• Thuộc tính
Tên đề tài Xây dựng khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường
Nội dung tóm tắt

Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm:   

          1. Tổng hợp kết quả nghiên cứu về chính sách bảo vệ môi trường trong các năm 1997 đến năm 1999.

          2. Xây dựng khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2001 - 2010.

          Trong quá trình làm việc, Nhóm nghiên cứu có một thuận lợi lớn là các công trình nghiên cứu về chính sách bảo vệ môi trường trong giai đoạn 1997 - 1999 đã được nhiều đề tài thực hiện một cách khá công phu, văn liệu được lưu trữ tốt. Trong số các công trình này, đặc biệt quan trọng và bổ ích cho việc thiết kế khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường quốc gia, giai đoạn 2001 - 2010 là:

          1. Hoàn thiện nghiên cứu và trình ban hành chính sách bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020.

          (Báo cáo tổng hợp - Cục Môi trường, 1998).

          2. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001 - 2010 (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tháng 6 năm 2000).

          3. Chương trình hành động môi trường Việt Nam 2001 - 2010 (Cục Môi trường, tháng 8 năm 2000).

          4. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam 2000.

          (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tháng 10 năm 2000).

          Để nâng cao chất lượng công việc, Nhóm nghiên cứu cũng đã tham khảo rộng rãi cách thức thiết kế khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường của một số nước trên thế giới.

          Khó khăn mà Nhóm nghiên cứu gặp phải trong quá trình làm việc là sự eo hẹp thời gian. Thực tế, đến tháng 10 năm 2000 đề cương và kinh phí của đề tài mới được phê duyệt. Thời gian dành cho nghiên cứu của đề tài này, do đó tính một cách chính thức và thực tế chỉ có 1,5 tháng.

          Báo cáo tổng kết của đề tài được trình bày thành 4 chương:

          Chương 1: Hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2000 và các vấn đề môi trường cấp bách.

          Chương 2: Đánh giá tổng quan các chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn 1991 - 2000.

          Chương 3: Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 và các yêu cầu đặt ra cho việc hình thành các chính sách bảo vệ môi trường, nhằm hiện thực hoá chiến lược.

          Chương 4: Khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010.

          Với nội dung được trình bày như vậy, đề tài mong muốn đạt đến các mục đích sau:

  • Hệ thống hoá, trên cơ sở tổng hợp, chọn lọc kết quả của các công trình nghiên cứu có liên quan đã được Cục Môi trường kiên trì thực hiện trong giai đoạn 1996 – 2000.
  • Khuôn khổ chính sách môi trường Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 là một hệ thống tổng thể các chính sách mà việc thực hiện nó sẽ đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược BVMT Việt Nam trong cùng thời kỳ. Sự hình thành khuôn khổ chính sách môi trường sẽ tạo điều kiện cho các nhà quản lý chủ động đặt kế hoạch cho công việc của mình trong 10 năm đầu thế kỷ 21.

 

Nội dung toàn văn

CHƯƠNG I

HIỆN TRẠNG

MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM NĂM 2000

VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CẤP BÁCH

Hàng năm Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có nhiệm vụ soạn thảo báo cáo tổng hợp với tên gọi: “Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam” trình Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - cơ quan Nhà nước cao nhất của Việt Nam xem xét, cho ý kiến trong phiên họp cuối năm của Quốc hội. Điều đó, một mặt xác nhận vấn đề bảo vệ môi trường được xem là có tầm quan trọng đặc biệt, mặt khác cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn để Quốc hội thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm tiếp theo, đảm bảo việc phát triển là khả thi và bền vững.

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2000, như thường lệ, cũng đã được dự thảo xong vào tháng 9 năm 2000. Một bức tranh toàn cảnh về môi trường Việt Nam năm 2000 sẽ được phác hoạ sau đây:

I.         HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VIỆT NĂM NĂM 2000:

I.1.       KHÍ HẬU VIỆT NAM CÓ BIẾN ĐỘNG MẠNH:

  1.      Biến động nhiệt độ không khí.

· Nhiệt độ không khí trung bình cả nước có xu thế tăng, phù hợp với xu thế tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhiệt độ trung bình khu vực Bắc Bộ tăng mạnh nhất, sau đó đến Trung Bộ và Nam Bộ.

· Nhiệt độ cực đại trung bình năm và trung bình mùa hè trong 3 năm 1998, 1999, 2000 có xu hướng tăng. Năm 1998, trung bình chuẩn sai 3 tháng mùa hè ở Hà Nội: 1,80C, Đà Nẵng: 1,30C, thành phố Hồ Chí Minh: 1,10C.

· Nhiệt độ cực tiểu trung bình năm và trung bình mùa đông trong 3 năm 1998, 1999, 2000 cũng có xu hướng tăng. Năm 1998, trung bình chuẩn sai 3 tháng mùa hè ở Hà Nội: 2,20C, Đà Nẵng: 1,80C, thành phố Hồ Chí Minh: 1,90C.

  1.      Biến động lượng mưa.

· Trong 4 năm gần đây, tổng lượng mưa hàng năm khu vực Bắc Bộ có xu hướng giảm nhẹ; trong khi đó tổng luợng mưa khu vực Trung Bộ, Nam Bộ có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, tại Đà Nẵng tổng lượng mưa hàng năm tăng mạnh và liên tục trong 4 năm qua, mỗi năm tăng 31%. Tháng 11 và 12 năm 1999 khu vực Trung Bộ đã xảy ra 2 đợt mưa đặt biệt lớn, gây ra hai trận lũ lụt lịch sử với tần suất xuất hiện 100 năm.

  1.      Bão và áp thấp nhiệt đới.

· Bão và áp thấp nhiệt đới khu vực từ Móng Cái đến Thanh Hoá giảm mạnh (44% trung bình nhiều năm), mùa bão không thay đổi.

· Bão và áp thấp nhiệt đới khu vực từ Nghệ An đến Ninh Thuận ở mức trung bình của nhiều năm, có dấu hiệu dịch chuyển mùa bão về cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12.

· Bão và áp thấp nhiệt đới từ Bình Thuận đến Cà Mau có xu hướng tăng (khoảng 6,7%) so với trung bình nhiều năm.

I.2.       MÔI TRƯỜNG ĐẤT:

Việt Nam có diện tích tự nhiên hơn 33.169.000 ha, gồm 14 nhóm và 31 đơn vị phân loại đất. Trên 50% diện tích đất thuộc loại đất có vấn đề với những hạn chế nghiêm trọng về độ phì và khả năng sản xuất.

  1.      Hiện trạng sử dụng đất:

· Quỹ đất của Việt Nam ít, chỉ số bình quân đất đai tính theo đầu người thấp (0,422 ha/người, bằng khoảng 1/6 mức trung bình thế giới) và có xu hướng ngày càng giảm, đặc biệt đối với đất nông nghiệp.

· Đất chưa được khai thác và đầu tư đầy đủ, chỉ mới 76% đất nông nghiệp được sử dụng, đất lâm nghiệp 58% (1999). Tuy nhiên, các tỷ lệ này đã cao hơn năm 1997.

· Hiệu quả sử dụng đất còn thấp; hệ số sử dụng đất chỉ đạt 1,6 vụ/năm. Diện tích đất trồng 1 vụ còn chiếm 27% đất trồng cây hàng năm. Năng suất trung bình của các cây trồng chính đã tăng hơn so với năm 1997, nhưng còn thấp so với năng suất trung bình của thế giới. Riêng năng suất lúa, cà phê và ngô đã đạt mức trung bình và trên trung bình của thế giới.

· Sự phân bố đất đai và dân cư chưa được điều tiết hợp lý, dân cư tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng, trong khi bình quân đất đai trên đầu người ở đây ít và ngày càng ít.

· Do sức ép của quá trình tăng dân số, của nhu cầu công nghiệp hoá, đô thị hoá, đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp này ngày càng tăng. Đất chuyên dùng và đất ở tăng khoảng 134.095ha hàng năm.

  1.      Sự thoái hoá đất

Những quan trắc từ nhiều năm qua cho thấy, trên 50% diện tích tự nhiên của cả nước (3,2 triệu ha đất đồng bằng, 13 triệu ha đất đồi núi) bị thoái hoá. Đó là xu thế phổ biến đối với nhiều vùng rộng lớn, đặc biệt là vùng đồi núi, nơi tập trung hơn 3/4 quỹ đất, nơi cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng.

Đặc biệt cần quan tâm cải tạo đối với 816.305 ha đất phèn, 0,54 triệu ha đất cát, 2,06 triệu ha đất xám bạc màu thoái hoá, 0,5 triệu ha đất xói mòn mạnh, trơ sỏi đá, 0,24 triệu ha đất mặn, 0,47 triệu ha đất lầy úng, 8 triệu ha đất tầng mỏng vùng đồi núi.

  1.      Tác động của thoái hoá đất.

Hậu quả của sự suy thoái môi trường đất ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Suy thoái đất đã làm cho trên 50% diện tích tự nhiên của cả nước trở thành đất có vấn đề với nhiều hạn chế về độ phì và khả năng sản xuất. Trong đó, có hơn 40% diện tích quỹ đất bị thoái hoá và có những hạn chế đặc biệt nghiêm trọng cho sản xuất. Sự thoái hoá môi trường đất kéo theo sự suy thoái các quần thể động, thực vật. Chiều hướng giảm diện tích đất nông nghiệp trên đầu người đến mức báo động.

I.3.       MÔI TRƯỜNG NƯỚC:

  1.      Tài nguyên nước.

· Nước mặt: Trên phần lục địa của lãnh thổ Việt Nam có 10 lưu vực rộng hơn 10.000 km2, chiếm 80% diện tích. Đồng bằng sông Mê Kông và đồng bằng sông Hồng/Thái Bình là những lưu vực lớn nhất. Việt Nam có một hệ thống sông ngòi chằng chịt, bình quân lượng nước theo đầu người khá lớn so với các nước trong khu vực. Tổng lưu lượng nước trung bình hàng năm là 880 tỷ m3. Việt Nam nằm ở vùng hạ lưu các hệ thống sông, nên lưu lượng nước được tạo ra trong phạm vi lãnh thổ chỉ khoảng 325 tỷ m3/năm. Do đó, trong tương lai, nếu xảy ra khan hiếm nước, thì tính chủ động kiểm soát nguồn nước sẽ nằm ngoài vòng tay của Chính phủ Việt Nam.

Ÿ Nước ngầm: Tiềm năng nước ngầm khoảng 48 tỷ m3/năm (131,5 triệu m3/ngày), trữ lượng khai thác dự báo khoảng 6 - 7 tỷ m3/năm (17 - 20 triệu m3/ngày). Cho đến nay, đã xác định được trữ lượng cấp A hơn 580.000 m3/ngày, cấp B 1.300.000 m3/ngày, trữ lượng cấp C đạt trên 8.620.000 m3/ngày.

2.       Tình hình sử dụng nước.

Ÿ Nhu cầu nước cho sản xuất: Nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm 92% (1992), 75% (2030). Dự tính khai thác khoảng dưới 100 tỷ m3/năm (2030). Nước còn được sử dụng để nuôi cá, giao thông vận tải, công nghiệp, thuỷ điện, chống xâm nhập mặn.

Ÿ Nhu cầu nước cho sinh hoạt:

 Cấp nước đô thị: Lượng nước tiêu thụ năm 1998 là 2,6 triệu m3/ngày, dự tính đến 2010: 8,8 triệu m3/ngày; tới 2020: 15,94 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước còn thấp (60 - 70%) và bình quân chỉ đạt 40 - 50l/người/ngày.

 Cấp nước nông thôn: dân số nông thôn được cấp nước sạch khoảng 24 triệu người (1997), tỷ lệ bình quân trong toàn quốc là hơn 30%.

3.       Diễn biến chất lượng môi trường nước.

Ÿ Nước mặt:

* Nước các sông miền Bắc: Các sông đã khảo sát, không có sông nào đạt tiêu chuẩn nước mặt loại A, nhưng đều đạt tiêu chuẩn nước mặt loại B. Cục bộ, đoạn sông Hồng tại khu công nghiệp giấy Bãi bằng, Supe phốt phát Lâm Thao - Việt Trì; trên sông Cầu tại Thái Nguyên, sông Tam Bạc, sông Cấm tại Hải Phòng, môi trường nước đã bị ô nhiễm đáng kể.

* Nước các sông miền Trung: Chất lượng nước các sông miền Trung còn tương đối tốt. Phần thượng lưu và trung lưu đạt tiêu chuẩn nước loại A, vùng hạ lưu hoặc những đoạn tiếp nhận nước thải đô thị và khu công nghiệp có bị ô nhiễm và chỉ đạt tiêu chuẩn loại B.

* Nước các sông ở Nam Bộ: Các sông được quan trắc đều bị ô nhiễm chất dinh dưỡng (N, P); từ 4 đến gần 200 lần so với nguồn nước loại A và từ 2 đến 20 lần so với nguồn loại B. Các sông bị axit hoá nặng là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, pH = 3,8 - 4,0 - 5,0.

Ÿ Nước ngầm: Hiện tượng xâm nhập mặn nước ngầm khá phổ biến ở các vùng ven biển Việt Nam. Nước ngầm chưa bị ô nhiễm chất hữu cơ; hàm lượng của BOD5 và COD thấp hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

4.       Môi trường nước vùng biển ven bờ.

Ÿ Ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến nguồn lợi sinh vật của vùng biển, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản xuất khẩu và đến sức khoẻ cộng đồng. Xuất hiện các đợt nở hoa của tảo độc do hiện tượng phú dưỡng, dễ gây ra dịch bệnh hải sản.

Ÿ Khai thác quá mức nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ do dùng các phương tiện khai thác huỷ diệt, dùng mìn, xung điện và các hoá chất độc, khai thác không đúng mùa vụ, không đúng kích cỡ. Hậu quả là, nguồn lợi suy giảm, đa dạng sinh học giảm, các ngư trường biến động, năng suất đánh bắt giảm 2 - 6 lần.

Ÿ Các sự cố môi trường biển và ven bờ vẫn tiếp tục gia tăng về quy mô và cường độ. Đáng chú ý là sự cố do bão lũ ở vùng bờ, cửa sông và đầm phá ngày càng nghiêm trọng, sạt lở bờ biển ngày càng mở rộng quy mô và tăng cường độ; hiện tượng tăng nhiệt độ nước biển, dâng cao mực nước biển đang diễn ra khá mạnh mẽ.

I.4.       RỪNG:

· Trong nhiều thập kỷ liên tiếp từ 60 đến 90, do nhiều nguyên nhân khác nhau (chiến tranh, khai thác sử dụng, đốt phá khai hoang...) rừng tự nhiên suy giảm mạnh. Diện tích mất rừng tự nhiên hàng năm trung bình từ 120.000 đến 150.000 ha. Rừng trồng hàng năm không quá 200.000 ha.

· Đã có nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước đối với bảo vệ rừng, trồng rừng, đặc biệt ở thời kỳ từ năm 1990 đến nay, nhưng chỉ là bước đầu, hiệu quả môi trường còn thấp.

I.5.       ĐA DẠNG SINH HỌC:

Hiện nay đang có nhiều nguyên nhân làm suy thoái đa dạng sinh học diện tích rừng suy giảm, tăng trưởng dân số nhanh, khai thác, sử dụng không bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, di nhập tràn lan các loài ngoại lai, chính sách chưa đầy đủ. Các nguyên nhân đó tạo nên những gay cấn về đa dạng sinh học:

· Các hệ sinh thái bị tác động, các hệ sinh thái tự nhiên với tính đa dạng sinh học cao bị thu hẹp diện tích hoặc chuyển sang các hệ sinh thái thứ sinh.

· Số lượng cá thể giảm;

· Số lượng các loài trong Sách Đỏ tăng.

I.6.       MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ:

Trong các thập niên vừa qua, tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam tương đối nhanh, đặc biệt là ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế. Dân số đô thị năm 1986 mới chiếm tỷ lệ khoảng 19% tổng số dân cả nước; năm 1990: 20%; năm 1999 tăng tới 23,5%. Năm 1990 mới có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 1999 đã tăng tới 623 đô thị các loại.

  1.      Hiện trạng môi trường đô thị.

· Hiện trạng môi trường nước ở đô thị.

Môi trường nước mặt ở các đô thị đều bị ô nhiễm, có nơi đã bị ô nhiễm nặng. Nồng độ các chất ô nhiễm thường rất cao. Chất rắn lơ lửng, nhu cầu ôxy sinh hoá, nhu cầu ôxy hoá học, Nitơrit, Nitơrat,... gấp từ 2 đến 5 lần, thậm chí tới 10 - 20 lần trị số tiêu chuẩn cho phép hàng trăm lần. Ngoài các chất ô nhiễm hữu cơ, ở một số nơi nước bị ô nhiễm kim loại nặng và hoá chất độc hại, như chì, thuỷ ngân, Asen, Clo, Phenol...

· Hiện trạng môi trường không khí.

- Ở các đô thị đều bị ô nhiễm bụi, nhiều đô thị bị ô nhiễm bụi trầm trọng. Nồng độ bụi ở các khu dân cư bên cạnh nhà máy, đường giao thông lớn đều vượt trị số tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3 lần, trường hợp cá biệt tới 5 lần.

- Ở một số nút giao thông lớn, nồng độ chì trong không khí đã xấp xỉ hoặc bằng trị số giới hạn tối đa cho phép, cá biệt có nơi vượt trị số tiêu chuẩn cho phép. (ở ngã tư Vọng, Hà Nội, Bến Lức, Long An, ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng TP. Hồ Chí Minh, có nồng độ chì = 0,005 - 0,008 mg/m3, vượt trị số TCCP tới 1,6 lần).

- Mức ồn giao thông ở đô thị, nói chung, còn nhỏ hơn so với đô thị nước ngoài, mức ồn ban đêm đều dưới hoặc xấp xỉ 70 dBA, nhưng vào các giờ ban ngày đều vượt trị số 70 dBA.

- Ô nhiễm chất thải rắn ở đô thị đang là vấn đề rất bức xúc. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong các đô thị cả nước năm 1997 là 19.315 tấn/ngày, năm 1999 là 25.049 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom năm 1997 là 55%, đến 1999 tăng lên là 73%.

I.7.       MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP:

  1.      Áp lực do phát triển công nghiệp đến môi trường.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê năm 1998, Việt Nam có 617.805 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 669 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 7/2000 cả nước đã có 68 khu công nghiệp mới, khu chế xuất và khu công nghệ cao, phân bố trên 27 tỉnh, thành. Các khu công nghiệp đã thu hút gần 1100 doanh nghiệp trong và ngoài nước với số vốn đầu tư 8 tỷ USD (nước ngoài 6,5 tỷ USD, trong nước 1,5 tỷ USD).

Giá trị sản xuất của các khu công nghiệp năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000 chiếm trên 25% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, với doanh thu 1,6 tỷ USD, xuất khẩu 1,0 tỷ USD.

  1.      Hiện trạng môi trường công nghiệp.

          · Hiện trạng môi trường các cơ sở công nghiệp cũ.

- Nước thải của các cụm công nghiệp cũ chỉ được xử lý sơ bộ rồi thải thẳng vào nguồn nước mặt, làm cho một số nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

- Kết quả khảo sát năm 1998 - 1999 của 17 cơ sở công nghiệp cho thấy ô nhiễm bụi trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 3 lần, một số nơi vượt từ 2 - 4 lần. Nồng độ khí SO2 ở khu vực Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Tân Bình và Phước Long vượt tiêu chuẩn cho phép.

Chất thải rắn công nghiệp chưa được phân loại và thu gom xử lý riêng, mà xử lý chung với rác thải sinh hoạt đô thị, đây là một trong những vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.

          · Hiện trạng môi trường các khu công nghiệp mới.

- Cho đến nay, phần lớn các khu công nghiệp mới chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh, vận hành đúng quy trình. Nước thải của nhiều nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp mới chưa được xử lý thích đáng trước khi thải ra môi trường.

- Hầu hết các xí nghiệp trong khu công nghiệp mới có phát sinh khí, bụi thải đã trang bị hệ thống xử lý trước khi thải vào môi trường.

- Các khu công nghiệp mới đều có trạm chứa và phân loại rác. Rác công nghiệp còn giá trị sử dụng do các lực lượng dịch vụ tiếp nhận và tiêu thụ; rác thải công nghiệp khác do xí nghiệp môi trường tiếp nhận và đổ đúng nơi quy định của thành phố; rác thải nguy hại được kiểm nghiệm kỹ, sau đó giao cho đơn vị chức năng thiêu huỷ.

          · Hiện trạng môi trường của các khu khai thác mỏ.

Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã gây nên những tác động tiêu cực tới môi trường: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm khí, làm xáo trộn các lớp đất đá, thay đổi địa hình, địa mạo và làm suy thoái môi trường đất,... ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

I.8.       MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN:

  1.      Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, mức sử dụng phân bón hoá học ở Việt Nam xấp xỉ trung bình của khu vực và do đó, năng suất cây trồng, đặc biệt là lúa đạt mức tương đối cao. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, một số điểm hạn chế của việc sử dụng phân bón ở Việt Nam như sau:

· Việc sử dụng phân bón hoá học xảy ra mạnh và không đúng quy trình ở vùng đồng bằng, nơi trồng lúa, ngô và các loại hoa màu .

