• Thuộc tính
Tên đề tài Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Nội dung tóm tắt

NỘI DUNG TÓM TẮT

Trong nhận thức, trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật ở Việt Nam, pháp luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế nói riêng chưa có bề dày phát triển và chưa được dành sự ưu tiên như các lĩnh vực pháp luật khác (pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, thương mại). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các thiết chế xây dựng, đảm bảo thi hành pháp luật, trong đó có pháp luật điều ước quốc tế, cho đến nay vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của cơ chế tập trung với mô hình chưa thực sự được hoàn toàn đổi mới.

Bộ Tư pháp Việt Nam là Cơ quan thuộc Chính phủ - một hợp thành của Bộ máy hành pháp. Kể từ khi được thành lập năm 1945, giải thể rồi tái thành lập, cùng với tiến trình phát triển của cả nước, Bộ Tư pháp ngày càng gánh vác nhiều hơn những nhiệm vụ xây dựng và thực thi pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Về phương diện pháp luật quốc gia, vai trò tiền kiểm (thẩm định) và hậu kiểm (kiểm tra) VBQPPL của Bộ Tư pháp được quy định trong pháp luật hiện hành đã thực sự đưa Bộ lên vị trí của người "gác cổng", đảm bảo tính thống nhất, khả thi của cả hệ thống pháp luật. Đối với công tác điều ước quốc tế, đã thấy có sự biến chuyển cả về lượng và chất trong vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình rà soát, thẩm định, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói chung cũng như điều ước quốc tế chuyên ngành nói riêng.   

Vì thế, việc triển khai nghiên cứu Đề tài cấp bộ “Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế” là cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn về sự tham gia của Bộ Tư pháp với tư cách là một cơ quan của Chính phủ trong công tác điều ước quốc tế.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Một là, kiến giải tính hợp lý của việc giao Bộ Tư pháp thực hiện một số chức năng chung và chuyên ngành như hiện nay. Hai là, kiến nghị một số điểm về hoàn thiện pháp luật điều ước quốc tế nói chung, vấn đề tổ chức và nâng cao năng lực của Bộ Tư pháp nói riêng để Bộ thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác pháp luật vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng này.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÁP LUẬT VÀ CÁC THIẾT CHẾ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

1. Pháp luật điều ước quốc tế ở Việt Nam

Bắt đầu từ khi ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về điều ước quốc tế (ĐƯQT). Thực tế gần 50 năm qua chứng minh công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn.

1.1. Hệ thống các quy định về điều ước quốc tế

Các quy định pháp luật về ĐƯQT ở Việt Nam, xét theo hệ thống, trước hết phải kể đến các điều khoản có liên quan trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về thẩm quyền của các Cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về phê chuẩn, phê duyệt, đàm phán, ký kết và thực thi ĐƯQT1; quy định về "tính đến điều ước quốc tế" của Việt Nam trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nước được quy định trong Luật ban hành VBQPPL 2002; và yêu cầu về soạn thảo thông qua VBQPPL trong nước không được làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế (ĐƯQT) của Việt Nam trong Luật ban hành VBQPPL 20082. Hiệu lực ưu tiên áp dụng các ĐƯQT so với pháp luật quốc gia (trừ Hiến pháp) trong trường hợp có mâu thuẫn với pháp luật quốc gia được nêu tại các VBQPPL trong nước cụ thể3.

Về văn bản chuyên ngành ĐƯQT, việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 02 Pháp lệnh Điều ước quốc tế (Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam ngày 17/10/1989 và Pháp lệnh về ký kết và thực hiện ĐƯQT được UBTVQH thông qua ngày 20/8/1998), Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005, Nghị định về thoả thuận quốc tế năm 20024 và Pháp lệnh Ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế năm 20075 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với việc chuẩn hoá các quy định và thủ tục liên quan đến vấn đề ký kết và thực hiện ĐƯQT.

1.2. Một số nội dung cơ bản của Luật Điều ước quốc tế 2005

1.2.1. Cơ cấu, phạm vi điều chỉnh

Với 9 chương và 107 điều6. Luật Điều ước quốc tế năm 2005 quy định về việc ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện ĐƯQT được ký kết (Điều 1). Phạm vi điều chỉnh của Luật đã được thu hẹp hơn so với quy định trước đây của Pháp lệnh năm 1998 về nội dung và định nghĩa của ĐƯQT7. ĐƯQT thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật 2005 chỉ gồm 2 loại: ĐƯQT được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ. Các văn bản còn lại thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Điều ước quốc tế (2007)8

1.2.2. Nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

Luật điều ước quốc tế 2005 quy định những nguyên tắc chủ yếu như: phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế; phù hợp với quy định của Hiến pháp; phù hợp lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của Việt Nam; ĐƯQT nhân danh Chính phủ không được trái với ĐƯQT nhân danh Nhà nước; ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH; ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH phải được trình UBTVQH cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập ĐƯQT có quy định trái với VBQPPL của Quốc hội thì UBTVQH báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

1.2.3. Quan hệ của điều ước quốc tế với pháp luật trong nước

Trên thực tế, mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật trong nước đã được xử lý trong nhiều VBQPPL với nguyên tắc ĐƯQT mà Việt Nam ký kết và gia nhập có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp VBQPPL trong nước có quy định khác về cùng một vấn đề. Nguyên tắc này được tái khẳng định trong Luật điều ước quốc tế 2005 (Điều 6 Khoản 1). Luật này cũng quy định việc ban hành VBQPPL trong nước phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề (ĐƯQT nhiều bên).

1.2.4. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Cơ quan đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT là: Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký kết ĐƯQT thì cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Về thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc gia nhập và cho ý kiến, theo Điều 11 Luật Điều ước quốc tế 2005, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác; Chính phủ quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ. Trong trường hợp ĐƯQT có điều khoản phê chuẩn hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ đàm phán, ký hoặc gia nhập thì Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định. Về thẩm quyền quyết định đối với việc gia nhập ĐƯQT nhiều bên: Quốc hội quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước; Chủ tịch nước quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Nhà nước, ĐƯQT nhiều bên có quy định phải phê chuẩn; Chính phủ quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Chính phủ.

1.2.5. Phê duyệt và phê chuẩn điều ước quốc tế

Phê chuẩn và phê duyệt ĐƯQT là hành vi pháp lý nhằm công nhận hiệu lực, cũng như ràng buộc đối với ĐƯQT mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Thẩm quyền phê duyệt và phê chuẩn đối với ĐƯQT là khác nhau. Về thẩm quyền phê chuẩn, Chủ tịch nước và Quốc hội có thẩm quyền quyết định phê chuẩn ĐƯQT. Đối với trường hợp Quốc hội phê chuẩn thì ĐƯQT phải được thẩm tra. Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra ĐƯQT là Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; các uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban đối ngoại để thẩm tra ĐƯQT. Thẩm quyền phê duyệt ĐƯQT thuộc Chính phủ. Chính phủ quyết định phê duyệt ĐƯQT đối với: (i) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt; (ii) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong VBQPPL của Chính phủ; (iii) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

1.2.6. Bảo lưu, chấp nhận, phản đối và rút bảo lưu điều ước quốc tế nhiều bên

Cơ quan đề xuất khi trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập ĐƯQT nhiều bên có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với ĐƯQT nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình trình Chính phủ về vấn đề này. Về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ. Khi rút bảo lưu, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Thẩm quyền quyết định bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Bộ Ngoại giao hoàn thành các thủ tục như thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế về việc Việt Nam bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu đối với ĐƯQT nhiều bên.

1.2.7.  Thực hiện điều ước quốc tế

Cơ quan đề xuất và chủ trì thực hiện ĐƯQT xây dựng kế hoạch thực hiện ĐƯQT. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT bao gồm những nội dung: (i) Lộ trình thực hiện ĐƯQT; (ii) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện ĐƯQT; (iii) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế; (iv) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện ĐƯQT; (v) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Kế hoạch này trước khi thực hiện phải trình Chính phủ phê duyệt.9  

Giải thích ĐƯQT là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện ĐƯQT. Một nội dung nữa là vấn đề sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn ĐƯQT. ĐƯQT được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

1.2.8. Những vấn đề mới của Luật Điều ước quốc tế 2005

- Phân loại điều ước quốc tế: Khác với quy định trước đây, Luật Điều ước quốc tế 2005 chỉ điều chỉnh 2 loại điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập dưới danh nghĩa Nhà nước và Chính phủ (loại trừ hai loại điều ước nhân danh Bộ, ngành và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

- Chuyển hoá điều ước quốc tế: ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam có thể áp dụng trực tiếp. Trong trường hợp không thể áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT (Điều 6 Khoản 3 Luật Điều ước quốc tế 2005).

- Vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam: Luật Điều ước quốc tế 2005 không quy định vị trí của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy, điều ước quốc tế của Việt Nam không được trái với Hiến pháp, nhưng được phép có quy định khác với quy định của các văn bản do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Trong quan hệ với luật, ĐƯQT có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật trong trường hợp ĐƯQT có quy định khác so với quy định của luật.  

2. Pháp luật về thoả thuận quốc tế

Pháp lệnh thoả thuận quốc tế (2007) gồm 5 chương và 33 Điều10. Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh được áp dụng đối với việc ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế (TTQT) của ba nhóm chủ thể là: (i) Cơ quan nhà nước ở trung ương (Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ); (ii) Cơ quan cấp tỉnh bao gồm Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Cơ quan trung ương của tổ chức (Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp).

Về cơ bản, các nguyên tắc ký kết và thực hiện TTQT (Điều 4) cũng giống như các nguyên tắc ký kết thực hiện ĐƯQT. Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là TTQT chỉ có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đã ký kết TTQT đó, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nhà nước hoặc của Chính phủ Việt Nam. Pháp lệnh thoả thuận quốc tế 2007 cũng quy định cụ thể về thẩm quyền ký kết TTQT và trình tự, thủ tục ký kết TTQT (Chương II).

3. Các cơ quan có vai trò chủ yếu trong công tác điều ước quốc tế ở Việt Nam

3.1. Quốc hội và các cơ quan Quốc hội

Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định Quốc hội cho ý kiến về đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, (Điều 3, khoản 5 Luật 2005); Quyết định theo thẩm quyền về chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT, việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT (Điều 6 khoản 3); Quốc hội quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Là cơ quan thường trực của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội được giao nhiều việc liên quan đến ĐƯQT. Cụ thể, Luật điều ước quốc tế năm 2005 quy định UBTVQH cho ý kiến hoặc báo cáo Quốc hội về đàm phán, ký kết, gia nhập ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH (Điều 3, khoản 5); Quyết định theo thẩm quyền về chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT, việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế (Điều 6 khoản 3). Thẩm quyền điều ước quốc tế của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Uỷ ban Tư pháp Quốc hội không nhiều, chủ yếu tập trung vào các vấn đề pháp luật trong nước.

3.2. Chủ tịch nước

Khoản 1 Điều 11 Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Nhà nước, ĐƯQT nhiều bên có quy định phải phê chuẩn; phê chuẩn điều ước quốc tế theo thẩm quyền (các Điều 31, 32).

3.3. Chính phủ

Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình soạn thảo, đàm phán ký kết các điều ước quốc tế của Việt Nam. Luật Điều ước quốc tế 2005 cụ thể hoá các vai trò của Chính phủ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT (Điều 5, khoản 1); quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ, nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước (khoản 1 Điều 11); báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước hoặc ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn (Điều 11, khoản 2); trình UBTVQH cho ý kiến về việc đàm phán, ký ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH; trong trường hợp đàm phán, ký ĐƯQT có quy định trái với VBQPPL của Quốc hội thì UBTVQH báo cáo Quốc hội cho ý kiến (Điều 11 khoản 3).

3.4. Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT (Điều 5 khoản 2 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005). Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến công tác đối ngoại của Nhà nước, trong đó có các điều ước quốc tế thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, như thiết lập quan hệ ngoại giao lãnh sự; chủ quyền lãnh thổ quốc gia.11

Như vậy, có thể nói khung pháp luật ĐƯQT của Việt Nam hiện nay là tổng hợp của đa dạng các loại quy phạm pháp luật trong nước và ĐƯQT. Về cơ bản, các quy định về ĐƯQT của Việt Nam phù hợp với quy định về nội dung và thực tiễn áp dụng Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về hệ thống các thiết chế, có thể thấy sự đóng góp ở những mức độ khác nhau và thẩm quyền, vai trò khác nhau của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong công tác ĐƯQT. Trong hệ thống các thiết chế đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng, được nêu cụ thể hơn ở các phần sau.    

II. VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG VIỆC KÝ KẾT VÀ GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ.

1. Tham gia đàm phán, góp ý xây dựng điều ước quốc tế

Đây là một trong những công việc thường xuyên của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp tham gia đàm phán một số ĐƯQT có ý nghĩa quan trọng và chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại, nhưng góp ý xây dựng và thẩm định tất cả các ĐƯQT theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005. Công tác ĐƯQT của Bộ Tư pháp trong thời gian qua được gắn với nhiều hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật.

Về số lượng việc ĐƯQT đã thực hiện trong những năm qua, từ năm 1980 đến tháng 10/2007, Bộ Tư pháp đã thực hiện khoảng 1160 việc, số lượng các việc tăng đáng kể qua từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Về nội dung nhóm việc, có thể chia theo một số nhóm chính như sau: đề nghị hợp tác; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và công bố các ĐƯQT; tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, toạ đàm liên quan đến ĐƯQT; ký kết một số văn kiện hợp tác quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự uỷ quyền của cấp trên; cho ý kiến, thẩm định ĐƯQT theo quy định của pháp luật; báo cáo các vụ việc do Bộ Tư pháp tham gia liên quan đến công tác ĐƯQT; trình cơ quan, người có thẩm quyền ký kết các ĐƯQT; xin ý kiến các cơ quan hữu quan về ĐƯQT do Bộ Tư pháp chuẩn bị; trả lời một số vấn đề khi có sự yêu cầu; phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác ĐƯQT; ghi nhận sự kiện; phê duyệt chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương hoặc đa phương. Trong số nhóm các vụ việc đã nêu, góp ý, thẩm định các ĐƯQT là công việc chiếm dung lượng lớn nhất về số lượng cũng như thời gian thực hiện.

Về các nước hợp tác, từ năm 1990 trở về trước, các hoạt động về hợp tác quốc tế liên quan đến công tác điều ước chỉ tập trung chủ yếu đối với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số nước láng giềng (Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc...). Từ năm 1991, hoạt động này đã được mở rộng đến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tại nhiều diễn đàn khu vực và thế giới.

Về nội dung hợp tác, trước đây, các nội dung hợp tác quốc tế được thu hẹp trong một số lĩnh vực nhất định như: tương trợ tư pháp, viện trợ, giáo dục. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, thì đường lối đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng đa dạng đến nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, tội phạm, y tế, môi trường, ma tuý, tham nhũng, văn hoá, nghệ thuật…

Về tính chất các việc, các việc liên quan đến công tác điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp tham gia hàng năm tăng dần về số lượng, cũng như mức độ phức tạp về mặt nội dung.

Về cơ chế thực hiện, thông thường, các việc ĐƯQT do Bộ Tư pháp thực hiện là theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Nhưng, trên thực tế có nhiều việc phát sinh theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Một trong số đó là nghiên cứu và xây dựng đề án về khả năng tham gia của Việt Nam vào Quy chế Rome 1998 về việc thành lập và hoạt động của Toà án hình sự quốc tế (ICC). 

1.1. Đàm phán, xây dựng điều ước quốc tế về hình sự, chống khủng bố, chống tham nhũng

Năm 1998, Bộ Tư pháp đã cử đại diện tham gia Đoàn đàm phán thông qua văn kiện cuối cùng của Quy chế Rome thành lập Toà án hình sự quốc tế (ICC). Hiện tại, quy chế Rome về ICC đã được 105 nước tham gia. Bộ Tư pháp cùng các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Nhà nước, Văn phòng Chính phủ tham gia Phiên họp 6 của Uỷ ban đàm phán Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng diễn ra tại Viên (Áo) từ ngày 20/7 đến 8/8/2003; tham gia Đoàn đàm phán liên ngành của Chính phủ đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN trong lĩnh vực hình sự các năm 2004-2005; cùng các bộ ngành có liên quan của Việt Nam tham gia đàm phán Công ước về chống khủng bố của ASEAN (Bali, Indonesia, tháng 11/2006). Tại các cuộc đàm phán này, Bộ Tư pháp là cơ quan đảm nhiệm các vấn đề về pháp luật, đặc biệt là tính tương thích của các điều khoản thuộc hiệp định được đàm phán với quy định của pháp luật trong nước của Việt Nam.      

1.2. Đàm phán, góp ý xây dựng điều ước quốc tế về thương mại

Trong thời gian gần đây, có thể nói Bộ Tư pháp đóng vai trò là “người gác cổng về pháp luật” trong đàm phán ký kết ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại. Cụ thể, Bộ Tư pháp xem xét, kiểm tra và phát hiện những điểm chưa phù hợp giữa pháp luật trong nước và ĐƯQT thông qua việc trực tiếp đàm phán và sau này là thẩm định ĐƯQT, nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế.

1.2.1. Điều ước thương mại song phương

Đến thời điểm nghiên cứu đề tài, Việt Nam đã ký kết khoảng hơn 80 Hiệp định thương mại song phương, gần 80 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, và 60 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Trong đó, chỉ có Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) Bộ Tư pháp tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình đàm phán, với những nhiệm vụ sau: (i) Là cơ quan chịu trách nhiệm chung về mặt pháp lý của quá trình đàm phán; (ii) Là cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán về lĩnh vực dịch vụ pháp lý; (iii) Là cơ quan tham gia vào đàm phán về phần sở hữu trí tuệ.

1.2.2. Điều ước thương mại đa phương

Để tham gia các sân chơi kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hàng loạt ĐƯQT đa phương trong lĩnh vực thương mại - kinh tế. Có thể được chia thành các nhóm như sau: (i) Các ĐƯQT đa phương đơn lẻ; (ii) Các ĐƯQT đa phương trong khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực; (iii) Các Hiệp định WTO.

1.2.3. Đàm phán gia nhập WTO

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã phải mất khá nhiều thời gian cho quá trình đàm phán gia nhập WTO. Bộ Tư pháp đã tham gia ngay từ đầu quá trình đàm phán này, với các nhiệm vụ tập trung vào những công việc như phụ trách chung các vấn đề pháp lý trong quá trình đàm phán; báo cáo thường xuyên về chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam; chịu trách nhiệm đàm phán về phần minh bạch hoá chính sách và pháp luật; dịch vụ pháp lý và dịch vụ trọng tài, hoà giải.

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được chia thành các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn minh bạch hoá chính sách;

- Giai đoạn Việt Nam bắt đầu quá trình đàm phán đa phương;

- Quá trình đàm phán thực chất, giai đoạn này chủ yếu tập trung vào đàm phán song phương kết hợp với đàm phán đa phương.

1.3. Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế

Có hai loại ODA là ODA không hoàn lại và ODA vay vốn (ưu đãi). Đối với các điều ước ODA vay vốn nước ngoài, vai trò của Bộ Tư pháp cũng được quy định rất rõ ràng trong các VBQPPL có liên quan.

Theo quy định của Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm: (i) Tham gia ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tham gia ý kiến trong trường hợp cần thiết về những vấn đề pháp lý khác có liên quan đến các văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước theo đề nghị của người vay và của cơ quan bảo lãnh; (ii) Thẩm định những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước; theo dõi việc xử lý các vấn đề này trong quá trình thực hiện các cam kết về vay và trả nợ nước ngoài; (iii) Trong các trường hợp cần thiết, cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh theo đề nghị của các cơ quan này.

2. Thẩm định điều ước quốc tế

Theo Luật điều ước quốc tế 2005 và Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 ban hành Quy chế thẩm định Điều ước quốc tế (Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP), Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định các ĐƯQT. Riêng đối với trường hợp ĐƯQT do Bộ Tư pháp đàm phán, ký kết hoặc gia nhập hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký ĐƯQT nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định ĐƯQT.

2.1. Mục đích, ý nghĩa của thẩm định

Thẩm định điều ước quốc tế là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của điều ước quốc tế nhằm bảo đảm "tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ĐƯQT" (Theo Luật điều ước quốc tế năm 2005 và Quyết định 06/2006/QĐ-BTP)

Có thể khái quát ý nghĩa của hoạt động thẩm định ở những điểm sau đây: (i) Giúp cơ quan đề xuất đàm phán bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong khi đàm phán ký kết các ĐƯQT với phía đối tác nước ngoài; (ii) Công tác thẩm định ĐƯQT có vai trò cảnh báo, dự đoán trước và góp phần đưa ra lộ trình xây dựng và hoàn thiện những chính sách, pháp luật của một quốc gia; góp phần dự báo việc chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết để thực thi một cách có hiệu quả ĐƯQTl (iii) Đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của ĐƯQT được ký kết với danh nghĩa Nhà nước và ĐƯQT được ký kết với danh nghĩa Chính phủ, trong đó ĐƯQT danh nghĩa Chính phủ không được trái với ĐƯQT danh nghĩa Nhà nước; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa ĐƯQT và các văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

2.2. Phạm vi thẩm định

Tất cả các ĐƯQT trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập phải được thẩm định. Theo quy định của Luật điều ước quốc tế 2005, phạm vi các loại ĐƯQT được Bộ Tư pháp thẩm định được mở rộng. Cụ thể, Bộ Tư pháp thẩm định hai loại dự thảo ĐƯQT và văn bản ĐƯQT12 (có thể nhân danh Chính phủ hoặc Nhà nước) mà không phụ thuộc ĐƯQT đó có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong pháp luật Việt Nam hay không13.

2.3. Nội dung thẩm định

Theo Điều 18 của Luật Điều ước quốc tế 2005, nội dung thẩm định ĐƯQT gồm: (i) Tính hợp hiến; (ii) Mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT; (iv) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT.

Để cụ thể hoá các quy định nêu trên của Luật điều ước quốc tế năm 2005, Quyết định 06/2006/QĐ-BTP đã quy định rõ nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT, bao gồm: (i) Sự cần thiết của việc đàm phán, ký hoặc gia nhập ĐƯQT; (ii) Tính hợp hiến của ĐƯQT; (iii) Mức độ tương thích của nội dung ĐƯQT với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iv) Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT tại Việt Nam; (v) Khả năng phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện ĐƯQT; (vi) Phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành.

2.4. Thẩm định điều ước quốc tế về ODA trong lĩnh vực pháp luật và chương trình dự án hợp tác pháp luật: Vai trò kép của Bộ Tư pháp

Để hiểu rõ hơn vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, nhóm tác giả đề cập cụ thể hơn đến vấn đề thẩm định ĐƯQT về ODA trong lĩnh vực pháp luật, vì đây là lĩnh vực mà Bộ Tư pháp thực hiện "vai trò kép", vừa thẩm định điều ước khung và điều ước cụ thể theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005, lại vừa thẩm định các chương trình dự án hợp tác theo Nghị định 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 về quản lý hợp tác nước ngoài về pháp luật (hiện được thay thế bởi Nghị định 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 về quản lý hợp tác nước ngoài về pháp luật).

2.4.1. Điều ước quốc tế về ODA

Điều ước quốc tế về ODA là "thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA"14. Điều ước quốc tế về ODA gồm Điều ước quốc tế khung về ODA và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA. Theo Điều 41 Nghị định 131/2006/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ODA như sau: (i) Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; (ii) Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế; (iii) Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

2.4.2. Các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật

Theo quy định tại Nghị định số 103/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/1988 về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật, mọi chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đều phải qua thủ tục thẩm định của Bộ Tư pháp.

Nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT về ODA bao gồm: (i) Sự phù hợp của chương trình, dự án với chiến lược kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng pháp luật; (ii) Tư cách của đối tác nước ngoài; (iii) Hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình, dự án hợp tác; (iv) Nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, dự án; (v) Tính không trùng lặp của chương trình, dự án.

Có thể thấy, Bộ Tư pháp có vai trò ngày càng "nặng ký" hơn trong việc trực tiếp tham gia đàm phán các ĐƯQT do các Bộ, ngành chủ trì, đồng thời là đầu mối trong nhiệm vụ thẩm định dự thảo ĐƯQT ở nước ta.

III. BỘ TƯ PHÁP VỚI VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

1. Thực hiện điều ước quốc tế: Một số vấn đề chung

ĐƯQT mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong thời gian gần đây tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, và còn có xu hướng tiếp tục tăng cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Các ĐƯQT Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong 5 năm (2000-2005) là khoảng 70015. Riêng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, từ năm 1955 đến thời điểm nghiên cứu đề tài, Việt Nam đã ký kết 1.082 ĐƯQT, trong đó 700 điều ước còn hiệu lực16.

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam gặp nhiều khó khăn phát sinh trong công tác ĐƯQT. Những khó khăn đó là: (i) Công báo chưa đăng tải thường xuyên, liên tục và toàn bộ các ĐƯQT đã được ký kết và có hiệu lực đối với Việt Nam; (ii) Khó khăn trong thực hiện ĐƯQT đa phương, công tác rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có liên quan đến thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với ĐƯQT đa phương mà Việt Nam tham gia chưa được tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ; (iii) Trình độ, năng lực của cán bộ yếu, quan niệm chưa đúng về công tác thực hiện, phối hợp giữa các bộ ngành còn chưa chặt chẽ, kinh phí thực hiện hạn hẹp.

Luật ĐƯQT 2005 dành toàn bộ chương VII quy định về thực hiện ĐƯQT với những công đoạn cụ thể. So với quy định của Luật Ban hành VBQPPL (trong nước) 2002 và Luật Ban hành VBQPPL 2008 thay thế Luật này từ 01/01/2009) thì Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định một quá trình toàn diện hơn, từ việc đàm phán đến ký kết gia nhập đến việc thực hiện.

2. Phổ biến điều ước quốc tế

2.1. Quy định chung về công bố, đăng tải ĐƯQT tại Việt Nam

Liên quan đến việc công bố, đăng tải ĐƯQT, ngoài Điều 69 Luật Điều ước quốc tế 2005 và Điều 24 Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế 2007, việc công bố này còn được Nghị định về Công báo,17 và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này điều chỉnh.18 ĐƯQT đã có hiệu lực đối với Việt Nam được đăng trên Công báo và Niên giám ĐƯQT của Bộ Ngoại giao (Điều 69 Luật Điều ước quốc tế, Điều 2 Nghị định 104/2004/NĐ-CP về Công báo) và các thoả thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức được công bố công khai (Điều 24 Pháp lệnh về Thoả thuận quốc tế) trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa các bên ký kết. Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 thì các ĐƯQT, ngoài đăng tải trên Công báo, phải được đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì.

Có thể nêu một số nhận xét chung về vấn đề công bố, đăng tải điều ước quốc tế: (i) Về mặt pháp lý, Điều 69 Luật điều ước quốc tế chỉ quy định các ĐƯQT đã có hiệu lực được đăng trên Công báo chứ không là phải đăng trên Công báo. Như vậy, hiệu lực của quy định này không mang tính bắt buộc cao;  (ii) Về các loại ĐƯQT được đăng tải trên Công báo, cả Luật Điều ước quốc tế (Điều 69) cũng như Nghị định về Công báo (quy định c) 1.2 về các loại văn bản đăng Công báo) đều quy định chỉ công bố những ĐƯQT đã có hiệu lực đối với Việt Nam; (iii) Luật điều ước quốc tế chưa có quy định yêu cầu Chính phủ phải thường xuyên nộp báo cáo hay thông báo theo định kỳ danh mục tất cả các ĐƯQT cấp Chính phủ đã được ký kết, phê duyệt và có hiệu lực thi hành nhưng không yêu cầu phải có sự tham gia ý kiến của Quốc hội hay UBTVQH, dẫn đến tình trạng Quốc hội và UBTVQH là các cơ quan có thẩm quyền cao nhất về ban hành luật và pháp luật nhưng lại không nắm được các ĐƯQT đã được ký kết mà về nguyên tắc có giá trị cao hơn pháp luật trong nước; (iv) Thực tiễn thực hiện việc công bố đăng tải ĐƯQT ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

2.2. Vai trò Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp không có vai trò chung, vai trò điều phối trong việc công bố, đăng tải ĐƯQT. Ở Việt Nam, nếu Bộ Ngoại giao và Công báo Chính phủ thực hiện tốt chức năng của mình là có thể đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật và thực tiễn. Cần lưu ý là Bộ Tư pháp có chức năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nước; do vậy, không phải là không có cơ sở tiếp tục nghiên cứu xem chức năng đó có mở rộng sang lĩnh vực ĐƯQT hay không.

3. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT và thực hiện kế hoạch: Rà soát VBQPPL

Kế hoạch thực hiện ĐƯQT được quy định tại các Điều 71-73 Luật Điều ước quốc tế 2005. Theo đó, Cơ quan đề xuất và chủ trì thực hiện ĐƯQT xây dựng kế hoạch thực hiện ĐƯQT. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT bao gồm những nội dung: (i) Lộ trình thực hiện ĐƯQT; (ii) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện ĐƯQT; (iii) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế; (iv) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện ĐƯQT; (v) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Trước khi thực hiện, Kế hoạch này phải được trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tư pháp có vai trò gián tiếp theo luật định và vai trò thực tế ngày càng tăng trong việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPL trong nước để thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam. Cụ thể: 

Trong những năm gần đây, có thực tế ban hành các Chương trình hành động để thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề toàn cầu khác của Việt Nam, trong đó có các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Ví dụ, Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của Việt Nam... Trong các văn bản nêu này, rà soát và hoàn thiện pháp luật đã được đặt lên thành nhiệm vụ đầu tiên. Bộ Tư pháp được chính thức giao thực hiện việc chủ trì rà soát và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để thực hiện ĐƯQT. Kết quả rà soát sẽ giúp các nhà làm luật sẽ dễ dàng nhận biết được những điểm mâu thuẫn của VBQPPL với ĐƯQT.

Sau khi kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO, vai trò của Bộ Tư pháp tiếp tục được khẳng định trong quá trình phê chuẩn việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng như công việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và những cam kết mới của Việt Nam. Trên cơ sở Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của Việt Nam quy định nhiệm vụ chính của công tác rà soát, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tiến hành công tác rà soát với nhiệm vụ: (i) Rà soát các nội dung cam kết sẽ được thực hiện ngay và áp dụng trực tiếp để Chính phủ báo cáo UBTVQH trước khi Chính phủ ban hành nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thực hiện; (ii) Rà soát các nội dung cam kết thực hiện theo lộ trình đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn; (iii) Rà soát để loại bỏ sự chồng chéo, những quy định không phù hợp với cam kết, không bảo đảm tự do kinh doanh hàng hoá và dịch vụ cho các chủ thể tham gia thị trường.

Ngoài nhiệm vụ rà soát các VBQPPL ở Trung ương, Bộ Tư pháp còn được Chính phủ giao thực hiện công tác rà soát các văn bản của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu của WTO. Mặc dù vậy, cho đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa thể thực hiện được công việc này do khối lượng công việc quá lớn và có nhiều khó khăn từ phía địa phương trong việc hiểu và nắm rõ các quy định của WTO.

Công tác rà soát của Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng với những đề xuất bổ sung, sửa đổi hàng loạt VBQPPL trong nước.19 Tuy nhiên, có thể nói kết quả rà soát mới chỉ là bước đầu. Nội dung rà soát so sánh quy phạm pháp luật trong nước với các quy định ĐƯQT mới chỉ dừng lại ở việc điểm một cách khái quát nhất các quy định của pháp luật thực định vốn được coi là đơn giản và dễ tiếp cận nhất trong pháp luật quốc tế, còn các quy định đó được áp dụng, giải thích ra sao thì hầu như còn bỏ ngỏ. Bộ Tư pháp đang tiếp tục tiến hành công tác rà soát các cam kết của Việt Nam trong WTO với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Bên cạnh công tác rà soát, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ đảm bảo cho việc ban hành các VBQPPL của Quốc hội và Chính phủ không trái với những cam kết trong WTO của Việt Nam thông qua công tác kiểm tra văn bản. Nghị quyết 16/2007/NQ-CP Chính phủ còn giao Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch đào tạo đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, được trang bị kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án đào tạo luật sư dài hạn và cấp tốc. 

4. Giải thích điều ước quốc tế

Quy trình giải thích ĐƯQT được quy định tại các Điều 74-79 Luật ĐƯQT 2005. Căn cứ để giải thích ĐƯQT bao gồm các căn cứ được quy định trong Công ước Viên về ĐƯQT 1969: (i) Văn bản ĐƯQT, các phụ lục kèm theo; (ii) Thỏa thuận có liên quan đến ĐƯQT khi ký kết; (iii) Văn kiện có liên quan đến ĐƯQT; (iv) Thỏa thuận về việc giải thích giữa các thành viên ĐƯQT; (v) Thực tiễn giải thích ĐƯQT; (vi) Quy định của pháp luật quốc tế được áp dụng trong quan hệ giữa các thành viên điều ước quốc tế. Về thẩm quyền giải thích: UBTVQH có thẩm quyền giải thích đối với: (i) ĐƯQT do Quốc hội phê chuẩn hoặc gia nhập; (ii) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của Quốc hội; (iii) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội; (iv) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của UBTVQH; (v) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của UBTVQH; và các trường hợp cần thiết khác. Chính phủ giải thích các ĐƯQT không thuộc thẩm quyền giải thích của UBTVQH. 

Giải thích ĐƯQT có vai trò quan trọng, giúp làm sáng tỏ những điểm còn chưa rõ trong điều ước, hoặc pháp luật quốc gia có liên quan của Việt Nam để thực hiện điều ước; trong quá trình giải thích có thể sẽ phát hiện thêm các mâu thuẫn có thể có nhưng chưa phát hiện được trong quá trình ký kết hoặc phê chuẩn, phê duyệt. Để làm được việc này, cần phải thu hút các chuyên gia về ĐƯQT trong các lĩnh vực khác nhau. Về khả năng hiểu và giải thích đúng các ĐƯQT cũng là điều cần bàn đối với Việt Nam. Do đặc thù của hệ thống pháp luật thành

văn ở nước ta, vai trò giải thích các văn bản pháp luật, trong đó có cả các ĐƯQT đều giao cho chính cơ quan đã ban hành, ký kết hoặc gia nhập giải thích. Vai trò của Toà án trong việc giải thích ĐƯQT rất hạn chế. Giải thích các ĐƯQT đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức cũng như trình độ hiểu biết trong cả quá trình tham gia vào việc soạn thảo, ký kết các ĐƯQT đó. Truyền thống pháp luật thành văn chỉ căn cứ vào các văn bản pháp luật viết mà không coi án lệ là nguồn của pháp luật ảnh hưởng không nhỏ đến quan niệm của chúng ta về một nguồn rất quan trọng này của hệ thống pháp luật quốc tế. Trong khuôn khổ GATT/WTO hiện nay, các vụ tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều, cách hiểu, áp dụng pháp luật GATT/WTO hầu như chỉ nằm trong các báo cáo của các cơ quan giải quyết tranh chấp. Chỉ cần một tranh chấp về một điều trong WTO đã có thể có hàng chục ngàn trang giải thích, áp dụng. Để đọc và hiểu được bằng tiếng Anh ngôn ngữ phức tạp, lắt léo của các cơ quan giải quyết tranh chấp quả là một thách thức lớn đối với chúng ta.

5. Khả năng hậu kiểm điều ước quốc tế

5.1. Vài nét khái quát về hậu kiểm

Dựa theo các văn bản và thực tế hiện hành, có thể hiểu hậu kiểm là quá trình rà soát, nghiên cứu và đánh giá việc thực hiện và hiệu quả áp dụng ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, nhằm mục đích đảm bảo việc tuân thủ triệt để ĐƯQT đồng thời phát hiện những điểm bất cập trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị các biện pháp giải quyết thích hợp. Nội dung của hoạt động hậu kiểm gồm: (i) Rà soát, thống kê toàn bộ các ĐƯQT có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam; phân loại các ĐƯQT trong từng lĩnh vực hợp tác quốc tế cụ thể; (ii) Xem xét, nghiên cứu và đánh giá quá trình thực thi các cam kết quốc tế phát sinh từ ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, trong đó có vấn đề về sự tương thích giữa quy định của điều ước với pháp luật quốc gia trong thực tiễn áp dụng ĐƯQT; đánh giá các tác động khác nhau của ĐƯQT đối với Việt Nam (chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật); đánh giá kết quả thực hiện ĐƯQT; (iii) Đưa ra các kiến nghị về yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL mới nhằm thực hiện có hiệu quả ĐƯQT.

Như vậy, khi đề cập tới nội dung hoạt động hậu kiểm ĐƯQT của một quốc gia cần phải hiểu theo khái niệm rộng, bao gồm các loại hình tác nghiệp như rà soát, thống kê, nghiên cứu, xem xét và đánh giá đưa ra kết luận, cũng như đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể như để đảm bảo thực hiện các ĐƯQT vì lợi ích tốt nhất của quốc gia.

5.2. Cơ sở xem xét giao việc hậu kiểm điều ước quốc tế cho Bộ Tư pháp

Theo pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp chỉ có vai trò chính trong công tác thẩm định ĐƯQT; trong khi đó, hoạt động thẩm định điều ước và hậu kiểm điều ước mặc dù là 2 giai đoạn khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt nội dung. Mục đích của hoạt động thẩm định là nhằm thông qua việc xem xét, kiểm tra dự thảo ĐƯQT hoặc văn bản ĐƯQT để trình cơ quan chức năng quyết định có nên ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT hay không, còn mục đích chung của hoạt động hậu kiểm là căn cứ pháp lý để xúc tiến những hành vi xử sự của quốc gia sau khi ĐƯQT đã có hiệu lực và đã được thực thi trong một thời gian xác định. Kết quả của công tác hậu kiểm chính là một trong những “thước đo” tính chính xác của công tác thẩm định. Vì vậy, xác lập vai trò của Bộ Tư pháp trong hoạt động từ thẩm định đến hậu kiểm ĐƯQT là phù hợp và đảm bảo tính liên tục, nhất quán trong toàn bộ lộ trình kí kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam.

5.3. Ý nghĩa và nội dung hậu kiểm ĐƯQT của Bộ Tư pháp

Nội dung hậu kiểm ĐƯQT của Bộ Tư pháp bao gồm những việc cơ bản như sau: (i) Chủ trì và phối hợp các hoạt động hậu kiểm ĐƯQT mà Việt Nam đã tham gia; (ii) Lập và trình chính phủ kế hoạch hậu kiểm ĐƯQT định kì; chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm bất thường trong các trường hợp cần thiết; (iii) Xây dựng lộ trình và các biện pháp cụ thể để thực hiện công tác hậu kiểm ĐƯQT một cách cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tránh sự chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt động hậu kiểm; (iv) Kiến nghị những biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam và đảm bảo việc tuân thủ điều ước. 

Khi được giao nhiệm vụ hậu kiểm, Bộ Tư pháp có thể đưa ra các kiến nghị, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL mới để thực hiện ĐƯQT có hiệu quả hơn, đồng thời phù hợp với pháp luật quốc tế. Điều này góp phần hài hoà giữa luật Việt Nam với luật quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Trên bình diện quốc tế, với kết quả của hậu kiểm ĐƯQT, Bộ Tư pháp có thể đưa ra các kiến nghị các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế v.v.. phụ thuộc vào từng ĐƯQT cụ thể. Cần xác định rõ ràng, cụ thể nội hàm của công tác hậu kiểm theo hướng tập trung vào hiệu quả chứ không nên “dàn trải”, dẫn tới hệ quả hoạt động thực hiện điều ước dễ rơi vào tình trạng thả nổi, khó kiểm soát hoặc mang nặng tính hình thức.

6. Trách nhiệm thực hiện, báo cáo

Theo Luật điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao giúp Chính phủ thực hiện quản lý công ĐƯQT nói chung, trong đó có nội dung về thực hiện ĐƯQT như: thông tin phổ biến ĐƯQT, báo cáo hàng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện; thủ tục đối ngoại về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; thống kê rà soát điều ước quốc tế (Điều 98). Cơ quan đề xuất thì thực hiện công tác ĐƯQT có liên quan đến bộ, ngành mình (Điều 99), như: (i) Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ; (ii) Xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập; (iii) Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập; (iv) Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Chính phủ.

Bộ Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện một số ĐƯQT trong lĩnh vực chuyên ngành mình quản lý, như các Hiệp định về nuôi con nuôi, tương trợ tư pháp.

7. Hiệp định tương trợ tư pháp

7.1. Một số vấn đề chung và quy định hiện hành

Tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua các cơ quan tư pháp như Toà án, Kiểm sát, Công an) giúp đỡ nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở ĐƯQT liên quan hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau. Từ cơ sở lý luận pháp luật và thực tiễn tư pháp của Việt Nam, Tương tợ tư pháp (TTTP) được hiểu là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước khác nhau trợ giúp lẫn nhau trong việc thực hiện các hành vi tố tụng tư pháp riêng biệt theo những trình tự, thủ tục, thể thức nhất định để thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.20 TTTP có phạm vi khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có dân sự, hình sự và dẫn độ.

Về cơ sở pháp lý, việc thực hiện TTTP giữa Việt Nam và các nước trước hết được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định song phương về TTTP được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam với nước ngoài; hiện chúng ta đã ký 15 Hiệp định tương trợ tư pháp (và pháp lý) như vậy.21 Đối với tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ thì ngoài các điều ước song phương Việt Nam còn tham gia một số ĐƯQT đa phương.22

Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT trong lĩnh vực TTTP gắn liền với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp cũng như trong các văn bản quy định nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

 Theo quy định tại các Hiệp định TTTP thì cơ quan trung ương của Nhà nước Việt Nam thực hiện TTTP về dân sự với các nước hữu quan là Bộ Tư pháp. Tất cả các Hiệp định TTTP này đều được ký kết trước thời điểm ban hành Luật Điều ước quốc tế 2005, nên việc đàm phán, ký kết cơ bản được điều chỉnh bằng Pháp lệnh Điều ước quốc tế 1988 và 1998, trong đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất việc ký kết các Hiệp định này. Bộ Tư pháp có vai trò chủ trì trong việc ký kết, bao gồm việc soạn thảo, đàm phán. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp được Chủ tịch nước (trước năm 1992 là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) uỷ quyền việc ký các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước. Trong quá trình đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ Ngoại giao và Công an trong tất cả các giai đoạn ký kết ĐƯQT về TTTP.

Thông tư liên bộ số 134/TT/LB ngày 12/3/198 của Bộ Tư pháp - VKSNDTC - TANDTC - Bộ Nội vụ về việc thi hành hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và lãnh sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước XHCN cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

7.2. Tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự từ năm 1995 đến nay

7.2.1. Thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế

- Yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do phía nước ngoài đưa ra đối với phía Việt Nam:

Thực tế hoạt động TTTP ở nước ta trong những năm qua cho thấy, uỷ thác tư pháp (UTTP) về dân sự thường bao gồm: (i) Tống đạt cho đương sự các giấy tờ tư pháp, các quyết định của Toà án; (ii) Thông báo ngày giờ xét xử vụ án và triệu tập đương sự; (iii) Thu thập chứng cứ; (iv) Lấy lời khai đương sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan; (v) Xác minh địa chỉ của đương sự; (vi) Trưng cầu giám định.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các UTTP theo yêu cầu của phía nước ngoài trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết và pháp luật Việt Nam. Các cơ quan trực tiếp thực hiện các UTTP chủ yếu là Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài ra còn có Sở Công an (đối với việc xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, Chứng minh thư nhân dân), Uỷ ban nhân dân các địa phương (đối với việc xác minh địa chỉ, xác minh tình trạng hôn nhân, xác minh tình trạng nhân thân cũng như những thông tin có liên quan đến đương sự).

Từ năm 1995 đến nay, khối lượng các UTTP quốc tế mà các cơ quan tư pháp của chúng ta đã và đang thực hiện là rất lớn. Nếu như trong những năm 80, số lượng UTTP quốc tế về dân sự theo yêu cầu chỉ khoảng trên 100 việc/năm thì đến những năm đầu thập niên 90 tăng lên trung bình khoảng 300 việc/năm, năm 1999 là 496 việc; từ năm 2000, số lượng các UTTP quốc tế đã lên tới 600-700 việc/năm, năm 2004 là 896 việc, riêng 6 tháng đầu năm 2005 số lượng UTTP đã tiến tới con số gần 700 việc.

Trong số các UTTP quốc tế về dân sự mà phía nước ngoài yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện, các uỷ thác về hôn nhân và gia đình chủ yếu là ly hôn chiếm một số lượng rất lớn, khoảng 60%. Trong số các UTTP quốc tế này, CHLB Đức là quốc gia đứng đầu trong việc đề nghị thực hiện uỷ thác, tiếp đó là Pháp, Hàn Quốc, Thuỵ sĩ, Na-uy, Nga. Từ năm 2000 đến nay, một số nước như Lào, Campuchia, Indonexia, Thái Lan, Ấn Độ cũng đã đưa yêu cầu với số lượng đáng kể.

- Yêu cầu thực hiện UTTP do Toà án Việt Nam đưa ra đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài:

Đối với các yêu cầu thực hiện UTTP do các cơ quan Việt Nam đưa ra thì uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong vụ kiện ly hôn là loại việc chiếm đa số, khoảng 85-90%. Ngoài ra, các UTTP về việc lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong các vụ kiện dân sự như thừa kế, chia tài sản, tranh chấp đất đai, đòi bồi thường thiệt hại, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay đổi họ tên, đòi tiền cấp dưỡng nuôi con… cũng có xu hướng tăng lên.

Từ đầu những năm 90 đến nay, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà án nhân dân thành phố Hà Nội là hai nơi thực hiện nhiều nhất các UTTP của Toà án nước ngoài và cũng là nơi đưa ra nhiều yêu cầu về UTTP nhất đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. So với các yêu cầu UTTP của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các yêu cầu UTTP của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thường đạt được hiệu quả cao hơn. Các yêu cầu UTTP về dân sự của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với Toà án nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại CHLB Đức, Cộng hoà Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ucraina, Pháp… Ngoài ra, từ đầu năm 2000, số vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Đức, Pháp cũng tăng lên nhiều. Trong các năm 2002, 2003, 2004 và 6 tháng đầu năm 2005, yêu cầu UTTP do các Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Quảng Ninh, Sơn La, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cũng tăng lên ngày một nhiều, khoảng 5-6 việc/năm.

7.2.2. Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài

Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài:

Trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993. Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004 ra đời, với những sửa đổi cơ bản trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đã tạo thuận lợi cho các đương sự khi nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2005, Bộ Tư pháp nhận được ba yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Đầu tháng 10/2005, Bộ Tư pháp mới nhận được một Công văn trả lời đình chỉ không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định ly hôn, còn lại hai đơn yêu cầu khác chưa thấy Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hải phòng trả lời.

Thực hiện công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của Trọng tài nước ngoài:

Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý (với Bun-ga-ry, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Lào, Pháp và Mông Cổ); Công ước New York năm 195823 và Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004. Trước khi Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004 được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1995.

Từ năm 1995 đến năm 2004, các Toà án của Việt Nam thụ lý xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, 8 đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (3 vụ do Trọng tài Nga xét xử; 1 vụ do Trọng tài quốc tế Pari; 02 vụ do Trọng tài Ôxtrâylia; 1 vụ do Trọng tài HồngKông; 01 vụ do Trọng tài Thuỵ sĩ. Trong năm 2005, Bộ Tư pháp đã nhận được hai đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Hai đơn này hiện đang được TAND thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết.

8. Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi            

Trong lịch sử Nhà nước Việt Nam, vấn đề nuôi con nuôi quốc tế (CNQT) mới được đặt ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đến thời điểm nghiên cứu đề tài, nước ta đã ký 13 hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ khác nhau và đang chuẩn bị tham gia Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi CNQT. Với tư cách là cơ quan đầu mối về hoạch định chính sách và hợp tác quốc tế trong linh vực nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã chủ trì đàm phán và ký kết các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi để từng bước tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các nước ở tầm quốc gia để giải quyết vấn đề hết sức nhân đạo và nhạy cảm này.

8.1. Bộ Tư pháp - Cơ quan đầu mối chủ trì đàm phán ký kết các Hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi

Vấn đề nuôi CNQT lúc đầu được giải quyết trên cơ sở quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa nước ta và các nước khác, không dựa trên cơ sở điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Lúc đó, cơ quan quản lý vĩ mô là Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội. Từ năm 1994, vấn đề quản lý nuôi CNQT được Chính phủ quyết định chuyển từ Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội sang Bộ Tư pháp. Trong quá trình giải quyết các vụ việc về nuôi CNQT, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện hàng loạt vướng mắc, bất cập xâm phạm tới quyền trẻ em như môi giới bất hợp pháp, trục lợi, biểu hiện buôn bán trẻ em... Bộ Tư pháp thấy rằng, nuôi CNQT là vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm nhà nước thông qua cam kết quốc tế (hiệp định quốc tế) với các nước. Hồ sơ của người xin con nuôi, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi và các trình tự, thủ tục giải quyết việc cho trẻ làm con nuôi cần phải được kiểm tra chặt từ phía nước nhận và nước gốc để đảm bảo các nguyên tắc nhân đạo cao cả và mục đích tối thượng của việc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài là tìm mái ấm gia đình cho trẻ.

Hiệp định đầu tiên về hợp tác nuôi con nuôi được ký ngày 01/02/2000 với Cộng hoà Pháp, đã chấm dứt sự lộn xộn và bế tắc vào cuối những năm 90 về hợp tác nuôi con nuôi Việt Pháp và mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tốt đẹp của hai nước trong lĩnh vực này. Đây là hiệp định đầu tiên được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo của Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế.

Một bước tiến quan trọng trong việc ký hàng loạt hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo). Nghị định này đã đặt ra điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài nếu giữa Việt Nam và nước nơi người nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập ĐƯQT về hợp tác nuôi con nuôi (Điều 35, khoản 2). Mười hai hiệp định được ký với các nước và vùng lãnh thổ như: Vương quốc Đan Mạch (26/05/2003), Cộng hoà Italia (13/06/2003), Ailen (23/09/2003), Vương quốc Thuỵ Điển (04/02/2004), ba Cộng đồng của Vương quốc Bỉ (17/03/2005), Hoa Kỳ (21/06/2005), Canada (27/06/2005), Quebec (Canada) (15/09/2005), Thuỵ sĩ (20/12/2005) và Ontario (Canada) (03/04/2006). Tại thời điểm nghiên cứu đề tài, Việt Nam đang đàm phán để ký hiệp định với CHLB Đức và Tây Ban Nha và tiến hành các thủ tục để ký kết Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Có thể nói rằng, trong thời gian ngắn Bộ Tư pháp đã đặc biệt quan tâm đến việc ký kết các ĐƯQT về hợp tác nuôi con nuôi và đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các cơ quan chức năng hữu quan đàm phán ký kết khá nhiều hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với những nước có nhu cầu lớn trong việc xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Các hiệp định này đã tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nước ta mở rộng quan hệ hợp tác nuôi con nuôi với các nước.

8.2. Bộ Tư pháp - Cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về nuôi con nuôi

Điều 2 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi Việt Pháp quy định rằng về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương được chỉ định để thực hiện Hiệp định này. Trong tất cả các hiệp định ký sau đó, Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (Cục Con nuôi quốc tế) được chỉ định là cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam.

Trong việc thực hiện các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau: (i) Hoạch định chính sách vĩ mô để triển khai các cam kết về hợp tác nuôi con nuôi với các nước; (ii) Thụ lý, xem xét, cấp phép hoạt động và đặt trụ sở cho văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; (iii) Trực tiếp tác nghiệp hồ sơ của người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi; (iv) Tiến hành trao đổi thông tin với các nước ký kết về pháp luật và tình hình giải quyết con nuôi, hợp tác kỹ thuật để tăng cường năng lực giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến việc cho trẻ làm con nuôi; (v) Theo dõi tình hình phát triển của trẻ sau khi được cho làm con nuôi thông qua cơ chế báo cáo định kỳ của cha mẹ nuôi (trong 3 năm đầu mỗi năm 2 lần và trong các năm tiếp theo đến khi trẻ đủ 18 tuổi mỗi năm 1 lần). Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng tổ chức các đoàn đi các nước kiểm tra tình hình của trẻ được cho làm con nuôi.

Thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp định, quan hệ nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước ký kết được cải thiện đáng kể. Nhiều trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi có đủ điều kiện cho làm con nuôi người nước ngoài đã tìm được mái ấm gia đình thay thế, năm 2003: 807 trẻ, năm 2004: 550 trẻ, năm 2005: 1200 trẻ và dự kiến trong năm 2006 khoảng 1600 trẻ. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài dần dần đi vào nề nếp, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, hạn chế tối đa các tiêu cực, trung gian, trục lợi.

8.3. Vai trò của Bộ Tư pháp trong tương lai

8.3.1. Tham gia Công ước La Hay

Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế 1993 là điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về nuôi con nuôi quốc tế. Đến nay đã có gần 70 nước tham gia, trong đó trên một nửa là nước cho và gần một nửa là nước nhận. Là nước quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã tham gia Hội nghị La Hay nhằm soạn thảo Công ước này ở cấp chuyên viên, nhưng cho đến nay nước ta chưa ký chính thức và phê chuẩn Công ước này. Với việc ký 13 Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ, ban hành và thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan và việc cải cách đáng kể thủ tục hành chính giải quyết các vụ việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, về cơ bản khuôn khổ pháp luật về nuôi con nuôi của nước ta đã đáp ứng các yêu cầu của Công ước La Hay và phù hợp với nhiều chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về phương diện pháp luật cần phải tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo lộ trình ký kết và thực thi Công ước La Hay như:

(i) Giải quyết hài hoà quan hệ giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế, trong đó cần phải ưu tiên nuôi con nuôi trong nước; nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng để tìm mái ấm cho trẻ.

(ii) Minh bạch hoá các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí và các khoản hỗ trợ nhân đạo do tổ chức con nuôi nước ngoài tài trợ cho cơ sở nuôi dưỡng. Cần phải ấn định mức thu, đầu mối thu, quy chế báo cáo thu chi, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để tránh lạm dụng vì mục đích trục lợi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức con nuôi của các nước.

(iii) Cơ chế quản lý nhà nước và giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài chưa phù hợp với yêu cầu. Với cơ chế như hiện nay, Cục Con nuôi quốc tế chưa thực sự gánh vác được chức năng của Cơ quan trung ương trong việc quyết định nhiều vấn đề về nuôi con nuôi trong quan hệ với đối tác nước ngoài, trong khi đó thì các tỉnh có thẩm quyền quyết định cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài, nắm giữ toàn bộ dữ liệu về trẻ có đủ điều kiện cho làm con nuôi và tự phát đặt ra nhiều thủ tục khác nhau, nhất là các loại chi phí và hỗ trợ nhân đạo, lựa chọn cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Sự phân cấp tản mạn theo cung cách địa phương hoá như vậy dẫn đến hiện trạng không thống nhất trong điều hành, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý.

(iv) Do nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề nhân đạo nên nhiều lĩnh vực cần được xã hội hoá để bớt đi gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay một số lĩnh vực chưa cho phép xã hội hoá như tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo, từ thiện trong nước cung cấp dịch vụ về nuôi con nuôi, nhiều hoạt động liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em (nhất là liên quan đến vấn đề huy động nguồn tài chính và các nguồn hỗ trợ nhân đạo, huy động nguồn lực dồi dào của xã hội vào việc chăm sóc trẻ em). Tiến tới trong tương lai, phạm vi việc giải quyết cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài sẽ thu hẹp lại cùng với sự phát triển của xã hội, cải tạo nâng cao một cách đáng kể mức sống ở trong nước, và dành vị trí thích đáng cho việc giải quyết vấn đề con nuôi trong nước.

8.3.2. Tổ chức thực hiện Công ước La Hay

Bộ Tư pháp với cơ quan chuyên trách là Cục Con nuôi quốc tế sẽ là cơ quan trung ương về nuôi CNQT, có thẩm quyền quyết định trong việc quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài và hoạch định, triển khai chính sách về nuôi CNQT.

Để đảm bảo thực thi Công ước La Hay, Luật nuôi con nuôi đã được Bộ Tư pháp đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2007 để Quốc hội xem xét lần đầu vào phiên họp cuối năm 2007. Với Luật nuôi con nuôi, nước ta sẽ áp dụng cơ chế giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có nhiều điểm khác cơ bản với cơ chế hiện nay và phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay. Các điểm thay đổi cơ bản bao gồm:

(i) Gắn chặt việc xử lý nuôi con nuôi trong nước với nuôi con nuôi quốc tế để đảm bảo tính nhân đạo cao cả mà Công ước La Hay đặt ra.

(ii) Tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với toàn bộ quy trình giải quyết cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài để thực sự đảm bảo tính nhân đạo cao cả tránh được các hiện tượng trục lợi, tiêu cực, xâm phạm tới các quyền của trẻ em.

(iii) Một trong những yêu cầu khắt khe của Công ước là công khai hoá, minh bạch hoá các khâu trong quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế, trong đó đặc biệt là các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí, các khoản hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng.

Bộ Tư pháp có vai trò thực tế ngày càng tăng trong quá trình thực hiện ĐƯQT với nội dung quan trọng nhất là rà soát để kiến nghị bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật trong nước để thực hiện ĐƯQT. Thực tế này đã được khẳng định trong quá trình thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và các Hiệp định WTO; và những kết quả mà Bộ Tư pháp giúp Chính phủ trong vấn đề này có ý nghĩa thực tiễn lớn. Mặt khác, quá trình thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và hợp tác nuôi con nuôi cho thấy có sự chuyển biến và bước tiến quan trọng về chất trong vai trò của Bộ Tư pháp - sự thực hiện chủ động hơn, hiệu quả hơn với một khung pháp lý ngày càng đầy đủ hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để Bộ Tư pháp đảm nhận những công việc bổ sung về ĐƯQT trong tương lai.

IV. NHẬN XÉT VỀ VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG VIỆC KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ ĐIỂM CẦN HOÀN THIỆN

1. Chức năng điều ước quốc tế đặc thù của Bộ Tư pháp Việt Nam: So sánh với Bộ Tư pháp một số nước

Trong số các nước được nghiên cứu, chỉ có Bộ Tư pháp Liên bang Nga là cơ quan có nhiều chức năng ĐƯQT giống như Bộ Tư pháp Việt Nam. Cụ thể, tại Liên bang Nga, Bộ Tư pháp Liên bang Nga thực hiện một số công việc chung liên quan đến việc ký kết ĐƯQT của Liên bang Nga. Theo Điều 10 Luật Điều ước quốc tế của Liên bang Nga (15/7/1995) thì các đề xuất ký kết ĐƯQT của Liên bang Nga có các điều khoản/quy định khác với quy định pháp luật trong nước của Liên bang Nga thì trước khi trình Tổng thống hoặc Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga cần có ý kiến thoả thuận của Bộ Tư pháp. Trong trường hợp này, Bộ Tư pháp Liên bang Nga sẽ cho ý kiến về sự thống nhất giữa các điều khoản có liên quan của ĐƯQT với pháp luật trong nước của Liên bang Nga cũng như hiệu lực pháp lý của điều khoản có liên quan của ĐƯQT đó trong pháp luật trong nước của Liên bang Nga; Bộ Tư pháp cũng cho ý kiến về các vấn đề khác có liên quan như  hiệu lực pháp lý của ĐƯQT cũng như việc thực hiện ĐƯQT trong tương lai. Như vậy, có thể thấy quy định chung ở đây là các đề xuất ký kết ĐƯQT có quy định khác với quy định của pháp luật trong nước hiện hành của Liên bang Nga thì phải thoả thuận trước với Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý là Luật 1995 không quy định cụ thể về thủ tục cũng như hình thức thoả thuận với Bộ Tư pháp như thế nào. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu cho ý kiến về mức độ phù hợp, đồng thời trả lời câu hỏi liệu có chấp nhận các điều khoản của ĐƯQT có quy định khác với quy định hiện hành của pháp luật trong nước ở Liên bang Nga hay không.        

Đối với các nước được nghiên cứu còn lại, nhìn chung Bộ Tư pháp không thực hiện công việc về ĐƯQT. Xin nêu một số ví dụ cụ thể. Tại Nhật Bản, trong quá trình ký kết, thực hiện ĐƯQT nói chung, Bộ Tư pháp chỉ có vai trò là cơ quan phối hợp với Bộ Ngoại giao đối với những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp, chẳng hạn như ký kết ĐƯQT liên quan đến phòng chống tội phạm quốc tế. Việc công bố, đăng tải các đạo luật, điều ước quốc tế tại Nhật Bản lại thuộc nhiệm vụ của Văn phòng Nội các Nhật Bản và Bộ Tài chính (Cơ quan chịu trách nhiệm in và phát hành Công báo). Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không có chức năng ĐƯQT. Tại Canada, theo các quy định hiện hành, thực tiễn thi hành của Canada thì Bộ Tư pháp không có vai trò chung trong quá trình đàm phán, ký kết hay công bố ĐƯQT của Canada, ngoại trừ chức năng làm tư vấn pháp luật cho Chính phủ liên bang trong quá trình đàm phán ĐƯQT với một hoặc nhiều bên nước ngoài. Bộ Tư pháp Canada chỉ có vai trò cụ thể trong việc đàm phán, thực hiện (kể cả công bố) các ĐƯQT liên quan đến dẫn độ và tương trợ tư pháp về hình sự với tư cách là một cơ quan chuyên ngành được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Tại Đan Mạch, do Bộ Tư pháp Đan Mạch là cơ quan quản lý Công báo nên cũng quản lý luôn việc đăng tải và công bố các ĐƯQT và thoả thuận quốc tế lên Công báo, song chức năng đàm phán, ký kết ĐƯQT vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Tại Anh và Bun-ga-ri, Bộ Tư pháp cũng không có chức năng ĐƯQT.

Như vậy, sơ bộ so sánh với một số nước, có thể thấy về cơ bản Bộ Tư pháp các nước được nghiên cứu không có chức năng nhiệm vụ chung về ĐƯQT giống như Bộ Tư pháp Việt Nam24; hay nói cách khác là chức năng ĐƯQT hiện hành của Bộ Tư pháp Việt Nam là đặc thù của Việt Nam.

2. Cơ sở quy định chức năng điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp

2.1. Bộ Tư pháp với công tác xây dựng và thực thi pháp luật

2.1.1.  Lịch sử

Là một trong những bộ đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập sau 1945, ngay từ khi thành lập, Bộ Tư pháp được giao soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật chủ yếu liên quan đến tư pháp trong nước,25 và thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài.26 Từ năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp.27 Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ (Văn phòng Chính phủ sau này) được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26/10/1957 đảm nhận việc giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính. Uỷ ban pháp chế được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 190/CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ chủ yếu tập trung vào xây dựng pháp luật, truyên truyền giáo dục pháp luật, quản lý một số tổ chức bổ trợ tư pháp, bồi dưỡng cán bộ tư pháp. Bộ Tư pháp được tái thành lập năm 1981 theo Nghị định 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định này, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp vẫn chủ yếu liên quan đến xây dựng và thi hành pháp luật trong nước,28 và thực hiện hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý. Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong giai đoạn đổi mới, Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều việc mới, trong đó có việc thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ.

Qua phần trình bày trên, có thể thấy: (i) Bộ Tư pháp chịu nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử, thành lập, giải thể, rồi thành lập lại. (ii) Bộ Tư pháp chủ yếu làm tư pháp đối nội, nhưng số lượng công việc được giao ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật. (iii) Về pháp luật đối ngoại, Bộ Tư pháp được giao đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định TTTP và thực hiện ủy thác tư pháp với nước ngoài; Bộ Tư pháp lúc đó không có vai trò chung về ĐƯQT.  

2.1.2. Vai trò pháp luật trong nước

Luật Ban hành VBQPPL 2002 quy định Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước.29 Luật Ban hành VBQPPL mới 2008, có hiệu lực từ 01/01/2009, duy trì chức năng này của Bộ Tư pháp, nhưng với yêu cầu cao hơn về tính tương thích của dự thảo văn bản pháp luật với ĐƯQT có liên quan mà Việt Nam là thành viên.30 Nghị định 62/2003/NĐ-CP về tổ chức Bộ Tư pháp quy định 20 loại công việc khác nhau thuộc nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Nghị định 93/2008/NĐ-CP củng cố các nhiệm vụ được quy định trong Nghị định 62, mở rộng đến 28 nhiệm vụ khác nhau của Bộ Tư pháp. Trong số các nhiệm vụ này, phần có liên quan nhiều đến xây dựng pháp luật và ĐƯQT là thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước, rà soát VBQPPL, kiểm tra VBQPPL.   

2.1.3. Vai trò điều ước quốc tế

Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền rộng hơn trong công tác ĐƯQT; thẩm quyền này được quy định tại các văn bản như Luật điều ước quốc tế 2005;31 Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA;32 Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/998 về quản lý hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật (nay là Nghị định 78/2008/NĐ-CP) - những quy định về ĐƯQT vượt ra ngoài lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ. Để thực hiện công việc được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế Thẩm định điều ước quốc tế.33

Bộ Tư pháp có vai trò luật định và vai trò thực tế quan trọng trong công tác xây dựng, thực hiện pháp luật trong nước và ĐƯQT. Đồng thời, chức năng ĐƯQT là đặc thù của Bộ Tư pháp Việt Nam.

2.2. Sự thống nhất về nguyên tắc giữa pháp luật trong nước và điều ước
quốc tế

Sự thống nhất thể hiện ở các điểm sau:

Một là, theo quan điểm truyền thống về bản chất của pháp luật và quá trình hình thành các VBQPPL, cả trong pháp luật quốc gia và quốc tế đều có sự thể hiện ý chí của nhà nước trong quá trình xây dựng, thông qua quy phạm; tức là, tuy có sự khác nhau trong cách thể hiện, ở cả hai hệ thống đều có sự hiển thị ý chí của cơ quan quyền lực.34

Hai là, có sự giao thoa ý tưởng và tác động hỗ tương giữa pháp luật quốc gia và quốc tế;35 bởi suy cho cùng thì các văn bản này đều do cùng một chủ thể soạn thảo là đại diện của các cơ quan nhà nước, với sự đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân ở những nước có quy trình soạn thảo và thông qua văn bản dân chủ (mô hình xã hội công dân).

Ba là, kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy hầu hết các nước, ở mức độ này hay mức độ khác, đều có một quy trình chung (thành văn hay thực tế) để đảm bảo sự thống nhất giữa VBQPPL trong nước và quốc tế.

3. Luận bàn về tính hợp lý của việc giao Bộ Tư pháp chức năng điều ước quốc tế

Trong lĩnh vực ĐƯQT, từ chỗ chỉ đảm nhiệm điều ước chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, Bộ Tư pháp đã vươn ra thực hiện những công việc chung của Chính phủ về ĐƯQT, trong đó có việc tham gia đàm phán cùng các bộ, ngành; thẩm định dự thảo điều ước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật theo nghĩa rộng, tức là bao hàm cả quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế của một đất nước có chủ quyền; và rà soát pháp luật trong nước phục vụ cho việc thực hiện điều ước sau khi ký kết.

So với các nước, ngoài Bộ Tư pháp Liên bang Nga, về cơ bản Bộ Tư pháp các nước không có vai trò chung về ĐƯQT giống như Bộ Tư pháp Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất là ở chỗ Bộ Tư pháp các nước, trên nền nhận thức là Bộ Tư pháp chủ yếu thực hiện chức năng tư pháp hình sự và hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, không có vai trò xây dựng pháp luật lớn như Bộ Tư pháp Việt Nam. Với sự khác biệt chung có gốc từ thiết kế thượng tầng như vậy, cũng là điều dễ hiểu khi Bộ Tư pháp các nước không có vai trò đặc biệt đối với ĐƯQT nói chung, trừ những điều ước chuyên ngành.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Chiến lược XDPL) và Chiến lược cải cách tư pháp (Chiến lược CCTP) được Bộ Chính trị thông qua trong các Nghị quyết số 48 và số 49 (2005) khẳng định sự chuyển biến về chất, thay đổi tư duy và nhận thức về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và công tác ĐƯQT nói riêng. Thách thức đặt ra còn nhiều, mà ở nước nào cũng vậy, kể cả các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, nhưng những gì đã được khẳng định trong hai Chiến lược thực sự đã làm rõ nét hơn yêu cầu đảm bảo sự tính thống nhất, sự gắn kết giữa pháp luật trong nước và ĐƯQT của Việt Nam. Bộ Tư pháp đã thông qua Chương trình hành động với mục tiêu đánh giá thực tiễn thi hành ĐƯQT liên quan tới công tác tư pháp mà Việt Nam tham gia, nhu cầu ký kết trong thời gian tới và tiến hành các hoạt động đàm phán, ký kết.36

Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện các công việc luật định và thực tế về ĐƯQT. Tuy nhiên, có thể nói những gì đã làm được mới chỉ là bước đầu. Để Bộ Tư pháp đảm nhậm việc này hiệu quả hơn, làm sao để các cam kết quốc tế của Việt Nam thực sự có điều kiện gốc rễ từ pháp luật trong nước, còn nhiều việc phải làm. Sau đây là một số đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

4.1. Nhận thức, quan điểm về vị trí của điều ước quốc tế

4.1.1. Chuẩn bị về mặt khoa học

Về mặt khoa học pháp lý, cần tiếp tục chuẩn bị câu trả lời về mặt nhận thức và lý luận về vị trí của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam - cơ sở nền tảng quyết định cho việc thiết kế một mô hình thích hợp trong đó cả QPPL trong nước và quốc tế đều là cấu thành của một hệ thống pháp luật thống nhất. Cụ thể, cần chuẩn bị về mặt học thuật và nhận thức cho việc dần coi ĐƯQT của Việt Nam là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam. Pháp luật ĐƯQT hiện hành đã để mở khả năng áp dụng trực tiếp một số ĐƯQT hoặc một phần ĐƯQT nếu đã đủ rõ hoặc đủ cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa có câu trả lời là liệu các toà án Việt Nam có áp dụng các quy định của ĐƯQT hay không và chuẩn bị cho toà án trong công tác này như thế nào; liệu các bên có quyền viện dẫn trực tiếp quy định của ĐƯQT để bảo vệ quyền lợi của mình trước toà án hay không. Đây là những nền tảng cơ bản để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định về ĐƯQT và xác định rõ vai trò của các thiết chế trong quá trình ký kết gia nhập và thực hiện ĐƯQT. Việc này sẽ khẳng định thêm vai trò của Bộ Tư pháp và liên quan trực tiếp đến vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. 

4.1.2. Đầu tư nghiên cứu ĐƯQT và thực tế áp dụng ĐƯQT

Một vấn đề nữa là đầu tư, nghiên cứu kỹ hơn các điều ước quốc tế của Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam trước sau phải tham gia; đặc biệt chú ý đến việc áp dụng các điều ước đó trên thực tế; các bản án, quyết định của toà án, cơ quan xét xử quốc tế. Hiện nay việc tiến hành đàm phán các ĐƯQT nói chung chưa được bắt đầu với việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ tác động về mặt pháp luật, kinh tế - xã hội của những ĐƯQT này đối với Việt Nam. Vì vậy, trước khi tiến hành đàm phán các ĐƯQT cần phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá về sự tác động của những điều ước quốc tế này về các mặt kinh tế - xã hội và pháp luật. Đồng thời việc nghiên cứu cũng cần chú ý đến tính thống nhất, đồng bộ của các ĐƯQT với quy định của pháp luật trong nước. Ngoài ra còn một vấn đề nữa cần phải quan tâm là việc đầu tư nghiên cứu các án lệ, cách thức hiểu, giải thích và áp dụng các quy định về nội dung của điều ước quốc tế do các cơ quan xét xử quốc tế thực hiện và quan điểm, cách hiểu của các nước đối với các quy định này. Đây là vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ đối với Việt Nam vì lý do chưa nhận thức hết về tầm quan trọng, cũng như vì khả năng thực tế không đáp ứng nổi.   

4.2. Khung pháp luật liên quan đến điều ước quốc tế

4.2.1. Pháp luật về ban hành VBQPPL trong nước

Về tính quy phạm của yêu cầu đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật quốc gia và ĐƯQT, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã sửa đổi điều khoản liên quan đến mối quan hệ giữa VBQPPL trong nước và ĐƯQT theo hướng tăng tính quy phạm của yêu cầu này. Cụ thể, nếu như Luật 2002 chỉ yêu cầu “tính đến” ĐƯQT trong quá trình soạn thảo ban hành pháp luật trong nước, một quy phạm gần như chỉ mang tính tùy nghi, thì Luật 2008 tại Điều 3(5) về nguyên tắc xây dựng VBQPPL trong nước có yêu cầu "không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”; Điều 36(3c) về thẩm định văn bản có yêu cầu đảm bảo tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan của Việt Nam. Đây là một bước tiến mới so với quy định trước đây trong Luật Ban hành VBQPPL 2002.37 Về cơ bản, việc thực hiện tốt quy định này sẽ là đóng góp quan trọng đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề chưa được xử lý rõ ràng trong Luật 2008 là vị trí và giá trị pháp lý của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp. Thực tế cho thấy không phải lúc nào ý kiến  thẩm định có cơ sở của Bộ Tư pháp cũng được cơ quan soạn thảo tiếp thu thoả đáng, mà hệ quả của việc không tiếp thu đó thì lại chưa được Luật xử lý. Ngoài ra, chúng ta đều biết là Luật Ban hành VBQPPL mới chỉ dừng lại ở giai đoạn ban hành văn bản. Hy vọng khi Nghị định mới thay thế Nghị định 62 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn Bộ Tư pháp được ban hành với việc giao Bộ Tư pháp theo dõi chung công tác thi hành pháp luật thì sẽ có đủ cơ sở để cân nhắc việc ban hành một văn bản mới hoặc tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Ban hành VBQPPL 2008 hiện hành để bao trùm cả nội dung thi hành pháp luật - một giai đoạn không kém phần quan trọng đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật, trong đó có cả ĐƯQT.

4.2.2. Pháp luật điều ước quốc tế

Bộ Tư pháp đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào quá trình đàm phán các điều ước quốc tế, điển hình là trong lĩnh vực thương mại với Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định WTO; các lĩnh vực khác như hình sự quốc tế, chống khủng bố. Với vai trò giúp Chính phủ trong các vấn đề về pháp luật, việc Bộ Tư pháp tham gia vào các hoạt động đàm phán ĐƯQT cần phải được nhận thức đúng đắn. Tuy nhiên, cả chức năng tham gia đàm phán ĐƯQT cũng như rà soát văn bản trước và sau khi ký kết ĐƯQT của Bộ Tư pháp hiện chưa được quy định trong Luật Điều ước quốc tế 2005. Đây là vấn đề cần xem xét trong quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ĐƯQT.

Một vấn đề có tính chất kỹ thuật là, thực tiễn công tác ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại cho thấy có hàng loạt các ĐƯQT về cùng lĩnh vực những chưa có sự thống nhất chung, bên cạnh đó, các Bộ, ngành nhiều khi còn rất lúng túng trong việc soạn thảo các ĐƯQT. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và có những mẫu ĐƯQT, đặc biệt là những ĐƯQT mẫu đối với những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tiến hành ký kết hàng loạt ĐƯQT song phương với các nước. Chẳng hạn đối với các ĐƯQT song phương về thương mại, hợp tác kinh tế, khuyến khich và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng.

4.2.3. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế và vấn đề xử lý trách nhiệm quốc gia (Nhà nước)

Việc phân loại các văn bản pháp lý quốc tế thành ĐƯQT và TTQT có nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, tác nghiệp, tăng cường tính tự chủ của Bộ, ngành trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên có vấn đề phát sinh là giá trị pháp lý của các thoả thuận này xét từ quan điểm của phía nước ngoài và sự thống nhất của các thoả thuận với quy định của pháp luật trong nước và ĐƯQT.

Có thể nói, việc phân loại công cụ pháp luật quốc tế trên cơ sở đánh giá nghĩa vụ quốc tế phát sinh đối với quốc gia là vấn đề nhạy cảm cả về mặt lý luận và thực tiễn nên chúng ta phải hết sức thận trọng trong suy luận, nhất là trong bối cảnh của yêu cầu đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật quốc tế, quốc gia trong quá trình hội nhập. Trở lại vấn đề của Việt Nam được bàn ở trên. Câu hỏi đặt ra là liệu các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có thể đảm bảo để các thoả thuận mà mình ký không mâu thuẫn với điều ước của Việt Nam cũng như không mâu thuẫn với quy định trong nước hay không? Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu chúng ta cho rằng cho phép các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký thoả thuận quốc tế độc lập sẽ tránh được nghĩa vụ pháp lý quốc gia cho Nhà nước trung ương của Việt Nam trong trường hợp có vi phạm. Cần lưu ý, đây vẫn là các cơ quan Nhà nước, và nhân danh cơ quan công quyền của Việt Nam để ký các thoả thuận quốc tế, không phải là công ty ký các hợp đồng và chịu trách nhiệm về tài sản đối với các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng trong phần tài sản của công ty.    

Vấn đề đặt ra là trong quá trình thực hiện Luật Điều ước quốc tế 2005 và Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế 2007, cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý vấn đề rất có thể xảy ra là việc vi phạm thoả thuận quốc tế của bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh, thành phố, mặc dù có thể không gọi là “trách nhiệm quốc gia: nhưng trên thực tế Nhà nuớc (thông qua các cơ quan của mình là bộ, ngành, hoặc chính quyền cấp dưới như tỉnh thành) vẫn là người thực tế phải chịu hậu quả. Trường hợp như vậy thì rõ ràng phải có những quy định khắt khe, chặt chẽ hơn đối với việc ký kết, thực hiện các thoả thuận quốc tế có làm phát sinh nghĩa vụ. 

4.2.4.  Nghiên cứu khả năng giao Bộ Tư pháp một số chức năng hậu kiểm ĐƯQT

Một trong những vấn đề cần tiếp tục thảo luận là khả năng giao Bộ Tư pháp một số công việc hậu kiểm ĐƯQT. Về mặt lô gích hình thức, có thực tế là pháp luật hiện hành đã giao Bộ Tư pháp thẩm định ĐƯQT thì để đảm bảo tính liên tục trong quá trình ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, nên chăng quy định luôn Bộ Tư pháp thực hiện việc hậu kiểm điều ước, vì như vậy Bộ Tư pháp sẽ nắm được cả quá trình điều ước từ đầu đến cuối. Ngoài ra, tuy hiện nay Bộ Ngoại giao được giao một số việc có tín chất hậu kiểm như kiểm tra, tổng kết, nhưng trên thực tế Bộ Ngoại giao có thể không có đủ khả năng chuyên sâu về pháp luật như Bộ Tư pháp để làm công tác hậu kiểm. Ngoài ra, cũng có câu hỏi đặt ra cho rằng tại sao đối với pháp luật trong nước thì giao Bộ Tư pháp cả tiền kiểm và hậu kiểm mà đối với ĐƯQT thì lại không như vậy.

4.3. Năng lực và tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp

4.3.1. Năng lực thẩm định

Một trong những thách thức lớn đặt ra đối với Bộ Tư pháp, trước hết thuần tuý liên quan đến ĐƯQT nói chung, là phải có đủ thông tin về điều ước, trong đó có quy định thực định và thực tiễn áp dụng, và năng lực xử lý các thông tin đó trong bối cảnh chung của pháp luật trong nước của Việt Nam. Ở đây có đòi hỏi kép, đó là cùng lúc phải hiểu biết cả pháp luật quốc tế và trong nước. Tăng cường năng lực thẩm định VBPL trong nước và ĐƯQT của cán bộ Bộ Tư pháp là việc cần được đặc biệt quan tâm. Trước mắt, cần nâng tầm hiệu lực pháp lý của văn bản quy định về thẩm định ĐƯQT: trong khi quy trình thẩm định VBQPPL trong nước được quy định ở một văn bản cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) thì quy trình thẩm định ĐƯQT lại chỉ được quy định ở một Quyết định của Bộ trưởng (Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế thẩm định ĐƯQT). Cần thiết phải nâng cấp Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP lên ít nhất ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4.3.2. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và chất lượng công tác điều ước quốc tế

Theo Nghị định 62 thì Bộ Tư pháp có 24 đơn vị, còn theo Nghị định 93 thì có 28 đơn vị, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Chức năng nhiệm vụ các đơn vị chính có liên quan đến vấn đề này như sau (ở đây chưa đề cập đến Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật vì chưa có thực tiễn hoạt động):

Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế được phân công để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các ĐƯQT thuộc lĩnh vực vực quản lý nhà nước của Bộ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt; chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định TTTP và các ĐƯQT khác thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các VBQPPL và ĐƯQT thuộc lĩnh vực được phân công; chủ trì, hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định, góp ý kiến đối với dự thảo các ĐƯQT theo quy định của pháp luật; rà soát, hệ thống hoá các ĐƯQT, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế.38

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính chủ trì hoặc tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao; thẩm định, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao; Rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh vực pháp luật hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy thuộc phạm vi chức năng của Vụ.39

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tổng hợp và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dài hạn và hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để Bộ trưởng trình Chính phủ; giúp Bộ trưởng theo dõi và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện chương trình đó sau khi đã được quyết định; chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; thẩm định, tham gia thẩm định, tham gia góp ý các Dự án, Dự thảo VBQPPL về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; rà soát, hệ thống hoá VBQPPL liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế40;

Cục Kiểm tra văn bản thực hiện kiểm tra VBQPPL do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ Tư pháp; kiểm tra VBQPPL do Bộ Tư pháp ban hành; thực hiện rà soát, hệ thống hoá VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng41. Hiện nay mảng kiểm tra ĐƯQT còn để ngỏ.

Từ quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị nêu trên cũng như thực tế của Bộ Tư pháp, có thể thấy nếu tính theo lĩnh vực phụ trách có liên quan đến xây dựng pháp luât (trừ Pháp luật quốc tế) thì hiện đang phân bổ theo cách bổ chiều ngang, và trong các lĩnh vực cơ bản như pháp luật hình sự hành chính, dân sự kinh tế trừ Pháp luật quốc tế thì chỉ bao quát pháp luật trong nước. Quy chế thẩm định ĐƯQT hiện tại quy định Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định ĐƯQT; trường hợp cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời các Bộ, ngành liên quan; Vụ Pháp luật quốc tế chịu trách nhiệm chính; các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các chuyên gia được mời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm việc phối hợp, hỗ trợ Vụ Pháp luật quốc tế thẩm định theo quy định.42 Quy chế thẩm định văn bản pháp luật trong nước hiện tại quy định việc tổ chức nghiên cứu dự án, dự thảo phục vụ cho hoạt động thẩm định được phân công cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo nguyên tắc chuyên ngành hoặc lĩnh vực pháp luật mà đơn vị được giao quản lý, theo dõi; người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định tổ chức cuộc họp thẩm định tại đơn vị mình; khi xét thấy cần thiết, người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp thẩm định bằng văn bản hoặc tổ chức cuộc họp thẩm định dự án, dự thảo.43

Xét về khía cạnh thực hiện công tác ĐƯQT, việc tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo chuyên ngành luật như hiện nay với một Vụ chức năng chuyên về pháp luật quốc tế có điểm thuận lợi là có điều kiện chuyên sâu được vào một số lĩnh vực đặc thù và phức tạp của pháp luật quốc tế mà chỉ những người được đào tạo cơ bản về pháp luật quốc tế mới nắm vững được. Tuy nhiên, có điểm bất thuận lợi là hiện có sự cắt khúc nhất định giữa các văn bản quốc tế và trong nước trong khi đó có chiều hướng ngày càng tăng sự gắn kết giữa văn bản trong nước và quốc tế. Ngày nay, công pháp quốc tế không còn ở xu thế độc lập nhiều như trước nữa. Tư pháp quốc tế ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Phần nhiều các văn bản, hiệp định quốc tế, chẳng hạn như trong lĩnh vực hình sự, thương mại đều liên quan chặt chẽ đến pháp luật trong nước và phải nắm rất vững pháp luật trong nước thì mới thẩm định được. Trong bối cảnh như vậy thì sự bóc tách về chức năng giữa các Vụ như hiện nay là có một số bất cập nhất định nhất là trong việc hiểu, áp dụng các quy định có liên quan theo lôgíc xuyên suốt từ trong nước ra quốc tế và ngược lại. Thực tiễn phân công công việc trong Bộ Tư pháp cho thấy đã bắt đầu có sự lúng túng không biết phân một văn bản cho đơn vị nào, Vụ Pháp luật Hình sự hành chính hay Vụ Pháp luật quốc tế. Chẳng hạn, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; các công ước quốc tế về chống khủng bố, tương trợ tư pháp về hình sự, chống tham nhũng, về mặt danh nghĩa là những công ước quốc tế nên thuộc thẩm quyền tham gia đàm phán, thẩm định, góp ý kiến của Vụ Pháp luật quốc tế, nhưng trên thực tế thì nội dung của các công ước này lại thuộc chuyên môn của Vụ Pháp luật Hình sự hành chính...

Như trên đã nói, Nghị định 93 thay thế Nghị định 62 đã được ban hành. Về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo Nghị định mới, phần liên quan đến vai trò ĐƯQT của Bộ về cơ bản chưa có sự thay đổi lớn ngoài việc chuẩn hóa các chức năng nhiệm vụ cũ của Bộ theo Nghị định 62 và quy định thêm một số chức năng của Bộ Tư pháp cũng như thành lập thêm một số đơn vị mới. Trong quá trình thực hiện cải cách pháp luật, tư pháp và tiếp tục hội nhập sâu hơn vào đời sống quốc tế, chắc chắn chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp sẽ cần phải tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng thực tế đang phát triển rất nhanh chóng, trong đó có công tác điều ước quốc tế. Về lâu dài, nghiên cứu việc tổ chức lại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nói chung theo mô hình một đơn vị có thể theo dõi được cả mảng pháp luật trong nước và quốc tế, tránh tình trạng cắt khúc theo chiều ngang như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành luật ngày càng có xu hướng đan cài liên hệ chặt chẽ với nhau hơn. Tổ chức các đơn vị có liên quan trong theo mô hình một đơn vị có thể theo dõi được cả mảng pháp luật trong nước và quốc tế, tránh tình trạng cắt khúc theo chiều ngang như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành luật ngày càng có xu hướng đan cài liên hệ chặt chẽ với nhau, thiết nghĩ sẽ là một mô hình lý tưởng./.

 



1 Cụ thể, xem Mục 1.4. trong Phần thứ nhất.

2  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, ngày 03/6/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009.

3 Thông thường với các quy định có tính chất công thức là trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với văn bản pháp luật có liên quan thì ư tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế.    

4 Nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20/02/2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước CHXHCN Việt Nam.

5 Pháp lệnh số 33/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

6 Cụ thể như sau: Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều từ Điều 1 đến Điều 8; Chương II: Ký kết ĐƯQT, gồm 6 mục với 40 điều, từ Điều 9 đến Điều 48; Chương III: Gia nhập ĐƯQT nhiều bên, gồm 5 điều, từ Điều 49 đến Điều 53; Chương IV: Bảo lưu ĐƯQT, 7 điều, từ Điều 54 đến Điều 60; Chương V: Hiệu lực áp dụng tạm tời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT, 4 điều, từ Điều 61 đến Điều 64; Chương VI: Lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký ĐƯQT, gồm 6 Điều từ Điều 65 đến Điều 70; Chương VII: Thực hiện ĐƯQT, gồm 4 mục với 26 điều, từ Điều 71 đến Điều 96; Chương VIII: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT gồm 8 điều, từ Điều 97 đến Điều 104; Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều từ Điều 105 đến Điều 107.

7 Theo Luật 2005 (Điều 2, khoản 1) thì ĐƯQT là thoả thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ CHXHCN Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

8 Phạm vi điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế sẽ được xem xét, phân tích ở Phần những nội dung cơ bản của Luật.

9 Cụ thể xem Mục 3.3. Phần thứ ba của Báo cáo này.

10 Chương I: Những quy định chung gồm (8 điều); Chương II: Ký kết thoả thuận quốc tế (12 Điều); Chương III: Thực hiện thoả thuận quốc tế (7 Điều); Chương IV: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh và cơ quan trung ương của các tổ chức trong hoạt đông ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế  (4 điều); và Chương V: Điều khoản thi hành (2 Điều).

11 Xem Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/3/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao (Điều 2).

12 Văn bản điều ước quốc tế được dùng để chỉ điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam gia nhập.

13 Trước đây, chỉ có điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong các văn bản của Quốc hội và UBTVQH mới được thẩm định. Theo quy định Điều 19 Khoản 1 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có quy định: “Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế” và Khoản 2 Điều 49 Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm thẩm định đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.

14 Điều 4 (điểm 14)  Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA.

15 “Báo cáo Tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế” của Bộ Ngoại giao tại Hội nghị tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, Hà Nội, 12/12/2005. 

16 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 14/2008/CT-TTg ngày 22/4/2008 về các biện pháp tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

17 Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ.

18 Thông tư số 04/2005/TT-VPCP ngày 21/3/2005 của Văn phòng Chính phủ.   

19 Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung 148 văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác với Hiệp định. Trong số các văn bản này có 26 luật, 19 pháp lệnh, 1 quyết định của Chủ tịch nước, 54 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị của Thủ tướng, 23 thông tư, 13 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ trưởng.

20 Xem Pháp luật Tương trợ tư pháp quốc tế, tr.23 – NXB. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

21 Cụ thể, Ba Lan (22/3/1993), Bê-la-rút (14/9/2000), Bun-ga-ri (03/10/1986), CHDCND Triều Tiên (04/5/2002, Cu Ba (30/11/1984) , Hung-ga-ri (18/01/1985), CHĐCN Lào (06/7/1998), Liên Xô cũ (10/12/1981), Mông Cổ (17/4/2000), Nga (25/8/1998), CH Pháp (24/02/1999), Tiệp khắc (12/10/1982), Trung Quốc (19/10/1998), Ucraina (16/4/2000) và Hàn Quốc (15/9/2003). Danh sách các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam tính đến ngày 30/8/2004, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao www.mofa.gov.vn.

22 Chẳng hạn như: 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý (Việt Nam gia nhập ngày 30/7/1997); Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam tham gia ký ngày 13/12/2000); Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất các thủ tục để tham gia các Công ước về chống khủng bố của Liên Hợp quốc như: Công ước về chống tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước về trừng trị tội khủng bố quốc tế bằng bom thư năm 1997. Còn đối với các nước chưa ký kết Hiệp định, thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

23 Việt Nam gia nhập Công ước New York 1958 ngày 28/7/1995.

24 Thông tin thêm về chức năng nhiệm vụ của các Bộ Tư pháp, xem Hoàng Thư, “Tọa đàm về mô hình và kinh nghiệm các nước trong tổ chức ngành tư pháp”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp 30/7/2008.

25 Như các văn bản về quyền tự do dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương mại, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các toà án, truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các phạt, quản trị nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức toà án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hộ giá viên, hộ tịch...

26 Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp, Trang Web của Bộ Tư pháp (Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bộ Tư pháp).

27 Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ Nước VNDCCH được Quốc hội Khoá II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 14/07/1960 quy định tổ chức Hội đồng Chính phủ gồm 18 bộ và 6 cơ quan ngang bộ.

28 Cụ thể, Bộ được giao các nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng các dự án pháp luật, xây dựng hoặc tham gia với các ngành xây dựng các dự án pháp luật; hướng dẫn hệ thống hoá pháp luật; quản lý về mặt tổ chức các toà án địa phương; bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp; pháp chế ngành; tuyên truyền giáo dục pháp luật; nghiên cứu khoa học pháp lý.

29 Xem Luật Ban hành VBQPPL 2002 (Điều 29a). 

30 Xem Luật Ban hành VBQPPL 2008 (Điều 36, khoản 3.c).  

31 Các điều từ 17-21 của Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định nhiệm vụ thẩm định ĐƯQT của Bộ Tư pháp. Theo Pháp lệnh năm 1998 thì Bộ Tư pháp chỉ thẩm định những điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL do Quốc hội, UBTVQH ban hành (Điều 5, khoản 3), nhưng Luật 2005 quy định nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp đối với tất cả các ĐƯQT nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Về những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế xem Nguyễn Thị Thuận, "Những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Nhà nước và Pháp luật 4(216) (2006), tr. 70 et seq.   

32 Chẳng hạn, Nghị định 131 điều chỉnh vấn đề quản lý và sử dụng ODA, nhưng vẫn có quy định riêng về pháp luật và thẩm định ĐƯQT về ODA do Bộ Tư pháp thực hiện

33 Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

34 Xem Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 67-69 (về tính ý chí, tính quyền lực và tính quy phạm của pháp luật).  

35 Oleg I. Tiunov, “Concepts and Features of International Law: Its Relation to Norms of the National Law of the State”, 38 St. Louis L.J. 915 tr. 926 (Summer, 1994).  

36 "Chương trình hành động giai đoạn 2006-2010 của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", ban hành kèm theo Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.  

37 Khoản 7 Điều 26 Luật Ban hành VBQPPL 2002 quy định một trong những nhiệm vụ của Ban soạn thảo là: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

38 Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  ngày 05 tháng 8 năm 2003 thành lập Vụ Pháp luật quốc tế, được khẳng định lại trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế Ban hành kèm theo Quyết định số: 348/QĐ-BTP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

39 Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật hình sự hành chính Ban hành kèm theo Quyết định số 1435/QĐ-BTP ngày 22/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

40 Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số: 347 /QĐ- BTP ngày 16/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

41 Chức năng kiểm tra văn bản của BTP được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003; Quyết định số 336/2003/QĐ-BTP ngày 05/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Kiểm tra VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp. 

42 Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/07/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy chế thẩm định ĐƯQT (các Điều 5, 6, 9). 

43 Xem Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (các Điều 11, 12).

 

Nội dung toàn văn

MỞ ĐẦU

Trong nhận thức, trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật ở Việt Nam, pháp luật quốc tế (PLQT) nói chung và điều ước quốc tế (ĐƯQT) nói riêng chưa có bề dày phát triển và chưa được dành sự ưu tiên như các lĩnh vực pháp luật khác (pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế,  thương mại). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật  (VBQPPL) cùng các thiết chế xây dựng, đảm bảo thi hành pháp luật, trong đó có pháp luật ĐƯQT, cho đến nay vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của cơ chế tập trung với mô hình chưa thực sự được hoàn toàn đổi mới. Vấn đề đặt ra là với những chuyển biến về chất của pháp luật nội dung phù hợp hơn với thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu của quá trình tham gia ngày càng sâu hơn vào đời sống quốc tế, cần làm gì và làm như thế nào để thiết kế được một hệ thống thiết chế thật sự phù hợp với cái chung trong khi phải tính đến những đặc thù của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. 

Bộ Tư pháp Việt Nam là Cơ quan thuộc Chính phủ - một hợp thành của Bộ máy hành pháp. Quá trình hình thành và phát triển của Cơ quan pháp luật này không thể tách khỏi những bước thăng trầm của một đất nước mà trong một thời gian dài phải vất vả tự tìm đường đi để khẳng định chính mình. Kể từ khi được thành lập năm 1945, giải thể rồi tái thành lập, cùng với tiến trình phát triển của cả nước, Bộ Tư pháp ngày càng gánh vác nhiều hơn những nhiệm vụ xây dựng và thực thi pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Về phương diện pháp luật quốc gia, vai trò tiền kiểm (thẩm định) và hậu kiểm (kiểm tra) VBQPPL của Bộ Tư pháp được quy định trong pháp luật hiện hành đã thực sự đưa Bộ lên vị trí của người "gác cổng", đảm bảo tính thống nhất, khả thi của cả hệ thống pháp luật. Đối với công tác điều ước quốc tế, đã thấy có sự biến chuyển cả về lượng và chất trong vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình rà soát, thẩm định, đàm phán, ký kết và thực hiện ĐƯQT nói chung cũng như ĐƯQT chuyên ngành nói riêng. Có thể nói, chức năng ĐƯQT của Bộ Tư pháp đã được thiết kế và mô hình hoá trong bối cảnh những đặc thù kết cấu của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Với tinh thần như vậy, nếu chúng ta nhất trí là VBQPPL trong nước, hay nói rộng hơn là hệ thống pháp luật trong nước, và điều ước quốc tế được coi là một khối thống nhất về nguyên tắc, thì trong bối cảnh những yêu cầu hội nhập và toàn cầu hoá, sẽ là hợp lý khi giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm cả phần pháp luật trong nước và ĐƯQT. 

Về mặt lý luận, việc giao Bộ Tư pháp công việc ĐƯQT không làm phát sinh nhiều vấn đề phải bàn. Điều này có lý do của nó. Xét khách quan và tổng thể, quá trình tham gia vào đời sống quốc tế của Việt Nam theo đúng nghĩa thực sự mới chỉ bắt đầu trong khoảng hai mươi năm trở lại đây. Trong tình hình chung của đất nước như vậy, thì bất cứ một cơ quan nào, chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp (một thiết chế, như trên đã nói, được thành lập, giải thể, rồi thành lập lại), đều khó có thể có bề dày kinh nghiệm đến mức nâng lên thành lý luận. Còn chưa nói về chủ quan, việc giao nhiệm vụ cho cơ quan nào thực hiện một việc công cụ thể nào đó còn tuỳ thuộc định hướng phát triển và tư duy thiết chế ở mỗi quốc gia. Khác với vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô nhất - như tam quyền phân lập, chức năng của hệ các cơ quan quyền lực, hay vấn đề công tố, độc lập của toà án, chẳng hạn - những việc vốn được bàn nhiều đến thành nề nếp xưa nay ở thế giới văn minh nên có nhiều lý luận, Bộ Tư pháp chỉ là hợp thành của một trong khối các cơ quan lớn, đó là Bộ máy hành pháp. Ngoài ra, do là cơ quan thuộc Chính phủ, nên vai trò của Bộ Tư pháp bao giờ cũng ẩn trong chức năng tổng thể của Bộ máy hành pháp. Ở một số nước, như Canada chẳng hạn, người ta không quá quan tâm vấn đề một bộ ngành cụ thể nào đó quản lý một lĩnh vực, mà chỉ nói Chính phủ với tư cách là Cơ quan hành pháp thực hiện việc quản trị quốc gia.       

Đấy là chưa nói đến hệ thống thiết chế ở mỗi nước đều có đặc thù của nó, vừa gắn với bản chất chính trị và hệ tư tưởng của chế độ, và kèm theo đó là một hệ thống các thiết chế, bộ máy được thiết kế phù hợp, lại vừa gắn với truyền thống văn hóa và ý thức về pháp luật của quốc gia nơi chế độ trị vì. Vì lẽ đó, việc tổ chức và vận hành các cơ quan quyền lực nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng không thể không mang dấu ấn đặc thù. Cần nói là từ năm 1986 đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong xây dựng pháp luật (XDPL) và cải cách tư pháp (CCTP) để phục vụ yêu cầu đổi mới chung của đất nước. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng bộ máy các cơ quan quyền lực của chúng ta vẫn chưa vượt qua ngưỡng đăc thù - dung hoà sao đây giữa đặc thù và giá trị chung đã được công nhận là việc còn phải tiếp tục làm.  

Đề tài Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, như tên gọi của nó, nghiên cứu một số vấn đề về nhận thức, pháp luật và thực tiễn về sự tham gia của Bộ Tư pháp với tư cách là một cơ quan của Chính phủ trong công tác ĐƯQT. Đề tài cho rằng việc giao Bộ Tư pháp một số việc về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, nói cách khác là một số chức năng chung và chuyên ngành về ĐƯQT, được thiết kế và mô hình hoá trong điều kiện Việt Nam. Các lập luận của đề tài, do đó, cũng dựa trên thực tế là chúng ta đang trong quá trình đúc kết kinh nghiệm để đề xuất một số vấn đề có tính chất khái quát về vai trò của Bộ Tư pháp, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác ĐƯQT của Bộ Tư pháp nói riêng và của Việt Nam nói chung. Một trong những đặc thù đáng chú ý nhất là ở Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của khối các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như quan hệ giữa các cơ quan này có những điểm khác so với các nước trên thế giới: Chính phủ trên thực tế vẫn là cơ quan soạn thảo pháp luật chính (cả VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế; hiện chưa có văn bản khẳng định ĐƯQT là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam; Toà án nhân dân hầu như không áp dụng ĐƯQT trong quá trình xét xử; vai trò của Quốc hội Việt Nam trong công tác ĐƯQT còn khá mờ nhạt (thực tế cho thấy Quốc hội hầu như chỉ trông chờ vào Chính phủ trong các dự án ĐƯQT, chỉ thảo luận các dự án khi Chính phủ trình; Luật Tổ chức Chính phủ 2002 hầu như khép kín công tác chuẩn bị, đàm phán và ký kết ĐƯQT trong nội bộ Chính phủ.[1] Về thể chế, hai văn bản Luật Điều ước quốc tế 2005 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2002 (Luật mới 2008 chưa có hiệu lực) là ngang nhau về cấp độ ban hành và hiệu lực pháp lý nên những quy định có phần bài bản và thuận lợi hơn cho ĐƯQT trong Luật Điều ước quốc tế 2005 không thể vượt qua được những quy định còn có phần gò bó của Luật Ban hành VBQPPL 2002. Bộ Tư pháp Việt Nam chưa được giao một số nhiệm vụ truyền thống như Bộ Tư pháp các nước vẫn làm, như công tố, quản lý thi hành án hình sự, tư pháp hình sự, chính sách pháp luật và kỹ thuật lập pháp, trong khi đó lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát và kiểm tra VBQPPL, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).     

Đề tài đặt mục tiêu xử lý hai vấn đề. Một là, trên cơ sở trình bày, phân tích những nội dung cơ bản của pháp luật ĐƯQT và hệ thống các thiết chế thi hành, chức năng nhiệm vụ chung của Bộ Tư pháp về xây dựng và thực thi pháp luật trong nước và quốc tế trong bối cảnh nâng cao vai trò, vị trí của ĐƯQT đáp ứng yêu cầu hội nhập, Đề tài kiến giải tính hợp lý của việc giao Bộ Tư pháp thực hiện một số chức năng ĐƯQT chung và chuyên ngành như hiện nay. Hai là, dựa trên kết quả phân tích, tổng kết và đánh giá các hoạt động ĐƯQT theo luật định và trên thực tế của Bộ Tư pháp cũng như việc phân tích cơ cấu tổ chức và năng lực cán bộ của Bộ Tư pháp hiện nay, Đề tài kiến nghị một số điểm về hoàn thiện pháp luật ĐƯQT nói chung, vấn đề tổ chức và nâng cao năng lực của Bộ Tư pháp nói riêng để Bộ thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác pháp luật vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng này.

Xin có một số điểm lưu ý về các văn bản pháp luật được sử dụng trong Báo cáo phúc trình. Trong thời gian thực hiện Đề tài, một số văn bản pháp luật quan trọng có liên quan đến chủ đề của Đề tài được sử dụng trong các báo cáo chuyên đề và Báo cáo phúc trình đã được bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới. Cụ thể, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, (sửa đổi 2002) được thay thế bằng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 03/06/2008 (có hiệu lực từ 01/01/2009). Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 (có hiệu lực từ 01/7/2008). Nghị định 103/1999/NĐ-CP ngày 26/12/1998 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật được thay thể bằng Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp được thay thế bằng Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Về cơ bản, Báo cáo phúc trình dựa theo quy định và thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật có hiệu lực vào thời gian thực hiện Báo cáo, nhưng có cập nhật nội dung mới trong các văn bản mới được ban hành. Cũng có điểm thuận lợi là các văn bản sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới như đã nêu trên thường chỉ củng cố và quy định thêm các chức năng của Bộ Tư pháp trong chừng mực có liên quan đến vai trò của Bộ Tư pháp đối với công tác điều ước quốc tế. Điều này cũng chứng tỏ vai trò ngày càng tăng của Bộ Tư pháp trong công tác này.

Về cách thức bố cục Báo cáo, do tên gọi của Đề tài là Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nên để dễ hệ thống hoá và đảm bảo lô-gích hình thức, trừ một vài phần được bổ sung nhằm trình bày những thông tin mở rộng có liên quan, về cơ bản Báo cáo được kết cấu với các tiểu phần tương ứng với tên gọi Đề tài là ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. Tuy nhiên, cần làm rõ một số điểm như sau:

Một là, Luật Điều ước quốc tế 2005 định nghĩa "ký kết" "là những hành vi pháp lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế" (Điều 2 khoản 4). Định nghĩa này không phân biệt việc ký kết ĐƯQT song phương hay đa phương. Trong khi đó, cũng theo quy định tại Luật 2005 (Điều 2, khoản 10) thì "gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước CHXHCN Việt Nam trong trường hợp nước CHXHCN Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực"; có nghĩa là riêng với gia nhập thì chỉ nói đến ĐƯQT đa phương (không phụ thuộc đã có hiệu lực hay chưa) và nói về thẩm quyền thì Bộ Tư pháp không phải là cấp có thẩm quyền quyết định cuối cùng vấn đề gia nhập ĐƯQT. Tuy vậy,  khi quy định về trách nhiệm đề xuất gia nhập ĐƯQT, Điều 49 (Khoản 2) có yêu cầu về ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, và dẫn chiếu ngược lại các quy định về nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp được nêu tại các điều từ 17-21 của Luật 2005, tức là quy định về thẩm định các ĐƯQT nói chung. Như vậy, nếu xét về thực chất nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, thì những việc mà Bộ Tư pháp phải làm đối với việc ký kết, gia nhập ĐƯQT là như nhau: góp ý xây dựng, trực tiếp hoặc phối hợp đàm phán theo thẩm quyền, và cuối cùng là thẩm định - giai đoạn trước khi ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT, không phụ thuộc đó là ĐƯQT song phương hay đa phương.  

