• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu lập đề án yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

 

CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HÓA HỌC CỦA MỸ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

BAN CHỈ ĐẠO 33 – BỘ TƯ PHÁP

 

 

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN YÊU CẦU MỸ CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HẬU QUẢ SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Ban chủ nhiệm:   TS. Vũ Đức Long

TS. Dương Thanh Mai

TS. Hoàng Phước Hiệp

                                                                        Thư ký:  CN. Đặng Trung Hà

                                                                                        Ths. Bạch Quốc An

                                                                                        Ths. Hà Tú Cầu

 

 

 

 

HÀ NỘI - 2008

DANH SÁCH CÁC CỘNG TÁC VIÊN CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI

TT

Tên

Chức danh

   1

Vũ Đức Long

Tiến sĩ Luật học, Cục trưởng Cục con nuôi quốc tế. Bộ Tư pháp

   2

Dương Thanh Mai

Tiến sĩ luật học, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

   3

Hoàng Phước Hiệp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật học, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

   4

Lê Đức Tiết

 Luật sư, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

   5

Lê Thanh Sơn

Luật sư, Trưởng Văn phòng Luật AIC

   6

Lê Hồng Hạnh

Giáo sư -Tiến sĩ Luật học, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

   7

Hoa Hữu Long

Cử nhân luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

   8

Nguyễn Khánh Ngọc

Thạc sĩ Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

   9

Phạm Hồ Hương

Thạc sĩ Luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

  10

Dương Ngọc Chiến

Cử nhân Luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

  11

Hà Tú Cầu

Thạc sĩ Luật, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

  12

Võ Hà Duyên

Luật sư hành nghề tại NewYork, Mỹ - Cộng tác viên Công ty Luật VILAF- Hồng Đức

  13

Lê Hồng Hạnh

Thạc sĩ Luật, Bộ Ngoại giao

  14

Võ Văn Tuyển

Cử nhân Luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

  15

Bạch Quốc An

Thạc sĩ Luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

  16

Đặng Trung Hà

Cử nhân Luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

 

 

 

MỤC LỤC

PHẦN THỨ NHẤT

TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

  1. Sự cần thiết nghiên cứu Đề tài

1.1. Hậu quả chiến tranh hoá học của Mỹ đối với Việt Nam rất nặng nề cần nghiên cứu xác định rõ trách nhiệm.

1.2. Tình hình nghiên cứu

             1.2.1.Tình hình nghiên cứu ở ngoài nước:

             1.2.2.Tình hình nghiên cứu ớ trong nước

1.3. Chủ trương của Đảng và Nhà nước

          2. Phạm vi nghiên cứu và mục tiêu của Đề tài

          3. Mục tiêu của Đề tài

          4. Phương pháp nghiên cứu

5. Nhu cầu kinh tế - xã hội. địa chỉ áp dụng

         5.1. Nhu cầu kinh tế - xã hội

         5.2. Địa chí áp dụng

         6. Cấu trúc của Báo cáo tổng thuật Đề tài

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG KẾT QUẢ CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG 1

CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC/DIOXIN DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN.

  1. Việc sử dụng chất độc hoá học/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và hậu quả thiệt hại

1.1. Chiến trường trong chiến tranh Việt Nam - Chiến dịch Ranch Hand

             1.1.1. Giai đoạn trước năm 1962

             1.1.2. Giai đoạn 1962-1971 - Triển khai chiến dịch Ranch Hand

  1. Sự phản đối chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành tại Miền Nam Việt Nam 

1.3. Phương tiện chiến tranh mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là mội loại hóa chất độc nguy hiểm

             1.3.1. Chất dộc da cam/ dioxin

             1.3.2. Mối quan hệ nhân quả giữa sự phơi nhiễm chất độc da cam/ dioxin với các bệnh tật

  1. Nạn nhân của chiến tranh hoá học tại Việt Nam

             1.4.1. Số lượng các nạn nhân của chiến tranh hoá học tại Việt Nam

             1.4.2. Nỗi đau của các nạn nhân chất dộc da cam là nỗi đau toàn diện, nỗi đau vô tận về mặt thời gian, nỗi đau              không giới hạn về sức chịu đựng của con người

1.5. Thiệt hại đối với môi trường - sinh thái

  1. Các khía cạnh pháp lý xác định trách nhiệm do sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh
    1. Pháp luật quốc tế

             2.1.1. Tập quán quốc tế

2.1.1.1. Bộ luật Lieber

2.1.1.2. Các Công ước Lahay năm 1899 và 1907 - Bộ luật về tập quán chiến tranh trên bộ

             2.1.2. Hệ thống văn bản pháp luật quốc tế về cấm sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh

2.1.2.1. Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc, các loại hơi ga khác và vũ khí sinh học

trong chiến tranh và các Nghị quyết của LHQ liên quan đến Nghị định thư

2.1.2.2. Các Công ước Giơnevơ 1949 về bảo vệ nạn nhân chiến tranh

2.1.2.3. Nghị định thư I năm 1977 bổ sung cho các công ước Giơnevơ 1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh

  1. Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học, độc hại và việc phá hủy các loại vũ khí này

năm 1972

2.1.2.5. Công ước về cấm các hành động quân sự hoặc các hành động thù địch tác động lên môi trường tự nhiên năm

1977 (ENMOD).

2.1.2.6. Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và việc phá hủy những vũ khí này 1993

2.1.2.7.Quy chế Toà án hình sự quốc tế Roma

         2.2. Pháp luật Mỹ - căn cứ khởi kiện các công ty hóa chất yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự

            2.2.1. Thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài ATCA

            2.2.2. Các đạo luật khác có liên quan

2.2.2.1. Luật bảo vệ nạn nhân bị tra tấn ( Torture Victim Protection Act TVPA 28 U.S.C $1350

          2.2.2.2. Khiếu kiện theo chế định về trách nhiệm sản phẩm

a/ Khái quát về chế định trách nhiệm sản phẩm

          b/ Các cơ sở miễn trách nhiệm đối với nhà sản xuất

          c/ Những điều cần lưu ý khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại về trách nhiệm sản phẩm

          d/ Một số vụ kiện mới đây nhất ở Mỹ về trách nhiệm sản phẩm

          2.3. Các khía cạnh pháp lý khác có liên quan

             2.3.1. Pháp luật về bồi thường dân sự hiện hành của Việt Nam

             2.3.2. Pháp luật dân sự của chính quyền miền Nam Việt Nam

             2.3.3. Pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam

a. Giai đoạn 1945-1980

  1. Giai đoạn năm 1980 -1992
  2. Giai đoạn 1992 đến nay

CHƯƠNG II.

VỤ KIỆN CỦA CÁC NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/ DIOXIN VIỆT NAM VÀ VIỆC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY HÓA CHẤT MỸ

  1. Tổng quan về vụ kiện

1.1. Lịch sử vấn đề

1.2. Các Bên tham gia vụ kiện

              1.2.1. Nguyên đơn vụ kiện

              1.2.2. Bị đơn vụ kiện

  1. Các căn cứ pháp lý dược sử dụng trong vụ kiện.

2.1. Quan điểm của Luật sư nguyên đơn

2.2. Quan điểm của Luật sư bị đơn

  1. Quan điểm của Luật sư đại diện Bộ Tư pháp Mỹ
  2. Quan điểm của các bên liên quan tham dự phiên tranh tụng

3. Diễn biến vụ kiện

4. Nhận xét về diễn biến vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và phán quyết sơ thẩm ngày 10/3/2005 của thẩm phán Jack Weinstein

  1. Phân tích nội dung phán quyết sơ thẩm
  2. Một số nhận xét về phán quyết và diễn biến vụ kiện
  3. Một số ưu thế của nguyên đơn

5. Phán quyết phúc thẩm - một phán quyết đầy mâu thuẫn về mặt pháp lý

  1. Phân tích nội dung phán quyết
  2. Phản ứng của dư luận về nội dung phán quyết phúc thẩm  

6. Các vụ kiện công ty hoá chất khác có liên quan tại Toà án Mỹ

6.1. Tóm tắt lập luận của tòa án

  1. Tóm tắt lập luận của luật sư và các nhà nghiên cứu về vụ án 

6.3. Một số diễn biến và quan điểm trong các án lệ về chất độc da cam

CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM NHÀ NƯÓC VÀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HÀNH VI SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HÓA HỌC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ CÁC PHƯƠNG ÁN XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM 

  1. Trách nhiệm quốc gia trong luật pháp quốc tế

1.1. Khái niệm trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia  

  1. Các loại hình trách nhiệm quốc gia trong pháp luật quốc tế hiện đại  

1.3. Cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia 

              1.3.1 .Cơ sớ pháp lý 

              1.3.2. Cơ sở thực tế

  1. Thế bại và hình thức trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia

              1.4.1. Phương pháp xác định trách nhiệm quốc gia 

              1.4.2. Thể loại trách nhiệm quốc gia 

              1.4.3. Hình thức trách nhiệm quốc gia   

           2. Trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả của chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam 

  1. Hành vi rải chất độc hoá học huỷ hoại sức khỏe con người và môi trường - hành vi vi phạm pháp luật quốc

 tế

2.2. Mối quan hệ nhân quả hữu hành vi vi phạm pháp luật của Mỹ và hậu quả thiệt hại  

 3. Các biện pháp yêu cầu thực hiện trách nhiệm bổi thường thiệt hại cùa Mỹ do hành vi sử dụng chất độc hoá học                       trong chiến tranh Việt Nam  

  1. Tòa án quốc tế và khả năng đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế.  

              3.1.1. Một số điểm cơ bản về Toà án quốc tế  

              3.1.2. Khả năng kiện Mỹ trước Toà án quốc tế về hành vi sử dụng chất độc hoá học tại Việt Nam

4. Trách nhiệm hình sự quốc tế do hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam

          4.1. Tòa án hình sự quốc tế cho từng vụ việc  

             4.1.1. Các kiểu toà án đã tồn tại      

             4.1.2. Khả năng thành lập một tòa án hình sự quốc tế tương tự để xét xử hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam  

          4.2. Tòa án hình sự quốc tế.. 

            4.2.1. Quá trình thành lập Tòa án hình sự quốc tế

            4.2.2. Khả năng đưa hành vi sử dụng chất độc hóa học tại Việt Nam ra xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế

         4.3. Cơ chế pháp lý trong nước để yêu cầu thực hiện trách nhiệm cá nhân, tổ chức do hành vi sử dụng chất độc

         hóa học trong chiến tranh Việt Nam

            4.3.1. Sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự và thẩm quyền xét xử của tòa án trong nước đối với loại hành vi này

            4.3.2. Cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm dân sự đối theo pháp luật Việt Nam

            4.3.3. Những vấn đề chủ yếu đặt ra đối với việc sử dụng cơ chế pháp lý trong nước để yêu cầu trách nhiệm do hành

            vi sử dụng chất độc hóa học của Mỹ đối với Việt Nam

         3.2. Các biện pháp không mang tính tố tụng khác

            3.2.1. Đàm phán

            3.2.2. Trọng tài

            3.2.3. Hội đồng Hòa giải

            3.2.4. Hòa giải

            3.2.5. Ủy ban điều tra

         3.3. Các thủ tục mang tính kết hợp

PHẦN THỨ BA

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ VỀ CÁC ĐỀ ÁN CẦN TRIỂN KHAI NHẰM YÊU CẦU MỸ CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỐI

VỚI HẬU QUẢ SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HÓA HỌC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

  1. Kết luận
    1. Về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
      1. Ý nghĩa vụ kiện
      2. Những bài học kinh nghiệm
    2. Về các biện pháp đấu tranh tư pháp khác
    3. Việc sử dụng các biện pháp khác thay thế tư pháp, chính trị - pháp lý
  2. Kiến nghị về các Đề án cần triển khai nhằm yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hóa

học trong chiến tranh Việt Nam

  1. Đề án tiếp tục đấu tranh với các công ty hóa chất sản xuất chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt

Nam

  1. Đề án triển khai sử dụng các biện pháp chính trị - pháp lý
  2. Đề án lập hồ sơ khoa học về tác hại của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với

con người, môi trường thiên nhiên

  1. Đề án về vận động sự ủng hộ của dư luận xã hội
  2. Đề án tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác khắc phục hậu quả chất độc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

PHẦN THỨ NHẤT

 TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

  1. Sự cần thiết nghiên cứu Đề tài

1.1. Hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ đối với Việt Nam rất nặng nề cần nghiên cứu xác định rõ trách nhiệm.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng 15 triệu tấn bom đạn, trong đó có 7,85 triệu tấn bom (gấp 4 lần so với số bom đã sử dụng trong tất cả các chiến trường trong Đại chiến thế giới lần thứ II cộng lại- 2,06 triệu tấn). Nghiêm trọng hơn, ngày 30/11/1961, với việc phê duyệt những đề nghị của Bộ Quốc phòng về chương trình khai quan phá huỷ hoa màu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ J.Kennedy đã chính thức phát động cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ chống Việt Nam, sau này được biết với mật danh Chiến dịch Ranch Hand.

Chiến dịch Ranch Hand được tiến hành từ cuối năm 1961 đến năm 1971, trong đó, theo số liệu chính thức do Bộ quốc phòng Mỹ công bố, quân đội Mỹ đã rải xuống Nam Việt Nam tổng cộng 72 triệu lít chất độc hoá học/dioxin, có 44 triệu lít chất da cam (Agent Orante) mang độc tố dioxin. Con số nàv còn rất khiêm tốn so với công bố của các chuyên gia về sức khoẻ và môi trường tại Trường: đại học Columbia, Mỹ[1]. Tổng lượng dioxin có trong chất diệt cỏ sử dụng ở Việt Nam theo số liệu của Stelman ít nhất là 366 ks. Các chất độc hoá học này đã gây ra hậu quả lâu dài đối với môi trường sinh thái, môi sinh và đặc biệt là gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, nòi giống con người Việt Nam.

Tại các cuộc Hội thảo quốc tế về hậu quả của chất độc da cam nói chung và chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nói riêng, các nhà khoa học đã đưa ra các kết luận về hậu quả của chất độc hoá học (CĐHH) trong chiến tranh Việt Nam, đó là: huỷ diệt thiên nhiên, cây cỏ; huỷ diệt sức khoẻ con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi về Zen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản; quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư.

Theo số liệu ước tính của Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam (tháng 3/1997) thì có khoảng 2 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi CĐHH của Mỹ[2]. Trong đó có nhiều người đã chết ngay do bị nhiễm độc nặng. Nghiêm trọng hơn, đã có hàng vạn người bị nhiễm chất độc không chỉ mang bệnh trong cơ thể mình mà còn truyền cho đời con, đời cháu họ. Đã có hàng vạn trường hợp con cháu của những người bị nhiễm độc sinh ra bị dị dạng, tật nguyền gây rất nhiều đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần mà không có gì có thể bù đắp được. Chất độc đó còn huỷ diệt tức thời hàng chục vạn hecta rừng, phá huỷ môi trường, môi sinh ở vùng miền Trung và miền Nam nước ta.

Chiến tranh đã qua đi hơn ba thập kỷ nhưng hậu quả của nó, đặc biệt là hậu quả gây ra do CĐHH vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Các chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh này đã gây ra hậu quả lâu dài đối với môi trường sinh thái, môi sinh và đặc biệt là gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, nòi giống con người Việt Nam. Với việc gây ra những thiệt hại to lớn này, xét cả trên khía cạnh đạo đức cũng như pháp lý, Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc hoá học của Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Cho đến nay, phía Mỹ vẫn cố tình lẩn tránh trách nhiệm của mình mặc dù dư luận tiến bộ trên thế giới, kể cả dư luận Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề bồi thường cho Việt Nam.

Đối với nước ta, bên cạnh việc huy động các nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để khắc phục một phần hậu quả của chất độc hoá học, đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp đấu tranh pháp lý, kể cả khởi kiện ra các cơ quan toà án có thẩm quyền để yêu cầu những kẻ đã gây ra những thiệt hại thảm khốc này cuộc chiến tranh hoá học tại Việt Nam phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho con người, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

  1. Tình hình nghiên cứu.
    1. Tình hình nghiên cứu ở ngoài nước:

Hiện mới chỉ thu thập được một số thông tin tản mạn về việc nghiên cứu các cơ sở pháp lý yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do việc sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh gây ra và một số vụ việc kiện đòi bồi thường thiệt hại do chất diệt cỏ gây ra đối với cựu chiến binh và con cháu của họ.

  1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước:

Liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến cuộc chiến tranh hoá học và hậu quả của chất độc hoá học mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam nói chung mới chỉ có một số bài viết về cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm đối với việc gây chiến tranh xâm lược; giới thiệu về các Công ước về nghiêm cấm sử đụng chất độc hoá học. Về các đề tài nghiên cứu khoa học, mới chỉ có một số đề tài tập trung nghiên cứu về hậu quả do chất độc hoá học gây ra đối với một số vùng, miền bị nhiễm độc và đối với những nạn nhân của chất độc hoá học trong Chương trình 10-80 và trong Chương trình 33. Năm 2001 Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu đề tài về các cơ sở pháp lý yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam. Đến cuối năm 2003, Đề tài đã được Hội đồng khoa học công nghệ được thành lập theo Quyết định số 1960/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ họp đánh giá thông qua.

Đề tài đã nghiên cứu và đưa ra nhiều đề xuất về các giải pháp tư pháp (khởi kiện) khác nhau, trong đó có biện pháp khởi kiện các công ty hoá chất của Mỹ đã sản xuất chất độc hoá học được sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Kết quả của Đề tài về cơ sở pháp lý cũng đã được sử dụng có hiệu quả vào việc lập hồ sơ và xây dựng căn cứ để 3 nạn nhân của Việt Nam là: bà Phan Thị Phi Phi, ông Nguyễn Văn Quý, gia đình ông Nguyễn Quang Trung và Hội các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CDDC/Đ) khởi kiện các công ty sản xuất chất độc hoá học của Mỹ ngày 30/1/2004. Đồng thời, Đề tài cơ sở pháp lý cũng có một kiến nghị quan trọng đó là cần thiết phải triển khai nghiên cứu tiếp việc Lập đề án (hay các phương án) để chuẩn bị cho việc sử dụng các biện pháp tư pháp cũng như ngoài tư pháp nhằm yêu cầu Mỹ cũng như các công ty hoá chất Mỹ bồi thường thiệt hại cho Việt Nam nói chung và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng. Kiến nghị này đã được Hội đồng khoa học cấp Quốc gia cũng như Ban chỉ đạo 33 chấp thuận và là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép Bộ Tư pháp thực hiện tiếp Đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu Lập đề án yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam".

Từ năm 2004, tình hình thực tiễn về vấn đề chất độc da cam/dioxin đã có những cột mốc quan trọng:

  • Thứ nhất, đó là việc thành lập Hội nạn nhân chất độc đa cam/dioxin Việt Nam.
  • Thứ hai, lần đầu tiên các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khởi kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất chất độc hoá học.

Về mặt nghiên cứu khoa học, một số lượng lớn các đề tài nghiên cứu liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như: hậu quả của chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, các bệnh gây nên do chất độc da cam/dioxin... đã thu được những kết quả nhất định. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn Đề tài nghiên cứu Lập Đề án yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam được triển khai. Trước những thay đổi của tình hình thực tiễn, mặc dù là một đề tài nghiên cứu khoa học nhưng để đảm bảo tính ứng dụng, Đề tài nghiên cứu Lập Đề án đã nhiều lần được thay đổi Đề cương nghiên cứu để phục vụ công tác đấu tranh. Thay đổi lớn nhất chính là việc tiến hành riêng một Đề tài nhánh về Nghiên cứu các khía cạnh của vụ kiện giữa các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các công ty hoá chất Mỹ". Đề tài nhánh này trước hết được thực hiện dưới mục đích nghiên cứu khoa học, phục vụ cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, một trong những mục đích khác không kém phần quan trọng của Đề tài nhánh là phục vụ trực tiếp cho việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam theo đuổi vụ kiện đòi công lý.

1.3. Chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc việc đấu tranh yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học là công việc lâu dài, cần phải được tiến hành từng bước, về chủ trương của ta đối với việc giải quyết hậu quả của việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã có văn bản số 50-BC/VPTW ngày 23/7/2002 trong đó chỉ rõ: “Cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc các nạn nhân, các tổ chức xã hội kiện các tổ chức sản xuất và sử dụng chất độc hóa học; đồng thời chuẩn bị đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý, luận cứ khoa học để khi có điều kiện, ta sẽ đặt vấn đề đòi bồi thường ở cấp Nhà nước”. Như vậy, có thể thấy rằng vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/Đ đã là bước khởi đầu và đi đúng hướng và ta đã định ra. Về lâu dài, cần nghiên cứu các khía cạnh pháp lý để có đủ cơ sở lập luận đấu tranh ở cấp Nhà nước. Để hỗ trợ Hội nạn nhân da cam/dioxin về các vấn đề pháp lý có liên quan, ngày 01/12/2004, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 958/VPCP-KG thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Bộ Tư pháp chỉ đạo việc nghiên cứu tìm hiểu Luật Mỹ liên quan đến vụ kiện, theo sát diễn biến vụ kiện để tư vấn cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam về mặt pháp lý".

Với tinh thần đó, thì việc triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu lập Đề án yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam là hết sức cần thiết.

 2. Phạm vi nghiên cứu và mục tiêu của Đề tài

Đề tài "Nghiên cứu Lập Đề án yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam" được xây dựng tập trung vào hai phạm vi chính:

  • Thứ nhất, nghiên cứu các khía cạnh pháp lý nhằm hỗ trợ cho vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại dân sự của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang được tiến hành;
  • Thứ hai, nghiên cứu các phương án khác nhau để tiếp tục đấu tranh với phía Mỹ yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao gồm cả phương án khởi kiện ở cấp Nhà nước và nghiên cứu các biện pháp đấu tranh phi tư pháp (đấu tranh ngoại giao, dư luận, đàm phán, thoả thuận...) nhằm tìm kiếm nguồn lực khắc phục hậu quả của CĐHH được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

3. Mục tiêu của Đề tài

          Trên cơ sở phạm vi nghiên cứu, Đề tài tập trung vào hai mục tiêu chính:

  • Thứ nhất, nghiên cứu và hỗ trợ về mặt pháp lý cho vụ kiện giữa các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các công ty hoá chất Mỹ;
  •   Thứ hai, phân tích về các phương án khác nhau để tiếp tục đấu tranh với phía Mỹ yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao gồm cả phương án khởi kiện ở cấp Nhà nước, các biện pháp đấu tranh phi tư pháp để đưa ra ý kiến tư vấn cho Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan để từ đó xây dựng chính sách phù hợp. Từ đó, kiến nghị các Đề án cần được triển khai trong thời gian tới nhằm thực hiện việc đấu tranh yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được những mục tiêu của Đề tài, các vấn đề khoa học sẽ được tiếp cận trên cơ sở của phương pháp duy vật biện chứng, gắn chặt với thực tiễn và kết hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:

  • Phương pháp tổng hợp, đánh giá, phân tích các tài liệu, vụ kiện về chất độc hoá học thu thập được.
  • Phương pháp phối hợp, sử dụng kết quả các đề tài đã hoặc đang được nghiên cứu để tổng hợp, phân tích, đánh giá.

 5. Nhu cầu kinh tế - xã hội, địa chỉ áp dụng:

 5.1. Nhu cầu kinh tế - xã hội:

  • Đây là vấn đề cấp bách hỗ trợ thiết thực cho vụ kiện của các nạn nhân chất độc hoá học và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang diễn ra.
  • Là tài liệu phục vụ cho việc đưa ra các quyết sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề giải quyết hậu quả chất độc hoá học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
  • Là tài liệu rất cần thiết để phục vụ cho đấu tranh ngoại giao; cho đối ngoại nhân dân nhằm gây sức ép đối với Mỹ trong việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất da cam/dioxin.
    1. Địa chỉ áp dụng:
  • Đảng, Nhà nước (Phục vụ cho việc hoạch định chính sách)
  • Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (phục vụ cho vụ kiện dân sự)
  • Ban chỉ đạo 33, Bộ Ngoại giao (phục vụ cho việc đề xuất chính sách).
  • Cho các cơ quan, tổ chức phục vụ việc theo đuổi vụ kiện.

Ngoài ra, đề tài cũng là một công trình nghiên cứu khoa học với phạm vi nghiên cứu rộng, từ những vấn đề pháp lý của công pháp quốc tế đến những vấn đề pháp lý liên quan đến luật quốc gia (Mỹ và Việt Nam). Do đó, Đề tài có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học pháp lý.

  1. Cấu trúc của Báo cáo tổng thuật Đề tài

Báo cáo tổng thuật Đề tài gồm có hai phần chính:

Phần thứ nhất, tổng quan về Đề tài nghiên cứu, trong đó có các nội dung:

  • Sự cần thiết nghiên cứu Đề tài
  • Phạm vi nghiên cứu và mục tiêu của Đề tài
  • Mục tiêu của Đề tài
  • Phương pháp nghiên cứu
  • Nhu cầu kinh tế - xã hội, địa chỉ áp dụng:

Phần thứ hai, những kết quả chính của Đề tài, gồm 3 chương:

  • Chương I: Chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và những vấn đề pháp lý có liên quan;
  • Chương II: Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam và việc xác định trách nhiệm của các công ty sản xuất chất độc hoá học.
  • Chương III: Trách nhiệm Nhà nước và trách nhiệm cá nhân đối với hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam và các phương án xác định trách nhiệm.

Cuối cùng là những kết luận và kiến nghị về các đề án cần triển khai nhằm yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

 

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG KẾT QUẢ CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG I

         CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC/DIOXIN DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỂ PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN

  1. Việc sử dụng chất độc hoá học/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và hậu quả thiệt hại

1.1. Chiến trường trong chiến tranh Việt Nam - Chiến dịch Ranch Hand.

1.1.1. Giai đoạn trước năm 1962.

Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của quân dân miền Nam Việt Nam (MNVN), năm 1960 Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tiến hành một cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển. Các chỉ huy quân sự Anh, những người đã tiến hành việc rải các chất diệt cỏ và phát quang ở Malaysia những năm 50 ( như Gerad Templcr, Rob Lockhart, Robcrt Thomson, v.v.) đã được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1961 đã thử nghiệm khoảng 15 hoá chất:

  1. Chất tím có chứa 2,4-D và 2,4,5- T từ 9-1-1962 đốn cuối năm 1964.
  2. Chất hồng có chứa 2,4,5-T từ 1962- 1964.

3. Chất xanh lá cây có chứa 2A5-T từ 1962-1965.

  1. Chất da cam I có chứa 2,4-D và 2,4,5- T từ tháng 1-1962 đến tháng 4- 1970.
  2. Chất da cam II có chứa 2,4- D và 2,4,5-T từ 1968 đến 1969.
  3. Dinoxol có chứa 2,4-D và 2,4,5-T từ 1962 đến 1964.
  4. Trinoxol có chứa 2,4,5 T từ 1962 đến 1964.
  5. Chất trắng có chứa 2,4- D và picloram.
  6. Diquat từ 1962 đến 1964.
  7. Bromacil
  8. Tandex
  9. Monuron
  10. Diuron
  11. Dilapon
  12. Chất xanh lam có chứa Cacodylic acid

Cuối cùng đã tập trung vào sản xuất và rải 5 loại hoá chất chính là: chất da cam (Agent Orange =AO); chất trắng (Agent white = A.W); chất xanh da trời (Agent Blue = A.B); chất CS (O-Chloro ben/almalonitrile) và chất Malathion (O-dimethyl dithio phosphate).

Các loại thuốc diệt cỏ này được sản xuất như những sản phẩm diệt cỏ trong những năm 1940, và hiệu quả đối với các loại thực vật có tán lá rộng và nhiều loại cây trồng. Sản phẩm này đã được thử nghiệm tại Pháo đài Detrick ở Maryland, Căn cứ không quân Eglin ở Florida và Trại Drum ở New York. Các cuộc thử nghiệm khác đã được tiến hành tại Thái Lan trong những năm đầu thập niên 1960. Quân đội Anh quốc đã sử dụng thuốc diệt cỏ này trong một số hoạt động chống lại các cuộc nổi dậy ở Ma-lai-xi-a trong cuộc chiến thực dân của họ tại đây. Sản phẩm này được gọi là "Chất độc da cam" do vì các băng đai da cam sảng chói mà quân đội Mỹ gắn trên các thùng thiếc có dung tích 55 galông được sử dụng khi lưu kho và vận chuyển loại thuốc diệt cỏ này. Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ cũng sử dụng các loại thuốc diệt cỏ khác tại Việt Nam. Chúng được biết đến dưới tên ký hiệu theo màu sắc của chúng, như Chất độc màu trắng, Chất độc màu xanh, Chất độc màu tím, Chất độc màu xanh lá cây và Chất độc màu hồng.

Chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là một loại thuốc diệt cỏ do một số công ty hoá chất đặt tại Mỹ sản xuất cho quân đội sử dụng. Chất da cam: một hỗn hợp hai thành phần ngang nhau ( 50%); chất 2,4- D (2,4-Dichloro phenoxy acetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5- Tetra chloro phênoxy acetic acid). Chất da cam chứa một tạp chất xuất hiện tự nhiên trong quá trình sản xuất chất 2,4,5-T đó là chất 2,3,7,8- Tetrachloro dibenzo- p- Dioxin, thường gọi tắt là Dioxin – C12H4C14O2. Chất độc da cam do nhiều công ty hoá chất của Mỹ sản xuất, trong đó có 7 công ty sản xuất chính là: Dow Chemical, Monsanto, Diamond Shamrock Corporation, Hercules Inc, Uniroyal Inc, T-H Agricultural & Nutrient Company và Thompson Chemicals Corporation theo các hợp đồng thương mại ký kết với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngay từ đầu năm 1952, các viên chức quân đội Mỹ đã được công ty Monsanto thông báo rằng chất 2,4,5-T có chứa chất độc là dioxin. Vào năm 1963, sau khi xem xét các nghiên cứu về tính độc hại của chất 2,4,5-T, quân đội Mỹ tìm thấy thêm các bằng chứng về những nguy hiểm đối với sức khỏe, và cũng trong năm này Ủy ban Tư vấn Khoa học của Tổng thống Mỹ đã báo cho lên Hội đồng lãnh đạo liên quân về các nguy cơ của việc sử dụng chất diệt cỏ đối với sức khỏe. Vào năm 1965, một dự án nghiên cứu đã được tiến hành theo hợp đồng giữa Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và Phòng Thí nghiệm Sinh học và cho thấy các động vật được sử dụng trong thí nghiệm bị ảnh hưởng bởi chất này về mặt dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu này đã không được công bố cho đến mãi năm 1970 khi một số khoa học gia Mỹ bắt đầu nêu lên những quan ngại về việc sử dụng chất làm rụng lá này tại Việt Nam.

  1. Giai đon 1962-1971 - Triển khai chiến dch Ranch Hand.

          Chiến dịch sử dụng các chất độc hoá học (còn được biết đến dưới tên gọi chiến dịch Ranch Hand) được Mỹ triển khai từ 1962 đến năm 1971 trên quy mô toàn bộ diện tích miền Nam Việt Nam. Các chất độc hoá học được sử dụng với một khối lượng lớn và một nồng độ cao, biến miền Nam Việt Nam nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung thành một phòng thí nghiệm khổng lồ trong đó con người thay cho các động vật thường dùng như chuột bạch, chuột lang, thỏ, v.v.

          Bản thống kê về số lượng chất diệt cỏ được sử dụng sau đây nói lên điều đó.

 

Đơn vị: 1000 lít.

Năm

Da cam

Trắng

Xanh

Tổng cộng

1961

 

 

 

 

1962

56

 

8

 

1963

281

 

8

288

1964

948

 

118

1000

1965

1767

 

749

2516

1966

6362

2056

1 181

9599

1967

11891

4989

2513

19394

1968

8850

8483

1931

10261

1969

12376

3572

1309

17257

1970

1806

697

370

2873

1971

 

38

 

38

Tổng cộng

44338

19835

8182

72354

 
 

 

 

Con số 72.354.000 lít hoá chất là con số do Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra. Trong số này chưa tính đến số lượng do quân đội Mỹ để lại sau năm 1971 mà quân đội Cộng hoà Việt Nam tiếp tục rải xuống các vùng nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Theo công bố đăng trong tạp chí Nature của Mỹ số tháng 4 năm 2003, căn cứ vào các hoá đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ và các vận đơn chuyển bằng tàu biển sang Việt Nam, thì số lượng hoá chất Mỹ rải xuống lãnh thổ miền Nam Việt Nam là 80,5 triệu lít, nhiều hơn con số mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố. Chất độc hoá học/dioxin này được rải trên phạm vi khoảng 2.631.297 ha, trong có 86% bị phun rải hơn 2 lần, 11% bị phun rải hơn 10 lần[3].

Để có đủ sản phẩm bán cho quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh hoá học tại Việt Nam, các nhà máy hoá chất Mỹ không còn bận tâm đến việc loại bỏ tạp chất dioxin xuống mức thấp nhất ra khỏi sản phẩm của họ. Hơn nữa để rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm, các nhà máy hoá chất tăng cao độ nhiệt trong quá trình sản xuất. Chính cách sản xuất này lại làm gia tăng thêm đáng kể tạp chất dioxin trong sản phẩm giao cho quân đội so với sản phẩm dùng trong nông nghiệp.

Từ chiến trường trở về nhà nhiều cựu chiến binh (CCB) Mỹ và CCB các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam mắc phải nhiều căn bệnh nan y. Họ sinh ra những đứa con với các dị tật bẩm sinh hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Phải đến những năm 1979, 1980, tức 4, 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh những kết quả nghiên cứu của giới khoa học, họ mới biết được thủ phạm gây ra những bất hạnh cho bản thân và gia đình họ chính là chất độc dioxin, một tạp chất của chất da cam gây ra. Cũng từ năm 1979 phát sinh những vụ kiện chất da cam tại Mỹ.

1.2. Sự phản đối chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành tại Miền Nam Việt Nam.

Để che giấu dư luận trong nước Mỹ cũng như trên thế giới việc rải các chất diệt cỏ và phát quang trên một diện tích lớn, với liều lượng cao, trong nhiều năm liên tục Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là RanchHand (Opcration Ranch Hand). Dựa trên kinh nghiệm của quân đội Anh, Bộ Quốc phòng Mỹ luôn luôn phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng:

  • Các chất hoá học được dùng là những chất diệt cỏ, làm rụng lá thông thường.
  • Mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, ngăn chặn các vụ đột kích của quân du kích đối, giảm thương vong cho quân đội Mỹ và các đồng minh.
  • Các chất này không độc hại đối với các sinh vật, không có tác động gì đáng kể đến sức khoẻ con người.
  • Không có tác hại gì cho con đực (nam giới); chỉ tác động vào con cái (nữ giới) và khu trú trong 2, 3 tuần đầu của thời kỳ mang thai.

Bên cạnh đó, quân đội Mỹ đã không cho in các nhãn, mác thương hiệu với nội dung chỉ dẫn cấu tạo thành phần hợp chất của sản phẩm, không có nội dung hướng dẫn cách sử dụng và biện pháp đảm bảo an toàn cho người và môi trường. Tất cả các thùng đựng hoá chất được sơn bằng những vạch da cam, trắng, hồng, tím, xanh làm ký hiệu nội bộ để phân biệt loại hoá chất chứa đựng bên trong. Bộ trưởng quốc phòng đương thời, Mắc Na-ma-ra, chỉ thị che giấu bằng cách sơn cờ và biểu tượng không lực quân đội Cộng hoà Việt Nam lên máy bay phun rải hoá chất, dùng phi hành đoàn là người Việt Nam, thông tin liên lạc bằng tiếng Việt.

Dù ra sức bưng bít, cuộc chiến tranh hoá học (CTHH) của Mỹ tại MNVN vẫn bị phản đối ngay từ đầu. Sự phản đối xuất hiện trước tiên là từ những chính khách, các nhà khoa học Mỹ và từ nhân dân Mỹ.

Năm 1961, Roger Hilsman và W.Averell Hariman, những nhân vật có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối. Họ nói rằng nước Mỹ sẽ bị coi là đế quốc man rợ nếu dùng chất độc trong chiến tranh. Năm 1963, phóng viên Mỹ Richard Dudman, qua một loạt bài đăng tải trên tờ báo St. Louis Post- Dispatch, đã phê phán chương trình diệt cỏ là những chiến thuật bẩn thỉu. Năm 1964 Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đã tố cáo Mỹ đang tiến hành chiến tranh sinh học và hoá học ở Việt Nam. Năm 1966, một nhóm 30 nhà khoa học Mỹ ở Boston đã phản đối Mỹ dùng chất diệt cỏ để phá hoại mùa màng của nhân dân Việt Nam. Năm 1967, một kiến nghị có hơn 5000 chữ ký của các nhà khoa học, trong đó có 17 người được giải thưởng Nobel, 129 Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia đòi Tổng thống chấm dứt việc sử dụng hoá chất để chống lại con người và phá hoại mùa màng tại Việt Nam.

Tháng 12/1969 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 2603 A lên án Mỹ sử dụng chất da cam ở Việt Nam.

Từ tháng 3/1971, Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức nhiều phiên điều trần về Nghị định thư Genève ngày 17/6/1925 về ngăn cấm sử dụng trong chiến tranh các loại khí gây ngạt, chất độc và các loại khí khác, các phương thức tiến hành chiến tranh vi trùng mà cho đến thời gian đó quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn. Việc Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin tại Miền Nam Việt Nam là vấn đề được đem ra tranh luận gay gắt tại các phiên họp của Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Fullbright, Chủ tịch Thượng viện Mỹ đã phát biểu tại các cuộc họp rằng: "Mỹ không được sử dụng chất da cam. Phần lớn các quốc gia trên thế giới cho rằng việc sử dụng hơi cay và chất da cam của chúng ta ở Việt Nam là trái ngược những nguyên tắc và mục tiêu của Nghị định thư Genève. Quốc gia chúng ta đã bị cáo buộc là vi phạm luật quốc tế, trong đó có Nghị định thư Genève và cùng với sự sụp để của những rào cản chống lại chiến tranh hoá học và sinh học đã tồn tại từ chiến tranh thế giới lần I”.

Ngày 25/8/1969, Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon, tố cáo Mỹ dùng chất độc hoá học để tiến hành chiến tranh hoá học tại MNVN. Năm 1970, tại Hội nghị Oóc-xay, Paris, giáo sư Tôn Thất Tùng đã trình bày trước các nhà khoa học thế giới rằng nhiều loại bệnh ung thư, tai nạn sinh sản, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ của trẻ em Việt Nam là do chất độc da cam/dioxin gây ra.

Sự phản đối Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hoá học tại miền nam Việt Nam ngày càng quyết liệt. Sau những cuộc tranh luận khá gay gắt và kéo dài từ năm 1970 của Quốc hội Mỹ, đến ngày 08/04/1975, Tổng thống G. Ford buộc phải ban hành mệnh lệnh hành pháp số 11850 với nội dung tuyên bố rằng Mỹ, với tư cách chính sách quốc gia, từ bỏ sử dụng trước các chất da cam trong chiến tranh. Hành động này được thực hiện đồng thời với việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn Nghị định thư Genève năm 1925.

Sự phản đối chính quyền Mỹ sử dụng hoá chất làm vũ khí tiến hành chiến tranh hoá học tại miền nam Việt Nam đã diễn ra ngay từ khi cuộc chiến tranh này bắt đầu. Quá trình tiến hành CTHH của Mỹ đã bị những người có lương tri của nước Mỹ và cộng đồng quốc tế lên án gay gắt và kéo dài trong nhiều năm, càng về sau càng gay gắt và lan rộng.

  1. Phương tiện chiến tranh mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là một loại hoá chất độc nguy hiểm.

1.3.1. Chất độc da cam/ dioxin.

Dioxin có tên khoa học: 2-3-7-8 tetra chloro dibenzo-p-dioxine, gọi tắt là TCDD. Chất 2,4,5 T (chất chủ yếu trong thành phần của chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam) là có chứa nhiều chất độc dioxin hơn cả.

Đến nay, các trung tâm xét nghiệm khoa học của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa đã kết luận dioxin là chất độc mạnh nhất, độc nhất trong các chất độc từ trước đến nay mà con người biết đến. Các cơ sở xét nghiệm đánh giá rằng, về mặt lý thuyết, chỉ cần một lượng 8,5 gam dioxin ( lượng dioxin đựng trong một thìa xúp) pha vào nước có thể làm chết toàn bộ 7,8 triệu dân sống trong một thành phố như thành phố New York. Với liều lượng cực nhỏ, cỡ vài microgam ( 1 microgam: n-6 = 1 phần triệu gam) có thể giết chết một con vật thí nghiệm có trọng lượng cơ thể một kg với nồng độ một phần tỷ gam, dioxin đã có thể gây tai biến sinh sản và ung thư ở chuột thí nghiệm. Trong khi đó thì tổng lượng dioxin trong chất độc hoá học/dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là khoảng 366 kg (số liệu của Stellman).

Trừ trường hợp nhiễm độc với liều lượng lớn, chất độc dioxin không gây ra cái chết tức thì. Nó là kẻ giết người giấu mặt. Nhiều năm sau, người bị phơi nhiễm mới biết mình bị lưỡi hái tử thần chạm đến. Mười năm sau, hai mươi năm sau, những người đến định cư ở những nơi từng là kho lưu giữ hoá chất của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh cũng nhiễm độc bởi dioxin còn tồn lưu trong đất.

Tính cực độc của dioxin còn thể hiện ở chỗ nó tồn tại lâu trong môi trường. Thời kỳ bán phân huỷ của dioxin trong môi trường, theo các công trình khoa học đã công bố, là 8 đến 10 năm. Đối với người thì chưa rõ, 10, 20 hay 30 năm? Ngoài 30 năm, dioxin vẫn còn tồn lưu trong môi trường đất.

Đó là lý do tại sao, như đã xảy ra tại Việt Nam, có những người dân Việt Nam, nhiều năm sau đến định cư tại các vùng bị máy bay Mỹ phun rải chất độc hoá học trong những năm 60 của thế kỷ trước cũng mắc phải những bệnh do chất độc dioxin gây ra. Ở Việt Nam hiện có những nạn nhân chất dộc da cam dưới 25 tuổi. Điều này chứng tỏ chất độc dioxin sau 30 năm vần còn tồn lưu trong đất và tiếp tục gây bệnh cho con người.

Khoa học hiện nay cũng chưa biết chính xác được sau bao nhiêu năm thì dioxin tồn lưu trong đất phân huỷ hết, đến thế hệ thứ bao nhiêu thì chất dioxin không còn gây tác hại lên cơ thể người.

Từ những năm đầu của thập kỷ 40, công nhân của các nhà máy sản xuất hoá chất diệt cỏ của Mỹ đã mắc phải một số bệnh khác thường rất nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ. Vào thời gian đó, chính các ông chủ, các chuyên gia khoa học của các nhà máy đã tìm mọi cách che giấu tin tức để không lọt ra ngoài. Tất cả những người đó đều biết rằng dioxin là nguyên nhân gây ra các tai hoạ cho chính công nhân của họ. Do vậy các nhà máy đã áp dụng những biện pháp cần thiết và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất để giảm thiểu tối đa tạp chất dioxin trong sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Cùng với việc đó, thông qua nhãn mác trên sản phẩm, các cơ sở sản xuất đã đưa ra những hướng dẫn về liều lượng pha chế, cách pha chế, liều lượng sử dụng, cách bảo quản và những biện pháp đảm bảo an toàn cho người sử dụng theo quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã áp dụng chính sách không dán nhãn, mác hàng hoá lên sản phẩm. Trên các thùng chứa chỉ được sơn các vạch màu khác nhau : trắng, vàng, da cam, xanh, tím, hồng..., để làm ký hiệu nội bộ phân biệt các loại sản phẩm hoá chất. Chất da cam được dùng nhiều hơn cả. Do vậy về sau chất da cam được dùng để gọi chung các loại hoá chất của Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Chất da cam ngày nay trở thành tên gọi quốc tế để nói về tất cả các hoá chất có chứa dioxin mà Mỹ dùng trong chiến tranh tại Việt Nam.

Khi tiến hành các phi vụ rải hoá chất, quân đội Mỹ dùng các máy bay sơn cờ và biểu tượng không lực quân đội Việt Nam Cộng hoà. Về hình thức, sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà làm Cơ trưởng và dùng tiếng Việt trong thông tin liên lạc khi tiến hành các phi vụ, in và rải rất nhiều truyền đơn lừa phỉnh nhân dân Việt Nam với nội dung khẳng định là các hoá chất mà Mỹ sử dụng là không độc hại với sức khoẻ con người, với cây trồng, vật nuôi.

Chất độc được phun rải vào lúc sảng sớm khi khí trời còn mát mẻ. Hoá chất phun ra chủ yếu để bám vào cây và mặt đất. Đến trưa khi nhiệt độ lên cao, hoá chất khuyếch tán rộng trong không gian, làm tăng hiệu quả tác động của hoá chất. Việc phun rải hoá chất độc được thực hiện nhiều lần vào những mục tiêu để tăng nồng độ làm tăng hiệu quả tác động của hoá chất. Liều lượng hoá chất Mỹ rải xuống các vùng của Miền Nam Việt Nam cao hơn 5, 10, 20 lần, thậm chí còn cao hơn 40 lần liều lượng dùng trong nông nghiệp như ở vùng Gio Linh tỉnh Quảng Trị, sân bay Aso thung lũng A lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng Trảng bàng thuộc tỉnh Tây ninh, các vùng dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh v.v...

Để có đủ sản phẩm bán cho quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh hoá học lại Việt Nam, các nhà máy hoá chất Mỹ không còn bận tâm đến việc loại bỏ tạp chất dioxin xuống mức thấp nhất ra khỏi sản phẩm của họ. Hơn nữa để rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm, các nhà máy hoá chất tăng độ nhiệt trong quá trình sản xuất. Chính cách sản xuất này lại làm gia tăng thêm đáng kể tạp chất dioxin trong sản phẩm giao cho quân đội so với sản phẩm dùng trong nông nghiệp.

  1. Mối quan hệ nhân quả giữa sự phơi nhiễm chất độc da cam/ dioxin với các bệnh tật

Để xác định rõ quan hệ nhân quả giữa sự phơi nhiễm chất độc da cam/ dioxin với các bệnh tật, các giới độc học, di truyền học, môi trường học, huyết học...của nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu trong hàng chục năm nay theo hai con đường:

  • Làm các xét nghiệm máu, sữa, mỡ người để tìm cơ chế tác động gây bệnh của dioxin lên người và động vật.
  •   Tiến hành kháo sát, điều tra theo phương pháp dịch tễ học.

Việc xét nghiệm khoa học cũng như việc khảo sát điều tra theo phương pháp dịch tễ học đã khẳng định có mối liên quan nhân quả giữa sự phơi nhiễm dioxin với các bệnh tật phát sinh sau đó. Xét nghiệm máu của những người sống gần khu bị nhiễm độc nặng cho thấy nồng độ dioxin trong máu của họ cao hơn nhiều so với dân cư ở những nơi không bị phun rải. Nồng độ cho phép là 3 hoặc 4 ppt cho một kg thể trọng, (lppt = n-12 = l phần nghìn tỷ gam). Xét nghiệm máu của dân cư phường Trung Dũng gần sân bay Biên Hoà, dân cư vùng sân bay Aso (thuộc tỉnh Thừa thiên-Huế) cho thấy ở đây có nhiều người có nồng độ dioxin rất cao trong máu. Có nhiều người có từ 20, 30, 60, trên 100 thậm chí lên đến 326 ppt. Thống kê số người mắc các bệnh ung thư, nội khoa, số trẻ em dị dạng dị tật ở các vùng bị trực tiếp phun rải hoá chất độc cao hơn rất nhiều so với những vùng có những điều kiện tương ứng nhưng không bị phun rải. Có những người sau khi bị trực tiếp phơi nhiễm hoặc đến định cư tại những vùng trước đây bị Mỹ phun rải hoá chất đều bị những căn bệnh như ung thư các loại, các bệnh nội khoa khác, sạm da... mà các anh chị em ruột của họ, cha mẹ họ, ông bà nội ngoại họ không hề mắc phải. Có những người có con trước năm 1961 thì con cái họ binh thường. Nhưng sau khi bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin thì những đứa con sinh ra từ sau năm 1961 đều mắc bệnh hoặc thiểu năng trí tuệ, hoặc bị dị dạng, dị tật, hoặc bị hở hộp sọ, hoặc bị hở cột sống...những bệnh mà những người trong phả hệ của người đó không có. Có những phụ nữ có chồng là người bị phơi nhiễm chất độc da cam thì các con họ sinh ra đều mắc những khuyết tật như: thiếu tay, thiếu chân, thừa ngón tay, ngón chân, không mắt, chân, tay, thân hình dị dạng, thiểu năng trí tuệ v.v... Nhưng cũng người phụ nữ đó, nếu có con với người không bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin thì con họ sinh ra vẫn bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác. Có nhiều trẻ em gái sinh ra từ những năm 1961 trở về sau và lớn lên trong các vùng bị Mỹ phun rải chất độc da cam/ dioxin, đến tuổi trưởng thành và lập gia đình thì số người này mắc các tai nạn sinh sản như sẩy thai, chửa ngoài dạ con, con chết lưu trong bụng mẹ, con chết ngay sau khi sinh... nhiều hơn gấp nhiều lần so với các thế hệ phụ nữ cùng thời nhưng sống tại các vùng không bị phun rải chất độc da cam/dioxin.

Thống kê trong số CCB Mỹ và các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam thì những người trực tiếp tiếp xúc với chất độc da cam dioxin như trực tiếp phun rải, bốc xếp, vận chuyển, bơm rút hoá chất lên các phương tiện phun rải, làm vệ sinh các phương tiện phun rải sau khi phun rải xong hoặc hành quân thường xuyên qua các vùng bị phun rải thì có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều lần so với những CCB không tiếp xúc với hoá chất độc. Con cái của các CCB bị phơi nhiễm cũng mắc bệnh với tỷ lệ cao hơn so với các CCB khác.

Trong các năm 1993, 1996, 1998 Viện Y học Mỹ và Viện Hàn lâm khoa học Mỹ và cả Bộ CCB Mỹ đã lần lượt buộc phải chấp nhận có 13 loại bệnh có đủ bằng chứng, kết luận là do tác nhân chất da cam gây ra. Các bệnh đó là:

  • Các dị tật bẩm sinh. Các nguyên đơn phải chứng minh được là dị tật không phải do các bệnh hoặc các điều kiện đã được biết gây ra như rối loạn chức năng mang tính gia đinh hoặc rối loạn chức năng trao đổi chất, hoặc chấn thương khi sinh.
  • Chloracne ( xuất hiện trong vòng một năm kể từ khi phơi nhiễm). Da có các nốt chấm đỏ như mụn trứng cá ở tuổi dậy thì.
  • Bệnh bạch cầu không ở thể Hodgkin. Thuật ngữ sử dụng để mô tả nhóm các u ác tính ảnh hưởng đến tuyến và mô bạch cầu.
  • Bệnh Sacroma (ung thư tổ chức liên kết). Hội cựu chiến binh đã định nghĩa thuật ngữ sa-com mô mềm bao gồm sa-com xơ ở người lớn, sa-com xơ da phòng rộp, xơ mô ác tính, sa-com u mỡ...
  • Bệnh thần kinh ngoại vi, gây ra chứng tê liệt, ngứa ran.
  • Bệnh Hodgkin. Đây là ung thư hệ bạch huyết hạch, gan và lá lách phát triển rất nhanh.
  • Porphyria Cutanea Tarda. Đây là loại bệnh da bị mỏng đi, rộp lên ở những chỗ bị mặt trời chiếu vào. Bệnh này xuất hiện trong vòng một năm kể từ khi bị phơi nhiễm.
  • Multiple Myeloma (bệnh đau tuỷ). Đây là loại ung thư tế bào tuỷ xương.
  • Ung thư hệ hô hấp, Ung thư cổ họng, thanh quản, phổi hoặc phế quản.
  • Ung thư tiền liệt tuyến.
  • Spina bifida.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Ung thư tuỷ sống kinh niên. Đây là một loại ung thư máu có rất nhiều điểm giống ung thư bạch cầu dạng Hodgkin hoặc không Hodgkin, biểu hiện đặc trưng ở việc một loại tế bào đặc biệt tăng rất nhanh.

Đến ngày 28/5/1996, tức 26 năm sau ngày tuyên bố của Giáo sư Việt Nam Tôn Thất Tùng, tiếp sau kết luận của Viện Y học Mỹ và Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố: “... Trong nhiều năm, chính quyền đã không lắng nghe lời than phiền này. Với những bước tiến hành từ năm 1993, và bước tiến quan trọng chúng ta đạt được hôm nay, chúng ta đã chứng minh rằng nước Mỹ có thể lắng nghe và hành động. Tôi xin tuyên bố từ nay các CCB tiếp xúc với chất da cam bị các loại bệnh: ung thư tiền liệt tuyến, rối loạn thần kinh, bệnh thần kinh ngoại vi sẽ được hưởng trợ cấp thương tật. Chính phủ cũng sẽ đề nghị với Quốc hội trợ cấp cho con các CCB bị dị tật bẩm sinh gai đôi. Đây là lần đầu tiên con các cựu chiến binh (CCB) cũng được hưởng trợ cấp do bệnh tật của người cha đã phục vụ tại chiến trường...” Cũng tại cuộc họp báo này Tổng thống Bill Clinton còn công nhận các bệnh Hodgkin, bệnh gan, bệnh ung thư đường hô hấp và đau tuỷ là những bệnh được hưởng trợ cấp của Chính phủ Mỹ.

Các nạn nhân Việt Nam, các nạn nhân cựu chiến binh Mỹ, Úc, Newzeland, Hàn Quốc, Philipin, Thái Lan bị phơi nhiễm tại Việt Nam chứ không phải tại nơi nào khác. Họ bị phơi nhiễm trong thời gian Mỹ tiến hành chiến tranh hoá học tại Việt Nam từ 1961 đến 1975 và về sau chứ không phải vào thời gian nào trước năm 1961. Họ bị phơi nhiễm các hoá chất da cam có chứa tạp chất dioxin của Mỹ chứ không phải của nước nào khác. Các bệnh tật mà các nạn nhân Việt Nam, các CCB Mỹ, các CCB tham chiến với Mỹ tại Việt Nam mắc phải là hậu quả tất yếu của chất độc dioxin mà các cơ sở khoa học của nhiều nước, trong đó có cả của Mỹ đã tiến hành và đã khẳng định.

Kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa chất da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với các bệnh tật của các nạn nhân Việt Nam, các CCB Mỹ, Hàn quốc, New Zealand, Úc, Thái lan, Philipin là kết luận có đầy đủ cơ sở thực tế.

Cho đến nay vẫn chưa có phán quyết của Toà án Mỹ VC sự hiện hữu mối quan hệ nhân quả giữa tác nhân da cam với các bệnh đã nêu. Cũng là điều dễ hiểu lý do tại sao các Công ty hoá chất Mỹ cho đến nay vẫn phủ nhận mối liên quan nhân quả đó. Chừng nào chưa có phán quyết rõ ràng của Toà án thì các công ty vẫn dựa vào đó để phủ nhận trách nhiệm của họ đối với các nạn nhân. Nhưng sự thật luôn tồn tại ngoài ý muốn của những người muốn phủ nhận sự thật. Do vậy tại Mỹ sau vụ kiện da cam đầu tiên của các CCB, tiếp tục có hai vụ kiện da cam cũng của các CCB Mỹ. Hoàn toàn là chính đáng khi các CCB Mỹ vẫn tiếp tục vụ kiện của họ để đòi có được một phán quyết rõ ràng, phù hợp với công lý từ Toà án Mỹ.

1.4. Nạn nhân của chiến tranh hoá học tại Việt Nam.

 1.4.1. Số lượng các nạn nhân của chiến tranh hoá học tại Việt Nam.

Những thống kê chưa đầy đủ của Việt Nam, của Mỹ, của các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam cho thấy số lượng nạn nhân của chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ tiến hành tại Việt Nam từ 1961 đến 1975, bao gồm:

a/ Việt Nam: Có 3851 xã bị phun rải trực tiếp. Có ít nhất 2,1 triệu, cổ thể lên đến 4,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam/ dioxin. (Theo chuyên sản khoa học Nature số 422 ngày 17/4/2003 của Trường đại học Colombia, Mỹ). Thống kê chưa đầy đủ của Việt Nam hiện có từ 2 đến 3 triệu nạn nhân. Có 30.000 trẻ em dị dạng, dị tật bởi chất độc da cam/dioxin. Nhiều nạn nhân đã chết, cũng có nhiều nạn nhân mới.

b/ Mỹ: Thống kê chưa đầy đủ, có 200.000 CCB nhiễm bệnh nan y và gần 20.000 trẻ em dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ.

c/ Hàn quốc: Thống kê chưa đầy đủ có 7000 CCB nhiễm bệnh. Chưa có thống kê về trẻ em dị dạng, dị tật.

Số lượng nạn nhân không dừng lại ở những con số trên đây. Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin không chỉ dừng lại ở thế hệ thứ nhất. Ở Việt Nam đã có những nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc thế hệ thứ ba, cháu của những nạn nhân. Điều này cũng không loại trừ đối với các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin là cựu chiến binh Mỹ, Hàn quốc, Tân tây lan, Úc, Thái lan. Do nhiều nguyên nhân, ở các nước này chưa tiến hành điều tra một cách đầy đủ.