· Sử dụng chất thải, bùn thải, phân bắc chưa ủ trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm đất và gây ra nhiều bệnh về tiêu hoá,... ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

· Hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã và đang cục bộ gây ô nhiễm nước, đất, gia tăng tồn dư thuốc trừ sâu trong nông sản thực phẩm; gây nhiễm độc và ngộ độc cho người sử dụng.

  1.      Làng nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ô nhiễm môi trường.

Trong những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật đã cho phép các làng nghề phát triển, gia tăng mức sản lượng, dẫn tới gia tăng mức thu nhập ở nhiều làng nghề. Ngược lại, mức sản lượng và thu nhập cao hơn đã đưa đến sự gia tăng lượng chất thải sinh hoạt cũng như chất thải sản xuất. Theo số liệu thống kê ở Việt Nam có khoảng 1450 - 1500 làng nghề với tổng số 1,5 triệu công nhân. Các nghề có tính phổ biến là thủ công mỹ nghệ, dịch vụ, chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, nhuộm, tái chế phế thải, giấy,... Các công nghệ sản xuất phần lớn đều lạc hậu, địa điểm sản xuất phân tán, đan xen trong từng thôn xóm nên gây ô nhiễm môi trường mạnh.

- Chất lượng môi trường không khí tại các làng nghề đã có biểu hiện ô nhiễm bụi, tiếng ồn và các khí thải độc hại như CO, SO2, NO2, có chiều hướng gia tăng cùng với sự phát triển của làng nghề.

 - Chất lượng môi trường nước có biểu hiện ô nhiễm chất hữu cơ (DO thấp, COD, BOD5 cao), ô nhiễm dầu mỡ và ô nhiễm vi sinh vật.

- Chất thải rắn được thải ra ngày càng nhiều.

- Tất cả các loại chất thải không được kiểm soát.

  1. Những vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn.

Có thể nêu lên một số vấn đề bức xúc về môi trường ở nông thôn như sau:

· Quỹ đất và chất lượng đất giảm sút. Hiện tượng thoái hoá, bạc màu đất canh tác khá phổ biến do sử dụng không hợp lý.

· Thiên tai (bão, lũ, lốc, lũ quét, úng lụt) có xu hướng gia tăng. Hậu quả nặng nề hơn khi đồng ruộng bị chia cắt nhỏ, manh mún, phương thức canh tác lạc hậu.

· Sâu bệnh, chuột phát triển mạnh, lây lan làm giảm năng suất cây trồng.

· Nguồn nước mặt và nước ngầm dự trữ ở một số khu vực bị cạn kiệt.

· Việc sử dụng nhiều phân bón hoá học và thuốc trừ sâu,... ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng.

· Tỷ lệ dân được cấp nước sạch còn thấp, mới đạt khoảng 30 - 47% (1999). Tình trạng hiếm nước ở các vùng cao và bị nhiễm mặn ở ven biển là rất lớn.

I.9.       SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG:

Sự cố môi trường do quá trình phát triển kinh tế - xã hội gây ra như: tràn dầu, rò rỉ hoá chất, ngộ độc thực phẩm và sự cố môi trường do thiên nhiên gây ra như: bão, lốc, lũ lụt, sụt, sạt, nứt đất và xói lở bờ biển đã xảy ra liên tục trong 5 năm qua (1995 - 1999) và có xu thế ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và của, cũng như gây tổn thất và suy thoái nặng nề đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

· Tràn dầu: Từ năm 1995 - 1999 và đến đầu tháng 9 năm 2000 đã xảy ra 30 vụ tràn dầu, lượng dầu tràn ra ngoài môi trường ước tính 91.622 tấn.

· Các sự cố môi trường do việc rò rỉ hoá chất: Trong 5 năm (1995 - 1999) sự cố môi trường do việc rò rỉ hoá chất xảy ra nhiều. Ngày 11/1/1999 ở mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ rò rỉ khí Mêtan (CH4) dẫn đến nổ sập hầm làm 19 người chết, 12 người bị thương. Ngày 6/7/2000 tại Công ty Thuỷ sản Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà, xảy ra vụ ngạt khí Mêtan làm 4 người chết.

· Sự cố ngộ độc: Trong 2 năm 1998 - 1999 có tới hơn 6.100 trường hợp ngộc độc do hoá chất bảo vệ thực vật, hóa chất diệt cỏ dùng trong nông nghiệp. Quý I năm 2000 có 802 trường hợp ngộ độc do hoá chất bảo vệ thực vật, 2051 trường hợp ngộ độc do thuốc diệt chuột, 3.121 trường hợp ngộ độc do các loại dược phẩm và 6.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm.

· Bão: Từ năm 1995 - 1999 đã có 26 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam, làm 3.464 người chết, 430.265 ha lúa bị hại, 4.591 tàu thuyền bị chìm, 118.362 ngôi nhà bị đổ; 5.813.715 m3 đất đá bị sạt lở, tổng thiệt hại ước tính 12.297 tỷ đồng.

· Lũ lụt: Trong 5 năm (1995 - 1999) lũ lụt đã diễn ra ngày một ác liệt, làm 1.171 người chết, 1.081.667 ha lúa bị ngập, 1.077.239 ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại ước tính 10.374 tỷ đồng.

· Lốc: Trong 5 năm qua (1995 - 1999) lốc đã trở nên phổ biến và tần xuất xảy ra nhiều hơn với cường độ lớn, làm 145 người chết, 5.190 nhà cửa bị phá huỷ, bị sập; 4.506 ha lúa hoa mùa bị hại, 37 tàu thuyền bị chìm, tổng thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng.

· Sụt đất, sạt lở, nứt đất: Trong 5 năm qua (1995 - 1999) và 6 tháng đầu năm 2000 các sự cố sụt đất, nứt đất, sạt lở, xói lở, diễn ra nghiêm trọng. Ngày 15 và 16/7/2000 ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai đã xảy ra lở núi làm chết 4 người, 2 người mất tích và hơn 10 nóc nhà bị đất đá chôn vùi. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế hai trận lũ đầu tháng 11 và 12 năm 1999 đã phá vỡ bờ phá Tam Giang - Cầu Hai và phá mở các cửa biển lớn: Hoà Duân, Tư Hiền và Tràn Bàu Ô.

· Cháy rừng: Tổng diện tích rừng bị cháy từ năm 1995 - 1998 lên tới 30.776,60 ha. Trong năm 1999 theo báo cáo của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng diện tích rừng bị cháy là 2.152ha, trong đó rừng tự nhiên 917ha, rừng trồng 525ha, cây bụi thảm cỏ 602,6ha.

· Hậu quả của chiến tranh hoá học: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng 72 triệu lít chất diệt cỏ và làm rụng lá cây rải xuống trên 10% diện tích miền Nam Việt Nam, một phần Lào và Campuchia, trong đó có khoảng 170 kg chất 2,3,7,8 - TCDD (Tetra Chloro Dibenzo-p - Dioxin), thường được gọi ngắn gọn là Dioxin. Ngoài ra Mỹ còn dùng 9.000.000 kg chất CS (hay còn gọi là hơi cay) với tên khoa học là Ortho - chlorobenzalmalononitrile hoặc làorthochlorobenzylidenemalononotrile. Di chứng do chất độc hoá học của Mỹ để lại là rất nặng nề cho cả con người và các hệ sinh thái khác nhau ở Việt Nam, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được.

II.     DÂN SỐ, NGHÈO ĐÓI, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

I.1.       DÂN SỐ, NGHÈO ĐÓI VÀ MÔI TRƯỜNG:

          · Quy mô và tốc độ tăng trưởng dân số.

Theo báo cáo kết quả suy rộng mẫu trong tổng điều tra dân số và nhà ở vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/1999 dân số Việt Nam là 76.327.921 người (trong đó: nữ 38.809.372 người, chiếm 50,8%); dân số thành thị chiếm 23,5% tổng số dân. Tính từ 1/4/1989, số dân nước ta tăng thêm 11,9 triệu người. Như vậy sau 10 năm, số dân tăng thêm của nước ta tương đương với số dân của một nước cỡ trung bình (trên thế giới có khoảng 120 nước có số dân dưới 12 triệu người).

Tỷ lệ tăng dân số bình quân của thời kỳ 1989 - 1999 là 17%o, giảm 5%o so với tốc độ tăng dân số của 10 năm trước đó.

          · Mật độ dân số.

Mật độ dân số Việt Nam đã tăng từ 195 người/km2 năm 1989 lên 231 người/km2 năm 1999, thuộc loại cao trong khu vực và trên thế giới, đứng hàng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapo và Philippin). Những tỉnh có mật độ dân số cao (từ 500 người/km2 trở lên) đều nằm dọc theo hai con sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long.

          · Di cư.

Các thành phố lớn trong những năm qua đã có sức hút mạnh mẽ nhiều người chuyển đến làm ăn sinh sống. Trong thời kỳ 1994 - 1999 có 1,2 triệu người từ khu vực nông thôn đã nhập cư vào thành thị, trong khi đó chỉ có 422.000 người di cư theo chiều ngược lại, nghĩa là luồng di cư nông thôn thành thị cao gấp 3 lần so với luồng di cư thành thị nông thôn.

          · Lao động và thất nghiệp.

Cơ cấu dân số Việt Nam trẻ, nguồn lao động rất dồi dào và gia tăng với tốc độ khá cao. Theo kết quả điều tra lao động việc làm 1/10/1999 thì tổng số người từ 15 tuổi trở lên chiếm 69,53% dân số; số người trong độ tuổi lao động (nam từ 15 - 60 tuổi, nữ từ 15 - 55 tuổi) chiếm 59% dân số.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên ở khu vực thành thị là 62,38% (năm 1998 là 63,69%); ở khu vực nông thôn là 74,20% (năm 1998 là 73,74%). Trong phạm vi cả nước tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên năm 1999 đều giảm so với năm 1998.

Tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng của dân số hoạt động kinh tế thường xuyên ở khu vực nông thôn đã tăng từ 70,82% năm 1998 lên 73,38% năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 1999 là 6,74%, so với năm 1998 tỷ lệ này giảm 0,11%.

          · Tình trạng đói nghèo.

Trong giai doạn từ 1993 đến 1998 tỷ lệ dân sống dưới ngưỡng nghèo đói chung ở nông thôn đã giảm từ 66% xuống còn 45% và ở thành phố giảm từ 25% xuống còn 9%. Tỷ lệ hộ sống dưới ngưỡng nghèo về lương thực thực phẩm cũng đã giảm đáng kể cả ở nông thôn (từ 29% xuống 18%) và thành thị (từ 8% xuống 2%).

II.2.     GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỚI MÔI TRƯỜNG:

          · Truyền thông và nâng cao nhận thức về môi trường cho nhân dân.

Truyền thông và nâng cao nhận thức về môi trường cho nhân dân được chú trọng và đề cập đến tại hâù hết các quy định luật pháp và chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các giải pháp và các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng bước đầu được thực hiện, tạo điều kiện để người dân thường xuyên nhận các thông tin về môi trường, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng, đẩy mạnh các phong trào “xanh - sạch - đẹp”, “vườn - ao - chuồng (VAC)”, “vườn - ao - chuồng - rừng (VACR)”, tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, gia đình văn hoá, vệ sinh tốt. Công tác truyền thông đã được tiến hành: thông qua các tư liệu, tranh ảnh, các chiến dịch truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về môi trường, các cuộc vận động quần chúng hành động bảo vệ môi trường.

          · Giáo dục môi trường ở các trường mẫu giáo và phổ thông.

Với phạm vi quản lý gần 3 triệu trẻ em từ 0 - 6 tuổi và 168.000 cán bộ giáo viên trong hơn 21.000 trường mẫu giáo của bậc học đầu tiên, ngành học mầm non đã thu được nhiều kết quả trong giáo dục môi trường. Ngoài các kiến thức về môi trường được lồng ghép trong các môn học khác nhau, còn có môn học riêng cung cấp kiến thức về bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo.

Bậc học tiểu học bao gồm hơn 10 triệu học sinh với hơn 13.000 cơ sở giáo dục. Các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được thể hiện qua nhiều môn học, trong đó chủ yếu được thể hiện ở 3 môn: Giáo dục sức khoẻ, Tự nhiên - xã hội, Tiếng việt.

Giáo dục trung học với hơn 7 triệu học sinh được đào tạo trong hơn 7000 trường. Kiến thức về môi trường được tích hợp nhiều nhất ở các môn sinh học, địa lý, hoá học, vật lý và giáo dục công dân. Tỷ lệ kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường ở các môn trên chiếm từ 20% (môn Giáo dục công dân tới 80%). Giáo dục bảo vệ môi trường thông qua hoạt động ngoại khoá cũng được thực hiện thường xuyên.

          · Giáo dục môi trường ở các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Năm học 1998 - 1999 có 329 trường trung học chuyên nghiệp và 129 trường dạy nghề trong cả nước với khoảng 270.000 học sinh được đào tạo ở 22 nhóm ngành với 68 ngành khác nhau. Một số trường đã đưa nội dung có liên quan đến môi trường vào một số môn học: Vệ sinh môi trường, Giáo dục môi trường, Bảo vệ môi trường, Thiên nhiên với môi trường.

          · Giáo dục môi trường ở hệ thống giáo dục đại học.

Hiện nay ở Việt Nam có 139 trường Đại học và Cao đẳng với số lượng khoảng 1 triệu sinh viên. Công tác giáo dục môi trường trong các trường Đại học đã được triển khai theo 2 hướng: giảng dạy kiến thức về môi trường trong chương trình giáo dục đại học và đào tạo chuyên viên về khoa học và công nghệ môi trường ở trình độ đại học và sau đại học. Hiện nay, các ngành học đều có học phần Con người và Môi trường, như một môn học bắt buộc với thời lượng 3 đơn vị học trình.

          · Mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam.

Mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam đã được hình thành do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường điều hành, với sự hoạt động của 10 Tiểu ban chuyên môn: (1) Hoá chất độc và chất thải nguy hiểm; (2) Môi trường dải ven biển; (3) Kinh tế môi trường; (4) Giáo dục và đào tạo môi trường các cấp; (5) Giáo dục và đào tạo môi trường cộng đồng; (6) Giáo dục môi trường về sức khoẻ cộng đồng; (7) Giáo dục và đào tạo về Đa dạng sinh học; (8) Giáo dục môi trường công nghiệp và đô thị; (9) Giáo dục môi trường nhân văn, cảnh quan; (10) Giáo dục bảo tồn. Mạng lưới giáo dục môi trường đã có tác dụng tích cực trong việc phối hợp hành động giáo dục môi trường của tất cả các cơ sở đào tạo môi trường toàn quốc cũng như hợp tác trong khu vực quốc tế.

II.3.     KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG:

          · Khoa học môi trường.

- Trong giai đoạn 1991 - 1995 Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước về bảo vệ môi trường, ký hiệu KT02, đã được thành lập. Chương trình bao gồm 17 đề tài; Trong các năm 1996 - 2000 Chương trình 07 có 15 đề tài; năm 1999 có 5 đề tài đã kết thúc và được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.

- Cùng với những chương trình cấp Nhà nước về môi trường còn có những chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước khác liên quan chặt chẽ tới môi trường như chương trình, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia (KC 12), vấn đề kiểm soát ô nhiễm công nghiệp và đô thị, chương trình lồng ghép môi trường với kinh tế - xã hội..v.v...

- Từ năm 1991 đến 2000 đã có trên 100 đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở về giáo dục, đào tạo bảo vệ môi trường. Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường (Cục Môi trường, các Sở và các Vụ/Cục của các bộ, ngành) cũng đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, thử nghiệm, thu được nhiều kết quả thiết thực.

          · Phát triển và chuyển giao công nghệ môi trường.

Phát triển và chuyển giao công nghệ môi trường đã được tiến hành trong nhiều lĩnh vực: nông - lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng, năng lượng, giao thông vận tải, phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới đã được chuyển giao, áp dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

III.      NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG.

  1.      Xu thế suy giảm chất lượng môi trường tiếp tục gia tăng.

          Xu thế suy giảm môi trường có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Điều đó có thể xảy ra do các nguyên nhân chính sau đây:

          · Là kết quả tổng hợp của nhiều quá trình phức tạp, xu thế suy giảm chất lượng môi trường không thể ngăn chặn ngay, thậm chí trong vòng một vài năm tới.

          · Các áp lực lên môi trường, những nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng mạnh và liên tục trong thời gian tới, tác động tiêu cực lên tất cả các thành phần môi trường.

          · Khả năng hành động thực tế của chúng ta trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay còn rất hạn chế so với yêu cầu cần có.

          Như vậy, thách thức lớn nhất và bao trùm nhất đối với môi trường nước ta trong thời gian tới chính là tốc độ ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường tiếp tục gia tăng. Cần thiết phải có những nỗ lực vượt bậc để ngăn chặn xu thế này.

  1. Tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu ngày càng mạnh và phức tạp hơn.

          Môi trường toàn cầu đã tác động đến môi trường Việt Nam, nhưng đó chưa phải là tất cả. Hơn thế nữa, do việc thực hiện một cách chậm chạp và kém hiệu quả các khuyến nghị của Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường và phát triển bền vững Rio - 92 và đặc biệt là Chương trình Nghị sự 21. Chương trình vì sự thay đổi, cho thấy trước một viễn cảnh không sáng sủa lắm của hoạt động bảo vệ môi trường trên thế giới nói chung. Nhiều vấn đề có tính toàn cầu sẽ còn xuất hiện. Đặc biệt, tác động tiêu cực của các vấn đề môi trường toàn cầu cũ và mới sẽ được tích luỹ, sẽ gia tăng về cường độ và quy mô, gây ra rất nhiều hệ quả phức tạp về mặt môi trường, làm cho nền an ninh sinh thái của mỗi quốc gia bị đe doạ bị mất ổn định. Ở những nước đang phát triển và chưa có đủ năng lực về quản lý môi trường, tác động của các vấn đề toàn cầu chắc chắn sẽ ngày càng mạnh và phức tạp hơn. Môi trường Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng một cách toàn diện và chưa lường hết được.

  1.      Gia tăng dân số và di dân tự do tiếp tục gây áp lực.

          Những thách thức về dân số của Việt Nam là rất nghiêm trọng đối với tất cả các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tăng dân số vẫn ở mức cao và di dân nội bộ từ các khu vực nghèo tài nguyên thiên nhiên và kinh tế kém phát triển vẫn đang tăng, không kiểm soát được. Trung bình trong 10 năm qua (1989 - 1990) tỷ lệ tăng trưởng dân số là 1,7%. Với mức tăng như vậy thì theo các dự báo đến năm 2020 số dân sẽ xấp xỉ 100 triệu người, tức là phải bảo đảm cuộc sống cho thêm gần 25 triệu người, tương ứng với dân số trước năm 1945, trong khi tài nguyên đất, tài nguyên nước và các dạng tài nguyên khác có xu thế suy giảm, vấn đề nghèo đói ở các vùng sâu, vùng xa chưa được giải quyết triệt để (hiện có 1750 xã ở diện đói nghèo). Tất cả những vấn đề nêu trên là những thách thức nghiêm trọng, gây ra sức ép to lớn đối với cả tài nguyên và môi trường trên phạm vi toàn quốc.

  1. Tăng trưởng nhanh về kinh tế cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã và đang tác động mạnh lên môi trường.

          Quá trình phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp hoá đòi hỏi các nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu ngày càng to lớn, kéo theo chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi, nếu không có biện pháp hữu hiệu ngay từ đầu. Mặt khác, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hoá ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ lại không quán triệt đầy đủ quan điểm phát triển bền vững, tức là chưa tính toán đầy đủ các yếu tố môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.

          Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt xấp xỉ 7%/năm và được duy trì liên tục đến 2010. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi thì nguy cơ chất thải tăng gấp 3 đến 5 lần.

          Từ các mục tiêu của kịch bản tăng trưởng kinh tế nêu trên có thể thấy, nếu như trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu sản xuất và trình độ quản lý sản xuất, quản lý môi trường không được cải tiến thì sự tăng trưởng sẽ kéo theo tăng khai thác, tiêu thụ tài nguyên, dẫn đến khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sự gia tăng các loại chất thải gây sức ép lên môi trường.

  1. Hội nhập quốc tế, du lịch và tự do hoá thương mại toàn cầu sẽ gây ra nhiều tác động phức tạp về mặt môi trường.

          Trong nền kinh tế thị trường có tính đến các yếu tố môi trường và hoà nhập với du lịch, tự do hoá thương mại toàn cầu, nhất thiết phải xem xét việc thay đổi mẫu hình tiêu thụ, phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, chuẩn bị cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, năng lượng đồng thời với việc xem xét đồng bộ vấn đề môi trường xã hội, văn hoá, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

  1.      Nhận thức về môi trường và phát triển bền vững còn thấp kém.

          Kiến thức và nhận thức về môi trường và phát triển bền vững chưa được nâng cao cho các nhà ra quyết định, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng. Các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chưa được tiến hành rộng khắp, chưa phát huy được vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị và xã hội, cũng như các phong trào quần chúng tham gia công tác bảo vệ môi trường.