Hai là, Luật Điều ước quốc tế 2005 không có định nghĩa về "thực hiện điều ước quốc tế", mặc dù  Luật 2005 dành trọn chương VII (các điều từ 71-96) quy định về vấn đề thực hiện ĐƯQT, trong đó có những việc cụ thể như kế hoạch thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ ĐƯQT. Theo Luật Điều ước quốc tế 2005 thì Bộ Tư pháp không có vai trò chung trong việc thực hiện ĐƯQT mà chỉ thực hiện những việc cụ thể nếu đó là các ĐƯQT thuộc thẩm quyền chuyên ngành của Bộ Tư pháp như trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, tương trợ tư pháp, hay trong chừng mực nào đó là trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).      

Ba là, cách bố cục Báo cáo phúc trình theo đúng trình tự như tên gọi của chủ đề Đề tài sẽ không tránh khỏi một số điểm trùng hợp nhất định. Ví dụ, đối với những trường hợp ĐƯQT thuộc thẩm quyền riêng biệt với tư cách là cơ quan quản lý ngành thì Bộ Tư pháp đảm nhận từ khâu đầu đến khâu cuối, tức là từ  đề xuất đàm phán, ký kết ĐƯQT, thành lập Hội đồng thẩm định, đề xuất phê duyệt/phê chuẩn và cuối cùng là tự mình hoặc điều phối thực hiện ĐƯQT đó - một quá trình ĐƯQT xuyên suốt hoàn toàn thuộc "sân" của Bộ Tư pháp. Ví dụ cụ thể nhất là các ĐƯQT trong lĩnh vực tương trợ tư pháp (TTTP) trước khi Luật TTTP 2007 được ban hành và lĩnh vực con nuôi quốc tế. Đối với các ĐƯQT về thương mại thì thực tế gần đây cho thấy Bộ Tư pháp có tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định WTO, các hiệp định thương mại khu vực ASEAN. Sau đó, Bộ Tư pháp cũng tham gia thực hiện một số nội dung có liên quan của các hiệp định thương mại này (rà soát VBQPPL trong nước và các quy định của ĐƯQT có liện quan), mặc dù về nguyên tắc chức năng thực hiện đó không thuộc thẩm quyền và công việc truyền thống được giao cho Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng tham gia đàm phán một số ĐƯQT khác như Quy chế Rome thành lập Toà án hình sự quốc tế (ICC), các hiệp định TTTP về hình sự với các nước ASEAN. Đối với đa số các ĐƯQT còn lại, Bộ Tư pháp tham gia ý kiến hoặc thẩm định để các cơ quan chủ trì hoàn thiện dự thảo và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Do thực tiễn công tác ĐƯQT của Bộ Tư pháp đa dạng và đang trong quá trình tiếp tục biến đổi như vậy, rất khó đưa ra một tiêu chí chung để hệ thống hoá vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác ĐƯQT.

Trên cơ sở những vấn đề được trình bày sơ bộ trên đây, Báo cáo phúc trình được bố cục thành bốn phần chính theo trục dọc yêu cầu của Đề tài gồm ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, với nội dung cụ thể của từng phần như sau:  

Phần thứ nhất "Một số vấn đề chung về pháp luật và các thiết chế thực thi điều ước quốc tế ở Việt Nam" trình bày những vấn đề cơ bản của pháp luật và các thiết chế thực thi ĐƯQT ở Việt Nam theo Luật ĐƯQT 2005 hiện hành làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá vai trò của Bộ Tư pháp trong bối cảnh chung của toàn bộ hệ thống pháp luật và thiết chế thực thi.

Phần thứ hai "Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế" bao gồm việc ký kết và gia nhập ĐƯQT, trong đó có góp ý dự thảo, góp ý gia nhập ĐƯQT đang có hiệu lực, tham gia cùng các cơ quan khác trong việc xây dựng dự thảo; và phần chủ yếu là thẩm định điều ước quốc tế song phương và đa phương (do, như trên đã nói, Bộ Tư pháp thẩm định cả ĐƯQT song phương và đa phương); phân tích chức năng xây dựng, thực thi pháp luật của Bộ Tư pháp và chức năng điều ước quốc tế trực tiếp của Bộ để thấy được sự chuyển biến cả về chất và lượng của nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công tác ĐƯQT.

Phần thứ ba "Bộ Tư pháp với việc thực hiện điều ước quốc tế", ngoài một số vấn đề chung như khả năng giao nhiệm vụ hậu kiểm cho Bộ, rà soát quy định pháp luật trong nước để phục vụ cho việc thực hiện  ĐƯQT, hoặc tham gia tích cực hơn vào một số loại ĐƯQT đặc biệt như trong lĩnh vực nhân quyền và thương mại, sẽ tập trung và chức năng ĐƯQT chuyên ngành của Bộ Tư pháp như Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định con nuôi quốc tế - tức là những lĩnh vực cụ thể liên quan đến quản lý ngành của Bộ Tư pháp.

Phần thứ tư, "Nhận xét về vai trò ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp và đề xuất một số điểm cần hoàn thiện” kiến giải về tính hợp lý của việc giao Bộ Tư pháp chức năng này trong bối cảnh phát triển chung của hệ thống pháp luật; nêu những vấn đề còn tồn tại và đề xuất cách xử lý và phương hướng tiếp tục hoàn thiện vai trò, vị trí


Phần thứ nhất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÁP LUẬT VÀ CÁC THIẾT CHẾ
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

 

1. Pháp luật điều ước quốc tế ở Việt Nam

Bắt đầu từ khi ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về điều ước quốc tế. Kể từ Hiệp định sơ bộ mà Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp ngày 6/03/1946, cho đến nay Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hàng nghìn điều ước quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực; và ĐƯQT đã trở thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng của Việt Nam qua các thời kỳ phát triển của đất nước. Thực tế gần 50 năm qua chứng minh công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn. Theo Bộ Ngoại giao, ĐƯQT mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong thời gian gần đây tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, số lượng ĐƯQT của Việt Nam ký kết bằng số lượng ĐƯQT của 50 năm trước đó cộng lại. Tổng số ĐƯQT Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong 5 năm (2000-2005) là 702 (chưa kể ĐƯQT cấp bộ, ngành).[2] Trong số các điều ước này có 604 điều ước song phương (84 điều ước danh nghĩa Nhà nước và 520 điều ước danh nghĩa Chính phủ;) và 98 điều ước đa phương (trong đó có 39 điều ước đang có hiệu lực đối với Việt Nam). Để đạt được những thành tựu trên, pháp luật ĐƯQT đóng vai trò quan trọng, và bản thân các quy định của pháp luật ĐƯQT cũng dần được hoàn thiện thông qua thực tiễn ký kết. Trong tinh thần đó, Phần thứ nhất trình bày vắn tắt những nội dung pháp luật về ĐƯQT, bao gồm hệ thống văn bản điều chỉnh và các thiết chế tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết và thực thi ĐƯQT (cơ bản là theo Luật Điều ước quốc tế 2005) nhằm tạo cơ sở cho việc mô tả và phân tích vai trò của Bộ Tư pháp với tư cách là một cơ quan có chức năng chung và chuyên ngành về ĐƯQT ở các phần tiếp theo của Báo cáo phúc trình. Một số nội dung khác có liên quan nhưng chưa được nêu trong Phần thứ nhất sẽ được đề cập cụ thể tại các phần tiếp theo của Báo cáo.  

1.1. Hệ thống các quy định về điều ước quốc tế

Các quy định pháp luật về ĐƯQT ở Việt Nam, xét theo hệ thống, trước hết phải kể đến các điều khoản có liên quan trong Hiến pháp Việt Nam 1992 (sửa đổi năm 2001) về thẩm quyền của của các Cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về  phê chuẩn, phê duyệt, đàm phán, ký kết và thực thi ĐƯQT;[3] quy định về "tính đến điều ước quốc tế" của Việt Nam trong quá trình soạn thảo, ban hành VBQPPL trong nước được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL 2002; và yêu cầu về soạn thảo thông qua VBQPPL trong nước không được làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam trong Luật Ban hành VBQPPL 2008.[4] Hiệu lực ưu tiên áp dụng các ĐƯQT so với pháp luật quốc gia (trừ Hiến pháp) trong trường hợp có mâu thuẫn với pháp luật quốc gia được nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nước cụ thể.[5]

Về văn bản chuyên ngành ĐƯQT, trước Luật Điều ước quốc tế 2005,[6] Việt Nam đã ban hành 02 Pháp lệnh về ĐƯQT, đó là Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17/4/1989 (Pháp lệnh 1989)[7]; và Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được UBTVQH thông qua ngày 20/8/1998 (Pháp lệnh 1998). Việc UBTVQH ban hành 02 Pháp lệnh Điều ước quốc tế và Luật Điều ước quốc tế 2005, Nghị định về thoả thuận quốc tế 2002[8] và Pháp lệnh Ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế năm 2007[9] đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với việc chuẩn hoá các quy định và thủ tục liên quan đến vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố lich sử và chủ quan, đến năm 1987 Việt Nam  mới bắt đầu soạn thảo văn bản chuyên ngành về ĐƯQT. Pháp lệnh Điều ước quốc tế 1989 là văn bản pháp lý có giá trị hiệu lực cao đầu tiên của nhà nước ta điều chỉnh những vấn đề cơ bản nhất trong hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT. Việc ban hành Pháp lệnh 1989 đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức đối với công tác ĐƯQT của Việt Nam. Pháp lệnh quy định khá chi tiết các nguyên tắc ký kết từ việc đề xuất, đàm phán đến quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện điều ước quốc tế. Về hiệu lực tại Việt Nam của ĐƯQT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia Pháp lệnh quy định "CHXHCN Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ" và "trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của Việt Nam, thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó". Như trên đã nói, hiệu lực của ĐƯQT còn được quy định ở nhiều VBQPPL khác theo một nguyên tắc chung là trong trường hợp ĐƯQT của Việt Nam có quy định khác với các quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định, thì ưu tiên áp dụng quy định của ĐƯQT đó. Cùng với các văn bản khác, Pháp lệnh năm 1989 đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh các hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT của Nhà nước ta, góp phần thể chế hoá đường lối đối ngoại của Đảng trong những năm đầu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Vào những năm 1989 - 1992 thế giới có những biến động lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đã có tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế. Thực hiện chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, ngày 20/8/1998, UBTVQH ban hành Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (Pháp lệnh 1998). Ngày 18/10/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/1999/NĐ-CP về Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh năm 1998 (Nghị định 161). Việc ban hành Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161 đã đánh dấu bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức và thực hiện công tác ĐƯQT[10]; pháp điển hoá và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình đàm phán, ký kết và gia nhập ĐƯQT.

Sau một thời gian thực hiện Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161, thực tế đã phát sinh nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đòi hỏi cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc pháp điển hoá hơn nữa các quy định định hiện hành và nâng hình thức văn bản điều chỉnh việc ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. Trước hết có thể thấy một phần nội dung của Pháp lệnh năm 1998 đã không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp 1992.[11] hàng loạt yêu cầu mới phát sinh như cần ghi nhận thành nguyên tắc một quy định về áp dụng ĐƯQT lâu nay vẫn quy định rải rác trong các VBQPPL trong nước;[12] đảm bảo mức độ tương thích của pháp luật ĐƯQT của Việt Nam với quy định của Công ước Viên do việc Việt Nam gia nhập Công ước viên năm 1969 về Luật điều ước từ ngày 9/11/2001; đảm bảo chuẩn hoá và đồng bộ hoá quá trình đề xuất, đàm phán, ký kết và thực thi ĐƯQT;[13] tiến hành việc phân loại điêu ước quốc tế theo hướng tách thoả thuận quốc tế ra điều chỉnh riêng. Luật Điều ước quốc tế phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như chuyển hoá quy định của Công ước Viên vào pháp luật trong nước của Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong Luật với nội dung các cam kết của Công ước; Luật Điều ước quốc tế mới cần được xây dựng trên cơ sở tiếp tục tiếp thu, kế thừa các nội dung vẫn còn có giá trị về thực tiễn cũng như lý luận của Pháp lệnh năm 1998 và nội dung liên quan đến ĐƯQT trong các VBQPPL hiện hành; gắn kết việc ký kết, gia nhập với việc thực hiện ĐƯQT, thiết lập cơ chế phối hợp đàm phán, ký kết và thực hiện ĐƯQT. Với tinh thần như vậy, Luật Điều ước quốc tế hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006.

1.2. Một số nội dung cơ bản của Luật Điều ước quốc tế 2005

1.2.1. Cơ cấu, phạm vi điều chỉnh

Với 9 chương và 107 điều,[14] Luật Điều ước năm 2005 quy định về việc ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện ĐƯQT được ký kết (Điều 1). Phạm vi điều chỉnh của Luật đã được thu hẹp hơn so với quy định trước đây của Pháp lệnh năm 1998 về nội dung và định nghĩa của ĐƯQT.[15] Điều ước quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật 2005 chỉ gồm 2 loại đó là ĐƯQT được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ . Các văn bản còn lại thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Điều ước quốc tế (2007)[16]

1.2.2. Nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định những nguyên tắc chủ yếu như phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế; phù hợp với quy định của Hiến pháp; phù hợp lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của Việt Nam; điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH phải được trình UBTVQH cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập ĐƯQT có quy định trái với VBQPPL của Quốc hội thì UBTVQH báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

1.2.3. Quan hệ của điều ước quốc tế với pháp luật trong nước

Như trên đã nêu, trên thực tế, mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật trong nước đã được xử lý trong nhiều VBQPPL với nguyên tắc ĐƯQT mà Việt Nam ký kết và gia nhập có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp VBQPPL trong nước có quy định khác về cùng một vấn đề. Nguyên tắc này được tái khẳng định trong Luật 2005 (Điều 6 Khoản 1). Luật Điều ước năm 2005 cũng quy định việc ban hành VBQPPL trong nước phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề (điều ước quốc tế nhiều bên). Riêng việc ban hành VBQPPL phải tính đến quy định của ĐƯQT thì  không được quy định tại Luật Điều ước quốc tế 2005, mà chỉ được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL 2002.[17]

Ngoài ra, về vấn đề áp dụng điều ước quốc tế, Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ có thẩm quyền quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của ĐƯQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT đó. Quy định của ĐƯQT đủ rõ, đủ chi tiết trong trường hợp này là những quy định xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, trình tự, thủ tục thực hiện mà không cần phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành.

1.2.4. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Cơ quan đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT là: TANDTC, VKSNDTC, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Những cơ quan này căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.  Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký ĐƯQT thì cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Riêng Bộ Ngoại giao khi đàm phán và ký kết ĐƯQT thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Về thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc gia nhập và cho ý kiến, theo Điều 11 Luật Điều ước quốc tế 2005, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác; Chính phủ quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ. Trong trường hợp ĐƯQT có điều khoản phê chuẩn hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ đàm phán, ký hoặc gia nhập thì Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định. Về thẩm quyền quyết định đối với việc gia nhập ĐƯQT nhiều bên: Quốc hội quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước; Chủ tịch nước quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Nhà nước, ĐƯQT  nhiều bên có quy định phải phê chuẩn; Chính phủ quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Chính phủ. Phù hợp với quy định của Công ước Viên 1969, Luật 2005 quy định một số trường hợp sau khi đàm phán, ký kết ĐƯQT không cần giấy uỷ quyền hoặc tham dự hội nghị quốc tế không cần giấy uỷ nhiệm.[18]

1.2.5. Phê duyệt và phê chuẩn điều ước quốc tế

Phê chuẩn và phê duyệt ĐƯQT là hành vi pháp lý nhằm công nhận hiệu lực, cũng như ràng buộc đối với ĐƯQT mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Thẩm quyền phê duyệt và phê chuẩn đối với ĐƯQT là khác nhau. Điều ước quốc tế phải được phê chuẩn gồm những loại: (i) ĐƯQT có quy định phải phê chuẩn; (ii) ĐƯQT được ký nhân danh Nhà nước; (iii) ĐƯQT được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước. Về thẩm quyền phê chuẩn, Chủ tịch nước và Quốc hội có thẩm quyền quyết định phê chuẩn ĐƯQT. Đối với trường hợp Quốc hội phê chuẩn thì ĐƯQT phải được thẩm tra. Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra ĐƯQT là Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; các uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban đối ngoại để thẩm tra ĐƯQT. Thẩm quyền phê duyệt ĐƯQT thuộc Chính phủ. Chính phủ quyết định phê duyệt ĐƯQT đối với: (i) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt; (ii) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong VBQPPL của Chính phủ; (iii) ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

1.2.6. Bảo lưu, chấp nhận, phản đối và rút bảo lưu điều ứơc quốc tế nhiều bên

Về việc bảo lưu ĐƯQT, cơ quan đề xuất khi trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập ĐƯQT nhiều bên có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với ĐƯQT nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình trình Chính phủ về vấn đề này. Về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ. Khi rút bảo lưu, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Thẩm quyền quyết định bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Bộ Ngoại giao hoàn thành các thủ tục như thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế về việc Việt Nam bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu đối với ĐƯQT nhiều bên.

1.2.7.  Thực hiện điều ước quốc tế

Cơ quan đề xuất và chủ trì thực hiện ĐƯQT xây dựng kế hoạch thực hiện ĐƯQT. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT bao gồm những nội dung: (i) Lộ trình thực hiện ĐƯQT; (ii) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện ĐƯQT; (iii) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế; (iv) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện ĐƯQT; (v) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Kế hoạch này trước khi thực hiện phải trình Chính phủ phê duyệt.[19]  

Một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện ĐƯQT là giải thích ĐƯQT. UBTVQH có thẩm quyền giải thích đối với: (i) ĐƯQT do Quốc hội phê chuẩn hoặc gia nhập; (ii) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của Quốc hội; (iii) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội; (iv) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của UBTVQH; (v) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của UBTVQH; và các trường hợp cần thiết khác. Chính phủ giải thích các ĐƯQT không thuộc thẩm quyền giải thích của UBTVQH.

Một nội dung nữa của việc thực hiện ĐƯQT là vấn đề sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn ĐƯQT. ĐƯQT được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Cơ quan đề xuất  lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trình các cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn. Về thẩm quyền, Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập; Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT do Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập; Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT do Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn.

1.2.8. Những vấn đề mới của Luật Điều ước quốc tế 2005

1.2.8.1. Phân loại điều ước quốc tế

Khác với quy định trước đây, Luật Điều ước quốc tế 2005 chỉ điều chỉnh 2 loại điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập dưới danh nghĩa Nhà nước và Chính phủ (loại trừ hai loại điều ước nhân danh Bộ, ngành và TANDTC, VKSNDTC). Theo lập luận của các nhà soạn thảo thì làm như vậy vì những lý do sau:[20]

Thứ nhất, về quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, theo quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi): Điều 84 Khoản 13, Điều 103 Khoản 10, Điều 112 Khoản 8, các quy định liên quan khác của Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì chỉ có hai loại điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, không có quy định về định về điều ước quốc tế nhân danh Bộ hoặc điều ước nhân danh TANDTC hoặc nhân danh VKSNDTC. Ngoài ra, nếu theo nguyên tắc phổ biến về việc ưu tiên áp dụng ĐƯQT được quy định trong hầu hết các VBQPPL hiện hành như luật, pháp lệnh...thì trong trường hợp, các quy định của ĐƯQT cấp Bộ, ngành, nếu được tiếp tục quy định trong Dự thảo Luật, rất có thể sẽ được áp dụng thay cho Luật, Pháp lệnh hay các quy định của Chính phủ một khi những quy định này khác với điều ước quốc tế cấp Bộ, ngành. Điều này sẽ phá vỡ tính thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật, công cụ chủ yếu của Nhà nước trong việc quản lý và điều hành đất nước.

Thứ hai, về thực tiễn của Việt Nam cho thấy, ĐƯQT do Bộ, ngành ký kết trong thời gian quan gồm hai loại chính: loại thứ nhất là những thoả thuận hợp tác có những cam kết quan trong về quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến ngân sách nhà nước... do Bộ, ngành ký nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ theo uỷ quyền tương ứng. Loại thứ hai chủ yếu tập trung vào hợp tác có tính chất kỹ thuật thuộc thẩm quyền Bộ, ngành như trao đổi đoàn  giao lưu hữu nghị, trao đổi thông tin, hợp tác về đào tạo cán bộ...Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, Bộ, ngành chỉ ký kết ĐƯQT hai bên nhân danh Bộ, ngành và chưa có trường hợp nào Bộ, ngành gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Bộ, ngành.

Thứ ba, về thực tiễn quy định của pháp luật nước ngoài, Công ước Viên năm 1969, luật và thực tiễn áp dụng trong ký kết, gia nhập ĐƯQT của nhiều nước không công nhận Bộ, ngành là chủ thể có thẩm quyền ký kết, gia nhập ĐƯQT. Ngoài ra, thực tiễn pháp luật nước ngoài cũng cho thấy, nhiều nước trong đó có các nước đang phát triển ở Châu Á như Brunây, Inđônêxia, Philíppin, Mianma và các nước phát triển như Pháp, Bỉ, Ôxtrâylia, Áo, Đức, Canađa, các nước Đông Âu cũ như Séc, Bungari không công nhận thoả thuận của Bộ, ngành là điều ước quốc tế. Còn ở Mỹ thì chỉ có những thoả thuận quốc tế đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn mới được gọi là điều ước quốc tế. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nước như Nga (Luật năm 1995), Trung Quốc (Luật năm 1990), CHDCND Triều Tiên (Luật năm 1999) là công nhận điều ước quốc tế cấp Bộ, ngành.

Thứ tư, về thực tiễn ký kết ĐƯQT cho thấy không có trường hợp Bộ, ngành gia nhập ĐƯQT nhiều bên. Điều này phù hợp với nguyên tắc ĐƯQT được gia nhập giữa các chủ thể của pháp luật quốc tế, phù hợp với Công ước Viên năm 1969 về Luật ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên.

Với những phân tích nêu trên dưới góc độ xem xét pháp luật và thực tiễn pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật và thực tiễn pháp luật quốc tế, những thoả thuận do Bộ, ngành ký kết với Bộ, ngành của nước ngoài không nên tiếp tục được coi là ĐƯQT, do đó không được quy định tại Luật này. Từ thực tiễn trên cũng cho thấy, nếu phía Việt Nam vẫn tiếp tục coi thoả thuận cấp Bộ, ngành là ĐƯQT thì hậu quả pháp lý phát sinh là: đối với bên Việt Nam làm phát sinh trách nhiệm quốc gia (nghĩa vụ thực hiện của Nhà nước và Chính phủ), trong khi đối với bên ký kết nước ngoài chỉ phát sinh trách nhiệm của Bộ, ngành đã ký thoả thuận. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm thoả thuận thì phía Việt Nam không thể viện dẫn trách nhiệm của Chính phủ hoặc Nhà nước nước ngoài. Trong khi đó, nếu Bộ, ngành Việt Nam vi phạm thoả thuận thì Bộ, ngành nước ngoài có thể viện dẫn trách nhiệm của Chính phủ hoặc Nhà nước Việt Nam. Điều này vi phạm một cách cơ bản nguyên tắc chủ thể ký kết ĐƯQT là những chủ thể bình đẳng trong việc hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ.

1.2.8.2. Chuyển hoá điều ước quốc tế

Trong quá trình soạn thảo Luật Điều ước quốc tế 2005 đã có 2 loại ý kiến Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên có quy định về việc chuyển hoá điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế pháp luật của nước ta hiện nay cũng như lộ trình tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam, không nên đưa ra một quy định cứng nhắc, đòi hỏi nhất thiết phải chuyển hoá điều ước quốc tế trong những trường hợp cần thiết bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế. Trường hợp có thể áp dụng trực tiếp ĐƯQT thì không phải chuyển hoá. Thực tiễn ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của ta cũng cho thấy, một số ĐƯQT sau khi có hiệu lực đã được triển khai thực hiện mà không nhất thiết phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cũng có ĐƯQT, mặc dù đã có hiệu lực, nhưng không thể áp dụng trực tiếp để giải quyết các vấn đề liên quan ở trong nước mà nhất phải chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện, chẳng hạn như ĐƯQT liên quan đến cắt giảm thuế hàng hoá theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập ASEAN.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị Luật cần phải quy định rõ nguyên tắc là khi ĐƯQT đã có hiệu lực đối với Việt Nam thì các quy định của ĐƯQT đó sẽ được áp dụng trực tiếp như là một nguồn của pháp luật Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan. Các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Toà án nhân dân các cấp có thể trực tiếp viện dẫn các điều khoản của ĐƯQT liên quan để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế của nước ta.

Luật được xây dựng theo phương án thứ nhất, theo đó ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam có thể áp dụng trực tiếp. Trong trường hợp không thể áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT có hiệu lực đối với Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT (Điều 6 Khoản 3).  Phương án này được xây dựng linh hoạt, theo đó quyết định về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định về việc áp dụng trực tiếp ĐƯQT hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT.

1.2.8.3. Vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Luật Điều ước 2005 không quy định vị trí của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy, điều ước quốc tế của Việt Nam không được trái với Hiến pháp, nhưng được phép có quy định khác với quy định của các văn bản do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Cần lưu ý đến thực tiễn là vai trò, vị trí của ĐƯQT ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi nhất định,trong đó có quan điểm phải dần coi ĐƯQT là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặc dù chưa đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam theo trường phái nhất nguyên luận hay nhị nguyên luận về mối quan hệ giữa ĐƯQT với pháp luật quốc gia, và Luật Điều ước quốc tế 2005 cũng không khẳng định rõ điều này, nhưng có thể thấy rằng ở Việt Nam, ĐƯQT có vị trí thứ bậc chỉ dưới Hiến pháp. Trong quan hệ với luật thì ĐƯQT có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật trong trường hợp ĐƯQT có quy định khác so với quy định của luật.  

1.3.  Pháp luật về thoả thuận quốc tế

Như đã trình bày ở phần trên phạm vi điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế 2005 được thu hẹp hơn so với Pháp lệnh Điều ước quốc tế 1998. Theo đó, chỉ còn hai loại điều ước quốc tế là ĐƯQT nhân danh Nhà nước và ĐƯQT nhân danh Chính phủ; không còn loại ĐƯQT nhân danh các Bộ, ngành thuộc Chính phủ, TANDTC và VKSNDTC. Trong khi đó, xét về mặt thực tiễn, ngoài việc ký kết của các cơ quan nêu trên, thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng ký nhiều thoả thuận với các đối tác nước ngoài, nhưng chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Mặt khác, để quy định chi tiết việc thực hiện Pháp lệnh Điều ước quốc tế 1998, năm 2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2002/NĐ-CP để điều chỉnh hoạt động ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Sau 5 năm thực hiện Nghị định đã phát sinh một số nội dung mới, một số nội dung của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn nên cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung. Riêng về hoạt động ký kết TTQT nhân danh các cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, bên cạnh hoạt động ký kết, gia nhập ĐƯQT nhân danh nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ, để bảo đảm việc phân cấp một cách hợp lý , đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đòi hỏi phải được quy định đủ rõ để đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách hành chính.

Những lý do trên đã dẫn đến việc ban hành Pháp lệnh thoả thuận quốc tế (2007). Pháp lệnh gồm 5 chương và 33 Điều.[21] Về phạm vi điêu chỉnh, Pháp lệnh được áp dụng đối với việc ký kết, thực hiện TTQTcủa ba nhóm chủ thể là (i) Cơ quan nhà nước ở trung ương (Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ); (ii) Cơ quan cấp tỉnh bao gồm HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); (iii) Cơ quan trung ương của tổ chức (Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp).

Về cơ bản, các nguyên tắc ký kết và thực hiện TTQT (Điều 4) cũng giống như các nguyên tắc ký kết thực hiện ĐƯQT. Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là TTQT chỉ có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đã ký kết TTQT đó, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nhà nước hoặc của Chính phủ Việt Nam. Về thẩm quyền ký kết TTQT: đối với cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan cấp tỉnh thì người đứng đầu các cơ quan này tự quyết định ký kết TTQT nhân danh cơ quan mình (khoản 1 Điều 9, các Điều 11, 13 và 15), sau khi lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan (cơ quan thực hiện quản lý về đối ngoại - Bộ Ngoại giao hoặc Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc nội dung thoả thuận quốc tế đó – các điều 10, 12, 14 và 16). Tuy nhiên, trong trường hợp còn ý kiến khác nhau giữa chủ thể ký kết nêu trên và các cơ quan hữu quan về việc ký kết TTQT nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, thì: (i) Cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT (Điều 9); (ii) TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước trình UBTVQH cho ý kiến (Điều 12); (iii) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến (các điều 14 và 16). Đối với tổ chức, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chỉ được quyết định ký kết TTQT nhân danh cơ quan mình sau khi có ý kiến đồng ký của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức (Điều 15 và khoản 5 Điều 18). Sau khi ký kết TTQT, chủ thể ký kết có trách nhiệm báo cáo cơ quan cấp trên về TTQT đã được ký kết (khoản 5 của các điều 10, 12, 14, 16 và khoản 6 Điều 18). Chương II Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục ký kết TTQT bao gồm từ khâu lấy ý kiến của cơ quan hữu quan trước khi quyết định ký kết TTQT, lấy ý kiến của cơ quan cấp trên trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan dự định ký kết TTQT và cơ quan hữu quan, cho đến việc báo cáo cơ quan cấp trên và thông báo cho Bộ Ngoại giao về TTQT đã được ký kết.

Tại phần IV của Báo cáo khi lý giải về vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác ĐƯQT, chúng ta sẽ trở lại chi tiết hơn về những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc tách để điều chỉnh thoả thuận quốc tế trong một văn bản riêng.

1.4. Các cơ quan có vai trò chủ yếu trong công tác điều ước quốc tế ở Việt Nam

Để làm cơ sở cho việc phân tích rõ hơn vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế, mục này sẽ sơ bộ nêu chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trực tiếp hoặc có liên quan đến ĐƯQT của các cơ quan quyền lực ở Việt Nam (ngoài Bộ Tư pháp) theo pháp luật hiện hành.  

1.4.1. Quốc hội và các cơ quan Quốc hội

Theo Hiến pháp Việt Nam (Điều 84.13) thì Quốc hội “quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước". Luật Điều ước quốc tế 2005 cụ thể vai trò, thẩm quyền đó của Quốc hội bằng việc quy định Quốc hội cho ý kiến về đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội,  (Điều 3, khoản 5 Luật 2005); Quyết định theo thẩm quyền về chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT, việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT (Điều 6 khoản 3); Quốc hội quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Là cơ quan thường trực của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội  được giao nhiều việc liên quan đến ĐƯQT. Cụ thể,  Luật 2005 quy định UBTVQH cho ý kiến hoặc báo cáo Quốc hội về đàm phán, ký kết, gia nhập ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH (Điều 3, khoản 5); Quyết định theo thẩm quyền về chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT, việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế (Điều 6 khoản 3). Thẩm quyền điều uớc quốc tế của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Uỷ ban Tư pháp Quốc hội không nhiều. Hai cơ quan này chủ yếu tập trung vào các vấn đề pháp luật trong nước như thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các dự án luật, pháp lệnh; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ỦBTVQH trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và tố tụng.[22]

1.4.2. Chủ tịch nước

Theo Điều 103 (khoản 10) của Hiến pháp thì Chủ tịch nước “... tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định...”. Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác (Điều 11, khoản 1); quyết định gia nhập ĐƯQT nhiều bên nhân danh Nhà nước, ĐƯQT nhiều bên có quy định phải phê chuẩn; phê chuẩn điều ước quốc tế theo thẩm quyền (các điều 31, 32).

1.4.3. Chính phủ

Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình soạn thảo, đàm phán ký kết các điều ước quốc tế của Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những đặc thù của Việt Nam với vai trò quan trọng của hệ thống các cơ quan hành pháp.

Theo Điều 112 (khoản 8) Hiến pháp thì Chính phủ “Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm 10 Điều 103; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;" Luật Tổ chức Chính phủ 2001 (Điều 8, khoản 8) quy định Chính phủ Thống nhất quản lý công tác đối ngoại, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Luật Điều ước quốc tế 2005 cụ thể hoá các vai trò nêu trên của Chính phủ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Điều 5, khoản 1); quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ, nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước (khoản 1 Điều 11); báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước hoặc ĐƯQT nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn (Điều 11, khoản 2); trình UBTVQH cho ý kiến về việc đàm phán, ký ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH; trong trường hợp đàm phán, ký ĐƯQT có quy định trái với VBQPPL của Quốc hội thì UBTVQH báo cáo Quốc hội cho ý kiến (Điều 11 khoản 3).

Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. Trong trường hợp điều ước quốc tế có điều khoản phê chuẩn hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ đàm phán, ký hoặc gia nhập thì Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định.Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ. Về việc xin trình Quốc hội và UBTVQH cho ý kiến, Chính phủ phải có trách nhiệm trình Quốc hội và UBTVQH cho ý kiến đối với ĐƯQT trong một số trường hợp sau: (i) việc đàm phán, ký ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH; (ii) điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH.

1.4.4. Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Điều 5 khoản 2). Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến công tác đối ngoại của Nhà nước, trong đó có các điều ước quốc tế thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, như thiết lập quan hệ ngoại giao lãnh sự; chủ quyền lãnh thổ quốc gia.[23]

Bộ Ngoại giao trình Chính phủ việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế do Bộ phụ trách; tổ chức đàm phán với các nước và các tổ chức quốc tế; ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế theo ủy quyền của Chính phủ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp tổ chức việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức sao lục, lưu trữ, lưu chiểu và thống kê nhà nước về điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước CHXHCN Việt Nam; và hướng dẫn việc lưu trữ, sao lục các TTQT; chỉ đạo thống kê các TTQT đó. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo các VBQPPL về ĐƯQT và TTQT như Luật Điều ước quốc tế 2005, Pháp lệnh thoả thuận quốc tế 2007. Xét từ khía cạnh đảm bảo tính thống nhất của các VBQPPL trong nước và ĐƯQT, nhất là trong bối cảnh coi ĐƯQT là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật, thì Bộ Ngoại giao khó có thể thực hiện được vai trò điều phối do không trực tiếp xử lý các vấn đề pháp luật trong nước. Theo Luật Điều ước quốc tế 2005 thì Bộ Ngoại giao thực hiện một số chức năng thuộc giai đoạn tiền ký kết; cụ thể là việc kiểm tra của Bộ Ngoại giao (Điều 10 khoản 1(b)(d)) trong đó có nội dung đánh giá sự phù hợp với pháp luật quốc tế nói chung; và sự phù hợp với điều ước quốc tế về cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên. Mục đích kiểm tra là đảm bảo sự thống nhất nội tại giữa các VBQPPL quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

1.5. Điểm lại Phần thứ nhất

So với các lĩnh vực khác, điều ước quốc tế được pháp luật trong nước điều chỉnh muộn hơn. Khung pháp luật điều ước quốc tế gồm các quy phạm nằm rải rác tại nhiều nơi, trong đó có Hiến pháp, Luật Ban hành VBQPPL 2002 (Luật mới 2008 thay thế), các quy định về hiệu lực ưu tiên của điều ước quốc tế trong các đạo luật, pháp lệnh điều chỉnh các vấn đề trong nước có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Về văn bản chuyên ngành, từ Pháp lệnh Điều uớc quốc tế 1989 đến Luật Điều ước quốc tế 2005 chúng ta có thể thấy một buớc tiến dài, phản ánh mức độ quan tâm ngày càng nhiều hơn của Viêt Nam đối với công tác điều ước quốc tế và mức độ trưởng thành về tư duy và nhận thức của chúng ta về vai trò của điều ước quốc tế trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng những nhu cầu nội tại. Như vậy, có thể nói khung pháp luật điều ước quốc tế của Việt Nam hiện nay là tổng hợp của đa dạng các loại quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Về cơ bản, các quy định về điều ước quốc tế của Việt Nam phù hợp với quy định về nội dung và thực tiễn áp dụng Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về hệ thống các thiết chế, có thể thấy sự đóng góp ở những mức độ khác nhau và thẩm quyền, vai trò khác nhau của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong công tác điều ước quốc tế. Trong hệ thống các thiết chế đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn vai trò của Bộ Tư pháp ở các phần sau.    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ hai

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG VIỆC KÝ KẾT
VÀ GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

Phần thứ hai trình bày và phân tích vai trò luật định của Bộ Tư pháp trong việc ký kết và gia nhập điều ước quốc tế. Trong vai trò này, Bộ Tư pháp thực hiện một số chức năng chung với tư cách là một cơ quan giúp Chính phủ quản lý về pháp luật mà các bộ ngành khác không có, chẳng hạn như thẩm định ĐƯQT, trực tiếp tham gia đàm phán một số ĐƯQT, và góp ý kiến xây dựng các ĐƯQT (cả song phương và đa phương) do các bộ, ngành chủ trì.       

1. Tham gia đàm phán, góp ý xây dựng điều ước quốc tế

Tham gia đàm phán, hoặc góp ý kiến xây dựng ĐƯQT là một trong những công việc thường xuyên của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp tham gia đàm phán một số điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng và chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại; nhưng góp ý xây dựng và thẩm định thì với hầu hết, và theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005 thì là tất cả các ĐƯQT. Ngoài ra, cũng cần khẳng định là việc Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia đàm phán một số điều ước quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Tư pháp mới thực sự bắt đầu trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (song phưong) và Hiệp định WTO (đa phương), và các hiệp định khác trong quan hệ với ASEAN trong các lĩnh vực (thương mại, chống khủng bố, TTTP về các vấn đề hình sự. Như vậy, đây là một thực tiễn mới đang trong quá trình hình thành. Mục này được bắt đầu với một số nhận xét chung về thực tế  góp ý kiến của Bộ Tư pháp vào các ĐƯQT từ  các số liệu hiện có; sau đó sẽ đề cập đến một số điều ước cụ thể mà Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia đàm phán hoặc có đóng góp nhiều hơn so với các bộ ngành khác nói chung.

Công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp trong thời gian qua được gắn với nhiều hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật. Ngoài việc tham mưu cho Chính phủ về việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (Điều 17) quy định “Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế”. Đây là nhiệm vụ mang tính bao trùm toàn bộ công tác xây dựng điều ước quốc tế của các Bộ, ngành vì trước khi các cơ quan này trình cơ quan có thẩm quyền ký kết hoặc gia nhập một điều ước quốc tế nào, thì điều ước quốc tế đó phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Chính vì thế, các việc điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp thực hiện  tương đối đa dạng về số lượng, nội dung và tính chất.

Về số lượng việc ĐƯQT đã thực hiện trong những năm qua, từ năm 1980 đến tháng 10/2007, Bộ Tư pháp đã thực hiện khoảng 1160 việc, số lượng các việc tăng đáng kể qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ví dụ, trong thời gian 10 năm (1980-1990), số lượng các việc Bộ Tư pháp tham gia khoảng 124 việc, con số này chỉ bằng 68% số việc của 9 tháng đầu năm 2007 (9 tháng đầu năm 2007 khoảng 182 việc). Các việc không ngừng tăng lên thể hiện bằng số chênh lệch giữa các năm kế tiếp nhau. Điều này càng chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn các diễn đàn hợp tác quốc tế.

Về nội dung nhóm việc, có thể chia theo một số nhóm chính như sau: đề nghị hợp tác; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và công bố các điều ước quốc tế; tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, toạ đàm liên quan đến điều ước quốc tế; ký kết một số văn kiện hợp tác quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự uỷ quyền của cấp trên; cho ý kiến, thẩm định điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; báo cáo các vụ việc do Bộ Tư pháp tham gia liên quan đến công tác điều ước quốc tế; trình cơ quan, người có thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế; xin ý kiến các cơ quan hữu quan về điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp chuẩn bị; trả lời một số vấn đề khi có sự yêu cầu; phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác điều ước quốc tế; ghi nhận sự kiện; phê duyệt chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương hoặc đa phương. Trong số nhóm các vụ việc đã nêu thì góp ý, thẩm định các điều ước quốc tế là công việc chiếm dung lượng lớn nhất về số lượng cũng như thời gian thực hiện.

Về các nước hợp tác thì  từ năm 1990 trở về trước, các hoạt động về hợp tác quốc tế liên quan đến công tác điều ước chỉ tập trung chủ yếu đối với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa đông Âu và một số nước láng giềng (Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc..). Từ năm 1991 đến nay, ngoài các quốc gia hợp tác truyền thống thời kỳ những năm 1980, hoạt động này đã được mở rộng đến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tại nhiều diễn đàn khu vực và thế giới.

Về  nội dung hợp tác, trước đây, các nội dung hợp tác quốc tế được thu hẹp trong một số lĩnh vực nhất định như: tương trợ tư pháp, viện trợ, giáo dục. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đông Âu sụp đổ, thì đường lối đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng đa dạng đến nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, tội phạm, y tế, môi trường, ma tuý, tham nhũng, văn hoá, nghệ thuật…

Về tính chất các việc, các việc liên quan đến công tác điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp tham gia hàng năm tăng dần về số lượng, cũng như mức độ phức tạp về mặt nội dung. Trước đây, các điều ước quốc tế do Việt Nam tham gia về cơ bản chỉ giới hạn trong khuôn khổ một số việc đơn lẻ, phạm vi thực hiện chủ yếu là các vấn đề song phương. Tuy nhiên càng về những năm cuối của thập kỷ chín mươi và đặc biệt là những năm đầu của Thế kỷ 21, các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia có nhiều văn kiện rất đồ sộ về quy mô, phức tạp về nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ: văn kiện về việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO, các hiệp định liên quan đến an ninh, quốc phòng, chống khủng bố…

Về cơ chế thực hiện, thông thường các việc điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp thực hiện là theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Nhưng, trên thực tế có nhiều việc phát sinh theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Một trong những việc hiện Bộ Tư pháp đang tiến hành theo phân công của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu và xây dựng đề án về khả năng tham gia của Việt Nam vào Quy chế Rome 1998 về việc thành lập và hoạt động của Toà án hình sự quốc tế (ICC). 

Thực tiễn các số liệu về công tác điều ước quốc tế nêu trên của Bộ Tư pháp cũng phù hợp với số liệu khảo sát về công tác này trong nội bộ Bộ Tư pháp; kết quả khảo sát cho thấy tình hình tham gia công tác điều ước quốc tế trong Bộ Tư pháp được chú ý nhiều hơn và tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây. Cụ thể, về câu hỏi khảo sát ông/ bà đã từng tham gia vào công tác soạn thảo, góp ý kiến hoặc thẩm định điều ước quốc tế chưa, thì 55/62 trường hợp được hỏi trả lời đã tham gia vào một trong những công đoạn nêu trên; chỉ có 7/62 trường hợp trả lời chưa tham gia. Đáng chú ý là việc Bộ Tư pháp đã bắt đầu trực tiếp hỗ trợ các bộ ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ ngành liên quan đến ĐƯQT. Cụ thể, về câu hỏi Bộ Tư pháp có tham gia hỗ trợ các cơ quan trong quá trình soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế hay không? Hầu hết các trường hợp (43/46) cho rằng Bộ Tư pháp đã có hỗ trợ ở mức độ này hay khác trong quá trình nêu trên.

1.1. Đàm phán, xây dựng điều ước quốc tế về hình sự, chống khủng bố, chống tham nhũng 

Trong khoảng thời gian từ 10 năm trở lại đây, sự tham gia của Bộ Tư pháp và việc trực tiếp đàm phán các công ước quốc tế và khu vực. Xin nêu một số điều ước quốc tế quan trọng mà Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia đàm phán: Năm 1998, Bộ Tư pháp đã cử đại diện tham gia Đoàn đàm phán thông qua văn kiện cuối cùng của Quy chế Rome thành lập Toà án hình sự quốc tế (ICC). Hiện tại quy chế Rome về ICC đã được 105 nước tham gia. Như trên đã nói, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu và có đề xuất về khả năng Việt Nam tham gia Quy chế Rome về ICC. Bộ Tư pháp cùng các Bộ Công an, Ngoại giao, Thanh tra Nhà nước, Văn phòng Chính phủ tham gia Phiên họp 6 của Uỷ ban đàm phán Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Uỷ ban) diễn ra tại Viên (Áo) từ ngày 20/7 đến  8/8//2003; tham gia Đoàn đàm phán liên ngành của Chính phủ đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN trong lĩnh vực hình sự các năm 2004-2005; cùng các bộ ngành có liên quan của Việt Nam tham gia đàm phán Công ước về chống khủng bố của ASEAN (Bali, Indonesia, tháng 11/2006). Tại các cuộc đàm phán này, Bộ Tư pháp là cơ quan đảm nhiệm các vấn đề về pháp luật, đặc biệt là tính tương thích của các điều khoản thuộc hiệp định được đàm phán với quy định của pháp luật trong nước của Việt Nam.      

1.2. Đàm phán, góp ý xây dựng điều ước quốc tế về thương mại

Cùng với Bộ Ngoại giao và cơ quan đề xuất, Bộ Tư pháp là một trong 3 cơ quan có vai trò chính trong toàn bộ quá trình từ việc đề xuất đàm phán đến ký kết ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại. Trong thời gian gần đây, có thể nói Bộ Tư pháp đóng vai trò là “người gác cổng về pháp luật” trong đàm phán ký kết ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại, nhất là đối với BTA và các Hiệp định WTO. Cụ thể, Bộ Tư pháp xem xét, kiểm tra và phát hiện những điểm chưa phù hợp giữa pháp luật trong nước và ĐƯQT thông qua việc trực tiếp đàm phán và sau này là thẩm định ĐƯQT, nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế. Để thực hiện việc này, Bộ Tư pháp cán bộ trực tiếp tham gia quá trình đàm phán hoặc đóng góp ý kiến bằng văn bản cho các dự thảo của những ĐƯQT về thương mại có liên quan. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể những việc Bộ Tư pháp thực hiện trong đàm phán, góp ý kiến xây dựng các hiệp định thương mại song phương và đa phương 

1.2.1. Điều ước thương mại song phương

Hiện nay Việt Nam đã ký kết khoảng hơn 80 Hiệp định thương mại song phương, gần 80 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, và 60 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đối với những điều ước song phương này, cho đến nay, sự tham gia của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các Hiệp định này chỉ dừng ở viêc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Hiệp định và thực hiện công việc thẩm định các Dự thảo Hiệp định trước khi cơ quan đề xuất trình Chính phủ ký hoặc phê duyệt các Hiệp định này theo đúng quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005 và các Pháp lệnh Điều ước quốc tế trước đây.

Trong số các điều ước thương mại song phương đã được ký chỉ có Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) là một Hiệp định mà Bộ Tư pháp đã tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình đàm phán.

Trong quá trình đàm phán BTA, Bộ Tư pháp đã đảm nhận những nhiệm vụ sau: (i) Là cơ quan chịu trách nhiệm chung về mặt pháp lý của quá trình đàm phán; vai trò này của Bộ Tư pháp được thể hiện qua một số công việc như: giải thích những vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật trong nước trong quá trình đàm; là cơ quan chịu trách nhiệm chính về mặt ngôn ngữ của Hiệp định).  (ii) Là cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán về lĩnh vực dịch vụ pháp lý, đây là lĩnh vực do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý. (iii) Là cơ quan tham gia vào đàm phán về phần sở hữu trí tuệ.

BTA là một Hiệp định thương mại có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Việt Nam, đánh dấu một bước chuyển mới trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ. Chính vì vậy việc thực hiện các cam kết trong BTA có ảnh hưởng rất quan trọng tới hình ảnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tại thời điểm đó, Việt Nam đã nhận thức rõ một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các cam kết này là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật (HTPL) của mình. Cần lưu ý là việc hoàn thiện HTPL không chỉ cần thiết cho việc thực hiện BTA mà còn có tác dụng thiết lập nền tảng ban đầu cho việc hoàn thiện HTPL phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế sau này.

1.2.2. Điều ước thương mại đa phương

Kể từ khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh việc tăng cường ký kết các ĐƯQT song phương trong kinh vực kinh tế - thương mại với các nước ngoài khối XHCN, Việt Nam cũng đã từng bước tham gia vào sân chơi thương mại trong khu vực và trên toàn cầu. Để tham gia các sân chơi kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hàng loạt ĐƯQT đa phương trong lĩnh vực thương mại - kinh tế. Những ĐƯQT đa phương này có thể được chia thành các nhóm như sau: (i) Các ĐƯQT đa phương đơn lẻ (ví dụ như Công ước New York năm 1958 về Công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), Công ước Bảo hộ đầu tư đa phương (MIGA)…); (ii) Các điều ước quốc tế đa phương trong khuôn khổ hoặp tác kinh tế khu vực (ví dụ các điều ước quốc tế trong khuôn khổ APEC, ASEAN, ASEAN với các đối tác…);  (iii) Các Hiệp định WTO.

Đối với những điều ước quốc tế đa phương đơn lẻ về kinh tế: Nhìn chung Bộ Tư pháp rất it khi tham gia vào quá trình đàm phán. Hơn nữa, đối với những ĐƯQT này, Việt Nam chủ yếu là quốc gia gia nhập những ĐƯQT đó. Vì vậy, vai trò của Bộ Tư pháp chỉ dừng ở công tác thẩm định, góp ý về việc gia nhập các ĐƯQT này. Tuy nhiên đối với một số ĐƯQT thì Bộ Tư pháp cũng có vai trò trong việc ban hành VBQPPL trong nước để thực hiện.[24] Chẳng hạn sau khi Việt Nam gia nhập Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Bộ Tư pháp đã cùng các cơ quan có liên quan soạn thảo và ban hành Pháp lệnh về Công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với các điều ước quốc tế trong khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực: Trong quá trình hội nhập vào ASEAN, Việt Nam không chỉ đàm phán và ký kết các Hiệp định trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước ASEAN mà còn cùng với các nước ASEAN tiến hành đàm phán với các đối tác ngoài khối nhằm mục đích thiết lập các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác. Cho đến nay, ASEAN đã tiến hành đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, Nhật Bản. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các ĐƯQT cấp khu vực tập trung vào những vấn đề như sau: (i) Chịu trách nhiệm chung về các vấn đề pháp lý của Việt Nam trong quá trình đàm phán (đại diện cho Việt Nam tham gia vào Nhóm Pháp lý); (ii) Chịu trách nhiệm tham gia đàm phán Hiệp định về giải quyết tranh chấp trong từng khuôn khổ hợp tác; (iii) Chịu trách nhiệm đàm phán về lĩnh vực dịch vụ pháp lý; (iv) Thực hiện việc góp ý và thẩm định các điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán.

Ngoài chức năng thẩm định và góp ý cho các ĐƯQT được đàm phán trong khuôn khổ các khu vực thương mại tự do (TMTD) tương tự như những ĐƯQT khác, Bộ Tư pháp cũng đồng thời tham gia vào quá trình đàm phán thành lập các khu vực TMTD này. Quá trình đàm phán các khu vực TMTD thường chia thành hai giai đoạn đàm phán chủ yếu. Giai đoạn 1, các nước tham gia vào quá trình xây dựng khung pháp lý cho việc thành lập các TMTD giữa ASEAN và các đối tác. Trong giai đoạn này, các Bên chủ yêu tập trung vào việc đàm phán một Hiệp định khung cho việc thành lập khu vực TMTD, Hiệp định về thương mại hàng hoá và Hiệp định về giải quyết tranh chấp. Trong giai đoạn 1 nay, Bộ Tư pháp tham gia vào quá trình đàm phán do đại diện của Bộ Tư pháp sẽ tham gia vào Nhóm pháp lý để tiến hành đàm phán và soạn thảo Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, giai đoạn đàm phán hình thành khuôn khổ pháp lý chung cho việc hình thành khu vực TMTD có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đàm phán cụ thể sau đó vì vậy vấn đề pháp lý luôn được các nước quan tâm chú trọng.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, các bên bắt đầu triển khai việc thực hiện kết quả đàm phán trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, đồng thời tiếp tục đàm phán sang các lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn này vai trò của Bộ Tư pháp đã thu hẹp hơn và sự tham gia của Bộ Tư pháp vào đoàn đàm phán cũng hạn chế hơn. Việc tham gia của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán ở giai đoạn này chỉ tập trung vào đàm phán về dịch vụ pháp lý và rà soát lời văn của các văn kiện đã được các Bên đàm phán thống nhất về nội dung.

1.2.3. Đàm phán gia nhập WTO

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã phải mất khá nhiều thời gian cho quá trình đàm phán gia nhập WTO. Trong quá trình đó, Bộ Tư pháp là một trong số nhiều cơ quan Nhà nước đã tham gia ngay từ đầu của quá trình đàm phán này. Ở đây, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp tập trung vào những công việc như phụ trách chung các vấn đề pháp lý trong quá trình đàm phán; báo cáo thường xuyên về chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam; chịu trách nhiệm đàm phán về phần minh bạch hoá chính sách và pháp luật; dịch vụ pháp lý và dịch vụ trọng tài, hoà giải.

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất là minh bạch hoá chính sách; trong đó, Việt Nam phải cung cấp cho WTO và các nước Thành viên toàn bộ thông tin liên quan đến thể chế, chính sách và pháp luật về kinh tế và thương mại của Việt Nam. Trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp đã cùng với các cơ quan có liên quan xây dựng bản Bị vong lục của Việt Nam để gửi WTO. Bản Bị vong lục này chính là tài liệu mô tả về thể chế pháp luật hiện hành tại thời điểm đó của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại - kinh tế. Với ý nghĩa và nội dung như vậy, Bộ Tư pháp đã có vai trò quan trọng trong giai đoạn minh bạch hoá chính sách, giúp các nước Thành viên có được bức tranh đầy đủ, toàn diện hơn về thể chế thương mại -kinh tế của Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Việt Nam bắt đầu quá trình đàm phán đa phương. Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ minh bạch hoá chính sách thông qua việc trả lời các câu hỏi của các nước Thành viên WTO. Các câu hỏi của các nước Thành viên WTO sẽ được chia thành từng lĩnh vực và chuyển cho các cơ quan có liên quan trả lời. Trong quá trình này, Bộ Tư pháp cũng đã trả lời hàng trăm câu hỏi của các nước liên quan đến các vấn đề minh bạch, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, ban hành VBQPPL, dịch vụ pháp lý, trọng tài và hoà giải…. Đồng thời với việc tiếp tục làm rõ thể chế kinh tế - thương mại, cũng đã bắt đầu quá trình đàm phán đa phương về những nội cơ bản về quyền và nghĩa vụ của Thành viên WTO.

Giai đoạn thứ ba là quá trình đàm phán thực chất, giai đoạn này chủ yếu tập trung vào đàm phán song phương kết hợp với đàm phán đa phương. Đây là giai đoạn đàm phán rất quan trọng, kết quả đàm phán của giai đoạn này chính là những cam kết bổ sung, cao hơn các nghĩa vụ được ghi nhận trong phần lời văn của các Hiệp định của WTO. Trong giai đoạn này vai trò của Bộ Tư pháp chỉ giới hạn trong việc đàm phán về những cam kết liên quan đến minh bạch hoá, dịch vụ pháp lý, trọng tài và hoà giải, chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam. Vì vậy, sự tham gia của Bộ Tư pháp chỉ giới hạn chủ yếu trong những phiên đàm phán đa phương và một số phiên đàm phán song phương với các đối tác quan tâm đến các lĩnh vực do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, bên cạnh việc trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, Bộ Tư pháp còn có các hoạt động giám tiếp phục vụ cho quá trình đàm phán này, đó là các hoạt động liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật phục vụ cho đàm phán gia nhập WTO. Công việc này phát sinh trên cơ sở các nước Thành viên WTO yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện HTPL của mình phù hợp với các yêu cầu của WTO trước khi trở thành Thành viên của tổ chức này. Điều này có nghĩa hoàn thiện HTPL là một yêu cầu đầu tiên để Việt Nam có thể được gia nhập WTO. Tất nhiên một minh Bộ Tư pháp thì không thể thực hiện được công việc này mà cần phải có sự phối hợp của tất cả các cơ quan có liên quan, tuy nhiên, Bộ Tư pháp là cơ quan khởi động và chịu trách nhiệm chính trong quá trình này.

Ngay từ năm 2003, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các quy định trong các Hiệp định của WTO với pháp luật Việt Nam. Qua quá trình rà soát Bộ Tư pháp nhận thấy có 263 VBQPPL liên quan trực tiếp đến các Hiệp định của WTO[25]. Trên cơ sở kết quả rà soát này, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 94 văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát này của Bộ Tư pháp đã được các Bộ, ngành làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các VBQPPL. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả rà soát Bộ Tư pháp đã có kiến nghị sửa đổi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và UBTVQH nhằm kịp thời phục vụ quá trình đàm phán gia nhập WTO. Kết quả của hoạt động này đã giúp Việt Nam có được một khung pháp luật phù hợp với yêu cầu của WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết thúc quá trình đàm phán trong năm 2006.  Trong Tờ trình của Chính phủ số 150/TTr-CP ngày 15/11/2006 Về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới đã nêu rõ giá trị của công tác xây dựng pháp luật là: “Tất cả các thành viên của Ban công tác đều đánh giá cao công tác xây dựng pháp luật của ta và coi đây là một trong những yếu tố quyết định cho việc Việt Nam sớm gia nhập WTO”.

1.3. Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế

Có hai loại ODA là ODA không hoàn lại và ODA vay vốn (ưu đãi). Đối với các điều ước ODA vay vốn nước ngoài, vai trò của Bộ Tư pháp cũng được quy định rất rõ ràng trong các VBQPPL có liên quan.

Theo quy định của Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 134/2005/NĐ-CP), thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm: (i) Tham gia ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tham gia ý kiến trong trường hợp cần thiết về những vấn đề pháp lý khác có liên quan đến các văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước theo đề nghị của người vay và của cơ quan bảo lãnh; (ii) Thẩm định những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước; theo dõi việc xử lý các vấn đề này trong quá trình thực hiện các cam kết về vay và trả nợ nước ngoài; (iii) Trong các trường hợp cần thiết, cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh theo đề nghị của các cơ quan này.

Đối với chức năng góp ý kiến pháp lý, ở đây không có nhiều vấn đề đặt ra, bởi lẽ việc góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài chỉ là tùy nghi và không có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đề xuất ký kết. Cũng chưa có VBQPPL nào quy định về nội dung góp ý của Bộ Tư pháp trong trường hợp này. Tuy nhiên, qua thực tiễn làm công tác góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài, có thể thấy thông thường nội dung văn bản góp ý của Bộ Tư pháp thường tập trung vào các điểm như sự cần thiết ký kết thoả thuận; khía cạnh pháp lý của thoả thuận (tính hợp hiến, sự tương thích...); tiên lượng những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình thực thi thoả thuận; kỹ thuật soạn thảo, ngôn ngữ pháp lý.

Đối với chức năng thẩm định về những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước: trên thực tế có thể khẳng định 100% thoả thuận vay vốn nước ngoài đều là các ĐƯQT. Lý do rất đơn giản là chính các đối tác nước ngoài đều hết sức quan tâm đến việc ràng buộc nghĩa vụ của quốc gia trong việc thực thi thoả thuận đó (nghĩa vụ trả nợ) và do đó họ đều mong muốn ký kết các văn kiện này dưới hình thức ĐƯQT. Mặt khác, Luật ngân sách của Việt Nam cũng quy định các nguồn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước[26]. Do không có điểm gì đặc thù so với thẩm định điều ước quốc tế về ODA như đã đề cập ở mục 1 nên chúng tôi không phân tích lại nội dung này.

Đối với chức năng cấp ý kiến pháp lý, mặc dù Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, song qua thực tiễn có thể thấy việc cấp ý kiến được đặt ra đối với các điều ước quốc tế vay vốn nước ngoài. Yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp này chủ yếu do chính phía đối tác nước ngoài đặt ra với mục đích nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các khoản vay, tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với nghĩa vụ trả nợ. Ý kiến pháp lý được cấp vào giai đoạn điều ước quốc tế về vay vốn nước ngoài đã được ký kết xong và việc cấp ý kiến này làm cho điều ước đó có giá trị pháp lý đối với các Bên liên quan. Nội dung của ý kiến pháp lý thường tập trung vào: Quy định trong hợp đồng vay: đánh giá sự tương thích nội dung của hợp đồng với quy định của pháp luật trong nước; trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng; quy trình phê duyệt, phê chuẩn; trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay.

2. Thẩm định điều ước quốc tế

Theo Luật Điều ước quốc tế 2005 và Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP thì Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định các ĐƯQT. Nghị định số 62/2003/NĐ-CP cũng quy định nhiệm vụ này.[27] Riêng đối với trường hợp ĐƯQT do Bộ Tư pháp đàm phán, ký kết hoặc gia nhập hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký ĐƯQT nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định ĐƯQT. Qua nghiên cứu quy định có liên quan về ĐƯQT của Việt Nam có thể thấy sự biến đổi về chất trong vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định ĐƯQT. Nếu như theo Pháp lệnh 1998, Bộ Tư pháp chỉ thẩm định các ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam thì nay theo Luật Điều ước quốc tế 2005, Bộ Tư pháp thẩm định tất cả các ĐƯQT (các điều 17-21).     

Hoạt động thẩm định khác với thẩm tra. Theo Luật Điều ước quốc tế 2005 (Điều 9 khoản 2 ) thì trước khi trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước xin phép ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước, cơ quan đề xuất ký kết phải tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến thẩm tra của Bộ Ngoại giao. Như vậy, khác với thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung xem xét khía cạnh pháp lý của dự thảo ĐƯQT, hoạt động thẩm tra của Bộ Ngoại giao chủ yếu xem xét khía cạnh đường lối đối ngoại (thiên về chính trị), nói cách khác là những vấn đề về đối ngoại đặt ra trong trường hợp ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT.

2.1. Mục đích, ý nghĩa của thẩm định

Khái quát về mặt học thuật, thẩm định văn bản là "xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một vấn đề nào đó".[28] Theo Luật điều ước quốc tế năm 2005 và Quyết định 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế (Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP) thì thẩm định điều ước quốc tế là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của điều ước quốc tế nhằm bảo đảm "tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế". Xét về bản chất pháp lý và khối lượng công việc phải thực hiện thì thẩm định điều ước quốc tế là một hoạt động trong toàn bộ quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế.

Thẩm định có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác ĐƯQT; hoạt động này được coi là tạo chốt an toàn cho việc các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết hoặc gia nhập bất kỳ ĐƯQT song phương hoặc đa phương nào. Mục đích của việc thẩm định là nhằm bảo đảm tính hợp hiến, mức độ tương thích của ĐƯQT với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện ĐƯQT đó. Có thể khái quát ý nghĩa của hoạt động thẩm định ở những điểm lớn sau đây:

Một là, hoạt động thẩm định ĐƯQT giúp cho cơ quan đề xuất đàm phán bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong khi đàm phán ký kết các điều ước quốc tế với phía đối tác nước ngoài. Dựa trên hệ thống các VBQPPL hiện hành, công tác thẩm định điều ước phân tích, so sánh và làm sáng tỏ những điểm tương đồng, điểm trái hoặc những điểm chưa được quy định của các VBQPPL so với các quy định của ĐƯQT. Trên cơ sở việc phân tích, so sánh này sẽ giúp cho cơ quan đề xuất trong quá trình đàm phán có phương án xử lý liệu có nên gia nhập, ký kết ĐƯQT đó hay không? hay có ký kết, gia nhập nhưng chỉ ở một mức độ nào đó (bảo lưu một số điều khoản) nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, lợi ích công cộng của nước mình.

Hai là, công tác thẩm định ĐƯQT có vai trò cảnh báo, dự đoán trước và góp phần đưa ra lộ trình xây dựng và hoàn thiện những chính sách, pháp luật của một quốc gia; góp phần dự báo việc chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết để thực thi một cách có hiệu quả ĐƯQT. Đặc biệt đối với những quốc gia kém hoặc đang phát triển, thông thường khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế thì phải tiến hành xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu và thực thi tốt nghĩa vụ thành viên của mình.

Ba là, công tác thẩm định ĐƯQT cũng giống như công tác thẩm định VBQPPL trong nước đó là đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước và điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Chính phủ, trong đó điều ước quốc tế danh nghĩa Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế danh nghĩa Nhà nước; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa điều ước quốc tế với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

2.2. Phạm vi thẩm định

Tất cả các ĐƯQT trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập phải được thẩm định. Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005 thì phạm vi các loại ĐƯQT đuợc Bộ Tư pháp thẩm định được mở rộng; cụ thể, Bộ Tư pháp thẩm định hai loại dự thảo ĐƯQT và văn bản ĐƯQT[29] (có thể nhân danh Chính phủ hoặc Nhà nước) mà không phụ thuộc ĐƯQT đó có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong pháp luật Việt Nam hay không[30] .

Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước bao gồm: (i) điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; (ii) điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; (iii) điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp; (iv) điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; (v) điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ bao gồm: (i) điều ước quốc tế để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước; (ii) Điều ước quốc tế về các lĩnh vực, trừ điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp; (iii) điều ước quốc tế về các tổ chức quốc tế, trừ tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; (iv) điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

2.3. Nội dung thẩm định

Theo Điều 18 của Luật Điều ước quốc tế 2005, nội dung thẩm định ĐƯQT gồm: (i) tính hợp hiến; (ii) mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT; (iv) yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT.

Để cụ thể hoá các quy định nêu trên của Luật điều ước quốc tế năm 2005, Quyết định 06/2006/QĐ-BTP đã quy định rõ nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT, cụ thể bao gồm: (i) sự cần thiết của việc đàm phán, ký hoặc gia nhập ĐƯQT; (ii) tính hợp hiến của ĐƯQT; (iii) mức độ tương thích của nội dung ĐƯQT với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iv) khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT tại Việt Nam; (v) khả năng phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện ĐƯQT; và (vi) phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành.

Như vậy, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét, đánh giá nội dung của ĐƯQT có trái với Hiến pháp và các văn bản do Quốc hội và UBTVQH ban hành không? hay có trái với các văn bản dưới luật không? có nghĩa là vẫn coi quy định của pháp luật Việt Nam là tiêu chí xem xét, đánh mức độ tương thích và phù hợp của điều ước quốc tế. Ngoài yêu cầu thẩm định tính tương thích của ĐƯQT, so với quy định trước đây, nội dung thẩm định điều ước quốc tế của Luật Điều ước quốc tế năm 2005 có sự thay đổi, trong đó có bổ sung thêm 2 nội dung. Một là, Bộ Tư pháp xem xét, đánh giá khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần ĐƯQT. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của ĐƯQT thì Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của ĐƯQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện (Khoản 3 Điều 6 của Luật Điều ước quóc tế 2005). Hai là, Bộ Tư pháp xem xét, đánh giá tác động của ĐƯQT đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL. Trên cơ sở đó trình Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ xem xét, quyết định. Hai nội dung thẩm định này đã trở thành quan điểm chỉ đạo khi soạn thảo Luật Điều ước quốc tế 2005. Đó là, trong trường hợp ĐƯQT đủ rõ, đủ chi tiết thì không nhất thiết phải nội luật hoá các quy định của ĐƯQT và vấn đề nội luật hoá ĐƯQT chỉ đặt ra khi các quy định này chưa đủ rõ, đủ chi tiết áp dụng trong quá trình thực hiện.

Trước hết, việc thẩm định ĐƯQT phải bảo đảm điều ước quốc tế không có điều khoản nào trái Hiến pháp - văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh Việt Nam chưa thành lập cơ quan tài phán hiến pháp,[31] thì cần nói rằng vai trò của Bộ Tư pháp đảm bảo tính hợp hiến của điều ước quốc tế ở đây là rất quan trọng. Bảo đảm tính hợp hiến chính là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế - nền tảng cơ bản nhất của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Mặt khác, dù ĐƯQT có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật, song cũng cần phải tiên lượng được việc thực thi các điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong luật sẽ diễn ra như thế nào trong thực tiễn. Trong trường hợp này, việc thẩm định của Bộ Tư pháp có ý nghĩa không kém phần quan trọng, bởi lẽ, về lý thuyết tưởng như không có vấn đề gì đặt ra, song về dưới góc độ thực tiễn, một ĐƯQT có nội dung trái luật chắc chắn sẽ không thể được thực thi một cách dễ dàng và suôn sẻ như trường hợp một ĐƯQT có nội dung phù hợp với luật. Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các đối tác đàm phán thường yêu cầu quốc gia là ứng cử viên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với các quy định của WTO trước khi xem xét việc kết nạp. Thêm vào đó, trong điều kiện Việt Nam hiện nay có thể thấy trình độ nhận thức về ĐƯQT của các tổ chức, cá nhân, thậm chí ngay cả các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Ngay cả các cơ quan xét xử cũng có xu hướng hạn chế áp dụng điều ước quốc tế.[32] Do đó, giải pháp được xem là hiệu quả, khả thi và an toàn hơn cả vẫn là cần đảm bảo sự tương thích của ĐƯQT với pháp luật trong nước. Về phương diện này, ngoài việc thẩm định tính hợp hiến, Bộ Tư pháp còn phải thẩm định cả sự phù hợp giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước (thường là luật, pháp lệnh). Đây chính là điểm mới so với quy định của Pháp lệnh Điều ước quốc tế năm 1998. Theo tinh thần Pháp lệnh này, việc thẩm định sự phù hợp giữa ĐƯQT với pháp luật trong nước chỉ đặt ra trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh. Không ít tác giả đã chỉ trích quy định này mà lập luận chủ đạo tựu trung lại là khi chưa tiến hành thẩm định thì làm sao biết được dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh hay không. Quy định mới này của Luật Điều ước quốc tế năm 2005 đã mở rộng phạm vi thẩm định sự tương thích giữa ĐƯQT với pháp luật trong nước đối với mọi trường hợp. Có thể nói đây thực sự là một thách thức đối với Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện quy định mới này.

Một vấn đề khác cũng cần phải làm rõ ở đây là giá trị ràng buộc của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đến đâu? Trả lời câu hỏi này không đơn giản bởi lẽ nếu xem xét kỹ, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định nào cụ thể và rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới giác độ khoa học pháp lý, có thể đặt ra các trường hợp sau:

            Thứ nhất, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo ĐƯQT đảm bảo tính hợp hiến, sự tương thích với luật trong nước, thì chắc chắn việc ký kết sẽ dễ dàng được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện mà không có vấn đề nào đặt ra.

Thứ hai, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo ĐƯQT có điều khoản trái Hiến pháp hoặc không tương thích với luật trong nước, ở đây tiếp tục có hai trường hợp cần xem xét đó là (i) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính hợp hiến; (ii) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính tương thích với luật trong nước. Trước hết, nếu Bộ Tư pháp khẳng định dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái Hiến pháp, thì với thứ bậc giá trị pháp lý của điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên, dự thảo đó sẽ không thể được phép ký kết nếu quy định trái Hiến pháp trong dự thảo không bị loại bỏ hoặc sửa đổi. Còn trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật trong nước thì cũng với thứ bậc giá trị pháp lý của ĐƯQT như đã phân tích ở trên, dự thảo ĐƯQT đó vẫn có thể được cho phép ký kết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phương án xử lý vấn đề này phải được đặt ra, cụ thể là khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật trong nước để thực hiện ĐƯQT đó trong trường hợp được ký kết.

Kết quả khảo sát cho thấy các bộ ngành và bản thân cán bộ trong BTP đều đánh giá cao chất lượng thẩm định hoặc ý kiến góp ý dự thảo ĐƯQT của BTP. Chẳng hạn, về câu hỏi ý kiến của Bộ Tư pháp đã đảm bảo được yêu cầu đặt ra theo quy định của Luật về ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế hay chưa? Hầu hết các trường hợp được hỏi (46/47) đều cho rằng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đạt yêu cầu. 01 trường hợp cho rằng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đảm bảo vì ý kiến thẩm định chưa nêu đủ nội dung mà Luật về ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế yêu cầu (kế hoạch thực hiện điều ước hầu như không được đề cập; ý kiến thẩm định chưa mang tính phản biện rõ nét theo yêu cầu của Luật). Cũng câu hỏi tương tự đối với cán bộ BTP thì câu trả lời là (61/62 trường hợp) ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đảm bảo được yêu cầu của Luật.

2.4. Thẩm định điều ước quốc tế về ODA trong lĩnh vực pháp luật và chương trình dự án hợp tác pháp luật: Vai trò kép của Bộ Tư pháp 

Để hiểu rõ hơn vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, chúng ta đề cập cụ thể hơn đến vấn đề thẩm định điều ước quốc tế về ODA trong lĩnh vực pháp luật bởi đây là lĩnh vực mà Bộ Tư pháp thực hiện "vai trò kép", vừa thẩm định điều ước khung và điều ước cụ thể theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005, lại vừa thẩm định các chương trình dự án hợp tác theo Nghị định 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 về quản lý hợp tác nước ngoài về pháp luật. Nghị định 103 hiện được thay thế bởi Nghị định 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 về quản lý hợp tác nước ngoài về pháp luật. Do các yêu cầu về thẩm định quy định tại Nghị định 78 mới không có thay đổi cơ bản so với quy định tại Nghị định 103 và do việc phân tích các nội dung này phải dựa vào Nghị định 103 đã và đang được thực hiện, Mục này của Báo cáo chủ yếu dẫn chiếu đến Nghị định 103; trường hợp có sụ khác biệt về nội dung giữa hai Nghị định thì sẽ nêu cụ thể.

2.4.1. Điều ước quốc tế về ODA

Điều ước quốc tế về ODA là "thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA". [33] Điều ước quốc tế về ODA gồm  Điều ước quốc tế khung về ODA và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA. Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT về ODA chưa được đề cập một cách trực tiếp tại Điều 1 Nghị định 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp. Còn theo Điều 41 Nghị định 131/2006/NĐ-CP thì Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ODA như sau: (i) Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; (ii) Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế;  (iii) Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) thì trung bình trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay Bộ Tư pháp thẩm định khoảng 45-50 ĐƯQT về ODA mỗi năm[34]. Trong thời gian gần đây, số lượng đề nghị thẩm định đang có xu hướng giảm xuống vì lý do quy định mới của Luật điều ước quốc tế năm 2005 đã giới hạn định nghĩa điều ước quốc tế, theo đó các thoả thuận cấp Bộ, ngành, của VKSNDTC và TANDTC không còn được coi là điều ước quốc tế. Luật điều ước quốc tế năm 2005 chỉ giữ lại hai loại ĐƯQT là ĐƯQT nhân danh Nhà nước và ĐƯQT nhân danh Chính phủ.

Ngoài việc thẩm định tính hợp hiến và sự tương thích giữa ĐƯQT với pháp luật trong nước, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ "đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế". Quy định này của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cho phép hiểu rằng Việt Nam chấp nhận cả hai phương thức thực hiện ĐƯQT: áp dụng trực tiếp ĐƯQT và chuyển hoá ĐƯQT vào trong nội luật. Thực tiễn đàm phán, ký kết các ĐƯQT về ODA trong thời gian qua cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, ĐƯQT về ODA thường được áp dụng một cách trực tiếp. Các nhà tài trợ thường soạn thảo các dự thảo điều ước quốc tế mang tính "khuôn mẫu" và bên thụ hưởng có quyền đưa ra ý kiến bình luận và bày tỏ ý chí chấp nhận hay không chấp nhận việc ký kết ĐƯQT đó. Cùng với quá trình nhất thể hoá thủ tục giữa các nhà tài trợ, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là các ĐƯQT về ODA đang ngày càng có khuynh hướng "áp đặt" đối với bên nhận tài trợ và bên nước ngoài thường mong muốn điều ước được thực hiện trực tiếp ngay sau khi ký mà không phải đợi thủ tục nội luật hoá. Trên thực tế, chưa thấy trường hợp nào cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện một ĐƯQT cụ thể về ODA. Tuy nhiên, một trong những chức năng của thẩm định là "dự phòng" tình huống có thể phát sinh. Do đó, Bộ Tư pháp vẫn phải chỉ ra khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, hoặc trong trường hợp cần nội luật hoá thì phải kiến nghị cụ thể các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế.

2.4.2. Các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật

Ngày 26 tháng 12 năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/1998/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Theo quy định của Nghị định này, mọi chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đều phải qua thủ tục thẩm định của Bộ Tư pháp.

Điều 9 của Nghị định 103 quy định:  (1). Sau khi hình thành chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam gửi Công văn yêu cầu Bộ Tư pháp thẩm định. Kèm theo công văn yêu cầu thẩm định phải có dự thảo chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, văn bản thuyết minh, tài liệu chứng minh sự cam kết của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài và ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác đó. (2). Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác tập trung vào các nội dung sau: (a) Mức độ phù hợp của mục tiêu, nội dung, hình thức hợp tác và kết quả dự kiến của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, mức độ ưu tiên của vấn đề hợp tác và chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan, Tổ chức Việt Nam; (b) Tư cách, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài; (c) Hiệu quả kinh tế-xã hội của việc thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác; (d) Nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác. (3.) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tư pháp phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản gửi Cơ quan, Tổ chức Việt Nam yêu cầu".

Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật lại quy định mọi chương trình, dự án, kế hoạch hợp tác đều phải được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định? Nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan cho phép rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thực chất là "phương tiện" để đạt được một mục tiêu cụ thể, trên thực tế thường là hỗ trợ thể chế, tăng cường năng lực cho các thiết chế thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... Với tính chất là cơ quan của Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật; chủ trì tổng hợp lập dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Quốc hội; thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, Bộ Tư pháp chính là cơ quan nắm rõ nhất những lĩnh vực pháp luật nào còn "yếu" nhất cần phải có chương trình, dự án hợp tác để tạo thêm "cú huých". Về mặt này, việc thẩm định của Bộ Tư pháp có mục đích đánh giá mức độ phù hợp của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, nói cách khác là đánh giá sự tương thích giữa nhu cầu thực tế khách quan của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với dự kiến kết quả đầu ra do chương trình, dự án có khả năng mang lại;

Thứ hai, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2005, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thẩm định mọi ĐƯQT trước khi trình các cấp có thẩm quyền cho phép ký kết, gia nhập. Trên thực tế, như chúng tôi đã nói ở trên, hầu hết các chương trình, dự án ODA là ĐƯQT, mà hầu hết các chương trình, dự án hợp tác về pháp luật lại là chương trình, dự án ODA[35], do đó, việc thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật là yêu cầu mang tính khách quan.

Kết hợp giữa Điều 9 và Điều 2 Nghị định 103/1998/NĐ-CP (Nguyên tắc hợp tác với nước ngoài về pháp luật: Việc hợp tác với nước ngoài về pháp luật phải được tiến hành trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, tuân thủ Hiếp pháp, pháp luật, phong tục, tập quán của dân tộc, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và tránh trùng lặp), có thể thấy nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA bao gồm:

(i) Sự phù hợp của chương trình, dự án với chiến lược kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng pháp luật: chương trình, dự án không phải là một thực thể tách biệt mà phải có mục tiêu gắn liền với chiến lược kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; việc thẩm định nội dung này nhằm đảm bảo cho các chương trình, dự án không bị đi "chệch hướng'' khỏi các mục tiêu này;

(ii) Tư cách của đối tác nước ngoài: không phải đối tác nước ngoài nào cũng có thể hợp tác mà cần phải đánh giá, xem xét nhiều khía cạnh như: năng lực tài chính, điều kiện nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam, thiện chí hợp tác với Việt Nam...

(iii) Hiệu quả kinh tế-xã hội của chương trình, dự án hợp tác: để đảm bảo nguyên tắc tận dụng một cách hợp lý các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài, việc thẩm định không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý mà còn phải đánh giá tổng thể cả trên khía cạnh đóng góp về kinh tế-xã hội của chương trình, dự án. Tất nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này không phải là việc đơn giản, đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, khoa học, công nghệ, môi trường, văn hoá, xã hội học...

(iv) Nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, dự án: bất kỳ một dự án nào cũng hàm chứa trong nó những nhân tố rủi ro. Vai trò của việc thẩm định trong trường hợp này chính là phải phát hiện ra được những yếu tố rủi ro tiềm tàng đó để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp;

(v) Tính không trùng lặp của chương trình, dự án: để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực, tránh sự lãng phí, dàn trải, một trong những nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp là phải đảm bảo dự án, chương trình có nội dung không trùng lặp với các dự án, chương trình khác đang được triển khai. Trong trường hợp các dự án có Bên ký kết khác nhau nhưng có nội dung trùng nhau thì có thể hình thành một dự án chung với các nhà đồng tài trợ và bên Việt Nam có thể chỉ định một cơ quan làm chủ dự án, các cơ quan khác là các hợp phần thụ hưởng.

3. Điểm lại Phần thứ hai 

Về vai trò ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp, Phần thứ hai tập trung hai điểm: (1) sự tham gia đàm phán trực tiếp và góp ý kiến hoàn thiện các dự thảo, văn bản điều ước quốc tế; và (ii) thẩm định dự thảo/văn bản điều ước quốc tế. Có thể thấy Bộ Tư pháp có vai trò ngày càng "nặng ký" hơn trong việc trực tiếp tham gia đàm phán các điều ước quốc tế do các bộ, ngành chủ trì, đặc biệt là trong thời gian gần đây Bộ đã trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định, công ước về tư pháp hình sự như chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các thiết chế hình sự quốc tế (ICC) tương trợ tư pháp về hình sự khu vực ASEAN. Trong khá nhiều trường hợp, việc đàm phán này là vai trò thực tế của Bộ Tư pháp, hoặc được Chính phủ giao thêm chứ chưa hẳn đã được quy định chính thức trong văn bản pháp luật hiện hành. Trong các cuộc đàm phán như vậy, Bộ Tư pháp với tư cách là người "gác cổng" về các vấn đề pháp luật, đặc biệt là về sự tương thích của các quy định điều ước được đàm phán, chuẩn bị tham gia với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đề xuất khả năng xử lý trực tiếp hoặc phải sửa đổi bổ sung ban hành mới văn bản trong nước để làm cho phù hợp với quy định trong dự thảo hoặc văn bản điều ước. Trong thời gian gần đây, các dự thảo hoặc văn bản điều ước do Bộ Tư pháp do Bộ Tư pháp góp ý tăng về số lượng; đa dạng hóa về loại hình và phức tạp hơn về nội dung tham gia góp ý.

Về thẩm định dự thảo điều ước quốc tế, đây là một nhiệm vụ theo luật định của Bộ Tư pháp được quy định trong Luật Điều ước quốc tế 2005 - và đáng chú ý là Luật Ban hành VBQPPL 2008 cũng có quy định về đảm bảo việc ban hành VBQPPL trong nước không làm cản trở việc thực hiện các nghĩa vụ theo điều ước quốc tế của Việt Nam; cũng như một trong những yêu cầu/tiêu chí thẩm định VBQPPL trong nước là đảm bảo sự tương thích với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Bộ Tư pháp được pháp luật giao làm đầu mối trong các hình thức thẩm định này. Cần lưu ý là vai trò tham gia góp ý kiến xây dựng hoặc văn bản điều ước quốc tế là thiết kế mang tính đặc thù của Bộ Tư pháp Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là với một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự thống nhất nội tại của hệ thống pháp luật quốc gia, và quốc gia với các điều ước quốc tế như vậy thì Bộ Tư pháp cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu đặt ra. Trước khi xem Phần thứ tư của Báo cáo phúc trình với đề cập cụ thể hơn đến vấn đề này, xin xem Phần thứ ba về vai trò của Bộ trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế theo pháp luật và theo thực tế.                

 

 

 

Phần thứ ba

BỘ TƯ PHÁP VỚI VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

Luật Điều ước quốc tế 2005 dành trọn Chương VII, gồm các điều từ 71-96, quy định về thực hiện ĐƯQT, trong đó có những việc cụ thể như lập kế hoạch thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ ĐƯQT. Theo nội dung các quy định của Luật 2005 về vấn đề này thì thấy, khác với quá trình ký kết, đàm phán và gia nhập mà Báo cáo đã trình bày tại Phần thứ ba, Bộ Tư pháp không có vai trò chung trong việc thực hiện ĐƯQT. Hiện nay Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện một số điều ước quốc tế chuyên ngành theo Nghị định 62/2003/NĐ-CP, cụ thể là các Hiệp định tương trợ tư pháp (từ khi Luật Tương trợ tư pháp 2007 được ban hành, chức năng này cũng đã có một số thay đổi - xin xem cụ thể tại Mục ... ) và hiệp định hợp tác về con nuôi quốc tế. Xét về bản chất, việc Bộ Tư pháp thực hiện các ĐƯQT thuộc hai lĩnh vực nêu trên không khác gì các bộ, ngành khác thực hiện các điều ước thuộc chuyên ngành quản lý của các bộ, ngành này. Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý là Bộ Tư pháp cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện một số điều ước chuyên ngành vốn không thuộc thẩm quyền của Bộ, như thương mại, nhân quyền mà chưa được quy định trong Nghị định 62. Để có thể hình dung được một cách tổng thể về công tác ĐƯQT hiện nay của Bộ Tư pháp tiến tới tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện ĐƯQT cũng như quy định về chức năng của Bộ Tư pháp, Phần thứ ba bắt đầu bằng việc trình bày và phân tích một số công việc liên quan đến điều ước quốc tế mà Bộ Tư pháp đang tiến hành trên thực tế nhưng chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành - một vấn đề về lâu dài cần được chuẩn hóa hoặc quy định bổ sung cho Bộ Tư pháp. Cụ thể, đó là việc rà soát hệ thống hoá các điều ước quốc tế và khả năng hậu kiểm các điều ước quốc tế. Tiếp theo là phần trình bày về việc Bộ Tư pháp thực hiện các điều ước quốc tế chuyên ngành của mình.     

1. Thực hiện điều ước quốc tế: Một số vấn đề chung

Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong thời gian gần đây tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, và còn có xu hướng tiếp tục tăng cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Các phần trên của Báo cáo đã nêu một số số liệu như các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong 5 năm (2000-2005) khoảng 700.[36] Riêng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, từ năm 1955 đến nay, Việt Nam đã ký kết 1.082 điều ước quốc tế, trong đó 700 điều ước còn hiệu lực.[37]

Những con số nêu trên thuần tuý thiên về lượng. Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam gặp nhiều khó khăn phát sinh trong công tác điều ước quốc tế. Đối với việc thực hiện điều ước thì khó khăn là: (i) Công báo chưa đăng tải thường xuyên, liên tục và toàn bộ các điều ước quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực đối với Việt Nam; (ii) Khó khăn trong thực hiện ĐƯQT đa phương, công tác rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với ĐƯQT đa phương mà Việt Nam tham gia chưa được tiến hành một cách đồng bộ; trong đó có thực tế ký một số điều ước quốc tế trái với hoặc chưa quy định trong  pháp luật Việt Nam nhưng cũng không có kênh để theo dõi một cách chặt chẽ việc thực hiện các điều ước đó như thế nào, và tiến độ việc sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam cho tương thích đến đâu; (iii) Trình độ, năng lực của cán bộ yếu, quan niệm chưa đúng về công tác thực hiện, phối hợp giữa các bộ ngành còn chưa chặt chẽ, kinh phí thực hiện hạn hẹp. Chính những điểm bất cập này đã tạo xung động và làm cơ sở cho việc quy định một cách hệ thống hơn, chuẩn hơn, có hiệu lực pháp lý cao hơn, việc thực hiện điều ước quốc tế ở Việt Nam trong văn bản pháp luật về điều ước quốc tế nói chung.  

Cũng đã nói ở trên, Luật ĐƯQT 2005 dành toàn bộ chương VII quy định về thực hiện ĐƯQT với những công đoạn cụ thể. Thoạt nhận, so với quy định của Luật Ban hành VBQPPL (trong nước) 2002 (và Luật Ban hành VBQPPL 2008 thay thế Luật này từ 01/01/2009) thì Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định một quá trình toàn diện hơn, từ việc đàm phán đến ký kết gia nhập đến việc thực hiện. Về đối tượng áp dụng, Luật ban hành VBQPPL 2002 về cơ bản chỉ áp dụng trực tiếp đối với các cơ quan soạn thảo VBQPPL trong nước. Do đây là quá trình soạn thảo nên điều khoản không thể được áp dụng cho các cơ quan thi hành và áp dụng pháp luật. Về công đoạn, tức là khoảng thời gian trong toàn bộ "đời sống" của một quy phạm từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc hiệu lực, Luật 2002 được áp dụng cho quá trình soạn thảo cho đến khi VBQPPL trong nước được ban hành.  

Có thể thấy, Luật ĐƯQT 2005 quy định một quy trình toàn diện, về mặt hình thức thậm chí còn chặt chẽ hơn quy trình xây dựng VBQPPL trong nước. Chặt chẽ hơn về tính mệnh lệnh của quy phạm; và toàn diện hơn do bao quát hết các công đoạn, từ soạn thảo, xem xét ban hành đến quá trình thực thi. Xét về mặt quy định của pháp luật thực định thì đây là một quy trình gần như lý tưởng, và thiết nghĩ, nếu thực hiện đúng những quy định này thì hầu như không còn vấn đề gì phải bàn về vấn đề thực hiện ĐƯQT.

2. Phổ biến điều ước quốc tế

2.1. Quy định chung về công bố, đăng tải ĐƯQT tại Việt Nam

Liên quan đến việc công bố, đăng tải điều ước quốc tế, ngoài Điều 69 Luật Điều ước quốc tế 2005 và Điều 24 Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế 2007, việc công bố này còn được Nghị định về Công báo,[38] và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này điều chỉnh.[39] Về cơ bản, có thể nói khung pháp lý quy định việc công bố, đăng tải ĐƯQT tại Việt Nam là khá đầy đủ so với nhiều quốc gia khác, kể cả các quốc gia phát triển. Theo các văn bản này, thì Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với  Việt Nam được đăng trên Công báo và Niên giám điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao (Điều 69 Luật Điều ước quốc tế, Điều 2 Nghị định 104/2004/NĐ-CP về Công báo) và các thoả thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức được công bố công khai (Điều 24 Pháp lệnh về Thoả thuận quốc tế) trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa các bên ký kết. Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 thì các điều ước quốc tế, ngoài đăng tải trên Công báo, phải được đưa vào cơ sở dữ luật quốc gia về pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì.

Có thể nêu một số nhận xét chung về vấn đề công bố, đăng tải điều ước quốc tế. (i) Về mặt pháp lý, Điều 69 Luật điều ước quốc tế chỉ quy định các ĐƯQT đã có hiệu lực được đăng trên Công báo chứ không là phải đăng trên Công báo (lưu ý là ở Việt Nam, chưa tìm thấy quy định liệu ĐƯQT có được được coi là VBQPPL hay không. Như vậy, hiệu lực của quy định này không mang tính bắt buộc cao. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc không phải đăng Công báo nếu điều ước quốc tế đó có thoả thuận giữa các bên ký kết  hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không phải công bố. Tuy nhiên, tiêu chí về việc miễn trừ công bố lại chưa được quy định ở bất kỳ văn bản nào mà lệ thuộc vào quyền tự quyết định của các bên ký kết và cơ quan có thẩm quyền. (ii) Về các loại ĐƯQT được đăng tải trên Công báo, cả Luật Điều ước quốc tế (Điều 69) cũng như Nghị định về Công báo (quy định c) 1.2 về các loại văn bản đăng Công báo) đều quy định chỉ công bố những điều ước quốc tế  đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, nên quy định công bố đối với ĐƯQT đã được ký kết để tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự tác động của ĐƯQT có thời gian chuẩn bị, cũng như các nhà làm luật có thời gian sửa đổi, bổ sung xây dựng luật mới trước khi phê chuẩn và có hiệu lực thi hành. (iii) Luật Điều ước quốc tế cũng chưa có quy định yêu cầu Chính phủ phải thường xuyên nộp báo cáo hay thông báo theo định kỳ danh mục tất cả các ĐƯQT cấp chính phủ đã được ký kết, phê duyệt và có hiệu lực thi hành nhưng không yêu cầu phải có sự tham gia ý kiến của Quốc hội hay UBTVQH (điều ước cấp chính phủ). Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng là Quốc hội và UBTVQH là các cơ quan có thẩm quyền cao nhất về ban hành luật và pháp luật nhưng lại không nắm được các ĐƯQT đã được ký kết mà về nguyên tắc có giá trị cao hơn pháp luật trong nước. (iv) Thực tiễn thực hiện việc công bố đăng tải điều ước quốc tế ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Trên thực tế, Việt Nam đã ký kết Điều ước quốc tế với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế từ năm 1945 đến nay, song việc công bố công khai điều ước quốc tế mới chỉ được quan tâm từ hơn mười năm nay.[40] Ngoài Niên giám Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao và Công báo của Chính phủ còn một số cơ quan khác cũng có chức năng công bố điều ước quốc tế, ví dụ như Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì;[41] ngoài ra, một số cơ quan ban ngành[42] cũng công bố một số ĐƯQT thuộc lĩnh vực quản lý của họ song số lượng điều ước quốc tế còn rất ít. Tình hình thực hiện việc công bố điều ước quốc tế tại Việt Nam đã có những chuyển biến nhất định kể từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào năm 2001 và toàn văn Hiệp định này là văn bản điều ước quốc tế đầu tiên có hiệu lực thi hành ở Việt Nam được đăng trên Công báo.

2.2. Vai trò Bộ Tư pháp

Phần trình bày trên cho thấy Bộ Tư pháp không có vai trò chung, vai trò điều phối trong việc công bố, đăng tải ĐƯQT. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung trên thế giới (mặc dù tại một số rất ít các  quốc gia khác, Bộ Tư pháp có những vai trò nhất định trong việc công bố điều ước quốc tế). Ở Việt Nam, nếu Bộ Ngoại giao và Công báo Chính phủ thực hiện tốt chức năng của mình là có thể đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật và thực tiễn. Cần lưu ý là Bộ Tư pháp có chức năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nước; và do vậy không phải là không có cơ sở tiếp tục nghiên cứu xem chức năng đó có mở rộng sang lĩnh vực điều ước quốc tế hay không. 

3. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT và thực hiện kế hoạch: Rà soát VBQPPL 

Kế hoạch thực hiện ĐƯQT được quy định tại các điều 71-73 Luật ĐƯQT 2005. Theo đó, Cơ quan đề xuất và chủ trì thực hiện ĐƯQT xây dựng kế hoạch thực hiện ĐƯQT. Kế hoạch thực hiện ĐƯQT bao gồm những nội dung: (i) Lộ trình thực hiện ĐƯQT; (ii) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện ĐƯQT; (iii) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế; (iv) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện ĐƯQT; (v) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Trước khi thực hiện, Kế hoạch này phải được trình Chính phủ phê duyệt. 

Bộ Tư pháp có vai trò gián tiếp theo luật định và vai trò thực tế ngày càng tăng trong việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPLtrong nước để thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam; cụ thể như sau: 

Trong những năm gần đây, có thực tế ban hành các Chương trình hành động để thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề toàn cầu khác của Việt Nam, trong đó có các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Ví dụ, Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế;  Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, Nghị quyết của Chính phủ số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Trong các văn bản nêu trên, rà soát và hoàn thiện pháp luật đã được đặt lên thành nhiệm vụ đầu tiên trong các công việc cần làm để thực hiện các hiệp định thương mại đa phương và song phương. Cũng trong các văn bản này, Bộ Tư pháp được chính thức giao thực hiện việc chủ trì rà soát và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. Thực tiễn rà soát các điều khoản của VBQPPL với ĐƯQT mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, kể cả những ĐƯQT sẽ được ký kết trong một thời gian không xa (cả trong giai đoạn đàm phán và sau khi điều ước đã có hiệu lực) bắt đầu được đặc biệt nhân rộng sau khi Việt Nam ký BTA với Hoa Kỳ, và sau đó là trở thành thành viên WTO. Ý nghĩa của soát là ở chỗ kết quả của nó sẽ giúp các nhà làm luật sẽ dễ dàng nhận biết được những điểm mâu thuẫn của VBQPPL với ĐƯQT.  

Chẳng hạn, theo Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế thì Bộ Tư pháp tập trung vào công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách kinh tế thương mại với những nhiệm vụ cụ thể là: (i) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan của Quốc hội và Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách hiện hành để xây dựng, sửa đổi và ban hành mới các văn bản cho phù hợp với chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới;[43] (ii) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, đề xuất việc ký kết, phê duyệt, phê chuẩn hoặc gia nhập các ĐƯQT có liên quan đến hoạt động hội nhập và xây dựng các văn bản pháp quy mới, biện pháp kỹ thuật mới phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của WTO để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; (iii) Phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch cho năm 2002 và các năm tiếp theo để kiện toàn các tổ chức pháp chế của ngành, địa phương và doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh tế- thương mại quốc tế, bồi dưỡng năng lực thi hành pháp luật cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất chủ trương củng cố hệ thống toà án kinh tế, lao động, hành chính... cũng như các tổ chức trọng tài là các cơ quan có vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Sau khi kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO, vai trò của Bộ Tư pháp tiếp tục được khẳng định trong quá trình phê chuẩn việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng như công việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và những cam kết mới của Việt Nam. Theo Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, thì công tác rà soát tiếp tục được nêu cụ thể với hai nhiệm vụ chính là: (i) Rà soát các cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, nhưng chưa được ghi trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (ii) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới. Trên cơ sở Nghị quyết này của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tiến hàng công tác rà soát với nhiệm vụ: (i) Rà soát các nội dung cam kết sẽ được thực hiện ngay và áp dụng trực tiếp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thực hiện; (ii) Rà soát các nội dung cam kết thực hiện theo lộ trình đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn; (iii) Rà xét để loại bỏ sự chồng chéo, những quy định không phù hợp với cam kết, không bảo đảm tự do kinh doanh hàng hoá và dịch vụ cho các chủ thể tham gia thị trường.

Ngoài nhiệm vụ rà soát các VBQPPL ở Trung ương, Bộ Tư pháp còn được Chính phủ giao thực hiện công tác rà soát các văn bản của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu của WTO. Mặc dù vậy, cho đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa thể thực hiện được công việc này do khối lượng công việc quá lớn và có nhiều khó khăn từ phía địa phương trong việc hiểu và nắm rõ các quy định của WTO.

Công tác rà soát của Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng với những đề xuất bổ sung, sửa đổi hàng loạt VBQPPL trong nước.[44] Chẳng hạn, công tác rà soát của Bộ Tư pháp đã cho thấy việc thực hiện BTA có tác động đến hơn 130 văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và 5 điều ước quốc tế mà Việt Nam cần phải tham gia theo yêu cầu của BTA[45]. Kết quả rà soát này của Bộ Tư pháp đã được sử dụng làm cơ sở cho việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong từng năm và cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI. Đồng thời kết quả rà soát cụ thể đã là nguồn tài liệu tham khảo cho các Bộ, ngành trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát này đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, nhằm đảm bảo tính tương thích với các quy định của pháp luật thương mại quốc tế. Việc hoàn thiện pháp luật để thực thi BTA đã có những đóng góp lớn cho quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nói kết quả rà soát mới chỉ là bước đầu. Nội dung rà soát so sánh QPPL trong nước với các quy định điều ước quốc tế mới chỉ dừng lại ở việc điểm một cách khái quát nhất các quy định của pháp luật thực định vốn được coi là đơn giản và dễ tiếp cận nhất trong pháp luật quốc tế, còn các quy định đó được áp dụng, giải thích ra sao thì hầu như còn bỏ ngỏ. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục tiến hành công tác rà soát các cam kết của Việt Nam trong WTO với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong lần rà soát này, Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào những cam kết bổ sung, là kết quả của quá trình đàm phán. Đây là những vấn đề mới, chỉ được công bố sau khi Việt Nam kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO. Bên cạnh công tác rà soát, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ đảm bảo cho việc ban hành các VBQPPL của Quốc hội và Chính phủ không trái với những cam kết trong WTO của Việt Nam thông qua công tác kiểm tra văn bản. Nghị quyết 16/2007/NQ-CP Chính phủ còn giao Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch đào tạo đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, được trang bị kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án đào tạo luật sư dài hạn và cấp tốc.   

4. Giải thích điều uớc quốc tế

Quy trình giải thích điều ước quốc tế được quy định tại các Điều 74-79 Luật ĐƯQT 2005 (thẩm quyền của UBTVQH hoặc Chính phủ). Căn cứ để giải thích điều ước quốc tế bao gồm các căn cứ được quy định trong Công ước Viên về ĐƯQT 1969: (i) Văn bản ĐƯQT, các phụ lục kèm theo; (ii) Thỏa thuận có liên quan đến ĐƯQT khi ký kết; (iii) Văn kiện có liên quan đến ĐƯQT; (iv) Thỏa thuận về việc giải thích giữa các thành viên điều ước quốc tế; (v) Thực tiễn giải thích ĐƯQT; (vi) Quy định của pháp luật quốc tế được áp dụng trong quan hệ giữa các thành viên điều ước quốc tế. Về thẩm quyền giải thích: UBTVQH có thẩm quyền giải thích đối với: (i) ĐƯQT do Quốc hội phê chuẩn hoặc gia nhập; (ii) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của Quốc hội; (iii) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội; (iv) ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL của UBTVQH; (v) ĐƯQT mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của UBTVQH; và các trường hợp cần thiết khác. Chính phủ giải thích các ĐƯQT không thuộc thẩm quyền giải thích của UBTVQH. 

Giải thích ĐƯQT có vai trò quan trọng. Trước hết, việc giải thích giúp làm sáng tỏ những điểm còn chưa rõ trong điều ước, hoặc pháp luật quốc gia có liên quan của Việt Nam để thực hiện điều ước. Ngoài ra, trong quá trình giải thích có thể sẽ phát hiện thêm các mâu thuẫn có thể có nhưng chưa phát hiện được trong quá trình ký kết hoặc phê chuẩn, phê duyệt. Đề làm được việc này, cần phải thu hút các chuyên gia về điều ước quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Về khả năng hiểu và giải thích đúng các điều ước quốc tế cũng là điều cần bàn đối với Việt Nam. Do đặc thù của hệ thống pháp luật thành văn ở nước ta, vai trò giải thích các văn bản pháp luật, trong đó có cả các điều ước quốc tế đều giao cho chính cơ quan đã ban hành, ký kết hoặc gia nhập giải thích. Vai trò của Toà án trong việc giải thích điều ước quốc tế rất hạn chế. Giải thích các điều ước quốc tế là việc làm đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức cũng như trình độ hiểu biết cả quá trình tham gia vào việc soạn thảo, ký kết các điều ước quốc tế đó. Thông thường chỉ cần một điều khoản với độ dài vài dòng của một quy định thực định đã có thể có hàng chục ngàn trang giải thích, án lệ.[46] Người ta coi văn bản thực định chỉ là một điểm mở đầu rất nhỏ, còn linh hồn của pháp luật lại nằm ở phần giải thích, áp dụng. Vấn đề đặt ra là làm sao để hiểu được những khái niệm phức tạp đòi hỏi không những chỉ đơn thuần đọc một vài quy định ngắn gọn ở pháp luật thành văn, mà còn phải tìm hiểu thực tiễn áp dụng, travaux preparatoire trong hàng chục nghìn trang văn bản. 

Cách tiếp cận của chúng ta đối với án lệ cũng là nguyên nhân dẫn đến một số khó khăn nhất định. Truyền thống pháp luật thành văn chỉ căn cứ vào các văn bản pháp luật viết mà không coi án lệ là nguồn của pháp luật cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quan niệm của chúng ta về một nguồn rất quan trọng này của hệ thống pháp luật quốc tế. Trong một thời gian dài, hầu như ta không chú ý đến việc nghiên cứu các bản án của Toà án quốc tế (trước đây là bản án của của Toà án Thường trực quốc tế), phán quyết của các cơ quan trọng tài, thiết chế giải quyết tranh chấp về đầu tư ICSID. Trong khuôn khổ GATT/WTO hiện nay, các vụ tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều, cách hiểu, áp dụng pháp luật GATT/WTO hầu như chỉ nằm trong các báo cáo của các cơ quan giải quyết tranh chấp. Chỉ cần một tranh chấp về một điều trong WTO đã có thể có hàng chục ngàn trang giải thích, áp dụng. Để đọc và hiểu được bằng tiếng Anh ngôn ngữ phức tạp, lắt léo của các cơ quan giải quyết tranh chấp quả là một thách thức lớn đối với chúng ta.

