình huống là các bài học kỹ năng.

Như phần trên đã trình bày, các bài kỹ năng trong tất cả các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng tại Học viện Tư pháp đều được thiết kế giống nhau gồm 3 phần cơ bản:       

          - Bài giảng lý thuyết: Giới thiệu tổng quát về các vấn đề mang tính lý thuyết về kỹ năng cho học viên.

          - Các bài nghiên cứu tình huống: Tuỳ theo nội dung của từng bài học trong mỗi chương trình đào tạo các chức danh tư pháp mà học viên có thể được học một hoặc một số tình huống theo các hồ sơ vụ án cụ thể. Từ lý thuyết kỹ năng đã được trang bị ở bài lý thuyết, trong bài học tình huống, học viên sẽ tự mình thực hiện (hoặc nhận xét về cách thức thực hiện) một số hoạt động nghề nghiệp cụ thể theo từng chức danh tư pháp dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

          - Đối thoại - kiểm tra: giảng viên và học viên sẽ trao đổi với nhau để giải quyết các các vấn đề còn chưa rõ từ bài học hoặc các vướng mắc phát sinh từ thực tế hành nghề của học viên.

          Như vậy, phương pháp giải quyết tình huống thông qua hồ sơ các vụ việc đã được giải quyết trong thực tế được áp dụng trong các bài học tình huống. Trong chương trình đào tạo các chức danh tư pháp, các bài học tình huống hướng tới những mục đích sau đây:

          (i) Cụ thể hoá và thực tế hoá các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của các chức danh tư pháp đã được giới thiệu ở bài lý thuyết chung thông qua việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đặt ra từ hồ sơ vụ việc cụ thể đã được giải quyết trong thực tế.

          (ii) Giúp học viên hình thành, củng cố và nâng cao kỹ năng thực hiện các hoạt động nghề nghiệp theo từng chức danh bằng việc tự học viên giải quyết các vấn đề cụ thể mà hồ sơ tình huống đặt ra.

          (iii) Rèn luyện khả năng phân tích, đánh giá các sự kiện có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ việc, nâng cao phương pháp vận dụng pháp luật vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể mà thực tiễn đặt ra.

          (iv) Giúp học viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, lập luận, trình bày vấn đề.

          (v) Rèn luyện kỹ năng soạn thảo một số văn bản liên quan đến hoạt động nghề nghiệp theo từng chức danh.

          Bản chất của phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động đào tạo nghề tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP là học viên, thông qua việc xử lý các vấn đề đặt ra từ hồ sơ vụ việc thực tế rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết theo từng chức danh theo các yêu cầu và dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

2.2.2. Vai trò của hồ sơ vụ án trong việc áp dụng phương pháp giải quyết tình huống

 

Để áp dụng phương pháp giải quyết tình huống thì một loại tài liệu không thể thiếu là các hồ sơ tình huống. Đây là hồ sơ các vụ việc đã được giải quyết trong thực tiễn, được Học viện Tư pháp rút từ hồ sơ lưu trữ của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành dân sự, cơ quan công chứng ở các địa phương trong toàn quốc. Các hồ sơ này được photocopy nguyên bản từ hồ sơ gốc và được biên tập lại cho phù hợp với nội dung và ý đồ sư phạm của từng bài học trong mỗi chương trình đào tạo.

Như vậy, tình huống được xây dựng chủ yếu là phụ thuộc vào hồ sơ đã có. Đây cũng là giải pháp tình thế nhằm khắc phục những khó khăn ban đầu về tại liệu và hồ sơ tình huống. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ dẫn đến việc nhàm chán trong giải quyết tình huống, bởi nó không điển hình, đặc trưng cho từng loại vụ việc cụ thể mà CCDTP cần giải quyết. Hơn nữa, nếu chỉ phụ thuộc vào hồ sơ sẵn có trong thực tế thì các tình huống cũng không thể phong phú, đa dạng và hấp dẫn, lôi cuốn học viên, kích thích học viên tư duy tìm ra cách giải quyết linh hoạt nhất, phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên, Học viện đã chỉ đạo các Tổ bộ môn triển khai việc biên tập lại hồ sơ tình huống, rà soát để loại bỏ những hồ sơ không sử dụng được hoặc không phù hợp. Trên cơ sở phân loại hồ sơ tình huống cho từng bài giảng đối với từng tình huống cụ thể, hồ sơ cũng được đánh mã số phân loại một cách khoa học để thuận tiện cho việc tra cứu.

Đồng thời với việc rà soát, phân loại hồ sơ, tình huống, các Tổ bộ môn còn thường xuyên bổ sung, cập nhật hồ sơ mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Ví dụ: Hồ sơ vụ án hình sự được biên tập bổ sung đối với các tội phạm mới được quy  định, sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 1999, đặc biệt là các tội phạm về ma tuý, các tội phạm về sở hữu và các tội phạm về tình dục, các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ... Hồ sơ vụ án dân sự được biên tập theo từng loại quan hệ tranh chấp như hồ sơ việc xin ly hôn, thừa kế, tranh chấp, đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng... và theo các lĩnh vực hoạt động của người Thẩm phán như thụ lý, điều tra, hoà giải v.v...  Việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống được tiến hành theo các bước sau đây:

Bước một: Phát hồ sơ tình huống cho học viên. Hồ sơ tình huống trên cơ sở đã được biên tập ở tổ bộ môn phải đảm bảo phát cho mỗi học viên một bộ, chậm nhất là một tuần trước khi học về tình huống đó. Để giờ học tình huống đạt hiệu quả thì học viên phải đọc kỹ hồ sơ để nắm được nội dung tình huống và những tài liệu liên quan. Sau khi nắm vững các tình tiết liên quan đến vụ án, học viên nghiên cứu các văn bản pháp luật áp dụng giải quyết vụ án, suy ngẫm, cân nhắc tìm ra cách giải đúng nhất.

Bước hai:  Với hồ sơ đã được phát và lịch học ấn định cho từng tình huống, sau khi chuẩn bị ở nhà học viên đến lớp cùng với hồ sơ và giải quyết tình huống dưới sự hướng dẫn điều khiển của giáo viên. Tuỳ theo từng tình huống, từng bài mà trên lớp học viên có thể được chia thành các nhóm. Trước hết, trên cơ sở đã nghiên cứu hồ sơ, các nhóm thống nhất quan điểm về cách giải quyết tình huống, cử người đại diện nhóm trình bày cách giải quyết của nhóm mình, sau đó cả lớp nhận xét về cách giải quyết đó. Sau khi các nhóm đã trình bày quan điểm về cách giải quyết, học viên đóng góp ý kiến, giáo viên đưa ra kết luận và nhận xét bổ sung về cách giải quyết tình huống của từng nhóm. Sau khi tình huống cơ bản (theo hồ sơ được phát) đã được giải quyết, giáo viên có thể thay đổi một vài tình tiết, tài liệu trong hồ sơ và yêu cầu học viên giải quyết. Tuy nhiên, các tình huống đó cũng phải được giáo viên kết luận trước khi kết thúc buổi học.

Cùng với việc giải quyết tình huống, giáo viên kết hợp truyền đạt cho học viên những tác nghiệp có tính lý luận hoặc những trường hợp được áp dụng trong thực tiễn nhưng lý luận chưa đề cập đến hay có đề cập nhưng chưa rõ ràng, cụ thể. Sau khi giải quyết một tình huống cụ thể về một phương diện nào đó, giáo viên có thể khái quát, điển hình hoá sự việc giúp học viên có kiến thức toàn diện và sâu sắc hơn đối với tình huống được giải quyết.

  Hiện nay, tất cả các bài học nghiên cứu tình huống trong phần kỹ năng đều được giảng dạy trên cơ sở hồ sơ các vụ án đã được giải quyết trong thực tế. Từ việc giải quyết các vấn đề đặt ra từ hồ sơ tình huống dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các học viên sẽ được rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, cách thức sử dụng hồ sơ vụ án trong các bài học tình huống có những điểm khác biệt. Ví dụ, đối với các tình huống trong bài phiên toà, học viên được phân các vai diễn trên cơ sở hồ sơ vụ án: Các thành viên Hội đồng xét xử (chủ toạ phiên toà, hội thẩm nhân dân), thư ký phiên toà, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người làm chứng, người bị hại đối với phiên toà hình sự; đương sự hoặc người đại diện cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định... đối với phiên toà dân sự. Các học viên được phân vai sẽ thực hiện một số hoạt động tố tụng theo các tình tiết trong hồ sơ vụ án để rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết tại phiên toà.

Thực tế đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP ở Học viện Tư pháp trong thời gian vừa qua cho thấy, thời gian học tập tình huống trên cơ sở hồ sơ vụ án chiếm phần lớn trong tổng số thời gian học chuyên môn của toàn khoá. Ví dụ, trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư thì các buổi học kỹ năng thông qua các hồ sơ vụ án thực tế thường chiếm hơn 60% thời lượng chương trình đào tạo. Từ thực tế trên có thể thấy rằng việc thực hành trên các hồ sơ vụ án là nội dung cơ bản của chương trình đào tạo. Các hồ sơ vụ án thực sự là tài liệu, phương tiện rất quan trọng trong các chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP.

2.3. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG HỒ SƠ TÌNH HUỐNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

2.3.1. Các loại hồ sơ Học viện Tư pháp đang sử dụng

 

          Theo Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg ngày 11/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp và Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thì Học viện Tư pháp có nhiệm vụ đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác.

          Cho đến thời điểm hiện nay thì Học viện Tư pháp đang tiến hành các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên. Phù hợp với từng chương trình đào tạo, Học viện Tư pháp đã chuẩn bị các hồ sơ vụ việc tương ứng, cụ thể như sau:

          (i) Hồ sơ trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán:

          Để phục vụ hồ sơ cho các bài học kỹ năng, bao gồm cả các bài diễn án trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Học viện Tư pháp đã rút và biên tập nhiều loại hồ sơ vụ án đã được xét xử ở các Toà án địa phương và Toà án tối cao. Hồ sơ phục vụ hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán hết sức đa dạng:

          - Theo lĩnh vực án có: Hồ sơ các vụ án hình sự; hồ sơ các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình;  hồ sơ các vụ án kinh doanh, thương mại; hồ sơ các vụ án lao động và hồ sơ các vụ án hành chính. Trong số các hồ sơ vụ án dùng trong các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán thì các hồ sơ vụ án hình sự và hồ sơ vụ án dân sự chiếm một tỷ lệ lớn.

          - Theo tính chất xét xử có: Hồ sơ các vụ án được xét xử theo thủ tục sơ thẩm; hồ sơ các vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm; hồ sơ các vụ án được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Với yêu cầu đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán cấp huyện, nên phần lớn hồ sơ là hồ sơ sơ thẩm, các hồ sơ được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm  tương đối ít.

          - Theo cấp Toà án có: Hồ sơ được giải quyết tại Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hồ sơ được giải quyết tại Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các hồ sơ được giải quyết tại Toà án nhân dân tối cao ở các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Với cách phân định thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính hiện nay thì hồ sơ dân sự, hình sự chủ yếu là các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp huyện, trong khi hồ sơ án kinh tế, lao động, hành chính lại là hồ sơ của Toà án cấp tỉnh.

          - Theo giai đoạn tố tụng có: hồ sơ các vụ án dân sự, kinh tế, lao động được các bên tranh chấp hoà giải thành; hồ sơ các vụ án bị đình chỉ do hết thời hiệu, sai thẩm quyền, đương sự rút đơn khởi kiện...; hồ sơ các vụ án đã được xét xử.

          - Theo tính chính xác (hoặc không chính xác) của việc giải quyết vụ án có: các hồ sơ được giải quyết chính xác, phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, áp dụng đúng pháp luật nội dung và tuân thủ chặt chẽ thủ tục tố tụng; các hồ sơ vụ án có những sai sót cả về thủ tục tố tụng lẫn đường lối giải quyết vụ việc về mặt nội dung.

          - Theo đối tượng sử dụng hồ sơ có: hồ sơ dùng cho giáo viên và hồ sơ dùng cho học viên. Hồ sơ dùng cho giáo viên thông thường có đầy đủ bút lục hoặc kèm theo đáp án xử lý hồ sơ theo từng bài học đã được Tổ bộ môn thông qua. Hồ sơ dùng cho học viên thường không có đầy đủ các bút lục như hồ sơ gốc rút trong thực tế. Ví dụ, hồ sơ của học viên thường không có bản án hoặc quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự.

          Như vậy, hồ sơ vụ án được sử dụng trong chương trình đào tạo nguồn Thẩm phán hết sức đa dạng. Theo yêu cầu của từng bài học mà các Tổ bộ môn quyết định bố trí hồ sơ vụ án phù hợp.

          (ii) Hồ sơ trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên:

          Cũng giống hồ sơ đào tạo nguồn Thẩm phán, hồ sơ sử dụng trong chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên cũng là những vụ án đã được xét xử trong thực tế. Phù hợp với mục đích và chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên cấp huyện, các hồ sơ vụ án chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Ngoài ra, Học viện còn sử dụng các hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm sát giam giữ và cải tạo, kiểm sát thi hành án dân sự.

          (iii) Hồ sơ trong chương trình đào tạo nguồn Luật sư:

          Phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, hồ sơ sử dụng trong các khoá đào tạo nguồn Luật sư bao gồm:

          - Các hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế với sự tham gia của Luật sư trong các lĩnh vực: hồ sơ các vụ án hình sự, hồ sơ các vụ án dân sự (bao gồm cả hồ sơ giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động), hồ sơ vụ án hành chính. Các hồ sơ này cũng được phân biệt hồ sơ sơ thẩm, phúc thẩm...

          - Hồ sơ các vụ việc liên quan đến hoạt động tư vấn của Luật sư được rút từ các văn phòng Luật sư như: Hồ sơ thành lập doanh nghiệp; hồ sơ liên quan đến việc đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng; hồ sơ tư vấn cho các dự án đầu tư nước ngoài...

          (iv) Hồ sơ trong chương trình đào tạo nguồn Chấp hành viên: 

          Hồ sơ sử dụng trong chương trình đào tạo nguồn Chấp hành viên là những hồ sơ giải quyết yêu cầu thi hành án dân sự mà cơ quan thi hành án dân sự ở các địa phương đã giải quyết.

          (v) Hồ sơ trong chương trình đào tạo nguồn Công chứng viên:

          Hồ sơ sử dụng trong chương trình đào tạo nguồn Công chứng viên là hồ sơ các vụ việc đã được các Công chứng viên giải quyết trong thực tế. Đó có thể là hồ sơ các vụ việc liên quan đến công chứng một số loại giao dịch phức tạp liên quan đến đất đai, nhà cửa, thừa kế, góp vốn vào doanh nghiệp...

2.3.2. Việc rút và biên tập hồ sơ

 

          Như phần trên đã trình bày, các hồ sơ sử dụng trong các khoá đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP được rút từ các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công chứng và các Văn phòng Luật sư hoặc công ty luật hợp danh.

          Tiêu chí lựa chọn hồ sơ là:

          - Các hồ sơ vụ việc có nhiều tình tiết để có thể khai thác dưới nhiều khía cạnh, nội dung khác nhau;

          - Các hồ sơ vụ việc có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, cả những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng;

          - Các hồ sơ vụ việc có những nội dung hay tình tiết phù hợp với ý đồ sư phạm trong từng chương trình đào tạo và từng bài học trong chương trình.

          Với tính chất là nguồn tài liệu cho hoạt động đào tạo, các hồ sơ vụ việc không nhất thiết phải được giải quyết đúng đắn trong thực tế. Với những hồ sơ vụ việc được giải quyết đúng thì học viên có thể học tập để làm theo còn hồ sơ vụ việc bị giải quyết sai, học viên sẽ được rút kinh nghiệm để không mắc phải các sai sót tương tự.

          Các hồ sơ vụ việc thực tế được tiến hành biên tập lại cho phù hợp với yêu cầu của từng bài học. Thông thường, việc biên tập lại hồ sơ vụ việc gồm các công việc chính sau đây:

          - Dự kiến bố trí hồ sơ tình huống cho từng bài học trong chương trình đào tạo;

          - Loại bỏ các bút lục không thật sự cần thiết trong hồ sơ hoặc rút bớt một số bút lục cho phù hợp với ý đồ sư phạm của từng bài học. Ví dụ, bài Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự có thể rút bớt một số bút lục để yêu cầu học viên phát hiện những bút lục nào cần thiết cần bổ sung để Toà án có thể thụ lý vụ án;

          - Đánh máy lại các bút lục mờ. Những bút lục mờ, khó đọc, khi biên tập cần đánh máy lại. Đối với những tài liệu, chứng cứ cần đảm bảo tính nguyên vẹn thì vẫn lưu lại nguyên bản trong hồ sơ vụ án;

          - Sắp xếp lại các bút lục theo trình tự hợp lý theo ý đồ sư phạm của bài học;

          - Phôtô nhân bản, đóng quyển để tiện bảo quản, đánh mã số hồ sơ và bố trí hồ sơ cho các bài học.      

Hồ sơ vụ án được đánh mã số một cách khoa học và thống nhất để tiện tra cứu, sử dụng. Mã số hồ sơ thể hiện rõ các vấn đề liên quan đến: Đối tượng sử dụng hồ sơ (hồ sơ dùng cho đối tượng học viên nào - Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên hay Chấp hành viên), số hồ sơ, hồ sơ dành cho giáo viên hay dành cho học viên, môn học, bài học, thứ tự tình huống trong môn học đó. Ví dụ, hồ sơ với mã số: TP-203 HV/DS-B2TH2 lần lượt được hiểu đây là hồ sơ dùng cho đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán (TP), số hồ sơ là 203, đây là hồ sơ dùng cho học viên (HV), hồ sơ của môn dân sự (DS), hồ sơ dùng cho bài 2 trong chương trình môn học (B2) và được bố trí cho tình huống 2 (TH2) của bài này. 

Về cơ cấu, các hồ sơ dùng làm tình huống thực tế tương đối đa dạng, phản ánh được những nét cơ bản của quá trình xét xử. Có rất nhiều loại tội phạm khác nhau được thể hiện trong các hồ sơ vụ án hình sự và có hầu hết các tranh chấp thông dụng về dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại... được phản ánh trong các hồ sơ khác. Hệ thống hồ sơ vụ án hiện có cũng tương đối đa dạng về hình thức giải quyết. Có những vụ được hoà giải thành, có vụ đình chỉ giải quyết, có vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... Đa số các hồ sơ đều đảm bảo yêu cầu về tố tụng: đủ điều kiện, đúng thẩm quyền thụ lý... Các quyết định giải quyết cũng đúng luật. Song, có một số ít hồ sơ có sai phạm về thủ tục hoặc nội dung quyết định trái pháp luật... Các hồ sơ này nếu sử dụng ở mức độ hợp lý, có định hướng sử dụng theo những mục đích phù hợp thì cũng phát huy được hiệu quả tốt, tránh được những sai sót tương tự trong thực tế.

Các hồ sơ vụ án đều đã được các tổ chức, giáo viên nghiên cứu, sắp xếp vào các tình huống phù hợp theo từng kỹ năng như: thụ lý, điều tra, nghiên cứu hồ sơ, hoà giải, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm), nghị án, viết án.... Những hồ sơ tương đối phức tạp, điển hình, có Luật sư và nhiều người tham gia tố tụng với tư cách khác nhau... thường được chọn làm tình huống tổ chức các buổi diễn án, rèn luyện khả năng điều khiển phiên toà cho các học viên.

Việc cấp phát hồ sơ cho các học viên trong thời gian qua đã được tiến hành theo lịch cố định với sự phối hợp của nhiều bộ phận như: Khoa chuyên môn (bố trí hồ sơ cho từng bài học cụ thể), Phòng Đào tạo (làm lịch), Thư viện (quản lý hồ sơ, giao nhận hồ sơ cho học viên) và Ban cán sự các lớp (thay mặt các học viên trong lớp nhận hồ sơ từ Thư viện và trả hồ sơ khi đã học xong). Hồ sơ được phát cho các học viên các lớp từ cuối tuần trước để họ có thời gian nghiên cứu, phục vụ cho các tình huống của cả tuần sau. Sau mỗi tình huống sử dụng hồ sơ, đại diện các lớp lại thu lại để trả lại cho Thư viện theo quy định. Theo điều tra sơ bộ, khoảng hơn 90% số học viên được hỏi đều cho rằng việc cấp phát hồ sơ của nhà trường là tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu học tập.

2.3.3. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của các Tổ chuyên môn

 

*Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án hình sự:

Hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng cho các chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. Số lượng hồ sơ vụ án hình sự Học viện Tư pháp thu thập được khá nhiều. Cơ cấu nội dung hồ sơ vụ án hình sự tương đối phong phú. Có tới hơn 20 loại tội phạm được phản ánh trong các hồ sơ. Trong đó, nhiều nhất là các tội trộm cắp tài sản công dân, chiếm đoạt tài sản công dân, cố ý gây thương tích... Tuy vậy, không phải mọi hồ sơ hình sự trong Thư viện của Học viện đều được sử dụng cho các lớp học, có những hồ sơ được bố trí cho các giờ học tình huống, có những hồ sơ được sử dụng cho học viên tự nghiên cứu.

Các hồ sơ vụ án này đã được Tổ bộ môn biên tập, phân loại theo cấp xét xử (sơ thẩm- phúc thẩm). Trong số hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm lại được phân ra theo các nhóm tội phạm về xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự công cộng, xâm phạm nhân thân, xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm chức vụ, tội phạm vị thành niên... Sau khi phân các hồ sơ vụ án cho từng tình huống thực hành, tổ bộ môn đã tiến hành làm đáp án hồ sơ theo yêu cầu của từng kỹ năng cụ thể. So với các tổ khác thì Tổ hình sự là tổ tiến hành làm đáp án sớm nhất. Theo ý kiến của các giáo viên trong tổ thì đáp án hồ sơ sau khi đã được cả Tổ thông qua là cơ sở để thống nhất quan điểm chung giữa các giáo viên về định tội, lượng hình, đánh giá chứng cứ... đối với từng vụ việc.

Kết quả khảo sát trong học viên về thực trạng sử dụng hồ sơ cho thấy có gần 70% số học viên được hỏi rằng số lượng, cơ cấu nội dung hồ sơ vụ án hình sự là rất tốt, phong phú, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu học tập. Cũng do tính phong phú của hồ sơ hình sự mà 71% số học viên được hỏi cho rằng việc phân bố hồ sơ hình sự cho các kỹ năng thực hành là hợp lý, lôgic, đáp ứng yêu cầu thực hành. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất so với các tổ chức khác trong cùng một câu hỏi đánh giá về số lượng hồ sơ, cơ cấu việc và tính hợp lý của việc phân bổ hồ sơ. Nhiều học viên trả lời các hồ sơ vụ án hình sự có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của học viên hơn là các hồ sơ vụ án khác. Điều này còn được thể hiện qua sự  việc cùng một thời gian cấp phát hồ sơ như nhau (thứ 6 hàng tuần) nhưng lại có 66% số học viên được điều tra cho rằng có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ hình sự trước khi thực hành tình huống. Nhưng chỉ có 47% số đó có câu trả lời tương tự đối với các hồ sơ vụ án kinh tế, lao động, hành chính.

Như vậy, có thể do nhiều nguyên nhân song, từ thực trạng trên có thể nói rằng các hồ sơ vụ án hình sự đã được sử dụng khá hiệu quả so với việc sử dụng hồ sơ vụ án của các tổ kĩ năng khác. Đó cũng là ý kiến đánh giá từ phía các học viên.

*Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án dân sự (bao gồm cả hồ sơ vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại và lao động)

Cũng giống hồ sơ vụ án hình sự, hồ sơ vụ án dân sự được sử dụng cho các chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. Hồ sơ vụ án dân sự khá đa dạng. Xét về các loại việc cụ thể thì hồ sơ dân sự có hồ sơ vụ án phát sinh từ quan hệ hôn nhân - gia đình, tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thừa kế, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tranh chấp về kinh doanh-thương mại; tranh chấp công ty... Đặc biệt, sau khi Bộ luật tố tụng dân sự có quy định chi tiết về việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh- thương mại và lao động thì Thư viện của Học viện Tư pháp còn được bổ sung một số hồ sơ liên quan đến việc giải quyết các yêu cầu nói trên.

Kết quả khảo sát trong học viên về thực trạng sử dụng hồ sơ cho thấy có hơn 60% học viên cho rằng hệ thống hồ sơ vụ án dân sự là tương đối phong phú, đáp ứng yêu cầu học tập. Gần 70% số người được hỏi đánh giá việc phân bố hồ sơ cho các kĩ năng thực hành là phù hợp. Đây cũng là tỉ lệ cao so với các tổ khác trong cùng một câu hỏi.

*Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án hành chính:

Hồ sơ vụ án hành chính được sử dụng cho các chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. So với hồ sơ vụ án hình sự và vụ án dân sự thì hồ sơ các vụ án hành chính ít hơn nhiều lần. Hiện nay, nhà trường có 45 hồ sơ hành chính chủ yếu được lấy từ các Toà án Hà Nội, Khánh Hoà và Toà án nhân dân tối cao. Trong số hồ sơ trên chỉ khoảng 25 hồ sơ thực sự sử dụng được. Bởi vậy, nhiều hồ sơ phải dùng cho hai hoặc ba tình huống. Trong các hồ sơ sử dụng được thì phần lớn đối tượng kiện tụng là các quyết định quản lý, quy định xử phạt hành chính, giải quyết tranh chấp... của các Uỷ ban nhân dân; có một số ít vụ kiện các quyết định của cơ quan thuế và một vụ kiện về buộc thôi việc. Nội dung kiện chủ yếu liên quan đến chế độ quản lý đất và việc quản lý, cấp phép xây dựng. Như vậy, cơ cấu vụ việc thể hiện trong hồ sơ hành chính cũng không phong phú song đó cũng là tình hình thực tế của án hành chính hiện nay. Tuy nhiên, một sô vụ việc mới phát sinh trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, đăng ký kiểu dáng công nghiệp... vẫn còn chưa có trong các hồ sơ tại Học viện.

Theo số liệu điều tra có 71% số học viên được hỏi cho rằng số lượng hồ sơ hành chính ít, loại vụ việc chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu học tập; 52% số người được hỏi cho rằng tình trạng hồ sơ hành chính hiện nay không đáp ứng yêu cầu học tập do thiếu nhiều bút lục quan trọng, mờ nhoè... 39% số học viên được hỏi cho rằng việc phân bố hồ sơ cho các kỹ năng thực hành chưa phù hợp, cần phải thay đổi lại hoặc bổ sung thêm. Tình trạng này còn có thể do một nguyên nhân khách quan khác nữa là loại án hành chính được xét xử trên thực tế không phong phú và ít hấp dẫn. Toà án cũng không dễ dàng để xét xử các vụ án hành chính khi bị đơn trong vụ án hành chính thường là các Uỷ ban nhân dân - Cơ quan quản lý cao nhất ở địa phương. Do vậy, tâm lý học viên có thể không hứng thú lắm khi thực hành kỹ năng xét xử án hành chính trên hồ sơ. song, dù là nguyên nhân gì thì chúng tôi cũng cho rằng những con số đó phản ánh một thực trạng đáng phải lưu tâm.

2.3.4. Đánh giá sơ bộ về thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án tại Học viện Tư pháp

 

          Thực tế sử dụng hồ sơ vụ án phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập tại Học viện Tư pháp trong thời gian qua nổi lên mấy vấn đề sau đây:

          - Hồ sơ các vụ án được sử dụng khá phổ biến trong ba chương trình đào tạo là: đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên và đào tạo nguồn bổ nhiệm Luật sư. Với tính chất đào tạo nghề theo hướng cầm tay, chỉ việc thì việc học theo hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế chiếm tỷ lệ lớn trong toàn quỹ thời gian của mỗi chương trình đào tạo.

          - Hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế được coi là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác giảng dạy và học tập tại Học viện Tư pháp. Thông qua việc giải quyết các vấn đề đặt ra từ hồ sơ, các học viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, nhận xét về cách thức tiến hành các hoạt động tố tụng, thể hiện qua hồ sơ vụ án từ đó đúc kết thành kinh nghiệm cho học viên.

          - Ý thức được tầm quan trọng của hồ sơ vụ án trong các chương trình đào tạo, thời gian qua, Học viện đã sưu tầm được một số lượng lớn hồ sơ vụ án trong các lĩnh vực khác nhau, tiến hành biên tập lại để làm tài liệu giảng dạy và học tập. Các hồ sơ đã được biên tập và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đánh mã số, sắp xếp ổn định theo từng tình huống và làm đáp án theo yêu cầu của tình huống đó. Cách thức giao nhận hồ sơ đã được thực hiện thành nề nếp với một chương trình thực hành tương đối ổn định.

- Về số lượng, chất lượng hồ sơ: Theo kết quả điều tra sơ bộ trong học viên về chất lượng hồ sơ các vụ án dùng trong hoạt động đào tạo, nhiều ý kiến học viên cho rằng hồ sơ các vụ án chưa phong phú, mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập còn hạn chế, một số hồ sơ vụ án chưa thật sát với nội dung bài học, một số hồ sơ vụ án có tình tiết đơn giản, nhiều hồ sơ được giải quyết theo quy định của pháp luật cũ (cả pháp luật tố tụng lẫn pháp luật nội dung).

- Một số hồ sơ chưa được biên tập kỹ theo ý đồ sư phạm của từng bài học, do đó, giá trị sử dụng chưa cao. Một số hồ sơ không có yêu cầu nghiên cứu cụ thể do đó khi nhận hồ sơ, các học viên lúng túng không biết cần xử lý hồ sơ như thế nào. Nhiều hồ sơ chưa có đáp án chi tiết cho các vấn đề đặt ra từ hồ sơ do đó giáo viên lên lớp đưa ra kết quả xử lý hồ sơ không thống nhất.

- Tuyệt đại đa số hồ sơ vụ án hiện đang được sử dụng là các hồ sơ đã được giải quyết trong thực tế, thiếu các hồ sơ mang tính chất mẫu với việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung một cách đúng đắn để học viên học tập kinh nghiệm.

 

CHƯƠNG III:

 

CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP VÀ NHU CẦU XÂY DỰNG TẬP HỆ THỐNG HOÁ CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

 

 

3.1. CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ NHU CẦU MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

          Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm trong các giai đoạn phát triển của Cách mạng Việt Nam. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ được hình thành do nhiều yếu tố tác động, trong đó hoạt động giáo dục được coi là yếu tố quan trọng. Nhờ coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta mà đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta, trong đó có đội ngũ cán bộ tư pháp không ngừng lớn mạnh, đáp ứng các nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ.

          Ngày nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những yêu cầu và nhiệm vụ hết sức nặng nề. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung uơng Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong việc nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức: “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với chương trình, nội dung sát hợp”.

          Trong lĩnh vực tư pháp, Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, khuyết điểm trong công tác tư pháp thời gian qua là do “Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ; một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức”. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh trong đó chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo các chức danh.

          Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh với việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

          Thời gian qua, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CCDTP đã đạt được một số kết quả ban đầu, đáng khích lệ. Nhưng công cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi phải tạo bước chuyển biến căn bản chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CCDTP. Với mục đích đó, ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp để thống nhất đào tạo CCDTP. Trong Quyết định số 1269/2003/QĐ-TTg ngày 18/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thành lập Học viện Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới cũng chỉ rõ một trong các mục tiêu thành lập Học viện Tư pháp là: "Tập trung đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp trên cơ sở thống nhất nội dung, chương trình đào tạo; huy động tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác đào tạo".

          Công cuộc cải cách tư pháp do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chỉ đạo đang đặt ra cho hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật nói chung và đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP nói riêng những yêu cầu và nhiệm vụ mới, cụ thể như sau:

          Thứ nhất: Hoạt động đào tạo phải cung cấp đủ nguồn bổ nhiệm CCDTP, đáp ứng nhu cầu về số lượng cán bộ cho các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

          *Đối với nguồn bổ nhiệm Thẩm phán:  

          Hệ thống Toà án của Việt Nam được tổ chức ở ba cấp: TAND tối cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Toà án cấp tỉnh) và TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Toà án cấp huyện). Bên cạnh hệ thống TAND còn có hệ thống Toà án quân sự.

          Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao có hơn 100 Thẩm phán. Với nguyên tắc phân định thẩm quyền như hiện nay thì số lượng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tối cao là rất lớn. Tuy đã hết sức cố gắng, nhưng hoạt động xét xử của các Thẩm phán TAND tối cao luôn trong tình trạng quá tải. Việc thu xếp công việc để tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật các kiến thức mới, nhất là kiến thức về kinh tế thị trường, ngoại ngữ và tin học ứng dụng là hết sức khó khăn.

          Các Tòa án cấp tỉnh hiện có 921 Thẩm phán trong tổng số 1.118 tổng biên chế Thẩm phán toà án nhân dân cấp tỉnh được duyệt. Các Tòa án cấp huyện hiện có 2.411 Thẩm phán trong tổng số 3.515 tổng biên chế Thẩm phán toà án nhân dân cấp huyện được duyệt. Bên cạnh đội ngũ Thẩm phán, trong hệ thống TAND hiện có 4538 thẩm tra viên và thư ký Tòa án. Như vậy, so với biên chế thì hiện tại các Toà án nhân dân địa phương vẫn còn thiếu hơn 1.000 Thẩm phán. Đến năm 2010, nếu tính theo mức tăng trung bình số lượng vụ án các loại thụ lý ở cấp sơ thẩm, dự báo các toà án nhân dân các cấp sẽ phải thụ lý khoảng 450.000 vụ. Nếu cứ mỗi Thẩm phán giải quyết được trung bình 5 vụ việc/tháng, thì đến năm 2010, số lượng Thẩm phán cần có để đảm bảo tiến độ và chất lượng xét xử sẽ vào khoảng 7.000 người.

          Từ sự phân tích trên có thể sơ bộ rút ra kết luận: Từ nay đến năm 2010, ngành toà án cần được bổ sung khoảng 3.000 Thẩm phán để đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội chưa kể phải bổ sung cán bộ để thay thế cho khoảng 600 Thẩm phán về hưu hoặc chuyển công tác khác. Tổng cộng số lượng Thẩm phán cần đào tạo từ nay đến năm 2010 là hơn 4.000 người. Với số lượng học viên Thẩm phán mà Học viện Tư pháp đã đào tạo được và chưa được bổ nhiệm thì để đáp ứng nhu cầu gia tăng đội ngũ Thẩm phán thì trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, hàng năm, Học viện phải đào tạo được ít nhất 500 học viên Thẩm phán.

          Trong xu hướng thành lập Toà án khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, mở rộng thẩm quyền cho Toà án cấp huyện và bổ nhiệm từ Thẩm phán cấp huyện thì hoạt động đào tạo cần hướng đến việc tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán cấp huyện với chương trình, nội dung phù hợp với yêu cầu công việc của Thẩm phán Toà án cấp huyện.

          *Đối với nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên: 

          Ngành kiểm sát hiện đang sử dụng 7.319 Kiểm sát viên trên tổng biên chế toàn ngành là 9.500 người theo chỉ tiêu do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao từ năm 1997. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ của ngành kiểm sát hiện chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ mới cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê của ngành, nếu so với chức năng nhiệm vụ được Quốc hội quy định như hiện nay, thì số lượng Kiểm sát viên cao cấp còn thiếu so với quy hoạch là hơn 40 người, số lượng các Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện đã được bổ nhiệm cũng chỉ đạt 80% so với quy hoạch. Riêng trong năm 2003, ngành kiểm sát dự kiến tăng biên chế thêm 1.111 người. Cũng theo đánh giá của ngành kiểm sát, khoảng 50% cán bộ ngành kiểm sát hiện cần được đào tạo chuẩn hoá trình độ chuyên môn, và mỗi năm ít nhất 20% cán bộ trong ngành (khoảng 1000 lượt người) cần được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo các tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ.

          Để đáp ứng yêu cầu cán bộ của các cơ quan Viện kiểm sát thì trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, hàng năm, Học viện Tư pháp phải đào tạo được ít nhất 300 người để tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên.

          *Đối với nguồn Luật sư:

          Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 2.500 Luật sư đang hành nghề. Các Luật sư đăng ký thành viên qua 61 Đoàn Luật sư trong toàn quốc. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay, trong toàn quốc có gần 700 Văn phòng Luật sư, 45 chi nhánh văn phòng Luật sư và 4 công ty luật hợp danh đang hoạt động. Trong số 2.500 Luật sư nói trên có khoảng 5% Luật sư đã lớn tuổi sẽ ngừng hoạt động Luật sư trong vòng 5 năm tới do già, yếu.

          Tỉ lệ trung bình vụ việc/Luật sư/tháng tương đối ít cho thấy người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý. Thực trạng này, ngoài những nguyên nhân có liên quan đến yếu tố văn hoá pháp lý hay vai trò còn mờ nhạt của Luật sư trong hoạt động tố tụng, còn có nguyên nhân ở chính trình độ hạn chế của một bộ phận Luật sư. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, đa số các Luật sư có kinh nghiệm, có uy tín đều có được những khách hàng riêng, không qua sự giới thiệu của Đoàn, và con số những vụ việc tư vấn do các Luật sư này thực hiện thường không được thống kê tại các Đoàn.

          Nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý do Luật sư cung cấp có phần khả quan hơn trong khối doanh nghiệp nếu tính đến mức tăng số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong hơn ba năm qua. Cho đến nay, cả nước có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước, hàng trăm ngàn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, các công ty cổ phần, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

          Khi trình độ dân trí được nâng cao, các giao dịch dân sự, kinh tế và các quan hệ khác trong đời sống phát triển, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân được triển khai hiệu quả, các văn bản tố tụng được sửa đổi, bổ sung theo hướng nhấn mạnh hơn vai trò của Luật sư trong quá trình tố tụng... thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của nhân dân và doanh nghiệp cũng sẽ tăng đáng kể so với hiện nay. Cụ thể là, để mọi công dân, ngay cả người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo tỉ lệ trung bình cứ 5.200 dân có 01 Luật sư trợ giúp, vào năm 2010, đội ngũ Luật sư của Việt Nam phải đạt con số khoảng 18.000 đến 19.000 người.

          Theo dự kiến, để đáp ứng được nhu cầu xã hội, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, hàng năm, Học viện Tư pháp phải đào tạo tối thiểu 2000 Luật sư.

          Thứ hai: Chương trình đào tạo phải được đổi mới nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn và kỹ năng hành nghề đáp ứng yêu cầu công việc mà họ đảm nhiệm trong thực tế.    

          Tuy có nhu cầu gia tăng số lượng đào tạo, nhưng hoạt động đào tạo vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Chương trình đào tạo phải trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu công việc của từng chức danh tư pháp.

          Thực tiễn công tác tư pháp trong thời gian qua cho thấy các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên thường gặp khó khăn trong thực tiễn hành nghề xuất phát từ các lý do sau:

          - Chưa có kỹ năng nghề nghiệp thuần thục. Các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho hoạt động xét xử, kiểm sát, tranh tụng, tư vấn tương ứng với từng chức danh chưa được trang bị một cách chủ động, hệ thống, bài bản mà chủ yếu hình thành từ việc tự tích luỹ kinh nghiệm của bản thân, người đi sau học người đi trước. Bởi vậy, để có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết khả dĩ đáp ứng được yêu cầu công việc đòi hỏi phải có quá trình lâu dài; các kỹ năng tích luỹ được nhiều khi mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa hoặc kỹ xảo, tiểu xảo nghề nghiệp chứ không phải là phương pháp làm việc khoa học, hiện đại. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư thường yếu về kỹ năng thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ; kỹ năng soạn thảo bản án, bản cáo trạng, luận cứ bảo vệ và các văn bản tố tụng khác; lúng túng khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại phiên toà.

          - Kỹ năng phân tích pháp luật để áp dụng chính xác trong từng trường hợp cụ thể còn nhiều hạn chế. Tình trạng hiểu và áp dụng pháp luật một cách máy móc theo câu chữ chứ không theo tinh thần của pháp luật, thậm chí theo lối suy diễn chủ quan còn khá phổ biến.

          - Trình độ am hiểu kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của các chức danh còn nhiều hạn chế. Phần lớn các chức danh tư pháp đang hành nghề chưa được bồi dưỡng một cách bài bản, có hệ thống các kiến thức pháp luật chuyên sâu cần thiết cho hoạt động thực tiễn của mình. Nhiều người chưa nắm bắt được các kiến thức mới về kinh tế thị trường, nhất là về ngân hàng, thị trường chứng khoán, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế...

          - Nhiều cán bộ có chức danh tư pháp chưa nắm bắt được các tiến bộ của công nghệ thông tin nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Rất ít cán bộ có chức danh tư pháp sử dụng được ngoại ngữ và điều này tạo khó khăn lớn trong việc tiếp xúc với các chứng cứ có nguồn gốc nước ngoài cũng như không tự tham khảo được tài liệu tiếng nước ngoài để nâng cao trình độ.

          Thực tế đó đặt ra nhu cầu phải tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo nguồn bổ nhiệm CCDTP nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn hành nghề đang đặt ra.

          Thứ ba: Hoạt động đào tạo phải trang bị mặt bằng chuyên môn chung cho CCDTP, nhất là đối với ba chức danh: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư để mỗi chức danh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tiến tới tạo tiền đề về chuyên môn cho việc luân chuyển giữa các chức danh.  

          Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, tuy khác nhau về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nhưng hoạt động nghề nghiệp của họ lại có nhiều điểm chung: Họ có một bổn phận chung là bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật và lẽ công bằng; cùng tham gia giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính tại Toà án; cùng thực hiện một số hoạt động tố tụng cụ thể để góp phần giải quyết vụ án... Việc Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cùng tham gia giải quyết một vụ án với vị trí tố tụng khác nhau không mang ý nghĩa đối kháng nhau hay biệt lập với nhau mà họ cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để đạt được mục đích chung là làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án để từ đó, căn cứ vào quy định của pháp luật giải quyết vụ án một cách chính xác nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân và lợi ích chung của toàn xã hội.

          Để đạt được mục đích chung này, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải có cùng một mặt bằng chuyên môn, không chỉ am hiểu sâu sắc kỹ năng nghề nghiệp của chức danh mình đang đảm nhiệm mà còn phải hiểu biết cả những kỹ năng nghề nghiệp của các chức danh khác. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư không cùng mặt bằng chuyên môn và ít hiểu biết kỹ năng nghề nghiệp của nhau nên thường có những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về cùng một quy định của pháp luật, một sự vật, hiện tượng hay tình tiết liên quan đến vụ án dẫn đến những quan điểm không thống nhất trong khi cùng tham gia giải quyết một vụ án. Điều này dẫn tới hậu quả là việc giải quyết vụ án thường bị kéo dài, kết quả giải quyết nhiều khi thiếu chính xác.

          Mặt khác, để xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cần có chính sách sử dụng và luân chuyển cán bộ phù hợp, hiệu quả. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo việc mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp, mà còn các luật gia, Luật sư đồng thời nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp. Nhiều nước trên thế giới do áp dụng cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán từ các Luật sư giỏi, có uy tín và kinh nghiệm thực tiễn nên đã xây dựng được đội ngũ Thẩm phán, công tố viên (Kiểm sát viên) am tường pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, được xã hội tin tưởng, trọng vọng. Để có cơ sở thực hiện việc tuyển chọn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ các Luật sư giỏi và áp dụng cơ chế luân chuyển cán bộ giữa các chức danh tư pháp với nhau cần phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp chung cho các chức danh này ngay từ quá trình đào tạo nguồn bổ nhiệm theo từng chức danh.

          Như phần trên đã trình bày, hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đang được thực hiện theo những chương trình riêng biệt. Các chương trình này, tuy giống nhau về cấu trúc chung nhưng các nội dung cụ thể lại khác xa nhau. Các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người học theo từng chức danh mà người học sẽ đảm nhiệm trong tương lai chứ chưa chú trọng trang bị kỹ năng của các chức danh tư pháp khác. Vì vậy, các học viên tốt nghiệp ra trường cũng chỉ biết về các kỹ năng của chức danh mà mình đảm nhiệm mà thôi. Khi được bổ nhiệm vào các chức danh, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tiến hành các hoạt động tố tụng của mình một cách biệt lập. Mức độ hiểu biết về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kỹ năng nghề nghiệp của các chức danh tư pháp khác rất hạn chế. Chính vì vậy sự phối hợp công tác giữa các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong cùng một vụ việc là không tốt. Với mặt bằng kiến thức khác nhau thì việc lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ các Luật sư giỏi là không thể thực hiện được. Hoặc cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể yêu cầu những Luật sư được lựa chọn bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên phải học bổ sung một khoá đào tạo nghề tương ứng với chức danh mà họ được dự kiến bổ nhiệm và điều này lại gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho xã hội. Chính vì vậy, chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần chú trọng trang bị các kỹ năng nghề nghiệp chung cho cả ba chức danh.

          Nói tóm lại, muốn xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, kiên định về lập trường tư tưởng cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phải được coi là biện pháp chủ đạo. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp vừa phải mở rộng về quy mô, vừa phải nâng cao chất lượng. Bên cạnh việc trang bị một cách đầy đủ, hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp theo từng chức danh, chương trình đào tạo còn phải quan tâm tới việc giới thiệu các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của các chức danh khác. Muốn vậy, các chương trình đào tạo hiện đang áp dụng riêng biệt cho từng chức danh cần được chỉnh sửa, bổ sung làm hài hoà hoá các nội dung tiến tới việc xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo thống nhất cho cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

3.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

          Một trong các yếu tố có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo là giáo trình, tài liệu tham khảo. Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động đào tạo CCDTP rất đa dạng, đó là: Bộ giáo trình các môn học trong chương trình đào tạo nghề theo từng chức danh; Bộ giáo trình theo các lĩnh vực (ngành) pháp luật; hồ sơ các vụ việc đã được giải quyết trong thực tế; các cuốn bình luận khoa học các văn bản pháp luật; các cuốn sổ tay nghiệp vụ dành cho từng chức danh tư pháp (Sổ tay nghiệp vụ Thẩm phán, Sổ tay nghiệp vụ Kiểm sát viên, Sổ tay nghiệp vụ Luật sư, Sổ tay nghiệp vụ Chấp hành viên; Sổ tay nghiệp vụ Công chứng viên) và các tài liệu tham khảo khác.

          Hiện nay, Học viện Tư pháp chưa tiến hành biên tập để xuất bản các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Các hồ sơ vụ án mà Học viện Tư pháp đang sử dụng trong các khóa đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp chỉ có ý nghĩa giúp học viên hình dung cách thức thực hiện một số hoạt động nghề nghiệp trong thức tế. Các hồ sơ này chỉ phản ánh một cách trung thực cách thức tác nghiệp của các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên trong thực tế mà thôi. Các hồ sơ này hoàn toàn chưa có ý kiến bình luận của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm do đó, khi nghiên cứu các hồ sơ đó học viên không biết được đúng - sai như thế nào, tại sao đúng, tại sao sai, nên làm cái gì, không nên làm cái gì?

          Bởi vậy, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CCDTP, bên cạnh việc bổ sung các hồ sơ vụ việc đã được giải quyết trong thực tế còn cần phải tổ chức biên tập và xuất bản thường xuyên các vụ án điển hình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau đã được Tòa án xét xử trong thực tế.

3.3. QUY TRÌNH XÂY DỰNG HỒ SƠ VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH LÀM TÀI LIỆU PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CDTP

 

          Xây dựng hồ sơ vụ án điển hình trên cơ sở tổng kết thực tiễn là nhằm chỉ rõ cái đúng, cái sai khi giải quyết vụ án cụ thể, làm rõ thêm những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ nhưng vấn gặp phải trong thực tiễn xét xử. Thống nhất về nhận thức, về áp dụng pháp luật đối với những vụ án này là hết sức quan trọng. Sự thống nhất này thể hiện thông qua việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Các hồ sơ này dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập của trường đào tạo các chức danh tư pháp là rất cần thiết. Để quá trình xây dựng hồ sơ các vụ án điển hình được thống nhất, cần tiến hành theo quy trình sau đây:

3.3.1. Lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình

 

          (i) Những hồ sơ vụ án hình sự được lựa chọn làm vụ án điển hình

          Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập, khi xây dựng các vụ án hình sự điển hình phải dựa vào một vụ án thực tế đã được Toà án giải quyết. Vì vụ án điển hình có nhiều tiêu chí khác với vụ án bình thường nên phải lựa chọn trong số các vụ án đã giải quyết những vụ án bảo đảm được tiêu chí của vụ án điển hình. Có thể lựa chọn những vụ án sau xây dựng thành hồ sơ vụ án điển hình.

          -  Về thời gian: Đó phải là những vụ án áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999. Những vụ án này có giá trị hướng dẫn học viên áp dụng ngay vào thực tiễn công tác và sử dụng được lâu dài. Nếu lựa chọn những vụ án mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 sẽ không phù hợp với thực tế xét xử, do đó không có giá trị cho việc nghiên cứu giảng dạy và học tập.

          - Những vụ án giải quyết đúng pháp luật: Đây là những vụ án mà quá trình giải quyết vụ án đều tuân theo các quy định của pháp luật, bản án chính xác, có sức thuyết phục. Để lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình phải bảo đảm các điều kiện sau:

          +  Về mặt nội dung, phải là vụ án có những tình tiết phức tạp. Dựa vào nội dung vụ án này, người biên tập có thể xây dựng thành những tình tiết mang tính khái quát cao. Nếu lựa chọn những vụ án tuy giải quyết đúng pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội nhưng đó là vụ án quá đơn giản, sự việc rõ ràng, người phạm tội bị bắt quả tang thì tính điển hình thấp, hạn chế giá trị sử dụng.

          + Về áp dụng pháp luật, các điều khoản pháp luật được áp dụng hoàn toàn phù hợp với tính chất của vụ án, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Bản án vận dụng đúng đường lối xử lý tội phạm kết hợp hài hoà giữa phương châm và chính sách hình sự trong từng thời kỳ, bổ sung và làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

          + Về thủ tục tố tụng, tất cả các hoạt động tố tụng đều được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng pháp luật, bảo đảm về trình tự thẩm quyền, thủ tục tiến hành và thời hạn giải quyết.

          + Về giá trị sử dụng của vụ án, có thể dùng vụ án này làm khuôn mẫu cho học viên học tập. Sử dụng vụ án này học viên được củng cố thêm cho những kiến thức đã học và biết cách vận dụng nó vào quá trình công tác để những vụ án do chính mình đảm nhiệm cũng được giải quyết tốt như vụ án điển hình.

