• Thuộc tính
Tên đề tài Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (phần 2 hệ chuyên đề)
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

BỘ TƯ PHÁP

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ

 

 

ĐỀ TÀI

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ

PHẦN II: HỆ THỐNG CÁC CHUYÊN ĐỀ

 

BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM -
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2012

BỘ TƯ PHÁP

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ



ĐỀ TÀI

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ
PHẦN II: HỆ THỐNG CÁC CHUYÊN ĐỀ

BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM -
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Thị Hải Yến
Thư ký đề tài: TS. Nguyễn Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2012

 


HỆ THỐNG CÁC CHUYÊN ĐỀ

 


STT

TÊN CHUYÊN ĐỀ

NGƯỜI THỰC HIỆN

Trang

1

Những vấn đề lý luận về tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và vai trò của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

TS. Vũ Thị Hải Yến
Trường Đại học Luật Hà Nội

2

2

Lý luận về bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

TS. Nguyễn Như Quỳnh
Trường Đại học Luật Hà Nội

19

3

Thực trạng xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

Lê Duy Thiện
Cục Sở hữu trí tuệ

33

4

Thực trạng đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

TS. Lê Ngọc Lâm
Cục Sở hữu trí tuệ

58

5

Thực trạng khai thác thương mại tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

TS. Nguyễn Thanh Tú
Bộ Tư pháp

85

6

Thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

TS. Phạm Hồng Quất
Thanh tra Bộ KH&CN

107

7

Đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo vệ tài sản trí tuệ

TS. Vũ Thị Hải Yến
Trường Đại học Luật Hà Nội

138

8

Kinh nghiệm quốc tế về xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

TS. Trần Lê Hồng
Cục Sở hữu trí tuệ

174

9

Chuyên đề khảo sát về thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

Đặng Thị Vân Anh
Trường Đại học Luật Hà Nội

201

 


 

CHUYÊN ĐỀ 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG DOANH NGHIỆP VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY

  1. Lý luận chung về tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
    1. Khái quát chung về tài sản trí tuệ
      1. Khái niệm tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ

Theo quan niệm truyền thống, tài sản được phân chia thành động sản (những tài sản có thể dịch chuyển một cách cơ học) và bất động sản (những tài sản gắn liền với đất đai, không thể di dời được). Sự chiếm hữu đối với những tài sản vật chất hữu hình như đất đai, vốn, nguồn lao động đã từng là tiêu chuẩn để so sánh tình trạng kinh tế, là thước đo sự giàu có về của cải trong suốt lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại.[1] Tuy nhiên, trong quá trình vận động của xã hội, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã có tác động sâu rộng, mãnh liệt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, làm gia tăng các của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho loài người. Nhân loại đang bước sang một nền kinh tế mới - kinh tế tri thức - nền kinh tế chủ yếu dựa trên các kết quả đầu tư vào các lĩnh vực trí tuệ và khoa học công nghệ. Tri thức khoa học và thông tin đã và đang trở thành bộ phận cấu thành quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất, đóng vai trò quyết định đối với nền sản xuất vật chất trên quy mô toàn cầu. Các sản phẩm trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học... đang ngày càng tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, đóng vai trò là một loại tài sản quan trọng trong cấu trúc tài sản của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các nhà kinh tế học cổ điển và hiện đại đều thống nhất rằng quá trình tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi hai nguồn chính: (i) vốn, lao động; (ii) công nghệ (trong đó bao gồm tài sản trí tuệ - TSTT). Tuy nhiên, tương quan của hai nguồn này đang dần thay đổi. Nếu như nền kinh tế truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên thì trong thời đại hiện nay, lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới ra đời, thừa nhận những TSTT là “động lực nội sinh cho tăng trưởng kinh tế”, “tri thức trở thành một nguồn của cải tạo ra sự thịnh vượng”. [2] Vì vậy, thừa nhận và bảo vệ TSTT cũng như quyền đối với TSTT là vấn đề cần thiết ở mọi thời đại. Công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với TSTT nhằm khuyến khích sáng tạo, phân chia và sử dụng hiệu quả nguồn TSTT, hài hoà lợi ích của chủ thể sáng tạo và các chủ thể khác trong xã hội.

  • Tài sản trí tuệ

Cùng với sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT), thuật ngữ TSTT ngày càng được sử dụng phổ biến và hiện diện trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Thuật ngữ TSTT lần đầu tiên được chính thức xuất hiện và gắn liền với thuật ngữ “quyền SHTT” trong pháp luật SHTT Việt Nam, cụ thể là tại khoản 1 Điều 4 Luật SHTT: “Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với TSTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng”. Tuy nhiên, kể từ khi Luật SHTT ra đời, trên phương diện pháp lý, hầu như chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam quy định cụ thể về TSTT.

Dưới góc độ pháp lý, để hiểu rõ hơn về TSTT, có thể đi từ khái niệm “Tài sản” trong Bộ luật dân sự (BLDS). Điều 163 BLDS 2005 định nghĩa bằng cách liệt kê các loại tài sản: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Quy định này hoàn toàn chưa đưa ra được tiêu chí chung để xác định như thế nào là tài sản nhưng có thể coi đây là căn cứ pháp lý để xác định tài sản chỉ có thể thuộc một trong bốn loại: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 181 BLDS quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền SHTT’. Theo những quy định này, “quyền SHTT” là một loại quyền tài sản - với ý nghĩa là một loại tài sản trong dân sự, hay nói một cách khác, TSTT được tiếp cận từ góc độ quyền tài sản mà cụ thể là quyền SHTT.

Theo định nghĩa quyền SHTT quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật SHTT: “Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với TSTT...” thì TSTT có thể chính là đối tượng của quyền SHTT. Dưới góc độ pháp lý, TSTT được hiểu theo nghĩa hẹp, chính là các đối tượng của quyền SHTT, bao gồm: các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (như: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng); các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) (như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...) và các đối tượng của quyền đối với giống cây trồng (như: vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch).

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, TSTT từ cách tiếp cận khái niệm tài sản trong BLDS và cách tiếp cận khái niệm quyền SHTT trong Luật SHTT sẽ có hai cách hiểu khác nhau:

  • Theo quy định của BLDS Việt Nam: khái niệm TSTT đồng nhất với khái niệm “quyền tài sản” mà cụ thể là “quyền SHTT”;
  • Theo quy định của Luật SHTT: TSTT là các đối tượng của quyền SHTT;

Cách tiếp cận của BLDS chỉ giới hạn TSTT là “quyền SHTT” đã được nhà nước bảo hộ pháp lý. Cách tiếp cận của Luật SHTT cũng giới hạn TSTT phải là những “đối tượng SHTT” - tức là những đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng. Trong khi dưới góc độ kinh tế, TSTT có thể được tiếp cận dưới góc độ rộng hơn, bao gồm các sản phẩm của hoạt động sáng tạo trí tuệ. Trí tuệ theo cách giải thích trong các từ điển tiếng Việt là “Phần suy nghĩ, tư duy của con người, bao gồm những khả năng tưởng tượng, ghi nhớ, phê phán, lý luận, thu nhận tri thức... có thể tiến lên tới phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật”.[3] Như vậy, TSTT là một dạng tài sản hình thành trong quá trình tư duy của con người đối với thế giới khách quan được nhận biết dưới dạng kết quả cụ thể của hoạt động sáng tạo của con người và có giá trị khi đem lại những lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho người nắm tài sản này.

Người nắm giữ TSTT có thể xác lập quyền sở hữu của mình thông qua thủ tục xác lập quyền phù hợp với quy định của pháp luật. Ví dụ, quyền SHCN đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ. Chủ sở hữu quyền SHTT không chỉ có quyền khai thác mà còn có thể chuyển giao quyền SHTT của mình cho người khác giống như chủ sở hữu của những tài sản thông thường khác. Vì vậy, quyền SHTT có thể được coi như một loại tài sản - TSTT.

Như vậy, TSTT có thể là quyền SHTT - những quyền pháp lý đạt được trên cơ sở bảo hộ nhà nước đối với những thành quả sáng tạo trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh những sáng tạo trí tuệ đã được bảo hộ, những kết quả sáng tạo trí tuệ được thể hiện dưới dạng các dữ liệu, thông tin, bí quyết... nhưng chưa nhận được sự bảo hộ pháp lý thì có được coi là TSTT không? Ví dụ Công ty X nghiên cứu tạo ra một loại dược phẩm mới nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế thì công thức chế tạo ra loại dược phẩm đó có được coi là TSTT không?

Trên thực tế, những đối tượng SHTT này vẫn mang lại cho chủ thể nắm giữ nó những lợi ích kinh tế nhất định (thông qua việc sử dụng, khai thác thương mại); chủ thể nắm giữ vẫn có thể chuyển giao cho người khác như những tài sản thông thường. Chính do nhận thức không đầy đủ về TSTT nên trong thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức cũng như doanh nghiệp đã bỏ quên hoặc lãng phí những TSTT trí tuệ như các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật... của mình, không ý thức được việc phát triển và biến nó thành quyền SHTT.

Theo cách tiếp cận này, TSTT được hiểu theo nghĩa rộng là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ của con người, bao gồm tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ từ các ý tưởng, tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học cho tới các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, thiết kế bố trí, phần mềm máy tính... Ở góc độ này, TSTT có thể là bất kỳ tri thức nào có giá trị do cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ, dù được pháp luật bảo hộ hay chỉ có tính hữu ích thông thường.

Nói tóm lại, TSTT là những thành quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ trong các lĩnh vc khoa hc, kỹ thuật, văn hc, nghệ thuật, thể hiện dưới dng các tri thức, thông tin, dữ liệu, bí quyết... mà chủ thể có thể sở hữu một cách hợp pháp.

TSTT bao gồm: (i) các đối tượng của quyền SHTT được pháp luật ghi nhận và bảo hộ; (ii) những kết quả sáng tạo trí tuệ chưa được bảo hộ pháp lý, bao gồm các ý tưởng, sáng kiến, thông tin, bí quyết.

  • Quyền sở hữu trí tuệ

Khái niệm “quyền SHTT” liên quan chặt chẽ đến khái niệm TSTT. Vậy khái niệm TSTT và “quyền SHTT” có phải là hai thuật ngữ đồng nhất? Mối tương quan giữa khái niệm TSTT và khái niệm “quyền SHTT” như thế nào?

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, quyền SHTT được xác định là tài sản tồn tại dưới dạng quyền tài sản từ khá lâu. Điều 172 BLDS 1995[4] và sau đó là Điều 163 BLDS 2005 định nghĩa tài sản: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Điều 188 BLDS năm 1995 và sau đó Điều 181 BLDS năm 2005 đều quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền SHTT. Theo các quy định kể trên của BLDS năm 1995 và BLDS 2005, quyền SHTT được xem là một dạng quyền tài sản và thuộc phạm trù tài sản mà không phải là các đối tượng SHTT như tác phẩm, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại...

Tuy nhiên, đến Phần thứ sáu của BLDS năm 1995 về “Quyền SHTT và chuyển giao công nghệ” đã có một sự tiếp cận khác về quyền SHTT. Trong phần này, việc dùng các thuật ngữ “chủ sở hữu tác phẩm”,[5] “hợp đồng sử dụng tác phẩm”,[6] “chủ sở hữu các đối tượng SHCN”[7] đã chứng minh đối tượng SHTT được tiếp cận dưới góc độ tài sản xét từ góc độ bản chất của quyền sở hữu. Quyền SHTT thể hiện bản chất là quyền sở hữu, tức là nó được tiếp cận dưới góc độ là một dạng của quyền sở hữu, mà không phải là tài sản như cách tiếp cận trong Phần Quyền sở hữu.[8]

Trong Phần thứ sáu của BLDS năm 2005, có thể nhận thấy sự khác biệt trong tiếp cận về quyền SHTT đối với ba lĩnh vực của SHTT là quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng. Theo quy định tại Chương XXXV BLDS, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng thì cách tiếp cận vẫn giữ nguyên như trong BLDS năm 1995. Trong khi đó, có sự thay đổi cơ bản tại các quy định về quyền tác giả, khi thay vì “chủ sở hữu tác phẩm” thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” đã được sử dụng trực tiếp tại Điều 740, tương tự như vậy, thay vì “hợp đồng sử dụng tác phẩm” sử dụng thuật ngữ “chuyển giao quyền tác giả” và “hợp đồng chuyển giao quyền tác giả” (Điều 742 và Điều 743). Đây là một minh chứng khá rõ về việc quyền tác giả trong BLDS năm 2005 được tiếp cận dưới góc độ của tài sản.

Sự khác biệt trong tiếp cận các dạng quyền SHTT dưới góc độ tài sản càng thể hiện rõ nét hơn trong Luật SHTT. Luật SHTT dành cả Chương III để quy định về “chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”. Theo Luật SHTT, quyền tác giả được xem như tài sản. Nếu như đối với tài sản hữu hình, chủ sở hữu nắm giữ tài sản thì một cách tương ứng, Luật SHTT chỉ rõ: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Như vậy, quyền tác giả là một dạng tài sản dưới hình thức quyền tài sản.

Trong khi đó, các quy định về quyền SHCN tiếp tục thể hiện khuynh hướng coi đối tượng SHCN và giống cây trồng là tài sản. Điều 121 Luật SHTT quy định về “Chủ sở hữu đối tượng SHCN’ và làm rõ về chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp và các đối tượng SHCN khác. Không thống nhất với quyền SHCN như trong BLDS năm 2005, theo Luật SHTT, quyền đối với giống cây trồng không trực tiếp thể hiện là một dạng của quyền sở hữu mặc dù không khẳng định rằng đây không phải là tài sản. Điều này thể hiện qua việc không dùng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng’ cũng như “chủ sở hữu giống cây trồng”. Thay vào đó, thuật ngữ “chủ bằng bảo hộ” đã được sử dụng. Về bản chất, cách tiếp cận này tương tự như trong phần về quyền SHCN vì theo Điều 121 Luật SHTT, chủ sở hữu đối tượng SHCN là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN tương ứng.

Quyền sở hữu đem lại cho chủ sở hữu ba quyền năng: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Quyền SHTT dù tiếp cận dưới góc độ quyền hay tài sản thì cũng là vô hình nên quyền năng chiếm hữu về mặt vật chất sẽ không thể có được. Xuất phát từ cách tiếp cận coi quyền SHTT là một dạng của quyền sở hữu mà không phải là tài sản nên trong các quy định về quyền SHCN, nội dung của quyền SHCN được làm rõ thông qua quyền năng sử dụng và định đoạt (Điều 123 Luật SHTT).

Như vậy, có thể thấy trong pháp luật Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là trong BLDS và Luật SHTT, khái niệm “quyền SHTT” được tiếp cận từ các góc độ khác nhau:

  • Theo khái niệm tài sản quy định tại Điều 163 BLDS, quyền SHTT là một loại tài sản. Các quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong Phần thứ VI BLDS 2005 và Luật SHTT cũng đồng quan điểm này khi coi quyền tác giả, quyền liên quan là một loại tài sản và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan là người nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này.
  • Theo các quy định về quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng trong Phần thứ VI BLDS 2005 và Luật SHTT, quyền SHTT là một loại quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ mà nội dung bao gồm quyền sử dụng, định đoạt... đối với các đối tượng SHCN và giống cây trồng.
  • Ngoài ra, dưới góc độ lý luận pháp luật về quyền SHTT, quyền SHTT có thể hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, khai thác, sử dụng, định đoạt và bảo vệ các TSTT.

Có thể thấy rất rõ là pháp luật dân sự Việt Nam và pháp luật SHTT Việt Nam chưa có quy định thống nhất về vấn đề quyền SHTT là tài sản hay đối tượng SHTT là tài sản. Vì vậy, cả về mặt lý luận và trong thực tiễn sử dụng, ở một khía cạnh nhất định, “quyền SHTT” có thể hiểu đồng nghĩa với TSTT - một loại tài sản trong cấu trúc tài sản nói chung.

Trong tiếng Anh, sự phân biệt một cách rạch ròi giữa quyền SHTT và TSTT không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy, thậm chí với thuật ngữ “Intellectual Property” tùy thuộc ngữ cảnh có thể được dùng thay thế cho thuật ngữ “Intellectual Property Rights” (quyền SHTT) hay “Intellectual Property Assets” (TSTT).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần có cách hiểu và sử dụng thuật ngữ cho chính xác và thống nhất. TSTT được sử dụng để chỉ những tài sản là kết quả sáng tạo trí tuệ của con người. “Quyền SHTT” là quyền sở hữu đối với TSTT.

  1. Đặc điểm của tài sản trí tuệ
  • TSTT có thuộc tính vô hình

Nếu dựa vào khả năng có thể chiếm hữu vật chất đối với tài sản, các loại tài sản có thể phân chia thành hai loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình như vật, tiền... - là những tài sản mà con người có thể chiếm hữu được, tiếp cận được bằng các giác quan. Điều dễ nhận thấy nhất khi phân biệt TSTT với các tài sản thông thường là ở tính “vô hình” của tài sản này. “SHTT là thuật ngữ mô tả những ý tưởng, sáng chế, công nghệ, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn học, những cái vô hình khi mới được tạo ra nhưng trở nên đáng giá dưới dạng sản phẩm hữu hình”.[9] TSTT bao gồm những tri thức, hiểu biết, thông tin là kết quả của hoạt động sáng tạo nên mang tính phi vật chất, mặc dù trên thực tế, nó vẫn được biểu hiện thông qua một số dạng hình thái vật chất nhất định, ví dụ một tác phẩm văn học như truyện ngắn có thể được ấn hành dưới dạng sách in, có thể thông qua phát thanh như đọc truyện trên đài, hoặc bằng các dữ liệu điện tử trên internet...

  • TSTT có đặc tính sáng tạo và đổi mới

TSTT dù trong lĩnh vực nào đều là kết quả của hoạt động sáng tạo và đổi mới, được tạo ra trên nền tảng tri thức và thông tin được kết tụ, tích lũy.

  • TSTT có khả năng xác định được và kiểm soát được

Mặc dù vô hình, TSTT vẫn có thể xác định được về bản chất (nội dung), phạm vi (giới hạn), chức năng, công dụng và giá trị. TSTT chịu sự kiểm soát và tác động của con người thông qua các hành vi có chủ đích (sáng tạo, khai thác, sử dụng, mua bán, trao đổi, cho thuê, góp vốn…) nhằm tạo ra giá trị vật chất hoặc tinh thần của tài sản.

  • TSTT không bị giới hạn về phạm vi sử dụng

Trong khi các tài sản vật chất bị giới hạn về phạm vi sử dụng thì TSTT do đặc tính vô hình nên nó có thể được sử dụng, khai thác cùng một lúc ở nhiều nơi, không bị giới hạn về không gian, thời gian và tần suất sử dụng. Đặc tính này cũng khiến cho TSTT có được những lợi thế vượt trội so với tài sản vật chất là thu được lợi nhuận khổng lồ nếu được khai thác thương mại cùng một lúc ở mọi nơi. Nhưng cũng là bất lợi cho chủ sở hữu tài sản vô hình vì rất khó kiểm soát nếu như nó bị tùy tiện khai thác sử dụng.

  • TSTT không bị hao mòn, cạn kiệt

Ngày nay, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt do việc khai thác, các tài sản vật chất luôn bị hao mòn, giảm sút giá trị qua quá trình sử dụng thì TSTT có thể coi như nguồn tài nguyên quý báu bởi sự sáng tạo của con người là vô tận và những sáng tạo đó không hề bị hao mòn, cạn kiệt qua việc sử dụng, khai thác, thậm chí càng sử dụng lâu dài, phạm vi sử dụng càng rộng thì TSTT càng có giá trị. TSTT vừa là nguyên liệu đầu vào, vừa là sản phẩm đầu ra của một quy trình sáng tạo.

  • TSTT dễ bị xâm phạm

Do đặc tính vô hình và tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin của tài sản trí tuệ, chủ thể nắm giữ tài sản tuệ khó kiểm soát và khó ngăn chặn chủ thể khác khai thác, sử dụng loại tài sản này. Đặc biệt, TSTT càng dễ dàng bị xâm phạm hơn trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Nói cách khác, TSTT tiềm tàng khả năng bị xâm phạm hơn những tài sản hữu hình khác, có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng loạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người cũng như của cả xã hội.[10] Do vậy, việc thiết lập các biện pháp bảo vệ hữu hiệu đối với TSTT cả từ góc độ cá nhân, tổ chức, quốc gia và liên quốc gia là vấn đề hết sức cần thiết và bức xúc hiện nay.

  • Quyền sở hữu đối với TSTT mang tính đặc thù khác quyền sở hữu tài sản thông thường

Nếu như chủ sở hữu tài sản vật chất thường có đầy đủ ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản, thì đối với TSTT, do tính chất vô hình của tài sản, quyền chiếm hữu hoàn toàn không có ý nghĩa. Chủ sở hữu quyền SHTT chỉ thực hiện hai quyền năng sử dụng và định đoạt.

Quyền sở hữu tài sản vật chất không bị hạn chế về thời gian và không gian cho đến chừng nào phát sinh những sự kiện pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu. Trong khi đó, quyền SHTT bị giới hạn về mặt không gian - phạm vi lãnh thổ bảo hộ và về thời hạn bảo hộ. “Chủ thể của quyền SHTT chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ” - khoản 1 Điều 7 Luật SHTT.

Quyền sở hữu tài sản thông thường thuần tuý là quyền mang tính chất tài sản. Còn quyền SHTT trong một số trường hợp bao gồm cả quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó có những quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể và không thể chuyển giao được.

Đối với quyền SHTT, chủ sở hữu quyền có thể khai thác lợi ích từ tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao quyền SHTT cho chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT để thu về một khoản lợi ích vật chất nhất định.

  • Quyền sở hữu đối với TSTT được xác lập trên những căn cứ do pháp luật quy định

Theo quy định của BLDS 2005 và Luật SHTT, quyền sở hữu đối với TSTT có thể được xác lập dựa trên hai căn cứ:

Đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ: Căn cứ này chủ yếu áp dụng đối với các TSTT là đối tượng của quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng như: sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Xác lập trên cơ sở sáng tạo ra sử dụng hợp pháp TSTT: Căn cứ này áp dụng đối với việc xác lập quyền tác giả và quyền liên quan; quyền SHCN đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng; các TSTT khác như các sáng kiến, bí quyết...

1.1.1.3. Phân loại TSTT

TSTT rất đa dạng, có thể tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau và có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:

  • Dựa vào lĩnh vực sáng tạo:

TSTT có thể chia thành 3 nhóm:

TSTT là đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng;

TSTT là đối tượng của quyền SHCN: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

TSTT là đối tượng của quyền đối với giống cây trồng: các giống cây trồng được chọn tạo, phát hiện hoặc phát triển.

  • Dựa vào thủ tục xác lập quyền:

TSTT có thể được chia thành 2 nhóm:

TSTT mà quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục luật định: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng;

TSTT mà quyền sở hữu được xác lập tự động cùng với sự ra đời của TSTT: đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; tên thương mại; bí mật kinh doanh; nhãn hiệu nổi tiêng, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

  • Dựa vào tính chất:

Các TSTT có thể được phân loại theo 3 nhóm:

TSTT là sản phẩm sáng tạo khoa học - kỹ thuật: các đối tượng có bản chất khoa học - kỹ thuật gồm: giải pháp kỹ thuật có thể bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích; các thông tin, bí quyết kỹ thuật; các kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp; giống cây trồng; cơ sở dữ liệu, bản vẽ thiết kế, công thức, công trình nghiên cứu...

TSTT là sản phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật: các tác phẩm văn học/âm nhạc/hội họa/điêu khắc/mỹ thuật/sân khấu/điện ảnh…; các cuộc biểu diễn; các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng…

TSTT là sản phẩm sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, thương mại: nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tên miền, bí mật kinh doanh…

  • Dựa vào tính bảo hộ pháp lý:

Các TSTT có thể được chia thành 2 nhóm:

TSTT đã được bảo hộ pháp lý: Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền SHCN; quyền đối với giống cây trồng;

TSTT chưa được bảo hộ pháp lý: các kết quả sáng tạo trí tuệ chưa được bảo hộ pháp lý.

  1. Tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Sự thức tỉnh về vai trò của SHTT đối với tăng trưởng kinh tế đã kéo theo sự thay đổi trong quan niệm về tài sản trong các doanh nghiệp. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới “các TSTT đang là cơ sở để đánh giá sự trụ vững và hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp”. Giá trị tài sản của các doanh nghiệp hiện nay được xác định theo nguyên tắc kế toán chung đã được chấp nhận, theo đó có thể liệt kê tài sản trong doanh nghiệp bao gồm:

  1. vốn lưu động (Working Capital) như: tiền, hàng hóa lưu kho, nguyên liệu dự trữ.
  2.  tài sản cố định (Fixed Assets) như: nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị.
  3. tài sản vô hình (Intangible Assets)[11].

Khái niệm “tài sản vô hình” xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ XX cùng với sự ra đời và phát triển của các lý thuyết về định giá tài sản của công ty. Theo hướng dẫn định giá quốc tế số 4 về định giá tài sản vô hình (International Valuation Guidance Note N.4 Valuation of Intangible Assets), tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất, tạo ra những quyền và ưu thế cho người sở hữu và mang lại lợi ích kinh tế cho người sở hữu tài sản đó. Ở Việt Nam, theo Tiêu chuẩn định giá số 12-Phân loại tài sản (ban hành kèm theo Quyết định số 219/2008/QĐ- BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) quy định: “Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị do chủ tài sản nắm giữ để sử dụng phục vụ mục đích của mình; nó bao gồm: kỹ năng quản lý, bí quyết marketing, danh tiếng, uy tín, tên hiệu, biểu tượng doanh nghiệp và việc sở hữu các quyền và công cụ hợp pháp (quyền sử dụng đất, quyền sáng chế, bản quyền, quyền kinh doanh hay các hợp đồng)”. Như vậy có thể khẳng định, trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đều thừa nhận khái niệm tài sản vô hình.

Có nhiều cách thức khác nhau để phân biệt các tài sản vô hình. Theo cách phân loại của Ủy ban thẩm định quốc tế, tài sản vô hình bao gồm: các quyền, các mối quan hệ, TSTT và các nhóm tài sản vô hình khác (thường được gọi là uy tín).[12] Dựa vào tiêu chí dấu hiệu, tài sản vô hình có hai loại:

Tài sản vô hình không thể nhận diện (Unidentifiable Intangible Assets) bao gồm:

Các quyền: phát sinh theo những cam kết, thỏa thuận, hợp đồng với các cá nhân, doanh nghiệp khác hoặc các cơ quan quản lý nhà nước, có giá trị thương mại như: quyền sử dụng đất; các hợp đồng phân phối hàng hóa (trong đó bao gồm các điều kiện có lợi cho việc bán, lưu trữ, vận chuyển lưu thông hàng hóa); các hợp đồng lao động (cơ sở cho doanh nghiệp giữ chân các nhân viên chủ chốt); các hợp đồng tài chính, bảo hiểm (với những điều kiện hấp dẫn hơn, chi phí thấp hơn); các hợp đồng cung cấp hàng hóa (với điều kiện và giá cả tốt hơn)...

Các mối quan hệ: như quan hệ với khách hàng; quan hệ với lực lượng lao động; quan hệ với các nhà phân phối... mà doanh nghiệp tạo lập được trong quá trình hoạt động kinh doanh;

Uy tín (goodwill); danh tiếng (Reputation)

TSTT (Intellectual Asset) được coi là tài sản vô hình có thể nhận diện (Identifiable Intangible Assets). Các đối tượng SHTT như: sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, các bí quyết kỹ thuật, bí mật kinh doanh... là thành quả của hoạt động sáng tạo được pháp luật công nhận và bảo vệ khỏi việc sử dụng trái phép của người khác

Khác với TSTT, những tài sản vô hình như uy tín, danh tiếng, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực, các mối quan hệ… tự phát triển trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù qua thực tiễn sử dụng được thừa nhận là một loại tài sản nhưng không được ghi chép trong bất kỳ sổ sách quyết toán nào của doanh nghiệp. Trong khi đó, TSTT lại đáp ứng được các tiêu chí của tài sản nói chung:

  • Có thể nhận dạng được và xác định được sự tồn tại của nó;
  • Có các quyền tồn tại pháp lý và được bảo hộ pháp lý;
  • Có thể được sở hữu và có thể chuyển giao;

 

  • Được tạo lập, đồng thời có thể bị hủy bỏ hoặc chấm dứt sự tồn tại vào một thời điểm xác định được hoặc khi có những sự kiện nhất định.

Trong khoảng vài thập niên gần đây, TSTT đang dần đóng vai trò “thước đo khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp”. Năm 1982, khoảng 62% tài sản trong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ là tài sản vật chất, nhưng đến năm 2000, con số này đã giảm xuống chỉ còn 30%”.[13] Theo Báo cáo Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ năm 2006, TSTT chiếm khoảng 47% giá trị tài sản trong các Công ty của Hoa Kỳ.[14] Đặc biệt, có những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như Microsoft hay trong lĩnh vực giải trí như Walt Disney thì có đến trên 80% giá trị tài sản là TSTT. Công ty Microsoft có giá thị trường ước tính khoảng 270 tỉ USD, trong đó khoảng 180 tỉ được coi là có xuất xứ từ TSTT của công ty này, bao gồm nhãn hiệu, bằng độc quyền sáng chế, các bí quyết kỹ thuật, bản quyền…[15] Tài sản vô hình hiện nay được thừa nhận như một bộ phận tài sản quan trọng trong doanh nghiệp, góp phần gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư. TSTT có thể được sử dụng để: ngăn chặn các sản phẩm cạnh tranh; tạo lập dòng thu nhập từ việc thương mại hóa TSTT; ngăn cản các đối tượng vi phạm quyền; kêu gọi vốn đầu tư; nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp; nâng giá doanh nghiệp/cổ phần/cổ phiếu.

Chính vì vậy, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả và bảo vệ các tài sản này đang là mối quan tâm đối với hầu hết các doanh nghiệp. Để có thể đưa TSTT tham gia vào các hoạt động thương mại như: mua bán, chuyển giao; góp vốn kinh doanh, thế chấp vay vốn... bằng TSTT hay có kế hoạch quản trị, phát triển TSTT, một yêu cầu hàng đầu là phải xác định được giá trị của tài sản đó.

  1. Vai trò của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với vai trò là nền tảng và động lực của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, TSTT trở thành một công cụ hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời với việc TSTT trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng bậc nhất, việc thiết lập hệ thống bảo hộ hiệu quả đối với TSTT có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động mấu chốt của doanh nghiệp như: đầu tư, chuyển giao công nghệ, cạnh tranh..., từ đó, giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh canh tranh quốc tế khốc liệt, diễn biến phức tạp của các hoạt động kinh tế trong hội nhập kinh tế, nhất là hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trên thế giới ngày càng có diễn biến phức tạp và không thuận lợi.

Ý nghĩa của việc bảo vệ TSTT đối với các doanh nghiệp được thể hiện dưới các góc độ cơ bản sau đây:

  1. Làm gia tăng lợi nhuận và các giá trị thương mại cho doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, dường như bất kỳ sản phẩm nào do doanh nghiệp sản xuất hoặc dịch vụ nào do doanh nghiệp cung cấp đều thường xuyên sử dụng hoặc tạo ra các giao dịch lớn về trí tuệ.[16] TSTT có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh và chiến lược cạnh tranh: từ phát triển sản phẩm đến thiết kế sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đến tiếp thị, từ tăng các nguồn lực tài chính đến xuất khẩu hoặc mở rộng thị phần ra nước ngoài thông qua chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng SHCN hoặc nhượng quyền thương mại.[17] TSTT là nhân tố quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Chẳng hạn, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thì khối TSTT trong các doanh nghiệp Mỹ (không kể ngành tài chính) đã đóng góp 30% thu nhập của các doanh nghiệp vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, và đã tăng lên thành 48% vào năm 2000. TSTT chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kết cấu giá trị của doanh nghiệp. Trước đây, khi nói đến tài sản hay giá trị của doanh nghiệp, người ta nhắc nhiều đến vốn, tiền tệ, máy móc, thiết bị... hay những tài sản hữu hình khác. Hiện nay, kết cấu giá trị của doanh nghiệp đã hoàn toàn thay đổi. Phần lớn giá trị của doanh nghiệp nằm ở những tài sản vô hình mà chủ yếu tập trung trong TSTT. Trong nhiều năm trở lại đây, việc định giá tài sản SHTT trong doanh nghiệp khi mua bán, sáp nhập, chuyển giao quyền SHTT hay trong các hoạt động tài chính hàng ngày đã khẳng định được vị trí quan trọng của loại tài sản này.

Khi TSTT được bảo vệ hợp pháp, TSTT trở thành tài sản kinh doanh giá trị của doanh nghiệp. Cụ thể, TSTT có thể tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp thông qua chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN, chuyển nhượng hoặc thương mại hóa TSTT và kết quả là tăng thị phần của doanh nghiệp hoặc tăng lợi nhuận; TSTT có thể giúp duy trì danh tiếng, uy tín, giá trị của doanh nghiệp trong mắt của các nhà đầu tư các tổ chức tài chính; trong trường hợp bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, TSTT làm tăng giá trị thực sự của doanh nghiệp; TSTT giúp duy trì và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp để khai thác và bảo vệ TSTT bất kỳ ở nơi đâu có thể.[18]

  1. Là đng lc cho đổi mới và tiến b công ngh

Là một loại tài sản phi vật chất xuất hiện rất muộn so với những loại tài sản thông thường khác nhưng thông qua khả năng của nó đối với việc tạo ra và duy trì sự độc quyền trên thị trường, tài sản trí tuệ - dù với một khoảng thời gian không dài đã ngày càng được thế giới thừa nhận là một tài sản thương mại quan trọng và là một động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Nó là một bộ phận then chốt của cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, cho năng lực phát triển công nghệ ở trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Sự bảo hộ mạnh mẽ và có hiệu quả đối với tài sản trí tuệ là một yếu tố quyết định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong cá nhân tổ chức, là nguồn đóng góp cơ bản cho sự phát triển khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật và văn minh của nhân loại.

Hiểu được lẽ đó nên Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trên trang web chính thức của mình, dòng chữ “khuyến khích sáng tạo và đổi mới” được nổi bật trên giao diện của trang web như là một châm ngôn cho mục đích hoạt động chính của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới về sở hữu trí tuệ này.[19]

  1. Thúc đẩy cạnh tranh và lành mạnh hoá thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt đng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và lưu thông thương mại trong nước và quốc tế

Thế giới đang chứng kiến một thời đại phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Không kể đến những công ty tên tuổi hay các tập đoàn nổi tiếng, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay coi SHTT là vấn đề ưu tiên hàng đầu khi họ bước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay thương mại. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh thêm nữa về vai trò của SHTT trong việc tạo ra khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất ở khắp nơi trên thế giới. Khi cạnh tranh trong thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế ngày càng mạnh thì giá trị của những TSTT ngày càng trở nên rõ ràng đối với những người buộc phải cạnh tranh nhằm duy trì và cải thiện vị trí của mình trên thị trường. Giá trị kinh tế của TSTT trước hết nằm ở chỗ giúp doanh nghiệp có một vị trí ổn định trên thị trường và từ đó tạo nên ưu thế cho sự phát triển. Ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ là một ví dụ rất điển hình minh họa cho sự bảo hộ hiệu quả quyền SHTT. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ… đã trải qua những kinh nghiệm quý báu về việc quyền SHTT bị xâm hại khi không có một sự hiểu biết đúng đắn về việc bảo hộ quyền SHTT, để cho các doanh nghiệp khác thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng quyền SHTT được bảo hộ.

  1. Thúc đẩy hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích chuyển giao và phổ biến công nghệ của doanh nghiệp

Sự bảo hộ mạnh mẽ và có hiệu quả đối với TSTT là một yếu tố quyết định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

  1. Cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo, đầu tư với lợi ích của công chúng

Một mục đích lớn nữa của việc bảo vệ TSTT là tạo ra sự cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo ra công nghệ mới và lợi ích của người sử dụng công nghệ, tức là lợi ích của những người thường gánh chịu những chi phí và nguồn lực cho việc sáng tạo và những người sử dụng thành quả sáng tạo đó như một công cụ quan trọng để cải thiện công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường. Mối quan hệ này thường được khái quát lên thành mối quan hệ giữa cá nhân người sáng tạo và công chúng hưởng thụ. Theo đó, bảo hộ quyền SHTT sẽ cho phép những người sở hữu quyền SHTT có quyền được khai thác độc quyền đối tượng sáng tạo của mình trong một khoảng thời gian hạn chế. Đây được coi như một đặc quyền bởi vì họ là người đã bỏ ra những chi phí, nhân lực cũng như công sức sáng tạo vào hoạt động sáng tạo ra các đối tượng SHTT đó. Vì thế, để cân bằng lợi ích này thì những người không phải là chủ sở hữu quyền SHTT chỉ được khai thác vì mục đích thương mại các đối tượng này nếu được sự cho phép của họ và phải trả một khoản thù lao tương xứng.

 


 

CHUYÊN ĐỀ 2

LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

  1.  Khái quát chung về bảo vệ tài sản trí tuệ và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp
    1. Khái niệm bảo vệ tài sản trí tuệ và đặc thù của cơ chế bảo vệ tài sản trí tuệ

Đã từ lâu, những thành quả sáng tạo của con người được thừa nhận là đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội và văn hoá của mỗi quốc gia. Các nhà kinh tế học cổ điển và hiện đại đều thống nhất rằng quá trình tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi hai nguồn chính: (i) vốn và lao động; (ii) công nghệ (trong đó bao gồm tài sản trí tuệ). Tương quan của hai nguồn này đang dần thay đổi. “Tài sản hữu hình như đất đai, lao động và tiền vốn đã từng là tiêu chuẩn so sánh tình trạng kinh tế, điều đó nay không còn đúng nữa. Động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội đương thời là tài sản dựa trên tri thức.”[20] Cho nên, thừa nhận và bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền đối với tài sản trí tuệ cần thiết ở mọi thời đại. Công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo, phân chia và sử dụng hiệu quả nguồn tài sản trí tuệ, hài hoà lợi ích của chủ thể sáng tạo và các chủ thể khác trong xã hội.

Bảo vệ tài sản trí tuệ là những biện pháp, cách thức được áp dụng để phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ.

Cũng như đối với tài sản hữu hình, bảo vệ tài sản trí tuệ thực sự cần thiết. Bên cạnh những điểm tương đồng, bảo vệ tài sản trí tuệ có những đặc thù so với bảo vệ tài sản hữu hình xuất phát từ những đặc trưng của tài sản trí tuệ - đây chính là những khác biệt so với tài sản hữu hình. Sau đây là những đặc trưng cơ bản của tài sản trí tuệ:

Thứ nhất, tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình (intangible property). Tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế. Chúng không có cấu tạo vật chất mà tạo ra những quyền và những ưu thế đối với người sở hữu, và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng.[21] Dựa trên các tiêu chí khác nhau, tài sản vô hình được phân loại khác nhau. Dựa trên tiêu chí hình thức xuất hiện, Uỷ ban Thẩm định định giá quốc tế cho rằng tài sản vô hình bao gồm: các quyền, các mối quan hệ, tài sản sở hữu trí tuệ, các nhóm tài sản vô hình khác (thường được gọi là uy tín)[22]. Do đặc tính vô hình và tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin của tài sản trí tuệ, chủ thể nắm giữ tài sản tuệ khó kiểm soát và khó ngăn chặn chủ thể khác khai thác, sử dụng loại tài sản này[23]. Đặc biệt, tài sản trí tuệ càng dễ dàng bị xâm phạm hơn trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ với sự bùng nổ của Internet như hiện nay nếu không được bảo vệ kịp thời và thích đáng. Chẳng hạn, chỉ vài giây sau khi một tác phẩm văn học mới được upload trên một website thì hàng triệu người có thể khai thác, sử dụng tự do tác phẩm này nếu tác giả không sử dụng các biện pháp pháp lý và kỹ thuật nhất định nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Nói cách khác, tài sản trí tuệ tiềm tàng khả năng bị xâm phạm hơn những tài sản hữu hình khác, có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng hoạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người cũng như của cả xã hội[24]. Do vậy, một hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ tài sản mà còn ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nhiều chủ thể khác và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tài sản trí tuệ chứa đựng khía cạnh thương mại (trade-related aspect). Điều này thể hiện ở giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ có thể là đối tượng của các giao dịch thương mại và đem lại giá trị kinh tế cho chủ thể nắm giữ tài sản. Do đó, đối với tài sản trí tuệ, khả năng bị các chủ thể sử dụng với mục đích trục lợi ở mức độ cao. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển và kém phát triển sử dụng các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng để gắn lên hàng hóa do họ sản xuất và bán ra thị trường để kiếm lời.

Xuất phát từ những đặc trưng trên đây của tài sản trí tuệ, cơ chế bảo vệ tài sản trí tuệ có những đặc thù sau đây:

Thứ nhất, các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ được áp dụng ở bất kỳ thời điểm nào và trong suốt quá trình tồn tại của tài sản trí tuệ. Cụ thể, bảo vệ tài sản trí tuệ phải được tiến hành: (i) ngay từ khi tạo ra tài sản trí tuệ thông qua thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; (ii) trong quá trình khai thác, sử dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ; (iii) khi có hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ/ quyền sở hữu trí tuệ và sau khi xử lý hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ phong phú, đa dạng.

Nếu dựa vào tính chất của biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ, có thể chia các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ thành hai loại: (1) Các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn như đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, dẫn chiếu đến tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ trong các hoạt động quảng cáo và xúc tiến thương mại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn sửa chữa, sao chép tác phẩm đã được đưa lên Internet…; (2) Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.

Nếu dựa vào chủ thể thực hiện hành vi bảo vệ tài sản, có thể chia các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ thành hai loại: (1) Các biện pháp tự bảo vệ do chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ thực hiện (chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ khi chưa có hành vi xâm phạm hoặc hành vi xâm phạm đã xảy ra); (2) Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu dựa vào thời điểm tiến hành biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ, có thể chia các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ thành ba loại biện pháp: (1) Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ trước khi sử dụng, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ và trước khi xảy ra hành vi xâm phạm như đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; (2) Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ trong quá trình sử dụng, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ như dẫn chiếu đến tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong những hoạt động này. Cần phải lưu ý rằng, bản thân hoạt động khai thác, sử dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ cũng là bảo vệ tài sản trí tuệ bởi vì hoạt động này chứng tỏ quyền khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ; đồng thời hoạt động này làm cho tổ chức, cá nhân khác nhận biết được tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của chủ thể nắm giữ quyền và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ[25].

Thứ ba, bảo vệ tài sản trí tuệ đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều chủ thể. Đó là: (1) Chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ, tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, người sử dụng hợp pháp tài sản trí tuệ thông qua hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan/hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; (2) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật Việt Nam đều cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc về: Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý cạnh tranh; (3) Các tổ chức quản lý tập thể tài sản trí tuệ. Hơn nữa, do đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ và khía cạnh thương mại, tài sản trí tuệ dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảo vệ loại tài sản này. Sự phối hợp của các chủ thể nêu trên được coi là cần thiết khi áp dụng các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ, cho dù đó là biện pháp phòng ngừa hay biện pháp xử lý hành vi xâm phạm.

Thứ tư, việc bảo vệ tài sản trí tuệ chủ yếu được thực hiện thông qua thừa nhận hệ thống các quyền dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và các chủ thể liên quan khác. Cụ thể, pháp luật quốc gia và các công ước quốc tế trao cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ một số độc quyền. Trên cơ sở này, xâm phạm tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ được phòng ngừa và xử lý.

Thứ năm, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và tháo gỡ những rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế.

“Bảo vệ tài sản trí tuệ” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong thực tế thương mại và trong các nghiên cứu. Đặc biệt, thuật ngữ “bảo vệ tài sản trí tuệ” (the protection of intellectual property) được sử dụng trong văn bản pháp luật quốc tế quan trọng nhất về sở hữu trí tuệ - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS)[26]. Tuy nhiên, thuật ngữ này không được sử dụng trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Thay vào đó, thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” và “thực thi quyền sở hữu trí tuệ” được sử dụng. “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” lần đầu tiên được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Trước khi Luật này được ban hành, những khái niệm được sử dụng thường xuyên là “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” và “thực thi quyền sở hữu trí tuệ”[27].

Khái niệm “quyền sở hữu trí tuệ” liên quan chặt chẽ đến khái niệm “trí tuệ” “tài sản trí tuệ” và “sở hữu trí tuệ”. Xét về ngữ nghĩa, “trí tuệ” là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định. “Tài sản trí tuệ” được sử dụng để chỉ những tài sản là kết quả sáng tạo trí tuệ của con người. “Sở hữu trí tuệ” là việc sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Đối tượng của loại sở hữu này là những tài sản phi vật chất nhưng có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nên văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. “Quyền sở hữu trí tuệ” được sử dụng để nhân mạnh quyền của chủ thể sáng tạo và các chủ thể liên quan khác đối với tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, trong nhiều tài liệu cũng như trong thực tê, hai thuật ngữ “bảo vệ tài sản trí tuệ” và “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được sử dụng thay thê cho nhau và với ý nghĩa như nhau. Theo chúng tôi, hai thuật ngữ này có thể dùng với ý nghĩa tương tự trong một số trường hợp cụ thể nhưng cần phải lưu ý những khác biệt giữa chúng để sử dụng cho chính xác.

Bảo vệ tài sản trí tuệ là những biện pháp, cách thức được áp dụng để phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ; trong khi đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những biện pháp cụ thể được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, đối với bảo vệ tài sản trí tuệ, đối tượng được bảo vệ là những tài sản trí tuệ như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng. Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những quyền nhân thân và quyền tài sản cụ thể của tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và những chủ thể khác (như người sử dụng trước sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, người được chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp) đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Nội hàm của khái niệm “bảo vệ tài sản trí tuệ” rộng hơn nội hàm khái niệm “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”. Cụ thể, bảo vệ tài sản trí tuệ bao gồm những biện pháp được áp dụng trước cả trước khi và kể từ khi quyền sở hữu trí tuệ được xác lập; trong khi đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ bao gồm những biện pháp được áp dụng kể từ khi quyền sở hữu trí tuệ được xác lập. Chính vì vậy, bảo vệ tài sản bao gồm cả những biện pháp mang tính phòng ngừa và những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm; trong khi đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ bao gồm những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Sự cần thiết phải bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

“Cùng với sự sáng tạo và khả năng sáng tạo của con người, tài sản trí tuệ ở khắp nơi xung quanh chúng ta”[28] và có giá trị đối với mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đối với doanh nghiệp, dường như bất kỳ sản phẩm nào do doanh nghiệp sản xuất hoặc dịch vụ nào do doanh nghiệp cung cấp đều thường xuyên sử dụng hoặc tạo ra các giao dịch lớn về trí tuệ[29]. Tài sản trí tuệ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh và chiến lược cạnh tranh: từ phát triển sản phẩm đến thiết kế sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đến tiếp thị, từ tăng các nguồn lực tài chính đến xuất khẩu hoặc mở rộng thị phần ra nước ngoài thông qua chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhượng quyền thương mại[30].

Khi tài sản trí tuệ được bảo vệ hợp pháp, tài sản trí tuệ trở thành tài sản kinh doanh giá trị của doanh nghiệp. Cụ thể, tài sản trí tuệ có thể tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp thông qua chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, chuyển nhượng hoặc thương mại hóa tài sản trí tuệ và kết quả là tăng thị phần của doanh nghiệp hoặc tăng lợi nhuận; tài sản trí tuệ có thể giúp duy trì danh tiếng, uy tín, giá trị của doanh nghiệp trong mắt của các nhà đầu tư các tổ chức tài chính; trong trường hợp bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, tài sản trí tuệ làm tăng giá trị thực sự của doanh nghiệp; tài sản trí tuệ giúp duy trì và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp để khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ bất kỳ ở nơi đâu có thể[31].

Càng ngày, các doanh nghiệp trên toàn thế giới càng thừa nhận giá trị của tài sản trí tuệ và họ đưa loại tài sản này vào bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp thừa nhận tài sản trí tuệ có giá trị cao hơn các tài sản hữu hình. Đây là thực tế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến kiến thức sâu và đổi mới ở mức độ cao hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng[32].

Doanh nghiệp không chỉ tạo ra mà còn khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động kinh doanh của nhiều loại hình doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, kể cả các cơ sở chỉ có một người cho đến các công ty xuyên quốc gia khổng lồ với hàng trăm nghìn công nhân[33]. Chính vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ là một hoạt động không thể thiếu và phải được chú trọng đúng mức trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nói chung, ngày càng nhiều doanh nghiệp sở hữu tài sản trí tuệ và sử dụng tài sản trí tuệ, nhưng còn ở mức độ khiêm tốn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận thức được sự cần thiết của bảo vệ tài sản trí tuệ và tiến hành các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận, xây dựng và duy trì danh tiếng, uy tín kinh doanh. Nhà nước đã ban hành những chính nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả bảo hộ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phải kể đến Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015.

  1. Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp
    1. Các biện pháp phòng ngừa

Như đã đề cập ở trên, các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ phong phú, đa dạng, trong đó bao gồm các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm. Các biện pháp phòng ngừa được chia thành hai loại: (i) biện pháp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; (ii) các biện pháp phòng ngừa khác.

  1. Đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Khác với các tài sản thông thường, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các đối tượng sở hữu trí tuệ. Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp mang tính chất bắt buộc, ngoại trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại và bí mật kinh doanh. Điều này tương tự đối với giống cây trồng. Mặc dù thủ tục đăng ký xác lập quyền tác giả không mang tính bắt buộc nhưng các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được khuyến khích tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền tác giả. Thông qua thủ tục đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ được xác lập, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Đối với các tài sản trí tuệ mà quyền sở hữu trí tuệ được xác lập không thông qua thủ tục đăng ký mà thông qua quá trình sử dụng (như nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại và bí mật kinh doanh) hoặc khi thỏa mãn các điều kiện nhất định do pháp luật quy định (như quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học phát sinh khi tác phẩm có tính sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định), chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ phải tính đến áp dụng các biện pháp thương mại và kỹ thuật khác để bảo vệ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khuyến cáo các doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt. Theo Tổ chức này, một trong những điểm quyết định, cốt yếu trong bảo vệ pháp lý tài sản trí tuệ là biến những tài sản vô hình thành những quyền tài sản mang tính độc quyền cho dù chỉ trong một thời hạn nhất định. Điều này giúp doanh nghiệp có quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình và khai thác tối đa những quyền này. Nói ngắn gọn, bảo vệ tài sản trí tuệ làm cho những tài sản vô hình “trở nên hữu hình” bằng cách biến chúng thành những tài sản độc quyền có giá trị mà có thể mua bán trên thị trường. Nếu những ý tưởng đổi mới, kiểu dáng sáng tạo và nhãn hiệu đầy quyền lực của doanh nghiệp không được bảo vệ dưới hình thức quyền sở hữu trí tuệ, chúng có thể bị doanh nghiệp khác sử dụng vô hạn một cách tự do và hợp pháp. Tuy nhiên, khi được bảo vệ bởi những quyền sở hữu trí tuệ, những tài sản trí tuệ có giá trị rõ ràng đối với doanh nghiệp bởi vì chúng trở thành những quyền tài sản không thể được thương mại hóa hoặc sử dụng nếu không có sự cho phép của doanh nghiệp[34]. Nói tóm lại, đối với hầu hết các tài sản trí tuệ, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ biến những tài sản trí tuệ vô hình trở thành những quyền nhân thân và tài sản cụ thể được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền sở hữu trí tuệ là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề không đầy đủ [tức là đặc tính vô hình, dễ bị sao chép và lan truyền của tài sản trí tuệ][35].

  1. Các biện pháp phòng ngừa khác

Bên cạnh đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể tiến hành một hoặc một số các biện pháp mang tính chất phòng ngừa xâm phạm tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ sau đây:

Thứ nhất, doanh nghiệp tiến hành khai thác, sử dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ, qua đó chứng tỏ quyền khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ; đồng thời hoạt động này làm cho tổ chức, cá nhân khác nhận biết được tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của chủ thể nắm giữ quyền và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ.

Thứ hai, doanh nghiệp dẫn chiếu quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong các hoạt động quảng cáo và xúc tiến thương mại làm cho khách hàng, trong đó có các khách hàng tiềm năng nhận biết tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, doanh nghiệp xây dựng, duy trì bộ phận chuyên trách về bảo vệ tài sản trí tuệ. Bộ phận này có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

 

  1. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là những cách thức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và đối với giống cây trồng khi các quyền này bị xâm phạm.

Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc xác định biện pháp nào sẽ được áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu dựa vào hai yếu tố: một là sự lựa chọn của người bị xâm hại; hai là tính chất, mức độ xâm phạm.

Tính chất xâm phạm được xác định dựa trên các căn cứ: (i) Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: xâm phạm do vô ý, xâm phạm cố ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm; (ii) Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

Mức độ xâm phạm được xác định dựa trên các căn cứ: (i) Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm; (ii) Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Do tính chất, mức độ xâm phạm của mỗi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất khác nhau, cho nên không thể áp dụng chỉ một loại biện pháp để xử lý tất cả các hành vi này. Nói cách khác, cần phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhận thức được điều này, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) đi đến thống nhất trong Hiệp định TRIPS rằng: các nước thành viên phải có những biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp đó bao gồm: (i) Các biện pháp chế tài dân sự và hành chính. Cụ thể, Toà án có thể ra lệnh đình chỉ, yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi này, yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; tiêu huỷ hàng hoá vi phạm; (ii) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iii) Các biện pháp kiểm soát biên giới; (iv) Các biện pháp hình sự[36]. Tuân thủ Hiệp định TRIPS, pháp luật Việt Nam cũng cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể bao gồm: biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, biện pháp dân sự và biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc quy định nhiều biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khác nhau cũng xuất phát từ chính sự phong phú, đa dạng của các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Hơn nữa, quy định nhiều biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn nhằm xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ và các chủ thể quyền liên quan khác.

Xử lý vi phạm hành chính đối với quyền sở hữu trí tuệ là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhất định xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Áp dụng biện pháp hình sự để giải quyết những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là “một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm,... bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức...”[37].

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục tố tụng dân sự cho phép tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp và chủ văn bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng cũng như các chủ thể có quyền liên quan khác (ví dụ: người được thừa kế quyền sở hữu trí tuệ, người được chuyển giao quyền giao quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức đại diện tập thể) được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền của mình; buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại, phải thực hiện nghĩa vụ, phải xin lỗi, cải chính công khai; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Cần lưu ý rằng, khi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xảy ra, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ. Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền của mình. Các biện pháp mà chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn để áp dụng là: ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Toà án và trọng tài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể sử dụng các biện pháp này bằng cách trực tiếp gặp chủ thể vi phạm hoặc sử dụng các phương thức khác như: gọi điện thoại, gửi thư qua bưu điện, gửi thư điện tử, fax; hoặc tiến hành những hành vi cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Người bị xâm phạm quyền sở hữu có thể lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, việc chủ thể áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của mình không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Trong thực tế, khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, biện pháp bảo vệ quyền đầu tiên được áp dụng là tự bảo vệ. Trước hết, biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm.

  1. Bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Xuất phát từ đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ và khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia và quyền sở hữu trí tuệ là một thành tố gắn bó mật thiết với hoạt động thương mại quốc tế - hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia, lãnh thổ. Theo hai học giả Hoa Kỳ là Daniel C.K. Chow và Edward Lee: ngay từ thời kỳ Phục hưng, văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ đầu tiên trên thế giới được ban hành - Đạo luật Venice năm 1474 về bảo hộ sáng chế - nhằm thu hút các nhà sáng chế nước ngoài đến thành phố. Hơn nữa, động lực thúc đẩy ban hành những công ước quốc tế quan trọng đầu tiên về sở hữu trí tuệ như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp[38] và Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật[39] cũng nhằm vào bảo vệ tài sản trí tuệ ở nước ngoài và mở rộng các thị trường nước ngoài[40]. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự lưu chuyển tương đối tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và công nghệ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, thương mại quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đương nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn và tham gia nhiều hơn vào hoạt động thương mại quốc tế. Chính bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp - với tư cách là chủ thể chính của hoạt động thương mại quốc tế - phải nỗ lực nhiều hơn trong bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ mang tính quốc gia mà phải mang tính toàn cầu bởi vì thị trường dành cho các hàng hóa, dịch vụ chứa đựng tài sản trí tuệ và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là thị trường toàn cầu[41]. Điều này hoàn toàn đúng với các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và ngày càng hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa với sự lưu chuyển mạnh mẽ của hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ tham gia nhiều hơn trong dòng lưu chuyển hàng hóa hai chiều này.

Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra một số yêu cầu cơ bản sau đây cho doanh nghiệp trong bảo vệ tài sản trí tuệ.

