• Thuộc tính
Tên đề tài Một số căn cứ lý luận, thực tiễn xây dựng và hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt
 
 

Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, vấn đề củng cố và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan hỗ trợ cho hoạt động xét xử (như các tổ chức luật sư, công chứng, giám định...) là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam. Về mặt thực tiễn, đòi hỏi này xuất phát trước hết từ cơ chế chính trị dân chủ hóa với nguyên tắc chủ đạo bảo đảm công bằng, công khai mọi quan hệ xã hội. Xét trên khía cạnh pháp lý, đòi hỏi này liên quan chặt chẽ đến các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình... đang dần dần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mọi công dân, mọi tổ chức, đảm bảo tối đa yếu tố khách quan, công minh trong hoạt động xét xử của tòa án.

Xuất phát từ nhận thức như vậy, và được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý và Vụ Luật sư, Công chứng, Giám định, Hộ tịch đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp”.

Trong năm 1991, với thời gian vật chất có hạn, Ban Chủ nhiệm đề tài đã quyết định ưu tiên nghiên cứu vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định pháp y. Sở dĩ có sự lựa chọn này bởi vì trong số các tổ chức giám định tư pháp của nước ta thời gian qua, giám định pháp y là bộ môn phát triển sớm nhất và cũng là hình thức giám định thường gặp nhất trong thực tiễn xét xử của tòa án.

Mục đích và yêu cầu đã được Ban Chủ nhiệm đặt ra đối với đề tài là nghiên cứu về lý luận vị trí, chức năng và tầm quan trọng của các tổ chức giám định pháp y trong hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và trong số các cơ quan bổ trợ cho hoạt động xét xử nói riêng. Việc nghiên cứu thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định pháp y được đặt trong sự đối chiếu và so sánh với những phân tích lý luận và kinh nghiệm trong, ngoài nước để làm rõ những ưu điểm và nhược điểm của mô hình tổ chức giám định pháp y của ta hiện nay cũng như tìm hiểu các nguyên nhân của các ưu, nhược điểm đó. Trên cơ sở tổng hợp những phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn, Ban Chủ nhiệm đề xuất mô hình tổ chức các cơ quan giám định pháp y phù hợp với các đòi hỏi của lý luận và thực tế của Việt Nam.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

1. Quan niệm chung về giám định tư pháp

Giám định là hoạt động khoa học chuyên sâu, là một sự nghiên cứu do các nhà chuyên môn (giám định viên) tiến hành để giải quyết những vấn đề chuyên môn trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, giám định có thể được tiến hành trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ: giám định kinh tế – kỹ thuật để đánh giá các tài liệu thiết kế – dự toán hoặc chất lượng các công trình xây dựng; giám định chất lượng hàng hóa; giám định y khoa...

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự, nếu có những vấn đề cần thiết đến kiến thức chuyên môn thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu giám định. Hoạt động giám định này được gọi là giám định tư pháp, vì nó được thực hiện theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Căn cứ vào tính chất và mục đích hoạt động, giám định tư pháp có những đặc điểm riêng biệt so với các hoạt động giám định khác.

(i). Giám định tư pháp sử dụng những kiến thức, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động kinh tế... Chính vì thế, khi cần giám định về vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn nào thì phải do những chuyên gia trong lĩnh vực đó thực hiện. Khi đưa ra kết luận giám định, giám định viên tư pháp chỉ dựa vào kết quả của việc áp dụng các phương pháp chuyên môn, chứ không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ ý muốn chủ quan nào. Giám định viên tư pháp không có quyền kết luận về những vấn đề vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình hoặc những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực pháp lý.

(ii). Hoạt động giám định tư pháp phải tuân theo những quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Chỉ gọi là giám định tư pháp khi hoạt động khoa học của giám định viên được thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, và cũng chỉ khi đó kết luận giám định mới được coi là nguồn chứng cứ độc lập trong hoạt động tố tụng.

(iii). Kết luận giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ khoa học trong tố tụng hình sự và dân sự. Đánh giá kết luận giám định là thuộc quyền của cơ quan và những người tiến hành tố tụng, mà trong đó quyết định cuối cùng là thuộc Hội đồng xét xử. Việc đánh giá kết luận giám định phải kết hợp với việc nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các chứng cứ cũng như các tình tiết của vụ án.

Tóm lại, giám định tư pháp là một hoạt động khoa học chuyên sâu, do các chuyên gia (giám định viên) thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... tiến hành trên cơ sở kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử được công minh và đúng pháp luật.

2. Các thể loại, hình thức giám định tư pháp

2.1. Các thể loại giám định tư pháp

Giám định tư pháp có thể được tiến hành ở nhiều lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử, chủ yếu các thể loại giám định tư pháp sau đây được sử dụng:

-   Giám định pháp y

-   Giám định pháp y tâm thần

-   Giám định kỹ thuật hình sự

-   Giám định kế toán tài chính

-   Giám định tác phẩm văn học và văn hóa phẩm nghệ thuật

-   Giám định trong từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật cụ thể khác.

2.2. Các hình thức giám định tư pháp

Việc phân loại hình thức giám định tư pháp được căn cứ vào trình tự thời gian và vào chủ thể thực hiện giám định.

a. Theo trình tự thời gian thực hiện giám định, giám định tư pháp có các hình thức:

Giám định lần đầu: là giám định được tiến hành theo quyết định trưng cầu giám định tư pháp lần đầu tiên về một đối tượng trong một vụ án cụ thể.

Giám định bổ sung: là giám định được trưng cầu khi kết luận giám định lần đầu chưa rõ ràng, đầy đủ (giám định viên không trả lời đầy đủ các câu hỏi đặt ra, không sử dụng những phương pháp, phương tiện hiệu quả khi thực hiện giám định, cơ quan trưng cầu giám định không cung cấp đầy đủ những tài liệu để thực hiện giám định, hoặc trong trường hợp nảy sinh những vấn đề bổ sung có liên quan đến các tài liệu đã nghiên cứu hoặc cần phải giải thích những kết quả giám định hay làm sáng tỏ những phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu theo quy định của pháp luật tố tụng). Giám định bổ sung có thể do giám định viên đã thực hiện giám định lần đầu hoặc các giám định viên khác thực hiện.

Giám định lại được trưng cầu khi kết luận giám định lần đầu không có cơ sở khoa học hoặc có nghi ngờ kết luận đó không chính xác; có sự mâu thuẫn trong kết luận giám định của các giám định viên; kết luận giám định mâu thuẫn với các chứng cứ, tình tiết khác của vụ án. Việc giám định lại phải do giám định viên khác hoặc tập thể giám định viên khác thực hiện.

b. Theo chủ thể giám định, giám định tư pháp có các hình thức sau:

Giám định cá nhân là giám định do một giám định viên thực hiện trong một vụ án và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình.

Giám định tập thể là giám định do hai hay một số giám định viên cùng thực hiện về một vấn đề. Sau khi thực hiện giám định tập thể giám định viên cùng viết một kết luận giám định chung. Mỗi giám định viên đều ký tên vào kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó. Trường hợp giám định viên không nhất trí với kết luận giám định chung thì, người đó có quyền viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung, ký tên và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận riêng đó.

Giám định tổng hợp là giám định do một nhóm giám định viên thực hiện để giải quyết vấn đề cần thiết đến kiến thức chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau. Mỗi giám định viên thực hiện giám định về vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, đưa ra kết luận riêng về phần giám định đó và chịu trách nhiệm cá nhân đối với kết luận giám định do mình đưa ra.

II. GIÁM ĐỊNH PHÁP Y

1. Quan niệm chung về pháp y

1.1. Pháp y - y pháp hay y học tư pháp là những danh từ ghép giữa “y học” và “pháp luật”

Pháp y - ngành khoa học nghiên cứu, giải quyết những vấn đề y học và sinh học được đặt ra trong quá trình điều tra và xét xử các vụ án hình sự, dân sự. Pháp y là môn học trong lĩnh vực của y học, nhưng lý do phát sinh và phát triển không phải vì mục đích y tế, nghĩa là không phải vì nhu cầu chữa bệnh hay phòng bệnh, mà là do yêu cầu của pháp luật, phục vụ việc thi hành pháp luật. Do có nội dung là y học nhưng mục đích lại là phục vụ pháp luật, pháp y vừa mang tính chất của khoa học tự nhiên, vừa mang tính chất của khoa học xã hội. Sự ra đời của pháp y học đã mở rộng khả năng phục vụ của y học. Y học không chỉ có hai mục đích điều trị và phòng bệnh mà còn có nhiệm vụ phục vụ tư pháp. Ngày nay pháp y đã trở thành một ngành khoa học hoàn chỉnh.

1.2. Nội dung cơ bản của pháp y

Pháp y - y học tư pháp là ngành chuyên khoa trong y học, nằm trong lĩnh vực của khoa học pháp lý, chuyên nghiên cứu những vấn đề y học nảy sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành luật pháp của một Nhà nước. Sự phát sinh và phát triển của y học tư pháp trong lịch sử của từng nước phụ thuộc vào sự tiến bộ từng bước về thủ tục tố tụng của nước đó và do pháp luật quyết định. Nhiệm vụ chủ yếu của y học tư pháp không phải là nghiên cứu chữa và phòng bệnh như các chuyên khoa khác của ngành y tế, mà là nhiệm vụ tư pháp, góp phần cùng các cơ quan tư pháp bảo vệ trật tự trị an của xã hội, bảo vệ pháp quyền của nhà nước và quyền của người công dân.

Pháp y gồm có 4 nội dung sau đây:

a. Y học tư pháp hình sự, là môn học cơ bản trong y học tư pháp, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự. Y học tư pháp hình sự bao gồm:

+  Chấn thương học pháp y nghiên cứu về việc nhận dạng các thương tích cơ giới, nhận dạng hung khí qua thương tích;

+  Thương tích do các yếu tố vật lý khác;

+  Các loại ngạt cơ giới;

+  Bệnh lý độc hại và độc chất học pháp y;

+  Nghiên cứu về sự chết, các loại cơ chế gây chết;

+  Sản phụ khoa pháp y gồm các vấn đề liên quan đến các tội phạm về tình dục như các hành động hiếp dâm, tình trạng chửa đẻ, phá thai, gây bệnh hoa liễu và các vấn đề khác như ái nam, ái nữ, khả năng tình dục;

+  Di truyền và huyết thống;

+  Nhân chủng học pháp lý, cốt học pháp y để nhận dạng người không rõ tung tích, hoặc tung tích khả nghi, để xác định tuổi, chiều cao, giới tính và cá thể đối tượng cần tìm;

+  Sinh học pháp y, trong đó có: huyết học pháp y để nhận dạng các vết sinh học như: lông, tóc, máu, vết tinh khí, các chất bài tiết, các mảnh tổ chức, phủ tạng;

+  Đạn học pháp y để nhận dạng súng đạn;

+  Dấu vết học pháp y nghiên cứu nhận dạng các dấu vết thương tích trên tang vật;

+  Tâm thần học pháp y nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của can phạm, phục vụ cho việc cải tạo giáo dục và phòng ngừa tội phạm;

+  Nghiên cứu về tự sát nhằm tìm ra các yếu tố tâm lý, bệnh lý dẫn tới tự sát, giúp cho việc tìm biện pháp ngăn ngừa;

+  Vấn đề giả thương, giả bệnh, dấu bệnh;

+  Y học trại giam nghiên cứu các đặc điểm bệnh lý và tâm lý đặc biệt của những phạm nhân.

b. Y học tư pháp dân sự, nghiên cứu các vi phạm bảo vệ giống nòi, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Vấn đề giám định tỷ lệ thương tật, giám định sức khỏe phục vụ việc xét bồi thường, vấn đề xác định cha, những vấn đề y học liên quan đến hôn nhân và ly hôn.

c. Y học tư pháp trong nghiệp vụ y tế, nghiên cứu về việc phòng và chống các loại tai nạn điều trị, các biện pháp điều tra các hiện tượng vi phạm pháp chế y học và vi phạm đạo đức y học của nhân viên y tế.

d. Y học tư pháp quân sự, bao gồm đầy đủ ba nội dung nói trên của y học tư pháp, nhưng nó có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù của quân đội. Quân đội có hai nét đặc biệt khác với đời sống dân sự:

+  Muốn hoàn thành được nhiệm vụ, quân nhân cần có những đức tính không thể thiếu đó là tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, tính tự giác hy sinh, chiến đấu gian khổ và ý thức kỷ luật cao.

+  Phương tiện cơ bản của quân nhân là vũ khí, có thể gây nguy hiểm cho sinh mạng của nhiều người. Trong điều kiện ấy, những tiêu cực phát sinh trong đời sống đặt ra nhiều vấn đề pháp y riêng, như giám định giả bệnh, giả thương, dấu bệnh dấu thương, tự thương, tự sát, bất ngờ giết người một loạt, các loại tâm thần phản ứng, đột tử ở người trẻ tuổi, các thương tích hỏa khí...

1.3. Đối tượng nghiên cứu của giám định pháp y

a. Người sống - Giám định pháp y được thực hiện trong các trường hợp cần xác định nguyên nhân và hậu quả các thương tích, tìm hiểu về sức khỏe của các đối tượng liên quan đến vụ án, xác định giả thương, giả bệnh, dấu thương, dấu bệnh, tình nghi reo rắc bệnh hoa liễu, tình trạng chửa đẻ, phá thai, hành động hiếp dâm, xác định nhận dạng giống, tuổi, ngộ độc...

Giám định pháp y tâm thần có vị trí đặc biệt trong việc xác định khả năng chịu trách nhiệm hình sự của một cá nhân đối với hành vi phạm tội của mình. Tuy là giám định pháp y trên người sống nhưng pháp y tâm thần là một ngành riêng.

b. Tử thi - Khi xảy ra trường hợp chết do bạo lực, án mạng, tai nạn, tự sát, các trường hợp chết khả nghi, chết đột tử, chết ngoài bệnh viện không có chẩn đoán chính xác, các trường hợp tử thi không rõ tung tích.

c. Tang vật - gồm các tang vật sinh học như lông, tóc, máu, vết tinh khí, các chất bài tiết, các mảnh tổ chức hay phủ tạng, các hung khí súng đạn, các tang vật quần áo mang dấu vết nghi liên quan đến án mạng.

d. Giám định pháp y trên tài liệu.

1.4. Yêu cầu của giám định pháp y

Yêu cầu của công tác giám định pháp y bao gồm:

a. Kịp thời - các đối tượng giám định pháp y là những tang vật sinh học, người sống mang dấu vết thương tích, dấu hiệu bệnh tật, xác chết, vết máu, phủ tạng... Những đối tượng này luôn luôn biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, do đó phải giám định kịp thời, tức là giám định “nóng”.

b. Đầy đủ - có nghĩa là phải khám nghiệm, xét nghiệm toàn bộ và có hệ thống, phải thu lượm đủ hết tang vật, tài liệu, chứng cứ có thể thu thập được.

c. Chính xác là yêu cầu cơ bản của một vụ khám nghiệm hay giám định pháp y. Muốn chính xác phải tỷ mỷ, thận trọng trong khám nghiệm, xét nghiệm phải có kỹ thuật bảo đảm, phương tiện bảo đảm, phương pháp đúng và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, chính xác còn có nghĩa là phải trung thực, trung thực trong hổ sơ giám định, trong kết luận giám định.

d. Bí mật - yêu cầu về bí mật xuất phát từ tính chất nghiệp vụ và chính trị của công tác điều tra vụ án.

e. Khách quan - giám định viên pháp y phải trung thực với sự thật khách quan của quá trình nghiên cứu giám định. Khi đưa ra kết luận giám định, giám định viên pháp y chỉ căn cứ vào kết quả của việc nghiên cứu trên cơ sở kiến thức, phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, chứ không gò ép, chạy theo một ý muốn chủ quan hoặc các yếu tố khác để làm sai sự thật.

2. Lịch sử phát triển của pháp y

2.1. Sự phát triển của pháp y trên thế giới

Trong lịch sử phát triển của mình, pháp y học trên thế giới đã trải qua 4 thời kỳ:

a. Thời cổ đại - Đó là thời kỳ mà ở các nhà nước chưa có quy chế về hoạt động pháp y trong pháp luật và cũng chưa có lý luận về khoa học pháp y. Ở thời kỳ này lẻ tẻ có sự tham gia của thầy thuốc vào một số vụ án. Người ta tìm thấy trong các tư liệu cổ ở Trung Quốc, ấn Độ, Hy Lạp, La Mã có một số việc làm của thầy thuốc trong khám thi thể và thương tích của nạn nhân theo yêu cầu của các vua chúa thời bấy giờ.

b. Thời sơ khai - Đây là một giai đoạn dài, diễn ra từ thời Trung cổ đến cuối thế kỷ thứ XVIII. Dấu vết về học thuật pháp y trong lịch sử được tìm ra trước tiên ở phương Đông. Năm 1247 một thầy thuốc Trung Hoa tên là Suntsư đã viết cuốn sách “Tẩy oan luận’’ gồm 5 tập. Trong đó, hai tập đầu nói về khám tử thi, cách ghi chép thương tích trên hình vẽ, những nhận xét về biến đổi tử thi do thối rữa, cách mô tả thương tích, các vùng nguy hiểm của cơ thể. Tập 3 đề cập đến các loại chết do bạo lực, thương tích vật sắc, vật tầy, ngạt cơ giới, chết do nóng, vấn đề phân biệt thương tích xảy ra còn sống hay sau chết, vấn đề chết đột tử, chết đói, chết do sét đánh, các tai biến do điều trị và châm cứu. Tập 4 và 5 nói về ngộ độc như ngộ độc thạch tín, thủy ngân, long não, cây cỏ độc, nấm độc, các loài cá, công trùng và rắn độc, ngộ độc do thán khí và khí đốt; công tác cấp cứu, điều trị.

Ở Châu Âu, đến thế kỷ XVI, mầm mống về pháp chế và học thuật pháp y mới nảy sinh rõ nét. Trong thời kỳ này lần lượt các Bộ luật Hình sự ra đời. Trước hết là ở Đức năm 1507, Johann Von Scharzenberge ra Bộ luật hình Bamberg. Tiếp đó năm 1516, vua Karl V ra Bộ luật hình Carolin. Đây là những Bộ luật hình đầu tiên quy định sự tham gia cần thiết của thầy thuốc vào việc khám nghiệm các trường hợp giết trẻ sơ sinh, gây thương vong, gây ngộ độc, gây tai biến trong chữa bệnh.

Ở Pháp, Bộ luật Hình sự của Charles Quint (1532), rồi đến Bộ luật của Francois I (1536) đề cập đến sự quan trọng của việc khám pháp y trong xét xử. Năm 1606 Henri IV ra Sắc lệnh chỉ định thầy thuốc làm giám định pháp y ở Paris và ở các địa phương và năm 1690 lại có một Sắc lệnh khác nói về bổ nhiệm bác sỹ nội khoa và ngoại khoa làm giám định pháp y ở các địa phương. Đây là những bác sỹ pháp y đầu tiên ở Pháp và ở các nước Châu Âu khác.

Ở Ý ngay từ năm 1140, vua Roger II ở Apulic và Sicile đã ra Sắc lệnh về các trường hợp phải khám pháp y. Năm 1231 Fredeic II đã bổ sung thêm đạo luật của Roger II. Năm 1525 tòa đại hình ở Naples đã nêu lên giá trị của các chứng cứ vật chất thông qua giám định khoa học. Ở Tây Ban Nha và ở Thụy Điển năm 1295 đã ban bố bảng tỷ lệ đền bù thương tật.

Sự ra đời của các Bộ luật Hình sự ở Châu Âu đã mở đường cho nhu cầu nghiên cứu và xây dựng lý luận về pháp y. Ở một số nước đã đưa môn học pháp y vào giảng dạy tại các trường đại học.

c. Thời kỳ phát triển - Cuối thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến ở Châu Âu lần lượt bị đánh đổ, mở đầu là cuộc cách mạng tư sản dân quyền Pháp năm 1789. Trong lĩnh vực xét xử, dần dần ở từng nước đã có sự cải tổ từ xét xử kín chuyển sang xét xử công khai, với sự tham gia của nhiều bên. Việc xét xử không phải chỉ có quan tòa quyết định mà còn phải có sự tham gia của người buộc tội (công tố uỷ viên), có người bào chữa cho bị cáo (luật sư), thầy thuốc tham gia phiên toà với tư cách giám định viên. Kết luận của thầy thuốc trước tòa không thể tuỳ tiện mà phải được bảo vệ bằng những luận cứ khoa học chắc chắn.

Sự cách mạng về tư pháp nói trên đã là nguồn động viên lớn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học pháp y phát triển một bước mới. Y học pháp y ở Châu Âu thời này kỳ đã tiến bộ vượt bậc so với những thế kỷ trước đó.

Đặc điểm của thời kỳ này là:       

+  Đội ngũ chuyên gia thực sự về pháp y càng ngày càng lớn mạnh.

+  Việc giảng dạy pháp y trở thành việc bắt buộc ở các trường y khoa và luật khoa. Hàng loạt các bộ môn pháp y tiếp tục được xây dựng.

+  Các tạp chí pháp y và các sách giáo khoa pháp y có cơ sở khoa học vững chắc đã ra đời.

d. Thời kỳ hiện đại - Dấu ấn mạnh mẽ đối với y học tư pháp của thế kỷ XX là:

+  Khoa học kỹ thuật nói chung và y học nói riêng phát triển ngày càng mạnh trên cơ sở chuyên khoa hóa và kỹ thuật hiện đại ngày càng hoàn thiện.

+  Các xu hướng tiến bộ về chính trị và pháp chế ngày càng phát triển. Cách mạng tháng Mười Nga thành công và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ra đời. Một nền tư pháp xã hội chủ nghĩa xuất hiện là một trong những điều kiện cơ bản của sự phát triển khoa học pháp y ở các nước này.

Đặc điểm của thời kỳ này là:

+  Các Viện nghiên cứu pháp y ra đời ở khắp các nước tiên tiến, không những chỉ riêng ở thủ đô mà ở cả các đô thị lớn.

+  Việc giảng dạy pháp y không những chỉ dừng lại ở chương trình pháp y tối thiểu cho các sinh viên y khoa và luật khoa, còn có chương trình bổ túc chuyên khoa pháp y sau đại học, đào tạo giám định viên pháp y.

+  Khối lượng thông tin về pháp y rất lớn, tạp chí pháp y mỗi ngày một nhiều, các công trình nghiên cứu, số lượng luận án sau và trên đại học về pháp y ngày càng lớn.

+  Các hội khoa học về pháp y của từng nước được thành lập và sinh hoạt đều đặn. Ngoài ra, còn có hội pháp y khu vực và quốc tế. Hội pháp y thế giới lấy tên là “Hội pháp y và y học xã hội” đã được thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cứ 02 năm bầu lại chủ tịch.

Riêng ở Liên Xô, để bảo đảm phát triển khoa học pháp y, ngoài hai Viện Nghiên cứu pháp y quốc gia và quân đội, từ năm 1972 còn có Tiểu ban Nghiên cứu pháp y gồm 23 thành viên nằm trong Viện Hàn lâm y học Liên Xô.

Về nội dung, y học tư pháp hiện đại đã trở thành một ngành chuyên khoa phức tạp với 04 lĩnh vực: pháp y hình sự, dân sự, pháp y trong nghiệp vụ y tế và pháp y quân đội.

2.2. Tổ chức giám định pháp y ở một số nước trên thế giới

Về tổ chức giám định pháp y, hiện nay trên thế giới có những mô hình chính sau:

a. Hội y pháp

Ở một số nước tư bản phát triển, hàng năm các Tòa án phúc thẩm thành lập một danh sách giám định viên. Muốn được chọn vào danh sách giám định viên pháp y các thầy thuốc phải có bằng chuyên khoa quốc gia về pháp y. Danh sách giám định viên pháp y được Tòa án phúc thẩm lập lại hàng năm. Có 2 danh hiệu dành cho người thầy thuốc tham gia giám định pháp y:

+  Danh hiệu giám định viên pháp y dành cho các bác sĩ chuyên khoa pháp y thường xuyên tham gia công tác giám định.

+  Danh hiệu bác sĩ giám định dành cho các bác sĩ hoặc chuyên viên thuộc chuyên ngành khác, bất thường có vấn đề chuyên môn cần lấy ý kiến.

Xuất phát từ chỗ những người thầy thuốc được các cơ quan tố tụng tham khảo ý kiến về chuyên môn có liên quan đến công tác điều tra, xét xử, pháp luật buộc người thầy thuốc phải tham gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật và kết luận của mình. Quá trình giám định và kết luận không phải bao giờ cũng hoàn hảo, cũng đáp ứng được cả mọi vấn đề mà cơ quan trưng cầu đặt ra. Bởi vậy, việc thành lập hội của người làm công tác y pháp ở các nước được tổ chức. Hội không những chỉ trong phạm vi quốc gia mà mở rộng phạm vi khu vực (Hội Y pháp Châu Âu) và phạm vi thế giới (Hội Y pháp thế giới, còn được gọi là Hội Y pháp và Y xã hội học). Ở Israel, Hội Y pháp không chỉ tập hợp những người làm giám định y pháp mà mở rộng bao gồm cả những người xây dựng luật pháp và những người thực thi luật pháp trên cơ sở tự nguyện. Mục đích của Hội Y pháp các nước, Hội Y pháp khu vực và Hội Y pháp thế giới là nhằm trao đổi kinh nghiệm giám định, những vấn đề còn tồn tại phổ biến, công bố những kết quả nghiên cứu các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực Y pháp dưới hình thức các hội nghị, hội thảo khoa học hoặc bồi dưỡng kiến thức theo từng khía cạnh, các chuyên đề sâu.

b. Viện pháp y

Viện y pháp được thành lập khắp các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản và các nước đang phát triển, nhất là các nước tiên tiến. Viện pháp y không những chỉ ở thủ đô mà có cả ở các thành phố lớn như tại Liên Xô (cũ) có Viện pháp y ở Moskva, Lêningrat (Xanpetebua), Kiep và Viện pháp y của các nước cộng hoà, ở Đức có Viện y pháp Béclin và ở Lepzich, Bồ Đào Nha có Viện pháp y ở Lisbonne, Porto, Covinbra, ở Pháp có Viện pháp y Paris, Lifon.

- Về mô hình tổ chức: Viện pháp y ở các nước được tổ chức dưới hai hình thức:

+ Mô hình 1: Viện pháp y nằm trong khoa y của trường đại học tổng hợp đảm nhận cả chức năng giảng dạy bộ môn y pháp và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế. Mô hình này gặp ở nhiều nước tư bản. Ở Pháp không có Viện pháp Y quốc gia và Viện pháp Y Paris được coi là trung tâm.

Viện pháp y đặt trong trường đạt được yêu cầu giảng dạy gắn liền với nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tế, lồng ghép cán bộ, giảm được biên chế. Tuy nhiên, mô hình này không đáp ứng được chức năng nghiên cứu là mục tiêu hàng đầu của Viện, không quản lý, chỉ đạo được công tác giám định ở các địa phương. Ngoài ra, việc hai Bộ Giáo dục và Y tế cùng quản lý một đơn vị đã gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nhất là về nguồn tài chính phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tâm tư của cán bộ nhân viên về công việc và chế độ hưởng lương cũng là những hạn chế đối với mô hình này.

+ Mô hình 2: Viện pháp y không nằm trong hệ thống nhà trường.

Mô hình này tiêu biểu được tổ chức ở Liên Xô, Bungari, Rumani, Đức. Viện pháp y chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế, và thuộc hệ thống các cơ quan y tế do Nhà nước quản lý.

Viện pháp y trung ương chỉ đạo cấp dưới toàn diện về tổ chức chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo giám định viên. Hệ thống tổ chức này quản lý được toàn bộ hoạt động và phát triển của công tác giám định pháp y, kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn, cũng như giữa nghiên cứu phục vụ thực tiễn với đào tạo cán bộ chuyên sâu (chuyên gia pháp y), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định.

Về cơ cấu tổ chức của Viện pháp y - Để bảo đảm thực hiện nội dung, chức năng hoạt động, Viện pháp y các nước cơ bản có cơ cấu tổ chức giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ tập trung định hướng nghiên cứu.

Viện pháp y các nước đều có bốn bộ phận lớn:

-   Bộ phận lãnh đạo Viện.

-   Bộ phận hành chính hậu cần, giúp Viện trưởng, Viện phó tạo cơ sở vật chất cho hoạt động chuyên môn.

-   Bộ phận chuyên môn gồm có: nhà bảo quản, khám nghiệm tử thi; hệ thống phòng khám thương tích người sống (các phòng khám chuyên khoa)

-   Hệ thống Labô: Labô mô bệnh học, Labô sinh học, Labô độc chất, Labô vật lý. Các phòng xét nghiệm của hệ thống Labô ở mỗi Viện pháp y ở các nước có khác nhau về số lượng, chất lượng, trang thiết bị, phụ thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật và định hướng nghiên cứu sâu các khía cạnh khác nhau về y pháp của các nước đó.

3. Sự hình thành và thực tiễn hoạt động của tổ chức giám định pháp y ở Việt Nam

3.1. Sự hình thành Tổ chức giám định pháp y ở Việt Nam

Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân coi nhẹ công tác giám định pháp y, xem nhẹ các vụ án trong nhân dân nên không xây dựng bất cứ một hình thức tổ chức nào thực hiện về công tác này, không đào tạo bác sĩ chuyên khoa về khoa này. Mặc dầu môn học y pháp được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1919, nhưng trường cũng chưa thành lập bộ môn y pháp. Việc giảng dạy môn học này chỉ do một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng phụ trách Sở Y tế Hà Nội đảm nhận, sau đó trong thời kỳ tạm chiếm các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh người Việt Nam giảng dạy. Theo tài liệu “Cảnh sát khoa học” của Sở Mật thám Pháp để lại cho biết, ở Sở Mật thám Hà Nội có một Phòng xét nghiệm pháp y bí mật dành cho các vụ án đặc biệt.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 162/SL ngày 25/6/1946 nhắc tới công tác điều tra, xét xử liên quan đến sinh mệnh con người không thể thiếu giám định viên pháp y. Nhưng đến ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ và 9 năm kháng chiến chống Pháp kéo dài nên cơ quan giám định pháp y của nước ta chưa được hình thành.

Ngày 12/12/1956, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên bộ số 2795/HCTP quy định việc lập danh sách giám định viên pháp y; ở Hà Nội và Hải Phòng có từ 3 đến 5 người, ở các tỉnh có từ 2 đến 3 người chọn trong các y, bác sĩ. Công tác giám định pháp y lúc này cũng chỉ là những vụ lẻ tẻ, không có cơ sở chuyên trách và cũng không có giám định viên pháp y chuyên nghiệp. Từ những năm 1960, Bộ Công an đã quyết định xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ pháp y và hóa để chuyên làm giám định pháp y, cũng như triển khai hoạt động giám định kỹ thuật hình sự. Đến Ngày 15/5/1961, Thông tư liên bộ số 423/TTLB của Bộ Công an, Bộ Y tế, Viện kiểm sát tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy trách nhiệm của các cơ quan công an, y tế, kiểm sát và Tòa án trong khám nghiệm tử thi, chế độ trang bị phòng ngừa và phụ cấp khám nghiệm. Vào những năm 70, Viện khoa học hình sự Bộ Nội vụ được thành lập trong đó có Phòng Pháp y. Ở các tỉnh, thành phố trung ương có bác sĩ được đào tạo bồi dưỡng về pháp y thuộc các Sở Công an.

Ngày 11/3/1988, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên bộ số 166/TT-LB hướng dẫn một số điểm về công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần. Theo đó, Hội đồng giám định pháp y và Hội đồng giám định pháp y tâm thần được thành lập để quản lý các giám định viên về mặt hành chính, việc tham gia tố tụng là trách nhiệm của giám định viên. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên bộ còn hạn chế, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác của giám định tư pháp. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần còn phụ thuộc vào Hội đồng giám định y khoa. Chưa có quy chế cụ thể, thống nhất cho hoạt động của các Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần. Quy định về tiệc lựa chọn công nhận giám định viên thiếu chặt chẽ. Nhưng dù sao, Thông tư liên bộ số 166/TT-LB cũng đánh dấu một bước tiến trong việc tổ chức và quản lý hoạt động giám định pháp y. Sau một thời gian thực hiện, Thông tư liên bộ số 166/TT-LB, đã có 25 Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần được thành lập và hoạt động bước đầu có kết quả.

Ngày 21/07/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp. Nghị định số 117/HĐBT là văn bản pháp luật đầu tiên quy định tương đối toàn diện về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Tiếp theo, Bộ Y tế ra Quyết định số 64/BYT-QĐ ngày 18/12/1989 về bổ nhiệm giám định viên pháp y trung ương và giám định viên pháp y cấp tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương cũng đã được thực hiện. Đến ngày 30/11/1990, Bộ Y tế tiếp tục ra Quyết định số 1059/BYT-QĐ chính thức thành lập Tổ chức giám định pháp y trung ương trực thuộc Bộ Y tế.

Theo quy định của Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1988, Thông tư số 78/TT-GĐ ngày 26/1/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/HĐBT và các quyết định của Bộ Y tế, các tổ chức giám định pháp y đã được thành lập ở 2 cấp: trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đến năm 1991, ở nước ta các tổ chức giám định pháp y được tổ chức như sau:

+ Bộ Quốc phòng có Viện pháp y quân đội và bộ phận pháp y cấp quân khu.

+  Bộ Nội vụ có tổ chức giám định pháp y hình sự đặt tại Viện Khoa học hình sự và tại các tỉnh thành phố có các giám định viên pháp y của công an nằm trong tổ chức giám định pháp y các tỉnh, thành phố.

+  Bộ Y tế có tổ chức y pháp trung ương, tổ chức giám định pháp y tâm thần trung ương, Viện Kiểm nghiệm trung ương. Ở địa phương có các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố do các sở y tế giúp Ủy ban nhân dân phụ trách.

Tổ chức giám định pháp y ở trung ương thực hiện giám dịnh các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương ra quyết định trưng cầu và giám định các vụ việc phức tạp do các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trưng cầu.

Tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và ở trung ương trưng cầu.

+  Tổ chức giám định độc chất pháp y ở Việt Nam.

Giám định độc chất là một chuyên khoa của hoạt động giám định pháp y. Theo mô hình tổ chức hoạt động giám định pháp y của nhiều nước trên thế giới, giám định độc chất là một trong nhiều chuyên khoa của Viện pháp y.

Ở nước ta, đồng thời với việc hình thành tổ chức Hội đồng giám định pháp y ở các tỉnh, thành phố thì Phòng Kiểm nghiệm độc chất cũng ra đời và hoạt động từ năm 1956. Thời gian đầu (1956), bộ phận kiểm nghiệm độc chất chỉ là một trong hai Ban của Phòng Kiểm nghiệm hoá học thuộc Bộ Y tế với 5 đến 6 cán bộ (dược sĩ đại học, trung học). Đến năm 1960, Viện Dược liệu được thành lập và Phòng Kiểm nghiệm độc chất nằm trong Viện Dược liệu. Tháng 10/1971, Viện Kiểm nghiệm được thành lập và tách ra khỏi Viện Dược liệu, từ đó Phòng Kiểm nghiệm độc chất thuộc Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế và là cơ quan đầu ngành về kiểm nghiệm độc chất pháp y trong toàn quốc.

Sau 3 năm thực hiện Nghị định về giám định tư pháp, thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề phải được quan tâm nghiên cứu. Trong đó, mặt tích cực của mô hình tổ chức giám định pháp y là gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện thực tế. Khi tham gia tố tụng, các giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình, do đó chất lượng hoạt động giám định đã được nâng lên. Bên cạnh những ưu điểm trên, mô hình tổ chức giám định pháp y hiện nay đã bộc lộ một số nhược điểm:

Thứ nhất, các tổ chức giám định pháp y của Việt Nam chưa phải là cơ quan giám định pháp y chuyên nghiệp (trừ tổ chức pháp y quân đội và bộ phận pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Nội vụ), các tổ chức giám định pháp y chưa được tổ chức chặt chẽ, vị trí pháp lý chưa xác định rõ ràng. Trong các tổ chức giám định không có bộ phận thường trực, các giám định viên lại phân tán ở nhiều vị trí công tác khác nhau, gây khó khăn cho việc quan hệ với các cơ quan trưng cầu giám định, cũng như việc điều hành, quản lý các giám định viên. Nghị định số 117-HĐBT mới chỉ quy định nghĩa vụ của giám định viên trưởng, còn quyền hạn thì chưa rõ ràng.

Thứ hai, đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, có quá ít giám định viên pháp y chuyên nghiệp. Số người được đào tạo có hệ thống về nghiệp vụ giám định pháp y còn ít. Trình độ chuyên môn pháp y của nhiều giám định viên pháp y còn rất hạn chế cả lý thuyết và thực hành.

Thứ ba, vấn đề quản lý các tổ chức giám định pháp y chưa được quy định chặt chẽ và chưa cụ thể. Điều này thể hiện ở việc chưa quy định rõ: nội dung quản lý của Bộ Y tế và các Sở Y tế đối với các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương và cấp tỉnh; trách nhiệm của cơ quan có cán bộ được bổ nhiệm là giám định viên; mối quan hệ giữa các tổ chức giám định pháp y ở trung ương với các tổ chức cấp tỉnh về hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên môn. Việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi địa phương của các Sở Tư pháp còn nhiều lúng túng.

Thứ tư, cơ sở vật chất, các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn cần thiết cho hoạt động giám định pháp y còn quá thiếu thốn, những thứ hiện có thì lạc hậu. Các tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế phải phụ thuộc vào các bệnh viện, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế về cơ sở vật chất, kinh phí, địa điểm làm việc.

Thứ năm, chế độ phụ cấp bồi dưỡng cho các giám định viên pháp y trong khi thực hiện giám định còn chưa phù hợp.

3.2. Tình hình hoạt động giám định pháp y trong thời gian qua ở Việt Nam

3.2.1. Những điểm đã đạt được của giám định pháp y

Một yêu cầu cơ bản của công tác điều tra, truy tố, xét xử là các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp theo luật định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo đối với các vụ án hình sự; trong các vụ án dân sự cũng phải thu thập đầy đủ chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án đó được chính xác. Chính vì thế hoạt động giám định pháp y rất gắn bó với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Bằng hoạt động khoa học chuyên sâu của các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực pháp y có thể giúp giải đáp chính xác, khách quan nhiều vấn đề liên quan đến các vụ án mà điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể tự mình trả lời được.

Theo số liệu tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1990 chỉ tính trong các vụ đã khởi tố có tới 8.751 vụ án phải giám định pháp y và pháp y tâm thần, gồm các tội về xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm (giết người, gây thương tích, hiếp dâm...) chiếm tới 20,56% tổng số án khởi tố điều tra trong toàn quốc. Ở một vài địa phương tỷ lệ này còn cao hơn, (ví dụ: ở Hà Sơn Bình (cũ) năm 1990 các vụ án giết người, gây thương tích do cấp tỉnh thụ lý phải giám định tới 72 vụ, chiếm 34% tổng số vụ án; riêng trong 5 tháng đầu năm 1991 các vụ án phải giám định pháp y là 52 vụ, chiếm 36% tổng số vụ án thụ lý). Ở cấp huyện số vụ án phải giám định trong năm 1990 là 6363 vụ, chiếm tới 75% tổng số án phải giám định trong toàn quốc.

Ở thành phố Hà Nội, trong năm 1990 đã giám định 172 vụ việc giám định pháp y (gồm cả giám định pháp y tâm thần), trong khi đó số liệu các loại giám định được trưng cầu không đáng kể. Tỉnh Nghệ tĩnh, trong thời gian 7 tháng (từ tháng 10/1989 đến tháng 5/1990) đã tiến hành giám định 71 vụ giám định pháp y trong tổng số 117 giám định các loại. Tỉnh Đồng Tháp, trong năm 1990 đã giám định 38 vụ giám định pháp y và pháp y tâm thần trên tổng số 57 vụ giám định các loại.

3.2.2. Những tồn tại, thiếu sót của hoạt động giám định pháp y

a. Thiếu sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng

+  Khi khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra không mời các nhà chuyên môn pháp y tham gia, có khi chỉ mời các cán bộ y tế là y sĩ, bác sĩ không có nghiệp vụ pháp y. Điều đó đã vi phạm quy định của Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+  Khi trưng cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không cung cấp đầy đủ các vật phẩm, không bảo quản tốt tang vật, đối tượng giám định để xảy ra hư hỏng, mất mát.

+  Trong quá trình lập hồ sơ giám định cơ quan tố tụng không chú ý điều tra về tình trạng thương tích, tâm thần của đối tượng cần giám định trong các thời điểm trước, trong và sau khi có sự việc xảy ra; không chú ý lấy lời khai của thân nhân đối tượng, những người thường tiếp xúc, có trách nhiệm quản lý đối tượng về tình trạng sức khoẻ, bệnh tật và tâm thần của đối tượng qua các giai đoạn.

+  Việc nêu yêu cầu giám định có những trường hợp không rõ ràng.

+  Cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận kết luận giám định pháp y, nhưng không nêu rõ lý do, vi phạm Điều 55 Khoản 2 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+  Cơ quan tiến hành tố tụng không yêu cầu giám định mà căn cứ các hồ sơ bệnh án y tế có sẵn, hoặc đôi khi yêu cầu các thầy thuốc giải đáp một số vấn đề về chuyên môn đơn thuần, hoặc căn cứ vào Bảng xếp loại thương tích dùng cho giám định y khoa để các bác sĩ y khoa xem xét xác định tỷ lệ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân, vi phạm Điều 44 Khoản 5 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+  Việc trưng cầu giám định vượt cấp còn xảy ra nhiều.

b. Những thiếu sót từ phía các tổ chức giám định pháp y

Trong thực tiễn hoạt động giám định pháp y thời gian qua đã có không ít các trường hợp kết luận giám định sai do tinh thần trách nhiệm, tính khách quan hoặc trình độ của giám định viên còn hạn chế. Nhiều trường hợp khám thương tích ban đầu không được thực hiện tỷ mỷ, cụ thể nên đã gây khó khăn cho việc giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe. Cá biệt có các trường hợp không thực hiện việc giám định đầy đủ, mà giám định viên vẫn đưa ra kết luận. Ngoài ra, cũng phải nói là chất lượng của các kết luận giám định còn chưa cao. kết luận giám định của tuyến trên khác xa so với kết luận giám định của tuyến dưới.

3.2.3. Nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót

+  Trong một thời gian dài, Nhà nước ta chưa có các văn bản pháp luật hoàn chỉnh quy định về hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng. Do đó, hoạt động giám định pháp y còn mang tính chất phân tán, chắp vá, chất lượng giám định còn thấp. Mãi đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành năm 1985 và được sửa đổi, bổ sung năm 1988 thì một số vấn đề về giám định tư pháp mới được quy định trong Bộ luật này.

+  Đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay còn quá ít, chủ yếu là những người làm công tác kiểm nghiệm, chưa được đào tạo hoặc bồi dưõng nghiệp vụ pháp y. Ví dụ: tại tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) chỉ có 7 giám định viên pháp y và đều làm việc trong cơ quan y tế ở cấp tỉnh; giám định viên pháp y ở cấp huyện không có.

Ở cấp huyện với số lượng vụ án phải giám định lớn (chiếm 70-75% tổng số các vụ án cần giám định trong toàn quốc), nhưng lại không có đội ngũ giám định viên pháp y tại chỗ để thực hiện giám định.

+  Trình độ chuyên môn của giám định viên pháp y còn hạn chế, do quá thiếu nên một số nơi đã bổ nhiệm cả các y sĩ làm giám định viên.

+ Chế độ, chính sách đối với giám định viên pháp y còn chưa hợp lý. Chưa có những quy định thật cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ quản các tổ chức giám định, do vậy sự quan tâm của các cơ quan này đến hoạt động tổ chức giám định chưa đầy đủ.

III. NHỮNG KIẾN NGHỊ VỀ HOÀN THIỆN TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Cần thống nhất quan niệm về pháp y

Theo chúng tôi, trước hết cần phải xác định quan điểm khoa học về pháp y và phân biệt sự khác nhau giữa pháp y và y tế.

Pháp y là một chuyên khoa sâu của ngành y, chuyên nghiên cứu và nghiên cứu ứng dụng hầu như tất cả những thành tựu của y học cơ sở và y học lâm sàng để tìm hiểu những mối quan hệ đến cái sống, cái chết, đến sức khỏe thể chất và tinh thần khi có các yếu tố nội tại hoặc ngoại lai tác động vào cơ thể con người. Nhưng những nghiên cứu đó không phải để chữa bệnh và phòng bệnh, mà để xác định yếu tố khách quan đó làm thiệt hại cho sức khỏe con người đến mức độ nào, giúp cho việc nhận định nguyên nhân, tính chất của các vụ án hoặc quyết định thái độ xử lý trong quá trình giải quyết các vụ án. Nói cách khác, mục đích của pháp y là phục vụ cho tư pháp (cụ thể là công tác điều tra, truy tố, xét xử), còn mục đích của y tế là phòng và chữa bệnh. Vì vậy, tuy cùng dựa trên cơ sở những nguyên lý của y học nhưng pháp y so với y tế có những đặc thù về hệ thống lý luận, đối tượng nghiên cứu và phương pháp riêng để giải quyết các yêu cầu giám định.

Chính quan niệm không đúng về vấn đề này, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hoạt động pháp y ở nước ta kém phát triển. Do đó, một yêu cầu hiện nay là phải tách pháp y thành một chuyên khoa riêng trong y học và có kế hoạch đào tạo nhanh đội ngũ bác sĩ pháp y chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về giám định pháp y của công tác điều tra, truy tố xét xử.

2. Kiến nghị về hệ thống tổ chức giám định pháp y trong thời gian tới

Để nâng cao chất lượng của hoạt động giám định pháp y, nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, trên cơ sở điều kiện thực tế của nước ta, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định pháp y ở nước ta trong những năm tới được thực hiện theo hai bước sau đây:

Bước 1: Bắt đầu chuẩn bị triển khai từ năm 1992

* Ở cấp Trung ương

(i) Thành lập Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế

Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế là tổ chức đầu ngành pháp y của hệ thống y tế, có các nhiệm vụ sau đây:

+ Tổ chức quản lý, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của hoạt động giám định pháp y thuộc hệ thống y tế trong cả nước;

+  Thực hiện giám định những vụ việc theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng của thủ đô Hà Nội trưng cầu; những vụ phức tạp mà các phòng pháp y địa phương không có khả năng thực hiện;

+  Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên khoa pháp y cho các giám định viên trong cả nước.

+  Thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế trước mắt cần có các bộ phận sau đây: Phòng Khám nghiệm và giải phẫu tử thi; Phòng Giám định thương tích; Phòng Giám định độc chất pháp y; Các phòng thí nghiệm: Phòng Mô bệnh học (tổ chức học); Phòng Sinh vật học (xét nghiệm lông, tóc, máu, dấu vết bài tiết..); Phòng Vật lý (đèn chiếu dấu vết, ảnh X quang ...). Trong quá trình hoạt động, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện và thành lập thêm các phòng chuyên môn khác.

Về nhân sự, trong Viện pháp y trung ương có các giám định viên pháp y, các cộng tác viên, các cán bộ nghiệp vụ và các nhân viên giúp việc. Viện trưởng Viện pháp y trung ương phải là giám định viên đầu ngành pháp y. Các giám định viên pháp y phải là các bác sĩ pháp y, các bác sĩ giải phẫu bệnh lý được bồi dưỡng về chuyên khoa pháp y, các dược sĩ đại học chuyên khoa kiểm nghiệm.

(ii) Duy trì và tiếp tục củng cố Viện pháp y quân đội và tổ chức giám định pháp y trung ương thuộc Bộ Nội vụ

Ngoài những đặc điểm chung của chuyên ngành pháp y, pháp y quân đội còn có những đặc điểm riêng biệt, độc lập. Chính vì thế, Viện pháp y quân đội phải tiếp tục củng cố và phát triển song song với Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế.

(iii) Tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức giám định pháp y hình sự cấp trung ương thuộc Bộ Nội vụ để thực hiện các yêu cầu giám định pháp y do các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương trưng cầu và những vụ việc giám định pháp y mà các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có đủ điều kiện thực hiện.

Tổ chức giám định pháp y hình sự thuộc Bộ Nội vụ cùng với Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp thành phố và cấp quận, huyện thuộc Hà Nội.

* Ở cấp tỉnh, thành phố trung ương

(i) Thành lập một số Phân viện giám định pháp y. Sau khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được thành lập và đi vào hoạt động, cần chuẩn bị xúc tiến việc thành lập Phân viện giám định pháp y tại thành phố Hồ Chí Minh và từng bước chuẩn bị thành lập Phân viện pháp y tại 1 số nơi khác khi có đủ điều kiện (về chuyên gia pháp y và cơ sở vật chất).

Các Phân viện pháp y trực thuộc Viện pháp y trung ương có nhiệm vụ thực hiện việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương và địa phương (phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt phân viện), giám định những việc phức tạp mà các tổ chức giám định các tỉnh trong khu vực (tỉnh lân cận) không có điều kiện thực hiện. Ngoài ra, các Phân viện pháp y có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu khoa học, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giám định viên của Viện và của các tổ chức giám định pháp y các tỉnh trong khu vực.

(ii) Tại các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì củng cố và hoàn thiện các tổ chức giám định pháp y (trừ những địa phương đã có phân viện giám định pháp y và thủ đô Hà Nội). Hoạt động của tổ chức này cần phải gắn với bệnh viện tỉnh. Việc củng cố và hoàn thiện theo hướng tăng cường số lượng các giám định viên pháp y chuyên trách, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị và kinh phí cho tổ chức giám định; dần dần tiến tới việc hình thành phòng giám định pháp y tỉnh, thành phố. Giám định viên pháp y cấp tỉnh, thành phố có thể được bổ nhiệm từ các bác sỹ pháp y hoặc bác sỹ giải phẫu bệnh lý được bồi dưỡng về nghiệp vụ pháp y.

Cấu trúc chuyên môn của tổ chức giám định pháp y (Phòng giám định pháp y) cấp tỉnh, thành phố cần có 3 bộ phận: Bộ phận bảo quản và mổ tử thi, Bộ phận giám định thương tích; Phòng xét nghiệm tổng hợp.

(iii) Ở cấp huyện phải có từ 2 đến 3 giám định viên pháp y của tỉnh đặt tại huyện đó, trong đó có ít nhất là 1 chuyên trách để đảm nhiệm giám định các vụ việc không phức tạp thuộc địa bàn huyện. Hoạt động của các giám định viên này phải gắn với bệnh viện tuyến huyện.

(iv) Tổ chức giám định độc chất pháp y. Do chỉ có 2 Phòng Kiểm nghiệm độc chất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy, các tỉnh khác đều phải đem mẫu cần giám định về hai địa điểm trên, nên đã gây nhiều khó khăn, tốn kém, mất vệ sinh, nhiều trường hợp khó phân tích, phát hiện chất độc do phủ tạng đã hư thối, chất độc dễ bay hơi hoặc dễ bị phân huỷ. Việc nhận kết quả trả lời theo đường bưu điện thường rất chậm, gây khó khăn cho các cơ quan trưng cầu giám định trong việc giải quyết các vụ án. Vì vậy, cần thiết phải thành lập thêm một số Phòng Kiểm nghiệm độc chất theo khu vực. Các Phòng Kiểm nghiệm độc chất cần thành lập thêm ở các khu vực sau: (i) Tại thị xã Sơn La cho các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. (ii) Tại thành phố Vinh cho các tỉnh Nghệ tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế; (iii) Tại thành phố Nha Trang cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Lâm Đồng và một số huyện phía Bắc tỉnh Thuận Hải; (iv) Tại thành phố Cần Thơ cho các tỉnh Hậu Giang, Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Cửu Long. Mỗi điểm có khoảng 5 cán bộ (2 đại học dược hoặc hóa tổng hợp, 2 trung cấp dược hoặc kỹ thuật viên và 1 nhân viên tạp vụ). Khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được thành lập thì giám định độc chất pháp y sẽ là một phòng chuyên môn của Viện. Các Phòng Kiểm nghiệm độc chất pháp y khu vực đã nêu ở trên sẽ trở thành một bộ phận trong cấu trúc chuyên môn của Phân viện pháp y ở đó.

Bước 2:

* Ở Trung ương

(i) Khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được củng cố và hoàn thiện đủ mạnh, thì trên cơ sở Viện pháp y đã được thành lập kết hợp với một bộ phận chuyên gia pháp y của Viện pháp y quân đội và của tổ chức giám định pháp y Bộ Nội vụ mà xây dựng Viện pháp y quốc gia.

-   Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục được củng cố và hoàn thiện để thực hiện các yêu cầu giám định pháp y trong quân đội.

-   Tổ chức pháp y thuộc Bộ Nội vụ (Viện hoặc phòng) tiếp tục củng cố và hoàn thiện để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ điều tra của lực lượng công an nhân dân;

(ii) Viện pháp y quốc gia là cấp cao nhất của hệ thống các tổ chức giám định pháp y ở nước ta. Viện trưởng Viện pháp y quốc gia là giám định viên đầu ngành pháp y toàn quốc.

Viện pháp y quốc gia có các nhiệm vụ: tổ chức thực hiện việc nghiên cứu khoa học pháp y; thực hiện giám định pháp y với tư cách là cấp cao nhất; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp y; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn đối với các tổ chức giám định pháp y địa phương (Phân viện và Phòng pháp y).

* Tại các địa phương

-   Thành lập các Phân viện pháp y quốc gia tại các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh lớn hoặc khu vực liên tỉnh.

-   Tại tuyến huyện hoặc liên huyện có các phòng giám định pháp y (các Labô pháp y) trực thuộc Phân viện pháp y.

3. Kiến nghị về giám định viên và hợp tác quốc tế về giám định pháp y

a. Về tiêu chuẩn chuyên môn của giám định viên pháp y

Về lâu dài giám định viên pháp y chỉ được bổ nhiệm từ đội ngũ bác sỹ pháp y được đào tạo chuyên khoa pháp y dài hạn. Tuy nhiên, không thể trong một thời gian ngắn vài năm tới chúng ta có thể thực hiện được ngay yêu cầu này. Do đó trước mắt, bên cạnh đội ngũ bác sĩ pháp y hiện có cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên khoa pháp y cho các bác sĩ giải phẫu bệnh lý để bổ sung cho đội ngũ giám định viên pháp y.

b. Cần mở rộng Bộ môn pháp y của Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là trung tâm chính đào tạo đội ngũ bác sĩ pháp y. Bộ môn pháp y Trường Đại học Y Hà Nội và Viện pháp y trung ương cần chuẩn bị việc đào tạo sau đại học cho các chuyên gia pháp y.

c. Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ngắn hạn (về pháp y và pháp lý) cho các giám định viên pháp y. Các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương, bộ môn y pháp Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu và cử giảng viên giảng dạy.

d. Thông tin khoa học nước ngoài và hợp tác quốc tế

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, khoa học pháp y trên thế giới cũng không ngừng tiến bộ. Nội dung và đối tượng giám định pháp y mở rộng, nhiều thể loại giám định mới đã ra đời. Nếu không liên tục thu nhận những thông tin khoa học pháp y nước ngoài và hợp tác với các cơ quan giám định pháp y các nước, thì khoa học pháp y của nước ta sẽ không đủ điều kiện để phát triển toàn diện. Viện pháp y trung ương được thành lập sẽ tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với nhiều hình thức trao đổi nghiệp vụ, chuyên gia, kỹ thuật chuyên môn. Vì vậy, cần mở rộng nhiều hình thức hợp tác như: theo con đường Ủy ban Khoa học nhà nước, thông qua Bộ Y tế, con đường hợp tác tư pháp thông qua Bộ Tư pháp, Viện pháp y trung ương Bộ Y tế hợp tác trực tiếp với các Viện pháp y của các nước...

đ. Về chế độ phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên pháp y

Giám định pháp y là một nghiệp vụ có nội dung khoa học chuyên sâu, đa dạng, phức tạp và độc hại cao. Do đó, cần bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tương đối thoả đáng, nhằm bù đắp sự hao tổn sức khỏe của giám định viên và động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

4. Về kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần thiết cho hoạt động giám định pháp y

Một trong những điều kiện cần để xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chuyên nghiệp như các phương án đã nêu ở trên, là phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động. Nếu không trang bị, những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, cũng như không áp dụng những phương pháp mới nhất, hiệu quả nhất trong lĩnh vực giám định pháp y thì chất lượng giám định không thể nào được nâng cao.

Vì vậy, ngay từ năm 1992, Nhà nước cần ưu tiên dành một khoản kinh phí cần thiết riêng cho việc thành lập Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế và một số phân Viện pháp y (bao gồm kinh phí cho việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và các khoản chi khác ...)

Hàng năm Nhà nước cần dành một khoản kinh phí riêng cho các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương (Viện Pháp y trung ương Bộ Y tế, Viện pháp y quân đội, tổ chức giám định pháp y thuộc Bộ Nội vụ) để mua sắm thêm các trang thiết bị và các chi phí khác trong hoạt động của các tổ chức giám định này.

Tại các địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng năm cần dành một khoản kinh phí trong ngân sách địa phương cấp cho các tổ chức giám định pháp y của địa phương, phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị và các chi phí cần thiết khác trong hoạt động của các tổ chức giám định này.

5. Nhứng kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật

a. Ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

Những vấn đề cơ bản về hoạt động của giám định viên trong tố tụng hình sự và dân sự đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Nghị định số 117-HĐBT ngày 21/7/ 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp. Tuy nhiên, mô hình tổ chức giám định pháp y trong Nghị định số 117-HĐBT chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Để phù hợp với yêu cầu phát triển của hoạt động giám định tư pháp (trong đó có giám định pháp y) trong tình hình mới, cần thiết phải ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.

b. Trên cơ sở Pháp lệnh Giám định tư pháp, Hội đồng Bộ trưởng sẽ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp và giám định viên.

c. Xây dựng Bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật pháp y.

Để việc xác định tỷ lệ thương tật, mức độ tổn hại sức khỏe được chính xác, khách quan, khoa học, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cần phải ban hành Bảng tiêu chuẩn tỷ lệ thương tật pháp y.

d.         Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát tối cao, Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ chuyên ngành nên phối hợp để ban hành thống nhất các biểu mẫu về trưng cầu giám định, về hồ sơ giám định, kết luận giám định.
 