          - Những vụ án giải quyết được các vấn đề vướng mắt trong thực tiễn áp dụng pháp luật:

          Khi áp dụng pháp luật vào việc giải quyết vụ án có nhiều vấn đề do pháp luật chưa dự liệu hết nên không điều chỉnh hoặc quy định rất chung chung làm cho việc nhận thức về điều luật rất khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền lại chưa có văn bản hướng dẫn hoặc đã hướng dẫn nhưng chưa rõ làm cho việc giải quyết vụ án rất khó khăn. Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều vướng mắc xẩy ra. Đó là hiểu thế nào là “trường hợp cần thiết” khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố những viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng; khi Viện kiểm sát rút truy tố trong những trường hợp nhiều tội phạm đã được nhập để điều tra trong cùng một vụ án, mỗi bị cáo bị truy tố một tội khác nhau, rút truy tố đối với một bị cáo giữ nguyên truy tố hay rút một phần quyết định truy tố; vấn đề Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau khi Viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ đã được điều tra bổ sung, các thành viên của Hội đồng xét xử có được tiếp tục xét xử vụ án đó hay không, vấn đề áp dụng thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm: Ngoài việc xem xét để giảm trách nhiệm hình sự cho những bị cáo không kháng cáo, cũng không bị kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có được xem xét các phần khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị không, hiểu và vận dụng nguyên tắc “không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo” như thế nào; khi có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu. Hội đồng xét xử  phúc thẩm có được sửa bản án sơ thẩm tuyên bố bị cáo vô tội không; có được sửa bản án sơ thẩm áp dụng tội danh nặng hơn tội danh đã truy tố không; khi  phát hiện việc điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì quyết định huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại hoặc chỉ có quyền kiến nghị cấp giám đốc thẩm giải quyết ... Đối với việc áp dụng pháp luật về nội dung cũng có rất nhiều vướng mắc khi xét xử các tội phạm có ranh giới gần nhau giữa hình sự, dân sự, kinh tế. Những loại tội này, trong những trường hợp cụ thể có nhiều ý kiến khác nhau. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng bị cáo phạm tội, nhưng ý kiến khác lại cho rằng chỉ là quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự là hình sự hoá các quan hệ dân sự. Đối với các tình tiết định khung hình phạt như thu lợi bất chính lớn, đặc biệt lớn, hàng phạm pháp có số lượng lớn, đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ... nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nên vận dụng vào thực tiễn xét xử rất khó khăn.

          Những vụ án được lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình là những vụ án giải quyết tốt được vấn đề vướng mắc trên, góp phần bổ sung những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng các nhà làm luật chưa dự kiến hết. Những vụ án này có tác dụng hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, cách giải quyết vụ án trong những trường hợp tương tự.

          - Những vụ án có nhiều sai sót trong cách giải quyết cần phải khắc phục.

          Bên cạnh việc lựa chọn các vụ án làm điển hình tốt, cũng cần lựa chọn vụ án có sai lầm thiếu sót để rút kinh nghiệm chung, giúp học viên tránh nó và không bao giờ mắc phải. Đây là những vụ án mà việc giải quyết có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như Hội đồng xét xử không đúng luật, xét xử sai thẩm quyền, xét xử không có người bào chữa trong những trường hợp luật quy định bắt buộc phải có, xét xử vắng mặt bị cáo đúng với các trường hợp do luật quy định, xét xử không có biên bản nghị án hoặc biên bản nghị án, bản án không có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử ... Là những vụ án mà việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ, chỉ tin vào hồ sơ, xét hỏi qua loa đại khái, không hỏi hết những người cần xét hỏi hoặc có hỏi thì chỉ chú ý xác định chứng cứ buộc tội, không xem xét gì đến chứng cứ gỡ tội làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác. Là vụ án mà kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, kết luận chỉ dựa vào ý chí chủ quan của người xét xử, không dựa trên những chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, nên không phản ánh đúng những sự kiện thực tế đã xảy ra. Ví dụ, bị cáo bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, thực tế thì thương tích của nạn nhân chỉ là 15%, nhưng giám định pháp y kết luận tỷ lệ thương tật 45%. Toà án không kiểm tra, so sánh với các chứng cứ khác, đã tin vào kết luận giám định và xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.  Đó còn là những vụ án mà việc áp dụng Bộ luật hình sự có những sai lầm nghiêm trọng như kết án người không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, định tội danh sai, áp dụng không đúng các trường hợp loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi (tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ) cho hưởng án treo không đúng với quy định của điều 60, tổng hợp hình phạt không đúng với quy định của điều 50, điều 51 ... của Bộ luật Hình sự.

          (ii) Những hồ sơ vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính được lựa chọn làm vụ án điển hình

          Trước đây, việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính được tiến hành theo những thủ tục tố tụng riêng, trên cơ sở quy định của những văn bản pháp luật  khác nhau như: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, thay thế cho các Pháp lệnh quy định về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế và tranh chấp  lao động. Riêng các vụ án hành chính vẫn được giải quyết theo một thủ tục tố tụng riêng, quy định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Việc xây dựng hồ sơ vụ việc dân sự (bao hàm cả vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động) và vụ việc hành chính có nhiều điểm giống nhau. Tiêu chí để lựa chọn hồ sơ vụ việc dân sự và hành chính là:

          - Những vụ án xét xử đúng có thể làm mẫu để học tập:

          Đây là những vụ án mà hồ sơ thể hiện việc giải quyết của Toà án hoàn toàn đúng cả về pháp luật tố tụng cũng như pháp luật nội dung. Tất cả các giấy tờ liên quan đến thủ tục tố tụng đều được lập rõ ràng chính xác, đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, từ giấy triệu tập đương sự đến các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất, biên bản hoà giải, các quyết định… đều chuẩn về hình thức, đúng về nội dung. Các hồ sơ này sẽ được xây dựng thành những vụ án điển hình đúng và sẽ được sử dụng làm mẫu cho hoạt động giải quyết vụ án về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung.

- Những vụ án mà việc giải quyết có nhiều ý kiến khác nhau:

          Các sai sót hoặc ý kiến khác nhau có thể liên quan đến tố tụng hoặc nội dung. Các ý kiến khác nhau về thủ tục tố tụng xoay quanh việc ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, hay quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên toà. Để xác định quyết định nào là đúng cần phải đối chiếu những tình tiết của vụ án với căn cứ của những quyết định này được quy định trong luật hoặc hướng dẫn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao.

          Thực tế có nhiều hồ sơ vụ án mà Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự không chính xác hoặc có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Ví dụ: Trong vụ án bồi thường thiệt hại phát sinh từ quan hệ xây dựng, do tiền tạm ứng chi phí giám định quá lớn, nguyên đơn không thể nộp được tiền tạm ứng chi phí giám định. Nhưng nếu không có kết quả giám định thì Toà án không có căn cứ để chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, trong khi đó thì thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết. Nhiều Toà án đã lựa chọn giải pháp ra quyết định tạm đình chỉ đợi đến khi nào nguyên đơn có tiền nộp tạm ứng chi phí giám định thì Toà án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Nhưng pháp luật tố tụng không quy định về căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp này. Có Toà án lại ra quyết định đưa vụ án xét xử vì theo quy định của pháp luật tố tụng thì đương sự có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ; khi người yêu cầu trưng cầu giám định không nộp tạm ứng chi phí giám định dẫn đến việc không tiến hành giám định được thì Toà án có thể căn cứ vào các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án để giải quyết vụ án. Cách giải quyết này là đúng với quy định của pháp luật, nhưng nhiều khi rất khó áp dụng trong thực tế do điều kiện kinh tế, sự hiểu biết pháp luật các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Do vậy đối với những hồ sơ này cần phải hết sức thận trọng. Người biên tập phải đưa ra những kết luận trên cơ sở pháp luật, chứ không phải là dựa trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Lựa chọn các hồ sơ này sẽ giúp học viên rút được những kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý những tình huống tương tự trong thực tiễn xét xử.

          Đối với hồ sơ vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng pháp luật nội dung. Thông thường đây là hồ sơ của những vụ án khó xác định đúng quan hệ tranh chấp, chẳng hạn có thể nhầm lẫn giữa thiệt hại trong hợp đồng (ví dụ hợp đồng gửi giữa hoặc hợp đồng vận chuyển) với thiệt hại ngoài hợp đồng; nhầm lẫn giữa hợp đồng vay tiền với hợp đồng dịch vụ, giữa hợp đồng dịch vụ với hợp đồng uỷ quyền... do các loại quan hệ này có nhiều điểm giống nhau khó phân định nên đã có nhầm lẫn khi xác định quan hệ. Sự nhầm lẫn này vốn xuất phát từ tính phức tạp của những quan hệ dân sự, nhất là khi Bộ luật Dân sự mới được ban hành và mới có hiệu lực trong thời gian gần đây.

          - Những vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:

          Thực tiễn xét xử cho thấy vì nhiều lý do, trong nhiều trường hợp việc giải quyết một vụ án dân sự có thể có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, chẳng hạn vụ án xét xử không đúng thẩm quyền, không tiến hành hoà giải hoặc không thực hiện đúng quy định về thủ tục hoà giải, không triệu tập đầy đủ đương sự, thành phần hội đồng xét xử không đúng quy định của pháp luật. Có thể đơn cử một số vi phạm thủ tục tố tụng thường gặp như sau:

+ Vi phạm về thẩm quyền xét xử:

          Thực tế thường gặp các sai sót khi xác định thẩm quyền xét xử của Toà án liên quan đến thẩm quyền theo vụ việc (nhầm lẫn giữa tranh chấp  dân sự với tranh chấp kinh doanh, thương mại hoặc lao động; nhầm lẫn giữa thẩm quyền giải quyết vụ việc của Toà án và Trọng tài thương mại; giữa Toà án với Uỷ ban nhân dân), theo cấp xét xử (nhầm lẫn giữa thẩm quyền giảI quyết của Toà án cấp huyện và Toà án cấp tỉnh) hoặc thẩm quyền theo lãnh thổ (xung đột về thẩm quyền giải quyết vụ việc giữa các Toà án của các địa phương khác nhau đối với một vụ việc cụ thể, thường gặp khi xác định Toà án có thẩm quyền giải quyết căn cứ vào nơi cu trú của bị đơn, nơi có tài sản đang tranh chấp, nơi thực hiện hợp đồng…).

          + Vi phạm thủ tục triệu tập đương sự:

          Việc triệu tập đương sự là thủ tục tưởng như đơn giản nhưng lại dễ sai sót. Bởi chỉ trong tố tụng chỉ thừa nhận việc triệu tập nếu việc triệu tập đó là hợp lệ. Vậy thế nào là triệu tập hợp lệ đương sự? Đó là việc triệu tập phải bao gồm cả việc gửi giấy triệu tập của Toà án và việc nhận được giấy triệu tập của đương sự. Với trường hợp đương sự nhận và xác nhận đã nhận giấy triệu tập thì vấn đề là đơn giản. Toà án chỉ cần lưu trong hồ sơ cuống giấy triệu tập đương sự. Trường hợp đương sự không nhận giấy triệu tập thì cũng phải có văn bản giấy tờ xác nhận sự kiện này. Bởi đây là căn cứ pháp lý đảm bảo cho việc tiến hành giải quyết vắng mặt đương sự đó là đúng luật. Tuy vậy, có những vụ án mà trong hồ sơ thể hiện việc xét xử vắng mặt này là có những lý do được quy định trong pháp luật.    

          + Xác định không đúng, không đầy đủ người tham gia tố tụng:

          Vấn đề người tham gia tố tụng trong nhiều vụ án tưởng như rất đơn giản, những trong nhiều trường hợp có thể chỉ vì xác định không đúng tư cách của đương sự mà vụ án không giải quyết được hoặc bị huỷ bỏ các kết quả giải quyết. Tư cách đương sự trong tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động được xác định cụ thể thành nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan, trong đó điều khó khăn nhất là xác định đúng tư cách bị đơn. Thông thường bị đơn được xác định trên cơ sở phải có quan hệ pháp luật về nội dụng với nguyên đơn, nghĩa là phải là người bị nguyên đơn kiện vì bị cho rằng đã xâm hại hoặc tranh chấp quyền lợi với nguyên đơn. Những trong một số trường hợp, bị đơn có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật với nội dung có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật nội dung. Chẳng hạn trong vụ giải quyết bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông thì thông thường chủ phương tiện là bị đơn, còn người trực tiếp gây tai nạn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (Điều 622, Điều 627 Bộ luật Dân sự). Hoặc có trường hợp việc xác định tư cách đương sự xuất phát từ sự thừa kế và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng: trường hợp đương sự chết thì người thừa kế của họ sẽ tham gia tố tụng. Trong trường hợp việc xác định tư cách đương sự không được thực hiện theo đúng những nguyên tắc trên thì vụ án bị xác định là có vi phạm về thủ tục tố tụng. Lựa chọn và xây dựng những vụ án này có thành điển hình cũng sẽ giúp cho các Thẩm phán tương lai có được bài học lớn để vận dụng vào thực tiễn xét xử sau này.

          + Những vụ án mà việc thu thập chứng cứ không đầy đủ:

          Việc việc thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ được hiểu là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không thu thập đầy đủ các chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án hoặc đánh giá không chính xác, không khách quan, thiếu toàn diện các chứng cứ đã thu thập được. Đây có thể là những chứng cứ do đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp; cũng có thể đó là chứng tứ do Toà án đã thu thập, xác minh bổ sung bằng các biện pháp khác nhau, nhưng nếu thiếu các chứng cứ này thì Toà án cũng không thể giải quyết vụ án chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

          Hồ sơ những vụ án loại này thường sơ sài. Bên cạnh đó, có nhiều hồ sơ chứa đựng nhiều loại giấy tờ nhưng những giấy tờ tài liệu đó là không liên quan đến yêu cầu cần giải quyết, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án. Ví dụ: đương sự kiện đòi lại diện tích đất mà cho công dân khác mượn sử dụng trong một thời gian dài. Bên bị đơn thừa nhận việc mượn này, đồng ý trả với điều kiện là bên nguyên đơn phải đền bù cho mình một khoản tiền là công tôn tạo hoặc đề nghị nguyên đơn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bị đơn với một mức tiền theo thoả thuận. Trong vụ án này, Toà án chỉ cần xác định phương thức giải quyết tranh chấp để trả đất như thế nào. Trong thực tế, Toà án mất nhiều thời gian để xác định có đúng việc mượn đất hay không, tiến hành đo đạc diện tích nhà đất mà hiện cả hai bên đang sử dụng rồi lập hội đồng giám định giá đối với toàn bộ nhà đất đó, có diện tích đất bị tranh chấp thì gần như không quan tâm. Rõ ràng trong trường hợp này, Toà án có tiến hành điều tra nhưng vẫn xác định là điều tra không đầy đủ, thiếu những chứng cứ để giải quyết đúng vụ án.

          + Những vụ án có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ làm cho kết luận của bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án:

          Vấn đề đánh giá chứng cứ là vấn đề rất phức tạp, thậm chí trong nhiều vụ án còn được coi là phức tạp nhất. Thông thường căn cứ để đánh giá chứng cứ là những quy định của pháp luật nội dung. Ví dụ: để xác định tính hợp pháp của di chúc cần phải nghiên cứu vào những điều kiện của một di chúc hợp pháp được quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy vậy, có không ít trường hợp việc đánh giá chứng cứ phải căn cứ vào tập quán hoặc kinh nghiệm, ví dụ tranh chấp quyền sở hữu một con trâu đi lạc, một con lợn bị mất do bão lũ…. Do vậy, khi lựa chọn hồ sơ những loại án này, cần hết sức thận trọng và nhất thiết phải có sự thống nhất cao giữa các giáo viên kể cả giáo viên lý thuyết cũng như giáo viên thực hành trong tổ bộ môn.

          + Những vụ án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật:

          Đây là những vụ án mà Toà án đã giải quyết không đúng quan hệ tranh chấp hoặc xác định đúng quan hệ pháp luật nhưng không áp dụng đúng quan hệ pháp luật. Ví dụ bỏ sót người thừa kế, đưa người không có quyền thừa kế vào diện thừa kế, tính lãi suất và lãi suất chậm trả không đúng theo những quy định của Bộ luật dân sự và những văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

          (iii) Lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình theo loại việc:

          - Trong lĩnh vực hình sự:

          Các vụ án hình sự về các loại tội phạm khác nhau đã được các Toà án xét xử thì rất nhiều, nhưng chỉ nên lựa chọn một số vụ án trong một số nhóm tội thường gặp mà việc xét xử có nhiều vướng mắc. Các vụ án này được xây dựng thành vụ án điển hành sẽ giúp học viên biết học tập hoặc nên tránh những gì khi giải quyết vụ án và các vụ án này cũng góp phần khắc phục những thiếu sót do pháp luật chưa quy định hoặc quy định không đầy đủ để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với từng trường hợp tương tự. Cần lựa chọn hồ sơ những vụ án sau:

          - Loại án về ma tuý

          - Loại án về nhóm tội tham nhũng

          - Loại án về nhóm tội kinh tế

          - Loại án về nhóm tội xâm phạm sở hữu

          - Loại án về nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ

          - Trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại và lao động:

          Những vụ án dân sự hiện nay được xét xử tại Toà án rất nhiều. Cùng với những vụ án hình sự thì những vụ án dân sự là những loại án được xét xử nhiều nhất hiện nay. Nếu chọn hồ sơ của tất cả các vụ án dân sự thì rất nhiều. Do vậy chỉ nên lựa chọn hồ sơ một số vụ án thường gặp hoặc việc giải quyết đang có nhiều tranh cãi trong một số lĩnh vực sau đây:

          + Loại án về tranh chấp hợp đồng;

          + Loại án về thừa kế;

          + Loại án về quyền sử dụng đất;

          + Loại án về nhà ở;

          + Loại án về hôn nhân và gia đình;

          + Loại án về tranh chấp hợp đồng trong hoạt động kinh doanh;

          + Loại án về tranh chấp công ty;

          + Loại án về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ;

          + Loại án về tranh chấp lao động về việc làm, tiền lương;

          + Loại án về sa thải;

          + Loại án về bồi thường thiệt hại cho người lao động.

          -  Trong lĩnh vực Hành chính:

          + Loại án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng;

          + Loại án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế;

          + Loại án hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

          (iv) Lựa chọn vụ án điển hình theo cấp xét xử:

          Hiện nay, Toà án Việt Nam tiến hành xét xử theo hai cấp xét xử. Tất cả các bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể bị xét lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ những bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm do Toà án nhân dân tối cao tiến hành. Ngoài ra còn có một thủ tục đặc biệt nhằm xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc lựa chọn hồ sơ theo cấp xét xử, một mặt sẽ giúp cho học viên nắm được quy trình xây dựng hồ sơ xét xử ở từng cấp xét xử, một mặt có thể giúp học viên xác định được những thiếu sót mà ở từng cấp xét xử hay mắc phải. Đặc biệt qua hồ sơ án phúc thẩm và hồ sơ giám đốc thẩm, có thể xác định được những sai lầm mà Toà án cấp sơ thẩm hay mắc phải. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các học viên lớp đào tạo nguồn Thẩm phán. Do vậy, việc lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình cũng cần tiến hành theo cấp xét xử:

          - Hồ sơ vụ án do Toà án cấp sơ thẩm xét xử;

          - Hồ sơ vụ án do Toà án cấp phúc thẩm xét xử;

          - Hồ sơ những vụ án đã giám đốc thẩm, tái thẩm.

          Với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay thì việc thu thập các vụ án đã được giải quyết trong thực tế để biên tập, xây dựng thành Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là:

          Thứ nhất, khả năng tiếp cận với hồ sơ các vụ án, nhất là các vụ án đáp ứng các tiêu chí lựa chọn như đã nêu trên là rất hạn chế. Do nhận thức về việc công khai hóa các vụ án đã được xét xử chưa thống nhất, nên nhiều Tòa án không tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn và rút hồ sơ. Mặt khác, do chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các ngành trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó có việc chuẩn bị tài liệu cho việc giảng dạy và đào tạo nên việc rút hồ sơ, biên tập lại theo ý đồ sư phạm riêng của từng bài học gặp nhiều khó khăn.

          Thứ hai, thực tế việc sưu tầm, biên tập hồ sơ vụ án đã được giải quyết trong thực tế thời gian qua cho thấy, các Tòa án chỉ cho rút hồ sơ những vụ việc đơn giản, đã được xét xử từ lâu và ít có sai sót trong xét xử, bởi vậy nguồn hồ sơ vụ án để biên tập lại thành các vụ án điển hình, dùng làm tài liệu cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp còn chưa phong phú, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn như đã xác định.

3.3.2. Tổ chức biên tập:

 

          Việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình do những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử và giảng dạy đảm nhiệm. Lựa chọn và xây dựng hồ sơ mỗi một loại vụ án (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) sẽ được giao cho từng tổ bộ môn đảm nhận. Để công việc này được tiến hành thống nhất giữa các tổ bộ môn, ban chủ nhiệm đề tài họp với các giáo viên nòng cốt trong các tổ để thống nhất các tiêu chí các vụ án điển hình. Các tổ giáo viên tiến hành họp để thống nhất lựa chọn những hồ sơ nào và phân công người thực hiện. Để có những vụ án thật điển hình, Ban giám đốc nhà trường làm việc với các đồng chí Chánh án các Toà án tạo mọi điều kiện thuận lợi và cho phép các đồng chí giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án đã xét xử để lựa chọn hồ sơ những vụ án điển hình, đảm bảo các tiêu chí của nó. Căn cứ vào công việc được phân công, quy trình xây dựng vụ án đã thống nhất, các giáo viên nghiên cứu, lựa chọn hồ sơ vụ án và biên tập xây dựng các vụ án điển hình.

          Có thể tóm tắt các bước của công việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình như sau:

          Bước 1: Họp tổ giáo viên thống nhất các tiêu chí vụ án điển hình.

          Bước 2: Phân công giáo viên lựa chọn vụ án theo loại việc và theo cấp xét xử.

          Bước 3: Làm việc với Toà án để nghiên cứu các vụ án đã có hiệu lực pháp luật, chọn ra những vụ án điển hình.

          Bước 4: Giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án để lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình.

          Sau khi đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ các vụ án được lựa chọn làm vụ án điển hình, các giáo viên tiến hành việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Quá trình này bao gồm những công việc sau đây:

          a/ Tóm tắt nội dung vụ án đã lựa chọn.

          Trên cơ sở hồ sơ của vụ án đã lựa chọn để làm vụ án điển hình, sau khi nghiên cứu thật kỹ, giáo viên sẽ viết tóm tắt lại toàn bộ nội dung vụ án. Khi tóm tắt, không chép lại các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ, mà chỉ trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu này tóm tắt những diễn biến quan trọng nhất để có thể xác định nội dung cơ bản của vụ án. Ví dụ trong vụ án dân sự, từ việc nghiên cứu đơn khởi kiện, những giấy tờ, tài liệu do đương sự cung cấp, những tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập thêm, cũng như  toàn bộ diễn biến tại phiên toà, giáo viên sẽ viết toàn bộ nội dung vụ án. Việc tóm tắt vụ án phải đảm bảo tính khái quát, khách quan, trung thực. Bởi đây sẽ là căn cứ thực tế để sau này, tuỳ thuộc vào cách giải quyết thực tế của Toà án để giải quyết vụ án mà xây dựng hồ sơ vụ án điển hình đúng hay điển hình sai. Nói cách khác, để có thể bình luận về cách giải quyết vụ án của Toà án là đúng hay sai, chỉ có thể căn cứ vào diễn biến, nội dung của vụ án để đánh giá.

          b/ Ghi toàn bộ bản án hoặc quyết định về việc giải quyết vụ án của Toà án

          Ngoài việc tóm tắt nội dung vụ án, để có thể có đủ căn cứ đánh giá sự đúng sai trong cách giải quyết của Toà án, cần  phải biết vụ án đó đã được Toà án giải quyết thế nào. Cách giải quyết này thường được thể hiện ở bản án. Do vậy, khi biên tập hồ sơ vụ án điển hình, người làm công tác biên tập phải ghi lại toàn bộ bản án. Công việc này có thể được phép sao y bản chính (photo). Trường hợp bản án gốc bị mờ thì có thể cho đánh máy lại những phải bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, bởi nhiều khi, chỉ cần diễn đạt khác một chút là vấn đề cần giải quyết lại có thể là một cách hoàn toàn khác.

          Đối với những vụ án mà việc giải quyết không phải bằng một bản án mà bằng một quyết định , thì quyết định kết thúc vụ án cũng phải được sao chép lại toàn bộ. Đối với vụ án hình sự thì ghi lại toàn bộ bản kết luận điều tra và cáo trạng.

          Căn cứ vào bản án hoặc quyết định này, trên cơ sở nội dụng của vụ án đã được tóm tắt, người biên tập đưa ra những đánh giá, kết luận việc giải quyết vụ án cả về phương diện nội dung và trên phương diện tố tụng.

          c/ Nhận xét về cái đúng, cái sai có tính chất tiêu biểu của vụ án, phù hợp với ý đồ sư phạm trong chương trình đào tạo:

          Đây là phần việc quan trọng nhất trong quy trình biên tập hồ sơ vụ án điển hình. Người biên tập trên cơ sở tóm tắt nội dung vụ án và kết luận giải quyết của Toà án thông qua bản án hoặc một quyết định, phải nêu được những nhận xét của mình về cách giải quyết của Toà án. Xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng hồ sơ điển hình, người biên tập phải nhận xét một cách trực tiếp về sự đúng hoặc sai trong giải quyết vụ án của Toà án. Việc cho rằng cách giải quyết của Toà án là đúng hay sai đều phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Cụ thể là trên cơ sở tiêu chí và những nội dung đã thống nhất trong quá trình lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình. Do vậy nhận xét việc giải quyết đúng sai không chỉ đơn thuần là đúng hay sai do áp dụng pháp luật nội dung mà còn phải nhận xét cả sự đúng sai về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết vụ án của Toà án.

          d/ Kết luận rút ra sau khi nhận xét, bình luận:

          Từ nhận xét về sự đúng sai trong cách giải quyết của Toà án, người biên tập phải đưa ra những kết luận cụ thể: đối với những vụ án được giải quyết đúng thì cần kết luận về tính mẫu mực của hồ sơ vụ án này, theo đó các học viên có thể sử dụng làm mẫu cho việc giải quyết những vụ án tương tự cả về nội dung cũng như thủ tục. Tất nhiên hồ sơ mẫu ở đây phải được hiểu là làm mẫu về cách làm, về quy trình chứ không phải coi hồ sơ mẫu là căn cứ xét xử. Việt Nam là nước xét xử không căn cứ vào án lệ mà căn cứ vào pháp luật.

          Đối với những vụ án có những sai sót, người biên tập cũng phải chỉ rõ từng điểm sai về thủ tục hay áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra kết luận cần phải giải quyết như thế nào để khi gặp vụ án tương tự, học viên tránh được những sai sót như vậy, và phải giải quyết như cách làm đúng.

          Đối với hồ sơ những vụ án mà cách giải quyết còn gây nhiều tranh cái, người biên tập cũng phải đưa ra kết luận về phương hướng cách xử lý tình huống này nên thừa nhận những thực tiễn mà nhiều người công nhận hay cần phải xin ý kiến hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền.

          Trên cơ sở phân tích những sai sót (về tố tụng và về nội dung), người biên tập sẽ đưa ra cách làm chuẩn để học viên học tập.

          đ/ Sắp xếp hồ sơ, đóng quyển để làm tài liệu giảng dạy học tập:

          Đây là công đoạn cuối cùng trong quy trình xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Trên cơ sở các giấy tờ là kết quả của quá trình biên tập, bao gồm tóm tắt nội dung vụ án, bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án và những tài liệu cần thiết khác, những nhận xét, kết luận của mình, người biên tập thực hiện tiếp các công việc sau đây:

          - Sắp xếp hồ sơ, theo thứ tự các giấy tờ:

          + Tóm tắt nội dung vụ án;

          + Các tài liệu cần thiết của vụ án, bản án, quyết định hoặc giấy tờ cần thiết khác;

          + Nhận xét và bình luận của người biên tập;

          + Cách làm chuẩn của người biên tập theo đúng quy định của pháp luật, các hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, phù hợp với thực tiễn xét xử của các Toà án.

          - Đóng quyển: Trên cơ sở vụ án đã được biên tập hoàn chỉnh sẽ đóng thành các quyển dùng làm tài liệu cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, học viên và các đối tượng quan tâm khác.

KẾT LUẬN

          1. Ở nhiều nước trên thế giới, án lệ có vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng, áp dụng, nghiên cứu, học tập pháp luật. Các nước theo truyền thống luật Anh - Mỹ coi án lệ là một nguồn quan trọng của pháp luật. Cùng với sự giao thoa giữa các truyền thống pháp luật, các nước theo truyền thống luật thành văn, trong đó có Liên bang Nga, Trung Quốc cũng coi trọng vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án. Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống luật thành văn mà trước hết là luật XHCN cũng đã bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng án lệ. Từ chủ trương phát triển án lệ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị, đến nay, Tòa án tối cao đã cho biên tập và công bố một số vụ án điển hình, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các Thẩm phán cũng như những đối tượng có quan tâm khác. Trong khuôn khổ và mức độ nhất định có thể coi đây là những án lệ đầu tiên của nước ta.

          2. Trong lĩnh vực đào tạo các chức danh tư pháp (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư…), hồ sơ các vụ án đã được giải quyết trong thực tế được coi là một nguồn tại liệu quan trọng phục vụ việc giảng dạy và học tập. Từ những vấn đề đặt ra trong hồ sơ các vụ án đã được xét xử và biên tập lại, phù hợp với ý đồ sư phạm của từng nội dung đào tạo, từng bài học trong chương trình đào tạo, học viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Tuy vậy, việc sử dụng hồ sơ các vụ án trong thời gian qua còn có nhiều bất cập, mà biểu hiện rõ nét nhất là thiếu tính chuẩn trong biên tập cũng như sử dụng hồ sơ vụ án trong hoạt động đào tạo.

          3. Công cuộc cải cách tư pháp do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang đặt ra cho hoạt động đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp nhiệm vụ tạo chuyển biến cơ bản trong chất lượng và quy mô đào tạo. Muốn vậy, phải tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, mà một trong các giải pháp là xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo đầy đủ, chất lượng, sát với chương trình đào tạo với hướng đi ưu tiên là chuẩn hóa hệ thống hồ sơ các vụ án, tiến tới xây dựng các hồ sơ vụ án mẫu. Thực tế này đặt ra nhu cầu phải lựa chọn các hồ sơ vụ án đã được xét xử trong thực tế theo các tiêu chí đã xác định, phù hợp với mục đích, nội dung, phương pháp đào tạo nghề mang nhiều đặc thù để xây dựng thành các vụ án điển hình, hệ thống hóa thành các tập tài liệu để phục vụ công tác đào tạo các chức danh tư pháp.

          4. Khái niệm vụ án điển hình chỉ mang tính tương đối (không phải là án lệ theo quan niệm nước ngoài), được sử dụng trong công trình nghiên cứu này để chỉ tập hợp các văn bản tố tụng, những chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án đã được xét xử trong thực tế đã được biên tập lại với những ý kiến phân tích, bình luận của người biên tập, phù hợp với những ý đồ sư phạm nhất định, được dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Với ý nghĩa đó, các vụ án được lựa chọn để biên tập thành điển hình không nhất thiết phải là các vụ án đã được xét xử đúng đắn, chuẩn mực trong thực tế mà có thể là các vụ án có nhiều tình tiết phong phú, đã được xét xử trong các lĩnh vực khác nhau (hình sự, dân sự, hành chính), với các thủ tục tố tụng khác nhau (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm) của Tòa án các cấp khác nhau (Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao).

          5. Để có được vụ án điển hình từ hồ sơ các vụ án đã được giải quyết trong thực tế, tiến tới xây dựng Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình, cần thực hiện việc biên tập một cách công phu, theo những tiêu chí nhất định, phù hợp với ý đồ sư phạm của từng nội dung, tuân thủ chặt chẽ quy trình biên tập. Người biên tập cần giới thiệu các tình tiết chính của vụ án, một số văn bản tố tụng quan trọng, nêu toàn văn bản án, phân tích sâu để thấy được cái đúng, cái sai trong quá trình giải quyết vụ án của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng về các nội dung liên quan đến thủ tục tố tụng, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra cách làm đúng, mang tính định chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.       

 

 

 

 

 

VAI TRÒ CỦA ÁN LỆ Ở MỘT SỐ NƯỚC THEO TRUYỀN THỐNG PHÁP LUẬT ÁN LỆ (COMMON LAW) VÀ MỘT SỐ NƯỚC THEO

TRUYỀN THỐNG DÂN LUẬT (CIVIL LAW)

                 TS. Dương Thanh Mai                                                                             ThS. Lưu Tiến Dũng

         1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

  Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ tới[18]. Trong Nhà nước pháp quyền thì một trong những yếu tố quan trọng là Nhà nước điều hành và quản lý mọi hoạt động trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội... bằng pháp luật.

  Để Nhà nước có thể quản lý xã hội bằng pháp luật thì điều đầu tiên cần phải có đó là hệ thống pháp luật tốt và đầy đủ. Tiếp theo là phải có được một cơ chế thực thi pháp luật hữu hiệu và thống nhất. Toà án là một trong những mắt xích quan trọng, là trung tâm của các cơ quan tư pháp. Thực thi pháp luật một cách thống nhất và đúng đắn là một trong những nhiệm vụ mang tính cấp thiết mà ngành Toà án cần phải làm trong thời gian tới.[19] Việc áp dụng thống nhất pháp luật của Toà án thể hiện ở chỗ những vụ án giống nhau thì phải được xử một cách giống nhau ở trong một Toà án, ở cùng một địa phương và ở trên phạm vi toàn quốc. Cần phải hạn chế một cách tối đa việc xét xử không thống nhất, ví dụ cùng một sự kiện như nhau hoặc tương tự mà Toà án này xử một cách, Toà án khác xử cách khác, hoặc ngay trong cùng một Toà án nay xử thế này mai xử thế khác.

  Có thể nói trong chừng mực nào đó Việt Nam theo truyền thống pháp luật Dân sự (Civil Law) . Điều này có nghĩa án lệ (precedent) không phải là nguồn luật áp dụng ở Việt Nam và do đó nó không mang tính ràng buộc đối với Toà án. Thế nhưng nó có vai trò như thế nào trên thực tế, và đặc biệt là ngày nay khi chúng ta đòi hỏi việc áp dụng pháp luật của Toà án phải mang tính thống nhất?

  Để có thể góp phần xác định đúng vị trí, vai trò của án lệ trong công tác xét xử ở Việt Nam bài viết này xin giới thiệu đôi nét về vai trò của án lệ ở các nước theo truyền thống án lệ (common law) và ở các nước theo truyền thống dân luật (civil law). Bài viết sẽ cố gắng tìm kiếm câu trả lời liệu đối với các nước hệ Common Law thì có phải trong mọi trường hợp Toà án đều phải tuân theo án lệ của Toà án cấp trên, của chính mình khi xét xử những vụ án tương tự? Nếu Toà án không muốn áp dụng án lệ thì Toà án phải làm gì? Toà án áp dụng án lệ hay luật thành văn khi có cả hai nguồn luật tồn tại? Còn đối với các nước hệ Civil Law, nơi luật thành văn mới là nguồn luật chính thống, thì án lệ có được áp dụng không? Nếu có thì ở mức độ nào? Nếu án lệ không phải là nguồn luật mà Toà án phải áp dụng thì ảnh hưởng của nó trên thực tế đối với các thẩm phán ra sao? Xu hướng áp dụng án lệ ngày nay ở các nước Civil Law như thế nào? Ngoài ra bàiviết cũng sẽ đề cập đến vai trò của án lệ trong công tác xét xử của Tòa án Công lý thuộc khối Liên minh Châu Âu, tại Toà án Công lý quốc tế và tại Cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại thuộc Tổ chức thương mại Thế giới.

  Vì địa vị của án lệ ở mỗi nước trong cùng một hệ thống cũng khác nhau do đó tác giả sẽ chỉ dành đôi chút giới thiệu những tư tưởng chung về địa vị của án lệ đối với tất cả các nước cùng chung một hệ thống (common law và civil law) trước khi đi sâu mô tả địa vị của án lệ ở một số nước cụ thể đại diện tiêu biểu cho mỗi truyền thống pháp luật.

          2.ÁN LỆ Ở CÁC NƯỚC COMMON LAW:

2.1             Lịch sử phát triển Common Law:

  Thuật ngữ “Common Law”- tạm dịch là thông pháp, ngày nay thường được hiểu với khái niệm nói đến các bản án, quyết định của Toà án trong hệ thống mà các bản án, quyết định đó có giá trị như là án lệ[20] và mang tính áp dụng bắt buộc song song với các đạo luật thành văn (statutes). Thực chất Common Law không chỉ bao hàm thông pháp do Toà án xây dựng nên mà nó còn bao gồm cả tập tục và tập quán áp dụng chung. Common Law khai thuỷ cũng chính là từ khái niệm đó. Vào thế kỷ thứ 12, tại Anh, khi lần đầu tiên các Toà án Hoàng gia của Nhà Vua được thành lập bên cạnh Hội đồng Nhà vua và các Toà án này khi xét xử đã áp dụng những tập quán thông dụng đối với toàn bộ đất nước chứ không áp dụng tập quán của một địa phương nào đó như Toà án điạ phương áp dụng, do đó luật pháp áp dụng khi xét xử là luật tập tục thông dụng và từ đó mà khái niệm thông pháp (common law) ra đời[21].

  Sau đó các thẩm phán khi xét xử phải có nghĩa vụ ra các phán quyết mang tính nhất quán với các phán quyết trước đó của Toà án Hoàng gia. Nguyên tắc này được gọi là stare decisis[22]. Nguyên tắc này yêu cầu thẩm phán phải dựa theo các phán quyết trước đây khi xét xử các vụ án có những nét tương đồng. Mặt khác nguyên tắc này cũng giúp các thẩm phán đưa ra những phán quyết đối với những vụ án phức tạp khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Trong những trường hợp đó, thẩm phán thường trích dẫn những phán quyết trước đây đối với những vụ án tương tự[23].

  Thế nhưng vào thế kỷ thứ 17 khi trào lưu luật La mã xâm nhập châu Âu thì Common Law gặp khó khăn để khẳng định sự tồn tại của mình. Nhà Vua muốn áp dụng pháp luật thành văn mà nguồn gốc là luật La mã để dễ kiểm soát công tác xét xử của Thẩm phán hơn, nhưng Nghị viện thì lại mong muốn duy trì Common Law vì như vậy thì các thẩm phán  có vị trí mạnh và khó bị Nhà vua kiểm soát[24]. Kết cục là Nghị viện đã thắng trong cuộc tranh đấu với Nhà vua để duy trì Common Law.

  Lần thứ hai mà Common Law gặp khó khăn để duy trì sự tồn tại của mình là sau cuộc Cách Mạng Pháp.  Cuộc cách mạng đã xác lập sự tối cao của luật thành văn và hạn chế tối đa quyền hạn của Thẩm phán trong việc lập pháp và chỉ cho phép Thẩm phán áp dụng pháp luật mà cơ quan lập pháp đã ban hành.[25] Tư tưởng này đã nhân rộng ở các nước châu Âu như là hệ quả của cuộc cách mạng[26]. Tuy nhiên, Common Law không những đã tồn tại ở Anh mà nó còn phát triển ở các nước khác, ví dụ như Australia, Canada, New Zealand Hoa Kỳ và một số nước khác.      

2.2 Khái niệm án lệ (định nghĩa, các bộ phận cấu thành)

2.2.1.Định nghĩa án lệ : Theo Black’s Law Dictionary lần xuất bản thứ 6, trang 814

“ Án lệ là vụ án đã  xét xử hay phán quyết của toà án được coi là mẫu hoặc có giá trị hiệu lực đối với vụ án tương tự phát sinh sau đó và  đối với những vấn đề pháp lí tương tự. Các toà án cố gắng giải quyết các vụ án trên cơ sở của các nguyên tắc đã được thiết lập trong các vụ án trước đó. Các tiền án này phải có các dữ kiện và nguyên tắc pháp lí gần gũi với vụ án đang được giải quyết.

  Án lệ là nguyên tắc pháp lí được xác lập lần đầu tiên tại toà án đối với một dạng án cụ thể và sau đó được dẫn chiếu đến khi giải quyết các vụ án tương tự” [27].

Thẩm phán Jackson nói về án lệ của Hoa Kì như sau:” Giống như cái chong chóng gió chỉ hướng gió thổi, án lệ chỉ ra cho toà án biết các vụ án tương tự sẽ được giải quyết theo hướng nào”.

2.2.2. Cấu tạo của một án lệ:

Án lệ gồm  :

-   Các dữ kiện .

-   Phán quyết mẫu, có giá trị hiệu lực do Toà án xác lập.

Trong phần phán quyết, người ta phân biệt 2 bộ phận: Ratio decidendi- lí do (căn cứ) dể quyết định vụ án cụ thể và   Obiter dicta  - những lí lẽ khác được phát biểu trong quá trình xét xử, không tạo nên lí do, căn cứ  ra phán quyết.

+ Vậy ratio decidendi là gì? Theo Chánh án Anthony Mason thì ratio decidendi là nguyên tắc pháp luật cơ bản (cốt lõi) làm căn cứ để ra phán quyết  ; có thể có hơn một ratio trong một án lệ nếu toà án đưa ra không chỉ một căn cứ cho phán quyết của mình” [28]. Tính từ “căn bản, cốt lõi” rất quan trọng: nếu nguyên tắc pháp luật được lựa chọn lại có phạm vi áp dụng rộng hơn so với các dữ kiện thực tế của vụ án thì sẽ không có giá trị bắt buộc áp dụng ở các vụ án sau. Thí dụ: trong vụ án Hillyer kiện Bệnh viện Bang Barholomew (1909)2KB 820 về sự bất cẩn của một trong những bác sĩ ngoại khoa tư vấn của bệnh viện. Trong quá trình lập luận, một thẩm phán đã nêu nguyên tắc: bệnh viện không phải chịu trách nhiệm về sự bất cẩn của bất cứ một nhân viên nào của mình nếu họ đã được lựa chọn cẩn thận. Nguyên tắc này sau đó đã được xác định là vượt ra ngoài phạm vi cần thiết vì đối tượng của vụ án chỉ là bác sĩ ngoại khoa tư vấn theo chế độ part-time.

Giá trị của ratio decidendi như một nguồn luật được thẩm phán Brennan nhấn mạnh trong vụ án O’toole kiện Charles David[29]: “Ratio được thể hiện hay hàm ý một cách rõ ràng là căn cứ để đa số thẩm phán đưa ra phán quyết  chính là luật chứ không phải chỉ là quan điểm của thẩm phán về cái gọi là luật…Số thẩm phán tham gia vào quá trình sáng tạo nên án lệ phải không ít hơn số thẩm phán bất đồng ý kiến và họ sẽ bị ràng buộc bởi án lệ. Việc coi ratio là luật bắt nguồn từ  quyền lực của toà án chứ không phải từ thẩm quyền của các thẩm phán”.

+Obiter dicta: là những lập luận khác trong quá trình xét xử  và không trực tiếp tạo nên phán quyết. Mặc dù obiter dicta của toà án cấp trên không có giá trị bắt buộc nhưng chúng vẫn có thể có giá trị tham khảo lớn đối với toà án cấp dưới. Thí dụ trong một vụ kiện giữa hai ngân hàng, toà án sơ thẩm đã xử cho bên bị không phải bồi thường thiệt hại vì khi cung cấp thông tin về các khoản tín dụng đã nói rõ với nguyên đơn là “không chịu bất cứ trách nhiệm nào”. Tại toà phúc thẩm, các thẩm phán đã không giới hạn việc tranh luận trong phạm vi “thoái thác trách nhiệm” mà mở rộng ra nguyên tắc pháp luật chung về những tuyên bố sai trái gây nên các thiệt hại tài chính. Cuộc tranh luận này có ý nghĩa rất lớn đối với các luật sư, tuy nhiên, vì nó không hoàn toàn cần thiết cho việc ra quyết định nên không cấu thành Ratio mà chỉ là obiter dicta.

2.3. Một số  nguyên tắc áp dụng án lệ cơ bản :

·  Toà án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của Toà án cấp trên;

·  Toà án cùng cấp không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ của nhau;

·  Trong cùng một Toà án thì Toà án không bị ràng buộc bởi án lệ của chính mình;

·  Các Toà án có thể tham khảo nhưng không buộc phải tuân theo án lệ của các toà án không cùng hệ thống pháp luật với mình nhưng có những mối quan hệ theo truyền thống, thí dụ toà án của cácnước trong Khối Liên hiệp Anh thường tham khảo án lệ của nhau và của Hoa Kì. Một số án lệ đã được thừa nhận chung và được áp dụng trong nhiều nước theo truyền thống Common Law

·  Khi có đạo luật thành văn thì đạo luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ; tuy nhiên trong trường hợp luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích đạo luật thành văn không rõ ràng đó;

·   Toà án không áp dụng án lệ chỉ trong trường hợp chỉ ra được sự khác biệt cơ bản về dữ kiện giữa án lệ và vụ án đang xét xử;

Mặc dù không quy định về sự ảnh hưởng bắt buộc của án lệ đối với tổ chức ngoài Toà án nhưng trên thực tế án lệ đã được các cơ quan, tổ chức và công dân rất tôn trọng và có thể nói nhiều khi nó được coi có giá trị như là đạo luật thành văn, đặc biệt là đối với những vụ án liên quan đến giải thích hiến pháp.[30]

Khi cơ quan lập pháp không “hài lòng” với án lệ thì cơ quan lập pháp có thể thông qua đạo luật điều chỉnh mối quan hệ được giải quyết bởi án lệ. Điều đó có nghĩa án lệ có thể bị “phủ quyết” (overruled) bởi cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, ở những nước Toà án có chức năng xem xét tình hợp hiến của luật pháp thì Toà án có thể ra phán quyết về việc đạo luật đó không phù hợp với Hiến pháp.

Các cơ quan lập pháp ở nhiều nước theo hệ thống có xu hướng ngày càng ban hành nhiều đạo luật thành văn để hạn chế bớt sự “tuỳ tiện” của các quan toà.

2.4. Đặc thù áp dụng án lệ ở một số nước Common Law

2.4.1.Tại Anh quốc:

Ngoài những nét chung nêu trên về nguyên tắc áp dụng án lệ, ở Anh quốc cần nhấn mạnh vai trò của án lệ của Toà án cùng cấp như sau:

·  House of Lords có quyền không tuân theo các phán quyết trước đây của mình;

·  Toà Phúc thẩm Anh: Có hai phân Toà phúc thẩm: Toà phúc thẩm hình sự và Toà phúc thẩm dân sự. Toà phúc thẩm dân sự thì không chấp nhận việc xem xét lại những phán quyết trước đây để ra những phán quyết mới phủ nhận án lệ. Còn Toà phúc thẩm hình sự thì lại sẵn sàng không chấp nhận những phán quyết trước đây nếu thấy rằng những phán quyết đó đã giải thích sai hoặc áp dụng không đúng luật pháp. 

·  Toà án tối cao Anh: Thẩm phán Toà án tối cao Anh không có nghĩa vụ ràng buộc bởi những phán quyết trước đây của mình, nhưng trên thực tế họ thường tuân thủ án lệ của chính mình[31].

       2.4.2Australia:

Khái niệm án lệ chính thức được đưa ra ở Australia là vào đầu thế kỷ 19 trong vụ án MIREHOUSE kiện RENNEL năm 1833 do Thẩm phán ParkeJ đề cập trong bản án[32]. Cũng như ở Anh, ở Australia Toà án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo các phán quyết trước đây của Toà án cấp trên, cụ thể là Toà án tối cao của bang phải tuân theo phán quyết của Full Court (Toà toàn phần) hoặc Toà Phúc thẩm hoặc Toà Phúc thẩm Hình sự; và các Toà này phải tuân theo các phán quyết của Toà án tối cao liên bang (High Court). Đối với phán quyết trước đây của chính mình, thì nói chung các Toà án của Australia tôn trọng và tuân thủ theo án lệ của Toà mình. Trên thực tế, kể từ vụ án Geelong Harbour Trust Commission kiện Gibbs Bright năm 1874 thì nguyên tắc tuân thủ án lệ được áp dụng trên thực tế như sau:

·  Toà án tối cao liên bang (High Court) có quyền không tuân theo các án lệ của mình nếu như xét thấy án lệ đó rõ ràng là sai (“plainly wrong”). Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp thấy án lệ là sai rõ ràng thì Toà án tối cao còn phải cân nhắc các khía cạnh khác như sau:

(i)    Phán quyết sai đó có còn chấp nhận được trên thực tế hay không;

(ii)  Nếu cơ quan lập pháp chấp nhận cách giải thích luật pháp của phán quyết sai đó thì Toà án tối cao phải tuân thủ phán quyết đó;

(iii)      Dư luận xã hội về vai trò lập pháp của cơ quan lập pháp và của Toà án tối cao[33].

·  Toà án Tối cao của các bang cũng có quyền không tuân thủ phán quyết trước đây của mình với những lý do khác nhau nhưng trên thực tế thì họ cố gắng đảm bảo tính thống nhất trong xét xử thông qua việc tôn trọng án lệ của chính mình. Đối với án lệ của Toà án tối cao bang khác thì rõ ràng về nguyên tắc Toà án tối cao của bang này không bị ràng buộc bởi án lệ của Toà án tối cao bang khác, nhưng trên thực tế các Toà án tối cao các bang của Australia rất chú ý tham khảo án lệ của nhau.[34]

       Một điều đáng lưu ý là các Toà án Australia rất tôn trọng các phán quyết của các Toà án của các nước Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth) và của cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về những vấn đề pháp luật chung đối với các nước đó.[35]

       2.4.3 Tại  Ireland:

Nguyên tắc tuân thủ án lệ ở Ireland được thể hiện như sau:

·  Toà án cấp dưới phải tuân thủ án lệ của Toà án cấp trên;

·  Toà án cùng cấp phải tuân thủ án lệ của Toà án khác cùng cấp;

·  Tuy nhiên, Toà án tối cao Ireland không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ của chính mình;

·  Tất cả các án lệ trước năm 1992 được coi là nguồn luật nếu chúng không bị phủ nhận bởi luật thành văn sau đó;

·  Các án lệ của Toà án nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khối Liên hiệp Anh, có thể có ý nghĩa tham khảo.

·  Nếu thẩm phán không muốn áp dụng án lệ thì phải đưa ra lập luận về việc vụ án đang được xét xử là không giống như vụ án được coi là án lệ[36].

