• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện chế định về tội phạm và hình phạt hướng tới việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 đáp ứng yêu cầu mới
Nội dung tóm tắt

NỘI DUNG TÓM TẮT

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến yêu cầu tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Các chủ trương, chính sách này được thể hiện rất rõ trong: Nghị quyết trung ương 8 khoá VII, Nghị quyết TW 3 và 7 khoá VIII, Văn kiện Đại hội IX, Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010, Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,... Những chủ trương, chính sách này đã từng bước được thể chế hóa bằng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng.  

Bộ luật Hình sự (BLHS) được ban hành từ năm 1985, đã qua 5 lần sửa đổi, bổ sung (1989, 1991, 1992, 1997 và 1999), trong đó lần sửa đổi, bổ sung năm 1999 là cơ bản để cập nhật, bổ sung những nội dung mới đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. BLHS đã góp phần tích cực vào đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, cơ cấu thành phần tội phạm có những thay đổi, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội ngày càng cao; tình trạng phạm tội có sử dụng bạo lực, có tổ chức, có tính chất côn đồ hung hãn, xâm hại trẻ em, đâm thuê, chém mướn, v.v... xảy ra hết sức nghiêm trọng, gây lo lắng cho toàn xã hội thì các quy định của BLHS năm 1999 về tội phạm và hình phạt đã bộc lộ nhiều bất cập.

 Trước hết, về vấn đề tội phạm, có thể thấy, thứ nhất, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ thì có một số loại tội phạm mới phát sinh như: tội phạm công nghệ cao, chứng khoán… nhưng BLHS chưa có quy định về những hành vi nguy hiểm này nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể xử lý về hình sự được do nguyên tắc “luật không quy định thì không có tội”. Thứ hai, trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tình hình tội phạm nói chung cũng như một số tội phạm có đã có sự thay đổi về đặc điểm, tính chất, quy mô cũng như phương thức thực hiện, nên một số quy định có liên quan của BLHS về cấu thành tội phạm (như: các tội phạm môi trường, các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin) phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và không còn đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải được bổ sung cho sát với tình hình. Thứ ba, BLHS hiện hành được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều điều ước quốc tế chúng ta chưa có điều kiện gia nhập, do vậy, các quy định về tội phạm chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là tính chất, khái niệm một số tội phạm mang tính quốc tế như: tội khủng bố, tội rửa tiền, tội buôn bán người, tội về sở hữu trí tuệ v.v... Vì vậy, chưa tạo được cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế như: các Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống ma tuý, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, các hiệp định quốc tế về sở hữu trí tuệ, các điều ước quốc tế về chống khủng bố, buôn bán người, rửa tiền, v.v...

Về hình phạt cũng có nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra cần được quan tâm nghiên cứu. Ví dụ: cần phải nghiên cứu để bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể cho phù hợp với chủ trương của Đảng và xu hướng chung của thế giới; hoàn thiện các quy định hiện hành để nâng cao hiệu quả của hình phạt tù và các hình phạt không phải là hình phạt tù; ý nghĩa và hiệu quả của hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp trong điều kiện hiện nay.

Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết của hoạt động lập pháp và thi hành pháp luật trong điều kiện phát triển về kinh tế và xã hội hiện nay của nước ta. Kết quả nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện các vấn đề về tội phạm và hình phạt sẽ đưa ra được những giải pháp, phương án cụ thể nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, góp phần quan trọng vào việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 để đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo đủ tính răn đe và mức độ trừng phạt cần thiết đối với người phạm tội trong điều kiện mới.

Vì những lý do nêu trên, việc lựa chọn đề tài “Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện chế định về tội phạm và hình phạt hướng tới việc sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999 đáp ứng yêu cầu mới” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2007 để phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007, cũng như việc sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự sau này là hết sức cần thiết.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: 1. Đánh giá khái quát thực trạng các quy định của BLHS về tội phạm và hình phạt cũng như tình hình áp dụng các quy định này trên thực tế trên cơ sở có sự kế thừa những kết quả nghiên cứu của các đề tài có liên quan; 2. Nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng về tội phạm và hình phạt trong điều kiện mới; 3. Các kiến nghị giải pháp, hướng hoàn thiện các quy định của BLHS 1999 về tội phạm và hình phạt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường XHCN, hội nhập quốc tế, yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

I. CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ THỂ HIỆN TẠI BỘ LUẬT HÌNH SỰ (BLHS) 1999 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG SỬA ĐỔI

1.1. Chính sách hình sự thể hiện tại BLHS 1999

Tinh thần bao trùm chính sách hình sự của Nhà nước ta là chủ nghĩa nhân đạo, bảo vệ quyền con người, được thể hiện ở những điểm chính sau đây:

Thứ nhất, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, so với trước đây, BLHS 1999 đã giảm đáng kể số lượng các tội phạm có thể bị áp dụng hình phạt tử hình. Nếu như trước năm 1999 có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình, thì nay chỉ còn 29 điều luật, tập trung vào một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như: phản bội tổ quốc, bạo loạn, khủng bố, giết người, cướp của, hiếp dâm, tội phạm ma tuý, tội phạm về tham nhũng,…;

Thứ hai, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

Thứ ba, đa dạng hoá hệ thống hình phạt theo hướng tăng cường các hình phạt không gắn với giam giữ; giảm đáng kể các trường hợp có thể bị áp dụng hình phạt tù, bổ sung thêm hình phạt tiền để tăng sự lựa chọn hình phạt, đặc biệt là đối với các tội phạm về kinh tế. Nếu như trước đây hầu như tội nào cũng có hình phạt tù, thì nay có tới trên 70 điều luật (trên tổng số 267 điều) có quy định thêm hình phạt tiền và có trên dưới 10 khung hình phạt chỉ có hình phạt tiền (không có hình phạt tù trong chế tài lựa chọn);

Thứ tư, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Đặc biệt, người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

1.2. Những bất cập của BLHS 1999

·         Tiếp tục nhân đạo hoá chính sách hình sự

Tính nhân đạo trong chính sách hình sự được thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, trong đó có hình phạt tử hình - tước mạng sống của người phạm tội. Cùng với việc giảm bớt hình phạt tử hình, cần nghiên cứu tiếp tục giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội. Hình phạt tù chỉ áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng và những tội phạm mà xét thấy nếu để người bị kết án ở ngoài xã hội thì sẽ còn gây hại cho xã hội. Còn đối với những trường hợp khác thì xem xét áp dụng các hình phạt không tước tự do. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để giảm bớt số chế tài có quy định hình phạt tù chung thân, đặc biệt là đối với một số nhóm tội như xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế,...

·         Nghiên cứu việc hình sự hoá những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế

Trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, nhiều vấn đề mới phát sinh, phát triển đòi hỏi phải được pháp luật hình sự bảo vệ. Do vậy, cần phải nghiên cứu để hình sự hoá một số hành vi vi phạm mới. Ví dụ: một số vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai; một số vi phạm liên quan đến việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn chứng từ thu nộp ngân sách,... (xem chi tiết tại Mục 2.1. Hoàn thiện các quy định về tội phạm kinh tế); một số vi phạm nghiêm trọng mới phát sinh trong lĩnh vực môi trường (xem chi tiết tại Mục 2.2. Hoàn thiện các quy định về tội phạm môi trường); các hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi (xem chi tiết tại Mục 2.3. Hoàn thiện các quy định về tội phạm chức vụ); hành vi “mua bán nam giới” (xem chi tiết tại Mục 2.4. Hoàn thiện các quy định về Tội phạm buôn bán người); hành vi khủng bố theo nghĩa rộng hơn quy định của BLHS hiện hành, cũng như hành vi tài trợ khủng bố (xem chi tiết tại Mục 2.5. Hoàn thiện các quy định về tội phạm khủng bố); một số hành vi rửa tiền mới trong thực tiễn chưa được Bộ luật hình sự hiện hành quy định (xem chi tiết tại Mục 2.6. Hoàn thiện các quy định về tội phạm rửa tiền).

·         Nghiên cứu một số vấn đề cấp bách nhất nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay

Xuất phát thực tiễn đấu tranh với các loại tội phạm như tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, chúng ta thấy quy định hiện hành còn nhiều bất cập trong yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết định khung cũng như mức hình phạt làm giảm hiệu quả phòng ngừa và gây khó khăn khi áp dụng các quy định nói trên. Cụ thể, với các tội phạm kinh tế nên nghiên cứu tăng cường chế tài vật chất để nâng cao tính răn đe đối với loại tội phạm này; các tội phạm môi trường với các yếu tố cấu thành quá chặt chẽ như hiện nay không thể áp dụng được trong thực tiễn; các tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em cũng do yếu tố cấu thành chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật... Việc hoàn thiện các quy định về các tội phạm này bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người... Vì vậy, việc nghiên cứu để sửa đổi các quy định này là thực sự cấp bách.

Thực tiễn áp dụng một số loại hình phạt cũng cho thấy, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi một số quy định về hình phạt hiện nay đang có nhiều bất cập như: cân nhắc về hiệu quả phòng ngừa, giáo dục của hình phạt cảnh cáo, mức tối đa và tối thiểu của hình phạt tiền, hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, hệ thống các hình phạt bổ sung,....

Bên cạnh đó, để xử lý tội phạm một cách triệt để, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường,... đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là pháp nhân kinh tế, bởi vì, hiện nay không ít tổ chức kinh tế (pháp nhân), vì chạy theo lợi ích cục bộ mà đã thực hiện nhiểu hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm (ví dụ: đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động gây hậu quả nghiêm trọng, v.v...), trong khi đó, chính sách hình sự của nhà nước ta hiện nay mới chỉ xử lý đối với cá nhân phạm tội, còn tổ chức (pháp nhân) cũng có hành vi vi phạm tương tự thì không bị xử lý về hình sự mà bị áp dụng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự). Việc xử lý như vậy là chưa thật thoả đáng, chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với hành vi phạm tội. Pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là đối với pháp nhân kinh tế (từ năm 1997 BLHS Trung Quốc quy định rất rõ vấn đề này).

Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề lớn liên quan đến nhiều chế định tại Phần chung của BLHS. Việc bổ sung chế định này vào BLHS sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quan niệm từ trước đến nay về cơ sở trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt,... Do vậy, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng để chuẩn bị cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS.

·         Nghiên cứu hoàn thiện các quy định của BLHS nhằm chuẩn bị các điều kiện pháp lý hình sự thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết

Một số quy định của BLHS 1999 về tội mua bán phụ nữ, trẻ em, tội khủng bố, tội rửa tiền cần phải được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu của cam kết quốc tế. Cụ thể: quy định về tội mua bán phụ nữ, trẻ em cần tuân thủ yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước Quyền trẻ em; quy định về tội phạm khủng bố cần phải đáp ứng yêu cầu của các điều ước quốc tế về chống khủng bố mà Việt Nam đã là thành viên; quy định về các tội phạm liên quan đến rửa tiền phải tuân thủ yêu cầu của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH TỘI PHẠM

2.1. Hoàn thiện các quy định về tội phạm kinh tế

(1) Tăng cường chế tài vật chất

Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần mở rộng phạm vi quy định hình phạt tiền hơn nữa. Đặc biệt, cần nghiên cứu để có thể quy định hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính duy nhất đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ít nghiêm trọng. Trước mắt, đối với các tội như Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội trốn thuế (Điều 161), Tội cho vay lãi nặng (Điều 163),… khoản 1 cần quy định hình phạt tiền là hình phạt chính độc lập mà không nên quy định là chế tài lựa chọn với các chế tài khác như hiện nay. Đối với hình phạt tiền là hình phạt bổ sung cũng nên quy định độc lập phổ biến hơn đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng. Với trường hợp phải quy định hình phạt tù thì cần nghiên cứu theo hướng quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với một số tội nhất định.

(2) Sửa đổi một số quy định hiện hành để phù hợp với các yêu cầu của các cam kết quốc tế

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng sâu rộng, thì việc sửa đổi pháp luật hình sự nói chung và các quy định của BLHS về các tội phạm kinh tế nói riêng để đáp ứng các yêu cầu của các cam kết quốc tế là điều hết sức cần thiết. Rà soát lại các quy định về các tội phạm kinh tế, Nhóm nghiên cứu thấy cần phải sửa đổi yếu tố cấu thành và nâng khung hình phạt của các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần tập trung sửa đổi Điều 131 và 171 của BLHS theo hướng sửa đổi yếu tố cấu thành cơ bản của hai điều luật trên: từ “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án” thành ”cố ý” và ”với quy mô thương mại” cho phù hợp với Điều 14 Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Điều 61 Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO. Đồng thời, bổ sung thêm một loạt hành vi xâm phạm quyền quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền tài sản của tổ chức phát sóng, quyền của người phát tín hiệu vệ tinh vào quy định của Điều 131 và chuyển điều này sang chương XVI. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Sửa đổi Điều 171 theo hướng chỉ quy định xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, còn đối với các hành vi sử dụng bất hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp khác hoặc giống cây trồng chỉ quy định xử lý hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng.