Bộ Tư pháp không có vai trò luật định về giải thích điều ước quốc tế. Quy định pháp luật hiện hành về chức năng giải thích ĐƯQT của UBTVQH cũng khác với thông lệ của các nước và quốc tế nói chung, nơi, như trên đã nói, tòa án được giao vai trò này.  Phần đóng góp của Bộ Tư pháp, về thiên chức tự nhiên, chắc chỉ có thể dừng lại ở vai trò không chính thức - bình luận của các nhà soạn thảo điều ước, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn. Trên thế giới hiện nay, thông lệ bình luận đã có nhiều và đóng vai trò hết sức quan trọng.[47] Với tư cách là cơ quan thẩm định, rà soát, chốt giữ các vấn đề pháp lý và đảm bảo việc thực hiện ĐƯQT thông qua việc đảm bảo sự thống nhất, tương thích giữa hai hệ thống pháp luật, chắc chắn Bộ Tư pháp sẽ ở vị trí có thể đóng góp nhiều hơn trong việc làm sáng tỏ các quy định của điều ước quốc tế.      

5. Khả năng hậu kiểm điều ước quốc tế

5.1. Vài nét khái quát  về hậu kiểm

Hiện trong luật quốc tế cũng như khoa học pháp lý quốc tế chưa có định nghĩa cũng như chưa đặt ra yêu cầu về hậu kiểm ĐƯQT, với lý do hoạt động hậu kiểm ĐƯQT được coi là thuần túy là các hoạt động kỹ thuật của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế (công tác hậu kiểm điều ước). Ở những mức độ nhất định, các văn bản của Việt Nam có liên quan đến ĐƯQT cũng như khoa học pháp lý của chúng ta gần đây đã đề cập tới các vấn đề pháp lý chuyên môn của hoạt động hậu kiểm đối với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, chương VIII Luật Điều ước quốc tế 2005 khi quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cũng có đề cập đến một số hoạt động thuộc nội dung của hoạt động hậu kiểm như: Trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Điều 100), phạm vi giám sát, chương trình giám sát (Điều 101), hoạt động giám sát (Điều 102). Về chủ thể thực hiện, có thể thấy những cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động này bao gồm: Cơ quan đề xuất[48], Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của quốc hội, Đoàn đại biểu quốc hội và các đại biểu Quốc hội[49].

Dựa theo các văn bản và thực tế hiện hành, có thể hiểu hậu kiểm là quá trình rà soát, nghiên cứu và đánh giá việc thực hiện và hiệu quả áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong thực tiễn nhằm mục đích đảm bảo việc tuân thủ triệt để điều ước quốc tế đồng thời phát hiện những điểm bất cập trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị các biện pháp giải quyết thích hợp.Với cách hiểu trên về hậu kiểm điều ước quốc tế, có thể thấy hoạt động này có một số nội dung sau:  (i) Rà soát, thống kê toàn bộ các điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam; phân loại các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực hợp tác quốc tế cụ thể như; (ii) xem xét, nghiên cứu và đánh giá quá trình thực thi các cam kết quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong đó có vấn đề về sự tương thích giữa quy định của điều ước với pháp luật quốc gia trong thực tiễn áp dụng điều ước quốc tế; đánh giá các tác động khác nhau của điều ước quốc tế đối với Việt Nam (chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật); đánh giá kết quả thực hiện điều ước quốc tế; (iii) đưa ra các kiến nghị về yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản qui phạm pháp luật mới nhằm thực hiện có hiệu quả điều ước quốc tế. Như vậy, khi đề cập tới nội dung hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế của một quốc gia cần phải hiểu theo khái niệm rộng, bao gồm các loại hình tác nghiệp như rà soát, thống kê, nghiên cứu, xem xét và đánh giá đưa ra kết luận, cũng như đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể như để đảm bảo thực hiện các điều ước quốc tế vì lợi ích tốt nhất của quốc gia.

5.2. Cơ sở xem xét giao việc hậu kiểm điều ước quốc tế cho Bộ Tư pháp

Theo pháp luật hiện hành có thể thấy Bộ Tư pháp chỉ có vai trò chính trong công tác thẩm định điều ước quốc tế; trong khi đó cần lưu ý là hoạt động thẩm định điều ước và hậu kiểm điều ước mặc dù là 2 giai đoạn khác nhau nhưng lại có ảnh hưởng nhất định tới nhau. Quy định của Luật năm 2005 về vai trò của Bộ Tư pháp trong những hoạt động hậu kiểm hầu như rất mờ nhạt, chủ yếu cơ quan này tham gia với tư cách là cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước. Vì vậy, việc xác định rõ hơn vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm điều ước quốc tế trong tổng thể các qui định hiện hành của Việt Nam liên quan tới vai trò điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp là cần thiết.

Một trong những lý do cơ bản để giao công tác hậu kiểm điều ước quốc tế cho Bộ Tư pháp là theo Luật Điều ước quốc tế 2005, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định điều ước quốc tế  trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, kí. Mục đích của hoạt động thẩm định là nhằm thông qua việc xem xét, kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế hoặc văn bản điều ước quốc tế để trình cơ quan chức năng quyết định có nên ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế  hay không, còn mục đích chung của hoạt động hậu kiểm là căn cứ pháp lý để xúc tiến những hành vi xử sự của quốc gia sau khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực và đã được thực thi trong một thời gian xác định. Như vậy giữa công tác thẩm định và hậu kiểm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt nội dung hoạt động. Kết quả của công tác hậu kiểm chính là một trong những “thước đo” tính chính xác của công tác thẩm định. Vì vậy, xác lập vai trò của Bộ Tư pháp trong hoạt động từ thẩm định đến hậu kiểm ĐƯQT là phù hợp và đảm bảo tính liên tục, nhất quán trong toàn bộ lộ trình kí kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam.

5.3. Ý nghĩa và nội dung hậu kiểm ĐƯQT của Bộ Tư pháp

Khi được giao nhiệm vụ hậu kiểm, sau khi có kết quả hậu kiểm từng điều ước quốc tế cụ thể, Bộ Tư pháp có thể đưa ra các kiến nghị, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL mới để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu quả hơn, đồng thời phù hợp với pháp luật quốc tế. Vai trò kiến nghị của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này góp phần hài hoà giữa luật Việt Nam với luật quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Trong trường hợp còn tồn tại các quan điểm khác nhau về kết quả hậu kiểm, Bộ Tư pháp sẽ đưa ra ý kiến về vấn đề này và xác định phương án xử lý cụ thể. Đánh giá từ góc độ tính chất pháp lý, kiến nghị loại này của Bộ Tư pháp có sự tác động quan trọng, là cơ sở để tiến hành các hoạt động sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản qui phạm pháp luật mới nhằm mục đích thực hiện điều ước quốc tế được tốt hơn. Trên bình diện quốc tế, với kết quả của hậu kiểm điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp có thể đưa ra các kiến nghị các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế v.v. phụ thuộc vào từng điều ước quốc tế cụ thể. Nếu các kiến nghị này được chấp nhận thì Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành các thủ tục đối ngoại cần thiết theo quy định. Tất nhiên, kết quả trong trường hợp này còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các thành viên của điều ước. Các kiến nghị như vậy chỉ được coi là sự thể hiện chủ quyền quốc gia trong quan hệ đối ngoại, không có giá trị ràng buộc các bên thành viên khác.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tư pháp trong hoạt động ký kết, gia nhập, thực hiện, trong đó có vấn đề thẩm định điều ước quốc tế, nếu thực hiện công tác hậu kiểm, nội dung hậu kiểm ĐƯQT của Bộ Tư pháp có thể bao gồm những việc cơ bản như sau: (i) Chủ trì và phối hợp các hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; (ii) Lập và trình chính phủ kế hoạch hậu kiểm điều ước quốc tế định kì; chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm bất thường trong các trường hợp cần thiết; (iii) Xây dựng lộ trình và các biện pháp cụ thể để thực hiện công tác hậu kiểm điều ước quốc tế; lộ trình và biện pháp thực thi hậu kiểm phải cụ thể, rõ ràng đảm bảo tránh sự chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt đông hậu kiểm; (iv) Xuất phát từ nhu cầu thực tế và kết quả công tác hậu kiểm nói chung, kiến nghị những biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam và đảm bảo việc tuân thủ điều ước. 

Trường hợp giao Bộ Tư pháp chức năng hậu kiểm, cần được xác định rõ ràng, cụ thể nội hàm của công tác này theo hướng tập trung vào hiệu quả của hoạt động này chứ không nên “dàn trải” mà hệ quả của nó sẽ là hoạt động thực hiện điều ước dễ rơi vào tình trạng thả nổi, khó kiểm soát hoặc mang nặng tính hình thức. Về mặt trình tư, thủ tục các quy định về hậu kiểm cũng nên theo hướng đầy đủ và chặt chẽ như quy định về thẩm định hiện nay trong Luật Điều ước quốc tế 2005. Cần lưu ý là hiện theo Luật 2005 thì một số nội dung hậu kiểm như trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được thực hiện thông qua các hoạt động khác nhau của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội,[50] một quy định đáp ứng yêu cầu về hình thức nhiều hơn là tính khả thi trên thực tế. 

6. Trách nhiệm thực hiện, báo cáo

Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân trong hoạt động lý kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, cũng như tên gọi của Luật Điều ước quốc tế 2005, được quy định chung cho các hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Theo đó, Bộ Ngoại giao giúp Chính phủ thực hiện quản lý công ĐƯQT nói chung, trong đó có nội dung thực hiện điều ước quốc tế như thông tin phổ biến ĐƯQT, báo cáo hàng năm về ký kết, gia nhập và thựchiện; thủ tục đối ngoại về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; thống kê rà soát điều ước quốc tế (Điều 98). Cơ quan đề xuất thì thực hiện  công tác điều ước quốc tế có liên quan đến bộ, ngành mình (Điều 99), như (i) Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ; (ii) Xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập; (iii) Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập; (iv) Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Chính phủ.

Một trong những nội dung quan trọng của quá trình thực hiện điều ước quốc tế là là giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Như trên đã nói, việc này được thực hiện thông qua các hoạt động khác nhau của Quốc hội. Nội dung giám sát bao gồm cả giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, và giám sát việc thực hiện bản thân điều ước quốc tế. Để công tác giám sát thật sự có chất lượng, còn cần phải thoả mãn nhiều điều kiện thực tế, trong đó có năng lực thực tế của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội. Bộ Tư pháp chưa có vai trò luật định về giám sát ngoài khả năng “hậu kiểm” đề xuất tại Mục 3.5 trên đây. 

Bộ Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện một số điều ước quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành mình quản lý, như các Hiệp định về nuôi con nuôi, tương trợ tư pháp. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét cụ thể hai lĩnh vực này.

7. Hiệp định tương trợ tư pháp

7.1. Một số vấn đề chung và quy định hiện hành

Tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua các cơ quan tư pháp như Toà án, Kiểm sát, Công an) giúp đỡ nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở điều ước quốc tế liên quan hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau. Từ cơ sở lý luận pháp luật và thực tiễn tư pháp của Việt Nam, TTTP được hiểu là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước khác nhau trợ giúp lẫn nhau trong việc thực hiện các hành vi tố tụng tư pháp riêng biệt theo những trình tự, thủ tục, thể thức nhất định để thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.[51] TTTP có phạm vi khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có dân sự (thu thập chứng cứ cho các vụ kiện dân sự, tống đạt giấy tờ, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án, quyết định của trọng tài nước ngoài); hình sự (các hành vi tố tụng như tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, điều tra khám phá, uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù); và dẫn độ.

Về cơ sở pháp lý, việc thực hiện TTTP giữa Việt Nam và các nước trước hết được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định song phương về TTTP được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam với nước ngoài; hiện chúng ta đã ký 15 Hiệp định tương trợ tư pháp (và pháp lý) như vậy.[52] Đối với tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ thì ngoài các điều ước song phương Việt Nam còn tham gia một số điều ước quốc tế đa phương.[53] Các điều ước quốc tế trong về TTTP điều chỉnh các vấn đề như xác định thẩm quyền của Toà án; áp dụng pháp luật; đảm bảo quyền tố tụng của cá nhân và pháp nhân nước ngoài; thực hiện các uỷ thác tư pháp; công  nhận và thi hành các quyết định của Toà án hoặc Trọng tài nước ngoài về các vấn đề dân sự; chuyển giao tài liệu; dẫn độ tội phạm và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực hình sự. Phần lớn trong số 15 Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký với các nước đều quy định phạm vi TTTP trong cả 4 lĩnh vực là dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án.

Đối với pháp luật trong nước, trước khi ban hành Luật Tương trợ tư pháp 2007, có một số VBQPPL điều chỉnh vấn đề cơ bản về TTTP quốc tế như Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tuy vậy, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này của hai Bộ luật tố tụng;  nhiều vấn đề pháp luật do thực tiễn đặt ra chưa được quy định trong hai Bộ luật đó. Theo Luật TTTP 2007 (Điều 62) thì Bộ Tư pháp: (i) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp; (ii) Tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về dân sự; (iii) Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iv) Đề xuất việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp; Hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp. Như vậy, theo Luật TTTP 2007 thì Bộ Tư pháp vừa điều phối chung các hoạt động TTTP, vừa trực tiếp thực hiện TTTP về dân sự (một trong bốn lĩnh vực TTTP). 

Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các ĐƯQT trong lĩnh vực TTTP gắn liền với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp cũng như trong các văn bản quy định nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Cụ thể là trong công tác xây dựng pháp luật có liên quan đến ĐƯQT, Bộ Tư pháp: Thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL; thực hiện rà soát, hệ thống hoá các VBQPPL, ĐƯQT thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ.  Theo Quyết định số 348/QĐ-BTP ngày 16/6/2004 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp thì Vụ Pháp luật quốc tế có nhiệm vụ: Đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các ĐƯQT thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt; chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp và các điều ước quốc tế khác thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các VBQPPL và ĐƯQT thuộc lĩnh vực được phân công; chủ trì hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định; góp ý kiến đối với dự thảo các ĐƯQT theo quy định của pháp luật; và thực hiện các hoạt động TTTP theo quy định.

Theo quy định tại các Hiệp định TTTP thì cơ quan trung ương của Nhà nước Việt Nam thực hiện TTTP về dân sự với các nước hữu quan là Bộ Tư pháp. Tất cả các Hiệp định TTTP này đều được ký kết trước thời điểm ban hành Luật Điều ước quốc tế 2005, nên việc đàm phán, ký kết cơ bản được điều chỉnh bằng Pháp lệnh Điều ước quốc tế 1988 và 1998, trong đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất việc ký kết các Hiệp định này. Với tư cách là cơ quan đề xuất, Bộ Tư pháp có vai trò chủ trì trong việc ký kết, bao gồm việc soạn thảo, đàm phán. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp được Chủ tịch nước (trước năm 1992 là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) uỷ quyền việc ký các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước. Trong quá trình đó, Bộ Tư pháp phối hợp  với TANDTC, VKSNDTC, các Bộ Ngoại giao và Công an trong tất cả các giai đoạn ký kết ĐƯQT về TTTP.

Theo quy định của Thông tư liên bộ số 134/TT/LB ngày 12/3/198 của Bộ Tư pháp - VKSNDTC – TANDTC - Bộ Nội vụ về việc thi hành hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và lãnh sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước XHCN thì Bộ Tư pháp có 5 nhiệm vụ, đó là: 1) Thực hiện trao đổi các uỷ thác điều tra xác minh về dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình; 2) thực hiện trao đổi pháp luật hiện hành của Việt Nam với các nước ký kết theo quy định trong các Hiệp định TTTP và pháp lý; 3) giới thiệu nội dung và giải thích chính thức các nguyên tắc cơ bản, theo tinh thần của Hiệp định TTTP và pháp lý, khi có yêu cầu của cơ quan, các tổ chức xã hội trong nước; 4) nghiên cứu, đề nghị bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam để tạo điều kiện thực hiện các Hiệp định TTTP và pháp lý đã ký kết; 5) hướng dẫn thực hiện các uỷ thác về thi hành án và quyết định do nước ký kết kia xét xử, các uỷ thác về công chứng…

Trong thực tế, Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc sau đây: (i) Làm đầu mối tiếp nhận các uỷ thác tư pháp với nước ngoài về dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài; (iii) Hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự; (iv) Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với cơ quan trung ương của nước ngoài theo quy định của ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên; (v) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong TTTP về lĩnh vực dân sự; (vi) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan như VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về TTTP;  (vii) Tổng hợp, thống kê, báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện TTTP.

7.2. Tình hình thực tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự từ năm 1995 đến nay

Hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự bao gồm hai phần hoạt động chủ yếu là (i) thực hiện các uỷ thác tư pháp; (ii) công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài.

7.2.1. Thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế

Yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do phía nước ngoài đưa ra đối với phía Việt Nam:

Thực tế hoạt động TTTP ở nước ta trong những năm qua cho thấy, uỷ thác tư pháp (UTTP) về dân sự thường bao gồm: (i) Tống đạt cho đương sự các giấy tờ tư pháp, các quyết định của Toà án; (ii) Thông báo ngày giờ xét xử vụ án và triệu tập đương sự; (iii) Thu thập chứng cứ; (iv) Lấy lời khai đương sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan; (v) Xác minh địa chỉ của đương sự; (vi) Trưng cầu giám định.

Từ năm 2000 cho đến nay, trong quá trình thực hiện UTTP quốc tế đã nổi lên một vấn đề đó là xác định tình trạng nhân thân, tình trạng hôn nhân của đương sự; xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, Chứng minh thư nhân dân, Bằng tốt nghiệp phổ thông, Bằng tốt nghiệp đại học… Đa số uỷ thác tư pháp như vậy do phía Đại sứ quán Ba Lan yêu cầu và CHLB Đức thực hiện, chiếm tới hơn 90% các uỷ thác loại này.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các UTTP theo yêu cầu  của phía nước ngoài trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa hai quốc gia và pháp luật Việt Nam. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trực tiếp thực hiện các UTTP chủ yếu là TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài ra còn có Sở Công an (đối với việc xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, Chứng minh thư nhân dân), Uỷ ban nhân dân các địa phương (đối với việc xác minh địa chỉ, xác minh tình trạng hôn nhân, xác minh tình trạng nhân thân cũng như những thông tin có liên quan đến đương sự).

Do không chỉ các nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam yêu cầu các cơ quan tư pháp Việt Nam thực hiện mà cả những nước chưa có Hiệp định cũng đưa ra những yêu cầu về uỷ thác, vì vậy, trong thời gian từ năm 1995 đến nay khối lượng các UTTP quốc tế mà các cơ quan tư pháp của chúng ta đã và đang thực hiện là rất lớn. Nếu như trong những năm 80, số lượng UTTP quốc tế về dân sự theo yêu cầu chỉ khoảng trên 100 việc/năm thì đến những năm đầu thập niên 90 số lượng uỷ thác tăng lên trung bình khoảng 300 việc/năm, năm 1999 là 496 việc; từ năm 2000 đến nay, số lượng các uỷ thác tư pháp quốc tế đã lên tới 600-700 việc/năm, năm 2004 là 896 việc, riêng 6 tháng đầu năm 2005 số lượng uỷ thác tư pháp đã tiến tới con số gần 700 việc.

Trong số các UTTP quốc tế về dân sự mà phía nước ngoài yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện, các uỷ thác về hôn nhân và gia đình chủ yếu là ly hôn chiếm một số lượng rất lớn, khoảng 60%. Trong số các uỷ thác tư pháp tư pháp quốc tế này, CHLB Đức là quốc gia đứng đầu trong việc đề nghị thực hiện uỷ thác, tiếp đó là Pháp, ngoài ra còn có Hàn Quốc, Thuỵ sĩ, Na-uy, Nga. Từ năm 2000 đến nay, một số nước như Lào, Campuchia, Indonexia, Thái Lan, Ấn Độ cũng đã đưa yêu cầu với số lượng đáng kể. Bên cạnh các yêu cầu uỷ thác về hôn nhân và gia đình còn có các yêu cầu về xác minh địa chỉ, tình trạng nhân thân, tình trạng hôn nhân của đương sự, xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, tính xác thực của Bằng tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học, chứng minh thư nhân dân của đương sự. Từ năm 1995 đến nay, Cộng hoà Séc là nước đứng đầu trong việc đưa ra các yêu cầu về uỷ thác tư pháp liên quan đến vấn đề truy nhận cha và cấp dưỡng nuôi con. Ngoài các yêu cầu uỷ thác tư pháp chủ yếu nêu trên, các cơ quan tư pháp trong những năm gần đây cũng thực hiện các yêu cầu uỷ thác liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập đến phiên Toà của Toà án nước ngoài trong các vụ tranh chấp dân sự, tranh chấp phát sinh đối với hợp đồng lao động.

Yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do Toà án Việt Nam đưa ra đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài:

Đối với các yêu cầu thực hiện UTTP do các cơ quan Việt Nam đưa ra thì uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong vụ kiện ly hôn là loại việc chiếm đa số, khoảng 85-90%. Ngoài ra, các UTTP về việc lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong các vụ kiện dân sự như thừa kế, chia tài sản, tranh chấp đất đai, đòi bồi thường thiệt hại, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay đổi họ tên, đòi tiền cấp dưỡng nuôi con… cũng có xu hướng tăng lên.

Từ đầu những năm 90 đến nay, TAND thành phố Hồ Chí Minh và TAND thành phố Hà Nội là hai nơi thực hiện nhiều nhất các UTTP của Toà án nước ngoài và cũng là nơi đưa ra nhiều yêu cầu về UTTP nhất đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Trong các yêu cầu UTTP này, thì UTTP đối với vụ kiện ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là công dân Đài Loan do TAND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu có số lượng lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng số yêu cầu. Riêng năm 1999, số lượng vụ kiện mà TAND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phía Đài Loan thực hiện là 70 việc nhưng các Toà án có thẩm quyền của Đài Loan mới chỉ thực hiện được 30 việc. Năm 2004, số vụ kiện mà TAND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đối với phía Đài Loan là hơn 100 vụ nhưng chỉ có duy nhất 1 vụ việc được Toà án có thẩm quyền của Đài Loan tống đạt thành công tới đương sự. Trong 6 tháng đầu năm 2005, số uỷ thác tư pháp do TAND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu là 73 việc nhưng chưa có một vụ kiện ly hôn nào giữa công dân Việt Nam và công dân Đài Loan được phía Toà án có thẩm quyền của Đài Loan tống đạt thành công tới đương sự.

Bên cạnh các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Đài Loan, thì số lượng các vụ kiện ly hôn do TAND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu liên quan đến công dân Việt Nam và người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ cũng tăng lên với số lượng lớn từ đầu năm 2000 đến nay. Nhưng do số người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ định cư ở Hoa Kỳ trên nhiều bang khác nhau, không có tính tập trung nên việc thực hiện các UTTP này gặp rất nhiều khó khăn và không mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, từ đầu năm 2005, phía Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định tạm dừng việc thực hiện các yêu cầu UTTP của phía Việt Nam trong các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Hoa Kỳ, do đó số các hồ sơ tồn đọng mà TAND thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Bộ Tư pháp là rất lớn, khoảng 200 hồ sơ.

Các yêu cầu UTTP về dân sự của TAND thành phố Hà Nội đối với Toà án nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại CHLB Đức, Cộng hoà Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ucraina, Pháp… Ngoài ra, số vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Đức, Pháp cũng tăng lên nhiều từ đầu năm 2000 đến nay. So với các yêu cầu UTTP của TAND thành phố Hồ Chí Minh, các yêu cầu UTTP của TAND thành phố Hà Nội thường đạt được hiệu quả cao hơn, một mặt do phía Toà án có thẩm quyền của Đức và Pháp hoạt động nhanh nhạy, hiệu quả; mặt khác các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Cộng hoà Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ucraina, Nga… được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc nên việc thực hiện các uỷ thác tư pháp do TAND thành phố Hà Nội yêu cầu có kết quả khả quan hơn, việc tống đạt thành công chiếm tới 60-70% số lượng các yêu cầu.

Bên cạnh TAND thành phố Hồ Chí Minh và TAND thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2000 đến nay đặc biệt là trong các năm 2002, 2003, 2004 và 6 tháng đầu năm 2005 yêu cầu UTTP do các TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Quảng Ninh, Sơn La, TAND thành phố Hải Phòng cũng tăng lên ngày một nhiều, khoảng 5-6 việc/năm.

7.2.2. Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài

Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài:

Trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993. Theo quy định tại Điều 2 khoản 1 của Pháp lệnh và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/07/1993 của BTP - TANDTC - VKSNDTC thì Toà án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Nhà nước ta về vấn đề này. Do đó sau năm 1994 đặc biệt là trong hai năm 1996 và 1997, có khoảng 150 trường hợp công dân Việt Nam và người nước ngoài đã nộp đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự do Toà án nước ngoài xét xử (chủ yếu về ly hôn), nhưng các đơn yêu cầu đó đã không được tiếp nhận vì phần lớn các bản án, quyết định dân sự này đều do các Toà án của CHLB Đức xét xử trong khi đó CHLB Đức tuyên bố từ giữa năm 1995 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và CHDC Đức chấm dứt hiệu lực, do vậy không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 Pháp lệnh ngày 17/4/1993.

Để xử lý bế tắc này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị và được Chính phủ chấp nhận cho phép công nhận các quyết định của Toà án nước ngoài về ly hôn không gắn kết với vấn đề tài sản để bảo hộ quyền lợi hợp pháp cho công dân Việt Nam thông qua việc ghi chú hộ tịch theo Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004 ra đời, với những sửa đổi cơ bản trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các đương sự khi nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2005, Bộ Tư pháp nhận được ba yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Đầu tháng 10/2005, Bộ Tư pháp mới nhận được một Công văn trả lời đình chỉ không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định ly hôn, còn lại hai đơn yêu cầu khác chưa thấy Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hải phòng trả lời.

Thực hiện công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của Trọng tài nước ngoài:

Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý (với Bun-ga-ry, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Lào, Pháp và Mông Cổ); Công ước New York năm 1958[54] và Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004. Trước khi Bộ luật TTDS ngày 15/6/2004 được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1995.

Từ năm 1995 đến năm 2004, các Toà án của Việt Nam thụ lý xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, 8 đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (3 vụ do Trọng tài Nga xét xử; 1 vụ do Trọng tài quốc tế Pari; 02 vụ do Trọng tài Ôxtrâylia; 1 vụ do Trọng tài HồngKông; 01 vụ do Trọng tài Thuỵ sĩ. Trong năm 2005, Bộ Tư pháp đã nhận được hai đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Hai đơn này hiện đang được TAND thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết.

8. Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi            

Nuôi con nuôi quốc tế (CNQT) là vấn đề nhân đạo khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong lịch sử của Nhà nước Việt Nam, vấn đề nuôi CNQT chỉ được đặt ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trước đó pháp luật Việt nam chỉ điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi trong nước. Cùng với việc mở rộng giao lưu dân sự giữa nước ta với các nước, vấn đề nuôi CNQT cũng được mở rộng và đảm bảo bằng các điều ước quốc tế song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước nhận. Đến nay nước ta đã ký 13 hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ khác nhau và hiện đang chuẩn bị tham gia Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi CNQT. Với tư cách là cơ quan đầu mối về hoạch định chính sách và hợp tác quốc tế trong linh vực nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã chủ trì đàm phán và ký kết các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi để từng bước tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các nước ở tầm quốc gia để giải quyết vấn đề hết sức nhân đạo và nhạy cảm này.

Tại mục này chúng ta sẽ trình bày và đánh giá vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết các ĐƯQT về hợp tác trong lĩnh vực nuôi CNQT và đề xuất các giải pháp về việc hoàn thiện thể chế, thiết chế, pháp luật Việt Nam về nuôi CNQT.

8.1. Bộ Tư pháp- Cơ quan đầu mối chủ trì đàm phán ký kết các Hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi

Vấn đề nuôi CNQT lúc đầu được giải quyết trên cơ sở quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa nước ta và các nước khác, không dựa trên cơ sở điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Lúc đó, Cơ quan quản lý vĩ mô là Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội. Toàn bộ quy trình tác nghiệp xử lý hồ sơ xin con nuôi của người nước ngoài do các tỉnh thực hiện ( từ khâu thụ lý hồ sơ đến việc ra quyết định và làm thủ tục giao nhận trẻ). Người nước ngoài trực tiếp vào Vệt Nam để tìm trẻ và làm các thủ tục để xin con nuôi.

Từ năm 1994, vấn đề quản lý nuôi CNQT được Chính phủ quyết định chuyển từ Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội sang Bộ Tư pháp. Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề nuôi con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Bộ Tư pháp cũng chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Thông tư liên bộ số 503/TT-LB ngày 25/05/1995 hướng dẫn thi hành Nghị định 184/CP và Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư 337/TT-PLQT ngày 23/08/1995 hướng dẫn thi hành Thông tư liên bộ 503/TT-LB.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc về nuôi CNQT, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện hàng loạt vướng mắc, bất cập xâm phạm tới quyền trẻ em như môi giới bất hợp pháp, trục lợi, biểu hiện buôn bán trẻ em... . Bộ Tư pháp thấy rằng, nuôi CNQT là vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm nhà nước thông qua cam kết quốc tế (hiệp định quốc tế) với các nước. Hồ sơ của người xin con nuôi cần phải được kiểm tra chặt từ phía nước nhận và nước gốc để đảm bảo đúng mục đích nhân đạo và tránh bị lợi dụng. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi cũng cần phải chịu sự kiểm tra của nước gốc và nước nhận để đảm bảo trẻ được xem xét cho làm con nuôi đúng đối tượng, việc cho trử làm con nuôi người nước ngoài là biện pháp cuối cùng để tìm mái ấm cho trẻ. Các trình tự, thủ tục giải quyết việc cho trẻ làm con nuôi cũng phải đáp ứng yêu cầu của cả nước gốc và nước nhận và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cả hai nhà nước. Chỉ thông qua các hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước tình hình cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài mới có thể lập lại trật tự, đảm bảo các nguyên tắc nhân đạo cao cả và mục đích tối thượng của việc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài là tìm mái ấm gia đình cho trẻ.

Hiệp định đầu tiên về hợp tác nuôi con nuôi được ký ngày 01/02/2000 với Cộng hoà Pháp. Đây là Hiệp định mở đầu cho việc ký hàng loạt các hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi với các nước. Phải nói rằng bằng việc ký Hiệp định này nước ta và Pháp đã chấm dứt sự lộn xộn và bế tắc vào cuối những năm 90 đối với vấn đề hợp tác nuôi con nuôi Việt Pháp và mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tốt đẹp của hai nước trong lĩnh vực này. Đây là hiệp định đầu tiên được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo của Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế.

Một bước tiến quan trọng trong việc ký hàng loạt hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ( Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo). Nghị định này đã đặt ra điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài nếu giữa Việt Nam và nước nơi người nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi ( Điều 35, khoản 2). Mười hai hiệp định được ký với các nước và vùng lãnh thổ như: Vương quốc Đan mạch ( 26/05/2003), Cộng hoà Italia (13/06/2003), Ailen (23/09/2003), Vương quốc Thuỵ Điển (04/02/2004), ba Cộng đồng của Vương quốc Bỉ ( 17/03/2005), Hoa Kỳ (21/06/2005), Canada (27/06/2005), Quebec (Canada) (15/09/2005), Thuỵ sĩ (20/12/2005) và Ontario (Canada) (03/04/2006). Hiện nay Việt Nam đang đàm phán để ký hiệp định với CHLB Đức và Tây Ban Nha và tiến hành các thủ tục để ký kết Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Có thể nói rằng, trong thời gian ngắn Bộ Tư pháp đã đặc biệt quan tâm đến việc ký kết các điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi và đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các cơ quan chức năng hữu quan đàm phán ký kết khá nhiều hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với những nước có nhu cầu lớn trong việc xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Các hiệp định này đã tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nước ta mở rộng quan hệ hợp tác nuôi con nuôi với các nước.

8.2. Bộ Tư pháp- Cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về nuôi con nuôi

Trong tất cả các Hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đều được coi là đầu mối để thực thi các hiệp định. Điều 2 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi Việt Pháp quy định rằng về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương được chỉ định để thực hiện Hiệp định này. Trong tất cả các hiệp định ký sau đó, Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (Cục Con nuôi quốc tế) được chỉ định là cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam.

Trong việc thực hiện các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Một là, hoạch định chính sách vĩ mô để triển khai các cam kết về hợp tác nuôi con nuôi với các nước. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan và các tổ chức chức năng hữu quan ở trung ương và địa phương thực hiện các cam kết. Bộ Tư pháp có thể yêu cầu sự giúp đỡ kỹ thuật từ phía cơ quan đối tác nước ngoài để đảm bảo thực hiện tốt hiệp định.

Hai là, thụ lý, xem xét, cấp phép hoạt động và đặt trụ sở cho văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Cho đến nay Bộ Tư pháp đã cấp phép hoạt động cho 54 tổ chức con nuôi nước ngoài, trong đó có 18 tổ chức châu Âu, 1 tổ chức Canada và 35 tổ chức của Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ cấp phép cho khoảng 15 tổ chức con nuôi nước ngoài.

Ba là, trực tiếp tác nghiệp hồ sơ của người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Bộ Tư pháp có nghĩa vụ đảm bảo chỉ những người nước ngoài là công dân ( theo Hiệp định với Hoa Kỳ) và những người thường trú ( theo các Hiệp định với các nước khác) đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước nhận mới  được Cục Con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp xem xét cho nhận trẻ em Việt nam làm con nuôi. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người nước ngoài Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục giải quyết . Cục Con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp cũng kiểm tra hồ sơ của trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi và phải đảm bảo rằng mọi hồ sơ của trẻ phải phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước nhận. Trong vòng bốn tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin con nuôi, Bộ Tư pháp trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương trong việc xem xét ra quyết định về việc cho trẻ em làm con nuôi.

Bốn là, Bộ Tư pháp tiến hành trao đổi thông tin với các nước ký kết về pháp luật và tình hình giải quyết con nuôi, hợp tác kỹ thuật để tăng cường năng lực giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến việc cho trẻ làm con nuôi. Trong khuôn khổ Nhóm công tác hỗn hợp với các nước được thành lập theo hiệp định thông thường được nhóm họp luân phiên từ 1 đên 2 năm một lần, Bộ Tư pháp cùng các đối tác nước ngoài đánh giá tình hình thực hiện hiệp định, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thực hiện tốt hơn.

Cuối cùng, Bộ Tư pháp theo dõi tình hình phát triển của trẻ sau khi được cho làm con nuôi thông qua cơ chế báo cáo định kỳ của cha mẹ nuôi ( trong 3 năm đầu mỗi năm 2 lần và trong các năm tiếp theo đến khi trẻ đủ 18 tuổi mỗi năm 1 lần). Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng tổ chức các đoàn đi các nước kiểm tra tình hình của trẻ được cho làm con nuôi.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ cơ bản  trên, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng của cơ quan trung ương- cơ quan đầu mối thực hiện các hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi. Qua thời gian thực hiện hiệp định, Bộ Tư pháp được phía nước ngoài đánh giá cao. Thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp định, quan hệ nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước ký kết được cải thiện đáng kể. Nhiều trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi có đủ điều kiện cho làm con nuôi người nước ngoài đã tìm được mái ấm gia đình thay thế, năm 2003: 807 trẻ, năm 2004: 550 trẻ, năm 2005: 1200 trẻ và dự kiến trong năm 2006 khoảng 1600 trẻ. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài dần dần đi vào nề nếp, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, hạn chế tối đa các tiêu cực, trung gian, trục lợi.

8.3. Vai trò của Bộ Tư pháp trong tương lai

8.3.1. Tham gia Công ước La Hay

Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế 1993 là điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về nuôi con nuôi quốc tế. Đến nay đã có gần 70 nước tham gia, trong đó trên một nửa là nước cho và gần một nửa là nước nhận. Là nước quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã tham gia Hội nghị La Hay nhằm soạn thảo Công ước này ở cấp chuyên viên. Nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan, cho đến nay nước ta chưa ký chính thức và phê chuẩn Công ước này. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là pháp luật về nuôi con nuôi quốc tế của nước ta còn nhiều bất cập so với các yêu cầu của Công ước La Hay.

 

Với việc ký 13 Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ, ban hành và thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan và việc cải cách đáng kể thủ tục hành chính giải quyết các vụ việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, đến nay về cơ bản khuôn khổ pháp luật về nuôi con nuôi của nước ta đã đáp ứng các yêu cầu của Công ước La Hay và phù hợp với nhiều chuẩn mực quốc tế. Việc ký kết Công ước La Hay vào đầu năm 2007 là hoàn toàn khả thi tạo điều kiện để nước ta mở rộng hợp tác nuôi con nuôi với các nước, tham gia sâu rộng vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao lưu dân sự.

Tuy nhiên còn một số vướng mắc về phương diện pháp luật cần phải tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo lộ trình ký kết và thực thi Công ước La Hay như:

(i) Giải quyết hài hoà quan hệ giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế, trong đó cần phải ưu tiên nuôi con nuôi trong nước; nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng để tìm mái ấm cho trẻ.

(ii) Minh bạch hoá các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí và các khoản hỗ trợ nhân đạo do tổ chức con nuôi nước ngoài tài trợ cho cơ sở nuôi dưỡng. Cần phải ấn định mức thu, đầu mối thu, quy chế báo cáo thu chi,kiểm tra, kiểm toán, giám sát để tránh lạm dụng vì mục đích trục lợi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức con nuôi của các nước. Thực tiễn cho thấy đây là vấn đề rất nhạy cảm và rất khó kiểm soát trong điều kiện các tỉnh ấn định mức thu và trực tiếp thu chi.

(iii) Cơ chế quản lý nhà nước và giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài chưa phù hợp với yêu cầu. Sự bất cập trong phân cấp thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi, sự tản quyền đối với địa phương trong lĩnh vực này đi ngược lại thông lệ quốc tế hiện đang được nhiều nước xung quanh ta áp dụng như Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Nga, Ucraina..., gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và tác nghiệp. Với cơ chế như hiện nay, Cục Con nuôi quốc tế chưa thực sự gánh vác được chức năng của Cơ quan trung ương trong việc quyết định nhiều vấn đề về nuôi con nuôi trong quan hệ với đối tác nước ngoài, trong khi đó thì các tỉnh có thẩm quyền quyết định cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài, nắm giữ toàn bộ dữ liệu về trẻ có đủ điều kiện cho làm con nuôi và tự phát đặt ra nhiều thủ tục khác nhau, nhất là các loại chi phí và hỗ trợ nhân đạo, lựa chọn cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Sự phân cấp tản mạn theo cung cách địa phương hoá như vậy dẫn đến hiện trạng không thống nhất trong điều hành, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý.

(iv) Do nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề nhân đạo nên nhiều lĩnh vực cần được xã hội hoá để bớt đi gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay một số lĩnh vực chưa cho phép xã hội hoá như tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo, từ thiện trong nước cung cấp dịch vụ về nuôi con nuôi, nhiều hoạt động liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em ( nhất là liên quan đến vấn đề huy động nguồn tài chính và các nguồn hỗ trợ nhân đạo, huy động nguồn lực dồi dào của xã hội vào việc chăm sóc trẻ em). Tiến tới trong tương lai, phạm vi việc giải quyết cho tẻ làm con nuôi người nước ngoài sẽ thu hẹp lại cùng với sự phát triển của xã hội, cải tạo nâng cao một cách đáng kể mức sống ở trong nước, và dành vị trí thích đáng cho việc giải quyết vấn đề con nuôi trong nước.

8.3.2. Tổ chức thực hiện Công ước La Hay

Việc tham gia Công ước La Hay sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật và cơ chế giải quyết vấn đề nuôi con nuôi quốc tế theo hướng đảm bảo các nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với thông lệ quốc tế. Với tư  cách là cơ quan chủ trì tham gia Công ước La Hay, Bộ Tư pháp đồng thời cũng là cơ quan chủ trì thực hiện Công ước này trên phạm vi cả nước với trên 70 nước thành viên. Bộ Tư pháp với cơ quan chuyên trách là Cục Con nuôi quốc tế sẽ là Cơ quan trung ương về nuôi  con nuôi quốc tế, có thẩm quyền quyết định trong việc quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài ( hiện nay, quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài thuộc thẩm quyền của uỷ ban nhân dân tỉnh) và hoạch định, triển khai chính sách về nuôi con nuôi quốc tế.

Để đảm bảo thực thi Công ước La Hay đòi hỏi nước ta phải ban hành Luật về nuôi con nuôi để xử lý một loạt vấn đề hịên nay chưa phù hợp. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này là Bộ Tư pháp. Luật nuôi con nuôi đã được Bộ Tư pháp đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2007 để Quốc hội xem xét lần đầu vào phiên họp cuối năm 2007 và sẽ được thông qua trong 2008. Với Luật nuôi con nuôi, nước ta sẽ áp dụng cơ chế giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có nhiều điểm khác cơ bản với cơ chế hiện nay và phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay. Các điểm thay đổi cơ bản bao gồm:

(i) Gắn chặt việc xử lý nuôi con nuôi trong nước với nuôi con nuôi quốc tế để đảm bảo tính nhân đạo cao cả mà Công ước La Hay đặt ra. Nuôi con nuôi quốc tế chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu như bằng các biện pháp trong nước không tìm được mái ấm cho trẻ. Nuôi con nuôi trong nước phải là hình thức tìm mái ấm cho trẻ bị bỏ rơi cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm và đảm bảo thực thi bằng các biện pháp hữu hiệu. Cơ quan tổ chức giải quyết cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài cần phải chứng minh đã làm hết tất cả các biện pháp trong nước mà vẫn không thể tìm được mái ấm cho trẻ ở trong nước. Chỉ khi đó họ mới có quyền cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài.

(ii) Tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với toàn bộ quy trình giải quyết cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài để thực sự đảm bảo tính nhân đạo cao cả tránh được các hiện tượng trục lợi, tiêu cực, xâm phạm tới các quyền của trẻ em. Việc kiểm soát này được tiến hành thông qua các kênh khác nhau, trước hết là kênh hợp tác chặt chẽ với các nước và các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương. Cơ quan đầu mối sẽ là Bộ Tư pháp, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ, tổng thể quy trình này. Bộ Tư pháp thực hiện chức năng kiểm soát thông qua việc hoạch định chính sách, ban hành văn bản pháp luật hoặc soạn thảo văn bản pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền ban hành , thực hiện các hoạt động tác nghiệp trong việc kiểm tra, xử lý hồ sơ của người xin con nuôi, hồ sơ con nuôi, hồ sơ của tổ chức nuôi con nuôi có văn phòng đặt tại Việt Nam, kiểm tra hoạt động của các văn phòng con nuôi nước ngoài và kiểm tra tình hình thực hiện các hoạt động giải quyết nuôi con nuôi quốc tế tại địa phương.

(iii) Một trong những yêu cầu khắt khe của Công ước là công khai hoá, minh bạch hoá các khâu trong quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế, trong đó đặc biệt là các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí, các khoản hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng. Các biểu mẫu trong hồ sơ xin con nuôi và hồ sơ con nuôi phải được Bộ Tư pháp  hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng để đễ áp dụng. Các quy trình, thủ tục, trình tự, mức phí, lệ phí, hỗ trợ nhân đạo phải được công khai trên mạng để mọi người quan tâm có thể tiếp cận được. Cơ chế tiếp nhân, xử lý hồ sơ phải thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng cho người xin con nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ để tránh mọi sự lạm dụng.

Có thể nói rằng để đảm bảo thực thi Công ước La Hay Bộ Tư pháp phải tiến hành rất nhiều việc để hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật trong nước nhằm để khắc phục những khoảng trống, bất cập của pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi quốc tế và thiết lập cơ chế giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế hiện đại, phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay và thông lệ quốc tế. Với tư cách là cơ quan trung ương đầu mối, Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan có đầy đủ trọng trách để phối hợp với các cơ quan hữu quan thực thi tốt Công ước La Hay và các hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác trong và ngoài khuôn khổ Công ước La Hay để tăng cường hợp ýac về nuôi con nuôi với các nước.

8.4. Một số nhận xét

Trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối đề xuất ký kết và tổ chức thực thi các điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với các nước. Trong vòng 6 năm trở lại đây, Bộ Tư pháp đã chủ trì đàm phán, ký kết 13 hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và hiện đang chuẩn bị tích cực cho việc ký kết Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế. Kể từ tháng 8 năm 2003, Bộ Tư pháp đã thành lập Cục Con nuôi quốc tế giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý việc  ký kết và thực thi hiệp định song phương ký với các nước về nuôi con nuôi quốc tế. Trong tương lai cùng với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi quốc tế và mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực này với các nước Bộ Tư pháp ngày càng đóng vai trò quan trong hơn trong lĩnh vực này.

9. Điểm lại Phần thứ ba

Khác với công đoạn ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp chưa có vai trò luật định chung  trong việc thực hiện điều uớc quốc tế. Về cơ bản, vai trò theo dõi thực hiện điều ước quốc tế, trong đó có việc báo cáo Chính phủ về vấn đề này, hiện thuộc Bộ Ngoại giao; chức năng giải thích thuộc UBTVQH; chức năng giám sát được giao cho các cơ quan khác nhau của Quốc hội. Xét về mặt lô gích, sự tương tác và tính thống nhất bản hữu giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế có thể là cơ sở có tính thuyết phục để nghiên cứu khả năng giao Bộ Tư pháp chức năng hậu kiểm điều uớc quốc tế; tuy nhiên, nội hàm cũng như giá trị pháp lý của kết quả hậu kiểm là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trước khi quyết định có giao Bộ Tư pháp việc này hay không.

Bộ Tư pháp có vai trò thực tế ngày càng tăng trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế với nội dung quan trọng nhất là rà soát để kiến nghị bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế. Thực tế này đã được khẳng định trong quá trình thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ và các Hiệp định WTO; và những kết quả mà Bộ Tư pháp giúp Chính phủ trong vấn đề này có ý nghĩa thực tiễn lớn. Trong tuơng lai, với xu huớng ngày xích lại gần nhau giữa pháp luật quốc tế với nguồn cơ bản là điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, thì việc chính thức hoá vai trò thực tế này của Bộ Tư pháp là điều cần thiết. 

Bộ Tư pháp trực tiếp thực hiện và theo dõi việc thực hiện một số điều ước quốc tế chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình; cụ thể là các hiệp định tương trợ tư pháp và hợp tác con nuôi. Quá trình thực hiện các hiệp định chuyên ngành này cho thấy có sự chuyển biến và bước tiến quan trọng về chất trong vai trò của Bộ Tư pháp - sự thực hiện chủ động hơn, hiệu quả hơn với một khung pháp lý ngày càng đầy đủ hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để Bộ Tư pháp đảm nhận những công việc bổ sung về điều ước quốc tế trong tương lai.

                    

 

 

 

Phần thứ tư

NHẬN XÉT VỀ VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHẤP TRONG VIỆC KÝ KẾT,
GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ ĐỀ XUẤT
MỘT SỐ ĐIỂM CẦN HOÀN THIỆN

 

Tại các phần thứ nhất, thứ hai và thứ ba của Báo cáo, chúng ta đã tìm hiểu, trình bày và phân tích  những vấn đề cơ bản về pháp luật ĐƯQT hiện hành của Việt Nam, trong đó có vai trò của các thiết chế nói chung và của Bộ Tư pháp nói riêng trong công tác ĐƯQT; làm rõ chức năng nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động có tính chất đặc thù của Bộ Tư pháp trong quá trình ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. Cụ thể, các phần trên của Báo cáo đã xác định: (i) những loại công việc chung về ĐƯQT thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp với tư cách là một cơ quan pháp luật mà không thuộc thẩm quyền của các bộ ngành khác, như thẩm định, góp ý kiến dự thảo, tham gia đàm phán điều ước quốc tế, rà soát văn bản pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế; và (ii) những việc thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp cũng tương tự như thẩm quyền riêng trong quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành khác, như đàm phán, ký kết và thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp, hợp tác con nuôi quốc tế.

Trên cơ sở những nội dung và kết quả phân tích ở các phần trên, Phần thứ tư luận giải, đánh giá vai trò điều ước quốc tế (chung và chuyên ngành) của Bộ Tư pháp và đề xuất một số phương hướng hoàn thiện để Bộ Tư pháp thực hiện có hiệu quả hơn nữa vai trò này trong tương lai trong bối cảnh xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp để đáp ứng những yêu cầu nội tại và hội nhập ngày càng tăng của Việt Nam.

Với tinh thần như vậy, Phần thứ tư sẽ gồm 03 mục chính. Mục 4.1 tìm hiểu sơ bộ về chức năng nhiệm vụ điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp một số nước trên thế giới nhằm làm rõ lập luận là chức năng điều ước quốc tế hiện hành của Bộ Tư pháp Việt Nam có tính chất đặc thù, tức là chức năng điều ước quốc tế chỉ được thiết kế riêng cho Bộ Tư pháp Việt Nam mà không thuộc chức năng thông thường của Bộ Tư pháp các nước trên thế giới nói chung. Tiếp với suy luận ở mục 4.1, mục 4.2. lý giải tính hợp lý của việc giao Bộ Tư pháp Việt Nam chức năng điều ước quốc tế với lập luận là do Bộ Tư pháp được giao chức năng xây dựng và thực thi pháp luật trong nước cùng với nhận thức là sớm hay muộn cũng phải coi ĐƯQT là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam thì sẽ là hợp lý khi giao Bộ Tư pháp chức năng điều ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau và gắn bó ngày càng hữu cơ hơn giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế. Mục 4.3 là một số đề xuất cụ thể liên quan đến pháp luật điều ước quốc tế nói chung và vai trò Bộ Tư pháp nói riêng, trong đó có cả những thách thức đặt ra, nhằm tăng cường và thực hiện có hiệu quả hơn nữa vai trò ĐƯQT của Bộ Tư pháp.                   

1. Chức năng điều ước quốc tế đặc thù của Bộ Tư pháp Việt Nam: So sánh với Bộ Tư pháp một số nước 

Vai trò điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp Việt Nam có tính chất đặc thù trong bối cảnh Việt Nam. Về cơ bản, Bộ Tư pháp ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế thị trường và hệ thống pháp luật phát triển cao cũng như các nước trong khối ASEAN, đều không thực hiện các chức năng điều ước quốc tế như Bộ Tư pháp Việt Nam.[55] Trong số các nước được nghiên cứu, chỉ có Bộ Tư pháp Liên bang Nga là cơ quan có nhiều chức năng ĐƯQT giống như Bộ Tư pháp Việt Nam. Cụ thể, tại  Liên bang Nga, Bộ Tư pháp Liên bang Nga thực hiện một số công việc chung liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế của Liên bang Nga. Theo Điều 10 Luật Điều ước quốc tế của Liên bang Nga (15/7/1995) thì các đề xuất ký kết ĐƯQT của Liên bang Nga có các điều khoản/quy định khác với quy định pháp luật trong nước của Liên bang Nga thì trước khi trình Tổng thống hoặc Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga cần có ý kiến thoả thuận của Bộ Tư pháp. Trong trường hợp này, Bộ Tư pháp Liên bang Nga sẽ cho ý kiến về sự thống nhất giữa các điều khoản có liên quan của ĐƯQT với pháp luật trong nước của Liên bang Nga cũng như hiệu lực pháp lý của điều khoản có liên quan của ĐƯQT đó trong pháp luật trong nước của Liên bang Nga; Bộ Tư pháp cũng cho ý kiến về các vấn đề khác có liên quan như  hiệu lực pháp lý của ĐƯQT cũng như việc thực hiện ĐƯQT trong tương lai. Như vậy, có thể thấy quy định chung ở đây là các đề xuất ký kết điều ước quốc tế có quy định khác với quy định của pháp luật trong nước hiện hành của Liên bang Nga thì phải thoả thuận trước với Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý là Luật 1995 không quy định cụ thể về thủ tục cũng như hình thức thoả thuận với Bộ Tư pháp như thế nào. Quy định này cũng tương tự như quy định tại Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 1978 của Liên Xô (cũ), theo đó Bộ Tư pháp Liên Xô (cũ) phải cho ý kiến về mức độ phù hợp của quy định trong ĐƯQT được đề xuất với pháp luật trong nước của Liên Xô thời đó. Trở lại nội dung công việc của Bộ Tư pháp Liên bang Nga, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu cho ý kiến về mức độ phù hợp, đồng thời trả lời câu hỏi liệu có chấp nhận các điều khoản của ĐƯQT có quy định khác với quy định hiện hành của pháp luật trong nước ở Liên bang Nga hay không.        

Đối với các nước được nghiên cứu còn lại, nhìn chung Bộ Tư pháp không thực hiện công việc về ĐƯQT. Xin nêu một số ví dụ cụ thể. Tại  Nhật Bản, trong quá trình ký kết, thực hiện ĐƯQT nói chung, Bộ Tư pháp chỉ có vai trò là cơ quan phối hợp với Bộ Ngoại giao đối với những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp, chẳng hạn như ký kết ĐƯQT liên quan đến phòng chống tội phạm quốc tế. Việc công bố, đăng tải các đạo luật, điều ước quốc tế tại Nhật Bản lại thuộc nhiệm vụ  của Văn phòng Nội các Nhật Bản và Bộ Tài chính (Cơ quan chịu trách nhiệm in và phát hành Công báo). Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không có chức năng ĐƯQT. Tại Canada, theo các quy định hiện hành, thực tiễn thi hành của Canada thì Bộ Tư pháp không có vai trò chung trong quá trình đàm phán, ký kết hay công bố ĐƯQT của Canada, ngoại trừ chức năng làm tư vấn pháp luật cho Chính phủ liên bang trong quá trình đàm phán ĐƯQT với một hoặc nhiều bên nước ngoài. Bộ Tư pháp Canada chỉ   có vai trò cụ thể trong việc đàm phán, thực hiện (kể cả công bố) các điều ước quốc tế liên quan đến dẫn độ và tương trợ tư pháp về hình sự với tư cách là một cơ quan chuyên ngành được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Tại  Đan Mạch, do Bộ Tư pháp Đan Mạch là cơ quan quản lý Công báo nên cũng quản lý luôn việc đăng tải và công bố các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế lên Công báo, song chức năng đàm phán, ký kết điều ước quốc tế vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Tại Anh và Bun-ga-ri, Bộ Tư pháp cũng không có chức năng điều ước quốc tế.

Như vậy, sơ bộ so sánh với một số nước, có thể thấy về cơ bản Bộ Tư pháp các nước được nghiên cứu không có chức năng nhiệm vụ chung về điều ước quốc tế giống như Bộ Tư pháp Việt Nam; hay nói cách khác là chức năng ĐƯQT hiện hành của Bộ Tư pháp Việt Nam là đặc thù của Việt Nam. Mục sau đây sẽ trình bày cụ thể về cơ sở của sự đặc thù đó.     

2. Cơ sở quy định chức năng điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp

Luận đề: Do pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của một quốc gia về bản chất là thống nhất, nên để đảm bảo tính thống nhất đó, Bộ Tư pháp Việt Nam vốn thực hiện chức năng nhiệm vụ luật định về xây dựng và thực thi pháp luật trong nước thì sẽ là hợp lý khi đảm nhận chức năng điều ước quốc tế. Để làm sáng tỏ, chúng ta sẽ xem xét 02 vấn đề: (i) Vai trò Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và thực thi pháp luật nói chung; và (ii) Pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế của một quốc gia về nguyên tắc là một thể thống nhất.      

2.1. Bộ Tư pháp với công tác xây dựng và thực thi pháp luật

2.1.1.  Lịch sử

Là một trong những bộ đầu tiên trong Chính phủ VNDCCH được thành lập sau 1945, ngay từ khi thành lập, Bộ Tư pháp được giao soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật chủ yếu liên quan đến tư pháp trong nước,[56] và thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài.[57] Từ năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp.[58] Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ (VPCP sau này) được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26/10/1957 đảm nhận việc giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính. Uỷ ban pháp chế được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 190/CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ chủ yếu tập trung vào xây dựng pháp luật, truyên truyền giáo dục pháp luật, quản lý một số tổ chức bổ trợ tư pháp, bồi dưỡng cán bộ tư pháp. Bộ Tư pháp được tái thành lập năm 1981 theo Nghị định 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định này, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp vẫn chủ yếu liên quan đến xây dựng và thi hành pháp luật trong nước,[59] và thực hiện hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý. Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong giai đoạn đổi mới, Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều việc mới, trong đó có việc thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ.

Qua phần trình bày trên, có thể thấy: (i) Bộ Tư pháp chịu nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử, thành lập, giải thể, rồi thành lập lại. (ii) Bộ Tư pháp chủ yếu làm tư pháp đối nội, nhưng số lượng công việc được giao ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật. (iii) Về pháp luật đối ngoại, Bộ Tư pháp được giao đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định TTTP và thực hiện ủy thác tư pháp với nước ngoài; Bộ Tư pháp lúc đó không có vai trò chung về điều ước quốc tế.  

2.1.2. Vai trò pháp luật trong nước

Luật Ban hành VBQPPL 2002 quy định Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước.[60] Luật Ban hành VBQPPL mới 2008, có hiệu lực từ 01/01/2009, duy trì chức năng này của Bộ Tư pháp, nhưng với yêu cầu cao hơn về tính tương thích của dự thảo văn bản pháp luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.[61] Nghị định 62/2003/NĐ-CP về tổ chức Bộ Tư pháp quy định 20 loại công việc khác nhau thuộc nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Nghị định 93/2008/NĐ-CP củng cố các nhiệm vụ được quy định trong Nghị định 62, mở rộng đến 28 nhiệm vụ khác nhau của Bộ Tư pháp. Trong số các nhiệm vụ này, phần có liên quan nhiều đến xây dựng pháp luật và điều ước quốc tế là thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước, rà soát VBQPPL, kiểm tra VBQPPL.   

Thẩm định dự thảo VBQPPL:  Nội dung thẩm định gồm những vấn đề như sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo văn bản; sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật; tính khả thi của văn bản; việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản; tính tương thích của điều ước quốc tế của Việt Nam nhằm đảm bảo nguyên tắc. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến thẩm định, chỉnh lý dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ. Trong trường hợp có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm định thì cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, vai trò quan trọng của thẩm định ở đây là đảm bảo sự thống nhất nội tại trong hệ thống pháp luật đối với văn bản trong thời kỳ soạn thảo (tiền kiểm)

Rà soát VBQPPL: Nghị định 62/2003/NĐ-CP và giao Bộ Tư pháp một việc mới là "Hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ." Nghị định 93/2008/NĐ-CP (Điều 2.8) tiếp tục khẳng định nhiệm vụ này. Trong rà soát thì có tổng rà soát và rà soát chuyên ngành. Chẳng hạn, về tổng rà soát, ngày 28/5/1997, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ và giao Bộ Tư pháp phối hợp các ngành các cấp thực hiện công tác này; hàng ngàn VBPL đã được rà soát phân loại, bổ sung sửa đổi hoặc ban hành mới. Hiện Bộ Tư pháp đang làm chuẩn bị tiến hành một đợt tổng rà soát mới. Về rà soát chuyên ngành, như đã trình bày tại Phần thứ ba của Báo cáo, có rà soát chuẩn bị cho việc thực Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ và WTO, với đề xuất bổ sung, sửa đổi hàng loạt VBQPPL trong nước.[62]      

Kiểm tra VBQPPL: Cụ thể là quản lý công tác kiểm tra VBQPPL; thực hiện kiểm tra các VBQPPL do bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành về những nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước do Bộ phụ trách; giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra VBQPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ các văn bản trái pháp luật.

2.1.3.  Vai trò điều ước quốc tế

Phần thứ hai của Báo cáo đề cập đến vai trò thẩm định điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp. Phần thứ ba nêu việc Bộ Tư pháp rà soát VBQPPL để phục vụ việc thực hiện một số điều ước quốc tế về thuơng mại vốn không thuộc thẩm quyền chuyên ngành của Bộ. Liên quan đến vấn đề này, cần lưu ý là Nghị định số 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ quy định bộ, ngành có thẩm quyền ĐƯQT trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ ngành. Khác với quy định chung như vậy, Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền rộng hơn trong công tác ĐƯQT; thẩm quyền này được quy định tại các văn bản như Luật điều ước quốc tế 2005;[63] Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA;[64] Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/998 về quản lý hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật (nay là Nghị định 78/2008/NĐ-CP) - những quy định về ĐƯQT vượt ra ngoài lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ. Để thực hiện công việc được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế Thẩm định điều ước quốc tế.[65]

 Tiểu mục 4.2.1. cho thấy Bộ Tư pháp có vai trò luật định và vai trò thực tế quan trọng trong công tác xây dựng, thực hiện pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Mặc dù tiểu mục 4.1.1. cho thấy chức năng điều ước quốc tế là đặc thù của Bộ Tư pháp Việt Nam. Dẫu sao chăng nữa thì đây là một thực tế đã và đang tồn tại và có xu hướng được tiếp tục củng cố. Trước khi luận giải về tính hợp lý của thực tế đó, chúng ta xem xét sơ bộ về sự gắn kết bản hữu của pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của một quốc gia.    

2.2. Sự thống nhất về nguyên tắc giữa pháp luật trong nước và điều ước
quốc tế

Xét về bản chất và suy cho cùng, thì ĐƯQT của một quốc gia và hệ thống pháp luật trong nước của quốc gia đó, là một thể thống nhất. Có thể nêu ba lý do tại sao lại có sự thống nhất như vậy.

 Một là, theo quan điểm truyền thống về bản chất của pháp luật và quá trình hình thành các VBQPPL thì cả trong pháp luật quốc gia và quốc tế đều có sự thể hiện ý chí của nhà nước trong quá trình xây dựng, thông qua quy phạm; tức là, tuy có sự khác nhau trong cách thể hiện, ở cả hai hệ thống đều có sự hiển thị ý chí của cơ quan quyền lực.[66] Dưới góc độ pháp luật quốc tế, chỉ có những công cụ quốc tế mà quốc gia chấp thuận thì mới có gía trị ràng buộc đối với quốc gia đó. Trước khi quyết định ký kết hoặc gia nhập ĐƯQT trong điều kiện bình thường, các quốc gia thường có sự chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ được pháp luật quốc gia quy định. Loại bỏ những lý do mang tính chất chính trị, chủ quan, có thể nói các quốc gia coi nghĩa vụ mà mình sẽ cam kết với các quốc gia khác là một vấn đề hệ trọng với nhận thức là sự thống nhất của các quy định điều ước với VBQPPL là điều kiện tiên quyết để thực hiện cam kết quốc tế.[67] Một quy trình tương tự về đảm bảo sự hài hoà giữa các VBQPPL trong nước và quốc tế trong quá trình xây dựng VBQPPL quốc gia cũng được quy định trong pháp luật quốc gia.

Hai là, có sự giao thoa ý tưởng và tác động hỗ tương giữa pháp luật quốc gia và quốc tế;[68] bởi suy cho cùng thì các văn bản này đều do cùng một chủ thể soạn thảo là đại diện của các cơ quan nhà nước, với sự đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân ở những nước có quy trình soạn thảo và thông qua văn bản dân chủ (mô hình xã hội công dân). Thực ra rất khó tách bạch những ý tưởng pháp luật quốc tế khỏi quốc gia. Nhiều nguyên tắc, QPPL quốc tế được hình thành trên cơ sở những quy phạm tương tự đã được áp dụng ở tầm  quốc gia. Chẳng hạn, nguyên tắc không gây hại trong pháp luật môi trường quốc tế hiện nay được coi khởi nguyên từ một quan điểm luật La Mã sic utere tuo ut alienum non laedas (hãy sử dụng tài sản của bạn theo cách không gây hại cho tài sản của người khác).[69] Hay như nguyên tắc dân tộc tự quyết xuất phát từ pháp luật quốc gia hiện được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Ba là, kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy hầu hết các nước, ở mức độ này hay mức độ khác, đều có một quy trình chung (thành văn hay thực tế) để đảm bảo sự thống nhất giữa VBQPPL trong nước và quốc tế. Tuỳ theo tính chất và mức độ của mỗi dự thảo điều ước, các quốc gia thường thực hiện tất cả hoặc một số bước chủ yếu như phê chuẩn; cân nhắc quy định quốc tế khi soạn thảo pháp luật quốc gia; chấp thuận hành vi cư xử quốc tế; cụ thể hoá quy định quốc tế thành quy định quốc gia; ban hành mới văn bản pháp luật quốc gia hay huỷ bỏ văn bản mâu thuẫn.[70] Quy trình khá chặt chẽ, ít nhất là về mặt hình thức này, vừa phản ánh ý thức của quốc gia đối với vấn đề có liên quan, lại vừa là công cụ đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật quốc gia và quốc tế.  

3. Luận bàn về tính hơp lý của việc giao Bộ Tư pháp chức năng điều ước quốc tế

Thông tin ở các phần, tiểu mục trên cho thấy Bộ Tư pháp thực hiện cả hai chức năng luật định và thực tế về điều ước quốc tế. Xem lại lịch sử hình thành, phát triển và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ Tư pháp qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, thấy rằng đã có sự thay đổi cả về lượng và chất trong vai trò điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp. Cũng như công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong nước nói chung, trong lĩnh vực điều ước quốc tế, từ chỗ chỉ đảm nhiệm điều ước chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, Bộ Tư pháp đã vươn ra thực hiện những công việc chung của Chính phủ về điều ước quốc tế, trong đó có việc tham gia đàm phán cùng các bộ, ngành; thẩm định dự thảo điều ước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật theo nghĩa rộng, tức là bao hàm cả quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế của một đất nước có chủ quyền; và rà soát pháp luật trong nước phục vụ cho việc thực hiện điều ước sau khi ký kết.

So với các nước, ngoài Bộ Tư pháp Liên bang Nga, về cơ bản Bộ Tư pháp các nước không có vai trò chung về điều ước quốc tế giống như Bộ Tư pháp Việt Nam. Nhìn rộng hơn, cũng có thể thấy sự khác nhau về tư duy thiết chế giữa Việt Nam và các nước, ít nhất là đối với cơ cấu các cơ quan quyền lực hành pháp, tư pháp, lập pháp và liên quan đến nó là tổ chức nội bộ các cơ quan trong nhánh hành pháp, trong đó có Bộ Tư pháp. Điểm khác biệt lớn nhất là ở chỗ Bộ Tư pháp các nước, trên nền nhận thức là Bộ Tư pháp chủ yếu thực hiện chức năng tư pháp hình sự và hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, không có vai trò xây dựng pháp luật lớn như Bộ Tư pháp Việt Nam. Với sự khác biệt chung có gốc từ thiết kế thượng tầng  như vậy, cũng là điều dễ hiểu khi Bộ Tư pháp các nước không có vai trò đặc biệt đối với điều ước quốc tế nói chung, trừ những điều ước chuyên ngành. Báo cáo phúc trình, do vậy, được chuẩn bị dưới góc độ nhận thức chức năng ĐƯQT của Bộ Tư pháp Việt Nam là chức năng đặc thù trong bối cảnh riêng của hệ thống chính trị và pháp luật Việt Nam.             

Vậy thì đối với Việt Nam, Bộ Tư pháp là một cơ quan thuộc hệ thống hành pháp giúp Chính phủ quản lý công tác pháp luật và xây dựng pháp luật, trước hết là pháp luật trong nước. Xem ra cả về mặt nhận thức và truyền thống từ trước đến nay, những nhà lãnh đạo đất nước dường như khá tự tin khi giao Bộ Tư pháp những công việc liên quan đến pháp luật trong nước; và trên thực tế, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị thế của mình trong vai trò pháp luật quốc nội này. Những thông tin trình bày trong Báo cáo và việc Chính phủ sẽ giao thêm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật cho Bộ Tư pháp theo Nghị định mới thay thế Nghị định 62 đã làm rõ nhận định này.

Diễn tiến phức tạp và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ giữa các nước từ khi phôi thai quan hệ giữa họ, trầm trọng thêm trong thời kỳ chiến tranh lạnh với hai hệ thống cựu thù, đã dẫn đến hệ quả tách biệt hai hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế (với điều ước quốc tế là quy phạm chủ yếu). Thật nghịch lý là trong khi người ta đều thống nhất là một công cụ pháp lý quốc tế chỉ có hiệu lực đối với quốc gia khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó chấp nhận hiệu lực của công cụ đó thông qua một quy trình được quy định chặt chẽ cả trong pháp luật quốc tế lẫn quốc nội. Chẳng hạn, ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan thông qua luật, đồng thời cũng là cơ quan phê chuẩn Hiệp định WTO, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, hay các hiệp định tương trợ tư pháp. Vậy mà vẫn cứ phải tranh cãi cái nào có hiệu lực cao hơn cái nào, cái nào thì có hiệu lực trực tiếp, cái nào thì phải chuyển hóa, trong khi tất cả đều từ một mẹ đẻ ra, đó là Quốc hội? Xin không sa thêm vào cuộc tranh luận vốn đã đầy mâu thuẫn, đã khá lâu rồi mà chưa có lời giải đáp, mà chỉ muốn quay lại một số ý có liên quan trực tiếp đến lập luận trong Báo cáo này. Chúng ta đã mạh dạn kết luận về sự gắn kết và tính thống nhất bản hữu giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của một quốc gia, do, để có hiệu lực, quy phạm trong cả hai hệ thống đều cần có sự biểu thị ý chí của cùng một cơ quan quyền lực nhà nước; có sự giao thoa ý tưởng giữa hai hệ thống; và do cả hai đều tuân thủ một quy đình chào đời nghiêm ngặt.

Ở Việt Nam, đáng lưu ý là yêu cầu đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật quốc gia và quốc tế, ngoài những văn bản QPPL đã được đề cập trong Báo cáo này, còn được thể hiện trong các văn kiện chính trị - pháp lý cấp cao. Lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật nước nhà, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Chiến lược XDPL) và Chiến lược cải cách tư pháp (Chiến lược CCTP) được Bộ Chính trị thông qua trong các Nghị quyết số 48 và số 49 (2005). Hai Chiến lược khẳng định sự chuyển biến về chất, thay đổi tư duy và nhận thức về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và công tác ĐƯQT nói riêng. Chẳng hạn, Chiến lược XDPL đặt ra nhiệm vụ đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật, đẩy nhanh quá trình soạn thảo, ban hành luật và nâng cao chất lượng VBQPPL; xác định rõ cơ chế "nội luật hoá" các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục ký kết gia nhập các ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại (theo nghĩa rộng), môi trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế của Việt Nam. Một trong những điểm nhấn của Chiến lược CCTP là hoàn thiện thiết chế để cùng với việc thi hành có hiệu quả pháp luật trong nước là thực hiện tốt các nghĩa vụ điều ước của Việt Nam. Các Chiến lược đã có cách nhìn mới về vị trí ngày càng quan trọng của các cơ quan tư pháp trong quá trình hội nhập và sự cần thiết phải làm hài hoà hoá các quy định pháp luật và mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thách thức đặt ra còn nhiều, mà ở nước nào cũng vậy, kể cả các quốc gia cố hệ thống pháp luật phát triển,[71] nhưng những gì đã được khẳng định trong hai Chiến lược thực sự đã làm rõ nét hơn yêu cầu đảm bảo sự tính thống nhất, sự gắn kết giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của Việt Nam. Bộ Tư pháp đã thông qua Chương trình hành động với mục tiêu đánh giá thực tiễn thi hành ĐƯQT liên quan tới công tác tư pháp mà Việt Nam tham gia, nhu cầu ký kết trong thời gian tới và tiến hành các hoạt động đàm phán, ký kết.[72] .         

Từ sự thống nhất về bản chất nêu trên giữa hai hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế, với thực tế là Bộ Tư pháp đang thực hiện chức năng xây dựng và thực thi pháp luật trong nước, sẽ là hợp lý  khi để đảm bảo sự thống nhất trên thực tế giữa hai hệ thống này thì cơ quan chịu trách nhiệm về pháp luật trong nước sẽ ở vị trí thích hợp nhất để cũng chịu trách nhiệm về điều ước quốc tế, đáp ứng yêu cầu yêu cầu là việc ban hành văn bản pháp luật trong nước không làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT của Việt Nam. Điều này cũng đảm bảo tính liên tục và thống nhất của cả hệ thống pháp luật theo nghĩa rộng bao gồm các quy phạm pháp luật trong nước, điều ước quốc tế và hệ thống các thiết chế thi hành.  

Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện các công việc luật định và thực tế về điều ước quốc tế. Các phần trên của Báo cáo đã nêu rõ những kết quả mà Bộ Tư pháp đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, có thể nói những gì đã làm được mới chỉ là bước đầu. Để Bộ Tư pháp đảm nhậm việc này hiệu quả hơn, làm sao để các cam kết quốc tế của Việt Nam thực sự có điều kiện gốc rễ từ pháp luật trong nước,  thực sự đảm bảo pacta sunt servanda vì lợi ích quốc gia và lợi ích của mỗi người dân, còn nhiều việc phải làm. Sau đây là một số đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp. 

4. Một số đề xuất, kiến nghị

4.1. Nhận thức, quan điểm về vị trí của điều ước quốc tế

4.1.1. Chuẩn bị về mặt khoa học

Về mặt khoa học pháp lý, cần tiếp tục chuẩn bị câu trả lời về mặt nhận thức và lý luận về vị trí của điều ước quôc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam - cơ sở nền tảng quyết định cho việc thiết kế một mô hình thích hợp trong đó cả QPPL trong nước và quốc tế đều là cấu thành của một hệ thống pháp luật thống nhất. Cụ thể, cần chuẩn bị về mặt học thuật và nhận thức cho việc dần coi điều ước quốc tế của Việt Nam là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ đây là những vấn đề như bản chất của nội luật hóa là để thi hành quy định của điều ước quốc tế hay là để làm cho điều ước đó có hiệu lực trong pháp luật Việt Nam. Pháp luật điều ước quốc tế hiện hành đã để mở khả năng áp dụng trực tiếp một số điều uớc quốc tế hoặc một phần điều ước quôc tế nếu đã đủ rõ hoặc đủ cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa có câu trả lời là liệu các toà án Việt Nam có áp dụng các quy định của ĐƯQT hay không và chuẩn bị cho toà án trong công tác này như thế nào; liệu các bên có quyền viện dẫn trực tiếp quy định của ĐƯQT để bảo vệ quyền lợi của mình trước toà án hay không. Đây là những nền tảng cơ bản để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định về điều ước quốc tế và xác định rõ vai trò của các thiết chế trong quá trình ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, trong đó cxó vai trò của Bộ Tư pháp, xacs  nhận thức mang tính chất cơ bản ? Việc này sẽ khẳng định thêm vai trò của Bộ Tư pháp và liên quan trực tiếp đến vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. 

4.1.2. Đầu tư nghiên cứu ĐƯQT và thực tế áp dụng ĐƯQT

 Một vấn đề nữa là đầu tư, nghiên cứu kỹ hơn các điều ước quốc tế của Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam trước sau phải tham gia; đặc biệt chú ý đến việc áp dụng các điều ước đó trên thực tế; các bản án, quyết định của toà án, cơ quan xét xử quốc tế. Hiện nay việc tiến hành đàm phán các ĐƯQT nói chung chưa được bắt đầu với việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ tác động về mặt pháp luật, kinh tế - xã hội của những ĐƯQT này đối với Việt Nam. Vì vậy, trước khi tiến hành đàm phán các ĐƯQT cần phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá về sự tác động của những điều ước quốc tế này về các mặt kinh tế - xã hội và pháp luật. Đồng thời việc nghiên cứu cũng cần chú ý đến tính thống nhất, đồng bộ của các ĐƯQT với quy định của pháp luật trong nước. Ngoài ra còn một vấn đề nữa cần phải quan tâm là việc đầu tư nghiên cứu các án lệ, cách thức hiểu, giải thích và áp dụng các quy định về nội dung của điều ước quốc tế do các cơ quan xét xử quốc tế thực hiện và quan điểm, cách hiểu của các nước đối với các quy định này. Đây là vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ đối với Việt Nam vì lý do chưa nhận thức hết về tầm quan trọng, cũng như vì khả năng thực tế không đáp ứng nổi.   

4.2. Khung pháp luật liên quan đến điều ước quốc tế

4.2.1. Pháp luật về ban hành VBQPPL trong nước

Về tính quy phạm của yêu cầu đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế,  Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã sửa đổi điều khoản liên quan đến mối quan hệ giữa VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế theo hướng tăng tính quy phạm của yêu cầu này. Cụ thể, nếu như Luật 2002 chỉ yêu cầu “tính đến” điều ước quốc tế trong quá trình soạn thảo ban hành pháp luật trong nước, một quy phạm gần như chỉ mang tính tùy nghi, thì Luật 2008 tại Điều 3(5) về nguyên tắc xây dựng VBQPPL trong nước có yêu cầu "không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”; Điều 36(3c) về thẩm định văn bản có yêu cầu đảm bảo tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan của Việt Nam. Đây là một bước tiến mới so với quy định trước đây trong Luật Ban hành VBQPPL 2002.[73] Về cơ bản, việc thực hiện tốt quy định này sẽ là đóng góp quan trọng đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề chưa được xử lý rõ ràng trong Luật 2008 là vị trí và giá trị pháp lý của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp. Thực tế cho thấy không phải lúc nào ý kiến  thẩm định có cơ sở của Bộ Tư pháp cũng được cơ quan soạn thảo tiếp thu thoả đáng, mà hệ quả của việc không tiếp thu đó thì lại chưa được Luật xử lý. Ngoài ra, chúng ta đều biết là Luật Ban hành VBQPPL mới chỉ dừng lại ở giai đoạn ban hành văn bản. Hy vọng là khi Nghị định mới thay thế Nghị định 62 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn Bộ Tư pháp được ban hành với việc giao Bộ Tư pháp theo dõi chung công tác thi hành pháp luật thì sẽ có đủ cơ sở để cân nhắc việc ban hành một văn bản mới hoặc tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Ban hành VBQPPL 2008 hiện hành để bao trùm cả nội dung thi hành pháp luật - một giai đoạn không kém phần quan trọng đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật, trong đó có cả điều ước quốc tế.       

4.2.2. Pháp luật điều ước quốc tế

Bộ Tư pháp đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào quá trình đàm phán các điều ước quốc tế, điển hình là trong lĩnh vực thương mại với Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định WTO; các lĩnh vực khác như hình sự quốc tế, chống khủng bố. Trong quá trình đàm phán như vậy, Bộ Tư pháp tham gia với vai trò là cơ quan phụ trách về mảng pháp luật trong nước, đề xuất ngay trong giai đoạn đàm phán những sửa đổi bổ sung pháp luật trong nước cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam giữa các ĐƯQT và pháp luật trong nước, tránh tình trạng cam kết “lệch pha” với những gì quy định trong pháp luật quốc gia, và cuối cùng là đảm bảo khả năng thực thi điều ước quốc tế sau khi ký kết. Cần lưu ý là trong khá nhiều trường hợp về thương mại, một số cam kết lúc đầu mang tính chất cá biệt sau này đã trở thành nghĩa vụ chung, đòi hỏi phải ban hành  VBQPPL có tính chất áp dụng chung; tức là những nghĩa vụ cá biệt đã trở thành nghĩa vụ chung. Đây là vấn đề mà Bộ Tư pháp, hơn ai hết có khả năng phát hiện và đề xuất xử lý. Tuy nhiên, thực tế của công tác ĐƯQT về thương mại nói riêng và một số lĩnh vực khác trong thời gian qua cho thấy vai trò của Bộ Tư pháp đối với quá trình đàm phán điều ước quốc tế còn khá hạn chế. Chỉ đối với những ĐƯQT có tác động lớn tới thể chế pháp luật của Việt Nam thì mới có sự tham gia của Bộ Tư pháp. Việc các bộ, ngành, đàm phán hiệp định mời Bộ Tư pháp chủ yếu vẫn mang tính tuỳ nghi hơn là theo quy định bắt buộc của pháp luật. Với vai trò giúp Chính phủ trong các vấn đề về pháp luật, vì vậy việc tham gia của Bộ Tư pháp vào các hoạt động đàm phán ĐƯQT cần phải được nhận thức đúng đắn. Báo cáo cũng đã trình bày cụ thể về vai trò Bộ Tư pháp trong việc rà soát VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế để thực hiện các điều ước quốc tế thông qua việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL. Tuy nhiên, cả chức năng tham gia đàm phán điều ước quốc tế cũng như rà soát văn bản trước và sau khi ký kết điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp hiện chưa dươợcquy định trong Luật Điều ước quốc tế 2005. Đaâ là vấn đề cần xem xét trong quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật về điều ước quốc tế.   

Một vấn đề có tính chất kỹ thuật là, thực tiễn công tác ĐƯQT trong lĩnh vực thương mại cho thấy có hàng loạt các ĐƯQT về cùng lĩnh vực những chưa có sự thống nhất chung, bên cạnh đó, các Bộ, ngành nhiều khi còn rất lúng túng trong việc soạn thảo các ĐƯQT. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và có những mẫu ĐƯQT, đặc biệt là những ĐƯQT mẫu đối với những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tiến hành ký kết hàng loạt ĐƯQT song phương với các nước. Chẳng hạn đối với các điều ước quốc tế song phương về thương mại, hợp tác kinh tế, khuyến khich và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng.

4.2.3. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế và vấn đề xử lý trách nhiệm quốc gia (Nhà nước)

Nếu như Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 1998 điều chỉnh cả các ĐƯQT nhân danh Nhà nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, bộ, cơ quan ngang bộ thì hiện tại các đối tượng này được tách ra điều chỉnh trong hai văn bản khác nhau là Luật Điều ước quốc tế 2005 và Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế 2007. Về mặt hình thức, định nghĩa ĐƯQT tại Điều 2 Luật 2005 phù hợp với định nghĩa tại Điều 2 của Công ước Viên 1969.[74] Tuy nhiên, cần lưu ý là Công ước Viên 1969 không quy định cụ thể, hay nói đúng hơn là không cụ thể đến mức xác định thế nào là ĐƯQT được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ (như theo Luật 2005 của Việt Nam), hoặc bộ, ngành, tỉnh (như theo Pháp lệnh 2007 của Việt Nam), mà chỉ quy định là Công ước Viên không làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của các thoả thuận; đồng thời Công ước cũng cho phép áp dụng, nếu phù hợp, quy định của Công ước đối với các thoả thuận quốc tế (Điều 3). Luật 2005 hiện hành của Việt Nam lấy một số tiêu chí về hình thức (cấp ký kết như Chủ tịch nước, chẳng hạn) cũng như nội dung để xác định thế nào là ĐƯQT thuộc một loại, và dùng phương pháp loại trừ để xác định loại kia. Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế điều chỉnh các văn bản cũng mang tính chất quốc tế hoặc có yếu tố quốc tế nhưng được ký kết với danh nghĩa Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có hướng định nghĩa thoả thuận theo cấp ký nhân danh và loại trừ các nội dung thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế, còn lại là thoả thuận; thoả thuận quốc tế không được làm phát sinh hoặc làm ảnh hưởng đến cam kết quốc tế của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Việc phân loại các văn bản pháp lý quốc tế thành ĐƯQT và TTQT có nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, tác nghiệp, tăng cường tính tự chủ của Bộ, ngành trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên có vấn đề phát sinh là giá trị pháp lý của các thoả thuận này xét từ quan điểm của phía nước ngoài và sự thống nhất của các thoả thuận với quy định của pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Cần chú ý là theo Bộ Ngoại giao thì một trong những bất cập của Pháp lệnh 1998 là đánh đồng thoả thuận quốc tế nhân danh Bộ, ngành với điều ước quốc tế nên có khả năng bên nước ngoài có thể viện dẫn thoả thuận để kiện Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam. Phân loại công cụ pháp luật quốc tế trên cơ sở đánh giá nghĩa vụ quốc tế phát sinh đối với quốc gia là vấn đề nhạy cảm, cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh của yêu cầu đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật quốc tế và quốc gia. Quan điểm cho rằng nhiều nước không coi thoả thuận quốc tế nhân danh Bộ, ngành là ĐƯQT nên không phát sinh cam kết, nghĩa vụ của Nhà nước, Chính phủ của họ[75] là vấn đề cần cân nhắc thêm.

Có thể nói, việc phân loại công cụ pháp luật quốc tế trên cơ sở đánh giá nghĩa vụ quốc tế phát sinh đối với quốc gia là vấn đề nhạy cảm cả về mặt lý luận và thực tiễn nên chúng ta phải hết sức thận trọng trong suy luận, nhất là trong bối cảnh của yêu cầu đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật quốc tế, quốc gia trong quá trình hội nhập. Trở lại vấn đề của Việt Nam được bàn ở trên. Câu hỏi đặt ra là liệu các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có thể đảm bảo để các thoả thuận mà mình ký không mâu thuẫn với điều ước của Việt Nam cũng như không mâu thuẫn với quy định trong nước hay không? Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu chúng ta cho rằng cho phép các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký thoả thuận quốc tế độc lập sẽ tránh được nghĩa vụ pháp lý quốc gia cho Nhà nước trung ương của Việt Nam trong trường hợp có vi phạm. Cần lưu ý, đây vẫn là các cơ quan Nhà nước, và nhân danh cơ quan công quyền của Việt Nam để ký các thoả thuận quốc tế, không phải là công ty ký các hợp đồng và chịu trách nhiệm về tài sản đối với các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng trong phần tài sản của công ty.    

Như vậy, vấn đề đặt ra là trong quá trình thực hiện Luật Điều ước quốc tế 2005 và Pháp lệnh Thoả thuận quốc tế 2007, cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý vấn đề rất có thể xảy ra là việc vi phạm thoả thuận quốc tế của bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh, thành phố, mặc dù có thể không gọi là “trách nhiệm quốc gia: nhưng trên thực tế Nhà nuớc (thông qua các cơ quan của mình là bộ, ngành, hoặc chính quyền cấp dưới như tỉnh thành) vẫn là người thực tế phải chịu hậu quả. Trường hợp như vậy thì rõ ràng phải có những quy định khắt khe, chặt chẽ hơn đối với việc ký kết, thực hiện các thoả thuận quốc tế có làm phát sinh nghĩa vụ. 

 4.2.4.  Nghiên cứu khả năng giao Bộ Tư pháp một số chức năng hậu kiểm ĐƯQT

Một trong những vấn đề cần tiếp tục thảo luận là khả năng giao Bộ Tư pháp một số công việc hậu kiểm ĐƯQT. Về mặt lô gích hình thức, có thực tế là pháp luật hiện hành đã giao Bộ Tư pháp thẩm định điều ước quốc tế thì để đảm bảo tính liên tục trong quá trình ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, nên chăng quy định luôn Bộ Tư pháp thực hiện việc hậu kiểm điều uớc, vì như vậy Bộ Tư pháp sẽ nắm được cả quá trình điều uớc từ đầu đến cuối. Ngoài ra, tuy hiện nay Bộ Ngoại giao được giao một số việc có tín chất hậu kiểm như kiểm tra, tổng kết, nhưng trên thực tế Bộ Ngoại giao có thể không có đủ khả năng chuyên sâu về pháp luật như Bộ Tư pháp để làm công tác hậu kiểm. Ngoài ra, cũng có câu hỏi đăặtra cho rằng tại sao đối với pháp luật trong nước thì giao Bộ Tư pháp cả tiền kiểm và hậu kiểm mà đối với điều ước quốc tế thì lại không như vậy.       

4.3. Năng lực và tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp

4.3.1. Năng lực thẩm định

 

Thẩm định VBQPPL trong  nước và điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Việc thẩm định VBQPPL trong nước nhằm không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam và đảm bảo sự tương thích giữa hai hệ thống pháp luật sẽ giúp phát hiện những điều khoản mâu thuẫn của văn bản trong nước với điều ước quốc tế nhằm loại bỏ các điều khoản mâu thuẫn này. Việc thẩm định ĐƯQT tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phát hiện ra những điều mâu thuẫn của ĐƯQT so với VBQPPL trong nước nhằm đưa ra giải pháp khắc phục trình cơ quan có thẩm quyền trong nước quyết định. Cơ quan có thẩm quyền trong nước có thể quyết định ký kết một ĐƯQT có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL trong nước. Nhưng để thực hiện điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong pháp luật trong nước thì cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành VBQPPL trong nước cho phù hợp sau khi ĐƯQT có hiệu lực hoặc áp dụng các biện pháp hành chính hoặc các biện pháp khác để thực hiện ĐƯQT mà không cần phải ban hành VBQPPL hoặc áp dụng trực tiếp các quy định của điều ước quốc tế mà không cần chuyển hoá vào pháp luật trong nước. Như vậy, mặc dù có thể khác nhau và được quy định tại các đạo luật khác nhau, quy trình thẩm định các dự thảo VBPL trong nước và ĐƯQT có cùng bản chất và chức năng là rà soát lại để đảm bảo sự tương thích của các văn bản khi được ban hành.

Đạo lý của cái chung là như vậy, nhưng đảm bảo thẩm định có chất lượng thực tế không phải là vấn đề đơn giản. Tìm hiểu nội dung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong lĩnh vực mà VBQPPL sẽ được soạn thảo là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng thẩm định. Các điều ước này cần được nghiên cứu trong một thể thống nhất, đồng bộ và theo chiều sâu thì mới có thể phát hiện được mâu thuẫn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nội dung các điều ước quốc tế là vấn đề khá nan giải đối với không ít cơ quan soạn thảo VBQPPL và với bản thân Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định.

Một trong những thách thức lớn đặt ra đối với Bộ Tư pháp, trước hết thuần tuý liên quan đến ĐƯQT nói chung,  là phải có đủ thông tin về điều ước, trong đó có quy định thực định và thực tiễn áp dụng, và năng lực xử lý các thông tin đó trong bối cảnh chung của pháp luật trong nước của Việt Nam. Ở đây có đòi hỏi kép, đó là cùng lúc phải hiểu biết cả pháp luật quốc tế và trong nước. Tăng cường năng lực thẩm định VBPL trong nước và điều ước quốc tế của cán bộ Bộ Tư pháp, vì lẽ đó là việc cần đuợc đặc biệt quan tâm. Trước mắt, cần nâng tầm hiệu lực pháp lý của văn bản quy định về thẩm định ĐƯQT: trong khi quy trình thẩm định VBQPPL trong nước được quy định ở một văn bản cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) thì quy trình thẩm định điều ước quốc tế lại chỉ được quy định ở một Quyết định của Bộ trưởng (Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế). Cần thiết phải nâng cấp Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP lên ít nhất ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4.3.2.  Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và chất lượng công tác điều ước quốc tế 

Theo Nghị định 62 thì Bộ Tư pháp có 24 đơn vị, còn theo Nghị định 93 thì có 28 đơn vị, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Trong số các đơn vị này, đáng chú ý là các đơn vị xây dựng pháp luật, trong đó có công tác góp ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản pháp luật (cả trong nước và quốc tế) và kiểm tra văn bản. Chức năng nhiệm vụ các đơn vị chính có liên quan đến vấn đề này như sau (ở đây chưa đề cập đến Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật vì chưa có thực tiễn hoạt động):            

Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế được phân công để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực vực quản lý nhà nước của Bộ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt; chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định TTTP và các ĐƯQT khác thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các VBQPPL và ĐƯQT thuộc lĩnh vực được phân công; chủ trì, hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định, góp ý kiến đối với dự thảo các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế.[76]

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính chủ trì hoặc tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao; thẩm định, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao;  Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực p háp luật hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy thuộc phạm vi chức năng của Vụ.[77]

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tổng hợp và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dài hạn và hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để Bộ trưởng trình Chính phủ; giúp Bộ trưởng theo dõi và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện chương trình đó sau khi đã được quyết định; chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; thẩm định, tham gia thẩm định, tham gia góp ý các Dự án, Dự thảo VBQPPL về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; rà soát, hệ thống hoá VBQPPL liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế;[78]

Cục Kiểm tra văn bản thực hiện kiểm tra VBQPPL do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ Tư pháp; kiểm tra VBQPPL do Bộ Tư pháp ban hành; thực hiện rà soát, hệ thống hoá VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng. [79] Hiện nay mảng kiểm tra điều ước quốc tế còn để ngỏ.

Từ quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị nêu trên cũng như thực tế của Bộ Tư pháp, có thể thấy nếu tính theo lĩnh vực phụ trách có liên quan đến xây dựng pháp luât (trừ Pháp luật quốc tế) thì hiện đang phân bổ theo cách bổ chiều ngang, và trong các lĩnh vực cơ bản như pháp luật hình sự hành chính, dân sự kinh tế trừ Pháp luật quốc tế thì chỉ bao quát pháp luật trong nước. Quy chế thẩm định ĐƯQT hiện tại quy định Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định điều ước quốc tế; trường hợp cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời các Bộ, ngành liên quan; Vụ Pháp luật quốc tế chịu trách nhiệm chính; các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các chuyên gia được mời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm việc phối hợp, hỗ trợ Vụ Pháp luật quốc tế thẩm định theo quy định.[80] Quy chế thẩm định văn bản pháp luật trong nước hiệu tại quy định việc tổ chức nghiên cứu dự án, dự thảo phục vụ cho hoạt động thẩm định được phân công cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo nguyên tắc chuyên ngành hoặc lĩnh vực pháp luật mà đơn vị được giao quản lý, theo dõi; người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định tổ chức cuộc họp thẩm định tại đơn vị mình; khi xét thấy cần thiết, người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp thẩm định bằng văn bản hoặc tổ chức cuộc họp thẩm định dự án, dự thảo.[81]

Xét về khía cạnh thực hiện công tác ĐƯQT, việc tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo chuyên ngành luật như hiện nay với một Vụ chức năng chuyên về pháp luật quốc tế có điểm thuận lợi là có điều kiện chuyên sâu được vào một số lĩnh vực đặc thù và phức tạp của pháp luật quốc tế mà chỉ những người được đạo tạo cơ bản về pháp luật quốc tế mới nắm vững được. Tuy nhiên có điểm bất thuận lợi là hiện có sự cắt khúc nhất định giữa các văn bản quốc tế và trong nước trong khi đó có chiều hướng ngày càng tăng sự gắn kết giữa văn bản trong nước và quốc tế. Trong lịch sử phát triển của pháp luật quốc tế đã có nhiều thay đổi đáng lưu ý trong thời gian gần đây. Trước thời kỳ toàn cầu hoá và liên kết kinh tế mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, luật công pháp quốc tế khá thịnh hành, xử lý mối quan hệ ở tầm quốc gia như không can thiệp nội bộ, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ - những vấn đề tương đối độc lập với lĩnh vực, đối tượng điều chỉnh của pháp luật trong nước.  Ngày nay, công pháp quốc tế không còn ở xu thế độc lập nhiều như trước nữa. Tư pháp quốc tế ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Phần nhiều các văn bản, hiệp định quốc tế, chẳng hạn như trong lĩnh vực hình sự, thương mại đều liên quan chặt chẽ đến pháp luật trong nước và phải nắm rất vững pháp luật trong nước thì mới thẩm định được. Trong bối cảnh như vậy thì sự bóc tách về chức năng giữa các Vụ như hiện nay là có một số bất cập nhất định nhất là trong việc hiểu, áp dụng các quy định có liên quan theo lôgích xuyên suốt từ trong nước ra quốc tế và ngược lại. Thực tiễn phân công công việc trong Bộ Tư pháp cho thấy đã bắt đầu có sự lúng túng không biết phân một văn bản cho đơn vị nào, Vụ Pháp luật Hình sự hành chính hay Vụ Pháp luật quốc tế. Chẳng hạn, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; các công ước quốc tế về chống khủng bố, tương trợ tư pháp về hình sự, chống tham nhũng, về mặt danh nghĩa là những công ước quốc tế nên thuộc thẩm quyền tham gia đàm phán, thẩm định, góp ý kiến của Vụ Pháp luật quốc tế, nhưng trên thực tế thì nội dung của các công ước này lại thuộc chuyên môn của Vụ Pháp luật Hình sự hành chính. Tứơng tự như vậy, nhiều công ước, hiệp định quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại môi trường do Vụ Pháp luật quốc tế thẩm định có nội dung liên quan chặt chẽ và thậm chí không thể tách rời các quy định pháp luật dân sự kinh tế thương mại trong nước vốn thuộc nhiệm vụ của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế.   

Như trên đã nói, Nghị định 93 thay thế Nghị định 62 đã được ban hành. Về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo Nghị định mới, phần liên quan đến vai trò điều ước quốc tế của Bộ về cơ bản chưa có sự thay đổi lớn ngoài việc chuẩn hóa các chức năng nhiệm vụ cũ của Bộ theo Nghị định 62 và quy định thêm một số chức năng của Bộ Tư pháp cũng như thành lập thêm một số đơn vị mới. Trong quá trình thực hiện cải cách pháp luật, tư pháp và tiếp tục hội nhập sâu hơn vào đời sống quốc tế, chắc chắn chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp sẽ cần phải tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng thực tế đang phát triển rất nhanh chóng, trong đó có công tác điều ước quốc tế.  Về lâu dài, nghiên cứu việc tổ chức lại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nói chung theo mô hình một đơn vị có thể theo dõi được cả mảng pháp luật trong nước và quốc tế, tránh tình trạng cắt khúc theo chiều ngang như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành luật ngày càng có xu hướng đan cài liên hệ chặt chẽ với nhau hơn. Tổ chức các đơn vị có liên quan trong theo mô hình một đơn vị có thể theo dõi được cả mảng pháp luật trong nước và quốc tế, tránh tình trạng cắt khúc theo chiều ngang như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành luật ngày càng có xu hướng đan cài liên hệ chặt chẽ với nhau, thiết nghĩ sẽ là một mô hình lý tưởng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

I. Văn bản pháp luật:

1.                   "Chương trình hành động giai đoạn 2006-2010 của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", ban hành kèm theo Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2.                   Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 (....)

3.                   Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (...)

4.                   Đạo luật 1994 (Hoa Kỳ), 19 U.S.C., mục 3512. 

5.                   Đạo luật 1994 (Hoa Kỳ), 19 U.S.C. mục 3512(b)(1).

6.                   Đạo luật về Thương mại và thuế quan 1984 (Hoa Kỳ), 19 U.S.C. mục 2114(c)20)(A). 

7.                   Hiến pháp Nước CHXHCN VIệt Nam năm 1992

8.                   Hiến pháp Cộng hoà Nam Phi, Chương 14, Điều 233.

9.                   Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 4/07/1960

10.               Luật Tổ chức Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam ngày 25/12/2001

11.               Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 (ban hành 14/06/2005, có hiệu lực thi hành từ  01/01/2006)

12.               Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/6/2009 

13.               Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2002 .      

14.               Luật tổ chức Quốc hội, sửa đổi ngày 27/4/2007 (Điều 27)

15.               Nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20/02/2002 của Chính phủ về Ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước CHXHCN Việt Nam.

16.               Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/3/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao

 

17.               Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 của Chính phủ về tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp

18.               Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hơp tác với nước ngoài về pháp luật 

19.               Nghị định 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật

20.               Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư  pháp.

21.               Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA.

22.               Nghị quyết của Chính phủ số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

23.               Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

24.               Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp, Trang Web của Bộ Tư pháp (Giới thiệu về BTP - Lịch sử hình thành và phát triển).

25.               Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003

26.               Nghị quyết của Chính phủ số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

27.               Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11, ban hành 20/4/2007

28.               Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam ngày 17/10/1989

29.               Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  ngày 05/8/2003 thành lập Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp

30.               Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế Ban hành kèm theo Quyết định số: 348/QĐ-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

31.               Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật hình sự hành chính Ban hành kèm theo Quyết định số 1435/QĐ-BTP ngày 22 /7 /2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

32.               Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số: 347 /QĐ- BTP ngày 16/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

33.               Quyết định số 336/2003/QĐ-BTP ngày 05/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Kiểm tra VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp. 

34.               Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/07/2006 của Bộ trưởng Tư pháp ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế. 

35.               Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg  ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

36.               Thông tư số 04/2005/TT-VPCP ngày 21/3/2005 của Văn phòng Chính phủ.   

II. Thư, bài phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước:

1.         Trần Đức Lương, "Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2002", trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 243-4.  

2.         Phan Văn Khải, "Ngành Tư pháp tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới" - Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Tư pháp năm 1998, Hà Nội, 01-05/02/1999, trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005, 

3.         Võ Văn Kiệt, Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ VI năm 1987", Hà Nội, ngày 25/3/1988, trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005.   

III. Báo cáo:

1.         Bộ Tư pháp, Báo cáo về Kết quả rà soát, đối chiếu Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (12/7/2001).

2.         Bộ Tư pháp, Báo cáo về kết quả rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam

3.         Bộ Ngoại giao, Báo cáo Tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế” trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, Hà Nội, 12/12/2005. 

4.         Cơ quan phúc thẩm WTO, Báo cáo về các biện pháp của Cộng đồng châu Âu liên quan đến thịt và sản phẩm thịt (hoóc môn), WT/DS48/AB/R (ra ngày 16/01/1998, thông qua ngày 13/02/1998).

5.         Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết công tác hoạt động năm 2003-2007.

6.         Schwebel, S. M., Third Report on the Non-Navigational Uses of International Waters, UN Doc. A/CN.4/348.

IV. Sách, các bài nghiên cứu:

1.         Bhala Raj., Luật Thương mại quốc tế: Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Bản tiếng Việt), NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005. 

2.         Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.  

3.         Nguyễn Công Khanh, Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài - Luận án tiến sỹ luật học bảo vệ tại Trường ĐHL Hà Nội (2005).

4.         Lê Thành Long (Chủ biên) Kỷ yếu Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 6 và Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 10, NXB Tư pháp, Ha Nội, 2006.

5.         Nguyễn Đình Lộc (Chủ biên) Từ điển luật học NXB Tư pháp, 2006).

6.         Rogoff, M.  “Interpretation of International Agreements by Domestic Courts and the Politics of International Treaty Relations: Reflections of Some Recent Decisions of the United States Supreme Courts”, 11 Am. U. J. Int’l. L. & Pol’y 559 (1996). 

7.         Nguyễn Thị Thuận, "Những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Nhà nước và Pháp luật 4(216) (2006), tr. 70 et seq.   

8.         Tiunov, O. “Concepts and Features of International Law: Its Relation to Norms of the National Law of the State”, 38 St. Louis L.J. 915 (Summer, 1994).  

9.         Bùi Ngọc Toàn, "Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật 4(216) 2006.

10.     Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), Pháp luật Tương trợ tư pháp quốc tế, NXB. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

11.     Yuko Kaneko Government Reform in Japan (July 1999).

V. Điều ước quốc tế:

1.         Các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma tuý 1961, 1971, 1988. 

2.         Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia 15/11/2000.

3.         Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế 23/5/1969.

4.         Công ước New York về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nứoc ngoài 1958

5.         Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Ba Lan (22/3/1993).

6.         Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Bê-la-rút (14/9/2000).

7.         Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Bun-ga-ri (03/10/1986).

8.         Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - CHDCND Triều Tiên (04/5/2002).

9.         Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Cu Ba (30/11/1984).

10.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Hung-ga-ri (18/01/1985).

11.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - CHDCND Lào (06/7/1998).

12.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Liên Xô cũ (10/12/1981).

13.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam -  Mông Cổ (17/4/2000).

14.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Nga (25/8/1998).

15.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - CH Pháp (24/02/1999).

16.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Tiệp khắc (12/10/1982).

17.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Trung Quốc (19/10/1998).

18.     Hiệp định Tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Ucraina (16/4/2000).

19.     Hiệp định tương trợ tư pháp/pháp lý Việt Nam - Hàn Quốc (15/9/2003).

20.     Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.

VI. Bài báo, Trang thông tin điện tử:

1.         Bộ Tư pháp: http://vbqppl4.moj.gov.vn/law/vi/list_documents?lug=1

2.         Bộ Ngoại giao http://www.mofa.gov.vn/vi/ct_lanhsu/nr040819100726/ .

3.         Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: http://www.agroviet.gov.vn/portal/page?_pageid=35,280939&_dad=portal&_schema=PORTAL

4.         Bộ Kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn/lawpage.aspx?Lang=4

5.         “Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp về công việc ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam”, Báo Nhân dân 10-4-2003.

