• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở khoa học của việc xây dựng pháp luật về kinh doanh
Nội dung tóm tắt
 

I. Sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu và giá trị thực tiễn của đề tài

Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chính sách phát triển kinh tế ở nước ta. Nội dung cơ bản của chính sách này là:

- Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau trong đó có sở hữu tư nhân. Thực chất, đó là sự thừa nhận nguyên tắc tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật;

- Xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, phát huy cao độ quyền chủ động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế cơ sở. Thực chất đó là sự giao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp;

 

ĐỀ TÀI

CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA VIỆC XÂY DỰNG LUẬT KINH DOANH

 

 

- Thừa nhận mọi doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, đều bình đẳng trước pháp luật. Thực chất đó là sự thừa nhận cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, lấy nó làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Việc thực thi các quan điểm đó vào cuộc sống đã làm xuất hiện nhiều sự thay đổi rất cơ bản trong nền kinh tế quốc dân. Sự thay đổi này được biểu hiện dưới 2 hình thức:

(i) sự xuất hiện các hiện tượng kinh tế mới. trong đó hình thành nhiều loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác nhau không hạn chế quy mô và phạm vi (trừ một số lĩnh vực mà Nhà nước độc quyền). Sự hình thành và phát triển của các loại hình doanh nghiệp này là những thực thể kinh tế mới trong cơ cấu kinh tế nước ta, đòi hỏi phải có pháp luật để ghi nhận và bảo hộ.

(ii) Cải cách kinh tế, không chỉ dẫn đến sự xuất hiện của các hiện tượng kinh tế mới, mà còn đem lại nhiều sự thay đổi rất cơ bản trong các hiện tượng kinh tế cũ, đặc biệt là sự thay đổi trong quan hệ về hợp đồng, kéo theo một loạt thay đổi khác trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà hoạt động của chúng ít nhiều liên quan đến việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Điều này lý giải tại sao trong những năm gần đây người ta lại nói nhiều đến việc cần phải xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan như ngân hàng, vật giá, trọng tài kinh tế…

Thực tế cho thấy việc điều chỉnh pháp luật không kịp thời hoặc không thoả đáng đối với những hiện tượng kinh tế mới đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong đời sống kinh tế đất nước. Vì vậy, cần phải có pháp luật mới để ghi nhận củng cố và bảo vệ những thay đổi to lớn đó. Để làm cơ sở cho việc xây dựng pháp luật mới điều chỉnh hoạt động kinh doanh, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý đã tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: “Cơ sở khoa học của việc xây dựng luật kinh doanh”.

Cải cách kinh tế là cuộc cải cách sâu, rộng, do đó phạm vi tác động của nó là toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân chứ không riêng gì lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói cách khác, cải cách kinh tế đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết và các vấn đề đó thuộc phạm vi nghiên cứu của nhiều ngành luật khác nhau chứ không riêng gì chỉ một ngành luật kinh doanh. Do đó, để không vi phạm "chủ quyền" của các ngành luật khác, nội dung nghiên cứu của đề tài này chỉ đề cập những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật kinh doanh mà thôi.

Mặt khác do tính chất phức tạp của bản thân hoạt động kinh doanh, mà trong phạm vi một đề tài không thể "kham" nổi, vì vậy trong vấn đề của luật kinh doanh,đề tài chỉ nghiên cứu những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn nhất, cấp bách nhất, nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh doanh ở nước ta. Mỗi một vấn đề sẽ được xem xét, nghiên cứu và trình bày theo một trình tự lô gích sau đây:

- Hiện tại pháp luật về vấn đề đó ra sao;

- Cần phải hoàn thiện pháp luật đó như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất;

- Những kiến nghị cụ thể có ý nghĩa hướng dẫn hoạt động lập pháp và xác định nội dung của văn bản pháp luật sắp ban hành về vấn đề đó.

Để đáp ứng yêu cầu gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn lập pháp trong các bài nghiên cứu đã được trình bày một loạt các quan điểm khoa học, những kiến nghị cụ thể táo bạo và có tính thuyết phục. Rất nhiều những quan điểm, kiến nghị đó đã được sử dụng trong khi xây dựng Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, và phục vụ cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật có liên quan đến phá sản của doanh nghiệp, mô hình cơ quan tài phán trong kinh doanh nhằm thay cho trọng tài kinh tế hiện nay, tổ chức quản lý các doanh nghiệp nhà nước… và đó chính là giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu này.

II. Quan niệm chung về luật kinh doanh

Sự khác nhau về tính chất của các quan hệ xã hội chính là lý do cơ bản dẫn đến sự hình thành hệ thống pháp luật, đồng thời cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt ngành luật này với ngành luật khác. Một ngành luật được thừa nhận là tồn tại độc lập không chỉ vì nó có một đối tượng điều chỉnh riêng biệt (nhóm quan hệ xã hội nhất định khác về tính chất với các quan hệ xã hội khác), mà còn có một cách thức tác động đặc thù vào quan hệ xã hội đó. Tóm lại, theo lý luận truyền thống, đối tượng điều chỉnh riêng biệt và phương pháp điều chỉnh đặc thù là 2 tiêu chuẩn cần phải có để một ngành luật nào đó được coi là hình thành và tồn tại độc lập trong hệ thống pháp luật của một Nhà nước.

Tính độc lập của ngành luật kinh tế được thể hiện ở sự thống nhất của 2 yếu tố (yếu tố tổ chức - kế hoạch và yếu tố tài sản) trong các quan hệ lãnh đạo kinh tế (quan hệ dọc) và quan hệ sản xuất kinh doanh (quan hệ ngang). Sở dĩ có được sự kết hợp của 2 yếu tố đó trong cùng một quan hệ kinh tế là do kinh tế xã hội chủ nghĩa, theo quan niệm trước đây là nền kinh tế phát triển theo một kế hoạch thống nhất. Chính vì phải bảo đảm tính kế hoạch này mà các quan hệ hợp đồng (quan hệ ngang) giữa các đơn vị kinh tế không thể được xác lập một cách tuỳ tiện. Chủ thể các quan hệ ấy là gì, thời hạn thực hiện nghĩa vụ giữa họ là bao lâu… đều đã được quy định trước, đó là các chỉ tiêu pháp lệnh mà Nhà nước giao cho họ. Như vậy, các quan hệ này, ngoài yếu tố tài sản còn có yếu tố tổ chức - kế hoạch. Chính vì có sự kết hợp này mà các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã được tách ra khỏi đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự để tạo thành một trong những bộ phận cấu thành quan trọng nhất của ngành luật kinh tế Việt Nam.

Đến thời kỳ thực hiện cải cách kinh tế, Nhà nước xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung một cách quan liêu, áp dụng nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do hợp đồng, do đó yếu tố tổ chức - kế hoạch trong hầu hết các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp quốc doanh không còn nữa. Như vậy, dưới tác động của công cuộc cải cách kinh tế, sự thống nhất của 2 yếu tố kể trên trong các quan hệ kinh tế - cơ sở lý luận của lý luận kinh tế đã không còn nữa (trừ các quan hệ hợp đồng nhằm thực hiện một số chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước giao cho các đơn vị kinh tế quốc doanh).

Cơ sở lý luận đó không còn, thì ngành luật kinh tế cũng không thể tồn tại theo cơ chế cũ nữa. Tuy cũng chỉ là quan hệ hàng hoá - tiền tệ (quan hệ tài sản), nhưng vì chúng phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nên không thể do ngành luật dân sự điều chỉnh, mà sẽ do một ngành luật khác điều chỉnh – đó là luật kinh doanh.

Quan điểm hình thành ngành luật kinh doanh dựa trên những lý do sau đây:

1. Việc phân chia các quan hệ xã hội cho ngành luật này hay ngành luật khác điều chỉnh không thể tuỳ tiện. Tiêu chuẩn đầu tiên mà người ta phải tính đến khi thực hiện công việc này là việc điều chỉnh pháp luật đối với chúng. Mà muốn đạt được hiệu quả cao, người ta phải tính đến các đặc thù của quan hệ xã hội do pháp luật đó điều chỉnh.

Tuy nội dung quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau cũng chẳng có gì khác với nội dung hợp đồng do các cá nhân ký kết nhằm thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt của họ. Nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh có những đặc thù riêng của nó và nhà lập pháp phải tính đến những đặc thù đó mới có thể thiết kế được một cơ chế điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, vì kinh doanh là hoạt động đòi hỏi sự năng động cao, do đó pháp luật phải quy định sao cho các quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp được hình thành một cách nhanh chóng, dễ dàng. Muốn vậy các quy định của pháp luật về thủ tục ký kết cũng như về hình thức của hợp đồng kinh doanh phải thật thoáng, tránh hình thức chủ nghĩa, tránh rườm rà, vụn vặt, chi tiết. Những quy định về hợp đồng dân sự nhằm thoả mãn những nhu cầu của từng cá nhân người tiêu dùng, rõ ràng là không thể thoả mãn được các đòi hỏi này. Đó chính là lý do giải thích tại sao phải có một chế định pháp lý riêng về hợp đồng kinh doanh - một bộ phận không thể thiếu được của luật kinh doanh.

Cũng chính vì trong kinh doanh mới có hiện tượng vỡ nợ và phá sản, do đó mới đòi hỏi phải thiết kế một chế định pháp lý đặc thù áp dụng riêng cho các nhà kinh doanh.

Chính những chế định và quy định pháp lý đặc thù này đã khẳng định tính độc lập của luật kinh doanh so với luật dân sự.

2. Chúng ta sống trong cộng đồng thế giới, là một bộ phận cấu thành hữu cơ của thế giới đó, cho nên không thể bỏ qua những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Hiện nay chỉ có Thụy Sĩ, Ý là 2 nước mà ở đó Bộ luật Dân sự đã "thôn tính" các quy phạm của Luật Thương mại mà thôi (Thụy Sĩ năm 1911, Ý năm 1942). Ở các nước, sự tồn tại riêng biệt của Bộ luật Thương mại song song với Bộ luật Dân sự là một trong những cơ sở để đề tài đưa ra quan điểm về sự độc lập của luật kinh doanh trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

3. Trong lịch sử xây dựng pháp luật. Ở Việt Nam các quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp không được coi là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. Các quan hệ đó đã được điều chỉnh bằng một ngành luật độc lập - luật kinh tế. Khi luật kinh tế đã hết vai trò lịch sử của nó thì "ngành luật kế vị" không thể là một ngành luật nào ngoài luật kinh doanh.

4. Trong thực tiễn cũng như trong lý luận, một số người thường coi các khái niệm "pháp luật kinh doanh" và "pháp luật kinh tế" là một, là đồng nghĩa với nhau. Cơ sở của quan niệm ấy là sự đồng nghĩa của khái niệm "kinh doanh" và "kinh tế".

Đề tài lại có một quan niệm khác về vấn đề này. Pháp luật kinh tế là pháp luật điều chỉnh quan hệ kinh tế. Quan hệ kinh tế theo các nhà kinh tế, là quan hệ phát sinh trong tất cả các khâu (sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng) và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, xây dựng, dịch vụ…). Các quan hệ xã hội này do khác nhau về tính chất nên đã là đối tượng điều chỉnh của các ngành luật độc lập khác nhau.

Ví dụ: (i) để sản xuất, con người phải chiếm hữu tư liệu sản xuất, phát sinh quan hệ giữa người này với tất cả những người khác, về việc chiếm hữu tài sản đó. Đó là quan hệ sở hữu tài sản - một bộ phận của quan hệ kinh tế thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. (ii) Kinh doanh là hoạt động có sử dụng lao động làm thuê, xuất hiện mối quan hệ về thuê mướn lao động giữa người sử dụng sức lao động và người sở hữu sức lao động đó thuộc đối tượng điều chỉnh của luật lao động. (iii) Hàng hoá sản xuất ra phải được mua bán trên thị trường, xuất hiện các quan hệ xã hội liên quan đến việc chuyển giao các hàng hoá đó trên cơ sở bình đẳng ngang gía giữa các doanh nghiệp. Đó là quan hệ trao đổi hàng - một bộ phận của quan hệ kinh tế do luật kinh doanh điều chỉnh. (iv) Nhà kinh doanh (cá nhân, tổ chức) phải nộp thuế theo luật định do luật tài chính điều chỉnh…

Tóm lại, quan hệ kinh tế rất đa dạng, phong phú và rất khác nhau về tính chất, do đó được điều chỉnh một cách riêng biệt bằng các ngành luật độc lập như luật dân sự, luật lao động, luật kinh doanh, luật tài chính, luật đất đai… Pháp luật kinh tế, không phải là một ngành luật độc lập mà là một khái niệm tổng hợp), bao gồm các quy phạm thuộc các ngành luật độc lập khác nhau vừa nêu trên.

Trong tổng thể các quan hệ kinh tế có một nhóm quan hệ rất năng động, phát sinh giữa các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh, gọi là quan hệ kinh doanh. Vì quan hệ kinh doanh cũng là một dạng (bộ phận) của quan hệ kinh tế, cho nên, luật kinh doanh cũng là một bộ phận cấu thành của luật kinh tế. Khác với luật kinh tế, luật kinh doanh là một ngành luật độc lập, tồn tại song song với các ngành luật khác như luật tài chính, luật dân sự, luật lao động, luật đất đai…

Hệ thống pháp luật là một cơ thể sống chịu sự tác động có tính chất quyết định của các điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển của một quốc gia. Điều kiện đó thay đổi, tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành. Sự thay thế luật kinh tế bằng luật kinh doanh là một hiện tượng cụ thể nằm trong quy luật chung đó. Pháp luật kinh doanh là tổng hợp các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, hoạt động và giải thể các doanh nghiệp.

III. Các vấn đề cụ thể của luật kinh doanh

Với tư cách là một ngành luật độc lập, Luật kinh doanh có cơ cấu riêng của mình. Theo quan điểm của Ban chủ nhiệm, có 4 bộ phận cơ bản cấu thành của luật kinh doanh là:

- Pháp luật về các loại hình doanh nghiệp

- Pháp luật về hành vi kinh doanh;

- Pháp luật về vỡ nợ, phá sản;

- Pháp luật về cơ quan tài phán trong kinh doanh

Đề tài này dành phần lớn sự đầu tư vào nghiên cứu 4 bộ phận cấu thành cơ bản đó của luật kinh doanh.

1. Những vấn đề cơ bản của pháp luật về doanh nghiệp

Vấn đề đầu tiên và cũng là một bộ phận quan trọng hàng đầu của pháp luật kinh doanh là chủ thể kinh doanh. Trong đó, pháp luật quy định ai được, ai không được quyền kinh doanh, những điều kiện cần phải có để một người nào đó hoặc một tập thể người nào đó được tiến hành hoạt động kinh doanh; thủ tục, trình tự xin phép đăng ký kinh doanh, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, quản lý và cơ chế trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như các thành viên tham gia quản lý doanh nghiệp.

a. Chủ thể của luật kinh doanh phải là các doanh nghiệp

Mỗi một ngành luật đều có thành phần chủ thể nhất định. So với các ngành luật khác, việc xác định thành phần chủ thể của luật kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tính chất đa chủ thể, đa hình thức của bản thân hoạt động kinh doanh.

Kinh doanh theo các nhà kinh tế, là hoạt động của bất cứ ai (cá nhân hay tập thể), liên quan đến bất cứ việc gì (sản xuất, xây dựng, vận tải, thương mại…) được thực hiện trong bất cứ lĩnh vực nào (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…) nhằm mục đích kiếm lời. Do tính chất sản xuất nhỏ của nền kinh tế nước ta, nên trên thực tế ngoài các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp tư nhân, còn có các chủ thể kinh doanh khác như hộ nông dân cá thể, hộ tiểu thủ, hộ buôn bán nhỏ.

Luật kinh doanh có điều chỉnh hoạt động kinh doanh của tất cả các chủ thể đó hay không. Có 2 quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bất cứ ai (cá nhân hay tập thể) không phụ thuộc vào quy mô kinh doanh (vốn liếng đầu tư và số lượng nhân công làm thuê) miễn là có hoạt động kiếm lời thì đều thuộc phạm trù chủ thể của luật kinh doanh. Quan điểm thứ hai có cách nhìn chặt chẽ hơn cho rằng, chủ thể của luật này là các doanh nghiệp hiểu theo đúng nghĩa của nó. Đơn vị kinh doanh phải có 3 điều kiện sau đây mới được coi là doanh nghiệp:

- Có một cơ sở vật chất - kỹ thuật đến mức nhất định, thể hiện trong quy mô vốn liếng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

- Có sử dụng lao động của người khác với số lượng nhất định để sản xuất hàng hoá (dịch vụ) cung cấp cho thị trường.

- Có trụ sở giao dịch.

Đề tài ủng hộ quan điểm thứ hai, vì không những nó phù hợp với quy định chung của pháp luật nhiều nước trên thế giới, mà còn có nhiều lợi ích khác. Rõ ràng là không phải hoạt động kinh doanh của mọi đơn vị kinh doanh đều có ý nghĩa như nhau đối với nền kinh tế quốc dân. Những hộ nông dân cá thể, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ tuy nhiều về số lượng, nhưng mức độ ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung là không đáng kể. Mặt khác, cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị kinh doanh đó so với các xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp nhà nước, các hợp tác xã… là rất đơn giản, do đó cũng chẳng cần đến quy định chặt chẽ, cụ thể của pháp luật mà vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Vì thế, việc đặt hoạt động của chúng vào một cơ chế pháp lý chặt chẽ, như đối với các doanh nghiệp… là không cần thiết, nếu không nói là có hại. Hoạt động của các đơn vị kinh doanh này nên được quy định bằng một cơ chế pháp lý thoáng hơn, năng động hơn.

Như vậy, quan điểm này không những đã giải phóng cho Nhà nước khỏi những công việc không đáng phải làm để tập trung vào giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng hơn, mà còn góp phần tạo điều kiện cho các hộ gia đình, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ dễ làm ăn.

Một vấn đề đặt ra ở đây là, lấy gì làm cơ sở để xác định một cơ sở kinh doanh là một doanh nghiệp. Theo quan điểm của đề tài, cần sử dụng khái niệm "vốn pháp định" (là số vốn tối thiểu cần phải có để một cá nhân, tổ chức có thể được Nhà nước cho phép thành lập một doanh nghiệp). Các nhà lập pháp khi xây dựng Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đã chấp nhận "phương tiện" này và khái niệm "vốn pháp định" đã được luật hoá trong hai văn bản pháp luật vừa ban hành.

Quy định mức vốn bao nhiêu cho từng chủng loại doanh nghiệp là công việc của các nhà kinh tế. Hiện đang có 2 cách tiếp cận vấn đề liên quan đến việc quy định vốn pháp định cho từng loại hình doanh nghiệp. Các nhà kinh tế dự kiến quy định một cách khác nhau vốn pháp định cho cùng một loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty các loại) nhưng hoạt động trong các lĩnh vực (ngành) khác nhau. Nghĩa là tuy cùng là doanh nghiệp tư nhân nhưng nếu hoạt động trong ngành thỦy sản thì vốn pháp định sẽ được quy định khác với doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp, công nghiệp, vận tải… Trong mỗi một ngành kinh tế còn có sự phân biệt sâu hơn nữa. Ví dụ, trong lâm nghiệp, vốn pháp định cho doanh nghiệp khai thác cũng được xác định khác so với vốn pháp định cho doanh nghiệp chế biến.

Đề tài cho rằng, cách giải quyết vấn đề một cách quá tỷ mỉ như vậy là không cần thiết vì thực chất là không mang lại tác dụng gì. Không có một nước nào lại làm như thế. Chúng ta đã có một thực tiễn tốt và thực tiễn đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc quy định một cách chung nhất vốn pháp định cho từng chủng loại doanh nghiệp mà không căn cứ vào lĩnh vực hoạt động của chúng. Ví dụ: ở Hà Nội, trước 1990, vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân là 50 triệu đồng. Đến năm 1991, vì trượt giá tăng lên 80 triệu đồng là hợp lý. Vốn đó là vốn áp dụng chung cho tất cả các xí nghiệp tư nhân, bất luận chúng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vận tải, xây dựng hay dịch vụ.

b. Nguyên tắc tự do kinh doanh và vấn đề xin phép kinh doanh

Chính sách phát triển kinh tế mới mà Đại hội Đảng VI đề ra là quyền tự do kinh doanh. Pháp luật của Nhà nước phải thể chế hoá được quan điểm đó, phải góp phần xoá bỏ mọi trở ngại về tâm lý, về thủ tục hành chính để quyền tự do kinh doanh được thực thi trong cuộc sống. Đó là lý do để một số người cho rằng, việc pháp luật bắt buộc một ai đó muốn kinh doanh thì trước hết phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái với nguyên tắc tự do kinh doanh. Đề tài không tán thành quan điểm này và cho rằng việc xin phép kinh doanh là một hành vi cần thiết và không trái với nguyên tắc đó. Bởi vì:

- Xin phép kinh doanh là một động tác (công việc) mang tính chất thủ tục hành chính mà thôi. Khi một người nào đó (hay một tập thể nào đó) đã có đủ những điều kiện do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền không thể từ chối cấp giấy phép cho họ. Nghĩa vụ của nhà chức trách phải cấp giấy phép đã được Nhà nước bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh bằng một loạt các biện pháp trách nhiệm pháp lý được quy định trong Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.

- Xin phép kinh doanh là động tác nhằm bảo đảm cho Nhà nước có cơ hội để kiểm soát được hoạt động kinh doanh, trên cơ sở đó mà thiết lập được một trật tự cần thiết trong đời sống kinh tế đất nước. Do đó, động tác này còn có ích cho chính bản thân các nhà kinh doanh. Tự do kinh doanh phải được hiểu trong một môi trường kinh tế - xã hội nhất định của một quốc gia nhất định; tự do kinh doanh không có nghĩa là kinh doanh vô tổ chức, nằm ngoài sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Quan niệm này đã được chính thức công nhận và đã được thể chế hoá trong Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty. Theo đó, doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động đều phải làm thủ tục xin phép và chỉ được quyền 'hành nghề" sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c. Xây dựng pháp luật về các doanh nghiệp - một quá trình nhiều giai đoạn

Pháp luật về các doanh nghiệp luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của pháp luật kinh doanh. Nhiệm vụ của nhà làm luật là làm sao cho mỗi một loại hình doanh nghiệp đều có được một quy chế pháp lý để hoạt động một cách bình thường; không thể để cho một loại hình doanh nghiệp nào tồn tại mà không có sự điều chỉnh của pháp luật.

Ngoài các doanh nghiệp truyền thống (xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã) trong nền kinh tế quốc dân đã hình thành một loạt các đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh khác mà xưa nay chưa có. Đó là các xí nghiệp tư nhân và các công ty kinh doanh. Rõ ràng cần phải có pháp luật để không những công nhận tính hợp pháp của các doanh nghiệp đó, mà còn xây dựng một hành lang pháp lý cho chúng hoạt động. Nhưng ban hành các văn bản gì, quy mô các văn bản đó ra sao, thì không phải mọi người đều có quan niệm giống nhau.

Quan niệm thứ nhất, cần ban hành lLật Doanh nghiệp, trong đó quy định một cách đầy đủ địa vị pháp lý của tất cả các loại hình doanh nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta.

Quan niệm thứ hai, không phủ định cách làm thứ nhất, nhưng cho rằng, cách thức đó là không phù hợp với những điêu kiện kinh tế xã hội, nhất là khả năng lập pháp của chúng ta hiện nay, do đó sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, trước mắt, chỉ nên từng bước ban hành các đạo luật về tưng loại hình doanh nghiệp riêng biệt và sau này khi đã tổng kết kinh nghiệm thi hành các đạo luật đó, sẽ ban hành một đạo luật chung về doanh nghiệp.

Đề tài ủng hộ quan niệm thứ hai vì:

- Hiện nay nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp không phải hoàn toàn giống nhau. Trong các loại hình doanh nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế quốc dân, có những doanh nghiệp (xí nghiệp quốc doanh hợp tác xã các loại…) đã có một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh (mặc dù chưa đầy đủ chưa hoàn thiện). Trong khi đó những xí nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tuy đã hình thành ở nhiều nơi mà chưa có được một khuôn mẫu pháp lý thống nhất nào cho việc tổ chức quản lý và hoạt động. Rõ ràng, Nhà nước phải có biện pháp ngay để xoá bỏ cái sự "bất bình đẳng" ấy giữa các doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp này.

Việc Quốc hội vừa ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty là một trong những bằng chứng minh hoạ cho mối quan tâm đó của Nhà nước ta.

- Quá trình xây dựng pháp luật về doanh nghiệp còn phụ thuộc vào mức độ nhận thức của chúng ta về các doanh nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước. Quan điểm chính thống về quyền của xí nghiệp quốc doanh đối với các tài sản được giao vẫn chưa thống nhất, chưa xác định rõ. Giám đốc xí nghiệp là ai, đại diện cho Nhà nước hay cho tập thể công nhân viên, hay đại diện cho cả hai; mối quan hệ giữa giám đốc, hội đồng xí nghiệp, đại hội công nhân viên chức… sẽ được xây dựng như thế nào để vừa đảm bảo được quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh (điều kiện không thể thiếu được của nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường), vừa tránh được sự lạm quyền cuả giám đốc. Những vấn đề then chốt đó, nếu chưa được làm rõ về quan điểm thì chưa thể quy định thành pháp luật được. Đó chính là lý do giải thích tại sao trong khi vẫn coi xí nghiệp xhà nước là tế bào cơ bản của nền kinh tế quốc dân, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được một đạo luật về xí nghiệp nhà nước.

- Xây dựng pháp luật là một hoạt động phức tạp đòi hỏi phải có nhiều điều kiện, trong đó điều kiện về đội ngũ cán bộ pháp lý chuyên sâu về lĩnh vực này là rất quan trọng. Thực tế, lực lượng này hiện còn rất thiếu và yếu. Khi công việc thì nhiều mà lực lượng cán bộ lại có hạn, thì không có phương cách nào khác hữu hiệu hơn là phải tiến hành một cơ chế làm luật theo "vết dầu loang".

d. Sự can thiệp của pháp luật vào từng loại hình doanh nghiệp

·        Đối với xí nghiệp tư nhân

Xí nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp chỉ do một chủ thể (cá nhân) thành lập và làm chủ. Do tính chất đơn giản trong tổ chức và hoạt động của xí nghiệp tư nhân, (chủ doanh nghiệp không phải bàn bạc thoả thuận với một ai khác cả) nên sự điều chỉnh pháp luật đối với nên sự điều chỉnh pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp này đơn giản, không phức tạp như đối với các công ty nhất là công ty cổ phần (doanh nghiệp do rất nhiều người thành lập và làm chủ).

Để giữ vững nguyên tắc "tài sản của xí nghiệp là một đảm bảo cho công chúng giao dịch", pháp luật cần ấn định thật rõ việc kiểm soát vốn đã khai trình để làm sao hạn chế đến mức tối đa sự xuất hiện các "xí nghiệp ma". Loại doanh nghiệp này có thể tăng vốn bằng cách phát hành các trái phiếu, nhưng pháp luật phải quy định những điều kiện thật chặt chẽ về vấn đề này. Cụ thể:

- Phải có lý do chính đáng (có một dự án phát triển mới đòi hỏi vốn lớn);

- Đã chứng tỏ có tài chính vững mạnh;

- Xuất trình được một đảm bảo thoả đáng với tổng số tiền xin vay.

Trong pháp luật về xí nghiệp tư nhân, điều quan trọng nữa là phải xác định tính chất vô hạn của trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp đối với công chúng giao dịch. Chủ xí nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm về những món nợ của doanh nghiệp không phải chỉ bằng tài sản kinh doanh mà còn bằng cả toàn bộ gia sản của mình.

·        Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là một công ty đối nhân điển hình, có ít hội viên, việc thành lập tương đối dễ dàng, chỉ cần sự hiện diện của toàn thể hội viên đã quen biết nhau để lập chứng thư thành lập là được. Phần hùn của họ cũng không cần phải phân chia thành hội phần bằng nhau. Họ cũng tự phân công đảm nhận cả 2 nhiệm vụ quản trị và kiểm soát công ty.

Trong công ty hợp danh, mỗi một hội viên đều có tư cách thương gia, do đó họ phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Đây là điều bất lợi đối với các hội viên công ty, nhưng lại là nhân tố làm yên tâm công chúng khi giao dịch với công ty.

·        Công ty hợp vốn đơn giản và cổ phần.

Công ty hợp vốn đơn giản là loại hình công ty, trong đó có một hay nhiều hội viên (gọi là người nhận vốn) liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi trái vụ của công ty và một hay nhiều hội viên (gọi là người góp vốn) chỉ chịu trách nhiệm đến hết giá trị phần hùn của mình mà thôi. Như vậy, khi cho phép thành lập loại hình công ty này là pháp luật đã chấp nhận một sự nhân nhượng: ngoài số hội viên nhận vốn chịu trách nhiệm vô hạn, có một số hội viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Vì thế, công ty hợp vốn đơn giản chủ yếu được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật giống như đối với công ty hợp danh (Quy chế pháp lý của 2 loại công ty này căn bản là giống nhau) trừ các quy định liên quan đến các hội viên góp vốn.

Trường hợp công ty có nhiều hội viên góp vốn và hội phần được góp dưới hình thức cổ phần thì được gọi là công ty hợp vốn cổ phần và các hội viên góp vốn gọi là cổ đông.

Công ty hợp vốn đơn giản cũng như công ty hợp vốn cổ phần đều do các hội viên nhận vốn phân công nhau quản trị. Nhiệm kỳ của họ chỉ chấm dứt khi qua đời, khi từ chức hay bị bãi chức bởi quyết định tư pháp.

Hội viên góp vốn không được làm một hành vi quản trị nào, dù có được Ủy quyền. Nếu vi phạm, hội viên góp vốn sẽ xem như chịu trách nhiệm vô hạn như hội viên nhận vốn. Để bảo vệ quyền lợi cho các hội viên góp vốn pháp luật phải cho phép họ thành lập ban kiểm soát để kiểm tra sổ sách kế toán và tài sản của công ty. Các hội viên nhận vốn nhưng không nhận nhiệm vụ quản trị cũng có thể tham gia kiểm soát. Ngoài các quyền hạn thường lệ của kiểm soát viên, hội viên nhận vốn không tham gia quản trị còn có quyền chất vấn bằng văn bản và buộc hội đồng quản trị phải trả lời bằng văn bản.