Thứ nhất, các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ phải được tiến hành ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế. Bên cạnh thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia, doanh nghiệp cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nơi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Để được bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, sử dụng các hệ thống đăng ký quốc tế được coi là một giải pháp chiếm ưu thế. Đối với sáng chế, doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống PCT được quy định trong Hiệp ước hợp tác sáng chế - đây là hệ thống toàn cầu đơn giản hóa việc nộp nhiều đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế. Bằng việc nộp một đơn quốc tế theo PCT, thực tế doanh nghiệp cần bảo hộ một sáng chế ở từng quốc gia trong số nhiều quốc gia thành viên (đến nay là hơn 144 quốc gia)[42] trên toàn thế giới. Đối với nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống Madrid theo Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. Hệ thống Madrid đơn giản hóa lượng lớn thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở nhiều quốc gia là thành viên của hệ thống Madrid. Việc đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid có cùng hiệu lực như một đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp ở từng quốc gia được chỉ định bởi người nộp đơn và, trừ phi bị từ chối bởi cơ quan nhãn hiệu của quốc gia được chỉ định trong thời hạn nhất định, nó có cùng hiệu lực ở quốc gia đó như một đăng ký trong Sổ đăng bạ nhãn hiệu của nước đó. Đối với kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp áp dụng hệ thống đăng ký theo Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu một kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ kiểu dáng của mình ở nhiều nước bằng việc nộp một đơn tới Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, bằng một thứ tiếng, với một bộ lệ phí bằng một loại tiền.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tuân thủ các điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương và đa phương liên quan đến bảo vệ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kêt. Làm như vậy sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ ba, doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của hợp tác quốc tế và tích cực hợp tác quốc tế trong bảo vệ tài sản trí tuệ/quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức/diễn đàn sở hữu trí tuệ quốc tế, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài trong áp dụng các biện pháp phòng ngừa cũng như biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.


 

CHUYÊN ĐỀ 3

THC TRẠNG XÂY DNG VÀ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Lê Duy Thiện - Cục Sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội, đã và đang được thừa nhận như một tài sản thương mại quan trọng, là động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Trong hoạt động kinh doanh, SHTT được xem như một dạng vốn mới, một yếu tố mang lại sự thành công cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ bằng lao động tri thức là chiến lược cơ bản của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thông tin về SHTT cũng đóng vai trò rất quan trọng cho các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư để họ đưa ra các quyết định vào việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai.

Hệ thống SHTT của Việt Nam đã được phát triển từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và yêu cầu nội tại. Tuy nhiên, một hệ thống SHTT mạnh không chỉ dừng lại ở việc có hệ thống pháp luật đầy đủ mà còn cần phải đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn. Việt Nam đã có chính sách chung về việc tập trung phát triển, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, những chính sách này mới chỉ được hiện thực hoá ở mức độ rất hạn chế. Hiện nay, các hoạt động tạo dựng, khai thác quyền SHTT như một loại tài sản còn hạn chế. Thông tin SHTT, đặc biệt là thông tin sáng chế chưa được khai thác đầy đủ và hiệu quả để phục vụ hoạt động nghiên cứu - triển khai, chuyển giao công nghệ và áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Do vậy, chuyên đề này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vai trò hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức, hiệp hội..., kết quả của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Nhà nước và những giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

  1. Đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

 

Có thể thấy rằng tài sản trí tuệ đã trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất và là động lực của sự phát triển. Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, giá trị của tài sản trí tuệ nói riêng và tài sản vô hình nói chung chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp và trong nền kinh tế. Trong khi đó, thực tiễn hiện nay ở Việt Nam cho thấy mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp nhận thức được vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng số lượng các doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc tạo lập, đăng ký xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ chưa cao, nhiều doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, theo số liệu khảo sát được đưa ra trong Báo cáo Đề án “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu đối với các loại tài sản mới như trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước” do Đảng đoàn Quốc hội chủ trì thực hiện năm 2009 thì trong số trên 70 doanh nghiệp được khảo sát, có 61 doanh nghiệp cho rằng tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm 82%), song chỉ có 42 doanh nghiệp có hiểu biết các kiến thức về sở hữu trí tuệ nhưng không nhiều (chiếm 56%); 27 doanh nghiệp không quan tâm hoặc ít quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (chiếm 36%); 31 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc khai thác tài sản trí tuệ do không xác định được giá trị (chiếm 41%) và chỉ có 8 doanh nghiệp trích trên 5% từ Quỹ đầu tư phát triển cho việc tạo lập, đăng ký, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (chiếm 10%). Nếu chỉ so sánh với một số nước châu Á và trong khu vực (ví dụ: về sáng chế - một trong các tài sản trí tuệ quan trọng nhất, trong khoảng thời gian 27 năm (từ 1981-­2008) số lượng sáng chế của Việt Nam là 810; trong khi đó, số lượng sáng chế chỉ tính riêng trong năm 2007 của Thái Lan là 118, Malayxia: 338, Singapo là 474, Trung Quốc là 31.945, Hàn Quốc là 91.645, Nhật Bản là 145.04043...). Những con số nói trên cho thấy sự tụt hậu và trình độ công nghệ của nước ta đang ở khoảng cách rất xa so với thế giới, nguồn lực về tài sản trí tuệ của nước ta còn rất nhỏ bé, so với ngay cả với một số nước trong khu vực.

Mặc dù các hoạt động hỗ trợ, tư vấn về xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đã được tổ chức dưới nhiều hình thức, do các cơ quan, tổ chức nhà nước và các tổ chức tư vấn là các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, văn phòng luật sư... thực hiện, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chưa biết và chưa tìm đến các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức tư vấn để yêu cầu được hỗ trợ, tư vấn.

Các doanh nghiệp còn rất lúng túng trong việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ nên quy mô khai thác giá trị tài sản trí tuệ còn hạn chế và hiệu quả chưa thực sự cao. Hiện nay, việc áp dụng sáng chế, đối tượng sở hữu trí tuệ quyết định sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vào thực tiễn là rất khó khăn, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học/viện nghiên cứu và các tác giả cá nhân. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen chủ động tìm kiếm, liên kết với các nhà nghiên cứu, triển khai nhằm tạo ra sản phẩm mới, chưa dám mạo hiểm đầu tư cho công nghệ được bảo hộ trong các bằng độc quyền sáng chế của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Cho đến nay, số lượng sáng chế trên thế giới là vô cùng lớn, lên đến hàng chục triệu bản, riêng năm 2007 có 1,85 triệu sáng chế được nộp đơn đăng ký bảo hộ trên toàn thế giới (theo thống kê của WIPO), trong khi đó hàng năm chỉ có khoảng 3,5 nghìn đơn đăng ký sáng chế được nộp vào Việt Nam. Do vậy, có một lượng sáng chế vô cùng lớn của thế giới không được bảo hộ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp hầu như chưa biết tận dụng, khai thác nguồn thông tin sáng chế vô cùng quý giá này để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho đổi mới, nhập khẩu công nghệ và các thiết bị, máy móc, thuốc chữa bệnh... của nước ngoài, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân.

Nhiều trường hợp xâm phạm quyền SHTT của các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa biết làm thế nào để bảo vệ một cách thích hợp. Mặt khác, thủ tục xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian, điều này làm cho doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống bảo hộ SHTT.

  1. Thực trạng hoạt động hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ ở Việt Nam

Trong thời gian qua, hệ thống SHTT của Việt Nam (bao gồm hệ thống pháp luật; hệ thống các cơ quan xác lập, quản lý và bảo đảm thực thi quyền SHTT) đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Các cơ quan quản lý SHTT đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động này. Hoạt động hỗ trợ phát triển, khai thác, quản lý tài sản SHTT được thực hiện tương ứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT và được phân cấp từ trung ương đến địa phương.

Dưới đây là mô hình hệ thống cơ quan hỗ trợ về SHCN, trong đó chỉ rõ một số đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước (Cục SHTT) và các đơn vị sự nghiệp ở trung ương và địa phương cũng như các tổ chức tư nhân, các trường đại học có thể cung cấp các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu trong quá trình tạo lập, quản lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.


Sơ đồ mô hình hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ về sở hữu công nghiệp

2.1. Thực trạng hoạt động của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo về sở hữu trí tuệ

Một trong những khó khăn lớn đối với hoạt động SHTT ở Việt Nam là sự thiếu hụt nhân lực cả về số lượng, chất lượng và sự hiểu biết hạn chế của xã hội về ý nghĩa, nội dung cũng như cách tiến hành việc bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHTT. Vì vậy, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của xã hội được coi là yếu tố quyết định cho sự thành công của lĩnh vực này. Dưới đây là thực trạng hoạt động của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo về SHTT trong đó tập trung vào hoạt động đào tạo tại cơ quan SHTT. Qua đó, chúng ta thấy được những khó khăn đang gặp phải để có biện pháp khắc phục và cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời là cơ sở thực tiễn để đề xuất thành lập trung tâm/bộ phận đào tạo SHTT trực thuộc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ có quy mô và chuyên nghiệp hơn.

  1. Đào tạo sở hữu trí tuệ tại các cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ

Do chưa có một tổ chức quy mô làm đầu mối để tập trung thực hiện chiến lược đào tạo, nâng cao nhận thức về SHTT một cách tập trung và thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT như Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả thường phải tự đảm nhiệm tổ chức giảng dạy, huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền SHTT cũng như các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là Cục SHTT và Cục Bản quyền tác giả vừa là Cơ quan quản lý nhà nước lại vừa phải thực hiện chức năng của một cơ sở đào tạo về SHTT.

Để giải quyết khối lượng công việc hàng năm tăng quá nhanh, Cục SHTT và Cục Bản quyền tác giả đã bằng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế với mục đích thu thập tư liệu, xây dựng và củng cố trang thiết bị để tiến tới tự động hoá các thao tác nghiệp vụ trong cơ quan, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), tổ chức SHTT khu vực (EPO) hoặc cơ quan SHTT các nước (Nga, Đức, Pháp, Nhật, Thụy Sỹ,...) để gửi đi đào tạo đội ngũ cán bộ của hai cơ quan này và của các cơ quan khác liên quan đến SHTT trong cả nước. Các cán bộ này đã tiếp thu khá đầy đủ các kiến thức và hiện nay đang là những người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động SHTT của Việt Nam và góp phần vào công tác tự đào tạo về SHTT của chúng ta.

Song song với việc cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, bằng các nguồn tài trợ khác nhau, Cục SHTT và Cục Bản quyền tác giả đã cố gắng tìm cách mở các lớp học và mời các giảng viên giàu kinh nghiệm của WIPO, EPO và của các nước (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Canada, Úc,...) đến Việt Nam giảng về luật SHTT và trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để xây dựng và củng cố hệ thống luật SHTT của Việt Nam phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế mới chuyển sang cơ chế thị trường. Bên cạnh các lớp về luật, các cơ quan này còn tổ chức các lớp huấn luyện về nghiệp vụ chuyên môn sâu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thao tác (tiến hành các thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN, đăng ký bản quyền, thẩm định sáng chế, thẩm định nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tra cứu thông tin sáng chế,...) cho cán bộ đang trực tiếp đảm nhiệm công việc ở hai cơ quan nói trên.

Thông qua việc tự thu xếp hoặc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, hàng năm Cục SHTT đã tổ chức được hàng chục lớp học nghiệp vụ cho hàng ngàn cán bộ nghiên cứu, quản lý khoa học kỹ thuật và các doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền SHTT v.v. trong cả nước. Mục đích và nội dung các lớp học là nhằm tập trung vào việc tuyên truyền vai trò, vị trí của hệ thống SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và phổ biến các quy định của pháp luật SHTT; huấn luyện trình tự, thủ tục tiến hành đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT và thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với các đối tượng đang được bảo hộ cũng như thực thi quyền SHTT.

Về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ năm 2004 đến nay, Cục SHTT đã phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo được gần 500 học viên có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về SHTT với thời gian đào tạo liên tục 6 tháng mỗi khoá học.

Năm 2010, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, Cục SHTT đang chủ trì cùng các cơ quan liên quan thực hiện dự án “Đào tạo, huấn luyện về SHTT”. Mục tiêu của dự án này là xây dựng các chương trình đào tạo và tài liệu chuẩn cho từng nhóm đối tượng người học khác nhau. Dựa trên các chương trình đào tạo và tài liệu chuẩn này, hoạt động đào tạo về SHTT trong cả nước được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức khác nhau sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Cục SHTT liên quan đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, Cục SHTT tổ chức và giao Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo làm đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về SHTT cho các cán bộ làm công tác SHTT và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu của toàn bộ hệ thống SHTT cũng như của xã hội. Trung tâm là đơn vị trực thuộc Cục và không có tư cách pháp nhân.

Trung tâm có các nhiệm vụ, quyền hạn chính liên quan đến hoạt động hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ như sau:

  • Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT phù hợp với từng loại đối tượng, tổ chức biên soạn giáo trình giảng dạy tương ứng với mỗi loại chương trình;
  • Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng khác tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về SHTT cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu;

Về cơ cấu tổ chức, hiện nay Trung tâm có 8 cán bộ làm việc theo chế độ lao động của Cục và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các cán bộ được phân công trách nhiệm vừa lập kế hoạch, xây dựng chương trình, tổ chức quản lý, vừa nghiên cứu, biên soạn và tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế về SHTT.

Trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, kể cả cơ quan nước ngoài để tổ chức các hội thảo, các hội nghị, lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức về SHTT trên phạm vi cả nước. Trong năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức 17 hội thảo chuyên đề về SHTT với 1.650 lượt đại biểu tham dự; tổ chức 3 buổi báo cáo chuyên đề tại 3 trường đại học với hơn 1.000 lượt đại biểu tham dự, tổ chức 28 lớp tập huấn, khoá đào tạo cho 1.985 lượt người tham dự.

Ngoài ra, Viện Khoa học SHTT là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo, huấn luyện, giám định, tư vấn định giá trong lĩnh vực SHTT. Trong hoạt động đào tạo về SHTT, Viện đã triển khai theo cả hai hướng vừa nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ của Viện vừa tham gia đào tạo nhân lực quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp. Viện đã tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ Viện về ngoại ngữ, tin học, 02 khóa về định giá tài sản trí tuệ; về nghiệp vụ giám định (4 khóa năm 2009 và 1 khóa năm 2010) và 01 khóa về tra cứu thông tin phục vụ giám định (năm 2010). Về đào tạo cho các đối tượng bên ngoài, Viện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 05 khóa đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ với khoảng 120 lượt người tham gia dành cho các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp (năm 2009) và tiếp tục 5 khóa (năm 2010); tham gia giảng dạy và tiếp tục hoàn thiện dự thảo các chương trình đào tạo quản trí tài sản trí tuệ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân.

  1. Đào tạo SHTT tại các trường đại học

Ở Việt Nam, suốt một thời gian dài công tác đào tạo về SHTT chưa được triển khai một cách có hệ thống trong các trường học từ phổ thông đến đại học. Việc đào tạo của các trường (chủ yếu là các trường đại học) về SHTT chỉ mang tính chất lựa chọn của mỗi trường hoặc dựa vào một phần nhu cầu của thực tiễn, thiếu sự hoạch định và chiến lược lâu dài; cho dù những năm gần đây đã được triển khai rộng hơn ở một số trường đại học và cơ sở đào tạo. Theo kết quả nghiên cứu của đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa SHTT vào giảng dạy và đào tạo tại các trường đại học” thực hiện năm 2006 - 2007, tình hình giảng dạy và đào tạo về SHTT tại các trường đại học có thể khái quát như sau: hiện chưa có trường đại học hoặc viện nghiên cứu nào có chuyên ngành đào tạo về SHTT; hầu như chưa có trường đại học kỹ thuật nào có nội dung giảng dạy về SHTT trong chương trình đào tạo của mình; các giảng viên giảng dạy về SHTT hầu hết chưa được đào tạo chuyên ngành về SHTT; phương pháp dạy và học SHTT ở Việt Nam chưa đem lại hiệu quả mong muốn do chưa có kinh nghiệm.

Nhận xét:

Nhìn chung, hiệu quả của hoạt động đào tạo về SHTT trong thời gian qua còn khá khiêm tốn, một phần do thiếu nguồn nhân lực và cơ chế dành cho hoạt động đào tạo còn chưa phù hợp. Hầu hết các hoạt động đào tạo là nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, chuyên môn nghiệp vụ hoặc do nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT từ trung ương đến địa phương. Nhiều hoạt động đào tạo còn theo lối mòn, không có sự sáng tạo, đổi mới theo nhu cầu người học. Trong khi đó, các hoạt động đào tạo ngắn hạn theo các chuyên đề (nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, quản lý SHTT, chuyển giao quyền SHTT v.v.) được rất nhiều người quan tâm (các cơ quan, tổ chức liên quan hoạt động trong lĩnh vực SHCN) và sẵn sàng đóng tiền để theo học, tuy nhiên Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nói riêng và Cục SHTT nói chung không có cơ chế để tổ chức những khóa đào tạo nâng cao kỹ năng có thu học phí của học viên. Các trường đại học không tổ chức đào tạo chuyên sâu về SHTT. Chính vì vậy, cần xây dựng thành lập đơn vị đào tạo SHTT có tư cách pháp nhân, thực hiện các chức năng sự nghiệp là rất cần thiết để thúc đẩy các hoạt động đào tạo về SHTT đáp ứng nhu cầu của xã hội.

  1. Thực trạng hoạt động của Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Muốn hội nhập thành công, không có con đường nào khác là các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Để làm được điều đó, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hoá thì một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm chính là làm thế nào để khai thác, phát huy vai trò của hệ thống SHTT và phát triển tài sản trí tuệ để phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện các loại tài sản trí tuệ của Việt Nam còn ít và giá trị chưa cao, nếu không có biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc tạo ra các tài sản đó thì vai trò của hệ thống SHTT của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ (chủ yếu từ nước ngoài vào Việt Nam) thu hút đầu tư nước ngoài và phục vụ nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đối tượng phục vụ chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước.

  1. Hoạt động của các cơ quan sở hữu trí tuệ ở trung ương
  1. Hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ

Cục SHTT là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp về SHTT (được quy định tại tại Điều 1 và khoản 9 Điều 2 Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Với tư cách là cơ quan có chức năng thống nhất quản lý nhà nước về SHTT, Cục SHTT đã tổ chức triển khai rất nhiều hoạt động, cơ chế hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp việc hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Về cơ cấu tổ chức, bên cạnh các đơn vị chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và thẩm định Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Cục SHTT có 3 Trung tâm thực hiện các hoạt động sự nghiệp có khả năng hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong quá trình xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ là: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Trung tâm Thông tin và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn. Các Trung tâm này là các đơn vị trực thuộc Cục SHTT, không có tư cách pháp nhân.

Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn thực hiện chức năng tiến hành các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu về xác lập, bảo vệ và quản lý quyền SHTT cũng như phát triển giá trị quyền SHTT. Trung tâm có các nhiệm vụ, quyền hạn chính sau:

  • Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn liên quan đến xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ từ đó đề xuất các biện pháp, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy các hoạt động này;
  • Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật, tạo ra các tài sản trí tuệ mới;
  • Tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển quyền SHTT ở trong và ngoài nước;
  • Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác hiệu quả hệ thống SHTT phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Trung tâm thường xuyên tổ chức thực hiện các hoạt động sau:

  • Tư vấn, hướng dẫn về thủ tục xác lập quyền SHCN cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Hàng năm có hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân được tư vấn, hỗ trợ thường xuyên tại Trung tâm, qua điện thoại và hộp thư điện tử (chủ yếu đăng ký nhãn hiệu và sáng chế);
  • Hướng dẫn các tác giả sáng chế Việt Nam trong việc chuẩn bị bản mô tả, đặc biệt là yêu cầu bảo hộ và khắc phục các thiếu sót của đơn;
  • Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà nghiên cứu thu thập các tư liệu sáng chế nhằm áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất;
  • Hỗ trợ các địa phương triển khai các nội dung mang tính chuyên môn liên quan đến SHTT, đặc biệt là hướng dẫn xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dùng cho đặc sản của địa phương.
  1. Hoạt động của Cục Bản quyền tác giả

Cục Bản quyền tác giả là cơ quan của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Bản quyền tác giả cũng tổ chức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quản lý và phát triển quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...

Bên cạnh các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như Phòng Quyền tác giả, Phòng Quyền liên quan có chức năng đăng ký xác lập quyền đối với quyền tác giả và quyền liên quan, Cục có Tạp chí Bản quyền và Thị trường là tổ chức sự nghiệp trực thuộc với chức năng thông tin, tuyên truyền về bản quyền và thị trường.

  1. Hoạt động của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng

Văn phòng bảo hộ giống cây trồng được thành lập năm 2002 và chính thức đi vào hoạt động năm 2004, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn phòng có chức năng tiếp nhận và thẩm định đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới, thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật, tư vấn và làm thủ tục trình Bộ cấp, đình chỉ, hủy bỏ hoặc thu hồi Bằng bảo hộ giống cây trồng mới.

Theo thống kê của Văn phòng, đến nay Văn phòng đã cấp Văn bằng bảo hộ cho 18 giống lúa, 1 giống lạc.

Do giống cây trồng là một trong những đối tượng mới thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên hiện các hoạt động liên quan đến xác lập, quản lý và phát triển loại tài sản này còn hạn chế và cần được tăng cường thúc đẩy trong thời gian tới.

  1. Hoạt động của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Phòng Tư vấn - Giám định trực thuộc Viện Khoa học SHTT có chức năng tham mưu, tư vấn về SHTT, bao gồm các hoạt động về trợ giúp pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn về SHTT cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tư vấn việc giải quyết các vụ việc xung đột, tranh chấp, khiếu nại về SHTT; phản biện các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, các quy định hành chính về SHTT; tư vấn và thực hiện định giá tài sản trí tuệ. Ngoài ra, đây chính là đơn vị thực hiện hoạt động giám định về SHTT theo yêu cầu, trưng cầu. Năm 2009, đã thực hiện giám định 201 vụ việc (113 nhãn hiệu, 62 kiểu dáng và 27 sáng chế). Năm 2010, tổng số đơn đã được giám định 338 (bao gồm cả đơn đã nhận từ cuối năm 2009) trong đó có 249 đơn nhãn hiệu, 28 đơn sáng chế và 28 đơn kiểu dáng công nghiệp. Các hoạt động tư vấn hỗ trợ cũng thường xuyên được tiến hành khi có nhu cầu.

Mặc dù đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, có thể nói các hoạt động này từ phía các cơ quan nhà nước về SHTT mới đáp ứng một phần nhu cầu của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân.

Các hoạt động hỗ trợ tư vấn về xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đã được tổ chức dưới nhiều hình thức, tuy nhiên, hoạt động này chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương do hạn chế điều kiện về nhân lực và cơ chế hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chưa biết và chưa tìm đến các cơ quan quản lý SHTT để yêu cầu được hỗ trợ.

Các hoạt động hỗ trợ khai thác giá trị tài sản trí tuệ đã bước đầu được quan tâm triển khai tuy nhiên quy mô còn hạn chế và hiệu quả chưa thực sự cao. Một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm được bảo hộ SHTT đã được tổ chức nhưng chưa nhiều và chưa đáp ứng được đông đảo nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, chưa có tổ chức nào của Nhà nước và tư nhân hỗ trợ các tác giả trong việc tạo ra các mô hình mẫu áp dụng sáng chế thử nghiệm nhằm để các doanh nghiệp có thể tận mắt thấy được các lợi ích của việc áp dụng sáng chế, qua đó thúc đẩy phong trào ứng dụng, cải tiến công nghệ.

Cho đến nay, các doanh nghiệp hầu như chưa biết tận dụng, khai thác nguồn thông tin sáng chế vô cùng quý giá là lượng sáng chế vô cùng lớn của thế giới không được bảo hộ ở Việt Nam để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho đổi mới, nhập khẩu công nghệ và các thiết bị, máy móc, thuốc chữa bệnh... của nước ngoài, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, chưa có tổ chức nào tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp giải mã công nghệ, mua công nghệ mới từ nước ngoài thuộc các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam để sản xuất thử nghiệm làm cơ sở để chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân khác nhằm tạo ra phong trào tận dụng thông tin sáng chế đã có sẵn để đổi mới công nghệ.

Hoạt động hỗ trợ việc bảo vệ, thực thi quyền SHTT còn hạn chế. Nhiều trường hợp xâm phạm quyền SHTT của các doanh nghiệp chưa được giải quyết thực sự thấu đáo. Thủ tục xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian, điều này làm cho doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống bảo hộ SHTT.

Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn hiện có 6 cán bộ, đang hoạt động dưới hình thức thực hiện các nhiệm vụ quản lý của Nhà nước và không thu phí. Do vậy, nhiều hoạt động mang tính chất hỗ trợ, bổ trợ cho hệ thống SHTT có hiệu quả và quy mô còn hạn chế hoặc chưa triển khai được, như hỗ trợ khai thác áp dụng thử nghiệm sáng chế, hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu - triển khai và sản xuất, tư vấn, hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển quyền SHTT, đặc biệt là đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, hỗ trợ chuyển giao công nghệ được bảo hộ SHTT nhằm đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, đề tài, dự án liên quan đến các hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ...

  1. Hoạt động của Cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ ở địa phương

Hoạt động quản lý và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hiện nay, có 10/63 Sở có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về SHTT. Các sở khác đều bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm đảm nhiệm công tác quản lý về SHTT.

Các Sở Khoa học và Công nghệ thường có các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trực thuộc với chức năng triển khai các hoạt động khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn. Đây là một trong những hình thức hỗ trợ khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cần được thúc đẩy và đầu tư phát triển.

Hầu hết các địa phương đều đã và đang tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Công tác hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền SHTT được thực hiện thường xuyên ở hầu hết các Sở và chủ yếu là miễn phí. Theo thống kê hàng năm, phần lớn các doanh nghiệp địa phương cần được hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu.

Ở địa phương, cán bộ hoạt động về SHTT không ổn định, hay bị thuyên chuyển, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tư vấn. Công tác hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền chủ yếu tập trung vào nhãn hiệu và một số ít kiểu dáng công nghiệp. Rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như tư vấn sáng chế, tư vấn xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ... rất ít Sở Khoa học và Công nghệ có khả năng đáp ứng.

  1. Hoạt động của các tổ chức tư nhân

Bên cạnh hệ thống các cơ quan nhà nước, còn có các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ về sở hữu trí tuệ, đó là các tổ chức đại diện SHTT và các văn phòng luật sư. Các tổ chức này hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Theo thống kê của Cục SHTT, tính đến 30/11/2010, có 106 tổ chức đại diện SHTT đủ điều kiện hoạt động đã được đăng ký tại Cục SHTT. Các tổ chức đại diện SHTT chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xác lập và bảo vệ quyền SHTT cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hiện có khoảng gần 2.000 tổ chức hành nghề luật sư thuộc các lĩnh vực khác nhau có khả năng tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tiến hành các thủ tục tranh tụng tại các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ quyền SHTT của mình.

Các tổ chức đại diện SHTT, các văn phòng luật sư là các tổ chức dịch vụ, hoạt động với mục tiêu lợi nhuận, do đó phí dịch vụ triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ thường không nhỏ. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng kinh phí hạn chế nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng dịch vụ của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, chất lượng của các tổ chức đại diện SHTT không đồng đều. Đã tồn tại hiện tượng lợi dụng người có nhu cầu xác lập, bảo vệ quyền SHTT để trục lợi. Nhiều đơn vị có cung cấp dịch vụ tư vấn SHTT nhưng không đăng ký với Cục SHTT mà hoạt động dưới các hình thức “ẩn danh”. Điều này là một trong những khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Còn rất nhiều hoạt động về SHTT không được các tổ chức tư nhân tham gia hoặc tham gia hạn chế (các tổ chức đại diện SHTT, các văn phòng luật sư chủ yếu thực hiện dịch vụ tư vấn xác lập và bảo vệ quyền SHTT) vì đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí, lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận, ví dụ như hỗ trợ khai thác áp dụng thử nghiệm sáng chế, hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu - triển khai và sản xuất, tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ được bảo hộ SHTT nhằm đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển quyền SHTT, đặc biệt là đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Nhận xét:

Trong lĩnh vực hỗ trợ, tư vấn xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, mặc dù đã có các thiết chế được thiết lập và đi vào hoạt động thuộc cả khối khu vực công và khu vực tư, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể. Điều này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó phải kể đến những hạn chế về nguồn nhân lực và cơ chế hoạt động chưa thực sự linh hoạt do phải gắn liền với chức năng quản lý nhà nước.

Để phát triển hệ thống SHTT một cách bền vững và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tri thức, cần phải có các hoạt động hỗ trợ, tư vấn thường xuyên, lâu dài và có hiệu quả cho hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ trong đó, các đơn vị hỗ trợ của nhà nước phải có cơ chế hoạt động tự chủ, linh hoạt, tách rời khỏi lĩnh vực quản lý nhà nước.

  1. Thực trạng hoạt động của Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thông tin sở hữu công nghiệp

Năm 1981, bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định về sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế, hệ thống SHCN của Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động. Trong những năm tiếp theo, các đối tượng SHCN như nhãn hiệu (1982), kiểu dáng công nghiệp (1988), giải pháp hữu ích (1988), tên gọi xuất xứ (1988), v.v. bắt đầu được bảo hộ ở Việt Nam. Hiện nay, hệ thống SHCN của Việt Nam bao gồm tất cả các đối tượng SHCN quy định trong Hiệp định TRIPS - WTO.

Vấn đề thông tin SHCN - đặc biệt là thông tin sáng kiến - sáng chế được chú ý sớm hơn nhiều. Ngay từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, tại Ủy ban Khoa học nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay), một nhóm chuyên viên đã được giao nhiệm vụ xây dựng kho tư liệu sáng kiến và sáng chế nhằm phục vụ cho các nhu cầu nghiên cứu, triển khai. Nhóm này đã nghiên cứu cơ sở lý luận về hoạt động thông tin tư liệu nói chung và sơ bộ hoạch định một chiến lược về thông tin sáng kiến - sáng chế ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện chiến tranh trong giai đoạn này đã không cho phép hoàn tất mọi công việc. Cho tới khi kết thúc chiến tranh (năm 1975) nhóm chuyên gia mới chỉ tạo dựng được một kho tư liệu với vài trăm nghìn bản mô tả sáng chế của Liên Xô và của một số nước xã hội chủ nghĩa cùng vài trăm phiếu ghi tóm tắt nội dung các sáng kiến kỹ thuật được tạo ra ở Việt Nam trong những năm chiến tranh. Đây được coi là nền móng quan trọng ban đầu của cơ sở dữ liệu thuộc Trung tâm Thông tin SHCN đặt tại Cục SHTT ngày nay.

Vấn đề xây dựng hệ thống thông tin SHCN được đặc biệt chú ý vào giữa những năm 1980 khi mà số đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có xu hướng gia tăng và cũng là khi Việt Nam chuẩn bị chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Mục tiêu ban đầu của việc xây dựng hệ thống này là đáp ứng nhu cầu về thông tin phục vụ xét nghiệm các đối tượng SHCN yêu cầu bảo hộ (sáng chế và nhãn hiệu) và tiến tới phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và triển khai.

Ngoài Trung tâm Thông tin thuộc Cục SHTT, tại Việt Nam còn có một hệ thống cung cấp thông tin SHCN (chủ yếu là thông tin sáng chế) bao gồm Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, các Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương và một số trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học An Giang...

  1. Hoạt động cung cấp thông tin tại Cục Sở hữu trí tuệ

Tài nguyên về thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ: Hiện nay, trên cơ sở hợp tác về thông tin tư liệu với các cơ quan sáng chế của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế trong đó có Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Cơ quan sáng chế Châu Âu (EPO), cơ sở dữ liệu về thông tin SHCN có tại Trung tâm Thông tin khá đầy đủ, bao gồm khoảng gần 38 triệu bản mô tả sáng chế (tính đến tháng 10 năm 2010), khoảng 3 triệu nhãn hiệu khác nhau, khoảng 1,5 triệu kiểu dáng công nghiệp (chủ yếu dưới dạng CD-ROM). Bên cạnh đó, Trung tâm còn có trên 700 cuốn sách, tài liệu chuyên ngành về SHTT, các tài liệu hội thảo, tài liệu tuyên truyền phổ biến về SHTT. Phòng đọc của Trung tâm được trang bị hệ thống máy tính với 06 máy tính kết nối internet tốc độ cao để phục vụ các cán bộ trong Cục và độc giả bên ngoài có nhu cầu đến tra cứu.

Nguồn nhân lực phục vụ công tác cung cấp thông tin của Cục SHTT: Trung tâm Thông tin hiện có 15 cán bộ, trong đó có 08 cán bộ chuyên trách về phát hành công báo thông tin SHCN, 04 cán bộ chuyên trách về cung cấp thông tin của thư viện Trung tâm và 03 cán bộ phục vụ công tác tra cứu thông tin sáng chế. Như vậy, số cán bộ chuyên trách về cung cấp thông tin thực tế chỉ có 07 người.

Một số hoạt động cung cấp thông tin SHCN chủ yếu của Cục SHTT: Trung bình hằng năm, Phòng đọc của Trung tâm Thông tin phục vụ khoảng 200 lượt độc giả bên ngoài Cục đến tra cứu, tìm hiểu về thông tin SHCN tại Việt Nam, cung cấp hàng nghìn bản mô tả sáng chế cho cả các xét nghiệm viên trong Cục và độc giả bên ngoài; tính riêng trong năm 2009, Trung tâm đã cung cấp được 171 báo cáo kết quả tra cứu thông tin sáng chế cho độc giả ngoài Cục (trong đó chủ yếu là các yêu cầu tra cứu về tình trạng kỹ thuật, tra cứu tính mới trước khi nộp đơn, tình trạng pháp lý của đơn); cung cấp thông tin sáng chế phục vụ đề tài cấp nhà nước KC 03-14 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển - Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Các dịch vụ hiện nay của Trung tâm Thông tin như hướng dẫn tra cứu, tìm tài liệu thông tin sáng chế tại phòng đọc, cung cấp các tài liệu tuyên truyền về thông tin SHCN, các cuốn hướng dẫn đăng ký là hoàn toàn miễn phí. Độc giả có thể tự tra cứu tìm tài liệu về thông tin sáng chế quốc tế (miễn phí) trên các website của các cơ quan, tổ chức SHTT như cơ quan sáng chế châu Âu (EPO) http://worldwide.espacenet.com, tổ chức SHTT thế giới (WIPO) http://www.wipo.int/pctdb/en/, cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ http://uspto.gov, cơ quan sáng chế Nhật Bản http://www.ipdl.inpit.go.jp/... tại phòng đọc hoặc đăng ký dịch vụ tra cứu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu với Cục SHTT (có tính phí). Riêng dịch vụ tra cứu nhãn hiệu hiện nay Cục mới chỉ đáp ứng được các nhóm 05 (dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật...) và 12 (các sản phẩm liên quan đến ô tô, xe máy). Để tiếp cận các thông tin SHCN được đăng ký ở Việt Nam, độc giả có thể tra cứu tại thư viện số về SHCN của Cục SHTT theo địa chỉ www.iplib.noip .gov .vn. Tuy nhiên, các thông tin được cung cấp ở đây chỉ dừng lại ở thông tin thư mục.

Năm 2004, Trung tâm Thông tin của Cục SHTT thử nghiệm phát hành công báo dạng CD-ROM và đến năm 2008 thì chính thức phát hành công báo dạng CD- ROM.

  1. Kết quả của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì tổ chức triển khai Chương trình cùng với 09 Bộ liên quan là các cơ quan phối hợp tổ chức triển khai Chương trình. Chương trình được thực hiện với mục tiêu: (i) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT và (ii) Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, và 3 nội dung: tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ tổ chức hoạt động SHTT; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin SHTT.

Sau khi kết thúc giai đoạn 2005 - 2010, thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được của Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 dựa trên các quan điểm: Mở rộng nội dung và phạm vi triển khai của Chương trình 68 giai đoạn 2005 - 2010; khắc phục những hạn chế của Chương trình 68 giai đoạn 2005 - 2010; phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ trong thời gian tới. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010.

Với việc triển khai mạnh mẽ các nội dung của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2005 - 2010, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực hiện rộng rãi, thiết thực hơn. Nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được hỗ trợ đăng ký, quản lý và phát triển, qua đó, huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, địa phương vào các hoạt động sở hữu trí tuệ. Các đối tượng này được đăng ký, quản lý sẽ là cơ sở, điều kiện để khai thác giá trị tài sản trí tuệ, từ đó nâng cao uy tín, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh của sản phẩm, qua đó khẳng định vị thế của doanh nghiệp.

Sau 4 năm triển khai Chương trình, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 05 Danh mục các dự án thuộc Chương trình thực hiện trong các năm 2006 - 2007, 2007 -2008, 2008 - 2009, 2009 - 2010 và năm 2010 với tổng số 119 dự án.

Đã tổ chức 05 đợt tiếp nhận với tổng số 175 Hồ sơ đăng ký chủ trì thực hiện dự án, tổ chức 31 Hội đồng chuyên môn thẩm định Hồ sơ và có 84 dự án (trong đó có 23 dự án địa phương quản lý) đã được phê duyệt cho triển khai thực hiện liên quan đến hầu hết các nội dung của Chương trình: tuyên truyền, phổ biến và đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể dùng cho đặc sản của các địa phương; khai thác, áp dụng sáng chế...

Thực tế cho thấy Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã được các doanh nghiệp giai đoạn 2005 - 2010, địa phương hưởng ứng và tích cực tham gia, đáp ứng một phần nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương và thu được những kết quả ban đầu, đáng kể:

Thông qua các dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, công tác thông tin, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đã được thực hiện, duy trì thường xuyên và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức đã góp phần chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ. Từ đó tạo ra phong trào mạnh mẽ trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng Tiêu biểu là Chương trình “Chắp cánh Thương hiệu” trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam đã được phát sóng liên tục từ năm 2007 đến nay, mặc dù Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chỉ hỗ trợ một phần kinh phí trong năm phát sóng đầu tiên và dựa trên Chương trình “Chắp cánh Thương hiệu” đến năm 2010 đã có 23 Chương trình “SHTT và Cuộc sống” được Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ nhân rộng để phát sóng trên 23 Đài Truyền hình 23 địa phương.

Chương trình đã không chỉ đưa ra phương pháp luận để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển các đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù mà còn hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí cho các địa phương, đơn vị áp dụng chúng để nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương, vùng, miền, kết quả là:

Đã có 54 đặc sản nổi tiếng (38 sản phẩm nông, lâm, hải sản; 11 sản phẩm thủ công, làng nghề; 04 sản phẩm thủy sản và 01 dịch vụ) của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dưới các dự án khác nhau như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế...); tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải...) và quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...).

Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các địa phương trong việc xây dựng và quản lý tài sản trí tuệ dùng cho các đặc sản địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại sản phẩm, từ đó có thể nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và thị trường của sản phẩm, góp phần hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất ổn định và từng bước nâng cao thu nhập, thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.

Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (đặc biệt là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý) khi đưa ra thị trường đòi hỏi được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, Chương trình đang hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực này. Việc triển khai hiệu quả quản lý quyền sở hữu trí tuệ góp phần đưa sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Một số kết quả nghiên cứu, sáng chế đã được hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn góp phần khai thác giá trị của sáng chế, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng (Dự án áp dụng sáng chế số 5874 để thiết kế xây dựng công trình bảo vệ bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Vàm Đá Bạc, Cà Mau). Sáng chế áp dụng công nghệ kè bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bước đầu giải quyết được tình trạng trên, kể từ khi đoạn kè bờ thử nghiệm 100m được thi công (đầu năm 2008) đến nay vẫn bảo đảm chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật, không còn bị lún nứt và sóng đánh trôi. Sau khi đoạn kè thử nghiệm được thi công theo công nghệ hỗ trợ của dự án, nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để tìm kiếm lựa chọn công nghệ phù hợp, bảo đảm lâu bền để thi công kè bờ những khu vực có nền đất mềm yếu. Đến nay, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã nhận được một số đơn đặt hàng thi công kè bờ theo công nghệ từ giải pháp theo sáng chế số 5874 (Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang, Phú Thọ...).

Tính đến tháng 4/2010, Chương trình đã chi hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án là 38 tỷ 550 triệu đồng.

Chương trình còn tạo động lực cho các địa phương tự huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dùng cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của mình. Kết quả đã có 21 địa phương đã phê duyệt và thực hiện các chương trình riêng, bằng kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Thông qua Chương trình, đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức sự nghiệp, cơ quan nhà nước và các nhà khoa học đã tham gia vào các hoạt động SHTT, từ đó nhận thức của công chúng, xã hội được cải thiện; nhu cầu xây dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, địa phương được đáp ứng từng bước.

Những hoạt động của Chương trình 68 đã bước đầu thúc đẩy được hoạt động phát triển, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, các nội dung của Chương trình chưa được triển khai đồng bộ theo yêu cầu. Một số nội dung rất quan trọng nhưng chưa có dự án được phê duyệt cho triển khai trên thực tế (khai thác thông tin SHTT, định giá tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ) hoặc chưa có nhiều dự án như mong muốn (hỗ trợ khai thác sáng chế) do các nội dung này đều rất khó triển khai, ít có đề xuất hoặc đề xuất không khả thi, có nội dung khó ngay cả đối với cơ quan chuyên môn về SHTT như định giá tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ.

Năm 2009, Cục SHTT đã khảo sát, lấy ý kiến của các địa phương về Danh mục các địa danh dùng cho đặc sản. Kết quả là có tới 719 địa danh dùng cho 963 đặc sản ở 62 địa phương. Hiện nay mới có 24 chỉ dẫn địa lý và 115 nhãn hiệu tập thể, 7 nhãn hiệu chứng nhận chứa dấu hiệu chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Như vậy còn một lượng rất lớn các đặc sản địa phương chưa được đăng ký bảo hộ. Để nâng cao giá trị cho các đặc sản, cần bảo hộ và tổ chức quản lý tốt việc sử dụng quyền SHTT. Mặc dù Chương trình đã tích cực hỗ trợ cho các đặc sản của các địa phương, nhưng số lượng các dự án còn hạn chế so với tổng số đặc sản trong cả nước.

  1. Những giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động sau đây:

  1. Tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ

Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ.

Tổ chức các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên sâu cho các thẩm định viên.

Xây dựng, tổ chức các khoá đào tạo cơ bản và nâng cao về sở hữu trí tuệ để phục vụ từng nhóm đối tượng riêng biệt: nhóm các tổ chức đại diện SHCN, nhóm cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhóm cán bộ thuộc các hội, hiệp hội ngành nghề, nhóm cán bộ các trường đại học, viện nghiên cứu, nhóm cán bộ doanh nghiệp, nhóm các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhóm cán bộ làm công tác bảo đảm thực thi.

Biên soạn và phát hành tài liệu giảng dạy và học tập cho tất cả các khóa học.

  1. Cung cp, tư vấn khai thác thông tin sáng chế, thông tin khoa học và công nghệ khác phục vụ các hoạt động nghiên cứu, triển khai và áp dụng vào thực tiễn

Khai thác cơ sở dữ liệu: tận dụng các cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và cơ sở dữ liệu miễn phí, đồng thời có thể thuê cơ sở dữ liệu mất phí, gồm cả sáng chế (patent) và phi sáng chế (non - patent).

Tra cứu thông thường (tra cứu tính mới, trình độ sáng tạo, đồng dạng, phân tích xâm phạm quyền, tình trạng kỹ thuật, phân loại sáng chế quốc tế, tra cứu sâu cho các lĩnh vực hóa học và sinh học: phản ứng hóa học, công thức hóa học, gen).

Tra cứu theo chuyên ngành sâu để lập bản đồ sáng chế - Patent map (tìm hiểu xu hướng phát triển công nghệ, phân tích định hướng chiến lược của đối thủ cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội sinh lợi cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, xác định chiến lược sở hữu trí tuệ và kinh doanh phù hợp nhất.).

  1. Hỗ trợ áp dụng các sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai và sản xuất, kinh doanh

Hỗ trợ khai thác, áp dụng thử nghiệm sáng chế đã được bảo hộ vào thực tiễn dưới hình thức hỗ trợ các tác giả trong việc tạo ra các mô hình thử nghiệm mẫu áp dụng sáng chế nhằm để các doanh nghiệp thấy được các lợi ích của việc ứng dụng sáng chế, qua đó thúc đẩy phong trào ứng dụng, cải tiến công nghệ.

Dịch vụ hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai và sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy mạnh phong trào tận dụng thông tin sáng chế của nước ngoài để đổi mới công nghệ.

  1. Tư vấn, hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
  2. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ

Nhằm đẩy mạnh việc thương mại hóa sáng chế, định giá hợp lý cho bên bán và bên mua, tạo nguồn công nghệ cho thị trường công nghệ và nhu cầu có công nghệ để chuyển giao của các trung tâm ứng dụng công nghệ ở các địa phương.

4.6. Định giá tài sản trí tuệ

Nội dung hoạt động này cần tập trung vào các nhiệm vụ chính sau: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về định giá tài sản trí tuệ; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các đối tượng trong nước về hoạt động định giá tài sản trí tuệ; tư vấn, cung cấp dịch vụ định giá tài sản trí tuệ.

  1. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước phục vụ việc phát triển tài sản trí tuệ
  2. Củng cố, nâng cao chất lượng và tăng cường công tác giám sát hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ

Để phát triển một cách đồng bộ hệ thống hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác giám sát hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề cần thực hiện triệt để trong thời gian tới.

  1. Đẩy mạnh hoạt động của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được ban hành kèm theo Quyết định số 2202/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ

Bên cạnh các nội dung hỗ trợ trong giai đoạn 2005 - 2010, một số nội dung được hỗ trợ trong Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 được bổ sung bao gồm:

  • Thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ: Việc thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại các khu vực, địa phương có điều kiện nhằm chủ động và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Các tổ chức này hoạt động sẽ hỗ trợ tạo ra các tài sản trí tuệ nói chung, công nghệ nói riêng và các công cụ hữu ích khác góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng và vận hành mô hình các tổ chức chuyển giao công nghệ phù hợp với định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước. Việc thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức này sẽ được thực hiện từng bước, từ thí điểm đến đánh giá, rút kinh nghiệm và hướng dẫn áp dụng tại các địa phương, vùng, miền cho phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm hiệu quả hoạt động. Đối với các địa phương, vùng, miền chưa có điều kiện thích hợp thì các tổ chức phát triển tài sản trí tuệ này không cần thành lập mà giao cho các tổ chức thích hợp hiện có thực hiện.
  • Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ: Các tài sản trí tuệ nếu chỉ đăng ký bảo hộ và quản lý thì chưa đủ để nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm sử dụng các tài sản trí tuệ đó. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cần hỗ trợ triển khai, áp dụng các quy trình quản lý, các kết quả nghiên cứu khoa học khai thác, phát triển giá trị tài sản trí tuệ, đặc biệt là đối với các đặc sản địa phương và các sản phẩm chiến lược, có tiềm năng xuất khẩu.
  • Hỗ trợ khai thác thông tin khoa học công nghệ, đặc biệt là thông tin sáng chế phục vụ nghiên cứu, triển khai và sản xuất, kinh doanh: Kho thông tin khoa học công nghệ - sở hữu trí tuệ của nhân loại là rất lớn (đến hàng chục triệu bản) và là tài sản có giá trị của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay kho thông tin này hầu như chưa được khai thác do các chủ thể có nhu cầu thiếu kỹ năng, phương tiện cần thiết. Chính vì vậy, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khai thác kho thông tin này dưới các hình thức khác nhau để áp dụng vào thực tiễn là rất cần thiết phục vụ hoạt động nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh.
  • Hỗ trợ tra khai thác, áp dụng các sáng chế, công nghệ mới không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất, kinh doanh: Hiện nay trình độ công nghệ của Việt Nam chưa cao, chúng ta phải bỏ chi phí không nhỏ cho việc nhập khẩu công nghệ và các thiết bị, máy móc của nước ngoài phục vụ hoạt động triển khai và sản xuất, kinh doanh. Một nguyên nhân là chúng ta chưa khai thác và áp dụng thông tin sáng chế, công nghệ mới không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam để tạo ra công nghệ, thiết bị, máy móc. Đó là việc làm khó, cần đầu tư chuyên môn và kinh phí. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí đầu tư cho đổi mới công nghệ, cần có cơ chế hỗ trợ cho việc khai thác, áp dụng thử sáng chế, công nghệ mới của nước ngoài không được bảo hộ ở Việt Nam vào điều kiện thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc tế trong kỷ nguyên hội nhập, toàn cầu hoá, Cục Sở hữu trí tuệ cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xác lập, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ dưới nhiều hình thức và với cơ chế linh hoạt hơn để có thể đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của các doanh nghiệp.

Hoạt động của các trung tâm: hỗ trợ và tư vấn; nghiên cứu và đào tạo và thông tin của Cục SHTT cần tiếp tục được đẩy mạnh theo chiều sâu và chiều rộng; đảm bảo tư vấn, hướng dẫn thường xuyên, kịp thời cho các doanh nghiệp có yêu cầu. Cần cải tiến cơ chế hoạt động của các trung tâm này, để các trung tâm có quyền tự chủ hơn trong hoạt động đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin.

Các hoạt động, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thông tin sáng chế nhằm áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; phục vụ mục đích đăng ký bảo hộ và chuyển giao sáng chế, công nghệ mới cần được tăng cường.

Thiết lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Sở Khoa học Công nghệ ở địa phương để có thể hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình tiến hành các hoạt động xác lập, bảo vệ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang nghiên cứu phương án thành lập Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ một cách mạnh mẽ, thiết thực hơn cho các hoạt động khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp./.

 

CHUYÊN ĐỀ 4

THỰC TRẠNG ĐĂNG KÝ, XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

I. Những nguyên tắc cơ bản trong đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Đối tượng của sở hữu công nghiệp

Cho đến thời điểm này, có thể nói hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước đã bao hàm hầu hết những đối tượng cơ bản của sở hữu trí tuệ. Theo đó, người nộp đơn trong và ngoài nước đã có đủ các công cụ pháp lý nhằm bảo vệ cho các thành quả sáng tạo và kinh doanh của họ khi tiến hành đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường trong nước.

Các đối tượng của sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, không phải tất cả các đối tượng này đều đón nhận được mối quan tâm như nhau từ xã hội. Có thể nói, sôi động nhất vẫn là những hoạt động liên quan đến các đối tượng cơ bản như sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu. Gần đây, mối quan tâm về sở hữu trí tuệ đã lan tỏa đến chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và thậm chí là thiết kế bố trí.

1.1. Đối tượng phải đăng ký sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp của các đối tượng sở hữu công nghiệp phát sinh theo các nguyên tắc khác nhau. Những đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh trên cơ sở nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý không tự nhiên sinh ra. Để quyền sở hữu công nghiệp được xác lập và ghi nhận, sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là những đối tượng phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền bởi chính chủ sở hữu đối tượng. Theo nguyên tắc này, các sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho dù được tạo ra hay được đưa vào sử dụng trên thực tế, thì quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó vẫn chưa được xác lập và chủ sở hữu chưa có được một công cụ pháp lý hữu hiệu được Nhà nước công nhận để bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình. Đối với các đối tượng này, quyền sở hữu công nghiệp chỉ có thể được xác lập trên cơ sở xem xét đơn đăng ký với điều kiện đơn đăng ký đó đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn (điều kiện) bảo hộ theo luật định.

  1. Đối tượng không bắt buộc đăng ký sở hữu công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ quy định các nguyên tắc phát sinh quyền khác nhau, theo đó có một số đối tượng sở hữu công nghiệp được Nhà nước bảo hộ cho dù đối tượng đó không nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một trong số đó là quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền này chỉ phát sinh trên cơ sở của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không cần phải tiến hành đăng ký. Khi phát sinh hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ phía doanh nghiệp cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, chủ sở hữu quyền có thể đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó.

Thông tin bí mật là loại thông tin, dữ liệu mà doanh nghiệp cần phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xin cấp phép lưu hành sản phẩm. Thông tin như vậy là đối tượng mà doanh nghiệp cung cấp không mong muốn bộc lộ trước công chúng hoặc chia sẻ cho doanh nghiệp khác vì giá trị của chính thông tin đó. Trên thực tế, doanh nghiệp thường phải đầu tư với những chi phí rất lớn về tiền của, công sức và thời gian để có được những thông tin như vậy và việc bộc lộ những thông tin này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cung cấp không công bí mật của mình cho doanh nghiệp cạnh tranh. Chính vì thế, thông tin bí mật là đối tượng mặc nhiên được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà không cần nộp đơn đăng ký xác lập quyền.

  1. Hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp

Muốn được hưởng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng nêu trên, một bộ tài liệu thể hiện yêu cầu của Người nộp đơn về việc cấp Văn bằng bảo hộ cho một đối tượng cụ thể nêu trên - gọi là Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải được nộp cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp các đối tượng nêu trong đơn đáp ứng các yêu cầu về thủ tục nộp đơn và các tiêu chuẩn bảo hộ, thì các đối tượng đó sẽ được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; và chủ sở hữu các đối tượng đó sẽ được cấp các văn bằng bảo hộ tương ứng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Người nộp đơn trong nước, Cục Sở hữu trí tuệ đã thiết lập hai Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng. Nhờ đó, các đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có xuất xứ từ các khu vực này sẽ không nhất thiết phải gửi ra Hà Nội mà Người nộp đơn trong nước có thể lựa chọn hình thức nộp đơn ngay tại các Văn phòng nêu trên để có được ngày nộp đơn sớm nhất.

Việc nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có thể được tiến hành trực tiếp bởi chính Người nộp đơn. Tuy nhiên, Người nộp đơn cũng có thể lựa chọn cách thức ủy quyền cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành việc nộp đơn và thực hiện các công việc liên quan đến quá trình xử lý các đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp này.

Theo nguyên tắc chung, mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được đăng ký cho một đối tượng duy nhất. Ngay cả đối với từng đối tượng sở hữu công nghiệp thì mỗi một sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý cũng phải nộp trong một đơn duy nhất để đảm bảo tính thống nhất của đơn đăng ký.

Điểm 7.1. quy định các loại tài liệu bắt buộc phải trong đơn có để đơn được tiếp nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ. Các loại tài liệu này là khác nhau đối với các đối tượng khác nhau như được chỉ ra dưới đây. Tùy thuộc vào tình trạng của đơn đăng ký mà các loại tài liệu khác có thể cần phải nộp kèm theo đơn ở thời điểm nộp đơn hoặc nộp sau đó.

  1. Thủ tục xem xét đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
  1. Tham định hình thức

Tất cả các đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều phải được tiến hành thẩm định hình thức. Mục đích của thẩm định hình thức là kiểm tra xem các yêu cầu đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có đáp ứng quy định nêu tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hay không. Nếu đơn không đáp ứng, người nộp đơn được Cục Sở hữu trí tuệ chỉ ra các thiếu sót còn có trong đơn và được dành một khoảng thời gian để khắc phục các thiếu sót đó. Nếu không đồng ý với kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn có thể phản bác ý kiến đó.

Các đơn đăng ký không có thiếu sót hoặc có thiếu sót những đã được người nộp đơn khắc phục thành công trong thời hạn quy định được chấp nhận hợp lệ. Chỉ những đơn được chấp nhận hợp lệ mới có thể được tiếp tục xem xét ở giai đoạn thẩm định nội dung.

Thủ tục tiến hành thẩm định hình thức các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại điểm 13 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

3.2. Công bố đơn

Theo quy định tại điểm 14 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, chỉ những đơn đã được chấp nhận hợp lệ mới được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp Tập A. Theo đó, các đơn đăng ký thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn 2 tháng tính từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Trong khi đó, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên của đơn, hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn. Đơn sáng chế/giải pháp hữu ích có thể yêu cầu được công bố sớm.

Chỉ sau khi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp thì công chúng mới có thể tiếp cận đến các thông tin chi tiết về bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Người quan tâm có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp các thông tin đó và phải nộp phí cung cấp thông tin theo quy định.

3.3. Thm định nội dung

Thẩm định nội dung là công việc được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành để kết luận xem đối tượng sở hữu công nghiệp nộp đơn đăng ký có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ quy định hay không. Trên cơ sở đó văn bằng bảo hộ tương ứng sẽ được cấp cho chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

Theo quy định hiện hành, để được cấp văn bằng bảo hộ thì không phải tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp nộp đơn đăng ký đều được tiến hành thẩm định nội dung. Thiết kế bố trí là đối tượng không được thẩm định nội dung. Sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, nếu Cục Sở hữu trí tuệ không nhận được ý kiến của người thứ ba phản đối việc đăng ký thiết kế bố trí hoặc nhận được ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, thì Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí sẽ được cấp cho chủ sở hữu.

Những đối tượng đăng ký còn lại bắt buộc phải được tiến hành thẩm định nội dung. Tuy vậy, việc thẩm định nội dung được tiến hành một cách mặc nhiên chỉ với các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Thời hạn tiến hành thẩm định nội dung được tính kể từ ngày mà các đơn đó được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

Trong khi đó, đơn sáng chế/giải pháp hữu ích không được thẩm định nội dung một cách mặc nhiên mà phụ thuộc vào yêu cầu thẩm định nội dung của chủ đơn hoặc của bất kỳ người thứ ba nào. Việc thẩm định nội dung đơn sáng chế/giải pháp hữu ích chỉ được tiến hành nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trong thời hạn quy định. Theo đó, yêu cầu thẩm định nội dung phải được nộp trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên đối với đơn có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế, hoặc trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Đối với các đối tượng nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp nếu kết quả thẩm định nội dung cho thấy các tiêu chuẩn bảo hộ được đáp ứng. Trên cơ sở nộp các khoản lệ phí để cấp, đăng bạ và công bố văn bằng bảo hộ, các văn bằng bảo hộ tương ứng sẽ được cấp cho chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

  1. Một số tồn tại trong hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
  1. Tờ khai, biểu mẫu, tài liệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
    1. Chủ đơn đăng ký

Theo quy định tại Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có thể nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Để ghi nhận quyền sở hữu công nghiệp, tên một tổ chức, cá nhân phải được thể hiện chính xác trong tờ khai kèm theo địa chỉ xác định tổ chức, cá nhân đó. Theo yêu cầu này thì tên và địa chỉ chính thức của tổ chức như thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc đối với cá nhân thì tên và địa chỉ đăng ký trường trú như thể hiện trong Sổ đăng ký thường trú hoặc Giấy chứng minh nhân dân là những thông tin cần cung cấp trong tờ khai ở mục liên quan đến chủ đơn.

