Trong khoa học pháp lý, khái niệm pháp luật và hệ thống pháp luật là những khái niệm rất cơ bản đã được đưa vào các giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật để giảng dạy trong các trường đại học chuyên ngành luật. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu, đánh giá và bổ sung những đặc tính mới của các khái niệm này cho phù hợp với sự phát triển của khoa học pháp lý đương đại vẫn được rất nhiều nhà nghiên cứu tìm tòi, khám phá.
Hệ thống pháp luật theo quan niệm truyền thống là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định*. Theo cách hiểu này hệ thống pháp luật được tạo thành từ tổng thể các quy phạm pháp luật mà không bao gồm các yếu tố khác, như: các học thuyết, các nguyên tắc pháp lý và các nguồn luật bất thành văn khác, cũng như các yếu tố đảm bảo thực thi pháp luật (hệ thống các thiết chế, thông tin pháp luật, nguồn nhân lực thực thi pháp luật…).
Trong thời gian gần đây, khoa học pháp lý đã chứng kiến một số nghiên cứu mở ra những hướng mới, giúp chúng ta có hướng tiếp cận mới về hệ thống pháp luật góp phần mang lại những cải cách quan trọng, đáng ghi nhận trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật ở Việt Nam. Trong đó, quan niệm (hay cách tiếp cận) về hệ thống pháp luật đã có những thay đổi lớn, hệ thống pháp luật được tiếp cận trong trạng thái động, hoạt động xây dựng thể chế và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật được đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ trong một chỉnh thể thống nhất đã được thể hiện nhất quán trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Đặc san Thông tin khoa học pháp lý “Bàn về hệ thống pháp luật” là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học pháp lý, cung cấp thêm một số góc nhìn đa chiều về các quan niệm về hệ thống pháp luật hiện nay.
* Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, 2010, tr. 401.