·        Công ty trách nhiệm hữu hạn.

Công ty này cũng có ít hội viên nên thủ tục thành lập cũng đơn giản như đối với công ty hợp danh. Số vốn đóng góp của mỗi người phải được công bố, vì đó là bảo đảm duy nhất cho công chúng giao dịch với công ty. Công ty này tăng vốn rất khó khăn vì các thành viên không muốn thu nạp thêm thành viên mới. Do đó, vốn công ty chủ yếu được tăng thêm bằng cách tăng phần đóng góp của từng thành viên. Công ty này, vì tính chất trách nhiệm hữu hạn của mình, nên đem lại cho công chúng một đảm bảo tài sản yếu nhất. Do đó, pháp luật phải chặt chẽ từ khâu góp vốn đến trách nhiệm của các quản trị viên. Pháp luật không thể chấp nhận cho loại công ty này phát hành một loại chứng khoán nào ra ngoài công chúng, kể cả trái phiếu.

·        Công ty cổ phần.

Rút kinh nghiệm yếu kém của công trách nhiệm hữu hạn về bảo đảm tài sản cho công chúng, các sáng lập viên công ty cổ phần đã lấy số đông người tham gia làm cứu cánh trong việc tăng vốn cho công ty, Nhờ số cổ đông nhiều nên mặc dù phần góp vốn của họ có thể rất nhỏ, công ty vẫn huy động được một số vốn lớn.

Pháp luật phải quy định những biện pháp chặt chẽ việc góp vốn thành lập loạihình doanh nghiệp này. Tất cả các cổ phần bằng hiện vật, phải được định giá đúng, chính xác. Cho phép đóng cổ phần từng đợt để nâng đỡ người ít tiền; quy định rõ phải ký thác số tiền đóng góp tại ngân hàng và chỉ được lấy khi bắt đầu hoạt động để trả lại cho các chủ cũ nếu việc thành lập công ty thất bại.

Việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu là lợi thế để tăng vốn của loại hình công ty này. Pháp luật phải quy định cụ thể các tác vụ này để một mặt, không cho phép các công ty huy động vố tùy tiện, mặt khác đảm bảo lợi ích cho những người mua cổ phiếu trái phiếu.

Việc triệu tập đại hội để lấy các quyết định chung của cổ đông là quan trọng. Pháp luật cần quy định chi tiết để tất cả những ai đã bỏ tiền ra đều có tiếng nói của mình trong đại hội.

Vấn đề pháp luật phải can thiệp vào hoạt động của công ty như thế nào để bảo vệ quyền lợi của các thành viên (cổ đông), của công chúng giao dịch với công ty.

đ. Pháp luật về doanh nghiệp và vấn đề bảo vệ quyền lợi của thành viên công ty

Công ty là một doanh nghiệp của nhiều người. Do có số vốn đầu tư khác nhau nên vị trí của họ khác nhau và kéo theo đó là khả năng bảo vệ quyền lợi của mình cũng khác nhau. Do đó, bảo vệ lợi ích của các thành viên công ty nói chung, và lợi ích của những người ít vốn nói riêng là một trong những việc rất quan trọng được đặt ra cho pháp luật.

Trước hết, trong suốt thời gian hoạt động của công ty, quyền làm chủ của các thành viên phải được đảm bảo thông qua một cơ chế pháp lý thích hợp. Quyền chung nhau làm chủ công ty được đảm bảo trước hết là quyền của họ được tham gia đại hội đồng, quyền lấy các quyết định chung. Về mặt giá trị pháp lý các quyết định đó là các quyết định cao nhất của công ty chỉ đứng sau các quyết định của cơ quan tài phán.

Đề tài đề nghị pháp luật cần phân biệt hai loại quyết định.

(i) Quyết định chung thường. "Thường" vì:

- Phải ít nhất một năm một lần;

- Đảm bảo số hội viên tối thiểu mà những người tham dự đại hội phải có thì cuộc họp (cũng như các quyết định được đưa ra trong thời gian họp) mới có giá trị pháp lý).

- Quyết định phải được đại diện cho 1/2 số vốn có mặt đồng ý là có hiệu lực.

(ii) Khi cần giải quyết những vấn đề quan trọng nằm ngoài phạm vi đã vạch sẵn trong điều lệ công ty (như việc tăng trách nhiệm của hội viên, việc sửa đổi về hình thức, mục đích, thời hạn hoạt động của công ty…) thì phải họp Đại hội đồng để lấy các quyết định chung bất thường. "Bất thường" vì:

- Được lấy bất kể thời gian nào;

- Phải vận động để đạt số hội viên tham dự cao hơn thường (có khi phải 100%; có khi 3/4 hoặc 2/3 vốn công ty);

- Quyết định phải được ít nhất là 2/3 số vốn của những người biểu quyết thông qua.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của các thành viên công ty, đề nghị trong luật cần xác định thêm những bảo đảm khác nữa, đó là:

- Phải định rõ những ai có quyền lấy quyết định chung thường và bất thường. Theo pháp luật các nước, những người đó bao gồm:

+ Hội đồng quản trị;

+ Nhóm thành viên chiếm giữ ít nhất 1/4 vốn của công ty đề nghị.

+ Kiểm soát viên của công ty.

- Chương trình nghị sự của đại hội đồng phải được công bố trước và đại hội chỉ thảo luận những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự đã công bố mà thôi.

- Ngoài đại hội đồng, pháp luật phải cho phép các thành viên bảo vệ lợi ích của mình thông qua việc thành lập một hệ thống các cơ quan thường trực, hoạt động thường xuyên nhằm quản lý công việc của công ty và giám sát hoạt động của cơ quan quản trị. Trong các cơ quan này "nhân vật" quan trọng nhất là Ban kiển soát. Kiểm soát viên, theo kinh nghiệm các nước khác, phải được trao quyền rộng rãi để thực hiện nhiệm vụ được giao, được cung cấp đủ các phương tiện để làm việc và được thù lao thích đáng.

Những kiến nghị nêu trên phần nào đã được ghi nhận trong Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân vừa mới ban hành. Tuy nhiên, mới chỉ có doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được điều chỉnh trong hai văn bản này. Công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản chưa được coi là chủ thể của luật kinh doanh.

2. Những vấn đề cơ bản của pháp luật hợp đồng kinh tế

Các doanh nghiệp được lập ra là để hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu đó các doanh nghiệp phải tham gia vào các quan hệ trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ… cho nhau. Hình thức biểu hiện của các quan hệ đó là hợp đồng kinh tế.

Để việc ký kết, thực hiện hợp đồng đi vào nề nếp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quan hệ với nhau một cách bình thường, Nhà nước ta, trong từng thời kỳ khác nhau, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về hợp đồng để phù hợp với sự biến đổi thường xuyên trong tính chất và nội dung của bản thân các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Điều đó giải thích tại sao Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo Nghị định số 04-TTg ngày 4/1/1960 chỉ tồn tại đến tháng 3/1975 và được thay thế bằng Nghị định số 54/CP ngày 10/3/1975 ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế; và Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế năm 1975 cũng chỉ tồn tại đến ngày 29/9/1989 - ngày Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế được ban hành.

Sự ra đời của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đánh dấu bước phát triển mới của chế độ hợp đồng kinh tế, phù hợp với sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta trong cơ chế knh tế mới. Pháp lệnh đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất mang tính chất nguyên tắc của chế độ hợp đồng kinh tế.

a. Ưu điểm của Pháp lệnh

·   Khái niệm về hợp đồng kinh tế

Theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận của các bên ký kết để thực hiện các công việc sản xuất kinh doanh. Pháp lệnh cũng quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình. Yếu tố tổ chức – kế hoạch trong khái niệm về hợp đồng kinh tế đã được thay đổi, từ chỗ gắn với chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh (trong cơ chế cũ) nay được gắn với quyền tự chủ sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của các đơn vị đó trên cơ sở định hướng của kế hoạch nhà nước.

·   Chủ thể hợp đồng kinh tế

Xuất phát từ quan điểm đổi mới cơ chế kế hoạch, từ đặc điểm cơ cấu nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, cùng với sự thay đổi khái niệm về hợp đồng kinh tế, chủ thể quan hệ hợp đồng kinh tế cũng đã được mở rộng thêm. Các chủ thể trong quan hệ hợp đồng kinh tế được xác định là:

- Pháp nhân với pháp nhân

- Pháp nhân với cá nhân có đăng ký có kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, những quan hệ kinh tế có mục đích sản xuất kinh doanh giữa pháp nhân với người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể, những quan hệ kinh tế giữa pháp nhân Việt Nam có mục đích sản xuất kinh doanh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt nam, họ có thể là chủ thể hợp đồng kinh tế theo sự thoả thuận giữa họ với nhau (theo hướng dẫn tại Thông tư số 108/TT-PC ngày 19/5/1990 của Trọng tài kinh tế nhà nước hướng dẫn ký kết và thực hiện Hợp đồng kinh tế theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989 và Nghị định 17/HĐBT).

·   Hình thức ký kết hợp đồng kinh tế.

Thích ứng với cơ chế mới, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã quy định hình thức ký kết hợp đồng kinh tế một cách thuận lợi hơn cho đơn vị kinh tế để họ phát huy được sự năng động trong sản xuất kinh doanh, khắc phục được những trở ngại về thủ tục hành chính, về điều kiện địa lý và thời gian. Do vậy hình thức ký kết hợp đồng kinh tế cũng được mở rộng thêm. ngoài hình thức ký kết bằng văn bản pháp luật còn thừa nhận hình thức ký kết bằng tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng.

·   Các nguyên tắc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo các nguyên tắc sau đây:

- Nguyên tắc tự do, tự nguyện khi ký kết hợp đồng kinh tế. Khác hẳn với trước đây, Pháp lệnh đã quy định ký kết hợp đồng kinh tế là quyền của đơn vị kinh tế. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được áp đặt ý chí của mình cho đơn vị kinh tế khi ký kết hợp đồng. Đây là một trong những biểu hiện cô đọng nhất của nguyên tắc tự do kinh doanh lần đầu tiên đã được khẳng định về mặt pháp lý (Điều 3 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế). Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp có quyền quyết định mình nên xác lập quan hệ làm ăn với ai và quyết định nội dung của các quan hệ kinh tế đó (trừ trường hợp các đơn vị kinh tế phải thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước).

- Nguyên tắc thoả thuận cùng có lợi. Phần lớn các điều khoản để ký kết hợp đồng kinh tế đều quy định theo nguyên tắc này, hoặc trước hết là áp dụng nguyên tắc chỉ khi nào các bên không đạt được thoả thuận, lúc ấy mới áp dụng theo pháp luật.

- Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Nguyên tắc này được áp dụng cho cả với những hợp đồng kinh tế được ký kết theo chỉ tiêu pháp lệnh tại Quyết định số 18/HĐBT ngày 16/1/1990, và được vận dụng trong nhiều điều khoản về ký kết, thực hiện giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế.

- Nguyên tắc trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản. Đây là một nguyên tắc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên ký kết hợp đồng kinh tế đã bị bên kia vi phạm được khôi phục một cách nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm cho họ thực hiện hạch toán kinh doanh.

- Nguyên tắc không trái pháp luật - một nguyên tắc để gìn giữ trật tự xã hội trong các quan hệ kinh tế, nhưng cũng đã thể hiện được tinh thần đổi mới ở chỗ Pháp lệnh không có những quy định cứng nhắc bắt buộc mà để cho các đơn vị kinh tế lựa chọn theo điều kiện thực tiễn của họ.

b. Nhược điểm của pháp luật hợp đồng kinh tế

Bên cạnh những mặt được, mặt mạnh đáng khích lệ, pháp luật hợp đồng kinh tế cũng còn có những hạn chế nhất định. Sau đây là một số hạn chế cơ bản nhất.

·   Pháp luật hợp đồng kinh tế chủ yếu điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hoá.

Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế là xương sống của pháp luật về hợp đồng. Pháp lệnh này quy định phạm vi áp dụng của hợp đồng kinh tế rất rộng, bao gồm sản xuất, trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể của Pháp lệnh lại rất phiến diện, không bao quát được tất cả các loại hợp đồng, chỉ nặng về việc điều chỉnh hợp đồng trao đổi hàng hoá (Từ Điều 12 đến Điều 25).

Kinh doanh được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó hợp đồng kinh doanh rất đa dạng. Ngoài hợp đồng được ký kết không nhằm chế tạo ra sản phẩm hoặc lưu thông hàng hoá, còn có hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng đấu thầu xây dựng, hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hợp đồng Ủy thác Trong khi đó nội dung trong Pháp lệnh không có quy định nói về các loại hợp đồng này; bởi vậy, tính không bao trùm, tính phiến diện, tính thiên lệch về quan hệ trao đổi hàng hoá là hạn chế lớn nhất của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế nói riêng và pháp luật về hợp đồng kinh tế nói chung.

·   Pháp luật hợp đồng kinh tế có gốc mà chưa có ngọn.

Sự ra đời của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng nói chung. Nhưng kinh doanh là một hoạt động rất đa dạng nên hợp đồng kinh doanh cũng rất phong phú. Nếu chỉ có những quy định chung nhất, khái quát nhất về hợp đồng kinh tế mà không có những quy định cụ thể đặc trưng cho từng mối quan hệ kinh tế cụ thể thì trên thực tế, hợp đồng kinh tế cũng không thể xác lập và thực hiện được một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Rất tiếc là sau hơn một năm tồn tại, cây pháp luật hợp đồng kinh tế mới chỉ có gốc là Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế mà chưa có được một hệ thống các quy phạm điều chỉnh việc ký kết, thực hiện các hợp đồng cụ thể([1]).

Việc thiếu những quy định này không những hạn chế hiệu quả, tác dụng của bản thân Pháp lệnh, mà còn gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động ký kết và thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp.

·   Pháp luật hợp đồng kinh tế còn nhiều khiếm khuyết

- Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của nước ta trong những năm tới, sẽ xuất hiện một loại hình tổ chức kinh tế mới, đó là loại hình đơn vị kinh tế có sở hữu chung về tài sản. Giữa những đơn vị, tổ chức goặc cá nhân có sở hữu chung về tài sản đó có một quan hệ tài sản được thiết lập trên cơ sở thoả thuận theo một bản hợp đồng hoặc một bản điều lệ về tổ chức, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế chưa điều chỉnh loại quan hệ này.

- Để ký kết hợp đồng kinh tế, một số loại quan hệ kinh tế khá phổ biến trong nền kinh tế hàng hoá chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về hợp đồng kinh tế. Ví dụ như quan hệ về môi giới giữa người làm môi giới với người bán hoặc người mua, quan hệ đấu thầu giữa người gọi thầu và người đấu thầu, quan hệ giữa người có hàng và người làm đại lý và một số quan hệ khác,

- Chủ thể quan hệ hợp đồng kinh tế được quy định trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế vẫn còn hạn chế, không thích ứng với các quan hệ kinh tế đa dạng của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.

- Hình thức hợp đồng kinh tế cũng phải được mở rộng hơn cho phù hợp với sự hoạt động thường xuyên linh hoạt và thuận lợi của đơn vị kinh tế: Nghĩa là phải bao gồm cả mọi hình thức thoả thuận có để lại chứng cứ. Ví dụ các hình thức giao dịch khác như thư từ, giấy biên nhận, biên lai, hoá đơn, vé tàu xe...

- Một số quy định trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế còn mang mầu sắc của luật hành chính, chưa phù hợp với nguyên tắc tự nguyện thoả thuận cùng có lợi.

Từ sự phân tích trên, việc hoàn thiện chế độ hợp đồng kinh tế nên tiến hành theo những hướng cơ bản sau đây:

- Xem xét lại những điều khoản chưa phù hợp, chưa chính xác, bổ sung những điều khoản còn thiếu để chất lượng của Pháp lệnh được nâng lên một trình độ mới;

- Xây dựng gấp các quy định pháp luật điều chỉnh việc ký kết và thực hiện các loại hợp đồng coi đó như sự mở rộng các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế vào việc giải quyết những mối quan hệ kinh tế cụ thể.

3. Một số vấn đề của pháp luật về phá sản

a. Sự cần thiết phải xây dựng pháp luật về phá sản doanh nghiệp

Phá sản là một khái niệm hoàn toàn mới đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước đây người ta quan niệm rằng phá sản là một hiện tượng không thể có trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được kế hoạch hoá và quản lý một cách tập trung. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghiã phá sản là hiện tượng thường thấy, trong đó yếu tố hiệu quả và lợi nhuận là tiêu chuẩn quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một đơn vị kinh doanh. Nền kinh tế thị trường đặt ra những yêu cầu ngặt nghèo đối với các nhà kinh doanh để duy trì doanh nghiệp của mình. Đặc biệt trong các giai đoạn có nhiều biến động hoặc nền kinh tế phát triển theo một hướng mới thì yêu cầu đặt ra cho các nhà sản xuất kinh doanh là phải thích nghi được với môi trường mới. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén và năng lực tổ chức và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ doanh nghiệp. Thiếu nó, việc phải kết thúc hoạt động là điều tất yếu.

Chúng ta cần nhận thức đúng đắn vấn đề phá sản và chấp nhận nó như một hiện tượng tiêu cực. Trong phạm vi vĩ mô của nền kinh tế, nó có tác dụng sắp xếp tổ chức lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phân công lao động hợp lý, kinh doanh có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp, sự phá sản là kết thúc những khó khăn không thể vượt qua. Do sự tác động của cơ quan tài phán trong quá trình phá sản, doanh nghiệp có thể phục hồi lại được hoạt động hoặc có thể kết thúc nhanh chóng hoạt động cũ để bắt đầu lại từ đầu.

Việt Nam đang chuyển từ nền kinh tế kế hoach hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đối với xí nghiệp quốc doanh, đây là một giai đoạn có tính thử thách. Chỉ có xí nghiệp nào thực sự kinh doanh có lãi mới có thể tiếp tục tồn tại, nguyên tắc tự do kinh doanh làm xuất hiện hàng loạt các đơn vị kinh doanh ngoài quốc doanh. Do nhiều lý do (khách quan và chủ quan) dẫn đến việc nhiều cơ sở lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên, không có khả năng thanh toán, nếu Nhà nước không có các biện pháp hỗ trợ thì hậu quả tất yếu là các doanh nghiệp bị phá sản.

Ở Việt Nam, do không có pháp luật về vấn đề này nên trên thực tế, việc phá sản mỗi nơi giải quyết một khác. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp bị vi phạm nghiêm trọng. Đứng trước một doanh nghiệp đang có nguy cơ "sập tiệm", nhiều người có quyền lợi liên quan (chủ nợ) không biết phải tự làm gì, kêu với ai để bảo vệ các lợi ích của mình. Các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cũng không biết phải tiến hành những tác vụ gì để xác định được "tích sản" (tài sản có) và "tiêu sản" (tài sản nợ) của doanh nghiệp; không biết phải phân chia tài sản cho các chủ hộ như thế nào, theo một thứ tự ưu tiên ra sao… Rõ ràng cần phải có pháp luật về phá sản để bảo vệ lợi ích của những người có quan hệ với doanh nghiệp.

Pháp luật phá sản cần phải có để không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích của chủ nợ, mà còn để bảo vệ lợi ích của chính bản thân các chủ doanh nghiệp bị phá sản. Chúng ta nên quan niệm nhà kinh doanh bị phá sản như một kẻ sa cơ thất thế, vì gặp vận không may mà rơi vào hoàn cảnh ấy (trừ những trường hợp phá sản gian lận). Do đó, cần phải có pháp luật để che chở cho họ, bảo vệ họ thoát khỏi những hành vi liều lĩnh, nhiều khi rất tai hại từ phía các chủ nợ. Sự có mặt của pháp luật về phá sản để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực gây ra từ phía các chủ nợ đối với các con nợ, là biện pháp thúc đẩy sản xuất phát triển. Nói cách khác, việc xây dựng càng sớm càng tốt pháp luật về phá sản còn là một đòi hỏi (nhu cầu) của sự phát triển kinh tế đất nước.

b. Mối quan hệ giữa giải thể và phá sản

Một doanh nghiệp có thể kết thúc hoạt động thông qua việc giải thể hoặc phá sản. Đây là hai quá trình kết thúc có bản chất khác nhau. Giải thể là quá trình kết thúc các quan hệ pháp luật phát sinh trong thời gian doanh nghiệp hoạt động và giải quyết hậu quả của các quan hệ đó. Còn phá sản là một thủ tục đòi nợ. Mục tiêu của nó là thực hiện chế độ trách nhiệm tài sản.

Căn cứ phá sản dựa hoàn toàn trên yếu tố tài sản - tức là khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Đây là căn cứ duy nhất, áp dụng cho mọi doanh nghiệp. Còn căn cứ giải thể thì không dựa trên khả năng thanh toán mà do nhiều lý do khác nhau. Mỗi loại hình doanh nghiệp có những căn cứ giải thể khác nhau được pháp luật quy định cụ thể.

Thủ tục giải thể gắn với hình thức tổ chức doanh nghiệp. Đây là hoạt động do các doanh nghiệp tự tiến hành, không có sự can thiệp của các cơ quan bên ngoài. Nó thuộc vào một chu trình hoạt động của doanh nghiệp kể từ khi thành lập cho đến khi kết thúc. Giải thể là quan hệ pháp luật mang tính chất hành chính – kinh tế. Các quy định về giải thể được điều chỉnh trong luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp.

Còn phá sản là mối quan hệ giữa chủ nợ – con nợ. Đây là mối quan hệ mang tính chất dân sự – thương mại. Trong quan hệ phá sản, vấn đề chủ yếu đặt ra là bảo vệ lợi ích của các chủ nợ. Điều này được thực hiện thông qua sự can thiệp của toà án nó đòi hỏi một thủ tục tố tụng đặc biệt với những biện pháp đặc biệt trong việc quản lý và phân chia tài sản bất kể doanh nghiệp đó được tổ chức dưới hình thức nào. Do sự độc lập về mặt nội dung và tính chất của quan hệ phá sản cũng như thủ tục giải quyết nó, cần thiết phải có một văn bản riêng biệt điều chỉnh.

Tuy nhiên, không phải không tồn tại mối liên hệ giữa giải thể và phá sản. Phá sản là một trong những lý do giải thể của bất cứ loại hình doanh nghiệp nào. Ngược lại, trong quá trình giải thể có thể xuất hiện lý do phá sản (như tổng số tài sản không đủ để trang trải các khoản nợ thì doanh nghiệp sẽ bị đặt trong tình trạng phá sản, quá trình giải thể lúc này chuyển sang thủ tục phá sản).

c. Chủ thể bị tuyên bố phá sản

·   Chỉ doanh nghiệp mới bị tuyên bố phá sản

Theo pháp luật của các nước, người bị tuyên bố phá sản chỉ có thể là các thương gia. Tư cách thương gia không phải ai cũng có. Pháp luật quy định những tiêu chuẩn kinh tế và pháp lý rõ ràng để xác định ai là thương gia. Ở nước ta, không có khái niệm "thương gia" mà chỉ có khái niệm "doanh nghiệp". Hộ nông dân cá thể, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ tuy có làm ra sản phẩm bán ra thị trường để kiếm lời, nhưng đó không phải là doanh nghiệp. Do đó, không thể tuyên bố các cơ sở kinh doanh nhỏ đó phá sản được.

Quan điểm hạn chế về chủ thể bị tuyên bố phá sản là vì, sự phá sản của những cơ sở kinh doanh này không gây ảnh hưởng gì đối với quốc kế dân sinh. Việc ra đời và chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh đó xảy ra thường ngày, do đó không cần thiết phải đưa việc tuyên bố phá sản chúng vào chung một thủ tục có sự giám sát nghiêm ngặt của Nhà nước như thủ tục phá sản một doanh nghiệp. Mọi tranh chấp về tài sản phát sinh do việc giải thể các cơ sở kinh doanh đó được giải quyết theo những nguyên tắc của luật dân sự và tố tụng dân sự.

·   Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể bị tuyên bố phá sản.

Các doanh nghiệp tập thể và tư nhân có thể bị tuyên bố phá sản. Về vấn đề này, không có gì đáng tranh luận cả. Trong khi đó, vấn đề phá sản đối với các doanh nghiệp nhà nước lại là đề tài đang được thảo luận sôi nổi hiện nay. Có ý kiến cho rằng đối với các xí nghiệp quốc doanh vấn đề phá sản không thể đặt ra, bởi vì liên quan đến sở hữu của Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước không bao giờ bị phá sản, bởi vì Nhà nước phải có những hậu thuẫn cần thiết khi chúng gặp khó khăn. Bởi thế Luật Phá sản chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà thôi. Nếu các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất thì Nhà nước đặt vấn đề giải thể chúng chứ không có cái gọi là phá sản. Tuy nhiên, giải thể không có nghĩa là xoá nợ. Trong trường hợp này, Nhà nước phải đứng ra thanh toán mọi món nợ của doanh nghiệp giải thể với chủ nợ của doanh nghiệp nhà nước đó theo một thủ tục tố tụng riêng chứ không theo các quy định của pháp luật về phá sản;

Ý kiến khác cho rằng, ở Việt Nam, cần phải áp dụng pháp luật phá sản cho cả các doanh nghiệp nhà nước. Phải làm như vậy vì hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đã được giao vốn và có toàn quyền quyết định đối với các tài sản được giao. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhà nước cũng được hoàn toàn độc lập, lời ăn, lỗ chịu, Nhà nước không bao cấp nữa.

Đề tài cho rằng, các ý kiến trên đều không chuẩn xác, bởi vì đều rơi vào cực đoan này hoặc cực đoan khác. Thiết nghĩ, để giải quyết một cách hợp lý vấn đề này, cần phải phân loại các doanh nghiệp nhà nước. Tuỳ theo quy mô và tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế quốc dân mà quyết định vấn đề có nên áp dụng pháp luật phá sản đối với chúng hay không. Các doanh nghiệp nhà nước nên chia thành 2 loại. Loại 1 là những doanh nghiệp quan trọng, cung cấp những hàng hoá, dịch vụ tối cần thiết cho xã hội. Loại doanh nghiệp này, dù có được Nhà nước giao vốn chăng nữa vẫn không thể là đối tượng của phá sản. Nhà nước phải bằng mọi cách mà duy trì sự tồn tại của nó. Loại 2 là những doanh nghiệp không có vai trò quan trọng như loại 1 và có số lượng rất lớn hiện nay. Cần phải để cho chúng hoạt động theo một khung pháp lý chung dành cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Nhà nước không có trách nhiệm phải đối xử với các doanh nghiệp loại 2 này như đối với các doanh nghiệp lớn có tầm quan trọng đặc biệt (loại 1). Chúng có thể bị tuyên bố phá sản như các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và phải chịu mọi hậu quả của quá trình giải quyết phá sản.

d. Lý do phá sản

Hậu quả của việc tuyên bố phá sản là rất nghiêm trọng, liên quan đến các lợi ích vật chất và tinh thần của chủ doanh nghiệp. Do đó việc xác định chính xác lý do (cơ sở) để toà án từ chối hay chấp nhận đơn xin phá sản, là việc làm hết sức quan trọng.

Các nhà lập pháp nước ta đưa ra quan niệm cho rằng, tình trạng phá sản là tình trạng khi tại thời điểm đó, tổng số tài sản nợ của doanh nghiệp nhiều hơn tổng số tài sản có của nó. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng đó thì cơ quan tài phán có thể tuyên bố doanh nghiệp đó phá sản. Đề tài cho rằng quan niệm đó chưa thật chính xác, vì tình trạng "nợ" lớn hơn "có" là tình trạng mà doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình có thể thường xuyên lâm vào. Nhưng doanh nghiệp khi rơi vào hoàn cảnh đó không nhất thiết bao giờ cũng sẽ bị phá sản, bởi vì nó có thể thông qua nhiều biện pháp mà thoát ra được (vay được ngân hàng, khất nợ…). Do vậy, nếu cứ theo quan niệm nêu trên mà thực hiện thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị "tử hình" oan. Do đó, pháp luật phải quy định một lý do cụ thể hơn, rõ ràng hơn cho việc phá sản. Lý do đó là, trên thực tế doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là sự ngưng trả nợ. Chỉ biết rằng khi nợ đến hạn mà doanh nghiệp không có cách nào khác để thanh toán nợ, thì coi như doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản và lúc đó, Toà án kinh tế có thể thụ lý án phá sản đối với nó.

đ. Chủ thể có quyền khởi tố vụ án phá sản

Để trả lời câu hỏi này, điều cơ bản là phải xác định được thực chất của thủ tục phá sản là gì. Thủ tục phá sản, thực chất là quá trình giải quyết mối quan hệ về tài sản giữa con nợ và các chủ nợ. Do đó, nguyên tắc là: chỉ có những ai mà quyền lợi của họ có liên quan trực tiếp đến quá trình phá sản thì người đó mới có quyền khởi án phá sản. Chính vì thế, chủ nợ và con nợ là những người được xếp đầu bảng trong số các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Pháp luật về phá sản của các nước cũng quy định như vậy. Vấn đề đặt ra là liệu có nên cho phép những cơ quan của Nhà nước (như cơ quan công an, kiểm sát, thanh tra) có thể làm đơn lên Toà án kinh tế đề nghị phá sản doanh nghiệp hay không? Có 2 ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng, vì các cơ quan này không đứng trong quan hệ nợ - đòi nợ, nên không thể là đương sự của tố tụng phá sản. Ý kiến thứ hai hoàn toàn ngược lại cho rằng, trong thực tế, không phải bao giờ người có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp cũng biết được tình trạng tài chính bi đát của doanh nghiệp, do đó không có điều kiện và khả năng để tự bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình. Nhà nước, xuất phát từ tính chất "vì dân" của mình không thể đứng ngoài cuộc, phải can thiệp bằng cách khởi tố vụ án để bảo vệ một cách trực tiếp quyền lợi cho họ.

Đề tài không hoàn ủng hộ các ý kiến trên, nếu như ý kiến một thể hiện thái độ thờ ơ, bàng quang trước lợi ích của công dân, thì ý kiến hai lại phản ánh một mức độ can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của chủ nợ và con nợ. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể thấy nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của công chúng, nhưng thông qua một cơ chế "tế nhị" hơn. Các cơ quan này không nên trực tiếp khởi án mà chỉ nên chuyển giao cho toà án kinh tế những tài liệu liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp mà mình đã thu thập được trong quá trình thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra. Chỉ có toà án kinh tế là cơ quan nhà nước duy nhất có nghĩa vụ khởi án phá sản khi thấy đủ lý do (cơ sở) mà thôi.