6.         Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/vanban_pq/nr050714151044/ns051205120038

7.         Alfred’s Case (1611) recited from  E. Brubaker, Property Rights in the Defense of Nature (1995), 

 


BỘ TƯ PHÁP

 

 

 

 

 

 

TẬP BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

ĐỀ TÀI

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG VIỆC KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

 

 

 

Chủ nhiệm: TS.  Lê Thành Long

Thư ký:            ThS. Trần Tiến Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội, 2008

 

 

DANH MỤC CÁC BÀI VIẾT

 

STT

Tên chuyên đề

Tên tác giả

1            

Một số nét khái quát về Bộ Tư pháp với chức năng điều ước quốc tế

TS. Lê Thành Long

2            

Pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế và vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

CN. Hoa Hữu Long

3            

Công bố, đăng tải điều ước quốc tế

Ths. Nguyễn Minh Phương

4            

Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm các điều ước quốc tế

TS. Nguyễn Thị Thuận

5            

Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA

CN. Nguyễn Huy Ngát

6            

Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi

TS. Vũ Đức Long

7            

Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các hiệp định về thương mại

Ths. Bạch Quốc An

8            

Vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về quyền con người

Ths. Trần Hải Yến

9            

Rà soát đánh giá việc tham gia của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế từ năm 1980 đến nay

Phòng Lưu trữ,
Văn phòng Bộ Tư pháp

10         

Đánh giá việc tham gia của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế từ năm 1980 đến nay

CN. Vương Toàn Thắng

11         

Tổng hợp phiếu khảo sát nghiên cứu, đề xuất nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế

 

12         

Bộ Tư pháp với chức năng điều ước quốc tế tại một số nước trên thế giới

Ths. Đặng Trung Hà

 

MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT VỀ BỘ TƯ PHÁP
VỚI CHỨC NĂNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

TS. Lê Thành Long

 

1. MỞ ĐẦU

Về lý luận liên quan việc giao Bộ Tư pháp làm công tác điều ước quốc tế không nhiều vấn đề phải bàn. Điều này có lý do của nó. Xét khách quan và tổng thể, quá trình tham gia vào đời sống quốc tế của Việt Nam theo đúng nghĩa thực thụ là chưa có bề dày. Trong bối cảnh chung của đất nước như vậy, thì bất cứ một cơ quan nào, chứ không chỉ đơn thuần là Bộ Tư pháp - một thiết chế thành lập rồi giải thể, rồi lại thành lập lại - đều khó có thể có bề dày kinh nghiệm đến mức nâng lên thành lý luận. Còn chưa nói về chủ quan, việc giao nhiệm vụ cho cơ quan nào thực hiện một việc công cụ thể nào đó còn tuỳ thuộc định hướng phát triển và thiết kế bộ máy ở mỗi quốc gia. 

Khác với vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô nhất - như tam quyền phân lập, chức năng của hệ các cơ quan quyền lực, hay vấn đề công tố, độc lập của toà án - những việc vốn được bàn nhiều đến thành nề nếp xưa nay ở thế giới văn minh nên có nhiều lý luận, Bộ Tư pháp chỉ là cấu thành của một trong khối các cơ quan lớn. Ngoài ra, do là cơ quan thuộc Chính phủ, nên vai trò của Bộ Tư pháp bao giờ cũng ẩn trong chức năng tổng thể của Bộ máy hành pháp. Ở một số nước, như Canada chẳng hạn, người ta không quá quan tâm vấn đề một bộ ngành cụ thể nào đó quản lý một lĩnh vực, mà chỉ nói Chính phủ với tư cách là Cơ quan hành pháp thực hiện việc quản trị quốc gia.       

Đấy là chưa nói đến hệ thống thiết chế ở mỗi nước với những đặc thù: vừa gắn với bản chất chính trị và hệ tư tưởng của chế độ, và kèm theo đó là một hệ thống các thiết chế, bộ máy được thiết kế phù hợp chức năng đặc thù của nhà nước được quyết định bởi chức năng của hệ thống chính trị nói riêng; lại vừa gắn với truyền thống văn hóa và ý thức về pháp luật nên tổ chức các cơ quan quyền lực nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng không thể không mang dấu ấn đặc thù. Từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp để phục vụ yêu cầu đổi mới chung của đất nước; nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng thiết kết bộ máy của chúng ta vẫn chưa vượt qua ngưỡng đăc thù, nên dung hoà sao đây giữa đặc thù và giá trị chung đã được công nhận là việc vẫn phải tiếp tục đầu tư.  

Số phận Bộ Tư pháp Việt Nam cũng thăng trầm như cuộc sống của một đất nước mà trong một thời gian dài phải mò mẫm tìm đường đi lối lại để khẳng định chính mình. Có khúc mở đầu đáng lưu ý, đáng mừng là vai trò của Bộ trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nước, và mới đây là kiểm tra VBQPPL trong nước đã được khẳng định thành luật. Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta nhất trí là VBQPPL trong nước, hay nói rộng hơn là hệ thống pháp luật quốc gia, và VBQPPL quốc tế được coi là một khối thống nhất, thì trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá có vẻ khá hợp lý khi giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm cả phần pháp luật trong nước và điều ước quốc tế với tư cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật nói chung. 

Với nhận thức và giả định nêu trên làm cơ sở, Bài viết đề cập một số vấn đề chung liên quan việc Bộ Tư pháp tham gia công tác điều ước quốc tế nhằm lý giải thêm vai trò hiện nay cũng như trong tương lai của Bộ trong lĩnh vực này. Ngoài Mở đầu (Phần 1) và một số đề xuất (Phần 4), Bài viết gồm hai phần chính. Phần 2 nêu chức năng nhiệm vụ trước đây cũng như hiện nay, kể cả phần chức năng điều ước quốc tế, của  Bộ Tư pháp để thấy rõ hơn lôgích nội tại của việc giao Bộ Tư pháp một số chức năng điều ước quốc tế. Trên cơ sở thông tin đầu vào trình bày tại Phần 2, Phần 3 lý giải tính hợp lý cũng như những vấn đề đặt ra trong công tác điều ước của Bộ Tư pháp, đề xuất một số giải pháp để Bộ  đảm nhiệm công tác này tốt hơn.                

2. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA BỘ TƯ PHÁP

2.1. Bộ Tư pháp trước Nghị định 62/2003/NĐ- CP

Bộ Tư pháp là một trong những bộ đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đươc thành lập sau 1945.  Lúc đó, Bộ được giao soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương mại, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các toà án, truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các phạt, quản trị nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức toà án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hộ giá viên, hộ tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài.[82]

Từ năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp;[83] các nhiệm vụ tư pháp đối nội của Bộ được chuyển cho Bộ Công an, Toà án tối cao và Viện Kiểm sát tối cao (Toà và Viện được thành lập mới). Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ (VPCP sau này) được thành lập theo Nghị định số 504- TTg ngày 26/10/1957 đảm nhận việc giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính. Uỷ ban pháp chế được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 190/CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ chủ yếu tập trung vào xây dựng pháp luật, truyên truyền giáo dục pháp luật, quản lý một số tổ chức bổ trợ tư pháp, bồi dưỡng cán Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp được tái thành lập năm 1981 theo Nghị định 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định, Bộ được giao các nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng các dự án pháp luật, xây dựng hoặc tham gia với các ngành xây dựng các dự án pháp luật; hướng dẫn hệ thống hoá pháp luật; quản lý về mặt tổ chức các toà án địa phương; bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp; pháp chế ngành; tuyên truyền giáo dục pháp luật; nghiên cứu khoa học pháp lý; thực hiện hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý.

Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong giai đoạn đổi mới, Bộ được giao thêm nhiều việc mới, trong đó có việc thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ.   

Có thể nêu ba nhận xét từ phần mô tả trên đây. Một là, Bộ Tư pháp  có số phận thăng trầm qua các thời kỳ lịch sử, thành lập, giải thể, rồi thành lập lại. Hai là, Bộ Tư pháp chủ yếu làm tư pháp đối nội, nhưng ngày càng được giao nhiều việc hơn - có việc có cơ quan làm trước được chuyển sang, có việc mới trước chưa có thì được giao thêm. Cuối cùng,  đối ngoại thì chỉ được giao việc thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài.

2.2. Chức năng nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp

Nghị định 62/2003/NĐ- CP về tổ chức Bộ Tư pháp quy định 20 loại công việc khác nhau thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp; ngoài ra còn các nhiệm vụ chung quy định tại Nghị định 86/2002/NĐ- CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang bộ. Trong số 20 nhiệm vụ được liệt kê này, phần có liên quan nhiều hơn đến công tác điều ước quốc tế là thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước; rà soát VBQPPL; Kiểm tra VBQPPL; và phổ biến pháp luật (trong chừng mực có liên quan đến điều ước quốc tế). 

Thẩm định dự thảo VBQPPL trong nước

Hiện nay, theo Nghị định số 62/2003/NĐ- CP  thì Bộ Tư pháp được giao các nhiệm vụ xây dựng pháp luật vừa trực tiếp, vừa liên quan trực tiếp đến công tác điều ước quốc tế. Cụ thể, đó là vai trò xây dựng pháp luật nói chung, thẩm định điều ước quốc tế, các dự thảo VBQPPLvà kiểm tra văn bản. Chúng ta sẽ lần lượt đề cập sâu hơn đến các hoạt động nêu trên để thấy rõ hơn vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế. Vai trò thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong nước được giao cho Bộ Tư pháp tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 (Điều 29a).  Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để Chính phủ xem xét trước khi quyết định trình Quốc hội, UBTVQH. Nội dung thẩm định gồm những vấn đề như sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo; sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật; tính khả thi của văn bản; việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến thẩm định, chỉnh lý dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ. Trong trường hợp có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm định thì cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định 62 giao Bộ Tư pháp một việc mới là "Hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ." Ngay từ cuối những năm 1980 chúng ta đã nhận thức được là ở nước ta hiện nay, không những chúng ta đang quá chậm trễ trong việc nghiên cứu, ban hành pháp luật, pháp quy mới, mà còn hết sức chậm trễ trong việc rà soát lại hệ thống pháp luật, pháp quy hiện hành; vấn đề đặt ra là phải làm sao để nhân dân biết được những văn bản nào, quy định nào đã lỗi thời không còn hiệu lực thi  hành nữa, để mọi người yên tâm thi hành đúng các pháp luật, pháp quy đang có hiệu lực.[84] Năm 1998, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn khải cũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các văn bản pháp quy.[85] Ngày 28/5/1997, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ và giao Bộ Tư pháp phối hợp các ngành các cấp thực hiện công tác này; hàng ngàn VBPL đã được rà soát phân loại, bổ sung sửa đổi hoặc ban hành mới.

Đáng lưu ý là Bộ Tư pháp đã chủ trì rà soát các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam sau khi ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và trong quá trình đàm phán, gia nhập WTO của Việt Nam; đề xuất bổ sung, sửa đổi hàng loạt VBQPPL trong nước.[86] Tuy nhiên, phải nói rằng kết quả rà soát của chúng ta mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Nội dung rà soát chưa vượt khỏi tầm liệt kê một cách cơ học các quy định của pháp luật thực định vốn được coi là đơn giản và dễ tiếp cận nhất trong pháp luật quốc tế, còn các quy định đó được áp dụng, giải thích ra sao thì hầu như còn bỏ ngỏ.     

Kiểm tra văn bản

Một nhiệm vụ chung đáng chú ý nữa là công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: quản lý công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành về những nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước do Bộ phụ trách; giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ các văn bản trái pháp luật.

Phổ biến pháp luật

Từ trước đến nay, phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu tập trung vào các văn bản trong nước. Hiện tại, nội dung phổ biết các điều ước quốc tế đã và đang trở thành một yêu cầu quan trọng được khẳng định ở tầm chính trị cao nhất.[87]       

2.3. Bộ Tư pháp với chức năng điều ước quốc tế trực tiếp

Nghị định số 86/2002 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ có quy định liên quan đến về hợp tác quốc tế. Theo Điêù 6 Nghị định,  Bộ được giao nhiệm vụ đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh nhà nước, nhân danh chính phủ về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; tổ chức thực hiện các điều ước đó. Như vậy, về thẩm quyền liên quan đến điều ước quốc tế, Nghị định 86 chỉ giao cho bộ ngành công tác điều ước (cả đàm phán, ký kết gia nhập và thực hiện, cụ thể, trình Chính phủ về đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ về ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế đó; trình Chính phủ việc ký kết, gia nhập, phê duyệt  điều ước quốc tế) trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ ngành, tức là thẩm quyền chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên sâu.

Khác với các bộ ngành nói chung, Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền rộng hơn trong công tác điều ước; thẩm quyền này được quy định tại các văn bản như Luật điều ước quốc tế 2005; Nghị định 131 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA 2006; Nghị định 103 về quản lý hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật  - những quy định về công tác điều ước quốc tế chung vươn ra ngoài lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Tư pháp. Chẳng hạn, Nghị định 131 điều chỉnh vấn đề quản lý và sử dụng ODA, nhưng vẫn có quy định riêng về pháp luật và thẩm định điều ước về ODA do Bộ Tư pháp thực hiện.  Các điều từ 17- 21 của Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định nhiệm vụ thẩm định các điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp. Điểm khác của Luật 2005 so với Pháp lệnh 1998 đã được Luật thay thế là ở chỗ Luật quy định nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp đối với tất cả các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ.[88] Nội dung thẩm định gồm tính hợp hiến; mức độ tương  thích với các quy định của pháp luật Việt Nam; khả năng áp dụng trực tiếp hoặc một phần điều ước quốc tế; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện. Khi thẩm định, trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đề xuất kiến nghị biện pháp xử lý. Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế. [89]

3. BỘ TƯ PHÁP VỚI CÔNG TÁC ĐIỀU ƯỚC QUÔC TẾ:

TÍNH HỢP LÝ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.1. Vị trí, vai trò điều ước quốc tế được khẳng định trong

Chiến lược pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam, 02 Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Chiến lược pháp luật) và Chiến lược cải cách tư pháp (Chiến lược tư pháp) được thông qua trong các Nghị quyết 48 và 49 của Bộ chính trị. Nghiên cứu những nội dung cơ bản của 02 Chiến lược chúng ta thấy có sự chuyển biến về chất, thay đổi tư duy và nhận thức về yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và công tác điều ước quốc tế nói riêng. Về hệ thống các cơ quan quyền lực theo mô hình cải cách tư pháp cũng có thể nhận thấy sự chuyển biến về chất, ít nhất là trong định hướng xây dựng các cơ quan này.

Phần "Các giải pháp về xây dựng pháp luật" trong Chiến lược pháp luật yêu cầu đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật trong tổng thể công tác xây dựng pháp luật, như đẩy nhanh quá trình soạn thảo, ban hành luật và nâng cao chất lượng VBQPPL. Chiến lược cũng đặt ra nhiệm vụ xác định rõ cơ chế "nội luật hoá" các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục ký kết gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại (theo nghĩa rộng), môi trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế của Việt Nam. Tuy Chiến lược không nêu rõ nhưng có thể suy luận định hướng coi các điều ước quốc tế của Việt Nam là cánh tay nối dài của pháp luật trong nước, tiến tới trở cấu thành của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.  

Thách thức của Chiến lược cải cách tư pháp là đụng chạm đến thiết chế và tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế, một vấn đề nan giải kẻ cả đối với các nước tiên tiến trên thế giới. [90] Đáng lưu ý là sau khi đề cập chung đến việc thực hiện các điều ước quốc tế, Chiến lược yêu cầu tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà nhà nước ta đã tham dự. Tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống.

Có thể thấy mặc dù hai Chiến lược không trực tiếp khẳng định, đã dần thấy định hướng coi điều ước quốc tế là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp lý, đặc biệt là liên quan đến vấn đề hội nhập. Ngoài một số điều ước chuyên ngành, vấn đề chung liên quan đến  điều ước quốc tế nói chung, Chiến lược pháp luật có yêu cầu về "nội luật hoá"các điều ước quốc tế của Việt Nam. Ngoài ra, Chiến lược cải cách tư pháp nhấn mạnh yêu cầu thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do điểm nhấn của Chiến lược cải cách tư pháp là xây dựng thiết chế nên yêu cầu thực hiện tốt các điều ước quốc tế trong Chiến lược cũng chính là yêu cầu hoàn thiện thiết chế - hệ thống tổ chức và bộ máy của các cơ quan nhà nước để thực hiện các điều ước; đây chính là một điểm nhấn về nhận thức tầm quan trọng ngày càng tăng của các cơ quan tư pháp trong quá trình hội nhập và sự cần thiết phải làm hài hoà hoá các quy định pháp luật và mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua nghiên cứu các Văn kiện quan trọng này, chúng ta có thể thấy định hướng khá rõ của Bộ Chính trị trong việc từng bước xây dựng Bộ Tư pháp thành cơ quan đầu mối trong các hoạt động tư pháp, trong đó có công tác điều ước quốc tế. Bộ Tư pháp là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương và Ban thường trực thực hiện Chiến lược pháp luật (do UBTVQH chủ trì thực hiện). Bản thân Bộ Tư pháp cũng đã thông qua Chương trình hành động với mục tiêu đánh giá thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế liên quan tới công tác tư pháp mà Việt Nam tham gia, nhu cầu ký kết trong thời gian tới và tiến hành các hoạt động đàm phán ký kết.[91]

3.2. Hiện ở Việt Nam chưa có cơ quan pháp luật nào đảm nhiệm chức năng điều ước quốc tế chung

Để có cái nhìn tổng thể hơn về Bộ Tư pháp nói chung và vai trò của Bộ về điều ước quốc tế nói riêng, cần sơ bộ điểm lại chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan pháp luật chủ yếu của Việt Nam. Ngoài Bộ Tư pháp, ở cấp trung ương có các cơ quan pháp luật chủ yếu là các Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao.   

Uỷ ban Pháp luật Quốc hội thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các dự án luật, pháp lệnh; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách.[92]

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; thẩm tra các báo cáo của Chính phủ Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về các vấn đề thuộc chức năng của Uỷ ban; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách.[93]

Toà án nhân dân tối cao chủ yếu làm công tác xét xử, hướng dẫn xét xử, như hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án;  giám đốc việc xét xử của các Tòa án các cấp; giám đốc việc xét xử của Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác, trừ trường hợp có quy định khác khi thành lập các Tòa án đó; trình Quốc hội dự án luật và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật.[94]

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.[95] Như vậy, Viện Kiểm sát chủ yếu thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp.

Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến công tác đối ngoại của Nhà nước, trong đó có các điều ước quốc tế thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, như thiết lập quan hệ ngoại giao lãnh sự; chủ quyền lãnh thổ quốc gia.[96]

Bộ Ngoại giao trình Chính phủ việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế do Bộ phụ trách; tổ chức đàm phán với các nước và các tổ chức quốc tế; ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế theo ủy quyền của Chính phủ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp tổ chức việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức sao lục, lưu trữ, lưu chiểu và thống kê nhà nước về điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và e) hướng dẫn việc lưu trữ, sao lục các thoả thuận quốc tế; chỉ đạo thống kê các thoả thuận quốc tế đó.[97]

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo các vănbản quy phạm pháp luật về điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế như Luật Điều ước quốc tế 2005, Pháp lệnh thoả thuận quốc tế 2007. Xét từ khía cạnh đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật, thì Bộ Ngoại giao khó có thể thực hiện được vai trò điều phối do không trực tiếp xử lý các vấn đề pháp luật trong nước. Theo Luật Điều ước quốc tế 2005 thì Bộ Bộ Ngoại giao thực hiện một số chức năng thuộc giai đoạn tiền ký kết; cụ thể là việc kiểm tra của Bộ Ngoại giao (Điều 10 khoản 1(b)(d)) trong đó có nội dung đánh giá sự phù hợp với pháp luật quốc tế nói chung; và sự phù hợp với điều ước quốc tế về cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên. Mục đích kiểm tra là đảm bảo sự thống nhất nội tại giữa các VBQPPL quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

3.3. Do pháp luật quốc gia và quốc tế là những bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật nên việc giao Bộ Tư pháp thẩm định cả VBQPPL trong nước và quốc tế sẽ đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật trong nước và quốc tế

Sự gắn kết giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế

Luật Điều ước quốc tế 2005 giao thẩm quyền rộng cho Bộ Tư pháp trong việc thẩm định dự thảo các điều ước quốc tế trước khi trình các cơ quan thẩm quyền thông qua. Xét về lô gích nội tại, nếu dần dần coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia, thì việc giao Bộ Tư pháp thực hiện thẩm định cả hai loại văn bản là hợp lý, đảm bảo tính liên tục và thống nhất của cả hệ thống pháp luật. Có thể nêu ba lý do sau để hiểu rõ hơn về sự gắn kết nội tại của VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế.     

Thứ nhất, theo quan điểm truyền thống về bản chất của pháp luật và quá trình hình thành các VBQPPL thì cả trong pháp luật quốc gia và quốc tế đều có sự thể hiện ý chí của nhà nước trong quá trình xây dựng, thông qua quy phạm; tức là, tuy có sự khác nhau trong cách thể hiện, ở cả hai hệ thống đều có sự hiển thị ý chí của cơ quan quyền lực.[98] Dưới góc độ pháp luật quốc tế, chỉ có những công cụ quốc tế mà quốc gia chấp thuận thì mới có gía trị ràng buộc đối với quốc gia đó. Trước khi quyết định ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong điều kiện bình thường, các quốc gia thường có sự chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ được pháp luật quốc gia quy định. Loại bỏ những lý do mang tính chất chính trị, chủ quan, có thể nói các quốc gia coi nghĩa vụ mà mình sẽ cam kết với các quốc gia khác là một vấn đề hệ trọng với nhận thức là sự thống nhất của các quy định điều ước với VBQPPL là điều kiện tiên quyết để thực hiện cam kết quốc tế.[99] Một quy trình tương tự về đảm bảo sự hài hoà giữa các VBQPPL trong nước và quốc tế trong quá trình xây dựng VBQPPL quốc gia cũng được quy định trong pháp luật quốc gia.

Thứ hai, có sự giao thoa ý tưởng và tác động hỗ tương giữa pháp luật quốc gia và quốc tế;[100] bởi suy cho cùng thì các văn bản này đều do cùng một chủ thể soạn thảo là đại diện của các cơ quan nhà nước, với sự đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân ở những nước có quy trình soạn thảo và thông qua văn bản dân chủ (mô hình xã hội công dân). Thực ra rất khó tách bạch những ý tưởng pháp luật quốc tế khỏi quốc gia. Nhiều nguyên tắc, QPPL quốc tế được hình thành trên cơ sở những quy phạm tương tự đã được áp dụng ở tầm  quốc gia. Chẳng hạn, nguyên tắc không gây hại trong pháp luật môi trường quốc tế hiện nay được coi khởi nguyên từ một quan điểm luật La Mã sic utere tuo ut alienum non laedas (hãy sử dụng tài sản của bạn theo cách không gây hại cho tài sản của người khác).[101] Hay như nguyên tắc dân tộc tự quyết xuất phát từ pháp luật quốc gia hiện được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Thứ ba, kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy hầu hết các nước, ở mức độ này hay mức độ khác, đều có một quy trình chung (thành văn hay thực tế) để đảm bảo sự thống nhất giữa VBQPPL trong nước và quốc tế. Tuỳ theo tính chất và mức độ của mỗi dự thảo điều ước, các quốc gia thường thực hiện tất cả hoặc một số bước chủ yếu như phê chuẩn; cân nhắc quy định quốc tế khi soạn thảo pháp luật quốc gia; chấp thuận hành vi cư xử quốc tế; cụ thể hoá quy định quốc tế thành quy định quốc gia; ban hành mới văn bản pháp luật quốc gia hay huỷ bỏ văn bản mâu thuẫn.[102] Quy trình khá chặt chẽ, ít nhất là về mặt hình thức này, vừa phản ánh ý thức của quốc gia đối với vấn đề có liên quan, lại vừa là công cụ đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật quốc gia và quốc tế.  

Yêu cầu "tính đến" các điều ước quốc tế trong soạn thảo VBQPPL trong nước

Khoản 7 Điều 26 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 quy định một trong những nhiệm vụ của Ban soạn thảo là: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”. Đây là điều khoản duy nhất liên quan đến yêu cầu về sự thống nhất giữa VBQPPL quốc gia đang được soạn thảo với các quy định của pháp luật quốc tế. Trở lại quá trình soạn thảo một chút thì thấy năm 2002, chưa bằng lòng với quy định tại Điều 26 Luật 1996,[103] khi trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, Chính phủ đã đề nghị bổ sung một điều quy định về bảo đảm VBQPPL quốc gia phù hợp với điều ước quốc tế với đòi hỏi cao hơn,[104] nhưng không được chấp nhận.

            Về đối tượng áp dụng, Khoản 7 Điều 26 của Luật 2002 trực tiếp dành cho các cơ quan soạn thảo VBQPPL trong nước. Về công đoạn, tức là khoảng thời gian trong toàn bộ "đời sống" của một quy phạm từ khi còn trong ý tưởng cho đến lúc kết thúc hiệu lực, điều khoản này được áp dụng cho quá trình soạn thảo. Như vậy là cả về mặt đối tượng và thời gian (công đoạn), phạm vi áp dụng của khoản 7 Điều 26 là rất hạn chế.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tính quy phạm của quy định này. Có hai điểm cần bàn. Thứ nhất, vai trò của điều ước quốc tế trong pháp luật quốc gia mới chỉ được quy định trong một khoản thuộc một điều của Luật 2002 - thậm chí chưa được quy định trong một điều riêng của Luật. Xét về ý nghĩa, đây là công cụ đảm bảo sự thống nhất giữa VBQPPL quốc gia trong giai đoạn soạn thảo với các VBQPPL quốc tế hiện hành,  có giá trị ràng buộc đối với Việt Nam. Chúng ta mới chỉ đề cập đến yêu cầu ở mức tối thiểu là các văn bản quốc tế "hiện hành" đối với Việt Nam, chưa nói đến các văn bản mà Việt Nam chắc chắn phải tham gia trong tương lai gần do yêu cầu của hội nhập quốc tế. Như vậy là tính "dự đoán" và "đón đầu" đã được loại trừ. Xem rộng ra, thấy một số nước đã đi khá xa trong vấn đề này; chẳng hạn, Hiến pháp Cộng hoà Nam Phi còn đòi hỏi Toà án nước này giải thích Hiến chương về quyền con người phù hợp với pháp luật quốc tế - một yêu cầu đối với toà án, một cơ quan vốn được coi là độc lập hoàn toàn trong việc giải thích và áp dụng pháp luật.[105]

Thứ hai, về tính quy phạm, từ “tính đến” chưa đủ mạnh, chưa biểu thị mệnh lệnh pháp lý một cách dứt khoát, rõ ràng, chưa làm toát lên yêu cầu phải coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật Việt Nam.[106] Nếu như đòi hỏi sự thống nhất giữa các VBQPPL trong nước trong nước là một đòi hỏi bắt buộc[107] thì yêu cầu như vậy lại không được áp dụng đối với VBQPPL quốc tế mặc dù về nguyên tắc phải coi chúng như nhau. Với quy định "lỏng" như vậy, có "tính đến" điều ước quốc tế hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà làm luật. Theo Cơ quan phúc thẩm của WTO thì thuật ngữ “tính đến” hay “cân nhắc đến” chỉ là một hành vi mang tính chất chủ quan của một cá nhân cụ thể, khó lượng hoá, không hàm ý một hành vi bắt buộc; hoặc có tính đến nhưng chưa đầy đủ thì cũng khó có thể lượng hoá để áp dụng chế tài.[108] Hệ quả của cách tiếp cận kiểu này là cho phép tạo nên hai xu hướng phát triển trong quy phạm pháp luật quốc gia. Xu hướng thứ nhất là các QPPL quốc gia chỉ được xây dựng trên cơ sở tính đến điều kiện cụ thể của đất nước mà bỏ qua chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam  cam kết thực hiện. Xu hướng thứ hai là các quy phạm quốc tế được nghiên cứu và chuyển hoá.[109] Một trong những nguy cơ ở đây là xu hướng cát cứ của chính các chuyên gia soạn thảo pháp luật, thẩm định và xem xét thông qua văn bản.  Cát cứ ngành, đã đành, tức là cứ cho công tác điều ước là công việc riêng của một số bộ ngành, nên không cần quan tâm, bởi nếu phát sinh vấn đề thì chỉ có cơ quan trực tiếp tham gia có trách nhiệm giải quyết; nhưng còn nguy hiểm hơn nữa là tình trạng cát cứ theo chuyên ngành của người làm luật, tức là chuyên gia pháp luật quốc tế thì đề cao điều ước quốc tế còn chuyên gia pháp luật quốc gia thì chưa coi trọng đúng mức vị trí của điều ước quốc tế. Cần khắc phục được cả hai xu hướng thì mới đảm bảo được sự thống nhất, nhất quán của cả hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm quốc tế và quốc gia.

Như vậy, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần xử lý như tính quy phạm của từ "tính đến", quy định của pháp luật hiện hành đã và đang tạo nền móng cho việc đảm bảo sự gắn kết nhiều hơn giữa pháp luật trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, việc giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ thẩm định các VBQPPL trong nước và quốc tế là hợp lý.

3.4. Năng lực thẩm định điều ước quốc tế

Thẩm định dự thảo VBQPPL và điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Việc thẩm định VBQPPL trong nước trên cơ sở "tính đến" các điều ước quốc tế sẽ giúp phát hiện những điều khoản mâu thuẫn của văn bản trong nước với điều ước quốc tế nhằm loại bỏ các điều khoản mâu thuẫn này. Nội dung thẩm định là sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, vị trí pháp lý của quy định này, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật. Việc thẩm định điều ước quốc tế tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phát hiện ra những điều mâu thuẫn của điều ước quốc tế so với văn bản trong nước nhằm đưa ra giải pháp khắc phục trình cơ quan có thẩm quyền trong nước quyết định. Cơ quan có thẩm quyền trong nước có thể quyết định ký kết một điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Nhưng để thực hiện điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong pháp luật trong nước thì cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước cho phù hợp sau khi điều ước quốc tế có hiệu lực hoặc áp dụng các biện pháp hành chính hoặc các biện pháp khác để thực thi điều ước quốc tế mà không cần phải ban hành VBQPPL hoặc áp dụng trực tiếp các quy định của điều ước quốc tế mà không cần chuyển hoá vào pháp luật trong nước. Như vậy, mặc dù có thể khác nhau và được quy định tại các đạo luật khác nhau, quy trình thẩm định các dự thảo VBPL trong nước và điều ước quốc tế có cùng bản chất và chức năng là rà soát lại để đảm bảo sự tương thích của các văn bản khi được ban hành.

Đảm bảo thẩm định có chất lượng thực tế không phải là vấn đề đơn giản. Tìm hiểu nội dung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong lĩnh vực mà VBQPPL sẽ được soạn thảo là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng thẩm định. Các điều ước này cần được nghiên cứu trong một thể thống nhất, đồng bộ và theo chiều sâu thì mới có thể phát hiện được mâu thuẫn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nội dung các điều ước quốc tế là vấn đề khá nan giải đối với không ít cơ quan soạn thảo VBQPPL.

            Theo Bộ Ngoại giao, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong thời gian gần đây tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Tổng số điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong 5 năm (2000- 2005) khoảng 700 (chưa kể điều ước quốc tế cấp bộ, ngành).[110] Trong số các điều ước này có 604 điều ước song phương (84 điều ước danh nghĩa Nhà nước và 520 điều ước danh nghĩa Chính phủ; 308 điều ước song phương đang có hiệu lực, 67 điều ước đã hết hiệu lực, 66 điều ước song phương chưa có hiệu lực và 163 điều ước song phương không xác định được tình trạng hiệu lực). Ngoài điều ước song phương, có 98 điều ước đa phương (trong đó, 39 điều ước đang có hiệu lực đối với Việt Nam, 41 chưa có hiệu lực, 15 điều ước chưa xác định được ngày có hiệu lực, và 3 điều ước không xác định được đã có hiệu lực hay chưa). Như vậy, do công tác cập nhật thông tin và quản lý hạn chế nên có tình trạng không xác định được hiệu lực pháp lý của các điều ước, chưa nói đến việchiểu thấu đáo nội dung cũng như thực tiễn áp dụng các điều ước. 

Một trong những thách thức lớn đặt ra đối với Bộ Tư pháp, trước hết thuần tuý liên quan đến điều ước quốc tế nói chung,  là phải có đủ thông tin về điều ước, trong đó có quy định thực định và thực tiễn áp dụng, và năng lực xử lý các thông tin đó trong bối cảnh chung của pháp luật trong nước của Việt Nam. Ở đây có đòi hỏi kép, đó là cùng lúc phải hiểu biết cả pháp luật quốc tế và trong nước. Đây là vấn đề liên quan đến năng lực điều ước và tổ chức thực hiện công tác điều ước của Bộ Tư pháp mà chúng ta sẽ cùng tiòm hiểu cụ thể hơn dưới đây. 

3.5. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và công tác điều ước quốc tế

Theo Nghị định 62 thì hiện tại Bộ Tư pháp có 24 đơn vị giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.[111] Trong số các đơn vị này thì 17 đơn vị, tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước.            

Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế được phân công để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực vực quản lý nhà nước của Bộ ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt; chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp và các điều ước quốc tế khác thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực được phân công; chủ trì, hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định, góp ý kiến đối với dự thảo các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế.[112]

Vụ Pháp luật hình sự hành chính chủ trì hoặc tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao; thẩm định, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các đề án do lãnh đạo Bộ giao;  Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực p háp luật hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy thuộc phạm vi chức năng của Vụ.[113]

Vụ Pháp luật dân sự kinh tế tổng hợp và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dài hạn và hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để Bộ trưởng trình Chính phủ; giúp Bộ trưởng theo dõi và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện chương trình đó sau khi đã được quyết định; chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; thẩm định, tham gia thẩm định, tham gia góp ý các Dự án, Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về dân sự, kinh tế và các văn bản khác do Bộ trưởng giao; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế;[114]

Cục Kiểm tra văn bản thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ Tư pháp; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành; thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng. [115] Hiện nay mảng kiểm tra điều ước quốc tế còn để ngỏ.

Từ quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị nêu trên cũng như thực tế của Bộ Tư pháp, có thể thấy nếu tính theo lĩnh vực phụ trách có liên quan đến xây dựng pháp luât (trừ Pháp luật quốc tế) thì hiện đang phân bổ theo cách bổ chiều ngang, và trong các lĩnh vực cơ bản như pháp luật hình sự hành chính, dân sự kinh tế trừ Pháp luật quốc tế thì chỉ bao quát pháp luật trong nước.  Quy chế thẩm định điều ước quốc tế hiện tại quy định Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định điều ước quốc tế; trường hợp cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời các Bộ, ngành liên quan; Vụ Pháp luật quốc tế chịu trách nhiệm chính; các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các chuyên gia được mời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm việc phối hợp, hỗ trợ Vụ Pháp luật quốc tế thẩm định theo quy định.[116] Quy chế thẩm định văn bản pháp luật trong nước hiệu tại quy định việc tổ chức nghiên cứu dự án, dự thảo phục vụ cho hoạt động thẩm định được phân công cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo nguyên tắc chuyên ngành hoặc lĩnh vực pháp luật mà đơn vị được giao quản lý, theo dõi; người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định tổ chức cuộc họp thẩm định tại đơn vị mình; khi xét thấy cần thiết, người đứng đầu đơn vị được phân công chủ trì thẩm định đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp thẩm định bằng văn bản hoặc tổ chức cuộc họp thẩm định dự án, dự thảo.[117]

Xét về khía cạnh thực hiện công tác điều ước quốc tế, việc tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo chuyên ngành luật như hiện nay với một Vụ chức năng chuyên về pháp luật quốc tế có điểm thuận lợi là có điều kiện chuyên sâu được vào một số lĩnh vực đặc thù và phức tạp của pháp luật quốc tế mà chỉ những người được đạo tạo cơ bản về pháp luật quốc tế mới nắm vững được. Tuy nhiên có điểm bất thuận lợi là hiện có sự cắt khúc nhất định giữa các văn bản quốc tế và trong nước trong khi đó có chiều hướng ngày càng tăng sự gắn kết giữa văn bản trong nước và quốc tế. Trong lịch sử phát triển của pháp luật quốc tế đã có nhiều thay đổi đáng lưu ý trong thời gian gần đây. Trước thời kỳ toàn cầu hoá và liên kết kinh tế mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, luật công pháp quốc tế khá thịnh hành, xử lý mối quan hệ ở tầm quốc gia như không can thiệp nội bộ, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ - những vấn đề tương đối độc lập với lĩnh vực, đối tượng điều chỉnh của pháp luật trong nước.  Ngày nay, công pháp quốc tế không còn ở xu thế độc lập nhiều như trước nữa. Tư pháp quốc tế ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Phần nhiều các văn bản, hiệp định quốc tế, chẳng hạn như trong lĩnh vực hình sự, thương mại đều liên quan chặt chẽ đến pháp luật trong nước và phải nắm rất vững pháp luật trong nước thì mới thẩm định được. Trong bối cảnh như vậy thì sự bóc tách về chức năng giữa các Vụ như hiện nay là có một số bất cập nhất định nhất là trong việc hiểu, áp dụng các quy định có liên quan theo lôgích xuyên suốt từ trong nước ra quốc tế và ngược lại.   

4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

1. Sửa Điều 26 (Khoản 7) Luật ban hành VBQPPL theo đề nghị trước đây của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế của Việt Nam, đảm bảo tính mệnh lệnh pháp lý cao hơn từ "tính đến" trong Điều 26 Luật 2002 hiện hành.

 

2. Đầu tư nghiên cứu kỹ hơn các điều ước quốc tế của Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam trước sau phải tham gia; đặc biệt chú ý đến việc áp dụng các điều ước đó trên thực tế; các bản án, quyết định của toà án, cơ quan xét xử quốc tế. Cần coi pháp luật quốc tế, các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế của Việt Nam là một bộ phận cấu thành của pháp luật Việt Nam. 

  3. Về lâu dài, nghiên cứu việc tổ chức lại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nói chung theo mô hình một đơn vị có thể theo dõi được cả mảng pháp luật trong nước và quốc tế, tránh tình trạng cắt khúc theo chiều ngang như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành luật ngày càng có xu hướng đan cài liên hệ chặt chẽ với nhau hơn.

 

PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, THOẢ THUẬN QUỐC TẾ VÀ VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP ĐỐI VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

 

Hoa Hữu Long

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đã được thể hiện một cách nhất quán và được ghi nhận từ Văn kiện Đại hội VI của Đảng. Qua 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm hết sức quý báu về hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đó là “Hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan, phải chủ động, có lộ trình phù hợp với bước đi tích cực, vững chắc, không do dự, chần trừ, nhưng cũng không được nóng vội, giản đơn”[118] , để từ đó xác định nguyên tắc và mục tiêu của hoạt động này trong giai đoạn hiện nay. Trong đó “Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”[119]

Chủ trương này đã được thể chế hoá thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thu hút vốn, công nghệ nước ngoài, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quá trình tự do hoá thương mại, chẳng hạn như: Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Luật thương mại, Bộ luật Hàng hải sửa đổi (năm 2004), Bộ luật Dân sự (năm 2005) và gần đây nhất là việc ban hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…Bên cạnh đó, cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, Nhà nước ta cũng hết sức chú trọng đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Sau hơn 20 năm đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn chỉnh, góp phần to lớn vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Kể từ năm 1993, từ thời điểm chúng ta bắt đầu bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tài chính- tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng phát triển Châu á (ADB); gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); tham gia sáng lập diễn đàn Á- Âu (ASEM); gia nhập và trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức thương mại thế giới  (WTO); ký kết các Hiệp định song phương về thương mại, đầu tư, tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, bảo đảm hệ thống pháp luật là công cụ hữu hiệu góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền, độc lập của đất nước, thực hiện thành công hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Nhằm “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế đất nước từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020. Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương… củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương, tin cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”[120]. Về chính sách và pháp luật hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta chủ trương “Tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế, rà soát lại các văn bản pháp quy, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, ổn định và minh bạch”[121].

II. PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

1. Điều ước quốc tế gắn liền với sự hình thành và phát triển của các quốc gia. Bởi vì để thực hiện đầy đủ hai chức năng cơ bản của nhà nước là quan hệ đối nội và quan hệ đối ngoại thì một mặt nhà nước vừa phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của quốc gia mình, đồng thời cũng phải chú trọng trong việc hoạt động ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có tác động bổ sung và hỗ trợ cho nhau và là công cụ pháp lý hữu hiệu để nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng của mình.

Kể từ khi ra đời đến nay, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về điều ước quốc tế. Kể từ Hiệp định sơ bộ mà Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp (Hiệp định sơ bộ ngày 6/03/1946) cho đến nay Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hàng nghìn điều ước quốc tế. có những điều ước quốc tế gắn liền với những sự kiện trong đại trong lịch sử của đất nước đó là Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về định chiến và lập lại hoà bình ở Đông Dương, Hiệp định Paris năm 1973,… và thực tế gần 50 năm qua đã chứng rằng công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn.

2. Cho đến nay Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 Pháp lệnh và 01 Luật về điều ước quốc tế. Đó là:

- Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17- 4- 1989.

- Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20 - 8- 1998

- Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế do Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 (có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006).

2.1. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến năm 1987 chúng ta mới có điều kiện soạn thảo Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Sau nhiều lầnh chỉnh lý Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17 - 04 - 1989 (sau đây gọi là Pháp lệnh năm 1989). Đây là văn bản pháp lý có giá trị hiệu lực cao đầu tiên của nhà nước ta điều chỉnh những vấn đề cơ bản nhất trong hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Việc ban hành Pháp lệnh năm 1989 đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức đối với công tác điều ước quốc tế của chúng ta. Pháp luật quy định khá chi tiết các nguyên tắc ký kết từ việc đề xuất, đàm phán đến quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện điều ước quốc tế. Về hiệu lực tại Việt Nam của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia Pháp lệnh quy định "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ" và "trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó". Hiệu lực của điều ước quốc tế còn được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác (Luật, Pháp lệnh, Nghị định…) theo một nguyên tắc chung là trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với các quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định…, thì ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Cùng với các văn bản khác, Pháp lệnh năm 1989 đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh các hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta, góp phần thể chế hoá đường lối đối ngoại của Đảng trong những năm đầu của công cuộc đổi mới ở nước ta.

2.2. Vào những năm 1989 - 1992 thế giới có những biến động lớn. Với việc sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đã có tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế. Thực hiện chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, ngày 20 tháng 8 năm 1998, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi là Pháp lệnh năm 1998). Ngày 18.10.1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/1999/NĐ- CP về Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh năm 1998 (sau đây gọi là Nghị định 161). Việc ban hành Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161 đã đánh dấu bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức và thực hiện công tác điều ước quốc tế[122]; pháp điển hoá và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế.  

Kể từ khi Pháp lệnh năm 1998 được ban hành, Việt Nam đã ký kết và gia nhập hơn 700 điều ước quốc tế (chưa kể các điều ước quốc tế được ký dưới danh nghĩa các Bộ, ngành). Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, số lượng điều ước quốc tế của Việt Nam ký kết bằng số lượng điều ước của 50 năm trước đó. Tuy vậy, sau hơn 5 năm thực hiện Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161, thực tế đã phát sinh nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đòi hỏi cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc pháp điển hoá hơn nữa các quy định định hiện hành và nâng hình thức văn bản điều chỉnh công tác ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Chính vì vậy ngày 14 tháng 6 năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi là Luật Điều ước năm 2005).

Luật Điều ước năm 2005 có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2006 với phạm vi điều chỉnh chỉ liên quan đến điều ước quốc tế được ký hoặc gia nhập dưới danh nghĩa Nhà nước và danh nghĩa Chính phủ[123]. Thoả thuận quốc tế do Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đàm phán, ký kết với các đối tác nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điều ước năm 2005. Để bảo đảm hiệu lực của các Thoả thuận này, Luật Điều ước năm 2005 đã quy định điều khoản chuyển tiếp tại Khoản 2 Điều 106 đó là: “Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi chấm dứt hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó; trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định về việc mặc nhiên gia hạn hiệu lực, không quy định về thời hạn hiệu lực hoặc quy định có giá trị vô thời hạn thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đó”. Bên cạnh đó, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 thì Pháp lệnh đàm phán, ký kết thoả thuận quốc tế hiện đang được Chính phủ chuẩn bị để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

3.  Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

3.1. Sự cần thiết ban hành luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước
quốc tế.

Việc ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số điều khoản làm thay đổi thẩm quyền quyết định việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ được quy định trong Pháp lệnh năm 1998. Thực tiễn ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong thời gian qua cũng cho thấy các quy định của Hiến pháp dần dần đã được áp dụng thay cho một số quy định của Pháp lệnh năm 1998 liên quan đến những vấn đề về thẩm quyền quyết định ký kết, gia nhập điều ước quốc tế. Như vậy, một phần nội dung của Pháp lệnh năm 1998 đã không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp. Hơn nữa, các quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế quy định tại Pháp lệnh năm 1998, xét về mức độ tương thích với một số văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, nếu tiếp tục thể hiện dưới hình thức Pháp lệnh là chưa phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.

Thứ hai, một số quy định liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, mặc dù đã được quy định phổ biến trong các văn bản quy phạm pháp luật và được áp dụng từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được ghi nhận thành một nguyên tắc pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế như quy định: “ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

Thứ ba, Việt Nam gia nhập Công ước viên năm 1969 về Luật điều ước từ ngày 9.11.2001 (sau đây gọi là Công ước viên năm 1969) đã đặt ra yêu cầu đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định của pháp luật hiện hành về ký kết và thực hiện điều ứơc quốc tế với nội dung của Công ước Viên năm 1969. Đặc biệt, một số quy định trong Công ước Viên năm 1969 liên quan đến cam kết quốc tế của Việt Nam như quy định tại Điều 27 của Công ước với nội dung: “Thành viên của một điều ước quốc tế không thể viện dẫn những quy định của pháp luật quốc gia để biện minh cho việc không thi hành điều ước quốc tế đó”, cũng chưa được chuyển hoá vào trong các văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

Thứ tư, quy định của Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161 về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế còn thiếu, chưa cụ thể và đồng bộ. Mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước trong việc lấy ý kiến đánh giá tác động của điều ước đối với điều kiện kinh tế- xã hội và hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa được quy định cụ thể rõ ràng. Dẫn đến tính trạng nhiều điều ước quốc tế có nhiều điều khoản trái, không khả thi nhưng vẫn được cơ quan đề xuất tiếp tục đàm phán, ký kết. Bên cạnh đó, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục uỷ quyền, ký phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, thẩm định, giải thích điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung và bảo lưu điều ước quốc tế còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa cụ thể để các cơ quan đề xuất có thể thực hiện tốt.

Cuối cùng, một số quy định hiện hành của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong quá trình áp dụng đã cho thấy là không còn phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Những quy định này cần được sửa đổi hoặc huỷ bỏ như vấn đề phân loại điều ước quốc tế, trong đó có điều ước quốc tế ký kết dưới danh nghĩa Bộ, ngành hoặc danh nghĩa của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

3.2. Quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Việc xây dựng Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cần quán triệt một số quan điểm chỉ đạo sau:

Thứ nhất, Luật điều ước quốc tế phải thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, mục tiêu, chính sách của Nhà nước về đối ngoại theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Các quy định của Luật phải cụ thể hoá được những nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Hai là, Luật điều ước quốc tế phải cụ thể hoá được nguyên tắc điều ước quốc tế được ký kết, gia nhập và thực hiện phải phù hợp với Hiến pháp. Trên cơ sở đó, cụ thể hoá một cách đầy đủ các nguyên tắc về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được quy định tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý bào đảm cho các cơ quan nhà nước thực hiện một cách thống nhất các yêu cầu trong việc đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, Luật điều ước quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở tiếp tục tiếp thu, kế thừa các nội dung vẫn còn có giá trị về thực tiễn cũng như lý luận của Pháp lệnh năm 1998 và nội dung liên quan đến điều ước quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, tiếp tục bổ sung, sửa đổi bằng những nội dung mới phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Bốn là, Luật điều ước quốc tế phải có các quy định cụ thể, thống nhất bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam, tham gia vào "luật chơi" của cộng đồng quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp các bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế đã ký kết với Việt Nam.

Năm là, Luật điều ước quốc tế cũng phải pháp điển hoá được các cam kết quốc tế từ Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong Luật với nội dung các cam kết của Công ước, đặc biệt là nguyên tắc: điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc các thành viên và phải được các thành viên tự nguyên thi hành với thiện chí và trên cơ sở đó Công ước sẽ được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả tại Việt Nam.

Sáu là, phải gắn kết việc ký kết, gia nhập với việc thực hiện điều ước quốc tế. Thiết lập cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, xây dựng kế hoạch ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hàng năm, dài hạn, tổ chức thực hiện, rà soát, tổng rà soát, giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế.

3.3. Nội dung cơ bản của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

3.3.1. Cơ cấu của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Quan điểm chỉ đạo trong quá trình soạn thảo là Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cần được cụ thể hoá, chi tiết và có thể được áp dụng ngay mà không cần văn bản hướng dẫn thi hành sau này. Do vậy, so với Pháp lệnh năm 1998 thì Luật Điều ước năm 2005 hơn hẳn về số điều và số chương, quy định rất cụ thể và chi tiết về trình tự đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn và phê duyệt điều ước quốc tế. Về cơ cấu, Luật Điều ước năm 2005 gồm 9 Chương và 107 điều với cơ cấu như sau:

-                               Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều từ Điều 1 đến Điều 8;

-                               Chương II: Ký kết điều ước quốc tế, gồm 6 mục với 40 điều, từ Điều 9 đến Điều 48;

-                               Chương III: Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên, gồm 5 điều, từ Điều 49 đến Điều 53;

-                               Chương IV: Bảo lưu điều ước quốc tế, 7 điều, từ Điều 54 đến Điều 60;

-                               Chương V: Hiệu lực áp dụng tạm tời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, 4 điều, từ Điều 61 đến Điều 64;

-                               Chương VI: Lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký điều ước quốc tế, gồm 6 Điều từ Điều 65 đến Điều 70;

-                               Chương VII: Thực hiện điều ước quốc tế, gồm 4 mục với 26 điều, từ Điều 71 đến Điều 96;

-                               Chương VIII: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế gồm 8 điều, từ Điều 97 đến Điều 104;

-                               Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều từ Điều 105 đến Điều 107.

3.3.2. Nội dung cơ bản của Luật.

a. Phạm vi điều chỉnh.

Luật Điều ước năm 2005 quy định về việc ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được ký kết (Điều 1).

Tuy vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật đã được thu hẹp hơn so với quy định trước đây của Pháp lệnh năm 1998 về nội dung và định nghĩa của điều ước quốc tế. Theo quy định Khoản 1 Điều 2 của Luật Điều ước năm 2005 thì điều ước quốc tế là thoả thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

Định nghĩa trên cho thấy về điều ước quốc tế chỉ gồm 2 loại đó là điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ . Trong khi đó, cũng nội dung tương tự, định nghĩa về điều ước quốc tế theo quy định của Pháp lệnh năm 1998 gồm 4 loại được ký kết hoặc gia nhập dưới danh nghĩa: (i) Nhà nước; (ii) Chính phủ; (iii) Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; và Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là Bộ, ngành). Việc thay đổi về định nghĩa về điều ước quốc tế tại Luật Điều ước năm 2005 là cần thiết, phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi (năm 2000) và các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Toà án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế; phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Việc thay đổi định nghĩa đã làm thay đổi phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Thay vì phải quy định trình tự, thủ tục về đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đối với 4 loại điều ước quốc tế như trước đây, Luật Điều ước quốc tế chỉ cần quy định vấn đề này cho 2 loại điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và Chính phủ.

b.                              Về nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

Luật Điều ước năm 2005 quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế so với Pháp lệnh năm 1998. Việc quy định nguyên tắc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế là cần thiết, giúp cho cơ quan đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có kế hoạch tổng thể trong quá trình đàm phán, chủ động bảo lưu những điều khoản ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, sức khoẻ con người. Ngoài ra, việc quy định những nguyên tắc này sẽ giúp cho cơ quan đề xuất có kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế một cách có hiệu quả trong trường hợp điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Luật quy định những nguyên tắc chủ yếu sau:

- Phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đó là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế;

- Phải phù hợp với quy định của Hiến pháp;

- Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;

- Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

c. Về mối quan hệ của điều ước quốc tế với pháp luật trong nước.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước đã được xử lý trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nguyên tắc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và gia nhập có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước có quy định khác về cùng một vấn đề. Nguyên tắc này một lần nữa được khẳng định trong Luật Điều ước năm 2005 (Điều 6 Khoản 1).

Luật Điều ước năm 2005 cũng quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề (điều ước quốc tế nhiều bên). Riêng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tính đến quy định của điều ước quốc tế song phương đối với điều ước quốc tế song phương vẫn còn bỏ ngỏ và không được quy định tại Luật Điều ước năm 2005.

Ngoài ra, về vấn đề áp dụng điều ước quốc tế, Luật Điều ước năm 2005 quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ có thẩm quyền quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Quy định của điều ước quốc tế đủ rõ, đủ chi tiết trong trường hợp này là những quy định xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, trình tự, thủ tục thực hiện mà không cần phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành.

d. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

- Về cơ quan đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế:

Theo quy định của Luật Điều ước năm 2005, cơ quan đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế là: Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Những cơ quan này căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.

Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và ý kiếm thẩm định của Bộ Tư pháp. Riêng Bộ ngoại giao khi đàm phán và ký kết điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

+ Thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc gia nhập và cho ý kiến.

Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định đối với việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, theo quy định tại Điều 11 của Luật năm 2005, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. Trong trường hợp điều ước quốc tế có điều khoản phê chuẩn hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ đàm phán, ký hoặc gia nhập thì Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định.

Thứ hai, về thẩm quyền quyết định đối với việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên, gồm có những cơ quan sau:

- Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.

- Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên có quy định phải phê chuẩn.

Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ.

Về việc xin trình Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ phải có trách nhiệm trình Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với điều ước quốc tế trong một số trường hợp sau: (i) việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (ii) điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

- Đàm phán, uỷ quyền đàm phán và ký điều ước quốc tế

Phù hợp với quy định của Công ước Viên năm 1969, Luật cũng quy định một số trường hợp sau khi đàm phán, ký kết điều ước quốc tế không cần giấy uỷ quyền hoặc tham dự hội nghị quốc tế không cần giấy uỷ nhiệm: (i) Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; (ii) Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; (iii) Người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế hoặc cơ quan thuộc tổ chức này.

e. Thẩm định điều ước quốc tế

- Phạm vi thẩm định

Tất cả điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập phải được thẩm định. So với quy định của Pháp lệnh năm 1998 thì phạm vi thẩm định đối với điều ước quốc tế được mở rộng. Trước đây, chỉ có điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong các văn bản của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới được thẩm định.

- Cơ quan thẩm định

Bộ Tư pháp pháp là cơ quan chịu trách nhiệm về việc thẩm định điều ước quốc tế. Riêng đối với trường hợp điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp đàm phán, ký kết hoặc gia nhập hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.

- Nội dung thẩm định điều ước quốc tế

Bộ Tư pháp và Hội đồng thẩm định khi thẩm định điều ước quốc tế cần xem xét những nội dung chủ yếu sau: (i) tính hợp hiến; (ii) mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; (iv) yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

g. Phê duyệt và phê chuẩn điều ước quốc tế

Phê chuẩn và phê duyệt điều ước quốc tế là hành vi pháp lý nhằm công nhận hiệu lực, cũng như ràng buộc đối với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Thẩm quyền phê duyệt và phê chuẩn đối với điều ước quốc tế là khác nhau.

- Phê duyệt điều ước quốc tế

Cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm trình Chính phủ phê quyệt điều ước quốc tế. Trước khi trình Chính phủ, cơ quan này phải có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao về việc phê duyệt điều ước quốc tế. Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế đối với: (i) điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt; (ii) điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; (iii) điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

- Phê chuẩn điều ước quốc tế

Về thủ tục, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan thẩm tra.

Điều ước quốc tế phải được phê chuẩn gồm những loại sau: (i) điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn; (ii) điều ước quốc tế được ký nhân danh Nhà nước; (iii) điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước.

Về thẩm quyền phê chuẩn, Chủ tịch nước và Quốc hội có thẩm quyền quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế. Đối với trường hợp Quốc hội phê chuẩn thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra. Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tế là Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội. Các uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban đối ngoại để thẩm tra điều ước quốc tế.

h. Bảo lưu, chấp nhận, phản đối và rút bảo lưu điều ứơc quốc tế nhiều bên.

- Trách nhiệm của cơ quan đề xuất.

Về việc bảo lưu điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất khi trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình trình Chính phủ. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo việc bảo lưu điều ước quốc tế với cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiêu bên.

Về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu nhưng phải có sự chấp nhận của các bên ký kết đối với bảo lưu được đưa ra.

Về việc rút bảo lưu, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

- Thẩm quyền quyết định bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu.

Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ có thẩm quyền quyết định bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên. Bộ Ngoại giao là cơ quan chịu trách nhiệm thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế về việc Việt Nam bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và rút bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên.

i. Thực hiện điều ước quốc tế

- Kế hoạch bảo lưu, chấp nhận, phản đối và rút bảo lưu điều ứơc quốc tế nhiều bên

Cơ quan đề xuất căn cứ vào tính chất, nội dung của điều ước quốc tế, nhiệm vụ và quyền hạn được giao xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm những nội dung sau đây: (i) Lộ trình thực hiện điều ước quốc tế; (ii) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế; (iii) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế; (iv) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế; (v) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Kế hoạch này trước khi thực hiện phải trình Chính phủ phê duyệt.

- Giải thích điều ước quốc tế

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích đối với: (i) điều ước quốc tế do Quốc hội phê chuẩn hoặc gia nhập; (ii) điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội; (iii) điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội; (iv) điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (v) điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; và các trường hợp cần thiết khác. Chính phủ có thẩm quyền giải thích đối với các điều ước quốc tế không thuộc thẩm quyền giải thích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế.

Điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trình các cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế.

Các cơ quan có Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế gồm có:

- Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.

-  Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.

- Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn.

3.4. Những vấn đề mới của Luật Điều ước quốc tế năm 2005 cần lưu ý so với quy định trước đây

3.4.1. Về phân loại điều ước quốc tế.

Trong quá trình soạn thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ứơc quốc tế đã hình thành 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Điều ước năm 2005 tiếp tục điều chỉnh 4 loại điều ước quốc tế được ký hoặc gia nhập dưới danh nghĩa: Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành và Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật năm 2005 chỉ điều chỉnh 2 loại điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập dưới danh nghĩa: Nhà nước và Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai đã được Chính phủ chấp nhận và trình Quốc hội thông qua bởi những lý do sau:

Thứ nhất, về quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, theo quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi): Điều 84 Khoản 13, Điều 103 Khoản 10, Điều 112 Khoản 8, các quy định liên quan khác của Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì chỉ có hai loại điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, không có quy định về định về điều ước quốc tế nhân danh Bộ hoặc điều ước nhân danh Toà án nhân dân tối cao hoặc nhân danh Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngoài ra, nếu theo nguyên tắc phổ biến về việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế được quy định trong hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như luật, pháp lệnh...thì trong trường hợp, các quy định của điều ước quốc tế cấp Bộ, ngành, nếu được tiếp tục quy định trong Dự thảo Luật, rất có thể sẽ được áp dụng thay cho Luật, Pháp lệnh hay các quy định của Chính phủ một khi những quy định này khác với điều ước quốc tế cấp Bộ, ngành. Điều này sẽ phá vỡ tính thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật, công cụ chủ yếu của Nhà nước trong việc quản lý và điều hành đất nước.

Thứ hai, về thực tiễn của Việt Nam cho thấy, điều ước quốc tế do Bộ, ngành ký kết trong thời gian quan gồm hai loại chính: loại thứ nhất là những thoả thuận hợp tác có những cam kết quan trong về quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến ngân sách nhà nước...do Bộ, ngành ký nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ theo uỷ quyền tương ứng. Loại thứ hai chủ yếu tập trung vào hợp tác có tính chất kỹ thuật thuộc thẩm quyền Bộ, ngành như trao đổi đoàn  giao lưu hữu nghị, trao đổi thông tin, hợp tác về đào tạo cán bộ...Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, Bộ, ngành chỉ ký kết điều ước quốc tế hai bên nhân danh Bộ, ngành và chưa có trường hợp nào Bộ, ngành gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Bộ, ngành.

Thứ ba, về thực tiễn quy định của pháp luật nước ngoài, Công ước Viên năm 1969, luật và thực tiễn áp dụng trong ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của nhiều nước không công nhận Bộ, ngành là chủ thể có thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế. Ngoài ra, thực tiễn pháp luật nước ngoài cũng cho thấy, nhiều nước trong đó có các nước đang phát triển ở Châu á như Bru - nây, In - đô - nê - xi - a, Phi- líp- pin, Mi- an- ma và các nước phát triển như Pháp, Bỉ, Ôt- xtơ- rây- li- a, áo, Đức, Ca- na- đa, các nước Đông Âu cũ như Séc, Bungari không công nhận thoả thuận của Bộ, ngành là điều ước quốc tế. Còn ở Mỹ thì chỉ có những thoả thuận quốc tế đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn mới được gọi là điều ước quốc tế,. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nước như Nga (Luật năm 1995), Trung Quốc (Luật năm 1990), CHDCND Triều Tiên (Luật năm 1999) là công nhận điều ước quốc tế cấp Bộ, ngành.

Thứ tư, về thực tiễn ký kết điều ước quốc tế cho thấy không có trường hợp Bộ, ngành gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên. Điều này phù hợp với nguyên tắc điều ước quốc tế được gia nhập giữa các chủ thể của pháp luật quốc tế, phù hợp với Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Với những phân tích nêu trên dưới góc độ xem xét pháp luật và thực tiễn pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật và thực tiễn pháp luật quốc tế, những thoả thuận do Bộ, ngành ký kết với Bộ, ngành của nước ngoài không nên tiếp tục được coi là điều ước quốc tế, do đó không được quy định tại Luật này. Từ thực tiễn trên cũng cho thấy, nếu phía Việt Nam vẫn tiếp tục coi thoả thuận cấp Bộ, ngành là điều ước quốc tế thì hậu quả pháp lý phát sinh là: đối với bên Việt Nam làm phát sinh trách nhiệm quốc gia (nghĩa vụ thực hiện của Nhà nước và Chính phủ), trong khi đối với bên ký kết nước ngoài chỉ phát sinh trách nhiệm của Bộ, ngành đã ký thoả thuận. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm thoả thuận thì phía Việt Nam không thể viện dẫn trách nhiệm của Chính phủ hoặc Nhà nước nước ngoài. Trong khi đó, nếu Bộ, ngành Việt Nam vi phạm thoả thuận thì Bộ, ngành nước ngoài có thể viện dẫn trách nhiệm của Chính phủ hoặc Nhà nước Việt Nam. Điều này vi phạm một cách cơ bản nguyên tắc chủ thể ký kết điều ước quốc tế là những chủ thể bình đẳng trong việc hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ.

3.4.2. Chuyển hoá điều ước quốc tế

Trong quá trình soạn thảo Luật Điều ước quốc tế cũng đã có 2 loại ý kiến như sau:

a. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên có quy định về việc chuyển hoá điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế pháp luật của nước ta hiện nay cũng như lộ trình tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam, không nên đưa ra một quy định cứng nhắc, đòi hỏi nhất thiết phải chuyển hoá điều ước quốc tế trong những trường hợp cần thiết bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế. Những trường hợp điều ước quốc tế có thể áp dụng trực tiếp thì không phải chuyển hoá.

Thực tiễn ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của ta cũng cho thấy, một số điều ước quốc tế sau khi có hiệu lực đã được triển khai thực hiện mà không nhất thiết phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cũng có điều ước quốc tế, mặc dù đã có hiệu lực, nhưng không thể áp dụng trực tiếp để giải quyết các vấn đề liên quan ở trong nước mà nhất phải chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện, chẳng hạn như điều ước quốc tế liên quan đến cắt giảm thuế hàng hoá theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập ASEAN.

b. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Luật cần phải quy định rõ nguyên tắc là khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với Việt Nam thì các quy định của điều ước quốc tế đó sẽ được áp dụng trực tiếp như là một nguồn của pháp luật Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan. Các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Toà án nhân dân các cấp có thể trực tiếp viện dẫn các điều khoản của điều ước quốc tế liên quan để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế của nước ta.

Luật được xây dựng theo phương án thứ nhất, theo đó điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam có thể áp dụng trực tiếp. Trong trường hợp không thể áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế (Điều 6 Khoản 3).  Phương án này được xây dựng linh hoạt, theo đó quyết định về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định về việc áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

3.4.3. Vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Luật Điều ước 2005 không quy định vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật nước ta, với lý do vấn đề này cần được quy định tại Hiến pháp và theo pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Theo pháp luật và thực tiễn quốc tế, vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật được khẳng định tại Hiến pháp. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế hiện hành của Việt Nam thì điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập không được trái với Hiến pháp, nhưng được phép có quy định khác với quy định của các văn bản do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành. Như vậy, điều ước quốc tế có thể có vị trí như luật, song cũng phải tuân thủ Hiến pháp và thứ bậc của điều ước quốc tế cần được khẳng định trong Hiến pháp.

Tuy vậy, trong quá trình soạn thảo cũng có ý kiến đề nghị Luật nên quy định rõ về vấn đề này là nên xác định điều ước quốc tế có thứ bậc ngang bằng với luật. Quy định như vậy một mặt là đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế. Mặt khác, trách nhiệm Nhà nước tiếp tục được tăng cường khi tực hiện các cam kết quốc gia. Trong nhiều trường hợp, các điều ước quốc tế còn được sử dụng như là một nguồn luật trực tiếp khi áp dụng, kể cả việc áp dụng của toà án để giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến các quan hệ quốc tế hai bên hoặc nhiều bên như vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ.

III.  PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN QUỐC TẾ

1. Sự cần thiết của việc ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ( Luật điều ước quốc tế) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Với việc ban hành Luật điều ước quốc tế thì Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 hết hiệu lực thi hành. Như chúng tôi đã trình bày ở phần “Những vấn đề mới của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cần lưu ý so với quy định trước đây” (mục 3.4) thì Luật năm 2005, xét về phạm vi điều chỉnh, được thu hẹp hơn so với Pháp lệnh năm 1998. Theo đó, chỉ còn hai loại điều ước quốc tế là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; không còn loại điều ước quốc tế nhân danh các Bộ, ngành thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong khi đó, xét về mặt thực tiễn, ngoài việc ký kết của các cơ quan nêu trên, thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng ký nhiều thoả thuận với các đối tác nước ngoài, nhưng chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Mặt khác, để quy định chi tiết việc thực hiện Pháp lệnh năm 1998, năm 2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2002/NĐ- CP để điều chỉnh hoạt động ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Sau 5 năm thực hiện Nghị định đã phát sinh một số nội dung mới, một số nội dung của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn nên cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung.

Riêng về hoạt động ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh các cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, bên cạnh hoạt động ký kết, gia nhập điều ước nhân danh nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của các cơ quan này với hoạt động đối ngoại của Đảng, hoạt động đối ngoại nhà nước với hoạt động đối ngoại nhân dân, phù hợp với Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại được nêu tại Quyết định số 101 ngày 04/6/2004 của Bộ Chính trị, bảo đảm việc phân cấp một cách hợp lý và triệt để, đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp…, đòi hỏi phải được quy định đủ rõ để đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách hành chính của nước ta.

2. Về nguyên tắc chỉ đạo trong việc soạn thảo và ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế

Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, Pháp lệnh phải thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng ta, chính sách của nhà nước về đối ngoại trong giai đoạn hiện nay là Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế (tôn trọng độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…).

Thứ hai, Pháp lệnh phải phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

Thứ ba, Pháp lệnh được soạn thảo trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện các thoả thuận quốc tế trong những năm qua, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn phù hợp và có giá trị về lý luận và thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung việc quy định không còn phù hợp nữa.

3. Cơ cấu của Pháp lệnh

Pháp lệnh gồm 5 chương và 33 Điều. Trong đó:

3.1. Chương I: Những quy định chung gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8 bao gồm các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, phạm vi nội dung các thoả thuận quốc tế, nguyên tắc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế; các quy định về quản lý nhà nước, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, các hoạt động phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan và một số nội dung khác;

3.2. Chương II: Ký kết thoả thuận quốc tế, bao gồm từ 12 Điều từ Điều 9 đến Điều 20 quy định về trình tự ký kết các thoả thuận quốc tế của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan giúp việc của Quốc hội, cũng như trình tự ký kết các thoả thuận quốc tế của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan trung ương của các tổ chức. Ngoài ra, chương này còn quy định về hồ sơ lấy ý kiến và hồ sơ trình về ký kết thoả thuận quốc tế.

3.3. Chương III: Thực hiện thoả thuận quốc tế, bao gồm 7 Điều, từ Điều 21 đến Điều 27 quy định về hiệu lực của thoả thuận quốc tế; các quy định về lưu trữ, sao lục, công bố, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực… thoả thuận quốc tế.

3.4. Chương IV: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh và cơ quan trung ương của các tổ chức trong hoạt đông ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế gồm 4 điều, từ Điều 28 đến Điều 31 quy định trách nhiệm của các cơ quan nêu trên, trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Đoàn đại biểu của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc giám sát việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

Cuối cùng, Chương V: Điều khoản thi hành gồm 2 Điều 32 và Điều 33 quy định về kinh phí và hiệu lực thi hành của Pháp lệnh.

4. Các nội dung chính của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thoả thuận
quốc tế.

4.1. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1)

Pháp lệnh này áp dụng đối với việc ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế của ba nhóm chủ thể sau đây:

- Cơ quan nhà nước ở trung ương bao gồm: Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Toà án nâhn dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ;

- Cơ quan cấp tỉnh bao gồm: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Cơ quan trung ương của tổ chức bao gồm cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4.2. Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế (Điều 4)

Việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của Việt Nam; phù hợp với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định về cùng một lĩnh vực;

- Phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ký kết thoả thuận quốc tế;

- Bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của thoả thuận quốc tế được ký kết;

- Thoả thuận quốc tế chỉ có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đã ký kết thoả thuận quốc tế đó; không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nhà nước hoặc của Chính phủ Việt Nam;

- Cơ quan ký kết thoả thuận quốc tế có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan đó, đồng thời có quyền đòi hỏi bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận quốc tế.

4.3. Về thẩm quyền quyết định ký kết thoả thuận quốc tế

- Đối với cơ quan nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội; Toà án nhân dân tốic ao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và cơ quan cấp tỉnh (Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); người đứng đầu các cơ quan này tự quyết định ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình (khoản 1 Điều 9, các Điều 11, 13 và 15), sau khi lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan (cơ quan thực hiện quản lý về đối ngoại - Bộ Ngoại giao hoặc Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc nội dung thoả thuận quốc tế đó - các điều 10, 12, 14 và 16).

Tuy nhiên, trong trường hợp còn ý kiến khác nhau giữa chủ thể ký kết nêu trên và các cơ quan hữu quan về việc ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, thì:

+ Cơ quan của Quốc hội, cơq aun giúp việc của Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế (Điều 9);

+ Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm toán nhà nước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (Điều 12);

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến (các điều 14 và 16).

- Đối với tổ chức, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chỉ được quyết định ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình sau khi có ý kiến đồng ký của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức (Điều 15 và khoản 5 Điều 18).

- Sau khi ký kết thoả thuận quốc tế, chủ thể ký kết có trách nhiệm báo cáo cơ quan cấp trên về thoả thuận quốc tế đã được ký kết (khoản 5 của các điều 10, 12, 14, 16 và khoản 6 Điều 18).

4.4. Trình tự, thủ tục ký kết thoả thuận quốc tế

- Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thoả thuận quốc tế bao gồm từ khâu lấy ý kiến của cơ quan hữu quan trước khi quyết định ký kết thoả thuận quốc tế, lấy ý kiến của cơ quan cấp trên trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan dự định ký kết thoả thuận quốc tế và cơ quan hữu quan, cho đến việc báo cáo cơ quan cấp trên và thông báo cho Bộ Ngoại giao về thoả thuận quốc tế đã được ký kết (Chương II).

- Trình tự, thủ tục ký kết thoả thuận quốc tế được áp dụng tương tự cho việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thoả thuận quốc tế (Chương III).

Trình tự, thủ tục nêu trên nhằm bảo đảm phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hợp tác quốc tế, đồng thời cũng bảo đảm thống nấht quản lý hoạt động đối ngoại ở các cấp.

4.5. Về kinh phí cho ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế (Điều 32)

Pháp lệnh quy định kinh phí ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quanc ấp tỉnh và các nguồn tài trợ khác. Kinh phí ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức được bảo đảm từ nguồn tài chính của cơ quan trung ương của tổ chức và các nguồn tài trợ khác.

IV. VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP ĐỐI VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

1. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Việc ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là công cụ pháp lý quan trọng điều chỉnh toàn bộ hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta, nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, mục tiêu, chính sách của Nhà nước về đối ngoại theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; phù hợp với hiến pháp Việt Nam và bảo đảm cho các cơ quan nhà nước thực hiện một cách thống nhất các yêu cầu trong việc đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta vào nền kinh tế thế giới.[124]

Theo quy định tại Điều 7 Luật này thì điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập bao gồm: điều ước quốc tế nhân danh nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ: Trong điều ước quốc tế nhân danh nhà nước có điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp.

Luật cũng quy định rõ cơ quản quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Trong đó:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ ngoại giao thực hiện quản lý về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Điều 5).

Liên quan đến nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bao gồm từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức và bảo đảm việc thực hiện điều ước quốc tế, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về điều ước quốc tế… đến việc xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về ký kêt, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Bởi vậy, vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp cũng gắn liền với các nội dung nêu trên. Nghị định số 62/2003/NĐ- CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp:

- Về công tác xây dựng pháp luật

+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

+ Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

+ Trực tiếp tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phru chủ trì soạn thảo;

+ Thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ…2

Nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên liên quan lĩnh vực điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 348/QĐ- BTP ngày 16/6/2004 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp luật quốc tế, Quy chế giao cho Vụ Pháp luật quốc tế:

+ Đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt. Chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp và các điều ước quốc tế khác thuộc lĩnh vực được phân công;

+ Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực được phân công;

+ Chủ trì hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định; góp ý kiến đối với dự thảo các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định…[125]

2. Cùng với sự phát triển của xã hội và xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá ngày một lớn mạnh giữa các quốc gia, đòi hỏi sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực và ở các cấp độ khác nhau. Sự hợp tác này làm phát sinh ngày một nhiều các vấn đề dân sự, hình sự, hành chính, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Sự hợp tác giữa các quốc gia trên thực tế được thực hiện bằng hai cách là dựa trên cơ sở các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Sự hợp tác này nhằm góp phần bảo vệ về quyền nhân thân và quyền tài sản của cá nhân và pháp nhân của quốc gia này trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia khác.

Nội dung các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp đề cập đến các vấn đề về thừa nhận và điều chỉnh sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai bên ký kết liên quan về việc: xác định thẩm quyền của Toà án, áp dụng pháp luật, đảm bảo các quyền tố tụng của cá nhân và pháp nhân nước ngoài, thực hiện các uỷ thác tư pháp, công  nhận và thi hành các quyết định của Toà án hoặc Trọng tài nước ngoài về các vấn đề dân sự, chuyển giao tài liệu, dẫn độ tội phạm và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực hình sự.

Trong tất cả các vấn đề được nêu ở trên, những vấn đề như thực hiện các uỷ thác tư pháp, công  nhận và thi hành các quyết định dân sự, kinh tế của Toà án hoặc Trọng tài nước ngoài, chuyển giao tài liệu, dẫn độ tội phạm và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực hình sự là những vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế. Vì vậy, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế thường được hiểu là hoạt động mang tính hỗ trợ về mặt pháp lý giữa các quốc gia, nếu không có sự trợ giúp này các cơ quan tư pháp của các quốc gia rất khó có thể thực hiện việc điều chỉnh cũng như thi hành pháp luật đối với cá nhân, pháp nhân của quốc gia mình ở nước khác cũng như cá nhân, pháp nhân nước khác ở nước mình.

Do vậy có thể khẳng định hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua các cơ quan tư pháp như Toà án, Kiểm sát, Công an) giúp đỡ nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở điều ước quốc tế liên quan hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau. Để các hoạt động tương trợ tư pháp đạt hiệu quả và giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, hoạt động tương trợ tư pháp phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Việc tương trợ tư pháp giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và cơ quan tư pháp của các nước được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cũng có lợi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp với pháp luật Việt Nam[126]. Trong trường hợp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định về tương trợ tư pháp thì việc tương trợ tư pháp được Toà án Việt Nam chấp nhận trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái pháp luật Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế[127]. Từ cơ sở lý luận pháp luật và thực tiễn tư pháp của Việt Nam, Tương trợ tư pháp được hiểu là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước khác nhau trợ giúp lẫn nhau trong việc thực hiện các hành vi tố tụng tư pháp riêng biệt theo những trình tự, thủ tục, thể thức nhất định để thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.[128]

Từ khái niệm trên, có thể thấy tương trợ tư pháp có phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực:

- Trong lĩnh vực dân sự, tương trợ tư pháp là việc hỗ trợ thực hiện các hành vi tố tụng khi giải quyết các vụ kiện dân sự như: thực hiện thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án, quyết định của trọng tài nước ngoài.

- Trong lĩnh vực hình sự, đó là việc hỗ trợ thực hiện các hành vi tố tụng: tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, điều tra khám phá, uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù.

- Dẫn độ cũng có thể coi là một trong những lĩnh vực thuộc tương trợ tư pháp được các nước rất quan tâm.

Các nước XHCN trước đây ngoài việc còn coi việc giải quyết xung đột pháp luật (lựa chọn pháp luật áp dụng, lựa chọn Toà án) cũng là một trong những lĩnh vực thuộc tương trợ tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay các nước ít thừa nhận phạm vi này.

3. Việc thực hiện tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước trước hết được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp  được ký kết giữa Nhà nước ta với nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định tương trợ tư pháp (và pháp lý) với nước ngoài, cụ thể là[129]:

Stt

Tên nước

Ngày ký

1

Ba Lan

22/3/1993

2

Bê- la- rút

14/9/2000

3

Bun- ga- ri

03/10/1986

4

CHDCND Triều Tiên

04/5/2002

5

Cu Ba

30/11/1984

6

Hung- ga- ri

18/01/1985

7

CHDCND Lào

06/7/1998

8

Liên Xô (cũ)

10/12/1981

9

Mông Cổ

17/4/2000

10

Nga

25/8/1998

11

CH Pháp

24/2/1999

12

Tiệp Khắc

12/10/1982

13

Trung Quốc

19/10/1998

14

U- crai- na

06/4/2000

15

Hàn Quốc

15/9/2003

 

 Đối với việc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ, ngoài các điều ước song phương còn có một số điều ước quốc tế đa phương làm cơ sở cho hoạt động này như: 3 Công ước quốc tế về kiểm  soát ma tuý (Việt Nam gia nhập ngày 30/7/1997); Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam tham gia ký ngày 13/12/2000); Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất các thủ tục để tham gia các Công ước về chống khủng bố của Liên Hợp quốc như: Công ước về chống tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước về trừng trị tội khủng bố quốc tế bằng bom thư năm 1997...

Còn đối với các nước chưa ký kết Hiệp định, thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Xét về cơ sở pháp lý trong nước, cho đến nay Nhà nước ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề cơ bản về tương trợ tư pháp quốc tế đặc biệt là: Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tuy vậy, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này của hai Bộ luật tố tụng. Vả lại, nhiều vấn đề pháp luật do thực tiễn đặt ra chưa được quy định trong hai Bộ luật đó. 

Trong số 15 Hiệp định tương trợ tư pháp nêu trên mà Việt Nam ký kết với các nước thì phần lớn các Hiệp định này đều quy định phạm vi tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực là tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Cũng theo quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp thì cơ quan trung ương của Nhà nước Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự với các nước hữu quan là Bộ Tư pháp. Tất cả các Hiệp định tương trợ tư pháp này đều được ký kết trước thời điểm ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, nên việc đàm phán, ký kết cơ bản được điều chỉnh bằng Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1988 và năm 1998, trong đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất việc ký kết các Hiệp định này. Với tư cách là cơ quan đề xuất, Bộ Tư pháp có vai trò chủ trì trong việc ký kết, bao gồm việc soạn thảo, đàm phán. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp được Chủ tịch nước (trước năm 1992 là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) uỷ quyền việc ký các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước. Trong quá trình đó, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ: Ngoại giao, Công an trong tất cả các giai đoạn ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp.

Theo quy định của Thông tư liên bộ số 134/TT/LB ngày 12/3/198 của Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ về việc thi hành hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và lãnh sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước XHCN thì Bộ Tư pháp có 5 nhiệm vụ, đó là:

- Thực hiện trao đổi các uỷ thác điều tra xác minh về dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình.

- Thực hiện trao đổi pháp luật hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước ký kết theo quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý.

- Giới thiệu nội dung và giải thích chính thức các nguyên tắc cơ bản, theo tinh thần của Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý, khi có yêu cầu của cơ quan, các tổ chức xã hội trong nước.

- Nghiên cứu, đề nghị bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam để tạo điều kiện thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý đã ký kết.

- Hướng dẫn thực hiện các uỷ thác về thi hành án và quyết định do nước ký kết kia xét xử, các uỷ thác về công chứng…

Trong    thực tế thì Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc sau đây:

- Làm đầu mối tiếp nhận các uỷ thác tư pháp với nước ngoài về dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài;

- Hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự;

- Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với cơ quan trung ương của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về lĩnh vực dân sự.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp; tổng hợp, thống kê, báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp.

Thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự từ năm 1995 đến nay.

Hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự bao gồm hai phần hoạt động chủ yếu là i) thực hiện các uỷ thác tư pháp; ii) công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài.

Thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế:

-  Yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do phía nước ngoài đưa ra đối với phía Việt Nam.

Thực hoạt động tương trợ tư pháp ở nước ta trong những năm qua cho thấy, uỷ thác tư pháp về dân sự thường bao gồm:

+ Tống đạt cho đương sự các giấy tờ tư pháp, các quyết định của Toà án;

+ Thông báo ngày giờ xét xử vụ án và triệu tập đương sự;

+ Thu thập chứng cứ;

+ Lấy lời khai đương sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan;

+ Xác minh địa chỉ của đương sự;

+ Trưng cầu giám định…

Từ năm 2000 cho đến nay, trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế đã nổi lên một vấn đề đó là xác định tình trạng nhân thân, tình trạng hôn nhân của đương sự; xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, Chứng minh thư nhân dân, Bằng tốt nghiệp phổ thông, Bằng tốt nghiệp đại học… Đa số uỷ thác tư pháp như vậy do phía Đại sứ quán Ba Lan yêu cầu và CHLB Đức thực hiện, chiếm tới hơn 90% các uỷ thác loại này.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các uỷ thác tư pháp theo yêu cầu  của phía nước ngoài trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa hai quốc gia và pháp luật Việt Nam. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trực tiếp thực hiện các uỷ thác tư pháp chủ yếu là Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài ra còn có Sở Công an (đối với việc xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, Chứng minh thư nhân dân), Uỷ ban nhân dân các địa phương (đối với việc xác minh địa chỉ, xác minh tình trạng hôn nhân, xác minh tình trạng nhân thân cũng như những thông tin có liên quan đến đương sự).

Do không chỉ các nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam yêu cầu các cơ quan tư pháp Việt Nam thực hiện mà cả những nước chưa có Hiệp định cũng đưa ra những yêu cầu về uỷ thác, vì vậy, trong thời gian từ năm 1995 đến nay khối lượng các uỷ thác tư pháp quốc tế mà các cơ quan tư pháp của chúng ta đã và đang thực hiện là rất lớn. Nếu như trong những năm 80, số lượng uỷ thác tư pháp quốc tế về dân sự theo yêu cầu chỉ khoảng trên 100 việc/năm thì đến những năm đầu thập niên 90 số lượng uỷ thác tăng lên trung bình khoảng 300 việc/năm, năm 1999 là 496 việc; từ năm 2000 đến nay, số lượng các uỷ thác tư pháp quốc tế đã lên tới 600- 700 việc/năm, năm 2004 là 896 việc, riêng 6 tháng đầu năm 2005 số lượng uỷ thác tư pháp đã tiến tới con số gần 700 việc.

Trong số các uỷ thác tư pháp quốc tế về dân sự mà phía nước ngoài yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện, các uỷ thác về hôn nhân và gia đình chủ yếu là ly hôn chiếm một số lượng rất lớn, khoảng 60%. Trong số các uỷ thác tư pháp tư pháp quốc tế này, Cộng hoà liên bang Đức là quốc gia đứng đầu trong việc đề nghị thực hiện uỷ thác, tiếp đó là Pháp, ngoài ra còn có Hàn Quốc, Thuỵ sĩ, Na- uy, Nga. Từ năm 2000 đến nay, một số nước như Lào, Campuchia, Indonexia, Thái Lan, ấn Độ cũng đã đưa yêu cầu với số lượng đáng kể. Bên cạnh các yêu cầu uỷ thác về hôn nhân và gia đình còn có các yêu cầu về xác minh địa chỉ, tình trạng nhân thân, tình trạng hôn nhân của đương sự, xác minh tính xác thực của Giấy phép lái xe, tính xác thực của Bằng tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học, chứng minh thư nhân dân của đương sự. Từ năm 1995 đến nay, Cộng hoà Séc là nước đứng đầu trong việc đưa ra các yêu cầu về uỷ thác tư pháp liên quan đến vấn đề truy nhận cha và cấp dưỡng nuôi con. Ngoài các yêu cầu uỷ thác tư pháp chủ yếu nêu trên, các cơ quan tư pháp trong những năm gần đây cũng thực hiện các yêu cầu uỷ thác liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập đến phiên Toà của Toà án nước ngoài trong các vụ tranh chấp dân sự, tranh chấp phát sinh đối với hợp đồng lao động.

-  Yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do Toà án Việt Nam đưa ra đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài

Đối với các yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp do các cơ quan Việt Nam đưa ra thì uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong vụ kiện ly hôn là loại việc chiếm đa số, khoảng 85- 90%. Ngoài ra, các uỷ thác tư pháp về việc lấy lời khai đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong các vụ kiện dân sự như thừa kế, chia tài sản, tranh chấp đất đai, đòi bồi thường thiệt hại, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay đổi họ tên, đòi tiền cấp dưỡng nuôi con… cũng có xu hướng tăng lên.

Từ đầu những năm 90 đến nay, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà án nhân dân thành phố Hà Nội là hai nơi thực hiện nhiều nhất các uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài và cũng là nơi đưa ra nhiều yêu cầu về uỷ thác tư pháp nhất đối với Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Trong các yêu cầu uỷ thác tư pháp này, thì uỷ thác tư pháp đối với vụ kiện ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là công dân Đài Loan do Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu có số lượng lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng số yêu cầu. Riêng năm 1999, số lượng vụ kiện mà Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phía đài Loan thực hiện là 70 việc nhưng các Toà án có thẩm quyền của Đài Loan mới chỉ thực hiện được 30 việc. Năm 2004, số vụ kiện mà Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đối với phía Đài Loan là hơn 100 vụ nhưng chỉ có duy nhất 1 vụ việc được Toà án có thẩm quyền của Đài Loan tống đạt thành công tới đương sự. Trong 6 tháng đầu năm 2005, số uỷ thác tư pháp do Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu là 73 việc nhưng chưa có một vụ kiện ly hôn nào giữa công dân Việt Nam và công dân Đài Loan được phía Toà án có thẩm quyền của Đài Loan tống đạt thành công tới đương sự.

Bên cạnh các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Đài Loan, thì số lượng các vụ kiện ly hôn do Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu liên quan đến công dân Việt Nam và người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ cũng tăng lên với số lượng lớn từ đầu năm 2000 đến nay. Nhưng do số người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ định cư ở Hoa Kỳ trên nhiều bang khác nhau, không có tính tập trung nên việc thực hiện các uỷ thác tư pháp này gặp rất nhiều khó khăn và không mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, từ đầu năm 2005, phía Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định tạm dừng việc thực hiện các yêu cầu uỷ thác tư pháp của phía Việt Nam trong các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Hoa Kỳ, do đó số các hồ sơ tồn đọng mà Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Bộ Tư pháp là rất lớn, khoảng 200 hồ sơ.

Các yêu cầu uỷ thác tư pháp về dân sự của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đối với Toà án nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là các vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Cộng hoà liên bang Đức, Cộng hoà Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ucraina, Pháp… Ngoài ra, số vụ kiện ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Đức, Pháp cũng tăng lên nhiều từ đầu năm 2000 đến nay. So với các yêu cầu uỷ thác tư pháp của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các yêu cầu uỷ thác tư pháp của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thường đạt được hiệu quả cao hơn, một mặt do phía Toà án có thẩm quyền của Đức và Pháp hoạt động nhanh nhạy, hiệu quả; mặt khác các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Cộng hoà Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ucraina, Nga… được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc nên việc thực hiện các uỷ thác tư pháp do Toà án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu có kết quả khả quan hơn, việc tống đạt thành công chiếm tới 60- 70% số lượng các yêu cầu.

Bên cạnh Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2000 đến nay đặc biệt là trong các năm 2002, 2003, 2004 và 6 tháng đầu năm 2005 yêu cầu uỷ thác tư pháp do các Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Quảng Ninh, Sơn La, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng… cũng tăng lên ngày một nhiều, khoảng 5- 6 việc/năm.

Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài

-  Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài

Trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993. Theo quy định tại Điều 2 khoản 1 của Pháp lệnh và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/07/1993 của Bộ Tư pháp - Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì Toà án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Nhà nước ta về vấn đề này. Do đó sau năm 1994 đặc biệt là trong hai năm 1996 và 1997, có khoảng 150 trường hợp công dân Việt Nam và người nước ngoài đã nộp đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự do Toà án nước ngoài xét xử (chủ yếu về ly hôn), nhưng các đơn yêu cầu đó đã không được tiếp nhận vì phần lớn các bản án, quyết định dân sự này đều do các Toà án của CHLB Đức xét xử trong khi đó CHLB Đức tuyên bố từ giữa năm 1995 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và CHDC Đức chấm dứt hiệu lực, do vậy không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 Pháp lệnh ngày 17/4/1993.

Để xử lý bế tắc này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị và được Chính phủ chấp nhận cho phép công nhận các quyết định của Toà án nước ngoài về ly hôn không gắn kết với vấn đề tài sản để bảo hộ quyền lợi hợp pháp cho công dân Việt Nam thông qua việc ghi chú hộ tịch theo Nghị định số 83/1998/NĐ- CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Bộ luật Tố tụng Dân sự ngày 15/6/2004 ra đời, với những sửa đổi cơ bản trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các đương sự khi nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2005, Bộ Tư pháp nhận được ba yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Đầu tháng 10/2005, Bộ Tư pháp mới nhận được một Công văn trả lời đình chỉ không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định ly hôn, còn lại hai đơn yêu cầu khác chưa thấy Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ning và thành phố Hải phòng trả lời.

- Thực hiện công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của Trọng tài nước ngoài

Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý (với Bun- ga- ry, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Lào, Pháp và Mông Cổ); Công ước New York năm 1958[130] và Bộ luật Tố tụng Dân sự ngày 15/6/2004. Trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam ngày 15/6/2004 được ban hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được điều chỉnh bởi Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1995.

Từ năm 1995 đến năm 2004, các Toà án của Việt Nam thụ lý xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, 8 đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (3 vụ do Trọng tài Nga xét xử; 1 vụ do Trọng tài quốc tế Pari; 02 vụ do Trọng tài Ôxtrâylia; 1 vụ do Trọng tài HồngKông; 01 vụ do Trọng tài Thuỵ sĩ. Trong năm 2005, Bộ Tư pháp đã nhận được hai đơn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Hai đơn này hiện đang được TAND thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết.

4. Về công tác thẩm định điều ước quốc tế

Công tác thẩm định điều ước quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác điều ước quốc tế (đàm phán, thẩm định, ký kết, gia nhập, phê chuẩn và phê duyệt). Công tác thẩm định điều ước quốc tế được coi là van an toàn hay chốt an toàn trước khi tiến hành đàm phán, ký kết hoặc gia nhập bất kỳ điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương nào. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, ngoài việc chủ trì việc ký kết và gia nhập điều ước quốc tế về dân sự, thương mại do Bộ Tư pháp thực hiện, thì các hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an chủ trì, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các điều ước quốc tế đó. Điều này được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, công tác thẩm định điều ước quốc tế giúp cho cơ quan đề xuất đàm phán bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong khi đàm phán ký kết các điều ước quốc tế với phía đối tác nước ngoài. Dựa trên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, công tác thẩm định điều ước phân tích, so sánh và làm sáng tỏ những điểm trái hoặc những điểm chưa được quy định của các văn bản quy phạm pháp luật so với các quy định của điều ước quốc tế. Trên cơ sở việc phân tích, so sánh này sẽ giúp cho cơ quan đề xuất trong quá trình đàm phán có phương án xử lý liệu có nên gia nhập, ký kết điều ước quốc tế đó hay không? hay có ký kết, gia nhập nhưng chỉ ở một mức độ nào đó (bảo lưu một số điều khoản) nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, lợi ích công cộng của nước mình.

Thứ hai, công tác thẩm định điều ước có vai trò cảnh báo, dự đoán trước và góp phần đưa ra lộ trình xây dựng và hoàn thiện những chính sách, pháp luật của một quốc gia; góp phần dự báo việc chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết để thực thi một cách có hiệu quả điều ước quốc tế. Đặc biệt đối với những quốc gia kém hoặc đang phát triển, thông thường khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế thì phải tiến hành xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu và thực thi tốt nghĩa vụ thành viên của mình.

Thứ ba, công tác thẩm định điều ước quốc tế cũng giống như công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong nước đó là đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước và điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Chính phủ, trong đó điều ước quốc tế danh nghĩa Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế danh nghĩa Nhà nước; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa điều ước quốc tế với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

Phạm vi thẩm định điều ước quốc tế

 Theo quy định Điều 19 Khoản 1 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có quy định: “Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế” và Khoản 2 Điều 49 Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm thẩm định đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên. Điều này có nghĩa Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định tất cả điều ước và đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên không phụ thuộc vào vấn đề điều ước quốc tế đó có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội và Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 7 của Luật Điều ước năm 2005 thì điều ước quốc tế chỉ có hai loại đó là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước gồm những loại điều ước sau: (i) điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; (ii) điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; (iii) điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp; (iv) điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; (v) điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ gồm có những loại điều ước sau: (i) điều ước quốc tế để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước; (ii) Điều ước quốc tế về các lĩnh vực, trừ điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp; (iii) điều ước quốc tế về các tổ chức quốc tế, trừ tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; (iv) điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

Như vậy, theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thẩm định hai loại dự thảo điều ước quốc tế và văn bản điều ước quốc tế[131] (có thể nhân danh Chính phủ hoặc Nhà nước) mà không phụ thuộc điều ước quốc tế đó có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Nội dung thẩm định điều ước quốc tế

Theo quy định tại Điều 18 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước thì nội dung thẩm định điều ước quốc tế gồm những nội dung sau: (i) tính hợp hiến; (ii) mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; (iv) yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

Theo quy định này, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét, đánh giá nội dung của điều ước quốc tế có trái với Hiến pháp và các văn bản do Quốc hội và Uỷ ban thường vụ quốc hội khác ban hành không? hay có trái với các văn bản dưới luật không? có nghĩa là vẫn coi quy định của pháp luật Việt Nam là tiêu chí xem xét, đánh mức độ tương thích và phù hợp của điều ước quốc tế. Ngoài yêu cầu thẩm định tính tương thích của điều ước quốc tế, so với quy định trước đây, nội dung thẩm định điều ước quốc tế của Luật Điều ước quốc tế năm 2005 có sự thay đổi, trong đó có bổ sung thêm 2 nội dung. Thứ nhất, đó là Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét, đánh giá khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần điều ước quốc tế. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế thì Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện (Khoản 3 Điều 6 của Luật Điều ước năm 2005). Thứ hai, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét, đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó trình Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ xem xét, quyết định. Hai nội dung thẩm định này thể hiện quan điểm chỉ đạo khi soạn thảo Luật Điều ước quốc tế. Đó là trong trường hợp điều ước quốc tế đủ rõ, đủ chi tiết thì không nhất thiết phải nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế và vấn đề nội luật hoá điều ước quốc tế chỉ đặt ra khi các quy định này chưa đủ rõ, đủ chi tiết áp dụng trong quá trình thực hiện.

5. Một số kiến nghị

Trong bối cảnh mở rộng quan hệ quốc tế theo xu thế hội nhập của Nhà nước ta hiện nay, như đã được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII (Nghị quyết Trung ương 8), điều cần thiết là "phải tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp, về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội".  Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ các nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp. Đó là "tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia. Tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế với các tổ chức INTERPOL, ASEANPOL, ... với cảnh sát sát các nước láng giềng và khu vực, với cảnh sát một số quốc gia có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập". Bởi vậy, công việc có tính chất cấp thiết nhất hiện nay là ban hành đạo luật về tương trợ tư pháp quốc tế làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này./.

 

CÔNG BỐ, ĐĂNG TẢI ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

Nguyễn Minh Phương

 

Theo Điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc thì mọi điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế có hiệu lực thi hành tại quốc gia thành viên Liên Hợp quốc phải đăng ký lưu chiểu tại Ban Thư ký Liên Hợp quốc và quốc gia đó có trách nhiệm công bố điều ước quốc tế hoặc thoả thuận quốc tế đó.[132] Đây là nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc không cho phép các quốc gia có nghĩa vụ đăng ký điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế không đăng ký hay công bố điều ước quốc tế.  Căn cứ vào quy định này của luật quốc tế, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã ban hành và thực hiện các quy định liên quan đến việc công bố điều ước quốc tế hay thoả thuận quốc tế mà quốc gia mình ký kết hoặc tham gia. Tuỳ vào trình độ phát triển pháp luật của từng quốc gia mà mức độ quy định chi tiết và mức độ thực thi pháp luật của từng quốc gia cũng khác nhau.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn giới thiệu pháp luật và thực tiễn thi hành nghĩa vụ công bố điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vai trò của các cơ quan có liên quan trong việc thực thi nghĩa vụ công bố điều ước quốc tế, tôi cũng cố gắng giải đáp câu hỏi Bộ Tư pháp có vai trò gì trong công tác công bố, đăng tải các điều ước quốc tế  đồng thời khuyến nghị hoàn thiện pháp luật và cơ chế thi hành việc công bố, đăng tải điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế tại Việt Nam.

1. QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN CÔNG TÁC CÔNG BỐ, ĐĂNG TẢI ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TẠI MỘT SỐ NƯỚC

1.1. Canada

Canada chưa có luật riêng điều chỉnh việc ký kết hay phê chuẩn điều ước quốc tế cũng như không có luật hay quy định riêng về công bố điều ước quốc tế. Thực tiễn ký kết điều ước quốc tế của Canada lại dựa vào các thủ tục đã hình thành từ giai đoạn Canada là thuộc địa của Anh. Theo thủ tục này thì thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế thuộc Hoàng gia Anh[133]. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1867 thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế của Canada ít bị phụ thuộc hơn vào Hoàng gia và nhất là sau khi "Quy chế Westminster" ký vào năm 1931, luật pháp Anh đã trao cho các thuộc địa cũ của mình, trong đó có Canada, Ôxtrâylia và New Zealand, toàn quyền tiến hành các hoạt động đối ngoại của đất nước mình.[134] Từ đó tới nay, việc ký kết điều ước quốc tế tại Canada thuộc thẩm quyền của Chính phủ Liên bang. Nội các liên bang giữ vai trò giám sát việc ký kết và phê chuẩn điều ước quốc tế cũng như chỉ định người được uỷ quyền đàm phán và ký kết điều ước quốc tế thay mặt Chính phủ.[135]

Canada cũng chưa có một quy định riêng về công bố, đăng tải điều ước quốc tế. Việc công bố điều ước quốc tế được thực hiện trên thực tế dựa vào nguyên tắc pháp quyền cơ bản của luật thông lệ Anh là pháp luật là bình đẳng với tất cả mọi người   và mọi người đều được tiếp cận pháp luật.  Không giống như nhiều nước khác, Canada chưa có quy định cụ thể yêu cầu các điều ước quốc tế phải được công bố mới có hiệu lực thi hành ở trong nước nhưng trên thực tế, hầu hết các điều ước quốc tế mà Canada ký kết hoặc gia nhập đều được công bố theo quy trình tương tự như công bố văn bản pháp luật trong nước. Bởi lẽ, điều ước quốc tế chỉ được thi hành trong lãnh thổ Canada khi có một văn bản luật do Nghị viện/Quốc hội thông  qua với đa số phiếu ủng hộ và một khi Nghị viện đã thông qua luật thi hành các nghĩa vụ của một điều ước quốc tế cụ thể thì điều ước quốc tế đó đã được "nội luật hoá" thành pháp luật quốc gia.

Nói như vậy không có nghĩa là điều ước quốc tế ở Canada không cần hoặc không được công bố.  Trên thực tế thì gần như tất cả các điều ước quốc tế đều được công bố trong "Niên giám điều ước quốc tế của Canada" (Canada Treaty Series) - một ấn phẩm chính thức của Bộ Ngoại giao Canada.[136] Vụ Điều ước Bộ Ngoại giao có trách nhiệm[137] công bố hàng năm các điều ước quốc tế mà Canada tham gia hoặc ký kết trong năm trước trong Niên giám điều ước quốc tế của Canada.[138] Ngoài ra, một số điều ước quốc tế khác (như điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp) được đăng tải trên Công báo Canada. Một điều lưu ý là chỉ có các điều ước quốc tế đã có hiệu lực thi hành đối với Canada mới được đăng tải trong Niên giám. Các điều ước quốc tế song phương được đăng tải ngay trong năm mà điều ước quốc tế đó có hiệu lực còn đối với các điều ước quốc tế đa phương, Canada chỉ công bố khi Canada nhận được một bản sao chứng thực của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế. Toàn văn của gần như tất cả các điều ước quốc tế đều được công bố trừ phi bản thân điều ước quốc tế đó có quy định không công bố hay đăng tải vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.[139]  Trên thực tế thì rất ít điều ước quốc tế là "bí mật" theo nghĩa này và Canada cũng có một nguyên tắc chung là các điều ước quốc tế được ký kết sau một số năm  nhất định sẽ được công bố trong Niên giám điều ước quốc tế của Canada.[140] Trong trường hợp đề nghị được cung cấp thông tin nói chung và thông tin về điều ước quốc tế nói riêng bị chính phủ từ chối thì người đề nghị có thể đệ đơn lên Toà án Liên bang Canada theo định của Điều 44 Luật Tiếp cận thông tin.

Trong xu hướng chung của thế giới về tăng cường tiếp cận thông tin, vào năm 2001, nữ Hạ Nghị sĩ Francine Lalonde (bang Quebec) đã trình ra Phiên họp thứ nhất Nghị viện khoá 37[141] hai dự luật liên quan đến điều ước quốc tế: (1) Dự Luật số C- 313 về đàm phán, thông qua, trình quốc hội và công bố điều ước quốc tế (dự luật này còn có tên gọi là Dự luật điều ước quốc tế) và (2) C- 316 về Công bố điều ước quốc tế (dự luật này còn có tên là Dự luật về công bố điều ước quốc tế). Phần Công bố điều ước quốc tế trong Dự luật C- 313 chính là nội dung của toàn văn dự luật C- 316.

Dự luật C- 316 đã đưa ra quy định Bộ Ngoại giao có trách nhiệm đăng tải điều ước quốc tế trên Công báo Canada trong vòng 21 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế đó được phê chuẩn hoặc sửa đổi[142] và đăng tải trên cổng thông tin của Chính phủ Canada để người dân có thể truy cập toàn văn điều ước quốc tế cùng với các sửa đổi nếu có của điều ước trong vòng 7 ngày  kể từ ngày điều ước đó có hiệu lực thi hành.[143] Dự luật còn nhấn mạnh ở một điều khoản riêng về việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm bảo đảm các văn bản điện tử điều ước quốc tế và bất kỳ sửa đổi nào đối với điều ước quốc tế đó cũng phải được đăng tải trên internet, miễn phí và không cần mã khoá (password) để truy cập.[144] Điều khoản cuối cùng của Dự luật quy định rằng trong vòng 3 tháng kể từ ngày điều ước quốc tế có hiệu lực, điều ước quốc tế đó và các sửa đổi đi kèm nếu có phải được công bố trong Niên giám điều ước quốc tế và bảo đảm rằng tất cả các nghị sĩ Quốc hội và thư viện Quốc hội nhận được bản sao của các điều ước quốc tế đó. Dự luật này mới được đưa ra thảo luận lần 1 tại Hạ viện và sẽ có hiệu lực thi hành sau khi có chấp thuận của Hoàng gia.[145]

Vậy Bộ Tư pháp Canada có vai trò gì trong quá trình ký kết điều ước quốc tế, đặc biệt là quá trình công bố, đăng tải điều ước quốc tế?