 

Nội dung toàn văn

Đề tài

 

Một số cơ sở lý luận và thực tiễn

xây dựng và hoàn thiện

tổ chức giám định tư pháp

Mã số 91 - 98 - 052

Viện khoa học nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Trung tâm thông tin-tư liệu ----------o----------

 

Khoa học và công nghệ quốc gia Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 1991

Căn cứ Quyết định 271/QĐ ngày 6 - 6 - 1980 và Quyết định 478/TCCB ngày 18 - 9 - 1990 của Uỷ ban khoa học nhà nước về công tác đăng ký nhà nước đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ và nộp báo cáo kết quả nghiên cứu

Chứng nhận đăng ký

Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ

Số đăng ký: 91 - 98 - 052

Tên đề tài: Một số căn cứ lý luận, thực tiễn xây dựng và hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp ở Việt Nam

 

 

Mã số đề tài (nếu có):

Thuộc Chương trình (nếu có):

Số Hợp đồng (nếu có):

Thời gian bắt đầu: 01/1991 Dự kiến kết thúc: 12/1991

Chủ nhiệm đề tài : Nguyễn Văn Yểu

Cơ quan chủ trì : Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Cơ quan quản lý : Bộ Tư pháp

Hồ sơ số: 6312, lưu tại Trung tâm thông tin - tư liệu KHCN quốc gia, 24 Lý Thường Kiệt. Hà Nội

 

 

 

 

T/L chủ nhiệm ủy ban khoa học nhà nước

Giám đốc

Trung tâm thông tin - tư liệu

khoa học và công nghệ quốc gia

Nhóm đề tài

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Văn Yểu

Vụ trưởng Vụ Luật sư, Công chứng, Giám định, Hộ tịch

Bộ Tư pháp

 

Phó chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Tất Viễn

Q. Tổng Biên tập tạp chí Pháp chế XHCN,

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Bộ tư pháp

 

Đại tá Giáo sư Vũ Ngọc Thụ

Viện trưởng Viện pháp y quân đội

 

Giáo sư Nguyễn Như Bằng

Giám định viên trưởng tổ chức giám định pháp y trung ương

Bộ Y tế

 

Giáo sư Tiến sĩ Châu Diệu ái

Viện trưởng Viện khoa học hình sự

Bộ Nội vụ

 

Nguyễn Phong Thanh

Vụ trưởng Vụ 2B

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

Đại tá Phạm Quang Mỹ

Tổng cục cảnh sát nhân dân

Bộ Nội vụ

 

Phó tiến sĩ Trần Đức Đĩnh

Giám định viên trưởng tổ chức giám định pháp y

Bộ Nội vụ

Phó tiến sĩ Trần Văn Liễu

Tổ chức giám định pháp y trung ương

Bộ Y tế

 

Phó tiến sĩ Trần Văn Cường

Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương

 

Dược sĩ Nguyễn Huy Đãi

Trưởng phòng Độc chất Viện kiểm nghiệm

Bộ Y tế

 

Nguyễn Văn Thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Luật sư, Công chứng, giám định, Hộ tịch

Bộ Tư pháp

 

Bác sĩ Đào Thế Tân

Giám định viên pháp y Tổ chức giám định pháp y trung ương

Bộ Y tế

 

Phạm Quang Tuyên

Giám định viên pháp y - Viện khoa học hình sự

Bộ Nội vụ

 

Nguyễn Quang Lộc

Chánh án Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

 

Thư ký đề tài : Cao Xuân Phong

Chuyên viên nghiên cứu - Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Bộ Tư pháp

 

Thư ký đề tài : Lê Hồng Sơn

Chuyên viên nghiên cứu - Vụ Luật sư, Công chứng, Giám định, Hộ tịch

Bộ Tư pháp

 

Bộ Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 327/TP-QĐ ----------o----------

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1991

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

- Căn cứ Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định số 42/HĐBT ngày 17/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp.

- Căn cứ Quyết định số 282 ngày 20/6/1980 của Chủ tịch Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học – kỹ thuật.

- Căn cứ váo kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1991 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

- Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Quyết định

Điều 1: Thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1991.

Điều 2: Các đồng chí có tên trong danh sách kềm theo là thành viên của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức 05 đề tài nghiên cứu khoa học năm 1991.

Điều 3: Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệm tiến hành công việc theo các thủ tục đã được Uỷ ban khoa học Nhà nước quy định.

Điều 4: Viện nghiên cưu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong dách sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

K/T Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Thứ trưởng thứ nhất

 

Trần Đông

 

Danh sách hội đồng đánh giá và nghiệm thu

Đề tài "Một số cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp"

 

Mã số 91-98-052 (Kèm theo Quyết định số 327/TP-QĐ ngày 18 tháng 12 năm 1991)

Đ/c Trần Đông Chủ tịch Hội đồng

 

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp

 

Đ/c Nguyễn Văn Thảo Phó chủ tịch hội đồng

 

Viện trưởng Viện NCKHPL

Đ/c Nguyễn Đức Tuấn ủy viên

 

Phó viện trưởng Viện NCKHPL

Đ/c Trịnh Thị Lê Trâm ủy viên

 

Bác sĩ, trưởng phòng pháp chế

Bộ Y tế

 

Đ/c Đào Trí úc Phản biện, ủy viên

 

Tiến sĩ luật,

Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

 

Đ/c Nguyễn Huy Cương Phản biện, ủy viên

 

Phó giáo sư, phó tiến sĩ y học,

Phó chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh viện Việt Đức

 

Cơ quan phản biện Phản biện, ủy viên

 

(Đ/c Vũ Đức Khiển

Phó tiến sĩ luật,

Viện trưởng Viện kiểm sát Hà Nội)

 

 

Mục lục

Lời nói đầu 1

Phần A

Báo cáo tổng thuật

kết quả nghiên cứu đề tài

Phần thứ nhất

Những cơ sở lý luận và thực tiễn về giám định tư pháp

I. Quan niệm chung về giám định tư pháp 5

II. ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp 7

III. Các thể loại, hình thức giám định tư pháp 9

IV. Sự hình thành các tổ chức giám định tư pháp ở Việt Nam 11

Phần thứ hai

Giám định pháp y

I. Quan niệm chung về pháp y 15

II. Lịch sử phát triển của pháp y học 20

III. Vai trò của giám định pháp y
trong công tác điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta 24

IV. Tình hình hoạt động giám định pháp y
trong thời gian qua ở nước ta 26

V. Tổ chức giám định pháp y 30

Phần thứ ba

Những kiến nghị về hoàn thiện tổ chức giám định pháp y

trong thời gian tới

I. Cần thống nhất quan niệm về giám định pháp y 38

II. Kiến nghị về hệ thống tổ chức
giám định pháp y trong thời gian tới 40

III. Kiến nghị về giám định viên
và hợp tác quốc tế về giám định pháp y 49

IV. Về kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện
và thiết bị cần thiết cho hoạt động giám định 51

V. Những kiến nghị về hoàn thiện
các quy định của pháp luật 52

Phần B

Các chuyên đề khoa học

1. Quan điểm khoa học và thực tiễn về tổ chức và
quản lý giám định tư pháp ở Việt Nam
Nguyễn Văn Thảo 55

2. Một số nét về lịch sử y học tư pháp
GS. Vũ Ngọc Thụ 64

3. Một số ý kiến về tổ chức và quản lý
công tác giám định pháp y
PTS. Trần Đức Đĩnh 78

4. Mô hình tổ chức và hoạt động giám định
pháp y Việt Nam trong những năm tới
PTS. Trần Văn Liễu 86

5. Cần xây dựng quy chế giám định pháp y
và Bảng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khỏe
BS. Đào Thế Tân 100

6. Công tác giám định độc chất pháp y
DS. Nguyễn Huy Đãi 113

7. Những quy định về thủ tục nguyên tắc
trong công tác giám định pháp y tâm thần
BS. Trần Văn Cường 125

8. Tình hình giám định y pháp và y pháp tâm thần
các vụ án hình sự trong thời gian qua
và một số biện pháp giải quyết
Nguyễn Phong Thanh 134

9. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác
giám định pháp y trong hoạt động điều tra hình sự
Phạm Quang Mỹ – Doãn văn minh 145

10. Giám định pháp y trong thực tiễn
xét xử của Tòa án Hà Nội
Nguyễn Quang Lộc 165

Phần C

Hội thảo khoa học

Lược thuật nội dung Hội thảo khoa học ngày 20/11/1991 172

Phần D

Thông tin – Tư liệu

1. Một số văn bản về tổ chức hoạt động
giám định pháp y ở Việt Nam
Cao Xuân Phong – Lê Hồng Sơn 185

2. Chế định giám định pháp y trong
Bộ luật Tố tụng Hình sự Hungari 204

3. Các cơ quan giám định tư pháp ở Liên Xô 208

4. Sơ đồ tổ chức giám định pháp y ở một số nước

Tiệp Khắc 215

Rumani 216

Bồ Đào Nha 217

Liên Xô 218

5. Tình hình giám định pháp y ở một số tỉnh
trong năm 1990 và 6 tháng đầu năm 1991 219

 

Lời mở đầu

Vấn đề củng cố và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống cơ quan tài phán (Tòa án) như các tổ chức luật sư, công chứng, giám định... đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cần thiết và cấp bách đối với chúng ta. Về mặt thực tiễn, đòi hỏi này xuất phát trước hết từ cơ chế chính trị dân chủ hóa với nguyên tắc chủ đạo bảo đảm công bằng, công khai mọi quan hệ xã hội. Xét trên khía cạnh pháp lý. đòi hỏi này liên quan chặt chẽ đến các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình .... hiện nay đang được hoàn thiện dể đảm bảo tối đa yếu tố khách quan, công minh trong xét xử.

Xuất phát từ nhận thức như vậy, và được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ tư pháp, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý và Vụ luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp" với mã số đăng ký tại Uỷ ban khoa học Nhà nước là 91-98-052. Trong năm 1991, với thời gian vật chất có hạn, Ban Chủ nhiệm đề tài đã quyết định ưu tiên nghiên cứu vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định pháp y. Sở dĩ có sự lựa chọn này bởi vì trong số các tổ chức giám định tư pháp của nước ta hiện nay, giám định pháp y là bộ môn phát triển sớm nhất và cũng là hình thức giám định thường gặp nhất trong thực tiễn xét xử của các Tòa án.

Mục đích và yêu cầu đã được Ban Chủ nhiệm đặt ra đối với đề tài là nghiên cứu về lý luận vị trí, chức năng và tầm quan trọng vủa các tổ chức giám định pháp y trong hệ thống các cơ quan Nhà nước nói chung và trong số các cơ quan bổư trợ cho hoạt động xét xử nói riêng. Việc nghiên cứu thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định pháp y được đặt trong sự đối chiếu và so sánh với những phân tích lý luận và kinh nghiệm trong, ngoài nước để làm rõ những ưu điểm và nhược điểm của mô hình tổ chức giám định pháp y của ta hiện nay cũng như tìm hiểu các nguyên nhân của các ưu, nhược điểm đó. Trên cơ sở tổng hợp những phân tích lý luận và thực tiễn Ban Chủ nhiệm sẽ đề xuất một mô hình tổ chức các cơ quan giám định pháp y phù hợp với các đòi hỏi của lý luận và thực tế của Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài, Ban Chủ nhiệm đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như sau:

- Phương pháp nghiên cứu lý luận.

- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn thông qua các số liệu thống kê và thực hiện các cuộc công tác tìm hiểu thực tế.

- Phương pháp phân tích logic được áp dụng nhiều nhất trong việc đối chiếu tính hợp lý của thực tiễn và tính chặt chẽ của lý luận.

- Phương pháp so sánh thực hiện khi xem xét, nghiên cứu các mô hình tổ chức cơ quan giám định pháp y Việt Nam trong các thời kỳ và khi nghiên cứu mô hình tổ chức của các nước ngoài.

- Phương pháp điều tra xã hội học, lấy ý kiến của chuyên gia các ngành khác nhau về vấn đề tổ chức giám định pháp y.

- Phương pháp nghiên cứư lịch sử.

Các hoạt động chủ yếu đã được Ban Chủ nhiệm triển khai khi nghiên cứu là tổ chức Hội thảo khoa học và các Hội nghị làm việc về vấn đề giám định pháp y; tiến hành khảo sát thực tiễn của tổ chức và hoạt động giám định pháp y của một số địa phương tiêu biểu; triển khai hoạt động điều tra xã hội học và sưư tầm, chọn lọc những tài liệu lịch sử trong nước cũng như kinh nghiệm của các nước ngoài trong việc tổ chức hoạt động giám định pháp y.

Trong công việc nghiên cứu, đề tài đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học cũng như các chuyên gia hoạt động thực tiễn của nhiều ngành có liên quan đến hoạt động giám định pháp y như Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, Tòa án, Kiểm sát ... cùng tham gia nghiên cứu với Ban Chủ nhiệm đề tài.

Tập báo cáo này là kết quả nghiên cứu đề tài trong năm 1991 gồm có 4 phần lớn:

Phần 1: Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu đề tai của Ban Chủ nhiệm.

Phần 2: Các chuyên đề khoa học do các thành viên trong nhóm đề tài thực hiện.

Phần 3: Lược thuật nội dung hội thảo khoa học.

Phần 4: Thông tin – Tư liệu.

Ban Chủ nhiệm đề tài hy vọng rằng kết quả nghiên cứu đề tài "Một số cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp" sẽ đóng góp một phần tích cực vào việc xây dựng phương án hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp ở nước ta, vào việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động giám định tư pháp và phục vụ cho các chuyên gia nghiên cứu các ngành có liên quan như một tài liệu tham khảo có giá trị.

 

Phần A

Báo cáo tổng thuật kết quả

nghiên Cứu đề tài

 

Phần thứ nhất

Những cơ sở lý luận và thực tiễn Về giám định tư pháp

I. Quan niệm chung về giám định tư pháp

Thuật ngữ "giám định" có nguồn gốc từ tiếng La tinh "Expertus", có nghĩa là "kinh nghiệm", "hiểu biết".

Giám định là hoạt động khoa học chuyên sâu, là một sự nghiên cứu do các nhà chuyên môn (giám định viên) tiến hành để giải quyết những vấn đề chuyên môn trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, giám định có thể được tiến hành trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ: trong lĩnh vực xây dựng thường xuyên tiến hành giám định kinh tế – kỹ thuật để đánh giá các tài liệu thiết kế – dự toán hoặc chất lượng các công trình xây dựng; trong lĩnh vực thương nghiệp, giám định hàng hóa được thực hiện để xác định chất lượng hàng hóa, để phân loại sản phẩm hoặc xác định nguyên nhân hư hỏng hàng hóa, hội đồng giám định y khoa giám định mức độ tổn hại sức khỏe, khả năng lao động, tỷ lệ thương tật phục vụ việc giải quyết bảo hiểm xã hội...

ở lĩnh vực thi hành pháp luật, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự, nếu có những vấn đề cần thiết đến kiến thức chuyên môn thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu giám định. Hoạt động giám định này được gọi là giám định tư pháp, vì nó được thực hiện theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, kết luận của nó là một nguồn chứng cứ. Cũng như các hoạt động giám định khác, giám định tư pháp là một hoạt động khoa học chuyên sâu do các nhà chuyên môn tiến hành để giải quyết các vấn đề liên quan đến các vụ án trên cơ sở kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất và mục đích hoạt động, giám định tư pháp có những đặc điểm riêng biệt so với các hoạt động giám định khác.

1. Giám định tư pháp sử dụng những kiến thức phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động kinh tế. Chính vì thế, khi cần giám định về vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn nào thì phải do người có kiến thức chuyên sâu và giàu kinh nghiệm về lĩnh vực đó thực hiện (những chuyên gia trong lĩnh vực đó). Theo qui định của pháp luật khi đưa ra kết luận giám định, giám định viên tư pháp chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn và kết quả của việc áp dụng các phương pháp chuyên môn chứ không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ ý muốn chủ quan nào. Giám định viên tư pháp chỉ được kết luận về những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn của mình. Giám địng viên tư pháp không có quyền kết luận về những vấn đề vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình hoặc những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực pháp lý (ví dụ: về nguyên nhân tộiphạm, về lỗi, bị can hay bị cáo có tội hay không có tội, phải chịu trách nhiệm hình sự hay không...)

2. Hoạt động giám định tư pháp phải tuân theo những qui định của pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Chỉ gọi là giám định tư pháp khi hoạt động khoa học của giám định viên được thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng và cũng chỉ khi đó kết luận giám định mới được coi là nguồn chứng cứ độc lập trong hoạt động tố tụng. Giám định viên tư pháp phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận của mình, ngay cả trong những trường hợp giám định tập thể.

3. Kết luận giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ khoa học trong tố tụng hình sự và dân sự. Đánh giá kết luận giám định là thuộc quyền của cơ quan và những người tiến hành tố tụng mà trong đó quyết định cuối cùng là thuộc Hội đồng xét xử, đánh giá kết luận giám định phải kết hợp với việc nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các chứng cứ cũng như các tình tiết của vụ án.

Tóm lại giám định tư pháp là một hoạt động khoa học chuyên sâu do các chuyên gia (giám định viên) thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... tiến hành trên cơ sở kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử được công minh và đúng pháp luật.

II. ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp

Giám định tư pháp là hoạt động trực tiếp phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, có ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ án. Kết luận giám định tư pháp là một chứng cứ khoa học quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc khám phá tội phạm, kẻ phạm tội, xác định tính chất, mức độ tội phạm, góp phần làm cho hoạt động xét xử được tiến hành công minh, xử lý đúng ngưởi, đúng tội, đúng pháp luật việc giải quyết các tranh chấp dân sự, lao động... được đúng đắn, khách quan. Yêu cầu đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử càng cao, khoa học kỹ thuật càng phát triển, tình hình tội phạm diễn biến càng phức tạp thì yêu cầu về giám định tư pháp càng lớn.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trong những năm qua cho thấy rằng có những vụ án bị kéo dài nhiều năm, thậm chí bế tắc do không có giám định tư pháp, hoặc do chất lượng giám định không đảm bảo tin cậy. Có những vụ án xử sai, xử oan do không có kết luận giám định tư pháp như một nguông chứng cứ khách quan, khoa học.

Trên thế giới, hoạt động giám định tư pháp đã có từ lâu đời. Ngay từ thời cổ đại Trung Quốc, ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, các thầy thuốc đã tham gia khám thi thể và thương tích của nạn nhân theo yêu cầu của các vua chúa để phán xử một số vụ án. Thế kỷ thứ III ở Trung Quốc có cuốn sách "Tẩy oan luận" trình bày một số vấn đề về pháp y. ở Châu Âu, từ thế kỷ XVI lần lượt các Bộ luật hình của nhiều nước quy định sự tham gia của thầy thuốc vào việc khám nghiệm các trường hợp tử vong, thương tích... Cùng với sự phát triển của luật pháp, của khoa học kỹ thuật, việc giải quyết các vụ án đòi hỏi sự tham gia của chuyên gia thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau ngày càng nhiều. Các quy phạm về giám định tư pháp trong pháp luật tố tụng cũng từng bước được xây dựng và hoàn chỉnh. Kết luận giám định tư pháp trở thành một trong các phương tiện chứng minh được Luật pháp công nhận để từ đó rút ra những chứng cứ của vụ án. Đối với một số trường hợp trong quá trình giải quyết các vụ án, pháp luật quy định bắt buộc phải có kết luận giám định.

Do đòi hỏi của thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử nên hoạt động giám định tư pháp ở nước ta đã có từ lâu và đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng, sức khỏe danh dự và nhân phẩm của công dân.

Sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, tháng 9 năm 1945, công tác xét xử của Tòa án nhân dân được triển khai thì đồng thời cũng có hoạt động giám định tư pháp. Trong thời gian này, hoạt động giám định tư pháp chủ yếu tiến hành trong hai lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự. Ngày 25/06/1946 Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 163/SL trong đó có qui định về công tác pháp y. Sau khi miền Bắc được giải phóng, hoạt động giám định pháp y lại tiếp tục được quan tâm. Ngày 12/12/1956 Liên Bộ Tư pháp – Y tế đã ban hành thông tư số 2975/HCTP qui định một số điểm cụ thể về giám định pháp y trong những trường hợp gây thương tích, làm chết, hãm hiếp, phá thai, đầu độc... Sau đó Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ y tế, Bộ tài chính lại ban hành thông tư số 423 ngày 21/5/1961 qui định cụ thể một số vấn đề về hoạt động giám định pháp y. Đến năm 1962 chúng ta có một số cán bộ được đào tạo pháp y ở Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức (trước đây) về nước, Bộ quốc phòng thành lập Phòng pháp y thuộc Cục quân y. Trong những năm đầu của thập kỷ 70, Bộ nội vụ thành lập Viện khoa học hình sự và đào tạo đội ngũ giám định viên tư pháp ; Bộ phận giám định pháp y được thành lập trong Viện khoa học hình sự Bộ nội vụ. Sau ngày giải phóng miền Nam, công tác giám định pháp y được mở rộng trong cả nước; Năm 1976 Bộ y tế đã giao cho Bộ môn giải phẫu bệnh trường Đại học y Hà Nội đào tạo bác sĩ pháp y đầu tiên và đến năm 1983, Bộ môn pháp y được thành lập theo Quyết định số 338/BYT-QĐ ngày 19/5/1983 của Bộ trưởng Bộ y tế.

Ngày 28/6/1988 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự, ngày 29/11/1988 Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, trong văn bản đó có quy định tương đối cụ thể về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự và dân sự. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ phòng chống tội phạm, ngày 21/7/1988 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 117/HĐBT về giám định tư pháp. Bộ tư pháp đã có thông tư số 78/TT-GĐ ngày 26/1/1981 hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Liên Bộ Tư pháp – Tài chính ban hành Thông tư số 478/TTLB ngày 3/7/1991 hướng dẫn chế độ phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp.

Những văn bản pháp luật nêu trên đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, đưa dần vào nề nếp và nâng cao hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố và xét xử.

III. Các thể loại, hình thức giám định tư pháp

1. Các thể loại giám định tư pháp

Giám định tư pháp có thể được tiến hành ở nhiều lĩnh vực chuyên môn; tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử, chủ yếu các thể loại giám định tư pháp sau đây được sử dụng thường xuyên ở nước ta:

- Giám định pháp y

- Giám định pháp y tâm thần

- Giám định kỹ thuật hình sự

- Giám định kế toán tài chính

- Giám định tác phẩm văn học và văn hóa phẩm nghệ thuật

- Giám định trong từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật

2. Các hình thức giám định tư pháp

Việc phân loại các hình thức giám định tư pháp được căn cứ vào trình tự thời gian thực hiện giám định và vào chủ thể giám định.

a) Theo trình tự thời gian thực hiện giám định, giám định tư pháp có các hình thức sau:

Giám định lần đầu là giám định được tiến hành theo quyết định trưng cầu giám định tư pháp lần đầu tiên về một đối tượng trong một vụ án cụ thể.

Giám định bổ sung là giám định được trưng cầu khi kết luận giám định lần đầu chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Kết luận giám định chưa đầy đủ không chỉ trong trường hợp giám định viên không trả lời đầy đủ các câu hỏi đặt ra, không sử dụng những phương pháp, phương tiện hiệu quả khi thực hiện giám định, mà còn trong trường hợp cơ quan trưng cầu giám định không cung cấp đầy đủ những tài liệu để thực hiện giám định. Trường hợp nảy sinh những vấn đề bổ sung có liên quan đến các tài liệu đã nghiên cứu hoặc cần phải giải thích những kết quả giám định hay làm sáng tỏ những phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu theo quy định của pháp luật tố tụng, giám định bổ sung có thể do giám định viên đã thực hiện giám định lần đầu hoặc các giám định viên khác thực hiện.

Giám định lại được trưng cầu khi kết luận giám định lần đầu không có cơ sở khoa học hoặc có nghi ngờ kết luận đó không chính xác; có sự mâu thuẫn trong kết luận giám định của các giám định viên; kết luận giám định mâu thuẫn với các chứng cứ, tình tiết khác của vụ án. Việc giám định lại phải do giám định viên khác hoặc tập thể giám định viên khác thực hiện.

b) Theo chủ thể giám định, giám định tư pháp có các hình thức sau:

Giám định cá nhân là giám định do một giám định viên thực hiện trong một vụ án và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình.

Giám định tập thể là giám định do hai hay một số giám định viên cùng thực hiện về một vấn đề cần giám định. Sau khi thực hiện giám định tập thể, các giám định viên cùng viết một kết luận giám định chung. Mỗi giám định viên đều ký tên vào kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó. Trường hợp giám định viên không nhất trí với kết luận giám định chung thì, người đó có quyền viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung, ký tên và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận riêng đó.

Giám định tổng hợp là giám định do một nhóm các giám định viên thực hiện để giải quyết các vấn đề cần thiết đến kiến thức chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau. Mỗi giám định viên thực hiện giám định về vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, đưa ra kết luận riêng về phần giám định đó và chịu trách nhiệm cá nhân đối với kết luận giám định do mình đưa ra.

IV. Sự hình thành các tổ chức giám định tư pháp ở Việt Nam

Trong thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân không chú trọng việc xây dựng các tổ chức giám định tư pháp.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh 162/SL ngày 25/6/1946 trong đó có qui định việc giám định viên pháp y tham gia phục vụ cho quá trình điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến sinh mạng con người.

Cho đến năm 1956 Liên Bộ Tư pháp – Y tế ban hành thông tư số 2795/HCTP qui định việc lập danh sách giám định viên pháp y; ở Hà Nội và Hải Phòng có từ 3 đến 5 người, ở các tỉnh có từ 2 đến 3 người chọn trong các y, bác sĩ. Công tác giám định pháp y lúc này cũng chỉ là những vụ lẻ tẻ, không có cơ sở chuyên trách và cũng không có giám định viên pháp y chuyên nghiệp. Từ những năm 1960 Bộ Công an đã quyết định xây dựng và đạo tạo đội ngũ cán bộ pháp y và hóa để chuyên làm giám định pháp y, cũng như triển khai hoạt động giám định kỹ thuật hình sự. Vào những năm 70 viện khoa học hình sự Bộ nội vụ được thành lập và trong viện có phòng pháp y. ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bác sĩ được đào tạo bồi dưỡng về pháp y thuộc các Sở công an.

Năm 1962 Bộ quốc phòng thành lập phòng pháp y quân đội và sau đó ngày 9/4/1988 Bộ trưởng Bộ quốc phòng ra quyết định số 142/QG-TM thành lập Viện pháp y quân đội; theo quyết định này, tổ chức pháp y quân đội có 2 cấp:

- Cấp trung ương có Viện pháp y quân đội

- Cấp khu vực có bộ phận pháp y quân khu

 

Ngày 11/3/1988 Liên bộ Y tế – Tư pháp đã ra thông tư 166/TT-LB hướng dẫn một số điểm về công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần. Theo thông tư này thì các Hội đồng giám định pháp y và Hội đồng giám định pháp y tâm thần được thành lập để quản lý các giám định viên về mặt hành chính, việc tham gia tố tụng là trách nhiệm của giám định viên. Phạm vi của thông tư hạn hẹp, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác của giám định tư pháp. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần còn phụ thuộc vào hội đồng giám định y khoa. Chưa có qui chế cụ thể, thống nhất cho hoạt động của các Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần. Việc lựa chọn công nhận giám định viên có nhiều hiện tượng thiếu chặt chẽ. Nhưng dù sao, Thông tư 166/TT-LB cũng đánh dấu một bước tiến trong việc tổ chức và quản lý hoạt động giám định pháp y. Thực hiện thông tư 166/TT-LB ngày 11/3/1988 của Liên Bộ Y tế – Tư pháp, sau một thời gian đã có 25 Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần được thành lập và hoạt động bước đầu có kết quả.

Ngày 21/07/1988 Hội đồng bộ trưởng đã ban hành Nghị định 117/HĐBT về giám định tư pháp. Nghị định 117/HĐBT là văn bản pháp luật đầu tiên qui định tương đối toàn diện về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Theo Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 và Thông tư 78/TT-GĐ ngày 26/1/1989 của Bộ tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định này, các tổ chức giám định tư pháp được thành lập ở 2 cấp: Trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, ở cấp trung ương đã có các tổ chức giám định tư pháp như:

Tổ chức giám định pháp y thuộc Bộ y tế

Tổ chức giám định pháp y tâm thần thuộc Bộ y tế

Tổ chức giám định pháp y thuộc Bộ Nội vụ

Viện pháp y quân đội thuộc Bộ quốc phòng

Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, thuộc Bộ Nội vụ trong đó có phòng pháp y

Tổ chức giám định kế toán tài chính thuộc Bộ tài chính

Tổ chức giám định tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hóa phẩm nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin thể thao

ở địa phương, tính đến tháng 12/1991 - 43 tỉnh, thành phố đã có các tổ chức giám định tư pháp với đội ngũ 766 giám định viên. Thực tiễn 3 năm thực hịên Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng cho thấy rằng, các tổ chức giám định tư pháp đã hoạt động có hiệu quả và ngày càng nâng cao chất lượng, phục vụ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Song chúng ta cũng thấy rằng, công tác giám định tư pháp của nước ta chưa chuyển biến và phát triển kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong tình hình hiện nay. Hình thức tổ chức giám định tư pháp hiện nay mới chỉ ở mức "quá độ", vấn đề quản lý các tổ chức giám định tư pháp quy định chưa thật cụ thể, do đó nẩy sinh những khó khăn, lúng túng cả về phía các cơ quan có trách nhiệm quản lý và các tổ chức giám định. Đội ngũ giám định viên phần lớn là kiêm nhiệm, số lượng giám định viên chuyên nghiệp quá ít đã tạo nên nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giám định tư pháp. Ngoài ra, các phương tiện, trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất khác cần thiết cho hoạt động giám định tư pháp còn thiếu thốn nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản của các tổ chức giám định như Bộ y tế, Bộ Nội vụ, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Bộ văn hóa thông tin và thể thao (ở Trung ương) và các sở y tế, công an, các bệnh viện (ở địa phương).

Các thể loại giám định tư pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu trong thời gian qua, đại đa số là giám định pháp y, pháp y tâm thần và sau đó là giám định kỹ thuật hình sự. Các thể loại khác như giám định kế toán tài chính, giám định các tác phẩm văn học, văn hóa phẩm nghệ thuật, giám định trong từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật chưa được trưng cầu và thực hiện nhiều. Tuy nhiên, cùng với nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội mà đặc biệt là việc mở rộng quan hệ đối ngoại trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa... nhu cầu về giám định kế toán tài chính, giám định văn hóa nghệ thuật, giám định khoa học kỹ thuật cũng dễ tăng lên trong thời gian tới. Do đó, việc củng cố và tiếp tục hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp để đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ của công tác điều tra, truy tố, xét xử là một nhu cầu cấp thiết.

Như trên đã trình bày, hai lĩnh vực giám định thường xuyên cần thiết và phổ biến nhất ở nước ta trong thời gian qua là giám định pháp y và pháp y tâm thần. Trong khi đó mô hình tổ chức và quản lý hoạt động giám định pháp y ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng tăng về hoạt động giám định phục vụ việc giải quyết các vụ án, và phần nào còn hạn chế hiệu quả, chất lượng của lĩnh vực giám định này. Chính vì thế, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, trong đề tài này chủ yếu nghiên cứu sâu về những cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện tổ chức giám định pháp y.

Phần thứ hai

Giám định pháp y

I. Quan niệm chung về pháp y

1. Pháp y, y pháp hay y học tư pháp là những danh từ ghép giữa "y học" và "pháp luật":

Médecine légale (tiếng Pháp)

Forensic medicine (tiếng Anh)

Сугебная мегицияна (tiếng Nga)

Gerichthichen medezin (tiếng Đức)

Soudni lekařstvớ (tiếng Tiệp)

Sadowa medycyna (tiếng Ba Lan)

Pháp y là ngành khoa học nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có tính chất y học và sinh học được đặt ra trong quá trình điều tra và xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Pháp y là môn học nằm trong lĩnh vực của y học, nhưng lý do phát sinh và phát triển không phải vì mục đích y tế nghĩa là không phải vì nhu cầu chữa bệnh hay phòng bệnh mà là do yêu cầu của pháp luật, phục vụ việc thi hành pháp luật. Do có nội dung là y học nhưng mục đích lại là phục vụ pháp luật, pháp y, vừa mang tinh chất của khoa học tự nhiên vừa mang tính chất của khoa học xã hội.

Ngay từ thời cổ đại xa xưa, khi ở một số nơi, mầm mống của khoa học vừa chớm nở, hoạt động của người làm nghề y không phải chỉ hạn chế trong việc chữa bệnh. Nhiều vấn đề pháp luật cần đến sự sống, cái chết, sức khỏe và tinh thần của con người trong các sự việc xảy ra luôn luôn có ý thức nhất định để xác định các yếu tố khách quan giúp cho việc nhận định nguyên nhân tính chất của các vụ án hoặc quyết định thái độ xử lý đối với can phạm.

Xã hội ngày càng phát triển, trong đó pháp chế và khoa học càng tiến bộ, công tác xét xử tất nhiên càng phải khoa học. Chứng cứ nêu ra trong quá trình giải quyết các vụ án phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác, khách quan. Chính vì thế nhiều câu hỏi của cơ quan tiến hành tố tụng đặt ra trở nên xa lạ, khó giải đáp đối với nhiều thầy thuốc làm công tác y tế thông thường.

Sự ra đời của pháp y học đã mở rộng khả năng phục vụ của y học. Y học không chỉ có hai mục đích điều trị và phòng bệnh mà còn có nhiệm vụ phục vụ tư pháp. Ngày nay pháp y đã trở thành một ngành khoa học hoàn chỉnh.

2. Pháp y gồm có 4 nội dung sau đây

 

a) Y học tư pháp hình sự: là môn học cơ bản trong y học tư pháp, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự. Y học tư pháp hình sự bao gồm:

Chấn thương học pháp y nghiên cứu về việc nhận dạng các thương tích cơ giới, nhận dạng hung khí qua thương tích.

Thương tích do các yếu tố vật lý khác.

Các loại ngạt cơ giới

Bệnh lý độc hại và độc chất học pháp y

Nghiên cứu về sự chết, các loại cơ chế gây chết.

Sản phụ khoa pháp y gồm các vấn đề liên quan đến các tội phạm về tình dục như các hành động hiếp dâm, tình trạng chửa đẻ, phá thai, gây bệnh hoa liễu và các vấn đề khác như ái nam, ái nữ, khả năng tình dục.

Di truyền và huyết thống

Nhân chủng học pháp lý, cốt học pháp y để nhận dạng ngưởi không rõ tung tích, hoặc tung tích khả nghi, để xác dịnh tuổi, chiều cao, giới tính và cá thể đối tượng cần tìm.

Sinh học pháp y, trong đó có: huyết học pháp y để nhận dạng các vết sinh học như: lông, tóc, máu, vết tinh khí, các chất bài tiết, các mảnh tổ chức, phủ tạng.

Đạn học pháp y để nhận dạng súng đạn

Dấu vết học pháp y nghiên cứu nhận dạng các dấu vết thương tích trên tang vật.

Tâm thần học pháp y nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của can phạm, phục vụ cho việc cải tạo giáo dục và phong ngừa tội phạm.

Nghiên cứư về tự sát nhằm tìm ra các yếu tố tâm lý, bệnh lý dẫn tới tự sát, giúp cho việc tìm biện pháp ngăn ngừa.

Vấn đề giả thương, giả bệnh, dấu bệnh

Y học trại giam nghiên cứu các đặc điểm bệnh lý và tâm lý đặc biệt của những phạm nhân để giúp cho công tác quản lý và chấp pháp hình sự.

b) Y học tư pháp dân sự: Nghiên cứu các vi phạm bảo vệ giống nòi, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Vấn đề giám định tỷ lệ thương tật, giám định sức khỏe phục vụ việc xét bồi thường, vấn đề xác định cha, những vấn đề y học liên quan đến hôn nhân và ly hôn.

c) Y học tư pháp trong nghiệp vụ y tế: Nghiên cứu về việc phòng và chống các loại tai nạn điều trị, các biện pháp điều tra các hiện tượng vi phạm pháp chếy học và vi phạm đạo đức y học của nhân viên y tế.

d) Y học tư pháp quân sự: Y học tư pháp quân sự bao gồm đầy đủ ba nội dung nói trên của y học tư pháp, nhưng nó có những đặc điểm riêng, những vấn đề riêng. Đời sống quân sự là một lĩnh vực riêng của đời sống xã hội, đó là lĩnh vực mà trong đó các quân nhân có tổ chức chặt chẽ và có vũ khí trong tay. Đời sống quân đội có hai nét đặc biệt khác với đời sống dân sự:

Muốn hoàn thành được nhiệm vụ, quân nhân cần có những đức tính không thể thiếu đó là tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, tính tự giác hy sinh, chiến đấu gian khổ và ý thức kỷ luật cao.

Phương tiện cơ bản của quân nhân là vũ khí, có thể gây nguy hiểm cho sinh mạng của nhiều người. Trong điều kiện ấy, những tiêu cực phát sinh trong đời sống đặt ra nhiều vấn đề pháp y riêng, ví dụ như giám định giả bệnh, giả thương, dấu bệnh dấu thương, tự thương, tự sát, bất ngờ giết người một loạt, các loại tâm thần phản ứng, đột tử ở người trẻ tuổi, các thương tích hỏa khí...

3. Pháp y học có hai tính chất cơ bản

 

a) Tính khoa học: Pháp y học đi sâu vào chuyên đề riêng phức tạp, dựa vào các thành tựu của tất cả các môn trong y học và khoa học tự nhiên, từ các môn học cơ bản, y học cơ sở đến các môn lâm sang, phi lâm sàng khác nhau và khoa học hình sự.

b) Tính pháp lý: Pháp y ra đời theo yêu cầu của pháp luật dùng khoa học tự nhiên để góp phần bảo đảm công lý xã hội, pháp luật, trật tự kỷ cương của đất nước. Vì vậy vấn đề tổ chức và hoạt động giám định pháp y phải tuân theo những quy định của pháp luật.

4. Đối tượng nghiên cứu của giám định pháp y

 

a) Người sống: Trong các trường hợp cần xác định nguyên nhân cơ chế và hậu quả các thương tích, tìm hiểu về sức khỏe của các đối tượng liên quan đến vụ án, xác định giả thương, giả bệnh, dấu thương, dấu bệnh, tình nghi reo rắc bệnh hoa liễu, tình trạng chửa đẻ, phá thai, hành động hiếp dâm, xác định nhận dạng giống, tuổi, ngộ độc...

Giám định pháp y tâm thần có vị trí đặc biệt trong việc xác định khả năng chịu trách nhiệm hình sự của một cá nhân đối với hành vi phạm tội của mình. Tuy là giám định pháp y trên người sống nhưng pháp y tâm thần là một ngành riêng.

b) Tử thi: Khi xảy ra các trường hợp chết do bạo lực, án mạng, tai nạn, tự sát, các trường hợp chết khả nghi, chết đột tử, chết ngoài bệnh viện không có chẩn đoán chính xác, các trường hợp tử thi không rõ tung tích.

c) Tang vật: Bao gồm các tang vật sinh học như lông, tóc, máu, vết tinh khí, các chất bài tiết, các mảnh tổ chức hay phủ tạng, các hung khí súng đạn, các tang vật quần áo mang dấu vết nghi liên quan đến án mạng.

d) Giám định pháp y trên tài liệu

5. Những yêu cầu của công tác giám định pháp y bao gồm

 

a) Kịp thời: Các đối tượng giám định pháp y là những tang vật sinh học, người sống mang dấu vết thương tích, dấu hiệu bệnh tật, xác chết, vết máu, phủ tạng... Những đối tượng này luôn luôn biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh: thương tích trên người sẽ thay đổi theo dấu vết, bệnh tật qua thời gian sẽ mất đi, xác chết sẽ thối rữa, chất độc sẽ biến mất, vết máu sẽ hỏng, do đó phải giám định kịp thời, tức là giám định "nóng".

b) Đầy đủ: có nghĩa là phải khám nghiệm, xét nghiệm toàn bộ và có hệ thống, phải thu lượm đủ hết tang vật, tài liệu, chứng cứ có thể thu thập được.

c) Chính xác: là yêu cầu cơ bản của một vụ khám nghiệm hay giám định pháp y. Muốn chính xác phải tỷ mỷ, thận trọng trong khám nghiệm, xét nghiệm phải có kỹ thuật bảo đảm, phương tiện bảo đảm, phương pháp đúng và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra chính xác còn có nghĩa là phải trung thực, trung thực trong hổ sơ giám định, trong kết luận giám định.

d) Bí mật: yêu cầu về bí mật xuất phát từ tính chất nghiệp vụ và chính trị của công tác điều tra vụ án.

e) Khách quan: Giám định viên pháp y phải trung thực với sự thật khách quan của quá trình nghiên cứu giám định. Khi đưa ra kết luận giám định, giám định viên pháp y chỉ căn cứ vào kết quả của việc nghiên cứu trên cơ sở kiến thức, phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, chứ không gò ép, chạy theo một ý muốn chủ quan hoặc các yếu tố khác để làm sai sự thật.

II. Lịch sử phát triển của pháp y học

1. Trong lịch sử phát triển của mình, pháp y học trên thế giới đã trải qua 4 thời kỳ

a) Thời cổ đại

 

Đó là thời kỳ mà ở các nhà nước chưa có quy chế về hoạt động pháp y trong pháp luật và cũng chưa có lý luận về khoa học pháp y. ở thời kỳ này lẻ tẻ có sự tham gia của thầy thuốc vào một số vụ án. Người ta tìm thấy trong các tư liệu cổ ở Trung Quốc, ấn Độ, Hy Lạp, La Mã có một số việc làm của thầy thuốc trong khám thi thể và thương tích của nạn nhân theo yêu cầu của các vua chúa thời bấy giờ.

b) Thời sơ khai

 

Đây là một giai đoạn dài, diễn ra từ thời Trung cổ đến cuối thế kỷ thứ 18. Dấu vết về học thuật pháp y trong lịch sử được tìm ra trước tiên ở phương Đông ; năm 1247 một thầy thuốc Trung Hoa tên là Suntsư đã viết cuốn sách "Tẩy oan luận’’ gồm 5 tập trình bày những vấn đề về pháp y.

ở Châu âu phải đến thế kỷ 16, mầm mống về pháp chế và học thuật pháp y mới nảy sinh rõ nét. Trong thời kỳ này lần lượt các bộ luật hình sự ra đời. Trước hết là ở Đức Johann Von Scharzen ra bộ luật hình Catđin. Đây là bộ luật hình đầu tiên quy định sự tham gia cần thiết của thầy thuốc vào việc khám nghiệm các trường hợp giết trẻ sơ sinh, gây thương vong, gây ngộ độc, gây tai biến trong chữa bệnh.

ở Pháp bộ luật hình sự của Charles Quint (năm 1532), rồi đến bộ luật của Francois I năm 1536 đề cập đến sự quan trọng của việc khám pháp y trong xét xử.

ở ý ngay từ năm 1140 vua Roger II ở Apulic và Sicile đã ra sắc lệnh về các trường hợp phải khám pháp y. Năm 1231 Fredeic II đã bổ sung thêm đạo luật của Roger II. Năm 1525 tòa đại hình ở Naples đã nêu lên giá trị của các chứng cứ vật chất thông qua giám định khoa học. ở Tây Ban Nha và ở Thụy Điển năm 1295 đã ban bố bảng tỷ lệ đền bù thương tật.

Năm 1606 Henri IV ra sắc lệnh chỉ định thầy thuốc làm giám định pháp y ở Paris và ở các địa phương, tới năm 1690 lại có một sắc lệnh khác nói về bổ nhiệm 1 bác sỹ nội khoa và 1 bác sĩ ngoại khoa làm giám định pháp y ở các địa phương.

Đây là việc thành lập danh sách bác sỹ pháp y đầu tiên ở Pháp và kế đó là ở các nước Châu âu khác.

Sự ra đời của các bộ luật hình sự ở Châu âu đã mở đường cho nhu cầu nghiên cứu và xây dựng lý luận về pháp y.

c) Thời kỳ phát triển: Kể từ cuối thế kỷ thứ 18 đến đầu thế kỷ 20. Cuối thế kỷ 18, chế độ phong kiến ở Châu âu lần lượt bị đánh đổ, mở đầu là cuộc cách mạng tư sản dân quyền Pháp năm 1789. Trong lĩnh vực xét xử, dần dần ở từng nước đã có sự cải tổ từ xét xử kín chuyển sang xét xử công khai, với sự tham gia của nhiều bên. Việc xét xử không phải chỉ có quan tòa quyết định mà còn phải có sự tham gia của người buộc tội (công tố uỷ viên), có người bào chữa cho bị cáo (luật sư), thầy thuốc tham gia phiên toà với tư cách giám định viên. Kết luận của thầy thuốc trước tòa không thể tuỳ tiện mà phải được bảo vệ bằng những luận cứ khoa học chắc chắn.

Sự cách mạng về tư pháp nói trên đã là nguồn động viên lớn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học pháp y phát triển lên một bước mới. Y học pháp y ở Châu âu thời này đã tiến bộ vượt bậc so với những thế kỷ trước đó.

Đặc điểm của thời kỳ này là:

Đội ngũ chuyên gia thực sự về pháp y càng ngày càng lớn mạnh.

Việc giảng dạy pháp y trở thành việc bắt buộc ở các trường y khoa và luật khoa. Hàng loạt các bộ môn pháp y tiếp tục được xây dựng.

Các tạp chí pháp y và các sách giáo khoa pháp y có cơ sở khoa học vững chắc đã ra đời.

d) Thời kỳ hiện đại: Tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Dấu ấn mạnh mẽ đối với y học tư pháp của thế kỷ 20 là:

Khoa học kỹ thuật nói chung và y học nói riêng phát triển ngày càng mạnh trên cơ sở chuyên khoa hóa và kỹ thuật hiện đại ngày càng hoàn thiện.

Các xu hướng tiến bộ về chính trị và pháp chế ngày càng phát triển. Cách mạng tháng Mười Nga thành công và hệ thống các nước XHCN ra đời. Một nền tư pháp XHCN xuất hiện là một trong những điều kiện cơ bản của sự phát triển khoa học pháp y ở các nước này.

Đặc điểm của thời kỳ này là:

Các viện nghiên cứu pháp y ra đời trong khắp các nước tiên tiến, không những chỉ riêng ở thủ đô mà ở cả các đô thị lớn.

Việc giảng dạy pháp y không những chỉ dừng lại ở chương trình pháp y tối thiểu cho các sinh viên y khoa và luật khoa mà còn có chương trình bổ túc chuyên khoa pháp y sau đại học để đào tạo giám định viên pháp y.

Khối lượng thông tin về pháp y rất lớn, các tạp chí pháp y mỗi ngày một nhiều, các công trình nghiên cứu số lượng các luận án sau và trên đại học về pháp y ngày càng lớn.

Các hội khoa học về pháp y của từng nước được thành lập và sinh hoạt đều đặn. Ngoài các hội pháp y quốc gia còn có hội pháp y khu vực và quốc tế. Hội pháp y thế giới lấy tên là "Hội pháp y và y học xã hội" đã được thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cứ 2 năm bầu lại 1 nhiệm kỳ chủ tịch.

Riêng ở Liên Xô để bảo đảm phát triển khoa học pháp y, ngoài 2 Viện nghiên cứu pháp y quốc gia và quân đội, từ năm 1972 còn có tiểu ban nghiên cứu pháp y gồm 23 thành viên nằm trong Viện hàn lâm y học Liên Xô.

Về nội dung, y học tư pháp hiện đại đã trở thành một ngành chuyên khoa phức tạp với 4 lĩnh vực: pháp y hình sự, pháp y dân sự, pháp y trong nghiệp vụ y tế và pháp y quân đội.

2. ở Việt Nam, trong thời Pháp thuộc, trường đại học y khoa Hà Nội không có bộ môn pháp y. Việc dạy pháp y phổ thông cho sinh viên do bác sỹ tai mũi họng hoặc giải phẫu bệnh lý thực hiện. Theo tài liệu "Cảnh sát khoa học" của sở mật thám Pháp để lại thì ở sở mật thám Hà Nội có một Labô pháp y dành cho các vụ án đặc biệt.

Sau cách mạng tháng 8 thành công, trong Sắc lệnh số 162/ S L ngày 25 - 6 - 46, Nhà nước ta có qui định sự tham gia của giám định viên pháp y vào công tác xét xử.

Năm 1956 Liên bộ Tư pháp - Y tế ra Thông tư 2795/HCTP qui định việc lập danh sách giám định viên pháp y.

Năm 1961 Liên ngành Công an - Y tế - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ tài chính ra Thông tư 423/TTVIP2 có đề cập một số điểm về công tác giám định pháp y. Từ đó một số bác sỹ, y sỹ ở bệnh viện được trưng dụng kiêm nhiệm thêm công tác khám nghiệm pháp y, nhưng vẫn chưa có cơ sở chuyên trách công tác pháp y và không có phòng thí nghiệm pháp y.

Từ năm 1988, theo Thông tư Liên bộ Y tế - Tư pháp số 166-TT/LB, ở Trung ương và địa phương đã thành lập các Hội đồng giám định pháp y và Hội đồng giám định pháp y tâm thần.

Ngày 21 - 7 - 1988 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 117/HĐBT về giám định tư pháp. Theo nghị định này tổ chức giám định pháp y được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Hiện nay ở Trung ương có 3 tổ chức giám định pháp y bao gồm: Tổ chức giám định pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế; Tổ chức giám định pháp y thuộc Bộ nội vụ, Viện pháp y quân đội thuộc Bộ quốc phòng. ở địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ chức giám định pháp y.

Riêng trong quân đội , ngày 14/5/1962 , Phòng pháp y quân đội đã được thành lập , và đến năm 1988 ở cấp trung ương đã có Viện pháp y quân đội , ở cấp khu vực có bộ phận pháp y quân khu .

III. Vai trò của giám định pháp y trong công tác điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta

Một yêu cầu cơ bản của công tác điều tra, truy tố, xét xử là các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp theo luật định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo đối với các vụ án hình sự; trong các vụ án dân sự cũng phải thu thập đầy đủ chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án đó được chính xác. Giám định pháp y có vị trí rất quan trọng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Do vai trò quan trọng và tính chất khoa học của kết luận giám định như một nguồn chứng cứ độc lập, pháp luật tố tụng hình sự đã qui định những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y trong quá trình giải quyết nhiều vụ án hình sự.

Mỗi khi xảy ra các vụ án mạng, các trường hợp chết chưa rõ nguyên nhân, các vụ cố ý gây thương tích... thì cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y để kết luận về nguyên nhân chết, tính chất thương tích, tỷ lệ tổn hại sức khỏe nhằm xác định có hay không có tội phạm xảy ra, cần xử lý người có hành vi tội phạm như thế nào; hoặc trong trường hợp một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, thì việc giám định để kết luận về năng lực trách nhiệm hình sự của họ nhất thiết phải được tiến hành. Nhiều vụ án xâm phạm danh dự nhân phẩm của công dân cũng cần phải trưng cầu giám định pháp y.

Trong các trường hợp rõ ràng đã có dấu hiệu tội phạm, thì kết luận giám định pháp y cũng rất cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ sử dụng kết luận giám định đó kết hợp cùng các chứng cứ khác để làm sáng tỏ các vấn đề về thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm, đối tượng phạm tội, có lỗi cố ý hay vô ý, mục đích, động cơ phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra...

Trong quá trình điều tra các vụ án về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ, giám định pháp y thương tích hình sự giúp cơ quan điều tra ngay từ đầu trong việc xác định đặc điểm, tính chất của hung khí, cách thức tình huống gây án, mức độ nguy hiểm của hành vi, khả năng tự vệ của người bị hại. Đó là những yếu tố rất quan trọng và cơ bản góp phần giúp cho điều tra viên các định hướng điều tra đúng đắn ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng. Kết luận giám định pháp y thương tích hình sự còn giúp cho kiểm sát viên đánh giá hoạt động điều tra, đồng thời cung cấp chứng cứ khoa học giúp cho việc lập cáo trạng được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Trong giai đoạn xét xử, kết luận giám định pháp y về tỷ lệ thương tích hoặc tỷ lệ phần trăm mất sức lao động của nạn nhân là căn cứ để định khung hình phạt hoặc xác định hành vi gây thương tích đó có cấu thành tội cố ý gây thương tích hay không.

Bằng việc khám nghiệm và giải phẫu tử thi, nghiên cứu trên đại thể và vi thể các tổn thương của các cơ quan tổ chức, các tế bào, xét nghiệm các vật phẩm lấy từ tử thi, giám định viên pháp y đưa ra kết luận khoa học về nguyên nhân chết, thể loại chết, xác định các thương tích và cơ chế gây thương tích, hậu quả của thương tích.

Công tác giám định độc chất pháp y cũng có vai trò rất quan trọng trong khi giải quyết các vụ chết người có nghi vấn bị đầu độc. Trong những trường hợp này, giám định viên độc chất pháp y bằng việc phân tích, kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm trích từ phủ tạng tử thi sẽ đưa ra kết luận khoa học, cụ thể về các vấn đề như : phủ tạng nạn nhân có chất độc hay không, nếu có thì thuộc loại độc chất nào, liều lượng độc chất bao nhiêu thì có thể gây ra chết người. Trong thời gian qua các giám định viên thuộc Phòng kiểm nghiệm độc chất thuộc Viện kiểm nghiệm Bộ y tế đã giám định được từ 350 đến 400 mẫu bệnh phẩm hàng năm (có năm lên tới 600 mẫu) qua đó góp phần tích cực vào công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án loại này.

Tóm lại : Hoạt động giám định pháp y rất gắn bó với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự ; bằng hoạt động khoa học chuyên sâu của các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực pháp y có thể giúp giải đáp chính xác, khách quan nhiều vấn đề liên quan đến các vụ án mà điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể tự mình trả lời được.

IV. Tình hình hoạt động giám định pháp y trong thời gian qua ở nước ta

Việc trưng cầu và thực hiện giám định pháp y trong thời gian qua, nhất là từ khi Bộ luật tố tụng có hiệu lực và Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 117-HĐBT về giám định tư pháp đã dần dần đi vào nề nếp, góp phần vào quá trình giải quyết các vụ án được chính xác, kịp thời và khách quan.

Theo số liệu tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1990 chỉ tính trong các vụ đã khởi tố có tới 8.751 vụ án phải giám định pháp y và pháp y tâm thần, gồm các tội về xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm (giết người, gây thương tích, hiếp dâm...) chiếm tới 20,56% tổng số án khởi tố điều tra trong toàn quốc. ở một vài địa phương tỷ lệ này này còn cao hơn, (ví dụ : ở Hà Sơn Bình (cũ) năm 1990 các vụ án giết người, gây thương tích do cấp tỉnh thụ lý phải giám định tới 72 vụ, chiếm 34% tổng số vụ án; riêng trong 5 tháng đầu năm 1991 các vụ án phải giám định pháp y là 52 vụ, chiếm 36% tổng số vụ án thụ lý). ở cấp huyện, quận, thị xã số vụ án phải giám định trong năm 1990 là 6363 vụ, chiếm tới 75% tổng số án phải giám định trong toàn quốc.

ở thành phố Hà Nội, trong năm 1990 đã giám định 172 vụ việc giám định pháp y (gồm cả giám định pháp y tâm thần), trong khi đó số liệu các loại giám định được trưng cầu không đáng kể.

Tỉnh Nghệ Tĩnh : trong thời gian 7 tháng (từ tháng 10/1989 đến tháng 5/1990) đã tiến hành giám định 71 vụ giám định pháp y trong tổng số 117 giám định các loại.

Tỉnh Đồng Tháp : trong năm 1990 đã giám định 38 vụ giám định pháp y và pháp y tâm thần trên tổng số 57 vụ giám định các loại.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay còn nhiều hạn chế, nên số lượng các vụ án cần giám định nhưng không được giám định còn cao. Pháp luật qui định các trường hợp bắt buộc phải giám định pháp y, nhưng số lượng vụ án cố ý gây thương tích ở cấp huyện, quận rất cao mà giám định viên pháp y ở tại cấp huyện lại quá ít; rất nhiều huyện không có giám định viên pháp y tỉnh nằm tại đó. Những huyện thuộc các tỉnh miền núi cách tỉnh lỵ hàng mấy ngày đường vì không có giám định viên nên khi cần giám định phải dẫn bị can, người bị hại về tỉnh lỵ gây tốn kém tiền bạc và thời gian. Cho nên có hiện tượng phía cơ quan tiến hành tố tụng không trưng cầu giám định, cókhi ra quyết định trưng cầu giám định thì tổ chức giám định không nhận hoặc để quá lâu, buộc cơ quan điều tra, truy tố phải giải quyết vụ án mà không có giám định. Đến khi xét xử, Toà án trả lại hồ sơ yêu cầu đưa đi giám định. Ví dụ: tại Hà Nội năm 1989 có 50 vụ án hình sự tồn đọng quá thời gian luật định vì không thực hiện giám định pháp y được, do tổ chức giám định pháp y thành phố chưa thành lập, Hội đồng giám định y khoa thành phố từ chối giám định, nên buộc cơ quan tiến hành tố tụng cứ phải đưa vụ án ra truy tố mặc dù chưa có kết luận giám định pháp y. Do vậy, có những trường hợp vì không có kết luận giám định pháp y về mức độ tổn hại sức khoẻ nên khi xét xử phúc thẩm Toà án đã huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

1. Những tồn tại, thiếu sót của hoạt động giám định pháp y

a) Những thiếu sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng

Có những trường hợp khi khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra không mời các nhà chuyên môn pháp y tham gia, có khi chỉ mời các cán bộ y tế là y sĩ, bác sĩ không có nghiệp vụ pháp y. Điều đó đã vi phạm quy định của điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự.

Khi trưng cầu giám định có những trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng không cung cấp đầy đủ các vật phẩm, không bảo quản tốt tang vật, đối tượng giám diịnh để xảy ra hư hỏng, mất mát.

Có trường hợp trong quá trình lập hồ sơ giám định cơ quan tố tụng không chú ý điều tra về tình trạng thương tích, tâm thần của đối tượng cần giám định trong các thời điểm trước,trong và sau khi có sự việc xảy ra; không chú ý lấy lời khai của thân nhân đối tượng, những người thường tiếp xúc, có trách nhiệm quản lý đối tượng về tình trạng sức khoẻ, bệnh tật và tâm thần của đối tượng qua các giai đoạn.