4. Những vấn đề về cơ quan tài phán trong kinh doanh

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã làm thay đổi căn bản tính chất của các quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Đến lượt mình, sự thay đổi đó lại kéo theo sự thay đổi của một loạt các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan trọng tài kinh tế. Có nhiều vấn đề cần giải quyết xung quanh việc tổ chức, hoạt động của cơ quan này. Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài chỉ đề cập 2 vấn đề. Đó là: tại sao phải cải tổ trọng tài kinh tế và cần phải cải tổ nó như thế nào.

a. Tại sao phải cải tổ trọng tài kinh tế

Có 3 lý do dẫn đến việc cần phải cải tổ trọng tài kinh tế.

·   Tính chất của tranh chấp hợp đồng kinh tế mà trọng tài kinh tế có nhiệm vụ giải quyết đã thay đổi về chất.

Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sự ra đời của trọng tài kinh tế là một hiện tượng hợp lý. Cơ quan này được lập ra để giải quyết các tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa các xí nghiệp thuộc khu vực kinh tế quốc doanh. Đó là lý do tại sao trong toàn bộ lịch sử của mình, trọng tài kinh tế ở Liên Xô không bao giờ giải quyết các tranh chấp hợp đồng mà một bên là hợp tác xã. Ở Việt Nam, nhìn chung, mô hình trọng tài kinh tế về cơ bản là giống mô hình trọng tài kinh tế Liên Xô.

Trong quá trình cải cách nền kinh tế, đã xuất hiện và hoạt động ngày càng mạnh các loại hình doanh nghiệp mới những hình thức sở hữu khác nhau. Do đó, các tranh chấp phát sinh không còn manh tính chất "nội bộ Nhà nước" nữa. Đó là các tranh chấp tài sản giữa các chủ sở hữu khác nhau. Việc giải quyết tranh chấp giữa những chủ thể như thế không thể giao cho trọng tài kinh tế mà phải giao cho một cơ quan tài phán thực thụ nào đó (toà án kinh tế chẳng hạn).

Tóm lại, tính chất của cơ quan giải quyết tranh chấp là do tính chất của quan hệ tranh chấp quyết định. Tính chất quan hệ tranh chấp đó ngày nay đã thay đổi, nên tất yếu kéo theo sự thay đổi của cơ quan tài pháp kinh tế.

·   Thực tiễn kinh doanh đã xuất hiện những công việc mới mà trọng tài kinh tế - cơ quan quản lý - không có thẩm quyền thực hiện.

Tự do kinh doanh trong cơ chế thị trường tất yếu dẫn đến sự phá sản của một số doanh nghiệp không chịu được sức ép của cạnh tranh. Đã có hiện tượng phá sản thì phải có một cơ quan nào đó đứng ra thay mặt Nhà nước để tuyên bố một doanh nghiệp nào đó phá sản và theo đó là tiến hành các biện pháp để xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản.

Những công việc hệ trọng liên quan đến tài sản và cuộc sống của nhiều người như vậy phải được một cơ quan quyền lực của Nhà nước đứng ra giải quyết. Trọng tài kinh tế với tư cách là cơ quan quản lý trực tiếp thuộc cơ quan hành pháp không đủ "thẩm quyền" để làm việc này. Theo kinh nghiệm của tất cả các nước trên thế giới, cơ quan đó phải là Toà án chứ không thể là một cơ quan nào khác. Việt Nam chắc chắn không phải là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc có tính chất toàn cầu đó.

·   Nâng cao hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài kinh tế.

Trong những năm qua, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trọng tài kinh tế rất thấp, đặc biệt trong lĩnh vực cưỡng chế thi hành quyết định của trọng tài. Qua tổng kết ngành trọng tài kinh tế sáu tháng đầu năm 1990, chỉ có 36% quyết định của trọng tài kinh tế được thi hành, thậm trí chỉ thi hành được 10% quyết định của cơ quan trọng tài kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, tuy nhiên đề tài đưa ra một số lý do cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, các quyết định của trọng tài kinh tế không thể được tuyên "nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" như các quyết định hay bản án của Toà án nhân dân.

- Thứ hai, nội dung của các quyết định này, dù đó là quyết định xét xử hay quyết định xử lý vi phạm chăng nữa thì vẫn mang tính chất của một quyết định quản lý;

- Thứ ba, việc phối hợp thi hành quyết định của trọng tài kinh tế có những hạn chế, bởi vì, là cơ quan quản lý trọng tài kinh tế khó có thể "ra lệnh" cho các cơ quan quản lý khác thi hành quyết định của mình.

Cải tổ một cách cơ bản trọng tài kinh tế sẽ góp phần cải thiện tình hình đáng lo ngại này.

b. Phương hướng cải tổ trọng tài kinh tế

Để đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế, trên cơ sở nhận thức được tính chất ưu việt của cơ quan xét xử; học tập kinh nghiệm tổ chức cơ quan tài phán trong kinh doanh ở nước ngoài, đề tài đưa ra quan điểm nên xây dựng cơ quan trọng tài kinh tế thành toà án kinh tế. Vấn đề đặt ra là nên tổ chức các cơ quan này như thế nào cho phù hợp với thực tế ở nước ta.

Kinh nghiệm tổ chức loại hình cơ quan này ở nước ngoài rất phong phú. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mà ở các nước cơ quan này được tổ chức theo hệ thống dọc độc lập, tồn tại song song hoặc nằm ngày trong hệ thống các cơ quan toà án.

Ở nước ta, việc cải tổ cơ quan trọng tài kinh tế cần đạt được những yêu cầu sau: thứ nhất, thúc đẩy công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tạo điều kiện thực hiện tốt chủ trương phát triển có kế hoạch nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần; thứ hai, đảm bảo được hiệu quả hoạt động của cơ quan đó, thứ ba, bảo đảm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh giảm bộ máy nhà nước. Do vậy, đề tài đưa ra hai phương án cải tổ cơ quan trọng tài kinh tế ở nước ta.

- Phương án thứ nhất, trọng tài kinh tế được cải tổ thành toà án kinh tế, tồn tại độc lập theo một hệ thống dọc song song với hệ thống các cơ quan toà án nhân dân.

- Phương án hai, sáp nhập trọng tài kinh tế vào toà án nhân dân, thành lập một toà mới, toà kinh tế song song tồn tại với các toà dân sự, toà hình sự trong các cơ quan toà án nhân dân các cấp.

·   Phương án thứ nhất được đưa ra dựa trên cơ sở việc giải quyết (xét xử) các vụ tranh chấp kinh tế đòi hỏi phải được tiến hành theo một thủ tục nhanh gọn để kịp thời đảm bảo lợi ích hạch toán của các đương sự cũng như lợi ích của Nhà nước nói chung. Để đáp ứng yêu cầu đó, toà án kinh tế không thể tiến hành một thủ tục như thủ tục tố tụng dân sự mà phải theo một thủ tục tố tụng có đặc thù riêng. Chính cái riêng đó là cơ sở lý luận cơ bản cho việc xây dựng toà án kinh tế theo một hệ thống độc lập tồn tại song song với hệ thống toà án nhân dân các cấp.

Mặt khác, nếu tiến hành việc xây dựng Toà án kinh tế theo phương án một thì việc đổi mới cơ cấu tổ chức chỉ cần tiến hành trong nội bộ các cơ quan trọng tài kinh tế hiện nay mà thôi, chứ không cần thiết phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống thông qua việc giải thể, sáp nhập. Như vậy, trên thực tế công tác tổ chức được tiến hành một cách nhẹ nhàng hơn.

Cũng như cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước khác, cơ cấu tổ chức của toà án kinh tế, sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác nhau, từ các bộ phận hành chính quản trị đến các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi một bộ phận đảm nhiệm một chức năng, nhiệm vụ riêng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động một cách đồng bộ của toà án kinh tế. Cơ cấu các bộ phận bên trong của toà án kinh tế cần có để thực hiện những chức năng nhiệm vụ chính của mình bao gồm: bộ phận lãnh đạo, bộ phận thẩm phán, bộ phận chấp hành viên.

Hiện nay, theo quy định của các văn bản pháp luật, ở các cơ quan trọng tài kinh tế, bộ phận lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch và bộ phận trọng tài viên đã được thành lập được thực hiện theo chế độ bổ nhiệm, bãi miễn, khi cải tổ thành cơ quan toà án kinh tế, thủ tục đề bạt chánh án, phó chánh án và thẩm phán) không còn phù hợp. Bởi vì:

- Thứ nhất, toà án kinh tế là cơ quan nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ tranh chấp kinh tế, do đó những cán bộ đảm nhiệm các chức vụ chánh án, phó chánh án, thẩm phán phải do các cơ quan quyền lực bầu ra. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 1980.

- Thứ hai, về phương diện thực tiễn, hiện tồn tại chế độ thẩm phán bầu ở các cơ quan toà án nhân dân, thật không có lý, nếu ở toà án kinh tế - một loại cơ quan toà án tồn tại song song với toà án nhân dân, lại thực hiện chế độ bổ nhiệm và bãi miễn thẩm phán.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này cũng cần nhấn mạnh rằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán vẫn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Chế độ đó cũng có những mặt tích cực của nó và ở nước ta nhiều trường hợp thẩm phán toà án nhân dân được đề bạt theo thể thức bổ nhiệm. Ví dụ theo đề nghị của chánh án toà án nhân dân tối cao, một số thẩm phán toà án nhân dân tối cao có thể do Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm.

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đó đề tài cho rằng chánh án và phó chánh án Toà án kinh tế phải do cơ quan quyền lực bầu ra. Riêng các thẩm phán toà án kinh tế có thể "bầu" hoặc "cử" nhưng dù bầu hay cử, việc đó phải do cơ quan quyền lực tiến hành. Do tính chất phức tạp và đặc thù của việc xét xử các tranh chấp kinh tế, cho nên thẩm phán toà án kinh tế cần có trình độ nhất định về pháp lý và quản lý kinh tế, trong đó cần chú trọng hơn về trình độ pháp lý.

Như đã trình bày, hoạt động của cơ quan trọng tài kinh tế hiện nay còn kém hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân khác như pháp luật chưa quy định cụ thể việc thi hành quyết định của trọng tài kinh tế, nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng đó là do ở các cơ quan trọng tài kinh tế không có một bộ phận chuyên trách thi hành quyết định. Để nâng cao hiệu lực hoạt động của mình trong cơ cấu tổ chức của Toà án kinh tế cần có một bộ phận chấp hành viên, trực tiếp thi hành quyết định của toà án kinh tế.

Như vậy, theo phương án một, có thể xây dựng các cơ quan toà án kinh tế theo một hệ thống dọc độc lập, tồn tại song song với hệ thống các cơ quan toà án nhân dân hiện nay. Tuy nhiên, phương án này có một hạn chế lớn đáng quan tâm. Đó là sự cồng kềnh trong bộ máy nhà nước, cái mà hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng khắc phục. Khi hệ thống các toà án kinh tế được xây dựng, thì trên thực tế nước ta sẽ có hai hệ thống cơ quan toà án. Đặc biệt, trong toà án kinh tế lại phải thành lập đầy đủ các bộ phận tương tự trong các toà án nhân dân hiện nay. Và như vậy số lượng biên chế sẽ tăng lên đáng kể. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách giảm biên chế của Đảng và Nhà nước.

·   Hạn chế đó của phương án một chỉ có thể được khắc phục, nếu xây dựng mô hình toà kinh tế theo phương án hai.

Bởi vì, theo phương án hai, để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của toà kinh tế, ở cơ quan toà án không cần phải thành lập thêm một số bộ phận, chẳng hạn như bộ phận chấp hành viên.

Nội dung của phương án hai đề cập vấn đề cải tổ các cơ quan trọng tài kinh tế thành các toà trong các toà án nhân dân. Nếu như theo phương án một, công việc đổi mới cơ cấu tổ chức chủ yếu tiến hành trong nội bộ cơ quan trọng tài kinh tế, thì theo phương án hai, công việc đó lại chủ yếu được tiến hành trong nội bộ toà án nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả những chức năng, nhiệm vụ mới từ cơ quan trọng tài kinh tế chuyển sang, cơ cấu bên trong của toà án nhân dân cần có bước hoàn thiện mới. Việc hoàn thiện toà án nhân dân phải được tiến hành theo những phương hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, thành lập các toà kinh tế.

Ở Toà án nhân dân tối cao và toà án nhân dân tỉnh, ngoài toà hình sự và toà dân sự cần thiết phải thành lập toà kinh tế. Toà này sẽ đảm nhiệm việc giải quyết các tranh chấp kinh tế theo một thủ tục tố tụng riêng.

Các thẩm phán làm việc ở toà kinh tế đương nhiên phải bầu, bởi vì, không thể trong một toà án có những thẩm phán được bầu lại có những thẩm phán khác đề bạt theo thủ tục bổ nhiệm. Còn khi tiến hành các công việc của mình, các thẩm phán đó phải tuân theo những quy định về thủ tục tố tụng kinh tế (hiện gọi là thủ tục tố tụng trọng tài).

Một vấn đề khác được đặt ra ở đây là trong các toà án huyện có nên xây dựng toà kinh tế hay không? Xây dựng một cơ quan hay một bộ phận cơ quan phải dựa vào chức năng và nhiệm vụ của nó. Thực tế hiện nay, các tranh chấp kinh tế thuộc thẩm quyền trọng tài kinh tế huyện không nhiều, hầu như không có, do đó nhiều huyện đã không thành lập cơ quan trọng tài kinh tế. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ của huyện có khả năng đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của toà kinh tế (xét xử, tuyên bố vỡ nợ, phá sản) còn rất thiếu. Theo kinh nghiệm tổ chức loại cơ quan này ở nước ngoài, đề tài cho rằng ở toà án nhân dân huyện không nên có bộ phận chuyên trách về xét xử các tranh chấp kinh tế. Những vụ tranh chấp hiện đang thuộc thẩm quyền cuả trọng tài kinh tế huyện nên chuyển cho toà kinh tế thuộc toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

Thứ hai, cần phải hoàn thiện bộ phận lãnh đạo.

Khi ở các toà án nhân dân thành lập một toà mới, toà kinh tế, nảy sinh vấn đề quản lý toà đó theo chuyên môn và nghiệp vụ riêng. Do đó vấn đề hoàn thiện bộ phận lãnh đạo trong toà án nhân dân được đặt ra. Để giải quyết vấn đề này cần có một phó chánh án chuyên phụ trách toà kinh tế. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả hoạt động của toà này, đảm bảo việc xét xử của toà kinh tế theo đúng thủ tục tố tụng riêng.

Thứ ba, cần hoàn thiện bộ phận thi hành án.

Bộ phận thi hành án đã được thành lập ở các toà án nhân dân, do đó khác với phương án một, ở đây không cần thiết phải xây dựng thêm bộ phận này. Tuy nhiên, để đảm bảo các nguyên tắc của kinh doanh, trong khi thi hành án kinh tế sẽ có những điểm khác với việc thi hành án dân sự.

Trên đây, là hai phương án xây dựng mô hình toà án kinh tế trong giai đoạn mới. Mỗi một phương án có mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nhưng suy cho cùng phương án hai có nhiều ưu việt hơn. Chính vì vậy, đề tài ủng hộ phương án này.


([1]) Nghị định số 17/HĐBT ngày 16/01/1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế mặc dù đã ra đời nhưng cũng không có quy định về các loại hợp đồng kinh tế.

 
 

 

Nội dung toàn văn

bộ tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

đề tài luật kinh doanh

Mã số 86 - 98 - 009

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm 1990

 

bộ tư pháp

Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý

 

 

 

 

 

 

 

 

đề tài:

 

 

 

 

cơ sở khoa học của việc xây dựng

pháp luật về kinh doanh

(Mã số: 86 - 98 - 009)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm 1990

 

 

Bộ Tư pháp

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1991

 

Bộ trưởng bộ tư pháp

 

Căn cứ Nghị định số 143 - HĐBTngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 42 - HĐBT ngày 17/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ tư pháp.

 

- Căn cứ quyết định số 282 ngày 20/6/1980 của Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định thể thức đánh giã và nghiệm thu các công trình khoa học - kỹ thuật.

 

- Căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1990 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

 

- Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Quyết định

Điều 1: Thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

 

Điều 2: Các đồng chí có tên trong danh sách kèm theo là thành viên của các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức 8 đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

 

Điều 3: Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệm tiến hành công việc theo các thủ tục đã được Uỷ ban khoa học Nhà nước quy định.

 

Điều 4: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

K/T bộ trưởng bộ Tư pháp

Thứ trưởng thứ nhất

Trần Đông

 

danh sách hội đồng đánh giá và nghiệm thu

Đề tài: "Cơ sở khoa học của việc xây dựng pháp luật về kinh doanh"

Mã số 86 - 98 - 009

(Kèm theo quyết định số 03/QĐTP ngày 24/1/1991)

 

 

 

 

1. Đ/c Trần Đông

Thứ trưởng thứ nhất Bộ tư pháp

 

2. Đ/c Nguyễn Văn Thảo

Viện trưởng Viện NCKH pháp lý

 

3. Đ/c Đoàn Duy Thành

Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW

 

4. Đ/c Lê Hồng Hạnh

PTS, Phó hiệu trưởng Trường Đại học pháp lý Hà Nội

 

5. Đ/c Nguyễn Văn Đặng

Tiến sĩ - Vụ trưởng vụ Công nghiệp Ban kinh tế TW

 

6. Đ/c Nguyễn Đình Lộc

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước

 

7. Cơ quan phản biện

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng

Chủ tịch Hội đồng

 

 

Phó chủ tịch Hội đồng

 

 

Uỷ viên

 

 

Uỷ viên

 

 

Uỷ viên

 

 

 

Phản biện, Uỷ viên

 

 

Phản biện, Uỷ viên

 

cơ quan thực hiện đề tài

 

 

 

 

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Bộ tư pháp

Viện trưởng: Nguyễn Văn Thảo

 

nhóm đề tài

1. Đ/c Dương Đăng Huệ

 

2. Đ/c Nguyễn Niên

 

3. Đ/c Nguyễn Văn Thảo

 

4. Đ/c Phạm Quang Lê

 

5. Đ/c Phan Quang Tuệ

 

6. Đ/c Nguyễn Văn Thanh

 

7. Đ/c Đỗ Minh Quý

 

8. Đ/c Nguyễn Bích Vân

 

9. Đ/c Nguyễn Lạc

 

10. Đ/c Nguyễn Viết Tý

 

11. Đ/c Trần Ngọc Dũng

 

12. Đ/c Đỗ Thị Ngọc

Phó vụ trưởng Vụ xây dựng pháp luật - Bộ tư pháp, Chủ nhiệm đề tài

Chuyên viên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, phó chủ nhiệm đề tài

Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ tư pháp

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban kinh tế TW

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW

 

Phó tiến sĩ Luật học Ban Nội chính TW

Phó Chủ tịch - Trọng tài kinh tế Nhà nước

Phó tiến sĩ luật học, Vụ xây dựng pháp luật Bộ tư pháp

Vụ Pháp chế - Trọng tài kinh tế Nhà nước

Trường Đại học pháp lý Hà Nội

 

Trường đại học pháp lý Hà Nội

 

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Thư ký đề tài

 

mục lục

Lời nói đầu

 

Phần thứ nhất

Tổng thuật chung

Dương Đăng Huệ

 

I. Sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu và giá trị thực tiễn của đề tài.

II. Những quan điểm chung nhất về luật kinh doanh

III. Những vấn đề cụ thể của luật kinh doanh

 

Phần thứ hai

báo cáo chuyên đề

 

1. Nhận dạng rõ thêm những đặc trưng chủ yếu của mô hình kinh tế mới đang hình thành ở nước ta

2. Pháp luật kinh doanh - Khái niệm cơ cấu- cách thức hoàn thiện

3. Pháp luật về các loại hình doanh nghiệp

4. Pháp luật điều chỉnh quan hệ kinh tế trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phát triển theo định hướng kế hoạch Nhà nước và tổ chức hệ thống cơ quan tài phán.

5. Pháp chế hoá các quan hệ tiền tệ tín dụng là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay

6. Một số vấn đề về luật phá sản ở Việt Nam

7. Mấy suy nghĩ về mô hình của Toà án kinh tế nước ta trong giai đoạn đổi mới cơ chế quản lý kinh tế

 

 

Phạm Quang Lê

 

Dương Đăng Huệ

 

Dương Đăng Huệ

 

 

 

Đỗ Minh Quý

Nguyễn Lạc

 

 

Phan Quang Tuệ

 

Nguyễn Bích Vân

 

 

Nguyễn Viết Tý

Phần thứ ba

Tổng thuật các cuộc hội thảo khoa học

Đỗ Thị Ngọc

Phần thứ tư

thông tin tư liệu

Đỗ Thị Ngọc

 

lời nói đầu

 

Pháp luật kinh doanh là một trong những công cụ để Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng là môi trường không thể thiếu được của bản thân hoạt động đó. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta hiện nay.

 

Chọn đề tài luật kinh doanh để nghiên cứu, chúng tôi muốn góp phần mình vào việc giải quyết bước đầu nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đó.

 

Tuy nhiên, pháp luật kinh doanh rất đồ sộ lại rất năng động, do đó, việc tiếp cận nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện nó là việc không dễ.

 

Mặc dù đã đầu tư nhiều thì giờ và công sức, đặc biệt là mở nhiều hội thảo khoa học để huy động tri thức của đông đảo các luật gia và các nhà kinh tế.

 

Chúng tôi, những người nghiên cứu đề tài này vẫn chưa thoả mãn với những gì đã đạt được. Bởi vậy, chúng tôi rất chân thành được mọi người góp ý kiến để việc nghiên cứu trong những năm tới về vấn đề này đạt kết quả tốt hơn.

 

 

T/M ban chủ nhiệm đề tài

 

 

 

 

Dương Đăng Huệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

phần thứ nhất

 

Tổng thuật chung

 

Phần I : Tổng thuật kết quả chung

 

I/ Sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu và giá trị thực tiễn của đề tài

 

1. Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chính sách phát triển kinh tế ở nước ta. Nội dung cơ bản của chính sách này là:

 

- Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau trong đó có sở hữu tư nhân. Thực chất, đó là sự thừa nhận nguyên tắc tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật;

 

- Xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, phát huy cao độ quyền chủ động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế cơ sở. Thực chất đó là sự giao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp;

 

- Thừa nhận mọi doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, đều bình đẳng trước pháp luật. Thực chất đó là sự thừa nhận cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, lấy nó làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Việc thực thi các quan điểm đó vào cuộc sống đã làm xuất hiện nhiều sự thay đổi rất cơ bản trong nền kinh tế quốc dân.

 

Khó có thể liệt kê hết được tất cả những thay đổi cơ bản đó. Nhưng, nếu khái quát lại thì chúng được biểu hiện dưới 2 hình thức là sự xuất hiện các hiện tượng kinh tế mới và sự "Thay da đổi thịt" của các hiện tượng kinh tế cũ. Ví dụ, tự do kinh doanh, kinh doanh không hạn chế quy mô và phạm vi (trừ một số lĩnh vực mà Nhà nước độc quyền) đã làm nảy sinh nhu cầu tập trung, tích tụ vốn của các cá nhân và tập thể. Sự hùn vốn với nhau để kinh doanh chính là lý do làm xuất hiện các loại hình công ty khác nhau. Các loại hình công ty này là những thực thể kinh tế mới trong cơ cấu kinh tế nước ta, đòi hỏi phải có pháp luật để ghi nhận và bảo hộ.

 

Cải cách kinh tế, không chỉ dẫn đến sự xuất hiện của các hiện tượng kinh tế mới, mà còn đem lại nhiều sự thay đổi rất cơ bản trong các hiện tượng kinh tế cũ. Lấy quan hệ hợp đồng kinh tế làm một ví dụ. Nhờ có sự giảm bớt một cách đáng kể số lượng chỉ tiêu pháp lệnh giao cho các đơn vị kinh tế quốc doanh mà yếu tố tổ chức - kế hoạch trong các quan hệ hợp đồng giữa các tổ chức đó với nhau từ nay không còn nữa. Các quan hệ hợp đồng này đã trở về với chính nó, những quan hệ hàng hoá - tiền tệ thuần tuý với tất cả những thuộc tính vốn có của nó. Sự thay đổi trong quan hệ hợp đồng này đến lượt mình, lại kéo theo một loạt thay đổi khác trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà hoạt động của chúng ít nhiều liên quan đến việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Điều này lý giải tại sao trong những năm gần đây người ta lại nói nhiều đến việc cần phải xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan như Ngân hàng, Vật giá, Trọng tài kinh tế…

 

Rõ ràng, cần phải có pháp luật mới để ghi nhận củng cố và bảo vệ những thay đổi to lớn đó. Thực tế cho thấy việc điều chỉnh pháp luật không kịp thời hoặc không thoả đáng đối với những hiện tượng kinh tế mới đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong đời sống kinh tế đất nước.

 

2. Như trên đã trình bày, cải cách kinh tế lần này là sâu, rộng, do đó phạm vi tác động của nó là toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân chứ không riêng gì lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói cách khác, cải cách kinh tế đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết và các vấn đề đó thuộc phạm vi nghiên cứu của nhiều ngành luật khác nhau chứ không riêng gì chỉ một ngành luật kinh doanh. Do đó, để không vi phạm "chủ quyền" của các ngành luật khác, trong đề tài này, chúng tôi chỉ đề cập những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật kinh doanh mà thôi.

 

Cũng không phải mọi vấn đề của luật kinh doanh đều được đề cập trong đề tài này. Chúng tôi chỉ nghiên cứu những vấn đề mà việc giải quyết chúng, theo chúng tôi là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn nhất, cấp bách nhất. Cách tiếp cận vấn đề có tính chất lựa chọn này, một mặt là do tính chất phức tạp của bản thân hoạt động kinh doanh mà trong phạm vi một đề tài chúng tôi không thể "kham" nổi, mặt khác là do mục đích mà chúng tôi đang theo đuổi là phục vụ đắc lực cho công việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh doanh ở nước ta.

 

3. Phân tích để đi đến một sự lựa chọn đúng đắn các vấn đề cần được giải đáp không phải là mục tiêu duy nhất và cơ bản nhất của những người nghiên cứu đề tài này. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là làm thế nào để giải quyết các vấn đề đã lựa chọn đó một cách tối ưu nhất. Chính vì thế, mỗi một vấn đề sẽ được xem xét, nghiên cứu và trình bày theo một trình tự lô gích sau đây:

 

- Hiện tại pháp luật về vấn đề đó ra sao;

 

- Cần phải hoàn thiện pháp luật đó như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất;

- Những kiến nghị cụ thể có ý nghĩa hướng dẫn hoạt động lập pháp và xác định nội dung của văn bản pháp luật sắp ban hành về vấn đề đó.

 

Để đáp ứng yêu cầu gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn lập pháp trong các bài nghiên cứu đã được trình bày một loạt các quan điểm khoa học, những kiến nghị cụ thể táo bạo và có tính thuyết phục. Rất nhiều những quan điểm, kiến nghị đó đã được sử dụng trong khi xây dựng luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty, và nhất định sẽ không phải là vô ích cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật quan trọng sắp tới có liên quan đến việc phá sản của doanh nghiệp, việc thiết kế mô hình cơ quan tài phán trong kinh doanh nhằm thay cho trọng tài kinh tế hiện nay, việc tổ chức quản lý các doanh nghiệp Nhà nước… và đó chính là giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu này.

 

II/ Những quan niệm chung nhất về luật kinh doanh

 

1. Quan niệm thứ nhất: Luật kinh doanh - ngành luật mới của nền kinh tế mới.

 

Xã hội có giai cấp nào cũng cần đến một hệ thống pháp luật để duy trì một trật tự xã hội có lợi cho giai cấp cầm quyền. Mỗi ngành luật trong hệ thống pháp luật đó được phân công điều chỉnh một hoặc một số nhóm quan hệ xã hội giống nhau về tính chất. Như vậy, sự khác nhau về tính chất của các quan hệ xã hội chính là lý do cơ bản dẫn đến sự hình thành hệ thống pháp luật, đồng thời cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt ngành luật này với ngành luật khác. Một ngành luật được thừa nhận là tồn tại độc lập không chỉ vì nó có một đối tượng điều chỉnh riêng biệt (nhóm quan hệ xã hội nhất định khác về tính chất với các quan hệ xã hội khác) mà còn có một cách thức tác động đặc thù vào quan hệ xã hội đó. Tóm lại, theo lý luận truyền thống, đối tượng điều chỉnh riêng biệt và phương pháp điều chỉnh đặc thù là 2 tiêu chuẩn cần phải có để một ngành luật nào đó được coi là hình thành và tồn tại độc lập trong hệ thống pháp luật của một Nhà nước.

 

Lý luận về luật kinh tế Việt Nam cũng hình thành trên quan điểm như vậy.

 

Hòn đá tảng (cơ sở lý luận) của quan điểm về tính độc lập của luật kinh tế, như mọi người đều biết là sự thống nhất của 2 yếu tố (yếu tố tổ chức - kế hoạch và yếu tố tài sản) trong các quan hệ lãnh đạo kinh tế (quan hệ dọc) và quan hệ sản xuất kinh doanh (quan hệ ngang). Sở dĩ có được sự kết hợp của 2 yếu tố đó trong cùng một quan hệ kinh tế là do kinh tế xã hội chủ nghĩa , theo quan niệm truyền thống trước đây, là nền kinh tế phát triển theo một kế hoạch thống nhất. Chính vì phải bảo đảm tính kế hoạch này mà các quan hệ hợp đồng (quan hệ ngang) giữa các đơn vị kinh tế không thể được xác lập một cách tuỳ tiện. Chủ thể các quan hệ ấy là gì, thời hạn thực hiện nghĩa vụ giữa họ là bao lâu… đều đã được quy định trước trong đó các chỉ tiêu pháp lệnh mà Nhà nước giao cho họ.

 

Như vậy, các quan hệ này, ngoài yếu tố tài sản còn có yếu tố tổ chức - kế hoạch. Chính vì có sự kết hợp này mà các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã được tách ra khỏi đối tượng điều chỉnh của luật dân sự để tạo thành một trong những bộ phận cấu thành quan trọng nhất của luật kinh tế Việt Nam.