Khi các CCB Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về, nhiều người trong số họ bị mắc những căn bệnh quái ác và sinh ra những trẻ em dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Trong số có cựu Trung uý Hải quân Zumwalt, con trai Đô đốc Zumwalt bị chết vì ung thư. Trung uý hải quân Zumwalt chỉ huy một đội tàu chiến bị phơi nhiễm chất da cam do nhiều lần cùng đơn vị đi tuần tra trên các sông rạch vùng đồng bằng Nam bộ, nơi, theo lệnh của Đô đốc Zumwalt, bị phun rải chất độc hoá học nhiều nhất. Vợ của Trung uý Zum wait sinh ra một bé trai, là cháu nội của Đô đốc Zumwalt, bị thiểu năng trí tuệ. Các CCB Mỹ hiểu rằng các tai hoạ mà họ và gia đình họ gánh chịu có căn nguyên từ sự tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Trong báo cáo gửi Bộ CCB Mỹ, Đô đốc Zumwalt nói có 4,2 triệu binh sĩ Mỹ tiếp xúc với chất diệt cỏ của chương trình Ranch Hand. Các CCB Mỹ yêu cầu chính quyền Mỹ có trách nhiệm công khai công bố rõ tác hại của chất độc da cam cho công chúng biết để tránh những tác hại của nó và bồi thường cho họ và gia đình họ. Nhưng sự thật đã bị giới chức Mỹ cùng các công ty hoá chất Mỹ cố tình che giấu và xuyên tạc. Ngày 19/2/1979, hơn 600 CCB Mỹ, là nạn nhân của chất độc da cam dioxin đã quyết định cùng nhau khởi kiện ra trước Toà án Mỹ để đòi công lý. Bộ CCB Mỹ tìm mọi cách để giấu giếm sự thật. Các Công ty hoá chất Mỹ dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm. Vụ kiện kéo dài trong 8 năm. Cuối cùng, trước sức ép của dư luận, vào tháng 9/1987, các công ty hoá chất Mỹ thoả thuận đóng góp vào quỹ trợ cấp CCB Mỹ 180 triệu USD. Toà án Mỹ công nhận sự thoả thuận đó.

Việc Toà án Mỹ công nhận sự thoả thuận không phải là dựa trên cơ sở đã qua quá trình xét xử công khai trước Toà để xác định rõ mối liên quan nhân quả giữa sự phơi nhiễm hoá chất với các bệnh tật mắc phải của CCB. Trách nhiệm của Chính phủ Mỹ, của các Công ty hoá chất, bên có lỗi, chưa được Toà án Mỹ chính thức phán quyết.

1.4.2. Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam là nỗi đau toàn diện, nỗi đau vô tận về mặt thời gian, nỗi đau không giới hạn về sức chiu đựng, của con người.

Những ai đã từng gặp gỡ, trò chuyện, trực tiếp chứng kiến cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam đều cảm thấy rằng mọi nỗi đau đều giáng xuống số phận họ. Đời người có bao nhiêu nỗi đau thì có bấy nhiêu nỗi đau hiện diện để dày vò bản thân họ, tấn công vào gia đình họ.

Các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin đều mắc phải những bạo bệnh mà bệnh nhân cũng như thầy thuốc cứu chữa cho họ không mảy may hy vọng làm cho họ lành bệnh, nói gì đến cứu sống họ. Nỗi đau thể xác của họ theo thời gian ngày càng chồng chất cao hơn, ngày càng khoét sâu hơn, đau đến tột cùng của sự chịu đựng của con người. Họ sống trong tuyệt vọng của sự chết chóc đang từ từ đến với họ. Có những người trong số họ muốn sớm chấm dứt cuộc sống đau khổ của bản thân để đỡ khổ cho người thân nhưng không thể chấm dứt được. Đó là bi kịch của nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau dày vò lớn hơn của các nạn nhân là nỗi đau về tinh thần. Có những CCB Mỹ khi trở lại Việt Nam được chứng kiến sự quan tâm săn sóc của Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, bất giác họ nói lên những bất hạnh của CCB Mỹ từ Việt Nam trở về sống trong lòng xã hội nước Mỹ. Trong con mắt của xã hội Mỹ, những CCB Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về là những kẻ gieo rắc chết chóc. Đối với những nạn nhân chất da cam thì họ phải đương đầu với nhiều thái độ ác cảm hơn là thông cảm. Không ít người trong xã hội Mỹ cho rằng họ là những kẻ gieo gió thì họ phải gặt bão. Đó là sự công bằng. Mấy ai hiểu được rằng quân nhân Mỹ cũng là nạn nhân của sự lừa dối của Chính phủ họ. Nhân dân Mỹ ghẻ lạnh với họ. Chính quyền Mỹ không mảy may quan tâm đến số phận của họ và gia đình họ. Số phận của những CCB cùng tham chiến với Mỹ tại Việt Nam nhưng không phải là người da trắng lại càng bi đát hơn.

Những nạn nhân Việt Nam không lâm vào hoàn cảnh như các nạn nhân là CCB Mỹ và các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam. Nhưng họ cũng có những nỗi đau day dứt vô tận về mặt tinh thần và thể xác. Trở về nhà sau khi chiến tranh chấm dứt, họ thành lập gia đình và dồn hết tâm sức cho cuộc sống của người dân tại một đất nước bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ trong hàng chục năm. Để làm dịu đi mọi đau khổ, mất mát của thời kỳ chiến tranh, những đôi vợ chồng trẻ gửi gắm rất nhiều vào đứa con đầu lòng của họ sẽ sinh ra trong thời kỳ đất nước hoà bình. Nhưng những đứa con này, ngoài mọi sự ước ao thầm kín của họ lại là những đứa trẻ dị dạng, dị tật. Đó là những đứa trẻ thiếu chân, thiếu tay, chân, tay vẹo vọ, thiếu mắt, không mắt, những đứa trẻ không biết nói, không biết cười, không biết đi, không biết ngồi, không biết đứng, không tự chủ được trong ăn, uống và bài tiết. Vào những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh, bản thân họ cũng như xã hội không hiểu nổi nguyên nhân vì sao. Với tín ngưỡng của những người Á đông, có những người tự trách số phận nghiệt ngã của bản thân. Với cầu mong sẽ có đứa con lành lặn, những đôi vợ chồng ấy lại sinh ra đứa con thứ hai. Nhưng rồi đứa con thứ hai, thứ ba sinh ra cũng có số phận hoàn toàn giống đứa thứ nhất. Do vậy, ở Việt Nam có những gia đình có không phải chỉ một mà là hai, ba, bốn... nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Có gia đinh cả hai vợ chồng đều là nạn nhân và các con họ là nạn nhân. Bi kịch của những cặp vợ chồng này hay của cả xã hội là do không hiểu được rằng tác nhân chất da cam là nguồn gốc của trẻ khuyết tật, quái thai, dị dạng. Có những trẻ em sống cuộc sống thực vật đã hàng chục năm. Bố mẹ chúng phải săn sóc, nuôi dưỡng, phải chịu đựng mọi gian khổ kéo dài trong hàng chục năm. Những nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Họ nghèo không phải vì lười lao động, không phải không biết cách làm ăn. Bệnh tật đã làm cho họ sức cùng, lực kiệt. Họ không có tiền để mua thuốc làm dịu nỗi đau. Họ sống nhờ vào sự giúp đỡ của các tấm lòng từ thiện xa gần, nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Đối với họ, tương lai là mờ mịt và ảm đạm, là những đau khổ kéo dài đến vô cùng tận.

 1.5. Thiệt hại đối với môi trường - sinh thái.

Cuộc chiến tranh hoá học mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam là cuộc chiến tranh mang tính huỷ diệt môi trường sinh thái và huỷ diệt sự sống. Theo tính toán của các nhà khoa học thì chất độc hóa học đã được rải trên gần 44% đất trồng trọt và 43% diện tích rừng của miền Nam Việt Nam, chiếm gần 17% diện tích miền Nam Việt Nam, chủ yếu là những khu rừng nhiệt đới. Diện tích rừng còn lại ở miền Nam Việt Nam vào những năm 80 đã ở dưới mức báo động và coi như nguồn tài nguyên rừng đã cạn kiệt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo số liệu của Viện điều tra quy hoạch rừng thì có khoảng 2.954.000 ha rừng nội địa (95,2%) với 60.330 m3 gỗ; 1500.000 ha rừng ngậm mặn (48%) với 22.500.000 m3 gỗ bị huỷ hoạt do chính dioxin.

Hệ động thực vật ở nhiều khu vực, kể cả khu vực bị trực tiếp rải chất độc hoá học, cũng như những khu vực chịu ảnh hưởng của sự lan toả, rất nhiều loại động thực vật bị nhiễm dioxin, bị biến đổi gen, gây hậu quả lâu dài.

Hậu quả ô nhiễm nguồn nước, đất đai, vật nuôi và cây trồng là rất nghiêm trọng. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì số thiệt hại này lên gần 6 tỷ đôla Mỹ. Để khắc phục hậu quả đó cần nguồn kinh phí lớn hơn nhiều trong những năm tới.

  1. Các khía cạnh pháp lý xác định trách nhiệm do sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh

2.1. Pháp luật quốc tế.

 2.1.1. Tập quán quốc tế.

Tập quán quốc tế được hiểu là những quan hệ ứng xử, quy tắc xử sự được lặp đi lặp lại, tồn tại từ lâu và được mọi chủ thể của luật quốc tế hiện đại thừa nhận và tuân thủ. Các lập luận về sự vi phạm các tập quán quốc tế đóng vai trò quyết định đối với vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vì trong án lệ Sosa kiện Alvarrez -Machain, Toà án Tối cao Liên bang Mỹ đã cho rằng căn cứ để khởi kiện theo thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài của Mỹ (ATCA) được dựa trên một quy phạm (hoặc một tập quán) có đặc điểm quốc tế và được thế giới văn minh công nhận và xác định với những đặc điểm cụ thể giống như những đặc điểm của nguyên mẫu thế kỷ 18 mà Toà án đã công nhận, "như vi phạm quyền đi lại vô hại, xâm phạm quyền của các đại sứ, cướp biển".

Như vậy, câu hỏi ở đây là liệu việc sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam có được coi là hành vi bị cấm trong chiến tranh, được các quốc gia công nhận ngay từ thế kỷ 18 hay không? Dưới đây chúng ta cùng phân tích vấn đề này.

2.1.1.1. Những tập quán sơ khai về cấm sử dụng chất độc cho đến đạo luật đầu tiên về chiến tranh.

Ngay từ thời cổ đại các luật gia La mã đã đưa ra nguyên tắc chỉ đuực tiến hành chiến tranh bằng vũ khí chứ không phải bằng chất độc. Trong tập quán chiến tranh, các tên tẩm thuốc độc đã bị cấm sử dụng. Đối với vấn đề môi trường, thời kỳ La Mã cũng đã có tập quán không tàn phá cây cối, đầu độc nguồn nước của kẻ địch. Mặc dù những nguyên tắc này trong thời kỳ cổ đại còn chưa được tuân thủ triệt để, nhung càng ngày chúng càng phát huy tác dụng. Lịch sử đã cho thấy nhiều trường hợp khi các bên đối địch có nhiều cơ hội để sử dụng chất độc hoặc hoá chất độc hại nhưng đã tự giác bỏ ý định do tôn trọng các nguyên tắc về luật lệ chiến tranh.

Đến thế kỷ 15 và 16, Luật chiến tranh đã được một số học giả, luật sư và nhà thần học thẩm định và hệ thống hoá. Những người này đã tổng hợp những tập quán, những biện pháp áp dụng trong chiến tranh từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng như các học thuyết Thiên chúa giáo. Thời kỳ này đã hình thành nhiều tác phẩm viết về luật lệ chiến tranh, tiêu biểu như: về Luật chiến tranh (De Jure Belli) của Alberico Gennili[4]; Luật chiến tranh và hoà bình của Hugo Grotius.

Tác phẩm của Grotius được coi là một tác phẩm có tính hệ thống và toàn diện nhất về luật chiến tranh, tập hợp những quy tắc chiến tranh của các quốc gia dưới hình thức đề cập tập quán thực tiễn của các nhà nước với tư cách là bằng chứng của luật tự nhiên, cũng như đề cập đến các nguồn tư liệu khác như Kinh thánh, các học thuyết của A-ris-tốt, Platôn... Trong số những quy định ngăn cấm Grotius có đề cập đến vấn đề sử dụng chất độc. Chương III, phần XV chỉ rõ: "Theo pháp luật quốc gia: cấm giết người bằng chất độc". Tại đây, Grotius nhấn mạnh rằng giết một kẻ thù bằng kiếm là cao thượng hơn giết bằng chất độc vì bằng cách đó có thể cho phép kẻ thù có quyền tự vệ chính đáng, và chính Ông đã dẫn ra nhiều tài liệu cũng có quan điểm tương tự về vấn đề này, trong đó có quan điểm của Velerius Maximus: "Chiến tranh phải được tiến hành bằng vũ khí chứ không phải bằng chất độc"[5].

  1. Bộ luật Lieber.

Nỗ lực đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc hệ thống hoá một cách toàn diện luật chiến tranh thuộc về Francis Lieber, một giáo sư lịch sử của trường Đại học Columbia. Lieber đã soạn thảo bộ luật của ông vào đầu năm 1863 và được tổng thống Lincoln chính thức công bố ngày 24/4/1863 dưới hình thức Mệnh lệnh chung số 100 và có tiêu đề "Lệnh chỉ huy các lực lượng quân đội Mỹ trên chiến trường". Bộ luật Lieber cấm "việc sử dụng chất độc dưới bất cứ hình thức nào" ngay cả trước những lập luận về "tính cấp thiết quân sự" (Điều 16). Điều 70 của Bộ luật quy định: "Việc sử dụng chất độc dưới bất cứ hình thức nào dù là để đầu độc nguồn nước, thực phẩm hoặc vũ khí, đều hoàn toàn bị loại ra khỏi tập quán chiến tranh hiện đại. Bất cứ ai sử dụng nó sẽ tự đặt mình ra ngoài luật lệ chiến tranh". Như vậy, có thể thấy rằng, cách đây gần 200 năm Chính phủ Mỹ đã nhận thức được tính nguy hại của việc sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh và đã công nhận một tập quán chiến tranh đó là không sử dụng chất độc. Sau Tổng thống Lincoln, Tổng thống Roosevelt trong Tuyên bố cảnh báo về việc khối trục sử dụng vũ khí hoá học cũng đã khẳng định: "Trong suy nghĩ chung của tất cả mọi người việc sử dụng loại vũ khí hoá học là hoàn toàn trái pháp luật. Đất nước này không sử dụng loại vũ khí đó và tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng đến loại vũ khí đó. Tôi tuyên bố dứt khoát rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ không sử dụng loại vũ khí hoá học trừ khi kẻ thù sử dụng loại vũ khí này trước."[6]. Nhưng có lẽ Tổng thống Roosevelt đã không nghĩ đến việc sau đó Mỹ lại sử dụng vũ khí hoá học trong

chiến tranh Việt Nam.

2.1.1.3. Các Công ước Lahay năm 1899 và 1907 - Bộ luật về tập quán chiến tranh trên bộ.

Các Công ước Lahay năm 1899 và 1907 được ra đời nhằm quy định các quy tắc áp dụng trong chiến tranh trên bộ với mục tiêu hạn chế sự chạy đua vũ trang và để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có trong chiến tranh.

Lời nói đầu (Điều khoản Marten) của Công ước La Hay năm 1907 về Luật tập quán quốc tế điều chỉnh các hành vi của các quốc gia trong thời gian chiến tranh đã chỉ rõ: “Cho tới khi một đạo luật hoàn thiện hơn về chiến tranh được ban hành, dân thường và các cá nhân tham chiến vẫn tiếp tục được bảo vệ bởi những nguyên tắc cơ bản của pháp luật các nước, những nguyên tắc là kết quả của cách xử sự trong xã hội văn minh và từ pháp luật nhân đạo, từ tiếng gọi của lương tri”. Vì vậy, nếu trong điều ước quốc tế thiếu những quy định về bảo vệ môi trường và dân thường trong chiến tranh thì các tập quán quốc tế có giá trị ràng buộc đối với các bên tham gia Công ước LaHay năm 1907.

Điều 23 Công ước Lahay số IV năm 1907 đã phán ảnh nội dung ngăn cấm như sau: "Bên cạnh việc ngăn cấm theo quy định của các quy định khác, điều đặc biệt cấm là: (a) Sử dụng chất độc hoặc vũ khí tẩm độc... (e) Sử dụng vũ khí, đan nổ hoặc nguyên liệu được tính toán nhằm gây ra những đau đớn không cần thiết". Ngoài ra, các quy định trong Điều 22 của Công ước cũng quy định về "các phương tiện bị hạn chế" cũng như lời lẽ như "sự đau đớn không cần thiết" được quy định trong Điều 23 cũng đã thể hiện phải cấm một bên tham chiến không được sử dụng vũ khí hoá học hoặc bất kỳ chất nào tương tự.

Lời văn trong Điều 23 của Công ước Lahay là quá rõ ràng khi quy định việc "cấm sử dụng chất độc hoặc vũ khí tẩm độc". Áp dụng vào vụ kiện của các nạn nhân CDDC/Đ Việt Nam, nếu như thẩm phán công nhận các chất diệt cỏ mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam như là những chất độc, thì tức là buộc phải công nhận việc bị đơn vi phạm tập quán quốc tế đã được pháp điển hoá trong Công ước Lahay 1907. Để không công nhận vấn đề này, trong phán quyết sơ thẩm của mình, thẩm phán Weinstein đã lý giải "chất diệt cỏ không phải là chất độc" và "không gây tác hại cho con người". Nhưng những lập luận kiểu như vậy trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ ngày nay là không thể chấp nhận được. Trong vụ việc này, có thể chứng minh được bị đơn đã cố ý để xảy ra hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các nạn nhân CDDC/Đ Việt Nam mặc dù họ đã và hoàn toàn có thể biết trước được hậu quả đó. Bị đơn đã sản xuất ra một sản phẩm mà họ đã biết trước có chứa các hàm lượng dioxin rất cao và rất không an toàn. Họ cũng biết trước dioxin là một chất độc hại nhất từ trước đến nay. Bị đơn đã làm ngược lại với phương pháp công nghiệp đã được công nhận vào thời điểm đó bởi họ muốn sản xuất chất diệt cỏ càng nhanh thì họ càng kiếm được nhiều tiền hơn. Bằng cách tăng tốc, rút ngắn quy trình sản xuất họ đã biết rằng hàm lượng dioxin, hàm lượng chất độc trong sản phẩm của họ sẽ cao đến mức không thể chấp nhận được. Họ đã biết Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng sản phẩm của họ ra sao. Tóm lại, họ đã biết rằng nó sẽ là một vũ khí chiến tranh hoá học vi phạm tập quán quốc tế.

Qua phân tích về tập quán quốc tế, chúng ta có thể thấy rằng việc rải chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào hoặc được nguỵ trang bằng chất diệt cỏ, đều tuyệt đối bị cấm bởi các tập quán cũng như nhận thức được công nhận rộng rãi về luật lệ chiến tranh và việc sử dụng một loại chất độc như vậy phải bị coi là tội ác chiến tranh. Việc sử dụng chất độc cũng là một tội phạm như tội cướp biển khuôn mẫu của thế kỷ 18, có định tính, rõ ràng và cụ thể đã được dùng làm căn cứ khởi kiện theo quy định của thủ tục Kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài (ATCA) như trong án lệ Sosa (Mỹ) đã đưa ra.

  1. Hệ thống văn bản pháp luật quốc tế về cấm sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh.

2.1.2.1. Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc, các loại hơi ga khác và vũ khí sinh học trong chiến tranh và các Nghị quyết của LHQ liên quan đến Nghị định thư.

Nghị định thư Giơnevơ 1925 là điều ước quốc tế đầu tiên nghiêm cấm sử dụng các chất khí ngạt, độc hoặc các chất khí tương tự khác và vi trùng trong chiến tranh. Nghị định thư này có hiệu lực từ 8/2/1928. Với việc các nước ký kết Nghị định thư Giơnevơ, các quy định nghiêm cấm sử dụng các chất khí ngạt, độc hoặc các chất khí tương tự khác và vi trùng đã trở thành tập quán được các nước áp dụng. Trước năm 1971, Quốc hội Mỹ đã không phê chuẩn Công ước này với lý do Công ước sẽ không bao giờ được tôn trọng trong chiến tranh và hơi độc là phương pháp giết người "nhân đạo" hơn các vũ khí khác[7]. Mặc dù, mãi đến ngày 10/4/1975, Mỹ mới nộp thư phê chuẩn Công ước, hành vi sử dụng chất độc của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã vi phạm trắng trợn tập quán quốc tế đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Hành vi này của Mỹ đã bị nhiều nước lên án tại các diễn đàn quốc tế khác nhau. Năm 1966 tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc Hungari và nhiều nước XHCN khác lúc đó đã coi hành động sử dụng chất độc hoá học của Mỹ tại Việt Nam là tội ác quốc tế, vi phạm thô bạo các quy định của Nghị định thư Giơnevơ 1925 và các quy định khác của pháp luật quốc tế. Các nước này đòi hỏi công luận quốc tế cần phải lên án và Mỹ phải gánh chịu hoàn toàn hậu quả nghiêm trọng do họ gây ra tại Việt Nam.[8]

Tháng 11 năm 1966, Hungary đã trình một Dự thảo Nghị quyết lên Uỷ ban thứ nhất của Đại Hội đồng LHQ nhằm lên án Mỹ sử dụng vũ khí hoá học ở Việt Nam, trong đó nêu:

          " Đại hội đồng...

  1. Đòi hỏi tất cả các Nhà nước phải tôn trọng một cách nghiêm chỉnh và tuyệt đối các nguyên tắc và quy phạm Nghị định thư Genevơ năm 1925, có giá trị cấm sử dụng vũ khí hoá học và vi trùng;
  2. Lên án tất cả những hành động nhằm sử dụng vũ khí hoá học và vi trùng;
  3. Tuyên bố rằng sử dụng vũ khí hoá học và vi trùng nhằm huỷ hoại con người và các phương tiện sống sẽ cấu thành tội ác quốc tế.

Mỹ đã phản đối mọi ý định sử dụng ngôn từ trong dự thảo nhằm xác định phạm vi ngăn cấm được ghi nhớ trong Nghị định thư, đặc biệt đề cập đến các loại "vũ khí hoá học" và "phương tiện sống". Đại diện Mỹ tại LHQ đã tranh luận rằng sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam không vi phạm Nghị định thư.

Vấn đề thú vị ở đây là mặc dù dự thảo Nghị quyết trên chưa hề nhắc trực tiếp đến Mỹ, nhưng Mỹ đã phản đối hết sức mạnh mẽ và tranh luận trước LHQ rằng việc sử dụng chất diệt cỏ không thuộc phạm vi ngăn cấm của Nghị định thư 1925 mặc dù tại thời điểm đó Mỹ chưa phải là thành viên của Nghị định thư này và về nguyên tắc, không chịu trách nhiệm ràng buộc tuân thủ các quy định của Nghị định thư. Chỉ có thể lý giải được là Mỹ cũng đã nhận thấy các quy định cấm trong Nghị định thư 1925 cũng chính là các quy định cấm có tính chất tập quán của luật quốc tế và dù Mỹ không phải là thành viên của Nghị định thư thì sự vi phạm các quy định cấm này cũng sẽ chịu sự điều chỉnh các các quy tắc tập quán. Mối lo sợ này cũng được thể hiện trong hành vi rải chất diệt cỏ khi máy bay của Mỹ được nguỵ trang và trang bị bằng những phù hiệu nhận dạng có thể gỡ bỏ được. Khi thực hiện các phi vụ huỷ diệt mùa màng, máy bay đeo phù hiệu Việt Nam Cộng Hoà, phi hành đoàn không quân Mỹ mặc thường phục và có các thành viên phi hành đoàn Việt Nam Cộng Hoà đi theo.

Sau các cuộc thương lượng trong Đại hội đồng, ngày 5/12/1966 Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị Quyết số 2162 B (XXI) trong đó kêu gọi "sự tôn trọng nghiêm ngặt của tất cả các Nhà nước về các nguyên tắc và mục tiêu của Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc, các loại hơi ga khác và vũ khí sinh học trong chiến tranh và lên án tất cả các hành động trái ngược với những mục tiêu đó". Nghị quyết đã được thông qua với 91 phiếu thuận, trong đó có cả Mỹ.

Ý nghĩa quan trọng của Nghị Quyết 2162 B là ở chỗ nó đã công nhận sự tồn tại của quy tắc có tính tập quán và nhắc nhở các quốc gia (thành viên hay không phải là thành viên) tuân thủ quy tắc đó. Sự tồn tại của quy tắc đó đã được công nhận rộng rãi bởi các phát biểu của các quốc gia sau thế chiến thứ 1, trong đó có cả phát biểu của đại diện Mỹ[9].

Xem xét về bản chất và tính độc hại của các hoá chất được sử dụng, hành vi sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam của Mỹ rõ ràng là đã đi ngược lại tuyên bố của chính họ đồng thời vi phạm quy tắc tập quán đã được thế giới văn minh công nhận về cấm mọi hình thức sử dụng vũ khí hoá học và sinh học.

Sau Nghị quyết 2162 B, Đại hội đồng đã nỗ lực ban hành 3 Nghị quyết tương tự nhằm nỗ lực ngăn ngừa chiến tranh hoá học, trong đó Nghị quyết 2677 (XXV) thông qua ngày 9/12/1970 đã chỉ rõ việc sử dụng chất da cam của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là vi phạm Nghị định thư 1925, gây biến đổi gien, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và yêu cầu Mỹ ngừng ngay chiến dịch rải chất độc hoá học có tên gọi chương trình Operation Rach Hand. Trong Nghị quyết 2677, Đại hội đồng LHQ không chỉ nhắc đến Nghị định thư 1925 mà còn nhắc đến các quy định của Công ước Lahay năm 1899 và 1907, các Công ước Giơnevơ năm 1949, coi đó như là những quy định có tính chất tập quán của luật quốc tế.

Trước đó, ngày 16/12/1969 Đại hội đồng cũng đã thông qua Nghị quvết số 2603 (XXIV) trong đó chỉ rõ việc sử dụng các loại chất sau là vi phạm các quy tắc của luật quốc tế:

"a/ Một tác nhân sinh học ở bất kể dưới dạng khí, lỏng hay rắn nhằm gây độc trực tiếp cho con người, động vật hoặc cây cối;

b/ Mọi tác nhân sinh học trong chiến tranh, các sinh vật, bất kể có thuộc tính ra sao, hoặc có khả năng gây hại như thế nào, được sử dụng để gây bệnh, chết chóc cho con nơười, động vật hoặc cây cỏ và có khả năng nhân gấp nhiều lần hiệu ứng tác hại khi xâm nhập vào con người, động vật hay cây cỏ sau khi bị tấn công."

Nghị quyết này đã được thông qua bằng 80 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 36 phiếu trắng. Mỹ, Australia (thời điểm đó cũng có quân đội ở Việt Nam) và Bồ Đào Nha đã bỏ phiếu chống.

Nghị quyết này đã khắc phục điểm khiếm khuyết của Nghị định thư 1925 nhằm nỗ lực giải thích một cách rõ ràng các loại hoá chất và sinh vật bị cấm sử dụng trong chiến tranh. Theo như định nghĩa trong Nghị định thư, chất diệt cỏ mà Mỹ đã sử dụng đã thuộc vào loại "tác nhân hoá học" bị cấm.

          2.1.2.2. Các công ước Giơnevơ 1949 về bảo vệ nạn nhân chiến tranh.

Các công ước này tuy không có điều khoản nào quy định cụ thể về bảo vệ nạn nhân chiến tranh hoá học nhưng những quy định nhân đạo về bảo vệ nạn nhân chiến tranh nói chung cũng bao gồm cả bảo vệ nạn nhân của chiến tranh hóa học.[10]

Công ước Giơnevơ 1949 về bảo vệ thường dân trong chiến tranh quy định các bên tham chiến có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của dân thường, cấm mọi hình thức đối xử tàn bạo, dã man, cấm giết hại dân thường hoặc bắt người dân làm con tin hay làm vật thí nghiệm hoá học (Điều 3 Chương II)...

2.1.2.3. Nghị định thư I năm 1977 bổ sung cho các công ước Giơnevơ 1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh.

        Nghị định thư do Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế soạn thảo từ năm 1974 đến năm 1977. Mỹ đã ký Nghị định thư này nhưng cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn. Mặc dù vậy, do phần lớn các quy định của Nghị định thư đều được coi là luật tập quán quốc tế nên Mỹ vẫn có nghĩa vụ phải tuân thủ.

Có thể thấy rằng hầu hết các quy định trong Nghị định thư về cấm sử dụng vũ khí hoá học và bảo vệ môi trường trong thời kỳ chiến tranh là quy định gián tiếp. Tuy nhiên, có một số quy định cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Điều 35 khoản 1 Nghị định thư đã nhắc lại quy định của Công ước La Hay năm 1907 về luật lệ và tập quán chiến tranh về việc các bên trong xung đột không được tấn công thưòng dân và vào những khu vực dân cư không được phòng thủ. Khoản 3 Điều 53 Nghị định thư quy định: "Nghị định thư cấm triển khai những biện pháp và phương tiện chiến tranh với mục đích để gây ra những huỷ diệt cho môi trường trên diện rộng và trong thời gian lâu dài". Điều 54 Nghị định thư cấm tấn công, phá huỷ hoặc vô hiệu hoá” các công trình cho cuộc sống, sự tồn tại của cư dân địa phương", chẳng hạn như nguồn nước. Đặc biệt, Điều 55 Nghị định thư đã đưa ra quy định nhằm bảo vệ môi trường trong thời kỳ chiến tranh: "Các biện pháp phải được tiến hành trong chiến tranh để bảo vệ môi trường tự nhiên không gây ra những tổn thất trên diện rộng, trong thời gian lâu dài và nghiêm trọng". Việc bảo vệ này bao gồm các quy định cấm sử dụng những phương pháp, phương tiện chiến tranh gây ra tổn hại cho môi trường thiên nhiên với mục đích để từ đó, gây tổn hại cho sức khoẻ và sự sinh tồn của người dân ở địa phương nơi xảy ra cuộc chiến tranh. Nghị định thư cũng nghiêm cấm nghiên cứu, phát triển, tàng trữ hoặc tiếp nhận vũ khí mới, phương tiện hoặc biện pháp tiến hành chiến tranh (Điều 36).

2.1.2.4. Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học, độc hại và việc phá huỷ các loại vũ khí này năm 1972.

Ngay từ khi được mở ra để các quốc gia ký ngày 4/10/1972, Công ước này đã được 112 quốc gia ký và sau 4 năm đã có 84 quốc gia phê chuẩn. Mỹ đã phê chuẩn Công ước này ngày 22/1/1975 và Công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/3/1975. Việt Nam gia nhập ngày 20/6/1980.

Công ước đặt ra mục đích đạt được sự tiến bộ trong việc hạn chế, kể cả cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học, độc hại và tiến tới phá huỷ các loại vũ khí này. Cũng như nhiều văn bản pháp lý quốc tế trong lĩnh vực này, Công ước chứa đựng nhiều quy định mang tính tập quán quốc tế có tính chất bắt buộc đối với các quốc gia.

Theo Điều 1 của Công ước, mỗi quốc gia thành viên trong bất kỳ tình huống nào, không được phát triển, sản xuất tàng trữ vũ khí, phương tiện sinh học hoặc độc hại nhằm mục đích thù địch hoặc để sử dụng trong xung đột vũ trang.

Điều 2 của Công ước đặt ra cho các quốc gia thành viên nghĩa vụ phải phá huỷ các vũ khí đó vì mục đích hoà bình, bằng cách nhanh nhất có thể không muộn quá 9 tháng kể từ khi Công ước bắt đầu có hiệu lực.

Mỗi quốc gia thành viên, phù hợp với quy định của pháp luật nước mình, tiến hành các biện pháp cần thiết để cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, hoặc lưu giữ vũ khí sinh học, các chất độc, vũ khí, phương tiện sinh học, độc hại trong phạm vi lãnh thổ hoặc tại những vùng thuộc quyền tài phán của quốc gia thành viên (Điều 4).

Bằng cơ chế phối hợp thông qua Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên sẽ hợp tác với nhau trong việc điều tra những vụ việc có liên quan đến sự vi phạm nghĩa vụ đã cam kết theo Công ước, phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Hội đồng Bảo an sẽ thông báo cho các Bên ký kết về kết quả điều tra các vụ việc nói trên. Đồng thời các quốc gia cần giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện yêu cầu giúp đỡ khắc phục sự vi phạm Công ước phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Các Bên ký kết có thể tiếp tục đàm phán trong bầu không khí hiểu biết lẫn nhau để sớm thoả thuận được về các biện pháp hữu hiệu nhằm cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí hoá học và việc phá huỷ chúng. Các quốc gia ký kết cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi thông tin về phương tiện vật chất, kỹ thuật công nghệ để sử dụng vũ khí sinh học và độc hại vào mục đích hoà bình và phối hợp sự hợp tác lẫn nhau cũng như với các tổ chức quốc tế nhằm tiếp tục phát triển và áp dụng các phát minh, sảng chế khoa học trong lĩnh vực sinh học và độc học vì mục đích hoà bình.

Mọi sự tư vấn hợp tác cần được tiến hành thông qua các trình tự thủ tục hợp lý trong khuôn khổ Tổ chức Liên hợp quốc và phù hợp với Hiến chương của Tổ chức này.

Việc thông qua Công ước này là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế đối với việc cắt giảm loại vũ khí sinh học và độc hại hết sức nguy hiểm này.

2.1.2.5. Công ước về cấm các hành động quân sự hoặc các hành động thù địch tác động lên môi trường tự nhiên năm 1977 (ENMOD).

Công ước ENMOD được ký tại Giơnevơ ngày 18/7/1977, có hiệu lực từ ngày 5/10/1978 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên nhằm ngăn ngừa việc sử dụng các sức mạnh của tự nhiên làm vũ khí để tiến hành chiến tranh - những biện pháp tiến hành chiến tranh hoàn toàn mới về chất. Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn Công ước này ngày 13/12/1979 và Công ước có hiệu lực với Mỹ kể từ 17/1/1980.

Công ước này nghiêm cấm các quốc gia thành viên can thiệp vào các quá trình tự nhiên để làm thay đổi nó, biến những quá trình này thành các biện pháp quân sự và các biện pháp thù địch khác nhằm để phá hoại, gây thiệt hại cho quốc gia khác.

Việc sử dụng các biện pháp mang tính chất quân sự và thù địch tác động lên tự nhiên trên "phạm vi rộng, lâu dài hoặc gây hậu quả nghiêm trọng" đều bị Công ước nghiêm cấm. Trong Biên bản số I của Uỷ ban giải trừ quân bị đã định nghĩa về cụm từ này như sau: "trên diện rộng" có nghĩa là nó phải rải ra trên phạm vi một vài trăm km2; "lâu dài" có nghĩa là diễn ra trong ít nhất 3 tháng; và "hậu quả nghiêm trọng thì có nghĩa là gây ra hàng loạt sự rối loạn hoặc có hại cho cuộc sống con người, tự nhiên. Trong chiến dịch Ranch Hand, Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học trên diện rộng (hàng vạn km2), trong thời gian dài (hơn 10 năm) và gây những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà đến nay hậu quả này vẫn chưa chấm dứt.

2.1.2.6. Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và việc phá huỷ những vũ khí này 1993.

Bước ngoặt quan trọng của pháp luật quốc tế trong việc nghiêm cấm sử dụng vũ khí hoá học là Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và việc phá huỷ những vũ khí này (gọi tắt là Công ước cấm vũ khí hoá học) được ký ngày 13/1/1993[11]. Mỹ cũng đã phê chuẩn Công ước này.

Công ước cấm vũ khí hoá học cũng lại một lần nữa nhấn mạnh đến các nguyên tắc của Nghị định thư Giơnevơ 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc và các loại hơi ga khác và vũ khí sinh học trong chiến tranh, khẳng định lại các nguyên tắc, mục tiêu và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong Công ước về việc cấm phát triển sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học, độc hại và việc phá huỷ các loại vũ khí sinh học, độc hại và việc phá huỷ các loại vũ khí này năm 1972. Đặc biệt, Công ước đã công nhận việc cấm sử dụng chất diệt cỏ làm phương tiện chiến tranh như đã được quyết định trong các nguyên tắc liên quan của pháp luật quốc tế. Công ước đặt ra mục tiêu cấm triệt để và có hiệu quả việc phát triển, sản xuất, thu nhận tàng trữ, lưu giữ, chuyển giao và sử dụng vũ khí hoá học và việc phá huỷ chúng là một bước cần thiết để tiến tới đạt được các mục tiêu chung.

Công ước đặt ra nhiệm vụ chung cho các quốc gia thành viên là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không hao giờ được:

  • Phát triển, sản xuất hay có được bằng cách khác, tàng trữ hoặc lưu giữ vũ khí hoá học hoặc trực tiếp hay gián tiếp chuyển giao vũ khí hoá học cho bất kỳ ai;
  • Sử dụng vũ khí hoá học;
  • Tham gia vào bất kỳ hoạt động chuẩn bị quân sự nào để sử dụng vũ khí hoá học;
  • Hỗ trợ, khuyến khích hoặc xúi giục dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ai tham gia vào bất kỳ hoạt động nào bị Công ước này cấm đối với một quốc gia thành viên.

Ngoài ra, Điều 1 của Công ước còn đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải cam kết, phá huỷ mọi vũ khí hoá học do họ đã bỏ lại trên lãnh thổ quốc gia thành viên khác, phù hợp với các quy định của Công ước và phá huỷ bất kỳ cơ sở sản xuất vũ khí hoá học nào mà họ sở hữu, kế cả các cơ sở đang nằm tại bất kỳ địa điểm nào thuộc quyền tài phán và kiểm soát của họ.

Vũ khí hoá học, trong Công ước này được hiểu khá rộng bao gồm: các chất độc hoá học, các tiền tố, đạn dược, thiết kế phát tán các độc tố khi sử dụng nhằm gây tử vong hoặc tác hại khác thông qua những độc tố của các chất hoá học. Còn hoá chất độc là bất kỳ loại hoá chất nào mà thông qua phản ứng hoá học của nó với các quá trình của sự sống, có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc tác hại lâu dài đối với con người hoặc động vật.

Một điểm đáng lưu ý là các vũ khí hoá học bị bỏ lại mà cũng được Công ước điều chỉnh là vũ khí hoá học bị một quốc gia bỏ lại sau 1/1/1925 trên lãnh thổ quốc gia khác mà không có sự đồng ý của quốc gia đó. Đối với loại vũ khí hoá học này, quốc gia đã bỏ lại trên lãnh thổ quốc gia khác phải cung cấp thông tin cho quốc gia đó. Đồng thời cũng phải có nghĩa vụ thông báo cho Tổ chức Công ước biết để hợp tác cùng các quốc gia thành viên khác, nhất là với Ban thư ký Kỹ thuật để triển khai khắc phục sự tồn lưu của vũ khí hoá học bị bỏ lại.

Điều X của Công ước, vì mục đích giúp đỡ và bảo vệ chống vũ khí hoá học, đặt ra nghĩa vụ cho quốc gia thành viên phải phối hợp và chuyển giao cho các quốc gia thành viên khả năng phòng chống vũ khí hoá học, trong đó bao gồm các thiết bị phát hiện và hệ thống báo động, các thiết bị và các chất liệu tiêu độc, các chất tiêu độc và thuốc điều trị và các tư vấn về tất cả các biện pháp bảo vệ này. Các quốc gia thành viên cam kết tạo điều kiện, và có quyền tham gia trao đổi đầy đủ nhất về trang thiết bị, vật liệu và thông tin khoa học, kỹ thuật liên quan tới các biện pháp phòng chống vũ khí hoá học.

          2.1.2.7. Quy chế Toà án hình sự quốc tế Roma.

Quy chế Toà án hình sự quốc tế Roma năm 1998 Điều 8, khoản 2, mục (b) đoạn (iv) đã đưa ra quy định cấm việc phát động cuộc tấn công nhằm gây ra thiệt hại cho dân thường hoặc môi trường thiên nhiên trên diện rộng, lâu dài và nghiêm trọng.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, trong thực tiễn quốc tế, đã có một loạt điều ước khu vực về bảo vệ môi trường đã được ký kết. Trong đó phải kể đến Công ước về bảo vệ sông Ranh khỏi bị ô nhiễm bởi các hoá chất 1976, Công ước bảo vệ động thực vật quý hiếm và môi trường sinh sống của chúng tại Châu Âu (1979), Hiệp định về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của các nước ASEAN 1987, nhiều công ước khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, khí quyển...

  1. Pháp luật Mỹ - căn cứ khởi kiện các công ty hoá chất yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự

 2.2.1. Thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài ATCA.

Nội dung văn bản luật ATCA quy định (28 USC 1350): "Các toà án sơ thẩm liên ban có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm bất cứ vụ kiện dân sự nào của người nước ngoài, nhưng chỉ với hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm luật pháp của các quốc gia hoặc vi phạm một hiệp ước nào đó mà Mỹ tham gia."

ATCA cho phép người nước ngoài khiếu kiện tại các toà án Mỹ để đòi bồi thường những thiệt hại phát sinh ngoài nước Mỹ do vi phạm luật pháp của các quốc gia hoặc vi phạm luật pháp quốc tế.

Được Quốc hội thông qua năm 1789, ban đầu ATCA được dự liệu nhằm cho phép những người không phải là công dân Mỹ được tiếp cận các toà án Mỹ trong những vụ liên quan đến việc vi phạm luật pháp quốc tế, kể cả các hiệp ước, hiệp định quốc tế. Trong một thời gian dài của lịch sử nước Mỹ, luật này ít khi được sử dụng đến. Tuy nhiên vào cuối thập kỷ 60 một luật sư tại Trung tâm các quyền hiến định là Peter Weiss phát hiện ra cơ hội này khi đang tìm kiếm các căn cứ để kiện các quan chức quân sự Mỹ chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam. Vụ này chưa bao giờ được Weiss đưa ra toà nhưng sau đó mấy năm, ông đã thành công trong một vụ kiện thay mặt cha và em gái của Joel Filàrtiga, người đã bị tra tấn đến chết bởi một viên cảnh sát Paraguay, kẻ sau đó bỏ trốn đến Mỹ. Kể từ sau vụ Filàrtiga đã có trên hai mươi trường hợp khiếu kiện thành công theo ATCA thay mặt những người nước ngoài chống lại những kẻ sau khi vi phạm nhân quyền đã đến cư trú tại Mỹ.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, kết quả của hàng loạt vụ việc được giải quyết đã dẫn đến nhiều tiến bộ quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự của những kẻ vi phạm nhân quyền. Có một loạt đơn kiện chống lại tướng Guillermo Suarez-Mason, một tướng lĩnh Argentina phụ trách quân khu Buenos Aires, là kẻ chịu trách nhiệm về việc tra tấn, hành quyết và mất tích của hàng trăm công dân Argentina trong thời kỳ “chiến tranh bẩn thỉu”. Cũng giống như bị đơn trong vụ Filàrtiga, nhà quân sự này đã đến Mỹ, và tại đây ông bị tống đạt đơn khởi kiện. Các yêu cầu bồi thường trong một loạt vụ kiện này đã đạt con số trên 80 triệu đô-la và áp dụng cả với sĩ quan chỉ huy vụ việc chứ không chỉ với kẻ trực tiếp tra tấn.

Cho đến nay, nhiều vụ khác nữa đã xác định chắc chắn trách nhiệm dân sự của những chỉ huy quân sự và những kẻ nắm quyền hành khác đối với những hành động của binh sĩ dưới quyền. Trong vụ Todd - Panjaitan, một tướng Indonesia nắm quyền chỉ huy các binh sĩ can dự vào cuộc thảm sát Dili ở Đông Timor năm 1991 đã bị quy kết trách nhiệm về cái chết của một thành viên phong trào sinh viên trẻ. Trong vụ Paul - Avril, tổng thống độc tài của Haiti bị quy trách nhiệm về việc tra tấn 5 nhà hoạt động chính trị phe đối lập. Còn trong một loạt vụ kiện nhằm vào khối tài sản của cựu tổng thống độc tài Philippines Ferdinand Marcos, bồi thẩm đoàn đã nhân danh ít nhất 10.000 nạn nhân ấn định một trách nhiệm bồi thường hàng trăm triệu đô-la.

Một vụ lớn gần đây để xác định loại trách nhiệm kể trên là vụ Kadic - Karadzic, vụ kiện lãnh tụ người Serb ở Bosnia thay mặt các nạn nhân trong cuộc chiến tranh Bosnia-Herzegovina. Các nguyên đơn khẳng định rằng Karadzic đã thâu tóm quyền chỉ huy tối cao đối với các lực lượng quân sự Serb ở Bosnia, và rằng những tổn thương của họ là một phần của hàng loạt vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống do ông ta chỉ đạo và được tiến hành bởi những lực lượng quân sự dưới quyền ông ta. Phiên toà phúc thẩm đã cho phép vụ kiện được tiếp tục và bồi thẩm đoàn còn buộc ông ta bồi thường 4,5 tỷ đô-la Mỹ. Nhờ kết quả của những vụ kiện này mà các toà án Mỹ đã thiết lập được một án lệ rằng những kẻ nào chỉ huy việc tra tấn, giết chóc hoặc các vi phạm nhân quyền khác đều chịu trách nhiệm dân sự trước các nạn nhân.

Mới đây các toà án Mỹ mở rộng đối tượng áp dụng của ATCA sang các công ty. Chẳng hạn, ATCA đã được sử dụng trong vụ kiện Unocal (với những cáo buộc cho rằng công ty này đã sử dụng lao động nô lệ và cưỡng bức những dân làng ở Miến-điện rời bỏ làng xóm của họ), hoặc trong vụ General Motors (với những cáo buộc về hành vi đồng loã liên quan đến những vi phạm nhân quyền diễn ra tại Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai).

Năm 1993, căn cứ vào ATCA, 30.000 công dân Ecuador đã tập hợp lại yêu cầu điều tra thiệt hại đối với môi trường và xã hội gây ra bởi sự khai thác dài hạn của Texaco đối với nguồn dầu mỏ tại vùng Amazon thuộc Ecuador, thường được gọi là vùng Oriente. Các hoạt động khai thác dầu mỏ ở Ecuador hàng ngày thải ra 4,3 triệu ga-lông nước độc hại vào môi trường ở Oriente. Cho đến năm 1990, Texaco đã kiểm soát được 90% các hoạt động khai thác dầu mỏ và là đối tác của chính phủ Ecuador. Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới, do mất đất và do thiệt hại về môi trường mà nhóm người Cofan bản địa đã phải “hứng chịu một quá trình tan rã về mặt xã hội, một sự đồng hoá diễn ra nhanh chóng và gần như là một sự tuyệt chủng về văn hoá”.

Điểm độc đáo - và có thể gọi là tiền lệ - trong vụ Texaco là ở chỗ đây là vụ kiện đầu tiên với lời cáo buộc cho rằng các tác động đối với môi trường của công ty đã đi quá xa so với các chuẩn mực quốc tế đến mức chúng được xem là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Trước đó ATCA chỉ được gói gọn vào những trường hợp tra tấn, diệt chủng và các vi phạm nhân quyền thông thường khác.

Để phản bác lại lời cáo buộc, Texaco phủ nhận việc áp dụng luật quốc tế vào trường hợp này và lập luận rằng không như tra tấn hay diệt chủng, các sai sót về môi trường được định nghĩa khác nhau tuỳ từng nước do đó không có "luật quốc tế". Tháng 4 năm 1994, trong một phán quyết được coi là có tính lịch sử, thẩm phán toà án sơ thẩm liên bang Vincent Broderick trích dẫn Tuyên bố Rio 1992 và các công ước khác liên quan đến môi trường để quyết định thụ lý vụ Texaco. Vụ Texaco cho thấy rằng quan niệm về “luật pháp của các quốc gia” đang được mở rộng và ATCA có thể đi xa hơn những vi phạm nhân quyền thông thường để đề cập đến những vi phạm về môi trường.

Gần đây, án lệ Sosa kiện Alvarez-Machain năm 2004 theo thủ tục ATCA đã đặt ra hàng loạt các tranh cãi về thẩm quyền của Toà án Mỹ, về căn cứ khởi kiện theo thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại dân sự cho người nước ngoài, về việc áp dụng luật quốc tế tại Mỹ... Đây là một vụ việc cũng hết sức đặc biệt vì các bên liên quan cũng như căn cứ phát sinh vụ việc đều diễn ra ngoài Mỹ và được nhắc đến nhiều trong phán quyết sơ thẩm của vụ các nạn nhân chất độc da cam/doxin Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ. Năm 1985, một nhân viên của Phòng quản lý ma tuý Mỹ (DEA) tên là Enrique Camarcna-Salazar (quốc tịch Mexicô) đã bị một người Mexicô bắt cóc và đưa đến một ngôi nhà tại Guadalajara, Mexicô. Anh ta đã bị tra tấn trong hai ngày để khai thác thông tin liên quan đến DEA và sau đó đã bị sát hại. DEA cho rằng một người có tên là Alvarez-Machain, quốc tịch Mexicô đã trực tiếp tra tấn và sát hại Enrique. Năm 1990, Toà án khu vực California đã ra lệnh truy nã Alvarez-Machain và DEA đã sử dụng một số người quốc tịch Mexico, trong đó có Sosa để bắt và dẫn giải Alvarez-Machain về Mỹ theo con đường không chính thức. Tuy nhiên, sau đó Toà án Mỹ đã cho rằng việc bắt giữ Alvarcz- Machain và đưa sang Mỹ là vi phạm các quy định của Hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Mexicô và Alvarez-Machain không thể bị xét xử tại Mỹ. Năm 1993, sau khi trở về Mexico, Alvarez-Machain đã kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do bị tra tấn đối với Mỹ, DEA, Sosa và một số người Mexicô khác. Toà án sau đó đã bãi bỏ đơn kiện của Alvarez-Machain đối với Mỹ và DEA, nhưng lại thụ lý việc Alvarez-Machain kiện Sosa và phán quyết Sosa phải bồi thường cho Alvarez-Machain 25.000 đôla về hành vi bắt cóc Alvarez-Machain. Sau khi có phán quyết, cả Alvarez-Machain và Sosa đều đã đề nghị phúc thẩm vụ việc. Việc xem xét vụ việc Sosa kiện Alvarez-Machain tại Toà phúc thẩm khu vực 9 từ năm 2001 đến năm 2004 mới kết thúc và đặt ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến đạo luật phạm lỗi với người nước ngoài đã ra đời cách đây hơn hai thế kỷ. Án lệ Sosa đã một lần nữa xem xét lại vấn đề căn cứ khởi kiện là luật quốc tế. Toà án tối cao Mỹ cho rằng những vi phạm luật quốc tế phải là những quy phạm có tính chất quốc tế đã được thế giới văn minh công nhận và đã được xác định cùng với một đặc điểm tương đương với những đặc điểm của các nguyên mẫu thế kỷ 18, thời mà đạo luật phạm lỗi với người nước ngoài được ban hành. Vụ Sosa không đưa ra bất cứ một phương pháp cụ thể nào nhằm xác định khi nào thì những quy phạm pháp lý quốc tế đáp ứng những tiêu chế này. Tuy nhiên, Toà án đã giải thích rằng nguyên tác phải đủ cả hai: "được thế giới văn minh công nhận" và "được xác định một cách cụ thể" "phải tương xứng với những đặc điểm của các nguyên mẫu thế kỷ 18". Như vậy, để quyết định xem các căn cứ đó có được đáp ứng hay không, toà án cần xác định hai vấn đề:

Thứ nhất, liệu việc ngăn cấm hành vi được dùng làm căn cứ để tranh tụng có được cộng đồng thế giới công nhận một cách rộng rãi hay không;

Thứ hai, liệu nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế công nhận đó có được xác định một cách cụ thể nhưng là một lỗi vi phạm làm căn cứ khởi kiện dân sự hay không.

Vụ kiện Sosa đã đặt ra những tình huống vừa có lợi lại vừa không có lợi cho vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam. Điểm lợi ở đây là sự tiếp tục phát triển của các vụ kiện theo thủ tục ATCA đã tồn tại từ cách đây hơn 2 thế kỷ, Toà án Mỹ đã thụ lý vụ kiện giữa hai công dân đều không mang quốc tịch Mỹ để giải quyết và luật quốc tế được đưa ra để xem xét tại vụ kiện này. Điều không thuận lợi ở chỗ cách thức giải thích việc áp dụng luật quốc tế làm căn cứ khởi kiện theo ATCA của Toà án tối cao Mỹ có phần khó hiểu, thể hiện mục đích muốn các Toà án liên bang thận trọng khi xem xét áp dụng luật quốc tế trong việc giải quyết các vụ kiện dân sự tại Toà án Mỹ. Để khắc phục điểm bất lợi này, phía nguyên đơn trong vụ kiện chất độc da cam cần củng cố các luận điểm về sự vi phạm luật quốc tế của các công ty hoá chất một cách cụ thể, chi tiết hơn.

 2.2.2. Các đo luật khác có liên quan

         2.2.2.1. Luật bảo vệ nạn nhân bị tra tấn (Torture Victim Protection Act - TVPA 28 U.S.C $1350)

Đạo luật TCPA có thể cung cấp căn cứ tố tụng đối với người nước ngoài kiện ra Toà án Mỹ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Đạo luật TVPA quy định một cá nhân mang quốc tịch của bất cứ một quốc gia nào cũng có thể bị kiện và bị buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các cá nhân khác bị tổn thương nếu trực tiếp hoặc tiếp tay cho các hành động tra tấn hay giết người mà không có một phán quyết được tuyên đúng pháp luật của một Toà án có thẩm quyền.

Đạo luật đã đưa ra 02 định nghĩa quan trọng là định nghĩa về "tra tấn" (Tortute) và định nghĩa về “giết người không thông qua xét xử” (extrajudicial killing).

  • Định nghĩa về "tra tấn": Bất cứ một hành động có chủ định nào nhằm chống lại một cá nhân nhằm trong sự kiểm soát về thể chất của người vi phạm đã gây ra đau đớn nghiêm trọng (khác với sự đau đớn chỉ phát sinh một cách đương nhiên hay ngẫu nhiên từ các biện pháp cưỡng chế hợp pháp), dù đó là tổn thương về thể chất hay tinh thần cho nạn nhân, nhằm thu thập từ nạn nhân đó hoặc một người thứ ba những thông tin hoặc một lời thú nhận, trường phạt nạn nhân đó vì đã có một hành vi hoặc hành vi nào đó của một người thứ ba, thì kẻ vi phạm được coi là đã phạm hoặc bị nghi vấn đã phạm tội đe doạ hoặc cưỡng chế nạn nhân hoặc người thứ ba vì lý do dựa trên một sự kỳ thị nào đó.
  • Về khái niệm "giết người không thông qua xét xử" (Extrajudicial Killing), theo quy định của TVPA là những hành vi giết người không được sự cho phép của một bản án được tuyên phù hợp với các thủ tục tố tụng.

Đặc biệt, liên quan mật thiết đến thủ tục tố tụng ATCA, đạo luật TVPA đã đưa ra quy định về thời hiệu tố tụng mà sau này đã được các Toà án Mỹ sử dụng như là một tiền lệ để áp dụng đối với thời hiệu khởi kiện các vụ đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài. TVPA quy định thời hiệu để khởi kiện là 10 năm sau khi phát sinh hành vi vi phạm.

 2.2.2.2. Khiếu kiện theo chế định về trách nhiệm sản phẩm.

          a/ Khái quát về chế định trách nhiệm sản phẩm.

Tại Mỹ, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm là các qui định của trong các văn bản và các án lệ về bồi thường những tổn hại về sức khỏe và tài sản xảy ra do việc sử dụng các sản phẩm có khiếm khuyết, các sản phẩm có nguy cơ gây hại vô lý cũng như do việc người sản xuất hay người bán đã không cảnh báo về nguy hiểm của sản phẩm. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Mỹ chủ yếu là pháp luật bang. Các bang có các qui định riêng về trách nhiệm đối với sản phẩm và những điểm khác nhau trong pháp luật của các bang chủ yếu là về mức độ bồi thường. Trên nền tảng của các án lệ, nhiều bang đã có các qui định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật các bang là người sử dụng sản phẩm nếu bị thiệt hại thì có thể được bồi thường tất cả những tổn thất, bao gồm tổn thất về kinh tế và tổn thất phi kinh tế. Tổn thất kinh tế bao gồm những chi phí hợp lý và cần thiết cho việc điều trị, sự mất mát thu nhập, chi phí cho người chăm sóc v.v. Những thiệt hại phi kinh tế là sự đau đớn, sự bức xúc về tinh thần, sự mất mát trong việc hưởng thụ cuộc sống. Những thiệt hại phi kinh tế không thể xác định bằng tiền chính xác nên thương pháp luật giới hạn mức nhất định. Pháp luật bang Kansas giới hạn mức bồi thường thiệt hại phi kinh tế tối đa là 250000 Đô la.

Hiện tại, chưa có pháp luật liên bang về trách nhiệm đối với sản phẩm. Năm 1995, Viện Luật Mỹ (ALI) đã soạn thảo một Luật mẫu của liên bang về trách nhiệm sản phẩm (Product Liability Fairness Act) nhằm thống nhất pháp luật về lĩnh vực này trong tất cả các bang. Đạo luật được đưa ra thảo luận song không được thông qua. Rất nhiều bang đã không chấp nhận và vì thế cho đến nay nó vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Đạo luật này hệ thống hoá và phát triển nhiều kết luận và các học thuyết được sử dụng trong các án lệ, các qui định trong các đạo luật của liên bang liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Tuy đạo luật này không được thông qua song nhiều qui định trong đó có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử của các toà án Mỹ đối với các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Đạo luật này đã qui định một nguyên tắc chung và một nguyên tắc cụ thể về trách nhiệm sản phẩm mà việc nắm vững chúng rất có ý nghĩa đối với những người khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do sử dụng sản phẩm có khiếm khuyết hay không an toàn.

Nguyên tắc chung được qui định trong Mục 104 như sau:

Luật này qui định: Trong bất cứ vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm nào thuộc phạm vi điều chỉnh của mục này do bên khiếu kiện tiến hành đòi bồi thường thiệt hại do việc sử dụng sản phẩm gây ra, người bán sản phẩm phải chịu trách nhiệm trước người khiếu kiện chỉ khi người này xác định được:

  1. rằng

Sản phẩm bị cáo buộc là đã gây thiệt hại bị đưa ra xét xử đã được bán, được cho thuê bởi người bán;

Người bán sản phẩm không thể hiện sự quan tâm hợp lý đối với sản phẩm; và

Sự thiếu quan tâm hợp lý này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho người khiếu kiện.

  1. rằng

Người bán sản phẩm đã công khai đưa đảm bảo áp dụng đối với sản phẩm đã gây thiệt hại bị khiếu kiện và đảm bảo này độc lập với tất cả những đảm bảo của người sản xuất đối với chính loại sản phẩm này;

Sản phẩm không đáp ứng được với đảm bảo; và

Việc không đáp ứng được đảm bảo là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại; hoặc

C. rằng

Người bán sản phẩm đã thực hiện một hành vi sai trái cố ý qui định trong luật hiện hành của bang;

Hành vi sai trái cố ý này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại bị khiếu kiện.

