• Thuộc tính
Tên đề tài Tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Đề tài bao gồm Báo cáo phúc trình của đề tài, 12 chuyên đề nghiên cứu, 01 Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra xã hội học và 06 Phụ lục.

1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐÈ TÀI

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này[1] đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD (NTD) tại Việt Nam đồng thời trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Theo pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD hiện hành, các thiết chế bảo vệ quyền lợi NTD quan trọng nhất ở Việt Nam gồm:

  • Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD[2].
  • Các Hội bảo vệ NTD (chủ yếu bao gồm Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam và các Hội bảo vệ NTD ở các tỉnh)
  • Hệ thống Tòa án

Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được ban hành và có hiệu lực (01/7/2011) NTD luôn mong ngóng tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD sẽ giảm bớt, NTD sẽ an tâm khi sử dụng các hàng hóa, dịch vụ do thương nhân cung cấp. Tuy nhiên, quyền lợi NTD có thực sự được bảo vệ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó một yếu tố rất quan trọng là năng lực, khả năng, điều kiện của các thiết chế bảo vệ NTD trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Thực tiễn cho thấy, năng lực của các thiết chế bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể:

Kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được ban hành và có hiệu lực thi hành, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, tuy nhiên công tác chỉ đạo, đôn đốc công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD vẫn chưa được tổ chức xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên và nghiêm túc. Thêm vào đó, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD của nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 đã khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội nói chung và Hội bảo vệ NTD nói riêng trong công tác bảo vệ NTD nhưng đến nay, việc triển khai các quy định pháp luật còn nhiều lúng túng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo báo cáo của kết quả điều tra xã hội học do nhóm chuyên gia thực hiện đề tài khảo sát cho thấy chỉ có 14,8% số người được hỏi trả lời có biết đến sự tồn tại của Hội bảo vệ NTD ở Trung ương và cũng chỉ có 14% số người được hỏi khẳng định có biết đến sự tồn tại của Hội bảo vệ NTD ở địa phương. Như vậy, vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được thực thi, các vụ việc xâm phạm đến quyền lợi của NTD vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trung bình trong năm 2010 và 2011 số lượng các vụ việc gửi đơn khiếu nại đến các Sở Công Thương trong cả nước là 500 vụ, đến Cục Quản lý cạnh tranh là 60 - 70 vụ, đến các hội bảo vệ quyền lợi NTD trong cả nước là 1.500 vụ. Trên phạm vi cả nước, bình quân mỗi năm có hơn 2000 vụ việc được gửi đơn khiếu nại tới cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD[3]. Trong thực tế, số lượng vụ việc thương nhân vi phạm pháp luật bảo vệ NTD còn lớn hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, số vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD được Tòa án giải quyết lại rất ít. Trong thống kê của ngành Tòa án cũng không có hạng mục thống kê về các vụ án khởi kiện bảo vệ quyền lợi NTD.

Trong tương lai không xa, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ đặt ra đối với việc bảo vệ quyền lợi cho NTD Việt Nam, mà còn đặt ra đối với việc tham gia vào phong trào bảo vệ NTD trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Ủy ban điều phối quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD của ASEAN (gọi tắt là ACCP) đã được thành lập, ACCP được vận hành dựa trên ba trụ cột chính: xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hàng hóa mất an toàn cho NTD (Arlert System), bảo vệ NTD xuyên biên giới (Cross Border Redress) và giáo dục, đào tạo NTD (Training and Education), Việt Nam đã tham gia vào Mạng lưới cơ quan bảo vệ NTD thể giới (ICPEN). Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cũng như các tổ chức xã hội, các cơ quan tài phán cần phải có những thay đổi tích cực để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện đầy đủ những cam kết trong khu vực và quốc tế.

Từ những phân tích trên cho thấy việc nghiên cứu đề tài: “Tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam” rất có giá trị và ý nghĩa trong việc đảm bảo thực thi pháp luật bảo vệ NTD trong thực tiễn.