        2.4.4 Tại Hoa Kỳ:

       Toà án tối cao Liên bang không có nghĩa vụ phải tuân thủ cứng nhắc các phán quyết trước đây của mình, bởi lẽ nó là cơ quan tối cao có trách nhiệm đối với chính sách pháp lý tổng thể của đất nước, cho nên Toà án tối cao cần phải linh động. Còn các Toà án cấp dưới của liên bang và các Toà án của các bang thì có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của Toà án tối cao liên bang. Đối với các phán quyết của Toà án cấp dưới của liên bang về những vấn đề mang tính liên bang thì Toà án các bang không bắt buộc phải tuân theo, tuy nhiên chúng được xem xét và cân nhắc rất cẩn thận. Tương tự, các phán quyết của Toà án bang về những vấn đề mang tính liên bang cũng không ràng buộc các Toà án liên bang.  Đối với các phán quyết của Toà án phúc thẩm khu vực của liên bang thì các phán quyết này chỉ mang tính bắt buộc tuân theo đối với các Toà án cấp dưới nằm trong lãnh thổ khu vực đó chứ không ràng buộc các Toà án khu vực khác. Tương tự, các phán quyết trước đây của Toà án cấp trên của bang chỉ có giá trị ràng buộc đối với các Toà án cấp dưới của bang đó mà thôi[37].

Tuy nhiên, theo Harrold J. Spaeth và Jeffrey A. Segal thì các Thẩm phán tối cao Hoa Kỳ không để ý đến án lệ (precedent) một cách nghiêm túc trừ trường hợp họ nhất trí với những phán quyết đó[38]. Tác giả đã nghiên cứu 2.425 ý kiến thiểu số của 77 thẩm phán Toà án tối cao Hoa Kỳ từ năm 1793 đến năm 1990 khi biểu quyết nghị án cho thấy các thẩm phán tối cao pháp viện này sẵn sàng biểu quyết phản lại (overrule) án lệ nếu án lệ không trùng với quan điểm của họ.

2.5 Mặt tích cực và mặt hạn chế của nguyên tắc stare decisis:

       Theo Giáo sư Luật học William Geldart thì việc áp dụng nguyên tắc xét xử theo án lệ (stare decisis) có những ưu điểm sau đây:

·  Việc xét xử mang tính rõ ràng, xác định trước (certanity);

·  Pháp luật được phát triển và cụ thể hoá một cách chi tiết thông qua thực tiễn xét xử;

Tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc stare decisis cũng có những hạn chế sau:

·  Sự nghiêm ngặt: án lệ bắt buộc áp dụng đã trở thành lực cản đối với sự sáng tạo của các thẩm phán khi xét xử bởi họ phải tuân thủ án lệ một cách nghiêm ngặt.

·  Nguy cơ của việc so sánh không logic, tuỳ tiện giữa vụ án đang xét xử với án lệ để tránh việc áp dụng án lệ cho vụ án đang xét xử;

·  Án lệ được hình thành một cách rất chậm và điều đó dường như ngày càng không phù hợp với tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế- xã hội hiện đại. Việc ban hành các đạo luật thành văn cũng chỉ đáp ứng được một phần những đòi hỏi của sự thay đổi điều kiện kinh tế- xã hội , chính vì vậy, việc sử dụng án lệ một cách nhạy cảm sẽ hỗ trợ cho việc bảo đảm tính chắc chắn, ổn định cũng như đòi hỏi về tính linh hoạt của luật.

·  Mối nguy hiểm lớn nhất của hệ thống án lệ là gánh nặng đến ‘ngạt thở” do số lượng đồ sộ các án do các toà án có thẩm quyền xét xử, điều đó không chỉ xảy ra ở Mĩ với 50 Bang mà ở cả Anh và Australia. Nhiều án sẽ có thể bị bỏ qua; những mâu thuẫn, xung đột có thể phát sinh giữa các án do đó, sự phát triển của một hệ thống các nguyên tắc luật mạch lạc, rõ ràng từ các án đó sẽ bị chậm trễ; việc áp dụng cũng rất phức tạp đối với cả Thẩm phán lẫn Luật sư.

·  Một vấn đề khác của hệ thống án lệ là tốc độ xét xử chậm trễ do việc tra cứu số lượng lớn các án lệ, chưa kể là với hệ thống thông tin truyền thống thì còn nhiều bản án không được đưa vào các tập báo cáo án. Cùng với việc tin học hoá hoạt động xét xử, các cơ sở dữ liệu bản án đã giải quyết được một phần vấn đề này nhưng chưa hoàn toàn.  

3.     ÁN LỆ Ở CÁC NƯỚC CIVIL LAW:

       Như chúng ta đã biết, với sự ra đời của Luật La mã, và đặc biệt là Bộ luật Napoleon, nhiều nước châu Âu đã chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật dân sự hay còn gọi là pháp luật châu Âu-lục địa. Điểm cơ bản của hệ thống pháp luật này là nguyên tắc áp dụng các văn bản pháp luật thành văn (statutes) do cơ quan lập pháp thông qua chứ không áp dụng thông pháp/án lệ của Toà án.

Tuy nhiên, chính tại các nước theo hệ Civil Law càng ngày càng có xu hướng truy nhập và viện dẫn các bản án trước đây của Toà án cùng cấp hoặc Tòa án cấp cao hơn, đặc biệt của Toà án tối cao về vụ án tương tự so với vụ án đang xét xử để lưu ý Thẩm phán rằng trước đây đã từng có phán quyết của Toà án cấp trên về cùng một sự kiện hoặc về cùng một nguyên tắc pháp lý. Sự “áp dụng” cái gọi là án lệ ở một nước theo hệ thống pháp luật dân sự sẽ trình bày dưới đây minh hoạ mức độ khác nhau của sự ảnh hưởng của án lệ trên thực tế. Từ đó có thể dẫn đến một nhận định có cơ sở nhất định rằng mặc dù các nước theo truyền thống dân luật không coi án lệ là một trong những nguồn luật áp dụng nhưng trên thực tế án lệ đã đóng vai trò không nhỏ đối với hoạt động tư pháp.

       3.1.Việc áp dụng án lệ ở Châu Âu:

Châu Âu là cái nôi của truyền thống pháp luật dân sự mà đại diện cho nó là Pháp và Đức. Cả Pháp và Đức đều không coi án lệ là nguồn luật áp dụng nhưng trên thực tế án lệ đã có những ảnh hưởng nhất định.   

       3.1.1. Tại Pháp: Thực tiễn xét xử trước khi có Bộ luật Dân sự cho phép thẩm phán Pháp đưa ra những phán quyết mang tính hướng dẫn chung,[39] nhưng với sự ra đời của Bộ luật dân sự thì thực tế đó đã bị bãi bỏ bởi Điều 5 Bộ luật Dân sự.[40] Quy định này đã chế định hoá thuyết tam quyền phân lập của Montesquyeu[41]. Điều đó có thể hiểu rằng những phán quyết của Toà án Pháp phải mang tính cụ thể áp dụng cho chính vụ án đó và không có ý nghĩa dẫn chiếu cho các vụ án khác. Ngay cả Toà Phá án về mặt lý thuyết cũng không được phép giải thích pháp luật.

Những phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được coi là “án lệ”[42] (la jurisprudence) không phải là nguồn luật-đó là một nguyên tắc mang tính hiến định ở Pháp, nhưng trên thực tiễn nó có sự ảnh hưởng rất lớn.  Thực tiễn xét xử cho thấy le jurisprudence của Toà Phá án Pháp (the Cour de casation) thông thường được các Toà án các cấp tuân thủ mặc dù không có điều luật cụ thể nào quy định nghĩa vụ của họ phải như vậy. Khi áp dụng “tinh thần” của những phán quyết trước đây khi xét xử vụ án cụ thể có tình tiết tương tự Toà án không trích dẫn những phán quyết đó. Nếu Toà án nào đó trích dẫn vụ án cụ thể nào đó làm cơ sở đưa ra phán quyết đối với vụ án đang thụ lý giải quyết thì phán quyết đó bị huỷ bỏ vì bị coi là không có cơ sở pháp lý.[43] Ngay cả Cour de casation muốn huỷ các bản án của Toà án cấp dưới có mâu thuẫnvới le jurisprudence của mình thì Cour de casation cũng không thể dẫn chiếu đến bản án trước đây của mình (mặc dù ai cũng có thể nhìn thấy điều đó) mà vẫn phải trích dẫn điều luật cụ thể hoặc những nguyên tắc pháp lý nhất định.

       Tuy nhiên, các Toà án cấp dưới, đặc biệt là Toà án cấp phúc thẩm (Cours dappel) cũng có thể giải quyết vụ án không theo tinh thần của le jurisprudence của Toà án cấp trên hay của chính Toà án mình nếu như xét thấy những phán quyết đó không phù hợp pháp luật bởi nghĩa vụ của họ là áp dụng pháp luật chứ không phải là án lệ.

       Vấn đề đặt ra là khi nào phán quyết có hiệu lực của Toà án được coi là le jurisprudence? Thực tiễn xét xử cho thấy không phải bất kỳ một phán quyết có hiệu lực pháp luật nào đều cũng có thể được coi là le jurisprudence để các Toà án nên tuân theo. Được coi là le jurisprudence khi có một số phán quyết giống nhau của những vụ án có tình tiết giống nhau hoặc là khi bản án của Toà Phá án có tính chất phủ nhận những phán quyết trước đây của mình (overule the previous decisions)[44].

Tóm lại, để minh hoạ vai trò án lệ ở Pháp chúng ta có thể trích dẫn lời một luật gia nổi tiếng của Pháp khi ông nói về vị trí của án lệ trong hệ thống nguồn luật rằng lịch sử tư pháp Pháp cho thấy la jurisprudence đã trở thành một trong những nguồn luật quan trọng ở Pháp ngay cả khi các Thẩm phán không được phép đưa ra những hướng dẫn chung và ngay cả chính khi các phán quyết chỉ có giá trị pháp lý đối với vụ án cụ thể mà thôi[45].

3.1.2. Tại Liên bang Đức:

Cũng như Pháp, án lệ của các Toà án Đức không phải là nguồn luật áp dụng đối với các Toà án cấp dưới. Ngay cả đối với Toà án cùng cấp thì về lý thuyết một Toà án có thể đưa ra quan điểm pháp lý hoàn toàn khác khi giải quyết vụ án cụ thể so với quan điểm đã đưa ra trong vụ án đã giải quyết trước đây.[46] Không Toà án nào có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết trước đây của Toà án cùng cấp hoặc của Toà án cấp trên, hoặc của chính mình. Hay nói cách khác, án lệ đã không có hiệu lực pháp lý bắt buộc ở Đức[47].

  Tuy nhiên, những nguyên tắc nêu trên vẫn có những de facto ngoại lệ (ngoại lệ mang tính thực tế). Đó là:

(i)    Thứ nhất, các quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang về tính hợp hiến của văn bản pháp luật nào đó hoặc tính tuân thủ của văn bản pháp luật của Bang đối với pháp luật liên bang được coi là quyết định mang tính pháp lý có giá trị như một đạo luật áp dụng chung chứ không phải đối với vụ việc cụ thể đó.[48]

(ii)  Thứ hai, khi Toà án cấp phúc thẩm đã huỷ án sơ thẩm và giao Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì Toà án cấp sơ thẩm khi xét xử lại vụ án có trách nhiệm phải tuân thủ những nhận định mang tính áp dụng pháp luật mà Toà án cấp phúc thẩm đã nêu ra. 

(iii)Thứ ba, thực tế xét xử cho thấy các Toà án Đức cố gắng bảo đảm việc áp dụng và giải thích pháp luật của Toà án cấp trên được thi hành một cách thống nhất. Ví dụ sau đây về trình tự giải quyết vụ án ở Toà án tối cao Đức để minh hoạ điều đó. Tại Toà án tối cao Đức, việc xét xử được thực hiện bởi các Toà.[49] Nếu một Toà nào đó có ý định đưa ra quan điểm pháp lý khác với quan điểm của Toà khác trong vụ án dân sự hoặc hình sự đã giải quyết trước đây thì vụ việc phải được trình ra Đại hội nghị (“Great Senate”)[50] của Toà án để quyết định xem quan điểm pháp lý nào được áp dụng cho vụ án cụ thể đó và cho chính các Toà liên quan. Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng quyết định của “Great Senate” không phải là nguồn luật bởi lẽ nó không mang tính áp dụng chung cho các cá nhân và cho các Toà án nói chung. Với trình tự làm việc như vậy Toà án tối cao Đức bảo đảm việc thống nhất trong áp dụng và giải thích pháp luật bởi Toà án tối cao, tránh tình trạng cùng một quan hệ pháp luật mà các Toà trong Toà án tối cao giải thích, áp dụng pháp luật một cách khác nhau.

Một thực tiễn nữa là các bản án, quyết định của Toà án cấp trên có những ảnh hưởng rất lớn trên thực tế (de facto) đối với các Toà án cấp dưới. Một điều hoàn toàn có thể xảy ra là nếu có sự xung đột về áp dụng pháp luật giữa Toà án cấp trên và Toà án cấp dưới thì thế nào Toà án cấp trên cũng “thắng” bởi lẽ rốt cuộc Toà án cấp trên sẽ phán xét lại vụ án một lần nữa nếu Toà án cấp dưới “không chịu nghe” và đương sự tiếp tục kháng cáo, trừ khi Toà án cấp trên từ bỏ nhận định trước đây của mình. Ngoài việc các quyết định mang tính áp dụng pháp luật của Toà án cấp trên thông thường có tính thuyết phục đối với Toà án cấp dưới bởi lẽ các Thẩm phán Toà án cấp trên có trình độ nghiệp vụ cao hơn và lý lẽ sâu sắc hơn, thì còn có một lý do nữa để minh hoạ cho sự ảnh hưởng de facto của án lệ ở Đức. Đó là, xét về yếu tố tâm lý thì các Toà án cấp dưới thường có xu hướng tuân thủ những án lệ của Toà án cấp trên trong khi giải quyết các vụ án cụ thể có những tình huống tương tự bởi lẽ họ sẽ chẳng thu lợi được gì khi đưa ra những quan điểm trái ngược để rồi cũng chẳng ra đâu vì Toà án cấp trên thông thường sẽ lại “chiến thắng.” Đây là điều khẳng định sự ảnh hưởng án lệ một cách không nhỏ trên thực tế ngay tại những nước có truyền thống “phi án lệ” như Liên bang Đức

3.1.3.Tây Ban Nha

 

Trước cuộc Cánh mạng Pháp Toà án ở Tây Ban Nha đã từng áp dụng án lệ trong công tác xét xử. Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của Cách mạng Pháp với thuyết tam quyền phân lập nhưng Toà án Tây Ban Nha vẫn tiếp tục áp dụng án lệ để bổ sung cho jus commune[51] và luật pháp. Điều này thể hiện tương đối rõ nét trong Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha khi nói về nguồn luật áp dụng trong đó bao gồm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp[52] - điều mà đại đa số cho rằng các Thẩm phán là những người hàng ngày phải áp dụng pháp luật, phân tích và giải thích luật pháp hàng ngày nên họ có vị trí tốt nhất để xác định được những gì là nguyên tắc cơ bản của luật pháp. Do đó Tây Ban Nha thừa nhận án lệ là một trong những nguồn luật áp dụng khi nó trở thành học thuyết pháp lý (la doctrina legal[53]). Thực tiễn xét xử đã cho thấy Toà án tối cao (Tribunal Supremo) Tây Ban Nha đã kháng nghị bản án phúc thẩm vì đã không tuân thủ la doctrina legal được đưa ra tại một bản án giám đốc thẩm trước đó[54].

  La doctrina legal có mấy yêu cầu sau đây: Thứ nhất: la doctrine legal bao hàm án lệ của Toà án tất cả các cấp; Thứ hai: để được coi là la doctrine legal thì ít nhất phải có hai bản án như nhau đối với một quan hệ pháp luật tương tự, hay nói cách khác đơn giản hơn là phải có hai bản án như nhau có hiệu lực pháp luật thì mới được coi là án lệ; Thứ ba: Thẩm phán có thẩm quyền rất rộng khi đưa ra (xây dựng) la doctrine legal nhưng khi la doctrine legal đã được thừa nhận thì bất kỳ thẩm phán nào cũng có trách nhiệm tôn trọng và tuân thủ nó, nếu không thì nguy cơ bản án bị kháng nghị là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng riêng đối với Toà án tối cao thì về nguyên tắc Toà án tối cao không chịu sự ràng buộc bởi những la doctrine legal của mình bất luật la doctrine đó được dựa trên rất nhiều bản án có hiệu lực của Toà án tối cao, song trên thực tế thì rất hiếm xảy ra trường hợp Toà án tối cao Tây Ban Nha “bất nhất” với chính mình. Thứ tư: nguyên tắc tuân thủ la doctrine legal được áp dụng rất linh hoạt. Nếu Toà án áp dụng sai la doctrine legal thì những thẩm phán khác không bắt buộc phải áp dụng la doctrine legal đó đối với những vụ án có tình tiết tương tự[55].  

3.2.   Việc áp dụng án lệ ở Châu Mỹ-Latinh:

Đại đa số các nước Châu Mỹ-Latinh theo truyền thống pháp luật dân sự. Do đó, án lệ về mặt lý thuyết thì không thể coi là một trong những nguồn luật áp dụng ở châu Mỹ-Latinh. Tuy nhiên, cũng như đã đề cập ở phần trên, “án lệ” cũng có những ảnh hưởng nhất định ở châu lục này mà Mexico là một ví dụ điển hình.

       Mexico khẳng định theo hệ thống luật dân sự (civil law) từ năm 1871[56]. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp sửa đổi của Mexico thì jurisprudencia[57] được coi là một trong những nguồn luật áp dụng ở Mexico. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Toà án tối cao Mexico là cơ quan lập pháp. Đa số các học giả, và ngay chính Toà án tối cao Mexico cũng thừa nhận rằng không nên coi jurisprudencia có địa vị như các văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Những phán quyết của Toà án tối cao Mexico chỉ có thể nhằm giải thích Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Lịch sử phát triển jurisprudencia cho thấy xét từ khía cạnh thực tế thì jurisprudencia đã được coi là một công cụ hữu hiệu để làm rõ hơn những quy định còn chưa rõ ràng của Hiến pháp và pháp luật, và đã lấp đi được những “khoảng trống” của pháp luật.

  Sự hình thành Jurisprudencia:

  Không phải tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án các cấp đều được coi là jurisprudencia. Chỉ các bản án, quyết định của Toà án tối cao tại phiên họp toàn thể (the Supreme Court en banc) hay của các Toà trong Toà án tối cao, hoặc của Toà án tập thể khu vực (collegial circuit tribunals) mới có thể được coi là jurisprudencia. Thứ hai, jurisprudencia chỉ được hình thành sau khi có ít nhất là 5 bản án, quyết định liên tục, giống nhau của một trong các Toà án nêu trên về những vụ án có tình tiết tương tự. Đối với vụ án do Toà án tối cao xét xử tại phiên toàn thể thẩm phán thì mỗi bản án, quyết định (trong số 5 bản án/quyết định cấu thành án lệ) phải được thông qua bởi ít nhất là 14 Thẩm phán; đối với bản án, quyết định của các Toà trong Toà án tối cao thì cần đa số phiếu trong hội đồng (4 phiếu); đối với bản án/quyết định của collegial circuit tribunals thì cần sự thống nhất của toàn bộ thành viên hội đồng xét xử gồm 3 người[58].

  Việc áp dụng Jurisprudencia:

  Về lý thuyết thì jurisprudencia chỉ có hiệu lực áp dụng trong nội bộ ngành Toà án hoặc các cơ quan nửa hành chính- nửa tư pháp (quasi-judicial administrative agencies). Các cơ quan hành pháp không có nghĩa vụ phải tuân thủ jurisprudencia[59]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xu hướng là các cơ quan hành pháp ngày càng tôn trọng jurisprudencia của Toà.

  Việc áp dụng jurisprudencia bởi các Toà án ngày càng nhiều. Trong một công trình nghiên cứu tình hình áp dụng án lệ trong khi xét xử ở Toà án tối cao của luật gia Licenciado Rodriguez cho thấy nếu trong năm 1990 chỉ có 2% các bản án, quyết định của Toà án tối cao Mexico lấy jurisprudencia làm căn cứ pháp lý[60], thì năm 1930 con số đó đã tăng lên 18% và đến năm 1968 là 51%[61].

          Thay đổi jurisprudencia:

  Jurisprudencia cũng có thể được thay đổi. Nếu Toà xét thấy jurisprudencia sai hoặc đã không còn phù hợp nữa thì Toà có thể ra bản án, quyết định khác. Tuy nhiên nếu để thay đổi jurisprudencia thì cần phải ít nhất 5 bản án, quyết định liên tục giống nhau phủ nhận jurisprudencia hiện hành thì mới có thể thay đổi jurisprudencia hiện hành. Nói một cách khác là thủ tục thay đổi “án lệ” là tương tự như thủ tục hình thành án lệ mới như đã nêu ở phần trên.

3.3.   Việc áp dụng án lệ ở các nước Đông Á:

3.3.1    Đôi nét về nguồn luật áp dụng ở các nước Đông Á:

       Trừ In-đô-nê-xi-a coi luật đạo hồi và tập quán (adat) là nguồn luật áp dụng cơ bản còn hầu hết các nước Đông Á đều coi các đạo luật thành văn là nguồn luật áp dụng chính.  Ngoài các đạo luật thành văn các nước Đông Á cũng coi tập quán và án lệ là những nguồn luật áp dụng không chính thức và ở các mức độ khác nhau. Riêng Nhật Bản, nguyên tắc công bằng (jori) cũng được coi là nguồn luật áp dụng.

3.3.2. Nhật Bản

Khái niệm “án lệ” lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1917 khi một học giả trẻ tuổi, giáo sư Shigeto Hozumi (1883-1957) của Trường Đại học Imperial Tokyo, ngay sau khi tu nghiệp ở Anh quốc trở về đã có một bài viết phê phán một phán quyết của Toà án tối cao Nhật Bản đã không tuân thủ theo án lệ trước đây của mình và đưa ra những luận điểm của mình về vị trí và vai trò của án lệ. Năm 1920, một giáo sư khác tên là Izutaro Suehiro sau khi tu nghiệp ở Đại học Luật Chi-ca-go (Hoa Kỳ) trở về nước cũng có những bài viết ủng hộ ý tưởng nên cân nhắc kỹ lưỡng án lệ khi xét xử vụ án. Và sau đó, ảnh hưởng của hai giáo sư này dần dần được lan rộng trong giới học giả pháp lý ở Nhật. Và trên thực tế, Toà án cũng áp dụng án lệ một cách không chính thức khi xét xử các vụ án.

  Tuy nhiên, lần đầu tiên án lệ được chính thức thừa nhận ở Nhật là khi Luật về Toà án năm 1947 thay thế Luật Tổ chức Pháp luật 1890 được ban hành với quy định rằng: “Trong trường hợp ý kiến của Toà thành phần hẹp (Petty Bench) của Toà án tối cao khác với ý kiến trước đây của Toà án tối cao về giải thích hoặc áp dụng Hiến pháp hoặc các văn bản pháp luật khác thì Toà mở rộng (Grand Bench) ra quyết định còn Toà thành phần hẹp không có quyền đưa ra phán quyết.”[62] Tiếp theo, Nghị định Thi hành Luật về Toà án khẳng định rằng rằng phán quyết mà Toà mở rộng đưa ra chính là dựa vào phán quyết trước đây của Toà án tối cao.[63] Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự mới ban hành sau Thế giới chiến thứ hai đã quy định rằng trong trường hợp bản án của Toà án cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm không phù hợp với án lệ (hanrei) của Toà án tối cao thì vụ án được xét xử giám đốc thẩm theo trình tự jokoky. Tóm lại, Nhật Bản mặc dù theo truyền thống pháp luật dân sự nhưng ở mức độ nào đó đã áp dụng án lệ trong công tác xét xử.[64]

       3.3.3.CHND Trung Hoa:

a) Vai trò của các bản án đã xét xử trong lịch sử Trung Hoa.

Trước 1949:

Trung Hoa đã có một lịch sử cổ xưa xét xử dựa trên các vụ án đã xử trước đó. Từ thế kỉ 1 đến thế kỉ 7 trước Công nguyên, đã ghi nhận thực tiễn xét xử các vụ án dựa trên án lệ chứ không ban hành văn bản pháp luật trước đó [65]. Các bản án này thường được khắc  hoạ lại trên các giá ba chân để lưu giữ. Sau đó, thực tiễn xét xử dựa trên các bản án đã xử trở thành một bộ phận quan trọng của nền hành chính tư pháp trong hệ thống pháp luật cổ đại Trung Hoa với tên gọi Jueshibi thời nhà Hán (206 TCN- 220SCN), Yuyiqianju thời nhà Đường(618-907 SCN). Một số nhà nghiên cứu phương Tây cũng rất quan tâm đến sự phát triển của việc sử dụng các bản án đã xử như án lệ trong thời nhà Song. Giáo sư Brian E. McKnight trong “Từ văn bản luật đến án lệ thời nhà Song” cho rằng “thời nhà Song được biết đến như thời đại mà hệ thống pháp luật chuyển đổi trước tiên từ phụ thuộc vào văn bản sang phụ thuộc vào các sắc dụ và sau đó vào án lệ”. Đồng thời ông cũng chỉ ra những đặc trưng của án lệ thời đó:

(1) Án lệ có nghĩa là quyết định của Hoàng đế về một vấn đề cụ thể (không kể là do chính Hoàng đế hay đại diện cho hoàng đế)

(2) Vì án lệ xuất phát từ quyền lực tối cao nên có thể sử dụng án lệ để thay đổi luật.

(3) Quan trọng nhất là án lệ được áp dụng trong các vụ án hình sự hoàn toàn giống như cách thức của truyền thống thông luật, vì chúng được trích dẫn như căn cứ pháp luật để ra quyết định.

Từ thời Yuan (1271-1438) đến thời Qing (1644-1911) các bản án giữ vai trò ngày càng lớn và tích cực trong các phán quyết nhưng có tên gọi khác. Trong nhà nước  Cộng hoà Trung Hoa (1912-1949), hệ thống án lệ được thiết lập dựa trên thực tiễn của phương Tây: các bản án đã xử (panli)và các giải thích luật (jieshili)thường được sử dụng như án lệ và được tập hợp, công bố trong các tập hợp các bản án đã xử của Daliyuan So với Tạp chí toà án hiện nay thì điểm khác biệt là các bản án đã được đăng trong Tập hợp này có giá trị bắt buộc đối với các toà án cấp dưới.. Cho đến nay, tại Đài Loan, hệ thống này vẫn tồn tại.

Sau 1949.

Chính quyền chuyên chính vô sản tuyên bố xoá bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật và tư pháp của chế độ phong kiến, tư sản. Sự thay đổi này đương nhiên vô hiệu hoá hệ thống án lệ lịch sử  từ thời kì chế độ cộng hoà. Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bắt đầu xây dựng và phát triển hệ thống văn bản pháp luật XHCN, trong đó có bản Hiến pháp 1954. Năm 1962, Mao Trạch Đông nêu vấn đề cần sớm xây dựng luật hình sự, luật dân sự và tập hợp các bản án đã xét xử , tuy nhiên, trong suốt thập kỉ 60 và 70 với cuộc cách mạng văn hóa, điều đó không hề được thựchiện.

  Chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã ban hành hàng loạt đạo luật quan trọng trong đó có Hiến pháp 1982- bản hiến pháp thứ 4 trong vòng 31 năm tồn tại của Nhà nước CHND Trung Hoa. Và từ năm 1983, Toà án NDTC bắt đầu cung cấp các bản án đã xử của mình cho các toà án cấp dưới. Trước khi có Tạp chí Toà án (1985) thì các bản án được chuyển tới toà án cấp dưới theo con đường công văn nội bộ, nghĩa là công chúng không được tiếp cận với các bản án. Từ năm 1985, toà án bắt đầu đăng trên Tạp chí Toà án các bản án đồng thời vẫn chuyển bằng đường nội bộ một số phán  quyết cho các toà án cấp dưới.

  Rõ ràng là việc đăng công khai các bản án đã xét xử được coi là một bước chuyển biến lớn của hệ thống pháp luật Trung Quốc. Các bản án này không chỉ hữu ích cho việc tăng cường hiểu biết đúng hơn về các đạo luật vốn còn nhiều khiếm khuyết và không rõ ràng mà quan trọng hơn, tất cả các đạo luật đều được giải thích qua thực tiễn xét xử. Theo Hiến pháp thì Quốc hội có quyền giải thích luật còn toà án chỉ có quyền giải thích tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế thì  Toà án được  quyền giải thích tất cả các văn bản còn chính Quốc hội thì lại hầu như không thực hiện quyền của mình.

b) Bản chất của các bản án đã xét xử là gì?

Trước tiên cần biết  các bản án đó là do toà án nào xét xử?

Toà án tối cao cuả Trung Quốc thực hiện chức năng giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật nhiều hơn chức năng xét xử. Năm 1981 Nhà nước Trung Hoa đã ban hành 3 văn bản quan trọng liên quan đến chức năng của Toà án nhân dân tối cao:  Nghị quyết về tăng cường công tác giải thích pháp luật, quyết định liên quan đến việc phê duyệt các án tử hình  cùng với việc sửa đổi điều 13 Luật Tổ chức toà án nhân dân. Theo các văn bản này, thẩm quyền phê duyệt án tử hình được chuyển từ Toà án nhân dân tối cao về cho toà án các tỉnh “nhằm đảm bảo xét xử và thi hành án hình sự nhanh chóng hơn”, mặt khác tạo điều kiện để Toà án nhân dân tối cao tập trung hơn vào việc giải thích pháp luật.

Như vậy, phần lớn bản án được đăng trên Tạp chí là do các toà án cấp dưới xét xử chứ không phải bản án của chính Toà án tối cao 

Vậy những bản án nào được lựa chọn để đăng? Cách lựa chọn như thế nào?

Tại mỗi toà án cấp tỉnh đều có một bộ phận nghiên cứu với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu các vấn đề pháp luật khó phát sinh từ các vụ án được xét xử tại toà của mình. Khi bộ phận nghiên cứu này xác định được các vấn đề pháp luật khó, có ý nghĩa lớn ở tầm quốc gia, những vấn đề pháp lí nhạy cảm về chính trị, các vụ án phức tạp có yếu tố  nước ngoài…thì họ sẽ gửi báo cáo về bản án đó cho Toà án nhân dân tối cao và Ban biên tập của Tạp chí. Các tài liệu thường được gửi gồm: quyết định/phán quyết của toà án (đã được Bộ phận nghiên cứu biên tập lại dưới dạng hoàn chỉnh hơn) và ý kiến phê chuẩn của Uỷ ban thẩm phán của chính toà đã xử vụ đó. Ý  kiến này rất quan trọng vì nó ghi lại những cuộc thảo luận nội bộ giữa các thẩm phán xét xử vụ án hoặc giữa các thành viên của Uỷ ban thẩm phán, vì vậy, công chúng không được tiếp cận các thông tin này.

Trung bình mỗi năm toà án nhân dân tối cao nhận được khoảng 500 đến 600 bản án do các toà án cấp tỉnh gửi lên nhưng chỉ lựa chọn và cho đăng khoảng 25 bản án.

Tại Toà án nhân dân tối cao: Quá trình lựa chọn bản án rất nghiêm ngặt.

Trước tiên, Ban Biên tập tạp chí xem lại các bản án nhận được và lựa chọn theo các tiêu chí: án mới, quan trọng, có ý nghĩa quốc gia. Sau khi đã chọn, các thành viên của Ban biên tập còn phải làm công việc “đánh bóng”phần lập luận (reasoning part) trong phán quyết. Thậm chí, một số bản án còn bị viết lại, biên tập lại khá nhiều để dễ hiểu hơn đối với công chúng và giống như các mô hình án mẫu để toà án cấp dưới học tập, nhất là phần lập luận [66]. Số lượng ít các bản án đã được chọn và đánh bóng sẽ được gửi Phó chánh án Toà án NDTC để lựa chọn lần thứ hai; sau đó mới được trình lên Hội đồng thẩm phán của Toà án NDTC- cơ quan cao nhất của toà án để xem xét lần cuối và phê duyệt cho đăng. Cũng có những trường hợp các bản án được tập hợp , biên tập và cho đăng nhanh chóng nhằm một mục đích đặc biệt, có tính thời sự, thí dụ như các bản án thể hiện kết quả của chiến dịch” xét xử và thi hành án hình sự nhanh chóng” năm 1983; 4 bản án liên quan đến ly hôn giữa các quân nhân được đăng năm 1985.

Hướng dẫn hay án lệ?

Rất khó có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này vì không có văn bản nào quy định điều này, cũng không có cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền nào nói rõ ràng về vấn đề này nên đã có ý kiến cho rằng phải chăng các bản án được đăng chỉ có ý nghĩa bồi dưỡng kĩ năng nghiệp vụ cho thẩm phán? Cũng có nhà nghiên cứu phương Tây lại suy đoán theo hướng:” Trung Quốc đang trong thời kì chuyển đổi từ hệ thống luật thành văn sang hệ thống pha trộn giữa luật thành văn và luật án lệ”[67].

Theo một số nhà nghiên cứu, trong số các bản án được đăng ở Tạp chí Toà án có thể tạm chia làm ba loại theo mức độ giá trị (hiệu lực) áp dụng như án lệ :

  Loại 1: Các bản án mà Toà án tối cao chỉ biên tập và cho đăng trên Tạp chí mà không có bình luận gì.

  Loại 2: Toà án tối cao cho đăng  quan điểm ủng hộ hoặc bất đồng của mình đối với phán quyết của toà án cấp dưới.

  Loại 3: Toà án tối cao chỉ dẫn rõ ràng cho toà án cấp dưới phải tuân theo, thí dụ như đối với 4 vụ án về ly hôn giữa các quân nhân.

  Đối với hai loại đầu, các toà án cấp dưới chỉ nghiên cứu và tham khảo trong khi họ phải tuân theo nghiêm chỉnh loại án thứ ba.

  Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các nhà nghiên cứu thiên theo hướng đánh giá là các bản án đều có giá trị bắt buộc tuân theo, mặc dù các toà án cấp dưới hầu như không bao giờ trích dẫn các bản án đã được đăng trên Tạp chí vào phần lập luận của mình. Về phần mình, Toà án tối cao đã vài lần thay đổi thuật ngữ để nói về giá trị của các bản án đã đăng trên Tạp chí .

  Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, toà án chỉ có quyền giải thích pháp luật và sự giải thích đó cũng lại là đối tượng bị  Quốc hội giải thích lại trong trường hợp cần thiết. Chính vì vậy mà Toà án tối cao không thể tuyên bố rằng các bản án đăng trên Tạp chí có giá trị bắt buộc như án lệ mà phải dùng thuật ngữ có phần “mơ hồ” là Hướng dẫn.

 Thực chất của hướng dẫn là gì ?

Từ quan điểm thực tiễn thì tính chất hướng dẫn của các bản án đăng trên Tạp chí hiện nay không có gì khác với án lệ. Mặc dù Toà án tránh nói trực tiếp “có giá trị như án lệ” mà chỉ đưa ra các bình luận hay quan điểm  kiểu “ Phán quyết này hoàn toàn đúng” và “cần tham khảo khi xét xử”..v…v. Theo truyền thống văn hoá và chính trị của Trung Quốc thì thuật ngữ “cần tham khảo” khi được dùng giữa những người có vị trí pháp lí, quyền lực khác nhau thì có nghĩa là người ở vị trí thấp hơn cần phải rất nghiêm túc cân nhắc để áp dụng quan điểm của người ở địa vị cao hơn. Trong trường hợp toà án cấp dưới không tuân theo bản án đăng trên Tạp chí thì thẩm phán phải giải thích đầy đủ trong phán quyết lí do không tuân theo. Tương tự như vậy đối với các bản án được toà án quân sự Trung Hoa tập hợp và cho xuất bản chuyển đến cho các toà án quân sự cấp dưới. Do đó, có thể nói các bản án này là các án lệ trên thực tế (de facto).

  Hai bản án nổi tiếng thường được nhắc đến như các án lệ là vụ Chengdu City kiện Zuo Chenghong và Chongqing City kiện Li Rongh[68] . Cả hai vụ này đều liên quan đến tội làm và bán rượu có chứa chất độc làm 25 người chết. Ba án tử hình được tuyên, các bị cáo còn lại đều chịu hình phạt tù dài hạn. Toà án tối cao đã cho viết lại hai bản án của các toà án cấp dưới xét xử hai vụ này và quan điểm ủng hộ của Toà đối với các bản án đã tuyên, cho đăng trên Tạp chí. Các bình luận của Toà án tối cao được viết dưới dạng:“ Các tội phạm loại này phải bị xử phạt nghiêm khắc” “ hình phạt tử hình đối với các bị cáo là hoàn toàn chính xác”. Khi phân tích về ý nghĩa  của việc đăng trên tạp chí hai bản án và quan điểm của toà án tối cao, Giáo sư Wu Shuchen đã viết: hai phán quyết này không chỉ thể hiện rõ việc áp dụng hiệu quả chủ trương của các cơ quan bảo vệ pháp luật về việc đẩy nhanh và xử lí nghiêm khắc tội phạm hình sự mà còn giúp cho việc khắc phục nhược điểm của luật hình sự hiện hành là chưa có điều khoản nào có thể áp dụng đối với các hành vi nguy hiểm là làm ra và bán các loại rượu có chứa độc chất có thể gây chết người, đồng thời hai phán quyết này cũng đưa ra chuẩn mực hình phạt đối với tội phạm loại này từ đó đặt ra cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tội phạm tương tự . Ý nghĩa lịch sử của hai bản án này là nó đã chỉ ra cách thức tạo ra và áp dụng án lệ (yunyong panli) nhằm tăng cường, củng cố hệ thống pháp luật XHCN của Trung Quốc”. Giáo sư Wu coi hai bản án này là án lệ vì : toà án đã tạo ra căn cứ pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm mới mà luật hình sự thành văn còn đang “im lặng”; Toà tối cao đã cho biên tập, cho đăng trên Tạp chí cùng với quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đối với hai phán quyết. Chánh án Toà án tối cao, dù không khẳng định giá trị án lệ nhưng đã gọi các bản án này là những hướng dẫn cụ thể “ đối với toà án cấp dưới. Trong Báo cáo năm 1986 của Toà án tối cao trước Quốc hội, Chánh án Toà án tối cao lúc đó đã viết:

  “ Việc thấu hiểu các vụ án điển hình đã xét xử và giải thích chi tiết các đạo luật dựa trên các vụ án đó sẽ  làm rõ sự khác biệt giữa tính tính hợp pháp và tính bất hợp pháp cũng như sự khác nhau giữa hợp đồng kinh tế vô hiệu và hợp đồng kinh tế có hiệu lực . Luật sẽ là vũ khí của nhân dân và được dùng để điều chỉnh các hoạt động kinh tế của họ. Toà án tối cao sẽ thu thập các vụ án đã xét xử trong lĩnh này để tăng cường các hướng dẫn cụ thể cho việc xét xử về kinh tế ...Đối với các vụ án có những vấn đề mới và khó, toà án tối cao đã giải thích cách áp dụng pháp luật và cho công bố các bản án đã xét xử để hướng dẫn cụ thể. ” [69].

  Có thể thấy rằng, trong báo cáo này, Chánh án đã không chỉ đặt các vụ án đã xét xử ngang với các điều luật về giá trị hiệu lực mà còn coi các bản án đó như  một công cụ ưu tiên để hướng dẫn cụ thể cho các toà án cấp dưới trong quá trình ra phán quyết đối với các loại án có vấn đề pháp lí mới và khó khi mà các đạo luật còn nhiều chỗ hổng, chưa đầy đủ.

  Đến năm 1988, thuật ngữ hướng dẫn cụ thể được thay bằng bản án mẫu (điển hình)- model or exemplary cases- mà về bản chất không khác gì nhiều lắm với án lệ. Cũng trong Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Toà án tối cao khẳng định:

  “ Mục đích của việc đăng các bản án đã xét xử chủ yếu nhằm thống nhất chuẩn mực về hình phạt đối với các vụ án hình sự quan trọng và phức tạp, để trang bị mô hình mẫu cho việc xác định tội phạm và chuẩn hình phạt trong các vụ án hình sự mới, mô hình mẫu cho những vụ án kinh tế và dân sự mới phát sinh trong quá trình vận động của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế”[70].

  Về bản chất, tính thống nhất bằng mẫu và chuẩn có lẽ không khác gì với án lệ nhưng vì Trung Quốc là nước luật thành văn nên nếu dùng trực tiếp thuật ngữ án lệ sẽ là vi hiến. Cũng vì lí do đó nên các toà án cấp dưới không được phép trích dẫn trong lập luận của mình các bản án đã đăng trên Tạp chí. Toà án tối cao đã có công văn hướng dẫn nội bộ với các toà án cấp dưới như sau:

  “Tất cả các loại quan điểm, chỉ thị của Toà án tối cao về áp dụng pháp luật phải được các toà án cấp dưới áp dụng nhưng không được trích dẫn trong lập luận của toà án khi xét xử”

 Trên thực tế các toà án sử dụng các án mẫu này như thế nào? Trước tiên, toà án cấp dưới phải xác định xem các dữ kiện của vụ án đang xem xét có gần giống, tương tự với dữ kiện của án mẫu không ; nếu có thì toà án cấp dưới sẽ kết tội theo cùng tội danh và phán quyết cũng theo lập luận như trong án mẫu. Nếu dữ kiện không gần với án mẫu, cũng không có án mẫu nào khác tương tự và cũng không có điều luật nào để áp dụng mà ý nghĩa của vụ án lại lớn (khó và mới)thì các toà án cấp dưới sẽ báo cáo cho Toà án tối cao quan điểm của mình. Sau khi Toà án tối cao lựa chọn, một số quan điểm quan trọng sẽ được đăng trên Tạp chí dưới hình thức giải thích pháp luật. Dù có áp dụng hay không áp dụng án mẫu của Tạp chí thì các toà án cấp dưới cũng không được trích dẫn các án đó trong phán quyết của mình.

Thực tế này dường như cũng đang diễn ra ở các nước theo truyền thống luật thành văn, thí dụ như ở Ba Lan. Vì vậy, có lẽ nên gọi các án mẫu này là án lệ trên thực tế  (de facto precedent).

Từ tháng 4/1992, tất cả mọi nội dung của tạp chí  đều phải được Hội đồng thẩm phán thảo luận và phê duyệt, do đó, nâng cao uy tín và giá trị hiệu lực của Tạp chí. Tuy nhiên, Toà án tối cao vẫn ngại ngần việc sử dụng các thuật ngữ như “án lệ” hay “hiệu lực bắt buộc” để mô tả rõ ràng bản chất của các bản án đã xử được đăng trong Tạp chí.

 Toà án tối cao hướng dẫn các toà án cấp dưới bằng án mẫu như thế nào?

Cách thứ nhất: Toà án tối cao thể hiện quan điểm ủng hộ hay bất đồng với phán quyết của toà án  cấp dưới. Quan điểm ủng hộ này có thể kèm theo lý giải hoặc không; các lý do được nêu dưới góc độ hoặc pháp lý hoặc chính trị.

Cách thứ hai: Toà án tối cao “im lặng”, không đưa ra bình luận hay quan điểm nào mà chỉ đơn thuần là biên tập lại bản án và cho đăng trên Tạp chí. Cách xử sự này thường gặp đối với các vụ án mà trong đó, toà án cấp dưới đã vận dụng trực tiếp một /một số đường lối, văn bản của Đảng để xét xử vì không có điều luật hay án mẫu nào phù hợp để áp dụng hay tham khảo nhưng bản thân đường lối đó đang trong quá trình thay đổi cùng với công cuộc cải cách kinh tế-xã hội. Tính hướng dẫn của Toà án tối cao trong trường hợp này có thể hiểu là việc cho phép các toà án cấp dưới vận dụng đường lối của Đảng để xét xử.

c) Đặc trưng của  các bản án đăng trên Tạp chí Toà án:

So với các án lệ ở các nước thông luật và ở Trung Hoa trước 1949, các bản án đã xử được đăng tại Tạp chí có những đặc trưng sau:

1.     Các toà án cấp dưới không được trích dẫn các bản án này trong phán quyết của mình.

Chỉ các bản án do Toà án tối cao lựa chọn và cho đăng trên Tạp chí mới có giá trị án lệ trên thực tế cho dù đó là án do các toà án cấp dưới xử . Khác với các nước common law- nơi mà toà án nào cũng có quyền tạo ra án lệ có giá trị bắt buộc với chính toà án đó và các toà án cấp dưới- ở Trung Hoa chỉ có Toà án tối cao là toà án duy nhất được đưa ra các án lệ này, không toà án địa phương hay toà án chuyên trách nào khác có quyền này. Điều đó  phù hợp với truyền thống tập quyền của Trung hoa xưa và nay.

2.     Các quan điểm của toà án trong Tạp chí thường rất đơn giản và rõ ràng, ngắn gọn, khác với các quan điểm dài dòng và có tính tranh luận giữa các thẩm phán như ở các nước theo thông luật.

3.     Trong trường hợp Toà án tối cao chỉ biên tập và cho đăng trên Tạp chí mà không đưa ra quan điểm hay lời bình luận nào thì điều đó vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của toà án cấp dưới.

4.  Cũng giống như án lệ trong nhà nước Trung Hoa phong kiến, các bản án đăng trên Tạp chí chỉ có giá trị bổ sung trong thực tiễn xét xử của Trung Hoa: các toà án cấp dưới chỉ tìm án mẫu trong Tạp chí khi không thể tìm thấy điều luật nào có thể áp dụng để xét xử (do chưa có điều luật hoặc do điều luật không rõ ràng đủ để áp dụng)

         4. VIỆC ĐĂNG TẢI, CÔNG BỐ CÁC BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN:

 

          Như đã nêu trong phần chú thích về một trong những lý do tại sao từ những năm 60 việc áp dụng án lệ trong công tác xét xử của Toà án Mexico lại tăng đột biến khi nói đến việc công bố, đăng tải rộng rãi toàn bộ các bản án, quyết định của Toà án tối cao Mexico. Rõ ràng rằng cùng với việc công khai các bản án có hiệu lực, hay nói cách khác là minh bạch hoá (transparancy) phán quyết của Toà án, công chúng và ngay cả đội ngũ thẩm phán có nhiều cơ hội hơn tiếp cận đến công tác xét xử trước đây của Toà án và tất nhiên họ sẽ tìm thấy những gì họ đang cần, đó là: Toà án đã phán quyết thế nào đối với những vụ án có tình tiết tương tự như vụ án mình đang phải giải quyết, tham gia. Một hiển nhiên khác là không dễ gì phủ nhận những gì mình đã nói trước đây, nhất là trong khi tất cả công chúng được biết về điều đó, khi không có đầy đủ cơ sở thuyết phục.

       Tuy nhiên, việc đăng tải các bản án, quyết định của Toà án ở những nước châu Âu, châu Mỹ La-tinh và một số nước khác không theo hệ Common Law vẫn còn có những hạn chế nhất định. Tựu chung có thể tóm tắt như sau:

a.      Không phải tất cả các bản án của Toà án tối cao đều được đăng tải. Chỉ một số vụ án được chọn lọc mới công bố rộng rãi.

b.     Những bản án, quyết định của Toà án địa phương rất ít khi được công bố rộng rãi.

c.     Các bản án, quyết định của Toà án thường được in tải tại một ấn phẩm cùng với việc đăng tải các văn bản pháp luật hoặc các văn bản pháp quy.

d.     Không có một hệ thống các phương thức hữu hiệu giúp việc nghiên cứu, tra cứu “án lệ” một cách dễ dàng.

          5. ÁN LỆ TẠI CÁC TOÀ ÁN/TỔ CHỨC QUỐC TẾ:

          Trong phần này chúng tôi muốn đề cập đến vai trò và vị trí của án lệ trong Toà án Công lý quốc tế (International Court of Justice), Toà án Công lý Liên minh châu Âu (EU Court of Justice) và trong Cơ quan giải quyết tranh chấp (thương mại) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (Dispute Resolution Body of WTO).

 

5.1.   Tại Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice):

       Các phán quyết của Toà án quốc tế chỉ có hiệu lực pháp luật đối với các quốc gia tranh chấp trong vụ án cụ thể đó, do đó nguyên tắc stare decisis (tuân thủ theo án lệ) không áp dụng ở Toà án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế Toà án Công lý quốc tế đã rất thận trọng khi đưa ra những phán quyết khác với những phán quyết trước đây của mình đối với vụ án tương tự. Mặt khác, Toà án cũng thường dẫn chiếu các phán quyết trước đây để ủng hộ cho phán quyết của mình với những thận trọng để tránh bị hiểu rằng Toà án có nghĩa vụ tuân thủ thủ án lệ.[71]

5.2.   Tại Toà án Công lý thuộc Liên minh châu Âu (EU):

       Về nguyên tắc Tòa án Công lý trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu không áp dụng “án lệ”[72] của mình cũng như “án lệ” của các nước thành viên khi xét xử. Thế nhưng nhiều quốc gia thành viên Châu Âu cho rằng những giá trị tư tưởng cách mạng Pháp về vai trò của tư pháp cần được cân nhắc lại.[73] Họ muốn một Toà án trong khuôn khổ EU phải là Toà án mang tính tìm tòi và áp dụng pháp luật bởi những phương thức truyền thống chung của Châu Âu trải qua hàng bao thế kỷ. Những nhà thẩm phán châu Âu không phải chỉ là những con người chỉ biết áp dụng pháp luật mà không có tính sáng tạo. Lịch sử nền tư pháp châu Âu cho thấy mặc dù các nước châu Âu theo hệ Civil Law nhưng ảnh hưởng của án lệ trên thực tế cho thấy một xu hướng rõ rệt là những giá trị truyền thống này sẽ được áp dụng ngay tại Toà án Công lý (the Court of Justice) của Liên minh châu Âu[74].

5.3.   Tại Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO:

       Cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO được thực hiện thông qua Panel of Jurors với tư cách là cơ quan giải quyết cấp sơ thẩm và Cơ quan phúc thẩm (Appelate Body) với tư cách là cơ quan giải quyết cấp phúc thẩm.  Trình tự tố tụng giải quyết tranh chấp tại hai cơ quan này mang màu sắc tố tụng của hệ thống pháp luật dân sự, do đó, cũng như các nước theo pháp luật dân sự, các cơ quan này không có nghĩa vụ phải tuân thủ những quyết định trước đây của mình. Tuy nhiên, trên thực tế những phán quyết trước đó đều được cân nhắc kỹ lưỡng tham khảo khi giải  quyết các tranh chấp tương tự tại hai cơ quan này.