          Các kiến thức phổ cập về môi trường chưa được đưa vào hệ thống giáo dục ở các cấp học, bậc học một cách đầy đủ.

          Các thông tin về môi trường, về chính sách, pháp luật chưa được cung cấp và phổ biến thường xuyên đến cộng đồng.

          Tình trạng này còn kéo dài và sẽ tạo ra nhiều phức tạp, nhầm lẫn, sai sót trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng.

  1.      Năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu.

          Hiện trạng về công tác quản lý môi trường đang có nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, hệ thống tổ chức quản lý hiện nay còn nhiều bất cập về nhân lực, vật lực và trang bị kỹ thuật và các cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các Bộ/ngành và địa phương; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn quá ít và thiếu tập trung, hệ thống các chính sách, luật pháp còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, các chính sách công cụ kinh tế trong quản lý môi trường còn ít được áp dụng.

  1.      Mẫu hình tiêu thụ lãng phí.

          Phát triển kinh tế đưa lại mức tăng thu nhập, dẫn đến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ xa xỉ, cũng làm gia tăng thêm lượng chất thải vào môi trường. Mẫu hình tiêu thụ lãng phí đã xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

              

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG II

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN

CÁC CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1991 - 2000

 

 
 


I.         CÁC CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM.

 

          Thực hiện Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững1991 – 2000, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan: nhiều chính sách, văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành như Luật BVMT, Nghị định 175/CP về “Hướng dẫn thi hành Luật BVMT”; Nghị định 26/CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” và nhiều quyết định, chỉ thị, thông tư, tiêu chuẩn về lĩnh vực môi trường do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/ ngành và các địa phương đã được ban hành theo thẩm quyền.

          Bên cạnh Luật BVMT, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng được ban hành như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoa học, Công nghệ. Quy định trách nhiệm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được đề cập và bổ sung ở nhiều bộ luật khác, kể cả Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi 1999. Đặc biệt, năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36/CT-TW về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”. Tháng 7/2000, Chiến lược BVMT quốc gia 2001 – 2010 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

II.     ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ HIỆN TRẠNG CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM:    Có thể trình bày ngắn gọn như sau:

          · Hệ thống các chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam đã hình thành những nét đại thể, các văn bản ở tầm vĩ mô đã được xây dựng khá công phu và đáp ứng được những đòi hỏi về mặt pháp lý của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.

          · Hệ thống các văn bản pháp quy do các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân địa phương ban hành có số lượng khá lớn, nhưng cũng chính vì thế thiếu sự thống nhất và nhiều lúc, nhiều nơi có sự xung đột lẫn nhau. Để khắc phục nhược điểm này, nhất thiết phải soạn thảo và ban hành một hệ thống chính sách môi trường quốc gia thống nhất, trong đó tập hợp các chính sách bảo vệ các yếu tố môi trường.

          · Nói đến bất kỳ một loại chính sách nào cũng là nói đến một quá trình:

          Hoạch định chính sách ® Thể chế hoá chính sách ® Tổ chức các hình thức cơ cấu ® Chỉ đạo thực hiện  ® Kiểm tra thực hiện.

          Chính sách bảo vệ môi trường cũng không nằm ngoài quy luật này - cũng là một quá trình. Thực tế ở Việt Nam khó có thể phủ nhận một đánh giá là: Khâu hoạch định, thể chế hoá thiếu đồng bộ, khâu tổ chức cơ cấu tiến hành chậm với năng lực tổ chức chưa cao,  khâu chỉ đạo, kiểm tra thực hiện mang nặng tính hình thức. Kết quả tất yếu là, môi trường tiếp tục xuống cấp. Nguồn lực chưa mạnh, sử dụng nguồn lực vốn đã ít ỏi này một cách thiếu hiệu quả, nhiều nơi, nhiều lúc đạt đến mức lãng phí thì không thể tạo ra cái phanh ngăn chặn sự xuống cấp này, chưa kể rằng, sự xuống cấp sẽ tăng theo cấp số nhân trong khi sự phát triển chỉ tăng theo cấp số cộng, nếu phát triển tách rời bảo vệ môi trường.

          · Các chính sách môi trường hiện có chưa giải quyết được thoả đáng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Lưu ý rằng, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng dễ đạt được sự thống nhất với nhau. Các chính sách môi trường cần tiệm cận được giới hạn tối ưu. Chỉ có thể làm được điều đó, khi chính sách bảo vệ môi trường được lồng ghép hợp lý trong các chính sách kinh tế - xã hội. Điều này ở Việt Nam còn là những ước muốn trong các văn bản, trong các công trình nghiên cứu mang tính hàn lâm.

          · Phải cụ thể hoá quan điểm bảo vệ môi trường là sự nghiệp của quần chúng bằng các chính sách cụ thể, vì rằng nếu bảo vệ môi trường không trở thành quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng thì sự phát triển bền vững chỉ là một ảo tưởng.

          · Bảo vệ môi trường là trách nhiệm không chỉ của ngành môi trường; mà là của tất cả các ngành, không chỉ của cấp Trung ương mà là của tất cả các cấp từ Trung ương đến các địa phương, đến mỗi con người. Do đó, sự liên kết, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành, các cấp đã trở thành một điểm yếu của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, thể hiện về chính sách là thiếu chính sách có tính liên ngành hoặc thực thi chính sách thiếu sự phối hợp liên ngành. Nhìn vào bộ máy tổ chức cơ quan quản lý môi trường Nhà nước hiện tại, người ta có cảm giác bảo vệ môi trường là công việc của Trung ương, của cấp tỉnh; còn từ cấp huyện trở xuống còn là địa bàn trắng. Hơn thế nữa, chính sách đào tạo cán bộ cho cơ quan quản lý môi trường các cấp, để họ có khả năng tương xứng với vị trí công tác chưa được thực thi một cách hoàn hảo. Sự hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ quản lý của cán bộ làm cho khả năng vận hành hệ thống cơ quan quản lý môi trường trở nên nặng nề, thiếu hiệu quả.

          · Quá trình đổi mới, hiện đại hoá, theo xu thế hội nhập của chính sách môi trường diễn ra chậm hơn mong đợi, kể cả ở khâu đầu tiên - hoạch định chính sách - một khâu mà hoàn toàn có thể chủ động thực hiện bởi các cơ quan quản lý Nhà nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG III

CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA 2001 - 2010

VÀ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM 2001 - 2005

 

 
 


          CHƯƠNG NÀY ĐƯỢC DÀNH ĐỂ TRÌNH BÀY MỘT CÁCH NGẮN GỌN VÀ MẠCH LẠC NHỮNG NÉT TỔNG THỂ NHẤT CỦA CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA, GIAI ĐOẠN 2001 - 2010, VÌ CHÍNH NÓ LÀ CƠ SỞ ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC THIẾT KẾ KHUÔN KHỔ CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG MÀ CHÚNG TA SẼ THỰC HIỆN TRONG PHẠM VI ĐỀ TÀI NÀY.

 

I.     CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2001 - 2010.

I.1        QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC.

  1.      Quan điểm.

Công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành; là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

  1.      Nguyên tắc chỉ đạo.

Lấy phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm làm nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

I.2        CÁC MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC.

Không ngừng bảo vệ và cải thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục phòng ngừa ô nhiễm, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường.

          · Phòng ngừa ô nhiễm:

Tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ và các chính sách hỗ trợ phòng ngừa ô nhiễm suy thoái và sự cố môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về môi trường cho cộng đồng.

Xây dựng quy hoạch phát triển bền vững cho các đô thị, khu công nghiệp, nông thôn, các vùng sinh thái.

Áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ thích hợp trong sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường.

Đảm bảo thực hiện được tiêu chuẩn về môi trường tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực.

          · Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học:

Tăng cường khả năng về quản lý, đầu tư, pháp luật cưỡng chế và các giải pháp hỗ trợ để thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của các hệ sinh thái.

Bảo vệ, khôi phục và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có như tài nguyên đất, rừng, nước, khoáng sản, năng lượng và tài nguyên đa dạng sinh học..v.v... phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Bảo tồn các vùng có hệ sinh thái đặc thù để duy trì cân bằng sinh thái, nâng tổng diện tích các khu bảo vệ đa dạng sinh học (công viên, vườn và khu bảo tồn quốc gia) lên khoảng 2% diện tích tự nhiên của cả nước.

          · Cải thiện môi trường:

Tiến tới thu gom, xử lý về cơ bản chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt ở các thành phố và khu dân cư đông đúc.

Cải tạo các đoạn sông, ao hồ, kênh mương đã bị ô nhiễm, các vùng đất bị suy thoái, xanh hoá môi trường đô thị, khu công nghiệp.

        Tăng cường phục hồi và trồng mới rừng, tiến tới đạt mức độ che phủ trên 40% diện tích cả nước vào năm 2010.

        Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo 90% dân số được dùng nước hợp vệ sinh và các hệ thống vệ sinh đạt tiêu chuẩn môi trường, xử lý về cơ bản các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh để lại và do hoạt động sản xuất gây ra.

I.3.    CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHIẾN LƯỢC.

  1.    Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước.

        Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người, để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2001 - 2010 xác định cần ban hành bổ sung các tiêu chuẩn và các quy định bảo vệ đối với các nguồn nước ngầm, nước mặt, các lưu vực, các đập chắn nước, đưa chất lượng nước ở các thuỷ vực lớn đạt tiêu chuẩn chất lượng nước đã ban hành, đảm bảo chất lượng nước biển tại khu vực ven biển, cửa sông đạt tiêu chuẩn cho phép.

        Phấn đấu đến năm 2005 cải tạo được khoảng 40% các dòng sông, hệ thóng tiêu thoát nước, đặc biệt là các dòng sông đi qua các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị. Cả nước cần tập trung xử lý khoảng 90%, các vấn đề về nước đối với các khu vực hoang mạc hoá.

        Tổ chức đánh giá và kiểm soát được chất lượng, trữ lượng nước ngầm, có kế hoạch khai thác hợp lý và ban hành những quy định cụ thể về khai thác nguồn này.

  1. Bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất.

        Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược, chính sách, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất.

        Tăng cường các công cụ quản lý để giải quyết hài hoà các vấn đề liên ngành trong khai thác sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường và với các lĩnh vực phát triển khác.

        Thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản, đảm bảo các dự án khi đi vào hoạt động phải thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về công nghệ, và bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

  1.    Bảo tồn đa dạng sinh học.

        Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nội dung kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học, đồng thời tiến hành các chương trình bảo vệ, tăng cường tài trợ, quản lý các vườn quốc gia, công viên biển, mở rộng các khu bảo vệ, phân cấp cho địa phương, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng quản lý những khu hệ bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với năng lực của từng đơn vị.

        Để bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả cần nâng độ che phủ rừng lên 40% diện tích, trong đó khoảng 20 - 30% rừng đặc dụng (bảo vệ) và khoảng 10 - 20% rừng sản xuất. Phải coi tăng diện tích rừng như là một biện pháp hữu hiệu cân bằng sinh thái tự nhiên giữa các hệ sinh thái và chất lượng môi trường.

        Bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng phải đồng bộ với việc bảo vệ các hệ sinh thái biển và xem đó là một nội dung quan trọng của chiến lược này.

  1.    Bảo vệ môi trường không khí.

        Với chức năng và nhiệm vụ của mình, từng đơn vị sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ việc phát thải khí CO2, SO2, CO, ô nhiễm bụi do các hoạt động sản xuất công nghiệp, năng lượng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải khẩn trương tạo các điều kiện  thực hiện chính sách sử dụng xăng không pha chì để giảm bớt ô nhiễm không khí. Từng bước phấn đấu để bảo đảm môi trường không khí ở nước ta được trong lành theo các tiêu chuẩn tiếp cận mức trung bình của các nước ASEAN.

  1.    Bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp.

        Để duy trì chất lượng và cải thiện môi trường ở các đô thị và khu công nghiệp lâu dài, cần xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch và thể chế hoá bằng các văn bản pháp quy: Nghị định, tiêu chuẩn, quy chế về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các thành phố loại I, loại II, các đô thị đông dân, khu công nghiệp phải có các bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn theo đúng tiêu chuẩn. Xây dựng một số cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Thu gom và xử lý 90% chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, thu gom và xử lý 100% chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện và quản lý 100% chất thải nguy hại.

        Cần có cơ chế chính sách và biện pháp đồng bộ để xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh,... đang gây ô nhiễm nghiêm trọng về nước, không khí, và tiếng ồn.

        Bằng nhiều biện pháp, hoàn thành cơ bản việc xây dựng, cải tạo, cải thiện các hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước, các cơ sở vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố loại I và loại II.

 

  1.    Bảo vệ môi trường nông thôn.

Bảo vệ môi trường nông thôn không có nghĩa chỉ gìn giữ môi trường trong sạch trong vùng mà còn cần có nhiều biện pháp để ngăn chặn ô nhiễm có tính chất phòng ngừa. Đó là việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường gắn với an toàn thực phẩm, tiến tới hạn chế về cơ bản và thay thế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình để tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đảm bảo không còn hộ đói nghèo ở nông thôn. Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo 90% số hộ ở nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh, thu gom và xử lý được 90% chất thải sinh hoạt và xử lý về cơ bản chất thải nguy hại, chất thải bệnh viện, các vùng nông thôn đều có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn môi trường.

  1.      Bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo bao gồm các nội dung và liên quan đến các lĩnh vực sau:

Chiến lược phát triển kinh tế biển phải được xây dựng theo quan điểm sử dụng tổng hợp, hợp lý đi đôi với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển và ven bờ. Lĩnh vực này cần được các ngành khai thác dầu khí, giao thông vận thải, thuỷ sản, lâm nghiẹp, du lịch,... thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong ngành và phối hợp cùng bảo vệ môi trường liên quan đến biển, ven biển và hải đảo.

Chiến lược thực hiện các công ước và hiệp định quốc tế và khu vực liên quan đến biển và đại dương và liên quan đến môi trường biển.

Chiến lược quản lý môi trường biển và ven biển với mục tiêu cơ bản là tiến hành thành công xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế một cách bền vững tại vùng duyên hải thông qua các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường trong vùng.

Chiến lược quản lý môi trường biển và ven biển bao gồm phân vùng chức năng biển và ven biển, quản lý tổng hợp các hoạt động khai thác và nuôi truồng thuỷ sản ven biển, thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển và ven biển, phát triển và cải thiện sinh kế cho những cộng đồng duyên hải, phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của thiên tai ven biển, trước hết là bão, lụt, xói lở và nước dâng, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và tăng cường năng lực quản lý môi trường biển và ven biển.

  1.      Bảo vệ các vùng đất ngập nước.

Các hoạt động trước mắt nhằm bảo vệ môi trường trong vùng đất ngập nước gồm:

- Chấm dứt việc sử dụng đất ngập nước một cách không bền vững, chỉ chú trọng giá trị kinh tế, chuyển đổi mục đích sử dụng không hợp lý.

- Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện còn của các vùng đất ngập nước.

- Khôi phục các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng nhạy cảm về môi trường.

- Áp dụng các hệ canh tác nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, bảo đảm sự cân bằng giữa các chức năng sinh thái - kinh tế - xã hội của đất ngập nước.

  1.      Bảo vệ môi trường tự nhiên và di sản văn hoá.

Các di sản văn hoá, tự nhiên của đất nước có vai trò đặc biệt đối với công tác bảo vệ môi trường do tính độc đáo, đặc thù, quý hiếm, có một không hai về các khía cạnh văn hoá và môi trường.

Nước ta có nhiều di sản văn hoá và tự nhiên có tầm cỡ quốc tế và quốc gia trong đó có những di sản đã được thế giới công nhận (Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn) hoặc chuẩn bị công nhận (Phong Nha - Kẻ Bàng,...).

Cần phải coi trọng việc gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo môi trường văn hoá, tự nhiên cho các di sản văn hoá, tự nhiên của đất nước như một bộ phận quan trọng của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

  1.           Sản xuất sạch hơn.

Sản xuất sạch hơn là sự áp dụng liên tục một chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường đối với qui trình công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra, bảo đảm sức khoẻ, an toàn và chất lượng môi trường. Để thực hiện sản xuất sạch hơn cần xây dựng một chương trình có tính chất quốc gia, ban hành các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sạch và tổ chức tiếp xúc trao đổi, thông tin về sản xuất sạch hơn giữa các nhà doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế về sản xuất sạch hơn và những người quản lý.

11.   Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng.

        Chiến lược bảo vệ môi trường tại các vùng và các lưu vực sông cần được lồng ghép với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội có tính đặc thù của mỗi vùng. Nội dung của chiến lược vùng cần được xác định trên cơ sở hiện trạng môi trường vùng, những thách thức về môi trường trong tương lai, mối quan hệ tương tác về mặt môi trường với các vùng xung quanh (kể cả của nước ngoài nếu có), năng lực giải quyết các vấn đề môi trường của vùng, và các đặc điểm văn hoá - môi trường liên quan trong vùng. Chiến lược cần nêu rõ các phương án tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn.

12.   Bảo vệ môi trường gắn với phát triển các ngành kinh tế.

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001 - 2010 gắn với các ngành kinh tế được lựa chọn phù hợp với cơ cấu kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bao gồm các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn; công nghiệp, kết cấu hạ tầng, dịch vụ và được lồng ghép hài hoà theo hướng “ cùng phát triển”.

 

13.   Nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường.

        Cần tăng cường năng lực và đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường nhằm đặt nền móng vững chắc để phát triển ngành môi trường, phục vụ một cách có hiệu quả các vấn đề về môi trường, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta được bền vững.

        Nghiên cứu khoa học công nghệ còn nhằm tạo cơ sở để đánh giá chính xác hiện trạng môi trường, đề xuất các giải pháp tối ưu để bảo vệ môi trường cũng như phục vụ việc hoạch định các chính sách quản lý môi trường, đồng thời áp dụng các công nghệ môi trường tiên tiến trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

        Để công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường thực sự có hiệu quả cần xây dựng cơ sở nghiên cứu môi trường đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ nghiên cứu môi trường tầm quốc gia, tiến hành các chương trình nghiên cứu các vấn đề bức xúc, trọng tâm, khuyến khích các nghiên cứu bảo vệ môi trường.

I.4.    GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC:

  1. Đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường.
  2. Tăng cường vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân trong bảo vệ môi trường.
  3. Tăng cường và đa dạng hoá đầu tư bảo vệ môi trường.
  4. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về môi trường.
  5. Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút sự tài trợ của nước ngoài.
  6. Kết gắn chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
  7. Lựa chọn chương và địa bàn ưu tiên.
  8. Phân công trách nhiệm các cơ quan thực hiện.
  9. Giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược.

I.5.    LỰA CHỌN CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐỊA BÀN ƯU TIÊN:

  1.    Chương trình ưu tiên.

        Các chương trình ưu tiên được chia ra ba mức ưu tiên:

  1. Ưu tiên cao nhất:       7 chương trình
  2. Ưu tiên cao:               21 chương trình
  3. Ưu tiên:                     49 chương trình

­    7 chương trình ưu tiên cao nhất.

  1. Xây dựng kế hoạch chủ đạo toàn diện phát triển công nghiệp bền vững bao trùm lên tất cả các giai đoạn sử dụng tài nguyên, sản xuất và quản lý chất thải.
  2. Xây dựng chiến lược và quy hoạch bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại cho các khu đô thị có mật độ dân số lớn.
  3. Tiếp tục ban hành các tiêu chuẩn và luật pháp bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn nước, chú trọng các lưu vực, sông, các hồ chứa nước và các tầng nước ngầm.
  4. Củng cố hệ thống quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng thông qua các hình thức tham gia của cộng đồng.
  5. Nâng cấp hệ thống và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường từ Trung ương đến cơ sở và tại các bộ ngành khác.
  6. Đưa giáo dục về môi trường vào trường học ở tất cả các cấp bao gồm cả đại học.
  7. Phát động các phong trào về môi trường tại các tổ chức xã hội như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và các tổ chức quần chúng khác.
  1.      Địa bàn ưu tiên.

­      Các địa bàn ưu tiên về bảo vệ môi trường

  1.      Các vườn quốc gia.

          · Số lượng các vườn quốc gia đã được công nhận đến 6/2000:..............11

          · Số lượng các vườn quốc gia đang đề nghị công nhận:..........................5

          Trong đó:

Trên đất liền .................................................................................... 1

Trên biển ........................................................................................ 4

  1. Di sản tự nhiên các loại, các khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận.

          · Số lượng được công nhận đến 6/2000: .................................................2

  1.      Các khu bảo tồn thiên nhiên.

          · Số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên đã được công nhận đến 6/2000:..... 61

          · Số lượng các khu bảo tồn biển đang được đề nghị công nhận: ..........10

  1. Các lưu vực tự nhiên gắn với di tích văn hoá - lịch sử.

          · Số lượng các khu đã được công nhận đến 6/2000: .............................34

  1. Các khu vực bị suy thoái, các đối tượng ô nhiễm nghiêm trọng:

          · Các vùng bị nhiễm độc.

          · Các khu vực bị suy thoái môi trường nghiêm trọng.