(3) Quy định bổ sung một số tội phạm mới

Do diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội, bên cạnh tình hình tội phạm có lúc tăng lúc giảm thì một số hành vi nguy hiểm xuất hiện đòi hỏi cần được xử lý bằng các biện pháp hình sự. Trước mắt, phải hình sự hoá một số hành vi nguy hiểm đã xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế, xâm phạm đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế như: một số vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai; một số vi phạm liên quan đến việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn chứng từ thu nộp ngân sách,...

(4) Sửa đổi yếu tố cấu thành của một số tội phạm

Thực tiễn áp dụng một số quy định tội phạm kinh tế như tội đầu cơ, tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai cho thấy cần phải sửa đổi các yếu tố cấu thành của các tội phạm này để các cơ quan tiến hành tố tụng không bị bó tay đối với một số hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân. Cụ thể:

- Bổ sung yếu tố “hoặc tình hình có khó khăn về kinh tế” vào cấu thành cơ bản của tội đầu cơ.

- Bổ sung thêm hai yếu tố cấu thành cơ bản là “Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn” hoặc “Gây hậu quả nghiêm trọng” để tăng cường tính phòng ngừa, răn đe đối với các hành vi phạm tội theo Điều 174 tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai  này.

2.2. Hoàn thiện các quy định về tội phạm môi trường

Từ sự phân tích các quy định hiện hành của BLHS về tội phạm môi trường, thực trạng áp dụng các quy định về tội phạm môi trường và xu hướng chung về tội phạm môi trường, nhóm tác giả có một số đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của BLHS hiện hành về các tội phạm về môi trường như sau:

(1) Điều chỉnh cấu thành các tội phạm môi trường theo hướng mở rộng khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm môi trường cho thấy do các quy định hiện hành đặt ra quá nhiều điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự như: đã bị xử phạt hành chính, cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, gây hậu quả nghiêm trọng… nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các điều luật này. Đây là nguyên nhân chính làm cho các quy định này không đi vào cuộc sống được, làm giảm đáng kể tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với hành vi tội phạm về môi trường. Vì vậy, trước mắt, Nhóm tác giả cho rằng cần phải loại bỏ các điều kiện nói trên để mở rộng khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm môi trường, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

 (2) Tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường và bảo đảm sự tương xứng giữa các chế tài của các tội phạm về môi trường.

Nghiên cứu các hình thức trách nhiệm, mức độ trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS năm 1999 đối với các tội phạm về môi trường cho thấy, Nhà nước ta đã thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm đó so với BLHS năm 1985. Tuy vậy, xuất phát từ  nhu cầu đấu tranh đối với các tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, thì sự nghiêm khắc đó vẫn chưa thoả đáng.

Mặt khác, việc quy định các loại hình phạt và mức hình phạt đối với các tội phạm về môi trường trong chương XVII của BLHS hiện hành cũng chưa bảo đảm sự tương xứng về mức độ nghiêm khắc. Nhóm tác giả cho rằng, cần cân đối lại mức hình phạt và loại hình phạt áp dụng đối với các tội phạm về môi trường theo hướng các tội phạm về môi trường có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đương nhau thì cần quy định những loại và mức hình phạt như nhau.

(3) Tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường

Nghiên cứu diễn biến của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được pháp luật hình sự bảo vệ và các quy định của BLHS hiện hành về các tội phạm môi trường, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, việc bảo vệ bằng pháp luật hình sự đối với các quan hệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết chiều sâu và chiều rộng của loại quan hệ đang phát triển rất nhanh này. Do vậy, việc nghiên cứu bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Cụ thể, trước mắt có thể nghiên cứu để bổ sung một số tội danh như: Tội vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; tội vi phạm các quy định về quản lý các chất thải nguy hiểm cho môi trường; tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại[1]. Về lâu dài, chúng ta có thể nghiên cứu để bổ sung các tội danh như: Tội phạm về vũ khí sinh học; tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh khi tiến hành sản xuất; tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hay độc tố sinh học khác;...

2.3. Hoàn thiện các quy định về tội phạm chức vụ

Từ các bất cập và hạn chế của quy định hiện hành cũng như thực tiễn áp dụng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các quy định hiện hành về các tội phạm chức vụ như sau:

(1) Tên chương và bố cục

Phương án I:

Nếu tên chương vẫn giữ như cũ (Các tội phạm về chức vụ), thì cần sắp xếp, bố cục lại các tội cho phù hợp như:

Trước hết, cần quy định lại tội đưa hối lộ (Điều 289) và tội làm môi giới hối lộ (Điều 290) BLHS cho phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng: Nếu người đưa hối lộ và người làm môi giới hối lộ không phải là người có chức vụ, quyền hạn và hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ không liên quan đến chức vụ, quyền hạn của người có hành vi thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Chương XXI BLHS, mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Chương XX - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ thì cần quy định (cấu tạo) lại cho phù hợp.

Ngoài ra, đối với các tội phạm có dấu hiệu lợi dụng, chức vụ quyền hạn đang được quy định tại các Chương khác của BLHS nên đưa về Mục B Chương XXI cho phù hợp với tên của Chương này như: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); tội lập quỹ trái phép (Điều 166); Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (Điều 169); Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174); Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (Điều 176). 

Phương án II:

Đổi tên gọi của Chương XXI là “Các tội phạm về tham nhũng” và chỉ quy định trong chương này các tội phạm về tham nhũng, còn các tội phạm khác có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì đưa về các chương khác tuỳ theo khách thể bị xâm phạm.

Nhóm nghiên cứu nghiêng về phương án này, vì nếu BLHS có một chương riêng đối với các tội phạm về tham nhũng sẽ có ý nghĩa lớn về quan điểm, chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta không chỉ về đối nội mà còn có tác dụng to lớn cho chính sách đối ngoại. Mặt khác, việc nêu khái niệm các tội phạm về tham nhũng cũng thuận lợi hơn đối với khái niệm các tội phạm về chức vụ.

Nếu chấp nhận phương án hai thì khái niệm tội phạm về tham nhũng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

(2) Nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung

- Bổ sung một số tội phạm:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi là hành vi tham nhũng. Do đó cần quy định tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ[2].

BLHS năm 1985 cũng quy định tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 137a). Tuy nhiên, khi xây dựng BLHS năm 1999 nhà làm luật đã nhập Điều 137a với Điều 137 và quy định tội “sử dụng trái phép tài sản” tại Điều 142 BLHS năm 1999. Nay, theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi là hành vi tham nhũng. Do đó cần khôi phục lại tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước[3].

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Hành vi này cũng đã được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ với tên gọi là “sách nhiễu”. Sách nhiễu và nhũng nhiễu tuy về bản chất giống nhau nhưng là hai khái niệm khác nhau. Sách nhiễu cũng là nhũng nhiễu nhưng là để đòi hỏi người bị sách nhiễu phải đáp ứng yêu cầu của người có hành vi sách nhiễu (đòi hối lộ), còn nhũng nhiễu có nội dung rộng hơn sách nhiễu, có những hành vi nhũng nhiễu không mang tính chất của sách nhiễu (đòi hối lộ). Do đó cần quy định tội nhũng nhiễu vì vụ lợi. Tuy nhiên, nhiên nếu hành vi nhũng nhiễu thuộc trường hợp “sách nhiễu” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 279 BLHS[4].

Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Hành vi này cũng đã được quy định trong BLHS như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285); Tội đào nhiệm (Điều 286) và một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp như: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 294); Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 301); Tội không thi hành án (Điều 305); Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 308). Nhưng tất cả tội phạm này, dấu hiệu vì vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm, mặc dù trong một số tội có thể người phạm tội vì vụ lợi. Tuy nhiên, nếu vì vụ lợi mà phạm tội thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác tương ứng như: nhận tiền hoặc tài sản mà không ra quyết định thi hành án thì ngoài tội “không ra quyết định thi hành án” người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “nhận hối lộ”. Nay Luật phòng, chống tham nhũng quy định hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi tham nhũng nên có ý kiến cho rằng có cần quy định một tội danh riêng không, nếu quy định thành tội danh riêng thì các hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đã được quy định trong các điều luật của BLHS sẽ xử lý như thế nào? Đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa về lý luận, mà còn có ý nghĩa về thực tiễn và đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động lập pháp. Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và đối với các tội phạm về tham nhũng nói riêng, các hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đã được quy định là hành vi phạm tội ở một số điều luật, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc phòng chống loại tội phạm này. Mặt khác, các hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đã được quy định trong các điều luật của BLHS nếu đưa hết về Mục A chương XXI BLHS sẽ không phù hợp với khách thể bị xâm phạm, nhất là đối với một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì không thể đưa về Mục A chương XXI BLHS được. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị vẫn cần phải quy định tội “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”. Tuy nhiên, những hành vi đã được quy định ở các tội phạm khác trong BLHS thì không bị xử lý về tội “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” nữa[5].

Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi đều là hành vi tham nhũng. Đối với các hành vi này, BLHS cũng đã quy định là tội phạm như: hành vi bao che cho người có hành vi phạm tội đã được quy định tại khoản 2 Điều 313 - Tội che giấu tội phạm; hành vi can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã được quy định tại Điều 283 - Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Điều 297 - Tội ép buộc nhân viên làm trái pháp luật; Điều 306 - Tội cản trở việc thi hành án. Tuy nhiên, so với khoản 12 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng thì còn nhiều hành vi chưa được quy định là hành vi tội phạm, nhất là đối với hành vi bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác mà hành vi này chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, cần cấu tạo một tội riêng để điều chỉnh tất cả các hành vi bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi[6].

- Các sửa đổi, bổ sung khác

Đối với các tội phạm cụ thể cũng phải sửa đổi, bổ sung về giá trị tài sản; về tình tiết định tội, định khung hình phạt, khung hình phạt và mức hình phạt cho phù hợp như nhóm nghiên cứu đã nêu ở trên.

2.4. Hoàn thiện các quy định về tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các quy định hiện hành của BLHS về Tội mua bán phụ nữ và tội mua bán trẻ em và thực trạng áp dụng, đồng thời đánh giá tính tương thích của các Điều 119 và 120 BLHS với các chuẩn mực quốc tế về chống buôn bán người (Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bổ sung Công ước về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư không bắt buộc về chống mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em). Qua đó, nhóm nghiên cứu cho rằng việc sửa đổi, bố sung Điều 119, 120 là hết sức cần thiết không những nhằm khắc phục những khiếm khuyết nội tại của hai điều luật này như phân tích ở trên mà còn để làm hài hòa giữa pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về chống buôn bán người, tạo điều kiện thuật lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống loại tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người này. Việc sửa đổi, bổ sung hai điều luật này cần được tiến hành theo hướng sau:

Thứ nhất, cần hình sự hóa hành vi buôn bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, trong tương lai, cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ được đề cập đến trên một bình diện rộng lớn hơn là buôn bán người chứ không chỉ dừng lại ở buôn bán phụ nữ, trẻ em.      

Thứ hai, cấu thành của tội phạm cần được thiết kế theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Điều 5 của Nghị định thư về chống buôn bán người, đặc biệt là:

- Cần mô tả cụ thể hành vi buôn bán người, bao gồm bất cứ hành vi nào trong quy trình buôn bán người, từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp, nhận người.

- Quy định rõ những thủ đoạn thực hiện tội phạm này, như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay các thủ đoạn ép buộc khác, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách hay bất kỳ thủ đoạn nào khác để bóc lột nạn nhân trái với ý muốn của họ. Yếu tố này không áp dụng trong trường hợp đối tượng bị buôn bán là người chưa thành niên. Việc quy định thủ đoạn của tội phạm sẽ cho phép phân biệt giữa những trường hợp phạm tội buôn bán người - nạn nhân không chấp thuận việc bị bóc lột hoặc về hình thức có chấp thuận nhưng sự chấp thuận này không có ý nghĩa do bị kẻ phạm tội đe dọa, cưỡng ép, lừa gạt hoặc dùng các thủ đoạn khác, với những trường hợp phạm các tội khác như: chứa mại dâm, môi giới mại dâm, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc các vi phạm pháp luật khác như môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài bất hợp pháp, môi giới lao động ra nước ngoài bất hợp pháp - tức là trường hợp có sự đồng thuận của đối tượng của tội phạm.

Riêng đối với người dưới 18 tuổi - đối tượng được coi là chưa đủ năng lực để bày tỏ ý chí một cách chín chắn khi tham gia vào những quan hệ xã hội không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của họ - thì việc người đó bày tỏ ý chí ra sao hay kẻ phạm tội đã sử dụng thủ đoạn gì không có ý nghĩa đối với việc định tội.

- Cần nghiên cứu quy định rõ mục đích bóc lột, bao gồm bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, các hình thức bóc lột khác và lấy bộ phận cơ thể.

Việc quy định yếu tố cấu thành của điều luật như trên sẽ góp phần khắc phục được cơ bản những khó khăn, vướng mắc khi định tội danh mà hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội buôn bán người như đã phân tích ở trên.

Thứ ba, cần bổ sung một số tình tiết tăng nặng định khung như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; vì mục đích vô nhân đạo; tái phạm nguy hiểm; phạm tội đối với người thân thích; phạm tội đối với trẻ em; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ tư, các khung hình phạt cần được chia nhỏ hơn để rút ngắn khoảng cách giữa mức hình phạt tối đa và tối thiểu trong từng khung. Cũng nâng mức phạt tiền bổ sung tối thiểu lên mười triệu đồng, mức tối đa lên năm trăm triệu đồng, đồng thời, bổ sung hai hình phạt là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thứ năm, về trường hợp môi giới nuôi con nuôi, cần bổ sung một tội danh riêng là tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi.