Việc nêu yêu cầu giám định có những trường hợp không rõ ràng. Ví dụ có trường hợp nạn nhân bị đa chấn thương, có vết thương do người khác gây ra, có vết thương do nạn nhân tự gây ra, hay trước khi nạn nhân bị đánh đã là thương binh v.v... nhưng trong quyết định trưng cầu giám định chỉ nêu yêu cầu kết luận tỷ lệ phần trăm sức khoẻ bị tổn hại sau khi bị đánh là một thiếu sót lớn.

Có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận kết luận giám định pháp y, nhưng không nêu rõ lý do. Tuy kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ không có tính chất bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp nhận, nhưng theo quy định của pháp luật tố tụng (điều 55 khoản 2 BLTTHS) trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận giám định chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung. Hiện nay còn có tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng không phản đối về mặt khoa học, chuyên môn của kết luận giám định, nhưng khi giải quyết vụ án lại khác với kết luận giám định; thậm chí cá biệt có trường hợp đã gợi ý, can thiệp vào chuyên môn của giám định viên.

Có nơi, cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ các hồ sơ bệnh án y tế có sẵn, hoặc đôi khi yêu cầu các thầy thuốc giải đáp một số vấn đề về chuyên môn đơn thuần, hoặc căn cứ vào Bảng xếp loại thương tích dùng cho giám định y khoa để các bác sĩ y khoa xem xét xác định tỷ lệ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân. Tuy đây chỉ là nhằm giải quyết nhiều vụ án bị tồn đọng do không giám định kịp, nhưng lại dẫn đến tuỳ tiện, vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y (điều 44 khoản 5). Tỷ lệ thương tích trong các giấy chứng nhận thương tích do các cơ quan y tế cấp hoặc trong các bệnh án nhiều khi không chính xác, nhiều khi có những mâu thuẫn giữa tỷ lệ này với kết luận giám định pháp y.

Việc trưng cầu giám định vượt cấp còn xảy ra nhiều. Cơ quan tố tụng cấp tỉnh, thành phố, thậm chí cấp quận, huyện cũng trực tiếp trưng cầu các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương thực hiện các việc giám định mà khả năng của các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố có thể thực hiện được. Có trường hợp đã giám định, nhưng có khiếu nại về kết luận giám định, do đó tổ chức giám định cấp tỉnh từ chối quyết định trưng cầu giám định lại, buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám diịnh pháp y trung ương thực hiện việc giám định lại. Có trường hợp việc khiếu nại về kết luận giám định là không có cơ sở, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không cân nhắc xem xét kỹ mà vẫn trưng cầu giám định lại, làm cho vụ án bị kéo dài không cần thiết.

b) Những thiếu sót từ phía các tổ chức giám định pháp y.

Trong thực tiễn hoạt động giám định pháp y thời gian qua đã có không ít các trường hợp kết luận giám định sai do tinh thần trách nhiệm, tính khách quan hoặc trình độ của giám định viên còn hạn chế. Nhiều trường hợp khám thương tích ban đầu không được thực hiện tỷ mỷ, cụ thể nên đã gây khó khăn cho việc giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe; Cá biệt có các trường hợp không thực hiện việc giám định đầy đủ, mà giám định viên vẫn đưa ra kết luận. Ngoài ra cũng phải nói là chất lượng của các kết luận giám định còn chưa cao; kết luận giám định của tuyến trên khác xa so với kết luận giám định của tuyến dưới.

2. Nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót.

Trong một thời gian dài, Nhà nước ta chưa có các văn bản pháp luật hoàn chỉnh quy định về hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng. Do đó hoạt động giám định pháp y còn mang tính chất phân tán, chắp vá, chất lượng giám định còn thấp. Mãi đến khi Bộ Luật tố tụng hình sự được ban hành năm 1985 và Bộ Luật tố tụng hình sự được ban hành năm 1988 thì một số vấn đề về giám định tư pháp mới được quy định trong Bộ luật này.

Đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay còn quá ít, chủ yếu là những người làm công tác kiểm nghiệm, chưa được đào tạo hoặc bồi dưõng nghiệp vụ pháp y. Ví dụ : tại tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) chỉ có 7 giám định viên pháp y và đều làm việc trong cơ quan y tế ở cấp tỉnh; giám định viên pháp y ở cấp huyện không có.

ở quận, huyện là cấp có số lượng vụ án phải giám định lớn (chiếm 70-75% tổng số các vụ án cần giám định trong toàn quốc), nhưng lại không có đội ngũ giám định viên pháp y tại chỗ để thực hiện giám định.

Trình độ chuyên môn của giám định viên pháp y còn hạn chế, do quá thiếu nên một số nơi đã bổ nhiệm làm giám định viên cả các y sĩ.

Chế độ, chính sách đối với giám định viên pháp y còn chưa hợp lý. Chưa có những quy định thật cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ quản các tổ chức giám định,do vậy sự quan tâm của các cơ quan này đến hoạt động tổ chức giám định chưa đầy đủ.

V. Tổ chức giám định pháp y

Về tổ chức giám định pháp y, hiện nay trên thế giới có những mô hình chính sau đây

1. ở một số nước tư bản phát triển

 

Hàng năm các toà án phúc thẩm của các tỉnh thành lập một danh sách giám định viên. Muốn được chọn vào danh sách giám định viên pháp y các thầy thuốc phải có bằng chuyên khoa quốc gia về pháp y, dù người thầy thuốc này ở học vị, học hàm nào thuộc các chuyên khoa khác. Danh sách giám định viên pháp y được Toà án lập lại hàng năm. Có 2 danh hiệu dành cho nhười thầy thuốc tham gia giám định pháp y :

Danh hiệu giám định viên pháp y dành cho các bác sĩ chuyên khoa pháp y thường xuyên tham gia công tác giám định.

Danh hiệu bác sĩ giám định dành cho các bác sĩ hoặc chuyên viên thuộc chuyên gia khác, bất thường có vấn đề chuyên môn cần lấy ý kiến.

2. Viện pháp y

 

Viện pháp y được thành lập ở nhiều nước trên thế giới : Liên Xô có Viện pháp y ở Moskva, Lêningrat (Xanpetebua), Kiep và Viện pháp y của các nước cộng hoà, ở Đức có Viện y pháp Béclin và ở Lepzich, Bồ Đào Nha có Viện pháp y ở Lisbonne, Porto, Covinbra, ở Pháp có Viện pháp y Paris, Lifon.

Về mô hình tổ chức: Viện pháp y ở các nước được tổ chức dưới hai hình thức :

a) Viện pháp y nằm trong Khoa y của trường đại học tổng hợp đảm nhận cả chức năng giảng dạy bộ môn y pháp và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế. Mô hình này gặp ở nhiều nước tư bản. ở Pháp không có Viện Y pháp quốc gia và Viện Y pháp Paris được coi là trung tâm.

Viện pháp y đặt trong trường đạt được yêu cầu giảng dạy gắn liền với nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tế, lồng ghép cán bộ, giảm được biên chế. Tuy nhiên mô hình này không đáp ứng được chức năng nghiên cứu là mục tiêu hàng đầu của Viện, không quản lý, chỉ đạo được công tác giám định ở các địa phương. Ngoài ra, việc hai Bộ Giáo dục và Y tế cùng quản lý một đơn vị đã gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nhất là về nguồn tài chính phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tâm tư của cán bộ nhân viên về công việc và chế độ hưởng lương cũng là những hạn chế đối với mô hình này.

b) Viện pháp y không nằm trong hệ thống nhà trường

 

Mô hình này tiêu biểu được tổ chức ở Liên Xô, Bungari, Rumani, Đức. Viện pháp y chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế, và thuộc hệ thống các cơ quan y tế do Nhà nước quản lý.

Viện pháp y trung ương chỉ đạo cấp dưới toàn diện về tổ chức chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo giám định viên. Hệ thống tổ chức này quản lý được toàn bộ hoạt động và phát triển của công tác giám định pháp y, kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn, cũng như giữa nghiên cứu phục vụ thực tiễn với đào tạo cán bộ chuyên sâu (chuyên gia pháp y), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định.

Cơ cấu tổ chức của Viện pháp y.

Để bảo đảm thực hiện nội dung, chức năng hoạt động, Viện pháp y các nước căn bản có cơ cấu tổ chức giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ tập trung định hướng nghiên cứu.

Viện pháp y các nước đều có 4 bộ phận lớn:

- Bộ phận lãnh đạo Viện.

- Bộ phận hành chính hậu cần, giúp Viện trưởng, Viện phó tạo cơ sở vật chất cho hoạt động chuyên môn.

- Bộ phận chuyên môn gồm có: nhà bảo quản, khám nghiệm tử thi; hệ thống phòng khám thương tích người sống (các phòng khám chuyên khoa)

- Hệ thống Labô : Labô mô bệnh học, Labô sinh học, Labô độc chất, Labô vật lý.

Các phòng xét nghiệm của hệ thống Labô ở mỗi Viện pháp y ở các nước có khác nhau về số lượng, chất lượng, trang thiết bị, phụ thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật và định hướng nghiên cứu sâu các khía cạnh khác nhau về y pháp của các nước đó.

3. Hệ thống tổ chức giám định pháp y ở Liên Xô cho đến cuối 1991

 

Hệ thống các cơ quan giám định pháp y ở Liên Xô gồm 4 cấp:

Cấp trung ương: có Viện pháp y quốc gia toàn liên bang, Viện trưởng Viện pháp y quốc gia toàn liên bang là giám định viên đầu ngành pháp y toàn liên bang.

Cấp các nước cộng hoà, các nước cộng hoà tự trị, các khu vực và 2 thành phố Moskva và Leningrat và các phòng pháp y.

Cấp các tỉnh và thành phố: Có các giám định viên trưởng và Labô pháp y (phân Viện).

Cấp quận, liên quận có các giám định viên pháp y.

Tại các phòng pháp y có 3 bộ phận: Phòng khám người sống, nhà xác và Labốet nghiệm tang vật pháp y.

Cơ cấu của các Labô pháp y có 4 phần: Labô sinh học pháp y, Labô vật lý học pháp y, Labô tổ chức học pháp y, Labô hoá pháp.

Trong quân đội, tổ chức giám định pháp y gồm 3 cấp:

Cấp trung ương có giám định viên đầu ngành và Viện nghiên cứu pháp y quân đội.

Cấp quân khu và các mặt trận có giám định viên trưởng và Phòng pháp y quân khu hay mặt trận.

Cấp sư đoàn : có giám định viên pháp y sư đoàn.

Khác với các nước tư bản phát triển, hoạt động giám định pháp y ở Liên Xô mang tính nhà nước và các cơ quan giám định pháp y nằm trong hệ thống các cơ quan y tế.

4. Tổ chức giám định pháp y ở Việt Nam

 

Thực hiện Nghị định 117-HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, các tổ chức giám định pháp y đã được thành lập ở 2 cấp : trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thay cho hình thức tổ chức hoạt động giám định pháp y theo Hội đồng đã tồn tại trước đó.

Hiện nay ở nước ta các tổ chức giám định pháp y được cấu tạo như sau :

Bộ quốc phòng có Viện pháp y quân đội và bộ phận pháp y cấp quân khu.

Bộ Nội vụ có tổ chức giám định pháp y hình sự đặt tại Viện Khoa học hình sự và tại các tỉnh thành phố có các giám định viênpháp y của công an nằm trong tổ chức giám định pháp y các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế có tổ chức y pháp trung ương, tổ chức giám định pháp y tâm thần trung ương, Viện Kiểm nghiệm trung trung ương. ở địa phương có các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố do các sở y tế giúp UBND phụ trách.

Tổ chức giám định pháp y ở trung ương thực hiện giám dịnh các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương ra quyết định trưng cấu và giám định các vụ việc phức tạp do các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trưng cầu.

Tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và ở trung ương trưng cầu.

Tổ chức giám định độc chất pháp y ở Việt Nam

Giám định độc chất là một chuyên khoa của hoạt động giám định pháp y. Theo mô hình tổ chức hoạt động giám định pháp y của nhiều nước trên thế giới, giám định độc chất là một trong nhiều chuyên khoa của Viện pháp y.

ở nước ta, đồng thời với việc hình thành tổ chức Hội đồng giám định pháp y ở các tỉnh, thành phố thì Phòng Kiểm nghiệm độc chất cũng ra đời và hoạt động từ năm 1956. Thời gian đầu (1956), Phòng kiểm nghiệm độc chất chỉ là một trong hai Ban của phòng kiểm nghiệm hoá học thuộc Bộ Y tế với 5 đến 6 cán bộ (dược sĩ đại học, trung học). Đến năm 1960, Viện dược liệu được thành lập và Phòng kiểm nghiệm độc chất nằm trong Viện dược liệu. Tháng 10/1971, Viện Kiểm nghiệm được thành lập và tách ra khỏi Viện dược liệu, từ đó Phòng Kiểm nghiệm độc chất thuộc Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế cho tới ngày nay.

Hiện nay, Phòng Kiểm nghiệm độc chất – Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế là cơ quan đầu ngành về kiểm nghiệm độc chất pháp y trong toàn quốc.

Trong quá trình dự thảo Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp có hai ý kiến chính về hình thức tổ chức hoạt động giám định pháp y. ý kiến thứ nhất cho rằng cần xây dựng ngay hệ thống hoàn chỉnh các tổ chức giám định pháp y với Viện pháp y, các phân viện, các phòng giám định (các labour). Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về giám định pháp y hiện nay và không bị lạc hậu so với thế giới. ý kiến thứ hai cho rằng trước mắt cần thực hiện một bước đưa hoạt động giám định pháp y vào nề nếp, với việc qui định tiêu chuẩn giám định viên, bổ nhiệm giám định viên và giám định viên trưởng ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tiễn của nước ta thì ý kiến thứ hai là phù hợp được chấp nhận và được thể hiện trong các nội dung Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng. Phân tích tình hình hoạt động giám định pháp y trong thời gian qua chúng ta thấy yêu cầu cấp thiết trước mắt là phải đưa hoạt động giám định pháp y vào tổ chức chặt chẽ, quy định rõ chức danh tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của họ; phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản tổ chức giám định pháp y, và trách nhiệm quản lý thống nhất hoạt động giám định tư pháp của Bộ Tư pháp. Đây cũng là những điều kiện cơ bản để khắc phục kịp thời tình trạng chắp vá, lộn xôn, trong hoạt động giám định pháp y, tạo điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn của các giám định viên.

Việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức giám định pháp y là rất cần thiết xong phải thực hiện từng bước, phải có sự chuẩn bị cả về hai yếu tố cơ bản là con người và vật chất.

Sau 3 năm thực hiện Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề phải được quan tâm nghiên cứu.

Mặt tích cực của mô hình tổ chức giám định pháp y hiện nay là gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện thực tế đã thành lập. Khi tham gia tố tụng, các giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình, do đó chất lượng hoạt động giám định đã được nâng lên.

Bên cạnh những ưu điểm trên, mô hình tổ chức giám định pháp y hiện nay đã bộc lộ một số nhược điểm:

Thứ nhất, các tổ chức giám định pháp y của nước ta hiện nay chưa phải là cơ quan giám định pháp y chuyên nghiệp (trừ tổ chức pháp y quân đội và bộ phận pháp y thuộc Viện KHHS Bộ Nội vụ), các tổ chức giám định pháp y chưa được tổ chức chặt chẽ, vị trí pháp lý chưa xác định rõ ràng. Trong các tổ chức giám định không có bộ phận thường trực, các giám định viên lại phân tán ở nhiều vị trí công tác khác nhau, gây khó khăn cho việc quan hệ với các cơ quan trưng cầu giám định, cũng như việc điều hành, quản lý các giám định viên.

Nghị định 117-HĐBT mới chỉ qui định nghĩa vụ của giám định viên trưởng, còn quyền hạn thì chưa rõ ràng. Trong thực tế, các giám định viên trưởng là kiêm nhiệm, vừa phải làm công tác chuyên môn, lại vừa phải thực hiện chức năng quản lý, điều hành tổ chức giám định tư pháp. Chính vì thế mà vai trò của giám định viên trưởng chưa phát huy được.

Thứ hai, đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, có quá ít giám định viên pháp y chuyên nghiệp. Số người được đào tạo có hệ thống về nghiệp vụ giám định pháp y còn ít. Trình độ chuyên môn pháp y của nhiều giám định viên pháp y còn rất hạn chế cả lý thuyết và thực hành.

Thứ ba, Vấn đề quản lý các tổ chức giám định pháp y chưa được qui định chặt chẽ và chưa thật cụ thể. Nội dung quản lý của Bộ Y tế và các Sở Y tế đối với các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương và cấp tỉnh chưa được qui định rõ.

Trách nhiệm của cơ quan có cán bộ được bổ nhiệm là giám định viên chưa được qui định, do vậy chưa có sự quan tâm đầy đủ tạo điều kiện cho giám định viên hoạt động.

Mối quan hệ giữa các tổ chức giám định pháp y ở trung ương với các tổ chức cấp tỉnh về hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên môn chưa được qui định.

Việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi địa phương của các Sở Tư pháp còn nhiều lúng túng.

Thứ tư, cơ sở vật chất, các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn cần thiết cho hoạt động giám định pháp y còn quá thiếu thốn, những thứ hiện có thì nhiều cái đã lạc hậu. Các tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế phải phụ thuộc vào các bệnh viện, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế về cơ sở vật chất, kinh phí, địa điểm làm việc.

Thứ năm, chế độ phụ cấp bồi dưỡng cho các giám định viên pháp y trong khi thực hiện giám định còn chưa phù hợp. Giám định pháp y không chỉ là hoạt động khoa học chuyên sâu đòi hỏi trí tuệ, chất xám, mà còn là lĩnh vực hoạt động có ảnh hưởng độc hại (nhất là việc giám định tử thi và giám định độc chất pháp y). Mức phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên hiện nay tuy đã phần nào động viên được những người làm công tác giám định nhưng còn quá thấp so với công sức của họ bỏ ra.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám định pháp y đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác điều tra, truy tố, xét xử; chúng tôi thấy cần nêu ra một số kiến nghị về tổ chức và quản lý hoạt động giám định pháp y trong những năm tới.

 

Phần thứ ba

Những kiến nghị về hoàn thiện tổ chức giám định pháp y trong thời gian tới

I. Cần thống nhất quan niệm về giám định pháp y.

1. Theo chúng tôi, trước hết cần phải xác định quan điểm khoa học về pháp y và phân biệt rõ sự khác nhau giữa pháp y và y tế.

Pháp y là một chuyên khoa sâu của ngành y, chuyên nghiên cứu và nghiên cứu ứng dụng hầu như tất cả những thành tựu của y học cơ sở và y học lâm sàng để tìm hiểu những mối quan hệ đến cái sống, cái chết, đến sức khỏe thể chất và tinh thần khi có các yếu tố nội tại hoặc ngoại lai tác động vào cơ thể con người. Nhưng những nghiên cứu đó không phải để chữa bệnh và phòng bệnh mà để xác định yếu tố khách quan đó làm thiệt hại cho sức khỏe con người đến mức độ nào, giúp cho việc nhận định nguyên nhân, tính chất của các vụ án hoặc quyết định thái độ xử lý trong quá trình giải quyết các vụ án. Nói cách khác, mục đích của pháp y là phục vụ cho tư pháp (cụ thể là công tác điều tra, truy tố, xét xử), còn mục đích của y tế là phòng và chữa bệnh. Vì vậy tuy cùng dựa trên cơ sở những nguyên lý của y học nhưng pháp y so với y tế có những đặc thù về hệ thống lý luận, đối tượng nghiên cứu và phương pháp riêng để giải quyết các yêu cầu giám định.

Chúng tôi cho rằng, chính quan niệm không đúng về vấn đề này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hoạt động pháp y ở nước ta kém phát triển. Do đó, một yêu cầu hiện nay là phải tách pháp y thành một chuyên khoa riêng trong y học và trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo nhanh đội ngũ bác sĩ pháp y chuyên nghiệp đủ đáp ứng nhu cầu về giám định pháp y của công tác điều tra, truy tố xét xử.

2. Giám định pháp y là một hoạt động khoa học nghiệp vụ chuyên sâu do các chuyên gia pháp y tiến hành trên cơ sỏ sử dụng các kiến thức phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề liên quan đến các vụ án hình sự và dân sự theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Đối tượng nghiên cứu của giám định pháp y bao gồm:

a) Giám định pháp y tử thi

b) Giám định pháp y trên người sống

c) Nghiên cứu và giám định các vật chứng

d) Giám định pháp y trên tài liệu

3. Giám định pháp y là một lĩnh vực của hoạt động giám định tư pháp, do đó việc trưng cầu giám định, thực hiện giám định cũng như đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng. Hoạt động giám định của các chuyên gia thực hiện theo quyết định trưng cầu của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, thì mới được xác định là giám định pháp y trong tố tụng, và cũng chỉ khi đó, kết luận giám định pháp y mới được xem là nguồn chứng cứ khoa học độc lập trong tố tụng.

4. Trưng cầu giám định pháp y là một hoạt động tố tụng cụ thể do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án thực hiện để thu thập chứng cứ. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì mọi hoạt động điều tra (trừ công tác khám nghiệm hiện trường) chỉ có thể được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc khởi kiện và khởi tố vụ án dân sự. Do đó, việc trưng cầu giám định pháp y cũng chỉ được thực hiện sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án.

Thực tiễn cho thấy, không phải trong tất cả các trương hợp cơ quan điều tra đều có thể tự mình tìm thấy các dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án mà không cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia pháp y. Trong quá trình xem xét các vụ án chết chưa rõ nguyên nhân, chết do nghi ngờ bị đầu độc, các vụ cố ý gây thương tích... để có cơ sở xác định được dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải yêu cầu hoạt động bổ trợ của chuyên gia pháp y như khám nghiệm tử thi, khám thương tích trên người sống, giám định độc chất... Những kết luận do chuyên gia pháp y nêu ra không chỉ phục vụ cho điều tra viên có cơ sở xem xét quyết định việc khởi tố vụ án mà còn là những tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án giúp cho giám định viên pháp y khi thực hiện giám định sau khi vụ án đã được khởi tố.

5. Theo quy định của pháp luật tố tụng, kết luận giám định pháp y là một nguồn chứng cứ khoa học của vụ án. Kết luận giám định pháp y có vị trí riêng, không thể được thay thế bằng biên bản khám nghiệm hiện trường (dù trong đó có phần khám nghiệm tử thi hoặc khám thương tích người sống), các bệnh án của bệnh viện, giấy chứng thương, giấy ra viện... Tuy nhiên, kết luận giám định pháp y không có tính chất bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định thuộc thẩm quyền của cơ quan trưng cầu giám định; trường hợp không chấp nhận kết luận giám định, cơ quan tiến hành tố tụng phải nêu rõ lý do. Nếu kết luận giám định lần đầu chưa đầy đủ, chưa rõ ràng hoặc không có cơ sở khoa học, có nghi ngờ về sự chính xác thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Để đảm bảo tính khách quan, việc giám định lại phải do giám định viên hoặc tập thể giám định viên khác thực hiện.

II. Kiến nghị về hệ thống tổ chức giám định pháp y trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động giám định pháp y, nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, trên cơ sở điều kiện thực tế của nước ta, chúng tôi xin kiến nghị việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định pháp y ở nước ta trong những năm tới theo hai bước sau đây:

 

Bước 1: Bắt đầu chuẩn bị triển khai từ năm 1992.

 

A – ở cấp Trung ương

 

- Thành lập Viện pháp y Trung ương thuộc Bộ Y tế

- Tiếp tục củng cố vàhoàn thiện Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức giám định pháp y hình sự Bộ Nội vụ

Cấu trúc chuyên môn của các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương nêu trên bao gồm các bộ phận sau đây:

- Phòng khám nghiệm và giải phẫu tử thi

- Phòng giám định thương tích

- Các phòng thử nghiệm (mô học, sinh vật, vật lý, độc chất)

1. Thành lập Viện pháp y trung ương thuộc Bộ y tế

 

a) Viện pháp y trung ương Bộ Y tế là tổ chức đầu ngành pháp y của hệ thống y tế, có các chức năng sau đây :

Tổ chức quản lý, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của hoạt động giám định pháp y thuộc hệ thống Y tế trong cả nước ;

Thực hiện giám định những vụ việc theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương; những vụ phức tạp mà các phòng pháp y địa phương không có khả năng thực hiện; Thực hiện các yêu cầu giám định pháp y do các cơ quan tiến hành tố tụng của thủ đô Hà Nội trưng cầu.

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên khoa pháp y cho các giám định viên trong cả nước.

Thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Để thực hiện tốt các chức năng nói trên, Viện pháp y Trung ương phải gắn hoạt động của mình với công tác đào tạo, giảng dạy của Bộ môn y pháp trường Đại học Y Hà Nội và thực tiễn giám định pháp y khu vực thủ đô Hà Nội.

b) Cấu trúc chuyên môn của Viện

 

Trước mắt cần có các bộ phận sau đây

- Phòng khám nghiệm và giải phẫu tử thi

- Phòng giám định thương tích

- Phòng giám định độc chất pháp y

- Các phòng thí nghiệm:

- Phòng mô bệnh học (tổ chức học);

- Phòng sinh vật học (xét nghiệm lông, tóc, máu, dấu vết bài tiết..)

- Phòng vật lý (đèn chiếu dấu vết, ảnh X quang ...)

Trong quá trình hoạt động, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện và thành lập thêm các Phòng chuyên môn khác.

c) Về nhân sự: Trong Viện pháp y Trung ương có các giám định viên pháp y, các cộng tác viên, các cán bộ nghiệp vụ và các nhân viên giúp việc. Viện trưởng Viện pháp y Trung ương phải là giám định viên đầu ngành pháp y.

Các giám định viên pháp y phải là các bác sĩ pháp y, các bác sĩ giải phẫu bệnh lý được bồi dưỡng về chuyên khoa pháp y, các dược sĩ đại học chuyên khoa kiểm nghiệm.

Nguồn cán bộ để bổ nhiệm giám định viên pháp y của Viện pháp y Trung ương khi mới thành lập bao gồm :

Sơ đồ cấu trúc

viện pháp y trung ương

thuộc Bộ Y tế

 

 

 

 

Các giám định viên pháp y của Tổ chức giám định pháp y trung ương Bộ Y tế hiện nay

Các cán bộ giảng dạy pháp y của Bộ môn Y pháp trường Đại học Y Hà Nội

Một số giám định viên pháp y của Tổ chức giám định pháp y Hà Nội

Các dược sĩ đại học của Phòng kiểm nghiệm độc chất thuộc Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế hiện nay.

Sau khi thành lập, trong quá trình hoạt động Viện sẽ thường xuyên tăng cường thêm những bác sĩ pháp y, dược sĩ đại học tốt nghiệp tại các trường đại học trong nước và nước ngoài; đây sẽ là nguồn cơ bản thường xuyên bổ sung cho đội ngũ giám định viên của Viện và các cơ sở giám định pháp y địa phương.

Việc thành lập Viện pháp y Trung ương Bộ Y tế là yêu cầu thực tế khách quan của việc tiếp tục củng cố, từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động giám định pháp y ở nước ta trong những năm tới, bởi lẽ :

Thứ nhất, các tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế tuy đã được từng bước kiện toàn (có tổ chức giám định pháp y cấp trung ương và các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), nhưng chưa có tổ chức giám định pháp y chuyên trách; hầu hết các giám định viên pháp y hoạt động kiêm nhiệm.

Việc thành lập Viện pháp y Trung ương thuộc Bộ Y tế là tổ chức giám định pháp y chuyên trách có nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y với tư cách cấp cao nhất; là một trong các trung tâm nghiên cứu khoa học pháp y, bồi dưỡng và đào tạo các chuyên gia pháp y; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn đối với các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định pháp y, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ hai, đội ngũ chuyên gia pháp y hiện có cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về số lượng giám định viên pháp y để thành lập Viện. Ngoài ra Viện có thể và cần phải sử dụng đội ngũ cộng tác viên thuộc nhiều lĩnh vực.

Tổ chức giám định pháp y Trung ương Bộ Y tế hiện đang hoạt động có hiệu quả cùng với khoa y pháp trường Đại học Y Hà Nội, Phòng Kiểm nghiệm độc chất thuộc Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế là cơ sở ban đầu giúp cho việc thành lập Viện pháp y trung ương.

Trong việc chuẩn bị thành lập và hoạt động, Viện pháp y trung ương Bộ Y tế còn có được sự phối hợp, hỗ trợ của Viện pháp y quân đội và Phòng pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Nội vụ.

Thứ ba, Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được thành lập sẽ góp phần mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực khoa học pháp y của nước ta với nước ngoài.

2. ở cấp trung ương, cùng với việc thành lập Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế, trong thời gian tới vẫn phải duy trì và tiếp tục củng cố Viện pháp y quân đội và tổ chức giám định pháp y trung ương thuộc Bộ Nội vụ.

Các tổ chức giám định pháp y quân đội được hình thành từ năm 1962, và từ năm 1988 ở trung ương đã thành lập Viện pháp y quân đội. Qua gần 30 năm xây dựng và hoạt động các tổ chức giám định pháp y quân đội đã từng bước được củng cố và tăng cường về đội ngũ giám định viên pháp y, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đủ để đáp ứng yêu cầu giám định.

Ngoài những đặc điểm chung của chuyên ngành pháp y, pháp y quân đội còn có những đặc điểm riêng biệt, độc lập. Pháp y quân sự nghiên cứu những vấn đề pháp y hình sự đặc biệt xảy ra trong đời sống quân ngũ như : các tình trạng giả thương, giả bệnh, tăng thực thương, tăng bệnh, dấu thương, dấu bệnh, tự thương, các tai nạn trong huấn luyện, trong chiến đấu, vấn đề đột tử ở người trẻ tuổi và các tình trạng loạn thần..

Chính vì thế, Viện pháp y quân đội phải tiếp tục củng cố và phát triển song song với VIện pháp y Trung ương Bộ Y tế.

3. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện tố chức giám định pháp y hình sự cấp trung ương thuộc Bộ Nội vụ để thực hiện các yêu cầu giám định pháp y do các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương trưng cầu và những vụ việc giám định pháp y mà các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có đủ điều kiện thực hiện.

Tổ chức giám định pháp y hình sự Bộ Nội vụ cùng với Viện pháp y trung ương Bộ Y tế có nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp thành phố và cấp quận, huyện thuộc thủ đô Hà Nội.

B – ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

1. Thành lập một số phân viện giám định pháp y

Sau khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được thành lập và đi vào hoạt động cần chuẩn bị xúc tiến việc thành lập phân viện giám định pháp y tại thành phố Hồ Chí Minh và sau đó từng bước chuẩn bị thành lập phân Viện pháp y tại 1 số nơi khác khi có đủ điều kiện (về chuyên gia pháp y và cơ sở vật chất).

Các phân Viện pháp y trực thuộc Viện Pháp y Trung ương có nhiệm vụ thực hiện việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương và địa phương (phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt phân viện, giám định những việc phức tạp mà các tổ chức giám định các tỉnh trong khu vực (tỉnh lân cận) không có điều kiện thực hiện.

Ngoài ra các phân Viện pháp y có nhiệm vụ thực hiện viện nghiên cứu khoa học, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giám định viên của Viện và của các tổ chức giám định pháp y các tỉnh trong khu vực.

2. Tại các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì củng cố và hoàn thiện các tổ chức giám định pháp y (trừ những địa phương đã có phân viện giám định pháp y và thủ đô Hà Nội). Hoạt động của tổ chức này cần phải gắn với bệnh viện tỉnh.

Việc củng cố và hoàn thiện theo hướng tăng cường số lượng các giám định viên pháp y chuyên trách, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị và kinh phí cho tổ chức giám định; dần dần tiến tới việc hình thành phòng giám định pháp y tỉnh, thành phố.

Giám định viên pháp y cấp tỉnh, thành phố có thể được bổ nhiệm từ các bác sỹ pháp y hoặc bác sỹ giải phẫu bệnh lý được bồi dưỡng về nghiệp vụ pháp y.

Cấu trúc chuyên môn của tổ chức giám định pháp y (phòng giám định pháp y) cấp tỉnh, thành phố cần có 3 bộ phận:

- Bộ phận bảo quản và mổ tử thi

- Bộ phận giám định thương tích.

- Phòng xét nghiệm tổng hợp.

3. ở cấp huyện phải có từ 2 đến 3 giám định viên pháp y của tỉnh đặt tại đó trong đó có ít nhất là 1 chuyên trách để đảm nhiệm giám định các vụ việc không phức tạp thuộc địa bàn huyện. Hoạt động của các giám định viên này phải gắn với bệnh viện Huyện.

4. Về tổ chức giám định độc chất pháp y

 

Hiện nay, về giám định độc chất pháp y ở nước ta chỉ có 2 phòng Kiểm nghiệm độc chất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh khác đều phải đem mẫu cần giám định về hai địa điểm trên, do đó đã gây nhiều khó khăn, tốn kém, mất vệ sinh. Mặt khác, khi phủ tạng đã hư thối thì rất khó phân tích, phát hiện chất độc; nếu chất độc dễ bay hơi hoặc dễ bị phân huỷ thì không còn khả năng phát hiện được nữa. Ngoài khó khăn trên, việc nhận kết quả trả lời theo đường bưu điện thường rất chậm, gây khó khăn cho các cơ quan trưng cầu giám định trong việc giải quyết các vụ án.

Theo mô hình Viện pháp y của nhiều nước trên thế giới, độc chất pháp y là một chuyên khoa và ở các trung tâm pháp y được xây dựng theo khu vực có bán kính hoạt động từ 150 đến 200 km có các phòng kiểm nghiệm độc chất pháp y. Trong thời gian tới chúng ta cần thiết phải thành lập thêm một số phòng Kiểm nghiệm độc chất theo khu vực. Các phòng Kiểm nghiệm độc chất có nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu về giám định độc chất pháp y của tỉnh và các tỉnh lân cận. Cụ thể là ngoài 2 phòng Kiểm nghiệm độc chất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tương lai sẽ là 1 bộ phận của Viện pháp y trung ương và phân Viện pháp y trung ương, cần tổ chức thêm các Phòng Kiểm nghiệm độc chất ở các khu vực sau:

Tại thị xã Sơn La cho các tỉnh Lai Châu, Lao Cai, Yên Bái.

Tại thành phố Vinh cho các tỉnh Nghệ tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Tại thành phố Nha Trang cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Lâm Đồng và một số huyện phía Bắc tỉnh Thuận Hải.

Tại thành phố Cần Thơ cho các tỉnh Hậu Giang, Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Cửu Long.

Về số lượng cán bộ: Mỗi điểm có khoảng 5 cán bộ (2 đại học dược hoặc hóa tổng hợp, 2 trung cấp dược hoặc kỹ thuật viên và 1 công nhân tạp vụ).

Trong tương lai, khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được thành lập thì giám định độc chất pháp y sẽ là một phòng chuyên môn của Viện. Các phòng Kiểm nghiệm độc chất pháp y khu vực đã nêu ở trên sẽ trở thành một bộ phận trong cấu trúc chuyên môn của Phân Viện pháp y ở đó.

 

Bước 2:

A – ở Trung ương:

 

1. Khi Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế được củng cố và hoàn thiện đủ mạnh, thì trên cơ sở Viện này kết hợp với một bộ phận chuyên gia pháp y của Viện pháp y quân đội và của tổ chức giám định pháp y Bộ Nội vụ mà xây dựng Viện pháp y quốc gia.

- Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục được củng cố và hoàn thiện để thực hiện các yêu cầu giám định pháp y trong quân đội.

- Tổ chức pháp y thuộc Bộ Nội vụ (Viện hoặc phòng) tiếp tục củng cố và hoàn thiện để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ điều tra của công an nhân dân;

2. Viện pháp y quốc gia là cấp cao nhất của hệ thống các tổ chức giám định pháp y ở nước ta. Viện trưởng Viện pháp y quốc gia là giám định viên đầu ngành pháp y toàn quốc.

Viện pháp y quốc gia có các chức năng chính sau đây :

- Tổ chức thực hiện việc nghiên cứu khoa học pháp y ;

- Thực hiện giám định pháp y với tư cách là cấp cao nhất ;

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp y ;

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn đối với các tổ chức giám định pháp y địa phương (Phân Viện pháp y, phòng pháp y).

B – Tại các địa phương

 

- Thành lập các phân Viện pháp y quốc gia tại các thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh lớn hoặc khu vực liên tỉnh.

- Tại tuyến huyện hoặc liên huyện có các phòng giám định pháp y (các Labô pháp y) trực thuộc Phân viện pháp y.

III. Kiến nghị về giám định viên và hợp tác quốc tế về giám định pháp y

1. Về tiêu chuẩn chuyên môn của giám định viên pháp y : về lâu dài giám định viên pháp y chỉ được bổ nhiệm từ đội ngũ bác sỹ pháp y được đào tạo chuyên khóa pháp y dài hạn. Tuy nhiên, không thể trong một thời gian ngắn vài năm tới chúng ta có thể thực hiện được ngay yêu cầu này. Do đó trước mắt, theo chúng tôi, bên cạnh đội ngũ bác sĩ pháp y hiện có cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên khoa pháp y cho các bác sĩ giải phẫu bệnh lý để bổ sung cho đội ngũ giám định viên pháp y.

2. Cần khẩn trương mở rộng Bộ môn pháp y trường Đại học Y khoa Hà Nội; Bộ môn pháp y trường Đại học Y Hà Nội là trung tâm chính đào tạo đội ngũ bác sĩ pháp y. Bộ môn Y pháp được thành lập trong trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1983 và thực hiện giảng dạy Y pháp cho sinh viên thuộc chuyên khoa trước kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ. Nhưng cho đến nay đội ngũ giám định viên pháp y được bổ nhiệm từ các bác sỹ pháp y còn quá ít.

Việc mở rộng quy mô đào tạo của Bộ môn pháp y sẽ đáp ứng yêu cầu về cán bộ (bác sĩ pháp y) để xây dựng được hệ thống tổ chức giám định pháp y chuyên nghiệp.

Bộ môn pháp y trường đại học Y Hà Nội và Viện pháp y trung ương cần chuẩn bị việc đào tạo sau đại học cho các chuyên gia pháp y.

3. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các giám định viên pháp y

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn pháp y cho các giám định viên. Hình thức thích hợp trong thời gian tới là các tỉnh, thành phố dùng ngân sách địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn từ một đến ba tháng cho các giám định viên về nghiệp vụ pháp y và về pháp lý.

Các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương, bộ môn y pháp trường Đại học Y Hà Nội và Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu và cử giảng viên giảng dạy.

4. Thông tin khoa học nước ngoài và hợp tác quốc tế

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, khoa học pháp y trên thế giới cũng không ngừng tiến bộ. Nội dung và đối tượng giám định pháp y mở rộng, nhiều thể loại giám định mới đã ra đời. Nếu không liên tục thu nhận những thông tin khoa học pháp y nước ngoài và hợp tác với các cơ quan giám định pháp y các nước thì khoa học pháp y của nước ta sẽ không đủ điều kiện để phát triển toàn diện. Viện pháp y trung ương được thành lập sẽ tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với nhiều hình thức trao đổi nghiệp vụ, chuyên gia, kỹ thuật chuyên môn. Theo chúng tôi, cần mở rộng nhiều hình thức hợp tác như : theo con đường UBKHNN, thông qua Bộ Y tế, con đường hợp tác tư pháp thông qua Bộ tư pháp, Viện pháp y trung ương Bộ Y tế hợp tác trực tiếp với các Viện pháp y của các nước...

5. Về chế độ phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên pháp y:

Giám định pháp y là một nghiệp vụ có nội dung khao học chuyên sâu, đa dạng, phức tạp và độc hại cao. Do đó cần bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tương đối thoả đáng nhằm bù đắp sự hao tốn sức khỏe của giám định viên và động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện nay, mức phụ cấp bồi dưỡng cụ thể đối với giám định viên pháp y còn thấp, nhất là trong tình hình biến động giá cả trên thị trường hiện nay. Trong thời gian tới Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng thời điểm để có sự điều chỉnh bổ sung phù hợp.

IV. Về kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần thiết cho hoạt động giám định

Hiện nay, các cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần thiết cho hoạt động giám định pháp y còn quá thiếu thốn và lạc hậu. Một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng được hệ thống tổ chức giám định pháp y chuyên nghiệp như các phương án đã nêu ở trên, là phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động. Nếu không trang bị, những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, cũng như không áp dụng những phương pháp mới nhất, hiệu quả nhất trong lĩnh vực giám định pháp y thì chất lượng giám định không thể nào được nâng cao.

1. Trong thời gian tới ngay từ năm 1992, Nhà nước cần ưu tiên dành một khoản kinh phí cần thiết riêng cho việc thành lập Viện pháp y trung ương thuộc Bộ Y tế và một số phân Viện pháp y (bao gồm kinh phí cho việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và các khoản chi khác ...)

2. Hàng năm Nhà nước cần dành một khoản kinh phí riêng cho các tổ chức giám định pháp y cấp trung ương (Viện Pháp y trung ương Bộ Y tế, Viện pháp y quân đội, tổ chức giám định pháp y Bộ Nội vụ) để mua sắm thêm các trang thiết bị và các chi phí khác trong hoạt động của các tổ chức giám định này.

3. Tại các địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng năm cần dành một khoản kinh phí trong ngân sách địa phương cấp cho các tổ chức giám định pháp y của địa phương, phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị và các chi phí cần thiết khác trong hoạt động của các tổ chức giám định này.

V. Những kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật

1. Pháp lệnh về giám định tư pháp

 

Hiện nay những vấn đề cơ bản về hoạt động của giám định viên trong tố tụng hình sự và dân sự đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Nghị định 117-HĐBT ngày 21 - 7 - 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên mô hình tổ chức giám định pháp y Nghị định này chỉ là bước quá độ.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển của hoạt động giám định tư pháp (trong đó có giám định pháp y) trong tình hình mới, cần thiết phải ban hành Pháp lệnh về giám định tư pháp. Pháp lệnh này quy định một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.

2. Trên cơ sở Pháp lệnh về giám định tư pháp, Hội đồng Bộ trưởng sẽ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp và giám định viên.

3. Xây dựng Bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật pháp y.

Từ trước đến nay, việc xác định tỷ lệ thương tích thương tật pháp y được căn cứ vào Bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật dành cho đối tượng chế độ chính sách thương binh - xã hội. Trong khi Nhà nước chưa ban hành Bảng tiêu chuẩn xếp hạng riêng đối với thương tật hình sự, việc vận dụng Bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật dành cho đối tượng chính sách thương binh xã hội đã giải quyết cơ bản những yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh của Bảng này là thương bệnh binh, cán bộ, công nhân viên bị tai nạn do vậy áp dụng vào các đối tượng trong tố tụng hình sự và dân sự là không phù hợp.

Để việc xác định tỷ lệ thương tật, mức độ tổn hại sức khỏe được chính xác, khách quan, khoa học, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cần phải ban hành Bảng tiêu chuẩn tỷ lệ thương tật pháp y.

4. Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát tối cao, Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ chuyên ngành nên phối hợp để ban hành thống nhất các biểu mẫu về trưng cầu giám định, về hồ sơ giám định, kết luận giám định.

Phần b

Các chuyên đề khoa học

 

Quan điểm khoa học và thực tiễn về tổ chức và quản lý giám định tư pháp ở Việt Nam

Nguyễn văn thảo

bộ tư pháp

Giám định tư pháp là hoạt động trực tiếp phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, có ảnh hưởng lớn nhiều khi quyết định kết quả giải quyết các vụ án. Yêu cầu đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử càng cao, khoa học kỹ thuật càng phát triển, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp thì yêu cầu về giám định tư pháp càng lớn. Bởi vậy một vấn đề quan trọng và cấp bách được đặt ra là phải tổ chức và quản lý như thế nào để hoạt động giám định tư pháp phát huy tác dụng ở mức cao nhất, đáp ứng kịp thời yêu cầu đang đặt ra.

I. Những đặc điểm cơ bản của hoạt động giám định tư pháp

Muốn xác định một cách khoa học hình thức tổ chức và các phương pháp quản lý hoạt động giám định tư pháp, trước hết cần thấy rõ những đặc điểm của hoạt động này.

Giám định tư pháp là sử dụng những kiến thức, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để trực tiếp phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Các nhà khoa học, kỹ thuật, nhà chuyên môn thuộc một lĩnh vực, một ngành nào đó nghiên cứu, kết luận về một vấn đề không phải để phục vụ cho bản thân lĩnh vực khoa học, kỹ thuật đó, cũng không phải để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hay quản lý của ngành đó; mà để phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, tức là phục vụ cho mục đích tư pháp. Bởi vậy, hoạt động giám định tư pháp vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính pháp lý. Đây là đặc điểm rất quan trọng vì nó thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa giám đinh tư pháp với giám định thông thường (giám định hàng hóa, chất lượng sản phẩm để cấp giấy phép sản xuất; giám định để nghiệm thu một công trình xây dựng v.v..) ; nó chi phối tất cả các đặc điểm khác của giám định tư pháp.

Việc thực hiện giám định tư pháp đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn thuộc mọi lĩnh vực. Từ đặc điểm này chúng ta cần xây dựng tổ chức giám định tư pháp như thế nào nhằm vừa phát huy được chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, vừa tránh cồng kềnh, lãng phí.

Hoạt động giám đinh tư pháp phải tuân theo những qui định của pháp luật. Pháp luật tố tụng qui định những trường hợp cần trưng cầu giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ của giám định viên, giá trị pháp lý của kết luận giám định ... Việc thực hiện giám định tư pháp phẩi đảm bảo được các yêu cầu khách quan, chính xác, kịp thời và bí mật.

Tất cả những yêu cầu đó đòi hỏi trách nhiệm lớn của giám định viên và đặt ra những vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức và quản lý hoạt động giám định tư pháp.

II. Đặc điểm chung về tổ chức và quản lý hoạt động giám định tư pháp của các nước trên thế giới

Về tổ chức giám định tư pháp, hiện nay trên thế giới có hai mô hình chính:

1. ở các nước tư bản phát triển:

Hàng năm, các Tòa phúc thẩm của các tỉnh, thành phố tiến hành lập một danh sách giám định viên. Những người được ghi tên vào danh sách này trước hết phải có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên môn của mình.

Đối với giám định viên pháp y, bắt buộc phải có bằng chuyên khoa quốc gia về pháp y. Có hai danh hiệu dành cho người thầy thuốc tham gia giám định pháp y:

- Danh hiệu giám định viên pháp y dành cho các bác sĩ chuyên khoa pháp y thường xuyên tham gia công tác giám định.

- Danh hiệu bác sĩ giám định dành cho các bác sĩ hoặc chuyên viên thuộc chuyên khoa khác, bất thường có vấn đề chuyên môn cần lấy ý kiến.

2. ở Liên Xô và một số nước khác:

Thành lập một hệ thống các cơ quan giám định tư pháp tương đối hoàn chỉnh với các Viện, Phòng giám định. ở Liên Xô, cơ quan pháp y bao gồm: Viện nghiên cứu khoa học pháp y quốc gia, Viện pháp y của các nước cộng hòa và các phòng pháp y cấp tỉnh, ở các huyện có giám định viên pháp y. Thuộc Bộ Tư pháp có viện giám định tư pháp.

III. Tình hình tổ chức và quản lý hoạt động giám định tư pháp ở Việt Nam

1. Về mặt cơ bản

 

ở nước ta, một thời gian dài không có văn bản qui định thống nhất về tổ chức và quản lý hoạt động giám đinh tư pháp (chỉ có một số văn bản về pháp y mà chúng tôi sẽ trình bày sau đây). Số lượng người làm công tác giám định tư pháp còn ít và chất lượng chưa cao, phần lớn làm kiêm nhiệm, chỉ có một số rất ít là giám định viên chuyên trách.

Do yêu cầu không thể thiếu được của công tác điều tra, truy tố, xét xử (cần xác định rõ nguyên nhân chết người, tính chất gây thương tích ...) cho nên cũng như ở trên thế giới, ở nước ta giám định pháp y được ra đời sớm nhất trong các lĩnh vực của giám đinh tư pháp. Ngay sau khi giành độc lập, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 68/SL (Điều 12) ngày 30.11.1945 và sau đó là Sắc lệnh số 162?SL (Điều 5) ngày 25.6.1946 về công tác pháp y; Liên Bộ Tư pháp - Y tế ra thông tư số 2795/HCTP (12.12.1956) qui định về nhiệm vụ của giám định viên, về thủ tục tiến hành giám định đối với các trường hợp gây thương tích, chết người, hãm hiếp, phá thai, đầu độc ...., theo yêu cầu của các ngành luật pháp; Thông tư liên ngành số 423 ngày 12 - 5 - 1961 của 5 ngành : Kiểm sát, Công an, Tài chính, Y tế qui định trách nhiệm cho các cơ quan nói trên trong việc khám nghiệm tử thi.

Ngày 11.3.1988 Liên Bộ Y tế - Tư pháp dã ra Thông tư 166-TT/LB nhằm chấn chỉnh và củng cố tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần được lập ra để quản lý các giám định viên về mặt hành chính, chứ không phải là hình thức tham gia tố tụng của giám định viên. Các giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định.

Phạm vi của Thông tư hạn hẹp, chưa đề cập tới các lĩnh vực khác của giám định tư pháp. Trụ sở, kinh phí của Hội đồng giám định pháp y còn phụ thuộc nhiều vào Hội đồng giám định y khoa, do đó, nhiều nơi còn nhầm lẫn giữa Hội đồng giám định pháp y và Hội đồng giám đinh y khoa, thậm chí có địa phương còn cử vào Hội đồng giám định pháp y cả những người không làm chuyên môn pháp y như cán bộ tư pháp, Viện kiểm sát ... Điều đó vi phạm nghiêm trọng tính khoa học của giám định pháp y gây cản trở không ít cho việc thực hiện giám định và ảnh hưởng xấu đến chất lượng giám định.

Nhưng dù sao, Thông tư 166-TT/LB cũng đánh dấu một bước tiến trong việc tổ chức và quản lý hoạt động giám định pháp y ở nước ta. Từ chỗ hoạt động giám định pháp y còn lẻ tẻ, chưa có một hình thức tổ chức thống nhất, ngay sau khi Thông tư 166-TT/LB được ban hành, đã có 25 Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần được thành lập và hoạt động bước đầu có kết quả.

Đáp ứng yêu cầu toàn diện của nhiệm vụ đấu tranh và phòng ngừa tôi phạm trong tình hình mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Trong Bộ luật tố tụng hình sự có 15 Điều về giám định tư pháp ; trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có 7 điều về giám định tư pháp. Tiếp sau đó các văn bản riêng về giám định tư pháp được ban hành : Nghị định 117/HĐBT ngày 21.7.1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp; Thông tư số 78 TT/GĐ ngày 26.1.1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng; Thông tư số 478 TT/LB ngày 3.7.1991 của Liên Bộ Tư pháp - Tài chính hướng dẫn về phụ cấp bồi dưỡng cho giám định viên;

Nghị định 117/HĐBT đã đề cập tương đối toàn diện các lĩnh vực của hoạt động giám định tư pháp.

Mặt tích cực của Nghị định này là nâng cao trách nhiệm cá nhân của giám định viên; Tổ chức gọn nhẹ phù hợp với điều kiện thực tế, đễ thành lập và chất lượng tương đối đảm bảo. Tính đến nay đã có 43/44 địa phương có các tổ chức giám định tư pháp.

Bên cạnh những ưu điểm trên, Nghị định 117/HĐBT còn có những hạn chế như:

- Hình thức tổ chức giám định tư pháp chưa được xác định rõ ràng, tổ chức giám định tư pháp còn lỏng lẻo, vị trí pháp lý chưa rõ ràng.

- Tổ chức giám định tư pháp được thành lập ở một số ngành thực tế cho thấy là không cần thiết (văn hóa, khoa học kỹ thuật).

- Vấn đề quản lý các tổ chức giám định tư pháp chưa được qui định chặt chẽ và chưa thật hợp lý, do đó nảy sinh nhiều khó khăn, lúng túng cả về phía các cơ quan có trách nhiệm quản lý và phía các tổ chức giám định.

- Chỉ có qui định về bổ nhiệm mà chưa có qui định về miễn nhiệm giám định viên.

- Giám định viên trưởng mới chỉ có nghĩa vụ, còn quyền hạn thì chưa rõ ràng và phần lớn là kiêm nhiệm, vừa phải làm công tác chuyên môn, lại vừa phải thực hiện chức năng quản lý, điều hành tổ chức giám định tư pháp. Chính vì vậy mà trong thực tế, vai trò của giám định viên trưởng chưa phát huy được.

Tóm lại, qui định về tổ chức giám định tư pháp trong Nghị định 117/HĐBT là nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về hoạt động giám định tư pháp, chỉ là bước quá độ để qua thực tiễn rút kinh nghiệm tiến tới xây dựng hình thức tổ chức giám định tư pháp khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn.

2. Về mặt thực tiễn :

Các loại giám định tư pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu trong thời gian qua đại đa số là giám định pháp y (bao gồm cả pháp y tâm thần).

Theo tổng kết sơ bộ của Bộ Y tế thì hàng năm có khoảng 5 đến 7 ngàn trường hợp phải có giám định pháp y. Song ước tính số lượng vụ án đã có giám định pháp y chỉ bằng khoảng 1/20 đến 1/40 trường hợp cần có giám định loại này (theo báo cáo tổng kết 25 năm thành lập pháp y quân đội). Một vài số liệu khác sau đây chứng tỏ vai trò quan trọng của giám định pháp y :

- Trung bình mỗi năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trưng cầu ở cấp trung ương khoảng 60 vụ giám định pháp y (gồm cả pháp y tâm thần) trên tổng số 135 vụ giám định các loại (theo số liệu ước tính của VKSND Tối cao tại công văn số 1497/KSĐT-TA ngày 1.11.1990).

- Hà Nội: trong những năm 1990 đã giám định được 172 vụ giám định pháp y (gồm cả pháp y tâm thần) trong khi đó số liệu các loại giám định khác được trưng cầu không đáng kể.

- Nghệ Tĩnh: trong thời gian 7 tháng (từ tháng 10.1989 đến 5.1990) đã tiến hành giám định 71 vụ giám định pháp y (gồm cả pháp y tâm thần) trên tổng số 117 vụ giám định các loại.

- Đồng Tháp: trong năm 1990 đã giám định 38 vụ giám định pháp y (gồm cả pháp y tâm thần) trên tổng số 57 vụ giám định các loại.

Trong những năm gần đây, do tính chất ngày càng tinh vi của tội phạm, giám định kỹ thuật hình sự cũng trở nên rất phổ biến và cấp thiết.

Ví dụ như ở Hà Nội trong những năm 1990 đã giám định được 822 vụ kỹ thuật hình sự ; Nghệ Tĩnh trong 7 tháng đã tiến hành 37 vụ kỹ thuật hình sự trên tổng số 117 vụ giám định các loại...

Những số liệu thực tiễn chúng tôi nêu trên có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc định ra các hình thức tổ chức và quản lý hoạt động giám định tư pháp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

IV. Quan điểm về đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, quản lý hoạt động giám định tư pháp

Trong quá trình dự thảo Nghị định 117/HĐBT có hai quan điểm và tổ chức giám định tư pháp:

- Quan điểm thứ nhất: cho rằng cần xây dựng ngay hệ thống hoàn chỉnh các tổ chức giám định pháp y giám định tư pháp với các Viện, phòng giám định tổng hợp và ở từng ngành. Có như vậy mói đáp ứng được yêu cầu về giám định tư pháp hiện nay và không bị lạc hậu so với thế giới.

- Quan điểm thứ hai: cho rằng trước mắt cần thực hiện một bước đưa hoạt động giám định tư pháp vào nền nếp với việc qui định tiêu chuẩn giám định viên, bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực cần thiết nhất và cử giám định viên trưởng trong từng lĩnh vực ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

Quan điểm thứ hai phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của ta trong thời điểm đó. Nghị định 117/HĐBT được ban hành xuất phát từ quan điểm này, Nghị định 117/HĐBT bước đầu đưa hoạt động giám định tư pháp vào nền nếp và tạo tiền đề cho việc nghiên cứu hoàn thiện tổ chức hoạt động giám định tư pháp.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị định 117/HĐBT, thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải được quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc để có quyết định đúng đắn hoàn thiện một bước về tổ chức và quản lý hoạt động giám định tư pháp. Về vấn đề này chúng tôi có một vài ý kiến sau đây:

Trước hết cần xác định lại các hình thức tổ chức giám định tư pháp cho phù hợp với từng chuyên ngành giám định. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, hai lĩnh vực giám định thường xuyên cần thiết và phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là pháp y và kỹ thuật hình sự (đặc biệt là pháp y). Vì vậy ta cần tập trung nghiên cứư xây dựng tổ chức đối với hai lĩnh vực này.

Tổ chức pháp y cần được xây dựng chính qui, sao cho không bị quá lạc hậu so với thế giới nhưng vẫn phù hợp với tình hình thực tế nước ta để có thể phát huy tác dụng cao nhất.

Theo chúng tôi, cần xây dựng Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế. ở các tỉnh có phòng giám định pháp y thuộc Sở Y tế. Viện pháp y quốc gia vừa thực hiện nghiên cứu khoa học pháp y, vừa xây dựng các chương trình bồi dưỡng, đào tạo bác sĩ pháp y. Các bác sĩ pháp y của Viện được bổ nhiệm là giám định viên pháp y và thực hiện giám định khi có trưng cầu. Các phòng pháp y ở các tỉnh chủ yếu đáp ứng yêu cầu giám định pháp y của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời cũng tiến hành nghiên cứu về khoa học pháp y ở một mức độ nhất định. Viện và phòng pháp y gồm các giám định viên pháp y chuyên nghiệp. ở huyện có giám định viên bán chuyên trách (bác sỹ giám định).

Cần duy trì và phát triển hệ thống giám định pháp y quân sự thuộc Bộ quốc phòng. Sở dĩ như vậy là vì ngoài những đặc điểm chung của pháp y, pháp y quân sự còn mang những đặc điểm riêng biệt, độc lập (pháp y quân sự nghiên cứu những vấn đề pháp y hình sự đặc biệt xảy ra trong đời sống quân ngũ).