Nếu chiểu theo các quy định hiện hành, thực tiễn thi hành cũng như các dự luật của Canada thì Bộ Tư pháp Canada không có một vai trò gì trong quá trình đàm phán, ký kết hay công bố điều ước quốc tế của Canada cả ngoại trừ chức năng làm tư vấn pháp luật cho Chính phủ liên bang trong quá trình đàm phán điều ước quốc tế với một hoặc nhiều bên nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng chỉ có vai trò công bố các điều ước quốc tế liên quan đến dẫn độ và các điều ước quốc tế này được đăng tải trong Công báo của Canada.

1.2. Hoa Kỳ

Đối với Hoa Kỳ, một nước láng giềng của Canada và có hệ thống pháp luật gần giống với hệ thống pháp luật của Canada, thì Hoa Kỳ và Canada vẫn có những  quy định khác nhau đối với từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Khác với Canada,[146] Hoa Kỳ đã có những quy định phân biệt sự khác nhau giữa điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế khác (còn được gọi là các thoả thuận của các cơ quan hành pháp).[147] Thoả thuận quốc tế khác còn được phân nhỏ thành thoả thuận quốc tế đơn thuần[148] (do Tổng thống phê chuẩn mà không cần qua Quốc hội phê chuẩn) và Thoả thuận quốc tế hỗn hợp[149] (cũng do chính phủ ký kết nhưng vẫn có sự "phê chuẩn" ở một mức độ nhất định của Quốc hội - tương tự như quá trình thông qua luật). Sự phân biệt này cũng dẫn đến các quy định khác nhau về đăng tải và công bố đối với từng loại thoả thuận.

Theo Công ước Vienna 1969 và Luật Hiến pháp Hoa kỳ thì điều ước quốc tế là một thoả thuận quốc tế giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế tự nguyện ràng buộc với nhau về mặt pháp lý và được điều chỉnh bởi luật quốc tế (không tính đến tên gọi, hình thức ký, cấp ký) có hiệu lực thi hành đối với Hoa Kỳ sau khi Hạ viện cho ý kiến và phê chuẩn với 2/3 số phiếu ủng hộ.[150] Điều ước quốc tế tất nhiên sẽ điều chỉnh các cam kết về nghĩa vụ và quyền hạn của Hoa Kỳ và bên/các bên ký kết đối với các vấn đề quốc tế và không được phép trái với Hiến pháp Hoa Kỳ.[151]

Trong khi đó, thoả thuận quốc tế khác hay các thoả thuận của các cơ quan hành pháp cũng là thoả thuận quốc tế ký kết giữa chính phủ/các cơ quan trong chính phủ Hoa Kỳ với (các) quốc gia hay tổ chức quốc tế khác, được phê chuẩn như một luật,[152] một điều ước quốc tế đã tồn tại trước đó (thoả thuận quốc tế hỗn hợp) hoặc dựa trên thẩm quyền Hiến định của Tổng thống (thoả thuận quốc tế đơn thuần).[153]

Do quy trình ký kết điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế khác nhau nên thủ tục công bố các văn bản bản cũng có những điểm giống và khác nhau.

Điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế khác phải được công bố trừ phi việc công bố đó được miễn trừ theo quy định của pháp luật. Yêu cầu công bố điều ước quốc tế được quy định trong Luật ngày 23 tháng 9 năm 1950[154] rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm[155] tập hợp, biên tập, lập danh mục và công bố tất cả các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế khác mà Hoa Kỳ là một bên ký kết hoặc tham gia ... trong ấn phẩm có tên gọi là Bộ Điều ước quốc tế và các Thoả thuận quốc tế khác của Hoa Kỳ [United States Treaties and Other International Agreements, viết tắt là U.S.T],... được công bố hàng năm.  Ngoài U.S.T, các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế khác còn có thể tra cứu tại Các tài liệu về pháp luật quốc tế (International Legal Materials - gọi tắt là I.L.M).

Trong Luật sửa đổi Luật 1950 nói trên có một quy định rằng, việc công bố "các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế khác" sẽ trở thành căn cứ pháp lý của tất cả các toà án trong lãnh thổ Hoa Kỳ, tại một số bang và vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ. Do sức ép về số lượng điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế được ký hàng năm quá nhiều nên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không thể công bố kịp thời tất cả các thoả thuận như yêu cầu. Tuy nhiên, đối với các văn bản chưa được Bộ Ngoại giao công bố vẫn có thể được tìm thấy từ một số nhà cung cấp thu phí khác như Hein,[156] Westlaw hoặc Lexis/Nexis.

Theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này thì trên thực tế, tất cả các điều ước quốc tế (được Quốc hội phê chuẩn) đều được công bố công khai. Vấn đề không công bố chỉ gặp phải đối với một số loại thoả thuận quốc tế khác, đặc biệt là các thoả thuận quốc tế đơn thuần do Tổng thống đích danh phê chuẩn song vẫn phải có báo cáo Quốc hội.

Như trên đã trình bày, các điều ước quốc tế muốn được thi hành cần được 2/3 số phiếu ủng hộ của Quốc hội, do vậy tất cả các điều ước quốc tế cần phải được trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn. Trong khi đó, các thoả thuận quốc tế khác do Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ký kết không cần qua thủ tục phê chuẩn của Quốc hội, song, theo đạo luật Case- Zablocki,[157] các thoả thuận quốc tế khác không phải điều ước quốc tế theo định nghĩa của Luật Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng cần phải trình Quốc hội trong vòng 60 ngày ngay sau khi có hiệu lực thi hành tại Hoa Kỳ.  Quy định tương tự về thời gian như vậy cũng được áp dụng cho bất kỳ thoả thuận nào trình Quốc hội mà "việc công bố công khai văn bản, theo ý kiến của Tổng thống, sẽ có thể có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".[158] Tuy nhiên, loại thoả thuận quốc tế này sẽ chỉ được chuyển lên Uỷ ban quan hệ đối ngoại của Hạ viện và Uỷ ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện sau khi Tổng thống có thông báo giải mật.

Luật Case- Zablocki cũng quy định rằng, Bộ Ngoại giao phải chuyển các văn bản thoả thuận quốc tế khác lên Quốc hội nửa tháng một lần. Mặc dù Luật không yêu cầu Bộ Ngoại giao gửi các thông tin khác liên quan đến thoả thuận quốc tế, song theo yêu cầu của Hạ Viện, Bộ Ngoại giao phải gửi kèm các thoả thuận quốc tế một bản báo cáo (tờ trình) nêu tóm tắt nội dung thoả thuận cũng như cơ quan có thẩm quyền ký kết cũng như thực thi thoả thuận quốc tế đó.

Ngoài Luật Case- Zablocki, Luật Tự do thông tin và một số văn bản khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn ban hành một cẩm nang hướng dẫn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế. Trong đó, tại mục 11 FAM 700 (từ điều 725.2 đến điều 725.3), Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn cách thức công bố điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế.[159]

Căn cứ vào Luật Tự do thông tin, bảy nhà xuất bản được quyền nhận bản sao của các thoả thuận quốc tế cũng như các tài liệu đi kèm. Một số nhà xuất bản đã phân loại và sắp xếp các thoả thuận quốc tế theo từng lĩnh vực như thuế, sở hữu trí tuệ, hàng hải, hoặc các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật, một số nhà xuất bản khác lại công bố văn bản các thoả thuận đã được báo cáo, và các điều ước quốc tế  trình Quốc hội mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Case- Zablocki. Hoa Kỳ cũng có nghĩa vụ quốc tế đối với việc công bố điều ước quốc tế thông qua việc đăng ký lưu chiểu và công bố điều ước quốc tế theo Điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc.

Vào năm 1994, Quốc hội Hoa Kỳ đã sửa đổi quy chế về công bố,[160] qua đó uỷ quyền cho Bộ Ngoại giao xác định loại thoả thuận nào không phải công bố nếu tuân thủ các tiêu chí dưới đây:

(1) Thoả thuận đó không phải là điều ước quốc tế đã có hiệu lực thi hành đối với Hoa Kỳ sau khi Hạ viện phê chuẩn theo Khoản 2(2) Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ;

(2) Sự quan tâm của công chúng đối với thoả thuận đó chưa đủ chứng tỏ thoả thuận đó cần phải công bố (có 4 lý do cụ thể)[161]; và

(3)  Bản sao của các thoả thuận đó..., bao gồm bản sao chứng thực phục vụ mục đích khiếu kiện tại toà án hay các mục đích tương tự, sẽ được Bộ Ngoại giao cung cấp nếu có yêu cầu.

Một điều lưu ý là tất cả các tiêu chí để không công bố các thoả thuận quốc tế và danh sách các thoả thuận quốc tế không được công bố phải công bố tại Cục Đăng ký Liên bang (Federal Register).[162]

Tuy nhiên, công chúng và các Nghị sĩ không thoả mãn hoàn toàn với cách công bố các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế khác của Chính phủ.[163] Bởi lẽ, tuy luật bảo đảm rằng Quốc hội và công chúng có thể tiếp cận tất cả các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế (không phải là điều ước quốc tế), nhưng lại chưa có một điều quy định nào bảo đảm rằng Quốc hội, bằng cách này hay cách khác, có thể tiếp cận với các thoả thuận quốc tế thuộc các lĩnh vực không được phép công bố, hay nói cách khác là các thoả thuận được bảo mật. Ngoài ra, trên thực tế nhiều cơ quan chính phủ khác (không phải là Bộ Ngoại giao) cũng ký kết thoả thuận với chính phủ các nước khác và các văn bản thoả thuận quốc tế loại này thông thường ít được gửi tới Bộ Ngoại giao. Quốc hội và công chúng rất khó để tiếp cận các loại thoả thuận "bộ ngành" này.

Về vai trò của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói riêng và công bố điều ước quốc tế nói chung, chưa tìm thấy văn bản nào quy định  chức năng của Bộ Tư pháp liên quan đến nhiệm vụ này.

1.3. Đan Mạch[164]

Theo Hiến pháp Đan Mạch, tất cả các luật đều phải ban hành và công bố mới có hiệu lực pháp luật. Điều ước quốc tế cũng cần được công bố để có giá trị pháp lý thi hành đối với các công dân Đan Mạch. Luật Công báo của Đan Mạch[165] quy định rằng  tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều ước quốc tế, các thoả thuận quốc tế phải được đăng tải trên Công báo.[166] Thực tiễn cho thấy rằng, Đan Mạch đã công bố tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả các điều ước quốc tế mà Đan Mạch ký kết với các quốc gia hay vùng lãnh thổ khác kể từ năm 1871 và việc công bố này được thực hiện hàng tuần và hàng tháng.[167]

Tương tự như ở Canada và Hoa Kỳ, việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ở Đan Mạch cũng áp dụng nguyên tắc nhị nguyên luận, có nghĩa là để điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành trong nước cần phải được nội luật hoá thông qua phê chuẩn của Quốc hội. Tuy nhiên, là một nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như nhiều nước thành viên EU khác, Đan Mạch  có thể áp dụng trực tiếp nhiều điều ước quốc tế được ký kết trong khuôn khổ EU[168] mà không phải qua "nội luật hoá". Đối với các điều ước quốc tế này, Đan Mạch không cần phải công bố bởi lẽ Liên Minh châu Âu đã xây dựng một cơ chế hoàn thiện về công bố các điều ước quốc tế cũng như các văn bản do Liên minh châu Âu và các cơ quan của Liên minh ban hành, các quốc gia, các công dân của các nước  thành viên Liên minh châu Âu và thậm chí, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với các văn bản này.[169]

 

Theo pháp luật Đan Mạch, tất cả các điều ước quốc tế đều phải công bố và nếu không công bố sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các công dân Đan Mạch và cũng không thể trở thành chứng cứ pháp lý tại toà án. Tương tự như tại Canada và Hoa Kỳ, Đan Mạch cũng có một số thoả thuận quốc tế không được công bố, nguyên tắc không công bố các thoả thuận này cũng được thực hiện căn cứ vào Luật tiếp cận thông tin hành chính công.[170] Tuy tại Đan Mạch chưa có thực tiễn công dân khiếu nại Nhà nước vì không đáp ứng yêu cầu cung cấp điều ước quốc tế hay thoả thuận quốc tế, song Đang Mạch đã hình thành từ lâu cơ chế tiếp cận thông tin công, dựa vào cơ chế này các công dân Đan Mạch có quyền yêu cầu các cơ quan công quyền cung cấp tài liệu và thông tin của chính phủ cũng như của các cơ quan thuộc chính phủ. Trong trường hợp nếu yêu cầu cung cấp điều ước quốc tế hay thoả thuận quốc tế bị từ chối, công dân có thể gửi đơn lên cơ quan hành chính liên quan hoặc thông qua Viện dân biểu (Ombudsman) để gửi yêu cầu.

Về vai trò của Bộ Tư pháp, khác với Canada và Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp Đan Mạch là cơ quan quản lý Công báo và do vậy, cũng quản lý luôn việc đăng tải và công bố các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế lên Công báo, song chức năng đàm phán, ký kết điều ước quốc tế vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Đan Mạch.

1.4. Nhật Bản

Nhật Bản chưa có luật riêng về ký kết và thực hiện  điều ước quốc tế. Thủ tục thông qua điều ước quốc tế do Chính phủ ký kết không khác nhiều lắm so với quy trình thông qua luật,[171] bởi lẽ để thông qua điều ước quốc tế, trước hoặc sau khi ký kết, Nội các bắt buộc phải trình điều ước quốc tế đó  ra Nghị viện thông qua.[172]

Tuy chưa có luật riêng về điều ước quốc tế, nhưng trong Hiến pháp Nhật Bản cũng có một số điều quy định thẩm quyền ký kết hay phê chuẩn điều ước quốc tế của nhà Vua,[173] của Nghị viện[174] và của Nội các[175] Nhật Bản.  Trong trường hợp quyết định của Thượng viện khác với quyết định của Hạ viện, và hội nghị liên Viện không đạt được thoả thuận, theo quy định của Luật Nghị viện,[176] hoặc trong trường hợp Thượng viện không tiến hành thủ tục quyết định cuối cùng trong thời hạn ba mươi ngày, trừ thời gian Nghị viện không họp, sau khi nhận được điều ước quốc tế đã được Hạ viện thông qua, thì quyết định của Hạ viện sẽ trở thành quyết định của Nghị viện (áp dụng đồng thời Điều 60 khoản 2, Điều 61, Hiến pháp).

Như vậy, có thể thấy rằng, Nghị viện Nhật Bản có vai trò rất lớn trong việc thông qua hay phê chuẩn điều ước quốc tế, một khi điều ước quốc tế được Nghị viện thông qua thì điều ước quốc tế do Chính phủ Nhật Bản ký kết sẽ được thi hành tại Nhật Bản như một luật trong nước.

Liên quan đến việc công bố và đăng tải điều ước quốc tế, Nhật Bản cũng không có một đạo luật riêng nào quy định việc này. Cũng như tất cả các luật do Nghị viện thông qua, điều ước quốc tế của Nhật Bản đều được đăng trên Công báo và nếu điều ước quốc tế không được công bố sẽ không thể trở thành một văn bản quy phạm và không được thi hành trên lãnh thổ Nhật Bản. Việc công bố này dựa trên "thực tiễn hoạt động" đã có tiền lệ từ giai đoạn trước chiến tranh thế giới tại Nhật Bản và một số án lệ của Toà án tối cao Nhật đã khẳng định và thừa nhận thực tiễn này.[177]

Ngoài việc điều ước quốc tế được đăng tải chính thức trên Công báo, nhiều tờ báo, tạp chí pháp luật của Nhật Bản cũng tham gia đăng tải các điều ước quốc tế và các văn bản, tài liệu liên quan đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Về vai trò của Bộ Tư pháp Nhật Bản đối với việc ký kết điều ước quốc tế nói chung và công bố điều ước quốc tế nói riêng,  Bộ Tư pháp Nhật Bản chỉ có vai trò là cơ quan phối hợp với Bộ Ngoại giao đối với những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp, chẳng hạn như việc ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến phòng chống tội phạm quốc tế. Còn việc công bố, đăng tải các luật, điều ước quốc tế lại thuộc chức năng của Văn phòng Nội các Nhật Bản và   Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm in và phát hành Công báo.   

2. QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN CÔNG TÁC CÔNG BỐ, ĐĂNG TẢI ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Từ sau năm 1945 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực và điều ước quốc tế đã trở thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng của Việt Nam qua các thời kỳ. Việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 1989,[178] sau đó được sửa đổi bổ sung thành Pháp lệnh 1998 và 7 năm sau, Pháp lệnh đã được thay thế bằng một văn bản có giá trị cao hơn, đó là Luật Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được Quốc hội thông qua năm 2005,[179] hơn nữa, việc ký kết thoả thuận chính phủ trước đây được quy định ở cấp Nghị định,[180] nay đã được nâng lên thành Pháp lệnh ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế năm 2007[181] đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với việc chuẩn hoá các quy định và thủ tục liên quan đến vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế .

Liên quan đến việc công bố, đăng tải điều ước quốc tế, ngoài Điều 69 Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và Điều 24 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, việc công bố này còn được Nghị định của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà XHCN Việt Nam,[182] và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định về Công báo nói trên[183] điều chỉnh. Về cơ bản, có thể khẳng định rằng hành lang pháp lý quy định việc công bố, đăng tải điều ước quốc tế tại Việt Nam là khá đầy đủ so với nhiều quốc gia khác, kể cả các quốc gia phát triển. Căn cứ vào các quy định này, thì Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với  Việt Nam được đăng trên Công báo và Niên giám điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao (Điều 69 Luật Điều ước quốc tế, Điều 2 Nghị định 104/2004/NĐ- CP về Công báo) và các thoả thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức được công bố công khai (Điều 24 Pháp lệnh về Thoả thuận quốc tế) trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa các bên ký kết. Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 48/NQ- TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 thì các điều ước quốc tế, ngoài đăng tải trên Công báo, phải được đưa vào cơ sở dữ luật quốc gia về pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì.

Tuy đã có các quy định như vậy, song các quy định còn khá chung chung và thiếu tính hiệu lực cao bởi lẽ:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, Điều 69 Luật điều ước quốc tế chỉ quy định các Điều ước quốc tế đã có hiệu lực được đăng trên Công báo chứ không là phải đăng trên Công báo như các văn bản quy phạm pháp luật khác (lưu ý là ở Việt Nam, điều ước quốc tế không được coi là văn bản quy phạm pháp luật căn cứ vào Luật Ban hành quy phạm pháp luật). Như vậy, hiệu lực của quy định này không mang tính bắt buộc cao. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc không phải đăng Công báo nếu điều ước quốc tế đó có thoả thuận giữa các bên ký kết  hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không phải công bố. Tuy nhiên, tiêu chí về việc miễn trừ công bố lại chưa hề được quy định ở bất kỳ văn bản nào mà lệ thuộc vào tính võ đoán của từng điều ước quốc tế, tức là lệ thuộc vào sự “tuỳ tiện quyết định” của các bên ký kết và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không công bố cũng không được quy định cụ thể là cơ quan nào, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Ngoại giao?

Đối với các thoả thuận quốc tế cũng có quy định “lỏng lẻo” như vậy, và hơn nữa Pháp lệnh về ký kết thoả thuận quốc tế còn không quy định rõ được các thoả thuận quốc tế sẽ được công khai ở đâu, ở cơ quan Việt Nam ký kết thoả thuận đó, ở Công báo trung ương hay Công báo địa phương....

Về hiệu lực của điều ước quốc tế đăng trên Công báo, Nghị định 104 về Công báo khẳng định rằng thời điểm có hiệu lực của điều ước quốc tế được quy định ngay tại điều ước quốc tế và không phụ thuộc ngày đăng Công báo. Như vậy, có nghĩa là nếu Công báo, địa chỉ chính thức đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế, chậm công bố các điều ước quốc tế đã phát sinh hiệu lực thì các đối tượng có liên quan thực thi điều ước quốc tế đó không có cơ hội để biết trước và chuẩn bị cho việc thi hành điều ước quốc tế. Điều này, ít nhất là đã trái với quy định của Thoả thuận của Tổ chức thương mại thế giới (Điều X  về công bố, đăng tải các luật, quy định, các quyết định của toà án, các thủ tục hành chính áp dụng chung trong Thoả thuận GATT 1994) và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (Chương VI về Công khai minh bạch) là các bên có liên quan cần phải được biết trước các quy định mà họ sẽ phải thực hiện. 

Việt Nam thừa nhận tính ưu thế của pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia, thừa nhận giá trị pháp lý cao hơn của điều ước quốc tế so với văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Điều 6 (1) Luật điều ước quốc tế quy định rằng “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Điều này thể hiện cam kết cao của Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm chỉnh Công ước Viên năm 1969 về điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều 26 và 27 Công ước đã đề ra nguyên tắc nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết quốc tế (pacta sunt sevanda), tức là một khi quốc gia tự nguyện ràng buộc bởi một cam kết quốc tế thì cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó có trách nhiệm pháp lý quốc tế phát sinh từ cam kết đó mà không được viện dẫn bất cứ lý do gì, kể cả lý do về pháp luật quốc gia để biện minh cho việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết. Quy định như vậy là phù hợp với xu thế chung của thế giới, song vấn đề đặt ra là khi điều ước quốc tế đó không được công bố công khai, đầy đủ và kịp thời do cả lý do pháp luật quy định không công khai (Điều 69 Luật Điều ước quốc tế) lẫn vì lý do kỹ thuật và năng lực của cơ quan Công báo không kịp thời công bố thì làm thế nào để các đối tượng chịu ảnh hưởng của quy định đó (trong luật Việt Nam) biết đến điều ước quốc tế mà tuân thủ. Một quy định quét kiểu chung chung như vậy nên cụ thể hoá hoặc quy định cách khác để tránh đánh đố cho người áp dụng pháp luật.

Một vấn đề nữa về mặt pháp lý cũng có ảnh hưởng tới quy định liên quan đến công bố điều ước quốc tế, đó là quy định về “phân cấp” điều ước quốc tế và vai trò của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong quá trình cho ý kiến và phê chuẩn  điều ước quốc tế.   Theo Điều 7 Luật điều ước quốc tế, thì các điều ước nhân danh Nhà nước được ký kết trong các trường hợp điều ước quốc tế đó liên quan đến các vấn đề quan trọng của quốc gia như hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp, ký với tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng, ký với người đứng đầu của quốc gia khác hoặc theo thoả thuận với bên nước ngoài. Còn điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ thuộc các vấn đề khác không nằm trong các trường hợp điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.  Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ xem xét và thông qua tất cả các luật và pháp lệnh điều chỉnh tất cả các lĩnh vực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam song chỉ có thẩm quyền “cho ý kiến” đối với các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ nếu thuộc một trong ba trường hợp (1) có các quy định trái với pháp luật hiện hành,  (2) chưa có quy định trong pháp luật hiện hành, hoặc (3) cần phải sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước[184] còn các điều ước quốc tế khác không trái, không có gì mới hay không cần sửa đổi bổ sung luật trong nước thì Quốc hội hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội “không phải cho ý kiến”. Hơn nữa, Luật điều ước quốc tế không có quy định nào yêu cầu phải lấy ý kiến của Quốc hội hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội nếu điều ước nhân danh Nhà nước nào đó có quy định thuộc một trong ba trường hợp trên (trái pháp luật trong nước, cần xây dựng văn bản luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành) mặc dù tầm quan trọng của các điều ước quốc tế nhân dân Nhà nước đã được thể hiện trong Điều 7 của Luật. Cũng theo Luật Điều ước quốc tế thì vai trò của Quốc hội hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với việc thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính phù hợp của điều ước quốc tế cũng khá mờ nhạt, chủ yếu là phụ thuộc vào cơ quan của Chính phủ là Bộ Tư pháp.

Về thời gian đăng tải điều ước quốc tế trên Công báo, cả Luật Điều ước quốc tế (Điều 69) cũng như Nghị định về Công báo (quy định c) 1.2 về các loại văn bản đăng Công báo) đều quy định chỉ công bố những điều ước quốc tế  đã có hiệu lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên quy định công bố đối với điều ước quốc tế đã được ký kết để tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự tác động của điều ước quốc tế có thời gian chuẩn bị, cũng như các nhà làm luật có thời gian sửa đổi, bổ sung xây dựng luật mới trước khi phê chuẩn và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được thống nhất giữa các nhà làm luật.

Luật điều ước quốc tế cũng không hề có quy định yêu cầu Chính phủ phải thường xuyên nộp báo cáo hay thông báo theo định kỳ danh mục tất cả các điều  ứơc quốc tế đã được ký kết, được phê chuẩn hay phê duyệt và có hiệu lực thi hành nhưng không yêu cầu phải có sự tham gia ý kiến của Quốc hội hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng là Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội là các cơ quan có thẩm quyền cao nhất về ban hành luật và pháp luật nhưng lại không nắm được các điều ước quốc tế đã được ký kết mà về nguyên tắc có giá trị cao hơn pháp luật trong nước. Đối với trường hợp này, nên tham khảo quy định pháp luật Hoa Kỳ (Luật Case- Zablocki), Tổng thống có thể ký kết và thông qua điều ước quốc tế mà không phải trình Quốc hội xong danh mục tất cả các điều ước quốc tế đó phải được báo cáo trước Quốc hội hay các Uỷ ban đối ngoại của hai Viện.

Thứ hai, về thực tiễn thực hiện việc công bố đăng tải điều ước quốc tế. Trên thực tế, Việt Nam đã ký kết Điều ước quốc tế với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế từ năm 1945 đến nay, song việc công bố công khai điều ước quốc tế mới chỉ được quan tâm từ hơn mười năm nay. Cụ thể là Bộ Ngoại giao, vào năm 1995 đã ban hành Niên giám điều ước quốc tế đầu tiên của Việt Nam giai đoạn 1990 - 1991, cho tới nay, vào cuối năm 2007, cũng mới chỉ có Niên giám điều ước quốc tế đến năm 1994 và Bộ Ngoại giao đang chuẩn bị xuất bản Niên giám điều ước quốc tế 1995. Điều này đã cho thấy tình hình thực hiện quy định về Công bố điều ước quốc tế rất kém, chủ yếu là do các cơ quan chủ trì ký kết điều ước quốc tế không nhận thức được tầm quan trọng của việc công bố các điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với Việt Nam và việc quản lý của Bộ Ngoại giao đối với điều ước quốc tế còn chưa chặt chẽ. 

Tình hình thực hiện việc công bố điều ước quốc tế tại Việt Nam đã có những chuyển biến nhất định kể từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào năm 2001 và toàn văn Hiệp định này là văn bản điều ước quốc tế đầu tiên có hiệu lực thi hành ở Việt Nam được đăng trên Công báo. Trước đó, Công báo chỉ đăng tải các Nghị quyết, quyết định phê chuẩn hay phê duyệt điều ước quốc tế của Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ mà thôi. Sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được công bố trên Công báo, quy định về công bố điều ước quốc tế của Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 1998 (điều 75) mới bắt đầu được tuân thủ. Số lượng điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành được công bố trên Công báo ngày càng nhiều hơn, song theo cán bộ có trách nhiệm của cơ quan Công báo thì không phải tất cả các điều ước quốc tế phải công bố đều được  đăng Công báo bởi nhiều lý do, trong đó có lý do Công báo quá tải về số lượng văn bản quy phạm pháp luật trong nước và các cơ quan có trách nhiệm ký kết điều ước quốc tế không kịp thời gửi bản sao điều ước quốc tế đó cho cơ quan Công báo. Mặt khác, ai cũng thấy rõ tiện ích của Công báo điện tử, song cho tới nay, cơ quan Công báo vẫn chưa thực hiện việc đưa các điều ước quốc tế lên Công báo điện tử bởi lẽ Công báo điện tử về điều ước quốc tế của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng.

Ngoài Niên giám Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao và Công báo của Chính phủ có trách nhiệm công bố điều ước quốc tế còn một số cơ quan khác cũng có chức năng công bố điều ước quốc tế, ví dụ như Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì.[185] Song, nếu truy cập vào cơ sở dữ liệu này, số lượng điều ước quốc tế có thể tìm thấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay, các mục phân loại theo tên điều ước quốc tế mới chỉ có vỏ mà chưa có ruột. Một điều đáng lưu ý khác là Bộ Ngoại giao không hề có trang “điều ước quốc tế” riêng trong cổng thông tin điện tử của mình để đăng tải các điều ước quốc tế, ít nhất là các điều ước quốc tế đã được xuất bản trong các tập Niên giám điều ước quốc tế.[186]

Ngoài ra, một số cơ quan ban ngành[187] cũng công bố một số điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý của họ trên cổng thông tin chính của cơ quan song số lượng điều ước quốc tế rất nghèo nàn, chỉ có bản tiếng Việt mà không có bản đối chiếu bằng tiếng Anh. Hiện nay mới chỉ có Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam (Cơ quan cung cấp dịch vụ của VietnamNet INCOM & VASC - thành viên VNPT) lưu trữ được nhiều nhất số lượng điều ước quốc tế đã được ký kết của Việt Nam (cả các điều ước đã có hiệu lực và chưa có hiệu lực). Tuy nhiên con số này chỉ có thể so sánh với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có chứ không có nghĩa là Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam đã đăng tải được đầy đủ tất cả các điều ước quốc tế của Việt Nam. Và, một điều cũng đáng lưu ý là cơ sở dữ liệu này có thu phí đối với người truy cập.

Về vai trò của Bộ Tư pháp đối với việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói chung và công bố điều ước quốc tế nói riêng, quy định như hiện nay tại Việt Nam là hợp lý và phù hợp với thông lệ chung trên thế giới. Mặc dù, tại một số quốc gia khác, Bộ Tư pháp có những vai trò nhất định trong việc công bố điều ước quốc tế, song ở Việt Nam, nếu Bộ Ngoại giao và Công báo Chính phủ thực hiện tốt chức năng của mình là có thể đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật và thực tiễn.

3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC TRONG LĨNH VỰC CÔNG BỐ, ĐĂNG TẢI ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Như trên đã phân tích và trình bày, việc thiếu thông tin về các điều ước quốc tế do không được công bố hoặc công bố không kịp thời và đầy đủ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho tất cả các cơ quan và người dân trong mọi khâu của quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật.  

Để hoàn thiện quy định pháp luật cũng như cơ chế thực hiện việc công bố điều ước quốc tế của Việt Nam, nhằm góp phần thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như tạo điều kiện để các cơ quan và người dân trong nước có đủ điều kiện để thực hiện tốt pháp luật, dựa vào một số kinh nghiệm và thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế của một số nước trên thế giới, tôi xin có một số đề xuất dưới đây:

Thứ nhất, cần có quy định cụ thể hơn và đầy đủ hơn nhằm nâng cao  vai trò của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét và phê chuẩn điều ước quốc tế như rất nhiều nước khác đã quy định nhằm bảo đảm vai trò tối cao của Quốc hội trong công tác làm luật. Cần bổ sung quy định yêu cầu Chính phủ hoặc cơ quan chủ trì ký kết điều ước quốc tế, thông qua Chính phủ, trình Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo thường kỳ về việc ký kết điều ước quốc tế cũng như trình danh mục tất cả các điều ước quốc tế mà Chủ tịch nước hay Chính phủ ký kết không phải thông qua thủ tục phê chuẩn của Quốc hội chứ không nên hạn chế ở việc chỉ hỏi ý kiến Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với các điều ước quốc tế có quy định trái với pháp luật trong nước. Có như vậy mới có thể bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ hai,  vì Việt Nam đã cam kết điều ước quốc tế có giá trị cao hơn pháp luật trong nước, do vậy, nếu đã có quy định công bố tất cả các Luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cũng phải có quy định công bố TẤT CẢ các điều ước quốc tế của Việt Nam, nếu không công bố sẽ không được thi hành và không được Tòa án viện dẫn trong quá trình xét xử. Nếu có lý do để không công bố điều ước quốc tế đó thì các tiêu chí xác định điều ước quốc tế không được công bố cần được quy định trong luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành thật rõ ràng và cụ thể, tránh sự tuỳ tiện và tuỳ hứng của cơ quan chịu trách nhiệm ký kết.

Thứ ba, cần phải tránh đến mức tối đa việc đưa ra quy định “nếu quy định này trái với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì thực hiện quy định của điều ước quốc tế” và phải cụ thể hoá quy định của điều ước quốc tế đó ngay trong văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

Thứ tư, cần quy định cụ thể trách nhiệm và tăng cường năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền công bố điều ước quốc tế  (trong việc xây dựng Niên giám điều ước quốc tế hay Công báo) để việc công bố điều ước quốc tế được công bố kịp thời, thường xuyên theo định kỳ ít nhất là hàng tháng (đối với Công báo) và hàng năm (đối với Niên giám điều ước quốc tế). Có thể xây dựng một trang mục riêng về điều ước quốc tế trên Công báo giấy, xây dựng kịp thời Công báo điện tử và Niên giám điều ước quốc tế điện tử.

Thứ năm, cần ban hành Luật về tiếp cận thông tin để tạo cho người dân và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế được tiếp cận đầy đủ với điều ước quốc tế. Trong trường hợp bị từ chối thì cũng có cơ chế rõ ràng để người dân hoặc đối tượng chịu sự tác động của điều ước quốc tế có thể yêu cầu hoặc khiếu nại. Quyền tiếp cận thông tin chính là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền 1946 (1946 Global Human Rights Declaration), Công ước liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị 1966 (1966 national Convention on Civil and Political Rights) và trong Hiến pháp Việt Nam 1992 (Điều 69)./.

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG CÔNG TÁC
HẬU KIỂM CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

TS. Nguyễn Thị Thuận

Đại học Luật Hà Nội

 

Căn cứ vào quy định hiện hành của Công ước Viên 1969 về luật điều ước quốc tế giữa các quốc gia và thực tiễn ký kết điều ước quốc tế của cộng đồng quốc tế thì điều ước quốc tế được hiểu là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế thỏa thuận ký kết và được luật quốc tế điều chỉnh.

Mặc dù trong quan hệ quốc tế, loại hình điều ước quốc tế giữa các quốc gia là rất phổ biến, nhưng hiện nay, số lượng điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia với tổ chức quốc tế hoặc giữa các tổ chức quốc tế với nhau ngày càng gia tăng. Toàn bộ quan hệ kí kết và thực thi loại hình điều ước quốc tế này được điều chỉnh trong Công ước 1986 về luật điều ước[188]. Tuy nhiên không phải bất kì điều ước quốc tế nào cũng đều hợp pháp và có hiệu lực trong thực tiễn quốc tế. Luật quốc tế đã đưa ra các điều kiện cần thiết như là đảm bảo tính hợp pháp của các loại hình điều ước, cụ thể:

- Điều ước quốc tế phải có nội dung phù hợp với các quy phạm mệnh lệnh có tính bắt buộc chung (Jus cogens), dĩ nhiên trong đó bao gồm cả hệ thống các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.

- Điều ước quốc tế phải được kí kết dựa trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, bình đẳng và công bằng.

- Trình tự, thủ tục, điều kiện và thẩm quyền kí kết điều ước quốc tế phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia về kí kết điều ước quốc tế.

Đối với một quốc gia thành viên, vấn đề hiệu lực của điều ước quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiệu lực về không gian, hiệu lực về thời gian của điều ước quốc tế sẽ có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới chính quốc gia này và các đối tượng khác có liên quan. Đối với vấn đề hiệu lực về không gian, đương nhiên quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ đảm bảo triển khai hiệu lực thi hành của điều ước trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ quốc gia trừ khii trong điều ước có quy định khác. Trong khoa học luật quốc tế, vấn đề hiệu lực về thời gian của điều ước quốc tế được hiểu là bao gồm thời điểm phát sinh và thời điểm chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế, còn đối với điều ước vô thời hạn chỉ cần xác định thời điểm có hiệu lực là đủ. Thời hạn giữa thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế  chính là thời gian thực thi các cam kết phát sinh đối với quốc gia thành viên. Vấn đề cuối cùng là hiệu lực về chủ thể của điều ước quốc tế, ở đây cần hiểu khái niệm này rộng hơn với những phân tích cần nghiên cứu. Về nguyên tắc, chỉ quốc gia thành viên phải chịu sự ràng buộc đối với quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng trong thực tiễn đời sống quốc tế, tồn tại rất nhiều loại hình điều ước đa dạng, có điều ước quốc tế được kí kết và chỉ điều chỉnh các quan hệ pháp lí quốc tế đơn thuần giữa các quốc gia hoặc các chủ thể luật quốc tế khác, nhưng cũng có điều ước quốc tế được kí kết và có hiệu lực giữa các chủ thể luật quốc tế, xong nội dung điều chỉnh của chúng có tác động trực tiếp tới các thể nhân hoặc pháp nhân trong đời sống dân sự quốc tế, nói cách khác các đối tượng này là những chủ thể trực tiếp thụ đắc quyền lợi và gánh chịu các trách nhiệm phát sinh từ điều ước quốc tế được kí kết giữa các quốc gia. Ví dụ như: Công ước Vacsava 1929 về vận chuyển hàng không dân dụng quốc tế  được kí kết và có hiệu lực giữa các quốc gia thành viên, nhưng nội dung điều chỉnh là các quyền và nghĩa vụ pháp lí của thể nhân như hành khách hoặc pháp nhân như các công ti hàng không. Phân tích khái quát như vậy để ta hiểu rằng: Trong quá trình thực thi luật quốc tế, cụ thể ở đây là điều ước quốc tế, không thể bỏ qua vai trò của các cá nhân, các cơ quan và pháp nhân trong lĩnh vực quan hệ pháp lí quốc tế. Vai trò này là rất quan trọng trong quá trình xây dựng luật quốc tế, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung và thay đổi luật quốc tế.

Toàn bộ nội dung phân tích nêu trên nhằm khẳng định lại những giá trị pháp lí của điều ước quốc tế, qua đó là tiền đề lí luận để mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng xác định rõ ràng hơn và cụ thể hơn hoạt động hậu kiểm các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đảm bảo tính hiệu quả của điều ước quốc tế  đối với mỗi quốc gia thành viên trong toàn bộ quá trình thực thi điều ước quốc tế với các hoạt động sửa đổi, bổ sung thậm chí hủy bỏ điều ước quốc tế trong quan hệ đối ngoại của quốc gia khi các kết quả của công tác hậu kiểm đòi hỏi phải như vậy.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA HOẠT ĐỘNG HẬU KIỂM

1. Khái niệm về hậu kiểm

Trong luật quốc tế cũng như khoa học pháp lí quốc tế, một định nghĩa hoàn chỉnh về hậu kiểm cũng như thẩm định điều ước quốc tế hoàn toàn không được đưa ra. Bởi vì theo đánh giá, các hoạt động thẩm định điều ước quốc tế và hậu kiểm điều ước quốc tế được coi là thuần túy là các hoạt động kĩ thuật có tính độc lập của bất kì quốc gia nào trên thế giới trước khi quyết định trở thành thành viên điều ước quốc tế (công tác thẩm định điều ước quốc tế) và trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế (công tác hậu kiểm điều ước). Chính vì vậy, hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế được khẳng định là do quốc gia thực hiện, liên quan đến quyền lợi và lợi ích quốc gia, nó thể hiện rõ tính độc lập và tối cao của quyền lực quốc gia.

Ở những mức độ nhất định, các văn bản của Việt Nam có liên quan đến điều ước quốc tế cũng như khoa học pháp lí của chúng ta gần đây đã đề cập tới các vấn đề pháp lí chuyên môn của hoạt động hậu kiểm đối với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, chương VIII của Luật năm 2005 khi quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cũng có đề cập đến một số hoạt động thuộc nội dung của hoạt động hậu kiểm như: Trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Điều 100), phạm vi giám sát, chương trình giám sát (Điều 101), hoạt động giám sát (Điều 102)...Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định này, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Về mặt phạm vi áp dụng:  các quy định này được áp dụng cho cả việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước. Nghĩa là chúng không thuần tuý là chỉ hoạt động hậu kiểm

- Về chủ thể thực hiện: Căn cứ vào các quy định của Chương VIII, có thể thấy những cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động này bao gồm: Cơ quan đề xuất[189], Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của quốc hội, Đoàn đại biểu quốc hội và các đại biểu Quốc hội[190].

Theo các quy định của Luật năm 2005, có thể thấy Bộ ngoại giao ngoài việc là cơ quan đề xuất trong những trường hợp nhất định thì chủ yếu có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế như: Chủ trì tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, báo cáo chính phủ, hoàn thành các thủ tục đối ngoại...Bộ Tư pháp chỉ tham gia vào quá trình này với tư cách là cơ quan đề xuất

Dựa vào các điều khoản có liên quan của luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 cũng như Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP về việc ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế của Việt Nam và thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới, hậu kiểm đối với toàn bộ quá trình thực thi điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành đối với Việt nam được hiểu là toàn bộ quá trình rà soát, nghiên cứu và đánh giá việc thực hiện và hiệu quả áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong thực tiễn nhằm mục đích đảm bảo việc tuân thủ triệt để điều ước quốc tế đồng thời phát hiện những điểm bất cập trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị các biện pháp giải quyết thích hợp.

Với định nghĩa nêu trên về hậu kiểm điều ước quốc tế  ta có thể khẳng định rằng hoạt động này có một số đặc trưng sau:

- Mục đích của hậu kiểm là đảm bảo cho việc thực hiện triệt để các điều ước quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt nam cũng như của bên nước ngoài. Quyền tự do thoả thuận ràng buộc của quốc gia với một điều ước nhất định cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ tôn trọng các điều ước đó. Trong hầu hết các trường hợp, điều ước thường được các bên kết ước tuân thủ. Vì vậy, mục đích của hậu kiểm  chính là đảm bảo cho mục đích của việc ký kết điều ước.

- Hậu kiểm chỉ được quốc gia tiến hành khi điều ước quốc tế đó đã có hiệu lực thi hành với quốc gia tiến hành công tác hậu kiểm. Nói cách khác, hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế chỉ diễn ra sau khi quốc gia thành viên đã áp dụng các quy định của điều ước quốc tế vào thực tiễn

- Đối tượng của hoạt động hậu kiểm bao trùm lên toàn bộ quá trình thực hiện tất cả các điều ước quốc tế đã có hiệu lực thi hành với Việt nam. Như vậy, hoạt động hậu kiểm không thể chỉ tập trung vào việc thực hiện điều ước về kinh tế thương mại hay điều ước trong lĩnh vực biên giới lãnh thổ. Dưới góc độ pháp lý quốc tế, không phụ thuộc vào đối tượng điều chỉnh, điều ước quốc tế chính là luật quốc tế. Vì vậy, sự vi phạm nếu xảy ra đối với bất cứ loại điều ước nào, song phương hay đa phương, chính trị hay kinh tế...đều dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế của chủ thể ký kết. Hoạt động hậu kiểm không thể chỉ nhằm vào một hoặc một số điều ước nhất định.

- Hoạt động hậu kiểm bao gồm nhiều hành vi pháp lý đa dạng như: Kiểm tra, đánh giá, rà soát, kiến nghị các biện pháp khắc phục (trên phương diện quốc gia hoặc quốc tế)...Trên cơ sở các hành vi này, các cơ quan chức năng của nhà sẽ tổng hợp và đánh giá hiệu quả áp dụng của điều ước quốc tế, phát hiện ra các điểm không tương thích, các mâu thuẫn giữa các điều khoản của điều ước quốc tế với các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia. Hoạt động này rất quan trọng ở chỗ: trong tiến trình kí kết điều ước quốc tế các bên đã trù định khả năng có thể thực thi được điều ước quốc tế; tuy nhiên với thực tiễn vô cùng phong phú và đa dạng, quá trình thẩm định điều ước quốc tế  có thể chưa phát hiện ra được những điểm bất đồng giữa điều ước quốc tế với luật quốc gia thì chính trong tiến trình hậu kiểm các quốc gia có thể phát hiện ra được những điểm không tương thích còn tồn tại. Mặt khác, trong thực tiễn áp dụng điều ước quốc tế mới nảy sinh các vấn đề, các sự kiện mà trước đó quốc gia chưa có khả năng trù định được. Do vậy, việc đảm bảo khả năng thực thi luật quốc tế trong trường hợp này sẽ vô cùng khó khăn.

Xuất phát từ định nghĩa chung về hậu kiểm điều ước quốc tế, cần khẳng định hoạt động kĩ thuật pháp lí này phải được hiểu là một quá trình liên tục có tính tổng thể gắn liền với quá trình thực thi điều ước quốc tế, bao gồm các hoạt động có tính tác nghiệp như rà soát, nghiên cứu, xem xét và đánh giá rồi từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp đảm bảo hiệu quả áp dụng điều ước quốc tế đối với quốc gia tiến hành hậu kiểm. Cần phải lưu ý rằng hoạt động hậu kiểm cũng như thẩm định điều ước quốc tế là quyền của mỗi quốc gia dựa trên cơ sở chủ quyền. Pháp luật quốc tế chỉ xác lập nghĩa vụ thực thi điều ước mà không quy định nghĩa vụ hậu kiểm đối với điều ước. Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò của hoạt động hậu kiểm nên các quốc gia trong đó có Việt nam bằng các hình thức khác nhau đều có quy định giao cho một số cơ quan chức năng thực hiện hoạt động này.

2. Vai trò của hậu kiểm điều ước quốc tế

Trong lộ trình xây dựng và thực thi luật quốc tế, tất cả các quốc gia đều có quan điểm chung là mở rộng tối đa quyền lợi và lợi ích của mình được dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản, các quy phạm Jus cogens và các quy định hữu quan của luật quốc tế, đồng thời không xâm hại tới quyền lợi của các quốc gia khác. Đây là tư tưởng chỉ đạo của mỗi quốc gia trong thực tiễn tham gia quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động hậu kiểm của mỗi nước cũng không thể đi chệch khỏi tư tưởng chỉ đạo này. Mọi hoạt động hậu kiểm có liên quan của quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tới mức tối đa quyền và lợi ích quốc gia, nhưng phải phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế , đồng thời đảm bảo không xâm hại tới quyền lợi và lợi ích của các bên thành viên khác. Dựa trên cơ sở này, hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế của quốc gia phải thể hiện được vai trò của mình như là công cụ kiểm soát có tính thường xuyên. Vai trò của hậu kiểm được xác định trong các lĩnh vực sau đây:

Thứ nhất: Góp phần tăng cường sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật quốc gia, đảm bảo sự tương thích hài hoà giữa luật quốc tế (ĐƯQT) với luật quốc gia. Thông qua các hoạt động hậu kiểm, khi phát hiện ra các điểm không phù hợp giữa quy định của luật quốc gia với quy định của luật quốc tế, mỗi quốc gia sẽ có những biện pháp cụ thể như: huỷ bỏ, bổ sung, sửa đổi hay ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật và hệ quả tích cực của hoạt động này chính là sự hoàn thiện, thống nhất của hệ thống pháp luật quốc gia.

Thứ hai: Góp phần đảm bảo được thực chất của các thoả thuận trong điều ước quốc tế. Vai trò này của hậu kiểm được thể hiện: thông qua các hoạt động tác nghiệp và kiến nghị cụ thể của những cơ quan chức năng, quốc gia sẽ có những bước đi phù hợp trong sửa đổi luật quốc gia hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật quốc tế (ĐƯQT) nhằm loại trừ những bất cập phát sinh trong thực tiễn áp dụng các quy định của điều ước quốc tế vào đời sống quốc gia. Tất nhiên sự sửa đổi, bổ sung thậm chí đình chỉ hiệu lực của điều ước quốc tề đòi hỏi phải có sự đồng ý chấp thuận của bên thành viên còn lại (ĐƯQT song phương) hoặc sự nhất trí chung của đa số các quốc gia thành viên theo quy định (điều ước quốc gia đa phương). Để đảm bảo được thực chất của các thoả thuận trong điều ước quốc tế cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động thực hiện điều ước quốc tế, hoạt động hậu kiểm điều ước quốc có tác động và ảnh hưởng không nhỏ.

Thứ ba: Góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước Việt nam. Mục đích của việc ký kết các thoả thuận quốc tế nói chung và điều ước nói riêng chính là quyền và lợi ích của các bên trong lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước. Mục đích này chỉ có thể đạt được với điều kiện các bên kết ước thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết. Do trình độ hiểu biết, ý thức pháp luật, hoàn cảnh khách quan và một số nguyên nhân khác nhau mà không phải bao giờ và ở đâu, điều ước quốc tế cũng đều được thực hiện. Thông qua hoạt động hậu kiểm, tình hình, mức độ tuân thủ hoặc vi phạm điều ước sẽ được nghiên cứu và đánh giá cụ thể kịp thời. Các biện pháp thích ứng được triển khai sẽ “lập lại trật tự” trong lĩnh vực thực hiện điều ước. Từ đó, quyền và nghĩa vụ của các bên kết ước cũng sẽ được đảm bảo.    

3. Nội dung hoạt động hậu kiểm

Căn cứ vào mục đích và vai trò của hoạt động hậu kiểm, có thể thấy hoạt động này phải bao quát và có tính tổng thể và được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt là với điều kiện của Việt nam hiện nay, khi số lượng điều ước quốc tế mà chúng ta ký kết ngày càng gia tăng, nội dung các thoả thuận trong điều ước cũng ngày càng phức tạp. Trong khi đó, mức độ hiểu biết và ý thức pháp luật lại chưa hoàn toàn đáp ứng được. Chính vì vậy hậu kiểm điều ước quốc tế lại càng trở nên rất cần thiết.

Hoạt động hậu kiểm của chúng ta phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở Hiến pháp, Luật tổ chức quốc hội, Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được Quốc hội thông qua ngày 14.6.2005 và các văn bản có liên quan khác như Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP về ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế.  Hoạt động hậu kiểm sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

- Tiến hành rà soát và thống kê toàn bộ các điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam. Hoạt động này cần tiến hành có tính chất thường xuyên và cho phép các trường hợp đặc biệt phát sinh từ nhu cầu thực tế áp dụng điều ước quốc tế. Đồng thời cần phân loại các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực hợp tác quốc tế cụ thể như: ngoại giao, nhân quyền, bảo vệ môi trường, chiến tranh và hòa bình, kinh tế - thương mại v.v.. Sự phân loại dựa trên cơ sở thống kê sẽ đảm bảo tính hệ thống, rõ ràng và minh bạch các điều ước quốc tế ràng buộc Việt Nam.

- Tiến hành xem xét, nghiên cứu và đánh giá quá trình thực thi các cam kết quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hoạt động tác nghiệp này có thể được tiến hành đột xuất khi có “tín hiệu” thông báo về sự không tương thích giữa luật quốc tế (ĐƯQT) với các quy định của luật quốc gia trong thực tiễn áp dụng điều ước quốc tế và đã gây phương hại cho quyền lợi và lợi ích của quốc gia Việt Nam cũng như công dân và pháp nhân của mình hoặc từ các nguyên nhân khác hoặc có thể xuất phát từ yêu cầu của một số điều ước quốc tế. Ngoài ra, hoạt động hậu kiểm trong nội dung này còn đánh giá các tác động khác nhau của điều ước quốc tế đối với Việt Nam, như tác động chính trị, kinh tế - xã hội; đánh giá kết quả thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam và các hệ quả phát sinh... để từ đó kiến nghị các giải pháp xử lí phù hợp.

Nội dung cuối cùng của hoạt hậu kiểm điều ước quốc tế là đưa ra các kiến nghị về yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm thực hiện có hiệu quả điều ước quốc tế theo  nguyên tắc pháp luật PACTA SUNT SERVANDA hoặc đưa ra kiến nghị về khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc rút khỏi điều ước quốc tế cho các quốc gia thành viên khác có cùng quan điểm để tham khảo. Các hoạt động hậu kiểm ở nội dung này đương nhiên chỉ được tiến hành khi quốc gia khẳng định tồn tại những hệ quả tiêu cực trong quá trình thực thi điều ước quốc tế như phát hiện ra sự bất cập trong áp dụng điều ước quốc tế với thực tiễn đời sống xã hội của Việt Nam hoặc giữa các điều ước quốc tế với văn bản pháp lí quốc gia đã không có sự tương thích v.v..Trên cơ sở của những kiến nghị này, các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp cụ thể sau khi đã có sự nhất trí chung giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan của quốc gia.

Như vậy, khi đề cập tới nội dung hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế của một quốc gia cần phải hiểu theo khái niệm rộng, hoạt động này không chỉ bao gồm các loại hình tác nghiệp như rà soát, thống kê, nghiên cứu, xem xét và đánh giá đưa ra kết luận, mà còn bao gồm cả các biện pháp xử lý cụ thể như đã trình bày ở trên. Hiểu theo nghĩa rộng như vậy mới đảm bảo tính tổng thể và hoàn chỉnh của hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế.

II. BỘ TƯ PHÁP VỚI HOẠT ĐỘNG HẬU KIỂM ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

1. Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế

Nhìn chung, trong hoạt động ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoài Bộ ngoại giao, Bộ Tư pháp đều có một vai trò hết sức quan trọng. Ở Việt nam, trong hoạt động điều ước quốc, Bộ Tư pháp tham gia với 2 tư cách :

Thứ nhất: Với tư cách  là cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế

Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ của Bộ Tư pháp về cơ bản cũng tương tự như các Bộ ngành chức năng khác.

Thứ hai: Với tư cách là cơ quan thẩm định dự thảo điều ước và điều ước quốc tế.

Trong trường hợp này, vai trò của Bộ Tư pháp có thể tóm lược như sau:[191]

- Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, kí điều ước hữu quan. Cụ thể Bộ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách chung công tác thẩm định điều ước quốc tế, đảm bảo chất lượng và thời hạn thẩm định theo quy định của pháp luật. Một thứ trưởng của bộ này được phân công giúp Bộ trưởng thực hiện công tác thẩm định.

- Bộ Tư pháp có vai trò chủ trì và phối hợp trong công tác thẩm định điều ước quốc tế. Cụ thể Vụ pháp luật quốc tế thuộc Bộ chủ trì và phối hợp với các đơn vị hữu quan của Bộ tổ chức thẩm định điều ước quốc tế, bảo đảm chất lượng và thời hạn quy định. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tư pháp được quyền quyết định mời các chuyên gia ngoài bộ phối hợp thẩm định điều ước quốc tế.

- Bộ Tư pháp được quyền đưa ra ý kiến bằng văn bản liên quan tới các vấn đề bảo lưu (chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu); vấn đề giải thích; các vấn đề sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế.

Qua nghiên cứu các quy định của các văn bản nói trên, có thể nhận xét rằng: Bộ Tư pháp có vai trò chính trong công tác thẩm định điều ước quốc tế, có tính quyết định tới quá trình ký kết và thực thi điều ước quốc tế của Việt Nam. Trong khi hoạt động thẩm định điều ước và hậu kiểm điều ước mặc dù là 2 giai đoạn khác nhau nhưng lại có ảnh hưởng nhất định tới nhau. Quy định của Luật năm 2005 về vai trò của Bộ Tư pháp trong những hoạt động hậu kiểm hầu như rất mờ nhạt, chủ yếu cơ quan này tham gia với tư cách là cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước. Vì vậy, cần thiết phải xác định rõ hơn vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm điều ước quốc tế với điều kiện vai trò đó phải được xác lập phù hợp với tổng thể các quy định hiện hành của Việt Nam liên quan tới điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đảm bảo tính rõ ràng, chính xác trong hoạt động hậu kiểm, tránh chồng chéo trong lộ trình tiến hành hậu kiểm điều ước quốc tế, đảm bảo tính phù hợp, thống nhất của các văn bản pháp lí quốc gia liên quan tới toàn bộ các vấn đề pháp lí của điều ước quốc tế trên bình diện quốc tế cũng như quốc gia.

2. Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm điều ước quốc tế

Xét về tổng thể, Bộ Tư pháp cũng phải có vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình tiến hành hậu kiểm điều ước quốc tế. Nhưng mức độ và phạm vi hậu kiểm như thế nào thì cần phải xem xét. Vấn đề đánh giá, xác định vai trò Bộ Tư pháp trong hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế không thể tách rời vị trí, vai trò của Bộ này trong quá trình thẩm định, kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Vì vậy, theo quan điểm riêng của tác giả, Bộ Tư pháp phải có vai trò cơ bản (chức năng) trong hậu kiểm điều ước quốc tế vì:

- Thứ nhất: Căn cứ vào Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Tư pháp được xác định là cơ quan nhà nước có chức năng thẩm định điều ước quốc tế  trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, kí. Để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hoạt động có tính chuyên môn cao, Bộ Tư pháp cần phải được giao trách nhiệm chính trong công tác hậu kiểm. Cơ sở lí luận của quan điểm này là ở chỗ: Mục đích của hoạt động thẩm định là nhằm thông qua việc xem xét, kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế hoặc văn bản điều ước quốc tế để trình cơ quan chức năng quyết định có nên ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế  hay không, còn mục đích chung của hoạt động hậu kiểm là căn cứ pháp lý để xúc tiến những hành vi xử sự của quốc gia sau khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực và đã được thực thi trong một thời gian xác định. Như vậy giữa công tác thẩm định và hậu kiểm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt nội dung hoạt động. Kết quả của công tác hậu kiểm chính là một trong những “thước đo” tính chính xác của công tác thẩm định. Vì vậy, xác lập vai trò của Bộ Tư pháp trong hoạt động thẩm định là phù hợp và đảm bảo tính liên tục, nhất quán trong toàn bộ lộ trình kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam.

- Thứ hai: Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia điều chỉnh nhiều vấn đề khác nhau của quan hệ hợp tác quốc tế, có những vấn đề chung hoặc có tính chuyên môn cao như vấn đề hàng không, hàng hải quốc tế, bảo vệ môi trường, kinh tế - thương mại... Đồng thời có thể là điều ước song phương hoặc đa phương khu vực hay đa phương toàn cầu. Xuất phát từ thực tế phức tạp này, với vai trò là trung tâm chịu trách nhiệm chung về công tác thẩm định cũng như hậu kiểm điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan nhà nước chủ trì hoặc phối hợp các hoạt động hậu kiểm. Sự phối hợp của Bộ Tư pháp trong hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế  có thể được hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất được trình bày từ góc độ Bộ Tư pháp sẽ điều hành chung các hoạt động chức năng của các đơn vị trực thuộc Bộ trong lĩnh vực hậu kiểm dựa trên quy chế làm việc của Bộ Tư pháp. Nghĩa thứ hai là sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ban ngành của cơ quan hành pháp trong hoạt động hậu kiểm điều ước.

- Thứ ba: Để phục vụ mục đích của hoạt động hậu kiểm, việc giao cho Bộ Tư pháp đảm đương vai trò (chức năng) là một trong những chủ thể đưa ra kiến nghị, các giải pháp trên cơ sở kết quả của hoạt động hậu kiểm là hoàn toàn phù hợp. Trên bình diện quốc gia, căn cứ vào Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Tư pháp sau khi đã có kết quả hậu kiểm điều ước quốc tế có quyền đưa ra các kiến nghị, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu quả hơn, đồng thời phù hợp với pháp luật quốc tế. Vai trò kiến nghị của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này góp phần hài hoà giữa luật Việt Nam với luật quốc tế, thúc đẩy sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Trong trường hợp còn tồn tại các quan điểm khác nhau về kết quả hậu kiểm, Bộ Tư pháp sẽ đưa ra ý kiến về vấn đề này và xác định phương án xử lí cụ thể. Đánh giá từ góc độ tính chất pháp lí, kiến nghị loại này của Bộ Tư pháp có sự tác động quan trọng, là cơ sở để tiến hành các hoạt động sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm mục đích thực hiện điều ước quốc tế được tốt hơn. Trên bình diện quốc tế, với kết quả của hậu kiểm điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp có thể đưa ra các kiến nghị các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế v.v. phụ thuộc vào từng điều ước quốc tế cụ thể. Nếu các kiến nghị này được chấp nhận thì Bộ ngoại giao sẽ tiến hành các thủ tục đối ngoại cần thiết theo quy định. Tất nhiên, kết quả trong trường hợp này còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các thành viên của điều ước. Các kiến nghị như vậy chỉ được coi là sự thể hiện chủ quyền quốc gia trong quan hệ đối ngoại, không có giá trị ràng buộc các bên thành viên khác.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tư pháp trong hoạt động kí kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế cũng như hoạt động thẩm định điều ước quốc tế, nếu thực hiện công tác hậu kiểm, Bộ Tư pháp sẽ đảm nhiệm một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Chủ trì và phối hợp các hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Lập và trình chính phủ kế hoạch hậu kiểm điều ước quốc tế định kì. Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm bất thường trong các trường hợp cần thiết.

- Xây dựng lộ trình và các biện pháp cụ thể để thực hiện công tác hậu kiểm điều ước quốc tế. Lộ trình và biện pháp thực thi hậu kiểm phải cụ thể, rõ ràng đảm bảo tránh sự chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt đông hậu kiểm.

- Xuất phát từ nhu cầu thực tế và kết quả công tác hậu kiểm nói chung, kiến nghị những biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam và đảm bảo việc tuân thủ điều ước

Nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm, thông qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hữu quan, có thể thấy công tác hậu kiểm điều ước quốc tế cần được xác định rõ ràng, cụ thể và nên quy định theo hướng tập trung vào hiệu quả của hoạt động này chứ không nên “dàn trải” mà hệ quả của nó sẽ là hoạt động thực hiện điều ước dễ rơi vào tình trạng thả nổi, khó kiểm soát hoặc mang nặng tính hình thức. Đặc biệt là nếu so sánh với các quy định về công tác thẩm định điều ước quốc tế thì với các quy định hiện hành, vị trí, vai trò, trình tự tiến hành thẩm định đều được xác định tương đối rõ ràng. Còn đối với hoạt động thẩm định thì theo quy định của Luật năm 2005, dường như trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thông quan các hoạt động khác nhau của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã được tăng cường “tối đa”[192]. Tuy nhiên, tính khả thi của các quy định này có lẽ phải được xem xét lại.

Vì vậy, để đảm bảo tính nhất quán trong toàn bộ lộ trình xây dựng và thực thi điều ước quốc tế, theo tác giả thẩm quyền hậu kiểm điều ước quốc tế cũng phải được xác định thuộc về Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì, phối hợp hoạt động thẩm định cũng như hậu kiểm điều ước quốc tế. Một số nhiệm vụ của Bộ Tư pháp đã được trình bày ở trên liên quan đến chức năng, vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm điều ước quốc tế, khẳng định vị trí quan trọng của cơ quan nhà nước này trong lộ trình tham gia vào đời sống quốc tế của Việt Nam, cụ thể là trong quá trình kí kết và thực hiện điều ước quốc tế cũng như trong các quá trình tác nghiệp có liên quan đến điều ước quốc tế của quốc gia, đó là quá trình thẩm định và hậu kiểm điều ước quốc tế. Hơn thế nữa, việc xác định thẩm quyền hậu kiểm thuộc Bộ Tư pháp phải được luật hóa, phải được ghi nhận trong một văn bản pháp lí quốc gia ở cấp độ tương đương với việc quy định thẩm quyền thẩm định điều ước quốc tế [193], có như vậy mới đảm bảo tính nhất quán trong quá trình xây dựng các văn bản pháp lí quốc gia liên quan đến điều ước quốc tế. Đồng thời trong văn bản pháp lí như vậy phải xác định rõ ràng và cụ thể phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm, cũng như cơ cấu tổ chức có thẩm quyền hậu kiểm trong bộ máy của Bộ Tư pháp, trình tự, thủ tục tiến hành hậu kiểm, cơ chế phối hợp hậu kiểm giữa Bộ Tư pháp và các bộ ngành hữu quan dưới sự chủ trì và điều hành của Bộ Tư pháp v.v.. Việc xác định cơ sở pháp lí khẳng định thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong công tác hậu kiểm là hết sức quan trọng và cần thiết, đảm bảo loại bỏ được sự chồng chéo, va chạm giữa các bộ, ngành hữu quan trong hệ thống tổ chức nhà nước khi tiến hành hậu kiểm, đồng thời đảm bảo tính thống nhất về vai trò của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này: là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế thì cũng phải là cơ quan chủ trì đảm trách công tác hậu kiểm điều ước quốc tế của quốc gia.

Nếu Bộ Tư pháp có thẩm quyền đối với công tác hậu kiểm điều ước thì vấn đề đặt ra là việc xác định đơn vị nào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong công tác hậu kiểm. Căn cứ vào vai trò và chức năng của Bộ Tư pháp thì có hai đơn vị có khả năng đảm trách công tác hậu kiểm, đó là Vụ pháp luật quốc tế và Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kĩ về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan này thì trách nhiệm hậu kiểm nên được quy định giành cho Vụ pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp. Bởi vì theo quy chế thẩm định điều ước quốc tế năm 2006 do Bộ Tư pháp ban hành, Vụ pháp luật quốc tế có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định điều ước quốc tế , bảo đảm chất lượng và thời hạn theo quy định. Quá trình thẩm định điều ước tạo ra nền tảng lí luận và thực tiễn vững chắc cho hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế, như vậy Vụ pháp luật quốc tế thực hiện công tác hậu kiểm hơn sẽ hiệu quả hơn so với Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Đứng ở góc độ chuyên môn, Vụ pháp luật quốc tế là đơn vị của Bộ Tư pháp đặc trách mảng các vấn đề pháp lí quốc tế, trong đó có vấn đề kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì dĩ nhiên công tác hậu kiểm điều ước quốc tế hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị này. Dựa trên các cơ sở đã được phân tích ở trên, việc quy định cho Vụ pháp luật quốc tế có nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác hậu kiểm điều ước quốc tế là hoàn toàn hợp lí

Nhằm mục đích đảm bảo hậu kiểm điều ước quốc tế đạt được những kết quả như mong muốn, cần phải xác định một trình tự, thủ tục cũng như biện pháp hậu kiểm rõ ràng và chính xác. Đây sẽ là các quy định có tính kĩ thuật - pháp lý. Việc đưa ra kiến nghị cụ thể về vấn đề này là rất khó. Tuy nhiên, theo tác giả, nếu căn cứ vào bản chất, mục đích của hoạt động hậu kiểm và hoạt động thẩm định có thể thấy ngoài sự khác nhau ở thời điểm xúc tiến từng hoạt động này ( hoạt động thẩm định - hoạt động trước khi quyết định các bước đi ràng buộc điều ước quốc tế đối với quốc gia; hoạt động hậu kiểm - hoạt động của quốc gia sau khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực thi hành ), còn cả 2 loại hình này đều nhằm một mục đích chung là bảo vệ quyền  và lợi ích của quốc gia trong các quan hệ quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế. Vì vậy một lộ trình, thủ tục và các biện pháp hậu kiểm có thể được xây dựng dựa trên cơ sở các quy định hữu quan về thẩm định điều ước quốc tế đã được ghi nhận trong Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế  năm 2005 và Quy chế thẩm định điều ước quốc tế năm 2006. Có như vậy mới đảm bảo tính tổng thể và nhất quán của các quy định của pháp luật quốc gia điều chỉnh toàn bộ các vấn đề có liên quan tới điều ước quốc tế từ giai đoạn thẩm định điều ước quốc tế cho đến giai đoạn kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cuối cùng là hậu kiểm điều ước quốc tế. Toàn bộ quá trình này được xác định từ góc độ đánh giá của pháp luật quốc gia nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân và nhà nước Việt nam trong tiến trình tham gia vào đời sống quốc tế.

Như ở phần trên đã trình bày, để công tác hậu kiểm được tiến hành hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Tư pháp với Bộ ngoại giao và các bộ, ngành chuyên môn có liên quan của hệ thống tổ chức nhà nước. Dựa trên cơ sở xác định này, chúng ta cũng cần quy định rõ và cụ thể một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác hậu kiểm. Một cơ chế phối hợp phải đáp ứng các điều kiện nhất định, trước tiên là phải đảm bảo tính đồng bộ giữa hoạt động thẩm định và hậu kiểm điều ước quốc tế, đồng thời trong cơ chế phối hợp phải xác định rõ phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan và quy định một chế độ phối hợp hậu kiểm dưới sự điều hành chung của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, sẽ là cần thiết và quan trọng khi cơ chế ghi nhận sự ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động hậu kiểm. Bên cạnh đó, việc ghi nhận các biện pháp đảm bảo hoạt động hậu kiểm có hiệu quả là rất cần thiết trong cơ chế phối hợp nêu trên.

Tóm lại: Công tác hậu kiểm điều ước quốc tế có tầm quan trọng không nhỏ đối với mỗi quốc gia trong quá trình tham gia điều ước quốc tế, nó đảm bảo quyền và lợi ích của các quốc gia thành viên trong khuôn khổ tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế. Thẩm quyền hậu kiểm điều ước quốc tế thuộc về mỗi quốc gia, do chính quốc gia tiến hành với mục đích đảm bảo việc thực thi tuân thủ luật quốc tế. Ở Việt Nam với các quy định hiện hành được ghi nhận trong Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì công tác hậu kiểm sẽ có thể đạt hiệu quả cao hơn nếu Bộ Tư pháp được đảm nhiệm vai trò chủ đạo. Cơ sở lí luận của nhận định này đã được phân tích đầy đủ ở nội dung chính của chuyên đề. Vấn đề còn lại là thực hiện; quá trình thực hiện sẽ bắt đầu từ khâu xây dựng văn bản, xác lập cơ sở pháp lí cho công tác hậu kiểm với các quy định chi tiết, cụ thể về lộ trình thủ tục, điều kiện, các biện pháp hậu kiểm và cơ chế phối hợp hậu kiểm giữa các cơ quan nhà nước và áp dụng văn bản này trong thực tiễn đời sống. Sự bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật nói chung là không thể tránh khỏi vì thực tiễn đời sống quốc gia cũng như quốc tế luôn biến đổi và phát triển không ngừng đòi hỏi mỗi quốc gia phải theo kịp với xu thế phát triển chung của thời đại để đảm bảo quyền  và lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, ngoài các quy định hiện hành, nên chăng cần bổ sung các quy định phù hợp liên quan đến hoạt động hậu kiểm điều ước quốc tế nhằm góp phần tăng cường hiệu quả của các thoả thuận quốc tế nói chung và các điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên nói riêng trong tiến trình hội nhập của đất nước./.

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP
ĐỐI VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA

 

Nguyễn Huy Ngát
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

Dẫn đề

            Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế- xã hội sau hơn hai mươi năm đổi mới, song cho đến nay, Việt Nam vẫn thuộc vào hàng các nước đang phát triển. Để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực huy động mọi nguồn lực đa dạng trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính, khoa học, công nghệ... Xét riêng khía cạnh tài chính, cũng như các nước đang phát triển khác, ngoài nguồn lực có thể huy động tại chỗ (từ nguồn vốn tự tích luỹ, từ nguồn vay từ dân chúng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ...), nguồn vay từ nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế, việc huy động nguồn vốn ODA (không hoàn lại, cho vay ưu đãi) được xem là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam[194]. Với mức cam kết khoảng 4 tỷ USD (xấp xỉ 10% GDP) đạt được mỗi năm thông qua Hội nghị thường niên các nhà tài trợ (hội nghị CG), ODA đã và đang thực sự phát huy vai trò là một trong những công cụ tài chính quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc đối mới kinh tế tại Việt Nam thông qua các chương trình, dự án rất đa dạng (từ xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực...).

Công tác thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá về cơ bản là có hiệu quả. Chỉ tính từ năm 1993 đến năm 2005, cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 32,53 tỷ USD, trên thực tế đã ký kết 22,6 tỷ USD và đã giải ngân 15,9 tỷ USD. Các nhà tài trợ cũng coi Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển trên thế giới sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.

Có thể khái quát vai trò của ODA trong phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam như sau:

- Góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại của Việt Nam: thông qua hợp tác phát triển với các chương trình và dự án ODA cung cấp cho Việt Nam, Chính phủ và nhân dân các nước tài trợ cũng như các tổ chức quốc tế đã hiểu và tích cực ủng hộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp ODA cho hầu hết các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam[195].

- Bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển: trong Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, ODA đã bổ sung khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Có thể minh hoạ bằng bảng sau:


Cơ cấu sử dụng vốn ODA thời kỳ 2001 - 2005[196]

Đơn vị: Triệu USD

Ngành, lĩnh vực

Hiệp định ODA
ký kết
2001 - 2005

Giải ngân ODA
2001 - 2005

Tổng

Tỷ lệ
%

Tổng

Tỷ lệ %

1. Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xoá đói, giảm nghèo

1.818

16%

1.641

21%

2. Năng lượng và công nghiệp

1.802

16%

1.375

17%

3. Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, cấp, thoát nước và phát triển đô thị, trong đó:

3.801

34%

2.559

32%

- Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông

2.753

25%

2.040

25%

- Cấp, thoát nước và phát triển đô thị

1.048

9%

519

7%

4. Y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, khoa học kỹ thuật, các ngành khác, trong đó:

3.785

34%

2.332

30%

- Y tế, giáo dục đào tạo

1.171

11%

554

7%

- Môi trường, khoa học kỹ thuật

351

3%

361

5%

- Các ngành khác

2.263

20%

1.417

18%

Tổng số

11.206

100%

7.907

100%

 

Để có thể tiếp cận với nguồn vốn ODA từ các chính phủ nước ngoài, các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ nước ngoài, Việt Nam và các đối tác này thường tiến hành đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về ODA. Theo quy định tại điểm 14 Điều 4 Nghị định 131/2006/NĐ- CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA (sau đây gọi tắt là Nghị định 131/2006/NĐ- CP), thì điều ước quốc tế về ODA là "thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA". Điều ước quốc tế về ODA được phân loại như sau:

- Điều ước quốc tế khung về ODA: là điều ước quốc tế về ODA thể hiện cam kết về các nguyên tắc và điều kiện chung về hợp tác phát triển, có nội dung liên quan tới: chiến lược, chính sách, khung khổ hợp tác phát triển, phương hướng ưu tiên trong cung cấp và sử dụng ODA; các lĩnh vực, các chương trình hoặc dự án ODA thỏa thuận tài trợ; điều kiện khung và cam kết ODA cho một năm hoặc nhiều năm đối với chương trình, dự án; những nguyên tắc về thể thức và kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình, dự án;

- Điều ước quốc tế cụ thể về ODA: là điều ước quốc tế về ODA thể hiện cam kết về việc tài trợ cho chương trình, dự án cụ thể hoặc hỗ trợ ngân sách, có nội dung chính bao gồm: mục tiêu, hoạt động, kết quả phải đạt được, kế hoạch thực hiện, điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên, các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ trong quản lý, thực hiện chương trình, dự án và điều kiện giải ngân, điều kiện trả nợ đối với khoản vay cho chương trình, dự án.

Theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi tắt là Luật điều ước quốc tế năm 2005), Nghị định 131/2006/NĐ- CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thì các Bộ, ngành đều có vai trò nhất định trong việc đàm phán, ký kết và thực thi các điều ước quốc tế về ODA, trong đó đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình trong vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA.

Theo Điều 1 Nghị định 62/2003/NĐ- CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp thì "Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật". Trong quy định này, vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA rõ ràng chưa được đề cập một cách trực tiếp.

Còn theo Điều 41 Nghị định 131/2006/NĐ- CP thì Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ODA như sau: (i) Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; (ii) Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế;  (iii) Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Với đầu bài đặt ra là "vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA", nếu phân tích một cách đầy đủ và toàn diện, thì có lẽ phải đề cập đến vai trò của Bộ Tư pháp từ khâu vận động, đàm phán, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, kiểm tra, giám sát, báo cáo và kết thúc các dự án ODA. Song nếu bỏ qua những chức năng, nhiệm vụ giống như các Bộ, ngành khác mà chỉ tập trung vào những điểm đặc thù, có tính chất đặc trưng điển hình gắn với chức năng, quyền hạn của Bộ Tư pháp, thì Điều 41 Nghị định 131/2006/NĐ- CP vừa viện dẫn ở trên có thể nói là đã khái quát được khá đầy đủ vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA. Trên cơ sở đó, việc phân tích vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA có thể được tập trung vào những điểm chủ yếu như sau:

1. Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Theo quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 và Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế (sau đây gọi tắt là Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP), thì Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì thẩm định các điều ước quốc tế nói chung và các điều ước quốc tế nói riêng.

Theo từ điển luật học (Nhà xuất bản tư pháp - 2006) do ông Nguyễn Đình Lộc chủ biên thì thẩm định là "xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một vấn đề nào đó".

Còn theo Luật điều ước quốc tế năm 2005 và Quyết định 06/2006/QĐ- BTP thì thẩm định điều ước quốc tế là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của điều ước quốc tế nhằm bảo đảm "tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế". Xét về bản chất pháp lý, thẩm định điều ước quốc tế chỉ là một hoạt động trong toàn bộ quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế mà không được coi là một giai đoạn độc lập.

Mục đích của việc thẩm định là nhằm bảo đảm tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Mặc dù chưa đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam theo trường phái nhất nguyên luận hay nhị nguyên luận về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật quốc gia, song quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cho phép hiểu rằng ở Việt Nam, điều ước quốc tế có vị trí thứ bậc chỉ dưới Hiến pháp. Trong quan hệ với luật thì điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác so với quy định của luật.

Trước hết, việc thẩm định điều ước quốc tế phải bảo đảm điều ước quốc tế không có điều khoản nào trái Hiến pháp - văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh Việt Nam chưa thành lập cơ quan tài phán hiến pháp[197], thì phải nói rằng vai trò của Bộ Tư pháp đảm bảo tính hợp hiến của điều ước quốc tế ở đây là rất quan trọng. Bảo đảm tính hợp hiến chính là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế - nền tảng cơ bản nhất của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Mặt khác, dù điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật, song cũng cần phải tiên lượng được việc thực thi các điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong luật sẽ diễn ra như thế nào trong thực tiễn. Trong trường hợp này, việc thẩm định của Bộ Tư pháp có ý nghĩa không kém phần quan trọng, bởi lẽ, về lý thuyết tưởng như không có vấn đề gì đặt ra, song về dưới giác độ thực tiễn, một điều ước quốc tế có nội dung trái luật chắc chắn sẽ không thể được thực thi một cách dễ dàng và suôn sẻ như trường hợp một điều ước quốc tế có nội dung phù hợp với luật. Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các đối tác đàm phán thường yêu cầu quốc gia là ứng cử viên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với các quy định của WTO trước khi xem xét việc kết nạp. Thêm vào đó, trong điều kiện Việt Nam hiện nay có thể thấy trình độ nhận thức về điều ước quốc tế của các tổ chức, cá nhân, thậm chí ngay cả các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Ngay cả các cơ quan xét xử cũng có xu hướng hạn chế áp dụng điều ước quốc tế (viện dẫn một điều ước quốc tế trái luật để tranh tụng trước toà án Việt Nam không phải là một việc dễ dàng trong bối cảnh thẩm phán vốn chỉ quen áp dụng luật trong nước[198]). Do đó, giải pháp được xem là hiệu quả, khả thi và an toàn hơn cả vẫn là cần đảm bảo sự tương thích của điều ước quốc tế với pháp luật trong nước. Về phương diện này, ngoài việc thẩm định tính hợp hiến, Bộ Tư pháp còn phải thẩm định cả sự phù hợp giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước (thường là luật, pháp lệnh). Đây chính là điểm mới so với quy định của Pháp lệnh điều ước quốc tế năm 1998. Theo tinh thần Pháp lệnh này, việc thẩm định sự phù hợp giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước chỉ đặt ra trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh. Không ít tác giả đã chỉ trích quy định này mà lập luận chủ đạo tựu trung lại là khi chưa tiến hành thẩm định thì làm sao biết được dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh hay không. Quy định mới này của Luật điều ước quốc tế năm 2005 đã mở rộng phạm vi thẩm định sự tương thích giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước đối với mọi trường hợp. Có thể nói rằng đây thực sự là một thách thức đối với Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện quy định mới này.

 

Ngoài việc thẩm định tính hợp hiến và sự tương thích giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ "đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế". Quy định này của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cho phép hiểu rằng Việt Nam chấp nhận cả hai phương thức thực hiện điều ước quốc tế: áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế và chuyển hoá điều ước quốc tế vào trong nội luật. Thực tiễn đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về ODA trong thời gian qua cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, điều ước quốc tế về ODA thường được áp dụng một cách trực tiếp. Các nhà tài trợ thường soạn thảo các dự thảo điều ước quốc tế mang tính "khuôn mẫu" và bên thụ hưởng có quyền đưa ra ý kiến bình luận và bày tỏ ý chí chấp nhận hay không chấp nhận việc ký kết điều ước quốc tế đó. Cùng với quá trình nhất thể hoá thủ tục giữa các nhà tài trợ, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là các điều ước quốc tế về ODA đang ngày càng có khuynh hướng "áp đặt" đối với bên nhận tài trợ và bên nước ngoài thường mong muốn điều ước được thực hiện trực tiếp ngay sau khi ký mà không phải đợi thủ tục nội luật hoá. Trên thực tế, chúng tôi cũng chưa thấy trường hợp nào cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một điều ước quốc tế cụ thể về ODA. Tuy nhiên, một trong những chức năng của thẩm định là "dự phòng" tình huống có thể phát sinh. Do đó, Bộ Tư pháp vẫn phải chỉ ra khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, hoặc trong trường hợp cần nội luật hoá thì phải kiến nghị cụ thể các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế.

Để cụ thể hoá các quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 về thẩm định điều ước quốc tế, Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP đã quy định rõ nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế, cụ thể bao gồm:

- Sự cần thiết của việc đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế;

- Tính hợp hiến của điều ước quốc tế;

- Mức độ tương thích của nội dung điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam;

- Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam;

- Khả năng phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;

- Phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành.

Đồng thời, Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP cũng đã cụ thể hoá thủ tục, trình tự thẩm định điều ước quốc tế nói chung, với tinh thần cải cách hành chính cao nhất (rút ngắn thời hạn, đơn giản hoá thủ tục hồ sơ, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp...)

Ở đây cũng cần phân biệt hoạt động thẩm định với hoạt động thẩm tra. Theo quy định của Điều 9 khoản 2 Luật điều ước quốc tế thì trước khi trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước xin phép ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước, cơ quan đề xuất ký kết phải tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến thẩm tra của Bộ Ngoại giao. Như vậy, khác với thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung xem xét khía cạnh pháp lý của dự thảo điều ước quốc tế, hoạt động thẩm tra của Bộ Ngoại giao chủ yếu xem xét khía cạnh đường lối đối ngoại (thiên về chính trị), nói cách khác là những vấn đề về đối ngoại đặt ra trong trường hợp ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Một vấn đề khác cũng cần phải làm rõ ở đây là giá trị ràng buộc của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đến đâu? Trả lời câu hỏi này không đơn giản bởi lẽ nếu xem xét kỹ, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định nào cụ thể và rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới giác độ khoa học pháp lý, có thể đặt ra các trường hợp sau:

            Thứ nhất, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo điều ước quốc tế đảm bảo tính hợp hiến, sự tương thích với luật trong nước, thì chắc chắn việc ký kết sẽ dễ dàng được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện mà không có vấn đề nào đặt ra;

Thứ hai, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái Hiến pháp hoặc không tương thích với luật trong nước, ở đây tiếp tục có hai trường hợp cần xem xét đó là (i) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính hợp hiến; (ii) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính tương thích với luật trong nước. Trước hết, nếu dự thảo điều ước quốc tế bị Bộ Tư pháp khẳng định là có điều khoản trái Hiến pháp, thì với thứ bậc giá trị pháp lý của điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên, dự thảo đó sẽ không thể được phép ký kết nếu quy định trái Hiến pháp trong dự thảo không bị loại bỏ hoặc sửa đổi. Còn trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật trong nước thì cũng với thứ bậc giá trị pháp lý của điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên, dự thảo điều ước quốc tế đó vẫn có thể được cho phép ký kết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phương án xử lý vấn đề này phải được đặt ra, cụ thể là khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật trong nước để thực thi điều ước quốc tế đó trong trường hợp được ký kết.

Theo thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp thì trung bình trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay Bộ Tư pháp thẩm định khoảng 45- 50 điều ước quốc tế về ODA mỗi năm[199]. Trong thời gian gần đây, số lượng đề nghị thẩm định đang có xu hướng giảm xuống vì lý do quy định mới của Luật điều ước quốc tế năm 2005 đã giới hạn định nghĩa điều ước quốc tế, theo đó các thoả thuận cấp Bộ, ngành, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao không còn được coi là điều ước quốc tế (chuyển xuống gọi là thoả thuận quốc tế). Luật điều ước quốc tế năm 2005 chỉ giữ lại hai loại điều ước quốc tế là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Tóm lại, thẩm định điều ước quốc tế nói chung, điều ước quốc tế về ODA nói riêng là một hoạt động đặc biệt nhằm nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính hợp hiến, tính tương thích của dự thảo điều ước quốc tế với luật trong nước và cách thức thực hiện điều ước quốc tế đó trong trường hợp được ký kết. Ở phương diện này, vai trò của Bộ Tư pháp thể hiện rất rõ ở việc Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thẩm định dự thảo điều ước quốc tế.

2. Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế.

Như chúng ta đều biết, ODA không chỉ có loại ODA không hoàn lại mà còn bao gồm cả loại ODA vay ưu đãi. Đối với các điều ước ODA vay vốn nước ngoài, vai trò của Bộ Tư pháp cũng được quy định rất rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo quy định của Nghị định số 134/2005/NĐ- CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 134/2005/NĐ- CP), thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

- Tham gia ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tham gia ý kiến trong trường hợp cần thiết về những vấn đề pháp lý khác có liên quan đến các văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước theo đề nghị của người vay và của cơ quan bảo lãnh;

- Thẩm định những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước; theo dõi việc xử lý các vấn đề này trong quá trình thực hiện các cam kết về vay và trả nợ nước ngoài;

- Trong các trường hợp cần thiết, cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh theo đề nghị của các cơ quan này.

(Điều 6 khoản 4 Nghị định 134/2005/NĐ- CP).

Khái quát lại, vai trò của Bộ Tư pháp trong các điều ước quốc tế về ODA vay ưu đãi được thể hiện trên những khía cạnh sau:

- Góp ý kiến pháp lý đối với thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ; góp ý kiến pháp lý đối với văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước khi có yêu cầu;

- Thẩm định về những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước;

- Cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh khi có yêu cầu.

Thứ nhất, đối với chức năng góp ý kiến pháp lý: ở đây không có nhiều vấn đề đặt ra, bởi lẽ việc góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài chỉ là tùy nghi và không có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đề xuất ký kết. Cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về nội dung góp ý của Bộ Tư pháp trong trường hợp này. Tuy nhiên, qua thực tiễn làm công tác góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài, chúng tôi thấy nội dung văn bản góp ý của Bộ Tư pháp thường tập trung vào các điểm sau:

- Sự cần thiết ký kết thoả thuận

- Khía cạnh pháp lý của thoả thuận (tính hợp hiến, sự tương thích...);

- Tiên lượng những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình thực thi thoả thuận;

- Kỹ thuật soạn thảo, ngôn ngữ pháp lý...

Thứ hai, đối với chức năng thẩm định về những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước: trên thực tế có thể khẳng định 100% thoả thuận vay vốn nước ngoài đều là các điều ước quốc tế. Lý do rất đơn giản là chính các đối tác nước ngoài đều hết sức quan tâm đến việc ràng buộc nghĩa vụ của quốc gia trong việc thực thi thoả thuận đó (nghĩa vụ trả nợ) và do đó họ đều mong muốn ký kết các văn kiện này dưới hình thức điều ước quốc tế. Mặt khác, Luật ngân sách của Việt Nam cũng quy định các nguồn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước[200]. Do không có điểm gì đặc thù so với thẩm định điều ước quốc tế về ODA như đã đề cập ở mục 1 nên chúng tôi không phân tích lại nội dung này.

Thứ ba, đối với chức năng cấp ý kiến pháp lý, mặc dù Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, song qua thực tiễn có thể thấy việc cấp ý kiến được đặt ra đối với các điều ước quốc tế vay vốn nước ngoài. Yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp này chủ yếu do chính phía đối tác nước ngoài đặt ra với mục đích nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các khoản vay, tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với nghĩa vụ trả nợ. Ý kiến pháp lý được cấp vào giai đoạn điều ước quốc tế về vay vốn nước ngoài đã được ký kết xong và việc cấp ý kiến này làm cho điều ước đó có giá trị pháp lý đối với các Bên liên quan. Nội dung của ý kiến pháp lý thường tập trung vào:

- Quy định trong hợp đồng vay: đánh giá sự tương thích nội dung của hợp đồng với quy định của pháp luật trong nước; trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng; quy trình phê duyệt, phê chuẩn;

- Trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay.

3. Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Năm 1995, Ban Bí thư trung ương Đảng Khoá VII đã ban hành Chỉ thị số 35 về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính. Để thể chế hoá Chỉ thị này của Đảng, ngày 26 tháng 12 năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/1998/NĐ- CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Theo quy định của Nghị định này, mọi chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đều phải trải qua thủ tục thẩm định của Bộ Tư pháp. Điều 9 của Nghị định này quy định như sau:

"Điều 9. Thẩm định của Bộ Tư pháp về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác

1. Sau khi hình thành chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam gửi Công văn yêu cầu Bộ Tư pháp thẩm định.

Kèm theo công văn yêu cầu thẩm định phải có dự thảo chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, văn bản thuyết minh, tài liệu chứng minh sự cam kết của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài và ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác đó.

2. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác tập trung vào các nội dung sau:

a) Mức độ phù hợp của mục tiêu, nội dung, hình thức hợp tác và kết quả dự kiến của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, mức độ ưu tiên của vấn đề hợp tác và chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan, Tổ chức Việt Nam;

b) Tư cách, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài;

c) Hiệu quả kinh tế- xã hội của việc thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác;

d) Nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tư pháp phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản gửi Cơ quan, Tổ chức Việt Nam yêu cầu".

Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật lại quy định mọi chương trình, dự án, kế hoạch hợp tác đều phải được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định? Nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan cho phép rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thực chất là "phương tiện" để đạt được một mục tiêu cụ thể, trên thực tế thường là hỗ trợ thể chế, tăng cường năng lực cho các thiết chế thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... Với tính chất là cơ quan của Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật; chủ trì tổng hợp lập dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Quốc hội; thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, Bộ Tư pháp chính là cơ quan nắm rõ nhất những lĩnh vực pháp luật nào còn "yếu" nhất cần phải có chương trình, dự án hợp tác để tạo thêm "cú huých". Về mặt này, việc thẩm định của Bộ Tư pháp có mục đích đánh giá mức độ phù hợp của chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, nói cách khác là đánh giá sự tương thích giữa nhu cầu thực tế khách quan của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với dự kiến kết quả đầu ra do chương trình, dự án có khả năng mang lại;

Thứ hai, theo quy định của Luật điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thẩm định mọi điều ước quốc tế trước khi trình các cấp có thẩm quyền cho phép ký kết, gia nhập. Trên thực tế, như chúng tôi đã nói ở trên, hầu hết các chương trình, dự án ODA là điều ước quốc tế, mà hầu hết các chương trình, dự án hợp tác về pháp luật lại là chương trình, dự án ODA[201], do đó, việc thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật là yêu cầu mang tính khách quan.

Kết hợp giữa Điều 9 và Điều 2 Nghị định 103/1998/NĐ- CP (Nguyên tắc hợp tác với nước ngoài về pháp luật: Việc hợp tác với nước ngoài về pháp luật phải được tiến hành trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, tuân thủ Hiếp pháp, pháp luật, phong tục, tập quán của dân tộc, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và tránh trùng lặp), có thể thấy nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA bao gồm:

- Sự phù hợp của chương trình, dự án với chiến lược kinh tế- xã hội, chương trình xây dựng pháp luật: chương trình, dự án không phải là một thực thể tách biệt mà phải có mục tiêu gắn liền với chiến lược kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; việc thẩm định nội dung này nhằm đảm bảo cho các chương trình, dự án không bị đi "chệch hướng'' khỏi các mục tiêu này;

-  Tư cách của đối tác nước ngoài: không phải đối tác nước ngoài nào cũng có thể hợp tác mà cần phải đánh giá, xem xét nhiều khía cạnh như: năng lực tài chính, điều kiện nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam, thiện chí hợp tác với Việt Nam...

- Hiệu quả kinh tế- xã hội của chương trình, dự án hợp tác: để đảm bảo nguyên tắc tận dụng một cách hợp lý các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài, việc thẩm định không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý mà còn phải đánh giá tổng thể cả trên khía cạnh đóng góp về kinh tế- xã hội của chương trình, dự án. Tất nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này không phải là việc đơn giản, đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, khoa học, công nghệ, môi trường, văn hoá, xã hội học...

- Nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, dự án: bất kỳ một dự án nào cũng hàm chứa trong nó những nhân tố rủi ro. Vai trò của việc thẩm định trong trường hợp này chính là phải phát hiện ra được những yếu tố rủi ro tiềm tàng đó để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp;

- Tính không trùng lặp của chương trình, dự án: để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực, tránh sự lãng phí, dàn trải, một trong những nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp là phải đảm bảo dự án, chương trình có nội dung không trùng lặp với các dự án, chương trình khác đang được triển khai. Trong trường hợp các dự án có Bên ký kết khác nhau nhưng có nội dung trùng nhau thì có thể hình thành một dự án chung với các nhà đồng tài trợ và bên Việt Nam có thể chỉ định một cơ quan làm chủ dự án, các cơ quan khác là các hợp phần thụ hưởng.

Kết luận

Tóm lại, Bộ Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định các điều ước quốc tế về ODA nói chung. Qua phân tích trên có thể rút ra nhận xét việc thẩm định của Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý (như thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong nước) mà trong nhiều trường hợp còn đánh giá cả về khía cạnh kinh tế- xã hội (trường hợp thẩm định chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật). Qua bài viết này, tác giả xin có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần nâng tầm hiệu lực pháp lý của văn bản quy định về thẩm định điều ước quốc tế: trong khi quy trình thẩm định VBQPPL trong nước được quy định ở một văn bản cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 05/2007/QĐ- TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) thì quy trình thẩm định điều ước quốc tế lại chỉ được quy định ở một Quyết định của Bộ trưởng (Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế). Chúng tôi cho rằng cần thiết phải nâng cấp Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP lên ít nhất ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Thứ hai, Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Thông tư về cấp ý kiến pháp lý, vì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA./.

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP

ĐỐI VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ NUÔI CON NUÔI

                                                                                  

TS. Vũ Đức Long

 

Nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề nhân đạo khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong lịch sử của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vấn đề nuôi con nuôi quốc tế chỉ được đặt ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trước đó pháp luật Việt nam chỉ điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi trong nước. Cùng với việc mở rộng giao lưu dân sự giữa nước ta với các nước, vấn đề nuôi con nuôi quốc tế cũng được mở rộng và đảm bảo bằng các điều ước quốc tế song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước nhận. Đến nay nước ta đã ký 13 hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ khác nhau và hiện đang chuẩn bị tham gia Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Với tư cách là cơ quan đầu mối về hoạch định chính sách và hợp tác quốc tế trong linh vực nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã chủ trì đàm phán và ký kết các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi để từng bước tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các nước ở tầm quốc gia để giải quyết vấn đề hết sức nhân đạo và nhạy cảm này.

Trong phạm vi bài này chúng tôi xin được đề cập và đánh giá vai trò của Bộ Tư pháp trong việc ký kết các điều ước quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế và đề xuất các giải pháp về việc hoàn thiện thể chế, thiết chế, pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi quốc tế.

1. Bộ Tư pháp - cơ quan đầu mối chủ trì đàm phán ký kết các Hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi.

Vấn đề nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề mới xuất hiện ở nước ta vào đầu những năm 90 và được giải quyết trên cơ sở quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa nước ta và các nước khác, không dựa trên cơ sở điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Ban đầu cơ quan quản lý vĩ mô là Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội. Toàn bộ quy trình tác nghiệp xử lý hồ sơ xin con nuôi của người nước ngoài do các tỉnh thực hiện ( từ khâu thụ lý hồ sơ đến việc ra quyết định và làm thủ tục giao nhận trẻ). Người nước ngoài trực tiếp vào Vệt Nam để tìm trẻ và làm các thủ tục để xin con nuôi.

Từ năm 1994, vấn đề quản lý nuôi con nuôi quốc tế được Chính phủ quyết định chuyển từ Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội sang Bộ Tư pháp. Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề nuôi con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Bộ Tư pháp cũng chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) ban hành Thông tư liên bộ số 503/TT- LB ngày 25/05/1995 hướng dẫn thi hành Nghị định 184/CP và Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư 337/TT- PLQT ngày 23/08/1995 hướng dẫn thi hành Thông tư liên bộ 503/TT- LB.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc về nuôi con nuôi quốc tế, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện hàng loạt vướng mắc, bất cập xâm phạm tới quyền trẻ em như môi giới bất hợp pháp, trục lợi, biểu hiện buôn bán trẻ em... . Bộ Tư pháp thấy rằng, nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề nhậy cảm, đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm nhà nước thông qua cam kết quốc ( hiệp định quốc tế) với các nước. Hồ sơ của người xin con nuôi cần phải được kiểm tra chặt từ phía nước nhận và nước gốc để đảm bảo đúng mục đích nhân đạo và tránh bị lợi dụng. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi cũng cần phải chịu sự kiểm tra của nước gốc và nước nhận để đảm bảo trẻ được xem xét cho làm con nuôi đúng đối tượng, việc cho trử làm con nuôi người nước ngoài là biện pháp cuối cùng để tìm mái ấm cho trẻ. Các trình tự, thủ tục giải quyết việc cho trẻ làm con nuôi cũng phải đáp ứng yêu cầu của cả nước gốc và nước nhận và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cả hai nhà nước. Chỉ thông qua các hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước tình hình cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài mới có thể lập lại trật tự, đảm bảo các nguyên tắc nhân đạo cao cả và mục đích tối thượng của việc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài là tìm mái ấm gia đình cho trẻ.

Hiệp định đầu tiên về hợp tác nuôi con nuôi được ký ngày 01/02/2000 với Cộng hoà Pháp. Đây là Hiệp định mở đầu cho việc ký hàng loạt các hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi với các nước. Phải nói rằng bằng việc ký Hiệp định này nước ta và Pháp đã chấm dứt sự lộn xộn và bế tắc vào cuối những năm 90 đối với vấn đề hợp tác nuôi con nuôi Việt Pháp và mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tốt đẹp của hai nước trong lĩnh vực này. Đây là hiệp định đầu tiên được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo của Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế.

Một bước tiến vượt bậc trong việc ký hàng loạt hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 68/2002/NĐ- CP ngày 10/07/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ( Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo). Nghị định này đã đặt ra điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài nếu giữa Việt Nam và nước nơi người nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi (Điều 35, khoản 2). Mười hai hiệp định được ký với các nước và vùng lãnh thổ như: Vương quốc Đan mạch (26/05/2003), Cộng hoà Italia (13/06/2003), Ailen (23/09/2003), Vương quốc Thuỵ Điển (04/02/2004), ba Cộng đồng của Vương quốc Bỉ (17/03/2005), Hoa Kỳ (21/06/2005), Canada (27/06/2005), Quebec (Canada) (15/09/2005), Thuỵ sĩ (20/12/2005) và Ônta rio (03/04/2006). Hiện nay nước ta đang đàm phán để ký hiệp định với Cộng hoà Liên bang Đức và Tây Ban Nha và tiến hành các thủ tục để ký kết Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Có thể nói rằng, trong thời gian ngắn Bộ Tư pháp đã đặc biệt quan tâm đến việc ký kết các điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi và đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các cơ quan chức năng hữu quan đàm phán ký kết khá nhiều hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với những nước có nhu cầu lớn trong việc xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Các hiệp định này đã tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nước ta mở rộng quan hệ hợp tác nuôi con nuôi với các nước.

2. Bộ Tư pháp - Cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về nuôi con nuôi

Trong tất cả các Hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đều được coi là đầu mối để thực thi các hiệp định. Điều 2 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi Việt Pháp quy định rằng về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương được chỉ định để thực hiện Hiệp định này. Trong tất cả các hiệp định ký sau đó, Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp ( Cục Con nuôi quốc tế) được chỉ định là cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam.

Với tư cách là cơ quan trung ương trong quan hệ với các nước ký kết, trong khuôn khổ Ban chỉ đạo liên ngành về nuôi con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp trực tiếp chỉ đạo thực hiện các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi trên phạm vi toàn quốc.

Trong việc thực hiện các hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Hoạch định chính sách vĩ mô để triển khai các cam kết về hợp tác nuôi con nuôi với các nước. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan và các tổ chức chức năng hữu quan ở trung ương và địa phương thực hiện các cam kết. Bộ Tư pháp có thể yêu cầu sự giúp đỡ kỹ thuật từ phía cơ quan đối tác nước ngoài để đảm bảo thực hiện tốt hiệp định.

- Thụ lý, xem xét, cấp phép hoạt động và đặt trụ sở cho văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Cho đến nay Bộ Tư pháp đã cấp phép hoạt động cho 54 tổ chức con nuôi nước ngoài, trong đó có 18 tổ chức châu Âu, 1 tổ chức Canada và 35 tổ chức của Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ cấp phép cho khoảng 15 tổ chức con nuôi nước ngoài.

- Trực tiếp tác nghiệp hồ sơ của người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Bộ Tư pháp có nghĩa vụ đảm bảo chỉ những người nước ngoài là công dân ( theo Hiệp định với Hoa Kỳ) và những người thường trú ( theo các Hiệp định với các nước khác) đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước nhận mới  được Cục Con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp xem xét cho nhận trẻ em Việt nam làm con nuôi. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người nước ngoài Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục giải quyết . Cục Con nuôi quốc tế Bộ Tư pháp cũng kiểm tra hồ sơ của trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi và phải đảm bảo rằng mọi hồ sơ của trẻ phải phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước nhận. Trong vòng bốn tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin con nuôi, Bộ Tư pháp trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương trong việc xem xét ra quyết định về việc cho trẻ em làm con nuôi.

- Bộ Tư pháp tiến hành trao đổi thông tin với các nước ký kết về pháp luật và tình hình giải quyết con nuôi, hợp tác kỹ thuật để tăng cường năng lực giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến việc cho trẻ làm con nuôi. Trong khuôn khổ Nhóm công tác hỗn hợp với các nước được thành lập theo hiệp định thông thường được nhóm họp luân phiên từ 1 đên 2 năm một lần, Bộ Tư pháp cùng các đối tác nước ngoài đánh giá tình hình thực hiện hiệp định, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thực hiện tốt hơn.

- Bộ Tư pháp theo dõi tình hình phát triển của trẻ sau khi được cho làm con nuôi thông qua cơ chế báo cáo định kỳ của cha mẹ nuôi ( trong 3 năm đầu mỗi năm 2 lần và trong các năm tiếp theo đến khi trẻ đủ 18 tuổi mỗi năm 1 lần). Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng tổ chức các đoàn đi các nước kiểm tra tình hình của trẻ được cho làm con nuôi .

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ cơ bản  trên, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng của cơ quan trung ương- cơ quan đầu mối thực hiện các hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi. Qua thời gian thực hiện hiệp định, Bộ Tư pháp được phía nước ngoài đánh giá cao. Thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp định, quan hệ nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước ký kết được cải thiện đáng kể. Nhiều trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi có đủ điều kiện cho làm con nuôi người nước ngoài đã tìm được mái ấm gia đình thay thế, năm 2003: 807 trẻ, năm 2004: 550 trẻ, năm 2005: 1200 trẻ và dự kiến trong năm 2006 khoảng 1600 trẻ. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài dần dần đi vào nề nếp, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, hạn chế tối đa các tiêu cực, trung gian, trục lợi.

3. Vai trò của Bộ Tư pháp trong tương lai.

a. Tham gia Công ước La Hay

Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế 1993 là điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về nuôi con nuôi quốc tế. Đến nay đã có gần 70 nước tham gia, trong đó trên một nửa là nước cho và gần một nửa là nước nhận. Là nước quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã tham gia Hội nghị La Hay nhằm soạn thảo Công ước này ở cấp chuyên viên. Nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan, cho đến nay nước ta chưa ký chính thức và phê chuẩn Công ước này. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là pháp luật về nuôi con nuôi quốc tế của nước ta còn nhiều bất cập so với các yêu cầu của Công ước La Hay.

Với việc ký 13 Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi với các nước và vùng lãnh thổ, ban hành và thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị định 68/2002/NĐ- CP, Nghị định 69/2006/NĐ- CP và các văn bản pháp luật có liên quan và việc cải cách đáng kể thủ tục hành chính giải quyết các vụ việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, đến nay về cơ bản khuôn khổ pháp luật về nuôi con nuôi của nước ta đã đáp ứng các yêu cầu của Công ước La Hay và phù hợp với nhiều chuẩn mực quốc tế. Việc ký kết Công ước La Hay vào đầu năm 2007 là hoàn toàn khả thi tạo điều kiện để nước ta mở rộng hợp tác nuôi con nuôi với các nước, tham gia sâu rộng vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao lưu dân sự.