 

Hiện nay, tình hình kinh tế của đất nước ta đã khác. Chúng ta đã mạnh dạn xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung một cách quan liêu, đã mạnh dạn áp dụng nguyên tắc tự kinh doanh, tự do hợp đồng, do đó yếu tố tổ chức - kế hoạch trong hầu hết các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp quốc doanh không còn nữa. Như vậy, dưới tác động của công cuộc cải cách kinh tế, sự thống nhất của 2 yếu tố kể trên trong các quan hệ kinh tế - cơ sở lý luạn của lý luận kinh tế đã không còn nữa (trừ các quan hệ hợp đồng nhằm thực hiện một số chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước giao cho các đơn vị kinh tế quốc doanh).

 

Cơ sở lý luận đó, hòn đá tảng đó không còn, thì theo chúng tôi, luật kinh tế cũng không còn "đất" để tồn tại nữa.

 

Các quan hệ này sẽ do ngành luật nào điều chỉnh? chúng lại trở về với luật dân sự hay sao? Chúng tôi cho rằng, tuy cũng chỉ là quan hệ hàng hoá - tiền tệ (quan hệ tài sản), nhưng vì chúng phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nên sẽ do một ngành luật khác điều chỉnh - luật kinh doanh.

 

Tóm lại, hệ thống pháp luật là một cơ thể sống chịu sự tác động có tính chất quyết định của các điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển của một quốc gia. Điều kiện đó thay đổi tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành. Sự thay thế luật kinh tế bằng luật kinh doanh là một hiện tượng cụ thể nằm trong quy luật chung đó.

 

Quan niệm thứ hai: Luật kinh doanh hay luật dân sự?

 

Như trên đã trình bày, sự thay đổi trong nội dung của quan hệ kinh tế phát sinh giữa các doanh nghiệp đã buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề về sự tồn tại của luật kinh tế trong hệ thống pháp luật nước ta. Một vấn đề đặt ra là, các quan hệ đó sẽ do ngành luật nào điều chỉnh. Có 2 quan điểm được đưa ra.

 

Theo quan điểm thứ nhất, các quan hệ đó sẽ so ngành luật kinh doanh điều chỉnh, theo quan điểm thứ 2, sẽ do luật dân sự điều chỉnh.

 

Theo chúng tôi theo quan điểm thứ nhất với những lý do sau đây:

 

1. Việc phân chia các quan hệ xã hội cho ngành luật này hay ngành luật khác điều chỉnh không thể là một việc làm tuỳ tiện. Tiêu chuẩn đầu tiên mà người ta phải tính đến khi thực hiện công việc này là của việc điều chỉnh pháp luật đối với chúng. Mà muốn đạt được hiệu quả cao, người ta phải tính đến các đặc thù của quan hệ xã hội do pháp luật đó điều chỉnh.

 

Đúng là nội dung quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau cũng chẳng có gì khác cơ bản với nội dung hợp đồng do các cá nhân ký kết nhằm thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt của họ. Nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh có những đặc thù riêng của nó và nhà lập pháp phải tính đến những đặc thù đó mới có thể thiết kế được một cơ chế điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, vì kinh doanh là hoạt động đòi hỏi sự năng động cao, do đó pháp luật pháp luật phải quy định làm sao để các quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp được hình thành một cách nhanh chóng, dễ dàng. Muốn vậy các quy định của pháp luật về thủ tục ký kết cũng như về hình thức của hợp đồng kinh doanh phải thật thoáng, tránh hình thức chủ nghĩa, tránh rườm rà, vụn vặt, chi tiết. Những quy định về hợp đồng dân sự trong lĩnh vực thoả mãn những nhu cầu của từng cá nhân người tiêu dùng, rõ ràng là không thể thoả mãn được các đòi hỏi này. Đó chính là lý do giải thích tại sao phải có một chế định pháp lý riêng về hợp đồng kinh doanh - một bộ phận không thể thiếu được của luật kinh doanh.

 

Cũng chính vì trong kinh doanh mới có hiện tượng vỡ nợ và phá sản, do đó mới đòi hỏi phải thiết kế một chế định pháp lý đặc thù áp dụng riêng cho các nhà kinh doanh. Có thể lấy nhiều ví dụ nữa để minh hoạ cho tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh và những hậu quả pháp lý của chúng những chế định và quy phạm pháp lý đặc thù cho hoạt động đó. Và chính những chế định và quy định pháp lý đặc thù này đã khẳng định tính độc lập của luật kinh doanh trong mối quan hệ với luật dân sự.

 

2. Chúng ta sống trong cộng đồng thế giới là một bộ phận cấu thành hữu cơ của thế giới đó, cho nên không thể bỏ qua những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Hiện nay chỉ có Thuỵ Sĩ, Italia là 2 nước mà ở đó Bộ luật dân sự đã "thôn tính" các quy phạm của luật thương mại mà thôi (ở Thuỵ Sĩ - vào năm 1911, ở ý- 1942). ở các nước, sự tồn tại riêng biệt của các bộ luật thương mại song song với bộ luật dân sự là một trong những cơ sở để chúng tôi "bỏ phiếu") cho sự độc lập của luật kinh doanh trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 

3. Trong lịch sử xây dựng pháp luật. ở Việt Nam ta các quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp không được coi là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự.

 

Các quan hệ đó đã được điều chỉnh bằng một ngành luật độc lập - luật kinh tế.

 

Chúng tôi cho rằng, khi luật kinh tế đã hết vai trò lịch sử của nó thì "người kế vị" không thể là một ngành luật nào khác ngoài luật kinh doanh.

 

Quan niệm thứ ba: Pháp luật kinh doanh - một bộ phận cấu thành của pháp luật kinh tế.

 

Trong thực tiễn cũng như trong lý luận, một số người thường coi các khái niệm "pháp luật kinh doanh" và "pháp luật kinh tế" là một, là đồng nghĩa với nhau. Cơ sở của quan niệm ấy là sự đồng nghĩa của khái niệm "kinh doanh" và "kinh tế".

 

Chúng tôi lại có một quan niệm khác về vấn đề này. Theo chúng tôi, mối quan hệ giữa pháp luật kinh doanh và pháp luật kinh tế là do mối quan hệ giữa quan hệ kinh doanh và quan hệ kinh tế quyết định. Do đó, vấn đề là phải làm sáng tỏ thế nào là quan hệ kinh doanh và quan hệ kinh tế, xem chúng có phải là một hay cái này chỉ là một bộ phận, một dạng, một hình thức của cái kia mà thôi.

 

Ai cũng biết, pháp luật kinh tế là pháp luật điều chỉnh quan hệ kinh tế.

 

Quan hệ kinh tế theo các nhà kinh tế, là quan hệ phát sinh trong tất cả các khâu (sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng) và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, xây dựng, dịch vụ…) các quan hệ xã hội này do khác nhau về tính chất nên đã là đối tượng điều chỉnh của các ngành luật độc lập khác nhau.

 

Ví dụ: Để sản xuất, con người phải chiếm hữu tư liệu sản xuất; Phát sinh quan hệ giữa người này với tất cả những người khác, về việc chiếm hữu tài sản đó. Đó là quan hệ sở hữu tài sản - một bộ phận của quan hệ kinh tế thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự.

 

Kinh doanh là hoạt động có sử dụng lao động làm thuê. Xuất hiện mối quan hệ về thuê mướn lao động giữa người sử dụng sức lao động và người sở hữu sức lao động đó. Đó là quan hệ lao động - một dạng quan hệ kinh tế - đối tượng điều chỉnh của luật lao động.

 

Hàng hoá sản xuất ra phải được mua bán trên thị trường. Xuất hiện các quan hệ xã hội liên quan đến việc chuyển giao các hàng hoá đó trên cơ sở bình đẳng ngang gía giữa các doanh nghiệp. Đó là quan hệ trao đổi hàng (quan hệ hàng hoá - tiền tệ) - một bộ phận của quan hệ kinh tế do luật kinh doanh điều chỉnh.

 

Nhà kinh doanh (cá nhân, tổ chức) phải nộp thuế theo luật định. Về bản chất, quan hệ về đóng thuế cũng là một dạng của quan hệ kinh tế. Trên thực tế, quan hệ này do luật tài chính điều chỉnh…

 

Tóm lại, quan hệ kinh tế rất đa dạng, phong phú và rất khác nhau về tính chất, do đó được điều chỉnh một cách riêng biệt bằng các ngành luật độc lập như luật dân sự, luật lao động, luật kinh doanh, luật tài chính, luật đất đai… Pháp luật kinh tế, theo chúng tôi không phải là một ngành pháp luật độc lập mà là một khái niệm tổng hợp), bao gồm các quy phạm thuộc các ngành pháp luật độc lập khác nhau vừa nêu trên.

 

Trong tổng thể các quan hệ kinh tế có một nhóm quan hệ rất năng động, phát sinh giữa các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chúng tôi gọi đó là quan hệ kinh doanh. Vì quan hệ kinh doanh cũng là một dạng (bộ phận) của quan hệ kinh tế, cho nên, pháp luật kinh doanh (pháp luật điều chỉnh quan hệ kinh doanh) cũng là một bộ phận cấu thành của pháp luật kinh tế. Khác với pháp luật kinh tế, pháp luật kinh doanh là một ngành pháp luật độc lập, tồn tại song song với các ngành pháp luật khác như pháp luật tài chính, pháp luật dân sự, pháp luật lao động, pháp luật đất đai…

 

Pháp luật kinh doanh, nói một cách nôm na nhất là tổng hợp các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, hoạt động và giải thể các doanh nghiệp.

 

III/ Những vấn đề cụ thể của luật kinh doanh

Với tư cách là một ngành luật độc lập, Luật kinh doanh có cơ cấu riêng của mình. Hiện tại chưa có công trình nghiên cứu nào xác định cơ cấu của ngành luật này ra sao, bao gồm những chế định gì. Theo chúng tôi có 4 bộ phận cơ bản cấu thành của luật kinh doanh là:

 

1. pháp luật về các loại hình doanh nghiệp

(pháp luật về chủ thể kinh doanh);

 

2. Pháp luật về các hành vi kinh doanh

(pháp luật về hợp đồng kinh doanh);

 

3. Pháp luật về vỡ nợ, phá sản;

 

4. Pháp luật về cơ quan tài phán trong kinh doanh

(pháp luật về trọng tài kinh tế và Toà án kinh tế).

 

Đề tài này dành phần lớn sự đầu tư vào nghiên cứu 4 bộ phận cấu thành cơ bản đó của luật kinh doanh. Sau đây, chúng tôi xin tóm tắt những quan điểm và kết quả bước đầu của việc nghiên cứu các bộ phận đó.

 

1/ Những vấn đề cơ bản của pháp luật về doanh nghiệp.

 

Nói đến kinh doanh, người ta nghĩ ngay đến vấn đề ai được phép thực hiện hoạt động đó. Bởi thế vấn đề đầu tiên và cũng là một bộ phận quan trọng hàng đầu của pháp luật kinh doanh là vấn đề chủ thể kinh doanh. Pháp luật này quy định ai được, ai không được quyền kinh doanh, những điều kiện cần phải có để một người nào đó hoặc một tập thể người nào đó được tiến hành hoạt động kinh doanh; thủ tục, trình tự xin phép đăng ký kinh doanh, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, quản lý và cơ chế trách nhiệm của các đề doanh nghiệp cũng như các thành viên tham gia quản lý doanh nghiệp. Trong đề tài này, hầu hết các vấn đề đó đã được nêu ra và giải đáp. Nhiều quan điểm và kiến nghị đưa ra trong đề tài đã được thể chế hoá trong luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty vừa mới ban hanhf. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một vài vấn đề lớn có tính chất nguyên tắc.

 

a) Chủ thể của luật kinh doanh phải là các doanh nghiệp.

 

Mỗi một ngành luật đều có một thành phần chủ thể nhất định. So với các ngành luật khác, việc xác định thành phần chủ thể của luật kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Cái gốc đẻ ra sự rắc rối này là do tính chất đa chủ thể, đa hình thức của bản thân hoạt động kinh doanh.

Kinh doanh theo các nhà kinh tế, là hoạt động của bất cứ ai (cá nhân hay tập thể), liên quan đến bất cứ việc gì (sản xuất, xây dựng, vận tải, thương mại…) được thực hiện trong bất cứ lĩnh vực nào (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…) nhằm mục đích kiếm lời. Do tính chất sản xuất nhỏ của nền kinh tế nước ta, nên trên thực tế ngoài các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp tư nhân, còn có các chủ thể kinh doanh khác như hộ nông dân cá thể, hộ tiểu thủ, hộ buôn bán nhỏ.

 

Luật kinh doanh có điều chỉnh hoạt động kinh doanh của tất cả các chủ thể đó hay không. Có 2 quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bất cứ ai (cá nhân hay tập thể) không phụ thuộc vào quy mô kinh doanh (vốn liếng đầu tư và số lượng nhân công làm thuê) miễn là có hoạt động kiếm lời thì đều thuộc phạm trù chủ thể của luật kinh doanh. Quan điểm thứ 2 có cách nhìn chặt chẽ hơn cho rằng chủ thể của luật này là các doanh nghiệp hiểu theo đúng nghĩa của nó. Không thể là bất cứ ai mà chỉ có thể theo quan niệm này, đơn vị kinh doanh phải có 3 điều kiện sau đây mới được coi là doanh nghiệp:

 

- Có một cơ sở vật chất - kỹ thuật đến mức nhất định, thể hiện trong quy mô vốn liếng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

 

- Có sử dụng lao động của người khác với số lượng nhất định để sản xuất hàng hoá (dịch vụ) cung cấp cho thị trường.

 

- Có trụ sở giao dịch.

 

Chúng tôi ủng hộ quan điểm 2 này vì không những nó phù hợp với quy định chung của pháp luật nhiều nước trên thế giới, mà còn có nhiều lợi ích khác. Rõ ràng là không phải hoạt động kinh doanh của mọi đơn vị kinh doanh đều có ý nghĩa như nhau đối với nền kinh doanh quốc dân. Những hộ nông dân cá thể, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ tuy nhiều về số lượng, nhưng mức độ ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung là không đáng kể. Mặt khác, cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị kinh doanh đó so với các xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã… là rất đơn giản, do đó cũng chẳng cần đến một sự quy định chặt chẽ, cụ thể của pháp luật mà vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Vì thế, việc đặt hoạt động của chúng vào một cơ chế pháp lý chặt chẽ, như đối với các doanh nghiệp quốc doanh, tập thể… là không cần thiết, nếu không nói là có hại. Hoạt động của các đơn vị kinh doanh này nên được quy định bằng một cơ chế pháp lý thoáng hơn, năng động hơn.

 

Như vậy, quan điểm này không những đã giải phóng cho Nhà nước khỏi những công việc không đáng phải làm để tập trung vào giải quyết những vấn đề lớn hơn quan trọng hơn, mà còn góp phần tạo điều kiện cho các hộ gia đình, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ dễ làm ăn.

 

Một vấn đề đặt ra ở đây là, lấy gì làm cơ sở để xác định một cơ sở kinh doanh là một doanh nghiệp. Theo chúng tôi, cần sử dụng khái niệm "vốn pháp định" (là số vốn tối thiểu cần phải có để một cá nhân, tổ chức có thể được Nhà nước cho phép thành lập một doanh nghiệp). Những người xây dựng luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty đã chấp nhận "phương tiện" này và khái niệm "vốn pháp định" đã được luật hoá trong 2 văn bản pháp luật vừa ban hành.

 

Quy định mức vốn bao nhiêu cho từng chủng loại doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…) là công việc của các nhà kinh tế. Nhưng ở đây, vẫn có công việc cho các luật gia. Hiện đang có 2 cách tiếp cận vấn đề liên quan đến việc quy định vốn pháp định cho từng loại hình doanh nghiệp.

 

Các nhà kinh tế dự kiến quy định một cách khác nhau vốn pháp định cho cùng một loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty các loại) nhưng hoạt động trong các lĩnh vực (ngành) khác nhau. Nghĩa là tuy cùng là doanh nghiệp tư nhân nhưng nếu hoạt động trong ngành thuỷ sản thì vốn pháp định sẽ được quy định khác với doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp, công nghiệp, vận tải… Trong mỗi một ngành kinh tế còn có sự phân biệt sâu hơn nữa. Ví dụ, trong lâm nghiệp có vấn đề khai thác, vấn đề chế biến, vốn pháp định cho doanh nghiệp khai thác cũng được xác định khác so với vốn pháp định cho doanh nghiệp chế biến.

 

Chúng tôi cho rằng, cách giải quyết vấn đề một cách quá tỷ mỉ như vậy là không cần thiết vì thực chất là không mang lại tác dụng gì. Không có một nước nào lại làm như thế. Chúng ta đã có một thực tiễn tốt và thực tiễn đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc quy định một cách chung nhất vốn pháp định cho từng chủng loại doanh nghiệp mà không căn cứ vào lĩnh vực hoạt động của chúng. Ví dụ: ở Hà Nội, trước 1990, vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân là 50 triệu đồng. Bây giờ, vì trượt giá tăng lên 80 triệu đồng là hợp lý. Vốn đó là vốn áp dụng chung cho tất cả các xí nghiệp tư nhân, bất luận chúng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vận tải, xây dựng hay dịch vụ công nghiệp.

 

a) Nguyên tắc tự do kinh doanh và vấn đề xin phép kinh doanh.

Như trên đã trình bày, một trong những biểu hiện đậm nét nhất, sâu sắc nhất của chính sách phát triển kinh tế mới mà đại hội VI của Đảng ta đề ra là quyền của mọi người được tự do làm ăn. Pháp luật của Nhà nước phải thể chế hoá được quan điểm đó, phải góp phần xoá bỏ mọi trở ngại về tâm lý, về thủ tục hành chính để quyền tự do kinh doanh được thực thi trong cuộc sống. Đó là lý do để một số người cho rằng, việc pháp luật bắt buộc một ai đó muốn kinh doanh thì trước hết phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là trái với nguyên tắc tự do kinh doanh. Chúng tôi không tán thành quan điểm này, việc xin phép kinh doanh là một hành vi cần thiết và không có gì trái với nguyên tắc đó cả. Không trái bởi vì:

 

- Xin phép kinh doanh chẳng qua là một động tác (công việc) mang tính chất thủ tục hành chính mà thôi. Khi một người nào đó (hay một tập thể người nào đó) đã có đủ những điều kiện do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền không thể từ chối cấp giấy phép cho họ. Nghĩa vụ của nhà chức trách phải cấp giấy phép đã được Nhà nước bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh bằng một loạt các biện pháp trách nhiệm pháp lý được quy định trong luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty.

 

- Xin cho phép kinh doanh là động tác nhằm bảo đảm cho Nhà nước có cơ hội để kiểm soát được hoạt động kinh doanh, trên cơ sở đó mà thiết lập được một trật tự cần thiết trong đời sống kinh tế đất nước. Do đó, ở một khía cạnh nhất định nào đó, động tác này còn có ích cho chính bản thân các nhà kinh doanh. Tự do kinh doanh, theo chúng tôi, phải được hiểu trong một môi trường kinh tế - xã hội nhất định của một quốc gia nhất định; tự do kinh doanh không có nghĩa là kinh doanh vô tổ chức, nằm ngoài sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Quan niệm này đã được chính thức công nhận và đã được thể chế hoá trong luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty. Theo 2 đạo luật này, mọi doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động đều phải làm thủ tục xin phép và chỉ được quyền 'hành nghề" sau khi đã có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

a) Xây dựng pháp luật về các doanh nghiệp - một quá trình nhiều giai đoạn.

 

Pháp luật về các doanh nghiệp, xưa nay ở đâu cũng vậy, luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của pháp luật kinh doanh. Nhiệm vụ của nhà làm luật là làm sao cho mỗi một loại hình doanh nghiệp đều có được một quy chế pháp lý để hoạt động một cách bình thường; không thể để cho một loại hình doanh nghiệp nào tồn tại mà không có sự điều chỉnh của pháp luật.

 

Ngoài các doanh nghiệp truyền thống (xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã các loại) trong nền kinh tế quốc dân đã hình thành một loạt các đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh khác mà xưa nay chưa có. Đó là các xí nghiệp tư nhân và các công ty kinh doanh. Rõ ràng cần phải có pháp luật để không những công nhân tính hợp pháp của các doanh nghiệp đó, mà còn xây dựng một hành lang pháp lý cho chúng hoạt động. Nhưng ban hành các văn bản gì, quy mô các văn bản đó ra sao, thì không phải mọi người đều có quan niệm giống nhau.

 

Có 2 cách giải quyết vấn đề này được nêu ra. Theo cách thứ nhất, cần ban hành luật về doanh nghiệp, trong đó quy định một cách đầy đủ địa vị pháp lý của tất cả các loại hình doanh nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta.

 

Những người chủ trương cách làm 2 không phủ định cách làm thứ nhất, nhưng cho rằng, cách thức đó là không phù hợp với những điêu kiện kinh tế xã hội, nhất là khả năng lập pháp của chúng ta hiện nay do đó sẽ không thể thực hiện được.

 

Vì vậy, trước mắt, chỉ nên từng bước ban hành các đạo luật về tưng loại hình doanh nghiệp riêng biệt và sau này khi đã tổng kết kinh nghiệm thi hành các đạo luật đó, sẽ ban hành một đạo luật chung về doanh nghiệp.

 

Chúng tôi ủng hộ cách 2 này vì cho rằng:

 

- Hiện nay nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp không phải hoàn toàn giống nhau. Trong các loại hình doanh nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế quốc dân, có những doanh nghiệp (xí nghiệp quốc doanh hợp tác xã các loại…) đã có một hệ thống các văn bản pháp luật (mặc dù chưa đầy đủ chưa hoàn thiện) điều chỉnh. Trong khi đó những xí nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tuy đã hình thành ở nhiều nơi mà chưa có được một khuôn mẫu pháp lý thống nhất nào cho việc tổ chức quản lý và hoạt động. Rõ ràng, Nhà nước phải có biện pháp ngay để xoá bỏ cái sự "bất bình đẳng" ấy giữa các doanh nghiệp.

 

Việc Quốc hội vừa ban hành luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty là một trong những bằng chứng minh hoạ cho mối quan tâm đó của Nhà nước ta.

 

- Quá trình xây dựng pháp luật về doanh nghiệp còn phụ thuộc vào mức độ nhận thức của chúng ta về các doanh nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong việc soạn thảo luật về các doanh nghiệp Nhà nước. Quan điểm chính thống của chúng ta về quyền của xí nghiệp quốc doanh đối với các tài sản được giao, cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Giám đốc xí nghiệp là ai, đại diện cho Nhà nước hay cho tập thể công nhân viên hay đại diện cho cả hai; mối quan hệ giữa giám đốc, hội đồng xí nghiệp, đại hội công nhân viên chức… Sẽ được xây dựng như thế nào để vừa đảm bảo được quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh của giám đốc (điều kiện không thể thiếu được của nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường) vừa tránh được sự lạm quyền cuả giám đốc. Những vấn đề then chốt đó, nếu chưa được làm rõ về quan điểm thì chưa thể quy định thành pháp luật được. Đó chính là lý do giải thích tại sao trong khi vẫn coi xí nghiệp Nhà nước là tế bào cơ bản của nền kinh tế quốc dân, chúng ta, cho đến nay vẫn chưa có được một đạo luật về xí nghiệp Nhà nước.

 

- Xây dựng pháp luật là một hoạt động phức tạp đòi hỏi phải có nhiều điều kiện, trong đó điều kiện về đội ngũ cán bộ pháp lý chuyên sâu về lĩnh vực này là rất quan trọng. Chúng tôi cho rằng, lực lượng này hiện còn rất thiếu và yếu.Khi công việc thì nhiều mà sức ta lại có hạn thì theo chúng tôi, không có phương cách nào khác hữu hiệu hơn là phải tiến hành một cơ chế làm luật theo "vết dầu loang".

 

2. Những vấn đề cơ bản của pháp luật hợp đồng kinh tế.

 

Các doanh nghiệp được lập ra là để hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu đó các doanh nghiệp phải tham gia vào các quan hệ trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ… cho nhau. Hình thức pháp luật của các quan hệ đó là hợp đồng, và trong điều kiện của nền kinh tế nước ta - là hợp đồng kinh tế (một số người đề nghị nên gọi là h ợp đồng kinh doanh).

 

Để việc ký kết, thực hiện hợp đồng đi vào nề nếp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quan hệ với nhau một cách bình thường, Nhà nước ta, trong từng thời kỳ khác nhau, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về hợp đồng. Tổng hợp các văn bản đó, trong từng thời kỳ, tạo thành chế độ hợp đồng kinh tế của thời kỳ đó.

 

Chế độ hợp đồng kinh tế không phải là bất biến mà luôn luôn thay đổi để phù hợp với sự biến đổi thường xuyên trong tính chất và nội dung của bản thân các quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Điều đó giải thích tại sao điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo Nghị định 04-TTg ngày 3/1/1960 chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1975 là năm ban hành Nghị định 54/CP ;và Điều lệ về chế độ hợp đồng năm 1975 cũng chỉ tồn tại đến ngày 29/9/1989 là ngày Hội đồng Nhà nước ban hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

 

Sự ra đời của pháp lệnh hợp đồng kinh tế đánh dấu bước phát triển mới của chế độ hợp đồng kinh tế, phù hợp với sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Pháp lệnh đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất mang tính chất nguyên tắc của chế độ hợp đồng kinh tế.

 

Những người nghiên cứu chế độ hợp đồng kinh tế đã trình bày một cách tương đối chi tiết các bộ phận cấu thành của chế định pháp lý này, đã nêu những mặt thành công cũng như những mặt thiếu sót, chưa chuẩn xác và kiến nghị các biện pháp nhằm khắc phục các khiếm khuyết đó. Dưới đây, chúng tôi chỉ trình bày một vài nhận định chung nhất, cơ bản nhất về ưu điểm cũng như về nhược điểm của chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành và trên cơ sở đó đưa ra một vài kiến nghị nhằm hoàn thiện nó trong tương lai.

 

a) Chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành - sự thể chế hoá bước đều quan trọng nguyên tắc tự do hợp đồng ở nước ta.

 

So với chế độ hợp đồng kinh tế được hình thành trong điều kiện của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây, chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành mà xương sống của nó là pháp lệnh hợp đồng kinh tế vừa mới ban hành có rất nhiều điểm mới.

 

Những điểm mới đó thể hiện rõ trong hầu hết các quy định từ khâu xác định thành phần chủ thể của hợp đồng, thủ tục ký kết, hình thức ký kết, nguyên tắc ký kết hợp đồng đến nội dung hợp đồng, chế độ trách nhiệm tài sản do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Nhưng cái mới nhất trong tất cả cái mới của chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành, theo chúng tôi đó là nguyên tắc tự do hợp đồng (một trong những biểu hiện cô đọng nhất của nguyên tắc tự do kinh doanh) lần đầu tiên đã được khẳng định về mặt pháp lý. Tất nhiên, trong pháp lệnh hợp đồng kinh tế không có điều nào, khoản nào viết nguyên văn bốn chữ "tự do hợp đồng" cả. Đó chỉ là kết luận được rút ra từ sự phân tích một loạt quy phạm pháp luật trong pháp lệnh nhất là điều 3 nói rằng "ký kết hợp đồng kinh tế là quyền của các đơn vị kinh tế. Không một cơ quan tổ chức, cá nhân nào được áp đặt ý chí của mình cho đơn vị kinh tế khi ký kết hợp đồng". Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp có quyền quyết định mình nền xác lập quan hệ làm ăn với ai và quyết định luôn nội dung của các quan hệ kinh tế đó (tất nhiên là trừ trường hợp khi các đơn vị kinh tế phải thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước).

 

So với Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành năm 1975, trong đó xác định rằng ký kết hợp đồng kinh tế là nghĩa vụ của các đơn vị kinh tế thì quy định về quyền ký kết hợp đồng kinh tế trong pháp lệnh ngày 29/9/1989 quả là một tiến bộ vượt bậc của pháp luật hợp đồng kinh tế nước ta hiện nay. Cái mối này là cái gốc quyết định sự ra đời của tất cả cái mới khác của chế độ hợp đồng kinh tế hiện nay mà chúng tôi không có điều kiện trình bày ở đây.

 

Hiện nay chúng ta có pháp lệnh hợp đồng kinh tế và một số văn bản hướng dẫn thực hiện như: Nghị định số 17/HĐBT (16/1/1990), quyết định số 18/HĐBT (16/1/1990) và các thông tư hướng dẫn của Trọng tài kinh tế Nhà nước. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, bên cạnh những mặt được, mặt mạnh đáng khích lệ, pháp luật hợp đồng kinh tế cũng còn có những hạn chế nhất định. Sau đây là 2 hạn chế mà chúng tôi cho là cơ bản nhất.

 

b) Pháp luật hợp đồng kinh tế - pháp luật nặng nề về điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hoá.

 

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là xương sống của pháp luật về hợp đồng. Pháp lệnh này quy định phạm vi áp dụng của hợp đồng kinh tế rất rộng, bao gồm sản xuất, trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh. Vậy mà các quy định cụ thể của pháp lệnh lại rất phiến diện, không bao quát được tất cả các chủng loại hợp đồng chỉ nặng về hợp đồng trao đổi hàng hoá. Cụ thể là, tất cả các quy định từ điều 12 đến điều 25 đều nói về hàng hoá, công việc.

 

Kinh doanh được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó hợp đồng kinh doanh rất đa dạng. Có hợp đồng được ký kết không nhằm chế tạo ra sản phẩm hoặc lưu thông hàng hoá mà nhằm thiết lập một doanh nghiệp nào đó; có hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng đấu thầu xây dựng, hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hợp đồng uỷ thác… ít thấy có những quy định trong pháp lệnh nói về các loại hợp đồng này; bởi vậy, tính không bao trùm, tính phiến diện, tính thiên lệch về quan hệ trao đổi hàng hoá là hạn chế lớn nhất của pháp lệnh hợp đồng kinh tế nói riêng và pháp luật về hợp đồng kinh tế nói chung hiện nay.

 

c) Pháp luật hợp đồng kinh tế - có gốc mà chưa có ngọn.