          · Các đối tượng, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các địa bàn đặc thù khác được quy định riêng

II.     KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2001 - 2005.

  1.      Mục tiêu.

          Hiện thực hoá chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001 - 2010:

          · Thực hiện các hành động để ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm,

            · Thực hiện các hành động bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên,

          · Tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan quản lý môi trường.

            · Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.

  1.      Nội dung.

          · Xác định hành động cụ thể, xác định chỉ tiêu, mục đích của 7 chương trình ưu tiên cao nhất.

          · Mô tả đầy đủ các chương trình này, đề xuất lựa chọn cơ quan thực hiện, tiến độ thực hiện.

          · Trình bày tóm tắt 21 chương trình ưu tiên cao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG IV

KHUÔN KHỔ CHÍNH SÁCH

 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM

GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

 

 
 


I.         MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM,   GIAI ĐOẠN 2001 - 2010.

 

          Các chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam được thiết kế cho giai đoạn 2001 - 2010, nhằm mục tiêu: bổ sung vào hệ thống các chính sách bảo vệ môi trường đã và đang có hiệu lực, tạo ra động lực mới, để thực hiện thành công chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, giai đoạn 2001 - 2010.

II.     QUAN ĐIỂM THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2001 - 2010.

          Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 36 - CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã xác định 4 quan điểm cơ bản là:

          - Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

          - Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

          - Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

          - Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

          Cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo cơ bản này, việc thiết kế chính sách môi trường cần phải đạt được:

  1. Nhất thể hoá bảo vệ môi trường trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

          Trong quan niệm trước đây, các chính sách kinh tế - xã hội chủ yếu nhằm vào sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên gần như là nằm ngoài sự chú ý của các chính sách quản lý kinh tế - xã hội, hay nói đúng hơn đó là hai mảng chính sách khác nhau, hướng vào những mục tiêu khác nhau. Chính sách môi trường thì chủ yếu nhằm vào đảm bảo nguồn nguyên liệu cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sự liên hệ giữa hai loại chính sách đó là sự liên hệ giữa nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất. Cách tiếp cận mới coi môi trường không đơn thuần chỉ là nguồn cung cấp nguyên liệu, năng lượng mà là một bộ phận hữu cơ của nền sản xuất xã hội.

          Nhất thể hoá bảo vệ môi trường trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải bao hàm trong mình những yêu cầu về bảo vệ môi trường và về phần mình các chính sách bảo vệ môi trường cũng phải thể hiện tính kinh tế trong các quyết định của mình. Tính kinh tế trong bảo vệ môi trường ở đây được hiểu là sự duy trì môi trường tự nhiên một cách kinh tế nhất (với chi phí ít nhất) không chỉ cho các quá trình sản xuất hiện tại mà còn cả cho các nhu cầu của các thế hệ tương lai.

          Việc quán triệt và thực hiện luận điểm này đồng thời cũng là sự tận dụng thời cơ và lợi thế của những nước đi sau tiến hành công nghiệp hoá có thể tiết kiệm được cái giá phải trả cho môi trường, tránh được những tổn thất, mất mát về môi trường, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

  1.       Sử dụng bền vững và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

          Ngày nay chúng ta quan niệm rằng tự nhiên không phải là kho của cải vô tận, mà là có giới hạn và cũng như mọi thứ tài sản khác, nó cũng có giá trị và được định giá. Sự giới hạn của tài nguyên thiên nhiên và tốc độ khai thác tự nhiên ngày càng tăng là những nguyên nhân chủ yếu đe doạ sự bền vững đối với quá trình phát triển của đất nước.

          Hiện nay tình trạng suy thoái môi trường đáng báo động ở tất cả các thành phần môi trường của nước ta đặt ra yêu cầu ngay từ bây giờ cần phải sử dụng một cách bền vững và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Yêu cầu này được xem trọng, vì xuất phát từ nhu cầu phát triển sản xuất và đi liền với nó là nhu cầu về sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong những thập kỷ tới ở nước ta sẽ tăng lên với tốc độ rất cao.

  1. Huy động và phát huy sự tham gia của các thành phần kinh tế và tầng lớp dân cư, tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường sinh thái.

          Con người là một bộ phận hữu cơ của môi trường, gắn bó một cách mật thiết và trực tiếp với tất cả các thành phần của môi trường. Do vậy, đối với bảo vệ thiên nhiên mọi người đều có trách nhiệm và quyền lợi bình đẳng như nhau. Cũng cần nói rõ rằng, Nhà nước có vai trò to lớn trong việc bảo vệ môi trường - có những trách nhiệm không thể thay thế được, nhưng chỉ có Nhà nước, một mình Nhà nước thì không thể bảo vệ được môi trường. Điều này là một sự thật hiển nhiên, nhưng chính cái hiển nhiên ấy nhiều khi lại bị xem nhẹ. Nhiều nhà quản lý của Việt Nam xem việc bảo vệ môi trường là việc của họ chứ không phải là việc của nhân dân, vì thế các chương trình mang tính cộng đồng ít được ưu tiên trong phân bổ ngân sách mà chủ yếu dựa vào viện trợ từ thiện.

  1. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của thị trường.

          Vai trò tất yếu cần được tăng cường của Nhà nước trong quá trình vận động phát triển của thị trường do chính những khuyết tật của thị trường quyết định. Vì lý do chạy theo lợi nhuận tối đa mà các doanh nghiệp - các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm và phát hoại môi trường - không chú ý hoặc tìm cách né tránh những chi phí cho bảo vệ môi trường. Phá hoại môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường là một trong những khuyết tật của thị trường mà lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường đã tổng kết. Các lý thuyết hiện đại về kinh tế thị trường đều cho rằng chính những thất bại của thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường là lý do chủ yếu của sự cần thiết tăng cường quản lý Nhà nước để điều chỉnh và điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế và trong xã hội.

  1. Chính sách môi trường mà chúng ta đang bàn đến là chính sách vĩ mô - là công cụ điều tiết của Nhà nước.

          Cần nói rõ rằng, để phát triển bền vững đất nước thì nếu chỉ có các chính sách vĩ mô thì không đủ. Một nhiệm vụ lớn lao đặt ra là tìm được sự hoà nhập của các chính sách của các công ty, các tổ chức, đoàn thể,...) với chính sách vĩ mô, theo định hướng của chính sách vĩ mô. Sự hoà nhập là điều cần phải đạt được - nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tinh thần của kiểu phát triển kinh tế - xã hội: hy sinh cái này để đạt được cái kia vẫn còn chỗ đứng và cạnh tranh khốc liệt với tinh thần phát triển bền vững.

III.   ÁP DỤNG CÁC NGUYÊN TẮC TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2001 - 2010.

          Chức năng quan trọng của chính sách bảo vệ môi trường là tạo dựng những hành lang hướng các tác nhân (tổ chức, cá nhân) sử dụng môi trường hành động có cân nhắc, lựa chọn sao cho vừa đạt được mục đích sử dụng của mình, vừa đạt được mục đích bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững. Nền kinh tế hỗn hợp (mixed economy) là nền kinh tế được vận hành với sự dẫn dắt và điều tiết của “bàn tay hữu hình” của nhà nước và “bàn tay vô hình” thị trường.

          Chính sách bảo vệ môi trường một mặt phải thể hiện ý chí của xã hội mà Nhà nước là đại diện, mặt khác phải tuân thủ những quy luật vận động của thị trường.

          Về phía thị trường, thực chất động cơ ẩn giấu bên trong mọi hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên là tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Động cơ này một mặt thúc đẩy người sản xuất và người tiêu dùng tối ưu hoá việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, nghĩa là tối ưu hoá việc sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng cấu thành nên sản phẩm, nhưng mặt khác cũng tìm cách khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và trốn tránh các chi phí cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên ấy. Vì vậy mà chính sách bảo vệ môi trường phải bao hàm cả hai khía cạnh: khuyến khích (kích thích) và phòng ngừa.

          Tuy vậy, chính trong yêu cầu  bao hàm hai khía cạnh ấy mà chính sách bảo vệ môi trường cũng ẩn giấu sự mâu thuẫn mà không phải bao giờ cũng xử lý, giải quyết được hợp lý, tốt đẹp. Đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu cấp bách về việc duy trì một mức tăng trưởng cao, trong thời gian vài ba thập kỷ đối với một nền sản xuất về cơ bản vẫn còn phải dựa trên cơ sở khai thác tự nhiên với nhu cầu cũng không kém cấp bách về bảo vệ môi trường sinh thái đang bị suy thoái ngày càng tăng lên cùng với nhịp độ phát triển của sản xuất.

            Các nguyên tắc cần quán triệt trong xây dựng chính sách bảo vệ môi trường.

          Nguyên tắc 1: Người gây ô nhiễm phải chịu chi phí.

          Nguyên tắc này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (điều 7 và điều 10), đòi hỏi những người gây ô nhiễm phải chi trả những chi phí cho việc khống chế ô nhiễm, làm sạch, hoặc phải bồi thường thiệt hại cho các công dân phải chịu ô nhiễm. Về thực chất, đây là sự kết hợp biện pháp quản lý với biện pháp kinh tế nhằm giải quyết những mâu thuẫn thường xảy ra giữa người gây ra ô nhiễm và người chịu ô nhiễm.

          Nguyên tắc 2: Người sử dụng phải trả tiền.

          Nguyên tắc này dựa trên cơ sở yêu cầu lợi ích thu được từ sử dụng tài nguyên phải phù hợp với chi phí cần thiết cho việc sử dụng ấy. Chi phí này bao gồm các chi phí cần thiết không chỉ cho việc sử dụng trực tiếp tài nguyên mà còn cả các chi phí có liên quan tới khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên lẫn chi phí cho việc sử dụng dự kiến trong tương lai. Người sử dụng phải chịu 3 loại chi phí sau đây:

          a) Loại chi phí sản xuất trực tiếp (nguyên vật liệu, năng lượng sử dụng trực tiếp cho quá trình sản xuất của người sử dụng).

          b) Loại chi phí kiểm soát thiệt hại (chi phí cho việc phòng tránh và kiểm soát ô nhiễm).

          c) Loại chi phí cho người sử dụng tương lai (trách nhiệm của người tiêu dùng hiện tại đóng góp cho người sử dụng tương lai).

          Nguyên tắc 3: Phòng ngừa và ngăn chặn.

          Nguyên tắc này chủ trương ngăn ngừa và làm giảm nhẹ những căng thẳng (stress) về môi trường trước khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng về thiệt hại môi trường.

          Nguyên tắc 4: Huy động sự tham gia của cộng đồng.

          Nguyên tắc này xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân” và “muốn phát triển lâu bền phải làm cho toàn xã hội được giáo dục và thông tin đầy đủ để tham gia có hiệu quả bằng việc thay đổi nhận thức trách nhiệm và hành động với lòng nhiệt tình trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển”. Một nhân tố cơ bản cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam phải là một hệ thống tổ chức xã hội phát huy hợp tác, tương trợ trong các cộng đồng, nhằm huy động một cách có hiệu quả nguồn lực để giải quyết những vấn đề có lợi ích về thiên nhiên và môi trường chung.

          Nguyên tắc 5: Khuyến khích, hỗ trợ.

          Sự khuyến khích, hỗ trợ ở đây được hiểu chủ yếu là từ phía Nhà nước. Sự khuyến khích, hỗ trợ này trong giới hạn nhất định có thể đồng nghĩa với sự bao cấp của ngân sách Nhà nước chi cho mục tiêu bảo vệ môi trường, mang tính chất chi tiêu công cộng như các khoản chi cho an ninh, quốc phòng, văn hoá - xã hội,... Nghĩa là, đó là khoản chi cho nhu cầu công cộng mà cá nhân hay từng nhóm, cộng đồng người trong xã hội vì những lý do khác nhau không thể hoặc không muốn quan tâm. Trách nhiệm của Nhà nước trong những trường hợp này hoặc là đáp ứng nhu cầu chi hoặc là hỗ trợ ban đầu nhằm khuyến khích sự tham gia đóng góp của các cá nhân, các cộng đồng cho mục tiêu bảo vệ môi trường.

IV.    KHUÔN KHỔ CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2001 - 2010.

IV.1. XÁC ĐỊNH VÀ LỰA CHỌN CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN.

          Rõ ràng là, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của nước ta ở thời điểm hiện nay và trong tương lai. Nhưng cũng rất rõ ràng là, không thể trong vòng 10 năm (2001 - 2010) giải quyết tất cả; thời gian là hữu hạn, nguồn lực cũng hữu hạn - thậm chí là còn rất nhỏ bé so với nhu cầu, so với mong muốn. Do đó, cần phải lựa chọn những vấn đề ưu tiên để hoạch định các chính sách giải quyết các vấn đề ưu tiên đó.

          Căn cứ để lựa chọn vấn đề ưu tiên bao giờ cũng là tính quan trọng và tính bức xúc của chính vấn đề đó. Tính quan trọng và bức xúc của các vấn đề về môi trường thể hiện dưới 2 dạng sau:

          Thứ nhất, yếu tố môi trường đã bị ô nhiễm nặng, tốc độ ô nhiễm tăng liên tục, có diện ảnh hưởng rộng, tác dụng tiêu cực đến môi trường sống của con người.

          Thứ hai, vấn đề có thể trở thành nguy cơ trong tương lai. Xếp vào loại này là các loại ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường có tiềm ẩn những nguy cơ lớn sẽ bùng nổ trong tương lai, mà việc khắc phục chúng là rất tốn kém, hoặc không thể khắc phục được. Trong trường hợp này, giải pháp phòng ngừa phải được xếp loại ưu tiên, dù nguồn lực hiện tại còn khó khăn.

          Việc trình bày hiện trạng môi trường và các vấn đề bức xúc về môi trường của Việt Nam ở chương I đã tạo ra luận cứ, để lựa chọn các chính sách môi trường ưu tiên - mà chúng ta sẽ gọi là khuôn khổ chính sách môi trường Việt Nam, giai đoạn 2001 - 2010 sau đây:

A.      CHÍNH SÁCH PHÒNG NGỪA, KIỂM SOÁT Ô NHIỄM, CHỐNG SUY THOÁI VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

1.         Ô nhiễm nguồn nước

2.         Ô nhiễm không khí

3.         Ô nhiễm hoá chất độc hại

4.         Ô nhiễm chất thải rắn đô thị và công nghiệp

5.         Ô nhiễm chất thải độc hại

6.         Sự cố môi trường

B.      CHÍNH SÁCH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG MỘT SỐ ĐỊA BÀN ĐẶC TRƯNG

7.         Môi trường đô thị và khu công nghiệp

8.         Môi trường nông nghiệp và nông thôn

9.         Môi trường biển và ven bờ

10.       Xanh hoá môi trường, tăng độ che phủ của rừng.

C.      CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

11.       Tài nguyên đất

12.       Tài nguyên rừng

13.       Tài nguyên nước

14.       Tài nguyên khoáng sản

15.       Tài nguyên năng lượng

16.       Tài nguyên biển và ven bờ

17.       Đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên

D.      CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

18.       Tăng cường và đa dạng hoá đầu tư bảo vệ môi trường

19.       Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

20.       Công cụ kinh tế

21.       Phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân

22.       Giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường

23.       Nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ  môi trường

24.       Phối hợp liên ngành, vùng, lãnh thổ

25.       Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu

IV. 2. MÔ TẢ TỔNG QUÁT CÁC CHÍNH SÁCH.

          Trong bảng khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường Việt Nam, giai đoạn 2001 - 2010 trên đây, chúng ta đã đánh số từ 1 đến 25 chính sách cụ thể. Trong phần mô tả tiếp theo sẽ sử dụng thuật ngữ chính sách cụ thể (CSCT) để phân biệt với thuật ngữ chính sách môi trường mà chúng ta đã sử dụng ở các chương trước. Cách sử dụng thuật ngữ như vậy giúp chúng ta dễ hình dung rằng, sự tổng hoà khôn khéo các chính sách cụ thể sẽ tạo ra chính sách môi trường tổng thể.

 

PHẦN I

CHÍNH SÁCH PHÒNG NGỪA, KIỂM SOÁT, CHỐNG SUY THOÁI,      KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

 

 

            CSCT 1. MÔI TRƯỜNG NƯỚC.

  1.      Mục tiêu của CSCT1.

          Chính sách cụ thể 1 được thiết kế như là một chính sách dài hạn; quá trình hoạch định, thực hiện diễn ra trong giai đoạn 2001 - 2010 và có thể sẽ tiếp tục có tác dụng sau năm 2010. Mục tiêu của CSCT1 là:

          · Bảo đảm sự an toàn nước cả về số lượng và chất lượng cho nhu cầu của con người, động thực vật để sống và để hoạt động sản xuất (nhu cầu nước cho công nghiệp, nông nghiệp,...), trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

          · Phòng ngừa triệt để các khả năng ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm và nước mặt).

          · Kiểm soát được hiện trạng môi trường nước bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

          · Khắc phục các sự cố môi trường nước đã xảy ra cho đến thời điểm hiện nay và cũng khó tránh khỏi việc sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.

          · Hội nhập với các chính sách bảo vệ môi trường nước quốc tế, khu vực.

  1.      Các nội dung của CSCT1.

          Trong khuôn khổ của CSCT1, cần ưu tiên hoạch định và thực hiện các nội dung sau: (Thực chất, mỗi nội dung cũng có thể được hiểu là một chính sách cụ thể ở phân vị hẹp hơn)

          · Nội dung 1: Tổ chức hệ thống quản lý nguồn nước theo hình thức quản lý lưu vực.

          Việt Nam có 10 lưu vực lớn, để việc quản lý nguồn nước được đảm bảo, cần xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nguồn nước theo lưu vực. Xu hướng này cũng đã và đang là xu hướng được nhiều nhiều nước trên thế giới thực hiện, nhất là khi sự khan hiếm nguồn nước được dự báo sẽ trở thành nguy cơ của nhân loại trong thế kỷ 21.

          Nếu chấp nhận việc tổ chức quản lý nguồn nước theo lưu vực thì ở Việt Nam cần thành lập các Ban Quản lý lưu vực độc lập cho các lưu vực lớn (sông Hồng, sông Mê Công) và các Ban Quản lý liên lưu vực cho một số lưu vực có vị trí địa lý kề cận nhau. Điều phối các Ban Quản lý lưu vực ở Trung ương sẽ là Uỷ ban Quốc gia về tài nguyên nước. Về mặt pháp lý, phương án này phù hợp với Luật Tài nguyên nước và trong năm 1999, Uỷ ban Quốc gia về tài nguyên nước đã được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

          Nội dung 1 có thể hoạch định và thực hiện trong vòng 1 năm (2001). Tuy nhiên, sau đó cần chú trọng việc đào tạo nâng cao, đào tạo lại đội ngũ cán bộ của các Ban Quản lý lưu vực để họ có tầm tri thức khoa học và quản lý tương xứng với trọng trách nặng nề được giao phó. Quá trình kiện toàn và nâng cao năng lực có thể phải diễn ra tích cực từ 3 - 4 năm kể từ 2002, sau đó phải trở thành một nhiệm vụ thường xuyên.

          · Nội dung 2: Tiến hành việc tìm kiếm, thăm dò chi tiết, xác định tổng trữ lượng nước ngầm của Việt Nam; lập hệ thống mạng quan trắc động thái nước ngầm.

          Thực tế là, việc thăm dò, tìm kiếm, đánh giá trữ lượng nước ngầm của Việt Nam đã được thực hiện một cách khá tích cực trong những năm bao cấp. Đã lập bản đồ địa chất thuỷ văn tỷ lệ 1: 1.000.000, 1: 500.000 đến 1: 50.000 trên các vùng lãnh thổ. Trong những năm đổi mới, việc khai thác nước ngầm đã tăng lên đáng kể (và trong tương lai nguồn nước ngầm cần khai thác được dự báo sẽ tăng rất mạnh), mặc dù vậy, trong thời kỳ này việc tìm kiếm, thăm dò nước ngầm đã chững lại, việc đầu tư không tương xứng. Để đảm bảo an toàn nước cần phải tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, thăm dò, đánh giá chính xác, càng chính xác càng tốt tiềm năng nước ngầm của đất nước.

          Nội dung này mang tính kỹ thuật, để thực hiện nó có thể hình thành dưới dạng một chương trình, thực hiện nó bằng việc đầu tư thoả đáng. Nguồn nhân lực, công nghệ tìm kiếm, thăm dò nước ngầm có thể xem là đã có sẵn trong các liên đoàn địa chất thuỷ văn. Tất nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là bỏ qua việc hiện đại hoá phương pháp tìm kiếm, thăm dò nước ngầm.

          Đồng thời với việc nâng cấp trữ lượng nguồn nước ngầm, cần thiết lập hệ thống trạm quan trắc nước ngầm, vì phải nắm được động thái các nguồn nước ngầm thì mới hy vọng, kiểm soát được nó, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo an toàn nước. Mạng lưới trạm quan trắc nước ngầm ở nước ta hiện chỉ có ở các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.

          Việc tạo lập mạng quan trắc nước ngầm có thể được hoạch định và thực hiện tích cực trong khuôn khổ một chính sách trung hạn (5 - 7 năm).

          · Nội dung 3: Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn môi trường của yếu tố môi trường nước, các quy định về sử dụng và khai thác các nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm), tăng cường công tác thẩm định, thanh tra môi trường nước.

