• Thuộc tính
Tên đề tài Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và pháp luật Việt nam
Nội dung tóm tắt
 
 

Về công tác điều ước quốc tế, chỉ trong 10 năm (từ 1987 đến thời điểm này) Nhà nước ta đã ký kết hàng trăm điều ước quốc tế song phương và ký kết hoặc tham gia số điều ước quốc tế đa phương bằng cả 40 năm trước đây cộng lại.

Việc nước ta trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (7/1995) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa nước ta với các nước khu vực nói riêng, với các nước khác và các tổ chức quốc tế nói chung. Cùng với nó, việc thành lập quan hệ chính thức với Liên minh Châu Âu, bình thường hoá quan hệ với Mỹ… có tác động trực tiếp đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong những năm tiếp theo.

Điều ước quốc tế được ký kết một cách hợp pháp hợp thức, ở hầu hết các nước trong đó có Việt Nam được công nhận như một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia và có một vị trí đặc biệt trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17/4/1989 có vai trò quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức đối với công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Pháp lệnh này quy định khá chi tiết những nguyên tắc ký kết, từ việc đề xuất, đàm phán đến việc quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện các điều ước quốc tế .

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay một số quy định của Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế không còn phù hợp nữa và một số vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cần được nghiên cứu, điều chỉnh.

- Về mặt lý luận, Pháp lệnh được soạn thảo chịu ảnh hưởng sâu sắc của luận thuyết chính thống về điều ước quốc tế của các luật gia các nước XHCN, mà chủ yếu là các luật gia Xô Viết. Luận thuyết này phù hợp với nền kinh tế tập trung cao độ và phản ánh nội dung tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN, chủ yếu đề cập đến các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước mà ít chú trọng đến các quy định cụ thể để thực hiện các điều ước quốc tế đó.

- Về chủ thể ký kết điều ước quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Từ chỗ trước đây chúng ta chỉ ký điều ước quốc tế với các nước nằm trong hệ thống XHCN và với Hội đồng tương trợ kinh tế, thì nay chúng ta đã ký kết điều ước quốc tế với tất cả các nước phát triển có chế độ xã hội, kinh tế khác nhau với Việt Nam và trình độ phát triển rất khác nhau. Các điều ước quốc tế đó được ký kết trong thời kỳ đổi mới ngày càng có nội dung đa dạng, phức tạp, nhất là điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, như Công ước, Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, vay vốn, luật biển, luật hàng hải, luật hàng không,công nhận và thi hành các bản án, quyết định của toà án, trọng tài… Nội dung của các điều ước quốc tế này cũng rất mới mẻ đối với chúng ta. Hơn nữa, trách nhiệm thực hiện chúng không chỉ đề ra với những cơ quan đề xuất việc ký kết, đối với cơ quan ngoại giao, mà đối với tất cả các chủ thể pháp luật có liên quan, đối với cả bộ máy nhà nước, từ cơ quan lập pháp, hành pháp đến cơ quan tư pháp.

- Pháp luật thực định của Nhà nước ta ngày một khẳng định rõ nguyên tắc hiệu lực ưu thế của điều ước quốc tế, không kể ký kết với danh nghĩa nào, so với pháp luật trong nước.

- Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội khoá IX có việc xem xét và thông qua Pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu sâu rộng và toàn diện, cả về lý luận cũng như thực tiễn, các vấn đề về điều ước quốc tế là một việc làm cần thiết, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về trí tuệ, thời gian và sự say mê, nỗ lực của các nhà khoa học pháp lý có liên quan.

1. Những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia và vấn đề chuyển hóa

Trên cơ sở trình bày những khái niệm chung về điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, đề tài tập trung phân tích mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia; phân tích những quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, chứng minh cho học thuyết về giá trị ưu thế của các điều ước quốc tế được các quốc gia ký kết hoặc tham gia.

Điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế (trước hết và chủ yếu là các quốc gia) thoả thuận ký kết, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là văn bản pháp lý quốc tế ấn định các quy tắc sử xự giữa các chủ thể của luật quốc tế đối với nhau trong quan hệ quốc tế. Do đó, điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc các quốc gia và, để có hiệu lực trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ký kết, chúng phải được, bằng cách nào đó, có thêm hiệu lực đó.

Căn cứ vào số lượng các bên ký kết và tính chất của điều ước quốc tế mà điều ước quốc tế được phân thành điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương. Điều ước quốc tế đa phương lại được chia thành điều ước quốc tế chung, phổ cập và điều ước quốc tế khu vực.

Tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên ký kết và thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế có các tên gọi khác nhau như công ước, định ước, hiệp ước, hiệp định, hiến chương,…

Pháp luật quốc gia (pháp luật trong nước) là hệ thống các quy phạm pháp lý, thành văn không thành văn, do Nhà nước đặt ra hoặc công nhận, nhằm điều chỉnh các quan hệ pháp lý của các chủ thể của pháp luật. Đây là những quan hệ pháp lý phát sinh trong lãnh thổ hoặc quyền tài phán của quốc gia đó. Pháp luật trong nước có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia ban hành ra nó.

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, các quốc gia đều có chung quan điểm là các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc tham gia được xem là một bộ phận cấu thành của pháp luật quốc gia và có vị trí đặc biệt trong hệ thống các quy phạm pháp luật của quốc gia đó. Nhiều nước chính thức quy định điều ước quốc tế có vị trí sau Hiến pháp và trên các đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Bởi vậy, pháp luật của các nước này không cho phép ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến pháp của nước họ. Trong trường hợp các quốc gia đó muốn ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có những quy định trái với Hiến pháp, thì họ phải sửa đổi Hiến pháp trước khi ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế. Các cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp định Ma-stơ-rích thành lập Liên minh Châu Âu diễn ra ở các nước Tây Bắc Âu trong vài năm qua đã chứng minh điều đó.

Tuân thủ các điều ước quốc tế là nghĩa vụ của các quốc gia ký kết. Trong trường hợp quốc gia không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, thì tuỳ theo mức độ, có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất.

Trong đa số trường hợp điều ước quốc tế không ấn định cách thức thực hiện chúng trên lãnh thổ các quốc gia ký kết, mà việc thực hiện điều ước quốc tế bằng cách thức nào thuộc thẩm quyền riêng của mỗi quốc gia.

Khi thảo luận về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước và hiệu lực của điều ước quốc tế đã nảy sinh hai loại ý kiến khác nhau về bản chất của hành vi phê chuẩn, phê duyệt. Đó là:

1. Chỉ sau khi được chuyển hoá, điều ước quốc tế mới có hiệu lực đối với tổ chức, cá nhân của quốc gia đó. Cách thức chuyển hoá được thực hiện bằng việc phê chuẩn, phê duyệt các điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để “nội luật hoá” các quy phạm của điều ước quốc tế.

2. Khi quốc gia đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thì quốc gia đã thể hiện ý chí của mình một cách tự nguyện đối với việc thực hiện các điều ước quốc tế đó. Hiệu lực của điều ước quốc tế và việc chuyển hoá là hai vấn đề khác nhau. Hiệu lực của điều ước quốc tế phát sinh theo các điều kiện có hiệu lực của từng văn bản điều ước cụ thể mà không phụ thuộc vào việc quốc gia ký kết có thực hiện việc chuyển hoá hay không.

Do đó, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế không phải là chuyển hoá vào pháp luật quốc gia, mà là một trong những giai đoạn của việc ký kết điều ước quốc tế.

Nhiều điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia như: Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần... vẫn được thi hành mà không cần thiết phải chuyển hoá. Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của mỗi điều ước quốc tế mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc có chuyển hoá hay không. Cũng theo ý kiến này, vấn đề quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là cần phải đề ra các quy định pháp lý buộc các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia.

2. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia theo quy định của pháp luật và thực tiễn của một số nước – kinh nghiệm chuyển hóa

Cho đến nay trên thế giới vẫn có hai quan niệm khác nhau. Một là quan niệm nhất hệ (moniste) cho rằng, trật tự pháp luật quốc tế và trật tự pháp luật trong nước tạo thành tổng thể thống nhất các quy phạm pháp luật của một nước. Trong tổng thể các quy phạm ấy, quy phạm quốc tế có hiệu lực cao hơn quy phạm trong nước; Hai là quan niệm lưỡng hệ (dualiste) cho rằng hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật trong nước là hai hệ thống pháp luật độc lập, riêng biệt và bình đẳng.

- Theo Điều 55 Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp, các điều ước quốc tế được Nhà nước Pháp phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực cao hơn luật, với điều kiện điều ước quốc tế đó cũng được các bên ký kết khác thực hiện. Cũng theo Điều 55 thì khái niệm “điều ước quốc tế” được hiểu bao gồm cả các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó. Nghĩa là các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế cũng có giá trị hiệu lực cao hơn các luật trong nước và có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn hoặc phê duyệt, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại như đã nêu ở trên. Việc xem xét đánh giá điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện điều ước quốc tế chỉ được đặt ra đối với điều ước quốc tế không phải là của Liên minh Châu Âu.

Một điểm nữa đáng lưu ý là, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của nước này, điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật trong nước và các quy phạm của nó có vị trí đứng sau Hiến pháp. Do đó, không thể trái với các quy định của Hiến pháp.

Trái với các quy định của pháp luật Pháp, Toà án Liên minh Châu Âu cho rằng, các điều ước quốc tế của Liên minh này có giá trị hiệu lực cao hơn pháp luật nói chung của các nước thành viên mà không cần tính đến việc nội dung của điều ước quốc tế đó có trái với các quy phạm của Hiến pháp của các nước thành viên hay không. Toà án Liên minh Châu Âu chỉ chấp nhận việc Toà án của các quốc gia thành viên áp dụng các quy phạm của điều ước quốc tế của Liên minh ở nước mình, còn các quy định về nội dung của điều ước quốc tế là không thể sửa đổi được.

Về nguyên tắc, pháp luật Pháp không đặt ra vấn đề phải chuyển hoá quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, nhưng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia không đủ cụ thể để áp dụng trực tiếp, thì cơ quan lập pháp có thể phải ban hành văn bản cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó.

Việc giải quyết xung đột giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của Pháp được thực hiện theo hai cách: (i) Thứ nhất, nếu quy phạm của pháp luật trong nước có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm pháp luật trong nước được xem như bị “bãi bỏ”, có nghĩa là nó hoàn toàn không được áp dụng đối với quan hệ pháp luật đã được điều ước quốc tế đó điều chỉnh. (ii) Thứ hai, trường hợp quy phạm pháp luật trong nước được ban hành sau có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm pháp luật trong nước cũng không được áp dụng trong giới hạn, phạm vi quan hệ của tổ chức, cá nhân của các nước thành viên Liên minh Châu Âu. Tất nhiên, chúng có hiệu lực đối với quan hệ với các tổ chức và cá nhân của các nước ngoài Liên minh, bởi vì họ không có quyền yêu cầu áp dụng điều ước hay pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu pháp luật của Pháp không có quy định khác.

- Nghiên cứu Hiến pháp 1949 của Cộng hoà Liên bang Đức có thể nhận thấy rằng Đức theo quan điểm “lưỡng hệ”. Tuy nhiên, đạo luật cơ bản của Đức không loại trừ việc hạn chế một phần chủ quyền quốc gia vì lợi ích của tổ chức quốc tế; quy định giá trị ưu thế của điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu so với pháp luật của Đức. Tuy nhiên, ở những thời kỳ khác nhau, Toà án Hiến pháp Liên Bang Đức đưa ra những ý kiến khác nhau.

Tại Quyết định ngày 8/10/1967, Toà án Hiến pháp Liên bang cho rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu có giá trị ưu thế tuyệt đối so với pháp luật trong nước. Nhưng tại Quyết định ngày 19/5/1974 Liên bang lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu chỉ được chuyển hoá vào pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức, nếu không trái với các nguyên tắc dân chủ Hiến định.

Như vậy là ở Cộng hoà Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức, điều ước quốc tế có giá trị hiệu lực đứng thứ hai sau Hiến pháp.

- Hiến pháp hiện hành của Cộng hoà Italia được ban hành ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nên vẫn mang tư tưởng “lưỡng hệ” từ thời quân chủ, nhưng cũng chấp nhận một phần chủ quyền quốc gia vì quyền lợi của tổ chức quốc tế. Thời kỳ đầu, Toà án Hiến pháp Italia giữ quan điểm về giá trị ưu thế của Hiến pháp so với điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu, nhưng thời gian gần đây, Toà án lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị cao hơn pháp luật của Italia, kể cả Hiến pháp. Song chỉ có Toà án Hiến pháp Italia mới có thẩm quyền phán quyết về vấn đề này.

- Vương quốc Anh theo quan điểm “lưỡng hệ”, quy định thẩm quyền tuyệt đối của Nghị viện, theo đó công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với các điều ước quốc tế, công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện khi các điều ước quốc tế đó đã được các cơ quan có thẩm quyền chuyển hoá vào pháp luật Vương quốc Anh.

Một điều nữa có tính đặc thù của hệ thống pháp luật Anh là không có Hiến pháp. Các quy phạm pháp luật được quy định trong các đạo luật thông thường, nên rất có thể xảy ra tình trạng quy định của đạo luật này bãi bỏ quy định của đạo luật khác. Bởi vậy, Anh khó chấp nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Liên minh Châu Âu nói riêng, với quy định “có hiệu lực trực tiếp” và “tính không thể đảo ngược” của các cam kết quốc tế.

Anh chỉ chấp nhận việc áp dụng điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu chúng không có nội dung trái với các quy định của pháp luật Anh. Như vậy, về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước được quy định bằng một đạo luật của Nghị viện Anh, thì sẽ có khả năng Nghị viện Anh bãi bỏ đạo luật này bất cứ lúc nào và việc chuyển hoá các quy phạm này chỉ được thực hiện, nếu nội dung của chúng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật mà Anh xem như là nguyên tắc có tính Hiến định.

- Còn ở Hà Lan, không xảy ra sự xung đột giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước. Hà lan theo quan điểm “lưỡng hệ” điển hình ở Châu Âu.Trước khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Hà Lan đã sửa đổi Hiến pháp của mình cho phù hợp với các quy định của pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Điều 66 sửa đổi Hiến pháp Hà Lan quy định: “không áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật Hà Lan trong trường hợp việc áp dụng các quy định này trái với các quy định bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Hà Lan ký kết hoặc tham gia”. Điều 67 sửa đổi Hiến pháp của Hà Lan quy định: “... có thể uỷ nhiệm một số quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các tổ chức quốc tế theo quy định của một số điều ước quốc tế...”.

3. Pháp luật về điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam

Sau hơn 40 năm, kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực điều ước quốc tế, chúng ta đã tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Việc Hội đồng Nhà nước thông qua “Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam” năm 1989 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong nhận thức của Nhà nước ta về vị trí của điều ước quốc tế nói chung và trong hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng. Pháp lệnh đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng nhằm điều chỉnh các hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước. Tiếp đến ngày 28/5/1992 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 182/HĐBT quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Pháp lệnh và Nghị định quy định khá toàn diện các vấn đề như nguyên tắc ký kết, việc đề xuất ký kết, thẩm quyền quyết định việc ký kết, việc uỷ quyền đàm phán và ký, việc phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập và bảo lưu điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam, Pháp lệnh cũng quy định những nguyên tắc chung của việc thực hiện điều ước quốc tế.

Về hiệu lực tại Việt Nam của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, Pháp lệnh ghi rõ: “CHXHCN Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ” (Điều 11, Khoản 1) và “trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt Nam, thì các cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó” (Điều 11, khoản 6).

Theo quy định pháp luật và thực tiễn thi hành, điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam được ký kết dưới ba danh nghĩa: Nhà nước, Chính phủ và Bộ, ngành. Việc đàm phán và ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Chính phủ, còn điều ước quốc tế nhân danh Bộ, ngành do chính Bộ, ngành đó quyết định việc đàm phán, ký kết sau khi có sự đồng ý của Chính phủ.

Vấn đề giá trị hiệu lực của điều ước quốc tế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định…) thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, tài chính, tín dụng, hàng không, hàng hải… Công thức chung nhất của các quy định này là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật (bộ luật, pháp lệnh, nghị định) này, thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó. Khái niệm điều ước quốc tế ở đây bao gồm cả điều ước quốc tế được ký kết nhân danh bộ, ngành.

Mặc dù Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia có đến một nghìn điều ước quốc tế, nhưng các văn bản đó chưa có hệ thống hoá và phát hành rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và tìm hiểu của cán bộ và nhân dân; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyên truyền, giáo dục pháp luật với cơ quan soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, cũng như các cơ quan có trách nhiệm triển khai việc thực hiện điều ước quốc tế. Việc sơ kết, tổng kết công tác thực hiện điều ước quốc tế chưa được coi trọng và tiến hành thường xuyên.

Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam nhìn chung đã có được một số kết quả tốt. Điều này đã góp phần thúc đẩy việc ký kết điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong mấy năm gần đây được thuận lợi và có hiệu quả hơn so với trước. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót lớn cần được khắc phục, cụ thể là:

Thứ nhất, việc nghiên cứu pháp luật (hoặc quy chế của tổ chức quốc tế) của các bên ký kết kia chưa được các cơ quan đề xuất, đàm phán, ký của phía Việt Nam quan tâm, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta như Chính phủ, Chủ tịch nước trong việc ra quyết định.

Thứ hai, có nhiều trường hợp do muốn đơn giản hoá các thủ tục và trình tự đàm phán và ký kết mà cơ quan được giao đàm phán và ký kết điều ước đã thực hiện không nghiêm túc các quy định về uỷ quyền, về ngôn ngữ văn bản điều ước quốc tế, gây ra cản trở cho việc phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện điều ước quốc tế. Trong hai năm gần đây, xu hướng ký kết điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam và nước ngoài bằng một văn bản tiếng Anh tăng lên. Nếu có văn bản tiếng Việt, thì trong một số trường hợp cũng khó có thể hiểu nổi nội dung của nhiều quy định chứa đựng trong điều ước quốc tế đó.

Thứ ba, một thiếu sót lớn biểu hiện trong nhiều trường hợp phía Việt Nam chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến nội dung của các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta sẽ ký kết hoặc tham gia. Do đó, cũng khó phát hiện những quy định của điều ước quốc tế có nội dung trái với quy định của luật, pháp lệnh trong nước, thậm chí cả Hiến pháp nước ta.

Thứ tư, công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc ký kết điều ước quốc tế chưa được chặt chẽ. Vai trò điều phối về mặt đối ngoại của Bộ Ngoại giao và về mặt pháp lý của Bộ Tư pháp chưa được coi trọng đúng mức. Thậm chí, có nhiều trường hợp đặt Bộ Ngoại giao trước việc đã rồi.

Thứ năm, một thiếu sót lớn của Nhà nước là chưa thực hiện được việc công bố các điều ước quốc tế đã được ký kết. Việc thông báo ngày có và chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế cũng không được thực hiện đầy đủ. Về giác độ nghiên cứu, các điều ước quốc tế cũng không được quan tâm tập hợp, hệ thống hoá theo lĩnh vực, chủ đề, năm ký kết…

Thứ sáu, cho đến nay, pháp luật nước ta chưa giao cho một cơ quan cụ thể nào có thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế. Do đó không tránh khỏi việc hiểu sai, thực hiện, áp dụng sai các quy định của điều ước quốc tế.

Cuối cùng, vấn đề thuộc về ai, nếu như việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế dẫn đến hậu quả nghiệm trọng và trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất của Nhà nước? Vấn đề này hầu như chưa được pháp luật quy định, ít được bàn tới trong thực tiễn. Song về mặt pháp lý quốc tế, thì trách nhiệm của Nhà nước ta, với tư cách là chủ thể của Công pháp quốc tế, đã được quy định một cách rõ ràng, khó có thể thoái thác được.

4. Các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể

4.1. Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại

Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam (1987) đã tạo điều kiện cho việc thu hút vốn công nghệ nước ngoài vào Việt nam. Cùng với việc mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong vài năm gần đây Nhà nước đã ký kết nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế – thương mại có nội dung hoàn toàn mới đối với chúng ta (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần,…).

Nếu trước đây chúng ta chỉ ký kết với Liên Xô và các nước XHCN khác, thì nay, ngoài những đối tác truyền thống đó, Nhà nước ta đã ký kết với các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nền kinh tế đang phát triển năng động.

Với các tổ chức kinh tế quốc tế, nếu trước đây chúng ta chỉ giới hạn ký kết Hiệp định trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), thì nay ta đã ký kết nhiều Hiệp định quan trọng với các tổ chức kinh tế – tài chính lớn, như Cộng đồng Châu Âu, Hiệp hội các nước Đông - Nam Á, Liên Hợp quốc (Ngân hàng thế giới – WB, Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF, Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB) …

Ngoài các loại điều ước quốc tế mang tính chất truyền thống về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, thương mại… chúng ta đã ký kết với nước ngoài các loại điều ước quốc tế có nội dung rất mới. Chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định MIGA), thuế (Hiệp định tránh đánh thuế hai lần) …

Ngay cả các loại điều ước quốc tế mang tính truyền thống cũng mang nội dung mới.

- Về thương mại: trước đây Việt Nam thường ký kết với các nước XHCN 3 loại điều ước quốc tế là: (i) Hiệp ước thương mại và Hàng hải, loại điều ước quốc tế quan trọng nhất, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động thương mại giữa nước ta và nước ký kết. Trong đó, bao gồm các quy định có tính nguyên tắc như đãi ngộ quốc dân, Tối huệ quốc và có đi có lại. Hầu hết trong các Hiệp ước này, các bên đều cam kết dành cho nhau hưởng quy chế tối huệ quốc trong lĩnh vực thương mại và hàng hải và quan hệ hợp tác xây dựng trên các nguyên tắc hợp tác toàn diện, thể hiện sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và không có điều kiện bảo hộ mang tính chính trị; (ii) Hiệp định thương mại có vị trí sau Hiệp ước thương mại và hàng hải, quy định các danh mục, kim ngạch hàng hoá cụ thể mà Việt Nam trao đổi buôn bán với bên ký kết, làm cơ sở để các Tổng công ty xuất nhập khẩu của hai bên ký kết trực tiếp ký kết các hợp đồng mua bán cụ thể; (iii) Điều kiện chung giao hàng SEV 1968/1988 loại hợp đồng mẫu được các nước thành viên SEV thông qua và áp dụng chung cho các hợp đồng thương mại giữa các tổ chức xuất nhập khẩu của các nước thành viên.

Trong giai đoạn hiện nay quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển lên một bước mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những năm gần đây Nhà nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương, quan trọng nhất là Hiệp định bảo hộ đầu tư đa bên (MIGA) và Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (Công ước New york 1958), tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và quan hệ thương mại.

Tuỳ theo sự thoả thuận giữa Việt Nam và bên ký kết kia, các Hiệp định thương mại mà ta đã ký với các nước trong mấy năm qua có phạm vi nội dung khác trưóc, theo xu hướng cụ thể và chi tiết hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế của nền kinh tế thị trường.

- Về lĩnh vực đầu tư: Cho đến tháng 1/1996 Việt Nam đã ký 30 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Về cơ bản nội dung các Hiệp định này là tương đối giống nhau. Các quốc gia ký kết cam kết dành cho nhau sự đối xử công bằng, thoả đáng và đầu tư nước ngoài được hưởng sự bảo hộ pháp lý cần thiết của quốc gia nhận đầu tư (bảo hộ khỏi các biện pháp cưỡng chế hành chính, chuyển vốn và tài sản hợp pháp ra nước ngoài); các nhà đầu tư được hưởng quy chế tối huệ quốc. Hiệp định còn định ra cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện Hiệp định, chủ yếu thông qua thương lượng bằng con đường ngoại giao hoặc bằng Trọng tài ad hoc.

- Về lĩnh vực thuế: Cho đến tháng 1/1996 đã có 20 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký kết giữa Việt Nam và các nước. Hiệp định này có điểm chung là đều dựa trên Hiệp định mẫu của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và của Liên hiệp quốc (UN). Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định loại này đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến quy định pháp luật của nước ta (hoặc là chưa được quy định, chẳng hạn như xí nghiệp có cơ sở thường trú; hoặc là có quy định khác, chẳng hạn như danh nghĩa ký kết, thuế xuất áp dụng đối với thu nhập từ tiền bản quyền; hoặc là ký bằng một văn bản duy nhất bằng tiếng nước ngoài …). Điều đó gây không ít khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam khi phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện Hiệp định.

- Về các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải: Ngoài các Hiệp định hàng hải mà Việt Nam đã ký kết với các nước, Nhà nước ta còn tham gia 6 Công ước quốc tế liên quan đến kỹ thuật và an toàn hàng hải (Công ước về an toàn sinh mạng trên biển, Công ước về mạn khô của tàu biển, Công ước về đo dung tích tầu biển, Quy chế phòng ngừa va chạm trên biển, Công ước về đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên, Công ước về ngăn chặn ô nhiễm môi trường do tầu biển gây ra). Quy định của các công ước quốc tế khác về hàng hải như bắt giữ tầu biển, xử lý tai nạn đâm va, cầm cố và cầm giữ tầu biển, giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tầu… tuy chưa được Nhà nước ta chính thức tham gia nhưng đã được “chuyển hoá” vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam (1990) và các văn bản khác về hàng hải.

4.2. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự với Liên Xô (cũ) (Liên bang Nga kế thừa), Tiệp Khắc (CH Séc và CH Xlôvakia kế thừa), Bungari, Hungari, Cuba, Ba lan, CHDC Đức (đã huỷ bỏ).

Trong những năm qua, để thực hiện các Hiệp định chúng ta đã triển khai nhiều công việc như ban hành một số văn bản (Pháp lệnh Lãnh sự, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, Pháp lệnh Công nhận và thi hành ở Việt nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, Thông tư liên ngành số 139/TT-LB ngày 12/3/1984 về việc quy định nhiệm vụ của các ngành trong việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp …).

4.3. Trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự

Nhà nước ta tham gia Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước năm 1975 về phái đoàn đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập và đã ký 14 Hiệp định lãnh sự với các nước.

Về pháp luật trong nước, trong nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Thuế nhà đất, Nghị định số 131-HĐBT, Thông tư liên ngành số 01-TTLN giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… đã có một quyết định về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự dành cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và thành viên của các cơ quan này tại Việt Nam. Tuy vậy, cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài đều không viện dẫn vào các văn bản pháp luật trong nước của ta, mà viện dẫn đến các quy định của các Công ước Viên năm 1961 và 1963 và các Công ước quốc tế khác để yêu cầu Nhà nước ta phải cho họ được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi miễn trừ.

Do nguyên nhân về nhận thức, thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể, nên một số cơ quan chức năng hoặc cán bộ thi hành công vụ của ta hiểu và áp dụng công ước còn tuỳ tiện, đã gây ra không ít phản ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài.

Ngày 23/8/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Thông qua Pháp lệnh này, Nhà nước ta đã thực hiện việc “chuyển hoá” các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, niễn trừ ngoại giao và lãnh sự vào pháp luật trong nước. Nhưng, cũng chính việc thông qua Pháp lệnh này đã đạt ra nhiều vấn đề lý luận cần quan tâm.

5. Một số kiến nghị chủ yếu

Trong các bài viết của các tác giả, cũng như trong hai cuộc hội thảo, trong kết quả thực hiện phiếu điều tra, khảo sát đã có đến 70 kiến nghị lớn nhỏ được nêu ra, chủ yếu là những kiến nghị sau:

1. Cùng với việc thực hiện chủ trương soạn thảo, ban hành Pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Đảng và Nhà nước ta nên phát động một phong trào rộng rãi, với các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về điều ước quốc tế? Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền một cách hệ thống hơn những tư tưởng của Hồ Chủ Tịch về công tác điều ước quốc tế.

2. Cần xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, phương diện hiệu lực thi hành của quy phạm điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia trong hệ thống các quy phạm pháp luật của Nhà nước.

3. Với vị trí đặc biệt của điều ước quốc tế đòi hỏi Nhà nước ta phải sớm hoàn thiện một quy trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế sao cho thực sự chặt chẽ, đồng bộ, ít ra phải có nề nếp như trong công tác soạn thảo, ban hành luật, pháp lệnh hiện nay.

4. Cần đổi mới quan niệm về “chuyển hoá” các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia. Cụ thể, nên gắn việc phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế một ý nghĩa pháp lý nữa đó là sự chuyển hoá. Cũng cần phải ban hành văn bản pháp luật trong trường hợp phải giải thích, hướng dẫn thi hành các điều khoản cần thiết của điều ước quốc tế.

