• Thuộc tính
Tên đề tài Xây dựng cẩm nang về đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Trước tình hình trong nước và quốc tế về nhân quyền đang diễn  tiến  rất  phức  tạp, đã dẫn đến yêu cầu phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn của vấn đề quyền con người, để từ đó có những biện pháp, đối sách thích hợp đối với Việt Nam trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ quyền con người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sự nhất quán trong công tác đấu tranh nhân quyền trong thời gian qua, trước hết phải kể đến là cho đến nay. Nhà nước ta vẫn chưa có một tài liệu toàn diện và có hệ thống về quyền con người để hướng dẫn cho các cơ quan, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều cơ quan, cán bộ có trách nhiệm trong lĩnh vực đấu tranh về nhân quyền còn thiếu những hiểu biết mang tính cơ sở về nhân quyền. Các thiết chế cơ bản về nhân quyền, những nội dung cơ bản của các Công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua, đã không được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Những điều này đã phần nào làm cho công tác đấu tranh về nhân quyền của ta trong thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn, có lúc, có nơi lại làm cho tình hình phức tạp thêm.    

Chính vì lý do trên, Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ đã chỉ đạo phải khẩn trương biên soạn cuốn cẩm nang về các vấn đề liên quan đến đấu tranh về quyền con người (sau đây gọi là Cẩm nang) và giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng đề án và biên soạn Cẩm nang, nhằm phục vụ kịp thời công tác đấu tranh nhân quyền của ta trong thời gian tới.

Việc biên soạn Cẩm nang nhằm hai mục đích cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về đối ngoại, Cẩm nang là tài liệu phục vụ mục đích đấu tranh đối ngoại về quyền con người, giúp cho các đoàn đại biểu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở làm việc với các nước, các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến quyền con người, trả lời phỏng vấn, kháng thư, đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế về quyền con người v.v…

Thứ hai, về đối nội, Cẩm nang là tài liệu phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức từ cấp tỉnh trở lên trong công tác đấu tranh về quyền con người ở trong nước, nhằm chống lại các luận điệu, hoạt động thù địch của các phần tử lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo… đi ngược lại chính sách về quyền con người chân chính của Đảng và Nhà nước ta.

Cẩm nang cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình tham gia xây dựng các Báo cáo quốc gia về việc thực hiện các công ước về quyền con người mà Nhà nước đã ký kết, tham gia cũng như trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xây dựng chính sách đồng bộ để bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG CẨM NANG

Về cơ sở lý luận, trước hết, cần xác định tập trung nghiên cứu về quan điểm hiện nay của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, thể hiện trong các văn kiện đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và các văn kiện khác của Đảng ta có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền con người và bảo vệ quyền con người từ Đại hội VI đến nay.

Cơ sở lý luận về quyền con người cần được đề cập dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, bao gồm những nội dung cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đồng thời, cần so sánh pháp luật một số nước phát triển về nhân quyền, nghiên cứu thực tiễn đấu tranh nhân quyền của một số nước như Trung Quốc, Cu Ba và một số nước đang phát triển khác tại các diễn đàn quốc tế và trong một số hoàn cảnh đấu tranh song phương với Phương Tây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bảo vệ và ngày càng phát huy các quyền của con người là chính sách nhất quán của Đảng ta, được thể hiện ngày càng toàn diện và đầy đủ trong hệ thống pháp luật của dân, do dân và vì dân của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việc soạn thảo Cẩm nang phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng đó.

Cẩm nang sẽ là tài liệu chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó trình bày một cách súc tích và thuyết phục nhất mọi vấn đề liên quan đến nhân quyền của Việt Nam từ chính sách, pháp luật đến những thành tựu đã đạt được, từ những vấn đề mang tính lý luận cho đến những kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh nhân quyền của thế giới và Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định rằng, Cẩm nang sẽ là một phương tiện sắc bén giúp cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta một cách đắc lực trong việc bảo vệ những quan niệm và thành tựu nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được trong mấy chục năm qua, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, sai trái về thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền cũng như các giá trị nhân quyền mà nhân dân Việt Nam đã dành được và đang ra sức bảo vệ, phát huy.

Những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề quyền con người bao gồm:

 - Quyền con người là giá trị chung của nhân loại

Con người sinh ra vốn đã có quyền, đó là quyền sống, quyền dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền phát triển, được tồn tại dưới dạng những nhu cầu, lợi ích và năng lực. Những nhu cầu, lợi ích và năng lực đó chỉ thực sự trở thành quyền khi được Nhà nước bảo hộ bằng pháp luật.

Từ thực tiễn đấu tranh kiên cường của dân tộc, Đảng ta khẳng định “quyền con người là giá trị chung của nhân loại; quyền con người là thành quả của việc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”.

Đảng tôn trọng, bảo vệ những giá trị cao quý được nhân loại thừa nhận về quyền con người “kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội”. Bằng các nỗ lực của mình trong việc giải quyết các vấn đề về chống nghèo đói, chống thất nghiệp, chống bệnh dịch, chống chiến tranh phi nghĩa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta: “Tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Mỗi quốc gia khi tham gia các công ước quốc tế về quyền con người đều phải có những cam kết nhất định về nghĩa vụ và trách nhiệm. Đảng khẳng định quan điểm và trách nhiệm của mình khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người mang tính toàn cầu: Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ủng hộ và cùng nhân dân thế giới đấu tranh nhằm loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và mọi phương tiện chiến tranh hiện đại khác nhằm giết người hàng loạt, bảo vệ hoà bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới; góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng. 

Đảng không tách rời việc bảo đảm quyền con người trên đất nước mình bằng hệ thống pháp luật với việc bảo đảm những giá trị về quyền con người đã được pháp luật quốc tế quy định: Chăm lo cho mọi người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

- Quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất  

Sự nghiệp giải phóng con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở để bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm đầy đủ, trọn vẹn nhất. Đó cũng là cơ sở cho việc thực hiện tốt nhất quyền con người, không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị của quyền con người.

Khi một đất nước không có độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, nhân dân sống trong cảnh lầm than, nô lệ thì quyền con người không bao giờ được thực thi và bảo đảm. Để giành quyền cho mỗi con người, trước hết phải giành quyền tự do cho cả dân tộc. Quyền chính trị của con người chỉ có thể thực hiện khi dân tộc có quyền tự quyết. Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Đảng xác định tính ưu việt của một chế độ xã hội qua vị trí của con người trong xã hội. Tính ưu việt đó càng được thể hiện rõ ở chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Sự kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người trong nhận thức và giải quyết các vấn đề cụ thể

Trong xã hội có giai cấp đối kháng, mọi khẩu hiệu về nhân quyền, tự do, dân chủ bình đẳng do giai cấp phong kiến, tư sản đưa ra đều mang tính hình thức, phục vụ cho lợi ích của giai cấp đó. Tự do bình đẳng, nhân quyền cho mọi người chỉ có được trong xã hội văn minh không còn giai cấp đối kháng. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều khẳng định, giai cấp vô sản là lực lượng tiên tiến nhất của xã hội. Quyền lợi của giai cấp vô sản là quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Giai cấp vô sản không đấu tranh cho riêng mình mà đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng loài người nói chung và giai cấp vô sản chỉ có thể giải phóng mình một cách triệt để bằng con đường giải phóng nhân loại.

- Quyền con người thể hiện trong quyền công dân và được pháp luật bảo hộ.                                  

Việc thực hiện quyền con người gắn liền với bản chất của một chế độ Nhà nước và xã hội nhất định. Trong xã hội ta, bản chất của Nhà nước là Nhà nước vì con người và bảo vệ quyền con người, quan điểm đó đã được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1992): “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân qua hai hình thức, làm chủ qua đại diện và làm chủ trực tiếp, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để đảm bảo quyền đó, hệ thống chính trị luôn đổi mới và hoàn thiện, đáp ứng những nội dung ngày càng mở rộng của vấn đề dân chủ: Gắn quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính không phù hợp.

- Chủ trương sẵn sàng đối thoại về vấn đề quyền con người 

Việt Nam tuân thủ thực hiện các công ước đã cam kết và phê chuẩn, tiếp tục nghiên cứu các công ước khác và ký kết khi các điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.

Đối thoại và hợp tác về quyền con người giữa các nước là dịp cho mỗi bên trình bầy những quan điểm chung và cụ thể đi đến hiểu biết lẫn nhau trong quá trình xử lý những vấn đề liên quan đến nhân quyền. Việt Nam chủ chương sẵn sàng đón tiếp, đối thoại và hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu tình hình thực tế và trao đổi ý kiến về các khía cạnh mỗi bên quan tâm trên các lĩnh vực liên quan đến các quyền con người trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác và hiểu biết: “quyền con người là vấn đề đang được đặt ra trong các mối quan hệ quốc tế. Cần làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững độc lập, chủ quyền của nước ta, sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế vì quyền con người, đồng thời đấu tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá ta.”

Phương pháp xây dựng và phạm vi nội dung của Cẩm nang

Cùng với việc nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Cẩm nang, nhóm nghiên cứu đã trình bày những vấn đề cơ bản liên quan đến mục tiêu, phương pháp xây dựng Cẩm nang, đối tượng và phạm vi áp dụng Cẩm nang. Theo đó, nhóm đã đi sâu nghiên cứu ba vấn đề cụ thể: i) phương pháp xây dựng Cẩm nang của Việt Nam về đấu tranh nhân quyền: ii) Phạm vi các vấn đề nội dung cần được đưa vào Cẩm nang; iii) Đề cương chi tiết của Cẩm nang về đấu tranh nhân quyền của Việt Nam.

Mục tiêu chính của việc ban hành Cẩm nang về đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam là nhằm giúp cho công tác đấu tranh nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta có hiệu quả hơn, góp phần làm cho nhân dân thế giới và nhân dân ta hiểu đúng hơn về tình hình nhân quyền cũng như chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ và không ngừng phát triển các quyền con người ở Việt Nam.

Về đối tượng sử dụng Cẩm nang, nhóm nghiên cứu đề xuất đối tượng sử dụng Cẩm nang chỉ nên hạn chế đối với những cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong công tác đấu tranh về nhân quyền trên các diễn đàn trong và ngoài nước từ cấp tỉnh trở lên như các cơ quan của Đảng, các cơ quan Nhà nước có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh có liên quan.

Cẩm nang sẽ có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng báo cáo các quốc gia thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại các diễn đàn quốc tế và trong nước.

II. NGHĨA VỤ CỦA CÁC QUỐC GIA THỰC THI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN

1. Cơ sở xác định nghĩa vụ quốc tế của quốc gia

Điều ước quốc tế về quyền con người là loại công ước quốc tế chuyên môn, được ký kết trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế hoặc quan hệ hợp tác đa phương giữa các quốc gia về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quyền con người có những đặc trưng riêng, bởi đối tượng mà nó điều chỉnh có liên quan trực tiếp với các quyền và tự do cơ bản của con người, tới chủ quyền quốc gia, dân tộc, tới lợi ích thiết thực và sống còn của từng quốc gia, cũng như có ảnh hưởng quan trọng đến hoà bình, an ninh và hợp tác quốc tế.

Các thoả thuận trong công ước quốc tế về quyền con người có tính thống nhất và phổ biến. Đây là đặc tính rất quan trọng của loại công ước quốc tế này, vì nó tác động đến quan điểm và nhận thức của mỗi nhà nước về quyền và tự do cơ bản của con người trong đời sống sinh hoạt quốc tế cũng như trong đời sống của từng quốc gia. Các công ước quốc tế về nhân quyền thường xác định rõ ràng các mục tiêu hành động để cộng đồng quốc tế có cơ sở thực hiện sự kiểm soát cần thiết đối với việc thực thi nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, như mục tiêu về hoà bình, an ninh, phát triển, tự do, dân chủ, bình đẳng.

2. Các nguyên tắc thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người

Các nghĩa vụ của quốc gia từ công ước quốc tế về nhân quyền phải được các quốc gia thực hiện trên cơ sở nguyên tắc pacta sunt servanda. Đó là sự tận tâm, thiện chí thực hiện các công ước quốc  tế về nhân quyền. Nghĩa vụ thực thi cam kết quốc tế của quốc gia và những cơ chế kiểm soát có tính chất quốc tế cần thiết. Các cơ chế này vừa có ý nghĩa kiến nghị, vừa mang ý nghĩa ràng buộc sự tuân thủ các nghĩa vụ quốc gia đối với vấn đề nhân quyền ở những cấp độ và phương diện khác nhau.

Vấn đề thực thi công ước quốc tế về nhân quyền theo nguyên tắc pacta sunt servanda của các quốc gia thành viên còn được đánh giá thông qua sự gắn kết và cộng đồng trách nhiệm của quốc gia thành viên với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển và bảo vệ quyền con người. Song song với các nguyên tắc pacta sunt servanda, các công ước quốc tế về nhân quyền phải được đảm bảo thực thi một cách thực tế trên phạm vi toàn lãnh thổ của các quốc gia thành viên.

Các nghĩa vụ thành viên công ước quốc tế về nhân quyền của quốc gia còn được thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc này là từ các đặc trưng mang tính khách quan hoá, tính quốc tế hoá và tính quy phạm hoá của quyền con người.

Tóm lại, về phương diện pháp lý, việc thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền không thể thiếu được các nguyên tắc trên, bởi nó vừa là nguyên tắc mang tính tất yếu đối với các điều khoản thoả thuận trong nội dung của mỗi công ước về nhân quyền, đồng thời lại là yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho tiến trình thực thi một công ước cụ thể trong lĩnh vực quyền con người.

3. Các hình thức nghĩa vụ quốc gia

- Các nghĩa vụ thuộc hoạt động lập pháp

Quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền. Việc chuẩn hoá các tiêu chí có tính chất quốc tế về quyền con người theo quy định của từng công ước đối với mỗi quốc gia là một trong số các nghĩa vụ bắt buộc, mặc dù công ước chấp nhận có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về điều kiện chính chị, kinh tế, xã hội, pháp luật của từng nước.

Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác thì mỗi quốc gia thành viên của công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết phù hợp với các quy trình nêu trong hiến pháp của mình và những quy định của công ước quốc tế về nhân quyền.

- Các nghĩa vụ thuộc hoạt động hành pháp

Nghĩa vụ thành viên này của quốc gia được thực hiện bằng việc xây dựng cơ chế quốc gia nhằm phát triển, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về nhân quyền. Đây là nghĩa vụ liên quan đến nhiều đối tượng và nhiều lĩnh vực khác nhau trong phạm vi điều chỉnh của các công ước quốc tế về nhân quyền. Hoạt động này hoàn toàn có thể tạo ra các căn cứ để các thiết chế và cộng đồng quốc tế có cơ sở giám sát việc thực thi các nghĩa vụ thành viên điều ước quốc tế về nhân quyền đối với các quốc gia.

- Nghĩa vụ từ hoạt động tư pháp

Việc thực hiện nghĩa vụ này yêu cầu quốc gia phải thành lập hệ thống các cơ quan tư pháp (toà án, trọng tài, cơ quan khác) thực hiện chức năng xét xử, giải quyết mọi vi phạm liên quan đến quyền con người. Việc xét xử của cơ quan tư pháp phải đảm bảo tôn trọng các quyền con người mà quốc gia đã cam kết. Trong trường hợp phát sinh những vi phạm về quyền con người mà cơ quan tư pháp của quốc gia không kịp thời giải quyết hoặc giải quyết không đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền con người, thì có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với quốc gia.

III. THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TỪ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

1. Cơ chế quốc tế bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền của quốc gia

Cơ chế quốc tế thúc đẩy, phát triển và bảo vệ quyền con người trong khuôn khổ của LHQ. Đại hội đồng của Liên hợp quốc một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc đã trở thành và có chức năng là trung tâm của sự phối hợp và tổ chức các hoạt động duy trì, phát triển mọi vấn đề về quyền con người giữa các thành viên của Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có những thành tựu to lớn trong lĩnh vực xây dựng luật pháp quốc tế về nhân quyền, đó là việc đại hội đồng thông qua nhiều tuyên bố và công ước về quyền con người ở nhiều lĩnh vực, như lĩnh vực về quốc tịch, lĩnh vực các quyền trẻ em, quyền phụ nữ, của người bị tàn tật, lĩnh vực về nhân đạo, lĩnh vực phát triển và tiến bộ xã hội.

Cơ chế giải quyết các vấn đề về nhân quyền trong khuôn khổ Liên hợp quốc còn được thông qua hội đồng kinh tế - xã hội trong lĩnh vực quyền con người chủ yếu là “đưa ra các khuyến nghị nhằm mục đích thúc đẩy việc tôn trọng và tuân thủ các quyền tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người”.

Bên cạnh hoạt động của các thiết chế nêu trên, cơ chế quốc tế giải quyết các vấn đề về quyền con người của Liên hợp quốc còn được thực hiện thông qua Trung tâm quyền con người (thuộc Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người). Liên hợp quốc cũng có những cơ chế giải quyết về vấn đề nhân quyền theo mô hình và các phương thức của những cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, như thông qua Cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về tị nạn (UNHCR), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức nông lương thế giới (FAO). Mỗi tổ chức giải quyết vấn đề nhân quyền từ góc độ chức năng và lĩnh vực chuyên môn của mình.

- Cơ chế quốc tế giải quyết các vấn đề quyền con người khác trong các công ước quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc

Đa số các công ước quốc tế về nhân quyền đều quy định có một thiết chế để thúc đẩy, giám sát và giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người tại các quốc gia thành viên. Những uỷ ban thành lập theo mỗi công ước về nhân quyền đều có chức năng và phạm vi hoạt động cụ thể.

- Các thiết chế quốc gia bảo đảm việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Về pháp lý, khi là thành viên của một điều ước quốc tế về nhân quyền, quốc gia thành viên của điều ước phải có nghĩa vụ hiện thực hoá các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ quốc gia đó. Nhưng việc hiện thực hoá đó không thể chỉ diễn ra thông qua động thái lập pháp mà còn phải có những thiết chế quốc gia hiệu quả để đảm bảo thực hiện các tiêu chí quốc tế về nhân quyền có quy định trong công ước. các thiết chế quốc gia rất đa dạng và nhằm mục tiêu chung là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người cơ bản.

Nhìn tổng thể, thiết chế quốc gia về quyền con người bao gồm loại thiết chế hoạt động với tư cách các cơ quan của chính phủ và loại thiết chế là cơ quan quốc gia về quyền con người – đóng vai trò là cơ quan tư vấn trong việc tôn trọng các quyền con người ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Cơ quan quốc gia về quyền con người ở nhiều quốc gia thường bao gồm các uỷ ban về quyền con người, Thanh tra Quốc hội các cơ quan đặc biệt. Đặc biệt, các cơ quan quốc gia về nhân quyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền con người bằng các hoạt động tư vấn và xã hội như tổ chức dịch vụ tư vấn, hội thảo, phát hành các ấn phẩm có tính chất giáo dục cộng đồng.

Đối với cơ chế quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thì các cơ quan quốc gia là một trong số phương thức thực thi công ước về nhân quyền có khả năng kết hợp giữa hoạt động mang tính chất của chính phủ với các hoạt động mang tính chất xã hội có chức năng về nhân quyền của Nhà nước. Đối với lĩnh vực thực thi các nghĩa vụ quốc gia từ các điều ước quốc tế về nhân quyền, các quốc gia thành viên muốn thực thi một cách hiệu quả những nghĩa vụ của mình thì phải có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền, kể cả hoạt động của các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền.

2. Vấn đề thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về nhân quyền

- Nghĩa vụ đối với các vấn đề nhân quyền của chính quốc gia là thành viên các công ước về quyền con người

Theo nguyên tắc chung, đây là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia là thành viên công ước. Đối với loại nghĩa vụ này, các công ước về nhân quyền đặt ra cho quốc gia những yêu cầu phải thực hiện là:

Hiện thực hoá các quy định và tiêu chí quốc tế về quyền con người trong các công ước quốc tế vào đời sống quốc gia. Nghĩa vụ này được coi là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của quốc gia đối với vấn đề nhân quyền. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên, quốc gia trước hết phải tiến hành các hoạt động lập pháp để tạo môi trường pháp luật quốc gia tương thích cho thực thi công ước nhân quyền. Hoạt động lập pháp này được diễn ra theo nhiều cách thức thuộc thẩm quyền nội bộ của quốc gia, nhưng có sự theo dõi của cơ chế quốc tế được quy định tại nội dung mỗi công ước.

 Tiến hành và thực hiện các biện pháp hành chính, tư pháp và các chính sách kinh tế, xã hội, giáo dục cùng nhiều biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước.

Theo yêu cầu tại những quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền thì các nghĩa vụ nêu trên của quốc gia thành viên được thực hiện với tính chất bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, trên cơ sở huy động tới mức tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước.

Nghĩa vụ đối với vấn đề nhân quyền của các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế.

Các công ước quốc tế về nhân quyền được hình thành để bảo vệ trên một phạm vi rộng lớn các quyền cơ bản của con người, bảo đảm cho con người được sống một cuộc sống an toàn, tự do, an ninh và lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, là quyền được sống một cuộc sống xứng đáng sẽ không thể thực hiện được, nếu các quốc gia không tạo ra những bảo đảm cần thiết để tất cả các nhu cầu cơ bản về việc làm, về lương thực thực phẩm, nhà ở, chăm sóc, giáo dục, y tế, văn hoá… của cuộc sống con người được Nhà nước và xã hội phúc đáp một cách công bằng, tương xứng đến mức có thể nhất đối với tất cả mọi người, trong phạm vi từng quốc gia cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

Nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của con người trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân của các nước theo các thoả thuận và cam kết quốc tế, như việc quy định và thực hiện chế độ pháp lý đối với người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia, việc áp dụng và thực hiện các chính sách kinh tế, đối ngoại, ngoại giao trong quan hệ giữa các quốc gia.

Nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc thực hiện các quy định của công ước, cũng như giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia đối với những vấn đề nhân quyền, cụ thể như nghĩa vụ đảm bảo an ninh cá nhân, đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của công dân nước ngoài, bảo đảm cơ hội phát triển và ổn định cuộc sống cho người nước ngoài mà không có sự kỳ thị hay bị phân biệt đối xử giữa người nước ngoài với công dân nước sở tại hay giữa những người nước ngoài với nhau.

Nghĩa vụ thực thi công ước theo yêu cầu về trình tự, thủ tục quy định tại các điều khoản của điều ước quốc tế về nhân quyền, có các thiết chế về nhân quyền của các tổ chức quốc tế về nhân quyền theo dõi và thực hiện, chẳng hạn, nghĩa vụ đệ trình báo cáo hàng năm lên Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc của quốc gia thành viên về việc duy trì và phát triển các quyền cơ bản của con người tại quốc gia đó.

3. Ý nghĩa của việc thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền

-Trong quan hệ quốc tế hiện đại, việc thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền có tác động mạnh mẽ trên diện rộng đối với các mối quan hệ giữa các quốc gia về những lợi ích hết sức thiết thực và sống còn của mỗi quốc gia đó. Các vấn đề qui định và được đề cập trong các điều ước quốc tế về nhân quyền là kết quả của sự định lượng và định tính một cách tổng thể lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, có sự hòa đồng và thông qua cơ chế giải quyết cũng như cơ chế phúc đáp những quyền lợi cơ bản cho các cá nhân người công dân ở khuôn khổ quốc gia và quốc tế, với sự hiện diện của môi trường Nhà nước pháp quyền hiện đại. Vì vậy, thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người có ý nghĩa chính trị, pháp lý đối với sự tồn tại ổn định và phát triển bền vững của từng quốc gia. Trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện tại, thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền là một trong những điều kiện có tính khách quan để quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hoá.

- Thông qua cách tiếp cận của các điều ước quốc tế về nhân quyền, mỗi quốc gia vừa có cơ sở, vừa có điều kiện để phát triển và hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật quốc gia đối với lĩnh vực quyền con người.

- Tóm lại, thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền có ý nghĩa lớn với mỗi quốc gia thành viên. Do đó, ở phạm vi và trong những chừng mực nhất định, các lợi ích về việc thực thi công ước quốc tế về nhân quyền gắn chặt với quyền lợi riêng và thiết thực của từng quốc gia.

IV. NGHĨA VỤ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI ĐỐI VỚI VIỆT NAM

1. Bối cảnh ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam

Việt Nam gia nhập hầu hết và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người từ trước khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh còn tồn tại Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô lúc đó còn khá mạnh.

Việc Liên hợp quốc thông qua các điều ước quốc tế về quyền con người để thu hút sự tham gia của nhiều nước, không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị - kinh tế, là một cố gắng lớn nhằm mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh thế giới, bảo vệ các quyền con người cơ bản, lên án các cuộc chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thuộc thế giới thứ ba đã ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người.

Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn rất yếu, cơ bản là nhờ vào sự viện trợ, giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Việc khôi phục lại đất nước sau chiến tranh đã là một gánh nặng quá sức đối với một dân tộc đã chịu quá nhiều mất mát trong thời kỳ kháng chiến.

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 12/1986) với đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Nhìn lại 17 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng các quyền và tự do cơ bản của con người ở Việt Nam đã và đang đạt đến chuẩn mực theo yêu cầu chung của  quốc tế. Các quyền con người không chỉ được khẳng định trong hiến pháp và pháp luật, mà còn được bảo đảm thi hành trên thực tế bằng nhiều biện pháp thiết thực. Vì thế, đề cập đến bối cảnh trong nước và quốc tế khi Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người, càng cho thấy rõ hơn vai trò của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

2. Nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người          

- Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nguyên tắc nền tảng trong hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói chung và điều ước về quyền con người nói riêng của Việt Nam.

- Phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế: Nguyên tắc này được khẳng định cụ thể tại Điều 3 của pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998: “Điều ước quốc tế được ký kết trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế…”. Khi tham gia vào quan hệ điều ước quốc tế, Việt Nam phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế đã được thừa nhận chung, trong đó đặc biệt quan trọng là nguyên tắc pacta sunt servanda (nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế).

Nguyên tắc pacta sunt servanda trên thực tế không những quy định trong pháp luật Việt Nam, mà còn được bảo đảm thông qua thiện chí và sự thể hiện trách nhiệm nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

- Phù hợp với hiến pháp: Nguyên tắc này cũng được khẳng định tại Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Từ nguyên tắc này, có thể đi đến nhận định rằng, điều ước quốc tế về quyền con người để bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện, giữ vị trí quan trọng sau Hiến pháp của Việt Nam. Nói cách khác, điều ước quốc tế về quyền con người chỉ được Việt Nam ký kết, gia nhập nếu điều ước đó không có các điều khoản trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (được khẳng định trong hiến pháp 1992).

-Bảo đảm sự thống nhất về thứ bậc: Đây là nguyên tắc được khẳng định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế với nội dung: “Điều ước quốc tế được ký kết trong sự thống nhất về thứ bậc… Điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa ở cấp thấp không được trái với điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa ở cấp cao hơn”. Theo nguyên tắc này, các điều ước quốc tế về quyền con người (trực tiếp liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam) được ký kết dưới danh nghĩa Nhà nước – danh nghĩa cao nhất của điều ước quốc tế của Việt Nam; các điều ước quốc tế ở cấp thấp hơn (Chính phủ, Bộ, ngành…) phải phù hợp với nó.

3. Nhận thức và thể hiện nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người đối với Việt Nam

Khẳng định vị trí của điều ước quốc tế: Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết gia nhập có vị trí như thế nào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Song trên thực tế, Việt Nam thừa nhận các quy phạm của điều ước quốc tế sau khi được chuyển hoá thì trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật quốc gia. Đây là quan điểm được  các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học và nghiên cứu nhận thức thống nhất. Do đó điều ước có một vị trí đặc biệt trong hệ thống pháp luật.  

- Thừa nhận giá trị hiệu lực của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước: Trên thực tế, việc thừa nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên ký kết so với các văn bản pháp luật trong nước, là hoàn toàn có cơ cở. Nhưng việc thừa nhận này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc ưu thế của điều ước quốc tế không thể đặt trên Hiến pháp, ưu thế này không phải là tuyệt đối. Điều này cũng được khẳng định tại Điều 26 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến  điều ước quốc tế mà cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

- Nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế: Theo quy định tại khoản 5 Điều 24 của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 thì “Trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan đề xuất ký kết, cơ quan Nhà nước hữu quan có trách nhiệm tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

- Tiến hành chuyển hóa quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước: Nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người có liên quan mật thiết đến vấn đề chuyển hoá (nội luật hoá) các điều ước về quyền con người vào pháp luật trong nước. Mục đích cơ bản của vấn đề chuyển hoá là bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế. Do đó, để bảo đảm thực hiện nghiêm túc điều ước quốc tế về quyền con người, cần có sự nhận thức thống nhất trong các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người về sự cần thiết của việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia.

4. Thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam

a) Trình tự thực hiện điều ước quốc tế:

- Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đề ra tiến trình, các biện pháp tổ chức thực hiện điều ước trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế quản lý việc thực hiện điều ước quốc tế cũng phải được vạch ra một cách cụ thể.

- Xác định cơ quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế. Nghĩa vụ thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, trước hết là thuộc về Nhà nước. Nhưng trong bộ máy Nhà nước, nghĩa vụ này chủ yếu thuộc về các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Trong phạm vi, nghĩa vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền có trách nhiệm đề ra kế hoạch cụ thể và biện pháp bảo đảm khả thi các cam kết mà Việt Nam đưa ra trong điều ước quốc tế về quyền con người (trong lĩnh vực ngành thuộc quyền quản lý).

Việc thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là vấn đề phức tạp nhất trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người.

b) Các cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về con người

- Cơ quan thực hiện chức năng lập pháp

Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan thuộc quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp, thông qua các hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật (luật, pháp lệnh…), có nghĩa vụ thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, tức là phải bảo đảm sao cho văn bản pháp luật được ban hành phải phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên ký kết.

Thực tiễn hoạt động lập pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ từ điều ước quốc tế về quyền con người, được tiến hành dưới một số hình thức sau:

+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm “nội luật hoá” các quy định của điều ước quốc tế biến các quy định của điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước. Ví dụ, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà Việt Nam đã gia nhập, bảo đảm thuận lợi cho việc thi hành; Quốc hội ban hành Bộ luật dân sự năm 1995, một mặt tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các giao dịch dân sự, mặt khác cũng nhằm “nội luật hoá” các quyền dân sự của con người trong công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện tại Việt Nam.

+ Ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện các quy định trong điều ước quốc tế về quyền con người. Việc hướng dẫn những quy định phức tạp hoặc có tính nguyên tắc trong các điều ước về quyền con người có thể gây tác động đối với các quyền và nghĩa vụ của công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định pháp luật trong nước liên quan đến lĩnh vực quyền con người.

+ Giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế thuộc chức năng của cơ quan hành pháp và tư pháp. Đây là công việc xuất phát từ chức năng của Quốc hội là “giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” (Điều 83 Hiến pháp 1992). Như vậy, hoạt động của toàn bộ các cơ quan trong bộ máy Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người (như Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao), đều được đặt dưới sự giám sát tối cao của Quốc hội.

- Cơ quan thực hiện chức năng hành pháp

Theo quy định tại Điều 109 Hiến pháp 1992, Chính phủ là “cơ quan chấp hành của quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chính phủ có chức năng “thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước”; “chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”. Như vậy, việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, suy cho cùng, là nghĩa vụ của các bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Còn Chính phủ chỉ giữ vai trò chỉ đạo, điều hành.

 - Cơ quan thực hiện chức năng tư pháp (xét xử)

Theo quy định tại Điều 126 Hiến pháp 1992, “Toà án nhân dân… có nhiệm vụ bảo vệ… tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử, trực tiếp thực hiện bảo vệ các quyền con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết. Những vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, vi phạm các quyền trẻ em, về nguyên tắc, phải bị xét xử trước toà án nhân dân.

Theo quan điểm “thực hiện trực tiếp điều ước quốc tế”, thì trong quá trình xét xử, Toà án có nghĩa vụ áp dụng trực tiếp các quy định của điều ước quốc tế về quyền con người. Nhưng thực tiễn tại Việt Nam, Toà án thường áp dụng các quy định của pháp luật, tức là gián tiếp áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế sau khi đã được nội luật hoá thành pháp luật trong nước.

- Các tổ chức chính trị, xã hội

Theo quy định tại Điều 9 Hiến pháp 1992, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện chức năng tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước. Như vậy, với chức năng của mình, Mặt trận tổ quốc tham gia cùng với Nhà nước trong việc thực hiện các điều ước quốc tế đó từ phía các cơ quan Nhà nước.

c) Các điều kiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế về quyền con người

- Hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác cán bộ, công chức thực thi pháp luật.

- Ổn định chính trị và phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

- Phát triển xã hội, văn hoá, tôn trọng và giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tôn trọng phong tục tập quán.

V. CHUẨN BỊ BÁO CÁO QUỐC GIA THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Theo quy định chung, những điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập đòi hỏi phải làm Báo cáo quốc gia gồm: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá: Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ: Công ước quốc tế về quyền trẻ em: Công ước quốc tế về ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Việc gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người đã là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta. Những việc thực hiện các điều ước quốc tế đó trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, lại càng khó khăn hơn. Trong mối tương quan với yêu cầu soạn thảo Báo cáo quốc gia theo các chuẩn mực chung của quốc tế về tình hình thi hành điều ước quốc tế về nhân quyền, thì việc hoàn thành Cẩm nang nhân quyền là một công việc rất cần thiết.

1. Tình hình soạn thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam

- Cơ quan thực hiện soạn thảo Báo cáo quốc gia

Ở Việt Nam chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên trách trong việc làm Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người. Tuỳ thuộc vào tính chất của mỗi loại điều ước quốc tế về quyền con người, cũng như yêu cầu cụ thể của Uỷ ban nhân quyền quốc tế đặt ra đối với mỗi loại báo cáo mà Chính phủ phân công cho cơ quan thích hợp chủ trì việc chuẩn bị Báo cáo. Bên cạnh cơ quan chủ trì là các cơ quan phối hợp. Đó thường là các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện các chức năng liên quan đến những lĩnh vực chuyên ngành mà điều ước quốc tế về nhân quyền đã đề cập. Nếu thiếu sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành, thì Báo cáo quốc gia không thể hoàn thành được.

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực hiện Công ước về các quyền dân sự chính trị (Báo cáo 1, Báo cáo 2 và Báo cáo 3) được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an (Bộ Nội vụ trước đây) Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hoá Thông tin, Tổng cục Thống kê v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực hiện Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Chính phủ giao cho Uỷ ban quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Chính phủ giao cho Uỷ ban bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (trước đây) chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện Công ước quốc tế về ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Uỷ ban dân tộc miền núi, Văn phòng Quốc hội v.v…

Kinh nghiệm chuẩn bị Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong các năm qua cho thấy, về mặt thủ tục, không có sự thống nhất trong việc thành lập (hoặc không thành lập) Ban soạn thảo. Thông thường thì cơ quan chủ trì có quyết định thành lập Ban soạn thảo (do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký), kèm theo danh sách thành viên của Ban, gồm các chuyên gia am hiểu lĩnh vực chuyên môn do các Bộ, ngành liên quan cử.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thống nhất kể trên, trước hết là do ta chưa có một chiến lược chủ động, có tính chất tổng thể cho vấn đề này. Nhìn chung lâu nay chúng ta mới chỉ thực hiện trách nhiệm làm báo cáo. Nhân lực, vật lực cho việc làm báo cáo cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Chất lượng các Báo cáo quốc gia.

Chất lượng các Báo cáo quốc gia của Việt Nam thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người thường không đồng đều. Nguyên nhân dẫn đến chất lượng các báo cáo của Việt Nam không đồng đều có thể kể như sau:

Thứ nhất, chúng ta chưa có kinh ngiệm làm báo cáo. Trừ các báo cáo sau này, từ trước năm 90 đều được chuẩn bị khá đơn giản. Lúc đó chúng ta chưa có kinh nghiệm làm báo cáo.

Thứ hai, do sự hướng dẫn, giúp đỡ của các chuyên gia Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc đối với Việt Nam không được thường xuyên và kịp thời. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho chúng ta gặp nhiều lúng túng, khó khăn khi chuẩn bị Báo cáo quốc gia. Ngoài ra còn phải kể đến sự chủ quan, thiếu thông tin và sự hỗ trợ cần thiết của quốc tế cho việc chuẩn bị báo cáo.

Thứ ba, do khó khăn về thông tin, số liệu thống kê. Công tác quản lý, lưu trữ khai thác, sử dụng số liệu thống kê của các bộ, ngành và cơ quan Nhà nước lâu nay chưa có sự thống nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp số liệu chưa được chặt chẽ và thường xuyên.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc chuẩn bị báo cáo chưa được chặt chẽ và hiệu quả. Nhiệm vụ được phân công cho Bộ, ngành nào, thì ngành đó đơn phương chuẩn bị. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành khác trong việc chuẩn bị báo cáo nhiều khi không ăn khớp, hiệu quả không cao.

Thứ năm, Nhà nước chưa dành kinh phí hỗ trợ cho việc chuẩn bị báo cáo. Nếu không khắc phục được thiếu sót về khâu kinh phí, khó có thể đảm bảo được chất lượng báo cáo, tiến độ làm báo cáo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan.

2. Vai trò của Cẩm nang nhân quyền

Việc soạn thảo thành công Cẩm nang nhân quyền của Việt Nam sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Với tính cách là một tài liệu chính thức của Đảng và Nhà nước ta, Cẩm nang nhân quyền chứa đựng những chủ chương, chính sách, các quy định pháp luật về quyền con người, những thành tựu về chất lượng quyền con người thông qua các chỉ số thống kê về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá và các lĩnh vực quan trọng khác của đời sống đất nước qua các thời kỳ khác nhau.

Thứ nhất, Cẩm nang nhân quyền là nguồn tài liệu hỗ trợ quan trọng, là phương pháp luận có tính khoa học đúng đắn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình soạn thảo Báo cáo quốc gia. Cùng với những luận điểm khoa học, Cẩm nang nhân quyền phải chứa đựng đầy đủ những thông tin về thành tựu bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 1945 đến nay. Cẩm nang nhân quyền còn cung cấp thông tin về tư duy nhận thức chính trị, phương pháp luận khai thác và đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Thứ hai, Cẩm nang nhân quyền là tập hợp các số liệu và thông tin có thể tra cứu về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau từ năm 1945 đến nay, cho nên có vai trò thiết thực cho việc soạn thảo Báo cáo quốc gia và tra cứu khoa học, giúp ích cho việc đưa ra nhận định về xu hướng phát triển trong tương lai của các quyền con người ở Việt Nam.

Thứ ba, Cẩm nang nhân quyền phục vụ đắc lực cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc. Với tính cách là một tài chính thức, chứa đựng các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về các quyền con người và tổng kết những thành tựu quan trọng của Việt Nam về quyền con người trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống – kinh tế xã hội qua các thời kỳ, Cẩm nang nhân quyền có khả năng cung cấp một lượng thông tin dồi dào và số liệu tin cậy phục vụ cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia.

Cẩm nang nhân quyền có khả năng cung cấp một bức tranh toàn cảnh về quyền con người ở Việt Nam qua các thời kỳ. Cẩm nang nhân quyền còn có thể là nguồn tài liệu tham khảo quý giá, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về quyền con người nói chung, cũng như giúp ích cho các nhà lãnh đạo trong việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển nguồn nhân lực đất nước, đặc biệt trên quan điểm bình đẳng giới.

Thứ tư, Cẩm nang nhân quyền còn là nguồn tài liệu tổng kết về tình hình thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam qua các thời kỳ. thông qua việc tra cứu, chúng ta có thể so sánh về thành tựu nâng cao chất lượng quyền con người ở Việt Nam, từ đó giúp cho việc đưa ra một chiến lược tổng thể thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người.

3. Những yêu cầu đặt ra đối với việc  chuẩn bị Báo cáo quốc gia trong tình hình mới

- Về phần chung

Cần phải tuân theo các hướng dẫn chung của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc, tuy nhiên cũng cần cập nhật các thông tin cần thiết, đặc biệt về tình hình thay đổi bộ máy của các cơ quan Nhà nước, trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đồng thời thông qua Báo cáo, có thể nêu lên các kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Cẩm nang nhân quyền có thể giúp ích nhiều trong việc hoàn thiện phần chung của các Báo cáo quốc gia.

- Về các điều khoản cụ thể

Phần này tập trung vào việc kiểm điểm, đánh giá về tình hình thi hành từng điều khoản của công ước liên quan đến mỗi quyền cụ thể, theo từng lĩnh vực mà công ước đề cập. Tại phần này, một mặt vẫn phải tuân theo các hướng dẫn chung của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc và các yêu cầu chung có tính nguyên tắc chỉ đạo của Việt Nam, mặt khác phải bảo đảm đầy đủ thông tin cập nhật về tình hình thi hành công ước trên các lĩnh vực. Những đóng góp của Cẩm nang nhân quyền trong việc cập nhật thông tin có thể nói là rất lớn, nếu như Cẩm nang nhân quyền thường xuyên được cập nhật.

- Cập nhật các thông tin, số liệu

Đây là vấn đề khó khăn nhất đối với việc hoàn thiện các báo cáo quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay. Kinh nghiệm cho thấy, nếu việc cập nhật các thông tin, số liệu về tình hình thực hiện công ước được tốt, thì chất lượng báo cáo thường được quốc tế đánh giá cao. Ngược lại, nếu trong báo cáo thiếu các số liệu, thì sức thuyết phục của báo cáo rất hạn chế. Để làm tốt việc này, thì sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, số liệu là rất cần thiết. Do đó, những đóng góp của Cẩm nang nhân quyền, trên cơ sở thông tin cập nhập được bổ sung thường xuyên với vai trò chủ đạo của Tổng cục thống kê, là vô cùng có ý nghĩa.

- Vấn đề in ấn, phổ biến

Đây là vấn đề bất cập lâu nay của Việt Nam. Thông thường, khi bảo vệ xong, các Báo cáo quốc gia hoặc là được “cất giữ theo chế độ mật” hoặc chỉ được gửi cho một số ít các cơ quan Nhà nước có liên quan. Cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề này. Báo cáo quốc gia sau khi bảo vệ xong hoặc nộp báo cáo cho Uỷ ban nhân quyền, thì phải được các cấp, các Bộ, ngành tổ chức in ấn, giới thiệu cho các đối tượng có quan tâm. Báo cáo quốc gia cần được gửi cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nhằm giới thiệu thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Có như thế mới có thể có một sự nhận thức chung về những nội dung của báo cáo với các điều khoản cụ thể của công ước, trên quan điểm chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người nói chung.