Bên cạnh nguyên tắc chung nêu trên, Mục 104 đưa ra cả nguyên tắc cá biệt sau:

Người bán sản phẩm phải chịu trách nhiệm như người sản xuất sản phẩm đối với những thiệt hại do sản phẩm gây ra nếu:

  1. Người sản xuất không thể bị lôi cuốn vào tranh tụng theo luật của bang nơi vụ kiện được thụ lý;
  2. Toà án quyết định rằng người khởi kiện sẽ không thể thực hiện được phán quyết chống lại nhà sản xuất.

Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đối với sản phẩm bao gồm nhiều qui định riêng lẻ trong các mảng pháp luật khác nhau như về cẩu thả (negligence), đảm bảo (warranty), các qui định riêng biệt về sản phẩm, các qui phạm pháp luật bang và liên bang về sản xuất và bán sản phẩm, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cũng như học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt.

Để xác định trách nhiệm sản phẩm, người ta dựa vào ba học thuyết chủ yếu là cẩu thả, vi phạm nghĩa vụ đảm bảo và trách nhiệm nghiêm ngặt.

Sự cẩu thả. (Negligence) cẩu thả là một cơ sở quan trọng việc xác định các trách nhiệm theo luật về các vi phạm (tort law), cẩu thả là việc bỏ qua, không thể hiện một sự quan tâm tránh cho người mình có nghĩa vụ phải quan tâm bị rơi vào tình trạng chịu thiệt hại trong việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, cẩu thả được coi là một cơ sở quan trọng. Sự cẩu thả (tắc trách) là việc nhà sản xuất không quan tâm ở mức độ cần thiết, tức là mức độ mà một nhà sản xuất hay cung ứng bình thường cần thể hiện khi sản xuất hay cung ứng sản phẩm của mình ở trong điều kiện và hoàn cảnh tại thời điểm sản xuất.

Để xác định cẩu thả, cần phải chứng minh được sự hiểu biết của bên gây thiệt hại về khả năng xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự không hiểu biết nào cũng tạo ra được cơ sở bảo vệ. Công thức: Biết và cần phải biết luôn được áp dụng ở đây. Ví dụ, nếu nhà sản xuất sửa chữa đã sử dụng nguyên liệu từ những vùng bị dịch thì phải biết rằng sản phẩm của mình có thể tác động xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Điểm quan trọng khác khi xác định trách nhiệm do cẩu thả là sự tồn tại của nghĩa vụ quan tâm của người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh được là giữa hai bên có một liên hệ về nghĩa vụ quan tâm. Hai người không có mối liên hệ nào với nhau thì không thể phát sinh nghĩa vụ. Mối liên hệ nghĩa vụ này phát sinh tuỳ thuộc vào các tình huống cụ thể. Ví dụ, người sản xuất thiết bị cưa gỗ phải có nghĩa vụ đảm bảo sự vận hành nó một cách an toàn cho những người vận hành máy, cho dù họ không trực tiếp ký hợp đồng mua máy cưa. Một người xâm nhập vườn của người khác, đi lại trong đó và bị rơi xuống một hố không đậy nắp, bị gãy chân. Người bị thiệt hại không thể lập luận rằng chủ của vườn có nghĩa vụ phải quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của anh ta khi đi lại trên vườn này. Tuy nhiên, nếu người bị gãy chân là khách mời thì ở đây xuất hiện nghĩa vụ của chủ đảm bảo sự an toàn cho khách của mình.

Điểm quan trọng tiếp theo trong việc xác định trách nhiệm sản phẩm là việc người có sản phẩm vi phạm nghĩa vụ quan tâm đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng sản phẩm. Người bị thiệt hại phải chứng minh được là người bán sản phẩm đã vi phạm nghĩa vụ của mình và chính sự vi phạm này đã làm phát sinh thiệt hại. Trong chừng mực nhất định có thể thấy căn cứ này tương tự mối quan hệ nhân quả được sử dụng rộng rãi trong các nước theo truyền thống luật dân sự khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong thực tiễn pháp luật ở Mỹ, giả định về việc tất cả sản phẩm đưa vào tiêu dùng phải an toàn và không bị hư hỏng luôn luôn được tôn trọng. Điều này có nghĩa là người sản xuất hay người cung ứng sản phẩm có nghĩa vụ đảm bảo sản phẩm của mình khi đến với người tiêu dùng là sản phẩm không hư hỏng, an toàn và nếu có nguy cơ không an toàn (tức là tác động xấu) thì phải có cảnh báo.

Tóm lại, để có cơ sở cho việc khởi kiện dựa trên sự cẩu thả từ phía người sản xuất, người bị hại phải chứng minh được các yếu tố sau:

  1. Nghĩa vụ của người sản xuất;
  2. Sự vi phạm nghĩa vụ đó;
  3. Thiệt hại;
  4. Mối liên hệ giữa vi phạm đó với thiệt hại.

Vi phạm nghĩa vụ bảo đảm. Nghĩa vụ bảo đảm sản phẩm cũng là một trong các cơ sở quan trọng để áp đặt trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm của người sản xuất và cung ứng là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình. Tuy chưa có pháp luật liên bang về trách nhiệm sản phẩm song nghĩa vụ đảm bảo lại được qui định khá rõ trong Bộ luật thương mại thống nhất (UCC). Mục 2-313 UCC qui định về đảm bảo công khai như sau:

  1. Đảm bảo công khai của người bán được hình thành như sau:
  1. Bất cứ sự khẳng định tình tiết hay lời hứa của người bán liên quan đến hàng bán và trở thành một phần trong cơ sở của việc mặc cả sẽ tạo ra đảm bảo công khai rằng hàng bán sẽ phù hợp với sự khẳng định hay lời hứa đó.
  2. Bất cứ sự mô tả nào về hàng hoá đã trở thành một phần trong cơ sở của sự mặc cả sẽ tạo nên đảm bảo rằng hàng hoá sẽ phù hợp với sự mô tả đó.
  3. Các thuật ngữ được sử dụng như “bảo đảm”, “bảo hành” không có ý nghĩa đối với việc tạo ra đảm bảo.

          Mục 2-314 UCC qui định về đảm bảo ngầm định như sau:

"1. Trừ khi bị sửa đổi hay bị loại trừ, trong hợp đồng mua bán hàng hoá luôn luôn tồn tại đảm bảo ngầm định rằng hàng bán có tính thương mại nếu như người bán là thương nhân đối với hàng hoá đó. Theo Mục này, việc phục vụ ăn uống để thu tiền ở tại nhà hay ở bất cứ đâu đều được coi là việc mua bán.

Như vậy, theo Bộ luật thương mại thống nhất, có ba nghĩa vụ đảm bảo là: Đảm bảo công khai (Express warranty); đảm bảo ngầm định bao gồm đảm bảo ngầm định về tính thương mại của sản phẩm (Implied warranty of merchantability ) và đảm bảo ngầm định về tính phù hợp về công dụng của sản phẩm (Implied warranty of fitness).

Đảm bảo công khai được xác định bởi tuyên bố hay giới thiệu của người bán hay người cung cấp sản phẩm rằng sản phẩm A hoặc X của họ có những công dụng nhất định. Ví dụ, nhà sản xuất dược phẩm Y ghi trên toa thuốc rằng dược phẩm này chữa được bệnh hen. Với đảm bảo này, nhà sản xuất cam kết rằng dược phẩm có công dụng chữa hen.

Đảm bảo ngầm định xuất hiện khi nhà sản xuất hay cung ứng không đưa ra sự thay đổi hoặc sự khước từ nào đối với tính thương mại của sản phẩm thì nó được coi là mang tính thương mại theo những tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm cùng loại.

Đảm bảo về tính thích hợp với một công dụng cụ thể chỉ xuất hiện khi người bán hay người cung ứng có cơ sở tin rằng người mua đã mua sản phẩm nhằm một mục đích cụ thể nhất định và người mua đã dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm và đánh giá của người bán hay người cung ứng khi chọn sản phẩm đó."

Trong thực tiễn toà án Mỹ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng ít sử dụng nghĩa vụ đảm bảo để làm cơ sở khởi kiện. Lý do là để áp đặt trách nhiệm trên cơ sở nghĩa vụ đảm bảo, cần phải chứng minh bản chất mối quan hệ giữa người bán, người cung ứng và người mua. Việc chứng minh mối liên hệ này không đơn giản. Hơn nữa, mức bồi thường được chấp nhận thường thấp hơn nếu khởi kiện trách nhiệm sản phẩm dựa trên những cơ sở khác.

Trách nhiệm nghiêm khắc (Strict liability). Trách nhiệm nghiêm khắc là cơ sở thuận lợi nhất cho việc kiện đòi bồi thường thiệt hại theo chế định trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm nghiêm khắc được hiểu là người sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu như sản phẩm bị kém chất lượng và việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng này trong điều kiện bình thường gây ra những thiệt hại cho người sử dụng. Để khởi kiện theo cơ sở này, người khởi kiện không cẩn chứng minh có hay không có sự cẩu thả của nhà sản xuất, có hay không có nghĩa vụ đảm bảo. Người khởi kiện chỉ cần chứng minh rằng sản phẩm kém chất lượng và nguy hiểm một cách phi lý và thực tế đã gây thiệt hại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù rất nhiều bang của Mỹ áp dụng trách nhiệm nghiêm khắc đối với tất cả các chủ thể tham gia quá trình phân phối sản phẩm song vẫn có một số bang bảo vệ người bán lẻ bằng việc yêu cầu người bị thiệt hại chứng minh sự cẩu thả của người bán lẻ khi kiện đòi bồi thường thiệt hại do việc sử dụng sản phẩm gây ra.

Nguyên tắc chung là người sản xuất, cung ứng sản phẩm không phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại liên quan đến sản phẩm chừng nào sản phẩm không bị hư hỏng và có độ an toàn. Vì vậy, để đòi bồi thường, người bị thiệt hại phải chứng minh được sản phẩm hỏng hay không an toàn và việc sử dụng nó thực tế đã gây thiệt hại.

Chất lượng kém của sản phẩm thể hiện ở ba khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, sản phẩm có hư hỏng do sản xuất. Đây là cơ sở chủ yếu để áp đặt trách nhiệm bồi thường đối với nhà sản xuất. Cơ sở áp đặt trách nhiệm này nhằm vào qui trình sản xuất. Ví dụ, việc sản xuất ô tô với bộ phận phanh không tốt, không đảm bảo tiêu chuẩn. Người sử dụng ô tô bị hư hỏng như vậy đã phải gánh chịu thiệt hại khi phanh, xe không dừng được và lao xuống hố sâu, bị thiệt hại về sức khoẻ hoặc tính mạng. Một sản phẩm hư hỏng thường được sản xuất không theo đúng yêu cầu thiết kế hoặc tiêu chuẩn hoạt động hoặc có sự khác biệt đáng kể so với việc sản xuất ra sản phẩm cùng loại trong cùng dây chuyền sản xuất. Những hư hỏng do sản xuất thường bao gồm việc sản xuất thường bắt nguồn từ việc lắp ráp không đúng, thiếu chi tiết, các bộ phận liên kết không chặt, sử dụng nguyên vật liệu kém tiêu chuẩn hoặc nguyên vật liệu hư hỏng.

Ở Mỹ, việc áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm có những sự khác nhau giữa các bang. Nhiều bang không áp dụng trách nhiệm sản phẩm khi trong thực phẩm bị lẫn các chất bẩn tự nhiên. Ví dụ, trong mứt táo còn hột táo, còn vương xương trong xúc xích. Những tạp chất này nếu có lẫn trong thực phẩm thì không làm phát sinh trách nhiệm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu trong thực phẩm có lẫn các tạp chất ngoại lai thì trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ được áp dụng đối với người sản xuất. Ví dụ, trong Coca- Cola có sâu, trong bánh có sỏi, cát v.v...

Thứ hai, sản phẩm có thiết kế kém. Cơ sở này của việc áp đặt trách nhiệm xuất hiện khi sản phẩm gây thiệt hại do thiết kế của chúng quá kém cho dù chúng không có hư hỏng gì trong sản xuất. Ví dụ, một dây chuyền tải sản phẩm được thiết kế không có hệ thống bảo vệ khiến công nhân vận hành nó bị cuốn tay vào đó. Tuy nhiên, để áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt, người khởi kiện buộc phải chứng minh nhà sản xuất có cơ hội lựa chọn thiết kế an toàn hơn hoặc có điều kiện giảm nhẹ nguy cơ rủi ro và việc sử dụng thiết kế này khả thi cả về điều kiện kỹ thuật và tài chính ở thời điểm sản xuất.

Thứ ba, không thực hiện việc cảnh báo hoặc cảnh báo không đầy đủ. Cơ sở trách nhiệm này được đặt ra đối với những sản phẩm mà việc sử dụng tiềm ẩn những sự nguy hại song khi đưa nó vào thị trường, nhà sản xuất đã không cảnh báo cho người tiêu dùng hoặc cảnh báo không đầy đủ. Ví dụ cho việc cảnh báo tác hại của thuốc lá. Nhiều người đã thắng kiện các công ty thuốc lá về việc họ bị ung thư, bị các bệnh khác do hút thuốc lá. Chính vì lý do đó, trong những năm gần đây, các công ty thuốc lá đã đăng các cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá trên bao bì. Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Người sản xuất chịu trách nhiệm về việc không cảnh báo mối nguy hiểm của sản phẩm nên người sử dụng sản phẩm đã chịu tổn hại một cách vô cớ. Nghĩa vụ cảnh báo của người sản xuất bao gồm cả việc cảnh báo việc sử dụng không đúng sản phẩm. Theo học thuyết “việc sử dụng không đúng có thể được suy đoán trước” (Forseeable misuse) thì nhà sản xuất phải cảnh báo cả những mối hiểm hoạ liên quan đến việc sử dụng không đúng sản phẩm.

Khác với các cơ sở khởi kiện khác về trách nhiệm sản phẩm là phải dựa vào các hành vi của người sản xuất, trách nhiệm nghiêm khắc dựa trên bản thân sản phẩm, tức là người khởi kiện cần chứng minh rằng sản phẩm có những khiếm khuyết mà chính những khiếm khuyết này gây tác hại một cách vô lý cho người sử dụng sản phẩm. Việc khởi kiện theo cơ sở này cũng nhằm vào những yếu tố liên quan như cảnh báo về tác động có thể của sản phẩm. Những cách thức để xác định sự khiếm khuyết của sản phẩm được các bang của Mỹ sử dụng phổ biến là:

  - Kiểm định về sự mong đợi của người tiêu dùng (Consumer Expeclation Test).

  • Kiểm định vể rủi ro - sử dụng (Risk-Utility Test).
  • Nguyên tắc về mối nguy hiểm rõ ràng (Open and Obvious Danger Rule).
  • Kiểm định về giải pháp thiết kế khả thi và hợp lý (Feasible/Reasonable Design Alternative)
  • Thuyết về người sử dụng hiện đại (Sophiscated User Doctrine).
  • Người trung gian am hiểu (Learned Intermediary Doctrine).

b/ Các yếu tố cần xác định trong một vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm

(i) Khái niệm sản phẩm

Vì vụ kiện liên quan đến sản phẩm, đến việc sản phẩm gây thiệt hại nên hiểu thế nào là sản phẩm được coi là yếu tố tiên quyết.

Khái niệm sản phẩm không được định nghĩa chính thức trong pháp luật liên bang cũng như pháp luật bang ngoại trừ một số qui định được tập hợp trong Tổng tập án lệ, mục 19. Theo định nghĩa trong Tổng tập án lệ thì tất cả động sản lưu động được mua bán thương mại đều thuộc đối tượng của chế định trách nhiệm sản phẩm. Như vậy, Tổng tập án lệ đã quan niệm sản phẩm là tất cả những động sản được mua bán vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, có thể thấy định nghĩa này chưa làm rõ được nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn thương mại. Ví dụ, người cung cấp dịch vụ sửa chữa khi thay thế phụ tùng thì có bị coi là người bán phụ tùng đó hay không. Bản thân người sửa chữa thì không được coi là nhà sản xuất hay cung ứng. Điện có coi là sản phẩm hay không và có thuộc đối tượng của trách nhiệm sản phẩm hay không. Bất động sản được buôn bán thương mại có thuộc đối tượng của trách nhiệm sản phẩm hay không. Vì chưa có luật liên bang về vấn đề này nên pháp luật các bang tiếp cận những vấn đề này khác nhau.

           (ii) Người bị khiếu kiện có phải là người bán hay người phân phối

Pháp luật các bang của Mỹ chỉ áp đặt trách nhiệm sản phẩm đối với thương nhân. Việc mua bán hay phân phối của thương nhân có diện rộng và vì thế, sản phẩm nếu có nguy cơ gây hại sẽ đe doạ nhiều người. Pháp luật của phần lớn các bang không áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với những người bán đột xuất, không mang tính hành nghề thương mại. Ví dụ, người bán đồ đã dùng, bán đồ để chuyển nhà v.v. Nhiều bang còn loại khỏi chế định trách nhiệm sản phẩm những thương nhân chỉ kinh doanh đồ cũ vì nhiều lý do khác nhau.

           (iii) Sản phẩm có bị thay đổi sau khi đến với người tiêu dùng

           Sự thay đổi sản phẩm bởi người tiêu dùng hay người phân phối là cơ sở giải phóng người sản xuất khỏi trách nhiệm sản phẩm. Chính vì vậy, khi khởi kiện về trách nhiệm sản phẩm thì bên khởi kiện phải tìm cách chứng minh rằng sản phẩm bị khiếm khuyết ngay từ thời điểm mua nó chứ không phải do có sự thay đổi nào đó xảy ra sau khi mua. Nếu sản phẩm bị sửa đổi và sự sửa đổi này làm thay đổi mức độ rủi ro của sản phẩm thì người sản xuất hay phân phối có thể sử dụng nó để bảo vệ mình. Tuy nhiên, sự thay đổi sản phẩm phải là sự thay đổi ở mức độ đáng kể mới có thể trở thành cơ sở miễn hay giảm trách nhiệm sản phẩm.

(iv) Sản phẩm có khiếm khuyết do sản xuất, do thiết kế hay do tiếp thị sản phẩm hay không?

Bất cứ sản phẩm nào đều có thể chứa khiếm khuyết, rủi ro nhất định. Sản phẩm có thể có khiếm khuyết do sản xuất, tức là không phù hợp với những tiêu chuẩn của nhà sản xuất, sản phẩm có thể khiếm khuyết do khâu thiết kế theo đó, sản phẩm ngay từ đầu đã hàm chứa nguy cơ gây thiệt hại như đã nêu ở phần trên. Khiếm khuyết do tiếp thị thể hiện ở việc khi tiếp thị sản phẩm, người sản xuất hay phân phối đã không cảnh báo nguy cơ rủi ro chứa đựng trong sản phẩm đưa ra để tiếp thị. Pháp luật mặc định rằng trách nhiệm của người sản xuất và phân phối là phải chỉ ra khiếm khuyết hay rủi ro trên bao bì hoặc nhãn mác sản phẩm hoặc theo cách thức khác để người mua hay sử dụng sản phẩm biết được.

          b/ Các cơ sở miễn trách nhiệm đối với nhà sản xuất

Việc áp đặt trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất, cung ứng nhằm bảo vệ người tiêu dùng dĩ nhiên sẽ động chạm đến lợi ích của những chủ thể này. Khi bị kiện, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thường tìm cách chứng minh ngược lại với những gì người khởi kiện đòi hỏi. Những yếu tố nêu trên của một vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm đều là mối quan tâm của các bên song theo chiều hướng có lợi cho mình. Bên cạnh việc qui định cơ sở quy trách nhiệm đối với sản phẩm, pháp luật Mỹ còn qui định các điều kiện bảo vệ cho nhà sản xuất, cung ứng và người khởi kiện phải luôn luôn tính đến thực tế này. Người sản xuất, cung ứng thường có các cơ sở phòng vệ dưới đây:

Thứ nhất, pháp luật của nhiều bang xuất phát từ quan điểm cho rằng các nhà sản xuất hay cung ứng một sản phẩm mới, hiện đại về công nghệ và thiết kế có thể không nhận ra được nguy cơ rủi ro tiềm tàng trong sản phẩm. Vì vậy những bang này buộc người khởi kiện phải chứng minh được rằng người sản xuất, cung ứng biết được nguy cơ và có khả năng chọn được giải pháp tốt hơn. Nếu không chứng minh được thì đây là cơ sở để người sản xuất cung ứng được giải phóng trách nhiệm bồi thường. Đây chính là một trong những điểm khó khăn mà bên khởi kiện cần phải vượt qua được nếu muốn thắng.

Thứ hai, tương tự như đòi hỏi về việc chứng minh sự hiểu biết của nhà sản xuất, cung ứng về nguy cơ tiềm ẩn trong sản phẩm, pháp luật một số bang cũng đòi hỏi bên khởi kiện chứng minh rằng mình không biết gì về nguy cơ gây hại của sản phẩm. Nếu bên khởi kiện không chứng minh được điều này thì bên bị khởi kiện sẽ sử dụng tình tiết này như là một sự bảo vệ. Logic của đòi hỏi này là ở chỗ nếu như bên khởi kiện biết nguy cơ tiềm ẩn mà vẫn sử dụng sản phẩm thì đó là sự tự nguyện chấp nhận rủi ro.

Thứ ba, sự cẩu thả của bên khởi kiện cũng có thể là cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm của người sản xuất nếu như sự cẩu thả đó dẫn đến thiệt hại. Tình tiết giảm nhẹ này cũng giống như trong các vụ kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật của một số nước.

Thứ tư, việc sử dụng sản phẩm không đúng chỉ dẫn, sai công dụng hoặc thay đổi cấu trúc hay tính chất của sản phẩm là cơ sở giảm hay miễn trách nhiệm của người sản xuất. Cách tiếp cận việc sử dụng sai như tình tiết miễn hoặc giảm trách nhiệm của nhà sản xuất khác nhau ở mỗi bang. Có bang thì coi việc sử dụng sai là tình tiết miễn trách nhiệm, còn có bang thì chỉ coi là giảm trách nhiệm.

Thứ năm, sai lầm của các khâu trung gian. Trung gian thương mại là hoạt động phổ biến hiện nay. Vì trung gian đứng giữa người sản xuất và người sử dụng sản phẩm nên sai lầm của trung gian cũng dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Những chỉ dẫn không đầy đủ, những sửa chửa sản phẩm thiếu kịp thời của khâu trung gian, sự thay đổi sản phẩm bởi khâu trung gian là tình tiết giảm hoặc miễn trách nhiệm của nhà sản xuất.

Thứ sáu, việc thực hiện các đơn đặt hàng của Chính phủ cũng là cơ sở giải phóng trách nhiệm của nhà sản xuất. Nhà sản xuất có thể chứng minh rằng sản phẩm sản xuất đúng theo thiết kế và những chỉ dẫn mà chính phủ đã phê duyệt, bằng những thiết bị phù hợp với những chỉ dẫn đó và đã thông báo với Chính phủ về mối nguy hiểm mà mình có thể biết được về sản phẩm đã sản xuất theo đơn đặt hàng thì không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm.

  1. Những điều cần lưu ý khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại về trách nhiệm sản phẩm.

Khi tiến hành vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm, cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Pháp luật của bang nơi khởi kiện. Do pháp luật về trách nhiệm sản phẩm chủ yếu là pháp luật bang nên khi khởi kiện phải xem xét kỹ lưỡng pháp luật của bang. Như đã nêu, giữa các bang có sự khác nhau nhất định về pháp luật trách nhiệm sản phẩm nên khởi kiện ở bang nào thì phải nghiên cứu pháp luật và án lệ ở bang đó.
  • Cần xác định xem có cơ sở khởi kiện về trách nhiệm sản phẩm không. Đây là vấn đề mà người khởi kiện cần chú ý. Vụ án chất độc da cam mà các nạn nhân Việt Nam khởi kiện tại quận Brooklin, Bang Niu óoc cho thấy sự phức tạp về cơ sở khởi kiện. Chỉ riêng việc xác định cơ sở khởi kiện để thụ lý vụ án đã tốn mất rất nhiều công sức của luật sư cũng như thẩm phán.
  • Thời hiệu khởi kiện: Thông thường thì người bị hại, gia đình người bị hại về tính mạng kiện ngay sau khi bị thiệt hại xảy ra. Thời hiệu cho các vụ kiện quan đến trách nhiệm sản phẩm được qui định rất ngắn trong pháp luật các bang. Thời hiệu này là từ 1 đến 2 năm tuỳ theo bang. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với vị thành niên. Ví dụ, một vị thành niên bị tổn hại sức khoẻ do sử dụng sản phẩm khiếm khuyết lúc 13 tuổi. Giả sử thời hạn khiếu kiện ở bang Florida, nơi em sống là 2 năm thì toà án không thể bác đon yêu cầu bồi thường khi em khởi kiện lúc 16 tuổi. Thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng kể từ khi em đạt tuổi thành niên. Một điểm đáng chú ý khác là pháp luật nhiều bang qui định thời hiệu khởi kiện bắt đầu không phải từ khi bị thiệt hại mà từ khi hàng hoá được sản xuất. Chính vì vậy khi tiến hành khởi kiện, cần chú ý đến qui định này trong pháp luật của mỗi bang.
  • Một điểm lưu ý khác là khi khởi kiện, cần xem xét đến hiệu lực của pháp luật liên bang. Trong một số lĩnh vực, pháp luật liên bang bao trùm lên tất cả và pháp luật bang không có hiệu lực. Nếu pháp luật liên bang không qui định trách nhiệm sản phẩm trong lĩnh vực đó thì người bị thiệt hại không thể khởi kiện. Ví dụ, công nghiệp thuốc trừ sâu và công nghiệp hàng hải là những lĩnh vực mà pháp luật liên bang không qui định về trách nhiệm sản phẩm.

          d/ Một số vụ kiện mới đây nhất ở Mỹ về trách nhiệm sản phẩm

Kiện đòi bồi thường thiệt hại trên cơ sở trách nhiệm sản phẩm diễn ra khá phổ biến ở các toà án Mỹ. Đây cũng là một điểm mạnh của hệ thống pháp luật nước này xét ở khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, cung ứng và bán sản phẩm đối với xã hội. Dưới đây là một số vụ án được xử trong thời gian gần đây.

Vụ gia đình Thimophy Bostic kiện Georgia Pacific Corp.

Nguyên đơn trong vụ án là gia đình Thimophy và bị đơn là Georgia Pacific Corporation. Thimophy chết vì bị ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng trong quá trình làm việc tại công ty này từ những năm 1960-1970 khi còn chưa là vị thành niên. Năm 2003, người này bị ung thư phổi nặng và chết ở tuổi 41. Nhiều nhân chứng đã khẳng định Thimophy thường sử dụng các hợp chất có chứa amiăng của Georgia Pacific Corporation. Tài liệu thu thập được cho thấy những người có chức trách của Georgia Pacific Corporation từ những năm 1967 đã nhận thức được sự nguy hiểm của amiăng.

Ngày 14/3/2005, tại phiên toà quận Dalas (Dallas County Distrtict Court), bồi thẩm đoàn đã đưa ra bản kết luận là Georgia Pacific Corporation có lỗi và phải bồi thường cho nạn nhân là 9,3 triệu đô la.

Vụ Daniel Johnson kiện Carterpillar Machinery

Johnson là người lái xe ủi của công ty Caterpillar Machinery bị ung thư do nhiễm amiăng trong suốt thời gian làm việc cho công ty này. Nhiều nhân chứng đã chứng nhận rằng nguyên đơn làm nhiều việc liên quan đến bảo dưỡng xe ủi và các công việc đó thường liên quan đến các công việc có sử dụng amiăng. Đoàn bồi thẩm tại phiên toà của Toà thượng thẩm California đã kết luận rằng Caterpillar Machinery phải chịu trách nhiệm đối với tổn hại của nguyên đơn. Toà án đã kết luận rằng Caterpillar Machinery chịu trách nhiệm 5% trong sự tổn hại của nguyên đơn. Phán quyết được đưa ra ngày 16 tháng 3 năm 2004.

Vụ gia đình Duncan kiện công ty Ford Mortor Corporation

Sau 4 tuần kéo dài, phiên toà của toà án Jackssonville đã kết thúc với phán quyết mười triệu đô la bồi thường cho chồng của một phụ nữ đã chết do vỡ sọ khi trần chiếc Ford Explorer, do thiết kế yếu không chịu được áp lực, bị gãy khi gặp tai nạn. Claire Somera Duncan, người phụ nữ bị chết đã lái chiếc Ford Explorer đã lái chệch để tránh va vào một chiếc xe khác. Xe lăn nhiều vòng và trần xe ngay trên đầu người lái bị sụp khiến Claire Duncan chết. Scott Duncan và chị gái của Claire Duncan đi cùng xe bị thương nhẹ. Cả 4 người đều thắt dây an toàn. Tại phiên toà, nguyên đơn đã viện dẫn một tài liệu của Ford Mortor Corporation trong đó đề cập đến điểm yếu nhất của xe Ford Explorer là trần xe. Phán quyết của toà án đã buộc Ford Mortor Corporation bồi thường 10 triệu đô la cho nguyên đơn.

Vụ kiện tập thể của cư dân Florida chống công ty hoá chất Cheminova Inc.

Toà án khu 11 (1llh Circuit) đã y án phán quyết của toà án Middle District of Florida về việc từ chối thụ lý vụ kiện tập thể của cư dân Florida. Vụ kiện này do cư dân Florida khởi kiện từ năm 1999 chống lại công ty hoá chất Cheminova Inc. Nguyên đơn cho rằng việc công ty sản xuất và tiêu thụ thuốc trừ côn trùng nhãn hiệu Fyfanon ULV song đã không cảnh báo nguy cơ gây hại đối với sức khoẻ con người. Nguyên đơn cho rằng việc phun hoá chất diệt côn trùng đã làm cho 100000 người bị ảnh hưởng và bị sốt.

Toà án phúc thẩm khu 11 cho rằng toà án Middle District of Florida đã đúng khi không chấp nhận lập luận của chuyên gia về mối quan hệ nhân quả và vì thế không thừa nhận căn cứ khởi kiện.

  1. Các khía cạnh pháp lý khác có liên quan.

 2.3.1. Pháp luât về bồi thường dân sự hiện hành của Việt Nam

Theo Khoản 6 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp “về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Vậy, hành vi sử dụng chất độc hoá học của Mỹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay là chịu trách nhiệm dưới một hình thức trách nhiệm khác? Theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:

"1. Người nào có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

  1. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Điều 618 Bộ luật dân sự 2005 còn quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Như vậy, trong vụ việc cụ thể sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam gây thiệt hại, Nhà nước Mỹ, quân đội Mỹ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hậu quả của hành vi sử dụng chất độc hoá học, kể cả phần của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước và quân đội Mỹ giao. Đây có thể coi là một hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Một vấn đề nữa cũng đặt ra ở đây là Bộ luật dân sự năm 2005 có được áp dụng đối với trường hợp cụ thể này không? Điều 2 Bộ luật dân sự về hiệu lực của Bộ luật quy định Bộ luật được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đối với các quan hệ dân sự được xác lập sau ngày luật có hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, nếu được luật, nghị quyết của Quốc hội quy định. Như vậy, có thể thấy rằng thẩm quyền áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 đối với vụ kiện yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam thuộc thẩm quyền của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phía Việt Nam có thể chủ động đưa vụ việc trên ra xét xử. Thực tiễn pháp luật Mỹ cũng đã từng công nhận thẩm quyền xét xử của Toà án nước ngoài trong việc giải quyết các tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại dân sự, ví dụ như trong vụ Bhopal, Toà án Mỹ đã công nhận thẩm quyền giải quyết của Toà án Ấn Độ - nơi có vụ việc xảy ra.

        2.3.2. Pháp luật dân sự của Việt Nam Cộng hoà

Bộ luật Dân sự đầu tiên của Việt Nam Cộng hoà được han hành năm 1972 gồm Thiên mở đầu quy định các nguyên tắc ban hành, công bố và việc áp dụng pháp luật, Quyển I quy định về nhân thân, Quyển II quy định về tài sản, Quyển III quy định về di sản, Quyển IV quy định về nghĩa vụ và khế ước, Quyển V quy định về thời hiệu và Điều khoản tổng quát.

Khi còn tồn tại chính quyền Việt Nam Cộng hoà, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được đưa vào luật để điều chỉnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Bộ luật dân sự, chúng tôi thấy rằng có duy nhất một điều quy định tương đối chung về sự thiệt hại vô tình hay cố ý gây ra tại Phụ thiên II, Quyển IV. Tại Phụ thiên II này có một số quy định chung chung về trách nhiệm của người gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho người khác dù đó là vô ý hay cố ý đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

  • Điều 729 quy định "Bất cứ hành vi nào gây thiệt hại cho người khác đều làm cho người chủ động có lỗi phải bồi thường"
  • Điều 730 quy định "Người gây thiệt hại không những phải có trách nhiệm về những hành vi cố ý mà còn có về các sự sơ suất bất cẩn của mình nữa"
  • Điều 731 quy định "Người ta phải chịu trách nhiệm không những về sự thiệt hại do hành vi của chính mình mà còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của những người mà mình có bổn phận trông coi"
  • Điều 733 quy định "Người gia chủ phải chịu trách nhiệm về hành vi của gia bộc; người chủ-uỷ phải chịu trách nhiệm về hành vi của kẻ thừa sai; người thợ phải chịu trách nhiệm về hành vi của công nhân và người học nghề.

Trong trường hợp trách nhiệm nói trên, hành vi của những người gia bộc, thừa sai, công nhân và học nghề phi là một hành vi thuộc vào phận sự công việc của những người ấy."

Điều 734 quy định "Cha mẹ, gia chủ, chủ uỷ và thợ cũng không được miễn trách trừ phi chứng minh rằng họ đã làm hết cách mà không ngăn chặn được hành vi đã gây ra thiệt hại"

Điều 736 quy định "Người ta phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại gây ra bởi vật vô tri mà mình canh thủ.

Người canh thủ là người nào được hành dụng vật đó một cách tự chủ, tuỳ theo sự tiện lợi của mình, không phải chịu sự kiểm soát của ai trong việc hành dụng."

Điều 737 quy định "Người canh thủ đương nhiên phải chịu trách nhiệm và chỉ được miễn trách nếu chứng tỏ được rằng sự thiệt hại do một duyên cớ ngẫu nhiên hay một trường hợp bất khả kháng gây ra.

Trường hợp bất khả kháng do Toà án xét định tuỳ hoàn cảnh. Lỗi của người đệ tam hay của nạn nhân, nếu là duyên cớ duy nhất gây ra tai nạn, được coi là trường hợp bất khả kháng."

Qua các quy định được trích từ Phụ thiên II nói trên, có thể thấy rằng không có điều khoản nào quy định cụ thể về trách nhiệm do sử dụng chất độc hoá học. Nhưng tại Quyển I, có quy định rằng khi không có điều luật nào quy định thì thẩm phán sẽ quyết định theo án lệ, nếu không có án lệ thì thẩm phán sẽ quyết định trên cơ sở công bằng và lẽ phải có cân nhắc đến ý định của các đương sự trong vụ việc.

 2.3.3. Pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam.

a/. Giai đoạn 1945-1980:

Trong những năm đầu của thời kỳ này, do chúng ta đang phải tiến hành cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc nên mục đích chính là huy động toàn lực của toàn Đảng, toàn dân vào cuộc kháng chiến cứu quốc, cũng chính vì thế, Hiến pháp cùng các văn bản pháp luật khác chủ yếu phục vụ kháng chiến, xây dựng một nền kinh tế phục vụ mục tiêu trên. Hiến pháp năm 1946 không hề đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Về mặt nhận thức, chúng ta chưa thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với việc phát triển lâu dài của đất nước. Đây cũng xu thế chung của quốc tế. Cho tới năm 1972, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quốc tế quan tâm đúng mức.

Mặc dù vậy, do yếu tố “cần thiết tự nhiên” của sự phát triển kinh tế xã hội cũng như phục công cuộc phát triển cứu nước nên trong thời kỳ 1945-1980 đã xuất hiện những quan điểm bảo vệ môi trường trong các văn bản pháp luật ở một số lĩnh vực nhất định.

  • Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, một bộ phận của môi trường và đã xuất hiện những quy định nhằm bảo vệ môi trường.

Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và khai thác rừng như: Chỉ thị số 7/TTg ngày 16/1/1964 về việc thu tiền bán khoáng lâm sản và chi tiền nuôi trồng rừng. Văn bản pháp luật này ngoài việc thâm canh tăng năng suất nông nghiệp phục vụ nông nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phục vụ quốc phòng và nhu cầu hàng ngày của nhân dân mà còn thể hiện rõ tầm quan trọng về nhiều mặt của rừng là: “ngăn lũ lụt, xói mòn, bảo vệ sản xuất, bảo vệ đê điều, bảo vệ đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho tài nguyên của rừng phát triển ngày càng phong phú”.

Văn bản pháp luật này cũng đã gắn chặt mối quan hệ giữa việc trồng rừng với bảo vệ rừng, khai thác rừng với công việc sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp.

Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 11/9/1972, là văn bản đầu tiên có khái niệm về “môi trường sống”. Văn bản pháp luật này cũng đã khẳng định lại những tác dụng to lớn của rừng và bổ sung thêm các tác dụng khác như: “Giữ nguồn nước và điều tiết nước, điều tiết khí hậu”. Điều 5 của Pháp lệnh cũng đã trao quyền cho Chính phủ quy định những khu rừng cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ sức khoẻ, nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặc biệt khác. Những khu rừng được quy định là khu rừng cấm, khu bảo tồn thiên nhiên bởi nó là môi trường sống của các động vật quí, hiếm mà nhiều khu rừng khác không có. Trong giai đoạn này Chính phủ đã quyết định thành lập nhiều khu rừng cấm và khu bảo tồn thiên nhiên.

b. Giai đoạn năm 1980 - 1992:

Sau khi đất nước ta đã hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhiệm vụ đặt ra chủ yếu là xây dựng một nền kinh tế phát triển. Từ năm 1980 đến những năm 90, nền kinh tế của nước ta vẫn chứa đựng những đặc điểm của nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp; nền kinh tế chủ yếu dựa vào kế hoạch và thực hiện kế hoạch do Nhà nước đặt ra. Quan hệ kinh tế quốc tế mới chỉ bó hẹp với các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy do sự phát triển kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường cũng đã được quan tâm và được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980.

Điều 36 Hiến pháp năm 1980 qui định “ Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống”.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đóng vai trò định hướng cho quá trình phát triển của Luật bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường sống đã trở thành trách nhiệm của mọi cơ quan và công dân. Nhà nước chú trọng hơn trong việc ban hành các văn bản pháp luật để bảo vệ môi trường sống. Sau năm 1980 nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật để bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, bảo vệ rừng và quản lý các đặc sản rừng.

Các văn bản pháp luật khác (Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 30/6/1989, pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28/7/1989, Nghị định của HĐBT số 28/HĐBT ngày 24/1/1991) đều qui định việc sử dụng tài nguyên khoáng sản, sử dụng các thành phần môi trường phải hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường. Các văn bản pháp luật này cũng phân định rõ quyền hạn và nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và nhân dân. Mối quan hệ hữu cơ giữa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng cũng đã được chú trọng.

Mặc dù đã xác định rõ phải bảo vệ môi trường để phát triển, song các văn bản pháp luật cũng mới chỉ có qui định chung về việc sử dụng hợp lý từng dạng tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường, hoặc trong một lĩnh vực cụ thể của xã hội, mà chưa có những qui định cụ thể buộc các cơ quan Nhà nước, tập thể và công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

          c. Giai đoạn 1992 đến nay:

Hiến pháp năm 1992 đã làm that đổi căn bản nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường tạo nền tảng cho sự ra đời của Luật môi trường ở Việt Nam. Điều 29 Hiến pháp 1992 đã đặt ra cho các nhà làm luật nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ môi trường (ngày 27/12/1993) và các luật khác nhằm bổ sung về mặt số lượng hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật đã được ban hành trước đây. Về chất lượng các văn bản pháp luật này đã điều chỉnh tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người nhằm bảo vệ môi trường. Mục đích của các văn bản pháp luật này là nhằm bảo vệ và cải tạo ra môi trường trong lành, đạt được sự phát triển bền vững gắn liền với sự phát triển môi trường. Vai trò bảo vệ môi trường đã được đánh giá ngang tầm với phát triển kinh tế. Sự gắn bó giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý bảo vệ môi trường là yếu tố quyết định để phát triển. Do đó sự tăng trưởng kinh tế bền vững không phải sản xuất ít đi mà sản xuất phải bảo vệ môi trường. Muốn đạt được mục đích đã nêu, các văn bản pháp luật trong thời kỳ này chứa đựng những chế định hoàn toàn mới mà từ trước đến nay hoặc chưa có hoặc không hoàn chỉnh nhằm điều chỉnh các mối quan hệ con người với con người trong lĩnh vực môi trường, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 quy định: "Tổ chức, cá nhân gây tổn hại đến môi trường trong hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Điều 30 quy định: "Tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các cơ sở sản xuất mà làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường, phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định tại Điều 50 và 51 Luật này, còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG II

VỤ KIỆN CỦA CÁC NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/ DIOXIN VIỆT NAM VÀ VIỆC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY HOÁ CHẤT MỸ

 I. Tổng quan về vụ kiện

 1.1. Lịch sử vấn đề.

Các vụ kiện da cam ở Mỹ đã làm xôn xao dư luận nhân dân Mỹ trong nhiều năm tháng kể từ năm 1978 cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa hề lắng xuống. Các vụ kiện không chỉ thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ. Ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài nước Mỹ. Các CCB nạn nhân chất da cam của các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam, dưới nhiều hình thức, đều đã lên tiếng đòi bồi thường. Các CCB Hàn Quốc cũng đã khởi kiện.

Riêng đối với Việt Nam, nạn nhân chính của cuộc chiến tranh hoá học chưa khởi kiện đòi công lý. Sự im lặng của Việt Nam làm cho nhiều bạn bè ở nước ngoài, kể cả những người bàng quan đối với cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, lấy làm ngạc nhiên. Theo họ nhân dân Việt Nam, môi trường, sinh thái Việt Nam là đối tượng của cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ. Số người bị phơi nhiễm và nhiễm bệnh bởi chất da cam không phải là hàng trăm, hàng chục ngàn mà là nhiều triệu. Nhiều khu vực canh tác, nhiều khu rừng nguyên sinh trở thành đất chết. Thiệt hại của Việt Nam về tất cả các mặt là nặng nề hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều, lâu dài hơn nhiều so với các CCB Mỹ và các nước tham chiến cùng Mỹ. Theo họ, đáng ra các nạn nhân da cam của Việt Nam phải tiến hành cuộc đấu tranh đòi công lý từ lâu rồi.

Người Việt Nam không thích khiếu kiện. Dân tộc Việt Nam rất chuộng sự bang giao hoà hảo. Trong lịch sử của mình, các dân tộc Việt Nam không dưới một lần đã cấp lương thực, phương tiện cho những đội quân xâm lược bại trận trở về quê quán họ. Ngay sau khi ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam với nhà cầm quyền Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Trong những lần tiếp xúc ở cấp cao nhất hay ở cấp chuyên viên, trong những lần gặp gỡ chính thức hay không chính thức, phía Việt Nam đã nhiều lần nói rõ là Việt Nam mong muốn Chính phủ Mỹ góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó có cả việc khắc phục hậu quả chất da cam tại Việt Nam như đã được ghi tại Điều 21 của Hiệp định Paris ngày 17/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhưng phía Chính phủ Mỹ đã viện nhiều lý do để thoái thác. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC/Đ) Việt Nam không thể kéo dài mãi sự đau khổ của họ. Để đấu tranh vì công lý, việc các nạn nhân CĐDC/Đ Việt Nam tiến hành vụ kiện dân sự đối với các Công ty HCHK là việc làm hết sức chính đáng và tất yếu.

Ngày 31 tháng 1 năm 2004, ban đầu, một số nạn nhân đại diện cho các nạn nhân CĐDC/Đ Việt Nam, bao gồm những phụ nữ, trẻ em, đàn ông, thường dân, cựu binh công chức thuộc cả hai phía Việt Nam đối địch trong chiến tranh và Tổ chức đại diện cho họ là Hội nạn nhân CĐDD/Đ Việt Nam (VAVA) đưa đơn kiện ra Toà án sơ thẩm Liên bang Mỹ quận Brooklyn, bang New York.

Việc tiến hành vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/Đ Việt Nam nhằm hai mục đích :

  • Đòi các Công ty HCHK phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, thanh khiết môi trường khu dân cư , các điểm nóng về nhiễm độc dioxin.
  • Thức tỉnh dư luận để đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ các mối hiểm hoạ khôn lường của chất độc dioxin đối với loài người.

 1. 2. Các Bên tham gia vụ kiện.

 1.2.1.Nguyên đơn vụ kiện

Ngày 30/01/2004, các nguyên đơn có tên dưới đây đã đệ trình đơn khởi kiện lên Toà án Liên bang Mỹ:

Bà Phan Thị Phi Phi - Giáo sư Đại học y Hà Nội;

          Ông Nguyễn Văn Quý - Cựu chiến binh;

Bà Dương Quỳnh Hoa - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính quyền Cách mạng Lâm thời miền Nam.

Sau đó, số người tham gia khởi kiện với tư cách là nguyên đơn đã tăng lên là 27 người. Số nguyên đơn này đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội, không chỉ là các cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại các chiến trường mà Mỹ đã sử dụng chất độc da cam, người dân thường sống trong vùng bị rải chất độc da cam mà có cả những người đã từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn cũ. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đại diện cho quyền lợi của những nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc hoá học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam theo quy định của pháp luật Mỹ về vụ kiện tập thể (Class action).

Giáo sư Phan Thị Phi Phi, Uỷ viên thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - tổ chức đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tham dự phiên toà với tư cách đại diện cho lãnh đạo Hội, đồng thời cũng là một trong ba nguyên đơn đầu tiên đệ đơn kiện lên Toà án Liên bang Mỹ.

Luật sư của nguyên đơn

Luật sư của các nguyên đơn trong vụ kiện này là hãng luật Goodman & Moore - thành viên của Hội luật gia dân chủ thế giới với hai luật sư chính là Constantine Kokkoris và Jonathan Moore cùng 40 luật sư khác.

 1.2.2. Bị đơn vụ kiện

Bị đơn được xác định theo đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là 37 công ty hóa chất của Mỹ (các đồng bị đơn) đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Các công ty hóa chất Mỹ được xác định là đồng bị đơn trong vụ kiện bao gồm:

1. Dow Chemical Co.;

2. Monsanto Co.;

3.   Monsanto Chemical Co.;

4. Pharmacia Corp.

5. Hercules Inc.;

6. Occidental Chemical Corp.;

7. Ultramar Diamon Shamrock Corp.

8. Max us Energy Corp.;

9. Thompson Hayward Chemical Co.

10. Harcros Chemicals Inc.;

  1. l. Uniroyal Inc.;
  1. Uniroyal Chemical Inc.;
  2. Uniroyal Chemical Holding Co.;
  3. Uniroyal Chemical Acquisition Corp.;
  4. C.D.U Holding Inc.;
  5. Diamond          Shamrock Agricultural Chemicals Inc.
  6. Diamond          Shamrock Chemicals;
  7. Diamond          Chamrock Chemicals Co.;
  8. Diamond          Shamrock Corp.;
  9. Diamond          Shamrock Refining and Marketing Co.

21. Occidental Electrochemicals Corp.;

  1. Diamond          Alkali Co.;
  2. Ansul Inc.;
  3. Hooker Chemical Corp.;
  4. Hooker Chemicals & Plastics Corp.;
  5. Hooker Chemical Far East Corp.;
  6. American         Home Products Corp.;
  7. Wyeth;
  8. Hoffman-Taff Chemicals Inc.;
  9. Chemical         Land Holdings Inc.;
  10. T-H Agriculture & Nutrition Co. Inc.;
  11. Thompson Chemical Corp.;
  12. Riverdale         Chemical Co.;
  13. Elementis Chemicals Inc.;
  14. United States Rubber Co. Inc.;
  15. Syntex Agribusiness Inc.;
  16. ABC Chemical Cos.
  1. Các căn cứ pháp lý được sử dụng trong vụ kiện
    1. Quan điểm của Luật sư nguyên đơn.

Luật sư của bên nguyên đã trình bày tại toà các lập luận liên quan đến hiệu lực pháp lý của đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và trách nhiệm pháp lý phải bồi thường của các Công ty hoá chất Mỹ. Các luật sư đã đưa ra bằng chứng và lập luận về việc chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng bị cấm theo luật quốc tế.

Luật sư bên nguyên đã trình bày các chứng cứ khoa học chứng tỏ chất độc da cam đã gây ra những khổ đau và những thiệt hại vật chất, tinh thần cho các nạn nhân, đồng thời cũng trình toà những bằng chứng pháp lý khẳng định tính hợp pháp của đơn kiện và bác bỏ các lập luận của luật sư bên bị yêu cầu Toà án huỷ bỏ vụ kiện.

Luật sư bên nguyên đã viện dẫn tiền lệ của những năm sau Thế chiến thứ II liên quan đến việc đối xử với những nhà sản xuất chất Zyklon B để áp dụng trong trường hợp chống lại các công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng. Zyklon B là chất khí Hydrogen Cyanide được sử dụng trong các trại tập trung của phát xít Đức. Và sau Chiến tranh Thế giới thứ II, hai nhà sản xuất chất Zyklon B đã bị kết án là tội phạm chiến tranh và bị xử tử.

Luật sư bên nguyên đã đưa ra lập luận bác bỏ lý lẽ của Bộ Tư pháp về sự đe doạ đối với Chính phủ Mỹ và khẳng định Chính phủ Mỹ không phải là bị đơn trong vụ kiện này.

 2.2. Quan điểm của luật sư bị đơn

Luật sư bên bị đưa ra luận điểm rằng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không có địa vị pháp lý hợp pháp trong vụ kiện và đưa ra các lập luận để yêu cầu Toà án bác đơn khởi kiện của các nguyên đơn Việt Nam, tập trung vào các điểm chính như sau:

  • Toà án Liên bang không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện:
  •  Luật sư bên bị tập trung vào các chi tiết hành chính và cho rằng vì đây là vấn đề có liên quan đến quyết định của Tổng thống nên Tư pháp, nhất là Toà án Liên bang không có thẩm quyển thụ lý.
  •  Thời hiệu khởi kiện đã hết:
  • Luật sư bên bị căn cứ vào Luật giới hạn thời hiệu khởi kiện cho rằng đã hết thời hiệu của vụ kiện.
  • Quyền miễn kiện của các công ty hoá chất:
  • Luật sư bên bị đã đưa ra các lập luận về vấn đề dựa trên các quy định pháp luật gồm:
  • Luật Bảo vệ nhà thầu của Chính phủ;
  • Luật Giới hạn an toàn sản phẩm.

Trên cơ sở đó, họ đưa ra lập luận các công ty hoá chất Mỹ sản xuất chất da cam theo các đơn đặt hàng của Chính phủ, tuân theo các đặc tính kỹ thuật của Chính phủ và việc sử dụng các chất độc này ở Việt Nam với mục đích bảo vệ lính Mỹ.

Luật sư bên bị đưa ra quan điểm dioxin không phải là chất độc và viện dẫn rằng: không có mối quan hệ rõ ràng giữa việc phơi nhiễm chất da cam với những vấn đề sức khoẻ được cho là do phơi nhiễm. Với căn cứ nêu trên Luật sư bên bị yêu cầu Toà án Liên bang bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 2.3. Quan điểm của Luật sư đại diện Bộ Tư pháp Mỹ:

Luật sư Michael Goldgerger - đại diện Bộ Tư pháp Mỹ đã nêu quyền miễn tố của người đứng đầu ngành hành pháp Mỹ để yêu cầu toà án huỷ bỏ vụ kiện. Luật sư Bộ Tư pháp cũng đưa ra quan điểm cho rằng Toà án Liên bang không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện.

Luật sư cũng đưa ra quan điểm căn cứ vào Hiến Pháp Mỹ quy định trong thời chiến Tổng thống là người duy nhất có quyền giải thích luật quốc tế.

 2.4. Quan điểm của các bên liên quan tham dự phiên tranh tụng:

       a/ Quan điểm của luật sư đại diện các cựu binh Mỹ:

Luật sư Mark Cuker đại diện các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam đã đưa ra các bằng chứng cho thấy các Công ty hoá chất Mỹ đã che giấu tác hại của chất độc da cam, đặc biệt là dioxin, khi sản xuất và cung cấp cho quân đội Mỹ với nhãn hiệu là chất khai quang. Các Luật sư đã xem lại các hợp đồng sản xuất chất khai quang và cho biết không tìm thấy tài liệu khẳng định rằng thuốc khai quang có thể chứa dioxin.

          b/ Quan điểm của Trung tâm các quyền Hiến pháp Mỹ:

Trung tâm các quyền hiến pháp Mỹ, một tổ chức phi Chính phủ cũng cử đại diện tham gia phiên tranh tụng. Trung tâm này tham gia phiên tranh tụng để làm rõ vị trí của Tổng thống đối với các Hiệp ước và Công ước quốc tế; thẩm quyền của tư pháp trên vụ kiện của phía Việt Nam; vấn đề tội ác chiến tranh và công ước hay luật quốc tế, tội ác chống lại loài người và các tiền án, tiền lệ và luật quốc tế.

Tại phiên tranh tụng sơ thẩm, Đại diện Trung tâm đã đưa ra những lập luận pháp lý ủng hộ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đồng thời đưa ra lập luận về quyền thụ lý vụ kiện, cho rằng toà án có quyền thụ lý những vụ kiện có liên quan đến các trói buộc quốc tế, dẫn chứng tiền án trước đây và luật Mỹ.

 3. Diễn biến vụ kiện.

        -  Ngày 30/01/2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và 3 nạn nhân đầu tiên là Bà Phan Thị Phi Phi - Giáo sư Đại học y Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Quý - Cựu chiến binh; Bà Dương Quỳnh Hoa - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính quyền Cách mạng Lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã gửi đơn kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất chất độc hoá học và cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đơn kiện đã được gửi đến Toà án Liên bang Mỹ ở quận Brooklyn, New York, nơi từng xét xử vụ kiện đòi bồi thường của các cựu chiến binh Mỹ đối với các công ty hoá chất Mỹ. Toà án Liên bang Mỹ ở Brooklyn đã tiếp nhận đơn kiện.

  • Ngày 08/3/2004, Thẩm phán Jack B. Weinstein đã triệu tập luật sư bên nguyên, bên bị và luật sư công đại diện cho Chính phủ Mỹ đến Văn phòng Toà án thông báo những việc các bên cần làm để chuẩn bị cho vụ kiện và quyết định dành thời gian sáu tháng cho luật sư hai bên chuẩn bị kiến nghị trình Toà, đồng thời để cho luật sư bên nguyên có đủ thời gian hoàn thiện đơn kiện.
  • Ngày 13/9/2004, Luật sư bên nguyên trình Toà án đơn kiện bổ sung trong đó số lượng đồng nguyên đơn đã tăng thêm 27 người, đồng thời gửi cho bị đơn gồm 37 Công ty hoá chất Mỹ.
  • Ngày 24/9/2004, Luật sư bên bị gửi kiến nghị đến Toà án yêu cầu bác đơn kiện bổ sung của nguyên đơn và cho phép bên bị lùi thời gian gửi kiến nghị thêm ba tuần. Toà án chỉ cho phép bên bị lùi thời gian gửi kiến nghị thêm ba tuần, không xem xét việc bác đơn kiện bổ sung của nguyên đon.
  • Ngày 02/11/2004, 37 công ty sản xuất hoá chất độc của Mỹ đã trả lời trước Toà án về những cáo buộc của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, các luật sư bên bị gửi kiến nghị yêu cầu Toà án bác đơn kiện của nguyên đơn.

Ngày 18/1/2005, các luật sư nguyên đơn gửi kiến nghị trả lời kiến nghị của bị đơn.

  • Ngày 28/2/2005, sau rất nhiều lần trì hoãn, các thẩm phán tại Toà án Liên bang ở quận Brooklyn thuộc bang New York (Mỹ) đã phải đưa vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ ra để luật sư 2 bên tranh tụng.
  • Ngày 10/3/2005, sau 10 ngày tranh tụng, Thẩm phán Weinstein đã ra phán quyết bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với 37 Công ty Hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
  • Ngày 30/9/2005, nguyên đơn nộp đơn kiện lên Toà phúc thẩm liên bang khu vực 2.
  • Ngày 30/3/2006, nguyên đơn nộp bản tranh tụng lên Toà phúc thẩm theo yêu cầu.
  • Ngày 18/06/2007, Toà phúc thẩm liên bang số 2 mở phiên điều trần.
  • Ngày 22/2/2008, Toà phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết đồng ý với phán quyết sơ thẩm của thẩm phán Jack Weinlein với lý do chính cho rằng chất độc da cam được sử dụng nhằm phát quang và mục đích là bảo vệ quân đội Mỹ chứ không phải là vũ khí chống lại dân thường.
  •  Ngày 25/02/2008, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việi Nam (VAVA) ra tuyên bố khẳng định các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục kháng cáo lên Toà phúc thẩm và Toà án tối cao Mỹ.
  •  Ngày 07/03/2008, luật sư của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ kiện lên Hội đồng xét xử của Toà phúc thẩm liên bang Mỹ yêu cầu Hội đồng thẩm phán xem xét lại phán quyết phúc thẩm.

4. Nhận xét về diễn biến vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và phán quyết sơ thẩm ngày 10/3/2005 của thẩm phán Jack Weinstein.

Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ đối với những người Việt Nam, nhất là những người đã bị thiệt thòi do chất độc da cam của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mà nó còn có tiếng vang và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế và những ai yêu hoà bình và công lý trên thế giới này. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta phải đối mặt là thực tế diễn ra không phải mọi lúc hay mọi nơi công lý đều chiến thắng vì rất nhiều các lý do khác nhau- Phán quyết của Toà án Quận Đông New York trong vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam đối với các công ty hoá chất Mỹ (sau đây gọi tắt là Phán quyết) có lẽ cũng rơi vào thực tế này khi tuyên: "Tất cả các yêu cầu khiếu kiện [của nguyên đơn] đều bị bác. Toà án không giải quyết các đơn yêu cầu của bị đơn vì cho là không có bất kỳ sự liên quan giữa việc sử dụng các chất diệt cỏ tại Việt Nam và sức khỏe của các nguyên đơn.