Về giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Nội vụ đã có một hệ thống tổ chức kỹ thuật hình sự tương đối ổn định (Viện khoa học hình sự thuộc Bộ nội vụ ở Trung ương; các phòng kỹ thuật hình sự thuộc Sở công an các tỉnh, thành phố). Theo chúng tôi chỉ cần lập danh sách các giám định viên kỹ thuật hình sự trong số các cán bộ kỹ thuật hình sự của Viện khoa học hình sự và các phòng kỹ thuật hình sự nói trên.

Cần thành lập Viện giám định tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, vì theo Nghị định 143/HĐBT thì Bộ Tư pháp quản lý công tác giám định tư pháp, nếu không có một tổ chức (Viện) thì khó hoàn thành được nhiệm vụ đó. Viện này có chức năng quản lý công tác giám định tư pháp trong toàn quốc, nghiên cứu khoa học và giám định tư pháp và thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Còn ở các ngành khác như tài chính, văn hóa, một số lĩnh vực khoa học kỹ thuật chỉ cần bổ nhiệm giám định viên, chứ không cần thành lập ra tổ chức giám định. Như vậy sẽ tránh được cồng kềnh về tổ chức, lãng phí về vật chất.

Cần khẩn trương tổ chức, đào tạo đội ngũ bác sĩ pháp y chuyên nghiệp, từng bước tạo cơ sở về vật chất, kỹ thuật và con người nhằm thành lập hệ thống pháp y chính qui.

Cũng cần sớm có một qui chế thống nhất về trình tự thực hiện giám định tư pháp để đưa hoạt động này vào nề nếp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, cần có qui định thống nhất về các loại biểu mẫu giám định tư pháp (quyết định trưng cầu giám định, kết luận giám định...).

 

Một số nét về lịch sử y học tư pháp

Giáo sư Vũ Ngọc Thụ

Viện Trưởng Viện pháp y quân đội

Y học tư pháp là một ngành chuyên khoa trong y học, nằm trong lĩnh vực của khoa học pháp lý, chuyên nghiên cứu những vấn đề y học nảy sinh trong các quá trình điều tra xét xử và thi hành luật pháp của một nhà nước. Sự phát sinh và phát triển của y học tư pháp trong lịch sử của từng nước phụ thuộc vào sự tiến bộ từng bước về thủ tục tố tụng của nước đó và do pháp luật quyết định. Nhiệm vụ chủ yếu của y học tư pháp không phải là nghiên cứu chữa và phòng bệnh như các chuyên khoa khác của ngành y tế, mà là nhiệm vụ tư pháp, góp phần cùng các cơ quan tư pháp bảo vệ trật tự trị an của xã hội, bảo vệ pháp quyền của nhà nước và quyền của người công dân trong một nước.

Trong lịch sử, y học tư pháp trên thế giới đã trải qua 4 thời kỳ:

i. Thời cổ đại

Đó là thời kỳ mà các nhà nước chưa có quy chế về hoạt động pháp y trong luật pháp và cũng chưa có lý luận về khoa học pháp y. ở thời kỳ này lẻ tẻ có sự tham gia của thầy thuốc vào một số vụ án. Người ta tìm thấy trong các tư liệu cổ ở Trung Quốc, ấn Độ, Hy Lạp và La Mã một số việc làm của thầy thuổctong khám thi thể và thương tích của nạn nhân theo yêu cầu của các vua chúa thời bấy giờ. Điển hình là câu chuyện JULES CESAR bị giết vào năm 44 trước Công nguyên. Thầy thuốc đã được triệu đến để khám thương và cho biết trên người CESAR có 23 vết thương trong đó có 1 vết tử thương.

ii. Thời sơ khai

Đây là một giai đoạn dài, diễn ra từ thời Trung cổ đến cuối thế kỷ thứ 18. Dấu vết về học thuật pháp y trong lịch sử được tìm ra trước tiên ở phương Đông. Năm 1247 một thầy thuốc Trung Hoa tên là SUN TSƯ đã viết cuốn sách lấy tên là "Tẩy oan luận" gồm năm tập:

- Hai tập đầu nói về khám tử thi, cách ghi chép thương tích trên hình vẽ, những nhận xét về biến đổi tử thi do thối rữa, cách mô tả thương tích, các vùng nguy hiểm của cơ thể.

- Tập 3 đề cập đến các loại chết do bạo lực, thương tích vật sắc, vật tầy, ngạt cơ giới, chết do nóng, vấn đề phân biệt thương tích xảy ra còn sống hay sau chết, vấn đề chết đột tử, chết đói, chết do sét đánh, các tai biến do điều trị và châm cứu.

- Tập 4 và 5 nói về ngộ độc như ngộ độc thạch tín, thủy ngân, long não, cây cỏ độc, nấm độc, các loài cá, công trùng và rắn độc. Có cả phần nói về ngộ độc do thán khí và khí đốt, công tác cấp cứu, điều trị.

Tập sách này đã được tái bản nhiều lần đặc biệt phổ cập ở Triều Tiên, Nhật Bản, các nước Đông Dương và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Hiện nay tại thư viện của trường pháp y Paris cuốn sách này được đặt trong một tủ trưng bày để giữa phòng đọc. ở châu Âu phải đợi đến thế kỷ thứ 16 mầm mống pháp chế trong giám định pháp y và học thuật pháp y mới bắt đầu nảy sinh. Trong thời kỳ này lần lượt các bộ luật hình sự ra đời, trước hết là ở Đức JOHAN VON SCHARZENBERG ra bộ luật BAMBERG vào năm 1507. Tiếp đó năm 1516 vua KARL V ra bộ luật hình CAROLIN. Đây là những bộ luật hình đầu tiên quy định sự tham gia cần thiết của thầy thuốc vào việc khám nghiệm các trường hợp giết trẻ sơ sinh, gây thương vong, gây ngộ độc, gây tai biến trong chữa bệnh.

ở Pháp bộ luật hình của CHARLES QUINT (1532) rồi đến bộ luật của FRANCOIS I (1536) đề cập đến sự quan trọng của việc khám pháp y trong xét xử.

ở ý ngay từ năm 1440 vua ROGER II ở Apolie và Sicile đã ra sắc lệnh về các trường hợp phải khám pháp y. Năm 1231 FREDERIG II bổ sung thêm đạo luật của ROGER II. Năm 1525 tòa đại hình ở Naples đã nêu lên giá trị của các chứng cứ vật chất thông qua giám định khoa học. ở Tây Ban Nha (1250) và ở Thụy Điển năm 1295 đã ban bố bản tỷ lệ đền bù thương tật. Năm 1606 HENRI IV ra sắc lệnh về việc chỉ định thầy thuốc làm giám định pháp y ở Paris và ở các địa phương. Tới năm 1690 lại có một sắc lệnh khác nói về bổ nhiệm một bác sỹ nội khoa và một bác sỹ ngoại khoa làm giám định pháp y ở các địa phương. Đây là việc thành lập danh sách các bác sỹ pháp y đầu tiên ở Pháp, kế đó là các nước châu Âu khác. ở New York từ 1760 các hoạt động pháp y đã được quy chế hóa. Sự ra đời những bộ luật hình sự ở châu Âu đã mở đường cho nhu cầu nghiên cứu xây dựng lý luận về pháp y. Năm 1582 AMBRISE PARE ở Pháp xuất bản cuốn "Xây dựng báo cáo khám nghiệm" rồi đến cuốn "Phẫu thuật ngoại khoa" trong đó có chương nói nhiều về công tác khám nghiệm mang tính pháp y. Năm 1570 JUAN FRANGOSO ở Tây Ban Nha viết cuốn "Nghiên cứu về sự chết và cách làm báo cáo tư pháp". Năm 1592 FORTUNATO PHIDELIS ở ý viết cuốn "Về báo cáo của các thầy thuốc" trong đó đề cập đến các loại chết do bạo lực, sự trinh tiết, phá thai và ngộ độc. Nước ý là một nước có một nền y học tư pháp độc lập sớm nhất ở Châu âu. Năm 1621 ở La Mã PAOLO - ZACCHIA viết cuốn sách lấy tên là "Những vấn đề pháp y". Từ ngữ pháp y xuất hiện trên thế giới từ đây. Trong sách tác giả đề cập đến những điểm mà ngày nay vẫn còn là những vấn đề cơ bản trong y học tư pháp. Nội dung gồm có : Sự phát triển về sinh lý theo tuổi nhằm mục đích xác định giá trị của các lời khai và di chúc, các biến đôitrong thời kỳ thai nghén, vấn đề phá thai, trách nhiệm hình sự của người say rượu, vấn đề ngộ độc, vấn đề lây bệnh, phương pháp khám và xác định nguyên nhân thương tích, ảnh hưởng của nước và giới đối với con người, khái niệm về bệnh nghề nghiệp, trách nhiệm hình sự của thầy thuốc. Đây là một tài liệu xuất sắc về pháp y đối với thời bấy giờ.

Năm 1677 nhà vật lý REIGER người Ba Lan đã phát minh nghiệm pháp kiểm tra phổi nổi trong nước để phân biệt chết trước hay sau đẻ. Năm 1690 JOHANN BONN ở Đức viết cuốn "Mô tả các vết thương" và cuốn "Cơ sở y học tư pháp". Danh từ y học tư pháp lần thứ hai trong lịch sử đã được nhắc lại để dùng tên gọi cho một cuốn sách chuyên khảo pháp y ở thế kỷ thứ 17.

Rất nhiều các công trình khoa học xuất sắc về pháp y và độc học được xuất bản ở Đức hồi thế kỷ thứ 18. Đáng kể là "Độc học hay là khoa học về chất độc, cách chống độc" của J.PLENK xuất bản năm 1781. Cuốn sách thứ hai đã được dịch sang tiếng Nga và dùng làm tài liệu giáo khoa ở Nga vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Số lượng tác phẩm mang tính pháp y càng về cuối thế kỷ 18 càng tăng. Theo tài liệu thư mục của VILDRERG xuất bản năm 1819 người ta thấy có 2880 danh mục các công trình pháp y ra đời vào các thế kỷ 16, 17, 18 và đầu thế kỷ 19. Trong hai thế kỷ 17 và 18 đã có rất nhiều khám nghiệm pháp y ở Châu âu.

Việc giảng dạy pháp y cũng đã bắt, Giáo sư FERDINAND STEBLER ở Đức năm 1784 bắt đầu dạy pháp y bằng tiếng Đức thay cho tiếng La Tinh. JOHAM - MICHAELIS (1607-1667) đã dạy pháp y ở trường tổng hợp Leipzig; ở Tiệp Khắc năm 1785 đã có bộ môn pháp y do E.V.GULDENER làm chủ nhiệm. ở Colombia bộ môn pháp y có từ 1804, ở Argentina có từ 1826, ở Anh từ 1803, ở Bỉ từ 1821, ở Berlin từ 1802, ở Canada từ 1845. Những tạp chí pháp y cũng đã bắt đầu ra đời. Năm 1782 tạp chí pháp y bắt đầu xuất bản ở Stendal (Đức) do FRIEDRICH làm chủ nhiệm. Tạp chí pháp y và y học xã hội ở Nga năm 1865.

iii. Thời kỳ phát triển kể từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20

Cuối thế kỷ thứ 18 chế độ phong kiến ở Châu âu lần lượt bị đánh đổ mở đầu là cuộc cách mạng tư sản ở Pháp năm 1789. Trong lĩnh vực xét xử, dần dần ở từng nước đã có sự cải tổ từ xét xử kín chuyển sang xét xử công khai, với sự tham gia của nhiều bên. Việc xét xử không phải chỉ có quan tòa quyết định mà còn phải có sự tham gia của người buộc tội (công tố ủy viên), có người bào chữa cho bị cáo (luật sư). Thầy thuốc tham gia phiên tòa với tư cách giám định viên, kết luận của thầy thuốc trước tòa không thể tuỳ tiện mà phải được bảo vệ bằng những luận cứ khoa học chắc chắn. Sự cách mạng về tư pháp nói trên đã là một động lực lớn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học pháp y phát triển lên một bước mới. Y học tư pháp ở Châu âu thời này đã tiến bộ vượt bậc so với những thế kỷ trước đó.

Đặc điểm của thời kỳ này là

Đội ngũ chuyên gia thực sự về pháp y ngày càng lớn mạnh:

- MATHEO ORPHILA (1819-1822), AMBROISE TARDIEU (1861-1879), PAUL BROUARDEL (1879-1906), LEON THOINOT (1906-1915), LACASSAGNE (1843-1924) ở Pháp.

- MINA MINOVICI (1858-1933) ở Rumani

- TIMOLEON WISTRAND (1807-1866) ở Thụy Điển

- TEICH MAYE, PLENK, GENKE, LIMAN, KASPER ở Đức

- JOHN GORDON SMITH (1792-1833), A.S TAYLOR (1806-1880) ở Anh.

- J.MASKA (1820-1899) ở Ba Lan

- HOFFMAN (1837-1897) ở áo

- C.A.GROMOV (1774-1856), P.A.MINAKOV (1865-1931) ở Nga

Việc giảng dạy pháp y trở thành bắt buộc ở các trường y khoa và luật khoa. Hàng loạt các bộ môn pháp y tiếp tục được xây dựng. Năm 1740 bắt đầu dạy pháp y ở Copenhague. Năm 1794 trường y tế Paris đã quy định pháp y là một trong 12 môn học giảng dạy của trường. Nội dung chương trình lúc bấy giờ như sau :

- Sơ lược về nguồn gốc và tình hình y học tư pháp xưa và nay, tác dụng và sự cần thiết của môn học này trong tư pháp, những phân ngành chính của nó, đạo đức và điều kiện cần thiết của một thầy thuốc pháp y để làm tốt các báo cáo giám định.

- Vấn đề liệt dương

- Hiếp dâm, sự trinh tiết, sự thụ tinh

- Tình trạng thai nghén

- Phá thai

- Đẻ non

- Đẻ già tháng

- Bệnh giả vờ

- Tự sát - dấu hiệu để phân biệt tự sát và giết người

- Thuốc độc và ngộ độc

- Giết trẻ sơ sinh

- Vết thương nói chung

- Vết thương đầu

- Vết thương ngực

- Vết thương bụng

- Vết thương ở các chi

- Báo cáo pháp y

- Nhiệm vụ của thầy thuốc trong bảo vệ mội trường

- Bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch

- Ngạt và các nguyên nhân gây ngạt

- Mai táng trước qui định

- Các dấu hiệu chết và phương pháp xác định

Các tạp chí pháp y và các sách giáo khoa pháp y có cơ sở khoa học vững chắc đã ra đời:

Sách giáo khoa của HOFFMAN ở áo đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở Nga 8 lần từ 1878-1933. Cuốn nguyên lý về y học tư pháp của TAYLOR ở Anh xuất bản từ 1865 liên tiếp tái bản 9 lần cho đến 1965. Các lần tái bản đều có sự bổ sung của các người kế nghiệp.

iv. THờI Kỳ HIệN ĐạI

Tính từ đầu thế kỷ đến nay dấu ấn mạnh mẽ đối với y học tư pháp của thế kỷ 20 là:

- Khoa học kỹ thuật nỏi chung và y học nói riêng phát triển ngày càng mạnh trên cơ sở chuyên khoa hóa và kỹ thuật hiện đại ngày càng hoàn thiện.

- Các xu hướng tiến bộ về chính trị và pháp chế ngày càng phát triển. Cách mạng tháng 10 Nga công và hệ thống các nước XHCN ra đời.

- Các viện nghiên cứu pháp y ra đời trong khắp các nước tiên tiến, không những chỉ riêng ở thủ đô mà cả các đô thị lớn.

- Việc giảng dạy pháp y ngày nay không còn chỉ dạy chương trình pháp y tối thiểu cho các sinh viên y khoa và luật khoa, các chương trình bổ túc chuyên khoa pháp y sau đại học để đào tạo giám định viên pháp y mỗi ngày một hoàn chỉnh.

- Khối lượng thông tin về pháp y rất lớn, vì các tạp chí pháp y mỗi ngày một nhiều, các công trình nghiên cứu, các luận án sau và trên đại học về pháp y ngày một nhiều.

- Các hội khoa học về pháp y của từng nước đều có và sinh hoạt đều đặn hàng tháng hoặc hàng quí. Ngoài các hội quốc gia còn có hội pháp y khu vực và quốc tế. Hội pháp y thế giới lấy tên là "Hội pháp y và y học xã hội" đã được thành lập sau đại chiến thứ II, cứ hai năm lại bầu lại một nhiệm kỳ chủ tịch.

- Riêng ở Liên Xô để bảo đảm phát triển khoa học pháp y, ngoài hai Viện nghiên cứu pháp y quốc gia và quân đội, từ năm 1972 còn có tiểu ban nghiên cứu pháp y gồm 23 thành viên nằm trong Hàn lâm viện y học của Liên Xô.

Về nội dung, y học tư pháp hiện đại đã trở thành một ngành chuyên khoa học phức hợp vừa sâu lại vừa rộng trên 4 lĩnh vực:

a) Pháp y hình sự là những vấn đề pháp y liên quan đến các án hình sự. Các nội dung chính gồm có:

Tội phạm học lâm sàng: Nghiên cứu các nguyên nhân và diễn biến tâm sinh lý, bệnh lý phát sinh tội phạm nhằm tìm biện pháp giáo dục cải tạo và phòng ngừa tội phạm. Việc nghiên cứu này thông qua các giám định hàng ngày kết hợp với đièu tra các can phạm trong quá trình giam giữ.

Chấn thương học pháp y: Trong khi chấn thương học ngoại khoa nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị các chấn thương thì nhiệm vụ của chấn thương học pháp y đi sâu vào nhận dạng thương tích. Chấn thương học pháp y là một môn học lớn và phức tạp trong pháp y hiện đại vì các tác nhân gây thương tích ngày càng phức tạp trên các lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, trong chiến tranh và huấn luyện chiến đấu. Hàng năm khkông biết bao nhiêu công trình nghiên cứu tổng kết thực nghiệm về vêt đâm, vết căt, vết đánh, cho đến các loại tai nạn khác nhau. Chủ thể có thể trở đi trở lại, đi cặn kẽ vào các khía cạnh hình sự khác nhau vì đối với giám định viên pháp y mục đích lớn của khám thương tích là để tìm hiểu ý nghĩa hình sự của chúng.

Bệnh học pháp y: Nghiên cứu các trạng thái bệnh lý liên quan đến bạo lực và nghi vấn do bạo lực như ngạt cơ giới, thương tích do các tác nhân hoá học, vật lý do bỏng, do định, do nóng, do lạnh, do tra tấn hành hạ, vấn đè chết đột ngột bất ngờ. Câu chuyện tự thí nghiệm chết treo của Minovici hoặc nghiên cứu về ngạt của Tardieu thế kỷ trước tưởng đã chấm dứt nhưng thực tế vẫn liên tục nảy sinh nhiều vấn đè cần tìm hiểu và xác định rõ hơn, chi tiết hơn.

Nghiên cứu về sự chết: Sự chết là một chủ đề lớn trong lĩnh vực hình sự vì nó liên quan đến các trọng án. Việc nghiên cứu các dấu hiệu chết, nguyên nhân, cơ chế gây chết, và các biến đổi sau chết trong những điều kiện vô cùng khác nhau là những đề tài nêu lên từ nhiều năm về trước đồng thời cũng là vấn đề còn tồn đọng lại cho đến nay về mặt khoa học. Trong thực tế, sự hiểu một cách giản đơn vấn đề này đã tạo ra rất nhiều rắc rối trong công tác điều tra xét xử ở nước ta.

Tâm thần học pháp y: Tâm thần học pháp y không dừng lại ở chỗ nghiên cứu bệnh lý tâm thần trong các bệnh viện mà là nghiên cứu các trạng thái nguy hiểm và khả năng chịu trách nhiệm hình sự của các can phạm. Tìm hiểu đúng bản chất của hành động nguy hiểm là một việc làm rất phức tạp. Luật pháp các nước đã xác định, muốn xác định khả năng chịu trách nhiệm hình sự cảu can phạm phải dựa vào hai tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn bệnh lý và tiêu chuẩn tâm lý, nghĩa là phải tìm hiểu toàn diện, các điều kiện hoàn cảnh tâm lý thực chất của bị can khi gây hành động nguy hiểm.

Độc học pháp y: Từ đầu thế kỷ đến nay môn học này phát triển rất mạnh nhờ những tiến bộ lớn của hoá học và các phương tiện trang thiết bị hoá lý mới mỗi ngày một hoàn thiện. Độc học pháp y gồm hai phần: Bệnh lý độc học đó là phần trách nhiệm của các thầy thuốc pháp y. Phân tích độc chất đó là phần của các kỹ sư độc chất đào tạo từ hai nguồn dược sĩ và kỹ sư hoá học.

Sản phụ khoa: Nghiên cứu các dấu vết sinh học trên các tang vật pháp y như vết máu, vết bài tiết, nhận dạng lông tóc.

Vật lý học pháp y: Nghiên cứu các phương pháp phát hiệndấu vết bằng phương tiện vật lý, chụp ảnh pháp y, X quang pháp y...

Nhân chủng học pháp y: Có nhiệm vụ nghiên cứu nhận dạng tử thi ở các trạng thái biến đổi khác nhau nhằm xác định chủng tộc, giới tính, chiều cao, tuổi và nhận dạng căn cước cá thể. Phần nhận dạng người sống gồm có nhận dạng tuổi, nhận đạng những người giả căn cước.

b) Pháp y dân sự: Nghiên cứu các vấn đề pháp y trong các án dân sự. Các môn học chính gồm có:

Giám định thương tật để giúp toà án xem xét việc đền bù pháp lý đối với nạn nhân. Môn học này có hai phần: Phần pháp chế và phần bệnh lý các di chứng.

Bệnh giả vờ để phát hiện các trường hợp giả mạo bệnh tật do các nguyên nhân khác nhau.

Vấn đề huyết thống nghiên cứu dựa trên các xét nghiếm inh học và nhân trắc sinh học kết hợp với di truyền hình thái.

c) Pháp y trong nghiệp vụ y tế: Mục đích giúp cho ngành y tế có cơ sở nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ y tế và nhằm phát hiện các sai sót cũng như các hành động phạm pháp của nhân viên y tế. Môn học này gồm có hai phần:

Phần pháp chế: đạo đức y khoa và luật y tế

Phần chuyên môn: các sai sót trong chẩn đoán điều trị và phòng bệnh.

d) Pháp y quân sự: Pháp y quân sự nghiên cứu những vấn đề páp y hình sự đặt biệt xảy ra trong đời sống quân ngũ. Môn học này được y học tư pháp của ý quan tâm từ 300 năm nay. Năm 1990 có cuốn pháp y quân sự Pháp. Nội dung cơ bản là các tình trạng giả thương giả bệnh, tăng thương tăng bệnh, dấu thương dấu bệnh, tư thương cá tai nạn trong huấn luyện trong chiến đấu, vấn đề đột tử ở người trẻ và các tình trạng loạn thần trong chiến tranh, trong đời sống quân sự.

Ngoài bốn nội dung trên, trong nội dung y học tư pháp có vấn đề đạo đức học của thầy thuốc pháp y và phương pháp học trong xây dựng biên bản và kết luận pháp y. Các nhà pháp y đều xác định pháp y là một nghiệp vụ đòi hỏi trách nhiệmc ao, đạo đức của người giám định viên pháp y thể hiện ở ý thức trách nhiệm và kỷ luật cao, tính trung thực, khách quan, tác phong tỷ mỷ và thận trọng, phương pháp làm việc chắc chắn và nghiêm túc. Vấn đề đạo đức và phương pháp của giám định viên đã được đè cập thường xuyên trong lịch sử pháp y các nước. Ngày nay nó vẫn là chủ đè lớn của nhiều bài giảng, báo chí và sách chuyên khảo. Muốn cho các thay thuốc pháp y có những kiến thức cơ bản cần thiết, hiện nay các nước đã có chương trình đào tạo chuyên khoa pháp y thời hạn thường là 2 năm. Việc đào tạo này do các bộ môn pháp y, các viện pháp y đảm nhiệm. Riêng ở Paris, sau cải cách học đường năm 1968, bộ môn pháp y của Đại học Y khoa cũ đã trở thành một trường pháp y năm trong trường Tổng hợp RENEDESCARTE. Ngoài ra ở các đô thị lớn đều có mở lớp thường xuyên về chuyên khoa y.

v. tổ chức pháp y hiện nay ở các nước

Về mặt tổ chức công tác giám định pháp y ở các nước hiện nay có hai mô hình chính:

1. Mô hình của các nước tư bản phát triển

Hàng năm các toà phúc thẩm của các tỉnh, thành lập một danh sách các giám định viên. Muốn được chọn vào danh sách giám định viên pháp y, các thầy thuốc phải có bằng chuyên khoa quốc gia về pháp y, dù người thày thuốc này ở học vị, học hàm nào thuộc các chuyên khoa. Danh sách này được các toà án làm lại hàng năm.

Có hai danh hiệu dành cho người thày thuốc tham gia giám định pháp y:

- Danh hiệu giám định viên pháp y dành cho các bác sĩ chuyên khoa pháp y thường xuyên tham gia các công tác giám định.

- Danh hiệu bác sĩ giám định dành cho các bác sĩ hoặc chuyên viên thuộc chuyên khkoa khác, bất thường có vấn đề chuyên môn cần lấy ý kiến.

Cách lập danh sách này bắt nguồn từ thời vua Henri IV ở Pháp năm 1606 đề xướng vấn đề lập danh sách thày thuốc làm giám định pháp y. Đến nay tiêu chuẩn chọn bác sĩ chuyên nghiệp về pháp y khác trước là phải có tốt nghiệp chuyên khoa pháp y.

2. Mô hình tổ chức pháp y của Liên Xô và một số nước khác.

Cách mạng tháng 10 mở ra cho nền pháp y Xô Viết một tiền đồ mới. Khác với các nước tư bản, tổ chức giám định pháp y ở Liên Xô mang tính nhà nước và nằm trong hệ thống của các cơ quan y tế. Ngay từ năm 1918 trong uỷ ban y tế nhân dân, đã có ban giám định y học trong đó có giám định pháp y. Năm 1934 công bố quy chế tiến hành giám định pháp y và năm 1937 ban hành trách nhiệm của giám định viên đầu ngành pháp y của uỷ ban y tế nhân dân Xô Viết. Năm 1939, Hội đồng dân uỷ Liên Xô (này là Xô Viết tối cao) ra quyết định về các biện pháp củng cố và phát triển công tác giám định về các biện pháp củng cố và phát triển công tác giám định pháp y. Phần đầu của quyết định viết:

"Để củng cố và phát triển công tác giám định pháp y, Hội đồng dân uỷ Liên Xô quyết định xác định trật tự tổ chức tiến hành công tác giám định pháp y như sau:

Việc giám định pháp y được thực hiện

a) Do các giám định viên pháp y ở quận, liên quận, khu và thành phố.

b) Các giám định viên pháp y của các vùng các miền các nước cộng hoà Xô Viết tự trị.

c) Giám định viên các uỷ ban y tế nhân dân của các nước Cộng hoà Liên bang Xô Viết. Để chỉ đạo công tác giám định pháp y trong toàn liên bang Xô Viết, tại Uỷ ban y tế nhân dân Liên Xô có giám định viên pháp y đầu ngành của cả nước"

Trong điều 4 của quyết định này có ghi: "ở các đô thị cứ 100.000 người có một giám định viên pháp y"

Tới năm 1951, công tác giám định được tổ chức lại thành một hệ thống các cơ quan giám định pháp y gồm 4 cấp:

- Cấp trung ương có giám định đầu ngành pháp y toàn liên bang và viện nghiên cứu pháp y quốc gia.

- Cấp các nước Cộng hòa liên bang, các nước cộng hoà tự trị, có giám định viên đầu ngành và các phòng hoặc Viện pháp y.

- Cấp các tỉnh và các thành phố lớn có giám định viên trưởng và các labour pháp y hoặc phòng pháp y.

- Cấp quẩn, liên quận có giám định viên pháp y. Tại các phòng pháp y có 6 bộ phận: phòng khám người sống, phòng khám tử thi, các labour sinh học pháp y, vật lý học pháp y, tổ chức học pháp y và hoá pháp.

Ngày 21/11/1949, để phát triển toàn diện các mặt khoa học trong ngành y tế, Bộ Y tế Liên Xô công bố danh mục các loại cơ quan y tế sau đây:

- Các cơ quan điều trị dự phòng

- Các cơ quan vệ sinh phòng bệnh

- Các cơ quan giám định pháp y

- Các cơ quan dược chính

Trong quân đội tổ chức giám định pháp y gồm 3 cấp:

- Cấp trung ương có giám định viên đầu ngành và Viện nghiên cứu pháp y quân đội.

- Cấp quân khu và các phương diện quân có giám định viên trưởng và phòng pháp y quân khu hay mặt trận.

- Cấp sư đoàn có giám định viên pháp y sư đoàn.

ở một số nước khác, tổ chức pháp y cũng có những nét tương tự.

ở nước ta trong thời Pháp thuộc, trường Đại học Y khoa Hà Nội không có bộ môn pháp y. Việc dạy pháp y phổ thông cho sinh viên do bác sĩ tai mũi họng hoặc giải phẫu bệnh lý đảm nhận.

ở sở mật thám Hà Nội, có một labour pháp y, dành cho các vụ án đặc biệt.

Sau khi hoà bình lập lại năm 1956, có thông tư liên bộ tư pháp – y tế quy định việc lập danh sách giám định viên pháp y: ở Hà Nội và Hải Phòng có từ 3 đến 5 người, ở các tỉnh có từ 2 đến 3 người chọn trong các y hay bác sĩ.

Riêng trong quân đội, ngày 14/5/1962, Phòng pháp y quân đội đã được thành lập. Qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, pháp y quân dội đã có nhiều đóng góp cho quan đội cũng như nhà nước trong giám định pháp y đối nội và đối ngoại. Các mặt huấn luyện nghiên cứu, xây dựng cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật đều thu được những thành quả đáng kể.

Do nhu cầu chiến đấu và xây dựng của quân đội, ngày 9/4/1988, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 142 QĐ/TM về việc tổ chức cơ quan pháp y trong toàn quân. Theo quyết định này tổ chức pháp y quân đội có hai cấp:

- Cấp trung ương có viện pháp y quân đội

- Cấp khu vực có bộ phận pháp y quân khu

Một trong nguyên tắc của giám định pháp y là khẩn trương kịp thời, làm tốt ngay từ đầu. Vì sao vậy? Vì các tang vật pháp y là các tang vật sinh học và biến động. Một vụ giám định làm sai rất khó cứu chữa, phải cố gắng vớt lại bằng nhiều công sức rất phức tạp. Muốn cho công tác giám định đáp ứng tốt yêu cầu của điều tra xét xử về chất lượng cũng như về thời gian cần phải có một mạng lưới pháp y có giám định viên chuyên nghiệp tại chỗ, thu lượm ngay từ đầu đầy đủ các dấu hiệu và tang vật đúng, không để sai sót.

Ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 117/HĐBT về việc chỉ định giám định viên tư pháp trong đó có gáim định viên pháp y ở cấp trung ương và cấp tỉnh thành. Theo nghị định này các thủ trưởng 3 bộ: Y tế, Nội vụ, Quốc phòng được quyền chỉ định giám định viên trưởng và giám định viên pháp y ở cấp trung ương ở từng Bộ. Các chủ tịch tỉnh và thành phố được quyền chỉ định giám định viên ở các tỉnh, thành.

 

Một số ý kiến về tổ chức và quản lý công tác giám định pháp y

BS Trần Đức Đĩnh

Phó tiến sĩ y học

Giám định viên trưởng pháp y

Bộ Nội vụ

i. các tổ chức giám định và hoạt động giám định thuộc các lĩnh vực y học và dược học ở nước ta hiện nay

Hiện nay ở nước ta có ba ngành có các tổ chức đảm nhiệm giải quyết các yêu cầu giám định thuộc các lĩnh vực y và dược.

- Bộ Quốc phòng có viện pháp y quân sự và đơn vị cấp dưới.

- Bộ Nội vụ có tổ chức pháp y hình sự của bộ và các đơn vị pháp y thuộc Công an các tỉnh, thành phố.

- Bộ Y tế có tổ chức y pháp trung ương, viện giám định y khoa, tổ chức giám định pháp y tâm thần, viện kiểm nghiệm và các giám định viên tư pháp trung ương và các địa phương.

Tuy nhiên do nước ta không có truyền thống lâu năm về mặt giám định pháp y và do ít chú ý đến công tác tổ chức, đào tạo cán bộ chuyên khoa pháp y cũng như còn thiếu địa điểm làm việc, trang bị kỹ thuật kém nên công tác giám định pháp y còn có những tồn tại nhất định

- Các cơ sở giám êịnh thuộc lĩnh vực y và dược nói chung, giám định pháp y nói riêng còn quá ít, lại chưa được tổ chức chặt chẽ, trang bị kỹ thuật còn nghèo nàn.

- Có quá ít giám định viên pháp y chuyên nghiệp, chỉ có một số ít người được đào tạo có hệ thống về nghiệp vụ giám định pháp y với khả năng giám định được các đối tượng giám định thuộc lĩnh vực pháp y.

- Phần lớn những giám định viên đang làm công tác giám định pháp y hiện nay là nhân viên của các cơ sở y tế, giám định pháp y chỉ là công việc kiêm nhiệm.

- Trình độ chuyên môn pháp y của nhiều giám định viên pháp y còn hạn chế, cả lý thuyết và thực hành, thậm chí có người không năm được kỹ thuật mổ tử thi. ở một số tỉnh vẫn phải trưng dụng các y sĩ làm giám định viên.

- Việc quản lý công tác giám định chưa có nền nếp, chức năng nhiệm vụ của một số cơ sở còn chồng chéo, chưa đề cập đến tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của giám định viên, cũng như quyền hạn và trách nhiệm chuyên môn của giám định viên trưởng.

Để góp phần khắc phục tồn tại, chúng tôi đóng góp một số ý kiến xung quanh vấn đề tổ chức các cơ sở giám định pháp y và quản lý công tác giám định pháp y ở nước ta trong thời gian tới. Khái niệm giám định pháp y chúng tôi nói ở đây là giám định pháp y về mặt thể chất

 

ii. Chức năng và đối tượng giám định của từng chuyên ngành giám định thuộc các lĩnh vực y học và dược học

Trong công tác điều tra và xét xử các vụ có liên quan đến giết người, rối loạn sức khỏe và xâm phậm nhân phẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực y, dược sau: giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định y khoa, giám định độc chất và hoá học... Hiện nay ở mốt số nơi giữa hai ngành giám định pháp y và giám định y khoa có một phần công việc chồng chéo, mặt khác còn có những quan niệm giám định pháp y với nội dung công việc rất hạn hẹp. Để khắc phục tình trạng trên và cũng để phù hợp với khả năng chuyên của từng ngành nhằm đạt hiệu quả tối ưu đối với việc giám định, cơ quan quản lý công tác gím định cần sắp xếp nội dung và đối tượng giám định của từng ngành một cách hợp lý. Theo chúng tôi chức năng và đối tượng giám định cần được phân công như sau:

Chuyên ngành giám định pháp y đảm nhận giải quyết các yêu cầu sau:

- Giám định pháp y tử thi trong các vụ án mạng tự sát, tai nạn, các vụ chết có liên quan đến chất độc, hoá chất, các bệnh nhân chết trong các cơ sở y tế do lỗi của nhân viên y tế, các tử thi chưa rõ tung tích và các trường hợp chết nghi vấn khác.

- Giám định nhận dạng người về mặt thể chất.

- Xét nghiệm các dấu vết, bộ phận cơ quan có nguồn gốc cơ thể người.

- Xem xét các dấu vết, các tổn thương trên cơ thể người sống, xác định khả năng lao động trong các trường hợp đơn giản. Đối với các tổn thương phức tạp cũng như việc xác định hậu quả tổn thương và đánh giá khả năng lao động của người bị thương trong những tình huống phức tạp đòi hỏi các kiến thức chuyên khoa sâu, cần sử dụng các phương pháp, phương tiện nghiên cứu thăm dò, xét nghiệm chuyên ngành và kinh nghiệm của các thày thuốc lâu năm thì thuộc phạm vi của ngành giám định y khoa và các bác sĩ chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Chuyên ngành giám định y khoa giải quyết các yêu cầu giám định về khả năng lao động, bệnh nghề nghiệp, hậu quả của chấn thương.

- Các giám định viên là các bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng công tác tại các cơ sở y tế tiến hành giám định y khoa (chủ yếu là trên người sống) theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng theo từng vụ việc.

- Chuyên ngành giám định pháp y tâm thần.

- Các cơ sở kiểm nghiệm độc chất và hoá học.

Trong tương lai vấn đề gím định huyết thống (paternity) cần được đặt ra và giải quyết bởi vì không chỉ phục vụ việc điều tra xét xử hình sự, dân sự mà còn phục vụ việc thi hành luật hôn nhân và gia đình và một số luật khác.

iii. Mô hình tổ chức các cơ sở giám định pháp y trên phạm vi toàn quốc

Theo chúng tôi mô hình thích hợp nhất đối với nước ta trong thời gian tới là củng cố và hoàn thiện các cơ sở giám định pháp y hiện có với 2 cấp thuộc 3 ngành quản lý trực tiếp: cấp trung ương và cấp tỉnh, thuộc 3 ngành quân đội, công an và y tế.

1. ở trung ương

 

- Bộ Quốc phòng có viện pháp y quân sự

- Bộ Nội vụ có tổ chức giám định pháp y hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát nhân dân.

- Bộ Y tế: tổ chức y pháp trung ương, tổ chức pháp y tâm thần trung ương, viện giám định y khoa trung ương và các giám định viên là các bác sĩ, dược sĩ công tác tại các cơ sở y tế. Riêng tổ chức giám định y khoa và các bác sĩ, dược sĩ công tác tại các cơ sở y tế không phải là các giám định viên chuyên nghiệp mà chỉ giám định trong từng vụ việc theo trưng cầu.

Các cơ sở giám định pháp y chuyên nghiệp của quân đội, công an, y tế là các đơn vị cấu thành của tổ chức pháp y quốc gia.

Chức năng nhiệm vụ của các cơ sở pháp y trung ương:

Là cơ quan giám định pháp y tuyến cao nhất của quân đội, công an, y tế.

Đảm bảo việc giám định pháp y theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng của trung ương và địa phương.

Đảm bảo các yêu cầu giám định pháp y thuọc khu vực thủ đô.

Phối hợp và hỗ trợ nhau trong công tác giám định đối với các vụ khó khăn, phức tạp với sự đồng ý của cơ quan trưng cầu.

Phối hợp để làm công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ gíam định pháp y cho toàn quốc và nghiên cứu khoa học.

Hướng dẫn nghiệp vụ giám định cho các cơ sở pháp y cấp dưới của ngành.

2. ở các tỉnh, thành phố (trừ thủ đô) có:

- Cơ sở giám định pháp y chuyên nghiệp của công an tỉnh, thành phố.

- Cơ sở giám định y pháp chuyên nghiệp của y tế địa phương, đặt trụ sở tại bệnh viện tỉnh. Hiện nay ngành y tế chưa có cơ sở giám định y pháp chuyên nghiệp tại các địa phương, trong tương lai cần xây dựng.

- Tổ chức giám định y khoa và các giám định viên là các bác sĩ của các cơ sở y tế (bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng) kiêm nhiệm giám định các vụ được trưng cầu tuỳ theo khả năng chuyên môn.

Đối với các tỉnh miền núi có các huyện ở xa trung tâm tỉnh, việc đi lại khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An, Đắc Lắc, Gialai - Kontum, thì ở các huyện xa xôi cần bổ nhiệm 1 đến 2 giám định viên để giải quyết các vụ đơn giản, nhưng những người này phải qua lớp huấn luyện nghiệp vụ giám định pháp y.

3. ở thủ đô Hà Nội

 

- Tổ chức giám định pháp y hình sự của Bộ Nội vụ, tổ chức y pháp trung ương của Bộ Y tế đảm bảo giải quyết các yêu cầu giám định pháp y theo các nội dung đã trình bày ở mục II phần chuyên ngành giám định pháp y (trang 79, 80).

- Các tổ chức giám định và các giám định viên thuộc lĩnh vực chuyên môn y dược còn lại kiêm nhiệm giải quyết các yêu cầu theo từng vụ, chủ yếu là trên người sống.

iv. Cấu trúc chuyên môn của một cơ sở giám định pháp y trung ương

Nội dung và đối tượng giám định pháp y rất rộng, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay không chỉ ở việc khám và mổ tử thi, vì vậy một cơ sở cấp trung ương mà chỉ có khả năng giải quyết các yêu cầu giám định trên tử thi và các biện pháp kỹ thuật không ngoài kỹ thuật của ngành giải phẫu bệnh lý thì chưa thể là một cơ sở giám định pháp y thực thụ. Mặt khác theo tập quán quốc tế, một cơ sở giám định pháp y hoàn chỉnh phải có đủ các bộ phận chuyên môn, các phòng thí nghiệm chuyên ngành phù hợp. Nhìn vào cấu trúc chuyên môn của một cơ sở giám định pháp y, người ta có thể đánh giá được tầm cỡ và khả năng giám định của cơ sở ấy. Theo chúng tôi một cơ sở giám định pháp y trung ương cần có cấu trúc chuyên môn như sau:

- Bộ phận khám nghiệm và giải phẫu tử thi.

- Bộ phận khám xét dấu vết và tổn thương trên người sống học, xét nghiệm dấu vết cơ quan có nguồn gốc cơ thể người, nhận dạng người về mặt thế chất, độc chất học và hoá học...

Còn về mặt nhân sự, cơ sở giám định pháp y trung ương cần có các bác sĩ pháp y chuyen nghiệp, những người này nhất thiết phải được đào tạo chuyên khoa pháp y hoặc ít nhất phải là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh lý, các dược sĩ chuyên khoa kiểm nghiệm, kỹ sư hoá phân tích và sinh học, các kỹ thuật viên và người phụ mổ. (Các bác sĩ chuyên khoa lâm sàng và cần lâm sàng được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp không thuộc biên chế cơ sở giám định pháp y, những người này thực hiện giám định chủ yếu trên người sống theo trưng cầu trong từng vụ).

v. Cấu trúc chuyên môn của cơ sở giám định pháp y tỉnh, thành phố (trừ thủ đô Hà Nội)

(Quân đội có tổ chức giám định pháp y cấp quân khu, chúng tôi không đề cập đến trong phần này).

Mỗi tỉnh, thành phố có:

- Cơ sở giám định pháp y chuyên trách của công an tỉnh, thành phố.

- Cơ sở giám định pháp y chuyên trách của cơ quan y tế tỉnh, thành.

Các cơ sở giám định pháp y này đảm bảo giải quyết các yêu cầu giám định pháp y tử thi, khám dấu vết, thương tích trên người sống, đánh giá khả năng lao động trong những trường hợp đơn giản. Đồng thời tiến hành xét nghiệm tổ chức học thông thường và xét nghiệm sơ bộ một số loại dấu vết.

Về nhân sự: mỗi cơ sở giám định có từ 2 đến 4 giám định viên chuyên nghiệp, cả hai cơ sở (công an và y tế) sẽ có 4 đến 8 giám định viên chuyên nghiệp. Các giám định viên này phải là bác sĩ pháp y hoặc bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh lỹ được bổ túc nghiệp vụ giám định pháp y. Ngoài các bác sĩ, mỗi cơ sở cần có các kỹ thuật viên tổ chức học và người phụ mổ.

Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng công an đã có các đơn vị làm công tác giám định pháp y chuyên trách với số giám định viên hơi ít là 1 đến 2 bác sĩ, nhiều địa phương có 3-4 bác sĩ chuyên nghiệp của công an làm nhiệm vụ giám định pháp y. Ngành y tế hầu như chưa có cơ sở giám định pháp y chuyên trách ở các tỉnh, thành và cũng không có các giám định định viên pháp y chuyên nghiệp ở tỉnh, thành. Một số nơi các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh làm công tác giám định pháp y, ngoài ra các tỉnh có bổ nhiệm một số bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng kiêm nhiệm giám định tử thi.

vi. Quản lý công tác giám định pháp y trong toàn quốc

Theo chúng tôi ở nước ta cần nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở giám định pháp y chuyên trách, đồng thời chú trọng việc đào tạo một cách có hệ thống đội ngũ bác sĩ chuyên khoa pháp y để làm công tác giám định pháp y chuyên nghiệp. Cũng đã đến lúc cơ quan quản lý giám định và các cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc đến việc giao nhiệm vụ giám định pháp y cho những người không chuyên lại chưa được tập huấn nghiệp vụ giám định pháp y một cách đầy đủ, trang bị phương tiện và vật tư phục vụ giám định còn hạn chế. Cơ quan quản lý giám định và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng nên xem xét một cách cụ thể khả năng chuyên môn của từng cơ sở giám định pháp y trong toàn quốc để việc trưng cầu giám định phù hợp với khả năng của mỗi cơ sở với từng loại đối tượng giám định.

Về mặt tiêu chuẩn chuyên môn của giám định viên pháp y không nên chỉ dừng lại ở số năm làm công tác giám định mà cần bổ xung tiêu chuẩn đã qua lớp tập huấn nghiệp vụ giám định pháp y. Chúng tôi nghĩ đối với các bác sĩ không chuyên về pháp y cần được đào tạo nghiệp vụ giám định cũng như một số hiểu biết cần thiết về luật pháp có liên quan đến công tác giám định trong thời gian không dưới 1 tháng. Riêng đối với các bác sĩ làm công tác giám định tại các cơ sở giám định pháp y trung ương và ở tỉnh, thành phố cần được đào tạo từ 3 tháng đến 2 năm tuỳ theo yêu cầu công tác cụ thể ở từng nơi.

Về vấn đề có nên giao công tác giám định pháp y cho một ngành không? ý kiến của chúng tôi như sau:

Nước ta có 3 ngành có tổ chức giám định pháp y nhưng có thể nói chưa ngành nào có đủ khả năng và lực lượng giám định viênk hả dĩ đảm bảo mọi yêu cầu giám định pháp y trong phạm vi toàn quốc, không thể trong một thời gian một vài năm hay lâu hơn mà có thể đào tạo một đội ngũ giám định viên hàng trăm người có đủ trình độ và không phải người nào đã là bác sĩ, thậm chí bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh lỹ là có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu giám định pháp y. Vì vậy trong tình hình hiện nay chúng ta cấn sử dụng khả năng và nhân lực của mọi cơ sở giám định pháp y để đáp ứng yêu cầu giám định.

Về mặt pháp lý, người giám định chịu trách nhiệm vè kết luận của mình, cơ quan của họ chỉ là nơi tạo điều kiện để người giám định tiến hành công việc do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu, cho nên không nhất thiết phải nhập các cơ sở pháp y vào một mối và cũng không nên bỏ đi cơ sở nào.

Cần xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở giám định pháp y của quân đội, công an, y tế để phát huy thế mạnh của từng ngành phục vụ trực tiếp yêu cầu công tác.

Sự tồn tại của các cơ sở giám định pháp y độc lập với nhâu về mặt tổ chức tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan điều tra, xét xử trưng cầu giám định phù hợp với khả năng và mặt mạnh của từng cơ sở, có thể tham khảo ý kiến của các cơ sở với những khía cạnh khác nhau nhất là trong trường hợp trưng cầu giám định lại các vụ khó khăn, phức tạp, đồng thời để tránh sự độc quyền trong giám định pháp y mà trong tình hình hiện nay dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong thực hành giám định.

 

Mô hình tổ chức và hoạt động giám định y pháp Việt Nam trong những năm tới

PTS Trần Văn Liệu

Pháp y, y pháp hay y học pháp tử là những danh từ ghép "Y học và pháp luật" mà tiếng nước ngoài được dùng:

Médecine légale (tiếng Pháp)

Forensic medicine (tiếng Anh)

Сугебная мегицияна (tiếng Nga)

Gerichthichen medezin (tiếng Đức)

Soudni lekařstvớ (tiếng Tiệp)

Sadowa medycyna (tiếng Ba Lan)

Y học (médecine, medicine, мегицияна, medezin, lekařstvớ, medycyna) là danh từ, còn pháp luật (légale, forensic, сугебная, gerichthichen, soudni, sadowa) là tính từ. Theo chức năng văn phạm thì tính từ bao giờ cũng làm rõ nghĩa cho danh từ. Như vậy, dù tiếng nước ngoài hay tiếng Việt dùng danh từ ghép "y pháp" khả dĩ hợp lý hơn cả.

Sử dụng những danh từ này bằng lời nói cũng như các văn bản tuỳ theo tập quán của mỗi người và nói chung dùng loại danh từ nào người ta cũng hiểu được nội dung cơ bản của nó là y học phục vụ pháp luật. Sự tồn tại của vấn đề, một phần do thói quen, mặt khác nhiều thập kỷ qua hoạt động giám định y pháp chưa có ai, hoặc tổ chức xã hội nào đi sâu về lĩnh vực này để đề xuất tu chỉnh. Mặc dù năm 1962 phòng pháp y Quân đội trực thuộc cục quân y thành lập. Đến tháng 4/1988 trở thành viện y pháp quân đội. Viện khoa học hình sự Bộ Nội vụ có phòng y pháp và năm 1983 bộ môn y pháp trường Đại học Y khoa Hà Nội cũng được thành lập. Tất cả những tổ chức đó chưa có điều kiện để trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên ngày 18/8/1984 buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ của hội "Giải phẫu bệnh y pháp Việt Nam", đề tài "Vị trí, nhiệm vụ của y pháp trong ngành y và trong điều tra xét xử" được trình bày và thuật ngữ "pháp y" và "y pháp" được mọi người quân tâm thảo luận. Giáo sư Vũ Công Hòe Chủ tịch hội đã tóm tắt các ý kiến và kết luận "dùng danh từ y pháp là chính xác". Từ đó trong giảng dạy môn học y pháp ở trường đại học, ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các địa phương và trong các văn bản giám định chúng tôi đã dùng danh từ y pháp.

I. Tình hình tổ chức và hoạt động y pháp thế giới

1. Hội Y pháp

 

Xuất phát từ chỗ những người thầy thuốc được các cơ quan tố tụng tham khảo ý kiến về chuyên môn có liên quan đến công tác điều tra xét xử, pháp luật buộc người thầy thuốc phải tham gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật và kết luận của mình. Quá trình giám định và kết luận không phải bao giờ cũng hoàn hảo, cũng đáp ứng được cả mọi vấn đề mà cơ quan trưng cầu đặt ra. Bởi vậy việc thành lập hội của người làm công tác y pháp ở các nước được tổ chức. Hội không những chỉ trong phạm vi quốc gia mà mở rộng phạm vi khu vực (Hội Y pháp Châu Âu) và phạm vi thế giới (Hội Y pháp thế giới, còn được gọi là Hội Y pháp và Y xã hội học) tuy nhiên ở Israel, Hội Y pháp không chỉ tập hợp những người làm giám định Y pháp mà mở rộng bao gồm cả những người xây dựng luật pháp và những người thực thi luật pháp trên cơ sở tự nguyện.

Mục đích của Hội Y pháp các nước, Hội Y pháp khu vực và Hội Y pháp thế giới là nhằm trao đổi kinh nghiệm giám định, những vấn đề còn tồn tại phổ biến, công bố những kết quả nghiên cứu các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực Y pháp dưới hình thức các hội nghị khoa học, hội thảo khoa học hoặc bồi dưỡng kiến thức từng khía cạnh, các chuyên đề sâu, ví dụ hội nghị Y pháp quốc tế ở Israel năm 1985, tháng 9 hội thảo về "Luật pháp trong bệnh viện: thủ tục và phương pháp xử lý (Hospital laws Procedures and Ethics)", tháng 12 hội thảo về thuốc chữa bệnh và rượu. Cũng ở Israel năm 1986, tháng 2 trao đổi vè "Luật pháp với bệnh tâm thần và nguyên tắc xử lý (Psychiatry law and Ethics)", tháng 4 hội thảo về Y pháp sinh dục (On rape).

Việt Nam chưa có hội Y pháp vì nhiều lẽ trong đó có nguyên nhân là sinh sau đẻ muộn, lực lượng những người làm công tác pháp y còn ít. Tuy nhiên, tháng 10 năm 1978 hội "Giải phẫu bệnh – Y pháp Việt Năm" được thành lập trực thuộc "Tổng hội Y dược học Việt Nam". Hoạt động của hội những năm đầu khá đều đặn, trong các buổi sinh hoạt khoa học một số đề tài về y pháp được báo cáo, tập san của Hội được xuất bản. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau đến nay gần như Hội không hoạt động, trong đó có lý do quan trọng là Hội lồng ghép của hai đối tượng với hai mục đích khác nhau. Một bên là những người làm công tác giải phẫu bệnh, khám nghiệm tử thi, đọc sinh thiết phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; một bên là khám nghiệm thương tích người sống, giám định tử thi, xác định các yếu tố khách quan làm thiệt hại sức khỏe, tính mạng con người giúp cho quá trình điều tra, nhận định nguyên nhân tính chất các vụ án để định tội lượng hình phạt được chính xác. Bởi sự khác biệt đó, nên các buổi sinh hoạt khoa học nội dung về giải phẫu bệnh những hội viên là nhà pháp y cảm thấy lĩnh hội được ít thông tin thiết thực cho mình. Ngược lại, các hội viên là nhà giải phẫu bệnh nghe nội dung khoa học về y pháp cũng thấy kém phần hữu ích, do đó, nhiệt tình tham gia của các thành viên cho hoạt động của hội cũng giảm dần.

Tổ chức hội y pháp các nước cũng như ở nước ta là một tổ chức quần chúng – khoa học về y pháp có như cầu thiết thực, liên kết được nhiều người tham gia sẽ tiếp tục được phát triển. Tuy nhiên tổ chức hội bị giới hạn, kinh phí hoạt động đóng góp bằng hội phí nên không đáp ứng được vấn đề nghiên cứu sâu rộng và lâu dài, vì vậy các viện y pháp được ra đời để đảm nhận các yêu cầu đó và song song tồn tại cùng với hội.

2. Viện Y pháp

 

Viện y pháp được thành lập khắp các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản và các nước đang phát triển, nhất là các nước tiên tiến có truyền thống không những chỉ ở thủ đo mà có cả ở các thành phố lớn, nghĩa là một quốc gia có nhiều Viện y pháp. Liên xô có Viện Y pháp ở Moskva, Leningrat, Kiep và Viện y pháp của các nước cộng hòa. Bồ Đào Nha có Viện y pháp ở Lisbonne, Porto, Coimbra. ở Pháp có Viện y pháp Paris, Lyon và ở các thành phố khác.

a) Mô hình tổ chức

Viện y pháp ở các nước được tổ chức dưới hai hình thức:

Viện nằm trong khoa Y của trường Đại học Tổng hợp đảm nhận cả chức năng giảng dạy của bộ môn Y pháp chịu sự chi phối của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế.

Mô hình này gặp ở hầu hết các nước tư bản. Tuy nhiên ở Pháp không có Viện Y pháp quốc gia, song người ta coi Viện ở Paris là trung tâm.

Viện nằm trong trường đạt được yêu cầu giảng dạy gắn liền với nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tế lồng ghép cán bộ giảm được biên chế, nhưng không đáp ứng được chức năng của việc nghiên cứu là mục tiêu hàng đầu, không quản lý chỉ đạo được công tác giám định ở các địa phương. Năm 1988, ở Pháp cải cách giáo dục thành lập trường đào tạo giám định viên Y pháp ở Paris và trung tâm Y pháp ở các tỉnh nhằm đào tạo thầy thuốc Y pháp có kiến thức sâu và mở rộng phạm vi hoạt động phục vụ pháp luật có chất lượng hơn.

Viện y pháp không nằm trong hệ thống nhà trường

Mô hình này tiêu biểu được tổ chức ở Liên Xô và Bungari, Rumani. Viện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế nằm trong hệ thống các cơ quan y tế do Nhà nước quản lý. Ngành Y pháp Liên Xô có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới gồm 4 cấp:

- Trung ương có Viện Y pháp Quốc gia toàn Liên bang.

- Địa phương có các Viện Y pháp của các nước cộng hòa và hai thành Moskva, Leningrad.

- Cấp tỉnh có labô Y pháp (phân viện)

- Cấp quận có các phòng Y pháp quận (buro)

Viện trung ương chỉ đạo cấp dưới toàn diện về tổ chức chuyên môn nghiệp vụ va đào tạo giám định viên. Hệ thống tổ chức này quản lý được toàn bộ hoạt động và phát triển của công tác Y pháp, gắn chặt được giữa nghiên cứu và phục vụ thực tiễn, giữa nghiên cứu phục vụ thực tiễn với đào tạo cán bộ chuyên sâu (chuyên gia Y pháp) nâng cao chất lượng hoạt động giám định, có kinh phí riêng, có sự chỉ đạo đọc lập nên tập trung hơn được trí tuệ nghiên cứu sâu, xây dựng và phát triển ngành toàn diện. Tuy nhiên về biên chế nhân sự phải đảm bảo một số lượng cần thiết tương ứng với chức năng nhiệm vụ của nó.

b) Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức để bảo đảm thực hiện nộ dung chức năng của Viện Y pháp các nước hầu như căn bản tương đồng, chỉ khác nhau mức độ tập trung đinh hướng nghiên cứu.

Ví dụ: Viện Y pháp nước nào cũng có ba bộ phận lớn:

- Bộ phận lãnh đạo (Viện trưởng, Viện phó)

- Bộ phận hành chính hậu cần có các phòng giúp Viện trưởng, Viện phó tạo cơ sở vật chất cho bộ phận chuyên môn.

- Bộ phận chuyên môn có các phòng giúp lãnh đạo viên triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phục vụ thực tế (giám định các vụ việc) và đào tạo chuyên gia.

Trong khu vực chuyên môn các viện đều có ba cơ sở:

- Nhà bảo quản, khám nghiệm tử thi.

- Hệ thống phòng khám thương tích người sống (các phòng khám chuyên khoa).

- Hệ thống labô

Trong hệ thống labo Viện Y pháp các nước cũng có bốn loại cơ bản:

- labô mô bệnh học

- labô sinh học

- labô độc chất

- labô vật lý

Các phòng xét nghiệm của hệ thống labô ở mỗi Viện Y pháp các nước có khác nhau về số lượng, chất lượng, trang thiết bị, nó phụ thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật và định hướng nghiên cứu sâu các khía cạnh khác nhau về Y pháp của nước đó.

