Những năm gần đây, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế; vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được khẳng định, phạm vi các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng, tăng cường về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cũng theo đó có sự điều chỉnh.
Ngành Tư pháp hiện nay đã và đang được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng Bộ quản lý đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm với dân. Thể chế về tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của Bộ, ngành từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý đa lĩnh vực; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ công; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; tăng cường và bảo đảm phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp.
Đội ngũ cán bộ tư pháp từ trung ương đến địa phương từng bước được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả tích cực nêu trên, tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: vẫn còn lúng túng trong hoạt động tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và địa phương còn chưa hợp lý, bộ máy tư pháp của chính quyền cơ sở quá tải về số lượng công việc; cơ chế phối hợp giữa Bộ, ngành Tư pháp với các Bộ, ngành khác trong xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật và một số công tác tư pháp khác chưa thật sự hiệu quả...
Với những lý do trên, trong năm 2019-2020, Viện Khoa học pháp lý được giao triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng Bộ, ngành Tư pháp từ 2013 đến nay phục vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ này, trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san thông tin khoa học pháp lý “Một số nét cơ bản về tổ chức và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn từ năm 2013 đến nay” do Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý thực hiện. Các tác giả hi vọng nghiên cứu này sẽ góp phần hoàn thiện một số thể chế quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ, ngành Tư pháp và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy ngành tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc
Đặc san Thông tin khoa học pháp lý