VI. CÁC THIẾT CHẾ, CƠ QUAN, TỔ CHỨC CỦA LIÊN HỢP QUỐC, TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ VÀ CÁC DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ KHÁC VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

1. Hệ thống Liên hợp quốc về nhân quyền

Tổ chức Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế - xã hội, Hội đồng thác quản, Toà án quốc tế và Ban thư ký. Sáu cơ quan này có những chức năng và thẩm quyền riêng, nhưng ít nhiều đều có liên quan đến lĩnh vực nhân quyền ở những góc độ khác nhau.

Đại hội đồng và Hội đồng kinh tế - xã hội là hai cơ quan có chức năng liên quan nhiều nhất đến nhân quyền. Hai cơ quan này cũng có thể lập ra các cơ quan, Uỷ ban trực thuộc, giúp việc cho mình.

Hội đồng Bảo an, tuy có chức năng chính là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, nhưng trong quá trình hoạt động của mình, đã lập nên một số phiên toà quốc tế xét xử các tội phạm vi phạm luật nhân đạo (như ở Nam Tư cũ, Rwanda…) hoặc đưa nhân quyền thành một bộ phận trong các hoạt động gìn giữ hoà bình (tuyển cử ở Namibia, Campuchia…).

Các tổ chức quốc tế trực thuộc Liên hợp quốc là các tổ chức, các quỹ hay các chương trình do Liên hợp quốc lập ra nhằm đảm trách một lĩnh vực hoạt động nhất định, như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA)…

Các tổ chức chuyên môn Liên hợp quốc là những tổ chức liên chính phủ độc lập, liên hệ với Liên hợp quốc bằng những hiệp định hợp tác giữa Liên hợp quốc và từng tổ chức này, như tổ chức lao động quốc tế thế giới (ILO), tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức nông lương (FAO), Tổ chức di cư quốc tế (IOM)…

2. Hệ thống các công ước quốc tế về nhân quyền

Công ước về các quyền dân sự chính trị và công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (năm 1966) và Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, được quốc tế coi là Bộ luật nhân quyền quốc tế. Ngoài ra, còn có các công ước như Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước chống tội diệt chủng, Công ước chống tra tấn (CAT)…

Các công ước trên đây đều lập ra các Uỷ ban nhằm theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định của Công ước. Một số công ước quốc tế về nhân quyền còn có thể có các nghị định thư (không bắt buộc) kèm theo, quy định một số biện pháp cụ thể về giám sát thực thi công ước liên quan (như cho phép các cá nhân kiện các chính phủ ra Uỷ ban công ước, hay cho phép Uỷ ban Công ước được đến thăm hay điều tra tại chỗ khi có các khiếu nại về vi phạm nhân quyền…). Các Uỷ ban bao gồm:

- Uỷ ban Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, được thành lập năm 1970 theo Điều 8 của Công ước, gồm 18 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban chống phân biệt đối xử với phụ nữ được thành lập năm 1982 theo Điều 17 của Công ước, gồm 23 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban về quyền kinh tế, Văn hoá và xã hội, được thành lập năm 1985, gồm 18 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban chống tra tấn, được thành lập năm 1987 theo Điều 17 của Công ước, gồm 10 chuyên gia thành viên.

Các Uỷ ban Công ước hỗ trợ và thúc đẩy các nước thành viên làm các Báo cáo quốc gia; xem xét nội dung các báo cáo do các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhân quyền theo công ước.

3. Một số tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc liên quan đến nhân quyền

- ILO, được thành lập năm 1919 với tư cách là một tổ chức độc lập bên cạnh Hội Quốc liên và năm 1946 ILO trở thành một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (nghị quyết 50(I) ngày 14/12/1946. ILO có mối quan tâm chính là xác lập các chuẩn mực quốc tế về lao động và thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực đó. Đến năm 1991 ILO đã thông qua 171 Công ước ILO, trong đó có 10 Công ước được coi là có liên quan nhiều nhất đến nhân quyền. Việt Nam hiện là thành viên 15 công ước của ILO, trong đó có Công ước số 100 (cấm lao động cưỡng bức) và Công ước số 138 (cấm lao động trẻ em).

- UNESCO, được thành lập năm 1946, có trụ sở tại Paris, Pháp và cũng trong năm đó, trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (Nghị quyết 50 (I) ngày 14/12/1946). Trong lĩnh vực nhân quyền UNESCO đã thông qua một số công ước quốc tế đáng kể liên quan đến văn hoá, giáo dục, như: Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục, Tuyên bố về phổ biến thông tin. UNESCO tham gia vào cơ chế phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền, tham gia vào các hội nghị và đàm phán các văn kiện quốc tế về nhân quyền.

FAO, ra đời năm 1945 và một năm sau đó, năm 1946, trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (Nghị quyết 50 (I) ngày 14/12/1946). Quan tâm hàng đầu của FAO là nâng cao các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và mức sống, tăng cường hiệu quả sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp và lương thực, cải thiện các điều kiện sống cho cư dân ở nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới, đảm bảo an ninh lương thực và tránh khỏi nạn đói.

- WHO, thành lập năm 1946 và trở thành thành viên của tổ chức chuyên môn Liên hợp quốc vào năm 1948. Hiến chương của WHO đề ra mục tiêu là nỗ lực đảm bảo cho mọi người có được một sức khoẻ tốt nhất. WHO đóng vai trò điều phối các hoạt động y tế quốc tế, duy trì các dịch vụ y tế quốc tế cần thiết, phát động các chiến dịch phòng chống các dịch bệnh.

- UNICEF, thành lập năm 1953 theo Nghị quyết 802 (VIII) của ĐHĐ Liên hợp quốc. Mục tiêu chính của UNICEF là chăm sóc, phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới, tập trung ưu tiên số 1 cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc dành và bảo đảm các điều kiện tốt nhất của trẻ em. Công ước về quyền trẻ em là một công ước quốc tế có số nước thành viên đông nhất. Trong hoạt động của mình, UNICEF đã có nhiều chương trình giúp đỡ trẻ em ở các nước đang phát triển, như về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiêm chủng mở rộng, nâng cao dinh dưỡng.

4. Một số tổ chức phi Chính phủ về nhân quyền

Ân xá quốc tế (Amnasty International), được thành lập năm 1961, có trụ sở chính tại Luân đôn và 23 chi nhánh tại tất cả các khu vực, với gần 4500 nhóm làm việc và hơn 1.000.000 nhân viên ở các quốc gia. Hàng năm tổ chức Ân xá quốc tế tiến hành khoảng hơn 500 các hoạt động ở các nơi trên thế giới. Các hoạt động của tổ chức Ân xá quốc tế nhằm vào 4 lĩnh vực chính: Giải phóng các tù nhân lương tâm (theo cách gọi của họ là những người bị bắt giam vì các tội bất đồng ý kiến được xét xử nhanh và công khai; Xoá bỏ án tử hình, tra tấn và mọi hình thức ngược đãi đối với tù nhân lương tâm; chấm dứt tình trạng hành quyết và thủ tiêu tuỳ tiện.

Đến những năm 2000, tổ chức Ân xá quốc tế đã theo dõi và ra báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền của hơn 160 nước và lãnh thổ. Đây là một trong những tổ chức NGO có tiềm lực mạnh, tích cực tham gia vào các hoạt động về nhân quyền, đặc biệt là tại các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền và các hoạt động về nhân quyền, đặc biệt là tại các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền có vai trò và vị chí quan trọng hàng đầu trong đấu tranh bảo vệ nhân quyền.

Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), được thành lập năm 1978 cũng với việc thành lập Tổ chức theo dõi của Hen-xin-ki do sáng kiến của một nhóm các luật sự và hoạt động xã hội. HRW có các văn phòng chính tại New York, Washington, Los Angelet (Mỹ), Luân đôn (Anh), Mat-xcơva (Nga), Bu-ca-ret (Ru-ma-ni) và Hồng Kông. HRW cũng có chi nhánh tại nhiều nơi thuộc các châu lục, bao gồm Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Phi (1988), Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Mỹ (1981), Tổ chức theo dõi nhân quyền Hen-sin-ki (1978), Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Á (1985).

Liên đoàn nhân quyền quốc tế (FIDH), Thành lập năm 1922 theo sáng kiến của các tổ chức các nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, có trụ sở chính tại Paris (Pháp). FIDH hiện có 114 chi nhánh tại 90 quốc gia. Đây là tổ chức phi Chính phủ quốc tế đầu tiên được thành lập với mục đích đề ra là nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người, chống các hành vi bạo lực và phát động các chiến dịch kêu gọi toàn thế giới hãy tôn trọng quyền con người

Uỷ ban bảo vệ nhân quyền cho người Việt Nam (VCHR), thành lập năm 1976 do Võ Văn Ái cầm đầu, là một tổ chức phản động và chống phá Việt Nam. Tổ chức này có trụ sở đóng tại Paris với chức năng tự xưng là bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo cho người Việt Nam. Các hoạt động của tổ chức này đặt dưới sự chỉ đạo chung của liên đoàn nhân quyền quốc tế và FIDH đã thường xuyên cử đại diện của VCHR  tham dự các cuộc họp của Liên hợp quốc, trong đó có Uỷ ban nhân quyền với tư cách là đại diện và có quy chế tư vấn của ECOSOC.

- Tổ chức đảng cấp tiến xuyên quốc gia (TRP), thành lập năm 1955, có trụ sở chính tại Ý. Hiện TRP có chi nhánh tại 43 nước. Chủ tịch và các thành viên của Ban chấp hành TRP chủ yếu là các nghị sỹ của các nước trong khối EU, trong đó có Oliver Depuis, chủ tịch Bỉ, Nghị viện châu Âu, là người tích cực tham gia hỗ trợ các phần tử chống đối Việt Nam. Đặc biệt, TRP còn tích cực ủng hộ các hoạt động của tổ chức Quỹ người Thượng (Montagard Foundation-MFI), một tổ chức phi Chính phủ ở Mỹ mà Chủ tịch Ksor Kok (nguyên là phỉ Folro), vu cáo chống ta, đòi thành lập Nhà nước Degar tự trị.

VII. KINH NGHIỆM ĐẤU TRANH TRONG MỘT SỐ VỤ VIỆC CỤ THỂ, CÁCH THỨC VÀ KINH NGHIỆM TRẢ LỜI KHÁNG THƯ

1. Kinh nghiệm xử lý một số vụ việc cụ thể

1.1. Trong lĩnh vực tôn giáo

 Kinh nghiệm xử lý của ta là  tăng cường vận động quần chúng đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái phép, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu. Về công tác đấu tranh, cần quản lý chặt chẽ số truyền đạo trái phép, nếu họ vi phạm thì đưa ra kiểm điểm với dân; ngăn chặn tài liệu tôn giáo xâm nhập trái phép vào vùng dân tộc; phát hiện, trục xuất khỏi địa phương người nước ngoài hoạt động truyền đạo trái phép.

- “Tin lành Đề Ga” ở Tây Nguyên thực chất là tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo, làm linh hồn cho “Nhà nước Đề Ga độc lập”.

Ngoài công tác vận động quần chúng, ta phải nhận thức thống nhất phân biệt Tin lành truyền thống với “Tin lành Đề Ga” từ đó có biện pháp đấu tranh xoá bỏ “Tin lành Đề ga”. Từng bước công nhận các Ban chấp sự Tin lành truyền thống. Tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tín đồ được xây dựng nhà thờ làm nơi cầu nguyện.

1.2. Trong lĩnh vực phật giáo

Nhiều năm nay các thế lực thù địch tìm mọi cách để móc nối, kích động một số đối tượng cực đoan trong “Phật giáo Ấn Quang” hoạt động chống đối chính quyền.

Chúng tập chung chỉ đạo, tài trợ đắc lực cho nhóm Huyền Quang, nhóm Quảng Độ hoạt động, tìm cách phục hồi tổ chức không còn tồn tại trên thực tế là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”; gây chia rẽ, vô hiệu hoá giáo hội phật giáo Việt Nam; phục hồi tổ chức “Gia đình phật tử” Từ Trung ương đến địa phương và tách khỏi giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động của nhóm Quảng Độ gắn liền với sự kích động, chỉ đạo của bọn phản động lưu vong và ủng hộ, khích lệ của Mỹ, EU. v.v…

1.3. Trong lĩnh vực Phật giáo hoà hảo

Phật giáo Hoà hảo là tôn giáo nội sinh, được thành lập ngày 04/7/1939 tại làng Hoà hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập. Trong quá trình phát triển, một số người cầm đầu Phật giáo Hoà hảo đã bị Nhật, Pháp, Mỹ lợi dụng lôi kéo, lừa bịp một bộ phận đồng bào theo Phật giáo Hoà hảo chống lại cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì vậy, sau năm 1975, số cầm đầu tôn giáo này đã quyết định tự giải tán. Nhưng theo nguyện vọng của đại dân tộc số tín đồ, năm 1998 Nhà nước Việt Nam đã cho tổ chức Đại hội phật giáo Hoà hảo, lập ban đại diện.

Ban đại diện Phật giáo Hoà hảo sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, từng bước củng cố vị thế, là lực lượng quan trọng để đấu tranh với số cực đoan quá khích do Lê Quang Liêm cầm đầu.

2. Kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến các vấn đề dân tộc thiểu số

Vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên

Trong âm mưu hoạt động “Diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn xác định Tây Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm mà chúng tập trung chống phá hòng gây mất ổn định. Chúng đã sử dụng bọn Fulro lưu vong do Ksor kok đứng đầu móc nối, chỉ đạo số chống đối bên trong kích động tư tưởng ly khai, tự trị, lợi dụng những khó khăn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội lừa mỵ quần chúng biểu tình, bạo loạn âm mưu đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên.

Sau năm 1975, đã có gần một nghìn tên FULRO sang định cư ở Mỹ (hơn một vạn đối tượng tan giã tại chỗ). Từ cuối năm 1998, chúng thành lập các tổ chức lưu vong “Hội người Thượng Đề Ga”, “Hội những người miền núi”, “Hội bảo vệ nhân quyền Thượng Đề Ga”, đặc biệt là “Nhà nước Đề Ga tự trị” do Ksor Kok cầm đầu.

Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, trấn áp bọn cầm đầu dập tắt vụ bạo loạn, lập tổ công tác liên ngành xuống cơ sở tiếp tục tuyên truyền vận động, kêu gọi số cầm đầu, cốt cán tự thú, kiên quyết bắt giữ số đối tượng vi phạm luật pháp lẩn trốn, củng cố chính quyền cơ sở.

Chúng ta đã tích cực triển khai công tác, kiên quyết đấu tranh giữ vững nguyên tắc độc lập, chủ quyền; phối hợp với Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia xoá bỏ các trại tị nạn, vận động đồng bào trở về; đấu tranh tuyên truyền đối ngoại (tổ chức cho nhiều đoàn quốc tế, phóng viên báo chí thăm Tây Nguyên). Đến nay. An ninh Tây Nguyên đã dần trở lại bình thường. Ta đã đấu tranh thắng lợi với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên chống phá ta về nhân quyền.

-Vấn đề người Khmer ở Tây nam bộ

Đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ có khoảng 1,2 triệu người, hầu hết theo Phật giáo Tiểu thừa); sống bằng nghề nông là chính. Sau năm 1975, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, song số hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn bộ phận các cư dân khác trong vùng, một số sang Campuchia sinh sống. Do mối quan hệ lâu đời giữa người Khmer nam bộ với người Khmer Campuchia, các hoạt động tôn giáo hai bên có ảnh hưởng trực tiếp.

Trước tình hình đó, ta đã đánh giá tổng kết Chỉ thị số 68 của Ban Bí thư khoá VI về công tác ở vùng dân tộc khmer để rút kinh nghiệm, chỉ đạo; đề xuất xây dựng chỉ thị, Nghị quyết của Bộ chính trị, Đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm giảm khoảng cách giàu nghèo, hỗ trợ kinh phí cho đồng bào khmer chuộc lại đất sản xuất, cho tu bổ lại số chùa chiền bị hư hỏng, in kinh sách bằng chữ Pali đã được chú trọng thực hiện.

- Vấn đề người Mông, người Thái ở Tây Bắc

Người Mông ở Tây Bắc đã từng có một quốc gia hùng mạnh với một nền văn minh lúa nước phồn thịnh, gọi là “Vương quốc Mông”, được xác định là địa bàn nước Sở thời “Xuân Thu, Chiến Quốc”, nay thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Vào khoảng thế kỷ III (TCN), họ bị bộ tộc Hán thôn tính, để tránh bị tiêu diệt người Mông đã phải phiêu dạt, lẩn tránh tới các vùng khác như Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Nam (Trung Quốc). Trong quá trình đấu tranh lịch sử của dân tộc mình chống lại sự đồng hoá, đàn áp của các thế lực triều đình phong kiến Trung Quốc, người Mông đã dần bị thôn tính đất đai và tiêu diệt buộc phải ly tán khỏi quê hương, điều cư lánh nạn xuống phía nam, định cư tại nhiều nước trong đó có Lào, Việt Nam, Thái Lan.

Với niềm tin đã từng có “vương quốc” riêng và có lòng tự hào về tinh thần thượng võ, bất khuất đấu tranh chống lại các triều đình phong kiến Trung Quốc, một niềm tin trường tồn “phục quốc” cùng với sự luyến tiếc về lịch sử dân tộc đã để lại trong mỗi người dân tộc Mông tâm lý nhạy cảm đối với vấn đề chính trị, nhất là đối với vấn đề “li khai” dân tộc. Đây là đặc điểm mà các thế lực thù địch bên ngoài triệt để khai thác lợi dụng để kích động, chống phá, tuyên truyền “Vương quốc Mông tự trị”. Những luận điệu tuyên truyền này ít nhiều đã có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc Mông nước ta.

“Xứ Thái tự trị” ở Tây Bắc do thực dân Pháp dựng lên trong đồng bào dân tộc Thái vào những năm 1948 – 1952 nhằm thưc hiện chính sách cai trị của chúng. Sau năm 1945, không còn tồn tại. Trong quá trình chống phá nước ta, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề này để kích động tư tưởng dân tộc, sự chống đối của người Thái nhằm gây mất ổn định trong vùng dân tộc Thái.

Kinh nghiệm xử lý của ta

- Tuyên truyền rộng rãi chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết của Ban chấp hành TW khoá IX về chính sách đại đoàn kết dân tộc đã thể hiện rõ chính sách này, không phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Kiên quyết bác bỏ những luận điệu tuyên truyền liên quan đến “Vương Quốc Mông tự trị” “Xứ Thái tự trị”; không chấp nhận bất cứ hình thức li khai, tự trị nào.

- Vấn đề “Vương Quốc Mông tự trị” xuất hiện ở địa bàn Lào, có tác động và ảnh hưởng tiêu cực vào vùng dân tộc Mông nước ta, ta đã chủ động phòng ngừa, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch.

- Đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá mỗi dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Thái. Việc dạy và học chữ dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình duy trì, phát triển văn hoá các dân tộc, đang từng bước được nghiên cứu và đưa vào chương trình giáo dục ở địa phương.

3. Kinh nghiệm trả lời kháng thư

- Phải nắm chắc hệ thống luật quốc tế về quyền con người.

+ Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc, các văn bản hướng dẫn, các nguyên tắc, quy tắc, khuyến nghị,… được các quốc gia thừa nhận, tôn trọng trong việc thực hiện, bảo vệ quyền con người.

+ Bộ luật quốc tế về quyền con người gồm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền được Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 (gồm lời nói đầu và 30 điều quy định về 30 quyền cụ thể của con người trong các lĩnh vực dân sự và chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá,…) và các công ước quốc tế, các nghị định thư,…cụ thể hoá các quyền con người.

- Nhận thức đúng đắn cơ chế giám sát quyền con người của Liên hợp quốc thông qua kháng thư.

Liên hợp quốc xác định các quyền con người phải được đảm bảo (quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, quyền phát triển,.v.v) và có cơ chế bảo vệ, giám sát các quyền này; tiến hành các biện pháp điều tra về những vi phạm quyền con người ở các quốc gia (cử phái viên; tiến hành các thủ tục và cơ chế đặc biệt được thiết lập bởi các Công ước, Nghị quyết của các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc).

- Khôn khéo xử lý vấn đề, gạt bỏ việc đem ra xem xét tại Uỷ ban nhân quyền.

Việc trả lời kháng thư của Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền là một trong những công tác quan trọng để đấu tranh thắng lợi về nhân quyền của ta, là cơ sở để chủ động đấu tranh gạt bỏ những vấn đề nổi cộm về nhân quyền của ta có thể bị nêu ra tại Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc.

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành trong việc trả lời kháng thư

Để trả lời tốt kháng thư, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đặc biệt là các cơ quan lý luận (Ban tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,…), các Bộ, ngành: Ngoại Giao, Công an, Tư pháp, Ban tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban dân tộc và miền núi, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội,… trong đó Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền và Bộ Ngoại giao chủ trì giữ vai trò nòng cốt.

Cần xác định rõ việc trả lời kháng thư là công tác quan trọng trong tổng thể công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền cần được tiến hành thường xuyên

 Trong tình hình hiện nay cần đấu tranh không để các tổ chức phản động người Việt lưu vong có tư cách tư vấn tại Liên hợp quốc nhằm vô hiệu hoá các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của chúng tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.

Tăng cường đối thoại nhân quyền để các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hiểu đúng Việt Nam, qua đó tranh thủ họ lên tiếng ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt hội nghị của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc.

