Thực hiện chủ trương của Đảng trong các nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc về việc phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững, trong thời gian qua, Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm môi trường luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý quan trọng vào bậc nhất trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang có sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội về môi trường nói riêng, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.
Nhằm đánh giá công tác tổ chức thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường ở Việt Nam trong thời gian qua, tìm ra nguyên nhân, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường, Viện Khoa học pháp lý đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện hoạt động khảo sát “Thực trạng thi hành các quy định về tội phạm môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Với những hoạt động nghiên cứu tại chỗ và tư liệu, số liệu thu thập được từ hoạt động điều tra, khảo sát thực tế tại 06[1] tỉnh/thành phố, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã phân tích, đánh giá thực trạng thi hành các quy định về tội phạm môi trường, tìm ra các nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường công tác thi hành các quy định về phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các tội phạm môi trường trong thời gian tới.
[1] Gồm: Thành phố Hải Phòng, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương và Cà Mau. Hoạt động khảo sát này nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ bảo vệ môi trường: “Khảo sát thực trạng tổ chức thi hành các quy định về tội phạm môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp thực hiện trong 02 năm (năm 2017 và 2018)