       6.KẾT LUẬN: ‘

Từ những dẫn chứng minh hoạ nêu trên, có thể khẳng định một điều rằng án lệ đã không còn là khái niệm mới mẻ ngay cả đối với các nước theo truyền thống pháp luật dân sự. Sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của án lệ ở những nước này và vai trò ngày càng phát triển của luật thành văn ở các nước theo truyền thống Common Law đã cho thấy sự phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới ngày nay dường như mang tính lịch sử hơnlà bản chất. Dần dần đã, đang và sẽ mất đi ý nghĩa khi cho rằng cơ sở chủ yếu để coi nước này hay nước khác theo hệ Common Law hay hệ Civil Law là dựa vào việc nước đó có coi án lệ là một trong những nguồn luật áp dụng hay không, bởi lẽ như chúng ta đã thấy mặc dù về mặt lý thuyết nó không được chính thức thừa nhận nhưng ảnh hưởng de facto của nó nhiều khi còn có ý nghĩa hơn nhiều. Điều này được lý giải một cách đơn giản bởi một yêu cầu, một nguyên tắc áp dụng chung đối với bất kỳ một nền tư pháp nào, dù cho nó theo truyền thống nào đi chăng nữa, đó là nguyên tắc áp dụng thống nhất pháp luật-một trong những nhiệm vụ quan trọng của một nhà nước pháp quyền.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHÁI NIỆM VÀ TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, PHÂN LOẠI

 

CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

PGS.TS. Phan Hữu Thư

1. TỔNG QUAN

1.1. Án lệ, các vụ án được TATC phân tích trong báo cáo tổng kết năm, hồ sơ tình huống sử dụng trong đào tạo các chức danh tư pháp và vụ án điển hình

Trong các nước theo hệ thống common law[75], án lệ được xem là một nguồn luật và được thẩm phán dùng làm căn cứ áp dụng trong quá trình xét xử các vụ án. Trong một số nước theo hệ thống civil law[76], mặc dù án lệ không phải là một nguồn luật nhưng trong nhiều trường hợp cũng được thẩm phán tham khảo (nhưng không dùng làm căn cứ áp dụng) trong quá trình xét xử các vụ án. Việt Nam không nằm trong hệ thống các nước theo thông pháp cũng không phải là nước theo hệ thống luật dân sự. Hệ thống pháp luật của Việt nam trước đây chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là của Liên – Xô cũ. Sau khi Liên – Xô tan rã, cùng với việc cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường có điều tiết thì hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những thay đổi phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, pháp luật Việt Nam hiện đại có nhiều thiên hướng theo hệ thống pháp luật dân sự. Ở  Việt Nam hệ thống pháp luật được xây dựng thành văn, trong đó Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm nền tảng trên cơ sở đó xây dựng các đạo luật để điều chỉnh các nhóm  quan hệ xã hội khác nhau phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Hoạt động xét xử của toà án nhân dân lấy pháp luật làm nền tảng, thẩm phán và hội thẩm khi xét xử độc lập, ngang quyền nhau và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy vậy, Toà án nhân dân tối cao, thông qua hoạt động xét xử của mình và của các toà án nhân dân địa phương, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm và ra các hướng dẫn giúp các toà án nhân dân trong toàn quốc thực hiện việc xét xử thống nhất, đúng pháp luật, công bằng và khách quan. Từ nhiều năm nay, Toà án nhân dân tối cao đều có báo cáo tổng kết hàng năm và các văn bản hướng dẫn, trong đó nhiều vụ án được nghiên cứu, mổ xẻ và phân tích trên cơ sở đó đề ra các quan điểm và đường lối xử lý thích hợp cho các vụ án tương tự. Chúng ta không thừa nhận án lệ và không xây dựng án lệ thành các nguồn luật như ở các nước theo hệ thống thông pháp; chúng ta cũng không xây dựng án lệ để dùng làm tài liệu tham khảo cho thẩm phán trong hoạt động xét xử như ở một số nước theo hệ thống luật dân sự. Thuật ngữ “án lệ” không tồn tại ở Việt Nam theo cách hiểu của các nhà làm luật Anh – Mỹ. Tuy vậy, “án lệ” tồn tại ở Việt nam dưới dạng các vụ án được phân tích, nghiên cứu trong báo cáo tổng kết hàng năm của Toà án nhân dân tối cao. Như vậy có thể hiểu chủ trương dùng các vụ án trên cơ sở tổng kết thực tiễn để làm rõ thêm những vấn đề mà pháp luật không chuyển tải đến một cách thống nhất cho người áp dụng pháp luật và thực hiện pháp luật là một chủ trương đúng ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Học viện tư pháp, trước đây là Trường đào tạo các chức danh tư pháp thường sử dụng các hồ sơ thực tế để làm tài liệu giảng  dạy và học tập cho giảng viên và cho học viên. Các hồ sơ vụ án này (case) được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định để phục vụ cho từng nội dung bài học nhất định. Tuy nhiên, các case này cũng không thể gọi là vụ án điển hình được. Các vụ án điển hình có thể được xây dựng từ các hồ sơ vụ án như thế này.

Như vậy, không phải tất cả mọi vụ án (dù đó là vụ án được nhắc đến trong báo cáo tổng kết hoặc được sử dụng làm hồ sơ tình huống tại HVTP) đều được coi là điển hình nhưng cũng không nên hiểu rằng vụ án điển hình là một cái gì đó phức tạp hoặc trừu tượng. Vụ án điển hình trước hết phải là những vụ án mà bản thân sự tồn tại khách quan của nó hoặc sau khi đã được xây dựng lại thường mang tính khái quát, tính điển hình. Vụ án điển hình cũng có thể là những vụ án thường gặp nhưng trong giải quyết có nhiều vướng mắc mà bản thân các quy định của pháp luật không bao trùm hết được. Vụ án được chọn trong số các loại án thường gặp nhưng đã được một toà án nào đó xét xử phù hợp với thực tế khách quan, bảo đảm được pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân do trong quá trình xét xử thẩm phán và Hội đồng xét xử đã biết vận dụng đúng pháp luật, hiểu đúng pháp luật vì vậy bản án được tuyên giải quyết được những vấn đề mấu chốt mà các bản án cùng loại không giải quyết được. Thực ra, án lệ trong hệ thống các nước thông pháp thay thế chức năng của các điều luật hoặc các quy định pháp luật và vì thế nó là một nguồn luật được thẩm phán dùng làm căn cứ khi xét xử các vụ án cùng loại. Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, vì vậy, khi xét xử, thẩm phán dùng các quy định của pháp luật làm căn cứ để tuyên án. Tuy vậy, nhà lập pháp không thể nào đặt ra các điều luật một cách thật chi tiết để bao hàm hết tất cả các quan hệ trong xã hội. Đó là lý do dẫn đến có nhiều trường hợp không được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, có thể cùng một quy định của pháp luật nhưng được hiểu khác nhau, được nhìn nhận khác nhau, vì thế được áp dụng khác nhau trong các trường hợp gần như giống nhau. Vụ án điển hình trước hết nêu lên được những tình tiết điển hình thường gặp trong một loại án nhất định. Vụ án điển hình sau khi được phân tích, hướng dẫn giúp những thẩm phán hiểu được những điểm chi tiết bổ sung cho những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng pháp luật nhà lập pháp chưa nghĩ ra. Vụ án điển hình sau khi có sự can thiệp, có sự gọt rũa, có sự điều chỉnh, có sự hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao đã khắc phục được những thiếu sót mà khi xét xử các vụ án tương tự thẩm phán thường hay gặp.

Tính chất hoặc đặc điểm của Vụ án điển hình:

Theo yêu cầu, vụ án điển hình cần đáp ứng các đặc điểm sau:

·  Tính phổ biến: Vụ án điển hình thông thường phải được tổng kết từ các vụ án hay thường xẩy ra, đã được nhiều toà án xét xử ở nhiều thời gian khác nhau.

·  Tính khái quát: Vụ án điển hình phải được tổng kết từ các vụ án mà việc áp dụng pháp luật có nhiều điểm chưa thống nhất có thể do pháp luật nội dung quy định chưa rõ, còn thiếu, điều văn khó hiểu, dễ bị hiểu khác nhau, do đó, bản án tuyên ra có thể khác nhau và gây nhiều tranh cãi; sau khi xây dựng lại,  trên cơ sở điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao, các tình tiết vụ án bao hàm nhiều vấn đề bức xúc, phức tạp của đời sống xã hội; việc áp dụng pháp luật đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết mới bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh. So với các vụ án cùng loại thì việc áp dụng pháp luật có nhiều ưu điểm, bổ sung được những quan điểm mà việc trước đó dẽ bị hiểu nhầm, hiểu sai, khó hiểu; đưa ra được cách lý giải hợp lý, hợp tình; bổ sung cách hiểu đúng cho những thiếu sót mà nhà lập pháp chưa nói đến trong văn bản pháp luật áp dụng, do đó, bản án tuyên ra có sức thuyết phục, hợp lý, hợp tình, dễ thi hành.

·   Tính hướng dẫn hoặc tính tham khảo: Vụ án điển hình sau khi đã được xây dựng lại có thể dùng cho thẩm phán và những đối tượng khác tham khảo trong quá trình tố tụng hay hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Với ý nghĩa này, vụ án điển hình được xem như là vụ án mang tính “làm mẫu” , có định hướng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không mang tính bắt buộc.

Như vậy, vụ án điển hình là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các toà án nhân dân nhưng được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh cà có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiến nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất trong các trường hợp tương tự.

1.2. Mục đích của việc xây dựng vụ án điển hình: Thực tiễn xét xử ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, trong nhiều trường hợp pháp luật không điều chỉnh được các quan hệ xã hội phát sinh do quá trình làm luật đã không dự báo trước được hoặc điều văn của luật không bao hàm hết được các tình tiết cần giải quyết của vụ án. Trong lúc này, thẩm phán trong quá trình xét xử lại không được phép giải thích luật hoặc ra một bản án, quyết định không  dựa trên các căn cứ pháp luật. Vì vậy, ở các nước theo hệ thống pháp thẩm phán chỉ cần căn cứ vào các án lệ để xem xét và giải quyết trường hợp thực tế mà toà đang thụ lý. Tại các nước theo hệ thống luật dân sự thì mặc dù án lệ không được xem là một nguồn luật nhưng thẩm phán có quyền tham khảo các án lệ khi xét xử. Ngoài ra, trong các bộ luật ngoài các điều văn của luật thông thường có các án lệ liên quan được in kèm để tiện cho việc tham khảo khi xét xử. Ở nước ta việc xây dựng các án lệ bước đầu chỉ đặt trên mục đích phục vụ cho việc giảng hạy, học tập và nghiên cứu, từng bước sẽ dùng làm tài liệu cho thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Việc phổ biến vụ án điển hình cho các đối tượng rộng rãi quần chúng nhân dân cũng sẽ được nghiên cứu để triển khai khi có điều kiện thuận lợi. Hiện nay việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống đang được thực hiện ngày càng rộng rãi trong các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tư pháp. Các hồ sơ tình huống được tập hợp trên cơ sở các vụ án thực tế đã và đang trở thành những tài liệu quý báu trong đào tạo. Tuy vậy, các bộ hồ sơ này chưa được biên tập lại một cách công phu, nhiều hồ sơ còn bộc lộ cả những sai sót về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung. Nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng các bộ hồ sơ này để làm tình huống trong đào tạo nhằm giúp cho các học viên nắm được những cái chuẩn và chưa chuẩn của hồ sơ thì được. Nhưng nếu sử dụng hồ sơ cho một đối tượng rộng hơn và với một mục đích không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho học viên các tình huống thực tiễn mà còn giúp họ có được một phương pháp giải quyết vụ án, áp dụng pháp luật đúng trong những trường hợp khó; trang bị cả về những kỹ năng về soạn thảo các văn bản tố tụng thì hồ sơ tình huống chưa đáp ứng được. Nếu tập hợp được những vụ án điển hình, biên tập lại theo các thuộc tính như đã nêu ở trên và hệ thống lại thành lập theo từng chủ đề riêng thì chắc chắn hiệu quả sử dụng các tập hệ hoá hoá các vụ án điển hình này trong đào tạo còn cao hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cũng cần đặt mục tiêu ngay từ bây giờ là tập hệ thống hoá các vụ án điển hình còn dùng làm tài liệu tham khảo cho thẩm phán, luật sư và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Mục tiêu này từng bước sẽ được thực hiện hàng năm bởi một nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp có phối hợp với TANDTC và các TAND địa phương. Có thể xuất bản định kỳ Tập Hệ thống hoá các vụ án điển hình hằng năm vào đầu quý I năm sau theo nhu cầu của các Toà án và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Công nghệ thông tin đang có những bước tiến vượt bậc. Việc áp dụng các thành quả của công nghệ thông tin vào tất cả các mặt của đời sống xã hội đang được tiến hành ở nhiều ngành khác nhau. Ngành Tư pháp cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Do đó, việc xây dựng các Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình là những công việc đầu tiên để tiến hành các công việc mang tính chiến lược lâu dài; phổ biến các Tập Hệ thống hoá các vụ án điển hình này lên một mạng nội bộ hoặc mạng internet để giúp những người có nhu cầu khai thác một cách có hiệu quả.

1.3. Giá trị lý luận và thực tiễn của vụ án điển hình

1.3.1. Những đối tượng có thể khai thác giá trị vụ án điển hình

·  Đối tượng nghiên cứu

·  Những người làm công tác giảng dạy và học tập pháp luật

·  Những người làm công tác thực tiễn pháp luật

·  Các đối tượng có quan tâm

1.3.2. Giá trị lý luận của vụ án điển hình

- Sử dụng Tập Hệ thống hoá các vụ án điển hình để làm tài liệu học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật, nhất là trong các cơ sở đào tạo nghề thuộc ngành chuyên môn đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.

- Tổng kết hoạt động thực tiễn để qua đó rút ra được những bài học bổ ích cho hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật nói riêng và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống pháp luật nói chung.

1.3.3. Giá trị thực tiễn của vụ án điển hình

- Làm tài liệu tham khảo cho những người làm công tác thực tiễn như Luật sư, Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên….

- Tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân có thể tiếp cận được với hoạt động xét xử của TAND, trên cơ sở đó hiểu rõ hơn hoạt động này nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và duy trì sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với cơ quan tư pháp.

2. TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, PHÂN LOẠI CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

2.1. Tiêu chí xây dựng vụ án điển hình

Như trên đã nêu, vụ án điển hình là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các toà án nhân dân nhưng được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh và có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất pháp luật trong các trường hợp tương tự. Từ khái niệm cơ bản này có thể xây dựng các tiêu chí để đánh giá một vụ án điển hình như sau:

·  Về nội dung, các tình tiết của vụ án điển hình mang tính khái quát cao

·  Về mặt áp dụng pháp luật, vụ án điển hình phải đảm bảo các yêu cầu như các chứng cứ phải đầy đủ, có sức thuyết phục, bản án tuyên ra có căn cứ, có sức thuyết phục, có khả năng thi hành trong thực tế.

·    Về mặt thủ tục: Vụ án điển hình phải bảo đảm tuân thủ trình tự tố tụng do luật định, không vi phạm thủ tục tố tụng.

·    Về mặt hiệu quả: Phải góp phần khắc phục được những thiếu sót do nhận thức không đúng hoặc chưa đúng về pháp luật nội dung và tố tụng áp dụng hoặc làm căn cứ khi giải quyết các vụ án cùng loại.

Tuy nhiên, nếu xây dựng vụ án điển hình theo các tiêu chí nêu trên một cách tức thì thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, có thể có lộ trình thích hợp để xây dựng vụ án điển hình  theo hướng có thể sử dụng cả những vụ án mà việc xây dựng lại mất ít thời gian hơn. Ví dụ chỉ cần biên tập lại kèm theo các phần đánh giá, bình luận để từ đó rút ra được những kinh nghiệm nhằm tránh được những sai sót nếu khi hành nghề gặp phải những tình huống tương tự.

2.2. Tiêu chí phân loại vụ án điển hình

Vụ án điển hình có thể được phân loại theo các tiêu chí sau đây:

2.2.1. Phân loại theo ngành luật về nội dung: án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính;

2.2.2. Phân loại theo tính chất quan trọng xuất phát từ quá trình xét xử các loại án; án về ma tuý, án về mại dâm, tranh chấp đất đai, thừa kế, đình công….

2.2.3. Phân loại theo các loại án mà thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do cách hiểu không thống nhất hoặc có nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ….

3. CƠ CẤU MỘT VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

3.1. Phần tóm tắt các tình tiết của vụ án

3.2. Toàn văn bản án

3.3. Những tình tiết bổ sung (nếu có)

3.4. Bình luận:

-                   Những vấn đề cần lưu ý

-         Các chứng cứ

-         Pháp luật áp dụng

 

 

 

 

 

 

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

TRONG BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC XÉT XỬ CỦA

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

TS. Đỗ Ngọc Thịnh

       Th.s Nguyễn Việt Cường

 

1. VAI TRÒ CỦA BÁO CÁO TỔNG KẾT XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO.

Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật quy định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong phạm vi chức năng của mình Toà án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng tài sản tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, Toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.

Để Toà án thực hiện được chức năng nhiệm vụ trên, Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là một nguyên tắc hết sức quan trọng để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, chi phối bởi bất kỳ một sức ép nào. Trên cơ sở đó đảm bảo cho việc xét xử của Toà án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thực hiện được nguyên tắc trên là cả quá trình phấn đấu của Thẩm phán và người thẩm phán phải có lập trường kiên định; phải giám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, không bị chi phối về mặt tình cảm cũng như quyền lực và cám dỗ về vật chất. Thẩm phán phải chí công vô tư trong việc xét xử. Mặt khác, Thẩm phán phải có kiến thức pháp lý, phải thông thạo nghiệp vụ chuyên môn, biết áp dụng thành thạo pháp luật và việc giải quyết vụ án. Chính vì vậy Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm, Toà án nhân dân đã quy định những tiêu chuẩn cụ thể cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, trong đó một tiêu chuẩn chung là “có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Về mặt khách quan để đảm bảo “Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ. Trong thời gian thực hiện chính sách đổi mới của Đảng chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung cao độ với hai thành phần kinh tế chính là Nhà nước và tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật phù hợp để làm hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội hoạt động. Đây cũng là cơ sở để Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử. Tuy nhiên dù pháp luật hoàn chỉnh đến mấy cũng mới chỉ là cái “khuôn mẫu” chung. Vì vậy, trong quá trình xét xử cần phải có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế. Có như thế mới bảo đảm được sự thống nhất toàn quốc trong việc xét xử, hạn chế được xử chênh lệch quá đáng giữa các Hội đồng xét xử trong cùng một Toà, giữa các Toà án này với Toà án khác. Ví dụ: Khoản 4 điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a. Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ 5 kg trở lên.

Luật chưa lượng hoá cụ thể khoảng bao nhiêu kg nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa thì bị phạt 20 năm tù; từ bao nhiêu kg đến bao nhiêu kg nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa thì bị phạt tù chung thân và từ bao nhiêu kg thuốc phiện trở lên thì bị phạt tử hình. Để việc xét xử có sự thống nhất trong toàn quốc phải từ việc tổng kết công tác xét xử hàng năm, từ những vụ án về ma tuý cụ thể và từ yêu cầu chống tội phạm mà Toà án nhân tối cao đưa ra một khoảng định lượng nhất định các chất ma tuý để áp dụng cho từng loại hình phạt.

Ngoài ra trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà làm luật cũng chỉ đưa ra được các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội xảy ra, nên những quan hệ xã hội xảy ra sau khi có luật Toà án nhân dân tối cao phải tổng kết hướng dẫn làm cơ sở cho Toà án cấp dưới xét xử.

Mặt khác, việc áp dụng pháp luật vào công tác xét xử là cả quá trình đúc kết kinh nghiệm của Thẩm phán. Nhìn chung việc xét xử của các Thẩm phán là đúng nhưng không phải không có vụ xét xử sai. Toà án nhân dân tối cao phải tổng kết để rút ra những sai sót trong việc xét xử giúp các Thẩm phán có thêm kinh nghiệm trong nghề nghiệp.

Một trong các hình thức chỉ đạo và hướng dẫn công tác xét xử của Toà cấp trên đảm bảo cho việc không vi phạm nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đó là việc Toà án tối cao xác định và phân tích các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử hàng năm, Toà án nhân dân tối cao đánh giá những mặt yếu kém, những sai sót thường gặp trong hoạt động xét xử của từng vụ án cụ thể, từ đó Toà tối cao sẽ khái quát những yêu cầu chung trong hoạt động xét xử cho Thẩm phán khi áp dụng pháp luật phải thống nhất không những ở Toà sơ thẩm, toà phúc thẩm mà cả ở Toà giám đốc thẩm. Do đó việc xác định, phân tích đánh giá các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết của Toà án nhân dân tối cao hàng năm có ý nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn công tác xét xử cho Toà án nhân dân các cấp mà nó còn ý nghĩa bảo đảm không can thiệp hoặc làm ảnh hưởng đến nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Qua tổng kết công tác xét xử của Toà án tối cao chúng ta thấy được tình hình áp dụng pháp luật của các toà án địa phương, những bất cập yếu kém của đội ngũ Thẩm phán, đặc biệt chúng ta có thể nhìn được bức tranh về hệ thống pháp luật với những mảng mầu sáng tối khác nhau, qua đó thấy được những vấn đề cần phải sửa đổi bổ sung để hoàn thiện pháp luật. Bản tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao sẽ góp phần quan trọng vào việc thống nhất áp dụng pháp luật, chỉ ra và uốn nắn kịp thời các sai sót, nâng cao trách nhiệm trong công tác xét xử của Thẩm phán từ đó đề xuất việc đào tạo lại và bồi dưỡng Thẩm phán trong tương lai đồng thời kiến nghị với các cơ quan xây dựng pháp luật để sửa đổi bổ sung kịp thời những quy định pháp luật đã lạc hậu hay không còn phù hợp. Bản tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao, không chỉ là bản tổng kết mà nó còn mang tính chỉ đạo và hướng dẫn công tác xét xử đối với Toà án các cấp. Chính vì vậy Luật tổ chức Toà án nhân dân đã quy định “Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của Toà án” (Điều 18).

2. TÍNH CHẤT ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH ĐƯỢC XÁC ĐỊNH TRONG BÁO CÁO TỔNG KẾT XÉT XỬ HÀNG NĂM CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

- Những vụ án điển hình được xác định trong báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của toà án nhân dân tối cao là những vụ án xét xử đúng pháp luật những đặc điểm của vụ việc nó tương đối phổ thông, xảy ra nhiều ở các địa phương trong toàn quốc nên đã được nâng lên thành điển hình để khi áp dụng pháp luật cần phải thống nhất và hạn chế tối đa những sai sót hay vi phạm.

- Các vụ án điển hình là những vụ án được xét xử đi xét xử lại nhiều lần, có nhiều khiếu kiện hay kháng nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bản án đó cần được phân tích kỹ qua các cấp xét xử để đưa ra kết luận và thống nhất cách giải quyết dứt điểm vụ án.

- Các vụ án điển hình là những vụ án có sai sót về việc áp dụng Luật tố tụng mang tính đặc trưng, như các loại việc không thuộc thẩm quyền của toà án hay Toà án thụ lý không đúng thẩm quyền, những loại việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác hay của trọng tài.

- Các vụ án điển hình là những vụ án có sai sót về việc áp dụng Luật nội dung mang tính đặc trưng, ở đây có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc áp dụng không đúng pháp luật, trong đó có những thay đổi của pháp luật mà Thẩm phán chưa hiểu đúng điều luật mới, hay các văn bản pháp luật hướng dẫn của luật làm cho mỗi Toà áp dụng một cách khác nhau.

- Các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết có thể là những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo cùng gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước và xã hội, nó đặc trưng cho các tội phạm mới trong nền kinh tế thị trường như tội phạm ma tuý, tội mại dâm, tội tham nhũng hay các vụ kiện tranh chấp khác trong các vụ án kinh tế, lao động đặc trưng cho các quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường.

- Các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết có thể là các bản án đã được xét xử, đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không có tính khả thi khi thi hành án, ở những vụ án này do tính chất quá phức tạp, khó thi hành như vụ án Tân trường Sanh hay Ép cô - Minh Phụng.

- Các vụ án điển hình có thể là các loại vụ việc mà luật chưa quy định hết, nhưng do yêu cầu và tính chất chính trị xã hội, Toà án cần phải xét xử do đó trong báo cáo tổng kết cần hướng dẫn và làm sáng tỏ.

3. MỤC TIÊU CỦA VIỆC XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN TÍCH CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH TRONG BÁO CÁO TỔNG KẾT XÉT XỬ HÀNG NĂM CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO.

Một trong những nội dung của báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án nhân dân tối cao là xác định, phân tích các vụ án điển hình, nhằm đánh giá về hoạt động xét xử của các toà án, trọng tâm của nó là chỉ ra những sai sót hay những vi phạm trong hoạt động xét xử của toà án trong từng vụ án đó. Vì đây là các vụ án điển hình về từng loại vụ việc cần được trao đổi rút kinh nghiệm trong công tác xét xử do đó mục tiêu của việc xác định và phân tích các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án nhân dân tối cao không dừng lại ở việc thống nhất cách giải quyết về từng vụ việc cụ thể mà qua việc xác định và phân tích các vụ án điển hình đã thể hiện quan điểm và đường lối xét xử của Toà án tối cao trong từng lĩnh vực, để từ đó chỉ đạo việc xét xử thống nhất trong toàn quốc đối với các loại vụ việc như vậy.

Trong thực tế không có các vụ án giống nhau về tất cả các tình tiết, do đó trong công tác xét xử đòi hỏi ở người Thẩm phán khả năng áp dụng pháp luật, với sự hiểu biết pháp luật sâu rộng và vốn hiểu biết đời sống xã hội sâu sắc mới có thể xét xử đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Thông qua việc phân tích đánh giá các bản án điển hình của Toà án nhân dân tối cao, người Thẩm phán không những rút ra được những kinh nghiệm về những sai sót trong công tác xét xử của đồng nghiệp mà qua đó còn thấy được những chủ trương lớn của Toà án tối cao trong việc chỉ đạo hoạt động xét xử, góp phần nâng cao, bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho mỗi Thẩm phán.

Mục tiêu của việc xác định và phân tích các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn nhằm vào mục đích kiến nghị các cơ quan xây dựng pháp luật nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật không rõ ràng, thiếu chính xác trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội hay các quy định đã lạc hậu lỗi thời trước những biến đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội mà vẫn tồn tại phải thực hiện.

Qua phân tích đánh giá các vụ án điển hình, cơ quan Toà án nhân dân tối cao cũng rút ra những kinh nghiệm và bài học trong công tác chỉ đạo hoạt động xét xử của Toà án. Đó chính là một trong những chức năng quan trọng của Toà án nhân dân tối cao là hướng dẫn công tác xét xử cho các Toà án, chức năng đó chỉ có thể làm tốt khi hoạt động xác định và phân tích các vụ án điển hình được nhanh chóng, chính xác, kịp thời và có đường hướng dẫn chỉ đạo thống nhất.

4. GIÁ TRỊ LÝ LUẬN CỦA CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

+ Xây dựng, hình thành cách hiểu thống nhất về một quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế hiện nay, các quan hệ kinh tế xã hội luôn vận động và phát triển, đòi hỏi các quy phạm luật luôn phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội. Trong thực tiễn thì pháp luật thường lạc hậu hơn so với sự phát triển kinh tế, chính yếu tố này làm cho các Thẩm phán rất khó khăn khi xét xử để áp dụng pháp luật chính xác đúng đắn và phù hợp. Một mặt nếu theo yêu cầu của pháp chế thì các quy phạm pháp luật còn có hiệu lực thì khi áp dụng pháp luật bất kỳ ai đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Mặt khác khi pháp luật đã thể hiện sự lạc hậu với đời sống xã hội, thì các quy phạm pháp luật đó cũng sẽ điều chỉnh không chính xác các quan hệ xã hội. Chính vì vậy khi xét xử các vụ án có tính chất giống nhau hay gần giống nhau thì việc áp dụng pháp luật của các Thẩm phán ở các Toà án có nhiều điểm khác nhau. Hay trong cùng một vụ án Toà án sơ thẩm xử khác, Toà phúc thẩm xử khác, sự khác nhau đó là do việc áp dụng pháp luật có những điểm khác nhau. Sự hiểu biết không thống nhất về một quy định pháp luật có nguyên nhân khách quan là do sự phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng có thể do nguyên nhân chủ quan, do trình độ năng lực Thẩm phán hay cũng có thể do xuất phát từ một động cơ cá nhân nào đó của Thẩm phán, dẫn tới việc áp dụng pháp luật có nhiều cách khác nhau. Để khắc phục những điểm bất cập đó, khi xác định, phân tích các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao, sẽ góp phần xây dựng, hình thành cách hiểu thống nhất về những quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy bằng cách nào có thể xây dựng hình thành cách hiểu thống nhất về một quy định pháp luật vốn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Qua phân tích những áp dụng pháp luật khác nhau của Thẩm phán về quy định của pháp luật, báo cáo tổng kết chỉ ra những cách hiểu không đúng về quy định pháp luật, dẫn tới áp dụng pháp luật khác nhau, từ đó báo cáo cũng chỉ ra một cách hiểu chung thống nhất về quy phạm pháp luật được áp dụng.

+ Giá trị lý luận của các vụ án điển hình sẽ tạo cơ sở lý luận để sửa đổi, bổ sung hoàn thành chỉnh các quy định pháp luật.

Thông qua việc phân tích đánh giá về các vụ án điển hình không những thấy được sai sót hay khiếm khuyết trong việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán, mà qua việc áp dụng đó còn thấy được lỗ hổng của pháp luật làm cho Thẩm phán áp dụng không thống nhất, đó là những bất cập đang tồn tại của luật pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sai sót, vi phạm trong việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán, một trong các nguyên nhân quan trọng là luật pháp chưa sát và phù hợp với đời sống xã hội hay pháp luật lạc hậu và không theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật của Thẩm phán, qua phân tích các bản án dưới nhiều hình thức Toà án tối cao sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật cũng cần phải nắm bắt được các yêu cầu khi khảo sát nghiên cứu xây dựng pháp luật qua các hình thức áp dụng pháp luật trong công tác xét xử của Thẩm phán để ban hành pháp luật kịp thời, tạo sự ổn định lâu dài cho các quy phạm pháp luật, có như vậy khi áp dụng pháp luật trong công tác xét xử mới thống nhất và ổn định.

+ Giá trị lý luận của các vụ án điển hình sẽ tạo cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải thích chính thức pháp luật.

Giải thích các đạo luật là do Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan giải thích chính thức pháp luật, văn bản giải thích đó có giá trị pháp lý như các đạo luật đã được ban hành, còn các văn bản quy phạm pháp luật khác do các cơ quan Nhà nước ban hành thì thẩm quyền giải thích văn bản đó là do chính cơ quan ban hành. Thông qua hoạt động xét xử, Toà án cũng thực hiện chức năng giải thích pháp luật đối với các quy phạm được áp dụng. Báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao cũng được coi là văn bản giải thích chính thức của Toà án về việc áp dụng các quy định pháp luật trong các bản án điển hình.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao Toà án các cấp có thể lấy đó làm căn cứ, làm cơ sở để giải thích chính thức pháp luật về các quy phạm sẽ được áp dụng.

+ Giá trị lý luận của các vụ án điển hình còn là phương tiện để khắc phục các mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định pháp luật, lấp lỗ hổng trong pháp luật.

Sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật chỉ có thể thấy được qua hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật. Đối với Thẩm phán khi áp dụng pháp luật gặp những khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân là sự mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật. Thông qua việc phân tích các bản án điển hình không những thấy được những sai sót hay khó khăn vướng mắc của Thẩm phán trong việc áp dụng pháp luật mà qua đó còn thấy được những bất cập của các quy định pháp luật về những mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật. Từ việc xác định và phân tích các bản án điển hình Toà án nhân dân tối cao sẽ kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khắc phục các mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định pháp luật, góp phần lấp lỗ hổng trong pháp luật.

5. GIÁ TRỊ THỰC TIỄN CỦA CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

+ Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình là căn cứ để áp dụng pháp luật theo nguyên tắc tương tự.

Trong thực tế công tác xét xử không bao giờ có những vụ án giống nhau 100% với tất cả những dữ kiện và chứng cứ, do đó khi xét xử Thẩm phán không thể áp dụng tất cả những nhận định và kết luận của vụ án này vào nhận định và kết luận của vụ án khác. Hoạt động xét xử đòi hỏi ở trình độ năng lực của người Thẩm phán, họ không chỉ hiểu biết chính xác các quy định pháp luật mà họ còn phải hiểu và thấy được mối liên hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức được mối liên quan giữa ngành luật này và luật khác. Người Thẩm phán cũng như người tiến hành áp dụng pháp luật nào khác muốn làm tròn bổn phận của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì họ phải có được ý thức pháp luật sâu rộng. Do đó những phân tích đánh giá của Toà án tối cao đối với các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết sẽ là những căn cứ rất quan trọng cho các Toà án địa phương khi tiến hành xét xử các vụ án gần giống với nó. Có nghĩa là người Thẩm phán khi xét xử sẽ lấy những tình tiết hay kết luận của vụ án trước đó làm căn cứ để kết luận theo nguyên tắc tương tự. Để áp dụng pháp luật tương tự người Thẩm phán trước tiên phải căn cứ vào những quy định của pháp luật sau đó mới tính tới các căn cứ khác trong đó có căn cứ là các hướng dẫn của Toà án tối cao đối với các bản án điển hình đã được phân tích đánh giá trong báo cáo tổng kết của ngành hàng năm.

Các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn là mô hình mẫu để xét xử các vụ án tương tự vì qua đó Thẩm phán sẽ tránh được những cái sai và khiếm khuyết của các Thẩm phán trước đó đã mắc phải, đồng thời những kết luận và căn cứ đúng được khẳng định thì Thẩm phán sẽ tự tin trong việc áp dụng tương tự.

Để xét xử một vụ án đảm bảo chất lượng người Thẩm phán phải tiến hành các bước trong quá trình xét xử như nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, trực tiếp xét xử. Các bước như vậy người Thẩm phán sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều về những kết luận được đánh giá trong các bản án điển hình của Toà án nhân dân tối cao. Ở đây các vụ án điển hình sẽ góp phần chỉ đạo tư duy và hành động của các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vụ án. Đó chính là giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao.

+ Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình không những chỉ đạo tư duy và hành động của các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vụ án mà nó còn định hướng hoạt động cho các chủ thể tham gia quá trình tố tụng vụ án, như công tố viên, luật sư, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn. Các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thẩm phán, các báo cáo hàng năm gần như được coi là cẩm nang trong công tác xét xử của Toà án, nhưng do tính chất của hoạt động xét xử là khâu cuối cùng và quan trọng của quá trình tố tụng do đó các báo cáo của Toà án nhân dân tối cao với các bản án điển hình trong đó thường được các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác tham khảo như là những tài liệu quan trọng trong công tác của mình, bởi nếu không tham khảo hay không cần biết đến kết luận của Toà án tối cao về các bản án điển hình thì những kết quả xét xử của Toà án cấp dưới sẽ chịu ảnh hưởng đối với các vụ án tương tự, những kết luận của vụ án đó được những người tham gia tố tụng trong một vụ án bao giờ họ cũng rất quan tâm tới, trong những trường hợp đó chỉ những người không hiểu hay không biết về vai trò của mình trong các quan hệ tố tụng họ mới thờ ơ tới những kết luận của Toà án tối cao trong các bản án điển hình, còn những người hiểu biết họ sẽ tập trung khai thác những nhận định, đánh giá, kết luận được nêu trong bản án điển hình của Toà án tối cao để bảo vệ những chứng cứ và quan điểm của mình khi tham gia tố tụng trong những vụ án mới, do đó giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình là định hướng hoạt động cho các chủ thể khác khi tham gia quá trình tố tụng vụ án.

+ Giá trị thực tiễn của các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao còn định hướng dư luận xã hội đối với các bản án được xét xử khi vụ án có nhiều cách hiểu khác nhau.

Sau mỗi phiên toà xét xử của toà án về một vụ án cụ thể nào đó, đều có những tranh luận khác nhau về kết luận của Toà án, bởi vì dù người Thẩm phán có nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tuyên án thì những nhận định và kết luận trong bản án vẫn là những nhận định chủ quan của hội đồng xét xử, mà đã là những nhận thức chủ quan của bất kỳ người nào hay nhóm người nào cũng đều có thể đúng hoặc không đúng, nhận định này đúng, nhận định này sai, tất cả những cái đó sẽ luôn được tranh cãi, được dư luận xã hội quan tâm ở góc độ khác nhau. Để bảo đảm cho việc xét xử được công bằng và đảm bảo công lý, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Luật tố tụng quy định quyền kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, bị cáo và quyền kháng nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng để xét xử theo trình tự phúc thẩm hay giám đốc thẩm. Sự xem xét và xét xử các bản án theo trình tự phúc thẩm hay giám đốc thẩm sẽ góp phần làm cho việc xét xử mang tính khách quan và tiến gần sự thực hơn. Tuy vậy trong thực tế nhiều bản án phúc thẩm và giám đốc thẩm vẫn còn là các đề tài luôn được tranh luận và quan tâm không phải của những người trong giới, kể cả những người ngoài giới và của dư luận xã hội. Những cách hiểu khác nhau đó về từng bản án cụ thể chỉ có thể tương đối được hiểu giống nhau khi thông qua sự phân tích đánh giá các bản án điển hình trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao, dư luận xã hội mới có những định hướng tập trung hơn. Bản báo cáo tổng kết xét xử hàng năm của Toà án tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng nó được coi là nguồn của pháp luật, do đó nó luôn được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội và những người tham gia tố tụng. Nó góp phần vào định hướng dư luận xã hội đối với các bản án được xét xử khi vụ án có nhiều cách hiểu khác nhau.

KẾT LUẬN

Các vụ án điển hình trong báo cáo tổng kết xét xử của Toà án nhân dân tối cao có vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo hướng dẫn xét xử của Toà án tối cao mà nó còn có giá trị lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật, xây dựng pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật và định hướng dư luận xã hội về hoạt động xét xử của Toà án.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRONG VIỆC

ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN

                                                                             TS. Hoàng Thị Sơn

TS.Nguyễn Công Bình

 

 

Đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề thẩm phán nói riêng đang đứng trước những nhu cầu hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp để điều khiển sự phát triển. Trong lý luận cũng như trong thực tiễn có nhiều cách tiếp cận khác nhau để xác định căn cứ khoa học làm cơ sở cho việc áp dụng phương pháp này hay phương pháp khác trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn thẩm phán với nét đặc thù riêng của nó. Thẩm phán- một nghề đặc biệt bởi lẽ chức năng, nhiệm vụ của người thẩm phán luôn luôn gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Toà án, một cơ quan duy nhất của nước CHXHCNVN có quyền xét xử, nhân danh Nhà nước tuyên một bản án kết tội hay không kết tội một người nào đó bị truy tố trước pháp luật, chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của đương sự. Khi được bổ nhiệm làm thẩm phán, đó là một vinh dự rất lớn, đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của người làm công tác xét xử. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của xã hội, của Nhà nước về phẩm chất, năng lực của người được bổ nhiệm có khả năng ngồi ghế quan toà, nhân danh công lý mà phán xét sự việc cần giải quyết.

1. CƠ SỞ CỦA VIỆC ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN.

Thứ nhất, những năm gần đây công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội... và việc hội nhập với các nước đã đặt ra những yêu cầu mới đối với cán bộ xét xử về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết được các vụ án phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội.

Thứ hai, xét xử là một nghề đặc biệt của thẩm phán với những đặc trưng riêng của nó bao gồm việc lập hồ vụ án (vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính), nghiên cứu hồ sơ và điều khiển phiên toà. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình người thẩm phán không chỉ phải nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải là người nắm được những "bí ẩn" của pháp luật, có tư duy pháp lý, có kỹ năng vận dụng pháp luật giải quyết linh hoạt các tình huống pháp lý xảy ra trong quá trình xét xử, phù hợp với yêu cầu của pháp luật, đặc biệt là các tình huống xảy ra tại phiên toà ngoài dự kiến chủ quan của thẩm phán.

Thứ ba, thực tế đào tạo nguồn thẩm phán trong 3 khoá qua cho thấy, đối tượng đào tạo có tính đặc thù là những cử nhân luật, tức là những người đã tốt nghiệp đại học luật và đã có thời gian công tác tại ngành tư pháp ít nhất là 3 năm trở lên dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm thẩm phán. Do đặc điểm của đối tượng đào tạo đã đựơc học chương trình pháp lý một cách có hệ thống, đặc biệt là về mặt lý luận tại trường đại học và ít nhiều có đôi chút kinh nghiệm thực tế về công tác của Toà án. Do vậy, chúng ta không thể áp dụng phương pháp giảng dạy như đối với sinh viên luật được.

Thứ tư, cùng với việc rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống, trong quá trình giải quyết học viên còn được rèn luyện cả về chất giọng, kỹ năng lập luận để cách giải quyết vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, có sức thuyết phục, hợp tình, hợp lý.

Thứ năm, thực tế đào tạo khóa 1 và khoá 2 nguồn thẩm phán cho thấy, để đạt được mục tiêu giúp các thẩm phán tương lai nắm vững lý thuyết, có khả năng thực hành, tổ chức và điều khiển phiên toà, giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử phù hợp với quy định của pháp luật một cách linh hoạt, sáng tạo; có khả năng viết bản án và các văn bản tố tụng khác một cách thành thạo thì giảng dạy bằng phương pháp giải quyết tình huống là phương pháp tốt nhất trong đào tạo nguồn thẩm phán.

2. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC GIẢNG DẠY BẰNG PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

Thứ nhất, giúp học viên biết vận dụng lý thuyết (kiến thức pháp luật) để giải quyết vụ án một cách, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, giúp học viên có khả năng thực hành và điều khiển phiên toà một cách thành thạo.

Thứ ba, giúp học viên có khả năng viết các văn bản tố tụng đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.

3. NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN.

Đào tạo kỹ năng hành nghề xét xử cho các thẩm phán tương lai (trường hợp đặc biệt cho cả thẩm phán đã được bổ nhiệm trong thời gian học tập) bằng phương pháp giải quyết tình huống là một loại hình vừa mới được áp dụng ở nước ta. Mặc dù khoá 3 chưa kết thúc, lúc đầu còn bỡ ngỡ, giáo trình, tài liệu, chương trình và phương pháp đang dần được kiện toàn, hoàn chỉnh nhưng đã thu được những kết quả đáng mừng. Đó là đội ngũ học viên sau khi ra trường đã tỏ ra có khả năng nhất định, thành thạo các thao tác nghiệp vụ, có khả năng tác nghiệp ngay sau khi được bổ nhiệm, tránh được những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu trong quá trình xét xử do thiếu kinh nghiệm và chưa được thực hành. Kết quả này đã được xã hội nói chung và đặc biệt là các Toà án địa phương có học viên sau khi học về công tác hoan nghênh và đánh giá tốt. Hiện nay các hồ sơ tình huống đựơc dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập trong đào tạo nguồn thẩm phán bao gồm các chuyên ngành khác nhau như hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi chỉ xin phép nói về phương pháp giải quyết tình huống khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự. Đó là những lĩnh vực không thể thiếu được trong đào tạo thẩm phán. Đối với các chuyên ngành khác cũng được tiến hành tương tự.

3.1. Chuẩn bị hồ sơ tình huống

Hồ sơ tình huống làm tài liệu học tập và giảng dạy hiện nay là hồ sơ đã xét xử được copy nguyên bản. Tuỳ theo từng bài giảng mà hồ sơ được rút một số bút lục nhất định rồi phát cho học viên nghiên cứu, giải quyết. Như vậy, tình huống được xây dựng chủ yếu là phụ thuộc vào hồ sơ đã có. Đây cũng là giải pháp tình thế nhằm khắc phục những khó khăn ban đầu về tài liệu và hồ sơ tình huống. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ dẫn đến việc nhàm chán trong giải quyết tình huống, bởi nó không điển hình, đặc trưng cho từng loại vụ việc cụ thể mà Toà án cần giải quyết. Hơn nữa, nếu cứ phụ thuộc vào hồ sơ thì tình huống cũng không thể phong phú, đa dạng và hấp dẫn, lôi cuốn học viên, kích thích học viên tư duy tìm ra cách giải quyết linh hoạt nhất, phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên, Ban giám đốc nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn quan tâm hơn nữa và kịp thời triển khai việc biên tập lại hồ sơ tình huống, rà soát để loại bỏ những hồ sơ không sử dụng được hoặc không phù hợp.

Trên cơ sở phân loại hồ sơ tình huống cho từng bài giảng đối với từng tình huống cụ thể, hồ sơ cũng được đánh mã số phân loại một cách khoa học để thuận tiện cho việc tra cứu. Đồng thời với việc rà soát, phân loại hồ sơ, tình huống, các tổ bộ môn cũng kịp thời bổ sung, cập nhật hồ sơ mới mà trước hết là thuộc loại án phổ biến để đáp ứng yêu cầu của việc đào tạo.

Ví dụ: Hồ sơ vụ án hình sự được biên tập bổ sung đối với các tội phạm mới được quy định, sửa đổi, bổ sung trong BLHS năm 1999, đặc biệt là các tội phạm về ma tuý, các tội phạm về sở hữu và các tội phạm về tình dục, các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ... Hồ sơ vụ án dân sự được biên tập theo từng loại quan hệ tranh chấp như hồ sơ việc xin ly hôn, thừa kế, tranh chấp, đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng v.v. và theo các lĩnh vực hoạt động của người thẩm phán như thụ lý, điều tra, hoà giải v.v.

Ngoài việc rà soát, bổ sung hồ sơ cho phù hợp các tổ chuyên môn đã xây dựng đáp án hồ sơ tình huống và duy trì chế độ họp chuyên môn thường xuyên để đảm bảo được việc thống nhất về cách giải quyết đối với mỗi tình huống, tránh các giảng viên lại có cách giải quyết khác nhau.

Trên cơ sở tình huống cơ bản trong hồ sơ cần giải quyết, khi thống nhất đáp án tổ bộ môn cũng đã biên tập, xây dựng nhiều tình huống khác có thể xảy ra đối với vụ án cụ thể yêu cầu học viên giải quyết. Các tình huống đó đều phải được tổ bộ môn thống nhất thông qua đáp án giải quyết . Hàng tháng các tổ chuyên môn đều tranh thủ họp vào những ngày thứ 7 hoặc chủ nhật để rút kinh nghiệm về những hồ sơ, đáp án đã sử dụng và chỉnh lý lại đáp án nếu cần.

3.2. Giảng dạy bằng phương pháp giải quyết tình huống.

Việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống được tiến hành theo các bước sau đây:

*Bước1: Phát hồ sơ tình huống cho học viên

Hồ sơ tình huống trên cơ sở đã được biên tập ở tổ bộ môn phải đảm bảo phát cho mỗi học viên một bộ, chậm nhất là một tuần trước khi học về tình huống đó. Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc tránh tình trạng học viên viện lý do nhận được hồ sơ chậm không có thời gian nghiên cứu. Điều này hoàn toàn hợp lý vì hồ sơ không thể chỉ đọc trong vòng 1 - 2 giờ là xong mà cần phải có thời gian hợp lý tuỳ theo từng hồ sơ cụ thể. Song, nói chung để đảm bảo chất lượng giải quyết tình huống trước hết học viên phải đọc kỹ hồ sơ để nắm được nội dung tình huống và những tài liệu liên quan. Ngoài ra, học viên còn phải đọc các văn bản pháp luật áp dụng giải quyết vụ án, suy ngẫm, cân nhắc tìm ra cách giải đúng nhất.

Cũng như các thẩm phán, khi nhận được hồ sơ luật còn cho phép trong một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị xét xử. Đối với các vụ án hình sự trong thời hạn chuẩn bị xử lý không quá 30 ngày đối với tội ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội nghiêm trọng, hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng kể từ  ngày nhận được hồ sơ vụ án. Đối với vụ án dân sự, thời hạn chuẩn bị mở phiên toà là 1 tháng. Tuy nhiên đối với học viên chúng ta không thể máy móc áp dụng thời hạn thời hạn trên nhưng ít ra nhà trường cũng tạo điều kiện cho họ có một thời gian đủ để chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

*Bước 2:  Với hồ sơ đã được phát và lịch học ấn định cho từng tình huống, sau khi chuẩn bị ở nhà học viên đến lớp cùng với hồ sơ và giải quyết tình huống dưới sự hướng dẫn điều khiển của giáo viên bộ môn. Tuỳ theo từng tình huống, từng bài mà trên lớp học viên có thể được chia thành các nhóm. Trước hết, trên cơ sở đã nghiên cứu hồ sơ, các nhóm thống nhất quan điểm về cách giải quyết tình huống, cử người đại diện nhóm trình bày cách giải quyết của nhóm mình, sau đó cả lớp nhận xét về cách giải quyết đó. Sau khi các nhóm đã trình bày quan điểm về cách giải quyết, học viên đóng góp ý kiến, giáo viên đưa ra kết luận và nhận xét bổ sung về cách giải quyết tình huống của từng nhóm. Sau khi tình huống cơ bản (theo hồ sơ được phát) đã được giải quyết, giáo viên có thể thay đổi một vài tình tiết, tài liệu trong hồ sơ và yêu cầu học viên giải quyết. Tuy nhiên, các tình huống đó cũng phải được giáo viên kết luận trước khi kết thúc buổi học.

Không nhất thiết các tình huống đưa ra đều phải giải quyết bằng phương pháp trên mà tuỳ theo từng bài giáo viên có thể áp dụng cách này hay cách khác cho phù hợp với yêu cầu đặt ra và đạt được kết quả tốt.

Đối với các tình huống về phiên toà hình sự, dân sự hoặc hoà giải vụ án dân sự thì chúng ta không thể áp dụng cách trên để giải quyết mà trong trường hợp này học viên phải tự mình chủ động linh hoạt quyết định cách giải quyết. Ở các tình huống này học viên được phân các vai trên cơ sở hồ sơ. Đối với tình huống phiên toà hình sự có Chủ toạ phiên toà, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà, kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người làm chứng, người bị hại... Đối với tình huống hoà giải vụ án dân sự có thẩm phán, thư ký phiên toà, nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với tình huống phiên toà dân sự có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên toà, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng v.v. Giờ lên lớp đối với các tình huống thuộc bài này lại chính là phiên toà hình sự, dân sự hoặc buổi hoà giải vụ án dân sự mô phỏng trên cơ sở hồ sơ đã được phát cho học viên. Như vậy, ngoài việc giải quyết tình huống học viên còn được thực hành đóng vai thẩm phán chủ toạ điều khiển và giữ trật tự phiên toà  theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều khiển phiên toà giáo viên đưa ra các tình huống khác nhau yêu cầu “hội đồng xét xử” giải quyết. Trong phiên toà hình sự những tình huống đó có thể là:

- Người bị hại xin hoãn phiên toà để nhờ luật sư.

