• Thuộc tính
Tên đề tài Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ

VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 

*

*                 *

 

PHẦN THỨ NHẤT

SỰ CẦN THIẾT VÀ BỐI CẢNH NGHIÊN CỨU

 

1. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những mục tiêu chiến lược cho việc phát triển đất nước, mà trọng tâm là phấn đấu đưa đất nước ta đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược đó, Đảng ta đã chỉ ra phải “Đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để phát huy tối đa mọi nguồn lực tạo sức bật cho sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau”.

Về phương diện đối ngoại, cùng với tiến trình đổi mới nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá nền kinh tế, từng bước hội nhập vào qúa trình quốc tế hoá các lĩnh vực của đời sống quốc tế đặc biệt là qúa trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được tiến hành  chủ động và đạt nhiều kết quả tốt; vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trưởng quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước; mở rộng quan hệ thương mại với 150 nước; tranh thủ viện trợ phát triển của 45 nước và định chế tài chính[1]; đã ký kết hơn 83 Hiệp định thương mại song phương trên 40 Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; gần 40 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Khai thông trở lại quan hệ với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế: IMF, WB, ADB từ năm 1993. Ngày 28/7/1995 trở thành thành viên chính thức của ASEAN, bắt đầu tiến trình thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tháng 3/1996 tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Tháng 11/1998 gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đang trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cho đến nay, chúng ta đã hoàn thành 5 vòng đàm phán.

Thực hiện Chủ trương của Đảng, "Chính phủ đã chủ động và tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và kinh tế đối ngoại trên các lĩnh vực..., xúc tiến hội nhập kinh tế theo lộ trình đã cam kết, đạt được tiến bộ trong đàm phán để gia nhập WTO, đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ"[2]. Chủ trương này đã liên tục được khẳng định tại các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu là việc đàm phán và đi đến ký kết với Hoa Kỳ một Hiệp định song phương về thương mại. Chủ trương này đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Khóa VIII: "... Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cán bộ, luật pháp... Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO ..."[3]. Như vậy, việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ là một trong những bước đi để thực hiện chủ trương đó.

Ngày 13/7/2000 Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, tạo ra một bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiệp định này đã được Quốc hội hai nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực thực hiện từ ngày 10/12/2001.

Về quan hệ thương mại song phương, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2000 là khoảng trên 1 tỷ USD Mỹ, năm 2002 hơn 1,4 tỷ và năm 2002 là hơn 2,8 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, cho đến cuối năm 2001, Hoa Kỳ đứng thứ 12/60 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký là 1452,5 triệu USD, năm 2002 có thêm 34 dự án với số vốn đăng ký là 139,7 triệu USD. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tới các lĩnh vực công nghiệp nặng, dầu khí, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, xây dựng, giao thông vận tải, viễn thông, tài chính, ngân hàng, dịch vụ văn hoá, y tế và giáo dục...

Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Đồng thời, các Bên chấp nhận và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế có tính đến Việt Nam là một nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đang tiến hành các bước hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.[4]

Nhìn chung, tinh thần và nội dung Hiệp định thể hiện sự bình đẳng giữa hai Bên trên cơ sở những quy định và chuẩn mực của pháp luật thương mại quốc tế mà nền tảng là GATT/WTO. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc ký kết Hiệp định này có ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi này là những khó khăn và thách thức khá lớn đối với bản thân các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước của chúng ta.

Để tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định có thể đưa lại và hạn chế tối đa những bất lợi có thể xảy ra trong quá trình thực thi Hiệp định, đồng thời đảm bảo tốt việc thực hiện nghiên chỉnh các cam kết của Hiệp định theo nguyên tắc parta sunt survanda của pháp luật quốc tế và quy định của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế thì chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, hoàn tất. Xét riêng trên góc độ pháp lý, Hiệp định này chứa đựng rất nhiều các quy định chi tiết ràng buộc cả hai bên mà để thoả mãn các quy định này nhất thiết cần phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản pháp luật quy định về quản lý kinh tế. Việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật đồng bộ theo các yêu cầu của Hiệp định, mà nhất là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước Việt Nam phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. Trong khi đó, công việc chuẩn bị thực thi Hiệp định của phía Việt Nam còn rất bề bộn. Đặc biệt, hệ thống các văn bản pháp luật cần xây dựng hay sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiệp định mới đang từng bước được định hình và lên kế hoạch xây dựng, ban hành. Bên cạnh vịêc xây dựng pháp luật trong nước là các yêu cầu về việc tham gia 6 điều ước quốc tế có liên quan đến việc thực thi Hiệp định. Chính vì vậy việc tiến hành nghiên cứu xác định chi tiết các nội dung cần sửa đổi nói trên cũng như xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc định hướng sửa đổi là một việc làm hết sức cấp thiết.   

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đánh giá của các chuyên gia thì các quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được khoảng từ 60 đến 70% yêu cầu của WTO. Chính vì vậy, việc ký kết và thực hiện Hiệp định có thể coi như một bước tiến cần thiết hướng tới việc đàm phán gia nhập WTO. Việc nghiên cứu đề tài, vì thế, cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị các tiền đề pháp lý kinh tế để Việt Nam đàm phán với các đối tác trong khuôn khổ các vòng thương lượng gia nhập WTO nói riêng và mọi hoạt động hội nhập kinh tế nói chung sau này.

Về mặt nội dung, so với các hiệp định thương mại hoặc hiệp định thương mại hàng hải  trước đây mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết thì phạm vi điều chỉnh của Hiệp định không còn chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, hay lĩnh vực hàng hải nữa, mà đã mở rộng sang cả lĩnh vực thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư. Vì thế, nghiên cứu, phân tích về các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định cũng chính là các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa 2 nước trong các lĩnh vực này.

Có thể nói không phải chỉ từ cuối những năm 80 Việt Nam mới tham gia vào quá trình hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế. Trong thập kỷ 70-80, khi còn là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế (Khối SEV), Việt Nam đã có sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ với các nước XHCN. Đồng thời, mặc dù cho đến nay chúng ta đã có nhiều cam kết kinh tế song phương và đa phương nhằm mục đích từng bước làm cho các thể chế kinh tế của Việt Nam tiến gần với tiêu chuẩn và tập quán thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cho đến lúc này có thể khẳng định Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có vị trí và ý nghĩa khá đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng và lơị ích của nhân dân hai nước, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ[5].

Để triển khai việc thực thi Hiệp định, ngày 12 tháng 3 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Chương trình đã đưa ra 8 công việc chính cần phải được thực hiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện Hiệp định là:

- Phổ biến Hiệp định bao gồm việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích trên phương tiện thông tin đại chúng, quán triệt cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp về tinh thần của Hiệp định; lồng ghép nội dung Hiệp định vào ch­ương trình giảng dạy về hội nhập kinh tế quốc tế ở các trư­ờng đảng, trư­ờng hành chính, trư­ờng đại học và cao đẳng.

- Rà soát văn bản pháp luật.

- Về lộ trình mở cửa thị trường, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực đi vào thị trường Hoa Kỳ, từng bước mở cửa thị trường Việt Nam theo lộ trình đã cam kết, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam …

- Kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.

- Công tác an ninh, quốc phòng.

- Đào tạo nguồn nhân lực

- Kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan, bộ phận chuyên trách về hội nhập, nâng cao khả năng giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định.

Trong bối cảnh cả nước đang triển khai mạnh mẽ việc thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đề tài nghiên cứu về Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu của Đề tài này sẽ giúp chúng ta hiểu được tinh thần Hiệp định một cách chính xác hơn, tạo cơ sở lý luận cho công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho việc thi hành Hiệp định nói riêng và quá trình đàm phán gia nhập WTO nói chung.

 

2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

 

Việc nghiên cứu của Đề tài hiệp định thương mại Việt - Mỹ và những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu chủ yếu sau đây:

Nâng cao nhận thức cho các cán bộ làm công tác pháp luật, các nhà nghiên cứu hoach định chính sách, các học giả và các đối tượng khác có liên quan về tầm quan trọng và mức độ thực tế của việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành cho phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định.

Đánh giá nhu cầu cầu thiết sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật của Việt Nam để thực hiện các yêu cầu của Hiệp định (tập trung vào một số lĩnh vực chính là dịch vụ, hàng hoá, đầu tư, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp và minh bạch hoá chính sách).

Xác định một số căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định.

Dự báo các tác động về mặt pháp lý khi thực hiện Hiệp định cũng như ảnh hưởng của Hiệp định đến quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế như WTO.

 

3. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI:

 

Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu trên đây, dự kiến đề tài sẽ triển khai nghiên cứu một số nội dung chính như sau:

(1)- Phân tích so sánh chi tiết các nội dung của Hiệp định với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam để tìm ra các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (tập trung vào năm lĩnh vực như đã nói ở trên).

(2)- Nghiên cứu phân tích các điều kiện và bối cảnh thực tế của Việt Nam khi áp dụng Hiệp định từ đó đề xuất phương hướng và các nguyên tắc pháp lý trong việc áp dụng và thực thi Hiệp định. Đánh giá nhu cầu sửa đổi hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian tới có tính đến tính khả thi để đề xuất kế hoạch chi tiết và lịch trình ban hành mới, sửa đổi, bổ sung pháp luật theo yêu cầu của Hiệp định.

(3)- Nghiên cứu bước đầu xác định mô hình và cơ chế phối hợp trong việc đề xuất đề nghị sửa đổi, soạn thảo, thảo luận-góp ý, thẩm định và ban hành các văn bản pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định, góp phần minh bạch hoá chính sách và hệ thống hoá văn bản pháp luật.

(4)- Dự báo về các ảnh hưởng của Hiệp định đến quá trình Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập và toàn cầu hoá trên thế giới hiện nay (đặc biệt là việc đàm phán gia nhập WTO) từ đó đề xuất các cơ chế và biện pháp thích hợp đề hỗ trợ quá trình này.

(5)- Tìm hiểu kinh nghiệm và thực tiễn áp dụng các Hiệp định tương tự tại một số nước trên thế giới đặc biệt là tại một số nước có hoàn cảnh gần giống với Việt Nam hiện nay để đúc rút các bài học kinh nghiệm cho quá trình áp dụng Hiệp định sắp tới cũng như cho việc đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác.

 

4. CÁC HỆ CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

 

Để thực hiện các nội dung nghiên cứu nói trên, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu 10 chuyên đề tập trung vào 3 hệ chuyên đề cụ thể như sau:

1. Hệ chuyên đề thứ nhất gồm các chuyên đề mang tính lý luận nhằm tập trung nghiên cứu làm rõ các cơ sở lý luận và các quan điểm, nguyên tắc mang tính cơ bản có ảnh hưởng xuyên suốt toàn bộ nội dung Hiệp định và cũng là những vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện Hiệp định (trong đó có việc sưả đổi hệ thống pháp luật) như vấn đề quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR), vấn đề đối xử đãi ngộ quốc gia (NT)... 

2. Hệ chuyên đề thứ hai về hoàn thiện pháp luật bao gồm 5 chuyên đề, tập trung làm rõ các nội dung của Hiệp định về các lĩnh vực thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, minh bạch hoá và thương mại hàng hoá. Từ những nghiên cứu này, các tác giả cũng đưa ra các kiến nghị trong việc sửa đổi pháp luật Việt Nam hiện hành cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

3. Hệ chuyên đề thứ ba gồm 3 chuyên đề tập trung vào nghiên cứu phân tích các thông tin có tính chất tham khảo từ thực tiễn ký kết các hiệp định tương tự với Hoa Kỳ của một số nước có điều kiện gần giống với Việt Nam, chẳng hạn như những nước thuộc liên bang xô viết cũ, Trung quốc. Đồng thời trong phần này còn phân tích và cung cấp một số ý kiến của các chuyên gia nước ngoài về Hiệp định này.

 

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

Đề tài được tiến hành nghiên cứu bằng các phương pháp nghiên cứu đặc thù của việc nghiên cứu khoa học xã hội như:

- Phương pháp biện chứng,

- Phương pháp lịch sử,

- Phương pháp so sánh,

- Phương pháp phân tích quy nạp,

- Phương pháp phân tích diễn dịch,

- Phương pháp hệ thống hoá,

- Phương pháp phân tích dự đoán,

 

6. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI

 

Do đây là một đề tài rất phức tạp, có phạm vi nghiên cứu khá rộng nên Ban chủ nhiệm đã mời các chuyên gia có trình độ và kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực tham gia cộng tác viết bài. Đồng thời phần lớn các chuyên gia này là những người đã trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, quá trình rà soát, đối chiếu các quy định của Hiệp định với pháp luật Việt Nam hiện hành.

Đề tài được bắt đầu thực hiện từ giữa năm 2001 và kéo dài trong gần 2 năm. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề tài này đã có một số thay đổi nhất định trên thực tế nên Ban chủ nhiệm cũng đã tiến hành trao đổi chuyên đề với các tác giả để có thể cập nhật thêm được nhiều thông tin mới.

Trong quá trình triển khai đề tài đã có một sản phẩm trung gian là hai số Thông tin khoa học pháp lý (số 3 & 4 năm 2002) về “Một số khía cạnh pháp lý của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ”. Đồng thời các tác giả tham gia đề tài đã có một số các bài viết liên quan đến Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã được tăng trên nhiều tạp chí trong nước.

 

PHẦN THỨ HAI

TÓM TẮT NỘI DUNG CỦA ĐỀ TÀI

 

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ VÀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THỰC THI HIỆP ĐỊNH ĐẾN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

1. Những nuyên tắc cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

Sự phát triển của kinh tế thế giới và sự phân công lao động quốc tế đã làm cho các quốc gia xích lại gần nhau, phục thuộc vào nhau nhiều hơn trong quan hệ thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện bởi sự phát triển nhanh chóng của quá trình toàn cầu hoá với sự hình thành của hàng loạt các liên minh kinh tế song phương, đa phương với quy mô ở cấp khu vực và toàn cầu, với mức độ sâu rộng khác nhau vào cuối những năm 80 như Liên minh Châu Âu, Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ASEAN, APEC, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…. Mục đích của quá trình này là nhằm từng bước xóa bỏ các rào cản đối với thương mại, tạo điều kiện cho sự dịch chuyển tự do, thuận lợi của các dòng hàng hoá, dịch vụ và lao động, xây dung điều kiện thương mại bình đẳng giữa các quốc gia. Có thể nói một cách ngắn gọn đó chính là việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại quốc tế. Nội dung chính của nguyên tắc không phân biệt đối xử gồm hai nguyên tắc đó là:

1.1 Nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN - Most Favoured Nation), trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được gọi là “Nguyên tắc Quan hệ thương mại bình thường”(Normal Trade Relation), là một nguyên tắc quan trọng nhất của quan hệ thương mại quốc tế hiện nay. Nội dung của nguyên tắc này là việc yêu cầu mỗi quốc gia phải dành cho một quốc gia khác sự đãi ngộ không kém thuận lợi hơn sự đãi ngộ mà nước đó dành cho một nước thức ba khác. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiệp ước Cobden - Chevalier năm 1860 giữa Anh và Pháp. Tiếp theo đó nó đã được sao chép vào nhiều hiệp định thương mại khác của Châu Âu. Cùng với sự phát triển của quan hệ thương mại quốc tế, nguyên tắc MFN đã trở thành một nguyên tắc cơ bản và thông dụng trong quan hệ thương mại quốc tế và xuất hiện trong hàng loạt các điều ước quốc tế về thương mại. Đến nay, nguyên tắc này đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của GATT (Điều 1) và đến nay, trong từng Hiệp định của WTO cũng đều có quy định này. Điều này đã chứng tỏ phạm vi áp dụng của nguyên tắc MFN ngày càng được mở rộng, ban đầu nguyên tắc này mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực thương mại hàng hoá (GATT 1947) cho đến khi Tổ chức thương mại thế giới WTO được thành lập thì nguyên tắc này đã được áp dụng cho cả 4 lĩnh vực là thương mại hàng hoá, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên nguyên tắc MFN cũng có ngoại lệ được áp dụng cho liên minh thuế quan, khu vực mậu dịch tư do và thương mại biên giới.

Trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, nguyên tắc MFN được quy định tại: Điều 1 Chương I, Điều 2 Chương III, Điều 2 Chương IV và Điều 2 Chương V. Theo nội dung của các quy định này, nguyên tắc MFN yêu cầu mỗi Bên phải dành cho hàng hoá, dịch vụ, đầu tư của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó đã áp dụng cho các đối tượng này của nước thứ 3. Nguyên tắc MFN được áp dụng trong các lĩnh vực về thuế quan, các loại phí và thuế khác, quy định về thủ tục, pháp luật áp dụng cũng như quyền tiếp cận đến các cơ quan hành chính và tư pháp.

Như vậy có thể thấy rằng so với các Hiệp định thương mại trước đây mà Việt Nam đã ký kết thì phạm vi áp dụng MFN trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được mở rộng không chỉ đối với thương mại hàng hóa mà còn đối với cả thương mại đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ.

Sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam đã tiến hành rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định cũng như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thương mại quốc tế. Việc ban hành Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế đã đáp ứng không chỉ yêu cầu trong việc thực thi Hiệp định mà còn là cơ sở cho việc ký kết các điều ước quốc tế khác trong lĩnh vực thương mại và dân sự quốc tế sau này. Trong Điều 3 của Pháp lệnh, khái niệm đối xử tối huệ quốc được định nghĩa rất cụ thể cho từng lĩnh vực như sau:

“ 1. "Đối xử tối huệ quốc trong thư­ơng mại hàng hoá" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ một nước so với hàng hoá tương tự nhập khẩu có xuất xứ từ nư­ớc thứ ba hoặc hàng hoá xuất khẩu đến một nư­ớc so với hàng hoá tương tự xuất khẩu đến nước thứ ba.

2. "Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam đành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của nước thứ ba.

3. "Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư của một nước so với đầu t­ư và nhà đầu tư của nước thứ ba trong những điều kiện tương tự.

4. "Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân của một nước so với tổ chức, cá nhân của nước thứ ba.”

Như vậy, mặc dù trong Pháp lệnh không có một quy định chung về MFN những qua những định nghĩa nêu trên chúng ta có thể thấy nội hàm của khái niệm “tối huệ quốc” trong Pháp lệnh không khác so với quan niệm chung của pháp luật thương mại quốc tế cũng như trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.   

Việc áp dụng nguyên tắc MFN được thực hiện dưới hai hình thức cơ bản là: i) áp dụng có điều kiện; và ii) áp dụng không có điều kiện kèm theo mà chỉ trên cơ sở có đi có lại[6]. Tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc MFN sẽ không được thực hiện đối với những ưu đãi, thuận lợi áp dụng cho các liên minh thuế quan, khu vực mậu dịch tự do, mậu dịch biên giới.

1.2 Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc đối xử quốc gia (NT). Đây là một nguyên tắc được ghi nhận trong nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Theo nguyên tắc này, quốc gia ký kết sẽ phải dành cho các sản phẩm và nhà cung cấp của quốc gia ký kết khác sự đối xử trong thị trường nội địa của mình không kém hơn các sản phẩm, nhà cung cấp nội địa. Cùng với nguyên tắc MFN, nguyên tắc NT đã trở thành những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ kinh tế quốc tế và có thể nói hai nguyên tắc này đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong các điều ước quốc tế về kinh tế.

Cũng tương tự như khái niệm tối huệ quốc, trong Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, khái niệm đối xử quốc gia cũng được giải thích trong 4 lĩnh vực cụ thể như sau:

"1. Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hoá nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong nước

"2.Đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong n­ước

"3. Đối xử quốc gia trong đầu tư­" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài so với đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự.

"4. Đối xử quốc gia đối với quyền sở hữu trí tuệ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xứ mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân nước ngoài so với tổ chức, cá nhân trong nước.”

Trong Hiệp định, nguyên tắc NT được quy định tại Điều 2 Chương I,  Điều 3 Chương II, Điều 7 Chương III, Điều 2 Chương IV và Điều 2 Chương V.  Cách thể hiện các quy định về NT trong Hiệp định cũng giống như cách thể hiện quy định này trong WTO. Tức là đối với thương mại hàng hoá thì theo cách tiếp cận loại trừ: ngoài những ngoại lệ được nêu cụ thể rõ ràng thì Việt Nam và Hoa Kỳ phải từ bỏ các chính sách và biện pháp bảo hộ hàng hoá trong nước hay phân biệt đối xử đối với hàng hoá của Bên kia. Còn đối với thương mại dịch vụ thì Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ phải dành NT cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia trong những lĩnh vực dịch vụ mà mình có đưa ra cam kết cụ thể tại Phụ lục G Hiệp định. Đồng thời nguyên tắc NT cũng được áp dụng đối với các vấn đề liên quan tới khiếu nại, giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật tại Việt Nam và Hoa Kỳ (Điều 7.1 Chương I, Điều 4 Chương III và Chương VI).

Có thể thấy các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định đều có quy định về nguyên tắc NT. Tuy nhiên việc nghiên cứu chuyên sâu của đề tài về việc áp dụng nguyên tắc NT trong hai lĩnh vực là thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ có ý nghĩa thực tiễn cao.

1.2.1 Nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá của Hiệp định có vai trò bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá của Hoa Kỳ và hàng hoá của Việt Nam trên thị trường Việt Nam và Hoa Kỳ. Tại Đ.2(1) Chương I Hiệp định thì Việt Nam và Hoa Kỳ nước cam kết điều hành và áp dụng “các biện pháp thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng tới thương mại để tạo cho hàng hoá của Bên kia những cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa với các nhà cạnh tranh trong nước”. Đây là một quy định rất rộng, rất chung và không được lượng hoá cụ thể. Từ góc độ pháp lý thì có thể đặt một loạt các câu hỏi lớn ở đây, chẳng hạn thế nào là “cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa”, khi nào thì một sản phẩm được coi là “hàng hoá của Bên kia”, ai là “nhà cạnh tranh trong nước” và “các biện pháp thuế quan và phi thuế quan”là gì. Hơn nữa, quy định này được đặt trong bối cảnh NT nên nội hàm của nó lại càng rộng.

Phạm vi áp dụng NT trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, Việt Nam và Hoa Kỳ đều đã cam kết dành đối xử quốc gia (NT) cho hàng hoá của nhau liên quan tới “bất cứ loại thuế hoặc phí nội địa nào” và “về mọi luật, quy định và các yêu cầu khác có ảnh hưởng đến việc bán hàng, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng trong nước”. Tức là phạm vi áp dụng NT của Chương I là rất rộng và toàn diện đến mức khó có thể nghĩ ra được một vấn đề gì ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá lại không được đề cập tới ở đây.

Tiếp đến sự phức tạp của quy chế NT trong thương mại hàng hoá được bổ sung thêm quy định tại Điều 2.4: “Ngoài những nghĩa vụ ghi trong khoản 2 và 3 của Điều này, các khoản phí và biện pháp quy định tại khoản 2 và 3 của Điều này sẽ không được áp dụng theo cách ...nhằm tạo ra sự bảo hộ đối với sản xuất trong nước”. Đây là quy định có thể gọi là “quy định quét” rất chặt chẽ và được giải thích để chống lại các thực tiễn áp dụng mà không bảo đảm một sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, hay có thiên vị giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá của Bên kia. Vấn đề cạnh tranh lành mạnh và đối xử không phân biệt trong cạnh tranh là những điểm yếu của hệ thống pháp luật Việt Nam, đòi hỏi phải có nghiên cưú và pháp điển hoá hơn nữa thì mới đáp ứng được yên cầu thực thi Hiệp định này. Nhưng cũng phải khẳng định là quy chế NT là nghĩa vụ chung của cả Việt Nam và Hoa Kỳ, thậm trí là Việt Nam còn được ưu ái hơn trong việc được bảo lưu một số ngoại lệ áp dụng quy chế này (Phụ lục A, B, C và D của Hiệp định) ngoài những ngoại lệ chung dành cho cả hai nước.

Phần cuối cùng nhưng rất quan trọng từ góc độ pháp lý đó là những ngoại lệ, miễn trừ áp dụng đối với nguyên tắc NT trong thương mại hàng hoá của Hiệp định. Các ngoại lệ này được xây dựng trên cơ sở dẫn chiếu tới các “quy định tại Điều III của GATT 1994 và trong Phụ lục A của Hiệp định này”. Hơn nữa, mỗi Bên theo Hiệp định này còn được phép có những ngoại lệ đối với quy chế NT với các lý do an ninh quốc gia Điều 2 Chương VII và các ngoại lệ chung của Điều 3 Chương VII. Có thể nói về cơ bản thì những ngoại lệ của quy chế NT trong thương mại hàng hoá được nêu trong Hiệp định là những chuẩn mực và quy tắc của GATT/WTO và là rất rộng và toàn diện để các Bên có thể loại trừ những lĩnh vực hay biện pháp được coi là “nhạy cảm”. Thực tế áp dụng những ngoại lệ này trong thương mại quốc tế cho thấy đã xảy ra rất nhiều tranh chấp mà việc tìm hiểu, nghiên cứu chúng là cần thiết để tranh thủ và vận dụng tối đa các ngoại lệ cho phép này. ở đây cần lưu ý là đối với những ngoại lệ chung thì khi sử dụng phải “không được áp dụng theo cách tạo nên một phương tiện phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc không công bằng... hoặc tạo ra một hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế...”. Các vụ việc tranh chấp gần đây của WTO đã chỉ ra đây là tiêu chuẩn rất cao đối với các nước áp dụng các ngoại lệ chung.

1.2.2 Điểm khác biệt lớn nhất của nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) trong thương mại dịch vụ so với quy định về NT trong thương mại hàng hoá, sở hữu trí tuệ và đầu tư trong Hiệp định là ở chỗ: trong thương mại dịch vụ, nguyên tắc NT không được áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực dịch vụ mà chỉ được áp dụng cho những dịch vụ được nêu cụ thể tại Phụ lục G. Nói cách khác, những lĩnh vực dịch vụ không được đưa ra cam kết tức là không được nêu cụ thể tại Phụ lục G thì các Bên không có nghĩa vụ phải dành NT, nhưng cũng không bị cấm làm việc đó. Cách thức tiếp cận đối với NT trong dịch vụ theo Hiệp định cũng là cách được áp dụng trong thương mại dịch vụ (GATS) của WTO. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực là rất nhạy cảm và khó đưa ra đàm phán và cam kết, trong khi đó một số lượng lớn các nước lại chịu sức ép mở cửa mạnh mẽ của những nước có nhiều lợi thế về thương mại dịch vụ, như Hoa Kỳ, EU. Kết quả của Vòng Uruguay là đã đưa ra một cách tiếp cận “dung hoà” như vậy và được chấp nhận cho tới nay. Đồng thời cũng phải nói tới một tình tiết là khác với thương mại hàng hoá thì thương mại dịch vụ mới chỉ được đưa vào điều chỉnh một cách toàn diện và cụ thể trong khuôn khổ chung của WTO từ 1/1/1995 nên còn chưa có nhiều kinh nghiệm về áp dụng và giải thích các quy định NT. Tuy nhiên, về nội dung, mục đích và ý tưởng thì NT trong thương mại hàng hoá và NT trong thương mại dịch vụ có nhiều điểm tương đồng là nhằm loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử, thiết lập luật chơi chung cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.

Cam kết của hai Bên trong Hiệp định về việc áp dụng nguyên tắc NT được ghi nhận trong Điều 7(1) Hiệp định là: “dành cho các dịch vụnhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, đối với tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử... dành cho các dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của mình.”. Theo Điều 11.3 thì tất cả các biện pháp có thể hiểu là bao gồm:

“A. việc mua, thanh toán hay sử dụng một dịch vụ;

B. việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ mà một Bên yêu cầu phải chào cho công chúng cùng với việc cung cấp một dịch vụ;

C. sự hiện diện, bao gồm cả sự hiện diện thương mại, của các thể nhân của một Bên để cung cấp một dịch vụ tại lãnh thổ của Bên kia”.

Theo Hiệp định này thì Việt Nam có nghĩa vụ phải dành đối xử NT trong những lĩnh vực dịch vụ được nêu tại Phụ lục G nếu như các dịch vụ hay nhà cung cấp dịch vụ được xác định là “của Hoa Kỳ”. Một điểm nữa tương đối khác với chương I về Thương mại hàng hoá của Hiệp định là Chương III về Thương mại dịch vụ xác định rõ “quy tắc xuất xứ” của dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam hay Hoa Kỳ. Theo đó, thì dịch vụ của Hoa Kỳ là dịch vụ được cung cấp: từ lãnh thổ Hoa Kỳ hay trên lãnh thổ Hoa Kỳ cho người sử dụng dịch vụ Việt Nam. Đối với dịch vụ hàng hải thì dịch vụ của Hoa Kỳ là dịch vụ được cung cấp bởi tàu được đăng ký theo pháp luật của Hoa Kỳ hay bởi một thể nhân/ pháp nhân Hoa Kỳ thông qua việc người này vận hành hay sử dụng một phần hay toàn bộ một chiếc tàu. Đồng thời, dịch vụ của Hoa Kỳ còn có thể được xác định là dịch vụ được một nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cung cấp thông qua sự hiện diện thương mại hay hiện diện của thể nhân tại Việt Nam. Như vậy là khái niệm dịch vụ của một Bên ký kết là rất rộng và bao hàm hết tất cả các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, theo Điều 7 của Chương III về Thương mại dịch vụ thì sự đối xử NT cũng được dành cho đối tượng thứ 2 là nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, tức là những cá nhân (công dân và người thường trú), pháp nhân hay thực thể pháp lý bất kỳ được thành lập hợp pháp theo luật áp dụng. Tuy nhiên, để được hưởng đối xử NT của Việt Nam thì nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn là có “xuất xứ” Hoa Kỳ. Cụ thể là đối với thể nhân/ cá nhân thì người này phải cư trú tại Hoa Kỳ và theo pháp luật Hoa Kỳ thì người này là công dân hay ngươì thường trú của Hoa Kỳ. Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ là một pháp nhân (theo nghĩa rộng của Hiệp định) thì để được hưởng đối xử NT, chẳng hạn của Việt Nam, pháp nhân này cũng phải thoả mãn một trong các điều kiện “xuất xứ” sau đây:

A - được thành lập hay tổ chức theo pháp luật Hoa Kỳ và có hoạt động kinh doanh thực sự tại lãnh thổ Hoa Kỳ;

B - khi cung cấp dịch vụ thông qua những sự hiện diện thương mại tại Việt Nam (công ty chi nhánh, văn phòng...) cũng có thể được coi là của Hoa Kỳ nếu pháp nhân này được sở hữu hay kiểm soát bởi những cá nhân hay pháp nhân của Hoa Kỳ. Theo Điều 11 thì pháp nhân khi cung cấp dịch vụ được coi là được sở hữu hay kiểm soát bởi những cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ khi thoả mãn các điều kiện sau: “ được sở hữu” là khi cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ sở hữu hơn 50% vốn cổ phần của pháp nhân cung cấp dịch vụ này; và “được kiểm soát” là khi cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ có quyền chỉ định đa số các giám đốc hay chỉ đạo một cách hợp pháp các hoạt động của pháp nhân cung cấp dịch vụ này. Và

C- trong trường hợp một pháp nhân Hoa Kỳ không trực tiếp cung cấp dịch vụ mà cung cấp dịch vụ của mình thông qua các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam thì pháp nhân Hoa Kỳ này cũng sẽ được hưởng những sự đối xử, kể cả NT, nếu có, giống hệt sự đối xử mà Việt Nam dành cho hiện diện thương mại của pháp nhân này khi mà pháp nhân này cung cấp dịch vụ qua sự hiện diện thương mại này. Tuy nhiên, quy định này không cần thiết phải được áp dụng đối với bất kỳ bộ phận, đơn vị nào của pháp nhân Hoa Kỳ mà nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Một nội dung quan trọng trong việc áp dụng nguyên tắc NT là những ngoại lệ về NT của Việt Nam đối với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ. Đây là nội dung quan trọng của Hiệp định cần được tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo để áp dụng sao cho có lợi nhất. Ngoài những ngoại lệ chung được đề cập tại ChươngVII hiệp định thì chương III có Điều 3 (Hội nhập kinh tế) và Điều 10 (Khước từ lợi ích). Cả hai Điều này đều được xây dựng theo các quy định của hiệp định GATS trong WTO. Tuy nhiên, các ngoại lệ tại Chương III này được quy định hết sức chặt chẽ để chống lại việc lạm dụng nhằm gây cản trở cho thương mại quốc tế và bảo hộ trong nước.

1.3. Hiệp định được xây dựng dựa trên việc “tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế” do đó bên cạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử, Hiệp định còn qui định một số nguyên tắc khác trong quan hệ thương mại quốc tế như nguyên tắc minh bạch hoá chính sách, mở cửa thị trường, nguyên tắc từng bước xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế… Trong số những nguyên tắc này thì minh bạch hoá chính sách là một nguyên tắc rất quan trọng, đồng thời là một yêu cầu khá nặng đối với Việt Nam khi thực thi Hiệp định. Hiện nay, trong quá trình thực thi Hiệp định, yêu cầu về minh bạch hoá pháp luật và chính sách là nội dung được phía Hoa Kỳ rất quan tâm.

Nguyên tắc minh bạch hoá được quy định rất nhiều trong các chương, đồng thời còn được quy định riêng trong Chương VI của Hiệp định (các quy định liên quan tới tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện). Nguyên tắc này có thể được xem xét bao gồm các nội dung về tính công khai và quyền khiếu kiện. Trong đó yêu cầu về tính minh bạch đòi hỏi việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải theo một trình tự rõ ràng, tạo cơ hội cho “sự tham gia đóng góp ý kiến của Bên kia và công dân của Bên kia” vào việc xây dựng luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung mà có thể ảnh hưởng đến việc tiến hành các hoạt động thương mại việc công bố các văn bản này phải đáp ứng được yêu cầu là các cơ quan Chính phủ, xí nghiệp và các cá nhân có thể làm quen với chúng trước khi chúng có hiệu lực và áp dụng chúng theo đúng quy định cũng như các thông tin về thời điểm có hiệu lực và các cơ quan có liên quan trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đó. Một điểm quan trọng là chỉ các văn bản quy phạm pháp luật được công bố rộng rãi và dễ tiếp cận cho các cơ quan Chính phủ và các cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại mới được thi hành và có khả năng thực thi.

Đối với quyền khiếu kiện của công dân mỗi bên được quy định chủ yếu tại Chương VI và tuỳ từng trường hợp cũng được quy định trong từng chương. Theo đó, quyền khiếu nại và khiếu kiện của công dân mỗi Bên tới cơ quan hành chính hoặc tư pháp của Bên kia sẽ không bị phân biệt đối xử. Việc giải quyết tại cơ quan hành chính sẽ không làm mất đi quyền khiếu kiện của công dân mỗi Bên tại cơ quan tư pháp.

Nội dung cụ thể của nguyên tắc này sẽ được làm rõ trong Chương II của Phần này.

 

2. Sự tác động của việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đến hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành

2.1. Đến hệ thống pháp luật Việt Nam

Thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế (parta sunt servanda) là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Đồng thời Nhà nước Việt Nam cũng đã cụ thể hoá nguyên tắc này trong pháp luật quốc gia của mình tại Điều 23 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà mình đã ký kết, đồng thời đòi hỏi các bên ký kết khác cũng nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Như vậy, việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ là một nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Để có cơ sở pháp lý cho việc thực thi các cam kết này chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

Mặc dù Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ là Hiệp định song phương nhưng lại được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi trong WTO và một số thiết chế kinh tế quốc tế khác. Do đó việc thực thi Hiệp định cũng là việc đáp ứng các yêu cầu mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặc ra cho nước ta. Việc hoàn thiện pháp luật theo yêu cầu của Hiệp định đồng thời cũng là việc hoàn thiện pháp luật theo yêu cầu khách quan mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra cho chúng ta.

Việc hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với Hiệp định không chỉ đặt ra đối với Việt Nam khi thực thi Hiệp định. Nguyên nhân sâu xa của quá trình này là ở chỗ Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vì vậy chúng ta cần phải tham gia vào một sân chơi chung với những quy tắc chung của pháp luật thương mại quốc tế. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên các quy tắc và tiêu chuẩn của thương mại quốc tế. Đồng thời theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia thì nều Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định này thì đã thực hiện được khoảng 60 - 70% công việc cần thực hiện để gia nhập WTO. Bên cạnh đó, ngay từ trước khi Hiệp định được ký kết, chúng ta đã sửa đổi và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn của pháp luật thương mại quốc tế nhằm thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam … Điều đó đã chứng tỏ việc cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật của theo các chuẩn mực quốc tế là nhu cầu nội tại khách quan của quá trình mở cửa của đất nước nhằm tạo lập một môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng và hấp dẫn cho các quan hệ thương mại quốc tế, từng bước đưa nền kinh tế của Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Hiện nay chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với một cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong quá trình chuyển đổi, hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đang có sự chuyển biến rất mạnh để phù hợp với yêu cầu của cơ sở hạ tầng đó. Điều đó có nghĩa một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho nền kinh tế thị trường đang từng bước được hình thành thay thế cho hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nền kinh tế tập trung bao cấp trước đây. Như vậy, việc tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm mới đang từng bước được thể hiện trong quá trình lập pháp và lập quy của Quốc hội và Chính phủ. Trước thực tế khách quan này, việc thực thi Hiệp định đã đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành. Có thể thấy sẽ có những khó khăn chính là:

- Nhiều quy định trong Hiệp định, nhất là các điều khoản được rút ra từ những hiệp định của WTO và các công ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia như Công ước Berne, ICSID..., chúng ta chưa hiểu hết ngay được nội dung của chúng. Có thể nói, Hiệp định là một "trường học mới" cho tất cả các cơ quan Nhà nước, chuyên gia của các Bộ, ngành khác nhau, và các doanh nghiệp Việt Nam  hầu như còn xa lạ với các quy tắc và chuẩn mực của thương mại quốc tế hiện đại.

- Hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, nhất là pháp luật dịch vụ như dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính... Đối với một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định, nhưng nhiều quy định không đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở nhau. Điều này có thể thấy qua kết quả rà soát, đối chiếu bước đầu các quy định của Hiệp định với hệ thông pháp luật Việt Nam hiện hành. Theo kết quả này thì: số lượng văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 24 (8 Luật, 3 Pháp lệnh, 12 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng); số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị ban hành mới là 39 (8 Luật, 11 Pháp lệnh, 20 Nghị định); số các văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị huỷ bỏ là 9 (3 Nghị định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng, 5 Quyết định của các Bộ, ngành); số điều ước quốc tế được kiến nghị tham gia hoặc sửa đổi bảo lưu là 6 văn bản.

- Các cơ quan Nhà nước cán bộ Nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu của những năm 70 và 80, chưa thực sự hiểu và bắt nhịp được với nền kinh tế thị trường chính vì vậy việc thực hiện Hiệp định lại càng trở nên khó khăn.

- Khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam chưa cao. Do đó Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo một sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mà các doanh nghiệp Việt Nam chịu sự điều chỉnh của quy chế pháp lý giống như các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Điểm khác biệt cơ bản nhất cần được nói đến trước hết đó là sự khác nhau giữa khái niệm “thương mại” trong pháp luật Việt Nam hiện hành với khái niệm “thương mại” trong Hiệp định. trong pháp luật Việt Nam được hiểu theo nghĩa hẹp và được xác định theo khách thể của quan hệ thương mại, tức là trên cơ sở hành vi được coi là hành vi thương mại. Trong pháp luật Việt Nam được hiểu theo nghĩa hẹp và được xác định theo khách thể của quan hệ thương mại, tức là trên cơ sở hành vi được coi là hành vi thương mại. Các hành vi thương mại cụ thể này được quy định tại Điều 45 Luật Thương mại. Đối tượng của việc mua bán hàng hoá cũng bị giới hạn ở các động sản, chủ yếu là các máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua bán. Các bất động sản như nhà máy, công trình xây dựng không phải là nhà ở, các quyền tài sản như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu..., các hành vi liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá như vận chuyển hàng, thanh toán tiền mua hàng qua hệ thống ngân hàng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh hẹp của Luật Thương mại Việt Nam còn là một trở ngại trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, cũng như việc công nhận và cho thi hành các bản án, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Về nguyên tắc, Toà án Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam những phán quyết của trọng tài nước ngoài có nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng, phần lớn các phán quyết của trọng tài nước ngoài về tranh chấp thương mại xin được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam  có nội dung nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam.

Như vậy khái niệm “thương mại” trong pháp luật Việt Nam là rất hẹp. Trong khi đó Hiệp định đã đưa ra một khái niệm thương mại rất rộng theo tiêu chuẩn của WTO bao gồm:

- Thương mại hàng hóa;

- Thương mại dịch vụ;

- Khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại;

- Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại;

- Minh bạch hóa;

- Giải quyết tranh chấp.

Mặc dù trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không đưa ra một khái niệm hay định nghĩa về "thương mại" tại một Điều cụ thể nào, nhưng tiêu đề của Hiệp định là "Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại". Hơn nữa, Hiệp định này được xây dựng dựa trên cơ sở các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế, đặc biệt là các quy định của WTO. Điều này có nghĩa là các quan hệ điều chỉnh trong Hiệp định này là quan hệ thương mại. Theo cách hiểu như vậy thì khái niệm "quan hệ thương mại" trong Hiệp định này cũng được hiểu bao gồm các tất cả các quan hệ được điều chỉnh trong các Hiệp định của WTO nêu trên về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, đầu tư, vấn đề minh bạch hóa và quyền khiếu kiện, và giải quyết tranh chấp.

Với phạm vi điều chỉnh rộng nên việc thực thi Hiệp định sẽ có sự tác động rất sâu, rộng tới hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, tới công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh doanh. Nó yêu cầu pháp lụât kinh doanh của nước ta phải:

Khắc phục các khoảng trống, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn không nhất quá giữa các quy phạm pháp lụât, xóa bỏ sự phân biệt, đối xử trong kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh.

Đảm bảo tính trong sáng, minh bạch có thể dự liệu trước được.

Đảm bảo cơ chế thực thi thống nhất, có hiệu quả.

Đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu để có thể tạo niềm tin, công lý cho các doanh nghiệp, các chủ thẻ khác tham gia vào quá trình kinh doanh.

Từ những phân tích sơ bộ này chúng ta có thể thấy rằng để thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định, công tác hoàn thiện pháp luật của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Công tác hoàn thiện pháp luật không chỉ đặt ra đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - thương mại mà là một yêu cầu khá toàn điện đối với cả hệ thống pháp luật của chúng ta. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần phải chú ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, cần chấn chỉnh ngay việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ đúng thứ bậc văn bản, trình tự soạn thảo, ban hành quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, khi tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cần tính đến những yêu cầu của Hiệp định, của WTO cũng như các quy tắc và chuẩn mực quốc tế nói chung vào nội dung các văn bản này để tránh việc phải sửa đổi tiếp khi Hiệp định này có hiệu lực hoặc khi gia nhập WTO.

Thứ hai, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trước hết cần kiện toàn một bước cơ bản tổ chức pháp chế Bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước 90, 91, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc Sở kế hoạch và đầu tư, Thương mại hoặc Thương mại - Du lịch, Công nghiệp... của các tỉnh; tăng cường chức năng thẩm định văn bản pháp luật của các cơ quan, tổ chức này, bảo đảm tính thống nhất trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức đó trong việc cố vấn, tư vấn cho lãnh đạo về thi hành pháp luật.

Thứ ba, đối với các thiết chế tư pháp, cần nâng cao năng lực của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, thi hành án viên v.v.. để đảm bảo thực thi pháp luật theo yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Cải cách tư pháp ở nước ta cần được tiến hành nhanh hơn, mạnh hơn nhằm tương thích với yêu cầu của công tác tư pháp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định việc thực thi pháp luật trên thực tế bởi vì nếu pháp luật tốt nhưng không có được một đội ngũ cán bộ tốt thì pháp luật cũng không thể phát huy được hết những yếu tố tích cực của minh. Chính vì vậy chúng ta cần phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về thương mại quốc tế. Do vậy, bên cạnh việc củng cố, tăng cường kiến thức pháp luật, năng lực vận dụng pháp luật chung, cho cán bộ các ngành Thương mại, Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp, Ngân hàng, Tài chính, Du lịch v.v.., từ trung ương đến các tỉnh, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thương mại quốc tế cho các thẩm phán, thì cần có kế hoạch đào tạo cấp bách, có thể ở ngoài nước, một nhóm chuyên gia, kể cả luật sư đang hành nghề ở các công ty luật Việt Nam, có trình độ chuyên sâu về thương mại quốc tế, hiểu biết bản chất, thủ tục giải quyết các tranh chấp thương mại diễn ra ở WTO và trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ - EU, Hoa Kỳ - Canada, Hoa Kỳ - Nhật Bản, Hoa Kỳ - Trung Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc v.v... sau này giúp cố vấn cho Chính phủ  thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam; nếu tranh chấp phát sinh thì giúp bảo vệ quyền lợi của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.

Tóm lại, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có thể được xem như là một bước tiến quan trọng trong lịch sử quan hệ kinh tế của hai nước, mang lại cho thương mại Việt - Mỹ các điều kiện tương đương mà Hoa Kỳ đã dành cho hầu hết các nước trên thế giới. Đồng thời, bên cạnh ý nghĩa kinh tế, Hiệp định còn có một ý nghĩa chính trị to lớn, nó đánh dấu thời điểm lịch sử có tính chất quyết định trong quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Về mặt pháp lý, Hiệp định là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn của pháp luật thương mại quốc tế. Việc thực hiện tốt các yêu cầu của Hiệp định không chỉ giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, mà còn giúp chúng ta phát triển hệ thống pháp luật theo đúng xu thế phát triển của nền pháp lý quốc tế cả về mặt lý luận cũng như về nội dung văn bản và việc thực thi pháp luật. Theo chúng tôi đây là một lợi ích rất lớn mà chúng ta có thể thu nhận được từ việc thực thi Hiệp định.

 

2.2.   Đến các điều ước quốc tế thương mại khác

Mặc dù Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa kỳ song nó lại có mối quan hệ mật thiết với các nước Hiệp định thương mại song phương khác mà Việt Nam đã kí kết với các nước và tổ chức quốc tế. Mối quan hệ này được thực hiện thông qua các cam kết về nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) ghi trong các Hiệp định này. Theo tinh thần của nguyên tắc không ít các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ được áp dụng cho những nước mà Việt Nam đã dành cam kết MFN trong các Hiệp định thương mại và các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư hiện nay cũng như trong tương lai.

Một vấn đề cũng cần được lý giải  về phương diện lý luận là trong các Hiệp định thương mại trước đây thì MFN chỉ được dành cho hàng hóa hữu hình, dịch vụ đi theo hàng hóa cũng như các chủ thể tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế. Vậy thì những nước mà Việt Nam đã kí loại Hiệp định này cũng chỉ được hưởng MFN trong thương mại hàng hóa hữu hình mà thôi mà không được hưởng MFN trong đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ.

Cũng tương tự như vậy, đối với những nước mà Việt Nam đã kí kết diều ước quốc tế về đầu tư có qui định áp dụng MFN thì những nước này sẽ được hưởng những ưu đãi mà Việt Nam dành cho Hoa Kỳ trong lĩnh vực đầu tư theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Đương nhiên cũng cần phải phân biệt MFN trong đầu tư và MFN trong các khía cạnh thương mại liên quan đến đầu tư của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là hai phạm vi MFN không đồng nhất với nhau. Quan điểm này cũng cần được xem xét đối với các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ.

Quan hệ tương tác đa diện giữa Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và các Hiệp định thương mại song phương cũng như các điều ước quốc tế. Sự tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đến các Hiệp định thương mại và điều ước song phương khác của Việt Nam cần được nghiên cứu trong một đề tài riêng.

 

 

 

CHƯƠNG II

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM HOA KỲ VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

 

1. Thương mại hàng hóa

 

Chương I của Hiệp định (về thương mại hàng hoá) gồm có 9 điều. Nhìn chung các quy định trong Chương I của Hiệp định đã bám rất sát các quy định của WTO trong lĩnh vực thương mại hàng hoá liên quan đến hàng rào thuế quan, phi thuế quan. Nội dung của Chương I tập trung vào những nguyên tắc và nghĩa vụ cơ bản sau:

1.1 Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia

Nội dung của hai nguyên tắc này đã được phân tích kỹ trong Chương I của Phần này. Theo quy định tại Điều 1 và 2 của Chương I, nguyên tắc đối xử MFN và NT sẽ được áp dụng đối với mọi loại thuế quan và phí đánh vào hàng hoá xuất nhập khẩu; các vấn đề về thủ tục hải quan; thuế vào phí nội địa; các vấn đề về bán, chào hàng, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hoá trong thị trường nội địa; các vấn đề về hạn chế định lượng và giấy phép; các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh hoặc vệ sinh thực vật; quyền kinh doanh.

Như vậy có thể thấy hai nguyên tắc này đã bao trùm toàn bộ nội dung của Chương I. Chẳng hạn, theo Hiệp định, thuế và phí nội địa, pháp luật trong nước phải được các Bên áp dụng trên cơ sở của nguyên tắc đối xử tối hệ quốc và đối xử quốc gia cho hàng hoá của Bên kia. Đối với việc áp dụng các quy chế và tiêu chuẩn kỹ thuật, những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật, các tiêu chuẩn yêu cầu về môi trường, an ninh quốc gia, Hiệp định yêu cầu các Bên không được sử dụng những hàng rào phi thuế này để tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá nhập khẩu từ Bên kia.

1.2 Hai Bên cam kết dành cho các doanh nghiệp của nhau quyền kinh doanh ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Việt Nam cam kết dành quyền kinh doanh theo lộ trình (Phụ lục D): ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; ba năm sau khi Hiệp định có hiệu lực; bảy năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Theo lộ trình này, các hạn chế về quyền kinh doanh đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ từng bước đượcViệt Nam xóa bỏ (ngoại trừ một số ngoại lệ trong phụ lục D của Việt Nam).

1.3 Khoản 4 Điều 3 của Hiệp định yêu cầu các Bên, trong vòng 2 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, áp dụng nguyên tắc trị giá tính thuế hải quan theo Hiệp định thi hành Điều VII của GATT 1994. Theo yêu cầu này việc xác định trị giá tính thuế hải quan phải dựa trên giá trị giao dịch. Để chuẩn bịi cho việc thực hiện cam kết này, ngày 06/06/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2002/NĐ-CP Quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại. Trước mắt, Nghị định này sẽ được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu trong Danh mục hàng hoá của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN. Đây là bước thực nghiệm ban đầu trước khi chúng ta áp dụng nguyên tắc trị giá tính thuế của WTO cho hàng hoá của Hoa Kỳ cũng như chuẩn bị cho quá trình đàm phán gia nhập WTO.

1.4 Hiệp định cho phép các Bên trong trường hợp tham vấn về việc nhập khẩu hiện tại hay trong tương lai hàng hoá có xuất xứ từ lãnh thổ Bên kia gây ra, hoặc đe dọa gây ra, hay góp phần đáng kể làm rối loạn thị trường mà không đưa ra được biện pháp khắc phục thì một Bên có thể áp dụng hành động khẩn cấp đối với nhập khẩu. Các biện pháp tự vệ đối với hàng hoá nhập khẩu thương được áp dụng dưới hình thức hạn chế số lượng, tăng thuế hoặc những hạn chế khác để chống lại sự rối loạn thị trường. Tuy nhiên khi một Bên áp dụng các biện pháp tự vệ này thì Bên có hàng hoá nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ được phép đình chỉ nghĩa của mình theo Hiệp định với giá trị thương mại cơ bản tương đương. Để đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp này một cách hiệu quả và chính xác, ngày 25/5/2002, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam. Pháp lệnh này đã quy định rất cụ thể về các biện pháp tự vệ, trình tự, thủ tục và điều kiện áp dụng các biện pháp tự vệ.

1.5 Đối với doanh nghiệp Nhà nước, theo Hiệp định các Bên có thể thành lập hoặc duy trì doanh nghiệp Nhà nước và dành những ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên điểm quan trọng ở đây là các hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước này phải tuân thủ nguyên tắc chung là không phân biệt đối xử. Điều này có nghĩa việc thực hiện các hành vi mua bán của doanh nghiệp Nhà nước sẽ chỉ hoàn toàn căn cứ vào các tính toán thương mại, bao gồm giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng, khả năng tiếp thị, vận tải và các điều kiện mua hoặc bán khác, và dành cho các doanh nghiệp của Bên kia cơ hội thoả đáng, phù hợp với tập quán kinh doanh thông thường, để cạnh tranh trong việc tham gia vào các vụ mua hoặc bán đó.

1.6 Theo kết quả rà soát ban đầu của Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, để đảm bảo thực hiện các cam kết trong Hiệp định, chúng ta phải huỷ bỏ 6 văn bản, trong đó có 01 Nghị định và 5 Quyết định cấp bộ; ban hành mới 13 văn bản; sửa đổi, bổ sung 7 văn bản. Như vậy có thể thấy tác động của Hiệp định đến hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thương mại hàng hoá không phải là quá lớn. Điều này có nghĩa hệ thống pháp luật của ta trong lĩnh  vực này về cơ bản là đã phù hợp với yêu cầu của Hiệp định. Đồng thời, trong 1 năm qua, chúng ta đã ban hành được một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này phù hợp với yêu cầu của Hiệp định như: Pháp lệnh Giá ngày 26/4/2002; Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam ngày 7/6/2002; Pháp lệnh về Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia ngày 7/6/2002; Nghị định 101/2001/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan ngày 31/12/2001; Nghị định 102/2001/NĐ-CP về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ngày 31/12/2001; Nghị định 57/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 03/06/2002; Nghị định 60/2002/NĐ-CP về trị giá tính thuế hải quan ngày 06/06/2002… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta còn cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này. Ví dụ việc chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật riêng, cụ thể, chi tiết về quy tắc xuất xứ hàng hoá là một khó khăn rất lớn cho việc xác định hàng hoá nào sẽ được hưởng những đãi từ Hiệp định này. Bên cạnh đó, qua kết quả rà soát chúng ta nhận thấy công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cơ chế hai giá… hiện đang là một điểm bất cập lớn mà Việt Nam cần phải khắc phục sớm.

 

2. Sở hữu trí tuệ

 

Các quy định về sở hữu trí tuệ nằm trong Chương II của Hiệp định. Chương này quy định các mục tiêu, nguyên tắc và phạm vi các nghĩa vụ mà các bên cam kết phải thực hiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, ấn định nghĩa vụ cụ thể của các bên về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhìn chung các quy định của Chương II được xây dựng trên cơ sở các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS, tuy nhiên có một số quy định khắt khe hơn so với Hiệp định TRIPS (tham gia các điều ước quốc tế, các điều khoản về thời hạn chuyển tiếp, trợ giúp kỹ thuật...).

2.1 Cam kết chung về nguyên tắc và phạm vi của các nghĩa vụ

Không giống những Chương khác của Hiệp định, Chương II chỉ đề cập đến nguyên tắc đối xử quốc gia mà không có một quy định về nguyên tắc MFN với hai ngoại lệ cho việc áp dụng các thủ tục tư pháp, hành chính hoặc theo các thoả thuận song phương khác.

Một đặc điểm của Chương này đó là việc các Bên không chỉ tuân thủ những quy định của Hiệp định này, mà Chương II của Hiệp định còn dẫn chiếu đến các điều ước quốc tế khác như:

- Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép, năm 1971 (Công ước Geneva);

- Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, năm 1971 (Công ước Berne);

- Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, năm 1967 (Công ước Paris);

- Công ước Quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1978 (Công ước UPOV (1978)), hoặc Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1991 (Công ước UPOV (1991)); và

- Công ước về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (1974) (Công ước Brusselle).

Hiện nay Hoa Kỳ đã là thành viên của các điều ước này, trong khi đó Việt Nam mới tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Do đó, thực chất cam kết tại khoản 3 Điều 1 Chương II thực sự chỉ đặt ra nghĩa vụ đối với Việt Nam.

2.2 Quyền tác giả và quyền liên quan

Khái niệm “quyền tác giả” đã khá quen thuộc đối với các chuyên gia pháp lý của Việt Nam. Tuy nhiên khái niệm về “quyền liên quan” là một khái niệm khá mới, bên cạnh đó trong Bộ luật Dân sự các quyền liên quan cũng không được liệt kê một cách cụ thể, rõ ràng nên chúng ta sẽ gặp nhiều khó kăhn khi tìm hiểu về khái niệm này. Trong Hiệp định cũng như Bộ luật Dân sự của Việt Nam đều không có khái niệm về quyền liên quan (hay trong nhiều tài liệu còn gọi là quyền kề cận). Qua nghiên cứu các điều ước quốc tế về quyền tác giả cũng như Bộ luật Dân sự chúng ta có thể thấy quyền kề cận là một loại quyền phát sinh trên cơ sở quyền tác giả, nó có quan hệ mật thiết với quyền tác giả. Đồng thời việc biểu diễn, ghi âm hay phát thanh các tác phẩm văn học, nghệ thuật đều phải được sự chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả.

Nội dung của phần này tập trung vào các vấn đề chính sau:

- Về phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ là các tác phẩm có sự thể hiện nguyên gốc theo quy định của Công ước Berne gồm có: các chương trình máy tính; các sưu tập dữ liệu, tư liệu thể hiện dưới dạng có thể đọc được bằng máy hoặc dưới dạng khác, nếu việc lựa chọn và sắp xếp nội dung có sự sáng tạo.

- Phạm vi các quyền của tác giả, quyền của người thừa kế, theo đó tác giả, người kế thừa quyền lợi của họ được hưởng các quyền theo Công ước Berne và quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi cụ thể.

- Việc chuyển giao các quyền về kinh tế nhằm bảo đảm cho người có được hoặc nắm giữ bất cứ quyền kinh tế nào, cũng được chuyển giao một cách tự do và riêng rẽ quyền đó cho người khác, thông qua hợp đồng; và người có được hoặc nắm giữ quyền kinh tế theo hợp đồng được đứng tên mình và hưởng lợi ích thu được từ việc thực hiện các quyền đó.

- Về thời hạn bảo hộ tối thiểu là 75 năm, kể từ khi kết thúc năm tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, nếu thời hạn bảo hộ không được tính cuộc đời của tác giả; hoặc không được ít hơn 100 năm, kể từ khi kết thúc năm tác phẩm được tạo ra, nếu tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm, kể từ khi tác phẩm được tạo ra.

- Việc cấp phép dịch hoặc sao chép

- Về quyền đối với bản ghi âm

- Quyền của người biểu diễn

- Bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá là một lĩnh vực mới trong pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Do đó đây là một lĩnh vực mới cần được quan tâm nghiên cứu một cách thích hợp.

2.3 Quyền sở hữu công nghiệp

Đối tượng hữu công nghiệp được hưởng sự bảo hộ theo Hiệp định này gồm có nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật (bí mật thương mại), kiểu dáng công nghiệp và giống thực vật mới.

- Nhãn hiệu hàng hoá theo Hiệp định được cấu thành bởi dấu hiệu bất kỳ hoặc sự kết hợp bất kỳ của các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một người với hàng hoá hoặc dịch vụ của người khác, bao gồm từ ngữ, tên người, hình, chữ cái, chữ số, tổ hợp mầu sắc, các yếu tố hình hoặc hình dạng của hàng hoá hoặc hình dạng của bao bì hàng hoá. Nhãn hiệu hàng hoá bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

- Bằng độc quyền sáng chế sẽ được cấp cho mọi sáng chế, bất kể đó là một sản phẩm hay một quy trình, trong tất cả các lĩnh vực công nghệ, với điều kiện là sáng chế đó có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy điều kiện tiên quyết để xem xét một sácg chế có được sự bảo hộ theo Hiệp định hay không phục thuộc vào tính mới và khả năng áp dụng của sáng chế đó. Việc cấp bằng độc quyền sáng chế có một số ngoại lệ và hạn chế theo pháp luật quốc gia phù hợp với quy định của Hiệp định này.

- Thiết kế bố trí mạch tích hợp là một đối tượng mới của quyền sở hữu công nghiệp đối với Việt Nam, do đó Bộ luật Dân sự chưa có quy định về việc bảo hộ đối tượng này. Theo Điều 2 Công ước Washington về Sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp năm 1989 thì “mạch tích hợp” có nghĩa là một sản phẩm, dưới dạng thành phẩm hợc bán thành phẩm, trong đó các phần tử - với ít nhất một phần tử tích cực - và một số hoặc tất cả các mối nối được gắn liền trong và\hoặc trên một miếng vật liệu và nhằm thực hiện một chức năng điện tử”. Theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp được thực hiện theo quy định từ Điều 2 đến Điều 7, Điều 12 và Điều 16(3), trừ quy định tại Điều 6(3) của Công ước Washington về Sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp đang được để ngỏ cho các bên ký kết từ ngày 26 tháng 5 năm 1989 và việc quy định taị Điều 8 của Hiệp định.

- Theo Hiệp định, “thông tin bí mật” là những thông tin không phải là sự hiểu biết thông thường hoặc không dễ dàng có được, có giá trị thương mại vì có tính bí mật, và người có quyền kiểm soát hợp pháp thông tin đó đã thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh để giữ bí mật thông tin đó. Bên cạnh loại thông tin này, còn có các dữ liệu nộp trình cho Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ cũng được coi là thông tin bí mật và được bảo hộ phù hợp với quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 9 Chương II của Hiệp định. Thông tin bí mật là một loại đối tượng mới của quyền sở hữu công nghiệp mà chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Hiện nay chúng ta mới có quy định về bí mật thương mại.

- Hiệp định yêu cầu pháp luật quốc gia phải bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là các sản phẩm được tạo ra một cách độc lập, có tính mới hoặc nguyên gốc.

2.4 Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Đây là một nội dung rất quan trọng có vai trò quyết định về hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để đảm bảo cho việc thiết lập một hế thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách hữu hiệu, Hiệp định cho phép mỗi Bên quy định trong luật quốc gia của mình những thủ tục cho phép hành động một cách có hiệu quả chống lại việc xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp có thể áp dụng trong trường hợp này bao gồm: các biện pháp khẩn cấp thời, các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa xâm phạm. Việc áp dụng các thủ tục thực thi quyền không được cản trở  hoạt động thương mại và phải có biện pháp để chống sự lạm quyền. Đồng thời các thủ tục thực thi phải đúng đắn, công bằng, không quá phức tạp, tốn kém và không có những giới hạn bất hợp lý về thời gian hoặc có sự chậm trễ không chính đáng.

Nhằm cố gắng hạn chế tối đa hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được nhập khẩu để lưu thông trên thị trường, Hiệp định đã yêu cầu các Bên cần có những biện pháp liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. Theo yêu cầu này, pháp luật quốc gia quy định thủ tục cho phép người có quyền nộp đơn đến cơ quan hành chính hoặc cơ quan tư pháp có thẩm quyền yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc thông quan đưa hàng hoá vi phạm vào lưu thông tự do, nếu có cơ sở chứng minh có hoạt động nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc bản sao trái phép các tác phẩm được bảo hộ. Quy định này không áp dụng đối với hàng quá cảnh. Thủ tục, trình tự và điều kiện áp dụng các biện pháp này đã được quy định rất cụ thể trong Hiệp định.

2.5 Các cam kết về thời hạn thực hiện

 Việt Nam cam kết thi hành đầy đủ các nghĩa vụ tại Chương II trong các thời hạn sau:

- Đối với nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và sáng chế (Điều 6 và  Điều 7) : mười hai tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 4, trừ nghĩa vụ tại khoản 4) và nghĩa vụ bảo hộ thông tin bí mật (Điều 9): mười tám tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với  nghĩa vụ tuân theo các quy định có nội dung kinh tế và gia nhập Công ước Geneva, Công ước Brussels, nghĩa vụ về thời hạn bảo hộ quyền tác giả và nghĩa vụ bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá (khoản 3.A, khoản 3.E Điều 1, khoản 4 Điều 4, Điều 5): ba mươi tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với tất cả các nghĩa vụ khác không được liệt kê tại các điểm nêu trên: hai mươi bốn tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

- Trong trường hợp Việt Nam gia nhập WTO trước khi kết thúc các thời hạn nói trên, thì kể từ ngày gia nhập, Việt Nam cam kết thi hành đầy đủ các nghĩa vụ nói tại chương II,  trùng với các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS.

Ngoài những quy định nêu trên, trong Chương II của Hiệp định cũng đã quy định: “Trường hợp có xung đột giữa các quy định của Hiệp định này và Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ về quyền tác giả, ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1997, thì các quy định của Hiệp định này được ưu tiên áp dụng trong phạm vi xung đột”. Như vậy, trong quan hệ về sở hữu trí tuệ giữa hai nước, bên cạnh những quy định của Hiệp định này thì Hiệp định về Bản quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục có hiệu lưc áp dụng.

2.6 Pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ và tác động của việc thực thi Hiệp định.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp đã được xây dung từ năm 1976 trong khi đó lĩnh vực pháp luật về quyền tác giả thì mới được phá triển từ hơn 10 trở lại đây. Mặc dù vậy trong một thời gian khá dài hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của chúng ta không được chú trọng phát triển. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật Việt Nam quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực mới và còn khá xa lạ đối với nhiều cán bộ pháp lý và luật sư của chúng ta.

Cho đến nay, chung ta đã ban hành được một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề sở hữu trí tuệ cũng như đã tham gia voà một số điều ước quốc tế trong lĩnh vực này (chủ yếu về sở hữu công nghiệp).

Hiện nay, việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cũng như việc tham gia vào các điều ước quốc tế đều nhằm mục đích từng bước hài hoà hoá hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ với tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.  Có thể nói kết quả của công tác lập pháp và lập quy trong lĩnh vực này là một nỗ lực lớn của chúng ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, so sánh với các yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ chúng ta có thể thấy hệ thống các văn bản này còn có một số điểm bất cập chính mà chúng ta cần phải khắc phúc trong quá trình thực thi Hiệp định là:

- Thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự nên các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống thực tế.

- Giữa quy định của trong Bộ luật Dân sự với  quy định của văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả có sự mâu thuẫn, chồng chéo, điều này gây khó khăn cho Toà án khi vận dụng các quy định của pháp luật để xét xử;

- Nhiều khái niệm, thuật ngữ trong lĩnh vực quyền tác giả còn chưa được giải thích chính thức trong các văn bản pháp luật, hoặc nhiều thuật ngữ tuy được giải thích nhưng lại giải thích sai, cho nên việc vận dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các cơ quan áp dụng pháp luật không thống nhất được với nhau khi  hiểu về các thuật ngữ

- Một số quy định của pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam không phù hợp quy định của Công ước Berne về  quyền tác giả (ví dụ: Điều 751 và  Điều 752 của Bộ luật Dân sự  xác định  phạm vi các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả chưa phù hợp với quy định của Công ước Berne về quyền tác giả và thông lệ quốc tế; hoặc thuật ngữ “công bố, phổ biến tác phẩm” được giải thích tại Nghị định 76 và Thông tư 27 trái với giải thích của Công ước Berne về thuật ngữ này);

- Quy định của pháp luật còn có những điểm chưa rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây tranh cãi trong các cơ quan áp dụng pháp luật.

- Thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp còn phải qua nhiều tầng nấc, kéo dài về thời gian và lệ phí ban đầu còn cao.

- Thủ tục và thời gian đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn chậm.

- Các thủ tục tố tụng hoặc giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả.Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp còn chưa kịp thời, chưa nghiêm, thiếu sự quan tâm các cơ quan có chức năng.

- Công tác ngăn chặn hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại biện giới còn kém, không hiệu quả.

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, mà đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, của nước ta hiện nay về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, đã đáp được các yêu cầu cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng thời thấy rằng để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi một cách hiệu quả Hiệp định này Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm trong công tác hoàn thiệt pháp luật về sở hữu trí tuệ. Qua kết quả rà soát, đối chiếu sơ bộ ban đầu do Bộ Tư pháp thực hiện thì chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung 2 luật và 1 pháp lệnh; huỷ bỏ 3 văn bản; ban hành mới 14 văn bản và tham gia 4 điều ước quốc tế.

 

3. Thương mại dịch vụ

 

Trong Hiệp định, thương mại dịch vụ được quy định trong Chương III gồm  11 điều và Phụ lục G. Cách thức xây dựng các quy định và phụ lục về thương mại dịch vụ trong Hiệp định được dựa trên Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO. Chính vì vậy các khái niệm, phương thức và nguyên tắc cơ bản của chương Thương mại dịch vụ trong Hiệp định đều được lấy từ Hiệp định GATS của WTO.

Các cam kết về thương mại dịch vụ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản là  MFN, NT và minh bạch hoá. Tuy nhiên với đặc thù trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các cam kết cụ thể trong khuôn khổ GATS là rất khác nhau, tuỳ thuộc vào Danh mục cam kết của mỗi quốc gia thành viên. Danh mục cam kết cụ thể của GATS bao gồm các quy định về Tiếp cận thị trường (Market Access), Đối xử quốc gia (National Treatment) và Cam kết bổ sung (Additional Commitments).

Khác với thương mại hàng hoá, tự do hoá thương mại dịch vụ là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực dịch vụ nghề nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao và liên quan trực tiếp đến thể chế pháp luật và chính sách của mỗi quốc gia, Do đó, theo quy định của GATS, tự do thương mại dịch vụ được thực hiện từng bước (Progressive Liberalization), thông qua quá trình đàm phán giữa các quốc gia và đặc biệt là có dành một số ưu đãi nhất định cho các nước đang phát triển (thường là các ưu đãi về thời gian thực hiện các nghĩa vụ thành viên).

Cam kết về tự do hoá được thực hiện theo 4 phương thức cung cấp dịch vụ là Cung cấp dịch vụ qua biên giới (Cross-border supply); Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài (Consumption abroad); Hiện diện thương mại (Commercial presence); Hiện diện thể nhân (Presence of natural persons).

Như vậy, Danh mục các cam kết cụ thể của mỗi quốc gia thành viên bao gồm các quy định về điều khoản, điều kiện và hạn chế về Tiếp cận thị trường, Đối xử quốc gia cho 4 phương thức cung cấp dịch vụ kể trên.

Xu hướng chung của các cam kết cụ thể là phải thay đổi theo hướng từng bước giảm dần, tiến tới xoá bỏ các hạn chế và phân biệt đối xử nhằm bảo đảm cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài có được những cơ hội và điều kiện như nhau đối với tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

Trong phạm vi của GATS, "dịch vụ" bao gồm bất kỳ một lĩnh vực dịch vụ nào, ngoại trừ dịch vụ do Chính phủ thực hiện mà không nhằm mục đích thương mại và không phải cạnh tranh với các khu vực tư nhân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán và đưa ra danh mục cam kết về tự do hoá từng bước thị trường dịch vụ của các quốc gia thành viên, WTO đã sử dụng Danh mục phân loại các lĩnh vực dịch vụ (Central Product Classification, CPC) kèm theo mã số cho từng lĩnh vực và phân ngành dịch vụ cụ thể của Liên Hiệp quốc.

Theo Điều 9 Chương III của Hiệp định, các cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia do các bên đưa ra được quy định rõ trong bản Phụ lục G kèm theo Hiệp định. Đối với các lĩnh vực dịch vụ mà có đưa ra cam  kết, Phụ lục G sẽ quy định rõ: 1) các quy định, hạn chế và điều kiện về tiếp cận thị trường; 2) các điều kiện và chuẩn mực về đối xử quốc gia; 3) các nghĩa vụ liên quan đến các cam kết bổ sung; 4) lịch trình thực hiện các cam kết đó, nếu cần; 5) thời điểm các cam kết đó có hiệu lực.

Bảng lộ trình cam kết về thương mại dịch vụ cụ thể nêu ra tại Phụ lục G của Hiệp định bao gồm hai nhóm cam kết: 1) các cam kết nền chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ; 2) các cam kết về từng ngành/phân ngành dịch vụ cụ thể.

3.1 Cam kết nền

Cam kết nền chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ của Việt Nam. Về cơ bản, được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam). Các cam kết này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí:

- Các giới hạn về tiếp cận thị trường bao gồm: hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân:

- Đối xử quốc gia: Hiện diện thương mại và Hiện diện thể nhân.

3.2  Các cam kết trong từng lĩnh vực và ngành cụ thể 

Tại bản Phụ lục G, Việt Nam đã đưa ra các cam kết cụ thể trong các lĩnh vực dịch vụ sau đây:

a) Dịch vụ pháp lý (PCPC 861 trừ dịch vụ hành nghề luật Việt Nam)

* Khái niệm dịch vụ pháp lý theo GATS:

Theo nghĩa rộng, dịch vụ pháp lý bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật (Advisory Services), dịch vụ đại diện (Representation Services) và tất cả các hoạt động liên quan đến tư pháp như xét xử, công tố, bào chữa công...Tuy nhiên, ở hầu hết các nước trên thế giới, các hoạt động liên quan đến tư pháp được coi là dịch vụ do các cơ quan Chính phủ thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì thế, theo quy định tại Khoản 1 (c) Điều I của GATS, các hoạt động đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Như vậy, GATS chỉ điều chỉnh các dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện (đại diện, biện hộ, bào chữa trước Toà án, trọng tài và các cơ quan hành chính...) trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng. Dịch vụ pháp lý" là một phân ngành "dịch vụ nghề nghiệp" (Professional Services) thuộc lĩnh vực "Dịch vụ kinh doanh" (Bussiness Services). Theo CPC của Liên Hiệp quốc, dịch vụ pháp lý có mã số là 861 và được phân chia thành nhiều tiểu phân ngành.

Trong Hiệp định nội dung cam kết của Việt Nam về dịch vụ pháp lý cụ thể như sau:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia (None).

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia (None).

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Công ty luật của Hoa Kỳ được đặt Chi nhánh, thành lập công ty 100% vốn Hoa Kỳ, thành lập Liên doanh giữa Công ty luật Hoa Kỳ và Công ty luật Việt Nam để hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam.

 Thời hạn hoạt động của Chi nhánh của Công ty luật Hoa Kỳ là 5 năm, được tính từ ngày ký giấy phép và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.  

Luật sư Hoa Kỳ không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện cho khách hàng của mình trước Toà án Việt Nam.

Chi nhánh của Công ty luật Hoa Kỳ, Công ty luật 100% vốn Hoa Kỳ, Liên doanh giữa Công ty luật Hoa Kỳ và Công ty luật Việt Nam được tư vấn về pháp luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn của họ tốt nghiệp một trường đại học luật của Việt Nam và đáp ứng các điều kiện như đối với luật sư Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế (None)

- Hiện diện thể nhân: Không cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

b) Các dịch vụ kế toán, kiểm toán (PCPC 826)

c) Dịch vụ bảo hiểm:

d) Dịch vụ ngân hàng

- Các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác được liệt kê bao gồm:

- Nhận tiền gửi và các khoản tiền từ công chúng .

- Cho vay.

- Thuê tài chính.

- Giao dịch thanh toán và chuyển tiền.

- Bảo lãnh cam kết.

- Môi giới tiền tệ.

- Quản lý tài sản.

- Các dịch vụ thanh toán.

- Cung cấp và chuyển thông tin tài chính.

- Tư vấn, trung gian môi giới và dịch vụ tài chính phụ trợ khác.

đ) Dịch vụ quảng cáo (PCPC 871 trừ các dịch vụ quảng cáo đối với mặt hàng rượu và thuốc lá)

e)   Các dịch vụ thông tin liên lạc

Các cam kết trong lĩnh vực này bao gồm các dịch vụ viễn thông - PCPC 752 (các dịch vụ viễn thông trị giá gia tăng, dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ điện thoại cố định) và các dịch vụ nghe nhìn.

g) Dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan

h) Dịch vụ du lịch

Gồm các cam kết về:

* Các dịch vụ khách sạn và nhà hàng:

* Về các dịch vụ đại lý và điều phối du lịch lữ hành:

3.3 Pháp luật Việt Nam về thương mại dịch vụ

Hiện nay Việt Nam chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng về thương mại dịch vụ, từng lĩnh vực dịch vụ được điều chỉnh riêng bằng các văn bản chuyên ngành. Chính vì vậy hệ thông văn bản pháp luật về dịch vụ của Việt Nam hiện nay rất tản mạn, chưa được hệ thống hoá. Mặc dù vậy, cho đến nay một số lĩnh vực dịch vụ quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, xây dựng, vận tải, điều ước lịch, tư vấn pháp luật … đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, từng bước góp phần ổn định môi trường kinh doanh ổn định cho các loại hình dịch vụ.

Nhìn chung, môi trường pháp lý cho hoạt động thương mại dịch vụ hiện nay còn có một số hạn chế như sau:

- Chính sách của Việt Nam đối với thể nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Thuế thu nhập cá nhân cao cũng là một trong những nguyên nhân làm thị trường dịch vụ của nước ta kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

- Theo pháp luật Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định áp dụng riêng cho người nước ngoài đxn đến sự phân biệt đối xử giữa tổ chức cung cấp dịch vụ nước ngoài và tổ chức cung cấp dịch vụ Việt Nam trong vấn đề về vốn pháp định, giá sử dụng một số loại dịch vụ, thuế và một số hạn chế về phạm vi hoạt động.

- Nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng còn đang thuộc sự kiểm soát độc quyền của Nhà nước. Trong các lĩnh vực Nhà nước độc quyền kiểm soát như bưu chính, viễn thông, hàng không, đường sắt, mạng lưới phân phối một số mặt hàng quan trọng, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa được cấp phép tham gia cung cấp dịch vụ. Ngày 29/6/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP thay thế Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 và Nghị định số 25/CP ngày 26/3/1997 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ như phân phối điện, khai thác dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải đường sắt, hàng không, viễn dương cũng thuộc diện tiến hành cổ phần hoá với điều kiện Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt.

- Người nước ngoài hiện chỉ được mua tỷ lệ cổ phần không quá 30% vốn điều lệ của công ty.

Thực trạng của các văn bản quy phạm pháp luật đối với từng lĩnh vực dịch vụ có những đặc điểm chính là:

3.3.1 Dịch vụ pháp lý

Hiện nay loại hình dịch vụ này đang thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp và nhìn chung trong quá trình đàm phán Hiệp định cũng như đàm phán về dịch vụ trong khuôn khổ của ASEAN thì lĩnh vực này được coi là “mở” nhất.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam (Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 10/11/1998), các tổ chức luật sư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện luật định được phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam để hành nghề tư vấn pháp luật. Chi nhánh là hình thức hiện diện thương mại duy nhất của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Mỗi tổ chức luật sư nước ngoài được đặt tối đa 2 Chi nhánh tại Việt Nam. Thời hạn của Giấy phép đặt Chi nhánh là 5 năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn là 5 năm. Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Luật sư nước ngoài của Chi nhánh không được tư vấn về pháp luật Việt Nam, không được tham gia tố tụng tại Toà án Việt Nam. Hiện tại, có 26 tổ chức luật sư nước ngoài đặt 42 Chi nhánh tại Việt Nam (20 Chi nhánh tại Hà Nội và 22 Chi nhánh tại T.P Hồ Chí Minh) với tổng số 67 luật sư nước ngoài.

3.3.2 Dịch vụ kế toán - kiểm toán

Dịch vụ kế toán và kiểm toán đã được tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty và trung tâm tư vấn. Sự cạnh tranh trên thị trường chưa thực có hiệu quả do còn duy trì quy định hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty kiểm toán Việt Nam vẫn còn được bảo hộ, do vậy đã không chủ động cải tiến chất lượng dịch vụ của mình.

Khuôn khổ pháp lý điều chỉnh dịch vụ kế toán, kiểm toán còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhiều quy định còn không thống nhất, chưa phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán mới đang được hình thành, tổ chức nghề nghiệp chưa đủ mạnh để tổ chức, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Chức danh kế toán trong kinh tế thị trường chưa được thiết lập. Nhu cầu minh bạch và công khai hoá thông tin kế toán đã có nhưng chưa trở thành thói quen; chưa được quan tâm và thực sự coi trọng.

3.3.3 Dịch vụ bảo hiểm

Trước năm 1994, Nhà nước Việt Nam độc quyền kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thông qua Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam. Sau khi Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ được ban hành, thị trường dịch vụ bảo hiểm Việt Nam thực sự được hình thành và phát triển nhanh. Thị phần của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%).

Một thời gian dài, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm có hiệu lực pháp lý chưa cao và thiếu đồng bộ với các văn bản pháp luật khác như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các luật thuế, luật các tổ chức tín dụng... Gần đây, Quốc hội đã ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm; đồng thời thể chế hoá đường lối mở cửa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

3.3.4 Dịch vụ ngân hàng

Hiện nay ở Việt Nam có 4 ngân hàng thưong mại quốc doanh, 48 ngân hàng thương mại cổ phần, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 liên doanh giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài. Ngoài mạng lưới các ngân hàng, ở Việt Nam còn có các tổ chức phi ngân hàng cùng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng.

Luật ngân hàng nhà nước, Luật về các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này đã tạo lập được một khung pháp lý cơ bản, tương đối toàn diện và ổn định cho hoạt động ngân hàng.

3.3.5 Dịch vụ quảng cáo

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo còn thiếu và chưa đồng bộ. Cơ sở pháp lý còn chưa đầy đủ bên cạnh đó cùng với việc các quy định pháp luật về quảng cáo còn quá cứng nhắc, chưa mở cho đầu tư nước ngoài nên đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo còn hạn chế, cho đến nay mới chỉ có một hợp đồng hợp tác kinh doanh duy nhất về sản xuất phim quảng cáo truyền hình giữa VAFACO Việt Nam và công ty P&G Production Thailand được cấp giấy phép tháng 5- 1997 với số vốn 1,2 triệu USD. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa thị trường này cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ.

3.3.6 Các dịch vụ thông tin liên lạc

Trong một thời gian dài các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này cò giá trị pháp lý thấp, chưa tạo dựng được môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động của một lĩnh vực mới và năng động này. Do vậy, việc Quốc hội ban hành Luật Bưu chính viễn thông đã góp phần tích cực cho việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý ổn định cho các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thông tin liên lạc

3.3.7 Dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan

Lĩnh vực dịch vụ xây dựng và các ngành dịch vụ có liên quan như kiến trúc, tư vấn kỹ thuật xây dựng, tư vấn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, về cơ bản, được điều chỉnh bởi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo các văn bản pháp luật này, các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực xây dựng không thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng một số ưu đãi cao hơn về thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu so với các doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây nhất, để thi hành Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 về việc ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, việc ban hành các văn bản có hiệu lực pháp luật cao trong lĩnh vực kiến trúc, tư vấn kỹ thuật là một trong những yêu cầu cấp thiết.

3.3.8 Dịch vụ du lịch

 Đây là lĩnh vực khá mở cửa đối với đầu tư nước ngoài. Nhà nước Việt Nam đã cho phép thành lập khá nhiều công ty liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực khách sạn, vận chuyển khách du lịch và vui chơi giải trí.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ là một công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn do chúng da chưa có sựthống nhất về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Ngày 05/11/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2002/NĐ-CP về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn trừ dịch vụ tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ điều chỉnh các đối tượng là tổ chức, cá nhân ViệtNam cung cấp và sử dụng dịch vụ tư vấn mà không điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ tư vấn tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong khi đó hiện nay đang còn rất nhiều các lĩnh vực dịch vụ chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như dịch vụ tư vấn xây dựng, dịch vụ kỹ thuật, tin học... Bên cạnh việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về dịch vụ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ thống nhất là rất cần thiết. Bởi vì hiện nay Luật Thương mại chỉ hạn chế trong lĩnh vực thương mại hàng hóa nên cơ sở pháp lý chung trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chưa có. Theo kết quả rà soát bước đầu của Bộ Tư pháp thì trong lĩnh vực dịch vụ chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 6 luật, 4 pháp lệnh, 13 nghị định.

 

4. Đầu tư

 

Những cam kết đầu tư của Hiệp định được quy định chủ yếu tại Chương IV về phát triển quan hệ đầu tư, Phụ lục H về bảo lưu đối xử quốc gia, Phụ lục I về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (TRIM) và các thư trao đổi giữa hai Bên về chế độ cấp phép đầu tư. Ngoài ra, một số quy định sau đây của Hiệp định có liên quan trực tiếp đến các cam kết về đầu tư:

- Quy định về quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư Hoa Kỳ (Chương I - Thương mại hàng hóa);

- Quy định về mở cửa thị trường và dành đối xử quốc gia cho nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ dưới hình thức "hiện diện thương mại" (Phụ lục G, Chương III - Thương mại dịch vụ);

- Quy định về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công dân, công ty Hoa Kỳ (Chương V); 

- Quy định về giao dịch và chuyển tiền qua biên giới áp dụng đối với hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư của các công dân, công ty Hoa Kỳ (Chương VII - những quy định chung).

4.1 Một số nội dung cơ bản của Chương Phát triển quan hệ đầu tư

Nội dung tập trung vào một số vấn đề cơ bản là:

4.1.1 Nguyên tắc khuyến khích và bảo hộ đầu tư

Hai Bên cam kết thực hiện những nguyên tắc đối xử phù hợp với thông lệ quốc tế gồm:

- Áp dụng đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc với một bảo lưu có thời hạn và không có thời hạn.

- Áp dụng tiêu chuẩn chung về đối xử (hay còn gọi là tiêu chuẩn đối xử tối thiểu)

Ngoài ra, mỗi Bên còn có nghĩa vụ dành cho nhà đầu tư của Bên kia bất kỳ ưu đãi nào cao hơn các nguyên tắc đối xử nói trên được quy định trong hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành, các hiệp định quốc tế hoặc thỏa thuận cụ thể với nhà đầu tư của Bên kia.

4.1.2 Các quy định về bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Những cam kết này đều dựa trên các tiêu chuẩn chung của thương mại quốc tế như cam kết không tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hoá đầu tư một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; cho phép nhà đầu tư chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài; cam kếy về giải quyết tranh chấp; công bố công khai và nhanh chóng các luật, quy định và thủ tục hành chính có liên quan đến đầu tư; không áp đặt các yêu cầu đối với việc chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất; và một số quy định khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

4.2 Thực trạng pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Ngay từ năm 1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành bản Điều lệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.  Điều lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam dưới 3 hình thức là: Hợp tác sản xuất chia sản phẩm; xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp.  Điều lệ cũng quy định nhiều ưu đãi dành cho đầu tư nước ngoài dưới các hình thức này. Tuy nhiên, do nền kinh tế của nước ta lúc đó vẫn vận hành theo cơ chế quan liêu, bao cấp, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đất nước lại bị phong toả bởi chính sách bao vây, cấm vận nên bản Điều lệ này chưa được thực hiện trên thực tế.

Thực hiện chính sách đổi mới với nhiều chủ trương cởi mở và khuyến khích đầu tư nước ngoài, tháng 12 năm 1987, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Luật đầu tư nước ngoài), tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ năm 1987 đến nay, Luật đầu tư nước ngoài đã liên tục được hoàn thiện qua 4 lần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996 và gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2000.

Hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài là một nội dung đã được Nhà nước chú trọng phát triển trong những năm qua. Mặc dù vậy trên thực tế hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư vẫn còn những điểm còn hạn chế cần được cải thiện để phục vụ tốt hơn như cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, cũng như để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Có thể tóm tắt ở những nội dung sau:

- Hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn thiếu tính đồng bộ, chưa đủ mức cụ thể và còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nói trên.  Việc thực thi pháp luật, chính sách không nhất quán, tuỳ tiện; một số văn bản liên quan trực tiếp đến đầu tư nước ngoài thường xuyên thay đổi, lại chưa tính kỹ đến lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nên trong nhiều trường hợp làm đảo lộn phương án kinh doanh và gây thiệt hại cho họ.

- Hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài chưa phát huy hết vai trò là công cụ định hướng thu hút đầu tư.

- Thủ tục cấp phép đầu tư đã liên tục được cải tiến mà quan trọng nhất là việc bổ sung vào Luật chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, các tiêu chí cấp và từ chối cấp giấy phép vẫn còn chưa rõ ràng, minh bạch và trong một số trường hợp thiếu nhất quán.  Một số thủ tục liên quan đến việc triển khai dự án như: đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, hải quan... vẫn còn phiền hà và chậm được cải tiến.

- Với tính chất là một hệ thống riêng, tương đối độc lập so với luật đầu tư trong nước, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tạo ra một “sân chơi bình đẳng” giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài không chỉ đối với những vấn đề có liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của dự án đầu tư mà còn cả những vấn đề liên quan đến điều kiện đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Điều này chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là yêu cần dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư nước ngoài; cụ thể là:

+ Các quy định hiện hành về hình thức pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài chưa đa dạng và chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng các phương thức huy động vốn đầu tư nước ngoài.

+ Việc thực hiện nguyên tắc nhất trí đối với một số vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp liên doanh đã được quy định ngay trong Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và đã được thu hẹp trong các lần sửa đổi, bổ sung Luật vào các năm 1996 và 2000. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những tồn tại chủ yếu của hệ thống pháp luật hiện hành, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

+ Pháp luật hiện hành còn duy trì một số hạn chế nhất định đối với hoạt động đầu tư nước ngoài như: yêu cầu thực hiện hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với một số lĩnh vực; yêu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm mà thị trường trong nước đã đáp ứng nhu cầu; yêu cầu nội địa hóa đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử dân dụng; yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với các dự án chế biến đường mía, sữa, dầu thực vật, gỗ.... Những yêu cầu này không phù hợp với quy định của Hiệp định của WTO về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại.

+ Trong những năm gần đây, hệ thống hai giá phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đã từng bước được thu hẹp với việc Chính phủ quyết định áp dụng một bằng các loại phí, lệ phí và điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ như: giá điện, nước, viễn thông...Tuy nhiên, sau bước điều chỉnh này, giá một số hàng hóa, dịch vụ vẫn còn cao hơn một số nước trong khu vực và vẫn còn sự phân biệt giữa hai đối tượng nói trên (giá thuê đất, điện, hàng không, cước, phí cảng biển quốc tế....). Điều này vừa không đáp ứng yêu cầu dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư nước ngoài, vừa làm giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

+ Đến nay, hệ thống các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước đã được từng bước điều chỉnh theo hướng tạo mặt bằng thống nhất với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vẫn còn có sự khác biệt. Dự án đầu tư nước ngoài được hưởng mức thuế thấp hơn (trung bình là 25% và ưu đãi là 10%,15%, 20%) so với dự án đầu tư trong nước (32%), song lại phải chịu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với các mức 3 %,5%, 7 %. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu vật tư...cũng được áp dụng đối với dự án đầu tư nước ngoài với phạm vi ưu đãi hơn so với dự án đầu tư trong nước.

Trong lĩnh vực pháp luật về đầu tư, kết quả rà sóat bước đầu của Bộ Tư pháp đã có kiến nghị ban hành mới 3 luật và 3 pháp lệnh; sửa đổi, bổ sung 5 luật 2 nghị định và 2 văn bản cấp bộ.

Để đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập và mở cửa, hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư chắc chắn sẽ được hoàn thiện theo hướng phù hợp hơn với các tiêu chuẩn chung của pháp luật thương mại quốc tế cũng như các yêu cầu của Hiệp định.

 

5. Minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật trong nước

 

5.1 Minh bạch và công khai

Trong pháp luật thương mại quốc tế bên cạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử thì nguyên tắc minh bạch hoá là một nguyên tắc vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Hiệp định đã dành hẳn 7/8 điều của Chương VI để quy định về tính minh bạch, công khai. Các quy định về tính minh bạch, công khai không chỉ tập trung trong Chương VI của Hiệp định mà còn được quy định tại Điều 5 Chương IV, đồng thời các quy định về quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong từng chương cũng dựa trên tinh thần của nguyên tắc minh bạch và công khai.

Đối với khoa học pháp lý Việt Nam, phạm trù tính trong sáng, tính dễ hiểu đã được các học giả để cập từ nhiều năm nay. Đây là một yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật, là tiền để để có một nền pháp chế với đúng nghĩa của nó, đảm bảo cho mọi người trong xã hội thực hiện đúng các quy định  của pháp luật.

Tuy nhiên, các nhà làm luật của Việt Nam mới chỉ làm quen với phạm trù "tính minh bạch của pháp luật" trong một vài năm trở lại đây khi chúng ta tiến hành công cuộc hội nhập quốc tế. Trên thực tế thì vấn đề này được đặt ra cùng với quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Cho đến nay, các học giả Việt Nam cũng chưa có định nghĩa chính xác về phạm trù này. Vì đây là khái niệm mới, lại phức tạp, hàm chứa nhiều yếu tố đa dạng nên trong nội dung của đề tài chúng tôi chỉ nghiên cứu phạm trù này trên cơ sở các yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo Hiệp định, tính minh bạch của pháp luật, thể hiện ở các yếu tố sau:

- Trước tiên pháp luật phải được công khai, công bố định kỳ, kịp thời theo một quy trình được luật hoá, hợp lý về thời gian để mọi người có thể biết và thực hiện được.

 - Việc công bố văn bản quy phạm pháp luật phải đồng bộ, đầy đủ trên các phương tiện chính thức không chỉ nội dung các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật mà còn cả thông tin về ngày có hiệu lực của các biện pháp, các sản phẩm, dịch vụ, Cơ quan xét duyệt, tư vấn trong quá trình thực thi các biện pháp có liên quan đến kinh doanh.

- Các công dân, pháp nhân của Việt Nam và Hoa Kỳ được phép tiếp cận với hệ thống các dữ liệu pháp luật về nền kinh tế quốc dân, nhất là pháp luật ngoại thương trừ những dữ liệu thuộc bí mật quốc gia và các thông tin mật khác nếu như việc tiết lộ thông tin ấy có thể đi ngược lại lợi ích công cộng, phương hại quyền lợi thương mại của doanh nghiệp.

- Trong điều kiện và mức độ cho phép công dân của mỗi bên ký kết này trên lãnh thổ bên ký kết kia có cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh (hoạt động thương mại theo nghĩa rộng). Việc tham gia này cần được cho phép ngay từ đầu, từ khi hình thành dự án văn bản quy phạm pháp luật.

- Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, chỉ văn bản quy phạm pháp luật được công bố và có sẵn để các Cơ quan, cá nhân có thể tiếp cận được mới có giá trị pháp lý bắt buộc. Thời hạn để mọi người tiếp cận, biết được trước khi chúng có hiệu lực cần được quy định thoả đáng, hợp lý. Nếu có yêu cầu được cung cấp văn bản thì sẽ được đáp ứng.

- Các quy định của văn bản quy phạm pháp luật phải được áp dụng thống nhất, vô tư, hợp lý, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

- Các bên phải có các Cơ quan tài phán hành chính, tư pháp có thể xem xét, sửa đổi nhanh chóng, kịp thời yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người bị ảnh hưởng bởi các quyết định hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Các biện pháp này bao gồm cả các quy định về thủ tục khiếu kiện đối với các quy định hành chính ra Cơ quan tư pháp mà không bị trừng phạt. Người khiếu kiện được nhận kết quả giải quyết khiếu kiện bằng văn bản và lý do khước từ quyền được khiếu kiện lên cấp Cơ quan tư pháp cao hơn.

Có thể nói tính minh bạch là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong đời sống pháp luật của mỗi quốc gia, nó là nền tảng, cơ sở cho việc tạo lập nên một môi trường pháp lý ổn định, có tính khả đoán cao. Theo cấu trúc của Hiệp định, khác với các chương I, II, III, IV các quy định của chương VI có giá trị áp dụng xuyên suốt cho toàn bộ Hiệp định, là điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các điều khoản khác của Hiệp định. Do vai trò quan trọng của các quy định về tính minh bạch mà trong hai phiên họp đầu tiên của Uỷ ban hỗ hợp về phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì vấn đề minh bạch luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Tầm quan trọng của tính minh bạch pháp luật đã được chúng ta nhận thức ngay từ trước khi Hiệp định được ký kết, điều đó thể hiện bằng việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Nghị định 1001/CP quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu của việc ban hành Luật này là nhằm quy định cụ thể, chi tiết thủ tục trình tự soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương, các yêu cầu về việc đăng tải, công bố và hiệu lực của những văn bản quy phạm pháp luật này. Kể từ khi Luật được ban hành, công tác đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo đã có sự tiến bộ rõ rệt, tăng từ 2 số/1 tháng lên 4 số/1 tháng, qua đó số lượng các văn bản quy phạm pháp luật đã được đăng tải đầy đủ hơn, kịp thời hơn. Mặc dù vậy, với số lượng văn bản tăng nhanh chóng nên nhiều văn bản không được đăng hoặc đăng chậm, có nhiều văn bản có hiệu lực áp dụng rồi mới được đăng. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan để giải thích cho tình trạng này.

Bên cạnh việc đăng tải Công báo, sự tồn tại của những văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại có tính áp dụng chung là một hiện tương đang gây ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguyên tắc minh bạch cũng như đã có sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp về sự tồn tại của chúng. Đây là một hiện tượng mà phía Hoa Kỳ đã lường trước được khi ký kết Hiệp định nên đã đề nghị đưa vào trong Hiệp định một quy định là: "... đăng tải một cách định kỳ và kịp thời tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được quy định trong Hiệp định ...".

Có thể nói trước yêu cầu nội tại của Việt Nam, cũng như việc thực hiện cam kết về minh bạch hoá trong Hiệp định và chuẩn bị cho quá trình đàm phán gia nhập WTO, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi phù hợp với những yêu cầu của Hiệp định về thời hạn có hiệu lực của văn bản quy phạmpháp luật, quyền góp ý vào văn bản quy phạm pháp luật, sự phù hợp giữa văn bản quy phạm pháp luật với điều ước quốc tế, việc công bố và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật ....

5.2 Các quy định về giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật trong nước.

Khái niệm “tranh chấp” được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả những bất đồng, khiếu nại, tố cáo, vụ án hình sự và các tranh chấp khác cần phải được giải quyết theo các thủ tục pháp lý tại các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Có thể nhận thấy rằng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này đều là những cơ chế thông dụng, phổ biến trên thế giới như toà án, trọng tài, trung gian, hoà giải, tham vấn, bán tư pháp (ví dụ cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hay vi phạm hành chính). Các cơ chế này được xây dựng trên cơ sở những chuẩn mực và thực tiễn kinh doanh thương mại quốc tế hiện nay, ví dụ như nguyên tắc bình đẳng của các bên tranh chấp, thủ tục tố tụng hợp lý, khách quan hay những cơ chế quốc tế được sử dụng rộng rãi như Công ước về Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (Công ước ICSID), Quy tắc trọng tài của Liên hiệp quốc UNCITRAL... Tuy nhiên cho đến nay chúng ta chưa phải là thành viên của Công ước ICSID.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực công pháp (giữa hai Bên ký kết) được quy định tại Điều 5 Chương VII. Các Bên sẽ tiến hành tham vấn để giải quyết những mâu thuẫn hoặc bất đồng giữa hai Bên về việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này và các khía cạnh liên quan khác trong quan hệ giữa hai Bên. Đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chất ngoại giao và thường được quy định trong hầu hết các Hiệp định song phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong từng chương của Hiệp định đều có các quy định nhằm bảo đảm quyền của các cá nhân và pháp nhân mỗi Bên trong việc giải quyết tranh chấp và cơ chế bảo đảm thực thi các quyết định, phán quyết giải quyết tranh chấp của cơ quan tư pháp và hành chính.

Điều 4.3(B) Chương IV cho phép công dân hoặc công ty của mỗi Bên, dù đã đưa tranh chấp ra trọng tài kể cả trọng tài nước ngoài hay quốc tế, được “ đề nghị toà án hoặc cơ quan tài phán hành chính của một Bên thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời không liên quan đến việc thanh toán thiết hại...”. Đây có lẽ là một trong những quy định yêu cầu chúng ta phải có hoàn thiện nhiều đối với các quy định của pháp luật Việt Nam về mối quan hệ giữa toà án và trọng tài, nhất là về vai trò của toà án trong việc hỗ trợ tố tụng trọng tài.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý là thông qua Hiệp định này thì các yêu cầu về thoả thuận hay đồng ý bằng văn bản theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Công nhận và Thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài năm 1958, Công ước ICSID và Quy tắc của Cơ chế Phụ trợ phải được thoả mãn. Chúng ta cũng đã cam kết là tất cả các phán quyết trọng tài sẽ là chung thẩm và ràng buộc, và phải thực hiện và thi hành phán quyết này không được chậm trễ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo kết quả rà sóat bước đầu của Bộ Tư pháp, để đáp ứng nhu cầu của hiệp định trong lĩnh vực này, chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung 3 luật, 3 pháp luật, 3 nghị định; ban hành mới 2 luật, 1 pháp lệnh và 3 nghị định;hủy bổ 1 nghị định

 

*

*         *

 

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực được hơn 1 năm.Tổng hợp 1 năm qua công tác xây dựng pháp luật của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hoàn thiện pháp luật đáp ứng cáp nhu cầu của hiệp định bằng việc ban hành 2 luật, 7 pháp lệnh và 11 hiệp định liên quan đến việc thực thi hiệp định (xem phụ lục 1). Bên cạnh đó, so với kiến nghị của Bộ Tư pháp kèm theo Kết quả rà soát đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành  với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ mà chính phủ đã phê duyệt, việc sửa đổi và ban hành mới các văn bản quy định pháp luật mới vẫn còn quá chậm cần dược sớm ban hành (xemphụ lục 2).

Về tổng thể trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007) có 137 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đo có 118 dự án thuộc chương trình chính thức gồm 61 dự án luật, 49 dự án pháp lệnh và 19 dự án luật thuộc chương trình chuẩn bị. So với kiến nghị của Bộ Tư pháp (có 32 văn bản luật, pháp lệnh được kiến nghị sửa đổi bổ sung, ban hành mới trong Báo cáo của Bộ Tư pháp trình Chính phủ về kết quả rà soát) có 15 văn bản luật, pháp lệnh đã được đưa vào chương trình chính thức, 5 luật được đưa vào chương trình dự bị; 5 pháp lệnh chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội là Pháp lệnh về tư vấn pháp lệnh, Pháp lệnh phí, lệ phí, Pháp lệnh giá, Pháp lệnh quảng cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Như vậy chúng ta có thể thấy, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới sẽ cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mới đáp ứng được cáp yêu cầu của việc thực thi Hiệp định.

Đối với công tác tư pháp, việc thực hiện công tácđổi mới hệ thống tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị là 1 công việc cực kỳ quan trọng vãe rất thành công nếuchúng ta kết hợp được công tác này với việc thực hiện các cam kết về tư pháp trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là một Hiệp định thương mại đồ sộ nhất trong hơn 83 Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết từ trước đến nay. Nội dung của Hiệp định bao gồm hàng loạt các quy định, chuẩn mực chung của pháp luật thương mại quốc tế mà đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ và quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chính vì vậy, việc hiểu rõ và thực thi tốt Hiệp định là một yêu cầu tất yếu khách quan đồng thời là cơ sở rất thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Để có thể đóng góp 1 phần tích cực vào công tác thực thi Hiệp định, đề tài đã nghiên cứu phân tích và đưa ra những kiến nghị chung và cụ thể về công tác hoàn thiện pháp luật phục vụ cho việc thực thi Hiệp định trong Phần 3 của Báo cáo phúc trình.

 

CHƯƠNG III

KINH NGHIỆM KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VỚI HOA KỲ

 

1. Kinh nghiệm của các nước trong việc ký kết các Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ

 

1.1 Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ)

Các Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ với những nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô (cũ) chủ yếu được ký trước khi WTO thành lập. Sau khi WTO thành lập năm 1995, Hoa Kỳ chỉ ký Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư và một số tuyên bố chung về phát triển quan hệ thương mại. Do đó, hầu như các Hiệp định thương mại chủ yếu chỉ bó khung trong các quan hệ thương mại đối với hàng hóa hữu hình cũng như những dịch vụ kèm theo. Tuy nhiên trong những Hiệp định cũng có các điều khoản mở rộng hơn về tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch hoá pháp luật về chính sách, quyền khiếu kiện… Mặc dù vậy những quy định này còn tương đối chung chung, không cụ thể như Hiệp định mà Hoa Kỳ ký với Việt Nam. Theo số liệu năm 2001 các nước Đông Âu và Liên Xô đã ký với Hoa Kỳ những Hiệp định sau:

Anbani

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 14/05/1992.

Hiệp định đầu tư song phương 04/01/1998.

Bungari

Hiệp định về quan hệ thương mại 22/01/1991.

Hiệp định đầu tư song phương 02/06/1994.

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ 06/07/1994.

CH Séc

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 12/04/1990.

Hiệp định đầu tư song phương 19/12/1992.

Estônia

Hiệp định đầu tư song phương 16/02/1997

Hungari

Hiệp định về quan hệ thương mại 07/071978.

Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 29/09/1993

Moldova

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 02/07/1992.

Hiệp định đầu tư song phương 25/11/1994.

Balan

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 03/04/1992.

Hiệp định đầu tư song phương 15/01/1994.

Rumani

Hiệp định thương mại về đãi ngộ tối huệ quốc và không phân biệt đối xử 15/01/1992

Nga

Hiệp định thương mại về đãi ngộ tối huệ quốc và không phân biệt đối xử 17/06/1992.

Bản ghi nhớ chung về tiếp cận thị trường máy bay 30/01/1996.

Trao đổi công hàm về Hiệp định thương mại dệt, may và sản phẩm dệt may 15/12/2000.

Slovakia

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 12/041990.

Hiệp định đầu tư song phương 19/12/1992

Ucraina

Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 23/06/1992.

Hiệp định đầu tư song phương 16/11/1996.

Hiệp định về thương mại và dệt may và sản phẩm dệt may 1997.

Udơbekistan

Hiệp định về quan hệ thương mại  song phương 13/01/1997

Có  thể nói rằng, Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ ký với các nước sau khi WTO thành lập khác hẳn về chất so với các Hiệp định mà Hoa Kỳ ký trước đó, bao gồm cả những Hiệp định mà Hoa Kỳ ký với những nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi.

Trong số các Hiệp định thương mại mà các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô (cũ) ký với Hoa Kỳ thì Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Bungari và Hoa Kỳ là Hiệp định quy định toàn diện, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, Hiệp định này cũng ghi có 17 điều và 1 Thư trao đổi. Còn lại các Hiệp định khác chủ yếu đề cập đến thương mại hàng hoá giống như nhiều Hiệp định thương mại ký vào những năm 70 - 80. Nhìn chung, các Hiệp định thương mại này chỉ quy định chủ yếu thương mại hàng hoá theo Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT 1947). Chính vì vậy trong phần này đề tài chỉ xin so sách Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ.

a. Về cơ cấu:

- Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ gồm 17 điều, không được cơ cấu theo chương và Phụ lục Công hàm do Đại diện thương mại Hoa Kỳ gửi Đại sứ Bungari tại Hoa Kỳ, 22/04/1991.

Trong khi đó thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được chia thành các chương và nhiều phụ lục chi tiết.

Có thể nói rằng chỉ xem xét về hình thức cấu trúc, Hiệp định thương mại Vit Nam - Hoa Kỳ có cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều so với Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ. Hiệp định Bungari - Hoa Kỳ lại mang dáng dấp của GATT, còn Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ mang dáng dấp của WTO (có thể chiếm gần 70% cam kết của một nước thành viên WTO).

b. Về nội dung:

- Với những quy định cụ thể chi tiết, các phụ lục quy định các ngoại lệ cụ thể trong từng lĩnh vực, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ hàm chứa các chuẩn mực quy định của WTO (thương mại theo hướng tổng thể). Trong khi đó thì Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ lại hàm chứa các chuẩn mực của GATT (thương mại theo hướng đơn giản hơn, tức là chỉ thương mại hàng hoá). Đây là điểm khác biệt cơ bản bao trùm nhất, khái quát nhất giữa hai Hiệp định thương mại này.

- Sự khác biệt về nội dung Hiệp định được tiên định ngay trong Lời nói đầu.

- Về nội dung các điều khoản cụ thể Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ chỉ để cập chung chung đến thương mại hàng hoá và các dịch vụ kèm theo thương mại hàng hoá mà hầu như không quy định về sở hữu trí tuệ và đầu tư. Như vậy khái niệm thương mại trong hai Hiệp định này có phạm vi khác nhau

- Cơ chế đảm bảo của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được quy định cụ thể và chi tiết hơn.

- Yêu cầu về tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện. Trong Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ chỉ có một Điều (Điều 7), gồm 3 khoản quy định vô nghĩa về nghĩa vụ chung của hai bên ký kết trong đảm bảo tính minh bạch của pháp luật còn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thì đã quy định rất chi tiết.

- Về phụ lục, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có rất nhiều phụ lục quy định cụ thể các ngoại lệ, lộ trình cam kết cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng mặt hàng, từng loại dịch vụ. Chính lộ trình cam kết này sẽ tạo điều kiện thực hiện mục tiêu mà Hiệp định đề ra là Hoa Kỳ đối xử với Việt Nam như là một nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi.

Có thể nói tóm lại một cách ngắn gọn là Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ thực chất hàm chứa nội dung của chương I “Thương mại hàng hoá ” của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Còn các quan hệ về đầu tư, sở hữu trí tuệ thì được đề cập trong hai Hiệp định riêng rẽ, đó là Hiệp định đầu tư  song phương 02/06/1994 và Hiệp định về quyền sở hữu, trí tuệ 06/07/1994. Riêng phần dịch vụ (theo nghĩa rộng của WTO) thì giữa Bungari và Hoa Kỳ chưa có cam kết.

Hiệp định thương mại Hoa Kỳ được ký trong giai đoạn tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, nhất là xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển rất mạnh mẽ của pháp luật thương mại thế giới. Chính vì thế mà các cam kết trong Hiệp định vừa cụ thể, rõ ràng, nặng nề hơn với những lộ trình chi tiết. Đây là những điểm khác căn bản giữa Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với các Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ ký với các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô (cũ) sau khi hệ thống XHCN sụp đổ. Với cơ chế thực thi rất khắt khe, việc thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam  - Hoa Kỳ đặt ra nhiều nghĩa vụ nặng nề đối với Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi được đối xử như là nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi, Việt Nam đồng thời phải gánh vào những nghĩa vụ mới phát sinh từ việc cam kết theo tiêu chuẩn, quy tắc của WTO.

So sánh với các Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ đã ký với các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) chúng ta thấy được tính phức tạp, tính tổng thể, toàn diện của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ đó có nhận định đúng những thuận lợi và thách thức đang đặt ra đối với nước ta.

1.2 Hiệp định mở cửa thị trường Mỹ - Trung về việc Trung Quốc gia nhập WTO (Hiệp định Mỹ Trung)

Hiệp định về mở cửa thị trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong các Hiệp định song phương trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc (Để gia nhập WTO, Trung Quốc phải đàm phán thoả thuận với tất cả các nước thành viên WTO có nhu cầu đàm phán với Trung Quốc: Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật...). Do vậy tính chất đàm phán của Hiệp định Mỹ Trung tập trung vào việc mở cửa thị trường của Trung Quốc cho các nhóm hàng và ngành dịch vụ cũng như các điều kiện đầu tư mà Mỹ quan tâm.

Như vậy, chúng ta có thể xem Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ cũng nằm trong số đó. Theo các chuyên gia đánh giá, Hiệp định này đạt tới khoảng 60% một Hiệp định song phương giữa hai nước sau này trong khuôn khổ xét Việt Nam gia nhập WTO. Chính vì vậy việc so sánh Hiệp định Việt -Mỹ với Hiệp định Mỹ -Trung là một việc làm cần thiết qua đó đánh giá được mức độ cam kết của ta so với Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều điều kiện và hoàn cảnh tương tự Việt Nam.

Về nguyên tắc, khi gia nhập WTO Trung Quốc phải chấp nhận thực thi đầy đủ những nội dung, qui định trong các Hiệp định của WTO tức là của toàn bộ 18 Hiệp định. Vì lý do này nên hầu hết những nội dung đã có trong WTO không cần đưa vào Hiệp định song phương Mỹ - Trung nữa. Hiệp định song phương chỉ thoả thuận các cam kết mở cửa thị trường và những điều gì khác với quy định của WTO. Bởi vậy, Hiệp định Trung-Mỹ không cần có phần lời văn mà có cấu trúc giống với các phụ lục trong Hiệp định Việt - Mỹ quy định rõ lộ trình loại bỏ, cắt giảm hay mức cắt giảm thuế tương ứng. Như vậy có thể hiểu những cam kết của Trung Quốc là cao hơn tiêu chuẩn của WTO. Trong khi đó, nói một cách ngắn gọn thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới các tiêu chuẩn của WTO. Điều đó có nghĩa một số nội dung có trong WTO mà Việt Nam chưa cam kết trong Hiệp định song phương thì Việt Nam chưa có nghĩa vụ và cũng chưa có quyền lợi liên quan. Ví dụ như các nghĩa vụ liên quan đến thuế, trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp nói chung, xuất xứ, kiểm tra trước giao hàng v.v...

Như vậy có thể kết luận, phạm vi các lĩnh vực cam kết của Hiệp định Mỹ-Trung rộng hơn khá nhiều so với Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

Về những cam kết cụ thể, đề tài đã tiến hành so sánh giữa hai Hiệp định trong từng lĩnh vực cụ thể như:

- Thương mại hàng hoá gồm có thuế quan (mức độ cắt giảm thuế); hạn chế định lượng và lộ trình dỡ bỏ; quyền kinh doanh và quyền phân phối; vấn đề doanh nghiệp Nhà nước; áp dụng các biện pháp thương mại.

-Về thương mại dịch vụ, Trung Quốc đã đưa ra cam kết trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ của WTO (99/155 phân ngành dịch vụ), trong khi Việt Nam cam kết chưa đến 40% lĩnh vực dịch vụ (53/155 phân ngành). Trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ thì cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thấp hơn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với Dịch vụ pháp lý cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có phần mở hơn so với của Trung Quốc.

- Về sở hữu trí tuệ, Trung Quốc chấp nhận toàn bộ thực thi đầy đủ những nội dung, qui định của WTO tức là của toàn bộ 29 Hiệp định bao gồm Hiệp định  về các khía cạnh  liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS.

Trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ đạt được trên cơ sở các quy định trong Hiệp định TRIPS của WTO. Ngoài ra Hiệp định còn bao gồm một số nội dung tuy không có trong Hiệp định TRIPs nhưng nhiều nước có trình độ phát triển như ta đã chấp nhận.

- Về đầu tư, Trung Quốc sẽ cam kết một loạt các biện pháp cụ thể để đảm bảo đối xử công bằng đối với các  doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc.

Do mục đích của hai Hiệp định khác nhau nên nội dung của Hiệp định về mở cửa thị trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ có nhiều điểm khác nhau mặc dù cả hai Hiệp định đều được xây dựng dựa trên các chuẩn mực của pháp luật thương mại quốc tế. Hiệp định về mở cửa thị trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được xây dựng cao hơn các yêu cầu của WTO vì các nghĩa vụ của WTO là đương nhiên đối với Trung Quốc. Trong khi đó Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có mục tiêu là hướng tới các tiêu chuẩn của WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Do đó về mức độ cam kết chắc chắn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ hẹp hơn so với Hiệp định Trung - Mỹ. Tuy nhiên, việc so sánh này là rất cần thiết để qua đó chúng ta có thể lường trước được khối lượng công việc mà chúng ta sẽ còn phải làm khi gia nhập WTO sau khi đã thực hiện tốt Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

 

2. Ý kiến chuyên gia liên quan đến Hiệp định

 

Nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo cho các nhà nghiên cứu và các cán bộ làm công tác có liên quan đến việc thực thi hiệp định Việt Mỹ, đề tài đã chọn lọc và tổng hợp một số quan điểm của các quan chức và nhà nghiên cứu Mỹ liên quan đến Hiệp định. Nhằm đảm bảo tính chính thống của thông tin trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi chỉ tổng hợp một số thông tin mang tính chất chính thức được trích từ các nguồn chính thức (như các báo cáo nghiên cứu về hiệp định trình Quốc hội Mỹ, các tài liệu của quan chức Chính phủ Mỹ điều trần trước hai Viện của Quốc hội Mỹ, các phát biểu, tuyên bố chính thức và một số tài liệu Hội thảo...). Để đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi cố gắng chỉ tổng hợp và cơ cấu lại các thông tin thu thập được mà không chỉnh lý lại các nội dung thông tin cũng như không bình luận về các quan điểm được đưa ra.

Một nhận xét chung của các chuyên gia nước ngoài là Hiệp định là một biểu hiện rõ ràng rằng Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế và hội nhập vào hệ thống kinh tê thế giới. Đây là một biểu hiện điển hình về việc hai Bên có thể sử dụng các biện pháp đổi mới và ngoại giao kinh tế đầy sáng tạo để thúc đẩy lợi ích của cả hai Bên. Nếu nhìn nhận Hiệp định như một cơ sở/khung khổ (pháp lý) cho việc bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam thì có thể coi các hoạt động thương mại là chất keo gắn kết và tạo sức sống cho mối quan hệ đó.

Xét về bối cảnh kinh tế chính trị ở thời điểm ký hiệp định, có thể nói quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam không phải là một ưu tiên hàng đầu đối với các công ty, doanh nghiệp của Mỹ và so với một số hiệp định thương mại song phương mà Mỹ là nước ký kết trước đó thì Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị hơn là kinh tế. Đây là quan điểm của cả Chính phủ và giới doanh nghiệp/tư nhân Mỹ.

Xét về nội dung chuyên môn của các điều khoản, Hiệp định có các yếu tố tương tự như các yếu tố đã có trong các văn kiện của GATT/WTO, NAFTA và nhiều hiệp định đầu tư song phương hay các hiệp ước "hữu nghị, thương mại và hàng hải" mà Mỹ đã ký trong hơn 60 năm qua.

Nhìn từ góc độ chuyên môn thuần tuý, có thể nói nội dung lời văn của Hiệp định cũng không hoàn toàn dễ hiểu và còn chứa đựng một số thuật ngữ chưa rõ ràng hay đa nghĩa. Ví dụ tại chương II quy định Việt Nam bị ràng buộc bởi chương này và "các quy định nội dung kinh tế" của các công ước về quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung này không hoàn toàn rõ nghĩa. Quy định về nghĩa vụ cơ bản (điều 11) theo đó "Mỗi bên phaỉ đảm bảo là các thủ tục thực thi của mình là công bằng và bình đẳng, không được phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết, và không có những thời hạn không hợp lý hoặc trì hoãn không cần thiết" có lời văn mang tính cương lĩnh và trên thực tế khó triển khai thực hiện cũng như khó đánh giá kết quả đạt được. Nhiều nội dung cũng mang tính thiên vị và chung chung có thể dẫn đến khó thực hiện đối với Việt Nam với địa vị là một nước đang phát triển như quy định tại điều 4 "bảo đảm các biện pháp áp dụng chung có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được quản lý theo cách hợp lý, khách quan và vô tư".

Việc ký kết Hiệp định đã mở ra một trong những thị trường lớn nhất thế giới cho hàng hoá của Việt Nam. Ngược lại, đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường của mình cho các pháp nhân và thể nhân Hoa Kỳ vào làm ăn với những ưu đãi cao hơn hẳn các pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác. Đồng thời Hiệp định cũng có tác động đến việc xây dựng một cơ chế thương mại hoàn toàn minh bạch tại Việt Nam bằng cách cho phép góp ý kiến vào các dự thảo luật và quy định cũng như đảm bảo sẽ công khai tất cả các dự thảo luật và các quy định đó.

Thành công trong việc thi hành Hiệp định này, đặc biệt là trong việc tuân theo các thời hạn loại bỏ một loạt các ngoại lệ và hạn chế sẽ không chỉ xác định là liệu hiệp định này có hiệu quả trong việc tăng cường thương mại và đầu tư của Mỹ hay không mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nỗ lực của Việt Nam gia nhập WTO.

Dự đoán về tình hình quan hệ thương mại giữa hai nước sau khi Hiệp định được ký kết, trợ lý ngoại trưởng Mỹ E. Anthony Wayne và Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt Virgina B. Foote cho rằng"

"Đây là một bước tiến để hai nước mở rộng sự tiếp cận thị trường của nhau và chỉ trong năm đầu tiên thôi  thương mại song phương hai nước sẽ tăng gấp đôi" "Với sự áp dụng đầy đủ các quan hệ bình thường hoá, Mỹ chắc chắn sẽ trở thành một nhà đầu tư hàng đầu tại  Việt Nam".

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được Chính phủ Mỹ trông đợi như một công cụ xúc tiến một giai đoạn quan hệ đối ngoại mới đối với Việt Nam nhằm xúc tiến quan hệ đa diện và đa mục tiêu. Theo đánh giá của các quan chức Mỹ[7], việc ký kết Hiệp định chính là một minh chứng quan trọng nhất cho quyết tâm của Việt Nam hướng tới tương lai. Điều này cũng chứng minh rằng giới chức lãnh đạo của Việt Nam hiện nay đang ủng hộ một thể chế kinh tế mới tự do hơn. Vì vậy việc triển khai Hiệp định sẽ là một yếu tố quan trọng để tăng cường các nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn của Việt Nam và tạo đà cho Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, bản thân Chính phủ Mỹ không ảo tưởng về mối quan hệ với Việt Nam. Việt Nam là một nước đang trong quá trình chuyển đổi và việc thực hiện Hiệp định là một thử thách lớn đối với Việt Nam. Quá trình này sẽ không dễ dàng, nhanh chóng thâm chí có thể có trục trặc song sẽ không thể bị đình trệ. Việc tự do hoá có thể diễn ra nhanh chóng trên một số lĩnh vực (như bảo hiểm) và chậm hơn trên một số lĩnh vực khác (như viễn thông)nhưng Việt Nam giờ đây đã bắt đầu vào quỹ đạo hoà nhập với cộng đồng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc ký kết Hiệp định này có thể coi là một bước tiến quan trọng khởi nguồn từ quá khứ nhưng việc áp dụng Hiệp định sẽ là chìa khoá cho tương lai và các biện pháp mà Việt Nam phải áp dụng để thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có thể tiên đoán trước là những bước đi quan trọng nhất mà Việt Nam tiến hành nhằm thúc đẩy đổi mới kinh tế kể từ khi Việt Nam bắt đầu chương trình "cơ cấu lại" nền kinh tế vào cuối những năm 80.

Những khó khăn trong việc thực hiện Hiệp định chắc chắn chủ yếu sẽ đặt ra đối với Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải có những nỗ lực và quyết tâm cao để có thể đảm bảo thực thi Hiệp định và tạo đà cho quá trình đàm phán gia nhập WTO.

 

PHẦN THỨ BA

KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

 

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực thi hành được hơn 1 năm. Các chỉ số trong lĩnh vực thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ đã thể hiện hiệu quả tích cực của 1 năm thực hiện Hiệp định[8]. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được từ việc thực thi Hiệp định thì Việt Nam cũng đã gặp một số khó khăn.

Về mặt khách quan, mặc dù đây là một Hiệp định song phương nhưng lại được xây dựng trên khuôn khổ pháp luật thương mại đa phương, đặc biệt là các quy định của WTO, trong khi Việt Nam chưa phải là thành viên vì vậy việc thực hiện những quy định của Hiệp định đã đặt ra nhiều khó khăn cho Việt Nam. Đồng thời Hoa Kỳ chỉ dành quy chế tối huệ quốc cho Việt Nam  hàng năm cho đến khi Việt Nam gia nhập WTO và với điều kiện Nghị viện Hoa Kỳ đồng ý gia hạn miễn trừ điều khoản Jacson - Vanick.

Về mặt chủ quan, đối với các cơ quân nhàn nước, năm vững các nội dung của Hiệp định, hiểu rõ các nghĩa vụ của Việt nam nói chung và ngành mình nói riêng trong quá trình thực thi Hiệp định không phải là một công việc đơn giản và có thể thực hiện một sớm một chiều. Trên thực tế, trong quá trình rà soát Bộ Tư pháp nhận thấy, giữa các cơ quan, chuyên viên của các bộ, nghành khác nhau, thậm trí của cùng 1 cơ quan đã có những nhận định khác nhau về cùng 1 nội dung của Hiệp định. Đồng thời ngay bản thân giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt của Hiệp định có 1 số chỗ còn khác nhau. Bên cạnh đó nội dung của Hiệp định còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, khó hiểu gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình thực thi Hiệp đinh từ phía Việt nam. Trong khi đó, cơquan có nhiệm vụ giải thích Hiệp định này là Ủy ban Hỗn hợp về phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt nam và Hoa kỳ vẫnchưa thực hiện công việc này. Công tác xây dựng pháp luật so với lộ trình Việt nam đã cam kết trong kiệp định thì chúng ta còn chậm hơn rất nhiều (Xem phụ lục 2). Mặt khác, các doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu sự hiểu biết về pháp luật và thực tiễn kinh doanh của Hoa Kỳ. Năng lực tài chính và sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu và còn thiếu.

Để có thể thực hiện được tốt các cam kêt của Việt Nam, chúng ta không phải chỉ đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật mà từ nay trở đi, công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần phải đảm bảo những yêucầu cơ bản sau:

- Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng được yêu cầu nội tại của đất nước, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của văn bản. Tuy nhiên cần phải đặc biệt chú trọng tới sự phù hợp của các văn bản này với những yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà đặc biệt là các yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và WTO. Điều này là rất cần thiế bởi hiện nay Việt Nam đang trong quá trình thực thi Hiệp định và đàm phán gia nhập WTO do đó Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO rất chú ý tới hoạt động lập pháp của chúng ta. Hơn nữa, nếu chúng ta đảm bảo được tính phù hợp này thì khi gia nhập WTO sẽ không nhất thiết phải sửa đổi pháp luật nữa.

-  Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO chúng ta cần phải giải quyết được mối liên hệ giữa Hiệp định với mức độ cam kết trong WTO. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta có thể thấy ngay rằng các nước thành viên sẽ không thể chấp nhận một mức cam kết thấp hơn Hiệp định. Đây là vấn đề rất quan trọng cho quá trình đàm phán mà chúng ta phải sớm có chủ trương.

- Chương trình lập pháp của Quốc hội cần phải dành sự ưu tiên thích đáng cho các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ hội nhập. Qua kết quả nêu trên chúng ta thấy hiện nay Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới chỉ đáp ứng được 50% theo yêu cầu. Do đó cần có chiến lược xây dựng pháp luật khả thibao quát được những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, thiết yếu tương thích với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

- Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật trong nước, việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương cũng cần phải đặt trong bối cảnh đàm phán các hiệp định đa phương, tránh sự mâu thuẫn trong hai hoạt động này. Theo chúng tôi có lẽ vào thời điểm hiện nay chúng ta nên tập trung vào việc đàm phán gia nhập WTO là chính.

- Đi liền với công tác hoàn thiện pháp luật cần tiến hành mạnh hơn công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm nâng tầm cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp và các cán bộ trong hai lĩnh vực này để có thể đáp ứng được những yêu cầu mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho Việt Nam

Bên cạnh những quan điểm chung định hướng nêu trên thì trong từng lĩnh vực cụ thể Đề tàicũng đã cónhững kiến nghị cụ thể phù hợp với những yêu cầu của các lĩnh vực này.

1. Thương mại hàng hoá là lĩnh vực đã thể hiện rõ nhất lợi ích từ việc thực thi Hiệp định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích, cũng đã phát sinh những mặt tiêu cực, bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế vụ tranh chấp về sản phẩm cá tra và cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Trong thời gian sắp tới còn một loạt ngành hàng khác của Việt Nam cũng có thể bị kiện tương tự như sản phẩm các tra và cá basa là dệt may, dày dép, tôm… Vì vậy, chúng ta cần có chính sách một mặt có thể bảo hộ được sản xuất trong nước nhưng phải đảm bảo những bảo hộ đó không vi phạm các quy định của Hiệp định nói riêng cũng như các nguyên tắc của pháp luật thương mại quốc tế nói chung.

Pháp luật về bảo hộ kinh tế của Việt Nam hiện nay còn thiếu, không đồng bộ. Cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp thương mại cơ bản chưa được ban hành đầy đủ (chúng ta mới có Pháp lệnh về Tự vệ trong quan hệ nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài mà chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành). Chính vì vậy, lúc này chúng ta cần phải có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật bảo hộ kinh tế và áp dụng các biện pháp thương mại. Tuy nhiên, các văn bản này cần phải quy định thủ tục, trình tự áp dụng cụ thể, chặt chẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó phân định trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan Nhà nước và pháp nhân.

2. Về thương mại dịch vụ, đây là một khái niệm khá mới mẻ đối với các cơ quan lập pháp của Việt Nam, pháp luật thực định của chúng ta về lĩnh vực này còn quá khiêm tốn. Chính vì vậy việc hoàn thiện pháp luật về dịch vụ trước hết đặt ra yêu cầu phải nâng cao hiểu biết, kiến thức của các cán bộ về thương mại dịch vụ. Trên cơ sở đó, quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thương mại dịch vụ sẽ được nâng cao về chất và lượng. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ là một lĩnh vực rộng, phức tạp và mới mẻ đối với Việt Nam chính vì vậy trong phần này đề tài chỉ đưa ra những kiến nghị chung ban đầu trong việc hoàn thiện pháp luật về dịch vụ.

Hiện nay ở Việt Nam có quan điểm cho rằng chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về dịch vụ. Trong hệ thống này sẽ có một văn bản chung về thương mại dịch vụ trong đó sẽ có những quy định cụ thể về các nguyên tắc, khái niệm cơ bản của thương mại dịch vụ. Trên cơ sở văn bản này có thể sẽ có hàng loạt các văn bản khác quy định về từng ngành dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến hiện nay cho rằng trước mắt chúng ta nên sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm nội luật hoá các quy định của pháp luật thương mại quốc tế về dịch vụ. Quan điểm này dễ được chấp nhận và thực hiện hơn. Chính vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 1997 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật là công việc cần phải được ưu tiên, mà cơ bản nhất đó là phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại như đã được đề cập trong Chương I Phần thứ hai của Báo cáo Phúc trình.

Đối với một số ngành dịch vụ cụ thể chúng ta cần ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Kế toán, văn bản hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, văn bản quy phạm pháp luật về tư vấn quản lý hành nghề kiến trúc và hành nghề tư vấn kỹ thuật…. Lĩnh vực dịch vụ tư vấn pháp luật được xem là cam kết “mở” nhất trong các lĩnh vực dịch vụ được cam kết, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan.

3. Về lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù có thể nói đây là lĩnh vực mà pháp luật nội dung của chúng ta tương đối phù hợp với yêu cầu của Hiệp định nhưng các quy định về thủ tục trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại còn rất thiếu và cần phải sớm được hoàn thiện. Bên cạnh đó việc tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này cũng cần sớm được hoàn tất. Các công việc cụ thể có thể điểm ra như sau:

- Xây dựng quy chế bảo hộ đối với một số đối tượng mới (tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, thiết kế bố trí mạch tích hợp);

- Bãi bỏ những quy định bất bình đẳng về phí và lệ phí sở hữu công nghiệp;

- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc gia để áp dụng các chuẩn mực quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và theo yêu cầu của Hiệp định, bên cạnh đó, cần bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả còn có những quy định mâu thuẫn hoặc chồng chéo nhau, gây khó khăn cho hoạt động thực thi; kịp thời ban hành các văn bản cần thiết trong lĩnh vực quyền tác giả như hướng dẫn về việc trả tiền nhuận bút (tiền bản quyền tác giả), căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại về vật chất và về tinh thần trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung; ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành việc bảo hộ quyền tác giả đối với một số loại hình tác phẩm có tính chất đặc thù như điện ảnh, nghệ thuật tạo hình,  kiến trúc, chương trình phần mềm máy tính...;

- Xây dựng cơ chế, thủ tục giải quyết hiệu quả các tranh chấp, vi phạm về sở hữu trí tuệ;

- Nâng cao năng lực và trình độ hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệcho các cán bộ thực thi về sở hữu trí tuệ;

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức tôn trong quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay đang có ý kiến cho rằng, chúng ta nên tách phần sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự thành một luật riêng về sở hữu trí tuệ. Đây là một ý tưởng hay đáng được quan tâm, tuy nhiên trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI không có dự án luật này. Vì vậy, trước mắt cùng với việc sửa đổi Bộ luật dân sự chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện các chế định pháp luật về sở hữu trí tuệ để đảm bảo việc thực thi các cam kết của Việt Nam.

Bên cạnh công tác hoàn thiện pháp luật trong nước, việc tham gia các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng cần sớm được triển khai theo đúng lộ trình của Hiệp định.

4. Đối với lĩnh vực đầu tư, công việc đầu tiên cần phải gấp rút thực hiện đó là xây dựng một khuôn khổ pháp lý bình đẳng cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, xoá bỏ những hạn chế về tiếp cận thị trường, hạn chế về vốn góp và huy động vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài, yêu cầu về chuyển giao công nghệ, các điều kiện về tuyển dụng lao động, quản lý ngoại hối; từng bước thống nhấtcác quy định về ưu đãi đầu tư và chi phí hoạt động giữa đầu tư trong nước và ngoài nước; từng bước đa dạng hoá các hình thức đầu tư. Một vấn đề rất quan trọng để đảm bảo sự lành mạnh của môi trường đầu tư, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư, tăng cường biện pháp ưu đãi, khuyến khích đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực trọng điểm, tạo dựng một môi trường đầu tư an toàn, cải tiến thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư và đảm bảo công nhận thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

5. Yêu cầu về tính minh bạch, công khai là một nội dung thu hút được nhiều sự chú ý của phía Hoa Kỳ trong quá trình thực thi Hiệp định cũng như sự chú ý của nhiều quốc gia trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO. Đồng thời việc đảm bảo tính minh bạch cũng là cơ sở đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. Để thực hiện tốt các yêu cầu của Hiệp định về tính minh bạch, công khai chúng ta cần thực hiện một số công việc sau:

- Sớm ban hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Đảm bảo việc tuân thủ nghiêm chỉnh các trình tự, thủ tục soạn thảo thông qua, công bố văn bản quy phạm pháp luật.

