Hoàn thiện thể chế sở hữu, đặc biệt là sở hữu toàn dân, là một trong những yêu cầu quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam*. Việc đáp ứng yêu cầu này không thể tách rời việc hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công, là đối tượng của sở hữu toàn dân. Các nỗ lực hoàn thiện cơ chế quản lý, sở hữu tài sản công nói chung thường không chú ý một cách thích đáng đến vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương. Điều này chưa phù hợp với vị trí đặc biệt của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng tài sản công. Vị trí đặc biệt này có cơ sở thực tế là tất cả tài sản công về mặt vật lý đều toạ lạc tại một địa phương nhất định; và khả năng của chính quyền địa phương trong việc tương tác trực tiếp với người dân - những người chủ sở hữu thực sự đối với tài sản công về mặt pháp lý, giúp giảm bớt mức độ trung gian trong quản lý, sử dụng tài sản công và làm cho hoạt động này có thể phản ánh một cách tốt nhất ý chí và nguyện vọng của những người chủ sở hữu thực sự đó.
Vậy những vấn đề pháp lý trong quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương cần được nhìn nhận ở những khía cạnh nào? Pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương có những bất cập gì khi nhìn nhận ở những khía cạnh này? Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương ở Việt Nam có thể được hoàn thiện như thế nào? Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý đã tiến hành nghiên cứu lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để góp phần trả lời những câu hỏi này. Các kết quả nghiên cứu được thể hiện trong số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý chuyên đề “Quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay - Những vấn đề pháp lý đặt ra”.
Tài sản ở cấp chính quyền địa phương có phạm vi rất rộng, bao hàm nhiều đối tượng như: các công trình xây dựng, nhà ở, tài sản tập thể, tài sản được giao tạm thời cho chính quyền địa phương quản lý, tài sản được giao cho doanh nghiệp tại địa phương… Trong dung lượng có hạn của số Đặc san, để bảo đảm tính khả thi, nhóm nghiên cứu giới hạn phạm vi nghiên cứu là đối với các tài sản công, bao gồm: tài sản được giao với tư cách là nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương và tài sản công khác là các nguồn lực của quốc gia, địa phương mà chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng. Các tài sản được giao cho doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi nghiên cứu của số Đặc san này.
Đặc san Thông tin khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
* Yêu cầu này đã được xác định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.