- Bị cáo vắng mặt tại phiên toà không có lý do chính đáng.

- Bị cáo đã được Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt nhưng sau khi xét hỏi tại phiên toà bị cáo lại xuất hiện đề nghị hoãn phiên toà.

- Viện kiểm sát hoặc người tham gia tố tụng đề nghị thay đổi thành viên của hội đồng xét xử.

-         Tại phiên toà luật sư đưa ra những tài liệu, chứng cứ mới ...v.v.

Trong phiên toà dân sự những tình huống đó có thể là:

-         Đương sự xin thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử.

-         Vắng mặt kiểm sát viên.

-         Vắng mặt một trong số những người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người giám định)

-         Nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

-         Đương sự xin hoãn phiên toà để tự hoà giải hoặc hoà giải được với nhau.

-         Đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để triệu tập thêm người làm chứng.

Sau mỗi buổi tập giải quyết tình huống như vậy đều có nhận xét, góp ý và rút kinh nghiệm trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

Đối với tình huống về bản án thì chúng ta không thể áp dụng phương pháp trên mà yêu cầu mỗi học viên trong lớp phải tự mình hoàn chỉnh từng phần hoặc toàn bộ bản án trên cơ sở hồ sơ được phát, sau đó giáo viên có thể đưa ra bất kỳ “bản án” nào của học viên ra để cả lớp cùng nhận xét, giáo viên sửa lại bản án đó cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên không lấy ý kiến của mình để áp đặt, bắt học viên phải theo mình mà trước hết là theo ý kiến của tổ bộ môn đã thống nhất và giải thích cho học viên rõ vì sao lại làm như vậy.

Trung bình mỗi bài trong chương trình giảng dạy có 1 buổi giảng lý thuyết và khoảg 4-5 buổi giải quyết tình huống và một buổi đối thoại. Đối thoại là việc trao đổi thông tin, kiến thức giữa giáo viên với học viên nhằm giải quyết tất cả những vấn đề học viên chưa hiểu rõ trong quá trình xử lý tình huống đã được học và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn vấn đề đặt ra cần giải quyết, cách giải quyết, thao tác giải quyết đối với những trường hợp điển hình hoặc cụ thể. Trong buổi đối thoại giáo viên phải gợi ý để học viên tập trung trao đổi những vấn đề còn vướng mắc xung quanh bài học và trả lời, giải đáp những câu hỏi học viên đặt ra. Cuối cùng, giáo viên khái quát những vấn đề cơ bản nhất của bài học yêu cầu học viên phải nắm được.

4. Việc giảng dạy môn kỹ năng giải quyết vụ án dân sự

Chương trình giảng dạy môn kỹ năng giải quyết vụ án dân sự được chia thành 8 bài. Mỗi bài giảng dạy 5 tiết lý thuyết còn lại là giảng dạy thông qua việc giải quyết tình huống điển hình. Cụ thể việc giảng dạy mỗi bài được tiến hành như sau:

Bài 1: Kỹ năng thụ lý dân sự.

Sau khi đã được nghe giới thiệu lý thuyết về kỹ năng thụ lý án dân sự học viên tiếp cận với hồ sơ vụ án điển hình nghiên cứu và xây dựng phương án giải quyết tình huống trong hồ sơ để thảo luận trên lớp.

Hồ sơ tình huống để giảng dạy kỹ năng thụ lý vụ án dân sự được phát cho học viên chỉ có đơn kiện và các  tài liệu ban đầu do nguyên đơn cung cấp. Trên cơ sở các  tài liệu có trong hồ sơ học viên phải tìm hiểu thêm các quy định của pháp luật nội dung và tố tụng để xác định có thể thụ lý vụ án được hay không. Cần bổ sung những chứng cứ, tài liệu gì mới có thể thụ lý được vụ án? Vì sao không thụ lý được vụ án. Ở trên lớp giảng viên sẽ hướng dẫn cho các học viên trao đổi về những phương án mà họ đã chuẩn bị, đưa ra đáp án về tình huống có trong hồ sơ đồng thời cũng đưa ra những giả thiết về tình huống cho học viên trao đổi để rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho học viên. Cuối cùng giảng viên khái quát lại để thụ lý một vụ án dân sự nói chung và mỗi loại vụ án dân sự nói riêng như tranh chấp về thừa kế, về hợp đồng, về quyền sử dụng đất, về ly hôn... thì cần phải thoả mãn những điều kiện gì, thẩm phán phải tiến hành những công việc gì để thụ lý vụ án.

Bài 2: Kỹ năng điều tra vụ án dân sự.

Hồ sơ vụ án để giảng dạy kỹ năng điều tra vụ án được phát cho học viên về cơ bản cũng bao gồm những tài liệu như hồ sơ vụ án giảng kỹ năng thụ lý vụ án. Song việc điều tra vụ án là một loại hoạt động cơ bản của thẩm phán trong việc giải quyết vụ án dân sự nên thời gian dành cho việc giảng dạy kỹ năng điều tra vụ án được bố trí nhiều hơn, hồ sơ vụ án cũng đa dạng hơn, bao gồm đủ các loại án. Từ đơn kiện và những tài liệu ban đầu học viên nghiên cứu xác định để giải quyết được vụ án thì hồ sơ vụ án phải có những chứng cứ, tài liều gì? Phải tiến hành điều tra thu thập thêm những chứng cứ tài liệu nào? Điều tra ở đâu? Cách thức tiến hành như thế nào? Ở trên lớp giảng viên cũng hướng dẫn để học viên thảo luận giải đáp những câu hỏi đó và đưa ta kết luận chung. Trên thực tế diễn biến các vụ án xảy ra rất phức tạp, việc điều tra thu thập các chứng cứ không phải dễ vì vậy, ở trên lớp dựa vào tình huống có sẵn trong hồ sơ, bám vào  hồ sơ vụ án giảng viên đưa dần thêm các dữ kiện, tài liệu tạo các tình huống và hướng dẫn tỉ mỉ để học viên nghiên cứu trao, đổi tìm biện pháp giải quyết.

Ví dụ: Trong một vụ án cụ thể mà bị đơn có mặt tại nơi cư trú nhưng cố tình tránh mặt không chịu đến Toà án để khai báo tình thẩm phán phải làm gì để có thể hoàn thiện hồ sơ vụ án xét xử.

Buổi cuối cùng của bài giảng về kỹ năng điều tra vụ án dân sự giảng  viên sẽ tổng kết lại kỹ năng tiến hành điều tra các loại án cụ thể như kỹ năng điều tra vụ án thừa kế, ly hôn, hợp đồng và kỹ năng xử lý một số tình huống thường nảy sinh trong quá trình điều tra một vụ án như bị đơn cố tình vắng mặt trốn tránh việc khai báo; xem xét tại chỗ tình trạng tài sản tranh chấp... để học viên nắm được.

Bài 3: Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự

Mục đích của việc giảng dạy bài này là nhằm rèn luyện cho học viên thói quen nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi xử lý và việc nghiên cứu  hồ sơ vụ án một cách nhanh nhất, tốt nhất. Vì vậy, hồ sơ vụ án được phát cho các học viên là hồ sơ đã được xây dựng khá đủ. Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ  án học viên nghiên cứu xác định đã đủ để giải quyết vụ án chưa? Nếu đủ thì việc giải quyết vụ án theo hướng nào (tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án hay đưa vụ án ra xét xử...). Nếu hồ sơ còn thiếu chứng cứ, tài liệu thì thiếu chứng cứ, tài liệu nào? phương án điều tra bổ sung?

Trên lớp sau khi các học viên trình bày chuẩn bị của mình, thảo luận cách xử lý tình huống trong hồ sơ và những tình huống giảng viên tổng kết bài học: Để nghiên cứu hồ sơ vụ án thì thẩm phán phải bắt đầu từ chứng cứ, tài liệu nào? Mỗi loại vụ án trong hồ sơ cần phải có những loại chứng cứ, tài liệu gì? Cách sắp xếp hồ sơ để nghiên cứu? Cách ghi chép, nghiên cứu, đánh giá các chứng cứ, tài liệu của hồ sơ vụ án khi nghiên cứu. Những tài liệu nào trong hồ sơ lập đúng, tài liệu nào lập chưa được cần phải sửa chữa.

Bài 4: Kỹ năng hoà giải vụ án dân sự 

Để rèn luyện kỹ năng hoà giải vụ án dân sự cho thẩm phán, hồ sơ phát cho học viên nghiên cứu trước bao gồm tất cả các tài liệu qua điều tra thu thập được. Yêu cầu qua nghiên cứu hồ sơ học viên phải xác định được vụ án có phải hoà giải hay không? Nếu vụ án phải hoà giải thì học viên xây dựng kế hoạch hoà giải. Trong kế hoạch hoà giải vụ án học viên phải xác định được đầy đủ những vấn đề thẩm phán cần hướng dẫn các đương sự thoả thuận,  những điều mà thẩm phán có thể khai thác để giúp các đương sự khi thoả thuận giải quyết các vấn đề của vụ án và phương pháp hoà giải vụ án.

Trên lớp một học viên trình bày lại kết quả nghiên cứu, chuẩn bị, các học viên khác bổ sung và giảng viên sẽ kết luận về những vấn đề liên quan đến việc hoà giải vụ án trong hồ sơ, như vụ án có phải hoà giải không, nội dung của kế hoạch hoà giải và phương pháp hoà giải vụ án. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của  giảng viên, các học viên diễn viẹc hoà giải vụ án theo kế hoạch đã vạch sẵn, lập biên bản về sự thuận của đương sự, lập biên bản hoà giải không thành. Trong quá trình các học viên diễn việc hoà giải cũng như việc giảng các bài khác giảng viên có thể đưa thêm các tình huống (ngoài tình huống có trong hồ sơ) để các học viên tập xử lý. Buổi cuối cùng kết thúc việc giảng bài kỹ năng hoà giải giảng viên tổng kết những vấn đề cần lưu ý khi hoà giải lập  biên bản về các vụ án nói chung và mỗi loại vụ án cụ thể để các học viên nắm vững.

Bài 5: Kỹ năng điều khiển phiên toà sơ thẩm

Trong các công việc của thẩm phán thì việc điều khiển phiên toà là khó nhất. Nó đòi hỏi người thẩm phán vừa phải nắm vững pháp luật, nắm vững nội dung vụ án vừa phải có kỹ năng xử lý nhanh, chính xác các tình huống xảy ra ở tại phiên toà. Chính vì vậy để rèn luyện kỹ năng điều khiển phiên toà sơ thẩm cho học viên thì hồ sơ dùng để giảng dạy là những hồ sơ được lựa chọn rất kỹ, điển hình cả về nội dung và tố tụng. Dựa trên những chứng cứ, tài liệu của hồ sơ vụ án điển hình các học viên nghiên cứu để nắm vững nội dung vụ án xây dựng kế hoạch thẩm vấn, kế hoạch hướng dẫn những người tham gia tố tụng tranh luận tại phiên toà.

Trên lớp giảng viên cho học viên thảo luận về kế hoạch thẩm vấn, tranh luận mà các học viên chuẩn bị và kết luận. Sau đó giống như việc giảng dạy bài kỹ năng hoà giải vụ án dựa vào hồ sơ vụ án giảng viên hướng dẫn các học viên đóng các vai và diễn án. Việc diễn án được chia thành hai bước. Bước 1 học viên diễn từng thủ tục (thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục thẩm vấn, thủ tục tranh luận) theo các tình tiết có trong hồ sơ. Khi các học viên diễn tương đối thành thạo thì giảng viên chuyển sang bước 2  là đưa thêm những tình tiết mới để rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho các học viên, theo dõi kịp thời uốn nắn những sai sót để học viên sửa chữa.

Bài 6: Kỹ năng nghị án dân sự

Việc giảng bài kỹ năng nghị án cũng được tiến hành dựa trên hồ sơ vụ án điển hình như những bài khác. Học viên cũng được phát trước hồ sơ vụ án để nghiên cứu. Hồ sơ vụ án bao gồm toàn bộ các tài liệu từ đơn khởi kiện đến biên bản phiên toà. Trên cơ sở nghiên cứu các tình tiết có trong hồ sơ nắm vững nội dung vụ án các học viên xác định nội dung của nghị án vụ án gồm những vấn đề gì, (các quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ án, pháp luật áp dụng giải quyết ...) và cách thức tiến hành nghị án.

Trên lớp giảng viên chia các học viên thành những “hội đồng xét xử” để tập nghị án. Các học viên vừa tập điều khiển việc thảo luận, quyết định giải quyết vụ án vừa tập ghi biên bản nghị án. Trong quá trình theo dõi, hướng dẫn học viên nghị án giảng viên có thể đưa ra tình huống điển hình để học viên xử lý. Cuối cùng giảng viên tổng kết, rút kinh nghiệm, lưu ý những vấn đề cơ bản trong việc nghị án các loại án cụ thể để học viên nắm vững, đồng thời sửa chữa những sai sót trong biên bản nghị án mà các học viên đã lập và trả lại cho họ để họ biết rút kinh nghiệm.

Bài 7: Kỹ năng viết bản án dân sự

Viết án và tiến hành phiên toà có mối quan hệ khăng khít. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng viết bản án cho học viên các lớp đào tạo nguồn thẩm phán là rất cần thiết trước khi lên lớp các học viên được nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án từ đơn kiện, các tài liệu do Toà án điều tra thu thập được đến biên bản phiên toà, biên bản nghị án. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các học viên tự mình viết bản án dân sự. Trên lớp giảng viên hướng dẫn để học viên nắm được cách giải quyết những vấn đề cơ bản của vụ án theo hồ sơ vụ án. Đồng thời giảng viên hướng  dẫn các học viên viết từng phần của bản án đến toàn bộ bản án. Cuối cùng giảng viên kết luận chung  về việc viết bản án theo hồ sơ và việc viết các loại bản án và thu lại toàn bộ các  bản án mà học viên đã viết, sửa chữa, trả lại cho họ để họ rút kinh nghiệm.

Bài 8: Kỹ năng phúc thẩm, giám đốc thẩm dân sự

Việc giảng dạy kỹ năng phúc thẩm, giám đốc thẩm dân sự cũng được tiến hành thông qua việc giải quyết các tình huống trong hồ sơ vụ án điển hình. Tuy vậy, nội dung của bài có khác, bao gồm 2 vấn đề cơ bản là kỹ năng tiến hành các việc khi có kháng cáo, kháng nghị và kỹ năng tiến hành phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Học viên cũng được phát hồ sơ  nghiên cứu trước khi lên lớp. Hồ sơ vụ án bao gồm toàn bộ các tài liệu của hồ sơ vụ án đã giải quyết ở Toà án cấp sơ thẩm và đơn kháng cáo hoặc quyết định kháng nghị. Qua nghiên cứu hồ sơ học viên phải xác định được thẩm phán Toà án cấp sơ thẩm phải tiến hành những công việc gì trước khi chuyển hồ sơ vụ án lên Toà án cấp phúc thẩm giải quyết. Việc kháng cáo, kháng nghị hợp pháp hay không hợp pháp? Nội dung cụ thể của yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Đối chiếu yêu cầu kháng cáo, kháng nghị với các tài liệu của hồ sơ vụ án và pháp luật giải quyết vụ án các học viên xây dựng kế hoạch tiến hành phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm. Trong kế hoạch xác định rõ phạm vi xét xử, những vấn đề cần thẩm vấn làm rõ, phương hướng giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị.

Trên lớp giảng viên hướng dẫn các học viên thảo luận về những vấn đề đã chuẩn bị để học viên tự hoàn thiện kế hoạch tiến hành phiên toà; giải đáp những thắc mắc của học viên về những vấn đề liên quan đến hồ sơ vụ án đã nghiên cứu và những vấn đề khác liên quan đến kỹ năng phúc thẩm, giám đốc thẩm dân sự. Sau đó cũng giống như việc giảng dạy các bài trước giảng viên tổ chức cho học viên diễn án theo kế hoạch đã chuẩn bị. Trong quá trình học viên diễn án giảng viên cũng đưa ra các tình huống để học viên tập xử lý. Cuối buổi, giảng viên rút kinh nghiệm việc xử lý tình huống đã đặt ra và tổng kết cách giải quyết các tình huống thường xảy ra trong việc giải quyết vụ án ở toà án cấp phúc thấm, giám đốc thẩm.

4. Việc giảng dạy môn kỹ năng xét xử vụ án hình sự

Đối với môn giải quyết các vụ án hình sự, học viên được học 6 bài và một số chuyên đề cần thiết. Có thể nói 6 bài được coi là phần cứng, tức là chương trình học bắt buộc cho tất cả các khoá đào tạo thẩm phán, còn các chuyên đề được coi là phần mềm, tức là có thể thay đổi tuỳ theo từng khoá.

4.1 Nội dung các bài

Bài 1: Chuẩn bị xét xử vụ án hình sự : Trước khi đi vào việc xử lý các tình huống cụ thể, học viên được trang bị lý thuyết về kỹ năng chuẩn bị xét xử vụ án hình sự mà trước hết là phương pháp, kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, từ hồ sơ đơn giản đến hồ sơ phức tạp đối với các loại tội phạm. Sau đó giáo viên hướng dẫn cho học viên kỹ năng giải quyết các tình huống (chủ yếu là những tình huống có tính chất điển hình) có thể xảy ra trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án hình sự, đó là:

Tình huống thứ nhất: Kiểm tra hồ sơ vụ án hình sự

Tình huống thứ  hai: Trích tiểu hồ sơ vụ án hình sự

Tình huống thứ ba: Nghiên cứu hồ sơ và ra một trong các quyết định theo quy định tại Điều 151 BLTTHS, đó là:

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử

- Quyết định tạm đình chỉ vụ án

- Quyết định đình chỉ vụ án

- Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung

Tình huống thứ tư: Lập kế hoạch xét hỏi

Đối thoại và kiểm tra

Bài 2: Phiên toà hình sự sơ thẩm: Trước khi giải quyết giải quyết các tình hống cụ thể học viên được nghe giảng lý thuyết vè kỹ năng điều khiển phiên toà sơ thẩm. Bài này gồm có các tình huống sau đây:

Tình huống thứ nhất: Thủ tục bắt đầu phiên toà

Tình huống thứ hai: Xét hỏi tại phiên toà

Tình huống thứ ba: Tranh luận tại phiên toà

Tình huống thứ tư: Đây là tình huống tổng hợp của các tình huống 1,2 và 3.

Đối thoại và kiểm tra

Bài 3: Nghị án: Bài này gồm có các tình huống sau đây:

Tình huống thứ nhất: Các công việc của thẩm phán khi nghị án

Tình huống thứ hai: Lập biên bản nghi án

Tình huống thứ ba: Giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình nghị án.

Đối thoại và kiểm tra

Bài 4: Phương pháp viết bản án và tuyên án hình sự: Bài này gồm có các tình huống sau đây:

Tình huống thứ nhất:

Tình huống thứ hai:

Tình huống thứ ba:

Đối thoại và kiểm tra

Bài 5: Kỹ năng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Bài 6: Xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án hình sự

5. Một số nhận xét và kiến nghị

Áp dụng phương pháp giải quyết tình huống trong việc đào tạo nguồn thẩm phán đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đó là:

-  Học viên sau khi ra trường có kỹ năng nghiên cứu hồ sơ một cách có hiệu quả.

- Có kỹ năng điều tra, lập hồ sơ, hoà giải vụ án dân sự, kinh tế, lao động, điều khiển và giải quyết các tình huống xảy ra tại các phiên toà một cách linh hoạt, đúng  pháp luật.

- Có khả năng tự giải quyết công việc, sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén trong việc xử lý các tình huống; chủ động tiếp cận vấn đề tìm ra con đường và cách lĩnh hội kiến thức để giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình xét xử.

Trên cơ sở đã trình bày trên về phương pháp giải quyết tình huống trong đào tạo nguồn thẩm phán, là người đã tham gia giảng dạy cho các khoá đào tạo chúng tôi mạnh dạn kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hồ sơ tình huống phải thường xuyên được bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đào tạo, đặc biệt là đối với trường hợp luật đã được sửa đổi bổ sung hoặc mới ban hành. Hồ sơ vụ án hình sự hiện nay chủ yếu là điều tra, truy tố theo bộ luật hình sự năm 1985 mà nay là Bộ luật hình sự năm 1999 đã có hiệu lực. Hồ sơ vụ án dân sự chủ yếu được giải quyết trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực pháp luật, nay BLDS đã được thi hành đựoc 3 năm. Do vậy phải nhanh chóng xây dựng ngân hàng tình huống và hồ sơ theo luật mới để đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đào tạo.

Thứ hai, về hình thức, hồ sơ tình huống phải đảm bảo khi nghiên cứu có thể đọc được. Các hồ sơ đang sử dụng nhiều trang không đọc rõ cần phải cho biên tập và in lại.

Thứ ba, nội dung, yêu cầu nghiên cứu hồ sơ tình huống phải được ghi trên lịch, phổ biến để học viên chuẩn bị chứ không chỉ đơn giản là tình huống số...., bài....

Thứ tư, hồ sơ tình huống là đa dạng, do vậy cần chọn lọc, phân loại tình huống  theo từng bài, từng lĩnh vực sao cho tình huống đó là những tình huống điển hình, hay gặp, cần giải quyết trong thực tiễn song cũng không đơn điệu nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, đồng thời tạo không khí học tập tích cực, không nhàm chán.

Thứ năm, việc học chuyên môn phải được tiến hành kịp thời sau mỗi bài giảng nhằm trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời về từng hồ sơ, từng tình huống.

Thứ sáu, cùng với phương pháp giải quyết tình huống cần đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy khác nhằm “định hướng hoạt động” cho học viên khi xử lý tình huống, cụ thể là:

- Trước hết học viên tự giải quyết vấn đề.

- Giáo viên chỉ là người động viên, khuyến khích và hỗ trợ học viên giải quyết vấn đề khi cần thiết.

- Trong quá trình giải quyết tình huống như gặp khó khăn, học viên có thể trước hết bàn bạc, trao đổi với nhau, sau đó giáo viên nhận xét đánh giá và kết luận.

Thứ bảy, giảng dạy theo phương pháp “giải quyết tình huống” mang tính “định hướng hoạt động”, đòi hỏi người thầy trước khi lên lớp không chỉ nắm vững hồ sơ vụ án mà còn phải nắm vững các văn bản pháp luật áp dụng nhằm giải quyết tình huống đó, đồng thời đưa ra các tình huống có thể trên cơ sở hồ sơ “tình huống cơ bản”.

Thứ tám, cùng với việc giải quyết tình huống, giáo viên kết hợp truyền đạt cho học viên những tác nghiệp có tính lý luận hoặc những trường hợp được áp dụng trong thực tiễn nhưng lý luận chưa đề cập đến hay có đề cập nhưng chưa rõ ràng, cụ thể. Sau khi giải quyết một tình huống cụ thể về một phương diện nào đó, giáo viên có thể khái quát, điển hình hoá sự việc giúp học viên có kiến thức toàn diện và sâu sắc hơn đối với tình huống được giải quyết.

 

 

 

 

 

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG HỒ SƠ VỤ ÁN

TRONG CÁC KHOÁ ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN

                                                                        TS. Nguyễn Kim Phụng

 

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỒ SƠ VỤ ÁN TRONG CÁC QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam có thêm một loại hình đào tạo mới: Đào tạo các chức danh tư pháp. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đào tạo nguồn thẩm phán. Ở một phương diện nhất định, có thể coi việc xét xử của các thẩm phán là một nghề và nghề đó đòi hỏi phải được đào tạo thật nghiêm túc bởi sản phẩm của nghề là các phán quyết liên quan đến danh dự, nhân phẩm, địa vị... thậm chí cả sinh mạng con người. Các phán quyết này còn có những tác động xã hội rộng lớn và sâu sắc.

Đặc điểm chung của tất cả các hình thức đào tạo nghề là:

- Chương trình đào tạo chủ yếu là thực hành (khác với đào tạo các kiến thức chuyên môn chủ yếu là lý thuyết).

- Người được đào tạo phải trải qua quá trình tập thể như là hoạt động chính trong học tập.

- Khả năng thành thạo nghề nghiệp qua thực hành là mục đích cơ bản của việc đào tạo nghề.

Thực tế đào tạo nghề là một minh chứng rõ nét cho câu nói “Trăm nghe không bằng một thấy, Trăm thấy không bằng một làm. Song, yêu cầu của việc xét xử không cho phép các học viên, những người chưa có chức danh chính, có thể thực tập trực tiếp như rất nhiều công việc thuộc các nghề khác. Vì vậy, việc tập nghề của các học viên trong các khoá đào tạo nguồn Thẩm phán chỉ có thể được thực hiện thông qua các hồ sơ thực tế của các vụ án đã được xét xử. Có thể ví việc học đại học Luật (trước kia) của các học viên như là quá trình “nghe” để hình thành kiến thức chuyên môn cơ bản và tư duy pháp lý nói chung cho mọi công việc; thực tế những năm làm việc tại toà án (hầu hết các học viên đã là thư ký toà án) là để họ “thấy”, hình dung cụ thể công việc của người thẩm phán; còn việc đào tạo nghề tại Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp (thông qua việc thực hành trên hồ sơ của các vụ án cũ) là bước đầu của khâu “làm”. Được “làm” dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và các Thẩm phán giỏi, chắc chắn các học viên sẽ đạt được độ thành thạo nghề nghiệp ở mức độ nhất định, theo yêu cầu đào tạo.

Từ đó, có thể thấy được vị trí của các hồ sơ vụ án trong quá trình đào tạo nguồn thẩm phán là rất quan trọng. Đó là “Nguyên vật liệu, công cụ thực hành, không thể thiếu, đáp ứng yêu cầu cơ bản nhất của việc đào tạo nghề”.

Nếu không trên cơ sở của các hồ sơ vụ án, việc đào tạo của Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp sẽ chỉ là phép cộng đơn giản của đào tạo chuyên môn (như Trường đại học Luật) và bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử (như trường bồi dưỡng cán bộ Toà án). Thực tế trước khi có Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp đã chứng tỏ rằng “phép cộng” đó đã được thực hiện mà không mang lại kết quả thực sự như mong muốn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng hệ thống các hồ sơ vụ án là tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, thực hành... đặc biệt của trường, làm nên đặc trưng của trường và giúp trường đạt được mục đích đào tạo đã định.

2. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG HỒ SƠ VỤ ÁN TRONG CÁC KHOÁ HỌC ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN.

2.1. Tình hình chung

Đánh giá đúng tầm quan trọng của hồ sơ vụ án trong quá trình đào tạo, ngay từ khi khoá I chưa bắt đầu, Nhà trường đã làm việc với Toà án tối cao, Toà án Hà Nội, Toà án các quận của Hà Nội và Toà án một số tỉnh khác như Bắc Giang, Hải Phòng, Khánh Hoà... để sao các hồ sơ vụ án thực tế làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy. Trong các khoá đã qua, Trường đã sử dụng hơn 300 hồ sơ vụ án các loại để phục vụ các kỹ năng thực hành. Số hồ sơ này đã được rà soát lại, loại bỏ những hồ sơ không còn phù hợp, bổ sung thêm hồ sơ mới. Mỗi hồ sơ lại được nhân bản thành 50- 60 bộ để đủ phát cho từng học viên khi học.

Hồ sơ của mỗi vụ việc đều được đánh mã số, có bảng tra cứu, do các tổ bộ môn và thư viện quản lý, để tiện cấp phát, sử dụng. Tuy nhiên, việc đánh mã số hồ sơ của mỗi tổ chuyên môn theo một quy chuẩn riêng, trên những căn cứ khác nhau. Nhà trường cũng đã thông qua nguyên tắc chung về việc đánh mã số hồ sơ (tại cuộc Hội thảo tháng 9/1999 do trường tổ chức) song nguyên tắc đó chưa được thực hiện trên thực tế.

Nhìn chung, độ dày của phần lớn các hồ sơ vụ án trong khoảng từ 100 đến 200 trang. Những hồ sơ mỏng cũng khoảng trên 50 trang. Cá biệt có một số hồ sơ dày tới 300, 400 thậm chí hơn 500 trang. Ban đầu, các hồ sơ vụ án đều được sắp xếp theo thứ tự các bút lục của hồ sơ gốc. Song, qua quá trình sử dụng, trật tự ban đầu đã ít nhiều bị thay đổi.

Về cơ cấu, các hồ sơ dùng làm tình huống thực tế tương đối đa dạng, phản ánh được những nét cơ bản của quá trình xét xử. Có rất nhiều loại tội phạm khác nhau được thể hiện trong các hồ sơ vụ án hình sự và có hầu hết các tranh chấp thông dụng về Dân sự, Lao động, Kinh tế... được phản ánh trong các hồ sơ khác. Hệ thống hồ sơ vụ án hiện có cũng tương đối đa dạng về hình thức giải quyết. Có những vụ được hoà giải thành, có vụ đình chỉ giải quyết, có vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... Đa số các hồ sơ đều đảm bảo yêu cầu về tố tụng: đủ điều kiện, đúng thẩm quyền thụ lý... Các quyết định giải quyết cũng đúng luật. Song, có một số ít hồ sơ có sai phạm về thủ tục hoặc nội dung quyết định trái pháp luật... Các hồ sơ này nếu sử dụng ở mức độ hợp lý, có định hướng sử dụng theo những mục đích phù hợp thì cũng phát huy được hiệu quả tốt, tránh được những sai sót tương tự trong thực tế.

Các hồ sơ vụ án đều đã được các tổ chức, giáo viên nghiên cứu, sắp xếp vào các tình huống phù hợp theo từng kỹ năng như: thụ lý, điều tra, nghiên cứu hồ sơ, hoà giải, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm), nghị án, viết án.... Những hồ sơ tương đối phức tạp, điển hình, có luật sư và nhiều người tham gia tố tụng với tư cách khác nhau... thường được chọn làm tình huống tổ chức các buổi diễn án, rèn luyện khả năng điều khiển phiên toà cho các học viên.

Việc cấp phát hồ sơ cho các học viên trong thời gian qua đã được tiến hành theo lịch cố định, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận hữu quan như Phòng giáo vụ (làm lịch), Thư viện (nơi quản lý hồ sơ) và đại diện các lớp. Vào thứ sáu hàng tuần, các lớp tiến hành giao nhận hồ sơ với thư viện theo lịch tuần đã được Phòng Đào tạo công bố. Như vậy, hồ sơ được phát cho các học viên các lớp từ cuối tuần trước để họ có thời gian nghiên cứu, phục vụ cho các tình huống của cả tuần sau. Sau mỗi tình huống sử dụng hồ sơ, đại diện các lớp lại thu lại để thứ 6 trả lại cho Thư viện theo quy định. Theo điều tra sơ bộ của chúng tôi, khoảng hơn 90% số học viên được hỏi đều cho rằng việc cấp phát hồ sơ của nhà trường là tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu học tập. Con số đó chứng tỏ rằng ở khâu này, việc tổ chức, triển khai đã hợp lý, những người thực hiện đã làm tốt trách nhiệm của mình và giữa các bộ phận hữu quan đã có sự phối hợp tốt.

Thực tế các khoá đào tạo đã qua, thời gian học tập tình huống trên các hồ sơ vụ án chiếm phần lớn trong tổng số thời gian học chuyên môn của toàn khoá. Ví dụ như trong chương trình học chuyên môn khoá III (2000-2001) là hơn một ngàn tiết thì có tới 440 tiết kỹ năng thực hành các tình huống cụ thể và 85 tiết diễn án thực sự sử dụng hồ sơ vụ án. Nếu trừ số tiết dành cho các kỳ thi học phần thì số tiết thực hành trên hồ sơ vụ án chiếm hơn 53% tổng số tiết học chuyên môn.

Với 525 tiết thực hành trên hồ sơ vụ án, mỗi học viên (mỗi lớp) của khoá III đã sử dụng tới 105 lượt hồ sơ của tất cả loại án. Khoá III có 7 lớp và vì vậy mà các lớp của khoá đã sử dụng tới 535 lượt hồ sơ vụ án.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng việc thực hành trên các hồ sơ vụ án là nội dung cơ bản của chương trình đào tạo. Các hồ sơ vụ án thực sự là tài liệu, phương tiện rất quan trọng trong đào tạo nguồn Thẩm phán.

2.2. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của các tổ chức kỹ năng chuyên ngành

2.2.1. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của tổ kỹ năng hình sự

Hiện nay, có hơn 80 bộ hồ sơ vụ án hình sự đang được sử dụng. Hầu hết các vụ án này được thụ lý giải quyết vào năm 1996, 1997.

So với một số loại hồ sơ khác (lao động, kinh tế, hành chính) thì số lượng hồ sơ vụ án hình sự đã được sưu tập về Trường tương đối nhiều. Điều đó cũng phản ánh một thực tế là tại các toà án, số lượng án hình sự (và án dân sự) được xét xử nhiều hơn một số loại án khác. Vì vậy, cơ cấu nội dung hồ sơ vụ án hình sự tương đối phong phú. Có tới hơn 20 loại tội phạm được phản ánh trong các hồ sơ. Trong đó, nhiều nhất là các tội trộm cắp tài sản công dân, chiếm đoạt tài sản công dân, cố ý gây thương tích...

Các hồ sơ vụ án này đã được tổ chức bộ môn biên tập, phân loại theo cấp xét xử (Sơ thẩm- Phúc thẩm). Trong số hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm lại được phân ra theo các nhóm tội phạm về xâm phạm sở hữu tư nhân, xâm phạm trật tự công cộng, xâm phạm nhân thân, xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tội phạm vị thành niên.

Sau khi phân loại, hồ sơ được đánh mã số theo thứ tự của danh sách phân loại đó. Việc phân loại và đánh mã số này đã giúp tổ bộ môn phân bố các hồ sơ đa dạng, có các loại tội phạm khác nhau cho từng kỹ năng thực hành của các lớp. Tuy nhiên, nếu chỉ phân loại theo tiêu chí này thì khi phân bổ hồ sơ thực hành cần thiết phải rà soát lại các tình tiết tố tụng cho phù hợp. Ví dụ, những vụ có căn cứ để trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung hoặc có căn cứ đình chỉ vụ án... sẽ không nên xếp vào kỹ năng điều khiển phiên toà hay kỹ năng nghị án, viết án...

Sau khi phân các hồ sơ vụ án cho tờng tình huống thực hành, tổ bộ môn đã tiến hành làm đáp án hồ sơ theo yêu cầu của từng kỹ năng cụ thể. So với các tổ khác thì tổ hình sự là tổ tiến hành làm đáp án sớm nhất. Theo ý kiến của các giáo viên trong tổ thì đáp án hồ sơ sau khi đã được cả tổ thông qua là cơ sở để thống nhất quan điểm chung giữa các giáo viên về định tội, lượng hình, đánh giá chứng cứ... đối với từng vụ việc.

Trong chương trình giảng dạy, tổ kỹ năng hình sự có 145 tiết thực hành kỹ năng và diễn án trên cơ sở hồ sơ vụ án. Như vậy, trong toàn khoá, mỗi lớp học viên sử dụng khoảng 30 hồ sơ vụ án hình sự làm tình huống thực hành. Với số lượng hồ sơ đã có, mỗi lớp, mỗi học viên hầu như chỉ sử dụng mỗi hồ sơ hình sự một lần. Thực trạng này cũng được phản ánh trong kết quả điều tra ý kiến từ phía học viên. Khoảng gần 60% số học viên được hỏi rằng số lượng, cơ cấu nội dung hồ sơ vụ án hình sự là rất tốt, phong phú, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu học tập. Cũng do tính phong phú của hồ sơ hình sự mà 71% số học viên được hỏi cho rằng việc phân bố hồ sơ hình sự cho các kỹ năng thực hành là hợp lý, lôgic, đáp ứng yêu cầu thực hành. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất so với các tổ chức khác trong cùng một câu hỏi đánh giá về số lượng hồ sơ, cơ cấu việc và tính hợp lý của việc phân bổ hồ sơ.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng số lượng hồ sơ hình sự nhiều thì số tiết thực hành trên hồ sơ của tổ kỹ năng hình sự cũng nhiều hơn một số tổ khác (đặc biệt là nhiều hơn số tiết thực hành của tổ kỹ năng lao động, kinh tế, hành chính). Vì vậy mà theo chúng tôi, con số thực tế nói trên còn có thể do một nguyên nhân khác là các hồ sơ vụ án hình sự có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của học viên hơn là các hồ sơ vụ án khác. Điều này còn được thể hiện qua sự  việc cùng một thời gian cấp phát hồ sơ như nhau (thứ 6 hàng tuần) nhưng lại có 66% số học viên được điều tra cho rằng có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ hình sự trước khi thực hành tình huống. Nhưng chỉ có 47% số đó có câu trả lời tương tự đối với các hồ sơ vụ án kinh tế, lao động, hành chính.

Ngoài các con số trên, kết quả lấy ý kiến học viên về hồ sơ vụ án hình sự còn phản ánh: chỉ 2% số người được hỏi cho rằng tình trạng hồ sơ vụ án hình sự là tốt, in ấn rõ ràng, bút lục đầy đủ, 54% trong số được hỏi cho rằng hồ sơ hình sự không tốt lắm song đáp ứng yêu cầu thực hành, 44% còn lại cho rằng tình trạng hồ sơ hình sự hiện nay không đáp ứng yêu cầu học tập do bút lục thiếu quá nhiều, chất lượng in ấn kém.

 Như vậy, có thể do nhiều nguyên nhân song, từ thực trạng trên có thể nói rằng các hồ sơ vụ án hình sự đã được sử dụng tương đối hiệu quả, hiệu quả hơn so với việc sử dụng hồ sơ vụ án của các tổ kỹ năng khác. Đó cũng là ý kiến đánh giá từ phía các học viên.

2.2.2 Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của tổ kỹ năng dân sự.

Là một trong hai tổ "mũi nhọn": của Trường đào tạo các chức danh Tư pháp nên việc sử dụng hồ sơ vụ án của tổ dân sự có nhiều điểm giống với thực trạng của tổ hình sự nói trên.

Hiện nay, tổ kỹ năng giải quyết án dân sự có khoảng 100 bộ hồ sơ vụ án để thực hành. Phần lớn các hồ sơ này được thụ lý giải quyết vào các năm 1995, 1996, 1997. Chỉ có 3 hồ sơ thụ lý trước 1995 và một số hồ sơ mới bổ xung thụ lý từ năm 1998. So với các loại hồ sơ vụ án khác thì số lượng hồ sơ vụ án dân sự là nhiều nhất. Điều này cũng phản ánh tỉ lệ số lượng án dân sự trong thực tế xét xử ở nước ta hiện nay. Về cơ cấu vụ việc, có khoảng gần 20 loại tranh chấp dân sự và việc dân sự được phản ánh trong hệ thống hồ sơ vụ án dân sự. Trong đó, chủ yếu là án ly hôn, tranh chấp về đòi nợ, nhà đất, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mua bán tài sản...Và tranh chấp liên quan đến việc nuôi con nuôi.

Tổ bộ môn kỹ năng dân sự tiến hành biên tập, phân loại hồ sơ căn cứ vào trạng thái kết thúc vụ án như thuận tình ly hôn, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, hoà giải thành, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm...Mã số các hồ sơ vụ án dân sự cũng được đánh theo danh sách phân loại này. Cách phân loại và đánh mã số hồ sơ của tổ dân sự rất thích hợp để chọn hồ sơ vào các tình huống thực hành của từng kỹ năng. Với kỹ năng thụ lý vụ án, nghiên cứu hồ sơ, hoà giải thì có thể chọn bất cứ hồ sơ nào trong các loại nói trên song ở kỹ năng nghiên cứu hồ sơ nên chọn một số hồ sơ có căn cứ đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án; kỹ năng hoà giải cần chú trọng những hồ sơ đã hoà giải thành. Các hồ sơ đã xét xử có thể bố trí để thực hành kỹ năng điều khiển phiên toà, diễn án...Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào cách phân loại này cũng không đủ mà khi bố trí hồ sơ, tổ bộ môn vẫn phải xem xét để lựa chọn những hồ sơ về các loại vụ việc khác nhau cho đa dạng phong phú ngay trong từng kỹ năng.

Trong chương trình đào tạo nguồn Thẩm phán, tổ kỹ năng dân sự có 135 tiết thực hành và diễn án trên hồ sơ vụ án. Tính trong toàn khoá học, mỗi lớp học viên sử dụng 27 hồ sơ vụ án cho thực hành. Với số lượng hồ sơ đã có, tổ bộ môn hầu như không phải sử dụng lại những hồ sơ đã được sử dụng trong khoá. Vì vậy, phần lớn các học viên, 56% cũng có ý kiến đánh giá rằng hệ thống hồ sơ vụ án dân sự là tương đối phong phú, đáp ứng yêu cầu học tập. Gần 70% số người được hỏi đánh giá việc phân bố hồ sơ cho các kỹ năng thực hành là phù hợp. Đây cũng là tỉ lệ cao so với các tổ khác trong cùng một câu hỏi.

Tổ dân sự hiện nay chưa tiến hành làm đáp án hồ sơ theo yêu cầu từng kỹ năng thực hành. Theo một số giáo viên trong tổ bộ môn thì việc làm đáp án không hẳn cần thiết vì đáp án thường chỉ xác định được những nội dung chung nhất như xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu (nào đó) của đương sự...Những vấn đề này đã được xác định thống nhất giữa các giáo viên. Thực tế không có mâu thuẫn ngay cả khi không có đáp án. Trong quá trình song giảng, có thể có mâu thuẫn như cách hiểu và vận dụng điều luật cụ thể nào đó...mà những mâu thuẫn này không thể giải quyết bằng đáp án hồ sơ. Còn nếu làm đáp án hồ sơ cho cả học viên thì sẽ làm mất đi hứng thú tìm tòi nghiên cứu của họ và không rèn luyện được kỹ năng làm việc độc lập cho họ sau này. Chúng tôi cũng cho rằng đó là những ý kiến đáng lưu tâm.

Qua thực tế, nếu so sánh việc sử dụng hồ sơ vụ án dân sự với hình sự thì có thể thấy  rằng số lượng hồ sơ vụ án hình sự ít hơn (khoảng 20 hồ sơ), số tiết thực hành kỹ năng trên hồ sơ vụ án hình sự lại nhiều hơn dân sự (10 tiết/khoá) nhưng học viên lại đánh giá rằng hồ sơ hình sự phong phú đa dạng hơn. Điều này có thể vì lý do một số hồ sơ vụ án dân sự hầu như không được sử dụng. Trong số này chủ yếu là những vụ án đã tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết, hoà giải thành và quyết định công nhận thoả thuận của đương sự , thuận tình ly hôn...Thực tế những hồ sơ này ít có cơ hội để sử dụng vì nó không thể xếp vào các tình huống như phiên toà, diễn toàn nghị án...Những kỹ năng có thể thực hành trên những hồ sơ đó như thụ lý, điều tra, hoà giải, nghiên cứu hồ sơ thì tỉ lệ sử dụng cũng chỉ vừa phải, không thể dồn tất cả các hồ sơ này cho các kỹ năng kể trên. Vì vậy mà những hồ sơ vụ án dân sự thực tế được sử dụng ít hơn so với hồ sơ hiện có. Điều đó không có nghĩa là những hồ sơ không được sử dụng hoàn toàn không có giá trị mà nó có thể là những tài liệu lưu trên thư viện để học viên tham khảo thêm. Điều này là cần thiết không chỉ đối với kỹ năng dân sự mà còn đối với tất cả các kỹ năng khác.

Ngoài các con số trên, kết quả điều tra từ học viên về hồ sơ vụ án dân sự còn phản ánh rằng: Về việc đánh giá tình trạng hồ sơ chỉ có 1% số người được hỏi cho rằng tình trạng hồ sơ dân sự tốt (bút lục đầy đủ, in ấn rõ ràng) 50% cho rằng tình trạng hồ sơ không tốt lắm nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu học tập, 49% thì cho rằng hồ sơ dân sự không đáp ứng yêu cầu học tập do chất lượng in ấn kém, bút lục thiếu nhiều.

Trong số những học viên được điều tra chỉ có 6% cho rằng họ có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ trước để chuẩn bị tốt cho thực hành kỹ năng, 49% có dành thời gian nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu học tập ở mức độ trung bình, 45% phản ánh rằng họ không đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

2.2.3. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của tổ kỹ năng kinh tế.

Hiện nay, Trường có 40 hồ sơ vụ án kinh tế nhưng trong đó có tới 10 hồ sơ không sử dụng được vì các nguyên nhân như: Thiếu nhiều bút lục quan trọng, mờ nhoè, nội dung cũ không còn phù hợp với luật hiện hành, vụ việc quá đơn giản hoặc có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết. Như vậy, thực tế chỉ có 30 hồ sơ là còn sử  dụng được. Số hồ sơ này chủ yếu được thụ lý từ năm 1996 trở lại đây trong đó có một số mới bổ sung thụ lý năm 1999. So với số lượng hồ sơ vụ án hình sự, dân sự thì số hồ sơ vụ án kinh tế ít hơn nhiều bởi vì số vụ án kinh tế được xét xử trên thực tế không nhiều, chỉ tập trung ở một số thành phố lớn phát triển hơn về mặt công nghiệp, thương mại và án kinh tế cũng chỉ mới được thừa nhận trong những năm gần đây.

Từ nhu cầu chưa cao của thực tế, số tiết thực hành kỹ năng và diễn án kinh tế tại trường cũng ít hơn so với dân sự, hình sự,. Trong chương trình áp dụng với khoá III, tổng số tiết thực hành trên hồ sơ kinh tế là 80 tiết. Như vậy, mỗi lớp học viên chỉ sử dụng 16 hồ sơ vụ án kinh tế trong toàn khoá học. Do đó, số hồ sơ hiện có cũng đủ để đáp ứng yêu cầu học tập cho học viên. Tuy nhiên, tổ kinh tế vẫn phải sử dụng một số hồ sơ cho 2 tình huống, mỗi tình huống có hoặc không có một số bút lục phù hợp với yêu cầu của tình huống đó. Nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng hồ sơ kinh tế ít, trong đó ít có những vụ việc phức tạp (ý kiến của tổ giáo viên) nên một số vụ việc có tính phức tạp hơn, điển hình hơn cần được sử dụng nhiều lần.

Về cơ cấu vụ việc, hệ thống hồ sơ vụ án kinh tế tuy chưa được sự phong phú nhưng cũng phản ánh hầu hết các tranh chấp phổ biến trên thực tế. Trong đó, chủ yếu là các tranh chấp hợp đồng như các tranh chấp hợp đồng mua bán, vận chuyển, tín dụng, liên kết sản xuất, đại lý tiêu thụ hàng hoá, bảo hiểm hàng hoá... và tranh chấp đòi nợ. Tuy nhiên, một số loại tranh chấp mới phát sinh trong thực tế xét xử còn chưa có trong hệ thống hồ sơ vụ án kinh tế của trường như các tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau và với công ty, tranh chấp về hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán chứng khoán, hợp đồng mua bán hàng hoá do luật thương mại điều chỉnh...Chính vì vậy mà có tới 50% số học viên được điều tra phản ánh rằng hồ sơ kinh tế có số lượng ít, loại vụ việc chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu học tập.

Do số lượng ít nên tổ bộ môn kinh tế không tiến hành phân loại hồ sơ như các tổ dân sự, hình sự. Mã số hồ sơ được đánh theo thứ tự thời gian mà hồ sơ được sưu tập về trường. Tổ bộ môn tiến hành phân bố hồ sơ cho các kỹ năng thực hành trên cơ sở các tình tiết tố tụng phù hợp (ví dụ những hồ sơ vụ án được hoà giải thành xếp vào kỹ năng hoà giải) và đảm bảo cho mỗi lớp đều được thực hành với các loại vụ việc khác nhau cho nội dung phong phú.

Sau khi phân hồ sơ cố định cho từng kỹ năng, tổ bộ môn đã và đang tiến hành làm đáp án hồ sơ theo yêu cầu của từng bài để thống nhất cách giải quyết vụ việc trong cả tổ.

Về hình thức, hồ sơ kinh tế cũng nằm trong tình trạng chung. Theo kết quả điều tra học viên thì 6% số người được hỏi cho rằng hồ sơ kinh tế rất tốt, bút lục đầy đủ, in ấn rõ ràng (cao hơn so với việc đánh giá hồ sơ hình sự, dân sự). Song, vẫn tới 48% số người được hỏi cho rằng hồ sơ kinh tế chất lượng in ấn kém, bút lục thiếu quá nhiều nên không đáp ứng yêu cầu học tập. Đặc biệt, có tới 53% số học viên được hỏi cho rằng học không có thời gian nghiên cứu hồ sơ kinh tế nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập (tỉ lệ cao hơn nhiều so với cùng câu hỏi này ở hồ sơ hình sự, dân sự). Sự chênh lệch này có thể do cách xếp lịch của nhà trường hoặc do tính hấp dẫn, tầm quan trọng, độ khó dễ...của các môn học được đánh giá khác nhau.

2.2.4. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án ở tổ kỹ năng lao động.

Có số tiết học tương tự như tổ kinh tế nên thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án lao động cũng có những điểm tương tự như thực trạng này ở tổ kinh tế. Hiện nay, trường có 40 hồ sơ vụ án lao động, chủ yếu lấy từ Toà Hà Nội, Toà án Tối cao. Trong số này thực tế chỉ 35 hồ sơ là có thể sử dụng được. Năm hồ sơ còn lại do ngày thụ lý quá xa với pháp luật hiện hành (trước 1995) nên không còn phù hợp (về thẩm quyền, thời hiệu, áp dụng luật nội dung...) hoặc mất quá nhiều bút lục không thể khôi phục lại được. 35 hồ sơ thực tế sử dụng cũng tạm đủ cho yêu cầu thực hành kỹ năng và diễn án bởi vì kỹ năng lao động cũng chỉ có 80 tiết sử dụng hồ sơ (tương dương với 16 hồ sơ/lớp).

Các hồ sơ vụ án lao động chủ yếu được thụ lý năm 1997, 1998 bởi đây là thời gian Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động bắt đầu được thực hiện trên thực tế (có hiệu lực 1/7/1996). Một số hồ sơ mới bổ sung được thụ lý năm 1999, 2000. Những hồ sơ thụ lý trước 1996 đã được tổ bộ môn loại bỏ (trừ những vụ sau đó được xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm theo pháp luật hiện hành).