Ngoài ra, những nghiên cứu của đề tài này cũng rất thiết thực cho việc giảng dạy vấn đề các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, một nội dung của môn học Luật Cạnh tranh và bảo vệ NTD tại Trường Đại học Luật Hà Nội - đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp đồng thời chúng cũng là tư liệu cần thiết cho các công trình nghiên cứu có liên quan.

2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

So với các lĩnh vực pháp luật khác, lĩnh vực pháp luật bảo vệ NTD ra đời sau. Tuy nhiên, bảo vệ NTD là bảo vệ một thành tố, một chủ thể vô cùng quan trọng của nền kinh tế xã hội, vì vậy, nghiên cứu bảo vệ NTD và pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu ở các nước trên thế giới. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:

  • Tác giả Geraint G. Howells và Stephen Weatherill trong cuốn “Consumer protection law”, Ashgate Pub Ltd., 2nd edition, 2005 đã diễn giải bản chất, nội dung của pháp luật bảo vệ NTD, bao gồm chính sách của NTD ở châu Ầu, trách nhiệm sản phẩm, bán hàng tận cửa và đặc biệt có giới thiệu và phân tích về OFT, cơ quan thương mại công bằng của Anh trong thực tế thực thi pháp luật để bảo vệ NTD tại quốc gia này.
  • Cuốn sách “Consumer Law and Policy - Text and Materials on Regulating Consumer Markets”, 3rd edition, Hart Publishing, 2012 của Iain Ramsay là một nguồn tư liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu pháp luật bảo vệ NTD. Cuốn sách này giới thiệu các nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề bảo vệ NTD như vai trò của Nhà nước trong bảo vệ NTD, các quan điểm, chính sách về pháp luật bảo vệ NTD ở trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, từ đó đưa ra các góc nhìn mang tính nghiên cứu chuyên sâu về chính sách và pháp luật bảo vệ NTD của quốc gia cũng như trên phương diện quốc tế.
  • Cuốn “Regulatory Revolution at the FTC: A thirty year perspective on competition and consumer protection ” tổng hợp tất cả các ý kiến của các nhà kinh tế và luật gia hàng đầu, bao gồm cả những nhân vật đã và đang làm việc tại FTC (Ủy ban thương mại liên bang của Hoa Kỳ), từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm và đánh giá, phân tích quá trình hoạt động của FTC, từ việc có nguy cơ bị sụp đổ vào cuối những năm 1970 cho đến ngày hôm nay, trở thành một cơ quan quan trọng trong việc bảo vệ NTD tại Hoa Kỳ.
  • Nhóm tác giả Geraint G. Howells, Iain Ramsay, Thomas Wilhelsson, David Kraft cung cấp những phân tích về các vấn đề trung tâm trong pháp luật và chính sách bảo vệ NTD của các quốc gia trên thế giới trong cuốn “Handbook of Research on International Consumer Law”, Edward Elgar Pub, 2010. Các tác giả phân tích những quy định cả về thể chế và thiết chế bảo vệ NTD, những phương pháp tối ưu để thực thi pháp luật bảo vệ NTD trên cơ sở so sánh pháp luật bảo vệ NTD của Hoa Kỳ và EU. Từ đó, đưa ra cái nhìn sâu sắc về chính sách bảo vệ NTD cũng như mô hình các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD nhằm hỗ trợ cho việc đánh giá các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD ở các quốc gia đang phát triển.