Về mặt pháp lý thì quyết định như vậy của toà án đã phủ quyết toàn bộ các quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam trước toà án Mỹ và ủng hộ, bảo vệ việc làm phi đạo đức của các công ty hoá chất bị đơn.

 4.1. Phân tích nội dung phán quyết sơ thẩm.

Phán quyết rất dài so với các bản án thông thường của toà án Việt Nam - tổng cộng 233 trang tiếng Anh (tức là tương đương với một cuốn sách) với ngôn ngữ pháp lý và tố tụng Mỹ, sử dụng và trích dẫn nhiều án lệ nên rất khó hiểu và phức tạp trong việc nghiên cứu.

Phán quyết được chia ra làm 13 mục lớn, ngoài phần mở đầu giới thiệu về các bên nguyên đơn và bị đơn, cũng như là luật sư của họ.

  1. Giới thiệu
  1. Các yêu cầu khiếu kiện trên cơ sở các quy định pháp luật trong nước về bồi thường ngoài hợp đồng (domestic law tort claims) bị bác vì các căn cứ bảo vệ nhà thầu chính phủ
  2. Các yêu cầu khiếu kiện trên cơ sở pháp luật quốc tế
  1. Cách tiếp cận chung của các toà án Mỹ
  2. Căn cứ bảo vệ nhà thầu chính phủ không được áp dụng
  3. Không có căn cứ ủng hộ về mặt nội dung

 II. Việc sử dụng chất độc da cam và các chất diệt cây cỏ khác trong Chiến tranh Việt Nam

 III. Các quá trình diễn ra trước khi có vụ kiện chất độc da cam

 IV. Các lập luận của nguyên đơn Việt Nam và các yêu cầu về tố tụng của Bị đơn

  1. Các lập luận của nguyên đơn
  1. Về thẩm quyền và địa điểm xét xử
  2. Các bên
  3. Việc phun các chất diệt cây cỏ tại Việt Nam
  4. Các chất diệt cây cỏ được sử dụng
  5. Việc cung cấp các chất diệt cây cỏ của bị đơn
  6. Những thiệt hại cho nguyên đơn
  7. Căn cứ pháp lý cho các khiếu kiện
  8. Các học thuyết
  1. tội phạm chiến tranh
  2. tội diệt chủng
  3. tội chống lại nhân loại
  4. hành hạ

đ. gây thương tích

  1. cố ý gây đau khổ về tinh thần
  1. gây đau khổ về tinh thần do cẩu thả
  2. cẩu thả
  3. gây chết người sai trái

k. trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt

  1. làm giàu bất chính

m. các biện pháp và quyết định muốn được áp dụng

              B. Các yêu cầu về tố tụng của bị đơn

  1. Các yêu cầu về tố tụng theo Quy tắc 12(b)6) và Quy tắc 56[12]
  2. Luật áp dụng đối với các yêu cầu về tố tụng
  1. Quy tắc 56
  2. Quy tắc 12(b)(6)
  1. Bối cảnh
  2. Sự đối sử khác nhau giữa các cựu chiến binh và nguyên đơn Việt Nam
  1. Quan điểm của Chính phủ phản đối các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn
  2. Những thiếu sót của các yêu cầu khiếu kiện về pháp luật trong nước và công bằng của nguyên đơn
  3. Việc áp dụng án lệ vụ Sosa kiện Alvarez-Machain
  4. Các vấn đề và khái niệm pháp lý

A. Tư cách khởi kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam (VAVAO)

B. Quyền được khởi kiện riêng

C. Trách nhiệm của các công ty đối với vi phạm pháp luật quốc tế

  1. giúp đỡ và xúi giục
  2. khả năng vi phạm của công ty
  1. Thời hiệu

Đ. Khả năng có thể được toà án giải quyết

  1. các ý chung
  2. áp dụng án lệ vụ Baker kiện Carr đối với các vấn đề đối ngoại và chiến tranh
  3. thẩm quyền của toà án
  1. can thiệp vào việc quản lý công việc đối ngoại
  2. không tương thích với quy định về tính tương ứng
  3. sự ưu tiên các yêu cầu khiếu kiện về bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng nhà nước của bên hành pháp để tiến hành quan hệ đối ngoại
  1. Mối quan hệ nhân quả
  1. Hồi tố
  2. Chọn luật
  1. Khả năng không áp dụng căn cứ bảo vệ nhà thầu chính phủ
  1. Quan điểm của Chính phủ là căn cứ này áp dụng đối với các yêu cầu khiếu kiện dựa trên pháp luật quốc tế
  2. Quan điểm của Chính phủ không được sự ủng hộ bởi các tình tiết và pháp luật
  3. Vụ Zyklon B

D. Toà án quân sự Nuremberg

Đ. Sự cần thiết được phân biệt

  1. Lịch sử của việc lạm dụng/sử dụng sai dân thường và đất đai trong chiến tranh và những nỗ lực nhằm hạn chế thiệt hại
  1. Lịch sử

  B. Các nỗ lực nhằm bảo vệ dân thường và đất đai thông qua các điều ước quốc tế, tập quán và đạo lý tôn giáo

  1. Sự khiếm khuyết không đầy đủ của các khiếu kiện của nguyên đơn trên cơ sở pháp luật quốc tế
  1. Quan điểm của chính phủ
  2. Các văn bản luật Mỹ
  1. Hành hạ
  2. Tội phạm chiến tranh
  3. Diệt chủng
  1. Các điều ước quốc tế và văn bản quốc tế khác
  1. Công ước Lahay IV 1907

2. Nghị định thư Geneva 1925

  1. Hiến chương London 1945
  2. Hiến chương Liên hợp quốc
  3. Các Công ước Geneva 1949
  4. Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc 1969
  5. Pháp luật môi trường

D. Pháp luật tập quán quốc tế

  1. Các vấn đề chung
  2. Tội phạm chống lại nhân loại
  3. Tính tương ứng (proportionality)

XII. Quyết định của Tổng thống và Quốc hội 1975

  1. Tổng thống
  2. Quốc hội XIII. Kết luận

Nhìn vào bố cục và cơ cấu các đề mục trên đây của Phán quyết thì có thể có một nhận xét ban đầu là toà án Mỹ đã có cân nhắc đặc biệt tới quan điểm của Chính phủ Mỹ, nhất là trong việc xử lý các vấn đề có tính đối ngoại với Việt Nam - (lĩnh vực đối ngoại theo Hiến pháp Mỹ thuộc thẩm quyền của hành pháp và toà án không được can thiệp vào) tại vụ kiện này. Đồng thời toà án cũng đã có xem xét căn cứ pháp lý của rất nhiều ngành luật trong vụ kiện này: pháp luật dân sự về bồi thường, pháp luật hình sự, pháp luật môi trường, pháp luật quốc tế kể cả các điều ước quốc tế liên quan và tập quán quốc tế cộng thêm việc áp dụng nhiều án lệ liên quan khác. Tức là về mặt hình thức thì Phán quyết tỏ ra là rất toàn diện và có các lập luận và căn cứ cho các quyết định của mình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là toàn bộ các khiếu kiện của nguyên đơn Việt Nam đều bị toà án bác bỏ. Sau đây chúng ta sẽ đi vào các nội dung chính của Phán quyết.

Nội dung chính khiếu kiện của nguyên đơn là kiện các nhà sản xuất hoá chất Mỹ theo pháp luật về trách nhiệm ngoài hợp đồng và pháp luật quốc tế về những thiệt hại đối với nguyên đơn và đất đai do việc Mỹ sử dụng chất độc da cam và các chất diệt cây cỏ khác trong chiến tranh Việt Nam.

Thứ nhất, Các căn cứ bảo vệ nhà thầu chính phủ đã chiến thắng các khiếu kiện của nguyên đơn theo bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng của pháp luật trong nước.

Toà án Quận Đông New York đã trích dẫn tới nhiều án lệ trước đó của toà án liên quan tới các khiếu kiện của các cựu chiến binh Mỹ liên quan tới việc sử dụng các chất độc trong chiến tranh Việt Nam, như vụ Stephenson kiện Dow Chemical Company hay Isaacson kiện Dow Chemical Company và một số vụ kiện tương tự khác mà tại đó các toà án đã chấp nhận các yêu cầu của bị đơn cho là Chính phủ đã đặt hàng cho họ sản xuất và Chính phủ cũng biết được về sự nguy hiểm của sản phẩm ít nhất là như các nhà sản xuất bị đơn này (thuyết bảo vệ nhà thầu) và bác tất cả các yêu cầu liên quan tới khiếu kiện theo bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng. Ngay cả có lần toà án đã quyết định cho các cựu chiến binh được thu thập thêm chứng cứ nhưng cũng không thể có đủ các chứng cứ để thuyết phục toà án vì lý do cơ bản là thuyết bảo vệ nhà thầu của chính phủ (theo vị thẩm phán Weinstein thì thậm chí các tài liệu, chứng cứ do các bên đưa ra bổ sung đem lại thêm sự khẳng định cần phải bác các khiếu kiện của nguyên đơn)[13]. Đồng thời, trước đó cũng đã có lần toà án khẳng định không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi của bị đơn.

Chính phủ Mỹ đã tỏ rõ thái độ đồng tình với các quyết định trước đây của các toà án và cũng đã có quan điểm rất mạnh mẽ trong việc yêu cầu toà án bác tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn Việt Nam trong vụ kiện này.

Trong vụ kiện này của các nguyên đơn Việt Nam thì các bị đơn Mỹ cũng lập luận theo thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ và yêu cầu toà án bác tất cả các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn theo căn cứ này. Tuy nhiên, vị thẩm phán Weinstein chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bác của bị đơn: "Tất cả các yêu cầu khiếu kiện dựa theo pháp luật trong nước Mỹ [cả pháp luật liên bang và bang] và của Việt Nam - không phải là pháp luật quốc tế - đều bị bác trên cơ sở căn cứ này"[14].

Để đi đến kết luận này toà án đã sử dụng nhiều án lệ trước đó và một số phân tích của các nhà nghiên cứu về giải quyết xung đột pháp luật và có nhận xét rằng vì toàn bộ trọng tâm của các hoạt động của các bị đơn là diễn ra tại Mỹ (các chất diệt cỏ được đặt hàng, sản xuất và giao tại Mỹ) cho nên "Bất luận pháp luật nội dung trong nước áp dụng theo bất kỳ quy tắc xung đột pháp luật nào thì thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ đều áp dụng đối với pháp luật đó"[15]

Vị thẩm phán Weinstein còn nhấn mạnh rằng thuyết bảo vệ nhà thầu là quy định pháp luật nội dung của liên bang và không án lệ nào trước đó hay thuyết tôn trọng chủ quyền quốc gia (pháp luật nội dung) của nước khác (comity) có thể có ưu tiên hơn quy định pháp luật nội dung này (bảo vệ nhà thầu chính phủ).

Qua đây có thể thấy Phán quyết đã sử dụng các lập luận và ngôn ngữ rất cứng rắn trên cơ sở các án lệ tại Mỹ để bác toàn bộ các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn Việt Nam được đưa ra trên cơ sở pháp luật trong nước của Mỹ.

            Thứ hai, các khiếu kiện của nguyên đơn trên cơ sở pháp luật quốc tế

Vị thẩm phán Weinstein đã trình bày tương đối dài về cách tiếp cận của tòa án Mỹ trong xử lý các vấn đề liên quan tới pháp luật quốc tế. Trước hết đó là "Khi giải quyết các khiếu kiện về quyền con người theo quốc tế chống lại các công ty hay đối tượng khác trong nước thì các toà án có thẩm quvền tại Mỹ hành xử giống như là các toà án quốc tế"[16]. Đồng thời các toà án Mỹ đối xử với bên nước ngoài khiếu kiện trên cơ sở pháp luật quốc tế với cùng một quy trình tố tụng cần thiết và sự lịch thiệp như thể họ là các công dân Mỹ. Toà án cũng cân nhắc tới ý kiến của học giả cho rằng công dân nước ngoài có thể theo đuổi để có được một biện pháp xử lý được quy định bởi pháp luật của một nước khác.

Các toà án Mỹ cũng thừa nhận rằng do các thẩm phán không có đủ trình độ hiểu biết và tính đến sự phức tạp của hai lĩnh vực là pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế nên họ thường nhờ cậy vào sự giúp đỡ của các chuyên gia cho các bên tranh chấp và chính phủ để bổ sung cho những kiến thức, nghiên cứu của minh. Đáng chú ý là các chuyên gia pháp luật của nguyên đơn Việt Nam trong vụ kiện này có quan điểm cho rằng việc sử dụng chất độc da cam tại Việt Nam "là một hành vi có lỗi vi phạm pháp luật quốc tế"; trong khi đó các ý kiến của chuyên gia pháp luật cho bên bị đơn lại có ý kiến ngược lại là không có vi phạm nào.

Một điều quan trọng là vị thẩm phán Weinstein, sau khi phân tích một số án lệ và tài liệu liên quan tới các vụ xét xử tội phạm chiến tranh, đã không đồng ý cho phép áp dụng thuyết bảo vệ nhà thầu đối với những vi phạm quyền con người, các quy định của pháp luật quốc tế và các học thuyết khác. Do đó ông ta đã bác yêu cầu của bị đơn muốn toà án áp dụng thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ đối với các khiếu kiện đưa ra trên cơ sở pháp luật quốc tế và cho rằng án lệ của Toà án tối cao trong vụ Sosa kiện Alvarez-Machain không cấm các khiếu kiện dựa vào pháp luật quốc tế nhưng theo Luật về trách nhiệm ngoài hợp đồng có vếu tố nước ngoài (Alien Tort Statute) chỉ vì thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ.

Tuy nhiên, mặc dù thẩm phán Weinstein đồng ý cho phép các nguyên đơn Việt Nam có thể khởi kiện trên cơ sở pháp luật quốc tế nhưng "Việc phân tích chi tiết các yêu cầu khiếu kiện của các nguyên đơn Việt Nam cho thấy việc sử dụng các chất diệt cây cỏ tại Việt Nam trước 1975 không vi phạm pháp luật quốc tế"[17]. Vị thẩm phán này cho rằng do việc Mỹ sử dụng các chất này chấm dứt vào đầu năm 1971 nên trách nhiệm của các bị đơn đối với việc sử dụng này không thể vượt quá năm 1971 (trách nhiệm của công ty trong trường hợp này chỉ có thể phát sinh từ hành vi có thể nhìn thấy trước được của khách hàng - Chính phủ Mỹ). Ông ta kết luận là "Việc phun chất diệt cây cỏ của Mỹ không vi phạm bất kỳ quyền nào của các nguyên đơn theo pháp luật quốc tế".

Thứ ba, trong Phán quyết đã nói về quá trình sử dụng chất độc da cam (chất độc da cam chỉ là một trong những hoá chất diệt cây cỏ được Mỹ sử dụng tại Việt Nam; các hoá chất này được đánh mã theo màu sắc khác nhau, nhưng tại Việt Nam chúng ta quen gọi chung là chất độc da cam) và liệt kê tới hàng chục vụ kiện trước đó có liên quan tới chất độc da cam tại Mỹ (khoảng 7 trang A4 chỉ nêu tên vụ kiện) - qua đó cho thấy nhiều khía cạnh pháp lý của việc sử dụng chất độc da cam trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã được các toà án Mỹ giải quyết trước vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Phán quyết cũng dành thích đáng cho phần trình bày các nội dung yêu cầu và lập luận và căn cứ pháp lý (khoảng 15 văn bản pháp luật của Mỹ, quốc tế và Việt Nam (từ trang 33 tới trang 55 Phán quyết).

Về quan điểm của bị đơn và Chính phủ Mỹ cũng được nêu tại các trang từ 55 tới 63 của Phán quyết. Sau đây là một số nội dung chính của yêu cầu và lập luận của bị đơn:

Các bị đơn đã có yêu cầu toà án bác đơn kiện của nguyên đơn theo Quy tắc 12(b)(6) của Bộ Quy tắc thủ tục tố tụng liên bang vì lý do đơn kiện không nêu được các yêu cầu khiếu kiện để có thể đem lại một biện pháp giải quyết. Họ cũng yêu cầu toà án ra bản án rút gọn một phần theo Quy tắc 56 để bác tất cả các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn vì căn cứ thời hiệu.

Tại phiên xét xử các bên nguyên đơn và bị đơn đã đồng ý là toà án có thể xem xét đơn yêu cầu theo Quy tắc 12(6)(b) với tư cách là đơn yêu cầu muốn có bản án rút gọn một phần đối với tất cả các yêu cầu khiếu kiện của pháp luật trong nước, nhưng không đối với các yêu cầu khiếu kiện của pháp luật quốc tế. Các bên cũng nhất trí là hồ sơ án lệ vụ Isaacson kiện Dow Chemical Company; Stephenson kiện Dow Chemical Company và các vụ kiện liên quan khác của các cựu chiến binh Mỹ có thể được sử dụng để toà án xem xét đơn yêu cầu.

Như đã nêu trên trong các án lệ của cựu chiến binh Mỹ thì tất cả các yêu cầu khiếu kiện theo pháp luật trong nước đã bị bác theo Quy tắc 56 nên toà án đồng ý với đơn yêu cầu của bị đơn bác theo Quy tắc 12(6)(b) khi được mở rộng ra Quy tắc 56 đối với các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn Việt Nam dựa trên pháp luật trong nước với cùng các lý do. Tuy nhiên, toà án không đồng ý với đơn yêu cầu muốn có bản án rút gọn một phần vì các căn cứ thời hiệu.[18]

Chính phủ Mỹ đã lập luận về việc cần phải áp dụng thuyết bảo vệ nhà thầu khi so sánh sự đối xử của toà án đối với các cựu chiến binh Mỹ và các nguyên đơn Việt Nam và yêu cầu toà án áp dụng thuyết này vì nó đã được áp dụng đối với các vụ kiện của cựu chiến binh. Chính phủ Mỹ đã có bản trình bày ý kiến rất dài và chi tiết ngày 12/1/2005. Đáng chú ý là các lập luận rằng Tổng thống là Tổng tư lệnh quân đội và việc toà án phán xử vụ kiện này tức là xem xét lại quyết định của Tổng thống về cách thức tiến hành chiến tranh (vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập); việc sử dụng chất độc da cam không vi phạm pháp luật quốc tế; nếu toà án áp dụng pháp luật quốc tế kể cả tập quán quốc tế thì toà án phải dành ưu tiên cho những giải thích của bên chính phủ, việc nếu có bồi thường gì vì sử dụng chất độc da cam thì là vấn đề đối ngoại thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Chính phủ không có thoả thuận nào với Việt Nam về vấn đề này ...

Thứ tư, toà án sau đó cũng phân tích tất cả các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn theo các căn cứ pháp luật khác nhau. Tất cả các yêu cầu khiếu kiện thuộc phạm trù trách nhiệm ngoài hợp đồng (về gây thương tích, cố ý và không cố ý gây đau khổ về tinh thần, cẩu thả, làm sai chết người và trách nhiệm nghiêm ngặt sản phẩm) đối với các hành vi của bị đơn đều diễn ra tại Mỹ phải tuân theo thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ. Do đó tất cả các yêu cầu khiếu kiện này, giống như trong các vụ kiện trước đó của các cựu chiến binh Mỹ đều bị bác. Thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ theo toà án là:

Theo thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ quy định trách nhiệm đối với những sai sót trong thiết kế các thiết bị quân sự không được áp dụng đối với nhà thầu chính phủ thông qua pháp luật bang nếu "(l) Chính phủ Mỹ đã phê duyệt sự chính xác hợp lý các thông số kỹ thuật; (2) các thiết bị đã tuân thủ các thông số kỹ thuật đó; và (3) nhà cung cấp [nhà thầu] đã cảnh báo Chính phủ Mỹ về những sự nguy hiểm trong sử dụng các thiết bị này mà nhà cung cấp này biết được nhưng Chính phủ chưa biết"[19]

Một số yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn như là yêu cầu khiếu kiện về gây ra sự thiệt hại công cộng, làm giàu chính đáng và yêu cầu bị đơn thực hiện các hành vi nhất định, Toà án đã cho là về bản chất thì đây là các yêu cầu liên quan tới pháp luật về trách nhiệm ngoài hợp đồng - lĩnh vực mà thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ áp dụng. Do đó các khiếu kiện này của nguyên đơn cũng bị bác.

Toà án cũng phân tích về yêu cầu của nguyên đơn muốn các bị đơn thực hiện các hành vi làm sạch môi trường tại các vùng khác nhau bị ô nhiễm bởi việc sử dụng chất độc da cam. Trên cơ sở là quyết định của toà án nếu đồng ý với nguyên đơn sẽ đem lại sự hoàn toàn không thực tế và đụng chạm tới chủ quyền quốc gia của Việt Nam (toà án có trích dẫn nhiều án lệ của Mỹ về vấn đề ra bản án quyết định cần có sự thi hành tại nước ngoài), thẩm phán Weinstein đã quyết định từ chối các yêu cầu của nguyên đơn Việt Nam.

Toà án cũng phân tích về tư cách của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong đó khẳng định rằng chưa có quyết định nào của toà án cho thấy các hiệp hội có quyền khởi kiện để có được bồi thường thiệt hại cho các hội viên[20], nhưng hiệp hội có quyền khởi kiện về các vấn đề hoàn toàn pháp lý (tức là để giải quyết vấn đề pháp lý nào đó) hay tìm kiếm các biện pháp có tính tuyên bố hay yêu cầu bị đơn thực hiện hay không thực hiện hành vi nhất định. Do đó thẩm phán Weinstein đã đồng ý rằng Hội nạn nhân chất độc da cam có tư cách khởi kiện để yêu cầu toà án buộc bị đơn làm sạch mội trường. Qua đây vị thẩm phán này muốn nói là Hội không có tư cách khởi kiện đối với các yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về quyền khởi kiện của các cá nhân nguyên đơn Việt Nam, mặc dù chính phủ Mỹ yêu cầu bác các đơn này vì các cá nhân không có quyền khởi kiện theo pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, thẩm phán Weinstein đã không đồng ý với quan điểm của chính phủ vì quan điểm này là quá rộng và án lệ vụ Sosa đã thừa nhận quyền của cá nhân được khởi kiện trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế. Toà án cũng thừa nhận sau khi phân tích các ý kiến của các chuyên gia pháp lý (các ý kiến của các chuyên gia pháp lý của nguyên đơn và bị đơn là trái ngược nhau) là các công ty có thể bị kiện theo Luật về trách nhiệm ngoài hợp đồng.

Các bên nguyên đơn và bị đơn cũng đã tranh luận nhiều về vấn đề thời hiệu, trong đó bị đơn cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết và cần bác đơn kiện. Mặc dù bản thân Luật về trách nhiệm ngoài hợp đồng không quy định thời hiệu nhưng bị đơn lập luận rằng thời hiệu 10 năm theo Luật Bảo vệ nạn nhân bị hành hạ và cũng đề nghị áp dụng luật thời hiệu 3 năm của bang Ncw York. Về điểm này toà án đã bác yêu cầu của bị đơn và cho là bị đơn đã không chứng minh được rằng "các nguyên đơn đã biết hay đã có thể bị coi là đã biết là họ bị bệnh vì việc phun các chất diệt cây cỏ được bị đơn sản xuất" dù có đưa ra hai bài báo Việt Nam viết về hệ quả nguy hiểm của chất độc da cam nhưng không có chứng cứ về việc các nguyên đơn đã đọc hay thậm chí tiếp cận tới hai bài báo[21].

Lập luận của bị đơn và Chính phủ Mỹ về các yêu cầu của nguyên đơn không thể được xét xử thông qua toà án đã không thuyết phục được thẩm phán Weinstein. Quan điểm của chính phủ là thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ áp dụng đối với cả các khiếu kiện theo pháp luật quốc tế cũng không nhận được sự ủng hộ của vị thẩm phán này. Tuy nhiên, sau khi phân tích các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế liên quan và pháp luật Mỹ đối với các khiếu kiện của nguyên đơn Việt Nam theo pháp luật quốc tế, thẩm phán Wcinstein cho là:

"Do việc sử dụng các chất diệt cây cỏ của Mỹ mà bị các nguyên đơn khởi kiện đã    chấm dứt hàng năm trước năm 1975, tuyên bố tháng 4/1975 của Tổng thống Ford và các ý kiến của Thượng nghị viện khi phê chuẩn Nghị định thư Geneva 1925 và Công ước về vũ khí sinh học tháng 4/1975 không áp dụng hồi tố để kết luận rằng việc sử dụng các chất diệt cây cỏ của Mỹ tại Việt Nam là bất hợp pháp. Các bị đơn trong vụ kiện này không có bất kỳ liên quan nào hay biết trước được việc sử dụng các chất diệt cây cỏ của quan đội Nam Việt Nam trong thập kỷ bẩy mươi nên họ không thể chịu trách nhiệm về những gì quân đội này làm độc lập sau khi Mỹ đã huỷ bỏ chương trình này năm 1971. Bị đơn cũng không có nghĩa vụ hồi tố để tẩy độc hay thu lượm các thùng dioxin đã dùng hay các thiết bị đi cùng được Mỹ để lại. Các bị đơn không vi phạm gì về dân sự theo pháp luật quốc tế."

Với tất cả các lập luận và lý do chính trên đây, thẩm phán Weinstein đã tuyên: "Không có cơ sở nào cho bất kỳ yêu cầu khiếu kiện nào của các nguyên đơn theo pháp luật trong nước của bất kỳ nước nào hay của bang nào hoặc theo bất kỳ pháp luật quốc tế nào. Vụ kiện bị bác. Toà không tuyên gì về chi phí hay phí thanh toán bồi thường cho bất kỳ bên nào."

 4.2. Một số nhận xét về phán quyết và diễn biến vụ kiện.

Qua tìm hiểu những nội dung chính của Phán quyết trên đây có thể đánh giá phán quyết như sau:

Thứ nhất, vị thẩm phán Weinstein, về mặt trình tự, thủ tục đã thể hiện sự nghiêm túc của mình đối với các yêu cầu khiếu kiện của các nguyên đơn Việt Nam. Bản án sơ thẩm rất toàn diện và chi tiết, phân tích hầu hết các ý kiến quan điểm của các bên tranh chấp và của Chính phủ Mỹ. Các ý kiến trong bản án đưa ra đều được lập luận theo pháp luật Mỹ, pháp luật quốc tế hay pháp luật Việt Nam, kể cả dẫn chiếu tới rất nhiều các án lệ của toà án Mỹ và toà án quốc tế liên quan. Thậm chí vị thẩm phán này còn phân tích các yêu cầu của nguyên đơn từ góc độ công bằng và công lý. Nói tóm lại là về mặt hình thức và các quy định tố tụng thì khó có thể bác được các kết luận của vị thẩm phán trong Phán quyết.

Thứ hai, về kháng cáo và phúc thẩm, thông thường các toà án phúc thẩm Mỹ không xem xét lại toàn bộ các vấn đề được toà án sơ thẩm giải quyết mà chỉ xem xét xem là liệu tòa án sơ thẩm có sai sót gì trong áp dụng pháp luật hay vi phạm quy định tố tụng gì không. Tức là nếu các nguyên đơn Việt Nam muốn kháng cáo và pháp luật tố tụng Mỹ cho phép kháng cáo thì điều quan trọng là các nguyên đơn phải chỉ ra những sai sót về mặt pháp luật trong Phán quyết của thẩm phán Weinstein.

Thứ ba, dù vị thẩm phán Weinstein có đúng hay không, có công bằng hay không trong việc xem xét đơn kiện của các nguyên đơn, nhưng có thể thấy vị thẩm phán này rất có nhiều kinh nghiệm trong việc làm tốt chức năng ngoại giao trong áp dụng pháp luật đối với một vụ kiện có nhiều khía cạnh đan xen như các vấn đề pháp lý phức tạp, các vấn đề chính trị, phân chia các nhánh quyền lực theo Hiến pháp Mỹ, sự nhạy cảm của vấn đề chất độc da cam ngay tại nước Mỹ và mối quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Mặc dù kết quả cuối cùng chủ yếu là bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn Việt Nam, nhưng trong phân tích của mình, chỗ này hay chỗ kia ông ta cũng bác bỏ quan điểm của bị đơn hay Chính phủ Mỹ (như tư cách khởi kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam, vấn đề thời hiệu, việc không áp dụng thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ đối với các khiếu kiện dựa trên pháp luật quốc tế, có hay không quyền khởi kiện của cá nhân theo pháp luật quốc tế); và quan trọng là mỗi khi ông bác một yêu cầu nào đó của nguyên đơn thì ông ta đều nêu ra nhiều lý lẽ và án lệ hỗ trợ cho quan điểm của mình. Đặc biệt về các vấn đề pháp luật quốc tế phức tạp ông đã phân tích rất cụ thể cách tiếp cận của toà án Mỹ và cho là các thẩm phán không có đủ trình độ và để khách quan thì phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia pháp luật quốc tế.

Thứ tư, mặc dù mới chỉ là giai đoạn ban đầu xem xét đơn khởi kiện, tức là có cho phép vụ kiện được đi tiếp để có phiên toà xét xử các yêu cầu khiếu kiện của các nguyên đơn Việt Nam hay không (vì ngay tại giai đoạn này các bị đơn và Chính phủ Mỹ đã có yêu cầu toà án bác đơn và toà án phải xem xét vấn đề này trước), nhưng nếu phân tích kỹ Phán quyết, nhất là về các vấn đề pháp lý thì nếu đơn kiện được chấp nhận để xét xử và vị thẩm phán Weinstein này vẫn được giao giải quyết thì cũng có ít cơ hội thắng cho các yêu cầu của nguyên đơn Việt Nam. Điều này được khẳng định qua kết luận rằng tất cả các yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn đều bị bác với những lập luận pháp lý cụ thể - thông thường muốn có cơ hội thắng thì toà án phải chấp nhận một số, ít nhất là một yêu cầu khiếu kiện của nguyên đơn. Nói cách khác là toàn bộ các phân tích, cách tiếp cận vụ kiện của nguyên đơn đều không có cơ sở pháp lý, ít nhất là từ quan điểm của vị thẩm phán nhiều kinh nghiệm này.

Thứ năm, một điều rút ra từ Phán quyết là tất cả các án lệ của toà án Mỹ trước đây liên quan tới chất độc da cam đều có kết luận bác đơn khởi kiện của các nguyên đơn và áp dụng thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ áp dụng cho tất cả các yêu cầu khiếu kiện liên quan tới pháp luật trong nước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo thẩm phán thì những yêu cầu được phân loại theo pháp luật trong nước đều đương nhiên tuân theo thuyết bảo vệ nhà thầu chính phủ và bị bác theo các án lệ trước đó. Cũng xin lưu ý rằng từ góc độ pháp luật trong nước thì khó có thể có được một kết luận dành cho các nguyên đơn Việt Nam những sự đối xử ưu tiên hơn các nguyên đơn và các cựu chiến binh Mỹ về cùng vấn đề tranh chấp (xem thêm quan điểm của Chính phủ Mỹ về vấn đề này), do đó thật là khó khăn nếu muốn đảo ngược lại các án lệ trước đó sao cho có lợi cho các nguyên đơn Việt Nam.

Thứ sáu, về phần phân tích các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo pháp luật quốc tế thì có lẽ có thể còn có nhiều điểm cần được tiếp tục tranh luận với vị thẩm phán này vì đơn giản là pháp luật quốc tế là lĩnh vực phức tạp, không phải lúc nào cũng rõ ràng và bản thân các chuyên gia pháp luật quốc tế đại diện cho nguyên đơn và bị đơn đều là các học giả lớn nhưng lại có các kết luận trái ngược nhau. Tuy nhiên, các vấn đề pháp luật quốc tế lại liên quan lới quan hệ đối ngoại thì theo Hiến pháp Mỹ thuộc thẩm quyền của bên Chính phủ và theo như quan điểm của Chính phủ Mỹ thì toà án cần dành ưu tiên cho những giải thích và quan điểm của Chính phủ. Do đó, cũng rất khó cho các nguyên đơn Việt Nam trong việc tìm kiếm các cơ hội lật ngược các vấn đề về pháp luật quốc tế.

Thứ bảy, các nguyên đơn Việt Nam cũng cần tính kỹ đến vị trí và ý nghĩa của việc Chính phủ Mỹ tham gia vào vụ kiện, nhất là những nội dung, quan điểm cứng rắn của Chính phủ, không thể chấp nhận cho phép kẻ thù của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được kiện lại tại toà án Mỹ.

Cuối cùng, Phán quyết này và toàn bộ vụ kiện chất độc da cam là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam học hỏi và rút kinh nghiệm cho các vụ kiện trong tương lai, kể cả các bước tiếp theo nếu có khi giải quyết các vấn đề chất độc da cam.

Qua diễn biến của vụ kiện trong thời gian qua, có thể thấy rằng thủ thuật tranh luận của phía bị đơn chủ yếu là xuyên tạc sự thật. Họ còn lợi dụng những điều rối rắm, phức tạp của nền tư pháp án lệ và những điều mà nền khoa học hiện đại chưa có đủ điều kiện đưa ra những kết luận rõ ràng về cơ chế gây bệnh của chất độc dioxin lên con người để né tránh trách nhiệm. Luật sư phía bị đơn còn sử dụng một thủ đoạn khá tinh vi nhằm lôi kéo Chính phủ vào cuộc để có được sự bênh vực, bảo vệ từ phía chính quyền và buộc chính quyền cùng chia sẻ trách nhiệm về vật chất nếu như bị Toà phán quyết bị đơn có lỗi. Phía Luật sư bị đơn cũng không ngần ngại sử dụng thủ thuật kích động tâm lý dân tộc sô vanh, nước lớn. Trong phiên tranh luận công khai tại Toà vào ngày 28/02/2005, có luật sư phía bị đơn đã phát biểu rằng: “sử dụng chất diệt cỏ, khai quang để bảo vệ sinh mạng cho binh lính Mỹ và các nước đồng minh cũng là điều không có gì phải biện minh”. Đại diện của Bộ Tư pháp còn đi xa hơn khi phát biểu rằng: “4 triệu ( ý muốn nói 4 triệu người VN bị phơi nhiễm chất da cam) kẻ cựu thù của Mỹ trong đó có các binh sĩ của họ đang yêu cầu Toà án Mỹ áp dụng luật lệ liên bang Mỹ để thách thức cách thức mà Tổng thống đã quyết định tiến hành chiến tranh ở Việt Nam ...” Luật sư của phía nguyên đơn buộc lòng phải bóc trần trước Toà luận điệu sai trái đó bằng cách tuyên bố rằng “ Không thể khoác lên người lá cờ Tổ quốc Mỹ để thực hiện các hành vi vi phạm quyền con người!”

Sau hơn ba năm, vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/Đ Việt Nam mới đi qua được bước một. Vụ kiện đã chuyển sang bước hai của giai đoạn một từ ngày 30 tháng 9 năm 2005, ngày Luật sư nguyên đơn đưa đơn kháng nghị phán quyết của thẩm phán J.Weinstein bác bỏ đơn kiện của các nguyên đơn Việt Nam lên Toà phúc thẩm lưu động số 2.

Theo thủ tục, trình tự xét xử dân sự của Toà án Mỹ thì giai đoạn một là giai đoạn các bên tranh chấp sẽ tranh luận và Toà sẽ ra phán quyết sơ bộ là có hay không có cơ sở pháp lý để đưa vụ kiện ra xét xử. Tham gia chuẩn bị tranh luận bằng văn bản và bằng miệng tại Toà, về phía bị đơn có hơn 50 Luật sư của nhiều hãng luật tham gia. Về phía nguyên đơn Việt Nam có 11 luật sư Mỹ chính và với số lượng luật sư cộng tác của 4 Công ty luật và 2 Văn phòng luật Mỹ tham gia.

Các Luật sư nguyên đơn, tuy với số lượng người ít hơn, với khả năng tài chính eo hẹp hơn, nhưng với tình cảm và thiện chí sâu lắng với cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân Việt Nam, đã phải làm việc với cường độ lớn. Họ đã phải đọc hàng chục ngàn trang tài liệu của các hồ sơ các vụ kiện da cam của CCB, các hồ sơ của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, của các Trung tâm nghiên cứu về chất da cam của Mỹ, trong các Bộ Luật của Mỹ, trong các Công ước quốc tế v.v...để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm đưa ra trước ánh sáng những sự thật bị che giấu và những điều dối trá, xuyên tạc của những kẽ hưởng lợi từ chất độc da cam đã tung ra trước dư luận trong hàng chục năm nay. Các Luật sư nguyên đơn còn được sự giúp đỡ có hiệu quả của Ban chấp hành Hội Luật gia dân chủ quốc tế (AIJD), Hội Luật gia Mỹ và sự cộng tác chặt chẽ của Lãnh đạo VAVA và các Luật sư Việt Nam trong soạn thảo đơn kiện cùng các tài liệu tranh luận bằng văn bản với bị đơn. Từ buổi soạn thảo đơn kiện đầu tiên để đệ trình Toà vào ngày 31/01/2004 cho đến trước phiên tranh luận miệng trước Toà vào ngày 28/02/2005, đại diện của 4 Công ty và 02 Văn phòng Luật Mỹ đã sang Việt Nam 04 lần. Tại Việt Nam các Luật sư Mỹ đã có dịp đi về tận những nơi được gọi là điểm nóng, những nơi mà cách đây 30 năm đã từng là căn cứ không quân, là những kho lưu chứa và bơm hút chất da cam lên các máy bay Mỹ bay đi phun rải xuống lãnh thổ Việt Nam. Các Luật sư Mỹ trực tiếp mắt thấy tai nghe những khổ đau bất tận của các nạn nhân chất độc da cam. Ai chưa từng một lần đến Việt Nam, chưa từng được trực tiếp mắt thấy tai nghe tại chỗ thì dầu có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể hình dung được hết tính độc hại của chất độc da cam/dioxin đối với con người, môi trường và sinh thái. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hoá học để huỷ diệt sinh thái, môi trường và cùng với nó là huỷ diệt con người. Đây là kết luận của nhiều nhà khoa học, xã hội học sau khi nghiên cứu tường tận hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam. Các chuyến đi khảo sát, tìm hiểu thu thập chứng cứ tại chỗ, những cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo VAVA, với các nhà khoa học, các Luật sư Việt Nam, đã giúp các Luật sư Mỹ thêm nghị lực và lý lẽ để bác bỏ được nhiều luận cứ bảo vệ của Luật sư phía bị đơn.

Trong đơn kháng án ngày 30/9/2005 gửi lên Toà phúc thẩm lưu động số 2, Luật sư nguyên đơn đã khẳng định : " Bị đơn đã biết rằng dioxin là một chất độc. Họ đã biết nó nằm trong sản phẩm của họ với những khối lượng vượt xa mức an toàn. Họ đã biết sản phẩm của họ sẽ được sử dụng ở Việt Nam. Có lẽ điều rắc rối nhất của những thực tế này là họ đã biết cách thức thải bỏ các chất độc này ra khỏi sản phẩm của mình nhưng vì lòng tham của mình họ lại quyết định không làm như vậy. Chính là cách thức của bị đơn mà nguyên đơn đã lấy đó làm chỗ dựa để kiện họ và chính là cách thức hành động để có thể đem ra xét xử theo đạo luật bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài với tư cách là một hành vi vi phạm luật quốc tế. Với tất cả những lý do nói trên và bởi vì công bằng, công lý đòi hỏi rằng những người là nạn nhân của sự cố ý được đặt ra trong chiến dịch chất độc phải được bồi thường.Toà này phải đảo ngược quyết định của Toà sơ thẩm đã chấp nhận kiến nghị của bị đơn xin bãi nại và cho phép nguyên đơn khiếu nại theo luật quốc tế được tiếp tục theo đuổi."

Phán quyết sơ khởi của J.Weinstein, Thẩm phán Toà sơ thẩm Liên bang Mỹ quận Brooklyn đã khiến dư luận bất bình. Nhiều Tổ chức của Việt Nam và thế giới đã lên tiếng phản đối tính phi lý, bất chấp sự thật hiển nhiên của phán quyết.

 4.3. Một số ưu thế của nguyên đơn

Mặc dù phán quyết của J.Weinstein đưa ra kết luận bất lợi cho nguyên đơn Việt Nam, tuy nhiên qua phân tích chúng ta có thể thấy nguyên đơn cũng có một số ưu thế nhất định tập trung vào các vấn đề chính sau đây[22]:

Thứ nhất, tư cách khởi kiện của Hội nạn nhân chất độc da camldioxin Việt Nam đã được thừa nhận.

Thẩm phán Jack Weinstein đã thừa nhận tư cách khởi kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Các luật sư Mỹ mà chúng ta thuê trong quá trình khởi kiện cũng rất quan tâm tới vấn đề này, thậm chí họ còn quả quyết tòa sẽ bác bỏ tư cách của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nếu chúng ta không đặt vấn đề về thanh khiết môi trường. Nhóm chuyên gia pháp lý của chúng ta đã từng phải mất nhiều thời gian thuyết phục các luật sư Mỹ về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là một tập thể, trong khi đó vụ kiện này lại là vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp này có những đặc điểm sau: thiệt hại về sức khỏe, về tinh thần; những thiệt hại này gắn với các cá nhân cụ thể; mức độ thiệt hại của các cá nhân là khác nhau. Do vậy, về bản chất, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nguyên đơn đại diện cho các nạn nhân cụ thể.

Thứ hai, trong phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein, nguyên đơn, về mặt nguyên tắc có thể các công ty hóa chất Mỹ vi phạm pháp luật quốc tế.

Nói là thẩm phán Jack Weinstein thừa nhận về nguyên tắc là các công ty hóa chất có thể bị cáo buộc vi phạm pháp luật quốc tế, nhưng thẩm phán Jack Weinstein lại nói là không thể áp dụng các điều ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học vì Mỹ không bị ràng buộc về trách nhiệm hồi tố. Ông Jack Weinstein bác bỏ lập luận của các công ty hoá chất rằng vụ kiện can thiệp vào đường lối đối ngoại của Mỹ. Ông cũng phê phán Bộ Tư pháp, vì họ không thừa nhận Mỹ cũng bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế.

Có lẽ vấn đề quan trọng nhất mà ông Jack Weinstein nêu trong phán quyết là chất da cam không phải là chất độc. Tại các trang 60, 182 của phán quyết ông Jack Weinstein lập luận rằng chất da cam không phải là chất độc mà pháp luật quốc tế cấm sử dụng vì "nó chỉ là chất diệt cỏ". Mọi người đều biết rằng trong pháp luật quốc tế, cụ thể là trong Công ước La Hay 1907 và Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 đã cấm sử dụng vũ khí hoá học trong chiến tranh. Cứ cho rằng sau năm 1975 Mỹ mới phê chuẩn các điều ước quốc tế này còn việc quân đội Mỹ phun rải chất da cam/dioxin xuống Việt Nam vào thời kỳ 1961-1971, nhưng việc cấm sử dụng vũ khí hoá học, chất độc đã trở thành nguyên tắc tập quán quốc tế từ cổ xưa. Mỹ có thể không bị ràng buộc bởi các quy phạm điều ước quốc tế nhưng chắc chắn bị ràng buộc bởi các quy phạm tập quán quốc tế vốn là hai nguồn có giá trị ngang nhau của công pháp quốc tế. Hơn nữa, có thể trong các điều ước này không nêu đích danh chất da cam, một loại vũ khí mà các công ty hoá chất Mỹ không nêu tên theo thành phần hoá học mà chỉ gọi theo vạch da cam sơn trên các thùng chứa. Trên thực tế chất da cam mà các công ty hoá chất Mỹ cung cấp cho quân đội Mỹ phun rải xuống Việt Nam có chứa dioxin - một độc chất cực kỳ nguy hiểm đối với con người và môi trường. Thật là mâu thuẫn khi ông thừa nhận rằng dioxin là chất độc, rằng chất da cam có chứa dioxin, rằng chất da cam chính là thuốc diệt cỏ nhưng lại tuyên bố rằng "chất diệt cỏ không phải là chất độc"(?!). Ông cho rằng "chất diệt cỏ được sử dụng nhằm mục đích diệt cây cỏ, bất cứ ảnh hưởng nào đến con người là do tác dụng phụ và nằm ngoài ý muốn" (tại trang 175 của phán quyết). Như vậy, dù sao ông cũng đã thừa nhận "ảnh hưởng phụ" của chất da cam. Có "ảnh hưởng phụ" đó chính là do chất diệt cỏ có nồng độ dioxin rất cao do các công ty hoá chất đã chạy theo lợi nhuận khi sản xuất chất diệt cỏ. Rõ ràng điều nhận định này của ông Jack Weinstein lại mâu thuẫn với chính việc ông kết luận là không thể áp dụng trong trường hợp này đạo luật Alien Tort Statute, còn có tên gọi khác là Alien Tort Claims Act, tức ATCA (Đạo luật đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài) được Quốc hội đầu tiên của Mỹ thông qua năm 1789. Trong trường hợp này các nạn nhân Việt Nam đòi các các công ty hoá chất Mỹ phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đòi các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ của Mỹ phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm của họ gây ra theo đạo luật ATCA. Cũng phải thấy rằng ông Jack Weinstein không đủ can đảm để phủ nhận mối quan hệ nhân quả giữa chất độc da cam/dioxin và các bệnh mà các nạn nhân Việt Nam đang gánh chịu. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đã chỉ ra rất rõ mối liên hệ của chất da cam/dioxin với các bệnh mà các nạn nhân là nguyên đơn của vụ kiện đang chịu đựng. Điều này cũng không khác những bệnh của các cựu binh Mỹ mà chính Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nhắc tới như ung thư tiền liệt tuyến, rối loạn thần kinh, bệnh thần kinh ngoại vi, dị tật bẩm sinh gai đôi...

Tuy nhiên ông Jack Weinstein đã tự mở lối thoát để khỏi bị mang tiếng là chuyên gia nổi tiếng về chứng cứ như ông mà nhận định chất da cam không phải là chất độc. Tại các trang 66-69, 128 của phán quyết ông cho rằng nếu toà phúc thẩm đảo ngược được quyết định bãi nại trên cơ sở đã được đề cập trong văn bản này, toà sẽ cho phép tiến hành thật nhiều công việc điều tra nghiên cứu dịch tễ học và bệnh lý cá nhân trước khi giải quyết vấn đề này và rằng việc cân nhắc vấn đề này phải hoãn lại vì quá sớm. Và chính phần kết luận của phán quyết ông tỏ ra rất nước đôi, lúng túng: Không bên nào phải thanh toán chi phí nào cho phía bên kia, có nghĩa là tuy bác bỏ đơn kiện nhưng không phải nguyên đơn không có lý khi kiện các công ty hoá chất (điều này ông cũng nhắc tại trang 78-80 của phán quyết- các công ty không được hưởng quyền miễn tố trước pháp luật). Theo pháp luật tố tụng Mỹ, nếu ông Jack Weinstein coi các nạn nhân Việt Nam kiện vô căn cứ thì hẳn rằng ông đã tuyên bố nguyên đơn phải trả một khoản tiền bồi thường không nhỏ cho bị đơn (trong đơn phản kiện các công ty hoá chất cũng đề nghị toà buộc nguyên đơn phải trả tiền luật sư mà bị đơn phải thuê do đơn kiện là vô căn cứ).

 Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện đòi các công ty hoá chất Mỹ phải bồi thường. Thủ tục tố tụng sẽ không đơn giản và vụ kiện không thể kết thúc nhanh chóng được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, công lý nhất định thuộc về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Về nội dung vụ kiện, chúng ta đã làm rõ những vấn đề cơ bản. Một là, có sự hiện diện của hành vi vi phạm pháp luật. Hai là, có hậu quả từ hành vi pháp luật đó và ba là, có pháp luật điều chỉnh. Đây là vụ kiện tập thể đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về hậu quả trực tiếp, gián tiếp từ việc phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin chúng ta cũng đã có rất nhiều chứng cứ có cơ sở khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam, Mỹ và các nước khác đã có những công trình nghiên cứu công phu về hậu quả của chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường. Các cựu binh Mỹ đã có phần được hưởng công lý trong vụ kiện các công ty hóa chất cách đây 20 năm. Tuy đây không phải là quyết định, phán quyết của tòa án nhưng các công ty hóa chất buộc phải lập quỹ bồi thường nạn nhân của chất da cam /dioxin 180 triệu USD. Không có lý gì khi xác định những người ngồi trên máy bay phun rải chất độc da cam/dioxin bị phơi nhiễm và được bồi thường mà lại không thừa nhận những người dưới mặt đất bị phơi nhiễm chất độc này. Hàng vạn cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã và đang gánh chịu hậu quả nặng nề về thể xác và tinh thần. Chất độc da cam gây hậu quả không phân biệt màu da, giới tính, chủng tộc. Hiện nay các nguyên đơn - các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, là cơ sở khoa học xác định nạn nhân, bệnh tật mà nạn nhân mắc phải do chất độc dioxin đã rõ ràng hơn nhiều so với mấy năm trước nhờ sự tiến bộ của khoa học. Mỹ đã công nhận có 13 bệnh do dioxin gây ra. Việt Nam cũng chứng minh các nạn nhân bị nhiễm 13 bệnh này. Ngoài ra, những nạn nhân này còn mắc nhiều bệnh khác do tác động của chất độc dioxin lên hệ miễn dịch khiến tần suất mắc bệnh thông thường của nạn nhân chất độc dioxin cũng cao hơn bình thường. Thứ hai, chúng ta có được những kinh nghiệm quý báu rút ra từ vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ kiện các công ty sản xuất chất độc chứa dioxin diễn ra trước đây. Nhờ có vụ kiện trước của cựu chiến binh Mỹ mà phía Việt Nam xác định rõ hơn chất độc được rải ở những địa điểm nào, tác động đến con người như thế nào với số tài liệu thu được hơn 690.000 trang. Thứ ba, dư luận đang ủng hộ vụ kiện rất mạnh mẽ. Dư luận trong và ngoài nước ủng hộ nhiệt tình cho vụ kiện này. Việc thu thập chữ ký đang được mọi người từ khắp nẻo hành tinh hưởng ứng. Ngay cả Mỹ, các cựu chiến binh, những người từng phản đối chiến tranh rất ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bằng chứng là họ đang làm nhiều việc để giúp đỡ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện này.

Thứ ba, thẩm phán Jack Weinstein thừa nhận vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không bị cản trở bởi thời hiệu, kể cả thời hiệu theo luật quốc tế.

Theo quy định của pháp luật Mỹ, các vụ kiện liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm, trong trường hợp này thì tính từ khi chiến tranh chấm dứt. Các cựu binh Mỹ khởi kiện từ năm 1979, tức là vẫn còn thời hiệu tính từ năm 1975, năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các nạn nhân chất độc da cam, thời hiệu này bị gián đoạn do chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Mỹ gỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam từ năm 1994, do vậy việc các nguyên đơn khởi kiện ngày 30 tháng 1 năm 2004 là hoàn toàn phù hợp với pháp luật của Mỹ về thời hiệu khởi kiện. Không ai có thể bác bỏ được đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu. Tuy chưa có tuyên bố chính thức từ phía thẩm phán thụ lý đơn kiện nhưng về cơ bản thẩm phán đã mặc nhiên thừa nhận đơn kiện đúng thời hiệu.

Thứ tư, lập luận việc bị đơn không biết về tác hại của chất diệt cỏ không có sức thuyết phục.

Báo chí ở New York cho rằng phán quyết của thẩm phán có phần lúng túng... và theo luật sư William Goodman, thẩm phán đã không hiểu luật quốc tế về việc sử dụng các loại thuốc độc và lịch sử của các quyết định này, nên, vì tên "Agent Orange" không có trong danh sách, nó không phải là độc chất (ngược lại với nghị quyết của Quốc hội Mỹ năm 1961, và ông cũng biết là chất da cam có chứa dioxin là một chất độc cực kỳ). Nên nhớ là tên gọi "Agenl Orange" không phải là tên hoá chất, mà là màu vẽ lên các thùng đựng hoá chất. Tháng 1 năm 1966 một nhóm khoảng 30 nhà khoa học Boston đã phản đối việc phá hoại mùa màng và coi đó như cuộc tấn công man rợ, chống lại cả chiến binh lẫn dân thường. Năm 1967, một kiến nghị có hơn 5.000 chữ ký của các nhà khoa học, trong đó có 17 người được nhận giải thưởng Nobel, 129 viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc tế kêu gọi Tổng thống Johnson chấm dứt việc sử dụng hóa chất chống con người và mùa màng tại Việt Nam đã được cố vấn khoa học của Tổng thống cũng như dư luận công chúng tiếp nhận rộng rãi. Tháng 4 năm 1970, các bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi, Nông nghiệp của Mỹ đã ra Tuyên bố chung yêu cầu ngừng sử dụng tại nước Mỹ chất diệt cỏ có chứa 2,4,5-T. Cũng thời gian này Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh đình chỉ sử dụng về mặt quân sự chất 2,4,5-T, kể cả chất da cam. Tác hại ghê gớm của chất da cam đối với con người đã được các nhà khoa học chỉ rõ trong những năm 1960. Ngay từ những năm 1940, 1950 các thí nghiệm của Công ty Monsanto, Diamond, Dow và những tai nạn xảy ra tại các nhà máy sản xuất của các công ty này đã cho thấy 2,4,5-T là chất độc hại ghê gớm đối với con người 1. Trên thực nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, dioxin có tác dụng gây ra quái thai, gây đột biến gien, gây độc hại với các tế bào, đặc biệt là tế bào não, thận, gan, tim, gây ngộ độc phổi, ung thư, gây rối loạn nhiều quá trình trao đổi chất khác nhau trong tế bào và tác động gián tiếp trên bộ máy di truyền tế bào.

Các nguyên đơn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, là cơ sở khoa học xác định nạn nhân, bệnh tật mà nạn nhân mắc phải do chất độc dioxin đã rõ ràng hơn nhiều so với mấy năm trước nhờ sự tiến bộ của khoa học. Thứ hai, chúng ta có được những kinh nghiệm quý báu rút ra từ vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ kiện các công ty sản xuất chất độc chứa dioxin diễn ra trước đây. Thứ ba, dư luận trong và ngoài nước đang ủng hộ các nguyên đơn trong vụ kiện rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein, ưu thế của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - nguyên đơn của vụ kiện là không nhiều, có thể nói là ít ỏi so với những ưu thế mà Jack Weinstein dành cho bị đơn - các công ty hóa chất Mỹ.

 5. Phán quyết phúc thẩm - một phán quyết đầy mâu thuẫn về mặt pháp lý

 5.1. Phân tích nội dung phán quyết.

Ngày 22 tháng 2 năm 2008, cùng với việc bác đơn kiện của các nạn nhân da cam VN, tòa án phúc thẩm cũng bác đơn kiện của 16 cựu binh Mỹ kiện các công ty hóa chất (xét xử cùng ngày với phiên điều trần của các nạn nhân da cam Việt Nam hồi tháng 6-2007). Tuy nhiên, nếu căn cứ bác đơn kiện của các cựu chiến binh Mỹ liên quan đến quy định của luật nội địa Mỹ (quy định về miễn trách nhiệm đối với nhà thầu Chính phủ), thì căn cứ chủ yếu để bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam Toà án phúc thẩm số 2 lại dựa chủ yếu vào các căn cứ pháp luật quốc tế. Toà án đã đưa ra nhiều luận điểm về thực tiễn sai, từ đó lập luận và đi tới một kết luận phiến diện, giải thích một cách lệch lạc các quy định của pháp luật quốc tế.

Phán quyết phúc thẩm do Thẩm phán Miner, thẩm phán Toà phúc thẩm số 2 tuyên gồm 35 trang, ngắn hơn nhiều so với phán quyết sơ thẩm. Phán quyết gồm 3 phần chính là: Lời nói đầu; phần Bối cảnh nêu một số sự kiện liên quan đến việc sử dụng chất da cam; phần Phân tích trình bày các lập luận của Toà án và cuối cùng là kết luận, nguyên văn: "Vì lập trường của Toà đối với những vấn đề về pháp lý trong vụ kiện này, Toà thấy rằng không cần thiết phải đề cập đến những lập luận kháng cáo của bất cứ bên nào. Căn cứ vào nội dung nói trên, Toà khẳng định phán quyết của Toà sơ thẩm"

Dưới đây xin phân tích và bình luận nội dung chi tiết của phán quyết và những điểm mâu thuẫn về mặt pháp lý trong lời văn của phán quyết.

  1. Lời nói đầu: tóm tắt diễn biến của vụ kiện

Trong phần này, thẩm phán Miner đã nêu lại những khiếu nại của nguyên đơn và ý kiến phản bác của bị đơn. Đồng thời, phán quyết cũng đã nhắc đến Tuyên bố quan tâm của Chính phủ Mỹ ủng hộ lập trường của bị đơn liên quan đến vấn đề luật quốc tế và những vấn đề liên quan đến khả năng xét xử và lập luận biện hộ nhà thầu Chính phủ.

B. Bối cảnh, gồm 5 phần:

I. Chính phủ Mỹ cho phép sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam:

Thông thường các sự kiện, hay sự thật vụ việc được nêu tại đơn kiện của nguyên đơn và ý kiến phản hồi của bị đơn sẽ được nêu nên trong phần bối cảnh này của phán quyết. Tuy nhiên, đối với vụ kiện này chúng ta có thể thấy Toà án đã không sử dụng các sự kiện được nguyên đơn nêu ra mà đã sử dụng những sự kiện rời rạc, chắp vá, phiến diện để từ đó chứng minh cho hai luận điểm đã được đưa ra từ trước: Thứ nhất, việc sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam là vì mục đích cứu vãn sinh mạng của người Mỹ và đồng minh và thứ hai, việc sử dụng chất diệt cỏ không vi phạm luật quốc tế mà cụ thể ở đây là Nghị định thư Ginevơ năm 1925.

  1. Quan điểm của Toà về mục đích của việc sử dụng chất diệt cỏ.

Trong phần "sự kiện pháp lý" này, Toà phúc thẩm đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ phán quyết sơ thẩm với việc nêu lên những sự kiện phiến diện, một chiều ủng hộ việc sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam mà quên đi những sự thật về việc chất da cam có chứa đựng dioxin - một trong những độc tố cực kỳ nguy hiểm đến con người. Toà án đã đưa ra những dẫn chứng nhằm củng cố quan điểm của mình cho rằng việc sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam chỉ là nhằm khai quang và chiến dịch diệt cỏ đã "giảm những thương vong của người Mỹ và người Việt Nam" (đô đốc Lemos). Toà cũng đã trích dẫn lời một trợ lý Bộ trưởng khác (không có tên tuổi trong trích dẫn của phán quyết) rằng "việc sử dụng chất diệt cỏ là phù hợp và chỉ có một mục đích duy nhất là cứu vãn sinh mạng của người Mỹ và đồng minh chúng ta".