So với hồ sơ của các tổ bộ môn khác thì hồ sơ vụ án lao động nghèo nàn hơn về cơ cấu vụ việc. Thực tế chỉ có 8 loại tranh chấp lao động được phản ánh trong hệ thống hồ sơ, trong đó chủ yếu tập trung vào loại án tranh chấp về kỷ luật sa thải (18 vụ) và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (12 vụ). Số còn lại là những tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động, về thực hiện hợp đồng, về tiền lương và các quyền lợi khác nhưng mỗi loại tranh chấp này chỉ có số lượng ít. Đặc biệt trong hệ thống hồ sơ vụ án lao động không có một vụ tranh chấp tập thể nào và rất ít (01) vụ có tình huống đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Thực tế, khi người lao động đang còn việc làm, họ có thể có tranh chấp với người sử dụng lao động, tranh chấp đó có thể không giải quyết được bằng hoà giải nhưng người lao động thường không đi kiện vì  nhu cầu việc làm. Chỉ khi quan hệ lao động bị chấm dứt (sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) thì tranh chấp giữa các bên được khởi kiện đến Toà án. Vì vậy, tính đơn điệu trong hệ thống hồ sơ vụ án lao động là khách quan, khó có khả năng khắc phục.

Vì số lượng ít và cơ cấu vụ việc đơn giản nên tổ bộ môn chỉ dựa trên tính phức tạp của vụ việc về nội dung tranh chấp và các tình tiết tố tụng để xếp mỗi hồ sơ vào từng kỹ năng thực hành cho phù hợp. Ví dụ, những vụ đã được hoà giải thành được xếp vào kỹ năng hoà giải, những vụ việc tương đối phức tạp được đưa vào những kỹ năng như điều khiển phiên toà, nghị án, viết án, diễn án. Với sự sắp xếp này, mỗi hồ sơ chỉ sử dụng cho một kỹ năng là như vậy, trong một lớp, học viên hầu như không phải sử dụng lại những hồ sơ đã sử dụng. Riêng kỹ năng điều khiển phiên toà và diễn án thì sử dụng một số hồ sơ chung do có cùng mục đích và tổ bộ môn cố ý bố trí hồ sơ đã sử dụng để việc diễn án đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ còn ít nên ở một kỹ năng nào đó, một hồ sơ có thể phải sử dụng cho hai lớp. Trong điều kiện hiện nay, cách bố trí hồ sơ như vậy cũng rất thuận lợi vì những hồ sơ phải sử dụng nhiều lần cũng không phải rút bút lục ra ở tình huống này rồi lại đưa vào tình huống khác, tránh phức tạp cho khâu quản lý và ít bị mất bút lục hơn, song người phân bố hồ sơ cho các lớp lại phải chú ý đối với những hồ sơ sử dụng hai lần cho một kỹ năng sẽ phải bố trí một lần một vào tình huống một của lớp đầu tiên và lần hai vào tình huống cuối của lớp sau cùng để kịp giao, nhận hồ sơ theo quy định chung. Nếu nhà trường xếp lịch như hiện nay thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Như vậy, việc bố trí hồ sơ lao động vào từng kỹ năng đã ổn định tương đối nhưng việc đánh mã số hồ sơ vẫn theo thứ tự của danh sách hồ sơ căn cứ vào thời điểm sưu tập. Tổ bộ môn cũng đã giao kế hoạch làm đáp án hồ sơ theo yêu cầu của các kỹ năng tình huống cho các giáo viên song việc thực hiện triển khai còn chậm. Trong thời gian qua, khi chưa có đáp án, giữa các giáo viên tổ lao động cũng không có tình trạng mâu thuẫn về quan điểm giải quyết hồ sơ nên việc làm đáp án chưa mấy cần thiết và vì vậy tổ chưa tiến hành duyệt đáp án hồ sơ.

Về tình trạng hồ sơ lao động cũng giống như tình trạng chung. Vì vậy, chỉ có 5% số học viên được hỏi cho rằng hệ thống hồ sơ lao động tốt (đầy đủ, rõ ràng). Bên cạnh đó, 46% số học viên được điều tra cho rằng hồ sơ lao động không đáp ứng yêu cầu học tập do photo không rõ, thiếu nhiều bút lục.

Mặc dù điểm nổi bật của hệ thống hồ sơ vụ án là nghèo nàn về cơ cấu vụ việc nhưng lại có tới 70% số học viên được hỏi cho rằng sự phân bố hồ sơ cho các kỹ năng thực hành ở tổ lao động là tốt, hợp lý, đáp ứng yêu cầu học tập. Điều này có thể do tổ bộ môn đã khai thác được tối đa số lượng hồ sơ hiện có. Song, cũng giống như tình trạng của tổ kinh tế, hành chính, phần lớn số học viên được hỏi (53%) không thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi học nên kết quả sử dụng hồ sơ lao động chưa cao.

2.2.5. Thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án của tổ kỹ năng hành chính

Hiện nay, nhà trường có 45 hồ sơ hành chính chủ yếu được lấy từ các Toà án Hà Nội, Khánh Hoà và Toà án nhân dân tối cao. Trong số hồ sơ trên chỉ khoảng 25 hồ sơ thực sự sử dụng được. Các hồ sơ này được thụ lý từ năm 1999 trở lại và một số ít hồ sơ thụ lý năm 1998. Như vậy, tới 20 hồ sơ không sử dụng được do nội dung cũ không còn phù hợp (thụ lý từ 1997 trở về trước) hoặc thiếu nhiều bút lục, mờ nhoè... trong các hồ sơ sử dụng được thì phần lớn đối tượng kiện tụng là các quyết định quản lý, quy định xử phạt hành chính, giải quyết tranh chấp... của các Uỷ ban nhân dân; có một số ít vụ kiện các quyết định của cơ quan thuế và một vụ kiện về buộc thôi việc. Nội dung kiện chủ yếu liên quan đến chế độ quản lý đất và việc quản lý, cấp phép xây dựng. Như vậy, cơ cấu vụ việc thể hiện trong hồ sơ hành chính cũng không phong phú song đó cũng là tình hình thực tế của án hành chính hiện nay. Tuy nhiên, một số vụ việc mới phát sinh trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, đăng ký kiểu dáng công nghiệp... vẫn còn chưa có trong các hồ sơ tại trường.

Vừa qua, tổ bộ môn kỹ năng hành chính đã tiến hành rà soát lại tất cả các hồ sơ, sắp xếp ổn định vào các kỹ năng thực hành và làm đáp án theo yêu cầu của từng kỹ năng. Kết quả của công việc này cho thấy số lượng hồ sơ hành chính sử dụng được còn rất ít (25 hồ sơ) nên nhiều hồ sơ phải dùng cho 2, 3 tình huống. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân gây tâm lý nhàm chán cho học viên. Số liệu điều tra của chúng tôi phản ánh một tình trạng không mấy khả quan về hồ sơ hành chính. 71% số học viên được hỏi cho rằng số lượng hồ sơ hành chính ít, loại vụ việc chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu học tập. 52% số người được hỏi cho rằng tình trạng hồ sơ hành chính hiện nay không đáp ứng yêu cầu học tập do thiếu nhiều bút lục quan trọng, mờ nhoè... 39% số học viên được hỏi cho rằng việc phân bố hồ sơ cho các kỹ năng thực hành chưa phù hợp, cần phải thay đổi lại hoặc bổ sung thêm. Những con số này nhìn chung đều phản ánh mức độ tồi tệ cao nhất so với các bộ môn khác trong cùng một câu hỏi.

Tình trạng này còn có thể do một nguyên nhân khách quan khác nữa là loại án hành chính được xét xử trên thực tế không phong phú và ít hấp dẫn. Toà án cũng không dễ dàng để xét xử các vụ án hành chính khi bị đơn trong vụ án hành chính thường là các Uỷ ban nhân dân - Cơ quan quản lý cao nhất ở địa phương. Do vậy, tâm lý học viên có thể không hứng thú lắm khi thực hành kỹ năng xét xử án hành chính trên hồ sơ. Song, dù là nguyên nhân gì thì chúng tôi cũng cho rằng những con số đó phản ánh một thực trạng đáng phải lưu tâm.

3. SƠ LƯỢC ĐÁNH GIÁ VIỆC SỬ DỤNG HỒ SƠ VỤ ÁN TRONG CÁC KHOÁ ĐÀO TẠO NGUỒN THẨM PHÁN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ.

1. Những kết quả đã đạt được.

Toàn bộ thực trạng sử dụng hồ sơ vụ án được trình bày ở trên cũng thể hiện kết quả sử dụng nó. Đó là con số hơn 300 hồ sơ thực tế của tất cả các loại hình xét xử đã được tập hợp sử dụng để hình thành kỹ năng xét xử cho cán bộ nguồn Thẩm phán. Các hồ sơ đã được biên tập và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đánh mã số, sắp xếp ổn định theo từng tình huống và làm đáp án theo yêu cầu của tình huống đó. Cách thức giao nhận hồ sơ đã được thực hiện thành nề nếp với một chương trình thực hành tương đối ổn định... Đó là những kết quả có thể nhận thấy một cách rõ nét.

Song, kết quả chủ yếu của việc sử dụng hệ thống hồ sơ này là nó đã giúp người học, người dạy một cách hữu hiệu để đạt được mục đích học tập đã đề ra.

Đối với giáo viên, hồ sơ vụ án là tư liệu thực tế, phương tiện để giáo viên hướng dẫn học viên áp dụng lý thuyết vào công việc của Thẩm phán. Tính thực tế của hồ sơ vụ án đã làm hấp dẫn, phong phú thêm chính kiến thức lý thuyết của các giáo viên. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với các giáo viên lý thuyết ít có điều kiện tiếp xúc thực tế. Đối với giáo viên thực hành (Thẩm phán) thì hệ thống hồ sơ vụ án đa dạng của trường đã tạo điều kiện cho họ có thêm tư liệu về một số vụ án mới mà trong quá trình làm việc có thể họ còn chưa gặp, làm phong phú thêm kiến thức nghề nghiệp cho họ. Khi sử dụng những hồ sơ này, Thẩm phán còn được tiếp cận với cách xây dựng hồ sơ, cách lập luận, giải quyết vấn đề của những Thẩm phán khác thể hiện trong hồ sơ. Qua đó, chính những giáo viên thực hành cũng tự học hỏi và rút kinh nghiệm trên những đúng, sai, hay, dở của đồng nghiệp. Đó là những điều rất hữu ích trong nghề nghiệp cũng như trong giảng dạy.

Qua quá trình cùng giảng dạy trên hồ sơ vụ án, đội ngũ giáo viên cùng tổ có điều kiện trao đổi, tranh luận để bổ sung kiến thức cho nhau. Kết quả của những cuộc trao đổi này là sự thống nhất được cách hiểu đúng những điều luật chưa rõ nghĩa hoặc áp dụng đúng những quy định cụ thể trong mối tương quan với các quy định khác trong hệ thống. Có những trường hợp thông qua những tình tiết trong hồ sơ, các giáo viên tìm ra được những khoảng trống mà pháp luật chưa dự liệu hoặc những quy định mâu thuẫn, bất hợp lý trong hệ thống văn bản. Đối với những vấn đề này, điều cần thiết không chỉ là tìm cách giải quyết hợp lý mà còn có thể thông qua công việc, chức năng và ảnh hưởng của mình, các giáo viên thúc đẩy việc hướng dẫn giải quyết hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp.

Đối với học viên, bằng các hồ sơ vụ án thực tế, với người thật, việc thật, các học viên đã thực sự được đào tạo nghề.  Có thể nói các hồ sơ vụ án là điều kiện để nhà trường bám sát yêu cầu thực tế. Các học viên được tiếp cận với hệ thống hồ sơ vụ án phong phú, đa dạng hơn nhiều so với khi còn làm thư ký tại các Toà án nên hình dung được thực tiễn công tác xét xử và yêu cầu của nghề nghiệp sau này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những học viên làm việc ở những nơi ít án hoặc không đủ các loại việc theo quy định về thẩm quyền của Toà án. Bằng các hồ sơ thực tế, với các bố trí, sắp xếp theo yêu cầu của chương trình đào tạo, học viên được tiến hành tương đối đầy đủ những công việc mà nghề nghiệp đòi hỏi. Họ tự mình quyết định có thụ lý một đơn kiện cụ thể (nào đó) hay không. Nếu thụ lý thì những yêu cầu sau  khi thụ lý là gì và làm những gì để thực hiện những yêu cầu mà công việc đặt ra. Với các tình huống thực tế, cụ thể, học viên cũng tự quyết định khi nào phải đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời... Các công việc quan trọng như lên kế hoạch thẩm vấn, thực hành hoà giải, điều khiển phiên toà , điều khiển quá trình nghị án... được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều hồ sơ khác nhau để hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho học viên. Trong quá trình học trên hồ sơ, học viên được làm quen với tất cả các biểu mẫu của Toà án, tự mình thảo được những mẫu quyết định chuẩn và viết bản án đối với từng loại án... Như vậy, hồ sơ vụ án không chỉ là phương tiện để học viên thực hành mà nó còn là điều kiện để hình thành cách làm việc độc lập, sáng tạo trên cơ sở vận dụng đúng lý thuyết để giải quyết những vấn đề phong phú, phức tạp của thực tiễn. Việc thực hành trên hồ sơ vụ án đã đảm bảo rằng người học là trung tâm của quá trình đào tạo, có sự hướng dẫn, chỉnh sửa kịp thời của các giáo viên. Các hồ sơ thực tế giúp cho người học là trung tâm của quá trình đào tạo, có sự hướng dẫn, chỉnh sửa kịp thời của các giáo viên. Các hồ sơ thực tế giúp cho người học biết rằng nghề nghiệp yêu cầu họ phải làm những gì, làm như thế nào và biết tự thẩm định, đánh giá “sản phẩm” của mình để ngày càng thực hiện công việc tốt hơn. Hơn thế nữa, học viên còn được tiếp xúc với những cách xây dựng hồ sơ, viết án... của nhiều Thẩm phán khác nhau để tự chắt lọc, hình thành cho mình một phương pháp tối ưu nhất trong công việc. Thậm chí, trong quá trình học, học viên còn có thể phát hiện ra những sai lầm về áp dụng luật nội dung, luật tố tụng thể hiện trong một số hồ sơ vụ án. Điều đó chứng tỏ rằng chỉ bằng khoá trình học nhưng kiến thức nghề nghiệp của học viên đã tích luỹ được ở mức độ đáng kể và họ có thể tránh được một sô sai lầm mà những Thẩm phán thực thụ còn đôi lúc mắc phải.

Tóm lại, đưa hồ sơ vụ án vào học tập, thực hành là cả một công trình sáng tạo của trường. Hình thức đào tạo mới mẻ này đã chứng tỏ tính ưu việt của nó bằng kết quả thực tế. Những kết quả đó là rất to lớn đối với cả người dạy, người học và sự nghiệp đào tạo nói chung. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới mẻ lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên không tránh khỏi những tồn tại nhất định mà nếu khắc phục được nó thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

2. Những điều còn tồn tại và nguyên nhân

Về số lượng, chất lượng hồ sơ: Chúng tôi cho rằng với hơn 300 hồ sơ được sưu tập về trường, mỗi hồ sơ lại được nhân bản trên cơ sở số lượng đối tượng sử dụng thì hoàn toàn không phải là con số khiêm tốn và cũng không ít so với yêu cầu đào tạo. Song, qua điều tra, một tỷ lệ lớn những học viên được hỏi (ít nhất là 41% đối với hồ sơ hình sự và nhiều nhất là 71% đối với hồ sơ hành chính) cho rằng hồ sơ không phong phú, không đáp ứng yêu cầu học tập. Có thể diện điều tra chưa rộng rãi nhưng nó cũng đã phản ánh tương đối trung thực nhận xét của người học. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là do trong một thời gian ngắn, nhà trường chưa đủ điều kiện chọn lọc hồ sơ nên một số hồ sơ vụ việc quá đơn giản, nếu thực hành chỉ đảm bảo yêu cầu áp dụng lý thuyết vào thực tế mà chưa chứng tỏ được sự phong phú phức tạp hơn của thực tế so với quy định của pháp luật. Những hồ sơ vụ án đơn giản về nhân dân tranh chấp, nghèo nàn về tình tiết tố tụng, không có yêu cầu phức tạp về hiểu và áp dụng pháp luật sẽ không hấp dẫn. Nó còn tạo ra sự đơn điệu nhàm chán cho người học và đôi khi nó làm cho người học nhìn nhận thực tế và nhận thức về yêu cầu công việc quá đơn giản. Mặt khác, số lượng hồ sơ không ít nhưng trùng lặp nhiều về loại tranh chấp (ví dụ: về án hành chính chủ yếu là những khiếu kiện về các quyết định trong lĩnh vực quản lý đất đai...) cũng là nguyên nhân dẫn đến nhận xét trên. Ngoài ra, trong hệ thống hồ sơ hiện có, phần lớn thời gian thụ lý ở những năm 1996 đến 1998 nên không còn mới mẻ theo đánh giá của cả người dạy và người học. Hầu hết các tội phạm mới (về ma tuý, tội phạm vị thành niên) và các tranh chấp mới (về thực hiện hợp đồng lao động, về hợp đồng thương mại, án huỷ hôn nhân trái pháp luật, về chia tài sản vợ chồng mà giữa họ đã có hợp đồng...) chưa được phản ánh trong hệ thống hồ sơ của trường nên không đảm bảo tính thời sự, tính hấp dẫn cho học viên. Hầu hết các hồ sơ được lấy từ các toà cấp tỉnh mà mục đích đào tạo chủ yếu lại là nguồn Thẩm phán cấp huyện nên ít nhiều có sự không đồng bộ.

Về thực trạng hồ sơ cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét. Hầu như chỉ có hồ sơ của giáo viên là tương đối đầy đủ nhưng các giáo viên hầu hết là kiêm chức nên thường không trả hồ sơ sau khi mượn. Rất nhiều hồ sơ dùng cho học viên bị mất bút lục, photo mờ, nhiều bút lục không sử dụng được. Có tới gần 50% số học viên được hỏi ý kiến như vậy và số này cho rằng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu học tập. Thực trạng này có thể do trong một thời gian dài, nhà trường không có người quản lý chuyên trách về hồ sơ nên việc bảo quản hồ sơ không được chú trọng đúng mức. Thực tế trước khi giao nhận hồ sơ, các bên không kiểm tra chi tiết nên hồ sơ còn đầy đủ hay không, thất thoát do ai... thì người quản lý cũng không nắm rõ. Do vậy, nhiều khi đến giờ thực hành rồi, giáo viên và học viên mới cho rằng hồ sơ đã phát hành không đáp ứng yêu cầu cho giờ đó nên ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Song, nguyên nhân chính chủ yếu của tình trạng trên là do cách lưu giữ hồ sơ của trường. Khi các bút lục trong hồ sơ chỉ được kẹp vào bìa cứng như hiện nay thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng các bút lục đã sắp xếp sẽ bị đảo lộn do nhiều học viên không có ý thức bảo quản. Ý thức của học viên và việc quản lý hồ sơ của nhà trường lỏng lẻo đến nỗi mà có trường hợp, học viên còn lấy bút lục trong hồ sơ để làm bài kiểm tra vào mặt sau còn trống rồi công khai nộp cho giáo viên. Tuy giáo viên đã có nhắc nhở kịp thời và yêu cầu học viên đó trả bút lục đã lấy vào hồ sơ nhưng chắc người quản lý hồ sơ không thể biết điều này.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trên là nhiều bút lục khác nhau lại được photo trên 2 mặt của cùng một tờ giấy làm cho học viên khó nghiên cứu và buộc phải đảo lộn trật tự khi cần thiết. Ngoài ra, nhiều hồ sơ đã được nhân bản nhưng không sử dụng hoặc đã nhân bản  toàn bộ hồ sơ rồi mới xếp vào tình huống mà tình huống đó (ví dụ: thụ lý vụ án dân sự) lại chỉ cần một vài bút lục nên rất lãng phí.

Một vấn đề tồn tại trong quá trình sử dụng hồ sơ là nhiều học viên không có thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi học nên kết quả sử dụng hồ sơ bị hạn chế. Theo điều tra của chúng tôi thì tới 53% số học viên được hỏi trả lời họ không có thời gian nghiên cứu hồ sơ lao động, kinh tế, hành chính. Tỷ lệ này có thấp hơn ở dân sự (45%) và hình sự (34%). Hầu hết các giáo viên cung phản ánh rằng rất ít học viên nghiên cứu hồ sơ trước khi học. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do việc xếp lịch không hợp lý, ý thức tự học của học viên chưa cao hoặc học viên chưa có phương pháp nghiên cứu hồ sơ. Đa số các học viên thì cho rằng do lịch học quá dày, học phải lên lớp ngày 2 buổi và mỗi buổi có thể sử dụng một hồ sơ nên không có thời gian. Một số học viên còn cho rằng do hồ sơ còn có quá nhiều bút lục không cần thiết cho việc giải quyết vụ án và nhà trường nên loại bỏ những bút lục này để đỡ mất thời gian đọc. Song, nếu làm như vậy sẽ mất tính thực tế của hồ sơ và không đảm bảo yêu cầu thực hành. Một số học viên khác lại có  kiến nghị nên bố trí một hồ sơ cho nhiều tình huống để đỡ mất thời gian nghiên cứu. Song, loại ý kiến này lại mâu thuẫn với ý kiến của đa số học viên cho rằng hệ thống hồ sơ thực hành phải phong phú, đa dạng, gồm nhiều vụ việc... để tích luỹ được nhiều kiến thức cần thiết trong quá trình học. Điều đó chứng tỏ rằng cần phải tìm cách khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho học viên có thời gian nghiên cứu hồ sơ đáp ứng yêu cầu học tập.

         3. Một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng hồ sơ vụ án

Qua quá trình tìm hiểu thực tế, đánh giá tình hình sử dụng hồ sơ của nhà trường, chúng tôi xin kiến nghị như sau:

- Hàng năm, Trường nên dành một khoản kinh phí thích hợp phối hợp với các tổ giáo viên để rà soát lại hồ sơ cũ, lựa chọn bổ sung hồ sơ mới, tội phạm mới theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, ưu tiên những vụ việc phức tạp về nội dung hoặc có vướng mắc trong quá trình xét xử để rút kinh nghiệm. Trong đó, cần chú trọng những vụ phức tạp ở cấp huyện, những vụ đã qua xét xử để có thể sử dụng được đa năng và có cơ sở để rút kinh nghiệm về cách giải quyết vụ án phải chặt chẽ, dứt điểm.

Cụ thể: Án lao động đang cần thêm các hồ sơ về thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại giữa các bên, tranh chấp giữa người lao động đi là việc có thời hạn ở nước ngoài và tổ chức đưa đi về thực hiện hợp đồng làm việc ở nước ngoài. Án hành chính cần bổ sung thêm các hồ sơ về những khiếu kiện trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, đăng ký kiểu dáng công nghiệp và tranh chấp về hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức. Án kinh tế cần sưu tập thêm những hồ sơ về tranh chấp giữa công ty với nhau và với công ty, tranh chấp về hợp đồng xây dựng, mua bán chứng khoán...

- Để có thể sử dụng hồ sơ được lâu dài, chúng tôi cho rằng Trường cần có biện pháp bảo quản hồ sơ tốt hơn. Trước tiên, cần loại bỏ hẳn những hồ sơ thiếu quá nhiều bút lục hoặc mờ nhoè không còn khả năng khôi phục. Những hồ sơ có thể khôi phục được cần kiểm tra bút lục, đánh máy lại những bản mờ, sắp xếp lại theo trật tự cần thiết rồi ghim đóng cẩn thận để tránh thất thoát sau quá trình sử dụng. Việc này cần làm ngay nếu điều kiện cho phép, chậm nhất cũng phải thực hiện khi học viên nghỉ hè (hoặc đi thực tập). Đối với hồ sơ mới, cần chuyển tổ bộ môn để kiểm tra, nội dung, hình thức và sắp xếp vào tình huống thực hành cụ thể, photo nhân bản theo yêu cầu của tình huống đó, đóng lại thành quyển và ghi mã số theo quy định thống nhất của trường, làm như vậy thì chỉ sau một thời gian nhất định, hệ thống hồ sơ sẽ ổn định.

- Từ khoá 4, trường có thể giảm một số thời gian học trên lớp cho các học viên để bớt căng thẳng và học viên có thể dành thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi học. Số giờ cắt giảm có thể là phần lý thuyết (ví dụ: Một số chuyên đề ít liên quan trực tiếp đến mục đích đào tạo, những bài lý thuyết của một số kỹ năng mà tất cả các loại hình xét xử đều tương tự giống nhau...) không nên giảm thời gian sử dụng hồ sơ nhất là giờ diễn án. Đây cũng là nguyện vọng của phần lớn học viên khoá 3.

- Các tổ giáo viên cũng cần đưa ra yêu cầu cụ thể đối với mỗi tình huống (hoặc với mỗi kỹ năng) để học viên đỡ mất thời gian vào những việc không (hoặc chưa) cần thiết. Đặc biệt ở kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, giáo viên cần chú trọng phương pháp nghiên cứu hồ sơ (ví dụ: tóm tắt sự kiện có ý nghĩa theo trình tự thời gian, lập tiểu hồ sơ, yêu cầu cụ thể của các bên...) để hướng dẫn học viên trong quá trình sử dụng hồ sơ mới.

- Các giáo viên cũng cần dành thời gian nghiên cứu hồ sơ nhiều hơn nữa để thống nhất yêu cầu và các giải quyết, chú ý từng chi tiết có ý nghĩa trong hồ sơ để hướng dẫn học viên. Thực tế vẫn còn có một số trường hợp giáo viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, nhiều chi tiết do học viên phát hiện và giáo viên trở nên không chủ động trong giờ thực hành. Đó là điều cần khắc phục.

- Để tránh phải sử dụng quá nhiều hồ sơ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu đào tạo, chúng tôi cho rằng từ một hồ sơ thực tế, tổ bộ môn có thể giả định hoá bằng cách đưa vào một vài tình tiết (về nội dung hoặc về tố tụng) có chủ định từ một kinh nghiệm nào đó đã được đúc rút trong thực tiễn xét xử để hành thành kinh nghiệm đó cho học viên. Như vậy, hồ sơ vụ án sẽ có tính khái quát cao hơn, chuẩn mực hơn... Nó không chỉ là phương tiện để rèn học viên về nghiệp vụ mà còn có thể tạo ra tình huống để học viên thực sự va vấp, có thể nhớ và vận dụng kinh nghiệm đó vào công việc sau này. Việc chuyển hồ sơ thực tế thành hồ sơ chuẩn đã giả định hoá không thể thực hiện đối với tất cả các hồ sơ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được đối với một số hồ sơ nhất định. Những hồ sơ này có thể gọi là những hồ sơ điển hình, từ đó để xây dựng lên các vụ án điển hình. Mỗi một vụ án điển hình kèm theo là một hồ sơ điển hình sẽ là phương tiện quan trọng để học viên nắm được những nét khái quát nhất và cả những yêu cầu chi tiết nhất cho loại án đó.

- Để thực hiện được mục đích đào tạo, Trường cũng cần đưa ra các mẫu văn bản chuẩn mà Thẩm phán phải soạn thảo trong quá trình giải quyết án (Ví dụ: mẫu bản án, quyết định , giấy triệu tập...). Vấn đề này còn đang được nghiên cứu tại viện khoa học xét xử - TANDTC và Trường có thể hợp tác với Viện để sử dụng, hoàn thiện trên kết quả nghiên cứu đã có.

- Thư viện của Trường cũng cần có hệ thống hồ sơ đầy đủ đã được đánh mã số chuẩn để học viên có thể mượn, đọc thêm. Những hồ sơ này và các tài liệu của thư viện cần phải được sắp xếp hợp lý hơn và phải do người có trình độ thư viện quản lý, bảo đảm để việc tra cứu được đúng và nhanh chóng.

 

 

 

 

 

 

 

CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP*

 

                                                                             TS. NGUYỄN THÀNH TRÌ

           

         1. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

Về khuôn khổ pháp lý liên quan đến đào tạo các chức danh tư pháp

Đào tạo các chức danh tư pháp là một mô hình đào tạo nghề, vì vậy, quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của các chức danh tư pháp có liên quan trực tiếp đến khả năng hoàn thiện và phát triển hệ thống đào tạo này.

Một trong những văn bản quan trọng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn cán bộ, công chức nói chung là Pháp lệnh cán bộ, công chức. Tuy nhiên, Pháp lệnh này cũng chỉ quy định một cách khái quát về cán bộ, công chức, còn tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của từng chức danh công chức lại được quy định ở các văn bản khác hoặc do các Bộ, ngành, cơ quan sử dụng lao động tự quy định.

Hiện nay, các văn bản quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của các chức danh tư pháp được quy định tại Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (chức danh thẩm phán), Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (chức danh điều tra viên), Pháp lệnh về kiểm sát viên nhân dân (chức danh kiểm sát viên), Pháp lệnh thi hành án dân sự (chức danh chấp hành viên), Pháp lệnh luật sư (chức danh luật sư), Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực (chức danh công chứng viên), Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp (chức danh giám định viên)... Trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, chỉ đối với hai chức danh công chứng viên và luật sư là có yêu cầu phải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Các văn bản còn lại chỉ quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh là có trình độ đại học luật, cao đẳng hoặc tương đương. Thực tế, các văn bản này đều được ban hành đã từ lâu, nay không còn đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới nữa.

Về hệ thống thiết chế các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp

Công tác đào tạo các chức danh tư pháp hiện nay do hai cơ sở đào tạo thực hiện, đó là Học viện Tư pháp và Trường Cao đẳng Kiểm sát.

Xuất phát từ nhu cầu đào tạo cán bộ cho ngành kiểm sát nhân dân, ngày 25 tháng 4 năm 1970, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định thành lập Trường bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát. Cho tới năm 1980, trường này đã đào tạo được một số khoá Trung cấp kiểm sát và chuyên tu cao đẳng để tạo nguồn cán bộ cho ngành. Đến ngày 19 tháng 2 năm 1982, trên cơ sở Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1981, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-HĐNN phê chuẩn tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong đó có Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành kiểm sát đã thành lập thêm Trường Trung cấp Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian đào tạo cán bộ kiểm sát trình độ trung cấp cho các Viện Kiểm sát khu vực phía Nam, trường này chuyển sang đảm đương một phần nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ cao đẳng kiểm sát trên cơ sở chỉ tiêu đào tạo của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Trên cơ sở nhu cầu đào tạo cán bộ của ngành kiểm sát, sau khi có Luật Giáo dục, Trường Trung cấp Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh đã được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kiểm sát  tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch của ngành, từ năm 2005 trở đi, cả hai trường sẽ làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, riêng Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho những cán bộ kiểm sát là các cử nhân luật mới vào ngành, chưa được đào tạo nghiệp vụ để đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên theo tinh thần của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân sửa đổi.

Thực hiện Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC-TCCB của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc quy định bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp thì Trường Cao đẳng kiểm sát không còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên. Nhiệm vụ này được chuyển giao cho Học viện Tư pháp.

Học viện Tư pháp tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp vốn là Trung tâm đào tạo Thẩm phán trực thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội. Sau hai năm hoạt động (từ năm 1996 đến 1998), Trung tâm được thừa nhận như một mô hình tốt cần được mở rộng và hoàn thiện. Vì vậy, ngày 11 tháng 2 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg thành lập Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp. Đến năm 2002, việc đào tạo các chức danh tư pháp của Việt Nam vẫn còn rất phân tán ở nhiều cơ sở đào tạo như : Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp, Trường Cao đẳng kiểm sát trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trường Bồi dưỡng cán bộ tòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Các cơ sở lại có những mô hình đào tạo khác nhau với đối tượng tuyển sinh, chương trình và giáo trình khác nhau. Thực trạng này tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý và định hướng phát triển hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp. Tháng 01 năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó nêu rõ những yếu kém của đội ngũ cán bộ tư pháp và hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời xác định phương hướng phát triển công tác đào tạo các chức danh tư pháp là thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp. Trên cơ sở chủ trương này của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp xây dựng đề án thành lập Học viện Tư pháp nhằm thống nhất đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp. Ngày 23/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 23/2004/QĐ-TTg thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp và giao cho Học viện nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác ; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Công chứng viên, Luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp ; nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và đòi hỏi thực tế, Học viện Tư pháp

Việc đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp thực chất chỉ là việc đánh giá đơn lẻ từng cơ sở đào tạo nói trên, bởi giữa các cơ sở có sự khác biệt quá lớn về mô hình đào tạo; mục tiêu đào tạo; đối tượng đào tạo. Do đó giữa những yếu tố còn lại như chất lượng đào tạo, phương pháp đào tạo, đội ngũ giáo viên, giáo trình tài liệu... không có sự tương xứng cần thiết để thực hiện việc so sánh đối chiếu giữa các cơ sở. 

Về đối tượng đào tạo

Trong những năm qua, công tác đào tạo các chức danh tư pháp đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, đào tạo các chức danh tư pháp với ý nghĩa là một hình thức đào tạo nghề sau đại học mới chỉ được thực hiện tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thông qua các khoá đào tạo thẩm phán, thư ký toà án, công chứng viên và luật sư.

Cho tới nay, Học viện Tư pháp đã thực hiện được 10 khoá đào tạo Thẩm phán với số lượng khoảng hơn 2.900 học viên đã tốt nghiệp ra trường, hiện đang đào tạo nghiệp vụ thẩm phán khoá XI với số lượng 304 học viên. Học viện đã đào tạo được 4 khóa nghiệp vụ kiểm sát viên với số lượng hơn 850 học viên ; 6 khóa đào tạo nghiệp vụ Luật sư với tổng số 8.199 học viên và hiện đang tiến hành lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư khóa 7.1; 5 khóa đào tạo nghiệp vụ thi hành án cho chức danh Chấp hành viên với hơn 1000 học viên đã tốt nghiệp; 06 khóa nghiệp vụ công chứng viên với khoảng 300 học viên đã tốt nghiệp ; 01 khóa đào tạo thư ký tòa án 3 tháng với số lượng 55 học viên  [77]. Đối tượng đào tạo của trường hiện là các cử nhân luật đang công tác trong ngành tư pháp. Trong thời gian tới đối tượng đào tạo sẽ mở rộng đến các cử nhân luật chưa nhận công tác.

Công tác đào tạo của Trường Cao đẳng Kiểm sát trong những năm qua đã góp phần đẩy mạnh tốc độ chuẩn hoá cán bộ và làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu chất lượng trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của đội ngũ kiểm sát viên và cán bộ quản lý ở cả ba cấp kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành trong tình hình mới. Trường đã đào tạo được 16 khóa cao đẳng kiểm sát hệ 4 năm cho 3500 sinh viên; 17 khóa chuyên tu cho 950 sinh viên; 18 khóa tại chức cho 2780 sinh viên;10 khóa hệ cử tuyển KV0 cho 343 sinh viên; 9 khóa trung cấp kiểm sát cho 1394 sinh viên[78].

          Từ năm 1995 đến 1997 Trường Cao đẳng Kiểm sát đã tổ chức 4 khóa đào tạo nghiệp vụ công tác kiểm sát cho 280 học viên là những cán bộ đã có bằng cử nhân luật đang công tác trong ngành kiểm sát nhân dân nhưng chưa được đào tạo về nghiệp vụ. Thực chất đây là những khóa đào tạo nguồn kiểm sát viên nhưng vẫn còn mang tính chất thử nghiệm.

          Chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trước mắt của xã hội. Qua khảo sát bằng phiếu điều tra đối với 190 học viên tốt nghiệp khoá đào tạo thẩm phán cho thấy: có 43,7% số học viên đã được bổ nhiệm thẩm phán và thực hiện tốt công tác; 100% đều đánh giá chất lượng đào tạo là tốt[79].

Về đội ngũ giáo viên

Hiện nay, Học viện Tư pháp có 132 người, trong đó có 53 giảng viên (trong đó có 2 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 15 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ, 6 cử nhân ; trong đó có 15 giảng viên đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư). Bên cạnh đội ngũ giảng viên thuộc biên chế Học viện Tư pháp còn có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm gần 300 người là cán bộ tư pháp đang công tác tại cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, văn phòng Luật sư ; các chuyên gia pháp luật ở Bộ Tư pháp, văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ.

Trường Cao đẳng Kiểm sát có đội ngũ giáo viên trên 40 người, trong đó có 75% là giáo viên dạy các môn học pháp lý cơ bản, các môn nghiệp vụ kiểm sát. Ngoài số giáo viên cơ hữu, trường còn có một đội ngũ giáo viên kiêm chức là các chuyên gia giỏi của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân tối cao, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Bộ Công an...

Nhìn chung đội ngũ giáo viên trong các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp chủ yếu là giáo viên kiêm chức, điều này cũng phù hợp với mục tiêu đào tạo và nội dung chương trình đào tạo các chức danh tư pháp.

Đội ngũ giáo viên hiện thời của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp có trình độ tương đối đồng đều. Tuy nhiên, phần đông các giáo viên trong các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, và mặc dù có nhiệm vụ giảng dạy trong một cơ sở đào tạo nghề, hầu như các giáo viên trong hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp đều chưa được cung cấp các kiến thức sư phạm cần thiết, và chưa hề qua một khoá đào tạo các nghề tư pháp nào ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các giáo viên kiêm nhiệm là những chuyên gia đã trải qua nhiều năm công tác trong ngành, có bề dày kinh nghiệm, nhưng lại thiếu phương pháp sư phạm, không chủ động được về mặt thời gian do bận công tác chính.

Về phương pháp đào tạo

Học viện Tư pháp là một trong những cơ sở đầu tiên trong hệ thống đào tạo pháp luật nói chung và đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng bước đầu áp dụng một số phương pháp mới trong đào tạo các chức danh tư pháp như phương pháp song giảng, phương pháp giải quyết tình huống, phương pháp thực hành diễn án.

Trường Cao đẳng Kiểm sát vẫn sử dụng phương pháp thuyết giảng truyền thống trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, một số phương pháp giảng dạy mới đã được áp dụng cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án, phương pháp thực hành diễn án, phương pháp mọi người cùng tham gia. Nhờ các chương trình hợp tác quốc tế, trường đã mở được hai khoá bồi dưỡng phương pháp sư phạm do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy.

Nhìn chung, phương pháp đào tạo của cả hệ thống đang ở trong thời kỳ quá độ, có sự đan xen giữa các phương pháp cũ và mới; các phương pháp giảng dạy hiện đại chưa được sử dụng rộng rãi, chưa có một phương pháp luận chính thức cho toàn hệ thống.

Về hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo

Để thực hiện tốt yêu cầu về chất lượng đào tạo ngay từ đầu, Học viện đã tập trung sức lực, huy động trí tuệcủa đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong nước, các nhà làm công tác thực tiễn để xây dựng các bộ giáo trình, sách chuyên khảo, hồ sơ, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập như : đã xuất bản 43 đầu sách gồm giáo trình đào tạo nghiệp vụ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên ; Sổ tay Thẩm phán, Sổ tay Luật sư, Cốm nang Hội thẩm ; Sách hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo Thẩm phán, sách hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án ; các bộ ngân hàng đề thi ; các bộ phiếu kỹ thuật ; năm 2007 Học viện đã xuất bản 4 cuốn giáo trình chung đào tạo cho 3 chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Năm 2008 đang triển khai biên soạn và tiến hành xuất bản mới trong năm 2008 – 2009 các giáo trình : Kỹ năng Thi hành án, Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính, Kỹ năng tư vấn pháp luật và hợp đồng, giáo trình nghiệp vụ công chứng viên, giáo trình Luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, giáo trình Kinh doanh thương mại, giáo trình Đạo đức nghề luật…Ngoài ra, Học viện cũng đã thu thập được hàng nghìn bộ hồ sơ các vụ án hình sự, các vụ án và việc dân sự, các vụ việc về công chứng, thi hành án để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của Học viện.

Vừa đào tạo kiến thức cơ bản, vừa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát, Trường Cao đẳng Kiểm sát hiện đang sử dụng một hệ thống giáo trình phân thành hai loại: giáo trình pháp luật cơ bản (sử dụng giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội) và giáo trình chuyên ngành bao gồm 8 tập giới thiệu nghiệp vụ công tác kiểm sát.

Hệ thống giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp còn ở giai đoạn hình thành, mới chỉ có hệ thống giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chưa có giáo trình, tập bài giảng phục vụ cho việc đào tạo các chức danh tư pháp khác; các tài liệu tham khảo còn thiếu rất nhiều.

 Về chương trình đào tạo các chức danh tư pháp

          Hiện nay Trường Cao đẳng Kiểm sát đang áp dụng nội dung chương trình, thời lượng đào tạo của hệ cao đẳng. Đến nay trường "chưa xây dựng được hệ thống chương trình khung mang tính ổn định cho từng loại chức danh cán bộ nhất định nên kế hoạch đào tạo thường bị động, đối tượng đào tạo thiếu trọng tâm"[80]. Chương trình đào tạo nghề sau đại học của trường hiện chỉ mang tính chất thử nghiệm. Nội dung chương trình đào tạo mới chỉ dừng ở việc trang bị kiến thức cơ bản mà chưa có điều kiện rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.

Mặc dù là mô hình đào tạo mới, song Học viện Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu thiết kế được nội dung chương trình, thời lượng giảng dạy cho công tác đào tạo. Chương trình đào tạo thẩm phán gồm 1254 tiết, thời gian đào tạo 1 năm, nội dung đào tạo về các vấn đề kỹ năng và chuyên đề pháp luật của 5 ngành luật là hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, trong đó có thời gian 3 tháng thực tập tại các cơ quan tư pháp. Chương trình đào tạo luật sư 6 tháng và chương trình đào tạo thư ký tòa án 3 tháng đã xây dựng xong và hiện đang áp dụng. Đồng thời Nhà trường vẫn tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo luật sư và chương trình đào tạo thư ký tòa án hệ chính quy dài hạn.

          Kết quả khảo sát thực tế các đơn vị có sử dụng học viên của trường này cũng cho thấy, sau khi tham gia các khóa học tại trường, chất lượng xử lý cũng như tiến độ hoàn thành công việc của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Các khóa đào tạo của nhà trường trang bị cho học viên những kiến thức bài bản về kỹ năng nghề nghiệp, là lĩnh vực yếu nhất của đội ngũ cán bộ – chuyên gia pháp luật hiện nay. Hơn nữa những kiến thức kỹ năng này trước đây chưa hề có trong chương trình của bất kỳ một cơ sở đào tạo nào. Mặc dù vậy vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường hơn nữa số giờ học kỹ năng và mở rộng hơn nữa phạm vi các kỹ năng được đào tạo.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật

 Học viện Tư pháp có trụ sở đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Học viện Tư pháp hiện nay tại thành phố Hà Nội đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đào tạo của Học viện với quy mô 1.200 học viên thường xuyên có mặt tại Học viện . Bao gồm : 14 hội trường, giảng đường, 01 thư viện, 01 trung tâm máy tính, Trung tâm thực hành nghề luật và 30 phòng làm việc và 2 phòng họp và hội thảo, 01 ký túc xá khoảng 150 chỗ cho học viên. Cơ sở tại 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh : 04 phòng học, giảng đường, 5 phòng làm việc, 01 phòng Thư viện và ký túc xá cho 80 học viên. Các hội trường học được trang bị micro và máy tăng âm. Ngoài bảng đen truyền thống được sử dụng trong các phòng học, nhà trường còn có 6 máy đèn chiếu và 2 máy chiếu đa năng.

Trong khi đó, nhiệm vụ Nhà nước giao và nhu cầu xã hội đòi hỏi nhà trường phải đón tiếp được một số lượng học viên ngày càng lớn, lên đến 1000 học viên/năm kể từ năm 2007. Thực tế, trường đã thường xuyên phải thuê địa điểm ở các cơ sở đào tạo khác để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc tổ chức lớp và quản lý học viên.

Thư viện Học viện Tư pháp với gần 3000 đầu sách với hơn 14.000 cuốn phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên. Hiện có trang bị máy tính có nối mạng Internet để học viên sử dụng máy tính tại chỗ; Việc quản lý bạn đọc, quản lý sách, tài liệu… được thực hiện bằng phần mềm quản lý thư viện. Học viện đã xây dựng cổng thông tin điện tử làm nơi chuyển tải thông tin về hoạt động của ngành, của Bộ Tư pháp, của Học viện tư pháp và là nơi giao lưu giữa các giáo viên, giữa giáo viên với học viên và giữa các học viên với nhau. 

Cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng kiểm sát phù hợp với các đối tượng học là sinh viên, nhưng lại "bất cập với yêu cầu đa dạng hoá và mở rộng quy mô đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ... Các phương tiện học tập, hệ thống giáo trình cơ bản, tài liệu tham khảo, mô hình thực nghiệm và phương tiện giảng dạy còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu"[81]. Nhà trường có địa điểm xa trung tâm, đường đi lại khó khăn, tuy nhiên nhà trường vẫn có thể đảm đương nhiệm vụ đào tạo 1000 học viên mỗi năm.

Nhìn chung, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trong các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp hiện nay còn quá thiếu thốn: diện tích mặt bằng quá chật hẹp so với yêu cầu đào tạo; các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo và quản lý đào tạo chưa được trang bị; thư viện nghèo nàn, chưa được quản lý và khai thác tốt; diện tích ký túc xá không đáp ứng được yêu cầu của học viên.

Về hợp tác quốc tế

Công tác đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam còn mới mẻ so với một số nước đã thực hiện công tác đào tạo này từ mấy chục năm nay. Vì thế nhu cầu học hỏi kinh nghiệm và tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho đào tạo cán bộ quản lý, giảng viên, hoàn thiện chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình…là rất lớn. Tuy nhiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo các chức danh tư pháp hiện tại còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có thiện chí hợp tác, hỗ trợ cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp của Việt Nam nhưng đến nay hoạt động này vẫn triển khai chậm.

2. NHU CẦU HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

2.1. Về đối tượng đào tạo

 

   q Số lượng: Theo các kết quả khảo sát, dự báo từ nay đến năm 2010, hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp phải thực hiện công tác đào tạo nghề cho khoảng 5.000 cán bộ – chuyên gia pháp luật ngành toà án (bao gồm cả thẩm phán và thư ký toà án), 2.500 cán bộ – chuyên gia pháp luật ngành kiểm sát, 400 đến 500 cán bộ pháp chế cho các cơ quan nhà nước khác, 30.000 đến 35.000 cán bộ pháp chế doanh nghiệp và khoảng 15.000 đến 16.000 luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý hoặc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho công dân. Tuy nhiên, do đặc điểm của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp là thực hiện đào tạo nghề "theo địa chỉ",  số lượng học viên các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp vẫn cần được rà soát lại hàng năm trên cơ sở những khảo sát được tiến hành tại chính các cơ quan sử dụng các chức danh tư pháp để đảm bảo tính cân đối của các ngành nghề được đào tạo.

           q Trình độ: Hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp phải đảm nhiệm việc đào tạo toàn bộ các cán bộ - chuyên gia pháp luật cho các cơ quan tư pháp. Đối tượng đào tạo của hệ thống cần được lựa chọn trong số các cử nhân luật tốt nghiệp các trường đào tạo pháp luật cơ bản thông qua thi tuyển, bỏ dần chế độ cử tuyển như hiện nay. Hệ thống đào tạo phải cung cấp được các kiến thức kỹ năng cần thiết để các chức danh tư pháp đáp ứng được tiêu chuẩn của chức trách đảm nhiệm, có kiến thức chuyên sâu về công việc được giao và kiến thức ở các lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức khác đáp ứng được yêu cầu của từng loại công việc cụ thể.

2.2. Về khuôn khổ thiết chế - hệ thống đào tạo

 

q Cần thống nhất quản lý hệ thống các trường đào tạo các chức danh tư pháp một cách hợp lý để bảo đảm: 1- tính độc lập của các chức danh tư pháp trong hoạt động nghề nghiệp của họ, và 2- mối liên hệ giữa hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp và các cơ quan sử dụng học viên;

q Xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ và đồng bộ liên quan đến việc đào tạo các chức danh tư pháp bao gồm các quy định về chỉ tiêu, hệ thống bằng cấp, chứng chỉ, cơ chế tuyển chọn và sử dụng theo hướng chuyên nghiệp hoá các chức danh tư pháp.

2.3. Về đội ngũ giáo viên

 

q Đội ngũ giáo viên của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp cần được tăng cường về số lượng để đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo và chia nhỏ lớp theo tỉ lệ 10-15 học viên/1 giáo viên. Đội ngũ giáo viên cần được lựa chọn trong số các sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo pháp luật cơ bản hệ chính quy thông qua thi tuyển công chức. Cần ưu tiên tuyển chọn những người đã hành nghề thẩm phán, luật sư, chấp hành viên... Sau khi được tuyển vào ngạch, họ cần được trang bị các kiến thức về phương pháp sư phạm và đặc biệt là cần được tạo điều kiện để học hỏi kiến thức và thực tập nghề nghiệp ở trong nước cũng như nước ngoài.

q  Đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm vốn là những người làm công tác thực tiễn, giàu kinh nghiệm nhưng thiếu phương pháp sư phạm, bởi vậy họ cần được bồi dưỡng thêm về phương pháp sư phạm;

           q Cơ quan quản lý hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp cần xây dựng được một quy chế điều động giáo viên kiêm nhiệm sang làm công tác giảng dạy cho các chức danh tư pháp trong một thời gian nhất định (có thể kéo dài từ 1 - 3 năm), để đội ngũ này tập trung làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, các giáo viên lý thuyết cũng cần được tạo điều kiện xâm nhập thực tế công tác tư pháp thông qua các đợt kiến tập tại Toà án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư và các cơ quan tư pháp khác.

2.4. Về chương trình đào tạo

 

           q Việc xây dựng chương trình đào tạo các chức danh tư pháp cần được đặc biệt lưu tâm. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và thảo luận xin ý kiến các cơ quan sử dụng các chức danh tư pháp là cần thiết để chương trình đào tạo tiếp thu được các kinh nghiệm nước ngoài trong khi không xa rời thực tế nhu cầu sử dụng các cán bộ - chuyên gia pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong nước;

           q Có thể nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo với một số nội dung chung cho tất cả các chức danh tư pháp và một số nội dung đặc thù, riêng biệt cho từng chức danh tư pháp khác nhau;

           q Trong chương trình đào tạo nên nhấn mạnh phần đào tạo kỹ năng, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp. Phần thực tập của học viên cũng nên có những cải biến, tránh tình trạng đưa học viên về chính các cơ quan sử dụng lao động cũ, không cho học viên được làm công việc thực tế của thẩm phán, làm giảm hiệu quả của chương trình thực tập;

           q Cũng cần bổ sung nội dung dạy sử dụng Internet và ứng dụng các thành tựu khác của công nghệ thông tin vào hoạt động nghề nghiệp cho đội ngũ các chức danh tư pháp.