5. Cũng như đối với bản thân pháp luật, việc công bố, thông tin đầy đủ kịp thời các điều ước quốc tế được ký kết trước và sau khi chúng có hiệu lực pháp luật (trừ những điều ước quốc tế có nội dung bí mật và cũng chỉ trong thời hạn cần bảo mật mà thôi) là một yêu cầu bức xúc. Việc làm này cần phải quy định một cách triệt để hơn trong pháp luật.

Ngoài việc công bố hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, các ý kiến đều kiến nghị với Nhà nước cho đăng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ký kết hoặc tham gia trong công báo giống như các văn bản pháp luật của Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc đăng tải chúng trên công báo cùng với toàn văn các quyết định, nghị quyết phê chuẩn, phê duyệt, bảo lưu … cũng đã thể hiện sự chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước.

6. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước ta nên nghiên cứu, sớm gia nhập Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế. Trên thực tế, Công ước này, với tính cách là văn bản pháp điển hoá Luật Điều ước quốc tế, đã có hiệu lực đối với Nhà nước ta như những tập quán quốc tế. Pháp lệnh năm 1989 đã ghi nhận một số điều khoản của Công ước này. Thực tế ký kết và thực hiện điều ước quốc tế giữa nước ta với các nước khác cũng đã tuân theo các quy định của Công ước này. Đặc biệt, trong trường hợp phải giải thích điều ước quốc tế, các đối tác ký kết điều ước quốc tế với nước ta đều yêu cầu giải thích theo các quy định của Công ước …

Trong khi đó, do chưa phải là một bên tham gia Công ước, Nhà nước ta chưa thể thực hiện quyền bảo lưu đối với bất cứ điều khoản nào của Công ước mà xét thấy không có lợi cho ta, nhưng trong thực tế thì lại đang có hiệu lực đối với Nhà nước ta.

7. Nhiều kiến nghị tập trung vào việc đào tạo, nâng cao trình độ về luật điều ước quốc tế, ngoại giao và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong việc tham gia soạn thảo, đàm phán, thông qua điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương, đặc biệt tại hội nghị của Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại quốc tế và ASEAN.

Mặc dù trong 10 năm qua, Nhà nước ta đã gia nhập, phê chuẩn một số lượng lớn các công ước quốc tế (50), nhưng nhận xét chung của các tác giả và cũng là ý kiến của nhiều người quan tâm cho rằng : Nhà nước ta vẫn “đứng ngoài cuộc” đối với luật chơi chung của thế giới, nhưng gián tiếp vẫn bị ràng buộc bởi luật chơi chung đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hàng hải quốc tế, hiện tại đã có khoảng 100 công ước quốc tế được ban hành, nhưng Việt nam mới chỉ gia nhập 6 công ước. Trong khi đó, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã chứa đựng, trên nhiều vấn đề, các quy định của hàng chục công ước khác.

8. Cho đến nay, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia chưa được xem đúng mức như một loại văn bản pháp luật. Do đó, hầu như chưa có sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Nhiều tác giả kiến nghị nên xem việc giới thiệu, tuyên truyền về điều ước quốc tế có liên quan là một bộ phận không thể tách rời của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuốn sách in các văn bản pháp luật mới, cũng như trong các lớp tập huấn, đào tạo về pháp luật.

9. Cuối cùng, xét trên nhiều phương diện, từ vị trí, vai trò, hiệu lực có tính chất đặc biệt đến đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của xã hội về điều ước quốc tế, đa số tác giả kiến nghị với Nhà nước ban hành văn bản mới về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế dưới hình thức một đạo luật. Tốt nhất, Quốc hội nên xem xét và thông qua đạo luật này đồng thời với luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản pháp luật mà hiện nay đã có trong chương trình thông qua của Quốc hội./.
 

 

Nội dung toàn văn

 

 

 

 

 

Bộ tư pháp

*

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

....................................

 

 

 

 

 

 

 

Đề tài

 

 

 

Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế

của cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam

và pháp luật Việt nam

 

 

(một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản)

 

Mã số đăng ký: 95 – 98 – 113/DT

 

 

 

 

 

 

 

 

hà nội, 1995 – 1996

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BỘ TƯ PHÁP

*

VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ

....................................

 

 

 

 

 

 

 

Đề tài

 

 

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 

 

(MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CƠ BẢN)

 

Mã số đăng ký: 95 – 98 – 113/DT

 

 

 

 

 

 

 

 

HÀ NỘI, 1995 – 1996

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “mối quan hệ giữa

điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam

và pháp luật Việt nam” (Một số vấn đề lý luận và thực

tiễn cơ bản), số đăng ký: 95-98-113/DT Xin chân thành cảm ơn

các đồng chí và các Bạn đã tham gia thực hiện đề tài, đánh giá và nghiệm thu đề tài, phục vụ công tác nghiên cứu và hoàn thiện đề tài.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THAM GIA THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

 

“MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CHXHCN VIỆT

NAM VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

(MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CƠ BẢN)

 

Số đăng ký: 95-98-113/DT

 

 

 

A.   BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI:

 

1.     HÀ HÙNG CƯỜNG, PTS, Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp – Chủ nhiệm Đề tài.

 

2.     HOA HỮU LONG, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp – Phó Chủ nhiệm Đề tài.

 

3.     ĐỖ ĐÌNH LƯƠNG, Chuyên viên, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp – Thư ký Đề tài.

 

4.     NGUYỄN CÔNG KHANH, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp –Thư ký Đề tài.

 

B.   CỘNG TÁC VIÊN VIẾT BÀI CHO ĐỀ TÀI:

 

5.     NGUYỄN HOÀNG ANH, PTS, Chuyên viện, Vụ Pháp luật quốc tế và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao

6.     NGUYỄN NGỌC ANH, PTS, Chuyên viên, Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ.

7.     TẠ HOÀ BÌNH, Tổng Công ty Hàng hải Việt nam.

8.     NGUYỄN VĂN BÌNH, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

9.     PHẠM TRƯỜNG GIANG, Thạc sĩ, Chuyên viên, Vụ Pháp luật quốc tế và Điều ứơc quốc tế, Bộ Ngoại giao.

10 . LÊ HỒNG HẢI, Trưởng phòng thuế quốc tế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

11. HOÀNG PHƯỚC HIỆP, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

12.  NGUYỄN DUY LÃM, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

13.  ĐẶNG ĐÌNH LUYẾN, Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội.

14.  DƯƠNG THANH MAI, Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

15.  NGUYỄN THỊ MƠ, PTS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

16.  ĐOÀN NĂNG, PTS, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

17.  NGUYỄN VĂN QUYỀN, PTS, Vụ trưởng Vụ pháp luật, Ban Nội chính Trung ương.

18.  LÊ THU SƠN, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

19.  ĐINH XUÂN THẢO, Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

 

  1. NHỮNG NGƯỜI THAM GIA HỘI THẢO KHOA HỌC VÀ PHÁT BIỂU Ý KIẾN (BAO GỒM BAN CHỦ NHIỆM VÀ CÁC CÔNG TÁC VIÊN NÓI Ở MỤC AVÀB, VÀ NHỮNG NGƯỜI DƯỚI ĐÂY):

 

20. ĐỖ BÌNH, PTS, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

21. DƯƠNG NGỌC CHIẾN, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

22. NGUYỄN VĂN DU, Phó trưởng Phòng Pháp chế – Bảo hiểm, Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt nam.

23. PHẠM MẠNH DŨNG, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

24. NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

25. HÀ MINH HUYỀN, Đại học Luật Hà nội.

26. NGÔ QUỐC KỲ, Phó trưởng phòng Pháp chế, Ngân hàng Ngoại thương Việt nam.

27. BÙI THỊ MAI LAN, Chuyên viên Vụ pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp.

28. HOÀNG THẾ LIÊN, PTS, Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

29. VŨ ĐỨC LONG, PTS, Chuyên viên chính Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

30. NGUYỄN VĂN LUẬN, Trưởng khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Hà nội.

31. ĐỖ ĐÌNH LƯƠNG, Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

32. VŨ XUÂN NAM, Hội Luật gia Việt nam.

33. BÙI XUÂN NHỰ, PTS, Phó trưởng khoa luật quốc tế, Đại học Luật Hà nội.

34. ĐẶNG HOÀNG OANH, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

35. HỒ VĂN PHÚ, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

36. ĐẶNG QUANG PHƯƠNG, PTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao.

37. HOÀNG NGỌC THIẾT, Trường Đại học Ngoại thương.

38. HỒ PHONG TƯ, PTS, Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước.

39. NGUYỄN ĐỨC TUẤN, PTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

40. NGUYỄN HỮU TRÁNG, Thạc sĩ, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự< Bộ Ngoại giao.

41. NGUYỄN MINH VŨ, PTS, Chuyên viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                   DANH MỤC

 

CÁC BÀI VIẾT CHUYÊN ĐỀ

DO CÁC CỘNG TÁC VIÊN THỰC HIỆN

 

……………..

 

 

 

 

1.     Khái quát tình hiình và triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam.

 

Tác giả: LÊ THU SƠN, Chuyên viên Vụ luật pháp quốc tế và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

 

2. Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; Mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

Tác giả: ĐẶNG ĐÌNH LUYẾN, Chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội.

 

3. Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở Cộng hoá Pháp và một số nước Châu Âu.

 

Tác giả: NGUYỄN VĂN BÌNH, Chuyên viên chính Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

4.Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia qua kinh nghiệm của Vương quốc Anh.

 

Tác giả: DƯƠNG THANH MAI, Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

 

5. Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta.

 

Đồng tác giả: - NGUYỄN DUY LÃM, Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp;

                       - ĐINH XUÂN THẢO, Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

 

6. Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế  của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực thương mại.

 

Tác giả: NGUYỄN THỊ MƠ, PTS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

 

7. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam.

 

Tác giả: HOÀNG PHỨC HIỆP, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

 

8. Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần.

 

Tác giả: LÊ HỒNG HẢI, Trưởng phòng Thuế quốc tế, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính.

 

9. Một số nhận xét về thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam.

 

Tác giả: TẠ HOÀ BÌNH, Tổng Công ty Hàng hải Việt nam.

 

   10. Một số vấn đề ký kết và thực hiện Hiệp định tín dụng phát triển giữa CHXHN Việt Nam và Ngân hàng Thế giới

 

Tác giả: HOA HỮU LONG, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

 

11. Một số vấn đề thực tiễn về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự.

 

Tác giả: NGUYỄN NGỌC ANH, PTS, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ.

 

   12. Một số vấn đề ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong    lĩnh vực về Dân sự, Hôn nhân gia đình.

 

Tác giả: NGUYỄN VĂN QUYỀN, PTS, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban Nội chính Trung ương.

 

13. Một số vấn đề thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.

 

Tác giả: NGUYỄN HOÀNG ANH, PTS, Vụ Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế , Bộ Ngoại giao.

 

14. Về vấn đề hoàn thiện pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam.

 

Tác giả: PHẠM TRƯỜNG GIANG, Thạc sĩ, Chuyên viên Vụ Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế , Bộ Ngoại giao.


MỤC LỤC

 

                  Trang

- Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài...................................................... 12

- Các chuyên đề do cộng tác viên thực hiện.......................................... 62

- Khái quát tình hình và triển vọng của việc ký kết điều ước

quốc tế của CHXHCN Việt nam (Lê thu Sơn)....................................... 63

- Quy trình vây dựng Luật , Pháp lệnh; Mối quan hệ giữa thi hành

Luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế Của

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam (Đặng đình Luyến) ................... 86

- Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào

pháp luật trong nước của Công hoà Pháp và moọt số nước Châu Âu

(Nguyễn văn Bình) .............................................................................. 99

- Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm của điều ước

quốc tế và pháp luật trong nước qua kinh nghiện của

Vương quốc Anh (Dương thanh Mai).................................................... 120

- Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xẫ hội Chủ nghĩa Việt nam

trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước ta

(Nguyễn duy Lãm - Đinh xuân Thảo)................................................... 125

- Một số vấn đề thực tiễn về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế

của Việt nam trong lĩnh vực thương mại (Nguyễn thị Mơ)..................... 148

- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các Hiệp định về

khuyến khích bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam

(Hoàng phức Hiệp) ............................................................................... 164

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong

lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần (Lê hồng Hải) .................................... 176

- Một số nhận xét thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong

lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam (Tạ hoà Bình)....................................... 187

- Một số vấn đề về ký kết và thực hiện các Hiệp định tín dụng

phát triển giữa CHXHCN Việt nam và Ngân hàng thế giới

(Hoa hữu Long) ................................................................................... 194

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của

Cộng hào Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong lĩnh vực tương

trợ tư pháp về hình sự (Nguyễn ngọc Anh) .......................................... 99

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện các Hiệp định tương trợ tư

pháp trong lĩnh vực về Dân sự và Hôn nhân gia đình

(Nguyễn văn Quyền)............................................................................ 207

- Một số thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình

chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật

trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự

(Nguyễn hoàng Anh)............................................................................ 221

- Về vấn đề hoàn thiện pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước

quốc tế của Việt nam (Phạm trường Giang)........................................... 229

- Phụ lục............................................................................................... 237

- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế............................... 238

- Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát....................................................... 239

- Danh sách điều ước quốc tế đa phương mà Việt nam đã ký kết

hoặc tham gia........................................................................................ 242

 

 

 


BÁO CÁO KẾT QUẢ

NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

95-98-113/DT

………………..

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ

NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI KHOA HỌC

 

“MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA CHXHCN VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

(MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CƠ BẢN)

 

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC  ĐÍCH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI:

 

1. Quốc gia tồn tại và phát triển trong cộng đồng quốc tế. Quan hệ về mọi mặt giữa các quốc gia với nhau và với các chủ thể khác của cộng đồng đó ngày nay chủ yếu được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp lý quốc tế có tính chất điều ước. Do đó, các hoạt động đàm phán, soạn thảo,  thương lượng, thông qua, phê duyệt, phê chuẩn, gia nhập, tham gia, thực hiện, áp dụng, giải quyết tranh chấp … về điều ước quốc tế (gọi chung là hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế), đã và đang là hoạt động chủ yếu, trọng tâm của quan hệ quốc tế. Điều này càng thể hiện rõ nét trên thế giới ngày nay, khi hoà bình, hợp tác trên tất cả mọi mặt, nhất là về kinh tế đang trở thành xu hướng chung của thời đại; khi mà thế giới ngày càng trở nên “nhỏ bé”, các nước ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau.

 

Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền. Khi ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế , các quốc gia đếu thể hiện ý trí của mình trong việc hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm, nghĩa vụ xuất phát từ các điều ước quốc tế đó. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được thừa nhận chung là nguyên tắc tận tâm thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Theo luật tập quán quốc tế, cũng như theo Điều 27 Công ước viên về Luật điều ước quốc tế, các quốc gia không thể viện dẫn vào hệ thống pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật của nước mình để thoái thác nghĩa vụ tuân thủ cam kết quốc tế.

 

2. Thực hiện đường lối “đổi mới” do Đảng Công sản Việt nam đề xướng, 10 năm qua đất nước ta đạt được những thành tựu đáng khâm phục, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ký kết, thực hiện điều ước quốc tế .

 

Trong lịch sử 50 năm qua, chưa bao giờ số lượng các văn bản luật (bộ luật, luật) và pháp lệnh được Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua nhiều như vậy, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Về công tác điều ước quốc tế , chỉ trong 10 năm (từ 1987 đến nay) Nhà nước ta đã ký kết hàng trăm điều ước quốc tế song phương và ký kết hoặc tham gia số điều ước quốc tế đa phương bằng cả 40 năm trước đây cộng lại. Điều đó, một mặt thể hiện rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta từng bước hội nhập và đời sống cộng đồng quốc tế và khu vực. Đồng thời, mặt khác nó thể hiện rõ vị thế mới, vững chắc của Việt nam trong quan hệ với các nước.

 

Việc nước ta trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (7.1995) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấy bước ngoặt mới trong quan hệ giữa nước ta với các nước khu vực nói riêng và với các nước khác và các tổ chức quốc tế nói chung. Cùng với nó, việc thành lập quan hệ chính thức với Liên minh Châu Âu, việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ … có tác động trực tiếp đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong những năm tới.

 

Trong quá trình ký kết và nhất là thực hiện các điều ước quốc tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần xem xét, nghiên cứu và giải quyết từ giác độ khoa học pháp lý.

 

3. Cùng với công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta dã đề ra chủ trương xây dựng và tăng cường Nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam, Nhà nước do dân, của dân và vì dân. Nội dung chủ yếu của nó là Nhà quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN. Nghĩa vụ tuân theo pháp luật, chấp hành pháp luật được đặt ra không chỉ từ phía công dân, pháp nhân, các tổ chức xã hội, quần chúng mà trước hết và chú trọng nhất là từ phía các cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức Nhà nước. Công tác pháp luật được tăng cường trên cả ba nội dung: xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, giáo dục pháp luật và thi hành, áp dụng pháp luật. Trong đó một lĩnh vực đặc biệt quan trọng là luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế .

Điều ước quốc tế được ký kết một cách hợp pháp hợp thức, ở hầu hết các nước được công nhận như một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia (pháp luật trong nước) và có một vị trí đặc biệt trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Nhà nước ta cung có xu hướng chấp nhận luận điểm này. Cụm từ “điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” được quy định trongpháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và nhiều văn bản pháp luật khác không chỉ có nghĩa giới hạn, chỉ rõ các điều ước quốc tế mà Nà nước ta đã ký kết hoặc tham gia, mà còn bao hàm cả nghĩa là điều ước quốc tế đó là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật Việt nam. Bởi vậy, trong nội dung tăng cường công tác pháp luật, pháp chế, cần thiết phải tính đến công tác điều ước quốc tế, nhất là các quy định nhằm thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết.

 

4. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17.4.1989 có vai trò quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức đối với công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Pháp lệnh này quy định khá chi tiết những nguyên tắc ký kết, từ việc đề xuất, đàm phán đến việc quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện các điều ước quốc tế . Về hiệu lực tạ Việt nam của điều ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết hoặc tham gia, Pháp lệnh quy định: “CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ” và “trong trường hợp điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam, thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị để bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó”. Hiệu lực của điều ước quốc tế còn được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định …) theo một nguyên tắc chung là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật, Luật, Pháp lệnh, Nghị định … thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.

 

Cùng với các văn bản khác, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh các hoạt đoọng ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta, góp phần thể chế hoá đường lối đối ngoại của Đảng trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới.

 

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay một số quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế không còn phù hợp nữa và một số vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cần được nghiên cứu, điều chỉnh. Về nguyên nhân, có thể nói sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã gây cho chúng ta không ít lúng túng về công tác điều ước quốc tế.

 

Thứ nhất, về mặt lý luận, khi soạn thảo pháp lệnh, có thể nói rằng chúng ta bị ảnh hưởng sâu sắc của luận thuyết chính thống về điều ước quốc tế của các Luật gia các nước XHCN, mà chủ yếu là các luật gia Xô viết. Luận thuyết này ohù hợp với nền kinh tế tập trung cao độ và phản ánh nội dung tương trợ và giúp ddỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN. ở Liên Xô trước đây, thuyết về giá trị ưu thế của pháp luật quốc tế đối với pháp luật quốc gia có những lúc bị phê phán kịch liệt do xuất phát từ tiền đề cho rằng chúng là hai hệ thống pháp luật khác nhau, biệt lập với nhau, có giá trị như nhau, nên không nảy sinh vấn đề ưu thế giữa chúng.

 

Mặt khác, cũng do nhận thức về vấn đề tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nên hầu hết các điều ước quốc tế song phương của Việt nam và các nước XHCN trước đây chủ yếu đề cập đến các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước, mà ít chú trọng đến các quy định cụ thể để thực hiện các điều ước quốc tế đó.

 

Thứ hai, về chủ thể ký kết điều ước quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Từ chỗ trước đây chúng ta chỉ ký điều ước quốc tế với các nước nằm trong hệ thống XHCN và với Hội đồng tương trợ kinh tế, thì nay chúng ta đã ký kết điều ước quốc tế với tất cả các nước phát triển có chế độ xã hội, kinh tế khác nhau với Việt nam và trình độ phát triển rất khác. Quan niệm “tương trợ” không còn và không thể tồn tại như trước nữa. Điều này có thể thấy rõ trong các Hiệp định vay tín dụng phát triển mà Nhà nước ta đã ký kết với một số nước và tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á … Do ảnh hưởng của chế độ “bao cấp” cũ mà cho đến nay nhiều cơ quan và cá nhân vẫn nhận thức về các khoản vay như hình thức viện trợ không hoàn lại trước đây, nghĩa là không tính đến hiệu quả kinh tế và nghĩa vụ trả nợ, cũng như xa lạ với hình thức Nhà nước cho doanh nghiệp vay lại các khoản vay đó với lãi xuất thương mại.

 

Thứ ba, các điều ước quốc tế đã được ký kết trong thời kỳ đổi mới ngày càng có nội dung đa dạng, phức tạp, nhất là điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, như Công ước, Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, vay vốn, luật biển, luật hàng hải, luật hàng không, công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài … Nội dung của các điều ước quốc tế này còn rất mới mẻ đối với chúng ta. Việc ký kết không còn chỉ để ký kết, mà chúnh đòi hỏi phải được thực hiện, áp dụng trong thực tiễn của cuộc sống hàng ngày một cách đầy đủ, nhất quán, cũng giống như bản thân pháp luật vậy. Và trách nhiệm thực hiện chúng không chỉ đề ra với những cơ quan đề xuất việc ký kết, đối với cơ quan ngoại giao, mà đối với tất cả các chủ thể pháp luật có liên quan, đối với cả bộ máy Nhà nước, từ cơ quan lập pháp, hành pháp đến cơ quan tư pháp. Do đó, đòi hỏi phải có sự chuyển biến chung về nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của điều ước quốc tế, cũng như tầm quan trong của lĩnh vực công tác này.

 

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, pháp luật thực định của Nhà nước ta ngày một khẳng định rõ nguyên tắc hiệu lực ưu thế của điều ước quốc tế, không kể ký kết với danh nghĩa nào, so với pháp luật trong nước. Và việc khẳng định về mặt pháp lý nguyên tắc này xem ra không mấy khó khăn. Nhưng, việc thực hiện, áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn, ngay cả trong bộ máy hành chính, tư pháp của Nhà nước, là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ theo nguyên tắc này thì trong những tình huống cụ thể đó không phải pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ … ban hành, mà là điều ước quốc tế áp dụng. Vậy, điều ước quốc tế nào, nội dung của nó ra sao, hiệu lực cụ thể của nó như thế nào, giải thích, áp dụng nó ra sao … đang là những thách thức lớn, trước hết đối với các cơ quan và công chức Nhà nước. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cần thiết phải sửa đôi, bổ sung Pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Nhà nước, phục vụ cho việc hội nhập có hiệu quả của đất nước vào cộng đồng khu vực và quốc tế.

 

Trong chương trình vây dựng luật và pháp lệnh đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội khoá IX có việc xem xét và thông qua pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu sâu rộng và toàn diện, cả về lý luận cũng như thực tiễn, các vấn đề về điều ước quốc tế là một việc làm cần thiết, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về trí tuệ, thời gian và sự say mê, nỗ lực của các nhà khoa học pháp lý có liên quan.

 

5. Với đề tài này, do hạn chế về nhiều mặt, tập thể các tác giả xin bước đầu đề cập đến một số vấn đề thực tiễn cơ bản của mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam, mà trọng tâm là làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến bản thân mối quan hệ giữa chúng, việc chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, giá trị ưu thế của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước và bước đầu cố gắng xác định thứ bậc của nó trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

 

 

Việc thực hiện đề tài nhằm vào hai mục đích cụ thể là:

 

Thứ nhất, Mục tiêu có tính chất lâu dài là nhằm đưa công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta, bao gồm các bước từ đàm phán, đề xuất việc ký, quyết định việc ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện các nghĩa vụ, cam kết quốc tế xuất phát từ các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia vào nền nếp; đổi mới nhận thức chung của xã hội, đặc biệt của công chức, viên chức Nhà nước, đối với lĩnh vực công tác này; thông qua đó góp phần vào việc nâng cao và củng cố vị thế của Nhà nước ta trên trường quốc tế, vào sự hội nhập có hiệu quả của đất nước vào cộng đồng khu vực và quốc tế.

 

Thứ hai, trước mắt góp phần làm sáng tỏ các luận cứ khoa học để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXNCN Việt nam trong những năm qua. Từ đó dưa ra các kiến nghị cần thiết đối với việc sửa đổi pháp lệnh nói riêng và pháp luật Việt nam nói chung về lĩnh vực này.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và có hiệu quả của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các nhà luật gia có uy tín trong lĩnh vực pháp luật quốc tế của nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Cụ Hàng hải Việt nam, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Ngoại thương, Trường đại học Luật Hà nội …

 

Tuy vậy, do tính chất phức tạp, phạm vi tương đối rộng của đề tài và các lý do về thời gian, kinh phí, nên kết quả nghiên cứu có thể còn nhiều hạn chế, thiết sót ngoài sự mong muốn ban đầu của chúng tôi và cũng là điều khó tránh khỏi.

 

Mọi ý kiến đóng góp cho đề tài đều được hoan nghênh và chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong việc tiếp tục nghiên cứu đề tài này một cách sâu rộng hơn và toàn diện hơn, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật trong lĩnh vực điều ước quốc tế, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, có vị thế xứng đáng trong khu vực và quốc tế, nhất là bước vào thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá.

 

 

 

 

II. PHẠM VI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI:

 

1. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, cả về lý luận và thực tiễn, đều liên quan đến vấn đề lựa chọn trong trường hợp cụ thể loại quy phạm pháp luật nào để điều chỉnh các quan hệ pháp luật tương ứng.

 

Ngày nay, giá trị ưu thế của điều ước quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi trong lý luận và thực tiễn quốc tế và có thể trỏ thành một trong những tiêu chí xây dựng Nhà nước pháp quyền. Công ước viên năm 1969 của Liên Hợp quốc về luật điều ước quốc tế, có hiệu lực từ ngày 27.1 1980 và đẫ được hơn 80 nước ký kết tham gia, đã quy định rõ nguyên tắc giá trị ưu thế của điều ước quốc tế.

 

Măc dù nước ta chưa phải là một bên tham gia Công ước viên 1969, nhưng nguyên tắc nêu trên cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992, Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và đặc biệt rõ ràng trong các văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau.

 

Trong khi xem xét mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, cần phải lưu ý đến một số vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:

 

Thứ nhất, điều ước quốc tế là một loại thảo thuận quốc tế chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp lý điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau (chủ yếu là các quốc gia). Chúng thẻ hiện sự thảo thuận về ý chí của các quốc gia bị chi phối bởi tác động của cácquy luật và xu hướng phát triển của lịch sử. Các nguyên tắc và quy phạm chứa đựng trong cá điều ước quốc tế có tính chất ràng buộc đối với các quốc gia ký kết; còn pháp luật trong nước điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của pháp luật quốc gia, về nguyên tắc được giới hạn theo lãnh thổ và chủ quyền, quyền tài phán của mỗi quốc gia có hiệu lực trực tiếp đối với các chủ thể pháp luật của quốc gia.

 

Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng về vhủ quyền, tự mình quyết định việc ký kết hay không ký kết một điều ước quốc tế nào đó. Song, khi đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, các quốc gia đã thể hiện ý chí của mình về việc thực hiện các cam kết quốc tế đó và không thể viện bất cứ lý do gì để thoái thác việc thực hiện cam kết đó. Trong một Nhà nước hiện đại, bên cạnh việc ràng buộc bởi các điều ước quốc tế, các quốc gia, cũng chịu sự ràng buộc của chính luật pháp do mình soạn thảo và ban hành.

Thứ ba, tuân thủ các điều ước quốc tế là nghiã vụ của các quốc gia ký kết. Song, việc thực hiện chúng bằng cách nào, về nguyên tắc, lại thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia. Có quốc gia quy định hiệu lực trực tiếp của điều ước quốc tế đối với các chủ thể của luật quốc gia, và trong trường hợp này, luật quốc tế đương nhiên là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia; còn một số quốc gia khác tiến hành việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước và chỉ sau đó chúng mới trở thành quyphạm của pháp luật trong nước.

 

Từ những nguyênlý chung như vậy soi vào công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong hơn 50 năm qua và nhất là trong giai đoạn 10 năm gần đây, chúng ta thấy đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết.

