Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 (Hiến pháp năm 2013) đã xác lập nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2). Đây là sự bổ sung, phát triển quan trọng so với nguyên tắc phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước được quy định tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Một bước tiến quan trọng nữa của Hiến pháp năm 2013 là đã bước đầu cụ thể hóa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước vào các quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền này. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta hiến định đầy đủ vấn đề kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước (trong đó có quyền lập pháp). Thời gian qua, việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc thực hiện quyền lập pháp đã được chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Nước ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Theo đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội;[1] xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.[2] Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đề ra chủ trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.[3]
Ngày 30/6/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 931/QĐ-BTP phê duyệt Khung Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2018 - 2020 “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013”. Số Đặc san thông tin Khoa học pháp lý “Phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013” được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài thuộc Chương trình này. Tập thể tác giả hy vọng nghiên cứu này sẽ góp phần củng cố, phát triển thêm lý luận về quyền lập pháp và phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động lập pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.
[1] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 175.
[2] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tlđd, tr. 176.
[3] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tlđd, tr. 203.