VIII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Quyền con người và việc bảo đảm quyền con người đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong xã hội loài người hiện nay. Có thể nói việc đấu tranh để đạt được sự thống nhất trong nhận thức về các quyền cơ bản của con người và việc đấu tranh để bảo vệ các quyền đó là một trong những thành tựu và là công việc phức tạp, lâu dài của xã hội loài người. Khi xã hội càng phát triển, vấn đề quyền con người càng được quan tâm và bàn luận nhiều hơn.

Với mục đích tìm được tiếng nói chung và thống nhất hành động giữa các quốc gia trong lĩnh vực nhân quyền, Liên hợp quốc đã xây dựng các công ước quốc tế về nhân quyền và đến nay đã có nhiều nước tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thống nhất cơ bản mà biểu hiện là việc các nước tham gia các công ước đã thừa nhận hành động theo các tiêu chí mà các công ước đã nêu trên đề ra, trên thế giới hiện nay vẫn tồn tại một số quan điểm khác nhau về nhân quyền. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ các nước Phương tây, đứng đầu là Mỹ, luôn tìm cách sử dụng việc bảo vệ quyền con người để gây áp lực về kinh tế, chính trị cho các nước khác, đặc biệt là các nước có chế độ chính trị khác với mình. Dẫu vậy, ngày nay, cùng với việc cố gắng thực hiện và bảo đảm quyền con người, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với một thực tế khác là luôn phải tìm cách đấu tranh trống lại việc bị các nước Phương tây áp đặt các giá trị nhân quyền, xã hội của họ. Đây không chỉ còn là cuộc đấu tranh vì quyền con người, mà đã trở thành một cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng rất phức tạp và nhạy cảm.

Từ khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc Cách mạng tháng tám năm 1945 và thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã đặt mục tiêu xây dựng một Nhà nước của nhân dân và vì nhân dân, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, do những khác biệt về chính trị, các nước Phương Tây đã và đang sử dụng chiêu bài nhân quyền để chống lại Đảng và Nhà nước ta. Việc đấu tranh nhân quyền trong các quan hệ đối nội và đối ngoại trở thành vấn đề được quan tâm trong đời sống chính trị ở nước ta, đặc biệt từ khi nước ta lần đầu tiên được bầu vào Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2001 – 2003.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu và soạn thảo một tài liệu chính thống của Nhà nước để phục vụ cho mục tiêu đấu tranh ngoại giao toàn diện trên các diễn đàn quốc tế và diễn đàn trong nước nhằm bảo vệ các thành quả của cách mạng, công cuộc xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và văn minh vì con người của Đảng và Nhà nước ta là điều hết sức cần thiết.

Cẩm nang về đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam là tài liệu chính thức của Nhà nước, do Chính phủ phát hành, chứa đựng những nguyên tắc chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và những thông tin, kiến thức cơ bản về vấn đề quyền con người. Cẩm nang là tài liệu lưu hành nội bộ, không phổ biến rộng rãi, được trang bị cho các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh nhằm phục vụ cho việc chủ động đấu tranh vì quyền con người trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại.

Chính vì Cẩm nang có ý nghĩa quan trọng như vậy, nên việc xây dựng Cẩm nang cần được nghiên cứu kỹ cả về chiều sâu và diện rộng các vấn đề về quyền con người.   

Việc nghiên cứu và thực hiện đề tài này là bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng Cẩm nang trong thời gian tới.

2. Kiến nghị

Căn cứ mục đích, yêu cầu của đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một danh mục các chuyên đề để ký hợp đồng với các Bộ, ngành hữu quan. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng Cẩm nang đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.

 


 

Stt

TÊN CHUYÊN ĐỀ

CƠ QUAN

THỰC HIỆN

 

1

 

 Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, thể hiện trong các văn kiện đại hội đảng, các nghị quyết, Chỉ thị và các văn kiện khác của Đảng ta có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền con người và bảo vệ quyền con người, đặc biệt từ Đại hội VI (1986) đến nay.    

Ban TTVHTW

2

Khái quát sự hình thành và phát triển của vấn đề quyền con người. Quan điểm trung của thế giới ngày nay về vấn đề quyền con người, thể hiện trong các tuyên ngôn, công ước và văn kiện quốc tế và khu vực khác trong lĩnh vực quyền con người, bao gồm cả các công ước và văn kiện quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia.

Trung tâm Nhân quyền thuộc học viện quốc gia HCM

3

Nghĩa vụ quốc gia thực thi các cam kết trong các công ước quốc tế và khu vực về quyền con người, bao gồm cả cách thức của quốc gia trong việc nội luật hoá các quy định quốc tế và khu vực về quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thi hành trên thực tế; nội luật hoá các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ Tư Pháp

 

 

 

 

Stt

TÊN CHUYÊN ĐỀ

CƠ QUAN

THỰC HIỆN

4

Các thiết chế, cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc về quyền con người; các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quyền con người; các diễn đàn quốc tế về quyền con người; thủ tục, trình tự đưa vấn đề vi phạm quyền con người của một nước ra xem xét tại Uỷ ban quyền con người, Uỷ ban Kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại Giao

5

Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; sơ lược về quá trình gia nhập và thực hiện của Việt Nam, các nghĩa vụ chính theo các công ước này và những vấn đề nổi cộm.

Bộ Ngoại Giao

6

Tổng quan pháp luật Việt Nam về quyền con người từ năm 1945 đến nay, đặc biệt là từ sau khi tiến hành đổi mới năm 1986 (giới thiệu và phân tích khái quát về pháp luật Việt Nam, trọng tâm là Hiến pháp, Bộ luật, các luật, pháp lệnh, nghị định có quy định về các quyền con người và những biện pháp của Nhà nước nhằm thực thi bảo vệ quyền con người ở Việt Nam).

Bộ tư Pháp

7

Những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người (Phần này nêu lên những chỉ số chứng minh cho việc Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng đến các quyền cơ bản của con người và đã đưa ra đường lối, chính sách và quy định pháp luật phù hợp để thực thi. Các chỉ số phải chứng minh được rằng từ sau khi thành lập nước 1945, đặc biệt là sau đổi mới 1986, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Một số chỉ số quan trọng cần được phân tích kỹ như chỉ số về bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội văn hoá, các quyền dân sự, chính trị của công dân; bảo đảm quyền của các đối tượng đặc biệt như bình đẳng giới, quyền trẻ em, người tàn tật, cô đơn, xoá đói, giảm nghèo v.v…(số liệu cập nhập đến 2003)

Tổng cục thống kê

8

Kinh nghiệm soạn thảo và bảo vệ các Báo cáo quốc gia về quyền con người (cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp, quy trình, phương pháp chuẩn bị và hoàn thiện Báo cáo quốc gia ); bảo vệ các Báo cáo quốc gia về quyền con người theo quy định của các công ước.

Bộ Ngoại giao

9

Kinh nghiệm trong việc bảo vệ chống lại việc bị đưa ra xét xử về các vấn đề liên quan đến quyền con người tại Tiểu ban nhân quyền, Uỷ ban nhân quyền và Uỷ ban kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc; Một số vấn đề nổi cộm về nhân quyền ở các nước Phương tây, đặc biệt là ở những nước thường công kích ta về vấn đề quyền con người.

Bộ ngoại giao

10

Kinh nghiệm trong một số vụ việc đấu tranh thắng lợi điển hình của nước ta ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trên một số lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống ta như: tôn giáo, dân tộc, tự do báo chí, giam giữ người, nguyên nhân thắng lợi; công tác tổ chức, phân công, phối hợp, nguyên tắc chỉ đạo, cách thức và kinh nghiệm trả lời kháng thư.

Bộ Công an

 

 


 

Nội dung toàn văn

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

          1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC BIÊN SOẠN CẨM NANG

          1.1.1. Tình hình quốc tế

          Lịch sử của nhân loại, chung quy là lịch sử đấu tranh vì các quyền con người, trong đó có các quyền cơ bản nhất là quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Loài người đã đánh đổ các chế độ mất dân chủ, phi nhân quyền (như chế độ chủ nô, phong kiến, độc tài, phát xít, diệt chủng, phân biệt chủng tộc) để xây dựng các chế độ xã hội dân chủ hơn, nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản.

        Nhiều nơi trên thế giới hiện nay vẫn còn tình trạng nhân quyền bị chà đạp bởi các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, mà nạn nhân bao giờ cũng là phụ nữ và trẻ em. Nghèo đói, thiên tai cũng là những nguyên nhân khiến cho nhân quyền không được thực hiện một cách đầy đủ. Hiện nay vẫn chưa có được sự thống nhất trong quan niệm về nhân quyền giữa các nước, đặc biệt là giữa các nước thuộc hai trục Bắc-Nam, cũng như giữa các nước có ý thức hệ chính trị khác nhau. 

         Một số nước đã và đang sử dụng vấn đề nhân quyền nhằm mục đích can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên,Việt Nam). Họ đã đưa ra một số học thuyết về quyền con người, như nhân quyền cao hơn chủ quyền. Nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước Châu Á, đã phản đối mạnh mẽ học thuyết này, vì cho rằng thực chất đây là một công cụ mà các nước giàu muốn sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nghèo. Điều này đã khiến cho vấn đề nhân quyền trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trên trường quốc tế và gây căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia.

        Những năm gần đây, vấn đề nhân quyền trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều bất lợi cho nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Sau khi Tổng thống mới của Mỹ lên nắm quyền, chính quyền nước này đã có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là có chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền đối với một số nước khác biệt về hệ tư tưởng và các nước không muốn chịu ảnh hưởng của Mỹ (như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, I-rắc, I-ran và cả Việt Nam). Ở Việt Nam, những vụ lộn xộn, bất ổn tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam đã cho thấy đều có sự dính líu của Mỹ.

        Tình hình nhân quyền trên thế giới càng phức tạp hơn khi các nước,  các nhóm nước có nhiều quan điểm và lập trường khác nhau về nhân quyền, đặc biệt là về các vấn đề mấu chốt, thể hiện rất rõ tại các diễn đàn nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Một số nước Đông Âu đi theo quan điểm của Phương Tây, là lực lượng xung kích của Phương Tây. Châu phi cũng bị các nước Phương Tây chi phối. Châu Mỹ la tinh bị phân hoá. Lập trường của các nước Châu Á cũng không giống nhau: Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ Phương Tây trong nhiều nghị quyết về nhân quyền. Nhìn chung, xu hướng chính trị hoá các vấn đề nhân quyền đã bao trùm các diễn đàn quốc tế về nhân quyền. Tại các diễn đàn này, Phương Tây tiếp tục tìm cách sử dụng các thiết chế nhân quyền quốc tế (như Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hội đồng kinh tế, văn hoá và xã hội, Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền v.v…) và các tổ chức phi chính phủ để áp đặt những giá trị nhân quyền của mình nhằm gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

           Mỹ và các nước Phương Tây không ngừng tố cáo Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chà đạp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, đàn áp dã man Pháp luân công và là nước áp dụng nhiều hình phạt tử hình. Vấn đề Tây tạng cũng được Mỹ và Phương Tây khai thác triệt để nhằm chống Trung Quốc. Cu ba cũng bị nhiều nước Phương Tây mà đứng đầu là Mỹ tố cáo là Nhà nước độc tài, thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền. Hiện nay, Cu Ba đang tiếp tục phải chịu sự cấm vận vô nhân đạo của Mỹ. Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng bị một số nước tố cáo độc tài, đàn áp những người bất đồng ý kiến. Mỹ, Anh, Pháp và một số nước Phương Tây khác đang chỉ trích mạnh mẽ Liên bang Nga trong vấn đề Chéc-ni-a, coi việc duy trì trật tự của quân đội Nga tại nước Cộng hoà này là sự đàn áp và vi phạm quyền con người.

               Riêng đối với Việt Nam, thì từ trước đến nay, Phương Tây và một số tổ chức nhân quyền như Freedom House, Human Rights Wach luôn vu cáo Việt Nam là nước độc Đảng, không có bầu cử tự do, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí và đàn áp tôn giáo và những bất đồng chính kiến.

        Một trong những phương thức mới mà Mỹ và Phương Tây (nhất là Thụy Điển) áp dụng tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại các khoá họp của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc trong những năm gần đây là sử dụng tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ (NGO) để tố cáo những nước mà họ không ưa. Trong các bài phát biểu của các đoàn Phương Tây như Mỹ, Úc, Canada, Liên minh Châu Âu đều dành cho mình quyền tố cáo các nước khác vi phạm nhân quyền tại nước mình. Những nước mà họ cho là có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất là Trung Quốc, Liên bang Nga, Cu ba, Bắc Triều Tiên, I-Rắc, Su-Đăng, Công-gô, Lào, In-đô-nê xia và Việt Nam.

         Trước tình hình đó, quan điểm đấu tranh trên mặt trận nhân quyền của Việt Nam là làm sao góp phần thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tăng cường chủ động đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, đề cao các chính sách đúng đắn và các thành tựu đã đạt được của ta trong việc phát triển và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam; đấu tranh có hiệu quả chống việc một số nước, tổ chức và cá nhân lợi dụng vấn đề nhân quyền để vu cáo và can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

         Trong các diễn đàn quốc tế về nhân quyền cũng như các cuộc đối thoại về nhân quyền, Việt Nam đã trình bày những thành tựu của Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, đặc biệt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự, chính trị như quyền tự do ngôn luận, tự do báo trí, tự do hội họp và tự do tôn giáo, trong đó nhấn mạnh Việt Nam coi việc bảo vệ các quyền dân sự, chính trị là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chúng ta đã viện dẫn nhiều quy định của pháp luật Việt Nam trong việc quy định và bảo đảm thực hiện trên thực tế những quyền này, nhất là các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các điều khoản liên quan về nhân đạo hoá đối với người phạm tội của Bộ luật hình sự mới (1999). Nhà nước Việt Nam cũng thể hiện cho thế giới biết rằng, ở Việt Nam các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội của mọi người dân Việt Nam, trong đó người dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm, ưu đãi và đồng thời khẳng định lập trường của ta về tham gia và đóng góp vào đối thoại xây dựng tăng cường hợp tác quốc tế vì phát triển và tiến bộ xã hội                  trên thế giới và vào công việc chung liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc.

         Phương châm đấu tranh nhân quyền của ta trên trường quốc tế là tham dự các diễn đàn nhân quyền quốc tế với tinh thần chủ động, thái độ xây dựng, cầu thị, tránh đối đầu không cần thiết (ví dụ như không đối đáp trực tiếp với các tổ chức phi chính phủ, hoặc nêu tên dưới dạng “điểm danh” của các nước Phương tây, trừ trường hợp thật cần thiết), đóng góp tích cực vào công việc chung của các thiết chế nhân quyền của Liên hợp quốc, phối hợp chặt chẽ với Cu Ba, Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ của các nước thuộc nhóm 77, các nước không liên kết, các nước ASEAN, các thành viên trong Ban thư ký của Liên hợp quốc, nhóm Châu Á và nhóm cùng quan điểm. Một trong những phương châm mới của ta hiện nay là sẵn sàng đối thoại về các vấn đề nhân quyền, điều mà từ trước tới nay ta thường tránh. Đối thoại trên nhiều cấp độ như đối thoại toàn cầu, đối thoại đa phương và đối thoại song phương.

       1.1.2. Tình hình trong nước

          Tình hình nhân quyền ở trong nước trong thời gian qua cũng có những diễn biến vô cùng phức tạp. Nhiều phần tử bị bất mãn đã tìm mọi cách nói xấu, xuyên tạc chế độ, cho là Nhà nước bóp nghẹt dân chủ, không cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số người thiếu thiện chí trong các giáo phái tố cáo Nhà nước đàn áp tôn giáo, can thiệp và kiểm soát gắt gao hoạt động tôn giáo. Họ cấu kết với một số phần tử Việt Kiều phản động sống lưu vong ở nước ngoài viết bài, diễn thuyết, kể cả tung tin lên internet, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm cho quần chúng nhân dân hiểu sai về bản chất chế độ ta, gây mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả chống lại các luận điểm xuyên tạc ác ý của các thế lực thù địch. Các cơ quan chức năng của ta đã có những nỗ lực lớn, trong đó có việc tổ chức giải thích tuyên truyền cho đồng bào ở những “điểm nóng” hiểu về chính sách nhân đạo, nhân quyền của Nhà nước ta, tránh không để cho đồng bào bị bọn xấu lợi dụng, kích động lôi kéo gây rối trật tự công cộng. Ngoài những biện pháp mềm dẻo, ta còn kiên quyết áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chung của đất nước. Nhờ đó, ta đã bước đầu giải quyết thành công những vụ lộn xộn ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam.

       Từ những tình hình trong nước và quốc tế trên đây, đã dẫn đến yêu cầu phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn của vấn đề quyền con người, để từ đó có những biện pháp, đối sách thích hợp đối với Việt Nam trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ quyền con người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sự nhất quán trong công tác đấu tranh nhân quyền trong thời gian qua, trước hết phải kể đến là cho đến nay, Nhà nước ta vẫn chưa có một tài liệu toàn diện và có hệ thống về quyền con người để hướng dẫn cho các cơ quan, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều cơ quan, cán bộ có trách nhiệm trong lĩnh vực đấu tranh về nhân quyền còn thiếu những hiểu biết mang tính cơ sở về nhân quyền. Các thiết chế cơ bản về nhân quyền, những nội dung cơ bản của các Công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua, đã không được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Những điều này đã phần nào làm cho công tác đấu tranh về nhân quyền của ta trong thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn, có lúc, có nơi lại làm cho tình hình phức tạp thêm.     

         Chính vì lý do trên, Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ đã chỉ đạo phải khẩn trương biên soạn cuốn cẩm nang về các vấn đề liên quan đến đấu tranh về quyền con người (sau đây gọi là Cẩm nang) và giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng đề án và biên soạn Cẩm nang, nhằm phục vụ kịp thời công tác đấu tranh nhân quyền của ta trong thời gian tới.

Vì vậy, mục đích của việc nghiên cứu đề tài này là cần thiết, nhằm làm rõ những vấn đề có tính lý luận, cũng như thực tiễn của việc yêu cầu biên soạn Cẩm nang về các vấn đề đấu tranh về quyền con người của Việt Nam.

       1.2. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU BIÊN SOẠN CẨM NANG

       1.2.1. Mục đích

       Việc biên soạn Cẩm nang nhằm hai mục đích cơ bản sau đây:

        Thứ nhất, về đối ngoại, Cẩm nang là tài liệu phục vụ mục đích đấu tranh đối ngoại về quyền con người, giúp cho các đoàn đại biểu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở làm việc với các nước, các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến quyền con người, trả lời phỏng vấn, kháng thư, đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế về quyền con người v.v…

       Thứ hai, về đối nội, Cẩm nang là tài liệu phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức từ cấp tỉnh trở lên trong công tác đấu tranh về quyền con người ở trong nước, nhằm chống lại các luận điệu, hoạt động thù địch của các phần tử lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo… đi ngược lại chính sách về quyền con người chân chính của Đảng và Nhà nước ta.

         Cẩm nang cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình tham gia xây dựng các báo cáo quốc gia về việc thực hiện các công ước về quyền con người mà Nhà nước đã ký kết, tham gia cũng như trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xây dựng chính sách đồng bộ để bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam.

         1.2.2. Yêu cầu

         Việc biên soạn Cẩm nang cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau đây:

         - Tập hợp, hệ thống hoá và nêu được đầy đủ các quan điểm cơ bản về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta;

           - Đề cập một cách toàn diện pháp luật nước ta về quyền con người và cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam;

         - Chứa đựng những kiến thức tổng hợp, cô đọng, hệ thống, chuẩn mực về quyền con người;

         - Đưa ra những lập luận sắc bén để bác lại các luận điệu giả hiệu, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá Việt Nam.

           Như vậy, Cẩm nang là tài liệu chính thống được sử dụng nội bộ, phục vụ công tác đấu tranh về quyền con người của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan nghiên cứu, tuyên huấn, dân vận… có liên quan đến quyền con người. Các số liệu tư liệu được cung cấp đến mức tối đa trong phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước; không phổ biến rộng rãi. Cẩm nang được cập nhật, bổ sung định kỳ hàng năm với sự chỉ đạo, hướng dẫn của ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ.

        1.3.1. Nội dung

        Cẩm nang cần bao gồm những nội dung cơ bản như: quan điểm chính thức của Việt Nam về vấn đề quyền con người (đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước về quyền con người và bảo vệ con người); quan điểm phổ biến của quốc tế hiện nay về quyền con người (các công ước và các văn kiện quốc tế khác về quyền con người); các thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người; kinh nghiệm đấu tranh về quyền con người của Việt Nam và các nước trên các diễn đàn quốc tế đa phương và song phương.

        Ngoài ra, Cẩm nang sẽ cung cấp các số liệu thống kê chính thức do Tổng cục thống kê, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ban tôn giáo Chính phủ và các Bộ, ngành khác cung cấp liên quan đến những lĩnh vực cụ thể của quyền con người.        

         1.3.2. Kết cấu

         Sau lời giới thiệu của Trưởng Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, Cẩm nang gồm ba phần sau đây:

         Phần 1 về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người và một số vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến quyền con người:

        Đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị và các văn kiện khác của Đảng ta có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền con người và bảo vệ quyền con người, đặc biệt từ đại hội VI đến nay.

        Khái quát sự hình thành và phát triển của vấn đề quyền con người và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Quan điểm chung của thế giới ngày nay về vấn đề quyền con người thể hiện trong các tuyên ngôn, công ước và các văn kiện quốc tế và khu vực khác trong lĩnh vực quyền con người, bao gồm cả các công ước và các văn kiện quốc tế mà Việt Nan chưa gia nhập.