 

2. Có thể nói đề tài “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản)” là sự tiếp tục của đề tài “Một số vấn đề lý luận thực tiễn ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài” mà Bộ Tư pháp đã thực hiện trong các năm 1990 – 1991. Đương nhiên xét về mục đích, phạm vi và nội dung nghiên cứu thì đề tài lần này rộng và toàn diện hơn nhiều. Căn cứ vào mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm cùng các tác giả đã lựa chọn và thực hiện các chuyên đề sau đây:

 

1. Khái quát tình hình và triển vọng của việc ký két điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

2. Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; mối quan hệ giữa thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

3. Kinh nghiệm chuyển hoá pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước của Cộng hoà Pháp và một số nước Châu Âu.

 

4. Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước ở Vương quốc Anh.

 

5. Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta.

 

6. Một số vấn đề về thực tiễn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam trong lĩnh vực thương mại.

 

7. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam.

 

8. Một số vấn đề về thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần.

 

9. Một số nhận xét về thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam.

 

10. Một số vấn đề về ký kết và thực hiện Hiệp định tín dụng phát triển giữa CHXHCN Việt nam và Ngân hàng thế giới.

 

11. Một số vấn đề thực tiễn về thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự.

 

12. Một số vấn đề ký kết thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực về dân sự, hôn nhân và gia đình.

 

13. Một số thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế và pháp luật trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.

 

14. Về vấn đề hoàn thiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam.

 

 

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI:

 

1. Phương pháp lịch sử cụ thể:

 

Lịch sử hình thành công tác điều ước quốc tế của NHà nước ta hơn 50 năm qua gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước qua từng thời kỳ. Với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với các quốc gia khác, Nhà nước ta đã ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Tuỳ theo nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia có tính chất, nội dung và hình thức khác nhau. Điều quan trọng là cần phải xem xét, tổng kết chúng trên cơ sở tính đến sự phù hợp của việc ký kết các điều ước quốc tế đó với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.

Xét theo lịch sử ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta từ 1945 đến nay, có thể chia thành ba giai đoạn lớn;

a) Từ 1945 đến 1975: các điều ước quốc tế được ký kết hướng vào mục tiêu giải phóng điều ước quốc dân tộc và thống nhaats đất nước (Hiêph định Giơ- ne – vơ 1945, Hiệp định Pa- ri 1973, 4 Công ước 1949 về bảo hộn nạn nhân chiến tranh và các Hiệp định mua bán, viện trợ, chủ yếu giữa nước ta và các nước XHCN)

b) Từ 1975 đến 1986: các điều ước quốc tế phản ánh quan hệ mang tính chiến lược và tòan diện giữa nước ta và các nước XHCN, phản ánh quan hệ tương trợ và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

c) Từ 1986 đén nay: các điều ước quốc tế phản ánh đường lối đổi mới của Đảng ta, nhất là đổi mới về kinh tế và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dang hoá và từng bước thực hiện sự hội nhập quốc tế. Điều nổi bật của các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết và tham gia trong giai đoạn này mang nội dung của nền kinh tế thị trường (HIệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hàng không, Hiệp định hàng hải, Hiệp định vay tín dụng v.v..) 

 

d) Cho đến năm 1986, công tác điều ước quốc tế của chúng ta chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của các nước XHCN, nhất là kinh nghiệm của Liên Xô (cũ).

 

e) Hiến pháp năm 1992 bước đầu đã định rõ quan điểm của Nhà nước ta về việc tuân thủ các điều ước quốc tế và phản ánh xu hướng chấp nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước.

 

g) Những kinh nghiệm tích luỹ từ giai đoạn lịch sử nêu trên có ý nghĩa to lớn cho việc triển khai thực hiện đề tài.

 

2. Phương pháp phân tích đánh giá thực trạng

 

Đề tài đã vận dụng phương pháp phân tích trong việc mô tả, đánh giá thực trạng nhằm phản ánh trung thực nhất bức tranh công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta trên cả ba nội dung: ký kết, tham gia điều ước quốc tế, phổ biến giáo dục điều ước quốc tế cà thực hiện điều ước quốc tế, và trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế khác nhau: dân sự, đầu tư, thương mại, tài chính, hình sự, hàng hải, ngoại giao, tư pháp … nhằm cố gắng chỉ ra các mặt được các mặt còn tồn tại của lĩnh vực công tác này. Các tác giả cũng đã cố gắng tìm hiểu các nguyên nhân của các mặt tồn tại, lý giải chúng và dự kiến các biện pháp khắc phục.

 

3. Phương pháp phân tích và dự báo

 

Trên cơ sở cương lĩnh phát triển đất nước, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000, căn cứ vào các văn kiện dự thảo chuẩn bị Đại hội VIII của Đảng nói chung và việc triển vọng của việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế trong những năm tới nói riền, các tác giả đã đưa ra những ý tưởng và giải pháp cho việc từng bước hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Trước mắt là xây dựng cơ sở lý luận và đề ra giải pháp cho việc sửa đổi Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

4. Phương pháp luật học so sánh

 

Trong điều kiện mở rộng giao lưu với nước ngoài, việc nghiên cứu đề tài có thuận lợi lớn là tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin của các hệ thống pháp luật khác nhau: Đề tài đã dành một phần thích đáng cho việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Qua đó, việc tham khảo, tiếp thu có chọn lọc những ý tưởng và định chế hay, phù hợp với hoàn cảnh của Việt nam có thể sẽ khắc phục được những quan niệm giáo điều, phiến diện còn rơi rớt trong nhận thức của mỗi chúng ta, góp phần vào việc chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chúng ta về công tác điều ước quốc tế.

 

III. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

 

1. Việc thực hiện đề tài được bắt đầu ngay sau khi Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt, tức tháng 4 năm 1995 và đã tập trung giải quyết một số công việc chủ yếu sau đây:

 

Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của đề tài và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, trên cơ sở tổ chức hai lần các cuộc trao đổi ý kiến giữa Ban chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài.

 

Thứ hai, xác định cụ thể nội dung thực hiện đề tài và lập danh mục các chuyên đề, các yêu cầu cụ thể đối với từng chuyên đề. Trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hai đợt ký kết hợp đồng nghiên cứu với các cộng tác viên.

 

Thứ ba, tổ chức hai cuộc hội thảo về báo cáo chuyên đề và đánh giá chất lượng thực hiện từng chuyên đề.

 

Thứ tư, tiến hành việc điều tra, khảo sát (bằng phiếu) về công tác điều ước quốc tế của CHXHCN Việt namđối với các thẩm phán dân sự của Toà án thành phố Hà nội và thẩm phán dân sự tham dự lớp tập huấn Bộ luật dân sự được tổ chức tại Hà nội vào tháng 2.1996. Nội dung và kết quả điều tra, khảo sát được phản ánh trong Báo cáo tổng hợp tại các phụ lục kèm theo.

 

Thứ năm, chuẩn bị và thảo luận báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài và bảo vệ đề tài.

 

2. Về kết quả, cho đến nay Ban chủ nhiệm đã nhận được 14 bài viết trong tổng số 15 bài đã được ký hợp đồng. Nhìn chung, các bài viết đều có chất lượngcao và bám sát những yêu cầu cụ thể  đối với mỗi chuyên đề. Nhiều bài viết được chuẩn bị rất công phu, có giá trị cao cả về mặt lý luận và thực tiễn.

 

Có thể phân các chuyên đề viết bài theo bốn nội dung là:

 

a) Những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước và việc chuyển hoá.

 

b) Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước theo quy định của pháp luật và thực tiễn của một số nước và kinh nghiệm chuyển hoá.

 

c) Pháp luật về điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và thực tiễn thi hành nó; và

 

d) Các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong một số lĩnh vực.

 

Nội dung của bài viết nêu trên đã được trình bày, thảo luận một cách sâu rộng trong hai cuộc hội thảo với sự tham gia của các tác giả và các luật gia chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật quốc tế từ nhiều cơ quan khác nhau, tổ chức tại Bộ Tư pháp vào tháng 1 và 3 năm 1996. Hai cuộc hội thảo này đã thu hút được sự  quan tâm rộng lớn của nhiều chuyên gia và do đó, đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều chuyên gia, tuy không trực tiếp viết bài cho đề tài, nhưng đã có những ý kiến sâu sắc đóng góp cho thành công của hội thảo nói riêng và của việc thực hiện đề tài nói chung.

 

Sau đây là tóm tắt những nội dung đã được trình bày trong các bài viết tại hai cuộc hội thảo nói trên.

 

 

 

PHẦN A

 

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ MỐI QUAN HỆ

GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC

VÀ VIỆC CHUYỂN HOÁ

 

 

Trên cơ sở trình bày những khái niệm chung về điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, đề tài tập trung phân tích mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia; phân tích những quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, chứng minh cho học thuyết về giá trị ưu thế của các điều ước quốc tế được các quốc gia ký kết hoặc tham gia.

 

điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế (trước hết và chủ yếu là các quốc gia) thoả thuận ký kết, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là văn bản pháp lý quốc tế ấn định các quy tắc xử xự giữa các chủ thể của luật quốc tế đối với nhau trong quan hệ quốc tế. Do đó, điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc các quốc gia và, để có hiệu lực trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ký kết, chúng phải được, bằng cách nào đó, có thêm hiệu lực đó.

 

Căn cứ vào số lượng các bên ký kết và tính chất của điều ước quốc tế mà điều ước quốc tế được phân thành điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương; loại đa phương lại được chia thành điều ước quốc tế chung, phổ cập và điều ước quốc tế khu vực.

 

Tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên ký kết và thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế có các tên gọi khác nhau như  Công ước, định ước, hiệp ước, hiệp định, hiến chương, thoả thuận …

 

Pháp luật quốc gia (pháp luật trong nước) là hệ thống các quy phạm pháp lý, thành văn không thành văn, do Nhà nước đặt ta hoặc công nhận, nhằm điều chỉnh các quan hệ pháp lý của các chủ thể của pháp luật, và về nguyên tắc là những quan hệ phát sinh trong lãnh thổ hoặc quyền tài phán của quốc gia đó. Pháp luật trong nước có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia ban hành ra nó.

 

Ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, các quốc gia thể hiện ý chí của mình trong việc chấp nhận hiệu lực ràng buộc của điều ước quốc tế và gánh vác những nghĩa vụ và trách nhiệm xuất phát từ điều ước quốc tế đó. Như vậy, khi đã ký kết hoăc tham gia điều ước quốc tế, quốc gia cần phải tuân thủ nguyên tắc đã được thừa nhận chung và thực hiện tận yâm các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) và không thể dựa vào những lý do không hợp lý để biện minh cho việc không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đó, ngay cả khi chúng có nội dung trái với luật của nước mình. Nói cách khác, điều ước quốc tế được thừa nhận chung là có giá trị ưu thế so với pháp luật trong nước. Tuy nhiên, ưu thế đó không thể có được trong mọi trường hợp. Ưu thế đó chỉ đặt ra trong trường hợp thực hiện các điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia mà thôi.

 

Công ước viên 1969 của Liên Hợp quốc về Luật điều ước quốc tế đã được phần lớn các quốc gia ký kết hoặc tham gia và pháp luật quốc gia của nhiều nước đều quy định nguyên tắc điều ước quốc tế có giá trị ưu thế hơn so với pháp luật quốc gia.

 

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, các quốc gia đều có chung quan điểm là các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc tham gia được xem là một bộ phạan cấu thành của pháp luật quốc gia và có vị trí đặc biệt trong hệ thống các quy phạm pháp luật của quốc gia đó. Nhiều nước chính thức quy định điều ước quốc tế có vị trí sau Hiến pháp và trên các đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Bởi vậy, pháp luật của các nước này không cho phép ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến pháp của nước họ. Trong trường hợp các quốc gia đó muốn ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có những quy định trái với Hiến pháp, thì họ phải sửa đổi Hiến pháp trước khi ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế . Các cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp định Ma-stơ-rích thành lập Liên minh Châu Âu diễn ra ở các nước Tây Bắc Âu trong vài năm qua đã chứng minh điều đó.

 

Tuân thủ các điều ước quốc tế là nghĩa vụ của các quốc gia ký kết. Trong trường hợp quốc gia không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, thì tuỳ theo mức độ, có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất.

 

Trong đa số trường hợp điều ước quốc tế không ấn định cách thức thực hiện chúng trên lãnh thổ các quốc gia ký kết, mà việc thực hiện điều ước quốc tế bằng cách thức nào thuộc thẩm quyền riêng của mỗi quốc gia. Có quốc gia quy định hiệu lực trực tiếp của điều ước quốc tế trên lãnh thổ nước mình, cung như đối với chủ thể pháp luật quốc gia. Các quốc gia quy định việc bắt buộc việc phải chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia (hiệu lực điều ước quốc tế chỉ phát sinh với các chủ thể của pháp luật quốc gia khi đã được chuyển hoá); có quốc gia áp dụng cả hai cách thức này tuỳ theo các điều kiện do pháp luật của nước họ quy định.

 

Trong hội thảo, khi thảo luận về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước và hiệu lực của điều ước quốc tế đã nảy sinh hai loại ý kiến khác nhau về bản chất của hành vi phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế.

 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các quốc gia ký kết để quy định các quyền và nghĩa vụ đối với các quốc gia và do đó không đương nhiên ràng buộc các tổ chức và cá nhân của quốc gia ký kết. Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ này đòi hỏi các quốc gia phải chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia (chuyển hoá là trách nhiệm của mỗi quốc gia). Chỉ sau khi được chuyển hoá, điều ước quốc tế mới có hiệu lựcđối với tổ chức, cá nhân của quốc gia đó. Cách thức chuyển hoá được thực bằng việc phê chuẩn, phê duyệt các điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để “nội luật hoá” các quy phạm của điều ước quốc tế.

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đúng là điều ước quốc tế có hiệu lực độc lập đối với pháp luật quốc gia, nhưng khi quốc gia đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thì quốc gia đã thể hiện ý chí của mình một cách tự nguyện đối với việc thực hiện các điều ước quốc tế đó.Hiệu lực của điều ước quốc tế và việc chuyển hoá là hai vấn đề khác nhau. Hiệu lực của điều ước quốc tế phát sinh theo các điều kiệncó hiệu lực của từng văn bản điều ước cụ thể, mà không phụ thuộc vào việc quốc gia ký kết có thực hiện việc chuyển hoá hay không. Khi điều ước quốc tế có hiệu lực đối với quốc gia ký kết, thì đương nhiên ràng buộc không chỉ quốc gia, mà còn ràng buộc cả tổ chức và cá nhân quốc gia đó. Không được chuyển hoá điều ước quốc tế vẫn có hiệu lực và việc không thực hiện tận tâm điều ước quốc tế đã ký kết sẽ dẫn đến trách nhiệm pháp lý của quốc gia ký kết. Do đó, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế không phải là chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia, mà là một trong những giai đoạn của việc ký kết điều ước quốc tế. Bởi vậy, có nên đặt vấn đề chuyển hoá hay không ? ý kiến này cho rằng, thực hiện của việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta đặt chuyển hoá thành trách nhiệm chung của Nhà nước là vấn đề không thực tế và không thể làm được.

Nhiều điều ước quốc tế mà Nhà nước ta  đã ký kết hoặc tham gia như: Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...vẫn được thi hành mà không cần thiết phải chuyển hoá. Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của mỗi điều ước quốc tế, mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc có chuyển hoá hay không. Cũng theo ý kiến này, vấn đề quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là cần phải đề ra các quy định pháp lý buộc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia.

 

PHẦN B

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA MỘT SỐ NƯỚC VÀ KINH NGHIỆM CHUYỂN HOÁ

 

 

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay nhất là trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ quốc tế, số lượng các điều ước quốc tế được ký kết tăng lên một cách đáng kể. Cùng với nó, khoa học pháp lý về luật điều ước quốc tế cũng được phát triển một cách nhanh chóng và thu được những thành tựu rất có ý nghĩa. Tìm hiểu pháp luật và thực tiễn pháp lý ở nước ngoài là việc làm cần thiết của bất kỳ công trình khoa học nào, để từ đó rút ra những thông tin và kinh nghiệm bổ ích cho việc giải quyết các vấn đề trong nước.

 

Trong bài viết của mình, các tác giả đã trình bày rất cặn kẽ các vấn đề về mối quan hệ, về thứ bậc giữa quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật trong nước, cũng như việc chuyển hoá các quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước của một số nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau (Continental law and Common law).

 

Ở Cộng hoà Pháp, theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, các điều ước quốc tế được Nhà nước Pháp phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực cao hơn luật, với điều kiện điều ước quốc tế đó cũng được các bên ký kết khác thực hiện. Cũng theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, khái niệm “điều ước quốc tế”  được hiểu bao gồm cả cả các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó. Nghĩa là các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế cũng có giá trị hiệu lực cao hơn các luật trong nước và có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn hoặc phê duyệt, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại như đã nêu ở trên.

 

Việc xem xét đánh giá điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện điều ước quốc tế  chỉ được đặt ra đối với điều ước quốc tế không phải là của Liên minh Châu Âu.

Một điểm nữa đánh lưu ý là, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của nước này, điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật trong nước và cacs quy phạm của nó có vị trí đứng sau Hiến pháp và do đó, không thể trái với các quy định của Hiến pháp.

 

Trái với các quy định của pháp luật Pháp, Toà án Liênminh Châu Âu cho rằng các điều ước quốc tế của Liên minh này có giá trị hiệu lực cao hơn pháp luật nói chung của các nước thành viên mà không cần tính đến việc nội dung của điều ước quốc tế đó có trái với các quy phạm của Hiến pháp của các nước thành viên hay không. Toà án Liên minh Châu Âu chỉ chấp nhận việc Toà án của các quốc gia thành viên áp dụng các quy phạm của điều ước quốc tế của Liên minh ở nước mình, còn các quy định về nội dung của điều ước quốc tế là không thể sửa đổi được.

 

Về nguyên tắc, pháp luật Pháp không đặt ra vấn đề phải chuyển hoá quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, nhưng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia không đủ cụ thể để áp dụng trực tiếp, thì cơ quan lập pháp có thể phải ban hành văn bản cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó.

 

Việc giải quyết xung đột giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của Pháp được thực hiện theo hai cách:

 

Thứ nhất, nếu quy phạm của pháp luật trong nước có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm pháp luật trong nước được xem như bị “bãi bỏ”, có nghĩa là nó hoàn toàn không được áp dụng đối với quan hệ pháp luật đã được điều ước quốc tế đó điều chỉnh.

 

Thứ hai, trường hợp quy phạm pháp luật trong nước được ban hành sau có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm thì quy phạm pháp luật trong nước cũng không được áp dụng trong giới hạn, phạm vi quan hệ của tổ chức cá nhân của các nước thành viên Liên minh Châu Âu. Tất nhiên, chúng có hiệu lực đối với quan hệ với các tổ chức và cá nhân của các nước ngoài Liên minh, bởi vì họ không có quyền yêu cầu áp dụng điều ước quốc tế hay pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu pháp luật của Pháp không có quy định khác.

 

Hiến pháp năm 1949 của Cộng hoà Liên Bang Đức quy định giá trị ưu thế của điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu so với pháp luật của Đức. Tuy nhiên, ở những thời kỳ khác nhau, Toà án Hiến pháp Liên Bang Đức đưa ra những ý kiến khác nhau.

 

Tại Quyết định ngày 8.10.1967, Toà án Hiến pháp Liên Bang cho rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu có giá trị ưu thế tuyệt đối so với pháp luật trong nước, nhưng tại Quyết định ngày 19.5.1974 Liên Bang lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu chỉ được chuyển hoá vào pháp luật của CHLB Đức, nếu không trái với các nguyên tắc dân chủ Hiến định.

 

Như vậy là ở Công hoà Pháp và CHLB Đức, điều ước quốc tế có giá trị hiệu lực đứng thứ hai sau Hiến pháp.

 

Ở Italia có sự “đổi ngôi” về vị trí của điều ước quốc tế và Hiến pháp qua từng thời kỳ.

 

Tời kỳ đầu, Toà án Hiến pháp Italia giữ quan điểm về giá trị ưu thế của Hiến pháp so với điều ước quốc tế và pháp luật Côngj đồng Châu Âu, nhưng thời gian gần đây, Toà án lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị cao hơn pháp luật của Italia, kể cả Hiến pháp. Tuy nhiên, chỉ có Toà án Hiến pháp Italia mới có thẩm quyền phán quyết về vấn đề này.

 

Pháp luật Anh, quy định thẩm quyền tuyệt đối của Nghị viện, theo đó công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của nước Anh ban hành. Đối với các điều ước quốc tế, công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện khi các điều ước quốc tế đó đã được các cơ quan có thẩm quyền của Anh chuyển hoá vào pháp luật Anh.

 

Một điều nữa có tính đặc thù của hệ thống pháp luật Anh là không có Hiến pháp. Các quy phạm pháp luật được quy định trong các đạo luật thông thường, nên rất có thể sảy ra tình trạng quy định của đạo luật này bãi bỏ quy định của đạo luật khác. Bởi vậy, Anh khó chấp nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Liên minh Châu Âu nói riêng, với quy định “có hiệu lực trực tiếp” và “tính không thể dảo ngược” của các cam kết quốc tế. Chính vì vậy, mà người ta còn một chút nghi ngờ về khả năng “thực sự” của Anh muốn gia nhập Liên minh Châu Âu. Mặc dù đã là thành viên của Cộng đồng Châu Âu nhiều năm nay, nhưng Anh vẫn đề nghị thảo luận lại vấn đề gia nhập của Anh và thậm chí còn đề nghị trưng cầu dân ý ở nước Anh về vấn đề này. Nói cách khác, Anh chỉ chấp nhận việc áp dụng điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu chúng không có nội dung trái với các quy định của pháp luật Anh.

 

Về việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu vào pháp luật trong nước, Anh đã ban hành “Luật về Cộng đồng Châu Âu” (European Communities Act) ngày 17.10.1972, nhằm giải quyết ba vấn đề cơ bản sau đây:

 

+ Được chuyển hoá vào pháp luật Anh không chỉ Hiệp ước thành lập Cộng đồng Châu Âu, mà còn chuyển hoá tổng thể các quy phạm có hiệu lực trực tiếp hoặc gián tiếp đã được ban hành trưóc Hiệp ước này;

 

+ Cũng được chuyển hoá vào pháp luật Anh các văn bản của Cộng đồng Châu Âu được ban hành sau này, nhất là các văn bản được thông qua tại Bruxen;

 

+ Nghị viện Anh không từ bỏ quyền giám sát trước các quan điểm của Chính phủ Anh có thể được đưa ra tại các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu.

 

Từ cách xử lý như vậy tác giả bài viết đã đưa ra hai nhận xét có tính khái quát là:

 

+ Về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước được quy định bằng một đạo luật của Nghị viện Anh, thì sẽ có khả năng Nghị viện Anh bãi bỏ đạo luật này bất cứ lúc nào.

 

+ Việc chuyển hoá các quy phạm này chỉ được thực hiện, nếu nội dung của chúng không tríái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật mà Anh xem như là nguyên tắc có tính Hiến định.

 

Còn ở Hà Lan, không xảy ra sự xung đột giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước. Bởi vì, trước khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Hà Lan đã sửa đổi Hiến pháp của mình cho phù hợp với các quy định của pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

 

 

 

 

 

PHẦN C

 

PHÁP LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CHXHCN VIỆT NAM

 

 

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam sau hơn 40 năm, kể từ ngày thành lập nước, và trên cơ sở nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực điều ước quốc tế, chúng ta đã tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện pháp luật Việt nam trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Việc Hội đồng Nhà nước thông qua “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” ngày 17.10.1989 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong nhận thức của Nhà nước ta về vị trí của điều ước quốc tế nói chung và trong hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng. Pháp lệnh đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng nhằm điều chỉnh các hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Tiếp theo đó, ngày 28.5.1992 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 182/ HĐBT quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

 

Pháp lệnh và Nghị định quy định khá toàn diện các vấn đề như nguyên tắc ký kết, việc đề xuất ký kết, thẩm quyền quyết định việc ký kết, việc uỷ quyền đàm phán và ký, việc phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập và bảo lưu điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam, Pháp lệnh cũng quy định những nguyên tắc chung của việc thực hiện điều ước quốc tế.

 

Về hiệu lực tại Việt nam của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia, Pháp lệnh ghi rõ: “CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ” (Điều 11, khoản 1) và “trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam, thì các cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó” (Điều 11, khoản 6).

 

Hiến pháp năm 1992 cũng có những quy định về điều ước quốc tế trong chương VI (Quốc hội), chương VII (Chủ tịch nước) và chương VIII (Chính phủ). Theo các tác giả, những quy định này còn rất chung chung và đơn giản.

 

Cụ thể như sau:

 

+ Về thẩm quyền của Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp, Điều 83 khoản 13 ghi: “Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, theo đề nghị của Chủ tịch nước”. Luật tổ chức Quốc hội năm 1992 cũng có quy định tương tự như vậy tại (Điều 2 khoản 13).

 

+ Chủ tịch nước với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt nam về đối nội và đối ngoại, có nhiệm vụ và quyền hạn “tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định (Điều 103 khoản10).

 

+ Về thẩm quyền của Chính phủ, với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, Chính pủ có nhiệm vụ và quyền hạn “ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia” (Điều 112 khoản 8). Luật tổ chức Chính phủ năm 1992 ghi nhận lại điều khoản này, đồng thời có quy định bổ sung việc Chính phủ “trình Chủ tịch nước quyết định việc ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam (Điều 15 khoản 2).

 

Theo pháp luật và thực tiễn hiện nay, điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được ký kết dưới ba danh nghĩa: Nhà nước, Chính phủ và Bộ, Ngành. Việc đàm phán và ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Chính phủ, còn điều ước quốc tế nhân danh Bộ, Ngành do chính Bộ, Ngành đó quyết định việc đàm phán, ký kết sau khi có sự đồng ý của Chính phủ.

 

Vấn đề giá trị hiệu lực của điều ước quốc tế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định …) thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, tài chính, tín dụng, hàng không, hàng hải … Công thức chung nhất của cá quy định này là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật (bộ luật, pháp lệnh, nghị định) này, thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó. Khái niệm điều ước quốc tế ở đây bao gồm cả điều ước quốc tế được ký kết nhân danh bộ, ngành. Rõ ràng với các quy định này, Nhà nước ta đã chấp nhận quan điểm về giá trị ưu thế của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia so với luật trong nước và coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của pháp luật Việt nam. Nhưng việc xác định vị trí cụ thể của điều ước quốc tế, theo các tác giả, là chưa được quy định rõ và sẽ được đề cập cụ thể hơn trong phần kiến nghị của Báo cáo này.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nói riêng, mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, trong mấy năm gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn bị coi nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Măc dù Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia có đến một nghìn điều ước quốc tế, nhưng các văn bản đó nhìn chung chưa có hệ thống hoá và phát hành rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và tìm hiểu của cán bộ và nhân dân; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyên truyền, giáo dục pháp luật với cơ quan soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, cũng như các cơ quan có trách nhiệm triển khai việc thực hiện điều ước quốc tế. Việc sơ kết, tổng kết công tác thực hiện điều ước quốc tế chưa được coi trọng và tiến hành thường xuyên.

 

Một vài điều ước quốc tế như Công ước về quyền trẻ em cũng đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng khá rộng rãi, song kết quả thu được còn rất hạn chế, thậm chí ngay cả đối với nội dung cơ bản nhất của điều ước quốc tế như khái niệm, những quyền và nghĩa vụ cơ bản … Việc giới thiệu ở mức độ chưa chuyên sâu về một số điều ước quốc tế mới được thực hiện ở các trường chuyên luật (Đại học Luật Hà nội, Khoa luật của một số trường Đại học) và các trường chuyên ngành (Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Hàng hải, Đại học Ngoại thương, Hải quan, Hàng không …) còn ở các trường Đại học khác chưa có hoặc có không đáng kể chương trình, nội dung giảng dạy về điều ước quốc tế. ngay cả những người có trách nhiệm phải áp dụng điều ước quốc tế cũng không có hiểu biết đầy đủ về điều ước quốc tế có liên quan. Kết quả điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế đối với một số thẩm phán dân sự mà Ban chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành, phản ánh phần nào thực trạng này.

 

Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nhìn chung đã có được một số kết quả tốt. Điều này đã góp phần thúc đẩy việc ký kết điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong mấy năm gần đây được thuận lơị và có hiệu quả hơn so với trước. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót lớn cần được khắc phục, cụ thể là:

 

Thứ nhất, việc nghiên cứu pháp luật (hoặc quy chế của tổ chức quốc tế) của các bên ký kết kia chưa được các cơ quan đề xuất, đàm phán, ký của phía Việt nam quan tâm. Chẳng hạn, đối với các trường hợp đàm phán và ký các Hiệp định tín dụng với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu á; Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư với Hung-ga-ri, áo … Hậu quả là gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta như Chính phủ, Chủ tịch nước trong việc ra quyết định.