2.5. Về giáo trình, tài liệu tham khảo

 

q Cần thành lập các Trung tâm công nghệ thông tin trong các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp để chia sẻ và trao đổi thông tin, hoàn thiện giáo trình, tài liệu tham khảo;

q Trong những năm tới, hệ thống các trường đào tạo các chức danh tư pháp nhất thiết phải xây dựng được một bộ giáo trình đầy đủ và quy chuẩn. Các hồ sơ vụ án thực tế, một loại tài liệu giảng dạy đặc biệt cần thiết với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, cần được hết sức chú trọng thu thập và biên tập lại. Các tài liệu tham khảo có thể có cả nội dung bình luận hoặc nêu phương án mẫu cho các hồ sơ này. Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp cần lưu ý xây dựng các cuốn sổ tay nghiệp vụ cho từng chức danh tư pháp khác nhau;

q Cần tổ chức biên soạn giáo trình tố tụng dành riêng cho các chức danh tư pháp.

2.6.  Về phương pháp đào tạo và phương tiện giảng dạy

 

           q Phương pháp song giảng đã được thử nghiệm ở Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp tỏ ra hiệu quả trong điều kiện hiện nay và trước mắt nên được áp dụng chung trong hệ thống các trường đào tạo các chức danh tư pháp để khắc phục những hạn chế hiện thời về kiến thức lý luận của giáo viên thực hành và về kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên lý thuyết. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo này nên được đầu tư thêm về phương tiện đào tạo, giữa các giáo viên lý thuyết và thực hành cần có sự trao đổi thường xuyên hơn thông qua hội thảo, các khoá học chung nâng cao trình độ để sự phối hợp giữa họ trên lớp được ăn ý, hạn chế thời gian "chết";

           q Về lâu dài, phương pháp song giảng nên được thay thế bằng các buổi thảo luận theo nhóm nhỏ từ 10 - 15 học viên với sự hướng dẫn của 1 giáo viên vững về lý thuyết, giỏi về thực hành.

2.7. Về cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí đào tạo

 

Đào tạo các chức danh tư pháp cần nhận được những ưu tiên đặc biệt về cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí đào tạo để bảo đảm chất lượng cho đầu ra. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống các trường đào tạo các chức danh tư pháp không chỉ là xây dựng trường sở, phòng học cho học viên, phòng làm việc cho giáo viên, mà còn bao gồm cả việc cung cấp các trang thiết bị chất lượng tốt để bảo đảm cho hệ thống hoạt động được nhanh và hiệu quả. Trang bị thư viện cho các trường này cần được đặc biệt lưu tâm. Tăng kinh phí đào tạo cần tập trung vào:

   q Đào tạo đội ngũ giáo viên nòng cốt;

   q Xây dựng hồ sơ, biên soạn và xuất bản giáo trình; tài liệu tham khảo, sổ tay nghiệp vụ;

           q Nâng cấp trang thiết bị, thư viện, hội trường, phòng học, phòng diễn án.

3. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

  Trên cơ sở các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, cần lưu ý hoàn thiện và phát triển hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp theo những nét chính sau:

 q Nhấn mạnh vai trò của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp:

Đào tạo pháp luật trong khoảng 20 năm trở lại đây chỉ nhấn mạnh vào khâu đào tạo pháp luật cơ bản đã mang đến một hệ quả là tạo ra một cơ cấu đào tạo bất hợp lý. Xã hội thừa cán bộ pháp luật làm công tác quản lý hành chính và nghiên cứu pháp luật nhưng thiếu trầm trọng các chuyên gia có trình độ và kỹ năng thực hành pháp luật cao và chuyên sâu, nhất là thiếu đội ngũ các chức danh tư pháp được đào tạo một cách quy chuẩn phục vụ cho các cơ quan tư pháp. Thực tế này tạo ra một trở ngại lớn cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cho quá trình cải cách tư pháp đang diễn ra hiện nay. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp cần được đặc biệt nhấn mạnh. Nguồn nhân lực mà hệ thống này cung cấp cho xã hội sẽ đem lại những thay đổi to lớn, góp phần hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam về mọi mặt.

q Chú trọng đào tạo "theo địa chỉ" đối với các chức danh tư pháp:

Đào tạo "theo địa chỉ" đối với các chức danh tư pháp, trên cơ sở các khảo sát được tiến hành hàng năm tại các cơ quan sử dụng lao động sẽ cho phép tạo ra sản phẩm là đội ngũ công chức tư pháp vừa đủ về số lượng vừa tinh về chất lượng để cung cấp cho các cơ quan tư pháp khác nhau. Mặc dù vậy, đào tạo "theo địa chỉ" không loại trừ xu hướng xã hội hoá đào tạo, nhất là khi việc đào tạo nhằm tới các chức danh tư pháp hành nghề tự do.

q Nhấn mạnh đào tạo kỹ năng cho các chức danh tư pháp:

Đào tạo các chức danh tư pháp là mô hình đào tạo nghề, vì vậy, đào tạo các kỹ năng cần được hết sức lưu ý, đặc biệt là đào tạo kỹ năng cho thẩm phán, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên, thư ký toà án... để hình thành một đội ngũ các chức danh tư pháp được chuyên nghiệp hoá.

q Ưu tiên đầu tư chiều sâu cho phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống đào tạo các chức danh tư pháp:

Khác với các cơ sở đào tạo luật bậc đại học, các cơ sở đào tạo nghề luật đòi hỏi có một đội ngũ giáo viên thực hành bên cạnh đội ngũ giáo viên lý thuyết. Đội ngũ giáo viên thực hành nhất thiết phải bao gồm những người đang làm công tác thực tế (giáo viên kiêm nhiệm), được điều động sang làm công tác đào tạo các chức danh tư pháp trong một thời gian nhất định từ 1 đến 3 năm. Để có thể phối hợp một cách có hiệu quả với các giáo viên thực hành trong việc đào tạo nghề cho các cán bộ – chuyên gia pháp luật, đội ngũ giáo viên lý thuyết của các cơ sở đào tạo nghề luật cần được trang bị những kiến thức lý thuyết và thực tế sâu sắc cho phép họ hiểu nguyên lý của từng kỹ năng nghề nghiệp mà họ sẽ giảng dạy cùng với các giáo viên thực hành. Từ 2005 đến 2010, có thể chuyển dần từ phương pháp song giảng hiện nay sang phương pháp thảo luận hoặc giải quyết hồ sơ theo tình huống thực tế có sự hướng dẫn của một giáo viên vừa giỏi về lý thuyết vừa vững kỹ năng.

q Đổi mới cơ bản quan điểm đào tạo các chức danh tư pháp:

- Trong cơ chế thị trường hiện nay, giáo dục được quan niệm như một động lực trực tiếp của việc bồi dưỡng nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Đi học trở thành cơ hội tốt để lọt vào thị trường lao động, có thu nhập theo phương châm ''nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Do đó đổi mới cách dạy học cả về mục tiêu, nội dung lẫn phương pháp là lẽ sống còn của nhà trường trong cơ chế thị trường. Nhà trường đó muốn tồn tại và phát triển, phải sáng tạo ra những hệ dạy học mềm dẻo, đa năng và hiệu nghiệm thích hợp với những "khách hàng" (học viên là khách hàng trực tiếp) rất khác nhau về nhu cầu, trình độ, khả năng nhưng đều giống nhau ở chỗ ai cũng  muốn có hiệu quả, chất lượng và năng suất học tập. Vì thế mà xuất hiện những hệ dạy học vận hành theo nguyên lý mới: quá trình đào tạo được phân hóa, cá thể hóa cao độ, nó được tổ chức như thế nào để người học có thể vào hệ đó không khó khăn và tiến lên theo nhịp độ cá nhân và kết quả là thu được kỹ năng nghề nghiệp cao. Sự điều khiển sư phạm của giáo viên phần lớn được chuyển vào trong tài liệu giáo trình và hình thức tổ chức dạy học. Đó là những hệ dạy học theo nguyên lý ''tự học có hướng dẫn“ (assisted self-learning) đòi hỏi mức độ tự lực cao ở người học, đặc biệt là các ngành học liên quan đến đào tạo pháp luật cơ bản, đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời đòi hỏi cả sự điều khiển sư phạm thông minh, khéo léo của người thầy khi xử lý các tình huống mới nẩy sinh trong thực tế bài giảng.

- Những phương pháp dạy học hiện đại là con đẻ của phương thức tiếp cận khoa học hiện đại, như tiếp cận hệ thống (systemic approach), v.v... Đây là những phương pháp giúp điều hành và quản lý kinh tế-xã hội bằng pháp luật rất hiệu nghiệm ở quy mô rộng lớn và phức tạp của hệ thống pháp luật. Từ những phương pháp khoa học đó, đã xuất hiện những tổ hợp phương pháp dạy học thích hợp, như phương pháp giảng theo tình huống; phương pháp diễn án; phương pháp song giảng và phương pháp thuyết giảng tạo thành modul đào tạo, đặc biệt là trong đào tạo nghề luật. Những tổ hợp phương pháp dạy học này rất thích hợp với những hệ dạy học mới của nhà trường trong cơ chế thị trường hiện đại. Và chỉ có chúng mới cho phép người giáo viên sử dụng phối hợp có hiệu quả với những hệ truyền thông đa kênh (multimedia systems),và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác, điều mà các phương pháp dạy học cổ truyền không làm được. Đặc biệt, phương pháp dạy, rèn luyện kỹ năng theo từng tình huống cụ thể có thể cho phép học viên tích cực rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống phức tạp trong thực tế đời sống, nâng cao khả năng tư duy độc lập và phát huy tính tích cực của học viên trong học nghề.

4. ĐỊNH HƯỚNG HÌNH THÀNH THIẾT CHẾ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP:

Từ thực trạng công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ; một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức“.

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ đạo: “Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp”.

Ngày 25 tháng 3 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong đó có nội dung giao cho Bộ Tư pháp "phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác xây dựng Đề án thành lập Học viện Tư pháp nhằm thống nhất công tác đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp; trình Chính Phủ trong quý I năm 2003".

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA HỌC VIỆN TƯ  PHÁP:

 

Mục tiêu đào tạo tổng thể của Học viện Tư pháp là trang bị kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ có chức danh tư pháp phục vụ cải cách tư pháp.

Theo từng cấp, bậc học, mục tiêu đào tạo của Học viện Tư pháp được xác định như sau:

- Tạo ra một đội ngũ các chức danh tư pháp có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao ngang tầm các nước trong khu vực, có tác phong tổ chức công việc một cách khoa học và hiệu quả, làm việc với tinh thần phụng công thủ pháp, chí công vô tư, bảo đảm cho các cơ quan tư pháp và tổ chức bổ trợ tư pháp "có được vị trí đích thực của mình trong hoạt động tư pháp, phục vụ cho mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống tư pháp“;

- Tạo ra một nguồn cán bộ tư pháp địa phương, cán sự pháp lý các cơ quan pháp luật, thư ký toà án, bảo đảm đội ngũ này có phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao, có tác phong làm việc nhanh, gọn, đúng pháp luật.

- Tạo ra một lớp chuyên gia cao cấp vừa có trình độ lý luận vừa có trình độ thực tiễn để tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan tư pháp và tạo nguồn giáo viên cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bảo đảm đội ngũ này có kỹ năng thực hành pháp luật thành thục và chuyên sâu, có khả năng phân tích và tổng hợp các vấn đề pháp luật ở trình độ cao, có năng lực nghiên cứu khoa học độc lập, có phương pháp sư phạm và biết vận dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong công tác nghiên cứu và giảng dạy của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG TẬP HỆ THỐNG HOÁ CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH VỀ DÂN SỰ, KINH TẾ, LAO ĐỘNG VÀ HÀNH CHÍNH LÀM TÀI LIỆU CHO CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

 

TS. Nguyễn Thanh Bình

TS.Nguyễn Thị Nghĩa

 

1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC XÂY DỰNG TẬP HỆ THỐNG HOÁ CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

1.1. Khái niệm vụ án điển hình dân sự, kinh tế, lao động, hành chính

Thuật ngữ “điển hình” theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là biểu hiện tập trung và rõ nhất bản chất của một nhóm hiện tượng, đối tượng. Theo nghĩa này thì các nhóm hiện tượng, đối tượng, các nhóm sự vật nhất định nào đó đều mang một bản chất nhất định nhưng bản chất đó được biểu hiện một cách tập trung, đầy đủ nhất và rõ nét nhất là ở hiện tượng, đối tượng điển hình. Hay nói cách khác, hiện tượng, đối tượng điển hình mang đầy đủ, rõ nét nhất bản chất của cả nhóm, chúng hội đủ các đặc điểm của nhóm hiện tượng, đối tượng.

Các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính cũng là những hiện tượng xã  hội. Các vụ án được phát sinh tại toà án có thẩm quyền do cá nhân, cơ quan Nhà nước, tổ chức khởi kiện ra trước toà án để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, việc xác định  vụ án điển hình là một vấn đề rất phức tạp, bởi nó không giống như những hiện tượng xã hội khác. Trong một vụ án có rất nhiều mối quan hệ xã hội và gồm nhiều yều tố, nhiều bộ phận... có mối liên hệ với nhau. Các mối quan hệ, các yếu tố... dưới những điều kiện nhất định sẽ trở thành vụ án. Tuy nhiên, trong thực tiễn của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực tư pháp có vô số những vụ án khác nhau. Trong “muôn hình vạn trạng” đó, chúng ta có thể sắp xếp, phân loại các vụ án và cũng tuỳ vào những tiêu chí, những mối liên hệ xác định mà mỗi loại chúng ta có thể chia thành các nhóm và từ đó mà xác định, lựa chọn một  vụ án điển hình cho cả nhóm.

Đối với các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính do có nét đặc thù là toà án có thể chủ động tiến hành các hành vi tố tụng một cách độc lập để giải quyết vụ án từ khi có sự kiện “ khởi kiện” đến khi kết thúc vụ án. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với vụ án hình sự nên đề tài nhánh này không bao hàm  cả vụ án hình sự.

Như trên đã trình bày, điển hình là “tập trung và rõ nhất bản chất” của nhóm sự vật, hiện tượng. Do đó, vấn đề mấu chốt để xác định tính cách điển hình  của vụ án là phải xác định tính chất, bản chất của nhóm các vụ án. Khi xác định bản chất một nhóm vụ án nhất thiết phải có sự khái quát và tìm hiểu đầy đủ các đặc điểm của nhóm vụ án đó. Trên cơ sở đặc điểm này mà lựa chọn  vụ án điển hình . Tuy nhiên, vấn đề tìm hiểu đặc điểm của vụ án lại phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, các nội dung... có liên quan và chính đó là cơ sở để biết được các dấu hiệu, đặc điểm của vụ án. Các yếu tố, các nội dung trên không phải là đồng nhất, bất di bất dịch mà phải nhìn dưới những giác độ khác nhau để có một tầm  nhìn “ toàn cảnh” sâu sắc và toàn diện về vụ án.

Như vậy, để có một khái niệm đầy đủ và đúng đắn, cần phải căn cứ vào những điểm sau:

a) Căn cứ vào quá trình và hoạt động tố tụng

Với căn cứ này, chúng ta thấy các vụ án đều có một quá trình phát sinh, tồn tại và kết thúc và cùng với quá trình đó là sự hoạt động của các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án.

Về quá trình diễn biến của vụ án có thể chia thành các giai đoạn tố tụng như khởi kiện và thụ lý; điều tra xác minh, thu thập chứng cứ; chuẩn bị xét xử; phiên toà sơ thẩm;...

Về chủ thể tham gia quá trình giải quyết vụ án bao gồm: người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các chủ thể có liên quan khác. Các chủ thể này thực hiện các hành vi tố tụng ra sao, các hành vi đó phải dựa vào những chuẩn mực pháp lý nào...

Từ những vấn đề nêu trên mà xác định các đặc điểm của nhóm vụ án như:

- Đặc điểm về thời hiệu;

- Đặc điểm về chủ thể;

- Đặc điểm về trình tự, thủ tục;

- Đặc điểm về áp dụng pháp luật...

b) Căn cứ vào nội dung sự việc của vụ án

Căn cứ này liên quan đến sự phân loại các vụ án và dựa vào đó để biết nội dung sự việc có thuộc thẩm quyền của Toà án không; diễn biến của sự việc như thế nào; nội dung sự việc đã được sáng tỏ bằng các tình tiết rõ ràng và hệ thống chứng cứ đã đủ chưa. Đây cũng là căn cứ để xác định các hoạt động tố tụng cần thiết đối với cơ quan và người tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ nội dung của vụ việc. Với căn cứ này, có thể rút ra một số đặc điểm của vụ án như:

- Đặc điểm về sự việc (nằm trong nhóm (loại) việc nào... để giúp xác định, phân định thẩm quyền);

- Đặc điểm về tính chất: là loại án phức tạp hay đơn giản, giá trị vật chất, tinh thần trong vụ án...;

- Đặc điểm về định lượng: là loại việc thường gặp hay ít gặp.

c) Căn cứ vào thực tiễn xét xử các vụ án

Đây là một loại căn cứ rất quan trọng và hết sức cần thiết cho việc xác định  vụ án điển hình. Với căn cứ này đòi hỏi phải thông qua công tác tổng kết kinh nghiệm, khái quát thực trạng hoạt động xét xử các vụ án của toà án để thấy rõ sự cần thiết phải có những điển hình nên theo hay nên tránh giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động xét xử trong tương lai.

Ngoài ra, khi tiến hành xác định các vụ án điển hình cụ thể còn phải dựa vào những căn cứ cụ thể, rút ra các đặc điểm cụ thể để thấy rõ và sự tập trung về bản chất một nhóm (loại) vụ án nhất định.

Qua trình bày trên đây có thể rút ra một định nghĩa về vụ án điển hình như sau:

 Vụ án điển hình dân sự, kinh tế, lao động, hành chính là một vụ án đại diện, tiêu biểu cho một nhóm xác định trong từng loại hình án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính mà ở đó (vụ án) đã hội đủ các đặc điểm thể hiện một cách rõ nét và tập trung nhất bản chất của nhóm (loại) án đó.

Từ định nghĩa trên cho thấy, trong các loại hình án dân sự, kinh tế, lao động và hành chính thì mỗi loại hình có rất nhiều loại, nhiều nhóm vụ án khác nhau. Trong mỗi một nhóm cũng có nhiều vụ án khác nhau. Cơ sở để xác định các vụ án đó trong một nhóm là dựa vào đặc điểm và bản chất chung của nhóm các vụ án đó. Ví dụ các vụ án có bản chất chung là giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà ở, mặc dù các vụ án này xảy ra ở các thời điểm khác nhau, tính chất và quy mô khác nhau, các bên tranh chấp hợp đồng khác nhau... nhưng chúng đều chung một bản chất và mang đặc điểm giống nhau. Một vụ án điển hình là vụ án tập trung nhất bản chất và tụ hội đầy đủ các đặc điểm của nhóm đó. Tuy nhiên do có nhiều căn cứ phân nhóm khác nhau nên cùng một vụ án có thể sắp xếp chúng vào các nhóm khác nhau. Một vụ án có thể điển hình ở nhóm này nhưng bản chất và đặc điểm của nó sẽ bị mờ nhạt trong một nhóm khác.

Việc đưa ra khái niệm  vụ án điển hình về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính góp phần vào việc thống nhất chung về quan niệm vụ án điển hình vừa nêu ra một nội dung lý luận mới về vụ án điển hình ở nước ta. Đây cũng là một nội dung lý luận quan trọng, tạo ra một trong những cơ sở cho việc xây dựng vụ án điển hình.

1.2. Vai trò và tầm quan trọng của  vụ án điển hình

Như trên đã trình bày, vụ án điển hình là một vụ án tiêu biểu và thể hiện rõ nét bản chất, đặc điểm của một nhóm các vụ án có những tiêu chí chung nhất định. Chính vì vậy, vụ án điển hình có vai trò và tác dụng to lớn trong hoạt động tố tụng nói chung và trong việc xét xử các vụ án cụ thể nói riêng.

Trước hết, đối với các  vụ án điển hình đúng. Các vụ án điển hình này có thể nằm ở các nhóm, các loại khác nhau nhưng chúng có đầy đủ những biểu hiện rõ nét nhất về tính đúng đắn trong việc giải quyết vụ án của Toà án có thẩm quyền. Tính đúng đắn thông thường được thể hiện ở những nội dung sau:

+ Tuân thủ nghiêm chỉnh, đúng đắn, đầy đủ các thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án mà không hề có một sơ xuất, vi phạm  nhỏ nào.

+ Việc lựa chọn và áp dụng pháp luật là hoàn toàn chính xác. Trong trường hợp này, các hoạt động, các quyết định nhằm giải quyết vụ án nhất là bản án hoặc các quyết định của toà án đều có đủ cơ sở pháp lý có hiệu lực và hoàn toàn phù hợp với đối tượng áp dụng mà không có cách lựa chọn nào khác tối ưu hơn.

+ Việc đánh giá chứng cứ là hoàn toàn chính xác, khách quan tạo căn cứ vững chắc cho việc kết luận trong bản án là hoàn toàn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án...

Các vụ án điển hình đúng có giá trị như là những khuôn mẫu, những chuẩn mực có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc giúp cho các toà án có thẩm quyền học tập, dựa vào đó để vận dụng giải quyết vụ án một cách chính xác, đúng đắn khi gặp một vụ án tương tự.

Như vậy, giá trị của  vụ án điển hình đúng là góp phần bổ sung vào các chuẩn mực, khuôn mẫu để giúp toà án nâng cao chất lượng xét xử, tránh được những sai lầm, vi phạm không đáng có.

Thứ hai, đối với các  vụ án điển hình sai. Loại án này lại có những sai sót, những vi phạm ở những nội dung ngược lại với các vụ án điển hình đúng như:

- Những vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

- Những vụ án điều tra, xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ;

- Những vụ án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;

- Những vụ án sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ dẫn đến kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Giá trị của các  vụ án điển hình sai là giúp tránh được những va vấp, những sai lầm khi giải quyết một vụ án cụ thể tương tự như vụ án điển hình.

Thứ ba, các vụ án điển hình còn bao gồm nhiều nhóm khác nhau như:

- Điển hình về loại việc;

- Điển hình  về lĩnh vực;

- Điển hình về cấp xét xử...

Tóm lại, trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa “phủ kín” trong mọi lĩnh vực, chưa đủ mọi chuẩn mực thì việc xây dựng các  vụ án điển hình sẽ góp phần khắc phục những nhược điểm đó đồng thời bổ sung thêm những điển hình, những kinh nghiệm làm tấm gương phản chiếu để đánh giá chất lượng hoạt động tố tụng và đặc biệt là hoạt động xét xử của toà án.

1.3. Quan niệm về xây dựng án điển hình

Hầu hết các nước trên thế giới đều đánh giá cao giá trị của các vụ án điển hình, đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anglo-xắc xông, xem án lệ như là một bộ phận cơ bản trong hệ thống pháp luật mà thực chất án lệ chính là các  vụ án điển hình.

Do có sự đánh giá cao giá trị của án điển hình nên hoạt động xây dựng, cập nhật án điển hình mang tính thường xuyên và rất được chú trọng. Đa số các nước theo hệ thống pháp luật Anh-Mỹ đều có những quy định chung mang tính bắt buộc quy định trách nhiệm cho các cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật và hệ thống hoá các  vụ án điển hình trong các tập án lệ. Xem án lệ như là cơ sở pháp lý để áp dụng vào việc giải quyết một vụ án tương tự phát sinh tại các toà án. Hoạt động cập nhật và hệ thống hoá án lệ được xem như là hoạt động lập pháp, lập quy.

Đối với các nước theo hệ thống pháp luật La mã tuy chủ trương coi trọng hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xem đó là một bộ phận cơ bản của hệ thống pháp luật. Các quy phạm pháp luật chính là cơ sở, chuẩn mực để giải quyết vụ án, là thước đo đánh giá tính chất, nội dung đúng sai trong việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, các nước này đều có xu hướng ngày càng đề cao vai trò và giá trị của án lệ. Xem án lệ như là những chuẩn mực bổ sung và là tiêu chí quan trọng để kiểm nghiệm, để so sánh đối chiếu với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với quan niệm đề cao giá trị của án điển hình như vậy nên hoạt động cập nhật và hệ thống hoá án lệ ngày càng được tăng cường.

Ngày nay, dưới ảnh hưởng của việc ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học, hoạt động hệ thống hoá án lệ không chỉ được thực hiện bằng các hình thức và phương pháp truyền thống mà còn được tập hợp truyền dẫn trên mạng vi tính... làm cho hiệu quả áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử ngày càng cao.

Ở nước ta trước đây, do chịu ảnh hưởng chung của nguyên tắc pháp chế XHCN là phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh tuyệt đối, đúng đắn và thống nhất hệ thống pháp luật XHCN của tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân. Nguyên tắc này loại trừ khả năng sử dụng, áp dụng án lệ, tiền lệ trong việc giải quyết các mối quan hệ xã hội nói chung và trong hoạt động xét xử nói riêng. Nguyên tắc này đòi hỏi phải dựa vào các quy định của pháp luật hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, mà trong một thời gian dài chúng ta không thừa nhận án lệ, không coi trọng án điển hình chính vì vậy mà hoạt động xây dựng, hệ thống hoá án điển hình còn bị xem nhẹ.

Tuy nhiên, cuộc sống đổi thay, quan hệ xã hội vận động và chuyển hoá không ngừng, ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong điều kiện như vậy, mặc dù Nhà nước đã rất cố gắng và tích cực trong hoạt động lập pháp, lập quy nhưng khó có thể đầy đủ và kịp thời điều chỉnh hết mọi quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực của đời sống được.

Do nhìn nhận được vai trò và mặt tích cực của án điển hình và do nhu cầu chuẩn mực hoá hoạt động xét xử của toà án ngày càng cao nên trong thực tiễn các cơ quan tư pháp nói chung và các toà án nói riêng tuỳ từng giai đoạn cũng có những hình thức chọn, tập hợp án điển hình dưới các hình thức khác nhau với tính cách là một bài học có tính kinh nghiệm, chứ chưa được thừa nhận như là án lệ. Hiình thức án điển hình ở nước ta thường được tóm tắt, tổng hợp trong các báo cáo tổng kết của ngành toà án, hoặc được nêu trong một số văn bản hướng dẫn của toà án nhân dân tối cao có tính cách dẫn chứng, minh hoạ. Hình thức án điển hình cũng có thể nêu, đăng tải trên một số tập san, tạp chí, trong một số công trình tài liệu nghiên cứu khoa học pháp lý.

Hoạt động xây dựng án điển hình như vậy diễn ra ngày càng gia tăng và theo hướng chuyên ngành và tập trung. Tình hình diễn biến như vậy cũng có thể dẫn đến tình trạng thừa nhận hiện tượng án lệ trong hoạt động tố tụng của toà án, góp phần đa dạng hoá hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật  ngày càng hoàn thiện.

1.4. Mục đích, yêu cầu của việc xây dựng án điển hình

1.4.1. Mục đích

Trên thế giới, việc chọn lựa, cập nhật án điển hình có mục đích chung là bổ sung cho hệ thống án lệ làm cơ sở pháp luật để áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của toà án.

Ở nước ta, do có sự chi phối của nguyên tắc pháp chế XHCN, án lệ không được thừa nhận nên việc xây dựng án điển hình là nhằm đáp ứng mục đích tổng kết kinh nghiệm thực tiễn hoặc đáp ứng mục đích tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm, làm tài liệu tham khảo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán.

Mục đích chính của việc xây dựng án điển hình trong khuôn khổ đề tài này là nhằm tập hợp các án điển hình phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Các án điển hình được xây dựng và tập hợp nhằm sử dụng như các bài học kinh nghiệm, các tình huống cụ thể đồng thời giúp học viên kiểm nghiệm những tri thức được tiếp thu trong quá trình đào tạo với thực tiễn hoạt động xét xử thông qua hệ thống các vụ án điển hình.

1.4.2. Một số yêu cầu xây dựng án điển hình

Với mục đích nêu trên và để đảm bảo khai thác có hiệu quả các án điển hình ( tính chuẩn mực, tính thực tiễn...), việc xây dựng án điển hình phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, việc lựa chọn, sưu tập, xây dựng án điển hình phải đảm bảo tính tập trung và rõ nét bản chất, tính chất, thể hiện tính đại diện của loại án mà vụ án đó điển hình.

Nếu chọn một vụ án mà chỉ được một mặt nào đó hoặc tuy có một vài đặc điểm nổi bật nhưng không khái quát hết được đặc điểm chung của loại án thì sẽ phiến diện, không thoả mãn tính điển hình của vụ án;

Thứ hai, ngoài việc lựa chọn tập hợp án tiêu biểu làm điển hình, việc xây dựng án điển hình còn bao hàm cả việc giải thích, bình luận và có kết luận xác đáng cả về tổng thể cũng như từng mảng, tùng khía cạnh để thấy rõ hơn tính nổi bật, tính điển hình của vụ án.

Với yêu cầu này, đòi hỏi các nhóm tác giả dựa vào hồ sơ vụ án, dựa vào các cứ liệu có thật để nghiên cứu, giải thích bình luận, hướng cho học viên biết được những chỗ “nên làm” và chỗ “cần phải tránh”.

Thứ ba, án điển hình phục vụ cho việc đào tạo thẩm phán, làm tài liệu tham khảo cho học viên chức danh tư pháp khác; do đó phải chọn những vụ án có khối lượng tài liệu gọn nhẹ, số trang vừa phải, đáp ứng việc nghiên cứu, tra cứu... được thuận lợi.

Trong thực tế, có những vụ án điển hình nhưng có khối lượng tài liệu rất lớn, thậm chí có những vụ án mà tài liệu nặng đến hàng tấn. Rõ ràng, những hồ sơ vụ án như vậy là không thích hợp cho việc giảng dạy và học tập ở nhà trường.

Thứ tư, cần phải đảm bảo tính ổn định tương đối về mặt thời gian đối với giá trị bài học kinh nghiệm của vụ án điển hình.

Án điển hình ở đây có mục đích là làm tài liệu giảng dạy và học tập của giáo viên và học viên. Giá trị của nó cần phải duy trì cho nhiều khoá học; do đó nên chọn những vụ án điển hình có giá trị sử dụng lâu dài;

Thứ năm, vụ án điển hình cần phải sát hợp và đáp ứng tính đồng bộ với nội dung, chương trình đào tạo thẩm phán.

Nếu đưa vụ án điển hình nhưng không khớp với nội dung chương trình đào tạo, nằm ngoài chương trình đào tạo của nhà trường thì không đáp ứng với mục đích xây dựng án điển hình cho đào tạo các chức danh tư pháp, nhất là học viên thẩm phán. Do vậy, khi lựa chọn án điển hình nên bám sát nội dung các bài giảng, nhất là các bài giảng kỹ năng để xây dựng án điển hình cho thích hợp.

1.5. Nguyên tắc xây dựng án điển hình

Việc xây dựng án điển hình cần phải tuân theo một số tư tưởng chỉ đạo chung, có tính xuyên suốt. Đó là các nguyên tắc chung để tập hợp và xây dựng các án điển hình về dân sự, kinh tế, lao động và hành chính, bao gồm các nguyên tắc sau:

a) Việc xây dựng án điển hình phải theo nguyên tắc bảo đảm giá trị học thuật và chuyên môn

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Các án điển hình được xây dựng để nghiên cứu và học tập, do đó các vụ án này vừa là bài học kinh nghiệm vừa phải có tính khái quát. Từ bài học kinh nghiệm để biến thành tri thức, kỹ năng hành nghề.

b) Việc xây dựng án điển hình phải theo nguyên tắc thực tế, cụ thể, trung thực, khách quan.

Án điển hình được tập hợp, lựa chọn là các vụ án đã được giải quyết trong thực tiễn xét xử của toà án. Các nhóm tác giả khi xây dựng án điển hình không được cắt xén, bổ sung hoặc làm sai lệch. Nếu do yêu cầu bảo vệ các giá trị lợi ích nhân thân thì có thể chỉnh một số từ ngữ như danh từ  tên người, tên địa danh... (ví dụ: giữ nguyên họ và chữ đệm còn tên người chỉ giữa lại chữ cái đầu...). Có như vậy mới đảm bảo tính thực tế và sinh động của án điển hình.

c) Nguyên tắc tránh sự trùng lặp khi xây dựng án điển hình

Nguyên tắc này đòi hỏi trong cùng một nhóm (loại) các vụ án không nên có hai vụ án điển hình trở lên. Có như vậy mới tiết kiệm việc khai thác hồ sơ góp phần tinh giản án điển hình.

2. PHẦN KẾT LUẬN VÀ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT

2.1. Kết luận chung

Như đã trình bày trên đây, vụ án điển hình về dân sự, kinh tế, lao động và hành chính là một vụ án tiêu biểu cho một nhóm hoặc một loại các vụ án về dân sự- kinh tế-lao động hoặc hành chính mà vụ án đó đã mang đầy đủ các dấu hiệu thể hiện sự tập trung nhất bản chất của nhóm  các vụ án xác định.

Án điển hình theo quan niệm chung trên thế giới là một bộ phận cơ bản của hệ thống án lệ có giá trị chuẩn mực buộc phải vận dụng, áp dụng trong việc giải quyết một vụ án mới phát sinh trong hoạt động xét xử nếu vụ án mới đó có đặc điểm và bản chất cùng loại với án điển hình (án lệ).

Ở nước ta, án điển hình không có giá trị áp dụng để giải quyết vụ việc cùng loại (do chúng ta không thừa nhận án lệ) song việc lựa chọn, tập hợp án điển hình có giá trị như những bài học kinh nghiệm bổ ích góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của thẩm phán và chất lượng hiệu quả xét xử của toà án.

Giá trị đó cũng có ý nghĩa lớn lao đối với quá trình đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng chuyên môn cho các học viên thẩm phán; do vậy, chúng rất cần cho công tác giảng dạy và học tập, cần phải tiến hành tập hợp, xây dựng án điển hình.

2.2. Ý kiến đề xuất

Qua trình bày trên, nhóm tác giả chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến, giải pháp xây dựng án điển hình như sau:

Thứ nhất, đề nghị các cấp toà án tạo điều kiện cho Học viện Tư pháp tìm hiểu, lựa chọn, khai thác các vụ án điển hình thông qua việc khai thác hồ sơ, tài liệu và kết quả giải quyết các vụ án điển hình;

Thứ hai, để quản lý, lưu giữ phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cúu, học tập, hồ sơ, tài liệu của vụ án điển hình cần phải được thể hiện trên các chất liệu giấy, băng hình, đĩa vi tính...) có chất lượng, tiến tới xây dựng “ hệ dữ liệu các vụ án điển hình”;

Thứ ba, cần hệ thống hoá một số vụ án điển hình, nên xuất bản, phát hành sách chuyên khảo làm cẩm nang hành nghề cho thẩm phán, làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các chức danh tư pháp khác và cho những độc giả quan tâm./.

 

 

 

 

 

 

QUY TRÌNH XÂY DỰNG HỒ SƠ VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

 

 LÀM TÀI LIỆU GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP CỦA TRƯỜNG

ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

    TS.Nguyễn Văn Huyên

                                                            TS.Lê Thu Hà

 

Xây dựng hồ sơ vụ án điển hình trên cơ sở tổng kết thực tiễn là nhằm chỉ rõ cái đúng, cái sai khi giải quyết vụ án cụ thể, làm rõ thêm những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ nhưng vấn gặp phải trong thực tiễn xét xử. Thống nhất về nhận thức, về áp dụng pháp luật đối với những vụ án này là hết sức quan trọng. Sự thống nhất này thể hiện thông qua việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Các hồ sơ này dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập của trường đào tạo các chức danh tư pháp là rất cần thiết. Để quá trình xây dựng hồ sơ các vụ án điển hình được thống nhất, cần tiến hành theo quy trình sau đây:

1. LỰA CHỌN HỒ SƠ VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

1.1. Lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình theo luật nội dung

1.1.1. Những hồ sơ vụ án hình sự được lựa chọn làm vụ án điển hình.

Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu giảng dạy và học tập khi xây dựng hồ sơ các vụ án hình sự điển hình phải dựa vào một vụ án thực tế đã được Toà án giải quyết. Vì vụ án điển hình có nhiều tiêu chí khác với vụ án bình thường nên phải lựa chọn trong số các vụ án đã giải quyết những vụ án bảo đảm được tiêu chí của vụ án điển hình. Có thể lựa chọn những vụ án sau xây dựng thành hồ sơ vụ án điển hình.

1.1.1.1 Về thời gian

Đó phải là những vụ án áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999. Những vụ án này có giá trị hướng dẫn học viên áp dụng ngay vào thực tiễn công tác và sử dụng được lâu dài. Nếu lựa chọn những vụ án mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 sẽ không phù hợp với thực tế xét xử, do đó không có giá trị cho việc nghiên cứu giảng dạy và học tập.

1.1.1.2. Những vụ án giải quyết đúng pháp luật

Đây là những vụ án mà quá trình giải quyết vụ án đều tuân theo các quy định của pháp luật, bản án chính xác, có sức thuyết phục. Để lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Về mặt nội dung, phải làm vụ án có những tình tiết phức tạp. Dựa vào nội dung vụ án này, người biên tập có thể xây dựng thành những tình tiết mang tính khái quát cao. Nếu lựa chọn những vụ án tuy giải quyết đúng pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội nhưng đó là vụ án quá đơn giản, sự việc rõ ràng, người phạm tội bị bắt quả tang thì tính điển hình thấp, hạn chế giá trị sử dụng.

- Về áp dụng pháp luật, các điều khoản pháp luật được áp dụng hoàn toàn phù hợp với tính chất của vụ án, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Bản án vận dụng đúng đường lối xử lý tội phạm kết hợp hài hoà giữa phương châm và chính sách hình sự trong từng thời kỳ, bổ sung và làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

- Về thủ tục tố tụng, tất cả các hoạt động tố tụng đều được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng pháp luật, bảo đảm về trình tự thẩm quyền, thủ tục tiến hành và thời hạn giải quyết.

- Về giá trị sử dụng của vụ án, có thể dùng vụ án này làm khuôn mẫu cho học viên học tập. Sử dụng vụ án này học viên được củng cố thêm cho những kiến thức đã học và biết cách vận dụng nó vào quá trình công tác để những vụ án do chính mình đảm nhiệm cũng được giải quyết tốt như vụ án điển hình.

1.1.1.3. Những vụ án giải quyết được các vấn đề vướng mắt trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Khi áp dụng pháp luật vào việc giải quyết vụ án có nhiều vấn đề do pháp luật chưa dự liệu hết nên không điều chỉnh hoặc quy định rất chung chung làm cho việc nhận thức về điều luật rất khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền lại chưa có văn bản hướng dẫn hoặc đã hướng dẫn nhưng chưa rõ làm cho việc giải quyết vụ án rất khó khăn. Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều vướng mắc xẩy ra. Đó là hiểu thế nào là “trường hợp cần thiết” khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố những viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng; khi Viện kiểm sát rút truy tố trong những trường hợp nhiều tội phạm đã được nhập để điều tra trong cùng một vụ án, mỗi bị cáo bị truy tố một tội khác nhau, rút truy tố đối với một bị cáo giữ nguyên truy tố hay rút một phần quyết định truy tố; vấn đề Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau khi Viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ đã được điều tra bổ sung, các thành viên của Hội đồng xét xử có được tiếp tục xét xử vụ án đó hay không, vấn đề áp dụng thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm: Ngoài việc xem xét để giảm trách nhiệm hình sự cho những bị cáo không kháng cáo, cũng không bị kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có được xem xét các phần khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị không, hiểu và vận dụng nguyên tắc “không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo” như thế nào; khi có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu. Hội đồng xét xử  phúc thẩm có được sửa bản án sơ thẩm tuyên bố bị cáo vô tội không; có được sửa bản án sơ thẩm áp dụng tội danh nặng hơn tội danh đã truy tố không; khi  phát hiện việc điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì quyết định huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại hoặc chỉ có quyền kiến nghị cấp giám đốc thẩm giải quyết ... Đối với việc áp dụng pháp luật về nội dung cũng có rất nhiều vướng mắc khi xét xử các tội phạm có ranh giới gần nhau giữa hình sự, dân sự, kinh tế. Những loại tội này, trong những trường hợp cụ thể có nhiều ý kiến khác nhau. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng bị cáo phạm tội, nhưng ý kiến khác lại cho rằng chỉ là quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự là hình sự hoá các quan hệ dân sự. Đối với các tình tiết định khung hình phạt như thu lợi bất chính lớn, đặc biệt lớn, hàng phạm pháp có số lượng lớn, đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ... nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nên vận dụng vào thực tiễn xét xử rất khó khăn.

Những vụ án được lựa chọn làm hồ sơ vụ án điển hình là những vụ án giải quyết tốt được vấn đề vướng mắc trên, góp phần bổ sung những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng các nhà làm luật chưa dự kiến hết. Những vụ án này có tác dụng hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, cách giải quyết vụ án trong những trường hợp tương tự.

1.1.1.4. Những vụ án có nhiều sai sót trong cách giải quyết cần phải khắc phục.

Bên cạnh việc lựa chọn các vụ án làm điển hình tốt, cũng cần lựa chọn vụ án có sai lầm thiếu sót để rút kinh nghiệm chung, giúp học viên tránh nó và không bao giờ mắc phải. Đây là những vụ án mà việc giải quyết có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như Hội đồng xét xử không đúng luật, xét xử sai thẩm quyền, xét xử không có người bào chữa trong những trường hợp luật quy định bắt buộc phải có, xét xử vắng mặt bị cáo đúng với các trường hợp do luật quy định, xét xử không có biên bản nghị án hoặc biên bản nghị án, bản án không có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử ... Là những vụ án mà việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ, chỉ tin vào hồ sơ, xét hỏi qua loa đại khái, không hỏi hết những người cần xét hỏi hoặc có hỏi thì chỉ chú ý xác định chứng cứ buộc tội, không xem xét gì đến chứng cứ gỡ tội làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác. Là vụ án mà kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, kết luận chỉ dựa vào ý chí chủ quan của người xét xử, không dựa trên những chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, nên không phản ánh đúng những sự kiện thực tế đã xẩy ra. Ví dụ bị cáo bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, thực tế thì thương tích của nạn nhân chỉ là 15%, nhưng giám định pháp y kết luận tỷ lệ thương tật 45%. Toà án không kiểm tra, so sánh với các chứng cứ khác, đã tin vào kết luận giám định và xử bị cáo theo khoản 2 điều 104 Bộ luật Hình sự.  Đó còn là những vụ án mà việc áp dụng Bộ luật hình sự có những sai lầm nghiêm trọng như kết án người không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, định tội danh sai, áp dụng không đúng các trường hợp loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi (tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ) cho hưởng án treo không đúng với quy định của điều 60, tổng hợp hình phạt không đúng với quy định của điều 50, điều 51 ... của Bộ luật Hình sự.

1.1.2. Những hồ sơ vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính được lựa chọn làm vụ án điển hình.

Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động được tiến hành theo những thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Riêng vụ án hành chính được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Quy trình tố tụng giải quyết các vụ án này đều bắt đầu từ Toà án. Cách thức xây dựng hồ sơ những vụ án này là giống nhau. Bên cạnh những quy định về thủ tục tố tụng giống nhau, những sai sót trong việc tiến hành những thủ tục tố tụng cũng như những vấn đề áp dụng pháp luật nội dung trong những vụ án này cũng thường là giống nhau. Do vậy, việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính cũng sẽ được tiến hành trên cơ sở những tiêu chí giống nhau. Cụ thể là những tiêu chí sau đây:

1.1.2.1. Những vụ án mà việc giải quyết có nhiều vướng mắc hoặc có nhiều ý kiến khác nhau

* Đối với hồ sơ vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về thủ tục tố tụng

Các ý kiến khác nhau về tủ tục tố tụng xoay quanh việc ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, hay quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên toà. Để xác định quyết định nào là đúng cần phải đối chiếu những tình tiết của vụ án với căn cứ của những quyết định này được quy định trong luật (cụ thể là Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính).

Thực tế có nhiều hồ sơ mà thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, nhưng có rất nhiều ý kiến không đồng tình. Ví dụ trong vụ án bồi thường thiệt hại do xây dựng, do tiền tạm ứng chi phí giám định quá lớn, nguyên đơn không nộp được. Nhưng nếu không có kết quả giám định thì Toà án không có căn cứ để chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, trong khi đó thì thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết. Phần lớn các Toà án đã lựa chọn quyết định tạm đình chỉ đợi đến khi nào nguyên đơn có tiền nộp tạm ứng chi phí giám định thì Toà án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Nhưng việc tạm đình chỉ trong trường hợp này không có căn cứ trong luật (xem Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự). Có toà lại ra quyết định đưa vụ án xét xử vì căn cứ vào Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự: Đương sự đề nghị trưng cầu giám định phải nộp tạm ứng chi phí giám định. Trong trường hợp ngược lại, nếu họ không nộp tạm ứng chi phí giám định thì Tòa án không tiến hành giám định, Toà án có thể căn cứ vào kết quả có trong hồ sơ vụ án để giải quyết vụ án. Cách thức này cũng phù hợp với nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự theo điều 79 khoản 1 Bộ luật tố tụng dân sự, các đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Cách giải quyết này phù hợp với pháp luật, nhưng dường như ít được áp dụng trong thực tế. Các Toà án còn băn khoăn lựa chọn phương án giải quyết này vì cho rằng làm như vậy thì thiệt thòi cho đương sự (nguyên đơn). Do vậy đối với những hồ sơ này cần phải hết sức thận trọng. Người biên tập phải đưa ra những kết luận trên cơ sở pháp luật, chứ không phải là dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Lựa chọn các hồ sơ này sẽ giúp học viên rút được những kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý những tình huống tương tự trong thực tiễn xét xử.

* Đối với hồ sơ vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng pháp luật nội dung.

Thông thường đây là hồ sơ của những vụ án khó xác định đúng quan hệ tranh chấp, chẳng hạn có thể nhầm lẫn giữa thiệt hại trong hợp đồng (ví dụ hợp đồng gửi giữa hoặc hợp đồng vận chuyển) với thiệt hại ngoài hợp đồng; nhầm lẫn giữa hợp đồng vay tiền  với hợp đồng dịch vụ, giữa hợp đồng dịch vụ với hợp đồng uỷ quyền ... Các loại quan hệ này có nhiều điểm giống nhau khó phân định nên đã có nhầm lẫn khi xác định quan hệ. Sự nhầm lẫn này vốn xuất phát từ tính phức tạp của những quan hệ dân sự, đặc biệt Bộ luận dân sự được ban hành và được áp dụng trong thời gian dài, nhưng để hiểu đúng một điều luật nhiều khi rất cần thời gian, bao gồm cả thời gian nghiên cứu cũng như thời gian kiểm nghiệm thực tế. Những vụ án này tất nhiên không phải là phổ biến nhưng cũng không phải khó gặp. Lựa chọn hồ sơ những loại án này sẽ giúp cho các học viên rút được kinh nghiệm quý giá khi làm án ở địa phương.

1.1.2.2. Những vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Thực tiễn xét xử cho thấy vì nhiều lý do, trong nhiều trường hợp việc giải quyết một vụ án dân sự có thể có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, chẳng hạn vụ án xét xử không đúng thẩm quyền, không tiến hành hoà giải hoặc không thực hiện đúng quy định về thủ tục hoà giải, không triệu tập đầy đủ đương sự, thành phần hội đồng xét xử không đúng quy định của pháp luật. Trong hồ sơ vụ án, những vi phạm này thường được thể hiện như sau:

* Đối với hồ sơ những vụ án vi phạm thủ tục hoà giải

Theo quy định tại điều 181 Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án phải tiến hành hoà giải tất cả các vụ án dân sự, trừ những vụ án sau đây:

- Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

- Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, ví dụ việc dân sự (huỷ hôn nhân trái pháp luật), các giao dịch trái pháp luật…

Trừ những loại vụ việc không được hòa giải, những vụ án khác, Tòa án phải tiến hành hòa giải khi giải quyết vụ án. Trong hồ sơ của vụ án phải có những giấy tờ thể hiện việc Toà án đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng, cụ thể là đã tiến hành hoà giải vụ án đó.

Đối với trường hợp không hoà giải được do đương sự đang ở nước ngoài hoặc bị đơn đang bị cải tạo giam giữ hoặc bị đơn không đến hoà giải sau khi đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà không có lý do chính đáng, đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng, đương sự là vợ hoặt chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 182 Bộ luật tố tụng dân sự), nhất thiết phải thể hiện bằng giấy tờ được lưu trong hồ sơ. Đó là biên bản không hoà giải được. Trong biên bản không hoà giải được Thẩm phán phải ghi rõ lý do của việc không hoà giải được, đồng thời phải có những tài liệu làm cơ sở cho các lý do này. Chẳng hạn nếu lý do của việc không hoà giải được là do bị đơn được triệu tập hợp lệ đến lần hai mà vẫn không đến hoà giải mà không có lý do chính đáng thì cần phải có giấy tờ xác nhận việc triệu tập lần thứ hai. Việc triệu tập này không chỉ là giấy báo của Toà án mà còn phải bao gồm cả việc bị đơn đã nhận được giấy triệu tập. Nếu hồ sơ thiếu các giấy tờ trên thì có nghĩa là việc hoà giải chưa được tiến hành hoặc chưa đúng thủ tục.

Đối với trường hợp hoà giải không thành, hồ sơ vụ án cũng phải lưu lại giấy tờ ghi nhận sự kiện này. Đó là biên bản hoà giải không thành. Biên bản hoà giải không thành là căn cứ để Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu thẩm phán không lưu biên bản này trong hồ sơ thì vụ án đó được xác định là vi phạm về thủ tục.

Đối với những vụ án kinh doanh thương mại và lao động, hoà giải cũng là một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc. Trong hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại cũng như trong hồ sơ vụ tranh chấp lao động, cũng phải có đủ những giấy tờ cần thiết xác nhận thủ tục hoà giải đã được bảo đảm thực hiện, nếu hồ sơ thiếu các giấy tờ này có nghĩa là thủ tục hoà giải chưa được đảm bảo. Biên tập hồ sơ những vụ án này sẽ giúp cho học viên biết được những điểm thiếu sót trong quy trình tố tụng mà các Toà án có thể dễ mắc phải trong quá trình giải quyết vụ án, làm bài học bổ ích cho họ.