          Nước là một yếu tố môi trường mà những quan hệ sở hữu rất khó xác định, và do đó, các trách nhiệm cơ bản về bảo vệ môi trường nước phải do Nhà nước đảm nhiệm. Trong trường hợp đó, Nhà nước cần tận dụng tối đa quyền xác lập tiêu chuẩn chất lượng, thiết lập các quy trình kỹ thuật, quy định chi trả tài chính, để tạo động lực; chia sẻ trách nhiệm ở mức có thể được.

          Hệ thống các tiêu chuẩn môi trường nước ở đây được hiểu bao gồm: tiêu chuẩn nước sạch phục vụ sinh hoạt, nước cho nhu cầu sản xuất và cả các tiêu chuẩn cho nước thải. Hệ thống tiêu chuẩn này đã được ban hành ở Việt Nam, nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa có khả năng hội nhập cao với các tiêu chuẩn tương xứng của khu vực và thế giới.

          Đồng thời với việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nước cần phải thiết lập: quy định trách nhiệm tài chính; quy trình kiểm tra, giám định chất lượng việc khai thác, sử dụng nước. Đây chính là các công cụ để đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng được tuân thủ nghiêm ngặt; nguồn tài chính được chia sẽ giữa Nhà nước và các đối tượng khai thác, kinh doanh, sử dụng nước. Các quy trình, quy định này hiện đã có một số văn bản nhưng thiếu tính đồng bộ, thiếu chặt chẽ, tính hiệu lực thấp.

          Nội dung 3, thực chất là việc nghiên cứu đề xuất và hoạch định chính sách, do các cơ quan quản lý Nhà nước xác lập để làm công cụ quản lý. Việc hoạch định chính sách theo nội dung này có thể chỉ  mất thời gian không quá 1 năm; sau đó là việc tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện - tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định, quy trình.

          · Nội dung 4: Khoanh vùng có sự ô nhiễm nguồn nước, phát hiện nguyên nhân gây ô nhiễm; tập trung khắc phục tận gốc ô nhiễm.

          Hiện tại, nguồn nước mặt và nước ngầm của Việt Nam đã xuất hiện nhiều khu vực bị ô nhiễm, đặc biệt ở các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư. Sự ô nhiễm trước hết xảy ra trong các nguồn nước mặt, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến các tầng nước ngầm.

          Trong nội dung 4 này, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các công việc có tính chất chuyên môn: Khoanh vùng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, tìm kiếm giải pháp khắc phục và thực hiện chúng.

          Hiển nhiên là, khắc phục ô nhiễm là việc được làm càng kịp thời càng tốt, khi đó mức độ khó khăn gặp phải (cả về kỹ thuật và kinh tế) là ít nhất, khả năng thành công là cao nhất. Do đó, điểm bắt đầu thực hiện nội dung này, tốt nhất là từ đầu năm 2001 và kết thúc càng sớm càng tốt. Không nên xem những hạn chế về nguồn lực kinh tế hiện nay là yếu tố quan trọng đến mức làm giảm quyết tâm thực hiện nội dung này. Thực tế, có thể tìm được một bộ trọn gói các giải pháp để khắc phục ô nhiễm nguồn nước mà không quá tốn kém. Một trong những cơ sở để khẳng định điều đó, là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước nhiều khi hoàn toàn do thái độ ứng xử của con người, do cách nghĩ và cách làm thiếu khoa học của chúng ta.

          · Nội dung 5: Chính sách tăng cường lưu trữ và cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước.

          Trong nội dung này cần xem xét vấn đề thành lập hệ thống ngân hàng dữ liệu về nước. Tại các ngân hàng dữ liệu này sẽ tiến hành việc cập nhật, lưu trữ thông tin để có thể cung cấp cho các nhu cầu của sản xuất, nghiên cứu và tiêu thụ nước. Thiếu thông tin là một trong những yếu tố làm giảm khả năng phòng ngừa ô nhiễm.

          Các nguồn thông tin, các tri thức khoa học về môi trường nước được đáp ứng đầy đủ sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước.

          · Nội dung 6: Tập trung cải tạo hệ thống cấp thoát nước ở các đô thị cũ, đông dân; tiêu chuẩn hoá hệ thống cấp, thoát nước nước xây dựng mới theo hướng hiện đại hoá.

          Bức xúc lớn nhất về nước tại các đô thị đã được xây dựng trước đây là hệ thống cấp thoát nước đã cũ nát, bị quá tải nặng nề. Việc sửa chữa, cải tạo từ trước đến nay diễn ra ở quy mô nhỏ và trung bình, thiếu đồng bộ, nên hiệu quả không cao. Trong giai đoạn 2001 - 2010, cần tập trung cải tạo đồng bộ, quy mô lớn hệ thống cấp, thoát nước cho các đô thị lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng.

          Đối với các đô thị mới, cần quy hoạch hệ thống cấp, thoát nước theo hướng hiện đại hoá; có cả khả năng chịu tải lớn và có dự trữ khả năng chịu tải trên cơ sở các dự báo về phát triển dân cư đô thị có độ tin cậy cao. Cần xem xét đến quy mô tối ưu của các khu đô thị trong điều kiện Việt Nam. Khi công nghệ thông tin đã phát triển như ngày nay, xu hướng phát triển chuỗi đô thị quy mô vừa và nhỏ sẽ mở ra lối thoát cho việc đảm bảo tính sinh thái cao của khu tập trung dân cư, tiết kiệm khi xây dựng và tránh quá tải cho công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống cấp thoát nước. Tiêu chuẩn hoá hệ thống cấp thoát nước theo hướng hiện đại phải được ban hành như một quy phạm thiết kế, thi công bắt buộc phải tuân thủ trong các quy hoạch đô thị mới.

            CSCT 2 . MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ.

          Môi trường không khí là một trong những thành phần môi trường rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như tất cả sinh vật trên Trái đất. Trong quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá, môi trường không khí ở nước ta ngày càng bị ô nhiễm, đặc biệt là ở vùng đô thị và công nghiệp nhiều nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách bảo vệ môi trường không khí.

  1.      Mục tiêu của CSCT1.

          · Mục tiêu hàng đầu của chính sách bảo vệ môi trường không khí là bảo đảm chất lượng môi trường không khí đạt tiêu chuẩn Việt Nam, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, giảm thiểu sự cố môi trường do ô nhiễm không khí và tiếng ồn gây ra;

          · Bảo đảm sự phát triển cân bằng các hệ sinh thái, đặc biệt là tránh ô nhiễm không khí gây suy thoái rừng và cây trồng trong nông nghiệp.v.v...;

          · Tham gia với cộng đồng quốc tế về Công ước biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ôzôn;

          · Ngăn chặn hiện tượng gây ra mưa axit trong qúa trình phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, phát triển giao thông và đô thị hoá, cũng như nguồn gốc gây mưa axit ở nước ta xuất phát từ các nước lân cận.

  1.      Các nội dung của CSCT2.

          · Nội dung 1: Bảo vệ môi trường không khí trong sản xuất công nghiệp.

          - Chính sách khuyến khích kết hợp với cưỡng chế các xí nghiệp cũ đổi mới công nghệ sản xuất hoặc di chuyển vào các khu công nghiệp.

          Công nghiệp cũ ở nước ta phần lớn được đầu tư xây dựng từ 1975 về trước, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường lớn. Do phát triển đô thị, nhiều nhà máy cũ đã nằm lọt vào trong nội thành, xen kẽ với dân cư. Vì vậy, đối với công nghiệp cũ đang hoạt động cần tiến hành kiểm kê lại nguồn thải ô nhiễm và thiết bị xử lý nguồn ô nhiễm của cơ sở sản xuất, tiến hành quan trắc đánh giá hiện trạng môi trường, sau đó lập kế hoạch giảm thiểu nguồn ô nhiễm. Tuỳ theo mức độ gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất mà thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý, như thay đổi công nghệ, hiện đại hoá công nghệ, trang bị lại hoặc trang bị mới các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường để đạt được tiêu chuẩn môi trường đã ban hành. Trong trường hợp cần thiết thì phải bắt buộc đóng cửa sản xuất hoặc di chuyển địa điểm đến các khu công nghiệp ở ngoại thành. Các nhà máy cũ hiện nay gặp khó khăn rất lớn là thiếu vốn đầu tư cho thiết bị xử lý môi trường. Nếu phải di chuyển thì lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, phải có chính sách khuyến khích như là ưu đãi cho vay vốn dài hạn, giảm thuế..v.v...

          - Chính sách bắt buộc các nhà máy mới đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch hơn.

          Đối với các dự án đầu tư mới cần phải quan tâm bảo vệ môi trường ngay từ khi lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi, quy hoạch và lựa chọn địa điểm xây dựng hợp lý, đến việc lựa chọn phương pháp công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến, trang bị đầy đủ các phương tiện xử lý nguồn thải ô nhiễm, đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường. Khuyến khích các nhà máy áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn. Cấm nhập khẩu thiết bị cũ. Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt báo cáo ĐTM đối với dự án và kiểm tra việc thực thi các giải pháp bảo vệ môi trường trong qúa trình vận hành.

          - Chính sách tiết kiệm sử dụng năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng sạch để giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

          Xã hội càng phát triển thì sử dụng năng lượng càng nhiều. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành năng lượng sẽ được ưu tiên phát triển hàng đầu. Sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch là nguồn phát thải các chất ô nhiễm môi trường không khí lớn nhất, (bụi, khí SO2, NO2, CO, CO2) và nhiệt lượng lớn. Chính sách tiết kiệm sử dụng năng lượng bao gồm các chính sách nâng cao hiệu suất sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, các lò đốt hơi công nghiệp, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp (sản xuất và sử dụng thiết bị tiêu hao ít năng lượng..v.v..) và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người dân.

          Ưu tiên phát triển thuỷ điện. Việt Nam là nước nhiệt đới có tiềm năng thuỷ điện phong phú. Tuy thuỷ điện sẽ sử dụng tài nguyên đất rất lớn, nhưng có ưu điểm đặc biệt là trong quá trình vận hành hầu như không phát thải các chất ô nhiễm môi trường không khí. Vì vậy, cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện (thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện vừa và thuỷ điện lớn)

          Việt Nam có nguồn tài nguyên khí tự nhiên rất lớn. Ưu điểm đặc biệt của gas là khi đốt, chúng sẽ hầu như không phát thải bụi và rất ít các khí thải ô nhiễm. Vì vậy cần phát triển nhanh công nghiệp khai thác và sản xuất khí tự nhiên  phục vụ  sản xuất năng lượng, đốt lò và đun nấu. Xây dựng các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu là khí tự nhiên, dùng khí tự nhiên trong các lò đốt công nghiệp, lò nung gạch - ngói, lò nung các đồ sành - sứ và tiến tới phổ biến rộng rãi việc dùng bếp gas trong sinh hoạt gia đình.

          Chuẩn bị cho việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử trong tương lai ở nước ta. Chất thải phóng xạ của các nhà máy điện nguyên tử là vô cùng nguy hiểm nhưng chỉ xuất hiện khi xảy ra sự cố, trong điều kiện hoạt động bình thường nhà máy điện nguyên tử chỉ thải lượng nhiệt làm nguội máy, gây ô nhiễm môi trường nước, không thải ra các chất ô nhiễm môi trường không khí.

          Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt và năng lượng thuỷ triều.

          · Nội dung 2: Chính sách bảo vệ môi trường không khí và tiếng ồn đối với giao thông vận tải.

          Giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn. Để giảm thiểu nguồn thải ô nhiễm từ giao thông vận tải cần phải thực hiện các chính sách:

          - Ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không quốc gia và địa phương, phát triển giao thông bằng xe điện trong các đô thị lớn và trong các chùm đô thị;

          - Khuyến khích phát triển giao thông công cộng. Hạn chế xe ôtô con tư nhân bằng cách bù giá cho giao thông công cộng và tăng cao lệ phí giao thông đối với xe ôtô con tư nhân;

          - Hạn chế dần và nhanh chóng chấm dứt nhập khẩu các loại xe cũ, có thể thực hiện điều này bằng chính sách đánh thuế cao với các xe cũ nhập khẩu;

          - Kiểm tra tất cả các xe sản xuất, lắp ráp trong nước, bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường mới cho bán ra thị trường;

          - Đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát chất lượng môi trường đối với mọi loại xe (về mức ồn của xe, lượng thải các chất khí ô nhiễm (SO2, CO, NO2, CmHn), lượng thải muội, khói, bụi, bụi chì). Chỉ cho lưu hành các xe đạt tiêu chuẩn môi trường.

          - Khuyến khích sử dụng xăng không pha chì, hạn chế dần dần và tiến tới không sử dụng xăng pha chì trong giao thông vận tải.

          · Nội dung 3: Xây dựng chính sách bảo vệ môi trường đối với các đô thị lớn và các khu công nghiệp lớn.

          Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá sẽ tạo nên các đô thị lớn và các khu công nghiệp rất lớn, trong đó ô nhiễm môi trường không khí do tác dụng tổng hợp của nhiều nguồn ô nhiễm gây nên. Nguồn thải công nghiệp và giao thông vận tải sẽ tập trung ở các đô thị và các khu công nghiệp này. Do đó mức ô nhiễm trầm trọng cũng như sự cố đối với môi trường không khí thường xảy ra ở đây.

          Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách bảo vệ môi trường chung cho các thành phố lớn và các khu công nghiệp lớn. Trong chính sách này cần xác định tổ chức, quy chế quản lý môi trường chung, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và sự đóng góp của từng cơ sở đối với công tác bảo vệ môi trường. Cần phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường các quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp lớn một cách chặt chẽ hơn.

          Trước hết, cần tập trung xây dựng chính sách bảo vệ môi trường cho các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các khu công nghiệp lớn mới hình thành.

          · Nội dung 4: Thực hiện các công ước bảo vệ môi trường không khí quốc tế.

          - Thực hiện Công ước biến đổi khí hậu.

          Có chính sách hợp tác quốc tế và đầu tư thích đáng về nhân lực và tài lực để thực hiện tốt chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu mà Tổng Cục khí tượng thuỷ văn đã xây dựng và trình Chính phủ.

          Có chính sách hạn chế phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” từ sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và từ các hoạt động sinh hoạt của con người, như là các khí CO2, CH4, CFC, N2O, NOX, CO.

          - Thực hiện Công ước bảo vệ tầng ôzôn.

          Có chính sách hợp tác quốc tế và đầu tư thích đáng nhân lực, vật lực và tài lực để thực hiện tốt Chương trình quốc gia về bảo vệ tầng ôzôn mà Tổng Cục khí tượng thuỷ văn đã xây dựng và trình Chính phủ.

          Có chính sách hạn chế dần dần việc sử dụng và vận chuyển các hoá chất làm suy yếu tầng ôzôn (ODS), như là các chất CFC (Clo - fluo - cacbon), CFM (Clo - fluo - metan), CH4Cl (Clo - metan), metyl - Clofom (CH3Cl), metyl bromua (CH3Br)..v.v..., chúng được phát thải từ công nghiệp làm lạnh, điều hoà không khí, tẩy rửa công nghiệp, sản xuất bọt xốp, bình cứu hoả..v.v...

          · Nội dung 5: Đầu tư phát triển và tự động hoá hệ thống mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí.

          Quan trắc thường xuyên để đánh giá diễn biến môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng, nó cung cấp các căn cứ khoa học cho việc xây dựng các chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội  của đất nước, cũng như kịp thời phát hiện sự cố môi trường không khí để thông báo cho nhân dân phòng tránh.

          Hiện nay ở nước ta mới chỉ có 17 trạm quan trắc và số điểm quan trắc phân bố rất thưa, tần suất quan trắc rất nhỏ (một năm chỉ có 4 lần quan trắc) nên số liệu quan trắc không đủ độ tin cậy, đặc biệt là đối với môi trường không khí. Các chất ô nhiễm môi trường không khí biến đổi rất nhanh theo thời gian và không gian. Cần phải nhanh chóng xây dựng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, quan trắc liên tục ở các thành phố lớn và khu công nghiệp lớn, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát hiện tượng mưa axit do ô nhiễm không khí ở trong nước cũng như ô nhiễm không khí từ các nước xung quanh lan truyền đến gây ra.

          · Nội dung 6: Hoàn thiện và bổ sung các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường không khí và tiếng ồn.

          Trong thời gian qua Nhà nước ta đã rất tích cực xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, nhưng so với yêu cầu của bảo vệ môi trường thì chưa đủ, một số văn bản đã ban hành vẫn chưa đạt mức hoàn thiện. Vì vậy, cần phải tiếp tục xây dựng các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường bổ sung các văn bản cũ, nhằm làm cho các văn bản pháp quy trở thành đồng bộ, khả thi.

          Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ban hành 20 tiêu chuẩn về không khí xung quanh và khí thải, 4 tiêu chuẩn về tiếng ồn, nhưng vẫn cần bổ sung và hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường không khí xung quanh và tiêu chuẩn giới hạn tối đa cho phép đối với các nguồn thải khí bụi, tiêu chuẩn tiếng ồn và chấn động. Cần nghiên cứu tiêu chuẩn môi trường không khí phân cấp theo vũng lãnh thổ và phân loại theo ngành sản xuất.

          CSCT 3 . PHÒNG NGỪA, KIỂM SOÁT, KHẮC PHỤC SỰ CỐ Ô NHIỄM DO CÁC HOÁ CHẤT ĐỘC HẠI.

  1.      Mục tiêu của CSCT3.

          · Phòng ngừa tích cực các tác động xấu của các hoá chất độc hại đến cuộc sống của nhân dân, đến các hoạt động phát triển sản xuất.

          · Khắc phục kịp thời, có hiệu quả các sự cố do các hoá chất độc hại gây ra.

  1.      Các nội dung của CSCT3.

          · Nội dung 1: Ban hành danh mục các hoá chất độc hại và thường xuyên cập nhật vào danh mục này các hoá chất độc hại mới được phát minh, sáng chế, hoặc mới xuất hiện, có khả năng gây ô nhiễm và quy định sử dụng, bảo quản nó một cách hợp lý.

          Thực tế ở Việt Nam đã có danh mục này, tuy nhiên việc thiếu cập nhật nó đã dẫn đến các hoá chất độc hại mới không được liệt kê. Mặt khác, do điều kiện bảo quản thiếu thốn mà các quy trình đã được đề ra cũng không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Việc buôn bán hoá chất (trong đó có hoá chất độc hại) hiện bị thả nổi trên thị trường.

          Nhất thiết phải thiết lập kỷ cương cho việc tàng trữ, sử dụng hoá chất độc hại. Nội dung này có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn - trong năm 2001, sau đó là quá trình thanh tra, kiểm tra để duy trì hiệu lực chính sách. Quá trình thực hiện chính sách này phải là việc làm thường xuyên, còn việc hoạch định chúng phải được làm dứt điểm, nhanh, gọn, chính xác.

          · Nội dung 2: Có chính sách hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất có tồn dư, độc hại trong sản xuất sản phẩm phục vụ sinh hoạt (lương thực, thực phẩm,...), nghiên cứu cảnh báo việc sử dụng sản phẩm thực phẩm biến đổi gen.

          Thực tế ở Việt Nam trong những năm gần đây việc sử dụng phân bón, hợp chất bảo vệ thực vật diễn ra trên diện rộng, biến một nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống thành một nền nông nghiệp vô cơ điển hình.

          Việc sử dụng hoá chất để bảo quản, chế biến, thực phẩm cũng ở tình trạng thiếu kiểm soát. Do đó, sự ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân là điều khó tránh khỏi và không nhỏ.

          Chính sách mà chúng ta đang đề cập đến thực chất sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Có thể xem đây là một việc phải làm ngay.

          Mặt khác, cùng với sự phát triển của công nghệ sinh học, nhiều sản phẩm thực phẩm có được qua sử dụng công nghệ biến đổi gen. Khoa học chưa xác nhận chắc chắn được những tác động xấu có thể có của loại sản phẩm này. Vì lẽ đó, Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu, ít nhất là ở mức độ trao đổi thông tin, để có thể có những chỉ dẫn đúng đắn cho việc sử dụng các sản phẩm biến đổi gen.

          · Nội dung 3: Ban hành chính sách bồi thường thiệt hại xảy ra do các hoá chất độc hại gây ô nhiễm.

          Trong chính sách này phải thể hiện được tính răn đe, tính đúng, tính đủ các thiệt hại, buộc các chủ nhân gây ô nhiễm do việc sử dụng các hoá chất độc hại của họ phải đền bù thoả đáng.

          · Nội dung 4: Khuyến khích việc sử dụng công nghệ ít sử dụng hoá chất độc hại.

          Quá trình phát triển của công nghệ đang mở ra khả năng thay thế các hoá chất độc hại ở đầu vào cuả chu trình công nghệ và hạn chế phát thải chất độc hại ở cuối chu trình công nghệ.

          Chính sách này được xây dựng để tạo ra hành lang pháp lý cho việc khuyến khích sử dụng công nghệ ít sử dụng hoặc phát thải hoá chất độc hại.

            CSCT 4. CHẤT THẢI RẮN ĐÔ THỊ VÀ CÔNG NGHIỆP.