Hầu hết các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đều đáp ứng yêu cầu này, tuy nhiên ở một số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã xuất hiện những vấn đề mà tưởng chừng là điều hết sức đơn giản. Về nguyên tắc, đối với cá nhân đăng ký sở hữu công nghiệp thì tên chủ đơn thường đề cập đến “Họ và tên” của cá nhân như Nguyễn Văn A chẳng hạn. Đã xuất hiện tình huống khi cá nhân nước ngoài đưa thêm từ “Miss” hoặc “Mrs” vào trước họ và tên riêng của mình trong hồ sơ đăng ký. Lấy đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2010-11577 nộp ngày 28/05/2010 chẳng hạn, chủ đơn ghi trong Tờ khai đơn là “Miss Voranun Thaveesangpanich” với quốc tịch Thái Lan (xem Phụ lục 1 kèm theo). Tương tự như vậy là đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp số 3-2006­00989 nộp ngày 28/08/200ó, chủ đơn ghi trong Tờ khai đơn là “Mrs. Nonglak Kasemphaibulsuk” cũng với quốc tịch Thái Lan (xem Phụ lục 2 kèm theo).

Thoạt nhìn thì việc đưa thêm từ xưng hô vào họ tên riêng không gây ảnh hưởng gì cả. Tuy nhiên, cách ghi tên như vậy nếu được chấp nhận sẽ dẫn đến hệ lụy là bất kỳ từ xưng hô nào như ông, ngài, giáo sư, tiến sĩ, quý bà, v.v..., cũng sẽ phải được chấp nhận ghi cùng họ tên của chủ đơn nếu chủ đơn muốn thêm vào như vậy. Cách ghi tên này thực chất làm phức tạp thêm thông tin về chủ đơn, gây khó khăn cho công chúng khi cần tra cứu đến tên chủ đơn, cũng như gây ra những hiểu lầm không cần thiết khi chủ đơn cần phải chứng minh sự không trùng khớp về họ tên của mình trong các giấy tờ có liên quan.

Vì thế, các từ xưng hô nêu trên nên được đề nghị loại bỏ ra khỏi họ tên của chủ đơn trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cách làm này lại không thống nhất tại Cục sở hữu trí tuệ, do đó hiện trạng này vẫn tồn tại và được xử lý khác nhau giữa các đơn vị chuyên môn của Cục sở hữu trí tuệ. Từ xưng hô nêu trên vẫn tồn tại ở họ tên của chủ đơn trong đăng ký nhãn hiệu trong khi nó được chấp nhận loại bỏ ở các đối tượng khác.

  1. Địa chỉ của chủ đơn đăng ký

Địa chỉ của chủ đơn cũng là thông tin cần xác định chính xác. Nhiều tổ chức, cá nhân không đăng ký theo địa chỉ đăng ký chính thức mà cung cấp địa chỉ giao dịch/địa chỉ tạm trú trong Tờ khai đơn. Về nguyên tắc, đây là thông tin mà chính chủ đơn cung cấp và Cục sở hữu trí tuệ thường không xác minh địa chỉ này. Theo đó, địa chỉ do chủ đơn cung cấp sẽ được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ nếu đối tượng đăng ký đáp ứng các điều kiện bảo hộ. Sau đó, trong quá trình thực hiện quyền sở hữu công nghiệp của mình chủ văn bằng bảo hộ có thể gặp trở ngại nếu như sai lệch về địa chỉ như vậy không được chấp nhận bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  1. Quốc tịch của chủ đơn

Hệ thống quản trị đơn tự động tại Cục sở hữu trí tuệ được xây dựng và đi vào khai thác từ đầu những năm 2000, khi đó công dân Việt Nam được quy định chỉ có một quốc tịch. Hiện nay công dân Việt Nam đã được phép có hơn một quốc tịch. Vì thế, đã xuất hiện tình huống khi chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là Việt kiều, có quốc tịch của nước sở tại ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam, họ muốn được ghi nhận cả hai quốc tịch đối với nhân thân của họ. Điều này làm phát sinh vấn đề ở chỗ cách thức đăng ký sở hữu công nghiệp giữa cá nhân Việt Nam và cá nhân người nước ngoài là khác nhau theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vì thế, việc lựa chọn một cách duy nhất tư cách công dân Việt Nam hay người nước ngoài sẽ cho phép chủ đơn có thể đăng ký trực tiếp với Cục sở hữu trí tuệ hay bắt buộc phải tiến hành nộp đơn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Việc yêu cầu ghi nhận hai quốc tịch cũng gây khó khăn cho hệ thống quản trị đơn vì hệ thống chưa thích ứng kịp với tình huống này. Điều đáng nói ở đây là tư cách nhân thân hai quốc tịch như vậy lại được chấp nhận và ghi nhận trong hệ thống các cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh, trong khi hiện trạng đó vẫn chưa có hướng giải quyết trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.

  1. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại Điều 103 Luật sở hữu trí tuệ, tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp gồm bản mô tả và bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm phần mô tả chi tiết và phạm vi bảo hộ (yêu cầu bảo hộ) kiểu dáng công nghiệp. Phần mô tả chi tiết và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được quy định chi tiết tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

Trên thực tế, việc mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp là yêu cầu hết sức khó khăn không chỉ đối với chủ đơn đăng ký mà cả với các tổ chức chuyên nghiệp làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì kiểu dáng công nghiệp là đối tượng được quan sát và đánh giá bằng thị giác và nhìn chung việc quan sát kiểu dáng công nghiệp bằng thị giác là đủ để xác định đối tượng này. Pháp luật Việt Nam yêu cầu người nộp đơn phải mô tả chi tiết hình dạng của kiểu dáng công nghiệp bằng lời văn, là điều không hề dễ dàng đối với các hình dạng đặc biệt, nhất là với các kiểu dáng công nghiệp có hình dạng phức tạp.

Hơn thế nữa, yêu cầu này hầu như không được quy định ở các hệ thống bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thế giới. Theo đó, bản mô tả kiểu dáng công nghiệp theo quy định hiện hành là một thực tế không phổ biến và cần thiết phải đơn giản hóa yêu cầu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Đề xuất đơn giản hóa phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp đã được thảo luận nhiều lần nhưng rất tiếc đã không được chấp nhận. Phải đến gần đây, khi yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính được đặt ra để rà soát theo Nghị quyết số 67 của Chính phủ thì đề xuất nêu trên mới chính thức được chấp nhận và được điều chỉnh trong Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, việc mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp sẽ có tính tùy chọn, có thể không thực hiện hoặc thực hiện chi tiết đến mức nào tùy thuộc vào ý định của người nộp đơn.

  1. Mục mô tả nhãn hiệu

Trong Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn phải đính mẫu nhãn hiệu và mô tả nhãn hiệu này bằng lời văn ở những mục tương ứng. Tương tự như yêu cầu mô tả đối với kiểu dáng công nghiệp thì yêu cầu mô tả nhãn hiệu cũng tạo ra nhiều sức ép đối với người nộp đơn. Thực vậy, đối với các nhãn hiệu phức tạp và mang tính trừu tượng thì việc mô tả không hề dễ dàng và nhiều khi không diễn tả được hết ý nghĩa của nhãn hiệu. Trong quá trình sử dụng, nhiều nhãn hiệu liên tục được phát triển và ý nghĩa mới có thể đạt được cùng với sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, việc mô tả nhãn hiệu, vốn được thực hiện tại thời điểm đăng ký, trong một số trường hợp sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển ý nghĩa của nhãn hiệu và theo đó dẫn đến khả năng thu hẹp phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.

Thực tế xử lý đơn nhãn hiệu cho thấy trong một số trường hợp người nộp đơn phải chỉnh sửa phần mô tả nhãn hiệu cho phù hợp với yêu cầu của Cục sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi như vậy có thể không theo ý của người nộp đơn nhưng họ bị buộc phải thực hiện để mong cho đơn được tiếp tục xem xét mà không rơi vào tranh cãi.

Rõ ràng là, mục mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải được coi nhẹ trong quá trình xử lý đơn và tốt nhất là cho phép người nộp đơn tự lựa chọn việc mô tả hay không mô tả, hoặc mô tả chi tiết đến mức nào tùy theo lựa chọn của người nộp đơn.

  1. Thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
    1. Thẩm định hình thức

Trong quá trình xem xét đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, thẩm định hình thức là giai đoạn quan trọng quyết định xem đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có tiếp tục được xem xét hay không. Ở giai đoạn này, các tài liệu cần có trong đơn đăng ký phải được thực hiện theo quy định cụ thể nêu trong Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN đối với từng đối tượng sở hữu công nghiệp khác nhau. Việc không tuân thủ quy định sẽ khiến cho đơn đăng ký bị coi là có thiếu sót. Hệ quả là người nộp đơn phải làm lại hồ sơ trong một thời hạn quy định để khắc phục các thiếu sót mà Cục sở hữu trí tuệ chỉ ra. Nếu không khắc phục thiếu sót, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ bị từ chối chấp nhận và không được tiếp tục xem xét.

Như vậy, hiểu rõ quy định đối với đơn và làm đơn theo đúng quy định sẽ đảm bảo cho người nộp đơn không gặp phải trở ngại trong quá trình đăng ký. Tuy nhiên, một số quy định về đơn đã không được hiểu một cách chính xác hoặc không được chú ý bởi người nộp đơn, dẫn đến việc người nộp đơn làm sai qui định. Bên cạnh đó, cũng có những quy định mà thẩm định viên không thực hiện theo tinh thần của pháp luật hoặc thực hiện một cách không thống nhất, khiến cho thiếu sót của đơn được chỉ ra không chính xác và lý do về thiếu sót của đơn khó được người nộp đơn thông cảm và chấp nhận.

Lấy ví dụ về đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2008-08717 nộp ngày 24/01/2008, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “IPS Úc châu AUSTRALIAN DENTAL Clinic, hình” cho dịch vụ “khám và chữa răng, làm răng giả, nhổ răng” ở nhóm 44. Trong thông báo kết quả thẩm định hình thức ngày 07/07/2008, người nộp đơn được Cục sở hữu trí tuệ thông báo là đơn chưa được chấp nhận hợp lệ, một trong những lý do đơn chưa được chấp nhận hợp lệ là người nộp đơn cần làm rõ thuật ngữ “làm răng giả” và thuật ngữ này được đề xuất sửa thành “dịch vụ lắp răng giả”. Rất tiếc, trong trường hợp này người nộp đơn đã không khắc phục thiếu sót mà Cục sở hữu trí tuệ chỉ ra, do vậy đơn đăng ký nhãn hiệu nêu trên đã bị từ chối chấp nhận ngay từ giai đoạn hình thức. Điều đó có nghĩa là cho dịch vụ “làm răng giả” ở nhóm 44 là chưa chính xác.

Điều đáng nói ở đây là, với cùng một danh mục các dịch vụ ở nhóm 44 nêu trên, cũng chính người nộp đơn của đơn 4-2008-08717 tiến hành đăng ký nhãn hiệu “Nha khoa Úc châu” trong đơn số 4-2008-09127 nộp ngày 29/4/2008, thì đơn này lại được chấp nhận hợp lệ từ trước đó, vào ngày 19/5/2008. Ở đơn này, dịch vụ “khám và chữa răng, làm răng giả, nhổ răng” ở nhóm 44 được coi là hợp lệ.

Rõ ràng là cùng một tình trạng đơn đăng ký nhưng lại được hiểu và được xử lý theo các cách trái ngược nhau, khiến cho người nộp đơn không thể hiểu được thế nào là chuẩn mực đáng được chấp nhận như một tiền lệ để người nộp đơn có thể làm theo ở những tình huống tương tự trong tương lai. Vấn đề này đã được phản ánh đến Cục sở hữu trí tuệ nhiều lần với nhiều bức xúc của người nộp đơn, nhưng rất tiếc tình hình đó vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay và người nộp đơn cũng chỉ biết chấp nhận những yêu cầu sửa đổi của Cục sở hữu trí tuệ cho dù chúng trái ngược nhau, vì không muốn tham gia vào các cuộc tranh luận phản bác lẫn nhau, tránh bị rơi vào tình trạng bị từ chối đơn.

Cần khẳng định rõ là cách làm thỏa hiệp của người nộp đơn như vậy không giúp cho hệ thống bảo hộ nhãn hiệu phát triển một cách lành mạnh nhằm hướng tới sự hoàn thiện mà ngược lại lại góp phần nuôi dưỡng những bất hợp lý, đi ngược lại yêu cầu minh bạch hóa hệ thống này.

Đối với kiểu dáng công nghiệp, một trong những tài liệu quan trọng nhằm xác định đối tượng đăng ký là bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Vì là đối tượng được quan sát và đánh giá bằng mắt thường, do đó yêu cầu thể hiện kiểu dáng công nghiệp một cách rõ ràng, sắc nét trên các ảnh chụp/bản vẽ là điều kiện tiên quyết. Việc thể hiện đối tượng đăng ký một cách thống nhất và tuân thủ những yêu cầu về tỷ lệ, chiều của kiểu dáng công nghiệp, sự sắp xếp theo thứ tự cũng là những yêu cầu bắt buộc. Trên thực tế, nhiều người nộp đơn đã không tuân thủ yêu cầu này vì nhiều lý do khác nhau: không nắm rõ quy định, thể hiện kiểu dáng công nghiệp một cách tùy tiện, sử dụng giấy A4 thông thường để thể hiện kiểu dáng công nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí mà không in bằng giấy in ảnh, v.v.. Cách làm này dẫn đến nhiều đơn còn có thiếu sót, và người nộp đơn phải tốn thêm chi phí về thời gian và tiền bạc để làm lại các ảnh chụp/bản vẽ.

Trong khi đó, quy định về đăng ký chỉ dẫn địa lý bắt buộc người nộp đơn phải cung cấp Bản mô tả chứng minh đặc tính, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Trong hầu hết các trường hợp đăng ký, người nộp đơn đã không đạt thực hiện được điều này. Điều đó cũng dễ hiểu bởi lẽ yêu cầu đối với bản mô tả danh tính của sản phẩm là rất cao, đòi hỏi phải có những đặc tính, tính chất được chứng minh thực tế trên cơ sở khoa học. Vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hội đủ các điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất/chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm cũng là một yếu tố không dễ xác định. Trong một số trường hợp, khu vực địa lý trải dài trên các tỉnh khác nhau và địa phương nào cũng muốn giữ chỉ dẫn địa lý cho riêng mình cũng khiến cho việc đăng ký gặp nhiều trở ngại do không xác định được địa phương nào là chủ sở hữu đích thực của chỉ dẫn địa lý. Tình huống chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sâm củ là một ví dụ về sự chồng lấn về khu vực địa lý do núi Ngọc Linh là địa điểm nằm giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, bản mô tả sáng chế là tài liệu hết sức quan trọng nhằm làm rõ giải pháp kỹ thuật đăng ký. Về nguyên tắc, bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải thể hiện giải pháp đăng ký dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ đến mức mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được giải pháp kỹ thuật đó. Thông thường, bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích được trình bày theo một cấu trúc riêng như quy định tại điểm 23.06 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, trong đó yêu cầu chi tiết đối với các mục của bản mô tả được quy định rõ ràng. Tính lôgic của bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích là ở chỗ bản mô tả chỉ rõ hiện trạng kỹ thuật tồn tại và nhu cầu cần khắc phúc tồn tại kỹ thuật đó, hướng khắc phục tồn tại kỹ thuật và cách thức thực hiện cụ thể giải pháp theo sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm đạt được mục đích đề ra. Bản mô tả có thể bao gồm các tài liệu khác như bản vẽ, công thức, bảng biểu, v.v., nhằm minh hoạ cho khả năng thực hiện giải pháp dựa trên các nguyên lý khoa học cơ bản.

Thực tế xử lý đơn sáng chế/giải pháp hữu ích cho thấy, phần lớn người nộp đơn trong nước không đáp ứng được yêu cầu đối với bản mô tả. Kỹ năng viết bản mô tả không phải ai cũng có thể dễ dàng có được khi mà sáng chế/giải pháp hữu ích là đối tượng thuộc về các lĩnh vực kỹ thuật và rõ ràng phải am hiểu lĩnh vực kỹ thuật đó thì mới hiểu được khả năng thực hiện của sáng chế/giải pháp hữu ích. Ngay cả các tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích cũng không có đủ kiến thức và kỹ năng để viết bản mô tả một cách hoàn hảo. Họ có thể thể hiện giải pháp kỹ thuật bằng lời văn của họ nhưng trên thực tế bản mô tả mà họ viết ra vẫn có rất nhiều thiếu sót như sử dụng thuật ngữ không chính xác và không thống nhất, không trình bày theo quy định đối với bản mô tả, các dấu hiệu kỹ thuật không nhất quán và không liên kết với nhau, v.v.. Ngay cả khi tác giả trình bày giải pháp kỹ thuật ở mức chấp nhận được thì bản mô tả cũng không đem lại lợi ích tối đa cho chủ sở hữu bởi lẽ trong những trường hợp đó cách trình bày bản mô tả thường dẫn đến sự thu hẹp phạm vi bảo hộ đối với giải pháp đăng ký.

Sở dĩ có hiện trạng nêu trên là bởi vì sáng chế/giải pháp hữu ích vẫn chưa phải là đối tượng được chú trọng phát triển đối với các nhà sáng tạo trong nước. Ngay cả khi một giải pháp kỹ thuật được tạo ra nhằm một mục đích nhất định thì ý thức đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho chủ sở hữu vẫn không được chú trọng. Sáng chế/giải pháp hữu ích được tạo ra nhưng không được đăng ký trước mà thường được công bố, bộc lộ trong các tạp chí khoa học để lấy thành tích. Đáng tiếc, việc bộc lộ như vậy đã làm mất tính mới của giải pháp kỹ thuật và việc nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích sau đó không còn ý nghĩa đối với việc giành độc quyền cho chủ sở hữu.

Tình trạng thiếu quan tâm đến việc tạo ra và đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích một mặt không thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ trong nước nói chung và không tạo ra các giải pháp kỹ thuật thiết thực phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống xã hội, mặt khác dẫn tới việc mất đi các tài sản trí tuệ mà trên thực tế có thể trở thành một nguồn lực đáng kể cho các doanh nghiệp phát triển.

Thực tế xử lý đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cũng cho thấy nhiều công trình nghiên cứu đã không tiến hành tra cứu các tư liệu sáng chế một cách đầy đủ và chính xác dẫn đến việc nghiên cứu trùng lặp với những sáng chế đã tạo ra từ trước đó, thậm chí là bỏ qua nhiều giải pháp có ưu thế hơn trong việc giải quyết nhiệm vụ kỹ thuật được đặt ra.

Như vậy trong nhiều trường hợp, mặc dù kết quả của công trình nghiên cứu là vẫn tìm ra được cách thức giải quyết vấn đề kỹ thuật, tuy nhiên giải pháp tạo ra theo công trình nghiên cứu một mặt là không mới do đó không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ ngay cả khi được nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, mặt khác giải pháp đó không giải quyết được hiện trạng kỹ thuật đang tồn tại một cách tối ưu.

Việc không tiến hành tra cứu hiện trạng kỹ thuật (Prior Art) một cách nghiêm túc không cho phép các nhà nghiên cứu, sáng tạo xác định được xuất phát điểm về khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề theo hướng mới, dễ dẫn đến việc làm lại những gì mà nền khoa học công nghệ trên thế giới đã giải quyết. Với cách làm như vậy, rõ ràng là chúng ta đang tiêu phí những khoản tiền không nhỏ cho nhiều công trình nghiên cứu, nhưng hiệu quả mà chúng đem lại cho xã hội thì lại không đáng kể, nhiều công trình nghiên cứu chỉ để cất trong tủ sau khi đã giải ngân và hoàn thành việc ghi điểm cho các nhà nghiên cứu. Hệ quả không chỉ nằm ở chỗ lãng phí về tiền của, mà còn khiến khoa học công nghệ trong nước tụt hậu, không tạo ra được những hướng nghiên cứu đột phá, không tạo ra được những giải pháp thiết thực phục vụ một cách đắc lực cho sự phát triển sản xuất và làm phong phú các loại hàng hoá phục vụ đời sống xã hội.

  1. Thẩm định nội dung
    1. Đối chứng sử dụng để từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Như đã đề cập ở trên, một đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ có thể được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ. Nếu bị coi là không đáp ứng dù chỉ một điều kiện bảo hộ trên cơ sở đối chứng được chỉ ra, thì đối tượng sở hữu công nghiệp đó sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Rõ ràng là, đối chứng càng tương tự với đối tượng nộp đơn bao nhiêu thì khả năng từ chối bảo hộ đối với đối tượng nộp đơn càng cao. Nói cách khác, đối chứng càng xác đáng bao nhiêu thì việc chấp nhận quyết định từ chối của Cục sở hữu trí tuệ từ phía người nộp đơn càng đơn giản bấy nhiêu.

Trên thực tế, không phải người nộp đơn luôn chấp nhận quyết định từ chối của Cục sở hữu trí tuệ một cách “tâm phục khẩu phục”, cũng không phải mọi quyết định của Cục sở hữu trí tuệ đều dựa trên những chứng cứ (đối chứng) đủ xác đáng để thuyết phục người nộp đơn. Vẫn xảy ra những trường hợp, trong đó cơ sở để từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp cơ bản gồm cả sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp lẫn nhãn hiệu là không hoàn toàn xác đáng. Ví dụ dưới đây cho thấy điều đó.

Nhãn hiệu “Phẫu thuật thẩm mỹ Úc châu” được đăng ký theo đơn số 4-2009­21616 nộp ngày 09/10/2009 cho dịch vụ thuộc nhóm 44. Nhãn hiệu này bị từ chối bảo hộ vì bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu trong đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2008-08717 và nhãn hiệu nêu trong đơn số 4-2009-14418. Khoan hãy nói đến tính tương tự giữa các nhãn hiệu trong các đơn nêu trên mà chỉ xem xem đối chứng đưa ra để từ chối nhãn hiệu đăng ký là có thích hợp hay không. Căn cứ vào điểm 2 nêu trong Thông báo kết quả thẩm định nội dung số 1552/SHTT-NH1 thì lý do từ chối được viện dẫn đến Điều 90.1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (xem Phụ lục 3). Với căn cứ này, có thể hiểu được là đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2008­08717 là đơn có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ vì đã được chấp nhận hợp lệ và có ngày nộp đơn sớm nhất.

Điều 90.1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cùng một sáng chế hoặc đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau hoặc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.

Tuy nhiên, trên thực tế đơn số 4-2008-08717 đã bị từ chối chấp nhận hợp lệ ngay từ giai đoạn hình thức do người nộp đơn không phúc đáp kết quả thẩm định hình thức của Cục sở hữu trí tuệ. Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ được đưa ra ngày 31/12/2010 (xem Phụ lục 4).

Rõ ràng là đơn 4-2008-08717 không phải là đơn hợp lệ, do đó không thể được sử dụng làm đối chứng để từ chối một đơn khác theo quy định tại Điều 90.1 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Nếu đơn số 4-2008-08717 không đủ điều kiện để sử dụng làm đối chứng như đã phân tích ở trên, thì khả năng được bảo hộ lúc này phải thuộc về đơn 4-2009­14418. Tương tự như trường hợp đầu, đơn 4-2009-14418 cũng đã bị từ chối chính thức ở giai đoạn nội dung ngày 30/01/2011 (xem Phụ lục 5). Như vậy, một lần nữa, đơn 4-2009-14418 không thuộc tập hợp các đơn “đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ” như quy định tại Điều 90.1 của Luật Sở hữu trí tuệ, do đó việc sử dụng các đơn 4-2008-08717 và 4-2009-14418 làm đối chứng để từ chối đơn 4-2009-21616 là không phù hợp.

Việc sử dụng các đối chứng không phù hợp để từ chối một nhãn hiệu đăng ký rõ ràng là không thỏa đáng, dẫn đến hệ quả không tốt cho người nộp đơn, làm mất đi cơ hội kinh doanh của họ.

Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp, tính mới đòi hỏi sáng chế/giải pháp hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp phải chưa bộc lộ công khai từ trước ngày nộp đơn đăng ký hoặc ngày ưu tiên của đơn. Một yếu tố có thể xác định xem đối tượng nêu trong đơn đã bộc lộ công khai hay chưa được thể hiện ở chỗ đơn đó đã được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp hay chưa. Nếu chưa công bố, đơn đăng ký được coi là chưa bộc lộ công khai, do đó không được sử dụng làm đối chứng để đánh giá tính mới của một đối tượng tương ứng khác nêu trong đơn nộp sau đó.

Nguyên tắc này tưởng chừng dễ hiểu và dễ dàng áp dụng, tuy nhiên vẫn tồn tại luồng tư tưởng thứ hai mà theo đó cơ sở để từ chối tính mới đối với một đối tượng đăng ký bao gồm cả các đơn đã nộp trước đó, bất luận các đơn đó đã công bố hay chưa, thậm chí không cần biết các đơn đó có thể có bị từ chối hoặc rút bỏ ngay ở giai đoạn hình thức hay không.

Việc sử dụng đơn chưa công bố như vậy có 2 vấn đề cần bàn đến. Thứ nhất, các đơn hợp lệ hoặc các đơn sẽ được chấp nhận hợp lệ có ngày nộp đơn sớm hơn nhưng chưa công bố sẽ không được sử dụng làm đối chứng để đánh giá tính mới đối với đơn nộp sau, mà phải sử dụng để đánh giá nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nếu phù hợp. Như vậy, việc sử dụng một đơn nộp trước làm đối chứng để đánh giá tiêu chuẩn tính mới theo quy định nêu ở Điều 60 Luật sở hữu trí tuệ đối với sáng chế/giải pháp hữu ích hay Điều 65 đối với kiểu dáng công nghiệp phải được quy định một cách rõ ràng và cụ thể.

Thứ hai, những đơn đã nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ được chính người nộp đơn yêu cầu rút bỏ trong giai đoạn thẩm định hình thức hoặc những đơn bị từ chối chấp nhận hợp lệ sẽ không được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp Tập A. Theo nguyên tắc bảo mật, đối tượng nêu trong đơn không được bộc lộ cho công chúng biết trước khi đơn được công bố. Vì thế, quan điểm sử dụng các đơn nộp trước làm đối chứng có thể làm bộc lộ một cách không mong muốn đối tượng nêu trong đơn, đi ngược lại ý chí của người nộp đơn muốn trì hoãn việc bộc lộ đối tượng đăng ký trước công chúng.

Như vậy, quy định về việc sử dụng đối chứng trong thẩm định nội dung cần phải thể hiện rõ ràng trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, để qua đó làm minh bạch công tác đánh giá các đối tượng đăng ký sở hữu công nghiệp.

  1. Đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ

Cùng với quy định nêu trong các văn bản pháp luật như Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006-NĐ-CP, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN định hướng cho hoạt động thẩm định nội dung, một loạt Quy chế thẩm định đơn được Cục sở hữu trí tuệ ban hành để chi tiết hoá công tác thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Đó là Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp ban hành ngày 08/12/2009, Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế ban hành ngày 31/03/2010 và Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu ban hành ngày 29/04/2010. Quy chế thẩm định các đối tượng khác đang trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện.

Như vậy, các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện công tác thẩm định nội dung nhằm đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ của đối tượng đăng ký dường như đã đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ. Hoạt động xử lý đơn đáp ứng được yêu cầu từ phía người nộp đơn ở một mức độ nhất định. Tuy vậy, hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp trong nước vẫn còn thiếu những quy định cụ thể cho phép đánh giá một cách chính xác hơn nữa tính tương tự giữa đối tượng đăng ký và đối chứng - là công việc hết sức quan trọng trong việc đánh giá tính mới của sáng chế/giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp, cũng như tính phân biệt của nhãn hiệu đăng ký.

Mặc dù đã có các quy định để đánh giá tính mới sáng chế/giải pháp hữu ích (sự tương đương giữa giải pháp nộp đơn và giải pháp đối chứng), tính mới của kiểu dáng công nghiệp (mức độ khác biệt giữa kiểu dáng công nghiệp nộp đơn và kiểu dáng công nghiệp đối chứng), sự tương tự đến mức gây nhầm lần giữa dấu hiệu đăng ký và nhãn hiệu đối chứng cũng như sự tương tự của hàng hoá, dịch vụ, phải thừa nhận là việc đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ vẫn phụ thuộc nhiều vào cảm tính chủ quan của Thẩm định viên. Cảm tính chủ quan chỉ được giảm đến mức tối thiểu nếu các quy định pháp lý đủ chi tiết, cụ thể và bao quát hầu hết các tình huống xảy ra trong thực tế và tương lai.

Rất tiếc, các quy định của hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp trong nước chưa đạt được điều này, chủ yếu chỉ mang tính định tính mà còn thiếu tính định lượng. Thiếu sót này có thể khắc phục dần dần bằng cách áp dụng hệ thống tiền lệ pháp (án lệ) vốn thường được sử dụng ở hầu hết các hệ thống sở hữu trí tuệ trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống tiền lệ pháp không được chú trọng và xây dựng một cách chính thức ở hệ thống trong nước với lý do án lệ không được chấp nhận tại Việt Nam. Vì thế, các tình huống đăng ký thường được xử lý một cách độc lập không chỉ giữa các đơn với nhau mà cả giữa các bộ phận xử lý đơn với nhau. Điều này dẫn đến các kết quả xử lý khác nhau, đôi khi có những mâu thuẫn với nhau.

Tình huống sau đây cho thấy sự không nhất quán như vậy.

Nhãn hiệu “Ninjapan” được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2008­23071 nộp ngày 27/10/2008 cho sản phẩm “nồi và chảo chống dính dùng để đun nấu” ở nhóm 21 (xem Phụ lục 6). Trong thông báo kết quả thẩm định nội dung, Cục sở hữu trí tuệ dự kiến từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu “Ninjapan” với lý do nhãn hiệu này “chứa dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ”, nghĩa là viện dẫn toàn bộ khoản 5 Điều 73 của Luật sở hữu trí tuệ (xem Phụ lục 7).

Phải thừa nhận rằng lý do dự định từ chối đăng ký đối với nhãn hiệu “Ninjapan” được liệt kê trong Thông báo nêu trên là quá rộng và mơ hồ, khiến người nộp đơn khó mà biết được chính xác nhãn hiệu bị từ chối vì một lý do, một vài lý do hay tất cả những lý do được liệt kê trong thông báo đó. Theo quy định, nếu không đồng ý với kết luận của Cục sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể đưa ra các lập luận để phản bác kết luận đó. Tuy nhiên, nếu người nộp đơn không biết chính xác lý do mà Cục sở hữu trí tuệ dựa vào đó để từ chối nhãn hiệu thì thật khó cho người nộp đơn trong việc đưa ra lập luận để phản bác. Cách làm như vậy dễ dẫn đến cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”, không đi đúng vào bản chất sự việc.

Thực vậy, trong trường hợp này, người nộp đơn phải tự mình suy luận và đoán ý của Cục sở hữu trí tuệ, rồi đưa ra lập luận của mình để phản bác ý kiến đó. Đối với nhãn hiệu “Ninjapan” nêu trên, người nộp đơn cho rằng nhãn hiệu được viết bằng chữ thường là tên tự đặt không có nghĩa trong tiếng Anh, phần chữ japan chỉ là một phần không tách rời của nhãn hiệu, không làm nổi bật chữ Japan với hàm ý là nước Nhật Bản, người nộp đơn cũng cho rằng với chữ N trong nhãn hiệu “Ninjapan” được viết hoa và nếu như có sự liên tưởng của người tiêu dùng thì điều đầu tiên là họ liên tưởng đến nhân vật Ninja được hư cấu trên phim ảnh. Nhãn hiệu “Ninjapan” được phát âm với 3 âm tiết liền nhau, do đó không thể bị suy diễn hay hiểu một cách mơ hồ về nguồn gốc Nhật Bản của sản phẩm mang nhãn hiệu đó.

Bên cạnh đó, người nộp đơn cũng cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ thông tin về việc nhãn hiệu “Ninjapan” của Shine Kohgei Co. Ltd. (là Công ty mẹ của công ty đứng tên đăng ký tại Việt Nam) đã được cấp đăng ký tại Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) để chứng minh rằng quan điểm từ chối cấp văn bằng bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ là không phù hợp (xem Phụ lục 8).

Tuy nhiên, các lập luận và chứng cứ của người nộp đơn đã không được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận. Đơn đăng ký nhãn hiệu “Ninjapan” bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ với hai lý do dưới đây (xem Phụ lục 9):

  • Thứ nhất, vì người nộp đơn cho rằng người tiêu dùng có thể liên tưởng đến nhân vật “Ninja” là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản nên sẽ tạo sự liên tưởng rất rõ về nguồn gốc hàng hóa xuất phát từ Nhật Bản.
  • Thứ hai, vì “Ninjapan” được phát âm thành 3 âm tiết “Nin-Ja-Pan”, trong đó đuôi “japan” rất dễ làm người tiêu dùng liên tưởng đến đất nước Nhật Bản.

Với cả 2 lý do nêu trên, Cục sở hữu trí tuệ đều muốn hướng người nộp đơn đăng ký đến một cơ sở từ chối duy nhất trong số một loạt cơ sở được liệt kê ở khoản 5 Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ, đó là dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Theo quan điểm này, “Ninjapan” được hiểu như là “Japan” theo lý do từ chối thứ nhất, được hiểu như là “Ninja” theo lý do từ chối thứ hai và vì “Ninja” có xuất xứ ở Nhật Bản nên “Ninjapan” được coi là liên tưởng đến Nhật Bản. Theo lập luận này, thì bằng cách “chặt đầu” để còn “Japan” hay “chặt đuôi” để có “Ninja”, nhãn hiệu đăng ký sẽ bị coi là dấu hiệu làm liên tưởng đến đất nước Nhật Bản, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về nguồn gốc hàng hóa từ đất nước Nhật Bản nếu hàng hóa gắn nhãn hiệu “Ninjapan”. Vì thế, nhãn hiệu “Ninjapan” phải bị từ chối bảo hộ.

Ở đây cần nhìn nhận một cách khách quan là nhãn hiệu “Ninjapan” được đăng ký một cách trọn vẹn với đầy đủ 3 âm tiết và trình bày với một tổng thể đồng nhất về chữ viết và màu sắc, không phân tách thành các phần chữ rời nhau. Việc xé lẻ nhãn hiệu thành từng phần có thể khiến cho một nhãn hiệu mang nhiều ý nghĩa khác nhau hoặc mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Quan trọng hơn, việc “xé nhỏ” nhãn hiệu như vậy khiến cho nhãn hiệu không được đánh giá một cách tổng thể đúng như nó được thể hiện trong hồ sơ đăng ký.

Cách xé lẻ nhãn hiệu như vậy dường như còn đi ngược lại nguyên tắc đánh giá tính tương tự của nhãn hiệu như quy định tại điểm 20.2.7 của Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu, theo đó một nhãn hiệu dạng từ ngữ phải được xem xét trên các phương diện kết cấu âm tiết, ngữ nghĩa của từ ngữ. Hiển nhiên là việc xé lẻ một nhãn hiệu để phân tích sẽ khiến cho bản thân nhãn hiệu đó không còn giữ được kết cấu, số lượng âm tiết cũng như ngữ nghĩa của nó. Ở một khía cạnh thì việc đánh giá như vậy cũng giống như việc “thày bói xem voi” và vì thế không nên coi là hợp lý.

Với thông tin nhãn hiệu “Ninjapan” được bộc lộ tại Mỹ (Phụ lục 8), rõ ràng USPTO cũng không áp dụng cách đánh giá mà hệ thống trong nước đã sử dụng để từ chối nhãn hiệu nêu trên. Dĩ nhiên là các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia có thể có các quan điểm đánh giá khác nhau, nhưng những quan điểm này không nên quá cách xa nhau đến mức tạo thành một “sân chơi” riêng của Việt Nam trong khi Việt Nam đang nỗ lực vận động để thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. Xử lý ý kiến của người thứ ba phản đối cấp văn bằng bảo hộ

Theo quy định tại Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ, bất kỳ người thư ba nào đều có thể cung cấp ý kiến cho Cục sở hữu trí tuệ được xử lý theo liên quan đến việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ đối với các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Ý kiến của người thứ ba được xử lý theo trình tự quy định tại điểm 6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Thủ tục xử lý này cho phép người thứ ba và chủ đơn tiếp cận đến ý kiến của bên kia, đưa ra ý kiến lập luận của mình, trao đổi các ý kiến đó một cách tuần tự. Ở một khía cạnh thì thủ tục này dường như đảm bảo tính minh bạch về xử lý thông tin, theo đó các bên đều biết đến quan điểm của nhau và được tạo các cơ hội tranh luận bằng cách cung cấp lý lẽ thông qua Cục sở hữu trí tuệ cho đến khi một trong hai bên không còn lý lẽ khác. Tuy nhiên, theo khía cạnh khác thì thủ tục này lại kéo dài thời gian xử lý đơn, gây phức tạp cho việc xử lý đơn. Thủ tục phản đối cho phép bên thứ ba cung cấp bằng chứng để ngăn cản việc cấp văn bằng bảo hộ nhưng lại không hạn chế thời gian và số lần cung cấp chứng cứ, do đó Thẩm định viên không thể đưa ra quyết định cuối cùng khi người thứ ba chưa dừng việc cung cấp thông tin phản bác. Việc cung cấp thông tin phản bác theo cách “nhỏ giọt” khiến cho việc xử lý đơn bị kéo dài, gây mệt mỏi và chán nản cho chủ đơn, nhất là khi khi người thứ ba lạm dụng quy định này để trì hoãn việc cấp văn bằng bảo hộ cho chủ đơn từ phía Cục sở hữu trí tuệ.

Thực tế xử lý ý kiến người thứ ba theo đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp số 3-2008-01292 cho thấy sự bấp cập nêu trên.

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp số 3-2008-01292 được nộp ngày 24/9/2008 cho kiểu dáng áo quan. Đơn được chấp nhận hợp lệ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp Tập A ngày 25/02/2004.

Ngày 22/05/2009, đơn số 3-2008-01292 bị phản đối cấp văn bằng bảo hộ với lý do kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn không đáp ứng tiêu chuẩn tính mới như quy định tại Điều 65.1 Luật sở hữu trí tuệ. Ý kiến này được Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho chủ đơn và ngày 26/11/2009 chủ đơn có công văn phản đối lại ý kiến của người thứ ba.

Sau khi nhận được công văn phản đối từ chủ đơn, người thứ ba lại có lập luận phản đối mới dựa trên những chứng cứ mới, gửi cho Cục sở hữu trí tuệ ngày 29/01/2010. Lập luận kèm theo chứng cứ mới này lại được Cục sở hữu trí tuệ gửi cho chủ đơn đăng ký.

Tiếp tục phản bác lập luận và chứng cứ mới, chủ đơn lại gửi công văn phúc đáp cho Cục sở hữu trí tuệ vào ngày 29/11/2010.

Quá trình đánh giá cho thấy ý kiến phản đối cấp văn bằng bảo hộ không đủ cơ sở để từ chối đơn đăng ký so với lập luận của chủ đơn, tuy nhiên người phản đối đề nghị một lần nữa được nghiên cứu ý kiến trả lời của chủ đơn, và vì thế ý kiến của chủ đơn lại được gửi cho người phản đối.

Cho đến nay, với yêu cầu nêu trên của người phản đối, đơn đăng ký vẫn trong tình trạng đang xem xét mà không đi đến kết luận cuối cùng. Rõ ràng là, việc trao đổi ý kiến có thể đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch, dân chủ trong đánh giá điều kiện bảo hộ đối với đơn đăng ký, tuy nhiên thời hạn xử lý đơn bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

Về thực chất, ý kiến của người thứ ba gửi Cục sở hữu trí tuệ hầu hết là để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, trong đó phải có chứng cứ phản bác ít nhất là đối với một điều kiện bảo hộ. Chứng cứ này càng xác đáng bao nhiêu thì khả năng nó được sử dụng làm cơ sở để từ chối cấp văn bằng bảo hộ càng cao và việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ càng dễ được chấp nhận bấy nhiêu. Do đó, chứng cứ phản bác theo ý kiến của người thứ ba chỉ nên coi như là một nguồn thông tin đối chứng dùng để đánh giá đối tượng đăng ký. Khả năng thông tin phản bác đó có được sử dụng làm đối chứng hay không phụ thuộc vào tính xác thực và chất lượng của nguồn thông tin đó. Nếu thoả mãn yêu cầu này, thông tin phản bác sẽ được sử dụng như một đối chứng để từ chối đơn đăng ký. Ngược lại, thông tin phản bác sẽ không được sử dụng cho mục đích này.

Như vậy, điểm 6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN nên được sửa đổi theo hướng đơn giản hoá thủ tục xử lý ý kiến của người thứ ba để rút ngắn thời gian xử lý đơn cũng như giảm bớt ức chế cho người nộp đơn và người trực tiếp xử lý đơn.

Mặt khác, Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ còn cho phép người thứ ba cung cấp ý kiến về việc đồng ý cấp văn bằng bảo hộ đối với một đối tượng nộp đơn đăng ký. Cho đến thời điểm này, Cục Sở hữu trí tuệ chưa nhận được bất kỳ một ý kiến của người thứ ba thể hiện sự đồng ý với việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho một đối tượng đăng ký của người khác.

Ngay cả trong trường hợp có ý kiến đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho một đối tượng đăng ký của người khác, thì ý kiến này cũng khó được chấp nhận nếu như việc thẩm định nội dung chưa đi đến kết luận cuối cùng. Rõ ràng, quy định này hoàn toàn mang tính hình thức, và như thế Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ cũng nên thay đổi cho phù hợp.

  1. Vấn đề thời hạn trong xử lý đơn

3.1. Thời hạn xử lý đơn dành cho Thm định viên

Theo quy định tại Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 và các điểm 13.8, 15.8 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, thời hạn để Thẩm định viên thực hiện việc thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là 1 tháng tính từ ngày nộp đơn, thời hạn thẩm định nội dung lần lượt đối với sáng chế là 18 tháng, nhãn hiệu là 9 tháng, kiểu dáng công nghiệp là 7 tháng và chỉ dẫn địa lý là 6 tháng tính từ ngày đối tượng sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp Tập A.

Như vậy, trong giai đoạn hình thức, Thẩm định viên có khoảng thời gian là 1 tháng để đưa ra kết quả thẩm định hình thức. Công việc này thường được thực hiện vào thời điểm sau cùng của giai đoạn hình thức nhằm chờ đợi người nộp đơn bổ sung nốt những tài liệu còn thiếu trong đơn. Việc bổ sung muộn tài liệu như vậy trong nhiều trường hợp lại gây ra những phiền toái cho việc xử lý đơn, thậm chí dẫn đến sự vi phạm quy định về thời hạn xử lý đơn.

Thực vậy, lấy trường hợp người nộp đơn bổ sung tài liệu nhằm khắc phục những thiếu sót còn tồn tại tại thời điểm nộp đơn và việc bổ sung này lại được thực hiện ở thời điểm chuẩn bị kết thúc giai đoạn hình thức. Cũng tại thời điểm đó, thẩm định viên đưa ra thông báo về thiếu sót của đơn với hiện trạng ban đầu mặc dù thiếu sót đó đã được người nộp đơn khắc phục thông qua tài liệu vừa nộp bổ sung - nhưng tài liệu vừa nộp bổ sung trên thực tế lại chưa đến tay Thẩm định viên xử lý đơn này. Việc Thẩm định viên cho rằng đơn còn có thiếu sót mà trên thực tế thiếu sót đó vừa được người nộp đơn khắc phục trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ gây phản cảm cho người nộp đơn và cả Thẩm định viên chỉ vì lý do hồ sơ đơn không được cập nhật kịp thời.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Cục sở hữu trí tuệ buộc phải tiến hành việc thẩm định hình thức muộn hơn so với thời hạn quy định nhằm có đủ thời gian để cập nhật hồ sơ đơn. Tuy nhiên, cách làm này vô hình chung lại khiến cho Thẩm định viên luôn phải xử lý đơn sau khi thời hạn quy định đã hết. Điều đó có nghĩa là Cục sở hữu trí tuệ luôn vi phạm quy định về thời hạn thẩm định hình thức như đã được ấn định trong Luật sở hữu trí tuệ và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

Rõ ràng là quy định tính thời hạn thẩm định hình thức kể từ ngày nộp đơn, trong khi một số tài liệu của đơn có thể bổ sung muộn hơn, là không hợp lý. Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN nên quy định rõ những loại tài liệu nào của đơn được phép nộp muộn sau ngày nộp đơn, thời hạn cuối cùng phải nộp các tài liệu này và thời hạn thẩm định hình thức nên được tính từ ngày mà các tài liệu phải có trong đơn đã nộp đủ trong thời hạn quy định.

Quy định sửa đổi theo hướng này sẽ không đẩy người nộp đơn và Cục sở hữu trí tuệ vào những tình thế lệch pha nhau, đồng thời cho phép Cục sở hữu trí tuệ tránh được những tình huống luôn phải vi phạm quy định của pháp luật.

3.2. Thời hạn phúc đáp thông báo dành cho người nộp đơn

Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến thời hạn dành cho người nộp đơn để phúc đáp các thông báo của Cục sở hữu trí tuệ. Sau khi nhận được thông báo kết quả thẩm định hình thức hoặc thông báo kết quả thẩm định nội dung của Cục sở hữu trí tuệ, người nộp đơn được dành một khoảng thời gian là 1 tháng để phúc đáp kết quả thẩm định hình thức hoặc 2 tháng để phúc đáp kết quả thẩm định nội dung. Nếu không nộp tài liệu phúc đáp trong thời hạn quy định, người nộp đơn coi như không thực hiện yêu cầu của Cục sở hữu trí tuệ hoặc chấp nhận ý kiến từ chối của Cục sở hữu trí tuệ. Hệ quả là đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có thể bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Phải thừa nhận là thời hạn 1 tháng và 2 tháng nêu trên là quá ngắn đối với người nộp đơn để trả lời ý kiến của Cục sở hữu trí tuệ, nhất là thời hạn lại được tính từ ngày ký thông báo của Cục sở hữu trí tuệ chứ không phải từ ngày mà người nộp đơn nhận được thông báo. Công tác văn thư lưu trữ của Cục và việc chuyển thông báo qua bưu điện đã chiếm mất một phần thời gian không hề nhỏ so với thời hạn quy định nêu trên. Rất nhiều người nộp đơn phàn nàn rằng khi nhận được thông báo của Cục sở hữu trí tuệ thì thời hạn dành cho họ khắc phục các thiếu sót về hình thức đã gần hết, nhiều trường hợp chỉ còn khoảng 1 tuần.

Vì vậy, quy định về thời hạn trong Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN nên được sửa đổi theo hướng gia tăng đến 2-3 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn khi trả lời các thông báo của Cục sở hữu trí tuệ.

3.3. Tồn đọng đơn

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục sở hữu trí tuệ không ngừng gia tăng, mặc dù đối với từng đối tượng riêng biệt, lượng đơn đăng ký hàng năm còn có sự trồi sụt. Biểu đồ dưới đây cho thấy số lượng đơn đăng ký một số đối tượng cơ bản của sở hữu công nghiệp được nộp vào Cục sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian này.


 


Biểu đồ 1: Lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục sở hữu trí tuệ từ 1995 - 2010

Hàng năm, Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xử lý hàng chục vạn lượt đơn trong đó đưa ra kết luận về việc đăng ký xác lập quyền đối với một khối lượng lớn các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Riêng trong năm 2010, đã có 33.616 đơn đăng ký xác lập quyền được nộp cho Cục sở hữu trí tuệ bao gồm 3.582 đơn sáng chế, 299 đơn giải pháp hữu ích, 1.730 đơn kiểu dáng công nghiệp, 27.919 đơn nhãn hiệu, 7 đơn chỉ dẫn địa lý, 2 đơn thiết kế bố trí. Ngoài ra, còn có 4.236 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam và 2.508 yêu cầu gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế.

Trong khi đó, tình hình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong năm 2010 được Cục sở hữu trí tuệ thực hiện như sau. Đã có 46.778 đơn các loại được xử lý, trong đó cấp 18.560 văn bằng bảo hộ bao gồm 880 bằng độc quyền sáng chế, 1.152 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 16.520 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 8 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Cục sở hữu trí tuệ cũng đã chấp nhận bảo hộ 3.237 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam. Ngoài ra, Cục sở hữu trí tuệ cũng từ chối bảo hộ 6.269 đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm 5.270 đơn các loại nộp tại Cục sở hữu trí tuệ và 999 đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam.

Mặc dù các đơn đăng ký liên tục được xử lý theo thời gian nhưng do những đặc thù riêng mà không phải tất cả các đơn đều được xử lý đúng thời hạn. Có rất nhiều lý do khiến cho công tác thẩm định đơn không đáp ứng được quy định về thời hạn của hệ thống pháp luật.

Những nguyên nhân cơ bản của việc chậm trễ này có thể tóm lược như sau:

  • Lượng đơn đăng ký tăng nhanh đối với hầu hết các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong khi Cục sở hữu trí tuệ không tiên lượng được chính xác mức độ gia tăng để chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với tình hình. Kết quả là cơ quan chuyên môn luôn ở thế bị động, hụt hơi, không đủ sức giải quyết khối lượng công việc ngày càng gia tăng như vậy. “Bài ca đơn nhiều người ít” luôn được Cục sở hữu trí tuệ sử dụng như một tấm bình phong để bảo vệ trước những phàn nàn của công chúng vì tình trạng nợ đọng đơn.
  • Hạ tầng cơ sở của Cục sở hữu trí tuệ còn yếu kém không đáp ứng đủ các nhu cầu kỹ thuật trong công tác xử lý đơn, cụ thể hệ thống tự động hóa chưa phát triển đầy đủ và còn nhiều yếu kém, hệ thống thông tin - tư liệu sở hữu công nghiệp chưa được xây dựng theo hướng hiện đại và chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho công tác xử lý đơn, mạng Internet chậm và hay bị nghẽn mạng dù đã nhiều lần được cải thiện, máy tính để xử lý đơn và truy cập mạng để tra cứu còn có cấu hình thấp và không được trang bị đầy đủ cho Thẩm định viên, chỗ làm việc không đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng nhân lực của các đơn vị thẩm định nói riêng và của cả Cục nói chung.
  • Đội ngũ Thẩm định viên còn thiếu và chưa đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng chuyên môn, nhiều Thẩm định viên mới được tuyển dụng còn đang trong thời gian học việc và tích lũy kiến thức, năng lực chuyên môn không đồng đều giữa các thẩm định viên.
  • Hệ thống các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập khiến cho việc xử lý đơn bị kéo dài, không giải quyết được dứt điểm, công tác đào tạo Thẩm định viên chưa được chú trọng ở mức cao, chưa có đầy đủ các tài liệu chuyên môn dành cho Thẩm định viên, kiến thức được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau tùy thuộc vào từng Thẩm định viên khiến cho quan điểm đánh giá các đối tượng đăng ký nhiều khi không nhất quán.
  • Cơ chế quản lý còn bộc lộ nhiều chồng chéo, chưa phát huy hết tiềm năng của Thẩm định viên, chưa có chính sách phù hợp để khích lệ cũng như răn đe người lao động để nâng cao năng suất lao động hơn nữa, đặc biệt là của lực lượng Thẩm định viên mới.

Các nguyên nhân cơ bản được nêu trên đây đã khiến cho các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được giải quyết dứt điểm đúng thời hạn quy định. Một lượng đơn không nhỏ còn trong tình trạng nợ đọng, không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.


3.3.1. Tồn đọng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích

Biểu đồ 3: Tình trạng nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối với giải pháp hữu ích

Số liệu thống kê thể hiện trên đồ thị ở Biểu đồ 1 và Biểu đồ 2 cho thấy khoảng cách giữa lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích mà Cục sở hữu trí tuệ và số lượng đơn được kết thúc còn khá cách xa nhau. Mặc dù không phải tất các các đơn sáng chế/giải pháp hữu ích nộp vào Cục đều được yêu cầu thẩm định nội dung, tuy nhiên lượng đơn được rút bỏ là không lớn, do vậy tổng lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích còn tồn đọng là không nhỏ.

Tính sơ bộ đến thời điểm này, có khoảng 10.000 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích đang trong tình trạng nợ đọng chờ kết quả cuối cùng. Chắc phải mất nhiều năm nữa Cục sở hữu trí tuệ mới có thể thoát khỏi tình trạng này bởi lẽ năng suất đầu ra của toàn Cục chỉ đạt khoảng trên 1000 đơn/năm, trong khi số đơn sáng chế/giải pháp hữu ích nộp vào Cục hàng năm cao gấp khoảng hơn 3 lần năng suất đầu ra (3.881 đơn nộp năm 2010).

3.3.2. Tn đng đơn nhãn hiệu


Trong vài năm gần đây, số lượng thẩm định viên nhãn hiệu được tăng lên một cách đáng kể. Bằng cách áp dụng một số biện pháp quản lý như sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, ban hành định mức xử lý đơn, làm thêm giờ, v.v., công tác thẩm định đơn nhãn hiệu đã có những chuyển biến rõ rệt.

Biểu đồ 4: Tình trạng nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu

Mặc dù vẫn còn tình trạng tồn đọng đơn, nhưng Biểu đồ 4 cho thấy khoảng cách giữa lượng đơn nộp vào Cục sở hữu trí tuệ và số đơn được kết thúc xác lập quyền đã được thu hẹp một cách đáng kể. Mặc dù vậy, điều lo ngại là khoảng cách này lại gia tăng trở lại vào năm 2010 cho dù số đơn nhãn hiệu nộp năm 2010 còn bị giảm đi so với năm trước đó.

Thống kê sơ bộ cho thấy còn khoảng 30.000 đơn nhãn hiệu bị tồn đọng chờ được giải quyết. Con số này xấp xỉ tương đương với số lượng đơn nhãn hiệu nộp trong 1 năm và cũng tương đương với số lượng đơn được kết thúc thẩm định tại Cục sở hữu trí tuệ.

3.3.3. Tn đng đơn kiểu dáng công nghiệp

 

Biểu đồ 5: Tình trạng nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng
công nghiệp

Trong khi đó, kiểu dáng công nghiệp là đối tượng ít bị tồn đọng đơn nhất. Số lượng đơn kiểu dáng công nghiệp bị tồn đọng chiếm khoảng trên 300 đơn. Mặc dù không phải quá nhiều nhưng số đơn tồn đọng cũng gây áp lực đáng kể đến công tác xử lý đơn. Năng lực xử lý đơn kiểu dáng công nghiệp của Cục sở hữu trí tuệ đảm bảo kết thúc khoảng 1.500đơn/năm trong tương quan 1.730 đơn nộp vào Cục sở hữu trí tuệ vào năm 2010.

Tình trạng tồn đọng đơn ở tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp đòi hỏi Cục sở hữu trí tuệ phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp nhằm khắc phục những nguyên nhân tồn tại cả chủ quan lẫn khách quan như đã phân tích ở trên. Đặc biệt, Cục sở hữu trí tuệ cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch hóa hơn nữa công tác xử lý đơn, nâng cao năng suất xử lý đơn, đồng thời phải tiên lượng được lượng đơn nộp ở đầu vào và tính toán năng suất đầu ra để đề ra những biện pháp thích hợp nhằm thoát khỏi tình trạng đơn bị tồn động nêu trên.