  1. Quan điểm của Toà về việc sử dụng chất diệt cỏ không vi phạm luật quốc tế.

Toà đã đưa ra những diễn giải cho rằng Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 không bao quát chất diệt cỏ hoá học bất chấp việc Liên hợp quốc đã có Nghị quyết năm 1969 khẳng định việc sử dụng chất diệt cỏ của Mỹ ở Việt Nam là vi phạm pháp luật quốc tế. Toà cũng đã đưa ra chứng cứ cho rằng Quốc hội Mỹ hoàn toàn ủng hộ chương trình sử dụng chất diệt cỏ của Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, những sự kiện quan trọng mà nguyên đơn đã nêu ra như: quy trình sản xuất chất diệt cỏ bị đẩy nhanh dẫn tới phát sinh nồng độ dioxin lớn; liều lượng, mật độ phun rải chất diệt cỏ; hậu quả của chất da cam đối với con người và môi trường thiên nhiên... đã không hề được Toà án nhắc đến trong phán quyết phúc thẩm.

II. Những điều chỉnh đối với Việt Nam sau chiến tranh: trong phần này phán quyết, Toà án đã đưa ra một số sự kiện đáng bàn luận:

  • Thứ nhất, sự kiện ngày 28 tháng 1 năm 1995 liên quan đến Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ về việc giải quyết một số khiếu nại về tài sản. Toà án đã cho rằng Thoả thuận này không có quy định nào về việc đền bù hoặc hoàn trả các khiếu nại từ việc Mỹ sử dụng chất diệt cỏ trong đó có chất da cam. Lập luận này là hết sức lố bịch vì nếu xem lại phạm vi điều chỉnh của Hiệp định về giải quyết một số khiếu nại về tài sản năm 1995 chỉ điều chỉnh một số tài sản (chủ yếu là bất động sản) phát sinh từ việc quốc hữu hoá, không hề liên quan đến vấn đề về sử dụng chất da cam/dioxin.
  • Thứ hai, sự kiện về việc cuối tháng 5 năm 2007 tổng thống Bush đã ký một dự luật cung cấp 3 triệu USD cho việc giải quyết các vấn đề sức khoẻ và môi trường phát sinh từ dioxin. Thực tiễn cho đến nay ngân sách cho việc này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ và chưa có một hoạt động tích cực nào từ phía Mỹ nhằm giải quyết hậu quả của chất độc cam được triển khai ở Việt Nam. Mặt khác, sự kiện này cho thấy mặc dù luôn khẳng định việc sử dụng chất diệt cỏ da cam ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, Toà án cũng đã phải thừa nhận hậu quả nghiêm trọng của chất da cam gây ra do chứa "dioxin" - "một chất nhỏ nằm trong chất da cam" (trích lời văn của phán quyết).

III. Mua sắm chất da cam:

        Trong phần này phán quyết đã nhắc đến một số lập luận quan trọng của nguyên đơn Việt Nam và cả những lập luận được các cựu chiến binh đưa ra trong vụ kiện của các cựu chiến binh. Một sự thật ở đây Toà đã thừa nhận là việc Chính phủ đã đặt hàng các công ty hoá chất với tỷ lệ chất diệt cỏ gồm có thành phần 50/50 hai chất 2,4-D và 2,4,5-T. Với thành phần này thì chất da cam không giống như các sản phẩm diệt cỏ thông thường sử dụng trong thương mại mà là một sản phẩm hoàn toàn khác và có nồng độ dioxin rất cao. Tuy nhiên, phán quyết phúc thẩm đã cho rằng thành phần này là do Chính phủ yêu cầu các công ty hoá chất phải làm. Mặt khác, tốc độ sản xuất chất da cam bị đẩy nhanh cũng là theo yêu cầu của Chính phủ và phù hợp với Đạo luật sản xuất quốc phòng năm 1950 (the Defense Prodution Act of 1950 - DPA), theo đó phần 101 của DPA cho phép Tổng thống đề ra "yêu cầu bằng mọi hoạt động thể theo hợp đồng hoặc lệnh đặt hàng... mà ông thấy cần thiết hoặc phù hợp để thúc đẩy lợi ích quốc phòng sẽ phải được ưu tiên hơn so với bất cứ hợp đồng hay lệnh đặt hàng nào khác và đảm bảo cho ưu tiên đó được thực hiện, đòi hỏi mọi sự chấp nhận hay hoạt động yêu cầu việc chấp nhập và thực hiện các hợp đồng và lệnh đặt hàng như vậy phải được tiến hành trước các hợp đồng hay lệnh đặt hàng khác". Tuy nhiên, đạo luật này không có quy định cho phép các công ty bất chấp quy trình sản xuất để đẩy nhanh tốc độ sản xuất sản phẩm, dẫn đến sản phẩm làm nguy hại cho con người và môi trường.

Một lưu ý nữa là mặc dù thuyết về nhà thầu Chính phủ không được nhắc đến trong bản án phúc thẩm này những đã được sử dụng làm căn cứ chủ yếu để bác đơn kiện của các cựu chiến binh Mỹ trong bản án phúc thẩm cùng ngày với bản án của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

IV. Kết thúc chương trình sử dụng chất da cam, phần này đã nêu về công trình nghiên cứu của Chính phủ về hiệu ứng lâu dài của các chất diệt sâu bọ trong đó có 2,4,5-T, đã phát hiện bằng chứng của chất teratogenicity (sinh dị dạng) trong loài chuột và sự kiện ngày 15/4/1970 Bộ Quốc phòng Mỹ đã đính chính việc sử dụng trong quân sự chất da cam. Tuy nhiên, các chứng cứ về việc các công ty hoá chất Mỹ trước khi sản xuất chất da cam đã biết về độc tính cổ trong chất 2,4,5-T mà nguyên đơn đã nêu trong đơn kiện trình Toà thì lại không được Toà phúc thẩm nhắc đến trong phần này.

V. Tính chất đơn kiện và các thủ tục tố tụng của Toà cấp dưới: trong phần này Toà phúc thẩm đã đơn thuần tóm tắt lại những lập luận chính được nêu trong phán quyết sơ thẩm về: tư cách của Hội nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam (VAVAO); căn cứ khởi kiện theo Luật đòi bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài (ATS), thời hiệu khởi kiện... và đã khẳng định việc nhiều kết luận của Toà sơ thẩm là có lợi cho nguyên đơn.

  1. Phần Phân tích, gồm 4 mục:

 I. Tiêu chuẩn thẩm định

II. Những khiếu nại theo Luật quốc tế của nguyên đơn

III. Những khiếu nại của nguyên đơn phát sinh từ luật quốc nội

IV. Những khiếu nại của nguyên đơn yêu cầu hình thức cưỡng chế

Trong phần này Toà phúc thẩm đã tập trung phân tích 3 khiếu nại của nguyên đơn: Thứ nhất, khiếu nại về việc bị đơn đã vi phạm quy phạm luật tập quán quốc tế ngăn cấm sử dụng "các vũ khí tẩm độc"; Thứ hai, khiếu nại về việc Toà đã sai lầm khi bác bỏ những khiếu nại theo luật tiểu bang thể theo lập luận biện hộ nhà thầu Chínnh phủ, không tiếp tục tiến hành điều tra nghiên cứu đối với các tác nhân Trắng và Lục và chỉ kết hợp với những lập luận thực định tương tự được nêu trong các đơn kháng cáo của các cựu chiến binh; Thứ ba, nguyên đơn đã lập luận rằng Toà đã bác đơn một cách vội vã những khiếu nại của họ yêu cầu có biện pháp cưỡng chế mà không hề cho phép có thêm kết quả điều tra nghiên cứu đầy đủ. Để phân tích các yêu cầu của nguyên đơn, Toà án đã sử dụng tiêu chuẩn thẩm định theo quy tắc 12(b)(6) mới (Rule 12 (b)(6) de novo dựa hình thành khi Toà phúc thẩm vùng 2 xử vụ E&L Consulting vs Doman Indus. Ltd 472 F.3d 23, 28). Theo quy tắc này, Toà án phải giả định tất cả những lập luận trong đơn kiện là đúng và rút ra những suy luận hợp lý chống lại bên toà có kiến nghị bác bỏ vụ kiện và vụ kiện có thể bị bác bỏ chỉ khi nào nguyên đơn không thể trình bày đủ thực tế sự việc để nêu được một khiếu nại xin Toà có biện pháp bảo vệ mà khi mới xét trên bề mặt thấy là hợp lý. Tuy nhiên, ở đây Toà án đã đưa ra những sự việc không phải do nguyên đơn trình bày vào trong vụ kiện để dựa vào đó đưa ra kết luận. Hội đồng một mặt không chấp nhận những lập luận được đưa ra trong đơn kiện của nguyên đơn, mặt khác lại đưa ra quan điểm riêng của mình về thực tế sự việc. Trong phán quyết phúc thẩm, từ "dioxin" thậm chí không xuất hiện trong quyết định của Hội đồng trong 14 trang đầu và khi đề cập đến dioxin, Toà án đã cố tình không đề cập đến những chứng cứ quan trọng do nguyên đơn cung cấp, đó là: Thứ nhất, không đề cập đến nồng độ dioxin cao trong các chất diệt cỏ do bị đơn sản xuất, cũng như những hiểm hoạ mà bị đơn đã biết trước hoặc có lý do để biết là do chúng gây ra; Thứ hai, không đề cập đến việc bị đơn đã biết rõ và cố tình đẩy nhanh quá trình sản xuất làm cho nồng độ dioxin có trong sản phẩm cao nhằm tăng lợi nhuận; Thứ ba, sự hiện diện của dioxin trong chất diệt cỏ không giúp ích cho quy trình khai quang; Thứ tư, dioxin hiện diện trong chất da cam với khối lượng quá mức và vốn có thể tránh được, và sự thật việc bị đơn cũng được biết tác hại của chất độc dioxin.

Điểm mấu chốt trong phán quyết phúc thẩm là việc Toà án đã dùng những lập luận mâu thuẫn và khó hiểu để bác lập luận của nguyên đơn liên quan đến việc vi phạm luật tập quán quốc tế của bị đơn. Toà án đã cố tình tránh sử dụng Agent Ogange hay Dioxin khi lập luận, luôn luôn sử dụng thuật ngữ chất diệt cỏ (Hcrbicides) để từ đó kết luận việc sử dụng chất diệt cỏ là không vi phạm luật tập quán quốc tế, Bộ luật chiến tranh LaHay năm 1907 và vì mục đích của chiến dịch rải chất da cam là nhằm "cứu vãn sinh mạng của người Mỹ và đồng minh chúng ta chứ không phải nhằm gây tổn thương cho con người”. Phán quyết đã giải thích khái niệm ""chất độc hoặc vũ khí tẩm độc" được quy định trong Điều 23 (a) bộ quy định La Hay 1907, theo đó Toà án đồng tình với quan điểm cho rằng việc sử dụng phương tiện chiến tranh với mục tiêu để phá hoại các hoạt động canh tác của đối phương là mục tiêu hợp pháp. Toà án đã sử dụng lập luận sau của Cramer (được trình bày trong bản ý kiến trình Toà) để ủng hộ cho lập luận: "Việc sử dụng tác nhân hoá học... để phá hoại canh tác hoặc hạn chế sinh vật phát triển sẽ không vi phạm bất cứ quy tắc luật quốc tế nào cấm sử dụng khí độc". Tuy nhiên, Toà án đã cố tình không trích dẫn câu tiếp sau "với điều kiện là những chất hoá học này không gây ra các hiệu ứng độc hại chống lại con người bên đối phương thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường gián tiếp với cây cỏ đã bị phơi nhiễm chất độc đó".

Toà án cũng không phân tích Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 1969 định nghĩa các tác nhân chiến tranh hóa học (chemical warfare agents) là “ ... những hóa chất - dù là khí, chất lỏng hay chất đặc - có thể sử dụng vì ảnh hưởng độc hại của chúng trên con người, thú vật và thực vật”.

Nghị định Geneva năm 1925 đặt ngoài vòng pháp luật việc sử dụng bất cứ chất lỏng, vật liệu, hay công cụ nào chứa độc chất trong chiến tranh.

Quy ước về vũ khí hóa học (The Chemical Weapons Convention) định nghĩa vũ khí hóa học không chỉ bao gồm những độc chất nhưng còn kể cả đạn dược và thiết bị sử dụng để phân tán độc chất nữa.

Trước cũng như sau cuộc chiến Việt Nam, Mỹ lập trường rằng chất độc da cam chỉ là “thuốc diệt cỏ”. Tuy nhiên, năm 1969, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp và ra nghị quyết khẳng định rằng Nghị định Geneva năm 1925 áp dụng cho tất cả các loại vũ khí, kể cả vũ khí hóa học và độc chất da cam. Vì thế, có thể nói chiến dịch dùng dioxin trong chiến tranh là một vi phạm công pháp quốc tế. Có lẽ nhận thức được sự nghiêm trọng này, năm 1975 tổng thống Gerald Ford ký sắc lệnh số 11850 rằng Mỹ sẽ không là quốc gia đầu tiên dùng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh.

Bên cạnh đó, Toà án đã cố tình không đưa ra những lập luận để trả lời cho vấn đề mà nguyên đơn đã đặt ra là liệu việc sử dụng chất da cam quá mức cần thiết, không có tính cấp thiết quân sự gây thiệt hại cho sức khoẻ con người trong khi có thế tránh được là vi phạm luật quốc tế hay không, vì nếu tiếp cận vấn đề ở khía cạnh này, chắc chắn Toà án sẽ khó bảo vệ được luận điểm của mình và mục tiêu bác đơn kiện của các nguyên đơn.

 5.2. Phản ứng của dư luận về nội dung phán quyết phúc thẩm.

Ngay sau khi có phán quyết phúc thẩm của Toà phúc thẩm số hai Liên bang Mỹ về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, dư luận trong nước và thế giới, kể cả giới luật gia quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ và đều nhất trí cho rằng đây là một phán quyết sai lầm và bất công.

Ngày 23-2, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 22-2 Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, nêu rõ: Phán quyết sai lầm và bất công của Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ ngày 22-2 đã làm cho nhân dân Việt Nam rất bất bình. Điều hết sức đáng tiếc là Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ lại đưa ra phán quyết như vậy trong khi Chính phủ Mỹ đang có những nỗ lực hợp tác với Việt Nam để khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Giải quyết những hậu quả của chất độc da cam/dioxin là vấn đề nhân đạo hết sức bức xúc. Đòi hỏi của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều tổ chức, cá nhân Mỹ, sẽ tiếp tục sát cánh với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi sự thật công lý này.

Ngày 29 tháng 2 năm 2008, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định vụ kiện là tiếng nói của lương tri và quyền con người đòi đạo lý và công lý, không chỉ vì cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà còn vì quyền lợi chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam là cựu chiến binh Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam.

Dư luận quốc tế cũng đã có những phản ứng đối với phán quyết này. Ngày 25/2, bà Merle Rainer, điều phối viên "Chiến dịch giảm nhẹ nỗi đau và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam" (VAORRC) của Mỹ, khẳng định phán quyết của Tòa Phúc thẩm Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là sai lầm cả về mặt luật pháp, đạo đức và đạo lý. Phát biểu với phóng viên TTXVN về quyết định của tòa án, đặc biệt là về lập luận của tòa cho rằng "chất da cam được sử dụng để bảo vệ quân Mỹ và không phải là một vũ khí chiến tranh chống người dân", bà Ratner nhấn mạnh: "Các công ty hóa chất Mỹ biết rõ rằng chất da cam là chất gây chết chóc đối với cả con người và môi trường xung quanh và Chính phủ Mỹ cũng biết như vậy. Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ đã thừa nhận trách nhiệm của họ về sự tàn phá do chất da cam gây nên, thể hiện qua việc họ phải bồi thường cho các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc này trong chiến tranh." "Chính vì vậy, việc phủ nhận công lý đối với người dân Việt Nam, những nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh hóa học này, là một hành động hết sức man trá", đại diện VAORRC khẳng định. Bà Ratner cũng cho biết cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục. "Cuộc đấu tranh hàng ngày vì công lý của các nạn nhân chất da cam/dioxin và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), lòng tự trọng, nhân bản và tinh thần làm việc hết lòng của họ cổ vũ chúng tôi phải làm việc hăng hái hơn nữa cho đến khi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này", bà tâm sự. Dù phán quyết của tòa là một bước lùi, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn giành thắng lợi ở phương diện đánh thức cả một phong trào rộng lớn trên thế giới ủng hộ việc trả lại công bằng và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và trên thế giới.

 6. Các vụ kiện công ty hoá chất khác có liên quan tại Toà án Mỹ.

 6.1. Tóm tắt lập luận của toà án:

Năm 1984, Chánh án Toà án liên bang khu vực phía Đông Bang New York Jack Weinstain đã xem xét các yêu cầu đòi bồi thường của những người đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ và gia đình họ về những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng đối với những nhà sản xuất và nhà buôn bán chất độc da cam trong vụ án “Agent Orange” Products Liability Litigation, 597 F. Supp. 740 (E.D.Nr Y. 1984). Mặc dù định nghĩa về nhóm những người đứng ra kiện (nguyên đơn là một nhóm cựu chiến binh và gia đình họ) chỉ bao gồm những người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ ở trong hoặc ở cạnh biên giới nước Việt Nam do ảnh hưởng của chất độc da cam, các bên liên quan trong vụ án đã ghi rõ trong Bản thoả thuận giải quyết tranh chấp (sau đó đã) được toà án cho rằng nguyên đơn là nhóm những người bị thiệt hại bao gồm “cả những người mà cho đến thời điểm giải quyết tranh chấp này vẫn chưa bị mắc bệnh liên quan đến chất độc da cam”. Để khẳng định xác nhận của Thẩm phán Weinstein về nhóm nguyên đơn và để thông qua thoả thuận giải quyết, toà án đã cho rằng thông báo của nhóm nguyên đơn phù hợp với Nguyên tắc 23 của các nguyên tắc tố tụng liên bang, khẳng định bất kỳ thành viên nào trong nhóm nguyên đơn đều tin tưởng rằng mình bị ảnh hưởng sức khỏe do ảnh hưởng của chất độc da cam ở Việt Nam đã được thông báo về tình trạng chuẩn bị xét xử của vụ án và do đó có đủ điều kiện để tìm kiếm ý kiến tư vấn của luật sư.

Sau khi Bản thoả thuận giải quyết đã được thông qua và được thực hiện, một số cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, những người mới bị phát hiện các tổn thương về sức khoẻ liên quan đến chất độc da cam và một số cựu chiến binh khác còn sống, đã nộp các đơn kiện về trách nhiệm đối với sản phẩm của các nhà buôn bán chất độc da cam ở các toà án bang của Bang Texas. Các bị đơn đã yêu cầu chuyển các vụ án này cho các toà án liên bang. Sau đó, các vụ án này đã được chuyển cho Toà án liên bang khu vực phía Đông Bang New York nơi đã giải quyết vụ án liên quan đến chất độc da cam trước đó với lý do là việc giải quyết trước đây đã xác định căn cứ pháp lý cho việc vô hiệu hoá các đơn kiện này và toà án đã thông qua phán quyết đó sẽ có thẩm quyển bảo đảm thực thi phán quyết đó. Những nguyên đơn đã cho rằng phán quyết trước đây không thể là lý do để bác các đơn kiện của họ. Bởi vì, những người không biết được những thiệt hại về sức khoẻ liên quan đến chất độc da cam vào thời điểm trước và trong quá trình giải quyết vụ án trước đây thì không phải là một bộ phận hay không phải là thành viên trong nhóm nguyên đơn đó và trong bất kỳ trường hợp nào thì họ cũng đã không nhận được thông báo đầy đủ về vụ án để có thể buộc họ phải tuân thủ phán quyết về vụ án. Họ cũng cho rằng, với tư cách là những người đi kiện (nguyên đơn) tại thời điểm giải quyết vụ án thì họ đã không được đại diện đầy đủ và hoàn toàn bởi các thành viên đại diện của nhóm nguyên đơn khi đó - những người đã có những đòi hỏi và yêu cầu chín muồi. Thẩm phán Weinstein cũng đã xem xét các đơn kiện, các lý do về sự thông báo và sự đại diện không hoàn toàn của các nguyên đơn nhưng cuối cùng đã bác các đơn kiện này trên cơ sở tiền lệ pháp (res judicata), (Vụ án “Agent Orange” Product Liability Litigation, 781 F. Supp. 902 (E.D.N. Y. 1991).

Một trong những người tham gia vụ kiện năm 1991 là Ivy đã kháng cáo lên toà án phúc thẩm khu vực liên bang số 2 vào năm 1993, vụ án Ivy và Diamond Shamrock Chems. Co. “Agent orange” Product Liability Litigation, 996 F. 2d 1425 (2d Circuit Court 1993). Toà án này cũng đã bác đơn kiện của Ivy với những lý do tương tự.

Năm 1996, Joe Isaacson bị phát hiện có bệnh ung thư liên quan đến chất độc da cam. Tới thời điểm này, việc trả bồi thường từ Quĩ bồi thường theo Bản thoả thuận bồi thường và quyết định của Toà án khu vực liên bang phía Đông Bano New york năm 1984 đã chấm dứt. Isaacson đã nộp đơn kiện các nhà sản xuất và các nhà buôn bán chất độc da cam tại toà án của Bang New Jersey. Các bị đơn cũng đã yêu cầu toà án này chuyển vụ án, và cũng giống như vụ án Ivy, vụ án đã được chuyển tới Toà án liên bang khu vực phía Đông Bang New York. Các bị đơn lập luận rằng tất cả các phán quyết của Thẩm phán Weinstein trong vụ án của nhóm nguyên đơn liên quan đến chất độc da cam - bao gồm cả phán quyết của ông ta về sự thông báo và đại diện của nhóm là hoàn toàn và phù hợp với Nguyên tắc 23 và Điều khoản tố tụng hợp pháp - có giá trị bắt buộc áp dụng đối với Isaacson và không thể được xem xét lại, kể cả trường hợp Isaacson đã không thực sự có mặt hay tham gia vào các quá trình tố tụng khi đó. Sau khi mở phiên toà xét xử, Toà án liên bang khu vực phía Đông New York đã bác đơn kiện của Joe Isaacson.

Tuy nhiên, hai quyết định của Toà án tối cao liên bang Mỹ về hai vụ án gần đây lại có quan điểm không giống như vậy. Đó là các vụ án Amchcm Prods., Inc. và Windsor, 521 U.S. 591 (1997) và vụ Ortiz và Fibreboard Corp, 527 U.S. 815 (1999). Quyết định của toà án trong vụ Amchem đã làm nảy sinh nhiều nghi vấn đối với bản án trong vụ Ivy trước đây. Bởi vì, các cựu chiến binh Việt Nam không biết được mình có bị ảnh hưởng sức khoẻ liên quan đến chất độc da cam hay không tại thời điểm xét xử vụ án đã được thông báo một cách đầy đủ và hoàn toàn về khả năng các đơn kiện của họ sau này sẽ có thể được giải quyết trong vụ kiện của nhóm nguyên đơn về chất độc da cam. Cả Amchem và Ortiz thực sự bị ràng buộc bởi kết luận là các nguyên đơn đã được liệt kê tên và các luật sư của nhóm nguyên đơn đã có các lợi ích mà chắc chắn là mâu thuẫn với các lợi ích của những người kiện về sau này và đã không đại diện một cách hoàn toàn cho những người trong nhóm vắng mặt trong vụ kiện.

Amchem và Ortiz nói rõ rằng vụ án Ivy chỉ đơn giản là sai và do vậy không thể được coi là tiền lệ. Các thành viên trong nhóm nguyên đơn không bị phát hiện các thiệt hại liên quan đến chất độc da cam trước tại thời điểm xét xử vụ án của nhóm nguyên đơn về chất độc da cam đã không nhận được sự thông báo đầy đủ về vụ án và cũng không nhận được sự đại diện hoàn toàn về các quyền lợi riêng của họ. Bởi vì những người kiện về sau này đã chỉ nhận được sự thông báo và sự đại diện không đầy đủ trong vụ án. Theo như Điều Khoản Tố Tụng Hợp Pháp thì những thành viên này phải nhận được một cơ hội công bằng để theo đuổi vụ kiện của họ.

 6.2. Tóm tắt lập luận của luật sư và các nhà nghiên cứu về vụ án:

Các luật sư và các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các lập luận ủng hộ các nguyên đơn trong các vụ án trên. Lập luận của họ tập trung vào một số vấn đề sau:

Các nguyên đơn có thể viện cớ là không nhận được sự thông báo và sự đại diện đầy đủ trong vụ án của nhóm nguyên đơn liên quan đến chất độc da cam để khẳng định là nguyên tắc tiền lệ pháp không cản trở họ trong việc kiện.

Việc thông báo cho các thành viên của nhóm nguyên đơn trong vụ kiện liên quan đến chất độc da cam, những người không có những thiệt hại có thể thấy được tại thời điểm đó, là không hoàn toàn và đầy đủ theo quy định của Hiến pháp và Nguyên tắc 23:

+ Trong một vụ án theo nhóm nguyên đơn để giải quyết các khiếu nại về các thiệt hại về sức khoẻ còn biểu hiện rõ thì việc thông báo đối với các “nguyên đơn trong tương lai” (những người chưa bị phát hiện bệnh hay các thiệt hại có thể được bồi thường) luôn luôn không hoàn toàn, không đầy đủ.

+ Thậm chí là nếu như về mặt lý thuyết việc thông báo cho những “nguyên đơn trong tương lai” (những người chưa bị phát hiện bệnh hay các thiệt hại có thể được bồi thường) là có thể thì việc đó đã không được thực hiện trong vụ án liên quan đến chất độc da cam.

  • Bản án về nhóm nguyên đơn trong vụ án đã không qui định loại trừ khả năng các đơn kiện dựa trên cơ sở các thiệt hại mới được phát hiện kể từ năm 1994 bởi vì những thành viên trong nhóm nguyên đơn không bị phát hiện bị bệnh đã không nhận được sự đại diện đầy đủ.

6.3. Một số diễn biến và quan điểm trong các án lệ về chất độc da cam.

Cho tới thời điểm hiện tại, mối quan hệ nhân quả giữa chất độc da cam và một số căn bệnh ung thư ở những người bị nhiễm đã không còn là vấn đề phải bàn cãi. Điều đó có thể được hiểu là các nạn nhân của chất độc da cam đã có thể khởi kiện trở lại đòi bồi thường những thiệt hại mà mình phải gánh chịu mà không bị đặt trước nghĩa vụ cực kỳ khó khăn là phải chứng minh mối quan hệ nhân quả này.

Tại hai thời điểm năm 1998 và 1999, hai cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại vào khoảng thời gian 1965-1970 Việt Nam là Daniel Stephenson và Joe Isaacson đã khởi kiện các công ty sản xuất hoá chất diệt cỏ đòi bồi thường thiệt hại. Những cựu chiến binh này cho rằng căn bệnh ung thư xương và bạch cầu mà họ đang mắc phải là hậu quả của việc họ bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian tham gia chiến tranh. Các vụ kiện trên đã được chuyển đến Toà án liên bang Quận Đông New York nơi đã xét xử vụ kiện tập thể của các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam kiện cùng các công ty hoá chất đã nêu về những nội dung tương tự vào năm 1984.

Trong vụ kiện tập thể năm 1984 do nguyên đơn là các cựu chiến binh và các thành viên gia đình họ (bố mẹ, vợ, con cái đã được sinh ra trước ngày 1/1/1984) cùng kiện các công ty hoá chất đòi bồi thường thiệt hại và tổn thất do hậu quả của chất độc da cam đã được đề cập ở phần trên, Toà án liên bang quận Đông New York đã công nhận kết cục hoà giải giữa hai bên trong vụ kiện này (tổng số tiền mà các công ty hoá chất đồng ý bồi thường cho các cựu chiến binh là 180 triệu đô-la Mỹ). Quyết định chấp nhận hoà giải của toà án cũng quy định không cho phép tiến hành những vụ kiện của các cá nhân cùng nhóm với những người khởi kiện chống lại cùng những công ty hoá chất là bị đơn về cùng nội dung kiện trong tương lai. Toà án cũng tuyên trong quyết định của mình rằng các bị đơn trong vụ kiện phải thành lập một quỹ để tiếp tục bồi thường cho những nguyên đơn chưa được bồi thường trong vụ kiện tập thể trong vòng 10 năm, kể từ ngày 1/1/1985 đến hết ngày 31/12/1994. Những trường hợp đòi bồi thường sau thời hạn kể trên sẽ không được giải quyết bồi thường.

Năm 1996, Joe Isaacson bị phát hiện có bệnh ung thư liên quan đến chất độc da cam. Tới thời điểm này, việc trả bồi thường từ Quĩ bồi thường theo Bản thoả thuận bồi thường và quyết định của Toà án khu vực liên bang phía Đông bang New York năm 1984 đã chấm dứt. Isaacson đã nộp đơn kiện các nhà sản xuất và các nhà buôn bán chất độc da cam tại toà án của bang New Jersey. Các bị đơn cũng đã yêu cầu toà án này chuyển vụ án, và cũng giống như vụ án Ivy, vụ án đã được chuyển tới Toà án liên bang khu vực phía Đông bang New York. Trong đơn kiện vào năm 1998 và 1999 của mình, Stephenson và Isaacson lập luận rằng vì quyết định năm 1984 của toà án chưa đề cập đến những người khởi kiện sau năm 1994 nên họ chưa được đại điện một cách phù hợp ở vụ kiện trước và vẫn có quyền khởi kiện. Toà án liên bang quận Đông New York đã bác đơn của Stephenson và Isaacson và không cho phép họ tiếp tục kiện các công ty hoá chất. Thẩm phán Jack Weinstein của toà này tuyên rằng hai đơn kiện mới là “cuộc tiến công không thể cho phép” vào quyết định trước kia của toà án. Các bị đơn cũng lập luận rằng tất cả các phán quvết của Thẩm phán Weinstein trong vụ án của nhóm nguyên đơn liên quan đến chất độc da cam - bao gồm cả phán quyết của ông ta về sự thông báo và đại diện của nhóm là hoàn toàn và phù hợp với Nguyên tắc 23 và Điều Khoản Tố Tụng Hợp Pháp - không có giá trị bắt buộc áp dụng đối với Isaacson và có thể được xem xét lại, bất kể Isaacson đã có từng tham gia vụ kiện 1984 hay chưa. Tuy nhiên, toà án lại có quan điểm là các quyết định trước đây vẫn có giá trị bắt buộc áp dụng đối với Isaacson và không thể được xem xét lại, kể cả trường hợp Isaacson đã không thực sự có mặt hay tham gia vào các quá trình tố tụng khi đó. Sau khi mở phiên toà xét xử, Toà án liên bang khu vực phía Đông New York đã bác đơn kiện của Joe Isaacson.

Tuy nhiên, hai quyết định của Toà án tối cao liên bang Mỹ về hai vụ án gần đây lại có quan điểm không giống như vậy. Đó là các vụ án Amchem Prods., Inc. và Windsor, 521 U.S. 591 (1997) và vụ Ortiz và Fibreboard Corp., 527 U.S. 815 (1999). Quyết định của toà án trong vụ Amchem đã làm nảy sinh nhiều nghi vấn đối với bản án trong vụ Ivy trước đây.

Bởi vì, các cựu chiến binh Việt Nam không biết được mình có bị ảnh hưởng sức khoẻ liên quan đến chất độc da cam hay không tại thời điểm xét xử vụ án, đã được thông báo một cách đầy đủ và hoàn toàn về khả năng các đơn kiện của họ sau này sẽ có thể được giải quyết trong vụ kiện của nhóm nguyên đơn về chất độc da cam. Cả Amchem và Ortiz thực sự bị ràng buộc bởi kết luận rằng các nguyên đơn đã được liệt kê tên và các luật sư của nhóm nguyên đơn đã có các lợi ích mà chắc chắn là mâu thuẫn với các lợi ích của những người kiện về sau này và đã không đại diện một cách hoàn toàn cho những người trong nhóm vắng mặt trong vụ kiện.

Amchem và Ortiz nói rõ rằng vụ án Ivy chỉ đơn giản là sai và do vậy không thể được coi là tiền lệ. Các thành viên trong nhóm nguyên đơn không bị phát hiện các thiệt hại liên quan đến chất độc da cam tại thời điểm xét xử vụ án của nhóm nguyên đơn về chất độc da cam đã không nhận được sự thông báo đầy đủ về vụ án và cũng không nhận được sự đại diện hoàn toàn về các quyền lợi riêng của họ. Bởi vì những người kiện về sau này đã chỉ nhận được sự thông báo và sự đại diện không đầy đủ trong vụ án. Theo như Điều Khoản Tố Tụng Hợp Pháp thì những thành viên này phải nhận được một cơ hội công bằng để theo đuổi vụ kiện của họ.

Cả 2 vụ kiện đã cùng được xử phúc thẩm tại Toà phúc thẩm Khu vực 2 của Liên bang Mỹ. Hội đồng xét xử phúc thẩm do thẩm phán Fred Parker xét xử đã bác bản án sơ thẩm và tuyên cho phép các cựu chiến binh tiếp tục kiện.

Đối với vấn đề Res Judicata - không chấp nhận việc xét xử tiếp tục hoặc xét xử lại những đơn kiện về những việc đã được toà án hoàn tất xét xử - thẩm phán Parker cho rằng: “Res Judicata nói chung được áp dụng đối với cả những cá nhân thuộc nhóm kiện tập thể nhưng không có điều kiện tham gia vụ kiện tập thể, trừ khi điều đó sẽ vi phạm nguyên tắc về thủ tục tố tụng hợp lý. Tuy nhiên thủ tục tố tụng hợp lý lại buộc toà án phải thông báo tới tất cả các bên liên quan của những trường hợp kiện tập thể, các bên phải được đại diện một cách phù hợp tại toà và được quyền lựa chọn không tham gia kiện tập thể. Thẩm phán Parker lập luận rằng mặc dù 2 người mới khởi kiện cũng thuộc thành phần của nhóm kiện tập thể trước đây nhưng họ chỉ biết mình bị mắc bệnh sau khi quỹ bồi thường đã hết hạn hoạt động nên họ không thuộc nhóm kiện tập thể. Hội đồng xét xử của Toà án phúc thẩm Khu vực 2 dựa vào các án lệ Anchem Product Inc. kiện Windsor (521 U.S. 59, 1997) và Ortiz kiện Fiberboard Corp. (527 U.S. 815, 1999). Trong cả hai vụ kiện trên, toà án đều tuyên rằng nếu nguyên đơn không phải là đối tượng phù hợp trong một bản án đã tuyên thì nguyên tắc res judicata cũng không thể được áp dụng đối với họ. Thẩm phán Parker cũng lập luận rằng quyết định của Hội đồng xét xử do ông chủ toạ không hề đặt các bị đơn vào tình trạng phải chịu trách nhiệm bồi thường hai lần vì hai nguyên đơn Stephenson và Isaacson chưa hề tham gia vào vụ kiện tập thể năm 1984.

 

 

 

CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HÀNH VI SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ CÁC PHƯƠNG ÁN XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM

 1. Trách nhiệm quốc gia trong luật pháp quốc tế

 1.1. Khái niệm trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc qia

Vấn đề trách nhiệm quốc gia chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong pháp luật quốc tế. Pháp luật quốc tế cũng như pháp luật nói chung sẽ không có ý nghĩa nếu như thiếu việc qui định trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm nó. Vì vậy, nó như là bảo đảm pháp lý để các quốc gia thực hiện những nhiệm vụ đã cam kết cũng như cơ sở pháp lý để các quốc gia thực hiện những qui phạm khác của luật quốc tế.

Chính vì vậy, thực hiện nghị quyết 799 (VIII) Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngày 07/12/1957, Uỷ ban pháp luật quốc tế - Liên hợp quốc (UBPLQT- LHQ) trong những hướng pháp điển hoá chủ đạo của mình, đã vạch rõ: Trước mắt cần thiết phải thiết lập những qui phạm chung về vấn đề trách nhiệm quốc gia, không hạn chế nghiên cứu vấn đề này theo những lĩnh vực nhất định cụ thể những việc nào đó.

Vấn đề trách nhiệm quốc tế nói chung đã xuất hiện từ lâu đời, từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến, nó đã được đề cập đến, nhưng chưa rõ rệt.

Ví dụ như: Nhà nước chiếm hữu nô lệ duy trì trong một thời gian dài nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” việc “đuổi ra khỏi nhà hay khỏi địa phương” rồi “chế độ trách nhiệm tập thể ... được áp dụng để trừng phạt nô lệ. Nhưng đây mới chỉ là những tập quán không thành văn. Nhưng được vận dụng phù hợp với điều kiện mới, với lợi ích của giai cấp chủ nô. (Lý luận Mác - Lê Nin về nhà nước và pháp luật).

Ngày nay vấn đề này mới nằm trong quá trình pháp điển hoá cho nên nó đang là đề tài tranh luận sôi nổi trong sách báo pháp lý quốc tế các nước.

Trong pháp luật quốc tế có những qui phạm qui định điều kiện xuất hiện trách nhiệm quốc gia cũng như tính chất và phạm vi mức độ của nó. Thế nhưng ngày này qui phạm này tồn tại chủ yếu dưới dạng tập quán quốc tế cho nên việc xác định nội dung của chúng và việc áp dụng đang là một vấn đề rất khó khăn. Bên cạnh đó, khái niệm trách nhiệm pháp lý quốc tế không còn đóng khung trong khuôn khổ truyền thống của nó nữa. Những thập kỷ gần đây, trong học thuyết cũng như trên thực tiễn quốc tế người ta đã nói đến trách nhiệm quốc tế cả trong trường hợp hoạt động hợp pháp, tức là trách nhiệm tuyệt đối gần giống như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của pháp luật quốc gia.

Lịch sử đã khắc hoạ vào lương tri mỗi con người trên trái đất này bằng 2 ngày 6 và 9/8/1945, khi nhân dân châu Âu và cả loài người đang reo mừng thoát khỏi thảm hoạ phát xít thì Lầu năm góc lại hốt hoảng trước thắng lợi vĩ đại của Liên Xô và hòng cứu vớt tình thế thuộc chính mình bằng tội ác quốc tế đã gây nên thảm hoạ Hirosima và Nagasaki, để lại sự tàn phá, đau thương mà con người chưa từng nghĩ tới. Với 2 quả bom thả xuống Nhật có sức công phá tương đương với 34 nghìn tấn thuốc nổ, giết hơn 200 nghìn người. Những tiếng kêu đau thương và phẫn nộ ấy đã, đang và sẽ còn mãi là lời cảnh báo và kết tội bè lũ phản động, hiếu chiến chống lại loài người là tiếng chuông nhắc nhở thức tỉnh những người yêu chuộng cuộc sống hoà bình trên trái đất, hay đấu tranh chặn đứng những hành động ngông cuồng hủy diệt sự sống của bè lũ phản động, đứng đầu là Mỹ. Do đó, việc chỉ ra những biện pháp giải quyết vấn đề quốc tế trong điều kiện thực tế của kỷ nguyên hạt nhân, trong đó trách nhiệm quốc gia đóng vai trò tích cực, là vấn đề cấp bách không thể thiếu được. Bởi trong kỷ nguyên hạt nhân này chỉ cần thái độ vô trách nhiệm của một quốc gia nào đó ở cường quốc đế quốc thì thế giới sẽ trở lại cảnh hoang tàn, nguyên thủy. Như mọi người đều biết, nhân loại cần hàng vạn năm tiến hoá mới bước ra khỏi những hang động hoang dã còn con người chỉ cần một giờ đã trở lại với thời kỳ man rợ đó.

Tất cả những vấn đề nêu trên là những khía cạnh pháp lý của vấn đề trách nhiệm trong pháp luật quốc tế đòi hỏi phải có sự nghiên cứu lâu dài toàn diện và sâu sắc đáp ứng thực tiễn, sinh động, khách quan trong sự phát triển các mối quan hệ quốc tế.

Việc Uỷ ban pháp luật quốc tế - LHQ đang tích cực tiến hành việc sắp xếp hoá và phát triển tiến bộ các qui phạm về trách nhiệm quốc gia một lần nữa chứng minh tính thời sự của vấn đề trách nhiệm và về ý nghĩa to lớn của nó đối với thực tế quốc tế.

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm "Trách nhiệm pháp lý quốc tế", tuy nhiên tựu chung lại nội hàm của nó có thể hiểu là tổng hợp những quy phạm pháp lý pháp luật quốc tế điều chỉnh những quan hệ pháp lý nảy sinh trong pháp luật quốc tế hiện tại nhân việc một quốc gia bất kỳ hay một chủ thể khác của pháp luật quốc tế vi phạm pháp luật quốc tế hay nhân việc một quốc gia trong hoạt động hợp tác của mình gây thiệt hại cho các quốc gia khác.

Chủ thể của trách nhiệm pháp lý quốc tế có thể là các quốc gia, các tổ chức quốc tế liên chính phủ - những chủ thể của pháp luật quốc tế. Bởi lẽ chủ thể chủ yếu của pháp luật quốc tế là các quốc gia cho nên nói đến vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế trước hết là nói về trách nhiệm của quốc gia. Một số luật gia tư sản còn cho rằng, chủ thể của trách nhiệm pháp lý quốc tế bao gồm cả các thể nhân riêng rẽ, bởi vì theo họ, pháp luật quốc tế quy định trách nhiệm hình sự quốc tế áp dụng đối với những cá nhân phạm các tội ác quốc tế. Đúng là như vậy, pháp luật quốc tế (Điều lệ các toà án quân sự quốc tế) qui định vấn đề này và trong thực tiễn quốc tế các toà án Nuremberg và Tokyo đã xét sử và trùng phạt bọn trùm sỏ phát xít Đức - Nhật nhưng trách nhiệm hình sự của thể nhân chỉ xuất hiện bên cạnh trách nhiệm của quốc gia và chỉ trong trường hợp phạm các tội ác quốc tế để nhấn mạnh tính chất cực kỳ nguy hiểm của loại vi phạm pháp luật quốc tế này.

 1.2. Các loại hình trách nhiệm quốc gia trong pháp luật quốc tế hiện đại.

Trách nhiệm quốc gia là một phạm trù pháp lý quốc tế, ra đời cùng với sự xuất hiện và khẳng định của nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanđa) mà ngày nay đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế hiện đại. Pháp luật quốc tế từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ đến thời kỳ phong kiến và đặc biệt đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa đã qui định ngày càng rõ nét hơn qui định của các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

1.2.1. Trách nhiệm tích cực:

Trong lý luận về pháp luật nói chung và pháp luật quốc tế nói riêng, trước đây các nhà luật gia ít quan tâm đến loại hình trách nhiệm này. Khi đề cập đến phạm trù trách nhiệm pháp lý người ta thường chỉ đề cập đến trách nhiệm theo nghĩa hẹp hay nghĩa truyền thống của nó mà thôi, tức là trách nhiệm mà theo nó, một bên có quyền đòi chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của nó, và một bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại.

Như vậy xét theo trách nhiệm tích cực của quốc gia, trước hết bằng trách nhiệm của mình (thông qua các cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đại diện) tham gia các quan hệ quốc tế phải có nghĩa vụ và bổn phận không vượt quá vi phạm pháp luật cho phép.

Xuất phát từ đặc điểm quan trọng của pháp luật quốc tế, chủ yếu là do các quốc gia xây dựng lên và chính họ lại là những người thực hiện nó, cho nên trách nhiệm tích cực của quốc gia thể hiện không những ở chỗ các quốc gia phải hành động phù hợp với pháp luật quốc tế phải thực hiện đầy đủ những thiện chí các cam kết quốc tế của mình, mà còn ở chỗ các quốc gia còn phải thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng các qui phạm mới cần thiết để điều chỉnh những quan hệ quốc tế mà pháp luật quốc tế chưa điều chỉnh. Nhà luật quốc tế Liên Xô nổi tiếng V.A.Vaxilenco viết “Bản chất của trách nhiệm tích cực là ở nghĩa vụ của tất cả các chủ thể quan hệ XH phải hành động làm sao không những qui định cụ thể mà cả những qui tắc chung hơn do các vi phạm xã hội đề ra, được thực hiện một cách đúng tối đa"[23].

Khái niệm trách nhiệm tích cực ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các điều ước quốc tế, cũng như trong ngôn ngữ quốc tế.

   Ví dụ:

  + Điều 24 của Hiến chương LHQ qui định Hội đồng Bảo an chịu trách nhiệm về việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

  + Hiến chương về các quyền và nghĩa vụ kinh tế thuộc các quốc gia do Liên hợp quốc thông qua 19/12/1974 có hẳn 1 chương mang tiêu đề “Trách nhiệm chung trước cộng đồng quốc tế”. Điều 30 của chương này ghi rõ rằng, tất cả các quốc gia chịu trách nhiệm về việc bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường xung quanh cho các thế hệ hôm nay, mai sau phù hợp với trách nhiệm này, các quốc gia đề ra chính sách thuộc Nhà nước mình trong lĩnh vực môi trường cũng như hợp tác với nhau xây dựng PLQT về môi trường.

+ Cuối cùng, mới đây 4/10/1981 theo đề nghị của Chính phủ Liên Xô, ĐHĐLHQ đã thông qua nghị quyết “về trách nhiệm lịch sử của các thế hệ hôm nay và mai sau”.

       Thuật ngữ trách nhiệm trong các văn bản nêu trên chính là loại hình trách nhiệm tích cực mà chúng ta đang xem xét.

  1. Trách nhiệm tiêu cực.

      Dường như đối lập với trách nhiệm tích cực là loại hình trách nhiệm tiêu cực hay còn gọi là trách nhiệm quá khứ (trách nhiệm retrosepective). Đó là loại hình trách nhiệm truyền thống lâu đời của pháp luật. Có pháp luật thì có loại hình trách nhiệm này. Trong pháp luật pháp lý quốc tế thì đây là trách nhiệm của quốc gia (hoặc của các chủ thể khác của pháp lý quốc tế) đối với hành vi của mình vi phạm pháp luật quốc tế. Trên cơ sở đó nảy sinh những quan hệ pháp lý mới - Quan hệ trách nhiệm mà theo đó một mặt quốc gia vi phạm phải chịu trách nhiệm về những hành vi phạm pháp của mình như chấm dứt ngay những hành vi phi pháp, khôi phục và xác lập lại trật tự pháp lý ban đầu, thỏa mãn hoặc bồi thường những thiệt hại do hành vi phi pháp gây nên. Mặt khác, quốc gia bị hại có quyền đơn phương hoặc cùng với các nước quan tâm khác đòi quốc gia vi phạm nghiêm chỉnh thi hành trách nhiệm của mình, cũng như tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi phi pháp đó để bảo vệ quyền lợi chính đáng đó của mình. Như vậy, quan hệ trách nhiệm là quan hệ thư sinh, mang tính chất dường như là phụ thuộc. Theo V.A Vaxilenco, trách nhiệm tiêu cực là “hiện tượng ngẫu nhiên, nhất thời bởi lẽ nó xuất hiện chỉ từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và chấm dứt sau khi những hậu quả tai hại của nó được xoá bỏ”.

       Điểm khác biệt cơ bản giữa trách nhiệm tích cực và trách nhiệm tiêu cực biểu hiện ở chỗ: Nếu trách nhiệm tích cực là sự tự nguyện của các quốc gia trong việc tuân thủ và xây dựng những qui phạm pháp lý quốc tế, thì trách nhiệm tiêu cực là hậu quả tất yếu của sự vi phạm pháp lý quốc tế. Theo đó, quốc gia gây hại phải bồi thường thiệt hại cả về chính trị và vật chất cho quốc gia bị hại.

       Trong Điều 1, Chương I Dự thảo chính phủ về trách nhiệm quốc gia do Uỷ ban pháp luật quốc tế - Liên hợp quốc soạn thảo có viết: “Bất kỳ một hành động nào trái ngược với luật quốc tế của các quốc gia đều dẫn đến trách nhiệm quốc tế của quốc gia đó. Chiếu theo pháp luật quốc tế, các quốc gia phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi mà họ đã gây ra”.

1.2.3. Trách nhiệm tuyệt đối.

      Loại hình thứ ba của trách nhiệm quốc gia trong quan hệ quốc tế là trách nhiệm tuyệt đối hay còn gọi là trách nhiệm khách quan. Về loại hình trách nhiệm này trong lý luận và trong thực tiễn quốc tế đang còn nhiều vấn đề tranh luận. Song, các quan điểm đều thống nhất cho rằng, đây là loại hình độc lập của trách nhiệm quốc gia.

      Trách nhiệm tuyệt đối xuất hiện gắn liền với pháp luật dân sự. Loại hình trách nhiệm tuyệt đối xuất hiện trong pháp luật quốc tế được lấy từ các hệ thống pháp luật trong nước mà chủ yếu là pháp luật dân sự. Như chúng ta biết, trong pháp luật dân sự có qui định loại hình trách nhiệm phi lỗi, tức là trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chủ yếu các phương trên hay các nguồn nguy hiểm cao gây ra không phải do lỗi chủ quan của họ hay nói cách khác, ngoài ý thức của họ, chẳng hạn do rủi ro. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình trách nhiệm tuyệt đối.

Loại hình trách nhiệm tuyệt đối trong pháp luật quốc tế thông thường gắn với việc sử dụng các nguồn nguy hiểm cao, chẳng hạn như việc khai thác nhà máy điện nguyên tử, việc chuyên chở dầu trong các Tanker lớn, việc phóng các con tàu vũ trụ hoặc các vật thể vũ trụ khác vào khoảng không vũ trụ... Tất cả những hoạt động này không những không bị pháp luật quốc tế cấm, mà còn được khuyến khích. Chẳng hạn, Hiệp ước 1967 về những nguyên tắc hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ, kể cả mặt trăng và thiên thể khác khuyến khích các quốc gia tăng cường các hoạt động nghiên cứu và sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình và vì lợi ích của nhân loại. Với việc sử dụng các nguồn nguy hiểm cao này, trong thực tiễn quốc tế xảy ra không ít những trường hợp dẫn đến những thiệt hại lớn cho quốc gia khác, trong khi quốc gia sử dụng nhưng các nguồn đó hoàn toàn không có lỗi.

 1.3. Cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia.

1.3.1. Cơ sở pháp lý:

        Luật gia Vaxilenko cho rằng cơ sở pháp lý của trách nhiệm pháp lý quốc tế rộng hơn nhiều khái niệm nguồn của pháp luật quốc tế, trong đó bao gồm cả những vấn đề khác không có trong hệ thống nguồn truyền thống của pháp luật quốc tế. Theo đó, nguồn cơ sở trách nhiệm pháp lý quốc tế ra thành 3 nhóm trách nhiệm pháp lý quốc tế:

         + Nhóm 1 gồm: Công ước quốc tế và tập quán quốc tế

+ Nhóm 2 gồm : Phán quyết của các Toà án quốc tế và nghị quyết có giá trị bắt buộc của các tính chất quốc tế lên Chính phủ.

+ Nhóm 3: Gồm các văn bản đơn phương về pháp luật quốc tế thuộc các quốc gia (VD: tuyên bố, công hàm, phát biểu của các nhà chức trách ... mà có ý nghĩa như sự tự nguyện chấp nhận các cam kết quốc tế).

Quan điểm trên của Vaxilenko nhìn chung được nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, theo chúng tôi, phải bổ sung vào đây những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế nữa. Bởi vì như chúng ta đã biết những nguyên tắc này là tiêu chuẩn để đo tính hợp pháp của tất cả các Ủy ban pháp luật quốc tế. Trong lời bình luận của Ủy ban Pháp luật quốc tế - LHQ về Điều 17 Dự thảo Công ước quốc tế về trách nhiệm quốc gia cũng ủng hộ việc coi những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế là nguồn cơ sở trách nhiệm. Xem báo cáo của UBPLQT về kỳ họp thứ 28. Niu - Oóc - 1976 trang 215[24].

           - Dưới đây là một nguồn chính của cơ sở trách nhiệm quốc tế:

        Điều ước quốc tế: Đây là nguồn chủ yếu để truy cứu trách nhiệm quốc gia. Như chúng ta biết, ngày nay với sự phát triển ngày càng nhanh và đa dạng của quan hệ quốc tế thì các qui phạm điều ước giữ vị trí là nguồn chính của pháp luật quốc tế.

        Tập quán quốc tế: Cũng là nguồn để truy cứu trách nhiệm quốc gia. Cố nhiên, nội dung thuộc nó phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại thì mới thành nguồn.

        Phán quyết của các Toà án quốc tế: Thông thường, phán quyết của Toà án quốc tế là văn bản áp dụng chứ không phải là nguồn của pháp luật quốc tế, nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Tòa án để quyết định quyền và nghĩa vụ thuộc các bên tranh chấp và có giá trị bắt buộc đối với các quốc gia tham gia vụ án. Việc không thực hiện nghiệp vụ theo phán quyết thuộc Toà án quốc tế dẫn đến trách nhiệm pháp luật quốc tế.

        Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng có thể trở thành nguồn để truy cứu trách nhiệm quốc gia với điều kiện là điều lệ và hoạt động của tổ chức quốc tế này phải phù hợp với pháp luật quốc tế.

Trên thực tế, những nghị quyết về tổ chức hoạt động thuộc các tổ chức quốc tế luôn luôn có giá trị bắt buộc đối với các quốc gia thành viên ví dụ như những nghị quyết của Liên hiệp quốc về những vấn để thủ tục, về ngân sách, về việc kết nạp và khai trừ thành viên khôi phục quy chế thành viên...

Ngoài những nghị quyết này ra, các cơ quan quốc tế và các tổ chức quốc tế liên Chính Phủ theo thẩm quyền thuộc mình thông qua những nghị quyết khác cũng có giá trị như nguồn thuộc pháp luật quốc tế và do đó cũng là nguồn của trách nhiệm quốc tế.

Đặc biệt phải nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong vấn đề này. Những nghị quyết của Hội đồng bảo an được thông qua đúng thủ tục có giá trị bắt buộc đối với các thành viên Liên hợp quốc. Những Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, trong đó củng cố và phát triển các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế như tuyên bố 1960 về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, tuyên bố 1970 về các nguyên tắc cơ bản thuộc pháp luật quốc tế, ... có ý nghĩa to lớn trong việc xác định trách nhiệm quốc tế quốc gia vi phạm.

Đôi khi, các văn bản đơn phương của các quốc gia cũng trở thành cơ sở pháp lý bổ trợ trong việc truy cứu trách nhiệm quốc gia như tuyên ngôn độc lập, tuyên bố ( VD: tuyên bố của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc Mỹ xâm lược Việt Nam).

1.3.2. Cơ sở thực tế:

Trong luật pháp nói chung, trong pháp luật dân sự cũng như trong pháp luật hình sự nói riêng, bất cứ sự vi phạm pháp luật nào cũng thường có bốn dấu hiệu cơ bản. Việc phân tích thực tiễn và các học thuyết về pháp luật quốc tế cho ta cơ sở khẳng định rằng sự vi phạm pháp luật quốc tế cũng không vượt ra ngoài thông lệ chung đó, cũng là một sự kiện pháp lý đặc trưng bởi bốn yếu tố:

+ Sự vi phạm pháp luật.

+ Thiệt hại.

+ Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại.

+ Lỗi.

Bốn yếu tố trên chính là những dấu hiệu cần thiết để cấu thành vi phạm pháp luật quốc tế. Nếu thiếu một trong 4 dấu hiệu đó thì không cho phép được kết luận hành vi nào đó của một quốc gia là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại gây ra là yếu tố cấu trúc không thể tách rời của cấu thành đó. Lỗi của quốc gia không phải chỉ là yếu tố bình thường mà là điều kiện cơ bản của sự vi phạm pháp luật quốc tế.

a/ Hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia:

  • Hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia được hiểu là xử sự của quốc gia do vi phạm những quy định của pháp luật quốc tế bao gồm hành động và không hành động trái với những cam kết quốc tế mà quốc gia đó đã chấp nhận.

Điều 4 Dự thảo Công ước về trách nhiệm quốc gia quy định rằng việc xác định hành vi của quốc gia có trái với pháp luật quốc tế hay không hoàn toàn phải dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế. Việc xác định hành vi như vậy là hợp pháp dưới góc độ pháp luật trong nước, ở đây không có một ý nghĩa nào cả.

Theo Dự thảo, mỗi quốc gia chịu trách nhiệm về những hành động do cơ quan của quốc gia đó tiến hành. Danh từ “cơ quan” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các cơ quan Nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Diều 6 Dự thảo Công ước về trách nhiệm quốc gia ghi rõ “Xử sự của cơ quan Nhà nước, theo pháp luật quốc tế, được coi là hành vi của quốc gia không phụ thuộc vào việc cơ quan đó thuộc quyền lực lập pháp, hành pháp hay nội bộ thuộc những chức năng của cơ quan đó và địa vị cao hay thấp của nó trong tổ chức Nhà nước”.

Trong một số trường hợp pháp luật quốc tế quy định trách nhiệm của quốc gia đối với hành vi của những cá nhân hoặc của nhóm cá nhân riêng rõ dưới quyền tài phán của quốc gia đó. Những hành vi trái pháp luật quốc tế của các pháp nhân và cá nhân dẫn tới trách nhiệm quốc gia thông thường là sự xâm phạm danh dự giá trị của nước khác, xúc phạm cờ của nước đó, tấn công đại diện ngoại giao nước ngoài, mưu hại các nhà ngoại giao hành động cướp biển, làm tiền giả, buôn bán ma tuý đặc biệt là những hành động tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phân biệt chủng tộc, hành động khủng bố... Những hành động nêu trên là trái với pháp luật quốc tế và do đó, phát sinh trách nhiệm quốc tế của quốc gia, mà thông qua các cơ quan của mình đã không có phản ứng hoặc các cơ quan đó đã không hành động tích cực và có hiệu quả để ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của các pháp nhân và cá nhân đó.

b/ Thiệt hại:

Một hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia luôn gắn với thiệt hại theo nghĩa cộng của nó cho 1 hoặc nhiều quốc gia khác thậm chí cho cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy nó có tác động xấu tới trật tự pháp lý quốc tế.