 

Sự ra đời của pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành là một thành quả rất đáng trân trọng của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các văn bản này đã giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng nói chung. Nhưng như trên đã nói kinh doanh là một hoạt động rất đa dạng nên hợp đồng kinh doanh cũng rất phong phú. Nếu chỉ có những quy định chung nhất, khái quát nhất về hợp đồng kinh tế mà không có những quy định cụ thể đặc trưng cho từng mối quan hệ kinh tế cụ thể thì trên thực tế, hợp đồng kinh tế cũng không thể xác lập và thực hiện được một cách nhanh chóng và thuận tiện.

 

Rất tiếc là, cho đến nay, sau hơn một năm tồn tại, cây pháp luật hợp đồng kinh tế mới chỉ có gốc là pháp lệnh hợp đồng kinh tế mà chưa có được cành lá xum xuê là một hệ thống các điêù lệ về các chủng loại hợp đồng cụ thể. Việc thiếu những điều lệ này không những hạn chế hiệu quả, tác dụng của bản thân pháp lệnh mà còn gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động ký kết và thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp.

 

Từ sự phân tích trên, theo chúng tôi việc hoàn thiện chế độ hợp đồng kinh tế nên tiến hành theo những hướng cơ bản sau đây:

 

- Xem xét lại những điều khoản chưa phù hợp, chưa chính xác, bổ sung những điều khoản còn thiếu để chất lượng của pháp lệnh được nâng lên một trình độ mới;

 

- Xây dựng gấp các Điều lệ chủng loại hợp đồng coi đó như sự mở rộng các quy định của pháp lệnh hợp đồng kinh tế vào việc giải quyết những mối quan hệ kinh tế cụ thể.

 

3. Một số vấn đề của pháp luật về phá sản

 

a) Sự cần thiết phải xây dựng pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

 

Nền kinh tế của nước ta đang chuyển sang cơ chế thị trường. Nhiều hậu quả kinh tế xã hội của nđnhiều kinh tế đó, cho dù chúng ta không mong muốn đi nữa, nhưng vì là tất yếu khách quan, nên đã và đang xảy ra. Một trong những hiện tượng mới là đó là hiện tượng phá sản. Do không có pháp luật về vấn đề này nên trên thực tế, việc phá sản mỗi nơi giải quyết một khác do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng giao dịch với doanh nghiệp nhiều nơi, nhiều lúc bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Đứng trước một doanh nghiệp đang có nguy cơ "sập tiệm", nhiều người có quyền lợi liên quan (chủ nợ) không biết phải tự làm gì, kêu với ai để bảo vệ các lợi ích của mình. Các cơ quan các trách nhiệm của Nhà nước cũng vậy họ không biết phải tiến hành những tác vụ gì để xác định được "tích sản" (tài sản có) và "tiêu sản" (tài sản nợ) của doanh nghiệp; không biết phải phân chia tài sản cho các chủ hộ như thế nào, theo một thứ tự ưu tiên (ai được trước, ai được sau) ra sao; không biết được trong mối quan hệ với con nợ và các chủ nợ, mình có những quyền và nghĩa vụ gì… Rõ ràng cần phải có pháp luật về phá sản để bảo vệ lợi ích của những người có quan hệ với doanh nghiệp.

 

Pháp luật cần phải có để không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích của công chúng mà còn để bảo vệ lợi ích của chính bản thân các chủ doanh nghiệp bị phá sản.

 

Chúng ta nên quan niệm Nhà kinh doanh bị phá sản như một kẻ sa cơ thất thế, vì gặp vận không may mà rơi vào hoàn cảnh ấy (trừ những trường hợp phá sản gian lận). Do đó, cần phải có pháp luật để che chở cho họ, bảo vệ họ thoát khỏi những hành vi liều lĩnh, nhiều khi rất tai hại từ phía các chủ nợ. Chẳng mấy ai dám kinh doanh khi hàng ngày nhìn thấy bao cảnh nhà tan cửa nát, cảnh đe doạ, hành hung tính mạng của các "đồng nghiệp" của mình. Sự có mặt của pháp luật về phá sản để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực được gây ra từ phía các chủ nợ đối với các con nợ, suy cho cùng, là biện pháp thúc đẩy sản xuất phát triển. Nói cách khác, việc xây dựng càng sớm càng tốt pháp luật về phá sản còn là một đòi hỏi (nhu cầu) của sự phát triển kinh tế đất nước.

 

b) Chỉ có doanh nghiệp mới bị tuyên bố phá sản

 

Theo pháp luật của các nước, người bị tuyên bố phá sản chỉ có thể là các thương gia. Tư cách thương gia không phải ai cũng có. Pháp luật quy định những tiêu chuẩn kinh tế và pháp lý rõ ràng để xác định ai là thương gia. ở nước ta, không có khái niệm "thương gia" mà chỉ có khái niệm "doanh nghiệp".

 

Tuy nhiên, những điều kiện để một cơ sở kinh doanh được coi là doanh nghiệp cũng chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Như đã phân tích ở mục nói về chủ thể pháp luật kinh doanh, chúng tôi cho rằng, không phải tất cả các cơ sở kinh doanh đều là doanh nghiệp. Hộ nông dân cá thể, hộ tiểu chủ, hộ buôn bán nhỏ tuy có làm ra sản phẩm bán ra thị trường để kiếm lời, nhưng đó không phải là doanh nghiệp. Do đó, không thể tuyên bố các cơ sở kinh doanh nhỏ đó phá sản được. Pháp luật hầu hết các nước trên thế giới đều có chung quan niệm như vậy.

 

Tại sao chúng tôi lại chủ trương cần phải có quan điểm hạn chế như vậy về phạm vi chủ thể của pháp luật phá sản? đó là vì, sự phá sản của những cơ sở kinh doanh này không gây ảnh hưởng gì đối với quốc kế dân sinh. Việc ra đời và chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh đó xảy ra thường ngày, do đó không cần thiết phải đưa việc giải thể chúng vào chung một thủ tục có sự giám sát nghiêm ngặt của Nhà nước như thủ tục phá sản một doanh nghiệp thực thụ. Mọi tranh chấp về tài sản phát sinh do việc giải thể các cơ sở kinh doanh đó được giải quyết theo những nguyên tắc của luật dân sự và tố tụng dân sự.

 

c) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể bị tuyên bố phá sản.

 

Các doanh nghiệp tập thể và tư nhân có thể bị tuyên bố phá sản. Về vấn đề này, không có gì đáng tranh luận cả. Trong khi đó, vấn đề phá sản đối với các doanh nghiệp Nhà nước lại là đề tài đang được thảo luận sôi nổi hiện nay. Có ý kiến cho rằng đối với các xí nghiệp quốc doanh vấn đề phá sản không thể đặt ra, bởi vì liên quan đến sở hữu của Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước không bao giờ bị phá sản, bởi vì Nhà nước phải có những hậu thuẫn cần thiết khi chúng gặp khó khăn. Bởi thế luật phá sản chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà thôi. Nếu các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất thì Nhà nước đặt vấn đề giải thể chúng chứ không có cái gọi là phá sản.

 

Tuy nhiên, giải thể không có nghĩa là xoá nợ. Trong trường hợp này, Nhà nước phải đứng ra thanh toán mọi món nợ của doanh nghiệp giải thể với công chúng giao dịch theo một thủ tục tố tụng riêng chứ không theo các quy định của pháp luật về phá sản;

 

Có ý kiến khác cho rằng, ở Việt Nam ta, cần phải áp dụng pháp luật phá sản cho cả các doanh nghiệp Nhà nước. Phải làm như vậy vì hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước đã được giao vốn và có toàn quyền quyết định đối với các tài sản được giao. Trong sản xuất kh chúng cũng được hoàn toàn độc lập, lời ăn, lỗ chịu, Nhà nước không bao cấp nữa.

 

Chúng tôi cho rằng, các ý kiến trên đều không chuẩn xác, bởi vì đều rơi vào cực đoan này hoặc cực đoan khác. Thiết nghĩ, để giải quyết một cách hợp lý vấn đề này, cần phải phân loại các doanh nghiệp Nhà nước và tuỳ theo quy mô và tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế quốc dân mà quyết định vấn đề có nên áp dụng pháp luật phá sản đối với chúng hay không. Các doanh nghiệp Nhà nước nên chia thành 2 nhóm (loại). Thuộc loại một là những doanh nghiệp quan trọng, cung cấp những hàng hoá, dịch vụ tối cần thiết cho quốc tế dân sinh. Loại doanh nghiệp này, dù có được Nhà nước giao vốn chăng nữa vẫn không thể là đối tượng của phá sản. Nhà nước phải bằng mọi cách mà duy trì sự tồn tại của nó. Loại 2 là những doanh nghiệp không có vai trò quan trọng như loại 1 và có số lượng rất lớn hiện nay. Cần phải để cho chúng hoạt động theo một khung pháp lý chung dành cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Và cho đến khi "chết" chúng phải được bình đẳng với nhau, nghĩa là được hưởng chung một chế độ pháp lý về phá sản. Tóm lại, Nhà nước không có trách nhiệm phải đối xử với các doanh nghiệp nhỏ này như đối với các doanh nghiệp lớn có tầm quan trọng đặc biệt (loại 1). Chúng có thể bị tuyên bố phá sản như các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và phải chịu mọi hậu quả của quá trình giải quyết vụ phá sản đó.

 

d) Ngừng trả nợ - đó mới là lý do phá sản.

 

Hậu quả của án phá sản là rất nghiêm trọng, liên quan đến các lợi ích vật chất và tinh thần của chủ doanh nghiệp, do đó việc xác định chính xác lý do (cơ sở) để Toà án từ chối hay chấp nhận đơn xin phá sản, là việc làm hết sức quan trọng.

 

Các nhà lập pháp nước ta đưa ra quan niệm cho rằng tình trạng phá sản là tình trạng khi tại một thời điểm đó, tổng số tài sản nợ của doanh nghiệp nhiều hơn tổng số tài sản có của nó. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng đó thì cơ quan tài phán (trọng tài kinh tế hiện nay hay Toà án kinh tế sau này) có thể tuyên bố doanh nghiệp đó phá sản. Chúng tôi cho rằng quan niệm đó chưa thật chính xác, vì tình trạng "nợ" lớn hơn "có" là tình trạng mà doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình có thể thường xuyên lâm vào. Nhưng doanh nghiệp khi rơi vào hòan cảnh đó không nhất thiết bao giờ cũng sẽ bị phá sản, bởi vì nó có thể thông qua nhiều biện pháp mà thoát ra được (vay được ngân hàng, khất nợ…). Do vậy, nếu cứ theo quan niệm đó mà thực hiện thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị "tử hình" oan. Do đó, theo chúng tôi, để không rơi vào các trường hợp tai hại này, pháp luật phải quy định một lý do cụ thể hơn, rõ ràng hơn cho việc phá sản.

 

Lý do đó là, trên thực tế doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là sự ngưng trả nợ. Chỉ biết rằng khi nợ đến hạn mà doanh nghiệp không có cách nào khác để thanh toán nợ (trừ phi dùng những phương cách bất chính, hoặc dùng cách xoay xở vay chỗ này, trả chỗ kia "dật gấu vá vai" như người ta thường nói) thì coi như doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản và lúc đó, Toà án kinh tế có thể thụ lý án phá sản đối với nó.

 

đ) Ai có quyền khởi tố vụ án phá sản ? Câu hỏi này là một trong những vấn đề quan trọng mà pháp luật về phá sản phải làm sáng tỏ. Để trả lời câu hỏi naỳ, điều cơ bản là phải xác định được thực chất của thủ tục phá sản là gì. Thủ tục phá sản, thực chất là quá trình giải quyết mối quan hệ về tài sản giữa con nợ và các chủ nợ. Do đó, nguyên tắc là: chỉ có những ai mà quyền lợi của họ có liên quan trực tiếp đến quá trình phá sản thì người đó mới có quyền khơỉ án phá sản . Chính vì thế, chủ nợ và con nợ là những người được xếp đầu bảng trong số các chủ thể có quyền khởi tố án phá sản. Pháp luật về phá sản của các nước đã quy định như thế và chắc chắn pháp luật của ta cũng sẽ quy định một quan niệm như vậy. Vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là, liệu có nên cho phép những cơ quan của Nhà nước (ví dụ như cơ quan công an, kiểm sát, thanh tra) có thể làm đơn lên Toà án kinh tế đề nghị phá sản doanh nghiệp hay không? có 2 ý kiến khác nhau về vấn đề này. ý kiến thứ nhất cho rằng vì các cơ quan này không đứng trong quan hệ nợ - đòi nợ, nên không thể là đương sự của tố tụng phá sản.

 

ý kiến thứ 2 hoàn toàn ngược lại, những người khởi xướng ý kiến này cho rằng, trong thực tế, không phải bao giờ người có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp cũng biết được tình trạng tài chính bi đát của doanh nghiệp, do đó không có điều kiện và khả năng để tự bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình. Nhà nước, xuất phát từ tính chất "vì dân" của mình mà không thể đứng ngoài cuộc, phải can thiệp bằng cách khởi tố vụ án để bảo vệ một cách trực tiếp quyền lợi cho họ. Chúng tôi không hoàn ủng hộ các ý kiến trên, vì nêu như ý kiến một thể hiện thái độ thờ ơ, bàng quang trước lợi ích của công dân, thì ý kiến 2 lại phản ánh một mức độ can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của chủ nợ và con nợ. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chúng tôi cho rằng, các cơ quan Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của công chúng, nhưng thông qua một cơ chế "tế nhị" hơn.

 

Các cơ quan này không nên trực tiếp khởi án mà chỉ nên chuyển giao cho Toà án kinh tế những tài liệu liên quan đến tình tình tài chính cuả doanh nghiệp mà mình đã thu thập được trong quá trình thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra. Chỉ có Toà án kinh tế là cơ quan Nhà nước duy nhất có nghĩa vụ khởi án phá sản khi thấy đủ lý du (cơ sở) mà thôi.

 

4. Những vấn đề về cơ quan tài phán trong kinh doanh.

 

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã làm thay đổi căn bản tính chất của các quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Đến lượt mình, sự thay đổi đó lại kéo theo sự thay đổi của một loạt các cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan trọng tài kinh tế. Có nhiều vấn đề cần xem xét giải quyết xung quanh việc tổ chức và hoạt động của cơ quan này. Trong phạm vi đề tài này chúng tôi xin đề cập 2 vấn đề mà thôi. Đó là: tại sao phải cải tổ trọng tài kinh tế và cần phải cải tổ nó như thế nào.

 

a) Tại sao phải cải tổ trọng tài kinh tế

 

Theo chúng tôi, có 3 lý do dẫn đến việc cần phải cải tổ trọng tài kinh tế.

 

- Tính chất của tranh chấp hợp đồng kinh tế mà trọng tài kinh tế có nhiệm vụ giải quyết đã thay đổi về chất.

 

Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sự ra đời của trọng tài kinh tế là một hiện tượng hợp lý. Cơ quan quản lý Nhà nước này được lập ra để giải quyết các tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa các xí nghiệp thuộc khu vực kinh tế quốc doanh. Đó là lý do tại sao trong toàn bộ lịch sử của mình, Trọng tài kinh tế ở Liên Xô không bao giờ giải quyết các tranh chấp hợp đồng mà một bên là hợp tác xã. ở Việt Nam ta, nhìn chung, mô hình trọng tài kinh tế (cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…) về cơ bản là giống mô hình trọng tài kinh tế Liên Xô (trừ một vài "sáng tạo" mà chúng tôi không có dịp trình bày ở đây).

 

Tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác. Trong nền kinh tế đã xuất hiện và hoạt động ngày càng mạnh các loại hình doanh nghiệp mới dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Do đó, các tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa chúng với nhau không còn manh tính chất "nội bộ Nhà nước" nữa. Đó là các tranh chấp tài sản giữa các chủ sở hữu khác nhau. Việc giải quyết tranh chấp giữa những chủ thể như thế không thể giao cho trọng tài kinh tế mà phải giao cho một cơ quan tài phán thực thụ nào đó (Toà án kinh tế chẳng hạn).

 

Tóm lại, tính chất của cơ quan giải quyết tranh chấp là do tính chất của quan hệ tranh chấp quyết định. Tính chất quan hệ tranh chấp đó ngày nay đã thay đổi nên tất yếu kéo theo sự thay đổi của cơ quan trọng tài kinh tế nước ta.

 

- Trong thực tiễn kinh doanh đã xuất hiện những công việc mới mà trọng tài kinh tế - cơ quan quản lý - không có thẩm quyền thực hiện.

 

Tự do kinh doanh trong cơ chế thị trường tất yếu sẽ đẻ ra sự phá sản của những doanh nghiệp không chịu được sức ép của cạnh tranh. Đã có hiện tượng phá sản thì phải có một cơ quan nào đó đứng ra thay mặt Nhà nước để tuyên bố một doanh nghiệp nào đó phá sản và liền theo đó là tiến hành một loạt biện pháp để xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản.

 

Những công việc hệ trọng liên quan đến tài sản và cuộc sống của nhiều người như vậy phải được một cơ quan quyền lực của Nhà nước đứng ra giải quyết. Trọng tài kinh tế với tư cách là cơ quan quản lý trực tiếp thuộc cơ quan hành pháp không đủ "thẩm quyền" để làm việc này. Theo kinh nghiệm của tất cả các nước trên thế giới, cơ quan đó phải là Toà án chứ không thể là một cơ quan nào khác. Việt Nam ta chắc chắn không phải là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc có tính chất toàn cầu đó.

 

- Nâng cao hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài kinh tế.

 

Điều đáng quan tâm hiện nay là hiệu qủa hoạt động của các cơ quan trọng tài kinh tế rất thấp, đặc biệt trong lĩnh vực cưỡng chế thi hành các quyết định. Theo báo cáo tổng kết ngành trọng tài kinh tế sáu tháng đầu năm 1990, chỉ có 36% quyết định của trọng tài kinh tế được thi hành, thậm trí có tỉnh chỉ thi hành được 10% quyết định của cơ quan trọng tài kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, mỗi một trường hợp cụ thể có nguyên nhân riêng của nó. Tuy nhiên theo chúng tôi, có mấy lý do cơ bản sau đây:

 

Thứ nhất, các quyết định của trọng tài kinh tế không thể được tuyên "nhân danh nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" như các quyết định hay bản án của Toà án nhân dân.

 

Thứ hai, nội dung của các quyết định này, dù đó là quyết định xét xử hay quyết định xử lý vi phạm chăng nữa thì vẫn mang tính chất của một quyết định quản lý;

 

Thứ ba, việc phối hợp thi hành quyết định của trọng tài kinh tế có những hạn chế, bởi vì, là cơ quan quản lý trọng tài kinh tế khó có thể "ra lệnh" cho các cơ quan quản lý khác thi hành quyết định của mình.

 

Việc cải tổ một cách căn bản trọng tài kinh tế theo chúng tôi, sẽ góp phần cải thiện tình hình đáng lo ngại này.

 

2. Cải tổ trọng tài kinh tế phương hướng nào.

 

Để đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế, trên cơ sở nhận thức được tính chất ưu việt của cơ quan xét xử; học tập kinh nghiệm tổ chức cơ quan tài phán trong kinh doanh ở nước ngoài, chúng tôi thiết nghĩ nên xây dựng cơ quan trọng tài kinh tế thành Toà án kinh tế.

 

Vấn đề đặt ra là nên tổ chức các cơ quan này như thế nào cho phù hợp với thực tế hiện nay ở nước ta.

 

Kinh nghiệm tổ chức loại hình cơ quan này ở nước ngoài rất phong phú. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mà ở một số nước cơ quan này được tổ chức theo hệ thống dọc độc lập, tồn tại song song với hệ thống các cơ quan Toà án; trong lúc đó, ở một số nước khác, lại nằm ngay trong hệ thống các cơ quan Toà án.

 

ở nước ta, việc cải tổ cơ quan trọng tài kinh tế cần đạt được những yêu cầu sau: thứ nhất, thúc đẩy công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tạo điều kiện thực hiện tốt chủ trương phát triển có kế hoạch nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần; thứ hai, đảm bảo được hiệu quả hoạt động của cơ quan đó, thứ ba, bảo đảm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh giảm bộ máy Nhà nước.

 

Dựa vào những yêu cầu trên, chúng tôi thấy có hai phương án cải tổ cơ quan trọng tài kinh tế ở nước ta.

 

Theo phương án thứ nhất, trọng tài kinh tế được cải tổ thành Toà án kinh tế, tồn tại độc lập theo một hệ thống dọc song song với hệ thống các cơ quan Toà án nhân dân.

 

Theo phương án hai, sáp nhập trọng tài kinh tế vào Toà án nhân dân, thành lập một Toà án mới, Toà án kinh tế song song tồn tại với các toà dân sự, toà hình sự trong các cơ quan Toà án nhân dân các cấp.

 

Nhìn chung, mỗi một phương án đều có những ưu điểm nhược điểm của nó.

 

Trước hết nói về phương án một.

 

Phương án được đưa ra dựa trên cơ sở việc giải quyết (xét xử) các vụ tranh chấp kinh tế đòi hỏi phải được tiến hành theo một thủ tục nhanh gọn để kịp thời đảm bảo lợi ích hạch toán của các đương sự cũng như lợi ích của Nhà nước nói chung. Để đáp ứng yêu cầu đó, Toà án kinh tế không thể tiến hành một thủ tục tố tụng như thủ tục tố tụng dân sự mà phải theo một thủ tục tố tụng có đặc thù riêng. Chính cái riêng này của thủ tục tố tụng là cơ sở lý luận cơ bản cho việc xây dựng cơ quan Toà án kinh tế theo một hệ thống độc lập tồn tại song song với hệ thống cơ quan Toà án nhân dân.

 

Mặt khác, nếu tiến hành việc xây dựng cơ quan Toà án kinh tế theo phương án một thì việc đổi mới cơ cấu tổ chức chỉ cần tiến hành trong nội bộ các cơ quan trọng tài kinh tế hiện nay mà thôi, chứ không cần thiết phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống thông qua việc giải thể, sáp nhập. Như vậy, trên thực tế công tác tổ chức được tiến hành một cách nhẹ nhàng hơn.

 

Cũng như cơ cấu tổ chức của các cơ quan Nhà nước khác, cơ cấu tổ chức của Toà án kinh tế, sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác nhau từ các bộ phận hành chính quản trị đến các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi một bộ phận đảm nhiệm một chức năng, nhiệm vụ riêng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động một cách đồng bộ của toàn cơ quan Toà án kinh tế.

 

Cơ cấu các bộ phận bên trong của Toà án kinh tế cần có để thực hiện những chức năng nhiệm vụ chính của mình bao gồm: bộ phận lãnh đạo, bộ phận thẩm phán, bộ phận chấp hành viên.

 

Hiện nay, theo quy định của các văn bản pháp luật, ở các cơ quan trọng tài kinh tế, bộ phận lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch) và bộ phận trọng tài viên đã được thành lập (trong cơ quan Toà án kinh tế chúng gọi là chánh án, phó chánh án và thẩm phán). Các chủ tịch, phó chủ tịch và trọng tài viên trọng tài kinh tế được đề bạt theo trình tự bổ nhiệm và bãi miễn (xem các điều 10, 15,18,20 pháp lệnh trọng tài kinh tế). Khi cải tổ cơ quan trọng tài kinh tế thành cơ quan Toà án kinh tế, thủ tục đề bạt trên còn phù hợp không? chúng tôi cho là không bởi vì:

 

Thứ nhất, Toà án kinh tế là cơ quan nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ tranh chấp kinh tế, do đó những cán bộ đảm nhiệm các chức vụ chánh án, phó chánh án, thẩm phán phải do các cơ quan quyền lực bầu ra. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 1980.

 

Thứ hai, về phương diện thực tiễn, hiện tồn tại chế độ thẩm phán bầu ở các cơ quan Toà án nhân dân, thật không có lý, nếu ở cơ quan Toà án kinh tế - một loại cơ quan Toà án tồn tại song song với Toà án nhân dân, lại thực hiện chế độ bổ nhiệm và bãi miễn thẩm phán.

 

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này cũng cần nhấn mạnh rằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán vẫn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Chế độ đó cũng có những mặt tích cực của nó và ở nước ta nhiều trường hợp thẩm phán Toà án nhân dân được đề bạt theo thể thức bổ nhiệm. Ví dụ theo đề nghị của chánh án Toà án nhân dân tối cao, một số thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thể do Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm.

 

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đó chúng tôi cho rằng chánh án và phó chánh án Toà án kinh tế phải do cơ quan quyền lực bầu ra. Riêng các thẩm phán Toà án kinh tế có thể "bầu" hoặc "cử" nhưng dù bầu hay cử, việc đó phải do cơ quan quyền lực tiến hành. Do tính chất phức tạp và đặc thù của việc xét xử các tranh chấp kinh tế, cho nên thẩm phán Toà án kinh tế cần có trình độ nhất định về pháp lý và quản lý kinh tế, trong đó cần chú trọng hơn về trình độ pháp lý.

 

Như đã trình bày, hoạt động của cơ quan trọng tài kinh tế nước ta hiện nay còn kém hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân khác như pháp luật chưa có những quy định cụ thể về việc thi hành quyết định của trọng tài kinh tế, nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng đó là do ở các cơ quan trọng tài kinh tế không có một bộ phận chuyên trách thi hành quyết định. Để nâng cao hiệu lực hoạt động của mình trong cơ cấu tổ chức của Toà án kinh tế cần có một bộ phận chấp hành viên, trực tiếp thi hành quyết định của Toà án kinh tế.

 

Như vậy, theo phương án một, có thể xây dựng các cơ quan Toà án kinh tế theo một hệ thống dọc độc lập, tồn tại song song với hệ thống các cơ quan Toà án nhân dân hiện nay. Tuy nhiên phương án này có một hạn chế lớn đáng quan tâm. Đó là sự cồng kềnh trong bộ máy Nhà nước, cái mà hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng khắc phục. Khi hệ thống các Toà án kinh tế được xây dựng , thì trên thực tế nước ta sẽ có hai hệ thống cơ quan Toà án. Đặc biệt, trong các cơ quan Toà án kinh tế lại phải thành lập đầy đủ các bộ phận tương tự trong các cơ quan Toà án nhân dân hiện nay. Và như vậy số lượng biên chế sẽ tăng lên đáng kể. Cái đó có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách giảm biên chế của Đảng và Nhà nước.

 

Hạn chế đó của phương án một chỉ có thể được khắc phục, nếu xây dựng mô hình Toà án kinh tế theo phương án hai. Bởi vì, theo phương án hai, để thực hiện các chức năng , nhiệm vụ của Toà án kinh tế , ở cơ quan Toà án không cần phải thành lập thêm một số bộ phận, chẳng hạn như bộ phận chấp hành viên, (trong các Toà án hiện nay đã có đầy đủ các bộ phận đó).

 

Nội dung của phương án hai đề cập vấn đề cải tổ các cơ quan trọng tài kinh tế thành các toà trong các Toà án nhân dân .

 

Như vậy, nếu như theo phương án một, công việc đổi mới cơ cấu tổ chức chủ yếu tiến hành trong nội bộ cơ quan trọng tài kinh tế, thì theo phương án hai công việc đó lại chủ yếu được tiến hành trong nội bộ cơ quan Toà án nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả những chức năng , nhiệm vụ mới từ cơ quan trọng tài kinh tế chuyển sang, cơ cấu bên trong của Toà án nhân dân cần có bước hoàn thiện mới. Việc hoàn thiện cơ quan Toà án nhân dân phải được tiến hành theo những phương hướng chủ yếu sau:

 

Thứ nhất, thành lập các Toà án kinh tế.

 

ở Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tỉnh, ngoài toà hình sự và toà dân sự cần thiết phải thành lập một Toà án mới, toà kinh tế . Toà này sẽ đảm nhiệm việc giải quyết các tranh chấp kinh tế theo một thủ tục tố tụng riêng.

 

Các thẩm phán làm việc ở Toà kinh tế đương nhiên phải bầu, bởi vì, không thể trong một Toà án có những thẩm phán được bầu lại có những thẩm phán khác đề bạt theo thủ tục bổ nhiệm. Còn khi tiến hành các công việc của mình, các thẩm phán đó phải tuân theo những quy định về thủ tục tố tụng kinh tế (hiện gọi là thủ tục tố tụng trọng tài).

 

Một vấn đề khác được đặt ra ở đây là trong các Toà án huyện có nên xây dựng Toà án kinh tế hay không;

 

Xây dựng một cơ quan hay một bộ phận cơ quan phải dựa vào chức năng và nhiệm vụ của nó. Thực tế hiện nay, các tranh chấp kinh tế thuộc thẩm quyền trọng tài kinh tế huyện không nhiều , hầu như không có, do đó nhiều huyện đã không thành lập cơ quan trọng tài kinh tế . Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ của huyện có khả năng đảm nhiệm chức năng , nhiệm vụ của Toà án kinh tế (xét xử, tuyên bố vỡ nợ, phá sản )còn rất thiếu. Theo kinh nghiệm tổ chức loại cơ quan này ở nước ngoài, chúng tôi cho rằng ở Toà án huyện không nên có bộ phận chuyên trách về xét xử các tranh chấp kinh tế. Những vụ tranh chấp hiện đang thuộc thẩm quyền cuả trọng tài kinh tế huyện nên chuyển cho Toà án kinh tế thuộc Toà án tỉnh giải quyết.

 

Thứ hai, hoàn thiện bộ phận lãnh đạo.

 

Khi ở các Toà án nhân dân thành lập một toà mới, toà kinh tế, nảy sinh vấn đề quản lý toà đó theo chuyên môn và nghiệp vụ riêng. Do đó vấn đề hoàn thiện bộ phận lãnh đạo trong cơ quan Toà án nhân dân được đặt ra, giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, cần có một phó chánh án chuyên phụ trách toà kinh tế. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả hoạt động của toà này, đảm bảo việc xét xử của toà kinh tế theo đúng thủ tục tố tụng riêng.

 

Thứ ba, hoàn thiện bộ phận thi hành án.

 

Bộ phận thi hành án đã được thành lập ở các Toà án nhân dân, do đó khác với phương án một, ở đây không cần thiết phải xây dựng thêm bộ phận này. Tuy nhiên để đảm bảo các nguyên tắc của kinh doanh, trong khi thi hành án kinh tế sẽ có những điểm khác với việc thi hành án dân sự.