* Đối với hồ sơ vụ án vi phạm thủ tục triệu tập đương sự.

Việc triệu tập đương sự là thủ tục tưởng như đơn giản nhưng lại dễ sai sót. Bởi chỉ trong tố tụng chỉ thừa nhận việc triệu tập nếu việc triệu tập đó là hợp lệ. Vậy thế nào là triệu tập hợp lệ đương sự? Đó là việc triệu tập phải bao gồm cả việc gửi giấy triệu tập của Toà án và việc nhận được giấy triệu tập của đương sự. Với trường hợp đương sự nhận và xác nhận đã nhận giấy triệu tập thì vấn đề là đơn giản. Toà án chỉ cần lưu trong hồ sơ cuống giấy triệu tập đương sự. Trường hợp đương sự không nhận giấy triệu tập thì cũng phải có giấy tờ xác nhận sự kiện này. Đây là căn cứ pháp lý bảo đảm tiến hành giải quyết vắng mặt đương sự là đúng luật. Tuy vậy, có những vụ án mà trong hồ sơ thể hiện việc xét xử vắng mặt là có những lý do được quy định trong pháp luật. Điều 202 quy định Tòa án được xét xử vắng mặt trong những trường hợp sau đây:

- Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

- Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa;

- Các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 200, khoản 2 Điều 201 của bộ luật tố tụng dân sự.

Khi xử vắng mặt đương sự, hồ sơ phải có những giấy tờ thể hiện:

- Đương sự đề nghị xử vắng mặt

- Người không phải là nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng.

* Đối với hồ sơ vụ án có vi phạm về thẩm quyền xét xử.

Nếu những vi phạm về các thủ tục tố tụng đã trình bày được thể hiện thông qua các loại giấy tờ có trong hồ sơ vụ án thì đối với những vụ án vi phạm về thẩm quyền được xác định chủ yếu là căn cứ vào loại vụ án được xét xử. Theo quy định của pháp luật tố tụng, có những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, có những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp  huyện. Trong cùng một cấp Toà án thì việc xác định Toà án có thẩm quyền được xác định chủ yếu theo nơi cư trú của bị đơn, hoặc nơi có bất động sản hoặc nguyên đơn và bị đơn có thể thoả thuận về Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi cư trú của nguyên đơn (Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự). Để xác định xem thủ tục giải quyết vụ án có vi phạm về thẩm quyền không, cần căn cứ vào việc xác định nơi cư trú của bị đơn, nơi có bất động sản theo những tình tiết trong vụ án với Toà án đã thu lý vụ án xem có đúng quy định của pháp luật hay không.

* Đối với hồ sơ vụ án xác định không đúng, không đầy đủ người tham gia tố tụng

Vấn đề người tham gia tố tụng trong nhiều vụ án tưởng như rất đơn giản, những trong nhiều trường hợp có thể chỉ vì xác định không đúng tư cách của đương sự mà vụ án không giải quyết được hoặc bị huỷ bỏ các kết quả giải quyết. Tư cách đương sự trong tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động được xác định cụ thể thành nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan, trong đó điều khó khăn nhất là xác định đúng tư cách bị đơn. Thông thường bị đơn được xác định trên cơ sở phải có quan hệ pháp luật về nội dụng với nguyên đơn, nghĩa là phải là người bị nguyên đơn kiện vì bị cho rằng đã xâm hại hoặc tranh chấp quyền lợi với nguyên đơn. Những trong một số trường hợp, bị đơn có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật với nội dung có thể được xác định trên đặc điểm của quan hệ pháp luật nội dung. Chẳng hạn trong vụ giải quyết bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông thì thông thường chủ phương tiện là bị đơn, còn người trực tiếp gây tai nạn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (điều 622, điều 627 Bộ luật dân sự). Hoặc có trường hợp việc xác định tư cách đương sự xuất phát từ sự thừa kế và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng: trường hợp đương sự chết thì người thừa kế của họ sẽ tham gia tố tụng (điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều28 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính)

Trong trường hợp việc xác định tư cách đương sự không được thực hiện theo đúng những nguyên tắc trên thì vụ án bị xác định là có vi phạm về thủ tục tố tụng. Lựa chọn và xây dựng những vụ án này có thành điển hình cũng sẽ giúp cho các thẩm phán tương lai có được bài học lớn để vận dụng vào thực tiễn xét xử sau này.

1.1.2.3. Những vụ án mà việc xác minh không đầy đủ

Việc xác minh không đầy đủ được hiểu là vì không có hành vi xác minh tra hoặc xác minh không đầy đủ dẫn đến bỏ sót những chứng cứ quan trọng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Đây có thể là những chứng cứ do đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp; cũng có thể đó là chứng tứ do Toà án đã thu thập, xác minh thêm. Nhưng cho dù thế nào thì thiếu chứng cứ này, Toà án cũng không thể giải quyết được vụ án, nói chính xác là không thể giải quyết đúng yêu cầu của đương sự.

Hồ sơ những vụ án này thường sơ sài. Lại có trường hợp có thể có nhiều giấy tờ nhưng những giấy tờ tài liệu đó là không liên quan đến yêu cầu cần giải quyết, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án. Trường hợp này, Toà án đã xác minh, thậm chí đã có nhiều hoạt động xác minh nhưng kết quả cần thiết cho việc xét xử lại vẫn thiếu. Ví dụ đương sự kiện đòi lại diện tích đất cho công dân khác mượn sử dụng trong một thời gian dài. Bên bị đơn thừa nhận việc mượn, đồng ý trả với điều kiện là bên nguyên đơn phải đền bù một khoản tiền, coi như đó là công tôn tạo hoặc nếu không thì nguyên đơn có thể bán cho bị đơn với một mức tiền do bị đơn ấn định. Trong vụ án này, Toà án chỉ cần xác định phương thức giải quyết tranh chấp để trả đất như thế nào. Trong thực tế, Toà án rất mất thời gian để xác định có đúng việc mượn đất hay không, tiến hành đo đạc diện tích nhà đất đang sử dụng rồi lập hội đồng giám định giá đối với toàn bộ nhà đất đó, Trong khi chỉ cần tập trung vào diện tích đất bị tranh chấp là đủ. Trong trường hợp này, Toà án có tiến hành xác minh nhưng vẫn bị cho rằng xác minh đã không đầy đủ, thiếu những chứng cứ để giải quyết đúng vụ án.

1.1.2.4. Những vụ án có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ làm cho kết luận của bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Vấn đề đánh giá chứng cứ là vấn đề rất phức tạp, trong nhiều vụ án còn được coi là phức tạp nhất. Thông thường căn cứ để đánh giá chứng cứ là những quy định của pháp luật nội dung. Ví dụ để xác định tính hợp pháp của di chúc cần phải nghiên cứu vào những điều kiện của một di chúc hợp pháp được quy định trong Luật dân sự. Tuy vậy có không ít trường hợp việc đánh giá chứng cứ phải căn cứ vào tập quán hoặc kinh nghiệm, ví dụ tranh chấp quyền sở hữu một con trâu đi lạc, một con lợn nái bị mất do bão lũ….

Do vậy, khi lựa chọn hồ sơ những loại án này, cần hết sức thận trọng và nhất thiết phải có sự thống nhất cao giữa các giảng viên kể cả giảng viên lý thuyết cũng như giảng viên thực hành trong tổ bộ môn.

1.1.2.5. Những vụ án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đây là những vụ án mà Toà án đã giải quyết không đúng quan hệ tranh chấp hoặc xác định đúng quan hệ pháp luật nhưng không áp dụng đúng quan hệ pháp luật. Ví dụ bỏ sót người thừa kế, đưa người không có quyền thừa kế vào diện thừa kế, tính lãi suất và lãi suất chậm trả không đúng theo những quy định của Bộ luật dân sự và những văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

1.1.2.6. Những vụ án xét xử đúng có thể làm mẫu để học tập

Đây là những vụ án mà hồ sơ thể hiện việc giải quyết của Toà án hoàn toàn đúng cả về pháp luật tố tụng cũng như pháp luật nội dung. Tất cả các giấy tờ về thủ tục đều được lập rõ ràng chính xác; từ giấy triệu tập đương sự được thực hiện hợp lệ đến các biên bản ghi lời khai, biên bản hoà giải, các quyến định đều chuẩn về hình thức, về văn phong diễn đạt cũng như về vấn đề….Về nội dung: các quan hệ pháp luật được xác định đúng và áp dụng đúng pháp luật để giải quyết, các quyết định của Toà án là chuẩn xác cả về mặt định hướng và phù hợp với thực tế khách quan của vụ án….

Đây là những vụ án mà hồ sơ được xây dựng thành những điển hình đúng. Hồ sơ những vụ án này được dùng làm mẫu cho toàn bộ hoạt động giải quyết vụ án về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung

1.2. LỰA CHỌN HỒ SƠ VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH THEO LOẠI VIỆC

1.2.1. Trong lĩnh vực hình sự

Các vụ án hình sự về các loại tội phạm khác nhau đã được các Toà án xét xử thì rất nhiều, nhưng chỉ nên lựa chọn một số vụ án trong một số nhóm tội thường gặp mà việc xét xử có nhiều vướng mắc. Các vụ án này được xây dựng thành vụ án điển hành sẽ giúp học viên biết học tập hoặc nên tránh những gì khi giải quyết vụ án và các vụ án này cũng góp phần khắc phục những thiếu sót do pháp luật chưa quy định hoặc quy định không đầy đủ để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với từng trường hợp tương tự. Cần lựa chọn hồ sơ những vụ án sau:

* Loại án về ma tuý

* Loại án về nhóm tội tham nhũng

* Loại án về nhóm tội kinh tế

 * Loại án về nhóm tội xâm phạm sở hữu

 * Loại án về nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ

  1.2.2. Trong lĩnh vực dân sự

  Những vụ án dân sự hiện nay được xét xử tại Toà án rất nhiều. Cùng với những vụ án hình sự thì những vụ án dân sự là những loại án được xét xử nhiều nhất hiện nay. Nếu chọn hồ sơ của tất cả các vụ án dân sự thì rất nhiều. Do vậy chỉ nên lựa chọn hồ sơ một số vụ án thường gặp hoặc việc giải quyết đang có nhiều tranh cãi trong một số lĩnh vực sau đây:

* Loại án về tranh chấp hợp đồng

* Loại án về thừa kế

* Loại án về quyền sử dụng đất

* Loại án về nhà ở

* Loại án về hôn nhân và gia đình

1.2.3. Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại

* Loại án về hoạt động của công ty, doanh  nghiệp

* Loại án về tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế

* Loại án về tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại

* Loại án về tranh chấp hợp đồng xây dựng

1.2.4. Trong lĩnh vực lao động

* Loại án về tranh chấp lao động về việc làm, tiền lương

* Loại án về sa thải

* Loại án về bồi thường thiệt hại cho người lao động.

1.2.5. Trong lĩnh vực Hành chính

* Loại án Hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng

* Loại án Hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế

* Loại án Hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

1.3. LỰA CHỌN VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH THEO CẤP XÉT XỬ.

  Hiện nay, Toà án Việt Nam tiến hành xét xử theo hai cấp xét xử. Tất cả các bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể bị xét lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ những bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm do Toà án nhân dân tối cao tiến hành. Ngoài ra còn có một thủ tục đặc biệt nhằm xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc lựa chọn hồ sơ theo cấp xét xử, một mặt sẽ giúp cho học viên nắm được quy trình xây dựng hồ sơ xét xử ở từng cấp xét xử, một mặt có thể giúp học viên xác định được những thiếu sót mà ở từng cấp xét xử hay mắc phải. Đặc biệt qua hồ sơ án phúc thẩm và hồ sơ giám đốc thẩm, có thể xác định được những sai lầm mà Toà án cấp sơ thẩm hay mắc phải. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các học viên lớp đào tạo nguồn thẩm phán. Do vậy, việc lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình cũng cần tiến hành theo cấp xét xử:

(1) Chọn hồ sơ vụ án do Toà án cấp sơ thẩm xét xử.

(2) Chọn hồ sơ vụ án do Toà án cấp phúc thẩm xét xử

(3) Chọn hồ sơ những vụ án đã Giám đốc thẩm, Tái thẩm.

2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

2.1 Công việc cần tiến hành để lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình

Việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình do những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử và giảng dạy đảm nhiệm. Lựa chọn và xây dựng hồ sơ mỗi một loại vụ án (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) sẽ được giao cho từng tổ bộ môn đảm nhận. Để công việc này được tiến hành thống nhất giữa các tổ bộ môn, ban chủ nhiệm đề tài họp với các giáo viên nòng cốt trong các tổ để thống nhất các tiêu chí các vụ án điển hình. Các tổ giáo viên tiến hành họp để thống nhất lựa chọn những hồ sơ nào và phân công người thực hiện. Để có những vụ án thật điển hình, Ban giám đốc nhà trường làm việc với các đồng chí Chánh án các Toà án tạo mọi điều kiện thuận lợi và cho phép các đồng chí giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án đã xét xử để lựa chọn hồ sơ những vụ án điển hình, đảm bảo các tiêu chí của nó. Căn cứ vào công việc được phân công, quy trình xây dựng vụ án đã thống nhất, các giáo viên nghiên cứu, lựa chọn hồ sơ vụ án và biên tập xây dựng các vụ án điển hình.

Có thể tóm tắt các bước của công việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ vụ án điển hình như sau:

Bước 1: Họp tổ giáo viên thống nhất các tiêu chí vụ án điển hình.

Bước 2: Phân công giáo viên lựa chọn vụ án theo loại việc và theo cấp xét xử.

Bước 3: Làm việc với Toà án để nghiên cứu các vụ án đã có hiệu lực pháp luật, chọn ra những vụ án điển hình.

Bước 4: Giáo viên trực tiếp nghiên cứu các vụ án để lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình.

2.2. BIÊN TẬP HỒ SƠ VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

Sau khi đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ các vụ án được lựa chọn làm vụ án điển hình, các giáo viên tiến hành việc xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Quá trình này bao gồm những công việc sau đây:

2.2.1. Tóm tắt nội dung vụ án đã lựa chọn.

Trên cơ sở hồ sơ của vụ án đã lựa chọn để làm vụ án điển hình, sau khi nghiên cứu thật kỹ, giáo viên sẽ viết tóm tắt lại toàn bộ nội dung vụ án. Khi tóm tắt, không chép lại các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ, mà chỉ trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu này tóm tắt những diễn biến quan trọng nhất để có thể xác định nội dung cơ bản của vụ án. Ví dụ trong vụ án dân sự, từ việc nghiên cứu đơn khởi kiện, những giấy tờ, tài liệu do đương sự cung cấp, những tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập thêm, cũng như  toàn bộ diễn biến tại phiên toà, giáo viên sẽ viết toàn bộ nội dung vụ án. Việc tóm tắt vụ án phải đảm bảo tính khái quát, khách quan, trung thực. Bởi đây sẽ là căn cứ thực tế để sau này, tuỳ thuộc vào cách giải quyết thực tế của Toà án để giải quyết vụ án mà xây dựng hồ sơ vụ án điển hình đúng hay điển hình sai. Nói cách khác, để có thể bình luận về cách giải quyết vụ án của Toà án là đúng hay sai, chỉ có thể căn cứ vào diễn biến, nội dung của vụ án để đánh giá.

2.2.2 Ghi toàn bộ bản án hoặc quyết định về việc giải quyết vụ án của Toà án.

  Ngoài việc tóm tắt nội dung vụ án, để có thể có đủ căn cứ đánh giá sự đúng sai trong cách giải quyết của Toà án, cần  phải biết vụ án đó đã được Toà án giải quyết thế nào. Cách giải quyết này thường được thể hiện ở bản án. Do vậy, khi biên tập hồ sơ vụ án điển hình, người làm công tác biên tập phải ghi lại toàn bộ bản án. Công việc này có thể được phép sao y bản chính (photo). Trường hợp bản án gốc bị mờ thì có thể cho đánh máy lại những phải bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, bởi nhiều khi, chỉ cần diễn đạt khác một chút là vấn đề cần giải quyết lại có thể là một cách hoàn toàn khác.

  Đối với những vụ án mà việc giải quyết không phải bằng một bản án mà bằng một quyết định , thì quyết định kết thúc vụ án cũng phải được sao chép lại toàn bộ. Đối với vụ án hình sự thì ghi lại toàn bộ bản kết luận điều tra và cáo trạng.

  Căn cứ vào bản án hoặc quyết định này, trên cơ sở nội dụng của vụ án đã được tóm tắt, người biên tập đưa ra những đánh giá, kết luận việc giải quyết vụ án cả về phương diện nội dung và trên phương diện tố tụng.

2.2.3. Nhận xét về cái đúng, cái sai có tính chất điển hình của vụ án.

  Đây là phần việc quan trọng nhất trong quy trình biên tập hồ sơ vụ án điển hình. Người biên tập trên cơ sở tóm tắt nội dung vụ án và kết luận giải quyết của Toà án thông qua bản án hoặc một quyết định, phải nêu được những nhận xét của mình về cách giải quyết của Toà án. Xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng hồ sơ điển hình, người biên tập phải nhận xét một cách trực tiếp về sự đúng hoặc sai trong giải quyết vụ án của Toà án. Việc cho rằng cách giải quyết của Toà án là đúng hay sai đều phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Cụ thể là trên cơ sở tiêu chí và những nội dung đã thống nhất trong quá trình lựa chọn hồ sơ vụ án điển hình. Do vậy nhận xét việc giải quyết đúng sai không chỉ đơn thuần là đúng hay sai do áp dụng pháp luật nội dung mà còn phải nhận xét cả sự đúng sai về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết vụ án của Toà án.

2.2.4. Kết luận rút ra sau khi nhận xét, bình luận.

  Từ nhận xét về sự đúng sai trong cách giải quyết của Toà án, người biên tập phải đưa ra những kết luận cụ thể: đối với những vụ án được giải quyết đúng thì cần kết luận về tính mẫu mực của hồ sơ vụ án này, theo đó các học viên có thể sử dụng làm mẫu cho việc giải quyết những vụ án tương tự cả về nội dung cũng như thủ tục. Tất nhiên hồ sơ mẫu ở đây phải được hiểu là làm mẫu về cách làm, về quy trình chứ không phải coi hồ sơ mẫu là căn cứ xét xử. Việt Nam là nước xét xử không căn cứ vào án lệ mà căn cứ vào pháp luật.

  Đối với những vụ án có những sai sót, người biên tập cũng phải chỉ rõ từng điểm sai về thủ tục hay áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra kết luận cần phải giải quyết như thế nào để khi gặp vụ án tương tự, học viên tránh được những sai sót như vậy, và phải giải quyết như cách làm đúng.

  Đối với hồ sơ những vụ án mà cách giải quyết còn gây nhiều tranh cãi, người biên tập cũng phải đưa ra kết luận về phương hướng cách xử lý tình huống này" nên thừa nhận những thực tiễn mà nhiều người công nhận hay cần phải xin ý kiến hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2.3 SẮP XẾP HỒ SƠ, ĐÓNG QUYỂN ĐỂ LÀM TÀI LIỆU GIẢNG DẠY HỌC TẬP

  Đây là công đoạn cuối cùng trong quy trình xây dựng hồ sơ vụ án điển hình. Trên cơ sở các giấy tờ là kết quả của quá trình biên tập, bao gồm tóm tắt nội dung vụ án, bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án và những tài liệu cần thiết khác, những nhận xét, kết luận của mình, người biên tập thực hiện tiếp các công việc sau đây:

2.3.1. Sắp xếp hồ sơ, theo thứ tự các giấy tờ

- Tóm tắt nội dung vụ án;

- Các tài liệu cần thiết của vụ án, bản án, quyết định hoặc giấy tờ cần thiết khác;

- Nhận xét và bình luận của người biên tập.

2.3.2. Đóng quyển

          3. GIÁ TRỊ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, PHÂN LOẠI CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

3.1. GIÁ TRỊ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH:

3.1.1. Vụ án điển hình

Trong các nước theo hệ thống luật pháp[82], án lệ được xem là một nguồn luật và được thẩm phán dùng làm căn cứ áp dụng trong quá trình xét xử các vụ án. Trong một số nước theo hệ thống luật dân sự[83], mặc dù án lệ không phải là một nguồn luật nhưng trong nhiều trường hợp cũng được thẩm phán tham khảo (nhưng không dùng làm căn cứ áp dụng) trong quá trình xét xử các vụ án. Việt Nam không nằm trong hệ thống các nước theo thông pháp cũng không phải là nước theo hệ thống luật dân sự. Hệ thống pháp luật của Việt nam trước đây chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là của Liên – Xô cũ. Sau khi Liên – Xô tan rã, cùng với việc cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường có điều tiết thì hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những thay đổi phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, pháp luật Việt Nam hiện đại có nhiều thiên hướng theo hệ thống pháp luật dân sự. Ở Việt Nam hệ thống pháp luật được xây dựng thành văn, trong đó Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm nền tảng trên cơ sở đó xây dựng các đạo luật để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội khác nhau phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Hoạt động xét xử của toà án nhân dân lấy pháp luật làm nền tảng, thẩm phán và hội thẩm khi xét xử độc lập, ngang quyền nhau và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy vậy, Toà án nhân dân tối cao, thông qua hoạt động xét xử của mình và của các toà án nhân dân địa phương, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm và ra các hướng dẫn giúp các toà án nhân dân trong toàn quốc thực hiện việc xét xử thống nhất, đúng pháp luật, công bằng và khách quan. Từ nhiều năm nay, Toà án nhân dân tối cao đều có báo cáo tổng kết hàng năm và các văn bản hướng dẫn, trong đó nhiều vụ án điển hình được nghiên cứu, mổ xẻ và phân tích trên cơ sở đó đề ra các quan điểm và đường lối xử lý thích hợp cho các vụ án tương tự. Chúng ta không thừa nhận án lệ và không xây dựng án lệ thành các nguồn luật như ở các nước theo hệ thống thông pháp; chúng ta cũng không xây dựng án lệ để dùng làm tài liệu tham khảo cho thẩm phán trong hoạt động xét xử như ở một số nước theo hệ thống luật dân sự. Thuật ngữ “án lệ” không tồn tại ở Việt Nam theo cách hiểu của các nhà làm luật Anh – Mỹ. Tuy vậy, “án lệ” tồn tại ở Việt nam dưới dạng các vụ án điển hình được phân tích, nghiên cứu trong báo cáo tổng kết hàng năm của Toà án nhân dân tối cao. Như vậy có thể hiểu chủ trương dùng các vụ án điển hình, trên cơ sở tổng kết thực tiễn để làm rõ thêm những vấn đề mà pháp luật không chuyển tải đến một cách thống nhất cho người áp dụng pháp luật và thực hiện pháp luật. Tất nhiên cần hiểu rằng không phải tất cả mọi vụ án đều được coi là điển hình nhưng cũng không nên hiểu rằng vụ án điển hình là một cái gì đó phức tạp hoặc trừu tượng. Vụ án điển hình trước hết phải là những vụ án thường gặp nhưng trong giải quyết có nhiều vướng mắc mà bản thân các quy định của pháp luật không bao trùm hết được. Vụ án được chọn trong số các loại án thường gặp nhưng đã được một toà án nào đó xét xử phù hợp với thực tế khách quan, bảo đảm được pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân do trong quá trình xét xử thẩm phán và Hội đồng xét xử đã biết vận dụng đúng pháp luật, hiểu đúng pháp luật vì vậy bản án được tuyên giải quyết được những vấn đề mấu chốt mà các bản án cùng loại không giải quyết được. Thực ra, án lệ trong hệ thống các nước thông pháp thay thế chức năng của các điều luật hoặc các quy định pháp luật và vì thế nó là một nguồn luật được thẩm phán dùng làm căn cứ khi xét xử các vụ án cùng loại.

Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, vì vậy, khi xét xử, thẩm phán dùng các quy định của pháp luật làm căn cứ để tuyên án. Tuy vậy, nhà lập pháp không thể nào đặt ra các điều luật một cách thật chi tiết để bao hàm hết tất cả các quan hệ trong xã hội. Đó là lý do dẫn đến có nhiều trường hợp không được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, có thể cùng một quy định của pháp luật nhưng được hiểu khác nhau, được nhìn nhận khác nhau, vì thế được áp dụng khác nhau trong các trường hợp gần như giống nhau. Vụ án điển hình trước hết nêu lên được những tình tiết điển hình thường gặp trong một loại án nhất định. Vụ án điển hình sau khi được phân tích, hướng dẫn giúp những thẩm phán hiểu được những điểm chi tiết bổ sung cho những thiếu sót của pháp luật mà khi xây dựng pháp luật nhà lập pháp chưa nghĩ ra. Vụ án điển hình sau khi có sự can thiệp, có sự gọt rũa, có sự điều chỉnh, có sự hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao đã khắc phục được những thiếu sót mà khi xét xử các vụ án tương tự thẩm phán thường hay gặp.

Vụ án điển hình cần đáp ứng các đặc trưng sau đây:

·  Là vụ án được tổng kết từ các vụ án hay thường xẩy ra, đã được nhiều toà án xét xử ở nhiều thời gian khác nhau.

·  Là vụ án được tổng kết từ các vụ án mà việc áp dụng pháp luật có nhiều điểm chưa thống nhất có thể do pháp luật nội dung quy định chưa rõ, còn thiếu, điều văn khó hiểu, dễ bị hiểu khác nhau, do đó, bản án tuyên ra có thể khác nhau và gây nhiều tranh cãi;

·  Là văn bản đã được một Toà án xét xử và đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị, so với các vụ án cùng loại thì việc áp dụng pháp luật có nhiều ưu điểm, bổ sung được những quan điểm mà việc trước đó dẽ bị hiểu nhầm, hiểu sai, khó hiểu; đưa ra được cách lý giải hợp lý, hợp tình; bổ sung cách hiểu đúng cho những thiếu sót mà nhà lập pháp chưa nói đến trong văn bản pháp luật áp dụng, do đó, bản án tuyên ra có sực thuyết phục, hợp lý, hợp tình, dễ thi hành.

·  Là vụ án đã được xây dựng lại trên cơ sở điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao, các tình tiết vụ án bao hàm nhiều vấn đề bức xúc, phức tạp của đời sống xã hội; việc áp dụng pháp luật đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết mới bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh.

·  Là vụ án có thể dùng cho thẩm phản và những đối tượng khác tham khảo trong quá trình tố tụng hay hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Như vậy, vụ án điển hình là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các toà án nhân dân nhưng được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh cà có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiến nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất trong các trường hợp tương tự.

3.1.2. Mục đích của việc xây dựng vụ án điển hình

  Thực tiễn xét xử ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, trong nhiều trường hợp pháp luật không điều chỉnh được các quan hệ xã hội pháp sinh do quá trình làm luật đã không dự báo trước được hoặc điều văn của luật không bao hàm hết được các tình tiết cần giải quyết của vụ án. Trong lúc này, thẩm phán trong quá trình xét xử lại không được phép giải thích luật hoặc ra một bản án, quyết định không  dựa trên các căn cứ pháp luật. Vì vậy, ở các nước theo hệ thống pháp thẩm phán chỉ cần căn cứ vào các án lệ để xem xét và giải quyết trường hợp thực tế mà toà đang thụ lý. Tại các nước theo hệ thống luật dân sự thì mặc dù án lệ không được xem là một nguồn luật nhưng thẩm phán có quyền tham khảo các án lệ khi xét xử. Ngoài ra, trong các bộ luật ngoài các điều văn của luật thông thường có các án lệ liên quan được in kèm để tiện cho việc tham khảo khi xét xử. ở nước ta việc xây dựng các án lệ bước đầu chỉ đặt trên mục đích phục vụ cho việc giảng hạy, học tập và nghiên cứu, từng bước sẽ dùng làm tài liệu cho thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Việc phổ biến vụ án điển hình cho các đối tượng rộng rãi quần chúng nhân dân cũng sẽ được nghiên cứu để triển khai khi có điều kiện thuận lợi. Hiện nay việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống đang được thực hiện ngày càng rộng rãi trong các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tư pháp. Các hồ sơ tình huống được tập hợp trên cơ sở các vụ án thực tế đã và đang trở thành những tài liệu quý báu trong đào tạo. Tuy vậy, các bộ hồ sơ này chưa được biên tập lại một cách công phu, nhiều hồ sơ còn bộc lộ cả những sai sót về thủ tục tố tụng cũng như về nội dung. Nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng các bộ hồ sơ này để làm tình huống trong đào tạo nhằm giúp cho các học viên nắm được những cái chuẩn và chưa chuẩn của hồ sơ thì được. Nhưng nếu sử dụng hồ sơ cho một đối tượng rộng hơn và với một mục đích không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho học viên các tình huống thực tiễn mà còn giúp họ có được một phương pháp giải quyết vụ án, áp dụng pháp luật đúng trong những trường hợp khó; trang bị cả về những kỹ năng về soạn thảo các văn bản tố tụng thì hồ sơ tình huống chưa đáp ứng được. Nếu tập hợp được những vụ án điển hình, biên tập lại theo các thuộc tính như đã nêu ở trên và hệ thống lại thành lập theo từng chủ đề riêng thì chắc chắn hiệu quả sử dụng các tập hệ hoá hoá các vụ án điển hình này trong đào tạo còn cao hơn rất nhiều.

  Ngoài ra, cũng cần đặt mục tiêu ngày từ bây giờ là tập hệ thống hoá các vụ án điển hình còn dùng làm tài liệu tham khảo cho thẩm phán. luật sư và các chức danh tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Mục tiêu này từng bước sẽ được thực hiện hằng năm bởi một nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp của Bộ Tư pháp có phối hợp với TANDTC và các TAND địa phương. Có thể xuất bản định kỳ Tập Hệ thống hoá các vụ án điển hình hàng năm vào đầu quý I năm sau theo nhu cầu của các Toà án và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Công nghệ thông tin đang có những  bước tiến vượt bậc. Việc áp dụng các thành quả của công nghệ thông tin vào tất cả các mặt của đời sống xã hội đang được tiến hành ở nhiều ngành khác nhau. Ngành Tư pháp cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Do đó, việc xây dựng các Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình là những công việc đầu tiên để tiến hành các công việc mang tính chiến lược lâu dài; phổ biến các Tập Hệ thống hoá các vụ án điển hình này lên một mạng nội bộ để giúp những người có nhu cầu khai thác một cách có hiệu quả.

3.1.3. Giá trị lý luận và thực tiến của vụ án điển hình

3.1.3.1 Những đối tượng có thể khai thác giá trị vụ án điển hình

·  Đối tượng nghiên cứu

·  Những người làm công tác giảng dạy và học tập pháp luật

·  Những người làm công tác thực tiễn pháp luật

·  Các đối tượng có quan tâm

3.1.3.2. Giá trị lý luận của vụ án điển hình

  - Sử dụng Tập hệ thống hoá các vụ án điển hình để làm tài liệu học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật, nhất là trong các cơ sở đào tạo nghề thuộc ngành chuyên môn đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.

  - Tổng kết hoạt động thực tiễn để qua đó rút ra được những bài học bổ ích cho hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật nói riêng và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống pháp luật nói chung.

3.1.3.3. Giá trị thực tiễn của vụ án điển hình

  - Làm tài liệu tham khảo cho những người làm công tác thực tiễn như luật sư, thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên….

  - Tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân có thể tiếp cận được với hoạt động xét xử của TAND, trên cơ sở đó hiểu rõ hơn hoạt động này nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và duy trì sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối cơ quan tư pháp.

3.2. TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, PHÂN LOẠI CÁC VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

3.2.1. Tiêu chí xây dựng vụ án điển hình

Như trên đã nêu, vụ án điển hình là vụ án được xây dựng lại trên cơ sở một vụ án thực tế được rút ra từ loại án thường gặp trong hoạt động xét xử của các toà án nhân dân những được điển hình hoá các sự kiện để đáp ứng được tính khái quát cao trong đó việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã được chuẩn hoá trên cơ sở có tính đến các tình tiết bổ sung mà trong thực tế khi xét xử vụ án đó chưa phát sinh và có tính đến việc hoàn thiện pháp luật đối với việc xử lý các tình tiết tương tự trong thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho việc hiểu đúng, áp dụng đúng và áp dụng thống nhất pháp luật trong các trường hợp tương tự. Từ khái niệm cơ bản này có thể xây dựng các tiêu chí để đánh giá một vụ án điển hình như sau:

·  Về nội dung, các tình tiết của vụ án điển hình mang tính khái quát cao.

·  Về mặt áp dụng pháp luật, vụ án điển hình phải đảm bảo các yêu cầu như các chứng cứ phải đầy đủ, có sức thuyết phục, bản án tuyên ra có căn cứ, có sức thuyết phục, có khả năng thi hành trong thực tế.

·  Về mặt thủ tục: Vụ án điển hình phải bảo đảm tuân thủ trình tự tố tụng do luật định, không vi phạm thủ tục tố tụng.

·  Về mặt hiệu quả: Phải góp phần khắc phục được những thiếu sót do nhận thức không đúng hoặc chưa đúng về pháp luật nội dung và tố tụng áp dụng hoặc làm căn cứ khi giải quyết các vụ án cùng loại.

  3.2.2. Tiêu chí phân loại vụ án điển hình

  Vụ án điển hình có thể được phân loại theo các tiêu chí sau đây:

  * Phân loại theo ngành luật về nội dung: án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính;

  * Phân loại theo tính chất quan trọng xuất phát từ quá trình xét xử các loại án; án về ma tuý, án về mại dâm, tranh chấp đất đai, thừa kế, đình công….

  * Phân loại theo các loại án mà thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do cách hiểu không thống nhất hoặc có nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ….

  3.3 CƠ CẤU MỘT VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH

  * Phần tóm tắt các tình tiết của vụ án

  * Toàn văn bản án

  * Bình luận:

-               Những vấn đề cần lưu ý

-               Các chứng cứ

-               Pháp luật áp dụng



[1] Tiếng latin có nghĩa là “tuân thủ những vụ án đã được giải quyết” (“ to abide by, to adhere to, decided cases” – xem Black Law Dictionary West Group 6 Edition.

[2] Xem Black’s Law dictionary 1176 (6 th ed.1990)

 

[3] Xem AndrÐ Pouille, Le Pouvoir Judiciare et Les Tribnaux 11, 20 (1984)

[4] Tạm gọi là “án lệ” để tiện so sánh, chứ thực chất ở các nước theo hệ thống pháp luật dân sự thì không có khái niệm án lệ như đối với các nước theo hệ Common Law.

 

[5] Barry Nhicholas, French law of contract 14-16 (1982)

 

[6] Henri et Leon Mazeaud, Jean Mazeaud & Francois Chabas, Leons de droit civil 102, 133 (Francois Chabas 9th ed. 1989).

 

[7] Xem FRITZ, einfuhrung in das deutsche recht, bibliography  of german law in english and german: a selection 12, 14 (Courtland H. Peterson trans. 1964)

[8] La doctrina legal khác khái niệm legal doctrin (tiếng Anh ) hoặc la doctrine (tiếng Pháp) ở chỗ legal doctrin hay la doctrine hàm chỉ các học thuyết về pháp lý do những học giả đưa ra, còn khái niệm la doctrina legal mà Tây Ban Nha sử dụng là chỉ đến những phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được thừa nhận để có thể làm án lệ áp dụng cho các vụ án tương tự mà ở Pháp gọi là la jurisprudence.

[9] Thẩm quyền xét xử ở Toà án tối cao Tây Ban Nha và ở Cour de Cassation của Pháp khác nhau ở chỗ: Cour de Cassation chỉ có thể huỷ án phúc thẩm và giao vụ án cho một Toà phúc thẩm khác xét xử lại chứ không có quyền xử thẳng, trong khi Toà án tối cao của Tây Ban Nha có thẩm quyền đưa ra phán quyết cuối cùng mà không cần đưa vụ án về Toà án cấp dưới để xử lại. La doctrina legal ở đây là hàm ý những căn cứ pháp lý của những quyết định giám đốc thẩm “xử thẳng” của Toà án tối cao Tây Ban Nha.

[10] Xem L. Neville Brown, The Sources of Spanish Civil Law, 5 International and Comparative Law Quarterly 364, 366-69 (1956)

 

[11] Tương tự như la jurisprudence của Pháp hoặc le doctrina legal của Tây Ban Nha, khái niệm jurisprudencia của Mexico có thể tạm gọi là án lệ để dễ so sánh.

 

[12] Xem Richard D. Baker, Judicial Review in Mexico: A study of the Amparo Suit 252-54, 259-60, 263 (1971)

 

[13] Phần  này được trích dẫn từ nguồn: takeyoshi kawashima,  the concept of judicial precedent in japanese law, in 1 ius privatum gentium: festshcherift fur max rheinstein zum 70. Geburstag am 5. Juli 1969, at 85, 87-88, 91-95, 98-99 (Ernst von Caemmerer, Socia Mentschikoff & Konrad Zweigert eds. 1969)

 

[14] Xem Wu “Về vai trò của án lệ trong kết cấu của hệ thống pháp luật Trung Hoa”- Tạp chí Luật học, số 26,1986

[15] Xem Gazette No2/1986, 3, 9, 10 pp.

[16] Xem Gazette No2/1988, 3,11 pp.

 

[17] Xem thêm về Toà án Công lý quốc tế và về phạm vi áp dụng của các phán quyết của Toà án công lý tại trang Web:  http://www.icj-cij.org/icjwww/igeneralinformation/ibbook/Bbookframepage.htm

 

[18] Xem Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng;Nxb Chính trị quốc gia , tr.131

[19] Đây là một trong những điểm được Đảng định ra trong thời gian tới đối với Toà án nhân dân tối cao. Báo cáo chính trị nêu rõ trong thời gian tới Toà án nhân dân tối cao sẽ tập trung làm nhiệm vụ tổng kết công tác thực tiễn xét xử, hướng dẫn các Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật... Xem Báo cáo nêu trên,  tr. 28

 

[20] Xem William Burnham, Introduction to the Law and Legal System of the United States, West Publishing, St. Paul, Minn. 1995, tr. 39

 

[21] Xem Burnham, sách đã dẫn, tr. 41.

 

[22] Stare decisis tiếng latin có nghĩa là “tuân thủ những vụ án đã được giải quyết” (“ to abide by, to adhere to, decided cases” – xem Black Law Dictionary West Group 6 Edition; tr. 978;) hoặc là “phải dựa trên những việc đã quyết” (“to stand by decided matters-xem Online Dictionary of the Social Sciences trên trang http://datadump.icaap.org/cgi-bin/glossary/socialDict/SocialDiction?term=stare%20decisis

 

[23] Năm 1170 Richard Fitz-Nigel viết rằng :”Có những vụ án mà do tính chất của nó mơ hồ hoặc cơ sở để đưa ra phán quyết không rõ ràng thì chỉ cần trích dẫn những phán quyết trước đây là đủ”-xem Richard Firz-Nigel, Dialogus de Scaccario, do Henry J. Abraham trích dẫn trong cuốn “The Judicial Process”, 6 Ed. 9 (Oxford U. Press 1993)

 

[24] Xem JOHN P. DAWSON, THE ORACLES OF THE LAW, U. of Michigan Law School 1968, trang 368-371

 

[25] Xem các phần sau nói về ảnh hưởng của tư tưởng tam quyền phân lập của cuộc cách mạng Pháp đối với sự hình thành và phát triển của truyền thống dân luật, tại phần III của bài viết này.

 

[26] Xem JOHN H. MERRYMAN, THE CIVIL LAW TRADITION, 2D ED. Tr 15-16 (Standford U. 1985)

 

[27] Xem Black’s Law dictionary 1176 (6 th ed.1990)

[28] Xem “ Sử dụng và lạm dụng án lệ” (1988)4 Aust Bar Rev 93 at 103

[29] Xem (1990) 96 ALR 1 at 21-2:

 

[30] Ví dụ như ở Hoa Kỳ không có  văn bản pháp luật thành văn nào quy định quyền nạo thai của phụ nữ nhưng án lệ của Toà án tối cao khẳng định rằng việc cấm nạo thai là vi phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp quy định, từ đó tất cả mọi người đều thừa nhận việc nạo thai là hợp pháp.

 

[32] Xem Bài giảng của Giáo sư David Barker được đăng tải trên trang web. http://www.law.uts.edu.au/~davidb/bl7.html

 

[33] Toà án tối cao Australia có vai trò rất quan trọng trong vấn đề giải thích hiến pháp, do đó có khá nhiều vụ án được xem xét lại tại Toà án tối cao đều liên quan đến giải thích hiến pháp mà chức năng này nhiều khi được coi là chức năng lập pháp.

 

[34]  Xem vụ McCOLL kiện BRIGHT năm 1939

 

[35]  Ví dụ như vụ Waghorn kiện Waghorn năm 1942

 

 

[37] Xem The American Courts trên trang http://www.gleim.com/buslaw/LCE-CH02.html

 

[38] Xem HAROLD J. SPAETH and JEFFREY, MAJORITY RULE OR MINORITY WILL: ADHERENCE TO THE PRECEDENCE ON THE U.S. SUPREME COURT, và Roy B. Flemming nhận xét về cuốn sách đó tại trang web http://www.wlu.ca/~wwwpress/jrls/cjps/issues/33.2/fleming.html

 

[39] Xem AndrÐ Pouille, Le Pouvoir Judiciare et Les Tribnaux 11, 20 (1984)

 

[40] Điều 5 BLDS quy định rằng các Thẩm phán khi giải quyết vụ án không được phép đưa ra những quy định mang tính hướng dẫn chung.

 

[41] Theo thuyết tam quyền phân lập của Montesquye thì Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải hoàn toàn độc lập; vì vậy nếu Toà án ra những phán thuyết mang tính áp dụng chung có nghĩa Toà án đã thực hiện chức

năng lập pháp.

 

[42] Tạm gọi là “án lệ” để tiện so sánh, chứ thực chất ở các nước theo hệ thống pháp luật dân sự thì không có khái niệm án lệ như đối với các nước theo hệ Common Law.

 

[43] Cơ sở pháp lý của phán quyết là điều luật cụ thể áp dụng cho tình tiết của vụ án.

 

[44] barry nhicholas, french law of contract 14-16 (1982)

 

[45] Henri et Leon Mazeaud, Jean Mazeaud & Francois Chabas, Leons de droit civil 102, 133 (Francois Chabas 9th ed. 1989).

 

[46] Xem FRITZ, einfuhrung in das deutsche recht, bibliography  of german law in english and german: a selection 12, 14 (Courtland H. Peterson trans. 1964)

 

[47] Khoản 3 Điều 20 Luật Cơ bản (Hiến pháp) Đức quy định Thẩm phán có nghĩa vụ xét xử vụ án theo quy định của pháp luật (statute and law)

 

[48] Toà Hiến pháp Liên bang có quyền quyết định văn bản pháp luật hoặc những quy định pháp luật cụ thể nào đó là trái với Hiến pháp hoặc văn bản pháp luật của bang nào đó là trái với luật pháp liên bang, và tuyên bố văn bản pháp luật hoặc quy định pháp luật đó là vô hiệu.

 

[49] Tương tự như ở Việt Nam, trong Toà án tối cao có các Toà như Toà hình sự, Toà Dân sự v.v...

 

[50] Có thể ví Great Senate tương tự như Uỷ ban Thẩm pháp Toà án nhân dân tối cao của Việt Nam.

 

[51] jus commune là một bộ phận cấu thành Luật La  mã, bao gồm tập quán và tục lệ áp dụng được cộng đồng thừa nhận.

 

[52] Điều 1 Bộ luật Dân sự  Tây Ban Nha quy định các nguồn luật bao gồm: 1. Các đạo luật thành văn (leyes); 2. Tập quán; 3. Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật (principios generales del derecho).

 

[53] La doctrina legal khác khái niệm legal doctrin (tiếng Anh ) hoặc la doctrine (tiếng Pháp) ở chỗ legal doctrin hay la doctrine hàm chỉ các học thuyết về pháp lý do những học giả đưa ra, còn khái niệm la doctrina legal mà Tây Ban Nha sử dụng là chỉ đến những phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được thừa nhận để có thể làm án lệ áp dụng cho các vụ án tương tự mà ở Pháp gọi là la jurisprudence.

 

[54] Thẩm quyền xét xử ở Toà án tối cao Tây Ban Nha và ở Cour de Cassation của Pháp khác nhau ở chỗ: Cour de Cassation chỉ có thể huỷ án phúc thẩm và giao vụ án cho một Toà phúc thẩm khác xét xử lại chứ không có quyền xử thẳng, trong khi Toà án tối cao của Tây Ban Nha có thẩm quyền đưa ra phán quyết cuối cùng mà không cần đưa vụ án về Toà án cấp dưới để xử lại (giống như thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao của ta). La doctrina legal ở đây là hàm ý những căn cứ pháp lý của những quyết định giám đốc thẩm “xử thẳng” của Toà án tối cao Tây Ban Nha.

 

[55] Xem L. Neville Brown, The Sources of Spanish Civil Law, 5 International and Comparative Law Quarterly 364, 366-69 (1956)

 

[56] Xem woofin l. butte, stare decisis, doctrine, and jurisprudence in mexico and elsewhere, in the role of judicial decisions & doctrine in civil law & in mixed jurisdiction 311, 323-28 (Joseph Dainow ed. 1974)

 

[57] Tương tự như la jurisprudence của Pháp hoặc le doctrina legal của Tây Ban Nha, khái niệm jurisprudencia của Mexico có thể tạm gọi là án lệ để dễ so sánh.

 

[58] Xem Richard D. Baker, Judicial Review in Mexico: A study of the Amparo Suit 252-54, 259-60, 263 (1971)

 

[59] Năm 1944 Toà án tối cao Mexico tuyên bố một số quy định của Đạo luật về Hành nghề là trái với một số nguyên tắc của Hiến pháp nhưng trên thực tế những quy định đó vẫn được thi hành bởi cơ quan hành pháp.

 

[60] Ví dụ trong một bản án của Toà án tối cao Mexico đã nhận định: “án lệ (jurisprudencia) đã quy định rằng việc xét xử không thể gây phương hại đến lợi ích của người thứ ba nếu họ chưa được tham gia tố tụng một cách đầy đủ” và quyết định vụ án dưạ trên nhận định này chứ không phải là điều luật cụ thể.

 

[61] Một trong những lý do việc Toà án đã trích dẫn án lệ trong bản án, quyết định và lấy đó làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án ngày càng tăng, đặc biệt là từ những năm 60 là vào những năm đầu 1960 Toà án tối cao Mexico đã đăng tải toàn bộ các bản án, quyết định của Toà án tối cao ở phiên toàn thể và của các Toà trong Toà án tối cao. Do đó luật sư và đương sự, thậm chí ngay cả các Thẩm phán có điều kiện hơn tiếp cận đến các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp lụât và dẫn chiếu cho vụ án cụ thể đang giải quyết. Xem WOODFIN, sách đã dẫn tại chú thích số 40.

 

[62] Xem Điều 10 Luật về Toà án năm 1947.

 

[63] Xem Điều 5 Nghị định Thi hành Luật về Toà án.

 

[64] Phần  này được trích dẫn từ nguồn: takeyoshi kawashima,  the concept of judicial precedent in japanese law, in 1 ius privatum gentium: festshcherift fur max rheinstein zum 70. Geburstag am 5. Juli 1969, at 85, 87-88, 91-95, 98-99 (Ernst von Caemmerer, Socia Mentschikoff & Konrad Zweigert eds. 1969)

 

[65] Xem – Wu “Về vai trò của án lệ trong kết cấu của hệ thống pháp luật Trung Hoa”- Tạp chí Luật học, số 26,1986

[66] Một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã đặt vấn đề là việc biên tập lại có thể sẽ làm sai đi bản án, nên chăng là giữ nguyên bản án mà thêm vào đó phần bình luận thể hiện quan điểm của Ban biên tập hay của Toà án NDTC về mô hình mẫu cần hướng các toà án cấp dưới theo. Tuy nhiên, rất hiếm khi Ban biên tập có lời bình luận kiểu này.

 

[67] Xem S. Finder- Toà án tối cao cña CHND Trung Hoa- Chinese L,145,216,1993.

[68] Xem Fagui Xuanbian- Tập hợp Luật và văn bản hướng dẫn, 676,698 (1983)

[69] Xem Gazette No2/1986, 3, 9, 10 pp.

[70] Xem Gazette No2/1988, 3,11 pp.

 

[71] Xem thêm về Toà án Công lý quốc tế và về phạm vi áp dụng của các phán quyết của Toà án công lý tại trang Web:  http://www.icj-cij.org/icjwww/igeneralinformation/ibbook/Bbookframepage.htm

 

[72] Tác giả tạm gọi là án lệ để tiện so sánh chứ thực ra “án lệ” ở đây không hẳn có nghĩa đúng như án lệ của các nước theo hệ Common Law.

 

[73] Như đã phân tích ở trên, cuộc cách mạng Pháp đưa ra một nhận thức mới về vai trò của tư pháp (Toà án) là độc lập hoàn toàn với lập pháp và hành pháp, và nó hoàn toàn không có chức năng lập pháp. Bởi lẽ đó, án lệ không được chấp nhận là một nguồn luật chính thức ở Pháp và ở những nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng Pháp

[74] Xem nhận định của Toà án Hiến pháp Liên bang Đức tại In re Application of Frau Kloppenburg, German Constitutional Court, 3 Common Market L. Rep. 1, 19 (1998)

 

[75] Thuật ngữ  common law hoặc thông pháp trong bài này được dùng với cùng một ý nghĩa

 

[76] Thuật ngữ  civil law hoặc luật dân sự  trong bài viết này được dùng với cùng một ý nghĩa

* Trong bài viết này có sử dụng Báo cáo nhu cầu hoàn thiện và phát triển công tác đào tạo pháp luật ở Việt Nam đến năn 2010

[77]     Số liệu do Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp cung cấp

[78]     Đề tài khoa học cấp Bộ "Công tác đào tạo cán bộ của ngành kiểm sát nhân dân thực trạng và giải pháp", Hà nội 2000, tr. 20.

[79]     Kết quả khảo sát do Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp cung cấp

[80]     Đề tài khoa học cấp Bộ "Công tác đào tạo cán bộ của ngành kiểm sát nhân dân thực trạng và giải pháp", Hà nội 2000, tr. 28.

[81]     Đề tài khoa học cấp Bộ "Công tác đào tạo cán bộ của ngành kiểm sát nhân dân thực trạng và giải pháp", Hà nội 2000, tr. 28.

[82] Tạm dịch từ thuật ngữ Tiếng Anh common law

 

[83] Tạm dịch từ thuật ngữ Tiếng Anh civil law

 

File đính kèm downloadTải về