Theo quy định pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, các chức năng, nhiệm vụ của quyền hành pháp đã và đang do Chính phủ thực hiện chủ yếu. Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, chất lượng hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp có ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống an sinh của nhân dân, sự vận hành của nhà nước và sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, việc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp không chỉ có ý nghĩa trong việc tổ chức thực thi một quyền năng quan trọng của nhà nước, mà còn tác động đến việc tổ chức thực hiện các quyền lập pháp và tư pháp. Nếu việc tổ chức thực thi quyền hành pháp được thông suốt, hiệu quả thì sẽ có tác động tích cực đối với sự vận hành chung của bộ máy nhà nước. Do đó, cần có những thay đổi nhất định về mặt nhận thức và lý luận liên quan đến quyền hành pháp và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp. Đây cũng là một yêu cầu mới theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, trong đó có các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nhận diện rõ nội hàm của quyền hành pháp, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp còn những hạn chế, vướng mắc nhất định. Thực tiễn 05 năm thi hành Hiến pháp vừa qua cho thấy việc nhận diện về nội hàm của quyền hành pháp chưa thực sự chuẩn, việc kiểm soát quyền hành pháp chưa được thực sự coi trọng và giải quyết thỏa đáng. Ngoài ra, một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 chưa được giải quyết triệt để trong các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật tổ chức bộ máy nhà nước mới nên cần tiếp tục được nghiên cứu để đề xuất các giải pháp hoàn thiện hơn.
Xuất phát từ các vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013” (do TS. Nguyễn Thị Kim Thoa làm Chủ nhiệm Đề tài năm 2019) để góp phần nhận diện rõ những vấn đề lý luận về quyền hành pháp, nội hàm, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của quyền hành pháp (tập trung vào chức năng hoạch định chính sách, ban hành pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật); yêu cầu của nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, các quy định hiện hành và thực tiễn triển khai; từ đó, đề xuất các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền hành pháp và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo đúng tinh thần, nội dung, lời văn của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục cung cấp luận cứ khoa học, kinh nghiệm của các nước về quyền hành pháp trong thời gian tiếp theo.
Kết quả nghiên cứu Đề tài góp phần mở ra những hướng nghiên cứu chuyên sâu về quyền hành pháp trong bối cảnh mới; phục vụ cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung. Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu kết quả nghiên cứu của Đề tài tại số Đặc san này.