- Nhà nước sớm ban hành Nghị định về công báo nhằm đăng tải một cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế.

- Thể chế hoá quyền tiếp cận dữ liệu pháp luật và dữ liệu kinh tế thương mại. Hoàn thiện quy chế sử dụng tài liệu để một mặt bảo mật tốt, mặt khác phải tuyên truyền phổ biến những văn bản không thuộc diện quy chế mật để mọi người có thể biết và thi hành.

- Sớm tiến hành biên tập công bố bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài. Trước mắt trong điều kiện hạn hẹp về tài chính và chuyên gia có thể lựa chọn biên tập công bố bản án quyết định trong một số lĩnh vực quan trọng nhất, đặc biệt là kinh tế thương mại. Sau sẽ định kỳ công bố các tập án lệ. Nhanh chóng xây dựng mạng thông tin dữ liệu pháp luật Quốc gia thống nhất để đưa tất cả các văn bản quy phạm pháp luật lên mạng.

- Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ chuyên gia trong lĩnh vực soạn thảo, công bố văn bản quy phạm pháp luật cũng như các bản án quyết định của Toà án để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quy trình minh bạch hoá pháp luật, sử dụng những thành tựu của chuyên gia tin học và xây dựng mạng thông tin dữ liệu toàn quốc.

- Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện hệ thống Toà án và các cơ quan Tư pháp khác để đảm bảo giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân và người nước ngoài.

Những yêu cầu về tính minh bạch, công khai, giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật đều phải được thực thi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế công việc này đang được triển khai rất chậm. Trong khi đó hai phiên họp vừa qua của Ủy ban liên Chính phủ thì nội dung này luôn được phía Hoa Kỳ ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy trong thời gian trước mắt, đây cũng sẽ là một lĩnh vực phải được ưu tiên đẩy mạnh và hoàn thiện hơn nữa.

 

*

*                 *

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết đã tạo ra nhiều cơ hội thách thức cho chúng ta không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về công tác lập pháp và lập quy. Đối với hoạt động lập pháp việc thực thi Hiệp định không chỉ tác động đến nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mà nó còn có tác động tích cực tới quan niệm, tư duy và quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta. Chúng tôi hy vọng rằng những kết quả tích cực này sẽ là kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan lập pháp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

 

 

PHỤ LỤC 1

Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực, Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó được thể hiện qua số liệu sơ bộ đã được Bộ Tư pháp tổng hợp trên cơ sở các văn bản đã được đăng trên Công báo tính đến ngày 07/3/2003 đã có 2 Luật, 7 Pháp lệnh và 11 Nghị định đã được ban hành theo lộ trình rà soát Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cụ thể như sau:

  1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động
  2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  3. Pháp lệnh Quảng cáo
  4. Pháp lệnh Giá
  5. Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam
  6. Pháp lệnh về Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia
  7. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông
  8. Pháp lệnh Trọng tài thương mại
  9. Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân
  10. Nghị định 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản
  11. Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 quy định chi tiết Pháp lệnh Luật sư
  12. Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan
  13. Nghị định 102/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
  14. Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/03/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bí mật Nhà nước
  15. Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 quy định chi tiết Pháp lệnh phí và lệ phí
  16. Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 06/06/2002 về trị giá tính thuế hải quan
  17. Nghị định 87/2002/NĐ-CP ngày 15/11/2002 về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn.
  18. Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/06/2002 về chế độ nhuận bút
  19. Nghị định 107/2002/NĐ-CP ngày 23/11/2002 quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan
  20. Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 quy định về việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 2

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC BAN HÀNH MỚI HOẶC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

  1. Bộ luật Tố tụng Dân sự
  2. Luật Thương mại
  3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
  4. Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền
  5. Luật Thuỷ sản
  6. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính
  7. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự
  8. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
  9. Pháp lệnh Kiểm toán
  10. Pháp lệnh Thực phẩm
  11. Pháp lệnh Giống cây trồng
  12. Pháp lệnh Giống vật nuôi
  13. Nghị định số 101/CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  14. Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 11/10/1998 về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam
  15. Nghị định số 07/CP ngày 29/1/1994 ban hành Quy chế Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân
  16. Nghị định số 194/CP ngày 31/12/1994 về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam
  17. Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự
  18. Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài.
  19. Nghị định 57/CP ngày 31/5/1997 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng hàng hoá.
  20. Nghị định 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 về Giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp tư nhân theo hướng cho nhà đầu tư nước ngoài mua, nhận khoán kinh doanh, quản lý, thuê các doanh nghiệp trong nước
  21. Nghị định về Bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp
  22. Nghị định về Hành nghề kiến trúc
  23. Nghị định về Công báo
  24. Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá
  25. Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát biên giới và thủ tục xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ tại biên giới;
  26. Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát thị trường và thủ tục xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ
  27. Nghị định về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Tham gia 5 điều ước quốc tế và sửa đổi 1 bảo lưu:

- Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm, chống sự sao chép trái phép.

- Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật năm 1971.

- Công ước Bruxelle về bảo hộ tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh năm 1974.

- Công ước UPOV về bảo hộ giống thực vật mới năm 1971.

- Công ước ICSID về giải quyết tranh chấp đầu tư.

Sửa đổi bảo lưu trong Quyết định số 453/CTN ngày 28/7/1995 của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước Newyork năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài nhằm giải thích khái niệm “quan hệ pháp luật thương mại”.

 

CHẾ ĐỘ ĐỐI XỬ QUỐC GIA TRONG THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ VÀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT- MỸ VÀ MỘT SỐ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ LIÊN QUAN TỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 

                                                                             Nguyễn Khánh Ngọc[9]

I. Giới thiệu

Trong hoạt động kinh doanh thì việc bảo đảm có được môi trường hoạt động bình đẳng, không có phân biệt đối xử giữa các đối tác kinh doanh khác nhau trong cùng điều kiện tương tự như nhau có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy tại nhiều nước trên thế giới nhất là các nước phát triển thì pháp luật về cạnh tranh luôn được quan tâm cao của nhà nước và cộng đồng kinh doanh để trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động kinh doanh và khuyến khích người dân đầu tư tiền của và trí tuệ cho sự thịnh vượng và phát triển chung của đất nước. Bảo đảm có một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh đã được nhiều chuyên gia quốc tế cho là một trong những điều kiện thiết yếu cho sử dụng có hiệu quả và tối đa các nguồn lực hạn chế.

Những băn khoăn, lo lắng về việc bị đối xử “không bình đẳng” hay bị “phân biệt đối xử” của cộng đồng kinh doanh và đầu tư quốc tế có lẽ còn lớn hơn so với những gì mà nhà đầu tư, kinh doanh trong nước lo ngại. Điều này có thể hiểu được vì những nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế, ngoài những rủi ro thông thường mà họ đã quen gặp phải trong nước thì còn phải cân nhắc giải quyết nhiều vấn đề mới khác, trong đó có những quy định pháp luật và thực tiễn về cạnh tranh, bảo đảm bình đẳng và không bị phân biệt đối xử tại nước họ đến đầu tư, kinh doanh.

          Do đó, hệ thống thương mại đa phương GATT/WTO đã dành vị trí rất cao cho các quy định về không phân biệt đối xử ngay từ khi bắt đầu được thiết lập. Các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia đã trở thành những nguyên tắc có tính nền tảng của GATT/WTO. Thực tế giải thích, áp dụng và giải quyết tranh chấp của GATT/WTO đã cho thấy là thể chế thương mại đa phương đã và đang đáp ứng những đòi hỏi và mong đợi của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế: số lượng các tranh chấp liên quan tới các nguyên tắc không phân biệt đối xử chiếm vị trí lớn và có liên quan tới đa số các vụ tranh chấp trong GATT/WTO.

 

          Hoa Kỳ là nước thành viên sáng lập GATT/WTO từ 1947 và có ảnh hưởng rất lớn tới nội dung các nguyên tắc, chuẩn mực và thực tiễn áp dụng các quy định của hệ thống thương mại đa phương này. Đồng thời, so với các nước phát triển khác thì Hoa Kỳ có truyền thống ký kết và thực thi “rất rắn” và “rất nghiêm khắc” các điều ước quốc tế về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ...với các nước khác. Các điều ước đó của Hoa Kỳ thường là có các tiêu chuẩn cao hơn so với các điều ước tương ứng của các nước phát triển khác khi ký kết với các nước đang phát triển. Do đó, cũng là điều dễ nhận thấy là trong Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại được ký ngày 13/7/2000 (sau đây gọi tắt là Hiệp định) các quy định thể hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử được đưa vào hầu hết các Chương, và nhiều Phụ lục và cả Thư trao đổi đi kèm Hiệp định. Cụ thể, các quy định về không phân biệt đối xử điều chỉnh thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, quan hệ đầu tư và sở hữu trí tuệ được thể hiện tại Hiệp định ở mức độ rất chi tiết và toàn diện để trở thành một nguyên tắc xuyên suốt cả Hiệp định và có ảnh hưởng rất lớn đối với những cam kết của Việt Nam tại Hiệp định này.

          Đối với Việt Nam thì như Lời nói đầu Hiệp định này là “nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và ...hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới...” nên chưa có khuôn khổ pháp luật cho hoạt động cạnh tranh trong nước cũng như là trong những trường hợp có yếu tố nước ngoài, còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Mặc dù chúng ta đã ban hành Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trong năm 2002 và có các quy định rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau đề cập tới một số khía cạnh của cạnh tranh, nhưng có thể nói là chúng ta còn đang thiếu các văn bản luật chuyên ngành về cạnh tranh, cũng như cơ chế thực thi liên quan[10]. Hơn nữa, có một thực tế là mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế có đề cập tới các nguyên tắc MFN và NT trong thương mại, đầu tư và kinh doanh quốc tế[11], nhưng có thể nói là vì các lý do khác nhau mà các nguyên tắc này vẫn còn được xem là “xa lạ” và thậm trí “nghe chưa quen tai” đối với ngay cả các chuyên gia pháp luật và tư pháp Việt Nam, cũng như là chưa được nghiên cứu, nội luật hoá và áp dụng một cách thoả đáng. Đây là những việc mà chúng ta cần sớm giải quyết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện chủ động hội nhập kịnh tế quốc tế[12] và làm bạn với tất cả các nước thông qua việc cố gắng xây dựng một Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và từng bước loại bỏ những sự phân biệt đối xử trong hoạt động kinh tế.

          Điều này đặc biệt  trở nên bức xúc khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định này và dự kiến gia nhập WTO trong tương lai gần. Với những gì mà kinh nghiệm giải quyết tranh chấp của GATT/WTO, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy thì chúng ta có thể dự đoán là trong quá trình thi hành Hiệp định này thì những bất đồng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên quan tới các quy định không phân biệt đối xử chắc chắn sẽ nằm trong danh sách các vấn đề  “nóng”.

          Trong bối cảnh nêu trên, tôi đánh giá rất cao việc Bộ Tư pháp tiến hành nghiên cứu đề tài “Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ và những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” vì tính thời sự, bức xúc và ý nghĩa thực tiễn áp dụng của đề tài.

          Với bài viết về chuyên đề “Chế độ đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ của Hiệp định thương mại Việt- Mỹ và một số khía cạnh pháp lý liên quan tới hệ thống pháp luật Việt Nam”, tôi hy vọng có đóng góp nhỏ vào thành công của đề tài này.

Bài viết chuyên đề được chia ra thành 4 mục lớn

  1. Giới thiệu
  2. Nội dung đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ của Hiệp định
  3. Một số khía cạnh pháp lý liên quan tới pháp luật Việt Nam về NT trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ
  4. Kết luận.

II. NỘI DUNG ĐỐI XỬ QUỐC GIA TRONG THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ VÀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ CỦA HIỆP ĐỊNH

1. Một số nhận xét chung

Cách thể hiện các quy định về NT của Hiệp định cũng giống như cách thể hiện quy định này trong WTO. Nói cách khác, đối với thương mại hàng hoá thì theo cách tiếp cận loại trừ, tức là: ngoài những ngoại lệ được nêu cụ thể rõ ràng thì Việt Nam và Hoa Kỳ phải từ bỏ các chính sách và biện pháp bảo hộ hàng hoá trong nước hay phân biệt đối xử đối với hàng hoá của Bên kia. Còn đối với thương mại dịch vụ thì Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ phải dành NT cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia trong những lĩnh vực dịch vụ mà mình có đưa ra cam kết cụ thể tại Phụ lục G Hiệp định.

Đồng thời cũng phải lưu ý là theo Hiệp định thì nguyên tắc NT cũng được áp dụng đối với các vấn đề liên quan tới khiếu nại, giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật tại Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm cả việc khiếu nại và giải quyết tranh chấp liên quan tới NT trong thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ (Điều 7.1 Chương I, Điều 4 Chương III và Chương VI).

Mặc dù Hiệp định là song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng với thoả thuận là hai nước sẽ lấy “các quy tắc và tiêu chuẩn của thương mại quốc tế...làm nền tảng cho các mối quan hệ...” kinh tế và thương mại giữa hai nước (Lời nói đầu Hiệp định) thì rất không đầy đủ và thậm trí thiếu chính xác nếu chúng ta chỉ tìm hiểu và nghiên cứu Hiệp định mà không tính đến những thực tiễn áp dụng và giải thích các quy tắc và chuẩn mực liên quan của pháp luật thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó chắc chắn đòi hỏi phải có những đề tài nghiên cứu tiếp theo cho nên trong bài viết này tác giả chỉ hạn chế đến một số vấn đề chính được nêu cụ thể trong khuôn khổ Hiệp định.

Cuối cùng là nhiều quy định về những ngoại lệ của NT trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ là tương đối giống nhau, chẳng hạn những ngoại lệ hội nhập kinh tế khu vực, an ninh quốc gia hay ngoại lệ chung. Do đó, tác giả sẽ cố gắng không lặp đi lặp lại những phân tích của mình về các vấn đề này.

 

2. Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá (Điều 2, Chương I Hiệp định)

 

Nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá của Hiệp định có vai trò bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá của Hoa Kỳ và hàng hoá của Việt Nam trên thị trường Việt Nam và Hoa Kỳ. Tại Đ.2(1) Chương I Hiệp định thì Việt Nam và Hoa Kỳ nước cam kết điều hành và áp dụng “các biện pháp thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng tới thương mại để tạo cho hàng hoá của Bên kia những cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa với các nhà cạnh tranh trong nước”. Đây là một quy định rất rộng, rất chung và không được lượng hoá cụ thể nên dành nhiều khoảng trông cho các luật sư tranh luận. Từ góc độ pháp lý thì có thể đặt một loạt các câu hỏi lớn ở đây, chẳng hạn thế nào là “cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa”, khi nào thì một sản phẩm được coi là “hàng hoá của Bên kia”, ai là “nhà cạnh tranh trong nước” và “các biện pháp thuế quan và phi thuế quan”là gì.

Cụm từ “cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa” có thể hiểu một cách thụ động là trong hoạt động thương mại hàng hoá thì Việt Nam và Hoa Kỳ không được đưa ra hay áp dụng bất kỳ biện pháp thuế quan hay phi thuế quan nào mà hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hóa Bên kia, chẳng hạn có mức thuế quan quá cao hay các tiêu chuẩn kỹ thuật quá nghiêm ngặt hay phân biệt đối xử đối với hàng hoá của Bên kia. Tiếp đó, cụm từ này còn có thể được giải thích là nó yêu cầu Việt Nam và Hoa Kỳ không được có các biện pháp nào có hệ quả là hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các nhà cạnh tranh trong nước. Cuối cùng, nghĩa vụ tạo ra “cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa cũng có thể hiểu là chính phủ 2 nước phải có những biện pháp tích cực thích hợp kể cả cơ chế giải quyết khiếu nại và khiếu kiện hiệu quả để bảo đảm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không có phân biệt đối xử trong đó các yếu tố thị trường sẽ quyết định việc mua, bán hay sử dụng hàng hoá của Hoa Kỳ hay Việt Nam.

          Thuật ngữ “hàng hoá của Bên kia” cần được xem xét kỹ và có cách hiểu thống nhất để tránh có những bất đồng hay tranh chấp giữa 2 nước sau này. Để tìm hiểu đầy đủ thuật ngữ này thì có lẽ cần có một đề tài nghiên cứu riêng liên quan tới “quy tắc xuất xứ hàng hoá” của mỗi nước[13]. Trong bối cảnh Hiệp định không có quy định cụ thể về vấn đề này thì với mục tiêu và cơ sở của Hiệp định là “các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế” chúng ta có thể giải thích điểm này là “hàng hoá của Bên kia” được xác định trên cơ sở những quy định về xuất xứ hàng hoá của thương mại quốc tế, cụ thể là của GATT/WTO.

          Việc Hiệp định nêu khái niệm “nhà cạnh tranh trong nước” cũng cần được tìm hiểu, nghiên cứu thận trọng từ góc độ của pháp luật cạnh tranh. Vấn đề ai là người cạnh tranh của một nhà kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể cũng xứng đáng là một đề tài nghiên cứu lớn riêng. Vấn đề này lại còn phức tạp hơn nhiều nếu được đặt trong bối cảnh tự do hoá thương mại quốc tế khi các rào cản thương mại bị cắt giảm dần, tức là có một khả năng thay thế cao của hàng nhập khẩu đối với hàng xuất khẩ trong nước. Tuy nhiên, ở đây chỉ xin nêu là vấn đề có thể được giải thích rộng và hẹp khác nhau. Có thể giải thích “nhà kinh doanh trong nước” là nhà kinh doanh trong nước mà có hàng hoá hay sản phẩm dịch vụ đi cùng với hàng hoá của mình cạnh tranh với hàng hoá hay sản phẩm dịch vụ đi cùng với hàng hoá của nhà kinh doanh thuộc nước Bên kia. Tiếp đó thì khi nào hàng hoá hay dịch vụ cạnh tranh nhau? Đây là câu hỏi không dễ dàng trả lời vì nó có nhiều khía cạnh kinh tế và pháp luật nhưng tôi chỉ xin nêu một số tiêu chí được các nước dùng để xác định. Đó là ở đây chúng ta cần căn cứ vào tên gọi, mã số miêu tả theo HS, chức năng sử dụng, mục đích được sản xuất, khả năng thay thế cho nhau theo sự lựa chọn của khách hàng khi một hàng hoá trở nên khan hiếm, đắt hay không có, kênh tiêu thụ và quảng cáo ...vv. Hơn nữa, nhà cạnh tranh trong nước cần được hiểu bao gồm tất cả các loại hình kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật của nước NK hàng hoá[14].

          Cuối cùng, Điều 2(1) Chương I Hiệp định đề cập tới các biện pháp “thuế quan và phi thuế quan” là những khái niệm có thể được giải thích rất rộng để bao gồm cả những rào cản kỹ thuật, vệ sinh, vệ sinh dịch tễ, cấp phép, trợ cấp v.v... được áp dụng trong bối cảnh dành đối xử quốc gia.

          Các khoản 2,3 và 4 của Điều 2 Chương I Hiệp định điều chỉnh rất rộng  đầy đủ và chi tiết. Đây là những quy định thể hiện bản chất của nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá: “Mỗi Bên dành cho hàng hoá có xuất xứ tại lãnh thổ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hoá nội địa tương tự...” (Điều 2.3).

Các vấn đề về xuất xứ hàng hoá và hàng hoá tương tự (cạnh tranh nhau) đã được trình bày trên và sẽ không nhắc lại ở đây. Tuy nhiên, thuật ngữ “sự đối xử không kém thuận lợi hơn” cần được hiểu cho đúng là mỗi Bên có nghĩa vụ đối xử hàng hoá của Bên kia ít nhất là như đối xử với hàng hoá trong nước nhưng không có nghĩa vụ phải đối xử hàng hoá của mình như hàng hoá của Bên kia. Tức là, Việt Nam hoặc Hoa Kỳ có quyền quyết định đối xử hàng hoá của Bên kia tốt hơn hay thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hoá trong nước của mình.

Về phạm vi áp dụng NT trong thương mại hàng hoá thì Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết dành đối xử quốc gia (NT) cho hàng hoá của nhau liên quan tới “bất cứ loại thuế hoặc phí nội địa nào” và “về mọi luật, quy định và các yêu cầu khác có ảnh hưởng đến việc bán hàng, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng trong nước”. Tức là phạm vi áp dụng NT của Chương I là rất rộng và toàn diện đến mức khó có thể nghĩ ra được một vấn đề gì ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá lại không được đề cập tới ở đây[15].

 

Sự phức tạp và tinh vi của quy chế NT trong thương mại hàng hoá được bổ sung thêm quy định tại Điều 2.4: “Ngoài những nghĩa vụ ghi trong khoản 2 và 3 của Điều này, các khoản phí và biện pháp quy định tại khoản 2 và 3 của Điều này sẽ không được áp dụng theo cách ...nhằm tạo ra sự bảo hộ đối với sản xuất trong nước”. Đây là quy định có thể gọi là “quy định quét” rất chặt chẽ và được giải thích để chống lại các thực tiễn áp dụng mà không bảo đảm một sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, hay có thiên vị giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá của Bên kia. Như đã nói trên, vấn đề cạnh tranh lành mạnh và đối xử không phân biệt trong cạnh tranh là những điểm yếu của hệ thống pháp luật Việt Nam do đó đòi hỏi phải có nghiên cưú và pháp điển hoá hơn nữa thì mới đáp ứng được yên cầu thực thi Hiệp định này. Nhưng cũng phải khẳng định là quy chế NT là nghĩa vụ chung của cả Việt Nam và Hoa Kỳ, thậm trí là Việt Nam còn được ưu ái hơn trong việc được bảo lưu một số ngoại lệ áp dụng quy chế này (Phụ lục A, B, C và D của Hiệp định) ngoài những ngoại lệ chung dành cho cả hai nước.

Phần cuối cùng nhưng rất quan trọng từ góc độ pháp lý đó là những ngoại lệ, miễn trừ áp dụng đối với nguyên tắc NT trong thương mại hàng hoá của Hiệp định. Các ngoại lệ này được xây dựng trên cơ sở dẫn chiếu tới các “quy định tại Điều III của GATT 1994 và trong Phụ lục A của Hiệp định này”. Hơn nữa, mỗi bên theo Hiệp định này còn được phép có những ngoại lệ đối với quy chế NT với các lý do an ninh quốc gia Điều 2 Chương VII và các ngoại lệ chung của Điều 3 Chương VII. Có thể nói về cơ bản thì những ngoại lệ của quy chế NT trong thương mại hàng hoá được nêu trong Hiệp định là những chuẩn mực và quy tắc của GATT/WTO và là rất rộng và toàn diện để các Bên có thể loại trừ những lĩnh vực hay biện pháp được coi là “nhạy cảm”. Thực tế áp dụng những ngoại lệ này trong thương mại quốc tế cho thấy đã xảy ra rất nhiều tranh chấp mà việc tìm hiểu, nghiên cứu chúng là cần thiết để tranh thủ và vận dụng tối đa các ngoại lệ cho phép này. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả xin phép không đi sâu vào những ngoại lệ quan trọng này vì nó đáng là một đề tài nghiên cứu riêng mà chỉ xin lưu ý là đối với những ngoại lệ chung thì khi sử dụng phải “không được áp dụng theo cách tạo nên một phương tiện phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc không công bằng... hoặc tạo ra một hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế...”. Các vụ việc tranh chấp gần đây của WTO đã chỉ ra đây là tiêu chuẩn rất cao đối với các nước áp dụng các ngoại lệ chung[16].   

 

3. Đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ

Một nhận xét chung là các quy định của Chương III về thương mại dịch vụ của Hiệp định hầu như được sao chép nguyên từ Hiệp định GATS của WTO. Do đó có lẽ việc giải thích và áp dụng các quy dịnh này sẽ cần phù hợp với những giải thích và áp dụng Hiệp định GATS trong WTO.

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất của nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) trong thương mại dịch vụ so với quy định về NT trong thương mại hàng hoá, sở hữu trí tuệ và đầu tư trong Hiệp định là ở chỗ trong thương mại dịch vụ thì nguyên tắc NT không được áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực dịch vụ mà chỉ được áp dụng cho những dịch vụ được nêu cụ thể tại Phụ lục G. Nói cách khác, những lĩnh vực dịch vụ không được đưa ra cam kết tức là không được nêu cụ thể tại Phụ lục G thì các Bên không có nghĩa vụ phải dành NT, nhưng không bị cấm làm việc đó. Cách thức tiếp cận đối với NT trong dịch vụ theo Hiệp định cũng là cách được áp dụng trong thương mại dịch vụ (GATS) của WTO. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực là rất nhạy cảm và khó đưa ra đàm phán và cam kết, trong khi đó một số lượng lớn các nước lại chịu sức ép mở cửa mạnh mẽ của những nước có nhiều lợi thế về thương mại dịch vụ, như Hoa Kỳ, EU. Kết quả của Vòng Uruguay là đã đưa ra một cách tiếp cận “dung hoà” như vậy và được chấp nhận cho tới nay. Đồng thời cũng phải nói tới một tình tiết là khác với thương mại hàng hoá thì thương mại dịch vụ mới chỉ được đưa vào điều chỉnh một cách toàn diện và cụ thể trong khuôn khổ chung của WTO từ 1/1/1995 nên còn chưa có nhiều kinh nghiệm về áp dụng và giải thích các quy định NT. Tuy nhiên, về nội dung, mục đích và ý tưởng thì NT trong thương mại hàng hoá và NT trong thương mại dịch vụ có nhiều điểm tương đồng là nhằm loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử, thiết lập luật chơi chung cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.

Tại Điều 7(1) Hiệp định thì Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết “dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, đối với tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử... dành cho các dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của mình.” Đây là một quy định toàn diện mà theo Điều 11.4 bao gồm tất cả các biện pháp đối với:

 

“A. việc mua, thanh toán hay sử dụng một dịch vụ;

B. việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ mà một Bên yêu cầu phải chào cho công chúng cùng với việc cung cấp một dịch vụ;

C. sự hiện diện, bao gồm cả sự hiện diện thương mại, của các thể nhân của một Bên để cung cấp một dịch vụ tại lãnh thổ của Bên kia”.

 

Đối với Điều 7(2) thì chúng ta cần phải lưu ý là quy định NT này được áp dụng đối với 2 đối tượng là dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ  của Bên kia. Dịch vụ theo Hiệp định mặc dù được định nghĩa rất rộng bao gồm “ bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp khi thi hành thẩm quyền của chính phủ”, nhưng quy tắc NT trong dịch vụ chỉ giới hạn đối với các dịch vụ được nêu tại Phụ lục G của Hiệp định và phải được giải thích và áp dụng “phù hợp với các điều kiện và các chuẩn mực được đưa ra tại” Phụ lục này. Đối với các lĩnh vực dịch vụ được nêu tại Phụ lục G thì cách thể hiện là rất kỹ thuật và theo khuôn mẫu của WTO. Chúng ta cần lưu ý là nhiều dịch vụ chỉ nêu mã số quốc tế PCPC ở mức 3 con số (ví dụ Dịch vụ pháp luật :PCPC 861) nhưng các dịch vụ này trên thực tế bao gồm rất nhiều tiểu lĩnh vực dịch vụ nhỏ vì mã số quốc tế này tiếp tục được chia nhỏ xuống tới 4 hay 5 con số (ví dụ Dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm: PCPC 81299).

Theo Hiệp định này thì Việt Nam có nghĩa vụ phải dành đối xử NT trong những lĩnh vực dịch vụ được nêu tại Phụ lục G nếu như các dịch vụ hay nhà cung cấp dịch vụ được xác định là “ của Hoa Kỳ”. Một điểm nữa tương đối khác với chương I  về Thương mại hàng hoá của Hiệp định là Chương III về Thương mại dịch vụ xác định rõ “quy tắc xuất xứ” của dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam hay Hoa Kỳ.

Theo đó, thì dịch vụ của Hoa Kỳ là dịch vụ được cung cấp: từ lãnh thổ Hoa Kỳ hay trên lãnh thổ Hoa Kỳ cho người sử dụng dịch vụ Việt Nam. Đối với dịch vụ hàng hải thì dịch vụ của Hoa Kỳ là dịch vụ được cung cấp bởi tàu được đăng ký theo pháp luật của Hoa Kỳ hay bởi một thể nhân/ pháp nhân Hoa Kỳ thông qua việc người này vận hành hay sử dụng một phần hay toàn bộ một chiếc tàu. Đồng thời, dịch vụ của Hoa Kỳ còn có thể được xác định là dịch vụ được một nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cung cấp thông qua sự hiện diện thương mại hay hiện diện của thể nhân tại Việt Nam. Như vậy là khái niệm dịch vụ của một Bên ký kết là rất rộng và bao hàm hết tất cả các tình huống có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, theo Điều 7 của Chương III về Thương mại dịch vụ thì sự đối xử NT cũng được dành cho đối tượng thứ 2 là nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, tức là những cá nhân (công dân và người thường trú), pháp nhân hay thực thể pháp lý bất kỳ được thành lập hợp pháp theo luật áp dụng. Tuy nhiên, để được hưởng đối xử NT  của Việt Nam thì nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn là có “xuất xứ” Hoa Kỳ. Cụ thể là đối với thể nhân/ cá nhân thì người này phải cư trú tại Hoa Kỳ và theo pháp luật Hoa Kỳ thì người này là công dân hay ngươì thường trú của Hoa Kỳ. Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ là một pháp nhân (theo nghĩa rộng của Hiệp định) thì để được hưởng đối xử NT, chẳng hạn của Việt Nam, pháp nhân này cũng phải thoả mãn một trong các điều kiện “xuất xứ” sau đây:

A - được thành lập hay tổ chức theo pháp luật Hoa Kỳ và có hoạt động kinh doanh thực sự tại lãnh thổ Hoa Kỳ;

B - khi cung cấp dịch vụ thông qua những sự hiện diện thương mại tại Việt Nam (công ty chi nhánh, văn phòng...) cũng có thể được coi là của Hoa Kỳ nếu pháp nhân này được sở hữu hay kiểm soát bởi những cá nhân hay pháp nhân của Hoa Kỳ. Theo Điều 11 thì pháp nhân khi cung cấp dịch vụ được coi là được sở hữu hay kiểm soát bởi những cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ khi thoả mãn các điều kiện sau: “ được sở hữu” là khi cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ sở hữu hơn 50% vốn cổ phần của pháp nhân cung cấp dịch vụ này; và “được kiểm soát” là khi cá nhân hay pháp nhân Hoa Kỳ có quyền chỉ định đa số các giám đốc hay chỉ đạo một cách hợp pháp các hoạt động của pháp nhân cung cấp dịch vụ này. Và

C- trong trường hợp một pháp nhân Hoa Kỳ không trực tiếp cung cấp dịch vụ mà cung cấp dịch vụ của mình thông qua các hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam thì pháp nhân Hoa Kỳ này cũng sẽ được hưởng những sự đối xử, kể cả NT, nếu có, giống hệt sự đối xử mà Việt Nam dành cho hiện diện thương mại của pháp nhân này khi mà pháp nhân này cung cấp dịch vụ qua sự hiện diện thương mại này. Tuy nhiên, quy định này không cần thiết phải được áp dụng đối với bất kỳ bộ phận, đơn vị nào của pháp nhân Hoa Kỳ mà nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ, một công ty luật Hoa Kỳ thành lập chi nhánh tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ thông qua chi nhánh, thì bản thân công ty luật Hoa Kỳ (công ty mẹ) và chi nhánh được hưởng đối xử NT. Điều này thậm trí có thể được hiểu là áp dụng đối với cả trường hợp khi hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam (ví dụ như công ty) độc lập khỏi công ty mẹ tại Hoa Kỳ (xem chú thích 7 và Điều 11 của Chương III). Tuy nhiên, nếu công ty luật Hoa Kỳ này giả sử có chi nhánh tại Hàn Quốc thì chi nhánh tại hàn Quốc không được hưởng NT.

          Nói cách khác, quy định về xuất xứ của nhà cung cấp dịch vụ của một Bên ký kết theo Hiệp định chỉ áp dụng theo chiều dọc (giữa công ty mẹ và công ty, chi nhánh... hiện diện ở Việt Nam) mà không áp dụng theo chiều ngang( giữa công ty, chi nhánh... hiện diện ở Việt Nam và các công ty con, chi nhánh... khác nằm ngoài Việt Nam).

          Nghĩa vụ dành cho đối xử NT của Việt Nam cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ theo Hiệp định cũng có những ngoại lệ rất quan trọng mà cần được tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo để áp dụng có lợi nhất. Ngoài những ngoại lệ chung được đề cập tại ChươngVII hiệp định (không được đề cập trong bài viết này) thì chương III có Điều 3 (Hội nhập kinh tế) và Điều 10 (Khước từ lợi ích) sẽ được xem xét cụ thể sau đây.

Nhận xét chung là cả hai Điều này đều được xây dựng theo các quy định của Hiệp định GATS trong WTO. Tuy nhiên, các ngoại lệ tại Chương III này được quy định hết sức chặt chẽ để chống lại việc lạm dụng nhằm gây cản trở cho thương mại quốc tế và bảo hộ trong nước.

          Điều 3 (Hội nhập kinh tế) Chương III nêu rõ là Việt Nam không có nghĩa vụ phải dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ các ưu đãi mà chúng ta dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ theo một hiệp định thương mại tự do (FTA) về dịch vụ (chẳng hạn như Hiệp định Khung về dịch vụ ASEAN, Hiệp định NAFTA)  với các điều kiện là:

Thứ nhất , FTA đó phải “có phạm vi bao quát nhiều lĩnh vực dịch vụ”. Điều kiện này được thoả mãn khi FTA thoả mãn đầy đủ 3 tiêu chí về số lượng lĩnh vực dịch vụ được các nước thành viên FTA đưa ra cam kết trong FTA; khối lượng thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên FTA được FTA điều chỉnh; và số lượng các phương thức cung cấp dịch vụ được FTA điều chỉnh (tức là như là một điều kiện cần thì FTA phải có quy định đủ cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ của thương mại dịch vụ quốc tế: cung cấp qua biên giới; sử dụng ở nước ngoài; hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân). Tuy nhiên, quy định của Hiệp định không được rõ ràng và không được  “lượng hoá” cụ thể nên điều kiện này cũng là điểm sẽ có nhiều khả năng được giải thích, áp dụng linh hoạt và mềm dẻo. Đồng thời, cũng không rõ ràng là Hiệp định xử lý thế nào đối với trường hợp khi FTA quy định chung là có đủ 4 phương thức cung cấp dịch vụ nhưng lại không áp dụng1 hay 2 phương thức đối với một vài lĩnh vực dịch vụ, tức là chỉ đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí nêu trên. Theo tác giả thì nếu trong trường hợp như vậy mà FTA vần thoả mãn được 2 tiêu chí kia thì FTA phải được coi là thoả mãn điều kiện thứ nhất này. Tuy nhiên, để hiểu được đầy đủ cụ thể cách giải thích, áp dụng điều kiện đối với FTA về phạm vi điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ theo Điều 3.1(A) thì chắc chắn chúng ta phải tìm hiểu thực tiễn giải thích áp dụng của WTO[17]. Nhưng trong mọi trường hợp thì sẽ là phù hợp nếu như cả 3 tiêu chí (số lượng lĩnh vực, khối lượng thương mại bị điều chỉnh và phương thức cung cấp dịch vụ) được áp dụng đồng thời, bổ sung cho nhau để đảm bảo là ngoại lệ về hội nhập kinh tế phải thực sự có mục tiêu đích thực là đem lại tự do hoá thương mại. Và

Thứ hai, FTA đó phải loại bỏ tất cả những phân biệt đối xử giữa các nước thành viên FTA theo tinh thần của quy định về đối xử NT trong các lĩnh vực dịch vụ được điều chỉnh bởi FTA. Điều kiện này được coi là thoả mãn nếu FTA đó ngay tại thời điểm có hiệu lực của FTA hay trong một thời hạn thích hợp sau đó (được hiểu theo giải thích của WTO là thông thường không quá 10 năm kể từ khi FTA có hiệu lực) các biện pháp phân biệt đối xử hiện hành được loại bỏ. Hơn nữa, điều kiện này của Hiệp định cũng được coi là thoả mãn nếu FTA đó cấm các nước thành viên đưa ra các biện pháp phân biệt đối xử mới hoặc nghiêm trọng hơn. Tất nhiên là nếu FTA đáp ứng đồng thời được cả 2 yêu cầu nêu trên thì là tối ưu.

Tuy nhiên, những ưu đãi mà Việt Nam đưa ra trong hội nhập kinh tế phải dành cho cả những pháp nhân (theo nghĩa rộng của Hiệp định) cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ nếu như pháp nhân này được thành lập theo luật pháp của một nước là bên tham gia một hiệp định FTA về dịch vụ cùng với Việt Nam và có các hoạt động kinh doanh thực sự tại lãnh thổ của các nước thành viên của Hiệp định FTA. Ví dụ, một công ty luật Hoa Kỳ thành lập một công ty "con" của mình tại Singapore. Giả xử trong trường hợp mà Việt Nam có cam kết về dịch vụ pháp luật trong ASEAN cao hơn so với các cam kết tại Hiệp định Việt Nam- Hoa Kỳ thì Việt Nam cũng phải dành tất cả những ưu đãi và cam kết mà chúng ta dành cho các công ty luật "chính gốc" Singapore cho công ty "con" này nếu công ty con của công ty luật Hoa Kỳ này có hoạt động thực sự tại Singapore hay tại nước thành viên ASEAN nào khác.

Một quy định quan trọng khác cho phép Việt Nam từ chối thực hiện các cam kết, trong đó có cam kết dành đối xử quốc gia (NT), cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ là Điều 10 Chương III đối với các trường hợp sau:

- Khi Việt Nam xác định được rằng dịch vụ được cung cấp từ hoặc tại lãnh thổ của nước không phải là Việt Nam hay Hoa Kỳ. Đây là quy định quan trọng đảm bảo các lợi ích của Hiệp định chỉ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ “chính gốc” của việt Nam và Hoa Kỳ.

- Riêng đối với dịch vụ hàng hải, khi Việt Nam xác định được là dịch vụ này được cung cấp bởi một tàu được đăng ký theo luật của một nước không phải là Việt Nam hay Hoa Kỳ bởi một người điều hành hay sử dụng toàn bộ hay một phần chiếc tàu đó (tàu được đăng ký không phải theo pháp luật Việt Nam hay Hoa Kỳ) mà không phải một cá nhân hay pháp nhân của Việt Nam hay Hoa Kỳ. Một điều cần lưu ý là phải đọc Điều10.2 cùng với điều 11.6 (A), cũng như là có tham chiếu tới các quy định của Hiệp định GATS để thấy hết được các khía cạnh pháp lý của quy định Hiệp định.

- Khi Việt Nam xác định được là nhà cung cấp dịch vụ là pháp nhân (hiểu theo nghĩa rộng của Hiệp định) không phải là một pháp nhân của Hoa Kỳ.

Chương III Hiệp định có định nghĩa rất rộng về pháp nhân (là bất kỳ “thực thể pháp lý” nào được thành lập hay tổ chức hợp pháp theo luật áp dụng) và khi nào được coi là pháp nhân của Hoa Kỳ hay Việt Nam, như được trình bày ở phần trên.

 

III. Một số khía cạnh pháp lý liên quan tới pháp luật Việt Nam về NT trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ

          Có thể rút ra một nhận xét chung là là liên quan tới đối xử NT trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ thì pháp luật Việt Nam cho tới nay còn chưa phát triển. Mặc dù chúng ta đã ban hành Pháp lệnh MFN và NT nhưng tác động và ảnh hưởng của Pháp lệnh này có lẽ cần thêm nhiều thời gian. Bên cạnh đó, pháp luật của ta trong nhiều lĩnh vực còn duy trì hai khuôn khổ pháp luật song song, một khuôn khổ dành cho hàng hoá, dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và một khuôn khổ dành cho các trường hợp có "yếu tố nước ngoài", đặc biệt là trong thương mại dịch vụ (dịch vụ pháp luật, dịch vụ bưu chính viễn thông, một số lĩnh vực dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật, ngân hàng...) hay đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, quyền kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệ có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong các ngoại lệ ở đây là các văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp mà thường có một quy định có tính công thức là văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp được áp dụng cả đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài, trừ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

          Đối với thương mại hàng hoá Luật Thương mại quy định phân tách ra là những trường chỉ có các yếu tố trong nước của Việt Nam và những trường hợp có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn các Mục 3 và 4 Chương I, các Điều 80-82... mặc dù Điều 4 của Luật có mở ra hướng áp dụng điều ước quốc tế của Việt Nam khi có quy định khác với Luật này. Đồng thời, với Biểu thuế NK hiện nay có thế xuất bình quân khoảng 20% và chính sách thuế NK và một số thuế khác như thuế VAT hay thuế tiêu thụ đặc biệt được xây dựng dựa trên các nguyên tắc bảo hộ sản xuất trong nước thì có lẽ cũng là những trở ngại cho Việt Nam khi thực hiện áp dụng NT cho hàng hoá, dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ.

          Ngay cả đối với những lĩnh vực có quy định trong nước hiện hành của Việt Nam về NT thì các quy định này cũng chưa đưa ra được một cách tiếp cận chuẩn và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Một cách tiếp cận tốt hơn đối với các văn bản pháp luật Việt Nam, theo ý kiến của tác giả, là ngòai các ngoại lệ được thừa nhận trong pháp luật thương mại quốc tế, không nên duy trì song song hai khuôn khổ pháp luật cho các trường hợp trong nước và các trường hợp có yếu tố nước ngoài, mà nên chỉ có một khuôn khổ pháp luật. Cách tiếp cận này cần đi kèm  với việc kiểm tra, giám sát các điều kiện và tiêu chuẩn các đối tượng nước ngoài cũng  phải đáp ứng giống như các điều kiện và tiêu chuẩn được áp dụng cho các đối tượng trong nước. Cách tiếp cận này cần được áp dụng đối với cả hai chiều: các đối tượng nước ngoài được hưởng sự đối xử như các đối tượng trong nước trong các hoàn cảnh như nhau và ngược lại các đối tượng trong nước được hưởng sự đối xử sự như các đối tượng nước ngoài, trừ các trường hợp ngoại lệ nhất định. Từ góc độ kinh doanh và mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước thì rất khó lý giải khi chúng ta có điều ước quố yế đưa ra các quy định thuận lợi kinh doanh hơn cho các trường hợp có yếu tố nước ngoài tại sao Việt Nam lại dành ưu đãi hơn cho các đối tượng nước ngoài mà lại đối xử phân biệt với các hàng hoá, dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam? Tất nhiên, đó là nguyên tắc hay cách tiếp cận chung, còn sẽ có những ngoại lệ thật xác đáng, hợp lý và phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực thương mại quốc tế.

Tiếp đó, các quy định về NT của Việt Nam cũng phải bảo đảm được cả hai khía cạnh: chính trị và kinh tế. Nói đến kinh tế tức là muốn nói tới những cái được và mất về kinh tế nhưng phải có cách nhìn lâu dài. Còn về chính trị thì Việt Nam phải thiết kế việc áp dụng và trao NT trên cơ sở "có đi có lại", tức là phục vụ như công cụ đàm phán để làm sao hàng hoá, dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam cũng được hưởng NT tại các thị trường nước khác. Điều này có thể đạt được thông qua việc chúng ta đưa ra những trường hợp không được hưởng NT của Việt Nam mà phải tuân theo những hạn chế nhất định để tạo sức ép. Những hạn chế này không nên thiết kế như là một khuôn khổ pháp luật riêng, mà chỉ nên quy định như các trường hợp ngoại lệ của các quy định chung và phải là rất tinh vi và hiệu quả để đạt được mục tiêu "có đi có lại" của chúng ta.

 

IV.    Kết luận

 

          Hiệp định thương mại Việt - Mỹ là một hiệp định đồ sộ, phức tạp và có nhiều điểm mới hay chưa phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam trong đó có vấn đề dành đối xử quốc gia (NT) trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ. Do đó, Hiệp định chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội và không ít thách thức và những việc phải làm, kể cả việc phải có những sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định.

          Bên cạnh đó thì một công việc mà giới luật học Việt Nam còn chưa quan tâm đúng mức là việc tìm hiểu và nghiên cứu các khái niệm, quy định và nguyên tắc cơ bản trong đó có nguyên tắc đối xử quốc gia NT của pháp luật thương mại quốc tế để có những đề xuất thích hợp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như là đưa các quy định pháp luật của chúng ta tiến gần tới các chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế. Việc chưa quan tâm đúng mức này cũng là một trong những lý do khiến cho pháp luật của Việt Nam về các lĩnh vực này chưa phát triển.

Tuy nhiên, một điều cũng cần phải nói là các quy định về NT trong thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ của Hiệp định không phải là cái gì xa lạ trong pháp luật thương mại quốc tế, nhất là trong GATT/WTO và kể cả trong ASEAN. Do đó, việc chúng ta đàm phán và thực hiện các cam kết liên quan tới NT theo Hiệp định này không phải chỉ là vì Hiệp định được ký với Hoa Kỳ. Nhưng, Hoa Kỳ là đối tác rất cứng rắn chơi về luật với các nước trong việc có yêu cầu các nước ký kết phải nghiêm túc thực hiện các cam kết. Chính vì vậy, đây là điểm chúng ta phải cân nhắc và có những nghiên cứu chuyên sâu thích hợp từ góc độ pháp lý về toàn bộ Hiệp định, trong đó có các quy định về NT để vừa hoàn thiện pháp luật Việt Nam, vừa tránh những bất đồng hay tranh chấp sau này.

 

 

Hà Nội, tháng 4/2003

 

MỘT SỐ YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN

PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ

Lại Thị Vân Anh

Bạch Quốc An

 

I. KHÁI QUÁT CHUNG

 

1.1. Khái quát về Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

1.1.1. Quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định

Cùng với tiến trình đổi mới nền kinh tế, Đại hội Đảng VII đưa ra chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá nền kinh tế đánh dấu bước khởi đầu cho tiến trình hội nhập của Việt Nam vào qúa trình quốc tế hoá các lĩnh vực của đời sống quốc tế đặc biệt là qúa trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Chủ chương này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ VIII. Một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu là việc đàm phán và đi đến ký kết với Hoa Kỳ một Hiệp định song phương về thương mại. Chủ trương này đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Khóa VIII: "... Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cán bộ, luật pháp... Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO ..."[18]

Thực hiện Chủ trương của Đảng, "Chính phủ đã chủ động và tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và kinh tế đối ngoại trên các lĩnh vực..., xúc tiến hội nhập kinh tế theo lộ trình đã cam kết, đạt được tiến bộ trong đàm phán để gia nhập WTO, đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ"[19]. Như vậy, việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ là một trong những chủ trương lớn đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra trong tiến trình hội nhập vào khu vực và thế giới.

Sau hơn 4 năm kiên trì đàm phán với không ít những khó khăn, ngày 13/7/2001, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Bà Charlene Barrshefsky đã ký Hiệp định giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại. Việc ký kết Hiệp định này là một bước đi nữa có tính lịch sử trong quá trình bình thường hóa, hòa hợp và hàn gắn giữa hai nước[20].

Đây là một Hiệp định thương mại song phương đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng nhất trong lịch sử mà Hoa Kỳ cũng như Việt Nam đã từng ký. Đối với Hoa Kỳ thì Hiệp định này là kết quả tổng hợp từ rất nhiều các loại điều ước mà Hoa Kỳ đã ký trong lịch sử phát triển của mình, trong đó có các điều ước về quan hệ hữu nghị, thương mại, hàng hải, đầu tư và GATT/WTO, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Còn đối với Việt Nam, tuy chúng ta đã ký kết trên 70 Hiệp định thương mại, gần 40 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước, đã tham gia AFTA, AIA, APEC nhưng việc ký kết và thực hiện một Hiệp định lớn như thế này là một công việc hoàn toàn mới mẻ.

Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Đồng thời, các Bên chấp nhận và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế có tính đến Việt Nam là một nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đang tiến hành các bước hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.[21]

Nhìn chung, tinh thần và nội dung Hiệp định thể hiện sự bình đẳng giữa hai Bên trên cơ sở những quy định và chuẩn mực của pháp luật thương mại quốc tế mà nền tảng là GATT/WTO. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, Việt Nam sẽ là Bên phải điều chỉnh nhiều các văn bản pháp luật hiện hành cho phù hợp với Hiệp định. Điều này có thể hiểu được vì pháp luật thương mại quốc tế và nhất là GATT/WTO chịu ảnh hưởng rất nhiều của pháp luật thương mại Hoa Kỳ trong vòng 50 năm qua. Hệ thống pháp luật, hệ thống các cơ quan tư pháp và hành pháp của Hoa Kỳ có thể nói là cơ bản đã phù hợp với GATT/WTO và Hoa Kỳ đã sẵn có nền kinh tế thị trường mở trong nhiều thập kỷ. Điều này đã tạo điều kiện cho Hoa Kỳ thực hiện Hiệp định mà hầu như không phải sửa đổi nhiều đối với hệ thống pháp luật của mình, ngoài việc phê chuẩn Hiệp định và sửa một hai đạo luật cho phía Việt Nam được hưởng MFN như hơn 140 nước khác. Trong khi đó, hệ thống pháp luật, hệ thống các cơ quan tư pháp, hành pháp của Việt Nam như đã được nêu tại Lời nói đầu của Hiệp định là chưa thực sự phù hợp với GATT/WTO, và hiện đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập để tiến gần tới các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.

Có thể nói, Hiệp định này được ký kết là thành tựu của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước ta.[22]

 

1.2. Một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định này.

Một nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là nguyên tắc nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế (parta sunt servanda). Nội dung của nguyên tắc này là các các quốc gia có nghĩa vụ tự nguyện thực hiện một cách có thiện chí những cam kết của mình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật quốc tế hiện đại. Khoản 2 của Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc nêu rõ: "Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện một cách có thiện chí những cam kết theo Hiến chương này nhằm đảm bảo cho mọi thành viên được hưởng những quyền và ưu việt do họ là thành viên Liên Hợp Quốc".

Là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam khi đã đưa ra các cam kết quốc tế có nghĩa vụ thực hiện một cách có thiện chí các cam kết đó. Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa tại Điều 23 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà mình đã ký kết, đồng thời đòi hỏi các bên ký kết khác cũng nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Do vậy, thực hiện đúng Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ mà Việt Nam đã ký kết là một nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Vấn đề thực hiện Hiệp định này cũng được khẳng định rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: "Tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp với điều kiện của nước ta và bảo đảm thực hiện những cam kết trong quan hệ song phương như AFTA, APEC, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tiến tới gia nhập WTO..."[23].Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 cụ thể hóa chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 trong Báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa VIII.

Không chỉ được đề cập đén trong các văn kiện của Đảng vấn đề thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ còn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, Nghị quyết số 48/2001/QH10 ngày 28 tháng 11 năm 2001 quy định: “Chính phủ hoàn tất các thủ tục đối ngoại về phê chuẩn Hiệp định, ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức việc thi hành Hiệp định, kịp thời báo cáo để Quốc hội có những quyết định thích hợp khi nảy sinh những yếu tố mới trong quá trình thực hiện Hiệp định. Để tổ chức thực hiện hiệp định một cách có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số  35/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2002 trong đó nêu rõ: “các cơ quan nhà nước, các Bộ, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân cần quán triệt ý nghĩa của hiệp định, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực thi Hiệp định, có trách nhiệm đề ra và thực hiện những kế hoạch hành động cụ thể, nhằm ra sức phát huy nội lực, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc, tận dụng những thuận lợi và thời cơ, khắc phục khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện Hiệ định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ,...”.

Như vậy, xét về khía cạnh pháp lý cũng như theo chủ trương chính sách của Đảng thì việc thực hiện Hiệp định này là thực sự cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa..

Bên cạnh đó, thực hiện tốt Hiệp định này sẽ mang lại những kết quả không nhỏ đối với Việt Nam trong việc bình thường hóa hoàn toàn, cũng như phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước tế giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thứ nhất, theo dự đoán của ngân hàng thế giới, thành công trong việc thi hành Hiệp định này sẽ làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng 800 triệu đô la[24] do việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng mức thuế suất trung bình khoảng 3% thay vì khoảng 40% như hiện nay. Đồng thời, Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài cũng như tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Phúc lợi xã hội của Việt Nam nhờ việc thực hiện Hiệp định này có thể tăng lên tới 118 triệu đô la một năm[25], tạo thêm nhiêu công ăn việc làm cho người lao động. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, sau một năm thực hiện Hiệp định, tổng Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là 2,421 tỷ USD, tăng lên 100% so với năm 2001[26], nghĩa là tăng cao hơn so với dự đoán của ngân hàng thế giới.

Thứ hai, Hiệp định này được xây dựng trên cơ sở các quy định của WTO, vì vậy việc thực thi Hiệp định này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Mục tiêu của Việt Nam là có thể gia nhập WTO trong một tương lai không xa. Một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể gia nhập WTO là phải có một hệ thống pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn của thương mại quốc tế, của WTO. Đây sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể hoàn thiện pháp luật của mình theo các quy tắc và chuẩn mực của WTO. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì nếu Việt Nam sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định này thì Việt Nam đã thực hiện được khoảng 60 đến 70% công việc cần thực hiện để gia nhập WTO. Như vậy, việc chúng ta sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật không chỉ nhằm thực hiện tốt Hiệp định này mà còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc thi hành tốt Hiệp định này sẽ khuyến khích Hoa Kỳ và các nước OECD khác ủng hộ việc gia nhập WTO của Việt Nam bởi vì nhiều vấn đề liên quan tới gia nhập WTO là giống hay tương tự như các vấn đề được đề cập tại Hiệp định.

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật của Việt Nam không chỉ nhằm thực hiện tốt Hiệp định, mà còn phục vụ đắc lực cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lụât nói riêng nhằm phù hợp hơn với tình hình mới và xu thế chung của thế giới, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hay nói cách khác là xuất phát từ nhu cầu nội tại của đất nước. Song song với quá trình cải cách kinh tế, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là vô cùng quan trọng nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý hoàn thiện và phù hợp tình hình phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại và pháp luật quốc tế.

Mặc dù theo kết quả rà soát ban đầu của Bộ Tư pháp thì số lượng văn bản quy phạm pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ và ban hành mới là tương đối nhiều, nhưng cũng có thể thấy là rất nhiều các văn bản đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ và ban hành mới đã nằm trong Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Chương trình xây dựng pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2001 và Khóa X và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2001. Ví dụ: Luật Cạnh tranh và Kiểm soát chống độc quyền, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh về chế độ đãi ngộ Tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia, Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hóa, Pháp lệnh về phí và lệ phí, Pháp lệnh Trọng tài thương mại ...

Đồng thời, các kiến nghị này cũng không nằm ngoài chủ trương, đường lối chính sách của Đảng được đưa ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: "Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các luật: Luật Thương mại, Luật Phá sản doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai..., xây dựng một số Luật mới như : Luật Doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất Luật doanh nghiệp Nhà nước và Luật Doanh nghiệp hiện hành; Luật Đầu tư trên cơ sở thống nhất Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước; Luật Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, v.v. Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm minh".[27]

Như vậy, việc cải cách hệ thống pháp luật là nhu cầu nội tại của đất nước chúng ta nhằm tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng và hấp dẫn và phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như phát huy khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta đã có sự chủ động trước trong việc thực hiện cải cách hệ thống pháp luật chứ không phải chỉ do thực hiện Hiệp định này mà phải sửa đổi rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp định này không phải không đặt ra những thách thức đối với Việt Nam.

Một là, qua nghiên cứu Hiệp định cho thấy một bộ phận các quy định trong Hiệp định chúng ta có thể hiểu được, nhưng nhiều quy định trong Hiệp định, nhất là các điều khoản được rút ra từ những hiệp định của WTO và các công ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia như Công ước Berne, ICSID..., chúng ta chưa hiểu hết ngay được nội dung của chúng, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí cả trong quá trình thực hiện Hiệp định sau này. Chẳng hạn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, ta đưa ra cam kết rất cao về Mode 1 và Mode 2, nhưng phần lớn các chuyên gia của ta chưa hiểu hết bản chất của hai phương thức này. Có thể nói, Hiệp định là một "trường học mới" cho tất cả các cơ quan Nhà nước, chuyên gia của các Bộ, ngành khác nhau, và các doanh nghiệp Việt Nam  hầu như còn xa lạ với các quy tắc và chuẩn mực của thương mại quốc tế hiện đại. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn cho quá trình thực hiện Hiệp định bởi vì vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam mới chỉ thực sự được chú trọng từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX trong khi vấn đề này đã được các nước trên thế giới đưa ra từ những năm 1947.

Hai là, thông qua hoạt động rà soát, đối chiếu các quy định hiện hành của Việt Nam với các cam kết của ta trong Hiệp định này có thể thấy hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, nhất là pháp luật dịch vụ như dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính... Đối với một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định, nhưng nhiều quy định không đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở nhau.

Hơn nữa, do dấu ấn của cơ chế kinh tế hành chính - quan liêu trước đây, còn có nhiều quy định của pháp luật thể hiện sự can thiệp hành chính quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới chỉ thực sự được chú trọng từ đầu những năm 90 do vậy rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay còn chưa phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế nói chung và các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này nói riêng.

Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Về thực tiễn, Việt Nam đã ký trên 70 Hiệp định thương mại, trên 40 Hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước ngoài và hiện vẫn đang tiếp tục đàm phán một số Hiệp định thương mại đầu tư với một số nước khác. Hơn nữa, Điều 20 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm đối xử công bằng và thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam"[28]. Như vậy, cả luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các Hiệp định thương mại, Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước đều thừa nhận nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc, có nghĩa là các quy định trong Hiệp định thương mại này sẽ được áp dụng cho nhà đầu tư từ các nước khác. Do vậy, nếu chúng ta không sửa đổi pháp luật sẽ dẫn đến việc khi ta quyết định một vấn đề liên quan đến chủ thể kinh doanh của một nước khác chẳng hạn Hàn quốc lại phải viện dẫn đến các quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. 

Về số lượng cụ thể thì qua kết quả bước đầu của hoạt động rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 24 (8 Luật, 3 Pháp lệnh, 12 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng); số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị ban hành mới là 39 (8 Luật, 11 Pháp lệnh, 20 Nghị định); số các văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị huỷ bỏ là 9 (3 Nghị định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng, 5 Quyết định của các Bộ, ngành); số điều ước quốc tế được kiến nghị tham gia hoặc sửa đổi bảo lưu là 6 văn bản.

Ba là, các cơ quan Nhà nước cán bộ Nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu của những năm 70 và 80, chưa thực sự hiểu và bắt nhịp được với nền kinh tế thị trường chính vì vậy việc thực hiện Hiệp định lại càng trở nên khó khăn.

Bốn là, nền kinh tế nước ta hiện nay còn chưa phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn thiếu về vốn, công nghệ chưa hiện đại, khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam chưa cao. Do đó Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo một sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mà các doanh nghiệp Việt Nam chịu sự điều chỉnh của quy chế pháp lý giống như các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là các doanh nghiệp Hoa Kỳ.  Mặc dù có những thách thức như vậy, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tự khẳng định mình, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

Năm lad, sự hiểu biết của cán bộ và doanh nghiệp Việt Nam về háp luật thương mại của Hoa Kỳ còn hạn chế. Do đó, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã tỏ ra lúng túng khi tranh chấp thương mại với các doanh nghiệp Hoa Kỳ xảy ra, mà điển hình là vụ tranh chấp về cá ba sa vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003 vừa qua. Đồng thời các quy định về bản quyền, nhãn mác và thương hiệu của Hoa Kỳ cũng là một vấn đề cấp bách đặt ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Các vụ tranh chấp về thương hiệu của Petro Vietnam Vinataba, cà phê Trung nguyên... là những ví dụ điển hình về vấn đề này. Có lẽ kinh nghiệm quý báu và giá trị nhất cho chúng ta chính là vụ kiện về bán phá giá cá tra và cá ba sa.

Để phát huy được những thuận lợi và giảm thiểu những khó khăn khi thực hiện Hiệp định, chúng ta cần chuẩn bị thật tốt và đảm bảo thực thi có hiệu quả Hiệp định này. Đây sẽ là những bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam và quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, góp phần tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng và minh bạch hơn, mở rộng các cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

2. ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM HOA KỲ TỚI THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

Như đã phân tích ở trên, Hiệp định này mang lại không ít những thuận lợi cũng như thách thức cho Việt Nam trong quá trình thực hiện nó. Có thể nói, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam, một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để xích lại gần với các quy tắc và chuẩn mực của thương mại quốc tế. Đây là một vấn đề khó khăn đặt ra không chỉ đối với Việt Nam mà với hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Hiệp định này có ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam từ khung pháp luật đến thiết chế pháp luật và vấn đề đào tạo. Việc hoàn thiện pháp luật đối với Việt Nam để thực hiện Hiệp định này là không hề đơn giản nhất là khi Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nước có hai hệ thống pháp luật khác hẳn nhau (Hoa Kỳ theo Hệ thống pháp luật án lệ còn Việt Nam lại theo Hệ thống pháp luật thành văn).

Riêng đối với khung pháp luật, để đánh giá được ảnh hưởng của Hiệp định đối với pháp luật Việt Nam, trước hết ta phải đi từ các khái niệm.

 

2.1. Khái niệm "thương mại" trong pháp luật Việt Nam

Do Việt Nam là một nước đang phát triển ở trình độ thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi nên nhiều định chế của kinh tế thị trường còn chưa phát triển. Nhiều quan hệ thương mại theo nghĩa hiện đại còn chưa được hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa mang tính phổ biến. Chính vì vậy, không giống như khái niệm thương mại được đưa ra trong Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài cũng như khái niệm thương mại được hiểu theo quy định của Hiệp định Việt - Mỹ, khái niệm thương mại trong pháp luật Việt Nam được hiểu theo nghĩa hẹp và được xác định theo khách thể của quan hệ thương mại, tức là trên cơ sở hành vi được coi là hành vi thương mại.

Khoản 1 Điều 5 Luật Thương mại định nghĩa hành vi thương mại là hành vi của thương nhân trong hoạt động thương mại làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với các bên có liên quan bao gồm 14 loại hành vi thương mại được quy định tại Điều 45 Luật Thương mại:

  • Mua bán hàng hóa;
  • Đại diện cho thương nhân;
  • Môi giới thương mại;
  • Ủy thác mua bán hàng hóa;
  • Đại lý mua bán hàng hóa;
  • Gia công trong thương mại;
  • Đấu giá hàng hóa;
  • Đấu thầu hàng hóa;
  • Dịch vụ giao nhận hàng hóa;
  • Dịch vụ giám định hàng hóa;
  • Khuyến mại;
  • Quảng cáo thương mại;
  • Trưng bày giới thiệu hàng hóa;
  • Hội chợ, triển lãm thương mại.

Điều 5 Luật Thương mại còn đưa ra định nghĩa hoạt động thương mại chỉ bao gồm các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xức tiến thương mại nhằm mục đích lợi nhuận hoặc nhằm thực hiện những chinh sách kinh tế xã hội. Ngay bản thân khái niệm thương nhân cũng bị bó hẹp chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất chỉ tiến hành một số hoạt động được coi là thương mại theo Luật Thương mại như quảng cáo, mua bán hàng hóa một cách không thường xuyên thì không được coi là thương nhân và không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam thì chỉ những hành vi nói trên được coi là hành vi thương mại. Nói cách khác, khái niệm thương mại trong pháp luật Việt Nam được hiểu rất hẹp chỉ bao gồm việc mua bán hàng hóa và các dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của thương nhân.

Bên cạnh việc hạn chế các hành vi được coi là thương mại và chủ thể được coi là thương nhân, Luật Thương mại còn đưa ra định nghĩa hàng hóa tại Điều 5 Khoản 3 chỉ bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác được lưu thong trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua, bán. Các tài sản khác như giá trị quyền sử dụng đất, bản quyền sở hữu công nghiệp, chứng khoán ... không phải là đối tượng của hoạt động thương mại.

So với khái niệm thương mại theo thông lệ quốc tế, khái niệm thương mại theo pháp luật Việt Nam là quá hẹp và chỉ bao gồm một phần rất nhỏ các quan hệ thương mại theo nghĩa rộng được đưa ra trong Hiệp định. Khái niệm thương mại của Hiệp định tương tự với khái niệm "kinh doanh" của pháp luật Việt Nam.

 

2.2. Khái niệm "thương mại " trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Hiệp định được xây dựng dựa trên các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế, do đó, khái niệm "thương mại" trong Hiệp định này cũng được hiểu theo nghĩa rộng, hiện đại, theo các quy định của WTO và các tiêu chuẩn quốc tế.

Mặc dù trong tất cả các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không có một khái niệm cụ thể về "thương mại", song theo Điều 2 của Hiệp định Marrakesh thành lập tổ chức thương mại thế giới, "Tổ chức thương mại thế giới sẽ là một khuôn khổ định chế chung để điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các thành viên của tổ chức về những vấn đề liên quan đến các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời gồm cả những Phụ lục của Hiệp định này".

Như vậy, quan hệ thương mại giữa các thành viên của WTO sẽ bao gồm các quan hệ được điều chỉnh trong các Hiệp định và văn bản pháp lý không tách rời Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới, bao gồm:

  • Thương mại hàng hóa;
  • Thương mại dịch vụ;
  • Khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại;
  • Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại;
  • Minh bạch hóa;
  • Giải quyết tranh chấp.

Có thể thấy, khái niệm "thương mại" được hiểu trong các Hiệp định của WTO là rất rộng, Mặc dù trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không đưa ra một khái niệm hay định nghĩa về "thương mại" tại một Điều cụ thể nào, nhưng Tiêu đề của Hiệp định là "Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại". Hơn nữa, Hiệp định này được xây dựng dựa trên cơ sở các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế.đặc biệt là các quy định của WTO. Điều này có nghĩa là các quan hệ điều chỉnh trong Hiệp định này là quan hệ thương mại. Theo cách hiểu như vậy thì khái niệm "quan hệ thương mại" trong Hiệp định này cũng được hiểu bao gồm các tất cả các quan hệ được điều chỉnh trong các Hiệp định của WTO nêu trên về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, đầu tư, vấn đề minh bạch hóa và quyền khiếu kiện, và giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, do Hiệp định này được xây dựng có tính đến Việt Nam là nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đang tiến hành các bước hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, do vậy, tuy sử dụng khái niệm thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng Hiệp định vẫn có những ngoại lệ dành cho Việt Nam. Do đó mà các quan hệ được điều chỉnh trong Hiệp định này có phạm vi hẹp hơn các quan hệ thương mại được điều chỉnh bởi các Hiệp định của WTO. Ví dụ, dịch vụ vận tải, và một số lĩnh vực khác không được điều chỉnh trong Hiệp định này.

