Người khuyết tật là một trong những nhóm người thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương, họ có ở tất cả các quốc gia và trong tất cả tầng lớp xã hội, cả trong những gia đình ở nông thôn và thành thị. Theo ước tính của Quỹ dân số của Liên hợp quốc, trong cuộc sống người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp ba lần so với người không khuyết tật. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam đã quan tâm, ghi nhận và có cơ chế bảo đảm các quyền của người khuyết tật được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực dân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... Trong đó, quyền đối với tài sản nói chung, quyền thừa kế nói riêng (cụ thể là quyền lập di chúc) là một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình được thế giới quan tâm và ghi nhận. Bởi, với các khiếm khuyết trên cơ thể và tinh thần, người khuyết tật thường khó thể hiện đúng, đầy đủ ý chí của mình và khó khăn trong việc thực hiện quyền, dễ đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng, lừa đảo tài sản. Tại Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, pháp luật đã xây dựng trình tự thủ tục lập di chúc đặc thù, có tính bắt buộc đối với một số trường hợp: người bị hạn chế về thể chất; người không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được…Tuy nhiên, dù đã có các quy định cụ thể nhưng trên thực tế, để người khuyết tật, người bị hạn chế về thể chất thực hiện được quyền lập di chúc của mình vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc (như vấn đề năng lực hành vi dân sự của người khuyết tật còn có nhiều quan điểm; chưa có văn bản pháp luật giải thích khái niệm người bị hạn chế về thể chất; những khó khăn về mặt thực thi…).
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích các nguyên nhân, đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, giảm thiểu các rào cản, kịp thời bảo đảm thực hiện quyền lập di chúc của người khuyết tật, người bị hạn chế về thể chất.
Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý chuyên đề “Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với di chúc của người khuyết tật hoặc người bị hạn chế về thể chất” do nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và các cộng tác viên thực hiện. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.