Việc doanh nghiệp chấm dứt (rút lui) khỏi thị trường được coi là hiện tượng thông thường trong nền kinh tế thị trường. Việc rút lui khỏi thị trường hoặc không hoạt động khi hiệu quả kinh tế không cao và để nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả hơn là một quá trình "phá hủy sáng tạo" và cần thiết đối với mọi nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hoạt động đầu tư ra ngoài nước và tiếp nhận đầu tư nước ngoài, các hoạt động thương mại quốc tế ở tầm doanh nghiệp và quốc gia. Thực tế này đặt ra sức ép ngày càng lớn về đảm bảo tính hài hoà và khả năng thực thi của các quy định pháp luật về điều tiết thị trường, trong đó có các quy định về rút khỏi thị trường. Giám sát hiệu quả quá trình gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp giúp đảm bảo lợi ích tốt nhất của tất cả các chủ thể trên thị trường và đảm bảo sự vận hành hiệu quả của thị trường.
Với mong muốn nhìn nhận các hạn chế trong quá trình thực thi quy định hiện hành về chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, tìm hiểu nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện pháp luật về chấm dứt doanh nghiệp ở nước ta, Viện Khoa học pháp lý trân trọng giới thiệu Đặc san Thông tin khoa học pháp lý chuyên đề về “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập”*.
* Số Thông tin này là kết quả của Đề tài khoa học cấp sơ sở: Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập”, Hà Nội, 2019. Trong phạm vi chuyên đề này châm dứt hoạt động của doanh nghiệp được hiểu là chấm dứt doanh nghiệp.