Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tích hợp toàn bộ những thành tựu của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhưng nâng lên một bước phát triển mới về chất, gắn liền với các trụ cột về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), người máy thông minh có thể tự học hỏi (learning machines) (nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống cảm biến hiện đại - sensors), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (Internet of things), …*
Không chỉ khác biệt về chất, tốc độ phát triển của những đột phá trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem là không có tiền lệ trong lịch sử. Theo các chuyên gia, “nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm”**. Những đột phá công nghệ nhanh chóng và trên nhiều lĩnh vực đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Việc ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà cả cách thức quản trị quốc gia của nhà nước. Những biến đổi này cũng đặt ra thách thức lớn đối với những người hoạch định chính sách và pháp luật, khi chính sách và pháp luật không chỉ đòi hỏi phải đáp ứng được những khía cạnh công nghệ ngày càng trở nên phức tạp, mà còn phải đáp ứng được sự thay đổi của chúng gần như là hàng ngày.
Trong bối cảnh đó, regulatory sandbox (tạm dịch là: Không gian pháp lý thử nghiệm) đang trở thành một công cụ quản lý được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp cận trong nỗ lực tìm kiếm phương thức phù hợp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ những công nghệ mới chưa được kiểm chứng và chưa được dự liệu bởi các quy tắc pháp lý vốn ổn định, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Vậy regulatory sandbox là gì? Vì sao regulatory sandbox được xem là một công cụ quản lý phù hợp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0? Cần làm gì để có thể xây dựng các regulatory sandbox? Đây là những vấn đề mà nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tiến hành nghiên cứu và thể hiện trong số Đặc san thông tin khoa học pháp lý: “Xây dựng các không gian pháp lý thử nghiệm (Regulatory sandbox) trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới và Việt Nam”.
* Bộ Tư pháp, Báo cáo số 294/BC-BTP ngày 18/11/2019 về kết quả Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” gửi Thủ tướng Chính phủ.
** TS. Phan Xuân Dũng, Nghiên cứu sửa đổi chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo cấp quốc gia về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 24/6/2019.