         Nghĩa vụ của quốc gia thực thi các cam kết trong các công ước quốc tế và khu vực về quyền con người, bao gồm cả cách thức của quốc gia trong việc nội luật hoá các quy định quốc tế và khu vực về quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thi hành trên thực tế.

         Các cơ quan, tổ chức, thiết chế của Liên hợp quốc và khu vực về quyền con người; các tổ chức quốc tế phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quyền con người; các diễn đàn quốc tế khác về quyền con người.

Phần 2 về pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người và những thành tựu về quyền con người đã đạt được (chủ yếu từ năm 1986 đến nay):

Tổng quan pháp luật Việt Nam về quyền con người từ năm 1945 đến nay (Hiến pháp, luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định có quy định về các quyền con người và những biện pháp của Nhà nước nhằm thực thi, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam).

Những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người (những chỉ số chứng minh rằng Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng đến các quyền cơ bản của con người và đã đưa ra đường lối chính sách và quy định pháp luật phù hợp để thực thi. Các chỉ số phải chứng minh được rằng từ sau khi thành lập nước 1945, đặc biệt là sau Đổi mới 1986, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Một số chỉ số quan trọng cần được phân tích kỹ như chỉ số về bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, các quyền dân sự, chính trị của công dân: bảo đảm quyền của các đối tượng đặc biệt như bình đẳng giới, quyền trẻ em, người tàn tật, cô đơn, xoá đói, giảm nghèo v.v… ).

Phần 3, kinh nghiệm soạn thảo, bảo vệ báo cáo quốc gia về quyền con người và đấu tranh về quyền con người:

Chuẩn bị báo cáo quốc gia về việc thực hiện các Công ước Quốc tế về quyền con người (cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp, chuẩn bị và hoàn thiện báo cáo quốc gia);

Bảo vệ các báo cáo quốc gia về quyền con người theo quy định của Công ước;

Thủ tục, trình tự đưa vấn đề vi phạm quyền con người của một nước ra xem xét tại Uỷ ban nhân quyền, Uỷ ban kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc.

-Kinh nghiệm đấu tranh, bảo vệ, chống lại việc đưa ra xem xét về các vấn đề liên quan đến quyền con người tại Tiểu ban nhân quyền, Uỷ ban nhân quyền, Uỷ ban kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc;

Kinh nghiệm trong một số vụ việc đấu tranh thắng lợi điển hình của nước ta ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trên một số lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống ta như: tôn giáo, dân tộc, tự do báo chí, tự do ngôn luận, giam giữ người…; những nguyên nhân thắng lợi.

- Kinh nghiệm đấu tranh thành công về vấn đề quyền con người của một số nước trên thế giới tại các diễn đàn đa phương;     

- Kinh nghiệm trả lời kháng thư.

1.4. ĐÓNG GÓP VỀ MẶT KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI

Việc nghiên cứu thành công đề tài này còn có những đóng góp quan trọng về mặt khoa học. Điều này thể hiện trước hết ở chỗ, đây là một công trình nghiên cứu đầu tiên về cơ sở lý luận, thực tiễn của việc xây dựng một Cẩm nang về đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam - vốn là lĩnh vực tuy đã được thực hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, nhưng chưa có một công trình khoa học nghiên cứu đầy đủ, có hệ thống về Cẩm nang. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đề tài còn có thể được thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Trung tâm nghiên cứu về quyền con người, cơ quan Trung ương của các tổ chức xã hội có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác đấu tranh nhân quyền trên các diễn đàn, vụ việc trong nước và ngoài nước.

1.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Việc nghiên cứu được tiến hành theo các phương pháp truyền thống như: phương pháp nghiên cứu khoa học duy vật, biện chứng (lấy nền tảng là nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác –Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về các quyền con người và quan điểm, đường lối, chính sách về nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong các văn kiện của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ), phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp lịch sử, phương pháp logic v.v…

Lịch sử hình thành và phát triển của các hoạt động đấu tranh nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta trong hơn 50 năm qua gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ với những nhiệm vụ cách mạng khác nhau. Trong từng giai đoạn của quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng, bảo vệ đất nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã tiến hành đấu tranh nhân quyền ở các mức độ, phạm vi và yêu cầu khác nhau. Phương pháp lịch sử được sử dụng trong đề tài nghiên cứu để làm rõ về những nhận định này.

1.6. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

Từ cuối năm 2001, sau khi nhận nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị đề cương soạn thảo Cẩm nang, Vụ Hợp tác quốc tế đã đề xuất gia nhập  nhóm nghiên cứu (gồm các chuyên gia của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao) am hiểu về công pháp quốc tế và vấn đề nhân quyền để tiến hành viết các chuyên đề cụ thể thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức một số cuộc họp với đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Văn phòng chính phủ, Trung tâm nghiên cứu quyền con người Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm bàn về cách thức tiến hành nghiên cứu, phân công người thực hiện các chuyên đề cụ thể, nhằm phục vụ biên soạn Cẩm nang.

Tuy hoàn thành muộn hơn so với dự kiến, nhưng kết quả nghiên cứu đề tài này đã góp phần quan trọng trong việc giúp cho nhóm biên soạn Cẩm nang xây dựng đề cương chi tiết của Cẩm nang nhân quyền và hình thành các hợp đồng viết chuyên đề với các Bộ, ngành hữu quan.

1.7. CƠ QUAN THỰC HIỆN CẨM NANG

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

- Các cơ quan phối hợp: Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; Ban Nội chính trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ; Tổng cục thống kê; Trung tâm nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội.

- Tiến độ thực hiện*:

+ Cuối năm 2001, hoàn thành việc xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan về Đề cương Đề án xây dựng Cẩm nang (đã thực hiện xong).

+ Tháng 3/2002 chỉnh lý, hoàn thiện Đề cương, trình Phó thủ Tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ cho ý kiến, phê duyệt (đã thực hiện xong).

+ Tháng 4/2002 đến hết tháng 8/2002, sau khi được Phó Thủ Tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ phê duyệt Đề cương, các Bộ, ngành hữu quan sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mình, hoàn tất các chuyên đề và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp (đã thực hiện xong).

+ Từ đầu tháng 9/2002 đến đầu tháng 11/2002, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp các chuyên đề, tổ chức hội thảo, toạ đàm, chỉnh lý và xây dựng thành dự thảo Cẩm nang (đã thực hiện xong trong tháng 5/2004).

+ Tháng 12/2002, trình Thường trực ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ cho ý kiến về Cẩm nang (đã bị muộn, nay dự kiến trình vào quý III/2004).

+ Cuối tháng 12/2002, hoàn tất Cẩm nang sau khi được thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ cho ý kiến (nay dự kiến cuối quý III/2004).

Tháng 1/2003, chuyển văn bản Cẩm nang tới cơ quan có thẩm quyền được Chính phủ giao để in ấn và phát hành (nay dự kiến trong quý I/2005).

1.8. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP VIỆN

Đề tài này được hoàn thành với phần về báo cáo phúc trình của ban chủ nhiệm và phần các chuyên đề (của đề tài) do những người sau đây thực hiện:

(1) TS. Vũ Đức Long, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Cẩm nang của Việt Nam về đấu tranh bảo vệ quyền con người.             

(2) CN.Võ Văn Tuyển, (Bộ Tư pháp), Mục đích, phương pháp xây dựng Cẩm nang, đối tượng và phạm vi áp dụng Cẩm nang.

(3) TS.Lê Mai Anh, (Đại học Luật Hà Nội), Nghĩa vụ quốc gia thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người.

(4) TS.Nguyễn Công Khanh (Bộ Tư pháp), Cẩm nang nhân quyền với việc chuẩn bị báo cáo quốc gia thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người.

(5) TS.Hoàng Chí Trung, (Bộ Ngoại giao), Kinh nghiệm đấu tranh trong một số vụ việc cụ thể, cách thức và kinh nghiệm trả lời kháng thư.

(6) TS. Nguyễn Hoàng Anh, (Bộ Ngoại giao), Các thiết chế, cơ quan, tổ chức phi chính phủ và các diễn đàn quốc tế khác về quyền con người.

II. KẾT QUẢ CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG CẨM NANG

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xây dựng Cẩm nang về nhân quyền, do vậy việc nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Cẩm nang là vô cùng cần thiết.

Về cơ sở lý luận, trước hết, cần xác định tập trung nghiên cứu về quan điểm hiện nay của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, thể hiện trong các văn kiện đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và các văn kiện khác của Đảng ta có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền con người và bảo vệ quyền con người từ Đại hội VI đến nay.

Cơ sở lý luận về quyền con người cần được đề cập dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, bao gồm những nội dung cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đồng thời, cần so sánh pháp luật một số nước phát triển về nhân quyền, nghiên cứu thực tiễn đấu tranh nhân quyền của một số nước như Trung Quốc, Cu Ba và một số nước đang phát triển khác tại các diễn đàn quốc tế và trong một số hoàn cảnh đấu tranh song phương với Phương Tây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bảo vệ và ngày càng phát huy các quyền của con người là chính sách nhất quán của Đảng ta, được thể hiện ngày càng toàn diện và đầy đủ trong hệ thống pháp luật của dân, do dân và vì dân của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việc soạn thảo Cẩm nang phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng đó.

Cẩm nang sẽ là tài liệu chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó trình bày một cách súc tích và thuyết phục nhất mọi vấn đề liên quan đến nhân quyền của Việt Nam từ chính sách, pháp luật đến những thành tựu đã đạt được, từ những vấn đề mang tính lý luận cho đến những kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh nhân quyền của thế giới và Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định rằng, Cẩm nang sẽ là một phương tiện sắc bén giúp cho các cơ quan của Đảng vầ Nhà nước ta một cách đắc lực trong việc bảo vệ những quan niệm và thành tựu nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được trong mấy chục năm qua, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, sai trái về thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền cũng như các giá trị nhân quyền mà nhân dân Việt Nam đã dành được và đang ra sức bảo vệ, phát huy.

Những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề quyền con người bao gồm:

- Quyền con người là giá trị chung của nhân loại

Con người sinh ra vốn đã có quyền, đó là quyền sống, quyền dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền phát triển, được tồn tại dưới dạng những nhu cầu, lợi ích và năng lực. Những nhu cầu, lợi ích và năng lực đó chỉ thực sự trở thành quyền khi được Nhà nước bảo hộ bằng pháp luật.

Từ thực tiễn đấu tranh kiên cường của dân tộc, Đảng ta khẳng định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại quyền con người là thành quả của việc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”[1].

Đảng tôn trọng, bảo vệ những giá trị cao quý được nhân loại thừa nhận về quyền con người “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội”[2]. Bằng các nỗ lực của mình trong việc giải quyết các vấn đề về chống nghèo đói, chống thất nghiệp, chống bệnh dịch, chống chiến tranh phi nghĩa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta: “Tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[3].

Mỗi quốc gia khi tham gia các công ước quốc tế về quyền con người đều phải có những cam kết nhất định về nghĩa vụ và trách nhiệm. Đảng khẳng định quan điểm và trách nhiệm của mình khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người mang tính toàn cầu: “Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ủng hộ và cùng nhân dân thế giới đấu tranh nhằm loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và mọi phương tiện chiến tranh hiện đại khác nhằm giết người hàng loạt, bảo vệ hoà bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới; góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng”[4]

Đảng không tách rời việc bảo đảm quyền con người trên đất nước mình bằng hệ thống pháp luật với việc bảo đảm những giá trị về quyền con người đã được pháp luật quốc tế quy định: Chăm lo con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[5]

- Quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất  

Sự nghiệp giải phóng con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở để bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm đầy đủ, trọn vẹn nhất. Đó cũng là cơ sở cho việc thực hiện tốt nhất quyền con người, không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị của quyền con người.

Khi một đất nước không có độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, nhân dân sống trong cảnh lầm than, nô lệ thì quyền con người không bao giờ được thực thi và bảo đảm. Để giành quyền cho mỗi con người, trước hết phải giành quyền tự do cho cả dân tộc. Quyền chính trị của con người chỉ có thể thực hiện khi dân tộc có quyền tự quyết: “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”[6]. Đảng xác định tính ưu việt của một chế độ xã hội qua vị trí của con người trong xã hội. Tính ưu việt đó càng được thể hiện rõ ở chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Sự kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người trong nhận thức và giải quyết các vấn đề cụ thể

Quyền con người là một giá trị phổ biến của nhân loại, bao hàm những quyền và nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở mọi nơi, mọi đối tượng. Quyền con người cũng mang tính đặc thù với bản sắc riêng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mang sắc thái văn hoá, lịch sử và truyền thống của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo và những đặc điểm riêng khác. “Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hoá nội dung các quyền con người phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta và với các tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi”[7].

- Trong xã hội có giai cấp đối kháng, việc bảo đảm thực hiện quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc

Trong xã hội có giai cấp đối kháng, mọi khẩu hiệu về nhân quyền, tự do, dân chủ bình đẳng do giai cấp phong kiến, tư sản đưa ra đều mang tính hình thức, phục vụ cho lợi ích của giai cấp đó. Tự do bình đẳng, nhân quyền cho mọi người chỉ có được trong xã hội văn minh không còn giai cấp đối kháng. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều khẳng định, giai cấp vô sản là lực lượng tiên tiến nhất của xã hội. Quyền lợi của giai cấp vô sản là quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Giai cấp vô sản không đấu tranh cho riêng mình mà đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng loài người nói chung và giai cấp vô sản chỉ có thể giải phóng mình một cách triệt để bằng con đường giải phóng nhân loại.

- Quyền con người thể hiện trong quyền công dân và được pháp luật bảo hộ.                                   

Việc thực hiện quyền con người gắn liền với bản chất của một chế độ Nhà nước và xã hội nhất định. Trong xã hội ta, bản chất của Nhà nước là Nhà nước vì con người và bảo vệ quyền con người, quan điểm đó đã được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1992): “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”[8].

Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân qua hai hình thức, làm chủ qua đại diện và làm chủ trực tiếp, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để đảm bảo quyền đó, hệ thống chính trị luôn đổi mới và hoàn thiện, đáp ứng những nội dung ngày càng mở rộng của vấn đề dân chủ: Gắn quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính không phù hợp”[9].

- Chủ trương sẵn sàng đối thoại về vấn đề quyền con người  

Việt Nam tuân thủ thực hiện các công ước đã cam kết và phê chuẩn, tiếp tục nghiên cứu các công ước khác và ký kết khi các điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.

Đối thoại và hợp tác về quyền con người giữa các nước là dịp cho mỗi bên trình bày những quan điểm chung và cụ thể đi đến hiểu biết lẫn nhau trong quá trình xử lý những vấn đề liên quan đến nhân quyền. Việt Nam chủ trương sẵn sàng đón tiếp, đối thoại và hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu tình hình thực tế và trao đổi ý kiến về các khía cạnh mỗi bên quan tâm trên các lĩnh vực liên quan đến các quyền con người trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ của nhau, hợp tác và hiểu biết: “Quyền con người là vấn đề đang được đặt ra trong các mối quan hệ quốc tế. Cần làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững độc lập, chủ quyền của nước ta, sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế vì quyền con người, đồng thời đấu tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá ta”[10].

2.1.2. Phương pháp xây dựng và phạm vi nội dung của Cẩm nang

Cùng với việc nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Cẩm nang, nhóm nghiên cứu đã trình bày những vấn đề cơ bản liên quan đến mục tiêu, phương pháp xây dựng Cẩm nang, đối tượng và phạm vi áp dụng Cẩm nang. Theo đó, nhóm đã đi sâu nghiên cứu ba vấn đề cụ thể: i) Phương pháp xây dựng Cẩm nang của Việt Nam về đấu tranh nhân quyền: ii) Phạm vi các vấn đề nội dung cần được đưa vào Cẩm nang; iii) Đề cương chi tiết của Cẩm nang về đấu tranh nhân quyền của Việt Nam.

Mục tiêu chính của việc ban hành Việt Nam là nhằm giúp cho công tác đấu tranh nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta có hiệu quả hơn, góp phần làm cho nhân dân thế giới và nhân dân ta hiểu đúng hơn về tình hình nhân quyền cũng như chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ và không ngừng phát triển các quyền con người ở Việt Nam.

Về đối tượng sử dụng Cẩm nang, nhóm nghiên cứu đề xuất đối tượng sử dụng Cẩm nang chỉ nên hạn chế đối với những cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong công tác đấu tranh về nhân quyền trên các diễn đàn trong và ngoài nước từ cấp tỉnh trở lên như các cơ quan của Đảng, các cơ quan Nhà nước có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh có liên quan.

Cẩm nang sẽ có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng báo cáo các quốc gia thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại các diễn đàn quốc tế và trong nước.

2.2. NGHĨA VỤ CỦA CÁC QUỐC GIA THỰC THI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN

2.2.1. Cơ sở xác định nghĩa vụ quốc tế của quốc gia

Điều ước quốc tế về quyền con người là loại công ước quốc tế chuyên môn, được ký kết trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế hoặc quan hệ hợp tác đa phương giữa các quốc gia về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quyền con người có những đặc trưng riêng, bởi đối tượng mà nó điều chỉnh có liên quan trực tiếp với các quyền và tự do cơ bản của con người, tới chủ quyền quốc gia, dân tộc, tới lợi ích thiết thực và sống còn của từng quốc gia, cũng như có ảnh hưởng quan trọng hoà bình, an ninh và hợp tác quốc tế.

Các thoả thuận trong công ước quốc tế về quyền con người có tính thống nhất và phổ biến. Đây là đặc tính rất quan trọng của loại công ước quốc tế này, vì nó tác động đến quan điểm và nhận thức của mỗi Nhà nước về quyền và tự do cơ bản của con người trong đời sống sinh hoạt quốc tế cũng như trong đời sống của từng quốc gia. Các công ước quốc tế về nhân quyền thường xác định rõ ràng các mục tiêu hành động để cộng đồng quốc tế có cơ sở thực hiện sự kiểm soát cần thiết đối với việc thực thi nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, như mục tiêu về hoà bình, an ninh, phát triển, tự do, dân chủ, bình đẳng.

2.2.2. Các nguyên tắc thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người

Các nghĩa vụ của quốc gia từ công ước quốc tế về nhân quyền phải được các quốc gia thực hiện trên cơ sở nguyên tắc pacta sunt servanda. Đó là sự tận tâm, thiện chí thực hiện các công ước quốc  tế về nhân quyền. Nghĩa vụ thực thi cam kết quốc tế của quốc gia và những cơ chế kiểm soát có tính chất quốc tế cần thiết. Các cơ chế này vừa có ý nghĩa kiến nghị, vừa mang ý nghĩa ràng buộc sự tuân thủ các nghĩa vụ quốc gia đối với vấn đề nhân quyền ở những cấp độ và phương diện khác nhau.

Vấn đề thực thi công ước quốc tế về nhân quyền theo nguyên tắc Pacta sunt servanda của các quốc gia thành viên còn được đánh giá thông qua sự gắn kết và cộng đồng trách nhiệm của quốc gia thành viên với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển và bảo vệ quyền con người. Song song với các nguyên tắc Pacta sunt servanda, các công ước quốc tế về nhân quyền phải được đảm bảo thực thi một cách thực tế trên phạm vi toàn lãnh thổ của các quốc gia thành viên.

Các nghĩa vụ thành viên công ước quốc tế về nhân quyền của quốc gia còn được thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc này là từ các đặc trưng mang tính khách quan hoá, tính quốc tế hoá và tính quy phạm hoá của quyền con người.

Tóm lại, về phương diện pháp lý, việc thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền không thể thiếu được các nguyên tắc trên, bởi nó vừa là nguyên tắc mang tính tất yếu đối với các điều khoản thoả thuận trong nội dung của mỗi công ước về nhân quyền, đồng thời lại là yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho tiến trình thực thi một công ước cụ thể trong lĩnh vực quyền con người.

2.2.3. Các hình thức nghĩa vụ quốc gia

- Các nghĩa vụ thuộc hoạt động lập pháp

Quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền. Việc chuẩn hoá các tiêu chí có tính chất quốc tế về quyền con người theo quy định của từng công ước đối với mỗi quốc gia là một trong số các nghĩa vụ bắt buộc, mặc dù công ước chấp nhận có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật của từng nước.

Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác thì mỗi quốc gia thành viên của công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết phù hợp với các quy trình nêu trong hiến pháp của mình và những quy định của công ước quốc tế về nhân quyền.

- Các nghĩa vụ thuộc hoạt động hành pháp

Nghĩa vụ thành viên này của quốc gia được thực hiện bằng việc xây dựng cơ chế quốc gia nhằm phát triển, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về nhân quyền. Đây là nghĩa vụ liên quan đến nhiều đối tượng và nhiều lĩnh vực khác nhau trong phạm vi điều chỉnh của các công ước quốc tế về nhân quyền. Hoạt động này hoàn toàn có thể tạo ra các căn cứ để các thiết chế và cộng đồng quốc tế có cơ sở giám sát việc thực thi các nghĩa vụ thành viên điều ước quốc tế về nhân quyền đối với các quốc gia.