 

CHUYÊN ĐỀ 5

THỰC TRẠNG KHAI THÁC THƯƠNG MẠI TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

  1. Giới thiệu chung

Trong nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ hay quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Khi tài sản (nhất là tài nguyên) hữu hình đang có xu hướng ngày càng giảm và cạn kiệt, giá trị cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào tài sản trí tuệ được doanh nghiệp khai thác.[43] Khai thác thương mại (thương mại hóa) tài sản trí tuệ có thể hiểu là việc doanh nghiệp đưa “tài sản trí tuệ vào áp dụng, sử dụng, quản lý trong thực tế nhằm tạo ra các lợi ích, ưu thế cho chủ sở hữu, người tham gia vào việc áp dụng, sử dụng tài sản trí tuệ đó và cho xã hội”.[44] Việc khai thác này có thể diễn ra dưới một hay nhiều hình thức khác nhau, như: (i) trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là qua việc đưa các tài sản trí tuệ đó vào các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp; (ii) chuyển giao tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp khác qua hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bao gồm cả chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại; và (iii) sử dụng tài sản trí tuệ để thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp khác cũng như làm tài sản góp vốn, tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng...[45]

Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định quyền sở hữu trí tuệ là một dạng của quyền tài sản, trong khi đó khẳng định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.[46] Điều đó có nghĩa quyền sở hữu trí tuệ được coi là một dạng tài sản đặc biệt: tài sản trí tuệ. Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có các quyền pháp lý tương tự như chủ sở hữu tài sản hữu hình khác, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của mình; các quyền này được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng và pháp luật dân sự nói chung.[47] Tuy nhiên hiện nay, giá trị tài sản trí tuệ cũng như việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với doanh nghiệp nước ngoài.[48] Xuất phát từ tầm quan trọng của việc khai thác tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp Việt Nam, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định yêu cầu “thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, tập trung phát triển và khai thác tài sản trí tuệ” và “phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao”.[49]

Tuy nhiên, việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào chính doanh nghiệp. Nhà nước chỉ có thể khuyến khích và bảo hộ việc khai thác tài sản trí tuệ hợp pháp của doanh nghiệp thông qua các quy định pháp luật, bao gồm pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động khai thác tài sản trí tuệ đó, và các chính sách hỗ trợ khác.[50]

Cần lưu ý rằng tài sản trí tuệ (hay thông tin hàm chứa trong tài sản trí tuệ) là tài sản vô hình; tài sản này có các đặc tính tương tự như các đặc tính của hàng hóa công cộng; đó là: (i) tính không cạnh tranh và (ii) tính không loại trừ (mất đi) trong sử dụng. Tính không cạnh tranh được thể hiện ở việc một doanh nghiệp (người) khai thác tài sản trí tuệ không hạn chế khả năng của doanh nghiệp (người) khác khai thác chính tài sản trí tuệ đó. Tính không loại trừ thể hiện ở việc một bên thứ ba (dù không được phép) không bị ngăn cấm khai thác tài sản trí tuệ nếu thông tin về tài sản trí tuệ đó đã được công bố. Chính vì vậy, tài sản trí tuệ được bảo hộ qua việc nhà nước thông qua pháp luật sở hữu trí tuệ trao cho người nắm giữ tài sản đó các quyền sở hữu trí tuệ.[51] Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ gắn liền với tài sản trí tuệ chỉ là quyền độc quyền quyền ngăn cấm người khác khai thác tài sản trí tuệ, tức là quyền phủ định (negative right). Ví dụ đối với sáng chế, doanh nghiệp hay người sở hữu (nắm giữ) bằng độc quyền sáng chế có quyền ngăn chặn bên thứ ba, nếu không được phép của chủ sở hữu, thực hiện các hành vi như sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hay nhập khẩu sản phẩm chứa đựng sáng chế đó.[52]

Như vậy, tiền đề cho thành công trong khai thác thương mại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với loại tài sản vô hình này. Nhưng pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ cho thành công này. Việc bảo hộ tài sản trí tuệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ không đảm bảo cho doanh nghiệp nắm quyền sở hữu hay sử dụng tài sản trí tuệ khai thác thương mại có hiệu quả tài sản trí tuệ và có được lợi nhuận từ việc khai thác đó. Theo một khảo sát của cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO), chỉ khoảng 30% sáng chế được doanh nghiệp sở hữu sáng chế trực tiếp sử dụng, khoảng 10% được chuyển giao cho doanh nghiệp khác, và khoảng 60% không hề được khai thác.[53]

Do đó, việc tồn tại tài sản trí tuệ thông qua việc cấp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc khai thác hay thương mại hóa tài sản này là hai vấn đề khác nhau nhưng có liên quan với nhau.[54] Việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác đó. Mặc dù việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ không thể tách rời các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ về nghiên cứu, xây dựng, phát triển và đăng ký tài sản trí tuệ cũng như pháp luật về bảo vệ, chống các hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ, chuyên đề này chỉ tập trung vào các vấn đề pháp lý trực tiếp liên quan đến việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ. Cụ thể, chuyên để chỉ nghiên cứu việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ dưới góc độ các quy định pháp luật thương mại liên quan, tức xem xét mối quan hệ giữa pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chuyên ngành trong khai thác thương mại tài sản trí tuệ.

  1. Khai thác thương mại tài sản trí tuệ và pháp luật về quyền kinh doanh

Như đã trình bày, việc sở hữu hay được chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ không đồng nghĩa với việc được tự do khai thác thương mại tài sản trí tuệ gắn với quyền sở hữu trí tuệ đó. Điều này đã được gián tiếp thừa nhận trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khoản 2 Điều 27 của Hiệp định TRIPS quy định một thành viên WTO có thể không cấp bằng sáng chế cho những phát minh (invention) cần phải bị cấm khai thác thương mại trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội mặc dù phát minh đó có thể thỏa mãn các điều kiện của việc cấp bằng sáng chế;[55] nhưng ngoại lệ này không thể được xác lập chỉ vì lý do duy nhất là việc khai thác phát minh như vậy bị pháp luật của thành viên đó ngăn cấm. Nói cách khác, một phát minh có thể được bảo hộ dưới hình thức sáng chế theo pháp luật sở hữu trí tuệ; nhưng việc khai thác thương mại sáng chế đó có thể bị pháp luật ngăn cấm. Một ví dụ cụ thể để minh họa là phát minh về kỹ thuật sinh sản vô tính (clone) vẫn có thể được cấp bằng sáng chế, nhưng việc khai thác thương mại phát minh này để sinh sản vô tính người đã bị nhiều quốc gia cấm.[56] Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng quy định rõ về vấn đề này, theo đó việc khai thác (thực hiện) “quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”.[57] Vụ việc liên quan đến hành vi khai thác nhãn hiệu (và tên thương mại) của một doanh nghiệp nước ngoài của Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines cùng các quan điểm trái ngược nhau của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Jetstar Pacific Airlines là một ví dụ điển hình để phân tích mối quan hệ giữa việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines là doanh nghiệp vận chuyển hàng không hoạt động theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.[58] Tập đoàn Quatas của Australia - doanh nghiệp sở hữu hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways (mang quốc tịch Australia) - sau khi mua cổ phần của Pacific Airlines đã ký hợp đồng (Hợp đồng dịch vụ và thương hiệu) chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (và tên thương mại), gồm ba nhãn hiệu Jetstar, Jet và ngôi sao màu vàng cam, cũng như nhượng quyền thương mại (mô hình hàng không giá rẻ) của Jetstar Airways cho Pacific Airlines. Để được khai thác quyền sở hữu trí tuệ và nhận nhượng quyền thương mại như trên, Pacific Airlines phải trả cho Quatas/Jetstar Airways mức phí là 0,2% doanh thu hàng năm. Trên cơ sở đó, Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines và chính thức sử dụng thương hiệu và mô hình hàng không giá rẻ của Jetstar Airways từ ngày 23/5/2008; cụ thể Jetstar Pacific Airlines đã sử dụng nhãn hiệu Jetstar, Jet và ngôi sao màu vàng cam trên máy bay, phòng vé và trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm dịch vụ khác.[59]

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng) đã yêu cầu Jetstar Pacific Airlines phải sử dụng nhãn hiệu riêng phân biệt với các nhãn hiệu của Jetstar Airways trong các hoạt động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không của Jetstar Pacific Airlines. Bộ Giao thông vận tải cho rằng Jetstar Pacific Airlines là hãng hàng không Việt Nam, kinh doanh vận chuyển hàng không theo giấy phép (thương quyền) được cấp theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; do đó Jetstar Pacific Airlines phải sử dụng nhãn hiệu (và tên thương mại) riêng mình. Việc Jetstar Pacific Airlines sử dụng các nhãn hiệu của Jetstar Airways có thể gây nhầm lẫn là Jetstar Airways được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa ở Việt Nam.[60] Nhưng Jetstar Pacific Airlines lại có quan điểm ngược lại. Doanh nghiệp này cho rằng nó có quyền tiến hành kinh doanh vận chuyển hàng không với các nhãn hiệu của Jetstar Airways với lý do Jetstar Pacific Airlines là người sử dụng hợp pháp các nhãn hiệu này thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu và nhượng quyền thương mại đã được hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (về nhãn hiệu) và Bộ Công Thương (về nhượng quyền thương mại). [61]

Điểm mấu chốt của tranh chấp nêu trên đó là việc khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Mặc dù hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu và nhượng quyền thương mại giữa Jetstar Pacific Airlines và Jetstar Airways/Quantas là hoàn toàn hợp pháp theo pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật thương mại, việc Jetstar Pacific Airlines sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của Jetstar Airways là không phù hợp với giấy phép vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Nói cách khác quyền sử dụng các nhãn hiệu (và tên thương mại) của Jetstar Pacific Airlines nêu trên không đồng nhất với quyền cung cấp dịch vụ theo sự cấp phép của Bộ Giao thông vận tải.[62] Ở góc độ pháp luật về nhượng quyền thương mại, chính khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại cũng đã khẳng định nếu hàng hóa, dịch vụ kinh doanh theo nhượng quyền thương mại thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh. Chính vì vậy Jetstar Pacific Airlines cuối cùng đã phải chấp nhận sử dụng nhãn hiệu riêng trong hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không của mình.

Tóm lại, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được nhầm lẫn giữa quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ và việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ phát sinh từ quyền này với quyền kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý hoạt động kinh doanh.

  1. Khai thác thương mại tài sản trí tuệ và pháp luật cạnh tranh

Việc trực tiếp sử dụng hay chuyển giao tài sản trí tuệ thông qua hợp đồng, bao gồm cả chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng (gọi chung là hợp đồng chuyển giao công nghệ), có mối liên hệ mật thiết với pháp luật cạnh tranh. Ở Việt Nam, việc chuyển giao tài sản trí tuệ diễn ra còn ít.[63] Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ và pháp luật cạnh tranh là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý.

  1. Tổng quan

Việc doanh nghiệp khai thác thương mại tài sản trí tuệ trong phạm vi cho phép của pháp luật sở hữu trí tuệ là quyền của doanh nghiệp, nhưng nếu vượt phạm vi cho phép, việc khai thác đó có thể bị coi là lạm quyền và vi phạm pháp luật cạnh tranh. Vấn đề này cũng được quy định một cách chung nhất trong Hiệp định TRIPS. Khoản 2 Điều 8 Hiệp định TRIPS thừa nhận quyền của các thành viên WTO trong việc ban hành, sửa đổi quy định pháp luật trong nước nhằm thiết lập khung pháp lý phù hợp để ngăn chặn ba nhóm hành vi liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: (i) hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ bởi người nắm giữ quyền, (ii) hành vi hạn chế, cản trở thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ một cách bất hợp lý, và (iii) hành vi tác động xấu đến chuyển giao công nghệ. Các hành vi này có thể là hành vi đơn phương lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp hay là thỏa thuận thông đồng giữa các doanh nghiệp.

Về hành vi đơn phương lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, điểm k Điều 31 Hiệp định TRIPS thừa nhận việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (sáng chế) là biện pháp có thể áp dụng nhằm khắc phục hành vi hạn chế cạnh tranh (lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường) liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Nó cho phép bỏ qua các điều kiện cần để ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng khi người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh trong các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, Điều 40 Hiệp định TRIPS thừa nhận rằng một số hành vi hay điều kiện trong hợp đồng chuyển giao như vậy có tính chất hạn chế cạnh tranh và có thể có ảnh hưởng xấu đến thương mại, cản trở việc chuyển giao và phổ biến công nghệ; vì vậy Điều này cho phép thành viên có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn hoặc kiểm soát các hành vi đó, gồm các hành vi như: (i) yêu cầu chuyển giao (cấp) ngược quyền sử dụng độc quyền đối tượng sở hữu trí tuệ (exclusive grantback), (ii) yêu cầu nhằm ngăn cấm việc không thừa nhận hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ (tức không khiếu nại đối với tài sản trí tuệ), và (iii) việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trọn gói mang tính bắt buộc.[64]

Pháp luật Việt Nam trong chừng mực nhất định cũng có những quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền) và thỏa thuận hạn chế hạn chế cạnh tranh trong quá trình khai thác thương mại tài sản trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009) và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 trao quyền cho bên giao và bên nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ tự thỏa thuận và quyết định nội dung của hợp đồng với điều kiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ gắn với chuyển giao công nghệ đó “không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”, và “không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”, trong đó có pháp luật cạnh tranh.[65] Cụ thể, Luật Chuyển giao công nghệ quy định rõ rằng các bên (đặc biệt là bên giao) không được thoả thuận về điều khoản hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ ;[66] trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ thừa nhận hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo pháp luật cạnh tranh) của chủ sở hữu sáng chế và giống cây trồng là một trong các căn cứ bắt buộc chuyển giao.[67]

Nhìn chung, việc khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dưới góc độ pháp luật cạnh tranh từ lâu đã là tâm điểm của nhiều tranh luận. Quyền độc quyền có thời hạn mà pháp luật sở hữu trí tuệ trao cho người nắm giữ quyền có thể dẫn tới việc sở hữu một sức mạnh kinh tế nhất định, hay thậm chí thống lĩnh thị trường (độc quyền) liên quan dưới góc độ kinh tế theo quan điểm của pháp luật cạnh tranh. Điều này làm nảy sinh quan ngại về sự xung đột giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ khi doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ. Quyền độc quyền nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, tức quyền ngăn cấm người khác sử dụng, có thể hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, mục tiêu của pháp luật cạnh tranh là loại bỏ tất cả các rào cản ngăn chặn cạnh tranh. Vì vậy, dưới góc độ cạnh tranh, pháp luật sở hữu trí tuệ có thể bị chỉ trích là đã tạo ra các quyền độc quyền và ảnh hưởng xấu đến lợi ích của người tiêu dùng. Ngược lại, dưới góc độ quyền sở hữu trí tuệ (nhất là khai thác tài sản trí tuệ), pháp luật cạnh tranh có thể bị coi là công cụ can thiệp vào quá trình khai thác tài sản trí tuệ, hạn chế quyền của người nắm giữ tài sản trí tuệ, và vi phạm nguyên tắc của pháp luật sở hữu trí tuệ. Hậu quả là pháp luật cạnh tranh có thể ảnh hưởng xấu đến pháp luật sở hữu trí tuệ và ngược lại.[68]

Tuy nhiên như đã trình bày, khái niệm quyền độc quyền mà người nắm giữ tài sản trí tuệ có được theo pháp luật sở hữu trí tuệ thực chất chỉ là quyền ngăn cấm người khác sử dụng tài sản trí tuệ. Nó đơn thuần chỉ là quyền độc quyền dưới góc độ pháp lý, không tương đương với (hay không tự động dẫn đến) quyền độc quyền kinh tế hay thống lĩnh thị trường dưới góc độ pháp luật cạnh tranh.[69] Vì vậy, quan điểm chung ngày nay là pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh bổ sung cho nhau. Quyền sở hữu trí tuệ được xem là có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh trừ phi các hành vi đơn phương hay hành vi thông đồng của doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường biến quyền sở hữu trí tuệ đó trở thành công cụ hạn chế cạnh tranh. Vì quyền sở hữu trí tuệ là một dạng tài sản dưới góc độ pháp luật cạnh tranh nên nó có thể bị lạm dụng. Pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh, đóng vai trò là màng lọc thứ nhất và thứ hai, cần được vận hành đồng bộ nhằm kiểm soát và ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ nhằm hạn chế cạnh tranh. Hai nhánh pháp luật này là các bộ phận cấu thành của chính sách cạnh tranh nói chung; trong đó pháp luật sở hữu trí tuệ đóng vai trò xây dựng thị trường cho nghiên cứu, phát triển (R&D) và khai thác thương mại tài sản trí tuệ, còn pháp luật cạnh tranh kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động không bình thường, hạn chế cạnh tranh trên thị trường đó.[70]

Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp trong khai thác thương mại tài sản trí tuệ là không để việc khai thác đó vi phạm pháp luật cạnh tranh. Ngược lại, đối với doanh nghiệp cần tiếp cận tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khác, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận tài sản trí tuệ đó có thể vận dụng pháp luật cạnh tranh để phục vụ cho mục đích tiếp cận tài sản trí tuệ của mình (nếu khả thi). Các phần tiếp theo của Mục 3 sẽ phân tích một số thực tiễn khai thác thương mại tài sản trí tuệ và pháp luật cạnh tranh để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể vận dụng hợp lý cả hai khía cạnh này.

  1. Trực tiếp khai thác tài sản trí tuệ và vấn đề lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền)

Như đã giới thiệu, một trong những hình thức khai thác thương mại tài sản trí tuệ là trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là qua việc đưa tài sản trí tuệ đó vào hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp. Đây là quyền của doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu tài sản trí tuệ (và tất nhiên phụ thuộc vào pháp luật về quyền kinh doanh như đã trình bày trong Mục 2). Tuy nhiên, khi trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ như vậy, doanh nghiệp nắm giữ tài sản trí tuệ có thể (và thường có xu hướng) không muốn chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ đó cho doanh nghiệp khác nhằm dành riêng cho mình lợi thế độc quyền cung cấp hàng hóa, dịch vụ chứa đựng tài sản trí tuệ đó trên thị trường (hoặc ấn định giá chuyển giao quá cao một cách bất hợp lý - excessive pricing - nhằm ngăn chặn doanh nghiệp khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình, hoặc thậm chí là không khai thác thương mại tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình nhằm bảo vệ ngành sản xuất của mình và loại bỏ đối thủ cạnh tranh). Trong một số trường hợp nhất định, việc từ chối chuyển giao để độc quyền khai thác tài sản trí tuệ như vậy (hay ấn định giá chuyển giao quá cao một cách bất hợp lý) có thể cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền) theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Nhưng hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về dạng hành vi khai thác tài sản trí tuệ này.

Hiện nay, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ[71] là văn bản pháp lý duy nhất hướng dẫn chi tiết vấn đề bắt buộc chuyển giao trên cơ sở hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm của chủ sở hữu sáng chế.[72] Theo Thông tư này, doanh nghiệp bị cản trở cạnh tranh do hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm của chủ sở hữu sáng chế có quyền nộp hồ sơ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Cục Sở hữu trí tuệ) ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp yêu cầu có nghĩa vụ nộp tài liệu chứng minh rằng chủ sở hữu sáng chế đã thực hiện hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.[73] Điều đó có nghĩa doanh nghiệp yêu cầu phải trình quyết định có hiệu lực của Hội đồng Cạnh tranh (Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh) theo quy định của Luật Cạnh tranh (và của tòa án có thẩm quyền công nhận quyết định này theo thủ tục giải quyết vụ án hành chính, nếu có). Giá đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc không quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế.[74]

Phải thấy rằng pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định khung pháp lý chung để kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ. Việc kiểm soát và điều chỉnh cụ thể các hành vi này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh với tư cách là pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh hiện hành của Việt Nam còn có một số bất hợp lý, chưa thể điều chỉnh hợp lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền) của doanh nghiệp sở hữu tài sản trí tuệ và trực tiếp khai thác tài sản này.

Thứ nhất, doanh nghiệp nắm giữ tài sản trí tuệ dễ bị đồng nhất với việc nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Luật Cạnh tranh quy định vị trí thống lĩnh thị trường được xác định thông qua thị phần (từ 30% trở lên) hoặc “khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” trên thị trường liên quan. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh lại khẳng định quyền sở hữu, sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là một trong những căn cứ chủ yếu để xác định “khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”. Như vậy, một doanh nghiệp nắm giữ tài sản trí tuệ như sáng chế dễ bị coi là có vị trí thống lĩnh thị trường dưới góc độ pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Giả định này không còn chính xác dưới góc độ kinh tế cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ, EU và nhiều nước đang phát triển khác. Nếu quy định đó của Nghị định số 116/2005/NĐ-CP không được sửa đổi, nó sẽ ít nhiều cản trở người nắm giữ tài sản trí tuệ khai thác tài sản đặc biệt này ở Việt Nam.

Thứ hai, hành vi từ chối giao dịch, cụ thể là từ chối chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, chưa được quy định trong pháp luật cạnh tranh. Điều 13 Luật Cạnh tranh liệt kê sáu loại hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm. Về lý thuyết, hành vi từ chối giao dịch hay từ chối chuyển giao có thể thuộc hai trong số sáu loại hành vi được liệt kê - các hành vi hạn chế phân phối và ngăn cản việc tham gia (và có thể là mở rộng) thị trường của những đối thủ cạnh tranh.[75] Nhưng Nghị định số 116/2005/NĐ-CP khi quy định chi tiết sáu loại hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo Luật Cạnh tranh lại không đề cập gì đến hành vi từ chối chuyển giao.[76] Trong khi đó, Nghị định này quy định “cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ làm thiệt hại cho khách hàng” chỉ là một trong hai hành vi sau: (i) “mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng”; và “đe dọa hoặc ép buộc người đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ phải ngừng hoặc hủy bỏ việc nghiên cứu đó”.[77] Vì vậy trên thực tế, hành vi từ chối giao dịch hay từ chối chuyển giao, nhất là đối với tài sản trí tuệ do chính doanh nghiệp có được qua quá trình tự nghiên cứu và triển khai có thể không bị coi là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và bị cấm theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam.

Thứ ba, việc định giá bán sản phẩm chứa đựng quyền sở hữu trí tuệ quá cao một cách bất hợp lý (excessive) của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có thể không vi phạm Luật Cạnh tranh. Khoản 2 Điều 13 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng; nhưng theo Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, hành vi này chỉ là việc thay đổi giá bán vượt một giới hạn nhất định trong một khoảng thời gian xác định.[78] Như vậy, việc định giá bán ngay từ đầu (khi tung sản phẩm ra thị trường Việt Nam) dù cao đến đâu cũng dường như không chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh hiện hành.

Việc quy định không chặt chẽ, không rõ ràng của pháp luật cạnh tranh hiện hành khiến cho doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nước ngoài lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để khai thác tài sản trí tuệ vượt quá giới hạn cho phép. Nhưng trong một chừng mực nhất định, việc không chặt chẽ, không rõ ràng đó cũng có thể khiến doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ hạn chế khai thác thương mại tài sản trí tuệ trên thị trường Việt Nam.

Vụ việc Zuellig Pharma có thể phần nào minh họa ảnh hưởng của độc quyền trong phân phối đến giá của dược phẩm, nhất là dược phẩm chứa đựng sáng chế. Vụ việc này là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể lạm dụng việc sử dụng tài sản trí tuệ để hạn chế cạnh tranh, nhưng các vụ việc này chưa được xử lý thích đáng.

Zuellig Pharma là một công ty đa quốc gia chuyên về phân phối dược phẩm. Năm 1999, nó thiết lập Zuellig Pharma Vietnam (ZPV) - một công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tháng 5/2000, ZPV được phép (của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố Hà Nội) xuất, nhập và phân phối dược phẩm trên thị trường Việt Nam.[79] Từ đó, ZPV đã ký nhiều hợp đồng phân phối độc quyền với nhiều công ty dược lớn trên thế giới để phân phối dược phẩm nhập khẩu ở Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá dược phẩm nhập khẩu, nhất là dược phẩm còn được bảo hộ theo sáng chế, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam trong giai đoạn 2003-2004.[80]

Không xem xét đến việc có hay không có sự cấu kết giữa các công ty dược lớn ở nước ngoài với ZPV khi chúng giao kết các hợp đồng phân phối độc quyền, việc ZPV có được sự độc quyền đó làm nảy sinh nhiều quan ngại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh nói chung. Tại thời điểm xảy ra vụ việc (2003-2004), ZPV cho rằng thị phần của nó trên thị trường phân phối dược phẩm của Việt Nam là dưới 30%;[81] do đó, ZPV không thể có vị trí thống lĩnh thị trường hay vị trí độc quyền. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh tranh (có hiệu lực sau vụ việc này) cũng như pháp luật cạnh tranh của nhiều nước liên quan đến việc xác định thị trường liên quan trong ngành dược, thị trường sản phẩm liên quan thường là nhóm các loại dược phẩm có thể thay thế nhau để điều trị một loại bệnh nhất định.[82] Vì vậy trong một số trường hợp đặc biệt, một loại dược phẩm được bảo hộ theo sáng chế có thể tự nó cấu thành một thị trường sản phẩm liên quan. Ngoài ra, cần lưu ý là nhập khẩu song song dược phẩm ở Việt Nam chỉ được chính thức cho phép từ giữa năm 2004.[83] Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong vụ việc Zuellig Pharma là trong số các dược phẩm mà ZPV phân phối độc quyền, có nhóm dược phẩm nào có thể cấu thành một thị trường sản phẩm liên quan riêng hay không. Nếu câu trả lời cho câu hỏi này là khẳng định, hành vi nâng giá cao quá mức một cách bất hợp lý đối với nhóm dược phẩm đó của ZPV có thể vi phạm Luật Cạnh tranh nếu Luật này được áp dụng hồi tố. Vào năm 2004 khi Luật Cạnh tranh đang được soạn thảo, Bộ Y tế đã kết luận rằng việc tăng giá cao chưa từng có tiền lệ đối với nhiều dược phẩm trên thị trường Việt Nam một phần là do sự độc quyền của ZPV trong phân phối dược phẩm. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Luật Cạnh tranh chưa tồn tại, nên ZPV không phải chịu bất kỳ chế tài nào.

Hiện nay, hành vi tăng giá dược phẩm và tình hình giá nhiều loại dược phẩm trên thị trường Việt Nam có xu hướng cao hơn giá của dược phẩm tương đương tại thị trường một số nước, cũng như tình trạng độc quyền trong phân phối dược phẩm (nhất là dược phẩm được bảo hộ theo sáng chế), vẫn tiếp tục phổ biến. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào đối với các hành vi này. Theo “Báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam” năm 2009, ZPV và một số ít công ty dược có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong phân phối dược phẩm nhập khẩu (thông qua các đối tác Việt Nam) qua hành vi định giá quá cao một cách bất hợp lý.[84] Tuy nhiên, Báo cáo này cũng thừa nhận là trên thực tế rất khó xác định rằng các doanh nghiệp này có vị trí thống lĩnh thị trường (vị trí độc quyền) hay không.[85]

  1. Chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ và các điều khoản hạn chế cạnh tranh

Các doanh nghiệp thường có xu hướng đưa một số điều khoản hạn chế cạnh tranh vào trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, kể cả trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp chuyển giao hay nhận chuyển giao.[86] Như đã giới thiệu, vấn đề này đã được thừa nhận tại Điều 40 Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, các hạn chế cạnh tranh như vậy rất đa dạng, được thỏa thuận dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp tham gia quá trình này là xác định được đâu là giới hạn hợp lý của những thỏa thuận đó để vẫn đảm bảo khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ nhưng lại không vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Trước khi có Bộ luật Dân sự 1995, các vấn đề liên quan đến chuyển giao tài sản trí tuệ (chuyển giao công nghệ) được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam năm 1988.[87] Cho dù Pháp lệnh này có mục đích khuyến khích chuyển giao tài sản trí tuệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nó thiết lập một cơ chế quản lý nghiêm ngặt đối với các hợp đồng chuyển giao với nhiều biện pháp can thiệp hành chính. Theo đó, một hợp đồng chuyển giao phải được chuẩn y bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thời hạn của hợp đồng không quá bảy năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, trừ một số ngoại lệ.[88] Pháp lệnh còn cấm bên chuyển giao đưa vào hợp đồng các điều khoản có tính chất hạn chế cạnh tranh hay hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp nhận chuyển giao (doanh nghiệp Việt Nam), gồm: (i) buộc bên nhận mua nguyên vật liệu hoặc sử dụng nhân lực từ nguồn do bên giao chỉ định; (ii) khống chế quy mô sản xuất, giá cả và phạm vi tiêu thụ sản phẩm của bên nhận; (iii) hạn chế thị trường xuất khẩu của bên nhận; và (iv) hạn chế bên nhận nghiên cứu và phát triển tài sản trí tuệ được chuyển giao hoặc tiếp nhận tài sản trí tuệ tương tự từ các doanh nghiệp khác.[89]

Có vẻ như thông qua các biện pháp kiểm soát đó, Nhà nước Việt Nam muốn bảo vệ các doanh nghiệp trong nước (lúc bấy giờ chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) tránh bị bên chuyển giao nước ngoài khai thác, lợi dụng. Điều này cũng phản ánh một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ thiếu các kỹ năng đàm phán và quản lý so với đối tác nước ngoài.

Sau khi Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực, hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ tiếp tục được giám sát chặt chẽ nhằm thực hiện quản lý nhà nước về phát triển công nghệ.[90] Về hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ, Bộ luật Dân sự 1995 và Nghị định số 45/1998/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ[91] yêu cầu hợp đồng chuyển giao phải được đăng ký hoặc xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thời hạn của hợp đồng bị giới hạn trong khoảng 7-10 năm.[92] Đối với giá thanh toán, Nghị định số 45/1998/NĐ-CP quy định giá tài sản trí tuệ không được vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm sử dụng tài sản trí tuệ được chuyển giao hoặc không quá 25% lợi nhuận sau thuế trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng chuyển giao; nếu việc giao đó gắn liền với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thì giá trị tài sản trí tuệ không vượt quá 8% tổng vốn đầu tư và 20% vốn pháp định (vốn đăng ký).[93]

Đối với các điều khoản hạn chế cạnh tranh hay giới hạn quyền tự do của bên nhận chuyển giao, Nghị định số 45/2998/NĐ-CP đã liệt kê bảy nhóm hạn chế không được đưa vào hợp đồng chuyển giao. Đó là: (i) buộc bên nhận phải mua hoặc phải tiếp nhận từ bên giao (hoặc từ bên thứ ba do bên giao chỉ định) nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, lao động giản đơn, quyền sử dụng tài sản trí tuệ khác (trừ trường hợp cần thiết); (ii) buộc bên nhận phải chấp nhận một số hạn mức nhất định về quy mô sản xuất, số lượng sản phẩm, giá bán sản phẩm, chỉ định đại lý tiêu thụ sản phẩm cho bên nhận; (iii) hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, khối lượng và cơ cấu các nhóm sản phẩm được xuất khẩu của bên nhận; (iv) quy định bên nhận không được tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ chuyển giao hoặc không được tiếp nhận những công nghệ tương tự từ các nguồn khác; (v) buộc bên nhận chuyển giao vô điều kiện cho bên giao quyền sử dụng các kết quả cải tiến, đổi mới công nghệ do bên nhận tạo ra từ công nghệ được chuyển giao; (vi) miễn trừ trách nhiệm của bên giao đối với sai sót của bên giao; và (vii) ngăn cấm bên nhận tiếp tục sử dụng công nghệ đã được chuyển giao sau khi hết hạn hợp đồng...[94]

Các hạn chế bị cấm này này rộng hơn nhiều so với các hạn chế bị cấm được quy định trong Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ năm 1988. Tuy nhiên như pháp luật và thực tiễn Hoa Kỳ và EU cho thấy, chúng vẫn không bao hàm hết các hành vi hạn chế cạnh tranh trong chuyển giao tài sản trí tuệ nói chung; trong khi nhiều hạn chế bị cấm đó không thật sự là lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ gắn với tài sản trí tuệ. Hầu hết các hạn chế này bị cấm một cách cứng nhắc để bảo vệ lợi ích của bên nhận, mà không tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên giao với tư cách là người nắm giữ tài sản trí tuệ cũng như lợi ích khuyến khích cạnh tranh của hoạt động chuyển giao loại tài sản đặc biệt này. Về cơ bản, đây thực chất là sự áp dụng máy móc nguyên tắc vi phạm mặc nhiên đối với hầu hết các điều khoản hạn chế cạnh tranh hay giới hạn quyền tự do của bên nhận chuyển giao. Vì vậy trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, nhiều thành viên WTO đã lưu ý rằng Nghị định số 45/1998/NĐ-CP không phù hợp với Hiệp định TRIPS.[95] Nếu thực sự phải tuân thủ các quy định ngăn cấm mặc nhiên này, rất ít doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ tài sản trí tuệ, nhất là các tài sản trí tuệ cao, muốn chuyển giao tài sản đó trên thị trường Việt Nam.

Ngày 02/02/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2005/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP. Nghị định mới này đã hoàn toàn bỏ các hạn chế bị cấm đưa vào hợp đồng chuyển giao cũng như việc kiểm soát hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ. Trong chừng mực nhất định, đây có thể là thiếu sót, vì tại thời điểm ban hành Nghị định này Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 chưa có hiệu lực hay chưa được ban hành. Vì vậy, các ảnh hưởng hạn chế cạnh tranh của hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ không được điều chỉnh hợp lý.

Sau khi có hiệu lực thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ là cơ sở pháp lý chính được sử dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ. Nhìn chung, hai Luật này trao quyền cho bên giao và bên nhận trong hợp đồng chuyển giao tự thỏa thuận và quyết định, miễn là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ gắn với tài sản trí tuệ đó thông qua hợp đồng chuyển giao “không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”, và “không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”.[96] Các quy định về chế độ đăng ký/cấp phép hợp đồng chuyển giao về nguyên tắc (trừ công nghệ bị hạn chế chuyển giao[97]) hay giới hạn đối với tiền thanh toán đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, các bên trong hợp đồng chuyển giao có quyền đăng ký hợp đồng nhằm làm cơ sở để được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật (nếu có).[98] Luật Chuyển giao công nghệ không liệt kê các điều khoản bị cấm đưa vào hợp đồng chuyển giao, nhưng lại quy định rõ rằng các bên (đặc biệt là bên giao) không được thoả thuận về điều khoản hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật cạnh tranh.[99]

Như vậy, các hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ hiện nay được điều chỉnh theo pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam áp dụng trong lĩnh vực chuyển giao tài sản trí tuệ hiện nay có hai bất cập cơ bản sau đây:

Thứ nhất, các điều khoản độc quyền hay không cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao có thể bị cấm một cách mặc nhiên. Như đã phân tích trong phần pháp luật và thực tiễn của Hoa Kỳ và EU trên đây, các điều khoản độc quyền hay không cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ thường thúc đẩy hoạt động chuyển giao và đem lại nhiều lợi ích khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên trong chừng mực nhất định, chúng cũng tạo ra các ảnh hưởng ngăn cản gia nhập hay mở rộng thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh; chúng về lý thuyết sẽ bị cấm một cách mặc nhiên theo quy định tại khoản 6 và 7 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2004. Ngược lại, Luật Chuyển giao công nghệ 2006 lại cho phép các bên trong hợp đồng được tự thỏa thuận về vấn đề độc quyền sử dụng công nghệ, giới hạn lãnh thổ bán sản phẩm chứa đựng công nghệ.[100] Như vậy, việc sử dụng độc quyền công nghệ là hợp pháp theo Luật Chuyển giao công nghệ 2006 nhưng lại bất hợp pháp theo Luật Cạnh tranh 2004. Luật Cạnh tranh là luật chuyên ngành về cạnh tranh nên được ưu tiên áp dụng; tức các hành vi độc quyền nói chung trong hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ thường bị cấm và không được miễn trừ theo Luật Cạnh tranh (ít nhất dưới góc độ lý thuyết). Điều này sẽ không khuyến khích hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ ở Việt Nam.

Thứ hai, các điều khoản hạn chế cạnh tranh khác trong hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ có thể dễ dàng được miễn trừ. Các bên trong hợp đồng dễ dàng lập luận rằng hoạt động chuyển giao đem lại lợi ích khuyến khích cạnh tranh như: thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ; cho phép người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm mới có chất lượng cao... Nói cách khác, bên giao hay bên nhận dễ dàng chứng minh được hiệu quả và lợi ích kinh tế cũng như việc chia sẻ lợi ích đó cho người tiêu dùng thông qua việc chuyển giao tài sản trí tuệ. Trong khi đó, yêu cầu về tính cần thiết của hành vi hạn chế cạnh tranh nhằm đạt được các lợi ích trên và yêu cầu không được triệt tiêu cạnh tranh lại không dược đề cập đến trong khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh. Vì vậy, các điều khoản hạn chế cạnh tranh, trừ các điều khoản về độc quyền, dễ dàng được miễn trừ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật này.

  1. Sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản góp vốn, tài sản bảo đảm

Việc sử dụng tài sản trí tuệ để thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp khác cũng như làm tài sản góp vốn trong kinh doanh, tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng (tổ chức tín dụng) ngày càng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, việc Unilever mua lại nhãn hiệu kem đánh răng “P/S” với giá 5 triệu USD và Colgate mua “Dạ Lan” với giá 3 triệu USD là ví dụ minh họa cho hình thức khai thác thương mại tài sản trí tuệ này.[101] Tuy nhiên, trong hình thức khai thác thương mại này, việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm (thế chấp) để vay vốn ngân hàng (tổ chức tín dụng), đặc biệt là việc định giá tài sản trí tuệ, là vấn đề khó khăn nhất và gặp nhiều bất cập nhất hiện nay. Trong một khảo sát đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở bang New England, Hoa Kỳ năm 2007 cho thấy chỉ có 18% doanh nghiệp cho biết họ có sử dụng tài sản trí tuệ để làm tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng.[102]

Ở Việt Nam, chưa có một thống kê nào cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã chấp tài sản trí tuệ để vay vốn ngân hàng mặc dù về nguyên tắc tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận; theo đó “tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch” và tài sản bảo đảm có thể bao gồm cả tài sản trí tuệ vì tài sản trí tuệ là một dạng tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005.[103] Đặc biệt, Thông tư số 05/2011/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã chính thức xác nhận giao dịch sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm phải đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm.[104] Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản trí tuệ để bảo đảm các khoản vay tại ngân hàng thường gặp nhiều khó khăn và bất cập không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, trong đó nổi bật là các khó khăn trong định giá tài sản trí tuệ.

Định giá tài sản trí tuệ là một công việc khó khăn, mang tính chuyên môn rất cao. Dưới góc độ kinh tế, một tài sản trí tuệ có thể được định giá thương mại theo một trong (hoặc kết hợp cả) ba phương pháp chủ yếu sau: theo chi phí (cost approach), theo thị trường (market approach), và theo thu nhập (income approach).[105] Việc xác định tổng chi phí đầu tư nghiên cứu và triển khai tài sản trí tuệ để từ đó định giá tài sản này thường không chính xác vì các chi phí như vậy rất khó có thể thống kê đầy đủ và giá trị thương mại của tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với tổng chi phí đầu tư thực tế.[106] Định giá tài sản trí tuệ thông qua thị trường thường khó khăn vì thị trường tài sản trí tuệ có giới hạn, khó có thể xác định tài sản trí tuệ tương tự, và các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản trí tuệ trên thực tế thường được bảo mật cao. Theo phương pháp tiếp cận theo thu nhập, người định giá xác định giá trị hiện tại của các dòng tiền (cash flows) liên quan đến tài sản trí tuệ để từ đó ước tính dòng tiền (và lợi nhuận) trong tương lai và từ đó xác định được giá trị của tài sản trí tuệ đó. Mặc dù phương pháp này có tính chính xác cao hơn hai phương pháp nêu trên nhưng phải sử dụng nhiều thông số để phân tích và rất phức tạp. Ngoài ra, cần lưu ý là tài sản trí tuệ có thể mất giá trị thương mại trong một khoảng thời gian ngắn hơn thời gian bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ.

Trước năm 2010, nhãn hiệu (tên thương mại) “Vinashin” của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từng được định giá cao nhờ cùng với sự phát triển theo chiều rộng và bề nổi của Tập đoàn. Vì vậy Tập đoàn này đã góp vốn bằng nhãn hiệu “Vinashin” với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thành lập các doanh nghiệp liên doanh, theo đó giá trị nhãn hiệu này đã được định giá khoảng 30% giá trị của doanh nghiệp mới (giá trị góp vốn). Tuy nhiên, từ năm 2010 khi những bất cập trong quản lý và thực trạng thua lỗ của Tập đoàn bị công khai, những sự kỳ vọng trước đây về nhãn hiệu “Vinashin” đã sụp đổ, nhãn hiệu này hầu như mất hết giá trị, thậm chí còn là trở ngại đối với doanh nghiệp liên quan khi vay vốn ngân hàng.[107] Chính vì khó khăn trong định giá nhãn hiệu khiến cho Bộ Tài chính mặc dù đã soạn thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu từ cuối năm 2009 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể ban hành. Tuy nhiên cần lưu ý rằng một thông tư như vậy chỉ nhằm hướng dẫn về thủ tục kế toán mà thôi.

Mặc dù có thể định giá chính xác trong hoạt động bảo đảm vay vốn ngân hàng bằng tài sản trí tuệ, bên cho vay (ngân hàng) còn có nhiều quan ngại đối với loại hình tài sản bảo đảm đặc biệt này vì giá trị tài sản trí tuệ có thể mất đi nếu chủ sở hữu đích thực của tài sản này không còn trực tiếp sử dụng tài sản đó. Ví dụ một sáng chế có thể không được khai thác thương mại hiệu quả bởi một doanh nghiệp thứ ba nếu doanh nghiệp đó không được chủ sở hữu sáng chế chuyển giao các bí quyết kỹ thuật (know-how) trong việc sử dụng sáng chế; một nhãn hiệu có thể sẽ mất giá trị nếu nó được khai thác bởi một doanh nghiệp thứ ba hoàn toàn không liên quan gì đến doanh nghiệp từng là chủ sở hữu đích thực nhãn hiệu đó trong quá khứ; việc khai thác quyền tác giả sẽ gặp khó khăn vì có thể vướng quyền nhân thân của tác giả.

Như vậy, việc định giá tài sản trí tuệ là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn, nhất là ở các nước nơi mà thị trường sở hữu trí tuệ chưa được phát triển như Việt Nam hiện nay. Trong giao dịch bảo đảm, việc định giá tài sản trí tuệ có thể phải tiến hành hai lần: lần thứ nhất là khi chuẩn bị giao kết hợp đồng bảo đảm và hợp đồng tín dụng, và lần thứ hai là khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp đi vay không hoàn trả đúng và đủ theo quy định của hợp đồng tín dụng. Trong lần định giá thứ hai, thông thường giá trị tài sản trí tuệ sẽ bị giảm mạnh. Điều này càng cản trở ngân hàng chấp nhận tài sản trí tuệ là tài sản bảo đảm.

6. Một số nhận xét

Chiến lược của các doanh nghiệp hiện nay là không chỉ dừng ở việc sử dụng các công cụ tố tụng để bảo vệ tài sản trí tuệ mà phải tập trung vào việc quản lý và khai thác thương mại có hiệu quả tài sản trí tuệ. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai một chiến lược quản lý và khai thác tài sản trí tuệ phù hợp nhằm tăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế quốc dân nói chung. Trong thời gian qua, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật liên quan đến khai thác thương mại tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp về việc quản lý và khai thác thương mại tài sản trí tuệ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên như đã trình bày, việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nỗ lực và đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Để khai thác thương mại tài sản trí tuệ thành công, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ phải tuân thủ các quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành; quyền sở hữu trí tuệ gắn với tài sản trí tuệ không thể thay thế hay không đồng nhất với quyền kinh doanh gắn với tài sản trí tuệ.

Thứ hai, doanh nghiệp khi trực tiếp khai thác tài sản trí tuệ cũng như khi chuyển giao và nhận chuyển giao tài sản trí tuệ để khai thác cần phải quan tâm đến pháp luật cạnh tranh để việc khai thác như vậy không vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Có thể thấy các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến khai thác tài sản trí tuệ diễn ra ở Việt Nam về nguyên tắc sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh; nhưng các quy định pháp luật này hiện nay vừa rất nghiêm khắc và cứng nhắc trong một số trường hợp, đồng thời lại lỏng lẻo, tự do trong nhiều trường hợp khác. Vì vậy pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cần phải hoàn thiện để một mặt thực sự hỗ trợ việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và mặt khác kiểm soát, ngăn chặn hợp lý, có hiệu quả các hành vi hạn chế cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và phúc lợi chung trong quá trình khai thác đó. Khi áp dụng pháp luật cạnh tranh, các cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh của Việt Nam, cần phải xem xét các đặc tính đặc biệt của tài sản trí tuệ và các lợi ích khuyến khích cạnh tranh của việc khai thác tài sản trí tuệ đó mang lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể viện dẫn hợp lý pháp luật cạnh tranh để tiếp cận và khai thác tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp khác.

Thứ ba, định giá tài sản trí tuệ đóng vai trò quyết định đối với việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản góp vốn hay tài sản bảo đảm; các bên liên quan phải hết sức chú trọng vấn đề định giá này; nhà nước cần có chính sách tài chính và pháp lý thích hợp nhằm hỗ trợ hoạt động định giá tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý là việc định giá tài sản trí tuệ thường có tính rủi ro cao hơn việc định giá tài sản hữu hình khác.

 


 

CHUYÊN ĐỀ 6

THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

  1. NHẬN THỨC VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ ở nước ta được bắt đầu triển khai từ những năm 80, nhưng chỉ từ khi Quốc hội ban hành bộ Luật Dân sự (năm 1995) thì hoạt động này mới bắt đầu tiến triển. Đặc biệt, từ khi Quốc hội ban hành Luật SHTT (năm 2005) và Việt Nam là thành viên chính thức của WTO thì hoạt động này trở nên sôi động với các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ.

Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo vệ quyền SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000); Công ước Bơn (Bern) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; Công ước Giơ-ne-vơ; Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT).

Trong giai đoạn đàm phán ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã quan tâm đến việc chỉnh sửa pháp luật về bảo vệ quyền SHTT theo quy định của Hiệp định TRIPS theo các biện pháp khác nhau, bao gồm: biện pháp dân sự, hình sự, hành chính và biện pháp kiểm soát tại biên giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT, chống lại hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO (ngày 11 tháng 01 năm 2007), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thực thi quyền SHTT. Nỗ lực này thể hiện thông qua nhiều hoạt động như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các văn bản này đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng, chủ thể quyền SHTT, các công chức của cơ quan thực thi quyền SHTT; đào tạo, nâng cao năng lực của hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT. Các nỗ lực nêu trên nhằm đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam với WTO về các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ, trong đó Hiệp định TRIPs, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện nay (năm 2011), hệ thống các văn bản về SHTT nói chung và về thực thi quyền SHTT nói riêng của Việt Nam đã tương đối phù hợp với yêu cầu chung của Hiệp định TRIPs.

Tuy nhiên, phù hợp với các cam kết quốc tế chưa phải là điều kiện đảm bảo cho các văn bản pháp luật về bảo vệ tài sản trí tuệ được thực hiện có hiệu quả. Điều thực sự quan trọng là các quy định này phải phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Hệ thống các văn bản về bảo vệ tài sản trí tuệ phải chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực thi quyền SHTT vốn khá đông đảo và nằm tại nhiều đầu mối khác nhau. Có như vậy, hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ ở Việt Nam mới thực sự phát huy được hiệu quả. Đây là một nội dung khó thực hiện trong điều kiện đang phát triển không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước đang chuyển đổi từ mô hình quản lý kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi ý thức pháp luật của người dân đang tiếp tục được xây dựng và sự tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa trở thành thói quen của người dân thì việc lựa chọn áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như hành chính, hình sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT vẫn có tác dụng tích cực so với biện pháp dân sự và sẽ còn được áp dụng nhiều trong thực tiễn.

Sau nhiều năm quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống pháp luật về SHTT, có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam đã tương đối đầy đủ và phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. Hệ thống pháp luật về SHTT đầy đủ là một trong những yếu tố cho thấy Việt Nam nghiêm túc tuân thủ các cam kết quốc tế. Nó cũng là điều kiện đảm bảo cho Việt Nam thu hút được các nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nguồn đầu tư có liên quan đến tài sản trí tuệ và bí quyết công nghệ vì Việt Nam đã thể hiện sự sẵn sàng để bảo vệ nguồn tài sản vô giá này.

Bên cạnh những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực bảo vệ quyền SHTT, đấu tranh phòng ngừa và chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Nhiều hành vi xâm phạm quyền SHTT đã bị xử phạt với mức hàng trăm triệu đồng (mức tiền không nhỏ so với quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam).

Tuy nhiên, hiệu quả thực thi quyền SHTT của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định. Thậm chí, có ý kiến cho rằng mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang gia tăng[108] thể hiện ở số vụ việc xâm phạm quyền SHTT ngày càng gia tăng và bị xử lý ngày càng nhiều với mức tiền phạt và số lượng hàng hóa, phương tiện bị xử lý tăng lên nhiều lần. Về nguyên nhân, có một số nguyên nhân:

Thứ nhất, cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, biểu hiện vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít ỏi, mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính, cùng với các quy định đã có nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết, nên việc áp dụng các chế tài bị lẫn lộn và thiếu hiệu quả. Trình tự dân sự đáng lẽ phải được coi là biện pháp chủ yếu nhưng các quan hệ dân sự thông thường đã bị hành chính hóa một cách quá mức.

Thứ hai, các tổ chức bảo đảm thực thi chưa thực sự phù hợp. Chúng ta tuy có nhiều cơ quan (mỗi cơ quan lại có nhiều cấp: Trung ương, tỉnh, huyện) có chức năng và thẩm quyền xử lý hành chính về SHTT, nhưng năng lực chuyên môn của chính hệ thống này lại chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tế. Hiện nay, tại các tòa án và các cơ quan bảo đảm thực thi SHTT khác có rất ít cán bộ được đào tạo về lĩnh vực này.

Thứ ba, sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế: chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền SHTT, các chủ thể SHTT chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đây còn là lĩnh vực mới mẻ với đa số cán bộ, công chức nhà nước và gần như hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mạng lưới dịch vụ về SHTT còn rất mỏng, số cá nhân đuợc cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ trong lĩnh vực SHCN còn hạn chế.

Thứ tư, do ảnh hưởng từ mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế, thực tế không phải mọi loại hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT đều được sản xuất ở Việt Nam, mà một khối lượng hàng hóa loại đó được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng một số vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục và chuyên môn về SHTT đã hạn chế hiệu quả hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ của các chủ thể quyền nói chung, các doanh nghiệp nói riêng tại Việt Nam.

  1. THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Theo quy định của Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, ngoài biện pháp tự bảo vệ như bằng biện pháp công nghệ, thông báo, cảnh báo... chủ thể quyền SHTT có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp hành chính và biện pháp kiểm soát biên giới.

1. Biện pháp dân sự

  1. Những vấn đề pháp lý

Đặc biệt, khi TSTT đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đứng trước yêu cầu hội nhập sâu, rộng, ngày 29/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2005, được sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009), trong đó vấn đề bảo vệ TSTT được đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” đã được sử dụng chính thức trong luật và có hẳn một chương riêng (Chương XVII) quy định xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự [109].

Nhằm tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp về TSTT, ngày 3/4/2008, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án”. Thông tư này được ban hành với kỳ vọng nhằm giúp chủ thể quyền giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại Tòa.

Như vậy, bảo vệ TSTT là việc pháp luật quy định các quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể quyền đối với các đối tượng SHCN đồng thời quy định các biện pháp nhằm bảo vệ TSTT khi có hành vi xâm phạm. TSTT như trên đã đề cập đó là quyền dân sự, do vậy theo nguyên tắc chung của pháp luật thì mọi quyền dân sự hợp pháp đều được nhà nước bảo vệ.

Trong thực tế, việc bảo vệ TSTT tại Việt Nam thường thông qua biện pháp hành chính hơn là khởi kiện trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém dù mức phạt đối với hành vi vi phạm chưa cao và hiểu biết pháp luật SHTT của các cơ quan thực thi bằng biện pháp hành chính chưa thực sự đồng đều. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp thông qua con đường tố tụng dân sự còn chưa được kiện toàn và chưa có toà án chuyên trách về SHTT càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án còn hạn chế.

Đặc biệt, khi lựa chọn biện pháp dân sự, trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền SHTT và chứng minh thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền gây ra (nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại) đối với chủ thể quyền là rất lớn. Theo quy định tại Điều 205 của Luật SHTT, chủ thể quyền (nguyên đơn) phải có nghĩa vụ chứng minh về các nội dung sau:

  • Chứng minh mình là chủ thể quyền SHTT bằng một trong các chứng cứ sau đây:

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về SHCN, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;

+ Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng;

+ Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.

  • Cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền SHTT.
  • Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật SHTT.

Trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền SHTT hoặc hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời, chủ thể quyền SHTT có thể yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó:

  • Thu giữ;
  • Kê biên;
  • Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
  • Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh quyền yêu cầu của mình và có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị áp dụng biện pháp đó trong trường hợp người đó không xâm phạm quyền SHTT. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức: Khoản tiền bằng 20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó; Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.

  1. Những vấn đề thực tế

Ở nhiều nước trên thế giới, việc bảo vệ tài sản trí tuệ chủ yếu bằng biện pháp dân sự và do hệ thống tư pháp đảm trách, các cơ quan hành chính khác chỉ thực hiện những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ ban đầu để đảm bảo tính tức thì của hoạt động thực thi. Theo họ, bảo vệ tài sản trí tuệ bằng biện pháp dân sự cần được đề cao và được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với biện pháp hành chính, hình sự bởi biện pháp dân sự đã phần nào bảo đảm được trình tự, thủ tục công khai, công bằng để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại TAND, bảo đảm được các nguyên tắc, thủ tục tố tụng đầy đủ, có hệ thống, xác định được rõ chức năng, thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, tại Việt nam, thực tiễn giải quyết các tranh chấp tài sản tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn. Qua thống kê của TANDTC, việc giải quyết tranh chấp về tài sản trí tuệ từ năm 2000 đến năm 2005 của toàn ngành Tòa án như sau: thụ lý 93 vụ, đã giải quyết 61 vụ, trong đó tạm đình chỉ, đình chỉ, rút đơn khởi kiện là 16 vụ, hòa giải thành 12 vụ, đưa ra xét xử 33 vụ (bao gồm 11 vụ tranh chấp về quyền tác giả và liên quan, 22 vụ tranh chấp về quyền SHCN)[110]. Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành, tình hình giải quyết các tranh chấp về tài sản trí tuệ cũng không có chuyển biến đáng kể, theo số liệu thống kê của TANDTC từ 01/7/2006 cho đến ngày 22/6/2009 thì toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về tài sản trí tuệ (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ; tranh chấp về tài sản trí tuệ chỉ chiếm 10 vụ; tranh chấp về quyền sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ; tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ chiếm 3 vụ. Riêng tại Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến nay mới chỉ thụ lý 7 vụ.[111]

Trong thực tế, các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến tài sản trí tuệ đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thì năm 2005 có 33 khiếu nại về sáng chế, 65 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 306 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu; năm 2006 có 41 khiếu nại vi phạm về sáng chế, 210 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 324 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu; năm 2007 có 17 khiếu nại vi phạm về sáng chế, 264 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 320 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu[112].

Như vậy, số vụ việc tranh chấp về tài sản trí tuệ được xét xử tại Toà án rất khiêm tốn so với việc xử lý của các cơ quan chức năng khác. Điều này được phản ánh bởi những nguyên nhân sẽ được phân tích dưới đây.

1.3. Nguyên nhân

Thứ nhất, giải quyết các tranh chấp tài sản trí tuệ là vấn đề khó, nhiều vụ việc đòi hỏi có kỹ thuật chuyên môn sâu, nhiều vụ việc liên quan đến bên thứ 3, có các yếu tố nước ngoài, nên quá trình cung cấp tài liệu, chứng cứ giữa các bên thường mất nhiều thời gian, dẫn đến việc giải quyết thường bị kéo dài, có trường hợp phải xét xử nhiều lần, nhiều cấp, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của đương sự và của nhà nước là một trong những nguyên nhân chính. Đây là một điều bất lợi cho chủ thể quyền vì tài sản trí tuệ của họ thường bị giới hạn trong một thời gian nhất định, hơn nữa, việc chậm giải quyết đã không đáp ứng kịp thời đối với hoạt động khai thác quyền của chủ thể quyền. Theo quy định tại Điều 179 của BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự là 4 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Tuy nhiên, với những đặc thù của tranh chấp về tài sản trí tuệ thì để đáp ứng đúng thời hạn giải quyết như quy định trên vẫn còn là việc khó đối với Tòa án. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các đương sự ít lựa chọn Toà án là một giải pháp hữu hiệu như hiện nay.

Một ví dụ để chứng minh cho tình trạng này: Công ty Gedeon Richter (gọi tắt là Công ty GR) được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu “Postinor” (thuốc ngừa thai khẩn cấp) được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế số R441292 ngày 19/10/1998, tháng 4 năm 2004 Công ty GR phát hiện Công ty TNHH Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương sử dụng các chi tiết từ màu sắc, cách sắp xếp và trình bày bao gói của mẫu hộp thuốc ngừa thai mang nhãn hiệu “Posinight” tương tự như trên mẫu hộp thuốc ngừa thai mang nhãn hiệu “Posinor” của Công ty GR. Để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của mình, Công ty GR đã làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty TNHH Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ và đòi bồi thường thiệt hại số tiền là 85.348 USD và chi phí luật sư là 9.496 USD, bồi thường tổn thất về tinh thần với mức tối thiểu là 10 tháng lương cơ bản, thu hồi và tiêu hủy tất cả các hộp thuốc có chỉ dẫn thương mại, cụ thể là hình hoa hồng màu hồng, chữ số 2 màu hồng được bố trí trên bao bì cùng với việc công khai xin lỗi trên báo Tuổi trẻ và Thanh niên trong 3 kỳ liên tiếp. Tiếp nhận đơn khởi kiện này, ngày 12/11/2004 TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án số 2360/2004/DS-ST để xem xét đơn khởi kiện của Công ty GR, tuy nhiên sau gần hai năm, với nhiều lần gia hạn, đến ngày 29/3/2006, TAND TP. Hồ Chí Minh mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này và ra bản án dân sự số 275/2006/DS-ST. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Tòa án đã buộc Công ty TNHH Dược Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty GR số tiền 46.969 USD, buộc chấm dứt hành vi sử dụng trái phép đối với nhãn hiệu hàng hóa mà nguyên đơn đã đăng ký bảo hộ, buộc bị đơn có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ vỏ bao bì đã sử dụng hình ảnh hoa hồng màu hồng và số 2 màu hồng mà nguyên đơn đã được bảo hộ, đồng thời thông báo về việc thu hồi này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bác các yêu cầu khác của nguyên đơn như đòi bồi thường tổ thất về tinh thần, công khai xin lỗi trên báo chí. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về đòi bồi thường chi phí cho Luật sư mà chỉ chấp nhận bồi hoàn chi phí cho việc thu thập thông tin của nguyên đơn là 400.000 đồng.

Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chức năng có liên quan để kết luận đối với hành vi xâm phạm nên dẫn đến tình trạng Toà án rất bị động, khó khăn cho việc ra phán quyết.