  • Tác giả Douglas J. Whaley tiếp cận vấn đề bảo vệ NTD rất xúc tích và ngắn gọn trong cuốn “Problems and Materials on Consumer Law”, 6th edition, Aspen Pub, 2011. Cuốn sách này chủ yếu bàn về các vấn đề chính của pháp luật bảo vệ NTD như hành vi lừa dối NTD, trách nhiệm sản phẩm của thương nhân đồng thời cung cấp các vấn đề liên quan tới các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ NTD thông qua các vụ án cụ thể.
  • Trong tác phẩm “Consumer Policy Toolkit” của OECD, các vấn đề về sự thay đổi của chính sách bảo vệ NTD trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, phân tích và đánh giá các vấn đề trọng tâm của chính sách bảo vệ NTD, xác định những công cụ của chính sách này để từ đó đề ra các giải pháp giúp cho các quốc gia tự mình xây dựng chính sách bảo vệ NTD sao cho hiệu quả nhất.
  • Tác giả John Vickers trong bài viết “Contracts and European consumer law: an OFT perspective” không đi sâu vào pháp luật hợp đồng, mà dựa trên kinh nghiệm của OFT (cơ quan thương mại công bằng của Anh) để giải quyết sự hài hòa pháp luật hợp đồng của các nước châu Âu trên cơ sở các chỉ thị của Cộng đồng châu Âu (EC) nhằm mục đích bảo vệ NTD. Tác giả đề cao sự hài hòa và bổ trợ lẫn nhau giữa pháp luật hợp đồng và pháp luật bảo vệ NTD của Liên minh châu Âu, chính sự bổ trợ này giúp cho các cơ quan nhà nước bảo vệ NTD thực thi và xử lý có hiệu quả các trường hợp xâm phạm lợi ích NTD.
  • “Effective Enforcement of Consumer Law in Europe Synchronizing Private, Public, and Collective Mechanisms” của Willem van Boom và Macro Loos đã có những phân tích về Luật Bảo vệ NTD của châu Âu, sự liên quan của Luật cạnh tranh không lành mạnh trong việc xác định các công cụ hiệu quả cho việc bảo vệ lợi ích của NTD. Đồng thời, tác phẩm cũng cho thấy mối quan hệ giữa việc thực thi luật cạnh tranh với việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
  • Tác giả Frederick H. Miller, Alvin C. Harrell, Daniel J. Morgan trong cuốn“Consumer Law: Cases, Problems and Materials”, Carolina Academic Press, 1998 chủ yếu đề cập tới các vấn đề bảo vệ NTD trước khi họ thực hiện giao dịch với thương nhân; bảo vệ NTD trong khi thực hiện giao dịch và cuối cùng là bảo vệ NTD sau khi giao dịch đã hoàn tất liên quan đến vấn đề thanh toán hay hạn chế quyền của NTD... Bên cạnh đó, các tác giả còn đưa ra những thảo luận về Luật Bảo vệ NTD của Hoa Kỳ dưới cấp độ liên bang và tiểu bang, quy chế làm việc của Ủy ban thương mại công bằng FTC trong việc thực thi pháp luật bảo vệ NTD.