-Nghĩa vụ từ hoạt động tư pháp

Việc thực hiện nghĩa vụ này yêu cầu quốc gia phải thành lập hệ thống các cơ quan tư pháp (toà án, trọng tài, cơ quan khác) thực hiện chức năng xét xử, giải quyết mọi vi phạm liên quan đến quyền con người. Việc xét xử của cơ quan tư pháp phải đảm bảo tôn trọng các quyền con người mà quốc gia đã cam kết. Trong trường hợp phát sinh những vi phạm về quyền con người mà cơ quan tư pháp của quốc gia không kịp thời giải quyết hoặc giải quyết không đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền con người, thì có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với quốc gia.

2.3. THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TỪ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

2.3.1. Cơ chế quốc tế bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền của quốc gia

- Cơ chế quốc tế thúc đẩy, phát triển và bảo vệ quyền con người trong khuôn khổ của LHQ

Đại hội đồng LHQ, một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc đã trở thành và có chức năng là trung tâm của sự phối hợp và tổ chức các hoạt động duy trì, phát triển mọi vấn đề về quyền con người giữa các thành viên của Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có những thành tựu to lớn trong lĩnh vực xây dựng luật pháp quốc tế về nhân quyền, đó là việc đại hội đồng thông qua nhiều tuyên bố và công ước về quyền con người ở nhiều lĩnh vực, như lĩnh vực về quốc tịch, lĩnh vực các quyền trẻ em, quyền phụ nữ, của người bị tàn tật, lĩnh vực về nhân đạo, lĩnh vực phát triển và tiến bộ xã hội.

Cơ chế giải quyết các vấn đề về nhân quyền trong khuôn khổ Liên hợp quốc còn được thông qua hội đồng kinh tế - xã hội và các uỷ ban trực thuộc. Hoạt động của Hội đồng kinh tế xã hội trong lĩnh vực quyền con người chủ yếu là “đưa ra các khuyến nghị nhằm mục đích thúc đẩy việc tôn trọng và tuân thủ các quyền tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người”.

Bên cạnh hoạt động của các thiết chế nêu trên, cơ chế quốc tế giải quyết các vấn đề về quyền con người của Liên hợp quốc còn được thực hiện thông qua Trung tâm quyền con người (thuộc Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người). Liên hợp quốc cũng có những cơ chế giải quyết về vấn đề nhân quyền theo mô hình và các phương thức của những cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, như thông qua Cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về tị nạn (UNHCR), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức nông thương thế giới (FAO). Mỗi tổ chức giải quyết vấn đề nhân quyền từ góc độ chức năng và lĩnh vực chuyên môn của mình.

- Cơ chế quốc tế giải quyết các vấn đề quyền con người khác trong các công ước quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc

Đa số các công ước quốc tế về nhân quyền đều quy định có một thiết chế để thúc đẩy, giám sát và giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người tại các quốc gia thành viên. Những uỷ ban thành lập theo mỗi công ước về nhân quyền có phạm vi hoạt động.

- Các thiết chế quốc gia bảo đảm việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Về pháp lý, khi là thành viên của một điều ước quốc tế về nhân quyền, quốc gia thành viên của điều ước phải có nghĩa vụ thực hiện hoá các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ quốc gia đó. Nhưng việc thực hiện hoá đó không thể chỉ diễn ra thông qua động thái lập pháp mà còn phải có những thiết chế quốc gia hiệu quả để đảm bảo thực hiện các tiêu chí quốc tế về nhân quyền có quy định trong công ước. các thiết chế quốc gia rất đa dạng và nhằm mục tiêu chung là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người cơ bản.

Nhìn tổng thể, thiết chế quốc gia về quyền con người bao gồm loại thiết chế hoạt động với tư cách các cơ quan của chính phủ và loại thiết chế là cơ quan quốc gia về quyền con người – đóng vai trò là cơ quan tư vấn trong việc tôn trọng các quyền con người ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Cơ quan quốc gia về quyền con người ở nhiều quốc gia thường bao gồm các uỷ ban về quyền con người, Thanh tra Quốc hội các cơ quan đặc biệt. Đặc biệt, các cơ quan quốc gia về nhân quyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền con người bằng các hoạt động tư vấn và xã hội như tổ chức dịch vụ tư vấn, hội thảo, phát hành các ấn phẩm có tính chất giáo dục cộng đồng.

Đối với cơ chế quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thì các cơ quan quốc gia là một trong số phương thức thực thi công ước về nhân quyền có khả năng kết hợp giữa hoạt động mang tính chất của chính phủ với các hoạt động mang tính chất xã hội có chức năng về nhân quyền của Nhà nước. Đối với lĩnh vực thực thi các nghĩa vụ quốc gia từ các điều ước quốc tế về nhân quyền, các quốc gia thành viên muốn thực thi một cách hiệu quả những nghĩa vụ của mình thì phải có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền, kể cả hoạt động của các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền.

2.3.2. Vấn đề thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về nhân quyền

- Nghĩa vụ đối với các vấn đề nhân quyền của Chính quốc gia là thành viên các công ước về quyền con người

Theo nguyên tắc chung, đây là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia là thành viên công ước. Đối với loại nghĩa vụ này, các công ước về nhân quyền đặt ra cho quốc gia những yêu cầu phải thực hiện là:

- Hiện thực hoá các quy định và tiêu chí quốc tế về quyền con người trong các công ước quốc tế vào đời sống quốc gia. Nghĩa vụ này được coi là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của quốc gia đối với vấn đề nhân quyền. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên, quốc gia trước hết phải tiến hành các hoạt động lập pháp để tạo môi trường pháp luật quốc gia tương thích cho thực thi công ước nhân quyền. Hoạt động lập pháp này được diễn ra theo nhiều cách thức thuộc thẩm quyền nội bộ của quốc gia, nhưng có sự theo dõi của cơ chế quốc tế được quy định tại nội dung mỗi công ước.

 - Tiến hành và thực hiện các biện pháp hành chính, tư pháp và các chính sách kinh tế, xã hội, giáo dục cùng nhiều biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước.

Theo yêu cầu tại những quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền thì các nghĩa vụ nêu trên của quốc gia thành viên được thực hiện với tính chất bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, trên cơ sở huy động tới mức tối đa nguồn lực sẵn có trong nước.

- Nghĩa vụ đối với vấn đề nhân quyền của các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế.

Các công ước quốc tế về nhân quyền được hình thành để bảo vệ trên một phạm vi rộng lớn các quyền cơ bản của con người, bảo đảm cho con người được sống một cuộc sống an toàn, tự do, an ninh và lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, là quyền được sống một cuộc sống xứng đáng sẽ không thể thực hiện được, nếu các quốc gia không tạo ra những bảo đảm cần thiết để tất cả các nhu cầu cơ bản về việc làm, về lương thực thực phẩm, nhà ở, chăm sóc, giáo dục, y tế, văn hoá…của cuộc sống con người được Nhà nước và xã hội phúc đáp một cách công bằng, tương xứng đến mức có thể nhất đối với tất cả mọi người, trong phạm vi từng quốc gia cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

- Nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của con người trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân của các nước theo các thoả thuận và cam kết quốc tế, như việc quy định và thực hiện quy chế pháp lý đối với người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia, việc áp dụng và thực hiện các chính sách kinh tế, đối ngoại, ngoại giao trong quan hệ giữa các quốc gia.

- Nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc thực hiện các quy định của công ước, cũng như giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia đối với những vấn đề nhân quyền, cụ thể như nghĩa vụ đảm bảo an ninh cá nhân, đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của công dân nước ngoài, bảo đảm cơ hội phát triển và ổn định cuộc sống cho người nước ngoài mà không có sự kỳ thị hay bị phân biệt đối xử giữa người nước ngoài với công dân nước sở tại hay giữa những người nước ngoài với nhau.

- Nghĩa vụ thực thi công ước theo yêu cầu về trình tự, thủ tục quy định tại các điều khoản của điều ước quốc tế về nhân quyền, có các thiết chế về nhân quyền của các tổ chức quốc tế về nhân quyền theo dõi và thực hiện, chẳng hạn, nghĩa vụ đệ trình báo cáo hàng năm lên Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc của quốc gia thành viên về việc duy trì và phát triển các quyền cơ bản của con người tại quốc gia đó.

2.3.3. Ý nghĩa của việc thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền

-Trong quan hệ quốc tế hiện đại, việc thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền có tác động mạnh mẽ trên diện rộng đối với các mối quan hệ giữa các quốc gia về những lợi ích hết sức thiết thực và sống còn của mỗi quốc gia đó. Các vấn đề qui định và được đề cập trong các điều ước quốc tế về nhân quyền là kết quả của sự định lượng và định tính một cách tổng thể lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, có sự hòa đồng và thông qua cơ chế giải quyết cũng như cơ chế phúc đáp những quyền lợi cơ bản cho các cá nhân người công dân ở khuôn khổ quốc gia và quốc tế, với sự hiện diện của môi trường Nhà nước pháp quyền hiện đại. Vì vậy, thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người có ý nghĩa chính trị, pháp lý đối với sự tồn tại ổn định và phát triển bền vững của từng quốc gia.

- Trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện tại, thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền là một trong những điều kiện có tính khách quan để quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hoá.

- Thông qua cách tiếp cận của các điều ước quốc tế về nhân quyền, mỗi quốc gia vừa có cơ sở, vừa có điều kiện để phát triển và hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật quốc gia đối với lĩnh vực quyền con người.

Tóm lại, thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền có ý nghĩa lớn với mỗi quốc gia thành viên. Do đó, ở phạm vi và trong những chừng mực nhất định, các lợi ích về việc thực thi công ước quốc tế về nhân quyền gắn chặt với quyền lợi riêng và thiết thực của từng quốc gia.

2.4. NGHĨA VỤ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI ĐỐI VỚI VIỆT NAM

2.4.1. Bối cảnh ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam

Việt Nam gia nhập hầu hết và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người từ trước khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh còn tồn tại Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, lúc đó còn khá mạnh.

Việc Liên hợp quốc thông qua các điều ước quốc tế về quyền con người để thu hút sự tham gia của nhiều nước, không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị - kinh tế, là một cố gắng lớn nhằm mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh thế giới, bảo vệ các quyền con người cơ bản, lên án các cuộc chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thuộc thế giới thứ ba đã ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người.

Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn rất yếu, cơ bản là nhờ vào sự viện trợ, giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Việc khôi phục lại đất nước sau chiến tranh đã là một gánh nặng quá sức đối với một dân tộc đã chịu quá nhiều mất mát trong thời kỳ kháng chiến.

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 12/1986) với đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Nhìn lại 17 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng các quyền và tự do cơ bản của con người ở Việt Nam đã và đang đạt đến chuẩn mực theo yêu cầu chung của quốc tế. Các quyền con người không chỉ được khẳng định trong hiến pháp và pháp luật, mà còn được bảo đảm thi hành trên thực tế bằng nhiều biện pháp thiết thực. Vì thế, đề cập đến bối cảnh trong nước và quốc tế khi Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người, càng cho thấy rõ hơn vai trò của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

2.4.2. Nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người           

- Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nguyên tắc nền tảng trong hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói chung và điều ước về quyền con người nói riêng của Việt Nam.

- Phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế: Nguyên tắc này được khẳng định cụ thể tại Điều 3 của Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998: “Điều ước quốc tế được ký kết trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế …”. Khi tham gia vào quan hệ điều ước quốc tế, Việt Nam phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế đã được thừa nhận chung, trong đó đặc biệt quan trọng là nguyên tắc pacta sunt servanda (nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế).

Nguyên tắc pacta sunt servanda trên thực tế không những quy định trong pháp luật Việt Nam, mà còn được bảo đảm thông qua thiện chí và sự thể hiện trách nhiệm nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

- Phù hợp với Hiến pháp: Nguyên tắc này cũng được khẳng định tại Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Từ nguyên tắc này, có thể đi đến nhận định rằng, điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên ký kết, sau khi được Việt Nam “nội luật hoá” để bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện, giữ vị trí quan trọng sau Hiến pháp của Việt Nam. Nói cách khác, điều ước quốc tế về quyền con người chỉ được Việt Nam ký kết, gia nhập nếu điều ước đó không có các điều khoản trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (được khẳng định trong Hiến pháp 1992).

-Bảo đảm sự thống nhất về thứ bậc: Đây là nguyên tắc được khẳng định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế với nội dung: “Điều ước quốc tế được ký kết trong sự thống nhất về thứ bậc… Điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa ở cấp thấp không được trái với điều ước quốc tế được ký kết danh nghĩa ở cấp cao hơn”. Theo nguyên tắc này, các điều ước quốc tế về quyền con người (trực tiếp liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam) được ký kết dưới danh nghĩa Nhà nước – danh nghĩa cao nhất của điều ước quốc tế của Việt Nam; các điều ước quốc tế ở cấp thấp hơn (Chính phủ, Bộ, ngành…) phải phù hợp với nó.

2.4.3. Nhận thức và thể hiện nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người đối với Việt Nam

            - Khẳng định vị trí của điều ước quốc tế: Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết gia nhập có vị trí như thế nào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Song trên thực tế, Việt Nam thừa nhận các quy phạm của điều ước quốc tế sau khi được chuyển hoá thì trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật quốc gia. Đây là quan điểm được  các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học và nghiên cứu nhận thức thống nhất. Do đó điều ước có một vị trí đặc biệt trong hệ trong pháp luật.   

           - Thừa nhận giá trị hiệu lực của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước: Trên thực tế, việc thừa nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên ký kết so với các văn bản pháp luật trong nước, là hoàn toàn có cơ cở. Nhưng việc thừa nhận này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc ưu thế của điều ước quốc tế không thể đặt trên hiến pháp, ưu thế này không phải là tuyệt đối. Điều này cũng được khẳng định tại Điều 26 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến  điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

          -Nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế: Theo quy định tại khoản 5 Điều 24 của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, “trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan đề xuất ký kết, cơ quan Nhà nước hữu quan có trách nhiệm tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

-Tiến hành chuyển hóa quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước: Nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người có liên quan mật thiết đến vấn đề chuyển hoá (nội luật hoá) các điều ước về quyền con người vào pháp luật trong nước. Mục đích cơ bản của vấn đề chuyển hoá là bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế. Do đó, để bảo đảm thực hiện nghiêm túc điều ước quốc tế về quyền con người, cần có sự nhận thức thống nhất trong các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người về sự cần thiết của việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia.

2.4.4. Thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam

a) Trình tự thực hiện điều ước quốc tế:

- Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đề ra tiến trình, các biện pháp tổ chức thực hiện điều ước trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế quản lý việc thực hiện điều ước quốc tế cũng phải được vạch ra một cách cụ thể.

-Xác định cơ quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế. Nghĩa vụ thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, trước hết là thuộc về Nhà nước. Nhưng trong bộ máy Nhà nước, nghĩa vụ này chủ yếu thuộc về các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Trong phạm vi, nghĩa vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền có trách nhiệm đề ra kế hoạch cụ thể và biện pháp bảo đảm khả thi các cam kết mà Việt Nam đưa ra trong điều ước quốc tế về quyền con người (trong lĩnh vực ngành thuộc quyền quản lý).

Việc thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là vấn đề phức tạp nhất trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người.

b) Các cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế về con người

- Cơ quan thực hiện chức năng lập pháp

Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp, thông qua các hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật (luật, pháp lệnh…), có nghĩa vụ thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, tức là phải bảo đảm sao cho văn bản pháp luật được ban hành phải phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên ký kết.

Thực tiễn hoạt động lập pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ từ điều ước quốc tế về quyền con người, được tiến hành dưới một số hình thức sau:

+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm “nội luật hoá” các quy định của điều ước quốc tế, biến các quy định của điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước. Ví dụ, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà Việt Nam đã gia nhập, bảo đảm thuận lợi cho việc thi hành; Quốc hội ban hành Bộ luật dân sự năm 1995, một mặt tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các giao dịch dân sự, mặt khác cũng nhằm “nội luật hoá” các quyền dân sự của con người trong công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện tại Việt Nam.

+ Ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện các quy định trong điều ước quốc tế về quyền con người. Việc hướng dẫn những quy định phức tạp hoặc có tính nguyên tắc trong các điều ước về quyền con người có thể gây tác động đối với các quyền và nghĩa vụ của công dân, là việc làm cần thiết. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành luật, Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và mọi công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định pháp luật trong nước liên quan đến lĩnh vực quyền con người.

+ Giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế thuộc chức năng của cơ quan hành pháp và tư pháp. Đây là công việc xuất phát từ chức năng của Quốc hội là “giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” (Điều 83 Hiến pháp 1992). Như vậy, hoạt động của toàn bộ các cơ quan trong bộ máy Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người (như Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao), đều được đặt dưới sự giám sát tối cao của Quốc hội.

- Cơ quan thực hiện chức năng hành pháp

Theo quy định tại Điều 109 Hiến pháp 1992, Chính phủ là “cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chính phủ có chức năng “thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước”; “chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”. Như vậy, việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, suy cho cùng, là nghĩa vụ của các Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Còn Chính phủ chỉ giữ vai trò chỉ đạo, điều hành.

 - Cơ quan thực hiện chức năng tư pháp (xét xử)

Theo quy định tại Điều 126 Hiến pháp 1992, “Toà án nhân dân… có nhiệm vụ bảo vệ… tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử, trực tiếp thực hiện bảo vệ các quyền con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết. Những vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, vi phạm các quyền trẻ em, về nguyên tắc, phải bị xét xử trước toà án nhân dân.

Theo quan điểm “thực hiện trực tiếp điều ước quốc tế”, thì trong quá trình xét xử, Toà án có nghĩa vụ áp dụng trực tiếp các quy định của điều ước quốc tế về quyền con người. Nhưng thực tiễn tại Việt Nam, Toà án thường áp dụng các quy định của pháp luật, tức là gián tiếp áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế sau khi đã được nội luật hoá thành pháp luật trong nước.

- Các tổ chức chính trị, xã hội

Theo quy định tại Điều 9 Hiến pháp 1992, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện chức năng tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước. Như vậy, chức năng của mình, Mặt trận Tổ quốc tham gia cùng với Nhà nước trong việc thực hiện các điều ước quốc tế đó từ phía các cơ quan Nhà nước.

c) Các điều kiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế về quyền con người

- Hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác cán bộ, công chức thực thi pháp luật.

- Ổn định chính trị và phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

- Phát triển xã hội, văn hoá, tôn trọng và giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tôn trọng phong tục tập quán.

2.5. CHUẨN BỊ BÁO CÁO QUỐC GIA THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Theo quy định chung, những điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập đòi hỏi phải làm Báo cáo quốc gia gồm: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá: Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ: Công ước quốc tế về quyền trẻ em: Công ước quốc tế về ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Việc gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người đã là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta. Những việc thực hiện các điều ước quốc tế đó trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, lại càng khó khăn hơn. Trong mối tương quan với yêu cầu soạn thảo Báo cáo quốc gia theo các chuẩn mực chung của quốc tế về tình hình thi hành điều ước quốc tế về nhân quyền, thì việc hoàn thành Cẩm nang nhân quyền là một công việc rất cần thiết.

2.5.1. Tình hình soạn thảo báo cáo quốc gia của Việt Nam

- Cơ quan thực hiện soạn thảo Báo cáo quốc gia

Ở Việt Nam chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên trách trong việc làm Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người. Tuỳ thuộc vào tính chất của mỗi loại điều ước quốc tế về quyền con người, cũng như yêu cầu cụ thể của Uỷ ban nhân quyền quốc tế đặt ra đối với mỗi loại báo cáo mà Chính phủ phân công cho cơ quan thích hợp chủ trì việc chuẩn bị Báo cáo. Bên cạnh cơ quan chủ trì là các cơ quan phối hợp. Đó thường là các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện các chức năng liên quan đến những lĩnh vực chuyên ngành mà điều ước quốc tế về nhân quyền đã đề cập. Nếu thiếu sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành, thì báo cáo quốc gia không thể hoàn thành được.

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực hiện Công ước về các quyền dân sự chính trị (báo cáo 1, báo cáo 2 và báo cáo 3) được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an (Bộ Nội vụ trước đây), Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hoá Thông tin, Tổng cục Thống kê v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực hiện Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử phụ nữ (CEDAW) được Chính phủ giao cho Uỷ ban quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Chính phủ giao cho Ủy ban bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (trước đây) chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội v.v…

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện Công ước quốc tế về ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo; các cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Uỷ ban dân tộc miền núi, Văn phòng Quốc hội v.v…

Kinh mghiệm chuẩn bị báo cáo quốc gia của Việt Nam trong các năm qua cho thấy, về mặt thủ tục, không có sự thống nhất trong việc thành lập (hoặc không thành lập) Ban soạn thảo. Thông thường thì cơ quan chủ trì có quyết định thành lập Ban soạn thảo (do Bộ trưởng hoặc thứ ký), kèm theo danh sách thành viên của ban, gồm các chuyên gia am hiểu lĩnh vực chuyên môn do các Bộ, ngành liên quan cử.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thống nhất kể trên, trước hết là do ta chưa có một chiến lược chủ động, có tính chất tổng thể cho vấn đề này. Nhìn chung lâu nay chúng ta mới chỉ thực hiện trách nhiệm làm báo cáo. Nhân lực, vật lực cho việc làm báo cáo cũng chưa được quan tâm đúng mức.

- Chất lượng các Báo cáo quốc gia

Chất lượng các Báo cáo quốc gia của Việt Nam thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người thường không đồng đều. Nguyên nhân dẫn đến chất lượng các báo cáo của Việt Nam không đồng đều có thể kể như sau:

Thứ nhất, chúng ta chưa có kinh nghiệm làm báo cáo. Trừ các báo cáo sau này, còn lại những báo cáo ở các thời kỳ trước những năm 90 đều được chuẩn bị khá đơn giản. Lúc đó chúng ta chưa có kinh nghiệm làm báo cáo.