Thiệt hại là một yếu tố tương đối độc lập của sự vi phạm pháp luật quốc tế và là dấu hiệu cần thết để xác định trách nhiệm cụ thể của quốc gia vi phạm. Thiệt hại do vi phạm pháp luật quốc tế gây ra có thể là thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất. Trong báo cáo thứ 3 của báo cáo viên đặc trách về vấn đề trách nhiệm quốc tế của UBPLQT - LHQ, R.Ago nêu rõ: “Những gì liên quan đến việc xác định điều kiện cần thiết để xảy ra việc vi phạm pháp luật quốc tế thì ủy ban hiểu đó là thiệt hại, cho dù thiệt hại vật chất hay tinh thần”. Nhưng tiếc rằng quan điểm này không được phát triển tiếp mà ông lại phủ nhận thiệt hại như là một yếu tố cần thiết của một vi phạm pháp luật quốc tế.

Thiệt hại vật chất bao gồm mọi sự mất mát về tài sản còn thiệt hại phi vật chất là những tổn thất về tinh thần, chính trị từ việc bị hạn chế về chủ quvền, xâm phạm điều luật, toàn vẹn lãnh thổ... đến việc bị tổn thất danh dự, uy tín quốc gia. Thông thường một sự vi phạm pháp luật quốc tế gây ra thiệt hại cả về vật chất và cả về tinh thần. Có những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế chỉ gây ra thiệt hại cho một vài quốc gia khác nhưng có những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của cả cộng đồng quốc tế, chẳng hạn việc tiến hành chiến tranh xâm lược, việc thi hành chính sách thực dân, việc gây ô nhiễm biển quốc tế... Người ta còn phân biệt thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp để xác định trách nhiệm của quốc gia vi phạm. Chẳng hạn xâm lược Việt Nam, Mỹ đã gây ra những tổn thất lớn lao về người và của cho nhân dân nước ta. Đó là thiệt hại trực tiếp. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh xâm lược đã đẩy lùi sự phát triển kinh tế thuộc nước ta, để lại những hậu quả lâu dài cho đất nước ta, làm cho chúng ta mất đi những nguồn lợi đáng kể, có thể thu được trong thời bình v.v...Đó là những thiệt hại gián tiếp mà Mỹ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

c/ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại.

Không có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả thì không có và không thể có sự vi phạm pháp luật quốc tế và trách nhiệm vì những sự vi phạm đó. Sự tồn tại của mối quan hệ này là hiện thực, khách quan và có qui luật, là yếu tố cấu trúc tối cần thiết cho sự vi phạm luật quốc tế.

Phủ nhận yếu tố thiệt hại sẽ dẫn đến phủ nhận mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, tức là đi đến công nhận tính phiến diện khi qui kết trách nhiệm của quốc gia vi phạm pháp luật quốc tế.

Rõ ràng, quốc gia chỉ chịu trách nhiệm về thiệt hại là hậu quả của hành vi trái pháp luật thuộc họ gây nên. Không xác định được mối quan hệ nhân quả này, không thể đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại được. V.A.Vaxilenko viết: “... Sự vi phạm pháp luật quốc tế chỉ tồn tại khi nào xác định được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật gây ra nó”.

Một điểm cần chú ý là trong thực tế mối quan hệ nhân quả không phải bao giờ cũng dễ nhận thấy, vì thiệt hại có khi là hậu quả của hàng loạt các yếu tố trong đó có những yếu tố ngẫu nhiên hoặc những yếu tố do những nguyên nhân khác dẫn đến. Trong những trường hợp như vậy, sự phân chia thiệt hại ra thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp, rất có ý nghĩa cho việc xác định mức độ trách nhiệm quốc gia.

           d/ Lỗi:

Trước đây .H.Grôxi, người sáng lập ra khoa học tư sản về pháp luật quốc tế cho rằng lỗi là điều kiện cần thiết để coi hành vi của quốc gia là vi phạm PLQT. Trong tác phẩm nổi tiếng “về luật chiến tranh và hoà bình” ông viết: “Lỗi bắt buộc người ta phải bồi thường thiệt hại”.

Hành vi của quốc gia trong quan hệ quốc tế luôn là sự thể hiện ý chí của nó. Cho nên, việc đánh giá toàn diện một hành vi nào đó của quốc gia bao gồm cả việc đánh giá toàn diện của chủ thể đó nữa. Cố nhiên, trong quan hệ quốc tế, khái niệm lỗi không thể hầu như là một khái niệm tâm lý được (như khái niệm lỗi trong luật hình sự) mà là một hiện tượng chính trị - xã hội. Thực chất của hiện tượng này thể hiện ở chỗ quốc gia, tức là các cơ quan của nó - hành động hoặc không hành động đều là có ý thức một cách rõ ràng về hành vi để của mình, đặc biệt những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Do vậy khái niệm lỗi trong pháp luật quốc tế có điểm khác với khái niệm lỗi thông thường trong pháp luật trong nước. Chính do điểm đặc thù này mà trong lý luận cũng như trong thực tiễn quốc tế, người ta tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của lỗi đối với việc xác định trách nhiệm quốc gia, lỗi có phải là một trong những cơ sở để truy cứu trách nhiệm không hay có cần phải xác định lỗi mới qui kết được một hành vi là vi phạm pháp luật hay không. Nhìn chung, từ trước đến nay có 2 quan điểm chính về vấn đề nêu trên. D.Ancilotti, E.De Anecha ga..., có quan điểm ngược lại với M.Grôxi. Theo các tác giả này lỗi không có nghĩa gì đối với việc xác định trách nhiệm quốc gia. Bởi vì khái niệm lỗi chỉ gắn với hành vi của thể nhân thôi, chứ không phải của quốc gia.

N.A.Usakov thực chất đứng trên quan điểm bác bỏ lỗi của quốc gia như là cơ sở để truy cứu trách nhiệm quốc tế. Nhưng ông làm điều này khá thận trọng. Ông viết “Lỗi và thiệt hại đều không phải là yếu tố của hành vi pháp luật quốc tế của quốc gia và vì vậy chúng không phải là điều kiện để phát sinh trách nhiệm quốc tế của quốc gia”. Như vậy, ông kết luận “Lỗi không phải là cơ sở của trách nhiệm trong pháp luật quốc tế”. Có thể đồng ý với ý kiến của Usakov ở chỗ đúng là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế chứ không, phải lỗi của quốc gia là cơ sở thực tế của trách nhiệm. Nhưng phải khẳng định rằng, ở đây không có yếu tố lỗi. Đặc thù của pháp luật quốc tế nói chung và của trách nhiệm pháp lý quốc tế nói riêng cũng không thể cho phép chúng ta phủ nhận việc áp dụng khái niệm lỗi đối với quốc gia.

Quan điểm có lỗi là một trong những yếu tố của sự vi phạm pháp luật quốc tế. Trong các ví dụ sau đây chúng ta sẽ nhận thấy ý nghĩa của lỗi trong việc xác định quốc gia.

+ Ngày 22/10/1946 xảy ra một vụ nổ mìn ở vịnh Cocphu thuộc lãnh hải Anbani gây thiệt hại cho tàu thương mại của Anh đang đi qua đó. Anh đã kiện lên TAQT - LHQ buộc tội Anbani hoặc là tự đặt hoặc là tham gia vào việc đặt mìn - tức là đồng phạm, hoặc là cho phép việc đặt mìn để gây thiệt hại cho Anh. Toà án quốc tế đã dựa vào các công hàm ngoại giao của Anbani trong thời kỳ này kết luận rằng, trước ngày xảy ra vụ nổ mìn, Anbani đã theo dõi một cách chăm chú tình hình của vịnh này, do đó đã quyết định rằng việc đặt mìn là có sự đồng ý của Anbani. Anbani chịu trách nhiệm về sự việc này và phải bồi thường cho Anh. Ủy viên TAQT X.B.Crulov và một số uỷ viên khác đã bỏ phiếu chống quyết định nêu trên của toà án. Crulov viết lại như sau: Cần phải xác định “ý chí tội ác” của quốc gia hoặc chí ít là sự khinh suất có lỗi “chứ không thể nào chỉ dựa trên cơ sở là sự vi phạm pháp luật xảy ra ở địa phận lãnh hải của Anbani mà qui trách nhiệm cho nước này.

+ Một ví dụ cụ thể khác là tháng 02/1968 một nhóm người Cu Ba lưu vong phản cách mạng đã ném lựu đạn vào xe của lãnh sự Mêxico ở thành phố Maia (Mỹ). Trong trường hợp này không thể nói đến hành động phạm pháp của các cơ quan của chính phủ Mỹ nhằm gây thiệt hại cho Mêxico, mà có thể nói về lỗi dưới dạng khinh suất của các cơ quan có trách nhiệm thuộc Mỹ. Bởi vì, theo pháp luật quốc tế, thì Chính phủ nước chủ nhà phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh trên lãnh thổ nước mình cho các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài. Do vậy, chính phủ Mêxico dựa trên cơ sở này đã phản đối mạnh mẽ chính phủ Mỹ và đề nghị Mỹ phải có biện pháp trừng phạt những kẻ phạm pháp. Như vậy, lỗi với 2 hình thức của nó là cố ý khinh suất cần phải được xác định trong việc qui trách nhiệm cho quốc gia.

 1.4. Thể loại và hình thức trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia.

 1.4.1. Phương pháp xác đinh trách nhiệm quốc gia:

a/ Đàm phán: Phần II Công ước quốc tế về trách nhiệm quốc gia quy định rõ tính chất, hình thức và phạm vi trách nhiệm vẫn đang còn nằm trong quá trình nghiên cứu và soạn thảo tại Uỷ ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc. Do đó phương pháp chủ yếu và để xác định mức độ, thể loại cũng như hình thức trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là những cuộc đàm phán trực tiếp giữa quốc gia vi phạm và quốc gia bị hại. Những cuộc đàm phán này thường được tiến hành theo những thủ tục giải quyết quá trình tranh chấp quy định trong luật quốc tế bao gồm thủ tục ngoại giao thủ tục pháp lý. Chẳng hạn, việc xác định trách nhiệm của Mỹ đối với tội ác xâm lược Việt Nam được giải quyết chủ yếu thông qua hội nghị Paris giữa Mỹ và Việt Nam. Phương pháp này hiện nay được sử dụng phổ biến để giải quyết các cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế. John Basset Morre nhận xét “không có một biện pháp nào có thể dẫn tới việc giải quyết những bất đồng tốt hơn là một cuộc thảo luận toàn diện và thẳng thắn giữa các bên tranh chấp.”

Việc giải quyết bằng thương lượng được quy định trong Điều 4 Công ước La Hay I năm 1889 về giải quyết hòa bình các xung đột quốc tế (Điều 2) trong Hiến chương Liên hợp quốc (chương VI) và nhiều văn bản pháp luật quốc tế khác.

b/ Phán quyết của Toà án quốc tế:

Nhiều cuộc tranh chấp quốc tế được giải quyết tại Toà án quốc tế của Liên hợp quốc hoặc thông qua các cơ quan trọng tài do các bên đương sự tự chọn. Chẳng hạn việc Nicaragoa kiện Mỹ lên Toà án quốc tế - Liên hợp quốc mà chúng tôi đã đề cập đến ở phần trước.

Trong trường hợp phạm các tội ác quốc tế thì có thể tổ chức các diễn đàn quốc tế, như Hội nghị, Toà án quốc tế ... để quy kết trách nhiệm và xác định mức độ, cũng như phạm vi, hình thức trách nhiệm thuộc quốc gia phạm các tội ác này. Một ví dụ điển hình là trong và sau khi xảy ra chiến Tranh thế giới II, các Cường quốc Đồng minh đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, điển hình là Hội nghị I-an-ta ( Crum) và hội nghị Pốtxđam (Beclin) để quy định những biện pháp trừng phạt đối với các nước khối trục phát xít đã gây ra cuộc chiến tranh này.

 1.4.2. Thể loai trách nhiệm quốc gia

Thể loại trách nhiệm quốc gia được phân biệt tuỳ thuộc vào lợi ích bị vi phạm hay nói một cách khác là khách thể của hành vi vi phạm pháp luật quốc tế hoặc tính chất của sự thiệt hại mà quốc gia bị hại phải chịu đựng. Những lợi ích của quốc gia hoặc của cộng đồng quốc tế bị vi phạm, có thể là lợi ích vật chất, có thể là lợi ích tinh thần, chính trị... và cũng có thể là cả vật chất lẫn tinh thần, hệt trong những trường hợp tội ác quốc tế.

Trong học thuyết về pháp luật quốc tế, có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra về việc phân loại thể loại trách nhiệm quốc gia. Quan điểm phổ hiến của các luật gia XHCN căn cứ vào lợi ích bị vi phạm phân chia trách nhiệm quốc gia thành hai loại :

a/ Trách nhiệm chính trị:

Nếu một quốc gia bằng hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của mình mà gây ra cho một hoặc nhiều quốc gia khác. Những thiệt hại hay tổn thất về chính trị (từ việc xâm phạm độc lập, chủ quyền, đến việc làm tổn hại danh dự, uy tín...) thì theo pháp luật quốc tế, quốc gia vi phạm phải làm cho quốc gia bị hại được thỏa mãn về chính trị và tinh thần dưới hình thức này hay hình thức khác, kể cả dưới hình thức bị trừng phạt quốc tế.

Theo pháp luật quốc tế hiện đại, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc, sự trừng phạt quốc tế đối với quốc gia vi phạm có thể được thực hiện nhằm dễ chấm dứt hành động xâm lược chủ nghĩa thực dân dưới nhiều hình thức, củng cố hoà bình và an ninh quốc tế.

Ví dụ: Sau chiến tranh thế giới thứ II, căn cứ vào những nghị quyết thuộc pháp luật quốc tế về cấm chiến tranh xâm lược và trách nhiệm của quốc gia xâm lược, tại Hội nghị Crum những người đứng đầu các cường quốc đồng minh chống phát xít ( Liên Xô, Anh, Mỹ) đã thỏa thuận thi hành những biện pháp trừng phạt về chính trị đối với nước Đức phát xít xâm lược bao gồm việc:

  1. Chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ của Đức sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện.
  2. Tước vũ khí và giải tán toàn bộ các lực lượng vũ trang của Đức.
  3. Vĩnh viễn thủ tiêu Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức.
  4. Tịch thu hoặc thủ tiêu toàn bộ những trang bị quân sự thuộc Đức xoá bỏ toàn bộ nền công nghiệp thuộc Đức mà có thể dùng để sản xuất những trang bị quân sự.
  5. Thủ tiêu Đảng quốc xã, xóa bỏ các đạo luật, các cơ quan và tổ chức thuộc Đảng quốc xã phải loại trừ ảnh hưởng ảnh hưởng thuộc Đảng quốc xã và ảnh hưởng quân phiệt trong đời sống kinh tế và văn hóa thuộc nhân dân Đức.
  6. Trừng phạt nhanh chóng và công minh tất cả những tên tội phạm chiến tranh.

Tuy nhiên, bản Thông cáo chung của Hội nghị nhấn mạnh rằng việc chiếm đóng quân sự lãnh thổ Đức chỉ mang tính chất tạm thời và các nước đồng minh không theo đuổi mục đích tiêu diệt hoặc nô dịch nhân dân Đức. Phần quyết định cuối cùng này là một đóng góp của Liên Xô trong việc đấu tranh chống lại tham vọng nằm trong kế hoạch phản động của Anh - Mỹ muốn chia cắt lâu dài nước Đức ra thành nhiều nước nhỏ, thủ tiêu nền độc lập của nhân dân Đức và đặt nhân dân Đức vào sự lệ thuộc hoàn toàn vào Anh - Mỹ sau này để tấn công lại Liên Xô. Dưới quyết định đúng đắn của Liên Xô mà vấn đề trách nhiệm chính trị thuộc nước Đức phát xít đã được giải quyết khá tốt sau chiến tranh thế giới thứ II, góp phần củng cố và tăng cường hiệu quả của pháp luật quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia xâm lược.

          b/ Trách nhiệm vật chất:

  • Trách nhiệm vật chất được xác định theo thiệt hại đã xảy ra và những chi phí để khắc phục thiệt hại đó.
  • Thiệt hại về vật chất bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.
  • Trong thực tiễn quốc tế hai thể loại trách nhiệm nêu trên thường đi cùng với nhau, tác động và bổ sung cho nhau đến mức có khi khó phân biệt được ranh giới giữa chúng.

Nhiều trường hợp việc gây ra thiệt hại vật chất cũng dẫn đến trách nhiệm chính trị và ngược lại. Riêng trách nhiệm đối với những tội ác quốc tế thì bao giờ cũng bao gồm cả trách nhiệm chính trị và trách nhiệm vật chất. Chẳng hạn, Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam quyết định về trách nhiệm chính trị của Mỹ (rút hết quân đội về nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam...) và cả trách nhiệm vật chất của họ nữa ( Điều 21).

 1.4.3. Hình thức trách nhiệm quốc gia.

Trong khuôn khổ thể loại trách nhiệm người ta thường sử dụng 3 hình thức: Khôi phục nguyên trạng, làm thỏa mãn yêu cầu của quốc gia bị hại và trừng phạt quốc tế.

a/ Khôi phục nguyên trạng: là hình thức trách nhiệm theo đó quốc gia vi pham phải khôi phục lại trạng thái ban đầu và chịu mọi chi phí có liên quan tới việc khôi phục đó.

Chẳng hạn như Đức quốc xã phải rút hết quân đội của mình về nước, trao trá lãnh thổ đã xâm chiếm cho quốc gia bị xâm lược và gánh chịu những chi phí kèm theo.

          b/ Làm thỏa mãn yêu cầu quốc gia bị hại:

Là hình thức trách nhiệm thông thường được sử dụng trong trường hợp hành vi vi phạm PLQT gây ra thiệt hại phi vật chất tổn hại đến danh dự và uy tín của quốc gia bị hại. Có thể nêu những ví dụ tương đối phổ biến về hình thức trách nhiệm này là:

+ Chính thức tỏ thái độ hối tiếc và thông cảm.

+ Chính thức xin lỗi và hứa hẹn sẽ không để xảy ra những trường hợp tương tự.

+ Treo Quốc kỳ, cử Quốc ca của quốc gia bị hại trong một không khí long trọng phù hợp.

+ Ban hành các văn bản PL nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự hoặc để trừng phạt bọn tội phạm...

+ Cố nhiên, hình thức và mức độ trách nhiệm phải phù hợp tương ứng với mức độ các hành vi vi phạm quốc tế. Nhưng trong thực tiễn quốc tế các cường quốc đế quốc thường lạm dụng pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện âm mưu xâm lược xảo quyệt.

Điển hình là hành động thuộc Mỹ trong thời gian xảy ra cái gọi là cuộc đụng độ Taubic năm 1914, để trả đũa việc chính quyền Mehico phải cử quốc ca Mỹ và sau đó quân đội Mỹ đã chiếm đóng hải cảng Veriakrus của Mehico. Hành động như vậy, Mỹ đã đi ngược lại nguyên tắc tương ứng trong việc xác định trách nhiệm của quốc gia đối với hành vi vi phạm quốc tế.

          c/ Trừng phạt quốc tế.

Là hình thức trách nhiệm chính trị cao nhất áp dụng trong những trường hợp quốc gia phạm những tội ác quốc tế. Theo PLQT hiện đại việc trừng phạt QT có thể do các tổ chức quốc tế, do một quốc gia hoặc các nhóm quốc gia thực hiện.

Trừng phạt quốc tế được áp dụng trước hết đối với quốc gia xâm lược, đối với những hành vi vi phạm hoặc đe doạ hòa bình và an ninh thế giới.

Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an LHQ có thể tiến hành những biện pháp cưỡng chế mang tính chất quân sự và không quân sự để trừng phạt quốc gia vi phạm để đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế (Điều 39, 41 và 42). Điều 53 quy định rằng, những biện pháp như vậy có thể thực hiện trong khuôn khổ các tổ chức về hiệp định khu vực dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Bảo an LHQ.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, sự trừng phạt đối với nước Đức phát xít đã được giải quyết khá tốt.

Trừng phạt quốc tế cũng được áp dụng đối với quốc gia phạm những tội ác quốc tế khác như tội ác thực dân, tội ác Apacthai, tội ác diệt chủng... Chẳng hạn, hiện nay trong khuôn khổ LHQ, tổ chức thống nhất Châu Phi và nhiều quốc gia tự do đang thi hành những biện pháp trừng phạt QT như cắt dứt quan hệ ngoại giao, buôn bán, văn hóa, tẩy chay... đối với Cộng hoà Nam Phi. Tuy nhiên do sự cản trở thuộc Mỹ và một số nước phương tây khác, những biện pháp trong khuôn khổ LHQ nhiều năm nay tỏ ra chưa có hiệu quả.

Trong thực tiễn việc sử dụng thẩm quyền của HDBALHQ trong lĩnh vực trừng phạt QT thường bị các cường quốc đế quốc lợi dụng vào mục đích xâm lược của họ. Trường hợp của Triều Tiên đầu những năm 1950 và của Công Gô năm 1960 là những ví dụ điển hình.

Trong khuôn khổ thể loại trách nhiệm vật chất có hai hình thức được sử dụng rộng rãi là hoàn lại vật và bồi thường.

  • Hoàn lại vật:
  • Là hình thức trách nhiệm vật chất mà quốc gia gây thiệt hại hoàn trả lại quốc gia bị hại hoặc phục chế lại những giá trị vật chất dưới dạng nguyên bán đã lấy đi hoặc làm hư hại. Hình thức này thường được áp dụng đối với những giá trị nghệ thuật, văn hóa và các phương tiện giao thông. Với hình thức này quốc gia bị hại nhận lại được chính giá trị của mình.
  • Khác với hình thức bồi thường thiệt hại, hình thức này dựa trên quvền sử hữu thuộc quốc gia bị hại hoặc công dân thuộc nó đối với tài sản của họ.
  • Hình thức này đã được áp dụng sau chiến tranh thế giới II đối với những giá trị văn hóa, phương tiện vận tải... mà phát xít Đức đã cướp đem về nước hoặc đem sang nước thứ 3.

          * Bồi thường:

  • Là hình thức - trách nhiệm vật chất chủ yếu thông qua đó quốc gia vi phạm bồi thường những thiệt hại về vật chất bằng tiền, hàng hóa hay các dịch vụ... được đặt ra trong trường hợp không thể hoàn lại theo nguyên mẫu. Trong trường hợp những vi phạm PLQT thông thường gây thiệt về vật chất bồi thường này được áp dụng phổ biến. Nó được sử dụng như vậy trong trường hợp tội ác xâm lược mà thông thường là gây ra những thiệt hại vật chất khó kể xiết.

Ví dụ: Như sau chiến tranh thế giới thế II theo Biên bản đàm phán tại Hội nghị Crum (Liên Xô , Anh, Mỹ) từ 4 à 11/2/1945, nước Đức sẽ phải bồi thường thiệt hại chiến tranh bằng ba cách:

  1. Tịch thu tài sản một lần trong thời hạn 2 năm.
  2. Phải trả bằng hàng hóa sản xuất ra hàng năm.
  3. Phải bồi thường bằng sức lao động.

Điều 21 Hiệp định Paris, 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng ghi nhận việc bồi thường chiến tranh trong trách nhiệm pháp luật quốc tế của Mỹ đối với tội ác xâm lược nước ta. Theo điều này, Mỹ ghi nhận nghĩa vụ đóng góp vào công việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại sau chiến tranh ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và trên toàn cõi Đông dương.

Việc ghi nhận trách nhiệm bồi thường này là hoàn toàn hợp lý, là việc áp dụng nguyên tắc của pháp luật quốc tế hiện đại về trách nhiệm thuộc quốc gia xâm lược đối với hậu quả mà nó gây nên... Chính tại Hội nghị quốc tế về Đông dương họp ở Angiê năm 1971, những đại biểu luật gia Mỹ đã tuyên bố: “Kết luận lôgic của việc xem xét này (xem xét tội ác của Mỹ trái với pháp luật quốc tế) về phương diện đạo đức cũng như pháp lý và kinh tế là Mỹ không thể thoái thác được trách nhiệm, Mỹ phải nghiên cứu một phương án về bồi thường và hành động theo phương hướng ấy để khôi phục lại trong một chừng mực có thể những hoàn cảnh của những nạn nhân thuộc hoạt động quân sự của Mỹ sẽ đưa đến một kết luận không thể tránh được là: dù muốn, dù không thì dưới sự ràng buộc của Hiệp ước hay văn kiện dưới một dạng khác, về phương diện pháp lý, những thiệt hại do hành vi vi phạm trái pháp luật thuộc Mỹ gây nên đưa đến việc phải bồi thường xuất phát từ trách nhiệm thuộc họ là thuộc về một thế giới văn minh.

Hội nghị lần thứ 3 của các Luật gia dân chủ quốc tế họp ở Brucxen, ngay sau khi ký Hiệp định Paris, trong bản nghị quyết chung 11/2/1973 đã kết luận “Tất cả những đau thương, tất cả những việc phá huỷ về vật chất trong cuộc chiến tranh ác liệt mà Mỹ đã tiến hành chống Việt Nam ở miền Bắc cũng như miền Nam đều cho phép quốc gia này có quyền cơ bản đòi bồi thường”. Vậy mà cho đến nay Mỹ vẫn lừng chừng chưa chịu thực hiện việc bồi thường mà chính phía Mỹ đã cam kết.

Những thiệt hại vật chất mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam là vô cùng phức tạp và khó thể tính toán chính xác thành những giá trị để bồi thường. Có những thiệt hại trước mắt, nhưng cũng có những thiệt hại lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy Mỹ khó có thể bồi thường được đầy đủ nhưng về nguyên tắc là phải buộc họ đóng góp tối đa vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dụng lại ở Việt Nam. Điều này cũng được nhiều luật gia Việt Nam và những luật gia trên thế giới khẳng định. Luật gia Đinh Gia Trinh đã đi đến kết luận đúng đắn là: “Trong khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, kinh tế của Mỹ không chịu một sự thiệt hại nào trực tiếp. Lãnh thổ của Mỹ không bị một sự phá hoại nào về vật chất do hoạt động quân sự. Đế quốc Mỹ có đầy đủ khả năng để đóng góp phần cao nhất vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại Việt Nam như Điều 21 đã nói và dân tộc Việt Nam có quyền đòi việc đóng góp đó”.

Trách nhiệm vật chất của Mỹ đối với cuộc chiến tranh đã qua hay còn là món nợ thuộc họ đối với Việt Nam.

  1. Trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả của chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
    1. Hành vi rải chất độc hoá học hủy hoại sức khỏe con người và môi trường - hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hoá học mang tính huỷ diệt đối với con người, động thực vật và môi trường sinh thái. Với sự chuẩn y của Quốc Hội, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho các lực lượng quân sự dùng máy bay và các phương tiện khác rải trên 72 triệu lít chất độc hoá học xuống Việt Nam, chủ yếu là chất diệt cỏ (da cam) với 44 triệu lít, trong đó có chứa nồng độ dioxin cực kỳ nguy hiểm (170 ks). Lượng dioxin này lớn hơn nhiều lần bất kỳ trong cuộc chiến tranh nào trên thế giới. Mới đây, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia về sức khoẻ, môi trường của Trường Đại học Columbia (Mỹ) công bố trên Tạp chí khoa học Nature ngày 17/04/2003, lượng chất độc hoá học mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1971 còn lớn hơn nhiều, khoảng 100 triệu kg chất diệt cỏ các loại, trong đó có khoảng 57 triệu kg chất da cam.

Mặc dù chất diệt cỏ là loại chất được phép sử dụng với nồng độ, mức độ nhất định nhằm phục vụ canh tác nông nghiệp nhưng lại được Mỹ rải ở miền Nam Việt Nam với mục đích hoàn toàn khác. Nó được rải với nồng độ cao gấp trên 40 lần nồng độ được phép sử dụng trong nông nghiệp nhằm mục đích huỷ diệt tàn khốc tới con người, động thực vật và môi trường sinh thái.

Đây là một hành vi có chủ ý vì quân đội Mỹ biết rất rõ về tác hại của chất diệt cỏ. Để minh hoạ cho điều này xin trích miêu tả của một viên phi công Mỹ về trang bị và kỹ thuật được dùng để lưu kho, chuyên trở và chuyển tải các chất diệt cỏ:[25] "Bộ phận rải chất làm rụng lá gồm một hệ thống rải kiểu "Module" đặt trong máy bay. Hệ thống này gồm có một thùng có dung tích 1000 galông, bơm và máy bay (động cơ 20 mã lực) tất cả đặt trên một khung bàn xoay (bệ). Vòi phun của người điều khiển là một phần của hệ thống nhưng nó không gắn trên bệ (khung bàn xoay). Máy bay C-130 có xà dọc cánh máy bay đường kính 1,5 inch và dài 22 foot, tính từ vỏ ngoài thân máy bay đến đầu cánh... Có 16 miệng ống ở mỗi cánh lớn và 8 ở mỗi cánh đuôi... Hệ thống này có thể rải 240 galông/phút mà khi ở độ cao 150 foot, tốc độ 130 dặm có thể tạo ra một vệt rộng 260 ± 20 foot... Trên máy bay có 3 nhân viên ... thường có những người quan sát (Việt Nam và Mỹ) cùng đi với phi hành đoàn trong phi vụ rải chất diệt cỏ." Trong tài liệu của Mỹ cũng miêu tả rất chi tiết về quá trình vận chuyển và bảo quản loại chất này: "nhân viên phụ trách việc kiểm tra việc sử dụng chất diệt cỏ đều được huấn luyện kỹ về những biện pháp đề phòng gồm có việc sử dụng găng tay, mặt nạ cần thiết. Nhân viên sử dụng hoá chất được khuyến khích áp dụng những biện pháp đề phòng cần thiết, giữ vệ sinh cá nhân và tránh không cho hoá chất vào da và mắt. Quần áo bị nhiễm hoá chất phải được giặt trước khi dùng lại. Phải rửa bằng nước thật kỹ Dự án hoặc mắt khi có hoá chất rơi vào... Chỗ bị dính chất diệt cỏ vãi ra thì được rửa bằng dầu diesel hoặc nước, sau đó nước đã rửa được cho cháy vào bể hoặc hố đào để ngấm vào đất". Như vậy cũng đủ để thấy chất diệt cỏ là một loại chất độc có ảnh hưởng đến cả con người, động vật và thực vật như thế nào.

Chính quyền Mỹ biết rất rõ chất diệt cỏ là một loại chất độc ngay từ tháng 6/1945, khi quân đội Mỹ chuẩn bị rải một số hoá chất làm rụng lá cây tại chiến trường Thái bình dương. Như tiến sỹ Charles Minarik thuộc đơn vị sản xuất Trung tâm sinh vật học quân đội Mỹ, Fort Detricl, nhớ lại: "Nếu chúng ta đã dùng loại hoá chất này, chúng ta có thể bị tố cáo là tiến hành chiến tranh hoá học. Vì vậy, kế hoạch sử dụng hoá chất để diệt cây cỏ tại chiến trường Thái bình dương đã bị huỷ bỏ"[26]. Mặc dù vậy loại chất độc này vẫn được dùng ở phạm vi rộng với nồng độ cao trong chiến tranh Việt Nam.

Vào đầu năm 1961, Tổng thống Kennedy và Hội đồng An ninh quốc gia đã duyệt một điều luật giúp đỡ chính quyền Miền Nam Việt Nam nhằm tăng cường khả năng của lực lượng vũ trang Nam Việt Nam và phát triển các kỹ thuật chiến đấu mới tại Nam Việt Nam. Trong một vài tháng sau đó chất diệt cỏ đã được sử dụng tại Nam Việt Nam để thực hiện điều luật nói trên. Chương trình này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Mc Namara che giấu và chỉ đạo: "tiến hành các phi vụ làm trụi lá dưới sự bảo trợ của Nam Việt Nam. Với các máy bay Nam Việt Nam và với một sỹ quan Nam Việt trong phi hành đoàn.

Mục đích của chiến dịch chính là nhằm phá huỷ rừng nhiệt đới Việt Nam để triệt phá các căn cứ vũ trang của lực lượng vũ trang thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam. Chiến dịch này cũng đồng thời nhằm phá huỷ các cơ sở sản xuất lương thực, buộc những người nông dân phải rời khỏi chỗ ở của hộ đến những nơi chính quyền Miền nam Việt Nam dễ kiểm soát. Đồng thời Chiến dịch Ranch Hand cũng nhằm cắt đứt liên lạc giữa vùng chiến đấu và lực lượng cách mạng cũng như ngăn chặn chi viện từ Bắc Việt Nam.

Xét về phương diện pháp lý quốc tế thì hành vi rải chất độc hoá học xuống Việt Nam là hành vi mang tính nhà nước, bởi nó được các lực lượng quân sự của Mỹ thực hiện (dùng các phương tiện: máy bay C.123, máy bay lên thẳng UH1, các phương tiện cơ giới, các loại lựu đạn, mìn, máy bơm áp lực cao để phun rải). Lực lượng quân sự là lực lượng hành động theo lệnh của Chính phủ và được sự chuẩn y của Quốc Hội Mỹ. Do đó, Nhà nước Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hậu quả của lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam.

Việc một nước dùng lực lượng vũ trang để tấn công một nước khác, xâm phạm chủ quyền an ninh, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là sự vi phạm thô bạo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cấm dụng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Đây là những nguyên tắc đã được long trọng ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố về các nguyên tắc của Luật quốc tế 1970.

Hành động rải chất độc hoá học của Mỹ tại Việt Nam vi phạm Điều 2 Khoản 4 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định tất cả các thành viên Liên hợp quốc phải khước từ đe doạ dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia khác, bởi vì điều này trái với mục tiêu của Liên hợp quốc.

Trong nguyên tắc cấm đe doạ dùng vũ lực và sử dụng vũ lực, pháp luật quốc tế trước tiên nghiêm cấm chiến tranh xâm lược. Theo định nghĩa xâm lược năm 1974 của Liên hợp quốc thì việc một quốc gia tiến hành sử dụng vũ lực trước được coi là chiến tranh xâm lược. Đây là tội ác quốc tế làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia và trách nhiệm hình sự quốc tế của cá nhân những kẻ phạm tội. Trong Điều lệ của Toà án Nurembe và Tokyo đã coi hành động xâm lược là tội ác quốc tế.

Ngoài ra, hành động rải chất độc hoá học còn vi phạm thô bạo hàng loạt các điều ước quốc tế về nghiêm cấm chiến tranh hoá học và bảo hộ nạn nhân chiến tranh.

Trước tiên, hành động này vi phạm tập quán quốc tế đã được hình thành từ thời trung cổ trong luật quốc tế là không được sử dụng chất độc trong chiến tranh. Việc dùng chất độc dưới nhiều hình thức khác nhau để gây đau đớn quá mực cho đối phương đã bị nhân loại cật lực lên án.

Hành động này vi phạm Nghị định thư Giơnevơ 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc, các loại ga khác và vũ khí sinh học trong chiến tranh, mà Mỹ là một bên tham gia; Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học, độc hại và việc phá huỷ các loại vũ khí này 1972; Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và việc phá huỷ những vũ khí này 1993; các Công ước Giơnevơ về bảo hộ nạn nhân chiến tranh và các Nghị định thư Giơnevơ bổ sung cho các Công ước này 1977, Công ước cấm sử dụng các biện pháp quân sự hay các biện pháp thù địch khác tác động lên môi trường thiên nhiên 1977 và một loạt các điều ước quốc tế khác. Những hành động này thực sự là tội ác quốc tế chống Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hiện đại.

Tháng 12 năm 1969, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết xác định rằng chương trình rải chất da cam làm rụng lá cây của Mỹ tại Việt Nam vi phạm Công ước Giơnevơ 1925 về việc cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc, các loại hơi ga khác và vũ khí vi trùng trong chiến tranh. Trước sức ép của dư luận tiến bộ tại Mỹ và trên thế giới, ngày 15/4/1970 Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải tuyên bố ngừng sử dụng chất độc da cam tại Việt Nam.

2.2. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Mỹ và hậu quả thiệt hại.

          Với việc rải chất độc hoá học xuống Việt Nam, Mỹ đã gây ra hậu quả trực tiếp:

  • Cho những người trong vùng bị rải, trong đó có cả lính Mỹ và lính của một số nước chư hầu khác. Ngay tại Mỹ, Quốc Hội Mỹ cũng đã ban hành đạo luật về việc bồi thường cho các nạn nhân chất độc hoá học là các cựu chiến binh Mỹ đã có mặt tại miền Nam Việt Nam ở những khu vực bị rải chất độc da cam. Năm 1997 ở Mỹ đã thành lập Quỹ hỗ trợ cho cựu chiến binh Mỹ nếu họ chứng minh được rằng họ có mặt tại Việt Nam và bị mắc 1 trong 10 bệnh chính do chất da cam/dioxin gây ra.
  • Các thế hệ con cháu họ cũng phải chịu nhiều thiệt hại to lớn vì bố mẹ của họ mắc các bệnh hiểm nghèo do nhiễm dioxin. Rất nhiều trẻ em khi sinh ra đã bị tật nguyền, dị dạng do tái độc dioxin. Những cảnh ngộ bất hạnh, mảnh đời tàn phế do hậu quả của chất da cam gây ra là nỗi ám ảnh của hàng chục vạn người Việt Nam. Những tổn thất này thật khó có thể đo được bằng tiền và để khắc phục phải mất nhiều thập kỷ.
  • Độ tồn lưu dioxin qua trên 30 năm nay vẫn còn khá đậm ở những khu vực từng là nơi lưu giữ chất độc hoá học để nạp trước khi đi rải như sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hoà và nhiều khu vực bị rải nhiều lần với nồng độ cao. Theo nhiều nhà khoa học Mỹ và nước ngoài khác đã đến Việt Nam hoặc phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam nghiên cứu về hậu quả dioxin ở các điểm nóng của Việt Nam, trong đó có Giáo sư Portier, thì nồng độ tồn lưu dioxin ở những khu vực này còn rất lớn, gấp hàng trăm đến vài trăm lần mức độ cho phép. Sự lan toả của các chất độc này ra nguồn nước đã làm ảnh hưởng đến động thực vật và con người trên phạm vi rộng. Độ phơi nhiễm dioxin trong người và động vật ở những khu vực này còn khá lớn, gấp nhiều lần mức độ cho phép theo tiêu chuẩn của thế giới.
  1. Các biện pháp yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Mỹ do hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

3.1. Toà án quốc tế và khả năng đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế

  1. Một số điểm cơ bản về Toà án quốc tế  

Cơ cấu, thẩm quyền và hoạt động của Toà án quốc tế được quy định trong Quy chế Toà án quốc tế, một bộ phận không thể tách rời của Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, tất cả các nước thành viên của Hiến chương Liên hợp quốc đều là thành viên của Quy chế Toà án quốc tế.

  1. Sơ lược về cơ cấu của toà án quốc tế

Toà án quốc tế là một cơ quan thường trực gồm 15 thẩm phán có trụ sở tại La Hay. Các thẩm phán được Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu trên cơ sở danh sách do các nước thành viên đưa ra, theo nhiệm kỳ 9 năm, cứ mỗi 3 năm bầu lại 1/3 số thẩm phán (điều Quy chế). Các thẩm phán được bầu trên cơ sở năng lực tư pháp và đạo đức chứ không phải với tư cách đại diện các quốc gia, và thành phần các thẩm phán cần phải đảm bảo được sự đại diện của các nền văn minh và các hệ thống pháp luật chính của thế giới (điều 9). Tuy nhiên, không thể có hai thẩm phán mang cùng một quốc tịch (điều 2). Trên thực tế, trừ một vài giai đoạn rất ngắn, luôn luôn có thẩm phán mang quốc tịch các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tại Toà án quốc tế.

Tòa án có thể có thêm một thẩm phán lâm thời (ad hoc) do các bên chỉ định khi không có thẩm phán mang quốc tịch của nước mình. Tòa án cũng có thể chỉ xét xử với cơ cấu các tòa gồm 5 hoặc 3 thẩm phán nếu các bên đề nghị.

  1. Vấn đề thẩm quyền của Tòa án quốc tế

       Chỉ có các quốc gia mới có quyền yêu cầu Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp (điều 34 Quy chế). Các tranh chấp này phải thỏa mãn những điều kiện như sau:

  • "Có thể giải quyết được", có nghĩa là những tranh chấp thực tế, không phải là những vấn đề về lý thuyết, tư tưởng.
  • "Mang tính chất pháp lý", có nghĩa là liên quan đến việc giải thích một điều ước, một điểm thuộc luật quốc tế (không phải là những mâu thuẫn về chính trị) sự việc là vi phạm một cam kết quốc tế, việc đền bù vi phạm một cam kết quốc tế.
  • Và đặc biệt là Tòa án chỉ có thẩm quyền theo sự thỏa thuận của các quốc gia có liên quan.

Về sự thỏa thuận của các quốc gia có liên quan, Điều 36 khoản 1 Quy chế Tòa án quốc tế quy định “Tòa án có thẩm quyền đối với tất cả các vụ mà các bên đưa ra trước tòa, cũng như các vụ được quy định riêng trong Hiến chương hoặc trong các điều ước và công ước đang có hiệu lực.” Như vậy, Tòa án có thẩm quyền đối với:

1) Các vụ mà các bên đưa ra trước tòa trên cơ sở một thỏa thuận riêng của các bên.

2) Các vụ theo quy định trong các điều ước, công ước, có thể đưa ra trước tòa theo quyết định của một trong những bên tham gia điều ước, ví dụ Công ước của LHQ năm 1948 về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (điều IX) (Việt Nam và Mỹ đều là thành viên Công ước này. Tuy nhiên, cả Việt Nam và Mỹ đều bảo lưu điều IX về phán quyết bắt buộc của Tòa án quốc tế khi tham gia Công ước[27]).

Ngoài ra, theo điều 36 khoản 2 Quy chế, các nước có thể tuyên bố công nhận thẩm quyền xét xử của tòa án trong tất cả các vụ việc có liên quan tới bất kì quốc gia nào chấp nhận một nghĩa vụ tương tự, một cách hoàn toàn và không cần bất cứ một công ước đặc biệt nào.

Nhiều trong số các tuyên bố kèm theo hai bảo lưu giới hạn thẩm quyền xét xử của Tòa án theo mẫu của Mỹ, đó là:

- Bảo lưu đối với các công việc nội bộ (còn gọi là bảo lưu tự động): Bảo lưu đối với “các tranh chấp về các vấn đề cơ bản thuộc thẩm quyền quốc gia của Mỹ, theo quy định của Mỹ”. Như vậy trên thực tế Mỹ chỉ cần đưa ra lý do là đối tượng của tranh chấp cơ bản thuộc thẩm quyền quốc gia để chứng minh Tòa án quốc tế không có thẩm quyền.   

- Bảo lưu đối với thẩm quyền của Toà án quốc tế đối với các tranh chấp về các điều ước quốc tế đa phương (còn gọi là bảo lưu Vandenberg). Bảo lưu này đã được áp dụng trong vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự ở Nicaragua, năm 1986, khiến Toà án quốc tế đã không thể xét xử Mỹ về vi phạm quy định không sử dụng vũ lực trong Hiến chương Liên hợp quốc. Toà án đã căn cứ vào các quy phạm tập quán quốc tế để xét xử Mỹ về hành vi này.

Mỹ đã tuyên bố chấp nhận thẩm quyền xét xử của Toà án quốc tế (cùng với bảo lưu tự động và bảo lưu Vandenberg), nhưng đã rút tuyên bố này sau khi bị kiện trước toà trên cơ sở tuyên bố công nhận thẩm quyền xét xử này (Vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự ở Nicaragua năm 1986). Từ đó đến nay, Mỹ tiếp tục bị khởi kiện trước toà án quốc tế, căn cứ vào việc công nhận thẩm quyền bắt buộc của Toà án dựa trên các điều ước mà Mỹ là thành viên (xem phần c)

c) Đánh giá về quá trình hoạt động của Toà án quốc tế

Toà án quốc tế đã trải qua nhiều thăng trầm về quyền lực. Giai đoạn từ năm 1965 đến khoảng 1980 bị coi là thời kỳ khủng hoáng của Toà án quốc tế. Trong thời kỳ này, số vụ việc được đưa ra trước toà cũng như các tuyên bố chấp nhận thẩm quyền xét xử bắt buộc của toà rất ít hoặc kèm theo những bảo lưu hạn chế thẩm quyền, các nước liên tục tuyên bố phản đối quyền tài phán của toà, trong nhiều vụ bị cáo không xuất hiện trước toà. Một số vụ như vụ Namibie đặt ra một cách nghiêm trọng câu hỏi về sự công minh và năng lực pháp lý của Toà.

Tuy nhiên, trong thời kỳ gần đây, vai trò của Toà án quốc tế đã tăng lên rõ rệt. Số vụ kiện được đưa ra trước toà đã nhiều hơn, trong đó có nhiều vụ theo thoả thuận của các bên tranh chấp. Đặc biệt, các nước đang phát triển, các nước thuộc thế giới thứ ba và các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây đã quan tâm và tin tưởng trao cho Toà án quyền xét xử các tranh chấp. Các quy định về quyền tài phán bắt buộc của Toà án quốc tế lại xuất hiện nhiều trong các điều ước song phương và đa phương.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Mỹ là một trong những bị cáo thường xuyên tại Toà án quốc tế:

- Năm 1992, Li-bi kiện Mỹ về hành vi sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Li-bi nhằm buộc Li-bi dẫn độ các công dân Li-bi bị tình nghi đặt bom trên một chiếc máy bay của Hãng PanAm, nổ trên bầu trời Lockerbie (Anh). Thẩm quyền của Toà án quốc tế căn cứ vào Công ước Montreal năm 1971 về ngăn ngừa và trừng trị các hoạt động bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.

- Năm 1992, Iran kiện Mỹ do đã dùng vũ lực phá huỷ dàn khoan dầu của Iran vào các năm 1987-1988. Iran coi Hiệp định năm 1955 về quan hệ hữu nghị, thương mại và lãnh sự giữa Mỹ và Iran, trong đó có điều khoản về thẩm quyền xét xử bắt buộc của Toà án. Toà án quốc tế đã tuyên bố có thẩm quyền đối với vụ việc, bác bỏ lý lẽ của Mỹ cho rằng Hiệp định năm 1955 chỉ liên quan đến thương mại và lãnh sự, không thể áp dụng trong trường hợp sử dụng vũ lực.

- Năm 1998, Paragoay kiện Mỹ do vi phạm Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự. Toà án quốc tế tuyên bố có thẩm quyền theo Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước này về thẩm quyền của Toà án quốc tế.

- Năm 1999, Nam tư đã khởi kiện Mỹ cùng với tất cả các nước NATO khác về hành vi sử dụng vũ lực ở Nam tư. Nam tư coi điều IX Công ước ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng là căn cứ cho thẩm quyền xét xử bắt buộc của Toà án quốc tế. Toà án quốc tế không chấp nhận cơ sở này vì Mỹ đã bảo lưu điều khoản này khi gia nhập Công ước nêu trên.

- Năm 1999, Đức khởi kiện Mỹ do vi phạm Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự. Toà án quốc tế tuyên bố có thẩm quyền theo Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước này về thẩm quyền của Toà án quốc tế và tuyên bố Mỹ vi phạm Công ước này.

Những diễn biến đó cho thấy Toà án quốc tế đang ngày càng chiếm được sự tin tưởng của các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển, các nước yếu. Có thể nói, các nước này coi Toà án quốc tế là cơ quan thi hành công lý dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt khi cần phải đối mặt với một siêu cường như Mỹ.

3.1.2. Khả năng kiện Mỹ trước Toà án quốc tế về hành vi sử dụng chất độc hóa học tại Việt Nam.

a) Những hạn chế về thẩm quyền của Toà án quốc tế

Hiện nay, Mỹ đã rút tuyên bố công nhận thẩm quyền xét xử của Toà án quốc tế. Như vậy, Toà án quốc tế không có thẩm quyền để xét xử hành vi của Mỹ sử dụng chất độc hoá học tại Việt Nam dưới góc độ vi phạm tập quán quốc tế (kể cả thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ví dụ các tập quán chiến tranh).

Như vậy, Việt Nam chỉ có thể đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế theo một Công ước mà cả Việt Nam và Mỹ đều là thành viên, hoặc theo một thoả thuận riêng với Mỹ về việc đưa vụ việc ra xét xử tại Toà án.

Trong các vụ kiện gần đây (nêu trên) mà Mỹ là bị cáo, Mỹ đã liên tục và kiên quyết bác bỏ thẩm quyền xét xử của Toà án quốc tế dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Thái độ đó cho thấy khả năng Việt Nam và Mỹ đạt được một thoả thuận để đưa vụ việc ra xét xử tại Toà án quốc tế với Mỹ là bị cáo như trong trường hợp này là gần như không thể xảy ra.

Về khả năng đưa vụ việc ra Toà án quốc tế theo thẩm quyền quy định trong các điều ước quốc tế mà Mỹ và Việt Nam là thành viên, trên thực tế, các điều ước liên quan rơi vào một trong hai trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất, điều ước quốc tế thích hợp mà ta và Mỹ là thành viên cho tới nay không có điều khoản quy định thẩm quyền xét xử bắt buộc của Toà án quốc tế, ví dụ: Công ước về cấm sử dụng các kỹ thuật thay đổi môi trường vào mục đích quân sự hoặc mục đích thù địch (Nữu-ước, 1976), Nghị định thư Geneve về cấm sử dụng trong chiến tranh hơi ngạt, hơi độc hoặc các loại hơi tương tự và các phương tiện chiến tranh vi trùng năm 1925...

- Trường họp thứ hai, điều ước quốc tế về cấm sử dụng hoặc có điều khoản đó, nhưng ta hoặc Mỹ, hoặc cả hai nước đều bảo lưu điều khoản đó, cụ thể là Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1949, trong đó điều IX quy định thẩm quyền xét xử bắt buộc của Toà án quốc tế.

Nội dung bảo lưu của Mỹ đối với điều khoản này:

“Đối với điều IX của Công ước, bất kỳ vụ tranh chấp nào trong đó Mỹ là một bên tranh chấp chỉ có thể được đưa ra xét xử tại Toà án quốc tế với sự đồng ý của Mỹ cho từng trường hợp (...)”

Nội dung bảo lưu của Việt Nam đối với điều khoản này:

“CHXHCN Việt Nam không bị ràng buộc bởi điều IX Công ước theo đó Toà án quốc tế có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên Công ước liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc thi hành Công ước theo yêu cầu của một trong các bên. CHXHCN Việt Nam cho rằng đối với thẩm quyền của Toà án quốc tế sự thoả thuận của các bên, trừ những tên tội phạm, là hết sức cần thiết đối với việc đưa một vụ tranh chấp ra xét xử tại Toà án quốc tế.”[28]

Như vậy, việc phân tích những hạn chế về thẩm quyền của Toà án quốc tế cho thấy trong thời điểm hiện nay, việc yêu cầu Toà án quốc tế xét xử và buộc Mỹ bồi thường do hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trong tương lai, các hạn chế này sẽ được giải quyết (ví dụ theo một điều ước quốc tế mà hai bên tham gia).

b) Những hạn chế chủ yếu về kỹ thuật và tài chính

Ngay cả khi vượt qua được các trở ngại về thẩm quyền của Toà án quốc tế, việc đưa một vụ kiện ra trước Toà án quốc tế vẫn gặp phải một số khó khăn về kỹ thuật và tài chính.

Trước hết, người ta chê trách rằng Toà án quốc tế với 15 thẩm phán không thể đại diện đầy đủ cho các nền văn minh pháp lý lớn. Hầu hết các thẩm phán của Toà án quốc tế đều có một nền học vấn pháp lý phương Tây. Việc xây dựng hồ sơ và tranh tụng như vậy sẽ rất khó khăn với các nước xa lạ với các hệ thống pháp lý phương Tây.

Tiếp đó là các khó khăn về ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính thức của Toà án quốc tế là tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là một khó khăn kỹ thuật không nhỏ đối với việc theo kiện của các nước không nói hai thứ tiếng này.

Ngoài ra, đưa vụ việc ra trước toà đòi hỏi một chi phí khá lớn (chuẩn bị hồ sơ, tìm hiểu và cung cấp chứng cứ, thuê luật sư, tranh tụng trước toà, phiên dịch...).

Cuối cùng là vấn đề thực hiện phán quyết của Toà án quốc tế. Điều nghịch lý là ở chỗ phán quyết của Toà án quốc tế có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, nhưng ý nghĩa thực tế không nhiều nếu bên thua kiện phản đối, không chịu thực hiện, đặc biệt là trong trường hợp đó là một cường quốc như Mỹ. Theo điều 94 Hiến chương, “nếu một bên tranh chấp không thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết của Toà án, bên còn lại có thể trình Hội đồng Bảo an và nếu thấy cần thiết, Hội đồng Bảo an có thể khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp buộc thực hiện phán quyết”. Cách thức đảm bảo thực hiện phán quyết này trở nên vô hiệu lực trên thực tế khi mà bên không thực hiện phán quyết là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Trên thực tế, trong các trường hợp mà một bên không tuân thủ phán quyết của Toà án, bên còn lại chưa bao giờ kêu gọi Hội đồng Bảo an.

c) Khả năng đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế một cách gián tiếp?

Vụ “Lệnh bắt ngày 18/4/2000” (Công-gô kiện Bỉ) cho chúng ta một ví dụ tốt về khả năng đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế một cách gián tiếp.

Các sự việc của vụ này như sau: Một thẩm phán toà sơ thẩm Brúc-xen (Bỉ) đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Công-gô do những vi phạm nghiêm trọng luật và tập quán về chiến tranh như đã thể hiện trong các Công ước Geneve 1949 và các Nghị định thư bổ sung năm 1975. Vị quyền Bộ trưởng này bị tố cáo là không những đã không ngăn chặn, mà ngược lại còn kích động sự tàn sát người Hut-tu trong cuộc nội chiến 1993-1994 ở Công-gô. Như vậy là trên thực tế, vị quyền Bộ trưởng ngoại giao này không thể đi ra nước ngoài. Công-gô cho rằng lệnh bắt này vi phạm luật quốc tế về ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Toà án quốc tế đã bác bỏ đề nghị các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Công-gô. Tháng 10/2001, các phiên tranh tụng trước toà đã kết thúc. Hiện nay, Toà đang trong thời gian nghị án.

Như vậy, thay cho một tranh chấp về luật nhân đạo, tranh chấp được đưa ra trước toà có đối tượng là quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Thẩm quyền của Toà án quốc tế dựa trên quy định trong Nghị định thư không bắt buộc về thẩm quyền xét xử của Toà án quốc tế kèm theo Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao mà Công-gô và Bỉ đều là thành viên. Công-gô từ chỗ nước bị lên án về việc dung túng những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, trở thành nguyên đơn. Bỉ từ chỗ người lên án trở thành bị đơn. Tuy nhiên, kết quả của vụ kiện sẽ không khác nhiều so với khi vụ kiện được đưa ra một cách trực tiếp với đối tượng là luật nhân đạo: Để kết luận về thực chất của vụ việc, Toà án quốc tế không thể tránh né kết luận về vi phạm luật nhân đạo của Công-gô.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, Toà án quốc tế không thể chỉ định một khoản bồi thường thiệt hại cụ thể đối với vi phạm luật nhân đạo. Quyết định của Toà án quốc tế chỉ có thể gián tiếp lên án hay không lên án vi phạm luật nhân đạo mà thôi.

Trong trường hợp chúng ta đang quan tâm, cũng có thể áp dụng ví dụ này bằng cách ban hành một lệnh bắt quốc tế và yêu cầu dẫn độ đối với những kẻ tình nghi là chịu trách nhiệm trong việc sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

Mỹ là thành viên một số Công ước trong đó có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bắt buộc của Toà án quốc tế, trong đó có:

- Nghị định thư về giải quyết tranh chấp bắt buộc bổ sung Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 (Việt Nam không phải là thành viên).

- Công ước về ưu đãi, miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946 (Việt Nam là thành viên, nhưng bảo lưu điều khoản về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bắt buộc của Toà án).

- Nghị định thư về giải quyết tranh chấp bắt buộc bổ sung Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 (Việt Nam không phải là thành viên).

Như vậy, nếu muốn đưa vụ việc ra trước Toà án quốc tế dựa trên thẩm quyền tài phán bắt buộc của Toà án quốc tế theo các điều ước này, trước hết chúng ta cần rút các bảo lưu liên quan hoặc gia nhập các điều ước đó. Tiếp theo, chúng ta cần tìm trong số những kẻ chịu trách nhiệm về việc sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam (bao gồm cả hành động hoặc không hành động, trực tiếp hoặc ra lệnh, đồng phạm, tổ chức, giúp đỡ...) những người hiện đang là các đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn trừ về ngoại giao, lãnh sự, hoặc đang là công chức của Liên hợp quốc. Việc bắt hoặc ban bố lệnh bắt người đó sẽ gây ra một cái gọi là "tranh chấp quốc tế liên quan đến luật về ưu đãi, miễn trừ và luật hình sự quốc tế". Sau đó, Việt Nam có thể đưa tranh chấp đó ra trước Toà án quốc tế và yêu cầu Toà án quốc tế tuyên bố là Việt Nam không vi phạm luật về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Tóm lại, khả năng vụ việc được đưa ra trước Toà án quốc tế tương tự như trường hợp trên là khá khó khăn, song hành động đó sẽ có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất lớn, đặc biệt trong việc đánh thức công luận thế giới về việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam.

  1. Trách nhiệm hình sự quốc tế do hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

4.1. Tòa án hình sự quốc tế cho từng vụ việc

 4.1.1. Các kiểu toà án đã tồn tại

  1. Sự hình thành và ý tưởng của việc thành lập các toà án hình sự quốc tế cho từng vụ việc

Việc trừng trị các tội ác cá nhân, dù là những tội ác hết sức nghiêm trọng, ngay cả khi những tội ác đó đã được coi là tội ác quốc tế, về cơ bản là quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Thông thường, các quốc gia xét xử một cách riêng rẽ những tội ác quốc tế mà các quốc gia đã thống nhất về hình sự hóa và tội danh. Khi những tòa án quốc gia xét xử theo những tội danh quốc tế, về thực chất, các tòa án đó thực hiện cùng lúc hai chức năng: chức năng thực hiện luật trong nước và chức năng thực hiện luật quốc tế.