Có thể nói, các kết quả nghiên cứu về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, nhất là thực tiễn xây dựng và áp dụng các quy định của pháp luật ở các nước có kinh nghiệm lập pháp và nền kinh tế thị trường lâu đời như Anh, Mỹ, Nhật hay Liên minh châu Âu rất hữu ích cho việc triển khai đề tài nghiên cứu: “Tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam”

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Bảo vệ quyền lợi NTD là một vấn đề tương đối mới mẻ ở Việt Nam, vấn đề này thực sự được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu sau khi Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999 được ban hành. Đến nay, ở Việt Nam mới có một số công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực pháp luật bảo vệ NTD, đó là:

  • Cuốn “Tìm hiểu Luật Bảo vệ NTD các nước và vấn đề bảo vệ NTD ở Việt Nam ”, Nxb. Lao động, 1999, do Viện Nhà nước và Pháp luật biên soạn là một trong số những công trình tiên phong nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam, đồng thời là tài liệu tham khảo rất có giá trị đối với những nhà nghiên cứu quan tâm tới Luật Bảo vệ NTD của một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng như chính sách bảo vệ NTD của các quốc gia này. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng có những phân tích về hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam mà cụ thể là hoạt động của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam. Đồng thời, cuốn sách cũng nêu lên vấn đề xâm hại quyền lợi của NTD diễn ra ngày càng phổ biến và trầm trọng ở nước ta, lý giải các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới quyền lợi của NTD cũng như đề ra các biện pháp để bảo vệ NTD hữu hiệu nhất
  • TS. Đinh Thị Mỹ Loan bằng kinh nghiệm thực tiễn khi làm việc tại Ban Quản lý cạnh tranh đã có những nghiên cứu khá chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD. Bằng kinh nghiệm của mình, tác giả đã cho ra đời cuốn sách “Sổ tay công tác bảo vệ NTD”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, trong đó nêu lên sự cần thiết của công tác bảo vệ NTD; hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD của các nước trên thế giới; hướng dẫn của liên hợp quốc về bảo vệ NTD. Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập tới việc triển khai công tác thực thi pháp luật bảo vệ NTD ở Việt Nam hiện nay.
  • “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD” của tác giả Bá Lỉnh, Nxb. Tư pháp, 2005 đã giới thiệu một số thuật ngữ pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời trình bày những quy định của pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ NTD của Việt Nam. Ngoài ra, tác giả còn trình bày những quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam.
  • Vai trò của Hội bảo vệ NTD đối với vấn đề bảo vệ NTD trên thế giới rất quan trọng, tuy nhiên ở Việt Nam thì dường như vai trò của Hội còn khá mờ nhạt. Cuốn sách “Vai trò của Hội bảo vệ NTD trong việc bảo vệ NTD”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012 do TS. Nguyễn Thị Vân Anh làm chủ biên là tác phẩm đầu tiên trình bày những nội dung liên quan tới Hội bảo vệ NTD ở Việt Nam. Cuốn sách được chia làm ba chương: Chương 1: Cơ sở pháp lý của việc xác định vai trò của Hội Bảo vệ NTD trong việc bảo vệ quyền lợi NTD; Chương 2: Quá trình hình thành và các hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam; Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Bảo vệ NTD trong việc bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật bảo vệ NTD cũng là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích đối với các học giả nghiên cứu về bảo vệ NTD, có thể kể đến một số đề tài sau:

  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tể” do TS. Đinh Thị Mỹ Loan chủ nhiệm năm 2006 là một trong những đề tài khoa học đầu tiên nghiên cứu về vấn đề bảo vệ NTD. Nội dung của đề tài chủ yếu đề cập tới các vấn đề mang tính cốt lõi liên quan tới pháp luật bảo vệ NTD như quyền của NTD; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ và quyền hạn của cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ NTD. Ngoài ra đề tài còn giới thiệu pháp luật bảo vệ NTD của một số nước trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Canada, Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ NTD, của Tổ chức quốc tế NTD v.v... Từ những quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm của pháp luật các nước về bảo vệ NTD, đề tài đưa ra những hạn chế của pháp luật bảo vệ NTD Việt Nam, đồng thời đưa ra các phương hướng và kiến nghị những giải pháp rất có giá trị trong việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Đề tài cấp bộ của Viện nghiên cứu quyền con người “Bảo đảm quyền của NTD trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” do TS. Tưởng Duy Kiên chủ nhiệm đề tài năm 2007. Đề tài này tập trung nghiên cứu thực trạng các quyền cơ bản của NTD trong pháp luật bảo vệ NTD như quyền được cung cấp thông tin, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền được giáo dục của NTD v.v.. Đồng thời, đề tài còn đề cập tới trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền của NTD được thực thi trên thực tế.

  • Đề tài, “Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp do Ths. Đinh Thị Mai Phương làm chủ nhiệm năm 2008. Đề tài nêu khái quát các quy định của pháp luật bảo vệ NTD, đưa ra các điểm hạn chế, thiếu sót trong pháp luật Việt Nam. Thêm vào đó, nội dung của đề tài còn trình bày thực trạng xâm phạm quyền của NTD ở nước ta hiện nay, đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật một cách hiệu quả nhất.
  • Đề tài “Nghiên cứu vai trò của Hội bảo vệ NTD trong việc bảo vệ NTD ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của Trường Đại học Luật Hà Nội do TS.Nguyễn Thị Vân Anh làm chủ nhiệm năm 2011 nêu những kiến thức tổng quan về bảo vệ NTD và Hội bảo vệ NTD như nêu cơ sở pháp lý, thiết chế thực thi Luật Bảo vệ NTD trong đó có nêu vai trò của Hội trong các mặt hoạt động như phản biện xã hội, giáo dục NTD, giải quyết khiếu nại của NTD... từ đó kiến nghị những phương hướng, giải pháp giúp nâng cao vai trò của Hội trong việc bảo vệ NTD ở Việt Nam.

