Kinh tế chia sẻ xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ, phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế nhu cầu (on - demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy),…Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên internet. Trong kinh doanh, mô hình kinh tế chia sẻ thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up)khởi xướng - đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống[1].
Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ đã có những bước phát triển đáng chú ý, với một số mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như: ứng dụng gọi xe Grab, Be, Gojek; dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb,Luxstay; dịch vụ cho vay ngang hàng như Tima, Lendbiz... Xuất phát từ đặc điểm nổi bật của kinh tế chia sẻ là ưu tiên sử dụng thay vì sở hữu và có sự hỗ trợ từ công nghệ số, nên mô hình kinh tế chia sẻ đã kết nối được số lượng lớn người cung cấp và người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở vật chất cũng như phương tiện, con người. Từ đó, mô hình kinh tế chia sẻ được cho là đem lại nhiều lợi ích như: giá cả cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ đa dạng, thúc đẩy cạnh tranh nhằm tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng, tận dụng nguồn lực dư thừa của xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động,… Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mô hình kinh tế chia sẻ cũng đang đặt ra một số vấn đề trong thực tiễn quản lý, ví dụ như: không bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh;tiềm ẩn khả năng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi ngườilao động;vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, thất thoát thuế; ảnh hưởng đến lợi ích công và vấn đề bảo vệ môi trường. Một trong số những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là mô hình kinh tế mới này đã khiến cho hệ thống pháp luật hiện hành xuất hiện một số bất cập và lỗ hổng pháp lý.
Từ những bất cập trong hệ thống pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ, trong năm 2020-2021, Viện Khoa học pháp lý được giao triển khai Đề tài cấp Bộ về xây dựng, hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ này, Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý “Pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay” do Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý thực hiện. Các tác giả hy vọng nghiên cứu này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam trong thời gian tới.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc./.