 

Trên đây, là hai phương án xây dựng mô hình Toà án kinh tế trong giai đoạn mới. Mỗi một phương án có mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nhưng suy cho cùng phương án hai có nhiều ưu việt hơn. Chính vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

phần thứ hai

 

 

Báo cáo chuyên đề

 

nhận dạng rõ thêm những đặc trưng chủ yếu của mô hình kinh tế mới đang hình thành ở nước ta

Phạm Quang Lê

(Ban kinh tế trung ương)

 

 

Chúng ta đã đi một bước khá dài trên con đường đổi mới về kinh tế theo quan điểm cơ bản mà Đại hội toàn quốc lần thứ VI của đảng đã vạch ra. Từ một nền kinh tế hiện vật vận hành bởi cơ chế kế hoạch hoá tập trung, từng được coi như mô hình kinh tế duy nhất đúng đắn của chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã nhận thức được tính tất yếu lịch sử của nền kinh tế hàng hoá dưới chủ nghĩa xã hội (chí ít là trong thời kỳ quá độ) phản ánh quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên. Nhân tố quan trọng nhất là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần đang hình thành và tỏ rõ sức sống, cùng với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý khá mạnh đã bước đầu tạo ra sự khởi sắc rõ nét trong đời sống kinh tế, mở ra hướng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội để chuẩn bị cho sự cất cánh trong những thập kỷ tới. Cơ chế thị trường từ chỗ bị coi là một cái gì xa lạ về bản chất với đầy đủ định kiến cố chấp đã có vai trò rất quan trọng ngay trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau và được điều tiết theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Tuy nhiên, tất cả những gì đã đạt được đều chưa đủ để định hình một mô hình kinh tế mới hoàn chỉnh cần lựa chọn. Có thể nói nền kinh tế hiện đang tồn tại dưới một mô hình quá độ trong đó còn ít nhiều yếu tối của mô hình cũ. Điều đó góp phần lý giải sự hạn chế của những thành tựu đạt được bước đầu, tuy rất quan trọng song chưa xoay chuyển hẳn được tình thế, thậm trí còn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp không chỉ nóng bỏng mà còn âm ỉ tiềm tàng. Tình trạng mất kỷ cương kéo dài và có những mặt rất nghiêm trọng là hậu quả tất nhiên của bối cảnh "tranh tối tranh sáng" trong đó việc xây dựng và thi hành pháp luật đứng trước hàng loạt vấn đề rất cơ bản chưa được làm sáng tỏ.

 

Mặc dầu định hướng trên đại thể mà Đại hội VI vạch ra là rõ, sau đó lại được các nghị quyết của Trung ương (đặc biệt là nghị quyết trung ương 6) cụ thể hoá và phần nào phát triển thêm, trên thực tế sự nhận dạng mô hình kinh tế mới cần hình thành còn có những nhận thức khác nhau, đặc biệt trong một số vấn đề cực kỳ quan trọng như quan hệ sở hữu , quan hệ thị trường và kế hoạch, cơ cấu ngành và lãnh thổ, vai trò của kinh tế quốc doanh… Chỉ riêng vấn đề quan hệ thị trường và kế hoạch, nhận thức cũng rất khác nhau tạo ra sự lúng túng không những cho phương hướng đổi mới kế hoạch hoá mà đối với cả việc định hướng sử dụng các công cụ quan trọng khác như Pháp luật, chính sách đòn bẩy, tổ chức quản lý.

 

Từ thực trạng nói trên, một yêu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay là qua thực tiễn 5 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cộng với những kinh nghiệm tốt cũng như phản diện ở một số nước xã hội chủ nghĩa, còn nhận dạng rõ thêm, đầy đủ hơn về những đặc trưng chủ yếu của mô hình kinh tế mới đang từng bước hình thành. Một số khái niệm sử dụng chưa thống nhất, một số nhận thức còn ngập ngừng, dung hoà, một số khía cạnh tế nhị còn né tránh… cần được mạnh dạn khơi ra để cùng nhau làm rõ, đi đến nhận thức nhất trí. Chỉ trên cơ sở đó, những việc làm cụ thể mới đi vào "bài bản", gỡ đúng những nút chính trong hàng loạt sự việc luôn có biểu hiện nóng bỏng.

 

Đây phải là công trình sáng tạo rất công phu của đông đảo các nhà khoa học và cán bộ quản lý qua thảo luận thẳng thắn, bổ sung cho nhau, góp phần vào việc nhận thức và cụ thể hoá đúng đắn những quan điểm cơ bản của Đảng. Để rộng đường nghiên cứu, xin được góp một tiếng nói xung quanh chủ đề rộng lớn nói trên.

 

 

 

*

* *

 

Trước hết, thế nào là mô hình kinh tế, hay nói cách khác: những nhân tố gì cấu thành mô hình kinh tế? Trước đây dường như có sự đồng nhất mô hình với hình thái; và từ đó dẫn tới quan niệm mỗi hình thái kinh tế - xã hội chỉ có thể lựa chọn một mô hình kinh tế duy nhất đáp ứng yêu cầu của hình thái đó: mô hình kinh tế kế hoạch tập trung ứng với hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cùng nội dung đó, lại có khái niệm hệ thống kinh tế hoặc thể chế kinh tế gắn với hệ thống chính trị, xã hội nhất định và thể hiện phương thức sản xuất trong tiến trình phát triển xã hội loài người.

 

Nhận thức trên có lý do lịch sử của nó, dựa trên tư duy truyền thống về những tiêu chuẩn phân biệt "hai con đường", trong đó chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội được nhận dạng trên những đặc trưng của giai đoạn đầu khi chưa có sự điều chỉnh để thích nghi những đặc điểm của thời đại mà sự phát triển vượt bậc của khoa học - kỹ thuật tạo ra trạng thái mới về chất trong lực lượng sản xuất. Trước nguy cơ suy thoái tổng khủng hoảng có thể dẫn đến sụp đổ, chủ nghĩa tư bản đã sớm tỉnh ngộ và chuyển sang mô hình mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại với những đặc trưng mới trong đó có sự can thiệp nhiều hơn của Nhà nước để hướng dẫn, điều tiết theo những mục tiêu cần đạt và có sự đa dạng trong các hình thức tổ chức kinh tế. Hình thái kinh tế tư bản chủ nghiã vẫn giữ nguyên bản chất của nó trong sự phục hưng sức sống để tiếp tục phát triển với nhịp độ cao khi vai trò lịch sử chưa kết thúc.

 

Đến lượt mình, tuy chậm hơn, hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng ý thức được một cái gì đó "chưa ổn" trong mô hình kinh tế đã lựa chọn, đặt ra yêu cầu nhận thức lại nhiều vấn đề rất cơ bản. Nhiều ý kiến dường như đi đến nhất trí rằng hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa (kể từ sau cách mạng tháng mười Nga) đã trải qua ba mô hình khác nhau: một là mô hình cộng sản thời chiến với mục tiêu quá độ trực tiếp (nhảy vọt) lên chủ nghiã cộng sản trong đó toàn xã hội như một công xưởng, mọi công dân là người làm công trong "xanh - di - ca " duy nhất cho Nhà nước làm chủ thể, với chế độ cấp phát giao nộp bằng hiện vật không thông qua quan hệ hàng hoá - tiền tệ, mở cửa nền kinh tế và Nhà nước quản lý vĩ mô bằng phương pháp kế hoạch hoá gián tiếp với các đòn bẩy kinh tế và chế độ hạch toán kinh tế. Ba là mô hình kế hoạch hoá tập trung (có người gọi là mô hình độc quyền Nhà nước ) được áp dụng phổ biến ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trên dưới nửa thế kỷ qua với đặc trưng cơ bản là toàn bộ quá trình kinh tế được quyết định và điều hành từ một trung tâm (Nhà nước ) bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh, thực hiện chế độ kinh tế công cộng, hiện vật là chủ yếu, bao cấp và bình quân; khép kín ở quy mô quốc gia hoặc thậm chí từng địa phương; kế hoạch hoá bao trùm mọi hoạt động với hàng trăm chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết, hạch toán kinh tế giả tạo; giá cả được quy định chủ quan và cứng nhắc tách rời giá trị; quan hệ hàng - tiền được sử dụng rất hạn chế, hệ thống thương nghiệp và dịch vụ không làm đúng chức năng giao lưu trên cơ sở kinh doanh có hiệu quả và kích thích sản xuất phát triển.

 

Quá trình đi tìm mô hình mới cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phù hợp với thời đại đã và đang sản sinh ra nhiều mẫu thử nghiệm khác nhau, thường được gọi là mô hình Nam Tư, mô hình Hunggari, mô hình Trung Quốc…

 

Qua một số nét sơ lược ở trên, có thể thấy tuỳ theo đặc điểm cụ thể của từng nước (trình độ và tính chất lực lượng sản xuất, vai trò của chủ thể và sự tác động của môi trường quốc tế) mà có thể lựa chọn các mô hình khác nhau. Tuy nhiên không thể phủ nhận trong đó có một số đặc trưng chủ yếu chung phản ánh đặc thù của hình thái kinh tế, phương thức sản xuất liên quan đến chế độ sở hữu với tư cách là nền tảng.

 

Thiết kế một mô hình kinh tế, trên cơ sở chế độ sở hữu phải chú ý đồng thời tới cơ cấu sở hữu, cơ chế lợi ích và hệ thống ra quyết định. Từ những nhận thức đó, chúng tôi cho rằng một mô hình kinh tế phải cấu thành từ ba bộ phận chính: cơ cấu sở hữu, cơ chế tự vận động (của bản thân nền kinh tế ) và cơ chế vận hành các hoạt động kinh tế (do chủ thể quản lý thực hiện). Giữa ba bộ phận đó có mối quan hệ tương tác biện chứng để tạo ra một "tổng hợp lực" vừa đảm bảo cho nền kinh tế có sức sống (năng động, có hiệu quả) vừa giữ được tính cân đối, ổn định, đi theo quỹ đạo dẫn tới mục tiêu chính trị của giai cấp chủ đạo trong xã hội.

 

Trong nhiều năm qua, nền kinh tế thường được coi như một cỗ máy hoàn toàn thụ động chịu sự điều khiển của con người, trong đó ý chí chủ quan của

chủ thể quản lý có quyền năng dường như tuyệt đối. Và từ đó chúng ta chỉ quan tâm đến việc " cải tiến ", "hoàn thiện" cơ chế quản lý đã được lựa chọn bất chấp yếu tố khách quan tồn tại theo quy luật tạo thành sức sống tự thân của nền kinh tế được quy định bởi trình độ và tính chất lực lượng sản xuất. Nếu như những khuyết tật của nó chưa bộc lộ thành một nguy cơ thì có lẽ vẫn có thể bằng lòng với sự trì trệ, kém hiệu quả và công bằng giả tạo miễn là không phải chấp nhật những cái đã được gán cho là của chủ nghĩa tư bản với tất cả những điều thối nát của nó. Vấn đề quan hệ sở hữu được coi như một biểu hiện tự phát lẻ tẻ có thể dễ dàng khắc phục, còn cơ cấu kinh tế hoàn toàn tuỳ thuộc sự "tổ chức lại, bố trí lại" theo ý muốn. Sự phá sản của mô hình kinh tế cũ chỉnh là ở chỗ đó chứ không phải chỉ do hậu quả của chiến tranh, do thiếu kinh nghiệm quản lý hoặc bất cứ lý do nào khác được viện ra.

 

Thực ra, nền kinh tế tồn tại như một cơ thể sống có khả năng "kỳ diệu" là tự trao đổi chất để thay đổi tế bào, tự phát triển và tự điều hoà các yếu tố nội tại để thích nghi với ngoại cảnh. Đó là quá trình tự vận động có tính quy luật, theo một cơ chế nhất định được quy định bởi trình độ và tính chất xã hội hoá của lực lượng sản xuất. Do đó phản ánh lực lượng sản xuất, cơ chế vận động này là xu thế chính của quá trình phát triển, nó chịu sự tác động từ bên ngoài trong chừng mực nhất định với điều kiện là về căn bản phải thuận chiều với sự tự vận động. Ta gọi cơ chế tự vận động là cơ chế kinh tế, khác với cơ chế quản lý (là cơ chế tác động từ bên ngoài).

 

Mặt khác, mỗi giai cấp giữ vai trò chủ đạo trong xã hội có mục tiêu chính trị của mình, cần hướng các hoạt động kinh tế đi tới các mục tiêu đó. Trong vai trò chủ thể quản lý nền kinh tế quốc dân, Nhà nước tác động có ý thức vào quá trình vận động nói trên nhằm "bỏ ghi" và thúc đẩy đối tượng phát triển theo hướng cần thiết. Đó là sự vận hành theo một cơ chế quản lý gồm một hệ thống các hình thức tổ chức, phương pháp và công cụ nhằm kiểm soát, điều khiển và kích thích có hiệu qủa. Sự tác động này phản ánh quan hệ sản xuất phù hợp về căn bản với lực lượng sản xuất song có tác dụng tích cực trở lại, phát huy mạnh hơn tính ưu việt vốn có đồng thời hạn chế mặt tiêu cực trong cơ chế tự vận động cuả nền kinh tế.

 

Cơ chế quản lý xét cho cùng chỉ là phương tiện, dù là phương tiện có tính quyết định để đạt tới mục tiêu. Chỗ khác biệt về bản chất giữa hai hình thức, hai hệ thống kinh tế - xã hội tập trung ở các mục tiêu chính trị, xã hội được định ra trên cơ sở chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất. Đó là một hệ thống mục tiêu tập trung chủ yếu ở "đầu vào" là cơ cấu kinh tế (trước hết là cơ cấu sở hữu) và ở "đầu ra" là cách xử lý về phân phối thu nhập phục vụ chủ yếu cho lợi ích của bộ phận nào trong xã hội. Đương nhiên ở giữa là một số mục tiêu trung gian, như mức độ tăng trưởng chung, cân đối ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế, tỷ lệ giữa tích luỹ và tiêu dùng tỷ lệ phân phối thu nhập, các mục tiêu về chính sách xã hội … sử dụng phương tiện nào là rất quan trọng song nhấn mạnh quá mức như mục tiêu mang tính bản chất sẽ trở thành giáo điều và có thể giết mất con gà đẻ trứng vàng như đã xảy ra trong những thập kỷ vừa qua ở hệ thống xã hội chủ nghĩa.

 

Có thể dùng một hình tượng chưa thật sát như sau:

 

Nền kinh tế như một con ngựa đua, tự nó có bản năng sinh tồn với cơ chế tự vận động riêng của loài ngựa trong đó có cả những ưu điểm (dai sức, tốc độ điều khiển được) và tính "bất kham" dễ dở chứng theo kiểu "ngựa quen đường cũ" hoặc phá phách. Một khi đã quyết định chọn con ngựa (chứ không phải con trâu chẳng hạn) người kị sĩ phải chấp nhận những đặc trưng đó và tìm cách thuần hoá, điều khiển nó bằng một hệ thống yên cương, roi, định thúc, chế độ nuôi dưỡng, khuôn phép rèn luyện… Tất cả những cái đó không được làm giảm sức, làm mất tốc độ của con ngựa, song lại làm chủ được hành động của nó. Như vậy là trong cuộc đua, người kị sĩ đã lựa chọn được một mô hình có sự tương tác giữa các yếu tố chủ quan và khách quan một cách phù hợp nhất để đạt tới mục tiêu.

 

 

*

* *

 

Như đã lướt điểm qua ở trên, hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa đã trải qua ba mô hình, trong đó mô hình thứ ba (kế hoạch hoá tập trung) đã bị thực tiễn bác bỏ và xem ra mô hình thứ hai (NEP) về cơ bản là đúng đắn nhất. Vừa qua, trong khi tìm kiếm mô hình mới, đã có khuynh hướng trở lại với mô hình NEP được vận dụng phù hợp điều kiện lịch sử mới. Trên các quan điểm cơ bản nhất, những nỗ lực nghiên cứu theo các hướng đó là tốt, tuy nhiên có lẽ tốt hơn cả là trên cơ sở nhận thức mới cần tìm kiếm một mô hình hoàn toàn phù hợp với thực tiễn từng nước và phản ánh xu hướng thời đại.

 

Từ tư duy mới về kinh tế, Đại hội lần thứ VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới về kinh tế được thể hiện tập trung trong quan điểm "phát triển có kế hoạch một nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội" bằng "cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa". Mặc dầu về cách thể hiện có thể có ý kiến thấy cần bàn thêm và nội dung còn một số điểm nào đó chưa thật sáng tỏ (mà Hội nghị Trung ương 6 đã làm rõ thêm một bước). Ta có thể từ đó rút ra mô hình kinh tế cần tiến tới định hình đồng bộ với ba đặc trưng lớn như sau:

 

1. Về cơ cấu kinh tế, từ điểm xuất phát là sản xuất nhỏ, yêu cầu trước tiên là phải giải phóng mọi năng lực của sản xuất tiềm tàng trong xã hội mà lâu nay bị kìm hãm nghiêm trọng (cả về nguồn vốn sức lao động và tài năng). ở đây phải thoát khỏi sự ràng buộc của những tín điều sai lầm với ảo tưởng có thể đốt cháy giai đoạn "đi thẳng" theo nghĩa quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ vô cùng lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tái sản xuất mở rộng và thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động. Cũng phải từ bỏ những cố chấp về ý thức hệ muốn xoá bỏ ngay quan hệ bóc lột và sự phân hoá xã hội về mức sống không tính đến điều kiện lịch sử cụ thể.

 

Vượt qua những trở ngại lớn đó, Đại hội VI của Đảng đã tìm đến giải pháp duy nhất đúng là thực hiện chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần điều kiện quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất trong một nền kinh tế hàng hoá. Đó là một cơ cấu sở hữu vẫn dựa trên nền tảng chế độ công hữu song đa dạng về hình thức sở hữu, trong đó có ba hình thức cơ bản là sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, từ đó hình thành hình thức sở hữu hỗn hợp.

 

Các thành phần kinh tế tồn tại và chuyển hoá theo quy luật (không dựa vào sự tước đoạt, áp đặt), đều bình đẳng trước pháp luật, phát triển đan xen nhau,liên kết hợp tác với nhau và có cả ganh đua (cạnh tranh) nhau để cùng phát triển. Tỷ lệ các thành phần trong cơ cấu sở hữu chủ yếu được quy định bởi hiệu quả và chất lượng sản phẩm được đánh giá trên thị trường trừ một số ít ngoại tệ cần chủ động bố trí theo mục tiêu chính trị - xã hội. Những định kiến, phân biệt đối xử được xoá bỏ mọi hoạt động kinh doanh hợp pháp được Nhà nước bảo hộ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi.

 

Tuy còn có sự chậm trễ trong việc xây dựng luật pháp để quản lý tốt quá trình này, song trên tư tưởng chỉ đạo (tập trung ở nghị quyết 16 của Bộ chính trị và Nghị quyết trung ương VI) đã khẳng định dứt khoát đó là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội; là tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên và có hiệu quả, tiếp tục quá trình cách mạng quan hệ sản xuất một cách phù hợp. Về vai trò của lực lượng kinh tế quốc doanh sẽ được đề cập trong đặc trưng thứ ba ở phía sau:

 

2. Về cơ chế vận động, nền kinh tế hàng hoá - cốt lõi của mô hình kinh tế mới - thực chất là một nền kinh tế thị trường tự vận động theo cơ chế thị trường. Điều đó thể hiện trước hết qua việc hình thành một thị trường xã hội thống nhất và thông suốt trên cơ sở một hệ thống giá phản ánh những chi phí xã hội cần thiết và quan hệ cung cầu trên thị trường. Thị trường trong nước từng bước gắn với thị trường quốc tế, tham gia ngày càng sâu rộng vào sự phân công lao động quốc tế, hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Thị trường vận động theo các quy luật hàng hoá - tiền tệ, đặc biệt là quy luật giá trị có vai trò chi phối mạnh nhất tác động thông qua giá cả - biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá - không nhất thiết đồng thời với gía trị vì còn phản ánh các mối quan hệ kinh tế - xã hội khác giữa những người sản xuất hàng hoá.

 

Các quan hệ hàng hoá - tiền tệ được thực hiện đối với tất cả các yếu tố trong quá trình tái sản xuất mở rộng; trong đó khâu lưu thông, dịch vụ có vai trò quan trọng nhằm thực hiện giá trị và thúc đẩy sản xuất phát triển; đồng thời tiền tệ thực hiện mọi chức năng của nó. Tư liệu sản xuất, vốn, tài sản, sức lao động, công nghệ… trên thực tế đều là hàng hoá được trao đổi ngang giá. Về căn bản mọi hoạt động kinh tế đều mang tính kinh doanh, chịu sự điều tiết trực tiếp của thị trường, lấy lợi nhuận làm mục đích trực tiếp như một tiêu chuẩn chính để đánh giá hiệu quả hoạt động quan thực hiện hạch toán kinh tế thực sự (nhân đây, có thể bàn ngang một khía cạnh về cách diễn đạt: "Phương thức hạch toán kinh doanh…" nằm trong cơ chế tự vận động của nền kinh tế thi trường, không phải là nội dung cơ chế quản lý vận hành; còn bổ ngữ "xã hội chủ nghĩa" lại thuộc về định hướng "đi lên chủ nghĩa xã hội" mà cơ chế quản lý phải thực hiện).

 

Các doanh nghiệp không còn tính chất thuần tuý công xưởng (đơn vị tổ chức kỹ thuật của lực lượng sản xuất) chỉ làm "gia công" tạo ra giá trị sử dụng theo phương thức "cấp phát - giao nộp" như trong nền kinh tế hiện vật) mà trở thành đơn vị tổ chức kinh tế cơ sở có nội dung kinh doanh, là chủ thể sản xuất hàng hoá có nhiệm vụ tạo ra cả giá trị và gía trị sử dụng, thực hiện qúa trình chuyển dịch gía trị cũ vào sản phẩm mới và sáng tạo ra giá trị mới (trong đó giá trị sản phẩm thặng dư), cùng với nhiệm vụ thực hiện giá trị thông qua thị trường. Với vai trò mới đó, từng doanh nghiệp có tính độc lập của tế bào kinh tế, có quyền chủ động toàn diện trong hoạt động, tách khỏi sự điều hành cụ thể của bất cứ một cấp trên chủ quản nào (còn vai trò điều tiết chung toàn bộ nền kinh tế lại là việc khác, thuộc đặc trưng thứ ba). Mối quan hệ giữa kế hoạch Nhà nước với kế hoạch xí nghiệp, giữa tài chính Nhà nước với tài chính xí nghiệp… thay đổi về căn bản. ở vị trí tự chịu trách nhiệm đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận những mạo hiểm trong kinh doanh trước thử thách của thị trường với sự cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển ; đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh trong toàn bộ nội dung marketinh hiện đại (dĩ nhiên có sự bảo hộ của Nhà nước bằng pháp luật và chính sách).

 

Một đặc điểm đáng lưu ý của cơ chế thị trường là sự "lên ngôi" của khâu tiêu thụ hàng hoá, trong đó thị trường là một căn cứ, một đối tượng hết sức quan trọng của sản xuất, cùng với vai trò "hoàng đế" của người tiêu dùng (khách hàng). ở đây, cần có vai trò kích thích cung, tạo ra sự phát triển của xã hội để thực hiện đúng thực chất điều mà ta vẫn gọi là "quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội". Phương hướng giải quyết mâu thuẫn cung - cầu (biểu hiện ở mâu thuẫn giữa quỹ hàng hoá và sức tiêu dùng) không phải là chỉ luôn luôn "bóp" sức mua, mà chủ yếu là tìm cách tăng sức mua với thị hiếu đa dạng để kích thích sản xuất phát triển. Chính vì vậy, thị trường không chỉ được mở rộng theo chiều ngang (địa bàn tiêu thụ) mà còn phải hết sức chú trọng phát triển theo chiều dọc ("thâm canh") tức là làm tăng sức mua của người tiêu dùng, kiếm suất lợi nhuận nhỏ để có tổng lợi nhuận lớn.

 

3. Về cơ chế vận hành của chủ thể quản lý, nền kinh tế hàng hoá phát triển sẽ đứng trước ngã ba đường với hai khả năng : hoặc "tự phát" đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, hoặc tự giác đi lên sản xuất xã hội chủ nghĩa, tuỳ theo nền tảng chế độ sở hữu và ý chí của chủ thể quản lý.

 

Thực ra theo tôi nghĩ, cả hai khả năng đều là quá trình tự giác, nghĩa là đều cần có sự can thiệp của Nhà nước, vấn đề là giai cấp nào can thiệp để hướng tới mục tiêu nào; đó là đặc điểm mới của các nền kinh tế hiện đại (một lần nữa lại xin bàn ngang về một khái niệm quen dùng: thuật ngữ "kinh tế thị trường có điều tiết" có lẽ chỉ là một cách nói tế nhị để làm yên lòng những ai còn ấn tượng cũ về một nền kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu). Bàn về mối quan hệ thị trường - kế hoạch, lâu nay có hai cách đặc vấn đề : hoặc là "đối lâp" hoặc là "kết hợp", thực ra là mối quan hệ tương tác giữa sự tự thân vận động và sự tác động từ bên ngoài, không những cần thiết mà hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

Như trên đã nói, sự tác động của chủ thể quản lý là nhằm đạt tới những mục tiêu chính trị - xã hội sự can thiệp đó không được làm mất tính năng động và tính hiệu quả vốn có trong quá trình tự thân vận động của nền kinh tế, mà chỉ hạn chế những yếu tố tự phát mù quáng của nó, hướng nó đi theo quỹ đạo đảm bảo dẫn tới mục tiêu lựa chọn. Cơ chế quản lý mà ta vận hành nền kinh tế hàng hoá phải hướng nền kinh tế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nói đúng hơn là từng bước thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội phù hợp với từng bước phát triển của lực lượng sản xuất. Đó chính là sự vận động từng bước các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội cùng với các qui luật phổ biến của kinh tế hàng hoá. Có lẽ nên gọi đó là cơ chế "phát triển có kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội".

 

Có thể khái quát cơ chế này gồm hai nội dung chính: "phát triển có kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội".

 

Có thể khái quát cơ chế này gồm hai nội dung chính: "phát triển có kế hoạch" và "đi lên chủ nghĩa xã hội". Phát triển có kế hoạch không còn dựa trên quan niệm chật hẹp và cứng nhắc như trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Kế hoạch không phải là công cụ chủ yếu quyết định toàn bộ quá trình kinh tế theo những quyết định được tính toán áp đặt từ một trung tâm với hàng loạt chỉ tiêu pháp lệnh, hàng loạt chỉ số cân đối chi tiết. Công tác kế hoạch hoá đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản từ đối tượng, mục tiêu đến chức năng và phương pháp.

 

Trong cơ chế thị trường, hoạt động cụ thể của từng doanh nghiệp chịu sự điều tiết trực tiếp của thị trường, song đến lượt nó, thị trường chung toàn xã hội lại chịu sự điều tiết tổng thể của Nhà nước. Đó là sự điều tiết vĩ mô để đạt tới một hệ mục tiêu theo quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm việc hình thành các cơ cấu kinh tế hợp lý (thành phần, ngành, lãnh thổ, sản phẩm, mở đóng), tốc độ tăng trưởng cần thiết những cân đối lớn (tích luỹ - tiêu dùng, thu chi, xuất nhập khẩu, dân số - việc làm), hiệu qủa kinh tế xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng. Sự cân đối nói ở đây là sự cân đối trên tổng thể và có tính động phù hợp với các yếu tố động của thị trường.

 

Sự điều tiết vĩ mô được thực hiện chủ yếu theo phương pháp gián tiếp và chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế, song khi cần thiết cũng phải tác động trực tiếp bằng biện pháp hành chính trong khuôn khổ pháp luật.

 

Định hướng "đi lên chủ nghĩa xã hội" có nội dung rộng lớn, trong đó quan trọng nhất là vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để từng bước hình thành một cơ cấu có khả năng phát triển lực lượng sản xuất theo hướng đi lên một nền sản xuất lớn hiện đại theo phương thức xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó được diễn ra một cách "tự nhiên" qua kế hoạch hoá gián tiếp (với các nội dung và phương pháp nói trên) cũng như qua quá trình tích tụ, tập trung vốn bằng con đường liên kết, đan xen các hình thức sở hữu, cùng với sự vươn lên của kinh tế quốc doanh có sự đầu tư quy mô lớn của Nhà nước. Quá trình đó khác với quan niệm về "tổ chức lại sản xuất", "bố trí lại cơ cấu kinh tế" thường được hiểu như một sự sắp xếp nóng vội bất chấp các điều kiện đã chín muồi hay chưa. Tiếp đó là việc đổi mới hoàn thiện hệ thống ra quyết định trong đó có sự phân định rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh, thiết lập chế độ tự quản ở từng đơn vị kinh tế. Và nội dung không kém quan trọng mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa xã hội là việc xử lý quan hệ lợi ích của các thành viên trong xã hội theo những chuẩn mực công bằng tương đối phù hợp với điều kiện lịch sử từng thời kỳ, từng bước thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc phân phối theo lao động.

 

Cơ chế quản lý có kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội sử dụng các công cụ pháp luật, kế hoạch hoá, chính sách đòn bẩy, lực lượng dự trữ và tổ chức quản lý. Trong hệ thống các công cụ này, chúng tôi cho rằng quan trọng nhất là công cụ pháp luật, bởi lẽ bất cứ nền kinh tế nào cũng cần phát triển trọng ổn định, trên cơ sở pháp lý mà duy trì kỷ cương. Pháp luật điều tiết những động thái chung, lặp đi lặp lại với sự ổn định bền vững tương đối cao, nó chế định những nghĩa vụ đối với Nhà nước (ví dụ nghĩa vụ thuế) và đối với xã hội (quan hệ hợp đồng: những quyền hạn (cấm một số hành vi nào gây phương hại cho lợi ích chung, ngoài ra được phép làm), những quyền lợi được hưởng hợp pháp và những trách nhiệm pháp lý. Liên quan đến hoạt động kinh tế, cần có nhiều luật khác nhau, song trực tiếp là các luật về dân sự, về doanh nghiệp và công ty, về thuế, về bảo vệ tài nguyên, về đầu tư nước ngoài, về hàng hải, về ngân hàng, về lao động và bảo hiểm, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước … ở đây, ta gặp một vấn đề hết sức cơ bản liên quan đến nền tảng của mô hình kinh tế nói riêng và của hình thái kinh tế - xã hội nói chung, đó là vấn đề quan hệ sở hữu mà pháp luật phải xác định cụ thể đối tượng sở hữu, nội dung quyền năng sở hữu, chủ sở hữu (đặc biệt phức tạp về sở hữu trong kinh tế quốc doanh). Về vấn đề này cần có công trình nghiên cứu riêng rất công phu, bắt đầu từ trong cương lĩnh mới của Đảng và trên Hiến pháp sửa đổi để có định hướng rõ ràng và nhất quán. Cần sớm làm rõ chủ thể sở hữu cụ thể (trực tiếp) đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh tạo cơ sở để xây dựng thiết chế mới, khắc phục tình trạng dường như vô chủ hiện nay.