 

2.3. Ảnh hưởng của Hiệp định đến thực trạng pháp luật của Việt Nam hiện nay.

Do Hiệp định điều chỉnh các quan hệ thương mại theo nghĩa rộng và hiện đại phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế như đã nêu ở trên, do vậy nó có tác động đến hầu hết các lĩnh vực của pháp luật Việt Nam như:

  • Pháp luật về thương mại (Luật Thương mại và các văn bản liên quan...);
  • Pháp luật về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (được quy định trong Bộ luật dân sự và các văn bản liên quan...);
  • Pháp luật về thương mại dịch vụ (được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành);
  • Pháp luật về đầu tư (Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản liên quan...);
  • Pháp luật về minh bạch hóa, quyền khiếu kiện (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản liên quan...)
  • Giải quyết tranh chấp (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính...)

Việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định cũng là một bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, kể cả việc từng bước tạo ra một khuôn khổ pháp lý không có phân biệt đối xử giữa các nhà kinh doanh trong và ngoài nước cũng như là giữa các nhà kinh doanh với nhau. Cam kết này của Việt Nam là phù hợp với những gì chúng ta đang làm nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước.

Để tận dụng ttối đa những thuận lợi mà Hiệp định mang lại cho Việt Nam như đã phân tích ở phần 1.2 nêu trên, cần phải đánh giá được những ảnh hưởng cơ bản của Hiệp định tới thực trạng hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay.

 

2.3.1. Nhận xét chung về thực trạng pháp luật của Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam trong hơn chục năm qua đã có những bước phát triển đáng kể với sự ra đời của hơn 253 Luật và Pháp lệnh[29] và hàng nghìn các văn bản của Chính phủ phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được ban hành và áp dụng trong thực tiễn. Trong đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thể có giá trị pháp lý cao điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các chủ đã được ban hành để điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, đầu tư và giải quyết tranh chấp. Các văn bản quy phạm pháp luật này cúng đã phần nào đáp ứng được đòi hỏi của các giao dịch kinh tế đa dạng hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật về kinh doanh còn một số điểm bất cập như sau:

Thứ nhất là hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam còn thiếu ổn định, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc quá chung chung dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Hơn nữa, do hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam mới được đổi mới trong thời gian hơn 10 năm cho nên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới. Các quy định của pháp luật còn tạo ra sự phân biệt đối xử bất hợp lý trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hay giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, tính minh bạch và khả năng lường trước được của việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam còn thấp. Chỉ một số văn bản luật, pháp lệnh và các nghị định của Chính phủ là bảo đảm được sự tham gia rộng rãi của nhiều tổ chức, cá nhân. Việc đăng Công báo thường là chậm, thậm chí nhiều văn bản không được đăng, đặc biệt là văn bản của các Bộ, ngành. Một số văn bản quy định thời hạn bắt đầu có hiệu lực quá ngắn nên không đủ thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng, thực hiện.

Ba là, có chế thực thi pháp luật còn chưa có hiệu quả, hệ thống các cơ quan tài phán còn yếu kém về năng lực, kể cả về kiến thức và hiểu biết về pháp luật quốc tế. Điều này dẫn đến sự trì trệ trong việc giải quyết các tranh chấp  kinh doanh gây khó khăn cho các nhà kinh doanh.

 

2.3.2. Ảnh hưởng của Hiệp định đến pháp luật về thương mại hàng hóa

Các văn bản pháp lý cơ bản của Việt Nam điều chỉnh thương mại hàng hóa bao gồm Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các văn bản hướng dẫn,... Pháp luật về thương mại hàng hóa của nước ta là lĩnh vực được quan tâm đổi mới đầu tiên trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đến nay pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế nói chung và các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Việt - Mỹ nói riêng.

Hai nguyên tắc cơ bản đặt ra trong thương mại quốc tế nói chung và trong Hiệp định này nói riêng là nguyên tắc Đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) và Đãi ngộ quốc gia (NT). Hai nguyên tắc này được quy định trên tất cả các lĩnh vực với một số ít các ngoại lệ. Tuy hiện nay ta đã ban hành Pháp lệnh về chế độ đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia, song Pháp lệnh này ới chỉ đưa ra được khái niệm về hai chế độ đãi ngộ này mà chưa đi vào thực tế. Mặc dù Pháp lệnh này đã ban hành từ năm 2001 nhưng đến nay ta không thể ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Điều này cho thấy khả năng lập pháp của các cơ quan lập pháp Việt Nam còn non kém cả về trinh độ lập pháp bằng kinh nghiệm lập pháp Như đã nêu ở trên, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ nhằm thực hiện Hiệp định mà xuất phát từ nhu cầu nội tại.của Nhà nước ta và phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc ban hành Pháp lệnh này mới nhằm giải quyết vấn đề thực thi Hiệp định mà chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại của đất nước, do vậy mà nó không thể đi vào thực tế.

Thêm vào đó, Luật Thương mại đưa ra một khái niệm thương mại hẹp hơn rất nhiều so với khái niệm thương mại theo thông lệ quốc tế cũng như khái niệm thương mại được thừa nhận trong Hiệp định này. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như quá trình gia nhập WTO. Ví dụ: do khái niệm thương mại quá hẹp mà việc thực thi Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam đã không đạt được những mục tiêu đặt ra khi tham gia công ước này. Do đó, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi Luật Thương mại cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định cũng như thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, rất nhiều các chế độ thông dụng khác đã được quốc tế hóa và được đưa ra cam kết trong Hiệp định nhưng hiện vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng ở văn bản có giá trị pháp lý cao như hạn ngạch, quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật... Do đó, các văn bản điều chỉnh vấn đề này cần sớm được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam..

Hiện nay, Việt Nam còn duy trì một số hạn chế thương mại không phù hợp với thông lệ quốc tế và với Hiệp định này như hạn ngạch, giấy phép, một số loại phí, lệ phí không phải là phí xuất nhập khẩu hay thuế... các biện pháp này cần được thay đổi hoặc hủy bỏ cho phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như các tiêu chuẩn thương mại quốc tế.

 

2.3.3. Ảnh hưởng của Hiệp định đến pháp luật về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ

Vấn đề khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ được điều chỉnh chủ yếu trong Bộ luật Dân sự , một số Nghị định của Chính phủ ...Có thể nói pháp luật về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng sau khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, khi xây dựng hệ thống pháp luật này, chúng ta đã chú ý tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nhờ đó mà hệ thống pháp luật về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ là tương đối phù hợp với những cam kết của ta trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, do mới được xây dựng nên hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề này còn chưa đẩy đủ và cần có sự bổ sung kịp thời cho phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định cũng như để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước hết, cần xem xét bổ sung thêm các đối tượng được bảo hộ như chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu cũng như thiết kế bố trí mạch tích hợp ...

Đồng thời, chúng ta cũng cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết để gia nhập một số Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm, chống sự sao chép trái phép, Công ước Berne năm 1971 về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, Công ước UPOV về bảo hộ giống thực vật mới, Công ước Bruxelle năm 1974 về bảo hộ tín hiệ mang chương trình qua vệ tinh.

Trong khi hệ thống pháp luật về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ nhìn chung là tương đối phù hợp với cam kết của Hiệp định thì chúng ta lại chưa có một cơ chế đảm bảo thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta chưa có các quy định cụ thể, chi tiết hướng dẫn thi hành pháp luật chung về các biện pháp chế tài và các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự  và hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như theo yêu cầu của Hiệp định. Điều này dẫn đến hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa cao. Do vậy, chúng ta cần chú trọng hơn nữa vào việc hoàn thiện cơ chế này để bảo hộ một cách có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, bảo về quyền và lợi ích chính đáng của những người liên quan.

 

2.3.4. Ảnh hưởng của Hiệp định đến pháp luật về thương mại dịch vụ

Thương mại dịch vụ là một lĩnh vực còn rất mới mẻ và chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn đơn giản và chưa đầy đủ. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản pháp luật  quy định chung về thương mại dịch vụ cũng như các phương thức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể cũng không có quy định về vấn đền này. Trong khi đó, các cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ trong Hiệp định này lại được đưa ra trên cơ sở 4 phương thức cung cấp dịch vụ đã được quốc tế thừa nhận (Theo GATS). Vì vậy, cần bổ sung các quy định này vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành hoặc có một văn bản riêng quy định về vấn đề này làm cơ sở cho các hoạt động thương mại dịch vụ.

Mặc dù trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã có các văn bản chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, còn rất nhiều lĩnh vực dịch vụ đã được cam kết trong Hiệp định nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như dịch vụ tư vấn thuế, tư vấn kỹ thuật, tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu và thăm dò thị trường...

Thêm vào đó, một số ngành dịch vụ chuyên ngành tuy đã có văn bản điều chỉnh nhưng những văn bản này có hiệu lực pháp lý không cao thường là Nghị định của Chính phủ như dịch vụ Bưu chính Viễn thông, dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, dịch vụ Quảng cáo... đông thời, các văn bản này chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ, quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Đây là những ngành dịch vụ có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, do vậy cần sớm ban hành những văn bản có giá trị pháp lý cao như luật hoặc pháp lệnh (ví dụ Pháp lệnh bưu chính viễn thông, Pháp lệnh Quảng cáo...) và phù hợp với các cam kết của Hiệp định, các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ này góp phần quản lý có hiệu quả và đưa các hoạt động cung cấp các dịch vụ này đi vào nề nếp, tăng thu nhập quốc dân và tăng thu ngân sách.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam chưa tiến hành phân loại các ngành dịch vụ theo bảng phân loại dịch vụ của Liên Hợp quốc (CPC) nhưng các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Phụ lục G) lại theo bảng phân loại này. Chính vì vậy, việc nhanh chóng áp dụng một cách chính thức bảng phân loại dịch vụ này là rất cần thiết để tạo thuận lợi cho việc quản lý các ngành dịch vụ ở Việt Nam cũng như thực thi Hiệp định này và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

Việt Nam hiện nay còn duy trì sự bảo hộ của Nhà nước đối với rất nhiều các  ngành dịch vụ trong nước như dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ pháp lý, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ viễn thông... trong khi đó, Việt Nam lại cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ về việc từng bước mở cửa một phần hoặc toàn bộ các ngành dịch vụ của Việt Nam từ trước tới nay vẫn còn được sự bản hộ của Nhà nước. Do vậy, chúng ta cần phải có sự điều chỉnh về chính sách bảo hộ cũng như các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này theo hướng Nhà nước chỉ bảo hộ những ngành dịch vụ thiết yếu, sống còn với nền kinh tế quốc dân còn non yếu của chúng ta hoặc những dịch vụ liên quan đến chủ quyền an ninh quốc gia cho phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định cũng như thông lệ quốc tế.

 

2.3.5. Ảnh hưởng của Hiệp định đến pháp luật về đầu tư

Các văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh quan hệ đầu tư nước ngoài bao gồm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Bộ luật lao động ... và các văn bản hướng dẫn.

Pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện hành được đánh giá là khá thông thoáng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài nhất là các quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2000 và Nghị định 24/CP, Luật Đất đai sửa đổi năm 2001 và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 24/CP..

Tuy nhiên, mặc dù đã khá thông thoáng nhưng pháp luật Việt Nam hiện vẫn duy trì hai hệ thống pháp luật về đầu tư riêng biệt áp dụng cho hai loại nhà đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài (Luật Đầu tư nước ngoài) và nhà đầu tư trong nước (Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước) và sự bảo hộ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc Đối xử quốc gia mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định thương mại này, cần phải dần thống nhất hai khung pháp luật về đầu tư đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cũng như dần loại bỏ các ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc ban hành một Luật Doanh nghiệp chung và một Luật Khuyến khích đầu tư chung điều chỉnh hoạt động của tất cả các loại doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần loại bỏ các hạn chế, điều kiện đầu tư không phù hợp với cam kết của Hiệp định và thông lệ quốc tế (không phù hợp với Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của WTO - TRIMs) như điều kiện về phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, điều kiện về xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa...cũng như các thủ tục hành chính phức tạp rườm rà, các quy định về tuyển dụng lao động, quy chế hoạt động của bộ máy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

 

2.3.6. Ảnh hưởng của Hiệp định đến pháp luật về giải quyết tranh chấp

Để tạo ra một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam thì việc tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư là rất quan trọng.

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Sự ra đời hệ thống Tòa kinh tế nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân, các trung tâm trọng tài thương mại theo Nghị định 116/CP và trung tâm Trọng tài quốc tế từ năm 1994 đã góp phần giải quyết kịp thời các tranh chấp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp có thể nói phần nào đã đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định này.

Tuy nhiên, hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp hiện nay vẫn còn một số điểm cần được hoàn thiện cho phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định và với thông lệ quốc tế.

Trước hết, Việt Nam cam kết trong Hiệp định việc đưa tranh chấp đầu tư ra giải quyết theo Công ước ICSID (Công ước Washington về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với công dân của Nhà nước khác ngày 18/3/1965). Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa là thành viên của Công ước này. Việc sớm tham gia Công ước này là điều kiện hết sức cần thiết để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước với công dân nước ngoài, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Hơn nữa, Hiệp định cũng đưa ra cam kết về việc hai Bên đảm bảo tại lãnh thổ của mình có một cơ chế hiệu quả để công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Công ước Newyork năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài với 3 bảo lưu theo Quyết định số 453QĐ/CTN ngày 28/7/1995 về việc tham gai Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài. Trong đó, Việt Nam bảo lưu phạm vi áp dụng Công ước này chỉ đối với tranh chấp phát sinh từ quan hệ thương mại. nhưng do khái niệm quan hệ thương mại trong pháp luật Việt Nam là quá hẹp, do vậy việc thực thi Công ước này trên thực tế gặp nhiều khó khăn, hầu hết các phán quyết của trọng tài nước ngoài về các tranh chấp được yêu cầu công nhận đều không được coi là tranh chấp phát sinh từ quan hệ thương mại theo Luật Thương mại Việt Nam. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, hoặc chúng ta cần mở rộng khái niệm quan hệ thương mại như đề cập ở phần trên hoặc bỏ bảo lưu này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam hiện chưa có cơ chế đảm bảo thi hành các phán quyết của trọng tài trong nước dẫn đến hiệu quả thi hành của các phán quyết trọng tài trong nước không cao. Vấn đề này cần được sớm giải quyết trong Pháp lệnh Trong Pháp lệnh Trọgn tài mới nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc.

 

2.3.7. Vấn đề minh bạch hóa

Minh bạch hóa là một vấn đề bức xúc trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hiệp định yêu cầu mỗi Bên phải công bố một cách kịp thời tất cả các Luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào được đề cập trong Hiệp định sao cho tất cả những đối tượng liên quan có thể làm quen với chúng trước khi chúng có hiệu lực. Đồng thời, ở mức độ có thể, mỗi Bên cho phép Bên kia và công dân của Bên kia cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng Luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung có ảnh hưởng đến việc tiến hành các hoạt động thương mại quy định trong Hiệp định này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 27 tháng 12 năm 2002 về cơ bản đã phù hợp với cá cam kết trong Hiệp định về vấn đề minh bạch hóa. Trong đó Điều 75 sửa đổi quy định rõ thời hạn có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đối tượng có liên quan có thể làm quen với chúng trước khi chúng có hiệu lực. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định việc lấy ý kiến của những đối tượng liên quan trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, do chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật  quy định về hoạt động đăng Công báo, cũng như trách nhiệm của cơ quan phát hành Công báo dẫn đến trên thực tế việc đăng Công báo chứ được kịp thời. Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh việc ban hành văn bản pháp luật của địa phương.

Một vấn đề rất phức tạp mà đến nay vẫn chưa được đặt ra là vấn đề đăng tải các văn bản đã có hiệu lực nhưng chưa được đăng[30]. Đây cũng là vấn đề phức tạp và cần được giải quyết trong văn bản về Công báo.

Đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống pháp luật là vấn đề chúng ta cần thực hiện tốt theo quy định của Hiệp định thương mại này để đảm bảo một môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch và bình đẳng cho kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

 

3. KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực thi hành được hơn 1 năm. Các chỉ số trong lĩnh vực thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ đã thể hiện hiệu quả tích cực của 1 năm thực hiện Hiệp định[31]. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được từ việc thực thi Hiệp định thì Việt Nam cũng đã gặp một số khó khăn.

Về mặt khách quan, mặc dù đây là một Hiệp định song phương nhưng lại được xây dựng trên khuôn khổ pháp luật thương mại đa phương, đặc biệt là các quy định của WTO, trong khi Việt Nam chưa phải là thành viên vì vậy việc thực hiện những quy định của Hiệp định đã đặt ra nhiều khó khăn cho Việt Nam. Đồng thời Hoa Kỳ chỉ dành quy chế tối huệ quốc cho Việt Nam  hàng năm cho đến khi Việt Nam gia nhập WTO và với điều kiện Nghị viện Hoa Kỳ đồng ý gia hạn miễn trừ điều khoản Jacson - Vanick.

Về mặt chủ quan, các doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu sự hiểu biết về pháp luật và thực tiễn kinh doanh của Hoa Kỳ. Năng lực tài chính và sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu và còn thiếu.

Theo nhận xét của Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là những hiểu biết về pháp luật của Hoa Kỳ. Pháp luật của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này có những đặc điểm:

- Cho phép chính quyền (Tổng thống và các cơ quan hành pháp) can thiệp vào hoạt động xuất nhập khâủ với những quyền hạn rộng rãi,

- Lập ra một số cơ quan hành pháp trung ương phục vụ công việc trên và trao cho các cơ quan này nhiều thẩm quyền để điều tra và tham mưu hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết,

- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa hành pháp và lập pháp, nhưng vai trò chủ yếu là ở hành pháp,

- Luật pháp bảo hộ mậu dịch Hoa Kỳ thuộc phạm vi luật kinh tế đối ngoại và có tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế, chủ quyền của các quốc gia và lợi ích nhiều mặt của các bên hữu quan, đặc biệt tận dụngt hế mạnh của cMỹ là một siêu cường về kinh tế.

Nguồn của pháp luật Hoa Kỳ áp dụng trong lĩnh vực này gồm:

- Loại luật về quản lý nhập khẩu nhằm bảo hộ kinh tế nội địa bằng các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế nhập khẩu

- Loại luật quản lý xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu những mặt hàng hoặc bán hàng cho những nước mà Mỹ muốn hạn chế và khuyến khích xuất những mặt hàng có lợi cho Mỹ.

- Luật quản lý xuất nhập khẩu bởi lý do an ninh chính trị hay an ninh kinh tế.

- Luật về tự do hoá thương mại và cấm phân biệt đối xử.[32]

Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực, Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó được thể hiện qua số liệu sơ bộ đã được Bộ Tư pháp tổng hợp trên cơ sở các văn bản đã được đăng trên Công báo tính đến ngày 07/3/2003 đã có 2 Luật, 7 Pháp lệnh và 11 Nghị định đã được ban hành theo lộ trình rà soát Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ, cụ thể như sau:

  1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động
  2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  3. Pháp lệnh Quảng cáo
  4. Pháp lệnh Giá
  5. Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam
  6. Pháp lệnh về Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia
  7. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông
  8. Pháp lệnh Trọng tài thương mại
  9. Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân
  10. Nghị định 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản
  11. Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 quy định chi tiết Pháp lệnh Luật sư
  12. Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan
  13. Nghị định 102/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
  14. Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/03/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bí mật Nhà nước
  15. Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 quy định chi tiết Pháp lệnh phí và lệ phí
  16. Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 06/06/2002 về trị giá tính thuế hải quan
  17. Nghị định 87/2002/NĐ-CP ngày 15/11/2002 về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn.
  18. Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/06/2002 về chế độ nhuận bút
  19. Nghị định 107/2002/NĐ-CP ngày 23/11/2002 quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan
  20. Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 quy định về việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

So với kiến nghị của Bộ Tư pháp kèm theo Kết quả rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ mà Chính phủ đã phê duyệt, việc sửa đổi và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn quá chậm. Cụ thể là:

  1. Bộ luật Tố tụng Dân sự
  2. Luật Thương mại
  3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
  4. Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền
  5. Luật Thuỷ sản
  6. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính
  7. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự
  8. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
  9. Pháp lệnh Kiểm toán
  10. Pháp lệnh Thực phẩm
  11. Pháp lệnh Giống cây trồng
  12. Pháp lệnh Giống vật nuôi
  13. Nghị định số 101/CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  14. Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 11/10/1998 về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam
  15. Nghị định số 07/CP ngày 29/1/1994 ban hành Quy chế Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân
  16. Nghị định số 194/CP ngày 31/12/1994 về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam
  17. Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự
  18. Nghị định số 57/ 1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài.
  19. Nghị định 57/CP ngày 31/5/1997 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng hàng hoá.
  20. Nghị định 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 về Giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp tư nhân theo hướng cho nhà đầu tư nước ngoài mua, nhận khoán kinh doanh, quản lý, thuê các doanh nghiệp trong nước
  21. Nghị định về Bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp
  22. Nghị định về Hành nghề kiến trúc
  23. Nghị định về Công báo
  24. Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá
  25. Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát biên giới và thủ tục xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ tại biên giới;
  26. Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát thị trường và thủ tục xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ
  27. Nghị định về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Bên cạnh đó, trong năm 2002, chúng ta cũng chưa tham gia điều ước quốc tế nào theo yêu cầu của Hiệp định.

Về tổng thể, trong Chương tình xây dựng xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007) có 137 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đó 118 dự án thuộc chương trình chính thức gồm 61 dự án luật, 49 dự án pháp lệnh và 19 dự án luật thuộc chương trình chuẩn bị. So với kiến nghị của Bộ Tư pháp (có 32 văn bản luật, pháp lệnh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong Báo cáo của Bộ Tư pháp trình Chính phủ về kết quả rà soát) có 15 văn bản luật, pháp lệnh đã được đưa vào chương trình chính thức; 5 luật được đưa vào chương trình dự bị; 5 pháp lệnh chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội là Pháp lệnh về Tư vấn pháp luật, Pháp lệnh Phí, lệ phí, Pháp lệnh giá, Pháp lệnh quảng cáo, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Đối với công tác tư pháp, việc thực hiện công tác đổi mới hệ thống tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị là một công việc cực kỳ quan trọng và sẽ rất thành công nếu chúng ta kết hợp được công tác này vơí việc thực hiện các cam kết về tư pháp trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

 

4.KIẾN NGHỊ

Như đã phân tích ở trên, Hiệp định này có tác động tới nhiều lĩnh vực của pháp luật Việt Nam. Thực thi tốt Hiệp định này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tạo cơ sở pháp lý cho quá trình cải cách kinh tế và quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Do đó, chúng ta phải tiến hành  việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện pháp luật như thế nào cho hợp lý. Để đảm bảo sự thống nhất và hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như hiệu quả của hoạt động lập pháp việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam kể từ thời điểm này cần phải chú ý một số điểm sau:

 Thứ nhất, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuy qua một năm thực hiện Hiệp định, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể song vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong lĩnh vực hoàn thiện hệ thống pháp luật. Như phân tích ở trên thì so với lộ trình cam kết trong Hiệp định, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật  còn quá chậm. Do vậy, công tác xây dựng pháp luật của chúng ta trong thời gian tới sẽ còn cần tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa mới đáp ứng dược các yêu cầu của việc thực thi Hiệp định, đồng  thời việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới cần lưu ý:

  • Một là: các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới, hoặc được sửa đổi, bổ sung cần tính đến các cam kết trong Hiệp định và các quy định của WTO, làm sao để các văn bản quy phạm pháp luật mới không phải sửa đổi khi Việt Nam gia nhập WTO;
  • Hai là, trong qiá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt phải bảo đảm tính inh bạch của văn bản như việc đảm bảo cho các đối tượng liên quan đóng góp ý kiến vào văn bản đăng Công báo.
  • Ba là, nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, ngoài nội dung thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có thêm nội dung về sự tương thích của văn bản với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hai là về cán bộ, để phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt được những kết quả tốt đẹp, cần phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về thương mại quốc tế. Do vậy, bên cạnh việc củng cố, tăng cường kiến thức pháp luật, năng lực vận dụng pháp luật chung, cho cán bộ các ngành Thương mại, Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp, Ngân hàng, Tài chính, Du lịch v.v.., từ trung ương đến các tỉnh, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thương mại quốc tế cho các thẩm phán, thì cần có kế hoạch đào tạo cấp bách, có thể ở ngoài nước, một nhóm chuyên gia, kể cả luật sư đang hành nghề ở các công ty luật Việt Nam, có trình độ chuyên sâu về thương mại quốc tế, hiểu biết bản chất, thủ tục giải quyết các tranh chấp thương mại diễn ra ở WTO và trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ - EU, Hoa Kỳ - Canada, Hoa Kỳ - Nhật Bản, Hoa Kỳ - Trung Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc v.v... sau này giúp cố vấn cho Chính phủ  thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam; nếu tranh chấp phát sinh thì giúp bảo vệ quyền lợi của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.

 

Kết luận: Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết có thể coi là một bước tiến lịch sử trong quan hệ kinh tế của hai nước, mang lại cho thương mại Việt - Mỹ các điều kiện tương đương mà Hoa Kỳ đã dành cho hầu hết các nước trên thế giới. Đồng thời, Hiệp định này đánh dấu thời điểm lịch sử có tính chất quyết định trong quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Nhất là trong quá trình hội nhập của Việt Nam hiện nay, Hiệp định này là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam, là cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Thực hiện tốt Hiệp định này cũng là một cơ hội để Việt Nam tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và là bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình gia nhập WTO của của Việt Nam. Hơn nữa, thực hiện tốt Hiệp định này sẽ cho các nước thấy được thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của mình.

 

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT VỚI HOA KỲ VỀ THƯƠNG MẠI

 

 

Lê Hương Lan,

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế,

Bộ Tư pháp

 

 

I. Khái quát chung

 

Trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Hiệp định), Quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Chương II. Chương này quy định các mục tiêu, nguyên tắc và phạm vi  các nghĩa vụ mà các bên cam kết phải thực hiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, ấn định nghĩa vụ cụ thể của các bên về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có:

  • Nghĩa vụ tham gia và thi hành các nghĩa vụ được quy định trong các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ;
  • Nghĩa vụ bảo hộ các đối tượng cụ thể gồm: quyền tác giả và quyền liên quan, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, nhãn hiệu hàng hoá, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
  • Nghĩa vụ xây dựng hệ thống thực thi có hiệu quả và đầy đủ, gồm các thủ tục và chế tài dân sự, hành chính, hình sự, kể cả các biện pháp kiểm soát biên giới;
  • Nguyên tắc đối xử quốc gia và hiệu lực của Hiệp định.

Về cơ bản, các quy định của Chương II được xây dựng trên cơ sở các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS, tuy nhiên có một số quy định khắt khe hơn so với Hiệp định TRIPS (tham gia các điều ước quốc tế, các điều khoản về thời hạn chuyển tiếp, trợ giúp kỹ thuật...).

Điểm khác biệt so với Hiệp định TRIPS và các Hiệp định song phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết, là Hiệp định này chỉ bao gồm các quy định về nghĩa vụ của mỗi bên trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân của bên kia và hầu như không đề cập  nhiều đến việc một bên trợ giúp bên kia nhằm nâng cao hệ thống sở hữu trí tuệ, điều này cũng cho thấy Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn để có thể thực thi được các nghĩa vụ đã cam kết trong Hiệp định.

Để thực hiện các nghĩa vụ đối với Hoa Kỳ về sở hữu trí tuệ theo các kết trong Hiệp định, Việt Nam sẽ phải ban hành nhiều văn bản pháp luật mới về sở hữu trí tuệ, đồng thời phải tăng cường năng lực của các cán bộ, bộ máy các cơ quan thực thi về sở hữu trí tuệ. Những nghĩa vụ này cũng phù hợp với dự kiến kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS và đạt điều kiện để nước ta gia nhập WTO.

 

II. Nội dung các cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định

1. Cam kết chung về nguyên tắc và phạm vi của các nghĩa vụ

1.1. Các mục tiêu, chính sách xã hội cơ bản của quốc gia về sở hữu trí tuệ, các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ không được cản trở đến các hoạt động thương mại chính đáng.

1.2. Việt Nam cam kết thực hiện các quy định tại Chương II của Hiệp định và thực hiện các quy định có nội dung kinh tế của các điều ước quốc tế sau:

(1) Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép, năm 1971 (Công ước Geneva);

(2) Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, năm 1971 (Công ước Berne);

(3) Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, năm 1967 (Công ước Paris);

(4) Công ước Quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1978 (Công ước UPOV (1978)), hoặc Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1991 (Công ước UPOV (1991)); và

(5) Công ước về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (1974) (Công ước Brusselle).

Hiện nay, trong 5 điều ước quốc tế đã nêu trên, Việt Nam mới tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; do đó, theo cam kết tại khoản 3 Điều 1 của Hiệp định, đối với các công ước còn lại chưa tham gia, thì Việt Nam phải nhanh chóng tham gia các công ước đó vào ngày hoặc trước ngày Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, mặc dù đã tham gia Công ước Paris, nhưng trong quy định của pháp luật về SHCN của Việt Nam hiện còn có một số điểm chưa thực sự phù hợp với yeu cầu của Công ước. Ví dụ để đáp ứng các yêu cầu của Điều 5 (điểm c) của Công ước về việc cấm đình chỉ hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu do việc không sử dụng mà không biện minh được trước một thời hạn hợp lý, v.v… thì có thể cần xem xét, sửa đổi hoặc c khỏan 1 Điều 6 của nghị định số 12/CP ngày 6/3/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hoặc để đáp ứng với yêu cầu tại Điều 5 bis của Công ước, pháp luật của Việt Nam cần có quy định về khôi phục hiệu lực bằng độc quyên sáng chế, giải pháp hữu ích bị mất hiệu lực do không nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định.

 

2. Nguyên tắc đối xử quốc gia

2.1. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia tại Điều 3 của Hiệp định, Việt Nam cam kết:

-  Dành cho công dân Hoa Kỳ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho công dân Việt Nam trong việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó.

- Không được yêu cầu người có quyền sở hữu trí tuệ phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào về thủ tục, hình thức hoặc điều kiện (kể cả việc định hình, công bố tác phẩm, khai thác các quyền đó trong lãnh thổ của một Bên), và không được coi đó là điều kiện để được hưởng sự đối xử quốc gia và để xác lập, hưởng, thực hiện các quyền, lợi ích liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan.

 

2.2. Thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia có 2 trường hợp ngoại lệ:

(1) Khi thi hành các thủ tục tư pháp, hành chính nhằm bảo hộ và thực thi  quyền sở hữu trí tuệ, thì có thể không thi hành nguyên tắc đối xử quốc gia, nếu việc không thi hành đó không làm hạn chế các hoạt động thương mại, phù hợp với các Công ước liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cần thiết để bảo đảm việc thi hành các biện pháp không trái với quy định của Hiệp định.

 

(2) Khi thi hành các thủ tục quy định trong các thoả thuận đa phương được ký kết dưới sự bảo trợ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, các bên không có nghĩa vụ thi hành nguyên tắc đối xử quốc gia.

 

3. Các cam kết cụ thể về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (quyền kề cận)

3.1. Về phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ

Bảo hộ các tác phẩm có sự thể hiện nguyên gốc theo quy định của Công ước Berne, cụ thể là:

 -  Các chương trình máy tính;

 - Các sưu tập dữ liệu, tư liệu thể hiện dưới dạng có thể đọc được bằng máy hoặc dưới dạng khác, nếu việc lựa chọn và sắp xếp nội dung có sự sáng tạo.

 

3.2. Phạm vi các quyền của tác giả, quyền của người thừa kế

Dành cho tác giả, người kế thừa quyền lợi của họ được hưởng các quyền theo Công ước Berne và quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau:

  • Nhập khẩu vào lãnh thổ nước mình các bản sao của tác phẩm;
  • Phân phối công khai lần đầu bản gốc và bản sao tác phẩm dưới các hình thức: bán, cho thuê và các hình thức khác;
  • Truyền đạt tác phẩm tới công chúng;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính nhằm mục đích thương mại. Điều này không áp dụng nếu bản sao chương trình máy tính không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê. Ngoài ra, pháp luật quốc gia phải quy định việc đưa bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính ra thị trường, sẽ không chấm dứt quyền cho thuê, nếu được sự đồng ý của người có quyền.

 

3.3. Việc chuyển giao các quyền về kinh tế

3.3.1. Bảo đảm cho người có được hoặc nắm giữ bất cứ quyền kinh tế nào, cũng được chuyển giao một cách tự do và riêng rẽ quyền đó cho người khác, thông qua hợp đồng;

3.3.2. Bảo đảm cho người có được hoặc nắm giữ quyền kinh tế theo hợp đồng được đứng tên mình và hưởng lợi ích thu được từ việc thực hiện các quyền đó.

 

3.4. Về thời hạn bảo hộ

3.4.1. Thời hạn bảo hộ đối với  tác phẩm không được ít hơn 75 năm, kể từ khi kết thúc năm tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, nếu thời hạn bảo hộ không được tính cuộc đời của tác giả;

3.4.2. Thời hạn bảo hộ đối với  tác phẩm không được ít hơn 100 năm, kể từ khi kết thúc năm tác phẩm được tạo ra, nếu tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm, kể từ khi tác phẩm được tạo ra.

 

3.5. Việc cấp phép dịch hoặc sao chép

Không được cấp phép cho việc dịch hoặc sao chép quy định tại Phụ lục của Công ước Berne, nếu người có quyền có thể đáp ứng được các nhu cầu hợp pháp về bản dịch hoặc bản sao tác phẩm trong lãnh thổ nước mình.

 

3.6. Về quyền đối với bản ghi âm

3.6.1. Dành cho người có quyền đối với bản ghi âm quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau:

-  Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm;

-  Nhập khẩu vào lãnh thổ nước mình bản sao bản ghi âm;

- Phân phối công khai lần đầu bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm dưới hình thức bán, cho thuê hoặc các hình thức khác;

- Cho thuê, mượn bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm nhằm mục đích thương mại.

 

3.6.2. Việc đưa bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm ra thị trường với sự đồng ý của người có quyền không làm chấm dứt quyền cho thuê của người đó.

 

3.7. Quyền của người biểu diễn

Dành cho người biểu diễn quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau:

- Định hình các buổi biểu diễn nhạc sống của họ trong bản ghi âm;

- Sao chép trái phép bản định hình các buổi biểu diễn nhạc sống của họ;

- Phát hoặc truyền tới công chúng âm thanh của buổi biểu diễn nhạc sống;

- Phân phối, bán, cho thuê, định đoạt hoặc chuyển giao các bản định hình trái phép các buổi biểu diễn trực tiếp của họ, không kể việc định hình đó được thực hiện ở đâu.

 

3.8. Bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá

3.8.1. Pháp luật quốc gia phải quy định các biện pháp, chế tài thích hợp về dân sự và hình sự để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá.

3.8.2. Người có quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá hoặc đối với nội dung của tín hiệu đó, thì có quyền áp dụng các chế tài dân sự đối với người có hành vi xâm phạm quyền của mình.

 

4. Các cam kết cụ thể bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp

4.1. Đối với Nhãn hiệu hàng hoá (NHHH)

 4.1.1. Chủ sở hữu NHHH có quyền ngăn cản người khác, trong hoạt động kinh doanh, không được sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mà mình đã đăng ký, nếu việc sử dụng đó có nguy cơ gây nhầm lẫn và không được phép của chủ sở hữu.

4.1.2. Pháp luật quốc gia không được quy định việc sử dụng NHHH là một điều kiện để nộp đơn đăng ký; cơ quan nhà nước không được từ chối đơn đăng ký vì lý do dự định sử dụng NHHH chưa được thực hiện, trước khi kết thúc thời hạn ba năm, kể từ ngày nộp đơn.

4.1.3. Pháp luật quốc gia phải quy định hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hoá bao gồm:

- Việc xét nghiệm đơn;

- Việc thông báo cho người nộp đơn về các lý do từ chối đăng ký NHHH;

- Người nộp đơn có cơ hội hợp lý để trình bày ý kiến về thông báo đó;

- Việc công bố NHHH trước hoặc ngay sau khi nhãn hiệu được đăng ký;

- Những người có liên quan có cơ hội hợp lý để yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực đăng ký NHHH.

4.1.4. Việc đăng ký NHHH không bị cản trở bởi tính chất của hàng hoá hoặc dịch vụ mang NHHH.

4.1.5.  Điều 6 bis Công ước Paris được áp dụng với những sửa đổi cần thiết để bảo hộ đối với dịch vụ. Để xác định một NHHH có phải là nổi tiếng hay không, thì phải xem xét đến sự hiểu biết về NHHH trong bộ phận công chúng có liên quan, thường tiếp xúc với hàng hoá hoặc dịch vụ đó và không được yêu cầu NHHH đó phải được đăng ký.

4.1.6. Phải sử dụng Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ làm cơ sở cho việc đăng ký và không được coi đó là căn cứ duy nhất để xác định khả năng gây nhầm lẫn.

4.1.7. Việc đăng ký ban đầu của một NHHH có thời hạn ít nhất là 10 năm và được gia hạn không hạn chế số lần, mỗi lần gia hạn có thời hạn không ít hơn 10 năm, nếu đáp ứng được điều kiện gia hạn.

4.1.8. Việc sử dụng NHHH là điều kiện để duy trì hiệu lực của việc đăng ký. Việc đăng ký có thể bị đình chỉ hiệu lực do không sử dụng liên tục NHHH sau thời gian ít nhất là ba năm, trừ trường hợp chủ NHHH chứng minh được việc không sử dụng đó có lý do chính đáng.

4.1.9. Nếu người không phải là chủ NHHH sử dụng nhãn hiệu đó dưới sự kiểm soát của chủ nhãn hiệu, thì được coi là đã sử dụng NHHH nhằm mục đích duy trì hiệu lực đăng ký.

4.1.10. Không được gây trở ngại việc sử dụng NHHH trong thương mại bằng các yêu cầu đặc biệt, ví dụ: sử dụng theo cách thức làm giảm chức năng chỉ dẫn nguồn gốc của NHHH, hoặc phải sử dụng cùng với NHHH khác.

4.1.11. Pháp luật quốc gia có thể quy định các điều kiện cấp li-xăng và chuyển nhượng quyền sở hữu NHHH và có thể yêu cầu việc chuyển nhượng NHHH phải bao gồm cả việc chuyển giao uy tín của NHHH đó, nhưng không được cho phép cấp li-xăng không tự nguyện đối với NHHH.

 

4.2.  Đối với Sáng chế

4.2.1. Bảo đảm khả năng Bằng độc quyền được cấp đối với mọi sáng chế, không kể đó là một sản phẩm hay một quy trình, trong mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Thuật ngữ "trình độ sáng tạo" và "có khả năng áp dụng công nghiệp" đồng nghĩa tương ứng với thuật ngữ “không hiển nhiên” và "hữu ích".

4.2.2. Pháp luật quốc gia có thể loại trừ khả năng cấp bằng độc quyền cho các đối tượng sau:

- Sáng chế bị cấm khai thác vào mục đích thương mại trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng, đạo đức xã hội, bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ của con người, động vật, thực vật hoặc để bảo vệ môi trường;

- Các phương pháp chẩn đoán,  nội khoa, ngoại khoa để chữa bệnh cho người và động vật;

- Các quy trình có bản chất sinh học để sản xuất thực vật, động vật mà không phải là quy trình phi sinh học và quy trình vi sinh; giống động vật, giống thực vật.

4.2.3. Nếu đối tượng của Bằng độc quyền là một sản phẩm hoặc một quy trình, thì chủ bằng có quyền ngăn cấm người khác chế tạo, sử dụng, bán, chào bán, hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc quy trình đó, nếu không được sự đồng ý của chủ bằng.

4.2.4. Pháp luật quốc gia có thể quy định một số ngoại lệ độc quyền theo bằng độc quyền, nếu các ngoại lệ đó không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường sáng chế, không xâm hại đến quyền lợi của chủ bằng độc quyền.

4.2.5. Không được phân biệt đối xử đối với các Bằng độc quyền và việc hưởng các quyền theo bằng độc quyền,  vì lý do lĩnh vực công nghệ hay sản phẩm được nhập khẩu, sản xuất tại chỗ.

4.2.6. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được rút lại việc cấp bằng độc quyền khi có căn cứ cho thấy sáng chế  lẽ ra đã bị từ chối cấp bằng độc quyền.

4.2.7 Chủ bằng độc quyền có quyền chuyển nhượng, ký kết các hợp đồng li-xăng và để lại thừa kế bằng độc quyền của họ.

4.2.8. Pháp luật quốc gia có thể cho phép cấp li - xăng không tự nguyện đối với đối tượng của Bằng độc quyền sáng chế, nhưng phải tôn trọng các quy định sau:

(1) Việc cho phép sử dụng đó phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể;

(2) Việc cho phép sử dụng đó chỉ được thực hiện nếu trước khi sử dụng, người đề nghị sử dụng đã có nỗ lực xin phép người có quyền với những điều kiện thương mại hợp lý, nhưng không đạt được kết quả trong một thời hạn hợp lý. Quy định trên có thể được bỏ qua trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, tình huống đặc biệt khẩn cấp khác hoặc sử dụng công cộng không mang tính thương mại. Tuy nhiên, trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, tình huống đặc biệt khẩn cấp khác, người có quyền phải được thông báo trong thời hạn hợp lý sớm nhất. Trong trường hợp sử dụng công cộng không mang tính thương mại, nếu người sử dụng biết hoặc có cơ sở rõ ràng để biết việc một bằng độc quyền có hiệu lực đang hoặc sẽ được Chính phủ sử dụng, thì chủ sở hữu bằng độc quyền phải được thông báo kịp thời.

Quy định trên không áp dụng, nếu việc cấp phép sử dụng nhằm xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan có thẩm quyền từ chối đình chỉ giấy phép sử dụng, nếu các điều kiện dẫn đến việc cấp phép có khả năng tái diễn;

(3) Phạm vi, thời hạn của việc sử dụng phải giới hạn trong mục đích cấp phép. Đối với công nghệ bán dẫn, thì chỉ được cho phép li - xăng bắt buộc vì mục đích công cộng, không được nhằm mục đích thương mại hoặc để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

(4) Việc sử dụng đó là không độc quyền;

(5) Việc sử dụng đó không được chuyển nhượng, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với một phần cơ sở kinh doanh hoặc uy tín gắn với việc sử dụng đó;

(6) Việc sử dụng đó nhằm cung cấp cho thị trường nội địa của một trong các bên. Quy định này không áp dụng nếu việc cấp phép sử dụng nhằm xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo các thủ tục tư pháp, hành chính. Cơ quan có thẩm quyền từ chối đình chỉ giấy phép sử dụng, nếu điều kiện dẫn đến việc cấp phép có khả năng tái diễn;

(7) Việc sử dụng đó bị đình chỉ, nếu tình huống dẫn đến việc cho phép sử dụng đó chấm dứt và ít có khả năng tái diễn.

(8)  Người có quyền phải được trả thù lao thoả đáng, có tính đến giá trị kinh tế của việc cấp phép;

(9) Hiệu lực của quyết định liên quan đến việc cấp phép sử dụng, thù lao trả cho việc sử dụng đó phải được cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn xem xét lại theo thủ tục tư pháp hoặc thủ tục độc lập khác, nếu chủ sở hữu có yêu cầu.

(10) Không được cấp phép sử dụng đối tượng của một Bằng độc quyền để khai thác một Bằng độc quyền khác, trừ khi đó là chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

4.2.9. Nếu đối tượng của bằng độc quyền là quy trình sản xuất một sản phẩm, thì khi xử lý các hành vi xâm phạm, bị đơn có nghĩa vụ phải chứng minh sản phẩm của mình đã được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình nguyên đơn được cấp Bằng độc quyền.

4.2.10. Thời hạn bảo hộ đối với Bằng độc quyền sáng chế không dưới hai mươi năm, kể từ ngày nộp đơn và có thể kéo dài trong trường hợp cần thiết, nhằm bù lại sự chậm trễ do thủ tục cấp Bằng gây ra.

4.3. Đối với Thiết kế bố trí (Topography) mạch tích hợp

4.3.1.Thiết kế bố trí mạch tích hợp (TKBT) được bảo hộ theo quy định từ Điều 2 đến Điều 7, Điều 12 và Điều 16(3) của Hiệp định, trừ quy định tại Điều 6(3) của Hiệp định về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp đang được để ngỏ cho các bên ký kết từ ngày 26 tháng 5 năm 1989 và việc bảo hộ TKBT phải tuân thủ  quy định taị Điều 8 của Hiệp định.

4.3.2. Nếu không được phép của chủ sở hữu TKBT, các hành vi sau đây bị coi là bất hợp pháp: làm bản sao, nhập khẩu, phân phối TKBT, mạch tích hợp có TKBT đã được bảo hộ hoặc vật phẩm có chứa mạch tích hợp nói trên, nếu vật phẩm đó có chứa TKBT bị sao chép bất hợp pháp.

Các hành vi nêu trên không bị coi là bất hợp pháp, nếu tại thời điểm tiếp nhận mạch tích hợp hoặc vật phẩm chứa mạch tích hợp, người thực hiện hành vi đó hoặc người đã đặt hàng không biết và không thể biết rằng mạch tích hợp có TKBT đã bị sao chép một cách bất hợp pháp.

4.3.3. Sau khi nhận được thông báo về việc TKBT bị sao chép, những người nói tại điểm 4.3.2 có quyền thực hiện bất kỳ hành vi nào đối với hàng hoá đã có hoặc đã đặt trước khi nhận được thông báo đó, nhưng phải trả cho người có quyền một khoản tiền thù lao thoả đáng, ví dụ: thanh toán theo hợp đồng li-xăng tự nguyện đối với TKBT đó.

4.3.4. Pháp luật quốc gia không được cho phép cấp li-xăng không tự nguyện đối với TKBT mạch tích hợp.

4.3.5. Thời hạn bảo hộ đối với TKBT không được ít hơn 10 năm, kể từ ngày nộp đơn đăng ký hoặc kể từ ngày TKBT được khai thác thương mại lần đầu tiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, tuỳ theo thời điểm nào sớm hơn.

Nếu pháp luật quốc gia không có yêu cầu đăng ký là điều kiện để bảo hộ TKBT, thì thời hạn bảo hộ không được ít hơn 10 năm, kể từ ngày TKBT được khai thác thương mại lần đầu tiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Pháp luật có thể quy định việc bảo hộ TKBT chấm dứt sau 15 năm, kể từ ngày TKBT được tạo ra.

 

4.4. Đối với Thông tin bí mật (Bí mật thương mại)

4.4.1. Thông tin bí mật (TTBM) được bảo hộ phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 9 của Hiệp định và các dữ liệu nộp trình cho Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ cũng được bảo hộ phù hợp với quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 9 của Hiệp định.

4.4.2. Pháp luật quốc gia phải quy định các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn việc TTBM bị tiết lộ cho người khác, bị người khác tiếp cận hoặc sử dụng mà không được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát hợp pháp thông tin đó, nếu thông tin đó đáp ứng các điều kiện sau:

- Không phải là hiểu biết thông thường hoặc không dễ dàng có được;

- Có giá trị thương mại vì có tính bí mật; và

- Người có quyền kiểm soát hợp pháp thông tin đó đã thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh để giữ bí mật thông tin đó.

4.4.3.  Không  được cản trở hoặc hạn chế việc cấp li-xăng tự nguyện về TTBM bằng việc áp đặt các điều kiện quá mức,  phân biệt đối xử đối với việc cấp li-xăng hoặc những điều kiện làm giảm giá trị của TTBM.

4.4.4. Nếu pháp luật yêu cầu trình kết quả thử nghiệm hoặc dữ liệu bí mật khác thu được do đầu tư công sức đáng kể để đưa dược phẩm hoặc nông hoá phẩm ra thị trường, thì phải bảo vệ các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng.

4.4.5. Đối với các dữ liệu đã được nộp trình cho cơ quan có thẩm quyền sau khi Hiệp định có hiệu lực, nếu không được phép của người nộp trình dữ liệu đó, thì không ai được sử dụng chúng để làm dữ liệu hỗ trợ cho đơn trong thời hạn thích hợp, kể từ khi dữ liệu được nộp trình. Thời hạn thích hợp không ít hơn 5 năm, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đơn của người đã trình dữ liệu xin phép đưa sản phẩm ra thị trường.

 

4.5. Đối với Kiểu dáng công nghiệp

4.5.1. Pháp luật quốc gia phải bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được tạo ra một cách độc lập, có tính mới hoặc nguyên gốc. Pháp luật có thể quy định kiểu dáng không có tính mới hoặc nguyên gốc, nếu không khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng đã biết hoặc sự kết hợp các đặc điểm của các kiểu dáng đã biết; và việc bảo hộ không áp dụng cho những kiểu dáng được xác định chủ yếu bởi các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng.

4.5.2. Bảo đảm các yêu cầu đối với việc bảo hộ kiểu dáng hàng dệt, chi phí xét nghiệm và công bố  không ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm và đạt được sự bảo hộ đó. Nghĩa vụ này có thể thực hiện thông qua luật kiểu dáng công nghiệp hoặc luật quyền tác giả.

4.5.3. Chủ sở hữu KDCN có quyền ngăn cấm người khác không được thực hiện các hành vi: chế tạo, bán, nhập khẩu hoặc phân phối các sản phẩm mang hoặc thể hiện kiểu dáng là bản sao hoặc cơ bản là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ, nếu các hành vi đó nhằm mục đích thương mại và không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

4.5.4. Pháp luật quốc gia có thể quy định một số ngoại lệ đối với việc bảo hộ KDCN, nếu điều đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường kiểu dáng được bảo hộ và không xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu kiểu dáng được bảo hộ.

4.5.5. Thời hạn bảo hộ đối với KDCN  ít nhất là 10 năm.

 

5. Các cam kết về thực thi Quyền sở hữu trí tuệ

5.1. Quy định các thủ tục nhằm chống lại một cách hiệu quả việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: các biện pháp khẩn cấp thời, các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa xâm phạm. Việc áp dụng các thủ tục thực thi quyền không được cản trở  hoạt động thương mại và phải có biện pháp để chống sự lạm quyền.

5.2. Các thủ tục thực thi phải đúng đắn, công bằng, không quá phức tạp, tốn kém và không có những giới hạn bất hợp lý về thời gian hoặc có sự chậm trễ không chính đáng.

5.3. Các quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Bằng văn bản, nêu rõ lý do ra quyết định;

- Sẵn sàng được cung cấp, ít nhất là cho các bên trong vụ kiện;

- Chỉ dựa trên chứng cứ mà các bên đã có cơ hội trình bày.

5.4. Bảo đảm cho các bên trong vụ kiện có cơ hội đề nghị cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính cuối cùng và xem xét lại các quyết định xét xử ở cấp sơ thẩm. Quy định này không áp dụng trong thủ tục tư pháp khi xem xét lại quyết định vô tội trong vụ án hình sự.

6.  Các  yêu cầu về thủ tục và chế tài về tố tụng dân sự, hành chính

6.1. Người có quyền được tham gia tố tụng dân sự để thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật quốc gia phải bảo đảm quy định:

- Bị đơn có quyền được thông báo kịp thời, đầy đủ về các chi tiết, cơ sở khiếu kiện bằng văn bản;

 - Các bên trong vụ kiện đều có quyền có luật sư đại diện;

- Trong thủ tục thực thi không được áp đặt yêu cầu quá mức về việc buộc đương sự phải có mặt;

- Các bên trong vụ kiện có quyền chứng minh yêu cầu của mình và đưa ra chứng cứ;

- Trong thủ tục thực thi phải có biện pháp để xác định, bảo vệ thông tin bí mật.

6.2.  Pháp luật quốc gia phải cho phép cơ quan tư pháp của mình có quyền:

(1) Buộc một bên trong vụ kiện đưa ra chứng cứ và tuân theo các điều kiện bảo vệ thông tin bí mật, nếu phía bên kia đã đưa ra chứng cứ đủ để chứng minh cho yêu cầu của mình và chỉ rõ chứng cứ hiện đang nằm trong sự kiểm soát của bên kia;

(2) Đưa ra kết luận sơ bộ và cuối cùng, nhằm khẳng định hoặc phủ định yêu cầu của các bên, căn cứ vào chứng cứ đã được đưa ra, bao gồm cả đơn khiếu nại của một bên do việc bị bên kia từ chối không cho tiếp cận với chứng cứ mà không có lý do chính đáng, hoặc bên kia đã không cung cấp chứng cứ đang nằm dưới sự kiểm soát của mình trong một thời hạn hợp lý, hoặc có hành vi gây cản trở cho việc thực thi quyền.

 (3) Buộc một bên chấm dứt hành vi xâm phạm, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan;

(4) Buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thoả đáng cho người có quyền và phải trả cho người có quyền lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm, nhưng không được tính trong thiệt hại thực tế; Đối với các đối tượng được bảo hộ theo quy định về quyền tác giả và quyền liên quan, thì cơ quan tư pháp có quyền quyết định buộc bên gây thiệt hại phải bồi thường theo mức ấn định trước.

(5) Buộc người xâm phạm phải trả các chi phí cho người có quyền, bao gồm cả chi phí hợp lý để thuê luật sư;

(6) Buộc bên đã lạm dụng quyền khi yêu cầu cơ quan tư pháp áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải bồi thường thoả đáng thiệt hại gây ra cho bên bị thiệt hại và phải trả các chi phí, bao gồm cả chi phí hợp lý để thuê luật sư.

6.3.  Để ngăn ngừa một cách hiệu quả các hành vi xâm phạm và việc làm hàng giả, pháp luật quốc gia phải cho phép cơ quan tư pháp được ra lệnh:

- Xử lý ngoài kênh thương mại các hàng hoá mà cơ quan đó cho là xâm phạm, theo cách thức tránh mọi thiệt hại cho người có quyền, hoặc tiêu huỷ hàng hoá đó mà không bồi thường dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp làm như vậy là trái với quy định hợp hiến hiện hành;

- Xử lý ngoài kênh thương mại các nguyên liệu, phương tiện có công dụng tạo ra hàng hoá xâm phạm, theo cách thức nhằm giảm tối thiểu nguy cơ tiếp tục xâm phạm, mà không bồi thường dưới bất kỳ hình thức nào.

Khi ban hành các lệnh trên, cơ quan tư pháp phải tính đến tỷ lệ tương xứng giữa mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, các biện pháp chế tài áp dụng và lợi ích của những người khác. Đối với hàng giả mạo nhãn hiệu, thì không cho phép đưa vào kênh thương mại, mặc dù đã loại bỏ nhãn hiệu hàng hoá gắn bất hợp pháp, trừ các trường hợp ngoại lệ.

 

7. Cam kết về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

7.1. Cơ quan tư pháp có quyền ban hành lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKHTT) một cách kịp thời và có hiệu quả nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm.

7.2. Cơ quan tư pháp có quyền buộc người nộp đơn yêu cầu áp dụng các BPKHTT phải cung cấp các chứng cần thiết,  để có thể để xác định:

- Người nộp đơn là người có quyền;

- Quyền của người nộp đơn đang bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm;

- Sự chậm trễ trong việc áp dụng các BPKCTT sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục được cho người có quyền, hoặc có nguy cơ chứng cứ đang bị tiêu huỷ.

7.3. Cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu người nộp đơn phải nộp một khoản bảo chứng hoặc khoản bảo đảm tương đương, đủ để bảo vệ lợi ích của bị đơn và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu. Cơ quan tư pháp cũng có quyền  yêu cầu người nộp đơn yêu cầu áp dụng các BPKCTT phải cung cấp các thông tin cần thiết để nhận biết hàng hoá vi phạm.

7.4. Cơ quan tư pháp có quyền ban hành lệnh áp dụng các BPKCTT theo yêu cầu của nguyên đơn, mà không nghe bị đơn trình bày ý kiến, trong trường hợp sự chậm trễ sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho người có quyền, hoặc có nguy cơ  chứng cứ đang bị tiêu huỷ.

7.5. Pháp luật quốc gia phải quy định trong trường hợp cơ quan tư pháp áp dụng các BPKCTT theo yêu cầu của nguyên đơn, mà không nghe bị đơn trình bày ý kiến, thì:

- Phải thông báo ngay về các biện pháp này cho người bị ảnh hưởng trước khi các biện pháp đó được thực hiện;

- Bị đơn có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp xem xét lại các biện pháp nói trên trong một thời hạn hợp lý, sau khi nhận được thông báo về việc áp dụng các biện pháp đó và phải dành cho bị đơn cơ hội trình bày ý kiến trong quá trình xem xét lại.

7.6. Theo yêu cầu của bị đơn, cơ quan tư pháp phải huỷ bỏ hoặc đình chỉ lệnh áp dụng các BPKCTT, nếu thủ tục giải quyết vụ việc không được bắt đầu trong một thời hạn hợp lý được cơ quan tư pháp ấn định, nếu luật quốc gia cho phép; trong trường hợp không ấn định thời hạn trên, thì không quá 20 ngày làm việc hoặc 31 ngày lịch, tuỳ theo thời hạn nào dài hơn.

7.7. Theo yêu cầu của bị đơn, Cơ quan tư pháp buộc người nộp đơn phải bồi thường thiệt hại do việc áp dụng các BPKCTT gây ra, nếu các biện pháp đó bị huỷ bỏ, đình chỉ hoặc nếu sau đó thực tế cho thấy không có sự xâm phạm hoặc nguy cơ xâm phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ.

 

8. Cam kết về các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt

8.1. Các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt phải được áp dụng trong trường hợp cố ý làm hàng giả hoặc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhằm mục đích thương mại. Pháp luật quốc gia phải quy định các hình phạt bao gồm:  phạt tù hoặc phạt tiền hoặc cả hai, đủ để ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tư pháp có thể ra lệnh thu giữ, tịch thu, tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và các nguyên liệu, phương tiện thực hiện tội phạm.

8.2. Cơ quan tư pháp có thể xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ khác, nếu các hành vi đó được thực hiện một cách cố ý và nhằm mục đích thương mại.

 

9. Cam kết về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới

9.1. Pháp luật quốc gia quy định thủ tục cho phép người có quyền nộp đơn đến cơ quan hành chính hoặc cơ quan tư pháp có thẩm quyền yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc thông quan đưa hàng hoá vi phạm vào lưu thông tự do, nếu có cơ sở chứng minh có hoạt động nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc bản sao trái phép các tác phẩm được bảo hộ. Quy định này không áp dụng đối với hàng quá cảnh.

Người có quyền nộp đơn yêu cầu nói trên phải cung cấp chứng cứ để thuyết phục cơ quan có thẩm quyền về việc có sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình và cung cấp bản mô tả chi tiết hàng hoá để hải quan có thể nhận biết ngay được hàng hoá đó.

Trong một thời hạn hợp lý, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người nộp đơn về việc có chấp nhận đơn hay không, nếu chấp nhận thì phải thông báo rõ thời hạn cơ quan hải quan sẽ hành động.

9.2. Cơ quan có thẩm quyền có quyền buộc người nộp đơn phải nộp một khoản tiền bảo chứng hoặc bảo đảm, đủ để bảo vệ bị đơn và các cơ quan có thẩm quyền, tránh sự lạm dụng quyền yêu cầu. Việc nộp khoản bảo chứng hoặc bảo đảm không được cản trở  việc áp dụng các thủ tục này.

9.3. Sau khi nhận được đơn theo thủ tục quy định, hải quan có thể đình chỉ việc thông quan đưa hàng hoá liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, mạch tích hợp hoặc bí mật thương mại vào lưu thông tự do, trên cơ sở một quyết định không phải của cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền độc lập khác; với điều kiện nếu thời hạn nói tại các điểm 9.5, 9.6, 9.7 đã hết, mà cơ quan có thẩm quyền vẫn không áp dụng các BPKCTT và nếu các điều kiện khác về nhập khẩu đã được đáp ứng.

Pháp luật cho phép chủ sở hữu, người nhập khẩu hoặc người nhập khẩu uỷ thác hàng hoá nói trên được nhận hàng để đưa vào lưu thông, sau khi nộp một khoản bảo chứng đủ để bảo vệ người có quyền. Việc nộp khoản bảo chứng này không ảnh hưởng đến các chế tài mà người có quyền có thể vận dụng và khoản bảo chứng này phải được trả lại, nếu người có quyền không thực hiện quyền khởi kiện của mình trong thời gian hợp lý.

9.4. Khi đình chỉ việc thông quan hàng hoá, Hải quan phải kịp thời thông báo cho người nhập khẩu và người nộp đơn.

9.5. Cơ quan hải quan phải cho thông quan hàng hoá bị tạm giữ, nếu trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo về việc đình chỉ thông quan, mà cơ quan hải quan không nhận được thông báo về việc một bên không phải là bị đơn đã khởi kiện yêu cầu giải quyết quyết vụ việc hoặc thông báo về việc cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện các biện pháp tạm thời để kéo dài thời hạn tạm giữ hàng hoá, nếu các điều kiện liên quan đến việc xuất, nhập khẩu đã được đáp ứng. Pháp luật quốc gia phải quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan có thể kéo dài thời hạn đình chỉ thông quan thêm 10 ngày làm việc nữa.

9.6. Khi vụ việc đã được khởi kiện, thì bị đơn có quyền yêu cầu xem xét lại, hoặc trình bày ý kiến của mình trong một thời hạn hợp lý.

9.7. Người nộp đơn phải trả cho người nhập khẩu, người nhập khẩu uỷ thác, chủ sở hữu hàng hoá khoản tiền bồi thường thoả đáng đối với thiệt hại gây ra do việc hàng hoá bị thu giữ sai hoặc do việc thu giữ hàng hoá đã được thông quan nói tại điểm 9.5.

9.8. Phải dành cho người có quyền cơ hội yêu cầu kiểm tra hàng hoá bị cơ quan hải quan thu giữ, nhằm chứng minh yêu cầu của mình, nếu điều đó không xâm hại đến việc bảo hộ thông tin bí mật. Cơ quan có thẩm quyền cũng phải dành cho người nhập khẩu cơ hội yêu cầu kiểm tra hàng hoá đó. Trong trường hợp giải quyết vụ việc thuận theo yêu cầu của nguyên đơn, thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người có quyền về tên, địa chỉ của người uỷ thác nhập khẩu, người nhập khẩu và người nhập khẩu uỷ thác, số lượng hàng hoá liên quan.

9.9. Khi có yêu cầu chủ động đình chỉ thông quan hàng hoá, nếu có chứng cứ  về việc quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, thì cơ quan có thẩm quyền có thể  yêu cầu người có quyền cung cấp các thông tin cần thiết tại bất kỳ thời điểm nào và người nhập khẩu, người có quyền phải được thông báo ngay về việc cơ quan có thẩm quyền đã tạm giữ hàng hoá. 

9.10. Cơ quan có thẩm quyền có quyền tiêu huỷ hoặc xử lý hàng hoá xâm phạm theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Hiệp định, nếu điều đó không xâm hại đến quyền khiếu kiện khác dành cho người có quyền và tuỳ thuộc vào quyền yêu cầu xem xét lại theo thủ tục tư pháp của bị đơn. Đối với hàng giả thì không được cho phép tái xuất khẩu nguyên trạng hàng xâm phạm hoặc chuyển sang các thủ tục hải quan khác, trừ các trường hợp đặc biệt.

10. Các cam kết về thời hạn thực hiện

 Việt Nam cam kết thi hành đầy đủ các nghĩa vụ tại Chương II trong các thời hạn sau:

- Đối với nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và sáng chế (Điều 6 và  Điều 7) : mười hai tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 4, trừ nghĩa vụ tại khoản 4) và nghĩa vụ bảo hộ thông tin bí mật (Điều 9): mười tám tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với  nghĩa vụ tuân theo các quy định có nội dung kinh tế và gia nhập Công ước Geneva, Công ước Brussels, nghĩa vụ về thời hạn bảo hộ quyền tác giả và nghĩa vụ bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá (khoản 3.A, khoản 3.E Điều 1, khoản 4 Điều 4, Điều 5): ba mươi tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

- Đối với tất cả các nghĩa vụ khác không được liệt kê tại các điểm nêu trên: hai mươi bốn tháng, kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

- Trong trường hợp Việt Nam gia nhập WTO trước khi kết thúc các thời hạn nói trên, thì kể từ ngày gia nhập, Việt Nam cam kết thi hành đầy đủ các nghĩa vụ nói tại chương II,  trùng với các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS.

 

II. Thực trạng pháp luật và những vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam

1. Khái quát về thực trạng của hệ thống pháp luật quyền tác giả của Việt Nam

1.1. Ở nước ta, lĩnh vực quyền tác giả (QTG) đã được xây dựng từ hơn 10 năm trước đây. Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật trong đó có quy định việc bảo hộ QTG (Hiến pháp năm 1992, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Bộ luật Hình sự...). Tuy vậy, trên thực tế, việc bảo hộ QTG được điều chỉnh chủ yếu trong Nghị định số 142 - HĐBT ngày 14/11/1986 (Nghị định 142) của Hội đồng Bộ trưởng về quyền tác giả. Qua một số năm thực hiện, Nghị định 142 đã bộc lộ một số hạn chế cả về mặt nội dung và hình thức, (ví dụ: Nghị định 142 chưa quy định bảo hộ chương trình phần mềm máy tính, thời hạn bảo hộ QTG còn quá ngắn (30 năm sau khi tác giả chết), chưa bảo hộ các quyền liên quan; về hình thức, vì là văn bản dưới luật, nên Nghị định còn bị hạn chế về hiệu lực thi hành, chưa được coi là văn bản có giá trị pháp lý cao để Nhà nước ta tham gia các Hiệp định song phương hoặc đa phương về QTG).

 Để khắc phục các khiếm khuyết trên đây của Nghị định 142, ngày 12/12/1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả. So với Nghị định 142, Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả quy định đầy đủ hơn về các đối tượng được bảo hộ,  bao gồm cả phần mềm máy tính; quy định cụ thể các quyền của tác giả; tăng thời hạn bảo hộ đối với QTG là trong suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết, quy định cụ thể về mốc tính thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm đồng tác giả, tác phẩm di cảo; quy định về các quyền liên quan. Sau khi Pháp lệnh bảo hộ QTG được ban hành chưa đầy 1 năm thì trong năm 1995, BLDS được ban hành.

Trong Bộ luật Dân sự (BLDS), QTG được quy định tại Chương I Phần thứ sáu  (từ Điều 745 đến Điều 749). Kể từ khi BLDS có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/1996), thì  Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả  hết hiệu lực.

Quy định về QTG trong BLDS đã kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh Bảo hộ QTG (1994). Tuy vậy, BLDS chỉ đề cập đến QTG dưới góc độ là một quyền dân sự, các vấn đề khác liên quan đến việc quản lý Nhà nước về QTG, thủ tục đăng ký, việc giải quyết các tranh chấp,  xử lý các hành vi xâm phạm QTG được quy định trong các văn bản pháp luật khác.