 

Thứ hai, có nhiều trường hợp do muốn đơn giản hoá các thủ tục và trình tự đàm phán và ký kết mà cơ quan đưọc giao đàm phán và ký kết điều ước đã thực hiện không nghiêm túc các quy định về uỷ quyền, về ngôn ngữ văn bản điều ước quốc tế , gây ra cản trở cho việc phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện điều ước quốc tế. Trong hai năm gần đây, xu hướng ký kết điều ước quốc tế song phương giữa Việt nam và nước ngoài bằng một văn bản tiếng Anh tăng lên. Nếu có văn bản tiếng Việt, thì trong một số trường hợp cũng khó có thể hiểu nổi nội dung của nhiều quy định chứa đựng trong điều ước quốc tế đó.

 

Thứ ba, một thiếu sót lớn biểu hiện trong nhiều trường hợp phía Việt nam chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt namcó liên quan đến nọi dung của các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta sẽ ký kết hoặc tham gia. Do đó, cũng khó mà phát hiện những quy định của điều ước quốc tế có nội dung trái với quy định của luật, pháp lệnh trong nước, thậm chí cả Hiến pháp nước ta.

 

Thứ tư, công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc ký kết điều ước quốc tế nhìn chung chưa được chặt chẽ. Vai trò điều phối về mặt đối ngoại của Bộ Ngoại giao về mặt pháp lý của Bộ Tư pháp chưa được coi trọng đúng mức. Thậm chí có nhiều trường hợp đặt Bộ Ngoại giao trước việc đã rồi.

 

Thứ năm, một thiếu sót lớn của Nhà nước ta chưa thực hiện được việc công bố các điều ước quốc tế đã được ký kết. Việc thông báo ngày có hiệu lực, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế cũng không được làm một cách đầy đủ. Về giác độ nghiên cứu, các điều ước quốc tế cũng không được quan tâm tập hợp, hệ thống hoá theo lĩnh vực, chủ đề, năm ký kết … Điều đó, ở mức độ nào, đi ngược lại tính công khai của Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Và nghiêm trọng hơn là người cần thực hiện, thi hành, áp dụng điều ước quốc tế không có văn bản điều ước quốc tế để thực hiện việc này. Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, pháp luật của Nhà nước ta quy định rằng cần phải áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp quy đinhj đó khác với quy định của pháp luật trong nước.

 

Thứ sáu, cũng giống như bản thân pháp luật, việc giải thích điều ước quốc tế để thực hiện, thi hành, áp dụng đúng ý đồ người soạn thảo là công việc hết sức chuyên môn. thậm chí đối với điều ước quốc tế công việc này còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ thông thường, chúng được giải thích không chỉ căn cứ vào quan niệm, thuật ngữ pháp lý thuần tuý của nước ta. Song, cho đến nay, pháp luật nước ta chưa giao cho một cơ quan cụ thể nào có thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế. Điều đó không tránh khỏi việc dẫn đến hiểu sai, thực hiện, áp dụng sai các quy định của điều ước quốc tế.

 

Cuối cùng, vấn đề thuộc về ai, nếu như việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế dẫn đến hậu quả nghiệm trọng và trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất của Nhà nước ta ? Vấn đề này hầu như chưa được quy định trong pháp luật nước ta, ít được bàn tới trong thực tiễn. Song về mặt pháp lý quốc tế, thì trách nhiệm của Nhà nước ta, với tư cách là chủ thể của Công pháp quốc tế, đã được quy định một cách rõ ràng, khó có thể thoái thác được!

 

 

PHẦN D

 

ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CHXHCN VIỆT NAM

TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC CỤ THỂ

 

1. Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại

 

Việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam từ năm 1986 đến nay phản ánh một phần chính sách đổi mới của Nhà nước ta mà trọng tâm là đổi mới kinh tế. Việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam (12.1987) đã tạo điều kiện cho viêc thu hút vốn công nghệ nước ngoài vào Việt nam. Cùng với việc mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong vài năm gần đây Nhà nước đã ký kết nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế – thương mại có nội dung hoàn toàn mới đối với chúng ta (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay tín dụng ưu đãi, vay vốn thương mại …) Đề tài đã tập trung phân tích một số đặc điểm sau đây:

 

- Xét về đối tác ký kết, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này đa dạng hơn nhiều so với thời kỳ trước. Nều trước đây chúng ta chỉ ký kết với Liên Xô và các nước XHCN khác, thì nay, ngoài những đối tác truyền thống đó, Nhà nước ta đã ký kết với các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương, nơi nền kinh tế đang phát triển năng động nhất hiện nay.

 

Với các tổ chức kinh tế quốc tế, nếu trước đây chúng ta chỉ giới hạn ký kết Hiệp định trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), thì nay ta đã ký kết nhiều Hiệp định quan trọng với các tổ chức kinh tế – tài chính lớn, như Cộng đồng Châu Âu, Hiệp hội các nước Đông - Nam á, Liên Hợp quốc (Ngân hàng thế giới – WB, Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF, Ngân hàng phát triển Châu á - ADB) …

 

- Xét về nội dung, ngoài các loại điều ước quốc tế mang tính chất truyền thống về hợp tác kinh tế, khoa học – kỹ thuật, thương mại … chúng ta đã ký kết với nước ngoài các loại điều ước quốc tế có nội dung rất mới. Chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định MIGA), thuế (Hiệp định tránh đánh thuế hai lần) …

 

Ngay cả các loại điều ước quốc tế mang tính truyền thống cũng mang nội dung mới.

 

a) Về thương mại: trước đây Việt nam thường ký kết với các nước XHCN 3 loại điều ước quốc tế là:

 

- Hiệp định thương mại và Hàng hải (Merchant Navigation Treaty), loại điều ước quốc tế quan trọng nhất, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động thương mại giữa nước ta và nước ký kết. Trong đó, bao gồm các quy định có tính nguyên tắc như đãi ngộ quốc dân, Tối huệ quốc và có đi có lại. Hầu hết trong các Hiệp ước này, các bên đều cam kết dành cho nhau hưởng quy chế tối huệ quốc trong lĩnh vực thương mại và Hàng hải và quan hệ hợp tác xây dựng trên các nguyên tắc hợp tác toàn diện, thể hiện sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và không có điều kiện bảo hộ mang tính chính trị.

 

- Hiệp định thương mại có vị trí sau Hiệp ước thương mại và Hàng hải, quy định các danh mục, kim ngạch hàng hoá cụ thể mà Việt nam trao đổi buôn bán với bên ký kết, làm cơ sở để các Tổng công ty xuất nhập khẩu của hai bên ký kết trực tiếp ký kết các hợp đồng mua bán cụ thể.

 

- Điều kiện chung giao hàng SEV 1968/1988 loại hợp đồng mẫu được các nước thành viên SEV thông qua và áp dụng chung cho các hợp đồng thương mại giữa các tổ chức xuất nhập khẩu của các nước thành viên.

 

Trong giai đoạn hiện nay quan hệ hợp tác giưa Việt nam với các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển lên một bước mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những năm gần đây Nhà nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương, quan trọng nhất là Hiệp định bảo hộ đầu tư đa bên (MIGA) và Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (Công ước New york 1958), tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư nước ngoài vào Việt nam và quan hệ thương mại.

 

Về điều ước quốc tế song phương cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Tuỳ theo sự thoả thuận giữa Việt nam và bên ký kết kia, các Hiệp định thương mại mà ta đã ký với các nước trong mấy năm qua có phạm vi nội dung khác trưóc, theo xu hướng cụ thể và chi tiết hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế của nền kinh tế thị trường. Song, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đặt ra cho chúng ta là sớm ban hành một đạo luật về thương mại, tạo ra khuôn khổ pháp luật cần thiết để điều chỉnh quan hệ thương mại và sớm xem xét việc gia nhập Công ước viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế đã được nhiều nước ký kết hoặc tham gia.

 

b) Về lĩnh vực đầu tư: Cho đến tháng 1.1996 Việt nam đã ký 30 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Về cơ bản nội dung các Hiệp định này là tương đối giống nhau. Các quốc gia ký kết cam kết dành cho nhau sự đối xử công bằng, thoả đáng và đầu tư nước ngoài được hưởng sự bảo hộ pháp lý cần thiết của quốc gia nhận đầu tư (bảo hộ khỏi các biện pháp cưỡng chế hành chính, chuyển vốn và tài sản hợp pháp ra nước ngoài); các nhà đầu tư được hưởng quy chế tối huệ quốc. Hiệp định còn định ra cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện Hiệp định, chủ yếu thông qua thương lượng bằng con đường ngoại giao hoặc bằng Trọng tài ad hoc.

 

c) Về lĩnh vực thuế: Cho đến tháng 1.1996 đa có 20 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký kết giữa Việt nam và các nước. Hiệp định này có điểm chung là đều dựa trên Hiệp định mẫu của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và của Liên Hợp quốc (UN). Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định loại này đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến quy định pháp luật của nước ta (hoặc là chưa được quy định chẳng hạn như xí nghiệp có cơ sở thường trú, hoặc là có quy định khác, chẳng hạn như danh nghĩa ký kết, thuế xuất áp dụng đối với thu nhập từ tiền bản quyền; hoặc là ký bằng một văn bản duy nhất bằng tiếng nước ngoài …) Điều đó gây không ít khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam khi phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện Hiệp định.

 

d) Về các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải: Ngoài các Hiệp định hàng hải mà Việt nam đã ký kết với các nước, Nhà nước ta còn tham gia 6 Công ước quốc tế liên quan đến kỹ thuật và an toàn hàng hải (Công ước về an toàn sinh mạng trên biển, Công ước về mạn khô của tàu biển, Công ước về đo dung tích tầu biển, Quy chế phòng ngừa va chạm trên biển, Công ước về đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên, Công ước về ngăn chặn ô nhiễm môi trương do tầu biển gây ra). Quy định của các Công ước quốc tế khác về hàng hải như bắt giữ tầu biển, xử lý tai nạn đâm va, cầm cố và cầm giữ tầu biển, giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tầu … Tuy chưa được Nhà nươc ta chính thức tham gia nhưng đã dược “chuyển hoá” vào Bộ luật hàng hải Việt nam (1990) và các văn bản khác về hàng hải. Do đó, ở đây đặt ra vấn đề hết sức lý thú cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

 

2. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp:

 

Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự với Liên Xô (cũ) (Liên Bang Nga kế thừa), Tiệp Khắc (CH Séc và CH Xlôvakia kế thừa), Bungari, Hungari, Cuba, Ba lan, CHDC Đức (đã huỷ bỏ).

 

Về ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp đã tạo ra cơ sở pháp lý và cơ chế thực hiện việc hợp tác, tương trợ giữa nước ta và các nước trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta trên lãnh thổ nước ký kết hữu quan. Mặt khác, đã góp phần thúc đẩy công tác hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta trong lĩnh vực này.

 

Trong những năm qua, để thực hiện các Hiệp định chúng ta đã triển khai nhiều công việc như ban hành một số văn bản (Pháp lệnh lãnh sự, Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam và người nước ngoài, Pháp lệnh công nhận và thi hành ở Việt nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, Thông tư liên ngành số 139 về việc quy định nhiệm vụ của các ngành trong việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp …)

 

Công tác thực hiện các uỷ thác tư pháp nước ngoài của cơ quan tư pháp nước ta đang dần dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ trước mắt sau đây:

 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí của Hiệp định tương trợ tư pháp để có sự quan tâm chung, đúng mức của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các cam kết của Nhà nước.

 

Thứ hai, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong việc ký kết và thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp để kịp thời có những biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của sự hợp tác, tương trợ này.

 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến các nội dung cuae Hiệp định tương trợ tư pháp (cả về pháp luật nội dung và hình thức).

 

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về phạm vi, nội dung của các Hiệp định (không nhất thiết phải đầy đủ các nội dung trong các Hiệp định mà ta ký kết với các nước XHCN trước đây) để phù hợp với đường lối đa phơng hoá đa dạng hoá  trong quan hệ với các nước.

 

Thứ năm, tiếp tục đổi mới hệ thống cơ quan tư pháp theo chương trình cải cách bộ máy, rà soát và phân định hợp lý hơn thẩm quyền giữa các cơ quan hữu quan và tổ chức tốt việc phối hợp trong việc thực hiện Hiệp định.

 

Thứ sáu, phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng các Hiệp định tương trợ tư pháp, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này.

 

3. Trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự:

 

Nhà nước ta tham gia Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước năm 1975 về phái đoàn đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập và đã ký 14 Hiệp định lãnh sự với các nước.

 

Về pháp luật trong nước, trong nhiều văn bản như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh về thuế nhà đất, Nghị định số 131 – HĐBT, Thông tư liên ngành số 01 – TTLN giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao … đã có một quyết định về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự dành cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và thành viên của các cơ quan này tại Việt nam. Tuy vậy, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài đều không viện dẫn vào các văn bản pháp luật trong nước của ta, mà viện dẫn đến các quy định của các Công ước viên năm 1961 và 1963 và các Công ước quốc tế khác để yếu cầu Nhà nước ta phải cho họ được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi miễn trừ.

 

Do nguyên nhân về nhận thức, thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể, nên một số cơ quan chức năng hoặc cán bộ thi hành công vụ của ta hiểu và áp dụng Công ước còn tuỳ tiện, đã gây ra không ít phản ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài.

 

Trước tình hình đó, ngày 23.8.1993, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt nam. Có thể nói, bằng việc thông qua Pháp lệnh này, Nhà nước ta đã thực hiện việc “chuyển hoá” các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, niễn trừ ngoại giao và lãnh sự vào pháp luật trong nước. Nhưng, cũng chính việc thông qua Pháp lệnh này đã đạt ra nhiều vấn đề lý luận cần quan tâm.

 

 

IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHỦ YẾU

 

Việc nghiên cứu quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất phức tạp và đa dạng. Xuất phát từ bản chất Nhà nước, truyền thống pháp luật của mình, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận, đánh giá từ đó có các quy định pháp lý khác nhau về mối quan hệ này.

 

Đặt vấn đề nghiên cứu đề tài khoa học này, với khuôn khổ thời gian và kinh phí hạn hẹp, các tác giả không có tham vọng tìm hiểu, phân tích một cách toàn diện những vấn đề lý luận thực tiễn liên quan được đặt ra ở các nước, cũng như trong quan hệ quốc tế. Việc thực hiện đề tài chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản nhất đã được các quốc gia thừa nhận một cách rộng rãi và cái chính là ở các vấn đề lý luận thực tiễn đã và đang đặt ra ở nước ta trong quá trình ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, cũng như thực hiện pháp luật của Nhà nước điều chỉnh lĩnh vực quan trọng này.

 

Mặc dù với phạm vi nghiên cứu hạn hẹp như vây, nhưng chúng ta thấy trong các bài viết của các tác giả, cũng như trong hai cuộc hội thảo, trong kết quả thực hiện phiếu điều tra, khảo sát đã có đến 70 kiến nghị lớn nhỏ được nêu ra, chủ yếu nhằm vào việc:

 

a) Giải quyết những vướng mắc trong nhận thức của xã hội ta, ngay cả của các luật gia, về vai trò, vị trí thực sự quan trọng của điều ước quốc tế nói chung và công tác điều ước quốc tế nói riêng đối với lợi ích của quốc gia, của dân tộc, nhất là trong giai đoạn “mở cửa” về kinh tế hiện nay;

 

b) Hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta điều chỉnh hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của công chức, viên chức trong quá trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế, nhất là phải thiết lập một quy trình xây dựng điều ước quốc tế sao cho ngang tầm với vai trò, vị trí của chúng và đồng bộ với quy trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay;

 

c) Cải tiến các hoạt động thực hiện và áp dụng điều ước quốc tế ở nước ta , nhất là từ phía bộ máy hành chính và tư pháp Nhà nước, phù hợp với nguyên tắc Pacta Sunt Servanda và bằng cách đó góp phần nâng cao, củng cố vị thế mới của Nhà nước ta trên trường quốc tế, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực thi điều ước quốc tế; và

 

d) Góp phần nâng cao vai trò tham gia chủ động của Nhà nước vào quá trình xây dựng và cải cách Công pháp quốc tế hiện đại thông qua công cụ đặc biệt quan trọng của nó là điều ước quốc tế, đồng thời dần dần tạo thế chủ động trong việc nắm giữ, sử dụng công cụ này phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

 

Dưới đây Ban chủ nhiệm đề tài xin tóm tắt một số kiến nghị chủ yếu được nêu ra:

 

 1. Điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế (chủ yếu là quốc gia) thoả thuận ký kết nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế, từ việc giải quyết chiến tranh hay hoà bình, biên giới lãnh thổ đến sự hợp tác trên nhiều mặt về kinh tế, chống ô nhiễm môi trường … Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, điều ước quốc tế được thừa nhận là nguồn luật chủ yếu của Công pháp quốc tế, vốn là hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

 

Về phương diện quốc gia, việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế là sự thể hiện cao nhất chủ quyền của quốc gia. Khi ký kết hoặc tham gia một điều ước quốc tế nào đó, mỗi quốc gia đều phải tính toán đầy đủ, thận trọng các quyền mà mình có khả năng được hưởng và các trach nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cụ thể mà mình sẽ phải gánh vác. Nói cách khác, sự thiệt hơn, lợi hại phải được đưa ra đong đếm rõ ràng. Một đạo luật và ngay cả Hiến pháp cũng có thể dễ ràng được sửa đổi, huỷ bỏ, nhưng có những điều ước quốc tế, vì quan hệ với nhiều nước, không dễ gì thay đổi được. Do đó, đã từ lâu, đặc biệt trong một Nhà nước pháp quyền, các quốc gia đều coi trọng việc ký kết, tham gia điều ước quốc tế, ít ra cũng ngang bằng với việc soạn thảo, ban hành pháp luật trong nước. Thật vậy, Hiến pháp của các Nhà nước hiện đại đều quy định rất chi tiết không những thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong việc ký kết các điều ước quốc tế, mà còn cả các vấn đề về thực hiện, giải thích, áp dụng điều ước quốc tế cũng như về hiệu lực quy phạm của điều ước quốc tế trong sự so sánh thứ bậc các quy phạm pháp luật trong nước xuất phát từ các nguồn văn bản khác nhau. Việc quy định chi tiết, chặt chẽ như vậy không những thể hiện sự đánh giá đúng tầm hiệu lực ràng buộc hết sức đặc biệt của điều ước quốc tế mà còn tác dụng hạn chế sự tuỳ tiệncó thể có của các cơ quan Nhà nước trong quan hệ quốc tế, cố gắng bảo vệ đến mưc cao nhất lợi ích của quốc gia mình trong quan hệ với các quốc gia khác.

 

Ở nước ta, ngay từ khi thành lập chế độ Dân chủ Cộng hoà, Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng mức vị trí vốn có của điều ước quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước – Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố bãi bỏ mọi điều ước quốc tế liên quan đến Việt nam mà trước đó Chính quyền Thực dân Pháp đã ký kết. Cũng không phải ngẫu nhiên trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, mặc dù là bản Hiến pháp ngắn nhất, cô đọng nhất, cũng đã quy định khá đầy đủ về các vấn đề ký kết điều ước quốc tế. Cũng là hệ quả tất yếu mà chiến thắng Điện biên phủ 1954 và chiến thắng Điện biên phủ trên không 1972 đã được ghi nhận một cách trọn vẹn trong Hiệp định Giơ-ne-vơ và Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt nam …

 

Thế rồi phải chăng, cùng với việc xem nhẹ vai trò, vị trí của pháp luật nói chung ở cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, mà nhận thức của xã hội ta và đặc biệt của bộ máy Nhà nước về điều ước quốc tế đã phát triển thụt lùi ? Nhận thức đó đã được thức tỉnh trong công cuộc đổi mới, nhất là từ sau khi ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam. Nhưng các tác giả đều cho rằng sự nhận thức lại đó vẫn chưa đồng bộ và do đó, đã dẫn đến những tồn tại và thiếu sót của lĩnh vực hoạt động quan trọng này như các bài viết đã đề cập đến.

 

Vậy, nên chăng cùng với việc thực hiện chủ trương soạn thảo, ban hành Pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Đảng và Nhà nước ta nên phát động một phong trào rộng rãi, với các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về điều ước quốc tế ? Và rất nên, nhân dịp này, tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền một cách hệ thống hơn những tư tưởng của Hồ Chủ Tịch về công tác điều ước quốc tế.

 

2. Cần xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, về phương diện hiệu lực thi hành, của quy phạm điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia trong hệ thống các quy phạm pháp luật của Nhà nước.

 

Qua nhiều bài viết, các tác giả đã phân tích khá kỹ các quy định của Hiến pháp 1992, Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và nhiều văn bản luật, pháp lệnh khác để đi đến một kết luận có cơ sở cho rằng về nhận thức, cũng như về pháp luật thực định, NHà nước ta thừa nhận giá trị hiệu lực ưu thế của các quy phạm của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia so với các quy định của pháp luật trong nước và, về phương diện hiệu lực thi hành, chúng giữ vị trí thứ hai, sau các quy định của Hiến pháp trước các quy định của luật, bộ luật. Thật vậy, Điều 11 Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam ghi rõ: “CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết” (khoản 1), “các cấp, các ngành, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuộc chức năng của mình liên quan đến điều ước quốc tế đã ký kết” (khoản 3) và “trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam thì cơ quan cấp hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó” (khoản 6).

 

Tại các Điều 4,7 và 9 của Pháp lệnh quy định về thẩm quyền quyết định việc ký, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên của các cơ quan Nhà nước đối với những điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật hoặc Pháp lệnh.

 

Trong các văn bản khác (luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định …) đều có quy định trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với văn bản này thì áp dụng với các quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Sự thừa nhận đó của Nhà nước ta là hoàn toàn phù hợp với một trong các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế – nguyên tắc Pacta sunt servanda, phù hợp với các quy định của luật điều ước quốc tế, cũng như thông lệ quốc tế.

 

Theo luật tập quán quốc tế và Công ước Viên năm 1969 của Liên Hợp quốc về luật điều ước quốc tế, thì quy định của điều ước quốc tế có giá trị ưu thế hơn pháp luật quốc gia.

 

Nguyên tắc này đã được quy định trong Hiến pháp của nhiều nước.

 

Song, nếu để suy đoán từ những quy định còn chung chung của pháp luật nước ta thì dễ dẫn đến những hậu quả khó lường trước. Do vậy, nếu đó là sự thừa nhận chính thức, thì trong dịp sửa đổi Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế tới đây cần phải đưa vào một trong các quy định cơ bản đó.

 

Có quy định được cụ thể, rõ ràng vị trí cần phải có cả quy phạm điều ước quốc tế, về phương diện hiệu lực thi hành ở nước ta, chẳng hạn sau Hiến pháp, trên các quy định của luật, bộ luật, thì, theo ý kiến chung của các tác giả, có thể đạt được các mục đích sau đây:

 

Thứ nhất, làm cho các cơ quan Nhà nước khi đề xuất, quyết định viêc ký kết điều ước quốc tế nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề cũng như hậu quả pháp lý có thể có của nó.

 

Thứ hai, để xác định rõ hơn, phù hợp hơn thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong viêc ký kết, gia nhập hoặc quyết định phê chuẩn, phê duyệt, đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế.

 

Thứ ba, làm cho mọi cơ quan Nhà nước, các chủ thể pháp luật nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện, cũng như áp dụng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia.

 

Cuối cùng, để khẳng định một cách dứt khoát nguyên tắc cấm ký điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến pháp nước ta, đồng thời phải tạo ra cơ chế kiểm tra trước và sau tính hợp hiến của các điều ước quốc tế.

 

3. Với vị trí đặc biệt của điều ước quốc tế, như chúng tôi đã trình bày ở trên, đòi hỏi Nhà nước ta phải sớm hoàn thiện một quy trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế sao cho thực sự chặt chẽ, đồng bộ, ít ra phải có nền nếp như trong công tác soạn thảo, ban hành luật, pháp lệnh hiện nay. Việc hoàn thiện này, theo tác giả, phải xuất phát từ các yếu tố cơ bản sau đây:

 

Thứ nhất, đảm bảo đồng bộ, hài hoà giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác ký kết, tham gia điều ước quốc tế. Hai quá trình này không thể diễn ra hầu như trong sự tách biệt như hiện nay, dễ dẫn đến tình trạng làm cho quá trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế làm giảm hiệu lực hoặc thậm chí vô hiệu hoá trên nhiều khía cạnh pháp luật của Nhà nưóc.

 

Thứ hai, tuân theo nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta, tức là nguyên tắc mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, tập trung vào Quốc hội, song có sự phân công hợp lý giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đăc biệt, đã đến lúc phải đề cao vai trò của Quốc hội trong việc giám sát công tác ký kết, tham gia điều ước quốc tế, nhất là thông qua chế định phê chuẩn của Quốc hội và thẩm tra của các Uỷ ban thường trực của Quốc hội.

 

Thứ ba, bảo đảm sự kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động đối ngoại của Nhà nước, đặc biệt là của bộ máy hoạt động hành chính.

 

4. Cần đổi mới quan niệm về “chuyển hoá” các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Chuyển hoá không có nghĩa cơ học là “nội luật hoá” bằng việc ban hành các văn bản pháp luật trong nước quy định lại nội dung của điều ước quốc tế, giống như trờng hợp ban hành Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự. Phải chăng, cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn đối với vấn đề này.

 

Cụ thể, nên gắn việc phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế một ý nghĩa pháp lý nữa đó là sự chuyển hoá. Kinh nghiệm Quốc hội phê chuẩn tháng 6.1994 Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển có thể là tiền lệ cho việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài quyết định, nghị quyết về phê chuẩn, phê duyệt ra, chỉ có rất ít các điều ước quốc tế mà bản thân nó đòi hỏi các quốc gia ký kết phải ban hành nội luật của mình để cụ thẻ hoá quy định của điều ước quốc tế , mới bắt buộc phải ban hành luật, pháp lệnh, nghị định … để “chuyển hoá” chúng vào pháp luật trong nước. Cũng cần phải ban hành văn bản pháp luật trong trường hợp phải giải thích, hướng dẫn thi hành các điều khoản cần thiết của điều ước quốc tế.

Việc đổi mới nhận thức về “chuyển hoá” theo hướng đó có lẽ cũng giảm bớt gánh nặng của công tác lập pháp, lập quy của Nhà nước vốn đã rất đồ sộ hiện nay. Và đó cũng là sự giải đáp cho một vấn đề pháp lý đặt ra: vậy ở giai đoạn từ khi điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Nhà nước ta đến khi nó được chuyển hoá (“nội luật hoá”) và có hiệu lực, thì điều ước quốc tế có hiệu lực trên lãnh thổ Việt nam hay không và việc không thực hiện điều ước quốc tế có dẫn đến trách nhiệm pháp lý nào không?

 

5. Cũng như đối với bản thân pháp luật, việc công bố, thông tin đầy đủ kịp thời các điều ước quốc tế được ký kết trước và sau khi chúng có hiệu lực pháp luật (trừ những điều ước quốc tế có nội dung bí mật và cũng chỉ trong thời hạn cần bảo mật mà thôi) là một yêu cầu bức xúc. Việc làm này cần phải quy định một cách triệt để hơn trong pháp luật. Nó không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, việc thi hành và áp dụng điều ước quốc tế, nhất là trong hoạt động hành chính và tư pháp, mà nó còn tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

 

Ngoài việc công bố hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, các ý kiến đều kiến nghị với Nhà nước cho đăng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ký kết hoặc tham gia trong công báo giống như các văn bản pháp luật của Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc đăng tải chúng trên Công báo cùng với toàn văn các quyết định, nghị quyết phê chuẩn, phê duyệt, bảo lưu … cũng đã thể hiện sự chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước.

 

6. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước ta nên nghiên cứu, sớm gia nhập Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế. Trên thực tế, Công ước này, với tính cách là văn bản pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế, đã có hiệu lực đối với Nhà nước ta như những tập quán quốc tế. Pháp lệnh năm 1989 đã ghi nhận một số điều khoản của Công ước này. Thực tế ký kết và thực hiện điều ước quốc tế giữa nước ta với các nước khác, ở mức độ quan trọng, cũng đã tuân theo các quy định của nó. Đặc biệt, trong trường hợp phải giải thích điều ước quốc tế, các đối tác ký kết điều ước quốc tế với nước ta đều yêu cầu giải thích theo các quy định của Công ước …

 

Trong khi đó, do chưa phải là một bên tham gia Công ước, tất nhiên, Nhà nước ta chưa thể thực hiện quyền bảo lưu đối với bất cứ điều khoản nào của nó xét thấy không có lợi cho ta, nhưng trong thực tế thì lại đang có hiệu lực đối với Nhà nước ta.

