Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu khách quan của quá trình toàn cầu hóa. Trong quá trình hội nhập của mỗi quốc gia, việc quốc tế hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tất yếu dẫn đến việc phát sinh ngày càng nhiều mối quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài thuộc các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân gia đình, v.v.. Để điều chỉnh các mối quan hệ này, pháp luật các nước nhìn chung đều có cách tiếp cận là thừa nhận và cho phép áp dụng luật nước ngoài ở mức độ nhất định trên cơ sở đảm bảo chủ quyền quốc gia, để đáp ứng một cách hài hòa lợi ích của các bên liên quan không cùng mang quốc tịch. Nói cách khác, áp dụng pháp luật nước ngoài là một nhu cầu khách quan trong tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng luật nước ngoài không phải là nghĩa vụ pháp lý của mỗi quốc gia mà thuộc chủ quyền quốc gia, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, cũng như bảo hộ những quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân nước mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự quốc tế. Thêm vào đó, áp dụng pháp luật nước ngoài luôn là một vấn đề phức tạp và khó khăn, tạo khá nhiều áp lực và thách thức đối với mỗi quốc gia.
Thực tiễn giải quyết xung đột pháp luật đã chứng tỏ rằng, nếu cơ quan tư pháp chỉ áp dụng pháp luật nước mình để điều chỉnh bất kì quan hệ, mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài nào, bằng mọi cách mở rộng hiệu lực của pháp luật nước mình mà không tính đến trường hợp cụ thể cần phải áp dụng pháp luật nước ngoài có thể dẫn tới sự thủ tiêu tính công bằng - nguyên tắc cơ bản của bất kì quá trình tố tụng nào. Điều này có thể gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân nước ngoài.
Như vậy, cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài là điều kiện hết sức cần thiết cho sự phát triển bình thường các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài.
Với mục đích xâu chuỗi lại toàn bộ kiến thức lý luận, thực tiễn quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự bởi Tòa án Việt Nam, đồng thời nhận diện những khó khăn vướng mắc về lý luận và thực tiễn, mở đường và tạo điều kiện cho các tòa án Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt để có thể áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự, Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý “Một số vấn đề về áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự tại Tòa án Việt Nam”*.
* Nội dung số Đặc san được tổng hợp từ các bài viết của Hội thảo khoa học cấp Bộ năm 2020: “Điều kiện cần và đủ để áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự tại Tòa án Việt Nam” của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.