 

Từ những khuyết tật mang tính cấu trúc trong hệ thống quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa những năm qua, hiện nay tuy còn ý kiến khác nhau về những mục tiêu, yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, song một vấn đề về cơ bản có sự nhất trí là cần thực hiện phương thức quản lý bằng pháp luật, trong đó đường lối của đảng được "hoá thân" trong luật pháp, trở thành những chuẩn mực để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội nói chung và trong đường lối kinh tế nói riêng. Chỉ khi những quan điểm cơ bản của Đảng đã được thể chế hoá thành pháp luật thì mới thực hiện được phương châm "luật pháp bất vị thân", mọi thành viên trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Cuộc "quyết chiến" chống tham nhũng vừa được phát động sẽ bảo đảm giành thắng lợi thực sự nếu có chỗ dựa vững chắc là pháp luật thay vì xử lý theo các chuẩn mực đạo đức trừu tượng thường dễ vận dụng theo cảm tính.

 

Với quan niệm về "phát triển có kế hoạch" như trên đã nói, công cụ chính sách đòn bẩy kinh tế có vai trò rất quan trọng nhằm điều tiết khuyến khích hoặc hạn chế sự phát triển trong từng lĩnh vực phục vụ những ưu tiên chính trị từng thời kỳ. Đó phải là một công cụ mền dẻo, linh hoạt, kịp thời thay đổi thay đổi nhanh nhạy trước các động thái của thị trường, thực hiện sự can thiệp gián tiếp ở tầm vĩ mô của chủ thể đối với thị trường, qua đó tác động tới hoạt động kinh doanh ở cơ sở. Chỉ cần một chính sách đúng ban hành kịp thời có thể tạo ra động lực mạnh, nhanh chóng làm thay đổi thực trạng, song nếu sai lầm và lỗi thời sẽ có tác dụng kìm hãm hoặc gây hỗn loạn, có khi nghiêm trọng. Khi một chính sách trở thành cách xử lý lâu dài và căn bản, cần kịp thời chuyển thành luật pháp để có hiệu lực thi hành cao hơn, tránh để tồn tại quá nhiều chính sách ở dạng văn bản dưới luật, thậm trí ở dạng nghị quyết. Trong các chính sách điều tiết đối với một nền kinh tế thị trường định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội các chính sách về tài chính - tiền tệ - tín dụng và xã hội có tầm quan trọng đặc biệt.

 

Trong khi đặt vấn đề mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật thì trong chính sách điều tiết lại có thể và cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của kinh tế quốc doanh. Bởi lẽ sự tồn tại của lực lượng này thực ra chủ yếu có ý nghĩa về mục tiêu chính trị - xã hội hơn là hiệu quả kinh tế đơn thuần, qua đó Nhà nước có thực lực chi phối được những ngành, những điểm huyết mạch trong nền kinh tế quốc dân. Nó chỉ có thể làm được vai trò chủ đạo khi phát huy được ưu thế về quy mô đầu tư, trình độ công nghệ và quản lý đem lại năng suất và chất lượng cao hơn; trong khi đó lại có rất nhiều hạn chế (đặc biệt về động lực trực tiếp đối với cán bộ quản lý và người lao động) khó năng động và hiệu quả như các thành phầnkhác, có những đơn vị phải hoạt động trong điều kiện không thể có hiệu quả song lại là yêu cầu sống còn của nền kinh tế quốc dân hoặc phục vụ việc giải quyết những vấn đề về xã hội, an ninh quốc phòng.

 

Một công cụ quan trọng khác trong cơ chế quản lý là lực lượng dự trữ quốc gia, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đột xuất trong các tình huống không bình thường do thiên tai, do chiến tranh hoặc do các biến động lớn trên thị trường (ví dụ ảnh hưởng của tình hình vùng vịnh đối với việc cung cấp xăng dầu). Nhà nước phải nắm trong tay một "cơ số" dự trữ đủ để sẵn sàng "tung" ra làm dịu tình hình nóng bỏng, giữ ổn định cho thị trường. Trong điều kiện không có chiến tranh và phát triển một nền kinh tế hàng hoá, quan điểm và phương thức dự trữ quốc gia cần có sự thay đổi trên nhiều điểm từ cơ cấu mặt hàng, cơ số dự phòng cho đến việc bố trí mạng lưới khô tàng và phương thức luân chuyển.

 

Bộ máy quản lý Nhà nước Trung ương với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân và chủ thể quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân đứng trước yêu cầu phải từ bỏ vai trò trực tiếp điều khiển mọi hoạt động kinh doanh và bao cấp mọi thứ, chuyển sang chức năng quản lý Nhà nước với các nội dung đã nói ở trên. Đó phải là một bộ máy gọn nhẹ nhưng có năng lực điều hành ở tầm vĩ mô, cụ thể hoá các quan điểm định hướng của đảng thành pháp luật. Chiến lược, chương trình - mục tiêu, kế hoạch định hướng và các chính sách đòn bẩy nhạy bén với động thái của thị trường; tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Một vấn đề lớn đã bàn bạc nhiều song chưa thực hiện được triệt để là các bộ quản lý ngành không phải chỉ hợp nhất lại để giảm đầu mối mà quan trọng hơn là đi vào làm đúng chức năng quản lý Nhà nước theo ngành thay vì giữ vai trò cơ quan chủ quản cấp trên đối với một số cơ sở quốc doanh chủ lực vẫn được gọi là "xí nghiệp trung ương".

 

Vai trò của bộ máy quản lý cấp địa phương cũng cần được xác định lại như một cấp đại diện Nhà nước trung ương với một số quyền hạn và quản lý Nhà nước phân cấp, khắc phục cách làm việc như những "Chính phủ nhỏ" trong liên bang với những "lệ làng", chính sách riêng, ngân sách riêng - hậu quả của quan niệm lệch lạc về "kinh tế trung ương, kinh tế địa phương" khiến nền kinh tế bị cắt vụn, khép kín và chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương. Với vị trí mới, có lẽ cần nghiên cứu một phương án mà chúng tôi đã đề xuất là thay thế Uỷ ban nhân dân (do Hội đồng nhân dân bầu ra) bằng cơ chế "tỉnh trưởng", "thị trưởng", do Hội đồng bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

 

Với đặc trưng của nền kinh tế thị trường là đa dạng với hình thức sở hữu và hình thành các hình thức sở hữu hỗn hợp, sẽ phải thực hiện việc lựa chọn một số đơn vị quốc doanh ở những lĩnh vực trọng yếu (hoàn toàn do Nhà nước đầu tư và là chủ sở hữu duy nhất), còn lại chuyển đại bộ phận sang hình thức công ty hùn vốn, cổ phần và thử nghiệm hình thức doanh nghiệp cho thuê. Chỉ bằng cách đó mới có thể giải quyết cơ bản vấn đề chủ sở hữu cụ thể có trách nhiệm pháp lý về vật chất, tạo điều kiện chuyển sang chế độ tự quản.

 

 

* *

*

 

 

Dưới ánh sáng của nhận thức mới được kiểm nghiệm bởi thực tiễn một số năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tìm hiểu rõ thêm những quan điểm cơ bản về kinh tế dưới dạng mô hình, đó là mục đích của chuyên đề này.

 

Trên đây, chúng tôi cố gắng nhận dạng mô hình kinh tế mới mà chúng ta đang xây dựng. Nếu cần nói một cách ngắn gọn, chúng tôi nghĩ rằng có thể gọi là mô hình kinh tế hàng hoá xã hội chủ nghĩa (một khái niệm đã có lúc được sử dụng) với ba đặc trưng chủ yếu là: cơ cấu sở hữu hỗn hợp nhiều thành phần trên nền tảng chế độ công hữu, vận động theo cơ chế thị trường và được vận hành theo cơ chế phát triển có kế hoạch theo định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Qua phân tích từng đặc trưng, chúng tôi đã cố gắng xới lên một số vấn đề không hoàn toàn mới song có những khía cạnh cần được lưu tâm nghiên cứu để làm rõ thêm. Trong một chuyên đề chỉ giới hạn ở việc nhận dạng mô hình, nhiều vấn đề chưa thể đề cập sâu, bởi lẽ mỗi vấn đề đòi hỏi những công trình nghiên cứu công phu.

 

Tháng 2/1991.

 

pháp luật kinh doanh - khái niệm

cách thức hoàn thiện

Dương Đăng Huệ

 

 

Xét về tính chất và quy mô, thì công cuộc cải cách kinh tế ở nước ta lần này rất sâu rộng, do đó nó đặt ra cho khoa học pháp lý nhiều việc phải nghiên cứu và giải quyết. Luật kinh doanh, với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật kinh tế cũng không nằm ngoài sự tác động trực tiếp và to lớn đó. Rất nhiều vấn đề thuộc phạm vu điều chỉnh của luật kinh doanh hoặc là phải nghiên cứu, xem xét và giải quyết hoàn toàn mới, hoặc là phải sửa đổi lại một cách cơ bản. Nhưng do quỹ thời gian có hạn, lực lượng nghiên cứu lại mỏng nên chúng tôi với tư cách là những người "lực bất tòng tâm" chỉ xin đi sâu nghiên cứu và trên cơ sở đó mà đề xuất một vài biện pháp để góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản nhất, cấp thiết nhất của pháp luật kinh doanh mà thôi.

 

1. Muốn đề ra được cách thức xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh doanh như thế nào (mục tiêu cơ bản cảu đề tài nghiên cứu này) trước hết, phải xác định được nó là gì, cơ cấu của nó thế nào và trạng thái hiện tại của nó ra sao.

 

Trước hết, cần phải làm rõ 2 khái niệm: pháp luật kinh tế và pháp luật kinh doanh.

 

Pháp luật kinh tế thì điều chỉnh quan hệ kinh tế. Quan hệ kinh tế là tất cả các quan hệ phát triển trong nền kinh tế quốc dân. Vì kinh tế quốc dân lại là quá trình tái sản xuất xã hội, nên quan hệ kinh tế là những quan hệ phát sinh trong tất cả các khâu (sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng) và tất cả các lĩnh vực của quá trình tái sản xuất. Xét về tính chất, thì đó là các quan hệ quản lý, quan hệ trao đổi (quan hệ hàng hoá - tiền tệ), quan hệ tài chính… Các quan hệ này do khác nhau về tính chất, nên đã là đối tượng điều chỉnh của các ngành luật độc lập tương ứng - luật dân sự, luật lao động, luật hành chính, luật đất đai…

 

Do đó, theo chúng tôi, pháp luật kinh tế không phải là một ngành pháp luật độc lập mà là một ngành pháp luật tổng hợp, bao gồm các quy phạm thuộc các ngành pháp luật độc lập khác nhau vừa nêu trên.

 

Trong tổng thể các quan hệ kinh tế (hiểu theo nghĩa rộng như vừa nêu trên) có một nhóm quan hệ rất năng động, phát sinh giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh (quan hệ kinh tế theo nghĩa hẹp). Chúng tôi gọi đó là quan hệ kinh doanh. Vì quan hệ kinh doanh cũng là một dạng của quan hệ kinh tế, cho nên, pháp luật kinh doanh (pháp luật điều chỉnh quan hệ kinh doanh cũng là một bộ phận cấu thành của pháp luật kinh tế. Khác với pháp luật kinh tế, pháp luật kinh doanh là một ngành pháp luật độc lập, tồn tại song song với các ngành pháp luật khác như pháp luật dân sự, lao động, hành chính, tài chính….

 

Luật kinh doanh, nói môm na nhất là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, hoạt động và giải thể của các doanh nghiệp, các quan hệ xã hội ấy khác nhau về tính chất (mang tính chất tổ chức, hàng - tiền…) những đều giống nhau ở chỗ gắn liền với việc hình thành, hoạt động và chấm dứt các doanh nghiệp.

 

2. pháp luật kinh doanh, đến lượt mình, lại có cấu trúc riêng của nó. Theo chúng tôi, cấu trúc đó như sau:

 

Vì nói đến kinh doanh là nói đến hoạt động tìm lợi nhuận của một tổ chức hoặc một cá nhân nào đó, nên vấn đề đầu tiên thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật kinh doanh là chủ thể kinh doanh. Pháp luật cần quy định ai được phép kinh doanh; những điều kiện tài sản (vật chất), kỹ thuật, nhân thân cần có để một ai đó (cá nhân, tổ chức) được trở thành nhà kinh doanh, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ qua lại giữa các "trung tâm quyền lực" trong nội bộ các doanh nghiệp (giám đốc, đại hội công nhân viên chức, hội đồng xí nghiệp trong xí nghiệp quốc doanh. Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, ban kiểm soát trong các công ty cổ phần …) những quyền và nghĩa vụ cụ thể mà các tổ chức đó có được trong từng lĩnh vực hoạt động một (kế hoạch hoá, quản lý tài sản cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm,lao động, tiền lương, tài chính, giá cả…). Đó chính là lý do ra đời của các quyết định 27, 28, 29, của quyết định 217, của Nghị định 50/HĐBÅI THưấNG, và gần đây nhất là luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty. Những văn bản pháp luật này tạo thành một bộ phận cực kỳ quan trọng của pháp luật kinh doanh - pháp luật về các loại hình doanh nghiệp.

 

Mối quan tâm tiếp theo của pháp luật kinh doanh là các lĩnh vực kinh doanh và hình thức kinh doanh. ở đây, pháp luật không chỉ quy định cái gì được, cái gì không được kinh doanh, mà còn quy định các chủ thể kinh doanh phải xử xự với nhau như thế nào khi họ tham gia vào một công việc nào đó như hoàn thành công việc, cung cấp dịch vụ, chuyển giao tài sản… Hình thức pháp luật của các quan hệ kinh doanh đó là hợp đồng kinh doanh (mà ta vẫn thường gọi là hợp đồng kinh tế).

 

Do kinh doanh là hoạt động muôn hình, muôn vẻ nên hợp đồng kinh doanh cũng rất đa dạng, phong phú. Do đó, chế định hợp đồng kinh doanh là một bộ phận rất quan trọng và đồ sộ của pháp luật kinh doanh.

 

Kinh doanh như trên đã nói, là hoạt động nhằm mục đích kiếm lợi nhuận. Nhưng thực tế cho thấy không phải người nào (pháp nhân nào) kinh doanh cũng đạt được mục đích đó. Bốn chữ "vỡ nợ", "phá sản", không chỉ là sự ám ảnh, mà đã trở thành hiện thực. Bởi thế, Nhà nước không thể không quan tâm đến hiện tượng kinh tế - xã hội lớn này và không thể không quy định cho nó một chế độ pháp lý rõ ràng, thống nhất, trong đó xác định những điều kiện để một doanh nghiệp bị coi là rơi vào tình trạng vỡ nợ, phá sản; cơ quan nào có quyền tuyên bố tình trạng đó, cách thức và trình tự giải quyết hậu quả về mặt tài sản khi một doanh nghiệp bị tuyên bố là vỡ nợ, phá sản. Với ý nghĩa đó, theo chúng tôi, pháp luật về vỡ nợ, phá sản phải được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật kinh doanh nước ta.

 

Trong kinh doanh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Các tranh chấp này cần phải được nhanh chóng giải quyết bằng một cơ quan tài phán nhất định. ở nước ta, đó là trọng tài kinh tế được thành lập ở cấp trung ương (trọng tài kinh tế Nhà nước) và các địa phương (trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trọng tài kinh tế thuộc huyện, quận). Vì thế pháp luật quy định tổ chức, hoạt động của các cơ quan tài phán này cũng như trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết các tranh chấp kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế cũng thuộc về pháp luật kinh doanh chứ không thể thuộc một ngành pháp luật nào khác.

 

Tóm lại, pháp luật kinh doanh rất phức tạp đồ sộ. Tính phức tạp và đồ sộ của nó được quy định bởi tính phong phú, đa dạng của bản thân hoạt động kinh doanh, và suy cho cùng, bởi tính đa dạng, phong phú của nhu cầu con người. Nhưng xương sống của ngành pháp luật này, như đã trình bày ở trên, được cấu thành bởi bốn chế định pháp lý lớn là: pháp luật về các doanh nghiệp (chủ thể kinh doanh), pháp luật về hợp đồng kinh tế (đối tượng kinh doanh); pháp luật về phá sản và pháp luật về trọng tài kinh tế (cơ quan tài phán trong kinh doanh).

 

3. Như phần trên đã trình bày, xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh doanh là một đòi hỏi khẩn cấp và mang tính tất yếu khách quan. Vấn đề là ở chỗ, cần phải xây dựng pháp luật đó như thế nào, bằng cách gì để pháp luật kinh doanh định hình nhanh nhất, trên cơ sở đó mà phát huy vai trò, tác dụng của mình tốt nhất.

 

Hiện nay, trên thế giới có 2 xu hướng xây dựng pháp luật:

 

a) Xây dựng một văn bản (dưới hình thức Bộ luật) nhằm điều chỉnh một cách trọn vẹn, toàn bộ các quan hệ xã hội là đối tượng của một ngành luật nào đó. Kết quả của cách thức xây dựng pháp luật này là các Bộ luật hoàn chỉnh và độ sộ được ban hành (Bộ luật dân sự Napôlêông 1804, Bộ luật thương mại Pháp 1807, Bộ luật kinh tế Tiệp Khắc 1904…)

 

b) Xây dựng và ban hành các văn bản riêng lẻ nhằm điều chỉnh từng nhóm quan hệ xã hội, thuộc đối tượng của một ngành luật nào đó (luật xí nghiệp, luật công ty, luật hợp đồng, luật phá sản).

 

Xuất phát từ quan điểm phải luôn luôn đề cao tính hiệu quả trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ, xã hội mà ngày nay đâu đâu (bất luận ở các nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa) người ta cũng đều ủng hộ xu hướng thứ hai. Theo xu hướng này, trong lĩnh vực kinh doanh, người ta không ban hành các văn bản pháp luật đồ sộ mà tách riêng từng vấn đề của hoạt động kinh doanh và giải quyết từng vấn đề đó đến nơi đến chốn. Xu hướng xây dựng pháp luật này không những hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển của khoa học nói chung mà còn phù hợp với lịch sử phát triển của khoa học pháp lý nói riêng.

 

Xuất phát từ quan điểm như vậy, chúng tôi cho rằng việc chúng ta xây dựng và ban hành một đạo luật kinh doanh là việc làm không cần thiết. Làm luật về một lĩnh vực gì đó, trước hết phải xác định rõ "lĩnh vực gì đó" là cái gì đã làm luật về kinh doanh, cũng vậy thôi phải hiểu kinh doanh là gì. Theo khoa học kinh tế, kinh doanh là bất cứ hoạt động nào, không phân biệt chủ thể là ai (cá nhân, tập thể) không phân biệt lĩnh vực tiến hành (trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vận tải…) không phân biệt tính chất của hành vi (chế tạo sản phẩm) hoàn thành công việc, cung cấp dịch vụ… với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Do kinh doanh là hoạt động phong phú, đa dạng và phức tạp như vậy cho nên, luật kinh doanh mà chúng ta dự định ban hành, dù có đồ sộ đến mấy cũng không thể bao quát được mọi vấn đề , và do đó, sẽ không nên kém hiệu lực trong cuộc sống. Điều đó lý giải tại sao, ở các nước tư bản chủ nghĩa, các bộ luật một thời đã lừng danh lịch sử, mang lại vinh quang cho biết bao nhiêu người, nay đang trở thành những ("thứ đồ cổ" những "tháp ngà trống không" như nhiều luật gia tư sản đã nhận định. Và cũng không phải là ngẫu nhiên mà ở Liên Xô, suốt 15 năm nay, Bộ luật kinh tế dù đã soạn thảo hẳn hoi, vẫn nằm nguyên trong các viện nghiên cứu. Cái lý do không "xuất xưởng" được của bộ luật nan 600 điều này là ở chỗ, bản thân nó, do quá ôm đồm, nên các vấn đề nêu ra đều được giải quyết một cách chung chung, trên nguyên tắc , và trong khi đó hoạt động kinh tế, như mọi người đã biết, là hoạt động hết sức tinh tế, do đòi hỏi những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết chứ không cần đến những nguyên tắc chung chung trừu tượng ấy.

 

Tóm lại, xét xu hướng chung trên thế giới, xét tính phức tạp của bản thân các hoạt động kinh doanh, xét tính chưa ổn định vững chắc của các quan hệ và mô hình kinh tế, xét trình độ lập pháp non kém về chất lượng và ít ỏi về số lượng của ta, chúng tôi đề nghị không xây dựng và ban hành luật kinh doanh.

 

Vậy chúng ta sẽ xây dựng pháp luật kinh doanh theo phương cách nào? Chúng tôi quan niệm rằng trong xây dựng pháp luật cũng có thể áp dụng chiến thuật như trong đánh giặc vậy. Có lẽ phương án "đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận" pháp luật kinh doanh là cách làm tối ưu nhất. Đứng trước một đối tượng phức tạp và đồ sộ như pháp luật kinh doanh, thì không có lối tiếp cận và giải quyết nào hữu hiệu bằng cách phân loại pháp luật kinh doanh ra thành những vấn đề và ưu tiên giải quyết vấn đề nào được coi là cấp bách nhất, thời sự nhất, xung yếu nhất. Vậy ở nước ta, vấn đề nào là "khâu yếu nhất" trong hệ thống pháp luật kinh doanh? Theo chúng tôi, cả 4 hòn đá tảng của hệ thống pháp luật này, như vừa phân tích trên đây đều thuộc loại "yếu nhất" đó. Những vấn đề này, được coi là cấp bách bởi hoặc là chúng đang bị pháp luật "bỏ quên" hoặc đã trở thành lỗi thời trước những biến cố lớn lao đang diễn ra trong nền kinh tế nước ta.

 

Trong khi giải quyết các "khâu yếu nhất" này, chúng tôi cũng đề nghị phải có một thái độ "phân biệt đối xử" nhất định, bởi vì, bản thân từng vấn đề ấy cũng có cơ cấu nội bộ riêng, và các bộ phận cấu thành của cơ cấu ấy không phải cái gì cũng có tình trạng, nhu cầu và khả năng giải quyết sớm như nhau. Lấy pháp luật về các loại hình doanh nghiệp làm một ví dụ. Với chủ trương phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, trong nền kinh tế nước ta đã xuất hiện nhiều loại hình doanh nghiệp mới. Có doanh nghiệp do một cá nhân xuất vốn, dựng nên và làm chủ (doanh nghiệp tư nhân), có doanh nghiệp do nhiều người hùn vốn thành lập chung nhau làm chủ (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần). Rõ ràng, nếu xét về nhu cầu điều chỉnh pháp luật thì các loại hình doanh nghiệp vừa nêu trên phải được xếp vào loại của ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, cho mãi đến bây giờ các hình thức tổ chức kinh doanh này, nhìn chung, vẫn chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức, vẫn chưa có được một cơ sở pháp lý để tồn tại và phát triển. Chính sách của Đảng là cho tự do kinh doanh, nhưng ai được, ai không được kinh doanh, lĩnh vực nào bị cấm, lĩnh vực nào kinh doanh phải có điều kiện, lĩnh vực nào được tự do đầu tư, nhà kinh doanh có được những quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý cơ bản gì, tài sản có bị quốc hữu hoá hay không? những vấn đề trọng đại đó cho đến nay vẫn chưa được khẳng định về mặt pháp lý. Tình hình lại hoàn toàn khác đối với các doanh nghiệp Nhà nước và tập thể. ở một mức độ nhất định, các loại doanh nghiệp này đã được hàng loạt các văn bản pháp luật (tuy giá trị pháp lý chưa cao) điều chỉnh. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi đã thoả mãn về việc điều chỉnh pháp luật đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước và tập thể này. Điều đó lý giải tại sao chúng tôi chủ trương một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những năm tơí là soạn thảo và ban hành luật về doanh nghiệp Nhà nước và luật về doanh nghiệp tập thể, ngay sau khi các luật về doanh nghiệp tư nhân và luật công ty được Quốc hội thông.

 

Tóm lại, theo chúng tôi cơ sở pháp lý cho hoạt động của tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng không thể được xây dựng một cách đồng loạt. ở đây, chúng ta cũng không thể "dàn hàng ngang mà tiến" được. Thứ tự ưu tiên là cần thiết, là không thể tránh khỏi và điều đó được quy định bởi nhu cầu điều chỉnh pháp luật và những nhu cầu có tính chất nghiệp vụ, chính trị và xã hội khác.

 

Trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp, phải có sự ưu tiên trước sau đã đánh, theo chúng tôi, trong phạm vi từng loại hình doanh nghiệp một cũng phải giữ một thái độ như vậy. Lấy việc điều chỉnh pháp luật đối với các loại công ty làm một ví dụ.

 

Hơn 500 năm qua, sự tinh khôn của loài người đã thiết kế được nhiều mô hình công ty, thực chất là những mô hình khác nhau về cách thức hùn vốn, về cơ chế quản lý, về nguyên tắc phân chia lỗ, lãi, về tính chất trách nhiệm của các thành viên công ty. Nền kinh tế nước ta đang tồn tại và hoạt động theo cơ chế thị trường, do đó những gì là sản phẩm của nền kinh tế đó đang dần dần hình thành và phát triển. Trên thực tế các loại hình công ty chủ yếu (công y hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần từng tồn tại trên thế giới , cũng đã có mặt đầy đủ ở nước . Có thể ban hành một luật công ty điều chỉnh tất cả các loại hình công ty đó hay không; theo chúng tôi, làm được điều đó thì thật là lý tưởng. Nhưng hiện tại, ta chưa thể làm được điều đó, bởi vì, việc xây dựng luật này là một quá trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cụ thể là:

 

- Nhiều mô hình công ty chưa định hình một cách rõ nét, cần phải có thời gian để chúng hiện rõ chúng là ai;

 

- Chúng ta chưa có điều kiện để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ tất cả các loại hình công ty, kể cả về lý luận cũng như về thực tiễn , do đó việc luật hoá tổ chức và hoạt động của tất cả loại hình công ty cùng một lúc, trong cùng một đạo luật là việc làm rất khó khăn.

 

Chính vì thế, chúng tôi đề nghị, trước mắt, chỉ nên xây dựng một đạo luật điều chỉnh một vài loại công ty chủ yếu nhất phổ biến nhất trong nền kinh tế nước ta mà thôi. Các loại hình công ty khác (công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản, công ty hợp vốn cổ phần…) sẽ được nghiên cứu, đúc kết và luật hoá dần dần.

 

pháp luật về các loại hình doanh nghiệp

Dương Đăng Huệ

 

 

I/ Khái niệm doanh nghiệp - phân loại doanh nghiệp

 

Trong xã hội con người lao động thì sinh ra lợi. Nếu lao động chỉ đơn giản để khai phóng những tài sản đã có như nông dân cày đất cấy lúa, ngư dân thả lưới bắt cá, thày thuốc chữa bệnh cứu người, thày giáo dạy học, luật sự làm cố vấn pháp lý … thì đó là lao động thường.

 

Nhưng, nếu lao động có quy mô về tiền vốn, về sử dụng công nhân, về trang bị máy móc và có trao đổi, mua bán, thì chúng ta đã đứng trước một loại lao động phức tạp mà người ta thường gọi là kinh doanh.

 

Mối lợi mà kinh doanh mang lại được gọi là doanh lợi (lợi nhuận) và tổ chức mà con người lập ra để hoạt động tìm doanh lợi được gọi là doanh nghiệp.

 

Để thống nhất tên gọi trong toàn quốc, chúng tôi đề nghị định nghĩa doanh nghiệp là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được thành lập với mục đích tìm doanh lợi, bất luận có một hay nhiều người làm chủ. Trong khi đó, xin dùng riêng từ "xí nghiệp" để gọi doanh nghiệp do một chủ thể thành lập và làm chủ, và từ "công ty" để gọi những doanh nghiệp do nhiều chủ thể cam kết thành lập và chung nhau làm chủ.

 

Như trên đã nói, lao động kinh doanh phải có quy mô, nên chúng tôi đề nghị chỉ đặt trong phạm vi điều chỉnh của luật doanh nghiệp những doanh nghiệp có tổng số vốn từ 100 triệu đồng Việt Nam trở nên và hoạt động của chúng sẽ do chính quyền cấp tỉnh, thành đặc khu trực thuộc trung ương quản lý. Còn những chủ thể kinh doanh nhỏ mà chúng ta thường gọi là hộ gia đình, hộ cá thể, hộ tiểu chủ có vốn dưới mức quy định trên, sẽ để cho các cấp chính quyền quận, huyện và phường quản lý.

 

Không phải bất cứ hoạt động nào có thu tiền đều gọi là kinh doanh. Do đó, theo quan niệm của chúng tôi không thể gọi nhà trường, bệnh viện… là doanh nghiệp được, mặc dù học sinh đi học phải trả học phí, bệnh nhân chữa bệnh phải trả tiền.

 

Tóm lại, luật doanh nghiệp không phải là luật của mọi hình thức kinh doanh, mọi quy mô kinh doanh, mà là luật của các doanh nghiệp hiểu theo đúng nghĩa của nó. Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh lớn nhất định (có vốn trên 100 triệu).

 

Phân loại công ty

 

Một trong những thành quả của chính sách tự do kinh doanh, kinh doanh không hạn chế quy mô là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình công ty. Công ty, nói một cách ngắn gọn nhất, đó là doanh nghiệp do 2 người trở lên góp vốn thành lập để kinh doanh lấy lãi chia nhau. Như vậy, công ty có 3 dấu hiệu là:

 

- Do hai hay nhiều người thành lập;

- Các thành viên bỏ ra một số tài sản góp vào công ty;

- Mục đích của việc thành lập công ty là kiếm lời để các thành viên chia nhau.