Thứ hai, do sự hướng dẫn, giúp đỡ của các chuyên gia Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc đối với Việt Nam không được thường xuyên và kịp thời. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho chúng ta gặp nhiều lúng túng, khó khăn khi chuẩn bị báo cáo quốc gia. Ngoài ra còn phải kể đến sự chủ quan, thiếu thông tin và sự hỗ trợ cần thiết của quốc tế cho việc chuẩn bị báo cáo.

Thứ ba, do khó khăn về thông tin, số liệu thống kê. Công tác quản lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng số liệu thống kê của các Bộ, ngành và cơ quan Nhà nước lâu nay chưa có sự thống nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp số liệu chưa được chặt chẽ và thường xuyên.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc chuẩn bị báo cáo chưa được chặt chẽ và hiệu quả. Nhiệm vụ được phân công cho Bộ  ngành nào, thì ngành đó đơn phương chuẩn bị. Sự phối hợp giữa các Bộ ngành khác trong việc chuẩn bị báo cáo nhiều khi không ăn khớp, hiệu quả không cao.

Thứ năm, Nhà nước chưa dành kinh phí hỗ trợ cho việc chuẩn bị báo cáo. Nếu không khắc phục được thiếu sót về khâu kinh phí, khó có thể đảm bảo được chất lượng báo cáo, tiến độ làm báo cáo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan.

2.5.2. Vai trò của Cẩm nang nhân quyền

Việc soạn thảo thành công Cẩm nang nhân quyền của Việt Nam sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Với tính cách là một tài liệu chính thức của Đảng và Nhà nước ta, Cẩm nang nhân quyền chứa đựng những chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật về quyền con người, những thành tựu về chất lượng quyền con người thông qua các chỉ số thống kê về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá và các lĩnh vực quan trọng khác của đời sống đất nước qua các thời kỳ khác nhau.

Thứ nhất, Cẩm nang nhân quyền là nguồn tài liệu hỗ trợ quan trọng, là phương pháp luận có tính khoa học đúng đắn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình soạn thảo báo cáo quốc gia. Cùng với những luận điểm khoa học, Cẩm nang nhân quyền phải chứa đựng đầy đủ những thông tin về thành tựu bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 1945 đến nay. Cẩm nang nhân quyền còn cung cấp thông tin về tư duy nhận thức chính trị, phương pháp luận khai thác và đấu tranh bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Thứ hai, Cẩm nang nhân quyền là tập hợp các số liệu và thông tin có thể tra cứu về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau từ năm 1945 đến nay, cho nên có vai trò thiết thực cho việc soạn thảo báo cáo quốc gia và tra cứu khoa học, giúp ích cho việc đưa ra nhận định về xu hướng phát triển trong tương lai của các quyền con người ở Việt Nam.

Thứ ba, Cẩm nang nhân quyền phục vụ đắc lực cho việc bảo vệ báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc. Với tính cách là một tài liệu chính thức, chứa đựng các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về các quyền con người và tổng kết những thành tựu quan trọng của Việt Nam về quyền con người trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống – kinh tế xã hội qua các thời kỳ, Cẩm nang nhân quyền có khả năng cung cấp một lượng thông tin dồi dào và số liệu tin cậy phục vụ cho việc bảo vệ báo cáo quốc gia.

Cẩm nang nhân quyền có khả năng cung cấp một “bức tranh” toàn cảnh về quyền con người ở Việt Nam qua các thời kỳ. Cẩm nang nhân quyền còn có thể là nguồn tài liệu tham khảo quý giá, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về quyền con người nói chung, cũng như giúp ích cho các nhà lãnh đạo trong việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển nguồn nhân lực đất nước, đặc biệt trên quan điểm bình đẳng giới.

Thứ tư, Cẩm nang nhân quyền còn là nguồn tài liệu tổng kết về tình hình thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam qua các thời kỳ. Thông qua việc tra cứu, chúng ta có thể so sánh về thành tựu nâng cao chất lượng quyền con người ở Việt Nam, từ đó giúp cho việc đưa ra một chiến lược tổng thể thi hành các điều ước quốc tế về quyền con người.

2.5.3. Những yêu cầu đặt ra đối với việc chuẩn bị báo cáo quốc gia trong tình hình mới

-Về phần chung

Cần phải tuân theo các hướng dẫn chung của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc, tuy nhiên cũng cần cập nhật các thông tin cần thiết, đặc biệt về tình hình thay đổi bộ máy của các cơ quan Nhà nước, trên cơ sở hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đồng thời thông qua báo cáo, có thể nêu lên các kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Cẩm nang nhân quyền có thể giúp ích nhiều trong việc hoàn thiện phần chung của các báo cáo quốc gia.

-Về các điều khoản cụ thể

Phần này tập trung vào các việc kiểm điểm, đánh giá về tình hình thi hành từng điều khoản của công ước liên quan đến mỗi quyền cụ thể, theo từng lĩnh vực mà công ước đề cập. Tại phần này, một mặt vẫn phải tuân theo các hướng dẫn chung của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc và các yêu cầu chung có tính nguyên tắc chỉ đạo của Việt Nam, mặt khác phải bảo đảm đầy đủ thông tin cập nhật về tình hình thi hành công ước trên các lĩnh vực. Những đóng góp của Cẩm nang nhân quyền trong việc cập nhật thông tin có thể nói là rất lớn, nếu như Cẩm nang nhân quyền thường xuyên được cập nhật.

- Cập nhật các thông tin, số liệu

Đây là vấn đề khó khăn nhất đối với  việc hoàn thiện các báo cáo quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay. Kinh nghiệm cho thấy, nếu việc cập nhật các thông tin, số liệu về tình hình thực hiện công ước được tốt, thì chất lượng báo cáo thường được quốc tế đánh giá cao. Ngược lại, nếu trong báo cáo thiếu các số liệu, thì sức thuyết phục của báo cáo rất hạn chế. Để làm tốt việc này, thì sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, số liệu là rất cần thiết. Do đó, những đóng góp của Cẩm nang nhân quyền, trên cơ sở thông tin cập nhập được bổ sung thường xuyên với vai trò chủ đạo của Tổng cục thống kê, là vô cùng có ý nghĩa.

- Vấn đề in ấn, phổ biến

Đây là vấn đề bất cập lâu nay của Việt Nam. Thông thường, khi bảo vệ xong, các báo cáo quốc gia hoặc là được “cất giữ theo chế độ mật” hoặc chỉ được gửi cho một số ít các cơ quan Nhà nước có liên quan. Cần có sự thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề này. Báo cáo quốc gia sau khi bảo vệ xong hoặc nộp báo cáo cho Uỷ ban nhân quyền, thì phải được các cấp, các Bộ, ngành tổ chức in ấn, giới thiệu cho các đối tượng có quan tâm. Báo cáo quốc gia cần được gửi cho các Nhà nước, tổ chức xã hội nhằm giới thiệu thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Có như thế mới có thể có một sự nhận thức chung về những nội dung của báo cáo với các điều khoản cụ thể của công ước, trên quan điểm chỉ đạo chung của đảng và Nhà nước ta về quyền con người nói chung.

2.6. CÁC THIẾT CHẾ, CƠ QUAN, TỔ CHỨC CỦA LIÊN HỢP QUỐC, CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ VÀ CÁC DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ KHÁC VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

2.6.1. Hệ thống Liên hợp quốc về nhân quyền

- Tổ chức Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế - xã hội, Hội đồng thác quản, Toà án quốc tế và Ban thư ký. Sáu cơ quan này có những chức năng và thẩm quyền riêng, nhưng ít nhiều đều có liên quan đến lĩnh vực nhân quyền ở những góc độ khác nhau.

Đại hội đồng và Hội đồng kinh tế - xã hội là hai cơ quan có chức năng liên quan nhiều nhất đến nhân quyền. Hai cơ quan này cũng có thể lập ra các cơ quan, Uỷ ban trực thuộc và giúp việc cho mình

Hội đồng Bảo an, tuy có chức năng chính là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, nhưng trong quá trình hoạt động của mình, đã lập nên một số toà án quốc tế xét sử các tội phạm vi phạm luật nhân đạo (như ở Nam Tư cũ, Rwanda…) hoặc đưa nhân quyền thành một bộ phận trong các hoạt động gìn giữ hoà bình (tuyển cử ở Namibia, Campuchia…).

- Các tổ chức quốc tế trực thuộc Liên hợp quốc là các tổ chức, các quỹ hay các chương trình do Liên hợp quốc lập ra nhằm đảm trách một lĩnh vực hoạt động nhất định, như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA)…

- Các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc là những tổ chức liên quan Chính phủ độc lập, liên hệ với Liên hợp quốc bằng những hiệp định hợp tác giữa Liên hợp quốc và từng tổ chức này, như: Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương (FAO), Tổ chức Di cư thế giới (IOM)…

2.6.2. Hệ thống các công ước quốc tế về nhân quyền

Công ước về các quyền dân sự chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (năm 1966) và Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, được quốc tế coi là Bộ luật Nhân quyền Quốc tế. Ngoài ra, còn có các công ước như công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước chống tội diệt chủng, Công ước chống tra tấn (CAT)…

Các Công ước trên đây đều lập ra các Uỷ ban nhằm theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định của Công ước. Một số Công ước quốc tế về nhân quyền còn có thể có các Nghị định thư (không bắt buộc) kèm theo, quy định một số biện pháp cụ thể về giám sát thực thi Công ước liên quan (như cho phép các cá nhân kiện các Chính phủ ra Uỷ ban công ước, hay cho phép Uỷ ban Công ước được đến thăm hay điều tra tại chỗ khi có các khiếu nại về vi phạm nhân quyền …). Các Uỷ ban bao gồm:

- Uỷ ban Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, được thành lập năm 1970 theo Điều 8 của Công ước, gồm 18 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban Công ước về quyền dân sự và chính trị, được thành lập năm 1977 theo Điều 28 Công ước về các quyền dân sự và chính trị, gồm 18 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban chống phân biệt đối xử với phụ nữ được thành lập năm 1982 theo Điều 17 của Công ước, gồm 23 chuyên gia thành viên.

- Uỷ ban về quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, được thành lập năm 1985, gồm 18 chuyên gia.

- Uỷ ban chống tra tấn, được thành lập năm 1987 theo Điều 17 của Công ước, gồm 10 chuyên gia thành viên.

Các Uỷ ban Công ước hỗ trợ và thúc đẩy các nước thành viên làm các báo cáo quốc gia; xem xét nội dung các báo cáo do các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhân quyền theo công ước.

2.6.3. Một số tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc liên quan đến nhân quyền

- ILO, được thành lập năm 1919 với tư cách là một tổ chức độc lập bên cạnh Hội Quốc liên và năm 1946 ILO trở thành một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (Nghị quyết 50(I) ngày 14/12/1946). ILO có mối quan tâm chính là xác lập các chuẩn mực quốc tế về lao động và thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực đó. Đến năm 1991 ILO đã thông qua 171 Công ước ILO, trong đó có 10 Công ước được coi là có liên quan nhiều nhất đến nhân quyền. Việt Nam hiện là thành viên 15 công ước của ILO, trong đó có Công ước số 100 (cấm lao động cưỡng bức) và 138 (cấm lao động vị thành niên).

- UNESCO, được thành lập năm 1946, có trụ sở tại Paris, Pháp và cũng trong năm đó, trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (Nghị quyết 50 (I) ngày 14/12/1946). Trong lĩnh vực nhân quyền UNESCO đã thông qua một số công ước quốc tế đáng kể liên quan đến văn hoá, giáo dục, như: Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục, Tuyên bố về phổ biến thông tin. UNESCO tham gia vào cơ chế phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền, tham gia vào các hội nghị và đàm phán các văn kiện quốc tế về nhân quyền.

- FAO, ra đời năm 1945 và một năm sau đó, năm 1946, trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (Nghị quyết 50 (I) ngày 14/12/1946). Quan tâm hàng đầu của FAO là nâng cao các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và mức sống, tăng cường hiệu quả sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp và lương thực, cải thiện các điều kiện sống cho cư dân ở nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới, đảm bảo an ninh lương thực và tránh khỏi nạn đói.

- WHO, thành lập năm 1946 và trở thành thành viên của tổ chức chuyên môn Liên hợp quốc vào năm 1948. Hiến chương của WHO đề ra mục tiêu là nỗ lực đảm bảo cho mọi người có được một sức khoẻ tốt nhất. WHO đóng vai trò điều phối các hoạt động y tế quốc tế, duy trì các dịch vụ y tế quốc tế cần thiết, phát động các chiến dịch phòng chống các dịch bệnh.

- UNICEF, thành lập năm 1953 theo Nghị quyết 802 (VIII) của ĐHĐ Liên hợp quốc. Mục tiêu chính của UNICEF là chăm sóc, phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới, tập trung ưu tiên số 1 cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em và trách nhiệm của toàn xã hội về dành và bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho trẻ em. Công ước về quyền trẻ em là một công ước quốc tế có số nước thành viên đông nhất. Trong hoạt động của mình, UNICEF đã có nhiều chương trình giúp đỡ trẻ em ở các nước đang phát triển, như về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiêm chủng mở rộng, nâng cao dinh dưỡng.

2.6.4. Một số tổ chức phi Chính phủ về nhân quyền

- Ân xá quốc tế (AXQT), được thành lập năm 1961, có trụ sở chính tại Luân đôn và 23 chi nhánh tại tất cả các khu vực, với gần 4500 Nhóm làm việc và hơn 1.000.000 nhân viên ở các quốc gia. Hàng năm AXQT tiến hành khoảng hơn 500 các hoạt động ở các nơi trên thế giới. Các hoạt động của AXQT nhằm vào 4 lĩnh vực chính: Giải phóng các tù nhân lương tâm (theo cách gọi của họ là những người bị bắt giam vì các tội bất đồng chính kiến); Đảm bảo cho những người bị bắt vì bất đồng chính kiến được xét xử nhanh và công khai; Xoá bỏ án tử hình, tra tấn và mọi hình thức ngược đãi đối với tù nhân lương tâm; và chấm dứt tình trạng hành quyết và thủ tiêu tuỳ tiện.

Đến những năm 2000, AXQT đã theo dõi và ra báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền của hơn 160 nước và lãnh thổ. Đây là một trong những tổ chức NGO có tiềm lực mạnh, tích cực tham gia vào các hoạt động về nhân quyền, đặc biệt là tại các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền có vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu trong đấu tranh bảo vệ nhân quyền.

- Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), được thành lập năm 1978 cũng với việc thành lập Tổ chức theo dõi của Hen-xin-ki do sáng kiến của một nhóm và các luật sư và hoạt động xã hội. HRW có các văn phòng chính tại New York, Washington, Los Angelet (Mỹ), Luân đôn (Anh), Mat-xcơva (Nga), Bu-ca-ret (Ru-ma-ni) và Hồng Kông. HRW cũng có chi nhánh tại nhiều nơi thuộc các châu lục, bao gồm Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Phi (1988), Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Mỹ (1981), Tổ chức theo dõi nhân quyền Hen-sin-ki (1978), Tổ chức theo dõi nhân quyền Trung Đông (1989) và Tổ chức theo dõi nhân quyền châu Á (1985).

- Liên đoàn nhân quyền quốc tế (FIDH), thành lập năm 1922 theo sáng kiến của các tổ chức các nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, có trụ sở chính tại Paris, Pháp. FIDH hiện có 114 chi nhánh tại 90 quốc gia. Đây là tổ chức phi Chính phủ quốc tế đầu tiên được thành lập với mục đích đề ra là nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người, chống các hành vi bạo lực và phát động các chiến dịch kêu gọi toàn thế giới hãy tôn trọng quyền con người.

- Uỷ ban bảo vệ nhân quyền cho người Việt Nam (VCHR), thành lập năm 1976 do Võ Văn Ái cầm đầu, là một tổ chức rất phản động và chống phá Việt Nam. Tổ chức này có trụ sở đóng tại Paris với chức năng tự xưng là bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo cho người Việt Nam. Các hoạt động của tổ chức này đặt dưới sự chỉ đạo chung của Liên đoàn nhân quyền quốc tế và FIDH đã thường xuyên cử đại diện của VCHR tham dự các cuộc họp của Liên hợp quốc, trong đó có Uỷ ban nhân quyền với tư cách là đại diện và có quy chế tư vấn của ECOSOC.

- Tổ chức Đảng cấp tiến xuyên quốc gia (TRP), thành lập năm 1955, có trụ sở chính tại Ý, được hưởng quy chế tư vấn của HĐKTXH từ năm 1955. Hiện TRP có chi nhánh tại 43 nước. Chủ tịch và các thành viên của ban chấp hành TRP chủ yếu là các nghị sỹ của các nước trong khối EU, trong đó có Oliver Depuis, chủ tịch Bỉ, Nghị viện châu Âu, là người tích cực tham gia hỗ trợ các phần tử chống đối Việt Nam và trong dịp vào ta năm 2001 đã có ý định tự động đến thăm Thích Quảng Độ, nhưng bị ta ngăn chặn. Đặc biệt, TRP vừa qua tích cực ủng hộ các hoạt động của tổ chức Quỹ người Thượng (Montagard Foundation-MFI), Một tổ chức phi Chính phủ ở Mỹ mà Chủ tịch Ksor Kok (nguyên là phỉ Folro), vu cáo chống ta, đòi thành lập Nhà nước Degar tự trị.

2.7. KINH NGHIỆM ĐẤU TRANH TRONG MỘT SỐ VỤ VIỆC CỤ THỂ, CÁCH THỨC VÀ KINH NGHIỆM TRẢ LỜI KHÁNG THƯ

2.7.1. Kinh nghiệm xử lý một số vụ việc cụ thể

2.7.1.1. Trong lĩnh vực tôn giáo

Đạo Thiên chúa du nhập vào Việt Nam năm 1533 do các nhà truyền giáo Bồ Đào nha, Tây Ban Nha, Pháp đi theo các thuyền buôn đến Việt Nam. Quá trình xâm nhập, phát triển của Đạo Thiên chúa ở Việt Nam gắn với quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân và luôn bị chúng lợi dụng phục vụ âm mưu xâm lược Việt Nam. Ta đã cố gắng tập trung vận động quần chúng giáo dân. Sử dụng số chức sắc có uy tín để vận động, thuyết phục quần chúng theo ý đồ của ta, không nghe theo luận điệu kích động của số cực đoan nên đã ổn định các vụ việc phức tạp.

Đạo Tin lành có số lượng tín đồ là 827.370 người (chiếm trên 1% dân số cả nước): Miền Bắc 6.370; Miền Nam 558.000; Tây Nguyên 263.000; có 266 nhà thờ, nhà nguyện; 131 Mục sư, 263 giảng sư.

Tình hình hoạt động của Đạo Tin lành hiện nay có nhiều phức tạp. Tại miền bắc, Đạo Tin lành phát triển trái phép vào vùng dân tộc thiểu số phía bắc, nhất là đồng bào Mông, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ANCT ở địa bàn gây mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc, dòng họ kéo theo tình trạng di dịch cư tự do (từ năm 1990 đến nay có 6.040 hộ/34.000 khẩu di cư vào Tây Nguyên, 314 hộ /1875 khẩu sang Lào).

 Kinh nghiệm xử lý của ta là phải tăng cường vận động quần chúng không tin theo Đạo Tin lành và đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái phép, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu. Về công tác đấu tranh, cần quản lý chặt chẽ số truyền đạo trái phép, nếu họ vi phạm thì đưa ra kiểm điểm với dân; ngăn chặn tài liệu tôn giáo xâm nhập trái phép vào vùng dân tộc; phát hiện, trục xuất khỏi địa phương người nước ngoài hoạt động truyền đạo trái phép.

- “Tin lành Đề Ga” ở Tây Nguyên thâm nhập vào đầu những năm 1930. Đến năm 1975, có 4 hệ phái Tin lành (Tin lành Việt Nam, Cơ Đốc Phục Lâm, Cơ đốc truyền giáo, Ngũ Tuần) với 216 hội thánh cơ sở, 184 mục sư, truyền đạo, 58.000 tín đồ. Hiện nay có 10 hệ phái, 300 mục sư truyền đạo , 359.000 tín đồ, 1.261 điểm nhóm.

Năm 1999, được Mỹ hỗ trợ, bọn phản động người thượng lưu vong ở Mỹ đã lập “Nhà nước Đề Ga”. Chúng đã móc nối kích động số FULRO cũ, hoạt động tuyên truyền “Nhà nước Đề Ga độc lập” chống lại chính quyền.   

Đầu năm 2000, chúng lập (Tin lành Đề Ga), do BĐạsu Bông tự phong là mục sư, tự nhận Tổng hội trưởng Hội thánh Tin lành người dân tộc Tây Nguyên ở Mỹ.

Tháng 6/2000, BĐạsu Bông lôi kéo một số giáo sỹ Tin lành là người Thượng lập “Tin lành Đề Ga”. Khi không thực hiện được, chúng lôi kéo số có tham vọng cá nhân, bất mãn với giáo hội (A Ma Chăm, Như Đănm Hoàng, Sui Un, Y Nghé) phát triển “Tin lành Đề Ga”. Cuối năm 2000, “Tin lành Đề Ga” ở Gia Lai đã hình thành cấp khu vực và Hội thánh cơ sở với hàng chục người tin theo.