Ở vụ án dân sự nêu trên, TAND TP. Hồ Chí Minh đã phải hai lần có Công văn để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cho ý kiến, ngoài ra còn phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn là Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế để phục vụ cho việc xét xử của Tòa. Tình trạng này cũng dẫn đến việc giải quyết của Tòa án bị kéo dài và trong nhiều trường hợp việc nhìn nhận, đánh giá về các hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ của các cơ quan chức năng đôi khi chưa thống nhất. Có trường hợp cơ quan chức năng còn phải đề nghị Chính phủ can thiệp vào quá trình giải quyết của của Tòa án. Điển hình là vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty sữa Foremost Việt Nam và Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh. Vụ kiện đã diễn ra trong thời gian khá dài và Tòa án đã phải xử lý các ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thương mại, Bộ Y tế, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo quan điểm của Bộ Thương mại thì sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của Công ty Foremost thuộc nhóm 29 trong danh mục hàng hóa của Bộ Thương mại, còn sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh thuộc nhóm 32, do đó đây là hai sản phẩm không cùng nhóm và không có sự xâm phạm. Theo quan điểm của Bộ Y tế thì đây là hai sản phẩm có chất dinh dưỡng khác nhau, việc có vi phạm hay không thì thuộc kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ. Còn Cục Sở hữu trí tuệ cho biết đã từ chối cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đối với nhãn hiệu “Sữa đậu nành cao cấp Trường Sinh” của Công ty Trường Sinh ở thời điểm năm 1998, và sau khi Công ty Foremost có đơn gửi Cục SHTT về việc Công ty Trường Sinh đã xâm phạm quyền được bảo hộ của mình thì Cục đã hai lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Trường Sinh chấm dứt ngay việc sử dụng nhãn hiệu Trường Sinh cho sản phẩm sữa đậu nành.

Như vậy, trong nhiều trường hợp thì Tòa án chưa đủ khả năng trong việc đưa ra nhận định về hành vi xâm phạm nên còn phụ thuộc nhiều vào kết luận các yếu tố vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về SHTT để kết luận có hay không có hành vi xâm phạm về SHCN như đã nêu ở trên.

Thứ ba, tâm lý ngại ra Tòa của chính các chủ thể quyền, bởi lẽ, quyền SHCN thường được gắn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chủ thể cũng rất chú trọng tới việc bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật của các đối tượng của TSTT cũng là một cản trở khiến các chủ sở hữu không muốn đưa tranh chấp ra trước Tòa án, bởi lẽ nếu đưa tranh chấp ra trước tòa đồng nghĩa với việc phải công khai những vấn đề liên quan mà đương sự không muốn, do vậy họ lại chuyển sang chọn phương pháp đơn giản hơn, hiệu quả nhanh hơn đó là khiếu nại đến cơ quan nhà nước hoặc các lực lượng thực thi để đề nghị xử lý bằng biện pháp hành chính.

Thứ tư, việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN là một khó khăn cho chủ thể quyền trước Toà án. Theo quy định của tố tụng dân sự, một nguyên tắc rất quan trọng là nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án về mức độ thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm TSTT do bên kia gây ra. Tuy nhiên, chủ sở hữu thường không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền của bị đơn hoặc không chứng minh được mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, mặc dù hành vi xâm phạm và thiệt hại thực tế đã xẩy ra và thiệt hại tiềm ẩn nếu có do bị xâm phạm quyền, do vậy, yêu cầu đòi bồi thường thường ít được Tòa án chấp nhận toàn bộ. Ngoài ra, việc kiện ra cơ quan Tòa án thường phải chờ đợi lâu, thường từ 6 tháng đến 1 năm, song thậm chí không mang lại kết quả đã khiến nhiều chủ sở hữu đối tượng SHCN nản lòng.

Thứ năm, một số nguyên nhân khác là: chi phí cho hoạt động tư pháp thường rất tốn kém do phải thuê luật sư, bảo đảm các chi phí cho luật sư hoạt động... trong khi đó nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được các chi phí này. Mặt khác, chúng ta chưa có các tổ chức thăm dò và đánh giá ý kiến của công chúng, người tiêu dùng một cách độc lập, do vậy đã làm hạn chế khả năng giải quyết của các cơ quan tư pháp. Tại nhiều nước, các cơ quan thực thi và giúp việc cho hoạt động thực thi đều có trình độ cao về SHCN như Thẩm phán, các học giả nghiên cứu, giảng dậy trong các trường đại học, những người hoạt động trong lĩnh vực SHTT và các tổ chức đại diện SHTT. Trong khi đó, tại Việt Nam, kinh nghiệm trong hoạt động thực thi còn rất ít (chỉ khoảng 10 năm), do vậy không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ [113].

Những nguyên nhân cơ bản này dẫn tới thực tế là các tranh chấp về tài sản trí tuệ hiện nay thì nhiều song được xét xử tại Toà án là rất hạn chế, trong khi đó, các vụ việc xử lý xâm phạm bằng biện pháp hành chính được áp dụng nhiều hơn và trong chừng mực nào đó lại tỏ ra hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chủ thể quyền. Bởi lẽ xử lý các xâm phạm tài sản trí tuệ theo trình tự hành chính thì thường diễn ra trong thời gian ngắn, giải quyết nhanh chóng vụ việc, đáp ứng kịp thời yêu cầu về thời gian để chủ thể quyền có thể khai thác hiệu quả các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình. Bên cạnh đó, thủ tục tiến hành của biện pháp hành chính thường đơn giản hơn, nhất là trong việc cung cấp các chứng cứ để chứng minh hành vi xâm phạm quyền của đối tượng vi phạm, vì sau đó cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền bằng biện pháp hành chính tiếp tục chứng minh, làm rõ thông qua việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở vi phạm. Theo đánh giá tại Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia về tài sản trí tuệ do Đại học Quốc gia thực hiện, có đến 90% số vụ việc vi phạm được giải quyết theo biện pháp xử phạt hành chính. Tình trạng này dẫn đến hệ quả là các quan hệ dân sự, các tranh chấp dân sự bị hành chính hóa quá mức, qua đó thể hiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ không triệt để và không tránh khỏi tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm với qui mô lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn[114]. Thực tế cho thấy, các cơ quan thực thi ở Việt Nam đã cố gắng xử lý bằng biện pháp hành chính khá nhiều các hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của nhiều công ty, tập đoàn lớn đang kinh doanh tại Việt Nam như Honda, Luis Vuitton, Lacoste, AMP, Sisco... nhưng tình trạng vi phạm đối với các nhãn hiệu này vẫn đang tiếp diễn với quy mô rộng khắp.

Một thực trạng hiện nay trong việc thi hành các bản án dân sự là rất khó khăn. Theo nguồn tin của Bộ Tư pháp, thì hiện còn khoảng 500.000 bản án có hiệu lực chưa được thi hành án (mà trong đó, hầu hết là các bản án dân sự). Việc các bản án có hiệu lực pháp luật chưa được thực thi trong thực tế đã làm giảm hiệu lực của việc thực thi quyền bằng trình tự dân sự.

Ngoài ra, trong quan niệm của nhiều chủ sở hữu tài sản trí tuệ, Tòa án nhân dân còn thiếu các thẩm phán có trình độ chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực SHCN, do hệ thống pháp luật nội dung còn nhiều điểm chưa thống nhất khiến cho các bản án, quyết định của Tòa án chưa mang tính thuyết phục cao, chưa tạo được lòng tin đối với chủ thể bị vi phạm. Có trường hợp sau khi có bản án của Tòa án cấp phúc thẩm, nguyên đơn vẫn cho rằng phán quyết của Tòa phúc thẩm không đúng nên đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chính phủ, cơ quan đảng và báo chí.

  1. Biện pháp hành chính
    1. Những vấn đề pháp lý

Chủ thể quyền có thể nộp đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính để yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHTT trong các trường hợp sau đây:

  • Hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ thể quyền;
  • Hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
  • Hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Trong trường hợp yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính, chủ thể quyền phải gửi đơn cùng các tài liệu kèm theo và lựa chọn cơ quan có thẩm quyền phù hợp với hành vi xâm phạm bị yêu cầu xử lý. Hồ sơ yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính bao gồm:

  • Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm có các nội dung chủ yếu: Tên, địa chỉ của người yêu cầu xử lý xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện; tên cơ quan nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người xâm phạm; thông tin tóm tắt về quyền SHTT bị xâm phạm (loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền); thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm và các thông tin khác (nếu có).

Theo quy định tại Điều 200 Luật SHTT thì hiện nay hệ thống cơ quan thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính gồm các cơ quan sau: thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, hải quan, công an, uỷ ban nhân dân các cấp.

  1. Cơ quan Thanh tra chuyên ngành về SHTT

Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN; thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan; thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thẩm quyền xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông có thẩm quyền xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN liên quan đến tên miền.

  1. Cơ quan Quản lý thị trường
  • Cơ quan Quản lý thị trường là lực lượng rất đông đảo và có hệ thống tổ chức đến cấp huyện, thị để đảm bảo việc kiểm soát được toàn bộ việc lưu thông hàng hóa tại thị trường trong cả nước. Do đó đây là lực lượng rất quan trọng để bảo đảm thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính đối với thị trường trong cả nước.
  • Cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường. Đối với hành vi sản xuất sản phẩm, hàng hóa xâm phạm thì cơ quan Quản lý thị trường không có thẩm quyền xử lý.
  1. Cơ quan Hải quan

Cơ quan Hải quan là lực lượng rất quan trọng không thể thiếu để bảo đảm biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới. Trong quá trình làm thủ tục để xem xét cho thông quan hàng hóa, nếu chủ thể quyền SHTT có đơn yêu cầu xử lý lô hàng nhập khẩu tại hải quan có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT thì Cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.

  1. Cơ quan Công an

Cơ quan Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi xâm phạm về SHTT và phối hợp với các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan để kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi xâm phạm về SHTT theo thẩm quyền.

  1. UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện
  • Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương.
  • Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan.

Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ tài sản trí tuệ một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền SHTT trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế của mình. Xâm phạm quyền SHCN vẫn xảy ra phổ biến, và đang có chiều hướng gia tăng.

  1. Những vấn đề thực tiễn
  1. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Hiện nay, trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, vi phạm xảy ra phổ biến nhất là với các nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Tuy vậy, các dạng tài sản khác cũng đã có xâm phạm như: chỉ dẫn địa lý (do sự nổi tiếng của nước mắm Phú Quốc nên có nhiều hãng trong nước và nước ngoài đã gắn tên sản phẩm của họ bằng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm); tên thương mại (điển hình là vụ khiếu kiện đặt tên “Vang đỏ Đà Lạt” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với sản phẩm có tiếng “Vang Đà Lạt” đã xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa); và gần đây xuất hiện các vụ việc xâm phạm về sáng chế, giải pháp hữu ích (sáng chế “Hộp chở đồ xe máy”, GPHI “Cửa cuốn”, “Thùng xe tải ben”, “Bột đậu xanh uống liền”). Cũng không kém phần nghiêm trọng là mọi chủng loại sản phẩm hàng hóa đều có hàng nhái, hàng giả từ hàng tiêu dùng thông thường như thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đến đồ gia dụng, phương tiện máy móc hoặc các sản phẩm cao cấp, đặc dụng như mỹ phẩm, dược phẩm... (ví dụ các sản phẩm Sunligh, Sunsilk của hãng Unilever Việt Nam, sản phẩm bánh trứng mang nhãn hiệu “EURO Custard Cake & Hình”, sản phẩm thuốc dạ dày mang nhãn hiệu “Smecphap”, sản phẩm máy phát điện mang nhãn hiệu “ELEMAX”, bình lọc nước mang nhãn hiệu “ALASKA”, mỹ phẩm mang nhãn hiệu “MAC”, “LOREAL”...).

Xâm phạm quyền SHCN thường xảy ra ở khu vực sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu thông và xuất, nhập khẩu. Hàng giả, hàng sao chép phi pháp, hàng có chứa yếu tố vi phạm có mặt cả ở thành thị lẫn nông thôn, được bày bán cả ở các sạp hàng nhỏ, tại các chợ lẫn ở các trung tâm thương mại hiện đại và các siêu thị. Hành vi xâm phạm xảy ra ở mọi thành phần kinh tế: tư nhân, nhà nước và liên doanh, thậm chí ở cả một số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

Năm 2006 - 2008, Cơ quan thanh tra KH&CN đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 cơ sở, phạt tiền 307 cơ sở với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hoá.[115]

Năm 2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra 61 vụ, đã xử lý 38 vụ xâm phạm về nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm về kiểu dáng và 05 vụ xâm phạm giải pháp hữu ích, đã xử phạt cảnh cáo 01 vụ, phạt tiền 45 vụ với tổng số tiền phạt 697.356.000 đồng và xử lý 156.426 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2009 của Cục SHTT).[116]

Theo số liệu tổng hợp được từ 55 báo cáo của Sở KH&CN các tỉnh/thành phố năm 2009, các Sở KH&CN đã tiến hành thanh tra 7453 cơ sở, đã xử lý 1.012 cơ sở vi phạm hành chính bằng các hình thức: cảnh cáo 146 cơ sở, phạt tiền 866 cơ sở với số tiền 3.175.469.500 đồng, tịch thu, xử lý và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính.[117]

Năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.697 vụ (415 vụ xâm phạm KDCN, 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 7 vụ xâm phạm CDDL, 3 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh), trong đó xử lý 2.506 vụ (389 vụ xâm phạm KDCN, 2.105 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 6 vụ xâm phạm CDDL, 2 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 7.000.000.000 đồng (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2008 của Cục SHTT).[118]

Năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế... đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, nhiều vụ bị phát hiện tại Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng...) (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2009 của Cục SHTT).

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, từ tháng 7/2006 (thời điểm Luật SHTT 2005 có hiệu lực) đến 10/2011, Thanh tra KHCN tại 63 tỉnh, thành phố đã xử lý:

- 1.561 vụ xâm phạm nhãn hiệu/giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền phạt là 9.021.421 đồng;

  • 107 vụ xâm phạm KDCN với tổng số tiền phạt là 264.354.000 đồng;
  • Các đối tượng khác: 43 vụ với tổng số tiền phạt là 28.250.000 đồng;

Trong cùng thời gian trên, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử lý:

  • 134 vụ xâm phạm quyền SHCN liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp với tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng;
  • Thực hiện việc hòa giải theo thủ tục dân sự cho các bên sau kết quả thanh tra khoảng 08 vụ việc.
  1. Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các khách thể quyền đều bị xâm hại, từ các loại hình tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học, đến các cuộc biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tình trạng này được biểu hiện ở các hình thức sử dụng, khai thác khác nhau, từ hoạt động báo chí, xuất bản, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đến phát thanh, truyền hình. Trong đó tình trạng sử dụng bất hợp pháp trong môi trường kỹ thuật số (Internet) có nhiều diễn biến phức tạp. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian ảo diễn ra tinh vi, khó kiểm soát tại các quốc gia, kể cả quốc gia phát triển. Các nhà sản xuất bản ghi âm đang bị xâm hại nghiêm trọng các giá trị đầu tư bởi hành vi sao chép, trích ghép, cũng như các bản ghi âm nhập khẩu bất hợp pháp. Nhiều chương trình máy tính vẫn đang trong thời hạn sử dụng không phép, từ hành vi vụ lợi của các nhà phân phối máy tính. Tuy tỷ lệ phần trăm xâm hại được giảm từ việc thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính nhưng lĩnh vực này nằm trong diện vi phạm đáng quan ngại. Nhiều nhà xuất bản đang bị thiệt hại lớn bởi nạn in sách lậu chưa được ngăn chặn. Việc thu, phát tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá cũng thuộc diện xâm phạm quyền của các tổ chức phát sóng Việt Nam và nước ngoài.[119]

Năm 2006 - 2008, cơ quan thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã kiểm tra và xử lý trên 5.667 vụ việc liên quan đến việc sao chép băng đĩa, in sách lậu, chương trình máy tính, đã xử phạt cảnh cáo 519 trường hợp, phạt tiền đối với các cơ sở còn lại với số tiền lên đến trên 10.000.000.000 đồng (Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006 - 2010 của Bộ KH&CN ngày 12/10/2009). [120]

Năm 2009, thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg, cơ quan Thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.429 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó phát hiện 3.013 cơ sở vi phạm. Đã xử lý: phạt cảnh cáo 188 cơ sở; tạm giữ giấy phép 37 cơ sở; đình chỉ hoạt động 143 cơ sở. Thu giữ: 649.324 băng đĩa các loại, 3.885 sách. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 11.500.510.000 đồng (Báo cáo số 85/TTra ngày 29/7/2010 của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch).

Năm 2009 - 2010, chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm đã được thực hiện khá mạnh với tần suất dày, thường xuyên, là động thái cụ thể nhất nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam.[121]

  1. Xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

Theo thống kê mới nhất của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 20/4/2010 thì tổng số đơn đăng ký bảo hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là 146 trong đó đơn trong nước là 87, nước ngoài là 59. Tổng số bằng bảo hộ đã cấp là 36, gồm 19 giống lúa, 17 giống ngô, trong đó của Viện, trường là 9 giống, doanh nghiệp 9 giống, công ty liên doanh với nước ngoài 7 giống và công ty nước ngoài 11 giống. Có 9 giống cây trồng được bảo hộ tạo ra bằng ngân sách nhà nước đã được chuyển nhượng quyền cho doanh nghiệp, trong đó chỉ có một vụ chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai TH3-3 trị giá 10 tỷ đồng của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Trường ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội) cho Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân.[122]

Trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT, do tính chất nhanh chóng về thời gian, gọn hơn về thủ tục yêu cầu xử lý xâm phạm và có hiệu lực đình chỉ ngay hành vi xâm phạm quyền SHTT tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền đến thanh tra, kiểm tra nên biện pháp hành chính vẫn được các chủ thể quyền ưu tiên lựa chọn để bảo vệ quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của biện pháp này là chủ thể quyền không thể yêu cầu bên xâm phạm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra mà phải thực hiện thông qua một vụ kiện dân sự tại Tòa án.

  1. Biện pháp hình sự
    1. Những vấn đề pháp lý

Trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Tại Điều 170a và Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật Hình sự) quy định hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự trong các trường hợp dưới đây:

“Điều 170a. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

  1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
  1. Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
  2. Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
  1. Có tổ chức;
  2. Phạm tội nhiều lần.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Điều 171. Tội xâm phạm quyền SHCN

“1. Người nào cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
  1. Có tổ chức;
  2. Phạm tội nhiều lần.
  1. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Điều kiện để xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đối với vụ án về tội phạm xâm phạm quyền SHTT quy định tại khoản 1 của Điều 131 (nay là Điều 170a) và Điều 171 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Có thể thấy về mặt pháp lý thì quy định của Bộ luật Hình sự 1999 đã có phần “đi trước” so với yêu cầu của Hiệp định TRIPs, nhưng trên thực tế thì có thể thấy đây là một quy định chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và yêu cầu quốc tế (Hiệp định TRIPs và Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cũng không bắt buộc mở rộng các đối tượng SHCN bị sử dụng bất hợp pháp). Vấn đề này đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 170a và Điều 171 của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự (“Luật số 37/2009/QH12”) (Bộ Luật hình sự 2009) theo đó các đối tượng SHCN chỉ bao gồm: nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay Điều 131 và Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, thay thế bởi Điều 170a (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và Điều 171 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Nội dung mới của hai Điều này đã loại bỏ yếu tố gây “hậu quả nghiêm trọng” của hành vi xâm phạm quyền SHTT, Điều 171 đã loại bỏ hành vi xâm phạm những đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp ra khỏi quy định áp dụng chế tài hình sự mà chỉ quy định xử lý hành vi xâm phạm hai đối tượng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Theo đó những người không được phép của chủ thể quyền tác giả và người cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn với “quy mô thương mại” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy có thể thấy với nội dung mới này thì những quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT của Việt Nam đã phù hợp hơn Hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia[123].

Tuy nhiên những vướng mắc trong thực hiện Điều 131, Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và những quy định mới về “quy mô thương mại” (Điều 170a, Điều 171 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung).

Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự cần phải giải quyết được cụ thể các vấn đề vướng mắc và những vấn đề mới trong việc xử lý loại tội danh này. Đặc biệt, cần giải thích cụ thể “quy mô thương mại” ở Điều 170a và Điều 171 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009.

Điều 61 Hiệp định TRIPs quy định: “Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc vi phạm bản quyền với quy mô thương mại (commercial scale)... Các thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác vi phạm quyền SHTT, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm với quy mô thương mại”. Tuy nhiên, Hiệp định TRIPs cũng có quy định loại trừ tại Điều 60 khi hàng hoá được coi là nhập khẩu với số lượng nhỏ thì “các thành viên có thể không áp dụng các quy định của Hiệp định TRIPs đối với những hàng hoá phi thương mại với số lượng nhỏ, là hành lý cá nhân hoặc gửi với số lượng nhỏ.

Pháp luật hình sự Việt Nam chưa có giải thích thế nào là “quy mô thương mại”, ngay cả Hiệp định TRIPs cũng không giải thích, nên “quy mô thương mại” có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau và được diễn giải bởi các quốc gia để bao gồm các hành vi khác nhau.

  1. Những vấn đề thực tiễn

Trên thực tế, số vụ án xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự đến nay rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ thể quyền do tâm lý “e ngại” muốn vụ việc không quá ầm ĩ nên chủ yếu lựa chọn biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, các cơ quan điều tra cũng có tâm lý e ngại khi áp dụng biện pháp hình sự đối với các vụ việc xâm phạm quyền SHTT do kiến thức, kinh nghiệm áp dụng pháp luật đối với tội phạm xâm phạm quyền SHTT không nhiều. Căn cứ để xác định các yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền SHTT giữa Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đồng bộ, thống nhất.

Hiện nay Điều 131 và Điều 171 Bộ Luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, thay thế bởi Điều 170a (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và Điều 171 (Tội xâm phạm quyền SHCN). Nội dung mới của hai Điều này đã loại bỏ yếu tố gây “hậu quả nghiêm trọng” của hành vi xâm phạm quyền SHTT, Điều 171 đã loại bỏ hành vi xâm phạm những đối tượng SHCN như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp ra khỏi quy định áp dụng chế tài hình sự mà chỉ quy định xử lý hành vi xâm phạm hai đối tượng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Theo đó những người không được phép của chủ thể quyền tác giả và người cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn với “quy mô thương mại” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy có thế thấy với nội dung mới này thì những quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT của Việt Nam đã phù hợp hơn Hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Tuy nhiên, những vướng mắc trong thực hiện Điều 131, Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền SHCN và những quy định mới về “quy mô thương mại” (Điều 170a, Điều 171 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung).

Năm 2006 - 2009, Cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự và quản lý kinh tế chức vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 76 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược, và chỉ đạo Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế địa phương tập trung đấu tranh các đối tượng chuyên sản xuất hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra lực lượng cảnh sát còn phối hợp với các cơ quan thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, đối với các cơ sở xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm (Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.

Thực tiễn xét xử của các vụ vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá cho thấy hầu như các Thẩm phán xét xử thường vận dụng Điều 156 hơn Điều 171 bởi các lý do: thứ nhất, việc điều tra tìm chứng cứ để đáp ứng cấu thành tội phạm của Điều 171 thường rất phức tạp và khó khăn do trình độ chuyên môn của các cán bộ trong ngành chưa cao; thứ hai do mức hình phạt của tội danh này thấp nên các Thẩm phán cũng thường không muốn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thành phố Hà Nội - nơi được xem là có nhiều vụ việc được xét xử liên quan đến tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, thì từ năm 2000 - 2010, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội không thụ lý, giải quyết vụ án nào liên quan các tội xâm phạm quyền SHTT, trong khi đó đã xét xử tới 17 vụ với 41 bị cáo liên quan đến các tội danh thuộc các điều 156 và 157.

Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ xét xử duy nhất 01 vụ (trước khi có Thông tư 01), các toà án khác trong cả nước cũng không xét xử vụ việc nào liên quan đến tội danh xâm phạm quyền SHCN[124]. Phân tích một số vụ việc và bản án, không phải lúc nào những căn cứ pháp lý do các cơ quan tố tụng áp dụng cũng phù hợp với bản chất của sự việc.

Dưới đây là một số ví dụ thực tiễn xét xử của Toà án liên quan đến loại tội danh sản xuất buôn bán hàng giả:

Vụ sản xuất nước mắm giả

Ông NK (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thành lập cơ sở sản xuất nước mắm Do “sinh sau đẻ muộn”, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng. Thấy mọi người thích các nhãn hiệu nổi tiếng như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc - Thanh Châu..., ông đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về làm sạch rồi bơm nước mắm của mình vào để đem bán. Được một thời gian, ông mua chai mới, in nhãn hàng mới có các dấu hiệu, hình thức hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại 1 lít và 1/2 lít.

Công an phát hiện ra các hành vi trên, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sơ của ông K sản xuất. Kết quả giám định ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 mml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với nồng độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai”. Tức là nước mắm của ông K hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông NK đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm và thu lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.

Tháng 2/2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông NK về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tháng 3/2008, Toà án nhân dân huyện mở phiên toà sơ thẩm để xét xử bị cáo NK về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm do cơ sở mà bị cáo đã làm giả nên Toà tuyên phạt bị cáo K 2 năm tù. Ông NK đã kháng cáo.[125]

Vụ sản xuất, buôn bán bột ngọt giả

Do có quen biết từ trước trong việc buôn bán lạc, đậu Nguyễn Thị H và Đỗ Thị D thấy bột ngọt nhãn hiệu MIWON trên thị trường có giá rẻ hơn bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO mặt khác bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO có chất lượng tốt hơn và tiêu thụ nhanh hơn nên khoảng tháng 11/2009 H và D đã bàn nhau sản xuất bột ngọt AJINOMOTO giả với thủ đoạn: D mua 30 thùng bột ngọt nhãn hiệu MIWON tại Siêu thị METRO với giá 12.900.000 đồng (434.000 đ/thùng), sau đó D đã bán 30 thùng MIWON cho H với giá 13.014.000 đồng (hưởng chênh lệnh là 114.000 đồng).

Sau khi mua bột ngọt MIWON của D, H đã bỏ túi bột ngọt nhãn hiệu MIWON và đóng vào túi bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO và sử dụng máy dán mép túi nilông để dán loại.

Số bột ngọt MIWON mua của Đỗ Thị D, Nguyễn Thị H đã sản xuất số lượng bột ngọt giả AJINOMOTO gồm: (i) 101 gói loại 01 kg/gói, đã bán cho D 100 gói giá 36.800 đồng/gói, số tiền là 3.680.000 đồng; (ii) 205 gói loại 454g/gói đã bán cho D 202 gói giá 16.800 đ/gói số tiền là 3.393.600 đồng; (iii) 60 gói loại 410g/gói đã bán cho D 60 gói giá 15.800đ/gói số tiền là 948.000 đồng.

Tổng số D đã trả cho H số tiền là 821.600 đồng.

Còn lại 02 kg bột ngọt MIWON nguyên liệu để đóng gói sang vỏ AJINOMOTO giả H chưa kịp sản xuất.

Số bột ngọt AJINOMOTO giả Đỗ Thi D mua của Nguyễn Thị H đã được D bán lẻ tại chợ như sau: (i) 09 gói loại 01kg/gói giá 37.000 đồng/gói số tiền là 333.000 đồng, được lãi 1.800 đồng; (ii) 60 gói loại 410g/gói giá 16.000 đồng/gói số tiền là 960.000 đồng, được lãi 1.200 đồng.

Số bột ngọt còn lại cơ quan điều tra đã thu giữ được khi D đang trên đường đi tiêu thụ và thu giữ được tại nhà D.

Tại cơ quan điều tra cả D và H đều khai nhận hành vi phạm tội nêu trên. Ngày 27/01/2010, Công ty AJINOMOTO Việt Nam đã có công văn kèm theo bảng báo giá gửi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị xử lý Nguyễn Thị H và Đỗ Thị D theo pháp luật. Giá trị hàng thật tương đương với số lượng hàng giả mà Nguyễn Thị H, Đỗ Thị D sản xuất gây thiệt hại cho Công ty AJINOMOTO Việt Nam như sau: (i) Loại 400g số lượng 65 gói x 17.200 đồng/gói = 1.118.000 đồng; (ii) Loại 454g số lượng 205 gói x 19.100 đồng/gói = 3.915.500 đồng; (iii) Loại 01kg số lượng 101 gói x 39.000 đồng = 3.939.000 đồng. Tổng số là 8.972.500 đồng.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố Nguyễn Thị H, Đỗ Thi D phạm tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên toà xét xử, các bị cáo cũng đã khai nhận tội như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát truy tố, lời khai của bị cáo tại toà và ở cơ quan điều tra là thống nhất, phù hợp với các gói bột ngọt AJINOMOTO thu giữ của các bị cáo sau khi giám định được xác định là bột ngọt AJINOMOTO giả, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã nhận định:

“Từ tháng 11/2009 đến tháng 01/2010 hai bị cáo Đỗ Thị D và Nguyễn Thị H đã mua bột ngọt nhãn hiệu MIWON đóng gói vào túi nilông giả nhãn hiệu AJINOMOTO sản xuất 371 gói bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO giả (gồm 65 gói loại 400 gam và 410 gam, 205 gói loại 454 gam, 101 gói lại 1kg) để mang bán thu lợi bất chính.

Hành vi trái pháp luật nêu trên của các bị cáo Đỗ Thị D và Nguyễn Thị H phạm tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm” và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Hành vi sản xuất hàng giả của các bị cáo được thực hiện bằng cách: mua bột ngọt MIWON có giá thành thấp đóng lẻ vào túi nilon có nhãn mác AJINOMOTO để làm giả bột ngọt AJINOMOTO để bán với giá cao hơn[126].

Toà án đã tuyên bị cáo D 24 tháng tù và bị cáo H 24 tháng tù (cho hưởng án treo), tịch thu để tiêu huỷ toàn bộ số tang vật là các gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO theo khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

  • Một số bình luận

Cả hai vụ việc bị cáo đều bị xử lý hình sự với tội danh sản xuất hàng giả lương thực, thực phẩm theo Điều 157 ở hai thời điểm khác nhau: trước (vụ việc 1) và sau (vụ việc 2) khi có Thông tư 01, nhưng hai vụ án đều được Toà án có chung phán quyết các bị cáo đã có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, nhưng không chứng minh được các bị cáo cố tình sản xuất hàng giả liên quan đến chất lượng, cả hai Toà án đều căn cứ vào hành vi giả mạo nhãn hiệu để quy kết tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả của Điều 157 mà không phải với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 171.

  1. Vụ việc thứ nhất, sản phẩm nước mắm của ông NK đều đạt theo đúng chỉ tiêu trên nhãn mác, không gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, do đó không thể quy kết ông NK sản xuất hàng giả (chất lượng). Ông NK muốn lấy nhãn hiệu nước mắm uy tín, được người tiêu dùng biết đến (Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc - Thanh Châu) để gắn cho sản phẩm do chính ông sản xuất nhằm tiêu thụ nhanh.
  2. Tương tự, vụ việc thứ hai: D và H đã mua sản phẩm thật, một loại bột ngọt cũng có uy tín trên thị trường (mang nhãn hiệu MIWON) để đóng gói gắn với nhãn hiệu mà theo các bị cáo là có uy tín hơn. Trong ý thức của bị cáo không có ý định là làm giả chất lượng sản phẩm của AJINOMOTO mà chỉ lợi dụng tới uy tín của nhãn hiệu này nhằm trục lợi cao hơn. Có thể sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu D và H mua các sản phẩm MIWON gói lớn này để về đóng gói lẻ và gắn nhãn hiệu MIWON hoặc đóng gói không có nhãn mác để bán (chất lượng theo tiêu chuẩn của hãng MIWON vẫn đảm bảo, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng). Tình huống này cũng thường được những người buôn bán nhỏ lẻ thực hiện để đáp ứng nhu cầu mua các gói nhỏ của người tiêu dùng.

Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy tố và Toà án cũng không thể xét xử các bị cáo theo Điều 171 (vụ giả bột ngọt AJINOMOTO), vì theo Thông tư 01 thì tội danh này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: “vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật SHTT và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự: a) Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng”.

Rõ ràng các bị cáo trong vụ việc này đều không thuộc các trường hợp bị truy tố do: lợi nhuận bị cáo thu được, thiệt hại vật chất gây ra cho chủ thể quyền, hay giá trị hàng do các bị cáo sản xuất đều nằm dưới mức quy định theo hướng dẫn của Thông tư số 01.

Một số quan điểm đánh giá cao việc ra đời của Thông tư 01, cho rằng đối với SHTT chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hay sao chép lậu, nghĩa là truy cứu khi đó là những sản phẩm giả mạo về hình thức[127]. Tuy nhiên thực tế cho thấy với những sản phẩm giả mạo SHTT bao giờ cũng gắn liền với việc sản phẩm đó có chất lượng thấp (không có chất lượng tương đương với hàng thật), do đó với những quy định như hiện nay thì rất khó cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền SHTT. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy: từ khi có Thông tư 01 Toà án vẫn không thể áp dụng những hướng dẫn này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền SHTT. Những khó khăn, vướng mắc từ các điều luật đã không được Thông tư số 01 hướng dẫn xử lý triệt để, thậm chí còn làm khó khăn hơn cho việc truy tố, xét xử. Chính vì vậy mà Việt Nam luôn bị các nước thành viên WTO phê phán về khả năng thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự, điều mà Hiệp định TRIPs và các nước thành viên WTO rất quan tâm và coi đó là biện pháp hữu hiệu, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm chống lại tình trạng xâm phạm quyền SHTT hiện nay.

Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, chưa có vụ việc xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng chưa xét xử vụ việc hình sự nào liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền SHTT.

Theo báo cáo của Công ty Gang thép Thái Nguyên tại Hội nghị toàn quốc về thực thi quyền SHTT tổ chức tại Hà Nội tháng 9 năm 2004, trong thời gian từ năm 2000 đến nay, rất nhiều vụ việc về sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái thép TISCO đã được các cơ quan chức năng kết hợp với Công ty Gang Thép TN phát hiện, bắt giữ và xử lý. Tuy vậy, hầu hết các vụ việc chỉ dừng lại ở hình thức xử lý hành chính, chỉ duy nhất có một vụ việc được Toà án nhân dân huyện Đông Anh đưa ra truy tố tại toà hình sự với mức phạt: Phạt tù án treo 12 tháng, thời gian thử thách và cấm kinh doanh 24 tháng, phạt tiền 5 triệu đồng.

Hiện nay Điều 171 đã được thay thế theo Luật số 3l/2009/QH12, nhưng quy định mới này cũng không phân biệt được sự khác nhau về bản chất giữa các loại tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, do đó những vướng mắc nêu trên sẽ còn tiếp tục gây những khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.

4. Biện pháp kiểm soát biên giới

4.1. Những vấn đề pháp lý

Biện pháp kiểm soát biên giới (còn gọi là kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT) được quy định tại Điều 216 của Luật SHTT, bao gồm:

  • Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT: là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
  • Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT: là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền SHTT nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Trường hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa mà phát hiện hàng hoá giả mạo về SHTT thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý.

Khi yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, chủ thể quyền có các nghĩa vụ sau đây:

  • Chứng minh mình là chủ thể quyền SHTT bằng các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật SHTT;
  • Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT hoặc để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT;
  • Nộp đơn cho cơ quan hải quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
  • Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát trong trường hợp hàng hoá bị kiểm soát không xâm phạm quyền SHTT.

Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh, chủ thể quyền phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây: khoản tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó hoặc chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.

Biện pháp kiểm soát biên giới về quyền SHTT cũng được quy định trong một mục riêng trong Luật Hải quan. Tuy nhiên, do luật này được ban hành trước Luật SHTT và trước thời điểm Việt Nam ra nhập WTO, do vậy một số quy định của Luật Hải quan còn thiếu thống nhất với Luật SHTT như: thời điểm tính thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan, việc phân biệt trường hợp đề nghị dài hạn và trường hợp đề nghị cụ thể và phạm vi thực hiện thẩm quyền mặc nhiên của cơ quan hải quan đối với hàng hoá xâm phạm quyền. Đồng thời, Luật Hải quan chưa quy định cụ thể đối với trường hợp cho phép mang hàng hoá về bảo quản có lưu lại mẫu tại cơ quan hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT quy định tại Điều 52.2 Hiệp định TRIPs.

Theo quy định tại Điều 57, 58 Luật Hải quan 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật SHTT 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hiện nay, cơ quan Hải quan không chỉ tạm dừng làm thủ tục Hải quan khi có đơn đề nghị của chủ thể quyền SHTT mà chủ sở hữu quyền SHTT còn có quyền đề nghị kiểm tra, giám sát dài hạn để cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, có quyền tạm dừng làm thủ tục nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, cơ quan Hải quan còn có trách nhiệm bảo vệ tài sản trí tuệ ngay cả trong trường hợp tự mình phát hiện có vi phạm quyền SHTT. Hơn nữa, quy định chủ thể quyền SHTT phải cung cấp những thông tin như: thông tin về người nhập khẩu, về cửa khẩu nhập, bằng chứng... về lô hàng SHTT trong một khoảng thời gian ngắn là không dễ. Trong khi đó pháp luật SHTT cũng như pháp luật hải quan hiện nay chưa có quy định nào cho phép cơ quan Hải quan trên cơ sở các thông tin được cung cấp trước, được chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (thẩm quyền đương nhiên). Thiếu một cơ chế như vậy, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan Hải quan sẽ không được phát huy và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó việc áp dụng quy định về thẩm quyền tạm dừng đương nhiên của cơ quan Hải quan trong việc thực thi quyền SHTT tại biên giới là một trong những thông lệ chung của hải quan các nước trên thế giới.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ của cơ quan Hải quan, cần bổ sung quy định cơ quan Hải quan có thẩm quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

4.2. Những vấn đề thực tiễn

Năm 2006 - 2008, Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan Hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi xách...). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng (theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

Năm 2009, Cơ quan Hải quan trong tập trung nhiều vào công tác chống hàng giả, đã xử lý nhiều vụ xâm phạm nhãn hiệu, tịch thu và tiêu hủy số lượng lớn hàng giả[128], số tiền phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan đã tham gia với hải quan các nước trong khu vực (Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc) triển khai chuyên án Storm (2009 -2011) do Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Interpol chủ trì với mục đích là đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán và vận chuyển các loại thuốc giả trong khu vực. Lực lượng hải quan đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với đại diện một số doanh nghiệp (Puma, Tyco...) để thảo luận xây dựng những biện pháp phối hợp đấu tranh chống hàng giả.

Đến tháng 9/2011, ngành Hải quan đã và đang thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT với gần 330 đối tượng quyền bao gồm: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, các đơn vị Hải quan trong cả nước đã tiến hành kiểm soát và phát hiện hơn 250 trường hợp hàng hoá bị nghi ngờ vi phạm về SHTT, xử lý 30 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm gần 14,2 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước gần 8 tỷ đồng.[129]

III. KẾT LUẬN

Tài sản trí tuệ là một tài sản vô hình, do vậy khi nói đến QSHTT là phải nói đến quyền tài sản và phải có chế độ bảo vệ tài sản đó. Bảo vệ tài sản trí tuệ có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp, song cần chú ý đến việc bảo vệ bằng biện pháp dân sự. Để bảo vệ được tài sản trí tuệ cần có sự phối hợp của nhiều khâu và nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể được công nhận quyền tài sản đối với tài sản trí tuệ của mình thông qua các công đoạn như: nộp đơn, xem xét đơn, cấp văn bằng bảo hộ, giải quyết khiếu nại, tranh chấp để bảo vệ quyền... Đặc biệt, việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp cần phải được coi trọng vì tài sản trí tuệ có đặc điểm là dễ xảy ra tranh chấp do việc sử dụng tài sản trí tuệ hoặc do quá trình đăng ký tài sản đó. Trong điều kiện toàn cầu hóa, những biến đổi cơ bản trong lĩnh vực SHCN của thế giới đã và sẽ tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, do vậy chúng ta cần nhận thức việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự là một việc làm cần thiết, qua đó, phải có sự điều chỉnh chính sách, điều chỉnh pháp luật đối với lĩnh vực này theo quan điểm thực tiễn và phát triển.

Do tài sản trí tuệ có bản chất dân sự nên việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ loại tài sản này luôn được các nước trên thế giới đề cao và được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với biện pháp hành chính bởi biện pháp dân sự đã phần nào đảm bảo được trình tự, thủ tục công khai để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình tại Toà án. Tuy nhiên trong điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay, biện pháp hành chính vẫn là phương tiện hữu ích và được các chủ thể quyền lựa chọn chủ yếu bởi có nhiều lợi thế hơn so với biện pháp dân sự.

Pháp luật hình sự Việt Nam trong việc xử lý các tội danh xâm phạm quyền SHTT cũng đã có những cố gắng để đáp ứng với những yêu cầu hội nhập, tuy nhiên so với tình hình thực tế thì những thay đổi đó chưa kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên những vướng mắc trong thực hiện Điều 131, Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và những quy định mới về “quy mô thương mại” (Điều 170a, Điều 171 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung).

 


 

CHUYÊN ĐỀ 7

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ
BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

  1. Thực trạng pháp luật về xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ

TSTT không chỉ bao gồm các đối tượng SHTT đã được pháp luật bảo hộ mà còn bao gồm những thành quả sáng tạo trí tuệ chưa được bảo hộ pháp lý. Việc bảo hộ pháp lý đối với kết quả sáng tạo trí tuệ là để ghi nhận quyền sở hữu cũng như ghi nhận độc quyền cho chủ thể đối với thành quả sáng tạo trí tuệ đó. Kết quả sáng tạo trí tuệ nếu không được bảo hộ pháp lý có thể dẫn đến khả năng chủ thể mất TSTT của mình, đồng nghĩa với việc những công sức và chi phí cho đầu tư, nghiên cứu không được đền đáp.

Pháp luật SHTT quy định các nguyên tắc phát sinh quyền khác nhau đối với các TSTT, theo đó một số đối tượng SHTT chỉ được Nhà nước bảo hộ khi đã được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một số khác việc bảo hộ không phụ thuộc vào việc đăng ký. Căn cứ vào trình tự, thủ tục xác lập quyền, TSTT có thể được chia thành 2 nhóm: (i) TSTT mà quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục luật định: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Đây là những TSTT mà quyền sở hữu chỉ phát sinh trên cơ sở chủ thể nộp đơn đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này cấp văn bằng bảo hộ; (ii) TSTT mà quyền sở hữu được xác lập tự động cùng với sự ra đời của TSTT: đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; tên thương mại; bí mật kinh doanh; nhãn hiệu nổi tiếng. Đây là những TSTT mà quyền sở hữu phát sinh trên cơ sở sáng tạo ra và sử dụng TSTT, không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa đăng ký xác lập quyền.

Luật SHTT 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá đầy đủ và cụ thể về điều kiện bảo hộ cũng như trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với các đối tượng SHTT, đồng thời, các quy định này cũng bảo đảm tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể sáng tạo, đầu tư thực hiện việc xác lập quyền SHTT của mình, đồng thời cũng là căn cứ để các cơ quan xác lập quyền xem xét khả năng bảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh những mặt tiến bộ, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho việc áp dụng và giải quyết tranh chấp trên thực tế.

  1. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 6 Luật SHTT, quyền SHCN đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập và bảo hộ khi đối tượng được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ. Theo nguyên tắc này, các sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng cho dù được tạo ra hay được đưa vào sử dụng trên thực tế, thì quyền sở hữu đối với các đối tượng đó vẫn chưa được xác lập và chủ sở hữu chưa có được một công cụ pháp lý hữu hiệu được Nhà nước công nhận để bảo vệ các TSTT của mình. Đối với các đối tượng này, quyền SHTT chỉ có thể được xác lập trên cơ sở xem xét đơn đăng ký với điều kiện đơn đăng ký đó đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn (điều kiện) bảo hộ theo luật định.

  • Quy định về điều kiện bảo hộ

Trong các đối tượng SHCN phải đăng ký để xác lập quyền, sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu luôn là những đối tượng chiếm số lượng đơn đăng ký nhiều nhất.

  • Điều kiện bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích

Một trong những điểm khác biệt của pháp luật Việt Nam là mở rộng phạm vi bảo hộ đối với các giải pháp kỹ thuật, theo đó bằng độc quyền không chỉ cấp cho sáng chế mà còn cho giải pháp hữu ích - có thể hiểu đơn giản là một sáng chế ở trình độ thấp hơn. Quy định về cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích có thể xem như một sự “linh hoạt” của Luật SHTT Việt Nam xuất phát từ thực tiễn nền khoa học - công nghệ của nước nhà còn non kém so với thế giới và việc bảo hộ giải pháp hữu ích sẽ khuyến khích, kích thích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và bộc lộ kết quả sáng tạo của các nhà khoa học trong nước.

Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật SHTT hiện nay còn thiếu vắng những quy định liên quan đến giải pháp hữu ích như: Luật SHTT chỉ có định nghĩa về sáng chế mà không có khái niệm “giải pháp hữu ích”; hơn nữa, chỉ có sáng chế được quy định là đối tượng của quyền SHCN tại khoản 2 Điều 3 Luật SHTT, trong khi đó tại Điều 58 quy định sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; pháp luật SHTT cũng chưa quy định rõ đối tượng nào là giải pháp hữu ích. Sự thiếu sót này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính khoa học, thống nhất của văn bản pháp luật mà còn gây ra những khó khăn cho cả những chủ thể sáng tạo lẫn cơ quan xác lập quyền trong quá trình nộp đơn và thẩm định đơn yêu cầu bảo hộ.

Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể hơn về giải pháp hữu ích, cụ thể:

  • Bổ sung khái niệm giải pháp hữu ích: “Là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp”.
  • Bổ sung giải pháp hữu ích vào khoản 2 Điều 3 Luật SHTT, theo đó, nội dung được sửa như sau: “Đối tượng của quyền SHCN bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.
  • Quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu

So với quy định về nhãn hiệu trong các văn bản pháp luật trước đây (BLDS 1995 và Nghị định số 63NĐ/CP năm 1996), quy định về nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 đã có rất nhiều thay đổi tiến bộ, cụ thể:

  • Về định nghĩa nhãn hiệu

Định nghĩa nhãn hiệu tại khoản 16 Điều 4 Luật SHTT 2005: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” đã có sự thay đổi rõ rệt so với định nghĩa được đưa ra tại Điều 785 BLDS 1995 “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Thuật ngữ “nhãn hiệu” được thay thế cho thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hóa” đã khái quát được tất cả các loại nhãn hiệu vì nhãn hiệu không chỉ được dùng cho hàng hóa mà còn được dùng để phân biệt dịch vụ do các tổ chức, cá nhân khác nhau cung cấp. Chức năng của nhãn hiệu cũng được mở rộng đúng với thực tiễn, theo đó nhãn hiệu không chỉ để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại mà để phân biệt hàng hóa, dịch vụ nói chung. Quy định này đã giải quyết được những tranh chấp không đáng có đã từng xảy ra.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu Trường Sinh

Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Foremost, trụ sở ở Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên sản xuất các loại sữa, trong đó có sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu “Trường Sinh” và đã được Cục SHCN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Trường Sinh, trụ sở tại 270, Thuỵ Khuê, Hà Nội sản xuất sản phẩm sữa đậu nành cao cấp cũng lấy nhãn hiệu “Trường Sinh”. Công ty Foremost cho rằng, việc xuất hiện sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu “Trường Sinh” trên thị trường gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, có thể làm cho họ lầm tưởng sữa đậu nành Trường Sinh cũng do Công ty Foremost sản xuất, làm ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng, uy tín của Công ty bị giảm sút. Vì vậy, Công ty sữa Foremost đã kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, yêu cầu buộc Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu này và phải bồi thường thiệt hại bằng 5% tổng doanh thu kể từ khi sản xuất sữa đậu nành mang nhãn hiệu Trường Sinh.

Khi xảy ra vụ tranh chấp nhãn hiệu Trường Sinh, Cục SHTT đã có văn bản kết luận gửi cho Tòa án: Nhãn hiệu Trường Sinh cho sữa đậu nành của công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh tương tự với nhãn hiệu Trường Sinh cho sữa đặc có đường đã được bảo hộ của Công ty Foremost vì hai sản phẩm cùng loại. Căn cứ vào kết luận này của Cục SHCN, trong bản án dân sự sơ thẩm số 08 ngày 09/3/2000 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và bản án phúc thẩm dân sự số 115 ngày 18/9/2000 của Tòa án nhân dân tối cao đều phán quyết: Chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Foremost, buộc công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Trường Sinh” cho sản phẩm sữa đậu nành; bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Foremost vì không đưa ra được chứng cứ về sự thiệt hại.

Mặc dù vụ án đã được hai cấp tòa án xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh không chấp nhận phán quyết trên và đã có đơn thư khiếu nại gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đề nghị hoãn thi hành án và xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, đồng thời khiếu nại tới các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ thương mại, Hội luật gia Việt Nam... và các cơ quan này trong các công văn trả lời của mình đều đề nghị phải xem xét lại vụ tranh chấp này.

Lý do chính mà Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh đưa ra là căn cứ vào quy định của Điều 785 BLDS thì nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt những hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau; các cơ quan như Cục quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế trong văn bản số 469 ngày 08/6/2001 và Cục quản lý thị trường Bộ Thương mại đều xác định hai sản phẩm sữa đặc có đường và sữa đậu nành của hai công ty trên không cùng loại thực phẩm, chúng khác nhau về bản chất, thành phần chất lượng chủ yếu, thành phần cấu tạo, quy trình chế biến, cách sử dụng... Vì hai sản phẩm này khác loại nên các cơ quan này cho rằng Công ty công nghiệp Trường Sinh vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu “Trường Sinh” mà không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá của Công ty Foremost. Điểm mấu chốt mà các bên vẫn còn tranh cãi trong vụ việc này là hai loại sữa mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của hai cơ sở sản xuất kể trên là cùng loại hay không cùng loại.

Theo chúng tôi, dù hai loại sữa này là “cùng loại” theo đánh giá của Cục SHCN và theo nhận định trong hai bản án kể trên, hay “khác loại” theo kết luận của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và Cục Quản lý thị trường thì việc sử dụng cùng một nhãn hiệu Trường Sinh vẫn có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của chúng vì: hai loại sữa này tương tự nhau - đều là sữa - là loại đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cùng mục đích sử dụng; chúng thường cùng được bày bán ở một nơi (cùng kênh tiêu thụ)... Do đó, hàng hoá, hoặc dịch vụ mặc dù không cùng loại nhưng nếu chúng tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau thì cũng không thể sử dụng cùng nhãn hiệu vì rất dễ làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng rằng chúng cùng nguồn gốc, khi đó nhãn hiệu không thực hiện được chức năng phân biệt của mình. Vì vậy, quy định của Điều 785 BLDS: Nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt hàng hoá, dịch vụ “cùng loại” là không mang tính khái quát, dễ gây ra nhận thức không đúng là nhãn hiệu hàng hoá chỉ để phân biệt những hàng hoá dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau, còn nếu hàng hoá không cùng loại thì có thể sử dụng cùng nhãn hiệu mà không vi phạm quyền SHCN như quan điểm của bên Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh trong vụ tranh chấp nêu trên.[130]

Sự mở rộng khái niệm nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 cũng phù hợp với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng vì nhãn hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt nếu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả đăng ký cho các hàng hóa, dịch vụ không tương tự nếu việc sử dụng nhãn hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng.[131]

Tuy nhiên mặc dù khái niệm nhãn hiệu tại khoản 16 Điều 4 Luật SHTT “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” được coi là một sự mở rộng so với quy định của BLDS 1995 trước đây, thì trong điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại khoản 1 Điều 72 Luật SHTT[132] lại thu hẹp khả năng bảo hộ chỉ dành cho các dấu hiệu “nhìn thấy được”. Trên thế giới, hiện nay đã có nhiều nước thừa nhận việc bảo hộ đối với các dấu hiệu “không nhìn thấy được” như dấu hiệu âm thanh hoặc mùi vị. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng không giới hạn khả năng bảo hộ chỉ dành cho những dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng thị giác.[133] Quan điểm của mỗi quốc gia về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, xuất phát từ những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau có thể có những quy định khác nhau. Hiện nay, quy định của Luật SHTT chỉ giới hạn trong việc bảo hộ những nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu nhìn thấy được. Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay, việc mở rộng đối tượng bảo hộ, tạo điều kiện cho các chủ thể trong việc đăng ký nhãn hiệu mà vẫn đảm bảo đáp ứng khả năng phân biệt của nhãn hiệu là điều đặc biệt cần thiết. Vì vậy, các nhà làm luật nên nghiên cứu để mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các chủ thể và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

  • Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu

Đối với việc đăng ký nhãn hiệu, điểm h khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định: “dấu hiệu được đăng ký không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm”. Tương ứng với quy định này, điểm d khoản 1 Điều 95 quy định văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng năm năm liên tục mà không có lý do chính đáng. Việc quy định nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu nhằm tránh tình trạng “đăng ký chiếm chỗ”, tức là đăng ký nhãn hiệu mà không có nhu cầu sử dụng, thậm chí đăng ký với dụng ý ngăn các chủ thể thực sự có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó. Thời hạn năm năm là hợp lý, tạo điều kiện cho chủ thể có đủ thời gian và điều kiện để có kế hoạch dụng nhãn hiệu một cách thích hợp. Ví dụ trường hợp một doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm mới ra thị trường nhiều nước thì trước đó rất lâu, họ phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia dự định nhằm tránh việc bị mất quyền hoặc bị xâm phạm quyền.

Tuy nhiên, quy định này cũng ngăn chặn việc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký (còn được gọi là “nhãn hiệu đối chứng”) nhưng không được sử dụng. Thực tế, cơ quan xác lập quyền không có nghĩa vụ theo dõi, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký, vì vậy dẫn đến thực trạng cơ quan xác lập quyền từ chối đăng ký nhãn hiệu với lý do nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng trong khi nhãn hiệu đối chứng mặc dù có mặt trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Ở Việt Nam, với đặc thù là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp phần lớn là vừa và nhỏ hoặc các hộ kinh doanh cá thể nên khó có điều kiện và khả năng để tìm hiểu liệu nhãn hiệu đối chứng có được sử dụng trong năm năm liên tục không.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát các nhãn hiệu đối chứng không được sử dụng. Về vấn đề này, có thể học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Đối với trường hợp đăng ký nhãn hiệu trên cơ sở “dự định sử dụng”, khi đơn được chấp nhận, chủ thể phải nộp Bản tuyên bố sử dụng nhãn hiệu và sử dụng nhãn hiệu từ 6 tháng đến 1 năm kể từ khi đăng ký để tránh việc mất quyền. Nếu trong thời hạn này mà nhãn hiệu chưa được đưa vào sử dụng thì có thể tiếp tục gia hạn Bản tuyên bố, mỗi lần 6 tháng và phải nộp phí gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 36 tháng. Đối với tất cả các nhãn hiệu, sau năm thứ 5 và năm thứ 9 kể từ khi đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có thông báo gửi tới cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ để chứng minh nhãn hiệu đang được sử dụng tại Mỹ thì mới được tiếp tục duy trì quyền sở hữu nhãn hiệu.[134]

“Nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” là một thuật ngữ được sử dụng trong trường hợp xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Theo điểm g khoản 2 Điều 74 Luật SHTT, nhãn hiệu đăng ký bị coi là không có khả năng phân biệt nếu trùng hoặc tương tự với “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi”. Về tiêu chuẩn, có thể coi như mức độ sử dụng và thừa nhận rộng rãi của loại nhãn hiệu này thấp hơn nhãn hiệu nổi tiếng; tuy nhiên, quyền sở hữu đối với “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” giống như nhãn hiệu nổi tiếng, có thể đạt được trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào việc đăng ký. Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu này chỉ được pháp luật bảo hộ trước những dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự. Quy định này được xem như là một biện pháp phòng ngừa chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng uy tín của các nhãn hiệu đã có danh tiếng trên thị trường, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc bảo hộ những nhãn hiệu có danh tiếng trên thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khi “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” là một trong những tiêu chí để xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu nhưng khái niệm cũng như phương thức xác định nhãn hiệu này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật SHTT, vì vậy gây rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.

“Những dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” đóng một vai trò rất quan trọng đến việc xem xét một dấu hiệu có hay không được bảo hộ là nhãn hiệu. Tuy nhiên thế nào là “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” vẫn chưa được pháp luật xây dựng thành một khái niệm cụ thể. Hiện nay, nội dung của khái niệm này có thể hiểu theo hai hướng:

Cách hiểu thứ nhất: căn cứ theo tên điều luật trong Luật SHTT 2005 thì “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” chính là các trường hợp đã được liệt kê trong Điều 73 Luật SHTT.

Cách hiểu thứ hai: “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” không chỉ là dấu hiệu được quy định tại Điều 73 Luật SHTT mà còn bao gồm những dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ khác. Những dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ khác cụ thể là các dấu hiệu không đáp ứng được điều kiện bảo hộ theo Điều 72 Luật SHTT; các dấu hiệu không có khả năng phân biệt theo Điều 74 Luật SHTT; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia; và cả những trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu khác mà văn bản dưới luật là Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Kkhoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính quy quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN đề cập tới như: dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia...

Trên thực tế, khi đánh giá một dấu hiệu có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu hay không, các thẩm định viên không chỉ dựa vào những quy định ở Điều 73 Luật SHTT mà còn phải xem xét xem dấu hiệu đó có thuộc các trường hợp không được bảo hộ nằm rải rác trong các quy định khác của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn (cụ thể là Thông tư 01/2007 kể trên). Có trường hợp Luật SHTT không quy định dấu hiệu đó không được bảo hộ là nhãn hiệu nhưng trong Thông tư 01/2007 lại quy định. Sự không rõ ràng và thiếu đồng bộ giữa luật và các văn bản hướng dẫn gây nhiều khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu bởi phải tìm ra tất cả các trường hợp ẩn khác để xem xét xem dấu hiệu đăng ký có phù hợp hay không. Đối với chủ thể đăng ký, quy định không rõ ràng, thống nhất của pháp luật có thể dẫn đến cách hiểu sai lệch cũng như tâm lý hoài nghi, mất niềm tin đối với các quyết định cấp hay từ chối cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan xác lập quyền.

  • Quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, xác lập quyền
  • Quy định về quyền đăng ký

Quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 có nhiều thay đổi tiến bộ so với quy định trong các văn bản trước đây. Lần đầu tiên, tại khoản 3 Điều 86 và khoản 5 Điều 87, Luật SHTT quy định về trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu. Đây là một nội dung đã được quy định trong Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN mà Việt Nam là thành viên. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sở hữu chung một đối tượng SHCN, tránh tình trạng tranh chấp không đáng có. Ví dụ: Hai tổ chức cùng hợp tác đầu tư để tạo ra một sáng chế; hay trường hợp vợ chồng, anh chị em muốn đăng ký và sở hữu chung một nhãn hiệu dùng cho sản phẩm, dịch vụ mà họ cùng sản xuất, kinh doanh. Sau đây là một tranh chấp đã có được hướng giải quyết với quy định này của Luật SHTT.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu Tré “Bà Đệ”[135]

Gia đình bà Đệ sinh sống và sản xuất nem tré tại 81 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng từ năm 1956. Đến nay đã trên 50 năm, sản phẩm “Tré Bà Đệ” được nhiều người ưa chuộng và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Đà Nẵng. Năm 1994, bà Đệ qua đời. Trong 6 người con (1 trai, 5 gái) của bà Đệ thì có 2 người con gái là bà Mai Thị Thu Thảo, trú 81 Hải Phòng - thành phố Đà Nẵng (vợ ông Nguyễn Chánh nay đã chết) và bà Mai Thị Thanh Bình, trú K77/2A Hải Phòng - thành phố Đà Nẵng nối nghiệp bà Đệ làm tré. Từ khi bà Đệ mất, cơ sở 81 Hải Phòng của ông Nguyễn Chánh và cơ sở 77 Hải Phòng của bà Thanh Bình vẫn tổ chức sản xuất kinh doanh tré và sản phẩm đều mang nhãn hiệu “Tré Bà Đệ”. Ngày 10/11/2005, ông Nguyễn Chánh đứng tên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” tại Cục SHTT. Sau khi biết tin, ngày 15/09/2006, bà Bình gửi đơn đến Sở Khoc học - Công nghệ Đà Nẵng và Cục SHTT khiếu nại về việc ông Chánh đăng ký độc quyền sử dụng thương hiệu “Tré Bà Đệ” cho sản phẩm tré của mình là không đúng. Ông Chánh cho rằng ông là người nộp đơn đăng ký trước và việc đăng ký hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Về phía bà Bình thì cho rằng việc ông Chánh thực hiện các thủ tục, hồ sơ đăng ký bảo hộ “Tré Bà Đệ” không thông qua gia đình là sự chiếm đoạt SHTT của gia đình bà vì “Tré Bà Đệ” là nghề truyền thống do mẹ của bà để lại cho các con trong gia đình, trong đó có vợ chồng ông Chánh. Ngày 29­/12/2006, Cục SHTT có văn bản trả lời ông Chánh và bà Bình: Đề nghị ông Chánh và bà Bình cùng nhau thương lượng, đi đến thỏa thuận trong việc cùng đứng tên đăng ký và sử dụng nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” hoặc đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Với quy định của Điều 87 Luật SHTT hiện nay, ông Chánh và bà Bình là những người trong gia đình, cùng sản xuất và bán nem Tré có thể thỏa thuận để cùng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này.

Đối với nhãn hiệu tập thể, Điều 87 Luật SHTT 2005 đã quy định người có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể là “tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để cho các thành viên của mình sử dụng”. Quy định này đã khắc phục được tình trạng không rõ ràng trước đây dẫn đến nhiều nhãn hiệu tập thể được cấp nhưng về mặt bản chất chỉ là việc nhiều chủ thể cùng ủy quyền cho một người nào đó đăng ký nhãn hiệu tập thể và cùng sử dụng nhãn hiệu theo một thỏa thuận chung, mà giữa các chủ thể này không có mối quan hệ về mặt tổ chức sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ.

  • Quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được quy định tại Điều 90 Luật SHTT, trong đó quy định trường hợp có nhiều đơn đăng ký sáng chế trùng hoặc tương đương, kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể, nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho một đơn duy nhất theo thỏa thuận của những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đơn đó đều bị từ chối bảo hộ. Thực tế cho thấy, các chủ thể nộp đơn thường không thỏa thuận được, không từ bỏ quyền của mình cũng như không nhượng quyền cho người khác và theo quy định, sau thời hạn 2 tháng kể từ khi có thông báo thẩm định nội dung, nếu người nộp đơn không nộp văn bản thỏa thuận thì các đơn chính thức bị từ chối. Tuy nhiên, Cục SHTT sẽ giải quyết như thế nào nếu sau khi các đơn đăng ký đều bị từ chối, một trong các chủ thể này lại tiếp tục theo đuổi chính đơn đăng ký trước đây, hoặc người thứ ba đăng ký cùng một đối tượng? Nếu Cục SHTT chấp nhận bảo hộ cho trường hợp này thì quyền lợi của người đã nộp đơn đăng ký trước đây không được bảo vệ.

Giải quyết tình huống này, các quốc gia có các giải pháp khác nhau. Ví dụ ở Nhật, nếu các chủ đơn không thỏa thuận được thì sẽ chọn cách bốc thăm để giải quyết, mặc dù có yếu tố may rủi nhưng bảo đảm công bằng cho các bên, tránh khả năng bị người thứ ba sử dụng bất chính. Trong khi đó, Trung Quốc lại áp dụng nguyên tắc “sử dụng đầu tiên”, theo đó văn bằng bảo hộ được cấp cho nhãn hiệu được sử dụng trước. Biện pháp này theo chúng tôi là hợp lý và công bằng hơn cả, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền sẽ mất thời gian và công sức trong việc xem xét các chứng cứ để đưa ra quyết định cuối cùng.

  • Quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền

Điều 119 Luật SHTT quy định về thời hạn xử lý đơn đăng ký SHCN nhưng quy định này dường như không có giá trị trên thực tế vì tình trạng đơn đăng ký không được xử lý đúng thời hạn quy định khá phổ biến. Việc tồn đọng đơn sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi Cục SHTT làm thất lạc hồ sơ đăng ký dẫn đến người nộp đơn phải nộp lại đơn từ đầu. Việc nợ đọng đơn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ví dụ: khi doanh nghiệp muốn quảng cáo cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường thì phải chứng minh nhãn hiệu hay kiểu dáng sử dụng cho sản phẩm đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhưng lại chưa đăng ký được; mặt khác, nếu sản phẩm đã đưa ra thị trường nhưng chưa đăng ký sẽ dẫn đến dễ bị chủ thể cạnh tranh xâm phạm mà không thể bảo vệ.

Quy định về đăng ký nhãn hiệu theo thỏa ước Madrid có một ưu điểm rất lớn, đó là quy định nếu quá thời hạn xét nghiệm đơn (12 tháng) mà cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu không có thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên được coi là đã được bảo hộ tại quốc gia chỉ định. Tuy nhiên cần cân nhắc tính khả thi khi bổ sung quy định này với đơn quốc gia vì lượng đơn quá nhiều, đến mức Cục SHTT khó lòng đáp ứng được thời hạn xét nghiệm, cho dù có thể tăng lên 18 tháng, thậm chí 24 tháng[136].

  1. Xác lập quyền SHTT trên cơ sở tạo ra và sử dụng đối tượng SHTT

Theo Điều 6 Luật SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền SHCN đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh xác lập tự động, không phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

  • Quy định về xác lập quyền tác giả, quyền liên quan

Theo nguyên tắc chung, quyền tác giả và quyền liên quan đương nhiên được xác lập, không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, trừ biệt lệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.[137] Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được định hình hoặc được thực hiện. Nói tóm lại, tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng sẽ tự động được bảo hộ khi nó “ra đời” mà không cần bất kỳ thủ tục đăng ký, nộp bản sao, nộp lệ phí hay bất kỳ yêu cầu nào khác về thủ tục.

Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ tự động cũng sẽ gây ra một số khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Không phải dễ dàng để chứng minh tôi là người tạo ra tác phẩm hay bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đầu tiên - “nguyên gốc”. Vì vậy, hầu hết các quốc gia khuyến khích các nhà sáng tạo đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại cơ quan đăng ký quốc gia như một cơ sở pháp lý chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Ví dụ ở Hoa Kỳ, mặc dù việc bảo hộ quyền tác giả phát sinh tại thời điểm tác phẩm được hoàn thành nhưng chủ sở hữu bản quyền chỉ có thể khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền khi họ đã đăng ký quyền tác giả tại Văn phòng quyền tác giả Hoa Kỳ cấp liên bang. Như vậy có thể hiểu theo pháp luật bản quyền Hoa Kỳ, để có được sự bảo hộ pháp lý đầy đủ đối với quyền tác giả, quyền liên quan thì chủ thể phải đăng ký.

Theo quy định của Luật SHTT, về bản chất, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan chỉ có ý nghĩa như một loại chứng cứ chứng minh khi có tranh chấp chứ không có giá trị để xác định chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Trường hợp có chứng cứ ngược lại, chủ thể vẫn phải đưa ra những chứng cứ khác như: thời gian sáng tạo tác phẩm hay đối tượng của quyền liên quan, bản gốc của tác phẩm... để chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu của mình.

Quy định của Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan còn tồn tại khá nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật cũng như giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan, nổi cộm có một số vấn đề sau:

  • Trong Luật SHTT hiện nay chưa có khái niệm về tác phẩm gốc, mà chỉ có khái niệm về tác phẩm phái sinh, theo khoản 8 Điều 4 Luật SHTT “là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Quy định này mới chỉ mang tính chất liệt kê chứ chưa chỉ ra được các dấu hiệu cơ bản của tác phẩm phái sinh. Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn không có quy định để giải thích các thuật ngữ như: “tác phẩm gốc”, “dịch”, “phóng tác”, “cải biên”, “chuyển thể”, “biên soạn”, “chú giải”, “tuyển chọn”... dẫn đến sự hiểu đa nghĩa đối với các thuật ngữ, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Do đó, xây dựng khái niệm tác phẩm phái sinh là rất cần thiết. Chúng tôi nhất trí với đề xuất về khái niệm tác phẩm phái sinh sau đây của một nhà nghiên cứu[138]: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định”.

  • Luật SHTT sử dụng thuật ngữ “đồng tác giả” nhưng lại không có định nghĩa cụ thể, vì vậy có thể dẫn đến hai cách hiểu và vận dụng khác nhau. Quan điểm 1: hai tác giả trở lên cùng sáng tạo nên một tác phẩm thì họ là các đồng tác giả của tác phẩm đó, không cần có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí. Ví dụ: tác giả của một bản nhạc không lời đã chết. Một người khác đã viết thêm lời cho bản nhạc thành bài hát. Quan điểm 2: Đồng tác giả là từ hai cá nhân trở nên cùng hợp tác để trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Sự hợp tác thể hiện ở việc các tác giả có sự bàn bạc, thỏa thuận về nội dung, kết cấu, hình thức, cách trình bày... tác phẩm và tác phẩm được tạo ra là một thể thống nhất. Do quy định của pháp luật không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến trong thực tiễn có thể áp dụng tùy tiện, không chính xác, thậm chí nhiều tranh chấp không giải quyết được vấn đề quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.

Hiện nay, Luật SHTT dùng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả”. Điều 36 Luật SHTT định nghĩa:“Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”, theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ nắm các quyền tài sản chứ không nắm các quyền nhân thân. Trong khi đó, theo quy định của Luật SHTT, quyền tác giả bao gồm cả các quyền nhân thân và quyền tài sản. Cách sử dụng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” dẫn đến cách hiểu chủ sở hữu nắm toàn bộ các quyền nhân thân và tài sản thuộc quyền tác giả. Vì vậy, thuật ngữ này nên sửa lại cho chính xác là “chủ sở hữu tác phẩm” - là những người có các quyền tài sản liên quan đến tác phẩm như: quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm...

  • Quy định về xác lập quyền đối với tên thương mại

Quyền SHCN đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện thời gian, lãnh thổ, lĩnh vực trong đó tên thương mại đã được chủ thể đó sử dụng. Tuy nhiên trong thực tế, tên thương mại thường trùng hoặc là một bộ phận, hoặc gắn liền với tên doanh nghiệp đã được đăng ký khi tiến hành đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi có tranh chấp liên quan đến tên thương mại thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trong đó có tên doanh nghiệp) là một chứng cứ vô cùng quan trọng.

Theo quy định của Điều 76 Luật SHTT, tên thương mại chỉ được bảo hộ nếu “có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Thực tế áp dụng quy định về xác lập quyền đối với tên thương mại có rất nhiều bất cập.

Quy định về “khu vực kinh doanh”: Khoản 21 Điều 4 Luật SHTT quy định “khu vực kinh doanh” là “khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”. Quy định này chưa thật rõ ràng dẫn đến những cách áp dụng khác nhau trên thực tế. Theo quy định kể trên, “khu vục kinh doanh’’ không hoàn toàn trùng với địa giới hành chính. Trong khi đó, việc quản lý tên thương mại trước đây lại theo địa giới hành chính và căn cứ vào các yếu tố như nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chi nhánh hay nơi doanh nghiệp đặt văn phòng giao  dịch. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, có nghĩa hai doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng khác về phạm vi tỉnh, thành vẫn có thể đăng ký tên thương mại trùng. Trong khi đó theo quy định kể trên của Luật SHTT, “khu vực kinh doanh” không chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của tỉnh, thành mà được xem xét trên phạm vi toàn quốc, thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Vì vậy, hai doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng khác về phạm vi tỉnh, thành, thậm chí khác về phạm vi quốc gia như vụ việc trên mà đăng ký cùng một tên thương mại vẫn có khả năng gây nhầm lẫn và không đáp ứng được điều kiện bảo hộ của tên thương mại theo quy định của Luật SHTT. Rõ ràng là quy định của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký tên doanh nghiệp không thống nhất với quy định về điều kiện bảo hộ tên thương mại trong Luật SHTT, dẫn đến trong thực tế xảy ra rất nhiều tranh chấp liên quan đến tên thương mại. Sau đây là một vụ việc tranh chấp mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có những quan điểm trái ngược nhau về cách giải quyết do quy định không thống nhất của pháp luật.

Vụ tranh chấp tên thương mại - nhãn hiệu TOÀN THẮNG[139]

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Toàn Thắng ở Khánh Hòa và DNTN Toàn Thắng ở Bình Định cùng được Sở Kế hoạch và Đầu tư của hai tỉnh này cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Hai doanh nghiệp cùng mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên quốc lộ 1A và đều sử dụng bảng hiệu “XĂNG DẦU TOÀN THẮNG”. DNTN Toàn Thắng ở Bình Định đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “TOÀN THẮNG” số 56273 ngày 11/08/2004. Doanh nghiệp này đã gửi đơn khiếu nại DNTN Toàn Thắng ở Khánh Hòa về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Cả Cục SHTT và Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa đều thống nhất cho rằng DNTN Toàn Thắng (Khánh Hòa) có dấu hiệu vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu “TOÀN THẮNG” của DNTN Toàn Thắng (Bình Định) vì nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc. Trong khi đó Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa lại có quan điểm ngược lại với lý do DNTN Toàn Thắng ở Khánh Hòa đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) theo đúng Luật Doanh nghiệp; DNTN Toàn Thắng Khánh Hòa đã được cấp GCNĐKKD ngày 12/10/2001 - tức là trước thời điểm DNTN Toàn Thắng (Bình Định) đăng ký nhãn hiệu. Điểm mấu chốt của vụ tranh chấp trên là theo quy định của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP tại thời điểm đó, việc hai doanh nghiệp trùng tên thương mại, kinh doanh cùng một lĩnh vực được Sở Kế hoạch và Đầu tư của mỗi tỉnh cấp GCNĐKKD là đúng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về SHTT (Cục SHTT) cũng không thể tra cứu, kiểm tra xem nhãn hiệu đăng ký có trùng với tên thương mại của chủ thể kinh doanh khác hay không để từ chối những nhãn hiệu trùng với tên thương mại của người khác đã được sử dụng hợp pháp trước ngày nhãn hiệu được đăng ký.

Nhằm khắc phục sự thiếu thống nhất giữa pháp luật về đăng ký kinh doanh và pháp luật SHTT, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 15/04/2010 đã có những sửa đổi cơ bản về đăng ký tên doanh nghiệp. Điều 14 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định về những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp, trong đó khoản 1 quy định: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kỷ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011”. Quy định này đã phần nào giải quyết được mâu thuẫn giữa quy định về đăng ký doanh nghiệp và quy định của pháp luật SHTT liên quan đến điều kiện bảo hộ tên thương mại.

Đồng thời, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP cũng đưa ra hướng giải quyết đối với trường hợp các tên doanh nghiệp đã được đăng ký trùng trước ngày Nghị định này có hiệu lực: “Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nhưng không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này không bắt buộc phải đăng kỷ đổi tên. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp”. Có thể nhận thấy cách giải quyết này không triệt để vì việc đổi tên doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đăng ký trùng tên là không bắt buộc; pháp luật chỉ “khuyến khích” các doanh nghiệp đăng ký đổi tên hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt với các doanh nghiệp trùng tên ở các tỉnh thành khác. Thực tế, việc đổi tên hay bổ sung một yếu tố nào đó vào tên doanh nghiệp là điều mà hầu hết các doanh nghiệp thường không mong muốn (trừ khi ở vào hoàn cảnh bắt buộc) vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, con dấu, bảng hiệu, quảng cáo... có liên quan. Vì vậy, rõ ràng là thực trạng tranh chấp do các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trùng tên thương mại vẫn đang xảy ra mà chưa có cách giải quyết triệt để.

Xung đột giữa bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại: Tên thương mại và nhãn hiệu là những chỉ dẫn thương mại có mối liên quan rất mật thiết vì thành phần tên riêng của tên thương mại thường đồng thời cấu thành nhãn hiệu chính - “house mark” của doanh nghiệp. Cũng theo quy định tại Điều 78 Luật SHTT, tên thương mại chỉ được coi là có khả năng phân biệt nếu: không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Quy định của Luật SHTT về điều kiện bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu đều xác định nguyên tắc chung: tên thương mại không được bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý mà quyền SHCN được xác lập sớm hơn[140]; ngược lại, nhãn hiệu đăng ký cũng sẽ bị từ chối nếu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác[141]. Trên tinh thần đó, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP quy định về cách thức xử lý đối với trường hợp có xung đột giữa tên thương mại và quyền SHCN đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cụ thể, Điều 17 Nghị định này quy định:

“Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền SHCN được thực hiện theo các quy định của pháp luật về SHTT.

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về SHTT. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo hộ quyền SHCN thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên”.

Sự thiếu thống nhất trong hệ thống cơ quan đăng ký SHTT và cơ quan đăng ký tên doanh nghiệp

Một bước tiến bộ đáng kể trong việc đăng ký tên doanh nghiệp là hiện nay chúng ta đã xây dựng được Hệ thống mạng đăng ký doanh nghiệp quốc gia để làm cơ sở tra cứu thông tin về tên doanh nghiệp của các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký SHCN. Tuy nhiên, giữa Cơ quan nhà nước về quản lý kinh doanh và Cơ quan nhà nước quản lý SHTT (Cục SHTT) chưa có nối mạng cơ sở dữ liệu. Việc tra cứu đòi hỏi tốn kém rất nhiều thời gian, công sức, trong khi khối lượng công việc của các cơ quan này rất lớn. Có lẽ vì vậy mà cơ quan đăng ký doanh nghiệp đã đẩy cho doanh nghiệp trách nhiệm tra cứu xem tên doanh nghiệp có trùng hay tương tự với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký trước không và tự chịu trách nhiệm nếu việc đăng ký tên doanh nghiệp vi phạm SHTT. Cơ sở dữ liệu công khai về SHCN do Cục SHTT quản lý (viết tắt là IPLib) không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến khả năng bị trùng hoặc tương tự giữa tên thương mại và nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn có thể xảy ra.

Một vấn đề nữa là hiện nay việc đăng ký doanh nghiệp, trong đó có đăng ký tên doanh nghiệp đang thuộc sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; Bộ Tư pháp quản lý tên thương mại của các tổ chức hành nghề dịch vụ pháp lý; Bộ Công thương quản lý tên doanh nghiệp của các sở giao dịch hàng hóa; Bộ Tài chính quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước quản lý tên thương mại của các ngân hàng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán... Các cơ quan kể trên (ngoại trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều không phải là cơ quan đăng ký kinh doanh mà chỉ là cơ quan cấp giấy phép thành lập (thay cho Giấy đăng ký kinh doanh) nhưng lại không có báo cáo hay thông tin lại cho cơ quan quản lý kinh doanh. Do không có sự thống nhất trong việc quản lý tên thương mại dẫn đến vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp trùng tên thương mại. Trong tương lai, chúng tôi cho rằng việc đăng ký doanh nghiệp cũng như quản lý tên thương mại cần phải quy về một đầu mối để có thể kiểm soát.

  • Quy định về xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Với quy định tại Điều 75 Luật SHTT, có thể xem như một bước tiến của pháp luật Việt Nam khi đã đưa ra được những tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, mặc dù mới chỉ dừng lại ở mức định tính. Tuy nhiên, các tiêu chí này dường như chưa hoàn toàn thống nhât với định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật SHTT “là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Trong khi định nghĩa này chú trọng tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng phải là “nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi” thì một số tiêu chí để xem xét nhãn hiệu nổi tiêng quy định tại Điều 75 Luật SHTT hướng tới nhãn hiệu phải được biết đến ở phạm vi quốc tế - nổi tiếng thế giới như: phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu lưu hành; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng... Trên thực tế, có những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới (đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT) nhưng lại không được nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến; trong khi ngược lại, có những nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi nhưng lại không đáp ứng được tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khi xem xét khả năng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Sau đây là một vụ việc thực tấ.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu “Best buy” và hình[142]

Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc được thành lập năm 1966 tại Hoa Kỳ và liên tục phát triển từ đó đến nay với một chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ nội thất, hàng gia dụng, thiết bị viễn thông, điện tử… tại Hoa Kỳ và châu Âu và là chủ sở hữu nhãn hiệu “Bestbuy” và hình tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là chủ sở hữu trang web www.bestbuy.com. Công ty luôn là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Hoa Kỳ và Châu Âu và thường giữ vị trí thứ 2 trong “top” các nhà bán lẻ trên thế giới do Interbrand bình chọn. Công ty TNHH Lựa chọn hoàn hảo của Việt Nam với tên giao dịch là Bestbuy Company Limited được thành lập năm 2002 tại Việt Nam với ngành nghề sản xuất, buôn bán đồ nội thất, hàng gia dụng, thiết bị viễn thông, điện tử... cũng sử dụng nhãn hiệu “Bestbuy” và hình từ năm 2003, đăng ký tên miền www.bestbuy.com.vn từ 24/03/2003 và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Bestbuy”
và hình cho nhóm 35 ngày 0l/05/2007.

Nhãn hiệu Best buy của Công ty Bestbuy Enterprise Services, Inc

Nhãn hiệu Bestbuy của Công ty TNHH Lựa chọn hoàn hảo

 

Năm 2008, Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc đã thông qua đại diện hợp pháp của mình nộp đơn đến Cục SHTT để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Bestbuy” và hình cho Công ty TNHH Lựa chọn hoàn hảo của Việt Nam với lý do nhãn hiệu này tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc. Vụ việc này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan xác lập quyền vì nếu căn cứ vào các tiêu chí quy định tai Điều 75 Luật SHTT thì nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc có thể coi là nhãn hiệu nổi tiếng và nếu như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH Lựa chọn hoàn hảo sẽ bị từ chối vì nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng tại khoản 20 Điều 4 Luật SHTT thì nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc có thể không được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng vì khó có thể chứng minh nhãn hiệu đó được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi vì Công ty này chưa tiến hành hoạt động thương mại tại Việt Nam. Trong vụ việc này, mặc dù các bên đều đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng minh và thuyết phục cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã 4 năm trôi qua, Cục SHTT vẫn không thể đưa ra quyết định: có công nhận nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc là nhãn hiệu nổi tiếng hay không? Công ty TNHH Lựa chọn hoàn hảo có thể xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật SHTT, quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng nhãn hiệu. Như vậy, một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ mà không cần thủ tục đăng ký hay ghi nhận nào. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành, do quy định của pháp luật chưa đủ cụ thể, rõ ràng, do sự hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm trong việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nên các cơ quan chức năng thường ngần ngại trong việc áp dụng biện pháp xử lý vì họ không chắc chắn nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ có phải nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Về thủ tục xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn thiếu tính cụ thể và hợp lý. Pháp luật đã quy định đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì không cần tiến hành thủ tục đăng ký mà vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, việc xác định một nhãn hiệu nổi tiếng hay không lại phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan và trình độ hiểu biết của những cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, vì vậy mà có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu như đối với loại nhãn hiệu phải tiến hành thủ tục đăng ký, nhãn hiệu được bảo hộ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chủ sở hữu có thể tiến hành nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu thì đối với nhãn hiệu nổi tiếng, vấn đề công nhận và bảo vệ đặt ra khi nào? Theo quy định hiện nay, vấn đề chứng minh một nhãn hiệu là nổi tiếng lại là nhiệm vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu, và hoạt động công nhận và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được thực hiện khi nhãn hiệu bị xâm phạm. Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không thể tiến hành các hoạt động nhằm phòng ngừa hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng mà chỉ có thể lên tiếng bảo vệ nhãn hiệu của mình khi đã có hành vi xâm phạm xảy ra. Điều này là một bất cập lớn trong quy định hiện nay về xác lập quyền SHCN đối với nổi tiếng.

Thực tế nhiều nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chủ thể đành chọn cách thức an toàn là đăng ký như nhãn hiệu thông thường để tránh rủi ro, mặc dù tốn kém thời gian, chi phí đăng ký. Vì vậy, việc quy định thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là cần thiết để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho cả chủ nhãn hiệu và cơ quan thực thi. Tuy nhiên, thủ tục này cần được quy định hợp lý để không trở thành hình thức “đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng” phức tạp, tốn nhiều thời gian, trái với nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.[143] Cụ thể:

  • Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có thể yêu cầu Cục SHTT ra Quyết định công nhận nhãn hiệu của mình là nổi tiếng trên cơ sở cung cấp các tài liệu chứng minh nhãn hiệu đó đã nổi tiếng ở Việt Nam;
  • Việc công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng có thể thông qua một quyết định của Tòa án hay Quyết định của Cục SHTT về một vụ việc cụ thể trong đó có công nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu này;
  • Cục SHTT cần ghi nhận nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục SHTT và phải thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu về việc ghi nhận này. Nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng phải được đăng bạ trong Công báo quốc gia về SHCN;
  • Việc chấm dứt hiệu lực bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng cũng cần được quy định cụ thể vì không phải một nhãn hiệu đã nổi tiếng thì sẽ mãi mãi nổi tiếng. Khi nhãn hiệu đã được công nhận là nổi tiếng nhưng đến thời điểm nó không còn đáp ứng được các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng nữa thì Cục SHTT cần ra văn bản tuyên bố hủy bỏ việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
  1. Thực trạng pháp luật về khai thác thương mại tài sản trí tuệ

Các văn bản pháp luật Việt Nam như: BLDS 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật thương mại 2005, Luật SHTT 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật SHTT), Luật đầu tư 2005, Luật chuyển giao công nghệ 2006 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã bước đầu ghi nhận việc thương mại hóa quyền SHTT như: quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng quyền SHTT quy định trong Luật SHTT, Luật chuyển giao công nghệ; việc góp vốn, đầu tư bằng giá trị TSTT được quy định trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

  1. Trực tiếp khai thác sử dụng TSTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu đối tượng SHTT là độc quyền sử dụng đối tượng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Độc quyền này tạo cơ hội cho chủ sở hữu đối tượng SHTT có thể thu được những lợi ích vật chất từ việc khai thác TSTT nhằm bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong quá trình sáng tạo và phát triển đối tượng SHTT, thúc đẩy đầu tư cho những nghiên cứu, sáng tạo mới.

Tự khai thác, sử dụng là hình thức được áp dụng cho tất cả các TSTT. Theo quy định của Luật SHTT, chủ sở hữu của quyền SHTT có quyền tự khai thác các quyền tài sản (đối với quyền tác giả thì chủ sở hữu còn khai thác được cả quyền nhân thân gắn với tài sản) mà pháp luật quy định. Các hình thức sử dụng của chủ sở hữu rất đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào tính chất của TSTT cũng như mục đích, nhu cầu sử dụng của chủ sở hữu.

  1. Chuyển giao TSTT cho doanh nghiệp khác

Trong bối cảnh thương mại hiện đại, TSTT hay quyền SHTT là loại tài sản có giá trị kinh tế rất to lớn nên việc chuyển giao loại tài sản này là hoạt động phổ biến và quan trọng. Một mặt, loại “hàng hoá đặc biệt” này đòi hỏi phải được vận động, phải được đưa vào trong lưu thông như: mua bán, trao đổi, cho thuê... một cách thuận tiện như các loại hàng hoá khác. Mặt khác, việc chuyển giao TSTT còn đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của chính chủ sở hữu, các chủ thể khác cũng như của toàn xã hội.

Luật SHTT quy định hai phương thức chuyển giao quyền SHTT là chuyển nhượng quyền SHTT và chuyển quyền sử dụng quyền SHTT.

  • Chuyển nhượng quyền SHTT

Chủ sở hữu quyền SHTT cũng giống như chủ sở hữu các tài sản thông thường khác có quyền định đoạt quyền SHTT thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, có nghĩa là chuyển giao vĩnh viễn quyền SHTT của mình cho người khác. Cách thức định đoạt này phù hợp với trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu sử dụng, khai thác hoặc không có điều kiện khai thác TSTT của mình do thiếu vốn đầu tư hoặc các lý do khác, bên cạnh đó có thể giúp chủ sở hữu thu lợi nhuận tức thì, sáng tạo của họ sớm được ứng dụng, tránh được những rủi ro thị trường (ví dụ như sáng chế của họ có thể bị lạc hậu bởi các công nghệ khác).

Chuyển nhượng quyền sở hữu được áp dụng với quyền tác giả và quyền liên quan (tuy nhiên không áp dụng đối với các quyền nhân thân không thể chuyển giao quy định tại Điều 19 Luật SHTT); quyền SHCN đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh. Quyền SHCN đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao vì đây là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu cũng được áp dụng với quyền đối với giống cây trồng.

Do quyền SHTT bị giới hạn về thời gian (liên quan đến thời hạn bảo hộ) nên đối với các quyền SHTT có thời hạn bảo hộ hữu hạn, các bên chỉ được chuyển nhượng quyền này trong thời hạn bảo hộ. Do quyền SHTT bị giới hạn về không gian nên chủ sở hữu quyền SHTT chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi không gian được bảo hộ. Trong trường hợp chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền SHTT, chủ sở hữu thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định nhưng đồng thời quyền SHTT của chủ thể chấm dứt.

Hiện nay, quy định của pháp luật về chuyển nhượng nhãn hiệu, tên thương mại còn điểm bất cập sau:

Theo quy định của khoản 3 Điều 139 Luật SHTT, quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng thành phần tên riêng trong tên thương mại của mình đăng ký làm nhãn hiệu cho các hàng hóa, dịch vụ mà họ sản xuất, kinh doanh. Do đó nhãn hiệu của doanh nghiệp trùng với thành phần phân biệt của tên thương mại. Một vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp có thể chuyển nhượng riêng quyền sở hữu nhãn hiệu (mà trùng với tên riêng của doanh nghiệp) này hoặc ngược lại không? Hoặc doanh nghiệp có thể chuyển nhượng quyền đối với tên thương mại cho chủ thể A và quyền đối với nhãn hiệu cho chủ thể B không nếu nhãn hiệu đó lại cấu thành thành phần tên riêng của tên thương mại? Nếu những tình huống này xảy ra thì sẽ có khả năng người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ vì hai chủ thể sản xuất, kinh doanh khác nhau có tên thương mại trùng với nhãn hiệu của chủ thể kia. Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp này và đây có thể nói là một lỗ hổng của pháp luật trong việc quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu.

Để tránh tình trạng người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu hoặc tên thương mại mà nhãn hiệu trùng với thành phần tên riêng của tên thương mại, theo chúng tôi, pháp luật cần bổ sung quy định:

  • Nếu nhãn hiệu trùng với thành phần tên riêng của tên thương mại thì không được chuyển nhượng riêng nhãn hiệu;
  • Khi chuyển nhượng quyền đối với tên thương mại (cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó) mà thành phần tên riêng của tên thương mại lại trùng với nhãn hiệu thì phải chuyển giao đồng thời quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc chủ sở hữu không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu; hoặc không được chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho chủ thể thứ ba.
  • Chuyển giao quyền sử dụng quyền SHTT

Thay vì chuyển giao quyền sở hữu, chủ thể có thể lựa chọn cách thức chuyển quyền sử dụng quyền SHTT. Với cách thức này, chủ thể vẫn thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định, đồng thời bảo lưu được quyền SHTT. Thoả thuận về việc chuyển quyền sử dụng quyền SHTT phải được xác lập thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN (thường được gọi là Hợp đồng li - xăng). Thông qua hợp đồng này, những chủ thể khác không phải là chủ sở hữu quyền SHTT cũng có quyền sử dụng, khai thác một cách hợp pháp TSTT trong phạm vi, thời hạn các bên thoả thuận.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc chuyển giao quyền SHCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kinh doanh quốc tế. Đây là cách thức cơ bản để các doanh nghiệp nội địa được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu của các công ty nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển được nhận li-xăng từ các nước phát triển.

Bên cạnh các hình thức hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền SHTT độc lập, việc chuyển giao quyền SHTT còn có thể là một bộ phận quan trọng của nhượng quyền thương mại hay hợp đồng chuyển giao công nghệ.

  • Nhượng quyền thương mại

Các quy định về nhượng quyền thương mại được chính thức ghi nhận tại Luật Thương mại 2005 và được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định 35/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại ngày 31/03/2006.

Khoản 1 Điều 284 của Luật Thương mại 2005 đã liệt kê ra các quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT có thể chuyển giao cho bên nhận quyền bao gồm: quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh (hay còn gọi là “bí mật kinh doanh”). Tuy nhiên, ngoài các đối tượng trên thì còn có quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cũng có thể được chuyển giao trong nhượng quyền thương mại nhưng không được quy định trong pháp luật về nhượng quyền thương mại. Trong quá trình thực hiện việc nhượng quyền thương mại, đặc biệt là khi chuyển giao công nghệ sản xuất, bên nhượng quyền có thể sẽ phải cung cấp cho bên nhận quyền các mẫu thiết kế về kiểu dáng của sản phẩm đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và bên nhận quyền được phép sử dụng các kiểu dáng công nghiệp đó. Do vậy, có thể xem đây là một thiếu sót của pháp luật thương mại.

  • Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ quy định: “Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ”. Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ quy định đối tượng công nghệ được chuyển giao bao gồm: (i) Bí quyết kỹ thuật;(ii) Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;(iii) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ. Như vậy, đối tượng của quyền SHTT có thể là đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ, bao gồm cả chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao một phần quyền sử dụng.

  1. Sử dụng TSTT để thương lượng, đàm phán, góp vốn, làm tài sản bảo đảm

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn có thể tiếp cận công nghệ thông qua li-xăng chéo để có thể sử dụng công nghệ của người khác. Quyền SHTT còn có thể sử dụng như tài sản góp vốn thành lập liên doanh hoặc xây dựng các liên minh chiến lược với các công ty khác, thế chấp... Hiện tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều ghi nhận quyền góp vốn, đầu tư bằng giá trị TSTT của các doanh nghiệp nhưng không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quyền đó bằng cách nào và theo thủ tục nào. BLDS thì quy định các nguyên tắc chung về các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản nói chung nhưng không có quy định riêng áp dụng cho TSTT trong khi Luật SHTT chỉ quy định nội dung bảo hộ và thực thi quyền SHTT mà không đề cập cụ thể đến các khía cạnh dân sự, thương mại của TSTT.

  • Quy định về định giá TSTT

Định giá TSTT đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ TSTT, đặc biệt là trong hoạt động thương mại hóa tài sản này. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, các văn bản pháp luật quy định về việc định giá TSTT ở Việt Nam vẫn còn khá sơ sài và chưa đồng bộ. Các quy định nằm rải rác ở các văn bản pháp luật như Luật doanh nghiệp 2005 và một số văn bản của Bộ Tài chính như Chuẩn mực kế toán số 04, Thông tư số 146/2007/TT-BTC, Thông tư số 203/2009/TT-BTC. Những văn bản này hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá TSTT mà chỉ là những quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình.

  1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ tài sản trí tuệ
    1. Biện pháp tự bảo vệ

Biện pháp tự bảo vệ cho phép các doanh nghiệp được tiến hành các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ TSTT. Biện pháp tự bảo vệ được thể hiện trước hết ở việc các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục cần thiết để xác lập quyền đối với các TSTT của mình, đồng thời áp dụng các biện pháp khác (bao gồm cả các biện pháp công nghệ) nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm TSTT. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra, chủ thể quyền có thể lựa chọn các biện pháp tự bảo vệ quyền SHTT của mình như: yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hoặc khởi kiện tại tòa án hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Một điểm rất quan trọng là biện pháp tự bảo vệ thường là biện pháp được áp dụng trước tiên khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, thậm chí có những trường hợp việc chủ thể quyền đã áp dụng biện pháp tự bảo vệ được coi là điều kiện tiên quyết để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính. Ví dụ theo quy định của Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định số 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về SHCN, chủ thể yêu cầu xử lý hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN phải chứng minh bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục “sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn mặc dù đã được chủ thể quyền yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hoặc thay đổi chỉ dẫn đó”[144]; hoặc tiếp tục “sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn thông qua tên miền mặc dù đã được chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoăc chỉ dẫn địa lý thông báo và thỏa thuận với các điều kiện hợp lý nhưng không được chấp nhận”.[145] Qua quy định này có thể khẳng định, biện pháp hành chính chỉ được áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN khi và chỉ khi chủ thể yêu cầu xử lý vi phạm chứng minh được họ đã áp dụng biện pháp tự bảo vệ, cụ thể là đã yêu cầu bên vi phạm chấm dứt việc sử dụng hoặc thay đổi chỉ dẫn gây nhầm lẫn hoặc thông báo và thỏa thuận với bên có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc đăng ký, chiếm giữ tên miền nhưng không đạt được kết quả. Như vậy, biện pháp tự bảo vệ, mà cụ thể là việc thông báo, khuyến cáo bên vi phạm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của họ (có thể kèm theo những yêu cầu nhất định) phải được chủ thể thực hiện trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính.

  1. Biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Nhằm tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp về TSTT, ngày 03/4/2008, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Toà án”.

Luật SHTT năm 2005 đã có một bước tiến bộ vượt bậc khi quy định về các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT ở Điều 205. Theo đó, mức bồi thường thiệt hại về vật chất được tính bằng tổng thiệt hại vật chất được tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào thiệt hại vật chất; giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT, vì giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện. Điều 205 cũng quy định trong trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất thì Toà án có thẩm quyền ấn định mức bồi thường tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá năm trăm triệu đồng. Mức bồi thường về tinh thần trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Trước khi Luật SHTT ra đời, khó khăn lớn nhất trong việc bảo vệ quyền SHTT bằng phương thức dân sự là việc xác định thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi xâm phạm quyền SHTT. Có thể nói, quy định về nguyên tắc và căn cứ xác định thiệt hại trong Luật SHTT là một điểm mới rất quan trọng, lấp đầy khoảng trống về vấn đề này trong BLDS 1995 trước đây. Việc xác định thiệt hại trên cơ sở lợi nhuận thu được của bên xâm phạm hoặc thu nhập hợp pháp bị giảm sút của bên bị thiệt hại tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc tính toán thiệt hại.

Tuy nhiên khi xác định thiệt hại theo những căn cứ này cũng phải lưu ý một số yếu tố như: lợi nhuận thu được là lợi nhuận thu được trước thuế hay sau thuế (vì doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước); mặt khác doanh nghiệp có thể có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau. Vì vậy phải có sự phân định rõ giữa lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm với lợi nhuận thu được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp khác; thu nhập bị giảm sút của bên bị xâm phạm cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân do hành vi xâm phạm như: thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi; hoạt động quảng cáo, maketing chưa hiệu quả... Vì vậy phải xác định chính xác phần thiệt hại nào là do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra.

Tuy nhiên, để quy định này phát huy được hiệu quả trên thực tế, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta cần phải có phương pháp xác định giá trị TSTT. Việc xác định giá trị TSTT không chỉ có ý nghĩa trong việc giúp doanh nghiệp xác định được tài sản thuộc sở hữu của họ mà còn xác định được mức thiệt hại thực tế khi có hành vi xâm phạm quyền. Tuy nhiên, pháp luật nước ta chưa có quy định về phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình nói chung, quyền SHTT nói riêng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật SHTT và Điều 99 BLTTDS, chủ thể quyền SHTT chỉ có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện”. Quy định này không những không phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPs mà còn không bảo đảm được yêu cầu bảo vệ quyền SHTT của chủ thể quyền. Lý do là trên thực tế, nhiều trường hợp chủ thể quyền không muốn khởi kiện (vì muốn bảo vệ bí mật kinh doanh hoặc không muốn ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...) mà họ chỉ muốn Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn hậu quả xấu do hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung vào Điều 206 Luật SHTT trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện hoặc ngay cả khi đương sự không khởi kiện.

Cần bổ sung quy định Tòa án có quyền cho phép nguyên đơn được kiểm tra, tìm kiếm thu thập chứng cứ do bị đơn lưu giữ hoặc tại các cơ sở của bị đơn mà không thông báo trước cho bị đơn (còn được gọi là lệnh Anton Piller được áp dụng tại tòa án của nhiều quốc gia) để bảo đảm ngăn chặn bị đơn tẩu tán hoặc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, tài liệu và những chứng cứ có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Cần bổ sung trách nhiệm bồi thường của tòa án khi có lỗi trong việc không ra hoặc chậm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà gây thiệt hại cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba thì tòa án phải bồi thường.

Cần bổ sung hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện tranh chấp về quyền SHTT

Như chúng tôi đã phân tích trong Chương 1 của Đề tài, do tính chất đặc thù của quyền SHTT là tính “bảo hộ có thời hạn” nên thời hiệu khởi kiện tranh chấp về SHTT không thể áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện nói chung. Đối với các tranh chấp về SHTT, khi quyền SHTT đang còn hiệu lực bảo hộ mà Tòa án lại từ chối thụ lý với lý do “hết thời hiệu khởi kiện” (thông thường là 2 năm) là bất hợp lý và không bảo vệ được lợi ích của chủ thể quyền.147 Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung hướng dẫn về cách xác định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về SHTT như sau:

+ Đối với các tranh chấp về quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19; khoản 2 Điều 29; khoản 2 Điều 122 của Luật SHTT và thì các quyền này được bảo hộ vô thời hạn nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp này.

+ Đối với các quyền nhân thân có thể chuyển giao và các quyền tài sản thì chủ thể quyền SHTT có quyền khởi kiện kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và kéo dài cho đến hết thời hạn bảo hộ (Hình 1).


+ Đối với các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT thì đây là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự nên phải áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 427 BLDS đó là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp (Hình 2a và 2b).

  1. Biện pháp hành chính

So với quy định của Luật SHTT 2005 và Nghị định số 106/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, quy định của pháp luật SHTT hiện nay (cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2009, có hiệu lực vào ngày 01/10/2010 và Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN ngày 21/09/2010) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện qua các vấn đề sau:

Thứ nhất, về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính

Luật SHTT sửa đổi 2009 đã có những sửa đổi căn bản về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Quy định về điều kiện chủ thể quyền phải “thông báo” cho đối tượng vi phạm trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đã bị huỷ bỏ, thay vào đó, biện pháp hành chính được áp dụng khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại” cho tác giả, chủ sở hữu.

Thứ hai, về mức xử phạt

Trước đây, Luật SHTT năm 2005 ấn định mức phạt tiền trong các trường hợp vi phạm hành chính ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được. Quy định này trên thực tế không phù hợp và khó có tính khả thi bởi mức phạt trong nhiều trường hợp có thể quá cao hoặc quá thấp so với hành vi vi phạm. Ví dụ: trong trường hợp giá trị hàng hoá xâm phạm rất thấp do hàng hoá kém chất lượng, không có giá trị sử dụng có nghĩa là hành vi vi phạm càng nghiêm trọng nhưng luật lại xác định mức phạt chỉ bằng giá trị hàng hoá vi phạm nên không có tác dụng răn đe. Ngược lại, hàng hoá xâm phạm có giá trị lớn do bản thân hàng hoá có giá cao, chất lượng không thua kém hàng thật, vì vậy mà yếu tố vi phạm ít nghiêm trọng hơn nhưng mức phạt lại quá lớn dẫn đến không khả thi. Thêm vào đó, quy định này lại mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2008 vì theo văn bản này, Chánh thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền phạt đến 500 triệu đồng.

Luật SHTT sửa đổi 2009 đã có quy định mới về hình thức phạt tiền, theo đó, mức phạt tiền theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 (tối đa đến 500 triệu đồng cho lĩnh vực SHTT) được áp dụng thay vì mức phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hoá vi phạm theo quy định của Luật SHTT 2005 trước đây. Về mức phạt trong Nghị định số 97 cũng có thay đổi, không áp dụng phương pháp tính số lần (1 lần đến 2 lần) như Nghị định số 106/2006/NĐ-CP mà việc xác định mức phạt cụ thể theo giá trị hàng hoá, dịch vụ vi phạm. Quy định này giúp cho hoạt động xử phạt mang tính khả thi và phù hợp với thực tế hơn, bởi vì các quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền SHCN hoặc Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có những mức phạt phù hợp với từng hành vi vi phạm. Trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì mới căn cứ vào giá trị của hàng hoá vi phạm để ấn định mức phạt tiền.

Để đảm bảo tính răn đe trong việc xử lý các đối tượng vi phạm, mức phạt trong Nghị định số 97 có sự phân biệt giữa các chủ thể thực hiện hành vi, cụ thể với đối tượng có hành vi bán, chào hàng, tàng trữ, trưng bày để bán có mức phạt thấp hơn so với chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu, đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ ba, về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị xử lý hành chính

Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN đồng thời được quy định cả trong pháp luật cạnh tranh[146] và pháp luật SHTT.[147] Với quy định tại khoản 3 Điều 211 Luật SHTT “Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”, Luật SHTT đã dẫn chiếu luật áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT là “pháp luật về cạnh tranh”. Tuy nhiên, so với quy định của Luật SHTT 2005, pháp luật cạnh tranh (cụ thể là Luật Cạnh tranh năm 2004 và Nghị định số 120/2005/NĐ-CP) chỉ điều chỉnh hai trong bốn hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN và biện pháp hành chính cũng chỉ được áp dụng để xử lý hai trong bốn hành vi này.

Nghị định số 120/2005/NĐ-CP chỉ quy định việc xử lý đối với hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh là “hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn” và “hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh”. Còn hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật SHTT là: sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó và đăng kí, chiếm giữ, sử dụng tên miền bất hợp pháp không được quy định và không được xử lý bằng pháp luật cạnh tranh. Như vậy, cho đến trước thời điểm Nghị định số 97/2010/NĐ- CP ra đời (ngày 21/09/2010), chế tài xử phạt hành chính không được áp dụng đối với hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật SHTT.

So với Nghị định số 120/2005/NĐ-CP, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 97, chế tài xử phạt hành chính cũng như các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng cho cả bốn dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh và Luật SHTT.

Một điểm mới quan trọng của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP là lần đầu tiên ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp hành chính. Trước khi có văn bản này, việc giải quyết tranh chấp tên miền căn cứ vào Luật Công nghệ thông tin năm 2005 (Điều 76), Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT (Mục 3 Điều 1), Quyết định số 73/QĐ-VNNIC ngày 17/03/2010, theo đó, việc giải quyết tranh chấp tên miền chỉ có 03 hình thức là: (i) khởi kiện tại Tòa án ; (ii) thương lượng hòa giải; (iii) thông qua trọng tài. Điều này có nghĩa là biện pháp hành chính không được áp dụng. Cũng theo những văn bản trên, việc thu hồi, hủy bỏ... tên miền do cơ quan quản lý tên miền “.vn’ là Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện, hoàn toàn không liên quan đến các biện pháp thực thi hành chính.

Nghị định số 97/2010/NĐ-CP tại khoản 10 Điều 14 quy định về hình thức phạt tiền đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền với mức phạt tối đa 20.000.000 đồng và tại khoản 3 Điều 3 quy định về các hình thức xử phạt bổ sung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có hình thức “buộc thu hồi tên miền”. Biện pháp này do Trung tâm Internet Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi: bên yêu cầu xử lý vi phạm và bên vi phạm không đạt được thỏa thuận về biện pháp giải quyết phù hợp; bên vi phạm không chấm dứt hành vi chiếm giữ quyền sử dụng tên miền hoặc sử dụng tên miền.

Thứ tư, về cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm

Nghị định số 97/2010/NĐ-CP đã mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm cho các cơ quan, cụ thể:

Cơ quan thanh tra chuyên ngành về SHTT: Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN; thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan; thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thẩm quyền xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông có thẩm quyền xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN liên quan đến tên miền.

Cơ quan quản lý thị trường: Có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường. Đối với hành vi sản xuất sản phẩm, hàng hóa xâm phạm thì cơ quan Quản lý thị trường không có thẩm quyền xử lý. Cơ quan Quản lý thị trường là lực lượng rất đông đảo và có hệ thống tổ chức đến cấp huyện, thị để đảm bảo việc kiểm soát được toàn bộ việc lưu thông hàng hóa tại thị trường trong cả nước. Do đó đây là lực lượng rất quan trọng để bảo đảm thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính đối với thị trường trong cả nước.

Cơ quan Hải quan: Có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa. Cơ quan Hải quan là lực lượng rất quan trọng không thể thiếu để bảo đảm biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới. Trong quá trình làm thủ tục để xem xét cho thông quan hàng hóa, nếu chủ thể quyền SHTT có đơn yêu cầu xử lý lô hàng nhập khẩu tại hải quan có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT thì Cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.

Cơ quan Công an: Có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi xâm phạm về SHTT và phối hợp với các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan để kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi xâm phạm về Sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền.

UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện: Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan.

Ngoài ra Điều 15 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP còn quy định Cục quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.

  1. Biện pháp hình sự

Điều 212 Luật SHTT quy định: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”. Bộ luật Hình sự 1999 tại Điều 131 quy định tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 171 quy định tội xâm phạm quyền SHCN; riêng hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự do đây là một đối tượng mới. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 đã thay thế Điều 131 bởi Điều 170a (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và sửa đổi Điều 171 về tội xâm phạm quyền SHCN. Như vậy, liên quan đến các tội trong lĩnh vực SHTT, BLHS hiện nay quy định các tội danh bao gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 158); Tội xâm phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (Điều 170); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 a); Tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171).

Riêng nội dung của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 a) và Tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171) trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2009 đã loại bỏ yếu tố gây “hậu quả nghiêm trọng” của hành vi xâm phạm quyền SHTT. Điều 171 đã loại bỏ hành vi xâm phạm những đối tượng SHCN như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp ra khỏi quy định áp dụng chế tài hình sự mà chỉ quy định xử lý hành vi xâm phạm hai đối tượng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Theo đó những người không được phép của chủ thể quyền tác giả và người cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn với “quy mô thương mại” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều kiện để xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đối với vụ án về tội phạm xâm phạm quyền SHTT quy định tại khoản 1 của Điều 131 (nay là Điều 170a) và Điều 171 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Tuy nhiên những vướng mắc trong thực hiện Điều 131, Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền SHCN và những quy định mới về “quy mô thương mại” (Điều 170a, Điều 171 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung).

 


 


 

CHUYÊN ĐỀ 8

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ XÁC LẬP,

KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

  1. Kinh nghiệm về xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp trên thế giới

Với đặc thù về hoạt động cạnh tranh hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ, thành công của doanh nghiệp bao giờ cũng phải được sự hỗ trợ, nếu không nói là có khởi đầu là hệ thống của quốc gia đảm bảo hiệu quả cho tài sản của doanh nghiệp. Vì lẽ đó, trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ trung hạn và dài hạn của mỗi nước, chính sách và pháp luật về đảm bảo tài sản trí tuệ thông qua xác lập quyền đối với loại tài sản này phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở những nước nhận thức vấn đề này một cách đầy đủ là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai thành công hệ thống xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ. Khi đó, các doanh nghiệp có hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc xác lập quyền của mình đối với tài sản trí tuệ. Đây chính là kinh nghiệm quan trọng nhất mà các nước đi trước đã chỉ ra, điển hình như Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản...

Như trên đã phân tích, việc bảo hộ tài sản trí tuệ chủ yếu được thực hiện đối với quyền sở hữu trí tuệ. Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Với việc thừa nhận và bảo vệ các quyền của doanh nghiệp bằng pháp luật, trao quyền độc quyền, cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và người sử dụng tài sản trí tuệ, hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ góp phần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp cũng như nhà hoạt động khoa học, nghệ thuật, kinh doanh - thương mại an tâm đầu tư và cống hiến cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới, cải tiến và đổi mới sản phẩm, từ đó, làm gia tăng giá trị và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, việc tạo ra cơ chế hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên sự cân bằng về lợi ích của các chủ thể trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp, chính là kinh nghiệm quan trọng thứ hai của các nước đảm bảo hiệu quả của hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Hệ thống xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ muốn tốt thì các cơ quan thực hiện việc xác lập quyền và cá nhân làm việc trong các cơ quan này phải tốt. Tuy điều này có vẻ hiển nhiên nhưng kinh nghiệm của các nước phát triển và kém phát triển cho thấy chất lượng của hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ tỷ lệ với chất lượng của cơ quan xác lập quyền. Những cơ quan xác lập quyền mạnh trên thế giới như Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc... được tổ chức, đầu tư và quản lý tốt đã tạo nên các hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ lành mạnh và các doanh nghiệp đã được thụ hưởng thành quả này để tài sản trí tuệ của mình luôn được đảm bảo. Chính vì vậy, kinh nghiệm quan trọng thứ ba của các nước là tổ chức cơ quan xác lập quyền (cơ quan sở hữu trí tuệ) mạnh là yếu tố then chốt cho các hoạt động xác lập quyền của doanh nghiệp.

Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ góp phần đắc lực ngăn chặn các hành vi xâm phạm (nạn sao chép lậu, làm hàng giả, hàng nhái,...) đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp. Ngược lại, chính việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc và bộ máy thực thi pháp luật hiệu quả có vai trò lớn trong xử lý và đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm môi trường pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và tự tin gia nhập các thị trường hàng hoá, dịch vụ trong nước, khu vực và toàn cầu. Như vậy, kinh nghiệm quan trọng thứ tư mà các nước thành công trong các hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp chính là một hệ thống thực thi quyền một cách hiệu quả. Đây chính là động lực cho các hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Quyền sở hữu trí tuệ (tài sản trí tuệ) được xem như một tài sản thương mại quan trọng, là động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Hệ thống bảo hộ mạnh và có hiệu quả đối với các quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố quyết định thúc đẩy việc đổi mới, chuyển giao, thương mại hoá và xuất nhập khẩu công nghệ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, phát triển năng lực công nghệ nội sinh và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Ngược lại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong một môi trường kinh doanh không lành mạnh có thể triệt tiêu những nỗ lực của doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, thương mại hoá và xuất nhập khẩu công nghệ dẫn đến giảm năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là, môi trường kinh doanh lành mạnh là điều kiện không thể thiếu cho việc thúc đẩy các hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Nói cách khác, bài học thứ năm quan trọng của các nước là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Với những bài học kinh nghiệm của các nước được tổng kết ở trên, có thể tìm hiểu thông qua một số ví dụ điển hình của các nước.

  1. Nhận thức đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Ngày nay, thế giới phải thừa nhận sự phát triển kỳ diệu của các doanh nghiệp Hàn Quốc với năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp của bất kỳ nước nào trên thế giới. Sở dĩ có được sự phát triển ngoạn mục này, Hàn Quốc đã có nhận thức hết sức rõ ràng về tài sản trí tuệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, có lẽ Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới đã thành lập Bộ Kinh tế tri thức và có hoạt động hết sức thành công trong việc thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. Điển hình là việc Tập đoàn Samsung đã vươn lên vị trí thứ nhất về số đơn đăng ký sáng chế trên thế giới. Sự kiện này tự thân đã nói lên một cách đầy đủ nhất về thành công của hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Mặt khác, từ sự thành công của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế dựa trên tài sản trí tuệ (quyền sở hữu trí tuệ), Nhật Bản không còn giữ được năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển của mình như trước. Điều này đã khiến Nhật Bản phải tăng cường nhận thức về tài sản trí tuệ. Năm 1997, Chính phủ Nhật Bản ra Báo cáo về Chiến lược quốc gia phục hồi nền kinh tế (report on the national strategy to revive the economy) trên cơ sở đó thông qua Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ trong đó xác định Nhật Bản hướng đến trở thành một dân tộc phát triển dựa vào sở hữu trí tuệ. Để đạt được mục đích này, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật cơ bản về sở hữu trí tuệ năm 2002 (Basic Law on Intellectual Property). Trên cơ sở Đạo luật này, Trụ sở điều hành chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đã được thành lập năm 2003 và là cơ quan điều phối việc triển khai Chương trình chiến lược sở hữu trí tuệ hàng năm của Nhật Bản. Tháng 7/2003, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng “Chương trình chiến lược về sáng tạo, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ”, bao gồm một loạt các biện pháp đồng bộ cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ với sự tham gia của Nhà nước, chính quyền địa phương, các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp.

Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu nâng cao tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu thông qua việc tăng doanh số xuất khẩu hàng hoá dựa trên tài sản trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tăng cường cơ hội thương mại quốc tế và khu vực thông qua việc hài hoà hoá pháp luật nhằm giảm thiểu các rào cản thương mại, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và duy trì các ngành công nghiệp chủ chốt và biến thông tin/tri thức thành một nguồn của cải quan trọng của quốc gia. Một trong những mục tiêu cụ thể là tăng cường số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Nhật Bản cũng như ở nước ngoài. Như vậy, mối quan hệ trực tiếp giữa nhận thức của Chính phủ về tài sản trí tuệ với yêu cầu tăng cường xác lập quyền sở hữu trí tuệ được định hình một cách chắc chắn, làm cơ sở cho sự gia tăng các hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ theo từng năm.

Tiếp bước Nhật Bản, hàng loạt nước trên thế giới đã tăng cường nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó doanh nghiệp có điều kiện và động lực phát triển và xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ví dụ như Hung-ga-ri có một Kế hoạch quốc gia rõ ràng về sở hữu trí tuệ và thúc đẩy hoạt động R&D. Một số cơ quan Chính phủ liên quan điều phối chính sách khuyến khích hoạt động R&D, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ICTs, các hoạt động sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Cơ sở của Kế hoạch này chính là sự kết hợp chặt chẽ các chính sách khác nhau trong một Kế hoạch quốc gia nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của một số ngành hoặc nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, (chẳng hạn như công nghệ thông tin) thông qua việc hỗ trợ của Chính phủ đối với R&D, các khoản vay nhằm thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài, chính sách trả góp các khoản vay (khuyến khích bằng tài chính), sự phân chia trách nhiệm một cách có chiến lược giữa các cơ quan chính phủ liên quan và sự tăng nhanh đáng kể vốn đầu tư cho hoạt R&D. Một điều cần lưu ý là sự kết hợp giữa chính sách và kế hoạch này dựa trên sự phân tích thống kê về SWOT (S - mặt mạnh, W - mặt yếu, O - cơ hội và T - nguy cơ trong nền kinh tế Hung-ga-ri và so sánh với các nước trong khối OECD (đặc biệt là các nước EU mà Hung-ga-ri là thành viên từ 1/5/2004).

Tương tự như vậy, Chiến lược của Đan Mạch về “Chính sách công nghiệp của Đan Mạch. Các xu hướng mới đối với quyền sở hữu công nghiệp” nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp hộ sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp nhanh hơn và rẻ hơn. Chiến lược đó cũng nhấn mạnh rằng việc bảo hộ pháp lý quyền sở hữu trí tuệ phải được thiết lập cùng với sự phát triển công nghệ và sự tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức. Đây chính là cơ sở cho sự gia tăng của hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ của Đan Mạch.

  1. Cơ chế hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên sự cân bằng về lợi ích

Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập từ lâu tại các nước phát triển. Cơ chế bảo hộ càng hiệu quả thì doanh nghiệp càng thu được lợi ích từ việc xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của mình và làm gia tăng mạnh các hoạt động tạo lập và xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Để có thể thấy được sự phát triển toàn diện một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ được xây dựng và phát triển đối với hầu hết các đối tượng sở hữu trí tuệ và đảm bảo việc xác lập quyền một cách hiệu quả. Do hệ thống này quá lớn nên việc phân tích sẽ chỉ dừng ở phần về quyền tác giả và quyền liên quan.

Hệ thống quyền tác giả và quyền liên quan được xây dựng dựa trên nền tảng bảo hộ quy định trong Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Mục 8 của Điều 1 chỉ rõ “Nghị viện có thẩm quyền... thúc đẩy tiến bộ của khoa học và nghệ thuật bằng việc đảm bảo độc quyền cho tác giả và nhà sáng chế đối với các bản viết và phát kiến của mình trong khoảng thời gian hạn chế”. Hệ thống quyền tác giả và quyền liên quan ngày nay được pháp điển hóa trong Tiêu mục 17 của Bộ luật của Hoa Kỳ (United States Code: Title 17).

Các quy định của Tiêu mục 17 không chỉ thuần túy điều chỉnh việc bảo hộ bản quyền và quyền liên quan ở Hoa Kỳ mà nó còn như những chuẩn mực trong việc đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa người sử dụng và tác giả và chủ sở hữu. Nền tảng cho những chuẩn mực này chính là học thuyết “sử dụng hợp lý” (the doctrine of “fair use”). Sự cân bằng lợi ích này tạo nên sự vững chắc của hệ thống bảo hộ quyền, đồng thời là công cụ tuyệt vời thúc đẩy sáng tạo để tạo nên những tác phẩm mới và quyền tác giả sẽ được xác lập. Chính hệ thống bảo hộ quyền tác giả đảm bảo việc xác lập quyền một cách lành mạnh và nghiêm minh nên các đối tượng của quyền tác giả ở Hoa Kỳ đã phát triển để trở thành những ngành công nghiệp thành công, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của Hoa Kỳ. Đó là ngành công nghiệp xuất bản, ngành công nghiệp điện ảnh, ngành công nghiệp phần mềm, ngành công nghiệp nội dung số,...

  1. Xây dựng cơ quan sở hữu trí tuệ mạnh

Cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp của Đan Mạch (DKPTO - Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch) - một nước nhỏ ở Bắc Âu với quy mô dân số chỉ khoảng 6 triệu dân là một cơ quan mạnh cả về quy mô lẫn hoạt động hỗ trợ một cách tích cực đối với việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, DKPTO không chỉ đảm bảo cho các hoạt động xác lập quyền của các doanh nghiệp Đan Mạch mà còn thực hiện các dịch vụ thẩm định thuê cho các cơ quan sở hữu công nghiệp khác trên thế giới, ví dụ dịch vụ thẩm định đơn đăng ký sáng chế của Singapore.

Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch được xây dựng trở một phần của Bộ Kinh doanh và Phát triển Đan Mạch hết sức năng động, hiện đại và định hướng thị trường. Mục tiêu của Cơ quan không chỉ đảm bảo hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu...) mà còn trở thành trung tâm thông tin chiến lược. Chính vì vậy, việc phát triển quan hệ đối tác mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Điều tạo nên sức mạnh cho DKPTO trước tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao và số lượng đáng kể. Hiện nay có khoảng 200 người làm việc cho DKPTO, trong đó trên 100 là kỹ sư và khoảng 50 là chuyên gia pháp lý. Nếu tính tỷ lệ theo dân số thì Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam theo tỷ lệ với DKPTO sẽ là gần 2.600 người mà thực tế hiện nay mới chỉ là khoảng 300 người. Không chỉ ưu thế về số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực của DKPTO đủ sức đảm bảo toàn bộ hoạt động xác lập quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp của Đan Mạch, đồng thời cung cấp hàng loạt dịch vụ chất lượng cao về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, ví dụ: tra cứu đối tượng (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng...); tầm soát các đối tượng được đăng ký trên thế giới;... Chất lượng hoạt động của DKPTO được khẳng định qua Chứng nhân hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000.2008, đảm bảo phù hợp với cả hoạt động của các doanh nghiệp.

Về kinh nghiệm xây dựng hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ được làm rõ trong Mục 4 “Kinh nghiệm về bảo vệ tài sản trí tuệ”. Bên cạnh đó, việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, trên cơ sở đó tạo ra môi trường lành mạnh cho cả hoạt động xác lập quyền có thể nhận thấy sự khẳng định qua thực tiễn xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nước trên thế giới. Những nước có thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh đều đảm bảo tốt nhất việc xác lập quyền của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp không thấy quyền sở hữu trí tuệ là những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, ở các nước có thứ hạng thấp về cạnh tranh, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ lại có nhiều vấn đề, ví dụ tại Việt Nam, không chỉ tình trạng đơn tồn đọng lớn (1 nhãn hiệu để được đăng ký có thể mất 2 đến 3 năm) làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, mà chất lượng xử lý đơn đăng ký cũng còn nhiều điều phải bàn trong khi chưa có được cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả.

  1. Kinh nghiệm về khai thác tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp trên thế giới

Ngày nay, khi tài sản trí tuệ đã trở thành động lực và nguồn tài sản có giá trị rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Chính vì vậy việc các doanh nghiệp có khả năng sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ được hay không? Hiệu quả của hoạt động này như thế nào? được các nước đặc biệt quan tâm và tìm mọi cách để ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp. Kinh nghiệm của các nước chỉ rõ chỉ có đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, tạo lập được tài sản trí tuệ và khai thác thành công tài sản này bởi các doanh nghiệp thì các nước mới đảm bảo sự phát triển của quốc gia mình, hội nhập được với thế giới và đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong các hoạt động kinh tế toàn cầu. Một số kinh nghiệm nổi bật của các nước được tóm tắt dưới đây.

  1. Kinh nghiệm của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Hoa Kỳ hiện nay vẫn là siêu cường số một về mặt kinh tế và quân sự. Điều này thể hiện qua việc Hoa Kỳ sản xuất ra một lượng của cải bằng 1/4 GDP của thế giới trong khi dân số chỉ bằng 1/22 dân số toàn thế giới. Sở dĩ Hoa Kỳ thu được thành công như vậy là do Hoa Kỳ có được các doanh nghiệp mạnh, đi đầu trên thế giới trong việc tạo lập, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ. Bản thân các doanh nghiệp của Hoa Kỳ nhận thức và đặt trọng tâm vào tài sản trí tuệ trong chiến lược phát triển của mình. Song song với việc tự tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ xây dựng được các quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả với các viện nghiên cứu và các trường đại học, nhờ đó hiệu quả kinh doanh tài sản trí tuệ tăng lên mạnh mẽ để luôn giữ vị trí số một trên thế giới.

Hệ thống nghiên cứu và phát triển ở Hoa Kỳ bao gồm các cơ sở nghiên cứu trong các công ty, hàng trăm trường đại học và hơn 700 phòng thí nghiệm liên bang. Kinh phí đầu tư hàng năm cho hệ thống này hiện nay lên tới 400 tỷ USD. Hoa Kỳ đã xây dựng được một cơ sở hoàn hảo cho các nghiên cứu về vật lý hạt nhân, vật lý năng lượng cao, vật lý thiên văn, vật lý chất rắn, sinh học phân tử, nghiên cứu vũ trụ; trên cơ sở đó tạo điều kiện thu hút rộng rãi giới nghiên cứu khoa học cơ bản vào việc giải quyết các vấn đề phức tạp đặt ra cho đất nước.

Hoa Kỳ hiện đã hình thành một hệ thống hợp tác rất chặt chẽ giữa trường đại học-viện nghiên cứu-doanh nghiệp. Hệ thống hợp tác này tồn tại và thể hiện hiệu quả cao là nhờ được thử thách qua quá trình phát triển lâu dài, trong đó quá trình đào thải và chọn lọc được thực hiện một cách khắt khe dựa trên yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Một cột mốc quan trọng đánh dấu sự đột phá trong quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học và viện nghiên cứu là sự kiện thông qua Đạo luật Bayh-Dole. Năm 1980, trước lo ngại về sự giảm sút năng suất và sức ép cạnh tranh với Nhật Bản và Tây Âu, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Bayh-Dole, theo đó, lần đầu tiên các trường đại học, viện nghiên cứu được phép sở hữu đối với những kết quả nghiên cứu do chính quyền Liên bang hỗ trợ dưới hình thức là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế. Chính từ đây, các trường đại học, viện nghiên cứu có cơ hội kiếm lợi nhuận từ việc cấp phép cho các công ty của Hoa Kỳ sử dụng những sáng chế của mình và mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học ngày càng bền vững hơn vì dựa trên lợi ích chung và quan hệ đối tác cùng thắng (win-win partnership).

Trong mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, các trường đại học thực hiện việc nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, công nghệ mới, các loại máy móc, thiết bị mới, tức những tài sản trí tuệ được tạo thành. Từ đó, doanh nghiệp dựa trên vốn và kinh nghiệm kinh doanh của mình để thương mại hóa các kết quả được tạo ra. Đây chính là chìa khóa cho thành công của các hoạt động khai thác tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Trong mô hình này, sức mạnh sáng tạo của viện nghiên cứu, trường đại học được giải phóng làm hình thành nên một thị trường tài sản trí tuệ đích thực, nơi các doanh nghiệp thỏa mãn được nhu cầu đổi mới và phát triển sản xuất và dịch vụ của mình. Kinh nghiệm này của Hoa Kỳ sau đó được hàng loạt nước học tập và phổ biến.

Song song với mối quan hệ đối tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, Chính phủ cũng tích cực tạo môi trường thuận lợi để mối quan hệ đối tác này cũng như các hoạt động khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp hoặc trường đại học, viện nghiên cứu trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Nổi bật trong đó là chính sách ưu đãi về thuế đối với công tác nghiên cứu thử nghiệm công nghệ, theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện để đổi mới và đầu tư phát triển tài sản trí tuệ, qua đó đóng vai trò tạo động lực đổi mới công nghệ trong nền kinh tế.

  1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản nổi tiếng từ lâu với nền kinh tế công nghệ cao dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả của các daonh nghiệp. Hoạt động R&D được phát triển mạnh và đồng bộ cả ở các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như ở các doanh nghiệp. Cuối thế kỷ XX các hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ được tăng tốc bởi chính sách chiến lược dựa trên quyền sở hữu trí tuệ. Nhật Bản đi đầu thế giới trong việc xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và triển khai hiệu quả chiến lược này trong phạm vi toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Chính từ chính sách này, các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển mạnh sang hoạt động dựa vào công nghệ cao và đầu tư cho các hoạt động tạo lập và khai thac tài sản trí tuệ, qua đó tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế Nhật Bản.

Để hỗ trợ và trong quá trình triển khai chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, Nhật Bản đã ban hành các đạo luật mới nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống quy định về tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, điển hình là: Luật thúc đẩy chuyển giao công nghệ (1998), Luật đặc biệt nhằm khôi phục công nghiệp (nổi tiếng với tên gọi Luật Bayh-Dole của Nhật Bản) (1999), Luật liên quan đến tổ chức các trường đại học quốc gia (2003)... Điều quan trọng trong các đạo luật này là việc cho phép việc sở hữu hoặc khai thác các tài sản trí tuệ được tạo ra trong các hoạt động R&D. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn bảo lưu quyền khai thác các tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp các tổ chức thực hiện R&D thì các cơ sở nghiên cứu cần chuyển giao kết quả nghiên cứu cho bên thứ ba khai thác. Chính vì vậy, doanh nghiệp của Nhật Bản có nhiều cơ hội trong việc khai thác tài sản trí tuệ mà không phải do mình trực tiếp đầu tư nghiên cứu và phát triển. Điều này có nghĩa là chính sách của Nhật Bản đã khơi thông nguồn lực của các doanh nghiệp trong việc khai thác tài sản trí tuệ.

  1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Chính sách đúng đắn của Hàn Quốc đã giúp nước này vươn lên trở thành một nước hàng đầu trên thế giới trong việc phát triển và khai thác tài sản trí tuệ thành công. Chìa khóa đầu tiên cho sự thành công là Luật Sáng chế Hàn Quốc (1961), trong đó thể hiện mạnh mẽ sự cam kết của Chính phủ đối với việc đầu tư vào các hoạt động R&D. Điều quan trọng nhất ở đây là việc Chính phủ nhận thức được việc hỗ trợ các hoạt động đổi mới dựa trên công nghệ chưa khai thông được nguồn lực cho việc khai thác tài sản trí tuệ tạo ra. Chính vì vậy, Hàn Quốc xây dựng chính sách phát triển khai thác tài sản trí tuệ dựa vào chính đặc thù của nền kinh tế thị trường, để cho thị trường quyết định và thúc đẩy các hoạt động R&D nên việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ trở nên thành công và hiệu quả cao vì thích nghi và phù hợp với các yêu cầu của thị trường.

Hàn Quốc là nước sớm ban hành quy định hỗ trợ các hoạt động R&D. Luật Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển đã được ban hành từ năm 1972 cho phép các cơ sở nghiên cứu bằng kinh phí của Chính phủ được sở hữu đối với các sáng chế được tạo ra. Đây chính là đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc khai thác tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Như vậy, có thể nói rằng kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc trong việc khai thác tài sản trí tuệ chính là định hướng thị trường của các hoạt động nghiên cứu từ rất sớm, lấy trọng tâm trong nghiên cứu là khai thác thương mại. Khai thác thương mại đồng thời là mục tiêu cao nhất của các hoạt động R&D. Theo định hướng này, Hàn Quốc sau đó tiếp tục ban hành các quy định trong nhiều văn bản quan trọng, điển hình như: Luật về đổi mới KH&CN, Luật về thúc đẩy các doanh nghiệp mạo hiểm, Luật về thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hay Luật sửa đổi Luật Sáng chế... Với những quy định mới, các trường đại học có thể sở hữu các sáng chế được tạo ra trong trường đồng thời có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc khai thác chúng trên cơ sở thành lập các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm. Các doanh nghiệp này sau đó sẽ gia nhập vào đội ngũ các doanh nghiệp thành công của Hàn Quốc trong khai thác tài sản trí tuệ.

  1. Kinh nghiệm của CHLB Đức

Xuất phát từ đặc thù trong nền kinh tế Đức dựa trên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, các hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ có sự can thiệp đáng kể của Nhà nước, đặc biệt khi tư nhân không đầu tư đủ cho nghiên cứu ứng dụng và đổi mới đòi hỏi sự bao cấp của nhà nước và một cơ chế, chính sách và khung pháp lý đầy đủ để hỗ trợ tăng mức đầu tư tư nhân lên nhằm có thể khai thác đầy đủ những lợi ích xã hội từ tài sản trí tuệ được tạo ra. Ngoài ra, sức cạnh tranh quốc tế của Đức từ các sản phẩm công nghệ cao phụ thuộc nặng vào phát triển và phổ biến nhanh các công nghệ mới, tức phụ thuộc cao vào khả năng khai thác tài sản trí tuệ. Chính vì vậy, ngân sách của Đức năm 2010 dành cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 86,3 tỷ USD (bằng khoảng 2,6% GDP), trong đó khu vực doanh nghiệp đóng góp hai phần ba (66%).

Cũng giống như ở Hoa Kỳ, sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu của Nhà nước là rất đáng kể ở Đức. Nhà nước đã tài trợ cho 15 trung tâm nghiên cứu quốc gia có tổng số nhân viên khoảng 24.000 người và ngân sách hàng năm 2,2 tỷ Euro (2004). Để tạo cú hích cho các hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, Đức đã ban hành Luật về sáng chế ngày 18/01/2002, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường quyền và đảm bảo lợi ích cho nhà sáng chế nhằm giải phóng sức sáng tạo và thúc đẩy các hoạt động khai thác sáng chế. Cụ thể, theo Đạo luật mới, nhà sáng chế được phép công bố sáng chế của họ miễn là họ thông báo cho cơ quan làm việc của họ hai tháng trước khi công bố, nhà sáng chế có thể sử dụng không độc quyền sáng chế mà họ tạo ra. Mặt khác, Đạo luật cũng đảm bảo quá trình khai thác được hiệu quả từ góc độ của trường đại học, theo đó trường đại học có thể giữ lại quyền đối với sáng chế để khai thác. Nhìn chung, việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ ở Đức cuối cùng vẫn găn với hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

3. Kinh nghiệm về bảo vệ tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp trên thế

giới

Khi các tài sản trí tuệ được bảo vệ hiệu quả, các doanh nghiệp được tiếp thêm động lực để quyết định đầu tư, phát triển tài sản trí tuệ của mình và ngược lại, môi trường bảo vệ tài sản trí tuệ yếu kém sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp trong việc phát triển, khai thác tài sản trí tuệ. Việc bảo vệ tài sản trí tuệ chủ yếu thực hiện đối với quyền sở hữu trí tuệ do trong số các loại tài sản trí tuệ công cụ bảo vệ về mặt pháp lý hầu như chỉ có đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp được thực hiện theo hai hướng: bảo vệ trong nội bộ doanh nghiệp và bảo vệ bên ngoài doanh nghiệp. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nội bộ doanh nghiệp rất đa dạng và khác nhau giữa các doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô của hoạt động, phạm vi hoạt động, lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, ở đây vẫn có một số kinh nghiệm có thể khai quát chung. Điển hình là việc xây dựng quy chế quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong nội bộ doanh nghiệp. Tất cả các hoạt động liên quan đến đối tượng sở hữu trí tuệ được định hình làm rõ và quy định cụ thể đối với toàn thể cán bộ, nhân viên. Những quy định này làm thành các quy trình tác nghiệp và những quy tắc xử xự trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức bộ phận và cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Ở những doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ và cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ được đào tạo thì các hoạt động sở hữu trí tuệ, từ tổ chức các hoạt động R&D đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, được thực hiện hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất là nhận thức và sự chỉ đạo trực tiếp của những người quản lý cao nhất của doanh nghiệp. Chính sự nhận thức và chỉ đạo này tạo nên tính thống nhất trong hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, các hoạt động đối với tài sản trí tuệ nói chung. Do vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp nên nếu không có sự ủng hộ và chỉ đạo của người quản lý thì các cán bộ chuyên trách cũng như bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ không thể thực hiện được.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khó khăn hơn với các đối tượng bên ngoài, kể cả đối tác lẫn đối thủ cạnh tranh và toàn bộ hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mỗi nước. Với đặc thù của việc nghiên cứu trong đề án, nghiên cứu sẽ tập trung đi sâu vào hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp dựa trên hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của một số nước điển hình. Cụ thể, nghiên cứu tập trung làm rõ kinh nghiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ở nước có điều kiện tương tự với Việt Nam là Trung Quốc để tăng khả năng nghiên cứu, áp dụng cho Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu cũng thực hiện đối với hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở một số nước được lựa chọn theo các tiêu chí khác nhau như trình độ phát triển, mức độ thành công của hoạt động, sự tương đồng về điều kiện... mà kết quả có thể tổng kết thành những bài học kinh nghiệm bổ ích cho hoạt động thực thi tại Việt Nam.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên thế giới là một nhiệm vụ khó khăn cả đối với các nước phát triển. Xuất phát từ đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ, các hoạt động bảo vệ được quy định thống nhất từ trung ương để thuận tiện cho việc quản lý và chỉ đạo, nhằm đạt hiệu quả cao, song nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia được thực hiện tương đối đồng đều ở các khu vực và được tập trung hơn ở một số thành phố lớn nơi các vi phạm diễn ra nghiêm trọng nhất. Về cơ bản những cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ, các biện pháp, chế tài xử lý cũng được áp dụng tương đối thống nhất trên cả nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở các thành phố lớn thuận lợi hơn và có cơ hội tốt hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Với đặc thù này, việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như sau:

a. Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, việc bảo vệ quyền SHTT tốt cần bắt đầu từ sự nhận thức đúng đắn và sự quyết tâm của các cơ quan thực thi và của chính doanh nghiệp.

Nhận thức của các cơ quan chức năng về bảo vệ quyền SHTT

Do quyền SHTT có những đặc thù riêng: tầm quan trọng của các quyền này; khó khăn trong đảm bảo thực thi; tình trạng xâm phạm tràn lan; xung đột lợi ích quốc gia và quốc tế từ việc bảo hộ và thực thi... nên việc bảo vệ các quyền SHTT chỉ có hiệu quả khi có một sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sự cần thiết phải bảo vệ quyền SHTT tại Trung Quốc. Cùng với việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Trung Quốc, nhận thức về vấn đề này ngày càng trở nên rõ ràng và sâu sắc. Trung Quốc thực hiện việc bảo vệ quyền SHTT dựa trên sự huy động rộng rãi tất cả các lực lượng của xã hội để tăng tính hiệu quả mà nòng cốt là các cơ quan thực thi. Doanh nghiệp nắm quyền SHTT và nếu các quyền này và lợi ích liên quan bị vi phạm có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo luật định và nhận được sự bảo hộ về mặt tư pháp thực tế và hiệu quả. Đồng thời, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống các biện pháp mang tính dân sự, hành chính và hình sự và được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan rộng khắp từ trung ương đến cơ sở.

Những nhận thức về bảo vệ quyền SHTT không phải mang tính trừu tượng, hình thức mà là những tuyên bố, cam kết rõ ràng. Chính phủ Trung Quốc đã làm rõ chiến lược thực thi quyền SHTT tại Hội Nghị cấp cao về quyền SHTT và phát triển kinh tế của Trung Quốc ngày 20/4/2004. Trong bài viết phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi chỉ rõ rằng, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng học tập các kinh nghiệm tiên tiến của các nước trên thế giới đối với các biện pháp mà Chính phủ các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế liên quan đã áp dụng để hoàn thiện khả năng quản lý quyền SHTT, cũng như đối với hệ thống quyền SHTT của Trung Quốc, và làm lành mạnh một cách thực tế khả năng thực thi quyền SHTT và bảo vệ các quyền này, qua đó phục vụ việc phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của Trung Quốc.

Các cơ quan tham gia bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc khá nhiều và tạo thành một hệ thống phức tạp. Trên cơ sở bản chất của hoạt động, các cơ quan này có thể chia thành 2 nhóm: các cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính.

Các cơ quan tư pháp: Các cơ quan tư pháp tham gia bảo vệ quyền SHTT tạo thành hệ thống Tòa án thống nhất. Đây là hệ thống cơ quan có vai trò tối quan trọng và có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng đối với các vụ, việc liên quan đến quyền SHTT. Hệ thống Tòa án gồm 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân cấp cao (High People's Courts) của các tỉnh; các tòa án nhân dân cấp trung (Intermediate People's Courts) của các thành phố lớn; và các tòa án nhân dân cấp đầu tiên (Primary People's Courts) được tổ chức tại các quận huyện.

Khi nhận thức được bản chất đặc trưng của các vụ án về quyền SHTT và bản chất tiên tiến của các công nghệ gắn với các quyền này, năm 1992 Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận cho tổ chức trong cơ cấu của Tòa án nhân dân ở một số tỉnh và thành phố tự trị trực tiếp trực thuộc Chính phủ trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam Tòa SHTT để đáp ứng nhu cầu của các khu vực này. Sang năm 1993, nhiều Tòa án nỗ lực thiết lập Tòa SHTT bên cạnh các tòa dân sự, hình sự và hành chính để chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc về SHTT. Tòa án nhân dân tối cao thành lập Tòa này vào tháng 10 năm 1996 với tên gọi là Tòa (Bộ phận) Dân sự số 3. Việc tăng cường của các tòa án đối với giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền SHTT, cũng như tối ưu hóa hệ thống Tòa án là những đảm bảo quan trọng cho việc giải quyết các vụ việc của Tòa án nhân dân chính xác và hiệu quả. Đến cuối năm 2000, Tòa này được thành lập tại Tòa án nhân dân cấp cao Bắc Kinh và tại 13 Tòa án nhân dân cấp cao khác như Thượng Hải, Quảng Đông...

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân cấp trung ở tất cả các khu vực kinh tế đặc biệt, cũng như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng thiết lập các tòa SHTT. Tòa án nhân dân cấp trung ở các thành phố thủ phủ của các tỉnh khác, thành phố và vùng tự trị cũng thiết lập các bộ phận chuyên trách đối với các vụ án liên quan đến bảo hộ quyền SHTT. Cho đến năm 2000, Tòa SHTT đã được tổ chức tại 30 Tòa án nhân dân cấp trung ở các thành phố như: Thâm Quyền, Nam Ninh; và 4 Tòa án nhân dân cấp đầu tiên ở các khu phát triển kinh tế công nghệ cao.

Đến nay, khuynh hướng thành lập Tòa chuyên trách về SHTT tiếp tục được củng cố và có thể mở rộng ra tất cả các Toà án nhân dân cấp cao và cấp trung.

Tòa án ở Trung Quốc không có quyền lập pháp, tuy nhiên theo Hiến pháp, Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải thích luật khi cần thiết (thông tư, thông báo, ý kiến) và những giải thích này được áp dụng như luật. Những giải thích này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc. Đến cuối năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 2l giải thích về mặt tư pháp trực tiếp liên quan đến SHTT, 22 trong đó vẫn còn hiệu lực.

Các cơ quan hành chính: Hoạt động tích cực bảo vệ quyền SHTT của các cơ quan hành chính là một đặc thù lớn của hệ thống thực thi quyền SHTT của Trung Quốc. Khác với nhiều nước, các vụ việc dân sự (tranh chấp quyền, xâm phạm quyền) được giải quyết bởi Tòa án, Trọng tài và người trung gian hòa giải, một số lượng lớn các vụ việc như vậy ở Trung Quốc có thể được giải quyết bởi các cơ quan hành chính về SHTT được chỉ định. Đó là các cơ quan sau:

+ Văn phòng Sáng chế (patent) Nhà nước và các văn phòng sáng chế địa phương được tổ chức ở các thành phố lớn để giải quyết các vụ việc về sáng chế;

+ Cơ quan Quản lý công thương được thành lập ở tất cả các cấp, từ cấp trên của quận, huyện để giải quyết các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa;

+ Cơ quan Nông lâm được tổ chức từ trên cấp tỉnh cho các vụ việc về giống cây trồng mới; và

+ Cơ quan Sáng chế nhà nước có chức năng đối với các vụ việc liên quan đến mạch tích hợp.

Các cơ quan hành chính về quyền SHTT thực hiện chức năng và thẩm quyền nhằm bảo vệ luật và trật tự trong lĩnh vực SHTT, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, làm trung gian hòa giải, giải quyết các trường hợp kể cả những vi phạm quyền SHTT, và bảo vệ lợi ích của quảng đại quần chúng, đảm bảo môi trường kinh tế xã hội tốt.

Các cơ quan hành chính tích cực điều tra các trường hợp xâm phạm quyền SHTT nghiêm trọng theo yêu cầu của người nắm quyền và trên cơ sở trách nhiệm hành chính đối với các vi phạm được quy định trước. Đó là các hành vi sao chép trái phép, làm hàng giả hoặc các hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.

Hải quan cũng có thể coi là một cơ quan hành chính tham gia bảo vệ quyền SHTT. Ngày 01 tháng 10 năm 1995, Quy chế quản lý việc bảo vệ của Hải quan đối với quyền SHTT của Hội đồng Nhà nước có hiệu lực. Quy chế đáp ứng các yêu cầu cơ bản của Hiệp định TRIPs theo các nội dung: phạm vi bảo vệ quyền SHTT bởi Hải quan; quy định cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; thẩm quyền điều tra và xử phạt của Hải quan đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT; đặc biệt là thành lập hệ thống tập trung hóa các quyền SHTT đăng ký tại Hải quan (Centralized IPR Recordation System (CIPRS) - Hiệu quả của hệ thống này thể hiện qua việc thu giữ hàng hóa vi phạm tại Hải quan các cảng chủ yếu dựa trên thông tin của hệ thống này hơn là dựa vào thông tin của người nắm giữ quyền.

Ngoài ra, một số cơ quan hành chính khác cũng có thể tham gia xử lý một số các vi phạm riêng lẻ về SHTT bao gồm: Bộ Công an và các cơ quan công an địa phương; cơ quan quốc gia về giám sát chất lượng; thanh tra và kiểm dịch nhà nước và các cơ quan giám sát kỹ thuật địa phương; Bộ Văn hóa và các cơ quan văn hóa địa phương;...

Vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT

Việc bảo vệ quyền SHTT sẽ hiệu quả nhất khi có sự tham gia của chính doanh nghiệp có các quyền tương ứng bị xâm phạm. Chính vì vậy, trong năm 2003, Chính phủ Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ chế hợp tác và liên lạc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm hoàn thiện hơn môi trường đầu tư nước ngoài, tăng cường đấu tranh với các vi phạm, hàng giả và hàng kém chất lượng, qua đó tăng cường hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Đứng đầu phối hợp trong cơ chế này là Cơ quan quốc gia về Chỉnh đốn và tiêu chuẩn hóa trật tự kinh tế thị trường và có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Cơ quan Công thương nhà nước, Cơ quan nhà nước về Thanh tra chất lượng, Cơ quan nhà nước về Thông tin và xuất bản, Văn phòng kiểm soát thực phẩm và dược phẩm, Cơ quan SHTT Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Trung Quốc. Cơ chế này tạo ra sự liên hệ thường xuyên với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu thập các thông tin về các vấn đề và các khuyến nghị đối với việc đấu tranh chống hàng giả; bảo vệ quyền SHTT; cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài. Thông qua cơ chế này, các cơ quan thực thi đẩy nhanh việc hợp tác trong đấu tranh chống vi phạm đối với quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đã đạt được những kết quả đáng kể.

Các biện pháp bảo vệ TSTT

  • Biện pháp hành chính:

Bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc theo các thủ tục hành chính rất đơn giản và thuận tiện. Các vụ án được nhanh chóng chuyển cho những cán bộ có thẩm quyền để giải quyết, việc điều tra có thể được thực hiện ngay sau đó và do đó hiệu quả đạt được sẽ cao.

Trong số các cơ quan hành chính tham gia bảo vệ quyền SHTT, các cơ quan công thương đóng vai trò rất quan trọng trong phối hợp với các chi nhánh địa phương của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng tiến hành chiến dịch cao điểm đấu tranh với các vi phạm các thương hiệu nổi tiếng.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính bảo vệ quyền SHTT tại biên giới của Trung Quốc là hải quan. Cơ quan này đã có nhiều nỗ lực để mọi người tin rằng thương mại bất hợp pháp các hàng hóa vi phạm quyền SHTT gây nguy hại cho thị trường cạnh tranh lành mạnh trong nước và cả uy tín quốc tế của Trung Quốc. Để thực hiện nghĩa vụ của mình, hải quan cố gắng tránh việc thu giữ thông qua tăng cường khám xét đối với việc vận chuyển. Thay vào đó, Hải quan Trung Quốc sử dụng hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích rủi ro để đấu tranh với các chuyên vận chuyển bị nghi ngờ. Bên cạnh đó, trong tháng 9 năm 2004 Hải quan Trung Quốc đã thiết lập hệ thống báo cáo và điều tra về quyền SHTT trực tuyên để phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp xuât, nhập khẩu và những người nắm quyền.

Đấu tranh với các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến SHTT không thể thiếu hoạt động của cảnh sát. Ngoài các hoạt động thường xuyên đấu tranh chống các tội phạm về SHTT, cơ quan Cảnh sát thường tổ chức các chiến dịch, tập trung đấu tranh với các tội phạm nếu thấy có dấu hiệu phát triển.

Để hoạt động bảo vệ quyền SHTT của các cơ quan chức năng thu được kết quả thì cần sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ từ phía những người nắm quyền, đặc biệt là các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã có những hoạt động phù hợp để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, giúp họ có những biện pháp bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhât.

Biện pháp dân sự

Trung Quốc tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động hiệu quả của hệ thống Tòa án, trong đó chú trọng đến việc quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh và có thể áp dụng nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đa dạng về bảo vệ các quyền SHTT trong thực tế. Ví dụ, để bảo vệ quyền tác giả, Trung Quốc thường áp dụng các biện pháp hình sự và dân sự. Những người nắm quyền tác giả khi các quyền của mình bị vi phạm có thể sử dụng các biện pháp dân sự, gồm cả phạt tiền, các biện pháp khẩn cấp tạm thời, phá hủy các sản phẩm vi phạm và công bố các quyết định của Tòa án. Khi thiệt hại thực tế khó có thể đánh giá, Tòa án sẽ xác định tổng thiệt hại dựa trên mức độ nghiêm trọng của vi phạm và lỗi của bị đơn trong khoảng 10.000 đến 300.000 nhân dân tệ (khoảng từ 1.200 đến 36.000 USD). Hoạt động của Tòa án nhằm bảo vệ quyền SHTT khá tích cực trên cả ba góc độ: xét xử dân sự (kinh tế), hành chính và hình sự. Trong đó, giải quyết các vụ án dân sự (kinh tế) đang ngày càng giữ vị trí quan trọng.

Biện pháp hình sự

Hoạt động giải quyết các vụ án hình sự của Tòa án Trung Quốc được chú trọng trong những năm qua. Theo Luật Tố tụng hình sự (năm 1996) và các giải thích tư pháp liên quan, người tố cáo có thể báo tin tội phạm về SHTT cho cảnh sát. Cảnh sát có nghĩa vụ mở hồ sơ vụ án để điều tra và truy tố. Người tố cáo có thể kiện trực tiếp tại tòa án và tòa án phải thụ lý và xem xét vụ án, trừ các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự xã hội và lợi ích quốc gia. Nếu Tòa án xác định rằng không có đủ chứng cứ cho việc truy tố hình sự và sự tố cáo có thể được cảnh sát tiếp nhận, trong trường hợp này, Tòa án sẽ chuyển cho cảnh sát. Đơn khởi kiện dân sự có thể được nộp kèm theo với các vụ án hình sự này. Trong thời gian tranh tụng dân sự về xâm phạm SHTT, nếu Tòa án phát hiện ra tội phạm SHTT đã được thực hiện thì Tòa án sẽ chuyển cho cảnh sát để điều tra tiếp. Nếu cơ quan quản lý về SHTT phát hiện ra tội phạm SHTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, họ phải chuyển vụ án cho cảnh sát. Các cơ quan này không được đơn giản chỉ phạt tiền và bỏ qua cho đối tượng phạm tội.

Các quy định nội dung của các tội phạm về SHTT khá rõ ràng và cụ thể. Mục 7 của Bộ luật Hình sự năm 1997 xác định 7 dạng hành vi xâm phạm quyền SHTT, cụ thể như giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký; giả mạo sáng chế; xâm phạm quyền tác giả, bí mật kinh doanh; bán các tác phẩm sao chép bất hợp pháp; làm giả hoặc sản xuất không được phép hoặc bán các sản phẩm mang nhãn hiệu hoặc dấu hiệu đã đăng ký... Tuy nhiên, trong số này không có các chế tài hình sự đối với các hành vi xâm phạm sáng chế chung. Các hình phạt được quy định khá nghiêm khắc. Đối tượng thực hiện tội phạm về SHTT có thể bị xử phạt tù dưới 7 năm tù hoặc quản chế hình sự, với phạt tiền hình sự, hoặc phạt tiền hình sự được quyết định riêng.

Mặc dù Luật Hình sự có nhiều nỗ lực để làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến SHTT, nhưng đối với lĩnh vực phức tạp này vẫn phải để lại nhiều vấn đề, nhất là các tiêu chuẩn chi tiết cho các tòa án quyết định trong các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng tích cực tham gia giải thích các quy định của Luật Hình sự như “bản chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng bán hàng tương đối lớn và lớn” hoặc “một số lớn thu nhập bất hợp pháp”. Cho đến nay, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa ban hành đầy đủ các giải thích liên quan. Đây là một khó khăn đối với các hoạt động xét xử của Tòa án Trung Quốc trong thời gian qua.

Để tăng cường ý nghĩa giáo dục của hoạt động xét xử, các tòa án nhân dân lựa chọn các vụ án điển hình và đưa xét xử trước công chúng, tiến hành các chiến dịch thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hiệu quả xã hội không thể phủ nhận đạt được với các hoạt động giáo dục của các biện pháp trên.

Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

Quyền SHTT tại Hoa Kỳ, nhất là tại New York được coi là có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tính giá trị thực tế của quyền SHTT bị xâm phạm cũng được xếp thứ hạng cao trên thế giới. Nghịch lý này thực ra rất đơn giản và nằm ở mức sống cao và sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ.

Sự tác động của tình trạng xâm phạm quyền SHTT đến thành phố New York là vô cùng to lớn. Theo đánh giá của Văn phòng Giám sát trưởng thành phố, trong năm 2003 23 tỷ đôla đã được dùng mua hàng giả tại thành phố New York, trong khi con số này tại bang New York (không kể thành phố New York) và cả nước lần lượt là 34 tỷ và 287 tỷ. Số liệu này cho thấy thiệt hại của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bị thiệt hại đến mức độ nào liên quan đến TSTT. Hoạt động thương mại trái phép này đã cướp đi của thành phố New York nói riêng khoảng 1 tỷ US$ tiền thuế, và của cả nước là hàng chục tỷ đô la tiền thuế. Điều quan trọng nhất là nếu không cải thiện được tình trạng bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp thì những thiệt hại này tiếp tục tăng và doanh nghiệp sẽ bị suy yếu và ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh. Điều này có thể dễ nhận thấy qua một ví dụ nhỏ. Kẻ cầm đầu một nhóm tội phạm gốc Việt thực hiện hoạt động giết người thuê đã thú nhận kiếm được 13 triệu dollars từ việc bán đồng hồ giả hiệu Rolex và Cartier tại khu Chinatown của thành phố New York cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Những nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền SHTT qua hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng giả có nhiều, song những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn còn không nhỏ ở Hoa Kỳ là:

+ Lượng hàng vận chuyển đến và đi rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la mỗi năm và Hoa Kỳ là thị trường số một trên thế giới.

+ Hoa Kỳ là thị trường có khả năng sinh lợi cao cho hàng giả vì thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ trong nhóm đầu của thế giới.

+ Hoa Kỳ có thuế tiêu thụ cao làm tăng giá các hàng hóa bán lẻ hợp pháp.

+ Hoa Kỳ là nước có dân số đông và một lượng lớn du khách (hàng năm có khoảng gần 50 triệu du khách, trong đó có khoảng 5 triệu du khách nước ngoài) làm phát sinh nhu cầu cao cả đối với hàng hóa hợp pháp và cả đối với hàng giả.

Bảo vệ quyền SHTT tại Hoa Kỳ chủ yếu thông qua việc giải quyết theo trình tự dân sự hoặc hình sự với trụ cột là hệ thống Tòa án. Tuy nhiên, chính quyền liên bang và của từng bang cho rằng vẫn cần thiết nghiên cứu hệ thống biện pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Những biện pháp này và kinh nghiệm triển khai trong thực tế là những bài học rất tốt cho các nơi khác. Điển hình như tại New York, Văn phòng Giám sát trưởng thành phố đã xây dựng hệ thống các đề xuất giúp việc thực thi, đặc biệt là bảo vệ các quyền SHTT cho có hiệu quả, và bao gồm:

+ Xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ cho ngành công nghiệp gồm cả các đại diện của bang New York, thành phố New York và chính phủ Liên bang;

+ Khuyến khích các sáng tạo trong nghiên cứu SHTT và gắn các trung tâm đào tạo với các viện công lập hay tư nhân;

+ Tăng cường giáo dục và sự hiểu biết của công chúng liên quan đến hàng giả, cũng như những quy định về thực hiện để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết khi họ mua hàng của những người kinh doanh trên đường phố;

+ Mở rộng các lợi ích và kỹ thuật tiên tiến của công nghiệp trí tuệ chống làm giả phổ biến như ứng dụng các kỹ thuật được sử dụng trong công nghiệp âm nhạc cho các ngành công nghiệp khác;

+ Tăng cường thực thi các quy định của pháp luật chống công nghiệp làm giả như các quy định bắt buộc về an toàn áp dụng với các cửa hàng bán lẻ;

Đề xuất đầu tiên gắn với việc bảo hộ quyền SHTT trong các doanh nghiệp vì sự hợp tác giữa thành phố và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn hàng giả. Việc triển khai đề xuất này có vai trò rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ vi phạm này. Một số cơ chế hỗ trợ quan trọng tồn tại có thể trợ giúp một cách cơ bản các công ty tư nhân kiểm soát và phòng ngừa hàng giả, cụ thể:

+ Các tổ chức quốc tế như Bộ phận dịch vụ liên quan đến tội phạm thương mại của Phòng Thương mại quốc tế đã phát triển các kỹ thuật tiên tiến giúp nhận dạng hàng giả, cung cấp các cơ sở dữ liệu của các nhà sản xuất và phân phối hàng giả;

+ Các liên minh công nghiệp rộng rãi như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm hay Hiệp hội phim ảnh Mỹ thực hiện hoạt động tập huấn cảnh sát nhận biết hàng giả và khám phá các nguồn hàng giả để trợ giúp các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT;

Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại CHLB Đức

Bảo vệ quyền SHTT tại CHLB Đức khá tốt. Những kết quả đạt được dựa trên một điểm ưu việt của hệ thống bảo vệ quyền SHTT của Đức là hoạt động tranh tụng hiệu quả trong hoạt động của hệ thống Tòa án. Phần lớn các tranh chấp về vi phạm đối với sáng chế dẫn tới việc xét xử. Hơn 50% tất cả các vụ án về sáng chế ở châu Âu được bắt đầu tại các tòa án của Đức. Các quyết định của các tòa án Đức về vi phạm và hiệu lực của văn bằng được công nhận là quan điểm có hiệu lực được đưa ra bởi các cơ quan có thẩm quyền không chỉ trong phạm vi của nước Đức, mà còn cả ở nước ngoài.

Hệ thống Tòa án thực hiện xét xử dân sự của Đức được tổ chức rất chặt chẽ và gồm các cấp sau:

+ Tòa án địa phương (Amtsgerichte) có thẩm quyền đối với các vụ kiện tụng mà giá trị của yêu cầu đến 10.000 Eu.;

+ Tòa án khu vực (Landgerichte) là tòa có nhiệm vụ giải quyết sơ thẩm đối với các vụ án mà yêu cầu vượt trên 10.000 Eu.;

+ Tòa án trên cấp khu vực (Oberlandesgerichte) nhận và giải quyết sơ thẩm các quyết định của Tòa án cấp dưới;

+ Cuối cùng, Tòa án tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof) đặt tại Karlsruhe sẽ giải quyết các kháng cáo, kháng nghị của các tòa cấp dưới.

Nước Đức có truyền thống xây dựng Tòa án chuyên trách trong lĩnh vực SHTT. Điều này đã tạo nên ưu thế theo đó các bên tranh tụng có thể dựa vào các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý rất phức tạp - lĩnh vực SHTT. Tiếp nữa, nguyên đơn và bị đơn có thể tránh được việc tiêu tốn thời gian không cần thiết cho kháng cáo và giải quyết phúc thẩm. Thiết lập các tòa án chuyên trách về SHTT về mặt kỹ thuật có hiệu quả thông qua việc tập trung thẩm quyền vào một số nhỏ Tòa án khu vực đặc biệt (Landgerichte) với tư cách là các tòa sơ thẩm mà nguyên đơn có thể khởi kiện. Bên cạnh đó, Đức còn tổ chức Tòa án đặc biệt hỗ trợ giải quyết một số dạng vụ việc đặc thù cho phù hợp với bản chất của các vụ việc này. Tòa án Sáng chế Liên bang tại Munich có thể được coi là Tòa án đặc biệt đó. Tòa án này về bản chất, nửa là tòa dân sự, nửa là tòa hành chính. Tòa án này là Tòa án cấp trên khu vực và các quyết định của nó có thể được kháng cáo tại Tòa án tối cao Liên bang Đức.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các tòa án chuyên trách của Đức được phân chia phụ thuộc vào các đối tượng của quyền SHTT. Các tòa án khu vực đặc biệt (Landgerichte) thực hiện việc xét xử sơ thẩm đối với các vấn đề liên quan đến sáng chế (tương tự đối với mẫu hữu ích); nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; quyền tác giả.

Với vai trò chủ đạo trong bảo vệ quyền SHTT tại CHLB Đức, Tòa án có thẩm quyền quyết định các biện pháp có tính chất khác nhau. Yêu cầu đối với việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được nộp cho Tòa án khu vực có thẩm quyền, nếu được chấp nhận thì biện pháp được áp dụng rất nhanh, chỉ trong vài ngày. Các biện pháp này thường được cho phép khi hiệu lực của Văn bằng bảo hộ được khẳng định bởi cơ quan có thẩm quyền (tức Cơ quan Sáng chế châu Âu hoặc Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Đức) và vi phạm là rõ ràng và hiển nhiên.

Tóm lại, với hệ thống Tòa án chuyên trách được tổ chức tốt và hiệu quả như trên, các doanh nghiệp ở Đức có được một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền sở hữu của mình đối với sáng chế mà khó có nơi có được. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp tại Đức có được các hoạt động đầu tư cho phát triển TSTT và thành công trong khai thác TSTT vào hàng đầu thế giới và qua đó củng cố vị trí cường quốc xuất khẩu của Đức.

Bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp tại Thái Lan

Cũng giống như các nước trong khu vực có cùng trình độ phát triển, tình hình bảo vệ quyền SHTT chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc xâm phạm quyền SHTT còn xảy ra khá phổ biến. Theo nghiên cứu của Liên minh SHTT quốc tế trong Bản đệ trình lên Đại diện thương mại của Mỹ theo Điều khoản đặc biệt 301, quyền tác giả của Mỹ tại Thái Lan bị vi phạm khá nghiêm trọng qua các số liệu sau: điện ảnh tổn thất 19 triệu US$ (chiếm 50% tổng giá trị thương mại); tương tự, âm nhạc và các bản ghi âm - 15 triệu (40%); chương trình máy tính đối với các phần mềm ứng dụng - 75,5 triệu (84%); chương trình máy tính đối với các phần mềm giải trí - 86,4 triệu (85%); sách - 32,2 triệu. Với một số đối tượng của quyền tác giả bị vi phạm ở Thái Lan, các tác giả của Mỹ đã chịu thiệt hại lên đến 227,9 triệu US$.

Trước thực trạng nêu trên, Thái Lan bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền SHTT phục vụ phát triển của các doanh nghiệp. Bắt đầu bằng Quyết định của Chính phủ Thái Lan vào tháng 11/1996, các bước đi đầu tiên đã được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề tổ chức, qua đó khắc phục việc thiếu hiệu quả, sự phổ biến của các vi phạm, sự cạnh tranh và thiếu phối hợp chung giữa các cơ quan trong hoạt động bảo vệ.

Ngày 01/4/1997, nhóm làm việc liên cơ quan (Văn phòng của Ủy ban hỗn hợp về đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT) bắt đầu hoạt động. Nhóm làm việc chỉ đạo Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan dành ưu tiên hàng đầu cho thực thi các quyền SHTT. Thêm vào đó, các bước tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kiểm soát của Bộ phận điều tra các tội phạm kinh tế cũng được thực hiện, kể cả việc bổ nhiệm chỉ huy trưởng của Bộ phận này nhằm tăng cường những sáng kiến chống nạn sao chép lậu. Chính phủ Hoàng gia Thái Lan liên tục và bền bỉ thực hiện một cách có hệ thống các biện pháp đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT trên tất cả các phương diện. Nỗ lực này của Thái Lan đã được đền đáp đầy đủ. Hoạt động bảo vệ quyền SHTT tại đây đã thu được nhiều kết quả và dần đi vào nền nếp.

Các cơ quan tham gia vào hoạt động thực thi quyền SHTT của Thái Lan bao gồm: Cơ quan SHTT Thái Lan; Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Cục Hải quan; Cục Điều tra đặc biệt; và cơ quan tư pháp là Bộ Tư pháp và Tòa án SHTT và thương mại quốc tế trung ương. Thẩm quyền của các cơ quan này được quy định khá rõ ràng:

+ Cơ quan SHTT Thái Lan thông qua Văn phòng Phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT thực hiện nhiệm vụ phối hợp toàn bộ hoạt động của các cơ quan thực thi quyền SHTT;

+ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thực hiện hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với các tội phạm quy định trong luật hình sự và luật SHTT. Những bộ phận thực hiện chức năng này của cảnh sát là phòng đấu tranh với tội phạm công nghệ và kinh tế và cảnh sát địa phương;

+ Cục Hải quan là cơ quan giám sát và ngăn chặn hoạt động vận chuyển theo thẩm quyền và theo yêu cầu của người nắm quyền đối với hàng hóa vi phạm;

+ Cục Điều tra đặc biệt giải quyết các vụ án hình sự đặc biệt.

Bên cạnh đó, một lực lượng thực hiện nhiệm vụ cơ động được thành lập để thực hiện các cuộc truy quét và bắt giữ sản phẩm sao chép lậu tại các khu vực của Bangkok.

Các cơ quan chức năng của Thái Lan tham gia bảo vệ quyền SHTT trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất; phân phối; và xuất khẩu, nhập khẩu. Về sản xuất, các cơ quan này giám sát chặt chẽ các hoạt động dễ bị lợi dụng để xâm phạm quyền SHTT như việc cấp giấy phép đối với việc nhập khẩu các máy móc sản xuất đĩa CD và giám sát quy trình sản xuất đĩa CD. Về phân phối, Cục SHTT phối hợp với cảnh sát và đại diện của những người nắm quyền SHTT trong đấu tranh chống lại các vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến sao chép trái phép, ở những nơi mà các doanh nghiệp có quyền đã chỉ ra. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhằm tằng cường bảo vệ quyền SHTT.

Triết lý thường thấy trong hoạt động bảo vệ quyền SHTT của Thái Lan là dành ưu tiên cho các cuộc truy quét của cảnh sát, coi các quyền SHTT như những “quyền công”. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của Thái Lan đã chỉ ra rằng, nếu các thủ tục bảo vệ quyền SHTT được quy định đầy đủ dành cho các “quyền tư”, hiệu quả và hoạt động tư pháp có hiệu quả và thông tuệ, thì thủ tục xét xử dân sự có thể tốt và thậm chí tốt hơn so với thủ tục hành chính và hình sự. Với nỗ lực rất lớn của Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại, Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế (Intellectual Property and International Trade Court) đã được thành lập giúp cho hoạt động bảo vệ các quyền SHTT. Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế trung ương chính thức ra mắt vào ngày 01/12/1997. Đây là tòa án chuyên trách đối với các vấn đề SHTT, tuy nhiên theo lý giải của các nhà chuyên môn của Thái Lan, các vấn đề thương mại quốc tế được kết hợp trong tòa này cũng dễ dàng để tiếp cận và giải quyết hơn. Tòa án mới này ra đời với nhiều điểm mới và đặc trưng nổi bật:

+ Việc sử dụng rộng rãi các quy tắc của Tòa làm tăng tính hiệu quả của cơ quan tư pháp (tòa án). Có lẽ đây là quan điểm về cách tiếp cận duy nhất của Hệ thống luật chung để giải quyết các vấn đề “dân sự”;

+ Thẩm quyền xét xử chuyên biệt cả về dân sự lẫn hình sự đối với việc thực thi các quyền SHTT trên toàn quốc;

+ Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, trong đó 2 thẩm phán chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong các vấn đề SHTT và thương mại quốc tế. Thẩm phán thứ ba là người không chuyên về SHTT và thương mại quốc tế. Cách tổ chức hội đồng xét xử như vậy là sự đảm bảo kép của chuyên môn hóa.

+ Đây là lần đầu tiên ở Thái Lan lệnh Anton Piller được quy định. Đây là một dạng đặc biệt của Quyết định sơ bộ theo thẩm quyền của tòa án, và được áp dụng ở nơi có nguy cơ hiện thực khi bị đơn có thể tìm cách hủy bỏ các sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm của họ. Với lệnh Anton Piller, cùng với việc ban hành Quyết định chống lại bị đơn, Tòa án còn ra lệnh cho bị đơn cho phép nguyên đơn (luật sư của nguyên đơn) vào các cơ sở của mình để tìm kiếm, kiểm tra, thu thập những sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm của bị đơn. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp tố tụng dân sự trước xét xử hỗ trợ hoạt động xét xử được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả và công bằng;

+ Cho phép xem xét chứng cứ ở ngoài Tòa án qua truyền hình, kể cả ở hải ngoại, theo yêu cầu;

+ Việc xét xử cả ngày và tiếp diễn được phép thực hiện và có hiệu quả tích cực hơn so với thủ tục xem xét từng phần trước đó;

+ Việc sử dụng lời khai làm chứng và lời khai có tuyên thệ của các nhân chứng có ý nghĩa tích cực đối với vụ án;

+ Có thể yêu cầu và ra lệnh nhanh chóng đối với các quyết định sơ bộ;

+ Khả năng xem xét và thẩm định các chứng cứ của người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan;

+ Có thể sử dụng thủ tục “nhảy cóc” ở nơi việc kháng cáo trực tiếp thuộc Ban SHTT và Thương mại quốc tế của Tòa án tối cao. Đây là cố gắng nhằm tránh sự chậm trễ;

+ Với sự đồng ý của các bên, các chứng cứ dạng tư liệu bằng tiếng Anh không liên quan đến các nội dung chính của tranh chấp có thể không phải dịch ra tiếng Thái;

+ Khả năng áp dụng việc xét xử có sử dụng camera trong các vụ án thích hợp nhằm bảo vệ các quyền SHTT hoặc tránh thiệt hại cho hoạt động kinh doanh quốc tế của các bên;

+ Khả năng mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vấn đề khác bởi các quy định bổ sung tiếp theo.

Khi thực hiện triết lý mới về thực thi quyền SHTT bằng thủ tục dân sự với tư cách là những “quyền tư”, thì đồng thời có những tiến bộ trong luật và thực tiễn của Thái Lan về SHTT nhằm bảo vệ các quyền SHTT như “các quyền công”, đó là:

+ Các hình phạt dành cho các vi phạm đối với quyền SHTT nặng hơn. Hình phạt cao nhất đối với vi phạm quyền tác giả vì mục đích thương mại có thể đến 4 năm tù hoặc phạt tiền đến 800.000 Baht (20.000 US$), hoặc cả hai. Đây là hình phạt khá nặng khi so sánh với hình phạt cho tội trộm cắp mà có mức phạt cao nhất là 3 năm tù và 6000 Baht tiền phạt;

+ Hình phạt có thể tăng gấp đôi đối với những người tái phạm với cùng tội đó trong vòng 5 năm;

+ Một nửa của tiền phạt được trả cho người nắm quyền SHTT;

+ Bên cạnh tiền phạt nhận được, người nắm quyền vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

+ Sự phân chia trong thực thi luật: hiện nay, không chỉ cảnh sát mà cả nhân viên của Cục SHTT cũng có thể cho phép tìm kiếm để thực hiện các cuộc truy quét. Điều này làm giảm bớt khả năng tiết lộ bí mật trong các cuộc truy quét;

+ Những người nắm quyền SHTT có thể yêu cầu Quyết định sơ bộ hoặc lệnh Anton Piller trước khi khởi kiện dân sự hoặc trong những trường hợp đặc biệt trước khi tiến hành việc kết tội cá nhân trong một vụ án hình sự.