 

Khoa học pháp lý, căn cứ vào những đặc điểm đặc trưng của các mô hình công ty đã hình thành trong ngót 500 năm lịch sử, đã phân loại chúng theo những tiêu chuẩn sau đây:

 

1. Dựa vào phạm vi trách nhiệm tài sản của các thành viên trong công ty đối với các khoản nợ của công ty. Người ta chia công ty thành công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty trách nhiệm vô hạn.

 

Công ty trách nhiệm hữu hạn (đặc trưng nhất là công ty cổ phần) là công ty mà ở đó các thành viên (cổ đông) chỉ chịu trách nhiệm tài sản trước các chủ nợ của công ty cho đến hết giá trị những cổ phần mà họ sở hữu mà thôi.

 

Công ty trách nhiệm vô hạn (đặc trưng nhất là công ty hợp danh) là công ty mà trong đó các thành viên phải bằng toàn bộ gia sản của mình mà liên đới chịu trách nhiệm một cách vô hạn, về các khoản nợ của công ty.

 

"Vô hạn" có nghĩa là nếu tài sản góp vào công ty mà không đủ để trả nợ thì thành viên của công ty phải lấy cả gia tài của mình ra mà đền.

 

"Liên đới" có nghĩa là nếu một thành viên nào đó trong công ty không có khả năng trả nợ thì các thành viên khác theo yêu cầu của chủ nợ phải cùng nhau đứng ra trả nợ thay.

 

Sự phân loại công ty dựa vào tính chất của trách nhiệm có ý nghĩa thực tiễn to lớn, nhằm bảo vệ lợi ích của công chúng giao dịch với công ty. Lúc công ty "ăn nên làm ra" thì sự bảo vệ này hầu như không thành vấn đề. Khi sa cơ lỡ vận, khi nợ nần chồng chất, khi doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản thì tính chất trách nhiệm công ty mới được xem xét tới: nó là hữu hạn hay vô hạn để xác định mức độ bồi hoàn. Tính chất trách nhiệm của công ty có thể do bản chất của công ty đó quyết định, cũng có thể do "chứng thư thành lập" (Điều lệ) xác định. Nhưng nếu do chứng thư thành lập xác định thì sự kiện đó phải được công bố rộng rãi mới có giá trị pháp lý đối với công chúng. Bằng không, nếu cứ với thái độ úp úp mở mở, pháp luật sẽ vì quyền lợi của công chúng mà buộc công ty phải chịu trách nhiệm vô hạn.

 

2. Nếu xét dưới giác độ cái gì là yếu tố cơ bản nhất quyết định việc hình thành và tồn tại của công ty người ta chia công ty thành công ty đối nhân và công ty đối vốn.

 

Những từ "đối nhân", "đối vốn" không gợi cho ta ý tưởng gì rõ rệt, vì công ty nào mà chẳng có người, có vốn. Trong khoa học pháp lý , những từ ấy có một nghĩa riêng.

 

Công ty đối nhân (đặc trưng nhất là công ty hợp danh) là những công ty do những người quen biết nhau, tin cậy nhau lập ra; phần vốn góp của họ không được chuyển nhượng cho người ngoài nếu không được tất cả các hội viên khác ưng thuận.

 

Công ty đối vốn (đặc trưng nhất là công ty cổ phần) là những công ty mà sự quen biết nhau không có ý nghĩa gì khi thành lập công ty; hội viên (thành viên) chỉ cần mua cổ phần do công ty phát hành là trở thành "người của công ty"; đặc trưng của hội phần (phần vốn góp) là có thể chuyển nhượng được; cổ đông tự do bán cổ phần của mình và muốn bán cho ai tùy ý, người nào mua cũng được. Loại công ty này, nhớ không lưu ý đến nhân thân người mua cổ phần, nên có thể bán cổ phần rất rộng rãi ra ngoài công chúng, do đó có khả năng huy động vốn đến vô hạn.

 

II/ Những mô hình lịch sử

 

Trong gần 500 năm qua, sự khôn ngoài của nhân loại đã đắp bồi, tạo dựng, hoàn thiện để có được những tổ chức kinh doanh hoàn hảo như ngày nay.

 

1. Xí nghiệp tư doanh. Xuất hiện trước tiên trong thương trường của lịch sử là các doanh nhân táo bạo, trong hàng quý tộc hoặc trọng giới trung lưu trọng mãi. Họ lập xưởng sản xuất trong nước, cạnh các pháo đài của vua chúa hoặc lập thương thuyền đi sang các liêng bang ven biển. Chính các tư doanh tiên phong này đã mở đường cho kinh doanh lớn.

 

2. Nhưng rồi công việc kinh doanh lớn rộng dần, đòi hỏi vốn nhiều hơn, quá sức gia sản của họ. Trong khi đó. họ phải lập xưởng sản xuất lớn, phải đóng thường thuyền có thể đi từ Âu châu sang ấn độ. Một người không đảm đương nổi nên hai hay nhiều doanh nhân phải kết hợp lại với nhau và từ đó xuất hiện các công ty hợp danh. Họ đưa tên tuổi của họ ra làm tin, đưa toàn bộ sản nghiệp của họ ra làm bảo đảm cho công chúng và như vậy, họ bằng lòng chịu trách nhiệm vô hạn.

 

3. Dần dà, những thất bại trong kinh doanh đã gây xáo trộn cho biết bao gia đình vì phải chịu trách nhiệm vô hạn - điều rất xa lạ và không thể chấp nhận được đối với giới thượng lưu quý tộc đương thời. Vì thế, xuất hiện những công ty trong đó bên cạnh một số thành viên chịu trách nhiệm vô hạn, có những người bỏ vốn lớn nhưng không muốn (và không phải) chịu trách nhiệm vô hạn. Người ta đã gọi những công ty này là công ty hợp vốn đơn giản với những người góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn.

 

Để mở rộng thêm quy mô của công ty, họ giảm nhẹ phần góp vốn thành cổ phần, để nhiều người thuộc giới trung lưu cũng có thể tham gia được vào công ty. Như vậy, xuất hiện một dạng công ty mới - Công ty hợp vốn cổ phần.

 

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn.

 

Về sau, mọi giới đều thấy giải pháp trách nhiệm hữu hạn dễ chịu, nên xuất hiện những công ty, trong đó tất cả các thành viên chỉ chịu trách nhiệm đến hết phần vốn góp của mình. Đó là công ty trách nhiệm hữu hạn.

 

Loại công ty này đối ngịch với công ty hợp danh nhưng lại giống công ty hợp danh về số ít người tham gia. Công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ hoạt động với một số ít thành viên am hiểu nhau và để bảo vệ sự "am hiểu nhau" này, họ phải hy sinh nhiều cơ hội tăng vốn.

 

5. Công ty cổ phần.

 

Khắc phục hạn chế của công ty trách nhiệm hữu hạn trong việc tăng vốn, một số sáng lập viên đã mạnh dạn gọi vốn rộng rãi trong công chúng bằng cách bán các cổ phần cho tất cả những ai muốn mua. Xuất hiện công ty cổ phần - một loại hình công ty với một loạt các ưu thế mà các công ty khác không có được như sau:

 

a) Công ty cổ phần tồn tại lâu dài, vô hạn định. Tính tồn tại lâu dài của công ty này thể hiện ở chỗ, sự tồn tại của nó không bị ảnh hưởng bởi cái chêtài sản, sự phá sản hay trạng thái mất năng lực hành vi của bất kỳ một cổ đông nào. Tính tương đối liên tục, chắc chắn trong sự tồn tại và hoạt động của công ty là yếu tố đảm bảo cho các nhà kinh doanh khả năng luôn luôn có thế thu được lợi nhuận trên đồng vốn đã đầu tư vào công ty.

 

b) Trong công ty cổ phần, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị các cổ phần mà họ sở hữu mà thôi. Đặc điểm này làm yên lòng các nhà đầu tư, vì họ sẽ không bị khánh kiệt vì kinh doanh. Họ có thể đầu tư đồng thời vào nhiều công ty cổ phần và thất thu ở công ty này có thể được trang trải bằng lợi nhuận thu được ở công ty khác.

 

c) Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn lớn nhất. Bằng việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Công ty có thể thu hút được các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân , từ người giàu đến người nghèo. Càng huy động được nhiều vốn thì quy mô kinh doanh càng được mở rộng, do đó, càng có khả năng thúc đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

 

d) Công ty cổ phần có lãnh đạo mạnh.

 

Trong các công ty cổ phần, chức năng lãnh đạo được những người có chuyên môn thực hiện. Hoạt động quản lý của họ đã trở thành một nghề nghiệp được đào tạo một cách công phu. Đây là yếu tố đảm bảo tính vững mạnh và khả năng "ăn nên làm ra" của các công ty cổ phần.

 

III/ Sự can thiệp của pháp luật

 

1. Như trên đã trình bày, các loại công ty đã xuất hiện một tiến trình lịch sử lâu dài. Số người thành tâm xây dựng cũng nhiều, nhưng những kẻ gian manh thủ đoạn cũng chẳng hiếm, có những bàn tay dè dặt, nhưng cũng có những bàn tay rất táo bạo "được ăn cả, ngã về không". Kiện cáo nhau là thường, khánh tận, phá sản xẩy ra không ít. Những hiện tượng như vậy, thời nào cũng có. Nhà nước , với tư cách là người quản lý xã hội, phải can thiệp, phải giữ trật tự công cộng,phải bảo vệ an toàn xã hội, phải bảo vệ những người vốn ít "thấp cổ bé miệng" trong công ty, phải quan tâm đến quyền lợi của công chúng giao dịch, phải đem lại công bằng và dân chủ trong công ty, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm có mặt lãnh đạo mạnh để doanh nghiệp có thể chủ động trước mọi khó khăn. Giải quyết hài hoà các mối quan hệ đó là nhiệm vụ hàng đầu của những ai quan tâm đến xây dựng pháp luật về công ty. Và đó cũng là mục đích cơ bản của chúng tôi khi tiếp cận vấn đề này.

 

2. Thống nhất một số danh từ.

 

Tại nhiều nước vì sự xuất hiện lần lượt cách nhau một khoảng thời gian dài nên tên gọi cấp điều khiển các loại hình công ty có những điểm khác nhau. Chúng tôi kính đề nghị thống nhất lại cho tiện, để các đặc tính không dính liền với tên gọi mà với loại hình công ty. Cụ thể, là công ty ít hội viên thường gọi cấp điều khiển của họ là quản lý có thể kiêm hay không kiêm ban giám đốc và công ty nhiều hội viên thường gọi cấp điều hành của họ là quản trị viên, thường tách biệt khỏi ban giám đốc. Chúng tôi kính đề nghị gọi chung trong cả 2 trường hợp là quản trị viên, tập thể quản trị viên có thể đông đến 12 người, nên chúng tôi xin gọi là Hội đồng thay vì ban.

 

Thông thường, các công ty đối nhân gọi các kiểm toán viên của họ là giám thị, giám sát hay kiểm soát… trong khi trong các công ty đối vốn gọi là kiểm soát viên. Chúng tôi đề nghị gọi chung là kiểm soát viên, và vì họ chỉ gồm tối đa là 3 người, nên chúng tôi xin đề nghị gọi tập thể của họ là Ban thay vì Hội đồng.

 

3. Phạm vi quản lý của pháp luật.

 

Vì pháp luật có nhiệm vụ bảo vệ trật tự và an toàn xã hội, nên để sự quản lý được hữu hiệu, pháp luật phải quản lý các doanh nghiệp trong cả 3 giai đoạn: khi thành lập; trong thời gian hoạt động; và khi thanh lý kết thúc doanh nghiệp.

 

a) Giai đoạn thành lập doanh nghiệp.

 

Thành lập một cơ sở kinh doanh lớn là việc làm không phải dễ dàng và nhanh chóng được. Vì thế, pháp luật phải quy định rõ ràng để chính quyền các cấp quản lý công việc đó. Việc thành lập một doanh nghiệp gồm 2 giai đoạn rõ rệt:

 

- Vận động thành lập một pháp nhân vững mạnh

 

- Xin phép và làm thủ tục cho pháp nhân đó đi vào hoạt động.

 

Vì phải tôn trọng nguyên tắc tự do kinh doanh nên luật pháp chỉ phải quy định các điều kiện để bảo đảm tự do, bình đẳng và trung thực. Thành lập một doanh nghiệp dưới hình thức một công ty là cả một công trình một sự nghiệp. Để thành lập, sáng lập viên hay ban sáng lập phải vận động, phải quảng cáo phải mở rộng giao dịch, phải cam kết, phải nhận tiền đóng góp. Những tác vụ đó là những tác vụ mà chính quyền không thể không biết đến. Vì thế, chúng tôi dự liệu phải đăng ký, phải trình nạp dự thảo điều lệ công ty và các giấy tờ quan trọng khác có liên quan đến mục đích quy mô kinh doanh của công ty cũng như đến nhân thân các sáng lập viên.

 

Về mức độ can thiệp của Nhà nước vào quá trình thành lập một doanh nghiệp ở nước ta, có 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc pháp luật quy định ai đó muốn ra kinh doanh thì trước hết phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là trái với nguyên tắc tự do kinh doanh. Quan điểm thứ 2 cho rằng xin phép kinh doanh là một hành vi cần thiết và không hề trái gì với nguyên tắc đó cả. Chúng tôi cho rằng, quy định như vậy tuy cố "thêm việc" cho người có vốn muốn đầu tư (điều mà họ không thích), nhưng lại phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta, và chính vì nó phù hợp nên không hề trái với nguyên tắc tự do kinh doanh.

 

Không trái bởi vì:

 

- Xin phép kinh doanh chẳng qua là một công việc mang tính chất thủ tục hành chính mà thôi. Khi một người nào đó (hay một tập thể người nào đó) đã có đủ những điều kiện do pháp luật quy định thì không ai có thể từ chối cấp giấy phép cho họ. Nghĩa vụ này sẽ phải được bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh bằng một chế tài hình sự hẳn hoi trong luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty.

 

- Xin phép kinh doanh là động tác nhằm bảo đảm cho Nhà nước có cơ hội để kiểm soát được hoạt động kinh doanh, trên cơ sở đó mà thiết lập được một trật tự cần thiết trong đời sống kinh tế đất nước. Do đó, ở một khía cạnh nhất định, động tác này còn có ích cho chính bản thân các nhà kinh doanh. Tự do kinh doanh theo chúng tôi phải được hiểu trong một môi trường kinh tế - xã hội nhất định của một quốc gia nhất định, tự do kinh doanh không có nghĩa là kinh doanh tràn lan, vô tổ chức, nằm ngoài sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.

 

b) Giai đoạn hoạt động kinh doanh.

 

Pháp luật phải theo dõi doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của nó. Trước hết, pháp luật phải trang bị cho từng loại hình doanh nghiệp một cơ chế hoạt động và kiểm soát có hiệu lực và tạo điều kiện cho các cơ chế ấy phát huy tác dụng. Cơ chế ấy phải tỏ ra: có một "trung tâm lãnh đạo" mạnh, một bộ phận kiểm tra canh phòng nghiêm ngặt, một thể lệ sổ sách kế toán chặt chẽ, một phương thức phân chia lỗ, lãi minh bạch, một giải pháp tối ưu kho gặp bế tắc, khó khăn.

 

Những việc kể trên, các thành viên công ty có quyền cùng nhau bàn bạc quyết định, nhưng không thể vượt qua giới hạn khôn ngoan mà pháp luật có bổn phận vạch sẵn.

 

c) Giai đoạn thanh lý doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp không tồn tại mãi mãi. Khi chấm dứt hoạt động do hết hạn, hoặc gặp khó khăn mà không thể vượt qua nổi, thì doanh nghiệp phải tiến hành thanh toán tài sản. Hơn lúc nào hết, pháp luật phải quy định làm sao để việc thanh lý được diễn ra tốt đẹp. Quyền lợi của các thành viên cũng như của những người giao dịch với doanh nghiệp được bảo đảm, trách nhiệm của mỗi người được quy định rõ ràng để không một ai bị thiệt hại và cũng không được "lợi vô căn cứ".

 

IV/ Pháp luật là vấn đề bảo vệ quyền lợi của các thành viên công ty

 

Công ty, như trên đã nói, là một doanh nghiệp của nhiều người. Do có số vốn đầu tư vào công ty khác nhau (người nhiều kẻ ít) nên vị trí, tiêng nói của họ và kéo theo đó là khả năng bảo vệ quyền lợi của mình cũng khác nhau. Do đó, bảo vệ lợi ích của các thành viên công ty nói chung, và lợi ích của những người ít vốn nói riêng là một trong những việc rất quan trọng được đặt ra cho pháp luật.

 

Trước hết, trong suốt thời gian hoạt động của công ty, quyền làm chủ của các thành viên phải được đảm bảo thông qua một cơ chế pháp lý thích hợp. Quyền chung nhau làm chủ công ty được đảm bảo trước hết là quyền của họ được tham gia đại hội đồng, quyền lấy các quyết định chung. Về mặt giá trị pháp lý các quyết định đó là các quyết định cao nhất của công ty chỉ đứng sau các quyết định của cơ quan tài phán.

 

Vì phải bảo vệ quyền làm chủ chung của các thành viên bằng cách lấy các quyết định chung khi cần thiết, đồng thời cũng phải để công ty hoạt động dễ dàng, năng động, chúng tôi đề nghị dùng giải pháp định cấp cho quyết định. Công ty nào cũng có một khung hoạt động đã vạch sẵn bởi điều lệ, những quyết định chung liên quan đến những vấn đề đã nằm trong khuôn khổ vạch sẵn này thì chúng ta gọi là quyết định chung thường. "Thường" vì nó:

 

- Phải có ít nhất một năm một lần;

 

- Dễ thành đạt để công ty dễ hoạt động;

 

- Dễ về túc số hội viên tham dự, 1/4 cũng đủ (túc số là số vốn tối thiểu mà những người tham dự đại hội phải có thì cuộc họp (cũng như các quyết định được đưa ra trong thời gian họp) mới có giá trị pháp lý).

 

- Dễ về biểu quyết vì đại diện cho 1/2 số vốn có mặt đồng ý là đã có hiệu lực.

 

Khi cần giải quyết những vấn đề quan trọng nằm ngoài phạm vi đã vạch sẵn trong điều lệ công ty (như việc tăng trách nhiệm của hội viên, việc sửa đổi về hình thức, mục đích, thời hạn hoạt động của công ty…) thì phải họp Đại hội đồng để lấy các quyết định chung bất thường.

 

"Bất thường" vì:

 

- Được lấy bất kể thời gian nào;

 

- Phải vận động để đạt túc số tham dự cao hơn thường: có khi phải 100%; có khi 3/4 hoặc 2/3 vốn công ty;

 

- Vì cũng phải đặt vấn đề đa số biểu quyết, ít nhất cũng phải là 2/3 số vốn của những người hiện diện.

 

Do tính chất quan trọng của các quyết định loại này nên chúng ta không thể giảm bớt các điều kiện của nó, cũng như vì để doanh nghiệp hoạt động dễ dàng, chúng ta không thể nâng cao những điều kiện hiệu lực của các quyết định chung thường trên kia đến mức khó đạt.

 

Những quy định pháp luật về các trường hợp khi nào thì phải lấy quyết định chung thường hoặc bất thường và các điều kiện về túc số hiện diện và đa số biểu quyết, từ lâu đã trở thành một trong những công cụ chống lại sự tuỳ tiện của những người chiếm đa số vốn công ty trong khi giải quyết các vấn đề của công ty. Đó cũng là vũ khí để bảo vệ quyền lợi cuả những người ít vốn. Thiết nghĩ rằng, kinh nghiệm được nhân loại tích luỹ, đúc kết này cũng phải "nâng lên thành luật" ở nước ta.

 

Ngoài việc quy định túc số như vừa nêu, để bảo vệ quyền lợi của các thành viên công ty, đề nghị trong luật cần xác định thêm những bảo đảm khác nữa, đó là:

 

- Phải định rõ những ai có quyền lấy quyết định chung thường và bất thường. Theo pháp luật các nước, những người đó bao gồm:

 

+ Hội đồng quản trị;

 

+ Nhóm thành viên chiếm giữ ít nhất 1/4 vốn của công ty đề nghị.

 

+ Kiểm soát viên của công ty.

 

- Chương trình nghị sự của đại hội đồng phải được công bố trước và đại hội chỉ thảo luận những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự đã công bố mà thôi.

 

- Ngoài đại hội đồng, pháp luật phải cho phép các thành viên bảo vệ lợi ích của mình thông qua việc thành lập một hệ thống các cơ quan thường trực, hoạt động thường xuyên nhằm quản lý công việc của công ty và giám sát hoạt động của cơ quan quản trị. Trong các cơ quan này "nhân vật" quan trọng nhất là Ban kiển soát. Kiểm soát viên, theo kinh nghiệm các nước khác, phải được trao quyền rộng rãi để thực hiện nhiệm vụ được giao, được cung cấp đủ các phương tiện để làm việc và được thù lao thích đáng.

 

V/ Pháp luật và vấn đề bảo vệ quyền lợi của công chúng giao dịch với công ty.

 

Ngoài việc các Toà án địa phương (trọng tài kinh tế các cấp) luôn sẵn sàng tiếp nhận các đơn kiện của công chúng giao dịch với doanh nghiệp, luật pháp còn phải lưu ý giữ gìn tài sản của doanh nghiệp, vì tài sản này là bảo đảm tài sản đối với mọi cam kết của doanh nghiệp. Vì thế luật pháp bắt buộc mọi doanh nghiệp phải nhằm một tỷ lệ tiền lãi ròng hàng năm (5%) để lập quỹ dự trữ bắt buộc cho đến khi quỹ này bằng 1/10 vốn công ty thì thôi.

 

Các mánh khoé để thổi phồng tài sản doanh nghiệp lên một cách giả tạo cũng như thủ đoạn phân tán tài sản này cũng đêù bị nghiêm cấm và trừng phạt.

 

Trong nhiều biện pháp cần thực thi nhằm đảm bảo lợi ích cho công chúng giao dịch với công ty, theo chúng tôi, tính công khai của công ty là biện pháp hữu hiệu nhất.

 

Những thông tin về doanh nghiệp phải được công bố công khai trên báo chí, và sau khi đăng báo những nguồn thông tin ấy còn phải được cất giữ để sẵn sàng cho bất cứ ai muốn tham khảo và sao chép. Mọi thay đổi về sau cũng phải được làm đúng như vậy. Nhờ biện pháp này mọi cơ hội lừa dối cũng như hiểu lầm đều bị gạt bỏ, đem lại sự an toàn cho mọi giao dịch trong kinh doanh.

 

VI/ Sự can thiệp của pháp luật vào từng loại hình doanh nghiệp.

 

1. Đối với xí nghiệp tư nhân

 

Chúng tôi đề nghị dành riêng từ này cho những doanh nghiệp chỉ do một chủ thể (cá nhân) thành lập và làm chủ. Do tính chất đơn giản trong tổ chức và hoạt động của xí nghiệp tư nhân (chủ doanh nghiệp không phải bàn bạc thoả thuận với một ai khác cả

 

Chúng tôi đề nghị dành riêng từ này cho những doanh nghiệp chỉ do một chủ thể (cá nhân) thành lập và làm chủ. Do tính chất đơn giản trong tổ chức và hoạt động của xí nghiệp tư nhân (chủ doanh nghiệp không phải bàn bạc thoả thuận với một ai khác cả) nên sự điều chỉnh pháp luật đối với ) nên sự điều chỉnh pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp này đơn giản thôi, chứ không phức tạp như đối với các công ty nhất là công ty cổ phần (doanh nghiệp do rất nhiều người thành lập và làm chủ).

 

Để giữ vững nguyên tắc "tài sản của xí nghiệp là một đảm bảo cho công chúng giao dịch", pháp luật cần ấn định thật rõ việc kiểm soát vốn đã khai trình để làm sao hạn chế đến mức tối đa sự xuất hiện các "xí nghiệp ma".

Loại doanh nghiệp này có thể tăng vốn bằng cách phát hành các trái phiếu . Nhưng, để bảo vệ quyền lợi của công chúng, pháp luật phải quy định những điều kiện thật chặt chẽ về vấn đề này. Cụ thể:

 

- Phải có lý do chính đáng (có một dự án phát triển mới đòi hỏi vốn lớn);

 

- Đã chứng tỏ có tài chính vững mạnh;

 

- Xuất trình được một đảm bảo thoả đáng với tổng số tiền xin vay.

 

Trong pháp luật về xí nghiệp tư nhân, điều quan trọng nữa là phải xác định tính chất vô hạn của trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp đối với công chúng giao dịch. Chủ xí nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm về những món nợ của doanh nghiệp không phải chỉ bằng tài sản kinh doanh mà còn bằng cả toàn bộ tài sản dân sự (gia sản) của mình.

 

2. Công ty hợp danh

 

Công ty hợp danh là một công ty đối nhân điển hình, có ít hội viên, việc thành lập tương đối dễ dàng, chỉ cần sự hiện diện của toàn thể hội viên đã quen biết nhau để lập chứng thư thành lập là được. Phần hùn của họ cũng không cần phải phân chia thành hội phần bằng nhau. Họ cũng tự phân công đảm nhận cả 2 nhiệm vụ quản trị và kiểm soát công ty.

 

Mọi khó khăn đều có thể giải quyết bằng ý kiến chung mà họ có thể dễ dàng đạt được qua việc gặp nhau qua trao đổi thư từ.

 

Trong công ty hợp danh, mỗi một hội viên đều có tư cách thương gia, do đó họ phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Đây là điều bất lợi đối với các hội viên công ty, nhưng lại là nhân tố làm yên tâm công chúng để tam khi giao dịch với công ty.

 

3. Công ty hợp vốn đơn giản và cổ phần.

 

Công ty hợp vốn đơn giản là loại hình công ty, trong đó có một hay nhiều hội viên (gọi là người nhận vốn) liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi trái vụ của công ty và một hay nhiều hội viên (gọi là người góp vốn) chỉ chịu trách nhiệm đến hết giá trị phần hùn của mình mà thôi. Như vậy, khi cho phép thành lập loại hình công ty này là pháp luật đã chấp nhận một sự nhân nhượng: ngoài số hội viên nhận vốn chịu trách nhiệm vô hạn, có một số hội viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn, có một số hội viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Vì thế, công ty hợp vốn đơn giản chủ yếu được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật giống như đối với công ty hợp danh (Quy chế pháp lý của 2 loại công ty này căn bản là giống nhau) trừ các quy định liên quan đến các hội viên góp vốn.

Trong trường hợp công ty có nhiều hội viên góp vốn và hội phần được góp dưới hình thức cổ phần thì công ty được gọi là công ty hợp vốn cổ phần và các hội viên góp vốn gọi là cổ đông.

Công ty hợp vốn đơn giản cũng như công ty hợp vốn cổ phần đều do các hội viên nhận vốn phân công nhau quản trị. Nhiệm kỳ của họ chỉ chấm dứt khi qua đời, khi từ chức hay bị bãi chức bởi quyết định tư pháp.

 

Hội viên góp vốn không được làm một hành vi quản trị nào, dù có được uỷ quyền. Nếu vi phạm, hội viên góp vốn sẽ xem như chịu trách nhiệm vô hạn như hội viên nhận vốn.

 

Để bảo vệ quyền lợi cho các hội viên góp vốn pháp luật phải cho phép họ thành lập ban kiểm soát để kiểm tra sổ sách kế toán và tài sản của công ty.

 

Các hội viên nhận vốn nhưng không nhận nhiệm vụ quản trị cũng có thể tham gia kiểm soát. Ngoài các quyền hạn thường lệ của kiểm soát viên, hội viên nhận vốn không tham gia quản trị còn có quyền chất vấn bằng văn bản và buộc hội đồng quản trị phải trả lời bằng văn bản.

 

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn.

 

Công ty này cũng có ít hội viên nên thủ tục thành lập cũng đơn giản như đối với công ty hợp danh. Số vốn đóng góp của mỗi người phải được công bố vì đó là bảo đảm duy nhất cho công chúng giao dịch với công ty. Công ty này tăng vốn rất khó khăn vì các thành viên không muốn thu nạp thêm thành viên mới. Do đó, vốn công ty chủ yếu được tăng thêm bằng cách tăng phần đóng góp của từng thành viên. Công ty này, vì tính chất trách nhiệm hữu hạn của mình, nên đem lại cho công chúng một đảm bảo tài sản yếu nhất. Do đó, sự quản lý của pháp luật phải chặt chẽ từ khâu góp vốn đến trách nhiệm của các quản trị viên. Dĩ nhiên rằng, trong tình trạng bảo đảm yếu đó,pháp luật không thể chấp nhận cho loại công ty này phát hành một loại chứng khoán nào hết ra ngoài công chúng, kể cả trái phiếu.

 

5. Công ty cổ phần.

 

Rút kinh nghiệm yếu kém của công trách nhiệm hữu hạn về bảo đảm tài sản cho công chúng, các sáng lập viên công ty cổ phần đã lấy số đông người tham gia làm cứu cánh trong việc tăng vốn cho công ty, Thực là "góp gió thành bão". Nhờ số cổ đông nhiều nên mặc dù phần góp vốn của họ có thể rất nhỏ, công ty vẫn huy động được một số vốn rất lớn.

 

Việc thành lập một công ty có hàng ngàn, vạn người tham gia, thật phức tạp, thời gian vận động không dễ dàng và thể ngắn được. Do đó, pháp luật phải quy định những biện pháp chặt chẽ để bịt kín những kẽ hở có thể cám dỗ ngay cả các sáng lập viên. Tất cả các cổ phần bằng hiện vật, phải được định giá đúng, chính xác. Cho phép đóng cổ phần từng đợt để nâng đỡ người ít tiền; quy định rõ phải ký thác số tiền đóng góp tại ngân hàng và chỉ được lấy khi bắt đầu hoạt động để trả lại cho các chủ cũ nếu việc thành lập công ty thất bại.

 

Việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu là lợi thế để tăng vốn của loại hình công ty này. Pháp luật phải quy định cụ thể các tác vụ này để một mặt, không cho phép các công ty tuỳ tiện muốn làm gì thì làm, mặt khác đảm bảo lợi ích cho những người mua cổ phiếu trái phiếu.

 

Việc triệu tập đại hội để lấy các quyết định chung của cổ đông là quan trọng. Phá%3

File đính kèm downloadTải về