Tuy nhiên còn một số vướng mắc về phương diện pháp luật cần phải tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo lộ trình ký kết và thực thi Công ước La Hay như:

+Giải quyết hài hoà quan hệ giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế, trong đó cần phải ưu tiên nuôi con nuôi trong nước; nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng để tìm mái ấm cho trẻ.

+ Minh bạch hoá các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí và các khoản hỗ trợ nhân đạo do tổ chức con nuôi nước ngoài tài trợ cho cơ sở nuôi dưỡng. Cần phải ấn định mức thu, đầu mối thu, quy chế báo cáo thu chi,kiểm tra, kiểm toán, giám sát để tránh lạm dụng vì mục đích trục lợi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức con nuôi của các nước. Thực tiễn cho thấy đây là vấn đề rất nhạy cảm và rất khó kiểm soát trong điều kiện các tỉnh ấn định mức thu và trực tiếp thu chi.

+ Cơ chế quản lý nhà nước và giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài chưa phù hợp với yêu cầu. Sự bất cập trong phân cấp thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi, sự tản quyền đối với địa phương trong lĩnh vực này đi ngược lại thông lệ quốc tế hiện đang được nhiều nước xung quanh ta áp dụng như Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Nga, Ucraina..., gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và tác nghiệp. Với cơ chế như hiện nay, Cục Con nuôi quốc tế chưa thực sự gánh vác được chức năng của Cơ quan trung ương trong việc quyết định nhiều vấn đề về nuôi con nuôi trong quan hệ với đối tác nước ngoài, trong khi đó thì các tỉnh có thẩm quyền quyết định cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài, nắm giữ toàn bộ dữ liệu về trẻ có đủ điều kiện cho làm con nuôi và tự phát đặt ra nhiều thủ tục khác nhau, nhất là các loại chi phí và hỗ trợ nhân đạo, lựa chọn cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Sự phân cấp tản mạn theo cung cách địa phương hoá như vậy dẫn đến hiện trạng không thống nhất trong điều hành, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý.

+Do nuôi con nuôi quốc tế là vấn đề nhân đạo nên nhiều lĩnh vực cần được xã hội hoá để bớt đi gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay một số lĩnh vực chưa cho phép xã hội hoá như tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo, từ thiện trong nước cung cấp dịch vụ về nuôi con nuôi, nhiều hoạt động liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em ( nhất là liên quan đến vấn đề huy động nguồn tài chính và các nguồn hỗ trợ nhân đạo, huy động nguồn lực dồi dào của xã hội vào việc chăm sóc trẻ em). Tiến tới trong tương lai, phạm vi việc giải quyết cho tẻ làm con nuôi người nước ngoài sẽ thu hẹp lại cùng với sự phát triển của xã hội, cải tạo nâng cao một cách đáng kể mức sống ở trong nước, và dành vị trí thích đáng cho việc giải quyết vấn đề con nuôi trong nước.

b. Tổ chức thực thi Công ước La Hay

Việc tham gia Công ước La Hay sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật và cơ chế giải quyết vấn đề nuôi con nuôi quốc tế theo hướng đảm bảo các nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với thông lệ quốc tế. Với tư  cách là cơ quan chủ trì tham gia Công ước La Hay, Bộ Tư pháp đồng thời cũng là cơ quan chủ trì thực hiện Công ước này trên phạm vi cả nước với trên 70 nước thành viên. Bộ Tư pháp với cơ quan chuyên trách là Cục Con nuôi quốc tế sẽ là Cơ quan trung ương về nuôi  con nuôi quốc tế, có thẩm quyền quyết định trong việc quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài ( hiện nay, quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài thuộc thẩm quyền của uỷ ban nhân dân tỉnh) và hoạch định, triển khai chính sách về nuôi con nuôi quốc tế.

Để đảm bảo thực thi Công ước La Hay đòi hỏi nước ta phải ban hành Luật về nuôi con nuôi để xử lý một loạt vấn đề hịên nay chưa phù hợp. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này là Bộ Tư pháp. Luật nuôi con nuôi đã được Bộ Tư pháp đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2007 để Quốc hội xem xét lần đầu vào phiên họp cuối năm 2007 và sẽ được thông qua trong 2008. Với Luật nuôi con nuôi, nước ta sẽ áp dụng cơ chế giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có nhiều điểm khác cơ bản với cơ chế hiện nay và phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay. Các điểm thay đổi cơ bản bao gồm:

- Gắn chặt việc xử lý nuôi con nuôi trong nước với nuôi con nuôi quốc tế để đảm bảo tính nhân đạo cao cả mà Công ước La Hay đặt ra. Nuôi con nuôi quốc tế chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu như bằng các biện pháp trong nước không tìm được mái ấm cho trẻ. Nuôi con nuôi trong nước phải là hình thức tìm mái ấm cho trẻ bị bỏ rơi cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm và đảm bảo thực thi bằng các biện pháp hữu hiệu. Cơ quan tổ chức giải quyết cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài cần phải chứng minh đã làm hết tất cả các biện pháp trong nước mà vẫn không thể tìm được mái ấm cho trẻ ở trong nước. Chỉ khi đó họ mới có quyền cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài.

- Tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với toàn bộ quy trình giải quyết cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài để thực sự đảm bảo tính nhân đạo cao cả tránh được các hiện tượng trục lợi, tiêu cực, xâm phạm tới các quyền của trẻ em. Việc kiểm soát này được tiến hành thông qua các kênh khác nhau, trước hết là kênh hợp tác chặt chẽ với các nước và các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương. Cơ quan đầu mối sẽ là Bộ Tư pháp, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ, tổng thể quy trình này. Bộ Tư pháp thực hiện chức năng kiểm soát thông qua việc hoạch định chính sách, ban hành văn bản pháp luật hoặc soạn thảo văn bản pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền ban hành , thực hiện các hoạt động tác nghiệp trong việc kiểm tra, xử lý hồ sơ của người xin con nuôi, hồ sơ con nuôi, hồ sơ của tổ chức nuôi con nuôi có văn phòng đặt tại Việt Nam, kiểm tra hoạt động của các văn phòng con nuôi nước ngoài và kiểm tra tình hình thực hiện các hoạt động giải quyết nuôi con nuôi quốc tế tại địa phương.

- Một trong những yêu cầu khắt khe của Công ước là công khai hoá, minh bạch hoá các khâu trong quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế, trong đó đặc biệt là các vấn đề tài chính có liên quan như: phí, lệ phí, các khoản hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng. Các biểu mẫu trong hồ sơ xin con nuôi và hồ sơ con nuôi phải được Bộ Tư pháp  hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng để đễ áp dụng. Các quy trình, thủ tục, trình tự, mức phí, lệ phí, hỗ trợ nhân đạo phải được công khai trên mạng để mọi người quan tâm có thể tiếp cận được. Cơ chế tiếp nhân, xử lý hồ sơ phải thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng cho người xin con nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ để tránh mọi sự lạm dụng.

Có thể nói rằng để đảm bảo thực thi Công ước La Hay Bộ Tư pháp phải tiến hành rất nhiều việc để hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật trong nước nhằm để khắc phục những khoảng trống, bất cập của pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi quốc tế và thiết lập cơ chế giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế hiện đại, phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay và thông lệ quốc tế. Với tư cách là cơ quan trung ương đầu mối, Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan có đầy đủ trọng trách để phối hợp với các cơ quan hữu quan thực thi tốt Công ước La Hay và các hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác trong và ngoài khuôn khổ Công ước La Hay để tăng cường hợp ýac về nuôi con nuôi với các nước.

Kết luận

Trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối đề xuất ký kết và tổ chức thực thi các điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với các nước. Trong vòng 6 năm trở lại đây, Bộ Tư pháp đã chủ trì đàm phán, ký kết 13 hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước và hiện đang chuẩn bị tích cực cho việc ký kết Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế. Kể từ tháng 8 năm 2003, Bộ Tư pháp đã thành lập Cục Con nuôi quốc tế giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý việc  ký kết và thực thi hiệp định song phương ký với các nước về nuôi con nuôi quốc tế. Trong tương lai cùng với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi quốc tế và mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực này với các nước Bộ Tư pháp ngày càng đóng vai trò quan trong hơn trong lĩnh vực này./.

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG CÔNG TÁC
ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC THI CÁC
HIỆP ĐỊNH VỀ THƯƠNG MẠI

 

Ths. Bạch Quốc An, Bộ Tư pháp

 

Trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đã trở thành nhu cầu bức xúc của các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng. Các hiệp định thương mại tự do, liên minh, liên kết kinh tế khu vực và song phương đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các quốc gia.

Để thúc đẩy quá trình phát triển này, các nước đã xây dựng một hệ thống những văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế. Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế, thực tiễn giải thích và áp dụng các điều ước quốc tế tại các cơ chế giải quyết tranh chấp như Tòa án quốc tế, Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình đó.

Đối với Việt Nam, công tác ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế có một vai trò rất quan trọng, là cơ sở pháp lý trong việc tăng cường và mở rộng các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cũng có những đóng góp tích cực đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Hiệu quả của công tác này sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay.

Trong những năm qua, số lượng điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập đã tăng lên đáng kể, trong đó các điều ước quốc tế phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã chiếm một số lượng lớn. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao năm 2002 chúng ta đã ký kết và gia nhập 134 điều ước quốc tế cấp Nhà nước và Chính phủ. Khuôn khổ pháp luật hiện hành về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã tạo dựng được cơ sở pháp lý thích hợp cho các cơ quan Nhà nước trong việc đề xuất đàm phán, ký kết và thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế.

Do trong khuôn khổ Đề tài đã có một số Chuyên đề tập trung vào vấn đề lý luận và thủ tục về công tác điều ước quốc tế. Vì vậy, Chuyên đề này sẽ chỉ tập trung đi vào thực tiễn hoạt động của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế về thương mại.

I. Tổng quan về quy trình ký kết điều ước quốc tế trong lĩnh vực
thương mại.

Theo Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Với khái niệm về hành vi thương mại như vây, trong phạm vi bài viết này khái niệm thương mại sẽ được hiểu với phạm vi tương tự như định nghĩa về hành vi thương mại theo Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, các Hiệp định về thương mại ở đây sẽ không chỉ hạn chế ở các Hiệp định được ký kết dưới tên gọi là “Hiệp định thương mại” mà còn bao gồm cả các Hiệp định về hợp tác kinh tế, các Hiệp định về các khu vực thương mại tự do, các Hiệp định trong lĩnh vực đầu tư, các Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về việc thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)…..

Cũng giống như các điều ước quốc tế khác, việc ký kết các điều ước quốc tế về thương mại phải tuân thủ theo quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17- 4- 1989), Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20- 8- 1998) Nghị định số 161/1999/NĐ- CP về Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh năm 1998 trước đây. Hiện nay khuôn khổ pháp lý điều chỉnh cho hoạt động này là Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Luật) do Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 (có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006).

Trước hết, theo quy định của Luật, khái niệm “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập” là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

Như vậy, so với Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ngày 28/8/1998, phạm vi khái niệm về điều ước quốc tế trong Luật đã hạn chế hơn do các Thoả thuận quốc tế do các Bộ, ngành, địa phương ký kết không phải là điều ước quốc tế của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế được thực hiện theo các bước
như sau:

1. Đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế

Theo Điều 9 của Luật, các cơ quan đề xuất việc đàm phán, ký điều ước quốc tế chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế. Trước khi đề xuất việc đàm phán, ký điều ước quốc tế cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao đề xuất thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Sau khi có ý kiến của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan đề xuất trình Chính phủ, Chủ tịch nước hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.

2. Đàm phán điều ước quốc tế

Sau khi có được ý kiến cho phép tiến hành đàm phán điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành quá trình đàm phán điều ước quốc tế.

Trong quá trình đàm phán, tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của điều ước quốc tế mà xác định thành phần đoàn đàm phán. Trong nhiều trường hợp Bộ Tư pháp sẽ tham vào quá trình đàm phán này.

3. Ký điều ước quốc tế

Trước khi tiến hành ký tắt điều ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức (Điều 25 Luật).

Sau khi hoàn tất việc rà soát, đối chiếu dự thảo của điều ước quốc tế thì Dự thảo điều ước quốc tế có thể được ký tắt và ký chính thức.

Trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản khác so với nội dung văn bản điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì điều ước quốc tế chỉ được ký sau khi có quyết định cho ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Phê chuẩn điều ước quốc tế

Có 3 loại điều ước quốc tế phải được phê chuẩn là:

- Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn;

- Điều ước quốc tế được ký nhân danh Nhà nước;

- Điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước.Điều

Theo Điều 30 của Luật, cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê chuẩn. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan thẩm tra.

Như vậy việc phê chuẩn điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của 2 cơ quan là Chủ tịch nước và Quốc hội.

5. Phê duyệt điều ước quốc tế

Có 3 loại điều ước quốc tế phải được phải được phê duyệt

- Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt;

- Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;

- Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

Theo Điều 42 Luật, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê duyệt; trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

6. Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên

Bên cạnh việc quy định về trình tự, thủ tục cho việc đàm phán ký kết điều ước quốc tế, Luật cũng đã quy định về việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên.

Theo khoản 2 Điều 49 Luật, trước khi đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10 của Luật này, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Quy trình về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên cũng được áp dụng tương tự như quy trình liên quan đến việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế.

Luật cũng quy định rất cụ thể về trình tự liên quan đến việc bảo lưu, chấp nhận, phản đối và rút bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên; các yêu cầu liên quan đến việc công bố; thực thi điều ước quốc tế và giải thích điều ước quốc tế.

II. Vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại

Trong toàn bộ quá trình từ việc đề xuất đàm phán đến ký kết điều ước quốc tế, cùng với Bộ Ngoại giao và cơ quan đề xuất, Bộ Tư pháp là một trong 3 cơ quan chính của quá trình này. Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế có thể được xem là người gác cửa về mặt pháp luật cho Nhà nước Việt Nam. Hay có thể nói Bộ Tư pháp đóng vai trò đảm bảo sự thống nhất, phát hiện những điểm chưa phù hợp giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế thông qua công tác thẩm định điều ước quốc tế. Vai trò này của Bộ Tư pháp đối với điều ước quốc tế  cũng tương tự như vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Việc làm này nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế.

Bên cạnh công tác thẩm định, trong quá trình đàm phán các điều ước về thương mại, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia quá trình đàm phán hoặc đóng góp ý kiến bằng văn bản cho các dự thảo của những điều ước này.

Các điều ước quốc tế về thương mại, có thể chia thành 2 nhóm là các điều ước quốc tế song phương về thương mại và các điều ước quốc tế đa phương về thương mại.

1. Các điều ước quốc tế song phương về thương mại

Hiện nay Việt Nam đã ký kết khoảng hơn 80 Hiệp định thương mại song phương, gần 80 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, và 60 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Đối với những điều ước song phương này, cho đến nay, sự tham gia của  Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các Hiệp định này chỉ dừng ở viêc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Hiệp định và thực hiện công việc thẩm định các Dự thảo Hiệp định trước khi cơ quan đề xuất trình Chính phủ ký hoặc phê duyệt các Hiệp định này theo đúng quy định của Luật Ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hiện nay và các Pháp lệnh trước đây.

Trong số các điều ước thương mại song phương đã được ký chỉ có Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) là một Hiệp định mà Bộ Tư pháp đã tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình đàm phán.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định này, Bộ Tư pháp đã đảm nhận những nhiệm vụ sau:

- Là cơ quan chịu trách nhiệm chung về mặt pháp lý của quá trình đàm phán. Vai trò này của Bộ Tư pháp được thể hiện qua một số công việc như: giải thích những vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật trong nước trong quá trình đàm; là cơ quan chịu trách nhiệm chính về mặt ngôn ngữ của Hiệp định;

- Là cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán về lĩnh vực dịch vụ pháp lý, đây là lĩnh vực do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý;

- Là cơ quan tham gia vào đàm phán về phần sở hữu trí tuệ.

BTA là một Hiệp định thương mại có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Việt Nam, đánh dấu một bước chuyển mới trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ. Chính vì vậy việc thực hiện các cam kết trong BTA có ảnh hưởng rất quan trọng tới hình ảnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tại thời điểm đó, Việt Nam đã nhận thức rõ một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các cam kết này là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật này không chỉ cần thiết cho việc thực thi BTA mà còn có tác dụng thiết lập nền tảng ban đầu cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế sau này.

Ý thức được vai trò của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 35/2002/QĐ- TTg ngày 12/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong Quyết định này, rà soát và hoàn thiện pháp luật đã được đặt lên thành nhiệm vụ đầu tiên trong các công việc cần làm để thực hiện BTA. Như vậy, đây là lần đầu tiên vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thực thi điều ước quốc tế đã được ghi nhận cụ thể với hai nhiệm vụ chính là:

- Bộ Tư pháp căn cứ vào kết quả rà soát bước đầu các văn bản pháp luật để bổ sung, sửa đổi nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta, làm việc với các cơ quan liên quan của Quốc hội và Chính phủ để xác định nội dung chương trình xây dựng pháp luật năm 2002 - 2003 cho phù hợp với yêu cầu về thực hiện Hiệp định.

- Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo chương trình của Chính phủ để trình Quốc hội về xây dựng, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XI (2002 - 2006), có tính đến nhu cầu phục vụ việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Quá trình đàm phán, ký và thực thi BTA đã làm thay đổi vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế đối với những điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Vai trò của Bộ Tư pháp không chỉ còn giới hạn trong việc góp ý hoặc thẩm định nữa, mà Bộ Tư pháp đã tham gia vào quá trình đàm phán điều ước quốc tế. Đáng chú ý nhất là vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thực thi điều ước quốc tế trong khi Pháp lệnh về Ký kết và thực hện điều ước quốc tế năm 1998 không đề cập đến vai trò này của Bộ Tư pháp.

Trên thực tế, công tác rà soát của Bộ Tư pháp đã cho thấy việc thực hiện BTA có tác động đến hơn 130 văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và 5 điều ước quốc tế mà Việt Nam cần phải tham gia theo yêu cầu của BTA[202]. Kết quả rà soát này của Bộ Tư pháp đã được sử dụng làm cơ sở cho việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong từng năm và cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI. Đồng thời kết quả rà soát cụ thể đã là nguồn tài liệu tham khảo cho các Bộ, ngành trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết quả rà soát này đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, nhằm đảm bảo tính tương thích với các quy định của pháp luật thương mại quốc tế. Việc hoàn thiện pháp luật để thực thi BTA đã có những đóng góp lớn cho quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

2. Các điều ước quốc tế đa phương về thương mại

Kể từ khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh việc tằng cường ký kết các điều ước quốc tế song phương trong kinh vực kinh tế - thương mại với các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cũng đã từng bước tham gia vào sân chơi thương mại trong khu vực và trên toàn cầu. Để tham gia các sân chơi kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hàng loạt các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực thương mại - kinh tế. Những điều ước quốc tế đa phương này có thể được chia thành các nhóm như sau:

- Các điều ước quốc tế đa phương đơn lẻ (ví dụ như Công ước New York năm 1958 về Công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), Công ước Bảo hộ đầu tư đa phương (MIGA)…)

- Các điều ước quốc tế đa phương trong khuôn khổ hoặp tác kinh tế khu vực (ví dụ các điều ước quốc tế trong khuôn khổ APEC, ASEAN, ASEAN với các đối tác…)

- Các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

Để định hướng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 27/11/2001 về Hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở Nghị quyết này, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 37/2002/QĐ- TTg ngày 14/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong Nghị quyết này, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là tập trung vào công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách kinh tế thương mại với những nhiệm vụ cụ thể là:

“a) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan của Quốc hội và Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách hiện hành để xây dựng, sửa đổi và ban hành mới các văn bản cho phù hợp với chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới. Các nội dung chính của việc rà soát như sau:

- Tiến hành bước đầu việc rà soát, đối chiếu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sát hợp với các định chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế.

- Căn cứ vào kết quả của việc rà soát, trình Chính phủ kiến nghị với Quốc hội đưa nội dung về xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các định chế của WTO và các tổ chức kinh tế- thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; sửa đổi, bổ sung và điều hỉnh hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách không phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ thoả thuận vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2002- 2003 và cho cả nhiệm kỳ Quốc hội 2002- 2006.

b) Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, đề xuất việc ký kết, phê duyệt, phê chuẩn hoặc gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động hội nhập và xây dựng các văn bản pháp quy mới, biện pháp kỹ thuật mới phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của WTO để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước.

c) Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch cho năm 2002 và các năm tiếp theo để kiện toàn các tổ chức pháp chế của ngành, địa phương và doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh tế- thương mại quốc tế, bồi dưỡng năng lực thi hành pháp luật cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất chủ trương củng cố hệ thống toà án kinh tế, lao động, hành chính... cũng như các tổ chức trọng tài là các cơ quan có vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.”.

Như vậy, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế đa phương về thương mại tập trung chủ yếu vào giai đoạn thực thi các điều ước quốc tế này. Trong quá trình đàm phán các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực thương mại, vai trò của Bộ Tư pháp không quan trọng như giai đoạn thực thi các điều ước này.

2.1. Đối với những điều ước quốc tế đa phương đơn lẻ về kinh tế

Nhìn chung Bộ Tư pháp rất it khi tham gia vào quá trình đàm phán. Hơn nữa, đối với những điều ước quốc tế này, Việt Nam chủ yếu là quốc gia gia nhập những điều ước quốc tế đó. Vì vậy, vai trò của Bộ Tư pháp chỉ dừng ở công tác thẩm định, góp ý về việc gia nhập các điều ước quốc tế này. Tuy nhiên đối với một số điều ước thì Bộ Tư pháp cũng có vai trò trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện. Chẳng hạn sau khi Việt Nam gia nhập Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Bộ Tư pháp đã cùng các cơ quan có liên quan soạn thảo và ban hành Pháp lệnh về Công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

2.2. Đối với các điều ước quốc tế trong khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực

Trong quá trình hội nhập vào ASEAN, Việt Nam không chỉ đàm phán và ký kết các Hiệp định trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước ASEAN mà còn cùng với các nước ASEAN tiến hành đàm phán với các đối tác ngoài khối nhằm mục đích thiết lập các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác. Cho đến nay, ASEAN đã tiến hành đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, Nhật Bản.

Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các điều ước quốc tế cấp khu vực tập trung vào những vấn đề như sau:

- Chịu trách nhiệm chung về các vấn đề pháp lý của Việt Nam trong quá trình đàm phán (đại diện cho Việt Nam tham gia vào Nhóm Pháp lý);

- Chịu trách nhiệm tham gia đàm phán Hiệp định về giải quyết tranh chấp trong từng khuôn khổ hợp tác;

- Chịu trách nhiệm đàm phán về lĩnh vực dịch vụ pháp lý;

- Thực hiện việc góp ý và thẩm định các điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán.

Ngoài chức năng thẩm định và góp ý cho các điều ước quốc tế được đàm phán trong khuôn khổ các khu vực thương mại tự do tương tự như những điều ước quốc tế khác, Bộ Tư pháp cũng đồng thời tham gia vào quá trình đàm phán thành lập các khu vực thương mại tự do này.

Quá trình đàm phán các khu vực thương mại tự do này chủ yếu chia thành hai giai đoạn đàm phán chủ yếu. Giai đoạn 1 các nước thàm gia vào quá trình xây dựng khung pháp lý cho việc thành lập các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác. Trong giai đoạn này, các Bên chủ yêu tập trung vào việc đàm phán 1 Hiệp định khung cho việc thành lập khu vực thương mại tự do, Hiệp định về thương mại hàng hoá và Hiệp định về giải quyết tranh chấp. Trong giai đoạn 1 nay, Bộ Tư pháp sẽ tham gia tích cực vào quá trình đàm phán do đại diện của Bộ Tư pháp sẽ tham gia vào Nhóm pháp lý để tiến hành đàm phán và soạn thảo Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, giai đoạn đàm phán hình thành khuôn khổ pháp lý chung cho việc hình thành khu vực thương mại tự do có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đàm phán cụ thể sau đó vì vậy vấn đề pháp lý luôn được các nước quan tâm chú trọng.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, các bên bắt đầu triển khai việc thực hiện kết quả đàm phán trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, đồng thời tiếp tục đàm phán sang các lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn này vai trò của Bộ Tư pháp đã thu hẹp hơn và sự tham gia của Bộ Tư pháp vào đoàn đàm phán cũng hạn chế hơn. Việc tham gia của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán ở giai đoạn này chỉ tập trung vào đàm phán về dịch vụ pháp lý và rà soát lời văn của các văn kiện đã được các Bên đàm phán thống nhất về nội dung.

Về cơ bản các điều ước quốc tế được tiến hành ký kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại khu vực chưa đặt ra vấn đề rà soát văn bản. Việc thực hiện các điều ước quốc tế này chủ yếu do các Bộ, ngành phụ trách từng lĩnh vực chủ động thực hiện trên cơ sở các cam kết của Việt Nam. Các Bộ, ngành sẽ chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện những cam kết trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Hầu hết các văn bản này đều là các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Nghị định trở xuống, chủ yếu là các văn bản cấp Bộ. Vì vậy sau khi các điều ước quốc tế này được ký kết Bộ Tư pháp có vai trò rất hạn chế trong việc thực thi các điều ước quốc tế này mặc dù trong Quyết định số 37/2002/QĐ- TTg, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ rà soát các điều ước quốc tế này. Tuy nhiên đây là một công việc có khối lượng rất lớn và thực tế thì rất khó thực hiện.

2.3. Quá trình đàm phán gia nhập và thực hiện các cam kết trong WTO

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã phải mất khá nhiều thời gian cho quá trình đàm phán gia nhập WTO. Trong quá trình đó, Bộ Tư pháp là một trong số nhiều cơ quan Nhà nước đã tham gia ngay từ đầu của quá trình đàm phán này. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình này tập trung vào những công việc là: phụ trách chung các vấn đề pháp lý trong quá trình đàm phán; báo cáo thường xuyên về chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam; chịu trách nhiệm đàm phán về phần minh bạch hoá, dịch vụ pháp lý và dịch vụ trọng tài, hoà giải.

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất là minh bạch hoá chính sách trong giai đoạn này Việt Nam phải cung cấp cho WTO và các nước Thành viên toàn bộ thông tin liên quan đến thể chế, chính sách và pháp luật về kinh tế và thương mại của Việt Nam. Trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp đã cùng với các cơ quan có liên quan xây dựng bản Bị vong lục của Việt Nam để gửi WTO. Bản Bị vong lục này chính là tài liệu mô tả về thể chế pháp luật hiện hành tại thời điểm đó của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại - kinh tế. Với ý nghĩa và nội dung như vậy, Bộ Tư pháp đã có vai trò quan trọng trong giai đoạn minh bạch hoá chính sách, giúp các nước Thành viên có được bức tranh đầy đủ, toàn diện hơn về thể chế thương mại - kinh tế của Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Việt Nam bắt đầu quá trình đàm phán đa phương. Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ minh bạch hoá chính sách thông qua việc trả lời các câu hỏi của các nước Thành viên WTO. Các câu hỏi của các nước Thành viên WTO sẽ được chia thành từng lĩnh vực và chuyển cho các cơ quan có liên quan trả lời. Trong quá trình này, Bộ Tư pháp cũng đã trả lời hàng trăm câu hỏi của các nước liên quan đến các vấn đề minh bạch, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dịch vụ pháp lý, trọng tài và hoà giải…. Đồng thời với việc tiếp tục làm rõ thể chế kinh tế - thương mại, cũng đã bắt đầu quá trình đàm phán đa phương về những nội cơ bản về quyền và nghĩa vụ của Thành viên WTO.

Giai đoạn thứ ba là quá trình đàm phán thực chất, giai đoạn này chủ yếu tập trung vào đàm phán song phương kết hợp với đàm phán đa phương. Đây là giai đoạn đàm phán rất quan trọng, kết quả đàm phán của giai đoạn này chính là những cam kết bổ sung, cao hơn các nghĩa vụ được ghi nhận trong phần lời văn của các Hiệp định của WTO. Trong giai đoạn này vai trò của Bộ Tư pháp chỉ giới hạn trong việc đàm phán về những cam kết liên quan đến minh bạch hoá, dịch vụ pháp lý, trọng tài và hoà giải, chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam. Vì vậy, sự tham gia của Bộ Tư pháp chỉ giới hạn chủ yếu trong những phiên đàm phán đa phương và một số phiên đàm phán song phương với các đối tác quan tâm đến các lĩnh vực do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, bên cạnh việc trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, Bộ Tư pháp còn có các hoạt động giám tiếp phục vụ cho quá trình đàm phán này, đó là các hoạt động liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật phục vụ cho đàm phán gia nhập WTO. Công việc này phát sinh trên cơ sở các nước Thành viên WTO yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình phù hợp với các yêu cầu của WTO trước khi trở thành Thành viên của tổ chức này. Điều này có nghĩa hoàn thiện hệ thống pháp luật là một yêu cầu đầu tiên để Việt Nam có thể được gia nhập WTO. Tất nhiên một minh Bộ Tư pháp thì không thể thực hiện được công việc này mà cần phải có sự phối hợp của tất cả các cơ quan có liên quan, tuy nhiên, Bộ Tư pháp là cơ quan khởi động và chịu trách nhiệm chính trong quá trình này.

Ngay từ năm 2003, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 37/2002/QĐ- TTg Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các quy định trong các Hiệp định của WTO với pháp luật Việt Nam. Qua quá trình rà soát Bộ Tư pháp nhận thấy có 263 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến các Hiệp định của WTO[203]. Trên cơ sở kết quả rà soát này, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 94 văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát này của Bộ Tư pháp đã được các Bộ, ngành làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả rà soát Bộ Tư pháp đã có kiến nghị sửa đổi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhằm kịp thời phục vụ quá trình đàm phán gia nhập WTO. Kết quả của hoạt động này đã giúp Việt Nam có được một khung pháp luật phù hợp với yêu cầu của WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết thúc quá trình đàm phán trong năm 2006.  Trong Tờ trình của Chính phủ số 150/TTr- CP ngày 15 tháng  11 năm 2006 Về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới đã nêu rõ giá trị của công tác xây dựng pháp luật là: “Tất cả các thành viên của Ban công tác đều đánh giá cao công tác xây dựng pháp luật của ta và coi đây là một trong những yếu tố quyết định cho việc Việt Nam sớm gia nhập WTO”.

Sau khi kết thúc quá tình đàm phán gia nhập WTO, vai trò của Bộ Tư pháp tiếp tục được khẳng định trong quá trình phê chuẩn việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng như công việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và những cam kết mới của Việt Nam. Được sự phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Nước CHXHCN Việt Nam. Theo Nghị quyết này, công tác rà soát tiếp tục được nêu cụ thể với hai nhiệm vụ chính là:

“a) Rà soát các cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, nhưng chưa được ghi trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

b) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới;”.

Trên cơ sở Nghị quyết này của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tiến hàng công tác rà soát với nhiệm vụ[204]:

- Rà soát các nội dung cam kết sẽ được thực hiện ngay và áp dụng trực tiếp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thực hiện.

- Rà soát các nội dung cam kết thực hiện theo lộ trình đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

- Rà xét để loại bỏ sự chồng chéo, những quy định không phù hợp với cam kết, không bảo đảm tự do kinh doanh hàng hoá và dịch vụ cho các chủ thể tham gia thị trường.

Ngoài nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương, Bộ Tư pháp còn được Chính phủ giao thực hiện công tác rà soát các văn bản của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu của WTO. Mặc dù vậy, cho đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa thể thực hiện được công việc này do khối lượng công việc quá lớn và có nhiều khó khăn từ phía địa phương trong việc hiểu và nắm rõ các quy định của WTO.

Trong Nghị quyết 16/2007/NQ- CP Chính phủ còn giao Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch đào tạo độ ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, được trang bị kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành công tác rà soát các cam kết của Việt Nam trong WTO với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện này. Trong lần rà soát này, Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào những cam kết bổ sung, là kết quả của quá trình đàm phán. Đây là những vấn đề mới, chỉ được công bố sau khi Việt Nam kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Bên cạnh công tác rà soát, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ đảm bảo cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chính phủ không trái với những cam kết trong WTO của Việt Nam thông qua công tác kiểm tra văn bản.

III. Nhận xét và kiến nghị

1. Nhận xét chung

Qua thực tế của công tác điều ước quốc tế về thương mại trong những năm vừa qua có thể thấy vai trò của Bộ Tư pháp đối với quá trình đàm phán các điều ước quốc tế này là rất hạn chế. Chỉ đối với những điều ước quốc tế có tác động lớn tới thể chế pháp luật của Việt Nam thì có sự tham gia của Bộ Tư pháp với vai trò của cơ quan phụ trách về mảng pháp luật trong nước. Cũng chính bởi nhiệm vụ này mà vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế về thương mại chỉ tập trung chủ yếu vào giai đoạn thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Sự hạn chế của Bộ Tư pháp trong việc tham gia vào quá trình đàm phán các điều ước quốc tế về thương mại trong nhiều trường hợp đã đặt ra nhiều khó khăn, thiếu thống nhất giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước. Điều này đã buộc Việt Nam cần phải có những sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước đảm bảo cho việc thực thi cam kết quốc tế. Trong nhiều trường hợp một số sự thay đổi cá biệt đã dẫn tới sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất áp dụng chung và hệ quả là những nghĩa vụ cá biệt đã trở thành nghĩa vụ chung.

Hơn nữa, việc Bộ Tư pháp không tham gia vào quá trình đàm phán đã dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam giữa các điều ước quốc tế về thương mại. Trong nhiều trường hợp những điều ước quốc tế song phương có cam kết cao đã dẫn đến việc Việt Nam mất lợi thế trong quá trình đàm phán thành lập các khu vực thương mại tự do hoặc đàm phán gia nhập WTO do nguyên tắc đối xử tối huệ quốc trong pháp luật thương mại quốc tế.

2. Một số kiến nghị

2.1 Với vai trò giúp Chính phủ trong các vấn đề về pháp luật, vì vậy việc tham gia của Bộ Tư pháp vào các hoạt động đàm phán điều ước quốc tế cần phải được nhận thức đúng đắn. Việc tham gia của Bộ Tư pháp không chỉ nhằm hỗ trợ quá trình đàm phán về mặt pháp lý mà còn là cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước đảm bảo thực thi cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa các điều ước quốc tế với nhau.

2.2 Qua thực tiễn công tác điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại cho thấy có hàng loạt các điều ước quốc tế về cùng lĩnh vực những chưa có sự thống nhất chung, bên cạnh đó, các Bộ, ngành nhiều khi còn rất lúng túng trong việc soạn thảo các điều ước quốc tế. Vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu và có những mẫu điều ước quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế mẫu đối với những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tiến hành ký kết hàng loạt điều ước quốc tế song phương với các nước. Chẳng hạn đối với các điều ước quốc tế song phương về thương mại, hợp tác kinh tế, khuyến khich và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng....

2.3 Bộ Tư pháp cần tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều ước quốc tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thẩm định, đàm phán và kiểm tra điều ước quốc tế. Những cán bộ này bên cạnh trình độ tiếng Anh còn cần phải có những kiến thức về pháp luật thương mại quốc tế và phải nắm vững nội dung của những cam kết quốc tế của Việt Nam.

2.4 Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng có nhiều khả năng tạo ra các tranh chấp quốc tế, vì vậy việc xây dựng kế hoạch và sớm đào tạo những “luật sư công” là rất cần thiết để có thể hỗ trợ Chính phủ trong trường hợp xảy ra các tranh chấp thương mại quốc tế.

2.5 Trên thực tế hiện nay việc tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế về thương mại chưa được bắt đầu với việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ tác động về mặt pháp luật, kinh tế - xã hội của những điều ước quốc tế này đối với Việt Nam. Vì vậy, trước khi tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại cần phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá về sự tác động của những điều ước quốc tế này về các mặt kinh tế - xã hội và pháp luật. Đồng thời việc nghiên cứu cũng cần chú ý đến tính thống nhất, đồng bộ của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại./.

 

VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP
TRONG QUÁ TRÌNH VIỆT NAM THAM GIA CÁC
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

 

Trần Hải Yến
Vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

 

I. CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Quyền con người hiểu một cách chung nhất là sự thống nhất biện chứng giữa “quyền tự nhiên” (như một đặc quyền vốn có và chỉ con người mới có) và “quyền xã hội” - sự chế định bằng các quy chế pháp lý nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội[205]. Để có và bảo vệ được những quyền con người như ngày nay, lịch sử loài người đã trải qua cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt. Có thể nói rằng, lịch sử phát triển của loài người chính là lịch sử đấu tranh giành những quyền cơ bản của con người và mở rộng quyền con người.

Tuy nhiên, vấn đề quyền con người chỉ mới được quan tâm, bàn luận nhiều kể từ thế kỷ thứ 18. Ngay nay, quyền con người đã trở thành khái niệm pháp lý quan trọng không chỉ trong các tuyên ngôn và hiến pháp của các quốc gia mà còn là khái niệm trọng yếu của luật pháp quốc tế. Sau Hiến chương Liên hiệp quốc (1945) và Tuyên ngôn nhân quyền (1948), hàng loại các công ước quốc tế về quyền con người ra đời, bao gồm:

1. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (viết tắt tiếng Anh là CESCR) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 01 năm 1976.

Nội dung cơ bản của Công ước quy định: quyền bình đẳng nam nữ, quyền có việc làm, điều kiện làm việc thuận lợi và công bằng, tham gia thành lập và gia nhập công đoàn, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo vệ và trợ giúp gia đình, tiêu chuẩn sống thích đáng, tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần, học hành, về văn hóa và được hưởng lợi ích từ các thành tự khoa học; nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải cam kết tiến hành các biện pháp riêng rẽ và thông qua hợp tác và hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tối đa các tài nguyên sẵn có của mình nhằm thực hiện ngày càng đầy đủ các quyền được ghi nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt là thông qua các biện pháp pháp lý; các quốc gia thành viên có trách nhiệm trình nộp báo cáo đầu tiên 2 năm sau khi công ước có hiệu lực với mình và sau đó trình nộp báo cáo định kỳ 5 năm một lần.

2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (viết tắt tiéng Anh là CCPR) được Đại hội đồng Liệp hiệp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 3 năm 1976.

Nội dung cơ bản của Công ước quy định: không phân biệt đối xử trong việc áp dụng Công ước và việc đền bù đối với những người bị vi phạm các quyền và tự do ghi nhận trong Công ước; quyền bình đẳng nam nữ về hưởng thụ các quyền dân sự và chính trị; quyền được sống; cấm tra tấn, dùng nhục hình, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hay nhục mạ con người; quyền tự do, an ninh thân thể và các điều kiện về bắt giữ, giam giữ, xét xử, bảo đảm các điều kiện nhân đạo trong giam giữ; địa vị bình đẳng của người nước ngoài; quyền bình đẳng trước tòa án và các cơ quan tư pháp; quyền được coi là vô tội cho đến khi bị tòa án kết tội; những bảo đảm tối thiểu cho người bị kết tội; quyền kháng án và được đền bù khi bị xét xử oan sai; quyền bí mật đời tư, thư tín và được bảo vệ chống lại sự xâm phạm danh dự, nhân phẩm; quyền tự do tư tưởng, chính kiến, báo chí, tín ngưỡng, lập hội và hội họp; bảo vệ gia đình và bình đẳng vợ chồng; quyền của trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em; nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc cam kết tôn trọng và bảo đảm các quyền được công nhận trong Công ước, bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ về các quyền dân sự, chính trị; ban hành các biện pháp lập pháp, hành pháp và các biện pháp khác để thực hiện có hiệu quả các quyền được nêu trong Công ước; các quốc gia thành viên có trách nhiệm đệ trình báo cáo về những biện pháp mình đã tiến hành để thực hiện các quyền được ghi nhận trong Công ước và về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các quyền đó trong vòng 1 năm sau khi Công ước có hiệu lực với quốc gia đó và trình báo cáo định kỳ 5 năm 1 lần.

Cùng với Công ước này, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua 2 Nghị định thư không bắt Buộc, đó là: Nghị định thư về không áp dụng án tử hình và Nghị định về xem xét kháng thư của cá nhân và nhóm cá nhân.

3. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (viết tắt tiếng Anh là CERD) được Đại hội đồng Liện hiệp quốc thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1965 và có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 1969.

Nội dung cơ bản của Công ước quy định: các quốc gia thành viên không được tham dự vào các hành động hoặc thực hiện sự phân biệt chủng tộc chống lại các cá nhân, nhóm người và bảo đảm rằng mọi quan chức chính quyền phải hành động phù hợp với nghĩa vụ này; cam kết không bảo trợ, giúp đỡ sự phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào; tiến hành những biện pháp hữu hiệu để xem xét lại các chính sách của chính phủ, nhà nước và địa phương, sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa các đạo luật, quy định có thể tạo ra sự phân biệt chủng tộc; ngăn cấm và chấm dứt sự phân biệt chủng tộc bằng mọi biện pháp thích hợp; khuyến khích các tổ chức và phong trào đa chủng tộc của những người có tư tưởng tiến bộ, cởi mở về chủng tộc nhằm xóa bỏ hàng rào ngăn cách về chủng tộc; trong điều kiện có thể, tiến hành những biện pháp cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc các biện pháp khác nhằm bảo đảm sự phát triển phù hợp, bảo vệ các nhóm chủng tộc hoặc các cá nhân thuộc các chủng tộc đó, bảo đảm để họ được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người và quyền tự do cơ bản; trừng phạt bằng pháp luật mọi hành động reo rắc ý tưởng dựa trên tính hơn trội về chủng tộc, sự căm thù, kích động phân biệt chủng tộc; cấm những tổ chức và những hoạt động tuyên truyền khuyến khích và kích động phân biệt chủng tộc; cấm các quan chức, các cơ quan nhà nước khuyến khích hay kích động phân biệt chủng tộc; cấm và loại trừ nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, dân tộc hay nguồn gốc dân tộc; bảo đảm cho mỗi người sự bảo vệ và các giải pháp thông qua các cơ quan nhà nước chống lại mọi hành động phân biệt chủng tộc vi phạm các quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác trái với Công ước này cũng như bảo đảm được xét xử công bằng, được đền bù thỏa đáng những thiệt hại do nạn phân biệt chủng tộc gây ra; tiến hành các biện pháp về giáo dục, văn hóa, thông tin chống lại các định kiến có thể dẫn đến phân biệt chủng tộc và khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan dung và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, nhóm chủng tộc; các quốc gia thành viên có trách nhiệm nộp báo cáo về việc thực hiện Công ước trong vòng 1 năm sau khi Công ước có hiệu lực với mình, phải nộp cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác được tiến hành để thực hiện các điều khoản của Công ước và nộp báo cáo định kỳ 2 năm.

4. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (viết tắt tiếng Anh là CEDAW) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1979 và có hiệu lực ngày 03 tháng 9 năm 1980.

Nội dung cơ bản của Công ước lên án sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ dưới mọi hình thức và quy định: các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ phân biệt đối xử với phụ nữ; bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ để họ có thể hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới; loại bỏ các hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột phụ nữ làm nghề mại dâm; áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng; bảo đảm cho phụ nữ được quyền tham gia bỏ phiếu, xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, quyền ứng cử vào các cơ quan dân cử, giữ các chức vụ của nhà nước, của các tổ chức chức và hiệp hội phi chính phủ, có cơ hội đại diện cho chính phủ tại các diễn đàn quốc tế và các tổ chức quốc tế; bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong vấn đề quốc tịch, về học tập, học bổng, bằng cấp, hướng nghiệp, cơ hội việc làm, tự do lựa chọn nghề nghiệp, điều kiện nghề nghiệp, được thăng chức, tăng lương, bảo đảm an ninh việc làm và các phúc lợi, thù lao, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; các quốc gia thành viên Công ước có trách nhiệm ngăn chặn sự phân biệt đối xử với phụ nữ vì lý do hôn nhân hay sinh đẻ, áp dụng chế độ nghỉ đẻ nhưng vẫn được hưởng lương và các phúc lợi xã hội tương đương mà không bị mất việc, thâm niên công tác; các quốc gia thành viên Công ước phải có các biện pháp thích hợp bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trước pháp luật, trao cho phụ nữ tư cách pháp lý như nam giới và tạo điều kiện để thực hiện tư cách này, đặc biệt là phải bảo đảm để phụ nữ được bình đẳng khi ký kết các hợp đồng và quản lý tài sản, tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú, trong hôn nhân và quan hệ gia đình; các quốc gia thành viên có trách nhiệm nộp báo cáo về việc thực hiện Công ước cho Ủy ban theo dõi thực hiện Công ước xem xét 1 năm sau khi gia nhập Công ước và các báo cáo định kỳ 4 năm 1 lần.

Cùng với Công ước còn có 1 Nghị định thư không bắt buộc quy định về quy chế xem xét các kháng thư của cá nhân và nhóm cá nhân khiếu nại về việc quyền lợi của họ hoặc người họ đại diện bị quốc gia thành viên vi phạm.

5. Công ước quốc tế về quyền trẻ em

Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989 và có hiệu lực từ ngày 2 tháng 9 năm 1990.

Nội dung cơ bản của Công uớc quy định một cách toàn diện về tiêu chuẩn luật pháp quốc tế bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em (những người dưới 18 tuổi), bao gồm quyền được sống, quyền phát triển và tham dự vào các hoạt động xã hội, quyền được bảo vệ và được chăm sóc, quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi, bóc lột, bỏ rơi v.v…; quy định trẻ em phải được bình đẳng, được tôn trọng, được bảo vệ và chăm sóc trong môi trường gia đình và trong tình thương yêu, trong môi trường hòa bình, nhân phẩm và khoan dung. Tuy nhiên, Công ước cũng khẳng định rằng tuy trẻ em chưa phải là người trưởng thành nhưng các em cũng có những quyền con người nhất định do luật pháp, truyền thống và tự nhiên dành cho mỗi con người nhưng quyền của các em cũng có giới hạn vì đặc điểm lứa tuổi. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp và các biện pháp khác nhằm bảo đảm thực hiện các quyền con người của trẻ em ghi nhận trong Công ước; đối với nhưng hành động liên quan tới trẻ em thì cho dù là cơ quan phúc lợi xã hội hay cơ quan nhà nước, đơn vị tư nhân, tòa án, nhà chức trách hành chính, lập pháp, tư pháp phải coi việc dành lợi ích tối nhất cho trẻ em là mối quan tâm hàng đầu. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm nộp và bảo vệ báo cáo quốc gia đầu tiên trước Ủy ban theo dõi thực hiện Công ước 2 năm sau khi Công ước có hiệu lực với quốc gia mình và các báo cáo định kỳ 5 năm một lần về những biện pháp được thực hiện để bảo đảm các quyền được ghi nhận trong Công ước và những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các quyền đó.

Cùng với Công ước còn có 2 Nghị định thư bổ sung bao gồm Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về không sử dụng trẻ em trong mại dâm, sản phẩm văn hóa khiêu dâm.

6. Công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình phạt, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay nhục hình khác

Công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình phạt, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay nhục hình khác (sau đây gọi tắt là Công ước quốc tế về chống tra tấn) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua tháng 10 năm 1984 và có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 6 năm 1987.

Công ước đã đưa ra định nghĩa chung về hành động tra tấn và yêu cầu các quốc gia thành viên phải đáp ứng các yêu cầu sau: áp dụng các biện pháp pháp lý, hành chính, tư pháp để ngăn chặn các hành động tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình; quy định tra tấn là tội hình sự và cần phải áp dụng các hình phạt tương thích với mức độ nặng nhẹ khác nhau đối với hành vi này; quy định rõ lời khai do kết quả tra tấn không được sử dụng làm bằng chứng kết tội tại toà; thường xuyên xem xét, kiểm tra các quy chế, biện pháp, thực tiễn liên quan đến công tác điều tra, xét hỏi nhằm tránh để xảy ra các hành động tra tấn; bảo đảm cho nạn nhân của hành động tra tấn có quyền khiếu nại với các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan này xem xét một cách nhanh chóng và vô tư, đồng thời cũng phải quy định việc đền bù thiệt hại do hành động tra tấn gây ra.

Các quốc gia thành viên của Công ước có trách nhiệm nộp báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước 1 năm sau khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia mình và cứ sau 4 năm một lần phải gửi báo cáo về các biện pháp thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước cho Uỷ ban chống tra tấn được bầu nên bởi các quốc gia thành viên. Khi Uỷ ban có thông tin tin cậy cho rằng hành vi tra tấn diễn ra một cách có hệ thống trên lãnh thổ một quốc gia thành viên thì Uỷ ban có thể yêu cầu quốc gia đó hợp tác để xem xét, kiểm tra thông tin đó. Sau khi xem xét ý kiến của quốc gia thành viên và các thông tin có liên quan khác, nếu thấy cần thiết Ủy ban có thể cử một hoặc nhiều thành viên của Uỷ ban tiến hành điều tra và có báo cáo để Uỷ ban xem xét và kiến nghị gửi quốc gia thành viên. Kết quả điều tra có thể được đưa vào Báo cáo hàng năm của Uỷ ban. Ngoài ra, Uỷ ban có thể xem xét kháng thư của các cá nhân đối với quốc gia thành viên khi các cá nhân này cho rằng mình là nạn nhân hoặc là đại diện cho các nạn nhân của các hành vi vi phạm Công ước nếu quốc gia đó tuyên bố chấp thuận quy định này; sau khi nhận kháng thư, Uỷ ban sẽ gửi kháng thư cho quốc gia thành viên bị cáo buộc vi phạm Công ước và trong vòng 6 tháng quốc gia đó phải trả lời bằng văn bản làm rõ vấn đề bị cáo buộc hoặc các biện pháp để sửa chữa tình hình (nếu có).

Cùng với các công ước nêu trên là hàng loạt các văn kiện quốc tế khác ra đời tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh các văn kiện quốc tế về quyền con người.

II. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH VIỆT NAM THAM GIA CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Ngay trong bản hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp năm 1946 đã giành 1 chương để quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, trong đó về cơ bản các quyền con người đều được ghi nhận và được thể hiện ở quyền công dân. Từ đó đến nay các quy định về quyền con người trong các bản Hiến pháp sau này cũng như trong các văn bản pháp luật khác ngày càng được hoàn thiện hơn. Tại Điều 50 của Hiến pháp 1992 xác nhận “ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Qua đó cho thấy mục tiêu cũng như bản chất tốt đẹp và nhân văn của Nhà nước ta.

Vì vậy, việc hướng tới tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về quyền con người luôn là vấn đề được ưu tiên và là chủ trương thường xuyên, nhất quán của Nhà nước ta. Trước năm 1977 do nước ta chưa trở thành thành viên của Liên hiệp quốc nên chỉ đủ điều kiện gia nhập 4 công ước quốc tế Giơ- ne- vơ (năm 1949) về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh năm 1957. Sau năm 1977, với việc trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp quốc, nước ta mới có đủ điều kiện để tham gia các công ước quốc tế về quyền con người. Kể từ đó đến nay nhằm phát huy vai trò, tiếng nói và nâng cao uy tín trên trường quốc tế cũng như hội nhập đời sống chính trị quốc tế, nước ta dần dần đã tham gia hầu hết các công ước quan trọng về quyền con người:

- Ngày 9 tháng  6 năm 1981, nước ta đã gia nhập Công ước quốc tế về xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc;

- Ngày 27 tháng 11 năm 1981, nước ta ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và phê chuẩn Công ước này vào tháng 2 năm 1982; 

- Ngày 24 tháng 9 năm 1982, nước ta chính thức gia nhập 2 Công ước rất quan trọng về quyền con người, đó là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị;

- Tháng 1 năm 1990, nước ta đã ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em và phê chuẩn Công ước này vào ngày 20 tháng 2 nă 1991. Với việc gia nhập Công ước này, nước ta là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới gia nhập công ước này. Tiếp đó năm 2001, chúng ta cũng đã phê chuẩn 2 nghị định thư bổ sung Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về không sử dụng trẻ em trong mại dâm, sản phẩm văn hóa khiêu dâm).

- Ngoài các Công ước quốc tế về quyền con người chính nêu trên, nước ta đã tham gia các Công ước quốc tế khác về quyền con người, bao gồm:

+ Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng (năm 1948); nước ta gia nhập ngày 9 tháng 6 năm 1981;

+ Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội ác A- pác- thai (năm 1973); nước ta gia nhập ngày 9 tháng 6 năm 1981;

+ Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ- ne- vơ về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế; nước gia nhập ngày 28 tháng 8 năm 1981;

+ Công ước quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại (năm 1968); nước ta gia nhập ngày 4 tháng 6 năm 1983;

- Sau khi trở thành thành viên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 1994, nước ta đã gia nhập nhiều Công ước của Tổ chức này như:

+ Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em đựoc tham gia lao động công nghiệp (năm 1919);

+ Công ước số 6 về việc làm ban đêm của trẻ em trong công nghiệp (năm 1919);

+ Công ước số 14 về quy định nghỉ hàng tuần cho lao động công nghiệp (năm 1921);

+ Công ước số 27 về ghi trọng lượng trên các kiện hàng lớn chở bằng tàu biển (năm 1929);

+ Công ước số 45 về sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ (năm 1935);

+ Công ước số 80 về xem xét lại các điều khoản cuối cùng (năm 1946);

+ Công ước số 81 về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại (năm 1947);

+ Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ (năm 1951);

+ Công ước số 111 về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (năm 1958);

+ Công ước số 116 về xem xét lại các điều khoản cuối cùng (năm 1961);

+ Công ước số 120 về vệ sinh trong thương mại và văn phòng (năm 1964);

+ Công ước số 123 về tuổi tối thiểu được làm những công việc trong hầm mỏ (năm 1965);

+ Công ước số 124 về kiểm tra sức khỏe cho thiếu niên làm việc trong hầm mỏ (năm 1965);

+ Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc (năm 1981);

+ Công ước số 182 về nghiên cứu và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; nước ta gia nhập ngày 17 tháng 1 năm 2000.

Tuy nhiên, vẫn còn một số công ước quốc tế về quyền con người chúng ta chưa tham gia như:

- Công ước quốc tế về chống các hình thức tra tấn và nhục hình vô nhân đạo khác;

- Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ (viết tắt tiếng Anh là MWC);

- Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ v.v…;

Ngoài ra, đối với một số công ước khác tuy chúng ta đã tham gia nhưng vẫn còn bảo lưu một số nội dung nhất định.

III. VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG QUÁ TRÌNH VIỆT NAM THAM GIA CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

1. Thúc  đẩy việc tiếp tục tham gia các công ước quốc tế về quyền con người

Như trên đã trình bày, việc gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; điều này cũng chứng tỏ quyết tâm cao độ của Nhà nước ta trong việc bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Không những thế, việc gia nhập các công ước này cũng tạo điều kiện để chúng ta có thêm cơ sở pháp lý trong đấu tranh với các thế lực thù địch vu cáo Nhà nước ta không tôn trọng các quyền con người.

Vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương đối ngoại Việt Nam muốn là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, một mặt chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt các nghĩa vụ mà ta đã cam kết khi gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người, mặt khác đòi hỏi chúng ta phải tích cực nghiên cứu xem xét và tiếp tục sớm gia nhập các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người mà chúng ta chưa là thành viên. 

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có quyền đề xuất với Chính phủ việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên. Trong trường hợp này đối với các công ước quốc tế về quyền con người có nội dung liên quan đến lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý thì Bộ Tư pháp chủ động nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ việc gia nhập các công ước này. Chẳng hạn như đối với Công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình phạt, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay nhục hình khác mà chúng ta chưa tham gia, đây là một trong 8 công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, nội dung của Công ước này phù hợp với luật pháp và bản chất nhân đạo của Nhà nước ta (pháp luật nước ta cũng nghiêm cấm các hành vi tra tấn, nhục hình, bức cung v.v…); trong khi đó hiện đã có 129 quốc gia tham gia Công ước này, bao gồm cả Cuba, Trung Quốc, Inđônêxia, Nga v.v...; việc nước ta tiếp tục đứng ngoài Công ước tạo nên ấn tượng không tốt dẫn đến hiểu lầm là nước ta dung túng cho các hành động tra tấn, nhục hình, bức cung và đây cũng chính là một trong các kẽ hở để các lực lượng thù địch thường lợi dụng vu cáo, bôi nhọ hình ảnh của Nhà nước ta; cho nên Bộ Tư pháp cần triển khai nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ việc gia nhập Công ước quốc tế này.

- Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì đối với những đề xuất việc gia nhập công ước quốc tế về quyền con người do các cơ quan khác trình Chính phủ thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các công ước này trước khi Việt Nam gia nhập. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp sẽ đánh giá về sự cần thiết phải gia nhập, tính hợp hiến, mức độ tương thích của công ước với các quy định của pháp luật Việt Nam, khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện công ước quốc tế này, đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị về những nội dung mà chúng ta cần bảo lưu nếu thấy cần thiết.

Đối với những công ước mà chúng ta đã gia nhập có nội dung chúng ta bảo lưu thì về cơ bản các nội dung này chủ yếu là vướng mắc về mặt pháp lý và vấn đề tổ chức thực hiện. Do đó, với vị trí là cơ quan quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất về mặt thể chế để chúng ta có đủ điều kiện tham gia đầy đủ các nội dung của công ước mà chúng ta đã bảo lưu.

Như vậy có thể thấy rằng với hai hoạt động chính là đề xuất và thẩm định việc gia nhập các điều ước quốc tế thì Bộ Tư pháp có vai trò rất quan trọng thúc đẩy việc nước ta tiếp tục tham gia các công ước quốc tế về quyền con người.

2. Thúc đẩy việc thực hiện các nghĩa vụ theo các công uớc quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia

2.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người

Song song với việc gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người, để bảo đảm và thực thi tốt quyền con người đòi hỏi Nhà nước ta phải tập trung cố gắng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Có như vậy mới bảo đảm cho việc thực thi các nghĩa vụ mà công ước yêu cầu đối với các quốc gia thành viên của công ước.

Trong thời gian qua, nhất là từ khi đất nước được thống nhất, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó đã có nhiều cố gắng nhằm nội luật hoá nội dung của các công ước quốc tế về quyền con người mà chúng ta đã tham gia. Về cơ bản, hệ thống pháp luật về quyền con người của nước ta hiện nay đã có bước tiến dài trong tiến trình lập pháp. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng trong bối cảnh chung là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên hệ thống pháp luật về quyền con người vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều quy định còn mang tính chất luật khung, thiếu các quy định cụ thể gây nhiều khó khăn trong việc vận dụng và thực hiện, chẳng hạn như quy định của Hiến pháp về các quyền tự do dân chủ, quyền lập hội, hội họp, biểu tình v.v… Bên cạnh đó cũng khó tránh khỏi còn tồn tại một số điểm chưa phù hợp với luật pháp quốc tế, với các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia, ví dụ như trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự mặc dù đã khẳng định không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của Toà án, nhưng tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính vẫn quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục đối với một số đối tượng có hành vi vi phạm hành chính.

Chính vì vậy, một thách thức lớn về lập pháp đặt ra cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay là phải nghiên cứu, xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, thống nhất, trong đó các quyền con người được chi tiết hoá thông qua các văn kiện pháp lý để thuận tiện cho việc thực thi trên toàn quốc. Với vị trí chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người của nước ta.

- Thông qua việc giúp Chính phủ soạn thảo dự án Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ Quốc hội và hàng năm, Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trong việc lựa chọn các dự án luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến việc thực hiện công ước quốc tế về quyền con người để đưa vào chương trình cũng như việc bố trí sắp xếp để ưu  tiên sớm ban hành các dự án này. Cụ thể trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ soạn thảo dự án Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, khóa XI và các dự án Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm;

- Bộ Tư pháp có quyền trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Với các hoạt động này, Bộ Tư pháp chủ động và trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Các văn bản tiêu biểu do Bộ Tư pháp soạn thảo có thể kể đến bao gồm Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật quốc tịch, Luật hôn nhân và gia đình và rất nhiều văn ban quy phạm pháp luật khác nhằm bảo vệ và phát huy quyền con người ở Việt Nam, hướng tới thực hiện đầy đủ các cam kết của chúng ta khi tham gia các công ước quốc tế về quyền con người;

- Đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do các bộ, ngành khác soạn thảo thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định và trực tiếp tham gia soạn thảo, xây dựng. Một trong những nội dung yêu cầu của công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên. Do đó, thông qua các hoạt động này, Bộ Tư pháp chỉ ra những điểm còn có sự khác nhau, chưa thống nhất giữa dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với các công ước quốc tế về quyền con người để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản cho thống nhất với các công ước này;

- Bên cạnh đó, với nhiệm vụ kiểm tra, rà soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành, Bộ Tư pháp phát hiện ra nhưng điểm chưa phù hợp trong các văn bản này với các công ước quốc tế về quyền con người để đưa ra những kiến nghị đình chỉ thi hành, bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm cho sự tuân thủ triệt để các cam kết của chúng ta khi gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người.

2.2. Thực thi các quy định của công ước quốc tế về quyền con người

Thực thi các quy định của công ước quốc tế về quyền con người mà chúng ta đã tham gia là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Bởi lẽ việc thực thi các công ước này không chỉ bảo đảm thực hiện tốt quyền con người mà còn làm cho uy tín và vị thế của Nhà nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Để những nội dung của công ước quốc tế về quyền con người đi vào cuộc sống thì bên cạnh việc nội luật hóa các quy định này cần phải quân tâm đến công tác tổ chức thực hiện với các điều kiện bảo đảm kèm theo như hệ thống chính sách, bộ máy công quyền và cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức.

Với vị trí, chức năng của mình, Bộ Tư pháp được giao thực hiện một số nội dung liên quan các quy định của công ước quốc tế cũng như pháp luật về quyền con người, cụ thể như:

- Quản lý công tác công chứng, chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp;

- Quản lý về tổ chức và hoạt động của luật sư trong nước, Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, trọng tài thương mại;

- Quản lý công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý;

- Quản lý công tác thi hành án dân sự;

- Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức hoà giải ở cơ sở v.v...

Việc Bộ Tư pháp thực hiện quản lý đối với các hoạt động công chứng, chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp, công tác thi hành án dân sự là những hoạt động trực tiếp bảo đảm quyền con người; còn thông qua các hoạt động quản lý về tổ chức và hoạt động của luật sư, trọng tài thương mại, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức hoà giải ở cơ sở là những hoạt động nhằm giúp cho người dân thực hiện các quyền con người của mình. Như vậy, có thể thấy rằng những nội dung công việc trên thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp đều liên quan trực tiếp tới quyền con người - đối tượng hướng tới của các công ước quốc tế về quyền con người. Chính vì vậy, việc Bộ Tư pháp tổ chức tốt việc thực hiện những công việc nêu trên chính là việc làm thiết thực nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và thực thi các công ước quốc tế về quyền con người nói riêng.

2.3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người có tác dụng nâng cao nhận thức và quan tâm của toàn xã hội về tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền con người.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người nói riêng. Do đó, việc Bộ Tư pháp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người, bao gồm cả các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức của người dân cũng như các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức về quyền con người, góp phần bảo đảm việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các công ước quốc tế về quyền con người.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người Bộ Tư pháp tiến hành các hoạt động cụ thể sau:

- Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc Nhà nước ta gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người, nội dung của các công ước này cũng như pháp luật của nhà nước ta về quyền con người, cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người;

- Tài trợ cho việc soạn thảo sách, tờ gấp giới thiệu công ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người để phát hành đến các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn nhằm phổ biến kiến thức cho người dân và chính quyền địa phương;

- Đào tạo đội ngũ báo cáo viên về các công ước quốc tế cũng như pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người để từ đó làm nòng cốt cho việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung này đến với người dân;

- Tập huấn kiến thức về các công ước quốc tế, pháp luật về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức do Bộ phụ trách trực tiếp làm nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện quyền con người;  

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo cho tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung của các công ước quốc tế, pháp luật về quyền con người, qua đó thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung này đến với người dân v.v…

Cụ thể trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều hoạt động có hiệu quả nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về pháp luật nói chung và pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền con người nói riêng. Đặc biệt Bộ Tư pháp cũng đã chú trọng đến việc tuyên truyền cho đối tượng dân tộc ít người, đồng bào vùng sâu, vùng xa - đây là những đối tượng “yếu thế” ít có điều kiện tiếp cận để hiểu biết pháp luật, cụ thể trong năm 2000 Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hưu quan tổ chức dịch Luật hôn nhân và gia đình ra tiếng Khơ- me và tiếng H’mông để in và phát hành tại các vùng có đồng bào dân tộc ít người sinh sống v.v...

Như vậy có thể thấy rằng trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã làm khá tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các công ước quốc tế, pháp luật về quyền con người. Tuy nhiên, để hoạt động này có hiệu quả hơn nữa thì trong thời gian tới Bộ Tư pháp cần xây dựng một kế hoạch dài hạn mang tính chiến lược về tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tôn trọng quyền con người như đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta là thành viên. Bộ Tư pháp có thể đề xuất việc nghiên cứu và tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia thuộc Uỷ ban nhân quyền Liên hiệp quốc để xây dựng và triển khai chiến lược này nhằm hướng tới thực hiện hai mục tiêu chính là nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng các quyền con người ở trong nước đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Nhà nước ta trên trường quốc tế./.

 

RÀ SOÁT ĐÁNH GIÁ VIỆC THAM GIA CỦA BỘ TƯ PHÁP
TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TỪ NĂM 1980 ĐẾN NAY

 

Phòng Lưu trữ - Văn phòng Bộ Tư pháp

 

Phòng Lưu trữ đã thống kê đầy đủ số lượng công văn góp ý, thẩm định điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp từ năm 1980 đến nay.

Công văn góp ý, trả lời:

Năm 1980                                                                                                                    

- Công văn số 14/PLC ngày 09/01/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ đã ký trao đổi về việc ký Hiệp định giữa nước ta và Liên xô.      

- Công văn số 15/PLC ngày 09/01/1980 do đồng chí Trần Quang Huy Bộ trưởng Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ đã ký về việc đề nghị phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa CHXHCN Việt Nam và CHDC Đức.     

- Công văn số 27/VP- PC ngày 19/01/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Quyền Chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp chế đã ký v/v góp ý kiến bổ sung dự thảo Hiệp định hợp tác tương trợ Tư pháp với CHDC Đức.

- Công văn số 298/PC- UB ngày 27/8/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp chế của Chính phủ đã ký xin Chỉ thị về việc ký xác nhận tính hợp pháp của một Hiệp định vay nợ Quốc tế- vay nợ I- RAK.

- Công văn số 311/PLC ngày 12/9/1980 do đồng chí Trần Quang Huy Bộ trưởng Chủ nhiện Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ đã ký v/v ký kết Hiệp định hợp tác tư pháp và pháp lý với CHDC Đức (Kèm theo dự thảo Nghị định thư và dự thảo ngày 10/9/1980 Hiệp định hợp tác tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và CHDC Đức).

- Công văn số 317/PLC ngày 15.9.1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế đã ký về các việc vay nợ.

+ Hồ sơ về vay nợ tổ chức O.P.E.C năm 1978.

+Hồ sơ về vay nợ Irak.

- Công văn số 330/PLC ngày 23/9/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh đã ký về ký Nghị định thư với Bộ Tư pháp nước CHDC Đức (kèm theo dự thảo Nghị định thư).

- Công văn số 415/PC- VP ngày 20/11/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế đã ký xin Chỉ thị thêm về việc ký Hiệp định hợp tác tương trợ với CHDC Đức (Kèm theo Hiệp định Hợp tác Tư pháp trích các điều từ 29 đến 37).

- Công văn số 473/HCTP ngày 26/12/1980 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp chế của Chính phủ đã ký về việc trả lời công văn ngày 21/11/1980 của Vụ Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho Đại sứ Quán CHLB Đức.

- Hiệp định tương trợ Tư pháp và Pháp lý về Dân sự gia đình và Hình sự giữa Việt Nam và CHDC Đức ký ngày 15/12/1980.

- Nghị định thư về sự hợp tác giữa Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hoà Dân chủ  Đức ký ngày 15/12/1980.

Năm 1981

- Công văn số 23/PLC ngày 15/1/1981 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế đã ký về việc gửi bản Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về Dân sự, gia đình và Hình sự giữa Liên Xô và CHDC Đức cho các nơi. 

- Công văn số 60/PLC ngày 16/2/1981 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ đã ký về việc góp ý kiến về dự thảo Hiệp định Lãnh sự giữa nước ta và nước Pháp.

- Tờ trình số 192/VP ngày 05/6/1981 do đồng chí Trần Quang Huy Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ Ban pháp chế của Chính phủ đã ký về việc tổ chức thi hành Hiệp định hợp tác, tương trợ về tư pháp và pháp lý giữa cộng hòa XHCN Việt Nam và CHDC Đức.

- Công văn số 218/PLC ngày 30/6/1981 do đồng chí Nguyễn Ngọc Minh Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp chế của Chính phủ đã ký về gửi Hiệp định tương trợ tư pháp trong các vẫn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc cho các nơi để xin ý kiến.

- Công văn số 82/PLKT ngày 01 /10 /1981 do đồng chí Nguyễn Vĩnh Thiện Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp đã ký về việc góp ý kiến vào dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp của Liên xô ( Kèm theo Dự thảo của Bộ Tư pháp Liên xô- bản dịch chưa chính thức Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Liên bang CHXHCN Xô viết và Cộng hoà XHCN Việt Nam

- Công văn số 1641/V8 ngày 18/11/1981 do đồng chí Đặng Thí Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng đã ký về việc tham gia ký Hiệp định hợp tác với Liên Xô. (kèm theo Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề Dân sự, gia đình và Hình sự giữa nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Liên Bang Cộng hoà XHCN Xô Viết).

Năm  1982

- Công văn số 406/PLC ngày 22/6/1982 do đồng chí Phùng Văn Tửu Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký mời họp bàn về việc hướng dẫn thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp (Kèm theo bảng tóm tắt và bản gợi ý cùng Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về Dân sự, gia đình và Hình sự giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà dân chủ Đức).

- Công văn số 482/VP ngày 24/7/1982 do đồng chí Thứ trưởng Phùng Văn Tửu đã ký trao đổi về bản dự thảo Hiệp định hợp tác về luật pháp và pháp chế giữa nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

- Công văn số 564/HTQT ngày 21/8/1982 do Thứ trưởng Phùng Văn Tửu đã ký về việc xin ký kết Bản Hiệp định về hợp tác pháp lý giữa Bộ Tư pháp ta và Bộ Tư pháp Hung ga ri. (Kèm theo Hiệp định).

- Báo cáo số 549/ VP ngày 30/8/1982 do đồng chí Phan Hiền Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký về việc đoàn đại biểu Bộ Tư pháp nước ta sang thăm Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào trong thời gian từ ngày 12 đến 19/8/1982 (kèm theo Hiệp định hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào).

- Công văn số 667/TH ngày 02/10/1982 do đồng chí Phùng Văn Tửu Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký về việc Bộ Tư pháp gửi bản dịch dự thảo bản Hiệp định tương trợ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Cu Ba cho các nơi để nghiên cứu.

- Công văn số 753/TH ngày 03/11/1982 do đồng chí Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình, hình sự với CHDC Đức và Liên Xô (kèm theo dự thảo những vấn đề sẽ thảo luận trong cuộc họp bàn về hướng dẫn thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với CHDC Đức và Liên Xô.

- Công văn số 810/TH ngày 23/11/1982 do đồng chí Phùng Văn tửu Thứ trưởng BTP đã ký về dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự giữa nước ta và Hng ga ri, do phía Hung ga ri dự thảo và dự thảo Hiệp định tương tợ pháp lý trong lĩnh vực hình sự giữa nước ta và Cu Ba, Công ước Berlin về dẫn độ người bị xử tước quyền tự do cho nước mà họ là công dân để thi hành án. (Kèm theo Bản dịch dự thảo Hiệp định).

  - Công văn số 406/PLC ngày 22/6/1982 do Đc Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v mời họp bàn về việc hướng dẫn thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp va pháp lý. (kèm Dự thảo Hiệp định giữa liên bang CHXHCN Xô viết và CHXHCN Việt Nam, Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CHDC Đức, bản sao).

- Nội dung các vấn đề trao đổi với bạn trong chuyến đi thăm BTP Lào của đồng chí Bộ trưởng BTP Việt Nam (từ ngày 12 đến 19/8/1982

- Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào.

- Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc.

Năm 1983

- Công văn số 12/HTQT ngày 15/1/1983 do đ/c Đào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký v/v Thực hiện Hiệp định hợp tác văn hoá và khoa học giữa nước ta và Liên Xô, (Kèm theo chương trình giảng dạy).

- Công văn số 15/HTQT ngày 17/1/1983 do đ/c Đào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký v/v trao đổi vấn đề hợp tác giữa BTP ta và BTP các nước XHCN.

-  Công văn số 27/HTQT ngày 28/1/1983 do đ/c Đào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét cho phép ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với BTP Cộng hoà nhân dân Hung ga ri.

- Công văn số 216/HTQT ngày 28/4/1983 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v nước ta tham gia Công ước Berlin (Có công ước kèm theo).

- Tờ trình số 241/HTQT ngày 09/5/1983 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết “Hiệp định hợp tác về Tư pháp và pháp lý giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Căm- pu- chia” (Kèm theo dự thảo Hiệp định).

- Công văn số 419/TH ngày 20/7/1983 do đ/c Nguyễn Văn Thảo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã ký v/v phúc đáp công văn số 66/VDC ngày 30/6/1983 của Bộ Ngoại giao về dự thảo “báo cáo những biện pháp thực hiện các quy định của Công ước Quốc tế về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc”.

- Công văn số 453/TH ngày 04/8/1983 do đ/c Phùng Văn tửu Thứ trưởng BTP đã ký gửi các nơi về việc trao đổi những vẫn đề để thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước ta và các nước XHCN (Kèm theo dự thảo Thông tư Liên Bộ giữa BTP - Viện KSNDTC - TANDTC- BNV- BNG về việc thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý, giữa nước ta với các nước XHCN).

  - Công văn số 444/TH ngày 08/8/1983 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký gửi các nơi v/v trao đổi những vấn đề trong dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vẫn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự của BTP Cu Ba đề nghị BTP ta ký kết.

- Công văn số 560/HTQT ngày 26/9/1983 do đ/c Đào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký v/v trao đổi giữa BTP và BNG về thực hiện Hiệp định hợp tác tư pháp và pháp lý giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHDC nhân dân Lào ký ngày 06/8/1982 (Kèm theo kế hoạch thực hiện Hiệp định hợp tác).

- Công văn số 716/TH ngày 10/11/1983 do đ/c Nguyễn Văn Thảo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã ký họp để trao đổi thêm về Thông tư liên ngành giữa BTP - Viện KSNDTC- TANDTC- BNV- BNG v/v thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa nước ta và các nước XHCN, (Kèm theo Thông tư Liên ngành).

- Công văn số 289/TH ngày 24/12/1983 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký góp ý về Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên Hợp quốc.

- Công văn sao số 08/VP ngày 13/4/1983 do đ/c Nguyễn Đình Hưng Chánh Văn phòng BTP đã ký v/v đón đoàn BTP Căm- pu- chia (Kèm theo kế hoạch làm việc và dự thảo Hiệp định hợp tác tư pháp và pháp lý giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Căm- pu- chia).

- Sao kế hoạch hợp tác tư pháp với CHDC Đức, Hung ga ri, Lào năm 1983- 1985 (Công văn không số, không ngày tháng).

Năm 1984

- Công văn số 07/HTQT ngày 05/1/1984 do đ/c Dào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký về “Kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xô Viết trong những năm 1981- 1985” về đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học.

- Công văn số 153/PLC ngày 15/3/1984 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký  trả lời công văn số 876 V7 ngày 4/3/1984 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội bất thường lần thứ 25 của ICAO tại Montreal (Canađa) để ban và thông qua các vấn đề bổ sung, sửa đổi Công ước Chicago năm 1944.

 - Công văn số 323/BTP ngày 16/6/1984 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký về ý kiến pháp lý của BTP nước CHXHCN Việt Nam xác nhân rằng Hiệp định vay vốn bổ sung cho dự án thuỷ lợi Dầu Tiếng giữa nước CHXHCN Việt Nam và Quỹ Co- oét phát triển kinh tế Ả- Rập ký ngày 25/4/1984.

- Công văn số 425/TH ngày 25/7/1984 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về việc xin cho phép ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Bungari.

- Công văn số 469/TH ngày 10/8/1984 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v xin uỷ nhiệm ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Cuba.

- Công văn số 626/TH ngày 05/10/1984 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP V/v xin cho phép ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Hungari.

- Công văn số 646/HTQT ngày 16/10/1984 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký về Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước XHCN lần thứ 8 sẽ họp từ ngày 20đến 23/11/1984 tại Lahabala CuBa.

- Công văn số 734/HTQT ngày 14/11/1984 do đ/c Đào Xuân Miễn Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự kiến trao đổi các đoàn giữa BTP ta vơí BTP CHDCND Lào và BTP Cămpuchia trong năm 1985.

- Công văn số 768/VP ngày 29/11/1984 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v gửi Bộ Ngoại giao bản dự thảo Kế hoạch hợp tác giữa Ngành tư pháp Việt Nam với Liên Xô.

- Báo cáo số 812/PLC ngày 14/12/1984 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v dự Hội nghị các Bộ trưởng Tư pháp các nước XHCN, ký Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam- CuBa và thăm Nicaragua (kèm theo thông cáo cuối cùng của Hội nghị 8 các Bộ trưởng TP các nước XHCN).

- Báo cáo của Vụ PLQT và HTQT về việc tiếp thu ý kiến của các ngành hữu quan sửa Thông tư 139 thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 1984 (Báo cáo không số, khong ngày tháng, không người ký).

Năm 1985

- Công văn số 36/PLC ngày 29/1/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v trả lời dự thảo Nghị định về thu lệ phí Lãnh sự.

- Công văn số 68/HTQT ngày 14/2/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký Hiệp định tương trợ tư pháp.

- Công văn số 69/HTQT ngày 14/2/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký Hiệp định tương trợ tư pháp với CuBa.

- Công văn só 188/HTQT ngày 03/4/1985 do đ/c Phùng văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v tương trợ tư pháp Quốc tế.

- Công văn số 189/HTQT ngày 03/4/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v tương trợ tư pháp với Ostraylia.

- Công văn số 190/HTQT ngày 03/4/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v Nghị định thư giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Liên Xô.

- Công văn số 192/HTQT ngày 04/4/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Công ước của hội đồng tương trợ kinh tế.

- Báo cáo sao số 193/VP ngày 04/4/1985 do đ/c Hoàng Đình Song Chánh Văn phòng BTP đã ký v/v Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước ta với CuBa và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước ta với Hugari.

- Công văn số230/HTQT ngày 16/4/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v Kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học với Liên Xô năm 1986- 1990.

- Công văn số 256/HTQT ngày 26/4/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học giữa Việt Nam và Liên Xô năm 1986- 1980 (phụ lục kèm theo).

 - Báo cáo số 293/HTQT ngày 11/5/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về công tác giúp Cămpuchia từ ngày thành lập BTP (tháng 11/1981) đến năm 1984 và dự kiến kế hoạch giúp ban năm1985.

- Công văn số 306/HTQT ngày 15/5/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với BaLan.

- Công văn số 370/HTQT ngày 08/6/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v chuyển Uỷ thác tư pháp Quốc tế  của CHDC Đức.

- Công văn số 371/HTQT ngày 08/6/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v chuyển Uỷ thác Quốc tế của Ostraylia cho TANDTC.

- Công văn số 384/HTQT ngày 15/6/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp.

- Công văn số 548/HTQT ngày 13/8/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v các điều Ước Quốc tế được ký tại khoá họp 40 của SEV.

- Công văn số 627/HTQT ngày 19/9/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học với Liên Xô năm 1986- 1990.

- Công hàm số 647/ĐN ngày 26/9/1985 v/v đoàn đại biểu BTP Việt Nam sang thăm theo lời mời của BTP CHND Cămpuchia.

- Công văn số 654/HTQT ngày 27/9/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học 1986- 1990 của BTP Việt Nam với BTP Liên Xô (kèm theo bản tổng hợp, đề cương, đề tài hợp tác).

- Công văn số 814/HTQT ngày18/11/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v phê chuẩn Công ước Viễn thông Nairobi 1982.

- Báo cáo số 902/HTQT ngày 16/12/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về kết quả đợt công tác của Đoàn cán bộ BTP Việt Nam tại Cănpuchia.

- Báo cáo số 903/HTQT ngày 16/12/1985 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về kết quả đợt công tác của đoàn cán bộ TP Việt Nam tại Hungari (Kèm theo kế hoạch hợp tác trong năm 1986).

- Hiệp định sao y ngày 19/2/1985 do đ/c Nguyễn Duy Kinh Quyền Vụ trưởng Vụ LPQT đã ký về Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDC Đức về những điều kiện đi lại lẫn nhau giữa công dân hai nước.

- Báo cáo tóm tắt hai Hiệp định tương trơ tư pháp giữa Việt Nam với CuBa và Hungari năm 1985 (Kèm theo Tờ trình và Hiệp định).

- Tập dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp tháng 3/1985 về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam với Balan và Bungari.

Năm 1986

- Công văn số 97/HTQT ngày 15/2/1986 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký xin gia nhập Công ước “Chuyển giao người bị xử tước tự do cho nước mà họ là công dân để thi hành hình phạt” do 8 nước XHCN ký ngày 19/5/1978 tại Berlin.

- Báo cáo số 386/HTQT ngày 24/5/1986 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v kết quả đợt công tác của Đoàn đại biểu pháp chế Ba Lan tại Việt Nam.

- Báo cáo số 426/HTQT ngày 12/6/1986 dô đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký về tình hình thực hiện kế hoạch hợp tác với Lào và Cănpuchia trong 6 tháng đầu năm 1986.

- Công văn số 528/HTQT ngày 30/7/1986 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v xin phép ký Hiệp định tương trợ tư pháp với BaLan.

- Công văn số 620/HTQT ngày 12/9/1986 do đ/c Phạm Đình Tân Vụ trưởng Vụ HTQT và PLQT đã ký v/v thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp.

- Báo cáo số 696/HTQT ngày 13/10/1986 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký về cuộc đi Bugari để ký Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước VN và Bugari.

- Công văn số 825/HTQT ngày 25/11/1986 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v trao đổi Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa hai nước VN và Bungari.

- Dự thảo cuối cùng ngày 13/5/1986 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND BaLan trong các lĩnh vực dân sự gia đình và hình sự.

- Tờ trình số 770/HTQT ngày 04/1/1986 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v xin phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa VN và Bungari (kèm theo Hiệp định).

Năm 1987

- Công văn số 320/HTQT ngày 22/4/1987 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v hoàn thiện dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với BaLan (kèm theo trích dẫn các điều khoản cần nghiên cứu từ Hiệp định tương trợ tư pháp VN, BaLan).

- Công văn số 449/HTQT ngày 02/6/1987 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v Bộ trưởng tư pháp nước ta đi dự hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước XHCN lần thứ IX tại Bu- da pet, Hunggari từ ngày 12/5 đến 15/5/1987.

- Công văn số 634/HTQT ngày 30/7/1987 do đ/c Phùng Văn Tửu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý xây dựng hai dự thảo Hiệp định của Liên Xô.

- Báo cáo số 992/PLQT ngày 21/11/1987 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký về cuộc đi thăm VN của đoàn đại biểu Tiệp Khắc.

- Báo cáo số 1021/HTQT ngày 30/11/1987 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v báo cáo tình hình hợp tác với Tiệp Khắc (kèm theo phụ lục).

- Dự thảo tháng 7/1987 về Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đè dân sự, gia đình và hìh sự giữa VN và Mông cổ.

- Biên bản số 88/ SL ngày 18/11/1987 Biên bản về cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu tư pháp Tiệp Khắc tại nước CHXHCN Việt Nam.

- Nghị định thư hợp tác năm1987 do Bộ trưởng BTP Phan Hiền và Bộ trưởng BTP nước CHDCND Yêmen.

Năm 1988

- Công văn số 577/PLQT và HTQT ngày 25/7/1988 do đ/c Trần Đông thứ trưởng thứ nhất đã ký v/v công bố Điều ước Quốc tế.

- Công văn số 944/PHQT ngày 8/11/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng thứ nhất đã ký v/v xin phép đi Bungari dự phiên họp lần thứ 2 của ban thường trực Hội đồng tương trợ kinh tế về các vấn đề pháp lý (kèm theo báo cáo tóm tắt hoạt động của VN trong Ban HĐTTKT về các vấn đề pháp lý và tài liệu làm việc “Lực dịch kế hoạch làm việc của Ban TTHĐTTKT về các vấn đề pháp lý các năm 1989- 1990”).

- Công văn số 533/HTQT ngày 11/7/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v xin phép ký Hiệp định tương trợ tư pháp với CHND Ba Lan.

- Công văn sô 534/HTQT ngày 11/7/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v xin phép ký Hiệp địnhk tương trợ tư pháp với CHND Mông cổ.

- Công văn số 597/PLQT ngày 30/7/1988 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý dự thảo Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào VN.

- Công văn số 598/PLQT ngày 30/7/1988 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Nghị định của HĐBT quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại VN.

- Công văn số 664/PLQT ngày 22/8/1988 do đ/c Hà Hùng cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQTvà HTQT đã ký v/v góp ý kiến xây dựng Quy chế Ngân hàng có vốn của nước ngoài hoạt động tại CHXHCN VN.

- Công văn số 821b/PLQT ngày 06/10/1988 do đ/cTrần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Chỉ thị về chủ trương đối với Việt kiều tại các nước XHCN.

- Công văn số 861/HTQT ngày 15/10/`1988 do đ/cTrần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v xin ý kiến hai dự thảo Hiệp định TTTP với Ban Lan và Mông Cổ.

- Công văn số 884/HTQT ngày 20/10/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Pháp lệnh và Điều ước Quốc tế.

- Công văn số 888/PLQTngày 21/10/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo quy chế thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại VN.

- Công văn số 989/PLQT ngày 26/10/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v trả lời dự thảo ‘Hiệp định VN- Bungari về quan hệ hợp tác trực tiếpgiữa các tổ cức của VN và Bungari.

- Công văn số 899/PLQT ngày 26/10/1988 do đ/c Trần Đồng Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiêns dự thảo Hiệp định Việt- Bun về thành lập và hoạt động xí nghiệp liên doanh.

- Công văn số 915/PLQT ngày 28/10/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến đề án đổi mới hợp tác lao động và chuyên gia nước ngoài.

- Công văn số 949/PLQT ngày 11/11/1988 do đ/cTrần Đông Thứ trưởng BTp đã ký v/v góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối.

- Công văn số 999/PLQT ngày 25/11/1988 do đ/cTrần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến các dự thảo hợp tác kinh tế với Bungari.

- Công văn số 1000/PLQT ngày 25/11/1988 do đ/c Trần Đồng Thứ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý kiến đề án về mở rộn, nhân sâu đổi mới hợp tác lao động.

- Công văn số 1081/PLQT ngày 20/12/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTp đã ký v/vgóp ý kiến cho dự thảo Quy chế và những quy định về tham gia hoạt động, hợp tác trong khuôn khổ HĐTTKT.

- Công văn số 1099/PLQT ngày 26/12/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Chỉ thị người VN xuất cảnh trái phép tự nguyện về nước.

- Báo cáo số 586/HTQT ngày 28/7/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo kết quả đoàn đi họp SEV tổ chức tại Matxcova từ ngày 27 đến 01/7/1988.

- Báo cáo số 879/HTQT ngày 19/10/1988 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/vthực hiện kế hoạch hợp tác năm 1988 và kế hoạch hợp tác năm 1989 với BTP Lào và Cănpuchia.

- Công văn số 896/HTQT ngày 25/10/1988 do đ/c Hà Hùng cường Q.Vụ trưởng VụHTQT và PHQT đã ký v/v kiểm điểm tình hình hợp tác với Lào và Cămpuchia.

- Công văn số 1100/HTQT ngày 26/12/1988 do đ/cTrần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo kết quả đoàn đi họp SEV về vẫn đề điều chỉnh thông nhất các quy định chung liên quan đến hợp đồng giữa các tổ chức kinh tế của các nước thành viên, tổ chức tại TP CáclôpriVari của Tiệp Khắc từ ngày 24 đến 29/10/1988.

- Báo cáo số 1096 ngày 26/12/1988 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo kết quả của Đoàn đi họp HĐTTTP.

- Báo cáo Kiểm điểm tình ình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa nước ta và một số nước XHCN (1985- 1988). (Không số, không chữ ký).

 

Năm 1989

- Báo cáo số 09- HTQT ngày 04/01/1989 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo Hội nghị liên ngành kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa nước ta với một số nước XHCN.

- Công văn số 279/PQT gày 05/4/1989 do đ/c hà Hùng Cường Vụ  trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định lãnh sự với CPC Ôxtrâylia và Irắc.

- Công văn số 309/HTQt ngày 13/4/1989 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTp đã ký về phương hướng hợp tác tay đôi trong lĩnh vực pháp lý cho hai năm 1990- 1991.

- Công văn số 364/PLQT ngày 06/5/1989 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định bảo đảm kèm theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

- Công văn số 365/PLQT ngày 06/5/1989 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTp đã ký v/v đồng tình dự thảo pháp lệnh Điều ước Quốc tế.

- Công văn số 451/PLQT ngày 05/6/1989 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giải quyết vấn đề hai quốc tịch với Ôxtrâylia.

Năm 1990

- Công văn số 131/HTQT ngày 24/2/1990 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v tổng hợp kế hoạc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật năm 1990 (có bản tổng hợp kế hoạch kèm theo).

- Công văn số 144/HTQT ngày 27.2.1990 do đ/c Phan Hiền - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v uỷ quyền Bộ trưởng Tư pháp ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Mông Cổ.

- Công văn số 469/PLQt ngày 13/6/1990 do đ/c Hà Hùng Cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và PLQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

- Công văn số 518/HTQT ngày27/ 6/1990 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTp đã ký v/v rà soát lại các Hiệp định đã ký kết với các nước thành viên HĐTTKH.

- Công văn số 666/HTQT ngày 11/8/1990 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký trả lời Công hàm ngày 19/1/1990 của Đại sứ quán Ba Lan về đồi tiền trợ cấp nuôi con đối với bị đơn Bùi Quang Vinh.

-  Công văn số 746/PLQT ngày 13/9/1990 do đ/c Hà Hùng Cường Q. Vụ trưởng Vụ HTQT và PLQT đã ký trả lời công văn về ai dự thảo iệp địn tránh đánh thuế trùng và ngăn ngừa trốn thuế giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam với Chính phủ Cộng hoà Pháp với Chính phủ Vương quốc Thuỷ Điển.

- Công văn số 754/HTQT ngày 15/9/1990 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý kiến 2 dự thảo văn kiện về cải tổ Hiệp định tương trợ tư pháp.

- Công văn số 765/PLQT ngày 18/9/1990 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 2351/KTĐN ngày 17/7/1990 của Văn phòng HĐBT về xem xét nước ta gia nhập sáu Công ước của IMC.

- Công văn số 773/PLQT ngày 20/9/1990 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý dự thảo hướng dẫn thi hành Hiệp định về quy chế biên giới.

- Công văn số 807/HTQT ngày 3/10/1990 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v trả lời công văn về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hợp tác năm 1990 với Lào, Campuchia.

- Công văn số 871/HTQT ngày 22/10/1990 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về tổ hợp Kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật.

- Công văn số 932/HTQT ngày 14/11/1990 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v Ký tắt Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Mông Cổ về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự.

- Công văn số 1023/HTQT ngày 112/12/1990 do đ/c Hà Hùng Cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v đề xuất nội dung hợp tác khoa học với Uỷ ban Mỹ.

- Biên bản về cuộc đi thăm và làm việc tại CHXHCN Việt Nam của đoàn TP hỗn hợp Vương quốc Thuỷ Điển - Cộng hoà Phần Lan yêu cầu hợp tác giữa các ngành Tư pháp VN- Thuỷ Điển, Phần Lan.

Năm 1991

- Công văn số 12/HTQT ngày 08/01/1991 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v xin ý kiến hợp tác với UNDP trong khuôn khổ dự án VIE/88/543.

- Công văn số 64/PLQT ngày 07/02/1991 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v cho ý kiến pháp lý đối với các Hiệp định vay tín dụng nước ngoài.

- Công văn số 75/PLQT ngày 02/3/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định ký kết và thực hiện Điều ước Quốc tế của Văn phòng HĐBT.

- Công văn số 143/HTQT ngày 20/03/1991 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v Phúc đáp công văn số 05/PG- LX củ Vụ Liên Xô- Bộ Ngoại giao về Kế hoạch hợp tác văn hoá và khoa học giữa Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết và Việt Nam. 

- Công văn số 371/PLQT ngày 24/5/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v trả lời công văn số 1367/KTĐN ngày 30/4/1991 của HĐBT về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

- Công văn số 437/PLQT ngày 14/6/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTp đã ký v/v trả lời công văn số 1762/KTĐN ngày 01/6/1991 về Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Đài Loan.

- Công văn số 537/PLQT ngày 19/7/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý dự thảo Hiệp định hàng không giữa Việt Nam - Bỉ và Việt Nam - CHLB Đức.

- Công văn số 646/PLQT ngày 16/8/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam và Bỉ.

- Công văn số 678/HTQT ngày 30/8/1991 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v đề xuất ký kết Hiệp định hợp tác chuyên ngành về hỗ trỡ tăng cường quản lý bằng pháp luật với Thuỷ Điển.

- Công văn số 735/PLQT ngày 16/9/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ hành chính nhằm ngăn ngừa, điều tra và xử lý các vi phạm trong lính vực Hải quan Việt Nam -Pháp.

- Công văn số 761/PLQT ngày 25/9/1991 do đ/c Hà Hùng Cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký vế trả lời công văn số 2480/LĐTBXH- HTQT ngày 20/9/1991 về dự thảo Hiệp định liên chính phủ Vịêt Nam -CHLB Đức hỗ trợ tài chính cho người lao động Việt Nam ở đức về nước.

- Công văn số 864/PLQT ngày 05/11/1991 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hỗ trỡ tài chính với Đức.

- Công văn số 1040/HTQT ngày 16/12/1991 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v Hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Liên Xô năm 1991- 1995.

- Kế hoạch hợp tác giữa BTP CHXHCN Việt Nam và BTP CHĐCN Lào cho năm 1991 - 1992 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký với đ/c CúXuVănNaMêThi Bộ trưởng BTP CHĐCN Lào.

 Năm 1992

- Công văn số 01/PLQT ngày02/01/1992 do đ/c Trần Đông Thứ trưởng BTp đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định đường sắt Việt - Trung.

- Công văn số 30/HTQT ngày 10/1/1992 do đ/c Hà Hùng Cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn về Chương trình Hợp tác với Thuỷ Điển năm 1992- 1994.

- Công văn số 142/PLQT ngày 03/3/1992 do đ/c Hà Hùng Cường Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về góp ý kiến dự thảo Hiệp định thương mại với Ai Cập.

- Công văn số 147/PLQT ngày 04/3/1992 do đ/c Phan Hiền Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến việc gia nhập Công ước Viên 1963 về quan hệ Lãnh sự.

- Công văn số 353/PLQT ngày 16/5/1992 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật với Trung Quốc.

- Công văn số 406/PLQT ngày 02/6/1992 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định hỗ trỡ tài chính tái định cư với CHLB Đức.

- Công văn số 407/HTQT ngày 02/6/1992 do đ/c Nguyễn Huy Ngát đã ký v/v trả lời công văn số 739/VP- LH về Biên bản nội dung hợp tác đã ký giữa Đại diện Viên FES và BTP Việt Nam 

- Công văn số 438/PLQT ngày 12/6/1992 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới với Trung Quốc.

- Công văn số 571/PLQT ngày 15/7/1992 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTp đã ký trả lời công văn số 2242/BĐ về Việt Nam xin gia nhập Hiệp định phiếu chuyển tiền bưu chính Quốc tế.

- Công văn số 578/PLQT ngày 17/7/1992 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v trả lời công văn số 5716/TMDL/DL về ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Ba Lan.

- Công văn số 618/PLQT ngày 30/7/1992 do đ/c Hà Hùng Cương Q. Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịch với Malaysia.

- Công văn số 626/PLQT ngày 01/8/1992 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến về gia nhập Nghị định thư 1978 bổ sung Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển  năm 1974 (SOLAS 1974).

- Công văn số 692/PLQT ngày 27/8/1992 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Nghị định thư về hợp tác lao động với Bungari.

- Công văn số 600/PLQT ngày 04/11/1992 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định Hợp tác văn hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa.

- Công văn số 765/HTQT ngày 16/12/1992 do đ/c hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định vay tín dụng giữa Việt Nam và Thuỷ Sỹ.

- Công văn số 813/HTQT ngày 07/9/1992 do đ/c Nguyễn Đình Lộc đã ký v/v góp ý kiến công văn số 997/SC của Uỷ ban khoa học Nhà nước về Việt Nam gia nhập Hiệp ước hợp tác Patent.

Năm 1993

- Công văn số 53/HTQT ngày 27/1/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 896/KTĐN về góp ý dự thảo Hiệp định Thành lập Nhà Pháp luật Việt - Pháp.

Báo cáo số 95/HTQT ngày 12/2/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về thực hiện Dự án hợp tác với SIDA Thuỷ Điển.

- Công văn số 133/PLQT ngày 19/2/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 24/TCHQ- ĐN về việc lấy ý kiến gia nhập Công ước thành lập Hội đồng hợp tác Hải quan.

- Công văn số 220/HTQT ngày 22/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về trả lời công văn số 1581/QHQT về gia nhập Công ước thành lập MIGA.

- Công văn số 242/PLQT ngày 20/3/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 347/UB/L.CPC về tham gia ý kiến dự thảo Nghị định thư về đạo tạo cán bộ cho Lào tại Việt Nam.

- Công văn số 282/HTQT ngày 03/4/1993 do đ/cNguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký đề nghị Dự án hợp tác với Ôxtrâylia.

- Công văn số 483/PLQT gày 24/5/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 1310/CV- PC về gia nhập một số Công ước của ILO.

- Công văn số 515/03/6/1993 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 875/NG- LS về đề nghị ký một số Hiệp định Lãnh sự và đi lại với các nước SNG.

- Công văn số 539/PLQT ngày 9/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về đề xuất đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Mônđôva.

- Công văn số 584/HTQT ngày 18/6/1993 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về Hợp tác pháp luật và tư pháp với CH Pháp.

- Công văn số 601/PLQT ngày 24/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 1123/UB/KTĐN về góp ý dự thảo Hiệp định khung Việt Nam - EC.

- Công văn số 602/HTQT ngày 24/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 1826/LĐTBXH- HTQT về góp ý Nghị định thư và dự thảo Hiệp định Lao động Việt Nam -Ucraina.

- Công văn số 613/HTQT ngày 28/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc đã ký về trả lời công văn số 1048/UB- KTĐN về ký Hiệp định khung cho tất cả các dự án thuộc các lĩnh vực hành chính, kinh tế, tài chính do Tổ chức SIDA Thuỷ Điển tài trợ.

- Công văn số 617/PLQT ngày 29/6/1993 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về trả lời công văn số 412/CSTT của Tổng Cục Du lịch về Dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịchgiữa Việt Nam và Trung Hoa.

- Công văn số 619/PLQT ngày 29/6/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về trả lời công văn số 1924/LĐTBXH- HTQT về dự thảo văn bản hợp tác lao động với Đài Loan.

- Công văn số 664/HTQT ngày 09/7/1993 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 3717/QT về góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác Y tế với Trung Quốc.

- Công văn số 725/PLQT ngày 23/7/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc đã ký trả lời công văn số 5610/TM- PC về góp ý dự thảo Hiệp định qúa cảnh hàng hoá Việt Nam -Trung Quốc.

- Công văn số 751/HTQT ngày 28/7/1993 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 2298/LĐTBXH- HTQT về góp ý kiến dự thảo Hiệp định Lao động với Cộng hoà Séc.

- Công văn số 815/PLQT ngày 17/8/1993 do đ/cNguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký về đề xuất đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư ơháơ với Mônđôva và Ucraina.

- Công văn số 864/PLQT ngày 27/8/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về trảlời công văn số 651/TCDL về dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịch với Thái Lan.

- Công văn số 874/HTQT ngày 28/8/1993 do đ/c Hà Hùng Cường đã ký về trả lời công văn số 230/CV- QHQT về thủ tục pháp lý liên quan đến việc đàm phán, ký và phê chu ẩn các Hiệp định vay vốn giữa Viêt Nam và IDA.

- Công văn số 876/PLQT ngày 28/8/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về trả lời công văn số 33/BCĐBĐHĐ về phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.

- Công văn số 877/PLQT ngày 28/8/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về trả lời công văn số 287/VI2 (CV) về Dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc.

- Công văn số 933/PLQT ngày 11/9/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 1571/LS- QH về đàm phán, ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm với Thái Lan.

- Công văn số 941/PLQT ngày 11/9/1993 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQt đã ký về trả lời công văn số 7155/TM/PCTNA về dự thảo Hiệp định thương mại mới với Xiry.

- Công văn số 1056/HTQT ngày 8/10/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc đã ký về phúc đáp công văn số 1448/CA- LH về góp ý cho dự thảo Kế hoạch hợp tác của Viên KAS,CHLB Đức.

- Công văn số 1058/PLQt gày 8/10/1983 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký về “Thoả thuận hợp tác cùng quản lý” với Công ty Primal (Brunây).

- Công văn số 1230/PLQt ngày 12/11/1993 do đ/c Nguyệ Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký về phê chuẩn Hiệp định TTTP Việt Nam - Ba Lan.

- Công văn số 1373/HTQT ngày 16/12/1993 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 2504/UB/CK về việc Báo cáo kết quả hợp tác với Lào năm 1993.

Năm 1994

- Công văn số 18/HTQt ngày 6/1/1994 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v hợp tác pháp luật và Tư pháp với CH Pháp.

- Công văn số 217/PLQT ngày 27/1/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký v/v góp ý kiến Pháp lý Hiệp định tín dụng phát triển (Dự án giáo dục tiểu học).

- Công văn số 219/PLQT ngày 27/1/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến pháp lý Hiệp định tín dụng pháp triển (Dự án cải tạo Quốc lộ) giữa VN và Hiệp hội phát triển quốc tế.

- Công văn số 220/HTQt ngày 28/1/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị dự án hợp tác với Pháp về dự án Tin học hoá công chứng.

- Công văn số 224/PLQT ngày 27/1/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến pháp lý Hiệp định vay (các nghiệp vụ đặc biệt) (dự án chống lũ và khôi phục hệ thống Thuỷ Lợi).

- Công văn số253/HTQT ngày 2/2/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP v/v Trình dự án hợp tác với UNDP (VIE/94/003).

- Công văn số 291a/PLQT ngày 19/2/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký v/v Chuẩn bị Hiệp định tương trợ tư pháp với Mông Cổ.

- Công văn số 316/PLQT ngày 22/2/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 100 và 101/CSTT- ĐT về góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịch với Singapore, Philippin và Indonesia.

- Công văn số 323/PLQT ngày 25/2/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 214/HTQT về góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác ghề cá với Liên Bang Nga.

- Công văn số 337/PLQT ngày 26/2/1994 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 992/QT về góp ý dự thảo Chương trình hợp tác Y tế với Mông Cổ.

- Công văn số 338/PLQT ngày 26/2/1994 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký  trả lời công văn số 1071/HTQT v/v ký Nghị định thư với Angola.

- Công văn số 500/PLQT ngày 20/4/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 2388/TM/V3 về góp ý dự thảo Hiệp định thương mại với Iran, Jondan và Israel.

- Báo cáo số 538A/HTQT ngày 22/4/1994 do đ/c Nguễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo thăm Đức, Anh và Pháp.

- Báo cáo 638B/HTQT ngày 26/4/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo ký kết dự án VIE/94/003.

- Công văn số 692/PLQT ngày 5/5/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 387/TCDL về góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Du lich Việt Nam và Myanma.

- Công văn số 748/PLQT ngày 16/5/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Bổ sung “Ý kiến pháp lý” đối với Hiệp định vay WB (Dự án khôi phục quốc lộ 1A).

- Công văn số 848/PLQT ngày 25/5/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Bản sửa đổi, bổ sung “ý kiến pháp lý” đối với Hiệp định tín dụng phát triển số 2549- VN (dự án khôi phục quốc lộ) giữa CHXHCN Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế.

- Công văn số 941/PLQT ngày 1/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v ý kiến pháp lý về Hiệp định tín dụng pháp triển cho Dự án phục hồi nông nghiệp.