Sau bạo loạn chính trị (tháng 02/2001), Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) kết luận “Tin lành Đề Ga” không phải là tổ chức tôn giáo, thực chất là tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo, làm linh hồn cho “ Nhà nước Đề Ga độc lập”.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài công tác vận động quần chúng, ta phải nhận thức thống nhất phân biệt Tin lành truyền thống với “Tin lành Đề Ga” phải đấu tranh xoá bỏ. Từng bước công nhận các Ban chấp sự Tin lành truyền thống. Tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tín đồ được xây dựng nhà thờ làm nơi cầu nguyện.

2.7.1.2. Trong lĩnh vực Phật giáo

Tính đến nay, đã có 9.038.064 tín đồ Phật giáo (chiếm 12% dân số cả nước); Cơ sở thờ tự có 14.590, trong đó: Tự viện Bắc tông 12.799, Nam tông Khmer 469, tịnh thất 591, Niệm phật đường 431.

Nhiều năm nay các thế lực thù địch tìm mọi cách để móc nối, kích động một số đối tượng cực đoan trong “ Phật giáo Ấn Quang” hoạt động chống đối chính quyền. Chúng tập trung chỉ đạo, tài trợ đắc lực cho nhóm Huyền Quang, nhóm Quảng Độ hoạt động, tìm cách phục hồi tổ chức không còn tồn tại trên thực tế là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”; gây chia rẽ, vô hiệu hoá Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phục hồi tổ chức “ Gia đình phật tử” từ Trung ương đến địa phương và tách khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động của nhóm Quảng Độ gắn liền với sự kích động, chỉ đạo của bọn phản động lưu vong và ủng hộ, khích lệ của Mỹ, EU v.v…

2.7.1.3. Trong lĩnh vực Phật giáo Hoà hảo

Phật giáo Hoà hảo là tôn giáo nội sinh, được thành lập ngày 04/7/1939 tại làng Hoà hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập. Trong quá trình phát triển, một số người cầm đầu Phật giáo Hoà hảo đã bị Nhật, Pháp, Mỹ lợi dụng lôi kéo, lừa bịp một bộ phận đồng bào theo Phật giáo Hoà hảo chống lại cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì vậy sau năm 1975, số cầm đầu tôn giáo này đã quyết định tự giải tán. Nhưng theo nguyện vọng của đại đa số tín đồ, năm 1998 Nhà nước Việt Nam đã cho tổ chức Đại hội Phật giáo Hoà hảo, lập Ban đại diện.

Ban đại diện Phật giáo Hoà hảo sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, từng bước củng cố vị thế, là lực lượng quan trọng để đấu tranh với số cực đoan quá khích do Lê Quang Liêm cầm đầu.

2.7.2. Kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến các vấn đề dân tộc thiểu số

- Vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên

Trong âm mưu hoạt động “Diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn xác định Tây Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm mà chúng tập trung chống phá hòng gây mất ổn định. Chúng đã sử dụng bọn Fulro lưu vong do Ksor kok đứng đầu móc nối, chỉ đạo số chống đối bên trong kích động tư tưởng ly khai, tự trị, lợi dụng những khó khăn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội lừa mỵ quần chúng biểu tình, bạo loạn âm mưu đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên.

Sau năm 1975, đã có gần một nghìn tên FULRO sang định cư ở Mỹ (hơn một vạn đối tượng tan rã tại chỗ). Từ cuối năm 1998, chúng thành lập các tổ chức lưu vong “Hội người Thượng Đề Ga”, “Hội những người miền núi”,”Hội bảo vệ nhân quyền Thượng Đề Ga”, đặc biệt là “Nhà nước Đề Ga tự trị” do Ksor Kok[11] cầm đầu.

Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, trấn áp bọn cầm đầu dập tắt vụ bạo loạn, lập tổ công tác liên ngành xuống cơ sở tiếp tục tuyên truyền vận động, kêu gọi số cầm đầu, cốt cán tự thú, kiên quyết bắt giữ số đối tượng vi phạm luật pháp lẩn trốn, củng cố chính quyền cơ sở.

Chúng ta đã tích cực triển khai công tác, kiên quyết đấu tranh giữ vững nguyên tắc độc lập, chủ quyền; phối hợp với Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia xoá bỏ các trại tỵ nạn, vận động đồng bào trở về; đấu tranh tuyên truyền đối ngoại (tổ chức cho nhiều đoàn quốc tế, phóng viên báo chí thăm Tây Nguyên). Đến nay, an ninh Tây Nguyên đã dần trở lại bình thường. Ta đã đấu tranh thắng lợi với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên chống phá ta về nhân quyền.

-Vấn đề người Khmer ở Tây Nam Bộ

Đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ có khoảng 1,2 triệu người, hầu hết theo Phật giáo Tiểu Thừa (có 455 chùa với khoảng 8000 sư vãi); sống bằng nghề nông là chính. Sau năm 1975, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, song số hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn bộ phận các cư dân khác trong vùng, một số trốn sang Campuchia sinh sống. Do mối quan hệ lâu đời giữa người Khmer Nam Bộ với người Khmer Campuchia, các hoạt động tôn giáo hai bên có ảnh hưởng trực tiếp.

Trước tình hình đó, ta đã đánh giá tổng kết Chỉ thị số 68 của Ban Bí thư khoá VI về công tác ở vùng dân tộc Khmer để rút kinh nghiệm, chỉ đạo; đề xuất xây dựng Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm giảm khoảng cách giầu nghèo, hỗ trợ kinh phí cho đồng bào Khmer chuộc lại đất sản xuất, cho tu bổ lại số chùa chiền bị hư hỏng, in kinh sách bằng chữ Pali đã được chú trọng thực hiện.

- Vấn đề người Mông, người Thái ở Tây Bắc

Người Mông ở Tây Bắc đã từng có một quốc gia hùng mạnh với một nền văn minh lúa nước phồn thịnh, gọi là “Vương quốc Mông”, được xác định là địa bàn nước Sở thời “Xuân Thu, Chiến Quốc”, nay thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Vào khoảng thế kỷ III (TCN), họ bị bộ tộc Hán thôn tính, để tránh bị tiêu diệt người Mông đã phải phiêu dạt, lẩn tránh tới các vùng khác như Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Nam (Trung Quốc). Trong quá trình đấu tranh lịch sử của dân tộc mình chống lại sự đồng hoá, đàn áp của các thế lực triều đình phong kiến Trung Quốc, người Mông đã dần bị thôn tính đất đai và tiêu diệt buộc phải ly tán khỏi quê hương, di cư lánh nạn xuống phía nam, định cư tại nhiều nước trong đó có Lào, Việt Nam, Thái Lan.

Với niềm tin đã từng có “vương quốc” riêng và có lòng tự hào về tinh thần thượng võ, bất khuất đấu tranh chống lại các triều đình phong kiến Trung Quốc, một niềm tin trường tồn “phục quốc” cùng với sự luyến tiếc về lịch sử dân tộc đã để lại trong mỗi người dân tộc Mông tâm lý nhạy cảm đối với vấn đề chính trị, nhất là đối với vấn đề “li khai” dân tộc. Đây là đặc điểm mà các thế lực thù địch bên ngoài triệt để khai thác lợi dụng để kích động, chống phá, tuyên truyền “Vương quốc Mông tự trị”.

Cho đến nay ta chưa phát hiện hoạt động cụ thể tuyên truyền “Vương Quốc Mông tự trị” trên địa bàn Tây Bắc. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở địa bàn Lào, gắn với hoạt động phỉ, có sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, đứng đầu là Mỹ. Tuy nhiên những luận điệu tuyên truyền “Vương Quốc Mông tự trị” ít nhiều đã có ảnh hưởng tiêu cực công tác đảm bảo an ninh vùng dân tộc Mông nước ta.

“Xứ Thái tự trị” ở Tây Bắc do thực dân Pháp dựng lên trong đồng bào dân tộc Thái vào những năm 1948 – 1952 nhằm thực hiện chính sách cai trị của chúng. Sau năm 1945, không còn tồn tại. Trong quá trình chống phá nước ta, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề này để kích động tư tưởng dân tộc, sự chống đối của người Thái nhằm gây mất ổn định trong vùng dân tộc Thái.

Kinh nghiệm xử lý của ta

- Tuyên truyền rộng rãi chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết của Ban chấp hành TW khoá IX về chính sách đại đoàn kết dân tộc đã thể hiện rõ chính sách này, không phân biệt đối xử với đồng bào DTTS. Kiên quyết bác bỏ những luận điệu tuyên truyền liên quan đến “Vương Quốc Mông tự trị” “Xứ Thái tự trị”; không chấp nhận bất cứ hình thức li khai, tự trị nào.

- Vấn đề “Vương Quốc Mông tự trị” xuất hiện ở địa bàn Lào, có tác động và ảnh hưởng tiêu cực vào vùng dân tộc Mông nước ta, ta đã chủ động phòng ngừa, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch.

- Đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá mỗi dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Thái. Việc dạy và học chữ dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình duy trì, phát triển văn hoá các dân tộc, đang từng bước được nghiên cứu và đưa vào chương trình giáo dục ở địa phương.

2.7.3. Kinh nghiệm trả lời kháng thư

- Phải nắm chắc hệ thống luật quốc tế về quyền con người:

+ Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc, các văn bản hướng dẫn, các nguyên tắc, quy tắc, khuyến nghị,…được các quốc gia thừa nhận, tôn trọng trong việc thực hiện, bảo vệ quyền con người.

+ Bộ luật quốc tế về quyền con người gồm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền được Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 (gồm lời nói đầu và 30 điều quy định về 30 quyền cụ thể của con người trong các lĩnh vực dân sự và chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá,…) và các công ước quốc tế, các nghị định thư…cụ thể hoá các quyền con người.

- Nhận thức đúng đắn cơ chế giám sát quyền con người của Liên hợp quốc thông qua kháng thư:

Liên hợp quốc xác định các quyền con người phải được đảm bảo (quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, quyền phát triển,.v.v) và có cơ chế bảo vệ, giám sát các quyền này; tiến hành các biện pháp điều tra về những vi phạm quyền con người ở các quốc gia (cử phái viên; tiến hành các thủ tục và cơ chế đặc biệt được thiết lập bởi các Công ước, Nghị quyết của các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc).

- Khôn khéo xử lý vấn đề, gạt bỏ việc đem ra xem xét tại Uỷ ban nhân quyền:

Trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã 2 lần bị đe doạ đưa ra xem xét tại Hội nghị theo thủ tục 1503 vào năm 1994 và 2000. Dân tộc ta tích cực vận động hành lang trong nhóm làm việc về kháng thư và Tiểu ban Nhân quyền Liên hợp quốc nên đã không để xảy ra. Gần đây, theo kháng thư số G/SO 215/1 VINA 2693 ngày 30/4/2003 của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc, từ ngày 31/10/2002 đến 22/4/2003, Văn phòng đã nhận được 210 thông báo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải có trách nhiệm trả lời.

Việc trả lời kháng thư của Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền là một trong những công tác quan trọng để đấu tranh thắng lợi về nhân quyền của ta, là cơ sở để chủ động đấu tranh gạt bỏ những vấn đề nổi cộm về nhân quyền của ta có thể bị nêu ra tại Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc.

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành trong việc trả lời kháng thư

Để trả lời tốt kháng thư, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đặc biệt là các cơ quan lý luận (Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,…), các Bộ, ngành: Ngoại Giao, Công an, Tư pháp, Ban tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban dân tộc và miền núi, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội,…trong đó văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền và Bộ ngoại giao chủ trì nòng cốt.

- Cần xác định rõ việc trả lời kháng thư là công tác quan trọng trong tổng thể công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền cần được tiến hành thường xuyên

 Trong tình hình hiện nay cần đấu tranh không để các tổ chức phản động người Việt lưu vong có tư cách tư vấn tại Liên hợp quốc, chú ý các tổ chức Võ Văn Ái, Ksor Kok, Nguyễn Hữu Chánh,… ở Mỹ, các tổ chức Khmer, Krom, người Mông, Thái lưu vong; đấu tranh ngăn chặn không để các tổ chức này tham dự hội nghị dưới danh nghĩa tổ chức NGO có tư cách tư vấn (như Ksor Kok núp danh nghĩa Đảng Cấp tiến xuyên quốc gia – TRP thời gian qua) nhằm vô hiệu hoá các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của chúng tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.

Tăng cường đối thoại nhân quyền để các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hiểu đúng Việt Nam, qua đó tranh thủ họ lên tiếng ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt hội nghị của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc.

2.8. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

2.8.1. Kết luận

Quyền con người và việc bảo đảm quyền con người đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong xã hội loài người hiện nay. Có thể nói việc đấu tranh để đạt được sự thống nhất trong nhận thức về các quyền cơ bản của con người và việc đấu tranh để bảo vệ các quyền đó là một trong những thành tựu là công việc phức tạp, lâu dài của xã hội loài người. Khi xã hội càng phát triển, vấn đề quyền con người càng được quan tâm và bàn luận nhiều hơn.

Với mục đích tìm được tiếng nói chung và thống nhất hành động giữa các quốc gia trong lĩnh vực nhân quyền, Liên hợp quốc đã xây dựng các công ước quốc tế về nhân quyền và đến nay đã có nhiều nước tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thống nhất cơ bản mà biểu hiện là việc các nước tham gia các công ước đã thừa nhận hành động theo các tiêu chí mà các công ước đã nêu trên đề ra, trên thế giới này vẫn tồn tại một số quan điểm khác nhau về nhân quyền. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ các nước Phương tây, đứng đầu là Mỹ, luôn tìm cách sử dụng việc bảo vệ quyền con người để gây áp lực về kinh tế, chính trị cho các nước khác, đặc biệt là nước có chế độ chính trị khác với mình. Dẫu vậy, ngày nay, cùng với việc cố gắng thực hiện và bảo đảm quyền con người, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với một thực tế khác là luôn phải tìm cách đấu tranh trống lại việc bị các nước phương tây áp đặt các giá trị nhân quyền, xã hội của họ. Đây không chỉ còn là cuộc đấu tranh vì quyền con người, mà đã trở thành một cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng rất phức tạp và nhạy cảm.

Từ khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã đặt mục tiêu xây dựng một Nhà nước của nhân dân và vì nhân dân, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, do những khác biệt về chính trị, các nước Phương Tây đã và đang sử dụng chiêu bài nhân quyền để chống lại Đảng và Nhà nước ta. Việc đấu tranh nhân quyền trong các quan hệ đối nội và đối ngoại trở thành vấn đề được quan tâm trong đời sống chính trị ở nước ta, đặc biệt từ khi nước ta lần đầu tiên được bầu vào Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2001 – 2003.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu và soạn thảo một tài liệu chính thống của Nhà nước để phục vụ cho mục tiêu đấu tranh ngoại giao toàn diện trên các diễn đàn quốc tế và diễn đàn trong nước nhằm bảo vệ các thành quả của cách mạng, công cuộc xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và văn minh vì con người của Đảng và Nhà nước ta là điều hết sức cần thiết.

Cẩm nang là tài liệu chính thức của Nhà nước, do Chính phủ phát hành, chứa đựng những nguyên tắc chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và những thông tin, kiến thức cơ bản về vấn đề quyền con người. Cẩm nang là tài liệu lưu hành nội bộ, không phổ biến rộng rãi, được trang bị cho các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh nhằm phục vụ cho việc chủ động đấu tranh vì quyền con người trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại.

Chính vì Cẩm nang có ý nghĩa quan trọng như vậy, nên việc xây dựng Cẩm nang cần được nghiên cứu kỹ cả về chiều sâu và diện rộng các vấn đề về quyền con người.    

Việc nghiên cứu và thực hiện đề tài này là bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng Cẩm nang trong thời gian tới.

2.8.2. Kiến nghị

Căn cứ mục đích, yêu cầu của đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một danh mục các chuyên đề để ký hợp đồngvới các Bộ, ngành hữu quan. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng Cẩm nang đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.

DANH MỤC CÁC CHUYÊN ĐỀ

XÂY DỰNG CẨM NANG ĐẤU TRANH NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM

 

STT

TÊN CHUYÊN ĐỀ

CƠ QUAN THỰC HIỆN

 

 

1

 

 Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam về quyền con người, thể hiện trong các văn kiện đại hội đảng, các nghị quyết, Chỉ thị và các văn kiện khác của Đảng ta có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền con người và bảo vệ quyền con người, đặc biệt từ Đại hội VI (1986) đến nay.    

 

Ban

TTVHTW

2

Khái quát sự hình thành và phát triển của vấn đề quyền con người. Quan điểm chung của thế giới ngày nay về vấn đề quyền con người, thể hiện trong các tuyên ngôn, công ước và văn kiện quốc tế và khu vực khác trong lĩnh vực quyền con người, bao gồm cả các công ước và văn kiện quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia.

Trung tâm Nhân quyền thuộc Học viện Quốc gia HCM

3

Nghĩa vụ quốc gia thực thi các cam kết trong các công ước quốc tế và khu vực về quyền con người, bao gồm cả cách thức của quốc gia trong việc nội luật hoá các quy định quốc tế và khu vực về quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thi hành trên thực tế; nội luật hoá các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ Tư pháp

4

Các thiết chế, cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc về quyền con người; các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quyền con người; các diễn đàn quốc tế về quyền con người; thủ tục, trình tự đưa vấn đề vi phạm quyền con người của một nước ra xem xét tại Uỷ ban quyền con người, Uỷ ban Kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại Giao

5

Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; sơ lược về quá trình gia nhập và thực hiện của Việt Nam, các nghĩa vụ chính theo các công ước này và những vấn đề nổi cộm.

Bộ Ngoại Giao

6

Tổng quan pháp luật Việt Nam về quyền con người từ năm 1945 đến nay, đặc biệt là từ sau khi tiến hành Đổi mới năm 1986 (giới thiệu và phân tích khái quát về pháp luật Việt Nam, trọng tâm là Hiến pháp, bộ luật các luật, pháp lệnh, nghị định có quy định về các quyền con người và những biện pháp của Nhà nước nhằm thực thi bảo vệ quyền con người ở Việt Nam).

Bộ Tư pháp

7

Những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người [Phần này nêu lên những chỉ số chứng minh cho việc Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng đến các quyền cơ bản của con người và đã đưa ra đường lối, chính sách và quy định pháp luật phù hợp để thực thi. Các chỉ số phải chứng minh được rằng từ sau khi thành lập nước 1945, đặc biệt là sau đổi mới 1986, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Một số chỉ số quan trọng cần được phân tích kỹ như chỉ số về bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội văn hoá, các quyền dân sự, chính trị của công dân; bảo đảm quyền của các đối tượng đặc biệt như bình đẳng giới, quyền trẻ em, người tàn tật, cô đơn, xoá đói, giảm nghèo v.v…(số liệu cập nhập đến 2003)]

Tổng cục thống kê

8

Kinh nghiệm soạn thảo và bảo vệ các báo cáo quốc gia về quyền con người (cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp, quy trình, phương pháp chuẩn bị và hoàn thiện báo cáo quốc gia ); bảo vệ các báo cáo quốc gia về quyền con người theo quy định của các công ước.

Bộ Ngoại giao

9

Kinh nghiệm trong việc bảo vệ chống lại việc bị đưa ra xét xử về các vấn đề liên quan đến quyền con người tại tiểu ban nhân quyền, Uỷ ban nhân quyền và Uỷ ban kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc; Một số vấn đề nổi cộm về nhân quyền ở các nước Phương Tây, đặc biệt là ở những nước thường công kích ta về vấn đề quyền con người.

 

Bộ Ngoại giao

10

Kinh nghiệm trong một số vụ việc đấu tranh thắng lợi điển hình của nước ta ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trên một số lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống ta như: tôn giáo, dân tộc, tự do báo chí, giam giữ người, nguyên nhân thắng lợi; công tác tổ chức, phân công, phối hợp, nguyên tắc chỉ đạo, cách thức và kinh nghiệm trả lời kháng thư.

Bộ Công an

 

 



* Đây là tiến độ dự kiến của đề tài. Tính đến thời điểm viết báo cáo phúc trình, tiến độ này đã bị chậm so với dự kiến ban đầu, vì lý do thay đổi cộng tác viên.

[1] Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư

[2] Các Cương lĩnh cách mạng của Đảng CSVN, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.120

[3] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001-tr.120

[4] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001-tr.120

[5] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001-tr.134

[6] Các Cương lĩnh cách mạng của ĐCSVN-Nxb Chính trị quốc gia, H.1998 – tr.119

[7] Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư

[8] Các Cương lĩnh cách mạng của ĐCSVN-Nxb Chính trị quốc gia, H.1998 – tr.119

[9] Chỉ thị 30-CT/TW (Khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ srơ.

[10] Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992

[11] Ksỏ Kok là người dân tộc Jarai, sinh năm 1945 tại Cheo Reo, Phú Bổn (nay là huyện Ayunpa, Gia Lai). Năm 1969, tham gia toán FULRO ly khai của Kpă Kỡi sang Căm-pu-chia, trở thành thiếu tướng FULRO. Năm 1974, được Mỹ đưa đi đào tạo, huấn luyện khoá học tham mưu tại Mỹ và lưu lại sau sự kiện miền Nam được giải phóng năm 1975. Năm 1992, sáng lập và là Chủ tịch tổ chức “Hội những người miền núi” (Montagnard Foundation, viết tắt là MFI). Năm 1999, thành lập “Nhà nước Đề Ga tự trị” lưu vong ở Mỹ và tự xưng là Tổng thống.

 

File đính kèm downloadTải về