Như vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến SHTT bằng Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, hiệu quả, nhưng lại hết sức mềm dẻo với những quy định rất vì “các bên” trong tranh chấp, hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp.

Tóm lại, kinh nghiệm của Thái Lan - một nước có điều kiện phát triển khá tương đồng với Việt Nam có thể giúp chúng ta trong việc định hướng hoàn thiện các hoạt động bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt là việc tổ chức tòa chuyên trách về SHTT.


 

KHẢO SÁT THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu đề tài “Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra khảo sát để tìm hiểu về thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp, cán bộ các cơ quan quản lý và thực thi, các công ty, văn phòng luật, đại diện SHTT...

Các đối tượng chúng tôi tiến hành điều tra bao gồm 358 người thuộc ba nhóm đối tượng khác nhau: Nhóm đối tượng là cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh; Cục SHTT, cơ quan Tòa án, Công an, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân, Hải quan...); nhóm đối tượng doanh nghiệp; nhóm đối tượng là các công ty, văn phòng luật sư, đại diện SHTT… và đối tượng khác[148] ở rất nhiều địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Thuận, Đắc Lắk, Sơn La, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Yên Bái, Vĩnh Phúc…

Trong nhóm đối tượng là cán bộ có 57 người làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, chiếm 34,5%; 14 đối tượng làm việc tại Tòa án chiếm 8,5%; Thanh tra chuyên ngành của bộ 9 đối tượng chiếm 5,5%; số đối tượng làm việc tại Ủy ban nhân dân là 23 đối tượng chiếm 13,9%; Công an chiếm 21,8% với 36 đối tượng; số người làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường là 16 đối tượng chiếm 9,7%; 5 đối tượng làm việc trong ngành hải quan chiếm 3% và 1,2% làm việc tại các cơ quan khác (tham khảo thêm bảng số liệu ở dưới).

Bảng số liệu về cơ quan làm việc của nhóm đối tượng cán bộ

Nhóm đối tượng

Cán bộ

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Cơ quan quản lý nhà nước về SHTT

57

34.5

Tòa án

14

8.5

Thanh tra chuyên ngành của Bộ

9

5.5

Ủy ban nhân dân các cấp

23

13.9

Công an

36

21.8

Quản lý thị trường

16

9.7

Hải quan

5

3

Cơ quan khác

2

1.2

Không trả lời

3

1.9

Tổng

165

100%

 


Tìm hiểu trong nhóm đối tượng đại diện SHTT thì có 11 đối tượng là Đại diện SHTT chiếm 13,4%; 58 đối tượng làm việc tại văn phòng, công ty Luật 70,7%; 1 đối tượng làm việc tại cơ quan thẩm định giá chiếm 1,2%; còn lại là 13 đối tượng làm việc tại những cơ quan khác chiếm13,4%; số người không trả lời là 1 đối tượng chiếm 1,2% (xem thêm biểu đồ dưới đây).

 


 

Bảng số liệu về trình độ học vấn của các đối tượng tham gia khảo sát thuộc nhóm các bộ và nhóm đại diện

Trình độ

Cán bộ

Đại diện

Tổng

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Phổ thông trung học

13

7.9

1

1.2

14

5.7

Trung cấp

21

12.7

1

1.2

22

8.9

Cao đẳng

8

4.8

1

1.2

9

3.6

Đại học

98

59.4

68

82.9

166

67.2

Thạc sĩ

21

12.7

7

8.5

28

11.3

Tiến sĩ và trên tiến sĩ

0

0

0

0

0

0

Không trả lời

4

2.4

4

4.9

8

3.3

Tổng

165

100%

82

100%

247

100%

Số liệu của bảng trên cho thấy trong tổng số 247 đối tượng được hỏi thì số đối tượng có trình độ đại học là 166 người chiếm 67,2%; số đối tượng có trình độ thạc sĩ là 28 người chiếm 11,3%; còn lại là những đối tượng thuộc các nhóm trình độ khác nhau như trung cấp, cao đẳng... Đây là một con số khá khả quan bởi vì những người có trình độ đại học và thạc sĩ chiếm tỉ trọng lớn sẽ dẫn đến việc khảo sát trở nên có ý nghĩa và dễ dàng hơn.

1. Nhận thức của các đối tượng về vấn đề quyền SHTT và bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam

Qua nghiên cứu với 358 đối tượng với câu hỏi “Xin Ông/Bà tự đánh giá hiểu biết của mình về pháp luật SHTT?”, kết quả thu được được thể hiện chi tiết trong bảng sau.

Bảng 1.1. Số người tự đánh giá hiểu biết của mình về pháp luật SHTT

Mức độ

Số người

Tỷ lệ phần trăm

Biết rõ

70

19.5%

Biết một chút

263

73.5%

Hoàn toàn không biết

21

5.9%

Không trả lời

4

1.1%

Tổng

358

100%

Qua bảng 1 chúng ta có thể thấy trong số 358 đối tượng được hỏi, chỉ có 70/358 đối tượng là biết rõ về pháp luật SHTT chiếm 19,5%; số người biết một chút pháp luật SHTT là 263/358 đối tượng chiếm 73,5%; số người hoàn toàn không biết chút nào về pháp luật SHTT là 21/358 đối tượng tương ứng 5,9% và một số lượng rất nhỏ số người được hỏi không trả lời câu hỏi này. Từ đó, chúng ta thấy rằng số lượng người có hiểu biết về pháp luật SHTT là khá lớn, dù phần lớn các đối tượng mới chỉ dừng lại ở mức độ “Biết một chút”.

Bảng 1.2. Hiểu biết pháp luật SHTT của các nhóm đối tượng khác nhau

Mức độ

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số người

Tỷ lệ phần trăm

Số người

Tỷ lệ phần trăm

Số người

Tỷ lệ phần trăm

Biết rõ

46

27,9

13

11,7

11

13,4

Biết một chút

106

64,2

94

84,7

64

78

Hoàn toàn không biết

13

7,9

4

3,6

4

4,9

Không trả lời

0

0

0

0

3

3,7

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

Qua nghiên cứu Bảng 2, chúng ta thấy rằng trong số 165 cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, chỉ có 27,9% số đối tượng được hỏi biết rõ về pháp luật SHTT; 64,2% đối tượng biết một chút về pháp luật SHTT và 7,9% đối tượng này hoàn toàn không biết về pháp luật SHTT. Các cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT chính là các cán bộ công tác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến SHTT như các cán bộ làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT (Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả...) hay các cán bộ làm trong các cơ quan thực thi như Tòa án, Thanh tra chuyên ngành của bộ, Ủy ban nhân dân, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan. Đây chính là đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền SHTT nói chung và tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nói riêng vậy mà số lượng đối tượng “Biết rõ” về pháp luật SHTT chiếm tỉ lệ không nhiều còn số lượng đối tượng “Biết một chút” lại chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn 7,9% cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT không biết chút nào về pháp luật SHTT.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, số lượng được hỏi về hiểu biết pháp luật SHTT là: 11,7% biết rõ về pháp luật SHTT, 84,7% biết một chút về pháp luật SHTT. Đối với các đại diện SHTT, các đối tượng làm trong các công ty luật và các đối tượng khác thì có 13,4% biết rõ về pháp luật SHTT; 78% biết một chút về pháp luật SHTT và chỉ có 4,9% đối tượng được hỏi là hoàn toàn không biết về pháp luật SHTT.

Câu hỏi số 2 “Ông/Bà có được những kiến thức về pháp luật SHTT qua những kênh thông tin nào?”

Bảng 1.3. Số lượng đối tượng thực hiện trả lời câu hỏi về kênh thông tin tiếp xúc với các quy định pháp luật SHTT

 

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số người trả lời

164

99,4

108

97,3

80

97,6

Số người không trả lời

1

0,6

3

2,7

2

2,4

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

 

Bảng 1.4. Kênh thông tin tiếp xúc với các quy định của pháp luật SHTT của các

đối tượng

Kênh thông tin

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Tự nghiên cứu, tìm hiểu

99

29,3

46

26,6

45

27,1

Được học trong chương trình đào tạo

83

24,6

35

20,2

53

31,9

Được tham gia tập huấn, hội thảo

58

17,2

24

13,9

24

14,5

Qua các phương tiện thông tin đại chúng

90

26,6

66

38,2

42

25,3

Các kênh thông tin khác

8

2,4

2

1,1

2

1,2

Tổng

 

100%

 

100.0%

 

100%

 

Để nhìn nhận được vấn đề một cách rõ ràng hơn, chúng ta cùng tìm hiểu đồ thị sau:

 

 

 

 


 

 

Qua bảng thống kê, chúng ta có thể nhận thấy các kênh thông tin để các đối tượng tiếp xúc và tìm hiểu về pháp luật SHTT là khá phong phú. Trong đó, đối với nhóm cán bộ thì nguồn thông tin thu được chủ yếu từ việc tự tìm hiểu (chiếm 29,3%), từ các phương tiện thông tin đại chúng (26,6%) và từ việc được học trong chương trình đào tạo (24,6%), còn lại là từ những nguồn khác. Đối với doanh nghiệp thì số đối tượng biết được các quy định của pháp luật SHTT chủ yếu qua các kênh thông tin như qua các phương tiện thông tin đại chúng (38,2%), tự nghiên cứu (26,6%), được học trong chương trình đào tạo (20,2%), qua các cuộc hội thảo (13,9%) còn lại là các nguồn thông tin khác. Những kết quả trên cho thấy kênh thông tin chủ yếu phổ biến về pháp luật SHTT là các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp đó là những thông tin tự tìm hiểu.

2. Đối với việc xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ

Để tìm hiểu về vấn đề đăng ký, xác lập quyền SHTT của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã khảo sát riêng nhóm đối tượng doanh nghiệp với câu hỏi Doanh nghiệp của ông bà có đối tượng trí tuệ nào (có thể đã hoặc chưa được bảo hộ) thuộc vào các loại tài sản trí tuệ được liệt kê dưới đây.?”. Và kết quả thu được được thể hiện dưới bảng sau:

 

 

Bảng 2.1. Các loại tài sản trí tuệ có trong các doanh nghiệp

Các tài sản trí tuệ

Đã đăng ký và được cấp VBBH

Đăng ký nhưng chưa được cấp VBBH

Chưa đăng ký

Tôi không biết

Tổng

Quyền tác giả

3,6

0,9

5,4

90,1

100%

Quyền liên quan

0

0

2,7

97,3

100%

Sáng chế

4,5

2,7

6,3

86,5

100%

Kiểu dáng công nghiệp

4,5

0,9

6,3

88,3

100%

Bí mật kinh doanh

0

0

7,2

92,8

100%

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

0

0

2,7

97,3

100%

Nhãn hiệu

24,3

4,5

14,4

56,8

100%

Tên thương mại

7,2

2,7

9,0

81,1

100%

Chỉ dẫn địa lý

0

0,9

5,4

93,7

100%

Giống cây trồng

0

0

2,7

97,3

100%

 

Qua bảng thống kê, chúng ta thấy rằng việc các doanh nghiệp quan tâm đến việc xác lập quyền đối với các đối tượng SHTT là chưa nhiều. Bằng chứng cho thấy là chỉ có rất ít các đối tượng SHTT của các doanh nghiệp được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ.

Chúng tôi đã tìm hiểu lý do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện việc đăng ký đối với các tài sản trí tuệ hiện với câu hỏi: “Theo Ông/Bà, lý do mà doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xác lập quyền SHTT là gì” và “Theo Ông/Bà, lý do mà doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký xác lập quyền SHTT là gì?”. Kết quả nhận được được thể hiện ở bảng số liệu dưới đây:

Bảng 2.2. Lý do các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xác lập quyền SHTT

Lý do

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Để khẳng định quyền sở hữu của mình với các TSTT

128

34.5

49

32.9

52

29.1

Để bảo vệ TSTT của mình khi bị xâm phạm

128

34.5

60

40.3

71

39.7

Để gây danh tiếng, uy tín

76

20.5

35

23.5

43

24

Thấy DN khác đăng ký thì cũng đăng ký

36

9.7

4

2.7

12

6.7

Lý do khác

3

0.8

1

0.6

1

0.5

Tổng

 

100.0%

 

100.0%

 

100.0%

Nhìn vào bảng 2.2, chúng ta thấy rằng các nhóm đối tượng được hỏi đều nhất trí cho rằng lý do để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc đăng ký, xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ chủ yếu là nhằm mục đích khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ (34,5% ý kiến thuộc nhóm cán bộ và 32,9% ý kiến thuộc nhóm doanh nghiệp) và để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm (34,5% ý kiến thuộc nhóm cán bộ và 40,3% ý kiến thuộc nhóm doanh nghiệp). Ngoài ra, một số ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp thực hiện việc xác lập quyền là nhằm gây uy tín, danh tiếng cho doanh nghiệp hoặc thấy doanh nghiệp khác đăng ký xác lập quyền với các tài sản trí tuệ thì cũng đăng ký theo...

Bảng 2.3. Lý do các doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký xác lập quyền SHTT

Lý do

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Chi phí đăng ký tốn kém

66

25.6

15

17.9

21

15.8

Không biết trình tự, thủ tục đăng ký

96

37.2

40

47.6

44

33.1

Thấy không cần thiết phải đăng ký

79

30.6

23

27.4

60

45.1

Lý do khác

17

6.6

6

7.1

8

6

Tổng

 

100.0%

 

100.0%

 

100.0%

Trên thực tế vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa hoặc không thực hiện, không có nhu cầu xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ. Kết quả của bảng thống kê cho thấy đa số ý kiến cho rằng lý do là các doanh nghiệp Việt Nam không biết trình tự thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT (nhóm Cán bộ là 32,7%; nhóm Doanh nghiệp là 47,6% và nhóm Đại diện là 33,1%). Tiếp theo đó thì lý do là doanh nghiệp thấy không cần thiết phải thực hiện việc xác lập quyền với tài sản trí tuệ cũng chiếm một tỉ lệ lớn (30,6% với nhóm Cán bộ; 27,4% với nhóm Doanh nghiệp và 45,1% với nhóm Đại diện). Con số này thể hiện vẫn còn một số lượng lớn các ý kiến cho rằng doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra được tầm quan trọng cũng như vai trò của việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, chi phí đăng ký tốn kém cũng là một nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp ngần ngại trong việc thực hiện việc xác lập quyền với các tài sản trí tuệ (25,6% ý kiến của các Cán bộ đồng tình với quan điểm này; 17,9% là của nhóm Doanh nghiệp và nhóm Đại diện là 15,8% đồng ý với ý kiến trên). Cuối cùng còn một số lý do khác nữa khiến cho doanh nghiệp không thực hiện việc xác lập quyền với các tài sản trí tuệ đó là do doanh nghiệp chưa quan tâm và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT, hoặc cho rằng việc xác lập quyền rườm rà, mất thời gian và tốn kém.

Song song với việc khảo sát lý do, nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hoặc không đăng ký, xác lập quyền với các tài sản trí tuệ, chúng tôi cũng đồng thời tìm hiểu ý kiến của các đối tượng về quá trình, trình tự, thủ tục đăng ký hiện nay với câu hỏi “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay như thế nào?” và thu được câu trả lời như sau:

Bảng 2.4. Thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT

Ý kiến

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Không ý kiến

82

49.7

80

72.1

42

51.2

Nhanh chóng, đúng thời hạn

18

10.9

10

9.0

11

13.4

Chậm trễ, không đúng thời hạn

65

39.4

21

18.9

29

35.4

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

Bảng 2.5. Thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT

Ý kiến

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Không ý kiến

98

59.4

61

55.0

28

34.1

Thuận lợi

32

19.4

26

23.4

31

37.8

Không thuận lợi

35

21.2

24

21.6

23

28.0

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

 

Bảng 2.6. Thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT

Ý kiến

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Không ý kiến

101

61.2

79

71.2

50

61.0

Đơn giản

14

8.5

15

13.5

13

15.9

Phức tạp

50

30.3

17

15.3

19

23.2

Tổng

165

100%

111

100%

82

100

 

 


Để có cái nhìn tổng quát hơn, chúng ta cùng xem xét biểu đồ dưới đây:

 

Biểu đồ 3 chỉ ra đối với nhóm đối tượng cán bộ thì ý kiến chủ đạo cho rằng trình tự, thủ tục xác lập quyền là chậm trễ và phức tạp; đối với nhóm đại diện thì lại cho rằng thủ tục tuy chậm trễ nhưng vẫn có thuận lợi nhất định.

  1. Đối với hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ

Để tìm hiểu về thực trạng thương mại hóa TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam với câu hỏi “Theo hiểu biết của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam có thường khai thác thương mại các tài sản trí tuệ qua một số hành vi được liệt kê sau đây không?”. Đối với mỗi hành vi, chúng tôi có đưa ra những mức độ đánh giá khác nhau và thu được kết quả tại bảng 3.1 như sau.

Bảng 3.1. Hoạt động khai thác thương mại các TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam theo đánh giá của nhóm cán bộ

Ý kiến

Chuyển nhượng (mua bán) TSTT

Chuyển giao quyền sử dụng

Góp vốn bằng TSTT

Cầm cố, thế chấp… TSTT

Hình thức khác

Rất phổ biến

17.6

16.4

6.7

3.6

0.6

Tương đối phổ biến

35.2

40

23.6

20

0.6

It phổ biến

42.4

36.4

56.4

41.2

0

Không có

2.4

3

8.5

30.9

98.2

Không trả lời

2.4

4.2

4.8

4.3

0.6

Tổng

100%

100%

100%

100%

100%

Theo đánh giá của nhóm đối tượng cán bộ thì trong các hoạt động khai thác thương mại tài sản trí tuệ, hình thức phổ biến nhất là chuyển nhượng (mua bán) các tài sản trí tuệ với 17,6% số ý kiến cho rằng hành vi này là phổ biến, tiếp đó là hình thức chuyển giao quyền sử dụng với 16,4% ý kiến đồng tình với quan điểm này; hành vi góp vốn bằng quyền SHTT nhận được 6,7% ý kiến cho rằng hành vi này là phổ biến.

Bảng 3.2. Hoạt động khai thác thương mại các TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam theo đánh giá của nhóm đại diện

Mức độ

Chuyển nhượng (mua bán) TSTT

Chuyển giao quyền sử dụng

Góp vốn bằng TSTT

Cầm cố, thế chấp... TSTT

Hình thức khác

Rất phổ biến

18.3

23.2

1.2

2.4

0

Tương đối phổ biến

50

52.4

32.9

18.3

0

Ít phổ biến

23.2

19.5

59.8

46.3

0

Không có

7.3

3.7

4.9

31.8

98.8

Không trả lời

1.2

1.2

1.2

1.2

1.2

Tổng

100%

100%

100%

100%

100%

Với cùng câu hỏi trên, ý kiến của nhóm đối tượng đại diện cho rằng hành vi phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp đó là chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp với 23,3% số ý kiến đồng ý. Hành vi phổ biến tiếp theo là chuyển nhượng (mua bán) các tài sản trí tuệ với 18,3% ý kiến đồng tình với quan điểm này.

Tiếp theo, chúng tôi cũng đi sâu vào nghiên cứu nhu cầu khai thác thương mại các tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay với câu hỏi “Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ (như mua bán, chuyển quyền sử dụng, góp vốn...) của các doanh nghiệp Việt Nam?”

Bảng 3.2. Nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

 

 

Nhu cầu

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Không có nhu cầu

15

9.1

9

8.1

0

0

Có nhưng rất ít

111

67.3

71

64

51

62.2

Có nhiều nhu cầu

37

22.4

27

24.3

28

34.1

Không trả lời

2

1.2

4

3.6

3

3.7

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

Chúng ta có biểu đồ thể hiện bảng thống kê như sau:


Biểu đồ 4. Nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ của các
doanh nghiệp VN

 

 

 

Nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam là có nhưng còn rất ít, chủ yếu hiện nay đó là chuyển nhượng tài sản trí tuệ và chuyển quyền sử dụng đối với tài sản trí tuệ. Những hành vi còn lại như góp vốn, cầm cố thế chấp... tài sản trí tuệ còn diễn ra chưa nhiều.

  1. Bảo vệ tài sản trí tuệ

Để tìm hiểu ý thức bảo vệ các tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào, chúng tôi đã sử dụng câu hỏi: “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quan tâm như thế nào đến việc bảo vệ quyền SHTT của mình?”

Bảng 4.1. Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền

Ý kiến

Cán bộ

Doanh nghiệp

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Quyền SHTT được quan tâm hàng đầu

36

21.8

22

19.8

3

3.7

Quyền SHTT là một trong những vấn đề quan trọng mà DN phải quan tâm

80

48.5

73

65.8

40

48.8

Chưa phải vấn đề quan trọng so với những vấn đề khác

48

29.1

12

10.8

38

46.3

Không quan trọng, không đáng quan tâm

36

21.8

0

0

0

0

Không trả lời

1

0.6

4

3.6

1

1.2

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

 

Bảng số liệu cho thấy số ý kiến cho rằng quyền SHTT là một trong những vấn đề phải quan tâm ở cả 3 nhóm đối tượng cán bộ, doanh nghiệp và đại diện đều chiếm tỷ trọng lớn khá lớn. Bên cạnh đó, có 21,8% ý kiến thuộc nhóm cán bộ và 19,8% ý kiến thuộc nhóm doanh nghiệp cho rằng quyền SHTT là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Với câu hỏi “Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc tôn trọng quyền SHTT của các doanh nghiệp khác?”, chúng tôi thu được kết quả:

Bảng 4.2. Nhận thức của các doanh nghiệp VN về việc tôn trọng quyền SHTT của các doanh nghiệp khác

Ý kiến

Cán bộ

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Tôn trọng QSHTT của DN khác như của mình

44

26.7

6

7.3

Vì lợi ích của DN mình, có thể xâm phạm QSHTT của người khác

76

46.1

47

57.3

Sẵn sàng xâm phạm QSHTT vì lợi nhuận

39

23.6

26

31.7

Không trả lời

6

3.6

3

3.7

Tổng

165

100%

82

100%

 

 

 

 

 

 


Biểu đồ 5: Số DN bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo số liệu biểu đồ thể hiện, trong tổng số 100% doanh nghiệp được hỏi thì có 26,1% doanh nghiệp trả lời doanh nghiệp mình đã từng bị doanh nghiệp khác xâm phạm quyền SHTT. Bảng số liệu dưới đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ rệt và cụ thể hơn về các đối tượng quyền SHTT mà doanh nghiệp đã bị các doanh nghiệp khác xâm phạm.

Bảng 4.3. Những đối tượng SHTT của doanh nghiệp bị xâm phạm

Đối tượng

Không bị xâm phạm

Bị xâm phạm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Quyền tác giả

109

98.2

2

1.8

Quyền liên quan

110

99.1

1

0.9

Sáng chế

105

94.6

6

5.4

Kiểu dáng công nghiệp

104

93.7

7

6.3

Bí mật kinh doanh

102

91.9

9

8.1

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

111

100

0

0

Nhãn hiệu

96

86.5

15

13.5

Tên thương mại

100

90.1

11

9.9

Chỉ dẫn địa lý

111

100

0

0

Giống cây trồng

110

99.1

1

0.9

Từ bảng thống kê, chúng ta nhận thấy trong số các đối tượng SHTT thì đối tượng bị xâm phạm nhiều nhất đó là nhãn hiệu, tiếp đó là tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế.

Để tìm hiểu các biện pháp doanh nghiệp áp dụng trên thực tế khi doanh nghiệp bị các chủ thể khác xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHTT, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi khảo sát: “Doanh nghiệp của Ông/Bà đã tiến hành những biện pháp nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình?”

Bảng 4.4. Những biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Các biện pháp bảo vệ

Doanh nghiệp

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Tự yêu cầu chủ thể chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại

11

20

Tự thay đổi mẫu mã bao bì để tránh bị xâm phạm

5

9.1

Thông báo, khuyến cáo cho khách hàng biết

14

25.5

Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý

17

30.9

Khởi kiện ra tòa án

7

12.7

Biện pháp khác

1

1.8

Tổng

 

100%

Khi doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT thì biện pháp mà doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất đó là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý (30,9%), tiếp theo đó là doanh nghiệp tiến hành việc thông báo, khuyến cáo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp họ phân biệt hàng thật, hàng giả chiếm 25,5%; doanh nghiệp cũng đã biết tự yêu cầu chủ thể có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại... (20%); có một số ít doanh nghiệp đã thực hiện khởi kiện vụ việc tại Tòa án 12,7% hay tự thay đổi mẫu mã bao bì để tránh bị xâm phạm chiếm 9,1%.

Để tìm hiểu hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TSTT, chúng tôi đã đưa ra câu hỏi như sau:“Xin Ông/Bà vui lòng đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT sau?” và thu được kết quả như sau.


Biểu đồ 6. Hiệu quả của các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm QSHTT

 

Biểu đồ cho thấy rằng đa số ý kiến đều đồng ý cho rằng các biện pháp bảo vệ quyền SHTT như biện pháp hình sự, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp tự bảo vệ hiện nay hiệu quả chưa cao.

Trong các biện pháp mà doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Như vậy các cơ quan nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp. Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: “Theo nhìn nhận của Ông/Bà khi bị xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp thường yêu cầu cơ quan nào trong các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT sau đây?”

Bảng 4.5. Cơ quan xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hũu trí tuệ theo ý kiến của nhóm cán bộ

Ý kiến

Tòaán

Thanh tra

Công an

Quản lý thị trường

Hải quan

UBND

các cấp

Cục quản lý cạnh tranh

Rất nhiều

29.1

41.2

34.5

43.6

17

21.2

21.8

Không nhiều

34.5

32.7

38.2

26.7

43.6

25.5

38.2

Ít được lựa chọn

23.6

18.8

17.6

20.6

15.2

29.1

29.1

Không được lựa chọn

12.1

7.3

9.7

9.1

24.2

24.2

10.9

Không trả lời

0.7

0

0

0

0

0

0

Tổng

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

Đối với nhóm đối tượng cán bộ thì cơ quan được doanh nghiệp yêu cầu để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT nhiều nhất đó là cơ quan quản lý thị trường với 43,6%, tiếp theo đó là cơ quan thanh tra (khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; văn hóa) với 41,2%, tiếp theo đó là Tòa án với 34,5% và các cơ quan còn lại.

Bảng 4.6. Cơ quan xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo ý kiến của nhóm doanh nghiệp

Ý kiến

Tòaán

Thanhtra

Côngan

Quản lý thị trường

Hải quan

UBND

các cấp

Cục quản lý cạnh tranh

Rất nhiều

35.1

33.3

13.5

17.1

8.1

10.8

16.2

Không nhiều

23.4

23.4

19.8

24.3

18

16.2

17.1

Ít được lựa chọn

7.2

8.1

12.6

10.8

11.7

15.3

16.2

Không được lựa chọn

34.3

35.2

54.1

47.8

62.2

57.7

50.5

Tổng

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

 

Số liệu trên cho thấy, nhóm đối tượng doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp bị xâm phạm các quyền SHTT thường tìm đến các cơ quan xử lý hành vi xâm phạm như: Tòa án (35,1%) tiếp đó là Thanh tra (33,3%); Quản lý thị trường (17,1%). Theo ý kiến của nhóm doanh nghiệp thì Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp tại Việt Nam hiện nay, do vậy khi có tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm xảy ra, doanh nghiệp thường tìm đến tòa án như một đối tượng cứu cánh cho mình. Tiếp đó là cơ quan thanh tra cũng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp để xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Bảng 4.7. Cơ quan xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo ý kiến của nhóm đại diện

Ý kiến

Tòa án

Thanh tra

Côngan

Quản lý thị trường

Hải quan

UBNDcác cấp

Cục quản lý cạnh tranh

Rất nhiều

47.6

31.7

30.5

39

14.6

6.1

30.5

Không nhiều

25.6

37.8

36.6

31.7

34.1

31.7

40.2

Ít được lựa chọn

22

22

26.8

18.3

34.1

32.9

22

Không được lựa chọn

1.2

8.5

6.1

11

17.2

26.8

6.1

Không trả lời

3.6

0

0

0

0

2.5

1.2

Tổng

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

 

Nhóm đại diện có ý kiến cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền doanh nghiệp thường tìm đến khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT đó là tòa án với 47,6%, tiếp theo đó là quản lý thị trường với 39%, thanh tra là 31,7%, vai trò của công an và cục quản lý cạnh tranh là ngang nhau với 30,5%.

Với câu hỏi “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, những nguyên nhân chủ quan nào ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi trong việc bảo vệ quyền SHTT7”, chúng tôi thu được kết quả như bảng thống kê dưới đây.

Bảng 4.8. Nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan thực thi

Nguyên nhân

Cán bộ

Đại diện

Ảnh hưởngnhiều

Có ảnh hưởng

Ảnh hưởn ít

Tổng

Ảnh hưởng nhiều

Có ảnh hưởng

Ảnh hưởn ít

Tổng

Năng lực cán bộ chưa cao

56.4

33.3

10.3

100%

54.9

36.6

8.5

100%

Lực lượng cán bộ thực thi thiếu

35.8

54.5

9.7

100%

53.7

37.8

8.5

100%

Điều kiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp thiếu

49.1

38.8

12.1

100%

42.7

48.8

8.5

100%

Các cơ quan thực thi chưa phối hợp nhịp nhàng để xử lý vụ việc

42.4

50.3

7.3

100%

56.1

40.2

3.7

100%

Chồng chéo về thẩm quyền của nhiều cơ quan

49.7

33.9

16.4

100%

57.3

34.1

8.5

100%

Phần lớn DN và công chúng chưa có ý thức tôn trọng và bảo vệ QSHTT

49.7

42.4

7.9

100%

61

35.4

3.7

100%

Nhận thức bảo hộ QSHTT từ nhu cầu hội nhập hơn là nhu cầu trong nước

37

44.8

18.2

100%

39

51.2

9.8

100%

Bảo hộ QSHTT trong một số trường hợp gây thiệt hại cho DN trong nước

20.6

57.6

21.2

100%

34.1

43.9

22

100%

Nguyên nhân khác

0.6

0.6

98.8

100%

0

0

100

100%

Đối với nhóm cán bộ, có thể thấy rằng những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình thực thi đó là do năng lực cán bộ chưa cao (thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm) chiếm 56,4%; ngoài ra thì điều kiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp thiếu (49,1%) và vấn đề chồng chéo về thẩm quyền của nhiều cơ quan (49,7%) hay doanh nghiệp và công chúng chưa có ý thức bảo vệ quyền SHTT (47,9%) chính là những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự yếu kém của hệ thống cơ quan thực thi hiện nay.

Với câu hỏi như vậy, ý kiến của nhóm đại diện cho rằng nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan thực thi chính là do doanh nghiệp và công chúng chưa có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT (61%), ngay sau đó là do sự chồng chéo về thẩm quyền của nhiều cơ quan (57,3%), chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan (56,1%), năng lực cán bộ chưa cao (54,9%) và lực lượng cán bộ thực thi thiếu (53,7%).

  1. Đánh giá về hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam

Câu hỏi đánh giá về hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT như sau: “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT có những tồn tại nào cần khắc phục?”

Bảng 5.1. Những tồn tại của hệ thống pháp luật Việt Nam

Những tồn tại

Cán bộ

Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Chưa đầy đủ

89

29.7

41

26.5

Thiếu hệ thống, phân tán tại nhiều văn bản

74

24.7

41

26.5

Chồng chéo trong xây dựng, ban hành, thi hành VBPL của các cơ quan liên quan

79

26.3

34

21.9

Chưa phù hợp thực tiễn

53

17.7

35

22.6

Ý kiến khác

5

1.7

4

2.6

Tổng

 

100%

 

100%

Đối với câu hỏi này, nhóm cán bộ có 29,7% ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam là chưa đầy đủ trong khi con số này ở nhóm đại diện là 26,5%. Số ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam còn thiếu hệ thống, phân tán tại nhiều văn bản là 26,5% với nhóm đại diện và 24,7% đối với nhóm cán bộ.

Tương tự với nhóm đối tượng doanh nghiệp, khi tìm hiểu về ý kiến đánh giá nhóm đối tượng này về hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra câu hỏi “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam về SHTT như thế nào” và thu được kết quả như dưới đây.

Bảng 5.2. Đánh giá về hệ thống pháp luật của Việt Nam về SHTT

Ý kiến

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Rất hoàn chỉnh, đầy đủ, phù hợp với thực tế

1

0.9

Tương đối đầy đủ nhưng còn một số bất cập, hạn chế so với thực tiễn

66

59.5

Không đầy đủ và có nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn

28

25.2

Ý kiến khác

0

0

Không trả lời

16

14.4

Tổng

111

100%

Vậy là đối với nhóm doanh nghiệp thì chỉ có duy nhất 1 ý kiến (chiếm 0,9%) cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ là hoàn chỉnh, đầy đủ và phù hợp với thực tế. Còn lại là có đến 66 (chiếm 59,5%) ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật hiện về SHTT là tương đối đầy đủ tuy nhiên vẫn còn có bất cập và hạn chế so với thực tiễn. Và có đến 28 ý kiến (chiếm 25,2%) số ý kiến nhận xét rằng hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam còn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn. Điều này một phần xuất phát từ nguyên nhân những vụ việc thực tế diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, do vậy thời gian tới chúng ta cần tiến hành rà soát để đưa ra những khắc phục hợp lý nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các doanh nghiệp nói riêng và các chủ thể khác nói chung.

 

 



[1] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr. 55 (bản dịch của Cục SHTT).

[2] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr. 30 (bản dịch của Cục SHTT).

[3]    Xem Từ điển trực tuyến như: http://vdict.com

[4] Điều 172 BLDS 1995 “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

[5] Xem Điều 746 BLDS 1995

[6] Xem Điều 767 BLDS 1995

[7] Xem Điều 794 BLDS 1995.

[8] Xem Trần Lê Hồng, Một số vấn đề pháp lý về tài sản trí tuệ nhìn từ góc độ khoa học pháp lý và hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Hội thảo Bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, 5/2012

[9] Kamil Idris “SHTT - một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, sách do Tổ chức SHTT thế giới WIPO ấn hành, tr.8

[10]     Trần Minh Dũng, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, <http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-bang-bien-phap-hanh-chinh>.

[11]    Có quan điểm coi TSTT là một loại tài sản độc lập với tài sản vô hình trong doanh nghiệp. Xem Russell Parr, Pricing Intangible Assets: Methods of Valuation of Intellectual Property, www.wipo.int

[12]    Đoàn Văn Trường, Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình, NXB Khoa học kỹ thuật, năm 2005, Phụ lục tr 266 -267

[13]    Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr. 54 (bản dịch của Cục SHTT).

[14]    Jennie Ness, Tùy viên SHTT khu vực Đông Nam Á, Thương vụ Hoa Kỳ, Tài liệu Hội thảo Quyền sở hữu trí tuệ với việc hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tề toàn cầu.

[15]    Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr. 63 (bản dịch của Cục SHTT).

[16]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 4.

[17]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 5.

[18]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 6.

[20]    Kamil Idris, Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, tr. 54 (bản Tiếng Việt).

[21]    Đây là định nghĩa theo Hướng dẫn số 4 - Năm 2000 của Uỷ ban Thẩm định giá quốc tế. Xem: Đoàn Văn Trường, Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, năm 2005, tr. 5.

[22]    Xem: Đoàn Văn Trường, Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, năm 2005, tr. 8-12.

[23] Về lập luận này, xem: Aplin, Tanya, and Davis, Jennifer, Intellectual Property Law: Text, Cases, and Materials, Oxford University Press, 2009,tr. 2.

[24] Trần Minh Dũng, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, <http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-bang-bien-phap-hanh- chinh>.

[25] Về lập luận này, xem thêm: WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 14.

[26]    Xem Điều 3.1 và Điều 4.1 Hiệp định TRIPS. Cần lưu ý rằng, theo chú thích 3 của Hiệp định TRIPS, “bảo vệ” (protection) được hiểu rất rộng, bao gồm các vấn đề liên quan đến giá trị, phạm vi, việc đạt được, sử dụng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

[27]    Thực tế, một số người nhầm lẫn, thậm chí cho rằng ba khái niệm: “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”, “thực thi quyền sở hữu trí tuệ” và “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” hoàn toàn giống nhau. Mặc dù ba khái niệm này có một số điểm tương đồng, tuy nhiên, cũng có vài điểm khác biệt: Trước hết, về chủ thể thực hiện hành vi, chủ thể thực hiện hành vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là Nhà nước, trong khi đó, chủ thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể là Nhà nước hoặc chính chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất rộng: có thể là Nhà nước, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, hoặc các chủ thể khác như hiệp hội, tổ chức tập thể (ví dụ: Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - VACIP). Về cách thức thực hiện hành vi, đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước thực hiện rất nhiều hành vi khác nhau, từ thực hiện thủ tục xác lập quyền, quản lý nhà nước đến xác định hành vi xâm phạm và quy định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm. Đối với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền và các cơ quan nhà nước chỉ được phép tiến hành các biện pháp bảo vệ được pháp luật quy định. Còn đối với thực thi, các chủ thể thực thi quyền có thể áp dụng các biện pháp luật định và các biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

[28]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 4.

[29]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 4.

[30]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 5.

[31]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 6.

[32]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 6-7.

[33] Bùi Thị Hương, Quyền sở hữu công nghiệp là tài sản của doanh nghiệp quản lý và bảo hộ, <http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/quyen-so-huu-cong-nghiep-la-tai-san-cua-doanh- nghiep-quan-ly-va-bao-ho>.

[34]    WIPO, Intellectual Property for Business, <http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/index.html>, tr. 6.

[35] Abbott, Frederick M., Cottier, Thomas and Gurry, Francis, International Intellectual Property in An Integrated World Economy, Wolters Kluwer, 2007, tr. 7.

[36]    Xem Phần III - Thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Hiệp định TRIPS.

30

[37]    Trích Lời nói đầu của Bộ luật hình sự năm 1999.

[38]    Công ước Paris về bảo hộ SHCN ngày 20 tháng 3 1883, sửa đổi tại Brusels ngày 14 tháng 12 năm 1900, sửa đổi tại Washington ngày 02 tháng 6 năm 1911, sửa đổi tại Hague ngày 06 tháng 11 năm 1925, sửa đổi tại London ngày 02 tháng 6 năm 1934, sửa đổi tại Lisbon ngày 31 tháng 10 năm 1958, sửa đổi tại Stockhoml ngày 14 tháng 7 năm 1967 và 28 tháng 9 năm 1979. Toàn văn cuả Công ước tại:

< http://www.wipo.int/treaties/en/ip/paris/trtdocs_wo020.html>.

[39] Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật ngày 09 tháng 9 năm 1886, hoàn thành tại Paris ngày 04 tháng 5 năm 1896, sửa đổi tại Berlin ngày 13 tháng 11 năm 1908, hoàn thành tại Berne ngày 20 tháng 3 năm 1914, sửa đổi tại Rome ngày 02 tháng 6 năm 1928, sửa đổi tại Brussels ngày 26 tháng 6 năm 1948, sửa đổi tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967, sửa đổi tại Paris ngày 24 tháng 7 năm 1971. Toàn văn của Công ước tại:

<http://www.wipo.int/treaties/en/ip/berne/trtdocs_wo001.html>.

[40]  Chow, Daniel C.K., and Lee, Edward, International Intellectual Property: Problems, Cases, and Materials, Thomson West, 2006, tr. 4.

[41] Về lập luận này, xem thêm: Abbott, Frederick M., Cottier, Thomas and Gurry, Francis, International Intellectual Property in An Integrated World Economy, Wolters Kluwer, 2007, tr. 1.

[42]    Xem: WIPO, PCT The international patent system, <http://www.wipo.int/pct/en/>.

34

[43] Nhãn hiệu Google được định giá vào năm 2010 là 36,191 tỷ USD, năm 2011 là 44,294 tỷ USD (tăng 22,39%); Microsoft năm 2010 là 33,604 tỷ USD, năm 2011 là 42,805 tỷ USD (tăng 27,38%). Xem www.brandfinance.com/images/upload/brandfinance_global500_2011_web.pdf

[44] Xem khoản 2 Điều 3 Thông tư_số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN ngày 02/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015.

[45] Dưới góc độ mục đích, việc khai thác tài sản trí tuệ có thể chia thành 5 mục đích: (i) phòng vệ (defence), (ii) đảm bảo lợi thế (securing superiority), (iii) chiến lược kinh doanh (business strategy), (iv) chiến lược quản lý (management strategy), và (v) tài sản tài chính (financial assets). Xem OECD, “Valuation and Exploitation of intellectual Property”, STI Working Paper 2006/5, DSTI/D0C(2006)5, 2006, tr. 8.

[46] Xem Điều 181 (“quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”) và Điều 163 (tài sản) Bộ luật Dân sự 2005. Xem thêm Nguyễn Thanh Tú, “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Chế độ tài sản và chế độ trách nhiệm dưới góc độ pháp luật cạnh tranh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5(265), 2010, tr. 45-53

[47] Xem khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (quyền sở hữu trí tuệ là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ”), Điều 164 Bộ luật Dân sự 2005 (quyền sở hữu).

[48] Xem số liệu ở phần Phụ lục 1 và 2; xem thêm “Phải đẩy mạnh khai thác giá trị của tài sản trí tuệ”, http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2009/08/3ba11f2c/.

[49] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 135 và 102 (có nhấn mạnh).

[50] Đối với ví dụ về các chính sách hỗ trợ khác, xem: Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015; và Thông tư số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN, chú thích số…

[51]  Xem Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS: Kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 45-54.

[52] Xem Điều 28.1(a) Hiệp định TRIPS, Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Việt Nam (Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009). Quyền ngăn chặn hành vi nhập khẩu còn phụ thuộc vào quy định hết quyền (right exhaustion) của pháp luật quốc gia. Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ mà chủ sở hữu nắm giữ là các quyền độc quyền pháp lý mà pháp luật quốc gia trao cho chủ sở hữu đó; nó đang và sẽ là quyền mang tính lãnh thổ (territorial right).53 Điều đó có nghĩa là một tài sản trí tuệ được bảo hộ ở quốc gia nào thì quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ này chỉ được bảo vệ và thực thi trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.

[53] OECD, chú thích số …., tr. 9.

[54] Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) qua nhiều phán quyết của mình (như Joined Cases 56/64 và 58/64, Consten & Grundig v. Commission, [1966] ECR 299) đã phân biệt rõ hai vấn đề này. Xem thêm Nguyễn Thanh Tú, chú thích …., tr. 123.

[55] Gồm: có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Xem khoản 1 Điều 27 Hiệp định TRIPS và Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009 của Việt Nam.

[56] Xem “Fertility expert: I can clone a human being”, http://www.independent.co.uk/news/science/fertility-expert-i-can-clo ne -a-human-b eing-1672095. html.

[57] Khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009.

[58] Luật số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006.

[60] Cần lưu ý là Việt Nam hiện nay không có bất kỳ cam kết nào về việc mở cửa thị trường vận chuyển hàng không nội địa trong WTO; Hiệp định hàng không song phương giữa Việt Nam và Australia cũng chưa quy định về việc một hãng hàng không Australia được cấp quyền vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam.

[62] Xem Điều 110 (Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

[63] Xem số liệu ở phần Phụ lục 1 và 2.

[64] Xem thêm Điều 6, điểm c Điều 31 và khoản 2 Điều 37 Hiệp định TRIPS. Lưu ý là Mục 3 được phát triển dựa trên Nguyễn Thanh Tú, chú thích số ...

[65] Xem khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009; Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[66] Điều 20 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[67] Điểm d khoản 1 điều 145 và điểm c khoản 1 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009.

[68] Nguyễn Thanh Tú, chú thích số ..., tr. 77-78.

[69] Về bản chất quyền độc quyền kinh tế hay thống lĩnh thị trường chính là quyền liên quan đến việc định giá (định giá cao hơn mức giá cạnh tranh) và khả năng duy trì giá đó trong một thời gian tương đối dài bất chấp phản ứng của thị trường.

[70] Nguyễn Thanh Tú, chú thích số ..., tr. 84-86.

 

[71] Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

[72] Bộ Y tế hiện nay cũng đang soạn thảo thông tư về bắt buộc chuyển giao sáng chế về dược phẩm.

[73] Mục 50-52 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

[74] Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.

[75] Xem khoản 4 và 6 Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004.

[76] Xem khoản 3 và 6 Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004; Điều 28 và 31 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

[77] Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

[78] Điều 27 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

[79] Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố Hà Nội không có thẩm quyền cấp phép cho ZPV phân phối dược phẩm trên thị trường Việt Nam. Để giải quyết việc cấp phép qua thẩm quyền này, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận rằng ZPV chỉ được phép phân phối dược phẩm nhập khẩu trong vòng ba năm kể từ ngày bắt đầu tiến hành hoạt động; cụ thể, sau ngày 05/9/2004, ZPV phải ngừng mọi hoạt động nhập khẩu ủy thác thành phẩm và phân phối thành phẩm nhập khẩu; chuyển sang đầu tư sản xuất dược phẩm tại Việt Nam). Xem Thông báo số 2080/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/5/2001.

[80] Xem Quyết định số 1353/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 16/4/2004; Cục Quản lý cạnh tranh và IDRC, Báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr. 93.

[81] Hiện nay, ZPV chiếm khoản 20% thị phần trên thị trường phân phối dược phẩm của Việt Nam; xem www.zuelligpharma.com/offices_vietcam_pro&ser.html.

[82] OECD, ‘Competition and Regulation Issues in the Pharmaceutical Industry’, DAFFE/CLP(2000)29, 2001, tr. 54.

[83] Quyết định số 1906/2004/QĐ-BYT ngày 28/5/2004 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy định về nhập khẩu song song thuốc phòng, chữa bệnh cho người.

[84] Cục Quản lý cạnh tranh và IDRC, chú thích số 81, tr. 86-93.

[85] Tlđd, tr. 93.

[86] Việc xem xét các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh liên quan đến chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng tương tự như trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ nói chung. Xem thêm Nguyễn Thanh Tú, “Nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 3, 2007, tr. 41-50.

[87] Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 5/12/1988 (Pháp lệnh này được quy định chi tiết bởi Nghị định số 49/HĐBT ngày 4/3/1991).

[88] Xem Điều 13-18 (chuẩn y), Điều 10 (thời hạn) Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ 1988.

[89] Điều 7 Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ 1988. Các quy định này tương tự như các quy định về chuyển giao công nghệ ở các nước đang phát triển khác trong giai đoạn những năm 1970-1980.

[90] Xem Điều 809-825 Bộ luật Dân sự 1995.

[91] Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01/7/1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ.

[92] Điều 809 và 810 Bộ luật Dân sự 1995; Điều 32 và 15 Nghị định số 45/1998/NĐ-CP.

[93] Điều 813 Bộ luật Dân sự 1995; Điều 23 Nghị định số 45/1998/NĐ-CP.

[94] Điều 13 Nghị định số 45/1998/NĐ-CP.

[95] WTO, ‘Accession of Vietnam’, Report of the Working Party on the Accession of Vietnam, WT/ACC/VNM/48, 2006, đoạn 441.

[96] Xem khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009; Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[97] Điều 23-24 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[98] Điều 25 Luật Chuyển giao công nghệ 2006; Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005/2009. Xem thêm Phụ lục 1 và 2.

[99] Điều 20 Luật Chuyển giao công nghệ 2006. So sánh thêm khoản Điều 20 và khoản 2 Điều 21 Luật này.

[100] Khoản 2 Điều 17 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[102] A.H. Raymond, “The Use of Intellectual Property as Collateral in Secured Financing: Practical Concerns”, trong Comparative Law Yearbook of International Business, Vol. 32, Wolters Kluwer Law & Business, 2010, https://qmro.qmul.ac.uk/xmlui/handle/123456789/1221.

[103] Xem khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ/CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, được sửa đổi theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012.

[104] Xem khoản 6 Điều 3 Thông tư số 05/2011/TT-BTP.

[105] Định giá theo chi phí là dựa trên sự tích lũy những chi phí trong việc nghiên cứu, phát triển, đăng ký bảo hộ... tài sản trí tuệ; định giá theo thị trường là ước lượng giá trị tài sản trí tuệ qua việc xem xét những hoạt động mua bán trên thị trường liên quan đến những tài sản trí tuệ tương tự; định giá theo thu nhập nhắm đến việc đo lường lợi ích kinh tế của tài sản trí tuệ trong việc tạo ra một khoản lợi nhuận hay dòng tiền phát sinh trong tương lai. Xem A.H. Raymond, chú thích số 103; “Câu chuyện định giá thương hiệu”, http://vneconomy .vn/20101027114233210P0C5/cau-chuyen-dinh-gia-thuong-hieu.htm. Xem thêm các phương pháp thẩm định giá quy định tại Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá.

[106] Xem Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Chuẩn mực số 04: Tài sản cố định vô hình được ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC (đoạn 36-52).

[107]  Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tính đến 31/12/2007, Tập đoàn này đã sử dụng thương hiệu (nhãn hiệu, tên thương mại) để góp vốn vào 103 công ty cổ phần, liên doanh với giá trị quy ra tiền tới 2.067 tỷ đồng, tính bằng 30% tổng vốn điều lệ doanh nghiệp nhận góp vốn (Công văn số 15576/BTC-TCDN ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp). Xem thêm “Câu chuyện định giá thương hiệu”, chú thích số ...; “Góp vốn bằng thương hiệu: Doanh nghiệp “bơi” cách nào cũng đúng”, http://dddn.com.vn/20110512042243279cat177/gop-von-bang-thuong-hieu--dn-boi-cach-nao-cung- dung.htm; “Một số vấn đề về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu”

[108] Bảo vệ tài sản trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức, Trần Thanh Lâm, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á.

[109] Vụ Công tác lập pháp, Bộ Tư pháp (2006), Những nội dung cơ bản của Luật Sở hữu trí tuệ, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.

[110]  Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, Lê Xuân Thảo (2005), Nxb. Tư pháp, Hà Nội.

[111]    Tài liệu Hội thảo về sở hữu trí tuệ do TANDTC, Cơ quan phát triển quốc tế Ausralia tổ chức, phát hành, tháng 9/2010.

[112]  Cục Sở hữu trí tuệ (2008), Hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2007, Hà Nội.

[113]   Dũng Hà (2008), Đề xuất mô hình Toà Sở hữu trí tuệ cho Việt Nam, http://www.dddn.com.vn, ngày 4/6/2008.

[114]  Đại học Quốc gia Hà Nội (2005), Cơ chế thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hộp nhập quốc tế của Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia, Mã số QGTĐ.03.05, Hà Nội.

[115]   Điển hình năm 2008, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Cửa hàng Thương mại Dịch vụ Thời trang Hàng Đào với mức phạt 183.360.000 đồng vì đã có hành vi buôn bán quần áo là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “LACOSTE” và nhãn hiệu “Hình cá sấu” (Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

[116]  Điển hình năm 2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cơ khí SX- TM-DV Khải Đức Thành (TPHCM) với mức phạt 147.000.000 đồng vì đã có hành vi sản xuất sản phẩm xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn”.

[117]  Điển hình là Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã phát hiện 20 cơ sở (đã xử phạt cảnh cáo và buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm trên 530 sản phẩm...); Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã xử lý 06 cơ sở.

[118]   Cuối năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3813/QĐ-UBND xử phạt Công ty TNHH Duy Thịnh với mức phạt 329.073.800 đồng vì đã có hành vi sản xuất (lắp ráp) sản phẩm xe máy xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp xe máy của Công ty Honda (Nhật Bản).

[119]  Bài viết toàn cảnh bản quyền năm 2008 của tác giả Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam được đăng trên trang http://www.cinet.vn.

[120]  Năm 2008, với 1.200 máy tính của các doanh nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên bị kiểm tra, các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận hành vi cài đặt trái phép chương trình máy tính và có cam kết sớm khắc phục. Nhiều website bị kiểm tra như 24h.com.vn, socbay.com.vn, zing.vn, bongdaso.com, vnmedia.vn, clip.vn, baobongda.com.vn... đều phải thực hiện yêu cầu ngừng truyền phát, tháo dỡ các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm bản quyền. Công ty Cổ phần viễn thông FPT bị xử phạt 20 triệu đồng bởi hành vi truyền phát phim chưa được phép của một số tổ chức phát sóng trên thế giới (Bài viết toàn cảnh bản quyền năm 2008 của tác giả Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam được đăng trên trang http://www.cinet.vn).

[121] Từ năm 2009 đến nay, thanh tra Bộ VHTT&DL tiến hành thanh tra đột xuất 58 doanh nghiệp nằm tại các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, kiểm tra 2.873 máy tính, sản phẩm phần mềm vi phạm chủ yếu là windows XP, microsof office, mtd 2002, autocad, adobe photoshop, symantec antivirus; xử phạt vi phạm hành chính 09 doanh nghiệp với mức phạt 130 triệu đồng, xử phạt cảnh cáo 27 doanh nghiệp. Năm 2010 hướng dẫn 12 doanh nghiệp mua hơn 5 tỷ đồng bản quyền phần mềm sử dụng tại công ty. Sau thanh tra, các doanh nghiệp đều có ý thức ký hợp đồng mua bản quyền phần mềm; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, không cho phép các nhân viên tự ý cài đặt phần mềm không có bản quyền.

[122]  Bài viết bảo hộ quyền SHTT - Động đâu cũng khó đăng trên baocongthuong.com.vn của tác giả Nguyên Duyên ngày 26/4/2010.

[123]  Khi sửa đổi, bổ sung Tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền có liên quan và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có dùng cụm từ “quy mô thương mại” hay không:

“Có ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc liệt kê hành vi hoặc hậu quả như dự thảo Luật sẽ không bao quát hết và không phù hợp với Luật SHTT và đề nghị sử dụng cụm từ “quy mô thương mại” ở các điều luật nêu trên cho phù hợp với các cam kết quốc tế của Nhà nước ta khi ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ý kiến khác cho rằng khái niệm “quy mô thương mại” không rõ, không bảo đảm tính minh bạch và có thể dẫn đến việc xử lý hình sự tràn lan.

UBTVQH thấy rằng, việc cụ thể hoá yếu tố “quy mô thương mại” bằng các cụm từ “vì mục đích kinh doanh” và “hàng hoá vi phạm có số lượng lớn, có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng” tuy có rõ hơn nhưng cũng không quy định được hết mọi trường hợp và vẫn cần phải có hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. Bên cạnh đó, nếu quy định như vậy thì sẽ gây bất lợi cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại và các nước trong Tổ chức thương mại thế giới có điều kiện để cho rằng Việt Nam chưa thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quốc tế. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng khái niệm “quy mô thương mại” trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này và giao cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, Điều 170a, Điều 171 được chỉnh lý như dự thảo Luật.” Xem Báo cáo số 247/BC- UBTVQH12 ngày 17/6/2009.

[124] Xem các báo cáo tổng kết công tác ngành toà án từ năm 2003 đến 2008.

[125]  Báo Pháp luật online - thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/5/2008.

[126] Bản án hình sự sơ thẩm số 184/2010/HSST ngày 16/4/2010 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

[127]  Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khó truy cứu trách nhiệm hình sự (http://hanggiavietnam.com/diendan/showthread.php?t=43)

[128]  3.756 linh kiện điện thoại mang nhãn hiệu Nokia, 800 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, 7.729 lọ mỹ phẩm các loại, 3.940 chai dầu nhớt các loại mang nhãn hiệu Vistra, Castrol, Honda; 93.820 bao thuốc lá các loại mang nhãn hiệu Vinataba, 555, White horse...

[129] Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hải quan 1991 - 2011, Tổng cục Hải quan.

[130] Xem Vũ Thị Hải Yến, Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa trong BLDS, Tạp chí Luật học 3/2003.

[131]  Xem điểm i khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.

[132]  Điều 72. “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình không gian ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

[133] Khoản 1 Điều 15 Hiệp định TRIPs quy định: “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa”.

[134]  Xem Hà Thị Nguyệt Thu, Bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu theo Luật SHTT 2005, Luận văn thạc sĩ luật học, 2009.

[136]  Nguyễn Anh Ngọc, Công ty INVESTIP, Một số ý kiến góp ý vào báo cáo tổng hợp kết quả rà soát luật SHTT và một số kiến nghị, Hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật SHTT, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam 9/2011.

[137]  Điều 20 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được bảo hộ “không phụ thuộc vào việc định hình”.

[138] Như trên.

[139] Nguồn www.dostbinhdinh.org.vn/MagazineNewsPage. asp?Tin TS_ID.

[140] Xem khoản 3 Điều 78 Luật SHTT.

[141]  Xem điểm k khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.

[142]  Tài liệu được cung cấp bởi Văn phòng Luật sư Minervas, đại diện theo ủy quyền của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc.

[143]  Ý kiến của Luật sư Đoàn Hồng Sơn, Công ty Luật TNHH IP-MAX tại Hội Thảo báo cáo rà soát Luật SHTT do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 9/2011.

[144] Xem điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN.

[145] Xem điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN.

[146] Luật Cạnh tranh 2004; Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

[147]  Luật SHTT 2005; Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN; Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011.

[148] Sau đây đối tượng cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được gọi tắt là cán bộ; và đối tượng đại diện sở hữu trí tuệ, công ty luật và các đối tượng khác được gọi tắt là đại diện.

 

 

File đính kèm ...