Từ những phân tích về tình hình nghiên cứu đề tài ở trong nước và ở nước ngoài cho thấy các công trình đã nghiên cứu đã cung cấp những kiến thức quan trọng trong việc hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo vê quyền lợi NTD ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam, đặc biệt chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về việc tăng cường năng lực các thiết chế bảo vệ NTD ở Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu sâu về bản chất, đặc điểm của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, những yểu tố ảnh hưởng tới năng lực thực thi pháp luật bảo vệ NTD của các thiết chế này, những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ NTD trên thực tể để từ đó rút ra những bài học nhằm khắc phục, tăng cường năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.

3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam.

Đề tài được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

  • Làm rõ một số vấn đề lý luận về năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD;
  • Làm sáng tỏ thực trạng các quy định pháp luật về hệ thống thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam;
  • Làm rõ thực tiễn thực trạng năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam;

Đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập.

4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

  • Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD và thực trạng năng lực hoạt động của các thiết chế này trong việc bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh nghiệm tăng cường năng lực của các thiết chế bảo vệ NTD ở một số nước trên thế giới cũng là đối tượng nghiên cứu của đề tài.
  • Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tập trung nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tăng cường năng lực của các thiết chế quan trọng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam. Đó là: các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD các cấp (Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã); Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (hai bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về các sản phẩm và các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của đông đảo NTD); Các Hội bảo vệ NTD và hệ thống cơ quan Tòa án. Đây là những thiết chế công quyền và phi công quyền có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết hoặc trực tiếp hỗ trợ giải quyết yêu cầu của NTD trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảo vệ NTD là trách nhiệm của toàn xã hội, do đó ngoài những thiết chế đã nêu trên thì còn có nhiều chủ thể có vai trò khá quan trọng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD như: các bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Bưu chính Viễn Thông, Bộ Thông tin Truyền thông...), cơ quan truyền thông (cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình), cơ quan công an, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội khác. Do hạn chế về thời gian và nguồn kinh phí triển khai cũng như một số yếu tố khác nên Đề tài không có điều kiện nghiên cứu về tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi của NTD ở Việt Nam.

5. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Do khuôn khổ thời gian và nguồn lực có hạn, trên cơ sở kế thừa một số kết quả của các công trình nghiên cứu khác, Đề tài tập trung vào giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn như sau:

(i) Nghiên cứu những vấn đề lý luận về năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD với những nội dung:

  • Làm rõ được khái niệm, đặc điểm thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD
  • Nêu và phân loại được các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở trên thế giới và ở Việt Nam;
  • Phân tích được vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD liên quan tới vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD;
  • Đưa ra hệ thống các tiêu chí xác định năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của các thiết chế đó;

(ii) Nghiên cứu kinh nghiệm tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD ở một số nước trên thế giới (tập trung vào nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước châu Á, Hoa kỳ và Canada)

(iii) Phân tích và đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam;

(iv) Phân tích, đánh giá thực trạng năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam;

(v) Đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như các giải pháp nhằm tăng cường năng lực của hệ thống thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.

Ngoài ra, Đề tài cũng xây dựng hệ các chuyên đề, phục vụ cho việc nghiên cứu, hình thành báo cáo phúc trình.

6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác- Lênin, Đề tài sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau đế giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung nghiên cứu. Cụ thể:

  • Đề tài sử dụng phương pháp phân tích, mô tả, hệ thống hóa thực trạng quy định pháp luật về hệ thống thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.
  • Đề tài cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu: quy nạp, diễn giải, thống kê, điều tra xã hội học để đánh giá năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.
  • Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh luật để nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài trong việc tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD, từ đó rút ra bài học để Việt Nam tham khảo.
  • Đề tài cũng tổ chức các hình thức lấy ý kiến (thông qua tọa đàm, phỏng vấn chuyên sâu) với các chuyên gia về vấn đề tăng cường năng lực cho các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.

7. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN ĐÃ ĐƯỢC TRIỀN KHAI ĐẺ THỤ C HIỆN ĐÈ TÀI

Để triển khai Đề tài nghiên cứu, Ban chủ nhiệm Đề tài đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, cùng các chuyên gia ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo tiến hành các hoạt động nghiên cứu mà Đề tài đặt ra. Các chuyên gia tham gia nghiên cứu Đề tài đã tiến hành thu thập thông tin dữ liệu từ các nguồn khác nhau để làm tài liệu tham khảo chính thức cho quá trình nghiên cứu.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng đã tiến hành khảo sát NTD về năng lực thực thi của hệ thống thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD trên khắp cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái cho tới các tỉnh phía Nam như Phú Yên, Đồng Tháp... Phiếu điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu đề tài phát ra cho 3 đối tượng: (i) NTD là 250 phiếu; (ii) Cán bộ của cơ quan lý nhà nước về bảo vệ NTD và cán bộ Tòa án là 100 phiếu. Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng đã làm việc trực tiếp với Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp tại Hà Nội và một số địa phương lân cận để thu thập thêm các thông tin thực tiễn phục vụ cho mục đích nghiên cứu của Đề tài. Tại các buổi làm việc này, Ban chủ nhiệm Đề tài cũng tiến hành lấy phiếu khảo sát từ chính các cơ quan tổ chức đó nhằm đánh giá khách quan và chân thực nhất về năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.

8. KẾT CẤU CỦA BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

Trên cơ sở các chuyên đề nghiên cứu, các thông tin thu thập được từ quá trình triển khai đề tài và kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, Ban chủ nhiệm Đề tài đã xây dựng báo cáo phúc trình của Đề tài với kết cấu gồm 4 chương, giải quyết các vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế, thực trạng năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và các giải pháp hoàn thiện. Cụ thể là:

Chương 1: “Tổng quan về thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD”. Trong chương này, các vấn đề lý luận cơ bản về thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD như: khái niệm, bản chất, vai trò, sự ra đời của các thiết chế bảo vệ NTD được tập trung luận giải. Ngoài ra, chương này cũng nghiên cứu làm rõ cơ sở đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Những nội dung lý luận của Chương 1 là tiền đề để nghiên cứu, đánh giá và tiến hành các nhiệm vụ nghiên cứu trong các chương tiếp theo.

Chương 2: “Các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở một số nước trên thế giới”. Chương này tập trung nghiên cứu các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD của một số nước đã khá thành công trong công tác bảo vệ NTD, đồng thời có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng với Việt Nam, bao gồm: Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Asean. Chương II đã đánh giá kinh nghiệm thực thi pháp luật bảo vệ NTD của các nước nêu trên, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong việc tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD để công tác bảo vệ NTD đạt hiệu quả cao.

Chưong 3: Thực trạng năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD ở Việt Nam”. Nội dung của chương này tập trung đánh giá thực trạng năng lực của các thiết chế quan trọng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ NTD, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội bảo vệ NTD, Tòa án nhân dân, nêu rõ những mặt đạt được, những mặt hạn chế và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế đó.

Chương 4: “Giải pháp tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam”. Chương này tập trung làm rõ yêu cầu, định hướng của việc tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra các đề xuất, các giải pháp pháp lý, giải pháp về chính sách, các giải pháp mang tính hành chính, tổ chức để tăng cường năng lực của của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD, của các Hội bảo vệ NTD, của hệ thống Tòa án trong việc bảo vệ NTD ở Việt Nam.

 

 


[1] Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; Nghị định số 19/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 3 năm 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD; Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 01 năm 2012 ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

[2] Bao gồm các cơ quan sau: Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương); Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); Các chi cục, đội quản lý thị trường ở các địa phương; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế); Cục Khám chữa bệnh; Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); Các chi cục tiêu chuẩn đo lường và chất lượng ở các địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp.

[3] Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và các cả nhân tổ chức kinh doanh để thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD”, Cục Quản lý cạnh tranh, 2012, tr. 43.

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm downloadTải về downloadTải về