Nuôi con nuôi là một hoạt động nhân đạo, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm quyền được chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thay thế đối với những trẻ em không có gia đình, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, tàn tật v.v… Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động dễ bị lợi dụng để thực hiện những hành vi vô nhân đạo, như lạm dụng, bóc lột trẻ em, trục lợi bất chính. Đối với những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để lạm dụng, bóc lột trẻ em sẽ bị trừng trị theo tội buôn bán người. Nghị định thư về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước Quyền trẻ em yêu cầu phải hình sự hoá những hành vi làm trung gian, tranh thủ sự đồng ý một cách không lương thiện việc nuôi con nuôi để trục lợi. Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư này từ năm 2001, do vậy, việc trừng trị hành vi này bằng pháp luật hình sự là rất cần thiết để thực hiện nghĩa vụ này.

Hiện nay, hành vi trục lợi trong việc nuôi con nuôi sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 120 BLHS. Với việc sửa đổi Điều 119 như đề xuất ở trên, hành vi này, nếu không có mục đích bóc lột, sẽ không bị coi là buôn bán người. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung Điều 119a để quy định một tội danh riêng về lợi dụng việc giới thiệu con nuôi để trục lợi với các yếu tố cấu thành như sau:

Chủ thể của tội phạm này là người trung gian, giới thiệu việc cho, nhận con nuôi. 

Về mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Mặt khách quan của tội này đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi liên hệ, móc nối, giới thiệu trẻ em làm con nuôi, đồng thời đã thực tế nhận hoặc có thoả thuận về việc nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ bên cho con hoặc nhận con nuôi. 

2.5. Hoàn thiện các quy định về tội phạm khủng bố

Sau khi phân tích các quy định hiện hành của BLHS về tội phạm khủng bố và so sánh quy định của BLHS về tội phạm khủng bố với các chuẩn mực quốc tế về chống tội phạm khủng bố nhóm nghiên cứu cho rằng, để hoàn thiện các quy định về tội phạm khủng bố đáp ứng yêu cầu của các Công ước quốc tế về chống khủng bố có liên quan, thì cần nghiên cứu chuyển Điều 84 BLHS hiện hành quy định về tội khủng bố từ Chương XI - “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” về Chương XIX - “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng", đồng thời, sửa đổi, bổ sung nội dung cấu thành tội phạm này theo hướng:

- Về dấu hiệu mục đích phạm tội: cần quy định rõ hành vi khủng bố nhằm vào một trong ba mục đích: thứ nhất, gây ra tình trạng lo sợ, hoảng loạn trong công chúng; thứ hai, ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của kẻ khủng bố; thứ ba, ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của kẻ khủng bố.

- Về hành vi khách quan: cấu thành tội khủng bố bao gồm 4 nhóm hành vi: thứ nhất, xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia; thứ hai, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác; thứ ba, thực hiện hoặc đe doạ thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia; thứ tư, kích động người khác thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia.

Điều đáng lưu ý là, các hành vi này chỉ bị coi là khủng bố khi chúng được thực hiện nhằm một trong ba mục đích nêu trên. Trường hợp nhằm mục đích khác hoặc không rõ mục đích, thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện các hành vi này sẽ bị xử lý về các tội phạm tương ứng của BLHS, ví dụ: các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người; các tội xâm phạm tài sản; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

- Về dấu hiệu hậu quả: theo tinh thần của các văn kiện pháp lý quốc tế, thì hậu quả gây thiệt hại của hành vi phạm tội không phải là một dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc công bằng và phân hoá trách nhiệm hình sự giữa trường hợp phạm tội chưa gây hậu quả với các trường hợp đã gây hậu quả và giữa các trường hợp phạm tội đã gây hậu quả nhưng ở các mức độ khác nhau, thì quy định hậu quả gây thiệt hại được coi như một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm này.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung tội khủng bố, nhóm nghiên cứu cho rằng, BLHS cũng cần quy định thêm một tội phạm mới - tội tài trợ cho khủng bố để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho cá nhân, tổ chức khủng bố hoặc để thực hiện hành vi khủng bố.

Tội tài trợ khủng bố

“1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho cá nhân, tổ chức khủng bố hoặc để thực hiện hành vi khủng bố, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

2.  Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

2.6. Hoàn thiện các quy định về tội phạm rửa tiền

Trên cơ sở đối chiếu các quy định của BLHS nước ta với yêu cầu của các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) về việc hình sự hoá hành vi rửa tiền, nhóm nghiên cứu kiến nghị hoàn thiện các quy định hiện hành của BLHS về rửa tiền như sau:

Thứ nhất, các Điều 250 và 251 cùng với chế định đồng phạm của BLHS Việt Nam đã cho phép trừng trị hầu hết các hành vi rửa tiền theo yêu cầu của FATF như: tạo một vẻ ngoài hay một vỏ bọc hợp pháp cho tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, các giao dịch khác hay các hoạt động kinh doanh, kinh tế; cất giữ, giấu diếm tài sản do người khác phạm tội mà có; tiêu thụ (như mua, bán, đổi chác) tài sản do người khác phạm tội mà có; tổ chức, xúi giục, giúp sức cho việc thực hiện các hành vi nói trên. Tuy nhiên, vẫn còn một số hành vi chưa được hình sự hoá, như: sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp, làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác, v.v..; dịch chuyển tài sản biết rõ là do phạm tội mà có từ nơi này sang nơi khác nhằm mục đích che giấu hoặc nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; che giấu, nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản bằng các biện pháp như: nguỵ trang các thông tin về chủ sở hữu, về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; sử dụng tài sản mà không kèm theo việc chiếm hữu tài sản; v.v... Nhóm nghiên cứu cho rằng, các hành vi này cần phải được khái quát hoá và quy định trong BLHS.

Thứ hai, theo định nghĩa về rửa tiền tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền thì các hành vi rửa tiền bao gồm: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, nguỵ trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có. Trong số các hành vi này có hành vi đã được mô tả trong cấu thành của tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có (chẳng hạn như hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có, đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp), có hành vi được mô tả trong cấu thành của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (chẳng hạn như các hành vi chiếm giữ, chuyển nhượng tài sản do phạm tội mà có). Do vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam cũng như để đáp ứng các khuyến nghị của FATF về hình sự hoá hành vi rửa tiền cần nghiên cứu sửa đổi cơ bản hai điều luật 250 và 251 của BLHS Việt Nam theo hướng quy định thành một tội danh chung về rửa tiền vì thực chất việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có cũng là một dạng rửa tiền, đồng thời cần xác định rõ về mặt chủ quan, hành vi rửa tiền đòi hỏi người phạm tội phải nhận thức rõ về nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản; riêng đối với hành vi chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản do phạm tội mà có thì cần phải đòi hỏi mục đích che giấu hoặc nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp đỡ người đã tham gia thực hiện tội phạm nguồn trốn tránh những hậu quả pháp lý đối với hành vi phạm tội của mình.

Thứ ba, về cách quy định tội phạm nguồn, theo quy định tại các Điều 250 và 251 BLHS Việt Nam thì về nguyên tắc bất cứ tội phạm nào mà người phạm tội có thể thu lợi về tiền hoặc tài sản từ việc phạm tội cũng có thể trở thành tội phạm nguồn của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, theo pháp luật hình sự Việt Nam, tội phạm nguồn của tội rửa tiền có phạm vi hết sức rộng, hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của FATF. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, để bảo đảm tính khả thi thì theo nhóm nghiên cứu, chỉ nên giới hạn tội phạm nguồn của tội rửa tiền trong phạm vi các tội phạm mà Công ước Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và các chất hướng thần năm 1988 và Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 yêu cầu.          

III. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HÌNH PHẠT

Phần hoàn thiện chế định hình phạt nhóm nghiên cứu tập trung vào việc nghiên cứu đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS hiện hành về hình phạt tù (tù có thời hạn và tù chung thân), các hình phạt chính không tước tự do, các hình phạt bổ sung; nghiên cứu hạn chế hình phạt tử hình; nghiên cứu đề xuất việc bổ sung chế định miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội.

Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu cụ thể:

3.1. Hoàn thiện các quy định hiện hành về hình phạt tù

Trong hệ thống hình phạt nước ta, hình phạt tù đóng vai trò chính trong hệ thống hình phạt, được quy định trong chế tài của tuyệt đại đa số các quy phạm pháp luật quy định về tội phạm và được áp dụng phổ biến nhất trong thực tiễn xét xử của Tòa án. Hình phạt tù được đánh giá là hình phạt có hiệu quả nhất trong hệ thống hình phạt nước ta.

Tuy vậy, trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan đến vai trò, khả năng của hình phạt tù trong đấu tranh phòng chống tội phạm, hình phạt tù và khả năng đạt được mục đích hình phạt, hình phạt tù trong việc thể hiện các nguyên tắc của luật hình sự… để từ đó đề xuất các phương án quy định hình phạt tù trong phần chung (thời hạn, điều kiện áp dụng,…) cũng như trong chế tài phần các tội phạm nhằm đáp ứng yêu cầu “giảm hình phạt tù, tăng cường áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hạn chế hình phạt tử hình,... Đề cao tính hướng thiện trong quy định và áp dụng hình phạt ở nước ta” như Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở nước ta đã khẳng định.

Trong phần chung BLHS nước ta, hình phạt tù được quy định ở hai dạng là tù có thời hạn (Điều 33 BLHS) và tù chung thân (Điều 34 BLHS).

3.1.1. Hoàn thiện các quy định hiện hành về hình phạt tù có thời hạn

Qua phân tích các quy định của BLHS hiện hành, nghiên cứu thực tiễn áp dụng hình phạt với những bất cập, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của chúng, xuất phát từ các quan điểm chung của việc hoàn thiện hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tù có thời hạn nói riêng, nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của BLHS về hình phạt tù có thời hạn như sau:

(1) Hoàn thiện Điều 33 BLHS về hình phạt tù có thời hạn:

- Tăng mức phạt tù tối thiểu từ 3 tháng lên 6 tháng. Bởi vì: 1/ Với thời hạn dưới 6 tháng cách ly khỏi xã hội rất khó có thể tổ chức cải tạo, giáo dục hiệu quả đối với người phạm tội; trong khi đó hậu quả pháp lý của hình phạt tù lại rất nặng nề đối với người bị kết án và hạn chế khả năng tái hoà nhập cộng đồng đối với họ; 2/ Thực tế, những trường hợp Toà án tuyên phạt tù thời hạn dưới 6 tháng thường là những trường hợp thông án, tức xử phạt tù với thời hạn bằng thời hạn tạm giữ, tạm giam và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên toà. Có thể nói, đây là biện pháp “chữa cháy” trong trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ đáng lẽ họ có thể được áp dụng hình phạt không phải tù hoặc cho hưởng án treo; 3/ Việc nâng mức tối thiểu của hình phạt tù tạo điều kiện cho người làm luật quy định chế tài các tội ít nghiêm trọng chỉ bao gồm các hình phạt không phải tù theo quan điểm mềm hoá hệ thống hình phạt nước ta, v.v...

- Bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Điều này là cần thiết, vì: 1/ Để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định về hệ thống hình phạt trong BLHS; 2/ Tạo cơ sở chung cho việc quy định và áp dụng hình phạt tù, thể hiện cụ thể hơn trong luật quan điểm giảm hình phạt tù trong BLHS nước ta.

Như vậy, Điều 33 BLHS có thể được quy định như sau: “Tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án chấp hành hình phạt tại trại giam trong thời hạn nhất định, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và một số tội ít nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật này.

Thời hạn tù có thời hạn đối với một tội là từ 6 tháng đến 20 năm; đối với trường hợp phạm nhiều tội thì mức tối đa là 30 năm”.

(2) Hoàn thiện chế tài các điều luật phần các tội phạm:

Việc hoàn thiện chế tài các điều luật phần các tội phạm cần được thực hiện theo các hướng cơ bản sau đây:

- Tăng số lượng các chế tài các tội ít nghiêm trọng không có phạt tù. Chế tài các khung hình phạt có quy định hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong BLHS hiện hành, tuỳ theo tính chất có thể được thay thế bằng chế tài lựa chọn có hình phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ mà không có hình phạt tù. Có như vậy, mới tạo ra cơ sở pháp lý để hạn chế hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù; 

- Thu hẹp khoảng cách tuỳ nghi giữa mức tối thiểu và mức tối đa của phạt tù có thời hạn. Theo nhóm nghiên cứu, khoảng cách giữa mức hình phạt tối thiểu và tối đa của khung hình phạt được xác định tuỳ theo loại tội: đối với loại tội đặc biệt nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là 8 năm; đối với loại tội rất nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là 6 năm; đối với loại tội nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là 4 năm và đối với loại tội ít nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là 3 năm. Đặc biệt, cần rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt thuộc 3 điều luật của BLHS (Khoản 1 Điều 86, khoản 3 Điều 113 và khoản 2 Điều 119 BLHS). Việc rút ngắn nên được thực hiện bằng cách chia nhỏ khung hình phạt với những tình tiết tăng nặng định khung phù hợp. 