(Xem mô hình và cơ cấu một số viện ý pháp của các nước)

II. Tổ chức hoạt động y pháp ở nước ta

Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân coi nhẹ công tác giám định y pháp, xem nhẹ các vụ án trong nhân dân nên không xây dựng bất cứ hình thức tổ chức nào về công tác này. Không đào tạo một bác sĩ chuyên khoa nào về khoa này, mặc dầu môn học y pháp được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1919 nhưng chúng cũng không thành lập bộ môn Y pháp. Việc giảng dạy môn học này chỉ là kiếm nhiệm do một bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng phụ trách Sở Y tế Hà Nội đảm nhận, sau đó trong thời kỳ tạm chiếm các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh người Việt Nam giảng dạy (BS Vũ Công hòa và BS Trương Cam Công). Theo tài liệu "Cảnh sát khoa học" của Sở Mật thám Pháp để lại cho biết, ở Sở Mật thám Hà Nội có một phòng xét nghiệm y pháp bí mật dành cho các vụ án đặc biệt.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, sắc lệnh 68/SL ngày 31/11/1945 và điều 5 sắc lệnh 162/SL ngày 25/6/1946 nhắc tời công tác điều tra, xét xử liên quan đến sinh mệnh con người không thể thiếu giám định viên y pháp. Sau đó ngày 19/12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ và 9 năm kháng chiến chống Pháp kéo dài nên cơ quan giám định y pháp của nước ta chưa được hình thành.

Năm 1945 sau hòa bình lập lại, ngày 12/12/1956, Thông tư liên Bộ 2795/HC-TP ra đời quy định một số điểm cụ thể trong công tác giám định y pháp như sau:

- ... Sự cần thiết phải trưng tập y, bác sĩ chuyên môn y pháp để giúp công an và toà án...

- ... Danh sách giám định viên lập hàng năm quy định Hà Nội, Hải Phòng từ 3 đến 5 người, các tỉnh và thành phố Nam Định từ 2 đến 3 người.

Tiếp theo là Thông tư liên Bộ 423 ngày 15/5/1961 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Viện kiểm sát tối cao và Toà án nhân dân tối cao quy trách nhiệm cảu các cơ quan công an, y tế, kiểm sát và toà án trong khám nghiệm tử thi, chế độ trang bị phòng ngừa và phụ cấp khám nghiệm. Đến năm 1988, Thông tư liên Bộ Tư pháp – Y tế, thành lập các Hội đồng giám định y pháp, Hội đồng có dấu riêng, Thông tư này được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố nhưng không được triển khai ở cấp Trung ương.

Các thông tư liên bộ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu ở thời điểm lịch sử trước mắt lúc bấy giờ. Tuy nhiên việc triển khai vận dụng những thông tư cũng rất tuỳ tiện, không ít cấp lãnh đạo ở tỉnh, thành phố, thậm chí ở cả một số cơ quan trung ương đưa những y bác sĩ bị kỷ luật sang làm công tác y pháp, coi công tác này là nơi "cải tạo họ". Có nơi lập danh sách giám định viên nhưng không bao giờ cơ quan tố tụng trưng cầu, có chỗ cơ quan tố tụng trưng cầu bác sĩ không dám nhận nhiệm vụ vì không có kiến thức nghiệp vụ. Khi thành lập các hội đồng giám định y pháp, hầu hết chủ tịch Hội đồng thường là trưởng hoặc phó giám đốc sở Y tế là những người làm công tác quản lý ngành y tế địa phương, không phải là người có chuyên môn cao nhất, càng không phải là một chuyên gia pháp y thực thụ.

Tình hình trên kéo dài nhiều thập kỷ qua, việc xây dựng tổ chức giám định y pháp không có ai chịu trách nhiệm, thả nổi, kiêm nhiệm vá víu, hoạt động giám định mỗi nơi làm việc một kiểu phân tán, thiếu đồng bộ, khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng khi trưng cầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc phá án và xét xử. Từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ Công an những năm 1960 đã quyết định xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ làm pháp y và Bộ Nội vụ có phòng Pháp y thuộc Viện khoa học kỹ thuật hình sự. Riêng trong quân đội, ngành quân y đã chủ động sớm chú y xây dựng chuyên khoa Y pháp nên Tổng cục hậu cần ra quyết định thành lập Phòng Pháp y thuộc cục Quân y ngày 14/5/1962 và đến ngày 9/4/1988 Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thành lập Việt pháp y quân đội.

Những năm 70-80, hàng chục cuộc họp ở cấp chuyên viên của các Bộ Tư pháp, Công an, Kiểm sát, Y tế, Lao động, Tài chính bàn về xây dựng cơ quan giám định y pháp quốc gia và chế độ đãi ngộ nhưng đều không có kết quả cụ thể.

Công cuộc đổi mới – công bằng – công khai – dân chủ và do yêu cầu thực tế của công tác điều tra xét xử ngày càng phức tạp đòi hỏi vấn đề giám định y pháp phải đáp ứng ngày càng cao và kịp thời, nên nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp trong đó có giám định y pháp được ban hành ngày 21/7/1988. Tiếp theo đó, Bộ Y tế ra quyết định 64/BYT-QĐ ngày 18/12/1989 về bổ nhiệm giám định viên y pháp trung ương và giám định viên y pháp cấp tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương cũng đã được thực hiện và ngày 30/11/1990 Bộ Y tế tiếp tục ra quyết định 1059/BYT-QĐ chính thức thành lập Tổ chức giám định pháp y trung ương trực thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ:

Thực hiện trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương và địa phương.

Chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ với tổ chức giám định pháp y các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương.

Tổ chức giám định pháp y trung ương do giám định viên trưởng pháp y lãnh đạo.

Tổ chức giám định pháp y trung ương được sử dụng con dấu theo mẫu Bộ Nội vụ hướng dẫn tại công văn số 104/PC13 ngày 2/5/1990.

Tổ chức giám định pháp y trung ương được sử dụng tài khoản của bệnh viện Việt Đức để giao dịch và thành toán vè tài chính.

Nghị định 117/HĐBT và các Quyết định 64/BYT-QĐ, Quyết định 1059/BYT-QĐ bước đầu đã phá vỡ được sự trì trệ kéo dài 20-30 năm qua cản trở việc xây dựng tổ chức và hoạt động y pháp của nước ta. Tuy nhiên Nghị định 117/HĐBT và các quyết định của Bộ Y tế chưa thoát khỏi được tính kiêm nhiệm không chuyên khoa hóa, không có điều khoản nào dù hàm ý tiến tới phải chuyên khoa hóa giám định viên hoặc cơ quan tổ chức giám định. Nghị định 117/HĐBT cũng đã hợp pháp hóa chức danh của 3 tổ chức y pháp mà quá trình phát triển của nó đã hình thành là: y pháp dân sự (thuộc Bộ Y tế), y pháp quân sự (thuộc Bộ Quốc phòng) và y pháp của công an (thuộc Bộ Nội vụ).

III. mô hình chức năng và hoạt động giám định y pháp trong những năm tới

Điểm lại quá trình hoạt động và phát triển khoa học y pháp các nước nói chung, khối xã hội chủ nghĩa nói riêng, đối chiếu với hoạt động và phát triển khoa học y pháp của nước ta nhiều thập kỷ vừa qua có thẻ nói "rất trì trệ và rất coi nhẹ". Sự tồi tại này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất là nhận thức về vai trò vị trí của khoa học y pháp trong điều tra xét xử và trong xã hội của lãnh đạo các cấp kể cả cấp cao. Các cơ quan có liên hệ mật thiết đến sự tồn tại phát triển của nó không đầy thậm chí hông đúng, nhất là đối với y pháp dân sự.

Tuy nhiên việc ban hành Nghị định 117/HĐBT là một bước tiến mới rất quan trọng, một cơ sở, một điểm tựa để từng bước xây dựng tổ chứ và hoạt động giám định y pháp ở nước ta ngày một hoàn thiện ngang tầm với y pháp các nước.

Thừa hưởng kinh nghiệm của các nước có khoa học y pháp phát triển kết hợp với thực tế tình hình kinh tế xã hội của đát nước và thực trạng tổ chức hoạt động giám định y pháp hiện nay, mô hình tổ chức và hoạt động giám định y pháp trong những năm tới được thực hiện ở 2 cấp

A – Cấp trung ương – Viện Y pháp quốc gia

 

Viện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế. Viện có các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện chức năng đầu ngành y phá

- Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của bộ máy y pháp cả nước

- Chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các chỉ thị, quyết định, thông tư nghị định của chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ tư pháp và liên quan đến giám định y pháp

- giám định những vụ việc với tư cách cấp cao nhất

- Thực hiện trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên khoa y pháp.

- Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Cơ cấu của Viện gồm có:

- Bộ phận lãnh đạo: (Giám đốc, Phó giám đốc)

- Bộ phận hậu cần

- Bộ phận quản lý chuyên môn (10 phòng)

- Quản lý giám định chỉ đạo ngành

- Phòng giám định thương tích

- Phòng khám chuyên khoa

- Phòng xét nghiệm tổng hợp

- Phòng xét nghiệm độc chất

- Phòng vật lý y pháp

- Phòng lưu trữ

- Phòng nghiên cứu khoa học

- Phòng đào tạo – thư viện

- Phòng bảo quản và mổ tử thi

Tổng số cán bộ nhân viên: 35 người

Thành lập Viện y pháp quốc gia là yêu càu thực tế khách qua là nguyện vọng thiết tha của tất cả những người thầy thuốc y pháp chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp và cũng là yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều kiện để cho Viện Y pháp ra đời đã chín muồi.

Tổ chức và hoạt động giám định y pháp của nước ta từ trước đến nay chỉ là kiêm nhiệm, chưa có nền nếp, phân tán. Vì vậy sự cần thiết phải có một tổ chức chính quy (Viện Y pháp) ngay từ đầu để thiết lập khuôn mẫu lâu dài vững chắc.

Viện y pháp quốc gia đáp ứng phục vụ ngang tầm với thực thi bộ luật hình sự và tố tụng hình sự và thông qua nghiệp vụ y pháp thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh thông tư, chỉ thị nguyên tắc chuyên môn của Bộ y tế góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Viện sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động y pháp chuyên nghiệp (giám định viên) và bán chuyên nghiệp (bác sĩ giám định) từ trên xuống dưới. Xoá được tình trạng kiêm nhiệm, bảo đảm được chất lượng giám định tối ưu. Thay mặt Bộ Y tế với góp độ chuyên sâu cao, nhất là giải quyết các vụ án phức tạp để Bộ Y tế khỏi bận tâm. Đáp ứng kịp thời và ngày càng cao những vấn đề mà các cơ quan tiến hành tố tụng đặt ra. Tập trung được cán bộ, phương tiện kỹ thuật tiến hành nghiên cứu khoa học phục vụ thực tế và phòng ngừa tội phạm. Đào tạo các chuyên gia y pháp cho đất nước. Có Viện mới đủ tầm cỡ phát triển đối ngoại với viện y pháp các nước.

Lực lượng cán bộ chuyên khoa và sơ bộ chuyên khoa y pháp được đào tạo ngoài nước và trong nước vùng với lực lượng cán bộ làm công tác giám định y pháp lâu năm đủ về số lượng và chất lượng để xây dựng viện.

Có tổ chức giám định y pháp trung ương đủ tư cách pháp nhân đã hình thành và đang hoạt động có thể là hạt nhân là chỗ dựa để thành lập viện.

B – Cấp tỉnh và thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương

 

Cấp này có chức danh "Trung tâm giám định y pháp" kèm tên địa danh tỉnh, thành phố, đặc khu.

Trung tâm giám định y pháp tỉnh chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Viện y pháp trung ương về nghiệp vụ chuyên môn và tổ chức, đồng thời chịu sự chỉ đạo của sở y tế tỉnh, thành phố và đặc khu về quản lý ngành y tế.

Trung tâm giám định y pháp tỉnh, thành phố và đặc khu có nhiệm vụ

Tổ chức, quả lý điều hành hoạt động của bộ máy y pháp thuộc phạm vi lãnh thổ địa phương.

Triển khai thực hiện các chỉ thị, quyết định, thông tư, nghị định của Chính phủ, của Bộ Y tế, của Viện y pháp trung ương, của Sở y tế, của Sở Tư pháp có liên quan đến giám định y pháp.

Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho các giám định viên thuộc quyền quản lý.

Đúc kết kinh nghiệm thực tế, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị được giao.

Cơ cấu tổ chức trung tâm giám định:

- Giám đốc, phó giám đốc trung tâm

- Phòng hành chính, hậu cần

- Phòng giám đinh thương tích

- Phòng xét nghiệm tổng hợp

- Phòng bảo quản và mổ tử thi

Tổng số cán bộ và nhân viên: 10 người

 

Mô hình tổ chức các cơ quan giám định y pháp

ở trung ương và địa phương của việt nam

trong thời gian tới

 

 

Cần xây dựng quy chế giám định pháp y và bảng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khỏe

Bác sĩ Đào Thế Tân

I. căn cư khoa học y học và pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng quy chế

1. Những khái niệm cơ bản

 

a) Chứng nhận thương tích

 

Chứng nhận thương tích là chức năng y tế chẩn đoán, điều trị, đánh giá tình trạng sau điều trị người bệnh là đương sự của các vụ việc cần xử lý bằng pháp luật. Toàn bộ hoạt động này phải được pháp lý hóa bằng văn bản và nhằm đạt được hai yêu cầu: chính xác, trung thực, tỉ mỉ về y tế và chuẩn xác, chặt chẽ về pháp lý. Thầy thuốc ghi chứng thương phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về chứng nhận thương tích của đương sự. Cơ quan y tế cấp giấy chứng thương phải là cơ sở y tế của Nhà nước thấp nhất là tuyến huyện và phải tuân theo các mẫu văn bản và thể thức cấp giấy đã quy định.

b) Điều trị đương sự đúng thủ tục y tế – pháp lý

 

Trong điều kiện mở rộng các phương thức chăm sóc y tế hiện nay, đương sự chỉ được coi là đã điều trị hợp lệ trong các cơ sở y tế của Nhà nước, tuân theo đúng y lệnh và các chỉ định của cán bộ y tế đúng chức năng, đúng chuyên khoa, loại trừ được hiện tượng đương sự giả bệnh, cố tình nằm viện khi không cần thiết..., và loại trừ được những diễn biến bệnh do sai sót của các thầy thuốc hành nghề tư làm phức tạp thêm vụ việc.

c) Hồ sơ, bệnh án y tế được pháp lý hóa

 

Khi chuẩn đoán, điều trị, cơ quan y tế tất nhiên phải hoàn tất hồ sơ bệnh án. Nhưng trong thực tế, các hồ sơ này mới nhằm mục đích phục vụ chuyên môn thuần tuý mà thiếu sự chặt chẽ về pháp lý, đương sự có thể lợi dụng tạo nên chứng cứ sai lệch có lợi cho họ. Kinh nghiệm cho thấy: có hai thái cực của thầy thuốc khi làm hồ sơ, bệnh án, kê đơn... hoặc là quá dễ dãi chiều ý bệnh nhân - đương sự, hoặc là quá dè dặt sợ trách nhiệm trước pháp luật.

2. Một số loại giám định

 

a) Giám định thương tích:

 

Là việc giám định đặc điểm, kích thước, bản chất của thương tích trên người nạn nhân ngay từ lúc cấp cứu ban đầu. Việc giám định "nóng" là tối ưu vì sẽ khai thác được tối đa các dấu hiệu liên quan đến hành vi của hung thủ, đặc tính của hanh khí, tình huống xảy ra vụ án, khả năng chống đỡ của nạn nhân..., giúp ích rất nhiều cho hoạt động điều tra. Sau khi điều trị, những dấu vết quý giá này sẽ mất đi, khó có cách nào chẩn đoán hồi cứu chính xác được.

b) Giám định thương tật:

 

Là hoạt động giám định khi nạn nhân đã được điều trị ổn định, các triệu chứng cấp tính đã khỏi chỉ còn để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động. Hình thức giám định này đòi hỏi sự tổng hợp toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị, kết quả điều trị kết hợp với việc thăm khám, xét nghiệm, thăm dò chức năng ở thời điểm giám định để đánh giá chính xác mức độ tổn hại sức khỏe của đương sự. Đây chính là yêu cầu chủ yếu mà các cơ quan trưng cầu đòi hỏi.

c) Giám định bệnh tật:

 

Gồm hai việc:

Giám định bị can, bị cáo, phạm nhân đang trong thời kỳ điều tra, xét hỏi, tạm giam, thi hành án khi đương sự có bệnh tật nặng liên quan đến việc họ có đủ khả năng sức khỏe để tiếp tục các quá trình điều tra tố tụng hay không.

Giám định sự liên quan giữa bệnh lý vốn có hoặc biến chứng sau này với những chấn thương do vụ việc hình sự gây ra.

Cả hai việc này là loại giám định phức tạp, kéo dài và tốn công nhất, đòi hỏi phải xử dụng nhiều chuyên khoa khác nhau với những chuyên gia giỏi nhất cùng các phương tiện hiện đại nhất mới có thể làm được. Trên thực tế, chỉ có tuyến trung ương mới thực hiện có kết quả.

d) Giám định tội phạm tình dục:

 

Trước hết, cần có quan niệm mới về hình thức tội phạm đặc biệt này do sự gia tăng về số lượng và sự đa dạng vè hình thức phạm tội. ở đây cũng đặt ra vấn đề định nghĩa tội danh phù hợp với hành vi sinh lý bệnh học. Mặt khác, hậu quả gây ra cho người bị hại không chỉ là những tổn thương về thân thể mà quan trọng hơn, nó để lại hậu quả rất nặng nề suốt cả cuộc đời người phụ nữ những sang chấn về tinh thần – tâm thần, tâm lý và hạnh phúc gia đình.

Loại hình giám định này rất khó khăn vì có một đòi hỏi nhất quyết là giám định ngay sau khi vừa xảy ra và phải khám cả người bị hại lẫn kẻ gây án. Trong thực tế, việc này không khó khăn lắm nhưng do chưa có quy định hướng dẫn nên cán bộ điều tra thường làm chậm, làm sai yêu cầu về chuyên môn. Cần thấy rõ, vụ việc loại này nếu làm sai, làm chậm sẽ hoàn toàn mất hết dấu vết và chứng cứ y học không có cách gì khắc phục nổi.

e) Giám định phụ hệ (tức là xác định cha của đứa trẻ) thường gặp trong tố tụng dân sự khi có tranh chấp về quan hệ cha – con, liên quan nhiều đến vấn đề quyền thừa kế, vấn đề trách nhiệm đóng góp nuôi con. Đây cũng là loại giám định khó, chỉ có tuyến trung ương mới tiến hành được. Các cán bộ toà án cũng ít gặp nên chưa biết trưng cầu cơ quan pháp y.

g) Giám định sức khỏe để kết hôn:

 

Xin giới thiệu ở đây khái niệm này để tham khảo vì không phải là giám định tố tụng nhưng cũng cần có văn bản và thủ tục tư pháp cần thiết đáp ứng được thực tế cuộc sống.

Kết hôn, các thủ tục kết hôn là chức năng của tư pháp, vì vậy đương nhiên cơ quan pháp y có nhiệm vụ đảm bảo về mặt y học cho thủ tục này. Hiện nay, luật lệ hiện hành chỉ mới quy định khi kết hôn với người nước ngoài phải có giấy khám sức khỏe, còn đối nội thì bỏ qua vấn đề này. Điều này thiếu chặt chẽ và thiếu khoa học. Vì tương lai nòi giống Việt Nam, thế hệ cha mẹ phải được đảm bảo lành mạnh, khỏe khoắn hay ít ra là không có những bệnh tật di truyền. Vì vậy, cần quy định nhất thiết trong hồ sơ kết hôn có chứng chỉ sức khỏe. Văn bản này phải có nội dung về y học đầy đủ mà giấy khám sức khỏe thông thường không đạt được và phải do GĐVPY cấp mới đảm bảo tính pháp lý. Trên tất cả các nước phát triển hiện nay đều đã thực hiện quy định này. xin dẫn chứng ở đây quy định của Cộng hòa Pháp:

Chứng chỉ sức khỏe trước cưới (CERTIFICATPRENUPTIAL):

- Khám giám định về lâm sàng

- Xét nghiệm huyết thanh học

- Xét nghiệm, chẩn đoán huyết thanh bệnh phong chẩn (RUBEOLE) và bệnh trùng bạch cầu (TOXOPLASMOSE).

- Xét nghiệm nhóm máu.

Đây là loại chứng chỉ y tế do luật định (CERTIFICATPRẫVUS PAR LOI), người thầy thuốc cấp chứng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (PESPONSABILITẫ CIVILE ET PẫNALE DUMẫDẫCIN).

II. Đánh giá việc sử dụng bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật hiện nay phục vụ cho hoạt động điều tra, tố tụng

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có duy nhất bảng tiêu chuẩn xếp hàng thương tật dành cho đối tượng chế độ chính sách thương binh – xã hội. Trong việc GĐTTHS, bảng tiêu chuẩn này được dùng làm căn cứ để vận dụng xếp hạng. Tạm thời khi chưa có bảng tiêu chuẩn xếp hạng riêng cho thương tật hình sự, việc vận dụng bảng này đã giải quyết cơ bản những yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, do đối tượng của bảng này là thương bệnh binh, cán bộ công nhân viên bị tai nạn nên khi khi vận dùng vào đối tượng trong tố tụng không thể tránh hỏi những sai lệnh nhất định. Qua kinh nghiệm thực tế sử dụng bảng này, chúng tôi thấy những vấn đề đặt ra cần khắc phục như sau:

1. Do đối tượng là diện chế độ, chính sách nên các thang tỷ lệ thương tật đã được tính theo mức cao hơn thương tật thực thể để ưu đãi cho thương bệnh binh và cán bộ công nhân viên bị tai nạn. Nếu sử dụng tỷ lệ (đã được tính ưu đãi) dùng cho điều tra, tố tụng đương nhiên sẽ có sai lệch khó chấp nhận.

2. Đối tượng chuẩn là một người sức khỏe trung bình làm lao động nông nghiệp khi vận dụng vào cáo đương sự tỏ ra thiếu thích hợp vì:

Đối tượng bị thương tật hình sự đa số thuộc khu vực thành thi, thị trấn không phải lao động nông nghiệp.

Tính chất nghề nghiệp của đối tượng bị thương tật hình sự là rất đa dạng, có sự phân cách rất khác nhau trong hoạt động nghề nghiệp vì vậy cùng một thương tật có thể gây những hậu quả rất khác nhau đến sức lao động. Ví dụ: Mất một đốt ngón tay trỏ hiện được xếp tỷ lệ 5-7%, tỷ lệ này thích hợp với người làm nông nghiệp còn đối với đương sự làm những nghề viết, vẽ, đánh máy, tin học, điện tử... rõ ràng là quá thấp.

Bảng này chỉ chú trọng đến ảnh hưởng tới lao động chân tay đơn giản, chưa xét đến hoạt động trí óc và những loại hình lao động đòi hỏi hoạt động nhiều của các giác quan.

3. Không có tiêu chuẩn xếp hạng thương tật cho trẻ em.

4. Không có tiêu chuẩn xếp hạng thương tật cho phụ nữ có thai và trong thời kỳ chu sản (thời kỳ trước, trong và sau khi đẻ). Đồng thời cũng chưa tính đến ảnh hưởng mà thai nhi phải chịu khi mẹ bị thương tật.

5. Không có tiêu chuẩn xếp hạng thương tật cho người già hết tuổi lao động.

6. Chưa tính đến tính chất thời điểm của thương tật: mới, cũ, còn diễn biến... Thực tế GĐTTHS thường tiến hành sớm hơn nhiều so với thương tật của thương binh đã được điều trị, điều dưỡng lâu dài.

7. Chưa tính đến sự liên quan giữa thương tật và bệnh lý: bệnh vốn có và thương tật, thương tật gây hậu quả hoặc là cơ sở thuận lợi cho bệnh tật phát ra.

8. Một số loại thương tích thường gặp trong hình sự rất hiểm nguy lúc xảy ra nhưng di chứng sau khi cấp cứu điều trị ổn định lại ít, ví dụ: vết thương do bị đâm thủng ngực có thể chết người do tràn khí, tràn máu màng phổi, nếu cấp cứu điều trị ổn định hầu như không có di chứng. Với những loại này, bảng tiêu chuẩn hiện nay chưa có, nếu có thường xếp thấp vì chỉ căn cứ vào di chứng mà không xem xét mức độ nguy hại lúc đầu.

9. Chưa tính đến một số thương tật có tính chất nhục hình như sẹo, bỏng do tạt axít, rạch mặt, cắt tai...

10. Không có tiêu chuẩn xếp hạng cho phụ nữ bị cưỡng dâm vừa bị xâm hại về thân thể, sức khỏe vừa bị tổn thương về tinh thần.

III. Dự án xây dựng quy chế GĐTTHS

1. Định nghĩa và thống nhất cách dùng cả những khái, niệm, thuật ngữ, danh từ dùng trong y học phục vụ tư pháp. Định nghĩa này đồng thời đáp ứng được yêu cầu sử dụng của cả ngàng y và ngành tư pháp bằng cách đạt được hài hòa tính khoa học, tính pháp ly và tính phổ cập. Các khái niệm, thuật ngữ, từ ngữ này được dùng để cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến các điều luật do vậy phải gắn chặt với nội dung và hình thức các điều luật đó.

2. Soạn thảo các mẫu văn bản thống nhất như giấy chứng thương, chứng chỉ y tế dùng cho pháp luật, bản giám định pháp y, bản giám định xét nghiệm – thăm dò chức năng, bản giám định dấu vết sinh học...

Các mẫu này được đăng ký mã số, thống nhất hình thức hành chính – văn thư.

3. Xây dựng bản quy chế giám định pháp y với các nội dung cụ thể về:

Các đối tượng theo luật định phải GĐTTHS

Định rõ quyền hạn, thể thức trưng cầu giám định của các cơ quan trưng cầu.

Các loại hồ sơ, bệnh án phải có trong một vụ giám định.

Thủ tục, trình tự, nguyên tắc xử lý trong quá trình giám định giữa cơ quan pháp y, cơ quan trưng cầu và các đương sự.

Phân cấp quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức GĐPY và các GĐV. Định rõ giá trị hiệu lực của GĐPY lần thứ nhất, giám định lại và giám định cấp cao nhất và tối hậu...

4. Xây dựng quy chế về giám định viên:

Thể thức bổ nhiệm, lưu nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của các GĐV. Công bố danh sách công khai để đảm bảo dân chủ.

Xác định chức danh GĐV như một chức danh công chức chính thức có cấp bậc, có thẻ công vụ, có đảm bảo về quyền hạn và phương tiện làm việc. Trước mặt, về nhân sự vẫn sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.

Nên đặt chức vụ GĐV của VKSNDTC và của TANDTC. Trong số các GĐV bổ nhiệm một người làm việc kiêm nhiệm tại viện, toà đẻ giúp các cơ quan này sử dụng, xử lý các bản GĐPY. Ví dụ: ở Pháp có chức vụ GĐV của Toà án (EXPERT DES TRIBUNAUX).

(Riêng về xây dựng quy chế hệ thống cơ quan GĐPY sẽ có báo cáo riêng của PTS. GĐVPY Trần Văn Liễu).

ở đây, chúng tôi chỉ kiến nghị một điều là: vì không thể bổ nhiệm GĐVPY ở đủ tất cả các chuyên khoa y học, vì thực tế có những chuyên khoa ít sử dụng đến nhưng khi cần thiết lại không thể thiếu, nên cần quy định cho GĐV trưởng hoặc TCGĐYP có thẩm quyền trực tiếp trưng cầu những chuyên gia cần thiết cho vụ việc cụ thể. Trong thời gian tiến hành GĐ, chuyên gia có đầy đủ quyền hạn như một GĐVYP.

IV. Soạn thảo bảng tiêu chuẩn xếp hạng thương tật hình sự

1. Tên gọi – khái niệm

 

Đề nghị dùng tên Bảng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khỏe. Tên gọi này phù hợp với lời văn của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Tên gọi này thể hiện đúng và đầy đủ hơn khai niệm về sức khỏe bao gồm cả các yếu tố thể lực, tinh thần và tính xã hội theo đúng định nghĩa về sức khỏe của tổ chức y tế thế giới (OMS).

Với tên gọi và khái niệm như vậy, bảng này không chỉ quy chuẩn các thương tật do ngoại lực trực tiếp tác động mà còn bao gồm cả tình trạng bệnh lý phát sinh liên quan đến chấn tương, những di chứng về nhiều mặt của người bị thiệt hại sức khỏe.

2. Đối tượng chuẩn

 

Một người độ tuổi lao động có thể lực trung bình làm lao động có kỹ thuật giản đơn.

Lấy chuẩn này vì đạc điểm nghề nghiệp của cư dân nước ta trong giai đoạn hiện nay.

3. Hệ số điều chỉnh

 

Gồm các hệ số điều chỉnh về:

- Nghề nghiệp

- Giới tính

- Độ tuổi

Khi vận dụng từng đối tượng cụ thể sẽ dùng hệ số này để điều chỉnh cho phù hợp với bản thân đối tượng về tính chất của thương tích.

4. Phân loại rõ thời gian thiệt hại sức khoẻ

 

a) Thiệt hại sức khỏe có thời gian điều trị, sau đó phục hồi hoàn toàn, không có di chứng.

Với thành tựu y học hiện nay, với đặc điểm của tổn thương do ngoại lực, rất nhiều người bệnh khi vào viện trong tình trạng rất nguy cấp đến tính mạng nhưng sau thời gian gian điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng có kết quả tốt không có di chứng hoặc di chứng không đáng kể. Nếu xếp "thương tật" theo bảng cũ sẽ không thoả đáng vì đương sự có "thương" rất nặng nhưng không có "tật".

b) Thiệt hại sức khỏe đã qua điều trị, điều dưỡng, bệnh đã ổn định nhưng còn diễn biến.

Đây cũng là những trường hợp hay gặp và trong thực tế hay gây thắc mắc, kiện cáo.

Loại này bao gồm những thương tích gây thiệt hại đến nhiều chức năng, nhiều cơ quan của cơ thể mà việc điều trị chỉ giải quyết được những bệnh lý, triệu chứng cấp tính và nguy hiểm, còn diễn biến về sau không thể lường hết được, bệnh có thể dần dần thuyên giảm nhưng ngược lại có thể năng lên thậm chí có những biến chứng nguy kịch dẫn đến tử vong.

Vì vậy, những trường hợp này cần xếp hạng thương tật theo tỷ lệ phần trăm, nhưng chỉ xếp hạng tạm thời và quy định rõ định kỳ GĐ lại (thường là 6 tháng, 1 năm,...) Cũng nên quy định rõ khi giám định định kỳ nên coi là khác với giám định lại. Nghĩa là giám định theo yêu cầu chuyên môn y học không phải là trường hợp có kháng nghị, khiếu nại. Trường hợp này lại rất thiết giữ nguyên thành phần GĐV để có điều kiện theo dõi và đánh giá đúng đối tượng trong diễn biến bệnh lý của họ.

c) Thiệt hại sức khỏe thành cố tật

Đây chính là nội dung cơ bản của Bảng cũ.

Khi tham khảo Bảng cũ để soạn thảo Bảng mới cần lưu ý đến tính chất chiếu cố ưu đãi của Bảng cũ để chỉnh lại cho hợp với thương tật thực thể.

5. Xây dựng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khỏe của trẻ em, phụ nữ chửa đẻ, người già

Đây là những đối tượng đặc biệt được xã hội quan tâm sâu sắc và được pháp luật bảo hộ bằng các Bộ luật hiện hành.

Về chuyên môn y học, những đối tượng này có đặc điểm về thể chất, về tinh thần, về tính chất xã hội rất khác với đối tượng chuẩn.

Vì vậy, khi soạn thảo Bảng tiêu chuẩn, cần nghiên cứu kỹ và đầy đủ với sự tham khảo ý kiến của các chuyên khoa nhi, phụ sản, lão khoa.

6. Xếp loại những bệnh tật liên quan đến thương tật

Những bệnh vốn có của đương sự không liên quan đến vụ gây thương tích.

Những bệnh vốn có làm cơ sở thuận lợi cho thương tật hình thành hoặc làm thương tật nặng thêm.

Những bệnh là hậu quả phát sinh muộn của thương tật.

7. Xếp hạng những thương tật có tính nhục hình

Một số loại thương tật hiện nay ngày càng phổ biến do hung thủ cố tình gây nhục hình cho người bị hại, điển hình như: tạt axit, rách mặt, xẻo tai... nạn nhân còn phải chịu vết thương về tâm lý, về quan hệ xã hội, hạnh phúc gia đình... mà người GĐV cần tính đến khi giám định.

8. Xếp hạng những thiệt hại sức khỏe do tội phạm tình dục

Quy định cụ thể thêm những hành vi phạm tội về tình dục.

Xếp hạng được thiệt hại sức khỏe tương ứng với những tội phạm tình dục gây nên.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, loại tội phạm này phát triển về số lượng và cách thức của hành vi. Mặt khác, hiện chưa có tiêu chuẩn về xếp hạng thiệt hại sức khỏe cho ngươi bị hại. Việc xây dựng những tiêu chuẩn xếp hạng đòi hỏi sự hiểu biết, mối quan tâm chặt chẽ giữa y tế, tư pháp và xã hội.

V. Đề xuất những biện pháp thực hiên

Hội thảo trao đổi, tranh luận, góp ý cho các báo cáo về đề tài này

Hội nghị của các cơ quan có thẩm quyền quyết định những nội dung cơ bản và phương hướng triển khai dự án.

Chỉ định nhóm y pháp – tư pháp chuyên trách soạn thảo quy chế: nhân sự khoảng 3 người, thời gian hoàn thành 3 tháng. Kinh phí nên do Bộ Tư pháp cấp.

Đề nghị phê duyệt dự án "Xây dựng Bảng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khoẻ" là công trình cấp liên Bộ Y tế – Tư pháp – Lao động thương binh xã hội.

Chỉ định ngời chủ trì dự án và nhân sự tham gia, thời hạn hoàn thành 1 năm, kinh phí của liên Bộ.

Nghiệm thu công trình "Xây dựng quy chế GĐYP và xây dựng Bảng tiêu chuẩn mức độ thiệt hại sức khỏe"

Chuyển giao các công trình đã nghiệm thu cho các cơ quan có liên quan nghiên cứu góp ý trong thời hạn 2 tháng.

Các nhóm thực hiện công trình tập hợp ý kiến góp ý, chỉnh lý và trình các Bộ duyệt.

Ra Nghị định thực hiện kèm thông tư hướng dẫn.

 

 

Công tác giám định độc chất pháp y

Dược sĩ Nguyễn Huy Đãi

Viện kiểm nghiệm – Bộ Y tế

I. Quá trình hình thành tổ chức giám định độc chất pháp y của việt nam

A – Hình thành tổ chức

 

Đồng thời với việc hình thành tổ chức các Hội đồng Giám định pháp y của các tỉnh, thành, đặc khu thì Phòng kiểm nghiệm Độc chất (KNĐC) cũng được hình thành và hoạt động từ năm 1956. Theo các Thông tư Liên bộ số 2795/HC-TP ngày12/2/1956 của Bộ Y tế – Tư pháp và Thông tư Liên bộ số 423/TT-VI ngày 12/5/1961 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân tối cao, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Tài chình về: Công tác giám định pháp y thì cơ quan y tế có trách nhiệm khám nghiệm tử thi và tiến hành các giám định pháp y khác, bao gồm cả việc xét nghiệm độc chất trong phủ tạng người chết thuộc các vụ án mạng hoặc nghi án mạng, để giúp các cơ quan điều tra, xét xử làm rõ vụ việc và truy tố kẻ phạm tội trước pháp luật.

Lúc đầu (1956), Phòng KNĐC chỉ là một trong hai Ban của Phòng kiểm nghiệm hóa học – Bộ Y tế, đặt ở 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội với 5-6 cán bộ (dược sĩ đại học, trung học và 1 công nhân tạp vụ) và những trang thiết bị còn rất thô sơ. Đến năm 1960, Viện dược liệu được thành lập, Phòng KNĐC nằm trong Viện dược liệu. Lúc này do nhân được viện trợ nên các trang thiết bị cho phòng thí nghiệm đã tương đối đầy đủ và số cán bộ cũng được bổ sung thêm, nhưng cũng không quá 10 người. Đến 10/1971, Viện kiểm nghiệm được thành lập và tách khỏi Viện dược liệu, Phòng KNĐC thuộc về Viện kiểm nghiệm và tồn tại cho đến ngày nay.

B – Chức năng, nhiệm vụ của phòng KNĐC – Viện KN

 

Do nước ta chưa có Viện pháp y, Phóng KNĐC chưa được đặt đúng chỗ của nó, cho nên chức năng và nhiệm vụ của Phòng này yêu cầu thực tế mà hình thành

1. Chức năng

 

Phòng KNĐC – Viện Kiểm Nghiệm – Bộ Y Tế có chức năng là một cơ quan đầu ngành và KNĐCPY đối với toàn quốc.

2. Nhiệm vụ

 

Nhận phân tích độc chất trong các mẫu phủ tạng người chết (nghi bị đầu độc, ngộ độc) và các tang vật kèm theo (nếu có) do các cơ quan pháp y, công an thuộc tuyến trung ương và địa phương gửi đến.

Nhận phân tích độc chất trong các mẫu bệnh phẩm (nước tiểu, nước rửa dạ dày, chấn nôn, máu, tang vật...) của các nạn nhân nghi bị ngộ độc đang nằm điều trị cấp cứu tại các bệnh viện, để trả lời cho các bệnh viện có căn cứ quyết định khác để điều trị, cấp cứu cho nạn nhân.

Nhận định lượng rượu trong máu để phục vụ cho việc xử lý trong luật giao thông.

Nghiên cứu ứng dụng và nâng cao các phương pháp phân tích độc chất để áp dụng vào thực tế chuyên môn.

Hướng dẫn, đào tạo cán bộ về phân tích độc chất.

Nhận các công tác đột xuất của trên giao có liên quan đến phân tích độc chất (thường vẫn xảy ra).

II. Thực tế hoạt động và những vấn đề phát sinh

A – Thực tế hoạt động

 

Với chức năng và nhiệm vụ như trên, trong mấy chục năm qua, tính trung bình hàng năm Phòng KNĐC đã giải quyết được từ 340 đến 400 mẫu, có năm lên tới 600 mẫu. Trong số đó khoảng 20-25% là số mẫu bệnh phẩm cấp cứu. Những năm gần đây, số mẫu cấp cứu đến ít hơn do Phòng KNĐC đã chủ động giúp đỡ một số bệnh viện xây dựng Phòng KN để tự giải quyết phần lớn các mẫu thông thường, tạo điều kiện cho Phòng KNĐC – Viện KN tập trung giải quyết các mẫu độc chất pháp y.

Qua mấy chục năm hoạt động, Phòng KNĐC – Viện KN đã giải quyết được rất nhiều mẫu. Trong đó có nhiều mẫu tìm thấy chất độc, góp phần tích cực vào công tác trị an xã hội và cấp cứu nạn nhân. Hàng trăm cán bọ và sinh viên được hướng dẫn về phân tích độc chất. Hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học có ứng dụng thiết thực vào công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng kiểm nghiệm.

Về kỹ thuật: đã đi từ những phương pháp phân tích cổ điển tiến đến tiếp cận với các phương pháp phân tích hiện đại, phân tích vi lượng (sắc ký trên giấy, sắc ký trên lớp mỏng, sắc ký khí, quang phổ tử ngoại, quang phổ hồng ngoại...) mà cơ quan Viện KN đã được trang bị.

Ngoài việc tập hợp, tích luỹ kinh nghiệm, đi sâu nghiên cứu để nâng cao khả năng áp dụng kỹ thuật, một số cán bộ ở đây cũng đã được đi thực tập, bổ túc nâng cao trình độ ở nước ngoài từ 2 đến 3 năm (CHDC Đức, Bungari).

Với kinh nghiệm tích luỹ của một phòng chuyên sâu về KNĐC và với số cán bộ có bề dày công tác, Phòng KNĐC về cơ bản đã đảm đương được vai trò đầu ngành về KNĐCPY trong toàn quốc.

B – Những vấn đề phát sinh

 

1. Ngoài nhiệm vụ KNĐCPY và kiểm nghiệm các bệnh phẩm cấp cứu, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, đầu năm 1965, Phòng KNĐC lại được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phải tham gia vào công tác phân tích phát hiện chất độc chiến tranh.

Tuy có được bổ sung thêm cán bộ, trang bị và được cử người đi học tập cấp tốc 3 tháng ở nước ngoài, nhưng với các chất độc chiến tranh có độc tính cực mạnh, trong quá trình tiếp xúc với chất độc mẫu để thực tập, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình lúc đó đã gặp không ít khó khăn và nguy hiểm.

Với tinh thần chủ động, tích cực và tranh thủ sự giúp đỡ của bên quốc phòng, tập thể cán bộ công nhân viên trong phòng đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của trên giao cho. Cụ thể là, Phòng KNĐC đã kết hợp với một số cơ quan trong Bộ Y Tế và Uỷ ban điều tra tội ác có những chuyến đi tận hiện trường để thị sát và lấy mẫu phân tích. Qua phân tích các mẫu đi lấy trực tiếp và các mẫu ở tuyến trước gửi về đã phát hiện được một số hóa chất trừ sâu diệt cỏ, chất kích thích và gây ngạt (như 2-4D, 2-4-5T, CS...) của địch sử dụng và báo cáo kịp thời lên trên.

Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y Tế, Viện kiểm nghiệm đã kết hợp với các xí nghiệp hóa dược – thuỷ tinh, xí nghiệp y cụ để chế tạo một số loại ống phát hiện cấp tốc một số chất độc hóa học. Thiết kế các hộp phân tích lưu động. Biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng và đào tạo cấp tốc cán bộ cho các tỉnh trọng điểm để đối phó với tình hình lúc đó.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ phận này đã giải thể và các phương tiện phòng hộ, hóa chất, thuốc thử... đã quá hạn sử dụng và đã thanh lý. Phòng KNĐC trở lại với nhiệm vụ thường xuyên của nó.

2. Do sự cần thiết của từng vụ việc, ngoài việc phấn tích ở phòng thí nghiệm, cán bộ trong phòng cũng có khi phải đi công tác điạ phương (đi hiện trường, đi giúp đỡ cơ sở, đi do yêu cầu độc xuất...) Như vậy, tính chất công tác của phòng không phải chỉ tính tại trong phòng thí nghiệm.

3. Về địa bàn phục vụ

Trước tháng 4/1975, phạm vi phục vụ của Phòng KNĐC chỉ là các tỉnh miền Bắc. Sau khi thống nhất đất nước, phạm vi phục vụ mở rộng ra toàn quốc.

Do đặc điểm địa lý và hoàn cảnh giao thông của nước ta, việc đem mẫu, phủ tạng người chết từ Nam ra Bắc rất khó khăn, tốn kém và mất vệ sinh. Cự ly càng xa thì mẫu càng đến chậm và khi đến nơi thì hầu hết các mẫu phủ tạng đã thối, phát sinh dòi bọ, làm cho việc phân tích chất độc rất khó khăn. Nhiều trường hợp không còn khả năng phát hiện do chất độc đã bay hơi hoặc bị phân huỷ. Vì vậy, Viện kiểm nghiệm đã phải chủ động tổ chức thêm 1 bộ phận KNĐC ở phân viện kiểm nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh. Với hy vọng bộ phận này sẽ đảm nhận giải quyết được các mẫu độc chất cho các tỉnh phía Nam. Nhưng qua hơn 10 năm xây dựng và hoạt động, bộ phận này mới chỉ đảm nhận được một số tỉnh, thành là: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Hậu Giang. Mãi đến gần đây, mới mở rộng thêm ra một số tỉnh khác. Thực tế hiện nay vẫn còn một số tỉnh phải đem mẫu ra Hà Nội bằng máy bay (Phú Khánh, Nghĩa Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Gia Lai – Kon Tum...)

Sở dĩ bộ phận KNĐC của phân viện kiểm nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh chưa vươn lên mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như dự kiến ban đầu đặt ra vì những nguyên nhân sau đây:

Số cán bộ chuyên môn được Viện kiểm nghiệm đào tạo lúc đầu đến nay chẳng còn ai, họ đã lần lượt xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác. Vì môi trường làm việc ở đây phải tiếp xúc với phủ tạng người chết hôi thối, ô nhiễm và phải tiếp xúc với nhiều chủng loại hóa chất, dung môi có độc tính mạnh, nhưng chế độ bảo hiểm và bồi dưỡng vật chất chưa thoả đáng.

Mặt khác, họ nhận thấy công tác KNĐC chưa được cấp trên quan tâm phát triển. Nếu làm việc lâu dài ở đây thì vừa khổ, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà lại không thấy triển vọng gì (như đi học, đi thực tập đây đó...)

Hiện nay số cán bộ đang làm việc tại Phòng KNĐC của Phân viện đều là mới, trình độ và kinh nghiệm trong chuyên môn còn bị hạn chế. Viện kiểm nghiệm lại phải cử cán bộ vào giúp đỡ thêm mọt thời gian, kể cả việc cử người ra Hà Nội học tập. Nhưng bối cảnh kinh tế xã hội và những khó khăn nhiều mặt đang tác động đến cán bộ công nhân viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp với đồng lương ít ỏi, nhất là ở địa bàn miền Nam. Cho nên bộ phận này chưa vươn lên mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như mong muốn.

Về phía Phòng KNĐC – Viện kiểm nghiệm ở Hà Nội, đơn vị có quá trình hoạt động hơn 30 năm nay thì số cán bộ có bề dày công tác cũng ngày càng ít đi do nghỉ hưu và thuyên chuyền làm nhiệm vụ khác. Số cán bộ mới được bổ sung những năm gần đây cũng có tâm trạng tương tự như trong phân viện thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mức độ có ít hơn. Như vậy, khối lượng công việc tăng lên do phải nhận thêm các mẫu của một số tỉnh miền Nam đem ra. Mặt khác, cơ sở phòng thí nghiệm được xây dựng từ năm 1960 đến nay đã xuống cấp nhiều, đặc biệt là các máy móc thiết bị bảo hộ lao động. Sự khan hiếm và thiếu đồng bộ các dụng cụ, hóa chất, dung môi, chất đối chiếu... đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của anh chị em.

III. Yêu cầu đòi hỏi thực tế về giám định độc chất

Qua tiếp xúc với cán bộ các tỉnh đem mẫu đến kiểm nghiệm và qua các lần đi công tác địa phương cho thấy: vì việc đem mẫu đi kiểm nghiệm gặp nhiều khó khăn, tốn kém cho nên các địa phương xa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn khá nhiều vụ việc đáng lẽ phải được giám định độc chất mà cũng bị bỏ qua. Làm cho việc giải quyết thiếu chứng lý khoa học, gây trở ngại cho quá trình điều tra, xử lý theo pháp luật.

Chính vì tình trạnh đó mà Bộ Nội vụ, Hội đồng GĐPY một số tỉnh đã có kiến nghị bằng văn bản tới Bộ Y Tế về việc cần thiết phải tăng cường mở rộng hơn nữa mạng lưới về công tác KNĐC, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tế trong phạm vi toàn quốc.

Trước mâu thuẫn giữa yêu cầu về KNĐC và khả năng đáp ứng không nổi, Viện kiểm nghiệm đã báo cáo lên Bộ Y Tế và mặt khác đã chủ động thuyết phục Sở Y Tế Quảng – Đà Nẵng để tổ chức một bộ phận KNĐC tại Trạm kiểm nghiệm của tỉnh; với ý định là bộ phận này sẽ đảm nhận các mẫu cần giám định độc chất của tỉnh mình và tiến tới sẽ giải quyết cho các tỉnh lân cận (vai trò một điểm vùng về KNĐC)

Trạm kiểm nghiệm của Quảng Nam – Đà Nẵng đã cử 2 đợt cán bộ ra Hà Nội để học tập và sau đó Viện kiểm nghiệm cũng đã cử 2 đợt cán bộ vào giúp đỡ triển khai tại chỗ. Do đó, trạm đã có khả năng giải quyết được các mẫu thông thường, hy vọng trên cơ sở đó sẽ nâng cao dần đến giải quyết được các mẫu phức tạp. Việc làm bước đầu đó đã được Sở Công an và Hội đồng GĐPY của tỉnh rất hoan nghênh. Nhưng sau đó, do không có một văn bản nào của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chính thức để Sở Y Tế có căn cứ trình với UBND tỉnh xin biên chế, kinh phí, xây dựng bàn labo đáp ứng yêu cầu của phân tích độc chất... Cho nên nó đã không phát triển và duy trì hoạt động được. Một đông chí lãnh đạo Sở Y tế đã than phiền là "Nếu không có văn bản của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ mà chúng tôi cứ làm thì chẳng khác nào đi ngửa tay xin việc, và thực tế là không đủ tư cách pháp nhân để triển khai được".

Như vậy là ý định muốn xây dựng thêm một số điểm vùng về KNĐC để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi và giảm khó khăn cho các tỉnh xa đã không làm được. Mặc dù Viện kiểm nghiệm đã có nhiều văn bản báo cáo lên Bộ Y tế, kể cả việc phát biểu ý kiến tại một số cuộc họp do Bộ, Thứ trưởng chủ trì.

Thực tế mấy chục năm qua, công tác GĐPY nói chúng và KNĐC nói riêng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước quan tâm, cho nên dẫn đến tình trạng hiện nay là tổ chức bộ máy chưa được phát triển ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Ngay cả việc cho đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ ở lĩnh vực này cũng ít được chú ý.

Trước sự phát triển, vận động phức tạp của cuộc sống xã hội, với yêu cầu giữ gìn kỷ cương, chấp hành luật pháp đối với mỗi công dân thì yêu cầu về vông tác pháp y nói chung và KNĐC nói riêng đang đặt ra ngày càng lớn và cấp thiết. Trước thực tế đó, yêu cầu các Bộ, các ngành có liên quan cần có sự phối hợp để kiến nghị với Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức pháp y (trong đó có hóa pháp) được phát triển ngang tầm với đòi hỏi thực tế của xã hội về lĩnh vực này.

iv. Các kiến nghị và đề xuất cụ thể

A – Các kiến nghị

 

Qua mấy chục năm làm việc liên tục trong lĩnh vực KNĐC, chưa hiểu biết sâu về các lĩnh vực pháp y khác, nhưng chúng tôi cũng xinh mạnh dạn nêu một số kiến nghị và đề xuất cụ thể sau đây:

1. Kiến nghị với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, cần có một văn bản liên Bộ đệ trình với Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng về việc cần thiết phải thành lập Viện pháp y trung ương với những lý do sau đây:

a) Một số nước có trên 60 triện dân như nước ta và những vụ việc phát sinh đặt ra cho ngành pháp y phải giải quyết ngày càng nhiều; có thể nói là "quá tải" so với khả năng đáp ứng của một số rất ít cán bộ chuyên trách, còn hầu hết là kiêm nhiệm, lại ở tản mạn trong các cơ quan khác nhau như hiện nay mà chưa thành lập được Viện pháp y trung ương là quá chậm. Không phù hợp với tinh thần và nội dung của khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật".

Khi Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự đi sâu vào đời sống nhân dân thì điều chắc chắn là công tác pháp y sẽ có yêu cầu ngày càng lớn và không thể giải quyết một cách chắp vá như trước.

Nghị định số 117HĐBT ngày 21/7/1988 và Thông tư Liên bộ Y tế – Tư pháp số 166 ngày 11/3/1986 về giám định tư pháp, giám định pháp y và pháp y tâm thần là sự phản ánh yêu cầu thực tế và tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng tổ chức bộ máy để thực hiện công tác giám định pháp y nói chung và giám định độc chất nói riêng được tốt hơn.

b) Chưa có Viện pháp y trung ương thì không có một cơ quan nào có đủ tư cách và hiệu lực để chỉ đạo thống nhất về lĩnh vực này trong phạm vi toàn quốc. Phải kéo dài tình trạng giải quyết các vụ việc tuỳ thuộc vào trình độ nghiệp vụ và sự quan tâm của từng địa phương, làm được đến đâu hay đến đấy, có khi chỉ là đối phó cho êm chuyện chư chưa phải xuất phát chủ yếu vào thi hành luật pháp.

Ngay cả việc định kỳ có những cuộc họp để trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các địa phương, giữa pháp y và hóa pháp, giữa các ngành liên quan... cũng không có ai đứng ra tổ chức. Vì thế, những mắc mớ, sai sớt cứ lặp đi lặp lại không được khắc phục, đã làm hạn chế đến chất lượng giải quyết các vụ việc xảy ra.

c) Về đối ngoại, mỗi khi vụ việc xảy ra đối với người nước ngoài trên đất nước ta, các sứ quán đều yêu cầu phía Việt Nam tiến hành các giám định pháp y rất chặt chẽ. Đối với các bác sĩ pháp y, sau khi giám định xong, ký văn bản có dấu của Hội đồng GĐPY thì không có vướng mắc gì lắm. Nhưng đối với công tác KNĐC, khi nhận được phiếu trả lời họ đều thắc mắc, vì thấy Phòng KNĐC lại không nằm trong Viện pháp y. Một vài sứ quán đã cử người đến Viện kiểm nghiệm để hỏi lại về vấn đề này. Tất nhiên sau khi giải thích thì họ cũng thông cảm.

d) Vì chưa có Viện pháp y, chưa có tổ chức chính thức theo ngành nghề thì cũng chưa có điều kiện mở rộng quan hệ đối ngoại đẻ tranh thủ sự tài trợ và giúp đỡ về tranh bị kỹ thuật, đào tạo cán bộ... như nhiều ngành khoa học – kỹ thuật của nước ta đã làm, trong những năm qua. Đó là một thiệt thòi lớn cho ngành pháp y nước ta. Bởi vì công tác GĐPY có đặc điểm rất riêng: nó vừa mang tính chất khoa học – kỹ thuật, vừa gắn liền với pháp luật. Do đó, ở các nước phát triển, kỹ thuật giám định pháp y và giám định đọc chất của họ đã đạt đến trình độ rất cao.

Trong tương lai, với sự phát triển của xã hội nước ta, chúng ta cũng không thể khước từ những vấn đề mới đặt ra cho ngành pháp y phải giải quyết mà các nước tiên tiến đã phải làm, còn ở nước ta chưa làm hoặc làm chưa thường xuyên, chưa có tổ chức chặt chẽ (ví dụ: xác định bố của đứa trẻ để quy trách nhiệm nuôi dưỡng; xác định tinh trùng trong các vụ nghi hiếp dâm, thông dâm trước khi bị giết hại; xác định dấu vết máu, lông, tóc... Hoặc khi vấn đề hoả táng xác chết trở thành tập quán thì trước khi cho thiêu cần có giám định ra sao để tránh sau đó có khiếu nại, phát sinh vấn đề gì sẽ không còn chứng tích trên thi thể nạn nhân để xem xét truy cứu được nữa...)

Làm việc trong lĩnh vực pháp y và KNĐCPY phải tiếp xúc với xác chết, với phủ tạng và các hóa chất độc. Cho nên vừa bất lợi về mặt tâm lý, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng từ trước đến nay chế độ bồi dưỡng vật chất chưa được thoả đáng. Việc đề nghị lên các cấp giải quyết cũng rất khó khăn. Không động viên được số cán bộ phải làm việc trong lĩnh vực đặc biệt này.

Nếu Viện pháp y được thành lập, chức danh nghề nghiệp được xác định và công nhận rộng rãi trong các ngành, các cấp thì việc đè xuất giải quyết chế độ chính sách sẽ thuận lợi hơn nhiều.

2. Kiến nghị về đào tạo cán bộ

 

Công tác GĐPY nói chung và KNĐCPY nói riêng hiện nay chưa được phát triển ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ thực tế (cả về tổ chức và trình độ chuyên môn) Kết quả GĐPY và KNĐC là một trong những chứng lý khoa học, một căn cứ để xem xét, xử lý theo pháp luật. Nó rất hệ trọng bởi vì nó liên quan đến sinh mệnh chính trị của công dân. Vì vậy, yêu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn là yêu cầu thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giám định, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp trong phạm vi cả nước.

Đặc biệt trong lĩnh vực KNĐC, do khoa học – kỹ thuật phát triển nhanh, các hoá chất, thuốc men được tổng hợp, bán tổng hợp ngày càng xuất hiện nhiều loại mới. Với hoàn cảnh nước ta, vừa thiều tài liệu thông tin mới, vừa thiếu các chất mẫu đối chiếu... cho nên việc phân tích, phát hiện ngày càng phức tạp, tinh vi. Nếu không được thường xuyên nâng cao trình độ và tiếp cận với các phương pháp phân tích hiện đại, tiếp thu những thông tin mới thì rất khó khăn trong đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

3. Kiến nghị về việc tổ chức thêm một số Phòng KNĐC ở một số vùng lãnh thổ

 

Hiện nay, hầu hết các thành, tỉnh, đặc khu đã thành lập được các Hội đồng GĐPY (hầu hết là các bác sĩ kiêm nhiệm) nên đã có khả năng giải quyết tại chỗ phần lớn các vụ việc xảy ra ở địa phương. Trừ các trường hợp đặc biệt mới phải cần đến sự hỗ trợ của trung ương.

Nhưng về giám định độc chất thì đến nay mới chỉ có hai Phòng KNĐC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do đó các tỉnh khác đều phải đem mẫu đến hai địa điểm trên. Đối với các tỉnh xa hai thành phố trên, việc đem mẫu phủ tạng người chết đi quá xa đã gặp nhiều khó khăn, tốn kém, mất vệ sinh và khi phủ tạng đã hư thối thì rất khó phân tích, phát hiện độc chất. Nếu là chất độc dễ bay hơi hoặc dễ bị phân huỷ thì không còn khả năng phát hiện được nữa. Ngoài khó khăn trên, việc nhận phiếu trả lời theo đường bưu điện thường rất chậm, gây khó khăn cho địa phương trong việc xử trí như: tạm giữ, tạm giam... đối với can phạm. Vì lý do này mà ở nhiều nước họ đã xây dựng các trung tâm pháp y có bán kính hoạt động từ 150 đến 200 km (trừ ngoại lệ có mật độ dân số quá thưa và giao thông thuận tiện thì có thể ở cự ly xa hơn)

Các Phòng KNĐC xây dựng thêm này có nhiệm vụ giải quyết các mẫu độc chất của tỉnh đó và các tỉnh lân cận. Việc phân chia địa dư cũng không nhất thiết cứng nhắc phải theo đơn vị tỉnh, mà tuỳ theo điều kiện giao thông và những điều kiện thuận lợi khác mà xác định điểm gửi.