1.2. Hệ thống văn bản pháp luật về  QTG

Hệ thống văn bản pháp luật về QTG hoặc có liên quan đến QTG  gồm một số văn bản chủ yếu sau:

- Hiến pháp năm 1992.

- Bộ luật Dân sự (Chương I, Phần thứ sáu).

- Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

- Nghị định số 60 /CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự có yếu tố nước ngoài.

- Công văn số 97/KHXX ngày 21/08/1997 của Toà án nhân dân tối cao xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

- Thông tư số 166/1998/TT-BTC ngày 19/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu lệ phí đăng ký quyền tác giả.

- Thông tư số 27/2001/TT - BVHTT ngày 10/5/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996, Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ Luật dân sự.

- Thông tư liên tịch số 01/ 2001/ TANDTC- VKSNDTC- BVHTT  ngày 5  tháng 12  năm 2001 giữa Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại TAND tối cao.

-  Nghị định số 31/2001/NĐ - CP  ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thông tin.

- Luật Hải quan.

- Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thuỵ sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (1997).

- Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (1997).

- Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (2000).

1.3. Một số nhận định về thực trạng pháp luật về bảo hộ QTG của nước ta:

1.3.1. Sau một thời gian thi hành Bộ luật dân sự (từ 1996 đến nay), thực trạng pháp luật về bảo hộ QTG ở nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

  • Bước đầu xây dựng nền móng cho ý thức tôn trọng pháp luật về QTG, giáo dục ý thức tôn trọng QTG trong nhân dân, tạo lập niềm tin cho đội ngũ những người sáng tác về sự bảo hộ của pháp luật đối với hoạt động sáng tác của mình.
  • Tạo cơ sở pháp lý để tổ chức việc đăng ký bản QTG cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, bảo hộ một cách thống nhất và hiệu quả các quyền của tác giả, giúp Toà án có các căn cứ pháp lý cần thiết để giải quyết các tranh chấp và vi phạm về QTG.
  • Là cơ sở pháp lý để Nhà nước ta thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực QTG. Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa tham gia công ước quốc tế nào về bảo hộ QTG, nhưng trong năm 1997, Nhà nước ta đã ký kết 2 Hiệp định song phương về QTG  với Hoa Kỳ và Thuỵ sĩ, và trong năm 2000, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ  đã được ký kết. Đây là những bước tiến quan trọng để chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne trong thời gian tới.

1.3.2. Tuy đã có những cố gắng nhất định trong việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn thi hành các quy định của BLDS về QTG, nhưng nhìn chung, trong hệ thống các văn bản pháp luật về QTG của nước ta hiện nay còn có một số điểm khiếm khuyết:

  • Ở nước ta, QTG là lĩnh vực mới được hình thành, phát triển, do vậy hiểu biết lý luận, kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này còn rất hạn chế, chúng ta chưa có đủ điều kiện, thời gian để tiếp cận những nội dung mang tính khoa học, phức tạp và khó khăn trong lĩnh vực này.
  • Khi xây dựng các quy định về bảo hộ QTG, chúng ta cũng chưa tham gia hoặc ký kết đIều ước quóc tế nào về QTG, nên trong quy định của pháp luật về QTG còn có nhiều điểm chưa phù hợp với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.
  • Hệ thống văn bản pháp luật về QTG của nước ta còn phức tạp, bao gồm nhiều văn bản do nhiều cấp ban hành, có những khoảng trống, nhưng cũng có những quy định chồng chéo, thiếu tính thống nhất về nội dung và chưa chặt chẽ trong diễn đạt. Rất nhiều khái niệm pháp luật trong lĩnh vực QTG chưa được giải thích cụ thể, đối với các khái niệm đã được giải thích thì không thống nhất trong cách hiểu và trong khi áp dụng, vì nhiều lý do khác nhau.
  • Lĩnh vực pháp luật về QTG mới được bắt đầu xây dựng từ hơn 10 năm trở lại đây, những kết quả đạt được tuy rất đáng trân trọng, nhưng còn ở mức hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra hiện nay. Trong thời gian tới, lĩnh vực QTG cần được quan tâm nhiều hơn về mọi mặt, đặc biệt là việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế về QTG, tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi, phát huy vai trò của bảo hộ QTG như một chính sách nhằm khuyến khích nội lực sáng tạo và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

2. Khái quát về thực trạng của hệ thống pháp luật quyền SHCN của Việt Nam

2.1. Hệ thống văn bản pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ở nước ta đã được xây dựng từ năm 1976 với hình thức văn bản ở cấp Nghị định và Pháp lệnh Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập toàn cầu, các quy định của pháp luật về SHCN ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Hiên nay, hệ thống văn bản về SHCN của nước ta bao gồm một số văn bản chủ yếu sau đây:

- Hiến pháp năm 1992.

- Bộ Luật Dân sự (Chương II Phần thứ sáu).

- Nghị định số 63/ CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 06/2001/ NĐ - CP ngày 1.2.2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/ CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 12 /CP / 1999/NĐ- CP ngày 6.3.1000 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 54/NĐ - CP ngày 3.10.2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 13/2001/NĐ- CP ngày 20.4.2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới.

- Một số Thông tư, Quyết định của Bộ KHCN & MT hướng dẫn về thủ tục nộp đơn, đăng ký, xác lập quyền SHCN.

- Luật Hải quan.

- Bộ luật Hình sự  năm 1999.

- Một số điều ước quốc tế về SHCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia:

  • Công ước Pari về bảo hộ SHCN (1883- 1979);
  • Hiệp ước hợp tác Bằng sáng chế PCT  (1970);
  • Thảo ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá (1891- 1979);
  • Công ước Stockholm về việc thành lập tổ chức SHTT thế giới (WIPO) (1967);
  • Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thuỵ sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (1997).
  • Hiệp định khung về Kinh tế – Thương mại Việt Nam – EU;
  • Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Chương II).

2.2. Một số nhận định về thực trạng pháp luật về bảo hộ quyền SHCN  của nước ta:

2.2.1. So với các lĩnh vực khác, nhất là với lĩnh vực bảo hộ QTG, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền SHCN của nước ta được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về SHCN, Nhà nước ta đã tham gia hoặc ký kết nhiều điêù ước quốc tế về lĩnh vực này, do vậy, nhìn chung,  quy định của pháp luật về SHCN phù hợp với các điều ước quốc tế về SHCN, về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định TRIPS, yêu cầu về bảo hộ  SHCN trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

2.2.2. Bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, cũng cần thấy rằng hệ thống pháp luật về SHCN của nước ta cần được tiếp tục hoàn thiện, ngoài việc cần bổ sung quy định bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp, thì cũng tương tự như đối với lĩnh vực QTG, điểm bất cập lớn nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về SHCN hiện nay là các văn bản pháp luật còn phức tạp, gồm nhiều văn bản do nhiều cấp ban hành. Điểm cần nhấn mạnh là SHCN là một lĩnh vực có tính chất chuyên ngành, các quy định của lính vực này có tính chất rất đặc thù, phạm vi các đối tượng bảo hộ biến động theo sự phát triển của khoa học công nghệ, do vậy SHTT nói chung, trong đó có SHCN cần được điều chỉnh để bảo hộ trong các đạo luật riêng, không nên đưa vào để điều chỉnh trong quy định của BLDS, là một đạo luật điều chỉnh những quan hệ tương đối ổn định và liên quan đến quan hệ dân sự thông dụng trong đời sống hàng ngày của người dân. Theo chúng tôi đây là điểm bất cập lớn cần được khắc phục trong đợt sửa đổi BLDS lần này, nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT của nước ta nói chung, trong đó có lĩnh vực SHCN.

3. Một số điểm bất cập cụ thể trong quy định của  pháp luật về Sở hữu trí tuệ

3.1. Lĩnh vực QTG:

3.1.1. Thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định về bảo hộ QTG trong BLDS nên các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống thực tế, cụ thể:

- Thiếu nhiều văn bản để quy định hướng dẫn việc bảo hộ các loại hình tác phẩm có tính  chất đặc thù như: tác phẩm kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm điện ảnh,...

- Thiếu các văn bản hướng dẫn về phương thức xác định thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần trong các vụ  xâm phạm quyền SHTT;

3.1.2. Giữa quy định của trong BLDS và giữa quy định của BLDS với  quy định của văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả có sự mâu thuẫn, chồng chéo, điều này gây khó khăn cho Toà án khi vận dụng các quy định của pháp luật để xét xử;

3.1.3. QTG là một lĩnh vực rất phức tạp và còn mới mẻ đối với Việt Nam, do đó, để có thể hiểu đúng và áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật đòi hòi phải có sự giải thích cụ thể rất nhiều thuật ngữ, khái niệm. Tuy vậy nhiều khái niệm, thuật ngữ trong lĩnh vực QTG còn chưa được giải thích chính thức trong các văn bản pháp luật, hoặc nhiều thuật ngữ tuy được giải thích nhưng lại giải thích sai, cho nên việc vận dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các cơ quan áp dụng pháp luật không thống nhất được với nhau khi  hiểu về các thuật ngữ; bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề cần được làm rõ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn như: các dấu hiệu đặc thù để phân biệt tác phẩm đồng tác giả, tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao, giải thích về việc bảo hộ sự toàn vẹn tác phẩm, việc khai thác bình thường tác phẩm, về hành vi bị coi là xâm phạm QTG...

3.1.4. Một số quy định của pháp luật về QTG của Việt Nam không phù hợp quy định của Công ước Berne về  QTG (ví dụ: Điều 751 và  Điều 752 của BLDS  xác định  phạm vi các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả chưa phù hợp với quy định của Công ước Berne về QTG và thông lệ quốc tế; hoặc thuật ngữ “công bố, phổ biến tác phẩm” được giải thích tại Nghị định 76 và Thông tư 27 trái với giải thích của Công ước Berne về thuật ngữ này);

3.1.5. Trong quy định của pháp luật còn có những quy định chưa rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây tranh cãi trong các cơ quan áp dụng pháp luật.

3.2. Lĩnh vực SHCN:

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về SHCN của nước ta hiện nay về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, đã đáp được các yêu cầu cơ bản của Hiệp định TRIPS và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ về bảo hộ các đối tượng SHCN. Một số điểm còn bất cập sau đây trong lĩnh vực SHCN cần được khắc phục:

  • Thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN còn phải qua nhiều tầng nấc, kéo dài về thời gian và lệ phí ban đầu còn cao (ví dụ: đối với sáng chế dạng nhỏ, lệ phí ban đầu là 1 triệu đồng đối với người Việt Nam, đối với người nước ngoài là 300 USD, thời hạn xem xét để được cấp văn bằng bảo hộ theo đúng quy định là 18 tháng);
  • Hệ thống pháp luật, chính sách cần rõ ràng, khả thi và thông suốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu khi đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Trên thực tế, muốn đăng ký để được bảo hộ, người đăng ký phải lập bộ hồ sơ hoàn chỉnh, nộp lệ phí kèm theo mẫu gửi đến cơ quan quản lý SHCN các tỉnh chờ kiểm chứng; trong khi đó, thời gian cập nhật danh sách các sản phẩm được bảo hộ  quá chậm, vì toàn bộ danh sách do Cục SHCN ở Hà nội quản lý, do vậy có nhiều trường hợp đăng ký cả năm vẫn chưa được công nhận.
  • Các thủ tục tố tụng hoặc giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu các đối tượng SHCN chưa đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả.Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN còn chưa kịp thời, chưa nghiêm, thiếu sự quan tâm các cơ quan có chức năng. Muốn khiếu nại hay để yêu cầu được bảo vệ, người có quyền đối với đối tượng SHCN  phải tự tìm mua các mẫu loại sản phẩm vi phạm, ghi lại danh sách những điểm bán hàng rồi gửi hồ sơ, mẫu hàng vi phạm đến cơ quan quản lý thị trường hoặc Cục sở hữu công nghiệp, chịu chi phí giám định đễ xác định đó là hàng giả. Để hoàn tất thủ tục này có khi phải mất tới 6 tháng, lúc đó hàng vi phạm đã bán tràn lan khắp thị trường;
  • Hiện nay, nhiều hàng gỉa trên thị trường không phải được làm trong nước, mà được sản xuất từ nước ngoài, rồi nhập lậu vào Việt Nam. Việc truy tìm nguồn gốc để xử lý rất tốn kém và thiếu hiệu quả. Trong khi đó,  chúng ta chưa chủ động ngăn chặn từ gốc (kiểm soát, ngăn chặn từ cửa khẩu biên giới là con đường hàng được nhập lậu), mà lại xử lý từ ngọn (bắt và tịch thu hàng giả lưu thông trên thị trường), cách làm này là bị động, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.

 

III.  Một số ý nhận định và các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền SHTT của nước ta nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 

1. Các nhận định và đề xuất liên quan đến các cam kết về SHTT trong Hiệp định

1.1. Về mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi các nghĩa vụ (Điều 1)

Hiện nay, trong 5 điều ước quốc tế nêu tại nêu Điều 1 của Hiệp định, Việt Nam mới tham gia Công ước Paris về bảo hộ SHCN; do đó, theo cam kết tại khoản 3 Điều 1 của Hiệp định, đối với các công ước còn lại chưa tham gia, thì Việt Nam phải nhanh chóng tham gia các công ước đó vào ngày hoặc trước ngày Hiệp định có hiệu lực. Vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu và rà soát tất cả nội dung kinh tế của các công ước nêu trên (trừ Công ước Paris về bảo hộ SHCN)  để bảo đảm các quy định của pháp luật quốc gia về bảo hộ quyền SHTT cũng phù hợp với nội dung kinh tế của các công ước đó.

 

1.2. Nguyên tắc đối xử quốc gia (Điều 3)

Về yêu cầu của Hiệp định ttrong  nguyên tắc đối xử quốc gia, quy định của pháp luật Việt Nam về SHTT về cơ bản đã đáp ứng được. Tuy  nhiên, liên quan đến mức phí, lệ phí SHCN, trong Thông tư số 23 /TC –TCT ngày 9.5.1997 của Bộ Tài chính quy định mức phí và lệ phí về SHCN còn có sự phân biệt về mức phí và lệ phí giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam, quy định này cần được sửa đổi để bảo đảm nguyên tắc đối xử quốc gia.

 

1.3. Các cam kết cụ thể về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 4)

  • Về đối tượng được bảo hộ QTG, quy định của pháp luật Việt Nam về các đối tượng bảo hộ QTG về cơ bản là phù hợp với quy định của Công ước Berne,  trừ cam kết về việc bảo hộ các sưu tập dữ liệu, tư liệu dưới dạng có thể đọc được và sắp xếp nội dung thể hiện sự sáng tạo được bảo hộ như các tác phẩm khác. Đây là đối tượng cần được bổ sung trong quy định của pháp luật về QTG của Việt Nam.
  • Về phạm vi các quyền của tác giả, quyền của người thừa kế, các quy định tại BLDS và Nghị định 76 đã bảo đảm yêu cầu của Hiệp định, trừ cam kết dành cho người có quyền đối với bản ghi âm quyền cho phép hoặc cấm cho thuê, cho mượn bản gốc hoặc bản sao của bản ghi âm vì lợi ích thương mại và cam kết dành cho người có quyền được cho thuê bản gốc hoặc bản sao của chương trình máy tính nhằm mục đích thương mại. Hiện nay các quyền này chưa được khẳng định rõ trong văn bản pháp luật của Việt Nam.
  • Về việc chuyển giao các quyền về kinh tế, về cơ bản, quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam phù hợp với yêu cầu  của Hiệp định.
  • Về thời hạn bảo hộ thì mặc dù cam kết đối với thời hạn bảo hộ QTG theo yêu cầu của Hiệp định rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định TRIPS nhưng thời hạn bảo hộ là ở mức chấp nhận được. Hiện nay BLDS  quy định thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm điện ảnh, phát thanh, truyền hình, vi - đi - ô,… là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu. Thời hạn bảo hộ này phù hợp với yêu cầu của Công ước Berne, nhưng lại ngắn hơn so với yêu cầu của Hiệp định, tuy nhiên, vấn đề có cần thiết phải sửa đổi quy định của pháp luật Việt Nam về thời hạn bảo hộ cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định hay không còn là vấn đề cần được cân nhắc, vì cần phải tính đến mối quan hệ tương quan giữa yêu cầu của Hiệp định này và yêu cầu của Công ước Berne về thời hạn bảo hộ.
  • Về  quyền của người biểu diễn, thì hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì quyền của người biểu diễn được quy định còn tương đối chung (Điều 775 BLDS), đặc biệt là chưa quy có quy định về quyền của người biểu diễn được cấm người khác thực hiện hành vi phân phối, bán, cho thuê định đoạt hoặc chuyển giao các bản định hình trái phép các buổi biểu diễn trực tiếp của họ như theo yêu cầu của Hiệp định.

 

1.4. Về cam kết  bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá (Điều 5)

Hiện nay pháp luật của Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào về việc bảo hộ đối với đối tượng này, vấn đề là ở chổ, bên cạnh bỏ sung quy định về việc bảo hộ đối với đối tượng này, Việt Nam còn phải xúc tiến việc gia nhập Công ước Brussels về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh.

 

1.5.  Đối với Nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) (Điều 6)

Về cơ bản, các cam kết về bảo hộ NHHH đã được đảm bảo bằng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo hộ NHHH, kể cả đối với việc bảo hộ NHHH nổi tiếng (quy định tại BLDS, Nghị định số 63 và Nghị định số 06/ CP của Chính phủ).

 

1.6.  Đối với Sáng chế (Điều 7)

 Nhìn chung, pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ sáng chế có nội dung phù hợp và đáp ứng được yêu cầu về bảo hộ sáng chế được nêu trong Hiệp định (các điều 782, 787, 796, 802  của BLDS, và một số điều có liên quan  trong Nghị định 63, Nghị định 06 /CP của Chính phủ).

 

1.8. Đối với Thiết kế bố trí (Topography) mạch tích hợp  (Điều 8)

Về cam kết bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp, hiện nay Chính phủ đã soạn thảo Nghị định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp, Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang được chỉnh sửa để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Nhìn chung, các quy định của dự thảo Nghị định bảo đảm yêu các yêu cầu về bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp như đã nêu trong Hiệp định.

 

1.9.  Đối với Thông tin bí mật (Bí mật thương mại) (Điều 9)

Việc bảo hộ đối với Thông tin bí mật hiện đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 54/ CP ngày 3.10.2000 của Chính phủ. Về cơ bản, quy định của Nghị định đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định về việc bảo hộ đối với Thông tin bí mật.

 

1.10. Đối với Kiểu dáng công nghiệp (Điều 10)

Các quy định của BLDS, Nghị định số 63 CP nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu về bảo hộ KDCN  nêu trong Hiệp định, ngoại trừ quy định đối với việc bảo hộ kiểu dáng hàng dệt cần được hướng dẫn cụ thể. Về thời hạn bảo hộ KDCN, thì hiện nay pháp luật Việt Nam quy định Văn bằng bảo hộ KDCN có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể gia hạn liên tiếp 2 lần, mỗi lần 5 năm.  Như vậy, quy định này cũng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định, tuy chủ Văn bằng phải qua thủ tục yêu cầu gia hạn Văn bằng. 

 

1.11. Các cam kết về thực thi Quyền sở hữu trí tuệ (Điều 11)

Về các yêu cầu của Hiệp định liên quan đến thực thi quyền SHTT, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu các yêu cầu của Hiệp định liên quan đến thực thi quyền SHTT để quy định cụ thể các biện pháp thực thi quyền trong các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động thực thi, như rà soát các quy định về thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, đặc biệt là có quy định để bảo đảm các yêu cầu của Hiệp định về một số vấn đề mà theo nhận định của chúng tôi, hiện nay còn là điểm yếu trong hệ thống thực thi của Việt Nam, như cần có các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm, các biện pháp cần thiết chống sự lạm quyền của các cơ quan thực thi, các yêu cầu về việc bảo đảm thời hạn xét xử nhanh chóng, không phức tạp và không gây tốn kém cho các bên.

 

1.12.  Các yêu cầu về thủ tục và chế tài về tố tụng dân sự, hành chính (Điều 12)

Về các yêu cầu của Hiệp định về thủ tục và chế tài về tố tụng dân sự, hành chính, cũng tương tự như nhận định đã nêu tại điểm 5 nêu trên, Việt Nam cần nghiên cứu các yêu cầu của Hiệp định liên quan đến thủ tục và chế tài về tố tụng dân sự, hành chính và rà soát các quy định về thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, đặc biệt là có quy định để bảo đảm các yêu cầu của Hiệp định về các biện pháp để xác định và bảo vệ thông tin bí mật, các biện pháp để buộc bị đơn phải đưa ra chứng cứ, nếu nguyên đơn đã chứng minh được rằng chứng cứ hiện đang nằm trong sự kiểm soát của bị đơn. Ngoài ra theo yêu cầu của Hiệp định, thì đối với các đối tượng được bảo hộ theo quy định về quyền tác giả và quyền liên quan, cơ quan tư pháp có quyền quyết định buộc bên gây thiệt hại phải bồi thường theo mức ấn định trước. Đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với Việt Nam và pháp luật  cần bổ sung quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại theo mức ấn định trước.

 

1.13. Cam kết về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 13)

Về yêu cầu của hiệp định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, hiện có một số vấn đề đặt ra trong hệ thống văn bản pháp luật của Viêt Nam:

  • Theo yêu cầu của Hiệp định thì việc áp dụng BPKCTT được áp dụng không chỉ trong quá trình tố tụng tại Toà án, mà còn có thể áp dụng cả ngoài quá trình tố tụng, theo yêu cầu của người có quyền nộp đơn, nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm; trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự  hiện nay của Việt Nam chỉ có quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng tại Toà án; đây là một điểm bất cập trong quy định của pháp luật về tố tụng dân sự cần được sửa đổi, bổ sung;
  • Pháp luật của Việt Nam cần bổ sung quy định cụ thể về cơ quan tư pháp buộc người nộp đơn có yêu cầu áp dụng BPKCTT phải cung cấp các chứng cứ và nộp một khoản bảo chứng  để bảo vệ lợi ích của bị đơn trong trường hợp người nộp đơn đã lạm dụng quyền yêu cầu của mình;
  • Pháp luật cần có quy định cụ thể về trường hợp cơ quan tư pháp áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của nguyên đơn trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp mà không cần nghe ý kiến của bị đơn và những yêu cầu khác của Hiệp định đối với trường hợp này.

 

1.14. Cam kết về các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt (Điều 14)

Về cơ bản, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định về các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt.

 

1.15. Cam kết về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới (Điều 15)

Liên quan đến cam kết về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, thì hiện nay Luật Hải quan của Việt Nam có quy định người có yêu cầu ngăn chặn hàng nhập khẩu tại của khẩu để phát hiện vi phạm phải đặt cọc một số tiền, quy định này phù hợp với yêu cầu của Hiệp định, nhưng mức đặt cọc được ấn định là bao nhiêu thì còn phải chờ văn bản hướng dẫn; ngoài ra,  hiện nay, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các cơ chế để bảo đảm việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới theo yêu cầu của Hiệp định

 

2. Các kiến nghị cụ thể để bảo đảm thực hiện các cam kết về SHTT trong Hiệp định

Để bảo đảm thực hiện được các cam kết nêu trong Hiệp định, đối với hệ thống pháp luật và thực thi Quyền SHTT của Việt Nam, cần tích cực tiến hành các công việc sau:

  • Xây dựng quy chế bảo hộ đối với một số đối tượng mới (tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, thiết kế bố trí mạch tích hợp);
  • Bãi bỏ những quy định bất bình đẳng về phí và lệ phí SHCN;
  • Gia nhập các công ước quốc tế về bảo hộ các đối tượng thuộc QTG và quyền SHCN theo yêu cầu của Hiệp định; Hiện nay, Bộ Văn hóa Thông tin đã xây dựng Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc gia nhập 4 Công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan )gồm Công ước Berne, Công ước Rome, Công ước Geneva, Công ước Brussels), với dự kiến bảo lưu một só điều của Công ước nói trên (Điều 33 của Công ước Berne, Điều 12 và Điều 13 d của Công ước Rome). Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thông tin đã soạn thảo và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về Đề án chuẩn bị thực hiện các Cong ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan nói trên, nhằm thúc đẩy công việc chuẩn bị thực hiện các Công ước khi nước ta gia nhập các Công ước này.
  • Tiếp tục rà soát và hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật về SHTT, nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc gia để áp dụng các chuẩn mực quốc tế về bảo hộ SHTT theo yêu cầu của các công ước quốc tế về SHTT và theo yêu cầu của Hiệp định, bên cạnh đó, cần bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật trong lĩnh vực QTG còn có những quy định mâu thuẫn hoặc chồng chéo nhau, gây khó khăn cho hoạt động thực thi; kịp thời ban hành các văn bản cần thiết trong lĩnh vực quyền tác giả như hướng dẫn về việc trả tiền nhuận bút (tiền bản quyền tác giả), căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại về vật chất và về tinh thần trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung; ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành việc bảo hộ quyền tác giả đối với một số loại hình tác phẩm có tính chất đặc thù như điện ảnh, nghệ thuật tạo hình,  kiến trúc, chương trình phần mềm máy tính...;
  • Xây dựng cơ chế, thủ tục giải quyết hiệu quả các tranh chấp, vi phạm về SHTT;
  • Nâng cao năng lực và trình độ hiểu biết pháp luật về SHTT cho các cán bộ thực thi về SHTT;
  • Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức tôn trong quyền SHTT.

 

 

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT VỚI HOA KỲ VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

_______________________

                                                        

                                                             Lê Hồng Sơn

                                                         Vụ Quản lý Luật sư-Tư vấn pháp luật,

                                                          Bộ Tư pháp

Đặt vấn đề

 

Hội nhập quốc tế mà trọng tâm là tự do hoá thương mại trên phạm vi toàn cầu đã và đang trở thành một xu thế khách quan và sự vận động tất yếu của mỗi quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Trong bối cảnh đó, thực hiện chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, Nhà nước ta đã triển khai hàng loạt các hoạt động quan trọng để hội nhập khu vực và thế giới, đặc biệt là việc trở thành thành viên của ASEAN, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và chuẩn bị điều kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (Hiệp định) đã được đại diện của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ ký kết vào ngày 13 tháng 7 năm 2000, tại Washington D.C. Hiệp định toàn diện này là một bước tiến quan trọng trong việc bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước, mang lại nhiều cơ hội cũng như đặt ra những thách thức rất lớn cho các ngành công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam.

Hiệp định bao gồm 7 Chương, cập nhật toàn bộ quan hệ kinh tế của hai nước để tương xứng với những phát triển hiện tại. Theo Hiệp định, mỗi nước đưa ra những cam kết cụ thể về việc mở cửa thị trường của mình cho hàng hoá xuất khẩu của nước kia; cam kết bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, thoả thuận mở cửa thị trường dịch vụ của mình, bảo hộ và phát triển đầu tư của nước bên kia. Về nhiều mặt, Hiệp định đưa các nguyên tắc, tiêu chuẩn của WTO vào áp dụng thông qua việc dẫn chiếu. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, về cơ bản, các nguyên tắc, tiêu chuẩn của GATS  được áp dụng.

Đối với Việt Nam, đây là hiệp định thương mại song phương đầu tiên được đàm phán và ký kết trên cơ sở các nguyên tắc của WTO “bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền lẫn nhau, có tính đến thực tế Việt Nam là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế khu vực, cũng như thế giới”.

Với ý nghĩa và những nội dung chính như đã trình bày ở trên, Hiệp định sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội mới để phát triển thị trường dịch vụ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn cho sự ổn định và phát triển đó, Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt để đứng vững và mở rộng thị trường thương mại dịch vụ.

Để tận dụng những lợi thế, vượt qua những thách thức, khắc phục những khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế thế giới nói chung, một trong những yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam là phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh thương mại dịch vụ, đặc biệt là các ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, như viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, du lịch, giáo dục.

I. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ THEO HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ (GATS) VÀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-HOA KỲ

1. Một số nội dung cơ bản của GATS

Một trong những kết quả quan trọng của Vòng đàm phán Uruguay là lần đầu tiên trong lịch sử, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ được đưa vào hệ thống thương mại thế giới. Trong khuôn khổ WTO, thương mại dịch vụ được điều chỉnh bởi Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) - một hệ thống các nguyên tắc, quy định, thể chế nhằm mục tiêu tự do hoá thương mại dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Có thể chia những quy định của GATS thành 3 phần như sau: (i) Hiệp định khung hàm chứa các nghĩa vụ cơ bản của tất cả các quốc gia thành viên; (ii) Danh mục cam kết của các quốc gia thành viên về lộ trình tự do hoá từng bước thị trường dịch vụ nội địa; (iii) Phụ lục về các lĩnh vực dịch vụ cụ thể.

Trong các nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia thành viên, đối xử tối huệ quốc (the Most-Favoured-Nation, MFN) và minh bạch hoá (the Transparency) là những nghĩa vụ quan trọng nhất. Theo nghĩa vụ MFN, các quốc gia thành viên phải ngay lập tức và vô điều kiện dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ một thành viên nào sự đối xử "không kém thuận lợi hơn" sự đối xử đang dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của một quốc gia khác (Điều II, GATS). Nói một cách đơn giản, MFN chính là nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các quốc gia thành viên GATS.

Nghĩa vụ minh bạch hoá được thể hiện ở một số yêu cầu cơ bản sau đây:

  • Tất cả các văn bản pháp luật, các quy định, chính sách liên quan đến thương mại dịch vụ của một quốc gia thành viên phải được công bố, ấn hành một cách công khai, rộng rãi (Điều III, Khoản 1, GATS);
  • Các quốc gia thành viên phải thông báo với Hội đồng thương mại dịch vụ của WTO về việc ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung bất kỳ một văn bản pháp luật, quy định, quyết định hành chính nào có ảnh hưởng cơ bản đến thương mại dịch vụ (Điều III, Khoản 3, GATS);
  • Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng tất cả các biện pháp có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được thực hiện theo một cách thức hợp lý, khách quan và vô tư (Điều VI, Khoản 1, GATS).

Không giống như các nghĩa vụ chung đã đề cập ở trên, các cam kết cụ thể trong khuôn khổ GATS là rất khác nhau, tuỳ thuộc vào Danh mục cam kết của mỗi quốc gia thành viên. Danh mục cam kết cụ thể của GATS bao gồm các quy định về Tiếp cận thị trường (Market Access), Đối xử quốc gia (National Treatment) và Cam kết bổ sung (Additional Commitments).

Đối với Tiếp cận thị trường, Điều XVI của GATS quy định "mỗi quốc gia thành viên phải dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ quốc gia thành viên nào khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn mức quy định theo các điều khoản, hạn chế và điều kiện đã được thoả thuận và liệt kê trong Danh mục các cam kết"

Theo quy định về Đối xử quốc gia, các quốc gia thành viên không được phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, trong thực tế, chế độ đối xử quốc gia thường kèm theo một số điều kiện, tiêu chuẩn được liệt kê trong Danh mục cam kết cụ thể của mỗi quốc gia thành viên.

Khác với thương mại hàng hoá, tự do hoá thương mại dịch vụ là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực dịch vụ nghề nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao và liên quan trực tiếp đến thể chế pháp luật và chính sách của mỗi quốc gia, Do đó, theo quy định của GATS, tự do thương mại dịch vụ được thực hiện từng bước (Progressive Liberalization), thông qua quá trình đàm phán giữa các quốc gia và đặc biệt là có dành một số ưu đãi nhất định cho các nước đang phát triển (thường là các ưu đãi về thời gian thực hiện các nghĩa vụ thành viên).

Theo thể thức đàm phán của GATS, các cam kết về tự do hoá được thực hiện theo 4 phương thức cung cấp dịch vụ sau đây:

  • Cung cấp dịch vụ qua biên giới (Cross-border supply): Theo phương thức này, các nhà cung cấp dịch vụ của một quốc gia thành viên thực hiện cung cấp dịch vụ tới lãnh thổ của quốc gia thành viên khác mà không cần phải có sự hiện diện thương mại tại lãnh thổ của nước đó. Ví dụ: cung cấp dịch vụ tư vấn thông qua mạng Internet, hoặc thông qua điện thoại, Fax...
  • Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài (Consumption abroad): Theo phương thức này, người sử dụng dịch vụ của một quốc gia thành viên sử dụng dịch vụ tại lãnh thổ của quốc gia thành viên khác. Ví dụ: cá nhân, tổ chức Việt Nam sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật do các Công ty luật nước ngoài cung cấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, hoặc dịch vụ du lịch, dịch vụ sửa chữa tàu biển...
  • Hiện diện thương mại (Commercial presence) là phương thức cho phép các công ty của một quốc gia thành viên thành lập pháp nhân tại lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác để thực hiện cung cấp dịch vụ. Ví dụ: Cho phép các công ty luật nước ngoài đặt chi nhánh tại Việt Nam, hoặc thành lập Liên doanh, Công ty 100% vốn nước ngoài để thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý tại Việt Nam...
  • Hiện diện thể nhân (Presence of natural persons) là cho phép công dân của một quốc gia thành viên được vào lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác để thực hiện cung cấp dịch vụ. Ví dụ: cho phép các luật sư nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý...

Như vậy, Danh mục các cam kết cụ thể của mỗi quốc gia thành viên bao gồm các quy định về điều khoản, điều kiện và hạn chế về Tiếp cận thị trường, Đối xử quốc gia đối với 4 phương thức cung cấp dịch vụ kể trên.

Xu hướng chung của các cam kết cụ thể theo quy định của GATS là thay đổi theo hướng từng bước giảm dần, tiến tới xoá bỏ các hạn chế và phân biệt đối xử nhằm bảo đảm cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài có được những cơ hội và điều kiện như nhau đối với tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

Theo định nghĩa của GATS, "lĩnh vực dịch vụ" là một hoặc nhiều hoặc tất cả các phân ngành của loại hình dịch vụ đó. Do đó, đối với một cam kết cụ thể về một lĩnh vực dịch vụ mà không có giải thích rõ ràng về phạm vi áp dụng, thì được hiểu là áp dụng cho tất cả các phân ngành của lĩnh vực dịch vụ đó. Trong phạm vi của GATS, "dịch vụ" bao gồm bất kỳ một lĩnh vực dịch vụ nào, ngoại trừ dịch vụ do Chính phủ thực hiện mà không nhằm mục đích thương mại và không phải cạnh tranh với các khu vực tư nhân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán và đưa ra danh mục cam kết về tự do hoá từng bước thị trường dịch vụ của các quốc gia thành viên, WTO đã sử dụng Danh mục phân loại các lĩnh vực dịch vụ (Central Product Classification, CPC) kèm theo mã số cho từng lĩnh vực và phân ngành dịch vụ cụ thể của Liên Hiệp quốc.

2. Những nội dung cơ bản của các cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (Hiệp định), thương mại dịch vụ được đề cập tại Chương III, trong đó quy định các nguyên tắc, định chế chung điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ giữa các bên tham gia Hiệp định. Về cơ bản, các quy định của Chương III được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, định chế của GATS đã được trình bày ở trên.

Theo Điều 9 Chương III của Hiệp định, các cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia do các bên đưa ra được quy định rõ trong bản Phụ lục G kèm theo Hiệp định. Đối với các lĩnh vực dịch vụ mà có đưa ra cam  kết, Phụ lục G sẽ quy định rõ: 1) các quy định, hạn chế và điều kiện về tiếp cận thị trường; 2) các điều kiện và chuẩn mực về đối xử quốc gia; 3) các nghĩa vụ liên quan đến các cam kết bổ sung; 4) lịch trình thực hiện các cam kết đó, nếu cần; 5) thời điểm các cam kết đó có hiệu lực.

Bảng lộ trình cam kết về thương mại dịch vụ cụ thể nêu ra tại Phụ lục G của Hiệp định bao gồm : 1) các cam kết nền chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ; 2) các cam kết về từng ngành/phân ngành dịch vụ cụ thể.

2.1 Các cam kết nền chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ của Việt Nam

Các cam kết nền chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ của Việt Nam, về cơ bản, được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam). Sau đây là tóm tắt nội dung của các cam kết nền chung.

- Các giới hạn về tiếp cận thị trường:

+ Hiện diện thương mại: Theo các cam kết nền chung, các công ty của Hoa Kỳ được tiến hành hoạt động thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ, trừ khi được quy định khác trong từng lĩnh vực-ngành dịch vụ cụ thể.

Đối với hiện diện thương mại đã được thành lập tại Việt Nam vào ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam dành sự đối xử được quy định tại giấy phép của hiện diện thương mại vào ngày Hiệp định có hiệu lực hay sự đối xử tại Phụ lục G, tuỳ thuộc sự đối xử nào tốt hơn.

Việc thành lập chi nhánh của các công ty Hoa Kỳ chưa được cam kết vì các luật và quy định về chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, các công ty Hoa Kỳ được phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam và các Văn phòng này không được tiến hành hoạt động thu lợi nhuận tại Việt Nam.

Việc thành lập và hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ chịu sự cấp phép phù hợp với quy định về thương mại dịch vụ tại Chương III cũng như các cam kết về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia được quy định cụ thể đối với các lĩnh vực và ngành cụ thể.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ được Chính phủ và chính quyền địa phương Việt Nam cho thuê đất với thời gian phù hợp với thời gian hoạt động của các doanh nghiệp này và được quy định trong giấy phép đầu tư.

+ Hiện diện thể nhân: Việt Nam  chưa có cam kết, trừ các biện pháp liên quan đến nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các thể nhân thuộc các nhóm sau:

  • Các nhà quản lý, giám đốc điều hành và các chuyên gia mà người Việt Nam không thể thay thế của một công ty Hoa Kỳ đã thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh hay công ty con trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Các nhà quản lý, giám đốc điều hành và các chuyên gia mà người Việt Nam không thể thay thế tham gia hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam;
  • Người chào bán dịch vụ không sống tại Việt Nam và không nhận sự trả lương từ bất kỳ nguồn nào tại Việt Nam, và những người tham gia vào hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ với mục đích đàm phán để bán dịch vụ mà việc bán dịch vụ đó không chào trực tiếp cho công chúng và người chào bán không trực tiếp cung cấp dịch vụ.

- Đối xử quốc gia:

+ Hiện diện thương mại: Các giới hạn về đối xử quốc gia được quy định như đối với các lĩnh vực-ngành cụ thể, nhưng kế toán trưởng của công ty cung cấp dịch vụ phải là công dân Việt Nam. Ngoài phụ lục về lộ trình cam kết cụ thể này, các quy định mang tính ngoại lệ về phía Hoa Kỳ sẽ được áp dụng, trừ trường hợp có xung đột giữa các quy định.

+ Hiện diện thể nhân: Các giới hạn về đối xử quốc gia như quy định về tiếp cận thị trường.

 

2.2  Các cam kết trong từng lĩnh vực và ngành cụ thể 

Tại bản Phụ lục G, Việt Nam đã đưa ra các cam kết cụ thể trong các lĩnh vực dịch vụ sau đây:

- Dịch vụ kinh doanh: bao gồm các dịch vụ nghề nghiệp như dịch vụ pháp lý, kế toán - kiểm toán, tư vấn thuế, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, tư vấn kỹ thiật đồng bộ, vi tính, quảng cáo, nghiên cứu thăm dò thị trường, tư vấn quản lý;

- Dịch vụ thông tin liên lạc;

- Dịch vụ xây dựng và kỹ thuật đồng bộ có liên quan;

- Dịch vụ phân phối;

- Dịch vụ giáo dục;

- Dịch vụ tài chính;

- Dịch vụ y tế;

- Dịch vụ du lịch và lữ hành liên quan.

 Có thể nói rằng, những lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam lựa chọn để đưa ra cam kết trong khuôn khổ Hiệp định là rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Phạm vi các cam kết tương đối rộng, mức độ cam kết nhìn chung là đều vượt ra ngoài thể chế pháp luật hiện hành của Việt Nam. Sau đây là nội dung cơ bản của các cam kết trong một số lĩnh vực dịch vụ thiết yếu nhất.

a) Dịch vụ pháp lý (PCPC 861 trừ dịch vụ hành nghề luật Việt Nam)

* Khái niệm dịch vụ pháp lý theo GATS:

Theo nghĩa rộng, dịch vụ pháp lý bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật (Advisory Services), dịch vụ đại diện (Representation Services) và tất cả các hoạt động liên quan đến tư pháp như xét xử, công tố, bào chữa công...Tuy nhiên, ở hầu hết các nước trên thế giới, các hoạt động liên quan đến tư pháp được coi là dịch vụ do các cơ quan Chính phủ thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì thế, theo quy định tại Khoản 1 (c) Điều I của GATS, các hoạt động đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Như vậy, GATS chỉ điều chỉnh các dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện (đại diện, biện hộ, bào chữa trước Toà án, trọng tài và các cơ quan hành chính...) trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng.

Trong Bảng phân loại các lĩnh vực dịch vụ của WTO, "dịch vụ pháp lý" là một phân ngành "dịch vụ nghề nghiệp" (Professional Services) thuộc lĩnh vực "Dịch vụ kinh doanh" (Bussiness Services). Theo CPC của Liên Hiệp quốc, dịch vụ pháp lý có mã số là 861 và được phân chia thành nhiều tiểu phân ngành như sau:

  • Dịch vụ tư vấn và đại diện liên quan đến pháp luật hình sự - CPC 86111;
  • Dịch vụ tư vấn và đại diện trong tố tụng tư pháp liên quan đến các lĩnh vực khác của pháp luật - CPC 86119;
  • Dịch vụ tư vấn và đại diện trong các thủ tục hành chính, trọng tài...CPC 86120;
  • Dịch vụ lập và xác nhận các giấy tờ pháp lý - CPC 86130;
  • Các dịch vụ pháp lý khác - CPC 8619.

* Cam kết của Việt Nam về dịch vụ pháp lý:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia (None).

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia (None).

- Hiện diện thương mại:

 

+ Tiếp cận thị trường: Công ty luật của Hoa Kỳ được đặt Chi nhánh, thành lập công ty 100% vốn Hoa Kỳ, thành lập Liên doanh giữa Công ty luật Hoa Kỳ và Công ty luật Việt Nam để hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam.

 Thời hạn hoạt động của Chi nhánh của Công ty luật Hoa Kỳ là 5 năm, được tính từ ngày ký giấy phép và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.  

Luật sư Hoa Kỳ không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện cho khách hàng của mình trước Toà án Việt Nam.

Chi nhánh của Công ty luật Hoa Kỳ, Công ty luật 100% vốn Hoa Kỳ, Liên doanh giữa Công ty luật Hoa Kỳ và Công ty luật Việt Nam được tư vấn về pháp luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn của họ tốt nghiệp một trường đại học luật của Việt Nam và đáp ứng các điều kiện như đối với luật sư Việt Nam.

 + Đối xử quốc gia: Không hạn chế (None)

- Hiện diện thể nhân: Không cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

b) Các dịch vụ kế toán, kiểm toán (PCPC 826)

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Không hạn chế trừ việc thành lập chi nhánh là không được phép; trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực việc cấp phép sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp và số lượng sẽ do Bộ tài chính quyết định căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường Việt Nam.

Các công ty để được cấp phép phải có ít nhất 5 người (người nước ngoài hay người Việt Nam) có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp hoặc do các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài cấp được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận, và đã đăng ký hành nghề kiểm toán ở trên một năm.

Trong vòng 2 năm, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các công ty kiểm toán có vốn đầu tư Hoa Kỳ, sau khi được cấp phép, chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài ở Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

c) Dịch vụ bảo hiểm:

 Các loại hình bảo hiểm được đề cập trong bản cam kết bao gồm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm, các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động bảo hiểm(dịch vụ môi giới và đại lý).

-   Cung cấp dịch vụ qua biên giới:

+ Tiếp cận thị trường: không hạn chế đối với các dịch vụ bảo hiểm cho các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: các dịch vụ tái bảo hiểm, các dịch vụ bảo hiểm trong vận tải quốc tế, các dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm, các dịch vụ tư vấn, giải quyết khiếu nại, đánh giá rủi ro.

+ Đối xử quốc gia: không hạn chế

- Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: không hạn chế, trừ việc thành lập chi nhánh phụ thuộc vào tiến trình xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm.

Việc lập liên doanh với đối tác được phép kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam chỉ được tiến hành sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không vượt quá 50% vốn pháp định của liên doanh. Công ty 1005 vốn Hoa Kỳ được thành lập sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư Hoa Kỳ  không được kinh doanh các dịch vụ đại lý bảo hiểm.

Các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư Hoa Kỳ không được kinh doanh các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc(bảo hiểm trách nhiệm nhân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm công trình...). Hạn chế này sẽ được bãi bỏ đối với liên doanh là 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, và đối với công ty 100% vốn Hoa Kỳ là 6 năm sau khi hiệp định có hiệu lực.

Đối với việc tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, công ty 100% vốn Hoa Kỳ và chi nhánh của các công ty bảo hiểm phải tái bảo hiểm với công ty tái bảo hiểm của Việt Nam một tỷ lệ tối thiểu là 20% và 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, hạn chế này sẽ được bãi bỏ.

 + Đối xử quốc gia: Không hạn chế trừ đối với kinh doanh bảo hiểm bắt buộc.

  - Hiện diện của thể nhân: chưa có cam kết ngoài các cam kết nền chung.

d) Dịch vụ ngân hàng

Các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác được liệt kê bao gồm:

  • Nhận tiền gửi và các khoản tiền từ công chúng .
  • Cho vay.
  • Thuê tài chính.
  • Giao dịch thanh toán và chuyển tiền.
  • Bảo lãnh cam kết.
  • Môi giới tiền tệ.
  • Quản lý tài sản.
  • Các dịch vụ thanh toán.
  • Cung cấp và chuyển thông tin tài chính.
  • Tư vấn, trung gian môi giới và dịch vụ tài chính phụ trợ khác.

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: chưa cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia trừ đối với các dịch vụ thông tin tài chính và dịch vụ tài chính phụ trợ.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thông qua hình thức pháp lý: chi nhánh ngân hàng, ngân hàng liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, công ty thuê mua tài chính 100% vốn Hoa Kỳ, và công ty thuê mua tài chính liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong vòng 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, hình thức pháp lý duy nhất mà các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ khác ngoài ngân hàng và công ty thuê mua tài chính có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam là liên doanh với đối tác Việt Nam. Sau thời gian đó hạn chế này sẽ được bãi bỏ.

Trên cơ sở đối sử quốc gia, Việt Nam có thể hạn chế việc tham gia cổ phần của các ngân hàng Hoa Kỳ tại các ngân hàng quốc doanh được cổ phần hoá như mức tham gia cổ phần của các ngân hàng Việt Nam.

 Trong vòng 8 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các pháp nhân Việt Nam. Sau thời gian đó,các hạn chế này sẽ được bãi bỏ.

 Trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo mức vốn pháp định của chi nhánh. Sau thời gian đó, các hạn chế này sẽ được bãi bỏ.

+ Đối xử quốc gia: Để thành lập và hoạt động tại Việt Nam, chi nhánh các ngân hàng và ngân hàng con của Hoa Kỳ, ngân hàng liên doanhViệt Nam - Hoa Kỳ phải nộp đơn xin phép. Điều kiện tối thiểu về vốn do ngân hàng mẹ cấp là15 triệu đô la Mỹ. Đối với ngân hàng liên doanh hay ngân hàng con 100% vốn Hoa Kỳ, vốn điều lệ tối thiểu là 10 triệu đô la Mỹ.

    Các ngân hàng 100% vốn Hoa Kỳ không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Sau 3 năm từ khi hiệp định có hiệu lực, chỉ được nhận thế chấp quyền sử dụng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

   Điều kiện thành lập công ty thu mua tài chính 100% vốn Hoa Kỳ và công ty thuê mua tài chính liên doanh là các chủ đầu tư phải kinh doanh 3 năm liên tục có lãi với vốn điều lệ tối thiểu là 5 triệu đô la Mỹ.

  Việt Nam dành quyền đối sử quốc gia đầy đủ đối với quyền tiếp cận Ngân hàng trung ương sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

đ) Dịch vụ quảng cáo (PCPC 871 trừ các dịch vụ quảng cáo đối với mặt hàng rượu và thuốc lá)

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

-  Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Sự hiện diện thương mại chỉ thông qua liên doanh hay hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép một cách hợp pháp kinh doanh các dịch vụ quảng cáo.

Trong các hình thức hợp tác này, phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh. 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, hạn chế này là 51% và xoá bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn từ phía Hoa Kỳ sau 7 năm.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

  - Hiện diện thể nhân:  chưa có cam kết ngoài các cam kết nền chung.

e)   Các dịch vụ thông tin liên lạc

Các cam kết trong lĩnh vực này bao gồm các dịch vụ viễn thông - PCPC 752 (các dịch vụ viễn thông trị giá gia tăng, dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ điện thoại cố định) và các dịch vụ nghe nhìn.

*  Về các dịch vụ viễn thông trị giá gia tăng:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng kinh doanh với các nhà khai thác trạm cổng của Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông sau 2 năm (3 năm đối với các dịch vụ Internet) kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không quá 50% vốn pháp định của liên doanh.

Các xí nghiệp liên doanh không được phép xây dựng mạng đường trục và quốc tế riêng mà phải thuê chúng từ các công ty khai thác dịch vụ Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

*  Về các dịch vụ viễn thông cơ bản:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng kinh doanh với các nhà khai thác trạm cổng của Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không quá 49%% vốn pháp định của liên doanh.

Các xí nghiệp liên doanh không được phép xây dựng mạng đường trục và quốc tế riêng mà phải thuê chúng từ các công ty khai thác dịch vụ Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

* Về dịch vụ điện thoại cố định bao gồm nội hạt, đường dài trong nước và quốc tế (PCPC 7521)

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng kinh doanh với các nhà khai thác trạm cổng của Việt Nam.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông sau 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không quá 49%% vốn pháp định của liên doanh.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

 

* Về các dịch vụ nghe nhìn

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Chưa cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Chưa cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Chỉ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hay liên doanh với đối tác được phép cung cấp csac dichj vụ này một cách hợp pháp tại Việt Nam.

Phần đóng góp vốn của phía Hoa Kỳ không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh và 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực hạn chế về vốn này sẽ là 51%.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

g) Dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Chưa cam kết cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Không hạn chế trừ việc lập chi nhánh là không được phép và trong vòng 3 năm đầu kể từ khi thành lập và hoạt động, các xí nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ chỉ được cung cấp dịch vụ cho các xí nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Các công ty cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ phải có đăng ký hoạt động hợp pháp tại Hoâ Kỳ.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

h) Dịch vụ du lịch

*  Về các dịch vụ khách sạn và nhà hàng:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Các công ty cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ cùng với việc đầu tư xây dựng khách sạn nhà hàng được phép cung cấp dịch vụ thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam hay xí nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ.

+ Đối xử quốc gia: Không hạn chế.

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung( ngoại trừ việc giám đốc khách sạn, nhà hàng phải thường trú tại Việt Nam).

* Về các dịch vụ đại lý và điều phối du lịch lữ hành:

- Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

- Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài: Không hạn chế cả trong tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

 - Hiện diện thương mại:

+ Tiếp cận thị trường: Các công ty cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam. Phần vốn góp của phía Hoa Kỳ không vượt quá 49% vốn pháp định của liên danh, và 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực hạn chế này là 51% và bị bãi bỏ sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Về hiện diện thể nhân, hai bên chưa có cam kết ngoài các cam kết nền chung.

  + Đối xử quốc gia: Các hướng dẫn viên du lịch trong liên doanh phải là công dân Việt Nam.

Các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư Hoa Kỳ chỉ được kinh doanh dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.

- Hiện diện thể nhân: Chưa cam kết ngoài các cam kết nền chung.

 

III.  THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC DỊCH VỤ

1. Vài nét khái quát

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều ngành dịch vụ ở nước ta đã được hình thành và không ngừng mở rộng về quy mô hoạt động. Tỷ trọng của các ngành dịch vụ trong GDP cũng đã tăng với mức độ đáng kể: năm 1985 là khoảng 32,5%, năm 1990 khoảng 38,6%, đến năm 1995 đạt gần 42%, năm 1998 chiếm gần 43% và năm 2000 là 42%. Bên cạnh việc mở rộng phạm vi và đa dạng hoá các loại hình cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên đáng kể. Do vậy, ngành dịch vụ của Việt Nam dần dần thoát khỏi vị trí là ngành bổ trợ cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác và từng bước trở thành một ngành kinh tế độc lập.

Các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ khác nhau được ban hành và liên tục được sửa đổi, bổ sung đã góp phần hình thành một khung pháp lý tương đối ổn định cho sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành dịch vụ quan trọng như ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, xây dựng, vận tải, du lịch, tư vấn pháp luật...

Theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2000), các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức: liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ngay từ những năm đầu tiên thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, viễn thông.

Luật Thương mại được Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1998 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Theo Luật Thương mại, hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được mở rộng thêm hình thức Chi nhánh (trước đó, hình thức Chi nhánh chỉ được áp dụng đối với ngân hàng, công ty kiểm toán và tổ chức luật sư nước ngoài). Những vấn đề liên quan đến việc đặt Chi nhánh, phạm vi hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 6/9/2000 về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

 Luật Thương mại cũng quy định hoạt động dịch vụ đại lý mua, bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài của người Việt Nam. Quy định này đã được cụ thể hoá tại Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ, theo đó thương nhân nước ngoài được mua, bán hàng hoá không thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua các đại lý là các thương nhân Việt Nam. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu có điều kiện, thương nhân nước ngoài được phép ký hợp đồng đại lý trong phạm vi số lượng hoặc giá trị hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Chính sách của Việt Nam đối với thể nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định. Theo Bộ luật lao động, người nước ngoài chỉ được tuyển vào làm  những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà người lao động Việt Nam không đáp ứng được. Người nước ngoài muốn được làm việc tại Việt Nam phải có Giấy phép lao động do Bộ hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp. Thời hạn lao động tối đa ban đầu của người lao động nước ngoài tại Việt Nam là 3 năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, quy định về thời hạn 3 năm như vậy là chưa hợp lý, bởi lẽ đối với những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao thì việc đào tạo người Việt Nam thay thế phải cần ít nhất là từ 5 đến 7 năm. Cũng phải thấy rằng, một trong những vấn đề khó khăn đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc là thủ tục xin cấp Giấy phép lao động. Các thủ tục liên quan đến cấp Giấy phép lao động như hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng giấy tờ, xác minh lý lịch tư pháp còn phức tạp và kéo dài không cần thiết.

Thuế thu nhập cá nhân cao cũng là một trong những nguyên nhân làm thị trường dịch vụ của nước ta kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Mặc dù Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao năm 1999 đã nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập lên, nhưng theo ý kiến của một số luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, thì mức thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam vẫn còn chưa hợp lý.

Theo pháp luật Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định áp dụng riêng cho người nước ngoài. Sự khác biệt giữa tổ chức cung cấp dịch vụ nước ngoài và tổ chức cung cấp dịch vụ Việt Nam thường liên quan đến các điều kiện về vốn pháp định, giá sử dụng một số loại dịch vụ, thuế và một số hạn chế về phạm vi hoạt động. Một trong những vấn đề gây tâm lý khó chịu cho người nước ngoài tại Việt Nam là chế độ hai giá về sử dụng dịch vụ. Giá các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người nước ngoài thường cao hơn so với người Việt Nam. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử này đã và đang từng bước được xoá bỏ.

Với đặc điểm của nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế nhà nước được coi là có vị trí trung tâm trong quá trình phát triển đất nước. Nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng còn đang thuộc sự kiểm soát độc quyền của Nhà nước. Trong các lĩnh vực Nhà nước độc quyền kiểm soát như bưu chính, viễn thông, hàng không, đường sắt, mạng lưới phân phối một số mặt hàng quan trọng, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa được cấp phép tham gia cung cấp dịch vụ. Ngày 29/6/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP thay thế Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 và Nghị định số 25/CP ngày 26/3/1997 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ như phân phối điện, khai thác dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải đường sắt, hàng không, viễn dương cũng thuộc diện tiến hành cổ phần hoá với điều kiện Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt.

Vấn đề mua cổ phần của người nước ngoài đã được pháp luật Việt Nam đề cập từ Nghị định 28/CP ngỳa 7/5/1996. Theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP, người nước ngoài định cư  tại Việt Nam có quyền mua cổ phiếu ở các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá. Luật khuyến khích đầu tư trong nước cho phép người nước ngoài được mua cổ phần của các công ty Việt Nam với tỷ lệ cổ phần tối đa không quá 30% vốn điều lệ của công ty đó.

 

2. Thực trạng chính sách và pháp luật của Việt Nam trong một số lĩnh vực dịch vụ

2.1. Dịch vụ pháp lý

Từ những năm đầu của thập kỷ 90, các công ty luật nước ngoài đã có sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức Văn phòng đại diện. Vào thời điểm đó, việc đặt Văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh bởi Quy chế về đặt Văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định của Quy chế đó, Văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài không được phép có những hoạt động sinh lời tại Việt Nam, có nghĩa là không được phép hành nghề.

Từ năm 1995, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài trong việc góp phần tạo lập môi truường pháp lý an toàn và thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các luật sư Việt Nam học hỏi những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 42/CP ngày 8/7/1995 về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Có thể nói, Nghị định số 42/CP đánh dấu một mốc quan trọng trong chính sách cho phép các tổ chức luật sư nước ngoài vào hành nghề tại thị trường Việt Nam. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế đối với tổ chức và hoạt động của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng về cơ bản, Nghị định số 42/CP đã thể hiện được nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Sau đó, Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 10/11/1998 đã được ban hành và thay thế Nghị định số 42/CP. Mục đích cơ bản của việc ban hành Nghị định số 92/1998/NĐ-CP là nhằm giảm bớt những hạn chế đối với tiếp cận thị trường của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, đơn giản hoá một số thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các tổ chức luật sư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện luật định được phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam để hành nghề tư vấn pháp luật. Chi nhánh là hình thức hiện diện thương mại duy nhất của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Mỗi tổ chức luật sư nước ngoài được đặt tối đa 2 Chi nhánh tại Việt Nam. Thời hạn của Giấy phép đặt Chi nhánh là 5 năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn là 5 năm. Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Luật sư nước ngoài của Chi nhánh không được tư vấn về pháp luật Việt Nam, không được tham gia tố tụng tại Toà án Việt Nam.

Hiện tại, có 26 tổ chức luật sư nước ngoài đặt 42 Chi nhánh tại Việt Nam (20 Chi nhánh tại Hà Nội và 22 Chi nhánh tại T.P Hồ Chí Minh) với tổng số 67 luật sư nước ngoài.

2.2. Dịch vụ kế toán-kiểm toán

Trước những yêu cầu của kinh tế thị trường, dịch vụ kế toán, kiểm toán đã hình thành và phát triển ở Việt Nam. Dịch vụ kế toán và kiểm toán đã được tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty và trung tâm tư vấn. Cho tới cuối năm 1999, Việt Nam đã có 18 công ty kiểm toán độc lập, trong đó có 5 công ty kiểm toán Nhà nước, 8 công ty kiểm toán tư nhân, 4 công ty 100% vốn nước ngoài và 1 công ty kiểm toán liên doanh với hơn 1500 người, trong đó có gần 300 người được cấp chúng chỉ kiểm toán viên quốc gia.

Tuy có những bước phát triển nhanh, nhưng thực trạng của ngành dịch vụ kế toán, kiểm toán hiện vẫn còn một số tồn tại, gây trở ngại cho quá trình hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm hành nghề, năng lực quản lý của nhiều doanh nghiệp kế toán, kiểm toán còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường chưa thực có hiệu quả do còn duy trì quy định hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty kiểm toán Việt Nam vẫn còn được bảo hộ, do vậy đã không chủ động cải tiến chất lượng dịch vụ của mình.

Khuôn khổ pháp lý điều chỉnh dịch vụ kế toán, kiểm toán còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhiều quy định còn không thống nhất, chưa phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán mới đang được hình thành, tổ chức nghề nghiệp chưa đủ mạnh để tổ chức, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Chức danh kế toán trong kinh tế thị trường chưa được thiết lập. Nhu cầu minh bạch và công khai hoá thông tin kế toán đã có nhưng chưa trở thành thói quen; chưa được quan tâm và thực sự coi trọng.

2.3. Dịch vụ bảo hiểm

Trước năm 1994, Nhà nước Việt Nam độc quyền kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thông qua Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam. Sau khi Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ được ban hành, thị trường dịch vụ bảo hiểm Việt Nam thực sự được hình thành và phát triển nhanh. Cho đến nay, đã có 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó bao gồm: 4 doanh nghiệp Nhà nước, 3 công ty cổ phần, 3 công ty liên doanh hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm. Thị phần của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%). Hiện nay, có 40 Văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Tuy đã có tốc độ tăng trưởng khá cao, các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm đã được đa dạng hoá, nhưng so với yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu phát triển của nền kinh tế, hoạt động bảo hiểm còn bộc lộ nhiều hạn chế. Quy mô của thị trường bảo hiểm hiện vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế (doanh thu từ hoạt động bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP), thị trường trong nước còn thiếu hệ thống đại lý, môi giới bảo hiểm. Khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, uy tín của các doanh nghiệp đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài chưa cao. Có thể nói rằng, môi trường thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn bị hạn chế vì một số yếu tố như: thị trường dịch vụ tài chính nhìn chung chưa phát triển; doanh nghiệp và người dân chưa thực sự tin cậy vào dịch vụ bảo hiểm và chưa có thói quen mua bảo hiểm; cơ chế độc quyền và bảo hộ cao trong hoạt động kinh doanh bảo hiểmkéo dài đã không khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm. Một thời gian dài, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm có hiệu lực pháp lý chưa cao và thiếu đồng bộ với các văn bản pháp luật khác như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các luật thuế, luật các tổ chức tín dụng...

Gần đây, Quốc hội đã ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm; đồng thời thể chế hoá đường lối mở cửa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

2.4. Dịch vụ ngân hàng

Hiện nay ở Việt Nam có 4 ngân hàng thưong mại quốc doanh, 48 ngân hàng thương mại cổ phần, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 liên doanh giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài. Ngoài mạng lưới các ngân hàng, ở Việt Nam còn có các tổ chức phi ngân hàng cùng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng, chiếm tới 80% tổng số khách hàng. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có mạng lưới ở khắp các tỉnh.

 Luật ngân hàng nhà nước, Luật về các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này đã tạo lập được một khung pháp lý cơ bản, tương đối toàn diện và ổn định cho hoạt động ngân hàng. Việc nới rộng khung cho vay vốn tới một số doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại được coi là dỡ bỏ một tấm rào chắn, tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng. Các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh của mình, các ngân hàng cạnh tranh bình đẳng hơn, hợp pháp hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất của dịch vụ ngân hàng khi thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ là việc nới rộng, tiến tới xoa bỏ hạn chế huy động tiền Việt Nam của các ngân hàng nước ngoài. Cam kết này có khả năng làm giảm thị phần của các ngân hàng Việt Nam so với hiện nay, đặc biệt là sau khi các ngân hàng của Hoa Kỳ được phép hoạt động như một ngân hàng trong nước. Các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ phía các ngâ hàng nước ngoài.

2.5. Dịch vụ quảng cáo

 Hiện nay, nhu cầu sử dụng loại hình dịch vụ này ở Việt Nam tăng khá nhanh. Tuy nhiên, trình độ làm quảng cáo của các nhà quảng cáo trong nước rất thấp. Các chương trình phim quảng cáo của các hãng lớn phần lớn được làm từ nước ngoài sau đó dược dịch, lồng tiếng Việt và đưa vào sử dụng tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo còn hạn chế, cho đến nay mới chỉ có một hợp đồng hợp tác kinh doanh duy nhất về sản xuất phim quảng cáo truyền hình giữa VAFACO Việt Nam và công ty P&G Production Thailand được cấp giấy phép tháng 5- 1997 với số vốn 1,2 triệu USD. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa thị trường này cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ.

2.6. Các dịch vụ thông tin liên lạc

Trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 20%, Hiệp hội viễn thông quốc tế xếp Việt Nam là nước có tốc độ phát triển viển thông nhanh thứ hai thế giới. Về mở rộng vùng phát sóng điện thoại, Việt Nam đứng thứ  năm trong khu vực châu á - Thái Bình Dương.

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này bắt đầu bằng sự hiện diện của Telstra năm 1986. Đến hết tháng 8-1998, Việt Nam đã ký 11 hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hãng viễn thông lớn như NTT, FCR-France Telecom,Cabless & Wireless để phát triển các dịch vụ viễn thông. Ban đầu chỉ là các dự án giá trị vài chục triệu USD, về sau là những dự án hiện đại với quy mô lớn, có dự án vốn đầu tư lên đến nửa tỉ USD. Sự hiện diện của đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành viễn thông Việt Nam. Trước năm 1986, Việt Nam mới chỉ có 6 kênh điện thoại quốc tế với trang thiết bị lạc hậu. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 5000 kênh điện thoại quốc tế. Dung lượng điện thoại quốc tế năm 1997 là 335 triệu phút. Ngày 20-11-1997, Việt Nam bắt đầu tham gia mạng Internet.

Sự phát triển nhanh và mạnh của ngành viễn thông trong những năm qua tạo đà thuận lợi cho Việt Nam tiến hành những bước hợp tác quốc tế trong thời gian tới, trong đó có hoạt động hợp tác với Hoa Kỳ.

2.7. Dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan

Xây dựng là một trong những ngành dịch vụ có vị trí quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, ngành xây dựng là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Vì vậy, các dịch vụ liên quan đến tư vấn thiết kế và xây lắp cũng có cơ hội phát triển mạnh.

Lĩnh vực dịch vụ xây dựng và các ngành dịch vụ có liên quan như kiến trúc, tư vấn kỹ thuật xây dựng, tư vấn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, về cơ bản, được điều chỉnh bởi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo các văn bản pháp luật này, các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực xây dựng không thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng một số ưu đãi cao hơn về thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu so với các doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây nhất, để thi hành Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 về việc ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, việc ban hành các văn bản có hiệu lực pháp luật cao trong lĩnh vực kiến trúc, tư vấn kỹ thuật là một trong những yêu cầu cấp thiết.

2.8. Dịch vụ du lịch

Đây là lĩnh vực khá mở cửa đối với đầu tư nước ngoài. Nhà nước Việt Nam đã cho phép thành lập khá nhiều công ty liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực khách sạn, vận chuyển khách du lịch và vui chơi giải trí. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995- 2010, Việt Nam khuyến khích cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước tham gia đầu tư xây dựng phát triển du lịch.

 

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT VỚI HOA KỲ VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Như đã trình bày ở trên, cam kết về các lĩnh vực, ngành dịch vụ của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ là rất rộng, nhiều vấn đề vẫn chưa được quy định cụ thể hoặc quy định không phù hợp với nội dung của các cam kết, một số lĩnh vực dịch vụ còn chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Để thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết về thương mại dịch vụ theo Hiệp định, đồng thời chuẩn bị điều kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới trong tương lai, một trong những ưu tiên hàng đầu là phải nội luật hoá các cam kết đó bằng cách kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực, ngành dịch vụ của nước ta.