- Phân hoá tốt hơn mức chế tài tuỳ theo tính chất, hậu quả, hình thức lỗi. Theo nhóm nghiên cứu, 1/ Các tội có tính chất kinh tế, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính,… thì nên hạn chế hình phạt tù mà tăng cường phạt tiền là hình phạt chính; 2/ Giảm hình phạt tù đối với các tội được thực hiện do lỗi vô ý. Đối với loại tội này, dù hậu quả có là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt tối đa cũng không nên quá 12 năm tù. Điều này phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, quan điểm về tính hướng thiện của hình phạt, phù hợp với thực tiễn áp dụng hình phạt và chấp hành hình phạt ở nước ta thời gian qua. 3/ Cần chia nhỏ hơn khung hình phạt quy định tại khoản 1 các Điều 78, 79, 80, 81, 83, 84, 85, 91, 93; khoản 2 các Điều 90, 120, 231; khoản 3 các Điều 91, 111, 114, 180 và khoản 4 các Điều 112, 136, 137, 138, 139, 140, 143, 153, 206 của BLHS, trong đó, hình phạt tù có thời hạn được qui định lựa chọn với hình phạt tù chung thân hoặc hình phạt tử hình phải có mức phạt từ 18 năm đến 20 năm tù hoặc là 20 năm tù.

3.1.2. Hoàn thiện các quy định hiện hành về hình phạt tù chung thân

Qua nghiên cứu các quy định hiện hành về hình phạt tù chung thân, nhóm nghiên cứu có một số đề xuất hoàn thiện các quy định này như sau:

- Hoàn thiện quy định Điều 34 BLHS về hình phạt tù chung thân theo hướng đổi tên hình phạt tù chung thân thành tù không thời hạn. Bởi vì bản chất của hình phạt này là tù không có thời hạn, người bị kết án cải tạo, giáo dục tốt trong một thời hạn nhất định thì có thể được chuyển thành phạt tù có thời hạn và có thể được tha tù. Và trên thực tế, đa số người bị kết án tù chung thân đều được trả tự do sau thời hạn chấp hành hình phạt nhất định. Điều này thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta. Việc đổi tên hình phạt tù chung thân thành tù không thời hạn mở ra cho người bị kết án khả năng cải tạo, giáo dục nhằm được trả tự do sau một thời gian nhất định; hay nói cách khác, để người bị kết án có động cơ cải tạo, giáo dục tốt. Ngoài ra, việc đổi tên này cũng tương ứng với tên gọi hình phạt tù có thời hạn (có hình phạt tù có thời hạn thì cũng cần có tù không thời hạn);

- Giảm số chế tài có quy định phạt tù chung thân: Cần nghiên cứu giảm hình phạt tù chung thân ở một số nhóm tội như: các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ, v.v…

3.2. Nghiên cứu hạn chế hình phạt tử hình

 Trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành về hình phạt tử hình và xu hướng bỏ hình phạt tử hình trên thế giới và ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể giảm thiểu tối đa các tội phạm có quy định hình phạt tử hình quy định tại BLHS hiện hành cũng như giảm thiểu việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế bằng hai cách như sau:

(1) Đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội trong BLHS hiện hành:

Tiêu chí để xem xét, cân nhắc loại bỏ quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể, là:

+ Các tội phạm mà bằng nỗ lực của cơ quan chức năng và bằng các hình phạt khác cũng có thể hạn chế được sự gia tăng của tội phạm.

+ Các tội phạm không còn (hoặc giảm dần) mức độ lên án mạnh mẽ của công luận.

+ Các tội phạm về kinh tế, các tội phạm xâm phạm tài sản mà tài sản bị xâm phạm có khả năng thu hồi lớn.

+ Các tội phạm trong thực tế rất ít xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng Tòa án không áp dụng tử hình khi xét xử.

+ Các tội phạm mà đa số các nước trên thế giới không còn quy định hình phạt tử hình.

Dựa trên những tiêu chí cơ bản trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, những tội phạm cụ thể trong BLHS năm 1999 cần cân nhắc bỏ hình phạt tử hình như:

+ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139);

+ Tội buôn lậu (Điều 153);

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157);

+ Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180);

+ Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197);

+ Tội tham ô tài sản (Điều 278);

+ Tội nhận hối lộ (Điều 279);

+ Tội đưa hối lộ (Điều 289); ...

(2) Quy định điều kiện áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chặt chẽ hơn:

Để góp phần hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, bên cạnh việc loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội phạm như đã nêu, cần đồng thời quy định điều kiện để có thể áp dụng hình phạt này theo hướng chặt chẽ hơn để giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt này theo hai cách: 1) Trong thời gian trước mắt có thể sửa đổi Điều 35 của Phần chung theo hướng quy định điều kiện áp dụng hình phạt tử hình một cách chặt chẽ hơn căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội; tính nguy hiểm của người phạm tội; 2) Tương lai lâu dài hơn có thể nghiên cứu kỹ để sửa đổi các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình tại các điều luật cụ thể của Phần các tội phạm như tăng định lượng tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỷ lệ thương tật trong gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, tăng số lượng ma túy đã buôn bán,…

3.3. Hoàn thiện các quy định hiện hành về các hình phạt chính không tước tự do

3.3.1. Đề xuất chung về hoàn thiện các quy định hiện hành về các hình phạt chính không tước tự do

Qua nghiên cứu Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Điều 28 BLHS và Phần các tội phạm, đồng thời nghiên cứu các Báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án từ năm 2000 đến nay, nhóm nghiên cứu thấy rằng, hình phạt cảnh cáo và hình phạt tiền với tính cách là hình phạt chính và hình phạt trục xuất rất ít được các Tòa án áp dụng, còn hình phạt cải tạo không giam giữ thì được áp dụng tương đối nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung các án phạt vẫn thiên về tù. Việc các Tòa án ít áp dụng các hình phạt ngoài tù do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có một nguyên nhân là do bất cập của các quy định của BLHS hiện hành. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hoàn thiện các hình phạt không tước tự do theo hai hướng: Một là, mở rộng thêm phạm vi áp dụng các hình phạt này đối với trường hợp phạm các tội nghiêm trọng, thậm chí là một số tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Hai là, đối với những tội sau đây chỉ nên qui định hình phạt chính nhẹ hơn phạt tù ở khung hình phạt nhẹ nhất: Tội vu khống (Điều 122); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123); Tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124); Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân (Điều 126); Tội làm sai lệch kết quả bầu cử (Điều 127); Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật (Điều 128); Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 129); Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 130); Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132); Tội lừa dối khách hàng (Điều 162); Tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả (Điều 164); Tội quảng cáo gian dối (Điều 168); Tội vi phạm qui định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170); Tội vi phạm qui chế về khu vực biên giới (Điều 273); Tội xuất nhập cảnh trái phép, tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 274). Hình phạt nên qui định đối với khung hình phạt nhẹ nhất là “… thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến 3 năm”.

3.3.2. Đề xuất  hoàn thiện các quy định về các hình phạt chính không tước tự do cụ thể

a. Cảnh cáo

Nhóm nghiên cứu cho rằng về lâu dài có thể nghiên cứu việc bỏ cảnh cáo khỏi hệ thống hình phạt vì lẽ sau:

Thứ nhất, Điều 26 BLHS quy định: "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội". Nhưng trên thực tế, cảnh cáo lại không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền, lợi ích nào của người bị kết án. Mặc dù người bị kết án cảnh cáo phải chịu án tích trong thời hạn một năm (Điều 64), nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích nào đó. Cảnh cáo chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với người bị kết án. Tuy nhiên, mức độ cảm nhận về “sự tổn thất tinh thần” do cảnh cáo gây ra lại tùy thuộc vào nhận thức, tâm lí của từng cá nhân. Như vậy, cảnh cáo không thực sự là hình phạt theo như qui định của Điều 26. Điều này lí giải tại sao luật hình sự của hầu hết các nước trên thế giới đã không coi cảnh cáo là hình phạt[7].

Thứ hai, nếu muốn có hình phạt nhẹ là cầu nối giữa xử lí vi phạm với xử lí tội phạm thì phạt tiền vẫn có thể đáp ứng yêu cầu này (với mức phạt tiền không cao lắm và phải trong giới hạn BLHS quy định). Còn trong trường hợp điều luật về tội cụ thể không quy định phạt tiền thì có thể áp dụng cải tạo không giam giữ. Và như vậy, nguyên tắc nhân đạo vẫn được đảm bảo thực hiện trong trường hợp này.

Thứ ba, việc bỏ cảnh cáo khỏi hệ thống hình phạt hiện hành hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay khi quy định về hệ thống hình phạt. 

b. Phạt tiền

Qua nghiên cứu quy định của BLHS hiện hành về phạt tiền với tính chất là hình phạt chính, nhóm nghiên cứu nhận thấy, vẫn còn một số bất cập cần phải khắc phục. Cụ thể:

Thứ nhất, BLHS hiện hành chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa phạt tiền với tính chất là hình phạt chính và phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung về mức tiền phạt.

Thứ hai, mức khởi điểm của phạt tiền theo quy định của BLHS hiện hành là một triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe người phạm tội trong tình hình hiện nay.

Thứ ba, Điều 30 khoản 1, BLHS quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lí kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lí hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này qui định…”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp thứ nhất (phạm tội thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lí hành chính), Bộ luật hiện hành lại qui định phạt tiền là hình phạt chính ngay cả đối với tội nghiêm trọng, như vậy là mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 30 BLHS. Cụ thể là các điều, khoản sau:

Đối với chương các tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế có 3 điều. Đó là:

+ Khoản 1 Điều 155. Mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm tù;

+  Khoản 1 Điều 158. Mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm tù;

+ Khoản 1 Điều 179. Mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù.

Đối với chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng có 14 điều với 14 khung tương ứng (đều có mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm tù). Đó là khoản 1 các Điều 202, 204, 206, 208, 209, 210, 211, 212, 213, 214, 216, 217, 229 và 249 của BLHS.

Do vậy, vấn đề đặt ra là các điều luật với khung tương ứng nói trên cần phải sửa đổi cho phù hợp với qui định của khoản 1 Điều 30 BLHS, nghĩa là, mức cao nhất của khung hình phạt nên hạ xuống là 3 năm.

Thứ tư, khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tiền trong một số điều luật của BLHS hiện hành vẫn còn chưa hợp lí. Với khoảng cách này, một mặt nó tạo điều kiện cho Tòa án lựa chọn một hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để tuyên cho người phạm tội. Nhưng mặt khác, nó lại có thể đưa tới hậu quả tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng, hình phạt tiền tuyên cho người phạm tội có thể chưa thực sự công bằng. Và như vậy, chưa thể phát huy tối đa nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trên thực tế. Sau đây là bảng thống kê của nhóm nghiên cứu về mức độ chênh lệch giữa mức tối thiểu và tối đa của phạt tiền tiền trong BLHS hiện hành.

Mức chênh lệch giữa tối đa và tối thiểu của phạt tiền trong BLHS hiện hành

Mức chênh lệch giữa tối đa và tối thiểu

Số lượng điều luật và khung tương ứng

Chênh lệch 10 lần

Đ131 K1; Đ153 K1; Đ158 K1; Đ159 K1; 160 K1; Đ162 K1; Đ163 K1; Đ164 K1; Đ168 K1; Đ171 K1; Đ173 K1; Đ175 K1; Đ177 K1; Đ182 K1, Đ183 K1; Đ184 K1; Đ185 K1; Đ187 K1; 188K1; Đ189 K1; Đ190 K1; Đ191 K1; Đ202 K1; Đ205 K1; Đ207 K1; Đ208 K1; Đ216 K1; Đ226 K1; Đ228 K1; Đ229 K1; Đ245 K1; Đ247 K1; Đ248 K1; Đ250 K1; Đ253 K1; Đ266 K1; Đ267 K1; Đ268 K1; Đ271 K1; Đ 272 K1; Đ273 K1; Đ274 K1 (42 điều)

Chênh lệch 20 lần

Đ172 K1, Đ201 K1, Đ220 K1; Đ224 K1; Đ225 K1 (5 điều)

Chênh lệch 30 lần

Đ249 K1 (1điều)

Chênh lệch 50 lần

Đ178 K1 (1điều)

 

Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là cần rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của phạt tiền để thể hiện tốt hơn nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Theo nhóm nghiên cứu, hiện Bộ luật đã qui định mức tối đa gấp 3, 4 hoặc 5 lần mức tối thiểu đối với nhiều tội thì nên tiếp tục duy trì quy định theo phương thức này, đồng thời qui định rõ mức tối đa không được quá 5 lần mức tối thiểu. Quy định như vậy sẽ hạn chế sự tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng. Do vậy, để thực hiện tốt nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong làm luật và áp dụng luật hình sự, nhà làm luật nên chia nhỏ hơn những khung hình phạt nói trên với việc cụ thể hóa những tình tiết định khung mới.

Thứ năm, Điều 30 BLHS quy định: “Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án”. Quy định này có ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án nếu khả năng kinh tế chưa cho phép thì họ có thể nộp tiền phạt làm nhiều lần mà không cần phải nộp ngay làm một lần. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong xử lí tội phạm. Tuy nhiên, cũng từ qui định này dẫn tới hiện tượng một số người phạm tội lạm dụng, cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu nộp tiền phạt làm cho thời gian thi hành án kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan thi hành án, đồng thời, Nhà nước khó thu hồi tiền phạt. Có thể nói thực trạng chây ỳ không chịu nộp tiền phạt khá phổ biến ở nước ta làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu lực của pháp luật, đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào hiệu lực pháp lí của nhà nước.