 

Việc tham gia Công ước 1969 điều chỉnh một trong các lĩnh vực quan trọng nhất của Công pháp quốc tế còn góp phần nâng cao vị thế của Nhà nước ta trong cộng đồng quốc tế.

 

7. Nhiều kiến nghị tập trung vào việc đào tạo, nâng cao trình độ về luật điều ước quốc tế, ngoại giao và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong việc tham gia soạn thảo, đàm phán, thông qua điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương, đặc biệt tại hội nghị của Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại quốc tế và ASEAN. Mặt khác, với vị thế hiện nay của đất nước, Đảng và Nhà nước nên sớm có chính sách về các mặt, kể cả phương diện kinh phí, tạo điều kiện cho đội ngũ này hoạt động một cách chủ động, tích cực hơn vào quá trình hình thành các điều ước quốc tế hay nói rộng ra là quá trình cải cách và xây dựng luật quốc tế hiện đại. Bằng cách đó, có thể tác động đến sự phát triển tiến bộ và công tác pháp điển hoá luật quốc tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của các nước lớn. Kinh nghiệm tham gia soạn thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển cho chúng ta thấy rõ điều đó. Cũng bằng cách này, cá chuyên gia và các cơ quan hữu quan của ta sẽ có sự hiểu biết đầy đủ, thấu đáo hơn các điều ước quốc tế được soạn thảo, giúp cho việc ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia của Nhà nước được thuận lợi hơn.

 

Mặc dù trong 10 năm qua, Nhà nước ta đã gia nhập, phê chuẩn một số lượng lớn các Công ước quốc tế (50), nhưng nhận xét chung của các tác giả và cũng là ý kiến của nhiều người quan tâm cho rằng về đại thể Nhà nước ta vẫn “đứng ngoài cuộc” đối với luật chơi chung của thế giới, nhưng gián tiếp vẫn bị ràng buộc bởi luật chơi chung đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hàng hải quốc tế, hiện tại đã có khoảng 100 Công ước quốc tế được ban hành, nhưng Việt nam mới chỉ gia nhập 6 Công ước. Trong khi đó, Bộ luật hàng hải Việt nam đã chứa đựng, trên nhiều vấn đề, các quy định của hàng chục Côngước khác.

 

8. Cho đến nay điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia chưa được xem đúng mức như một loại văn bản pháp luật. Do đó, hầu như chưa có sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Nếu có làm, chẳng hạn gần đây đối với Công ước về quyền trẻ em, thì cũng hoàn toàn tách biệt đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.

 

Từ thực tế đó, nhiều tác giả kiến nghị nên xem việc giới thiệu, tuyên truyền về điều ước quốc tế có liên quan là một bộ phận không thể tách rời của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuốn sách in các văn bản pháp luật mới, cũng như trong các lớp tập huấn, đào tạo về pháp luật.

 

9. Cuối cùng, xét trên nhiều phương diện, từ vị trí, vai trò, hiệu lựccó tính chất đặc biệt đến đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của xã hội về điều ước quốc tế, đa số tác giả kiến nghị với Nhà nước ban hành văn bản mới về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế dưói hình thức một đạo luật. Tốt nhất, Quốc hội nên xem xét và thông qua đạo luật này đồng thời với luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản pháp luật mà hiện nay đã có trong chương trình thông qua của Quốc hội.

 

Ngoài các ý kiến chủ yếu nêu trên đây, trongcác bài viết, từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, các tác giả còn đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc khác, rất đáng được quan tâm, đặc biệt đối với quá trình soạn thảo Pháp lệnh (sửa đổi) hoặc luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

 

 

 

 

*      *

*

 

 

 

Trên đây là báo cáo về kết quả nghiên cứu đề tài “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam”. Ban chủ nhiệm đề tài một lần nữa xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các tác giả - cộng tác viên của đề tài và các nhà khoa học khác đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo của đề tài, cũng như đối với Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, về sự hưởng ứng, giúp đỡ về mặt khoa học cho việc hoàn thành đề tài này ./.

 

 

Tháng 4 năm 1996

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC CHUYÊN ĐỀ

DO CỘNG TÁC VIÊN THỰC HIỆN

 

 

 

 

 

 

 

 

                     KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH VÀ TRIỂN VỌNG

CỦA VIỆC KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA CHXHCN VIỆT NAM

 

 

                                                                LÊ THU SƠN – CHUYÊN VIÊN

                                                                 VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

                                                                    BỘ NGOẠI GIAO

 

 

 

I

 

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

 

 

Lịch sử phát triển của điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam suốt 50 năm qua (từ 2.9.1945 đến nay) đã gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. CHXHCN Việt nam (trước năm 1975 là Việt nam dân chủ Cộng hoà), với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương. Nội dung, hình thức và tính chất của chúng rất đa dạng, phù hợp với điều kiện nhiệm vụ cụ thể  trong từng giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước. Nhìn chung văn bản của các điều ước quốc tế nói trên cùng với thời gian, ngày càng hoàn thiện hơn và đã phù hợp hơn với các quy phạm của luật điều ước quốc tế chung. Có thể nói các điều ước quốc tế ký kết trong nửa thế kỷ qua đã được thực hiện nghiêm túc, và ở những mức độ khác nhau đã đáp ứng được lợi ích của Việt nam cũng như các Bên ký kết.

 

Phần này không nhằm tổng kết hoặc đánh giá toàn bộ quá trình phát triển của việc ký kết các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam, mà chỉ tập trung chủ yếu khái quát những nét đặc trưng của nó từ khi Đảng và Nhà nước Việt nam tiến hành chính sách đổi mới (năm 1996) đến nay. Mục đích nhằm giúp ta có thể nhìn nhận một cách khách quan những triển vọng cũng như những đòi hỏi mới đối với việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới.

 

Tuy nhiên, để nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống, ta xem lại khái quát tình hình trước khi có chính sách Đổi mới.

 

1. Giai đoạn từ 1945 đến 1986: Trên cơ sở những đặc điểm và nhiệm vụ của cách mạng Việt nam trong giai đoạn này, có thể chia quá trình phát triển điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam ra thành hai thời kỳ sau:

 

a. Từ khi đất nước giành được độc lập đến thắng lợi giải phóng miền Nam (1945-1975):

 

Về cơ bản điều ước quốc tế trong giai đoạn này đã góp phần hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của dân tộc là độc lập Tổ quốc và thống nhất đất nước, mà đỉnh cao của nó được đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.

 

đặc trưng của thời kỳ này là điều ước quốc tế song phương chiếm đa phần. Chủ yếu là các Hiệp định nhận gíup đỡ hoặc viện trợ. Hình thức và nội dung không đồi hỏi tuân theo các quy định chặt chẽ về luật điều ước quốc tế chung. Hoàn cảnh lịch sử có thể “cho phép” phía Việt nam bỏ qua trách nhiệm của mình mà lẽ ra phải thực hiện. Mặt khác ta cũng chưa có những văn bản pháp lý quy định cụ thể về lĩnh vực này. Số lượng các điều ước quốc tế đa phương mà Việt nam tham gia là không đáng kể. Vẻn vẹn chỉ có 4 Công ước Genève 12.8.1949 liên quan đến bảo hộ dân thường, nạn nhân chiến tranh, tù binh, và thương binh trong chiến tranh.

 

b. Thời kỳ sau 1975 đến 1986:

 

Sau khi đất nước hoà bình và hoàn toàn thống nhất, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam chuyển sang một bước mới, thay đổi cả về tính chất, nội dung, hình thức cũng như tính đa dạng.

 

Ngoài những nguyên tắc cơ bản trước đây làm cơ sở cho ký kết các điều ước quốc tế như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và bình đẳng thì nguyên tắc hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi lại đóng một vai trò chủ đạo và quan trọng.

 

Các văn bản điều ước quốc tế được ký kết đòi hỏi quy định chặt chẽ hơn nhằm vừa đảm bảo lợi ích của Việt nam đồng thời vừa phù hợp với các quy phạm chung của luật điều ước quốc tế hiện đại.

 

So với giai đoạn trước đó, số lương điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết tăng đáng kể, bao gồm cả đa phương cũng như song phương.

 

Các điều ước quốc tế song phương với nội dung liên quan đến hợp tác khoa học – kỹ thuật, thương mại, kinh tế, pháp lý giáo dục. Đối tác chủ yếu là Liên Xô, các nước Đông Âu cũ, Cuba và một số nước chậm phát triển khác. Các nước tư bản phát triển, Tây Bắc Âu, Nam Triều tiên, và Nhật Bản chưa đáng kể.

 

Việc CHXHCN Việt nam gia nhập hoặc ký kết hàng loạt các điều ước quốc tế đa phương (33 Điều ước) đã tạo một bươcs ngoặt mới trong giai đoạn này. Đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của điều ước quốc tế đa phương bằng việc Việt nam thamgia Liên Hợp quốc (năm 1978), tiếp theo đó là các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc, các Công ước liên quan đến quan hệ ngoại giao và miễn trừ ngoại giao (4 Công ước), Công ước Luật biển năm 1982 và các Công ước quốc tế liên quan đến đời sống chính trị, xã hội.

 

Một đặc điểm cần lưu ý trong giai đoạn này là trong nội bộ ta vẫn chưa hoàn toàn thống nhất được dùng luật nào: luật Việt nam hay điều ước quốc tế ta tham gia để điều chỉnh các vấn đề phát sinh khi thực hiện các điều ước quốc tế nói trên. Chính vì vậy trong quá trình thực hiện chúng ta gặp phải những khó khăn nhất định.

 

2. Giai đoạn từ năm 1986 đến nay:

 

a. Những nét đặc trưng chung của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam đã ký kết hoặc tham gia trong thời kỳ đổi mới:

 

Nét đặc trưng đầu tiên là số lượng các điều ước quốc tế của Việt nam, đa phương cũng như song phương tăng nhanh rõ rệt. Nếu tính từ năm 1957 đến tháng 6 năm 1995, Việt nam đã ký kết hoặc tham gia khoản 80 điều ước quốc tế đa phương, thì chỉ riêng từ năm 1986 đến nay có 37 điều ước quốc tế đã được ký kết. Cũng trong khoảng thời gian này, số điều ước quốc tế song phương được ký kết chiếm 1/3 tổng số đã ký kết trong nửa thế kỷ qua. Việc gia nhập các điều ước quốc tế trên ngày càng giúp Việt nam hoà nhập với Cộng đồng quốc tế cũng như nâng cao trách nhiệm quốc gia của mình trong quan hệ quốc tế. Đó cũng là những cơ sở pháp lý để các nước mở rộng hợp tác với Việt nam trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

 

Nét đặc trưng thứ hai là các điều ước quốc tế được ký kết thể hiện những thay đổi có ý nghĩa thực chất so với thời kỳ trước đó>

 

Một là, diện các nước hợp tác với Việt nam rông hơn. Nếu trước đây các điều ước quốc tế ký kết chủ yếu với Liên Xô và các nước Đông Âu cũ và các nước XHCN khác thì trong gia đoạn này, đồng thời tiếp tục ký kết các điều ước quốc tế với các nước trong khối truyền thống trên, Việt nam tăng cường mở rộng ký kết với ấn Độ, các nước tư bản phát triển, các nước khối Cộng đồng Châu Âu, Trung đông và đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam á. Đáng lưu ý là khối các nước sau cùng đang trở thành chủ yếu và đóng vai trò quan trọng (kinh tế) hơn so với các nước khối truyền thống.

 

Hai là, các loại điều ước quốc tế đa dạng hơn về nội dung. Bên cạnh các loại điều ước quốc tế vẫn thường ký kết trong giai đoạn trước như Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học – kỹ thuật, thương mại, giáo dục, y tế … một số loại điều ước quốc tế đang phát triển với tốc độ nhanh và được ký kết với nhiều nước như Hiệp định về hợp tác Du lịch, Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay vốn của Ngân hàng thế giới.

 

Nét đặc trưng thứ ba là việc ký kết, phê duyệt, phê chuẩn được tiến hành trên cơ sở của văn bản pháp lý “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”. Trách nhiệm quốc gia của Việt nam được xác định rõ nên việc tiến hành ký kết các điều ước quốc tế được thuận lợi hơn so với thời kỳ trớc. Nhìn chung, văn bản của các điều ước quốc tế nêu trên được quy định chặt chẽ hơn và phù hợp với tập quán và các quy phạm chung của luật điều ước quốc tế chung.

 

Việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam từ năm 1986 đến nay đã thể hiện một phần chính sách ngoại giao và chính sách kinh tế đối ngoại của Việt nam nhằm phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hai bên cùng có lợi.

 

Sơ bộ có thể nói rằng, trong suốt 50 năm qua, cùng với thời gian, các điều ước quốc tế của Việt nam ngày càng phát triển về lượng cũng như về chất. Việc ký kết chúng đã và đang bổ sung vào quá trình phát triển và pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế của Việt nam.

 

 

 

 

 

 

II

 

TRIỂN VỌNG CỦA VIỆC KÝ KẾT

CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

TRONG TƯƠNG LAI.

 

 

Thật không dễ dàng để đưa một dự đoán đầy đủ và chính xác về một vấn đề nhất định nào đó. Nhất là nó lại liên quan đến ký kết điều ước quốc tế của Việt nam. Một lĩnh vực mà sự phát triển của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trọng như chính sách đôí ngoại, kinh tế đối ngoại, luật lệ trong nước đảm bảo cho môi trường hợp tác, sự ổn định về chính trị (hoặc môi trường chính trị ổn định như các nước phơng Tây thường nói).

 

Tuy vậy, trong chừng mực nhất định, dựa trên cơ sở chính sách đổi mới hiện nay của Đảng, Nhà nước và những thành quả đạt được về đối ngoại cũng như đối nội trong những năm vừa qua, nhất là hai năm cuối 1994-1995, đặc biệt trong lĩnh vực điều ước quốc tế của Việt nam, có thể mạnh dạn sở bộ nêu ra một số triển vọng cũng như đòi hỏi mới đối với việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới.

 

1. Để góp phần có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xem xét triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam một cách khách quan, ta hãy nhìn lại những kết quả đạt được trong hai năm cuối 1994-1995.

 

Nếu nói kết quả đạt được về ký kết điều ước quốc tế của Việt nam tạo nên một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển chung thì có thể coi sự tăng về số lượng cũng như chất lượng của điều ước quốc tế của Việt nam trong hai năm 1994-1995 là đỉnh cao của sự phát triển.

 

Về điều ước quốc tế đa phương: hai năm qua, cùng với việc gia nhập, tham gia Công ước quốc tế đa phương liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, Việt nam đã tiến hành phê chuẩn 8 Công ước quốc tế quan trọng đã ký trước đây. Điều đó lại khẳng định Việt nam quyết tâm thực hiện trách nhiệm quốc gia của mình đối với các điều ước quốc tế đã ký kết. Việc Quốc hội Việt nam phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 không chỉ có ý nghĩa pháp lý và thực tế đối với Việt nam, mà còn cả đối với các nước thành viên tham gia Công ước. Tạo sự tin cậy đối với các nướcc có biên giới biển với Việt nam cũng như góp phần củng cố và tăng cường sự ổn định khu vực; thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt. (Công ước số 5, 6, 14, 27, 45, 80, 81, 116, 129, 123, 124, và 135), Công ước của Liên Hợp quốc về đa dạng sinh học (5.6.1992) … và việc Việt nam ký Hiệp định với Cộng đồng chung Châu Âu (7.1995) ngày càng thể hiện rõ nỗ lực của Việt nam mong muốn hoà nhập vào Cộng đồng quốc tế. Việt nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (7.1995) là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác khu vực Đông Nam á. Những yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai.

 

Về điều ước quốc tế song phương: Tốc độ các loại này trong hai năm 1994-1995 tăng nhanh và đa dạng hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Nếu năm 1993, tổng số Hiệp định cấp Nhà nước và Chính phủ được ký kết là 87 thì năm 1994 là 153, tăng gần gấp đôi và riêng 6 tháng đầu năm 1995 bằng cả năm 1993. Đặc điểm nổi bật là số lượng và loại điều ước quốc tế của Việt nam được ký kết với các nước tư bản như úc, Nam Triều tiên, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á, Quỹ OECF của Nhật Bản đã chiếm lĩnh vị trí chủ đạo, khác với thời gian trước đó là với các nước “truyền thống”. (Trong đó đáng lưu ý là loại Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay vốn) tăng nhanh hơn cả.

 

Một yếu tố không thể không nhắc đến đoa là Việt nam và Mỹ ký Hiệp định bình thường hoá quan hệ ngoại giao (7.1995). Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị và ngoại giao mà thực sự mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển các điều ước quốc tế giữa Việt nam và Mỹ về nhiều lĩnh vực hợp tác.

 

2. Khả năng và điều kiện để thực hiện các điều ước quốc tế của Việt nam

 

a. Về điều kiện pháp lý: Việc trong những năm gần đây CHXHCN Việt nam tiến hành hệ thống hoá và pháp điển hoá luật pháp của mình đã và đang tạo nên những cơ sở, môi trờng pháp lý thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết. Thực tế cho thấy trong hầu hết các đạo luật, văn bản dưới luật được ban hành vừa qua, những vấn đề liên qua đến nhân tố nước ngoài hoặc trách nhiệm quốc gia của Việt nam đối với các điều ước quốc tế mà Việt nam là một Bên ký kết đều được xem xét thận trọng và được quy định phù hợp. Các quy định đó nhìn chung phù hợp với điều kiện, lợi ích, hoàn cảnh cụ thể của Việt nam cũng như phù hợp với các quy phạm của luật quốc tế chung hiện đại và xu thế của thế giới trong quan hệ quốc tế ngày nay.

 

Quá trình pháp điển hoá hệ thống pháp luật Việt nam nêu trên đã và đang thúc đẩy quá trình đổi mới ở Việt nam, đồnh thời tạo sự tin cậy của Cộng đồng quốc tế đối với Việt nam trong quá trình hợp tác.Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng hóp phần thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam, phát triển trong hiện tại cũng như tương lai.

 

b. Điều kiện thực tế: Chính sách đối ngaọi và đối nội phù hợp hiện nay của Việt nam đang tạo điều kiện thuận lợi đề các điều ước quốc tế đã được ký kết được thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, những thành quả đạt được vừa qua trong mọi lĩnh vực nhất là tạo được môi trường chính trị ổn định và những thành tựu bước đầu về kinh tế đã và đang tạo sự tin tưởng của các bên ký kết đối với Việt nam. Đó cũng là đonhgj lực thúc đẩy họ nỗ lực thực hiện Hiệp định đã ký kết.

 

3. Dự kiến những triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới:

 

Dựa trên những cơ sở đã phân tích ở trên, có thể nói điều ước quốc tế của Việt nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng thuận lợi, tất nhiên không phải không có những khó khăn nhất định. Có khả năng nhịp độ và khối lượng ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam với các khối nước sẽ không giống như hai năm 1994 và 1995.

 

a. Đối với các điều ước quốc tế đa phương: sẽ tiếp tục ký hoặc tham gia các Công ước toàn cầu liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn. Có lẽ, các điều ước quốc tế đa phương về khu vực sẽ được chú trọng hơn cả và sẽ tiến hành với nhịp độ nhanh hơn. Sẽ tiến hành ký kết các Hiệp định với tư cách là thành viên đầy đủ của ASEAN. Trong đó có Hiệp định về khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA) và hàng loạt các Hiệp định chuyên môn khác.

 

b. Đối với các điều ước quốc tế song phương: Nhịp độ ký kết các Hiệp định với các nước khối SNG, Đông Âu cũ sẽ nhanh chóng hơn so với thời kỳ XHCN ở các nước đó vừa sụp đổ. Có thể các Hiệp định về đầu tư và phát triển kinh tế sẽ được chú trọng hơn.

 

Nhìn chung, việc ký kết đối với các nước khối EU cũng như các nước tư bản nói chung (trừ Mỹ và Nhật Bản) đang đi vào ổn định. Hầu như các loại Hiệp định về hợp tác cơ bản đã được ký kết. Trong những năm tới việc ký kết các Hiệp định hợp tác chuyên ngành sẽ phát triển nhanh hơn. Các nước hiện chưa ký kết Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần; có lẽ sẽ ký trong tương lai gần.

Vị trí đáng kể mà các nước đã giữ trong hai năm vừa qua, có lẽ trong những năm tới sẽ dành cho các nước ASEAN, Nhật Bản và Mỹ là các nước sẽ tăng cường ký kết các điều ước quốc tế với Việt nam. Tất nhiên, mức độ và phạm vi ký kết của từng nước sẽ không giống nhau.

 

Trong số các nước nêu trên, có lẽ các nước ASEAN sẽ ký điều ước quốc tế song phương với Việt nam với số lượng và tốc độ nhanh hơn cả.

 

Tiếp theo là Nhật Bản. Mặc dù hai năm 1994-1995, Nhật bản ký nhiều Hiệp định vay vốn và viện trợ cho Việt nam. Tuy vậy, nhưng Hiệp định cơ bản cấp Nhà nước và Chính phủ coi như không đáng kể, chưa xứng với Việt nam. Việc Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao không thể không tác động đến chính sách của Nhật bản đối với Việt nam mà việc thể hiện nó được thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế cấp Nhà nước và Chính phủ. Dù muốn hay không, Nhật bản phải tính đến khả năng không thể chậm hơn Mỹ nhưng cũng không quá nhanh so với Mỹ trong lĩnh vực này. Xu hướng là các Hiệp định sẽ được ký kết tương đối nhanh nhằm bảo đảm nhu cầu và lợi ích của cả Việt nam và Nhật bản.

 

Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt nam với Mỹ tháng 7 năm 1995 là cơ sở mở đầu cho việc ký kết mọi điều ước quốc tế giữa Việt nam và Mỹ. Trước mắt, hai bên phải đạt được một số Hiệp định về thương mại, theo đó quy chế tối huệ quốc đóng vai trò quyết định. Sau đó, có thể tính đến ký kết các loại điều ước quốc tế khác. Quá trình ký kết điều ước quốc tế của Việt nam với Mỹ có lẽ ít có khả năng tiến triển nhanh trước nhiệm kỳ Tổng thống mới.

 

4. Bên cạnh những triển vọng khả quan như nêu trên, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam không tránh khỏi những đòi hỏi mới nhất định.

 

Thực tế những năm gần đây cho thấy, đôi lúc, đôi nơi do các lý do khác nhau, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam được tiến hành nhanh hơn dự định chủ quan. Vì vậy, đã không tránh khỏi sự thiếu chặt chẽ, thiếu hoàn chỉnh trong một số văn bản Hiệp định. Thậm chí chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của ta về đàm phán và ký kết điều ước quốc tế.

 

Những nước sẽ phát triển nhanh việc ký kết điều ước quốc tế với Việt nam trong tương lai là Mỹ, Nhật bản, ASEAN. Những nước mà luật lệ, thực tiễn của họ ta chưa hiểu và chưa biết nhiều. Vì vậy, để đáp ứng được sự phát triển của điều ước quốc tế đồi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ kưỡng, thận trọng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, các cơ quan hữu quan và Văn phòng Chính phủ.

 

 

 

III

 

VIỆC THI HÀNH

                     “PHÁP LỆNH VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN

                                       ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA CHXHCN VIỆT NAM” NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 1989

 

 

 

Nhìn chung hệ thống pháp luật của Việt nam trước thời kỳ đổi mới chưa được hoàn chỉnh về hệ thống hoá vì những lý do đặc biệt và hoàn cảnh lịch sử của Việt nam trong suốt 50 năm qua. Luật điều ước quốc tế của Việt nam cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Để thúc đẩy quá trình đổi mới và khắc phục những tình trạng trên, CHXHCN Việt nam coi việc hệ thống hoá và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống pháp lý của mình, trong đó có Luật điều ước quốc tế của Việt nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

 

1. Tình hình chung về thi hành “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”

 

Sau 44 năm phát triển, sau khi đúc kết các kinh ngiệm và thực tiễn của mình cũng như tham khảo luật thực tiễn quốc tế; văn bản luật quan trọng đầu tiên đã được ban hành nhằm điều chỉnh các mối quan hệ về điều ước quốc tế của Việt nam đó là “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” (ngày 25.10.1989).

 

Quá trình thực hiện “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” cho thấy “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đã và đang làm cơ sở quan trọng và không ngừng góp phần thúc đaảy điều ước quốc tế của Việt nam phát triển.

 

Các quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” về đàm phán, ký kết, phê duyệt, và phê chuẩn … đã giúp cho việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam có hệ thống hơn và phù hợp hơn với tập quán cũng như Luật điều ước quốc tế chung.

 

Trong những năm qua, Việt nam đã thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm quốc gia của mình cung như đã yêu cầu các Bên ký kết thực hiện nó theo các điều ước quốc tế đã ký kết như “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đã quy định (Điều 11 khoản1).

 

Quy định về sửa đổi, bổ sung pháp luật trong trường hợp cần thiết thực hiện trách nhiệm của mình trong các điều ước quốc tế đã ký kết Điều 11 khoản 6 (“Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”) đã được thực hiện một cách có hiệu quả và nghiêm túc và thông suốt trong các ngành, các cấp.

 

Về cơ bản, có thể nói “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đã được các ngành, các cơ quan  hữu quan thực hiện khá nghiêm chỉnh. Chính vì vậy đã thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong sáu năm qua tiến hành thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn và có hiệu quả hơn so với thời kỳ trước “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” . Tuy nhiên, không tránh khỏi những tồn tại cần rút kinh nghiệm, khắc phục hoặc sửa đổi để đáp ứng với tầm phát triển của Luật điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai.

 

2. Một số thực tiễn nên lưu ý, rút kinh nghiệm để việc ký kết điều ước quốc tế trong tương lai phù hợp hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt nam hơn.

 

Như phân tích ý nghĩa, vai trò và những đóng góp của việc thực hiện “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đối với điều ước quốc tế của Việt nam ở trên. Bên cạnh đó không phải không có những tồn tại cần giải quyết. Xin mạnh dạn nêu lên một số thực tiễn để chúng ta cùng xem xét và suy nghĩ. Những vấn đề thường gặp trong việc thực hiện “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” là thẩm quyền đàm phán, ký kết, phê duyệt, phê chuẩn điều ước quốc tế đã ký kết, ngôn ngữ tiếng Việt của văn bản, tính chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết. Sơ bộ có thể chia làm hai loại sau đây:

 

- Một là, có sự quy định khác nhau giữa “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” của Việt nam và Luật hoặc quy chế (đối với tổ chức quốc tế) về một trong những vấn đề nêu trên. Do nhu cầu chính trị, kinh tế (phải chăng chủ yếu là kinh tế), do eo hẹp thời gian hoặc không thuyết phục được Bên ký kết kia, Việt nam buộc phải chấp nhận giải quyết ngoại lệ so với quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” .

 

Đương cử trờng hợp liên quan đến thẩm quyền uỷ quyền đàm phán và ký kết Hiệp định về vay vốn Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á. Đây là loại Hiệp định mới, thực tiễn ta chưa ký trước thời kỳ “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”.

 

Theo quy định của Việt nam (“Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”), các loại Hiệp định này được ký kết với danh nghĩa Chính phủ. Như vậy thẩm quyền uỷ quyền đàm phán và ký kết thuộc Thủ tướng Chính phủ. Hiệp định loại này do Thủ tướng phê duyệt.

 

Trong khi đó quy chế của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu á lại quy định các loại Hiệp định vay vốn loại này được ký với các Bên ký kết với danh nghĩa Nhà nước (nhằm tránh trường họp thay đổi Chính phủ) và phải được phê chuẩn.

 

Thực tế thời gian vừa qua do nhu cầu tranh thủ vốn nước ngoài và do không “thuyết phục” được Bên ký kết kia, Việt nam buộc phải ký kết với danh nghĩa Nhà nước và Chủ tịch nước đã uỷ quyền cho cơ quan hữu quan đàm phán và ký kết các Hiệp định loại trên cũng như đã phê chuẩn chúng. Thực tế này đã gây khó khăn không những cho chính cơ quan thực hiện mà gây khó khăn cho cả cơ quan có thẩm quyền (Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước) vì buộc phải giải quyết những trường hợp “ngoại lệ” không phù hợp với quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”. Tình trạng này đôi lúc cũng xảy ra tương tự đối với một số Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Theo “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”, loại Hiệp định này được ký kết với danh nghĩa Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có trường hợp do Luật của Bên ký kết kia quy định khác (với Hungari), nhưng do thời gian gấp và chưa đủ “thuyết phục”, Việt nam buộc phải quyết định ký kết với danh nghĩa Nhà nước và Hiệp đinh sẽ được phê chuẩn. Như vậy lại thêm trường hợp “ngoại lệ” đối với “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”.