Những ý định đầu tiên về việc đưa tội phạm quốc tế nghiêm trọng ra xét xử quốc tế được ghi nhận là về các trường hợp Napôlêông và Guy-ôm II (Hoàng đế Đức). Đặc biệt, Hiệp ước Véc-xây đã quy định khá rõ ràng về việc xét xử các tội phạm chiến tranh sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Điều 227 Hiệp ước Véc-xây quy định việc xét xử công khai Guy - Ôm II theo tội danh "tội ác nghiêm trọng vi phạm đạo đức quốc tế và giá trị thiêng liêng của các điều ước". Các nước đồng minh dự định thành lập một tòa án đặc biệt nhằm xét xử Guy-ôm II gồm 5 thẩm phán từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Nhật, đồng thời đảm bảo cho bị cáo quyền bào chữa. Tuy nhiên, tòa án này đã không bao giờ được thành lập do Hà Lan (nơi Guy-ôm II chạy đến sau Đại chiến thế giới I) từ chối dẫn độ vì tội danh "tội ác nghiêm trọng vi phạm đạo đức quốc tế và giá trị thiêng liêng của các điều ước" không có trong luật Hà Lan, ngoài ra đây là một "tội phạm chính trị" không thể bị dẫn độ. Điều 229 Hiệp ước Véc- xây cũng quy định việc xét xử những hành vi trái với luật và tập quán chiến tranh, đặc biệt, trong trường hợp hành vi này chống lại công dân nhiều nước, tòa án sẽ bao gồm thẩm phán từ các tòa án quân sự của các nước liên quan. Để chuẩn bị cho việc truy tố, một Uỷ ban được thành lập với nhiệm vụ xác định trách nhiệm hình sự của các tội phạm chiến tranh đã liệt kê ra khoảng 20.000 người để điều tra kỹ lưỡng và chuẩn bị truy tố[29]. Uỷ ban này đã tuyên bố: Tất cả những người thuộc phe thua trận, cho dù giữ chức vụ cao, đã thực hiện các hành vi vi phạm luật và tập quán chiến tranh đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.[30]

Tiếp theo, sau những vụ tấn công vua Nam tư và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp vào năm 1934, một số nước đã ký một Công ước nhằm thành lập một tòa án quốc tế xét xử những kẻ khủng bố. Công ước này vẫn chưa có hiệu lực vì chưa đủ số nước phê chuẩn.

 b) Các toà án quân sự quốc tế sau Đại chiến thế giới II

Khi Đại chiến thế giới II kết thúc, mức độ nghiêm trọng và rộng lớn của một số tội ác đã xảy ra cộng với chiến thắng hoàn toàn của phe đồng minh là tiền đề cho việc thành lập những cơ quan xét xử nhằm trừng trị những tội ác trên bình diện quốc tế. Tòa án quân sự quốc tế Nuremberg và Tokyo là những kiểu mẫu tòa án quốc tế đầu tiên trùng trị các tội  ác quốc tế. Tổ chức, hoạt động và luật lệ của những tòa án này cho tới nay vẫn là cơ sở và bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc thành lập những tòa án tương tự.

Tòa án quân sự quốc tế Nuremberg: Thành lập theo Hiệp định London vào tháng 8.1945.

Toà án Nuremberg đã tuyên 12 án tử hình, 3 án tù chung thân, 4 án tù từ 10 đến 20 năm và 3 trắng án.

Toà án quân sự quốc tế dành cho Viễn Đông (Toà án quân sự quốc tế Tôkyô): Khác với toà án Nuremberg, toá án Tôkyô thành lập theo một “tuyên cáo đặc biệt” của Tổng chỉ huy các lực lượng đồng minh. Tuyên bố này dựa trên nhiều văn kiện, đặc biệt là Tuyên bố đầu hàng của Nhật, theo đó Nhật chấp nhận việc thi hành công lý đối với tất cả các tội phạm chiến tranh Nhật thể hiện trong Tuyên bố Postdam tháng 7/1945 của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung quốc. Tuyên bố này cũng căn cứ vào thẩm quyền của Tổng chỉ huy các lực lượng đồng minh “ban bố tất cả các mệnh lệnh cần thiết để thi hành các điều kiện đầu hàng, việc chiếm đóng và kiểm soát nước Nhật”. Các văn kiện nêu trên đều rất chung chung và không đề cập cụ thể đến việc thành lập một toà án. Tuy nhiên, rất ít người đặt câu hỏi nghi ngờ về cơ sở pháp lý của toà án này.

Toà án Tôkyô đã tuyên 7 án tử hình, 16 án tù chung thân và 2 án tù có thời hạn.

Hai toà án này đã đóng góp rất nhiều trong luật hình sự quốc tế. Trước hết, các toà án này đã xét xử các tội ác chống lại hoà bình, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, qua đó thiết lập hoặc khẳng định các tội danh quốc tế nói trên. Nhờ đó, sẽ không xảy ra trường hợp tương tự trường hợp của vua Guy-ôm II (Hà Lan đã từ chối dẫn độ với lý do tội danh mà quân đồng minh định truy tố Guy-ôm II không có trong luật hình sự). Ngoài ra, hai toà án này còn bổ sung các định nghĩa về người phạm tội, đồng phạm, người giúp sức, trách nhiệm do không hành động trong các tội phạm quốc tế nêu trên. Đặc biệt, hai toà án này đã không chấp nhận áp dụng những trường hợp miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự thông thường như miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người đứng đầu nhà nước, giảm nhẹ đối với trường hợp phạm tội do thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Hai toà án này cũng có những đóng góp trong việc áp dụng nguyên tắc không hồi tố trong truy tố và xét xử hình sự đối với các tội ác quốc tế. Nhiều nguyên tắc xuất phát từ các phán quyết của các Toà án Nuremberg và Tôkyô đã được liệt kê trong Tuyên bố 1950 về các Nguyên tắc luật quốc tế được thừa nhận của Liên hợp quốc (LHQ) liên quan đến Hiến chương Nuremberg và Phán quyết của Toà[31]. Đây là những nguyên tắc hết sức quan trọng của luật hình sự quốc tế, chúng thường được gọi là "Luật Nuremberg và Tôkyô".

Ngoài toà án Nuremberg và Tôkyô còn có một số toà án quân sự quốc tế khác của phe đồng minh nhằm mục đích truy tố và xét xử nhiều người Đức phạm các tội ác chống hoà bình, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong chiến tranh thế giới II. Các toà án này được coi là toà án quốc tế vì chúng được thiết lập theo luật số 10 và sắc lệnh số 7 của Hội đồng Kiểm soát đồng minh.

c) Các tòa án do Hội đồng Bảo an thành lập: Tòa án hình sự quốc tế dành cho Liên bang Nam tư cũ và Tòa án hình sự quốc tế dành cho Rwanda

- Tòa án hình sự quốc tế dành cho Liên bang Nam tư cũ:

Tòa án hình sự quốc tế dành cho Liên bang Nam tư cũ được thành lập theo nghị quyết 808 (22/4/1993) và 827 (25/5/1993) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm mục đích “xét xử những người chịu trách nhiệm về những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Nam tư cũ từ năm 1991”.

Theo Quy chế, Toà án Nam tư có quyền truy tố các cá nhân phạm những tội ác nghiêm trọng như Tội vi phạm các Công ước Geneva 1949, Tội vi phạm luật hoặc tập quán chiến tranh, Tội diệt chủng và Tội chống nhân loại trên lãnh thổ Nam tư cũ[32]. Bất kỳ một cá nhân nào, dù là nguyên thủ quốc gia hay quan chức chính phủ, nếu có hành vi tổ chức, xúi giục, ra lệnh, thi hành hoặc trợ giúp, tiếp tay trong việc lên kế hoạch, chuẩn bị hoặc thực hiện các tội ác đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự và bị trừng phạt thích đáng. Các toà án quốc gia cũng có thẩm quyền truy tố các cá nhân về những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Nam tư cũ nhưng Toà án Nam tư có quyền tài phán ưu tiên và cao hơn quyền tài phán quốc gia[33].

Về cơ cấu tổ chức, Toà án Nam tư có chung Công tố viên và Hội đồng Phúc thẩm với Toà án Rwanda. Hội đồng này gồm 5 thẩm phán. Ngoài ra, Toà án Nam tư có 2 Hội đồng sơ thẩm, mỗi Hội đồng có 3 thẩm phán. Các thẩm phán của Toà án đều do Đại hội đồng bầu ra trên cơ cở danh sách đã được Hội đồng Bảo an trình lên. Năm 2000, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định tăng tổng số thẩm phán của cả 2 Toà án Nam tư và Rwanda lên 14 người[34]. Công tố viên của Toà án hoạt động độc lập và có quyền đương nhiên khởi tố điều tra. Cơ quan Lục sự chịu trách nhiệm quản lý và thực thi các công việc hành chính của Toà án. Hiện tại, Toà án Nam Tư có 1103 nhân viên đến từ 74 quốc gia trên thế giới[35].

Về hoạt động, Tòa án hoạt động theo Quy chế và Quy định về Thủ tục và chứng cứ do các thẩm phán thông qua. Thủ tục truy tố và xét xử gồm 5 bước. Trước hết, Công tố viên có trách nhiệm điều tra và tìm hiểu để quyết định có khởi tố hay không. Nếu quyết định khởi tố, Công tố viên gửi một quyết định khởi tố đến thẩm phán toà sơ thẩm. Nếu thẩm phán này chấp nhận, việc khởi tố mới có hiệu lực. Trong trường hợp khẩn cấp, Công tố viên có thể yêu cầu một quốc gia bắt người bị tình nghi hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi thẩm phán chấp nhận quyết định khởi tố. Sau khi việc khởi tố có hiệu lực, các quốc gia có trách nhiệm bắt, giao nộp người bị tinh nghi, giao các tài liệu và chứng cứ v.v. Người bị tình nghi có thể bị giam giữ ở Hà Lan hay một nước nào khác. Cuối cùng, thủ tục tại phiên toà gần giống các phiên toà ở các nước thuộc hệ thống common law: Toà hỏi bị cáo tuyên bố có tội hay vô tội. Nếu bị cáo tuyên bố vô tội, toà sẽ xem xét các bằng chứng có tội. Nếu bằng chứng có tội được khẳng định, toà tiếp tục xem xét các tình tiết giảm nhẹ.

Về hình phạt, TAHSQTNT chỉ quyết định hình phạt tù giam và trả lại các tài sản phi pháp, không có hình phạt tử hình và phạt tiền. Hình phạt tù giam sẽ được thực hiện ở một số nhà tù do các nước thành viên tình nguyện đăng ký. Quy chế của Toà án quy định các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với Toà án. Chi phí cho hoạt động của Toà án lấy từ ngân sách của LHQ.

Toà án Nam tư tính đến 29/3/2001 đã truy tố 99 người trong đó hoàn thành việc kết án 19 người (12 tại Toà Sơ thẩm, 7 tại Toà phúc thẩm) với mức án từ 5 đến 40 năm tù, đang dự thẩm 14 người, xử sơ thẩm 10 người, xử phúc thẩm 12 người và chuẩn bị tuyên án 14 người[36].

- Toà án hình sự quốc tế dành cho Rwanda:

Toà án hình sự quốc tế dành cho Rwanda được thành lập theo Nghị quyết 955 ngày 8/11/1994 của Hội đồng Bảo an, có nhiệm vụ “xét xử những người bị tình nghi chịu trách nhiệm về những hành vi diệt chủng hoặc những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế thực hiện trên lãnh thổ Rwanda và các nước láng giềng từ 1/1 đến 31/12/1994”.

- Ý nghĩa của việc thành lập toà án hình sự dành cho Nam tư và Rwanda

Mặc dù thẩm quyền giới hạn về mặt địa lý và thời gian, Toà án Nam tư có một ảnh hưởng quốc tế to lớn. Do được thành lập theo quvết định của Hội đồng Bảo an, trên nguyên tắc, quy chế toà án hình sự quốc tế là bắt buộc đối với tất cả các quốc gia, bất chấp việc quốc gia có thừa nhận hay không. Theo quy chế này, các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với Toà án Nam tư, gồm cả giao nộp người bị truy tố (điều 29 Quy chế). Theo giải thích của chính Toà án hình sự quốc tế dành cho Nam tư trong vụ Nội quy ngày 11/4/1994, điều đó có nghĩa là các quốc gia không được từ chối chuyển giao những người bị truy tố với những lý do thông thường trong các hiệp định dẫn độ (extradition). Các toà án quốc gia đang xét xử phải dừng việc xét xử và chuyển quyền xét xử tội phạm cho Toà án Nam tư nếu Toà án Nam tư đề nghị. Các quốc gia vi phạm các nghĩa vụ này phải chịu trách nhiệm quốc tế.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an viện dẫn chương VII của Hiến chương (hành động trong trường hợp phá vỡ hoà bình, đe doạ phá vỡ hoà bình và chiến tranh xâm lược) để thành lập các toà án hình sự xét xử cá nhân. Cả hai toà án này đều được coi là những cơ quan trực thuộc Hội đồng Bảo an được thành lập theo điều 29 Hiến chương. Tương tự toà án Tôkyô, hai toà án này không được thành lập trên cơ sở điều ước mà được thành lập theo các nghị quyết của một cơ quan. Bằng cách này, việc thành lập toà án sẽ nhanh chóng, cơ cấu gọn nhẹ, tránh được công việc soạn thảo điều ước (rất phức tạp đối với vấn đề này), thủ tục ký kết và phê chuẩn kéo dài và khó khăn... về nguyên tắc, các Quy chế toà án sẽ có hiệu lực ngay lập tức đối với toàn thể các nước thành viên Liên hợp quốc (theo điều 24 và chương VII Hiến chương).

Tuy nhiên, việc Hội đồng Bảo an sử dụng thẩm quyền trong phạm vi chương VII Hiến chương để thành lập các toà án này không tránh khỏi gây ra những phản đối gay gắt từ phía các nước thành viên. Ví dụ, ngay trong cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an liên quan đến việc thành lập toà án hình sự quốc tế, Braxin đã tuyên bố “không tin tưởng rằng theo Hiến chương, việc thành lập và/hoặc thực hiện quyền tài phán hình sự quốc tế thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an” và “quy định về quyền và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an trong Hiến chương cần phải được giải thích một cách hạn chế và không thể làm thay đổi Hiến chương cho phù hợp với những quyết định của Hội đồng Bảo an”. Xét xử hình sự vốn là đặc quyền của các quốc gia, thiếu sự đồng ý rõ ràng của quốc gia thì không ai có quyền tước đi đặc quyền đó. Ngoài ra, quy chế Toà án cũng như thành phần thẩm phán và công tố viên không đảm bảo một sự tham gia đầy đủ và công bằng của các nước thành viên Liên hợp quốc, do đó Toà án không tránh khỏi nguy cơ bị lạm dụng bởi một số nước.

Đối với một số nước khác, hành động này của Hội đồng Bảo an là có thể chấp nhận được và có thể coi là phù hợp với thẩm quyền hành động “trong trường hợp phá vỡ hoặc đe doạ phá vỡ hoà bình, chiến tranh xâm lược” của Hội đồng Bảo an nếu xét trường hợp đặc biệt của chiến tranh Nam tư và Rwanda, khi nội chiến đã trở thành chiến tranh quốc tế (trường hợp Nam tư) hoặc đã xảy ra những thảm hoạ nhân đạo nghiêm trọng với số nạn nhân lên tới hàng trăm nghìn người (trường hợp Rwanda). Cách giải thích này ngày càng trở nên thiếu cơ sở, đặc biệt là sau khi toà án dành cho Nam tư quyết định truy tố cựu tổng thống Liên bang Nam tư S. Milosevic theo tội danh “tội ác chống nhân loại” do những hành vi xảy ra trong xung đột tại Kosovo. Bởi vì Nghị quyết của Hội đồng Bảo an phải được hiểu rằng toà án này chỉ mang tính chất lâm thời (ad hoc), được thành lập để xét xử những hành vi cụ thể, xảy ra trong không gian và thời gian giới hạn, cụ thể là trong chiến tranh ở Nam tư từ năm 1991 cho tới khi Hiệp định Dayton được thực hiện. Toà án này đã lợi dụng việc Hội đồng Bảo an không quy định mốc thời gian cuối cùng của những hành vi rơi vào phạm vi thẩm quyền của toà án để xét xử cả những hành vi xảy ra tại Kosovo gần 10 năm sau đó. Phải chăng như thế có nghĩa là thẩm quyền của toà án mở rộng tới tất cả các hành vi phạm các tội nêu trong Quy chế xảy ra trên lãnh thổ Nam tư trong một khoảng thời gian vô tận?

4.1.2. Khả năng thành lập một tòa án hình sự quốc tế tương tự để xét xử hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam

Lịch sử thành lập các toà án hình sự quốc tế cho thấy việc thành lập toà án hình sự quốc tế theo kiểu Nuremberg và Tôkyô dựa trên mối quan hệ sức mạnh: kẻ thắng áp đặt sự xét xử lên kẻ bại. Đáng tiếc rằng tương quan lực lượng vào thời điểm ký kết Hiệp định Paris đã không cho phép đưa vào Hiệp định này một điều khoản cụ thể về việc xét xử những hành vi vi phạm luật nhân đạo trong chiến tranh.

Việc thành lập một toà án hình sự quốc tế theo hình mẫu toà án hình sự cho Nam tư và Rwanda để xét xử hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam gặp hai trở ngại lớn.

Trước hết là trở ngại về pháp lý. Chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam đã kết thúc được trên ba thập kỷ, mặc dù hậu quả của cuộc chiến tranh đó vẫn còn hết sức nặng nề, những nạn nhân của chất độc da cam đã và sẽ còn phải chịu hậu quả qua nhiều thế hệ và công lý vẫn chưa được thực hiện, nhưng quan hệ Việt - Mỹ hiện nay không còn là một “mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế” nữa. Do đó, trong thời điểm hiện nay, Hội đồng Bảo an không có cơ sở để viện dẫn chương VII “hành động trong trường hợp phá vỡ hoà bình, đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế, chiến tranh xâm lược” để thành lập toà án hình sự quốc tế xét xử hành vi sử dụng chất độc hoá học của Mỹ tại Việt Nam. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu các điều khoản của Hiến chương được giải thích theo xu hướng mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng Bảo an. Quá trình mở rộng thẩm quyền của Hội đồng Bảo an, nếu có thể, là tương đối khó khăn và lâu dài.

Nhiều người nhận xét rằng sự thành lập của các toà án dành cho Nam tư và Rwanda chính là một bằng chứng về sự mở rộng quyền lực của Hội đồng Bảo an. Vào thời điểm các toà án này được thành lập, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế thống nhất rằng sự thành lập các toà án này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, các phỏng đoán khá khác nhau về tính tích cực hay tiêu cực của sự kiện này. Quan điểm bi quan cho rằng điều này thể hiện xu hướng lạm quyền của Hội đồng Bảo an. Trái lại, quan điểm lạc quan cho rằng sự thành lập các toà án này chứng tỏ thời kỳ Hội đồng Bảo an bị tê liệt do quyền phủ quyết đã qua đi, Hội đồng Bảo an sẽ trở nên năng động hơn. Phạm vi hành động của Hội đồng Bảo an sẽ không còn chỉ giới hạn ở những biện pháp thuần tuý “hành pháp” mà còn thực hiện chức năng “tư pháp” (nếu sử dụng những từ ngữ của luật trong nước) trong hệ thống Liên hợp quốc. Đặc biệt, cùng với sự thành lập của các toà án này, diễn văn chính trị - pháp lý “không có hoà bình nếu như không có công lý” (như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan) được ủng hộ ngày càng mạnh mẽ. Đó là cơ sở cho việc Hội đồng Bảo an tiếp tục thành lập những toà án tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, những diễn biến mới đây lại chứng tỏ Hội đồng Bảo an đã không còn là công cụ ưu tiên của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ trong hoạt động đối ngoại mang tính chất vũ lực và can thiệp của họ. Việc NATO tấn công vào Kosovo và tiếp theo là Mỹ thành lập liên minh chống khủng bố với sự ủng hộ rộng rãi, kể cả của những nước ngoài NATO, sử dụng vũ lực tại Afghanistan, bỏ qua vai trò duy trì và tái lập hoà bình của Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc là những ví dụ tiêu biểu.

Trở ngại thứ hai là trở ngại về chính trị. Mỹ là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết đối với các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong những trường hợp liên quan tới lợi ích chính trị, kinh tế của Mỹ, Mỹ thưỡng xuyên sử dụng quyền này. Vì vậy, không có hy vọng có được một nghị quyết thành lập một toà án cho trường hợp sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam.

  1. Toà án hình sự quốc tế

4.2.1. Quá trình thành lập Toà án hình sự quốc tế

  1. Yêu cầu thành lập Toà án hình sự quốc tế thường trực:

Như trên đã nói, nhân loại càng ý thức được mức độ nghiêm trọng của những tội ác quốc tế thì cộng đồng quốc tế càng đi gần tới ý tưởng thành lập một toà án quốc tế để trừng trị những kẻ phạm tội. Những tội ác vượt ra khỏi sự tưởng tượng của loài người xảy ra trong các cuộc khủng hoảng như Đại chiến thế giới lần thứ hai, chiến tranh Việt Nam, nội chiến ở Cam-pu-chia, chiến tranh Nam tư và chiến tranh Rwanda... đã đặt ra yêu cầu bức bách về việc trừng trị một cách quốc tế và công khai các tội ác này. Các toà án theo vụ việc như Toà án Nuremberg và Tôkyô, Toà án dành cho Nam tư và Toà án dành cho Rwanda đã đáp ứng một phần những yêu cầu đó. Sự hình thành và hoạt động của các Toà án này thực sự là những cuộc tập dượt cho việc thành lập một Toà án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, sự hình thành và hoạt động của các Toà án này cũng cho thấy những tồn tại chủ yếu là:

  • Sự thành lập và quy chế của các toà án này mang tính chất áp đặt (lô-gíc của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, người thắng đối với kẻ bại);
  • Cơ cấu của Toà án không đảm bảo sự tham gia công bằng của các thành viên cộng đồng quốc tế;
  • Mối quan hệ của các Toà án quốc tế đối với các quốc gia và toà án quốc gia chưa được giải quyết triệt để;
  • Thẩm quyền của các toà án giới hạn theo vụ việc, trong thời gian và không gian.

Những tồn tại này chỉ có thể được khắc phục thông qua việc thành lập một Toà án hình sự quốc tế thường trực trên cơ sở một công ước quốc tế được soạn thảo công phu, chi tiết và được tham gia rộng rãi. ý thức được điều đó, Liên hợp quốc đã có những cố gắng từ rất sớm để xây dựng một mô hình Toà án hình sự quốc tế thường trực thành lập theo một Công ước quốc tế nhằm khắc phục được những nhược điểm của các mô hình Toà án hình sự quốc tế đã tồn tại.

b) Quá trình xây dựng quy chế Toà án hình sự quốc tế thường trực:

Ngay từ năm 1937, Hội quốc liên đã thông qua Công ước thành lập TAHSQT (Phần 2 của Công ước Chống và Trừng trị các tội khủng bố)[37]. Công ước này gồm 56 điều khoản, quy định Toà án có thẩm quyền xét xử những cá nhân phạm các tội mà Công ước Chống và Trừng trị các tội khủng bố điều chỉnh. Tuy nhiên, như trên đã nói, Công ước này không nhận được sự ủng hộ chính trị nào và không có hiệu lực.

Năm 1947, Đại hội đồng LHQ đã yêu cầu Uỷ ban LPQT xây dựng Bộ luật các tội chống hoà bình và an ninh của nhân loại và soạn thảo một quy chế để thành lập toà án hình sự quốc tế với tư cách một cơ quan thi hành. Những bất đồng về hệ tư tưởng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đặc biệt liên quan đến vấn đề trao quyền chủ quyền quốc gia cho một thực thể quốc tế đã trì hoãn công việc soạn thảo Bộ luật các tội chống hoà bình và an ninh của nhân loại cũng như các vấn đề liên quan đến toà án. Sau nhiều lần thảo luận, Ủy ban LPQT đã đưa ra dự thảo quy chế TAHSQT lần đầu tiên vào năm 1951 và lần thứ hai vào năm 1953[38]. Tuy nhiên, do các nước không thoả thuận được định nghĩa tội xâm lược nên dự thảo này đã không được xem xét, cũng như dự thảo Bộ luật các tội chống hoà bình và an ninh của nhân loại. Năm 1957, Đại hội đồng LHQ đã quyết định đình chỉ xem xét vấn đề thành lập TAHSQT[39].

Đến năm 1974, Đại hội đồng LHQ mới thông qua được định nghĩa tội xâm lược[40]. Định nghĩa này thiên về hành vi của Nhà nước hơn là nhằm xác định hành vi tội phạm cá nhân và mới chỉ thể hiện được một cách mơ hồ những hành vi nào là hành vi phạm tội. Đến năm 1978, Đại hội đồng LHQ mới đưa vấn đề này ra để xem xét lại. Tiến trình chậm chạp này thực chất là do còn nhiều bất đồng về quan điểm giữa các quốc gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là do hậu quả của cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài trong suốt thời kỳ này.

Năm 1989, Trinidad & Tobago đề nghị LHQ thành lập một toà án quốc tế để xét xử tội phạm buôn bán ma tuý tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về buôn lậu ma tuý quốc tế[41]. Do một số nước lớn phản đối nên đề xuất đó không được chấp thuận, song nó cũng làm dấy lên mối quan tâm đối với việc thành lập một toà án quốc tế thường trực, đưa vấn đề này trở lại chương trình Nghị sự của LHQ[42]. Đại hội đồng LHQ đã giao cho Uỷ ban LPQT nghiên cứu vấn đề này. Sau hai năm nghiên cứu (từ 1990 đến 1992), Uỷ ban LPQT đã trình lên Đại hội đồng bản báo cáo về những vấn đề pháp lý liên quan tới việc thành lập một toà án hình sự quốc tế thường trực và đến năm 1994, Uỷ ban LPQT đã hoàn thành xong bản dự thảo Quy chế TAHSQT.

Dự thảo này đã thu hút sự quan tâm chú ý của tất cả các nước trên thế giới. Do vấn đề TAHSQT liên quan trực tiếp đến chủ quyền và quyền tài phán quốc gia nên các nước đều tham gia tích cực vào việc thảo luận hoàn chỉnh dự thảo để bảo vệ lợi ích của mình.

Năm 1998, Hội nghị Ngoại giao nhóm họp tại Rôm đã thông qua Quy chế toà án hình sự quốc tế. Đây là một văn kiện khá đồ sộ gồm 128 điều, quy định việc thành lập toà án (chương I), thẩm quyền xét xử, thụ lý và luật áp dụng (chương II) các nguyên tắc chung của luật hình sự (chương III), tổ chức và quản lý toà án (chương IV), điều tra và truy tố (chương V), xét xử (chương VI, VII,VIII), hợp tác quốc tế và trợ giúp tư pháp (chương IX), thi hành án (chương X), hội đồng quốc gia thành viên (chương XI) và vấn đề tài chính (chương XII).

4.2.2. Khả năng đưa hành vi sử dụng chất độc hoá học tai Việt Nam ra xét xử tại Toà án hình sự quốc tế

Việc đưa hành vi sử dụng chất độc hoá học tại Việt nam ra xét xử tại Toà án hình sự quốc tế vấp phải hạn chế về thẩm quyền của Toà án hình sự quốc tế. Trong đó, chúng ta cần phân biệt thẩm quyền về đối tượng (hành vi) và thẩm quyền theo thời gian.

Thẩm quyền về đối tượng: Toà án hình sự quốc tế có thẩm quyền đối với 4 loại hành vi, đó là: tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tội xâm lược. Hành vi sử dụng chất độc hoá học tại Việt Nam là tội ác chiến tranh, có thể coi là tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng (chi tiết xin xem thêm các chuyên đề khác của đề tài). Như vậy, hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án hình sự quốc tế.

Thẩm quyền về thời gian: Toà án hình sự quốc tế có thẩm quyền xét xử đối với các hành vi xảy ra sau khi Quy chế có hiệu lực. Nếu một nước trở thành thành viên của Quy chế sau ngày Quy chế có hiệu lực thì Toà án có quyền xét xử đối với những tội phạm được thực hiện sau ngày Quy chế có hiệu lực đối với nước đó (điều 11 Quy chế). Cho tới nay, Quy chế Toà án hình sự quốc tế vẫn chưa có hiệu lực. Mỹ đã ký Quy chế này nhưng chưa phê chuẩn. Việt Nam chưa ký Quy chế này. Như vậy, do giới hạn thẩm quyền về thời gian của Toà án hình sự quốc tế theo nguyên tắc không hồi tố trong luật hình sự, hành vi sử dụng chất độc hoá học của Mỹ ở Việt Nam không thể được đưa ra xét xử tại Toà án này.

Mặc dù vậy, các yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều 6, 7, 8 của Quy chế đã khẳng định lại tính chất tập quán của các quy định đã tồn tại hình sự hoá các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất như trong luật Nuremberg và Tôkyô, các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949... Đồng thời, các nguyên tắc của luật hình sự cũng được khẳng định và là cơ sở cho việc đấu tranh với Mỹ về trách nhiệm hình sự của các cá nhân và nhà nước Mỹ do việc sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam.

  1. Cơ chế pháp lý trong nước để yêu cầu thực hiện trách nhiệm cá nhân, tổ chức do hành vì sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam
  1. Sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự và thẩm quyền xét xử của toà án trong nước đối với loại hành vi này

Đưa vụ việc ra trước các toà án Mỹ dưới hình thức kiện dân sự hoặc hình sự cũng là một khả năng có thể tính đến. Trong luật hình sự quốc tế, thẩm quyền xét xử của toà án và phạm vi điều chỉnh của luật hình sự của một quốc gia luôn luôn trùng với nhau. Điều này khác với lĩnh vực dân sự, trong đó toà án dân sự của một quốc gia có thể xem xét áp dụng luật dân sự của một quốc gia khác, thẩm quyền xét xử hình sự và sự áp dụng luật hình sự mang tính chất tuyệt đối, là độc quyền của quốc gia. Vì vậy, chúng ta sẽ xem xét đồng thời sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự Việt Nam và thẩm quyển xét xử của các toà án Việt Nam đối với hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam.

Hành vi sử dụng chất độc hoá học của các cá nhân Mỹ thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của luật hình sự Việt Nam. Cơ sở thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam đối với hành vi này là các nguyên tắc thẩm quyền lãnh thổ và thẩm quyền quốc tế.

            a) Về thẩm quyển lãnh thổ:

Nguyên tắc thẩm quyền lãnh thổ được thể hiện tại điều 5 Bộ luật hình sự CHXHCNVN năm 1999: "Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam." Điều khoản này xuất phát từ chủ quyền của quốc gia và được luật quốc tế công nhận.

Ngay cả trong trường hợp hành vi phạm tội trên lãnh thổ của một quốc gia đã được xét xử ở một quốc gia khác, quốc gia nơi xảy ra hành vi phạm tội vẫn có quyền xét xử hành vi đó theo luật pháp của quốc gia đó. Điều này bề ngoài dường như trái với nguyên tắc không xét xử hai lần (non bis in idem) được thừa nhận tại điều 14 khoản 7 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam và Mỹ đều là thành viên): "Không một người nào bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị tuyên án trong một bản án có hiệu lực pháp luật hoặc về một tội phạm mà người đó đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của mỗi nước"[43]

Trên thực tế, sự giới hạn của nguyên tắc thẩm quyền lãnh thổ đối với nguyên tắc không xét xử hai lần được thừa nhận trong luật pháp quốc tế. Theo Viện luật quốc tế:

"Khi một tội phạm đã bị xét xử theo một bản án có hiệu lực pháp luật tại một nước khác nước nơi xảy ra tội phạm, tội phạm này có thể bị xét xử một lần nữa tại nước nơi xảy ra tội phạm, nhưng chỉ theo đề nghị của Bộ Tư pháp."[44]

             b) Về thẩm quyền quốc tế:

Toà án các nước không những có thẩm quyền mà còn có nghĩa vụ truy tố và xét xử những tội phạm vi phạm luật và tập quán chiến tranh (tội ác chiến tranh) và tội ác chống nhân loại. Theo các Công ước Gcneve (điều 50 Công ước I, điều 51 Công ước II, điều 130 Công ước III, điều 147 Công ước IV):

"Tất cả các nước thành viên có nghĩa vụ truy tìm những người bị tình nghi thực hiện, hoặc đã ra lệnh thực hiện bất kỳ tội phạm nào trong số các tội phạm đã nêu, và phải đưa những người này ra xét xử tại các toà án của chính nước đó, dù những người này mang quốc tịch nước này".

Luật Tôkyô và Nuremberg (đã được khẳng định lại trong Nghị quyết 95 (I) của Đại hội đồng và được coi là một bộ phận của luật quốc tế) cũng đã nhiều lần khẳng định tính chất thẩm quyền quốc tế đối với tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh.

Thẩm quvền quốc tế này cũng là cơ sở để yêu cầu toà án của các nước thứ ba xét xử hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam.

  1. Cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm dân sự đối theo pháp luật Việt Nam.

           a/ Thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam và pháp luật áp dụng.

           Theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 , Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp "về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng". Vậy, hành vi sử dụng chất độc hoá học của Mỹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay là chịu trách nhiệm dưới một hình thức trách nhiệm khác? Theo Bộ luật dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Một vấn đề nữa cũng đặt ra ở đây là Bộ luật dân sự năm có được áp dụng đối với trường hợp cụ thể này không? Điều 2 Bộ luật dân sự năm 2005 về hiệu lực của Bộ luật quy định Bộ luật được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đối với các quan hệ dân sự được xác lập sau ngày luật có hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, nếu được luật, nghị quyết của Quốc hội quy định. Như vậy, có thể thấy rằng thẩm quyền áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 đối với vụ kiện yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam thuộc thẩm quyền của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phía Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đưa vụ việc trên ra xét xử. Thực tiễn pháp luật Mỹ cũng đã từng công nhận thẩm quyền xét xử của Toà án nước ngoài trong việc giải quyết các tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại dân sự, ví dụ như trong vụ Bhopal (Ấn độ), Toà án Mỹ đã công nhận thẩm quyền giải quyết của Toà án Ấn Độ - nơi có vụ việc xảy ra.

  1. Những vấn đề chủ yếu đặt ra đối với việc sử dụng cơ chế pháp lý trong nước để yêu cầu trách nhiệm do hành vi sử dụng chất độc hoá học của Mỹ đối với Việt Nam

            a) Điều tra và chứng cứ:

          Việc xét xử những cá nhân phạm tội phải dựa trên cơ sở điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ đầy đủ về hành vi và người phạm tội. Đây là một khó khăn lớn, vì hiện nay tài liệu, chứng cứ mà chúng ta có được chủ yếu mới chỉ liên quan đến hậu quả của việc sử dụng chất độc hoá học, chưa xác định được cá nhân những người chịu trách nhiệm về hành vi đó (gồm cả những người ra lệnh, người thực hiện mệnh lệnh, người không ngăn chặn, đồng phạm...) - Nhiều hoạt động này phải tiến hành đối với các đương sự hiện đang cư trú tại Mỹ và phải do cơ quan có thẩm quyền của Mỹ tiến hành giúp. Hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ chưa tham gia bất kỳ một Hiệp định song phương cũng như đa phương nào về vấn đề này, do đó cơ quan có thẩm quyền của Mỹ có khả năng sẽ không thực hiện giúp việc uỷ thác. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đã tham gia hai Công ước La Hay về thu thập chứng cứ và tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. Trường hợp Việt Nam tham gia hai Công ước này, Mỹ sẽ có trách nhiệm thực hiện các uỷ thác tư pháp của Toà án Việt Nam.

            b) Dẫn độ:

Sau khi xác định được những kẻ chịu trách nhiệm trong việc sử dụng chất độc hoá học, điều quan trọng là phải bắt giữ và đưa được những kẻ đó ra trước toà án.

Một mặt, luật của Mỹ cũng như luật của nhiều nước khác không cho phép dẫn độ công dân. Mặt khác, giữa ta và Mỹ chưa có hiệp định dẫn độ nên Mỹ có thể (và có nhiều khả năng) từ chối không dẫn độ công dân Mỹ chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thành công trong việc buộc tội theo tội danh tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh, thì về mặt lý thuyết, Mỹ có nghĩa vụ dẫn độ hoặc xét xử thủ phạm của những hành vi đó. Điều này cũng đúng nếu thủ phạm của những hành vi tội phạm có mặt trên các nước khác. Hiện nay, vấn đề tính hợp pháp của những lệnh bắt và yêu cầu dẫn độ như vậy đang được đặt ra tại Toà án quốc tế trong vụ "Lệnh bắt ngày 18/4/2002" (Công-gô kiện Bỉ) (xem phần tiếp theo của đề tài). Theo quan điểm nhiều luật gia tiến bộ (và người thực hiện đề tài cũng nhất trí với quan điểm này), sự tiến bộ của luật pháp quốc tế hiện nay đã cho phép kết luận khẳng định về tính hợp pháp của những lệnh bắt và yêu cầu dẫn độ như vậy.

Việc dẫn độ cũng có thể bị một số nước từ chối với lý do tội phạm có thể bị kết án tử hình (đối với những nước đã từ bỏ án tử hình hoặc/và tham gia Nghị định thư không bắt buộc về huỷ bỏ án tử hình kèm theo Công ước năm 1966 về quyền dân sự và chính trị) hoặc với các lý do về nhân quyền. Trong trường hợp cần thiết, nước yêu cầu dẫn độ có thể kèm theo yêu cầu dẫn độ một tuyên bố chính thức về việc không áp dụng án tử hình đối với người bị dẫn độ.

c) Vấn đề thời hiệu:

Nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam là tội phạm chống nhân loại và/hoặc tội ác chiến tranh, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với hành vi nói trên sẽ không được áp dụng theo các Điều 24 và 56 Bộ luật Hình sự. Điều khoản này phù hợp với Công ước New York năm 1968 về không áp dụng thời hiệu đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại mà Việt Nam là thành viên[45].

Ngược lại, nếu truy tố và xét xử các hành vi trên với các tội danh khác ngoài các tội danh nêu trên, chúng ta cần phải lưu ý đến vấn đề thời hiệu theo các điều 23 và 55 của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính hoặc yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, cũng cần phải lưu ý đến thời hiệu theo các điều 9 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các quy định về thời hiệu của Bộ Luật dân sự.

d) Nguyên tắc không xét xử hai lần

Nguyên tắc không xét xử hai lần có thể được viện dẫn nhằm bác bỏ quyền xét xử hoặc yêu cầu dẫn độ với lý do hành vi vi phạm đã được xét xử ở nước được yêu cầu dẫn độ.

đ) Khó khăn trong việc thi hành án ở nước ngoài:

Bản án của Toà án Việt Nam về vụ việc này sẽ gặp trở ngại khi tiến hành thủ tục công nhận và cho thi hành tại Mỹ, tuy nhiên việc làm này đáng được cân nhắc nhằm mục đích tạo ảnh hưởng đối với Mỹ và dư luận quốc tế.

  1. Các biện pháp không mang tính tố tụng khác[46]
  1. Đàm phán

Hành động pháp lý có vai trò thúc đẩy các bên đi đến đàm phán với nhau. Có hai khả năng cho việc đàm phán ad hoc: một là các bên đàm phán thực chất nhằm giải quyết vấn đề; thứ hai, các bên đàm phán để thoả thuận về một mô hình giải quyết tranh chấp mang nhiều tính tổ chức như điều tra hay trọng tài. Do không tồn tại các quy định về quyền tài phán mang tính chất bắt buộc áp đặt cứ bên nào phải tham gia vào việc giải quyết tranh chấp nên đàm là một nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ một cơ chế giải quyết tranh chấp khác mà các bên có thể sử dụng.

Lợi ích của một giải pháp thông qua đàm phán là bản thân quá trình này không đòi hỏi bất kỳ một nền tảng nào dưới hình thức cơ bản như các thoả thuận hay cơ quan xét xử và nó cho phép các bên liên quan có hoàn toàn chủ động đối với vấn đề thời gian và nội dung đàm phán. Một lợi ích quan trọng khác trong vụ kiện hiện nay là một giải pháp có được nhờ đàm phán có thể tránh được một tuyên bố về trách nhiệm, và do đó sẽ cho phép cả 2 bên giữ được thể diện. Đàm phán là một nhân tố phổ biến trong quan hệ giữa các quốc gia, được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao, các cuộc tiếp xúc giữa các chính phủ và các tổ chức quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam và Mỹ, phần lớn việc đàm phán về bồi thường thiệt hại do Chất độc da cam đã diễn ra thông qua các kênh ngoại giao và khi nào cũng vậy, vấn đề này chỉ được thảo luận trong một nhóm các vấn đề chính trị khác như cựu binh Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). nhân quyền, hỗ trợ kinh tế và cơ cấu lại các khoản nợ. Đây là biểu hiện của quyền lực mà theo truyền thống Mỹ đối xử với Việt Nam trong quan hệ của mình với nước này. Để bảo đảm việc có tiến bộ trong đàm phán giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần phải đảm bảo rằng đàm phán ngoại giao chỉ gói gọn trong vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Đàm phán thông qua ‘môi giới’ và đàm phán cấp cao là hai hình thức đàm phán khác nữa. Việc sử dụng môi giới về bản chất có thể tận dụng vị trí trung lập mà bên thứ 3 đưa ra, người mà có thể có vai trò như nhà đàm phán con thoi trong một số hoàn cảnh nhất định. Điều này cho phép các bên liên quan giữ được thể diện trong một số hoàn cảnh mang nặng tính tình cảm. Đàm phán cấp cao bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa các nguyên thủ quốc gia có thể được dùng cho nhiều lý do, trong đó có việc tạo ra niềm tin vì lợi ích của cộng đồng. Đây cũng là một nhân tố ‘giữ thể diện’ bằng cách cho thấy giải quyết tranh chấp một cách ép buộc là không cần thiết và các bên liên quan có mối liên hệ công tác mạnh mẽ với nhau. Theo Merrills nhận xét: "Ngoại giao cấp cao có thể tạo thuận lợi cho thỏa thuận bằng cách cho phép các thủ tục hành chính được bỏ qua ở một mức độ nhất định trong khi đưa ra một giải pháp để thỏa thuận dưới hình thức nâng cao danh tiếng cho các nhà lãnh đạo có liên quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngoại giao cấp cao thường là đỉnh cao của rất nhiều cuộc đàm phán thông thường khác và ít nhất trong một số trường hợp phản ánh không gì khác ngoài mong muốn tạo ra lợi ích chính trị từ một thoả thuận vốn đã được định sẵn[47].

Cho dù cách xử sự có được tính toán trước hay không, thì thông điệp chính thức và cá nhân rõ ràng mà Mỹ gửi đi cho thấy việc giải quyết thông qua đàm phán sẽ hạn chế cơ hội thành công. Nếu để ý đến tinh thần trong tuyên bố trích ở phần trước của nhân viên Sứ quán Mỹ và các hình thức đàm phán trước đây, có vẻ như đàm phán ad hoc hay cấp cao sẽ có rủi ro là không thúc đẩy được tranh chấp tiến tới một giải pháp mà độc lập với các vấn đề chính trị khác. Các nhà đàm phán ngoại giao cũng có trách nhiệm nặng nề đối với những người ủng hộ họ, những người ở nước ngoài bao gồm cả cộng đồng người di tản và những người làm ăn với phía bên kia. Quan hệ thương mại được cả hai bên đánh giá cao và bởi vậy điều quan trọng đối với các nhà ngoại giao là không được làm tổn hại đến mối quan hệ đang manh nha giữa hai quốc gia, và cũng không được làm phương hại tới những lợi ích trong nước của các công dân nước mình. Điều này có thể dẫn tới việc tránh đi chứ không giải quyết những lĩnh vực tranh chấp quan trọng. Đây là vấn đề thực sự được quan tâm trong trường hợp quan hệ Việt Nam-Mỹ, trong đó các kênh ngoại giao đều khá mới nhưng đã có một lượng lớn các vấn đề ngoại giao đòi hỏi phải thảo luận.

Mặc dù đàm phán với tư cách là phương thức duy nhất giải quyết tranh chấp dường như không hoàn toàn phù hợp cho tranh chấp này nhưng đàm phán có thể tiếp tục giải quyết các vấn đề thủ tục nhằm xác định hình thức một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính tổ chức. Merrills đã chỉ ra rằng phương thức này có những lợi ích đáng kể khi mà một bên được đòi hỏi phải nhượng bộ một cách đáng kể đáp ứng, như trong vụ tranh chấp Hồ Lanoux trong đó “thoả thuận cuối cùng của các bên giải quyết tranh chấp dựa vào trọng tài đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề đã được đàm phán suốt 40 năm và trong việc xoá bỏ được một vấn đề hết sức gai góc giữa Pháp và Tây Ban nha”[48]. Các biện pháp các bên liên quan có thể dựa vào gồm trọng tài, hoà giải, trung gian và điều tra.

  1. Trọng tài

Trọng tài là một công cụ cho phép các bên tranh chấp tham gia tối đa vào việc giải quyết tranh chấp. Các bên có thể đưa ra luật cho trọng tài áp dụng, quyết định cơ cấu, tổ chức và thủ tục của trọng tài.

Trọng tài có thể giải quyết các tranh chấp "thuần tuý quốc tế", tức là các tranh chấp giữa các quốc gia. Tranh chấp lãnh thổ là loại tranh chấp được giải quyết phổ biến bằng hình thức trọng tài. Trọng tài cũng có thể được thành lập để giải quyết các tranh chấp giữa các cá nhân, pháp nhân, giữa cá nhân với nhà nước. Hình thức này cũng được áp dụng nhiều trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư như trọng tài áp dụng luật lệ trọng tài của UNCITRAL, Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), Phòng Thương mại quốc tế v.v... Trọng tài có thể là một cơ quan thường trực (hay đúng hơn là một danh sách thường trực các trọng tài như Toà án trọng tài quốc tế thường trực (PCA).

Trường hợp Toà Khiếu kiện Mỹ - Iran (Iran-American Claims Tribunal) là một ví dụ tiêu biểu cho thấy tính linh động của hình thức giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường trọng tài. Toà trọng tài hỗn hợp này được thành lập năm 1981 theo Tuyên bố An-giê sau khi Đại sứ quán và nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Tê-hê-ran bị bắt làm con tin và Mỹ đóng băng các tài sản cúa Iran ở Mỹ. Toà trọng tài này có thẩm quyền đối với các khiếu kiện của công dân Mỹ đối với nhà nước Iran, các khiếu kiện của công dân Iran đối với Mỹ và các khiếu kiện giữa hai nước.

Mô hình Toà Khiếu kiện Mỹ - Iran có thể áp dụng để đấu tranh đòi Mỹ bồi thường thiệt hại do hành vi sử dụng chất độc hoá học chính do tính linh động nói trên. Đây là một giải pháp ôn hoà và mang tính chính trị nhiều hơn so với các hình thức pháp lý yêu cầu thực hiện trách nhiệm khác, và cũng nhiều khả năng thành công nhất. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là cho phép giải quyết bồi thường thiệt hại theo luật, nhưng hai bên lại có quyền lựa chọn của các bên về trọng tài viên, về luật áp dụng và thủ tục trọng tài. Đặc biệt là mô hình này cho phép giải quyết các khiếu kiện cá nhân, thực hiện công lý một cách ít hoặc không gây căng thẳng thêm trong quan hệ quốc gia.

Hầu hết các trọng tài quốc tế thường được đề cập tới một tòa trọng tài trên cơ sở một điều khoản giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc trong một hiệp định quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho tranh chấp như vấn đề bồi thường thiệt hại do Chất độc da cam được đưa ra tòa trọng tài trên cơ sở sự nhất trí của các bên. Trọng tài là một biện pháp giải quyết tranh chấp phổ biển và dễ hiểu đối với cả Mỹ và Việt Nam và cho phép các bên quyết định phạm vi điều tra, các kết quả giải quyết tranh chấp có thể có và tính chất của trọng tài. Theo Merril, Vụ Beagle Channel đã cho thấy việc lựa chọn một hội đồng trọng tài đã có thể đưa tới một giải pháp mà cả 2 cùng thắng vì trong vụ đó một bên muốn giải quyết vụ việc bằng con đường xét xử bằng Tòa án quốc tế nhưng đã không đáp ứng, yêu cầu của phía bên kia muốn vụ việc được xét xử bằng trọng tài bao gồm các luật gia.

Một số các tổ chức quốc tế đã dự thảo các quy tắc về việc hoạt động của trọng tài và đã thông qua một số các quy tắc nhằm tránh các bất đồng về thành phần và quy tắc trọng tài tiến hành. Một trong các hình thức trọng tài được sử dụng phổ biến nhất là quy tắc trọng tài UNCITRAL được thông qua năm 1976. Các thể chế như Tòa trọng tài thường trực quốc tế có thế cung cấp địa điểm cho trọng tài ở nước thứ ba.

Tòa trọng tài giải quyết yêu sách bồi thường Mỹ-Iran là một hình mẫu giá trị về hệ thống trọng tài mang tính thể chế được thành lập để nghe các yêu sách của cá nhân và nhà nước. Tòa trọng tài này được thành lập năm 1981 theo Tuyên bố về giải quyết các yêu sách và đã giải quyết xấp xỉ 4000 yêu sách kể từ khi được thành lập.

Một trong những ưu điểm của hình thức giải quyết tranh chấp này là cả tranh chấp Nhà nước-Nhà nước và tranh chấp Nhà nước-cá nhân đều có thể được giải quyết theo một hệ thống các quy tắc được chính thức hóa, sử dụng việc kết hợp luật của cả mỗi nước. Sau khi nhất trí về nguyên tắc các điều khoản của việc bồi thường, mỗi cá nhân hoặc các gia đình có thể được coi là một tranh chấp riêng lẻ và được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Trong khi điều này tránh được các vấn đề hành động tập thể đi cùng với các hành động riêng trong nước Mỹ, một vấn đề tồn tại là địa điểm cho trọng tài và các chi phí đi cùng với việc tham dự và đại diện của các bên Việt Nam.

Trọng tài sẽ là một trong nhiều hình thức giải quyết tranh chấp được các bên ủng hộ nếu mà các bên có khả năng đạt được một thỏa thuận sơ bộ và nếu như họ tìm kiếm một giải pháp cuối cùng, có thể được thi hành, mang tính tổ chức cho các yêu sách và một biện pháp bảo đảm rằng việc bồi thường thiệt hại được phân bổ trong các thành viên của các nhóm nạn nhân trên cơ sở từng cá nhân một. Bất tiện lớn nhất sẽ là vấn đề chi phí đi kèm với việc nghe từng vụ việc và các khó khăn trong việc thi hành các biện pháp bảo đảm việc nghe tranh tụng là công bằng và có thể chấp nhận được với cả 2 bên.

 3.2.3 Hội đồng Hoà giải

Hội đồng Hoà giải, giống như trọng tài, là phương pháp giải quyết tranh chấp trên cơ sở đồng thuận khi mà thẩm quyền của các tổ chức giải quyết tranh chấp được các bên trao cho thông qua thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với mức độ tự chủ dành cho các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài hoàn toàn khác biệt với Trọng tài. Khi mà một trọng tài viên chỉ có thể đưa ra phán quyết phù hợp với mong muốn mà các bên tìm kiếm, phạm vi vai trò của ủy ban Hòa giải không phải là việc phân xử và quyết định trong bất cứ trường hợp nào không bị hạn chế trong các yêu cầu mà các bên tìm kiếm. Điều này tạo ra cơ hội cho một giải pháp cùng thắng hơn là giải pháp bên được bên thua vốn được coi là kết quả của trọng tài hoặc quá trình tố tụng.

Hoà giải viên đóng một số vai trò và tạo ra một cơ chế có ý nghĩa cho các bên trong việc giữ thể diện và hạn chế sự khác biệt của họ vào các vấn đề nội dung hơn là các vấn đề mang tính thủ tục. Một số vai trò của hoà giải và hoà giải viên bao gồm:

        -    Giúp việc trao đổi thông tin (trước đàm phán, ngoại giao con thoi);

  • Thăm dò nhu cầu đàm phán ở cấp thấp hoặc bằng cách không chính thức;
  • Giúp tạo các thuận lợi, tóm tắt các tranh chấp, chuẩn bị các văn kiện đưa ra công khai;
  • Giúp thiết lập quan hệ, ổn định và kiểm soát tình cảm của những người chủ chốt, tạo điều kiện xoá bỏ các tranh cãi mang tính cá nhân và cách ly con người khỏi vấn đề;
  • Tạo điều kiện bằng việc can thiệp có tính chất phân tích trong việc giải quyết vấn đề, tìm hiểu các cơ hội không chắc chắn, dự đoán, sử dụng các mô hình bởi các chuyên gia trung lập, giúp đỡ các bên xây dụng các mô hình mẫu mà có thể được sử dụng một cách riêng lẻ hay tập thể;
  • Tạo điều kiện chuẩn bị các thoả thuận mang tính thoả hiệp, khai thác các khác biệt trong việc đánh giá vể khả năng xảy ra của một sự việc, việc không thích mạo hiểm, các thỏa hiệp tạm thời và giá trị của chung và các nhu cầu mang tính hình thức khác.

Cũng giống như trọng tài, Hội đồng hoà giải được đưa ra dưới sự bảo trợ của nhiều tổ chức, bao gồm Toà trọng tài thường trực. UNCITRAL cũng đã dự thảo quy tắc cho Hội đồng hoà giải và đã được hoàn tất vào năm 1980 mà cũng giống như quy tắc trọng tài, có các lợi thế của việc cần thiết phải thảo luận về các vấn đề thủ tục bằng cách thông qua một mô hinh mẫu mang tính quốc tế được chấp nhận.

Merrils cũng chứng minh một số các ví dụ thành công của hình thức hội đồng hòa giải ad hoc bao gồm ủy ban hoà giải Pháp - Camphuchia năm 1947, và đặc biệt là ví dụ về ủy ban Hòa giải Bỉ - Đan Mạch năm 1952. Trong vụ giữa Bỉ- Đan Mạch, Chính phủ Đan Mạch đã yêu cầu chính phủ Bỉ bồi thường thiệt hại do mất 2 tàu buôn trong thời gian chiến tranh khi Bỉ bị Đức xâm lược. Vấn đề pháp luật khá phức tạp là xác định tính chất của tranh chấp, nhưng hội đồng hòa giải đã bị chia rẽ đối với cách tiếp cận vấn đề pháp lý phù hợp. Điều đó đã được xử lý khi Hội đồng bỏ qua những vấn đề chưa được giải quyết này và đề xuất một giải pháp tổng thể có tính đến những vấn đề không rõ ràng về mặt pháp lý[49]. Có rất nhiều điểm giống nhau giữa vụ tranh chấp Bỉ- Đan Mạch và vụ tranh chấp giữa Mỹ- Việt Nam và vụ việc cho thấy khả năng sử dụng thủ tục hội đồng hòa giải. Cuối cùng một ưu điểm khác của hội đồng hòa giải là nó có thể kết hợp rất tốt với các thủ tục khác để tạo ra một thủ tục mang tính kết hợp như Hội đồng hòa giải - trọng tài (được đề cập dưới đây).

  1. Hoà giải

Hoà giải có thể được coi như là một hình thức đàm phán có định hướng hay có tổ chức (structured) với người hoà giải đóng vai trò làm bên thứ 3 trung lập trong việc tạo thuận lợi hoặc định hướng cho các bên nhằm đạt tới một giải pháp cho tranh chấp của họ. Trên trường quốc tế, rất nhiều tổ chức quốc tế như là Liên hợp quốc, Hội chữ thập đỏ quốc tế đề xuất việc thực hiện vai trò của người hoà giải; vai trò người hòa giải cũng có thể do một quan chức nhà nước cao cấp của một quốc gia trung lập thứ 3 đảm nhiệm. Giống như đàm phán, bản chất thoả thuận của hoà giải làm cho việc các bên tham dự đầy đủ vào quá trình trở thành hết sức cần thiết nếu như tranh chấp được giải quyết.

Phẩm chất cá nhân của người hoà giải đóng vai trò then chốt trong tiến trình hoà giải do công việc hết sức quan trọng của người hòa giải là thiết lập mối quan hệ với tất cả các bên và khuyến khích họ bày tỏ lợi ích, thực hiện việc nhân nhượng, xem xét các đề xuất và các phản đề xuất về giải pháp cho tranh chấp. Một chức năng quan trọng khác của người hoà giải là kiểm tra thực tế bất cứ một giải pháp nào được đưa ra nhằm bảo đảm rằng các bên sẽ tự nguyện và có khả năng thực hiện thỏa thuận của mình - điều này đặc biệt quan trọng khi mà bản thân những nhà hoà giải không có thẩm quyền ép buộc các bên phải giữ quyết định và ở cấp độ quốc tế không có việc đưa ra một toà án do sự vi phạm thoả thuận về giải quyết tranh chấp. Boule[50] đã xác định 4 loại hoà giải khác nhau, trong mỗi loại đó các nhà hoà giải sẽ đóng các vai trò khác nhau:

Hoà giải nhằm giải quyết: tập trung vào việc tìm ra một giải pháp thỏa hiệp giữa các quan điểm đã được ấn định và thông thường chỉ liên quan riêng đến việc bồi thường thiệt hại mang tính chất tiền tệ;

Hòa giải mang tính chất hỗ trợ trong đó hòa giải viên - tiến hành việc hoà giải theo một giới hạn chặt chẽ nhằm xác định vấn đề một cách toàn diện, tập trung vào nhu cầu và lợi ích của các bên và cố gắng xây dựng một giải pháp mang tính đột phá mà các bên có thể áp dụng vào giải quyết vấn đề”[51].

Hòa giải mang tính liệu pháp: tập trung chủ yếu vào vấn đề bên trong quan hệ giữa các bên mà gây ra tranh chấp. Loại hình này thường được đề cập tới như là hình thức hoà giải chuyển tiếp; và

Hòa giải mang tính chất đánh giá: trong đó chuyên môn cá nhân của nhà hoà giải được sử dụng để “định hướng và đưa ra lời khuyên” cho các bên. Hoà giải mang tính chất đánh giá thường được tiến hành bởi các luật sư hoặc cách chuyên gia về lĩnh vực tranh chấp, những người có khuynh hướng sử dụng sự phán đoán của họ về các kết quả có thể xảy ra tại trọng tài hoặc quá trình tố tụng để hướng các bên tới một giải pháp.