Để góp phần chấm dứt tình trạng nói trên, theo nhóm nghiên cứu, cần sửa đổi quy định này theo hướng qui định rõ bị cáo có thể nộp tiền phạt một lần hoặc nhiều lần nhưng không quá 3 lần và nếu bị cáo nộp tiền phạt làm nhiều lần thì lần nộp phạt sau kế tiếp không được cách quá một tháng so với lần nộp phạt liền trước đó. Quy định như vậy tuy tạo điều kiện thuận lợi cho người thi hành án có thời gian sắp xếp để chấp hành phạt tiền nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời đảm bảo tính liên tục về thời gian nộp phạt, từ đó làm cho hình phạt này có tính khả thi trên thực tế, khắc phục việc nộp tiền phạt dây dưa, kéo dài hiện nay.

Trong trường hợp hết thời hạn qui định mà người bị kết án vẫn dây dưa không chịu nộp tiền phạt thì hướng giải quyết như thế nào? Để giải quyết tình trạng này, luật hình sự nhiều nước đã có hướng giải quyết khác nhau. Ví dụ: phạt tiền được thay bằng lao động bắt buộc, lao động cải tạo hoặc phạt giam tương đương với mức tiền phạt (Liên bang Nga); bằng giam giữ ở trại tế bần (Nhật Bản); bằng phạt tù (Thụy Điển); bằng lao động công ích hoặc phạt tù (Bang Georgia, Hoa Kì).

Chúng ta thấy rằng, việc thay phạt tiền bằng giam giữ ở trại tế bần không thể thực hiện được vì ở nước ta chưa có trại tế bần. Còn nếu thay phạt tiền bằng lao động công ích (lao động bắt buộc) thì lại khá phức tạp vì nó kéo theo việc phải quy định về lao động công ích trong BLHS cũng như có sự phân cấp ai sẽ là quản lí người lao động công ích do không chịu nộp tiền phạt. Đối với phương án thay bằng phạt tù nếu không chấp hành phạt tiền thì nhiều ý kiến cho rằng có nhiều nhân tố hợp lí nhưng rất khó triển khai ở nước ta, vì việc xây dựng mức quy đổi bao nhiên tiền bằng một ngày tù là vấn đề vô cùng phức tạp (do khó xác định thu nhập thực tế của từng cá nhân).

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trường hợp người bị kết án phạt tiền nếu cố tình không chấp hành án thì cần thiết phải áp dụng Điều 304 BLHS về tội không chấp hành án là hợp lí mà không cần phải xây dựng thêm quy định về việc chuyển đổi từ phạt tiền sang phạt tù. Tuy nhiên, BLHS hiện hành quy định hình phạt cho tội này hơi nhẹ (cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm). Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, để làm tăng tính nghiêm minh của luật pháp, Điều 304 nên bỏ cải tạo không giam giữ và chỉ quy định phạt tù (từ 6 tháng đến 5 năm) thì hiệu lực của điều luật này sẽ mạnh hơn và có thể khắc phục được tình trạng chây ỳ nộp phạt nói trên. Như vậy, nếu BLHS sửa theo hướng này thì thực chất người bị kết án sẽ phải chấp hành phạt tù nếu cố tình không nộp tiền phạt.

Dựa trên các phân tích nói trên, để hoàn thiện hơn nữa các quy định hiện hành về phạt tiền, nhóm nghiên cứu kiến nghị các sửa đổi cụ thể như sau:

Thứ nhất, nên sửa đổi, bổ sung các khoản 3 và 4 của Điều 30 BLHS như sau:

“3…Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính có mức tối thiểu là năm triệu đồng. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung có mức tối thiểu là ba triệu đồng. Mức phạt tiền được quyết định tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả.

4. Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án nhưng không được quá ba lần. Nếu được Tòa án quyết định cho nộp tiền phạt nhiều lần thì lần nộp phạt sau kế tiếp không được cách quá một tháng so với lần nộp phạt liền trước đó”.

Thứ hai, để đảm bảo tương thích với nội dung sửa đổi này của Điều 30, các điều luật về tội cụ thể có qui định phạt tiền (với tính chất là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung) cũng phải được sửa đổi cho phù hợp.

Thứ ba, để phù hợp với khoản 1 Điều 30 BLHS năm 1999, mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 các điều sau cần giảm xuống 3 năm tù: khoản 1 các Điều 155, 158, 179, 202, 204, 206, 208, 209, 210, 211, 212, 213, 214, 216, 217, 229 và 249 của BLHS.

Thứ tư, cần rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của phạt tiền để thể hiện tốt hơn nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Để làm được điều này, nhà làm luật nên chia nhỏ hơn những khung hình phạt (nhóm nghiên cứu đã liệt kê ở phần trên) với việc cụ thể hóa những tình tiết định khung mới.

c. Cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ là hình phạt hạn chế một phần quyền, lợi ích của người phạm tội thể hiện ở việc người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định tại cộng đồng dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương và gia đình cũng như cộng đồng dân cư nơi cư trú và họ bị khấu trừ thu nhập.

Điều 31 BLHS quy định hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội khi có đủ 03 điều kiện sau đây:

Một là, tội đã phạm thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định. Quy định này đã được cụ thể hoá tại các điều khoản thuộc Phần các tội phạm của BLHS, theo đó, hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định lựa chọn với các hình phạt khác tại 136 điều luật với 160 khoản thuộc 11 chương của BLHS (tại 11 điều, tại khoản 1 của 135 điều, khoản 2 của 02 điều và khoản 4 của 12 điều luật).

Như vậy, theo quy định của BLHS hiện hành thì hình phạt cải tạo không giam giữ có thể được áp dụng đối với 160 trường hợp phạm tội (trong đó có 129 trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và 31 trường hợp phạm tội nghiêm trọng) thuộc 11/14 nhóm tội phạm được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS.

Hai là, người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng.

Ba là, xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Theo quy định của Điều 31 BLHS, Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ[8] và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lí do trong bản án.

Thực tiễn áp dụng cải tạo không giam giữ trong những năm gần đây cho thấy cải tạo không giam giữ được áp dụng nhiều hơn cả cảnh cáo, phạt tiền (Xem Bảng dưới). Điều này chứng tỏ cải tạo không giam giữ có vị trí đáng kể trong áp dụng hình phạt cũng như trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Số lượng hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng so với cảnh cáo,

phạt tiền ở nước ta trong thời gian gần đây

Năm

Cảnh cáo

Phạt tiền

Cải tạo KGG

2002

86

176

609

2003

81

502

1138

2004

102

588

1125

2005

182

1018

1419

2006

150

1070

1319

Qua nghiên cứu quy định hiện hành và thực tiễn áp dụng cải tạo không giam giữ, nhóm nghiên cứu nhận thấy còn một số điểm bất cập như sau: 

Thứ nhất, khoản 2 Điều 31 BLHS hiện hành quy định: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục…”. Thực tế hiện nay, Toà án tuyên án chỉ giao người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã giám sát, giáo dục và ra quyết định thi hành án gửi đến cơ quan, tổ chức hoặc UBND cấp xã để thi hành; không trực tiếp giao quyết định cho người bị phạt cải tạo không giam giữ nên dẫn đến tình trạng khi quyết định thi hành án gửi đến cơ quan, tổ chức này thì khá nhiều đối tượng đã chuyển khỏi nơi cư trú đến địa phương khác sinh sống nên việc giám sát, giáo dục không thể thực hiện trên thực tế[9]. Để khắc phục hiện tượng này thì ngay tại quy định của BLHS nên qui định rõ Tòa án không chỉ gửi quyết định thi hành án cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục mà còn gửi cho cả người thi hành án để họ biết được rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó tự giác chấp hành án.

Thứ hai, Điều 31 qui định người bị kết án “bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho việc miễn khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ trong bản án”. Quy định này trên thực tế rất khó áp dụng bởi nó không nói rõ 5% đến 20% thu nhập hàng tháng, hàng năm hay thu nhập trong suốt thời kì bị tuyên cải tạo không giam giữ của người bị kết án. Hơn nữa, phần bị khấu trừ này sẽ bị khấu trừ một lần hay nhiều lần, Điều 31 cũng không nói rõ. Điều này dẫn đến hậu quả là việc nhận thức và áp dụng khấu trừ thu nhập của cải tạo không giam giữ trên thực tế không thống nhất. Theo nhóm nghiên cứu, để qui định này vận dụng thuận tiện hơn trong thực tế, BLHS nên quy định rõ việc khấu trừ thu nhập trong suốt thời kì bị tuyên cải tạo không giam giữ của người bị kết án. Ví dụ: bị cáo bị tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ thì sẽ bị khấu trừ thu nhập từ 5% đến 20% của 12 tháng. Và đây chỉ là khấu trừ một phần thu nhập, do đó Bộ luật nên quy định rõ việc khấu trừ chỉ tiến hành một lần. Có như vậy, tính cưỡng chế của hình phạt này mới đủ mạnh, thể hiện rõ hơn sự nghiêm minh của luật pháp.

Để góp phần khắc phục những bất cập nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 31 BLHS về hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:

"1...

2. Tòa án gửi quyết định giám sát, giáo dục cho cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục người bị kết án cải tạo không giam giữ và ra thông báo cho người bị kết án cải tạo không giam giữ biết về cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục mình. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

3. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% trong suốt thời gian bị kết án cải tạo không giam giữ. Việc khấu trừ thu nhập chỉ tiến hành một lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lí do trong bản án.

4. Trong trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ cố tình trốn tránh việc chấp hành án thì Tòa án có thể thay thế phần hình phạt chưa chấp hành bằng hình phạt tù có thời hạn. Cứ ba ngày cải tạo không giam giữ thì bằng một ngày tù".

d. Trục xuất

Trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam (Điều 32 BLHS). Đây là một hình phạt mới được bổ sung vào hệ thống các hình phạt của BLHS năm 1999 trong điều kiện Nhà nước ta đang chủ trương mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, du lịch, công tác ngày càng nhiều và trong đó có một số người đã phạm tội ở Việt Nam. Việc bổ sung hình phạt này với tính chất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung sẽ tạo điều kiện để xử lý người nước ngoài phạm tội một cách linh hoạt.

Một điều đáng lưu ý là khác với các hình phạt chính khác, đối với hình phạt trục xuất, BLHS không quy định cụ thể các điều kiện áp dụng hình phạt này cũng như không quy định trường hợp nào thì áp dụng với tính cách là hình phạt chính, trường hợp nào thì áp dụng với tính cách là hình phạt bổ sung. “Do tính chất phức tạp của của việc xử lí hình sự đối với trường hợp người phạm tội là người nước ngoài nên BLHS không quy định những tiêu chí cụ thể để áp dụng hình phạt này, đồng thời cũng không quy định hình phạt này vào từng điều luật phần các tội phạm”[10]. Điều này có nghĩa trục xuất có thể áp dụng đối với người nước ngoài phạm bất kì tội nào được quy định trong BLHS. Tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở cân nhắc tất cả các tình tiết của vụ án, nếu thấy áp dụng trục xuất là cần thiết, có thể đạt được mục đích của hình phạt, Tòa án sẽ áp dụng trục xuất đối với người nước ngoài phạm tội.

Theo thống kê, trong những năm gần đây, Tòa án chưa tuyên một trường hợp nào hình phạt trục xuất với tính chất là hình phạt chính đối với người nước ngoài phạm tội (Thực tế là trong thực tiễn, người nước ngoài vẫn bị trục xuất nhưng có thể là với tính chất là hình phạt bổ sung hoặc chế tài hành chính).

Qua nghiên cứu, có thể thấy một vấn đề liên quan đến hình phạt trục xuất mà BLHS hiện hành còn chưa quy định rõ. Đó là vấn đề án tích của người bị tuyên phạt trục xuất. Theo quy định hiện hành, chỉ những người nước ngoài phạm các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của BLHS mà bị áp dụng hình phạt trục xuất với tính cách là hình phạt chính thì mới có án tích và có thể được xoá án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 65 BLHS). Còn người nước ngoài phạm các tội khác mà bị tuyên phạt trục xuất với tính cách là hình phạt chính thì không rõ là có án tích hay không và cũng không có cơ sở pháp lý để xoá án tích cho họ, vì Điều 64 BLHS hoàn toàn không đề cập gì đến hình phạt trục xuất. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, do Điều 64 không quy định đến trục xuất, nên người bị áp dụng hình phạt này sẽ không có án tích. Hơn nữa đằng nào thì sau khi bị trục xuất, người nước ngoài phạm tội không còn ở Việt Nam nữa, do đó không cần đặt ra án tích đối với người bị trục xuất.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, vì trục xuất là một hình phạt, do vậy, người bị áp dụng hình phạt này vẫn phải chịu án tích. Thực tế cho thấy, có một số người nước ngoài phạm tội, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn, họ đã quay trở lại Việt Nam. Do pháp luật Việt Nam không quy định rõ sau bao lâu kể từ khi bị trục xuất người nước ngoài phạm tội có thể được quay lại việt Nam, cho nên những người này vẫn có thể nhập cảnh vào Việt Nam. Do vậy, vấn đề đặt ra là nếu họ tiếp tục phạm tội ở Việt Nam thì lần bị kết án trục xuất trước đó không bị coi là có án tích là điều chưa hợp lí. Bởi vì tuy cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ là hình phạt nhẹ hơn trục xuất nhưng Điều 64 lại qui định người bị tuyên phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ có án tích một năm, còn trục xuất thì không được đề cập gì đến. Rõ ràng, đây là điểm bất hợp lí của BLHS cần phải khắc phục. Do trục xuất là hình phạt nhẹ hơn phạt tù, vì vậy, xếp trục xuất vào Điều 64 khoản 2 điểm a là hoàn toàn lô gic, hợp lí. Trên tinh thần đó, điểm a khoản 2 Điều 64 BLHS nên bổ sung thêm hình phạt trục xuất. Cụ thể:

“Điều 64. Đương nhiên được xoá án tích

1....

