Trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã khá thành công trong việc thiết lập được hệ thống pháp luật tương đối đồ sộ với hàng trăm đạo luật[1] điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Các đạo luật này cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, nhìn chung, đã góp phần quan trọng cung cấp cơ sở pháp lý để Việt Nam chuyển đổi khá thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu chi tiết thực tiễn điều chỉnh pháp luật trong từng lĩnh vực, gắn với các thông số về vòng đời của các văn bản pháp luật, có thể thấy sự biến động khá thường xuyên của các văn bản pháp luật này. Nhiều đạo luật quan trọng, mang tính rường cột của quốc gia được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới khá thường xuyên. Đó là chưa kể sự thay đổi thường xuyên của các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này làm cho không ít người dân, nhà đầu tư và kể cả các cơ quan nhà nước bày tỏ sự quan ngại về tính ổn định của pháp luật Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta thời gian gần đây, yêu cầu nâng cao tính ổn định của hệ thống pháp luật (bên cạnh yêu cầu cải thiện về tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp) rất được nhấn mạnh.[2] Tính ổn định của pháp luật sẽ đảm bảo sự ổn định trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và điều đó tạo cho xã hội ổn định và phát triển. Tuy nhiên, sự ổn định của nội dung pháp luật là tương đối, vì nếu tuyệt đối hóa tính ổn định của pháp luật sẽ làm cho văn bản hoặc là có khung pháp lý quá rộng, quy định mang tính chung chung sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, hoặc là làm cho văn bản cứng nhắc, lạc hậu quá xa so với điều kiện kinh tế - xã hội nhưng vẫn không được sửa đổi và cả hai khuynh hướng đó đều làm hạn chế tính khả thi của văn bản. Vậy thực chất tính ổn định của pháp luật là gì? Ổn định ở đây nên được hiểu như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh hệ thống pháp luật được sinh ra để điều chỉnh các quan hệ của thực tiễn cuộc sống luôn luôn biến đổi? Vì sao việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần coi trọng tính ổn định của pháp luật? Những yếu tố (chủ quan, khách quan) nào ảnh hưởng tới tính ổn định của pháp luật?...
Xuất phát từ bối cảnh nêu trên, trong năm 2018-2019 Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Tính ổn định của pháp luật Việt Nam: Lý luận, thực trạng và giải pháp”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài này, nhóm tác giả đã biên soạn số Đặc san Thông tin Khoa học pháp lý “Tính ổn định của pháp luật: Lý luận và thực tiễn”. Các tác giả rất hy vọng nghiên cứu này sẽ là tài liệu hữu ích, phục vụ trực tiếp cho hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam.
[1] Từ ngày 01/01/1987 đến ngày 31/10/2019, Việt Nam đã ban hành 602 bộ luật, luật, pháp lệnh các loại, gấp hơn 9,5 lần so với giai đoạn 41 năm trước đó (tính từ ngày 02/9/1945 đến 31/12/1986, Việt Nam chỉ ban hành 63 bộ luật, luật, pháp lệnh). Nhóm tác giả kiểm tra số liệu từ dữ liệu của vbpl.vn.
[2] Xem: Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ giai đoạn 2016-2020; Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 104.