Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia các cơ chế đa phương về hợp tác tư pháp quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ định hướng tăng cường hợp tác đa phương trong lĩnh vực tư pháp. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương “Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp bằng cách “tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống”. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế cũng đã tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo về hội nhập quốc tế của Việt Nam là “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”.
Một trong những biện pháp thực hiện chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện qua việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 17/9/2012 về việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế - một thiết chế quan trọng của tư pháp quốc tế. Trên cơ sở Nghị quyết, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập và chính thức trở thành thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào ngày 10/4/2013. Ngay sau khi gia nhập, ngày 16/8/2013, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1440/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam, theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì các hoạt động thực hiện Kế hoạch này và được giao trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể; trong đó nhiệm vụ: “Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về tư pháp quốc tế, Hội nghị La Hay và các công ước của Hội nghị” được giao cho Viện Khoa học pháp lý.
Trong giai đoạn 2017-2021, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã chủ trì và cùng một số đơn vị hữu quan thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” theo Quyết định số 1447/QĐ-BTP ngày 28/06/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong bối cảnh tư pháp quốc tế trên thế giới đã có nhiều bước phát triển mới, đặc biệt dưới bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19, với mong muốn cập nhật những vấn đề mới phát sinh trong tư pháp quốc tế tại Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật, Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu số đặc san Thông tin Khoa học pháp lý “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế”.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.