2. Người bị kết án không phải về các tội qui định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Một năm trong trường hợp bị phạt phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

…”.

3.3.3 Hoàn thiện các quy định về các hình phạt không tước tự do áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại Điều 71 của BLHS, hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm 04 hình phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Như vậy, trong số 4 hình phạt có thể được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thì có đến 3 hình phạt không gắn với tước tự do, chiếm tỷ lệ 75%. Điều này khẳng định rằng, hệ thống các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự khoan dung và tin tưởng của Nhà nước vào khả năng tự cải tạo của người chưa thành niên phạm tội, giúp các em sửa chữa sai lầm và trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời quán triệt quan điểm xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội và việc tổ chức giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện tại cộng đồng.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống hình phạt này bộc lộ một số điểm bất cập cần được khắc phục, thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, việc thi hành các hình phạt không tước tự do được thực hiện ngay tại cộng đồng, do vậy, nhìn từ góc độ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên thì về nguyên tắc cần mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội, tránh việc phải đưa các em vào tù. Nhưng theo quy định của BLHS hiện hành về điều kiện áp dụng từng hình phạt cụ thể thì hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người đã thành niên và người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội, chứ không thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, bởi lẽ, theo quy định hiện hành, các hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng; cá biệt, phạt tiền là hình phạt chính chỉ được áp dụng đối với một trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng (khoản 3 Điều 222 BLHS). Trong khi đó, theo Điều 12 BLHS thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, theo quy định của BLHS (Phần các tội phạm) thì các hình phạt chính không tước tự do nói chung cũng như hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ nói riêng có thể được áp dụng với hầu hết các tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng khả năng áp dụng các hình phạt này đối với các tội phạm nghiêm trọng còn quá khiêm tốn.

Thứ ba, theo quy định của BLHS thì một trong những điều kiện để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là người bị kết án phải “đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng” và tính nghiêm khắc của hình phạt này được thể hiện rõ nhất ở hai yếu tố: Một là, người bị kết án phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc hoặc cư trú; Hai là, người đó bị khấu trừ thu nhập. Như vậy, nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội mà lại “không khấu trừ thu nhập” thì nhìn từ góc độ nghĩa vụ chấp hành án, cơ bản không khác gì so với yêu cầu của việc chấp hành án treo và biện pháp tư pháp “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Để khắc phục các bất cập trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị nghiên cứu hoàn thiện các quy định của BLHS về các hình phạt không tước tự do áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng:

Một là, quy định cụ thể điều kiện áp dụng từng loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính đặc thù, khác với điều kiện áp dụng các hình phạt này đối với người đã thành niên phạm tội. Cụ thể:

- Cần nghiên cứu quy định việc áp dụng hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội trong một số trường hợp các em phạm tội rất nghiêm trọng, nhất là phạm tội nghiêm trọng do cố ý để các hình phạt này có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, cố gắng hạn chế đến mức tối đa khả năng phải đưa các em vào trại giam.

- Cần nghiên cứu khả năng có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp phạm tội cụ thể, khi các em có tài sản riêng.

Hai là, nghiên cứu khả năng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hiện nay thành một hình phạt mới - hình phạt giáo dục tại xã, phường, thị trấn - áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo hướng này thì có thể có hai khả năng xảy ra:

- Khả năng thứ nhất là hình phạt “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” sẽ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thay thế hình phạt cải tạo không giam giữ.

- Khả năng thứ hai là hình phạt “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” tồn tại độc lập song song với hình phạt cải tạo không giam giữ.

Việc áp dụng hai hình phạt này có thể được thực hiện theo một trong hai nguyên tắc sau đây: Một là, hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội còn hình phạt giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội; Hai là, hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội “đang có nơi làm việc ổn định” và phải bị khấu trừ thu nhập (có thể mức khấu trừ thấp hơn so với người đã thành niên), còn hình phạt giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp còn lại. Đối với cả hai phương án này thì trong mỗi khung hình phạt đối với từng tội chỉ cần quy định hình phạt cải tạo không giam giữ. Còn hình phạt giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ được Tòa án quyết định áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong từng trường hợp phạm tội cụ thể theo phương thức tương tự như việc quyết định áp dụng hình phạt trục xuất, khi trong điều khoản luật được áp dụng có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ.

3.4. Hoàn thiện các quy định về các hình phạt bổ sung

Nhìn chung, các hình phạt bổ sung trong BLHS hiện hành đã thể hiện sự linh hoạt, phong phú của hệ thống hình phạt, thúc đẩy cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt được tốt hơn trong áp dụng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thấy vẫn còn một số bất cập cần hoàn thiện. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số hướng hoàn thiện các quy định về hình phạt bổ sung như sau:

Thứ nhất, cần thống nhất việc quy định về hình phạt bổ sung áp dụng đối với các tội cụ thể theo hướng quy định các hình phạt bổ sung tại khoản cuối cùng của từng điều luật quy định về tội phạm cụ thể.

Thứ hai, nên nghiên cứu cụ thể hoá hình phạt bổ sung "cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định" đối với một số nhóm tội phạm nhất định, ví dụ: quy định hình phạt bổ sung "cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định trong lĩnh vực tư pháp hoặc cơ quan quản lí nhà nước" áp dụng đối với một số tội trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp như: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 293); Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 294), Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295), Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 296), Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái luật (Điều 297); tội dùng nhục hình (Điều 298); Tội bức cung (Điều 299); Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 300); Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 301); Tội tha người trái pháp luật đang bị giam, giữ (Điều 302); Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 303); quy định hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ quản lí tài sản” áp dụng đối với tội tham ô tài sản; v.v...

Thứ ba, cần qui định hình phạt bổ sung “tước một số quyền công dân” áp dụng đối với tội đầu hàng địch (Điều 332), tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh (Điều 323), tội rời bỏ vị trí chiến đấu (Điều 324), đồng thời, phân biệt rõ nội hàm "tước quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân" của hình phạt tước một số quyền công dân với nội dung của hình phạt "cấm đảm nhiệm chức vụ" trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân.

3.5. Nghiên cứu bổ sung biện pháp miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay. Việc áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên không chỉ vì các em đã thực hiện những tội phạm mang tính nghiêm trọng và cần bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc mà còn xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cộng đồng trước khả năng các em có thể tiếp tục gây ra những hành vi nguy hiểm cũng như bảo vệ chính các em trước những yếu tố tiêu cực tại môi trường sống có thể cản trở quá trình phục hồi, cải tạo của các em. Trong trại giam, thông qua việc dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục đạo đức, lối sống, người chưa thành niên phạm tội sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để khi quay trở về với cộng đồng, các em có thể tái hoà nhập, bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, không rơi vào tình trạng ngựa quen đường cũ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, hình phạt tù có thời hạn cũng chứa đựng những hạn chế nội tại, trong đó phải kể đến những tác động tiêu cực do người chưa thành niên bị cách ly khỏi người thân và môi trường sinh sống bình thường của mình. Việc bị cách ly khỏi xã hội sẽ khiến cho các em có cảm giác mặc cảm, bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Về phía gia đình và cộng đồng, việc đưa người chưa thành niên phạm tội ra khỏi cộng đồng cũng khiến cho nhiều gia đình và thành viên trong cộng đồng có thái độ xa lánh, miệt thị đối với họ. Hơn thế nữa, thời kỳ niên thiếu là khoảng thời gian quan trọng đối với người chưa thành niên để phát triển các kỹ năng xã hội và học hỏi làm thế nào để giao thiệp với những người khác theo cách chín chắn và lễ phép. Trong khi đó, người chưa thành niên bị phạt tù lại phát triển các kỹ năng xã hội này trong một môi trường rất không tự nhiên, chỉ kết giao với những người phạm tội khác. Đây là những trở ngại rất lớn đối với quá trình phục hồi và tái hoà nhập của người chưa thành niên phạm tội. Chính vì vậy mà Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên đã yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trẻ em như biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất; trong trường hợp buộc phải áp dụng hình phạt tù thì các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp trả tự do có điều kiện trong thời gian sớm nhất có thể để giám sát, giáo dục người chưa thành niên tại cộng đồng[11]

3.5.1. Biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù trong pháp luật của một số nước

Miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù là một biện pháp được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới dưới các tên gọi như phóng thích (parole) hay trả tự do có điều kiện (conditional release)[12]. Thực chất, đây là việc trả tự do sớm đối với người đang chấp hành hình phạt tù; sau khi được trả tự do, người đó phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian tạm gọi là thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải trở lại trại giam để chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù. Về bản chất, biện pháp này tương tự như án treo ở nước ta (ở các nước khác gọi là probation - buộc phải chịu thử thách), chỉ khác ở thời điểm áp dụng. Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và truyền thống lập pháp nhất định mà mỗi nước có quy định khác nhau về tiêu chí áp dụng, điều kiện, thời gian thử thách, cơ chế xét, quyết định trả tự do có điều kiện, cơ chế giám sát người được trả tự do, v.v…

a. Tiêu chí áp dụng:      

Thông thường, để có thể được xét đưa vào diện miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù (dưới đây gọi tắt là “trả tự do sớm có điều kiện”), người phạm tội, phải thực tế chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định. Thời hạn này có thể dài, ngắn tùy theo pháp luật của mỗi nước. Theo pháp luật của Thái Lan, phạm nhân có thể được xét trả tự do sớm có điều kiện nếu đã chấp hành được hai phần ba thời hạn của hình phạt tù[13]. Người bị kết án tù chung thân thì tối thiểu phải chấp hành được 10 năm tù. Còn theo Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Mỹ, phạm nhân của Liên bang đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên theo tiết 18 Bộ Tổng luật của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Điều 4205 (a) có thể được Ủy ban phóng thích xem xét, quyết định trả tự do sớm có điều kiện nếu đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; trong trường hợp bị kết án tù chung thân hoặc tù 30 năm thì phải chấp hành được 10 năm[14]

Người chưa thành niên phạm tội cũng có thể phải chấp hành hình phạt một thời gian nhất định mới có thể được xét trả tự do có điều kiện. Chẳng hạn, Điều 32 Bộ luật tư pháp thanh thiếu niên của Kosovo quy định rằng: “Thanh thiếu niên bị kết án tù có thể được trả tự do có điều kiện nếu đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn của bản án đã tuyên”. Tuy nhiên, theo Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Mỹ, người chưa thành niên phạm tội có thể được trả tự do sớm có điều kiện vào bất cứ thời điểm nào, tùy theo quyết định của Ủy ban phóng thích[15].

Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào đủ điều kiện về thời hạn thực tế chấp hành hình phạt cũng có thể được đưa vào diện được xét trả tự do sớm có điều kiện mà thông thường, chỉ những người có thái độ cải tạo tốt mới được hưởng chế độ này. Chẳng hạn, theo Điều 4206 Tiết 18 của Bộ Tổng luật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ủy ban Phóng thích chỉ xét phóng thích những phạm nhân về cơ bản tuân thủ tốt quy chế trại giam.

Ngoài ra, pháp luật một số nước có quy định một số trường hợp không được xét trả tự do sớm có điều kiện, chủ yếu do xét thấy có nguy cơ đe dọa sự an toàn của cộng đồng, ví dụ như trường hợp bị kết án về một tội phạm mang tính bạo lực hoặc buôn bán trái phép chất ma túy mà có sử dụng vũ khí, tái phạm nhiều lần v.v...[16].