Thương mại dịch vụ là một lĩnh vực rất rộng, phức tạp và tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Do đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một số kiến nghị ban đầu về phương hướng hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực dịch vụ.

1. Sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 1997 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh

So sánh Luật thương mại năm 1997 của Việt Nam với khái niệm thương mại theo Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và của các nước trên thế giới, có thể thấy rằng, Luật Thương mại Việt Nam có phạm vi điều chỉnh hẹp. Khái niệm thương mại theo Luật Thương mại Việt Nam chỉ bao gồm các quan hệ mua bán hàng hoá và dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, được thể hiện trong 14 hành vi thương mại. Đối tượng của việc mua bán hàng hoá cũng bị giới hạn ở các động sản, chủ yếu là các máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua bán. Các bất động sản như nhà máy, công trình xây dựng không phải là nhà ở, các quyền tài sản như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu..., các hành vi liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá như vận chuyển hàng, thanh toán tiền mua hàng qua hệ thống ngân hàng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam. Trong khi đó, khái niệm thương mại theo Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ có nội dung rất rộng, không chỉ bao gồm thương mại hàng hoá mà còn cả thương mại dịch vụ, những khía cạnh thương mại liên quan đến đầu tư, sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh hẹp của Luật Thương mại Việt Nam còn là một trở ngại trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, cũng như việc công nhận và cho thi hành các bản án, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Về nguyên tắc, Toà án Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam những phán quyết của trọng tài nước ngoài có nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng, phần lớn các phán quyết của trọng tài nước ngoài về tranh chấp thương mại xin được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam  có nội dung nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại Việt Nam.

Như vậy, khái niệm thương mại hiểu theo nghĩa hẹp của Luật Thương mại Việt Nam là không phù hợp với Hiệp định và trên thực tế đã và đang gây những trở ngại cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh là yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.

2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 10/11/1998 của Chính phủ về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

 

Nghị định số 92/1998/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 42/CP ngày 8/7/1995) đã thể chế hoá chính sách cho phép tổ chức luật sư nước ngoài vào hành nghề tư vấn pháp luật tại thị trường Việt Nam. Thực tiễn gần 6 năm thi hành Nghị định cho thấy rằng, về cơ bản, những mục tiêu chính của việc ban hành Nghị định đã đạt được. Tuy nhiên, Nghị định được ban hành vào thời điểm khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn chưa diễn ra sâu sắc và mạnh mẽ. Đến nay, tình hình đã có những chuyển biến quan trọng. Lĩnh vực dịch vụ pháp lý đã được Việt Nam đưa ra cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

So sánh các cam kết của Việt Nam về dịch vụ pháp lý theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với thể chế pháp luật hiện hành, có thể thấy rằng, các công ty luật của Hoa Kỳ được hưởng chế độ tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia cao hơn rất nhiều so với quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP. Nghị định số 92/1998/NĐ-CP không quy định về phương thức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật qua biên giới, mà chỉ cho phép tổ chức luật sư nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức Chi nhánh. Mặt khác, Nghị định còn quy định nhiều hạn chế về đối xử quốc gia đối với Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài.

Theo Hiệp định, các công ty luật của Hoa Kỳ được thực hiện phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, được hành nghề tại Việt Nam dưới hình thức Chi nhánh, Công ty 100% vốn Hoa Kỳ, Liên doanh với Công ty luật Việt Nam. Trong đối xử quốc gia, về cơ bản, công ty luật của Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng được hưởng sự đối xử như đối với công ty luật Việt Nam. Ngoài ra, trong tương lai, nếu các luật sư Hoa Kỳ tốt nghiệp một trường đại học luật của Việt Nam và đáp ứng các điều kiện công nhận luật sư của Việt Nam thì họ có thể trở thành luật sư Việt Nam, và do đó, được tư vấn về pháp luật Việt Nam.

Theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng phải được dành cho các quốc gia thành viên ASEAN. Tương tự như vậy, nếu Việt Nam gia nhập WTO thì tất cả các thành viên của WTO đều phải được hưởng sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với những gì mà Việt Nam dành cho Hoa Kỳ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngoài ra, theo Pháp lệnh luật sư đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/7/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2001, thì Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh của Việt Nam có quyền thuê luật sư nước ngoài làm việc cho Văn phòng, Công ty. Bằng quy định này, Pháp lệnh luật sư đã mở rộng hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam và thực chất đây chính là phương thức cung cấp dịch vụ thứ 4: hiện diện của thể nhân.

Căn cứ vào những yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/1998/NĐ-CP phải bao gồm những vấn đề cơ bản sau đây:

- Mở rộng phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 92/1998/NĐ-CP chỉ điều chỉnh hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định cần bổ sung việc hành nghề của cá nhân luật sư nước ngoài tại Việt Nam để phù hợp với quy định của Pháp lệnh luật sư.

- Mở rộng hình thức tổ chức hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam:

 Tổ chức luật sư nước ngoài được phép hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

+ Chi nhánh;

+ Công ty luật 100% vốn nước ngoài;

+ Công ty luật liên doanh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam.

- Quy định hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam: Luật sư nước ngoài có thể hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

+ Làm thuê cho Chi nhánh, Công ty luật 100% vốn nước ngoài, Công ty luật liên doanh;

+ Làm thuê cho Văn phòng luật sư và Công ty luật hợp danh của Việt Nam.

- Mở rộng phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam: Theo quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP, Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Quy định này thực chất là không còn phù hợp với tình hình mới. Do đó, cần mở rộng phạm vi hành nghề theo hướng cho phép tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tư vấn về tất cả các lĩnh vực pháp luật, trừ việc hành nghề luật Việt Nam và tham gia tố tụng tại Toà án Việt Nam.

- Cho phép Chi nhánh, Công ty 100% vốn nước ngoài, Công ty liên doanh được thuê luật sư Việt Nam.

- Quy định việc luật sư nước ngoài có bằng cử nhân luật Việt Nam được tư vấn về pháp luật Việt Nam.

3. Xây dựng và ban hành Luật Kế toán

Việc ban hành Luật Kế toán sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện để công bố chuẩn mực kế toán và kiểm toán Việt Nam; củng cố và phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, mở rộng các loại hình dịch vụ mới; củng cố cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các ngành dịch vụ kế toán, kiểm toán.

4. Ban hành các văn bản hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội Khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 8. Để đạo luật này thực sự đi vào cuộc sống cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm phải quy định phù hợp với những cam kết về lĩnh vực này.

5. Ban hành Nghị định về hành nghề kiến trúc và Nghị định về hành nghề tư vấn kỹ thuật

Hiện tại, lĩnh vực dịch vụ kiến trúc và tư vấn kỹ thuật xây dựng đang được điều chỉnh bởi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP. Tuy nhiên, dịch vụ kiến trúc và tư vấn kỹ thuật là những lĩnh vực dịch vụ nghề nghiệp có tính đặc thù. Việc cung cấp các dịch vụ đó chủ yếu là do các cá nhân người hành nghề đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn và được cơ quan hoặc tổ chức nghề nghiệp công nhận, cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, những vấn đề đặc thù của các dịch vụ nghề nghiệp phải được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành.

6. Xây dựng và ban hành Pháp lệnh về bưư chính-viễn thông

Bưu chính - viễn thông là một lĩnh vực dịch vụ có vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hiện tại, lĩnh vực dịch vụ này vẫn đang thuộc sự kiểm soát và kinh doanh độc quyền của Nhà nước. Cơ chế độc quyền đó có thể không còn phù hợp với xu thế hội nhập đang diễn ra hiện nay. Do đó, Pháp lệnh về bưu chính-viễn thông phải tạo được cơ sở pháp lý phù hợp cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

 

 

HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LUẬT VỀ

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG ĐIỀU KIỆN

THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT VỀ ĐẦU TƯ

 

TRẦN HÀO HÙNG

Vụ Pháơ luật đấu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

I. GIỚI THIỆU CHUNG:

          Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã ký kết một số điều ước quốc tế song phương và đa phương về đầu tư như một cơ chế không tách rời trong tổng thể chính sách khuyến khích và bảo đảm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 41 nước và vùng lãnh thổ, đã tham gia Công ước về bảo đảm đầu tư đa biên (MIGA) và Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN. Đặc biệt, bằng việc ký kết một  Hiệp định thương mại toàn diện với Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2000, lần đầu tiên Việt Nam đã cam kết thực hiện tiêu chuẩn quốc tế về đầu tư với phạm vi và mức độ cao nhất so với các điều ước quốc tế nói trên.

          Những cam kết đầu tư của Hiệp định được quy định chủ yếu tại Chương IV về phát triển quan hệ đầu tư, Phụ lục H về bảo lưu đối xử quốc gia, Phụ lục I về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (TRIM) và các thư trao đổi giữa hai Bên về chế độ cấp phép đầu tư. Ngoài ra, một số quy định sau đây của Hiệp định có liên quan trực tiếp đến các cam kết về đầu tư:

          - Quy định về quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư Hoa Kỳ (Chương I - Thương mại hàng hóa);

          - Quy định về mở cửa thị trường và dành đối xử quốc gia cho nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ dưới hình thức "hiện diện thương mại" (Phụ lục G, Chương III - Thương mại dịch vụ);

          - Quy định về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công dân, công ty Hoa Kỳ (Chương V); 

          - Quy định về giao dịch và chuyển tiền qua biên giới áp dụng đối với hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư của các công dân, công ty Hoa Kỳ (Chương VII - những quy định chung).

 

II. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA HIỆP ĐỊNH:

Mặc dù chỉ là một bộ phận trong Hiệp định thương mại, nhưng Chương phát triển quan hệ đầu tư (Chương đầu tư) có nội dung tương tự như một Hiệp định song phương hoàn chỉnh về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Có thể tóm tắt một số nội dung chủ yếu của Chương này như sau:

1. Nguyên tắc khuyến khích và bảo hộ đầu tư

Hai Bên cam kết thực hiện những nguyên tắc đối xử phù hợp với thông lệ quốc tế gồm:

- Áp dụng đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc; theo đó, trong những hoàn cảnh tương tự và tuỳ thuộc sự đối xử nào tốt hơn, mỗi Bên dành cho nhà đầu tư của Bên kia sự đối xử không kém thuận hơn so với nhà đầu tư nước mình hoặc không kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ 3 nào trong toàn bộ qúa trình thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, bán, giải thể đầu tư. Tuy nhiên, mỗi Bên không có nghĩa vụ phải dành ngay lập tức và vô điều kiện đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc cho nhà đầu tư của Bên kia. Theo quy định tại Điều 2, nghĩa vụ này được thực hiện trên cơ sở có bảo lưu trong một số lĩnh vực hoặc vấn đề tại phụ lục kèm theo Hiệp định.

- Áp dụng tiêu chuẩn chung về đối xử (hay còn gọi là tiêu chuẩn đối xử tối thiểu); theo đó, mỗi Bên dành cho đầu tư theo Hiệp định này sự đối xử công bằng, thỏa đáng, không kém thuận lợi hơn sự đối xử theo yêu cầu của luật tập quán quốc tế, đồng thời không được áp dụng các biện pháp bất hợp lý, phân biệt đối xử để gây phương hại đối với việc thành lập và hoạt động đầu tư.

Ngoài ra, mỗi Bên còn có nghĩa vụ dành cho nhà đầu tư của Bên kia bất kỳ ưu đãi nào cao hơn các nguyên tắc đối xử nói trên được quy định trong hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành, các hiệp định quốc tế hoặc thỏa thuận cụ thể với nhà đầu tư của Bên kia.

2.  Cam kết cụ thể về đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc

         

Phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như các nghĩa vụ  đã cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định song phương và đa phương về đầu tư, Việt Nam không duy trì ngoại lệ về đối xử tối huệ quốc đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ. Chế độ đối xử quốc gia của Việt Nam được thực hiện trên nguyên tắc có bảo lưu một số lĩnh vực và thực hiện theo lộ trình nhất định phù hợp với điều kiện nền kinh tế đang trong qúa trình chuyển đổi; cụ thể là:

2.1. Những lĩnh vực và vấn đề bảo lưu không thời hạn: Việt Nam bảo lưu không thời hạn chế độ đối xử quốc gia trong các lĩnh vực và vấn đề quan trọng như: phát thanh, truyền hình, văn hóa, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, kinh doanh bất động sản, sở hữu đất đai, nhà ở, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp Việt Nam (giao đất, cho vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ thực hiện chương trình nghiên cứu- phát triển, đào tạo và các hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ); mua cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước; chế độ cấp giấy phép đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

2.2. Những lĩnh vực và vấn đề bảo lưu có thời hạn: Ngoài một số ngoại lệ được bảo lưu không thời hạn nói trên, Việt Nam cam kết từng bước dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực và vấn đề sau đây:

a.  Thu hẹp, tiến tới xóa bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực:

Việt Nam cam kết loại bỏ trong vòng từ 5-7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực một số quy định của pháp luật hiện hành không phù hợp với Hiệp định của WTO về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (như yêu cầu xuất khẩu đối với một số sản phẩm thị trường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu; yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu đối với các ngành: chế biến đường mía, dầu thực vật, sữa, gỗ; yêu cầu nội địa hóa đối với các ngành: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử dân dụng). Đối với một số yêu cầu cụ thể khác của Hiệp định nói trên, Việt Nam xóa bỏ ngay sau ngày Hiệp định có hiệu lực quy định về cân đối xuất-nhập khẩu và quy định về quản lý ngoại hối đối với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, theo quy định tại Chương I (Thương mại hàng hóa) và Chương III (Thương mại dịch vụ), Việt Nam cam kết :

- Trong vòng từ 3-7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100 % vốn Hoa Kỳ để kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả hàng hóa, trừ các hàng hóa quy định cụ thể tại các Phụ lục B,C,D.

- Xóa bỏ dần hạn chế về tiếp cận thị trường của nhà đầu tư Hoa Kỳ trong 8 ngành dịch vụ gồm: (i) dịch vụ chuyên ngành (pháp lý, kiểm toán, kế toán, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, vi tính, quảng cáo, thăm dò thị trường); (ii) dịch vụ thông tin liên lạc (viễn thông giá trị gia tăng, viễn thông cơ bản, điện thoại cố định, dịch vụ nghe, nhìn); (iii) dịch vụ xây dựng; (iv) dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ); (v) dịch vụ giáo dục; (vi) dịch vụ tài chính (bảo hiểm, ngân hàng); (vii) dịch vụ y tế; (viii) dịch vụ giáo dục.

Trường hợp có sự khác nhau giữa các cam kết cụ thể tại Phụ lục G về dịch vụ và Phụ lục H về đầu tư thì áp dụng quy định tại Phụ lục G. Phụ lục H chỉ điều chỉnh các vấn đề không được quy định tại Phụ lục G.

c.  Từng bước thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư:

Cam kết thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư được thể hiện trong nội dung thư của Bộ trưởng Vũ Khoan gửi Chủ tịch Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ. Thư này và thư phúc đáp của phía Hoa Kỳ là bộ phận không tách rời của Hiệp định. Theo đó, Việt Nam được quyền duy trì không thời hạn chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư đối với hầu hết các dự án Nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án này, Việt Nam sẽ công khai hóa các tiêu chuẩn về việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép đầu tư và thực hiện chế độ cấp phép, quản lý giấy phép trên cơ sở đối xử tối huệ quốc.

 Ngoài các dự án nói trên, trong vòng từ 2 đến 9 năm, Việt Nam sẽ thực hiện từng bước chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, các dự án có tỷ lệ xuất khẩu cao và các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thủ tục đăng ký chỉ yêu cầu cung cấp các thông tin cơ bản liên quan đến nhà đầu tư và dự án đầu tư dự kiến, đồng thời được chấp thuận nhanh chóng mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Đối với các dự án này, trong vòng 6 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư trên cơ sở đối xử quốc gia.

d. Mở  rộng phương thức huy động vốn và xóa bỏ một số hạn chế liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài:

Để phù hợp với Luật doanh nghiệp hiện hành và thông lệ quốc tế, ngay sau ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết  cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ góp vốn, tăng vốn, tái đầu tư bằng tiền Việt Nam thu được từ hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Đối với một số hạn chế về vốn đầu tư, Việt Nam cam kết xóa bỏ trong vòng 3  năm các quy định như: (i) yêu cầu về tỷ lệ vốn góp tối thiểu 30% của nhà đầu tư Hoa Kỳ trong doanh nghiệp liên doanh; (ii) yêu cầu về tỷ vốn pháp định tối thiểu 30% trong tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hoa Kỳ; và (iii) yêu cầu bắt buộc chuyển nhượng phần vốn góp của nhà đầu tư Hoa Kỳ cho doanh nghiệp Việt Nam (thực tế pháp luật Việt Nam không có quy định về vấn đề này).

Cũng trong thời hạn nói trên, Việt Nam cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập công ty cổ phần, phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; loại bỏ nguyên tắc nhất trí và quy định tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc thứ nhất doanh nghiệp liên doanh phải là công dân Việt Nam.

 e.  Thực hiện lộ trình áp dụng thống nhất giá, phí một số  hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Theo cam kết này, Việt Nam  sẽ không áp dụng các loại giá, phí mới gây phân biệt đối xử nặng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời xóa bỏ trong thời hạn 4 năm hệ thống hai giá hiện hành (gồm giá điện, nước, viễn thông, hàng không, phí cảng biển quốc tế, phí đăng kiểm phương tiện cơ giới, phí tham quan du lịch....).

3. Các quy định về bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư:

Thực hiện các biện pháp bảo hộ đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư là những nội dung quan trọng của Chương đầu tư cũng như các điều khoản có liên quan của Hiệp định; theo đó, hai Bên cam kết:

3.1. Không tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hoá đầu tư một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trừ trường hợp vì mục đích công cộng, theo phương thức không phân biệt đối xử và phải bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, phù hợp với thủ tục luật định cũng như các nguyên tắc chung về đối xử đã trình bày trên...

 3.2. Cho phép nhà đầu tư  của Bên kia chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài phù hợp với nghĩa vụ của mỗi Bên đối với IMF và trên cơ sở đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc, tuỳ thuộc sự đối xử nào tốt hơn. Việc ngăn cản chuyển tiền chỉ được thực hiện với mục đích bảo đảm quyền của các chủ nợ, chấp hành án hình sự hoặc hành  chính....

3.3. Dành cho nhà đầu tư của Bên kia quyền khiếu kiện và giải quyết tranh chấp theo quy tắc "trọng tài ràng buộc"  do nhà đầu tư  lựa chọn hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên, gồm  quy tắc trọng tài UNCITRAL, quy tắc của Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và công dân của nhà nước khác (ICSID) hoặc Cơ chế phụ trợ của ICSID. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và được thi hành trên lãnh thổ của mỗi Bên phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

3.4. Minh bạch hóa pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài bằng cách công bố công khai và nhanh chóng các luật, quy định và thủ tục hành chính có liên quan đến đầu tư.

3.5. Cho phép nhà đầu tư của Bên kia lưu chuyển và tuyển dụng nhân viên nước ngoài thuộc mọi quốc tịch vào các cương vị qủan lý cao nhất để phục vụ cho hoạt động đầu tư của họ trên lãnh thổ nước mình phù hợp với pháp luật về nhập cảnh và tạm trú của người nước ngoài. Mỗi Bên có thể áp dụng luật lao động đối với việc tuyển dụng nhân viên nước ngoài với điều kiện không được làm ảnh hưởng đến bản chất các quyền nói trên.

3.6. Không áp đặt các yêu cầu đối với việc chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất trừ trường hợp áp dụng quy định về bảo vệ môi trường và bảo đảm thi hành phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền đối với các vi phạm pháp luật về cạnh tranh đang bị khiếu kiện.

3.7. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh theo hướng cho phép nhà đầu tư của mỗi Bên được nhập khẩu thiết bị văn phòng phục vụ cho hoạt động kinh doanh; được tiếp cận và sử dụng nơi làm việc trên cơ sở không phân biệt đối xử; được thuê đại lý, nhà tư vấn, nhà phân phối theo giá cả thỏa thuận; được quảng cáo và bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp; được dự trữ đầy đủ hàng mẫu và phụ tùng thay thế phục vụ cho dịch vụ sau bán hàng...

Tóm lại, các cam kết về đầu tư trong Hiệp định đã được xây dựng với mục tiêu tổng thể là tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những cam kết đó đã quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII về “cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác cả trong và ngoài nước" và Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV về “phát huy nội lực, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài; từng bước tạo mặt bằng pháp lý và áp dụng thống nhất chính sách thuế, các loại giá cả, dịch vụ (thuê đất, nước, bưu chính viễn thông, hàng không...) đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài".

 

III. QÚA TRÌNH HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC THỰC HIỆN CAM KẾT:

1. Tình hình đầu tư nước ngoài và qúa trình hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

Ngay từ năm 1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành bản Điều lệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.  Điều lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam dưới 3 hình thức là: Hợp tác sản xuất chia sản phẩm; xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp.  Điều lệ cũng quy định nhiều ưu đãi dành cho đầu tư nước ngoài dưới các hình thức này. Tuy nhiên, do nền kinh tế của nước ta lúc đó vẫn vận hành theo cơ chế quan liêu, bao cấp, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đất nước lại bị phong toả bởi chính sách bao vây, cấm vận nên bản Điều lệ này chưa được thực hiện trên thực tế.

Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới với nội dung chủ yếu là xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chính sách thu hút ĐTNN đứng trước đòi hỏi phải thay đổi nhằm thể hiện được tư duy kinh tế mới, góp phần mở rộng và đa dạng hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại theo quan điểm "xây dựng hình thái kinh tế mở, khai thác và phát huy tối đa mọi tiềm lực trong nước đi đôi với ra sức tranh thủ vốn, công nghệ và thị trường bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giành vị trí ngày càng có ý nghĩa trong phân công lao động quốc tế".

Trên tinh thần đó, tháng 12 năm 1987, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Luật ĐTNN), tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho hoạt động ĐTNN tại Việt Nam. Từ năm 1987 đến nay, Luật ĐTNN đã liên tục được hoàn thiện qua 4 lần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996 và gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2000.

Quá trình hoàn thiện Luật ĐTNN luôn bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước trong từng thời kỳ và có quan hệ chặt chẽ với việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật chung về kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Những nội dung của Luật ĐTNN là sự thể chế hoá đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước về kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư với nước ngoài; trong đó tư tưởng chỉ đạo nhất quán là thông qua việc xây dựng và hoàn thiện Luật ĐTNN, từng bước tạo dựng khung pháp luật ngày một rõ ràng, thông thoáng và thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, xoá bỏ dần sự khác biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để tiến tới xây dựng một khung pháp luật thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Chính vì vậy, kể từ khi ban hành cho đến nay, Luật ĐTNN đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một đạo luật thông thoáng, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đến nay trên địa bàn cả nước có 4500  dự án ĐTNN đã được cấp giấy phép đầu tư  với tổng vốn đăng ký và tăng vốn đạt trên 50 tỷ USD. Trừ các dự án giải thể trước thời hạn hoặc đã hết thời hạn hoạt động, hiện còn trên 3670 dự án đang có hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 39 tỷ USD. Với tỷ trọng chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, ĐTNN hơn 10 năm qua đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nguồn vốn này cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.

Những thành tựu nói trên chứng tỏ sức hấp dẫn, thông thoáng của Luật đầu tư nước ngoài, đồng thời cho thấy rõ việc thu hút và sử dụng vốn ĐTNN là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Nhà nước Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế- xã hội, vào thắng lợi của đường lối đổi mới, đồng thời tăng cường sức mạnh kinh tế và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước trong khu vực và một số hạn chế của môi trường đầu tư, nhịp độ thu hút ĐTNN vào Việt Nam liên tục suy giảm. So với năm trước, vốn đăng ký cấp mới năm 1997 giảm 49%, năm 1998 giảm 16%, năm 1999 giảm 47% . Ngoài những yếu tố khách quan  như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và sự cạnh tranh thu hút nguồn vốn ĐTNN giữa các nước ngày càng trở nên gay gắt...sự giảm sút của ĐTNN còn có nguyên nhân từ những hạn chế của bản thân môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đó là sự chưa hoàn thiện và thiếu tính ổn định của khung pháp luật, chính sách, chi phí đầu tư cao, kết cấu hạ tầng yếu kém, cải cách hành chính tiến triển chậm, môi trường kinh doanh mặc dù đã có những chuyển biến  tích cực, nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư...

Việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nước ngoài trong tháng 6 năm 2000, triển khai thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cùng với những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế, xã hội trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc chặn đà suy giảm đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, đầu tư nước ngoài trong các năm 2000, 2001 đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng  tương ứng 28% và 25% so với năm trước. Trong năm 2002, trên địa bàn cả nước có 694 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký đạt trên 1,38 tỷ USD. So với năm 2001, số dự án ĐTNN năm 2002 tăng 32,7%, song tổng vốn đăng ký cấp mới giảm 45,6%. Tình hình này là do các dự án đầu tư được cấp giấy phép trong năm 2002 chủ yếu có qy mô vừa và nhỏ, chưa có dự án quy mô trên 50 triệu USD được cấp phép. Mặc dù giảm về giá trị tuyệt đối song trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu giảm sút, Việt Nam vẫn được UNCTAD đánh giá là một trong 20 nước tiếp nhận vốn ĐTNN lớn nhất.

Sự phục hồi bước đầu của đầu tư nước ngoài trong thời gian qua là dấu hiệu rất đáng khích lệ trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước trong khu vực đang suy giảm và trong điều kiện môi trường đầu tư Việt Nam còn một số hạn chế. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước năm 1997, quy mô và nhịp độ thu hút ĐTNN vẫn còn thấp hơn nhiều và vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu ổn định.

2.  Một số vấn đề đặt ra trong việc thực hiện cam kết:

Trong bối cảnh nói trên, việc thực hiện cam kết theo Hiệp định tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức. Cơ hội lớn nhất là thông qua việc thực hiện cam kết, chúng ta có điều kiện hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục bị suy giảm, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt. Mặt khác, việc dành cho nhà đầu tư Hoa Kỳ một môi trường đầu tư thuận lợi cũng tạo điều kiện để ta thu hút các nhà đầu tư từ các nước khác.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật, chính sách về ĐTNN của Việt Nam còn một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết theo Hiệp định; cụ thể là:

- Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng và có thể dự đoán trước được là một trong những yêu cầu chủ yếu của các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực. Tuy nhiên, do đang trong qúa trình hoàn thiện, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn thiếu tính đồng bộ, chưa đủ mức cụ thể và còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nói trên.  Việc thực thi pháp luật, chính sách không nhất quán, tuỳ tiện; một số văn bản liên quan trực tiếp đến ĐTNN thường xuyên thay đổi, lại chưa tính kỹ đến lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nên trong nhiều trường hợp làm đảo lộn phương án kinh doanh và gây thiệt hại cho họ.

 - Hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài chưa phát huy hết vai trò là công cụ định hướng thu hút đầu tư. Do quy hoạch và dự báo thiếu chuẩn xác nên một số dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy phép vượt quá nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong nước (như xây dựng, kinh doanh khách sạn; sản xuất, lắp ráp ô tô; bia, nước giải khát có gas; sản phẩm nghe nhìn; điện dân dụng; chất tẩy rửa...). Mặt khác, việc cấp phép trong những năm đầu thiên về các dự án thay thế nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm trong nước đã dẫn đến tình trạng một số sản phẩm của doanh nghiệp ĐTNN chèn ép sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn còn quá nhỏ bé; việc triển khai các KCN đã được thành lập gặp nhiều khó khăn, thiếu các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Điều này một mặt không tạo điều kiện để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực và địa bàn trọng điểm, nhưng mặt khác đã gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan Nhà nước trong việc  xét duyệt dự án và làm cho nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều chi phí, thời gian cho việc xác định cơ hội đầu tư.

- Trong những năm qua, thủ tục cấp phép đầu tư đã liên tục được cải tiến mà quan trọng nhất là việc bổ sung vào Luật chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, các tiêu chí cấp và từ chối cấp giấy phép vẫn còn chưa rõ ràng, minh bạch và trong một số trường hợp thiếu nhất quán.  Một số thủ tục liên quan đến việc triển khai dự án như: đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, hải quan... vẫn còn phiền hà và chậm được cải tiến. Tình hình này cùng với những hành vi sách nhiễu, tiêu cực của một số viên chức đã làm biến dạng các chủ trương chính sách của Nhà nước và làm nản lòng nhà đầu tư. 

- Với tính chất là một hệ thống riêng, tương đối độc lập so với luật đầu tư trong nước, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tạo ra một “sân chơi bình đẳng” giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài không chỉ đối với những vấn đề có liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của dự án đầu tư mà còn cả những vấn đề liên quan đến điều kiện đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Điều này chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là yêu cần dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư nước ngoài; cụ thể là:

+ Các quy định hiện hành về hình thức pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài chưa đa dạng và chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng các phương thức huy động vốn đầu tư nước ngoài.

+ Việc thực hiện nguyên tắc nhất trí đối với một số vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp liên doanh đã được quy định ngay trong Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và đã được thu hẹp trong các lần sửa đổi, bổ sung Luật vào các năm 1996 và 2000. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những tồn tại chủ yếu của hệ thống pháp luật hiện hành, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

+ Pháp luật hiện hành còn duy trì một số hạn chế nhất định đối với hoạt động ĐTNN như: yêu cầu thực hiện hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với một số lĩnh vực; yêu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm mà thị trường trong nước đã đáp ứng nhu cầu; yêu cầu nội địa hóa đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử dân dụng; yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với các dự án chế biến đường mía, sữa, dầu thực vật, gỗ.... Những yêu cầu này không phù hợp với quy định của Hiệp định của WTO về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại.

+ Trong những năm gần đây, hệ thống hai giá phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đã từng bước được thu hẹp với việc Chính phủ quyết định áp dụng một bằng các loại phí, lệ phí và điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ như: giá điện, nước, viễn thông...Tuy nhiên, sau bước điều chỉnh này, giá một số hàng hóa, dịch vụ vẫn còn cao hơn một số nước trong khu vực và vẫn còn sự phân biệt giữa hai đối tượng nói trên (giá thuê đất, điện, hàng không, cước, phí cảng biển quốc tế....). Điều này vừa không đáp ứng yêu cầu dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư nước ngoài, vừa làm giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

+ Đến nay, hệ thống các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước đã được từng bước điều chỉnh theo hướng tạo mặt bằng thống nhất với doanh nghiệp ĐTNN. Tuy vậy, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa đầu tư trong nước và ĐTNN vẫn còn có sự khác biệt. Dự án ĐTNN được hưởng mức thuế thấp hơn (trung bình là 25% và ưu đãi là 10%,15%, 20%) so với dự án đầu tư trong nước (32%), song lại phải chịu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với các mức 3 %,5%, 7 %. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu vật tư...cũng được áp dụng đối với dự án ĐTNN với phạm vi ưu đãi hơn so với dự án đầu tư trong nước.

IV. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LUẬT ĐTNN TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT VỚI HOA KỲ:

1. Sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu:

Cam kết với Hoa Kỳ có mức độ cao nhất so với các điều ước quốc tế song phương và đa phương về đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia cho đến thời điểm hiện nay. Trên nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, những cam kết này cũng sẽ được áp dụng chung cho nhà đầu tư của các nước đã ký kết Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Việt Nam. Do vậy, cần hoàn thiện một số quy định  hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng đồng bộ hệ thống pháp luật, chính sách và các điều ước quốc tế về đầu tư. Việc điều chỉnh này có một số mặt thuận lợi chủ yếu sau:

- Khá nhiều cam kết của Hiệp định phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Do vậy, việc thực hiện cam kết nói trên không đòi hỏi phải sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài.

- Một số cam kết khác tuy có mức độ cao hơn so với pháp luật hiện hành nhưng đều là những vấn đề hiện nay còn tồn tại trong hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài mà dù có hay không có Hiệp định này chúng ta vẫn phải có giải pháp xử lý nhằm nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư.

- Trong những năm qua, Luật đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng xóa bỏ một số biệt lệ không cần thiết, hướng tới thiết lập một mặt bằng pháp lý thống nhất cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cam kết dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng.

Thực tế nói trên cho thấy, việc điều chỉnh pháp luật không phải chỉ nhằm thực hiện cam kết riêng với Hoa Kỳ mà là một giải pháp không thể tách rời trong chủ trương chung của Nhà nước ta về cải thiện môi trường đầu tư và chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, việc hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài phải hướng vào việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu sau:

- Tạo dựng môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hấp dẫn, thông thoáng, có sức cạnh tranh cao đối với các nước trong khu vực; tạo điều kiện để nước ta chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.

- Tiến tới tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 Với mục tiêu đó, việc hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài phải đồng bộ với tiến trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật chung của nước ta, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua (như Luật doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước...). Mặt khác, cần xây dựng phương án thực hiện cam kết với Hoa Kỳ một cách tổng thể, có tính đến sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống pháp luật hiện hành cũng như lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các điều ước quốc tế song phương và đa phương về đầu tư, đồng thời phải duy trì sự ổn định của hệ thống pháp luật, không gây xáo trộn hoạt động quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài.

2.  Tình hình một năm thực hiện cam kết về đầu tư

Các cam kết về đầu tư của Việt Nam trong  Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã được thỏa thuận phù hợp với những phương hướng, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP ngày 28/8/2001 của Chính phủ về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả ĐTNN thời kỳ 2001-2005. Dp vậy, khá nhiều cam kết đã được thực hiện ngay sau khi BTA có hiệu lực hoặc sớm hơn so với lộ trình đã thỏa thuận mà không đòi hỉ phải sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài cũng như các quy định có liên quan. Cụ thể là:

- Ngay sau khi BTA có hiệu lực, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ cam kết và đối xử tối huệ quốc và các quy định có liên quan đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, tuyển dụng lao động, cân đối ngoại tệ, cân đối xuất, nhập khẩu...

- Một số cam kết khác đã được thực hiện sớm hơn từ 3-5 năm so với lộ trình đã thỏa thuận như: cam kết về việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam; xóa bỏ hạn chế về chuyển nhượng vốn; cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập công ty cổ phần có vốn ĐTNN... Ngoài ra, cam kết về việc áp dụng chế độ không phân biệt về giá nước, giá lắp đặt và thuê bao điện thoại, dịch vụ du lịch... cũng được thực hiện sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của BTA. Đến nay trừ giá điện, giá vé máy bay nội địa, hầu hết các loại giá, phí khác đều không có sự phân biệt.

3. Một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách ĐTNN để thực hiện cam kết về đầu tư::

3.1. Từng bước xây dựng một mặt bằng pháp lý cho đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chế độ đối xử  quốc gia:

Trong quan hệ hợp tác đầu tư quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền "...quy định và thực thi quyền hạn đối với đầu tư nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán quốc gia phù hợp với pháp luật và những mục tiêu, ưu tiên của mình. Không một Nhà nước nào bị buộc phải dành đối xử ưu đãi cho đầu tư nước ngoài"[33] .  Đó là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi không chỉ trong quan hệ hợp tác đầu tư mà còn cả trong quan hệ kinh tế quốc tế nói chung. Mặc dù vậy, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của ĐTNN đối với sự tăng trưởng kinh tế cũng như yêu cầu đặt ra trong tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách khá thông thoáng, thuận lợi mà trọng tâm là dành cho ĐTNN một số ưu đãi với phạm vi và mức độ khác nhau để thu hút dòng vốn quan trọng này. Chính sách đó bao gồm hai nội dung cơ bản  là : (i)  xóa bỏ một số rào cản của pháp luật hiện hành đối với ĐTNN; và (ii) áp dụng các tiêu chuẩn đối xử thuận lợi trên cơ sở đàm phán. Một trong những tiêu chuẩn đối xử quan trọng đã và đang được chấp nhận rộng rãi trong khuôn khổ các thể chế kinh tế khu vực và thế giới là thực hiện đối xử quốc gia cho  nhà đầu tư nước ngoài.

Về bản chất, đối xử NT đòi hỏi phải tạo lập một “sân chơi” bình đẳng giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước trong mọi giai đoạn của hoạt động đầu tư từ thành lập, triển khai, mở rộng, chấm dứt dự án đầu tư. Sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là một hạn chế đối với hoạt động ĐTNN và tất yếu phải được loại bỏ dần trong quá trình hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu hội nhập của tất cả các quốc gia.

Đối với Việt Nam, trong quá trình hoàn thiện khung pháp luật về ĐTNN, chúng ta đã từng bước xóa bỏ một số biệt lệ không cần thiết giữa các quy định của pháp luật về ĐTNN và đầu tư trong nước để hướng đến việc tạo lập một "sân chơi" bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một khi còn tồn tại hai hệ thống pháp luật riêng đối với hai loại đối tượng này thì không thể nói đến khái niệm mặt bằng pháp lý hay sân chơi chung bình đẳng cho hoạt động đầu tư.  Do vậy, cần nghiên cứu tiến tới thống nhất hai hệ thống pháp luật nói trên theo hướng sau:

3.1.1. Xóa bỏ dần những hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo những cam kết về mở cửa ngành nghề cho nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng như cam kết trong khuôn khổ Hiệp định AIA, Việt Nam  sẽ phải lập lộ trình mở cửa từng bước các ngành  nghề mà pháp luật hiện hành còn hạn chế dưới hình thức các điều kiện đầu tư (như điều kiện xuất khẩu, nội địa hóa và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước...). Việc áp dụng các yêu cầu  này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo hộ có lựa chọn và có điều kiện một số ngành công nghiệp, góp phần điều chỉnh cơ cấu đầu tư hướng mạnh về xuất khẩu, tăng  năng lực sản xuất, chế biến và nội địa hóa đối với một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này không những  gây cản trở đến hoạt động ĐTNN mà còn không phù hợp các cam kết quốc tế về đầu tư của ta, trong đó có Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và Hiệp định về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (TRIM) mà khi gia nhập WTO ta phải thực hiện. Vì vậy, cần xem xét nới lỏng và tiến tới loại bỏ các yêu cầu nói trên theo hướng sau:

- Điều chỉnh lại các quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư có điều kiện thuộc Phụ lục 1 Nghị định 24/2000/ND-CP theo hướng xóa bỏ trước hết hạn chế về hình thức đầu tư đối với dự án trong ngành sản xuất chế tạo hoặc có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm cao.

- Chuyển sang sử dụng các biện pháp ưu đãi khuyến khích về tài chính là chủ yếu thay vì thực hiện các yêu cầu có tính áp đặt đối với  việc xuất khẩu, nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước...

Mặt khác, để tăng cường tính minh bạch và dự đoán trước được của luật pháp, chính sách, cần  xây dựng cơ chế đảm bảo quyền tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào tất cả các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế mà pháp luật không hạn chế hoặc cấm.

Trên tinh thần đó, ngoài việc công bố rõ ràng các lĩnh vực không cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục và môi trường sinh thái...cần công bố công khai, minh bạch điều kiện cấp phép đối với  một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Đây không chỉ là yêu cầu của các tổ chức quốc tế về việc tăng cường tính rõ ràng và có thể dự đoán trước được của luật pháp, chính sách mà còn hết sức cần thiết đối với việc xây dựng quy hoạch và cơ chế chính sách đối với đầu tư nước ngoài.

3.1.2. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư điều chỉnh lại quy định về tổ chức quran lý doanh nghiệp liên doanh phù hợp với thông lệ quốc tế:

Việc cho phép một số doanh nghiệp ĐTNN chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm cổ phần theo tinh thần Nghị định số 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 4 năm 2003 là một bước cải thiện tích cực trong hệ thống pháp luật về ĐTNN, góp phần đa dạng hóa hình thức ĐTNN tại Việt Nam. Tuy nhiên. Theo Nghị định nói trên, việc thành lập công ty cổ phần có vốn ĐTNN mới chỉ được áp dụng thí điểm trên cơ sở chuyển đổi một số doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thành lập công ty quản lý vốn (holding co,pany) đang được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới và là nhu cầu rất bức xúc của một số nhà đầu tư có nhiều dự án hoạt động với các mục tiêu khác nhau ở Việt Nam, nhưng cho đến nay pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể. Hình thức công ty hợp danh được áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước kinh doanh một số dịch vụ nhạy cảm, có yêu cầu cao về uy tín và trách nhiệm cá nhân, nhưng lại chưa được quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ tương tự. Mặt khác, việc thành lập cũng như tổ chức quản lý của doanh nghiệp có vốn ĐTNN còn phải tuân thủ một số hạn chế và có nhiều khác biệt so với doanh nghiệp trong nước. Điều này đã và đang gây cản trở đến việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức và phương thức tổ chức thu hút ĐTNN của ta. Vì vậy, cần mở rộng hình thức pháp lý của doanh nghiệp ĐTNN, loại bỏ dần những hạn chế về tổ chức quản lý của doanh nghiệp theo những hướng chủ yếu sau:

- Nghiên cứu cho phép các tập đoàn có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam được thành lập công ty quản lý (holding company) để điều hành chung và hỗ trợ các dự án của họ tại Việt Na; mở rộng hình thức công ty hợp danh áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Xem xét linh hoạt việc chuyển đổi  hình thức đầu tư trước hết đối với các dự án có tỷ lệ xuất khẩu cao, sử dụng công nghệ hiện đại và các ngành khác mà phía Việt Nam không nhất thiết phải tham gia quản lý, điều hành.

- Tiến tới loại bỏ nguyên tắc nhất trí trong hoạt động của doanh nghiệp liên doanh và quy định bắt buộc Tổng giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc thứ nhất doanh nghiệp liên doanh phải là công dân Việt Nam.

 

3.1.3. Xóa bỏ dần những hạn chế về vốn góp và huy động vốn của doanh nghiệp có vốn ĐTNN:

Theo pháp luật hiện hành, đối với khoản vốn góp bằng tiền mặt, ngoài tiền nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được góp vốn bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc từ đầu tư tại Việt Nam. Quy định này của Luật đầu tư nước ngoài năm 1996 tuy có mở rộng quyền góp vốn bằng tiền Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các khoản tiền Việt Nam có nguồn gốc từ dự án đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm lợi nhuận, các khoản thu nhập từ thanh lý, chuyển nhượng vốn đầu tư). Trên thực tế, quy định này không khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng nguồn thu nhập hợp pháp bằng tiền Việt Nam để đầu tư tại Việt Nam (như thu nhập từ chuyển giao công nghệ, cho vay, thừa kế...). Ở một số nước, việc xác định thế nào là khoản đầu tư nước ngoài được dựa trên căn cứ chủ sở hữu của khoản đầu tư đó là ai, không phân biệt khoản đầu tư đó được mang đến từ đâu và do đâu mà có, miễn là hợp pháp.

Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các liên doanh, theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài, vốn pháp định của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải bằng 30% vốn đầu tư; tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh do các  bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 30% vốn pháp định trừ trường hợp được Cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận. Đối với các dự án đầu tư gián tiếp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hình thức mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam, Luật khuyến khích đầu tư trong nước quy định khống chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài ở mức không vượt qúa 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thực tiễn trên đây cho thấy, việc giới hạn quyền góp vốn bằng tiền Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài vừa làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư của ta vừa không đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Từ thực tế nói trên, cần xóa bỏ dần những hạn chế về vốn góp và huy động vốn của doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo hướng:

- Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp tại Việt Nam thay vì chỉ được góp vốn bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc từ đầu tư tại Việt Nam như hiện nay.

- Loại bỏ một số yên cầu về tỷ lệ vốn góp tối thiểu 30% của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh và tỷ lệ vốn pháp định tối thiểu 30% trong tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Tuy nhiên, cần áp dụng yêu cầu về vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong một số dự án quan trọng, ta cần tham gia quản lý điều hành như: viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng....Yêu cầu này cần được duy trì trong thời hạn nhất định phù hợp với những cam kết của ta trong khuôn khổ các hiệp định song phương và đa phương về đầu tư.

3.1.4. Từng bước thống nhất các quy định về ưu đãi đầu tư và chi phí hoạt động giữa  đầu tư trong nước và nước ngoài:

Cùng với việc nghiên cứu áp dụng quy định thống nhất  về việc thành lập và tổ chức quản lý cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn ĐTNN như đã trình bày ở trên, cần tiến tới loại bỏ một số khác biệt về điều kiện đầu tư giữa hai loại hình doanh nghiệp này theo hướng sau:

- Điều kiện về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư:  Để đảm bảo tính ổn định của luật pháp, chính sách và tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, vẫn nên duy trì mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với ĐTNN ưu đãi hơn so với đầu tư trong nước. Việc thống nhất mức thuế này chỉ nên đặt ra khi chúng ta đã áp dụng một bằng chung về chi phí đầu tư (chi phí đầu vào) giữa đầu tư trong nước và  ĐTNN như được trình bày dưới đây. Cũng trên tinh thần đó, ưu đãi về thuế nhập khẩu cần được tiếp tục duy trì để khuyến khích ĐTNN, nhưng về lâu dài cần loại bỏ chính sách này để thay bằng cơ chế miễn, giảm chung theo lịch trình giảm thuế quan  mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ AFTA.

- Các chi phí hoạt động:  Cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh giá, phí các hàng hóa, dịch vụ nói trên nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu qủa hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác, cần nghiên cứu áp dụng thống nhất quy định về giá thuê đất, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng giữa đầu tư trong nước và ĐTNN; tiến tới bỏ quy định góp vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp Việt Nam để áp dụng chế độ cho thuê đất chung đối với mọi loại hình doanh nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp Việt Nam có đất là được tham gia góp vốn hợp tác đầu tư với nước ngoài.

 3.1.5. Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư và đảm bảo công nhận thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài:

 Theo quy định tại các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đặc biệt là Hiệp định thương mại đã ký với Hoa Kỳ, Việt Nam công nhận quyền khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài đối với cơ quan có thẩm quyền VN tại  toà án hoặc cơ quan tài phán hành chính VN.  Mặt khác, VN  cũng chấp nhận giải quyết tranh chấp theo quy tắc "trọng tài ràng buộc"  do nhà đầu tư HK lựa chọn hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên, gồm quy tắc trọng tài UNCITRAL, quy tắc của Công ước Washington năm 1965 (ICSID) hoặc Cơ chế phụ trợ của ICSID[34].  Hiện nay, Luật đầu tư nước ngoài đã công nhận quyền khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài đối với viên chức, cơ quan nhà nước có hành vi trái pháp luật, nhưng chưa quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Cơ chế này chỉ được thỏa thuận trong khuôn khổ các Hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Theo đó, VN chấp nhận đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại tòa hành chính, trọng tài UNCITRAL, ICSID hoặc bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào đã thỏa thuận trước với nhà đầu tư.  Ngoài ra, Nghị định thư của ASEAN năm 1996 về giải quyết tranh chấp đã quy định cơ chế giải quyết các tranh chấp kinh tế giữa các nước thành viên trên cơ sở các nguyên tắc của WTO.

Để đảm bảo thực hiện các cam kết nói trên, cần hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp và công nhận thi hành phán quyết của trọng  tài nước ngoài theo hướng sau:

- Nghiên cứu việc tham gia Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và công dân của nhà nước khác (ICSID). Khi tham gia Công ước này, VN cần bảo lưu một số ngoại lệ nhất định  (theo quy định của Công ước, quốc gia thành viên được quyền bảo lưu vùng lãnh thổ và/hoặc vấn đề không áp dụng cơ chế này).

- Sửa đổi Luật thương mại, Pháp lệnh về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại VN để đảm bảo thi hành toàn bộ các phán quyết của trọng tài nước ngoài  liên quan đến các giao dịch thương mại và đầu tư.

3.1.6. Các vấn đề khác:

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn  ĐTNN, cần giải quyết dứt điểm một số hạn chế liên quan đến việc sử dụng đất đai, quản lý ngoại hối, tuyển dụng lao động, chuyển giao công nghệ...không phù hợp với thông lệ quốc tế; cụ thể là:

- Về công nghệ, môi trường:

Theo quy định hiện hành, một số dự án đầu tư nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu chuyển giao công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm; hạn chế việc sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị cũ. Giá trị công nghệ dùng để góp vốn của bên nước ngoài trong liên doanh tối đa không vượt qúa 30% vốn pháp định. Các dự án đầu tư nước ngoài phải áp dụng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, trừ trường hợp được Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường chấp thuận. Theo đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, một số tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam cao hơn tiêu chuẩn của các nước phát triển.

Vì vậy, cần loại bỏ yêu cầu bắt buộc đối với việc chuyển giao công nghệ để cho phép nhà đầu tư tự quyết định vấn đề này với điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, an toàn lao động...phù hợp với nguyên tắc của WTO.

- Về  sử dụng đất đai:

Việc chậm cải tiến các chính sách, thủ tục về đất đai, đặc biệt là các qui định liên quan đến việc thế chấp quyền sử dụng đất...đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án đầu tư. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài đã cho phép doanh nghiệp ĐTNN được thế chấp tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất để bảo đảm vay vốn tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, thay vì chỉ được phép thế chấp tại tổ chức tín dụng Việt Nam như quy định trước đây. Quy định mới này là biện pháp quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ĐTNN tiếp cận nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả tổ chức tín dụng nước ngoài.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quy định  nói trên, cần sửa đổi Luật đất đai, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuế đất tại Việt Nam cho đồng bộ với quy định của Luật đầu tư nước ngoài, đồng thời xem xét phương án cho phép doanh nghiệp có vốn ĐTNN thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và  tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng cả ở trong và ngoài nước.

3.2. Mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư, tăng cường các biện pháp ưu đãi khuyến khích ĐTNN vào các lĩnh vực trọng điểm:

Các ưu đãi khuyến khích ĐTNN của Việt Nam được đánh giá là khá thông thoáng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trên, các nước trong khu vực  đã và đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng dành nhiều ưu đãi hơn cho ĐTNN nhằm vượt lên trên các nước khác, coi đó là giải pháp chiến lược để vượt qua khủng hoảng và phục hồi phát triển kinh tế. Chính điều này tạo sức cạnh tranh mạnh và là thách thức lớn với Việt Nam vì trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do  ASEAN (AFTA), các nhà đầu tư ngoài khu vực chỉ cần đầu tư ở các nước ASEAN khác có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn mà vẫn bán được hàng vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hệ thống ưu đãi của ta ít nhất phải bằng hoặc cao hơn các nước trong khu vực thì mới đảm bảo duy trì được sức cạnh tranh.

Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi khuyến khích mạnh mẽ ĐTNN vào các lĩnh vực và địa bàn trọng điểm theo những hướng chủ yếu sau:

- Khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn bằng các chính sách như miễn tiền thuê đất trong những năm đầu; áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất trong khung; đảm bảo hỗ trợ cân đối ngoại tệ trong toàn bộ qúa trình hoạt động của dự án; ưu đãi đặc cách cho các dự án tạo giống cây, giống con mới, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; bố trí một phần vốn ngân sách, vốn ODA để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; xử lý mối quan hệ dài hạn, cùng có lợi giữa doanh nghiệp và nông dân.

- Khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu bằng các biện pháp như: phân bổ hạn ngạch công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN; thực hiện bảo lãnh, cung cấp tín dụng để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; cải tiến mạnh mẽ các thủ tục xuất, nhập khẩu, hải quan...

- Dành ưu đãi đặc biệt khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ cho chương trình nội địa hóa. Trước mắt, cần rà soát biểu thuế nhập khẩu hiện hành nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thuế nhập khẩu, phụ tùng, linh kiện cao hơn thành phẩm.

- Tập trung nỗ lực thu hút ĐTNN để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có; nghiên cứu mở ra các hình thức tổ chức thu hút đầu tư mới như: xây dựng khu kinh tế đặc biệt, khu mậu dịch tự do, khu kinh tế cửa khẩu...; cho phép  có lựa chọn và với các điều kiện chặt chẽ các dự án ĐTNN trong một số ngành dịch vụ, kinh doanh thương mại....

Cùng với việc nghiên cứu ban hành các chính sách nói trên, để nâng cao hiệu qủa thu hút ĐTNN, cần xây dựng quy hoạch nguồn vốn này theo hướng gắn chặt với quy hoạch tổng thể các nguồn vốn đầu tư, quy hoạch phát triển từng lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm và địa bàn, đồng thời có tính đến việc bảo hộ hợp lý và có điều kiện các ngành công nghiệp trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế, chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

3.3. Cải tiến thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ĐTNN

Đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài không chỉ là yêu cầu của tất cả tổ chức kinh tế thế giới và khu vực mà còn là yêu cầu cấp bách đối với việc cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, cần tiến hành cải tiến thủ tục đầu tư và nâng cao hiệu quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo những hướng cơ bản sau:

- Mở rộng việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư và quản lý hoạt động ĐTNN cho UBND và Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh trên cơ sở duy trì quy hoạch thống nhất; nâng cao trách nhiệm và tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, các cơ quan cấp giấy phép đầu tư....

- Đồng thời với việc áp dụng cơ chế đăng ký đầu tư đối với một số dự án nhất định, cần công bố công khai mọi quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý các thủ tục ĐTNN nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về cải cách hành chính trong lĩnh vực này.

 

 

ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH CỦA PHÁP LUẬT THEO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ

TS: Vũ Đức Long

 

I- TÍNH MINH BẠCH CỦA PHÁP LUẬT THEO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ

Trong khoa học pháp lý Việt Nam, phạm trù tính trong sáng, tính dễ hiểu đã được các học giả để cập từ nhiều năm nay. Đây là một yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật, là tiền để để có một nền pháp chế với đúng nghĩa của nó, trong đó mọi người trong xã hội thực hiện đúng các quy định  của pháp luật.

Tuy nhiên, phạm trù tính minh bạch của pháp luật mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây, và trên thực tế thì vấn đề này được đặt ra cùng với quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Cho đến nay, các học giả Việt Nam cũng chưa có định nghĩa chính xác về phạm trù này. Vì vậy là khái niệm mới, lại phức tạp, hàm chứa nhiều yếu tố đa dạng nên chúng tôi chỉ nghiên cứu phạm trù từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tham khảo pháp luật Hoa Kỳ để khái quát hoá một cách tối đa khái niệm này và từ đó đề xuất các biện pháp minh bạch hoá pháp luật của nước ta theo cam kết của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tính minh bạch của pháp luật, theo chúng tôi, thể hiện ở các yếu tố sau:

- Trước tiên pháp luật phải được công khai, công bố định kỳ, kịp thời theo một quy trình được luật hoá, hợp lý về thời gian để mọi người có thể biết và thực hiện được. Chỉ có một hệ thống pháp luật công khai mới có thể tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận và dự liệu hành vi của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.

- Việc công bố văn bản quy phạm pháp luật phải đồng bộ, đầy đủ trên các phương tiện chính thức không chỉ nội dung các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật mà còn cả thông tin về ngày có hiệu lực của các biện pháp, các sản phẩm, dịch vụ, Cơ quan xét duyệt, tư vấn trong quá trình thực thi các biện pháp có liên quan đến kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng để người thực thi và áp dụng pháp luật có thể hình dung, hiểu được một cách tổng thể các yếu tố cấu thành của hệ thống pháp luật, các mắt xích đan xen giữa các định chế pháp luật, các biện pháp pháp lý.

- Các công dân, pháp nhân của Việt Nam và Hoa Kỳ được phép tiếp cận với hệ thống các dữ liệu pháp luật về nền kinh tế quốc dân, nhất là pháp luật ngoại thương trừ những dữ liệu thuộc bí mật quốc gia và các thông tin mật khác nếu như việc tiết lộ thông tin ấy có thể đi ngược lại lợi ích công cộng, phương hại quyền lợi thương mại của doanh nghiệp. Những hạn chế này không bao gồm những thông tin phải được công bố theo các điều ước đã ký kết trong khuôn khổ tổ chức thương mại thế giới.

- Trong điều kiện và mức độ cho phép công dân của mỗi bên ký kết này trên lãnh thổ bên ký kết kia có cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh (hoạt động thương mại theo nghĩa rộng). Việc tham gia này cần được cho phép ngay từ đầu, từ khi hình thành dự án văn bản quy phạm pháp luật. Đây là yếu tố đảm bảo để văn bản quy phạm pháp luật thể hiện được lợi ích chính đáng của các nhà kinh doanh, phản ánh đầy đủ nguyện vọng chính đáng của họ. Việc tham gia này có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức đa dạng, khác nhau.

- Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, chỉ văn bản quy phạm pháp luật được công bố và có sẵn để các Cơ quan, cá nhân có thể tiếp cận được mới có giá trị pháp lý bắt buộc. Thời hạn để mọi người tiếp cận, biết được trước khi chúng có hiệu lực cần được quy định thoả đáng, hợp lý. Nếu có yêu cầu được cung cấp văn bản thì sẽ được đáp ứng.

- Các quy định của văn bản quy phạm pháp luật phải được áp dụng thống nhất, vô tư, hợp lý, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

- Và cuối cùng, các bên phải có các Cơ quan tài phán hành chính, tư pháp có thể xem xét, sửa đổi nhanh chóng, kịp thời yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người bị ảnh hưởng bởi các quyết định hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Các biện pháp này bao gồm cả các quy định về thủ tục khiếu kiện đối với các quy định hành chính ra Cơ quan tư pháp mà không bị trừng phạt. Người khiếu kiện được nhận kết quả giải quyết khiếu kiện bằng văn bản và lý do khước từ quyền được khiếu kiện lên cấp Cơ quan tư pháp cao hơn.

Có thể nói rằng chỉ khi đảm bảo các yếu tố nêu trên thì pháp luật mới thực sự có tính minh bạch, đảm bảo thực thi cam kết quốc tế theo Hiệp định và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

II - SO SÁNH VỀ MỨC ĐỘ MINH BẠCH CỦA PHÁP LUẬT HOA KỲ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM.

Việc so sánh tính minh bạch của pháp luật Việt Nam với pháp luật Hoa Kỳ chỉ mang tính hết sức tương đối bởi vì Hoa Kỳ và Việt Nam là hai nước có truyền thống, văn hoá, pháp luật, trình độ phát triển khác nhau. Đây là hai nền văn hoá pháp lý dựa trên nhiều chuẩn mực khác nhau thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau. Do đó việc so sánh chỉ dừng ở một số điểm cơ bản nhất, từ đó gợi mở tiếp thu những tinh hoa, thành tựu của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ để áp dụng vào quá trình hoàn thiện pháp luật nước ta.

Cũng phải nói rằng thành tựu lập pháp, lập quy của Nhà nước ta trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là từ thời điểm ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất đáng khâm phục. Dần dần việc soạn thảo thông qua và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào quy củ đảm bảo thực thi trong đời sống xã hội, mang lại hiệu quả tích cực. Tính ổn định của pháp luật được nâng cao hơn. Tính cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện được thể hiện rõ nét hơn. Sự tham gia của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng được đảm bảo. Tuy nhiên sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, thiếu tính ổn định cao, mâu thuẫn nhau, quy định chung chung khi thực hiện… Là những yếu tố làm giảm tính minh bạch của pháp luật. Có thể so sánh với pháp luật Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực sau:

1. Công bố:

Ở Hoa Kỳ các luật lệ đều được công bố trên công báo hoặc các chuyên san chính thức trước thời hạn thực thi 1 tháng trở lên hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào tính phức tạp của văn bản quy phạm pháp luật được công bố. Vì Hoa Kỳ là nước có hệ thống pháp luật phát triển nên tính ổn định của pháp luật cao. Bản thân hiến pháp đã tồn tại trên 200 năm nhưng chưa lần nào bị sửa đổi trừ một số điều khoản bổ xung, trong đó có những điều khoản bổ sung lớn. Do đó nội dung chính của Hiến pháp vẫn được giữ nguyên nhưng do những bổ sung hợp lý tạo cho nó khả năng thích ứng với sự phát triển và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Cùng với sự ổn định của Hiến pháp, nhiều quan hệ pháp luật khác được thể chế hoá dưới hình thức luật. Mà Luật, về nguyên tắc có tính ổn định hơn nhiều so với các văn bản dưới luật khác. Trên phạm vi Liên bang có tập hợp các luật (Restatement of the law), trong đó bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và các quy tắc thống nhất (như trong lĩnh vực hợp đồng, sở hữu, bảo hiểm, tranh chấp tài sản…). Trên cơ sở của Tập hợp các luật, Hoa Kỳ ban hành Bộ luật của Hoa Kỳ (United States Code) và Bộ luật các quy tắc Liên bang (Code of Rederal Regulations). Bộ luật Hoa Kỳ bao gồm 50 phần theo nguyên tắc hệ thông hoá theo các chế định pháp luật lớn ví như: Phần thứ bẩy “Nông nhiệp”; Phần thức bốn mươi “Phát minh”; Phần thứ năm mươi “Chiến tranh và quốc phòng”. Bộ luật Hoa Kỳ này được ấn hành 06 năm một lần, trong đó bổ sung những luật mới.

Bộ luật các quy tắc Liên bang và tập hợp hệ thống hoá toàn bộ những văn bản quy phạm pháp luật do Tổng thống và các Cơ quan ban hành pháp Liên bang ban hành.

Vì Hoa Kỳ là Liên bang lên theo truyền thống, pháp luật của Liên bang và pháp luật Bang được phân định điều chỉnh những vấn đề khác nhau. Pháp luật Liên bang chủ yếu điều chỉnh các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính, quốc phòng, lao động, môi trường, hải quan, quan hệ thương mại, quyền sở hữu trí tuệ… Pháp luật của Bang chủ yếu điều chỉnh các vấn đề dân sự, hình sự, tố tụng, tổ chức và hoạt động của Toà án. Có không ít vấn đề cả pháp luật Liên bang lẫn pháp luật Bang đều điều chỉnh.

Một bộ phận rất quan trọng của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ là án lệ. Thông thường sau khi xét xử các bản án được đăng tải trong các tập án lệ. Ngoài nội dung của vụ việc kèm theo án lệ còn có bình luận của những nhà Luật nổi tiếng (Thẩm phán, Luật sư, Học giả). Trong thực tế, hàng trăm tập án lệ này là cẩm nang cho Thẩm phán, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác. Việc công khai hoá, đăng tải các án lệ là một trong những thành tựu của hệ thống luật án lệ (Common law) mà ngày nay đã được không ít nước theo hệ thống pháp luật lục địa (Civil law) áp dụng.

Ở Việt Nam, kể từ khi Luật ban hành quy phạm pháp luật ban hành (1997) đến nay, việc công bố luật và văn bản quy phạm pháp luật cũng dần dần đi vào quy củ. Tuy nhiên, việc đăng tải trên công báo còn thiếu, chưa đầy đủ, chậm, gây không ít khó khăn cho người áp dụng pháp luật. Do pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nên văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn chiếm đa số. Còn rất nhiều vấn đề chưa được luật hoá. Điều đó dấn đến sự ổn định của pháp luật chưa cao, không ít văn bản quy phạm pháp luật không được công bố trên Công bố tạp san chính thức chuyên ngành dẫn đến tính trạng người thực thi không có điều kiện tiếp xúc kịp thời, đầy đủ với văn bản, và do đó họ vi phạm mà không biết là vi phạm.

Đối với các bản án thì đến nay vẫn chưa được công bố, thậm trí tiếp cận được với các bản án, quyết định của Toà án là rất khó khăn. Đây là vấn đề cần được quan tâm.

2. Tiếp cận với dữ liệu pháp luật:

Do việc công bố văn bản quy phạm pháp luật và án lệ một cách quy củ nên việc tiếp cận của mọi cá nhân đối với văn bản quy phạm pháp luật và án lệ ở Hoa Kỳ khá giản đơn. Bên cạnh đó với đội ngũ trên dưới một triệu luật sư, gấp nhiều lần số lượng thẩm phán, người dân Mỹ và người nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ pháp lý, dịch vụ tư vấn để tiếp cận với hệ thống văn bản đồ sộ nói trên không mấy khó khăn, tất nhiên là phải chi phí khoản không nhỏ lệ phí tư vấn pháp luật.

Ở Hoa Kỳ mọi thể nhân, pháp nhân có quyền tiếp cận dữ liệu pháp luật, dữ liệu về nền kinh tế quốc dân và dữ liệu về hoạt động kinh tế của Công ty, về thương mại trừ những dữ liệu mật có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế của thương nhân, trái với lợi ích công cộng.

Đặc biệt, ngoài Tập hợp các luật, tập hợp các án lệ, người ta có thể dễ dàng tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật thông qua mạng Internet. Tuyệt đại đa số các văn bản quy phạm pháp luật kể cả các điều ước mà Hoa Kỳ ký kết với nước ngoài đều được đưa vào mạng Internet. Trong mạng này các văn bản cũng được sắp xếp theo trình tự, hệ thống để có thể dễ tra cứu.

Trong khi đó ở Việt Nam việc đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo, báo chí đã có những tiến bộ nhất định song còn hạn chế về số lượng, chất lượng và thời gian: Các văn bản pháp luật mới được đưa vào 3 mạng nội bộ: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ tư pháp với số lượng khoảng gần 200.000 văn bản. Như vậy, còn không ít văn bản chưa được truy cập vào mạng nội bộ. Trên thực tế thì 3 mạng này độc lập với nhau. Đã đến lúc cần được nối mạng thống nhất và tiêu chí truy cập Internet. Đây là vấn đề nan giải đòi hỏi phải đầu tư và công sức, tiền của. Hiện nay công suất sử dụng văn bản trên các mạng còn thấp, mới chỉ dừng chủ yếu ở các Cơ quan Trung ương, phục vụ các đối tượng hoạch định chính sách, nghiên cứu, xây dựng pháp luật.

3. Tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Một trong yêu cầu của minh bạch hoá pháp luật là phải tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của họ trong xã hội, đặc biệt là hoạt động thương mại. Nhà nước cần có cơ chế thích hợp, đảm bảo để công chúng có thể tham gia rộng rãi tích cực vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến họ.

Tại Hoa Kỳ các luật được thảo luận công khai tại hai viện của Quốc hội Mỹ theo một thủ tục, trình tự đảm bảo cho những người quan tâm có thể đến dự thính tại phiên họp của Nghị viện tranh luận về Dự án luật. Thông qua nhiều phương tiện, công cụ khác nhau, mỗi cá nhân có thể thể hiện ý kiến c thể về những luật lệ có liên quan. Những ý kiến này trong một chứng mực nhất định được cân nhắc trong quy trình soạn thảo, công bố văn bản quy phạm pháp luật.