Việc tổ chức thêm một số điểm vùng về KNĐC như vậy là rất cần thiết, nó sẽ tránh được tình trạng phải đem mẫu đi quá xa và những khó khăn, phức tạp khác như đã nêu ở trên.

B – Các đề xuất cụ thể

 

Ngoài 2 điểm đã có ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần tổ chức thêm một số điểm mới về KNĐC là:

Tại thị xã Sơn La cho các tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn. Các tỉnh còn lại ở miền Bắc vẫn đem mẫu về Hà Nội

Tại thành phố Vinh cho các tỉnh Nghệ Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Tại thành phố Nha Trang cho các tỉnh Phú Khánh, Đắc Lắc, Lâm Đồng và một số huyện phía Bắc tỉnh Thuận Hải.

Tại thành phố Cần Thơ cho các tỉnh Hậu Giang, Minh Hải, Kiên Giang, An Giang và có thể thêm tỉnh Cửu Long. Các tỉnh khác còn lại ở Nam Bộ vẫn gửi về thành phố Hồ Chí Minh.

Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ kết hợp nghiên cứu và thống nhất chọn một số điểm để xây dựng thành điểm vùng về KNĐC và đề nghị với Nhà nước ra văn bản để có điều kiện tổ chức triển khai.

Về số người ở mỗi điểm chỉ nên có 5 (2 đại học dược hoặc hóa tổng hợp, 2 trung cấp dược hoặc kỹ thuật viên và 1 công nhân tạp vụ). Sau một thời gian hoạt động thực tế, tuỳ theo yêu cầu sẽ có sự tăng, giảm cho phù hợp.

Bước đầu, các cán bộ đại học được tập trung để đào tạo về KNĐC tại Hà Nội với thơi gian khoảng 4 tháng. Sau đó, về địa phương triển khai và hướng dẫn lại cho số cán bộ trung cấp theo dự kiến phân công từng khâu công việc.

Việc kiểm nghiệm sẽ đảm nhận việc đào tạo chuyên môn về KNĐC. Cơ quan chiêu sinh có thể là Bộ Y tế hoặc Bộ Y tế giao cho từng trường bổ túc cán bộ y tế.

Trong quá trình các địa phương triển khai cụ thể, Viện kiểm nghiệm sẽ cử cán bộ lần lượt đến tận nơi giúp đỡ tại chỗ thêm. Từng bước các cơ sở đi từ việc giải quyết các mẫu đơn giản đến phức tạp. Những mẫu vượt quá khả năng thì tiếp tục gửi lên tuyến trên.

Trên đây là nội dung báo cáo quá trình hình thành tổ chức và hoạt động của công tác Giám định độc chất từ khi thành lập cho đến nay. Căn cứ vào tình hình cụ thể và qua hoạt động thực tiễn chúng tôi được biết, chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên một số kiến nghị và đề xuất về công tác GĐPY nói chung và KNĐC nói riêng. Mong rằng Bộ y tế, Bộ tư pháp và các ngành có liên quan nghiên cứu để có một đề xuất mạnh mẽ với Nhà nước, tạo điều kiện cho công tác giám định pháp y và giám định độc chất được nhanh chóng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế đang đòi hỏi.

 

 

Những quy định về thủ tục nguyên tắc trong công tác giám định pháp y tâm thần

Bác sĩ Trần văn cường

Giám định pháp y tâm thần là một bộ phận của tâm thần học nhưng có liên quan tới pháp luật bởi vậy tiến hành công tác này phải tuân theo những nguyên tắc thủ tục nhất định không thể tuỳ tiện, giám định pháp y tâm thần là sử dụng kiến thức tâm thần để xác định trạng thái tâm thần của người cần giám định trước, trong và sau khi hành động gây án có bị rối loạn tâm thần hay không. Qua đó giúp cơ quan tố tụng đánh giá năng lực trách nhiệm cũng như khả năng thi hành án một cách khách quan. Nhằm góp phần bảo vệ pháp luật nghiêm minh, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ danh dự nhân phẩm của công dân.

I. Tổ chức giám định pháp y tâm thần

Tổ chức giám định pháp y tâm thần được thành lập ở cấp Trung ương và cấp tình thành. Theo điều 4 Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 về gáim định tư pháp và Thông tư 78/TT-GĐ ngày 26/1/1989 của Bộ tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT thì:

ở cấp Trung ương Bộ y tế sau khi trao đổi với Bộ Tư pháp đã có Quyết định 64/BYT-QĐ ngày 18/2/1989 bổ nhiệm các giám định viên pháp y tâm thần cấp Trung ương. Tại điểm 2 thông tư trên Bộ y tế uỷ nhiệm bệnh viện tâm thần trung ương giúp Bộ quản lý công tác giám định pháp y tâm thần. Căn cứ tình hình thực tế nước ta cần bố trí 2 địa điểm thường trực tiếp nhận các trường hợp giám định cấp trung ương. Địa điểm một tại bệnh viện tâm thần trung ương chịu trách nhiệm cho các tỉnh thành phía Bắc và chung cho cả nước. Địa điểm hai tại bệnh viện tâm thần Biên Hoà cho các tỉnh phía Nam.

ở cấp tỉnh thành do UBND ra quyết định theo đề nghị của sở y tế và sở tư pháp. Bộ phận thường trực đặt tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.

Tiêu chuẩn giám định viên pháp y tâm thần. Tại điều 5 Nghị định 117/HĐBT, Thông tư 78/TT-GĐ Bộ tư pháp đã quy định giám định viên PYTT phải có 3 tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất chính trị tốt.

- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

- Có thâm niên công tác về nghiệp vụ chuyên môn đó ít nhất là 5 năm.

Nơi nào có từ 3 giám định viên tâm thần trở lên thì thành lập tổ chức giám định pháp y tâm thần và bổ nhiệm một giám định viên trưởng.

II. nhiệm vụ và quyền hạn của giám định viên

1. Nhiệm vụ: Thực hiện các nội dung giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Kết luận giám định bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận đó.

Giải thích bản kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Giám định bổ sung hoặc giám định lại khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu.

Không được để lộ tài liệu và kết quả giám định.

Tuân thủ các quy định khác của pháp luật tố tụng.

Người nào từ chối hoặc trốn tránh trách nhiệm kết luận giám định thì bị xử lý theo Điều 244 – BLHS.

2. Quyền hạn

 

Từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định. Các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị kết luận. Nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình hoặc có lý do chính đáng khác.

Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung tài liệu và tạo mọi điều kiện cần thiết phục vụ cho việc giám định.

Viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung (trường hợp giám định tập thể)

Giám định viên tiến hành giám định bằng kiến thức và phương pháp nghiệp vụ chuyên môn của mình. Cơ quan tiến hành tố tụng không can thiệp vào công việc chuyên môn của giám định viên.

Khi tiến hành giám đinh, giám định viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo tính chất từng vụ việc do cơ quan trưng cầu giám định trả (theo quy định thông tư liên Bộ tư pháp – tài chính...)

Khi tham gia giám định tại hội đồng xét xử giám định viên được hỏi bị can.

Trong khi tiến hành giám định, giám định viên được cơ quan pháp luật bảo vệ tính mạng, tài sản và danh dự. Một khi bị đe doạ thì báo ngay cho cơ quan pháp luật để có biện pháp ngăn chặn.

Khi giám định viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan trưng cầu và cơ quan chủ quản xét khen thưởng. Khi vi phạm các điều quy định thì bị xét kỷ luật. Mức khen thưởng hoặc kỷ luật tuỳ vụ việc.

3. Giám định viên trưởng

 

Tại Điều 1 Nghị định 117/HĐBT quy định nhiệm vụ quyền hạn của giám định viên trưởng như sau:

Giúp cho trưởng ngành chuyên môn quản lý danh sách giám định viên.

Đầu mối liên hệ công tác với các cơ quan hưu quan.

Cử giám định viên tham gia giám định kịp thời từng vụ việc.

iii. phân cấp giám định

1. Giám định viên cấp Trung ương

Giám định các vụ việc do cơ quan tố tụng Trung ương ngang cấp trưng cầu.

Giám định các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn tuyến tỉnh thành nhưng phải thông qua ngành dọc, cấp trên của cơ quan trnưg cầu ra quyết định.

2. Giám định cấp tỉnh thành

Giám định các vụ việc do cơ quan tố tụng địa phương trưng cầu (tỉnh thành, huyện, quận)

iv. các hình thức giám định pháp y tâm thần

Căn cứ điều 131 BLTTHS việc tiến hành giám định theo hình thức nào phải tuỳ thuộc vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc đó.

1. Giám định nội trú

 

Hình thức này áp dụng đối với những trường hợp khó khăn và phức tạp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Can phạm được lưu lại tại cơ sở giám định PYTT của bệnh viện chuyên khoa tâm thần, hoặc khoa tâm thần, bệnh viện đa khoa. Giám định viên có trách nhiệm theo dõi khám xét lâm sàng, cho làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho giám định. Đồng thời nghiên cứu hồ sơ tìa liệu do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp. Khi đủ điều kiện thì tiến hành giám định và làm văn bản kết luận. Thời gian lưu can phạm để làm giám định tại cơ sở giám định nội trú trung bình 6 ttuần. Nếu thấy cần thiết kéo dài thêm phải thông báo cho cơ quan trưng cầu giám định rõ.

2. Giám định tại phòng khám

 

áp dụng cho những trường hợp đơn giản để chẩn đoán và xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Can phạm được đưa tời phòng khám chuyên khoa, tại đó giám định viên tiến hành thăm khám và cho kết quả giám định. Đương nhiên giám định viên đã phải nghiên cứu hồ sơ và cho làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho giám định trước đó.

3. Giám định tại chỗ

 

Đối với một số trường hợp nếu như sau khi giám định viên xem xét thấy có thể tiến hành giám định tại chỗ được và thuận lợi thì tiến hành. Thường chỉ áp dụng đối với trường hợp đang bị giam giữ, nếu đưa ra ngoài có khó khăn về quản lý và phức tạp về chuyên môn.

4. Giám định tại hội đồng xét xử

 

Hình thức giám định tại hội đồng xét xử chỉ áp dụng cho những can phạm bệnh tật đã rõ ràng và đã có thời gian điều trị nội trú. Mục đích của hình thức giám định này thực chất là giám định viên được trưng cầu tới hội đồng xét xử để làm sáng tỏ thêm kết luận của tập thể giám định hoặc của mình do hội đồng xét xử và bên tham dự rõ.

5. Giám định trên hồ sơ

 

v. thủ tục nội dung hồ sơ và nguyên tắc tiếp nhận giám định

Tại điều 130 BLTTHS đã quy định những trường hợp cần giám định PYTT. Khi cần giám định pháp y tâm thần các cơ quan có thẩm quyền trưng cầu. Cần làm một số việc sau:

Gửi trước quyết định trưng cầu giám định cho giám định viên trưởng (nêu rõ lý do mục đích yêu cầu giám định) để giám định viên trưởng cử giám định viên. (Trường hợp đặc biệt có thể gửi trực tiếp giám định viên, nhưng thông báo cho giám định viên trưởng biết)

Gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu điều tra thu thập được cho giám định viên.

Giám định viên nghiên cứu trước rồi trả lời cho cơ quan trưng cầu hình thức thời gian tiến hành giám đinh.

Yêu cầu nội dung hồ sơ giám định:

- Quyết định trưng cầu giám định của cơ quan ngang cấp.

- Lý lịch bị can

- Bản tự khai của can phạm

- Các bản cung

- Các lời khai nhân chứng

- Các tài liệu khi điều tra thu thập được như: thư từ, di chúc, nhật ký...

- Nhận xét tình hình sức khoẻ (đặc biệt là sức khoẻ tâm thần của can phạm do y tế cơ sở cung cấp)

- Bản nhận xét của thân nhân gia đình can phạm (nhận xét về đặc điểm tính tình của can phạm từ nhỏ tới giai đoạn hiện tại)

- Nhận xét của cơ quan quản lý trước khi phạm pháp (về mối quan hệ với mọi người xung quanh, việc chấp hành các chính sách nội quy cơ quan, ý thức tổ chức kỷ luật... có gì đặc biệt không)

- Nhận xét cơ quan giam giữ thời gian can phạm bị giam giữ chú ý những biểu hiện khác thường, so với các can phạm khác.

Vi. tổ chức một cơ sở giám định nội trú

a) Cán bộ:

 

Trong điều kiện hiện nay một cơ sở giám định nội trú pháp y tâm thần gồm nhân viên y tế, y bác sĩ làm nhiệm vụ theo dõi khám xét để giám định, y tế hộ lý làm nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng.

Công an làm nhiệm vụ quản lý can phạm.

b) Cơ sở vật chất:

 

Trong khi chờ đợi thông tư liên bộ các cơ sở giám định vẫn phải đảm bảo tiến hành công việc như hiện nay.

c) Nhân viên làm việc tại cơ sở giám định được hưởng một số chế độ riêng.

vii. bắt buộc chữa bệnh và thời gian chữa bệnh bắt buộc

Vấn đề này đã được quy định tại điều 281, điều 286 BLTTHS và điều 35, điều 36 BLHS, điều 29 LBVSKND.

a) Bắt buộc chữa bệnh

 

Đối với những trường hợp sau khi giám định kết luận là bệnh tâm thần. Căn cứ vào kết luận trên cơ quan tiến hành tố tụng. Giai đoạn xét xử thì do toà án ra quyết định đưa vào cơ sở chuyên khoa tâm thần để chữa bệnh bắt buộc với những trường hợp bệnh nặng hoặc có những hành vi nguy hiểm đối với xung quanh. Nếu thấy bệnh ở múc độ nhẹ hoặc không có hành vi nguy hiểm xung quanh thì có thể cho điều trị nội trú tại cơ sở chuyên khoa thông thường, hoặc điều trị ngoại trú, hoặc giao cho gia đình hay người bảo lãnh trông nom dưới sự quan sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với người phạm pháp trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự. Nhưng ttrước khi bị kết án lại bị một bệnh tâm thần nặng. Thì căn cứ vào kết luận của giám định. Toà án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa để chữa bệnh bắt buộc. Sau khi khỏi bệnh người đó vẫn phải chịu trách nhiệm chấp hành hình phạt.

Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tâm thần nặng tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Thì căn cứ vào kết luận của giám định. Toà án có thể quyết định đưa họ vào cơ sở chuyên khoa để điều trị bắt buộc. Sau khi khỏi bệnh người đó phải tiếp tục chất hành hình phạt.

b) Thời gian bắt buộc chữa bệnh

 

Đối với tất cả những trường hợp vào chữa bệnh bắt buộc. Sau một thời gian thầy thuốc tại cơ sở đó đánh giá thấy bệnh đã ổn định hoặc khỏi thì thông báo cho cơ quan tố tụng. Căn cứ vào ý kiến đó cơ quan tiến hành tố tụng xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.

c) Cơ sở chữa bệnh bắt buộc

 

Một cơ sở chữa bệnh bắt buộc phải được xây dựng đảm bảo hai tiêu chuẩn:

Phải mang tính chất một cơ sở y tế.

Phải đảm bảo an toàn cho việc quản lý.

Do tính chất đặc biệt của công việc là vừa phải làm chức năng chữa bệnh, vừa phải quản lý chặt chẽ không cho bệnh nhân tự do ra khỏi nơi điều trị. Do vậy nhân viên làm việc tại cơ sở này cũng như cơ sở giám định nội gồm: y bác sĩ, y tá hộ lý làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc.

Công an làm nhiệm vụ quản lý người bệnh.

 

 

Tình hình giám định y pháp và y pháp tâm thần các vụ án hình sự trong thời gian qua và một số biện pháp giải quyết

Nguyễn Phong Thanh

Vụ 2B – Viện kiểm sát

nhân dân tối cao

I. Cơ sở pháp lý của hoạt động giám định

1. Vị trí vai trò của kết luận giám định y pháp và y pháp tâm thần trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta.

Giám định y pháp và y pháp tâm thần cũng như giám định tư pháp nói chung có một vị trí tất quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Mỗi khi xảy ra vụ giết người, các trường hợp chết chưa rõ nguyên nhân, các vụ cố ý gây thương tích và những vụ xâm phạm tính mạng sức khoẻ, xâm phạm nhân thân khác thường phải được giám định y pháp để kết luận về nguyên nhân chết, tính chất thương tích, tỷ lệ tổn hại sức khỏe để xác định có hay không có tội phạm xảy ra, cần xử lý người có hành vi giết người gây thương tích cho người khác bằng biện pháp hình sự hay bằng biện pháp hành chính; hoặc trong trường hợp một người có hành vi nguy hiểm cho xx hội nhưng có dấu hiệu không bình thường về tâm thần thì việc giám định để kết luận về năng lực trách nhiệm hình sự của họ nhất thiết phải được tiến hành.

Nếu không có giám định chuyên môn, cơ quan tiến hành tố tụng khó nhận định đánh giá trong các trường hợp nêu trên, khởi tố điều tra cả những vụ tự sát, những vụ tai nạn, những vụ phạm pháp ít nghiêm trọng chỉ cần xử lý hànhchính, hoặc người có hành vi nguy hiểm không có năng lực trách nhiệm hình sự... sẽ gây tốn kém thời gian công sức, dễ đưa cuộc điều tra đến sai lầm, vi phạm pháp luật.

Ngay cả trong các trường hợp rõ ràng có dấu hiệu của tội phạm, thì công tác giám định y pháp và y pháp tâm thần cũng rất cần thiết, vì qua kết luận giám định sẽ cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ khoa học, giúp làm sáng tỏ các vấn đề về thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm, đối tượng phạm tội, có lỗi cố ý hay vô ý, mục đích động cơ phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra...

Nhiều kết luận giám định đã trở thành nguồn chứng cứ khách quan nhất, là cơ sở vững chắc nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định xử lý vụ kiện, vụ án và người phạm tội. Ví dụ: Vụ Phùng Gia Phan ở Thanh Hoá bị chết dưới mương nước, gia đình nạn nhân cho rằng anh Phan bị đánh chết rồi vứt xuống mương. Qua giám định y pháp ở tỉnh đã kết luận anh Phan bị chết ngạt dưới nước. Trên cơ sở kết luận giám định cùng với những tình tiết khác được xác minh, cơ quan điều tra tỉnh Thanh Hóa kết luận anh Phan đã tự sát, vì đêm trước khi cắt trộm dây khoai lang bị nhân dân bắt được, do sĩ diện nên khoảng 4 giờ sáng hôm sau, anh Phan đã nhảy xuống mương chết. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao khi giải quyết đơn khiếu nại đã nhất trí với kết luận này, và chỉ đạo địa phương không khởi tố vụ án theo yêu cầu của gia đình nạn nhân. Hoặc vụ Cao Văn Nê ở Tây Ninh, y đánh vợ bằng roi mây, sau đó vợ chết. Nê nói rằng do vợ y uống thuốc rầy. Qua giám định thấy trên sọ nạn nhân lại có vết nứt, lõm, chảy máu vào tổ chức não, chèn ép não đưa đến thiếu ôxy não gây ra chết. Từ kết luận giám định, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu truy tố bị can Cao Văn Nê về tội "cố ý gây thương tích".

Như vậy, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ khoa học có vị trí rất quan trọng góp phần bảo đảm cho việc quyết định vụ kiện, và các quyết định xử lý vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng được chính xác, đúng pháp luật.

Thực tế cho thấy, hàng năm có tới gần chục ngàn các trường hợp cần đến giám định tư pháp, thì chủ yếu là giám định về y pháp và y pháp tâm thần. Trong năm 1990, chỉ tính trong các vụ án đã khởi tố có tới 8.751 vụ án phải giám định y pháp và y pháp tâm thần, gồm các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm nhân phẩm (giết người, gây thương tích, hiếp dâm... chiếm tới 20,56% tổng số án khởi tố điều tra trong toàn quốc. ở một vài đơn vị tỷ lệ này còn cao hơn ở Hà Sơn Bình (cũ) năm 1990 các vụ giết người, gây thương tích do cấp tỉnh thụ lý phải giám định tới 72 vụ, chiếm 34%, riêng trong 5 tháng đầu năm 1991 là 52 vụ, chiếm 36% tổng số án thụ lý) Có thể nói yêu cầu của thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta đang đặt ra một nhiệm vụ rất to lớn cho công tác giám định y pháp và y pháp tâm thần.

2. Cơ sở pháp lý của hoạt động giám định:

Các điều 44, 55 BLTTHS quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của người giám định, về kết luận của giám định viên, về những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định...

Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp đã quy định nhiều vấn đề về nguyên tắc hoạt động, về hệ thống tổ chức bộ máy giám định, về tiêu chuẩn, nhiệm vụ quyền hạn của giám định viên, giám định viên trưởng...

Trên cơ sở quy định của BLTTHS và Nghị định 117 của Hội đồng Bộ trưởng hệ thống cơ quan giám định y pháp và y pháp tâm thần đã được thành lập ở Trung ương và phần lớn các địa phương, và đã đi vào hoạt động.

Việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng và hoạt động của cơ quan giám định, của các giám định viên trong thời gian qua, nhất là từ năm 1989 khi BLTTHS có hiệu lực, đã dần dần thực hiện theo những quy định của pháp luật, góp phần vào việc giải quyết các vụ án hình sự chính xác, kịp thời và hợp pháp.

Tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay có nhiều vướng mắc, nên số lượng các vụ án cần giám định nhưng không được giám định còn cao. Luật quy định các trường hợp bắt buộc phải giám định, nhưng án cố y gây thương tích xảy ra rất nhiều ở cấp quận, huyện mà tổ chức giám định y pháp cùng cấp lại không có. Những huyện thuộc các tỉnh miền núi cách tỉnh lỵ hàng mấy ngày đường cũng không có tổ chức giám định, khi cần giám định lại phải dẫn bị can, người bị hại về cấp tỉnh tốn kém tiền bạc và thời gian. Cho nên phía cơ quan tiến hành tố tụng "ngại" trưng cầu, có khi ra quyết định trưng cầu thì cơ quan giám định không nhận hoặc để quá lâu, buộc cơ quan điều tra, truy tố phải giải quyết vụ án mà không qua giám định. Đến khi xét xử, Tòa án trả lại hồ sơ yêu cầu đưa đi giám định... chẳng hạn: Năm 1989 tại Hà Nội có 50 vụ án tồn đọng quá thời hạn luật định vì không giám định y pháp được, do Hội đồng giám định y pháp chưa thành lập, Hội đồng giám định y khoa thành phố lại không nhận giám định vì "chưa có sự chỉ đạo của Sở y tế", nên buộc cơ quan tiến hành tố tụng cứ phải đưa vụ án ra truy tố mặc dù chưa qua kết luận giám định. Do vậy có những trường hợp, hồ sơ không có giám định về tổn hại sức khỏe, khi xét xử phúc thẩm Tòa án đã huỷ để điều tra lại.

Về thời gian giám định, về trách nhiệm, quyền hạn của giám định viên, về chế độ thù lao và kinh phí cho giám định... còn chưa được quy định cụ thể.

ii. Những tồn tại thiếu sót của hoạt động giám định và nguyên nhân

Tình hình trên trong thực tiễn đã nảy sinh ra những khuyết điểm tồn tại, những khó khăn vướng mắc cho cả cơ quan giám định cũng như cơ quan tiến hành tố tụng.

1. Những thiếu sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhiều trường hợp khi đi khám nghiệm tử thi không mời các nhà chuyên môn về y pháp tham gia, có khi chỉ mời cán bộ y tế là y sĩ, bác sĩ thường, vi phạm điều 126 BLTTHS quy định việc khám nghiệm tử thi phải có bác sĩ y pháp tham gia.

Không cung cấp đủ các vật phẩm, không bảo quản tốt vật phẩm để hư hỏng, mất mát.

Quá trình lập hồ sơ không chú ý điều tra về tình trạng thương tích, tâm thần của đối tượng cần giám định trong các thời điểm trước, trong và sau khi có sự việc xảy ra, không chú ý lấy lời khai của thân nhân đối tượng, những người thường tiếp xúc, có trách nhiệm quản lý đối tượng về tình trạng sức khỏe, bệnh tật và tâm thần của đối tượng qua các giai đoạn. Ví dụ: Vụ Tân Khải Đạo ở Vĩnh Phú, vụ Nguyên Văn Lai ở Hải Hưng hồ sơ gửi đi giám định tâm thần đều thiếu các tài liệu này gây khó khăn cho giám định viên.

Nêu yêu cầu giám định không rõ, điều 130 khoản 2 BLTTHS quy định: "Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì...", nhưng có những trường hợp cần giám định tâm thần bị can, đáng lẽ phải nêu rõ giám định là kết luận xem trước, trong và sau khi gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội (làm chết, gây thương tích cho người khác...) bị can có bị bệnh tâm thần không, ở thế nào, thì quyết định trưng cầu chỉ yêu cầu xác định bị can có bị bệnh tâm thần không. (Vụ Nguyên Văn Trung phạm tội "cố ý gây thương tích" ở Hà Sơn Bình). Hoặc có trường hợp nạn nhân bị đa chấn thương, có vết thương do người khác gây ra, có vết thương do nạn nhân tự gây ra, hoặc do trước khi nạn nhân bị đánh đã là thương binh... Nhưng quyết định trưng cầu giám định chỉ yêu cầu kết luận tỷ lệ phần trăm sức khỏe bị mất sau khi bị đánh..., là một thiếu sót lớn.

Không chấp nhận kết luận giám định, nhưng không nêu rõ lý do. Tuy kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ không bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp nhận, việc chấp nhận hay không là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên điều 55 khoản 2 BLTTHS nêu rõ: "Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung". Hiện nay có tình hình là không phản đối về mặt khoa học chuyên môn, nhưng về giải quyết vụ án thì khác với kết luận giám định, thậm chí có trường hợp đã gợi ý, can thiệp vào chuyên môn của họ. Ví dụ: Vụ Nguyễn Ngọc Quýnh, giết người ở Quảng Trị, giám định y pháp tâm thần kết luận Quýnh mắc bệnh tâm thần khi phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng không nói kết luận giám định sai, nhưng lại can thiệp để dưa Quýnh ra truy tố, xét xử.

Nhiều nơi, cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào bảng xếp loại thương tích của Bộ lao động thương binh xã hội để xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Tuy đây là ý đồ tốt để giải quyết nhiều vụ án bị tồn đọng do không giám định kịp, nhưng dẫn tới tình trạng tuỳ tiện, vi phạm BLTTHS (điều 44 khoản 5 về các trường hợp bắt buộc phải giám định), nhiềukhi không chính xác, mâu thuẫn giữa tỷ lệ này với kết luận giám định. Bị can, bị cáo, bào chữa viên..., dựa vào đó để khiếu nại bản án... Vấn đề này do Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986, và Nghị quyết số 1-98/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, đến nay nhiều địa phương vẫn thực hiện, nhưng cũng có nhiều nơi không thực hiện đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, cho cơ quan điều tra với lý do không có kết luận của giám định (Hà Sơn Bình, Hà Nội...).

Trưng cầu giám định vượt cấp còn xảy ra nhiều. Cấp tỉnh, thành thậm chí cấp quận huyện cũng trực tiếp liên hệ với tuyến trung ương để trưng cầu giám định. Có trường hợp đã giám định, nhưng có khiếu nại thì giám định cấp tỉnh "ngại" nhận, cơ quan tiến hành tố tụng đưa thẳng lên Trung ương tái giám định. Hoặc khi có một bên khiếu nại và kết luận giám định, tuy không có cơ sở nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn trưng cầu tái giám định là rất phổ biến, làm cho vụ án bị kéo dài không cần thiết.

Trưng cầu một cơ quan giám định không chuyên ngành, tái giám định, xém xét lại kết luận cảu giám định chuyên ngành. Ví dụ: Giám định y pháp quân đội tái giám định để xem xét lại kết luận của giám định y pháp tâm thần trung ương...

2. Những thiếu sót, tồn tại từ phía các cơ quan giám định y pháp, y pháp tâm thần.

Trong thực tiễn đã có nhiều trường hợp những thiếu sót sai lầm của giám định viên bắt nguồn từ phía cơ quan trưng cầu giám định. Ví dụ như yêu cầu không rõ, gửi vật phẩm, thu thập hồ sơ tài liệu không đầu đủ..., như đã phân tích ở phần trên. Nhưng cũng không ít các trường hợp nguyên nhân trực tiếp của các kết luận giám định có sai lầm do tinh thần trách nhiệm, tínhkhách quan và trình độ của giám định viên.

Do làm đại khai qua loa khi khám thương tích ban đầu, bác sĩ y pháp không mô tả tỷ mỉ cụ thể, gây khó khăn cho việc giám định tỷ lệ phần trăm sức khỏe bị tổn hại. Hoặc do thiếu trách nhiệm, không làm nhưng lại kết luận dẫn đến những trường hợp kếtluận sailầm. Trong vụ ông Cha Ma Lé Sinh ở xã Lợi Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Thuận Hải bị chết, không khám bên ngoài, chỉ rạch một đường sau gáy và các giám định viên y pháp tỉnh đã kết luận "do lực tác động vào bả vai hai bên, vào cổ làm gẫy đốt sống cổ thư s 6 va 7, và nguyên nhân chết là gẫy đốt sống cổ 6 và 7 ngay gần hành tuỷ tiểu não". Nhưng ngày 22/8/1990 giám định y pháp trung ương giám định lại và kết luận: "Không thấy các thương tích có khả năng gây chết người trên các xương của tử thi Cha Ma Lé Sinh" Hoặc gần đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 1991 tại Thanh Oai, Hà Sơn Bình xảy ra vụ chau Lưu Thị Tâm, 8 tuổi bị hiếp, y sĩ Liên, phó khoa sản bệnh viện tỉnh khám và kết luận: "màng trinh không rách". Nhưng qua giám định lại của ba bệnh viện khác về phụ sản ở Hà Nội (bệnh viện Bạch Mai, phụ sản Hà Nội, phụ sản Trung ương) đã kết luận cháu Tâm bị rách màng trinh lúc 5 giờ. Với kết quả đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình đã đưa bị can ra truy tố trước Toà án nhân dân tỉnh. Ngoài ra, cũng phải nói rõ là chất lượng các kết luận giám định còn thấp: kết luận giám định của tuyến trên khác xa so với kết luận giám định của tuyến dưới. Ví dụ: Vụ cháu Nguyễn Thị ánh Kiên bị đánh, giám định y khoa tỉnh Nghĩa Bình chụp sõ não nạn nhân và kết luận "vỡ xương sọ đỉnh thái dương trái, hai đường nứt dài mỗi đường khoảng 8cm có hình ảnh tăng áp lực nội sọ" Vụ án đưa ra truy tố, bị can kêu oan, sau khi bị đánh, cháu bé vẫn đi học (lớp 8), cuối năm được xếp loại giỏi. Giám định y pháp trung ương tái giám định kết luận "không có tổn thương não do bệnh hoặc do chấn thương trên sọ nạn nhân". Sau đó Toà phúc thẩm xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Tại Hà Nội giám định y pháp thành phố kết luận cho bốn anh Khải, Đức, Mạnh, Hùng với các tỷ lệ thương tật là 8%, 14%, 50%, 25%. Sau giám định y pháp trung ương giám định lại kết luận với các tỷ lệ thương tật là 17%, 8%, 19%, 42% (trường hợp chênh nhau cao nhất là 31%). Kết quả giám định khác xa nhâu đã gây không ít khó khăn cho việc định khung hình phạt, lượng hình và xem xét việc bồi thường thiệt hại. Thậm chí, có khi ngay trong cùng một tuyến giám định, một giám định viên, kết luận lần sau khác lần trước, hoặc phủ định kết luận giám định lần trước (Vụ Phạm Thị Quý, cố ý gây thương tích ở Quận Đống Đa, Hà Nội giám định y pháp trung ương hai lần giám định thương tích, lần trước kết luận "do hung khi gây ra" lần sau kết luận "không phải do hung khí gây ra". Vì vậy kết quả giải quyết án cũng ngược lại với ban đầu). Hay vụ Trương Thị Hồng, giám định lần đầu 45%, lần thứ hai chỉ còn 10%.

Kết luận giám định viện, ví dụ: kết luận trực tiếp là vụ án mạng, là tự sát, hoặc là vụ tai nạn... Hoặc dễ dãi kết luận theo gợi ý của người tiến hành tố tụng...

Thời gian tiến hành giám định quá lâu mà không có kết luận. Nhiều vụ án trưng cầu giám định hồ sơ, bị can hoặc nạn nhân gửi về phải chờ giám định nhiều tháng, thậm chí hàng năm chưa được tiến hành. Vì vụ án không thể kéo dài nên các cơ quan tiến hành tố tụng lại phải rút hồ sơ về giải quyết mà không qua giám định. Ví dụ: Vụ Tân Khải Đạo ở Vĩnh Phú, vụ Nguyên Văn Lai ở Hải Hưng đều là các nạn nhân ở Nghệ Tĩnh đã phải chờ đợi 8, 9 tháng, một năm. Cả ba vụ trên Viện kiểm sát địa phương phải rút hồ sơ vê.

3. Nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót

Tình hình trên đây có nhiều, mong có thể nêu ra một số nguyên nhân sau đây:

Trong nhiều năm chúng ta chưa có đầy đủ những quy đinh hoàn chỉnh của luật hình sự và tố tụng hình sự, những năm đó việc giải quyết án hình sự chủ yếu dựa vào các văn bản pháp luật riêng lẻ, chưa có điều kiện để quan tâm đến tính chất khoa học của vấn đề giám định. Đến năm 1986, BLHS, và năm 1989 BLTTHS mới được ban hành và có hiệu lực thi hành. Vấn đề giám định tư pháp đã được quy định trong BLTTHS nhưng có những vấn đề nội dung chưa cụ thể, chưa sát hợp với tình hình thực tế của ta (về quyền hạn, trách nhiệm, chế độ của giám định viên, về quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với giám định viên...).

Trên thực tế, các điều kiện vật chất không bảo đảm thực hiện được những quy định của luật. Khối lượng việc cần giám định rất nhiều nhưng số lượng giám định viên rất ít lại không chuyên trách, hầu hết là hoạt động trong các trường học, bệnh viện. Tại Hà Sơn Bình toàn tỉnh chỉ có 7 cán bộ được bổ nhiệm làm giám định viên, đều là những người công tác trong cơ quan y tế ở cấp tỉnh, không có ở cấp huyện, nên không đáp ứng được yêu cầu, cũng như không giải quyết được kịp thời về giám định cho các cơ quan tư pháp. Khi có Nghị định 117/HĐBT nhưng phải sau một thời gian dài các tổ chức giám định y pháp ở một số nơi mới được thành lập, có những địa phương thành lập rồi nhưng không hoạt động (Sơn La,...). ở quận, huyện là cấp có nhiều án phải giám định (chiếm 70-75% tổng số các vụ án cần phải giám định trong toàn quốc), nhưng lại không có lực lượng giám định viên y pháp tại chỗ để sẵn sàng đi khám nghiệm, giám định khi cần thiết. Do vậy, phải trưng cầu các y sĩ, bác sĩ thường không phải bác sĩ pháp y tham gia khám nghiệm, giám định...

Trình độ cua giám định viên còn hạn chế, có một số nơi đã bổ nhiệm làm giám định viên cả các y sĩ, không đúng với tiêu chuẩn quy đinh ở Nghị định 117/HĐBT là giám định viên ngoài tiêu chuẩn có phẩm chât schính trị tốt, còn phải có trình độ đại học y khoa và qua thực tiễn công tác nhiều năm (Vĩnh Phú, Quảng Nam - Đà Nẵng...) Trình độ giám định viên thấp cộng với phương tiện vật chất eo hẹp, kinh phí chi cho giám định không thoả đáng, các cuộc khám nghiệm giải phẫu phần lớn được tiến hành ngoài trời khi mưa, khi nắng, tử thi thường hư thối nên phải tiến hành vội vã. Những vấn đề đó ít nhiều tác động tới tâm lý giám định viên, làm giảm nhiệt tình của học đối với công việc.

Nhà nước chưa quan tâm tới hoạt động giám định, chưa có những quy định ràng buộc trách nhiệm các cơ quan có liên quan về chuyên môn, các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan chức năng cũng chưa tích cực tham mưu đề xuất biện pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc xung quanh vấn đề giám định.

Tình hình trên đây cũng cho thấy việc xem xét trách nhiệm của giám định viên khi từ chối giám định, hoặc trong trường hợp kết luận sai, không chính xác do thiếu trách nhiệm, do tiêu cực cũng gặp kho khăn. Ngược lại, việc khen thưởng, bảo vệ giám định viên trước sự vu cáo, đe doạ... cũng không được quan tâm.

iii. Một số biện pháp giải quyết

1. Về bổ sung luật và hướng dẫn thực hiện luật

Điều 131 BLTTHS quy định việc tiến hành giám định tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án nhưng lại không quy định thời hạn tối đa cho một vụ giám định. Do vậy, cần sửa đổi bổ sung điều luật này và quy định thêm: "Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định. Thời hạn tối đa cho một vụ giám định là 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa".

Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cùng với Bộ Tư pháp, Bộ y tế cần ra một thông tư liên ngành về vấn đề giám định. Trong đó hướng dẫn cụ thể các thao tác khi trưng, khi không chấp nhận kết luận giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng phải làm gì, thủ tục vụ án khi phải đưa đi giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại khi mà thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết hoặc vụ án đã bị đình chỉ tố tụng; Cách giải quyết vụ án trong trường hợp người bị hại từ chối không đi giám định hoặc giám định lại. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng giám định y pháp và y pháp tâm thần Trung ương là chỉ tiến hành giám định lại khi có trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, trường hợp đặc biệt thì mới tiến hành giám định khi tuyết giám định tỉnh, thành phố không có khả năng kết luận, có như vậy mới tránh được sai sót và đùn đẩy.

2. Về tổ chức bộ máy giám định

Do khối lượng việc phải trưng cầu giám định y pháp và y pháp tâm thần riêng trong lĩnh vực giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử rất lớn, mà lực lượng bác sĩ của ta kha mạnh có đủ điều kiện thành lập các Viện giám định y pháp và y pháp tâm thần ở Trung ương và các địa phương, tuỳ khả năng mà Bộ y tế tổ chức, chằng hạn:

Hai viện giám định y pháp và y pháp tâm thần trung ương ở hai miền Nam, Bắc.

Các tỉnh, thành đều có Viện giám định y pháp cấp tỉnh, thành, lực lượng này đặt dưới sự quản lý chỉ đạo của cơ sở y tế, là lực lượng duy nhất giám định về y pháp. Nếu cấp huyện, thị không tổ chức cơ quan giám định, thì phỉa chọn để bổ nhiệm được một số lượng giám định viên trong thành phần viện giám định cấp tỉnh, thành đủ để giải quyết các vụ việc mà cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, thị trưng cầu và tham gia kịp thời vào việc khám nghiệm tử thi, thương tích ban đầutại chỗ nơi xảy ra vụ việc nằhm nâng cao chất lượng của những kết luật giám định y pháp đội ngũ giám định viên cần được chọn lựa những bác sĩ, dược sĩ có trình độ năng lực chuyên sau về từng mặt. Vì vậy, cần mở rộng bổ nhiệm các giám định viên ở nhiều khoa khác nhau.

Các Viện giám định y pháp tâm thần nếu không tổ chức được ở mỗi tỉnh, thành thì thành lập theo hình thức "cụm" gồm một số tỉnh thì có một Viện. Đây là tổ chức duy nhất ở các địa phương giám định về tâm thần

Tại các Viện giám định các cấp cần thiết có một số giám định viên chuyên trách để giải quýet công việc giám định thường xuyên, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; cũng như để nghiên cứu chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn.

Trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử theo BLTTHS, trừ giám định y pháp ở Bộ y tế và Bộ Quốc phòng, không nên có tổ chức hoặc giám định viên y pháp ở Bộ Nội vụ và công an cấp tỉnh, thành việc giám định được khách quan, không bị lệ thuộc. Nếu có tổ chức giám định y pháp chỉ là đẻ phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ đìeu tra, chứ không có giá trị là chứng cứ pháp lý trong tố tụng hình sự. (Tại Hà Sơn Bình hiện nay phần lớn các việc trưng cầu giám định thường đưa thẳng tới giám đinh viên pháp y của phòng khoa học kỹ thuật hình sự thuộc công an tỉnh để giám định và kết mà không qua cơ quan giám định y pháp).

Bộ Tư pháp cần tác động với Nhà nước để thành lập những cơ sở chữa bệnh bắt buộc và xây dựng lề lối làm việc của cơ quan này; tác động với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành để thành lập các cơ quan giám định y pháp và y pháp tâm thần ở những nơi chưa có. Những nơi đã thành lập rồi thì Bộ Tư pháp, Bộ y tế cần chỉ đạo để các tổ chức này đi vào hoạt động co hiệu quả.

Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa cá cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan giám định ở các cấp. Tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm cũng như bồi dưỡng những tiến thức về pháp lý và y học cho điều tra viên, kiểm sát viên, các thẩm phán và các giám định bằng các hình thức: nghiên cứu chuyên đề khoa học in thành sách, mở lớp tập huận, giảng dạy ở các trường đại học.

 

 

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác giám định pháp y trong hoạt động điều tra hình sự.

Phạm Quang Mỹ

Doãn Văn Ninh

Bộ Nội Vụ

I. Một số quan điểm của cơ quan điều tra hình sự đối với công tác giám định pháp y

1. Một nguyên tắc cơ bản của hoạt động điều tra hình sự là phải áp dụng mọi biện pháp điều tra hợp pháp theo luật tố tụng hình sự quy định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can (Điều 11 Bộ luật hình sự)

Trong tố tụng hình sự, công tác giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng là một hoạt động điều tra độc lập do một hoặc các nhà chuyên môn tiến hành với tư cách là giám định viên tư pháp. Kết luận của giám định viên là những kết luận đối với những vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học,... mà giám định viên rút ra được trên cơ sở các kiến thức chuyên môn của mình, sau quá rình nghiên cứu.

Kết luận của giám định viên là một nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự (Điều 55 – Bộ luật TTHS).

Trong thực tiễn hoạt động điều tra ở nước ta, công tác giám định tư pháp thường phải sử dụng có tính phổ biến là giám định pháp y. Điểm 5 Điều 44 – Bộ luật TTHS quy định "Bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y khi cần xác định:

Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

Tình trạng tâm thần của bị can trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án.

Trong thực tiễn hoạt động điều tra, xét xử còn có những trường hợp thường bắt buộc phải giám định mà Bộ luật TTHS chưa quy định như:

Xác định tuổi của bị can, của người thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp không có giấy tờ khai sinh chứng thực tuổi và việc xác định tuổi có ý nghĩa đối với việc xem xét năng lực trách nhiệm hình sự.

Việc xác định những vụ hiếp dâm, cưỡng dâm.

Công tác giám định pháp y có một vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động điều tra, có tác dụng giúp cho cơ quan điều tra trong việc xác định sự thật khách quan đối với các vụ án thuộc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người đặc biệt là các tội giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu với người vị thành niên. Kết luận của giám định viên pháp y là một nguồn chứng cứ quan trọng, khách quan, khoa học đối với những vụ án nói trên. Bằng việc khám nghiệm và giải phẫu tử thi, nghiên cứu trên đại thể và vi thể các tổn thương của các cơ quan tổ chức tế bào, xét nghiệm các vật phẩm lấy từ tử thi và thu được ở hiện trường, giám định viên pháp y có thể rút ra các kết luận khoa học, chính xác về nguyên nhân chết và thể loại chết, xác định các thương tích và cơ chế gây thương tích, hậu quả của thương tích, kết quả giám định pháp y qua tử thi còn là những căn cứ quan trọng để làm rõ nguyên nhân chết và cơ chế diễn biến các dạng chết đột ngột, việc giám định dược chất học pháp y có tác dụng rất quan trọng, giúp cho cơ quan điều tra, xét xử các trường hợp chết có nghi vấn đầu độc, được khách quan, chính xác. Việc nhận dạng tử thi hay một bộ phận cơ thể, việc giám định các dấu vết máu, lông tóc, chất tiết, các tổ chức tế bào có tác dụng quan trọng giúp cho công tác điều tra xác định đúng phương hướng điều tra vụ án. Giám định pháp y trên người sống có tác dụng giúp cho việc làm rõ, kết luận các trường hợp giả bệnh, tự gây thương tích, xác định mức độ và hậu quả của thương tích, xác định các bệnh do nhiễm chất độc vì hành vi phạm tội gây nên, việc xem xét, giám định các dấu vết trên thân thể của người bị tình nghi phạm tội, bị can, người bị hại có tác dụng phát hiện trên người họ, những dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

2. Quan điểm của cơ quan điều tra và điều tra viên đối với hoạt động và kết luận của giám định viên pháp y, đã từ lâu được xác định là một ngành khoa học có nội dung cơ bản là nghiên cứu và giải đáp các vấn đề có tính chất y học, sinh vật học, hóa học, dược lý học xuất hiện trong hoạt động điều tra, xét xử.

Kết luận của giám định viên pháp y là một nguồn chứng cứ có tính chất khách quan, khoa học, có tác dụng rất quan trọng, tuy nhiên, với góc độ cơ quan điều tra, kết luận của giám định viên cũng chỉ là một trong toàn bộ các nguồn chứng cứ mà điều tra viên phải thu thập một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ trong quá trình điều tra vụ án.

Trước hết, điều tra viên phải rất quan tâm đến nhân thân của giám định viên. Cơ quan điều tra phải thay đổi giám định viên (trưng cầu giám định viên khác) nếu có cơ sở xác định giám định viên đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, là người có quan hệ, thân thích với bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,...

Giám định viên phải là người có đủ thẩm quyền và kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn, có khả năng trình độ giải quyết những vấn đề đặt ra cho họ. Điều này, đòi hỏi cơ quan điều tra cần nghiên cứu, tìm hiểu làm sáng tỏ những điều cần thiết về kiến thức chuyên môn của người giám định.

Giám định viên mà không có đủ thẩm quyền và kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn khoa học đối với vấn đề đặt ra cho họ nghiên cứu giải đáp thì kết luận của họ sẽ không có ý nghĩa giá trị chứng cứ và pháp lý.

Trong tố tụng hình sự, hoạt động của giám định viên là một hoạt động điều tra độc lập, hoạt động của nhà khoa học chuyên môn.

Điều tra viên phải hết sức tôn trọng, bảo đảm nhiệm vụ quyền hạn, điều kiện hoạt động cho giấn định viên theo luật định.

Điều tra viên phải ngăn chặn khuynh hướng áp đặt, đòi hỏi (bằng mọi hình thức) giám định viên có kết luận giám định phù hợp với nhận định, giả thiết chủ quan của điều tra viên đã được đặt ra về vụ án. Trong trường hợp cơ quan điều tra không đồng ý với kết luận giám định thì phải bổ sung hoặc giám định lại.

Thực tiễn công tác điều tra hình sự cho thấy những trường hợp sau đay cơ quan điều tra có thể không đồng ý với kết luận của giám định viên:

Kết luận của giám định viên không phù hợp với các sự kiện đã được xác định trong quá trình điều tra.

Có sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định và các chứng cứ khác đã thu thập được về vụ án.

Các đối tượng giám định chưa được cung cấp đầy đủ hoặc kém chất lượng; các mẫu tài liệu, đồ vật để so sánh chưa đầy đủ.

Có cơ sở để xác định giám định viên chưa sử dụng tất cả những phương pháp cần thiết để nghiên cứu, vì vậy vấn đề đặt ra vẫn chưa được giám định viên kết luận giải đáp rõ ràng, đầy đủ.

Có cơ sở để xác định trình độ của giám định viên yếu, kết luận của giám định viên vượt quá giới hạn kiến thức chuyên môn của mình.

Để đảm bảo cho công tác giám định có hiệu quả cao chính xác, khoa học, khách quan, luật cũng quy định cho giám định viên có quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; có quyền yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận; tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.

Những điều rất quan trọng đòi hỏi giám định viên phải có phẩm chất cao quý của nhà khoa học – tư pháp là khách quan, vô tư, chỉ tuân thủ pháp luật và thực tế khách quan trên cơ sở nghiên cứu khoa học, giám định viên phải dũng cảm bảo vệ chân lý, không chịu sự chi phối, gò ép, "chạy theo" những nhận định, giả thiết chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng; giám định viên cũng không thể bị phụ thuộc vào bất cứ phương diện gì hoặc vật chất, tinh thần, tình cảm đối với bị can, nạn nhân, nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự. Mục đích của hoạt động giám định chuyên môn là đưa ra những kết luận khách quan, có cơ sở khoa học đối với những vấn đề mà cơ quan trưng cầu giám định đặt ra, vì vậy, khi nhận thấy các tài liệu, vật phẩm được giao không đầy đủ hoặc kém chất lượng không đủ cơ sở để nghiên cứu kết luận thì giám định viên phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu giám định là không có cơ sở để kết luận. Giám định viên cũng không được có kết luận giám định nếu vấn đề đặt ra xét thấy vượt qua giới hạn trình độ, kiến thức chuyên môn của mình.

Kết luận của giám định viên cần nêu rõ những tài liệu vật phẩm đã sử dụng nghiên cứ, những phương pháp đã tiến hành nghiên cứu và phải giải đáp cụ thể từng vấn đền đặt ra của cơ quan trưng cầu giám định.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nếu giám định viên thấy nẩy sinh ra những vấn đề tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, giám định viên có quyền tự mình rút ra những kết luận đối với những vấn đề đó để cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu nhằm xác định sự thật của vụ án. Cần nhắc lại, kết luận của giám định viên không thể có những điều kết luận vượt quá giới hạn kiến thức chuyên môn của mình và cũng cần đặc biệt lưu ý hoạt động của giám định viên không thể giải quyết được những vấn đề về "lỗi" (cố ý, vô ý) của bị can cũng như các vấn đề pháp lý khác.

II. Một số tình hình thực tiễn của công tác giám định pháp y trong lĩnh vực hoạt động điều tra hình sự

A – Một số tình hình thực tiễn nói lên tác dụng tích cực của công tác giám định pháp y trong hoạt động điều tra

 

Trung bình hàng năm, cơ quan điều tra các cấp đã phải trưng cầu giám định hàng ngàn vụ người chết chưa rõ nguyên nhân và các vụ cố ý gấy thương tích dẫn đến làm chết người nhằm xác định chính xác nguyên nhân chết hoặc xác định tính chất thương tích và mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Thành công của công tác điều tra các vụ án giết người chưa rõ nguyên nhân và các vụ cố ý gây thương tích dẫn đến làm chết người đã có sự góp phần quan trọng, tích cực của công tác giám định pháp y. Có những vụ, công tác giám định pháp y có tính chất quyết định đối với kết quả của hoạt động điều tra vụ án. sau đây, là một vài vụ án nói lên tác dụng quan trọng, tích cực của công tác giám định pháp y:

1. Vụ án Nguyễn Thị Tiên 25 tuổi ở Thanh Liên, Hà Nam Ninh

 

Chị Tiên bị chết tại ruộng bèo dâu gần nhà, từ mặt nước đến bên chị sâu 25 cm, sau khi khám nghiệm tử thi chị Tiên thì giám định pháp y kết luận "Nạn nhân bị đánh bằng vật tày vào sau gáy rồi gục xuống vì choáng, nhưng do phản xạ hít thở, đồng thời với khả năng bị dấn sâu xuống bùn nên nạn nhân đã hút vào khi quản, bị sặc vào thực quản và dạ dày có nhiều bùn đất và dị vật. Điều đó chứng tỏ, nạn nhân bị dấn xấp xuống bùn với một lực nén khá mạnh". Từ kết luận giám định pháp y nói trên, cơ quan điều tra đã xác định hướng điều tra phát hiện thủ phạm như sau:

"Việc điều được nạn nhân ra ruộng bèo trong đêm tối thì phải là người có quan hệ thân thiết mới làm được. Quá trình hành động giết nạn nhân thì đối tượng cũng phải lội xuống ruộng bèo, nên quần áo của đối tượng sẽ dính bùn đất, dính bèo dâu..."

Từ việc xác định đúng hướng điều tra, nên cơ quan điều tra đã nhanh chóng phát hiện thủ phạm giết chết chị Tiên, chính là chồng của chị ta.

2. Công an tỉnh Nghệ Tĩnh điều tra vụ anh Thiều Quang Hùng, Nguyễn Sĩ Hoàng bị giết và bọn tội phạm đã làm giả hiện trường tai nạn giao thông đường sắt.

 

Qua khám nghiệm và giải phẫu tử thi, giám định viên pháp y tỉnh kết luận loại trừ Hùng, Hoàng bị tai nạn giao thông đường sắt. Qua điều tra, cơ quan điều tra đã bắt Võ Đình Hòa và 6 tên đồng phạm, hoàn thành hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử. Toà án nhân dân tỉnh xét xử và tuyên phạt Hòa, Thái tử hình, Nguyễn Trọng Kiên chung thân, Hạnh 20 năm tù (còn 3 tên khác bị chết vì bệnh ở trong trại).

Vụ án bị kháng cáo (trong đó, Kiên, Hạnh xin giảm án), hồ sơ được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân nhân dân tối cao ra văn bản kết luận "hồ sơ không đủ căn cứ để kết luận Võ Đình Hòa và đồng bọn can tội giết người cướp của. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm huỷ toàn bộ án hình sơ thẩm, trả lại quyền công dân cho những người nói trên, vì họ không có tội". Một căn cứ để Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị như trên là "kết luận giám định" của giáo sư bác sĩ ngoại khoa chấn thương, và 5 kỹ sư ngành đường sắt cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Qua tài liệu chứng cứ đã thu được về vụ án, ba ngành địa phương và cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ vẫn xác định đây là vụ án mạng. Đến đây, có hai nhận định trái ngược nhau về vụ án: một là tai nạn, hai là án mạng. Để giải quyết hai nhận định này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trưng cầu pháp y Bộ Quốc phòng, khai quật tử thi để giám định lại, sau khi khai quật tử thi, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp gồm 7 giáo sư, bác sĩ (giải phẫu học, giải phẫu thần kinh, giải phẫu bệnh lý, hai giáo sư bác sĩ ngoại khoa chấn thương, tâm thần và giáo sư bác sĩ pháp y). Trong cuộc họp này vẫn tồi tại hai quan điểm về nguyên nhân chết của nạn nhân. Giáo sư bác sĩ pháp y Bộ Quốc phòng kết luận Hùng, Hoàng chết do chấn thương trực tiếp, không phải do tai nạn giao thông đường sắt; còn lại 6 giáo sư bác sĩ khác (không phải là giám định viên pháp y) kết luận Hùng, Hoàng chết do tai nạn giao thông đường sắt.

Cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại hiện trường đầu tiên nơi các nạn nhân bị giết, tiến hành điều tra, hỏi cung lại các bị cáo, kết quả các bị cáo đã nhận tội giết người cướp của, phù hợp với kết luận giám định pháp y của cơ quan giám định pháp y Bộ Quốc phòng "xác định hiện tượng đầu rơi khỏi cổ ở tử thi Hùng không phải do bánh xe lửa lăn qua. Dấu vết gãy xương ở hai tử thi Hùng, Hoàng không phải do tai nạn gây ra". Toà án đã xét xử phúc thẩm, xử phạt Võ Đình Hoàng và đồng bọn về tội giết người cướp của. Kết luận vụ tai nạn đường sắt đã bị phủ định.

B – Một số tồn tại chủ yếu của thực tiễn công tác giám định pháp y trong những năm qua

 

1. Đối với một số vụ án giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến làm chết người, tuy có khám nghiêm, giải phẫu tử thi và giám định pháp y; nếu kết luận của pháp y chung chung không giải đáp được cụ thể nguyên nhân, thể chết của nạn nhân, vật gây thương tích dẫn đến cái chết của nạn nhân... thì sẽ là một trong các nguyên nhân chủ yếu làm cho vụ án bị câu dầm, bế tắc hoặc dẫn đến xử lý oan, sai.

 

Ví dụ: Vụ án bắt oan 3 em gái Hà, Hoa, Phương ở Thanh Hoá.

Do đùa nghịch nên 3 em gái Hà, Hoa, Phương cản xe của chị Nguyễn Thị Kim, 3 em gái bị chị Kim chửi, nên xông vào dùng tay tát và đấm vào lưng chị Kim, cuộc ẩu đả diễn ra khoảng 10 phút rồi giải tán; không ai bị thương tích gì.

19 ngày sau cuộc ẩu đả, chị Kim bị chết. Lẽ ra cơ quan điều tra phải trưng cầu bác sĩ pháp y khám nghiệm và giải phẫu tử thi chị Kim ngay sau khi chết để xác định nguyên nhân chết. Nhưng gai đình chị Kim xin cho mai táng ngay chị Kim và làm cam đoan với công an là không khiếu kiện gì về việc chị Kim chết. Nhưng sau khi mai táng, gia đình chị Kim lại làm đơn khiếu kiện: việc chị Kim bị chết là do 3 em gái Hà, Hoa, Phương đánh gây thương tích dẫn đến cái chết của chị Kim.

Tám ngày sau khi mai táng chị Kim, công an Thanh Hoá quyết định khai quật tử thi chị Kim để khám nghiệm. Giám định viên pháp y tỉnh Thanh Hoá kết luận "chị Kim chết do đa chấn thương, chấn thương vùng chân phải gây tụ máu màng cứng và tiểu não" nhưng kết luận này chưa giải đáp được các chấn thương nói trên là do vật gì tác động. Việc chị Kim bị 3 em gái ở độ tuổi vị thành niên tát bằng tay và đấm vào lưng có thể gây nên chấn thương não và vết thương ở bẹn chị Kim không? Căn cứ vào kết luận "giám định pháp y" trên và một số thông tin khác, công an Thanh Hoá đã bắt giam 3 em gái này kéo dài mấy tháng mới kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát miễn trách nhiệm hình sự cho 3 em Hà, Hoa, Phương vì 3 em gái này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vụ án này đã được phản ánh trên công luận do đó, cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án và chỉ đạo trực tiếp giải quyết vụ án này.