Người đủ tiêu chuẩn đưa vào diện xét trả tự do sớm có điều kiện sẽ được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, quyết định có cho phép trả tự do sớm hay không. Trong số nhiều vấn đề cần cân nhắc khi ra quyết định, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét liệu việc trả tự do sớm cho người phạm tội có gây ra nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng hay không và liệu có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội hay không[17].

b. Điều kiện thử thách:

Nhìn chung, điều kiện thử thách là những điều kiện do cơ quan có quyền quyết định việc trả tự do sớm đặt ra nhằm tạo ra một sự ràng buộc đối với người được trả tự do, giúp người đó quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, tuân thủ pháp luật và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Những điều kiện này có thể bao gồm hai loại: Một là, các điều kiện chung (standard conditions) được áp dụng đối với mọi đối tượng được trả tự do sớm, chẳng hạn như: (1) trình diện trước cơ quan có thẩm quyền sau khi được trả tự do; (2) định kỳ báo cáo với cán bộ giám sát; (3) không đi khỏi nơi cư trú trừ phi được phép; (4) không làm những việc bị cấm (chẳng hạn như kết giao với những người vi phạm pháp luật, thường xuyên lui tới những địa điểm buôn bán trái phép chất ma túy v.v…[18]. Hai là, các điều kiện đặc biệt (special conditions) do cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với các đặc điểm về nhân thân và yêu cầu giáo dục, phòng ngừa cụ thể đối với cá nhân người được trả tự do, nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phạm và thúc đẩy quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội cũng như bảo vệ quyền lợi của nạn nhân. Những điều kiện này có thể liên quan đến nơi cư trú cụ thể của người được trả tự do, yêu cầu tham gia vào một số chương trình nhất định để giảm thiểu nguy cơ tái phạm, thúc đẩy khả năng phục hồi, tái hòa nhập,  tuân thủ chế độ điều trị y tế, đeo thiết bị giám sát điện tử v.v...[19].

c. Thời gian thử thách:

Thời gian thử thách có thể ngắn hơn, bằng hoặc dài hơn thời hạn còn lại của hình phạt tù. Chẳng hạn, ở Úc, thời hạn thử thách có thể bằng thời hạn còn lại của hình phạt tù nhưng không quá 5 năm; riêng đối với người bị kết án tù chung thân thì thời hạn này được ghi trong quyết định phóng thích[20]. Bộ luật tư pháp thanh thiếu niên của Kosovo quy định thời gian thử thách bằng đúng thời hạn còn lại của hình phạt tù.

d. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng:

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép hoặc hủy bỏ biện pháp trả tự do sớm có điều kiện có thể là Ủy ban phóng thích hoặc là một cơ quan tư pháp. Ở Canada, Ủy ban Phóng thích Quốc gia là cơ quan quản lý hệ thống phóng thích hiện hành của Liên bang, ở một số tiểu bang cũng có Ủy ban phóng thích của tiểu bang. Nhiệm vụ chính của Ủy ban là đánh giá xem liệu người phạm tội đã sẵn sàng để quay trở về với cộng đồng hay chưa và quyết định có trả tự do sớm đối với người đó hay không[21].

Ở Nhật Bản, Ủy ban phóng thích khu vực được đặt tại 8 thành phố nơi có trụ sở của tòa thượng thẩm, chịu trách nhiệm quyết định việc trả tự do sớm có điều kiện, hủy quyết định cũng như giám sát các cán bộ giám quản[22]. Còn ở Thái Lan, Tổng cục trưởng Tổng cục cải tạo có quyền quyết định trả tự do sớm có điều kiện. Tuy nhiên, do số phạm nhân đang ở trong hệ thống cải tạo của Thái Lan hiện nay khá lớn nên mỗi trại giam đều thành lập một Ban xét trả tự do sớm có điều kiện. Các Ban này có trách nhiệm xem xét và lập danh sách phạm nhân đề nghị được trả tự do sớm có điều kiện[23]. Trong khi đó, theo Bộ luật tư pháp thanh thiếu niên của Kosovo, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định trả tự do sớm có điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội[24].

e. Trình tự, thủ tục:

Trình tự, thủ tục quyết định trả tự do sớm có thể khác biệt nhau đôi chút trong pháp luật của các nước.

Ở Mỹ, trong vòng từ 3 đến 6 tháng trước khi trả tự do, cán bộ quản giáo phải gửi bản kế hoạch tái hòa nhập của người phạm tội cho cơ quan giám quản thích hợp để xem xét. Nếu cán bộ giám quản thấy cần phải áp dụng một số điều kiện đặc biệt đối với người được xét trả tự do thì sẽ đề nghị Ủy ban phóng thích. Ủy ban phóng thích, tự mình hoặc theo yêu cầu của cán bộ giám quản có thể áp dụng những điều kiện đặc biệt đối với người được trả tự do. Khi trả tự do, cán bộ quản giáo sẽ giao cho người được trả tự do bản hướng dẫn người đó đến trình diện cán bộ giám quản trong vòng 72 giờ kể từ khi được trả tự do và giải thích rõ việc không trình diện bị coi là vi phạm điều kiện trả tự do. Khi người được trả tự do đến trình diện, cán bộ giám quản sẽ giao cho người này chứng chỉ trả tự do trong đó nêu rõ những điều kiện mà người này phải tuân thủ do Ủy ban phóng thích quyết định[25].

Ở Canada, một trong những thủ tục quan trọng khi quyết định trả tự do sớm là đánh giá nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng. Trước hết, các thành viên của Ủy ban Phóng thích Quốc gia sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ nguy cơ, trên cơ sở xem xét tất cả các thông tin sẵn có về người phạm tội, bao gồm, chi tiết về sự việc phạm tội, tiền án, các vấn đề xã hội của người phạm tội, như bạo lực gia đình, lạm dụng ma túy hay đồ uống có cồn, tình trạng tâm thần, quan hệ xã hội, nghề nghiệp. Nếu trước đó người phạm tội đã từng được trả tự do sớm có điều kiện thì còn phải xem xét thái độ cải tạo khi được trả tự do. Tiếp theo, thành viên Ủy ban sẽ cân nhắc xác suất tái phạm đối với nhóm người phạm tội tương tự. Sau khi hoàn thành việc đánh giá sơ bộ nguy cơ, các thành viên Ủy ban sẽ xem xét những yếu tố cụ thể sau: các báo cáo về tâm lý và tâm thần; ý kiến của một số người có liên quan như thẩm phán, cảnh sát, người có uy tín tại cộng đồng; thông tin từ nạn nhân. Ủy ban cũng cân nhắc xem người phạm tội đã được điều trị tâm lý hay các liệu pháp khác nếu cần thiết hay chưa, và có tiến triển tốt hay không; người phạm tội có hiểu rõ tính chất nguy hiểm và hậu quả của tội phạm nay không; kế hoạch tái hòa nhập của người phạm tội có khả thi hay không. Sau khi cân nhắc tất cả những thông tin này, Ủy ban sẽ mở một phiên điều trần với người phạm tội để quyết định có trả tự do sớm cho người đó hay không, cần áp dụng điều kiện gì[26].

Để bảo đảm đối xử công bằng đối với người phạm tội theo Khuyến nghị của Hội đồng châu Âu năm 2003, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc trả tự do sớm phải được cung cấp đầy đủ thông tin về người phạm tội, về thái độ của người đó đối với việc trả tự do sớm cũng như các điều kiện cần áp dụng đối với người đó. Cần tạo điều kiện để người phạm tội được trình bày quan điểm trong quá trình quyết định trả tự do sớm. Cần quy định cơ chế thay đổi các điều kiện thử thách và khi phát hiện thấy có vi phạm thử thách thì có thủ tục để đánh giá vi phạm một cách khách quan, công bằng. Không nên hủy quyết định trả tự do sớm đối với trường hợp vi phạm nhỏ nhặt. Trường hợp bắt buộc phải hủy quyết định thì nên cân nhắc trừ thời gian mà người được trả tự do đã chịu thử thách. Cuối cùng, cần có thủ tục khiếu nại để xem xét lại các quyết định có liên quan đến trả tự do sớm có điều kiện[27].

f. Cơ quan giám sát:

Để theo dõi, hỗ trợ người được trả tự do sớm có điều kiện cũng như những người phạm tội được xử lý bằng các chế tài giáo dục tại cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập ra cơ quan giám quản (probation office). Những cơ quan này sẽ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và các tình nguyện viên để giám sát và hỗ trợ người đang chịu thử thách.

Ở Nhật Bản, văn phòng giám quản (probation office) là những cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc xử lý người phạm tội dựa vào cộng đồng, bao gồm cả buộc phải chịu thử thách (tương tự như án treo của ta) và trả tự do sớm có điều kiện. Các văn phòng này được đặt tại 50 thành phố nơi có các tòa án quận và chịu sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Các cán bộ làm việc cho những văn phòng này gồm có ba loại: (1) các cán bộ giám quản của chính phủ, (2) các cán bộ giám quản tình nguyện, và (3) các cơ sở hỗ trợ phục hồi (tổ chức xã hội). Cán bộ giám quản của chính phủ là công chức nhà nước. Tuy nhiên, thông thường những cán bộ này không trực tiếp tiến hành mọi công việc mà giới thiệu người bị buộc phải chịu thử thách hoặc người được trả tự do sớm có điều kiện cho cán bộ giám quản tình nguyện. Cán bộ giám quản tình nguyện có vai trò như trợ lý của cán bộ giám quản của Chính phủ và là người trực tiếp giám sát người phải chịu thử thách hoặc người được trả tự do sớm. Đây là những công dân bình thường, tham gia vào hoạt động phục hồi đối với người phạm tội trên tinh thần nhân đạo và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm[28]

3.5.2. Khả năng áp dụng biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta

Chủ trương giảm hình phạt tù, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chủ trương này cần được ưu tiên thực hiện bởi lẽ, trong số sáu chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội[29] thì chỉ có hai chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và cả hai chế tài này đều là chế tài tước tự do, đó là đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn[30]. Để hạn chế việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, chúng ta có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 74 và Điều 76 của BLHS theo hướng, một mặt, hạn chế đầu vào bằng cách quy định ràng buộc thêm nhiều điều kiện để áp dụng hình phạt tù, rút ngắn mức phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; mặt khác, mở rộng đầu ra bằng cơ chế phóng thích sớm người chưa thành niên đã bị kết án phạt tù và đang chấp hành hình phạt tại trại giam mà có nhiều tiến bộ như: mở rộng phạm vi miễn chấp hành (vô điều kiện) phần còn lại của hình phạt tù và giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với những đối tượng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình phạm tội của người chưa thành niên ngày càng gia tăng với những diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái phạm khá cao như hiện nay, bài toán đặt ra là phải làm sao một mặt thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng và bảo đảm hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với những đối tượng này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều 74 và Điều 76 của BLHS mới chỉ giải quyết được một phần của bài toán là chính sách nhân đạo của các đối tượng này, nhưng không có cơ chế ràng buộc, theo dõi sau khi người chưa thành niên được trả tự do, vì vậy khó có thể bảo đảm phòng ngừa tái phạm. Trong khi đó, biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù vừa cho phép người đang chấp hành hình phạt tù được sớm quay trở lại với cộng đồng, vừa đặt ra các điều kiện chặt chẽ để thử thách người phạm tội, có tác dụng giúp đỡ người đó sống có trách nhiệm, có kỷ luật, tăng quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Do vậy, biện pháp này sẽ có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tái phạm và có thể là một câu trả lời phù hợp cho bài toán này. Việc áp dụng biện pháp này không chỉ góp phần đạt được mục tiêu của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là “giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”[31] mà còn thực sự vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, phù hợp với các nguyên tắc mà Công ước quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác đã nêu ra.

Cùng với các chế định miễn, giảm hình phạt hiện nay, biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù sẽ cho phép mở rộng phạm vi người chưa thành niên được sớm quay trở về với cộng đồng, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả giáo dục, phục hồi, phòng ngừa tái phạm với những đối tượng này. Bên cạnh đó, biện pháp này còn khuyến khích gia đình, các đoàn thể xã hội, cộng đồng tham gia vào việc giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên bị kết án, do vậy, khả năng phục hồi của người chưa thành niên tốt hơn, hiệu quả bền vững hơn và điều này cũng phù hợp với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta.

Việc bổ sung biện pháp này vào BLHS không gây xáo trộn lớn trong hệ thống pháp luật hiện hành. Để thi hành biện pháp này, trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung hai điều luật trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) là Điều 269 - Thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt và Điều 309 - Chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, đồng thời, Chính phủ ban hành một Nghị định quy định cụ thể về các điều kiện áp dụng, các biện pháp giám sát, hỗ trợ người chưa thành niên trong thời gian thử thách, trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án quyết định chấm dứt thời hạn thử thách hoặc buộc phải chấp hành hình phạt tù cũng như trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan trong việc thi hành biện pháp này.

IV. Kết luận

1. Việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết của hoạt động lập pháp và thi hành pháp luật trong điều kiện phát triển về kinh tế và xã hội hiện nay của nước ta nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên, đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn và bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện các vấn đề về tội phạm và hình phạt sẽ đưa ra được những giải pháp, phương án cụ thể nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, góp phần quan trọng vào việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 để đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo đủ tính răn đe và mức độ trừng phạt cần thiết đối với người phạm tội trong điều kiện mới.

2. Chế định tội phạm và hình phạt có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, nhóm nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu một số vấn đề bức xúc nhất của lý luận và thực tiễn liên quan đến hai chế định này như vấn đề về giảm hình phạt tử hình, điều chỉnh mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, điều chỉnh cấu thành tội phạm và hình phạt đối với một số tội phạm về kinh tế, môi trường, tội phạm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tội buôn bán người, khủng bố, rửa tiền và bổ sung một số hành vi phạm tội mới phát sinh trong trong một số lĩnh vực nhằm thể chế hoá một bước chủ trương cải cách tư pháp, chủ trương nhân đạo hoá của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật hình sự cần phải được đổi mới, được cải cách mạnh mẽ hơn để có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế, góp phần giải phóng mọi năng lực, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế; trách tình trạng lạm dụng biện pháp hình sự trong việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, thiếu cân nhắc đến hiệu quả kinh tế cũng như xã hội của các biện pháp hình sự, dẫn đến tội phạm hoá tràn lan, bỏ qua các qui luật của nền kinh tế thị trường. Do đó, ngoài việc tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho các hoạt động kinh tế, pháp luật hình sự còn phải góp phần khuyến khích những hoạt động kinh tế theo cơ chế kinh tế mới phát triển. Việc tội phạm hoá hoặc phi tội phạm hoá đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế phải phù hợp với qui luật, đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay thì việc làm hài hòa qui định xử lý về hình sự đối với các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế giữa pháp luật quốc gia và  pháp luật quốc tế là một đòi hỏi khách quan và bức xúc.