 

Vấn đề nảy sinh tiếp là những ngoại lệ nêu trên có được coi là cơ sở để các cơ quan khác viện dẫn yêu cầu cơ quan thẩm quyền tiếp tục giải quyết những “ngoại lệ” tương tự tiếp theo hay không. Đây cũng là một vấn đề phức tạp cần được xem xét và đưa ra những phương thức thích hợp. Sửa đổi “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tập quán quốc tế hay là tiếp tục giải quyết trái với các quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”. Có lẽ khả đầu năng sẽ thích hợp và có hiệu quả hơn.

 

- Hai là, không có sự khác nhau về cơ bản giữa các quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” và luật của Bên ký kết kia nhưng đôi lúc có thể do một cơ quan chưa nghiêm túc nghiên cứu thận trọng Quy chế hoặc luật của Bên ký kết kia, có thể muốn “đơn giản hoá” hoặc tiến nhanh quá trình ký kết, gia nhập điều ước quốc tế đa phương nên việc thực hiện đã không phù hợp với “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”.

 

Thí dụ về việc thực hiện uỷ quyền đối ngoại khi tiến hành đàm phán hoặc ký kết điều ước quốc tế.Thời gian vừa qua, một vài cơ quan chủ quản đã không làm thủ tục uỷ quyền đối ngoại  trước khi đàm phán hoặc ký kết (tất nhiên là đã có quyết định uỷ quyền nội bộ của Chính phủ hoặc Nhà nước). Sau khi ký Hiệp định một thời gian, do Bên ký kết yêu cầu gửi uỷ quyền đối ngoại mới đề nghị cơ quan chức năng làm thủ tục trên. Thực tế, để đảm bảo nhu cầu đối ngoại và phù hợp với luật điều ước quốc tế buộc ta phải đáp ứng. Trường hợp này không tuân theo quy định của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đã dẫn đến vi phạm một quy định khác là ký uỷ quyèen không đúng với thời gian ký (vì uỷ quyền phải được ký trước ngày ký Hiệp định).

 

Thí dụtiếp theo về việc chưa nghiên cứu thận trọng Quy chế của Bên ký kết kia, gây phức tạp cho việc tiến hành gia nhập Công ước quốc tế đa phương. Theo “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”, các Công ước quốc tế đa phương với danh nghĩa Nhà nước do Chủ tịch nước uỷ quyền gia nhập và phê chuẩn chúng sau khi đã ký. Theo quy định của một tổ chức quốc tế đa phương, các nước có thể gia nhập theo uỷ quyền của Tổng thống hoặc Thủ tướng nhưng phải được các nước đó phê chuẩn.

 

Trong trường hợp này có một vài cơ quan có thể do đơn giản cho rằng trình Thủ tướng sẽ “nhanh” hơn mà không nghĩ rằng, muốn để Công ước có hiệu lực đối với Việt nam, Công ước phải được Chủ tịch nước phê chuẩn (theo “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” cũng như Quy chế của Tổ chức quốc tế). Cuối cùng cũng phải trình Chủ tịch nước để Công ước được phê chuẩn. Rõ ràng sự thiếu thận trọng và nghiêm chỉnh thực hiện “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” đã cản trở quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

 

Qua một vài trường hợp điển hình trên cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ luật lệ của Bên ký kết kia cũng như “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” và các luật lệ liên quan khác để đạt được một văn bản Hiệp định chặt chẽ về mặt pháp lývừa đảm bảo được luật pháp hiện hành của Việt nam đồng thời phù hợp với luật lệ của Bên ký kết kia. Hạn chế đến mức tối thiểu phải giải quyết ngoại lệ trái với luật điều ước quốc tế của Việt nam.

 

- Ba là, ngôn ngữ tiếng Việt và một số quy định khác về văn bản Hiệp định chưa được tuân theo một cách đâỳ đủ và nghiêm chỉnh.

 

Ngôn ngữ tiếng Việt, theo “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”, được coi là một trong hai hoặc ba thứ tiếng làm văn bản điều ước quốc tế của Việt nam (trừ một số điều ước quốc tế quy định chỉ dùng một trong các ngôn ngữ quốc tế chung). Hai năm gần đây, xu hướng ký kết điều ước quốc tế của Việt nam bằng một bản tiếng Anh ngày càng tăng. Như vậy, ngoại lệ của luật đang trở thành thông lệ. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là có tiếp tục tuân theo “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” hay không ? Và cơ sở gì để không tuân theo. Nếu tiếp tục tình trạng trên thì luật sẽ có vai trò gì ?

 

Trường hợp khác đáng chú ý không kém là chưa thực hiện nghiệm chỉnh những quy phạm cơ bản đã dẫn đến việc gây khó khăn cho việc thực hiện Hiệp định đã ký. Thí dụ, trong một số trường hợp trong văn bản của Hiệp định quy định làm bằng ba thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng X và tiếng Anh. theo đúng luật điều ước quốc tế thì cả ba bản đều được ký một lúc và gắn si đóng dấu. Nhưng có một số trường hợp chỉ ký bản tiếng Anh. Còn hai bản tiếng Việt và tiếng X chưa biết lúc nào sẽ được ký. Quá trình ký tiếp theo sẽ không phải dễ dàng, gây khó khăn cho việc thực hiện.

 

 

 

3. Nguyên nhân của những tồn tại trên, sơ bộ có thể do hai nguyên nhân sau:

 

Nguyên nhân chủ quan, có thể do một số cơ quan hữu quan nhận thức chưa hết ý nghĩa của việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật điều ước quốc tế hoặc chưa có đầy đủ thông tin về luật của Bên ký kết kia. Mặt khác, có thể do muốn tiến hành nhanh việc ký kết nên đã “đơn gian hoá” các nguyên tắc lẽ ra phải tuân theo. Kết quả là, chính các cơ quan đó cũng gặp không ít khó khăn khi phải giải quyết những vấn đề phát sinh tiếp theo, nhất là quá trình thực hiện điều ước quốc tế đã ký. Đồng thời đã buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết “hậu quả” vì nhu cầu đối ngoại, chính trị hoặc kinh tế.

 

Nguyên nhân khách quan, là do quá trình phát triển các điều ước quốc tế của Việt nảmtong vài năm gần đây nhanh hơn, đa dạng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực hơn so với thời kỳ trước đổi mới. Vì vậy, có thể nói “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” ở chừng mực nào đó chưa đáp ứng được “nhiệm vụ ngang tầm” lịch sử của nó.

 

Nên chăng để thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong hiện tại và tương lai cũng như giải quyết những tồn tại, Việt nam tính đến việc phát triển hoá luật điều ước quốc tế của mình. Đồng thời quán triệt các ngành liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh đạo luật đó.

 

4. Sự cần thiết phải ban hành Luật “điều ước quốc tế của Việt nam” thay cho “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” ngày 25 .10.1989.

 

Sự phát triển của điều ước quốc tế của Việt nam trong nửa thế kỷ qua đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác chính trị, ngoại giao, tư pháp, kinh tế, thương mại … giữa CHXHCN Việt nam và các nước cũng như các tổ chức quốc tế.

 

“Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” ngày 25.10.1989 là văn bản luật đầu tiên về Luật điều ước quốc tế của Việt nam, đã vai trò có ý nghĩa và quan trọng như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, do “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam” được ban hành trong thời điểm mà mối quan hệ và hợp tác của Việt nam với Cộng đồng quốc tế chưa thật đa dạng và phong phú. Chủ yếu tập trung với Liên Xô, các nước Đông Âu cũ và các nước XHCN khác. Cũng phải công nhận rằng, trong quá trình xây dựng văn bản “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”, mặc dù đã tham khảo thực tiễn, tham khảo luật của các nước khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là luật và thực tiễn của khối các nước nói trên. Vì vậy, không tránh khỏi những hạn chế nhất định thể hiện trong văn bản. Nhất là thời điểm đó, ta chưa “tiếp xúc” nhiều với luật lệ cuae các nước hiện nay phát triển nhanh quan hệ với Việt nam.

 

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy ngày nay hơn lúc nào hết, đòi hỏi một đạo luật hoàn chỉnh, pháp điển hoá về điều ước quốc tế của Việt nam nhằm đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng của Việt nam trong thời kỳ mới, thời đại của Việt nam sau bình thường hoá quan hệ với Mỹ; Việt nam sau khi trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và Việt nam có quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau.

 

Một đạo luật mới nên chăng được hình thành trên cơ sở của “Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam”, đúc kết thực tiễn về ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời có sự tham khảo toàn diện và có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn và luật điều ước quốc tế của nhiều nước khác nhau.

 

Một đạo luật hoàn chỉnh, phù hợp và có hệ thống về điều ước quốc tế của Việt nam sẽ góp phần thúc đẩy việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam thuận lợi hơn, chặt chẽ hơn, có chất lượng hơn và sẽ thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết có hiệu quả hơn.

 

 

 

 

*   *

*

 

 

Điều ước quốc tế của Việt nam đamg ở thời điểm thuận lợi chưa từng có trong quá trình phát triển của mình. Đó là kết quả của chính sách đối ngoại và đối nội của CHXHCN Việt nam trong những năm qua. Đồng thời điều ước quốc tế của Việt nam ngày càng góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn diện của Việt nam với Cộng đồng quốc tế.

 

Điều ước quốc tế của Việt nam đang đứng trước những triển vọng thuận lợi đồng thời cũng đòi hỏi Việt nam những nỗ lực và cố gắng mới để điều ước quốc tế của Việt nam có thể đáp ứng nhiệm vụ ngang tầm thời đại.

Hơn lúc nào hết, việc hợp tác chặt chẽ giữa các ngành hữu quan trong quá trình hoàn chỉnh Luật điều ước quốc tế của Việt nam cungx như thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết là không thể thiếu được ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

MỐI QUAN HỆ GIỮA VIỆC THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH

VÀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA CHXHCN VIỆT NAM

 

 

                                                      ĐẶNG ĐÌNH LUYẾN

                                                                 VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

 

 

I

QUY TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

 

Để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật, phúc đáp yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật, nhất là phục vụ yêu cầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đến nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh. Trung bình mỗi năm Quốc hội xem xét và thông qua khoảng 6-8 luật và Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua khoảng 13-15 pháp lệnh. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Nhà nước ta ngày càng đi vào nền nếp, được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nhất định theo các giai đoạn từ lập chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh cho đến khi công bố luật, pháp lệnh.

 

1. Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

 

Bắt đầu mỗi khoá Quốc hội mới hoặc hàng năm các tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật như Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận tổ quốc Việt nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các Đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Uỷ ban pháp luật được giao trách nhiệm tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội và đại diện các tổ chức, cơ quan hữu quan để thẩm tra các kiến nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và làm báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến kiến nghị về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các tổ chức, cá nhân nói trên và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật, Uye ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận tập thể và lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội nghe đại diện Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội thảo luận, Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh theo ý kiến các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua.

 

2. Việc phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

 

Sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã triển khai việc phân công cho các tổ chức cơ quan soạn thảo và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan và yêu cầu xây dựng nội dung của từng dự án luật, pháp lệnh mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho tổ chức, cơ quan soạn thảo. Đối với một số dự án luật, pháp lệnh có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung mới và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn bao gồm đại diện của các tổ chức, cơ quan hữu quan trong đó có một cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo. Song song với việc phân công soạn thảo, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng phân công cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Việc phân công thẩm tra cũng căn cứ vào nhiệm vu, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Vì vậy, Hội đồng dân tộc hoặc cá Uỷ ban của Quốc hội được phân công thẩm tra những dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực do mình phụ trách. Đối với Uỷ ban pháp luật, ngoài việc chủ trì thẩm tra các dự án thuộc lĩnh vực mình phụ trách còn có trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án do Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban khác của Quốc hội thẩm tra nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với một số dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra và một số Uỷ ban khác tham gia thẩm tra.

 

3. Việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh

 

Theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn hảo đã lập kế hoạch soạn thảo, xây dựng đề cương dự án, tổ chức việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn những vấn đề có liên quan đến dự án, tổ chức các cuộc hội thảo, tham khảo kinh nghiệm và pháp luật trong nước và nước ngoài, biên soạn dự án luật, pháp lệnh.

 

Trong quá trình soạn thảo, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, theo dõi sát sao tiến độ soạn thảo, nội dung của dự án luật, pháp lệnh. Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban của Quốc hội được phân thẩm tra dự án đã tham gia ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo để sớm có sự thống nhất về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án và các nội dung chủ yếu.

 

Hầu hết các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ soạn thảo đều được thường trực Chính phủ theo dõi chỉ đạo và cho ý kiến trực tiếp. sau đó được tập thể Chính phủ thảo luận, thông qua trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội.

 

Đối với các dự án luật, pháp lệnh khác do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hoặc tổ chức, cơ quan khác soạn thảo thì trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng được tập thể Chính phủ thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự án rồi mới trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

 

4. Việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh

 

Việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Mỗi dự án luật, pháp lệnh trước khi được Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua thì đều được Hội ddồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra. Tuỳ theo điều kiện hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội, hoặc tuỳ thuộc và Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua dự án luật, pháp lệnh mà Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn để thể thẩm tra hay chỉ tổ chức phiên họp thường trực Hội đồng dân tộc hoặc thường trực Uỷ ban của Quốc hội để thẩm tra hoặc cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh. Tại các phiên họp thẩm tra, ngoài thành viên của cơ quan chủ trì thẩm tra còn đại diện của cơ quan tham gia thẩm tra (nếu có), đại diện của cơ quan tổ chức hữu quan tham dự. Sau khi nghe đại diện của cơ quan soạn thảo trình bày nội dung dự án, đại diện cơ quan, tổ chức tham dự phiện họp phát biểu ý kiến, các thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra thảo luận và chủ toạ cuộc họp kết luận. Sau phiên họp, cơ quan chủ trì thẩm tra, làm báo cáo thẩm tra trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, có nhiều dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhiều lần, do đó cơ quan thẩm tra cũng tổ chức cuộc họp để co ý kiến hoặc thẩm tra dự án nhiều lần.

 

 

 

5. Việc trình các dự án  luật, pháp lệnh

 

a) Đối với các dự án pháp lệnh:

 

Việc xem xét, thông qua các dự án pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhưng theo quy định của Hiến pháp 1992, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, thông qua pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao. Sau khi có tờ trình và dự án của cơ quan soạn thảo, báo cáo thẩm tra về dự án pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp. Tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe đại diện cơ quan soạn thảo trình bày nội dung của dự án, đại diện cơ quan thẩm tra trình bày ý kiến của mình, đại diện cơ quan hữu quan, tổ chức trình bày ý kiến của mình, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận và chủ toạ phiên họp kết luận. Để bảo đảm chất lượng nội dung của pháp lệnh, nên có nhiều dự án pháp lệnh. Uỷ ban thưòng vụ Quốc hội cho ý kiến tới 2-3 lần, rồi mới thông qua. Cứ mỗi lần Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì cơ quan soạn thảo đã cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thịn thêm dự án pháp lệnh và chuẩn bị trình Uỷ ban thường vu Quốc hội thông qua tại phiên  họp sau.

 

b) Đối với các dự án luật:

 

Việc xem xét thông qua luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.Để đảm bảo tiến độ soạn thảo, chất lượng nội dung của dự án luật trước khi trình ra Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về các dự án luật và quyết định việc đưa các dự án luật vào chương trình kỳ họp Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội nghe cơ quan đại diện soạn thảo trình bày nội dung dự án luật, đại diện Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội, được phân công thẩm tra, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật. Quốc hội tổ chức các cuộc họp theo tổ đại biểu Quốc hội hoặc đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi, thảo luận về dự án luật. Đoàn thư ký của kỳ họp tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội và cùng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội thảo luận từng chương, từng điều của dự án luật, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đoàn thư ký kỳ họp, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện thêm dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp sau. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội thảo luận và thông qua từng chương, điều của dự án luật đã được chỉnh lý và sau đó đại diện đoàn thư ký kỳ họp đọc lại toàn văn dự án luật để Quốc hội biểu quyết thông qua.

 

6. Về việc xin ý kiến Bộ chính trị

 

Để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với Nhà nước và xã hội, trong những năm gần đây có nhiều dự án luật, pháp lệnh đã được Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ chính trị, nhất là các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy Nhà nước …đều xin ý kiến Bộ chính trị. Việc xin ý kiến Bộ chính trị thường được tiến hành trong thời gian khi dự án luật, pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hoặc vào thời gian soạn thảo do Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội trình xin ý kiến Bộ chính trị. Sau khi Bộ chính trị cho ý kiến chỉ đạo, cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện thêm dự án để trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

 

7. Việc tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan hữu quan và nhân dân về dự án luật, pháp lệnh.

 

Nhằm thu hút trí tuệ của cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo tổ chức nhiều hội nghị bao gồm đại biểu của nhiều tổ chức, cơ quan hữu quan để trao đổi, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, tổ chức các đoàn về địa phương, cơ sở để khảo sát xin ý kiến hoặc gửi dự án luật, pháp lệnh cho các tổ chức, cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương để xin ý kiến trực tiếp vào văn bản. Đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân được tiến hành như sau: Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị bao gồm đại diện các bộ, các ngành, các tỉnh, thàng phố trực thuộc trung ương để phổ biến về mục đích, yêu cầu, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và nội dung cơ bản của dự án luật. Sau hội nghị này, các bộ, ban, ngành và các địa phương triển khai việc lấy ý kiến của nhân dân, tổ chức các hội nghị hướng dẫn, bồi dưỡng báo cáo viên hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt để trực tiếp cho ý kiến dự luật. Theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức cán bộ, nhân dân tham gia ý kiến về dự án luật và tổng hợp ý kiến gửi lên cấp trên. Ngoài ra, cán bộ nhân dân còn góp ý kiến trực tiếp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo. Cơ quan thẩm tra cùng Văn phòng Quốc hội, cơ quan soạn thảo giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các địa phương và nhân dân và gửi bản tổng kết ý kiến cho cơ quan hữu quan để nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật. Đối với nhiều dự án luật, bản tổng kết ý kiến còn được gửi cho các đại biểu Quốc hội.

8. Việc công bố luật, pháp lệnh

 

Việc công bố luật và pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Sau khi thông qua các luật, pháp lệnh phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét lại luật, pháp lệnh đã thông qua được Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực và gửi cho Chủ tịch nước. Trong thời hạn luật định, Chủ tịch nước xem xét, ra quyết định công bố. Riêng đối với pháp lệnh, nếu có vấn đề gì không nhất trí, thì Chủ tịch nước gửi lại Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại. Sau khi Uỷ ban thường vụ xem xét lại, nếu Chủ tịch nước nhất trí thì ra quyết định công bố, còn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào quyết định công bố của Chue tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức cuộc họp báo để công bố luật, pháp lệnh cho các cấp, các ngành và toàn dân biết để thực hiện.

 

 

 

II

 

VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VIỆC THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH

VÀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

MÀ CHXHCN VIỆT NAM KÝ KẾT HOẶC THAM GIA

 

Trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh đã được ban hành có quy định về mối quan hệ giữa việc thi hành các văn bản này với việcthực hiện các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia. Nhưng việc quy định vấn đề này ở mỗi văn bản luật, pháp lệnh cũng khác nhau, có thể được chia thành các loại quy định sau đây:

 

1.  Trong phàn lớn các luật, pháp lệnh có quy định chung là: nếu điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với luật (pháp lệnh) thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

 

2.  Trong loại văn bản thứ hai có quy định việc áp dụng loại văn bản này cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt nam định cư ở nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

 

3.  Trong loại văn bản thứ ba quy định về quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nước ngoài được bảo hộ theo quy định của loại văn bản này và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia.

4.  Trong loại văn bản thứ tư quy định Nhà nước Việt nam bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

5.  Trong loại văn bản thứ năm quy định, khi Chính phủ Việt nam ký kết điều ước quốc tế với Chính phủ nước ngoài về những vấn đề có liên quan đến các quy định của loại văn bản này, thì phải căn cứ vào các quy định đó để ký kết điều ước quốc tế.

 

6.  Trong loại văn bản thứ sáu quy định những hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt nam có liên quan đến các quy định của loại văn bản này thì chỉ được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt nam ký kết với Chính phủ hữu quan hoặc được Chính phủ Việt nam cho phép riêng.

 

7.  Trong loại văn bản thứ bẩy chỉ quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi vi phạm các quy định của loại văn bản này tại Việt nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

 

Tóm lại, mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia, ở mỗi văn bản luật, pháp lệnh có cách quy định khác nhau. Nhưng trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản luật, pháp lệnh có liên quan đến các lĩnh vực mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế đã quy định, thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta là coi trọng cam kết quốc tế, ưu tiên thực hiện các quy định của điều ước quốc tế khi các quy định này khác với các quy định của luật, pháp lệnh, mặc dù các điều ước quốc tế do Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia ở các cấp độ khác nhau (điều ước quốc tế được ký kết hoặc tham gia nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam, nhân danh Chính phủ và điều ước quốc tế do cấp bộ, ngành ký kết).

 

Chúng tôi nhận thấy đây là việc làm cần thiết không chỉ riêng đối với Nhà nước ta mà đối với mọi quốc gia trên thế giới, nhằm bảo đảm các cam kết quốc tế cần được thực hiện nghiêm chỉnh, thể hiện sự thiện chí, lòng tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, góp phần vào việc củng cố hoà bình, an ninh quốc tế và tăng cường mở rông quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa các quốc gia. Tuy nhiên, việc ưu tiên thực hiện các quy định của điều ước quốc tế sẽ ảnh hưởng tới việc thi hành pháp luật của Nhà nước ta. Như trên chúng tôi đã trình bày, việc xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh của Nhà nước ta theo một quy trình rất chặt chẽ, do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất quyết định, còn việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế của Nhà nước được thực hiện ở ba cấp độ khác nhau. Quy trình ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế khác với việc xâydựng luật, pháp lệnh và đơn giản hơn. Song, khi thực hiện chúng ta lại ưu tiên việc thực hiện các cam kết quốc tế hơn là việc thực hiện một số quy định của luật, pháp lệnh khác với cam kết quốc tế. Như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng một quy định của luật, pháp lệnh sẽ không được thi hành trên thực tế, do đó chính sách, chủ trương của Đảng được thể chế hoá trong một số quy định này của pháp luật hoặc ý trí, nguyện vọng của nhân dân được thông qua cơ quan quyền lực Nhà nước để ban hành thành các quy định pháp luật này cũng không được thi hành. Đây là vấn đề mà chúng tôi thấy cần nghiên cứu để có biện pháp khắc phục tình trạng này nhằm bảo đảm việc Nhà nước vừa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của điều ước quốc tế đồng thời cũng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

 

 

III

 

KIẾN NGHỊ

 

Để đảm bảo chất lượng nội dung của điều ước quốc tế phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chúng ta cần nghiên cứu chặt chẽ quy trình ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế ngay từ việc quyết định ký kết hoặc tham gia đến việc công bố điều ước quốc tế để các cấp, các ngành và nhân dân biết thực hiện.

 

Đối với những người có thẩmt quyền hoặc được uỷ quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế cầm phải được bồi dưỡng, tạo điều kiện để họ nắm chắc các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

Khi chuẩn bị ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế mà có quy định trái với quy định của pháp luật Việt nam thì chúng ta có thể tuyên bố bảo lưu những quy định này, trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định việc bảo lưu thì người có thẩm quyền quyết định việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế đó phải báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những quy định của điều ước quốc tế trái với luật hoặc pháp lệnh để có biện pháp xử lý, tránh trường hợp quy định của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia lại khác với các quy định của pháp luật trong nước.

 

Khi các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia có hiệu lực pháp lý thì cần phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố và phổ biến tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân biết thực hiện.

Cân nhắc lại cách quy định trong luật, pháp lệnh để thể hiện thái độ của Nhà nước là vừa coi trọng, nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế đồng thời cũng nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KINH NGHIỆM CHUYỂN HOÁ QUY PHẠM

PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀO PHÁP LUẬT TRONG

NƯỚC Ở CỘNG HOÀ PHÁP VÀ MỘT SỐ NƯỚC

CHÂU ÂU

 

………………………………….

 

                                                               Ngyễn văn Bình

 

 

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với sự phát triển của các quan hệ quốc tế, ngày càng có nhiều điều ước quốc tế đượcký kết trong quan hệ song phương cũng như đa phương. Có người nói rằng ngành luật mới đã hình thành, đó là pháp luật điều ước quốc tế.

 

Vấn đề đặt ta là: quy phạm điều ước quốc tế được áp dụng ở các nước như thế nào ? áp dụng tực tiếp điều ước quốc tế hay chỉ áp dụng quy phạm điều ước quốc tế khi đã được “chuyển hoá” thành quy phạm pháp luật trong nước ? Cho đến nay trên thế giới vẫn có hai quan niệm khác nhau: một là quan niệm nhất hệ (moniste) cho rằng trật tự pháp luật quốc tế và trật tự pháp luật trong nước tạo thành tổng thể thống nhất các quy phạm pháp luật của một nước, và trong tổng thể các quy phạm ấy, quy phạm quốc tế có hiệu lực cao hơn quy phạm trong nước; và hai là quan niệm lưỡng hệ (dualiste) cho rằng hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật trong nước là hai hệ thống pháp luật độc lập, riêng biệt và bình đẳng.

 

Tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm lý luận và thực tiễn quốc tế là việc làm cần thiết giúp ta có thêm kinh nghiệm và hiểu biết trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt nam. Theo tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của Pháp và một số nước Châu Âu về vấn đề chuỷen hoá quy phạm điều ước quốc tế vào quy phạm trong nước, nhất là kinh nghiệm xử lý mối quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế vói quy phạm pháp luật trong nước ở Pháp.

 

I. KINH NGHIỆM CỦA PHÁP TRONG VẤN ĐỀ CHUYỂN HOÁ QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀO PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC.

 

1.Cơ sở pháp lý:

 

Điều 55 Hiến pháp Cộng hoà Pháp quy định: “Các điều ước quốc tế và Hiệp định, đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định, có hiệu lực cao hơn luật, kể từ ngày công bố, với điều kiện điều ước quốc tế và hiệp định đó cũng được Bên kia thực hiện”. Với quy định trên đây, Pháp là một trong số rất ít nước mà pháp luật quốc tế được chuyển thẳng vào pháp luật trong nước mà không có sự can thiệp của cơ quan lập pháp quốc gia.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, Điều 55 Hiến pháp hiện hành của Pháp không chỉ quy định các điều ước quốc tế và hiệp định quốc tế mà cả các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế và hiệp định quốc tế cũng đều có hiệu lực cao hơn luật trong nước và được áp dụng tức thì khi điều ước quốc tế và hiệp định đó được phê chuẩn hoặc phê duyệt và được công bố ở Pháp, tất nhiên là với diều kiện có đi có lại như đã nêu ở trên.

 

Pháp quy định điều kiện có đi có lại đối với việc thực hiện điều ước quốc tế là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tình nguyên tắc và lý thuyết. Bởi lẽ, thên thực tế Toà án Pháp không có quyền xác minh và xem xét trường hợp nào có thể xem như Bên kia không thực hiện điều ước quốc tế đã ký kết với Pháp và vì vậy các quy phạm của điều ước quốc tế đó không có hiệu lực thi hành ở Pháp măc dù điều ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định. Thẩm quyền xem xét đánh giá điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện điều ước quốc tế thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Điều kiện này cũng chỉ đặt ra với điều ước quốc tế ngoài khuôn khổ pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Điều kiện có đi có lại trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu, hoàn toàn được thoả mãn bởi vì hệ thống pháp luật của Cộng đồng Châu Âu là một hệ thống hoàn chinhr boa gồm một tổng thể các quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu và trao cho Toà án Châu Âu quyền giám sát và xử lý vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Các hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu đương nhiên bị xử lý và vì vậy các quốc gia thành viên có nghĩa vụ chấm dứt hành vi đó và vì thế điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thường xuyên được thoả mãn. Vì vậy Toà án quốc gia không cần xác minh về điều kiện có đi có lại khi áp dụng các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu trong công tác xét xử.

 

Giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật quốc tế trong quan hệ với các quy phạm pháp luật trong nước. Các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu được chuyển hoá thẳng vào pháp luật trong nước theo quy định của Điều 55 của Hiến pháp có phải phù hợp với Hiến pháp Pháp hay không ? Phải chăng các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu là một hệ thống pháp luật riêng, có giá trị cao hơn pháp luật trong nước ? Hay nói một cách khác, việc áp dụng các quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có cần phải xem xét đến tính hợp hiến của các quy phạm này không ? lời giải đáp cho câu hỏi này đặc biệt quan trọng trên hai bình diện:

 

- Thứ nhất, là đảm bảo thế cân bằng quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp;

 

- Thứ hai, là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Luật Hiến pháp Cộng hoà Pháp.