- Công văn số 965/PLQT ngày 4/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Ý kiến pháp lý đối với Hiệp định tính dụng phát triển Việt Nam và WB.

- Công văn sô 1018/HTQT ngày 13/6/1994 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký về góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với Ucraina.

- Công văn Mật số 1030/PLQT ngày 13/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Canada đề nghị nhận trở lại công dân Việt Nam bị trục xuất.

- Công văn số 1034/PLQT ngày 15/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Công ước NIU- OÓC năm 1958 của liên hợp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

- Công văn số 1037/HTQT ngày 2/7/1994 do đ/c Nguyễn Đìnhg Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v cấp ý liến pháp lý đối với Hiệp định tín dụng.

- Công văn sô 1054/HTQT ngày 13/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v chuẩn bị Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước trong lĩnh vức hình sự.

- Công văn số 1055/HTQT ngày 6/7/1994 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 544 và 1536/UB/KTĐN về Dự thảo Hiệp định riêng về hỗ trợ trực tiếp cho qúa trình cải cách kinh tế và dự thảo Hiệp định riêng về quỹ tư vấn giữa Chính phủ VN và Thuỷ Điển. 

- Công văn số 1113/HTQT ngày 19/7/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo kết quả thăm Lào.

- Công văn số 1132a/PLQT ngày 25/6/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v cấp ýkiến pháp lý đối với Hiệp định tín dụng 100 triệu USD.

Báo cáo số 1190/PLQT ngày 26/7/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn, phê duyệt các văn kiện được thông qua tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ XX tại WASHINGTON năm 1989.

- Công văn số 1238/PLQT ngày 03/8/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 2207/LĐTBXH về góp ý dự thảo Hiệp định Lao động Việt -Lào.

- Công văn số 1240/PLQT ngày 03/8/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 96/TC/TCĐN về dự thảo Hiệp định thoả thuận về trọng tài với CHLB Đức.

- Công văn số 1248b/PLQT ngày 04/8/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký trả lời công văn số 632/NG/LS về góp ý kiến ký Công ước Lahay ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước.

- Công văn số 1300/HTQT ngày 15/8/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 8463/MT/PCTNA về góp ý kiến dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam với Bangladesh.

- Công văn số 1312/PLQT ngày 17/8/1994 do đ/c hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký trả lời công văn số 1136/NG/LS về góp ý dự thảo Hiệp định Lãnh sự VN- Rumani.

- Công văn số 1332/PLQT ngày 20/8/1994 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và PLQT đã ký trả lời công văn số 396/QHQT về góp ý đề nghị của UB bổ sung dự thảo Hiệp định thành lập cơ quan đài thường trú tại VN.

- Công văn 1346/PLQT ngày 23/8/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về việc góp ý kiến Hiệp định Khung với EU.

- Công văn số 1350/PLQT ngày 24/8/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP v/v góp ý  dự án sửa Luật hàng không dân dụng VN.

- Công văn số 1351/PLQT ngày 24/8/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Pháp Lệnh Hàm Ngoại giao.

- Công văn số 1380/PLQT ngày 31/8/1994 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định với Phần Lan.

- Công văn số 1447/PLQt ngày 7/9/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp dã ký v/v Uỷ quyền đàm phán và ký các văn kiện đại hội ITU (Liên Minh viễn thông Quốc tế).

- Công văn số 1611/PLQT ngày 20/9/1994 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Công ước khung về biến đổi khí hậu.

- Công văn số 1620/HTQT ngày 21/9/1994 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v Báo cáo tóm tắt thực hiện dự án với Sida.

- Công văn số 1624/PLQT ngày 22/9/1994 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia Công ước đa dạng sinh học.

- Công văn số 1625/PLQT ngày 22/9/1994 do đ/c Nguyễn Văn Sản thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia Công ước Basel (Gia nhập Công ước Quốc tế về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng).

- Công văn số 1685/PLQT ngày 01/10/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Đại hội toàn thể INTELSAT (Uỷ quyền cho đoàn Tổng Cục Bưu điện tham dự và ký văn kiện tại đại hội toàn thể INTELSAT- Venezuela.

- Công văn số 1752/PLQTvà HTQT ngày 10/10/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Luật Biên giới Quốc gia.

- Công văn số 1787/HTQT ngày 5/10/1994 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v Hợp tác FES và KAS, CHLB Đức (Đánh giá hiệu quả hợp tác với Viện FRIEDRICH Ebert và Viện Konrad Adenau).

- Công văn số 1842/HTQT ngày 22/10/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQt đã ký v/v góp ý thoả thuận hợp tác kỹ thuật với Anh.

- Công văn số 1868/PLQT ngày 26/10/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hợp tác với Tuynidi và Môrixơ.

- Công văn số 1896/PLQT ngày 31/10/1994 do đ/c Hà Hùng cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQt đã ký v/v góp ý dự thảo Bản ghi nhớ về việc Cannada trục xuất công dân VN.

- Công văn số 1927/PLQt ngày 4/11/1994 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQt đã ký v/v góp ý dự thảo thoả thuận về chương trình người tình nguyện Hàn Quốc.

- Công văn số 1978A/HTQT ngày 10/11/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với Canada.

- Công văn số 2022/PLQT ngày 16/11/1994 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Bản ghi nhớ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam -Ôxtrâylia.

- Công văn số 2023/PLQT ngày 16/11/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Chỉ thị về người Việt Nam ở nước ngoài.

- Công văn số 2084B/HTQT ngày 24/11/1994 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v chuẩn bị dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với Canada.

- Công văn số 2133/PLQT ngày 2/12/1994 do đ/c Nguyễn Văn sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v  Góp ý dự thảo Nghị định đưa người VN đi lao động ở nước ngoài.

-  Công văn số 2143/PLQT ngày 3/12/1994 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thư trưởng BTP đã ký v/v Góp ý văn bản về lệ phí trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình với người nước ngoài .

-  Công văn số 2212B/PLQT ngày 13/12/1994 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại với Israel.

- Bản ghi nhớ giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Canada về nhận trở về Việt Nam những công dân Việt Nam bị Canada trục xuất.

- Bản thoả thuận về hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa BTP Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Luật Châu á, khoa luật Trường Đại học tổng hợp British columbia vancouver, britíh columbia, Cannada.

- Bản thoả thuận về hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa BTP Việt Nam, Trường ĐHL Hà Nội và Khoa Luật, Trung tâm sáng kiến châu á- Thái Bình Dương thuộc Trường Đại học Tổng hợp Victoria, Bang Britíh, Canada.

 - Hiệp định giữa Việt Nam và Pháp về hợp tác đào tạo cao học Luật.

- Dự thảo đề nghị về Dự án tăng cường hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Ôxtraylia ngày 20/6/1994.

- Tài liệu Hội thảo Luật tố tụng Hình sự của Anh, Pháp, Bỉ và Đức giới thiệu tại Hội thảo về Luật tố tụng Hình sự, tổ chức ngày 21/12/1994 tại BTP.

Năm 1995

- Dự thảo Mật tháng 1/1995 Bản ghi nhớ giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Canada v/v nhận trở về Việt Nam những công dân Việt Nam bị Canada trục xuất.

- Công văn số 12/PLQT ngày 10/5/1995 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định vận tải đường bộ, Hiệp định vận tải đưởng thuỷ Việt Nam - Cămpuchia.

- Công văn số 13/PLQT ngày 10/1/1995 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký V/v góp ý dự thảo Hiệp định Du lịch với ISRAEL.

- Công văn số 46/HTQT ngày 14/1/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo khuôn khổ chiến lược hợp tác với Liên hợp quốc.

- Công văn số 34/HTQT ngày 15/2/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị Dự án hợp tác với Pháp.

- Công văn số 51/PLQT ngày 22/2/1995 do đ//c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Quy chế hoạt động của Crown Agents.

- Công văn số 52/PLQT ngày 23/2/1995 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Vận tải đường bộ, Hiệp định vận tải đường sông Việt Nam- Cămpuchia

- Dự thảo Hiệp định tháng 3/1995 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CH Pháp về hợp tác đào tạo Cao học Luật.

- Công văn số 71/PLQT ngày 9/3/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tránh đánh thuế trùng Việt Nam - Đài Loan.

- Công văn số 75/PLQT ngày 11/3/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Y tế và Y dược với Trung Quốc.

- Công văn số 76/HTQT ngày 11/3/1995 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ HTQT v/v góp ý về dự thảo Hiệp định khung mới hợp tác phát triển Việt Nam - Thuỷ Điển giai đoạn 1995- 2000.

- Công văn số 94/PLQT ngày 27/3/1995 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Lãnh sự Việt Nam - Cămpuchia.

- Công văn số 115/PLQT ngày 13/4/1995/do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư với Ôxtraylia về bảo hộ ngioại giao.

- Công văn số 119/PLQT ngày 17/4/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Công ước Niu Oóc năm 1958.

- Công văn số 171/HTQT ngày 12/5/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v xin phép ký kết Hiệp định hợp tác chuyên ngành với Thuỵ Điển giai đoạn II năm 1995 - 1997.

- Công văn số 203/HTQT ngày 25/5/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v một số nước đặt vấn đề trục xuất công dân Việt Nam.

- Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật đào tạo quản lý hệ thống phân phối Điện, Hiệp định vay nợ các hoạt động đặc biệt Dự án phục hồi phân phối Điện giữa CHXHCN Việt Nam và Ngân Hàng phát triển Châu Á (Dự án VIE).ngày 16/6/1995.

- Công văn số 277/PLQT ngày 30/6/1995 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ HTQT và PLQT đã ký v/v tham gia Đại hội APPU lần thứ 7.

- Công văn số 278/HTQT ngày 30/6/1995 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý kiến thoả ước tài chính với CFD về 10 triệu FF dành cho nghiên cứu.

- Công văn số 300/PLQT ngày 24/7/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê duyệt các Văn kiện của Tổ chức thông tin vệ tinh Quốc tế (INTELSAT) lần thứ 19 tổ chức tại Venezuela.

- Công văn số 301/PLQT ngày 24/7/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Nghị đinh thư bổ sung lần thứ 5 Hiến chương Liên minh Bươ chính thế giới (UPU).

- Công văn số 302/PLQT ngày 24/7/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Dự thảo Quyết định nhận công dân Việt Nam trở về.

- Công văn số 328/PLQT ngày 10/8/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/ Phê chuẩn văn kiện của Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU) đươc thông qua tại Đại hội toàn quyền Kyôtô.

- Công văn số 365/PLQT ngày 01/9/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v chủ trương ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Trung quốc.

- Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật ngày 15/9/1995 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ngân Hàng phát triển Châu Á.

- Công văn số 391/PLQT ngày 21/9/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Canada về nhận công dan Việt Nam trở về.

- Công văn số 467/HTQT ngày 12/10/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Quy chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác Quốc tế về pháp luật.

- Công văn số 470/HTQT ngày 13/10/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký Báo cáo năm v/v thực hiện dự án giữa BTP và SIDA năm 1995.

- Công văn số 472/HTQT ngày 14/10/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị góp ý kiến và tham gia hội thảo về pháp luật.

- Công văn số 482/PLQT ngày 23/10/1995 do đ/c Nguyễn Văn sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v Hội đồng tương trợ tư pháp đã ký với Tiệp Khắc (cũ).

- Công văn số 507/HTQT ngày 31/10/1995 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hải quan về tương trợ hành chính lẫn nhau.

- Công văn số 514/PLQT ngày 09/11/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý tổ chức Hội thảo LEXMUNDI.

- Công văn Mật số 537/PLQT ngày 22/11/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Dự án pháp lệnh đường cơ sở.

- Công văn số 570/HTQT ngày 12/12/1995 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Kết quả hợp tác năm 1995 và dự kiến kế hoạch hợp tác năm 1996 với Viện FES và KAS, CHLB Đức.

 

Năm 1996

- Công văn số 11/HTQT ngày 06/1/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác kinh tế văn hoá khoa học kỹ thuật Việt Nam -Lào.

- Công văn số 128/PLQt ngày 23/3/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hải quan giữa Việt Nam và Pháp.

- Công văn số 133/PLQT ngày 01/4/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTp đã ký v/v góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Ucraina về bố trí việc làm hỗ tương và bảo đảm xã hội của công dân hai nước.

- Công văn số 134/HTQT ngày 2/4/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v Hợp tác nghiên cứu pháp luật thương mại giữa Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Thượng mại Việt Nam.

- Công văn số 165/HTQT ngày 17/4/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý cho bản Khuôn khổ hợp tác về sự trợ giúp của UNDP tại Việt Nàm.

- Công văn số 202/PLQt ngày 13/5/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê duyệt Thể lệ chung, Công ước, Hiệp định bưu kiện và Hiệp định chuyển tiền của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU).

- Công văn số 229/HTQT ngày 24/5/1996 do đ/c Nguyễn Huy Ngát phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý Biên bản thoả thuận về hợp tác khoa học với Mỹ.

- Công văn số 230/PLQt ngày 27/5/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định với Cămpuchia về quy chế công dân.

- Công văn số 232/PLQT ngày 29/5/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến phê duyệt Hiệp định Intelsat và Hiệp định khai thác Intelsat của tổ chức thông tin vệ tinh Quốc tế.

- Công văn số 233/PLQT ngày 29/5/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Uỷ quyền ký các văn kiện của Hội nghị INTERSUTNIK.

- Công văn số 254/PLQT ngày 27/6/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTp đã ký v/v góp ý kiến Nghị định thư chấp thuận tín dụng CFD cho Dự án chế biến đậu nành.

- Công văn số 280/PLQT ngày 05/7/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Hiệp định Hàng hải Việt Nam và CH Pháp.

- Công văn số 284/PLQt ngày 05/7/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định Lãnh sự Việt -Trung.

- Công văn số 300/PLQT ngày 18/7/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Việt Nam -Ixraen về hợp tác hôc trỡ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan.

- Công văn số 308/PLQT ngày 27/7/1996 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/vKý Hiệp địnhtwơng trợ tư pháp và Hiệp định dẫn độ tội phạm với Hàn Quốc.

- Công văn số 312/PLQT ngày 02/8/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định thương mại Việt Nam - Ấn Độ.

- Công văn số 362/HTQT ngày 16/8/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác kỹ thuật Vịêt Nam - Nhật Bản.

- Công văn số 382/PLQTvà HTQT ngày 24/8/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Công ty tài chính Quốc tế.

- Công văn số 390/PLQT ngày 5/9/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định điều khoản và thủ tục hợp tác phát triển với NaUy.

- Công văn số 393/HTQT ngày 5/9/1996 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký về tình hình hợp tác pháp luật với Nhật Bản.

- Công văn số 399/HTQT ngày 10/9/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Công ước số 100 năm 1951 của ILO về trả công bình đẳng giữa người lao động nam và lao động nữ ho một công việc có giá trị ngang nhau và Công ước số 111 năm 1958 của Lio về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

- Công văn số 409/HTQT ngày 14/9/1996 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý kiến về dự thảo Thoả thuận về hợp tác phát triển VN- NaUy.

- Công văn số 410/HTQT ngày 20/9/1996 do đ/c hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQt đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định khung về hợp tác tài chính với ngân hàng đầu tư Châu Âu.

- Công văn số 431/PLQt ngày 25/9/1996 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hải quan ASEAN.

- Công văn số 434/PLQT ngày 25/9/1996 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v Việt Nam gia nhập Công ước KYOTO.

- Công văn số 441/HTQT ngày 01/10/1996 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý kiến cuộc họp tiểu ban chuyên ngành ASEAN.

- Công văn số 447/PLQT ngày 7/10/1996 do đồng chí Nguyễn Ngọc Hiến thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v góp ý kiến sửa đổi  Hiến chương APT.

- Công văn số 448 /PLQT ngày 9/10/1996 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định thành lập đại diện thường trú của Ngân hàng phát triển Châu Á.

- Công văn số 480/PLQT ngày 11/10/1996 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Hiệp định Việt Nam - Liên Bang Nga về chống ma tuý.

- Công văn số 481/PLQT tháng 10/1996 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia Công ước Quốc tế về kiểm soát ma tuý.

- Công văn số 485/HTQT ngày 15/10/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v chương trình hợp tác Việt Nam -Singapore.

- Công văn số 486/PLQT ngày 16/10/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn việc sửa đổi Công ước Chicago năm 1944.

- Công văn số 487/HTQT ngày 23/10/1996 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v tham gia ý kiến dự thảo Nghị định thư DSM của ASEAN.

- Công văn số 555/HTQT ngày 25/11/1996 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v Báo cáo kết quả Hợp tác với Lào năm 1996 và phương hướng kế hoạch năm 1997.

- Công văn số 564/PLQT ngày 2/12/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v chuẩn bị Hiệp định tương trợ tư pháp ký kết với CHDCND Lào.

- Công văn số 579/HTQT ngày 14/12/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định thành lập cơ quan đại diện thường trú của Ngân Hàng phát triển Châu Á (ADB).

- Công văn số 584/PLQT ngày 14/12/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam -Lào.

- Công văn số 610/HTQT ngày 25/12/1996 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị trình ký kết Hiệp định chuyên ngành về hỗ trợ lĩnh vực pháp luật với Chính phủ Thuỵ Điển.

 - Công văn số 614/HTQT ngày 26/12/1996 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị trình ký kết dự án trợ giúp pháp luật với Chính phủ Ôstrâylia.

Năm 1997

- Công văn số 92/PLQT ngày 20/3/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Gia nhập Công ước Giơnevơ năm 1948.

- Công văn số 116/PLQT ngày 3/4/1997 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v Hiệp định khung hợp tác tài chính với Ngân hàng đàu tư Châu Âu.

- Công văn số 138/PLQT ngày 19/4/1997 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định vận tải đường bộ Việt nam -Cămpuchia.

- Công văn số 141/PLQT ngày 21/4/1997 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v cấp ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay cho 9 Hiệp định vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản thuộc tài khoá 96 (OECF).

- Công văn số 174/HTQT ngày 13/5/1997 do đ/c Nguyễn Văn Bình phó vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý kiến vào dự thảo Công ước Liên Chính phủ về văn hoá giữa các Nhà nước và Chính phủ các Quốc gia có sử dụng tiếng Pháp.

- Công văn số 202/HTQT gày 28/5/1997 do đ/c Nguyễn Ngọc Hiến Thứ trưởng BTP đã ký v/v đề nghị tiếp nhận Dự án hợp tác đào tạo lại cán bộ pháp luật giã Chính phủ Việt Nam và ADB (kèm theo bản ghi nhớ về hỗ trợ kỹ thuật cho công tác đao tạo lại cán bộ pháp luật nhà nước ở CHXHCN Việt Nam.

- Công văn số 224/PLQT ngày 4/6/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý cho dự thảo Hiệp định mẫu của Liên Bang Nga về hợp tác kiểm soát ngoại tệ và xuất khẩu.

- Công văn số 257/PLQT ngày 27/6/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v tham gia Hiệp định khai thác INTELSAT.

- Công văn số 258/PLQT ngày 27/6/1997 do đ/c nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Phê duyệt Nghị định thư sửa đổi Hiệp định và ký thoả thuận khai thác Intersputnik.

- Công văn số 276/HTQT ngày 14/7/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Công ước Liên Chính phủ về văn hoá giữa các Nhà nước và Chính phủ các Quốc gia có sử dụng tiếng Pháp.

- Công văn sô 279/PLQT ngày 16/7/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hàng hải Việt Nam - Iran.

- Công văn số 313/PLQT ngày 31/7/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định cho phép OPIC hoạt động ại Việt Nam.

- Công văn số 367/PLQT ngày 3/9/1997 do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/vgóp ý kiến Hiệp định hợp tác với LB Nga và Ucraina.

- Công văn sô 379/PLQT ngày 13/9/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Việt Nam tham gia Công ước về hệ thống điều hoà trong mô tả và mã hoá hàng hoá (Công ước H.C).

- Công văn Mật số 02/ASEAN- WTO do đ/c Hà Hùng Cường Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v Dự thảo Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ

- Công văn số 411/PLQT ngày 6/10/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Nghị định thư chấp thuận về dự án phát triển Cà phê, Chè với CFD.

- Công văn số 417/PLQT ngày 9/10/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo đề án ký Hiệp định Lãnh sự với các nước.

- Công văn số 445/PLQT ngày 22/10/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định Hàng hải Việt nam - Ấn Độ và Việt Nam Gioocđani.

- Công văn số 452/PLQT ngày 31/10/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thuỵ Sỹ.

- Công văn số 456/ASEAN/WTO ngày 01/11/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư Quản lý việc thực hiện Danh mục biểu thuế điều hoà ASEAN (AHTN).

- Công văn số 458/PLQt ngày 5/11/1997 do đ/c nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Xây dựng Đề án thực hiện Hiệp định về quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Công văn số 474/PLQt ngày 8/11/1997 do đ/c nguyễn văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký tắt Hiệp định hàng hải Việt - Pháp.

- Công văn số 531/PLQT ngày 3/12/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Hiệp định quyền tác giả Việt Nam - oa Kỳ.

- Công văn số 535/PLQT ngày 10/12/1997 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Dự thảo Chỉ thị của thủ tướng Chính phủ về thực hiện Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ.

- Công văn số 566/PLQT ngày 26/12/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định sở hữu trí tuệ giữa Việt nam và Thuỵ Sỹ.

- Công văn số 568/PLQT ngày 26/12/1997 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v góp ý phương án đàm phán chương Đầu tư trong dự thảo Hiệp đinh thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ.

Năm 1998

- Công văn số 248/PLQT- HTQT ngày 21/5/1998 do đ/c Nguyễn Văn sản Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v Nghị định thư với AFD.

-  Tờ trình  số 331/PLQT - HTQT ngày 3/7/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ Trưởng Bộ Tư pháp v/v Ký kết Hiệp định giữa nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và nước Cộng hoà DCND Lào về tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và hình sự.

- Tờ trình số 389/ PLQT - HTQT ngày 31/7/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và UCRAINA.

- Tờ trình số 511/PLQT- HTQT ngày 26/9/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Hiệp định hợp tác pháp luật và tư pháp giữa CP nước CHXHCN Việt Nam và CP Vương Quốc Thái Lan.

- Công văn số 561/PLQT- HTQT ngày 10/10/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v xin phép ký kết Thoả thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Achentina (Kèm theo dự thảo thoả thuận).

 - Công văn số 566/PLQT- HTQT ngày 13/10/1998 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự với Cộng hoà Pháp.

- Tờ trình số 634/PLQT ngày 13/11/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Đàm phán Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CH Pháp về tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự.

 -  Công văn ssó 742/PLQT- HTQT ngày 26/12/1998 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v đàm phán chính thức HĐTTTP với CH Pháp.

- Tờ trình số 1048/PLQT ngày 22/7/1998 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về ác vấn đề dân sự và Hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Liên Bang Nga.

 

Năm 1999

- Công văn số 02/PLQT- HTQt ngày 4/1/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp y dự thảo Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam -Lào- Thái Lan.

- Công văn số 38/ASEAN- Wto ngày 26/10/1999 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Nghị định thư 8 của ASEAN.

- Công văn số 47/PLQt- HTQt ngày 25/1/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác với Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu.

- Công văn số 66/PLQT- HTQT ngày 30/1/1999 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/vgóp ý Dự thảo Hiệp định về hợp tác bảo ạê thông tin với Nga.

- Công văn số 67/HTQT- PLQt ngày 2/2/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định thành lập Văn phòng UNESCO.

- Công văn số 70/PLQT- HTQT ngày 9/2/1999 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Hiệp định hợp tác khoa học - kỹ thuật với CH Tátgikixtan.

- Công văn số 76/PLQT- HTQT ngày 11/2/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/vgóp ý dự thảo thoả thuận hợp tác Giáo dục và Đào tạo với APEFE, (Vương quốc Bỉ).

- Công văn số 95/PLQT ngày 25/2/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư thực hiẹn Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam -Cămpuchia.

- Công văn số 121/PLQT- HTQT ngày 1/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Công ước thống nhất một số quy phạm vận chuyển hàng không quốc tế.

- Công văn số 128/PLQT- HTQT ngày 10/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Thoả thuận Việt Nam - Bỉ về thành lập quỹ tư vấn và nghiên cứu.

- Công văn số 129/PLQT- HTQT ngày 10/3/1999 do đ/c Hà hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định hợp tác lao động Việt -Lào.

- Công văn số 132/PLQT- HTQT ngày 12/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học- công nghệ Việt Nam - Ba Lan.

- Công văn số 134/PLQT- HTQT ngày 13/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/vchuẩn bị đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam.

- Công văn số 149/PLQT ngày 15/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường thuỷ Việt Nam -Cămpuchia.

- Công văn số 153/PLQT- HTQT ngày 16/3/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v soát xét các Hiệp định đã ký giữa ta và Ba Lan.

- Công văn số 158/PLQT- HTQT ngày 18/3/1999 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Nghị định thư bổ sung cho Công ước ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại sự an toàn của Hàng không dân dụng.

- Công văn số 159/PLQT- HTQT ngày 18/3/1999 do đ/c Hà Hùng cương Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký chính thức Hiệp định vận chuyển hàng không Việt Nam - BahRain.

- Công văn số 162/PLQT- HTQT ngày 18/3/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định .

- Công văn số 165/PLQT- HTQT ngày 24/3/1999 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hàng hải giữa VN và Pháp.

- Công văn số 214/PLQt- HTQt ngày 13/4/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v Thẩm định dự thảo hai Hiệp định với Eximbank.

- Công văn số 256/PLQT- HTQT ngày 5/5/1999 do đ/cHà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Bản ghi nhớ về bảo lãnh và cam kết của Chính phủ đối với dự án khí Nam Côn Sơn.

- Công văn số 274/PLQT- HTQT ngày 11/5/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Dự thảo Công ước văn hoá Pháp ngữ.

- Công văn số 290/PLQT- HTQT ngày 12/5/1999 do đ/cHà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v chỉnh lý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với Ucraina.

- Công văn số 298/PLQT- HTQT ngày 14/5/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký Hiệp định hợp tác với Nga trong lĩnh vực bảo về thông tin.

- Công văn số 299/PLQT- HTQT ngày 17/5/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý việc gia nhập Công ước các khía cạnh dân sự của việc bắt cóc trẻ em.

- Công văn số 365/PLQT- HTQT ngày 3/6/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác với Belarus.

- Công văn số 382/HTQT ngày 10/6/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định dự án Sida “Tăng cường năng lực quản lý nhân sự trong công vụ”.

- Công văn số 383/PLQT- HTQT ngày 10/6/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Nghị định thư bổ sung Công ước Montreal.

- Công văn số 385/PLQT- HTQT ngày 10/6/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia ý kiến Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác với Hungari và Bungari.

- Công văn số 386/HTQT ngày 10/6/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Dự thảo Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (phần dịch vụ pháp lý).

- Công văn số 397/HTQT ngày 21/6/1999 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Q.Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT v/v góp ý Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với Thái Lan.

- Côpng văn số 405/PLQT- HTQT ngày 28/6/1999 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Q.Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về Quỹ tư vấn Việt Nam - Thuỵ Điểm.

- Công văn số 418 ngày 2/7/1999 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Q.Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phát triển Việt Nam -Hà Lan.

- Công văn số 449/PLQT- HTQT ngày 9/7/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung hợp tác tài chính với NIB.

- Công văn số 469/PLQT- HTQT ngày 17/7/1999 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định riêng về hợp tác Y tế giữa Việt nam và Thuỵ Điển.

- Công văn số 476/PLQT- HTQT ngày 21/7/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hoạt động của Uỷ ban Sông Mê Công.

- Công văn số 490/PLQT- HTQT ngày 26/7/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tài chính giữa Việt nam và EU.

- Công văn số 497/PLQT- HTQT ngày 4/8/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung Hợp tác Khoa học -Công nghệ và Môi trường với Rumani.

- Công văn số 498/PLQT- HTQT ngày 4/8/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tài chính về hợp tác EU- ASEAN trong lĩnh vực hàng không.

- Công văn số 525/PLQT- HTQT ngày 9/8/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về Ngành mỏ giữa Bộ Công nghiệp Việt Nam và Bộ Mỏ nước CH ChiLê.

- Công văn số 533/PLQT- HTQT ngày 16/8/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo thoả thuận giữa Việt Nam - Madagascar và FAO.

 - Công văn số 584/PLQT- HTQT ngày 23/8/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập các Nghị định thư liên quan đến ngôn ngữ Công ước Chicago.

- Công văn số 589/PLQR- HTQT ngày 26/8/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v hai Hiệp định với US Eximbank.

- Công văn số 591/HTQT ngày 26/8/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Hiệp định về pháp lệnh đấu thầu do Thuỵ Điển tài trợ.

- Công văn số 592/HTQT ngày 26/8/1999 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến về dự án Luật Thuỷ sản do NaUy tài trợ.

- Công văn số 596/PLQT ngày 1/9/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định với Đan Mạch về hỗ trợ chương trình ngành Thuỷ Sản Việt Nam.

- Công văn số 678/PLQT- HTQT ngày 17/9/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc NaUy về hỗ trỡ dự án đo vẽ bản đồ đáy Biển Việt Nam. 

- Công văn số 684/PLQT- HTQT ngày 22/9/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hàng hải Việt Nam -Bungari.

- Công văn số 705/PLQT- HTQT ngày 27/9/1999 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ tưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý Điều 3 dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu phổ thông.

- Công văn số 716/PLQT- HTQT ngày 1/10/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ tr]ởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tài chính của dự án “ợp tác trong lĩnh vực nghe nhìn” do Cộng Đồng Châu Âu tài trợ.

- Công văn số 717/PLQT- HTQT ngày 1/10/1999 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam -Israel.

- Công văn số 751/PLQT- HTQt ngày 12/10/1999 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và UNSESCO.

- Công văn số 769/PLQT- HTQT ngày 15/10/1999 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư VN- Nga và rà soát cơ sở điều ước pháp lý à hiệu lực của các Hiệp ước và Hiệp định song phương giữa VN- Liên bang Nga.

- Công văn số 780/PLQT- HTQT ngày 15/10/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v sửa đổi, bổ sun Hiến chương, Công ước của ITU.

- Công văn số 814/PLQT- HTQt ngày 22/10/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

- Công văn số 816/PLQT- HTQT ngày 25/10 1999 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo ý kiến pháp lý cho Hiệp định khung bảo lãnh với USEXIMBANK.

- Công văn số 911/PLQT- HTQT ngày 25/11/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v cho ý kiến việc phê chuẩn Công ước số 182.

- Công văn số 914/PLQT- HTQT ngày 25/11/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký góp dự thảo Hiệp định Hợp tác khoa học kỹ thuật Nông Lâm Ngư nghiệp với Cămpuchia.

- Công văn số 936/PLQT- HTQT ngày 1/12/1999 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý việc phê chuẩn Công ước số 182 và Khuyến nghị số 190.

- Công văn số 945/PLQT- HTQt ngày 7/12/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng vụ PLQT- HTQT đã ký v/v ký hiệp định với Ngân hàng Xuất nhập khẩu của hợp chủng quốc Hoa Kỳ (ExImBank).

- Công văn số 947/PLQT- HTQT ngày 9/12/1999 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư liên quan đến dự án “Đào tạo trong lĩnh vực khách sạn”.

- Công văn số 970/PLQT- HTQT ngày 20/12/1999 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định vay vốn ADB số 1514 (SF).

- Công văn số 1022/PLQt- HTQT ngày 29/12/1999 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v chấm dứt Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa VN- Hungari.

Năm 2000

- Công văn số 8/ASEAN- WTO ngày22/3/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Tham gia ý kiến dự thảo Nghị định thư số 2 và 7 của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh.   

- Công văn số 11/ASEAN- WTO ngày 12/4/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v  góp ý dự thảo Hiệp định e- ASEAN.

- Công văn số 13/ASEAN- WTO ngày 12/4/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến về khả năng sửa đổi Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN.

- Công văn số 18/ASEAN- WTO ngày 19/6/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý kiến vào dự thảo đề án nghiên cức về việc Việt Nam tham gia Hiệp định BăngKok.

- Công văn số 19/ASEAN- WTO ngày 5/7/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - MaRôc.

- Công văn số 21/ASEAN- WTO ngày 24/7/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định e- ASEAN.

- Công văn số 26/ASEAN- WTO ngày 18/8/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Nghị định thư số 8 về Kiểm dịch động, thực vật.

- Công văn số 29/ASEAN- WTO ngày 5/9/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định e- ASEAN lần 6.

- Công văn số 30/ASEAN- WTO ngày 11/9/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v rà soát các nội dung của Hiệp định Thương mại Việt Nam -Hoa Kỳ.

-  Công văn số 31/ASEAN- WTO ngày 11/9/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo đề án áp dụng Hiệp định trị giá Hải quan CVA.

- Công văn số 32/ASEAN- WTO ngày 18/9/2000 do đ/c Vũ đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Côngô.

- Công văn số 34/ASEAN- WTO ngày 27/9/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Ths trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định e- ASEAN lần thứ 7.

- Công văn số 35/ASEAN -WTO ngày 3/10/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Ths trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA).

  - Công văn số 39/ASEAN- WTO ngày 6/11/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Nghị định thư về thực hiện Danh mục TEL- CEPT.

- Công văn số 3/PLQT- HTQT ngày 5/1/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phát triển Việt Nam- Thuỵ Sỹ.

- Công văn số 33/PLQT- HTQT ngày 14/1/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Cămpuchia.

- Công văn số 40/PLQT ngày 26/1/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v thực hiện Hiệp định quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ.

- Công văn số 96/PLQT- HTQT ngày 22/2/2000 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v Góp ý dự thảo Tờ trình Phê chuẩn Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt nam -Trung Quốc.      

- Công văn số 101/PLQT- HTQT ngày 23/2/2000 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư tài chính dự án Điện thoại các tỉnh nông thôn miện núi phía Bắn giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Pháp.

- Công văn số 105/HTQT ngày 25/2/2000 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

- Công văn số 106/PL:QT- HTQT ngày 28/2/2000 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Khoa học Công nghệ và Mội trường với Thổ Nhị Kỳ.

- Công văn số 138/PLQT- HTQT ngày 8/3/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư số 5 về chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN.

- Công văn số 150/PLQT- HTQT ngày 14/3/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tài chính giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực nghe nhìn.

- Công văn số 152/PLQT- HTQT ngày 13/3/2000 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trươngr Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác với Đan Mạch.            - Công văn số 196/PLQT- HTQT ngày 24/3/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định vận tải Đườn sắt Việt Nam Trung Quốc.

- Công văn số 217/PLQT- HTQT ngày 31/3/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và OPEC.

- Công văn số 224/PLQT- HTQT ngày 31/3/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký Hiệp định hợp tác văn hoá giáo dục với CH Áchentina và với Liên bang Mehico.

- Công văn số 256/PLQT- HTQT ngày 11/4/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tài chính giữa Việt Nam và EU.

- Công văn số 260/PLQT- HTQT ngày 17/4/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác trong lĩn vực phòng chống tội phạm với Chính phủ BaLan.

- Công văn số 298/PLQT- HTQT ngày 28/4/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về việc trao và nhận những người không được phép cư trú giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và CH BaLan.

- Công văn số 312/PLQT- HTQt ngày 5/5/2000 do đ/c Vũ đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQt đã ký v/v đánh giá thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp VN- Ba Lan.

- Công văn số 317/HTQT ngày 11/5/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến phương án đàm phán Hiệp định hàng không Việt nam -Hoa Kỳ.

- Công văn số 376/PLQT- HTQt ngày 19/5/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về Dự án phà MêKông giai đoạn II do Đan Mạch tài trợ.

- Công văn số 420/HTQT ngày 29/5/2000 do đ/c nguyễn Văn Sản Thứ  trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định vận tải Biển Việt Nam - Brunây.

- Công văn số 432/PLQT- HTQT ngày 330/5/2000 do đ/c Vũ đức Long Phó Vụ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định “Quỹ tư vấn” do Bỉ viện trợ không hoàn lại.

- Công văn số 435/PLQT- HTQT ngày 6/6/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp  Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định vay giữa Việt Nam - và NIB cho dự án Nhà máy xi măng Tam Điệp, Ninh Bình.

- Công văn số 381/PLQT- HTQT ngày 19/5/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư tài chính giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Pháp.

- Công văn số 533/HTQt- PLQT ngày 21/6/2000 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQt đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định EU tài trợ trong lĩnh vực nghe nhìn.

- Công văn số 606/HTQT- PLQT ngày 6/7/2000 do đ/c Nguyễn Văn sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến tham gia Công ước Kyoto về đơn giản hoá, hài hoà thủ tục Hải quan sửa đổi, bổ sung.                       

- Công văn số 655/HTQT ngày 17/7/2000 do đ/c Nguyễn Đình Lộc Bộ trưởng BTP đã ký v/v ký kết hai Nghị định thư không bắt buộc nhằm bổ sung cho Công ước quyền trẻ em.

- Công văn số 661/HTQT ngày 18/7/2000 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng ủng hộ việc hợp tác chống nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người.

- Công văn số 666/PLQT- HTQT ngày 26/7/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v Góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Belarus.

- Công văn số 670/PLQT ngày 26/7/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Bưu chính viễn thông Bulgaria- Việt Nam.

- Công văn số 685/PLQT- HTQT ngày 8/8/2000 do đ/c Hà Hùng Cường thứ trưởng góp ý dự thảo Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới với Lào và Cămpuchia.

- Công văn số 695/HTQT ngày 8/8/2000 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.           

- Công văn số 692/PLQT- HTQT ngày 11/8/2000 do đ/c Vũ đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa VN- Belarus.

- Công văn số 746/PLQT- HTQT ngày 17/8/2000 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v Hiệp định ương trợ tư pháp Việt Nam -Belarus.

- Công văn số 761/PLQt- HTQt ngày 23/8/2000 do đ/cHà Hùng Cường Ths trưởng BTP đã ký v/v cho ý kiến về khả năng phê chuẩn Công ớc số 182 về nghiêm câm và những hành động ngay lập tcs để loại bỏ những hình thxs lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- Công văn số 778/HTQT ngày 8/9/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ  trưởng BTP đã ký v/v góp y dự thảo Hiệp định vận tải đường sát Viẹt Nam -Trung Quốc.

- Công văn số 854/PLQT- HTQT ngày 28/9/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Thẩm định dự thảo Tờ trình gia nhập Công ước số 182.

- Công văn số 869/HTQT ngày 6/10/2000 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến tam gia Công ước Triển lãm Quốc tế.

- Công văn số 889/PLQT ngày 20/10/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khoa học công nghệ Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Công văn số 855/HTQT ngày 29/9/2000 do đ/c Nguyễn Văn Bình Phó Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v Nghị định thư Hợp tác với Bộ Tư pháp Ucraina.

- Công văn số 867/PLQT ngày 6/10/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định thực hiện Công ước HS.

- Công văn số 882/HTQT ngày 16/10/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Nghị định thư về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Bungari.

- Công văn số 891/HTQT ngày 19/10/2000 do đ/c Nguyễn Văn sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.        

- Công văn số 892/PLQT- HTQT ngày 23/10/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư song phương giữa Chính phủ Đại Công quốc Luxembourg và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về hỗ trợ Bệnh Viện tỉnh Hưng Yên.

- Công văn số 912/PLQT- HTQT ngày 31/10/2000 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ PLQt- HTQT đã ký v/v góp ý kiến Hiệp định về thủ tục và điều kiện chung cho hợp tác phát triển giữa VN và Thuỵ Điển giai đoạn 2001- 2006.

- Công văn số 15/HTQT ngày 2/11/2000 đo/c Nguyễn Văn Sản Thứ trởn bTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về cùng bảo đảm nguyên vện tài liệu Việt -Nga.

- Công văn số 916/PLQT- HTQT ngày 1/11/2000 do đ/c Nguyễn Văn Sản Thứ trưởng BTP đã ký v/v đàm phán ký kết Hiệp định Lãnh sự VN- Ôstraylia

- Công văn số 926/HTQT ngày 10/11/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v đàm pján, ký kết Hiệp định tương trợ tươ pháp về hình sự giã Hàn Quốc và Việt Nam.

- Công văn số 953/HTQT ngày 15/11/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung về hợp tác Khoa học và Công nghệ với Mêhicô.

- Công văn số 998/PLQT- HTQT ngày 8/12/2000 do đ/c Nguyễn Văn sản Ths trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Công ước quốc tế về Trách nhiệm đối với thiệt hại ô nhiễm dầu Bunker.

- Công văn Mật số 12/PLQT- HTQT ngày 22/12/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Công văn số 1226/HTQt ngày 28/12/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý gia nhập Công ước Viên 1969về Luật Điều ước.

- Công văn số 1227/PLQT- HTQt ngày 28/12/2000 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định hợp tác phát triển giữa VN và Thuỵ Sỹ.

Năm 2001

- Công văn số 18/PLQT- HTQT ngày 15/1/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v thi hành Điều 29 Hiệp định tương trợ tư pháp VN- Trung Quốc về miễn hợp pháp hoá giấy tờ.

- Công văn số 19/HTQT ngày 15/1/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Việt Trung về hợp tác chống tội phạm.

- Công văn số 21/HTQT ngày 16/1/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư hợp tác Thanh niên Việt -Pháp.

- Công văn số 67/PLQT- HTQT ngày 15/2/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định hợp tác với Thuỵ Điển về phát huy dân chủ ở cơ sở.

- Công văn số 72/PLQT- HTQTngày 19/2/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định và Nghị định thư về hoạt động lao động với Liên bang Nga.

- Công văn số 92/HTQT ngày 28/2/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam - Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.     

- Công văn số 94/PLQT- HTQT ngày 28/2/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về hợp tác Khí tượng thuỷ văn với Liên bang Nga.

- Công văn số 97/PLQT- HTQT ngày 1/3/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v phê duyệt Hiệp định hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Công văn số 140/HTQT ngày 28/3/2001 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến Hàng hải Việt Nam - Brunei.

- Công văn số 141/HTQT ngày 28/3/2001 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v các Nghị định thư vận tải đường bộ Việt - Lào.

- Công văn số 155/HTQT ngày 4/4/2001 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý các Nghị định thư Tài chính Việt -Pháp.

- Công văn số 157/HTQT ngày 5/4/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia ký Công ước về các chất ô nhiễm hưu cơ khó phân huỷ (Công ước POP).

- Công văn số 166/PLQT- HTQT ngày 12/4/2001 do đ/c Vũ đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thuỵ Điển về cảnh sát biển.

- Công văn số 208/HTQT ngày 3/5/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an VN và Bộ Nội vụ Lào.

- Công văn số 239/PLQT- HTQT ngày 10/5/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

- Công văn số 242/PLQT- HTQT ngày 10/5/2001 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Kinh tế - Thương mại với VCộng hoà Cưrơghistan và Tuốcmênistan.

- Công văn số 299/PLQT- HTQT ngày 23/5/2001 do đ/c Vũ Đứ Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý kiến Hiệp định về thủ tục và điều kiện chung cho hợp tác phát triển giữa Việt nam và Thuỵ Điển giai đoạn 2001- 2006.

- Công văn số 361/PLQT- HTQT ngày 31/5/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến vào dự thảo Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định Hàng hải Việt Nam -Trung Quốc.

- Công văn số 362/PLQT- HTQT ngày 30/5/2001 do đ/c Nguyễn Văn Bình Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v đề nghị ký Hiệp định nuôi con nuôi của Công quốc Monaco.

- Công văn số 388/PLQT- HTQT ngày 6/6/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Cămpuchia- gia nhập Hiệp định vận tải ba bên Việt nam -Lào- Thái Lan.

- Công văn số 390/PLQT ngày 7/6/2001 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v dự thảo góp ý Hiệp định Thương mại Việt Nam -Nigeria.

- Công văn số 418/PLQT- HTQT ngày 15/6/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Quỹ OPEC.

- Công văn số 530/PLQT ngày 19/7/2001do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại giữa Việt nam với các nước- Tanzania, Dimbabue và Síp.

 - Công văn số 587/PLQT ngày 27/7/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vũ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký góp ý gia nhập Công ước về đánh dấu chất nổ dẻo nhằm mục đích phát hiện.

- Công văn số 588/PLTQ- HTQT ngày 30/7/2001do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác thú ý giữa Việt nam và Mông Cổ.

- Công văn số 604/PLQT- HTQT ngày 9/8/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp dự thảo Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế, Thương mại, Đầu tư và Khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc ẢRậpxe- ut.

- Công văn số 681/HTQT ngày 5/9/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phát triển giữa Vịêt Nam và Thuỵ Sỹ.

- Công văn số 683/PLQT- HTQT ngày 7/9/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải ba bên và dự thảo văn kiện xin gia nhập của Cămpucia.

- Công văn số 684/HTQT ngày 10/9/2001 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về hỗ trợ thông kê kinh tế do Thuỵ Điển tài trợ.

- Công văn số 686/PLQT- HTQT ngày 11/9/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giáo dục với Mông Cổ.

- Công văn số 750/PLQT- HTQT ngày 1/10/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Triều Tiên.

- Công văn số 713/PLQT- HTQT ngày 23/9/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Công ước quyền ợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư của Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động, về các vấn đề cụ thể của trang thiết bị tàu bay.

- Công văn số 780/HTQT ngày 9/10/2001 do đ/c Hà Hùng cường Ths trưởng BTP đã ký v/v gop ý dự thảo Hiệp định mẫu dịch tự do Việt -Nga.

- Công văn số 786/PLQT- HTQT ngày 15/10/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hợp tác Nông lâm nghiệp và Phát triẻn nông thôn giữa Việt Nam và Liên bang Mêxico.

- Công văn số 796/PLQT- HTQT ngày 22/10/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định kiểm dịch và bảo vệ hcj vật với CH Peru.

- Công văn số 802/HTQT ngày 24/10/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Vận tải biển Thương mại VN và Iran.

- Công văn số 855/HTQT ngày 14/11/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác ngành mỏ.

- Công văn số 857/PLQT- HTQT ngày 23/11/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp dự thảo Hiệp định nhận trở lại công dân với Séc.

- Công văn số 883/HTQT ngày 22/11/2001 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định đối tác giảm nghèo.

- Công văn số 885/PLQT- HTQt ngày 23/11/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo iệp định nhận trở lại công dân với CH Séc.

- Công văn số 893/HTQt ngày 28/11/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do Vịêt -Nga.

- Công văn số 894/HTQt ngày 28/11/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Kỹ thuật Việt Nam -Hungari.

- Công văn số 897/HTQT ngày 28/11/2001 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý iến phê chuẩn Công ước Stockholm.

- Công văn số 931/PLQT- HTQT ngày 7/12/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Kỹ thuật Việt Nam - Mông Cổ.

- Công văn số 932/HTQT ngày 10/12/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Hiệp định CospasSarsat quốc tế.

- Công văn số 937/HTQT ngày 14/12/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định về vận tải biển giữa VN- Triều Tiên.

- Công văn số 963/HTQT ngày 31/12/2001 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQR- HTQT đã ký v/v sửa Điều 13/Hiệp định tương trợ tư pháp VN- Séc.

- Công văn số 966/PLQT- HTQT ngày 31/12/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Vịêt -Nga về bảo vệ tài liệu Mât. 

- Công văn số 20/ASEAN- WTO ngày 15/6/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư 6 và 9.

- Công văn số 21/ASEAN- WTO ngày 19/6/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức.

- Công văn số 38/ASEAN- WTO ngày 7/9/2001 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý Bản dịch Danh mục Biểu thuế chung và Nghị định thư áp dụng Danh mục thuế quan thống nhất trong ASEAN.

- Công văn số 41/ASEAn- WTO ngày 17/9/2001 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v xây dựng lộ trình thực hiện Hiệp định Trị giá Hải quan GATT/WTO.

- Công văn số 43/ASEAN- WTO ngày 21/9/2001 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v Dự thảo Công văn xin phép ký Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức.

Năm 2002

- Công văn số 3/PLQT- HTQT ngày 3/1/2002 do đ/cUông Chu Lưu Thứ trởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Biên phòng VN- LB Nga.

- Công văn số 6/HTQT ngày 4/1/2002 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT v/v Nghị định thư hợp tác giữa UBQG về TNVN và Bộ TH Angiêri.

- Công văn số 7/HTQT ngày 8/1/2002 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa VN- Pháp về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

  - Công văn số 8/PLQT- HTQT ngày 8/1/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký góp ý dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiến pháp ASEAn về tìm kiếm tàu biển bị nan và cấp cứu người.

- Công văn số 30/HTQT ngày 31/1/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến về gia nhập Công ước Nữu Ước năm 1973.

- Công văn số 53/PLQT- HTQT ngày 28/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định và ban rghi nhớ về hợp tác lao động VN- Malaysia.

- Công văn số 62/PLQT- HTQt ngày 6/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý gia nhập Công ước và các Nghị định thư triẽn lãm quốc tế.

- Công văn số 102/HTQT ngày 13/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Công ước chống tài trợ cho khủng bố.

 - Công văn số 112/HTQT ngày 24/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư với Luxembourg.

 - 116/PLQT- HTQT ngày 27/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trửng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về đào tạo cán bộ tại LB Nga bằng nguồn xử lý nợ.

- Công văn số 119/HTQt ngày 27/3/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do VN- Ucraina.

- Công văn số 158/PLQT- HTQT ngày 10/4/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa VN và Triều Tiên.

- Công văn số 159/PLQT- HTQt do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý về dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ VN- Agola.

- Công văn số 160/HTQT ngày 11/4/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Công ước và Nghị định thư về trừng trị hành động chống lại an toàn hàng hải và giàn cố định trên biển.

- Công văn số 177/HTQT- PLQT ngày 12/4/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định dẫn độ à Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự VN- Hàn Quốc.

- Công văn số 178/HTQT ngày 12/4/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Công ước đánh dấu chất nổ dẻo.

- Công văn số 180/HTQt ngày 16/4/2002 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giáo dục với Ucraina.

- Công văn số 230/HTQt ngày 3/5/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Thuế vụ LB Nga.

- Công văn số 232/HTQT ngày 3/5/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định kiểm dịch và bảo vệ thực vật với Chi Lê.

- Công văn số 304/HTQT- PLQT ngày 22/5/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật cho dự án IFAD Tuyên Quang giữa Việt Nam - Thuỵ Điển.

- Công văn số 308/HTQT ngày 23/5/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Pháp về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Công văn số 26/ASEAN- WTO ngày 31/5/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAn Trung Quốc và Mô hình cắt giảm thuế.

- Công văn số 350/HTQT ngày 3/6/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kến tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng.

- Công văn số 357/HTQT- PLQT ngày 6/6/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định khung khu vực tư nhân ADB- bổ sung điều khoản bảo lãnh.

- Công văn số 362/PLQt- HTQT ngày 10/6/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định kiểm dịch thực vật vàg bảo vệ thực vật giữa VN- Mông Cổ.

- Công văn số 387/HTQT ngày 13/6/2002 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQt đã ký v/v góp ý Hiệp định với Thuỵ Điển về tăng cường nghiên cứu thực hiện chiến lược KT- XH- 2002- 2005.

- Công văn số 379/HTQT ngày 14/6/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trường BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do VN- Ucraina.

- Công văn số 435/PLQT- HTQT ngày 27/6/2002 do đ/c Vũ Đức Long Phó vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v Phê chuẩn Công ước 138.

- Công văn số 447/PLQT- HTQT ngày 10/7/2002 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý việc gia nhập Nghị định thư Kyoto.

- Công văn số 450/HTQt ngày 12/7/2002 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Hiệp định hợp tác với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Rumania.

- Công văn số 35/ASEAN- WTO ngày 19/7/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Hiệp định về trao đổi thông tin và thiết lập các thủ tục liên lạc giữa Inđônexia, Malayxia và Philippin.

- Công văn số 456/PLQT ngày 19/7/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Hiệp định mua bán điện trong Tiểu vùng Mêkông mở rộng.

- Công văn số 478/PLQT ngày 24/7/2002 do đ/c Vũ Đức Long Phó Vụ trưởng Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v dự thảo Hiệơ định Thương mại VN- Ôman.

- Công văn số 488/HTQT ngày 6/8/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ VN- Bỉ.

- Công văn số 489/HTQT ngày 6/8/2002 do đ/c hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý sửa đổi Hiến chương, Công ước của ITU.

- Công văn số 502/PLQT- HTQT ngày 13/8/2002 do đ/c lê Thị Thu ba Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định và Nghị định thư về HTLĐ với LB Nga.

- Công văn số 44/ASEAN- WTO ngày 28/8/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiệp định CEPT/AFTA.

- Công văn số 829/PLQT- HTQT ngày 3/9/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP v/v góp ý dự thảo Nghị định thư thoả thuận song phương giữa VN- Lexemborg về dự án tài trợ bo bệnh viện Trung ương Huế.

- Công văn số 830/PLQt- HTQT ngày 9/9/2002 do đ/c Vũ Đức Long Vụ Phó Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung hợp tác với Luxemburg.

- Công văn số 831/HTQT ngày 10/9/2002 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ phó Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định Thương mại với Ănggola.

- Công văn số 489/HTQT ngày 23/9/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định đầu tư với Nhật Bản.

- Công văn số 864/HTQT ngày 2/10/2002 do đ/c Vũ đức Long Vụ phó Vụ PLQT- HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định giữa VN và Thuỵ Điển về hợp tác y tế.

- Công văn số 861/HTQT ngày 2/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác giữa VN- Đức về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Công văn số 886/HTQT ngày 2/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tụê.

- Công văn số 889/HTQT ngày 7/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định ợp tác về thú y và kiểm dịch động vật với ChiLê.

- Công văn số 51/ASEAN -WTO ngày 10/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAn và Trung Quốc.

- Công văn số 904/PLQT- HTQt ngày 15/10/2002 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư về sáng kiến đoàn kết điều trị trong hệ thống các bệnh viện với CH Pháp.

- Công văn số 907/HTQT ngày 18/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư dự án Phát triển nông thôn tại tỉnh Nghệ An do Chính phủ Luxembourg tài trợ.

- Công văn số 930/HTQT ngày 22/10/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý các Nghị định thư bổ sung cho Công ước về triển lãm quốc tế.

- Công văn số 971/HTQT ngày 1/11/2002 do đ/c Lê Thị Thu Ba Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dề xuất Công ước quốc tế về giới hạn tránh nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do ô nhiễm dầu 1992.

- Công văn số 990/HTQT ngày 13/11/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm với Autralia và Myanmr.

- Công văn số 1001/PLQT- HTQt ngày 21/11/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự VN- hàn Quốc.

- Công văn số 1005/HTQt ngày 25/11/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Hiệp định hợp tác văn hoá VN- Luychxambua.

- Công văn số 1007/HTQT ngày 26/11/2002 do đ/c Nguyễn Văn Ngát Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký góp ý dự thảo Hiệp định về dự án “Hỗ trợ mạng lưới khu bảo tồn Biển tại VN” viện trợ ODA của CP Vương quốc đan Mạch.

- Công văn số 1013/HTQT ngày 29/11/2002 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến dự thảo Hiệp định VN- Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.

- Công văn số 1031/HTQT ngày 10/12/2002 do đ/c Hà ùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Quỹ OPEC.

- Công văn số 59/ASEAn- Wto ngày 12/12/2002 do đ/c Hà Hùng cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký Hiệp định khung ASEAn về tạo điều kiện  thuận lợi cho vận tải liên qốc gia.

- Công văn số 1055/HTQT ngày 18/12/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định kiểm dịch và bảo vệ thực vật với Rumani.

- Công văn số 1092/HTQT ngày 23/12/2002 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTp đã ký v/v góp ý đối với VN gia nhập Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải 1979 (SAR).

Năm 2003

- Công văn số 7/HTQT ngày 2/1/2003 do đ/c Vũ Đức Long Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Nghị định thư giữa VN và CP đại công quốc Luxembourg về dự án “Tăng cường dây chuyền lạnh cho các xã miền núi”.

- Công văn số 55/HTQT ngày 22/1/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Nghị định thư và Phụ lục của Hiệp định vận tải đường bộ VN- Campuchia.

- Công văn số 58/HTQT ngày 27/1/2003 do đ/c Uông Chu Lưu Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý đánh giá một năm thực hiện Hiệp định Thương mại VN- Hoa Kỳ.

- Công văn số 83/HTQT ngày 19/2/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định thú y với Ruani.

- Công văn số 84/HTQT ngày 19/2/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Công ước kiểm soát thuốc lá.

- Công văn số 139/HTQT ngày 10/3/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Hiệp định thực hiện phần XI của Công ước Luật Biển 1982.

- Công văn số 140/HTQT ngày 10/3/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Đan Mạch và Italia.

- Công văn số 70/HTQT ngày 26/3/2003 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định Thương mại VN- LiBăng.

- Công văn số 187/HTQT ngày 27/3/2003 do đ/c Hà Hùng Cường Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo đề án đàm phán Hiệp định hợp tác khu vực về chống cươps biển ở Châu Á.

- Công văn số 208/HTQT ngày 3/4/2003 do đ/c Lê Thị Thu Ba Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý cho Hiệp định Hàng hải VN- Tunisie.

- Công văn số 213/HTQT ngày 8/4/2003 do đ/c Lê Thị Thu Ba Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Hàng không đa biên CLMV.

- Công văn số 223/HTQT ngày 10/4/2003 do đ/c Uông Chu Lưu Bộ trưởng BTP đã ký v/v ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Ailen.

- Công văn số 224/HTQT ngày 7/4/2003 do đ/c Lê Thị Thu Ba Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương đương bằng cấp VN- LB Nga.

- Công văn số 226/HTQT ngày 15/4/2003 do đ/c Nguyễn Văn Bình Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Nghị định thư hợp tác giữa hai BTP Việt Nam và Ucraina.

- Công văn số 229/HTQT ngày 18/4/2003 do đ/c Vũ Đức Long Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v gia nhập Công ước 138 của ILO.

- Công văn số 253/HTQT ngày 25/4/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thú y VN- Rumani.

- Công văn số 255/HTQT ngày 28/4/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Công ước kiểm soát thuốc lá.

- Công văn số 284/HTQT ngày 6/5/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Liên CP về Mạng lưới Đường bộ Châu Á.

- Công văn số 299/HTQT ngày 13/5/2003 do đ/c Nguyễn Văn Bình Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v ký Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Italia.

- Công văn số 302/HTQT ngày 14/5/2003 do đ/c Nguyễn Văn Bình Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Canada.

- Công văn số 303/HTQT ngày 14/5/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phòng cống tội phạm với Thái Lan.

- Công văn số 368/HTQT ngày 10/6/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý kiến cho dự thảo Hiệp định về ưu đãi và miễn trừ của Tổ chức ợp tác đường sắt.

- Công văn số 393/HTQT ngày 19/6/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký về Thẩm định Hiệp định Dệt may VN- Hoa Kỳ.

- Công văn số 375/HTQT ngày 16/6/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v tham gia ý kiến dự thảo Tờ trình và Hiệp định dẫn độ giữa VN và Philippin.

- Công văn số 434/HTQT ngày 26/6/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại VN- Srilanka.

- Công văn số 439/HTQT ngày 30/6/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tổng hợp đàm phán với Uruguay.

- Công văn số 441/HTQT ngày 30/6/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác chống tội phạm có tổ chức với BaLan.

- Công văn số 498/TQT ngày 18/7/2003 do đ/c Hoàng Thws Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v gia nhập Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác.

- Công văn số 503/HTQT ngày 21/7/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý gia nhập Công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan.

- Công văn số 505/HTQT ngày 21/7/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung tín dụng với Phần Lan.

- ông văn số 510/HTQT ngày 24/7/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định tương đương bằng cấp VN- Ucraina.

- Công văn số 590/HTQT ngày 22/8/2003 do đ/c oàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại VN- Croatia.

- Công văn số 592/HTQT ngày 22/8/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đax ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa VN- Hàn Quốc sửa đổi.

- Công văn số 593/HTQT ngày 25/8/2003 do đ/c nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định vay cho dự án mua 2 trạm biến thế di động do Bỉ tài trợ.

- Công văn số 596/PLQT ngày 26/8/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định và Nghị định thư Việt -Lào về xây dựng cầu Xả Ớt.

- Công văn số 622/PLQT ngày 27/82003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý Tờ trình để ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định gốc AICO.

- Công văn số 696/PLQT ngày 23/9/2003 do đ/c oàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Tờ trình  phê chuẩn Hiệp định phân định thềm lục địa VN- Inđonexia.

- ông văn số 710/PLQT ngày 29/9/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ phó Vụ PLQT đã ký v/v góp ý dự thảo Nghị định thư bổ sung, sửa đổi Hiệp định giữa VN và LB Nga về hợp tác xây dựng công trình đặc biệt trên lãnh thổ VN.

- Công văn số 717/HTQT ngày 6/10/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Q.Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Hiệp định khung về hợp tác KHCH với Panama.

- Công văn số 735/PLQT ngày 23/10/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá VM- Brasil.

- Công văn số 757/PLQT ngày 30/10/2003 do đ/c Uông Chu Lưu Bộ trưởng BTP đã ký v/v phê chuẩn iệp định tương trợ tư pháp VN- Triều Tiên.

- Công văn số 773/PLQt ngày 12/11/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm với Indonexia.

- Công văn số 776/PLQT ngày 12/11/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v Phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định dẫn độ giữa VN và Hàn Quốc.

- Công văn số 782/PLQT ngày 17/11/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v Thẩm định việc VN ký Công ước Liên hiệp Quốc về chống tham nhũng.

- Công văn số 836/PLQT ngày 24/11/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng BTP đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa VN- Hungari.

- Công văn số 866/PLQT ngày 28/11/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Q. Vụ trưởng Vụ PLQT đã ký v/v góp ý văn bản thực hiệp Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực Sông Mê Công.

- Công văn số 867/HTQT ngày 28/11/2003 do đ/c Nguyễn Huy Ngát Vụ trưởng Vụ HTQT đã ký v/v góp ý dự thảo Hiệp định cơ bản Hợp tác VN- UNICE.

- Công văn số 12/ASEAN- WTO ngày 15/4/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp Vụ phó Vụ HTQT đã ký v/v góp ý Nghị định thư bổ sung Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.

- Công văn số 20/ASEAN- WTO ngày 23/7/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v góp ý kiến cho Dự thảo Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư ASEAN- Hoa  kỳ.

- Công văn số 30/ASEAN- WTO ngày 5/9/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên  - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v phê chuẩn Hiệp định ASEAN- Trung Quốc.

- Công văn số 36/ASEAN- WTO ngày 25/9/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên- Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v góp ý cho các Dự thảo đề xuất áp dụng công thức “ASEAN- X” đối với 3 Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho giao thông vận tải.

- Công văn số 37/ASEAN- WTO ngày 29/9/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp - Quyền vụ trưởng Vụ PLQT đã ký v/v ký kết thoả thuận khung ASEAN- Nhật Bản.

- Công văn số 38/ASEAN- WTO ngày 29/9/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp - Quyền vụ trưởng Vụ PLQT đã ký v/v ký kết Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định khung ASEAN- Trung Quốc.

- Công văn số 869/PLQT ngày 1/12/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v góp ý Dự thảo Hiệp dinh hợp tác khoa học và công nghệ với Pakistan.

- Công văn số 879/PLQT ngày 3/12/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp- Quyền vụ trưởng Vụ PLQT đã ký v/v rà soát Hiệp định về các thủ tục và Điều khoản chung Việt Nam- Đan Mạch.

- Công văn số 883/PLQT ngày 5/12/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v Thẩm định Dự thảo Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam- Hoa Kỳ.

- Công văn số 926/PLQT ngày 19/12/2003 do đ/c Hoàng Phước Hiệp- Quyền Vụ trưởng Vụ PLQT đã ký v/v góp ý Dự thảo Tờ trình Chủ tịch nước về phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.

- Công văn sô 942/PLQT ngày 24/12/2003 do đ/c Hoàng Thế Liên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký v/v nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước Istanbul về tạm nhập tái xuất hàng hoá.

 

NĂM 2002

1.          Công văn số 03/PLQT- HTQT ngày 03/1/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác Biên phòng Việt Nam - Liên bang Nga.

2.          Công văn số 06/HTQT ngày 04/1/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư hợp tác giữa UBQG về thanh niên Việt Nam và Bộ TH Angiêri.

3.          Công văn số 07/HTQT ngày 08/1/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam - Pháp về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

4.          Công văn số 08/PLQT- HTQT ngày 08/1/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiến pháp ASEAN về tìm kiếm tàu biển bị nạn và cấp cứu người.

5.          Công văn số 53/PLQT- HTQT ngày 28/3/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia.

6.          Công văn số 102/HTQT ngày 13/3/2002 về việc ký kết Công ước chống tài trợ cho khủng bố.

7.          Công văn số 112/HTQT ngày 24/3/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư với Luxembourg.

8.          Công văn 116/PLQT- HTQT ngày 27/3/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về đào tạo cán bộ tại Liên bang Nga bằng nguồn xử lý nợ.

9.          Công văn số 119/HTQT ngày 27/3/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - Ucraina.

10.      Công văn số 158/PLQT- HTQT ngày10/4/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Triều Tiên.

11.      Công văn số 159/PLQT- HTQT ngày 10/4/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Angola.

12.      Công văn số 160/HTQT ngày 11/4/2002 về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư về trừng trị hành động chống lại an toàn hàng hải và giàn cố định trên biển.

13.      Công văn số 177/HTQT- PLQT ngày 12/4/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự Việt Nam - Hàn Quốc.

14.      Công văn số 178/HTQT ngày 12/4/2002 về việc ký kết Công ước đánh dấu chất nổ dẻo.

15.      Công văn số 180/HTQT ngày 16/4/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác giáo dục với Ucraina.

16.      Công văn số 230/HTQT ngày 03/5/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Thuế vụ Liên bang Nga.

17.      Công văn số 232/HTQT ngày 03/5/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định kiểm dịch và bảo vệ thực vật với Chi Lê

18.      Công văn số 304/HTQT- PLQT ngày 22/5/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật cho dự án IFAD Tuyên Quang giữa Việt Nam - Thuỵ Điển.

19.      Công văn số 308/HTQT ngày 23/5/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Pháp về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

20.      Công văn số 26/ASEAN- WTO ngày 03/6/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN Trung Quốc và Mô hình cắt giảm thuế.

21.      Công văn số 350/HTQT ngày 03/6/2002 góp ý kiến về việc tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng.

22.      Công văn số 357/HTQT- PLQT ngày 06/6/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung khu vực tư nhân ADB - bổ sung điều khoản bảo lãnh.

23.      Công văn số 362/PLQT- HTQT ngày 10/6/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định kiểm dịch thực vật và bảo vệ thực vật giữa Việt Nam - Mông Cổ.

24.      Công văn số 387/HTQT ngày 13/6/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định với Thuỵ Điển về tăng cường nghiên cứu thực hiện chiến lược kinh tế  - xã hội giai đoạn 2002- 2005.

25.      Công văn số 379/HTQT ngày 14/6/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - Ucraina.

26.      Công văn số 435/PLQT- HTQT ngày 27/6/2002 về việc Phê chuẩn Công ước 138.

27.      Công văn số 447/PLQT- HTQT ngày 10/7/2002 về việc góp ý việc gia nhập Nghị định thư Kyoto.

28.      Công văn số 450/HTQT ngày 12./7/2002 về việc ký kết Hiệp định hợp tác với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Rumania.

29.      Công văn số 35/ASEAN- WTO ngày 19/7/2002 về việc gia nhập Hiệp định về trao đổi thông tin và thiết lập các thủ tục liên lạc giữa Inđônêxia, Malayxia và Philippin.

30.      Công văn số 456/PLQT ngày 19/7/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định mua bán điện trong Tiểu vùng Mêkông mở rộng.

31.      Công văn số 478/PLQT ngày 24/7/2002 về việc góp ý dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Ôman.

32.      Công văn số 488/HTQT ngày 06/8/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về khoa học và công nghệ Việt Nam - Bỉ.

33.      Công văn số 489/HTQT ngày 06/8/2002 về việc góp ý sửa đổi Hiến chương, Công ước của ITU.

34.      Công văn số 502/PLQT- HTQT ngày 13/8/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Nghị định thư về Hợp tác lao động với Liên bang Nga.

35.      Công văn số 44/ASEAN- WTO ngày 28/8/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiệp định CEPT/AFTA.

36.      Công văn số 829/PLQT- HTQT ngày 03/9/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thoả thuận song phương giữa Việt Nam - Luxemborg về Dự án tài trợ cho bệnh viện Trung ương Huế.

37.      Công văn số 830/PLQT- HTQT ngày 09/9/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung hợp tác với Luxemburg.

38.      Công văn số 831/PLQT- HTQT ngày 10/9/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thương mại với Anggola.

39.      Công văn 849/HTQT ngày 23/9/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định đầu tư với Nhật Bản.

40.      Công văn số 864/HTQT ngày 02/10/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Thuỵ Điển về hợp tác y tế.

41.      Công văn số 861/HTQT ngày 02/10/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam - Đức về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

42.      Công văn số 886/HTQT ngày 2/10/2002 về việc gia nhập  các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.

43.      Công văn số 889/HTQT ngày 07/10/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác về thú y và kiểm dịch động vật với Chilê.

44.      Công văn số 51/ASEAN- WTO ngày 10/10/2002 về việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc.

45.      Công văn số 904/PLQT- HTQT ngày 15/10/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư về sáng kiến đoàn kết điều trị trong hệ thống các bệnh viên với CH Pháp.

46.      Công văn số 907/HTQT ngày 18/10/2002 về việc góp ý Dự thảo Nghị đinh thư dự án Phát triển nông thôn tại tỉnh Nghệ An do Chính phủ Luxembourg tài trợ.

47.      Công văn số 930/HTQT ngày 22/10/2002 về việc góp ý các Dự thảo Nghị định thư bổ sung cho Công ước về triển lãm quốc tế.

48.      Công văn số 971/HTQT ngày 01/11/2002 về việc góp ý kiến về đề xuất Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do ô nhiễm dầu 1992.

49.      Công văn số 990/HTQT ngày 13/11/2002 v.v góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm với Autralia và Myanma.

50.      Công văn số 1001/PLQT- HTQT ngày 21/11/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự Việt Nam - Hàn Quốc.

51.      Công văn số 1005/HTQT ngày 25/11/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá Việt Nam -  Luxembua.

52.      Công văn số 1007/HTQT ngày 26/11/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Dự án “Hỗ trợ mạng lưới khu bảo tồn biển tại Việt Nam” viện trợ ODA của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch.

53.      Công văn số 1013/HTQT ngày 29/11/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.

54.      Công văn số 1031/HTQT ngày 10/12/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Quỹ OPEC.

55.      Công văn số 59/ASEAN- WTO ngày 12/12/2002 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung ASAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia.

56.      Công văn số 1055/HTQT ngày 18/12/2002 vể việc góp ý Dự thảo Hiệp định kiểm dịch và bảo vệ thực vật với Rumani.

57.      Công văn số 1092/HTQT ngày 23/12/2002 về việc Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải 1979 (SAR).

NĂM 2003

58.      Công văn số 07/HTQT ngày 02/1/2003 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư giữa Việt Nam và Chính phủ Đại công quốc Luxembourg về dự án “Tăng cường dây chuyền lạnh cho các xã miền núi”.

59.      Công văn số 55/HTQT ngày 22/1/2003 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư và Phụ lục của Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia.

60.      Công văn số 83/HTQT ngày 19/2/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thú y với Rumani.

61.      Công văn số 84/HTQT ngày 19/2/2003 về việc góp ý Dự thảo Công ước kiểm soát thuốc lá.

62.      Công văn số 70/HTQT ngày 26/3/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam -  Li Băng.

63.      Công văn số 187/HTQT ngày 27/3/2003 v.v góp ý Dự thảo Đề án đàm phán Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển ở Châu Á.

64.      Công văn số 208/HTQT ngày 03/4/2003 về việc góp ý Hiệp định hàng hải Việt Nam - Tunisie.

65.      Công văn số 213/HTQT ngày 08/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hàng không đa biên CLMV.

66.      Công văn số 224/HTQT ngày 07/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tương đương bằng cấp Việt Nam - Liên bang Nga.

67.      Công văn số 226/HTQT ngày 15/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Ucraina.

68.      Công văn số 229/HTQT ngày 18/4/2003 về việc gia nhập Công ước 138 của ILO

69.      Công văn số 253/HTQT ngày 25/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Thu y Việt Nam - Rumani.

70.      Công văn số 255/HTQT ngày 28/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Công ước kiểm soát thuốc lá.

71.      Công văn số 284/HTQT ngày 06/5/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Liên Chính phủ về Mạng lưới Đường bộ Châu Á.

72.      Công văn số 303/HTQT ngày 14/5/2003 về việc  góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm với Thái Lan.

73.      Công văn số 368/HTQT ngày 10/6/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về ưu đãi và miễn trừ của tổ chức hợp tác đường sắt.

74.      Công văn số 393/HTQT ngày 19/6/2003 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định Dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ.

75.      Công văn số 375/HTQT ngày 16/6/2003 về việc góp ý dự thảo Tờ trình và Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Philipin.

76.      Công văn số 434/HTQT ngày 26/6/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Srilanka.

77.      Công văn số 439/HTQT ngày 30/6/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tổng hợp đàm phán với Uruguay.

78.      Công văn số 441/HTQT ngày 30/6/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác chống tội phạm có tổ chức với Ba Lan.

79.      Công văn số 498/HTQT ngày 18/7/2003 về việc gia nhập Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác.

80.      Công văn số 503/HTQT ngày 21/7/2003 góp ý về việc gia nhập Công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan.

81.      Công văn số 505/HTQT ngày 21/7/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung tín dụng với Phần Lan.

82.      Côngvăn số 510/HTQT ngày 24/7/2003 về việc góp ý  Dự thảo Hiệp định tương đương bằng cấp Việt Nam - Ucraina.

83.      Công văn số 590/HTQT ngày 22/8/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Croatia.

84.      Công văn số 592/HTQT ngày 22/8/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc (sửa đổi).

85.      Công văn số 593/HTQT ngày 25/8/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay cho dự án mua 2 trạm biến thế di động do Bỉ tài trợ.

86.      Côngvăn số 596/PLQT ngày 26/8/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Nghị định thư Việt - Lào về xây dựng Cầu Xả Ớt

87.      Công văn số 710/PLQT ngày 29/9/2003 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư bổ sung, sửa đổi Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga về hợp tác xây dựng công trình đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam.

88.      Công văn số 717/HTQT ngày 06/10/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác KHCN với Panama.

89.      Công văn số 735/PLQT ngày 23/10/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá Việt Nam - Brasil.

90.      Công văn số 757/PLQT ngày 30/10/2003 về việc phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Triều Tiên.

91.      Công văn số 773/PLQT ngày 12/11/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm với Indonexia.

92.      Công văn số 776/PLQT ngày 12/11/2003 về việc phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

93.      Công văn số 782/PLQT ngày 17/11/2003 về việc thẩm định Dự thảo Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.

94.      Công văn số 836/PLQT ngày 28/11/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hựop tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam - Hungari.

95.      Công văn số 867/HTQT ngày 28/11/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định cơ bản hợp tác Việt Nam - UNICE.

96.      Công văn số 12/ASEAN- WTO ngày 15/4/2003 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư bổ sung Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.

97.      Công văn số 20/ASEAN- WTO ngày 23/7/2003 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư ASEAN - Hoa Kỳ.

98.      Công văn số 30/ASEAN- WTO ngày 05/9/2003 về việc Phê chuẩn Hiệp định ASEAN - Trung Quốc.

99.      Công văn số 36/ASEAN- WTO ngày 25/9/2003 về việc góp ý các Dự thảo đề xuất công thức “ASEAN- X” đối với 3 Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho giao thông vận tải.

100.   Công văn số 37/ASEAN- WTO ngày 29/9/2003 về ký kết thoả thuận khung ASEAN - Nhật Bản.

101.   Công văn số 38/ASEAN- WTO ngày 29/9/2003 về việc ký kết Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định khung ASEAN - Trung Quốc.

102.   Công văn số 883/PLQT ngày 05/12/2003 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ.

I.           NĂM 2004

103.   Công văn số 02/BTP- PLQT ngày 06/1/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tài chính của Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân do EU viện trợ.

104.   Công văn số 04/BTP- PLQT ngày 07/1/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

105.   Công văn số 34/BTP- PLQT ngày 09/1/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm Việt Nam - Đức.

106.   Công văn số 46/BTP- PLQT ngày 28/1/2004 về việc Latvia đề nghị chấm dứt Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế trước thời hạn.

107.   Công văn số 48/BTP- HTQT ngày 16/1/2004 về việc góp ý Biên bản Ghi nhớ của Đoàn công tác IMF về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

108.   Công văn số 48/BTP- PLQT ngày 28/1/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư hợp tác Luxembourg hỗ trợ hệ thống y tế tỉnh Hưng Yên.

109.   Công văn số 53/BTP- PLQT ngày 02/2/2004 về việc cấp Dự thảo ý kiến pháp lý để chẩun bị ký bản bổ sung Hiệp định Bảo lãnh Khung giữa Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ.

110.   Công văn số 56/BTP- PLQT ngày 03/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Dự án MUTRAP giai đoạn II.

111.   Công văn số 112/BTP- PLQT ngày 10/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Liên chính phủ về Mạng lưới đường bộ Châu Á.

112.   Công văn số 119/BTP- PLQT ngày 13/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về ký Hiệp định và Nghị định thư nhận trở lại công dân với Ba Lan.

113.   Công văn số 122/BTP- PLQT ngày 20/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Phụ lục 4 và Phụ lục 15 của Hiệp định GMS.

114.   Công văn số 123/BTP- PLQT ngày 20/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam Liên bang Nga.

115.   Công văn số 127/BTP- PLQT ngày 23/2/2004 về việc góp ý  Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Dự thảo Hiệp định dẫn độ Ấn Độ - Việt Nam.

116.   Công văn số 128/BTP- PLQT ngày 23/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư số 1 và các Phụ lục 7, 11,12 và 13 thực hiện Hiệp định GMS.

117.   Công văn số 258/BTP- PLQT ngày 04/3/2004 về việc góp ý nội dung sửa đổi của Hiệp định Thương mại và Thanh toán giữa Việt Nam và CH Slovakia.

118.   Công văn số 287/BTP- PLQT ngày 05/3/2004 về việc góp ý Bản Ghi nhớ (MOU) giữa Chính phủ Malaysia và Chính phủ Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

119.   Công văn số 296/BTP- PLQT ngày 09/3/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary.

120.   Côngvăn số 300/BTP- PLQT ngày 12/3/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - CH Séc.

121.   Công văn số 326/BTP- PLQT ngày 18/3/2004 về việc góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác lao động và Nghị định thư với Liên bang Nga.

122.   Công văn số 359/BTP- PLQT ngày 25/3/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Thương mại Việt nam - Buốckina Faxô.

123.   Công văn số 370/BTP- PLQT ngày 30/3/2004 về việc góp ý Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định thực hiện Phần XI của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

124.   Công văn số 407/BTP- PLQT ngày 05/4/2004 về việc đàm phán và ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế và kỹ thuật với Hoa Kỳ.

125.   Công văn số 410/BTP- PLQT ngày 05/4/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan.

126.   Công văn số 411/BTP- PLQT ngày 05/4/2004 về việc Estonia và Latvia đề nghị sửa đổi hiệu lực Hiệp định Thương mại và hợp tác kinh tế.

127.   Công văn số 415/BTP- PLQT ngày 07/4/2004 về việc góp ý Đề án Hiệp định tạm quản với Đài Loan và Công ước quốc tế về chế độ tạm quản hàng hoá.

128.   Công văn số 651/BTP- PLQT ngày 21/4/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Uỷ ban an ninh Belarus.

129.   Công văn số 653/BTP- PLQT ngày 21/4/2004 về việc Litva đề nghị sửa đổi hiệu lực Hiệp định hợp tcs kinh tế - thương mại Việt Nam - Litva.

130.   Công văn số 657/BTP- PLQT ngày 23/4/2004 về việc góp ý Bản Ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ.

131.   Công văn số 658/BTP- PLQT ngày 23/4/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Mông Cổ.

132.   Côngvăn số 686/BTP- PLQT ngày 07/5/2004 về việc góp ý Dự thảo cuối cùng của Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary.

133.   Công văn số 687/BTP- PLQT ngày 07/5/2004 về việc góp ý Dư jthảo Thoả thuận hợp tác phòng chống tội phạm với Hàn Quốc.

134.   Công văn số 693/BTP- PLQT ngày 13/5/2004 về việc đề nghị Việt Nam gia nhập Công ước của UNESCO năm 1970 và Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

135.   Công văn số 695/BTP- PLQT ngày 17/5/2004 về việc góp ý Dự thảo Thảo thuận giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Mô- dăm- bích và Công- gô trong lĩnh vực quốc phòng.

136.   Công văn số 700/BTP- PLQT ngày 18/5/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản Thoả thuận về hợp tác phát triển giữa Việt Nam với EU.

137.   Công văn số 704/BTP- PLQT ngày 21/5/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ với Hàn Quốc về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.

138.   Công văn số 763/BTP- PLQT ngày 28/5/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Ăng gô la

139.   Công văn số 771/BTP- PLQT ngày 03/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định chuyển giao người  đang chấp hành hình phạt với Liên bang Nga.

140.   Công văn số 775/BTP- PLQT ngày 03/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác phát triển với Hungari.

141.   Công văn số 776/BTP- PLQT ngày 03/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịch Việt Nam - Srilanka.

142.   Công văn số 777/BTP- PLQT ngày 04/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Tờ trình phê chuẩn Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ.

143.   Công văn số 779/BTP- PLQT ngày 07/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Thoả thuận hoán đổi song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.

144.   Công văn số 792/BTP- PLQT ngày 14/6/2004 về việc phê duyệt Hiệp định Hải quan ASEAN.

145.   Công văn số 799/BTP- HTQT ngày 15/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận hợp tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với Cơ quan Tổng Chưởng lý Thái Lan.

146.   Công văn số 836/BTP- PLQT ngày 16/6/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thanh toán với Cămpuchia.

147.   Công văn số 839/BTP- PLQT ngày 22/6/2004 về việc có ý kiến đối với Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.

148.   Công văn số 914/BTP- PLQT ngày 12/7/2004 về việc Việt Nam gia nhập Công ước tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế năm 1965 (Công ước FAL- 65).

149.   Công văn số 917/BTP- HTQT ngày 12/7/2004 về việc góp ý kiến cho Biên bản ghi nhớ về Khoản vay chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

150.   Công văn số 923/BTP- PLQT ngày 13/7/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư kéo dài Hiệp định hợp tác lao động với Cộng hoà Séc.

151.   Công văn 941/BTP- PLQT ngày 19/7/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ.

152.   Công văn số 994/BTP- PLQT ngày 09/8/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản ghi nhớ của FMO.

153.   Công văn số 995/BTP- PLQT ngày 09/8/2004 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa các Chính phủ của các nước ASEAN và Chính phủ nước CHND Trung Hoa về hợp tác giao thông vận tải.

154.   Công văn số 1023/BTP- PLQT ngày 12/8/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về Vận tải biển.

155.   Công văn số 1039/BTP- PLQT ngày 20/8/2004 về việc phê chuẩn văn bản bổ sung Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôdôn.

156.   Công văn số 1046/BTP- PLQT ngày 23/8/2004 về việc góp ý Dư jthảo Nghị định thư sửa đổi Hiệp định cơ bản về Chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO).

157.   Công văn số 1080/BTP- PLQT ngày 08/9/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư 6 - Các ga trung chuyển và ga biên giới đường sắt.

158.   Công văn số 1127/BTP- PLQT ngày 21/9/2004 góp ý dự  thảo thoả thuận Việt Nam - Pháp trong lĩnhvực giáo dục, đào tạo.

159.   Công văn số 1137/BTP- PLQT ngày 24/9/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Thuỵ Điển về thực hiện chương trình phát triển bền vững về môi trường.

160.   Công văn số 1138/BTP- PLQT ngày 24/9/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các nước ASEAN.

161.   Công văn số 1143/BTP- PLQT ngày 01/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư hợp tác du lịch với Pháp.

162.   Côngvăn số 1154/BTP- PLQT ngày 06/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới Việt - Trung.

163.   Công văn số 1158/BTP- PLQT ngày 12/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ tư về dịch vụ của ASEAN.

164.   Công văn số 1169/BTP- PLQT ngày 13/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ.

165.   Công văn số 1187/BTP- PLQT ngày 21/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển giữa Na Uy và Việt Nam.

166.   Công văn số 1197/BTP- PLQT ngày 27/10/2004 về việc góp ý dự thảo Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ tư về dịch vụ vận tải Hàng không.

167.   Công văn số 1198/BTP- PLQT ngày 27/10/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ về thoả thuận hợp tác về môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình môi trường Liên Hợp quốc.

168.   Công văn số 1258/BTP- PLQT ngày 03/11/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - CH Séc.

169.   Công văn số 1262/BTP- PLQT ngày 05/11/2004 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận Hợp tác về Khoa học và công nghệ Việt Nam - Đài Loan.

170.   Công văn số 1264/BTP- PLQT ngày 05/11/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng cầu qua sông Hồng.

171.   Công văn số 1274/BTP- PLQT ngày 11/11/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác nghề cá với Chi Lê.

172.   Công văn số 1363/BTP- HTQT ngày 09/12/2004 về việc góp ý  Dự thảo Thoả thuận hợp tác với Công chứng Paris

173.   Công văn số 1368/BTP- PLQT ngày 10/12/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại giữa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.

174.   Công văn số 1408/BTP- PLQT ngày 23/12/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về dự án y tế tỉnh Hoà Bình do Vương quốc Bỉ viện trợ.

175.   Công văn số 1413/BTP- PLQT ngày 27/12/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thương mại Việt Nam - Ghana.

176.   Công văn số 1415/BTP- PLQT ngày 29/12/2004 về việc đàm phán Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù với Liên bang Nga.

177.   Công văn số 1439/BTP- PLQT ngày 31/12/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác Du lịch Việt Nam - Mông Cổ.

NĂM 2005

178.   Công văn số 14/BTP- PLQT ngày 06/1/2005 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận Hợp tác giáo dục Việt Nam - Ba Lan.

179.   Công văn số 139/BTP- PLQT ngày 14/1/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Mông Cổ.

180.   Công văn số 140/BTP- PLQT ngày 14/1/2005 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ triển khai Hiệp định GMS tại cửa khẩu Lao Bảo.

181.   Công văn số 146/BTP- PLQT ngày 17/1/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác lao động với Libi.

182.   Công văn số 308/BTP- PLQT ngày 02/2/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore.

183.   Công văn số 353/BTP- PLQT ngày 15/2/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Macedonia.

184.   Công văn số 394/BTP- PLQT ngày 22/2/2004 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ Hợp tác Du lịch Việt Nam - Ai Cập.

185.   Công văn số 410/BTP- HTQT ngày 25/2/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá Việt Nam - Pakistan.

186.   Công văn số 617/BTP- PLQT ngày 14/3/3005 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thực hiện gói cam kết vòng III về dịch vụ tài chính ASEAN.

187.   Công văn số 810/BTP- PLQT ngày 30/3/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Liên Chính phủ về mạng lưới Đường sắt Xuyên Á.

188.   Công văn số 696/TP- ASEAN- WTO ngày 23/3/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Hàn Quốc.

189.   869/BTP- PLQT ngày 05/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Kế hoạch hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2005- 2006.

190.   Công văn số 883/BTP- PLQT ngày 06/4/2005 về việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

191.   Công văn số 940/BTP- PLQT ngày 13/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tài trợ Dự án Chương trình hỗ trợ thể chế cho Việt Nam do EC tài trợ.

192.   Công văn số 943/BTP- HTQT ngày 14/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận hợp tác hợp tác giữa Bộ Công an nước CHXHCN Việt Nam và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc.

193.   Công văn số 947/BTP- PLQT ngày 14/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về nhận trở lại công dân với Pháp

194.   Công văn số 950/BTP- PLQT ngày 14/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại Việt Nam - Hàn Quốc

195.   Công văn số 951/BTP- PLQT ngày 14/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư Mađrit liên quan đến đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.

196.   Công văn số 1004/BTP- PLQT ngày 19/4/2005 về việc góp ý Đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

197.   Công văn số 1005/BTP- PLQT ngày 19/4/2005 về việc góp ý Dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan công nghệ và tiêu chuẩn Hàn Quốc và Tổng cục đo lường, chất lượng Việt Nam.

198.   Công văn số 1127/BTP- PLQT ngày 28/4/2004 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tài chính của Dự án “Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ người nghèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”.

199.   Công văn số 1141/BTP- HTQT ngày 29/4/2005  về việc góp ý Khung Chính sách Chương trình Tín dụng Hỗ trợ giảm nghèo (PRSC4- 5).

200.   Công văn số 1233/BTP- PLQT ngày 09/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về các dịch vụ tư vấn kỹ thuật của ASEAN.

201.   Công văn số 1269/BTP- HTQT ngày 11/5/2005 về việc thẩm định Dự thảo Văn kiện Dự án do UNODC tài trợ.

202.   Công văn số 1281/BTP- PLQT ngày 12/5/2005 về việc góp ý Dư jthảo Nghị định thư 1 và Hiệp định Khung ASEAN về vận tải đa phương thức.

203.   Công văn số 1336/BTP- PLQT ngày 18/5/2005 về việc đàm phán song phương với Hoa Kỳ về Dịch vụ tư vần pháp luật trong đàm phán gia nhập WTO.

204.   Công văn số 1343/BTP- PLQT ngày 18/5/2005 về việc góp ý dự thảo Nghị định thư về các khoản theo dõi đối với vận tải quá cảnh.

205.   Công văn số 1355/BTP- PLQT ngày 19/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học, công nghệ với Hunggary.

206.   Cong văn số 1368/BTP- PLQT ngày 20/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Phụ lục 5 và 10 - Hiệp định GMS.

207.   Công văn số 1492/BTP- PLQT ngày 26/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác phòng chống tội phạm với In- đô- nê- xi- a.

208.   Công văn số 1521/BTP- PLQT ngày 31/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận khung với AFD.

209.   Công văn số 1522/BTP- PLQT ngày 31/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận trợ giúp kỹ thuật với Hoa Kỳ.

210.   Công văn số 1526/BTP- PLQT ngày 31/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác Văn hoá Thông tin Việt Nam - Israel.

211.   Công văn số 1541/BTP- PLQT ngày 31/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa ASEAN và Hàn Quốc.

212.   Công văn số 11/BTP- PLQT- m ngày 31/5/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về thương mại hàng hoá ASEAN - Hàn Quốc.

213.   Công văn số 1612/BTP- PLQT về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ về hợp tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới giữa các nước GMS.

214.   Công văn số 1624/BTP- PLQT ngày 09/6/2005 về việc góp ý Mẫu Phụ lục Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore.

215.   Công văn số 1626/BTP- PLQT ngày 09/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cô- oét và Dự thảo Nghị định thư hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.

216.   Công văn số 1629/BTP- PLQT ngày 09/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Phụ lục 3 của Hiệp định GMS.

217.   Công văn số 1636/BTP- PLQT ngày 10/62005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về nhận trở lại công dân với Bỉ.

218.   Công văn số 1645/BTP- PLQT ngày 10/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Cămpuchia.

219.   Công văn số 1765/BTP- PLQT ngày 20/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác du lịch Việt Nam - Nepal.

220.   Công văn số 1770/BTP- PLQT ngày 20/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá Việt Nam - Pakistan.

221.   Công văn số 1771/BTP- PLQT ngày 20/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá Việt Nam - Tây Ban Nha.

222.   Công văn số 1775/BTP- PLQT ngày 20/6/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hàng không sàn của EU (HA).

223.   Công văn số 1763/BTP- ASEAN- WTO ngày 20/6/2005 về việc góp ý kiến vào Dự thảo Bản giải trình kinh tế thị trường với EU.

224.   Công văn số 1831/BTP- HTQT ngày 27/6/2005 về việc góp ý Phê duyệt Bản Ghi nhớ thành thành Quỹ ASEAN (MOU).

225.   Công văn số 1859/BTP- HTQT ngày 01/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Chương trình hợp tác giai đoạn 2006- 2009 của Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ (AIF).

226.   Công văn số 1935/BTP- PLQT ngày 06/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung Hợp tác Việt Nam và Hunggari.

227.   Công văn số 1940/BTP- HTQT ngày 06/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Quỹ Dịch vụ Tư vấn với Chính phủ Thuỵ Điển.

228.   Công văn số 1946/BTP- PLQT ngày 06/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về cải thiện mức sống chung của thị trấn Phù Mỹ.

229.   Công văn số 2031/BTP- PLQT ngày 13/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Biên bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về một số vấn đề trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc.

230.   Công văn số 2032/BTP- PLQT ngày 15/7/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.

231.   Công văn số 13/BTP- PLQT- m ngày 19/7/2005 về việc góp ý Đề án đàm phán Hiệp định song phương Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế toàn diện (EPA).

232.   Công văn số 2793/BTP- PLQT ngày 20/9/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và CH Slovakia.

233.   Công văn số 2960/BTP- PLQT ngày 7/10/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore.

234.   Công văn số 3050/BTP- PLQT ngày 13/10/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định với Belarus về vận chuyển hàng không.

235.   Công văn số 3107/BTP- PLQT ngày 18/10/2005 về việc phê duyệt Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc

236.   Công văn số 3196/BTP- PLQT ngày 27/10/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Bêlarus về hợp tác trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.

237.   Công văn số 3285/BTP- PLQT ngày 02/11/2005 về việc góp ý  Dự thảo Hiệp định hợp tác Du lịch Việt Nam - Chi Lê.

238.   Công văn số 3540/BTP- PLQT ngày 25/11/2005 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ.

239.   Công văn số 3476/BTP- PLQT ngày 16/11/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Quy chế quản lý hài hoà các thiết bị điện và điện tử của ASEAN.

240.   Công văn số 3483/BTP- PLQT ngày 16/11/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore.

241.   Công văn 3569b/BTP- PLQT ngày 29/11/2005 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hàng hải Thương mại Việt Nam - Singapore.

242.   Công văn số 3676/BTP- PLQT ngày 08/12/2005 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN.

243.   Công văn số 3823/BTP- HTQT ngày 21/12/2005 về việc góp ý kiến về Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về Trợ giúp giáo dục nghệ thuật cấp tiểu học.

244.   Công văn số 3896/BTP- PLQT ngày 28/12/2005 về việc góp ý Dự thảo Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

II.         NĂM 2006

245.   Công văn số 49/BTP- PLQT ngày 10/1/2006 về việc góp ý  Thỏa thuận bổ sung giữa Chính phủ Ôxtrâylia và Việt Nam về dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Cửu Long

246.   Công văn số 150/BTP- PLQT ngày 19/1/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và công nhận văn bằng giữa Việt Nam và Belarus

247.   Công văn số 212/BTP- PLQT ngày 23/1/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nân bị buôn bán với Cămpuchia.

248.   Công văn số 253/BTP- PLQT ngày 06/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về tiêu chuẩn hóa, đo lường giữa Việt Nam và Belarus

249.   Công văn số 281/BTP- PLQT ngày 08/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vận tải biển.

250.   Công văn số 298/BTP- PLQT ngày 09/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa Hiệp định giữa Việt Nam và Liêng bang Nga về đào tạo công dân Việt Nam tại các cơ sở đào tạo đại học của Liên bang Nga.

251.   Công văn số 299/BTP- PLQT ngày 09/2/2006 về việc góp ý Bản Thỏa thuận về hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban kiểm tra Nhà nước CH Belarus

252.   Công văn số 329/BTP- PLQT ngày 15/2/2006 về việc góp ý Thỏa thuận Quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len.

253.   Công văn số 332/BTP- PLQT ngày 15/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giưa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha.

254.   Công văn số  377/BTP- PLQT ngày 20/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định liên Chính phủ về Mạng lưới Đường sắt xuyên Á.

255.   Công văn số  387/BTP- PLQT ngày 20/2/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á.

256.   Công văn số 389/BTP- HTQT ngày  21/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Đan Mạch về Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa”.

257.   Công văn số 394/BTP- PLQT ngày 21/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về văn hóa giữa CH Pê- ru và Việt Nam

258.   Công văn số 426/BTP- PLQT ngày 21/2/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận tài chính giai đoạn 2 dự án “Tăng cường năng lực thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách nông nghiệp”.

259.   Công văn số 428/BTP- PLQT ngày 27/2/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Hiệp định thi hành Phần XI Công ước Luật biển.

260.   Công văn số 508/BTP- PLQT ngày 02/3/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thành lập Quỹ Nghiên cứu và tư vấn VN - Luxembourg.

261.   Công văn số 513/BTP- PLQT ngày  02/3/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hựp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc .

262.   Công văn số 514/BTP- PLQT ngày  02/3/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam và Austraylia.

263.   Công văn số 515/BTP- PLQT ngày 02/3/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Thỏa thuận quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

264.   Công văn số 551/BTP- PLQT ngày 08/3/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận tài trợ về Chương trình Hỗ trợ Chiến lược và giảm nghèo của Việt Nam.

265.   Công văn số 557/BTP- PLQT ngày 09/3/2006 về việc Thẩm định Dự án Pháp lệnh Ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế.

266.   Công văn số 577/BTP- PLQT ngày 10/3/2006 về việc  góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Hải quan Việt Nam và Campuchia.

267.   Công văn số 714/BTP- PLQT ngày 23/3/2006 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc

268.   Công văn số 716/BTP- PLQT ngày 23/3/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Hiệp định liên Chính phủ về Mạng lưới đường sắt xuyên Á.

269.   Công văn số 834/BTP- PLQT ngày 30/3/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Luxemboung

270.   Công văn số 882/BTP- PLQT ngày 05/4/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giai đoạn 2 dự án Cải cáchhành chính tỉnh Ninh Bình.

271.   Công văn số  906/BTP- PLQT ngày 07/4/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Chínhphủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia về kiểm dịch y tế biên giới.

272.   Công văn số  907/BTP- PLQT ngày  07/4/2006 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư 3 Hiệp định Tạo điều kiện thuận lơi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng .

273.   Công văn số 1024//BTP- PLQT ngày  18/4/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận nghiên cứu khả thi đối với Dự án phát triển trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội.

274.   Công văn số  1120/BTP- PLQT ngày  24/4/2006 về việc Thẩm định Dự thảo Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN - Hàn quốc.

275.   Công văn số 1122/BTP- PLQT ngày 24/4/2006 về việc thẩm định Dự thảo Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và công dân của quốc gia khác (ICSID) và phương án gia nhập Công ước.

276.   Công văn số 1127/BTP- PLQT ngày 25/4/2006 về việc góp ý kiến cho 3 Phụ lục của Hiệpđịnh GMS.

277.   Công văn số 1246/BTP- PLQT ngày 12/5/2006 về việc thẩm định Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc

278.   Công văn số 1334/BTP- PLQT ngày 17/5/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định nhận trở lại công dân giữa Việt Nam và Bun- ga- ri..

279.   Công văn số 15/BTP- PLQT- m ngày 17/5/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Na Uy về nhận trở lại công dân..

280.   Công văn số  1342/BTP- PLQT ngày 18/5/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Arập Xê- Út.

281.   Công văn số 1402/BTP- PLQT ngày 24/5/2006 về việc thẩm định Dự thảo Nghị định thư só 3 Hiệp định Tạo điều kiện thuân lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nwocs tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS)

282.   Công văn số 1405/BTP- PLQT ngày 25/5/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ.

283.   Công văn số 1485/BTP- PLQT ngày 29/5/2006 về việc thẩmđịnh Bản Ghi nhớ triển khai thực hiện Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu.

284.   Công văn số 1487/BTP- PLQT ngày 29/5/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định dự án Ninh Thuận ký với Bỉ về Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước giúp tăng năng suất nông nghiệp tại huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.

285.   Công văn số  1500/BTP- PLQT ngày 30/5/2006 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ năm của Hiêp định khung về thương mại dịch vụ của ASEAN.

286.   Công văn số 1565/BTP- PLQT ngày 18/5/2006 về việc thẩm định Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Campuchia và Xà Xía, CHXHCN Việt Nam vào Nghị định thư số 1 của Hiệp định GMS.

287.   Công văn số 1572/BTP- PLQT ngày 05/6/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Điều kiện và Thr tục hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Điển.

288.   Công văn số 1613/BTP- PLQT ngày 08/6/2006 về việc thẩm định Dự thảo Thỏa thuận dự án Hệ thống tín hiệu đường sắt vay Thụy Sĩ.

289.   Công văn số 1614/BTP- PLQT ngày 08/6/2006 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định Hợp tác giáo dục với Mông Cổ.

290.   Công văn số 1726/BTP- PLQT ngày 14/6/2006 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa Thông tấn xã Việt Nam và hãng thông tấn Telam (Áchentina).

291.   Công văn số 18/BTP- PLQT- m ngày 14/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận với Liên bang Nga về hợp tác chống di cư bất hợp pháp.

292.   Công văn số 1737/BTP- PLQT ngày 15/6/2006 về việc thẩm định 03 Phụ lục của Hiệp định GMS

293.   Công văn số 1761/BTP- PLQT ngày 19/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận vay dự án cấp nước Cà Mau sử dụng tín dụng ưu đãi của Italia.

294.   Công văn số 1762/BTP- PLQT ngày 19/6/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa ASEAN và Ấn Độ.

295.   Công văn số 1825/BTP- PLQT ngày 23/6/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.

296.   Công văn số 1835/BTP- PLQT về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Vênêxuêla.

297.   Công văn số 1872/BTP- PLQT ngày 27/6/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với Liên bang Nga.

298.   Công văn số 1912/BTP- PLQT ngày 30/6/2006 về việc góp ý các Dự thảo Thoả thuận vay Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu.

299.   Công văn số 1930/BTP- PLQT ngày  03/7/2006 về việc góp ý Dự thảo các Thỏa thuận với Thuy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Canada tài trợ cho chương trình ngành của ngành Thanh tra.

300.   Công văn số 1943/BTP- PLQT ngày 03/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo thỏa thuận quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

301.   Công văn số 1948/BTP- PLQT ngày 03/7/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận vay áp dụng cho Nghị định thư tài chính Việt - Pháp về dự án Hiện đại hoá hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.

302.   Công văn số 25/BTP- PLQT- m ngày 03/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận về tạm quản hàng hoá với Đài Loan.

303.   Công văn số 26/BTP- PLQT- m ngày 20/7/2006 về việc góp ý Dư jthảo Thoả thuận về thực hiện hệ thống sổ tạm quản hàng hoá với Đài Loan.

304.   Công văn số 29/BTP- PLQT- m ngày 28/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan cảnh sát Liên bang Ô- xtơ- rây- li- a.

305.   Công văn số 2012/BTP- PLQT ngày 06/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Rumani.

306.   Công văn số 2038/BTP- PLQT ngày 12/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác y tế  Việt Nam -  Hoa Kỳ.

307.   Công văn số 2052/BTP- PLQT ngày 14/7/2006 về việc góp ý phê duyệt Hiệp định thành lập Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN.

308.   Công văn số 2050/BTP- PLQT ngày 14/7/2006 về việc góp ý Hiệp định trợ giúp chống phổ biến WMD do Hoa Kỳ đề nghị

309.   Công văn số 2062/BTP- PLQT ngày 17/7/2006 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định khung ASEAN về miễn thị thực

310.   Công văn số 2181/BTP- PLQT ngày 20/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ giữa Việt Nam với Pa- ra- guay.

311.   Công văn số 2182/BTP- PLQT ngày 20/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao , công vụ và hộ chiếu đặc biệt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ

312.   Công văn số 2185/BTP- PLQT ngày 20/7/2006 về việc góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác điện với Lào.

313.   Công văn số 2220/BTP- PLQT ngày 20/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận miễn thuế xuất, nhập khẩu cho các hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam - Đài Loan.

314.   Công văn số 2204/BTP- PLQT ngày 20/7/2006 về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam - Áo.

315.   Công văn số 2222/BTP- PLQT ngày 21/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định khung về Hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Bô- li- va Vê- nê- xu- ê- la.

316.   Công văn số 2227/BTP- PLQT ngày 21/7/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định cụ thể giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ viện trợ.

317.   Công văn số 2374/BTP- PLQT ngày 27/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định năng lượng với Venezuela.

318.   Công văn số 2381/BTP- PLQT ngày 27/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và CH Bô- li- va Vê- nê- xu- ê- la về hợp tác văn hoá.

319.   Công văn số 2387/BTP- PLQT ngày 28/7/2006 về việc góp ý nội dung sửa đổi Mục 7 Phụ lục 2 Hiệp định về Thương mại hàng hoá và Bản chú giải liên quan đến nguyên tắc có đi có lại.

320.   Công văn số 2403/BTP- PLQT ngày 31/7/2006 về việc góp ý nội dung bổ sung và ký tắt của Hiệp định hàng không sàn Việt Nam - EU.

321.   Công văn số 5334/BKH- KTDN ngày 19/7/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận viện trợ của Tây Ban Nha cho Chương trình Giảm nghèo.