  1.      Mục tiêu của CSCT4.

          · Ngăn chặn sự suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng tăng, trong đó có một phần quan trọng do chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp gây ô nhiễm.

          · Kiểm soát môi trường đối với các xí nghiệp hiện có. Đánh giá mức độ ô nhiễm do chất thải rắn mà xí nghiệp đó gây nên cho dân cư xung quanh nhằm giúp cơ quan có trách nhiệm đưa ra những quyết đúng đắn.

          · Xây dựng và quản lý hoạt động của hệ thống giám sát môi trường đô thị và khu công nghiệp nói chung và mạng lưới giám sát môi trường chất thải rắn nói riêng.

          · Tăng cường khả năng thu gom, xử lý chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp.

 

  1.      Các nội dung của CSCT4.

          · Nội dung 1: Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị - khu công nghiệp.

          Việc đánh giá này sẽ định hướng cho việc tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc nhất như: xác định được những cơ sở sản xuất có mức độ gây ô nhiễm cao, lượng thải lớn, độc hại.... Nó giúp cho các cơ quan quản lý có thể nắm được phạm vi ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, không gian ảnh hưởng của ô nhiễm. Ngoài ra, việc đánh giá này còn có thể tìm ra các giải pháp tối ưu đồng bộ trong việc xử lý, thu gom chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp ngoài biện pháp chôn lấp.

          · Nội dung 2: Tăng cường công tác quản lý hành chính.

          Bảo vệ môi trường chất thải rắn đô thị - khu công nghiệp thực chất là vấn đề quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp mà trong đó rác thải sinh hoạt là chủ yếu. Việc quản lý thu gom rác thải phải do các cơ quan quản lý hành chính các đô thị xem xét ra quyết định. Việc phân cấp quản lý môi trường chất thải rắn đô thị cần được hướng tới mục tiêu đảm bảo tính khả thi của chính sách. Các cấp quản lý Trung ương sẽ là cơ quan định hướng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực thu gom, chế biến, xử lý rác thải đô thị và khu công nghiệp tuỳ theo mức độ cấp thiết của từng vùng. Ngoài ra, cấp Trung ương sẽ là nơi điều phối việc chi ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường chất thải rắn của từng vùng kinh tế trong toàn quốc, của các đô thị trọng điểm. Các cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố quy định cụ thể về bảo vệ môi trường chất thải rắn đô thị. Do mỗi quyết định được ban hành đều có ảnh hưởng trực tiếp đến từng cư dân đô thị, cho nên cơ quan quản lý cấp cơ sở cần đảm bảo có sự tham gia đóng góp của nhân dân.

          · Nội dung 3: Xác lập cơ chế tài chính.

          Mọi hoạt động bảo vệ môi trường chất thải rắn đô thị đều cần có một cơ chế tài chính thích hợp. Chính sách tài chính cần phải tạo ra một nguồn tài chính vững chắc, ổn định cho hoạt động này. Các nguồn tài chính cần được đầu tư cho hoạt động này gồm:

          - Nguồn ngân sách Nhà nước: Hiện nay nguồn tài chính này vẫn là chủ yếu. Cần từng bước xoá bỏ tình trạng bao cấp trong việc thu gom rác, vận chuyển rác, trên cơ sở tính đúng, tính đủ mọi chi phí để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho ngành vệ sinh đô thị. Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ nên sử dụng có tính chất hỗ trợ cho những hoạt động bảo vệ môi trường ưu tiên, có định hướng. Nguồn đầu tư này nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân tập trung vốn hoặc xúc tiến đầu tư nước ngoài.

          - Trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” cơ quan quản lý môi trường phải tư vấn cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đề ra mức thu phí vệ sinh thu chất thải rắn đô thị phù hợp. Hiện nay mức thu lệ phí này chỉ rất nhỏ. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển trong khu vực  khoản thu lệ phí này phải chiếm khoảng 2 - 3% thu nhập đầu người. Chính sách thu lệ phí ô nhiễm nhằm xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp  đối với các chất thải do chính hoạt động của họ gây ra. Việc xác định mức đóng góp qua các khoản thuế được thực hiện theo những nguyên tắc sau:

  • Xác định chính xác khối lượng phế liệu sinh ra sẽ thải bỏ vào môi trường do những hoạt động của ngành kinh tế đó.
  • Xác định kiểu loại phế liệu sẽ thải vào môi trường và tác động của nó lên môi trường.

          - Nguồn tài chính do quá trình đầu tư nước ngoài: Việc đánh giá tác động môi trường của dự án đô thị - khu công nghiệp sẽ xác định được mức độ tác động đến môi trường của hoạt động dự án. Từ đó, cũng sẽ xác định được mức đóng góp của dự án cho hoạt động bảo vệ môi trường.

          - Nguồn tài chính cộng đồng: Nguồi tài chính này được thực hiện theo nguyên tắc “người được hướng lợi phải trả tiền”.

          · Nội dung 4: Khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nói chung, và hiện đại hoá công nghệ xử lý chất thải rắn nói riêng.

          - Nền kinh tế của nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các công nghệ cũ và lạc hậu gây nhiều ô nhiễm cho môi trường đang dần dần được thay thế. Nhà nước có chính sách khuyến khích sử dụng những công nghệ sạch hơn trong quá trình sản xuất. Các công nghệ sạch này bao gồm những dây chuyền sản xuất với ít chất thải rắn nhất, chất thải rắn thải ra ít độc hại (hoặc có thể tái sử dụng những chất thải rắn vào các mục đích sản xuất khác). Công nghệ tái chế này được hầu hết các quốc gia trên thế giới lưu tâm sử dụng trong qúa trình sản xuất.

          - Để xử lý chất thải rắn đô thị - khu công nghiệp, cần phải xây dựng những đề án, chương trình làm sạch môi trường chất thải rắn để có thể huy động được sự sáng tạo và tập trung được các sáng kiến kỹ thuật. Hiện nay, ở Việt Nam việc thu gom và phân loại rác thải đô thị chưa được xem như một vấn đề thiết yếu trong ngành vệ sinh đô thị. Toàn bộ khối lượng rác thải thường được đem chôn lấp. Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay, chắc chắn rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ khó có thể tìm ra một địa điểm chôn lấp đảm bảo an toàn cho môi trường. Phải xây dựng những nhà máy xử lý chất thải rắn. Từ những kết quả thử nghiệm về các nhà máy sản xuất phân rác vi sinh, cần rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, sản xuất với công suất cao hơn. Phải coi hoạt động thu gom, xử lý phế thải là một ngành nghề như các ngành kinh doanh khác, có chính sách tài chính ưu tiên hơn. Trước mắt cần tạo nguồn vốn cho ngành môi trường đô thị đổi mới các trang thiết bị để có thể bảo đảm quản lý được 100% lượng chất thải rắn đô thị - khu công nghiệp vào năm 2002.

            · Nội dung 5: Tăng cường nghiên cứu và trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật.

          - Cùng với sự biến đổi của nền kinh tế là sự đa dạng hoá sản phẩm. Các loại hình chất thải rắn cũng không ngừng biến đổi do đó cần phải liên tục tăng cường nghiên cứu các phương pháp quản lý, xử lý chất thải loại này đảm bảo an toàn cho môi trường. Cần thành lập ngân hàng dữ liệu thông tin về chất thải rắn, nhằm cập nhật những thông tin mới nhất và tăng cường khả năng trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này. Đưa nhanh các tiến độ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống.

          · Nội dung 6: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.

          - Hoạt động bảo vệ môi trường chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp là một hoạt động mang tính xã hội và nhân văn. Hoạt động này không thể thu được hiệu quả nếu không có sự tham gia tự giác của từng cư dân đô thị. Hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường có thể có rất nhiều, như tờ rơi, tranh cổ động, truyền thanh, truyền hình.... Hình thức được coi là cơ bản chính là xây dựng được ý thức sống đô thị cho những thế hệ sẽ tiếp nhận và quản lý xã hội sau này.

          Cần xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật cho nhân dân, đề ra những quy định cụ thể xử phạt trong việc làm ô nhiễm môi trường. Coi việc xử phạt này như một đòn bẩy kinh tế. Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố sẽ nghiên cứu đề ra mức xử phạt hành chính cụ thể, thích đáng và phổ biến rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Chính quyền các cấp cơ sở (xã, phường) là cơ quan thực hiện. Với một chính sách xã hội triệt để, kiên quyết sẽ tạo được ý thức tự giác về bảo vệ môi trường đô thị, tránh được những tác động tiêu cực của chất thải do chính bản thân con người tạo ra.

            CSCT 5. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HIỂM.

          Chất thải nguy hiểm là những chất có chứa các độc tố, hoặc dễ cháy, dễ nổ, ăn mòn hay chứa phóng xạ. Chúng có thể gây ra hiểm hoạ trước mắt hoặc hậu quả lâu dài đối với sức khoẻ con người và môi trường. Tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các chất thải độc hại có thể gây ra ngộ độc chết người, gây các bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư và các khuyết tật ở trẻ sơ sinh. Chất thải nguy hiểm có thể phát sinh từ sản xuất công nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật...) và từ sinh hoạt đô thị (bệnh viện...), trong đó nguồn phát sinh chất thải nguy hiểm chủ yếu là sản xuất công nghiệp. Công nghiệp càng phát triển thì chất thải nguy hiểm càng nhiều. Năm 1995, Việt Nam đã ký cam kết là thành viên của Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và tiêu huỷ chất thải nguy hiểm. Vì những lý do trên Nhà nước ta cần phải có chính sách quản lý chất thải nguy hiểm.

  1.      Mục tiêu của CSCT 5.

          Chính sách quản lý chất thải nguy hiểm nhằm ba mục đích sau đây:

          - Phòng tránh các tác động của chất thải nguy hiểm để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và an toàn của các hệ sinh thái;

          - Quản lý nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hiểm từ điểm phát sinh chất thải, vận chuyển, cất chứa, xử lý đến giai đoạn đổ bỏ cuối cùng;

          - Thực hiện Công ước Basel.

  1.      Các nội dung của chính sách quản lý chất thải nguy hiểm.

          · Nội dung 1: Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm về quản lý chất thải nguy hiểm, tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát chúng.

          Trong nội dung này cần thiết lập:

          - Quy định chất thải nào là chất thải nguy hiểm (thành phần hoá học, tính chất vật lý, hàm lượng độc tố, phóng xạ..v.v...);

          - Quy trình kiểm tra, kiểm soát chất thải nguy hiểm tại nơi phát sinh;

          - Tiêu chuẩn kỹ thuật về vận chuyển và lưu giữ chất thải nguy hiểm.

          - Tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đổ bỏ chất thải nguy hiểm.

          · Nội dung 2: Tiến hành kiểm kê và đăng ký chất thải nguy hiểm đối với mọi ngành sản xuất có phát sinh chất thải nguy hiểm.

          - Cần phải tiến hành kiểm kê tất cả chất thải nguy hiểm trong phạm vi cả nước để biết chính xác hiện nay ở nhà máy nào, cơ quan nào có phát sinh chất thải nguy hiểm, chất thải nguy hiểm gì, số lượng và tính chất của chúng, kỹ thuật vận chuyển và phương pháp thải bỏ chúng hiện nay ra sao.

          - Yêu cầu các nhà máy, cơ quan phát sinh chất thải nguy hiểm phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý môi trường về số lượng, tính chất, chủng loại, cách lưu giữ và thải bỏ chất thải nguy hiểm.

          - Cơ quan quản lý môi trường tiến hành kiểm tra và cấp giấy phép về chất thải nguy hiểm cho các nhà máy, cơ quan đạt các tiêu chuẩn và quy định về quản lý chất thải nguy hiểm.

          · Nội dung 3: Chính sách cưỡng chế kết hợp với khuyến khích để giảm thiểu chất thải nguy hiểm từ nguồn phát sinh.

          - Sử dụng nguyên vật liệu ít độc hại thay cho nguyên vật liệu độc hại;

          - Khuyến khích cải tiến hay thay đổi công nghệ sản xuất để giảm thiểu chất thải nguy hiểm;

          - Áp dụng công nghệ phân tích để thu hồi, tái sử dụng, tái chế chất thải nguy hiểm;

          - Các nhà máy, xí nghiệp có phát sinh chất thải phải xây dựng được quy chế và kế hoạch quản lý chất thải nguy hiểm.

          · Nội dung 4: Chính sách ưu tiên đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển xử lý và thải bỏ chất thải nguy hiểm.

          - Để bảo đảm an toàn sức khoẻ công nhân vệ sinh và nhân dân xung quanh cần trang bị các thiết bị thu gom và vận chuyển chuyên dụng đối với chất thải nguy hiểm, tránh rơi vãi, rò rỉ trên đường vận chuyển.

          - Việc huỷ bỏ chất thải nguy hiểm cần đúng kỹ thuật an toàn, chôn lấp không để thẩm thấu chất độc hại, bê tông hoá hay đốt chúng với nhiệt độ rất cao.

          · Nội dung 5: Thực hiện Công ước Basel cấm nhập khẩu và xuất khẩu hoặc vận chuyển chất thải nguy hiểm qua biên giới theo đúng các điều khoản của Công ước Basel.

          · Nội dung 6: Tăng cường nhân lực và thiết bị quan trắc và phân tích chất thải nguy hiểm đối với các cơ quan quản lý và các trung tâm hay viện nghiên cứu khoa học làm nhiệm vụ kiểm soát chất thải nguy hiểm.

          Việc kiểm soát chất thải nguy hiểm cần phải có chuyên gia có trình độ và trang thiết bị đo lường phân tích hiện đại. Vì vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ kiểm soát chất thải nguy hiểm cần có chính sách ưu tiên đào tạo chuyên gia và đầu tư thiết bị kiểm soát chất thải nguy hiểm cho các cơ quan này.

          · Nội dung 7: Tăng cường công tác truyền thông và phổ cập thông tin đối với tất cả cán bộ quản lý môi trường, đối với tất cả những người sản xuất cũng như đối với quảng đại nhân dân về các hoá chất độc hại và chất thải nguy hiểm, phương pháp phòng tránh tác hại của chất thải nguy hiểm. Nâng cao nhận thức cho mọi người để thực hiện tốt pháp luật, tiêu chuẩn và các quy chế quản lý chất thải nguy hiểm.

            CSCT - 6. SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 6.

          · Khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố môi trường có thể có, trong đó đặc biệt phải quan tâm đến: sự cố cháy nổ, sự cố môi trường do thiên tai, sự cố tràn dầu.

          · Từng bước hiện đại hoá cả về tổ chức và phương tiện cứu chữa sự cố.

  1.      Các nội dung của CSCT 6.

          · Nội dung 1: Tổ chức việc nghiên cứu dự báo khả năng xảy ra sự cố, đề xuất giải pháp cứu chữa, chuẩn bị các phương án ứng phó, bao gồm cả việc luyện tập ứng phó.

          Đặc biệt cần ưu tiên việc nghiên cứu dự báo cho các đối tượng sau: Lũ lụt, bão lốc, sạt lở, sụt lún, nứt đất. Xu thế tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng này ở Việt Nam đã thể hiện khá rõ ràng trong những năm gần đây.

          · Nội dung 2: Trang bị theo hướng đi thẳng vào công nghệ cao các thiết bị phục vụ công tác đo ghi, dự báo.

          · Nội dung 3: Đối với các sự cố môi trường xảy ra thường xuyên (hoặc khá thường xuyên) như cháy, nổ, cần chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị ứng phó từng bước hiện đại hoá, có chế độ ứng trực, tập luyện thường xuyên. Nguyên tắc xây dựng lực lượng này là tăng cường khả năng tại chỗ; dành ưu tiên cao cho khu tập trung dân cư, khu vực kinh tế trọng điểm.

          · Nội dung 4: Nghiên cứu các phương pháp kiểm soát, khắc phục sự cố tràn dầu và nhanh chóng xây dựng đội cứu hộ trên biển theo đề xuất ở CSCT 9.

 

PHẦN II

CHÍNH SÁCH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG MỘT SỐ ĐỊA BÀN ĐẶC TRƯNG

 

         

         

          Môi trường các địa bàn đặc trưng được nói đến ở đây được lựa chọn theo quan điểm ưu tiên của chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2001 - 2010, bao gồm:

          · Môi trường đô thị và khu công nghiệp.

          · Môi trường nông thôn và vùng sản xuất nông nghiệp.

          · Môi trường biển và ven bờ.

          · Xanh hoá môi trường, tăng độ che phủ.

          Cần phải nói rõ rằng, trong phần này chúng ta sẽ chỉ đề cập đến ở đây những chính sách để cải thiện môi trường, vì các chính sách phòng ngừa, kiểm soát, bảo tồn sử dụng hợp lý tài nguyên, các chính sách hỗ trợ đã và sẽ được trình bày ở các phần khác nhau của báo cáo này.

            CSCT 7.  MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP.

  1.      Mục tiêu CSCT 7.

          · Cải thiện được một bước chất lượng môi trường các đô thị lớn và các khu công nghiệp hiện đang chịu sự ô nhiễm nặng.

          · Chống xuống cấp môi trường ở tất cả các đô thị và khu công nghiệp đang có hiện trạng môi trường đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

          · Lượng định các vấn đề môi trường khi quy hoạch xây dựng mới.

  1.      Các nội dung CSCT 7.

          · Nội dung 1: Tiến hành việc đánh giá môi trường các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị mới, khu công nghiệp.

          Cần thiết phải đánh giá hiệu ứng gộp tác động của tất cả các hạng mục xây dựng, các dự án, các khu công nghiệp được phát triển trên cùng một địa bàn. Mặt khác, phải quan tâm đến tiến độ xây dựng hợp lý khi thiết kế; đến tính đồng bộ của các công trình. Cần phải lập lại trật tự xây dựng, sửa chữa trong thành phố.

          · Nội dung 2: Giám sát chặt chẽ biến động môi trường các đô thị, khu công nghiệp thông qua các trạm quan trắc cố định và di động; kịp thời và kiên quyết xử lý các nguồn gây ô nhiễm mạnh.

          · Nội dung 3: Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

          Điều này đã được nói đến và thực hiện với một tốc độ chậm chạp khó chấp nhận được ở nước ta.

          · Nội dung 4: Xanh hoá các đô thị bằng việc trồng cây, dành diện tích công viên, mặt nước thoả đáng.

          · Nội dung 5: Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của phong trào gia đình văn hoá mới, trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu thi đua về môi trường. Khuyến khích các thoả ước tự nguyện về môi trường. Nên phát động ngày vệ sinh môi trường hàng tuần ở khắp các đô thị và duy trì nó một cách liên tucj, biến nó thành nếp sống của người thành phố.

          · Nội dung 6: Thực thi các quy định xử phạt người gây ô nhiễm đường phố, khu vực công cộng.

          · Nội dung 7: Phát triển mạng giao thông công cộng tại các thành phố, với các phương tiện giao thông hiện đại, ít gây ô nhiễm (tàu điện bánh hơi, tàu điện ngầm, xe buýt)

          · Nội dung 8: Nếu không thực hiện nội dung này thì các nội dung nói trên sẽ không khả thi: phải tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý (cấp thành phố, quận, phường), nâng cao ý thức sống theo pháp luật của cộng đồng dân cư và các nhà chức trách.

          CSCT 8. MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN VÀ KHU VỰC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP .

  1.      Mục tiêu của CSCT 8.

          · Cải thiện được một bước chất lượng môi trường các vùng nông thôn đã bị ô nhiễm (trong các làng nghề, khu vực úng trũng,...).

          · Chống xuống cấp môi trường ở đại bộ phận khu vực nông thôn mà hiện nay tình trạng môi trường còn rất tốt; bước đầu nâng cao chất lượng môi trường cho vùng nông thôn rộng lớn của Việt Nam.

  1.      Các nội dung của CSCT 8.

          · Nội dung 1: Ngành môi trường tiến hành kiểm kê các làng nghề đã bị ô nhiễm nặng nề trong phạm vi cả nước; đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục. Đặc biệt chú ý đến sự ô nhiễm kim loại nặng ở các làng nghề.

          · Nội dung 2: Phối hợp giữa các ngành, các cấp để việc phát triển nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp diễn ra theo quy hoạch tổng thể, dài hạn. Điều này có nghĩa là phải thực hiện quy hoạch phát triển đến cấp xã.

          · Nội dung 3: Ngành môi trường phối hợp với ngành nông nghiệp ban hành quy trình sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và giám sát việc thực thi quy trình ở các vùng sản xuất nông nghiệp.

          · Nội dung 4: Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng, kinh tế - sinh thái, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng làng xã vào sự nghiệp bảo vệ môi trường.

          · Từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng nông thôn theo phương thức Nhà nước là nhân dân cùng làm.

            CSCT 9. MÔI TRƯỜNG BIỂN.

  1.      Mục tiêu của CSCT 9.

          · Gìn giữ sự ổn định môi trường và cân bằng sinh thái cho vùng biển của Việt Nam.

          · Cải thiện một bước chất lượng môi trường các vùng ven bờ biển đã bị ô nhiễm do hoạt động của các cảng biển, khu du lịch, tìm kiếm và khai thác dầu khí.