Về hoạt động tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Trong thời gian gần đây Việt Nam có những tiến bộ nhất định. Nhiều dự án Luật pháp lệnh được đăng trên các báo để mọi cá nhân, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà nước ngoài khác có quyền đóng góp ý kiến. Đồng thời các Cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo cùng tổ chức lấy ý kiến của quần chúng về dự án luật pháp lệnh do mình soạn thảo. Trong quá trình soạn thảo, Cơ quan chủ trì soạn thảo có quyền mời chuyên gia từ nhiều bộ ngành khác nhau, đại diện của doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Đối với những luật quan trọng như: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật thuế VAT và nhiều luật quan trọng khác được đăng rất rộng rãi trên nhiều báo và dành thời hạn thích đáng để nhân dân đóng góp ý kiến. Các Cơ quan chủ trì soạn thảo đã cử những chuyên gia có kinh nghiệm xuống cơ sở thu nhập tổng hợp ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật để trình ban soạn thảo chỉnh lý dự án luật. Đây là những hoạt động mang lại hiệu quả rất hữu ích cho văn bản quy phạm pháp luật gắn với đời sống thực tế hơn và có khả năng thực thi cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, những hoạt động này mới chỉ triển khai được đối với một số văn bản luật, còn đối với nhiều văn bản khác chưa thể thực hiện được.

Đối với hoạt động thông qua Luật tại Quốc hội, trong những gần đây các phương tiện thông tin đại chúng nhất là với nguồn truyền hình đã truyền hình trực tiếp các cuộc thảo luận các Luật tại Quốc hội. Thông qua đó mọi người dân có thể theo dõi các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về các dự án luật. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạn hẹp nên Quốc hội chưa mở cửa cho nhân dân đến Hội trường để tham dự các cuộc thảo luận này. Mặc dù nếu tăng cường đường dây nóng để nhân dân có thể liên hệ trực tiếp với các Cơ quan giúp việc của Quốc hội thì sẽ khắc phục được điều bất cập nói trên.

4. Quyền kiểm tra, khiếu kiện:

Pháp luật chỉ có thể được thực thi đúng, đầy đủ và được tuân thủ nghiêm chỉnh khi có cơ chế đảm bảo quyền khiếu nại, khiếu kiện.

Ở Hoa Kỳ khiếu nại, khiếu kiện được áp dụng đối với mọi đối tượng từ người dân cho đến Tổng thống. Bất kỳ ai không thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đều có thể bị cá nhân, tổ chức khiếu nại, và bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều có thể bị khiếu kiện. Cơ chế khiếu nại được thực hiện trên bình diện tam quyền phân lập, tuy nhiên chức năng chính giải quyết khiếu nại thuộc về Cơ quan Hành pháp. Quyền khiếu kiện được đảm bảo hệ thống các Cơ quan Tư pháp gồm:

- Hệ thống Toà án:

+ Một Toà án Tối cao Liên bang: Gồm 09 Thẩm phán.

+ 11 Toà án phúc thẩm (10 Toà án được phân chia theo các khu vực và 01 Toà án thuộc Columbia).

+ 91 Toà án sơ thẩm (89 ở các Bang và 02 ở Đặc khu).

+ 03 Toà án chuyên biệt.

- Trọng tài:

* Hiệp hội Trọng tài Mỹ (gọi tắt là AAA) được thành lập năm 1926 là tổ chức có vị trí quan trọng trong hệ thống tài phán của Hoa Kỳ. Đây là tổ chức trọng tâm có uy tín trên trường Quốc tế. Chức năng của nó là giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế. Hiệp hội gồm 60.000 Trọng tài viên Hoa Kỳ và 1.000 Trọng tài viên nước ngoài. Khi Trọng tài giải quyết, nếu bên thua kiện không chịu tự nguyện thi hành quyết định của Trọng tài, bên thắng kiện có quyền yêu cầu Toà án kiểm tra, công nhận và cho thi hành quyết định này.

- Hệ thống luật sư:

Hoa Kỳ là nước có số lượng luật sư đông nhất thế giới trên 1 triệu luật sư. Đây là lực lượng hết sức hùng hậu, lớn gấp nhiều lần số lượng thẩm phán cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý, tố tụng theo yêu cầu của khách hàng. Luật sư là đối tượng rất quan trọng của hệ thống các Cơ quan Toà án.

Ở Việt Nam kể từ khi Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo được ban hành đã có ngày càng nhiều các vụ khiếu nại, tố cáo được giải quyết. Đặc biệt trong một vài năm trở lại đây, nhất là năm 2000 Chính phủ đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra của Chính phủ do các Bộ trưởng đứng đầu xuống địa phương để giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân. Đây là hoạt động thực sự mang lại hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Cơ quan chính quyền địa phương và giải quyết các khiếu nại, tố cáo đã tồn đọng nhiều năm nay. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra và giải quyết thống nhất, nếu không sẽ xa vào vụ việc có thiếu nhất quán, kém hiệu quả.

Hệ thống Toà án của Việt Nam được phân theo các khu vực hành chính gồm Toà án Tối cao, Toà án Nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và Toà án nhân dân Quận, Huyện. Tương ứng với mỗi Toà án, ở các cấp này đều có Viện kiểm sát nhân dân.

Với số lượng thẩm phán khoảng 3500 hiện nay nước ta còn thiếu khá nhiều, đặc biệt là thẩm phán có trình độ cao có khả năng cập nhật được những vấn đề rất mới, phức tạp như sở hữu trí tuệ, dịch vụ.

Hiện nay cả nước mới có khoảng gần 1500 luật sư. Đây là con số hết sức khiêm tốn mới bằng chưa đến một nửa số lượng thẩm phán. Các luật sư được phân theo Đoàn luật sư tại 61 Tỉnh thành. Cũng phải nói rằng đây là lực lượng rất mỏng, lại hoạt động chưa có hiệu quả cao; trong không ít trường hợp chỉ mang tính hình thức, nghề luật sư thực ra chưa phải là một nghề được xã hội tôn vinh.

Hệ thống Trọng tài Việt Nam cũng mới chỉ mới dừng lại ở Trọng tài quy chế, chưa có Trọng tài AD học. Các tổ chức Trọng tài còn hoạt động khá khiêm tốn, các vụ việc được đưa đến Trọng tài chưa nhiều. Không ít Trọng tài được thành lập nhất là ở địa phương thiếu việc làm và chưa thực sự có uy tín trong nhân dân. Cơ chế thực hiện quyết định của Trọng tài còn không ít vướng mắc trong trường hợp bên thua kiện không chịu thực thi quyết định của Trọng tài.

Do còn một số vấn đề vướng mắc về trình tự thủ tục về giải quyết khiếu nại, tố cáo và điều bất cập về tố tụng cũng như thiếu chuyên gia nên mặc dù có những tiến bộ nhất định song vừa giải quyết khiếu nại, khiếu kiện không tránh khỏi những hạn chế nhất định cần được nhanh chóng tháo gỡ.

III - ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

Từ những kinh nghiệm so sánh giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật Hoa Kỳ có thể rút ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo tính minh bạch của pháp luật nước ta.

1. Hoàn thiện hệ thống luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và sớm ban hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Đảm bảo các trình tự, thủ tục soạn thảo thông qua, công bố văn bản quy phạm pháp luật.

2. Nhà nước sớm ban hành pháp lệnh công báo nhằm đưa một số cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật lên công báo và các chuyên san chính thức khác để mọi người dễ tiếp cận.

3. Thể chế hoá quyền tiếp cận dữ liệu pháp luật và dữ liệu kinh tế thương mại. Hoàn thiện quy chế sử dụng tài liệu để một mặt bảo mật tốt, mặt khác phải tuyên truyền phổ biến những văn bản không thuộc diện quy chế mật để mọi người có thể biết và thi hành.

4. Sớm tiến hành biên tập công bố bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài. Trước mắt trong điều kiện hạn hẹp về tài chính và chuyên gia có thể lựa chọn biên tập công bố bản án quyết định trong một số lĩnh vực quạn trọng nhất, đặc biệt là kinh tế thương mại. Sau sẽ định kỳ công bố các tập án lệ. Nhanh chóng xây dựng mạng thông tin dữ liệu pháp luật Quốc gia thống nhất để đưa tất cả các văn bản quy phạm pháp luật lên mạng.

5. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ chuyên gia trong lĩnh vực soạn thảo, công bố văn bản quy phạm pháp luật cũng như các bản án quyết định của Toà án để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quy trình minh bạch hoá pháp luật, sử dụng những thành tựu của chuyên gia tin học và xây dựng mạng thông tin dữ liệu toàn quốc.

6. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện hệ thống Toà án Cơ quan Tư pháp khác để đảm bảo giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân và người nước ngoài.

Tóm lại: Minh bạch hoá pháp luật là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự lỗ lực phối hợp, sự quan tâm thích đáng của nhiều Cơ quan khác nhau. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và của các nước khác cần được nghiên cứu học hỏi nhằm tăng tốc quá trình minh bạch hoá pháp luật ở nước ta.

 

 

 

 

CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT  TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ.

                                                                   TS. Dương Thanh Mai

Ngày 12/3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (từ sau đây gọi tắt là Hiệp định). Trong Quyết định đó, về mặt tổ chức, Thủ tướng yêu cầu “Tất cả các Bộ, các ngành, các cấp và doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể để giải quyết, xử lý kịp thời mọi vấn đề, kể cả tranh chấp thương mại có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ”. Điều lưu ý đặc biệt về tranh chấp thương mại nhắc chúng ta nhớ đến một “cơn sóng gió” vừa xảy ra ngay trước và tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực pháp lý ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là thách thức  đối với một số doanh nghiệp  Việt Nam và cả các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong hoạt động xuất khẩu cá tra, basa mang nhãn hiệu thương mại catfish của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Dù sóng gió đã tạm lắng xuống, cá tra Việt Nam đã trở lại thị trường Mỹ với tên gọi mới Hypotra nhưng sự  khởi đầu nan mang bản chất của một tranh chấp liên quan đến việc thực hiện Hiệp định cả trong lĩnh vực thương mại lẫn sở hữu trí tuệ  đã giúp cho các doanh nhân và các luật gia Việt Nam nhận thức rõ hơn những thách thức về mặt pháp lý đang đặt ra cùng với mỗi cơ hội kinh tế trong quá trình thực hiện Hiệp định nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Vì vậy, việc tìm hiểu một cách thấu đáo những quy định của Hiệp định  là bước đầu tiên không thể thiếu để chúng ta rà soát, hoàn thiện pháp luật, áp dụng và thi hành đúng đắn pháp luật phù hợp với các chuẩn mực thương mại quốc tế. Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ từ góc độ tổng quan những quy định trong Hiệp định về giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật được áp dụng chung cho toàn bộ Hiệp định cũng như trong từng lĩnh vực cụ thể (thương mại hàng hoá, sơ rhữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và đầu tư ). Trên cơ sở đó bài viết cũng đề cập tới các văn bản pháp luật của Việt Nam chịu sự tác động và cần phải được xem xét sửa đổi cho phù hợp với những quy định về giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật của Hiệp định.

1. Khái niệm tranh chấp trong Hiệp định.

Các quy định liên quan đến tranh chấp, giải quyết tranh chấp được đề cập tại nhiều điều ở hầu hết các chương của Hiệp định nhưng không có quy định hay giải thích chung về thuật ngữ ‘Tranh chấp”, điều đó cho thấy phạm vi rộng, tính chất đa dạng, phức tạp của vấn đề. Điều dễ thấy là bản thân khái niệm “thương mại” trong Hiệp định đã không mang nội hàm hẹp như quy định về thương mại trong Luật thương mại của Việt Nam, vì vậy, để có cách nhìn thống nhất về phạm vi của tranh chấp, tranh chấp thương mại- tức là về phạm vi của chủ đề đang được bàn đến, chúng tôi xin chọn cách tiếp cận quy nạp từ các dạng cụ thể của tranh chấp.

1.1. Nhận dạng các tranh chấp được xác định trong Hiệp định.

Trước tiên, cần phải điểm danh các điều của Hiệp định đề cập tới tranh  chấp mà chưa đi sâu vào nội dung cụ thể.của từng loại tranh chấp.

 Điều 7, Chương I quy định trực tiếp “Tranh chấp thương mại “ và thuật ngữ này được giải thích tại khoản 4 Điều 9 “Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh giữa các Bên trong một giao dịch thương mại” mà “các Bên” thì đã được xác định ngay từ  Lời nói đầu là Chính phủ Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

  Điều 11, Chương II quy định về thực thi Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tuy không có định nghĩa rõ ràng như điều 7 nhưng vấn đề cốt lõi là các thủ tục (bao gồm các biện pháp và các chế tài) để ngăn chặn và chống lại một cách có hiệu quả việc xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Các điều 12, 13,14 trong khi quy định cụ thể các thủ tục dân sự, hành chính, hình sự có nhắc đến nhưng không đầy đủ các loại xâm phạm quyền SHTT như xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan (khoản 3 Điều 12), hành vi xâm phạm và làm hàng giả (khoản 4 Điều 12), các trường hợp cố ý làm giả nhãn hiệu hàng hoá và các hành vi xâm phạm các loại quyền SHTT khác một cách cố ý và nhằm mục đích thương mại (khoản 1, khoản 3 Điều 14).

Điều 4 và Điều 7, Chương III quy định các yêu cầu quản lý một cách hợp lý, khách quan, vô tư đối với các biện pháp tác động đến Thương mại dịch vụ , theo định nghĩa tại điều 11 thì “Biện pháp” bao gồm các luật, quy định, thể lệ, thủ tục, quyết định, hành vi hành chính hay dưới bất kỳ hình thức nào khác do các cơ quan chính phủ (trung ương và địa phương) và các cơ quan phi chính phủ khi thi hành các chức năng theo sự uỷ quyền của cơ quan chính phủ. Các biện pháp tác động có thể gây tranh chấp được cụ thể hoá như: việc cấp phép đối với việc cung cấp dịch vụ (khoản 2 Điều 4), các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật (mục A,k.2. Điều 4), các hạn chế đối với việc tiếp cận thị trường dịch vụ thương mại (khoản 2, Điều 6).

 

Điều 4, Chương IV quy định trực tiếp về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư. Các tranh chấp ở đây bao gồm cả các tranh chấp giữa các nhà đầu tư (các công ty và công dân) của các Bên với nhau (khoản1) và tranh chấp giữa nhà đầu tư của một Bên với Bên kia (với Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bên kia, thường là Bên tiếp nhận đầu tư).

Chương VI - Các quy định liên quan đến tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện  xác định các chuẩn mực và nguyên tắc chung trong việc công bố và áp dụng, thực thi  luật, các quy định và các thủ tục hành chính có tính áp dụng chung. Các chuẩn mực, nguyên tắc chung này liên quan đến giải quyết tranh chấp và bản thân việc không tuân thủ các chuẩn mực đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa các Bên.

1.2. Khái niệm tranh chấp, tranh chấp thương mại theo Hiệp định.

Từ việc nhận dạng các tranh chấp được đề cập đến trong Hiệp định, có thể tạm rút ra một số nhận xét sau:

Tranh chấp bao gồm tất cả những bất đồng phát sinh từ các quan hệ thương mại (thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ), quan hệ sở hữu trí tuệ và quan hệ  đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định;  những khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện về các hành vi xâm phạm các quyền  tự do thương mại, đầu tư, quyền SHTTđược các Bên bảo hộ theo Hiệp định.

Chủ thể của tranh chấp bao gồm  các công dân, công ty, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bản thân Chính phủ, các cơ quan phi chính phủ trong khi thực hiện các chức năng theo sự uỷ quyền của cơ quan chính phủ trong quá trình áp dụng, giải thích và thi hành pháp luật  để thực hiện Hiệp định.

Thủ tục pháp luật để giải quyết các tranh chấp theo Hiệp định bao gồm cả tố tụng dân sự, tố tụng thương mại, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự; các biện pháp  giải quyết tranh chấp có thể là biện pháp tư pháp, bán tư pháp hoặc phi tư pháp.

Từ những nhận xét trên có thể thấy rằng cần phải có cách tiếp cận mới đối với từng vấn đề, từng khái niệm trong Hiệp định, ví dụ ở đây là khái niệm tranh chấp và giải quyết tranh chấp, bởi vì những khái niệm này không hoàn toàn giống với quan niệm vốn quen thuộc trong hệ thống pháp luật quốc gia.

2. Các quy định chung về giải quyết tranh chấp theo Hiệp định .

 

2.1. Nguyên tắc đối xử quốc gia: các quy định về giải quyết tranh chấp thương mại tại các chương của Hiệp định đều đề cập trực tiếp tới nguyên tắc đối xử quốc gia, như khoản1 Điều 7 chương I, khoản1 Điều 3 Chương II, khoản1 Điều 7 Chương III và Điều 2,3,4 Chương IV.

Nguyên tắc đối xử quốc gia trong giải quyết tranh chấp thương mại đòi hỏi công dân và công ty của một Bên được dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử  dành cho công dân và công ty của Bên kia trong việc:

- Tiếp cận các thông tin về luật, quy định, thủ tục có tính chất dùng chung liên quan đến giải quyết tranh chấp; tiếp cận các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, bất đồng;

- Lựa chọn và sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý trong quá trình giải quyết tranh chấp

- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp, thủ tục giải quyết tranh chấp trong phạm vi Hiệp định và cho thi hành các bản án, phán quyết về giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực pháp lý theo quy định của Hiệp định và các điều ước quốc tế liên quan mà các bên đều là thành viên .

2.2. Nguyên tắc công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và việc thi hành pháp luật.

Chưong VI được dành riêng để quy định về tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Đối tượng phải công khai , minh bạch là các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung, bao gồm cả các quy định về tố tụng, các biện pháp tạm thời áp dụng trong quá trình  giải quyết tranh chấp.     

Nội dung và cách thức công khai, minh bạch các thông tin và biện pháp trên bao gồm:

-  Công bố định kỳ và kịp thời tất cả các luật, quy định, thủ tục, biện pháp có tính áp dụng chung cho các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia các hoạt động theo Hiệp định  phải được làm quen với chúng trước khi chúng có hiệu lực;

-  Tạo điều kiện  để Bên kia và công dân của Bên kia có cơ hội đóng góp ý kiến vào việc xây dựng luật, quy định, thủ tục hành chính có tính áp dụng chung có ảnh hưởng đến việc tiến hành các hoạt động theo Hiệp định.

 

- Các luật, quy định, thủ tục hành chính có tính áp dụng chung phải được đăng tại ít nhất một tạp chí chính thức, xuất bản định kỳ (điều 5) và chỉ sau khi đã được đăng toàn văn , được công bố và có sẵn cho mọi cá nhân, cơ quan tham gia hoạt động thương mại thì mới được thi hành và có khả năng thực thi (Điều 4).

2.3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật thống nhất, vô tư và hợp lý

 Điều 6 Chương VI quy định các Bên phải điều hành một cách thống nhất, vô tư và hợp lý tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng nhằm đạt được trên thực tế mục tiêu của Hiệp định là ‘thiết lập và phát triển quan hệ kinh tế và thương mại bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau”.  Với quy định này, các Bên sẽ không thể sử dụng  các tập quán hay các quy tắc thực tiễn không thành văn để làm mất đi tính thống nhất, vô tư và hợp lý của việc áp dụng và giải thích pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp, do đó ảnh hưởng đến việc các công dân, công ty của mỗi Bên được hưởng bình đẳng các quyền và lợi ích theo Hiệp định.

2.3. Quyền kiện lên cơ quan tư pháp những quyết định về khiếu nại theo thủ tục hành chính.

Khoản 4 điều 11 Chương II về thực thi quyền SHTT, điều 7 Chương VI đều yêu cầu mỗi Bên phải bảo đảm cho những người bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính có quyền khiếu nại ban đầu lên một cơ quan hành chính và sau đó được quyền tiếp tục kiện quyết định của cơ quan hành chính đó lên một cơ quan tư pháp. Kết quả và lý do của quyết định giải quyết khiếu kiện phải được thông báo cho người khiếu kiện.

2.4. Các ngoại lệ chung

Các ngoại lệ chung được hiểu là các biện pháp cần thiết khác với quy định chung mà một Bên được phép thông qua hoặc thi hành vì những mục đích và với những điều kiện rõ ràng, cụ thể trong Hiệp định.

Ngoại  lệ chung đầu tiên là việc một Bên được phép áp dụng các biện pháp được coi là cần thiết đề “bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu “của quốc gia, trong đó bao hàm việc không cung cấp các thông tin mà việc tiết lộ thông tin đó bị coi là trái với lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia..

Điều 1 Chương VII quy định một số ngoại lệ nhằm bảo đảm thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, xét xử và thi hành án liên quan đến, ví dụ như , việc ngăn cản một khoản chyển tiền với yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời (cưỡng chế thi hành án, thực hiện lệnh phong toả tạm thời tài sản ) hoặc yêu cầu việc chuyển tiền tài chính phải tuân thủ các thủ tục và quy định ngân hàng có tính tập quán vì mục đích bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, sự ổn định và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính quốc gia. Điều kiện áp dụng ngoại lệ này là  các thủ tục, tập quán đó không ảnh hưởng đến bản chất các quyền theo Hiệp định.

Trong mỗi chương của Hiệp định lại có những ngoại lệ  riêng áp dụng trong từng lĩnh vực và đối với từng quốc gia 

Các ngoại lệ dẫn chiếu được quy định trong Điều 3 liên quan tới các ngoại lệ chung của GATT (điều XX) và của GATS (điều XIV).

3. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực Thương mại hàng hoá.

* Nguyên tắc đối xử quốc gia được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại hàng hoá đặt ra ba yêu cầu:

- Công dân và công ty của một Bên được tiếp cận tất cả các toà án và cơ quan hành chính có thẩm quyền tại lãnh thổ của Bên kia với tư cách là nguyên đơn,bị đơn hoặc những nguời liên quan khác;

- Các cơ quan hành chính và tư pháp của một Bên không được ban hành, áp dụng các văn bản, thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng tư pháp làm cản trở công dân và công ty của Bên kia được hưởng các quyền giống như công dân và  công ty nước mình.

Công dân và công ty của một Bên không được đòi miễn trừ bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào, không được hưởng quyền miễn bị kiện hoặc miễn thực hiện quyết định của toà án, trọng tài

  • Cơ chế giải quyết tranh chấp: Hiệp định yêu cầu các Bên khuyến khích việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp (khoản 1). Sự lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài được các bên đưa vào thoả thuận (trong hợp đồng hoặc bằng văn bản thoả thuận riêng (khoản 2). Các bên có thể thoả thuận chọn bất kỳ Quy tắc trọng tài nào đã được quốc tế công nhận (khoản 3). Nếu các bên không có thoả thuận khác thì địa điểm trọng tài được lựa chọn tại một nước thứ 3 không phải là Hoa Kỳ hay Việt Nam với điều kiện nước đó phải là thành viên của Công ước New York.

     Các bên tranh chấp có quyền lựa chọn những hình thức giải quyết tranh chấp khác không phải là trọng tài mà các bên mong muốn và cho là phù hợp nhất với các nhu cầu cụ thể của mình (khoản 5).

 

  • Công nhận và thi hành phán quyết trọng tài: Mỗi Bên bảo đảm một cơ chế hiệu quả để công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài (trong nước hoặc nước ngoài).

 

4. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.

Vấn đề áp dụng pháp luật trong lĩnh vực “bảo hộ, hưởng và thực thi các quyền SHTT” chiếm vị trí rất quan trọng trong Chương II.

Yêu cầu chung đối với các thủ tục thực thi quyền SHTT là đúng đắn, công bằng, không quá tốn kém , không có những giới hạn bất hợp lý về thời gian hoặc sự chậm trễ không chính đáng.

Yêu cầu đối với quyết định giải quyết các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT: quyết định chỉ dựa trên các chứng cứ mà các bên liên quan đã có cơ hội trình bày ý kiến; quyết định phải bằng văn bản có nói rõ lý do và căn cứ; được sẵn sàng cung cấp cho các bên tham gia vụ kiện với thời gian không quá chậm;

4.1. Thủ tục và chế  tài dân sự (Điều 12).

Về cơ bản, các thủ tục trong tố tụng dân sự quy định tại Hiệp định không xa lạ với pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ.: quyền của các đương sự được thông báo đầy đủ, chi tiết về vụ kiện; quyền chứng minh yêu cầu của mình và đưa ra chứng cứ liên quan; quyền được có luật sư độc lập đại diện; quyền tranh luận, trình bày ý kiến về chứng cứ…

Các chế tài: buộc chấm dứt sự xâm phạm ; buộc phải trả cho người có quyền bị xâm hại một khoản bồi thường thoả đáng để đền bù thiệt hại, trả lợi nhuận mà người xâm phạm đã thu được  từ hành vi xâm phạm; phải trả các phí bao gồm cả phí hợp lý thuê luật sư ; nếu một bên đã lạm dụng các biện pháp thực thi như cưỡng chế hoặc ngăn cản sai trái, gây thiệt hại cho bên kia thì phải trả các phí cho bên bị thiệt hại.

4.2. Các biện pháp tạm thời (điều 13)

Mỗi Bên cho phép các cơ quan tư pháp của mình được “ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời một cách kịp thời và có hiệu quả” với mục đích ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT và bảo vệ chứng cứ liên quan đến hành vi đang bị kiện là xâm phạm

Thủ tục: người có quyền đang bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm nộp đơn (có đủ chứng cứ kèm theo) yêu cầu cơ quan tư pháp ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời  đồng thời phải nộp một khoản bảo chứng đủ để bảo vệ lợi ích của bị đơn và ngăn ngừa sự lạm dụng; cơ quan tư pháp phải thông báo một cách không chậm trễ ngay sau khi biện pháp được thực hiện; cơ quan tư pháp phải huỷ bỏ hoặc đình chỉ lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời nếu có các lý do như : vụ việc giải quyết đã không được bắt đầu sau một thời gian hợp lý do luật quốc gia quy định hoặc không 20 ngày làm việc hoặc 31 ngày lịch nếu luật không quy định thời hạn.

Chế tài: người nộp đơn phải bồi thường thiệt hại do việc áp dụng các biện pháp tạm thời gây ra nếu sau đó toà án thấy rằng không có sự xâm phạm hay không có nguy cơ xâm phạm quyền SHTT; nếu lệnh áp dụng biện pháp tạm thời bị huỷ bỏ, đình chỉ do thiếu sót của người nộp đơn.

4.3. Thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt

Mỗi Bên phải đưa vào pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của nước mình những quy định liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT một cách nghiêm trọng, cố ý và nhằm mục đích thương mại .

Hình phạt : phạt tù, phạt tiền hoặc cả hai ; giữ tịch thu, tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và các nguyên liệu, phương tiện có công dụng chủ yéu để thực hiện tội phạm.

4.4.Thực thi quyền SHTT tại biên giới (điều 15)

Đây là một điều tương đối mới và được quy định rất chi tiết trong Hiệp định. Mỗi Bên phải có các quy định về thủ tục cho phép người có đủ căn cứ nghi rằng quyền SHTT của mình đang bị xâm phạm đề nghị các cơ quan hành chính hay tư pháp có thẩm quyền yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc thông quan đưa hàng hoá đó vào lưu thông tự do . Các quyền SHTT được bảo hộ theo cách này là quyền tác giả hoặc quyền liên quan, quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, mạch tích hợp hoặc bí mật thương mại.

Các thủ tục được quy định rất chi tiết tại điều 15 và về cơ bản là được chọn lọc, mô phỏng theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của SHTT (TRIPS) của WTO.

5. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại dịch vụ

Vấn đề gây tranh chấp ở đây lại chủ yếu liên quan đến các biện pháp, quyết định hành chính ảnh hưởng tới thương mại dịch vụ. Theo Hiệp định, các quyết định hành chính đó phải được các cơ quan hành chính, tư pháp, trọng tài của mỗi bên  xem xét lại một cách vô tư và khách quan với điều kiện không trái với cơ cấu Hiến pháp hay đặc điểm của hệ thống pháp luật mỗi bên..

Phạm vi các tranh chấp được giới hạn ở các lĩnh vực dịch vụ mà mỗi Bên đưa ra cam kết trong Phụ lục (ví dụ, Phụ lục G Việt Nam), trong đó chủ yếu là liên quan đến việc chậm ra quyết định cấp  phép hoặc chậm cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng nộp đơn xin cấp phép; việc đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp hay kỹ thuật một cách không khách quan, minh bạch , “nặng nề hơn mức cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ” hoặc thủ tục cấp phép không tạo ra sự hạn chế cho thương mại dịch vụ. Các bên phải ban hành đầy đủ các quy định về thủ tục kiểm tra năng lực chuyên môn của các nhà cung cấp dịch vụ nghề nghiệp trong các lĩnh vực mà mỗi bên đã cam kết. Việc đánh giá các tiêu chuẩn mà một Bên đưa ra phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức quốc tế liên quan.

6. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư.

Điều 4 Chương IV quy định tập trung về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư. Ngoài nguyên tắc đối xử quốc gia, trong lĩnh vực đầu tư, Hiệp định còn yêu cầu mỗi Bên không được áp dụng ngoại lệ khu vực trong đối xử với các khoản đầu tư của Bên kia, cụ thể là Hoa Kỳ không được đối xử với khoản đầu tư của Việt Nam kém thuận lợi hơn so với các thành viên NAFTA còn Việt Nam đối xử với các khoản đàu tư  của Hoa Kỳ thì không kém thuận lợi hơn so vơí AIA (khu vực đầu tư ASEAN).

Tại điều 4 có hai loại tranh chấp :

- Tranh chấp đầu tư giữa một Bên với nhà đầu tư của Bên kia. Ví dụ, đó là tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và công dân hay công ty của hoa Kỳ phát sinh hoặc có liên quan tới việc chấp nhận đầu tư, thoả thuận đầu tư hay sự vi phạm bất kỳ quyền nào được quy định tại chương IV, Phụ lục H, các thư trao đổi và các điều 1, 4 của chương VII, liên quan đến khoản đầu tư theo Hiệp định này. Để giải quyết tranh chấp loại này, các bên có thể thoả thuận lựa chọn nhiều phương thức khác nhau: Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (ISCID) sau khi Việt Nam tham gia ISCID ; sử dụng cơ chế phụ trợ của Trung tâm ISCID vì cơ chế này chỉ đòi hỏi một trong hai nước đã là thành viên ISCD hoặc theo quy tắc trọng tài của UNCITRAL…Các bên cũng có thể đưa vụ việc ra trước toà án tư pháp hay tài phán hành chính của một Bên hoặc bất cứ thủ tục giải quyết nào được thoả thuận trước.

- Tranh chấp giữa các nhà đầu tư và đối tác đầu tư của hai Bên.

Điều rát đáng quan tâm là khoản 3B quy định mặc dù tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại trọng tài thì nhà đầu tư vẫn có quyền đề nghị Toà án hoặc cơ quan hành chính của Bên kia áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tạm thời nhằm bảo toàn các quyền và lợi ích của mình. Điều này đòi hỏi phía Việt Nam phải sớm bổ sung, hoàn thiện pháp luật về trọng tài trong đó giải quyết mối quan hệ hỗ trợ của toà án đối với trọng tài theo cách phù hợp với quy định này của Hiệp định

Giá trị của phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Việc côngnhận và thi hành phán quyết trên lãnh thổ mỗi Bên do luật quốc gia của Bên đó điều chỉnh. Mỗi Bên phải thực hiện không chậm trễ các quy định của phán quyết, điều đó đòi hỏi mỗi Bên phải có thủ tục đảm bảo thực thi yêu cầu này.

7. Giải quyết tranh chấp giữa các Bên trong việc  giải thích và áp dụng Hiệp định.

Điều 5 chương VII quy định về cơ chế tham vấn nhanh chóng để giải quyết các tranh chấp giữa hai chính phủ, cụ thể là để thảo luận bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này và các khía cạnh liên quan khác trong quan hệ hai bên .

Uỷ ban hỗn hợp về phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa  hai Bên tạo ra kênh thích hợp để các Bên tiến hành tham vấn.

8. Một số  vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong việc thực thi các quy định về giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.

Về thể chế: Qua việc phân tích ở phần trên có thể thấy rằng, để đáp ứng được các yêu cầu mà Hiệp định đặt ra trong việc giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh trong thực tiễn thi hành Hiệp định, vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực thương mại thế giới có tính đến những điều kiện đặc thù và trình độ phát triển kinh tế- xã hội cụ thể  của nước ta. Trước mắt, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật cần tập trung vào các nhóm sau:

- Các văn bản liên quan đến yêu cầu về thực thi quyền SHTT như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự , Luật Hải quan ….

- Các văn bản về tố tụng tư pháp : Bộ luật TTDS, các Pháp lệnh về giải quyết các vụ án kinh tế, hành chính, lao động, Bộ luật TTHS cùng các luật tổ chức , hoạt động của các cơ quan tư pháp (toà án, kiểm sát, điều tra, thi hành án)  và các văn bản về các trình tự thủ tục hành chính  như Luật khiếu nại tố cáo (theo hướng đảm bảo quyền của công dân, công ty Việt Nam và Hoa Kỳ được khiếu kiện cuối cùng tại toà án đối với các quyết định hành chính);

- Các văn bản liên quan đến quy trình lập pháp, lập quy, việc công bố, thông tin pháp luật theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, như sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo sự tham gia của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản ngay từ khâu dự thảo văn bản và đảm bảo các văn bản chỉ có hiệu lực thi hành sau khi đã được đăng tải công khai trên Công báo của Chính phủ.

- Các văn bản liên quan đến việc thiết lập và đảm bảo hiệu quả, hiệu lực  của các cơ chế , phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tư pháp  như  trọng tài, hoà giải , thương lượng, trung gian phù hợp với các chuẩn mực và tập quán thương mại quốc tế, ví dụ  như Luật/Pháp lệnh  trọng tài  theo hướng đảm bảo hiệu lực thi hành các phán quyết trọng tài và đảm bảo mối quan hệ hỗ trợ  giữa toà án và trọng tài, các văn bản liên quan đến việc Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về trọng tài, trong đó có Công ước ISCID

Về tổ chức thực hiện: trong rất nhiều vấn đề phải làm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực tế của hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp , theo chúng tôi cần tập trung trọng tâm trước mắt vào :

Tăng cường công tác thông tin và PBGDPL đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài khi tiếp cận hệ thống pháp luật và các thiết chế giải quyết tranh chấp; hoàn thiện và đưa vào khai thác  Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia (bằng tiếng Việt và tiếng Anh)

Cải cách tổ chức các cơ quan hành chính và tư pháp theo hướng dễ tiếp cận, gần dân, công khai và minh bạch hoạt động , kể cả việc công khai các bản án.

Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ các chức danh tư pháp cả trong khu vực nhà nước lẫn các nghề luật tự do như trọng tài viên, luật sư, giám định viên, chấp hành viên về trình độ chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học theo hướng đảm bảo cho quá trình  tố tụng ngày càng công khai, việc xét xử dựa trên tranh tụng bình đẳng, dân chủ, công khai, phù hợp với các chuẩn mực thương mại quốc tế.

 

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - HOA KỲ VÀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI MÀ HOA KỲ KÝ VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU

VÀ LIÊN XÔ CŨ

 

TS: Vũ Đức Long

          Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 13/07/2000 Hiệp định thương mại đồ sộ nhất so với các Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ đã ký kết với các nước trong đó có một số nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Đây là Hiệp định thể hiện chủ trương “Chủ động tham gia hội nhập quốc tế” của Đảng và Nhà nước1 ta mở ra một khả năng mới để phát triển quan hệ hai nước phục vụ lợi ích của nước ta, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cần phải xử lý2 và những thách thức to lớn đối với nền kinh tế, thể chế xã hội và hệ thống pháp luật nước ta. Đồng thời việc ký kết Hiệp định này là cơ hội thuận lợi để chúng ta bước được một chân vào quá trình gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, khắc phục sự tụt hậu so với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

          So sánh Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ ký với các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô cũ sẽ giúp làm sáng tỏ những điểm mạnh, điểm yếu trong hợp tác thương mại giữa nước ta và Hoa Kỳ, cũng như tham khảo kinh nghiệm quý báu của các nước trong việc ký kết Hiệp định và hoàn thiện pháp luật trong nước để thực thi Hiệp định.

          1. Đánh giá chung.

          Hiệp định thương mại mà ta ký với Hoa Kỳ là Hiệp định đồ sộ nhất với 150 trang bao quát 04 lĩnh vực thương mại quan trọng là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại sở hữu trí tuệ và đầu tư trên cơ sở các nguyên tắc, chuẩn mực của Tổ chức thương mại thế giới. Kể cả trong chương V “Tạo điều kiện cho kinh doanh” và chương VI “Các quy định liên quan tới tính minh bạch, công khai và quyền khiếi kiện” là những chương bao quát tổng thể các vấn đề để đảm bảo tự do thương mại, ít thấy ở các Hiệp định thương mại khác, mà Hoa Kỳ ký với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.

          Các Hiệp định thương mại với những nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô (cũ) chủ yếu được ký trước khi WTO thành lập. Sau khi WTO thành lập năm 1995, Hoa Kỳ chỉ ký Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư và một số tuyên bố chung về phát triển quạn hệ thương mại. Do đó, hầu như các Hiệp định thương mại chủ yếu chỉ bó khung trong các quan hệ thương mại đối với hàng hóa hữu hình cũng như những dịch vụ kèm theo, nhưng cũng có một số điều khoản mở rộng hơn về tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch hoá pháp luật về chính sách, quyền khiếu kiện… Tuy nhiên, những quy định này tương đối chung chung, không cụ thể như Hiệp định mà Hoa Kỳ ký với ta. Theo số liệu năm 2001 các nước Đông Âu và Liên Xô đã ký với Hoa Kỳ những Hiệp định sau:

Anbani        Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 14/05/1992.

                   Hiệp định đầu tư song phương 04/01/1998.

Bungari      Hiệp định về quan hệ thương mại 22/01/1991.

Hiệp định đầu tư song phương 02/06/1994.

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ 06/07/1994.

Cộng hoà Séc: Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 12/04/1990.

Hiệp định đầu tư song phương 19/12/1992.

Estônia       Hiệp định đầu tư song phương 16/02/1997.

Hungari     Hiệp định về quan hệ thương mại 07/071978.

Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 29/09/1993.  

Moldova    Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 02/07/1992.

                   Hiệp định đầu tư song phương 25/11/1994.

Balan                   Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 03/04/1992.

                   Hiệp định đầu tư song phương 15/01/1994.

Rumani      Hiệp định thương mại về đãi ngộ tối huệ quốc và không phân

biệt đối xử 15/01/1992.

Nga            Hiệp định thương mại về đãi ngộ tối huệ quốc và không phân

biệt đối xử 17/06/1992.

                   Bản ghi nhớ chung về tiếp cận thị trường máy bay 30/01/1996.

                   Trao đổi công hàm về Hiệp định thương mại dệt, may và sản

phẩm dệt may 15/12/2000.

Slovakia     Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 12/041990.

                   Hiệp định đầu tư song phương 19/12/1992.

Ucraina      Hiệp định về quan hệ thương mại song phương 23/06/1992.

                   Hiệp định đầu tư song phương 16/11/1996.

                   Hiệp định về thương mại và dệt may và sản phẩm dệt may 1997.

Udơbekista: Hiệp định về quan hệ thương mại  song phương 13/01/1997.

          Trong số các Hiệp định thương mại mà các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô (cũ) ký với Hoa Kỳ thì Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Bungari và Hoa Kỳ là Hiệp định quy định toàn diện, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, Hiệp định này cũng ghi có 17 điều và 1 Thư trao đổi. Còn lại các Hiệp định khác chủ yếu đề cập đến thương mại hàng hoá giống như nhiều Hiệp định thương mại ký vào những năm 70 - 80. Nhìn chung, các Hiệp định thương mại này chỉ quy định chủ yếu thương mại hàng hoá theo Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT 1947).

          Trong thực tiễn ký kết Hiệp định thương mại của Hoa Kỳ, thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là Hiệp định thương mại đồ sộ nhất mà Hoa Kỳ đã ký với trên dưới 130 nước. Đây là Hiệp định được ký theo các tiêu chuẩn của WTO, tức là bao gồm không chỉ thương mại hàng hoá còn cả thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ và nhiều phụ lục về các ngoại lệ, lộ trình mở cửa, các thư trao đổi nhằm làm rõ thêm một số điều khoản của Hiệp định.

          Có  thể nói rằng, Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ ký với các nước sau khi WTO thành lập khác hẳn về chất so với các Hiệp định mà Hoa Kỳ ký trước đó, bao gồm cả những Hiệp định mà Hoa Kỳ ký với những nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi.

          Trong phần 2, chúng tôi chỉ xin so sách Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ.

          2. So sánh nội dung Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ.

          a. Về cơ cấu:

          - Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ gồm 17 điều, không được cơ cấu theo chương, trong đó:

Điều 1: “Đãi ngộ tối huệ quốc và không phân biệt đối xử”.

Điều 2: Tiếp cận thị trường hàng hoá và dịch vụ.

Điều 3: Nghĩa vụ chung về thương mại.

Điều 4: Mở rộng và khuyến khích thương mại.

Điều 5: Cơ quan thương mại Chính phủ.

Điều 6: Tạo điều kiện cho kinh doanh.

Điều 7: Minh bạch hoá.

Điều 8: Các quy định về tài chính liên quan đến thương mại hàng hoá và dịch vụ.

Điều 9: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 10: Các lĩnh vực hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong tương lai.

Điều 11: Bảo hộ nhập khẩu

Điều 12: Giải quyết tranh chấp.

Điều 13: An ninh quốc gia.

Điều 14: Tham vấn.

Điều 15: Định nghĩa.

Điều 16: Các ngoại lệ chung.

Điều 17: Hiệu lực, thời hạn, đình chỉ và kết thúc.

Phụ lục: Công hàm do Đại diện thương mại Hoa Kỳ gửi Đại sứ Bungari tại Hoa Kỳ, 22/04/1991.

Trong khi đó thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được chia thành các chương và nhiều phụ lục chi tiết.

Chương 1: Thương mại hàng hoá, gồm 09 điều.

Chương 2: Quyền sở hữu trí tuệ, gồm 18 điều.

Chương 3: Thương mại dịch vụ, gồm 11 điều.

Chương 4: Phát triển quan hệ đầu tư, gồm 15 điều.

Chương 5: Tạo thuận lợi cho kinh doanh, gồm 3 điều.

Chương 6: Các quy định liên quan đến tính minh bạch, công khai quyền khiếu kiện, gồm 8 điều.

Chương 7: Các điều khoản chung, gồm 8 điều.

Hai công hàm trao đổi (Một công hàm do phía Việt Nam gửi Hoa Kỳ), một Công hàm do phía Hoa Kỳ gửi cho Việt Nam và Hai thư trao đổi (Việt Nam - Hoa Kỳ).

8 Phụ lục:

Phụ lục A (Việt Nam) ngoại lệ về đối xử quốc gia.

Phụ lục B (Việt Nam) về lộ  trình cắt giảm thuế.

Phụ lục F (Việt Nam - Hoa Kỳ)  về dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân, viễn thông và tài liệu tham chiếu về viễn thông.

Phụ lục G (Hoa Kỳ ) về ngoại lệ của Điều 2 và lộ trình cam kết thương mại dịch vụ cụ thể.

Phụ lục G (Việt Nam) về lộ trình cam kết thương mại dịch vụ cụ thể.

Phụ lục H (Hoa Kỳ) Ngoại lệ của đối xử quốc gia trong đầu tư.

Phụ lục I (Việt Nam - Hoa Kỳ) về Danh mục minh hoạ các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại.

Có thể nói rằng chỉ xem xét về hình thức cấu trúc, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều so với Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ. Hiệp định Bungari - Hoa Kỳ lại mang dáng dấp của GATT, còn Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ mang dáng dấp của WTO (có thể chiếm gần 70% cam kết của một nước thành viên WTO).

b. Về nội dung:

- Với những quy định cụ thể chi tiết, các phụ lục quy định các ngoại lệ cụ thể trong từng lĩnh vực, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ hàm chứa các chuẩn mực quy định của WTO (thương mại theo hướng tổng thể). Trong khi đó thì Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ lại hàm chứa các chuẩn mực của GATT (thương mại theo hướng đơn giản hơn, tức là chỉ thương mại hàng hoá). Đây là điểm khác biệt cơ bản bao trùm nhất, khái quát nhất giữa hai Hiệp định thương mại này.

- Sự khác biệt về nội dung Hiệp định được tiên định ngay trong Lời nói đầu. Nếu trong Lời nói đầu Hiệp định Bungari - Hoa Kỳ chỉ quy định chung chung mục đích của Hiệp định là nhằm hướng tới sự phát triển của quan hệ thương mại, phát triển các thiết chế của nền kinh tế thị trường…thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngoài những mục đích nêu trên còn xác định rõ thực trạng đối tác quan hệ. Cụ thể là ghi nhận rằng, Việt Nam là một nước đang phát triển, có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đang tiến hành các bước hội nhập và kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có việc tham gia ASEAN, khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), và đang tiến tới trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Và như vậy, với tư cách là nước đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi, trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ (một nước công nghiệp phát triển) Việt Nam có quyền được Hoa Kỳ dành cho quy chế đãi ngộ ưu đãi (GSP và GSTP) .

- Về nội dung các điều khoản cụ thể Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ chỉ để cập chung chung đến thương mại hàng hoá và các dịch vụ kèm theo thương mại hàng hoá. Riêng điều 9 về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ quy định mang tính tuyên ngôn rằng: “Mỗi bên ký kết sẽ bảo hộ đầy đủ, thoả đáng và đảm bảo thực thi Patent, nhãn hiệu thương phẩm, quyền tác giả, bí mật thương mại và mẫu thiết kế”. Thực ra đây là quy định về sở hữu trí tuệ nhưng lại liên quan trực tiếp đến thương mại hàng hoá.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ quy định không chỉ thương mại hàng hoá, mà còn cả thương mại dịch vụ (ngoài dịch vụ liên quan đến hàng hoá còn cả những dịch vụ không liên quan đến hàng hoá), các khía cạnh thương mại của đầu tư, các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ. Như vậy, bản thân khái niệm thương mại ở đây rất rộng, vượt ra ngoài phương diện thương mại hàng hoá hữu hình thuần tuý. Đặc biệt nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và nguyên tắc đãi ngộ quốc gia là hai nguyên tắc xuyên suốt cả các lĩnh vực hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

- Riêng đối với cơ chế đảm bảo với ba chương 5, 6, 7 Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ đưa ra cơ chế hoàn thiện hơn nhiều để đảm bảo thực thi các quy định của 4 chương. Trong khi đó Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ chỉ có 8 điều từ Điều 10 đến Điều 17, quy định về cơ chế đảm bảo thực thi thương mại hàng hoá.

- Đặc biệt, trong các điều khoản đảm bảo cần phải nhấn mạnh đến các yêu cầu về tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện. Trong Hiệp định thương mại Bungari - kh chỉ có một Điều (Điều 7), gồm 3 khoản quy định vô nghĩa về nghĩa vụ chung của hai bên ký kết trong đảm bảo tính minh bạch của pháp luật thì Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ dành cả một chương, trong đó có 8 điều quy định rất chi tiết, cụ thể về tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện. Đây là những yêu cầu rất cao đối với nước ta. Bởi vì để đảm bảo thực thi các quy định của Hiệp định về tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện, các cơ quan pháp luật phải có chiến lược hoàn thiện pháp luật, đầu tư rất lớn sức người lẫn tiền bạc.

- Về phụ lục, Hiệp định tim Việt Nam - Hoa Kỳ có rất nhiều phụ lục quy định cụ thể các ngoại lệ, lộ trình cam kết cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng mặt hàng, từng loại dịch vụ. Chính lộ trình cam kết này sẽ tạo điều kiện thực hiện mục tiêu mà Hiệp định đề ra là Hoa Kỳ đối xử với Việt Nam như là một nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi.

Có thể nói tóm lại một cách ngắn gọn là Hiệp định thương mại Bungari - Hoa Kỳ thực chất hàm chứa nội dung của chương I “Thương mại hàng hoá ” của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Còn các quan hệ về đầu tư, sở hữu trí tuệ thì được đề cập trong hai Hiệp định riêng rẽ, đó là Hiệp định đầu tư  song phương 02/06/1994 và Hiệp định về quyền sở hữu, trí tuệ 06/07/1994. Riêng phần dịch vụ (theo nghĩa rộng của WTO) thì giữa Bungari và Hoa Kỳ chưa có cam kết.

Kết luận.

Hiệp định thương mại Hoa Kỳ được ký kết trong giai đoạn tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, nhất là xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển rất mạnh mẽ của pháp luật thương mại thế giới. Chính vì thế mà các cam kết trong Hiệp định vừa cụ thể, rõ ràng, nặng nề hơn với những lộ trình chi tiết. Đây là những điểm khác căn bản giữa Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với các Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ ký với các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô (cũ) sau khi hệ thống XHCN sụp đổ. Với cơ chế thực thi rất khắt khe, việc thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam  - Hoa Kỳ đặt ra nhiều nghĩa vụ nặng nề đối với Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi được đối xử như là nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi, Việt Nam đồng thời phải gánh vào những nghĩa vụ mới phát sinh từ việc cam kết theo tiêu chuẩn, quy tắc của WTO.

So sánh với các Hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ đã ký với các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) để thấy tính phức tạp, tính tổng thể, toàn diện của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ đó nhận định đúng những thuận lợi và thách thức đang đặt ra đối với nước ta. Việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới là công việc rất đồ sộ mà các bộ, ngành Trung ương cũng như các cơ quan chính.

Việc xây dựng cơ chế pháp luật hữu hiệu để thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định này đối với các nước khác (theo nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc) đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của hầu như tất cả các cơ quan Nhà nước. Đây thực sự là cơ hội, vừa là thách thức đối với nước ta trên con đường gia nhập WTO và chủ động hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

 

 

 

SO SÁNH

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VIỆT - MỸ

HIỆP ĐỊNH MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG MỸ-TRUNG VỀ VIỆC TRUNG QUỐC GIA NHẬP WTO

 

Phòng Bắc Mỹ- Vụ Âu Mỹ

Ghi chú:

Trong bài viết này, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam Hoa Kỳ được gọi tắt là Hiệp định Việt-Mỹ; Hiệp định mở cửa thị trường Mỹ-Trung về việc Trung Quốc gia nhập WTO gọi tắt là Hiệp định Mỹ-Trung.

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT MỸ VÀ HIỆP ĐỊNH MỸ TRUNG:

1. Tính chất đàm phán:

Sự ra đời chính thức của WTO năm 1995 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới, một bước tiến mới cả về chất lẫn về lượng của các qui định điều chỉnh thương mại quốc tế.

Về lĩnh vực : từ những quy định ban đầu bó hẹp điều chỉnh quá trình cắt giảm thuế quan một số nhỏ các nhóm mặt hàng đến nay các quy định của WTO đã bao phủ một sân chơi rộng lớn từ thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư.

Về mức độ chi tiết, các quy định của WTO đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực trước đây được coi là bất khả xâm phạm như hàng rào phi thuế, trợ cấp, các biện pháp kỹ thuật, trị giá tính thuế hải quan, cấp phép nhập khẩu, vệ sinh dịch tễ, giám định, xuất xứ, tự vệ .v.v...(cấu thành trong 18 Hiệp định bắt buộc). Một điểm quan trọng và mấu chốt là bản thân WTO và các thành viên của nó đã xây dựng được cơ chế điều hành quản lý bằng luật định. Lần đầu tiên có một cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng qua cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Unit – DSU).

Về chủ thể, từ 23 sáng lập viên ban đầu của GATT 1947, đến nay WTO đã có 140 nước. Nếu trong thời gian tới đây, Trung Quốc và Nga trở thành viên của WTO thì Tổ chức này thực sự trở thành sân chơi toàn cầu theo cả khía cạnh dung lượng thị trường lẫn địa lý. Thương mại quốc tế hiện đại đã và đang trở thành một sân chơi chung cho tất cả các nước phát triển và đang phát triển. Quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá kinh tế thế giới thể hiện qua các Hiệp định đa hoặc song phương đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước, kết nạp các nền kinh tế cuối cùng vào sân chơi toàn cầu này thể hiện xu hướng khách quan cùng chiều với hướng phát triển của kinh tế thế giới. Quá trình này đã có những tác động to lớn đến các nước đang phát triển như Trung Quốc và Việt Nam. Từ nhu cầu nội thân của mình, vì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, Trung Quốc cũng như Việt Nam đã chấp nhận tham gia vào các sân chơi quốc tế đó. Những kinh nghiệm rút ra từ quá trình hội nhập của Trung Quốc rất bổ ích với Việt Nam do những tương đồng về hoàn cảnh phát triển của hai nước.

+ Sự xuất hiện của các ngành dịch vụ mới, các vấn đề liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ và khuyến khích đầu tư cũng như các hiện tượng gian lận và tranh chấp thương mại diễn ra ngày càng tinh vi, dày đặc đã làm cho những quy định trong Hiệp định Thương mại song phương Trung - Mỹ năm 1979 trở nên quá đơn giản và không còn cập nhật.

Hơn nữa, các Hiệp định Thương mại song phương mà Mỹ ký với các nước khác về sau đều dựa trên các nguyên tắc và cơ sở của WTO bởi Mỹ cũng như các nước đối tác đều hướng tới cái đích cuối cùng là thành viên đầy đủ của WTO.

Hiệp định về mở cửa thị trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong các Hiệp định song phương trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc (Để gia nhập WTO, Trung Quốc phải đàm phán thoả thuận với tất cả các nước thành viên WTO có nhu cầu đàm phán với Trung Quốc: Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật...). Do vậy tính chất đàm phán của Hiệp định Mỹ Trung tập trung vào việc mở cửa thị trường của Trung Quốc cho các nhóm hàng và ngành dịch vụ cũng như các điều kiện đầu tư mà Mỹ quan tâm.

Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ cũng nằm trong số đó. Theo các chuyên gia đánh giá, Hiệp định này đạt tới khoảng 60% một Hiệp định song phương giữa hai nước sau này trong khuôn khổ xét Việt Nam gia nhập WTO. Chính vì vậy việc so sánh Hiệp định Việt -Mỹ với Hiệp định Mỹ -Trung là một việc làm cần thiết qua đó đánh giá được mức độ cam kết của ta so với Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều điều kiện và hoàn cảnh tương tự Việt Nam.

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là Hiệp định song phương được xây dựng trên những nguyên tắc của WTO áp dụng cho nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi. Vì vậy, Hiệp định này có các điều khoản cơ bản, các nội dung phổ biến nhất trích từ các Hiệp định WTO để làm khung pháp lý cho hoạt động thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Lý do trên làm Hiệp định Việt - Mỹ ngoài tính chất mở cửa thị trường cho hàng hoá của nhau còn mang tính chất tìm tòi và tạo một lộ trình thích hợp cho Việt Nam tiến hành cải cách nhiều mặt nền kinh tế của mình thông qua các cam kết quốc tế mà cụ thể ở đây là với Hoa Kỳ. Điều này cho thấy sự tương đồng và khác biệt giữa tính chất hai cuộc đàm phán. Đó là cùng hướng tới quy chế đối xử thành viên WTO (tất nhiên Trung Quốc sẽ cao hơn ta vì khi Hiệp định Việt Mỹ được thông qua, Việt Nam vẫn chưa  phải thành viên WTO và cũng thể hiện qua mức độ cam kết thấp hơn của ta), nhưng khác nhau ở chỗ Trung Quốc và Mỹ sẽ chỉ có một thước đo chủ yếu là những ưu đãi và mở cửa thị trường dành cho Mỹ nói cách khác là trên cơ sở những đòi hỏi của Mỹ, còn Việt Nam và Mỹ dùng hai thước đo đó là đối xử NTR dành cho nhau (quyền lợi của mỗi nước) cộng với những xem xét nhân nhượng với Việt Nam-một nước đang phát triển ở trình độ thấp.

2. Phạm vi cam kết chung

Về nguyên tắc, Trung Quốc phải chấp nhận thực thi đầy đủ những nội dung, qui định của WTO tức là của toàn bộ 18 Hiệp định mà các nước thành viên WTO đã đạt được trong vòng đàm phán Urugoay và đã ký kết tại Marốc ngày 15/4/1994. Trong đó có các Hiệp định lớn, quan trọng như : Hiệp định GATT về Thương mại hàng hoá, Hiệp định  về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS, Hiệp định về thương mại dịch vụ GATS, Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại TRIMS, Hiệp định về nông nghiệp, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về hàng dệt may, Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật, Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động-thực vật, Hiệp định về tiêu chuẩn hoá, Hiệp định về xử lý tranh chấp, Hiệp định về trị giá tính thuế hải quan, Hiệp định về các biện pháp tự vệ  v.v...

Vì những lý do trên, hầu hết những nội dung đã có trong WTO không cần đưa vào Hiệp định song phương Mỹ - Trung nữa. Hiệp định tay đôi chỉ thoả thuận các cam kết mở cửa thị trường và những điều gì khác với quy định của WTO. Bởi vậy, Hiệp định Trung-Mỹ không cần có phần lời văn mà có cấu trúc giống với các phụ lục trong Hiệp định Việt - Mỹ quy định rõ lộ trình loại bỏ, cắt giảm hay mức cắt giảm thuế tương ứng.

Trong khi đó, những nội dung gì có trong WTO mà Việt Nam chưa cam kết trong Hiệp định song phương thì Việt Nam chưa có nghĩa vụ và cũng chưa có quyền lợi liên quan. Ví dụ như các nghĩa vụ liên quan đến thuế, trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp nói chung, xuất xứ, kiểm tra trước giao hàng v.v...

Như vậy có thể kết luận, phạm vi các lĩnh vực cam kết của Hiệp định Mỹ-Trung lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

3. Lộ trình cam kết chung

Đối với cùng một vấn đề hay lĩnh vực, Trung Quốc đều cam kết với một lộ trình ngắn hơn (xin xem những lộ trình cụ thể trong phần II) thể hiện hai yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan ở chỗ nền kinh tế Trung Quốc phát triển ở mức cao hơn ta (họ đã đấu tranh rất gắt đòi được coi là nước đang phát triển trong khi Việt Nam được chấp nhận là nước đang phát triển ở trình độ thấp). Chủ quan ở chỗ Đoàn đàm phán ta đã nỗ lực rất lớn cộng với khả năng đúc rút kinh nghiệm đàm phán của các đồng nghiệp Trung Quốc nên ta đạt được một số thành công nhất định.

Đánh giá từ bên ngoài đều cho rằng, các cam kết của Trung Quốc là hết sức mạnh mẽ và khá triệt để, ở mức cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác đã là thành viên WTO.

I. So sánh các nội dung cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ và Hiệp định Mỹ Trung:

1. Thương mại hàng hoá

a) Thuế quan.

Trung Quốc cam kết ràng buộc toàn bộ biểu thuế gồm 7000 dòng thuế (binding - không được tăng thuế sau khi cam kết). Hai phần ba việc cắt giảm thuế sẽ được thi hành vào năm 2003. Phần còn lại sẽ được thi hành vào năm 2005, với một số ít ngoại lệ .Trong đó: Đưa vào Hiệp định một danh mục thuế gồm 5220 dòng thuế. Số dòng thuế không tăng giảm  884 dòng (16,9%). Số dòng thuế cam kết giảm  4336 dòng (83,1%).

Việt Nam không cam kết ràng buộc biểu thuế. Mức độ giảm thuế thấp. Việt Nam chỉ cam kết vào năm 2003 cắt giảm 227 mặt hàng và không tăng giảm thuế 20 mặt hàng, tổng cộng là 247 mặt hàng, chiếm 3,9 % biểu thuế (6332 dòng thuế).   

Cụ thể, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp vào Trung Quốc từ mức hiện hành là 22% giảm xuống còn 17,5% và riêng đối với hàng nông sản thuộc lĩnh vực ưu tiên của Hoa Kỳ cắt giảm từ 31% xuống  14% vào năm 2004 (tương ứng mức cắt giảm 55%). Trong khi đó tổng số 244 dòng thuế Việt Nam cam kết chỉ giảm trung bình 28,4%, các mặt hàng nông ngiệp giảm 27,5%.

Thuế nhập khẩu hàng công nghiệp vào Trung Quốc cắt giảm từ mức hiện hành 24,6% xuống mức trung bình là 9,4% và đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên của Hoa Kỳ là 7,1% vào năm 2004 (tương ứng mức cắt giảm 62% và 71%)

Đặc biệt, Trung Quốc tham gia Hiệp định Công nghệ Thông tin của WTO: đến năm 2005 áp dụng thuế bằng 0 đối với các mặt hàng máy tính, thiết bị máy tính, thiết bị viễn thông và các sản phẩm công nghệ thông tin khác (mức thuế trung bình hiện tại là 13,3%).

b) Các hạn chế định lượng

Tất cả các biện pháp hạn chế định lượng như hạn ngạch, giấy phép v.v... của Trung Quốc sẽ bắt đầu được loại bỏ sau khi gia nhập WTO, phần lớn được loại bỏ vào năm 2003, có một số rất ít còn lại bỏ nốt vào năm 2005. Cụ thể:

Trung Quốc áp dụng các biện pháp phi thuế (NTM) đối với 361 mặt hàng, trong đó:

- Xoá bỏ NTM đối với 64 mặt hàng vào năm 2000. (chiếm 17,73% trong số 361 mặt hàng)

-  Xoá bỏ NTM đối với 105 mặt hàng vào năm 2001. (29,09%)

- Xoá bỏ NTM đối với 70 mặt hàng vào năm 2002. (19,39%)

- Xoá bỏ NTM đối với 16 mặt hàng vào năm 2003. (4,43%)

- Xoá bỏ NTM đối với 57 mặt hàng vào năm 2004. (15,79%)

- Xoá bỏ NTM đối với 35 mặt hàng vào năm 2005. (9,69%)

- Ngoài ra có 14 mặt hàng Trung Quốc chưa cam kết loại bỏ các biện pháp phi thuế. (3,88%)

Việt Nam duy trì các hạn chế định lượng đối với một số  mặt hàng nhập khẩu trong phụ lục B và C. Thời hạn loại bỏ các hạn chế này là 3-10 năm sau khi hiệp định song phương có hiệu lực. Cụ thể là:

Phụ lục B gồm 325 mặt hàng áp dụng hạn ngạch, giấy phép sẽ được bỏ dần theo lộ trình:

-  Loại bỏ 2 năm sau khi ký HĐ: 6 mặt hàng

-  Loại bỏ 3 năm sau khi ký HĐ: 57 mặt hàng

-  Loại bỏ 4 năm sau khi ký HĐ: 24 mặt hàng

-  Loại bỏ 5 năm sau khi ký HĐ:  72 mặt hàng

-  Loại bỏ 6 năm sau khi ký HĐ:: 96 mặt hàng

-  Loại bỏ 7 năm sau khi ký HĐ: 31 mặt hàng

-  Loại bỏ 10 năm sau khi ký HĐ: 5 mặt hàng

Phụ lục C gồm 33  mặt hàng nhập khẩu và 12 mặt hàng xuất khẩu, là những mặt hàng thiết yếu sẽ giao cho các công ty nhà nước làm đầu mối xuất nhập khẩu,sẽ được bỏ dần theo lộ trình:

+ Đối với các mặt hàng nhập khẩu trong phụ lục C1

Không cam kết thời hạn loại bỏ: 29 mặt hàng

Loại bỏ 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực: 4 mặt hàng.

+ Đối với các mặt hàng xuất khẩu:

Không cam kết thời hạn loại bỏ cả 12 mặt hàng trong phụ lục C2.

Trung Quốc thiết lập cơ chế hạn ngạch thuế đối với nhập khẩu hàng rời của Hoa Kỳ (mức thuế trung bình trong hạn ngạch là 1-3%, thuế ngoài hạn ngạch cao hơn) và cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hạn ngạch này. Hạn ngạch thuế được áp đặt đối với 10 mặt hàng đều được thực thi theo lộ trình 2000-2004 trừ mặt hàng dầu đậu tượng áp dụng theo lộ trình 2000-2005. Cụ thể là:

Dầu đậu tương: loại bỏ hạn ngạch thuế từ năm 2006. Hạn ngạch thuế sẽ bắt đầu ở mức 1,7 triệu tấn, tăng lên 3,3 triệu tấn vào năm 2005. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ bắt đầu tham gia ở mức 50% và tăng lên tới 90%.

Lúa mì: Hạn ngạch khi gia nhập là 7,3 triệu tấn, tăng lên tới 9,3 triệu tấn (so với mức nhập khẩu của Trung Quốc  hiện nay là dưới 2 triệu tấn). Tư nhân ban đầu sẽ nhận được 10% của hạn ngạch thuế này, cùng với sự tái phân bổ phần hạn ngạch của doanh nghiệp quốc doanh không sử dụng trong năm đó.

Ngô: Hạn ngạch khi gia nhập là 4,5 triệu tấn, tăng lên 7,2 triệu tấn (so với mức nhập khẩu hiện tại là 250.000 tấn). Khu vực tư nhân ban đầu sẽ nhận được 25% của hạn ngạch thuế quan này, sẽ nhận được 40% vào năm 2004, cùng với sự tái phân bổ phần hạn ngạch của doanh nghiệp quốc doanh không sử dụng trong năm đó.

Gạo: Hạn ngạch khi gia nhập là 2,6 triệu tấn, tăng lên 5,3 triệu tấn (so với mức nhập khẩu hiện tại là 250.000 tấn). Một nửa hạn ngạch này sẽ bao gồm gạo hạt ngắn và gạo hạt vừa, những loại gạo mà Mỹ có khả năng cạnh tranh nhất. 50% của hạn ngạch này sẽ phân bổ cho khu vực tư nhân.

Bông: Hạn ngạch khi gia nhập là 743.000 tấn, tăng lên 894.000 tấn (so với mức nhập khẩu hiện tại là 200.000 tấn). Khu vực tư nhân sẽ nhận được 67% của hạn ngạch này.

Ngoài ra Trung Quốc còn áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng đường, dầu cọ, đầu vụn lông cừu, len  và dầu cải dâu.

Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO. Các nước phát triển tiếp tục duy trì chế độ phân bổ hạn ngạch hàng dệt may đối với Việt  Nam cho tới khi Việt Nam gia nhập WTO  và Việt Nam tiếp tục chịu sự phân biệt đối xử trong phân bổ hạn ngạch hàng dệt may.

c) Quyền kinh doanh và quyền phân phối

+ Trung Quốc cam kết dành cho công ty nước ngoài quyền kinh doanh xuất nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng và trên phạm vi toàn lãnh thổ cho các công ty Hoa Kỳ trong vòng 3 năm.

+ Khác với Trung Quốc, Việt Nam quy định một lộ trình rất chi tiết có tính toán đến sức cạnh tranh của nền sản xuất trong nước. Ba năm sau khi Hiệp định có hiệu lực và phụ thuộc vào hạn chế quy định tại Phụ lục B và C,  các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của các công dân và công ty Hoa Kỳ được phép nhập khẩu các hàng hoá và sản phẩm để sử dụng vào/hay có liên quan đến hoạt động sản xuất, hay xuất khẩu của doanh nghiệp cho dù các sản phẩm nhập khẩu đó có được xác định hay không trong giấy phép đầu tư ban đầu của họ.