Như đã được nêu ở phần đầu của phần này, tập trung chính của Việt Nam chủ yếu là trên vấn đề bồi thường thiệt hại, do việc công lý được phục hồi về thực chất được xem là một việc làm quá tốn kém. Cũng tương tự như vậy, dường như có một nhận thức mang truyền thống văn hóa và lịch sử như là những cân nhắc mang tính lâu dài và không có một nhận thức giống nhau là quan hệ cần được hàn gắn - hơn là quan hệ tự nó sẽ được hàn gắn qua thời gian. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận thức của phương Tây là việc “khép lại” xung đột là hoàn toàn cần thiết và mối quan hệ cần được khôi phục lại một cách tích cực. Vì những lý do này, dường như việc hòa giải mang tính liệu pháp có thể không thích hợp trong bối cảnh, ở một khía cạnh khác, việc tập trung vào đòi bồi thường thiệt hại không có nghĩa là việc giải quyết thông qua hòa giải là một lựa chọn thích hợp. Nếu như đề xuất một hòa giải viên, các bên cần lưu ý là tư cách cá nhân của hòa giải viên, mức độ tin cậy của người này với bên kia và có hay không việc hòa giải do hòa giải viên đó tiến hành phù hợp với ý tưởng của các bên về việc họ muốn tranh chấp được giải quyết thế nào.

 3.2.5. Uỷ ban điều tra:

Đặc điểm chính của một Ủy ban điều tra để phân biệt nó với các loại hình xét xử khác là phạm vi vai trò của uỷ ban điều tra: dù là lâm thời hay mang tính thể chế, vai trò các thành viên uỷ ban được giới hạn trong việc tìm hiểu thực tế hơn là đưa ra một quyết định giải quyết tranh chấp. Nhìn chung, uỷ ban không có quyền quyết định bất cứ vấn đề pháp luật hoặc quyết định chính thức bất cứ hình thức trách nhiệm nào, mặc dù Bar Yaacov giải thích rằng thuật ngữ điều tra đã không được sử dụng một cách đồng nhất trong cả thực tiễn lẫn trong việc nghiên cứu, ghi nhận rằng một loạt các hoạt động tìm hiểu thực tế do Liên hợp quốc (hoặc Hội quốc liên trước đây) tiến hành thường được đề cập tới như là “hoạt động điều tra”.

Ví dụ về sự thành công của ủy ban điều tra bao gồm Nhóm điều tra tình hình Hungary (1956), Ủy ban đặc biệt về chính sách Apertheid của chính phủ Cộng hoà Nam phi (1961), Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc về các sự kiện biên giới Hy Lạp (1946), về các xung đột biên giới giữa Honduras và Nicaragua (1957), Panama và Cu Ba (1958), và giữa Venezuela và Cộng hoà Dominicana (1960).

Các quy định pháp lý chính được pháp điển hóa về ủy ban điều tra được phát triển từ các Công ước La Hay về Giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế năm 1899 và 1907. Quy tắc thủ tục lựa chọn cho ủy ban điều tra về tìm hiểu sự thật của của Toà trọng tài thường trực đã được thông qua năm 1997 và mội lần nữa được dựa trên quy tắc UNCITRAL.

3.3. Các thủ tục mang tính kết hợp:

Bản chất thỏa thuận của các thủ tục giải quyết tranh chấp có nghĩa là các cũng có thể đưa ra một hình thức giải quyết tranh chấp mang tính kết hợp, theo đó các bên thỏa thuận trước việc chuyển từ thủ tục này sang thủ tục khác trong trường hợp không đạt được giải pháp cho tranh chấp.

Một số thủ tục mang tính kết hợp có khả năng đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của các bên bao gồm:

Kết hợp giữa hoà giải-trọng tài: đây là một hình thức phổ biến cho việc giải quyết tranh chấp trong nước do nó cho phép các bên cơ hội đạt được một thoả thuận thông qua việc đồng thuận, nhưng họ được bảo đảm rằng một thỏa thuận mang tính ràng buộc cuối cùng sẽ được một Hội đồng trọng tài đưa ra trong trường hợp việc hòa giải không đưa tới giải pháp cho tranh chấp. Các bên cũng có thể muốn thỏa thuận về tính chất của Hội đồng trọng tài trước khi đưa ra hoà giải hoặc họ cũng có thể tìm kiếm việc chỉ định một Hội đồng trọng tài như là kết quả cuối cùng của việc hoà giải. Việc kết hợp này cho phép cả 2 bên cơ hội thiết lập quan hệ giữa các bên (thông qua hoà giải) với việc tin tưởng là tranh chấp cuối cùng sẽ được giải quyết vào thời điểm kết thúc của quá trình giải quyết tranh chấp với một quyết định trọng tài có thể được thi hành.

Kết hợp giữa Hội đồng hòa giải - trọng tài: Có các đặc điểm tương tự như việc kết hợp giữa hoà giải - trọng tài được nêu trên, hình thức này là một lựa chọn cho phép tranh chấp được giải quyết thông qua Hội đồng duy nhất mà vai trò của Hội đồng sẽ được chuyển từ là người tạo điều kiện thuận lợi sang người xét xử nếu như thỏa thuận không đạt được ở thủ tục thứ nhất (Hội đồng hòa giải).

Kết hợp giữa hòa giải - Hội đồng hòa giải: Thủ tục này có một số điểm tương tự như thủ tục Hội đồng hòa giải - trọng tài nêu trên ngoại trừ việc các bên giữ một quyền kiểm soát về phạm vi của giải pháp và xem xét một loạt các giải pháp trong phạm vi lớn hơn do Hội đồng đưa ra.

Kết hợp giữa điều tra - đàm phán: thủ tục này có lợi thế là tránh được vấn đề trách nhiệm hoặc việc áp đặt một giải pháp thông qua xét xử đối với các bên. Sử dụng Uỷ ban điều tra có thể tuyên bố về các vấn đề thiệt hại chính và các bên sau đó có thể tự đàm phán về một thoả thuận giữa họ.

Kết hợp giữa điều tra - trọng tài: như đã dược trình bày ở trên, thủ tục này cũng như các thủ tục khác có lợi thế trong việc tránh đề cập vấn đề trách nhiệm. Tuy nhiên, nó khác là một biện pháp được ấn định cho việc phân bổ và phán xử các yêu sách cá nhân được quyết định và do đó được quyết định một cách duy nhất bằng bên thứ 3.

 

PHẦN THỨ BA

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ VỀ CÁC ĐỀ ÁN CẦN TRIỂN KHAI NHẰM YÊU CẦU MỸ CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HẬU QUẢ SỬ DỤNG CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

  1. Kết luận.

1.1. Về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

  1. Ý nghĩa của vụ kiện

Thay mặt cho thân chủ là các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ngày 7/3/2008, nhóm luật sư Mỹ đã nộp đơn lên Tòa phúc thẩm Mỹ đề nghị xem lại việc bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân dioxin Việt Nam trong vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), khẳng định nếu đơn thỉnh cầu không được xem xét thì các nạn nhân VN sẽ kháng án lên tòa tối cao Mỹ. Tuy hiện nay Toà phúc thẩm Mỹ đã quyết định bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng như khả năng Toà án tối cáo xem xét lại vụ kiện này là không nhiều nhưng đây là những việc làm đúng đắn từ phía Hội các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, khẳng định chủ trương đấu tranh đến cùng trước Toà án Mỹ để đòi công lý, đồng thời cũng góp phần quan trọng trong ý nghĩa chính trị và xã hội của vụ kiện.

Đánh giá về ý nghĩa của vụ kiện từ khi bắt đầu (ngày 30/1/2004) cho đến thời điểm Toà án phúc thẩm Mỹ (ngày 22/2/2008), chúng ta hơn 4 năm của vụ kiện là thời gian để dư luận thế giới và trong nước có dịp nhìn lại và đánh giá lại hậu quả nặng nề của tội ác sử dụng chất độc da cam của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Thành công quan trọng của vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam là đã góp phần làm cho nhân dân nhiều nước thấy rõ hơn thảm hoạ của chất độc dioxin đối với quyền sống, quyền bảo vệ nòi giống của những thế hệ hiện tại và tương lai của con người và các loài, đối với môi trường và sinh thái. Nhiều công dân Mỹ và công dân một số nước Châu Mỹ La tinh, qua những gì mà Đoàn Việt Nam trình bày tại “Diễn đàn xã hội nhân dân” tại Alegro Porto, Brasil, mới biết được rằng cách đây 30 năm, với cái tên tưởng chừng vô hại: “Chiến dịch khai quang bằng chất làm rụng lá cây”, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hoá học dài ngày nhất trong lịch sử các cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học trên thế giới. Thiệt hại do chiến tranh hoá học gây ra là rất thảm khốc, không kém vũ khí giết người hàng loạt. Sự ủng hộ nạn nhân Việt Nam về các phương diện tăng lên hàng ngày. Sự lên án và đòi Mỹ bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam ngày càng gay gắt. Nhiều nhà khoa học, nhiều chính khách, trong đó có cả những người Mỹ tuyên bố rằng có thể tiếp tục bàn cãi về vấn đề khoa học nhưng việc giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam khắc phục hậu quả thì phải làm ngay, không thể trì hoãn thêm nữa. Đó là đạo lý.

Giới chức Mỹ đã tỏ ra lo ngại cho sự hình thành một Mặt trận nhân dân thế giới lên án Mỹ vi phạm nhân quyền, Mỹ phạm tội ác chiến tranh. Mỹ lo sợ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam sẽ “mở toang cánh cửa” cho rất nhiều vụ kiện chất da cam khác tiếp theo. Đây là lời bày tỏ công khai của Luật sư công đại diện Bộ Tư pháp Mỹ. Giới chủ Mỹ rất lo ngại cho tương lai của ngành công nghiệp hoá chất diệt cỏ dại và côn trùng ở Mỹ sẽ bị đình đốn nếu như tác hại của dioxin bị phơi bày. Giới chủ và giới chức Mỹ chống đối vụ kiện một cách quyết liệt là điều mà ta đã thấy trước. Cuộc đấu tranh còn phải tiếp tục trong nhiều năm tháng nữa. Nhưng các nạn nhân Việt Nam sẽ giành được thắng lợi vì mục đích vụ kiện là phù hợp với lương tri loài người. Vụ kiện sẽ tập hợp được ngày càng đông hơn, mạnh hơn nhiều lực lượng bất kể họ là người của nước nào, thuộc chế độ chính trị xã hội nào, thuộc tín ngưỡng nào để đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền trước tiên của con người.

Bên cạnh ý nghĩa chính trị xã hội, vụ kiện cũng có ý nghĩa về mặt pháp lý hết sức quan trọng. Phán quyết sơ thẩm của thẩm phán Weitein đã thừa nhận địa vị pháp lý của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong việc đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin kiện các công ty hoá chất Mỹ. Vấn đề thời hiệu khởi kiện cũng đã được Toà án chấp nhận. Toà đã buộc phải đưa ra và giải quyết vấn đề liệu việc sử dụng chất da cam của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam ở Mỹ có vi phạm pháp luật quốc tế hay không. Như đã phân tích ở trên, cách giải quyết vấn đề này của Toà án phúc thẩm liên bang số 2 Liên bang Mỹ rõ ràng là đầy mâu thuẫn, bóp méo sự thật và đã là chủ đề cho dư luận thế giới, đặc biệt là giới luật gia pháp luật quốc tế chỉ trích. Vấn đề pháp luật quốc tế được đề cập trong vụ kiện cũng là những kinh nghiệm hết sức quý báu cho Việt Nam trong việc chuẩn bị các căn cứ pháp lý để đưa vấn đề ra Toà án quốc tế trong thời điểm phù hợp.

1.1.2. Những bài học kinh nghiệm.

Qua vụ kiện đặc biệt này, chúng ta cũng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, chuẩn bị cho các bước đấu tranh sau này. Bước đầu qua các phân tích của Đề tài xin nêu một số bài học kinh nghiệm cụ thể như:

a/ Cần chuẩn bị hồ sơ chứng cứ và các luận chứng khoa học đầy đủ hơn

Do hạn chế về thời gian, các nguyên đơn Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống chứng cứ, chứng lý từ đó chưa có sự lựa chọn những chứng cứ có tính thuyết phục cao nhất để sử dụng trong vụ kiện. Chứng cứ được đưa ra trước Toà chưa có tính hệ thống cao, nhiều chứng cứ không thể sử dụng được. Công tác phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước hữu quan với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và với các luật sư của nguyên đơn trong việc tạo ra và chuẩn bị chứng cứ để cung cấp trong vụ kiện còn được thực hiện chưa đồng bộ.

Liên quan đến chứng cứ, Toà sơ thẩm đã cho rằng:

  • Thứ nhất, hồ sơ bệnh lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đệ trình lên Toà án Liên bang Mỹ chưa đầy đủ và không được chấp nhận theo các quy định của luật pháp Mỹ;
  • Thứ hai, những bằng chứng của nguyên đon chưa đủ để chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa các căn bệnh mắc phải và chất độc da cam vì vậy không thể chứng minh chất độc da cam đã trực tiếp gây ra bệnh cho các nguyên đơn;
  • Thứ ba, nguyên đơn thiếu các cuộc nghiên cứu quy mô về những tổn hại của sức khỏe con người do thuốc diệt cỏ gây ra.

b/ Mặc dù là vụ kiện dân sự nhưng đã cho thấy Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến vấn đề chất độc da cam và tham gia sâu vào vụ kiện nhằm gây sức ép cho Toà án bác bỏ đơn kiện của nquyên đơn Việt Nam.

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn luôn tự cho mình quyển được đứng trên tất cả các quốc gia khác trên thế giới và duy trì vị trí số 1 của mình. Với vị thế này, Mỹ ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trên thế giới và giữ tiếng nói áp đảo đối với các nước đồng minh, thậm chí cả trong Liên Hiệp Quốc khi quyết định các vấn đề quan trọng có tính quốc tế.

Vào thời điểm ba nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đầu tiên quyết định khởi kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đang phải đối mặt với những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến tranh Iraq, những chính sách thù địch mà Mỹ đang theo đuổi áp dụng đối với Bắc Triều Tiên và Iran. Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khơi dậy sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế đối với Mỹ vốn đã ngấm ngầm trong suốt một thời gian dài thành một làn sóng công kích công khai, đẩy Mỹ vào thế cô lập và mất đi tiếng nói quyết định trên chính trường quốc tế. Với vụ kiện dioxin Việt Nam, cộng đồng quốc tế đang chĩa mũi nhọn công kích vào phía Mỹ khiến không chỉ các công ty hoá chất mà cả Chính phủ Mỹ đã và đang vấp phải một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước.

Từ một vụ kiện dân sự, sự ủng hộ to lớn của dư luận quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trở thành một áp lực về mặt chính trị đối với Mỹ và Mỹ lo ngại rằng vụ kiện sẽ ảnh hưởng đến vị trí và thế áp đảo chính trị vốn có của Mỹ.

Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hoá chất Mỹ vốn dĩ đơn thuần chỉ là một vụ kiện dân sự thông thường, nhưng với ý nghĩa đặc biệt, vụ kiện đã trở thành một sự kiện có tiếng vang và có hiệu ứng mạnh mẽ. Các công ty của Mỹ đang phải đối mặt với một vụ kiện vượt ra khỏi lãnh thổ Mỹ với một số lượng nguyên đơn khổng lồ không chỉ trong thời điểm này mà còn là trong tương lai gần. Chính vì vậy, vụ kiện sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với dư luận tại chính Mỹ cũng như dư luận toàn thế giới.

Mỹ nhận thức được những ảnh hưởng mà vụ kiện này có thể mang lại và lo ngại về ảnh hưởng được gọi là hiệu ứng Domino của vụ kiện.

Trước khi diễn ra phiên tranh tụng, Chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách để ép Thẩm phán Weinstein phải bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bởi vì Mỹ lo ngại rằng vụ kiện sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với cộng đồng quốc tế và ảnh hưởng đến những mục tiêu mà Mỹ đang theo đuổi.

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống kiêm luôn chức Tổng Tư lệnh quân đội, nhất là vào thời chiến, quyền này rất quan trọng, bao trùm lên tất cả. Vào thời điểm đó, người duy nhất ra lệnh cho quân Mỹ tại Miền Nam Việt Nam rải chất khai quang (có chứa dioxin) xuống nhiều nơi để tiêu diệt “Việt Cộng” là Tổng thống Richard Nixon và Johnson. Trong trường hợp Toà án thụ lý đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và sau đó xử 37 Công ty Hoá chất Mỹ thua kiện sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận quyết định của Tổng thống Mỹ yêu cầu sử dụng chất khai quang là sai lầm. Điều này một mặt sẽ làm mất uy tín của Tổng thống Mỹ nhưng quan trọng hơn cả là sẽ ảnh hưởng đến quyền phát động chiến tranh của Tổng thống - một mục tiêu mà Mỹ đang theo đuổi để có thể can thiệp một cách công khai vào các quốc gia độc lập có chủ quyền mà Mỹ xem là “kẻ thù”, là “đối thủ” của mình.

Vụ kiện đã, đang và sẽ tạo ra dư luận mạnh mẽ trong cộng đồng thế giới về trách nhiệm của Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Luồng dư luận này sẽ tác động mạnh mẽ đến xã hội Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Mỹ và con em họ đang tham chiến tại Iraq và có thể cả chiến trường Iran, Apganixtan. Điều đó sẽ không có lợi cho chính quyền Mỹ đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động đang có chiều hướng bế tắc, con số lính Mỹ tử trận và thương vong tại chiến trường Iraq không hề có chiều hướng suy giảm. Và ngoài việc Mỹ đang phải đối phó với dư luận trong nước xung quanh những vấn đề của chiến tranh Iraq thì lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã không thể tuyển đủ quân trong mùa tuyển quân.

Cùng với những bế tắc tại chiến trường Iraq, những vấn đề nội bộ vẫn chưa được tháo gỡ, hiện nay Mỹ cũng đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả một số nước đồng minh của Mỹ, liên quan đến mục tiêu phát động chiến tranh và quyền can thiệp nội bộ mà Mỹ đang theo đuổi.

Như vậy, nếu vụ kiện này xảy ra và giành thắng lợi nó sẽ cổ động cho phong trào phản kháng đối với Mỹ, dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ đối với sức mạnh và quyền lực mà Mỹ áp đặt đối với các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trên chính trường quốc tế.

Mặt khác, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có nguy cơ sẽ là màn mở đầu của một loạt các vụ kiện tương tự của các nạn nhân từ các quốc gia trước đây là đồng minh, chư hầu của Mỹ đã gửi quân tham chiến tại chiến trường Việt Nam cũng như từ các quốc gia cùng phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong một tương lai gần.

Trước đây, chính phủ Mỹ không thừa nhận về sự tồn tại của vấn đề nạn nhân chất độc da cam của cựu binh các nước đồng minh đã gửi quân tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam cùng Mỹ (gồm các nước Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan) cũng như nạn nhân của các nước láng giềng của Việt Nam cũng phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam (là Lào và Campuchia).

Tuy nhiên theo động thái của các nước có liên quan đến vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì các nước này cũng đang sẵn sàng để chuẩn bị tiến hành khởi kiện đối với các Công ty Hoá chất Mỹ. Hiện nay Chính phủ Australia đang chuẩn bị cho các nghiên cứu về các tác hại của chất độc da cam đối với các cựu binh Australia đã từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Tại New Zealand, Chính phủ đã phải xin lỗi các cựu binh về những bệnh tật do tác hại của chất độc da cam mà các cựu binh đã mắc phải khi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ phát động. Còn báo chí Campuchia cũng kêu gọi Chính phủ tiến hành các nghiên cứu cụ thể và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam của nước này khởi kiện đòi các Công ty Hoá chất Mỹ phải bồi thường cho những bệnh tật mà họ mắc phải do ảnh hưởng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trước đây, năm 1969, Campuchia cũng đã đòi Mỹ phải bồi thường cho những thiệt hại do chất độc da cam gây ra.

Trong trường hợp vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các Công ty Hoá chất Mỹ được thụ lý và 37 Công ty Hoá chất Mỹ bị xử thua kiện thì vụ kiện này sẽ là một tiền lệ nguy hiểm có khả năng buộc Mỹ phải đối mặt với đơn kiện của một loạt các nạn nhân chất độc da cam của các nước đồng minh trước đã gửi lính tham chiến cùng Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và các nạn nhân tại các nước cũng bị phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây là điều mà cả các công ty hoá chất và Chính phủ Mỹ đều không muốn phải đối mặt.

c/ Cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ.

Trước tiên phải thấy rằng công tác phối hợp, sự giúp đỡ từ phía các cơ quan Nhà nước hữu quan với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện còn lỏng lẻo. Để hỗ trợ Hội nạn nhân da cam/dioxin về các vấn đề pháp lý có liên quan, ngày 01/12/2004, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 958/VPCP-KG thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Bộ Tư pháp chỉ đạo việc nghiên cứu tìm hiểu Luật Mỹ liên quan đến vụ kiện, theo sát diễn biến vụ kiện để tư vấn cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam về mặt pháp lý". Trên thực tế thì mối liên hệ giữa Bộ Tư pháp và Hội nạn nhân chất độc da cam tuy đã hình thành và có một số hoạt động nhất định nhưng còn mang tính chất sự vụ, không có kế hoạch phối hợp mang tính định hướng lâu dài và xuyên suốt trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ vụ kiện. Về mặt đối ngoại, mặc dù Nhà nước đã khẳng định chủ trương ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin khi họ tiến hành vụ kiện chống lại các công ty hoá chất, tuy nhiên việc tham gia chính thức vào vụ kiện của Chính phủ còn chưa được tiến hành. Thực tế diễn biến vụ kiện cho thấy khi Toà án Mỹ xét xử, các bên có liên quan đều có thể bày tỏ sự quan tâm tới vụ kiện và gửi Toà án các "Văn bản bạn của Toà" (Amicus). Chính phủ Mỹ đã rất quan tâm đến vụ kiện này và luật sư của Chính phủ Mỹ tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều đã gửi các văn bản trình Toà. Tại các phán quyết của Toà, nhiều đoạn văn đã được trích dẫn từ các Amicus của Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, về phía Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin khi tiến hành vụ kiện cũng chưa đề ra được kế hoạch, chương trình hành động dài hạn và chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan của Nhà nước. Công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan hữu quan với bộ phận thường trực về vụ kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn yếu, dẫn đến khi có tình huống mới ta thường bị động, hạn chế về thời gian. Cách thức xây dựng quan hệ phối hợp giữa nguyên đơn và Luật sư Mỹ, thời gian đầu cũng có nhiều điểm chưa thống nhất giữa ý đồ khởi kiện của nguyên đơn (đại diện là Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) và ý kiến của các luật sư Mỹ. Chúng ta cũng chưa xây dựng được một kế hoạch chi tiết về sự phối hợp giữa Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các cơ quan ban ngành liên quan, các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế và chính phủ các nước trên thế giới để tạo ra sự thống nhất trong hành động.

 1.2. Về các biện pháp đấu tranh tư pháp khác.

Về mặt lý thuyết, như đã phân tích trong chương III của Phần thứ hai, có một số biện pháp đấu tranh tư pháp khác có thể được xem xét áp dụng trong vụ việc nàv, bao gồm: Chính phủ Việt Nam khởi kiện Chính phủ Mỹ ra Toà án quốc tế thuộc Liên hợp quốc; khởi kiện các cá nhân phạm tội do hành vi sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam ra Toà án hình sự quốc tế; áp dụng phương pháp trọng tài... Trong các biện pháp này, thì khả năng kiện ra Toà án quốc tế được xem là khả năng có nhiều cơ sở pháp lý khả thi nhất và có tác động về mặt chính trị cũng như xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, việc khiếu kiện này vào thời điểm hiện nay là không khả thi do phía Chính phủ Mỹ đã tỏ rõ quan điểm phản đối việc xem xét vấn đề về chất da cam ở Việt Nam cũng như tình hình chính trị thực tế đang diễn ra trên thế giới.

Cũng có một khả năng khác nữa, đó là khởi kiện vụ việc dân sự tại Toà án Việt Nam. Việc này có thể được tiến hành nếu Quốc hội ra Nghị quyết áp dụng thời hiệu và quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự trong việc giải quyết vụ việc này. Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn phương án này cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá các tác động của vụ kiện liên quan đến các yếu tố chính trị, ngoại giao và các yếu tố khác. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép xét xử vụ kiện chất độc da cam sẽ là sự kiện lớn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như gây ra những ý kiến khác nhau xung quanh việc áp dụng pháp luật dân sự và cách tính thời hiệu khởi kiện. Mặt khác, việc thi hành một bản án này sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại khi xin công nhận và thi hành bản án (nếu có) tại Mỹ, đó là chưa kể đến một số khó khăn khác trong việc xét xử như vấn để điều tra thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Một số vấn đề khác cần được cân nhắc đối với việc áp dụng các biện pháp tư pháp là khả năng có những rủi ro đối với hàng xuất khẩu nông sản, thuỷ sản Việt Nam cũng như phát sinh những căng thẳng về mặt ngoại giao giữa hai nước.

Tóm lại, việc áp dụng các biện pháp tư pháp (khởi kiện) để yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vấp phải một số trở ngại, trong đó có cả trở ngại về thủ tục pháp lý cũng như trở ngại về mặt chính trị. Tuy nhiên, vấn đề thời gian tiến hành cũng như kế hoạch thực hiện cần được tính toán hết sức cụ thể và chi tiết.

1.3. Việc sử dụng các biện pháp thay thế tư pháp, chính trị - pháp lý

Trong khi việc tìm kiếm các biện pháp tư pháp để xác định trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, việc xem xét đến các biện pháp thay thế khác, không mang tính chất tố tụng là rất cần thiết. Qua phân tích, chúng ta có thể thấy hành động pháp lý vừa qua của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có vai trò quan trọng, thúc đẩy các bên đi tìm kiếm các biện pháp ngoài tư pháp để giải quyết vấn đề. Đối với trường hợp cụ thể này, cần thiết phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh khác nhau nhằm mục đích cuối cùng là khắc phục càng nhanh càng tốt hậu quả của chất độc hoá học đối với con người và môi trường thiên nhiên Việt Nam. Các biện pháp thay thế đã được đề cập tại mục 3.2 Chương III Phần thứ hai đều có thể được sử dụng có hiệu quả trong vụ việc này, như: đàm phán, trọng tài, hoà giải, thành lập Uỷ ban điều tra. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng các biện pháp kết hợp, như: kết hợp giữa hoà giải - trọng tài; kết hợp giữa Hội đồng hòa giải - trọng tài; kết hợp giữa hòa giải - Hội đồng hòa giải; kết hợp giữa điều tra - đàm phán; kết hợp giữa điều tra - trọng tài.

  1. Kiến nghị về các Đề án cần triển khai nhằm yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.
    1. . Đề án tiếp tục đấu tranh với các công ty hóa chất sản xuất chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Trong phần kết luận chúng ta có thể thấy rằng cuộc chiến với các công ty hoá chất Mỹ tại Toà án Mỹ vẫn đang tiếp tục và cần được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, không chỉ diễn ra tại Toà án Mỹ mà còn có thể mở rộng ra tại các diễn đàn trong nước cũng như quốc tế với các hình thức, các phương pháp đấu tranh khác nhau. Để làm được việc này, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng cũng như các nạn nhân chất độc da cam nói chung cần có sự quan tâm, ủng hộ từ Nhà nước và toàn thể xã hội.

Đề án tiếp tục đấu tranh với các công ty sản xuất chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cần được tiến hành với những mục tiêu không chỉ xác định trách nhiệm vật chất từ phía các công ty này mà còn nhằm một mục tiêu cao hơn đó là thu hút sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, Đề án cần tập trung vào các hoạt động chính sau:

  • Thứ nhất, tăng cường nhân lực, nguồn lực tiếp tục đấu tranh tại Tòa án Mỹ. Chúng ta cần xác định sẽ theo đến cùng vụ kiện. Phương án trình vụ việc lên Toà án tối cao Mỹ cần được chuẩn bị một cách chu đáo, súc tích. Việc Toà án tối cao Mỹ xem xét vụ việc về chất độc da cam/dioxin Việt Nam chắc chắn sẽ có tác động về mặt chính trị - xã hội to lớn.
  • Thứ hai, đẩy mạnh việc đàm phán, thương lượng. Việc đàm phán, thương lượng là phương án hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Đàm phán, thương lượng không chỉ nhằm mục tiêu đòi bồi thường mà còn nhằm cho thế giới thấy tinh thần khoan dung, nhân đạo của nhân dân ta. Trong việc đàm phán, thương lượng, cần tính toán phương án đàm phán thông qua "môi giới" bởi các tổ chức luật sư có uy tín của Mỹ cũng như quốc tế.
  • Thứ ba, tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế và trong nước giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
  • Thứ tư, tập trung đánh giá tác động của việc khởi kiện các công ty hoá chất tại Việt Nam hay tại một thứ ba tương tự như vụ kiện của các cựu chiến binh Hàn Quốc.

Cơ quan chủ trì: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Về phía các cơ quan Nhà nước cũng cần phối hợp chặt chẽ, thể hiện sự ủng hộ đối với các hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

2.2. Đề án triển khai sử dụng các biện pháp chính trị - pháp lý;

Việc sử dụng các biện pháp đấu tranh chính trị - pháp lý đã và đang được tiến hành trong việc xác định trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, công việc này còn tiến hành một cách đơn lẻ, bột phát, chưa có đề án triển khai lâu dài và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan.

Mục tiêu của Đề án là nhằm cho dư luận thế giới thấy rõ sự thật về việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam cũng như xác định trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại.

Để đạt được mục tiêu, các nội dung chính của Đề án gồm:

  • Sử dụng các diễn đàn quốc tế: Chúng ta có thể xem xét việc một lần nữa đưa vấn đề Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam ra các diễn đàn chính trị quốc tế. Tại những diễn đàn này, cơ sở pháp lý vẫn là một vũ khí quan trọng. Trên một số diễn đàn, vấn đề bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam vẫn là một vấn đề có tính thời sự. Năm 1999, Hội luật gia dân chủ thế giới đã ra nghị quyết lên án Mỹ sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam và yêu cầu bồi thường do thiệt hại gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất độc hoá học. Tuy nhiên, mức độ gây chú ý của vấn đề còn phụ thuộc vào từng diễn đàn. Đại hội đồng Liên hợp quốc thường tập trung vào các vấn đề có tính chất thời sự nổi bật trên thế giới. Chúng ta cũng có thể chủ động lồng ghép vấn đề này tại các diễn đàn có tính chất chuyên môn như Uỷ ban nhân quyền, các Hội nghị về môi trường, Phong trào không liên kết v.v...
  • Chuẩn bị các phương án đàm phán với Mỹ, sử dụng các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.
  • Xúc tiến việc thành lập Ủy ban điều tra. Một uỷ ban điều tra là hình thức hoàn toàn thích hợp cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do Chất độc da cam giữa Việt Nam-Mỹ. Cụ thể, việc thiết lập một uỷ ban với đại diện từ cả 2 nước và với một chủ tịch uỷ ban là người trung lập sẽ cho phép việc xem xét và thẩm định thiệt hại mà không động chạm đến vấn đề pháp lý và vấn đề trách nhiệm. Điều này là có lợi cho cả hai bên vì nếu xét từ quan điểm của Việt Nam, các tranh cãi pháp lý tốn kém và những hành động tạm thời có thể tránh được, còn đối với phía Mỹ, vấn đề trách nhiệm sẽ không được thảo luận. Trong khi điều này một thập kỷ trước đây có thể không phải là một nhân tố mang tính thúc đẩy mạnh mẽ cho phía Mỹ nhưng do kết quả của việc nghiên cứu gần đây ở Mỹ, người ta đã thừa nhận rằng: “Chính phủ và những nhà sản xuất Chất độc da cam không nghi ngờ gì đã biết trước khi Chất độc màu da cam được rải là dioxin là một chất rất độc hại có thể đưa đến những nguy hiểm cho những người tiếp xúc". Cũng có những lý do để tin rằng cả chính phủ lẫn những nhà sản xuất đều không thực hiện trách nhiệm tiến hành những thí nghiệm và kiểm tra thích hợp trước khi sản xuất và sử dụng hóa chất, tiết lộ nhanh chóng về các nguy hiểm và thi hành các biện pháp đề phòng cần thiết thông qua việc cảnh báo và các việc làm tương tự”[52].
  • Thúc đẩy và tham gia pháp điển hóa luật quốc tế liên quan đến sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh và luật hình sự quốc tế liên quan đến trách nhiệm cá nhân do các tội phạm quốc tế và cơ chế thực hiện. Tích cực tham gia xây dựng những quy phạm pháp luật chống lại việc sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh và trừng phạt hành vi sử dụng chất độc hoá học chính là một thái độ đúng đắn, tạo tiền đề cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân của việc sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam. Để phục vụ yêu cầu này, hiện nay, chúng ta cần tập trung vào một số tiêu điểm của quá trình pháp điển hoá luật pháp quốc tế có liên quan, như: việc xây dựng quan điểm rõ ràng về Quy chế Rome của Toà án hình sự quốc tế trên cơ sở đối chiếu, so sánh tội ác Mỹ và các cá nhân Mỹ phạm phải do sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam với những tội ác quốc tế thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án hình sự quốc tế; tích cực bày tỏ quan điểm về Toà án hình sự quốc tế gắn với đấu tranh đòi Mỹ bồi thường thiệt hại do sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam; theo dõi và thể hiện thái độ rõ ràng về phán quyết của Toà án quốc tế trong vụ Lệnh bắt (Công-gô kiện Bỉ) -vụ kiện được coi là một "phép thử" của luật hình sự quốc tế. Trong vụ này, có nhiều khả năng Toà án quốc tế sẽ khẳng định thẩm quyền quốc tế của tất cả các nước đối với những vi phạm nghiêm trọng luật và tập quán chiến tranh, lên án các tội ác chiến tranh. Đây sẽ là cơ sở lý luận quan trọng cho việc thực hiện trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của Mỹ đối với những hành vi phạm pháp luật quốc tế nêu trên.

          Cơ quan chủ trì: Bộ Ngoại giao. Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

2.3. Đề án lập hồ sơ khoa học về tác hại của chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với con người, môi trường thiên nhiên.

Các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước hoặc đang sống ở nước ngoài về hậu quả tác nhân da cam gây ra tại Việt Nam cần được sớm công bố. Việt Nam cũng cần kêu gọi sự cộng tác, giúp đỡ của giới khoa học, của các Viện nghiên cứu nước ngoài vào việc góp phần thức tỉnh lương tri và sự cảnh giác của nhân loại trước những thảm hoạ của chất dioxin. Tiếng nói và công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học là sự chứng minh mang tính thuyết phục cao về mối liên quan nhân quả giữa chất độc dioxin của Mỹ với các hậu quả xảy ra đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cựu chiến binh các nước tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam.

Cơ quan chủ trì: Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (Văn phòng 33). Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 2.4. Đề án về vận động sự ủng hộ của dư luận xã hội.

Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền và thu hút sự cảm thông, chia sẻ của đông đảo quần chúng nhân dân đối với nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tuy nhiên, công tác vận động dư luận còn bột phát, chưa có cơ quan đầu mối, chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác này.

Công tác vận động dư luận xã hội cần đảm bảo thực hiện được hai mục tiêu chính: Thứ nhất, phải thu hút sự ủng hộ về cả vật chất và tinh thần của xã hội đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn trong cuộc sống; Thứ hai, phải tạo ra được tiếng nói mạnh mẽ nhằm yêu cầu Chính phủ Mỹ, các công ty hoá chất Mỹ thấy được trách nhiệm đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.

Trên cơ sở hai mục tiêu chính, nội dung của Đề án gồm:

  • Các hoạt động xây dựng phong trào ủng hộ vật chất giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin;
  • Các hoạt động thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với cuộc đấu tranh đi tìm công lý của các nạn nhân. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thu hút sự quan tâm, chia sẻ tri thức, trí tuệ của luật sư, luật gia trong nước và thế giới để phục vụ cho vụ kiện. Có thể thấy rằng tiếng nói của giới luật sư, luật gia- nhất là các luật sư nổi tiếng trên trên thế giới ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là ý nghĩa đặc biệt đối với quyết định của Toà án Mỹ. Giới luật trong nước cần tham gia tích cực hơn trong việc phối hợp với giới Luật quốc tế trong việc vạch rõ cho nhân dân thế giới thấy được rằng tác nhân chất da cam cùng các hoá chất khác đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam với vai trò là vũ khí chiến tranh hoá học và vì những mục đích chiến tranh hoa học mà công pháp quốc tế về Luật lệ và Tập tục chiến tranh ngăn cấm.

Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông. Cơ quan phối hợp: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin; Hội Luật gia Việt Nam.

2.5. Đề án tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác khắc phục hậu quả chất độc

         Thời gian qua, nhất là sau thời điểm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức khởi kiện các công ty hoá chất Mỹ, các cơ quan, tổ chức trong nước đã có nhiều cố gắng phát động những phong trào nhằm ủng hộ nỗ lực của các nạn nhân trong công cuộc đi tìm công lý. Đặc biệt, phải kể đến vai trò của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Mặc dù mới được thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng Hội đã thực sự là cầu nối giữa các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với dư luận tiến bộ trong nước cũng như thế giới.

Tuy nhiên, một điểm yếu cần được khắc phục trong công tác này trong thời gian qua chính là công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong cả nước. Các hoạt động ủng hộ trong thời gian qua còn chưa được tổ chức bài bản, nhất quán do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian tới cần thiết phải củng cố vai trò của cơ quan đầu mối và nhất là phải xây dựng được một kế hoạch tổng thể các hoạt động liên quan đến công tác này.

Cơ quan chủ trì Đề án: Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 33. Cơ quan phối hợp: Các bộ, ngành hữu quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.v.v...

Hành vi của Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam là một tội ác quốc tế, điều đó là không thể tranh cãi. Luật pháp quốc tế, bên cạnh những quy phạm cấm những hành vi như vậy, còn phát triển những cơ chế để lên án và trừng phạt những hành vi đó, đồng thời thiết lập công lý, bù đắp một phần những thiệt hại mà con người, thiên nhiên và quốc gia nạn nhân đã phải chịu đựng do những hành vi tội phạm đó. Tuy nhiên, hoạt động của những cơ chế như vậy còn có rất nhiều hạn chế và chịu ảnh hưởng của mối quan hệ sức mạnh giữa các nước trên thế giới.

Để có được những bước tiến tích cực trong việc xác định trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam, không những nhằm mục đích bù đắp sự mất mát của các nạn nhân mà còn nhằm mục đích sâu xa hơn là lập lại công lý quốc tế, Việt Nam cần chủ động, tích cực trong việc lựa chọn và bày tỏ thái độ đối với các cơ chế pháp lý quốc tế này.

Chúng tôi hi vọng Đề tài này sẽ cung cấp cho những người quan tâm một số thông tin về các cơ chế pháp lý quốc tế cũng như trong nước, liên quan đến trách nhiệm cá nhân, pháp nhân cũng như trách nhiệm Nhà nước của Mỹ về hành động trên. Chúng tôi cũng hi vọng làm sáng tỏ những ưu điểm, nhược điểm và đặc biệt là khả năng sử dụng các cơ chế đó phục vụ mục đích đấu tranh yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại do việc sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam, các đề án cần triển khai trong giai đoạn hiện nay nhằm xác định trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam qua đó giúp các nhà hoạch định chính sách đề ra chủ trương thích hợp...

 

 

 

 

Danh mục tài liệu tham khảo (A-Z)

  1. Sách và bài viết.
  1. Agent Orange Act of 1991, Pub. L. 102-4 (1991);
  2.  Alan Grant: The American Political Process, Published by Dartmouth Publishing Ltd. Sydney, 1994.
  3.  Alexis de Tocqueville: Democracy in America.
  1. Annie Lennkh, Marie France Toinet: Thực trạng nước Mỹ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
  2. Are Crimes against Humanity More Serious than War Crimes? Frulli M., European Journal of International Law, 2001, vol. 12, no. 2, pp. 329-350(22) Oxford University Press
  3. Are Crimes against Humanity More Serious than War Crimes? Frulli M., European Journal of International Law, 2001, vol. 12, no. 2, pp. 329-350(22) Oxford University Press
  4. Bồi thường thiệt hại do chất độc da cam ở Việt Nam của Lisa C.Toohey - Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 03/2006;
  5. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, Phùng Thế Vắc, Trần Văn Luyện, Phạm Thanh Bình. Nguyễn Đức Mai, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Mai Bộ, NXB Công an nhân dân, 2001
  6. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, Phùng Thế Vắc, Trần Văn Luyện, Phạm Thanh Bình, Nguyễn Đức Mai, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Mai Bộ. NXB Công an nhân dân, 2001
  7. Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, NXB Chính trị quốc gia, 2001.
  8.  Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự nước CIIXHCN Việt Nam, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, NXB Chính trị quốc gia, 2001.
  1. Barbara Schwartz: Decision: How the supreme court decides cases. New York, NY, Oxford University Press, 1996.
  2. Basic Rules of the Geneva Conventions and their additional protocols. International humanitarian law. International Committee of the Red Cross, Understanding Humanitarian Law. Geneva 1987
  3. Baum. Lawrence: The Supreme Court, 4lh eel. Washington, D.C., CQ Press 1992.
  4. Berger, Raoul: Congress vs. the Supreme Court, Cambridge. Mass.: Harvard University Press, 1969.
  5. Bertrand Russell: Quyền lực, bản dịch của Nguyễn Vương Chấn và Đàm Xuân Cận. Nxb Hiện Đại Sài Gòn, 1972.
  6. Bùi Ngọc Anh: Tìm hiểu cơ cấu tổ chức hệ thống Toà án liên bang Hoa Kỳ, Tạp chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 6-1997.
  7. Carl Van Doren: Cuộc chuẩn bị vĩ đại, Việt Nam Khảo Dịch xã, Sài Gòn 1957.
  8. Case and Materials of International Law, Martin Dixon and Corquedal.
  9. Chính trị học, nhiều tác giả, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
  10. David Cushman Coyle: Cách tổ chức và sự điều hành nền chính trị Hoa Kỳ, Việt Nam Khảo dịch xã, Sài Gòn, 1967.
  11. Do Heads of State in Office Enjoy Immunity from Jurisdiction for Electronic Journals of the United States information Agency on the independence of the judiciary. 1996, 1997.
  12. Đoàn Trọng Truyến: Nhà nước và tổ chức hành pháp của các nước tư bản, Nxb Khoa Học Kỹ Thuật, Hà Nội 1993.
  13. Elements du Droit Penal International, E. David, ULB, Bruxelles, 1997
  14. Elizabeth Osenbaugh: Perspectives on Judicial Review, Administrative Law Review, Vol. 48, No. 3, Summer 1996
  15. Encyclopedia of the American Judicial System, Edited by Robert J. Janosik, 1987. Charles Scribner's Sons New York.
  16. From Nuremberg to Rome, Policy Paper 8, Development and Peace Foundation, Benjamin B. Ferencz, 5/1998, p.4.
  17. GS. Hồ Văn Thông, Hệ thống chính trị của các nước tư bản, Nxb. Chính trị quốc gia 1998.
  18. Hồ sơ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam tại Tòa án Mỹ - Số hồ sơ: 05- 1953-CV
  19. Handbook on the Draft Statute for the International Criminal Court, European Law Students' Association, 1998.
  20.  Harlon L. Dalton: Judicial Federalism and Individual Rights: Planning the Future of Federal Courts. Mass. Press, 1995.

32. Henry J. Abraham: the judicial process: An introductory analysis of the courts of the United Slates, England, and France, Sixth Edition, Oxford University Press, 1993;

33. International Crimes - The Ghaddafi Case Before the French Cour dc Cassation Xappalà S. European Journal of International Law, 2001, vol. 12, no. 3, pp. 595-612(18) Oxford University Press

  1. Jack Knisht: On the struggle for judicial supremacy, Law & Society Review, Vol, 30, No. 1, 1996.
  2. Jurisprudence of the International Criminal Tribunal for the Former Yugoslavia case note: Prosecutor V. Delalic, Mucic, Delic and Landzo (part I) Patel King p.; La Rosa A-M. European Journal of International Law, 1999, vol. 10, no. 4, pp. 801-802(2) Oxford University Press.
  3. Jurisprudence of the International Criminal Tribunal for the Former
  4. K. c. Wheare: Hiến pháp tân tiến, Oxford University Press, London 1962, bản dịch của Nguyễn Quang, Sài Gòn, 1967.
  5. Lê Minh Đức, Nguyễn Nghị: Lịch sử nước Mỹ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1994.
  6. Lê Minh Quân: ảnh hưởng của lối sống tự do đối với việc hình thành và phát triển nhà nước pháp quyền ở Mỹ, Tạp chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 1-1997.
  7. Leslie Lipson: Những vấn đề căn bản của chính trị, Bản dịch của Đặng Tâm. Tạ Vãn Tài hiệu đính, Hiện Đại Thư Xã, Sài Gòn, 1974.
  8. Lincoln Caplan: The Tenth Justice, the Solicitor General and the rule of law, First Vintage Books Edition, New York:Knopf, 1987.
  9. Luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ, Bản dịch của Nguyễn Hưng Vượng, Nxb. Như Nguyệt. Sài Gòn, 1959.
  10. M.Cherif Basioni, The Journey to a Permanent International Criminal Court, The International Criminal Court Compilation of United Nations Document and Draft ICC Statute before the Diplomatic Conference, 1998
  11. Melinda G. Hall: Justices as Representatives: Elections and Judicial Politics in the American States, American Politics Quarterly, Vol. 23, No. 4, October 1995.
  12. Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Nxb. Giáo dục - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Khoa Luật 1996.
  13. Morton J. Horwitz: the Transformation of American Law, 1870-1960: the Crisis oj legal Orthodoxy, New York, NY, Oxford University Press, 1992.
  14. Nguyễn Đăng Dung: Học thuyết phân chia quyền lực - sự áp dụng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở một số nước, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2 - 1998.

 

  1. Những mâu thuẫn xung quanh việc thành lập Toà án hình sự quốc tế - đề tài nghiên cứu khoa học, Nguyễn Bá Sơn, Bộ Ngoại giao. 1999
  2. Nguyền Anh Hùng: Cơ cấu tổ chức hệ thống chính quyền Mỹ, Tạp chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 2-1999.
  3. Nguyễn Văn Bông: Luật Hiến pháp và Chính trị học, Sài Gòn, 1969.
  4. O'Brien, David M.: Storm Center: The Supreme Court in American Politics, 3"' eel. New York, w. w. Norton, 1993.
  5. PGS TS Đỗ Lộc Diệp: Hoa Kỳ - Tiến trình văn hoá chính trị, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
  6. PGS. TS. Nguyễn Đăng Dung: Chính thể cộng hoà tổng thống của Mỹ, Tạp chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 1-1995.
  7. Ph. Engen: Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân, và của Nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội 1984.
  8. Principes de Droit des Conflits Armee, K. David, Bruyllant Bruxelles, 1994.
  9. Restatement of the Law, the foreign relations law of the United States, Volume I, as adopted and promulgated by the American Law Institute, at Washington, D.C., May 14, 1986.
  10. Richard A. Falk, edited: The Vietnam War and International Law, the American Society of International Law. Princeton University Press, Princeton, New Jersey. 1968.
  11. Richard C. Schroeder: Khái quát về chính quyền Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, 1999.
  12. Steffen W. Schmidt, Mark C. Sheley, Barbara K. Bardes: American Government and Politics Today, 1991-1992 eddition. New York.
  13. The European Law Students' Association, Handbook on the Draft Statute for an International Criminal Court, 1998.
  14. The Theory & Practice of Representative Negotiation - T.C W.Farrow. Edmond Montgomery Publications Limitied, Toronto Canada, 2008 , trang 4-5.
  15. The International Criminal Court: a American view Wedgwood R. European Journal of International Law, 1999, vol. 10, no. l,pp. 93-107(15) Oxford University Press
  16. The Lockerbie Case: the role of the Security Council in enforcing the principle aut dedere aut judicare Plachta M. European Journal of International Law, 2001, vol. 12, no. l,pp. 125-140(16) Oxford University Press
  17. The Security Council, the International Court and judicial review: what lessons from Lockerbie? Martenczuk B. European Journal of International Law, 1999, vol. 10, no. 3. pp. 517-547(31) Oxford University Press
  18. The US Constitution.
  19. Theodore J. Lowi and Benjamin Ginsberg: The American Government Freedom and Power, second addition. New York, 1994.
  20. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I, Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. Hà Nội, 1995.
  21. Trần Thị Hoài Trân: Lực lượng chính trị, quyển 1, Sài Gòn.
  22. TS Đinh Văn Mậu. TS Phạm Hổng Thái: Lịch sử các học thuyết chính trị - pháp lý. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
  23. TS. Đinh Ngọc Vượng (chủ biên): Thuyết tam quyền phân lập và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà nội, 1992.
  24. Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam - Hành trình đòi công lý – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng - Tạp chí Khoa học pháp lý 3/2005:
  25. William A. Degregorio: 42 đời tổng thống Hoa Kỳ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Hà Nội, 1995.
  26. Yugoslavia case note: Prosecutor V. Delalic, Mucic, Delic and Landzo (part I) Patel King F.; La Rosa A-M. European Journal of International Law. 1999, vol. 10, no. 4, pp. 801-802(2) Oxford University Press
  1. Văn bản:
  1. Bộ luật dân sự của nước CHXHCN Việt Nam
  2. Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam
  3. Bộ luật Tố tụng hình sự của nước CHXHCN Việt Nam
  4. ICTY, Fact Sheet on TICY Proceedings, 29/3/2001.
  5. ICTY, Key Figures, 29/3/2001 và ITCR, General Information, Budget and Staff. 2001.
  6. ITCY, Key Figures, 29/3/2001
  7. Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính
  8. Protocols additional to the Geneva Conventions of 12 August 1949, International Committee of Red Cross, Geneva 1977
  9. Quy chế Toà án hình sự quốc tế
  10. Quy chế Toà án hình sự quốc tế dành cho Nam tư cũ
  11. Quy chế Toà án hình sự quốc tế dành cho Rwanda
  12. Quy chế Toà án quân sự quốc tế dành cho Viễn đông (Toà án Tôkyô)
  13. Quy chế Toà án quân sự quốc tế Nuremberg
  14. Quy chế Toà án quốc tế
  15. S/Rcs 1329,5/12/2000.
  16. ST/LEG/SERE/19, Multilateral treaties deposited with the Secretary-General, status at 31 December 2000, United Nations, 2001, volume I.
  17. The Geneva Conventions of August 12, 1949, International Committee of the Red Cross, Geneva 1983
  18. UN Doc. A/1316, Formulation of the Nuremberg Principles by the International Law Commission, 1950.
  19. UN GAOR 6,h Com., 12,h Sess. (1957)
  20. UN GAOR 6th Comm. UN Doc. A/C.6/44/SR.38-41 (1989)
  21. UN Res. 3314, Định nghĩa tội xâm lược, 1974.
  22. Văn kiện quốc tế về Quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

C. Website:

  1. http://www.ictv.org
  2. http://www.un.org/Iaw/icc/index.html
  3. http://www.ici-cii.oro
  4. http://www.icrc.org
  5. http://www.supremccourtus.gov
  6. http://wwvv.fedcir.gov/index.html
  7. http://www.findlaw.eom/l1stategov/ny/courts.html
  8. http://www.asil.ogr
  9. www.aoent-orange-iawsuit.com
  10. www.vava.org.vn

 

 



[1] Theo kết quả nghiên cứu được các chuyên gia về sức khỏe và môi trường tại Trường Đại học Columbia (Mỹ) công bố trên Tạp chí Khoa học Nature ngày 17/04/2003. riêng chất da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam đã lên đến con số hơn 80 triệu lít, cao hơn con số 44 triệu lít đã được công bố.

2 Theo kết quả nghiên cứu được các chuyên gia về sức khỏe và môi trường tại Trường Đại học Columbia (Mỹ) công bố trên Tạp chí Khoa học Nature ngày 17/04/2003, có ít nhất là 4 triệu người Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng bởi chất dioxin do chất độc da cam gây ra.

3 Số liệu của Stellman.

[4] Được coi là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về luật quốc tế

5 Trích: Giác thứ pháp lý của nguyên đơn trình Toà sơ thẩm do LS. Kokkoris soạn.

[6] Arm Control and Disarmament Aíĩreement - 1990 Edition - trang 129.

7 Tin của hãng UPI ngày 25/11/1969.

 8 Xin xem: Arms control and disarmament agreements. Lid it ion 1990. us Arms Control and disarmament Agency

9 Phát biểu của đại diện Mỹ khi giải thích về lá phiếu ủng hộ Nghị Quyết 2162 B: "Tuy nhiên, hôm nay, nếu chúng ta thực sự quan tâm đến các hiểm học của chiến tranh hoá học và vi trùng, nếu chúng ta quan tâm đến quy trì luật quốc tế và tiêu chuẩn hành vi văn minh, thì những gì chúng ta có thể làm được ở đây là có được từ tất cả các nước có đại diện trong phòng này. Bất kể là mình có tham gia Nghị định thư Genevơ hay không, bày tỏ một cách trịnh trọng ý định tôn trọng nghiêm ngặt các nguyên tắc của Nghị định thư".

[10] The Geneva convention of August 12/1949. International commitee of' the Red Cross

11 Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước. Ngày 24/8/1998 Chủ tịch nước đã ký quyết định phê chuẩn Công ước. Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 30/10/1998.

12 Tất cả các Quy tắc được nêu là các Quy tắc của Bộ Quy tắc tố tụng liên bang trừ khi được nêu cụ thể khác

13 Trang 12 Phán quyết

14 Trang 12 Phán quyết

[15] Trang 13 Phán quyết

[16] Trang 14 Phán quyết

[17] Trang 17 phán quyết

[18] Trang 56 Phán quyết

19 Trang 65 Phán quyết, được lấy từ án lệ vụ Boyle kiện United Tcchs.Corp

20 Trang 76 Phán quyết

21 Trang 97 Phán quyết

[22] Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam - Hành trình đòi công lý - PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng - tạp chí Khoa học pháp lý 3/2005

23 (V.A.Vaxilenco - trách nhiệm của quốc gia đối với những vi phạm pháp luật quốc tế - Kiev - Nhà xuất bản đại học - 1976 - trang 26)

[24] Điều 17 dự thảo Công ước quốc tế về trách nhiệm quốc gia quy định:

  1. Hành vi thuộc quốc gia vi phạm cam kết quốc tế là hành vi trái PLQT. không phụ thuộc vào nguồn gốc (tập quán chính phủ hoặc nguồn gốc khác) của cam kết đó.
  2. Nguồn gốc cúa cam kết quốc tế bị quốc gia vi phạm không ảnh hưởng đến trách nhiệm QT mà hành vi trái PLQT thuộc quốc gia dó dẫn đến.

 

[25] Chiến dịch Ranch Hand: không quân và chất diệt cỏ dại tại Đông Nam Á

26 Chiến dịch Ranch Hand: không quân và chất diệt cỏ dại tại Đông Nam Á

[27] ST/LEG/SER.E/19, Multilateral treaties deposited with the Secretary-General, status at 3J December 2000, United Nations, 2001, volume I, trang 134-135.

[28] ST/LEG/SER.E/19, Multilateral treaties deposited with the Secretary-General, status at 3J December 2000, United Nations, 2001, volume I, trang 134-135. 

[29] M.Cherif Basioni, The Journey to a Permanent International Criminal Court, The International Criminal Court Compilation of United Nations Document and Draft ICC Statute before the Diplomatic Conference, 1998, p. xvii.

[30] Theo “Những mâu thuẫn xung quanh việc thành lập Toà án hình sự quốc tế”, đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ Ngoại giao, Ts Nguyễn Bá Sơn, 1999, trang 4-5.

 

31 UN Doc. A/1316, Formulation of the Nuremberg Principles by the International Law Commission, 1950.

32 Điều 2,3,4.5 Quy chế Toà án Nam tư, 1993.

33 Điều 9 Quy chế Toà án Nam tư, 1993.

34 S/Res 1329, 5/12/2000.

35 Xem ICTY, Key Figures, 29/3/2001 và ITCR, General Information, Budget and Staff. 2001.

[36] Xem ITCY, Key Figures, 29/3/2001. Cũng xem ICTY, Fact Sheet on TICY Proceedings, 29/3/2001.

37 Geneva Convention for the Creation of an ICC, 16.11.1937.

[38] Benjamin B. Ferencz, From Nuremberg, to Rome, Policy Paper 8, Development and Peace Foundation. 5/1998, p.4. Cũng xem: The European Law Students' Association, Handbook on the Draft Statute for an International Criminal Court, 1998.

39 UN GAOR 6lh Com., 12lh Sess. (1957)

[40] UN Res. 3314, Định nghĩa tội xâm lược, 1974.

41 M.Cherif Basioni, The Journey to a Permanent International Criminal Court, The International Criminal Court Compilation of United Nations Document and Draft ICC Statute before the Diplomatic Conference, 1998, p.8.

[42] UN GAOR 6th Comm. UN Doc. A/C.6/44/SR.38-41 (1989)

43 Văn kiện quốc tế về Quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trang 211. Chúng tôi thay đổi một số từ ngữ để bản dịch sát với bản gốc bằng tiếng Anh của Công ước.

[44]  Điều 2 Nghị quyết của Viện Luật quốc tế thông qua tại Bath năm 1950, Niên giám Viện Luật quốc tế năm 1950, tập II, trang 381.

[45] Mỹ không phải là thành viên Công ước này theo thống kê tính đến 31/12/2000

46 Phần này có tham khảo bài viết: Bồi thường thiệt hại do chất độc da cam ở Việt Nam của Lisa C.Toohey - Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 03/2006.

47 Merrills, J. G., International Dispute Settlement. ( 1998). Cambridge; New York,

48 Cambridge University Press, trang 9.

49 Merrills, J.G, note 64 như trên, trang 67

50 Boullc. L., Mediation: Principles. Process, Practice. (1996). Sydney. Butterworths. at 29-30.

51 Như trên, trang 14

[52] In Re Agent Orange Production Liability 611 F. Supp. 1267 (E.D.N.Y. 1985), aff’d. 818, F. 2d. 187 (2d Cir.). petition for cert, filed sub nom. Lombardi v. Dow Chem. Co.. 56 IJSL. W. 3249 (No. 87-436, Dec. 15. 1987)

 

File đính kèm ...