Để có cơ sở khách quan và khoa học xác định nguyên nhân chết của nạn nhân, cơ quan tiến hành tố tụng đã phải trưng cầu giám định lại. Kết luận giám định lần thứ hai của cơ quan giám định pháp y Bộ Quốc phòng là "nguyên nhân chết của chị Kim ngày 1/11/1984, không thể liên quan đến trận ẩu đả bằng tay không ngày 12/10/1984 giữa chị Kim và 3 em gái Hà, Hoa, Phương mà nguyên nhân chết của chị Kim là do nhiễm trùng một bệnh nội khoa gây nên" Kết luận giám định pháp y nói trên phù hợp với các sự kiện thực tế khách quan, qua các tài liệu chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được, nên cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo giải quyết, trả lại tự do cho 3 em gái Hà, Hoa, Phương; và xác định các em đã bị bắt oan, hành vi của các em "tát và đấm vào lưng chị Kim mấy cái" không thể gây nên cái chết của chị Kim.

Đối với các vụ án nghi giết người bằng đầu độc, giám định viên pháp y cần giải đáp được cụ thể; phủ tạng của nạn nhân có chất độc hay không? Nếu có thì thuộc loại độc chất gì? liều lượng độc chất bao nhiêu thì có thể gây nên cái chết của nạn nhân các vật mẫu, (vật chứng) được giám định có phải là loại chất độc không? Chất độc gì, nếu giám định viên chỉ kếtluận chung chung, không giải đáp được cụ thể các vấn đề đã đặt ra của cơ quan trưng cầu giám định thì sẽ không có tác dụng, giá trị là một nguồn chứng cứ khách quan, khoa học, giúp cho cơ quan điều tra có căn cứ khoa học cộng thêm với các chứng cứ khác để kết luận, giải quyết vụ án.

Ví dụ: Vụ ông Sùng Khẩy Phin ở Xí Mầu – Hà Tuyên.

Khi ông Phin đang làm cỏ ruộng thuốc lá trước nhà, bị chết đột ngột. Thi thể nạn nhân nổi lên nhiều nốt đỏ, bụng chướng to, máu trào ra khỏi mồm khá nhiều. Gia đình đã đưa đi mai táng, sau đó khiếu kiện là ông Phin bị đầu độc chết cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, nhưng không khai quật tự thi ông Phin để lấy phủ tạng để trưng cầu giám định tìm xem có độc chất ở phủ tạng hay không, nhằm xác định chính xác nguyên nhân chết của ông Phin.

Qua điều tra, công an đã bắt giam Làng Thi Thèn và Thèn Thi Lèng. Cán bộ điều tra hứa hẹn nhiều lần với bị can "nếu nhận tội sẽ cho về nuôi con". Vì vậy Thèn và Lèng đã nhận tội là đãng dùng 3 con sâu miêu để đầu độc ông Phin. Công an địa phương đã bắt 3 con sau miêu khác làm vật chứng đưa đi giám định. Kết luận của giám định viên là "ba con côn trùng giải đến giám định gọi là con pan miu, có độc chất ca tha din, nếu dùng quá liều sẽ gây chết người"; kết luận giám định này không nói rõ liều lượng bao nhiêu của chất độc ca tha ra din thì gây chết người; ba con sau miêu (pan miu) thì độc chất của nó liệu có đủ liều lượng làm chết người không? Vì vậy, bản kết luận giám định trên chưa đủ cơ sở khoa học, pháp lý để khẳng định nạn nhân chết do bị đầu độc bằng những con sâu pan miu, đúng ra phải khai quật tử thi, trưng cầu giám định tìm độc chất trong phủ tạng của nạn nhân. Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng ở cđịa phương vẫn sử dụng kết luận giám định nói trên làm căn cứ để đưa vụ án ra xét xử. Tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt Lèng 9 năm tù, Thèn 15 năm tù. Bị cáo kháng cáo, cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên đã xác minh lại toàn bộ chứng cứ của vụ án, thấy không đủ cơ sở kết luận Lèng và Thèn có hành vi phạm tội nên Toà án đã xét xử phúc thẩm, quyết định huỷ án sơ thẩm trả lại tự do cho Thèn và Lèng.

2. Thực tiễn công tác điều tra một số vụ án giết người chưa rõ nguyên nhân cho thấy, do không trưng cầu giám định pháp y mà chỉ dựa vào tài liệu biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, hoặc dựa vào tài liệu, hồ sơ bệnh án ở bệnh viện nên không có đủ căn cứ pháp lý khoa học giúp cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án, làm cho vụ án bị bế tắc, kéo dài thời hạn điều tra hoặc làm cho việc xử lý bị sai lầm (oan, sai).

 

Ví dụ: Vụ án Võ Văn Quý đâm chết Đinh Đức Thắng ở trại Tân Hiệp thành phố Hồ Chí Minh

Quý đâm Thắng hai nhát dao (Quý và Thắng đều là phạm nhân) một nhát vào trước hông phải, một nhát vào lưng, Thắng gục ngay tại chỗ. Thắng được đưa vào bệnh xá của trại cấp cứu 11 ngày, đến ngày thứ 12 Thắng được chuyển đến bệnh viện Đồng Nai để điều trị tiếp và 12 ngày sau Thắng chết (tức là sau 24 ngày bị Quý đâm). Theo biên bản khám nghiệm tử thi, nạn nhân Đinh Đức Thắng có hai vết thương: một vết thương giữa phổi trái dài 1cm, sâu 1cm, một vết thương giữa hông phải dài 1,5cm. Theo bệnh án của bệnh viện Đồng Nai thì nạn nhân chết "do choáng, nhiễm trùng do viêm phúc mạc, vì thủng ruột lâu ngày xì phân ra ở bụng".

Qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, toà án đều tuyên phạt Võ Văn Quý – tử hình về tội giết người.

Nhưng vụ án bị kháng nghị, bởi vì cơ quan điều tra không trưng cầu giám định pháp y để kết luận về nguyên nhân chết của Đinh Đức Thắng, mà cơ quan điều tra đã sử dụng kết luận khám và ghi trong bệnh án điều trị của bệnh viện Đồng Nai là "nạn nhân chết do choáng, nhiễm trùng do viêm phúc mạc, thủng ruột lâu ngày xì phân...", để xác định nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó mà đúng ra để có căn cứ pháp lý và khoa học thì cần thiết phải trưng cầu giám định pháp y. Còn bệnh án và biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu chỉ là những tài liệu để nghiên cứu tham khảo.

Treo trưng cầu giám định của TANDTC, Bộ môn pháp y, trường Đại học Y khoa Hà Nội đã có kết luận giám định về nguyên nhân chết của Đinh Đức Thắng như sau: "Nạn nhân chết do thủng đại tràng, gây nhiễm trùng ở bụng. Nếu được mổ kịp thời và săn sóc tốt sau khi mổ thì có khả năng sống".

Như vậy, hậu quả nạn nhân bị chết, không phải do hành vi trực tiếp của Quý gây ra, nên không thể kết tội Quý về tội giết người vì vậy Toà án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm sửa lại tội danh của Quý theo điều 109 BLHS và xoá án tử hình bằng việc xử phạt Quý 20 năm tù.

Chính do thiếu kết luận giám định pháp y để xác định nguyên nhân chết của Thắng nên các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác định đúng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây nên. Do đó, dẫn đến sai lầm trong việc kết tội và quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Ví dụ: Vụ án chị Nguyễn Thị P ở Long Xuyên, An Giang

Chị Nguyễn Thị P bị chết, chưa rõ nguyên nhân, công an tiến hành khám nghiệm tử thi (nhưng không trưng tập bác sĩ pháp y) kết quả khám nghiệm tử thi thấy "nạn nhân có vết bầm tím da, có ba đốt sống cổ bị tổn thương nặng. Bộ phận sinh dục có chất nhầy...". Qua điều tra, công an đã bắt giam anh Nguyên Văn M tình nghi giết chị P. Vụ án bị bế tắc, không có cơ sở kết luận về hành vi nhận tội của anh M, nên phải đình chỉ điều tra, trả tự do cho anh M bởi vì:

Không có trưng cầu bác sĩ pháp y giám định (khám và giải phẫu tử thi) nên không xác định được nguyên nhân chết của chị P (do bị giết).

Không trưng cầu giám định, xét nghiệm dịch âm đạo, nên không có bằng chứng kết luận có sự giao cấu giữa M và nạn nhân (không có cơ sở căn cứ tình nghi có vụ hiếp dâm, giết người).

Không có phim X quang, không phẫu tích vùng gáy, cổ nên không thể xác định tổn thương ba đốt sống cổ.

3. Thực tiễn hoạt động điều tra cho thấy, có trường hợp giám định viên là chuyên gia y học cao cấp, những kết luận giám định của chuyên đó vẫn có thể sai lầm, không đúng với thực tế khách quan.

Về lý luận chứng cứ trong tố tụng hình sự đã chỉ rõ, kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ, điều tra viên chỉ sử dụng kết luận giám định làm chứng cứ khi nó phù hợp với các sự kiện thực tế khách quan của vụ án, các nguồn chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập kiểm tra xác minh một cách khách quan toàn diện, đầy đủ.

Vấn đề mà giám định viên và điều tra viên đều phải hết sức quan tâm là: giám định viên phải có thái độ, tinh thầnh khách quan, khoa học, chỉ làm theo phap sluật và kết quả nghiên cứu khoa học của mình, không phụ thuộc và bị chi phối bởi giải thiết nhận định chủ quan về vụ án của cơ quan điều tra. Điều tra viên cũng không được có khuynh hướng "gò ép" giám định viên có kết luận theo hướng nhận định giải thiết chủ quan của điều tra viên.

Thí dụ như vụ ông VAK, giám độc nhà máy xe lửa Gia Lâm trước đây trong vụ này có 2 kết luận giám định khác nhau về nguyên nhân chết của nạn nhân như sau:

Kết luận giám định pháp y thứ nhất: "... Khả năng tự sát nhiều hơn án mạng, ông K tự cắt lưỡi bằng vật rất sắc trong cầu tiêu, đủ sức đi xuống sông và đã chết do ngạt nước. Kiểm nghiệm nội trạng không thấy có độc chất...".

Kết luận này, trái với nhận định chủ quan đã đặt ra của cơ quan điều tra là: ông VAK bị giết do mâu thuẫn nội bộ nhà máy và cơ quan điều tra lúc này đã bắt giam một số cán bộ chủ chốt của nhà máy. Vì vậy, điều tra viên đã lấy khối lưỡi, phế quản của nạn nhân và trưng cầu một chuyên viên tai mũi họng nghiên cứu giám định lại.

Kết luận giám định thứ hai: (do chuyên viên tai mũi họng nghiên cứu giám định) "ông K bị 1 vật rất nhọn đâm vào cổ, xuyên thủng thanh quản rồi sau đó bị đẩy xuống sông và chết đuối". Giám định viên này nhận định "ông K bị giết"

Kết luận thứ hai này của chuyên viên Y khoa giám định "phù hợp" với nhận định chủ quan của điều tra viên là "ông K đã bị giết" Vì vậy việc điều tra được tiếp tục theo hướng ông K bị giết; 9 bị can bắt giam đã nhận tội giết ông K, sau lại phản cung. Vụ án bị bế tắc. Sau đó, với sự chỉ đạo của một ban chỉ đạo phúc tra cao cấp, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, kiểm tra lại bằng nhiều biện pháp để thu thập chứng cứ nhằm xác định sự thật về vụ án, cuối cùng đã xác định lại vụ ông VAK là vụ tự sát với các chứng cứ phù hợp với kết luận giám định lần thứ nhất. Các bị can được minh oan và trả tự do.

Giám định pháp y đối với các vụ án cố ý gây thương tích.

Tồn tại chính trong công tác giám định pháp y đối với các vụ án cố ý gây thương tích trong những năm qua là việc giám định thương tích không do các bác sĩ giám định pháp y tiến hành mà phổ biến cơ quan điều tra thường giới thiệu nạn nhân đến các bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh để bác sĩ, y sĩ y khoa khám và cấp giấy chứng thương ở nơi này cấp chưa thoả mãn yêu cầu của họ thì họ lại đến nới khác khám và lấy giấy chứng thương khác để có thương tích nặng hơn, tỷ lệ thương tật cao hơn... Từ đó, đã gây nhiều khó khăn phức tạp cho cá cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tính chất hành vi phạm tội của kẻ phạm tội. Có nhiều trường hợp việc kết luận thương tích của các bác sĩ bệnh viện hoặc các giám định viên pháp y mâu thuẫn trái ngược nhau gây khó khăn cho việc kết luận điều tra xử lý vụ án.

Ví dụ: Việc giám định thương tích cho bà Thìn ở Hà Nội, với hai hội đồng giám định với 4 lần kết luận giám định khác nhau:

Lần thứ nhất: Hội đông giám định pháp y Trung ương (văn bản số 4257 ngày 28/12/1985) do 4 giáo sư, bác sĩ có tên tuổi tiến hành giám định. Sau khi mô tả bà Thìn bị rách da trán, đã gây ra "rạn bản ngoài xương trán" và kết luận "thương tích của hai phần mềm và cứng đã phục hồi và sẽ không để lại di chứng thần kinh nào khả dĩ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Thìn trong tương lai" Kết luận giám định xác định bà Thìn không có tỉ lệ thương tật.

Lần thứ hai: 11 ngày sau, bà Thìn lại được Hội đồng giám định y khoa Hà Nội tiến hành giám định lại (biên bản số 8 ngày /8/1/1986) và kết luận bà Thìn có tỷ lệ thương tật là 16% (mặc dù thiếu giấy tờ làm căn cứ giám định như: giấy chứng thương, biên bản xảy ra sự việc, bệnh án điều trị, phim X quang...) – Bản kết luận này trái với bản tiêu chuẩn tỉ lệ thương tật theo thông tư Liên bộ số 32 năm 1985 của bộ Y tế và thương binh xã hội.

Lần thứ 3: Ba năm sau (ngày 8/3/1988 – sau lần giám định thứ nhất), bà Thìn lại được đưa đi giám định tại Hội đồng giám địnhpháp y Trung ương. Thành viên hội đồng gồm 3 vị giáo sư, bác sĩ giám định lần thư nhất và thêm một bác sĩ khác làm chủ tịch hội đồng. Kết luận lần này phù hợp với tỉ lệ thương tích 16% (của lần giám định thứ hai) vì đã được điều chỉnh thương tích của bà Thìn thành "vỡ xương bản ngoài (sọ) đường kính 4cm"

Lần thứ 4: Đến năm 1989 (bốn năm sau lần giám định thứ nhất), Bộ môn pháp y – Trường đại học Y khoa Hà Nội tổ chức giám định lại cho bà Thìn (biên bản số 5310/VP) vừa nhất trí với kết luận giám định lần thứ nhất, lại vừa giữ quan điểm kết luận trong biên bản giám định lần thứ ba.

Như vậy, với hai hội đồng có tới 4 kết luận khác nhau: từ kết luận một vết rách da trán đến kết luận vỡ xương bản ngoài (sọ) đường kính 4cm, từ không có tỉ lệ thương tích thành tỉ lệ thương tích 16%. Các kết luận giám định mâu thuẫn trái ngược nhau như vậy đã gây khó khăn và làm cho việc điều tra, xử lý của cơ quan tiến hành tố tụng dễ phạm sai lầm.

Giám định pháp y đối với các vụ hiếp dâm

Trong thực tiẽn công tác điều tra ở nhiều địa phương khi tiến hành điều tra loại án này trong trường hợp còn điều kiện và cần thiết phải giám định chuyên môn, cơ quan điều tra thường chỉ đưa nạn nhân đến các bệnh viện, cơ sở y tế yêu cầu bác sĩ khoa sản khám bà giám định và thường gặp nhiều trường hợp giám định khác nhau (ví dụ đối với nạn nhân là vị thành niên nghi bị hiếp dâm) đẫ gây khó khăn, phức tạp cho việc kết luận điều tra vụ án...

Ví dụ: Vụ cháu Nguyễn Thị Thanh P ở quận X thành phố H nghi bị tên T hiếp.

Gia đình đưa cháu P đến khám tại phòng vô sinh – bệnh viện phụ sản nhưng bệnh viện hẹn sẽ trả lời kết quả sau.

Sau khi khám ở bệnh viện phụ sản, gia đình thấy cháu P bị sốt và bị đau, nên lại đưa cháu đến "Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình" để khám lại. Tổ khám phụ khoa gồm 2 bác sĩ, 2 nữ hộ sinh khám và kết luận: "Màng trinh bị rách hoàn toàn, âm đạo viêm đỏ, có rấn máu, xét nghiệm tế bào âm đạo bị bong" (văn bản số 26 ngày 24/11/1987).

Nhưng biên bản giám định pháp y số 13/88 ngày 4/12/1987 của Hội đồng pháp y thành phố (khám lần đầu tiên) có nội dung trái ngược kết quả trong lần khám tại văn bản 286 của Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình (nhưng điều đáng lưu ý là 3 bác sĩ ở Hội đồng giám định pháp y thành phố không trực tiếp khám cho cháu P mà chỉ căn cứ vào y kiến khám của bác sĩ bệnh viện phụ sản; Trong khi đó, bệnh viện phụ sản lại không lưu giữ hồ sơ khám cho cháu P).

Sau gần 1 năm, Hội đồng giám định Y khoa thành phố giám định lại và kết luận tình trạng của cháu P là "Màng trinh đã giãn nở, hơi rộng. Màng trinh không có vết rách" (kết luận số 10 ngày 01/10/1988).

Sau khi có kết luận số 10 nói trên, một bác sĩ ở Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình, gửi đơn đến Viện kiểm sát nói: "Tôi là bác sĩ chuyên khoa phụ sản công tác trên 15 năm, tôi đã tốt nghiệp đặc cách chuyên khoa cấp I, không lẽ tôi không phân biệt được thế nào là màng trinh lành hay rách..."

Pháp y tâm thần

Trung bình hàng năm, cơ quan điều tra ở các cấp phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần hàng trăm trường hợp đối với những bị can có hành vi giết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng, có trường hợp đối tượng có hành vi băn, chém giết nhiều người.

Tồn tại khó khăn nổi lên trong công tác giám định pháp y tâm thần trong những năm qua là:

a) Về tổ chức, ở các tỉnh, thành phố nói chung không có tổ chức giám định pháp y tâm thần mà chủ yếu do các bệnh viện tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế (ở Đồng Nai phía Nam và Thường Tín Hà Sơn Bình phía Bắc). Các bệnh viện tâm thần Trung ương lại quy định "chỉ cơ quan điều tra cấp Bộ" mới được ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần vì vậy mỗi khi cần phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can, cơ quan điều tra các tỉnh (kể cả các tỉnh phía Nam) lại phải báo cáo và đề nghị cơ quan điều tra Bộ Nội vụ ra quyết định trưng cầu giám định, sau đólại phải dãn giải bị can đến các cơ sở bệnh viện tâm thần Trung ương, với quãng đường xa có khi đến 500, 700 km. Thời gian giám định thường bị kéo dài hàng mấy tháng, có những trường hợp hàng mấy năm vẫn chưa có kết luận giám định. Tình hình trên đã làm cho việc điều tra, giam giữ kéo dài, không bảo đảm đúng thủ tục, thời hạn theo luật định. Theo báo cáo của địa phương, hiện nay ở các địa phương còn phải giam giữ đã nhiều năm 20 trường hợp bị can có hành vi phạm tội nghiêm trọng có biểu hiện bị bệnh tâm thần, nhưng vẫn phải chờ kết luận giám định pháp y tâm thần.

b) Về kết luận giám định pháp y tâm thần, nhiều trường hợp giám định viên chỉ kết luận được hiện tại bị can có biểu hiện bị bệnh tâm thần, nhưng không giải đáp được yêu cầu cơ bản là khi bị can thực hiện hành vi phạm tội, bị can có ở trong trạng thái bệnh tâm thần không; loại bệnh; lúc đó bị can có khả năng nhận thức được hành vi của mình không.

Do kết luận giám định pháp y tâm thần không bảo đảm được yêu cầu nói trên, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp khó khăn trong việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can và từ đó khó khăn cho việc giải quyết xử lý vụ án.

4. Một số khó khăn cũng là nguyên nhân thiếu sót trong công tác giám định pháp y

 

Về khách quan, do điều kiện khí hậu nước ta nhiệt đới, nên đối với tử thi lâu ngày mới được phát hiện thì đã bị tự huỷ hoại thối rữa biến dạng, từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp điến kết quả khám và giải phẫu tử thi một số nơi do phong tục tập quán (chủ yếu là miền núi) gia đình nạn nhân không cho cơ quan điều tra khám nghiệm và giải phẫu tử thi hoặc khai quật tử thi để trưng cầu giám định.

Về chủ quan, một số điều tra viên, bác sĩ pháp y do còn ngại khó khăn, chưa làm đầy đủ trách nhiệm, nên việc khám và giải phẫu tử thi chưa làm đầy đủ đúng thủ tục, quy trình, có nhiệm vụ không giải phẫu tử thi, không thu được các mẫu phủ tạng... nên kết luận còn chung chung, không giải đáp được yêu giám định, đến khi vụ án bế tắc lại phải khai quật tử thi để giám định lại, nhưng đối với tổn thương phần mềm hoặc độc chất vô cơ thì có thời gian tính, nên có khai quật tử thi để khám nghiệm lại cũng không có điều kiện giải đáp được yêu cầu giám định.

Nhiều nơi không có bác sĩ pháp y đã sử dụng bác sĩ, y sĩ y khoa vào giải phẫu tử thi, giám định nguyên nhân chết hoặc khám và chứng thương trong các vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến làm chết người.

Trình độ của điều tra viên ở nhiều nơi còn yếu kém và cũng không có những hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ pháp y nên không giải quyết hoặc yêu cầu giám định kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình giải phẫu tử thi. Đối với những vụ án cần trưng cầu giám định pháp y tâm thần thì điều tra viên chưa cung cấp được nhiều tài liệu, thông tin cần thiết về diễn biến hành vi, thái độ tâm lý của bị cân cho giám định viên.

Kiến thức cơ bản của nhiều giám định viên về khoa học hình sự, luật hình sự, TTHS và tâm lý tội phạm còn hạn chế.

Các phương tiện cần thiết phục vụ cho khám nghiệm và giải phẫu tử thi, giám định và xét nghiệm ở nhiều nơi còn thiếu thốn có nơi phải dùng cưa thường, đục gỗ, dao của dân để mổ tử thi. Phương tiện đơn giản (phích đá) để bảo quản phủ tạng cũng không có.

Có trường hợp, nghi nạn nhân bị đầu độc chết, đã khám nghiệm giải phẫu tử thi, lấy phủ tạng để đưa đi giám định xét nghiệm, nhưng lại cho mẫu phủ tạng gói vào ni lông đi từ huyện lên tỉnh xa hàng trăm cây số (miền núi) phủ tạng bị thối rữa không còn điều kiện xét nghiệm. Kinh phí phục vụ cho giám định hiện nay đang là vấn đề khó khăn lớn, cơ quan trưng cầu giám định không được cấp kinh phí để chi cho công tác giám định và bồi dưỡng độc hại khi khám nghiệm, giải phẫu tử thi cho điều tra viên và bác sĩ pháp y.

III. Mấy đề xuất về công tác giám định pháp y

Từ một số vấn đề quan điểm, lý luận và thực tiễn trình bày trên, chúng tôi có mấy ý kiến đề xuấn sau đây về công tác giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng.

1. Căn cứ vào vị trí quan trọng của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, và vị trí quan trọng của giám định viên tư pháp là một trong những người tham gia tố tụng hình sự theo luật định, chúng tôi thấy cần thiết phải xây dựng và ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp; tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và quyền hạn của giám định viên tư pháp, đặc biệt là giám định viên pháp y; các nguyên tắc, thủ tục công tác giám định tư pháp.

2. Về tổ chức, cần thành lập một cơ quan trung tâm quy mô, hiện đại, Viện giám định tư pháp Trung ương trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất công tác giám định tư pháp của các ngành, các cấp và có chức năng trực tiếp tiến hành giám đinh, hoặc giám định lại các trường hợp cần thiết, khó khăn và phức tạp, có các kết luận mâu thuẫn, trái ngược nhau.

3. Về tổ chức pháp y ngành và các cấp nên thành lập:

a) Cấp Trung ương (Bộ)

Viện giám định pháp y và giám định các môn kỹ thuật hình sự khác thuộc Bộ Nội vụ.

Viện giám định pháp y thuộc Bộ Quốc phòng.

Viện giám định pháp y thuộc Bộ Y tế.

b) Tổ chức hội đồng giám định pháp y cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Tổ chức giám định pháp y cấp huyện để giám định các vụ án thuộc thẩm quyền đều tra xét xử của cấp huyện.

4. Cần quy định thật cụ thể: điều kiện, tiêu chuẩn của các giám định viên tư pháp đặc biệt là giám định viên pháp y.

Chỉ những ai mới được công nhận, bổ nhiệm làm giám định viên pháp y.

Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được sử dụng là một nguồn chứng cứ tố tụng hình sự đối với những kết luận giám định của những người đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp.

5. Nên nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức đào tạo giám định viên pháp y.

Chuyên khoa nghiệp vụ pháp y ở các trường đại học Y, Tổng hợp...

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện ở các Viện giám định pháp y ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng).

6. Các Bộ hữu quan phải sơm giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác giám định tư pháp, không để kéo dài tình trạng vì không có kinh phí gây khó khăn cho việc trưng cầu và tiến hành giám định dẫn đến việc kéo dài thời hạn điều tra, giải quyết vụ án.

7. Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan giám định tư pháp và cơ quan tiến hành tố tụng.

8. Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở chữa bệnh cho các bị can, bị cáo có hành vi giết người, gây thương tích nghiêm trọng đã có kết luận giám định họ bị bệnh tâm thần nhưng không thể trả tự do đưa về gia đình họ được và cũng không nên "giam giữ" mãi họ ở các trại giam vì vừa không đúng thủ tục pháp luật, vừa không đảm bảo chính sách nhân đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

 

Giám định pháp y trong thực tiễn xét xử của toà án Hà Nội

Nguyễn Quang Lộc

Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng

Một vài năm gần đây loại án về trật tự, trị an xã hội tăng rõ rệt, trong đó các vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe nhân phẩm của công dân chiếm tỷ lệ cao. Nếu tính trên tổng số các vụ án hình sự thì loại tội này chiếm 30% và nếu tính về dân sự loại kiện đòi bồi thường thương tích cũng chiếm xấp xỉ 30%.

Ngoài việc xem xét, đánh giá về nguyên nhân, động cơ, mục đích, hoàn cảnh, nhân thân người phạm tội, lỗi của người bị hại thì kết quả giám định pháp y là một chứng cứ hết sức quan trọng (nếu không nói là quyết định) trong việc định tội, lượng hình vì: tỉ lệ thương tích hoặc tỉ lệ phần trăm mất sức lao động của nạn nhân là căn cứ để định khung hình phạt hoặc xác định hành vi gây thương tích đó cấu thành tội cố y gây thương tích hay không.

Công văn số 03/TATC ngày 22/10/1987 đã hướng dẫn về vận dụng đường lối xét xử đối với Điều 109 BLHS. Thực ra đây là công văn giải thích rõ ràng hơn hướng dẫn của Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP của Hội đồng thảm phán toà án nhân dân tối cao về việc phân biệt thương tích nặng, tổn hại nặng đến sức khỏe và giải thích rõ hơn những trường hợp nạn nhânc ó thương tích từ 10% trở xuống.

Tiếp theo đó, Nghị quyết số 1/98/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng tư pháp Toà án tối cao cũng đã hướng dẫn rõ hơn về đường lối xét xử đối với điều 109, 110 BLHS.

Như vạy các quy định của luật và các hướng dẫn thực hiện các quy định đó trong việc giải quyết các vụ án loại tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đã vấp phải nhiều vướng mắc, chúng tôi có thể nêu ra những vướng mắc sau đây:

1. Tổ chức hệ thống giám định pháp y chưa hoàn chỉnh và hoạt động chưa có nền nếp.

Mặc dù Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành về công tác giám định Tư pháp và Bộ Tư pháp đã có thông tư số 78/TTQĐ ngày 26/1/1989 hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT nhưng việc triển khai có phần chậm.

Tình trạng chấp hành không nghiêm thông tư số 78/BTP vẫn xảy ra. Các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là ở cấp huyện thường trưng cầu hội đồng giám định sức khỏe của bệnh viện huyện để giám định tỉ lệ thương tật, cũng có trường hợp lại trưng cầu giám định ở luôn cấp trung ương.

Những trường hợp này buộc Toà án phải trưng cầu lại giám định (nếu hội đồng giám định không đúng luật) hoặc sẽ rất vướng mắc khi phải trưng cầu lại giám định ở cùng cấp trung ương. Trước đây ở Hà Nội, giáo sư Nguyễn Như Bằng, giám định viên trưởng Hội đồng giám định y khoa trung ương thường ký vào các biên bản giám định đi, giám định lại. Vì vậy gây thắc mắc của đường sự khi kết quả giám định có thay đổi. Ví dụ như việc giám định tỉ lệ thương tích của anh Nguyễn Văn Cường là người bị hại trong vụ Lê Văn Nguyên.

Việc giám định tỉ lệ thương tích của Hội đồng giám định pháp y trung ương và địa phương cũng có nhiều kết quả khác nhau. Có những kết quả giám định khác xa so với kết quả giám định lúc trước.

Ví dụ: Hội đồng giám định pháp y Hà Nội giám định tỉ lệ thương tích của bị cáo Nguyễn Hữu Khải là 8% thì Hội đồng giám định y khoa trung ương kết luận 17%, anh Nguyễn Văn Mạnh 50% thì khám lại là 19%, anh Trương Phi Hùng 25% thì khám lại là 42%...

Những kết quả giám định khác xa nhau nói trên đã làm thay đổi rất lớn đến định khung hình phạt và lượng hình đối với các bị cáo.

Cũng có trường hợp, Hội đồng giám định pháp y trung ương giám định và kết luận tỉ lệ thương tích 0% do có khiếu nại, cơ quan điều tra lại trưng cầu Hội đồng giám định páp y thành phố Hà Nội giám định lại và kết quả giám định lại là 18%.

Từ thực tiễn trên, chúng tôi thấy cần giải quyết các vấn đề sau:

Cần thực hiện nghiêm túc Thông tư số 78/TT/QĐ của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/HĐBT "tổ chức giám định tư pháp ở trung ương thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương ra quyết định trưng cầu giám định các vụ việc phức tạp do các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trưng cầu.

Tổ chức giám định tư pháp ở cấp tỉnh thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và trung ương "trưng cầu".

Có nghĩa là cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương không được tự ý trưng cầu giám định vượt cấp, Hội đồng giám định pháp y cũng không được giám định những trường hợp vượt cấp trái với hướng dẫn nói trên.

Tuy nhiên cũng cần có quy định rõ hơn về trình tự giám định khi có khiếu nại về kết quả giám định hoặc xin thay đổi người giám định. Theo chúng tôi, trình tự giám định pháp y có thể gần như trình tự xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) vì chỉ có hai cấp giám định nên kết quả giám định cảu Hội đồng pháp y trung ương đối với khiếu nại HĐPY địa phương là jkết luận cuối cùng. Những trường hợp giám định của pháp y trung ương bị khiếu nại thì có hội đồng giám định pháp y trung ương khác giám định là và kết quả đó cũng có thể coi là cuối cùng.

Có như vậy mới có thể khách quan, nhanh chóng giúp cho việc kết thúc sớm một vụ án.

Cần có đội ngữ giám định viên pháp y được đào tạo chính quy, chuyên ngành và am hiểu rộng về mặt pháp lý.

Giám định pháp y là việc làm sau khi nạn nhân đã chết hoặc đã hồi phục sức khỏe. Đối với các trường hợp nạn nhân đã chết thì cơ quan điều tra đều vuộc phải trưng cầu gáimđịnh pháp y. Thông thương fmọi hồ sơ vụ án mà nạn nhân đã bị chết đều có biên bản khám nghiệm tử thi. Các biên bản này càng mô tả tỉ mỉ bao nhiêu càng tốt cho công tác xét xử bấy nhiêu. Việc mô tả và thương tích để lại trên thi thể của nạn nhân chínhlà chứng cứ hết sức quan trọng để có thể kết luận hung khí gây ra thương tích, tư thế khi nạn nhân bị thương tích đồng thời là tư thế của kẻ gây ra thương tích... Từ đó có thể đối chiếu với các chứng cứ khác và có nhận định, kết luận khách quan, chính xác.

Đã có những trường hợp việc mô tả thương tích của nạn nhân là chứng cứ quyết định trong việc kết luậnbị can không phạm tội. Ví dụ vụ đam chết người ở chắn tàu đường Điện Biên Phủ, cơ quan điều tra thu giữ 1 dao găm hình lưỡi lúa ở nhà cam phạm. Bị can nhẫn đã dùng dao đó đâm nạn nhân vào khoảng thời gian xảy ra vụ án. Sau đó tất cả các can phạm đều phản cung thực tế khám nghiệm tử thi thì thương tích đó không phù hợp với hung khí đã thu được và bị can đã khai nhận dùng để gây nên thương tích.

Việc cấp giấy chứng thương cho nạn nhân cũng cần phải khách quan, thận trọng và phải mô tả đúng tình trạng thương tích hoặc sức khỏe khi họ đến bệnh viện cấp cứu hoặc khám, điều trị vết thương vì đây chínhlà một tài liệu quan trọng để Hội đồng giám định pháp y lấy làm căn cứ và đối chiếukhi khám thực tế người được giám định. Bệnh án của nạn nhân, các kếtluận của bác sĩ điều trị cũnglàmột tìa liệu cần thiết cho công tác giám định nói riêng và công tác xét xử nói chung.

Để giám định chính xác tỉ lệ thương tích hoặc tổi hại sức khỏe, nếu xét thấy cần thiết, bằng công tác nghiệp vụ của mình hội đồng giám định y khoa có thể kiểm tra lại giấy chứng thương, bệnh án. Có những trường hợp do quen biết, nể nang thậm chí tiêu cực mà việc chứng thương thiếu trung thực dẫn đến việc giám định thiếu chính xác.

Ví dụ trường hợp anh Trần Văn Nho đánh lộn với Trần Văn Nhạt và Trần Thị Mướp. Vì quen biết bác sĩ Thái ở bệnh viện nên anh Nho (là giáo viên cấp 2) đã được bác sĩ Thái khám, điều trị ngoại trú và kết luận sai với thực tế thương tích của anh Nho, vì kếtluận anh Nho gẫy hai xương sườn 10, 11, tràn dịch, tổn thương màng phổi nên hội đồng giám định y khoa (không kiểm tra lại) kết luận 18% thương tích. Thực chất anh Nho chỉ gẫy một xương sường số 8 bên trái, không bị ảnh hưởng tới phổi. Do đó, Hội đồng giám định y khoa Hà Nội đã kết luận tỉ lệ thương tích của anh Nho chỉ có 6%. Kết luận này là căn cứ để cấp phúc thẩm tòa án nhân dân sửa bản án sơ thẩm từ hình phạt 15 tháng tù giám xuống cảnh cáo và từ chỗ 12 tháng cho hưởng án treo xuống không phạm tội.

Để đảm bảo khách quan, các giấy chứng thương, các biên bản khám nghiệm cần mô tả cụ thể, tỉ mỉ nhưng tuyệt nhiên không nên đưa ra kết luận cụ thể về vật gây ra thương tích đó. Ví dụ kết luận "thương tích do đòn gánh, do dao phay to bản, do thanh sắt, do dao găm, do lê AK..."

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có thể mô tả cụ thể và kết luận cụ thể được như trưòng hợp bị đạn xuyên qua hoặc nằm lại trong cơ thể, bị bỏng vì nguyên nhân gì (nước, lửa, hoá chất...)

2. Hiện nay chúng ta có nhiều tổ chức giám định pháp y, giám định thương tật. Ngoài hệ thống giám định pháp y của Bộ Y tế, còn có giám định pháp y của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng. Đây cũng là một vướng mắc cho công tác xét xử khi các kết quả giám định trái ngược, thậm chí khác rất xa nhau.

3. Một số trường hợp mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu hội đồng giám định pháp y nhưng người được giám định từ chối không giam sđịnh – trường hợp này toà án buộc phải xử theo các tài liệu là giấy chứng thương, bệnh án điều trị và có tham khảo bảng xết hạng thương tật quy định tại thông tư liên Bộ Y tế – Thương binh xã hội số 32/TTLB ngày 27/11/1985.

Riêng đối với những trường hợp nạn nhân đã được giám định khi xét xử, toà án có nghi vấn về kết quả giám định hoặc bị cáo, đương sự khác có khiếu nại về kết quả giám định đó là quá cao hoặc quá thấp. Tòa án trưng cầu giám định ở cấp cao hơn nhưng người được giám định lại không giám định nữa. Trường hợp này rất khó giải quyết và rất vướng khi có căn cứ cho rằng việc giám định tỉ lệ thương tật không khách quan. Toà án có quyền bác bỏ giám định không? nếu bác bỏ trong trường hợp này có gì sai với chuyên môn, nghiệp vụ y tế không?

Theo chúng tôi, giám định pháp y với kết quả của nó là một chứng cứ quan trọng có đầy đủ tính pháp lý trong đó tuy nhiên nếu chứng cứ đó (tức là kết luận pháp y) có căn cứ cho rằng không khách quan, không chính xác, không phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án thì toà án có thể bác bỏ vì rằng biên bản giám định pháp y cũng chỉ là một trong rất nhiều các chứng cứ khác trong vụ án. Nó chỉ được thừa nhận khi phù hợp với các chứng cứ khách quan khác.

Tóm lại, giám định pháp y là một trong những chứng cứ cực kỳ quan trọng giúp cho tòa án định tội, lượng hình cũng như xem xét đẻ có quyết định thoả đáng về trách nhiệm dân sự. Trước đây do tổ chức giám định pháp y chưa được quan tâm đúng mức nên có nhưngx thời gian dài tổ chức này không hoạt đọng, dẫn tới hàng ngàn vụ án loại tội xâm phạm sức khỏe của công dân bị dồn lại. Các đương sự thắc mắc, khiếu nại, nghi ngờ các cơ quan tiến hành tố tụng khi vụ án, vụ kiện bị kéo dài.

Việc hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 117/HĐBT đã tháo gỡ rát nhiều vướng mắc cho toà án nói riêng và các cơ quan điều tra, truy tố nói chung. Các tổ chức giám định đã được thành lập và dần dần ổn định trong hoạt động tuân thủ điều 44 BLTTHS. Do mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ có chuyên ngành có kinh nghiệm về giám định và chế độ đãi ngộ... còn hạn chế nên cũng còn có những vướng mắc, thậm chí có sự không thống nhất trong công tác giám định pháp y.

Chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước cần phải có pháp lệnh về công tác giám định tư pháp nói chung và trong đó có công tác giám định pháp y – pháp lệnh đó cần tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết để thực hiện.

Mặc khác cần phải xây dựng một hệ thống giám định pháp y hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương đặc biệt cần có Viện khoa học giám định pháp y để chỉ đạo chung về công tác đặc biệt quan trọng này.

 

 

Phần c

Hội Thảo khoa học

 

Lược thuật nội dung hội thảo khoa học về "Giám định tư pháp"

Ngày 20 – 11 – 1991

A – Thành phần tham dự

 

1. Đồng chí Trần Đồng Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp

2. Đồng chí Nguyễn Văn Yểu Vụ LS, CC, GĐ, HT – Bộ Tư pháp

3. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo Viện NCKH pháp lý – Bộ Tư pháp

4. Đồng chí Nguyễn Tất Viễn Viện NCKH pháp lý

5. Đồng chí Vũ Ngọc Thụ Viện Pháp y Quân đội

6. Đồng chí Trần Văn Liễn Tổ chức GĐPY trung ương

7. Đồng chí Đào Thế Tân Tổ chức GĐPY trung ương

8. Đồng chí Nguyễn Huy Đãi Viện Kiểm nghiệm – Bộ Y tế

9. Đồng chí Nguyễn Đăng Dung Bệnh viện Tâm thần

10. Đồng chí Trần Văn Cường Bệnh viện Tâm thần

11. Đồng chí Nguyễn Phong Thanh VKSNDTC

12. Đồng chí Đỗ Xuân Tựu VKSNDTC

13. Đồng chí Lưu Tiến Dũng TANDTC

14. Đồng chí Phạm Quang Mỹ Bộ Nội vụ

15. Đồng chí Hoàng Thưởng Viện KHHS – Bộ Nội vụ

16. Đồng chí Trần Đức Đĩnh Viện KHHS – Bộ Nội vụ

17. Đồng chí Phạm Quang Tuyên Viện KHHS – Bộ Nội vụ

18. Đồng chí Lê Văn Thảo Sở Công an Hà Nội

19. Đồng chí Nguyễn Thị Tứ UBKHNN

20. Đồng chí Nguyễn Thị Bảo Chánh án toà án quận Hoàn Kiếm

21. Đồng chí Lê Sơn Hải UBKHNN

22. Đồng chí Trần Hoàng Bê Bộ Tư pháp

23. Đồng chí Vũ Văn Tuấn Bộ Tư pháp

24. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo (B) Bộ Tư pháp

25. Đồng chí Phùng Bích Hà Bộ Tư pháp

26. Đồng chí Lê Cúc Lâm Bộ Tư pháp

27. Đồng chí Lê Hồng Sơn Bộ Tư pháp

28. Đồng chí Cao Xuân Phong Bộ Tư pháp

B – Nội dung

 

1. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo (Viện NCKHPL): Khai mạc hội thảo

2. Đồng chí Nguyễn Văn Yểu (Chủ nhiệm đề tài): Báo cáo dẫn đề

Mục đích yêu cầu đối với việc nghiên cứu đề tài: nêu và phân tích những quan điểm khoa học về giám định pháp y, chứng minh bằng hoạt động thực tiễn những phân tích lý luận để đưa ra những quan niệm chung, cơ bản về giám định pháp y và trên cơ sở đó kiến nghị việc xây dựng mô hình hệ thống các tổ chức giám định pháp y phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta trong những năm tới bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

Các hoạt động đã triển khai trong thời gian qua: các thành viên trong nhóm đề tài viết chuyên đề nghiên cứu khoa học; Ban chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát thực tiễn, điều tra xã hội học, nghiên cứu lịch sử, tuyển chọn và biên soạn các tài liệu tham khảo của nước ngoài về tổ chức hoạt động giám định pháp y.

Mục đích của cuộc Hội thảo này: cùng nhau thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về giám định tư pháp, tập trung đi sâu vào giám định pháp y. Trao đổi để thấy rõ thực tiễn hoạt động giám định tư pháp ở nước ta trong thời gian mấy năm qua kể từ khi nhà nước ra nghị định về giám định tư pháp (1988) đến nay.

3. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo (Vụ LS, CC, GĐ, HT): Báo cáo những vấn đề chung về lý luận và thực tiễn của tổ chức hoạt động giám định tư pháp

Đặc điểm chung về tổ chức hoạt động giám định tư pháp trên thế giới:

- Các nước tư bản: các giám định viên pháp y được đào tạo chuyên sâu về ngành pháp y và được bổ nhiệm vào cương vị.

- ở một số nước khác: hệ thống các cơ quan giám định từ trung ương tới địa phương.

Thực tiễn tổ chức hoạt động giám định pháp y ở Việt Nam:

- Về mặt văn bản: không nhiều; Nghị định 117/HĐBT là văn bản quá độ tiến tới một hình thức tổ chức khoa học hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.

- Về thực tiễn: các trường hợp giám định pháp y chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ giám định tư pháp nói chung và có chiều hướng ngày càng tăng. Thực tế hoạt động của các cơ quan giám định chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Các quan điểm đổi mới:

- Tổ chức pháp y cần được xây dựng chính quy, không lạc hậu với thế giới mà vẫn phù hợp với thực tế nước ta.

Mô hình:

- Viện pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế ở Trung ương, phòng pháp y ở tỉnh; các giám định viên chuyên nghiệp được bổ nhiệm.

- Duy trì và phát triển hệ thống giám định pháp y quân sự thuộc Bộ Quốc phòng vì có những đặc điểm riêng.

4. Đồng chí Nguyễn Phong Thanh (VKSNDTC):

 

Cơ sở pháp lý của hoạt động giám định: Nghị định 117/HĐBT.

Kết luận giám định có một vai trò rất quan trọng trong việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án: đó là những chứng cứ khoa học khách quan cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định đúng đắn trong khi xử lý vụ án.

Những thiếu sót còn tồn tại của hoạt động giám định:

Những thiếu sót còn tồn tại từ cả 2 phía: phía các cơ quan tiến hành tố tụng và phía các cơ quan tiến hành giám định.

Những nguyên nhân chủ yếu của các thiếu sót là các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, điều kiện vật chất thực tế cảu các cơ sở giám định còn nghèo nàn và thiếu thốn, trình độ chuyên môn của một số giám định viên còn hạn chế, các cơ quan chức năng chưa thực sự tích cực đề xuất các biện pháp cải thiện tình hình.

Về tổ chức bộ máy giám định: lập các Viện giám định y pháp và y pháp tâm thần ở trung ương và địa phương thuộc Bộ Y tế, giữ các cơ sở giám định của Bộ Quốc phòng, bỏ các cơ sở giám định của Bộ Nội vụ để công tác điều tra tiến hành được khách quan hơn. Trách nhiệm tổ chức và phối hợp hoạt động giữa các tổ chức giám định pháp y thuộc về Bộ Tư pháp.

5. Đồng chí TrầnVăn Liễu (Cơ quan giám định pháp y trung ương):

 

Về mặt thuật ngữ: nên gọi là y pháp thì chính xác hơn là pháp y.

Về khái niệm:

Sự phát triển của bộ môn y pháp ở Việt Nam: thời gian đầu, người thay thuốc được cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo ý kiến về mặt chuyên môn vấn đề có liên quan đến sinh mạng, sức khoẻ của nạn nhân trong các vụ án. Sau đó vấn đề này trở thành bắt buộc vì thành một bộ môn được đưa vào chương trình giảng dạy của trường Đại học Y khoa từ năm 1919 nhưng vẫn chưa phải là môn chính, cho tới năm 1983, Bộ Y tế ra quyết định thành lập bộ môn Y pháp tại trường Đại học Y khoa.

Cơ cấu tổ chức: nhìn chung ở các nước phát triển đều có Viện y pháp hoặc nằm trong các trường Đại học (TBCN) hoặc nằm trong Bộ Y tế (XHCN) mỗi cơ cấu tổ chức đều có những ưu nhược điểm.

Mô hình chung của các Viện giám định y pháp các nước:

 

 

Sự khác nhau giữa các Viện chủ yếu tập trung vào các chi tiết như định hướng nghiên cứu cụ thể của Viện để đáp ứng đòi hỏi thực tế, số lượng các labour chuyên môn trong viện...

Dự kiến mô hình tổ chức của Việt Nam: ở trung ương có Viện giám định y pháp Quốc gia với khối chuyên môn gồm 10 phòng (labour) và dự kiến nhân sự khoảng 35 người, ở các tỉnh có Trung tâm giám định y pháp với biên chế 10 người.

6. Đồng chí Vũ Ngọc Thụ (Pháp y Quân đội):

 

Vật chứng (chứng cứ vật chất) là các tang vật và la một chứng cự khoa học rất quan trọng trong việc tiến hành điều tra, xét xử một vụ án. Trong tổng số các chứng cứ của một vụ án cần phải có chứng cứ vật chất thì mới bảo đảm thật sự chính xác, khách quan.

Trên thực tế cũng như về lý thuyết, có điều tra, xét xử là phải có giám định pháp y. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay giám định pháp y chưa thực sự được chuyên môn hóa, chưa trở thành một nghề được đào tạo chính quy, chuyên biệt.

Giữa y khoa và y pháp có sự phân biệt rõ rệt: y tế (y khoa) là bộ môn có mục đích phòng và chữa bệnh do các nhà y tế đảm nhiệm; y pháp là bộ môn phục vụ nhu cầu của pháp luật nên phải có các chuyên gia về pháp luật và y khoa đảm nhiệm - đó là y pháp. Từ sự khác nhau trên, không thể sử dụng chuyên môn giải phẫu bệnh y khoa để giải quyết vấn đề giám định y pháp là bộ môn có liên quan tới pháp luật.

Y pháp ngày nay có 4 nội dung lớn:

- Y pháp hình sự: là một bảo đảm cơ bản phục vụ cho việc giải quyết án hình sự (chấn thương học, tội phạm học lâm sàng, tâm thần học).

- Y pháp dân sự: giải quyết vấn đề bồi thường pháp lý mà hiện nay ở ta vẫn phải dựa vào bảng tỷ lệ thương tật của giám định y khoa gây thiệt thòi cho người bị hại.

- Y pháp trong y tế: (trách nhiệm của thầy thuốc khi gây tai biến cho nạn nhân)

- Y pháp quân sự

Vấn đề phương pháp học trong giám định y pháp: khi khám nghiệm, khi làm văn bản kết luận phải vận dụng các nguyên tắc của triết học biện chứng nên giám định viên cần phải được đào tạo kỹ lưỡng. Hơn nữa giám định không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật đòi hỏi ở giám định viên không chỉ trình độ mà còn cả năng khiếu đối với nghề nghiệp.

Tính giai cấp của khoa học giám định y pháp thể hiện ở tính trung thực, khách quan và bản lĩnh của người giám định viên.

Các nguyên tắc của giám định y pháp là khẩn trương, kịp thời, khách quan và bí mật. Trong đó, yếu tố khẩn trương và kịp thời đặt biệt quan trọng nhất là trong khám nghiệm ban đầu (khám nghiệm nóng) vì về nguyên tắc, giám định ban đầu cũng chính là giám định kết thúc.

Những đề xuất kiến nghị:

- Cần ban hành sớm Pháp lệnh về tổ chức hoạt động giám định y pháp để bảo đảm hiệu lực thi hành cho công tác này.

- Về mô hình tổ chức: ở cấp trung ương nên liên kết 3 cơ quan hiện có để lập thành Trung tâm giám định y pháp với chức năng chủ yếu là nghiên cứu, huấn luyện và quản lý, ngoài ra còn thực hiện các vụ giám định trên địa bàn Hà Nộ. Các đơn vị chính của trung tâm này là Phòng khám nghiệm tử thi, phòng khám người sống và 4 phòng thí nghiệm (mô học, sinh vật học, hóa pháp, vật lý).

- Về đào tạo chuyên gia: phải có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để lập chương trình đào tạo chính quy.

7. Đồng chí Trần Đức Đĩnh (Viện Khoa học Hình sự):

 

Nhược điểm còn tồn tại của tổ chức y pháp của ta quá ít cơ sở và trang bị còn rất thiếu. Tuy nhiên xét từ khía cạnh tổ chức một bộ máy tốt phải là bộ máy gọn nhẹ, đầy đủ các bộ phận và hoạt động có hiệu quả; do vậy để hoàn thiện tổ chức giám định y pháp, việc củng cố các cơ sở hiện có là một hướng giải quyết tốt nhất trong tương lai gần đây.

Sự khác biệt giữa giám định y pháp và các ngành y học khác là ở mục tiêu, mục đích và đối tượng nghiên cứu. Giám định y pháp xét từ khía cạnh chuyên môn gồm những bộ phận sau:

- Giám định tử thi.

- Xem xét dấu vết và tổn thương trên cơ thể người sống.

- Giám định xét nghiệm các dấu vết.

- Giám định dựa trên hồ sơ, tài liệu.

- Giám định huyết thống.

Các hoạt động giám định trên dựa trên các cơ sở chính là sản khoa, di truyền học, sinh dục học, huyết thanh học.

Hiện nay căn cứ vào tập quán quốc tế có chọn lọc, căn cứ vào đòi hỏi của thực tiễn nước ta và vào điều kiện cán bộ cũng như cơ sở vật chất mà có thể xây dựng một mô hình tổ chức hoạt động giám định y pháp trong tương lai gần như sau:

- Củng cố và hoàn thiện các cơ sở giám định pháp y hiện có ở cả 3 ngành (cấp Trung ương và cấp tỉnh); các cơ sở của Trung ương phải là cơ sở chính được đầu tư đầy đủ dụng cụ, thiết bị cần thiết. Mỗi cơ sở ở Trung ương phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các cơ sở trong ngành dọc của mình và phải có sự phối hợp hoạt động. Cơ cấu của cơ sở giám định trung ương phải bao gồm:

ã Bộ phận khám nghiệm giải phẫu tử thi.

ã Bộ phận xem xét dấu vết và tổn thương trên cơ thể người sống.

ã Các labour về mô học, xét nghiệm sinh vật các dấu vết, vật phẩm có nguồn gốc từ cơ thể người, labour về nhân dạng, về độc chất.

- ở địa phương việc xây dựng các cơ sở giám định y pháp là vấn đề chiến lược, mỗi cơ sỏ cần có khoảng 10 giám định viên. Tổ chức lại cho có quy củ việc khám nghiệm tử thi và người sống, các xét nghiệm khác chỉ cần thực hiện ở mức độ tương đối đơn giản. Riêng các huyện ở xa nên có một vài giám định viên đẻ xử lý các trường hợp cấp bách.

- Các giám định viên y pháp cần được đào tạo chuyên nghiệp.

- Các tổ chức giám định y pháp không nhất thiết phải đặt dưới sự quản lý của Bộ Y tế.

8. Đồng chí Nguyễn Huy Đãi (Viện Kiểm nghiệm – Bộ Y tê):

 

Hiện nay như cầu kiểm nghiệm, giám định độc chât ngày càng nhiều mà Viện kiểm nghiệm độc chất chỉ có 8 chuyên viên nên không thể giải quyết hết được công việc. Mặt khác Viện chưa được quan tâm thích đáng nên trang bị ngày càng lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được một thực tế là các chất độc được sử dụng ở nước ta ngày càng đa dạng về số lượng và chất lượng.

Chế độ bồi dưỡng không thích đáng với công việc khó khăn, nguy hiểm hàng ngày phải tiếp xúc với độc chất.

Trong nhiều trường hợp, yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đặt ra đối với vụ việc cần giám định còn chưa cụ thể nên khó giải đáp chính xác.

Kiến nghị:

- Lập viện giám định y pháp trung ương với đầy đủ các bộ môn giám định.

- Tổ chức các cơ sở giám định ở địa phương theo lãnh thổ và mật độ dân số của từng vung.

- Vấn đề đào tạo cán bộ phải thường xuyên đặt ra để đáp ứng, bắt kịp với nhịp độ phát triển khoa học kỹ thuật nói chung và khoa học giám định y pháp thế giới nói riêng.

9. Đồng chí Trần Văn Cường (Bệnh Viện Tâm thần trung ương):

 

Trước đây quá trình thực hiện giám định pháp y tâm thần không có văn bản nào điều chỉnh nên chỉ là một hoạt động hoàn toàn có tính tự nguyện. Từ khi có Nghị định 117/HĐBT, Bệnh viện Tâm thần đã có cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động giám định.

Những tồn tại hiện nay: việc chữa bệnh bắt buộc không có cơ sở và trang thiết bị cần thiết, chưa phân biệt rõ hai loại cán bộ (chăm sóc – điều trị và công an quản lý – theo dõi). Nhiều cơ quan không có thẩm quyền can thiệp vào công việc chuyên môn của các tổ chức giám định pháp y tâm thần.

10. Đồng chí Phạm Quang Mỹ (Bộ Nội vụ):

 

Những quan điểm cơ bản về giám định pháp y: giám định viên không có thẩm quyền và không có kiến thức chuyên môn thì kết luận của họ không thể có giá trị pháp lý. Phẩm chất khách quan, vô tư, chỉ tuân thủ pháp luật, dũng cảm bảo vệ chân lý, không phụ thuộc vào các cá nhân hay cơ quan nào trong kết luận của mình cũng chính là những phẩm chất cần cơ của một giám định viên.

Một số vướng mắc hiện nay khi thực hiện giám định: xác định thương tích và tỷ lệ thương tật không có căn cứ vào một tiêu chuẩn nào thực sự chính xác và phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của tội phạm; không phân biệt "giám định nóng" và giám định sau khi điều gây nhiều oan sai cho việc xác định tích chất hành vi phạm tội. Giám định tâm thần cũng rất phức tạp và thường không phân biệt rõ các trường hợp mắc bệnh tâm thần trước hay sau khi xảy ra vụ án.

Kiến nghị: cơ quan giám định pháp y nên tổ chức ở 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện. ở trung ương, ngoài 3 cơ quan giám định pháp y của 3 ngành như hiện nay, nên tổ chức thêm Trung tâm giám định tư pháp trung ương trực thuộc Bộ Tư pháp với chức năng quản lý, chỉ đạo thống nhất các hoạt động giám định pháp y và giải quyết những vụ giám định phức tạp hay tái giám định.

11. Đồng chí Đào Thế Tân (Bệnh viện Việt – Đức):

 

Nguyên nhân của tình trạng hiện nay trong hoạt động giám định pháp y là mặt bằng văn hoá pháp lý của ta nói chung còn quá thấp va khái niệm giám định pháp y còn hạn hẹp.

Các kiến nghị:

- Xây dựng và ban hành quy chế giám định viên pháp y (chế độ va phương thức cử, thời gian kéo dài nhiệm kỳ, chức danh, ưu tiên, chế độ làm việc...)

- Xây dựng quy chế giám định pháp y và bảng tỷ lệ thương tật phù hợp với chuyên ngành pháp y.

12. ý kiến đồng chí Nguyễn Như Bằng (Tổ chức giám định pháp y trung ương) (Đồng chí Đào Thế Tân thay mặt)

Đặc thù của ngành giám định pháp y: cơ sở, cán bộ đều của ngành y tế nhưng kết quả hoạt động lại phục vụ cho ngành tư pháp. Do vậy giám định pháp y chưa được cả 2 ngành quan tâm đầy đủ để phát triển vững mạnh. Đặc thù này còn gây nhiều sức ép không cần thiết đối với hoạt động giám định từ một số cơ quan khác có liên quan.

Thuận lợi của chúng cũng không phải không có: một số chuyên gia giỏi đang làm việc ở nước ngoài sẵn sàng về nước công tác, giảng dạy phục vụ đất nước.

Khoa giải phẫu bệnh là một chuyên khoa có y nghĩa rất lơn trong hoạt động giám định pháp y.

Nội dung chính của hoạt động giám định hiện nay: giám định thương tích (giám định "nóng", có y nghĩa quan trọng, giúp ích nhiều cho cơ quan điều tra nhưng chưa được pháp luật quy định cụ thể), giám định bệnh tật, giám định tội phạm tình dục, giám định ngoài tố tụng (sức khoẻ...), giám định tại phiên toà.