 

Vấn đề này quả thật là một thách đố không nhỏ ít ra là trên phương diện nguyên tắc. Bởi lẽ, tuỳ theo quan điểm về vấn đề này mà các thiết chế quyền lực quốc gia có thẩm quyền do Hiến pháp quy định vẫn phải tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế do các điều ước quốc tế quy định, hay ngược lại, công dân Pháp có quyền không tôn trọng các quy phạm điều ước quốc tế trái với các quy phạm pháp luật trong nước.

 

Về vấn đề này, quan điểm của Pháp khá rõ ràng. Thứ nhất, điều ước quốc tế là một bộ phận hữu cơ của hệ thống pháp luật Pháp; và thứ hai là quy phạm điều ước quốc tế chuyển hoá vào pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp không thể trái với các quy phạm Hiến pháp.

 

Toà án Cộng đồng Châu Âu lại có quan điểm hoàn toàn đối lập và cho rằng việc vi phạm các nguyên tắc hiến định cuả quốc gia không ảnh hưởng gì đến pháp lý và hiệu lực thi hành quy phạm điều ước quốc tế ở các quốc gia thành viên. Nói một cách khác, theo quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu, thì các quy phạm điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp ở các quốc gia tham gia điều ước quốc tế và có giá trị pháp lý cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước của các quốc gia thành viên kẻ cả quy phạm của Hiến pháp các quốc gia này. Tuy nhiên, Toà án Cộng đồng Châu Âu chấp nhận áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế phải do các Toà án quốc gia đảm nhiệm theo trình tự và thủ tục do pháp luật quốc gia quy định. Như vậy, chỉ có vấn đề trình tự và thủ tục là theo quy định của pháp luật quốc gia, còn nội dung cá quy phạm pháp luật quốc tế là bất di bất dịch.

 

Từ hai quan điểm đối lập trên đây chúng ta có thể rút ra hai nhận xét:

 

- Phải chăng với sự phát triển các quan hệ quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng ở Châu Âu, mà cho rằng quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu là thực tế hơn khi quan niện rằng các quy phạm luật quốc tế nói chung và đặc biệt là các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị pháp lý cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước (cao hơn cả quy phạm Hiến pháp của các nước thành viên).

 

- Mặt khác, xét trên bình diện pháp lý, có lẽ là ngẫu nhiên nếu quan niệm rằng khi điều ước quốc tế có hiệu lực thì pháp luật quốc gia, kể cả ở cấp độ quy phạm Hiến pháp sẽ phải lùi bước trước các quy phạm điều ước quốc tế; bởi lẽ pháp luật điều ước quốc tế nói chung và pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng bắt nguồn từ một điều ước được ký kết giưã các quốc gia thành viên trong khuôn khổ chủ quyền quốc gia và vì vậy được thực hiện ở các quốc gia thành viên phù hợp với chủ quyền quốc gia. Thực ra, điều ước quốc tế được thực hiện hoàn toàn hợp pháp ở mỗi quốc gia thành viên, chính là do các quy phạm hiến định của các quốc gia thành viên cho phép đạt được kết quả đó. Nếu như tiến trình thống nhất Châu Âu có thể dẫn đến việc vô hiệu hoá Hiến pháp của các quốc gia thành viên trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên, thì chí ít ra Hiến pháp quốc giacũng vẫn là cơ sở pháp lý làm căn cứ để xây dựng các quy phạm pháp luật trong nước.

 

2. Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước.

 

a) Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với luật trong nước.

 

Nghiên cứu quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với luật trong nước, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc tế nói chung và quy phạm luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước ở Pháp đặt ra 4 vấn đề:

 

-        Cơ quan lập pháp quốc gia có còn thẩm quyền lập pháp trong một lĩnh vực đã được điều ước quốc tế quy định (cho dù điều ước quốc tế do cơ quan hành pháp ký kết) ? câu trả lời của Pháp về vấn đề này rất rõ ràng: cơ quan lập pháp quốc gia không thể ban hành luật trong lĩnh vực này bởi vì hoặc là một điều khoản nào đó có hiệu lực thi hành trực tiếp của điều ước quốc tế đã quy định hoặc vấn đề đã được quy định tại một vaưn bản thi hành điều ước quốc tế đó.

-        Trường hợp cơ quan lập pháp quốc gia không tôn trọng quy định nói trên thì đương nhiên xét trong tương quan giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước có thể xem thái độ đó là bất hợp pháp. Nhưng xét trong tương quan nội tại giữa các quy phạm pháp luật trong nước thì câu trả lời thật không đơn giản và khá tế nhị.

-        Vấn đề này đã được đặt ra với các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu ban hành dưới hình thức văn bản Chỉ thị (Directive): mặc dù với tên gọi văn bản là Chỉ thị, nhưng có thể quy định những vấn đề thuộc lĩnh vực lập pháp của Pháp. Rõ ràng là nếu Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu không chỉ đặt ra mục tiêu định hướng mà còn quy định các biện pháp để đạt mục tiêu đó. Cơ quan lập pháp quốc gia sẽ không có phần thẩm quyền còn lại như điều ước thành lập Cộng đồng Châu Âu quy định.

-        Vấn đề thứ tư là có những lĩnh vực mà pháp luật Cộng đồng Châu Âu và pháp luật trong nước phải bổ sung cho nhau:

 

Trước hết trong lĩnh vực hình sự chẳng hạn: các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu không có thẩm quyền quy định chế tài hình sự. Pháp luật quốc gia ở đây phải bổ sung pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Trong lĩnh vực này cũng nảy sinh một vấn đề khá tế nhị bởi lẽ, theo thông lệ, luật hình sự Pháp quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu bằng kỹ thuật dẫn chiếu. Trường hợp quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thay đổi sau khi luật hình sự Pháp dẫn chiếu thì sẽ xử lý như thế nào ? Việc dẫn chiếu như vậy liệu còn phù hợp với nguyên tắc theo đó pháp luật hình sự chỉ được hiểu đúng theo nghĩa hẹp nữa không? án lệ Pháp, dù rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách xử lý nhất quán.

 

Quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng những chế tài hình sự của một quốc gia đối với hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu không phảp là không có cơ sở. Toà án Cộng đồng Châu Âu quan niệm rằng một chế tài hình sự đã tuyên theo quy định của một văn bản luật hình sự quốc gia trái với pháp luật Cộng đồng Châu Âu thì bản án đó cũng không phù hợp với pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Như vậy là ngay cả trong lĩnh vực hình sự về nguyên tắc thuộc thẩm quyền lập pháp quốc gia, pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định ở Pháp.

 

Trong lĩnh vực thuế khoá cũng vậy: Cộng đồng Châu Âu có xu hướng tạo nguồn thu riêng bằng thuế (T.V.A) hoặc các khoản thu có tính chất thuế khoá (lệ phí đồng trách nhiệm). Vấn đề đặt ra là các khoản thu như vậy chỉ cần căn cứe vào các quy định của Cộng đồng Châu Âu hay vẫn phải được Nghị viện biểu quyết thông qua theo quy định tại Điều 34 Hiến pháp và quy định tại Luật ngân sách? với tiến trình hội nhập và thống nhất Châu Âu, Pháp quan niệm rằng chỉ cần căn cứ vào quy định của Cộng đồng Châu Âu là đủ để thực hiện các khoản thu cho ngân sách Cộng đồng Châu Âu, bởi lẽ Nghị viện Châu Âu cũng được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

 

b) Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với quy phạm dưới luật.

 

Theo kinh nghiệm của Pháp có ba vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu và phân tích quan hệ giữa điều ước quốc tế với quy phạm dưới luật trong nước.

 

     - Trừ một trường hợp có những khó khăn về cơ sở pháp lý của việc chuyển hoá như đã nêu ở trên, pháp luật quốc gia là cần thiết để bổ sung cho các quy định của pháp luật quốc tếvà pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Trường hợp này thường gặp nhất là đối với các văn bản dưới luật. Các quốc gia thành viên thường phải ban hành các văn bản quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy phạm của pháp luật quốc tế. Về phương diện kỹ thuật văn bản, hoàn toàn có thể ghi căn cứ vào một quy phạm quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu để ban hành quy phạm dưới luật trong nước. Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, ngày nay các văn bản quy phạm dưới luật trong hệ thống pháp luật của Pháp hoàn toàn có thể căn cứ vào quy phạm pháp luật quốc tế hay quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

       - Đối với các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, Toà án Cộng đồng Châu Âu khẳng định quan điểm rằng chỉ văn bản quy phạm nào của Cộng đồng Châu Âu có quy định các quốc gia thành viên ban hành các quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, thì các quốc gia thành viên mới ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Điều này cũng dễ lý giải, bởi nếu các nước thành viên ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành quy phạm Cộng đồng Châu Âu tràn lan có thể dẫn đến tình trạng quy phạm Cộng đồng Châu Âu được thực thi không nhất quán ở các quốc gia thành viên do việc hướng dẫn thi hành khác nhau.

       - Trường hợp quy phạm quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng đê cập đến những vấn đề thuộc thẩm quyền lập quy của Pháp, thì Pháp cần phải ban hành văn bản lập quy để “tái thể hiện” quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu trong quy phạm lập quy của Pháp.

 

c) Quan hệ giữa quy phạm điều ước quốc tế và việc thực thi pháp luật của Toà án quốc gia.

 

Án lệ của Toà án Hiến pháp của Pháp cho rằng cơ sở pháp lý hiến định tại Điều 55 Hiến pháp về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước không quy định thẩm quyền của Toà án Hiến phảptong việc kiểm tra tính phù hợp của các quy phạm trong nước với quy phạm pháp luật quốc tế. Vậy phải chăng vấn đề này phải do Toà án giải quyết khi có xung đột giữa quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật trong nước về cùng một vấn đề?

 

Trước khi tìm lời giải đáp vấn đề này, xin giới thiệu cơ chế giải quyết xung đột giưa pháp luật Cộng đồng Châu Âu và pháp luật Pháp trong quá trình thực thi pháp luật trước Toà án. Nói một cách khác là phân tích những điều kiện, theo đó các Toà án quốc gia phải áp dụng Điều 177 Hiệp ước Roma về thành lập Cộng đồng Châu Âu: nguyên tắc là khi một quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu được viện dẫn trước một Toà án quốc gia và nếu quy phạm đó khó hiểu, thì bất kỳ Toà án nào cũng có quyền yêu cầu Toà án Cộng đồng Châu Âu giải tích quy phạm này, và nều là trước Toà án tối cao hoặc các Toà án khác xét xử chung thẩm thì Toà án này có nghĩa vụ phải đề nghị Toàn án Cộng đồng Châu Âu giải thích.

 

Hai Toà án tối cao Pháp: Toà phá án và Toà Hành chính tối cao là các cơ quan xét xử tối cao đều cho rằng cơ quan xét xử tối cao của một quốc gia không thể từ bỏ quyền giải thích pháp luật một cách đương nhiên và đơn giản như vậy, cho dù là quy phạm pháp luật quốc tế đã được chuyển hoá thành quy phạm pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp hay là quy phạm pháp luật trong nước. Hai Toà án tối cao tư pháp và hành chính Pháp đều cho rằng mặc dù Điều 177 của Hiệp ước Roma quy định như vậy, nhưng không phải trong mọi trường hợp, cứ có vấn đề giải thích quy phạm Hiệp ước Roma đặt ra là Toà án phải nhất thiết và đương nhiên chuyển việc giải thích pháp luật cho Toà án Cộng đồng Châu Âu. Theo quan điểm này, bất kỳ Toà án nào cũng có quyền giải thích quy phạm mà mình áp dụng để xử lý tranh chấp bất kể đó là quy phạm nước mình, quy phạm pháp luật nước ngoài hay quy phạm pháp luật quốc tế, một khi không có vấn đề gì phải bàn cãi về ý nghĩa của quy phạm đó nữa. Măc dù quan điểm này khác xa quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu và cũng còn bị nhiều người chỉ trích, nhưng có lẽ cũng không trái với Hiệp ước Roma về thành lập Cộng đồng Châu Âu.

 

Xét trên phương diện pháp lý, các Toà án tối cao của quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu chỉ có nghĩa vụ tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu khi thực sự có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu: như vậy là chỉ khi nào có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu mà Toà án tối cao quốc gia không giải thích được, mới phải tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu. Nếu quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu rõ ràng, nếu việc giải thích quy phạm không có vấn đề gì khó khăn, thì vấn đề giải thích quy phạm cũng không đặt ra, và như vậy cũng không tồn tại nghĩa vụ tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu. Cách xử lý như vậy về vấn đề giải thích quy phạm pháp luật trong nước từ lâu đã trở thành án lệ của Toà án tối cao Pháp. Cách xử lý như vậy nay cũng được vận dụng trong vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Xét về bình diện đường lối xứt xử, cũng khó có thể có cách xử lý nào khác được. Bởi lẽ trên thực tế khó có thể hình dung trường hợp các Toà án tối cao của quốc gia phải chịu bó tay không xét xử được chỉ vì một người đã lợi dụng một cơ hội nào đó để yêu cầu giải thích một đieèu khoản của Hiệp ước Roma, nhiều khi không có liên quan gì đến vụ việc đang xem xét trước Toà, chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian xử lý của Toà án quốc gia, như vậy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người khiếu kiện vì phải chờ quá lâu. Vì vậy nếu như lời văn của Hiệp ước Roma, nhìn bề ngoài theo câu chữ là tuyệt đối, cũng cần được áp dụng một cách hợp lý.

 

Có thể nói rằng, không riêng gì Toà án Pháp xử lý vấn đề này như vậy, mà có lẽ Toà án tối cao ở tất cả các quốc gia thành việc Hiệp ước Roma đều xử lý như vậy: Quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu bao giờ cũng rõ ràng, không có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu cần tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu.

 

Tuy nhiên, cách xử lý như vậy cũng đặt ra ba vấn đề cần phải suy nghĩ: trước hết, xử lý như vậy phải chăng đã không tôn trọng “tinh thần” của Điều 177 Hiệp ước Roma, bởi lẽ mục đích của Điều này là giao cho các cơ quan tài phán duy nhất thẩm quyền giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu để bảo đảm có được sự giải thích thống nhất ở tất cả các nước thành viên trong trường hợp Hiệp ước hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Hiệp ước thực sự có những khó khăn trong việc giải thích. Và rất có thể là cách xử lý như vậy sẽ dẫn đến hậu quả là án lệ của các nước Cộng đồng Châu Âu, về giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, hình thành trên cơ sở quan niệm pháp luật khác nhau của các quốc gia thành viên nên có những giaỉ thích khác nhau ở các nước về cùng một quy phạm. Về vấn đề này, án lệ của Tham chính viện Pháp (Toà Hành chính tối cao) cũng không nhất quán: nếu như có lúc Tham chính viện cho rằng nên căn cứ trực tiếp vào quy định của Hiệp ước hơn là căn cứ vào lời giải thích quy phạm của Toà án Cộng đồng Châu Âu, thì cũng không nên quên rằng, nhìn ching Tham chính viện vẫn căn cứ vào lời giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu của Toà án Cộng đồng Châu Âu. Vì vậy có thể kết luận rằng về vấn đề này vẫn còn những mâu thuẫn nhất định giữa quan niệm chung của Cộng đồng Châu Âu và cách xử lý vấn đề ở các nước thành viên.

 

 

d) Về quan hệ thứ bậc quy phạm giữa quy phạn pháp luật quốc tế và quy phạm pháp lụât trong nước

 

Nghiên cứu vấn đề này, trước hết cần xem xét quan hệ thứ bậc giữa quy phạm quốc tế nói chung và đặc biệt là quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu              Âu với quy phạm pháp luật trong nước ban hành trước khi các quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu có hiệu lực. Hơn nữa quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật công đồng Châu Âu nói ở đây còn tuỳ thuộc đó là quy phạm của chính điều ước quốc tế hoặc Hiệp ước của Cộng đồng Châu Âu hay đó chỉ là quy phạm trong các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Đối với các quy phạm quốc tế hoặc Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp ở Pháp, vấn đề quan hệ thứ bậc so với các quy phạm trong nước không đặt ra: đương nhiên quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có thứ bậc quy phạm trong nước. Trong những lĩnh vực liên quan, các quy phạm trong nước đã ban hành trước đây, trái với các quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu sẽ không có hiệu lực thi hành nữa. Việc xem xét tính hợp pháp của các quy phạm mới chỉ căn cứ vào quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành mà không căn cứ vào quy phạm pháp luật trong nước hiện hành trước khi có quy phạm quốc tế hoặc Châu Âu nữa.

 

Tuy nhiên, ở đây có vấn đề thẩm quyền lập pháp lập quy đặt ra: bởi lẽ, ở Pháp thẩm quyền văn bản quy phạm được quy định khá rõ ràng, vậy thì, liệu quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có thể quy định thẩm quyền lập pháp hay lập quy cho hệ thống quy phạm pháp luật trong nước hay không? lý thuyết cũng như thực tiễn Pháp cho thấy rõ ràng rằng quy phạm quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu không có thẩm quyền lập pháp hay lập quy đối với quy phạm trong nước: có nghĩa là quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu không thể uỷ quyền cho Chính phủ Pháp sửa đổi các quy phạm lập pháp (luật) bằng một văn bản lập quy (Sắc lệnh). Như vậy, trường hợp một quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu liên quan đến vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp của Pháp, nhưng không đủ cụ thể để áp dụng trực tiếp, thì cơ quan lập pháp quốc gia có thể phải ban hành văn bản, đề quy định chế tài hình sự, hoặc quy định các biện pháp thuế khoá, hoặc uỷ quyền cho Chính phủ ban hành các quyđịnh cần thiết để hướng dẫn thi hành quy phạm điều ước quốc tế hoặc quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

Ngược lại việc xử lý xung đột giữa pháp luật quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu với quy phạm trong nước ban hành sau khi quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Cộng đồng Châu Âu đang có hiệu lực là cả một vấn đề khó khăn và nan giải ở Pháp. Cách xử lý của Pháp về vấn đề này tuỳ thuộc vào quy phạm trong nước là quy phạm lập quy hay quy phạm lập pháp.

 

      - Đối với quy phạm lập quy trong nước, cách xử xử lý xung đột ở Pháp rất đơn giản: sắc lệnh hay nghị định của Pháp mới ban hành mà trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành trong trường hợp quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp (không phải là văn bản giải thích và hướng dẫn thi hành) thì sắc lệnh hay nghị định đó sẽ bị tuyên là bất hợp pháp, bởi hai lẽ: một là, vì trái với quy phạm, xét về bản chất, ở Pháp có các cơ quan tài phán có chức năng và thẩm quyền xem xét và phán quyết về tính hợp pháp của các văn bản dưới luật.

       - Ngược lại, đối với văn bản ban hành sau mà trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành, thì việc xử lý quả là khó khăn và cũng hết sức tế nhị. Điều này hoàn toàn không chỉ là một giả định sách vở. Cho dù các cơ quan công quyền đều có ý thức tôn trọng pháp luật quốc tế, cũng khó tránh khỏi một số văn bản luật trong nước trai với các quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu. Thực tế, quan điểm của hai cơ quan tài phán tối cao Pháp (Toà phá án và Toà hành Chính tối cao) về vấn đề này trái ngược nhau.

       Toà phá án Pháp cho rằng quá trình thực thi pháp luật, gặp trường hợp quy phạm pháp luật trong nước ban hành sau, nhưng lại trái với quy phạm quốc hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành, thì áp dụng quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu, mà không áp dụng quy phạm trong nước, mặc dù Toà phá án không có thẩm quyền huỷ bỏ quy phạm pháp luật trong nước. Nhưng gặp trường hợp xung đột nêu trên, Toà án căn cứ vào Điều 55 Hiến pháp quy định thứ bậc cao hơn của quy phạm quốc tế, so với quy phạm trong nước cho dù là ban hành sau để áp dụng quy phạm quốc tế mà không áp dụng quy phạm trong nước. Hơn nữa Hội đồng bảo hiểm của Pháp quan niệm rằng việc xem xét tính thứ bậc cao hơn của quy phạm quốc tế, so với quy phạm trong nước không thuộc thẩm quyền của Hội đồng bảo hiểm, vì vậy việc tôn trọng thứ bậc quy phạm giữa hai loại quy phạm này thuộc thẩm quyền Toà án, và trong hệ thống Toà tư pháp chủ yếu thuộc thẩm quyền của Toà phá án. Vì vậy Toà phá án có thẩm quyền xử lý xung đột giữa quan hệ quy phạm pháp luật quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu với quy phạm trong nước, kể cả quy phạm lập pháp (luật).

        Tham chính viên Pháp (Toà hành chính tối cao) lại có quan điểm ngược lại: trường hợp quy phạm luật trong nước ban hành sau, dù có trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu ban hành trước, Toà án Pháp chỉ có thể áp dụng quy phạm trong nước. Quan điểm này của Tham chính viện Pháp dựa trên ba căn cứ sau đây:

       Các điều ước quốc tế (hay Cộng đồng Châu Âu ) chỉ được chuyển hoá vào hệ thống pháp luật trong nước, theo đúng quy định của Hiến pháp, vì vậy chỉ có thể áp dụng điều ước quốc tế (hoặc Châu Âu) trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp;

       - Tham chính viện, cũng như các cơ quan tài phán chuyên biệt khác, chỉ có thẩm quyền theo quy định, và vì vậy, không có quyền quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của mình;

       - Nhiệm vụ của Tham chính viện là áp dụng, cho dù đạo luật được ban hành sau khi có điều ước quốc tế mà lại trái với điều ước quốc tế, vì đạo luật mới thể hiện ý chí mới nhất của cơ quan lập pháp, nên Tham chính viện có nghĩa vụ tôn trọng và không có quyền phán quyết và huỷ bỏ luật.

 

Như vậy không có nghĩa là Tham chính viện xem thường nguyên tắc hiến định nêu tại Điều 55 Hiến pháp về hiệu lực pháp lý của pháp luật quốc tế cao hơn quy phạm pháp luật trong nước. Nhưng Tham chính viện cho rằng quy phạm điều ước quốc tế chỉ được áp dụng ở Pháp theo đúng quy định của Hiến pháp, Toà án không thể xem thường tính cân bằng giữa các cơ quan quyền lực do Hiến pháp quy định. Nói một cách khác, Tham chính viện cho rằng, Toà án được lập ra là để áp dụng pháp luật vào công tác xét xử, không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của đạo luật, càng không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các quy phạm quốc tế được chuyển hoá vào pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp. Chính vì vậy, khi Nghị viện đã thông qua một đạo luật, kể cả trong trường hợp trái với quy phạm của luật quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu, Toà án trong phạm vi thẩm quyền Hiến pháp quy định, chỉ có thể áp dụng luật mà thôi.

 

Như vậy Tham chính viện, vì muốn tôn trọng nguyên tắc cơ bản về phân lập quyền lực giữa quyền lập pháp và quyền tư pháp, nên đã cho rằng nghĩa vụ hiến định về việc tôn trọng điều ước quốc tế nếu có đặt ra, cũng chỉ là nghĩa vụ đối với các cơ quan lập pháp mà thôi.

 

Tóm lại, Tham chính viện cũng như Hội đồng Bảo hiểm của Pháp, căn cứ vào những nguyên tắc hiến định của Pháp, đều cho rằng; là cơ quan tài phán có thẩm quyền chuyên biệt theo quy định, mình không có quyền giám sát việc tôn trọng nguyên tắc thuộc thẩm quyền duy nhất của Nghị viện. Tham chính viện đã không cho phép mình phán quyết về sự tôn trọng thứ bậc quy phạm đối với một văn bản do Nghị viện thông qua.

 

Nếu quan điểm của hai Toà án tối cao Pháp (Hành chính và Tư pháp) khác nhau về vấn đề này, có thể lý giải vì bản chất thẩm quyền của Toà Tư pháp tối cao và Toà Hành chính tối cao khác nhau:

 

      - Đối với Toà phá án, về đề chỉ đơn thuần là lựa chọn giữa hai quy phạm pháp luật, cần phải áp dụng quy phạm nào để xét xử một vụ việc nhất định;

 - Đối với Tham chính viện, vấn đề hoàn toàn khác bởi lẽ phải xem xét tính hợp hiến của một đạo luật

      - Vấn đề còn lại là hiệu lực pháp lý của đạo luật trái với quy phạm điều ước quốc tế sẽ bị “bãi bỏ” hay chỉ đơn giản là “không được áp dụng” nữa. Hai cách xử lý có ý nghĩa rất khác nhau:

      - Nếu quy phạm trong nước trái với quy phạm quốc tế bị “bãi bỏ”, có nghĩa là hoàn toàn không có hiệu lực kể cả đối với những người không phải là công dân của các nước thành viên, lẽ ra không được viện dẫn đến quy phạm quốc tế mà nước mình không ký kết hoặc tham gia.

      - Nếu quy phạm trong nước chỉ “không được áp dụng” nữa, đối với những người là công dân của các nước thành viên, thì vẫn có hiệu lực với những người là công dân của các nước không tham gia điều ước quốc tế, là những người không có quyền đòi hỏi áp dụng quy phạm quốc tế hay Cộng đồng Châu Âu, trong khi quy phạm pháp luật trong nước của Pháp quy định khác.

 

Cách xử lý vấn đề này ở Pháp thiếu nhất quán giữa các hệ thống cơ quan tài phán: Hội đồng bảo hiểm khẳng định mình không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các quy phạm quốc tế được chuyển hoá vào pháp luật Pháp theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, vì vậy nếu có xung đột giữa quy phạm điều ước quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu với quy phạm trong nước của Pháp, thì chỉ áp dụng quy phạm điều ước quốc tế với công dân của các nước thành viên. Tham chính viện lại cho rằng xung đột giữa quy phạm điều ước quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu với quy phạm pháp luật trong nước là xung đột khách quan, nên bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu xem xét, bãi bỏ quy phạm pháp luật trong nước trái với quy phạm pháp luật quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Toà phá án Pháp lại cho rằng trong trường hợp xung đột giữa quy phạm pháp luật quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu voứi quy phạm pháp luật trong nước thì chỉ không áp dụng quy phạm pháp luật trong nước với công dân các nước thành viên của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu, còn công dân các nước không phải là thành viên Công ước quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu thì vẫn áp dụng quy phạm pháp luật trong nước. Tất nhiên quan điểm này của Toà phá án Pháp có lẽ cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý xung đột giữa hai loại quy phạm trong việc lựa chọn quy phạm để áp dụng vào việc xét xử một vụ việc nhất định, và, vì thế có lẽ không hẳn trái ngược với quan điểm của Toà Tham chính viện, xét về phương diện bản chất.

 

Tóm lại, có lẽ nói chính xác về cách xử lý nói chung của Pháp trong trường hợp xung đột này là quy phạm pháp luật trong nước, ban hành sau, mà trái với quy phạm quốc tế hoặc của Cộng đồng Châu Âu sẽ “không còn hiệu lực thi hành” thì đúng hơn là bị “bãi bỏ”.

 

Điều đáng lưu ý ở đây là, cho dù có ý kiến khác nhau, nhưng cả Hội đồng bảo hiểm, Toà phá án và Tham chính viện Pháp đều căn cứ vào Hiến pháp để đưa ra lập luận của mình. Vậy Toà án Cộng đồng Châu Âu lại khẳng định rằng quy phạm Cộng đồng Châu Âu trong mọi lĩnh vực đều có giá trị pháp lý cao hơnm pháp luật trong nước, kể cả trường hợp quy phạm pháp luật trong nước ban hành sau. Như vậy là vẫn có sự khác nhau trong quan điểm của các cơ quan tài phán Pháp với Toà án Cộng đồng Châu Âu. Vấn đề là ở chỗ, phải chăng Hiệp ước Roma, mặc dù có những đặc thù riêng, vẫn là một điều ước quốc tế như bất cứ một điều ước quốc tế nào khác và chỉ được áp dụng đúng theoe các nguyên tắc hiến định của quốc gia, hay Hiệp ước Roma về thành lập cộng đồng Châu Âu là một điều ước quốc tế đặc biệt, theo đó các quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu phải tuân thủ một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề xung đột nêu trên cũng ít xảy ra.

 

Sau khi giới thiệu khá chi tiết về kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước đặc biệt là kinh nghiệm xử lý mối quan hệ giữa quy phạm điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước trong quá trình thực thi pháp luật, chúng tooi xin giới thiệu vắn tắt về kinh nghiệm của một số nước Châu Âu (Đức, Anh, Italia và Hà Lan).