          · Hội nhập với Công ước quốc tế về biển.

  1.      Các nội dung của CSCT 9.

          · Nội dung 1: Phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng quy hoạch tổng thể từ quy mô cả nước đến quy mô vùng và địa phương, trong đó bảo vệ môi trường được xem là một yếu tố để lựa chọn phương án.

          · Nội dung 2: Khoanh định các khu vực môi trường biển bị suy thoái, đề xuất và thực hiện việc phục hồi.

          · Nội dung 3: Xây dựng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên biển, đảo biển, vùng ngập mặn ven biển để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù.

          · Nội dung 4: Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ đất liền, ban hành chỉ dẫn những địa điểm, quy mô và tiêu chuẩn cho phép có thể đổ chất thải đã xử lý xuống biển một cách hạn chế, cũng như những vùng cấm triệt để việc đổ chất thải xuống biển.

          · Nội dung 5: Nhà nước cần ban hành hướng dẫn thực hiện Công ước Marpol (1973 - 1978); Công ước Basel (1989).

          · Nội dung 6: Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức mạng lưới ứng cứu sự cố trên biển, trong đó có các sự cố môi trường.

          · Nội dung 7: Đánh giá hiện trạng và phát hiện tác động xấu đến môi trường của các hoạt động sản xuất ven bờ biển (nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, lấn biển...), hoạt động du lịch, hoạt động của các cảng biển, hoạt động khai thác tài nguyên. Đề xuất và thực hiện giải pháp khôi phục nếu thấy cần thiết.

          · Nội dung 8: Mở rộng hợp tác quốc tế về biển, đặc biệt là với các quốc gia chung quanh biển đông.

          CSCT 10. “XANH HOÁ” ĐẤT NƯỚC, TĂNG CƯỜNG ĐỘ CHE PHỦ THỰC VẬT.

  1.      Mục tiêu CSCT 10.

          · Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trồng cây, gây rừng, nhằm tăng cường độ che phủ thực vật, tạo ra lá phổi xanh, bảo vệ cuộc sống và sự cân bằng sinh thái của đất nước.

          · Phát triển ngành trồng rừng thành một ngành công nghiệp, vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường.

  1.      Các nội dung của CSCT - 10.

          · Nội dung 1: Tiếp tục mạnh mẽ các chương trình của ngành lâm nghiệp, bằng cách phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện việc hiệu chỉnh các chính sách giao rừng, trồng rừng hợp với thực tế và lòng dân, để khuyến khích việc trồng rừng, chăm sóc rừng hoặc quản lý rừng. Đặc biệt chú trọng đến các chính sách bảo tồn rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

          · Nội dung 2: Tăng chỉ tiêu diện tích cây xanh, mặt nước, công trình công cộng và cảnh quan một cách hợp lý trên tổng diện tích đất xây dựng các công trình, đặc biệt ở đô thị và khu công nghiệp.

          · Nội dung 3: Tiếp tục và phát huy lên một tầm cao mới về tổ chức, thực hiện phong trào trồng cây do Bác Hồ đã phát động, biến nó thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

          · Nội dung 4: Phát triển kinh tế rừng thành một ngành kinh tế có giá trị cao, bao gồm trồng rừng, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; khai thác các nguồn lợi khác từ rừng và chế biến sản phẩm, từ thực phẩm, hương liệu, vật liệu đến khai thác nguồn gen. Lợi nhuận thu được sẽ được đầu tư hợp lý, trả lại cho rừng quá trình sinh tồn và phát triển bền vững.

 

 

 

 

 

PHẦN III

CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ

SỬ DỤNG HỢP LÝ  TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

 

 

            CSCT 11. TÀI NGUYÊN ĐẤT.

  1.      Mục tiêu CSCT 11.

          · Sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên đất theo quan điểm phát triển bền vững, nghĩa là nâng cao khả năng sinh lời từ đất, nhưng không làm cạn kiệt, thoái hoá đất.

          · Từng bước giải quyết tốt hơn những tồn đọng có tính lịch sử trong việc phân quyền sở hữu và sử dụng đất đai, một mặt làm lành mạnh hoá những mối quan hệ xã hội gắn với đất đai, mặt khác xác định chủ nhân của từng diện tích đất và gắn liền với quyền lợi khai thác từ đất là nghĩa vụ của họ với đất.

  1.      Các nội dung của CSCT 11.

          · Nội dung 1: Giao đất cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài, tạo cho các chủ nhân của đất dưới sự bảo trợ chắc chắn của pháp luật, tăng cường đầu tư làm tăng độ màu mỡ của đất cùng với quá trình tăng thu nhập từ đất.

          · Nội dung 2: Lập quy hoạch sử dụng đất trên phạm vi quốc gia, và các địa phương. Quy hoạch này phải được điều chỉnh một cách tối ưu theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy hoạch sử dụng đất cần phối hợp hài hoà với quy hoạch bảo vệ môi trường đất; tạo ra sự cân đối giữa kinh tế và môi trường.

          · Nội dung 3: Có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vốn để sử dụng công nghệ ít gây ô nhiễm trong quá trình làm tăng khả năng sinh lời từ đất.

          · Nội dung 4: Thực hiện việc khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh, tăng vụ để có năng suất cao, hạn chế dịch bệnh, sâu hại. Từng bước hạn chế việc sử dụng phân hoá học, hoá chất bảo vệ thực vật, các loại thuốc kích thích tăng trưởng không đúng quy cách, quá liều lượng. Sản phẩm nông nghiệp sạch cũng là một giải pháp để nâng cao giá thành và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

          · Nội dung 5: Tiếp tục việc giao đất, giao rừng để rừng có chủ thực sự. Khuyến khích việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vùng hoang hoá, vùng đất cát di động ven biển.

          · Nội dung 6: Thực hiện Công ước Ramsar bảo vệ hệ sinh thái vùng đất ngập nước.

          · Nội dung 7: Phòng ngừa, hạn chế các sự cố môi trường đất: động đất, nứt đất, sạt lở, lũ quét, úng lụt, sa mạc hoá, đá ong hoá đất trồng.

          · Nội dung 8: Điều chỉnh mật độ dân cư  bằng chính sách di dời dân chủ động, nhằm phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý trên phạm vi toàn lãnh thổ.

            CSCT 12.  TÀI NGUYÊN RỪNG.

  1.      Mục tiêu CSCT 12.

          · Bảo tồn các khu rừng đã được công nhận là di sản tự nhiên quốc gia.

          · Giữ gìn sự ổn định môi trường, cân bằng sinh thái, góp phần tái tạo phần diện tích rừng đã bị suy thoái, huỷ diệt.

  1.      Các nội dung của CSCT 12.

          · Nội dung 1: Khoanh định và bảo vệ rừng đặc dụng bằng những biện pháp hữu hiệu, trong đó chú ý đặc biệt đến việc tạo lập các vùng đệm, tạo lập công văn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân ở các vùng đệm.

          · Nội dung 2: Quy hoạch tối ưu diện tích rừng phòng hộ, hạn chế tối đa việc tác động vào rừng phòng hộ. Đối với dân cư sống trong diện tích rừng phòng hộ, cần giúp đỡ họ trong việc tạo lập cuộc sống, được hưởng lợi từ việc trồng, chăm sóc, quản lý rừng phòng hộ.

          · Nội dung 3: Khuyến khích việc trồng rừng trên diện tích đất trống, đồi núi trọc, phát triển các khu rừng sản xuất; tăng cường việc khai thác và chế biến các sản phẩm phi gỗ của rừng.

          · Nội dung 4: Phát triển các nguồn năng lượng thay thế việc dùng củi.

          · Nội dung 5: Đưa nhanh các tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc trồng, chăm sóc, quản lý rừng cũng như nâng cao trình độ chế biến, tạo sức cạnh tranh của các lâm sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

          · Nội dung 6: Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nếu mỗi người dân nhận thức được rừng là lá phổi bảo vệ muôn loài, nhiều tai hoạ sẽ ập xuống rất nhanh chóng cùng với sự thu hẹp diện tích rừng, thì các chính sách bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng mới thực sự có hiệu lực.

            CSCT 13.  TÀI NGUYÊN NƯỚC.

  1.      Mục tiêu của CSCT 13.

          · Sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong đời sống và sản xuất, đảm bảo an toàn nước quốc gia cả trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

          · Giảm chi phí cung cấp nước, tiết kiệm công quỹ bằng việc chia sẻ nghĩa vụ về nước giữa Nhà nước và cộng đồng.

  1.      Các nội dung chính của CSCT 13.

          · Nội dung 1: Quy hoạch tổng thể việc sử dụng nguồn nước trên phạm vi toàn lãnh thổ, cho thời gian khoảng 10 đến 20 năm; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

          · Nội dung 2: Giảm thất thoát việc cấp nước sạch ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Trong giai đoạn 2001 - 2010 cần tập trung nâng cấp hệ thống cấp thoát nước cho các thành phố lớn theo hướng hiện đại hoá, đồng thời xem xét việc tăng giá nước sạch để bù đắp chi phí, nâng cao nhận thức của người dùng nước, tránh lãng phí nước.

          · Nội dung 3: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao với việc sử dụng nước theo chu kỳ kín, tái sử dụng nước thải.

          · Nội dung 4: Hiện đại hoá hệ thống tưới tiêu nước nông nghiệp một cách có quy hoạch, nâng cao hệ số sử dụng.

          Phải nêu ra ở đây rằng, nông nghiệp là hộ tiêu thụ lớn nhất trong các hộ tiêu thụ nước chính của Việt Nam. Hệ số hiệu dụng nước trong nông nghiệp là rất thấp. Hiện đang có phong trào cứng hoá kênh mương nội đồng, nhưng xuất hiện vấn đề không ổn thoả là: Nhờ chính sách khoán 10, nông nghiệp Việt Nam có bước tiến lớn, nhưng cũng do khoán 10, ruộng đất nông thôn bị xé lẻ - như tấm áo da báo. Nếu cứng hoá kênh mương trên cơ sở để cấp nước cho tấm áo này thì đến một lúc nào đó (không xa lắm) sẽ gặp khó khăn trong cơ khí hoá, tự động hoá sản xuất nông nghiệp. Cái sự phá đi, làm lại tốn kém chắc chắn sẽ diễn ra.

          Do đó, việc hiện đại hoá hệ thống tưới tiêu phải được quy hoạch trong một tầm nhìn dài hạn và tổng thể.

          · Nội dung 5: Xúc tiến các chương trình vận động tiết kiệm nước.

          · Nội dung 6: Xúc tiến thiết lập sự hợp tác sử dụng các dòng sông xuyên biên giới. Thiếu việc chuẩn bị này, Việt Nam sẽ không có khả năng tự chủ hoàn toàn về nước, vì khoảng trên 50% các lưu vực lớn cấp nước vào Việt Nam nằm ở ngoài biên giới.

                CSCT 14.  SỬ DỤNG HỢP LÝ KHOÁNG SẢN .

  1.      Mục tiêu của CSCT 14.

          · Chống lãng phí khoáng sản dưới mọi hình thức (khai thác, sử dụng, xuất nhập khẩu).

          · Tích cực tìm kiếm, đánh giá, nâng cấp trữ lượng khoáng sản quốc gia.

          · Hiện đại hoá công nghệ ở các khâu tìm kiếm, khai thác, sử dụng khoáng sản, nhằm hạ giá thành tìm kiếm, khai thác, tăng giá trị sử dụng.

  1.      Các nội dung của CSCT 14.

          · Nội dung 1: Kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản, lựa chọn giải pháp sử dụng tối ưu, đề ra chiến lược sử dụng khoáng sản.

          · Nội dung 2: Hiện đại hoá công nghệ tìm kiếm, khai thác để một mặt hạ giá thành, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, mặt khác tận thu khoáng sản bằng cách nâng cao hệ số khai thác.

          · Nội dung 3: Cải thiện theo hướng hiện đại hoá các ngành sản xuất mà đầu vào là các khoáng sản, để tăng hiệu quả sử dụng khoáng sản.

          · Nội dung 4: Hạn chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến, giá thành thấp, đồng thời tích cực nâng cao khả năng ngành chế biến khoáng sản từ nguyên liệu thô có sẵn trong nước.

          · Nội dung 5: Có chính sách ưu tiên đầu tư, đa dạng nguồn vốn để khai thác các khoáng sản có giá trội trên thị trường khoáng sản thế giới, để khai thác triệt để thị trường, tăng nguồn thu từ việc buôn bán khoáng sản.

            CSCT 15. SỬ DỤNG TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 15.

          · Sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng.

          · Phát triển việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, có thể tái sinh.

  1.      Các nội dung CSCT 15.

          · Nội dung 1: Có chính sách về việc quy hoạch tổng thể việc sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng; tương xứng với nhu cầu phát triển của đất nước.

          · Nội dung 2: Thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng trong cả sinh hoạt và sản xuất bằng tổ hợp các giải pháp tiên tiến.

          · Nội dung 3: Giảm đến mức có thể tổn thất điện năng trên mạng cung cấp điện, thông qua các giải pháp kỹ thuật.

          · Nội dung 4: Khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái sinh: thuỷ điện, phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt,...

          · Nội dung 5: Cần có sự cân nhắc nghiêm túc việc chiếm dụng đất, di dời dân trong các ĐTM dự án thuỷ điện theo quan điểm tính đúng, tính đủ chi phí - lợi ích.

          · Nội dung 6: Giảm dần các cơ sở sản xuất năng lượng gây ô nhiễm (nhà máy nhiệt điện, bếp gia đình đun củi,...), thay thế chúng bằng các hình thức tạo năng lượng sạch hơn.

          · Nội dung 7: Khẳng định dứt khoát về việc phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam theo quan điểm môi trường.

          CSCT 16.  BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN BIỂN VÀ VEN BỜ .

  1.      Mục tiêu của CSCT 16.

          · Bảo tồn sự đa dạng sinh vật biển, khai thác các nguồn lợi sinh vật biển một cách hợp lý, đảm bảo quá trình tái tạo, bù đắp của các hệ sinh thái.

          · Tăng cường quá trình nghiên cứu biển và đại dương, trong đó có việc đánh giá chính xác tiềm năng biển của Việt Nam.

  1.      Các nội dung của CSCT 16.

          · Nội dung 1: Nhà nước quản lý thống nhất các nguồn lợi sinh vật trên biển, có kế hoạch bảo vệ, phát triển nguồn lợi sinh vật biển và môi trường sống của chúng; phân phối lợi ích hợp lý đối với ngư dân, để tăng mức sống của họ.

          · Nội dung 2: Nghiên cứu giải pháp xác định chủ quyền mặt nước ven bờ biển cho các tổ chức, cá nhân, xúc tiến việc đầu tư ổn định, lâu dài.

          · Nội dung 3: Kiểm soát ngư cụ và các phương tiện đánh bắt thuỷ sản, cấm triệt để các phương pháp đánh bắt mang tính huỷ diệt môi trường.

          · Nội dung 4: Phát triển việc nuôi trồng thuỷ hải sản vùng ven bờ một cách hợp lý, không vượt quá ngưỡng chịu tải môi trường.

          · Nội dung 5: Hạn chế việc khai thác quá mức vùng biển nông, biển ven bờ, cấm phá huỷ rừng ngập mặn, các sinh cảnh đặc biệt; khuyến khích việc đánh bắt hải sản xa bờ.

          · Nội dung 6: Kiểm soát việc xuất nhập khẩu hải sản, cấm đánh bắt, buôn bán hải sản quý hiếm.

          · Nội dung 7: Phát triển công nghiệp chế biến hải sản.

          · Nội dung 8: Nhà nước có chiến lược đầu tư, kinh doanh việc khai thác các nguồn lợi khác từ biển như dầu khí, các khoáng sản khác. Hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm thô, giá thành thấp.

          CSCT 17. CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ DI SẢN THIÊN NHIÊN.

  1.      Mục tiêu của CSCT 17.

          · Bảo vệ và gìn giữ đa dạng sinh học phù hợp với quy luật phát triển nội tại của tự nhiên và nhân văn.

          · Khai thác một cách hợp lý tài nguyên sinh học .

  1.      Các nội dung của CSCT 17.

          · Nội dung 1: Rà soát lại các khu bảo tồn thiên nhiên đã có, bổ sung các khu vực có ý nghĩa sinh học vào hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, nâng diện tích toàn bộ lên khoảng 2 triệu ha (hiện nay mới đạt mức 1 triệu ha).

          · Nội dung 2: Thiết lập cơ chế quản lý, phát triển hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

          · Nội dung 3: Đầu tư tích cực các công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu bảo tồn và khai thác các nguồn gen, đặc biệt các nguồn gen quý hiếm - đặc hữu. Công nghiệp sinh học cần được hỗ trợ mạnh mẽ ở Việt Nam, tính đa dạng sinh học có sẵn là tiền đề quan trọng để phát triển nó.

          · Nội dung 4: Xây dựng ngân hàng gen quốc gia.

          · Nội dung 5: Mở rộng hợp tác quốc tế, tận dụng khả năng của các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học, đầu tư tài chính, phục vụ công tác bảo tồn các di sản tự nhiên.

 

PHẦN IV

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

 

 

 

 

        CSCT 18. TĂNG CƯỜNG VÀ ĐA DẠNG HOÁ ĐẦU TƯ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 18.

          · Coi chính sách đầu tư cho môi trường là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển, và cần tăng cường và đa dạng hoá trong giai đoạn 2001 - 2010.

          · Hỗ trợ việc triển khai nhanh chóng kế hoạch hành động môi trường, giai đoạn 2001 - 2005.

          · Tăng cường hoạt động điều phối đầu tư cho môi trường.

  1.      Các nội dung của CSCT 18.

          · Nội dung 1: Ưu tiên đầu tư cho các chương trình quốc gia có ý nghĩa lồng ghép chính sách môi trường với chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

          · Nội dung 2: Tăng cường đầu tư để phát triển năng lực quản lý Nhà nước trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; lấy việc thành lập cơ quan quản lý môi trường nước theo lưu vực làm đối tượng ưu tiên trong giai đoạn 2001 - 2005.

          · Nội dung 3: Đầu tư nâng cao năng lực kiểm soát môi trường, tạo lập mạng thông tin môi trường tin cậy.

          · Nội dung 4: Tập trung đầu tư xây dựng cơ quan quản lý môi trường địa phương và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý môi trường ở tất cả các cấp.

          · Nội dung 5: Đầu tư thoả đáng cho việc nghiên cứu và ban hành hệ thống các chính sách môi trường quốc gia.

          · Nội dung 6: Thực hiện chính sách đa dạng hoá các nguồn đầu tư, tích cực vận động tài trợ không hoàn lại, xem xét để tăng mức đầu tư từ ngân sách đạt mức 2 - 3% cho môi trường; tận dụng năng lực cộng đồng.

          · Nội dung 7: Nâng cao hiệu quả thực tế của đầu tư cho môi trường, chống tham nhũng, lãng phí.

          · Nội dung 8: Đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư tài chính, công nghệ, trí tuệ vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

          ­ Nội dung 9: Nghiên cứu đổi mới cơ chế cấp phát, sử dụng, thanh quyết toán tài chính theo hướng hiện đại hoá, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo tính chặt chẽ, thuận tiện cho các loại đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

          CSCT 19. NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG .

  1.      Mục tiêu của CSCT 19.

          · Hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường.

          · Nâng cao năng lực về khoa học môi trường và khoa học quản lý cho cán bộ môi trường các cấp.

          · Tổ chức tốt hơn hệ thống cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ môi trường.

          · Khởi tạo ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam.

  1.      Các nội dung của CSCT 19.

           · Nội dung 1: Nâng cấp Cục Môi trường để tương xứng với trọng trách to lớn mà nhiệm vụ quản lý Nhà nước đòi hỏi.

          · Nội dung 2: Thành lập cơ quan quản lý môi trường cấp huyện.

          · Nội dung 3: Tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao, đào tạo lại các công chức môi trường ở các cấp.

          · Nội dung 4: Cần quy hoạch và xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu môi trường của Nhà nước đủ mạnh, khuyến khích các cơ sở nghiên cứu môi trường ngoài công lập hoạt động.

          · Nội dung 5: Xem xét việc đưa các công ty môi trường đô thị của các thành phố lớn về trực thuộc các sở khoa học, công nghệ và môi trường. Có chính sách hỗ trợ cho sự ra đời và phát triển các doanh nghiệp môi trường, hoạt động trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp.

          · Nội dung 6: Đan dày hợp lý và từng bước hiện đại hoá mạng lưới trạm monitoring môi trường.

          · Nội dung 7: Xây dựng ngân hàng dữ liệu môi trường quốc gia, sử dụng công cụ lưu trữ tốt, cung cấp thông tin nhanh chóng, thuận tiện.

          · Nội dung 8:      Khuyến khích các thoả ước, đồng thuận môi trường; tăng cường vai trò tự quản môi trường của cộng đồng.

          CSCT 20. ÁP DỤNG CÁC CÔNG CỤ KINH TẾ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG .

  1.      Mục tiêu của CSCT 20.

          · Quy định hợp lý các loại phí và lệ phí môi trường, nhằm một mặt làm thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm, mặt khác bù đắp chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường.