322.   Công văn số 28/BTP- PLQT- m ngày 21/7/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Bungari về nhận trở lại công dân.

323.   Công văn số 2448/BTP- HTQT về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định tài trợ PRRSC 4 do EC viện trợ không hoàn lại.

324.   Công văn số 2460/BTP- PLQT ngày 04/8/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản.

325.   Công văn số 2469/BTP- PLQT ngày 04/8/2006 về việc thẩm định Dự thảo Thoả thuận Dự án ODA của Na Uy.

326.   Công văn số 2485/BTP- PLQT ngày 08/8/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

327.   Công văn số 2499/BTP- PLQT ngày 10/8/2006 về việc phê chuẩn Công ước Roterdam.

328.   Công văn số 2502/BTP- PLQT ngày 10/8/2006 về việc thẩm định Dự thảo Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ điều dưỡng trong ASEAN.

329.   Công văn số 2569/BTP- PLQT ngày 18/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định về hợp tác và khoa học y học giữa Việt Nam - CHLB Brazil

330.   Công văn số 2570/BTP- PLQT ngày 18/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định khung ASEAN - Trung Quốc.

331.   Công văn số 2591/BTP- PLQT ngày 21/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả sáng tạo được sử dụng hoạt thu được trong quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

332.   Công văn số 2622/BTP- PLQT ngày 23/8/2006 về việc góp ý Dự thảo thoả thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc.

333.   Công văn số 2767/BTP- PLQT ngày 25/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận khung tín dụng với HSH Nordbank AG.

334.   Công văn số 2782/BTP- PLQT ngày 29/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định khung về hợp tác khoa học công nghệ với Ve- nê- xu- ê- la.

335.   Công văn số 2783/BTP- PLQT ngày 29/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định hợp tác văn hoá Việt Nam -  Ve- nê- xu- ê- la.

336.   Công văn số 2790/BTP- PLQT ngày 30/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận hợp tác và kế hoạch hoạt động đối tác “thực hiện Chiến lược phát triển bên vững các biển Đông Á”.

337.   Công văn số 2791/BTP- PLQT ngày 30/8/2006 về việc góp ý dư  thảo Thoả thuận tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Italia.

338.   Công văn số 2798/BTP- PLQT ngày 30/8/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay vốn bổ sung cho Dự án nâng cấp trường đào tạo nghề Vĩnh Phúc.

339.   Công văn số 2813/BTP- PLQT ngày 31/8/2006 về việc góp ý dự thảo AD Hiệp định vận tải biển Việt Nam - Hoa Kỳ.

340.   Công văn số 2821/BTP- PLQT ngày 01/9/2006 về việc góp ý dự thảo Hiệp định Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bungari.

341.   Công văn số 2910/BTP- PLQT ngày 13/9/2006 về việc góp ý dự thảo Mẫu Thoả thuận tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan tín dụng nhà nước Vương quốc Tây Ban Nha.

342.   Công văn số 2911/BTP- PLQT ngày 13/9/2006 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến chương và Công ước ITU.

343.   Công văn số 2912/BTP- PLQT ngày 13/9/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận viện trợ của Tây Ban Nha cho Chương trình Giảm nghèo.

344.   Công văn số 2913/BTP- PLQT ngày 13/9/2006 về việc góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định Hàng không Việt Nam - Đức.

345.   Công văn 2928/BTP- PLQT ngày 14/9/2006 về việc thẩm định Dự thảo Thoả thuận đồng tại trợ và Thoả thuận song phương giữa Việt Nam và Canada, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan.

346.   Công văn số 2975/BTP- PLQT ngày 19/9/2006 về việc sửa đổi Hiệp định giữa Việt Nam và Rumani về Vận tải đường biển.

347.   Công văn số 2978/BTP- PLQT ngày 19/9/2006 về việc góp ý Dư thảo Thoả thuận cho phép xe chở khách du lich  qua lại Việt Nam - Lào - Thái Lan.

348.   Công văn số 2991/BTP- PLQT ngày 22/9/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định chung giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Nhóm LMDG và Văn kiện Dự án về đào tạo đấu thầu.

349.   Công văn số 3006/BTP- PLQT ngày 22/9/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận thành lập Quỹ Uỷ thác Thú y ASEAN.

350.   Công văn số 3046/BTP- PLQT ngày 28/9/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác về Khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế.

351.   Công văn số 3081/BTP- PLQT ngày 03/10/2006 về việc góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung Hiêp định hàng không Việt Nam - Ma Cao.

352.   Công văn số 3104/BTP- PLQT ngày 05/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa Việt Nam và Ma- lai- xi- a về hợp tác quốc phòng.

353.   Công văn số 3159/BTP- PLQT ngày 10/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay vốn ADB cho Dự án Phát triển đô thị vừa và nhỏ miền Trung.

354.   Công văn số 3167/BTP- PLQT ngày 11/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận hợp tác quốc phòng Việt Nam - Philippines.

355.   Công văn số 3189/BTP- PLQT ngày 13/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam và CH Bun- ga- ri.

356.   Công văn số 3190/BTP- PLQT ngày 13/10/2006 về việc góp ý Hiệp định chuyển giao người bị kết án với Liên bang Nga.

357.   Công văn số 3198/BTP- HTQT ngày 13/10/2006 về  việc góp ý Dự thảo Văn kiện Dự án và Hiệp định giữa Việt Nam và Thuỵ Điển về Phát triển cơ chế phối hợp thúc đẩy doanh nghiệp nữ nông thôn ở Việt Nam.

358.   Công văn số 49/BTP- PLQT- m ngày 13/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận về hợp tác giữa Ban Cơ yếu Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin.

359.   Công văn số 3218/BTP- PLQT ngày 17/10/2006 về việc thẩm định Dự thảo Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ điều dưỡng trong ASEAN.

360.   Công văn số 3219/BTP- PLQT ngày 17/10/2006 về việc thẩm định việc gia nhập Công ước Rotterdam.

361.   Công văn số 3233/BTP- ĐKGD ngày 19/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay và báo cáo và khuyến nghị của Chủ tịch.

362.   Công văn số 3365/BTP- PLQT ngày 20/10/2006 về việc góp ý dự thảo Thoả thuận tài trợ dự án Cấp nước Sông Công tại tỉnh Thái Nguyên do Na Uy tài trợ.

363.   Công văn số 3575/BTP- PLQT ngày 31/10/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa Hàn Quốc và Việt Nam về xây dựng bệnh viện đa khoa ở tỉnh Quảng Ngãi

364.   Công văn số 3588/BTP- PLQT ngày 01/11/2006 về việc góp ý dư thảo Thoả thuận vay dự án 2 phòng thí nghiệm sử dụng tín dụng ưu đãi của Italia.

365.   Công văn số 3614/BTP- PLQT ngày 02/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005” của ADB.

366.   Công văn số 3617/BTP- PLQT ngày 02/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay vốn ODA của Đức cho Dự án trồng rừng KfW7.

367.   Công văn số 3619/BTP- PLQT ngày 02/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung ASEAN sửa đổi và Nghị định thư ASEAN sửa đổi về các ngành ưu tiên hội nhập giai đoạn II.

368.   Công văn số 3650/BTP- PLQT ngày 06/11/2006 về việc góp ý Dư  thảo Hiệp định về Quy chế và hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

369.   Công văn số 3684/BTP- PLQT ngày 09/11/2006 về việc góp ý dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và CHND Trung Hoa về mở rộng và đi sâu phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.

370.   Công văn số 3686/BTP- PLQT ngày 09/11/2006 về việc thẩm định dự thảo Thoả thuận về Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa trung ương tại tỉnh Quảng Nam giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

371.   Công văn số 3705/BTP- HTQT ngày 09/11/2006 về việc góp ý dự thảo Hiệp định tài trợ và thoả thuận tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.

372.   Công văn số 3719/BTP- PLQT ngày 13/11/2006 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam - Bungari.

373.   Công văn số 3741/BTP- PLQT ngày 14/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận vay cho dự án nhà máy xử lý rác tx. Phủ Lý, Hà Nam do Chính phủ Bỉ tài trợ.

374.   Công văn số 3749/BTP- PLQT ngày 14/11/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định vận tải đường biển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

375.   Công văn số 3751/BTP- PLQT ngày 14/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận vay tín dụng với Áo cho Dự án đầu tư trang thiết bị Viện tim mạch Việt Nam.

376.   Công văn số 3765/BTP- PLQT ngày 15/11/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về Hiệp định về Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CH Bungari.

377.   Công văn số 3800/BTP- PLQT ngày 17/11/2006 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định riêng sửa đổi, bổ sung cho chương trình hợp tác y tế Việt Nam - Thuỵ Điển.

378.   Công văn số 3810/BTP- PLQT ngày 20/11/2006 về việc sửa đổi Hiệp định viện trợ ngành nước năm 2002 với Italia.

379.   Côngvăn số 3838/BTP- PLQT ngày 22/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

380.   Công văn số 3926/BTP- PLQT ngày 28/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Uỷ ban Hải quan CH Belarus.

381.   Công văn số 3930/BTP- PLQT ngày 28/11/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận về hợp tác quốc tế với TA kinh tế tối cao Belarut

382.   Công văn số 3941/BTP- PLQT ngày 30/11/2006 về việc thẩm định Hiệp định khung ASEAN sửa đổi và Nghị định thư ASEAN về Hội nhập các Ngành ưu tiên.

383.   Công văn số 3942/BTP- PLQT ngày 30/11/2006 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định về Thương mại dịch vụ ASEAN - Trung Quốc

384.   Công văn số 3966/BTP- PLQT ngày 01/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật Việt Nam - Belarus.

385.   Công văn số 4004/BTP- PLQT ngày 06/12/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác hàng không Việt Nam - Belarus.

386.   Công văn số 4020/BTP- PLQT ngày 07/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về thủ tục và điều kiện chung cho hợp tác phát triển Việt Nam - Thuỵ Điển.

387.   Công văn số 4036/BTP- PLQT ngày 07/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Ucraina về việc nhận trở lại công dân hai nước.

388.   Công văn số 4098/BTP- PLQT ngày 13/12/2006 góp ý về việc Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết Thoả thuận Khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN - Canada.

389.   Công văn số 4099/BTP- PLQT ngày 13/12/2006 về việc góp ý dự thảo Thoả thuận vay vốn  của CHLB Đức cho Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

390.   Công văn số 4243/BTP- PLQT ngày 18/12/2006 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định dự án của Hội Liên hiệp phụ nữ với Bỉ.

391.   Công văn số 4280/BTP- PLQT ngày 22/12/2006 về việc góp ý dự thảo Hiệp định Hợp tác và Trao đổi thông tin giữa TTXVN à TTX Bungari - TTX Thái Lan.

392.   Công văn số 4282/BTP- PLQT ngày 22/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận Dự án huấn luyện nghiệp vụ đóng tàu Na Uy.

393.   Công văn số 4283/BTP- PLQT ngày 22/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận ghi nhớ về viện trợ không hoàn lại cho Chương trình 135 giai đoạn 2 với Vương quốc Anh.

394.   Công văn số 4301/BTP- HTQT ngày 22/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Biên bản kỳ họp lần thứ 29 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt - Lào

395.   Công văn số 4322/BTP- PLQT ngày 25/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận kiểm tra 1 lần giai đoạn 2 tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen- sa- vẳn.

396.   Công văn số 4411/BTP- PLQT ngày 28/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận mở tín dụng cho dự án “Tuyến  xe điện ngầm thí điểm tại Hà Nội”

397.   Công văn số 4412/BTP- PLQT ngày 28/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuân vay vốn nhằm thực hiện Chương trình tín dụng giảm nghèo 5.

398.   Công văn số 4413/BTP- PLQT ngày 28/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hàng hải thương mại Việt Nam - Singapore.

399.   Công văn số 4414/BTP- PLQT ngày 28/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định về Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Mozambic.

400.   Công văn số 4428/BTP- PLQT ngày 29/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định an ninh dầu khí ASEAN.

401.   Công văn số 4429/BTP- PLQT ngày 29/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về các dịch vụ kiến trúc.

402.   Công văn số 4431/BTP- PLQT ngày 29/12/2006 về việc góp ý Dự thảo Bản Thoả thuận tài chính của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật  “Duy trì tăng trưởng kinh tế về giảm nghèo thông qua việc thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”.

NĂM 2007

403.   Công văn số 27/BTP- PLQT ngày 08/1/2007 về việc góp ý Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án với Hàn Quốc

404.   Công văn số 40/BTP- PLQT ngày 08/1/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định Hợp tác khoa học và Công nghệ Việt - Pháp

405.   Công văn số 62/BTP- PLQT ngày 10/1/2007 về việc góp ý ý kiến Dự thảo Hiệp định về hợp tác giáo dục và văn hoá giữa Việt Nam và Mô- dăm- Bích.

406.   Công văn số 63/BTP- PLQT ngày 05/1/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Mozambic về hợp tác y tế.

407.   Công văn số 67/BTP- PLQT ngày 10/1/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Modămbích.

408.   Công văn số 77/BTP- PLQT ngày 10/1/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác Việt Nam - Mozambích trong lĩnh vực nông nghiệp.

409.   Công văn số 133/BTP- PLQT ngày 12/1/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.

410.   Công văn số 136/BTP- PLQT ngày 12/1/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận Khung về hợp tác đa phương giữa các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ.

411.   Công văn số 188/BTP- PLQT ngày 18/1/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về Bảo hộ quyền đối với các kết quả hoạt động trí tuệ trong quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga.

412.   Công văn số 236/BTP- PLQT ngày 19/1/2007 v.v góp ý Dự thảo Công ước về quyền của người khuyết tật.

413.   Công văn số 267/BTP- PLQT ngày 23/1/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định vay ODA giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.

414.   Công văn số 268/BTP- PLQT ngày 23/1/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giữa Việt Nam và Angiêri.

415.   Công văn số 431/BTP- PLQT ngày 31/1/2007  về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Khung về tín dụng với Đan Mạch.

416.   Công văn 432/BTP- PLQT về việc góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Công ước FAL 1965.

417.   Công văn số 559/BTP- PLQT ngày 06/2/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai- len.

418.   Công văn số 561/BTP- PLQT ngày 06/2/2007 về việc thẩm định dự thảo Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thuỵ Sỹ về Dự án “Hỗ trợ CCHC công tỉnh Cao Bằng”.

419.   Công văn số 614/BTP- PLQT ngày 09/2/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định viện trợ không hoàn lại và Dự thảo Hiệp định tài trợ cho Dự án khống chế và ứng phó dịch vụ cúm gia cầm.

420.   Công văn số 629/BTP- PLQT ngày 12/2/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định khung với Bỉ.

421.   Công văn số 637/BTP- PLQT ngày 13/2/2007 về việc góp ý cho bộ tài liệu liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Dự án Tài chính nhà ở ký năm 2003 với ADB.

422.   Công văn số 653/BTP- PLQT ngày 13/2/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Phần Lan.

423.   Công văn số 654/BTP- PLQT ngày 13/2/2007 v.v góp ý Dự thảo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Môzămbích.

424.   Công văn số 665/BTP- PLQT ngày 06/2/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc

425.   Công văn số 716/BTP- PLQT ngày 28/2/2007 về việc góp ý đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi Hiệp định và Nghị định thư Vận tải đường bộ Việt - Trung.

426.   Công văn số 810/BTP- PLQT ngày 08/3/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay dự án thoát nước Bắc Giang.

427.   Công văn số 844/BTP- PLQT ngày 12/3/2007 v.v góp ý Dự thảo Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

428.   Công văn số 845/BTP- PLQT ngày 12/3/2007 góp ý về việc gia hạn và sửa đổi Hiệp định với EC về dự án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

429.   Công văn số 846/BTP- PLQT ngày 12/3/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật Việt Nam - Bêlarus.

430.   Công văn số 1057/BTP- PLQT ngày 19/3/2007 vể việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Ngân hàng tái thiết Đức và các thoả thuận liên quan về tài trợ cho Quỹ  khảo sát và chuyên gia V.

431.   Công văn số 1084/BTP- PLQT ngày 20/3/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định Dự án CCHC tại tỉnh Hậu Giang do Bỉ viện trợ không hoàn lại.

432.   Công văn số 1145/BTP- PLQT ngày 21/3/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định tài trợ với WB cho Dự án giao thông đồng bằng sông Cửu Long.

433.   Công văn số 1304/BTP- PLQT ngày 23/3/2007 về việc chuẩn bị ký Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Croatia.

434.   Công văn số 1321/BTP- PLQT ngày 26/3/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định vay giữa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á cho Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1.

435.   Công văn số 1320/BTP- PLQT ngày 26/3/2007 về việc thẩm định Dự thảo Thoả thuận giữa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc liên quan đến khoản vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế cho Dự án “Mở rộng Nhà máy nước Thiện Tân giai đoạn II”.

436.   Công văn số 1355/BTP- PLQT ngày 28/3/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận tín dụng Áo cho Dự án “Cung cấp thiết bị Phòng cháy chữa cháy”.

437.   Công văn số 1363/BTP- PLQT ngày 29/3/2007 về việc thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước về tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế.

438.   Công văn số 1369/BTP- PLQT ngày 27/3/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ với Croatia.

439.   Công văn số 1372/BTP- PLQT ngày 29/3/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác tài chính tài khoá 2006/2007 giữa Việt Nam và CHLB Đức.

440.   Công văn số 1415/BTP- PLQT ngày 03/4/3007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật Việt Nam - Quatar.

441.   Công văn số 1561/BTP- PLQT ngày 06/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận khung về việc ủng hộ thực hiện Chương trình phát triển bền vững tại Yelimané- CH Mali.

442.   Công văn số 1562/BTP- PLQT ngày 06/4/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và CH Pháp về thành lập và quy chế hoạt động của các trung tâm văn hoá

443.   Công văn số 1591/BTP- PLQT ngày 10/4/2007 về việc ký Hiệp định hợp tác kinh tế với Croatia.

444.   Công văn số 1592/BTP- PLQT ngày 10/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận giữa Việt Nam và Chính phủ Qatar về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar.

445.   Công văn số 1623/BTP- PLQT ngày 11/4/2007 về việc ký Văn bản thoả thuận hợp tác giữa Thông tân xã Việt Nam và Hãng thông tấn Anadolu.

446.   Công văn số 1626/BTP- PLQT ngày 11/4/2007 về việc góp ý dự thảo Tờ trình gia nhập Công ước quốc tề về quyền của người khuyết tật.

447.   Công văn số 1629/BTP- PLQT ngày 12/4/2007 về việc góp ý đàm phán sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - CH Czech.

448.   Công văn số 1713/BTP- PLQT ngày 16/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam - Trung Quốc.

449.   Công văn số 1714/BTP- PLQT ngày 16/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Burundi.

450.   Công văn số 1716/BTP- PLQT ngày 17/4/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định giữa nước CHND Trung Hoa - Việt Nam trong lĩnh vực kiểm dịch động vật.

451.   Công văn số 08/BTP- PLQT- m ngày 17/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ về trao đổi thông tin trong lĩnh vực hải quan.

452.   Công văn số 1745/BTP- PLQT ngày 18/4/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định với Chính phủ Vương quốc Na Uy về việc nhận trở lại công dân.

453.   Công văn số 1755/BTP- PLQT ngày 18/4/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Hy Lạp

454.   Công văn số 1757/BTP- PLQT ngày 19/4/2007 về việc ký Văn bản thoả thuận hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn Pakixtan.

455.   Công văn số 1831/BTP- PLQT ngày 24/4/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định viện trợ giữa Việt Nam và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế.

456.   Công văn số 11/BTP- PLQT- m ngày 25/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) với Hoa Kỳ.

457.   Công văn số 1836/BTP- PLQT ngày 25/4/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định Tài trợ và Hiệp định Viện trợ không hoàn lại ký kết với Ngân hàng Thế giới WB cho Dự án Giáo dục đại học 2.

458.   Công văn số 1837/BTP- PLQT ngày 25/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và CH Thổ Nhĩ Kỳ.

459.   Công văn số 1847/BTP- PLQT ngày 25/4/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau về người hành nghề y trong ASEAN.

460.   Công văn số 1848/BTP- PLQT ngaỳu 25/4/2007 về việc điều chỉnh Hiệp định tín dụng phát triển cho Dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng vay vốn WB.

461.   Công văn số 1889/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung hợp tác Việt Nam - Angola.

462.   Công văn số 1889/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về viêc góp ý dự thảo Hiệp định khung hợp tác Việt Nam - Angola.

463.   Công văn số 1890/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định khung ASEAN sửa đổi và Nghị định thư ASEAN về Hội nhập nhanh các ngành ưu tiên giai đoạn II.

464.   Công văn số 1924/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về  việc góp ý đối với một số quy định trong dự thảo về Quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định JVEPA.

465.   Công văn số 1927/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định khung ASEAN sửa đổi về Hội nhập nhân các ngành ưu tiên giai đoạn II.

466.   Công văn số 1928/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định tín dụng với Ngân hàng Investkredit Bank AG.

467.   Công văn số 1929/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giữa Việt Nam và Angiêri.

468.   Công văn số 1930/BTP- PLQT ngày 03/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về thực hiện cam kết Hiệp định SPS/WTO.

469.   Công văn số 1944/BTP- PLQT ngày 04/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Morocco.

470.   Công văn số 1964/BTP- PLQT về việc góp ý về tính pháp lý của việc bãi miễn một số điều khoản của Hiệp định AICO.

471.   Công văn số 1966/BTP- PLQT ngày 07/5/2007 về việc ký kết Hiệp định về hợp tác hải quan với Thổ Nhĩ Kỳ.

472.   Công văn số 1995/BTP- PLQT ngày 09/5/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định Hàng hải Thương mại Việt Nam - Singapo sửa đổi.

473.   Công văn số 1999/BTP- PLQT ngày 23/4/2007 về việc gia hạn Hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Ấn Độ.

474.   Công văn số 2001/BTP- PLQT ngày 09/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay Eximbank China.

475.   Công văn số 2061/BTP- PLQT ngày 10/5/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định tài trợ với WB cho Dự án Quỹ Đầu tư phát triển đô thị tp.Hồ Chí MInh.

476.   Công văn số 2068/BTP- PLQT ngày 10/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định bổ sung về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với Vênêxuêla.

477.   Công văn số 2069/BTP- PLQT ngày 10/5/2007 về việc phê duyệt Hiệp định vận tải biển Việt Nam - Hoa Kỳ.

478.   Công văn số 2078/BTP- PLQT ngày 11/5/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định về hợp tác y tế và khoa học y học giữa Việt Nam và Bra- xin.

479.   Công văn số 2144/BTP- PLQT ngày 15/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Hy Lạp.

480.   Công văn số 2145/BTP- PLQT ngày 15/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ với Chilê.

481.   Công văn số 2146/BTP- PLQT ngày 15/5/2007 về việc cấp ký các Thư thoả tuận của Hiệp định về hàng hoá ASEAN - Hàn Quốc.

482.   Công văn số 16/BTP- PLQT- m ngày 23/5/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

483.   Công văn số 2155/BTP- PLQT ngày 15/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định nhận trở lại công dân giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

484.   Công văn số 2175/BTP- PLQT ngày 16/5/2007 về việc góp ý dự thảo Hiệp định bổ sung về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với Vênêxuêla.

485.   Công văn số 2161/BTP- PLQT ngày 16/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định tài trợ bổ sung dự án “Khôi phục quốc lộ 1 giai đoạn3”.

486.   Công văn số 2165/BTP- HTQT ngày 17/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp tác lao động ,việc làm và dạy nghề với Marốc.

487.   Công văn số 2176/BTP- PLQT ngày 18/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hàng hải Việt Nam - Ấn Độ.

488.   Công văn số 2185/BTP- PLQT ngày 18/5/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và CH Nam Phi.

489.   Công văn số 2196/BTP- PLQT ngày 21/5/2007 về việc góp ý với đề xuất bỏ điều khoản thuế trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Nam Phi.

490.   Công văn số 2250/BTP- PLQT ngày 23/5/2007 về việc góp ý lần 2 Dự thảo Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.

491.   Công văn số 2258/BTP- PLQT ngày 23/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Cô- oét

492.   Công văn số 2265/BTP- PLQT ngày 23/5/2007 về việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

493.   Công văn số 2274/BTP- PLQT ngày 24/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác về Du lịch Việt Nam - Cô oét.

494.   Công văn số 2275/BTP- PLQT ngày 24/5/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Cuba

495.   Công văn số 2276/BTP- PLQT ngày 24/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiêp định tài trợ dự án cấp nước Tân Hiệp.

496.   Công văn số 2347/BTP- PLQT ngày 28/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận về hỗ trợ tài chính của Norad cho dự án xử lý chất thải rắn tại thị xã Sơn La.

497.   Công văn số 2348/BTP- PLQT ngày 28/5/2007 về việc ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự giữa Việt Nam và Thái Lan.

498.   Công văn số 2368/BTP- PLQT ngày 29/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho hệ thống thoát nước thị xã Hồng Lĩnh do Na Uy tài trợ.

499.   Công văn số 2369/BTP- PLQT ngày 29/5/2007 về việc rà soát nội dung các Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản đã ký với các nước trong ASEAN để phục vụ đàm phán EPA Việt Nam - Nhật Bản.

500.   Công văn số 2370/BTP- PLQT ngày 29/5/2007 về việc góp ý Hiệp định hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ về Khoa học và Công nghệ.

501.   Công văn số 2395/BTP- PLQT ngày 31/5/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận bổ sung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về hỗ trợ ngân sách cho Chương trình 135- 2.

502.   Công văn số 2402/BTP- PLQT ngày 01/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Angiêri.

503.   Công văn số 2472/BTP- HTQT ngày 06/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hỗ trợ ngân sách chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ Phần Lan.

504.   Công văn số 2544/BTP- PLQT ngày 12/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định và Nghị định thư về Hợp tác lao động với Liên bang Nga.

505.   Công văn số 2546/BTP- PLQT ngày 12/6/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định tài trợ Chương trình hỗ trợ chiến lược và giảm nghèo của Việt Nam

506.   Công văn số 2550/BTP- HTQT ngày 13/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận Hợp tác giữa Ủy ban TW Mặt trận Lào và Ủy ban Dân tộc Việt Nam.

507.   Công văn số 2553/BTP- HTQT ngày 13/6/2007 về việc thẩm định Dự thảo Thỏa thuận Dự án Việt Nam - Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ.

508.   Công văn số 2627/BTP- PLQT ngày 14/6/2007 về việc góp ý phê duyệt Hiêp định giữa Việt Nam và CH Mô- dăm- bích về hợp tác y tế.

509.   Công văn số 2647/BTP- PLQT ngày 15/6/2007 về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Quatar.

510.   Công văn số 2662/BTP- PLQT ngày 18/6/2007 về việc góp ý đối với đề xuất phê chuẩn Văn kiện sửa dổi Hiến chương và Công ước của ITU.

511.   Công văn số 2664/BTP- PLQT ngày 18/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung ASEAN về thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán.

512.   Công văn số 2668/BTP- PLQT ngày 18/6/2007 về viêc thẩm định Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai- len về chuyển giao người bị kết án.

513.   Công văn số 2678/BTP- PLQT ngày 23/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác y dược học cổ truyền Việt Nam - Trung Quốc

514.   Công văn số 2708/BTP- PLQT ngày 22/6/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Tuynidi.

515.   Công văn số 2816/BTP- PLQT ngày27/6/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam - Cô- oét.

516.   Công văn số 21/BTP- PLQT- m ngày 27/6/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về nhận trở lại công dân với Thụy Điển.

517.   Công văn số 2820/BTP- PLQT ngày 27/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Tờ trình Chính phủ phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư về ASW.

518.   Công văn số 2825/BTP- PLQT ngày 27/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp dịnh Hàng hải thương mại giữa Việt Nam và CH Ấn Độ.

519.   Công văn số 2844/BTP- HTQT ngày 29/6/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định thành lập Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc.

520.   Công văn số 2891/BTP- PLQT ngày 03/7/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn độ.

521.   Công văn số 2892/BTP- PLQT ngày 03/7/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hàng hải thương mại Việt Nam - Ấn Độ.

522.   Công văn số 2909/BTP- PLQT ngày 05/7/2007 về việc góp ý dự thảo Thỏa thuận tín dụng giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Bỉ.

523.   Công văn số 3005/BTP- PLQT ngày 12/7/2007 về việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Hiệp định Hàng không Việt Nam - Malaysia.

524.   Công văn số 3065/BTP- PLQT ngày 16/7/2007 về việc góp ý gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town

525.   Công văn số 3089/BTP- PLQT ngày 16/7/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận giữa UBND tỉnh Yên bái vàTổ chức phát triển quốc tế Sida Thụy Điển.

526.   Công văn só 24/BTP- PLQT- m ngày 16/7/2007 về việc thẩm định Dự thảo Thỏa thuận thành lập Ủy ban ASEAN về di cư và phát triển.

527.   Công văn số 3103/BTP- PLQT ngày 18/7/2007 về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Dự án Tuy Hòa do Bỉ viện trợ.

528.   Công văn số 3122/BTP- PLQT ngày 20/7/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định tài trợ của Dự án Hiện đại hóa quản lý thuế.

529.   Công văn số 26/BTP- PLQT- m ngày 20/7/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác về bảo vệ tin mật Việt Nam - Bêlarút.

530.   Công văn số 3200/BTP- PLQT ngày 24/7/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay ADB cho Dự án Nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung.

531.   Công văn số 3213/BTP- PLQT ngày 25/7/2007 về việc góp ý dự thảo Bản Ghi nhớ về thực hiện bước đầu Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh và Savanakhet - Mukdahah.

532.   Công văn số 3240/BTP- PLQT ngày 01/8/2007 về việc thẩm định dự thảo Nghị định thư ASEAN về Hội nhập ngành dịch vụ logistics và Nghị định thư sửa đổi của Hiệp định khung ASEAN về các lĩnh vực ưu tiên hội nhập.

533.   Công văn số 3261/BTP- PLQT ngày 02/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần với Brunei.

534.   Công văn số 3266/BTP- PLQT ngày 03/8/2007 về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Hàng không Việt Nam - Pháp .

535.   Công văn số 3271/BTP- PLQT ngày 03/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vày ADB cho dự án Thủy điện Sông Bung 4.

536.   Công văn số 3290/BTP- PLQT ngày 06/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto về hài hòa các thủ tục hải quan.

537.   Công văn số 3291/BTP- PLQT ngày 06/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về lao động của thân nhân thành viên cơ quan đại diện.

538.   Côngvăn số 3297/BTP- PLQT ngày 06/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Điều khoản ZZ trong Hiệp định CEPT sửa đổi.

539.   Công văn số 3312/BTP- PLQT ngày 07/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay cho Dự án “Đầu tư trang thiết bị y tế cho 4 bệnh viện tỉnh tại Phú Thọ, Ninh Bình, Đà Năng và Cần Thơ”

540.   Côngvăn số 3373/BTP- PLQT ngày 08/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định vay vốn OFID - Dự án Phát triển Thủy lợi tỉnh Lai Châu.

541.   Công văn số 3374/BTP- PLQT ngày 08/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải với Cuba

542.   Công văn số 3375/BTP- PLQT ngày 08/8/2007 về việc góp ý bổ sung, sửa đổi Hiệp định Hàng không Việt Nam - Hàn Quốc.

543.   Công văn số 3376/BTP- PLQT ngày 08/8/2007 về việc góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiệp định của ITSTO.

544.   Công văn số 3437/BTP- PLQT ngày 10/8/2007 về việc thẩm định dự thảo Bản ghi nhớ về thực hiện bước đầu Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh và Savanakhet- Mukdahah.

545.   Công văn số 27/BTP- PLQT- m ngày 14/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về nhận trở lại công dân với Hoa Kỳ.

546.   Công văn số 3459/BTP- PLQT ngày 14/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho dự án “Xây dựng khu xử lý rác thải thị xã Sầm Sơn” sử dụng tín dụng của Na Uy.

547.   Côngvăn số 3481/BTP- PLQT ngày 15/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ ASEAN - Hoa Kỳ.

548.   Công văn số 3482/BTP- PLQT ngày 15/8/2007 về việc phê duyệt Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp.

549.   Công văn số 3521/BTP- PLQT ngày 20/8/2007  về việc góp ý Dự thảo Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ giữa Việt Nam và Ê- cu- a- đo.

550.   Công văn số 3552/BTP- PLQT ngày 21/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp nhật Mỏ (UA) và Thỏa thuận phát triển Chung (JDA).

551.   Công văn số 3555/BTP- PLQT ngày 21/8/2007 về việc thẩm định dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga về hợp tác lao động.

552.   Công văn số 3616/BTP- PLQT ngày 22/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoàng gia Cămpuchia về địa điểm nối ray đường sắt giữa hai nước.

553.   Công văn số 3643/BTP- PLQT ngày 23/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khoản vay hỗ trợ thực hiện Chương trình Giảm nghèo IV do ADB tài trợ.

554.   Côngvăn số 3646/BTP- PLQT ngày 23/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Rumani.

555.   Công văn số 3647/BTP- PLQT ngày 23/8/2007 về việc góp ý Dư thảo Mẫu Hiệp định giữa Việt Nam và Belgium liên quan đến dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

556.   Công văn số 3648/BTP- PLQT ngày 23/8/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Quatar.

557.   Công văn số 3669/BTP- PLQT ngày 27/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận tín dụng khung giữa Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàn KB của Séc..

558.   Công văn số 3670/BTP- PLQT ngày 27/8/2007 về việc góp ý các vấn đề liên quan đến việc gia nhập Công ứoc và Nghị định thư Cape Town.

559.   Công văn số 3671/BTP- PLQT ngày 27/8/2007 vê việc thẩm định Dự thảo Thỏa thuận Việt Nam - Cuba về Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.

560.   Công văn số 3690/BTP- PLQT ngày 29/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Vương quốc Na Uy và Chính phủ Việt Nam về Trợ giúp phát triển hệ thống quản lý an toàn và môi trường lao động và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam - giai đoạn III.

561.   Công văn số 3714/BTP- PLQT ngày 31/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp tác giáo dục với Bộ Giáo dục , Thanh niên và Thể thao CH Séc.

562.   Công văn số 3715/BTP- PLQT ngày 31/8/2007 về việc góp ý Dự thảo Thỏa thuận hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Séc.

563.   Công văn số 3733/BTP- PLQT ngày 01/9/2007 về việc góp ý Dự thảo MOU về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Tài chính và Công nghiệp UAE.

564.   Công văn số 33/BTP- PLQT- m ngày 05/9/2007 về việc thẩm định Dự thảo Hiệp định về nhận trở lại công dân với CH Séc và Nghị định thư thực hiện Hiệp định này.

565.   Công văn số 3763/BTP- PLQT ngày 05/9/2007 về việc góp ý Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới Việt - Trung.

566.   Công văn số 3768/BTP- PLQT ngày 06/9/2007 về việc thẩm định Dự thảo Nghị định thư bổ sung Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

567.   Công văn số 3774/BTP- PLQT ngày 06/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch với Séc.

568.   Công văn số 3783/BTP- PLQT ngày 12/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định Hợp tác văn hoá ASEAN - Nga.

569.   Công văn số 2786/BTP- HTQT ngày 07/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Thoả thuận hợp tác với Tổng viện Công tố Liên bang Nga.

570.   Công văn số 3827/BTP- PLQT ngày 10/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay ADB cho Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam.

571.   Công văn số 3840/BTP- PLQT ngày 11/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định vay ADB cho dự án Đường cao tốc tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

572.   Công văn số 3841/BTP- PLQT ngày 11/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp đinh tín dụng AFD cho “Chương trình tín dụng ngành nước”.

573.   Công văn số 3878/BTP- PLQT ngày 12/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Kyrgystan.

574.   Công văn số 3943/BTP- PLQT ngày 17/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan Việt Nam - Belarus.

575.   Công văn số 3958/BTP- PLQT ngày 19/9/2007 về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Công ước CITES.

576.   Công văn số 3959/BTP- PLQT ngày 19/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư thực hiện gói cam kết dịch vụ thứ sáu của ASEAN.

577.   Công văn số 3962/BTP- PLQT ngày 19/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Nghị định thư bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết viề việc cấp đất xây dựng các toà nhàn của cơ quan đại diện Việt Nam ở Mat- xcơ- va và của Liên Xô tại Hà Nội.

578.   Công văn số 3963/BTP- PLQT ngày 19/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Chính phủ Đại hàn Dân Quốc cho Chương trình tín dụng cho các dự án quy mô nhỏ.

579.   Công văn số 3964/BTP- PLQT ngày 19/9/2007 về việc sửa dổi Hiệp định tài chính Dự án số AIDCO/VNM/2004/016/828.

580.   Công văn số 3980/BTP- PLQT ngày 20/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định về bảo hộ quyền đối với các kết quả hoạt động trí tuệ trong quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga.

581.   Công văn số 4044/BTP- PLQT ngày 26/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan.

582.   Công văn số 4045/BTP- PLQT ngày 26/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định khung về dịch vụ trong khuôn khổ AKFTA.

583.   Công văn số 4059/BTP- PLQT ngày 26/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Ai Len và Việt Nam - Áo.

584.   Công văn số 4076/BTP- PLQT ngày 27/9/2007 về việc góp ý Dự thảo Phụ lục 1 Hiệp định Tài chính giữa Cộng đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam.

 

 

ĐÁNH GIÁ VIỆC THAM GIA CỦA BỘ TƯ PHÁP

TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TỪ NĂM 1980 ĐẾN NAY

 

Vương Toàn Thắng
Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp

 

Công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp trong thời gia qua được gắn với nhiều hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật. Ngoài việc tham mưu cho Chính phủ về việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (Điều 17) quy định “Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế”. Đây là nhiệm vụ mang tính bao trùm toàn bộ công tác xây dựng điều ước quốc tế của các Bộ, ngành vì trước khi các cơ quan này trình cơ quan có thẩm quyền ký kết hoặc gia nhập một điều ước quốc tế nào, thì điều ước quốc tế đó phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Chính vì thế, các vụ việc liên quan đến công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp là tương đối đa dạng về số lượng, nội dung, tính chất...

Một số tiêu chí dưới đây phần nào đánh giá vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế từ năm 1980 đến nay:

1. Số lượng vụ việc đã thực hiện trong những năm qua

Từ năm 1980 đến tháng 10 năm 2007, Bộ Tư pháp đã thực hiện khoảng 1160 vụ việc, số lượng các vụ việc tăng đáng kể qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ví dụ, trong thời gian 10 năm (1980- 1990), số lượng các vụ việc Bộ Tư pháp tham gia khoảng 124 vụ việc, con số này chỉ bằng 68% số vụ việc của 9 tháng đầu năm 2007 (9 tháng đầu năm 2007 khoảng 182 vụ việc). Các vụ việc không ngừng tăng lên thể hiện bằng số chênh lệch giữa các năm kế tiếp nhau. Điều này càng chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của Bộ Tư pháp trong công tác điều ước quốc tế khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn các diễn đàn hợp tác quốc tế.

2. Nhóm vụ việc.

Các vụ việc cụ thể được thông qua bằng nhiều hình thức khác nhau như: công văn, báo cáo, biên bản…Xét về nội dung có thể chia chúng theo một số nhóm chính như sau:

-                               Đề nghị hợp tác;

-                               Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và công bố các điều ước quốc tế;

-                               Tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, toạ đàm liên quan đến điều ước quốc tế;

-                               Ký kết một số văn kiện hợp tác quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự uỷ quyền của cấp trên;

-                               Cho ý kiến, thẩm định điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

-                               Báo cáo các vụ việc do Bộ Tư pháp tham gia liên quan đến công tác điều ước quốc tế;

-                               Trình cơ quan, người có thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế;

-                               Xin ý kiến các cơ quan hữu quan về điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp chuẩn bị;

-                               Trả lời một số vấn đề khi có sự yêu cầu;

-                               Phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác điều ước quốc tế;

-                               Ghi nhận sự kiện;

-                               Phê duyệt chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương hoặc đa phương.

Trong số nhóm các vụ việc đã nêu thì góp ý, thẩm định các điều ước quốc tế là công việc chiếm dung lượng lớn nhất về số lượng cũng như thời gian thực hiện.

3. Phạm vi hợp tác (phạm vi theo lãnh thổ).

Về mặt thời gian, được chia theo hai giai đoạn:

- Từ năm 1990 trở về trước, các hoạt động về hợp tác quốc tế liên quan đến công tác điều ước chỉ tập trung chủ yếu đối với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa đông Âu và một số nước láng giềng (Lào, Cam- pu- chia, Trung Quốc..)

- Từ năm 1991 đến nay, ngoài các quốc gia hợp tác truyền thống thời kỳ những năm 1980, hoạt động này đã được mở rộng đến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tại nhiều diễn đàn khu vực và thế giới.

4. Mở rộng các nội dung hợp tác.

Trước đây, các nội dung hợp tác quốc tế được thu hẹp trong một số lĩnh vực nhất định như: tương trợ tư pháp, viện trợ, giáo dục. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đông Âu sụp đổ, thì đường lối đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng đa dạng đến nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, tội phạm, y tế, môi trường, ma tuý, tham nhũng, văn hoá, nghệ thuật…

5. Tính chất các vụ việc.

Các vụ việc liên quan đến công tác điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp tham gia hàng năm tăng dần về số lượng, cũng như mức độ phức tạp về mặt nội dung. Trước đây, các điều ước quốc tế do Việt Nam tham gia chỉ giới hạn bởi một số vụ việc đơn lẻ, phạm vi thực hiện chủ yếu là các vấn đề song phương. Tuy nhiên càng về những năm cuối của thập kỷ chín mươi và đặc biệt là những năm đầu của Thế kỷ 21, các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia có nhiều văn kiện rất đồ sộ về quy mô, phức tạp về nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ: văn kiện về việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO, các hiệp định liên quan đến an ninh, quốc phòng, chống khủng bố…

6. Cơ chế thực hiện vụ việc.

Thông thường các vụ việc trong công tác điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp thực hiện là theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Nhưng, trên thực tế có nhiều vụ việc phát sinh theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.


TỔNG HỢP PHIẾU KHẢO SÁT NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG CÔNG TÁC ĐÀM PHÁN,
KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC THI CÁC  ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

I. Phiếu khảo sát gửi cho cán bộ các bộ, ngành

- Tổng số phiếu phát đi: 98

- Tổng số phiếu nhận được: 46

1. Về câu hỏi 1: Ông bà đã từng tham gia vào công tác soạn thảo, góp ý kiến hoặc thẩm định một điều ước quốc tế nào chưa? Đa số các trường hợp được hỏi đều trả lời đã tham gia, chỉ có 3 trường hợp là chưa tham gia;

2. Về cầu hỏi 2: Ông bà đã từng tham gia vào công đoạn nào trong quy trình ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế ( soạn thảo hoặc góp ý hoặc thẩm định)? 19 trường hợp tham gia vào 2 công đoạn là soạn thảo và góp ý điều ước quốc tế; 25 trường hợp đã tham gia góp ý điều ước quốc tế; 01 trường hợp tham gia công tác thẩm định điều ước quốc tế.

3. Về câu hỏi 3: Việc giao Bộ Tư pháp thẩm định các điều ước quốc tế hiện nay là hợp lý hay chưa? tất cả các trường hợp đều cho rằng việc Bộ Tư pháp được giao vai trò thẩm định các điều ước quốc tế là hợp lý. Một số trường hợp có nêu ý kiến bổ sung như: Cách thức thẩm định cần được xây dựng một cách hợp lý, trách gây thêm các thủ tục rườm ra, không cần thiết cho các cơ quan chủ trì và phối hợp làm điều ước quốc tế. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị phân loại điều ước quốc tế cần thẩm định.

4. Về câu hỏi 4: Bộ Tư pháp có tham gia hỗ trợ các cơ quan trong quá trình soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế hay không? Hầu hết các trường hợp cho rằng Bộ Tư pháp đã hỗ trợ tích cực trong quá trình nêu trên. 02 trường hợp không trả lời và 01 ý kiến cho rằng Bộ Tư pháp không hỗ trợ trong quá trình soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế.

5. Về câu hỏi 5: Ý kiến của Bộ Tư pháp đã đảm bảo được yêu cầu đặt ra theo quy định của Luật về ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế hay chưa? Hầu hết các trường hợp đều cho rằng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đạt yêu cầu. 01 trường hợp cho rằng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đảm bảo vì ý kiến thẩm định chưa nêu đủ nội dung mà Luật về ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế yêu cầu, ví dụ: Kế hoạch thực hiện điều ước hầu như không được đề cập; Ý kiến thẩm định chưa mang tính phản biện rõ nét theo yêu cầu của Luật.

6. Về câu hỏi 6: Có nên giao một số chức năng hậu kiểm điều ước quốc tế hay không? 26 trường hợp đồng ý giao cho Bộ Tư pháp làm công tác hậu kiểm với một số lý do như sau:

- Cần bảo đảm văn bản điều ước quốc tế được ký kết đúng với các quy định của pháp luật;

- Nhằm đánh gia việc thực hiện điều ước quốc tế;

- Hậu kiểm phải được coi là 1 khâu trong quy trình xây dựng - hoàn thiện điều ước quốc tế. Cơ quan Bộ Tư pháp đóng vai trò thẩm định điều ước quốc tế thì hậu kiểm cần phải được trao cho Bộ Tư pháp để đảm bảo việc xây dựng điều ước quôc tế được phù với với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng xây dựng điều ước quốc tế trong điều kiện hiện nay.

20 trường hợp không đồng ý với việc giao cho Bộ Tư pháp làm công tác hậu kiểm với một số lý do sau:

- Chức năng này nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao);

- Việc tuân thủ, thực hiện điều ước quốc tế do cơ quan thực hiện chịu trách nhiệm và có chính phủ và các cơ quan khác giám sát, theo dõi trong quá trình thực hiện, khi kết thúc, cũng sẽ có các cơ quan chức năng hậu kiểm tham gia;

- Kiểm tra theo nghĩa như kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì không ổn bởi điều ước quốc tế không dễ dàng sửa đổi, đình chỉ hiệu lực;

- Kiểm tra việc thực hiện thì Bộ Tư pháp sẽ không có đủ con người, thời gian cũng như các điều kiện khác để thực hiện;

II. Phiếu khảo sát gửi cho cán bộ Bộ Tư pháp

- Tổng số phiếu phát ra: 70

- Tổng số phiếu thu lại: 62

1. Về câu hỏi 1 và 2: Ông bà đã từng tham gia vào công tác soạn thảo, góp ý kiến hoặc thẩm định điều ước quốc tế chưa? 55 trường hợp đã tham gia vào một trong những công đoạn nêu trên; 7 trường hợp chưa tham gia.

2. Về câu hỏi 3: Việc giao Bộ Tư pháp thẩm định các điều ước quốc tế đã hợp lý hay chưa? 62 trường hợp đều cho rằng việc Bộ Tư pháp thực hiện chức năng thẩm định các điều ước quốc tế là hợp lý.

3. Về câu hỏi 4: Ý kiến của Bộ Tư pháp đã đảm bảo được yêu cầu đặt ra theo quy định của Luật về ký kết, gia nhập và thực thi điều ước quốc tế hay chưa? 61 trường hợp cho rằng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đảm bảo được yêu cầu của Luật. 01 trường hợp không trả lời.

4. Về câu hỏi 5. Khó khăn gặp phải khi tiến hành chuẩn bị văn bản thẩm định điều ước quốc tế? 12 trường hợp chưa gặp khó khăn khi chuản bị văn bản thẩm định. 50 trường hợp đã gặp khó khăn trong việc xem xét tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với pháp luật Việt Nam, khả năng áp dụng trực tiếp hoặc một phần điều ước quốc tế. Trong 3 khó khăn thường gặp phải nêu trên thì khó khăn trong việc xem xét mức độ tương thích của điều ước quốc tế với pháp luật Việt Nam nhận được nhiều phản hổi nhất với 43 trường hợp.

5. Về câu hỏi 6. Có nên giao một số chức năng hậu kiểm điều ước quốc tế hay không? 26 trường hợp đồng ý giao cho Bộ Tư pháp làm công tác hậu kiểm với một số lý do như sau: Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ thẩm định điều ước quốc tế vì vậy việc bảo đảm sự thống nhất giữa các điều ước quốc tế rất quan trọng. Hậu kiểm còn nhằm kiểm tra việc thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam, xác định khả năng rút khỏi hay tiếp tục thực hiện điều ước quốc tế.

36 trường hợp không đồng ý với việc quy định vai trò hậu kiểm điều ước quốc tế cho Bộ Tư pháp vì:

Theo quy định của Luật điều ước quốc tế 2005 thì Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện điều ước quốc tế, các cơ quan thực hiện có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện điều ước quốc tế nên không cần thiết hậu kiểm.

Bộ Tư pháp vừa thẩm định vừa hậu kiểm điều ước quốc tế là không hợp lý, điều ước quốc tế được ký cấp chính phủ, nhà nước nên Bộ Tư pháp thẩm định cũng không đúng quy định.  

Khác so với các văn bản pháp luật trong nước, điều ước quốc tế có vị trí cao hơn luật và thông thường còn được chuyển hoá thành pháp luật trong nước, nếu chưa chuyển hoá kịp, hoặc không được chuyển hoá mà điều ước có quy định khác quy định của luật thì sẽ áp dụng theo điều ước quốc tế. Do vậy không vần cơ chế hậu kiểm.

 

BỘ TƯ PHÁP VỚI CHỨC NĂNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

 

Đặng Trung Hà, Bộ Tư pháp

1. Liên bang Nga

1.1. Khái quát về pháp luật Liên bang Nga về điều ước quốc tế

Pháp luật Liên bang Nga quy định, điều ước quốc tế của Liên bang Nga là thoả thuận quốc tế, ký giữa Liên bang Nga và một (hoặc các) nước khác hoặc một tổ chức quốc tế dưới hình thức văn bản và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù với bất cứ tên gọi gì và điều chỉnh về bất cứ nội dung nào[206].

Điều ước quốc tế của Liên bang Nga được Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế (Nga là một thành viên), Hiến pháp liên bang và luật Liên bang về điều ước quốc tế năm 1995 điều chỉnh[207]. Theo đó, có ba loại điều ước quốc tế: liên Nhà nước, liên Chính phủ và liên cơ quan. Mỗi điều ước có một quy trình ký kết, gia nhập cụ thể. Đề nghị ký kết điều ước quốc tế nhân danh Liên bang Nga phải được đệ trình lên Tổng thống Liên bang. Những đề nghị như vậy như lại liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được đệ trình lên Chính phủ Liên bang. Đề nghị ký kết điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ cũng phải được đệ trình lên Chính phủ Liên bang.

Các điều ước quốc tế ký kết bởi các bộ, ngành của Liên bang Nga được coi là thoả thuận giữa các bộ, ngành. Theo Luật điều ước quốc tế của Liên bang Nga, chỉ có các cơ quan hành pháp liên bang mới có thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế. Do đó, Toà án tối cao và Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga không thể ký kết các điều ước quốc tế.

1.2. Chức năng điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp Liên bang Nga.

a. Với chức năng điều ước quốc tế chung.

Tại Liên bang Nga, cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm về việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn và tổ chức thực hiện, giám sát các điều ước quốc tế là Bộ Ngoại giao. Tất cả các thủ tục liên quan đến các công việc nêu trên cần được thực hiện thông qua Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cũng chịu trách nhiệm quản lý việc đăng ký các điều ước quốc tế. Các bản gốc của các điều ước quốc tế (bản sao có chứng thực, các bản dịch chính thức) được ký kết nhân danh Liên bang Nga hoặc Chính phủ Liên bang Nga đều được đưa vào lưu trữ tại Bộ Ngoại giao trong vòng hai tuần sau khi ký. Đối với các thoả thuận quốc tế cấp bộ, ngành, bản gốc các đi quốc tế liên Bộ, ngành vẫn do các cơ quan này lưu trữ như phải gửi cho Bộ Ngoại giao bản sao có chứng thực.

Bên cạnh Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cũng đóng một vai trò đặc biệt trong việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế ở Liên bang Nga. Vai trò của Bộ Tư pháp được thể hiện ở hai nội dung quan trọng:

- Thứ nhất, đối với các điều ước quy định các điều khoản vượt quá thẩm quyền xem xét của các cơ quan hành pháp và cần được sự phê chuẩn của Tổng thống thì cần được sự đồng ý của  Bộ Tư pháp. Trước khi tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế này xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp về những nội dung này.

- Thứ hai, Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền phát biểu về mối quan hệ giữa các điều ước quốc tế với nội luật. Quy định này đảm bảo việc thực hiện điều ước quốc tế sau khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực. Theo Hiến pháp Liên bang Nga, điều ước quốc tế là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống pháp luật Liên bang Nga. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa nội luật và điều ước quốc tế, điều ước quốc tế sẽ được ưu tiên áp dụng[208].

 Tuy nhiên, pháp luật Liên bang Nga cũng thừa nhận cả hai hình thức áp dụng điều ước quốc tế, đó là áp dụng trực tiếp và áp dụng gián tiếp. Một số điều ước không yêu cầu phải nội luật hoá, có khả năng áp dụng trực tiếp sẽ được Chính phủ hoặc Tổng thống thông qua trước khi ký kết. Còn đối với các điều ước quốc tế quy định rõ về nghĩa vụ của quốc gia thành viên chuyển hoá và nội luật hoá tất nhiên sẽ không có hiệu lực trực tiếp mà các điều ước này cần được Quốc hội phê chuẩn, ban hành văn ban thi hành dưới hình thức là Luật liên bang. Ở đây, chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp trong việc xác định điều ước quốc tế nào có thể áp dụng trực tiếp, điều ước quốc tế nào cần nội luật hoá và nội luật hoá điều ước đó như thế nào.

b. Với chức năng điều ước quốc tế chuyên ngành.

Luật điều ước quốc tế Liên bang Nga quy định các Bộ, ngành thuộc hành pháp được quyền khởi xướng việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế trong phạm vi quyền hạn của mình và phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao. Với chức năng của mình, Bộ Tư pháp Liên bang Nga cũng đã chủ trì đàm phán, ký kết một số các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về quyền con người.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Liên bang Nga cũng có thẩm quyền ký kết các thoả thuận quốc tế nhân danh mình với các cơ quan hữu quan của nước ngoài. Các thoản thuận này thường là những thoả thuận về hợp tác pháp luật, hợp tác tư pháp giữa Liên bang Nga và các nước.

 

2. Cộng hoà Inđônêxia.

2.1. Khái quát pháp luật Inđônêxia về điều ước quốc tế.

Quy định cơ bản về quy trình xây dựng điều ước quốc tế trong pháp luật Inđônêxia được quy định trong Hiến pháp. Điều 10 Hiến pháp Inđônêxia năm 1945 quy định Tổng thống có thể ký kết điều ước quốc tế với nước ngoài khi được Quốc hội thông qua. Các vấn đề chi tiết của việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được quy định trong Luật về quan hệ quốc tế và Luật về điều ước quốc tế. Theo các văn bản luật này, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối về điều ước quốc tế. Các cơ quan của Nhà nước và Chính phủ có dự định ký kết điều ước quốc tế phải tham khảo trước ý kiến của Bộ Ngoại giao.

a) Quy trình ký kết điều ước quốc tế:

Theo Luật điều ước quốc tế, quy trình ky skết điều ước quốc tế phải được tiến hành qua các giai đoạn khảo sát, đàm phán, dự thảo và ký.

Khảo sát là giai đoạn đầu được các bên liên quan tiến hành về  khả năng ký kết một điều ước quốc tế. Trong giai đoạn này, một cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan của Chính phủ sẽ được tổ chức để xem xét khả năng đó. Bộ Ngoại giao sẽ đóng góp ý kiến về mặt chính trị.

Giai đoạn tiếp theo là đàm phán. Trong giai đoạn thứ hai này, cả hai bên thảo luận và xây dựng các vấn đề thực chất cũng như kỹ thuật sẽ được thoả thuận trong điều ước quốc tế. Bộ trưởng hoặc các quan chức cao cấp cuả Nhà nước sẽ lãnh đạo nhóm đàm phán. Trong khi tiến hành đàm phán, những người tham gia đàm phán phải lưu ý đường lối của Bộ Ngoại giao. Việc uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho trưởng đoàn đàm phán người sẽ thay mặt  Inđônêxia  chấp nhận hoặc ký văn bản điều ước cũng được yêu cầu.

b) Quy trình phê chuẩn:

Quy trình chung và cơ bản theo Hiến pháp là mọi điều ước được Chính phủ ký kết phải được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, trên thực tiễn, không phải mọi điều ước được Inđônêxia ký kết đều được phê chuẩn[209]. Vì vậy, Luật điều ước quốc tế đã đưa ra những quy tắc cở bản hợp hiến, quy định một số điều ước quốc tế nhất định được Inđônêxia ký kết phải phê chuẩn. Luật này cũng quy định việc phê chauản phải được thực hiện bằng "luật" do Quốc hội hoặc bằng "sắc lệnh tổng thống".

Hình thức phê chuẩn do Quốc hội được áp dụng đối với các điều ước quốc tế điều chỉnh các vấn đề sau: chính trị, hoà bình, quốc phòng, an ninh quốc gia; phân định lãnh thổ; chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền; nhân quyền và môi trường; vay vốn nước ngoài, viện trợ; điều ước liên quan đến xây dựng điều ước, luật (ví dụ: Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế).

Các điều ước quốc tế không thuộc loại trên có thể được phê chuẩn bằng "sắc lệnh tổng thống". Việc phê chuẩn bằng sắc lệnh tổng thống sẽ được thực hiện đối với những điều ước chứa đựng các vấn đề mang tính thủ tục đòi hỏi phải thực hiện ngay mà không ảnh hưởng đến luật quốc gia. Mặc dù không cần thông qua Quốc hội, Chính phủ phải trình bản sao sắc lệnh tổng thống phê chuẩn điều ước cho Quốc hội.

2.2. Vai trò của Bộ Tư pháp và nhân quyền Cộng hoà Inđônêxia với công tác điều ước quốc tế.

Như trên đã trình bày, Bộ Ngoại giao Inđônêxia đóng vai trò đầu mối trong công tác điều ước quốc tế.

Bộ Tư pháp và nhân quyền Inđônêxia với tư cách là một cơ quan thuộc Chính phủ có hai vai trò quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế:

- Thứ nhất, chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế chuyên ngành trong phạm vi chức năng của mình như: nhân quyền, tương trợ tư pháp, hình sự quốc tế.

- Thứ hai, trong việc thực hiện các điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế ở Inđônêxia được thực hiện theo thuyết "nhị nguyên luận". Khi bày tỏ sự chấp thuận bị ràng buộc qua việc phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế, Chính phủ Inđônêxia có thể ban hành luật hoặc sắc kệnh để chuyển hoá các quy định của điều ước. Bộ Tư pháp và Nhân quyền là cơ quan sẽ phát biểu ý kiến về việc ban hành các văn bản luật này.

3. Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Theo quy định của Hiến pháp, việc ký kết các điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế với các quốc gia khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc phê chuẩn hay bãi bỏ các điều ước hoặc thoả thuận quốc tế phù hợp với các quy định và luật pháp quốc tế.

Đối với thủ tục xem xét để trở thành thành viên của một điều ước quốc tế, kể cả việc đàm phán, gia nhập, chấp nhập, phê chuẩn, các Bộ ngành quản lý Nhà nước trực tiếp về lĩnh vực đó là cơ quan chủ trì. Cơ quan chủ trì sẽ xem xét đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế, đưa ra đề xuất cụ thể và trình nó lên cho Chính phủ thông qua Bộ Ngoại giao hoặc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chủ trì phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp Lào.

Bộ, ngành chủ trì đàm phán ký, gia nhập điều ước quốc tế là cơ quan được Chính phủ thực hiện điều ước quốc tế đó. Tuy nhiên, việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải có sự tham gia của một số cơ quan khác. Quốc hội, Bộ Tư pháp, Toà án tối cao và Viện kiểm sát tối cao là những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện điều ước quốc tế[210].

 



[1] Luật Tổ chức Chính phủ 25/12/2001 (Điều 8, kh.8). Cụ thể về vai trò của Chính phủ trong công tác điều ước quốc tế, xem Phần thứ nhất, Mục 1.4.3.

[2] Bộ Ngoại giao, Báo cáo Tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế” trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, Hà Nội, 12/12/2005.

[3] Cụ thể, xem Mục 1.4. trong Phần thứ nhất.

[4]  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, ngày 03/6/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009.

[5] Thông thường với các quy định có tính chất công thức là trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với văn bản pháp luật có liên quan thì ư tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế.    

[6] Luật số 41/2005/QH11 của Quốc hội khoá 11 được ban hành ngày 14/06/2005, đăng Công báo ngày 17/07/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.

[7] Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam ngày 17/10/1989.

[8] Nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20/02/2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước CHXHCN Việt Nam.

[9] Pháp lệnh số 33/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

[10] Công tác ĐƯQT bao gồm các giai đoạn: đàm phán, ký kết, gia nhập, bảo lưu, phê chuẩn, phê duyệt, lưu chiểu và thực hiện ĐƯQT.

[11] Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số điều khoản làm thay đổi thẩm quyền quyết định việc ký kết, gia nhập ĐƯQT của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ được quy định trong Pháp lệnh năm 1998. Thực tiễn ký kết, gia nhập ĐƯQT cũng cho thấy các quy định của Hiến pháp dần dần đã được áp dụng thay cho một số quy định của Pháp lệnh năm 1998 liên quan đến những vấn đề về thẩm quyền quyết định ký kết, gia nhập ĐƯQT. Hơn nữa, các quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT quy định tại Pháp lệnh năm 1998, xét về mức độ tương thích với một số VBQPPL do Quốc hội ban hành, nếu tiếp tục thể hiện dưới hình thức Pháp lệnh là chưa phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.

[12] Trong trường hợp VBQPPL có quy định khác với quy định của ĐƯQT mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì áp dụng quy định của ĐƯQT.

[13] Theo đánh giá của Ban soạn thảo thì quy định của Pháp lệnh năm 1998 và Nghị định 161 về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT còn thiếu, chưa cụ thể và đồng bộ. Mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước trong việc lấy ý kiến đánh giá tác động của điều ước đối với điều kiện kinh tế-xã hội và hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa được quy định cụ thể rõ ràng, dẫn đến tính trạng nhiều ĐƯQT có nhiều điều khoản trái, không khả thi nhưng vẫn được cơ quan đề xuất tiếp tục đàm phán, ký kết. Bên cạnh đó, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục uỷ quyền, ký phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, thẩm định, giải thích ĐƯQT, sửa đổi, bổ sung và bảo lưu ĐƯQT còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa cụ thể để các cơ quan đề xuất có thể thực hiện tốt.

[14] Cụ thể như sau: Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều từ Điều 1 đến Điều 8;Chương II: Ký kết ĐƯQT, gồm 6 mục với 40 điều, từ Điều 9 đến Điều 48;Chương III: Gia nhập ĐƯQT nhiều bên, gồm 5 điều, từ Điều 49 đến Điều 53;Chương IV: Bảo lưu ĐƯQT, 7 điều, từ Điều 54 đến Điều 60;Chương V: Hiệu lực áp dụng tạm tời toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT, 4 điều, từ Điều 61 đến Điều 64;Chương VI: Lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký ĐƯQT, gồm 6 Điều từ Điều 65 đến Điều 70;Chương VII: Thực hiện ĐƯQT, gồm 4 mục với 26 điều, từ Điều 71 đến Điều 96;Chương VIII: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT gồm 8 điều, từ Điều 97 đến Điều 104; Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều từ Điều 105 đến Điều 107.

[15] Theo Luật 2005 (Điều 2, khoản 1) thì ĐƯQT là thoả thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ CHXHCN Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

[16] Phạm vi điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế sẽ được xem xét, phân tích ở Phần những nội dung cơ bản của Luật.

[17] Xem cụ thể tại Mục 4.2.1.2. Phần thứ tư. Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Ban hành VBQPPL 2008.

[18] (i) Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; (ii) Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; (iii) Người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của  Việt Nam tại tổ chức quốc tế hoặc cơ quan thuộc tổ chức này.

[19] Cụ thể xem Mục 3.3. Phần thứ ba của Báo cáo này.

[20] Xem thêm phần trình bày và phân tích về thoả thuận quốc tế tại Mục 1.3. (Phần thứ nhất) và 4.3.3.3 (Phần thứ tư).

[21] Chương I: Những quy định chung gồm (8 điều); Chương II: Ký kết thoả thuận quốc tế (12 Điều); Chương III: Thực hiện thoả thuận quốc tế (7 Điều); Chương IV: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh và cơ quan trung ương của các tổ chức trong hoạt đông ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế  (4 điều); và Chương V: Điều khoản thi hành (2 Điều).

 

 

[22] Xem Luật tổ chức Quốc hội, sửa đổi ngày 27/4/2007 (Điều 27 và Điều 27a).

[23] Xem Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/3/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao (Điều 2).

[24] Xem cụ thể tại Phần thứ ba, “Bộ Tư pháp với việc thực hiện Điều ước quốc tế”.

[25] Báo cáo về kết quả rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam

 

[26] Theo Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 thì nguồn thu của ngân sách trung ương gồm: 1) Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%: a) Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; c) Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá nhập khẩu; d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành; đ) Các khoản thuế và thu khác từ dầu, khí theo quy định của Chính phủ; e) Tiền thu hồi vốn của ngân sách trung ương tại các tổ chức kinh tế, thu hồi tiền cho vay của ngân sách trung ương (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, thu nhập từ vốn góp của Nhà nước; g) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam; h) Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách trung ương; i)Thu kết dư ngân sách trung ương; k) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

[27] Nghị định số 62/2003/NĐ-CP.

[28] Nguyễn Đình Lộc (Chủ biên) Từ điển luật học NXB Tư pháp, 2006).

[29] Văn bản điều ước quốc tế được dùng đề chỉ điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam gia nhập.

[30] Trước đây, chỉ có điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa quy định trong các văn bản của Quốc hội và UBTVQH mới được thẩm định. Theo quy định Điều 19 Khoản 1 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có quy định: “Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế” và Khoản 2 Điều 49 Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm thẩm định đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.

[31] Ở các nước thường là Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến .

[32] Xem Nguyễn Công Khanh, "Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" - Luận án tiến sỹ luật học, Đại học Luật Hà Nội, 2005.

[33]  Điều 4 (điểm 14)  Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA.

[34] Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác các năm 2003-2007 của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp.

[35] Qua theo dõi tình hình thực hiện Nghị định 103/1998/NĐ-CP, có thể thấy số lượng các chương trình, dự án pháp luật hợp tác với các tổ chức phi chính phủ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

[36] “Báo cáo Tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế” của Bộ Ngoại giao tại Hội nghị tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, Hà Nội, 12/12/2005. 

[37] Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 14/2008/CT-TTg ngày 22/4/2008 về các biện pháp tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

[38] Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ.

[39] Thông tư số 04/2005/TT-VPCP ngày 21/3/2005 của Văn phòng Chính phủ.   

[40] Cụ thể là Bộ Ngoại giao, vào năm 1995 đã ban hành Niên giám điều ước quốc tế đầu tiên của Việt Nam giai đoạn 1990 - 1991, cho tới nay, vào cuối năm 2007, cũng mới chỉ có Niên giám điều ước quốc tế đến năm 1994 và Bộ Ngoại giao đang chuẩn bị xuất bản Niên giám điều ước quốc tế 1995. Điều này đã cho thấy tình hình thực hiện quy định về Công bố điều ước quốc tế rất kém, chủ yếu là do các cơ quan chủ trì ký kết điều ước quốc tế không nhận thức được tầm quan trọng của việc công bố các điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với Việt Nam và việc quản lý của Bộ Ngoại giao đối với điều ước quốc tế còn chưa chặt chẽ.

[42] Xem trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: http://www.agroviet.gov.vn/portal/page?_pageid=35,280939&_dad=portal&_schema=PORTAL

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn/lawpage.aspx?Lang=4

Và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/vanban_pq/nr050714151044/ns051205120038

[43] Các nội dung cụ thể: Tiến hành bước đầu việc rà soát, đối chiếu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sát hợp với các định chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế; căn cứ vào kết quả của việc rà soát, trình Chính phủ kiến nghị với Quốc hội đưa nội dung về xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các định chế của WTO và các tổ chức kinh tế- thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách không phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ thoả thuận vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2002-2003 và cho cả nhiệm kỳ Quốc hội 2002-2006.

 

[44] Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung 148 văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác với Hiệp định. Trong số các văn bản này có 26 luật, 19 pháp lệnh, 1 quyết định của Chủ tịch nước, 54 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị của Thủ tướng, 23 thông tư, 13 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ trưởng.

[45] Báo cáo ngày 12/7/2001 của Bộ Tư pháp về Kết quả rà soát, đối chiếu Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

[46] Các hiệp định được ký tại Marrakesh và các phụ lục kèm theo gồm khoảng 50,000 trang, chưa kể hàng trăm ngàn trang tài liệu ghi chú, chuẩn bị và bình luận về thực tiễn đàm phán, cách hiểu các thuật ngữ, khái niệm.  

[47] Chẳng hạn, Công ước của Liên hợp quốc về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế được thông qua năm 1997 được bắt đầu soạn thảo từ 1970 chỉ vẻn vẹn có 37 điều nhưng có đến khoảng hơn trăm ngàn trang viết về quá trình đàm phán, xây dựng cũng như ý định của các nhà soạn thảo Công ước.

[48] Cơ quan đề xuất trong Luật năm 2005 được hiểu là cơ quan đề xuất ký kết hoặc đề xuất gia nhập điều ước quốc tế

[49] Luật Điều ước quốc tế 2005 (Điều 100).

[50] Luật Điều ước quốc tế 2005 (Điều 100) quy định về trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội

[51] Xem Pháp luật Tương trợ tư pháp quốc tế, tr.23 – NXB. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

[52] Cụ thể, Ba Lan (22/3/1993), Bê-la-rút (14/9/2000), Bun-ga-ri (03/10/1986), CHDCND Triều Tiên (04/5/2002, Cu Ba (30/11/1984) , Hung-ga-ri (18/01/1985), CHĐCN Lào (06/7/1998), Liên Xô cũ (10/12/1981), Mông Cổ (17/4/2000), Nga (25/8/1998), CH Pháp (24/02/1999), Tiệp khắc (12/10/1982), Trung Quốc (19/10/1998), Ucraina (16/4/2000) và Hàn Quốc (15/9/2003). Danh sách các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam tính đến ngày 30/8/2004, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao www.mofa.gov.vn.

[53] Chẳng hạn như: 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý (Việt Nam gia nhập ngày 30/7/1997); Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam tham gia ký ngày 13/12/2000); Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất các thủ tục để tham gia các Công ước về chống khủng bố của Liên Hợp quốc như: Công ước về chống tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước về trừng trị tội khủng bố quốc tế bằng bom thư năm 1997. Còn đối với các nước chưa ký kết Hiệp định, thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

[54] Việt Nam gia nhập Công ước New York 1958 ngày 28/7/1995.

[55] Thông tin thêm về chức năng nhiệm vụ của các Bộ Tư pháp, xem Hoàng Thư, "Tọa đàm về mô hình và kinh nghiệm các nước trong tổ chức ngành tư pháp", Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp 30/72008.  

[56] Như các văn bản về quyền tự do dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương mại, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các toà án, truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các phạt, quản trị nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức toà án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hộ giá viên, hộ tịch...

[57] Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp, Trang Web của Bộ Tư pháp (Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bộ Tư pháp).

[58] Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ Nước VNDCCH được Quốc hội Khoá II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 14/07/1960 quy định tổ chức Hội đồng Chính phủ gồm 18 bộ và 6 cơ quan ngang bộ.

[59]  Cụ thể, Bộ được giao các nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng các dự án pháp luật, xây dựng hoặc tham gia với các ngành xây dựng các dự án pháp luật; hướng dẫn hệ thống hoá pháp luật; quản lý về mặt tổ chức các toà án địa phương; bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp; pháp chế ngành; tuyên truyền giáo dục pháp luật; nghiên cứu khoa học pháp lý.

[60] Xem Luật Ban hành VBQPPL 2002 (Điều 29a).  

[61] Xem Luật Ban hành VBQPPL 2008 (Điều 36, khoản 3.c).  

[62] Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung 148 VBQPPL có quy định khác với Hiệp định. Trong số các văn bản này có 26 luật, 19 pháp lệnh, 1 quyết định của Chủ tịch nước, 54 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị của Thủ tướng, 23 thông tư, 13 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ trưởng.

[63] Các điều từ 17-21 của Luật Điều ước quốc tế 2005 quy định nhiệm vụ thẩm định ĐƯQT của Bộ Tư pháp. Theo Pháp lệnh năm 1998 thì Bộ Tư pháp chỉ thẩm định những điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL do Quốc hội, UBTVQH ban hành (Điều 5, khoản 3), nhưng Luật 2005 quy định nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp đối với tất cả các ĐƯQT nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Về những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế xem Nguyễn Thị Thuận, "Những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Nhà nước và Pháp luật 4(216) (2006), tr. 70 et seq.   

[64] Chẳng hạn, Nghị định 131 điều chỉnh vấn đề quản lý và sử dụng ODA, nhưng vẫn có quy định riêng về pháp luật và thẩm định ĐƯQT về ODA do Bộ Tư pháp thực hiện

[65] Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

[66] Xem Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 67-69 (về tính ý chí, tính quyền lực và tính quy phạm của pháp luật).  

[67] Martin A. Rogoff, “Interpretation of International Agreements by Domestic Courts and the Politics of International Treaty Relations: Reflections of Some Recent Decisions of the United States Supreme Courts”, 11 Am. U. J. Int’l. L. & Pol’y 559 tr. 669 (1996). 

[68] Oleg I. Tiunov, “Concepts and Features of International Law: Its Relation to Norms of the National Law of the State”, 38 St. Louis L.J. 915 tr. 926 (Summer, 1994).  

[69] S.M. Schwebel, Third Report on the Non-Navigational Uses of International Waters, UN Doc. A/CN.4/348, para. 116, footnote 229. Sau này, khoảng từ thế kỷ 17 trở đi, toà án Anh áp dụng quan điểm này trong một số phán quyết nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí càng tăng tại Anh quốc trong thời gian đó. Alfred’s Case (1611) recited from  E. Brubaker, Property Rights in the Defense of Nature (1995), 

[70]Tiunov, sđd, chú thích 105, tr. 926.  

[71] Như đối với Nhật Bản, trong làn sóng cải cách thiết chế gần đây, người ta cũng phải thừa nhận "sự cần thiết phải thay đổi và cải cách đã được người ta dự định từ lâu. Tuy nhiên, để phá vỡ những bức tường cố hữu giữa các bộ với nhau đòi hỏi phải thuyết phục bằng được các bên liên quan cũng như việc huỷ bỏ, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản mới - tất cả những điều này đòi hỏi quyết tâm, xung năng chính trị để vượt qua rào cản. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại các bộ, cơ quan trong chính phủ nhiều khi trở thành điều kiêng kị về chính trị. Có lẽ có rất ít các chính trị gia dám dũng cảm đụng đến điều kiêng kị hay lĩnh vực mà gần như ai cũng muốn tránh này. Xem Yuko Kaneko Government Reform in Japan (July 1999). Hệ thống pháp luật và tư pháp ở Anh, tuy được hình thành, phát triển và hoạt động tương đối ổn định từ mấy trăm năm nay cũng đang phải cải cách và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Đạo luật về cải cách hiến pháp năm 2005 thành lập Toà án tối cao, Uỷ ban Tuyển chọn Thẩm phán, Uỷ ban Cải cách pháp luật, thành lập Bộ Tư pháp trên cơ sở tách Bộ Nội vụ … những vấn đề không dễ đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội với những thiết chế đã tồn tại hàng mấy trăm năm nay.

[72] "Chương trình hành động giai đoạn 2006-2010 của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", ban hành kèm theo Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.  

[73] Khoản 7 Điều 26 Luật Ban hành VBQPPL 2002 quy định một trong những nhiệm vụ của Ban soạn thảo là: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

 

[74] Theo Điều 2 Công ước Viên thì Điều ước là thoả thuận quốc tế được ký bằng văn bản giữa các quốc gia và được luật quốc tế điều chỉnh, không phụ thuộc vào việc thoả thuận đó được quy định trong một công cụ duy nhất hay trong hai hoặc nhiều hơn các công cụ có liên quan và không phụ thuộc vào mục đích cụ thể của thoả thuận đó.  

[75] “Báo cáo Tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế” của Bộ Ngoại giao tại Hội nghị tổng kết công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, Hà Nội, 12/12/2005. 

[76] Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  ngày 05 tháng 8 năm 2003 thành lập Vụ Pháp luật quốc tế, được khẳng định lại trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế Ban hành kèm theo Quyết định số: 348/QĐ-BTP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[77] Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật hình sự hành chính Ban hành kèm theo Quyết định số 1435/QĐ-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[78] Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số: 347 /QĐ- BTP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[79] Chức năng kiểm tra văn bản của BTP được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003; Quyết định số 336/2003/QĐ-BTP ngày 05/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Kiểm tra VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp. 

[80] Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/07/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy chế thẩm định ĐƯQT (các điều 5, 6, 9). 

[81] Xem Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg  ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (các điều 11, 12).

 

[82] Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp, Trang Web của Bộ Tư pháp (Giới thiệu về BTP - Lịch sử hình thành và phát triển).

[83] Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ Nước VNDCCH được Quốc hội Khoá II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 14/07/1960 quy định tổ chức Hội đồng Chính phủ gồm 18 bộ và 6 cơ quan ngang bộ.

[84] "Thư của đồng chí Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ VI năm 1987", Hà Nội, ngày 25/3/1988, trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 139.   

[85] Phan Văn Khải, "Ngành Tư pháp tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới" - Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Tư pháp năm 1998, Hà Nội, 01- 05/02/1999, trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 190.

[86] Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung 148 văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác với Hiệp định. Trong số các văn bản này có 26 luật, 19 pháp lệnh, 1 quyết định của Chủ tịch nước, 54 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị của Thủ tướng, 23 thông tư, 13 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ trưởng.

[87] Năm 2002, trong Hội nghị Ngành Tư pháp, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương nói "Trong xu thế hội nhập, Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập hàng trăm điều ước quốc tế. Nhưng một thực tế đáng nói là các điều ước quốc tế đó chưa được công bố rộng rãi, chưa đượctuyên truyền, phổ biến, học tập một  cách nghiêm túc .. . đề nghị ngành Tư pháp phải coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến ... về công tác điều ước quốc tế." Trần Đức Lương, "Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2002", trong sách Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 243- 4.  

[88] Theo Pháp lệnh năm 1998 thì Bộ Tư pháp chỉ thẩm định những điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các VBQPPL do Quốc hội, UBTVQH ban hành (Điều 5, khoản 3). Về những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế xem Nguyễn Thị Thuận, "Những điểm mới của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Nhà nước và Pháp luật 4(216) (2006), tr. 70 et seq.   

[89] Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

[90] Thậm chí đối với Nhật bản trong làn sóng cải cách thiết chế mới đây mà người ta cũng phải thừa nhận rằng "sự cần thiết phải thay đổi và cải cách đã được người ta dự định từ lâu. Tuy nhiên, để phá vỡ những bức tường cố hữu giữa các bộ với nhau đòi hỏi phải thuyết phục bằng được các bên liên quan cũng như việc huỷ bỏ, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản mới - tất cả những điều này đòi hỏi quyết tâm, xung năng chính trị để vượt qua rào cản. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại các bộ, cơ quan trong chính phủ nhiều khi trở thành điều kiêng kị về chính trị. Có lẽ có rất ít các chính trị gia dám dũng cảm đụng đến điều kiêng kị hay lĩnh vực mà gần như không ai dám đụng đến này. Xem Yuko Kaneko Government Reform in Japan (July 1999).

[91] "Chương trình hành động giai đoạn 2006- 2010 của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", ban hành kèm theo Quyết định số 1325/QĐ- BTP ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.  

[92] Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi ngày 27/4/2007 (Điều 27)

[93] Điều 27a Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi ngày 27/4/2007.

[94] Điều 19 Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 22/4/2002.

[95] Điều 1 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 22/4/2002.

[96] Xem Nghị định số 21/2003/NĐ- CP ngày 10 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao (Điều 2).

[97] Sdd.

[98] Xem Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 67- 69 (về tính ý chí, tính quyền lực và tính quy phạm của pháp luật).  

[99] Martin A. Rogoff, “Interpretation of International Agreements by Domestic Courts and the Politics of International Treaty Relations: Reflections of Some Recent Decisions of the United States Supreme Courts”, 11 Am. U. J. Int’l. L. & Pol’y 559 tr. 669 (1996). 

[100] Oleg I. Tiunov, “Concepts and Features of International Law: Its Relation to Norms of the National Law of the State”, 38 St. Louis L.J. 915 tr. 926 (Summer, 1994).  

[101] S.M. Schwebel, Third Report on the Non- Navigational Uses of International Waters, UN Doc. A/CN.4/348, para. 116, footnote 229. Sau này, khoảng từ thế kỷ 17 trở đi, toà án Anh áp dụng quan điểm này trong một số phán quyết nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí càng tăng tại Anh quốc trong thời gian đó. Alfred’s Case (1611) recited from  E. Brubaker, Property Rights in the Defense of Nature (1995), 

[102]Tiunov, sđd, tr. 926.  

[103] Điều 26 (Khoản 7) Luật 1996 quy định như sau: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, phải tính đến điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

[104] Dự thảo được Chính phủ trình như sau: “Điều 2a. Bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế: Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập trong mức độ cam kết.”

[105] Hiến pháp Cộng hoà Nam Phi, Chương 14, Điều 233.

[106] Về yêu cầu nhận thức về vai trò đóng góp tích cực của công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, xem “Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp về công việc ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam”, Báo Nhân dân 10- 4- 2003; về quan điểm dần dần phải coi các điều ước quốc tế là một bộ phận không thể tách rời và có vị trí đặc biệt trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia, xem Hà Hùng Cường & các tác giả khác, “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của Công hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật Việt Nam” – Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 95- 98- 113/DT, tr. 30.

[107] Điều 2, Luật Ban hành VBQPPL 2002 (yêu cầu về đảm bảo tính thống nhất của hệ thống VBQPPL).      

[108] Xem Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Các biện pháp của Cộng đồng châu Âu liên quan đến thịt và sản phẩm thịt (hoóc môn), WT/DS48/AB/R (ra ngày 16/01/1998, thông qua ngày 13/02/1998), mục 189. Cơ quan phúc thẩm giải thích mối quan hệ cũng như ý nghĩa pháp lý của từ “tính đến” hay “cân nhắc đến” và “dựa trên” phát sinh trong vụ kiện của Cộng đồng châu Âu liên quan đến việc áp dụng Hiệp định SPS.

[109] Bùi Ngọc Toàn, "Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật 4(216) 2006, tr. 25.

[110] Nguồn: Bộ Ngoại giao (tài liệu đã dẫn).

[111] Cụ thể, đó là các đơn vị Hình sự hành chính; Dân sự kinh tế; Pháp luật Quốc tế; Phổ biến giáo dục pháp luật; Hành chính tư pháp; Bổ trợ tư pháp; Kế hoạch tài chính; Hợp tác quốc tế; Tổ chức cán bộ; Thi đua khen thưởng; Thi hành án dân sự; Kiểm tra văn bản; Đăng ký giao dịch bản đảm; Trợ giúp pháp lý; Con nuôi quốc tế; Thanh tra; Văn phòng; Viện Khoa học pháp lý; Đại học Luật Hà Nội; Học viện tư pháp; Báo Pháp luật; Tạp chí Dân chủ pháp luật; Trung tâm tin học; Nhà xuất bản tư pháp.

[112] Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  ngày 05 tháng 8 năm 2003 thành lập Vụ Pháp luật quốc tế, được khẳng định lại trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế Ban hành kèm theo Quyết định số: 348/QĐ- BTP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[113] Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật hình sự hành chính Ban hành kèm theo Quyết định số 1435/QĐ- BTP ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[114] Quy chế tổ chức và hoạt động của VụPháp luật dân sự kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số: 347 /QĐ- BTP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[115] Chức năng kiểm tra văn bản của BTP được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ- CP ngày 14 tháng 11 năm 2003; Quyết định số 336/2003/QĐ- BTP ngày 05 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp. 

[116] Quyết định số 06/2006/QĐ- BTP ngày 24/07/2006 của Bộ trưởng Tư pháp ban hành quy chế thẩm định điều ước quốc tế (các điều 5, 6, 9). 

[117] Xem Quyết định số 05/2007/QĐ- TTg  ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (các điều 11, 12).

 

[118] Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị Quốc gia, 2006, tr. 180 – 181.

[119] Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị Quốc gia, 2006, tr. 39 – 40.

[120] Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị Quốc gia, 2006, tr. 114.

[121] Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị Quốc gia, 2006, tr. 114.

 

[122] Công tác điều ước quốc tế bao gồm các giai đoạn: đàm phán, ký kết, gia nhập, bảo lưu, phê chuẩn, phê duyệt, lưu chiểu và thực hiện điều ước quốc tế.

[123] Phạm vi điều chỉnh của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sẽ được xem xét, phân tích ở Phần những nội dung cơ bản của Luật.

[124] Xem Hoa Hữu Long – Pháp luật Việt Nam về ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, tr. 532 – 534 - Hội nhập kinh tế quốc tế, NXB. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

[125] Xem nghị định số 62/203/NĐ- CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ và Quyết định số 348/QĐ- BTP ngày 16/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[126] Điều 414.1 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam ngày 15/6/2004.

[127] Điều 414.1 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam ngày 15/6/2004.

[128] Xem pháp luật Tương trợ tư pháp quốc tế, tr.23 – NXB. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

[129] Danh sách các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam tính đến ngày 30/8/2004, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao www.mofa.gov.vn.

[130] Việt Nam gia nhập Công ước New York 1958 vào ngày 28/7/1995.

[131] Văn bản điều ước quốc tế được dùng đề chỉ điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam gia nhập.

[132] Ngày 14.12.1946, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 97 (I) ban hành Quy định thi hành Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp quốc, Quy định này sau đó đã được sửa đổi, bổ sung hai lần, lần thứ nhất vào 19.12.1978 và lần gần đây nhất bằng Nghị quyết số A/RES/52/153 ngày 15.12.1997 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

[133] Luật  về Bắc Mỹ của Anh (British North America Act), 1867, 30- 31 do Nghị viện hoàng gia Anh ban hành còn có tên gọi là Luật Hiến pháp, 1867.

[134] Luật Hiến pháp 1867, Điều 132.

[135] Cần phải lưu ý rằng, khác với nhiều nước khác như sẽ trình bày ở dưới đây, Nội các liên bang Canada không yêu cầu Nghị viện phải có văn bản chấp thuận việc đàm phán hay ký kết điều ước quốc tế. Nhưng thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế của Nội các cũng không phải là vô hạn bởi lẽ để văn bản pháp luật trong nước thi hành các nghĩa vụ quy định trong điều ước quốc tế được thông qua, đảng cầm quyền trong Nghị viện phải thu được đa số phiếu ủng hộ của Hạ viện.

Tương tự như vậy, Chính phủ liên bang cũng có quyền để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế liên quan đến những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của chính quyền bang song Chính phủ liên bang lại không thể thông qua văn bản thi hành các nghĩa vụ quy định trong điều ước quốc tế đó nếu các nghĩa vụ đó thuộc các lĩnh vực theo thẩm quyền điều chỉnh của chính quyền bang. Chính phủ liên bang cần phải có sự nhất trí của tất cả các bang liên quan để thông qua luật đó tại cấp bang.

[137] Ngoài nhiệm vụ đăng tải điều ước quốc tế, Vụ Điều ước Bộ Ngoại giao còn có nhiệm vụ lập danh mục các điều ước quốc tế khác chưa được trình Nghị viện và đăng ký điều ước quốc tế với Liên Hợp quốc theo Điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc. Liên quan đến công bố điều ước quốc tế, Vụ Điều ước Bộ Ngoại giao còn có một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là duy trì thông tin cập nhật liên quan đến thực trạng ký kết hay thực thi điều ước quốc tế tại Canada. Đối với mỗi điều ước quốc tế mà Canada là một bên tham gia hoặc ký kết, hồ sơ lưu trữ bao gồm thông tin cụ thể về ngày và nơi ký, ngày trình Nghị viện hoặc ngày Nghị viện thông qua, ngày phê chuẩn, gia nhập, có hiệu lực pháp luật và chấm dứt hiệu lực, các chi tiết liên quan đến văn bản quy phạm thực thi trong nước, giải thích của toà án liên quan đến điều ước quốc tế... Tuy vậy, không phải tất cả các thông tin có liên quan nói trên đều được công bố công khai trên internet.

[138] Theo Thống kê của Bộ Ngoại giao Canada, trong vòng 12 tháng kể từ tháng 012006 đến tháng 01/2007, Canada đã ký kết, phê chuẩn, gia nhập, sửa đổi, cho thi hành 20 điều ước quốc tế song phương và không có điều ước quốc tế đa phương nào được ký kết. Canada bắt đầu công bố điều ước quốc tế vào năm 1927, và trung bình hàng năm có khoảng 30 điều ước quốc tế được ký kết và công bố.  Tới ngày 1.10.2005, Canada đã ký hoặc tham gia 3,873 điều ước,  và con số còn nhiều hơn thế là  Biên bản ghi nhớ ký giữa Chính phủ Canada, các bộ và cơ quan liên bang hoặc các bang.

[139] Xem Luật về tiếp cận thông tin 1985 R.S., 1985 (Điều 15 về Miễn trừ cung cấp thông tin liên quan đến đối ngoại và quốc phòng). Theo Luật này thì một số loại thông tin sẽ được bảo mật, trong đó có thông tin liên quan đến quốc phòng của Canada, cách thức tiến hành quan hệ quốc tế của Canada, các bí mật thương mại và một số thông tin bí mật thương mại khác.

[140] Xem Luật về tiếp cận thông tin 1985, ( R.S., 1985, c. A- 1).    

[141] ngày 28 tháng 3 năm 2001.

[142] Khoản 3 (1) và (2) dự luật C- 316.

[143] Khoản 4 dự luật C- 316.

[144] Khoảng 4 (3) dự luật C- 316.

[146] Trên thực tế thực hiện, Canada cũng phân biệt sự khác nhau giữa điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế song các quy định về mặt pháp luật còn chưa rõ ràng.

[147] Tiếng Anh là Executive Agreement.

[148] Tiếng Anh là sole Executive Agreement.

[149] Tiếng Anh là Congressional- executive agreements.

[150] Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 (Điều II khoản 2, đoạn 2).

[151] Cơ sở để hình thành nên nguyên tắc này có thể tham khảo trong lời phát biểu của Charles Evans Hughes trước Hiệp hội luật quốc tế Hoa Kỳ:

"Tôi nghĩ rằng sẽ hoàn toàn không có căn cứ nếu trong khuôn khổ hiến pháp, Toà án tối cao sẽ ra một phán quyết để một điều ước quốc tế nào đó có liên quan đến các vấn đề đối ngoại vượt trên thẩm quyền hoặc chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ...." 1929, Proc. Am. Soc'y Int'l L. 194 (1929).

[152] Chỉ cần đa số phiếu thông thường của cả hai Viện mà không cần phải qua thủ tục phê chuẩn với 2/3 số phiếu ủng hộ của các Nghị sĩ như đối với điều ước quốc tế.

[153] Chính phủ Hoa Kỳ có nhiều lý do để không  ký kết một điều ước quốc tế  theo thủ tục phải có ý kiến của Hạ viện (thoả thuận hỗn hợp) mà ký kết thoả thuận quốc tế hỗn hợp hoặc thoả thuận quốc tế đơn thuần. Có thể xem thêm bài Tại sao một số Thoả thuận thương mại lại được phê chuẩn  dưới dạng Thoả thuận hỗn hợp mà không phải dưới dạng điều ước quốc tế của Jeanne J. Grimmett tại :  http://digital.library.unt.edu/govdocs/crs/permalink/meta- crs- 1991:1.

[154] Điều 112 Bộ Tổng tập luật Hoa Kỳ (1994) (1 U.S.C. Sec.112a (1994).

[155] Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng có nhiệm vụ đăng tải danh mục "Các Điều ước quốc tế có hiệu lực" (Treaties in Force) vào ngày 01 tháng Giêng hàng năm, trong đó phản ánh tình hình thực thi điều ước quốc tế.  Thông tin nhanh  về các điều ước quốc tế cũng được đăng tại hai tuần một lần trong "Bản tin nhanh" (Dispatch) của Bộ Ngoại giao.

[156] Hein cung cấp các văn bản điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế khác của Hoa Kỳ từ năm 1990 đến nay.

[157] Điều 112b Bộ Tổng tập luật Hoa Kỳ quy định về việc gửi các thoả thuận quốc tế lên Hạ viện, thường được gọi là Luật Case- Zablocki ngày 22 tháng 8 năm 1972.

[158] Luật về uỷ quyền quan hệ nước ngoài, Luật công thuộc năm tài chính 1994- 1995  (Foreign Relation Authorization Act, Pub. L. No. 102- 236, 108 Stat.382, 396 (1994).

[160] Như ghi chú ngay trên.

[161] các lý do đó là (1) Cho tới ngày ban hành Luật về uỷ quyền quan hệ nước ngoài, tức là năm tài chính 1994 và 1995, các thoả thuận không còn hiệu lực, (2) các thoả thuận không tạo ra các quyền hay nghĩa vụ cá nhân, hoặc thiết lập nên chuẩn mực chung có tác dụng điều chỉnh các hành vi của chính phủ đối với các cá nhân, (3) theo tính chất cụ thể của đối tượng công chúng đối được quy định trong thoả thuận, sự quan tâm đó của công chúng có thể đáp ứng theo các cách thức phù hợp khác mà không nhất thiết phải công bố thoả thuận; hoăc (4) việc công bố công khai văn bản thuản theo, theo ý kiến của Tổng thống, sẽ có thể có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

[162] Ví dụ, lần công bố các tiêu chí đầu tiên tại Cục lưu trữ  liên bang vào 23 tháng 10 năm 1995, danh mục 9 loại thoả thuận quốc tế đã được ghi trong đề xuất sửa đổi 22 C.F.R. Pt.181: (1) Thoả thuận song phương về điều chỉnh lộ trình trả nợ cho các tổ chức liên chính phủ, (2) Các thoả thuận song phương về dệt liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm có chứa sợi dệt theo quy định của Luật Nông nghiệp 1956 sửa đổi, (3) Các Thoả thuận song phương giữa các cơ quan quản lý bưu chính đối với các điều chỉnh kỹ thuật, (4) Các thoả thuận song phương áp dụng cho các cuộc tập trận cụ thể, (5) Các Thoả thuận song phương về trao đổi quân nhân, (6) Các thoả thuận tương trợ tư pháp song phương áp dụng cho các lĩnh vực điều tra và tổ tụng hình sự và dân sự đặc biệt, (7) Các thoả thuận song phương về bản đồ, (8) Thuế xuất nhập khẩu và các biểu thuế khác theo Thoả thuận chung về thuế quan và thương mại và theo Thoả thuận của Tổ chức thương mại thế giới, và (9) Thoả thuận liên quan đến bí mật an ninh quốc gia căn cứ vào Sắc lệnh số 12958 hoặc các sắc lệnh sau đó, và (b) 9 loại thoả thuận được liệt kê ở trên chưa được công bố trước ngày 26 tháng 2 năm 1996. 

[163] Xem Treaties and other International Agreements: the Roles of the United State Senate, Báo cáo do Trung tâm thông tin thư viện Quốc Hội trình Uỷ ban đối ngoại Hạ viện, Quốc hội Hoa Kỳ khoá 106, kỳ họp thứ 2.

[164] Do tài liệu liên quan bằng tiếng Anh có hạn, phần viết về Đan Mạch dựa trên các thông tin do chuyên gia Đan Mạch cung cấp thông qua trao đổi thư từ, nên không thể trích dẫn nguồn cụ thể. Pháp luật và thực tiễn ký kết điều ước quốc tế của một số nước châu Âu khác như Hà Lan, Đức, Bỉ... cũng không khác nhiều so với Đan Mạch, do vậy, trong phạm vi thời gian có hạn, tác giả chỉ đề cập đến mô hình của Đan Mạch, một nước điển hình của châu Âu có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực công khai và tiếp cận thông tin.

[165] Luật số 842 ngày 16.12.1991 (tiếng Đan Mạch là Lovtidendeloven).

[166] Công báo Đan Mạch dành hẳn một mục riêng cho việc công bố các điều ước quốc tế (Mục C của Công báo).

[167] Công báo Đan Mạch (bằng tiến Đan Mạch) có thể truy cập tại địa chỉ: http://www.retsinformation.dk

[168] Nhiều văn bản là điều ước quốc tế của Liên minh châu Âu như Hiệp ước Maastricht, Hiệp ước Amsterdam.... nhưng rất nhiều văn bản khác chỉ là các quy định, hướng dẫn của các cơ quan thuộc Liên minh châu Âu như Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu, và các cơ quan khác. Song, đối với Đan Mạch hay các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu, đứng về phương diện quốc gia, có thể coi các văn bản này là điều ước quốc tế. 

[170] Danish Access to Public Administration Files Act 1985, Chương 3 "Miễn trừ quyền tiếp cận thông tin hành chính công".

[171] Theo Điều 59(1) Hiến pháp Nhật Bản, một dự luật muốn trở thành luật chính thức cần phải được cả hai Viện của Nghị viện thông qua. Một số trường hợp ngoại lệ bỏ qua việc thông qua của một trong hai Viện của Nghị viện cũng phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc để bảo đảm tất cả các luật đều phải có ý kiến của Nghị viện. Theo Báo cáo khảo sát của đoàn cán bộ Việt Nam thăm và tìm hiểu quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Nhật Bản năm 2004, có ba trường hợp ngoại lệ đối với quy trình thông qua luật ở Nhật Bản. Trường hợp thứ nhất, một dự luật được Hạ Nghị viện thông qua nhưng Thượng Nghị viện lại có quyết định khác  (Theo Điều 59 (4) Hiến pháp, nếu trong vòng sáu mươi ngày kể từ khi nhận được dự luật do Hạ viện thông qua lần thứ nhất mà Thượng viện không tiến hành thủ tục quyết định cuối cùng (final action), Hạ viện có thể xem xét lại dự luật đã bị Thượng viện phủ quyết. Khi đó, Dự luật sẽ trở thành luật khi được Hạ viện thông qua lần thứ hai với hai phần ba tổng số thành viên có mặt bỏ phiếu tán thành (Hiến pháp, Điều 59 khoản 2). Trường hợp thứ hai, một trong hai Viện có thể yêu cầu tổ chức một hội nghị liên Viện (Luật Nghị viện gọi là Hội nghị liên Viện, với sự tham gia của đại diện cả Hạ viện và Thượng viện), khi đó Dự luật sẽ được thông qua khi được Hội nghị liên Viện tán thành (Điều 59 (3) Hiến pháp và Điều 84 và Điều 88- 98 Luật Nghị viện). Trường hợp thứ hai, khi Hạ viện bị giải thể, Điều 54 (2) và (3) Hiến pháp có quy định, một dự luật sẽ trở thành luật nếu được thông qua tại kỳ họp khẩn cấp của Thượng viện (nhưng nếu sau khi khai mạc kỳ họp kế tiếp của Nghị viện mười ngày  mà Dự luật đó không được Hạ viện thông qua thì sẽ không trở thành luật (vô hiệu). Trường hợp thứ ba, theo Điều 95 Hiến pháp Nhật Bản, nếu không có sự đồng ý của đa số thành viên của một cộng đồng / đoàn thể địa phương thì Nghị viện cũng không thể thông qua một đạo luật đặc biệt áp dụng riêng cho cộng đồng/ đoàn thể đó.

[172] Điều 73 (3) Hiến pháp Nhật Bản.

[173] Điều 7 Hiến pháp Nhật Bản.

[174] Điều 59 Hiến pháp Nhật Bản.

[175] Điều 61 Hiến pháp Nhật Bản.

[176] Điều 85 và các điều 88- 98.

[177] Theo ông Taro Morinaga, Công tố viên Bộ Tư pháp Nhật Bản.

[178] Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam ngày 17 tháng 10 năm 1989.

[179] Luật số 41/2005/QH11 của Quốc hội khoá 11 được ban hành ngày 14/06/2005, đăng Công báo ngày 17/07/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.

[180] Nghị định số 20/2002/NĐ- CP ngày 20 tháng  02 năm 2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[181] Pháp lệnh số 33/2007/PL- UBTVQH11 được ban hành ngày 20/4/2007.

[182] Nghị định số 104/2004/NĐ- CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ.

[183] Thông tư số 04/2005/TT- VPCP ngày 21/3/2005 của Văn phòng Chính phủ.   

[184] Điều 11 (3) Luật ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế 2005.

[186] Trong Trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao, chỉ có một số ít điều ước quốc tế hoặc danh mục điều ước quốc tế về lãnh sự được đăng tải tại chuyên mục Công tác lãnh sự.

Xem: http://www.mofa.gov.vn/vi/ct_lanhsu/nr040819100726/ .

[187] Xem trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: http://www.agroviet.gov.vn/portal/page?_pageid=35,280939&_dad=portal&_schema=PORTAL

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn/lawpage.aspx?Lang=4

Và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/vanban_pq/nr050714151044/ns051205120038

 

[188] Công ước này chưa có hiệu lực và Việt nam cũng chưa tham gia

[189] Cơ quan đề xuất trong Luật năm 2005 được hiểu là cơ quan đề xuất ký kết hoặc đề xuất gia nhập điều ước quốc tế

[190] Điều 100 Luật năm 2005

[191] Xem thêm  Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và Quy chế thẩm định ĐƯQTnăm 2006.

[192] Điều 100 - Luật năm 2005 quy định về trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội

[193] Thẩm quyền thẩm định điều ước quốc tế thuộc về Bộ tư pháp được quy định trong Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

[194] Chỉ tính trong thời gian từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về quản lý và sử dụng ODA (Nghị định 87/CP năm 1997; Nghị định 17/2001/NĐ- CP; Nghị định 131/2006/NĐ- CP). Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010" (kèm theo Quyết định số 290/2006/QĐ- TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006).

[195] Nguồn: Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010".

[196] Nguồn: Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010".

[197] Ở các nước thường là Toà án Hiến pháp (Anh, Mỹ) hoặc Hội đồng bảo hiến (Pháp).

[198] Xem Nguyễn Công Khanh, "Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài"- Luận án tiến sỹ luật học năm 2005.

[199] Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác các năm của Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Tư pháp.

[200] Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002:

Nguồn thu của ngân sách trung ương gồm:

1. Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:

a) Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu;

b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá nhập khẩu;

d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành;

đ) Các khoản thuế và thu khác từ dầu, khí theo quy định của Chính phủ;

e) Tiền thu hồi vốn của ngân sách trung ương tại các tổ chức kinh tế, thu hồi tiền cho vay của ngân sách trung ương (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, thu nhập từ vốn góp của Nhà nước;

g) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;

h) Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách trung ương;

i) Thu kết dư ngân sách trung ương;

k) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

 

[201] Qua theo dõi tình hình thực hiện Nghị định 103/1998/NĐ- CP, chúng tôi nhận số lượng các chương trình, dự án pháp luật hợp tác với các tổ chức phi chính phủ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

[202] Báo cáo ngày 12/7/2001 của Bộ Tư pháp về Kết quả rà soát, đối chiếu Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

[203] Báo cáo về kết quả rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam

[204] Nghị quyết của Chính phủ số 16/2007/NQ- CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

[205] Trần Ngọc Đường - Sự hoàn thiện và phát triển quyền con người và pháp quyền công dân qua các bản Hiến pháp của Việt Nam; Một số bài viết về quyền con người của các tác giả Việt Nam – Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Hà Nội: 22- 24 June, 2000. Tài liệu lưu tại Trung tâm nghiên cứu quyền con người - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trg 129- 130.

[206] "Kinh nghiệm và thực tiễn của Liên bang Nga về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế"- Vladimir E.tarabin - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Ngoại giao Liên bang Nga. Tài liệu Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Hà nội 4- 5/11/2004)"

[207] Luật được Duma thông qua ngày 6/6/1995 và có hiệu lực ngày 21/07/1995.

[208] Điều 15 Khoản 4 Hiếp pháp Liên bang năm 1993

[209] Quy định pháp luật và thực tiễn ở Inđônêxia về quy trình xây dựng điều ước quốc tế - Adulkadir Jailani - Bộ Ngoại giao Cộng hoà Inđônêxia Tài liệu Hội thảo về "Kinh nghiêm quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Hà nội 04/11/2004.

[210] Kim nghiệm ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của CHDCND Lào - Viengvone Kittavong - Vụ Luật pháp và điều ước - Bộ Ngoại giao Lào. Tài liệu Hội thảo  "Kinh nghiêm quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Hà nội 04/11/2004.

 

File đính kèm downloadTải về