Ba năm sau khi Hiệp định có hiệu lực và phụ thuộc vào các hạn chế được qui định tại Phụ lục B, C và D, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của các công dân và công ty Hoa Kỳ vào các lĩnh vực sản xuất và chế tạo được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, với điều kiện là các doanh nghiệp này (i) có các hoạt động kinh doanh to lớn trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo; và (ii) đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

 Ba năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, phụ thuộc vào các hạn chế qui định tại phụ lục B, C và D, các công dân và công ty Hoa Kỳ được phép tham gia liên doanh với các đối tác Việt Nam để tiến hành kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng. Phần góp vốn của các công ty Hoa Kỳ trong liên doanh không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Ba năm sau đó hạn chế này về sở hữu của Hoa Kỳ là 51%.

 Bảy năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, phụ thuộc vào các hạn chế qui định tại Phụ lục B, C và D, các công ty Hoa Kỳ được phép thành lập công ty 100% vốn Hoa Kỳ để kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng.

Phụ lục D gồm 255 nhóm hàng (tức khoảng 2592 mặt hàng) thiết yếu quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước ta. Ta sẽ cho phép kinh doanh từng bước trong thời gian từ 3-7 năm sau khi được phép thành lập công ty.

d) Doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc cam kết các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp có vốn nhà nước mua và bán theo nguyên tắc thị trường. Các công ty của Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Không có bảo lưu gì.

Trung Quốc chấp thuận có một quy tắc trợ cấp, bao gồm những quy tắc áp dụng cho doanh nghiệp quốc doanh. Cụ thể là: Khi một ngành công nghiệp nhận được các lợi ích từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh là những đơn vị nhận hưởng lợi chủ  yếu  hoặc nhận được phần không tương xứng của những lợi ích đó thì phía Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO có thể có các hành động theo luật chống các hành vi thương mại không công bằng.

Thêm vào đó, Hiệp định cho phép Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO xác định rằng những quyền lợi đó Chính phủ Trung Quốc cung cấp cho các ngành là theo tiêu chí kinh tế thị trường hay tiêu chí Chính phủ Trung Quốc tự đặt ra.

Việt Nam chấp nhận các doanh nghiệp quốc doanh mua và bán theo nguyên tắc thị trường.

Việt Nam duy trì việc áp dụng cơ chế đầu mối xuất nhập khẩu đối với 33 mặt hàng nhập khẩu và 12 mặt hàng xuất khẩu thiết yếu đối với nền kinh tế,  chủ yếu để dành cho các công ty quốc doanh xuất nhập khẩu, như đã nêu về Phụ lục C ở trên.

e) Áp dụng các biện pháp tự vệ:

Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO đơn phương áp dụng các biện pháp tự vệ hiện đang được áp dụng trong quan hệ song phương Trung Quốc và Hoa Kỳ ( cao hơn WTO) trong vòng 12 năm đối với hàng nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc không được trả đũa. Riêng đối với hàng dệt may, Trung Quốc phải chấp nhận để Hoa Kỳ được áp dụng các biện pháp bảo vệ thị trường cho tới năm 2008.

Theo hiệp định Việt Mỹ, Việt Nam và Hoa Kỳ vì mục đích bảo vệ và ngăn cản rối loạn thị trường sau khi tiến hành tham vấn có thể áp dụng các biện pháp như hạn chế định lượng nhập khẩu, thuế quan hay bất kỳ biện khác nào phù hợp. Trong những trường hợp cần thiết hoạt động tham vấn có thể tiến hành sau. Các quy định này không ảnh hưởng đến khung pháp lý của mỗi nước điều chỉnh thương mại hàng dệt và các biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp.

f) Áp dụng các biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp

Trung Quốc tham gia Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng của WTO tức là Trung Quốc cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu theo đúng hiệp định "WTO.

Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO đơn phương áp dụng các biện pháp tự vệ hiện đang được áp dụng trong quan hệ song phương Trung Quốc và Hoa Kỳ ( cao hơn WTO) trong vòng 12 năm đối với hàng nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc không được trả đũa.

Trung Quốc đã đồng ý để Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO duy trì phương thức chống phá giá áp dụng cho một nền kinh tế phi thị trường.

Sau quá trình đấu tranh căng thẳng trong đàm phán, ta đã đạt được yêu cầu Hiệp định không đề cập đến vấn đề này, nghĩa là Việt Nam chưa bị ràng buộc bởi Hiệp định về trợ cấp của WTO. Tuy nhiên, do trong thực tiễn vấn đề này đã được luật pháp Hoa Kỳ điều chỉnh nên Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đơn phương áp dụng các biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp theo luật pháp của Hoa Kỳ đối với hàng hoá của Việt Nam.

2. Thương mại dịch vụ

Các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ.

 Trung Quốc đưa ra cam kết trong hầu hết các loại hình dịch vụ theo thống kê của WTO (99/155 phân ngành dịch vụ) trong khi Việt Nam cam kết chưa đến 40% lĩnh vực dịch vụ (53/155 phân ngành).

Dịch vụ chuyên ngành

Trung Quốc cam kết trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành: pháp lý, kế toán, thuế, tư vấn quản lý, kiến trúc, kỹ thuật, lập kế hoạch đô thị, y tế và nha khoa, dịch vụ liên quan tới máy tính.

Việt Nam cam kết cho phép thành lập liên doanh có lộ trình giảm hạn chế về số lượng hay về vốn góp của nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài tuỳ theo từng lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành cụ thể: pháp lý, kế toán kiểm toán, tư vấn thuế, kiến trúc, kỹ thuật, kiến trúc, vi tính.

Trong đó Dịch vụ pháp lý

 

Các công ty luật nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ pháp lý dưới hình thức văn phòng đại diện và chịu sự hạn chế về địa lý và hạn chế số lượng cho đến tháng 1 năm 2001. Văm phòng đại diện được sinh lời

Các công ty luật nước ngoài được uỷ quyền cho công ty luật Trung Quốc để xử lý các vấn để liên quan đến luật Trung Quốc.

Hạn chế về đối xử quốc gia: Tất cả các đại diện phải cư trú tại Trung Quốc ít nhất là 6 tháng trong năm.

Trong khi đó Hiệp định Việt - Mỹ quy định các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ có thể cung cấp dịch vụ dưới các hình thức chi  nhánh, công ty 100% vốn Hoa Kỳ, công ty liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Luật sư Hoa Kỳ không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng trước toà án Việt Nam;

Chi nhánh công ty luật Hoa Kỳ, công ty luật 100% vốn Hoa Kỳ, liên doanh giữa công ty luật Hoa Kỳ và công ty luật Việt Nam được tư vấn luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn có bằng tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như đối với một luật sư Việt Nam tương tự.

Dịch vụ kế toán kiểm toán

Trung Quốc chấp nhận cho phép thành lập dưới hình thức công ty hợp danh hoặc công ty kiểm toán của các kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán do cơ quan quản lý của Trung Quốc cấp.

Trong khi đó Việt Nam không cho phép thành lập chi nhánh.Trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực việc cấp phép sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp và số lượng sẽ do Bộ Tài chính quyết định căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường Việt Nam.

Các công ty để được cấp phép phải có ít nhất 5 người (người nước ngoài hay người Việt Nam) có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp hoặc do các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài cấp được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận, và đã đăng ký hành nghề kiểm toán ở Việt  nam trên một năm.

Trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các công ty kiểm toán có vốn đầu tư Hoa Kỳ, sau khi được cấp phép, chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài ở Việt Nam.

Dịch vụ tư vấn về thuế

Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh với đa số vốn nước ngoài. Không muộn hơn 31/12/2005 sẽ được phép thành lập công ty con 100% vốn nước ngoài. Không có hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ.

Trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, Việt Nam Không cho phép lập chi nhánh.Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực việc cấp phép sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp và số lượng sẽ do Bộ Tài chính quyết định căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường Việt Nam.

Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư Hoa Kỳ chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài ở Việt Nam.

Dịch vụ kiến trúc

Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh (cho phép sở hữu nước ngoài đa số).

Việt Nam không cho phép thành lập chi nhánh. Trong vòng 2 năm đầu kể từ khi thành lập và hoạt động các xí nghiệp 100% vồn Hoa Kỳ chỉ  được cung cấp dịch vụ cho các xí nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ phải co đăng ký hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Dịch vụ kỹ thuật và kỹ thuật đồng bộ

Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh (cho phép sở hữu nước ngoài đa số).

Việt Nam Không cho phép thành lập chi nhánh. Trong vòng 2 năm đầu kể từ khi thành lập và hoạt động các xí nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ chỉ  được cung cấp dịch vụ cho các xí nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trừ khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ và các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ không được phép thực hiện công việc khảo sát địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và môi trường , không được tiến hành khảo sát kỹ thuật phục vụ lập thiết kế qui hoạch xây dựng đô thị nông thôn, qui hoạch xây dựng ngành.

Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan

Trung Quốc không hạn chế về hình thức hiện diện thương mại. Về hiện diện thể nhân: Yêu cầu là kỹ sư có bằng cấp, hoặc nhân sự có bằng cử nhân trở lên và có 3 năm kinh nghiệm trong những lĩnh vực này.

 

Việt Nam cũng không hạn chế về hình thức hiện diện thương mại trừ việc lập chi nhánh là không được phép.Chưa cam kết về đối xử quốc gia đối với hiện diện của thể nhân.

Dịch vụ tài chính

Trung Quốc sẽ tham gia Hiệp định Tự do hoá Dịch vụ Tài chính của WTO ký ngày 13/12/1997.

Cụ thể các dịch vụ tài chính chuyên ngành như sau:

Dịch vụ bảo hiểm:

Trung Quốc cam kết: bảo hiểm nhân thọ: Cho phép lập liên doanh 50% vốn nước ngoài ngay khi gia nhập WTO. Bảo hiểm phi nhân thọ: Cho phép lập liên doanh 51% vốn nước ngoài ngay khi gia nhập WTO. Cho phép thành lập công ty con 100 vốn nước ngoài hai năm sau khi gia nhập.

Việt Nam cam kết: 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, cho thành lập liên doanh 50% vốn nước ngoài, 5 năm sau cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. (Cả  nhân thọ và phi nhân thọ).

Đối với lĩnh vực tái bảo hiểm: Trung Quốc cho phép công ty con 100% vốn nước ngoài ngay sau  khi gia nhập WTO không có hạn chế, Hiệp định Việt- Mỹ quy định rằng Doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, công ty 100% vốn Hoa Kỳ và chi nhánh công ty bảo hiểm Hoa Kỳ phải tái bảo hiểm với công ty bảo hiểm Việt Nam một tỷ lệ tối thiểu là 20% và 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực hạn chế này mới bị bãi bỏ.

Ngoài ra Trung quốc loại bỏ các hạn chế về địa lý và phạm vi kinh doanh trong vòng 2 đến 5 năm áp dụng các tiêu chí thận trọng trong việc cấp phép. Việt Nam không  cho phép làm dịch vụ đại lý bảo hiểm, 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực  cho phép liên doanh với nước ngoài kinh doanh bảo hiểm bắt buộc, 6 năm sau cho phép công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh bảo hiểm bắt buộc. Ngoài ra, không dành đối xử quốc gia đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài trong việc kinh doanh bảo hiểm bắt buộc.

Dịch vụ ngân hàng:

5 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc mở cửa toàn bộ thị trường kinh doanh dịch vụ ngân hàng. 9 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực mới cho phép thành lập ngân hàng con 100% vốn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong vòng 9 năm đó, Việt Nam quy định chỉ cho phép thành lập liên doanh với tỷ lệ góp vốn tối đa của đối tác Hoa Kỳ trong khoảng 30%-49%

 

Các ngân hàng nước ngoài có thể tiến hành kinh doanh đồng Nhân dân  tệ với các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu từ sau 2 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO và với các cá nhân Trung Quốc bắt đầu từ sau 5 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ nhận tiền gửi bằng Đồng Việt  Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng (đối với pháp nhân lộ trình là 8 năm). Trong thời gian nêu trên, tỷ lệ huy động tiền đồng bằng cả hai kênh không vượt quá mức đối xử quốc gia. Sau thời gian đó, Việt Nam sẽ áp dụng chế độ đối xử quốc gia đầy đủ.

Trung Quốc quy định các ngân hàng nước ngoài được dành đối xử quốc gia trong các khu vực kinh doanh địa lý xác định. Trong vòng 5 năm mọi hạn chế về địa lý và đối tượng khách hàng sẽ được loại bỏ.

Ngay 8 năm sau khi Hiệp định Việt Mỹ có hiệu lực, các định chế tài chính có vốn đầu tư Hoa Kỳ được phép phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia.

Chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ không được đặt các máy rút tiền tự động tại các địa điểm ngoài văn phòng của chúng cho tới khi mà các ngân hàng Việt Nam được phép làm như vậy. Chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ không được lập các điểm giao dịch phụ thuộc.

Riêng đối với dịch vụ chứng khoán Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh 49% nước ngoài để tham gia quản lý quỹ đầu tư. Cho phép thành lập liên doanh 33% vốn nước ngoài để kinh doanh trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành chứng khoán trong nước và bao tiêu và kinh doanh chứng khoán có mệnh giá là đồng ngoại tệ (trái phiếu và cổ phiếu). Dành đối xử quốc gia về phạm vi kinh doanh dịch vụ chứng khoán đối với công ty có vốn nước ngoài.

Việt Nam chỉ cho phép thành lập văn phòng đại diện và theo luật hiện hành các văn phòng đại diện không được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.

Dịch vụ phân phối

Trung Quốc cam kết toàn diện đối với các dịch vụ phân phối: bán buôn, bán lẻ, vận  chuyển, bảo dưỡng và sửa chữa.

Ba năm sau khi Hiệp định Việt Mỹ có hiệu lực, Việt Nam mới cho phép thành lập liên doanh 49% vốn nước ngoài. 6 năm sau hạn chế về vốn góp này sẽ được bãi bỏ. 7 năm sau cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Việc mở địa điểm bán lẻ ngoài trụ sở chính chỉ được xem xét theo từng trường hợp.

Trong vòng 3 sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc dành quyền phân phối cho các công ty nước ngoài đối với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp (không phân biệt đó là các sản phẩm nhập khẩu hay được sản xuất trong nước.) Riêng xăng dầu, khí đốt và phân bón lộ trình là 5 năm.

Việt Nam chỉ cam kết 255 nhóm mặt hàng tức khoảng 2592 mặt hàng thiết yếu nêu trong Phụ lục D sẽ cho phép bán buôn bán lẻ sau 3 đến 10 năm kể từ khi Hiệp định Việt Mỹ có hiệu lực. Các mặt hàng thiết yếu nhất không cho nước ngoài tham gia phân phối như: xăng dầu, khí đốt, phân bón, thuốc trừ sâu, rượu bia, đường mía hoặc đường củ cải, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, kim loại đá quý, chất nổ, gạo và bột mì.

Riêng Dịch vụ phụ trợ cho dịch vụ phân phối Việt Nam không cam kết gì. Trung quốc cam kết trong các lĩnh vực thuê và thuê mua, bưu chính hàng không, giao nhận, lưu kho bãi, quảng cáo, thử nghiệm và phân tích kỹ thuật, đóng gói.

Dịch vụ viễn thông

Trung Quốc tham gia Hiệp định Dịch vụ Viễn thông cơ bàn của WTO ký ngày 25/12/1997. Thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh 49% sở hữu nước ngoài ngay khi gia  nhập WTO, hạn chế về vốn sẽ tăng lên 50% vào năm thứ hai sau  khi gia nhập. Cho phép các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào dịch vụ Internet tại Trung quốc.

Việt Nam cho phép thành lập liên doanh 50% sở hữu nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông trị gia tăng sau 2 năm  (3 năm đối với dịch vụ Internet)  kể từ khi Hiệp định Việt Mỹ có hiệu lực.

Các hạn chế về địa lý đối với dịch vụ trị giá gia tăng tại Trung Quốc loại bỏ trong vòng 2 năm, riêng điện thoại cố định là 6 năm và điện thoại di động là 5 năm sau khi gia nhập WTO.

Cho phép thành lập liên doanh 49% sở hữu nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. 4 năm sau đó hạn chế về vốn sẽ được bãi bỏ. Đối với dịch vụ điện thoại cố định: 6 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực cho phép thành lập liên doanh 49% vốn nước ngoài. 5 năm tiếp theo hạn chế về vốn là 51%. Chỉ liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Các liên doanh không được phép xây dựng mạng đường trục riêng mà phải thuê kênh đường dài và quốc tế của các công ty khai thác dịch vụ Việt Nam.

3. Sở hữu trí tuệ

Trung Quốc chấp nhận toàn bộ thực thi đầy đủ những nội dung, qui định của WTO tức là của toàn bộ 29 Hiệp định bao gồm Hiệp định  về các khía cạnh  liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS.

Trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ đạt được trên cơ sở các quy định trong Hiệp định TRIPs của WTO. Ngoài ra Hiệp định còn bao gồm một số nội dung tuy không có trong Hiệp định TRIPs nhưng nhiều nước có trình độ phát triển như ta đã chấp nhận như các quy định của Công ước Geneve về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép, Công ước về phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, thời hạn bảo hộ tác phẩm có thể lên tới 75 năm, không cấp bằng lixăng không tự nguyện đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp. Mặt khác trong Hiệp định cũng thể hiện việc Hoa Kỳ chấp nhận để ta có thời gian chuyển đổi và cam kết trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam đảm bảo khả năng thực thi Hiệp định.

Đầu tư và chuyển giao công nghệ

Trung Quốc sẽ cam kết một loạt các biện pháp cụ thể để đảm bảo đối xử công bằng đối với các  doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc bao gồm:

-  Tuân thủ theo Hiệp định TRims ngay khi gia nhập, không có giai đoạn chuyển đổi dành cho nước đang phát triển;

-  Loại bỏ và dừng thi hành các yêu cầu cân đối ngoại hối;

-  Loại bỏ và dừng thi hành các yêu cầu hàm lượng nội địa;

-  Từ chối thi hành các hợp đồng có áp đặt các yêu cầu này; và

-  Chỉ áp đặt hoặc thi hành luật hoặc các qui định khác liên quan tới chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết, nếu các qui định luật lệ đó phù hợp với các Hiệp định WTO về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại.

Trong khi đó, Việt Nam cam kết loại bỏ các biện pháp trái với TRIMS/WTO trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực như yêu cầu về nội địa hoá, cân đối xuất nhập khẩu v.v Ngoài ra ta còn bảo lưu rất nhiều lĩnh vực, duy trì chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư trong nhiều lĩnh vực như phát thanh truyền hình, viễn thông, môi giới, kinh doanh chứng khoán, tiền tệ, dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao v.v... 

Các qui định trong Hiệp định Mỹ-Trung cũng sẽ  bảo vệ các công ty Mỹ khỏi việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, như Trung Quốc cũng đã đồng ý rằng, ngay khi gia nhập, Trung Quốc sẽ không đặt ra các điều kiện đối với việc phê duyệt đầu tư, giấy phép nhập khẩu, hoặc bất kì thủ tục phê duyệt nhập khẩu nào khác dựa trên các yêu cầu thực hiện như:

- Các yêu cầu về hàm lượng nội địa,

- Cân đối xuất nhập khẩu 

- Chuyển giao công nghệ, hoặc

- Các yêu cầu về tiến hành nghiên cứu và triển khai  tại Trung Quốc.

Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO. Các nước phát triển tiếp tục duy trì chế độ phân bổ hạn ngạch hàng dệt may đối với Việt  Nam cho tới khi Việt Nam gia nhập WTO  và Việt Nam tiếp tục chịu sự phân biệt đối xử trong phân bổ hạn ngạch hàng dệt may.

III Kết luận:

Hiệp định Mỹ-Trung như đã trình bày ở phần I, chủ yếu tập trung vào các cam kết mở của thị trường Trung quốc cho các nhà đầu tư và kinh doanh Hoa Kỳ. Một loạt các Hiệp định song phương mà Trung quốc ký với các thành viên khác của WTO đặc biệt là với E.U sẽ tiếp tục mở rộng thêm các quyền lợi cho các đối tác Mỹ. Cộng với hai mươi tám Hiệp định bắt buộc của WTO, các điều khoản mà Trung quốc cam kết rộng và sâu hơn nhiều so với các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ.

Trung Quốc sẽ phải thực hiện ngay tất cả các định chế cơ bản của WTO về:

- Minh bạch hoá chính sách và thủ tục thi hành chính sách;

- Dùng thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước với các cam kết theo kết quả dàm phán;

- Áp dụng MFN và NT triệt để trong lĩnh vực hàng hoá, đầu tư vaf quyền sở hữu trí tuệ;

- Không áp dụng hạn chế định lượng;

- Chấp nhận và thực hiện rõ ràng Hiệp định Trims;

- Chấp nhận mở cửa thị trường dịch vụ;

- Chấp nhận chịu sự áp dụng của cơ chế tự vệ của WTO;

- Chấp nhận thời gian chuyển đổi thường không quá 5 năm  với việc điều chỉnh thuế quan và hàng rào phi thuế.

Tuy nhiên không vì thế mà, công tác thực thi Hiệp định Việt - Mỹ trong thời gian tới đây sẽ gặp ít khó khăn hơn Hiệp định Mỹ - Trung. Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật. Ngoài ra, tính thông thoáng và hiệu lực thi hành của hệ thống pháp lý tại Trung Quốc rất mạnh. Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam đã và đang chứa đựng rất nhiều bất cập. Hiện còn tồn tại  nhiều văn bản không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, một số văn bản còn gây cản trở, kìm hãm sự phát triển. Trong khi đó một loạt các văn bản không phù hợp thậm chí trái pháp luật vẫn đang tiếp tục được ban hành do năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ xây dựng văn bản pháp luật. Tất cả những bất cập đó đang đặt ra những thách thức to lớn cho các cơ quan hữu quan Việt Nam. Chắc chắn rằng những thành quả của tiến trình bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định Việt - Mỹ sẽ tạo đà cho Việt Nam hướng tới các Hiệp định song phương mở cửa thị trường về việc Việt Nam gia nhập WTO, đích đến tiếp theo trên chặng đường hội nhập./.

 

MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA CÁC QUAN CHỨC VÀ NHÀ NGHIÊN CỨU MỸ VỀ HIỆP ĐỊNH GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VA HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI[35]

 

TH.S HOÀNG ĐỨC THẮNG

VIỆN NCKH PHÁP LÝ, BỘ TƯ PHÁP

 

Ngày 10/12/2001, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ đã trao đổi công hàm phê chuẩn Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam. Đây là thủ tục pháp lý cuối cùng trong cả quá trình đàm phán và thông qua Hiệp định đánh dấu việc Hiệp định bắt đầu được thực thi.

Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam là một hiệp định song phương và vì thế các ảnh hưởng và kết quả của nó phải được nhìn nhận từ góc độ của cả 2 nước ký kết. Tuy nhiên, trong khi có  nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về các nội dung Hiệp định cũng như các ảnh hưởng của Hiệp định đối với phía Việt Nam thì chỉ có tương đối ít các bài viết và thông tin tham khảo về góc nhìn của các chuyên gia Mỹ đối với hiệp định này. Vì vậy, nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo cho các nhà nghiên cứu và các cán bộ làm công tác co liên quan đến việc thực thi hiệp định Việt Mỹ, chúng tôi xin chọn lọc và tổng hợp dưới đây một số  quan điểm của các quan chức và nhà nghiên cứu Mỹ liên quan đến Hiệp định. Nhằm đảm bảo tính chính thống của thông tin trong bối cảtnh hiện nay, chúng tôi chỉ tổng hợp một số thông tin mang tính chất chính thức được trích từ các nguồn chính thức (như các báo cáo nghiên cứu về hiệp định trình Quốc hội Mỹ, các tài liệu của quan chức Chính phủ Mỹ điều trần trước hai Viện của Quốc hội Mỹ, các phát biểu, tuyên bố chính thức và một số tài liệu Hội thảo...). Để đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi cố gắng chỉ tổng hợp và cơ cấu lại các thông tin thu thập được mà không chỉnh lý lại các nội dung thông tin cũng như không bình luận về các quan điểm được đưa ra. Các quan điểm này, do đó, không phản ánh quan điểm cá nhân người viết nói riêng và quan điểm của Ban Chủ nhiệm đề tài nói chung.

 

 

I. ĐÁNH GIÁ VÀ NHẬN XÉT CHUNG VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG MỸ - VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH QUAN HỆ MỸ - VIỆT

Cho tới khi được ký kết 7/2000, Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam đã trải qua gần 5 năm thương lượng được chia làm nhiều giai đoạn trong đó có những giai đoạn được dành để phía Việt Nam tiến hành các thay đổi cơ cấu cần thiết. Quan điểm đàm phán của Chính phủ Mỹ là không cố đạt được các thay đổi nhanh chóng hay bất thường mà cần tham gia một cách chắc chắn và xây dựng. Vì vậy, mấy năm đàm phán cũng có thể coi là một quá trình tự học của hai bên qua đó Chính phủ Việt Nam có thời gian đi tới sự đồng thuận về tiến độ và phạm vi của cải cách kinh tế. Quá trình này cũng góp phần tạo dựng nền tảng cho việc thực hiện hiệp định một khi nó có hiêụ lực cũng như chuẩn bị cho các bước gia nhập WTO của Việt Nam.

Trải qua hơn 4 năm tác động của quá trình đàm phán, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp Mỹ đã trở nên thất vọng và chán nản bởi các khó khăn mà họ gặp phải khi buôn bán làm ăn và tìm cách thu lãi từ một nền kinh tế đang chuyển đổi. Một nền kinh tế mà chi phí cho việc kinh doanh là rất cao còn các chính sách của Chính phủ thì rất lúng túng lộn xộn trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng, phản ánh điều mà người Việt Nam tự miêu tả là "một nền kinh tế đa thành phần hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Khủng hoảng tài chính khu vực góp thêm tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam tập trung hơn vào mục tiêu cải cách kinh tế, chỉ nhằm để chặn đứng sự giảm sút nghiêm trọng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ giờ đây đang quan tâm tới Việt Nam với ý nghĩa là một thị trường đầy thánh thức. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp Mỹ đã thu được về thị trường Việt Nam trong thời gian qua sẽ rất có giá trị trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường Việt Nam sau này.

Hiệp định thương mại song phương là một biểu hiện rõ ràng rằng Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế và hội nhập vào hệ thống kinh tê thế giới. Đây là một biểu hiện điển hình về việc hai bên có thể sử dụng các biện pháp đổi mới và ngoại giao kinh tế đầy sáng tạo để thúc đẩy lợi ích của cả hai bên. Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi theo các phương hướng cơ bản và chính sách của Mỹ là cung cấp cả động lực lẫn cơ sở cho sự thay đổi lớn lao đó. Động lực ở đây chính là sự hứa hẹn về một nền kinh tế phát triển thành công và cơ sở chính là Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam.

Nếu nhìn nhận Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam như một cơ sở/khung khổ (pháp lý) cho việcbình thường hoá quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam thì có thể coi các hoạt động thương mại là chất keo gắn kết và tạo sức sống cho mối quan hệ đó. Hơn thế nữa các hoạt động thương mại và đầu tư này còn có nhiều ý nghĩa khác vượt ra ngoài phạm vi lợi nhuận thần tuý và các công ty Mỹ sẽ có cơ hội để xây dựng nên mối quan hệ chưa từng có trong lịch sử quan hệ Mỹ - Việt. Sự thành công về kinh tế có thể đưa đến các thay đổi tích cực trên mọi lĩnh vực quan hệ song phương và cộng đồng kinh tế Mỹ phải đóng vai trò chìa khoá trong việc phát triển quan hệ hai nước. Đây cũng có thể coi là công cụ thiết thực giúp Việt Nam hiện thực hoá khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh".

Xét về bối cảnh kinh tế chính trị ở thời điểm ký hiệp định, có thể nói quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam không phải là một ưu tiên hàng đầu đối với các công ty, doanh nghiệp của Mỹ và so với một số hiệp định thương mại song phương mà Mỹ là nước ký kết trước đó thì Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị hơn là kinh tế. Có thể coi đây là một hình thức thể hiện cụ thể cam kết của Mỹ, đặc biệt là các can thiệp của Quốc Hội Mỹ, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt. Đây là quan điểm của cả Chính phủ và giới doanh nghiệp/tư nhân Mỹ.

Xét về nội dung chuyên môn của các điều khoản, hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam có các yếu tố tương tự như các yếu tố đã có trong các văn kiện của GATT/WTO, NAFTA và nhiều hiệp định đầu tư song phương hay các hiệp ước "hữu nghị, thương mại và hàng hải" mà Mỹ đã ký trong hơn 60 năm qua. Tuy nhiên, Hiệp định này cũng bao gồm các yếu tố mới và nếu so với một số hiệp định tương tự mà Mỹ đã ký với một số nước (như Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Trung quốc năm 1979 và Hiệp định Mỹ - Trung quốc về việc Trung quốc gia nhập WTO ký năm 1999) thì hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam là văn kiện phức tạp và hoàn chỉnh hơn. Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam bao gồm đầy đủ các ngôn ngữ của WTO và có thể trở thành công cụ thương mại trong một thời gian nếu Việt Nam không trở thành thành viên WTO trong vài năm tới.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn từ góc độ chuyên môn thuần tuý, có thể nói nội dung lời văn của Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam cũng không hoàn toàn dễ hiểu và còn chứa đựng một số thuật ngữ chưa rõ ràng hay đa nghĩa. Ví dụ tại chương II quy định Việt Nam bị ràng buộc bởi chương này và "các quy định nội dung kinh tế" của các công ước về quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung này không hoàn toàn rõ nghĩa. Quy định về nghĩa vụ cơ bản (điều 11) theo đó "Mỗi bên phải đảm bảo là các thủ tục thực thi của mình là công bằng và bình đẳng, không được phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết, và không có những thời hạn không hợp lý hoặc trì hoãn không cần thiết" có lời văn mang tính cương lĩnh và trên thực tế khó triển khai thực hiện cũng như khó đánh giá kết quả đạt được. Nhiều nội dung cũng mang tính thiên vị và chung chung có thể dẫn đến khó thực hiện đối với Việt Nam với địa vị là một nước đang phát triển như quy định tại điều 4 "bảo đảm các biện pháp áp dụng chung có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được quản lý theo cách hợp lý, khách quan và vô tư"

II. MỘT VÀI PHÂN TÍCH VỀ Ý NGHĨA CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI MỸ - VIỆT ĐỐI VỚI PHÍA MỸ

Hiệp định thương mại Mỹ - Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang suy giảm kinh tế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên hiệp định này cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với phía Mỹ bởi nhiều lý do mà 3 trong số đó được phân tích dưới đây:

Thứ nhất,  Hiệp định thương mại Mỹ - Việt thể hiện sự cam kết của Việt Nam thực hiện một loạt các cải cách thiết yếu nhằm tạo điều kiện tiêp cận thị trường và nguồn đầu tư Mỹ qua đó thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam đồng thời tạo nền tảng để Việt Nam thực hiện các cải cách kinh tế khác trên đường gia nhập WTO. Sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ đóng góp chung vào sự ổn định vững mạnh của khu vực và xu thế toàn cầu hoá. Theo thời gian, Hiệp định này sẽ hỗ trợ các nỗ lực tự do hoá kinh tế và tăng cường pháp quyền ở Việt Nam cũng như hỗ trợ các mục tiêu mà Mỹ theo đuổi trong vấn đề nhân quyền và tiến tới tầm nhìn dài hạn về một Châu Á ổn định và hoà bình.

Thứ hai, Hiệp định thương mại Mỹ - Việt giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam trở nên thông thoáng và minh bạch hơn, mở rộng các cơ hội và quyền tự do kinh doanh của người Việt Nam và thúc đẩy một xã hội thông thoáng hơn. Hiệp định thương mại Mỹ - Việt sẽ ràng buộc Việt Nam phải tăng cường khu vực tư nhân và một khu vực tư nhân mạnh sẽ giúp các thường dân Việt Nam được tự quyết định tương lai kinh tế của chính mình, một quyền cơ bản trong các quyền tự do công dân mà Chính phủ Việt Nam cần tăng cường cho người dân. Hiệp định này là một hiệp định toàn diện ràng buộc Việt Nam vào một loạt các cam kết cải cách chưa từng có. Các kết quả này có thể có nhiều hình thức cụ thể, ví dụ:

Hiệp định mở rộng quyền thương mại (xuất khẩu và nhập khẩu) từ một số lượng hạn chế các doanh nghiệp Nhà nước sang tất cả cá nhân Việt Nam và dần dần sang hầu hết các công ty Mỹ tại Việt Nam,

Các yêu cầu về tính minh bạch và quyền khiếu nại các quyết định hành chính góp phần thúc đẩy pháp quyền trong cơ chế thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Thứ ba, Hiệp định thương mại Mỹ - Việt sẽ tạo ra nhiều cơ hội thương mại lớn cho các công ty Mỹ và người Mỹ kinh doanh ở Việt Nam. Qua việc xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đối với hàng nhập khẩu công nghiệp, mở cửa thị trường trong những lĩnh vực chủ chốt như viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng và phân phối, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xoá bỏ các chính sách cản trở đầu tư, Hiệp định thương mại Mỹ - Việt sẽ cho phép nông dân Mỹ, các nhà kỹ nghệ và điện ảnh Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ được lần đầu tiên tiếp cận thị trường non trẻ nhưng sống động và đầy tiềm năng này.

Xem xét kỹ hơn các quy định của Hiệp định thương mại Mỹ - Việt có thể thấy rõ các lợi ích thương mại của Mỹ trên cả 4 phần của Hiệp định thương mại gồm: tiếp cận thị trường, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư.

1. Tiếp cận thị trường

Việt Nam đồng ý tiến hành các bước sau nhằm mở cửa thị trường cho Mỹ:

- Dành quy chế đối xử tối huệ quốc cho các hàng hoá của Mỹ,

- Đối xử với các hàng hoá nhập khẩu giống như các hàng hoá sản xuất trong nước,

- Loại bỏ hạn ngạch với tất cả các hàng hoá nhập khẩu trong thời hạn từ 3 đến 7 năm,

- Minh bạch hoá hơn nữa quy trình thủ tục mua sắm của Chính phủ,

- Lần đàu tiên cho phép tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất nhập khẩu mọi loại hàng hoá,

- Trong lộ trình từ 3 -6 năm từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ lần đầu tiên cho phép các công ty Mỹ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư  trực tiếp của Mỹ được phép xuất nhập khẩu hầu hết các sản phẩm (hiện tại các công ty nước ngoài còn phải phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu Việt Nam được cấp giấy phép, hầu hết là các doanh nghiệp Nhà nước),

 

- Đảm bảo rằng các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tuân thủ các quy định của WTO,

- Tuân thủ các quy định của WTO về hải quan, giấy phép nhập khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh,

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề tiếp cận thị trường, Hiệp định còn có quy định về bảo vệ theo đó một trong hai bên có quyền tạm thời áp đặt thuế quan nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu hàng hoá ồ ạt.

Về ưu đãi thuế quan, một điểm đáng chú ý của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ so với các hiệp định thương mại song phương mà Mỹ đã ký với các nước thuộc diện điều chỉnh của Tu chính án Jackson-Vanik là hiệp định này ghi nhận các cam kết cụ thể của Việt Nam trong việc giảm thuế quan cho khoảng 250 sản phẩm trong đó 4/5 là nông sản. Đặc biệt, mức cắt giảm sẽ từ 33 đến 50% và sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực mặc dù mức thuế suất hiện nay của Việt Nam cũng không quá cao đối với một nước đang phát triển (Phòng thương vụ Mỹ ước tình mức thuế suất thuế quan trung bình của Việt Nam là từ 15-20%).

Chính quyền Tổng thống Clinton đã đánh giá rất cao bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng quy chế Tối Huệ Quốc về thuế quanđối với hàng hoá của Mỹ mà một minh chứng rõ nhất là từ 1/1999 Việt Nam đã áp dụng phụ thu thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu mà Việt Nam không có quan hệ đối xử Tối Huệ Quốc. Tuy nhiên trong thời gian hai bên đàm phán hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, Việt Nam đã không áp dụng khoản phụ thu này đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ mặc dù Mỹ vẫn chưa áp dụng quy chế Tối Huệ Quốc cho hàng hoá Việt Nam.

2. Quyền sở hữu trí tuệ

Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại của WTO (TRIPs) sau 18 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra trong hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam hai bên còn có những quy định tiến bộ hơn các quy định của TRIPs như quy định về bảo hộ tín hiệu vệ tinh trong vòng 30 tháng.

3. Thương mại dịch vụ

Trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam cam kết tuân thủ các quy định của WTO về tối Huệ Quốc, Đối xử quốc gia và các nguyên tắc trong đối xử quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng ý cho phép các công ty và các cá nhân Mỹ đầu tư vào thị trường của một loạt các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm kế toán, quảng cáo, ngân hàng, máy tính, phân phối, giáo dục, bảo hiểm, luật và viễn thông. Hầu hết các cam kết đó đều có có lộ trình thực hiện sau 3 - 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các ưu thế trong lĩnh vực này mà doanh nghiệp Mỹ nhận được qua Hiệp định này là rất đáng kể, thâm chí  quyền tiếp cận thị trường Việt Nam màViệt Nam dành cho các doanh nghiệp Mỹ còn lớn hơn cả quyền tương tự mà các nước thành viên có thu nhập thấp và thu nhập trung bình của WTO dành cho Mỹ thông qua WTO. Cụ thể hơn, các cam kết của Việt Nam trong 3 lĩnh vực dịch vụ lớn nhất của Mỹ là ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông, có thể được tóm lược như sau:

Ngân hàng:

Theo các quy định của hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, trong vòng 9 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các ngân hàng của Mỹ được phép thành lập liên doanh với các đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía Mỹ từ 39-49% vốn pháp định của liên doanh. Sau 9 năm, phía Mỹ được thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam.

Bảo hiểm:

Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam quy định đối với các lĩnh vực bảo hiểm bắt nuộc (bảo hiệm phương tiện và xây dựng), sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực,  Việt Nam sẽ cho các công ty Mỹ được thành lập công ty liên doanh không hạn chế phần vốn góp tại Việt Nam. Sau 6 năm Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bảo hiểm 100% vốn Mỹ tại Việt Nam. Đối với các loại hình bảo hiểm không bắt buộc khác như bảo hiểm nhân thọ, sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty liên doanh trong đó đối tác Mỹ được góp tối đa 50 % vốn pháp định và sau 5 năm sẽ cho phép thành lập các công ty bảo hiểm 100% vốn Mỹ.

Viễn thông:

Theo hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam đối với các dịch vụ viễn thông cao cấp (như internet, thư điện tử, voice mail), Việt Nam sẽ cho phép thành lập các liên doanh sau 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng với dịch vụ Internet thời gian này là 3 năm) trong đó mức góp vốn tối đa của Mỹ là 50%. Đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản như  fax, mobile phone và các dịch vụ vệ tinh thì Việt Nam sẽ cho phép các công ty Mỹ góp vốn liên doanh ở Việt Nam vơí mức tối đa là 49% vốn pháp định sau 4 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các dịch vụ điện thoại (cố định) nội hạt, đường dài và quốc tế, Việt Nam sẽ cho phép các đối tác Mỹ được góp tới 49% vốn đề thành lập công ty liên doanh sau 6 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Việt Nam đòng ý sẽ xem xét lại tất cả các mức hạn chế vốn góp của phía Mỹ nói trên khi hai bên tiến hành đánh giá Hiệp định trong 3 năm tới.

Đầu tư

Liên quan đến đầu tư, hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam quy định các bảo đảm về đói xử Tối Huệ Quốc, đối xử quốc gia, minh bạch và bảo vệ trong trường hợp tước quyền sở hữu. Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiến hành các thay đổi sau trong cơ chế đầu tư:

Về thẩm định đầu tư: hiện tại các công ty nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam phải được Chính phủ Việt Nam cho phép. Theo hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, việc thẩm định dự án sẽ được xoá bỏ đối với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh trong vòng 2,4, hoặc 9 năm tuỳ thuộc vào lĩnh vực có liên quan.

Chuyển đổi lợi nhuận ra ngoại tệ: Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam được tự do hơn so với các công ty đa quốc gia nước ngoài trong việc chuyển lợi nhuận thu được tại Việt Nam ra ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền thay mặt các công ty nước ngoài thông qua việc chuyển đổi ra ngoại tệ. Theo hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, các công ty nước ngoài sẽ có quyền chuyển lợi nhuận ra nước ngoài giống như các công ty của Việt Nam.

Ngưỡng vốn góp: Hiện nay phần vốn góp trong liên doanh ít nhất phải chiếm 30% vốn pháp định của liên doanh. Sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực thì yêu cầu này phải được bãi bỏ.

Các yêu cầu về nhân sự đối với liên doanh: Hiện nay Việt Nam yêu cầu  một số thành viên hội đồng quản trị phải là người Việt Nam và yêu cầu với một số loại quyết định nhất định phải được sự đồng thuận (như vậy các thành viên Việt Nam trong Hội đồng quản trị sẽ có quyền phủ quyết). Theo hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, trong vòng 3 năm tới từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ cho phép các công ty đa quốc gia Mỹ có quyền lựa chọn các chức vụ cao cấp mà không có hạn chế về quốc tịch.

Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs):  Việt Nam đồng ý trong vòng 5 năm tới kể từ khi hiệp định có hiệu lực sẽ xoá bỏ tất cả các yêu cầu hạn chế và biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) không phù hợp với quy định của WTO, ví dụ như yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá.

Tính minh bạch

Việt Nam đồng ý thực hiện một cơ chế thương mại hoàn toàn minh bạch bằng cách cho phép góp ý kiến vào các dự thảo luật và quy định cũng như đảm bảo sẽ công khai tất cả các dự thảo luật và các quy định đó. Bên cạnh đó, Việt Nam cho phép tất cả các công dân và công ty Mỹ được khiếu nại về các quy định đã hoặc đang được ban hành nói trên.

III. NHÌN NHẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN THỰC THI HIỆP ĐỊNH

Do phạm vi của Hiệp định thương mại song phương Mỹ -Việt rất rộng với số lượng các lĩnh vực được điều chỉnh rất lớn nên có thể thấy rõ là việc thi hành hiệp định một cách có hiệu quả sẽ là một thách thức rất lớn, đặc biệt là đối với Chính phủ và các cơ quan Việt Nam. Thành công trong việc thi hành Hiệp định này, đặc biệt là trong việc tuân theo các thời hạn loại bỏ một loạt các ngoại lệ và hạn chế sẽ không chỉ xác định là liệu hiệp định này có hiệu quả trong việc tăng cường thương mại và đầu tư của Mỹ hay không mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nỗ lực của Việt Nam gia nhập WTO.Việc thi hành có hiệu quả hiệp định này sẽ là một minh chứng rõ nét khuyến khích Mỹ và các nước OECD khác ủng hộ việc gia nhập của Việt Nam vào WTO bởi vì nhiều vấn đề liên quan đến việc gia nhập WTO cũng giống hay tương tự như các vấn đề được đề cập tại Hiệp định thương mại Mỹ - Việt. Ngược lại, các vấn đề trong thi hành sẽ có thể dẫn đến sự trì hoãn trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO và phát sinh bất đồng giữa hai nước.

Trong khi hầu hết các nghĩa vụ được thể hiện với ngôn ngữ trung lập thì nghĩa vụ thay đổi thể chế theo Hiệp định chủ yếu rơi vào Việt Nam. Mỹ có hệ thống thị trường tương đối mở và hầu hết đã tuân theo các quy định của WTO. Mỹ cũng đã có hệ thống Toà án quy mô, hoạt động hiệu quả sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tố tụng của công chúng. Mặt khác, ở một chừng mực nhất định và theo góc nhìn nhất định thì Mỹ đã có hệ thống quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch. Trong khi đó việc sửa đổi hệ thống pháp luật của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết của hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam là một thách thức lớn đối với các nhà xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật Việt Nam. Điểm qua một vài ví dụ, có thể thấy:

Các cam kết của Việt Nam trong việc tham gia công ước HS quy định hệ thống phân loại thống nhất hàng hoá trong thương mại quốc tế được hầu như tất cả các nước thành viên WTO sử dụng cũng như các cam kết liên quan đến cấp phép hải quan, phí và các khoản thu như  nói tại điều 3 của Hiệp định sẽ dẫn tới các thay đổi lớn trong pháp luật về hải quan của Viêt Nam.

Bên cạnh đó theo tinh thần của Hiệp định các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cách không được hưởng các ưu đãi mang tính chất phân biệt đối xử, hoạt động kinh doanh chỉ dựa trên các tính toán thương mại và phải đáp lại tương ứng sự đối xử công bằng và bình đẳng cho thương mại của nước kia. Quy định nói tại điều 8 này và các phụ lục B (quy định việc bỏ hạn ngạch với rất nhiều loại sản phẩm), phục lục C (quy định về thời hạn loại bỏ quyền nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Nhà nước) và phụ lục D (quy định việc loại bỏ các hạn chế về kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối) khi được thi hành có thể tạo nên việc sửa đổi một loạt quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian ngắn, gây nên nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm vị trí độc quyền và có khả năng dẫn tới những bất đồng với các doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ.

Một ví dụ khác là các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định khá chi tiết trong Hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải có các quy định pháp luật mới đủ mạnh và chi tiết cả về nội dung lẫn thủ tục tố tụng. Việc thi hành các quy định này đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Thực tiễn kinh nghiệm thực hiệp hiệp định giữa Mỹ với Trung Quốc và Mehico cũng như một số nước đang phát triển khác cho thấy Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định này (cả Trung quốc và Mehico đều đã phải chịu các biện pháp trừng phạt bởi lẽ các nước này chưa hành động đủ hiệu quả để trừng trị việc ăn cắp bản quyền và làm hàng giả, nhất là đối với phần mềm máy tính, các sản phẩm video và ca nhạc) để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Mặc dù Việt Nam không phải thực hiện ngay một số quy định trong Hiệp định song thời gian ân hạn từ 12 - 60 tháng tuỳ theo từng quy định không cho phép các cơ quan Việt Nam có nhiều thời gian để thi hành những sửa đổi trong hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam cũng như các cơ quan có liên quan khác. Thực tế cho thấy cơ chế đầu tư và thương mại của Việt Nam hiện tại vẫn còn xa so với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, kể cả nhiều cam kết đã có hiệu lực ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Các nỗ lực cần tiến hành ngay nếu không quá muộn.

Bên cạnh đó, nếu hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam thành công trong vấn đề thu hút ồ ạt đầu tư Mỹ vào Việt Nam thì có thể sẽ xảy ra một loạt vấn đề về minh bạch hoá chính sách hoặc thiếu pháp luật (tại Trung Quốc trong quá trình thực hiện hiệp định thương mại Mỹ - Trung đã xảy ra tình trạng này). Một vấn đề khác liên quan đến các chuẩn mực pháp luật là một số hệ thống pháp luật nước ngoài có thể không thoả mãn quan điểm của Mỹ đối với các tiêu chuẩn tối thiểu của pháp luật quốc tế và do đó có thể phát sinh những lời cáo buộc từ phía Hoa Kỳ về các vi phạm chuẩn mực pháp luật quốc tế.

Ví dụ, Mỹ hình dung rằng các quy phạm và văn bản  pháp luật của một hệ thống pháp luật phải được đăng tải tại một nguồn chính thức, ví dụ như Công báo hay cơ quan đăng ký liên bang và mọi văn bản pháp luật phải được đăng trước khi chúng có hiệu lực. Mọi vấn đề pháp lý đều phải quy định địa chỉ liên hệ cơ quan có trách nhiệm và phải đảm bảo quyền được khiếu nại của người bị áp dụng văn bản cũng như đảm bảo quyền được có ý kiến bình luận của mọi người dân. Đây là một vấn đề được chính phủ Mỹ tin là đóng vai trò thiết yếu cho một hệ thống công bằng và bình đẳng và do đó, nếu một hệ thống pháp luật vẫn còn các quy định bí mật hoặc không được đăng, hoặc đã được đăng nhưng người đọc không thể tìm thấy ở đâu hay các quy định mới ban hành song laị có hiệu lực hồi tố có thể ảnh hưởng đến thương mại thì đó rất có thể sẽ trở thành một nguồn lớn cho các tranh chấp thương mại giưã Mỹ và nước đối tác.

Một ví dụ khác là vấn đề "dịch nghĩa" các quy định của Hiệp định và mối liên hệ giữa hiệp định và các văn bản pháp luật khác. Cụ thể, liên quan đến việc tự do cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn pháp luật. Theo Hiệp định thương mại  Mỹ - Việt Nam, các công ty tư vấn pháp luật Hoa Kỳ có thể tuyển dụng các luật sư việt Nam đề tư vấn pháp luật Việt Nam nếu người luật sư đó đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn được áp dụng chung đối với luật sư Việt Nam và như vậy người luật sư này có thể làm các dịch vụ tư vấn hoặc tranh tụng tại toà án. Tuy nhiên sau khi Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam đã được ký kết, Việt Nam ban hành Pháp lệnh Luật sư (sửa đổi) trong đó quy định chỉ có các luật sư có văn phòng tư vấn luật riêng mới được phép đại diện cho khách hàng ra tranh tụng tại Toà án. Như vậy Pháp lệnh này đã tước bỏ cơ hội cho các luật sư Việt Nam đang làm việc cho các văn phòng luật nước ngoài được tranh tụng tại Toà theo như quy định của Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam[36]. Ở một góc nhìn rộng hơn, có thể nói quy định như trên tuy không vi phạm các quy tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) hoặc quy tắc đối xử quốc gia (NT) vì nó hạn chế cả các công ty luật trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên một điều rõ ràng là quy định như vậy không mang tính tích cực.

Vai trò của Bộ Tư pháp hai nước ở đây rất quan trọng vì tại Mỹ Bộ Tư pháp là cơ quan được giao xem xét lại việc ban hành nhiều loại văn bản và Bộ Tư pháp Việt Nam cũng có thể được giao nhiệm vụ tương tự. Cũng cần đặc biệt coi trọng các cơ quan tham vấn giữa hai Chính phủ bởi lẽ nhiều quy định của hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam đều dẫn chiếu tới việc hai bên tham vấn trước khi đưa ra các chính sách có tính chất áp đặt. Sự thất bại của cơ quan tham vấn có thể sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt đơn phương và thực tiễn cho thấy các thoả thuận qua con đường tham vấn là phương thức tốt nhất để giải quyết xung đột thương mại trong quá trình thực hiện hiệp định giữa hai bên.

IV. MỘT VÀI DỰ BÁO VỀ CÁC VẤN ĐỀ SAU HIỆP ĐỊNH

1. Trước hết, có thể nói Hiệp định thương mại Mỹ - Việt là một nhịp cầu có thể dẫn đến sự bùng nổ phát triển quan hệ thương mại Mỹ - Việt. Nhận xét về vấn đề này trợ lý ngoại trưởng Mỹ E. Anthony Wayne và Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt Virgina B. Foote cho rằng

"Đây là một bước tiến để hai nước mở rộng sự tiếp cận thị trường của nhau và chỉ trong năm đầu tiên thôi  thương mại song phương hai nước sẽ tăng gấp đôi" "Với sự áp dụng đầy đủ các quan hệ bình thường hoá, Mỹ chắc chắn sẽ trở thành một nhà đầu tư hàng đầu tại  Việt Nam"

Trên cơ sở Hiệp định này hai bên có thể tiếp tục và mở rộng các quan hệ thương mại giữa hai nước bằng cách thúc đẩy quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng tức là tham gia vào cộng đồng kinh tế toàn cầu hoạt động có luật lệ sẽ cho phép Việt Nam  đạt mức tăng trưởng và lợi ích thu nhập cao hơn như tất cả các thành viên WTO đang được hưởng nhờ các vòng đàm phán đa phương quan trọng. Với hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, Việt Nam và các nước không chỉ thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo mà còn thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và toàn cầu, cải thiện điều kiện y tế và điều kiện làm việc; làm trong sạch môi trường; thúc đẩy pháp quyền  và các khía cạnh quản lý Nhà nước hiệu quả khác.

2. Thứ hai, Hiệp định thương mại Mỹ - Việt được Chính phủ Mỹ trông đợi như một công cụ xúc tiến một giai đoạn quan hệ đối ngoại mới đối với Việt Nam nhằm xúc tiến quan hệ đa diện và đa mục tiêu. Theo đánh giá của các quan chức Mỹ[37], việc ký kết hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam chính là một minh chứng quan trọng nhất cho quyết tâm của Việt Nam hướng tới tương lai. Điều này cũng chứng minh rằng giới chức lãnh đạo của Việt Nam hiện nay đang ủng hộ một thể chế kinh tế mới tự do hơn. Vì vậy việc triển khai hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam sẽ là một yếu tố quan trọng để tăng cường các nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn của Việt Nam và tạo đà cho Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không ảo tưởng về mối quan hệ với Việt Nam. Việt Nam là một nước đang trong quá trình chuyển đổi và việc thực hiện hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam là một thử thách lớn đối với Việt Nam. Quá trình này sẽ không dễ dàng, nhanh chóng thâm chí có thể có trục trặc song sẽ không thể bị đình trệ. Việc tự do hoá có thể diễn ra nhanh chóng trên một số lĩnh vực (như bảo hiểm) và chậm hơn trên một số lĩnh vực khác (như viễn thông)nhưng Việt Nam giờ đây đã bắt đầu vào quỹ đạo hoà nhập với cộng đồng kinh té toàn cầu. Việc ký kết hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, vì vậy, có thể coi là một bước tiến quan trọng khởi nguồn từ quá khứ nhưng việc áp dụng hiệp định này sẽ là chìa khoá cho tương lai và các biện pháp mà Việt Nam phải áp dụng để thực hiện Hiệp định thương mại Mỹ - Việt có thể tiên đoán trước là những bước đi quan trọng nhất mà Việt Nam tiến hành nhằm thúc đẩy đổi mới kinh tế kể từ khi Việt Nam bắt đầu chương trình "cơ cấu lại" nền kinh tế vào cuối những năm 80.

3. Thứ ba, việc ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại Mỹ - Việt sẽ mở đường cho việc tiếp tục tiến hành đàm phán các hiệp định mới. Ví dụ Chương 4 quy định về đầu tư trong hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam hiện nay còn thiếu rất nhiều quy định so với một khuôn khổ bảo hộ đầu tư tổng thể được thiết lập trong các hiệp định đầu tư song phương mà Mỹ đã ký kết với các nước khác. Điều này chắc sẽ dẫn đến việc hai bên phải đàm phán một hiệp định đầu tư song phương trong tương lai (bên cạnh một số hiệp định cụ thể trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá ví dụ như hiệp định hàng dệt và hiệp định về hàng may mặc). Các nhà đầu tư  Mỹ chắc sẽ nhận ra điều này và điều đó có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.

Khi Việt Nam tìm kiếm các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần lưu ý đến các quá trình hội nhập mà mọi nước trên thế giới, kể cả Mỹ, đã trải qua. Quá trình ấy sẽ liên quan đến vấn đề cho và nhận  trong nội bộ các xã hội, quá trình ấy có thể sẽ có những lệch lạc và khó khăn ngắn hạn song có thể sẽ dẫn đến một thế giơí tốt đẹp hơn. Việt Nam có thể trở thành một thị trường quan trọng song điều đó đòi hỏi phải có những nỗ lực của chính Việt Nam trong việc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp. Những nỗ lực ấy sẽ được các doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ hưởng ứng và sự phát triển thương mại và đầu tư, đặc biệt là sự khuyến khích khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, sẽ tạo đà cho các cơ hội mới.

4. Hiệp định thương mại Việt Mỹ được áp dụng sẽ mở đường cho việc tăng nhanh lượng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Tính đến bối cảnh thể chế pháp lý phức tạp của Hoa Kỳ và mục tiêu đảm bảo lợi nhuận của các chủ doanh nghiệp Mỹ, có thể nhìn thấy trước sẽ phát sinh nhiều tranh chấp thương mại, đặc biệt là các tranh chấp có ảnh hưởng mạnh hoặc đe doạ đến các thị phần truyền thống của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Tính tới yếu tố lợi ích công cộng, có thể nói trong nhiều trường hợp  lợi ích của các nhà phân phối và lợi ích của người tiêu dùng thể hiện qua ý kiến của ácc đại biểu dân cử. Việc tận dụng các yếu tố này có thể dẫn đến các thay đổi căn bản có lợi cho các bên trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, sự gia tăng số vụ khiếu kiện đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam là có thể dự đoán trước và điều này tuỳ thuộc vào xu thế lựa chọn của các nhà sản xuất Hoa Kỳ đối với các công cụ đảm bảo cạnh tranh thương mại công bằng mà trong đó kiện chống phá giá, chống độc quyền và các hình thức cạnh tranh không lành mạnh khác hiện vẫn là các công cụ được ưa thích.

5. Việc thực hiện Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam đòi hỏi nỗ lực hợp tác của cả hai bên và đặc biệt là các trợ giúp kỹ thuật từ phái Mỹ. Để đảm bảo việc thực hiện hiệp định, Chính phủ Mỹ sẽ kết hợp với hai Viện, các cơ quan ngoại giao và thương mại cũng như các tổ chức và doanh thương Mỹ quan sát các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc tuân thủ Hiệp định. Đồng thời phía Mỹ sẽ giúp Việt Nam thực hiện Hiệp định thông qua việc trợ giúp kỹ thuật và trợ giúp xây dựng kế hoạch. Thông qua hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam, Việt Nam đã cam kết thực hiện những cải cách cơ bản và điều nay đòi hỏi Việt Nam phải có hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về các chức năng và hệ thống điều hành của Chính phủ trong điều kiện một nền kinh tế theo xu hướng kinh tế thị trường. Cho tới nay cơ quan thương mại Mỹ đã trợ giúp Việt Nam trên một số lĩnh vực như hỗ trợ xây dựng các quy định về bảo hiểm, hỗ trợ tổ chức các hội thảo về tiêu chuẩn, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác về khí tượng thuỷ văn và nghề cá song phần lớn các trợ giúp này đều dưới dạng nhỏ, lẻ, nhất thời. Mỹ nên làm nhiều hơn để trợ giúp Việt Nam thực hiện Hiệp định và giờ đây là lúc cần triển khai các chương trình trợ giúp toàn diện tập trung vào trợ giúp kỹ thuật. Các chương trình này nên được cả Chính phủ và khu vực tư nhân cùng hợp tác thực hiện một cách sáng tạo để đảm bảo trợ giúp Việt Nam một cách có hiệu quả trong việc thực hiện hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. E. Anthony Wayne, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Kinh tế và doanh nghiệp, Phát biểu tại buổi đón tiếp phái đoàn Chính phủ/Doanh nhân Việt Nam ngày 10/12/2001
  2. Peter B. Davidson, Trưởng ban Tư vấn Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ, Điều trần về Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt tại Uỷ ban tài chính Thượng Nghị Viện Mỹ, 26-6-2001,
  3. Virginia B. Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương Mại Mỹ - Việt, Phát biểu tại Uỷ ban Tài chính Thượng Nghị Viện Mỹ, ngày 26/6/2001,
  4. Mark E. Mannyin, Báo cáo của Ban nghiên cứu phục vụ Quốc Hội Hoa Kỳ về Hiệp định Thương mại Mỹ - Việt, 20/6/2001,
  5. David A. Gantz, Hội thảo về Hiệp định thương mại Mỹ - Việt, 2001
  6. Bài của đại sứ Douglas Peterson nhận xét về Việt Nam trên tạp chí xã hội Châu Á, ngày 9/3/2001,
  7. Tài liệu Toạ đàm về BTA, đặc biệt là bài của ông David A. Gantz, 5/2001
  8. Phát biểu của Ô. Dan Price tại cuộc toạ đàm của Hội đồng Thương Mại Mỹ Việt, 2001,
  9. Timothy J. Hauser, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ,  Điều trần tại cuộc họp chung giữa Tiểu ban Quan hệ quốc tế và Tiểu ban Kinh tế Đối ngoại của Hạ viện Mỹ ngày 19/9/2000.
  10. Stanley O. Roth, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương,
  11. Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt và Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, ngày 19/9/2000,
  12. Charlene Barshefsky, Đại diện thương mại Mỹ, Điều trần tại cuộc họp chung giữa Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương và Tiểu ban Chính sách Kinh tế và Thương mại  Hạ Nghị Viện Mỹ, ngày 19/9/2000
  13. Fred Burke, Công ty Luật Baker & McKenzie, "Hiệp định thương mại và Tự do hoá Khu vực Dịch vụ: Nghiên cứu trường hợp Dịch vụ pháp lý"
  14. Christopher LaFleur, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các vấn đề Đông á và Thái Bình Dương, Phát biểu điều trần tại tiểu ban Thương mại thuộc Uỷ ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ, 18/7/2002.


[1] Xem bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại Hội nghị Toàn quốc về Hội nhập kinh tế quốc tế 

[2] Báo cáo Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X

[3] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII ngày 29/12/1997

[4] Lời nói đầu Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

[5] Nghị quyết số 48/2001/QH10 ngày 28/11/2001 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khoá X kỳ họp thứ 10 về việc Phê chuẩn “Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại”.

[6] Luật Kinh tế quốc tế - Học viện quan hệ quốc tế - Hà nội 1999.

[7] Xem thêm bài điều trần  của ông Timothy J. Hauser, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ tại cuộc họp chung ngày 19 - 9 - 2000 giữa 2 tiểu ban Quan hệ quốc tế và Kinh tế Đối ngoại của Hạ viện Mỹ,

[8] Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2002 giá trị nhập khẩu từ Hoa Kỳ bằng 111,32% năm 2001 và giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2003 gấp 2,27 lần năm 2001.

[9] Thạc sĩ luật thương mại quốc tế. Bài viết này là nghiên cứu riêng của tác giả và không có bất kỳ liên hệ gì hay có ý định nào nhằm thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp hay Vụ PLQT-HTQT, Bộ Tư pháp. Tác giả đánh giá cao các ý kiến đóng góp xây dựng bài viết này.

[10] Cho tới thời điểm tháng 4/2003 thì vẫn còn có các ý kiến khác nhau về sự cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về MFN và NT. Bản thân cơ quan chủ trì là Bộ Thương mại có quan điểm cho là không càn thiết ban hành văn bản như vậy. Trong bối cảnh này thì mặc dù cần có thêm thời gian để đánh giá mức độ đi vào uộc sống của Pháp lệnh này, nhưng ít nhất đối với các chuyên gia nghiên cứu thì có một cảm giác hoài nghi về tính hiệu quả của Pháp lệnh nếu không có bước xây dựng và hoàn thiện thể chế về cạnh tranh nói chung đi kèm.

[11] Cho tới cuống tháng 12/2002 Việt Nam đã ký kết hơn 80 Hiệp định thương mại song phương, hơn 40 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, tham gia các điều ước quốc tế khu vực ASEAN, APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư.

[12] Vòng đàm phán Doha hiện nay bao gồm cả các vấn đề về cạnh tranh.

[13] Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi (tức là áp dụng trên cơ sở MFN) là một trong những vấn đề trong chương trình nghị sự đàm phán của WTO kể từ 1995, nhưng đến nay vẫn còn chưa kết thúc. Do đó, các nước thành viên WTO khác nhau có các quy định vè xuất xứ hàng hóa khác nhau và thực tiễn áp dụng chúng còn đa dạng hn nhiều. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì các quy tắc xuất xứ  hàng hóa có thể được sử dụng như “rào cản thương mại” tinh vi để bảo hộ mậu dịch, chẳng hạn các quy tắc xuất xứ hàng hóa của NÀTA dành ưu đãi cho hàng hóa trong khối.

[14] Một điều đã được thừa nhận là khái niệm “hàng hóa tương tự” và “nhà cạnh tranh” đã được cơ quan giải quyết tranh chấp WTO giải thích khác nhau trong việc áp dụng các Hiệp định và quy định khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ khái niệm này được giải thích rộng nhất là trong bối cảnh áp dụng quy tắc NT của GATT.

[15] Các biện pháp trong nước nhưng nếu được áp dụn tại biên giới cũng phải tuân theo nguyên tắc NT, chẳng hạn việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt khi hàng hóa được nhập khẩu.

[16] Các ngoại lệ này về cơ bản được cơ quan giải quyết tranh chấp WTO giải thích là chỉ được coi là hợp pháp khi sử dụng mà không thể có một biện pháp thay thế khá đạt được cùng mục đích mà có ít hệ qaủ hạn chế thương mại hơn, bên cạnh các yêu cầu rất cao về thủ tục tố tụng.

[17] Trong WTO thì hầu hết các nước thành viên đều tham gia ít nhất một Hiệp định hay thỏa thuận thương mại tự do. WTO có đưa ra cơ chế rà soát, kiểm tra sự phù hợp của các Hiệp định hay thỏa thuận này, nhưng cho tới nay chưa có một Hiệp định hay thỏa thuận nào bị kết luận là vi phạm các quy định của WTO. Điều này cho thấy là vi các lý do khác nhau WTO có cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo trong áp dụng quy định này.

[18] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII ngày 29/12/1997

[19] Báo cáo Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X

[20] Phát biểu của Tổng thống Bill Clinton ngay sau khi công bố Hiệp định

[21] Lời nói đầu Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

[22] Trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan trên Báo Nhân dân ngày 15/7/2000.

[23] Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nxb chính trị quốc gia, tháng 4-2001, trang 53, 54

[24] Mekong Reseach, IMF, 2000

[25] Tác động của việc Hoa Kỳ giành cho Việt Nam quy chế MFN, Emiko Fukase và Will Martin, Ngân hàng Thế giới, 1999

[26] Công văn số 1102TC/VP ngày 30 tháng 1 năm 2003 của Bộ Tài chính về việc trả lời các nội dung liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Việt - Mỹ.

[27] Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nxb Chính trị quốc gia, tháng 4-2001, trang 110, 111

[28] Điều 20 Luật Đầu tư nước ngoài

[29] báo cáo tổng thể đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

[30] Điều 4 Chương VI Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

[31] Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2002 giá trị nhập khẩu từ Hoa Kỳ bằng 111,32% năm 2001 và giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2003 gấp 2,27 lần năm 2001.

[32] Báo cáo tổng hợp Hội thảo Một năm đầu tiên thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ của Uỷ ban Đối ngoại - Quốc hội.

[33] Điều 2 (a) Hiến chương về các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các Nhà nước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 12 tháng 12 năm 1974

 

[34] Xem Điều 4 Chương IV Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ

[35] Trong bài này tên gọi đầy đủ nói trên của Hiệp định sẽ được gọi tắt là "Hiệp định thương mại Mỹ - Việt" hoặc "BTA"

[36] Xem thêm bài "Hiệp định thương mại và Tự do hoá Khu vực Dịch vụ: Nghiên cứu trưởng hợp Dịch vụ pháp lý" của Fred Burke, Công ty Luật Baker & McKenzie.

[37] Xem thêm bài điều trần  của ông Timothy J. Hauser, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ tại cuộc họp chung ngày 19 - 9 - 2000 giữa 2 tiểu ban Quan hệ quốc tế và Kinh tế Đối ngoại của Hạ viện Mỹ,

 

File đính kèm downloadTải về