          · Các công cụ kinh tế được thực hiện theo nguyên tắc thoả mãn cả 2, từng bước tiến tới giới hạn cân bằng tối ưu giữa yếu tố kinh tế và môi trường.

          · Cố gắng tối đa trong việc xác định chủ sở hữu (người hưởng lợi) từ môi trường, gắn với nó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ (trách nhiệm công dân, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm hình sự, nghĩa vụ chi trả lệ phí,...)

  1.      Các nội dung của CSCT 20.

          · Nội dung 1: Sử dụng linh hoạt thuế suất tài nguyên, nhằm điều tiết việc sử dụng với hiệu quả cao nhất các nguồn tài nguyên. Trong thuế suất tài nguyên phải tính đúng, tính đủ suất sai phân và suất khan hiếm đối với mỗi loại tài nguyên.

          · Nội dung 2: Áp dụng việc quy định và tận thu thuế môi trường, với quan niệm môi trường như một tài nguyên, thuế môi trường cũng giống như thuế tài nguyên. Đặc biệt phải định thuế gây ô nhiễm như một công cụ có tính răn đe, góp phần phòng ngừa ô nhiễm.

          · Nội dung 3: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000, góp phần hội nhập quốc tế về thương mại hàng hoá.

          · Nội dung 4: Hình thành cơ chế đặt cọc hoàn trả, để đảm bảo các cam kết trong các ĐTM được thực thi.

          · Nội dung 5: Khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao (miễn giảm thuế lợi tức, thuế xuất nhập khẩu,...)

          · Nội dung 6: Phân định rõ ràng ở mức cao nhất có thể được sự chiếm hữu và quyền tài sản.

          Sự chiếm hữu không hạn chế và chiếm hữu hạn chế là một xúc tác mạnh trong bảo vệ môi trường. Cần phải phân định một cách rõ ràng ở mức cao nhất có thể được sự chiếm hữu và quyền tài sản - nghĩa là cố gắng xác định chủ sở hữu môi trường cho từng không gian xác định và từng yếu tố môi trường xác định. Trong trường hợp khó phân định, thì Nhà nước sẽ phải đảm nhận trọng trách không thay thế được. Như vậy, các nghĩa vụ về môi trường được phân định, gánh nặng tài chính được chia sẻ.

            CSCT 21. PHÁT HUY VAI TRÒ CỘNG ĐỒNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 21.

          · Thể chế hoá chủ trương của Đảng về vai trò quyết định của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường - cộng đồng là chủ thể của môi trường; không ngừng động viên, lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.

          · Cần có những nghiên cứu thoả đáng, chính sách thích hợp để hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng, một mặt để phát triển cộng đồng, mặt khác để chia sẻ gánh nặng của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

  1.      Các nội dung chính của CSCT 21.

          · Nội dung 1: Soạn thảo và ban hành văn bản cấp Chính phủ, trong đó xác lập quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Văn bản này cần đạt được những quy định cụ thể cho những vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng, cho cả phía tổ chức cộng đồng lẫn phía cộng đồng.

          · Nội dung 2: Tăng cường đầu tư để triển khai các dự án xây dựng mô hình bảo vệ môi trường tại cộng đồng có tính chất điểm, sau đó thực hiện nhân rộng ra diện.

          · Nội dung 3: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phong trào gia đình văn hoá mới - trong đó yếu tố bảo vệ môi trường được xem là một tiêu chí bậc nhất.

          · Nội dung 4: Tuyên truyền, vận động, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các nội dung văn hoá, giáo dục,...., nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

          · Nội dung 5: Làm phong phú nội dung các chương trình về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương.

CSCT  22. GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO, NÂNG CAO NHẬN THỨC MÔI TRƯỜNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 22.

          · Nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức ngành môi trường, tương ứng với vị trí công tác.

          · Nâng cao từng bước mặt bằng dân trí, trong đó có mặt bằng nhận thức của toàn dân về bảo vệ môi trường.

  1.      Các nội dung của CSCT 22.

          · Nội dung 1: Xem xét lại để đạt được sự cân đối, hiệu dụng (cả về dung lượng và nội dung) chương trình giáo dục môi trường ở các cấp học, đặc biệt là trong giáo dục phổ thông.

          · Nội dung 2: Rà soát lại tính tương thích về chuyên môn của đội ngũ công chức ngành môi trường, từ Trung ương đến địa phương, để kịp thời bổ khuyết bằng các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trong khuôn khổ CSCT - 19.

          · Nội dung 3: Đầu tư lớn cho việc đào tạo nhân tài trình độ cao, trẻ tuổi lĩnh vực môi trường ở nước ngoài; đồng thời hiện đại hoá nội dung và phương tiện của các cơ sở đào tạo đại học ngành môi trường trong nước.

CSCT 23. NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 23.

          · Củng cố, xây dựng mới theo hướng hiện đại hoá mạng lưới cơ quan nghiên cứu - triển khai ngành môi trường.

          · Hiện đại hoá mạng lưới monitoring.

  1.      Các nội dung của CSCT 23.

          · Nội dung 1: Quy hoạch mạng lưới cơ quan nghiên cứu - triển khai lĩnh vực môi trường quốc gia của Nhà nước.

          · Nội dung 2: Khuyến khích việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các tổ chức nghiên cứu - triển khai lĩnh vực môi trường ở Việt Nam; theo quy định của Luật Khoa học, Công nghệ.

          · Nội dung 3: Cải tiến quy trình xác lập, phê duyệt, cấp vốn từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình, đề tài, dự án trong lĩnh vực môi trường theo hướng giảm phiền hà, tắc trách; sao cho nhiệm vụ nghiên cứu được giao vào tay tổ chức và cá nhân có đầy đủ thực lực.

          · Nội dung 4: Đầu tư tập trung để xây dựng Viện Môi trường Quốc gia, Ngân hàng dữ liệu môi trường Quốc gia; lập mạng thông tin môi trường.

          · Nội dung 5: Đầu tư tập trung để hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới monitoring đã được phê duyệt.

CSCT 24. PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH, LIÊN VÙNG VÀ GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG.

  1.      Mục tiêu của CSCT 24.

          · Phối hợp hành động của các ngành, các vùng, các địa phương thành một thể thống nhất trong việc bảo vệ môi trường, trong khuôn khổ Luật Bảo vệ môi trường.

          · Khắc phục hiện tượng chồng chéo trong việc giao nhiệm vụ, ban hành văn bản chính sách bảo vệ môi trường như hiện nay.

  1.      Các nội dung của CSCT 24.

          · Nội dung 1: Rà soát lại, phân định hợp lý chức năng quản lý Nhà nước của các ngành ở Trung ương và địa phương theo tinh thần của Nghị định 175/CP.

          Nghị định 175/CP đã phân định chức năng quản lý Nhà nước về môi trường của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Vai trò chính của công tác quản lý Nhà nước về môi trường được giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chức năng chủ yếu do Cục Môi trường đảm nhiệm. Nhiều Bộ, ngành khác được Chính phủ giao chức năng quản lý các yêuc tố môi trường thành phần – với tư cách là một tài nguyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tài nguyên nước, Bộ Công nghiệp quản lý các mỏ khoáng sản,  … Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, với tư cách là chủ quản các yếu tố môi trường thành cơ chế hành chính hiện hành. Hệ thống hành chính của Việt Nam đang đòi hỏi chuyển đổi, vì tính nặng nề và thiếu hiệu quả của nó. Trong lĩnh vực môi trường, cơ chế phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành cần sớm được thiết lập và phải là một lĩnh vực mang tính đa ngành cao và vì bảo vệ môi trường không phải lúc nào cũng thuận chiều với phát triển kinh tế.

          Mặt khác, chắc chắn là phải nâng tầm của cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia lên tương xứng với chức phận của nó. Với tư cách là Cục Môi trường ở Trung ương, là Phòng môi trường ở cấp tỉnh, bộ máy này không đủ sức để quản lý môi trường, nhất là khi lợi ích môi trường xung đột với lợi ích kinh tế. Từ cấp huyện trở xuống, bộ máy quản lý môi trường ở Việt Nam còn là địa bàn trắng, chưa có cơ cấu và cán bộ. Do đó, bảo vệ môi trường của Việt Nam chưa thể có phong trào mạnh và bền. Phải quan niệm bảo vệ môi trường là một ngành kinh tế – xã hội như ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và như vậy thì rõ ràng sự thiếu hụt này là nghiêm trọng – là thiếu hụt cấp cơ sở để tổ chức và thực hiện.

          Theo quan điểm của chúng tôi, có thể điều phối mọi hoạt động để phát triển bền vững (trong đó có hoạt động bảo vệ môi trường) nhờ việc thiết lập mới một Hội đồng chỉ đạo phát triển bền vững quốc gia. Hội đồng này do Thủ tướng hoặc Thủ tướng uỷ quyền cho một Phó Thủ tướng đứng đầu. Phó Chủ tịch của Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Các Uỷ viên là Bộ trưởng các Bộ có liên quan. Hội đồng sẽ đóng vai trò chỉ huy thống nhất toàn bộ các hoạt động nhằm phát triển bền vững quốc gia; giải quyết các xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

          Cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương sau khi nâng cấp (quy mô cỡ một Tổng cục thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), sẽ là thường trực của Hội đồng Chỉ đạo phát triển bền vững quốc gia.

          Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, Hội đồng Chỉ đạo có thể sẽ chấm dứt hoạt động khi mà việc cải cách hành chính tiến triển tốt, tạo ra được sự phối hợp nhịp nhàng, đúng chức phận của các Bộ, ngành trong khuôn khổ luật pháp và trên cơ sở tự giác cao.

          · Nội dung 2: Rà soát lại, loại trừ các chính sách, văn bản đã được ban hành của các ngành, các cấp không phù hợp luật pháp và chồng chéo.

          · Nội dung 3: Áp dụng quy trình đánh giá môi trường các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch có quy mô lớn, mang tính liên ngành, liên vùng.

          Đây là một giải pháp mới được đề cập đến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Điểm xuất phát của nó là:

  • Các ảnh hưởng môi trường của các chiến lược, quy hoạch tổng thể là rất lớn. Nếu ảnh hưởng là xấu thì quy mô thiệt hại là nghiêm trọng.
  • Các đánh giá tác động môi trường cấp dự án không tính đến sự ảnh hưởng ngoài nó, nghĩa là không tính đến hiệu ứng gộp của nhiều dự án trong cùng một vùng, một địa phương.

Các vướng mắc là ai sẽ đánh giá môi trường chiến lược? Các nhà hoạch định chiến lược tự cân nhắc về môi trường trước khi quyết định hay sử dụng cơ quan tư vấn độc lập? Câu trả lời phù hợp với thực tiến Việt Nam sẽ là Hội đồng Chỉ đạo phát triển bền vững quốc gia sẽ là đơn vị cân nhắc cuối cùng về môi trường cho các chiến lược, quy hoạch tổng thể quy mô lớn (quốc gia, liên vùng hoặc vùng).

Chúng tôi cũng trình bày ở đây vài nét về phân vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam và nói rõ rằng khái niệm vùng, bảo vệ môi trường vùng hiện này chỉ dừng lại ở mức có nói đến, chưa làm được bao nhiêu. Lãnh thổ Việt Nam được chia ra lúc là 6 vùng cơ bản, lúc là 7 vùng cơ bản, lúc là 8 vùng. Việc sử dụng sơ đồ phân vùng nào đến nay chưa thống nhất. Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng IX sử dụng sơ đồ 6 vùng; Chính phủ, trong Niên giám thống kê sử dụng sơ đồ 7 vùng để công bố thông tin; các nhà khoa học vùng sử dụng phổ biến sơ đồ 8 vùng. Thực tế đến nay 8 vùng (theo sơ đồ 8 vùng) đã được quy hoạch phát triển tổng thể. Biến động môi trường khi thực hiện các quy hoạch là rất lớn, do đó bảo vệ môi trường vùng là vấn đề cần được xem xét thoả đáng trong thời gian tới.

          · Nội dung 4: Thể chế hoá để thực chất hoá sự tham gia của các cơ quan quản lý môi trường trong việc ra quyết định của các ngành khác.

          · Nội dung 5: Nghiên cứu một cách hệ thống các vấn đề môi trường có tính liên vùng, liên quốc gia, để có các biện pháp phối hợp thực hiện ở các quy mô tương ứng.

          Chúng tôi nhấn mạnh chính sách ưu tiên số một của Việt Nam trong lĩnh vực phối hợp giải quyết các vấn đề đa quốc gia và liên quốc gia là vấn đề nước – vấn đề lưu vực. Hai lưu vực lớn của Việt Nam là lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng đều có trên 50% diện tích thượng nguồn nằm ngoài biên giới. Việc khắc phục cái sự dư thừa nước về mùa lụt, khan hiếm nước về mùa hạn, khả năng kiểm soát chủ động nguồn nước không hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Lối thoát duy nhất, đó là đẩy mạnh hợp tác, đi đến các cam kết sử dụng hợp lý nguồn nước với các quốc gia láng giềng, có chung các dòng sông.

CSCT 25. ĐẨY MẠNH HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ THAM GIA GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU.

  1.      Mục tiêu của CSCT 25.

            · Triệt để tận dụng sự hợp tác, hỗ trợ của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

          · Nâng cao chất lượng công tác hợp tác quốc tế về môi trường.

          · Hội nhập và tham gia các công ước quốc tế về môi trường.

 

  1.      Các nội dung của CSCT25.

          · Nội dung 1: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý môi trường, các nhà từ thiện nước ngoài và trong nước.

          · Nội dung 2: Có chủ trương và quyết sách vận động tài trợ cho môi trường và thực hiện nó một cách tích cực, dưới nhiều hình thức thích hợp.

          · Nội dung 3: Tổ chức thông tin môi trường Việt Nam trên mạng Internet.

          · Nội dung 4: Khắc phục việc sử dụng ODA môi trường lãng phí, phân bố mất cân đối theo vùng, phương thức và tiến độ giải ngân không đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

          · Nội dung 5: Tiếp tục nghiên cứu để tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường hoặc có liên quan.

          · Nội dung 6: Khuyến khích sự tham gia bảo vệ môi trường Việt Nam của lực lượng Việt Kiều.

          · Nội dung 7: Xác lập và ban hành chính sách khuyến khích cho các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên về bảo vệ môi trường một cách rõ ràng, công bằng, công khai, để hỗ trợ xúc tiến đầu tư dưới mọi hình thức thích hợp.

V.        MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ.

  1. Báo cáo này đã đưa ra các  chính sách môi trường được chia làm bốn nhóm:
  1. Phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục sự cố môi trường.
  2. Cải thiện môi trường một số địa bàn đặc trưng.
  3. Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên.
  4. Chính sách hỗ trợ.
  1. Khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2001 - 2010 trên đây là một hệ thống chính sách Nhà nước vĩ mô có phạm vi ảnh hưởng rộng, việc thể chế hoá các chính sách môi trường  cần được nghiên cứu, xem xét một cách đồng bộ mối quan hệ và tính tương thích của từng chính sách với hệ thống các chính sách kinh tế-tài chính hiện hành.
  2. Cần phải định hướng, khuyến khích các chính sách phát huy vai trò của cộng đồng, ngoài chính sách vĩ mô này. Đó có thể là: quy chế môi trường nội bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đồng thuận môi trường, thoả ước, hương ước,...
  3. Khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường Việt nam giai đoạn 2001-2010 là cơ sở để các nhà quản lý chủ động hoạch định chính sách, kế hoạch  trong thập niên đầu của thế kỷ 21 đồng thời thể hiện quan điểm của nước ta phát triển gắn với bảo vệ môi trường.

 

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP QUY VỀ BVMT TỪ 1991 ĐẾN 2000

  1. Luật Bảo vệ môi trường.
  2. Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
  3. Nghị định số 26/VP ngày 26/4/1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường.
  4. Quyết định số 415/TTg ngày 10/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức hoạt động của thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
  5. Chỉ thị số 200/TTg ngày 29/4/1994 về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
  6. Chỉ thị số 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
  7. Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 28/10/1994 của Bộ Thương mại - Bộ Nội vụ - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Chỉ thị 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ.
  8. Thông tư liên bộ số 155/TTLB ngày 11/4/1994 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định tạm thời về kế hoạch hoá công tác môi trường.
  9. Quyết định số 1064 - QĐ/MTg ngày 22/9/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc tăng cường thiết bị cho các trạm quan trắc môi trường.
  10. Quyết định số 1065 - QĐ/KHTC ngày 22/9/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thành lập Hội đồng lựa thiết bị khoa học.
  11. Quyết định số 1211 - QĐ/MTg ngày 22/1/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy chế hoạt động của Trạm quan trắc và phân tích môi trường tại Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  12. Quyết định số 1220 - QĐ/MTg ngày 22/10/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc tăng cường trang bị cho trạm quan trắc và phân tích môi trường cho nhiệm vụ thiết kế hệ thống monitoring môi trường.
  13. Quyết định số 1355 - QĐ/MTg ngày 14/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy chế hoạt động trạm quan trắc mưa axít tại Lào Cai.
  14. Quyết định số 1428 - QĐ/MTg ngày 28/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy chế hoạt động của trạm quan trắc và phân tích môi trường tại Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường tại Bộ Tư lệnh hoá học thuộc Bộ Quốc phòng.
  15. Quyết định quy chế hoạt động của phòng thử nghiệm môi trường tại Trung tâm kỹ thuật I thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
  16. Quyết định số 1806 - QĐ/MTg ngày 31/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.
  17. Quyết định số 252 - QĐ/BVTV ngày 17/4/1995 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm về việc cho đăng ký chính thức và đăng ký bổ sung một số thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam.
  18. Thông tư số 1420/MTg ngày 16/11/1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động.
  19. Thông tư số 715/MTg ngày 3/4/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
  20. Thông tư số 1485/MTg ngày 12/12/1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn tổ chức quyền hạn và phạm vi hoạt động của thanh tra về bảo vệ môi trường.
  21. Thông tư số 3370/TT-MTg ngày 22/12/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu.
  22. Thông tư số 2262/TT-MTg ngày 29/12/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn khắc phục sự cố tràn dầu.
  23. Thông tư số 02/TT-MTg ngày 2/1/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về khí xả và độ ồn của các phương tiện giao thông vận tải.
  24. Thông tư số 2433/TT-KCM ngày 9/10/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
  25. Kế hoạch quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học được Chính phủ thông qua ngày 22/12/1995.
  26. Công văn số 289/MTg ngày 17/6/1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn tạm thời về việc xử lý sự cố dầu tràn.
  27. Công văn số 714/MTg ngày 3/4/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  28. Quyết định số 2920/QĐ-MTg ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.
  29. Thông tư liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Thương mại số 2880/KCM - TM ngày 19/12/1996 về quy định tạm thời đối với việc nhập khẩu các phế liệu.
  30. Thông tư số 2781/TT-KCM ngày 3/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn về thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở công nghiệp.
  31. Thông tư số 2891/TT-KCM ngày 19/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
  32. Thông tư số 1100/TT-MTg ngày 20/8/1997 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.
  33. Nghị định số 179/1999/NĐ - CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ về việc thi hành Luật Tài nguyên nước.
  34. Quyết định số 25/2000/QĐ - TTg ngày 22/2/2000 về ... Phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam 2000, Bộ KHCN&MT.
  2. Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn 2001 – 2010;
  3. Dự thảo Kế hoạch BVMT 2001 – 2005;
  4. Các tiêu chuẩn Nhà nước Việt Nam về môi trường tập I: Chất lượng nước, Hà nội, 1995.
  5. Các tiêu chuẩn Nhà nước Việt Nam về môi trường tập II: Chất lượng không khí, âm học, chất lượng đất, giấy loại, Hà nội, 1995.
  6. GS Đặng Ngọc Dinh. 02-1997. ”Kinh tế môi trường – hạch toán tài nguyên môi trường”. VIE/93/G81.
  7. GS.TS. Đặng Như Toàn, PTS. Nguyễn Thế Chinh. “Báo cáo hoà nhập môi trường vào chính sách và kế hoạch phát triển: một phân tích đa ngành”. Năng lực Việt Nam, dự án 21-UNDP VIE/93/G81.
  8. PTS. Nguyễn Ngọc Sinh. 02-1997 “Bảo vệ môi trường bằng pháp luật ở Việt Nam”. Dự án VIE/93/G81.
  9. TS. Nguyễn Thành Bang. 02-1997 ”Các nguyên lý về phát triển bền vững”. VIE/93/G81.
  10. Tập báo cáo khoa học. Hội thảo khoa học Quốc gia về nghiên cứu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (KT-02). Hà Nội 7-9/10/1993.
  11. Thông tin môi trường các số năm 1994, 1995, 1996. Trung tâm tư liệu và KHCNQG, Bộ KHCN&MT.
  12. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Đề tài số 95-98-310/ĐT. “Vai trò và tác động của đổi mới quản lý kinh tế môi trường trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam”
  13. Chính sách BVMT Trung Quốc, Nhật Bản, Nêpan, Indonexia.
  14. Apogee research. Chỉ số tham khảo Apogee No 545. Tài liệu thảo luận về Chương trình phí và lệ phí môi trường của Việt Nam. Báo cáo cuối cùng ngày 8/11/1995.

 

 

 

File đính kèm downloadTải về