Các nhà nước hiện đại quản lý xã hội bằng pháp luật, tuy nhiên, không phải lúc nào pháp luật cũng đầy đủ để bao quát hết mọi vấn đề của xã hội. Tính đa quy phạm (tức là sự tồn tại của nhiều hệ thống quy phạm xã hội bên cạnh pháp luật) là một hiện tượng khách quan đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Các quốc gia nhìn chung đều coi tập quán là một loại nguồn bổ sung của pháp luật để bù đắp cho những thiếu hụt của pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”[1]. Đây có thể coi là quy định quan trọng của Bộ luật Dân sự năm 2015 góp phần thể chế hóa các yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020[2] và Hiến pháp năm 2013[3]. Bên cạnh đó, Điều 5 và Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định trong trường hợp không có quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh thì thẩm phán áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng tập quán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn hạn chế, gặp nhiều lúng túng trong việc xác định một thói quen ứng xử được coi là tập quán, phạm vi áp dụng tập quán, cách thức áp dụng tập quán... Điều này một phần xuất phát từ việc các quy định về áp dụng tập quán còn chung chung, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo về tập quán khiến cho việc áp dụng tập quán trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Với những tư liệu, số liệu từ điều tra, khảo sát thực tế tại 08 tỉnh/thành phố (gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Sóc Trăng) trong khuôn khổ của Dự án điều tra cơ bản: “Các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền” do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp triển khai trong 03 năm (năm 2016, 2017 và 2018), nhóm tác giả đã miêu tả khái quát các tập quán tại các vùng/miền, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa nơi còn lưu giữ nhiều tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, đánh giá những tác động của tập quán tới hành xử của người dân, thực tiễn áp dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đưa ra các kiến nghị góp phần nâng cao nhận thức về tập quán, hoàn thiện các quy định về áp dụng tập quán, cũng như hoàn thiện các điều kiện đảm bảo cho việc phát huy giá trị của tập quán trong giải quyết các tranh chấp của người dân.
[1] Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Điểm 1.7 Mục III Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[3] Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.