4. Thực tiễn cho thấy, việc xử lý nghiêm hay không nghiêm không chỉ phụ thuộc vào mức hình phạt được quy định nặng hay nhẹ. Vấn đề là ở chỗ, biện pháp xử lý phải phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, phải phù hợp với bản chất của từng loại tội phạm. Bất kỳ một hình phạt nào cũng là sự kết hợp giữa trừng trị và giáo dục, trừng trị là biện pháp để giáo dục và có ý nghĩa răn đe. Do đó, khi quy định một loại hình phạt nhà làm luật phải giải quyết hợp lý mối tương quan này. Nghĩa là, làm thế nào để yếu tố trừng trị phải bảo đảm ở mức cần và đủ vì nếu nghiêm khắc thái quá có thể sẽ tạo ra sự bi quan, phẫn uất, mất lòng tin vào động cơ giáo dục, cải tạo của người phạm tội; tạo nên sự nhận xét, đánh giá, phản ứng không tốt của những người xung quanh sẽ hạn chế tác dụng phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt.

5. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm môi trường cho thấy do các quy định hiện hành đặt ra quá nhiều điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự như: đã bị xử phạt hành chính, cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, gây hậu quả nghiêm trọng… nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các điều luật này. Đây là nguyên nhân chính làm cho các quy định này không vào cuộc sống được, làm giảm đáng kể tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với hành vi tội phạm về môi trường. Vì vậy, trước mắt, cần loại bỏ các điều kiện nói trên để mở rộng khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm môi trường, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

6. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc bảo vệ bằng pháp luật hình sự theo quy định hiện hành đối với các quan hệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết chiều sâu và chiều rộng của loại quan hệ đang phát triển rất nhanh này. Do vậy, việc nghiên cứu bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Cụ thể, trước mắt có thể nghiên cứu để bổ sung một số tội danh như: Tội vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Tội vi phạm các quy định về quản lý các chất thải nguy hiểm cho môi trường; Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Về lâu dài, chúng ta có thể nghiên cứu để bổ sung các tội danh như: Tội phạm về vũ khí sinh học; Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh khi tiến hành sản xuất; Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hay độc tố sinh học khác;...

7. Tình hình tội phạm về chức vụ và cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về chức vụ tội phạm về chức vụ và cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về chức vụ trong thời gian sắp tới vẫn còn diễn biến phức tạp; việc phát hiện những hành vi tham nhũng trên mọi mặt của đời sống xã hội vẫn là vấn đề bức xúc, nhưng bức xúc nhất vẫn là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; nhiều vụ tham nhũng lớn vẫn chưa được phát hiện; nhiều hạng mục công trình mới nghiệm thu nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được làm rõ để quy trách nhiệm; tham nhũng trong các lĩnh vực khác tuy ở mức độ khác nhau nhưng vẫn tiếp tục phát triển như: xuất nhập khẩu hàng hoá, tài chính, ngân hàng dầu khí, quản lý đất đai và kể cả trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, quản lý cán bộ. BLHS cần có một chương riêng đối với các tội phạm về tham nhũng phù hợp với quan điểm, chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

8. Quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn, vướng mắc là do một số quy định của BLHS còn có những điểm khiếm khuyết, bất cập. Nguyên nhân là do yếu tố cấu thành của tội mua bán phụ nữ, tội mua bán trẻ em còn chưa hợp lý, chưa bao quát được hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ định khung của Điều 119 và Điều 120 còn chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng, khung hình phạt của cả hai điều luật này quá rộng và hình phạt bổ sung quy định chưa đầy đủ. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 119, 120 theo hướng khắc phục những khiếm khuyết nội tại của hai điều luật này và làm hài hòa giữa pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về chống buôn bán người là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện thuật lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống loại tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người này.

9. Đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố là một vấn đề được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Tính đến nay nước ta đã là thành viên của 8/13 Công ước và Nghị định thư liên quan đến chống khủng bố. Các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố mà nước ta là thành viên, các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố cũng như 9 khuyến nghị đặc biệt của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) yêu cầu phải hình sự hoá hành vi khủng bố, các tổ chức khủng bố và hành vi tài trợ cho khủng bố. Quy định tại Điều 84 BLHS hiện hành mới chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam mà chưa tính đến yêu cầu đấu tranh với các hành vi khủng bố mang tính quốc tế. Do vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 84 BLHS một cách cơ bản cả về mặt hành vi cấu thành lẫn về tính chất tội phạm cho phù hợp với các điều ước quốc tế và các văn kiện pháp lý quốc tế khác liên quan đến chống khủng bố là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt chính trị - đối ngoại mà còn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nước ta trong phòng ngừa, ngăn chặn khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh một cách có hiệu quả đối với loại tội phạm mang tính quốc tế này.

10. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về tội rửa tiền, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền ở nước ta, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền, việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Điều 251 theo hướng bao quát các hành vi rửa tiền được đề cập trong Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và các khuyến nghị của FATF là một đòi hỏi khách quan.

11. Hình phạt tù có thời hạn có vai trò quan trọng trong hệ thống hình phạt nước ta và là một hình phạt có hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, trong BLHS hiện hành của nước ta, quy định về hình phạt tù trong phần chung cũng như trong phần các tội phạm chưa thể hiện được đầy đủ chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước ta, chưa thể hiện được quan điểm giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù, quan điểm tăng cường tính hướng thiện của hình phạt; đáp ứng đòi hỏi của nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Nghiên cứu các quy định phần chung BLHS về hình phạt tù cho thấy, một số vấn đề cần được nghiên cứu sâu thêm. Một là, cần có sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp khi quy định về hình phạt tù trong hệ thống các loại hình phạt khác, cụ thể là cần xác định nội dung hình phạt, loại tội được áp dụng và điều kiện áp dụng hình phạt tù để có cơ sở quy định các chế tài phần các tội phạm và áp dụng trong thực tiễn; Hai là, cần nghiên cứu nâng mức tối thiểu của hình phạt tù, thay thế hình phạt tù quy định ở mức thấp bằng hình phạt khác không phải tù; Ba là, nghiên cứu sửa đổi các chế định phần chung như quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc có nhiều bản án, án treo, quyết định hình phạt trong đồng phạm,… để có thể linh hoạt hơn trong áp dụng hình phạt tù, thuận tiện hơn trong cá thể hoá hình phạt.

12. Việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong BLHS nước ta vẫn là cần thiết, bởi lẽ, trong điều kiện nước ta hiện nay thì tử hình vẫn được xem là “giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất”[32]. Nếu loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình chúng ta sẽ mất một công cụ pháp lí đắc lực để đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Hơn nữa, hình phạt tử hình không trái với nguyên tắc nhân đạo, không trái với pháp luật quốc tế và không vi phạm nhân quyền. Việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình sẽ góp phần bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự và mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm của hình phạt. Tuy nhiên, trong xu thế chung của chính sách hình sự của đa số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, pháp luật hình sự nước ta cũng cần đi theo hướng thu hẹp dần phạm vi và đối tượng áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt này. Để làm được việc này cần rà soát lại những điều luật có quy định tử hình trong BLHS theo hai hướng: Một là, chỉ những trường hợp thật cần thiết mới tiếp tục duy trì tử hình trong điều luật về tội phạm cụ thể. Những trường hợp không cần thiết thì quy định hình phạt tù chung thân thay thế tử hình vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; Hai là, đối với những tội giữ lại tử hình thì phải xem xét quy định như thế đã hợp lí chưa, nếu chưa hợp lí cần phải sửa đổi, bổ sung thì làm theo hướng nào? Việc làm này nhằm mục đích giảm thiểu hình phạt tử hình.

13. Thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS về các hình phạt chính không tước tự do, cho thấy cần hoàn thiện các hình phạt không tước tự do theo hai hướng: Một là, mở rộng thêm phạm vi áp dụng các hình phạt này đối với trường hợp phạm các tội nghiêm trọng, thậm chí là một số tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Hai là, đối với một số tội cụ thể thì chỉ nên quy định hình phạt chính nhẹ hơn phạt tù ở khung hình phạt nhẹ nhất.

14. Trong tương lai cần hoàn thiện các quy định của BLHS về các hình phạt không tước tự do áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng:

Một là, quy định cụ thể điều kiện áp dụng từng loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính đặc thù, khác với điều kiện áp dụng các hình phạt này đối với người đã thành niên phạm tội.

Hai là, nghiên cứu khả năng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hiện nay thành loại hình phạt mới - hình phạt giáo dục tại xã, phường, thị trấn - áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

15. Nghiên cứu khả năng bổ sung thêm các quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đang chấp hành án phạt tù. Cùng với các chế định hiện hành về miễn, giảm chấp hành hình phạt, quy định này mở ra khả năng để cho người chưa thành niên phạm tội cải tạo tốt trong trại giam có thêm cơ hội được sớm trở về với gia đình và cộng đồng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện triệt để nguyên tắc "Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh" đã được ghi nhận một cách nhất quán trong BLHS năm 1985 trước đây và BLHS hiện hành.



[1] Nhóm nghiên cứu sử dụng thuật ngữ “loài ngoại lai xâm hại” cho phù hợp với thực tiễn cũng như Luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008

[2]. Xem nội dung cụ thể tại Chuyên đề số 6 Phần II Hệ Chuyên đề : “Nghiên cứu hoàn thiện các quy định của BLHS về một số tội phạm chức vụ”.

[3] Như chú thích 2.

[4] Như chú thích 2.

[5] Như chú thích 2.

[6] Như chú thích 2.

7 Xem Bộ luật hình sự của các nước Cộng hòa pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Đan mạch, Thụy Điển, Liên bang Nga, Nhật Bản, Philipine, Singapore, Trung Quốc, Bộ luật hình sự mẫu của Hợp chủng quốc Hoa Kì…

[8] Xem Nghị định số 60/2000/NĐ-CP quy định về việc thi hành cải tạo không giam giữ ngày 30/10/2000.

[9] Xem bài “Thi hành án phạt tù cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ ở tỉnh Thừa Thiên Huế - một số vấn đề cần giải quyết” trên Website của HĐND Huế ngày 10/1/2008; Bài “Những hạn chế trong thi hành án hình sự ở Điện Biên” trên trang Web www.nguoidaibieu.com.vn/ ngày 10/1/2008…

[10] Xem Ban chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự, “Tài liệu hội nghị tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự năm 1999”, tr 78.

[11] Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Điều 37 và Quy tắc  chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh), Quy tắc 28.

[12] Tuy nhiên, ở một số quốc gia, chẳng hạn như  Canađa, ngoài phóng thích còn có một số biện pháp trả tự do có điều kiện khác như  cho phép vắng mặt tạm thời, giám sát bắt buộc. Xem http://www.ajic.mb.ca/volumel/chapter12.html#1

[13] Kanokpun Kalyanasuta, Atchara Suriyawong, The Criminal Justice System and community-based Treatment of Offenders in Thailand http://www.unafei.or.jp/english/pdf/PDF_rms/no61/ch17.pdff

[14] Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Điều 2.2.

[15] Sđd, Điều 2.4.

[16] Sđd, Điều 2.2.

[17] Xem Luật phóng thích 2002 của New Zealand, Điều 28, Luật cải tạo và trả tự do có điều kiện của Canađa, Điều 16.

[18] Xem Luật phóng thích 2002 của New Zealand, Điều 14.

[19] Sđd.  Xem thêm Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Điều 2.40.

[20] http://www.ag.gov.au/www/agd/agd.nsf/Page/Federaloffenders_Paroleconditions

[22] Ministry of Justice Japan, Criminal Justice in Japan, tr 42.

[23] Sđd, chú dẫn số 3.

[24] Sđd, chú dẫn số 5.

[25] Sđd, chú dẫn số 4.

[26] http://www.duhaime.org/LegalResources/CriminalLaw /LawArticle-97/Parole-In-Canada.aspx

[27] United Nations Office on Drugs and Crime, Handbook of Basic Principles and Promising Practices on Alternatives to Imprisonment, 2007, 54-5.

[28] Sđd, chú dẫn số 12.

[29] Bao gồm hai biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng, cùng bốn hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

[30] Lý do bởi vì đối tượng này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, mà đối với những tội phạm này thì luật không quy định các chế tài không tước tự do. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên cho thấy, có những trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, không nhận thức được đầy đủ hậu quả mà hành vi của mình có thể gây ra, ví dụ như cắt trộm đường dây điện thoại.  Cũng có những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý nhưng lần đầu, do thiếu những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng kiềm chế nóng giận, giải quyết xung đột một cách hoà bình v.v…

[31] Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[32] http://vi.wikipedia.org/wiki/Tử_hình ngày 13/1/2008

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...