Về Bảng xác định thương tật đang được áp dụng hiện nay: căn cứ chuẩn là người làm nông nghiệp chưa hoàn toàn chính xác; thương tật hình sự cần được đánh giá khác so với thương tật lao động vì liên quan đến pháp luật và xã hội; khoảng cách xác định thương tật còn quá lớn, gây khó khăn cho các giám định viên; diễn biến thương tật (thương tật tạm thời và thương tật vĩnh viễn) còn chưa được tính đến; các trường hợp thương tích gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng không để lại di chứng không được quy định; các trường hợp di chứng tâm thần chưa quy định rõ do ai giám định và giám định như thế nào.

13. Đồng chí Trần Đông kết luận:

 

Các ngành đều nhất trí tán thành sự cần thiết phải thành lập Viện y pháp trung ương và ban hành các văn bản cụ thể hóa các hoạt động giám định tư pháp nói chung và pháp y nói riêng.

Hiện nay Bộ Tư pháp đang tiến hành nhưng bước đi đầu tiên của quá trình hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp.

Công việc quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: trước hết cần phổ cập kiến thức pháp y cho mọi giám định viên kiêm nhiệm (hình thức này vẫn có thể tồn tại song song với giám định viên chuyên nghiệp tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế) dưới hình thức tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn ở một số địa phương. Về lâu dài, phải đưa kế hoạch đào tạo các chuyên gia giám định pháp y vào chương trình của các trường đại học y khoa và pháp lý. Có thể tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các giám định viên.

Trước mắt cần giữ nguyên mô hình tổ chức các cơ sở giám định pháp y như hiện nay và tăng cường, hoàn thiện hoạt động phối hợp tiến tới thành lập một Viện pháp y quốc gia trong thời gian tới.

 

Phần D

Thông tin – tư liệu

 

Một số văn bản về tổ chức hoạt động giám định pháp y ở Việt Nam

Cao Xuân Phong

Lê Hồng Sơn

Bộ Tư pháp

Vấn đề giám định pháp y phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử đã được Nhà nước ta quan tâm ngay từ khi mới giành được chính quyền. Ngày 30/11/1945, Nhà nước đã ban hành sắc lệnh 68/SL và sau đó, ngày 25/6/1946 là sắc lệnh số 162/SL về vấn đề trưng dụng các bác sĩ thực hiện các công việc giám định pháp y và trách nhiệm cảu họ trong trường hợp từ chối hoặc không tuân thủ những nguyên tắc giám định. Trong những năm tiếp theo, do hoàn cảnh kháng chiến, Nhà nước ta không ban hành thêm văn bản nào về công tác giám định pháp y nhưng những điều khoản của các văn bản trên vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Tuy nhiên các Sắc lệnh này mới chỉ đề cập tới một phần rất nhỏ của công tác giám định pháp y là nhu cầu trưng cầu chuyên gia và trách nhiệm của họ, còn nhiều khía cạnh khác của vấn đề giám định pháp y chưa được đề cập tới như các quan niệm chung về công tác giám định pháp y, cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu, những bác sĩ nào có thể được trưng cầu, thủ tục trưng cầu...

Văn bản có tính chất hệ thống hóa đầy đủ, cụ thể và chi tiết đầu tiên về tổ chức và hoạt động giám định pháp y ở nước ta là Thông tư Liên bộ Tư pháp – Y tế số 2795/HCTP ban hành ngày 12/12/1956 "Quy định một số điểm cụ thể trong công tác giám định pháp y". Văn bản này gồm 6 phần cụ thể như sau:

1. Các trường hợp cần giám định pháp y

2. Cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y

3. Việc lựa chọn giám định viên

4. Quan niệm về công tác giám định pháp y

5. Thủ tục tiến hành công tác giám định pháp y

6. Cấp kinh phí cho giám định viên

Theo các quy định của văn bản này, quan niệm về công tác giám định pháp y cần được hiểu là quan niệm hai chiều: quan niệm của các giám định viên và quan niệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Về phía các giám định viên, quan niệm đúng về công tác giám định pháp y phải là đem sự hiểu biết chuyên môn của mình đóng góp vào việc điều tra khám pháp các vụ phạm pháp để bảo vệ trật tự an ninh, trấn áp bọn phá hoại; các giám định viên pháp y do đó cần nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của mình để có thái độ tích cự chủ động trong phạm vi trách nhiệm của mình, không có thái độ bàng quan, trái lại cần cộng tác chặt chẽ với cơ quan điều tra tiến hành cuộc khám nghiệm cho có kết quả tốt. Về phía các cơ quan tiến hành điều tra cũng cần có quan niệm đúng đắn về hoạt động giám định pháp y để không có thái độ đòi hỏi quá khả năng hay ỷ lại vào giám định viên. Cần nhận thức rằng trên sự hiểu biết khkoa học, giám định viên cung cấp cho cơ quan điều tra biết những hiện tượng khách quan đẻ làm manh mối cho cuộc điều tra. Do đó cơ quan điều tra cần phố hợp chặt chữ với các giám định viên để giúp cho giám định viên biết sự việc đã xảy ra, đời sống lý lịch của người được khám nghiệm; như vậy cuộc khám nghiệm mới tiến hành đúng hướng và phúc đáp được yêu cầu của cuộc điều tra. ở đây, dĩ nhiên cơ quan điều tra không phải tường thuật hết kết quả của cuộc điều tra và những điểm bí mật nếu tiết lộ sẽ gây trở ngại cho việc khám phá ra việc phạm pháp mà chính giám định viên có biết cũng không có lợi ích gì cho cuộc khám nghiệm.

Về thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y, văn bản này quy định những người sau đây:

- Công tố uỷ viên, phó công tố uỷ viên, chánh án và phó chánh án Toà án nhân dân tỉnh, khu hay sơ thẩm, phúc thẩm thành phố.

- Trưởng ty, phó ty công an tỉnh, chánh phó giám đốc, trưởng phó phòng bảo vệ chính trị, trưởng phó phòng trị an hành chính sở công an.

- Trưởng hó phòng quân pháp, trưởng cục phó cục quân pháp.

Thủ tục tiến hành công tác giám định pháp y được quy định trong văn bản này theo đúng trình tự công việc diễn ra trong thực tế và tương đối đầy đủ, rõ ràng. Trước hết, mỗi khi cần trưng cầu giám định pháp y, cơ quan có thẩm quyền trưng cầu phải gửi một "thư trưng cầu giám định pháp y" cho cán bộ y tế phụ trách Hội đồng giám định pháp y để tuỳ tính chất sự việc và tuỳ sự phân công trong hội đồng mà can bộ phụ trách cử giám định viên. Tuy nhiên, ở những nơi nào có điều kiện để phân công trước giữa các bác sĩ giám định viên thì hội đồng giám định pháp y cho cơ quan có thẩm quyền biết để khi cần thì trưng cầu đích danh bác sĩ nào đi khám nghiệm cho được nhanh chóng. Thư trưng cầu giám định phải được nêu rõ những thông báo cụ thể như:

- Tên họ, tuổi, chỗ ở người được khám nghiệm.

- Sơ lược việc đã xảy ra.

- Những điểm nghi vấn cụ thể để yêu cầu giám định.

- Nếu phải lưu động đến chỗ khám nghiệm thì nói rõ địa điểm. Cán bộ điều tra sẽ đi cùng giám định viên và chứng kiến cuộc khám nghiệm.

Trong văn bản có quy định rõ ràng rằng giám định viên có quyền dùng tất cả phương tiện khám nghiệm (như mổ tử thi, lấy một bộ phận đem về khám nghiệm phân chất...) để đạt được yêu cầu của cuộc khám nghiệm. Ngoài ra, nếu cần gửi một bộ phận của tử thi về Viện vi trùng học để phân chất tìm chất độc thì giám định viên phải phụ trách việc gửi và theo dõi nhắc nhở để kịp thời có kết luận cho cơ quan điều tra. Khi niêm phong mẫu vật phải có giám định viên và cán bộ điều tra cùng chứng kiến. Trong những trường hợp cần người mang đồ vật cần xét nghiệm về Viện vi trùng học thì cơ quan y tế địa phương đề nghị với Uỷ ban đia phương giúp đỡ.

Sau khi đã khám nghiệm xong về chuyên môn, giám định viên pháp y phải làm báo cáo viết với nội dung gọn gàng súc tích và đầy đủ để những người không phải trong giới y học cũng có thể hiểu được và giải đáp đúng đối các điểm còn nghi vấn mà cơ quan điều tra đặt ra. Trong trường hợp giám định viên phát hiện trêm những điểm khác ngoài các điểm nghi vấn mà cơ quan điều tra đã nêu, những phát hiện đó cũng có thể được ghi vào báo cáo giám định. Để đảm bảo cho quá trình điều tra được tiến hành thuận lợi, giám định viên phải giữ bí mật về kết quả của cuộc giám định và những điều khác mà cơ quan điều tra đã cho mình biết. Khi vụ án được đưa ra xét xử, Toà án có thể mời giám định viên đến trình bày việc khám nghiệm tại phiên toà.

Các trường hợp cần được trưng cầu giám định pháp y được quy định trong văn bản này là những trường hợp khi nào cần đến nhà chuyên môn pháp y để giúp đỡ cong an và toà án trong việc nhận xét các trường hợp tình nghi có sự phạm pháp hoặc nhận xét trách nhiệm của can phạm để định tội, lượng hình cho đúng. Ví dự như những trường hợp:

- Có người chết mà nguyên nhân không rõ ràng, tình nghi có án mạng

- Phụ nữ tình nghi bị hiếp dâm hoặc phá thai

- Người phạm pháp tình nghi có bệnh điên

- Người bị tai nạn lao động thành tật

- Người bị đánh thành thương tích.

Phần 3 của văn bản thực chất là một bản quy chế về giám định viên và các tổ chức giám định. Theo quy định của phần này, các tổ chức giám định chỉ được thành lập ở cấp tỉnh và cấp tương đương tỉnh. Cấp thấp hơn tỉnh là huyện không thành lập các tổ chức cũng như cử các giám định viên pháp y. Cấp cao hơn tỉnh là khu (Việt Bắc, Tây Bắc...) cũng không có các tổ chức giám định pháp y mà khi cần giám định thì sẽ trưng cầu giám định viên có trong danh sách của tỉnh nơi xảy ra vụ phạm pháp hoặc của một tỉnh nào khác trong khu.

Số lượng cán bộ của mỗi tổ chức giám định pháp y được văn bản này quy định cụ thể ở Hà Nội, Hải Phòng từ 3 đến 5 người; ở các tỉnh và thành phố Nam Định là 2 đến 3 người. Để đảm bảo về mặt chuyên môn, cán bộ y tế phụ trách giám định pháp y (giám định viên pháp y) phải là bác sĩ y khoa và trong điều kiện cụ thể lúc bấy giờ có thể chọn một số trường hợp y sĩ nhưng phải được huấn luyện các kiến thức về pháp y. Số cán bộ y tế có trách nhiệm về giám định pháp y được lập thành danh sách hàng năm. Danh sách giám định viên pháp y của tỉnh di toà án nhân dân tỉnh sau khi lấy ý kiến của ty y tế đề cử lên toà án nhân dân khu duyệt y. Đối với các thành phố và các địa phương do trung ương lãnh đạo trực tiếp thì danh sách giám định viên do Toà án nhân dân các thành phố và địa phương ấy sau khi lấy ý kiến của cơ quan y tế sở quản đề cử lên Bộ Tư pháp duyệt y.

Cán bộ y tế được chọn làm giám định viên pháp y ở trongmỗi một địa phương họp thành Hội đồng giám định pháp y có phân công phụ trách cụ thể để mỗi khi được trưng cầu thì có cán bộ chấp hàng ngay. Mặt khác trong Hội đồng giám định pháp y cũng áp dụng cả chết độ làm việc tập thể để giúp cho giám định viên nhận định được chính xác hơn trong những trường hợp khó khăn phức tạp.

Tuỳ theo yêu cầu cua công việc và điều nghi vấn cần xác minh mà các cơ quan điều tra có quyền trưng cầu trong trường hợp khẩn cấp các bác sĩ và y sĩ ngoài các bác sĩ và y sĩ đã được cử vào danh sách giám định viên pháp y. Các bác sĩ và y sĩ được trưng cầu làm giám định viên có nghĩa vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình; trường hợp không chấp hành nhiệm vụ sẽ bị xử trí nghiêm khắc (có thể bị truy tố trước toà án và bị phạt tiền từ 100đ đến 2000, hoặc từ 6 ngày đến 3 tháng, tái phạm sẽ bị phạt tiền từ 3000đ đến 20000đ hoặc tù từ 2 tháng đến 2 năm)

Trong khi thực hiện nhiệm vụ giám định, các giám định viên được hưởng tiền cấp phí theo các quy định của một Nghị định Liên bộ Y tế – Tư pháp – Tài chính khác.

Qua thông tư 2795/HCTP ngày 12/12/1956 này, ta có thể rút ra được một số kết luận sơ bộ về tổ chức và hoạt động của công tá giám định pháp y trong thời gian đó như sau:

Hoạt động giám định pháp y được coi là công tác "hành chính tư pháp" và do Bộ Tư pháp quản lý.

Đây là một văn bản khá đầy đủ và chi tiết về mặt nội dung, có đề cập đến hầu hết các vấn đề cần điều chỉnh của tổ chức và hoạt động giám định pháp y thời gian đó.

Quan niệm về công tác giám định pháp y khá rõ ràng; nhưng phân fnào chưa nêu bật được tầm quan trọng của kết luận giám định pháp y như một "chứng cư vật chất" phục vụ cho việc xét xử vụ án tại phiên toà.

Tổ chức giám định pháp y đơn giản (chỉ có ở cấp tỉnh trở lên) với một số lượng giám định viên không nhiều (tối đa là 5 người). Mô hình tổ chức này phần nào có liên quan đến thực tế tổ chức của các toà án lúc bấy giờ là tập trung chức năng xét xử sơ thẩm hình sự chủ yếu vào các toà án nhân dân cấp tỉnh (đệ nhị cấp).

Các giám định viên pháp y đều là các cán bộ y tế hoạt động kiêm nhiệm, tuy nhiên hình thức tuyển thì lại là đề cử.

Một bước tiến mới trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác pháp y là Thông tư Liên bộ Y tế – Tư pháp số 166/TT-LB ngày 11/03/1988 hướng dẫn và quy định về công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần. Trước thời điểm thông tư này được ban hành đx có nhiều văn bản hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về hoạt động giám định pháp y, tuy nhiên nhiều điểm về tổ chức giám định pháp y chưa được quy định cụ thể hoặ không còn phù hợp nữa, nên trong thực thế đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều vụ việc giám định không được giải quyết kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Để khắc phục tình trạng đó và nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động giám địnhpháp y, thông tư này đã hướng dẫn cụ thể những vấn đề về tổ chức và hoạt động của công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần.

Thông tư này gồm có 4 phần:

1. Nguyên tắc chung: trong phần này đã đưa ra khái niệm về hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần, những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của lĩnh vực giám định này.

2. Tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần. Phần này quy định cụ thể về việc thành lập, cơ cấu của các tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương.

3. Tiêu chuẩn, quyền hạn, nhiệm vụ của giám định viên.

4. Quản lý công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần.

Theo quy định của Thông tư này, giám định pháp y và pháp y tâm thần là sử dụng kiến thức y học vào mục đích tư pháp theo quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối tượng của pháp y là giám định trên người sống, giám định trên tử thi, giám định tang vật, giám định tài liệu... thuộc lĩnh vực pháp y.

Thông tư đa xquy định về thẩm quyền thực hiện giám định pháp y và pháp y tâm thần. Việc giám định do giám định viên, nhóm giám định viên thực hiện, trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng giám định pháp y hoặc pháp y tâm thần tiến hành giám định, nhưng từng giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định. Các giám định viên, các hội đồng giám định phải do các cơ quan có thẩm quyền cử ra hoặc thành lập.

Khi có yêu cầu về giám định pháp y hoặc pháp y tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu Hội đồng giám định phải do Thủ trưởng cơ quan trưng cầu cùng cấp ký. ở cấp trung ương, các quyết định trưng cầu giám định pháp y gửi về viện giám định y khoa trung ương; các quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần gửi về bệnh viện tâm thần trung ương. ở cấp tỉnh, quyết định trưng cầu giám định gửi về sở y tế.

Để bảo đảm sự khách quan, chính xác của hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng không can thiệp vào công việc chuyên môn của giám định viên.

Theo Thông tư này, hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần được tổ chức theo mô hình hội đồng giám định. Hội đồng giám định pháp y và pháp y tâm thần được thành lập ở hai tuyến: trung ương và tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương.

ở tuyến trung ương: có Hội đồng giám định pháp y trung ương, viện giám định y khoa trung ương là cơ quan thường trực của Hội đồng. Viện trưởng Viện giám định y khoa cử cán bộ pháp y thuộc viện mình làm uỷ viên thường trực của Hội đồng. Bộ Y tế uỷ nhiệm Viện giám định y khoa trung ương là cơ quan đầu mối để giúp Bộ chỉ đạo các công việc liên quan đến pháp y. Chủ tịch (giám định viên trưởng) Phó chủ tịch hội đồng giám định pháp y trung ương, giám định viên cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm sau khi trao đổi nhất trí với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Hội đồng giám định pháp y tâm thần trung ương được thành lập ở bệnh viện tâm thần trung ương và bệnh viện tâm thần Biên Hoà. Bệnh viện tâm thần trung ương và bệnh viện tâm thần Biên Hoà là các cơ quan thường trực của Hội đồng. Uỷ viên thường trực của Hội đồng do giám đốc bệnh viện tâm thần trung ương đề nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn. Giám đốc bệnh viện tâm thần trung ương thực hiện sự uỷ nhiệm của Bộ Y tế trong việc chỉ đạo các công việc có liên quan đến pháp y tâm thần. Việc bổ nhiệm Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng giám định pháp y tâm thần trung ương và giám định viên pháp y tâm thần cấp trung ương thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi trao đổi nhất trí với Bộ trưởng Tư pháp.

Giám định viên cấp trung ương, Hội đồng giám định pháp y trung ương và Hội đồng giám định pháp y tâm thần trung ương có nhiệm vụ thực hiện giám định những vụ việc phức tạp vượt quá khả năng của tuyến dưới; giám định lại những vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.

ở tuyến tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương: Sở y tế thành lập Hội đồng giám định pháp y tỉnh nơi nào có bệnh viện tâm thần thì thành lập Hội đồng giám định pháp y tâm thần tỉnh.

Phòng giám định y khoa các Sở y tế là cơ quan thường trực của Hội đồng giám định pháp y tỉnh. Nơi nào thành lập hội đồng giám định pháp y tâm thần tỉnh thì bệnh viện tâm thần tỉnh là cơ quan thường trực của Hội đồng.

Chủ tịch (giám định viên trưởng), Phó chủ tịch Hội đồng, giám định viên cấp tỉnh do giám đốc Sở y tế cùng giám đốc Sở tư pháp thoả thuận và đề nghị chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định bổ nhiệm.

Hội đồng giám định pháp y, Hội đồng giám định pháp y tâm thần, giám định viên cấp tỉnh có nhiệm vụ thực hiện giám định những vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện trưng cầu.

ở tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không thành lập Hội đồng giám định pháp y và Hội đồng giám định pháp y tâm thần.

Phần 3 của Thông tư quy định về tiêu chuẩn của giám định viên pháp y và pháp y tâm thần; về quyền hạn và nghĩa vụ của giám định viên trong khi thực hiện giám định pháp và đưa ra kết luận giám định.

Giám định viên có các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất chính trị tốt.

- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

- Có thâm niên công tác ít nhất là 5 năm trong chuyên khoa của mình.

- Phải được bổ túc nghiệp vụ về chuyên khoa y pháp hoặc y pháp tâm thần.

Giám định viên có nghĩa vụ tiến hành giám định theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng (giám định viên trưởng) hay uỷ viên thường trực (nếu được uỷ nhiệm). Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu trực tiếp thì giám định viên có thể thực hiện giám định, nhưng sau đó phải báo cáo lại cho hội đồng biết. Giám định viên có nghĩa vụ thực hiện nội dung yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, kết luận giám định bằng văn bản và chịu trách nhiệmcá nhân trước pháp luật về kết luận đó. Giám định viên không được để lộ tài liệu và kết quả giám định khi cơ quan tiến hành tố tụng chưa công bố công khai về vụ việc đó. Giám định viên có nghĩa vụ thực hiện giám định bổ sung hoặc giám định lại khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Trong khi thực hiện giám định và nêu ra kết luận giám định, giám định viên có các quyền hạn sau:

- Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung tài liệu hoặc cán bộ chuyên môn để giám định khi cần thiết.

- Viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung, nếu không thống nhất với kết luận chung khi thực hiện giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình.

Ngoài ra, để bảo đảm sự vô tư, khách quan của kết luận giám định, thông tư cũng quy định trường hợp giám định không được tiến hành giám định khi bản thân là bị can, bị cáo và các đương sự khác.

Về quản lý công tác giám định pháp y và pháp y tâm thần, thông tư quy định Bộ Tư pháp và Bộ Y tế phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và pháp y cho các giám định viên; quản lý tổ chức, kiểm tra hoạt động, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và tiến hành các cuộc hội thảo khoa học để nâng cao chất lượng công tác của giám định viện.

Tóm lại, Thông tư số 166/TT-LB của Liên bộ Y tế – Tư pháp ngày 11/3/1988 đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thực tiễn về tổ chức và hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần trong thời gian đó. Thông tư đã có những điểm tích cực như:

Đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể về tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần, cũng như quyền hạn, nghĩa vụ và tiêu chuẩn giám định viên.

Lần đầu tiên trong suốt quá trình từ sau cách mạng tháng 8 thành công đến nay, một mô hình tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần được xây dựng cụ thể để bảo đảm hoạt động giám định được thống nhất tập trung. Do đó, đã phần nào khắc phụ được tình trạng phân tán, chắp vá của hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần.

Thông tư đã quy định trách nhiệm quản lý tổ chức và hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần.

Đã đề cập đến chế độ bồi dưỡng vật chất cho giám định viên trong khi làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thông tư này vẫn còn nhiều điểm hạn chế và chưa thể đáp ứng được đầy đủ những vấn đề về nâng cao hiệu quả của hoạt động giám định. Cụ thể là:

Phạm vi của văn bản còn hạn hẹp mới chỉ quy định về lĩnh vực giám định pháp y và pháp y tâm thần; mà cũng chỉ dừng lại ở mức độ quy định một số điểm về tổ chức và giám định viên.

Mô hình tổ chức giám định pháp y và pháp y tâm thần theo hình thức Hội đồng vẫn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, do đó không phát huy được hiệu quả hoạt động. Hội đồng giám định pháp y thuộc Hội đồng giám định y khoa là không hợp lý, bởi vì hai chức năng, nhiệm vụ hoạt động của hai Hội đồng hoàn toàn khác nhau. Pháp y là một chuyên khoa có cơ sở lý luận, phương pháp, mục đích riêng biệt, không giống với lĩnh vực y tế. Mặt khác, Hội đồng giám định chỉ quản lý giám định viên về mặt hành chính chứ không phải là hình thức tham gia tố tụng của giám định viên.

Thông tư chưa quy định rõ ràng về nghĩa vụ và quyền hạn của giám địh trong quá trình thực hiện giám định và kết luận giám định. Quyền của giám đinh viên còn hạn hẹp và không cụ thể, không quy địh quyền hạn và nghĩa vụ của chủ tịch Hội đồng với tư cách là giám định viên trưởng.

Thông tư chưa quy định về tổ chức và hoạt động giám định ở tuyến huyện.

Những quy định về trách nhiệm quản lý tổ chức và hoạt động giám định chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Thông tư mới quy định trách nhiệm quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ Y tế; trách nhiệm quản lý Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và các Sở Tư pháp, Sở Y tế chưa được quy định.

Đáp ứng yêu cầu toàn diện của nhiệm vụ đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, ngày 28/6/1988, Quốc hội nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự và ngày 29/11/1988, Hội đồng Nhà nước đã ban hành pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, trong đó đã quy định những vấn đề cụ thể về hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hính sự, người giám định là người có kiên sthức cần thiết về lĩnh vực cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Người giám định là một trong những người tham gia tố tụng theo luật định. Bộ luật tô tụng hình sự cũng quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của giám định viên trong quá trình thực hiện giám định và tham gia tố tụng. Để đảm bảo sự khách quan của kết luận, giám định viên với tư cách là người tham gia tố tụng phải vô tư trong khi làm nhiệm vụ, do vậy, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định những trường hợp người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

- Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động.

- Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án (Điều 44 BLTTHS)

Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, trong quá trình giải quyết các vụ án, để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án có quyền trưng cầu giám định (Điều 49 BLTTHS) Theo Bộ luật tố tụng hính sự thì kết luận giám định là một chứng cứ độc lập của vụ án (Điều 48). Việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định thuộc thẩm quyền của cơ quan trưng cầu giám định. Trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng hoặc không có cơ sở khoa học và pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại (Điều 134) Điều 55 quy định về trách nhiệm cá nhân của giám định viên về kết luận giám định và cơ quan tiến hành tố tụng phải nêu rõ lý do trong trường hợp không đồng ý với kết luận giám định. Trưng cầu giám định là một hoạt động tố tụng do đó chỉ có thể được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án. (trừ trường hợp khám nghiệm hiện trường được quy định tại Điều 125 BLTTHS) Khi có yêu cầu về giám định, thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định đã được quy định tại Điều 44 Bộ luật này (Điều 130). Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định. Điều tra viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo trước cho người giám định biết (Điều 131). Sau khi thực hiện giám định, giám định viên viết kết luận giám định. Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn của người giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể (Điều 132) Điều 133 quy định quyền của bị can đối với kết luận giám định.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, góp phần làm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, chính xác, kịp thời và đúng pháp luật, ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 117/HĐBT về giám định tư pháp. Đây là văn bản pháp luật lần đầu tiên quy định tương đối toàn diện và đầy đủ về tổ chức và hoạt động của tất cả các lĩnh vực giám định tư pháp. Nghị định có 14 điều, quy định về những vấn đè cụ thể sau: khái niệm giám định tư pháp, hình thức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, việc bổ nhiệm các giám định viên, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các giám định viên và giám định viên trưởng, quản lý hoạt động giám định.

Theo quy định của Nghị định 117/HĐBT, giám định tư pháp là sử dụng những kiến thức, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận về vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử (Điều 1). Cơ quan cơ thâmr quyền trưng cầu giám định là: cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và toà án nhân dân. Giám định tư pháp có các hình thức: giám định cá nhân và giám định tập thể (Điều 2).

Hoạt động giám định tư pháp bao gồm các lĩnh vực:

- Giám định pháp y.

- Giám định pháp y tâm thần.

- Giám định kỹ thuật hình sự.

- Giám định kế toán tài chính.

- Giám định các tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật.

- Giám định trong từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Nghị định 117/HĐBT quy định những cơ quan sau đây được bổ nhiệm các giám định viên để phục vụ thường xuyên cho công tác điều tra, truy tố, xét xử:

- Bộ Nội vụ có giám định viên kỹ thuật hình sự và giám định viên pháp y.

- Bộ Y tế có giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần.

- Bộ Quốc phòng có giám định viên pháp y thuộc Bộ Quốc phòng.

- Bộ Tài chính có giám định viên kế toán tài chính.

- Bộ văn hoá có giám định viên tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật.

- Uỷ ban khoa và kỹ thuật Nhà nước có giám định viên trong từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Các cơ quan có từ 3 giám định viên trở lên thì bổ nhiệm giám định viên trưởng.

ở các ngành khác không có tổ chức giám định tư pháp, khi có quyết định trưng cầu giám định tư pháp về những vụ việc có liên quan tới chuyên môn của ngành đó, thì thủ trưởng ngành đó cử người làm giám định. Người được cử làm giám định có nhiệm vụ, quyền hạn của giám định viên (Điều 3).

Việc bổ nhiệm giám định viên cấp trung ương do thủ trưởng các Bộ, ngành chuyên môn ở cấp trung ương quyết định sau khi có ý kiến nhất trí của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ra quyết định bổ nhiệm giám định viên và giám định viên trưởng cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, thuộc từng ngành ở địa phương mình theo đề nghị của thủ trưởng ngành chuyên môn đó và giám đốc sở tư pháp (Điều 4).

Giám định viên tư pháp phải có những tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất chính trị tốt.

- Có trình độ nghiệp vụ chuyên môn từ đại học trở lên.

- Có thâm niên công tác về nghiệp vụ chuyên môn đó ít nhất là 5 năm.

Nghị định quy định cụ thể và đầy đủ những nhiệm vụ và quyền hạn của giám định viên và giám định viên trưởng trong khi tham gia tố tụng. Giám định viên có nhiệm vụ thực hiện các nội dung giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, kết luận giám định bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận đó. Giám định viên phải giải thích bản kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; cũng như có nhiệm vụ thực hiện giám định bổ sung hoặc giám định lại khi được trưng cầu. Giám định viên không được để lộ tài liệu và kết quả giám định; ngoài ra, trong quá trình tham gia tố tụng còn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật tố (Điều 6).

Để bảo đảm tính khoa học của hoạt động giám định, giám định viên có quyền từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình hoặc có lý do chính đáng khác. Giám định viên có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung tài liệu hoặc cán bộ chuyên môn để giám định khi cần thiết. Sau khi thực hiện giám định, giám định viên viết bản kết luận giám định. Trong trường hợp giám định tập thể, giám định viên có quyền viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung đó. Trong quá trình thực hiện giám định, giám định viên có quyền hạn độc lập trong chuyên môn; cơ quan tiến hành tố tụng không được can thiệp vào công việc chuyên môn của giám định viên.

Giám định viên trưởng quản lý danh sách giám định viên trong cơ quan Bộ, ngành chuyên môn của mình ở trung ương, trong sở, ngành chuyên môn của mình ở địa phương và là đầu mối liên hệ công tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ qua tư pháp. Khi có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, giám định viên trưởng có trách nhiệm cử đúng và kịp thời giám định viên thực hiện giám định.

Điều 8 của Nghị định quy định những trường hợp giám định viên không được làm giám định để đảm bảo tính vô tư, khách quan và chính xác của kết luận giám định.

Nghị định cũng quy định về vấn đề phụ cấp bồi dưỡng vật chất cho giám định viên trong khi làm nhiệm vụ; cũng như kinh phí cho công tác giám định tư pháp (Điều 9).

Điều 12 của Nghị định quy định Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên.

Nhìn chung, Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp đã phần nào khắc phục được tình trạng phân tán, trì trệ về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp ở nước ta từ trước tới nay. Nghị định đã quy định toàn diện về các lĩnh vực của hoạt động giám định tư pháp.

Nghị định đã nâng cao được trách nhiệm cá nhân của giám định viên đối với kết luận giám định.

Tổ chức giám định theo nghị định gọn nhẹ, dễ thành lập và phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta trong thời điểm đó.

Nghị định đã quy định tương đối đầy đủ và cụ thể về quyền hạn và nhiệm vụ của giám định viên và giám định viên trưởng.

Tuy nhiên, hơn 3 năm thực hiện Nghị định 117/HĐBT đã nảy sinh nhiều vấn đề mà nghị định còn chưa quy định, hoặc những quy định không còn phù hợp, còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Cụ thể là:

Mô hình tổ chức giám định tư pháp theo Nghị định mới chỉ ở bước "quá độ", do đó, chưa được rõ ràng, chặt chẽ. Tổ chức giám định tư pháp chỉ mang tính chất kiêm nhiệm, chứ không phải là cơ quan giám định chuyên trách.

Vấn đề quản lý hoạt động giám định tư pháp còn chưa được quy định cụ thể, do đó đã gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan có trách nhiệm quản lý và các tổ chức giám định.

Nghị định mới chỉ quy định nghĩa vụ của giám định viên trưởng chứ chưa quy định về những quyền hạn; mặt khác, trong thực tế giám định viên trưởng chỉ kiêm nhiệm công tác giám định, cho nên chưa phát huy được tác dụng của họ.

Nghị định chưa quy định về tiêu chuẩn chuyên môn của các giám định viên, mà mới chỉ dừng ở mức thâm niên công tác về nghiệp vụ chuyên đó ít nhất là 5 năm.

Ngày 26/1/1989, Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư số 78 TT/GĐ hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp. Để việc thực hiện nghị định được thống nhất thông tư số 78 TT/GĐ đã căn cứ vào điều 12 của Nghị định hướng dẫn một số điểm về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Theo Thông tư này thì chỉ xác định là giám định tư pháp khi hoạt động giám định của giám định viên được tiến hành theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

Tổ chức giám định tư pháp được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

ở cấp trung ương, thành lập tổ chức giám định thuộc các chuyên ngành sau:

- Tổ chức giám định pháp y được thành lập ở Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng;

- Tổ chức giám định tâm thần được thành lập ở Bộ Y tế;

- Tổ chức giám định hình sự được thành lập ở Bộ Nội vụ;

- Tổ chức giám định kế toán tài chính được thành lập ở Bộ Tài chính;

- Tổ chức giám định tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật được thành lập ở Bộ Văn hoá;

- Tổ chức giám định trong từng lĩnh vực khoa học, kỹ thuật được thành lập ở Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước và Bộ chuyên ngành.

- ở các ngành không có tổ chức giám định tư pháp, khi có quyết định trưng cầu giám định tư pháp về những vụ việc có liên quan tới chuyên môn của ngành mình, thì thủ trưởng ngành đó, thủ trưởng các ngành chuyên môn nghiệp vụ trong quân đội ở cấp trung ương, cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn cử người thực hiện yêu cầu giám định. Trường hợp trung cầu đích danh người giám định thì thủ trưởng ngành cử người đó đi thực hiện giám định. Hoạt động giám định đó được coi là hoạt động giám định tư pháp.

ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương thành lập tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, giám định kế toán tài chính và các tổ chức giám định chuyên ngành khác.

Mỗi tổ chức giám định phải có ít nhất từ 3 giám định viên trở lên.

Tổ chức giám định tư pháp ở trung ương, thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương ra quyết định trưng cầu và giám định các vụ việc phức tạp do các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trưng cầu.

Tổ chức giám định tư pháp ở cấp tỉnh thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và ở trung ương trưng cầu.

Ngoài ra, thông tư còn hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn của giám định viên được quy định tại Điều 5 Nghị định 117/HĐBT và về giám định viên trưởng. Thông tư này cũng hướng dẫn rõ về thẩm quyền quản lý công tác giám định tư phảp ở trung ương và địa phương.

Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp; hương dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên.

ở các địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quản lý thống nhất công tác giám định tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và thực hiện sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp trong địa phương. Trong khi thực hiện việc quản lý tổ chức giám định tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng các ngành chuyên môn; tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các tổ chức giám định và bảo đảm chế độ, chính sách đối với giám định viên, đồng thời thường xuyên tổ chức việc bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên.

Thi hành Điều 9, Nghị định 117/HĐBY ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, Liên bộ Tư pháp – Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn về phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp.

Thông tư gồm 3 phần cụ thể như sau:

I – Những quy định chung

II – Hình thức và cách tính trả phụ cấp bồi dưỡng

III – Mức phụ cấp bồi dưỡng cụ thể

Theo quy định của thông tư, thực hiện chế độ phụ cấp bồi dưỡng là để bù đắp một phần hao phí sức khỏe của giám định viên và những người có trách nhiệm trực tiếp giúp giám định viên hoặc phải có mặt trong khi thực hiện giám định tư pháp.

Đối tượng được hưởng phụ cấp bồi dưỡng gồm có: giám định viên; cán bộ chuyên môn được cử thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trong những lĩnh vực chưa có giám định viên tư pháp; những người trực tiếp giúp giám định viên trong khi giám định; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm trực tiếp có mặt khi thực hiện giám định trong các trường hợp khám nghiêm hoặc mổ tử thi và giám định trong môi trường độc hại như cháy, nổ, có hoá chất...

Việc chi trả phụ cấp bồi dưỡng cho các đối tượng nêu trên do cơ quan trưng cầu giám định thanh toán. Những chi phí phục vụ cho hoạt động của tổ chức giám định tư pháp do cơ quan chủ quản của tổ chức giám định đảm nhiệm.

ở trung ương: các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan chủ quản của tổ chức giám định tư pháp cấp trung ương lập dự toán kinh phí hàng quý, hàng năm gửi Bộ Tài chính xem xét cấp phát. ở các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan chủ quản của tổ chức giám định tư pháp lập dự toán kinh phí hàng quý, hàng năm gửi sở tài chính xem xét cấp phát.

Phần II của thông tư quy định hình thức và cách trả phụ cấp bồi dưỡng đối với giám định viên. Cơ quan trưng cầu giám định phải trả phụ cấp bồi dưỡng cho giám định viên ngay sau khi công việc giám định được hoàn thành. Phụ cấp bồi dưỡng cho giám định viên được trả theo hai hình thức: bồi dưỡng theo ngày làm việc và bồi dưỡng theo vụ việc.

Mức phụ cấp bồi dưỡng cụ thể được quy định đối với giám định viên thuộc từng lĩnh vực giám định tư pháp.

Mặt tích cực của thông tư này là đã quy định tương đối cụ thể và chi tiết về chế độ phụ cấp bồi dưỡng vật chất đối với các giám định viên. Thông tư đã quy định cụ thể nguồn kinh phí chi trả phụ cấp bồi dưỡng cho giám định viên và cho hoạt động giám định tư pháp.

Nhưng dù sao, mức phụ cấp bồi dưỡng cụ thể đối với giám định viên quy định trong thông tư còn chưa hợ lý, chưa phù hợp với tình hình biến động giá cả thị trường hiện nay.

Trên đây là những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về công tác giám định tư pháp ở nước ta từ sau cách mạng tháng 8 thành công – tháng 9 năm 1945 đến bây giờ. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước và của hoạt động giám định tư pháp trong từng giai đoạn phát triểnkhác nhau mà các văn bản nêu trên đã quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp ở từng mức độ hợp lý. Các văn bản pháp luật đã góp phần tích cực trong việc đưa hoạt động giám định tư pháp đi dần vào nền nếp, chặt chẽ, đúng với quy định của pháp luật để không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác giám định.

 

Bộ luật tố tụng hình sự Hung-ga-ri (Trích)

... Kết luận của giám định viên. Trưng cầu giám định

 

Điều 68:

1. Nếu cần giám định chuyên môn để xác định hay đánh giá một sự việc cần chứng minh thì phải trưng cầu giám định viên.

2. Nhất thiết phải trưng cầu giám định nếu đối tượng là:

- Người bị bệnh tâm thần, mất trí hay rối loạn tâm thần.

- Cần thiết phải chữa bệnh bắt buộc hoặc giải rượu bắt buộc

3. Bộ trưởng Tư pháp, sau khi đã thoả thuận với Bộ trưởng Nội vụ và Tổng kiểm sát trưởng, có thể bắt buộc trưng cầu giám định đối với những vấn đè khác không nêu ở điểm 2

4. Quyết định trưng cầu giám định viên phải nói rõ đối tượng giám định và các câu hỏi mà giám định viên phải trả lời.

Điều 69:

1. Thông thường thì trưng cầu một giám định viên hoặc một số giám định viên khi cần thiết.

2. Phải trưng cầu hai giám định viên trong trường hợp mổ tử thi và nghiên cứu trạng thái tâm thần của bj can. Bộ trưởng Tư pháp, sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Nội vụ và Tổng Kiểm sát trưởng có thể quyết định trưng cầu một số giám định viên trong các trường hợp khác.

Giám định viên

Điều 70:

1. Cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu những cơ quan chuyên trách, giám định viên tư pháp hoặc những người ở cơ quan co hiểu biết chuyên môn cần thiết (giám định từng vụ việc) để tiến hành giám định.

2. Khi trưng cầu cơ quan thì thủ trưởng cơ quan đó chỉ định giám định viên.

3. Phải báo cho bị can, người bào chữa biết về việc trưng cầu giám định và cử giám định viên, còn sau khi gửi cáo trạng sang Toà án cũng phải báo cho Kiểm sát viên biết theo quy định riêng.

Điều 71: Không được làm giám định viên.

a. Là bị cáo hay bào chữa viên, cũng như người bị hai hay người đại diện của họ, hoặc là người thân thích của người nói trên.

b. Là người có thể không khách quan trong việc đánh giá vụ việc.

c. Người đã tham gia vụ án với tư cách là đại diện cơ quan quyền lực.

d. Bác sĩ đã chữa bệnh cho người trước khi chết, trong trường hợp khám nghệm hoặc mổ tử thi người đó.

e. Giám định viên thường trực của Viện giám định nếu thủ trưởng Viện thuộc trường hợp phải từ chối việc thực hiện giám định hoặc bị thay đổi theo điểm a của Điều 71.

g. Giám định viên đã có kết luận, trong trường hợp giám định lại.

Điều 75:

1. Giám định viên báo cáo bằng miệng hay viết kết luận của mình trong thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Giám định viên kết luận nhân danh cá nhân.

Nếu các giám định viên có y kiến giống nhau thì họ làm kết luận chung. Trường hợp vấn đề chuyên môn thuộc nhiều ngành khác nhau thì các giám định viên có thể thống nhất ý kiến với nhau.

Điều 76:

1. Trước khi nghe trình bày kết luận giám định, cần xác định căn cước và làm rõ việc giám định viên có liên quan gì tới vụ án không. Đối với giám định viên không chuyên trách (làm theo vụ việc cụ thể) thì phải báo cho họ về trách nhiệm đối với kết luận giám định.

2. Nếu kết luận giám định không rõ, không đầy đủ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn vớikết của các giám định viên khác, hoặc mâu thuẫn với các dữ kiện của vụ án, hoặc nghi là sai thì cơ quan có thẩm quyền chỉ thị cho giám định viên lý giải hoặc bổ sung kết luận.

Điều 77:

1. Nếu kết luận giám định không đạt yêu cầu hoặc vì lý do khác thì phải trưng cầu giám định viên khác.

2. Nếu đã trưng cầu một giám định viên chuyên trách hoặc giám định viên không chuyên trách tiến hành giám định nhưng vẫn cần có kết luận cuối cùng về vấn đề chuyên môn đó thì trước hết phải trưng cầu một Viện giám định.

...

Nghĩa vụ và quyền của giám định viên.

Điều 72:

1. Giám định viên phải tham gia vụ án và cho kết luận.

2. Giám định viên có thể từ chối thực hiện giám định nếu có lý do chính đáng. Nếu vấn đề chuyên môn không thuộc lĩnh vực hiểu biết của giám định viên thì giám định viên phải báo việc này cho cơ quan cử giám định viên biết.

3. Giám định viên được biết tất cả những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện giám định... Nếu thấy cần thiết thì giám định viên có thể xin được bổ sung tài liệu, tang vật và được lý giải thêm, cũng như được đề nghị thu thập chứng cứ.

Điều 78: Nếu vấn đề chuyên môn không được làm sáng tỏ mặc dù đã trưng cầu giám định viênkhác thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định xét lại kết luận giám định và giao cho một cơ quan khác tiến hành việc này.

Điều 81:

1. Nếu người làm chứng từ chối khai không có lý do chính đáng hoặc giám định viên từ chối tham giá tố tụng và kết luận, mặc dù đã được báo về hậu quả cua việc làm này thì có thể bị phạt tiền và buộc phải bồi thường các phí tổn.

2. Giám định viên còn có thể bị phạt tiền nếu kết luận giám định chậm trễ mà không có lý do chính đáng.

 

Các cơ quan giám định tư pháp ở Liên Xô

Lược dịch từ cuốn: "Giám định tư pháp – tổ chức và tiến hành"

Nhà xuất bản pháp lý

I. Các cơ quan giám định ở liên xô và các hoạt động giám định

ở Liên Xô, một số hệ thống tổ chức giám định được thành lập ở các Bộ và các ngành để tiến hành các thể loại giám định tư pháp.

Để tiến hành giám định pháp y, trong hệ thống của Bộ Y tế Liên Xô thành lập một bộ phận giám định pháp y (ở mỗi nước cộng hoà, khu, tỉnh, huyện có các giám định viên pháp y, các bác sĩ pháp y), đứng đầu hệ thống này là Viện Nghiên cứu Khoa học về Pháp y (giám đốc của Viện đồng thời là giám định viên đầu ngành pháp y Liên Xô). Ngoài ra còn có các labour pháp y quân đội. Đối với các labour pháp y quân đội này thì labour pháp y trung ương thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng Liên Xô là trung tâm khoa học – phương pháp đối với các labour pháp y quân đội.

Giám định pháp y tâm thần được tiến hành tại các khoa lâm sàng chuyên môn, các bệnh viện tâm thần; đứng đầu hệ thống tổ chức giám định pháp y tâm thần này là Viện nghiên cứu khoa học pháp y tâm thần mang tên giáo sư V.P.Xerbxki. Ngoài giám định pháp y tâm thần ra, Viện nghiên cứu khoa học pháp y tâm thần và các phân Viện thuộc Bộ Y tế các nước cộng hòa, cộng hoà tự trị, các Sở Y tế tỉnh (vùng) còn thực hiện giám định tâm lý tư pháp.

Để thực hiện giám định kỹ thuật hình sự, ở Liên Xô đã thành lập một mạng lưới các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự:

- Các Viện nghiên cứu khoa học và các labour giám định tư pháp (các labour nghiên cứu khoa học kỹ thuật hình sự) thuộc hệ thống cảu Bộ Tư pháp Liên Xô.

- Các Phòng kỹ thuật nghiệp vụ (các đội, các labour kỹ thuật hình sự) thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô, Bộ Nội vụ các nước cộng hòa và cộng hoà tự trị, các Sở Công an.

- Các Phòng kỹ thuật hình sự trong các labour pháp y quân đội thuộc các cơ quan pháp y cấp quân khu.

Các tổ chức giám định tư pháp thuộc hệ thống các cơ quan giám định của Bộ Tư pháp Liên Xô thực hiện giám định kế toán, giám định kỹ thuật giao thông, giám định sinh học tư pháp các đối tượng là sinh vật.

Ii. cơ cấu và các chức năng chính của các cơ quan giám định thuộc Bộ tư pháp liên xô

Hoạt động của cơ quan giám định có mục đích rõ và theo kế hoạch. Hình thức và phương pháp tổ chức công việc phụ thuộc vào những nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan giám định. Chức năng chính của cá cơ quan giám định là tiến hành giám định tư pháp; chức năng này chi phối toàn bộ hoạt độg khác. Cơ sở pháp lý của hoạt động giám định tư pháp là Điều lệ do Bộ, Ngành ban hành. Các cơ quan giám định là những pháp nhân.

Xét từ khía cạnh phương pháp – tổ chức, các cơ quan giám định của các Bộ, các Ngành đã tạo nên một hệ thống nhất định. Để thực hiện quản lý các cơ quan giám định đó trong mỗi Bộ đều thành lập các Vụ.

Ví dụ: Vụ giám định tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Liên Xô; hay giám định viên pháp y đầu ngành Bộ Y tế Liên Xô là giám đốc Viện pháp y Bộ Y tế...

Các Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành chỉ đạo các cơ quan giám định về nghiệp vụ khoa học và phương pháp luận.

Ví dụ: Viện nghiên cứu khoa học pháp y Bộ Y tế Liên Xô - thực hiện quản lý những vấn đề về giám định pháp y; hay Viện nghiên cứu khoa học giám định tư pháp Bộ Tư pháp Liên Xô - về giám định kỹ thuật hình sự, giám định kỹ thuật giao thông, giám định kế toán.

Các Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành có chức năng nghiêncứu và thực hiện các vụ việc giám định phức tạp, giám định lại theo yêu cầu của cơ quan điều tra và Toà án.

Các cơ quan giám định tư pháp thuộc hệ thống của Bộ Tư pháp Liên Xô được chia thành 3 cấp:

- Cấp thứ nhất: Viện nghiên cứu khoa học giám định tư pháp toàn Liên bang với tư cách là cấp cao nhất trong hệ thông cơ quan giám định Bộ Tư pháp Liên Xô. Viện thực hiện tất cả các thể loại và các dạng giám định kỹ thuật hình sự, kỹ thuật giao thông, giám định kế toán (đối với hoạt động giám định kế toán Viện chỉ thực hiện giám định lại).

- Cấp thứ hai: Viện nghiên cứu khoa học giám định tư pháp các nước cộng hòa và labour nghiên cứu khoa học giám định tư pháp Liên bang Nga – thực hiện giám định kỹ thuật hình sự, kỹ thuật giao thông và giám định kế toán.

- Cấp thứ ba: Các labour nghiên cứu khoa học giám định tư pháp cấp tỉnh, các phân Viện của Viện nghiên cứu khoa học giám định tư pháp và các labour giám định thực hiện tất cả các thể loại giám định kỹ thuật hình sự, kỹ thuật giao thông và giám định kế toán.

Tính chất chức năng và phạm vi công việc của các cơ quan giám định tư pháp được xác định theo yêu cầu của thực tiễn điều tra – xét xử.

Các Viện nghiên cứu khoa học và các labour giám định tư pháp thuộc hệ thống Bộ Tư pháp Liên Xô thực hiện các chức năng chính sau đây:

Thực hiện giám định tư pháp trong các vụ án hình sự và dân sự theo yêu cầu của cơ quan điều tra và Toà án.

Thực hiện nghiên cứu khoa học với mục đích xây dựng cơ sở lý luận và hoàn thiện hệ thống phương pháp giám định.

Trên cơ sở tài liệu giám định và kiến thức chuyên môn đề xuất các biện pháp tổ chức và khoa học kỹ thuật đối với công tác phòng chống tội phạm.

Giúp đỡ về khoa học kỹ thuật cho các điều tra viên và Toà án trong hoạt động điều tra, xét xử (tham gia hoạt động điều tra, xét xử với tư cách các nhà chuyên môn).

Hướng dẫn các cán bộ điều tra, Kiểm sát, Toà án những khả năng của giám định tư pháp, các biện pháp phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản vật chứng, mẫu so sánh khi gửi đến giám định.

Tư vấn bằng miệng và bằng văn bản những vấn đề thuộc việc trưng cầu và tiến hành giám định trong trường hợp kiểm sát khởi tố, xét xử các vụ án hình sự và dân sự ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, theo uỷ nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

III. tHẩM QUYềN CủA THủ TRƯởNG CƠ QUAN GIáM ĐịNH TRONG Tổ CHứC Và TIếN HàNH GIáM ĐịNH

Khi tiến hành giám định tư pháp, thủ trưởng cơ quan giám định thực hiện hai chức năng: thứ nhất, chức năng tố tụng; thứ hai, chức năng quản lý hành chính. Trong đó, chứ năng thứ hai là phụ và tuân theo những quy định tố tụng.

Thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan giám định trong tố tụng bao gồm:

Phân công một hoặc một số giám định viên thực hiện giám định.

Giải thích quyền và nghĩa vụ của giám định viên.

Báo trước cho giám định viên về trách nhiệm hình sự trong trường hợp từ chối kết luận giám định và cố tình kết luận giám định gián dối.

Thủ trưởng cơ quan giám định có trách nhiệm thực hiện mọi yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định trong pham vi thẩm quyền của mình. Thủ trưởng cơ quan giám định có nhiệm vụ phân công đúng giám định viên mà sự thẩm viên và Toà án trưng cầu. Trường hợp không thể phân công đích danh giám định viên đó, thủ trưởng cơ quan giám định phải báo cho dự thẩm viên và Toà án biết; nếu được sự đồng ý của dự thẩm viên và Toà án thì có thể phân công giám định viên khác thực hiện giám định.

Thủ trưởng cơ quan giám định có quyền tìm hiểu tài liệu vụ án được gửi đến giám định. Trường hợp tài liệu không có giá trị để nghiên cứu, thủ trưởng cơ quan giám định có thể yêu cầu tài liệu, thông tin bổ sung hoặc trả lại tài liệu đó cho dự thẩm viên và Toà án.

Thẩm quyền quản lý hành chính của thủ trưởng cơ quan giám định do Điều lệ về cơ quan giám định, Quy chế về thủ tục tiến hành giám định quy định. Thủ trưởng cơ quan giám định chịu trách nhiệm về việc tổ chức giám định, chất lượng và thời gian giám định. Thủ trưởng cơ quan giám định có những nhiệm vụ sau:

Bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết để tiến hành giám định với chất lượng cao nhất.

Giúp đỡ các giám định viên về phương pháp khoa học khi tìm hiểu và kiểm tra quá trình giám định; Kiểm tra việc tuân thủ các phướng pháp giám định của các giám định viên và trong những trường hợp cần thiết, hướng dẫn phương pháp cho giám định viên.

Xác định cụ thể thời gian giám định và kiểm tra việc tiến hành giám định.

Thủ trưởng cơ quan giám định có quyền chỉ đạo về phương pháp nghiên cứu trong quá trình giám định và khi viết kết luận giám định. Thủ trưởng cơ quan giám định có thể lưu ý giám định viên những điểm chưa đầy đủ trong nghiên cứu, những vấn đề chưa rõ ràng, chưa chính xác trong kết luận giám định, yêu cầu nghiên cứu bổ sung, làm rõ và chính xác hơn bản kết luận giám định. Thủ trưởng cơ quan giám định với tư cách nhà chuyên môn chỉ căn cứ vào cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn của mình đề thuyết phục giám định viên, chứ không có quyền dùng những biện pháp hành chính. Những chỉ đạo về phương pháp của thủ trưởng cơ quan giám định nhằm nâng cao chất lượng giám định và sự chính xác của kết luận giám định. Trong mối quan hệ này, thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan giám định hoàn toàn phù hợp với trách nhiệm đảm bảo chất lượng và thời hạn giám định.

Thủ trưởng cơ quan giám định không có quyền bắt buộ giám định viên đưa ra két luận giám định theo ý muốn chủ quan của mình hoặc thay đổi kết luận giám định. Giám định viên chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định cảu mình; những đánh giá, nhận xét về kết luận giám định của thủ trưởng cơ quan giám định hoặc các giám định viên khác không có tính chất bắt buộc đối với giám định viên.

Thủ trưởng cơ quan giám đinh phối hợp với các cơ quan trưng cầu giám định trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá tình tổ chức và thực hiện giám định. Thủ trưởng cơ quan giám định có quyền đề nghị dự thẩm viên (Toà án) nêu chính xác hơn những vấn đè cần giám định, nếu những vấn đề đó chưa chính xác, chưa rõ ràng; đề nghị tiến hành những hoạt động với sự tham gia của giám định viên... Thủ trưởng cơ quan giám định xác định thời gian thực hiện giám định sau khi thống nhất ý kiến với dự thẩm (Toà án); thống báo cho dự thẩm viên (Toà án) về việc không thể tiến hành giám định do thiếu các chuyên gia và phương tiện, các tài liệu không đầy đủ hoặc không đảm bảo chất lượng, thông báo về việc từ chối giám định.

iv. mối quan hệ của giám định viên và cơ quan giám định với dự thẩm viên toà án

Khi thực hiện giám định, giám định viên có các quyền theo quy định của pháp luật tố tụng. Giám định viên độc lập trong quan hệ với điều tra viên và Toà án. Các cơ quan trưng cầu giám định, những người có trách nhiệm quản lý và kiểm tra hoạt động của cơ quan giám định đảm bảo tính độc lập của giám định viên khi đưa ra kết luận giám định.

Dự thẩm viên và Toà án cần phải hiểu biết về nhiệm vụ của giám định viên và đảm bảo quyền hạn của họ theo quy định của pháp luật tố tụng.

Giám định tư pháp là một hoạt động tố tụng do dự thẩm viên, Toà án và cơ quan giám định thực hiện. Việc trưng cầu giám định, lựa chọn gíam định viên, thay đổi giám định viên, xác định phạm vi yêu cầu giám định, cung cấp tài liệu cần thiết để thực hiện giám định là thuộc thẩm quyền của dự thẩm viên và Toà án.

Dự thẩm viên không phải là người tham gia thực hiện giám định, nhưng họ có quyền tham gia quá trình thực hiện giám định. Trong khi trực tiếp theo dõi việc tiến hành giám định và kết quả giám định, dự thẩm viên có thể cung cấp thêm tài liệu bổ sung và đưa ra những câu hỏi mới, loại bỏ những câu hỏi đã đặt ra nếu cảm thấy không cần thiết nữa. Dự thẩm viên và Toà án có thể tạm đình chỉ và đình chỉ hẳn việc thực hiện giám định ở bất cứ giai đoạn nào. Dự thẩm viên có thể đề nghị giám định viên sử dụng phương pháp và phương tiện kỹ thuật nghiên cứu mới. Những đề nghị của dự thẩm viên chỉ có tính chất góp ý, còn việc xác định phương pháp nghiên cứu cụ thể, phương tiện khoa học kỹ thuật đẻ phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu thu được thuộc quyền của giám định viên. Giám định viên có quyền khiếu nại hành vi của Dự thẩm viên và Toà án nếu họ vi phạm quyền hạn của giám định viên, gây khó khăn cho giám định viên trong việc thực hiện nhiệm vụ.

 

Cơ cấu tổ chức

viện Y pháp Quốc gia Tiệp Khắc

 

Cơ cấu tổ chức

viện Y pháp Quốc gia Rumani

 

Cơ cấu tổ chức

viện Y pháp Quốc gia Coimbra – Bồ đào nha

 

mô hình tổ chức

các cơ quan giám định pháp y Liên Xô

 

Tình hình giám định pháp y

ở một số địa phương

 

 

 

 

Giám định thương tích

Giám định tử thi

1990

1991 (+)

1990

1991 (+)

1

Khánh Hoà

31

25

52

25

2

Hải Hng

263

170

3

Bắc Thái

25

15

4

Hải Phòng

666

241

276

152

5

Quảng Nam - Đà Nẵng

4279

296

6

Thanh Hoá

231

84

132

46

7

Hà Nội

272

198

8

Thái Bình

209

94

84

33

9

Lai Châu

20

25

25

19

10

Cao Bằng

296

17

11

Bình Định

 

 

108

12

Thuận Hải

158

102

83

50

13

Đồng Tháp

18

67

14

Tiền Giang

104

77

15

Cửu Long

149

83

105

39

16

Kiên Giang

129

96

17

An Giang

99

83 (*)

82

105 (*)

18

Hậu Giang

36

84

 

 

19

Hà Bắc

163

90

 

 

20

Quảng Ninh

 

102

 

21

Bến Tre

24

19

22

Quảng Trị

50

26

32

12

23

Lâm Đồng

89

34

 

 

Chú thích: (+) – Số liệu 6 tháng đầu năm

(*) – Số liệu 9 tháng đầu năm

File đính kèm downloadTải về