 

II. CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

 

Nghiên cứu Hiến pháp Cộng hoà liên bang Đức (đạo luật cơ bản) 1949 có thể nhận thấy rằng Đức theo quan điểm “lưỡng hệ”. Tuy nhiên đạo luật cơ bản của Đức không loại trừ việc hạn chế một phần chủ quyền quốc gia vì lợi ích của tổ chức quốc tế; Theo đó khi các quy phạm điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành sẽ được chuyển hoá không khó khăn gì vào pháp luật trong nước.

Vấn đề xung đột giữa các quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước được xử lý ở Đức mỗi thời kỳ một khác nhau: hai quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang Đức năm 1967 và năm 1974 về vấn đề này theo hai cách xử lý khác nhau. Năm 1967, Toà án Hiến pháp liên bang khẳng định ưu thế của quy phạm pháp luật quố tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng so với quy phạm pháp luật trong nước, kể cả quy phạm Hiến pháp. Năm 1974 Toà án Hiến pháp liên bang lại đưa ra một giải pháp khác (nếu không muốn nói là giải pháp “số lùi”). Theo quyết định này, Toà án Hiến pháp liên bang khẳng định rằng quy phạm điều ước quốc tế và Châu Âu chỉ đước chuyển hoá thành quy phạm pháp luật trong nước nếu không trái với những nguyên tắc dân chủ hiến định. Từ quyết định trên, có thể rút ra kết luận rằng Cộng hoà liên bang Đức cũng như Pháp, chỉ chấp nhận về nguyên tắc, chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thành quy phạm pháp luật trong nưóc trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến của quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Như vậy, Đức cũng như Pháp chưa chấp nhận tính ưu thế của quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu so với quy phạm pháp luật trong nước.

 

III. CỘNG HOÀ ITALIA

 

Hiến pháp hiện hành của Cộng hoà Italia được ban hành ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nên vẫn mang tư tưởng “lưỡng hệ” từ thời quân chủ, nhưng cũng chấp nhận một phần chủ quyền quốc gia vì quyền lợi của tổ chức quóoc tế. Tư tưởng này được thể hiện trong các ĐIũu 10,11 của Hiến pháp Italia. Vì vậy khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Ita lia không cần phảI sửa đổi Hiến pháp.

 

Tuy nhiên, án lệ của Toà án Hiến pháp Ita lia về vấn đề quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu với quy phạm pháp luật trong nước lại cũng không nhất quán và theo hướng trái ngược với án lệ của Toà án Hiến pháp Đức.

 

Thời kỳ đầu, Toà án Hiến pháp Italia khẳng định tính ưu việt của Hiến pháp Italia so với quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu chỉ được chuyển hoá vào pháp luật trong nước trên cơ sở ơhù hợp với Hiến pháp Italia. Những năm gần đây, Toà án Hiến pháp Italia lại khẳng định rằng pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị pháp lý cao hơn quy phạm pháp luật quốc gia kể cả quy phạm Hiến pháp. Tuy nhiên, Toà án Hiến pháp Italia là cơ quam duy nhất có thẩm quyền phán xét vấn đền này.

 

IV. VƯƠNG QUỐC ANH

 

Hệ thống pháp luật Anh mang hai đắc thù chủ yếu sau đây:

 

1. Anh theo quan điểm “lưỡng hệ”, theo đó chủ quyền tuyệt đối thuộc về Nghị viện: công dân Anh chỉ có nghĩa vụ tôn trọng các quy định do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Anh ban hành. Theo đó mọi quy phạm Điều ước quốc tế liên quan đến các công dân Anh chỉ được áp dụng khi đã được “tái hiện” trong các quy phạm pháp luật trong nước do các cơ quan có thẩm quyền của Anh ban hành.

 

2. Đặc thù thứ hai của hệ thống pháp luật của Anh là không có Hiến pháp, mọi quy phạm pháp luật đều được quy định trong các đạo luật thông thường, cho nên rất có thể một quy phạm do đạo luật này quy định lại bị một quy phạm của đạo luật khác bãi bỏ.

 

Với hai đặc thù nếu trên, Anh khó chấp nhận một hệ thống pháp luật quốc tế nói chung và hệ thống pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng, với những quy phạm có hiệu lực thi hành “trực tiếp” ở các quốc gia thành viên và với “tính bất khả đảo ngược” của các cam kết quốc tế. Có lẽ vì vậy mà một số người vẫn chưa tin vào khả năng Anh thực sự muốn gia nhập Cộng đồng Châu Âu (một cách trọn vẹn). Thực tế là nhiều năm sau khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Anh vẫn cho rằng việc thảo luận lại điều kiện Anh gia nhập Cộng đồng Châu Âu là việc làm bình thường, thậm chí Anh còn đề nghị đưa việc này ra trưng cầu dân ý toàn quốc. Cách xử lý của Anh về mối quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước có vẻ là trái Logic thông thường. Nhưng ít ra chúng ta có thể rút ra kết luận rằng Anh chỉ chấp nhận các quy phạm pháp luật quốc tế cũng như quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng trên cơ sở không trái với các quy phạm trong nước.

 

Riêng về quan hệ giữa quy phạm pháp luật Anh và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, Anh đã tiến hành chuyển hoá quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu voà quy phạm pháp luật trong nước bằng một đạo luật thông thường: “European Communities Act” (Luật Cộng đồng Châu Âu) ngày 17.10.1972. Tại văn bản luật này, Anh đã giải quyết ba vấn đề cơ bản sau đây:

- Được chuyển hoá vào pháp luật Anh không chỉ riêng các quy định tạI Điều ước thành lập Cộng đồng Châu Âu mà chuyển hoá tổng thể các quy phạm có hiệu lực thi hành trực tiếp hay gián tiếp đã được ban hành trước;

 

- Cũng sẽ được chuyển hoá thành pháp luật Anh các văn bản pháp luật Cộng đồng Châu Âu được ban hành về sau này, nhất là các quy định thông qua tại Bruc-xen;

 

- Nghị viện Anh không từ bỏ quyền giám sát trước đối với các quan đIún mà Chính phủ Anh có thể đưa ra tại các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu.

 

Quan cách xử lý của Anh về quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng với quy phạm pháp luật trong nước, có thể rút ra hai nhận xét sau đây:

 

- Việc quy định quan hệ giữa Anh với Cộng đồng Châu Âu nói riêng và với Cộng đồng quốc tế nói chung bằng một đạo luật thông thường của Nghị viện cũng có nghĩa rằng Nghị viện có thể bãi bỏ đạo luật này bất cứ lúc nào;

 

- Mặt khác, cách xử lý của Anh xét về phương diện hình thức, có thể suy ra rằng Anh chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước trên cơ sở sự phù hợp với các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà Anh xem như là nguyên tắc có tính chất Hiến định.

 

V. HÀ LAN

 

Hà lan theo quan điểm “lưỡng hệ” điển hình ở Châu Âu. ngay từ khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Hà lan đã sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với các cam kết quốc tế của mình.

 

Điều 66 sửa đổi Hiến pháp Hà lan quy định: “không áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật Hà lan trong trường hợp việc áp dụng các quy định này tráI với các quy định bắt buộc của các Điều ước quốc tế mà Hà lan ký kết hoặc tham gia”.

 

Điều 67 sửa đổi Hiến pháp của Hà lan quy định: “... có thể uỷ nhiệm một số quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các tổ chức quốc tế theo quy định của một số Điều ước quốc tế ...”

 

Phân tích nội dung hai Điều 66 và 67 Hiến pháp Hà lan có thể rút ra hai kết luận sau:

 

- Luật hiến pháp Hà lan hoàn toàn phù hợp với các quy phạm của pháp luật Cộng đồng Châu Âu bởi vì Hiến pháp của Hà lan quy định giá trị pháp lý của quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu nói riêng và quy phạm của pháp luật quốc tế nói chung cao hơn hẳn giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật trong nước;

 

- Mặt khác, khong thể lý giải được một cách rạch ròi tính ưu việt của các quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu so với quy phạm pháp luật trong nước là do Hiến pháp Hà lan quy định hay do hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu quy định, bởi lẽ trên thực tế không thể phát sinh bất kỳ xung đột nào về vấn đề này.

 

MỘT VÀI  SUY NGHĨ SO SÁNH

THAY LỜI KẾT LUẬN

 

Qua tìm hiểu kinh nghiệm của các nước, so sánh với lí luận và thực tiễn pháp luật đIều ước quốc tế của Việt nam, xin nêu một vài suy nghĩ so sánh thay lời kết luận.

 

1. Trên thế giới có hai trường phái ( 2 quan niệm) về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước: quan niệm nhất hệ       (moniste) và quan niệm lưỡng hệ ( dualiste) như đã trình bày ở trên. Việt nam có lẽ thuộc trường phái nhất hệ : Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có hiệu lực thi hành trực tiếp tại Việt nam, sau khi đã được ký kết, phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng thủ tục mà pháp luật Việt nam quy định, tuy nhiên Việt nam cũng đặt ra đIũu kiện có đi có lại trong việc thực hiện Điều ước quốc tế (Điều 11 khoản 1 pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ) như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế. Việt nam cũng không loại trừ việc ban hành văn bản trong nước, trong trường hợp cần thiết, để thực hiện Điều ước quốc tế (Điều 11 khoản 6 pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ), đIũu này càng thể hiện rõ ý chí của Việ nam trong việc thực hiện Điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hoặc tham gia.

 

2. Việt nam không quy định cơ sở pháp lý cho việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở văn bản cao nhất (Hiến pháp) như nhiều nước khác. Phải chăng nên quy định diều này ở văn bản cao nhất về pháp luật quốc tế của Việt nam – cụ thể là ở dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Điều ước quốc tế (hay ở dự luật Điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai).

 

3. Về quan hệ thứ bậc giữa quy phạm Điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước, có lẽ Việt nam (đã thể hiện qua văn bản luật hiện hành) đặt vị trí của Điều ước quốc tế sau Hiến pháp: Điều 146 Hiến pháp 1992 quy định Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất và mọi văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp (thiết nghĩa kể cả Điều ước quốc tế). Hơn nữa pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế có quy định việc Điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật và pháp lệnh (Điều 4 khoản 1) – và thông thường các văn bản pháp luật Việt nam thường có điều khoản quy định trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế. Vậy nên chăng quy định vào văn bản pháp luật cao nhất của Việt nam về Điều ước quốc tế một điều để khỏi phải nhắc lại ở tất cả các văn bản khác, nếu điều này đã thực sự trở thành nguyên tắc.

 

Tuy nhiên ở đây có mấy vấn đề cần phải suy nghĩ cân nhắc:

 

Quy định như vậy thể hiện rõ cam kết của Việt nam có hiệu lực pháp lý cao nhất (cao hơn cả luật trong nước) có lẽ rất phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Việt nam.

 

Vấn đề là ở chỗ hiện tại Việt nam có 3 loại Điều ước quốc tế: danh nghĩa Nhà nước; danh nghĩa Chính phủ và danh nghĩa Bộ, Ngành. Vậy phải chăng mọi Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đều có giá trị cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước? ở đây có vấn đề thẩm quyền: Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước là thể hiện ý chí của Nhà nước thông qua người đại diện cao nhất theo quy định của pháp luật Việt nam về phương diện đối ngoại là Chủ tịch nước ký hoặc phê chuẩn, và nếu cần có thể trình Quốc hội phê chuẩn, không có vấn đề lớn về thẩm quyền cần bàn. Nhưng Điều ước  danh nghĩa Chính phủ và nhất là Điều ước danh nghĩa Bộ, Ngành, liệu có thể có hiệu lực cao hơn cả luật trong nước do Quốc hội thông qua không? Trường hợp một đạo luật, một pháp lệnh trong nước trái với Điều ước quốc tế danh nghĩa Chính phủ hay danh nghĩa Bộ, Ngành thì kiệu có thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế hay không? Thực tế với số lượng Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia ngày một nhiều, nhất là Điều ước quốc tế danh nghĩa Bộ, Ngành ký kết như tình trạng hiện nay thì thật đáng phải suy nghĩ về điều này và cần phải có giải pháp trong lần sửa đổi bổ sung Pháp lệnh về Điều ước quốc tế tới đây ./.

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

VỀ VIỆC CHUYỂN HOÁ QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

VÀO PHÁP LUẬT QUỐC GIA

QUA KINH NGHIỆM CỦA VƯƠNG QUỐC ANH

 

 

                                                           THẠC SĨ LUẬT HỌC DƯƠNG THANH MAI

 

 

 

Trên phương diện lý luận, Vương quốc Anh theo chủ nghĩa nhị nguyên về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

Trên thực tế, Anh áp dụng hai phương thức (hai học thuyết) khác nhau để đưa các quy phạm của luật điều ước quốc tế và luật tập quán quốc tế vào pháp luật quốc gia.

 

1. Phương thức chấp  nhận (doctrine of incorporation) đối với tập quán quốc tế:

Nếu không có một văn bản quy định ngược lại thì các tập quán quốc tế sẽ trở thành một bộ phận cảu pháp luật Anh và có thể được Toà án Anh áp dụng trực tiếp trong ác vụ việc thích hợp (mà không cần có văn bản cho phép của Nghị viện)

Khi một tập quán quốc tế đã thay đổi thì Toà án Anh có quyền áp dụng tập quán mới đã được xác lập mà không bị ràng buộc bởi các án lệ dựa vào tập quán cũ.

Thí dụ: Vụ Công ty thương mại Trendex kiện Ngân hàng trung tâm Nigeria (1997, QB 529) tại Toà án Anh. Ngân hàng Nigeria khiếu nại để được hưởng quyền miễn trừ quốc gia trên cơ sở tập quán quốc tế về quyền về quyền miễn trừ quốc gia tuyệt đối. Toà thượng thẩm của Anh cho rằng do tình hình thế giơí thay đổi nên quy tắc mới về quyền miễn trừ quốc gia bị hạn chế (Restrictive Sovereign Immunty) đã được xác lập như một tập quán quốc tế. Theo phương thức chấp nhận, Toà án Anh có quyền áp dụng nguyên tắc (tập quán) quốc tế này mà không bị ràng buộc bởi các án ej của Anh dựa trên tập quán cũ về quyền miễn trừ quốc gia tuyệt đối (absolute immunity). Do đó, Toà án đã tuyên Ngân hành trung tâm Nigeria không được quyền miễn trừ quốc gia trong các hoạt động thương mại của mình.

 

2. Phương thức chuyển hoá (doctrine of tranformation) đối với quy phạm Điều ước quốc tế.

 

Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Điều ước quốc tế cần được chuyển hoá vào pháp luật quốc gia bằng một đạo luật do Nghị viện thông qua.

 

Theo quy tắc này, sẽ có hai trường hợp sảy ra đối với Điều ước quốc tế mà Anh tham qua:

 

a) Điều ước quốc tế được chuyển hoá (an enacted Treaty)

 

Điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi đạo luật chuyển hoá (An enabling Act). Việc giải thích đạo luật chuyển hoá do Toà án Anh thực hiện sẽ tuân theo các quy tắc phù hợp với việc giải thích chính các Điều ước quốc tế (Điều 32 Công ước viên).

 

2. Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá (An Unenacted Treaty)

 

Trong trường hợp này, Điều ước quốc tế tuy chưa có hiệu lực nhưng trên thực tế vẫn có ảnh hưởng đến pháp luật quốc gia thông qua những cách khác nhau trong từng trường hợp cụ thể.

 

Khi có một đạo luật hàm ý quy định các nghĩa vụ trong Điều ước quốc tế (chưa chuyển hoá) và nếu như điều khoản của đạo luật đó không rõ ràng, hoặc, có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì Toà án Anh có thể viện dẫn đến Điều ước quốc tế và ưu tiên áp dụng nghĩa phù hợp với Điều ước quốc tế .

 

Thí dụ: Nghị viện Anh ban hành đạo luật về hải quan và thuế (1952) với hàm ý thực hiện nghĩa vụ theo Công ước 1950 về đánh giá hàng hoá vì mục đích hải quan (Convention on the Valuation of Goods for Customs Purposes) mà Anh là thành viên. KHi được yêu cầu giải thích về một số điểm chưa rõ trong đạo luật trên, Toà án phúc thẩm Anh đã viện dẫn đến Công ước 1950 trên cơ sở lập luận rằng, khi điều khoản của luật không rõ ràng và một trong các nghĩa của nó phù hợp với Điều ước quốc tế thì nghĩa này được ưu tiên áp dụng với giả định là Nghị viện Anh không có ý định ban hành văn bản trái với nghĩa vụ quốc tế của mình. Toà án Anh khẳng định quyền và nghiã vụ của Toà án phải tham khảo Điều ước quốc tế để giải thích sự không rõ ràng trong đạo luật quốc gia sẽ không bị hạn chế vì lý do trong đạo luật không có chỉ dẫn đến Điều ước quốc tế.

 

Trong trường hợp không có cả đạo luật hàm ý quy định nghĩa vụ trong Điều ước quốc tế mà chỉ có đạo luật điều chỉnh trên thực tế cùng một đối tượng với Điều ước quốc tế (chưa được chuyển hoá) mà Anh đã tham gia thì:

+ Nếu đạo luật có điều khoản không rõ ràng, Toà án Anh có quyền giải thích theo nghĩa phù hợp với Điều ước quốc tế cũng trên cơ sở giả định Nghị viện Anh không có ý vi phạm Điều ước quốc tế.

 

+ Nhưng nếu đạo luật rõ ràng thì Toà án Anh không có cách nào khác là phải áp dụng đạo luật quốc gia cho dù nó trái với Điều ước quốc tế.

 

Ví dụ: Vụ Brind kiện Bộ trưởng Nội vụ (1991) trong đó:

 

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh ra Chỉ thị cho Hãng IBA và BBC không đưa trên các phương tiện truyền thanh và truyền hình lời phát biểu của bất kỳ đại diện nào cho các tổ chức được liệt kê trong đạo luật về chống khủng bố (1984). Chỉ thị này là phù hợp với đạo luật về quảng cáo (1981) và Thoả thuận cấp giấy phép giữa Bộ Nội vụ với BBC.

 

Các phóng viên của hai Hãng thông tấn này đã kiện lên Toà án Anh rằng Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là vượt quá thẩm quyền và vi phạm Công ước Châu Âu về nhân quyền. Toà án thượng thẩm Anh đã bác đơn của phóng viên trên cơ sở:

 

- Công ước chưa được chuyển hoá bằng đạo luật, do đó chưa phải là bộ phận của pháp luật Anh, Toà án Anh, vì vậy, không có quyền trực tiếp thi hành Công ước mà phải thi hành đạo luật quốc gia, nếu ngược lại thì Toà án sẽ bị coi là lấn quyền lập pháp.

 

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như các công chức khác trong khi thực thi quyền hạn cũng không bắt buộc phải tuân theo Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá nếu không thì họ sẽ bị coi là lầm một việc có thể gọi là “tuồn” Điều ước quốc tế vào pháp luật Anh bằng “cổng hậu”.

 

Một Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá thành pháp luật Anh sẽ không thể làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ, do vậy, không thể đặt vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh có vi phạm Điều 10 Công ước Châu Âu về nhân quyền hay không.

 

Riêng các Điều ước quốc tế của Cộng đồng Châu Âu (European Community) thì luôn có hiệu lực cao hơn pháp luật quốc gia.

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CNXHCN VIỆT NAM

TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CỦA NHÀ NƯỚC TA

 

                                            

                                                        NGUYỄN DUY LÂM-ĐINH XUÂN THẢO

 

- I -

 

THỰC TRẠNG VỀ HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC

VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CHXHCN VIỆT NAM

 

 

1. Khái quát về hệ thống pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam

 

Hệ thống pháp luật trong nước là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ta ban hành theo những trình tự và hình thức nhất định. Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định hệ thống cácvăn bản quy phạm pháp luật gồm các loạu văn bản có giá trị pháp lý từ cao đến thấp: Hiến pháp, các đạo luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch  Uỷ ban nhân dân các cấp.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói trên là hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật (hệ thống nguồn của pháp luật trong nước), còn các chế định pháp luật, ngành luật thuộc hệ thống cấu trúc (bên trong) của pháp luật. Hệ thống pháp luật Việt nam bao gồm các ngành luật cơ bản: Luật Nhà nước (Hiến pháp); Luật hành chính; Luật tài chính; Luật đất đại; Luật dân sự; Luật lao động; Luật hôn nhân gia đình; Luật hình sự; Luật tố tụng hình sự; Luật tố tụng dân sự; Luật kinh tế. Bên cạnh hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế. Luật pháp quốc tế gồm hai bộ phận: Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế. Công pháp quốc tế là tổng hợp các nguyên tắc, những chế định, những quy phạm được các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế xây dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh các quan hệ nhiều mặt giữa chúng. Tư pháp quốc tế bao gồm những nguyên tắc và những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và tố tụng dân sự nảy sinh giữa các công dân, các tổ chức của các nước khác nhau.

 

Điều ước quốc tế là một khái niệm chung, nó bao gồm mọi sự thoả thuận quốc tế bằng các hình thức nhe: Hiệp định, Hiệp ước, Nghị định thư, Tuyên bố chung, Thông cáo chung, Hiến chương, Quy chế, Công ước, Tạm ước, Hoà ước, Minh ước v. v. v.

 

Điều ước quốc tế có điều ước tay đôi và điều ước nhiều bên. Điều ước quốc tế là nguồn của pháp luật quốc tế.

 

Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam theo Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đã được Hội đoòng Nhà nước Việt nam thông qua ngày 17.10.1989 (Điều 1) bao gồm Hiệp ước, Công ước, Định ước, Hiệp định, Nghị định thư, Thoả thuận, Công hàm trao đổi và các văn kiện pháp lý khác ký kết giữa CHXHCN Việt namvới một hay nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được ký kết với danh nghĩa: Nhà nước; Chính phủ; Bộ , Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Việc ký kết Điều ước quốc tế, hiệu lực của Điều ước quốc tế, và thực hiện Điều ước quốc tế như thế nào đều được thể hiện rõ trong pháp luật của các nước. Hiến pháp năm 1992 và Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam quy định rõ thẩm quyền, trình tự tham gia đàm phán, soạn thảo, thông qua văn bản Điều ước quốc tế, ký, phê chuẩn, gia nhập và thông qua Điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế tự nó không phải là nguồn của pháp luật trong nước. Các quy phạm Điều ước quốc tế là các quy phạm luật quốc tế chứ không phải là quy phạm luật quốc gia. Vì vậy, sau khi Điều ước quốc tế phát sinh hiệu lực, việc thực hiện Điều ước quốc tế trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia thành viên do chính quốc gia đó tự quyết định. Thông thường, các quốc gia có ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thực hiện Điều ước quốc tế được “chuyển hoá” thành luật trong nước bằng nhiều cách khác nhau. Thí dụ, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em thông qua ngày 20.11.1989 và có hiệu lực từ ngày 2.9.1990 được thể hiện trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt nam thông qua ngày 12.8.1991 .. . Nói chung, pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế phù hợp nhau, nhưng cũng có trường hợp khác nhau. Hiện nay, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định rằng, nếu các quy định của pháp luật quốc gia trái với các quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế. Trong nhiều văn bản pháp luật của Việt nam cũng quy định như vậy. Ví dụ: Điều 15 khoản 2 Bộ luật dân sự của CHXHCN Việt nam ngày 28.10.1995 quy định: “Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế”; Điều 2 khoản 3 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 21.2.1992; Điều 20 Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam và người nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993; Điều 3 khoản 2 Pháp lệnh về cơ quan đậi diện nước CHXHCN Việt nam ở nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993; Điều 6 Pháp lệnh lãnh sự thông qua ngày 13.11.1990; Điều 3 Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt nam thông qua ngày 23.8.1993 quy định “Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó”.

 

Điều ước quốc tế và pháp luật trong nước có mối quan hệ mật thiết với nhau như đã nêu ở trên, vì vậy việc phổ biến, giáo dục, tổ chức thực hiện pháp luật luôn gắn pháp luật trong nước và Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

2. Thực trạng hiểu biết pháp luật trong nước và điều ước quốc tế

 

Thực trạng hiểu biết pháp luật nói chung của cán bộ và nhân dân ta đang còn thấp. Qua khảo sát, thống kê xã hội học đối với một số đối tượng là học sinh các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng; cán bộ công nhân viên chức đang theo học ở các trường quản lý chuyên ngành và một số đồng bào ở nông thôn, miền núi cho thấy trình độ hiểu biết pháp luật và nhu cầu hiểu biết pháp luật ở của các đối tượng không đồng đều nhau.

 

Đối với học sinh đã qua phổ thông cơ sở (lớp 9) hoặc đã qua phổ thông trung học (lớp 12) mới được làm quen, tiếp xúc với pháp luật qua chương trình giáo dục công dân. Chương trình này được đưa vào chính khoá của các lớp 8,9,12 từ năm 1987 đến năm 1988. Các được trang bị một số kiến thức cơ bản về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khái quát về hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ở Trung ương và cơ sở. ít nhiều, các em đã có nhận thức, ý thức đối với pháp luật. Vì vậy, khi được hỏi: “Ban hiểu gì về pháp luật?” thì 85,71% các em trả lời: “Pháp luật là những quy định của Nhà nước bắt buộc mọi người phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh”. Khi hỏi về thuế, 98,09% các em trả lời “nộp thuế là nghĩa vụ đương nhiên của mọi công dân khi hoạt động sản xuất kinh doanh ..”. Về nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của đối tượng học sing phổ thông và trung học chuyên nghiệp, khi được hỏi: “bạn cần học pháp luật không?” thì 100% trả lời “cần học pháp luật”. Các em rất quan tâm và nhu cầu hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật: 90,4% về quyền và nghĩa vụ công dân; 95,23% về pháp luật kinh tế; 70,47% về pháp luật dân sự; 60,95% về pháp luật hình sự.

 

Đối với sinh viên đại học, cao đẳng có tuổi đời bình quân cao hơn học sinh phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trình độ văn hoá và sự hiểu biết xã hội cũng có khác, vì vậy nhận thức, tình cảm, thái độ đối với pháp luật có phần sâu rộng hơn, tuy nhiên vẫn dừng lại ở mức độ thông thường.

 

ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có đồng bào dân tộc ít đang có sự chênh lệch về đời sống kinh tế, văn hoá quá nhiều so với các tỉnh đồng bằng, thành thị. Đời sống của đồng bào miền núi đang khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều làng bản còn chưa có trường học, trình độ dân chí thấp, số người mù chữ nhiều. Cùng với sự mù chữ ắt dẫn đến tình trạng “mù pháp luật”. Ngay cả số học sinh đang học trong nhà trường cũng không thích học pháp luật vì cho là khó học. Khi yêu cầu nêu tên 6 văn bản luật được biết rõ thì 41,9% nêu đúng từ 1 đến 3 văn bản, còn lại không nêu được văn bản nào. Ngay cả về tuổi kết hôn theo luật định là thực tế bắt gặp thường xuyên trong cuộc sống thường ngày mà có tới 30% nói sai.

 

Đối với cán bộ viên chức Nhà nước nói chung, sự quan tâm và am hiểu pháp luật có khá hơn. Qua khảo sát một số cán bộ viên chức đang học tập, bồi dưỡng tại các trường Đảng, Hành chính, Công đoàn, trường cán bộ phụ nữ, trường cán bộ quản lý ngành thuộc một số ngành như lâm nghiệp, y tế, ngân hàng, bưu điện cho thấy:

Số người đã được học pháp luật (chủ yếu là trong trường họ đang theo học) là 62%.

Số người chưa được học pháp luật bao giờ là 38%.

Số người có biết đến các bản Hiến pháp của Nhà nước ta:  

           + Hiến pháp 1946                                                      57%                         

           + Hiến pháp 1959                                                      42%

           + Hiến pháp 1980                                                      60%

           + Hiến pháp 1992                                                      62%

Số người có biết đến các ngành luật sau:

           + Luật hôn nhân và gia đình                                   80%

           + Luật đất đai                                                         76%

           + Luật hình sự                                                        70%

           + Luật dân sự                                                          53%   

+ Các luật thuế                                                       52%

+ Luật lao động                                                      44%

+ Luật hành chính                                                  35%

+ Luật tố tụng hình sự                                            33%

                 + Pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo              13%

Đối tượng này cho rằng, ngoài nắm kiến thức chuyên môn, việc học tập pháp luật là rất cần thiết và để đáp ứng yêu cầu công việc, cần hiểu biết sâu  các văn bản pháp luật về:

+ Quyền nghĩa vụ cơ bản về công dân

+ Quản lý hành chính

+ Bảo vệ sức khoẻ nhân dân

+ Hôn nhân và gia đình

+ Dân sự

+ Lao động, công đoàn

+ Hình sự

+ Rừng, đất đai, môi trường

+ Kinh doanh

+ Các loại thuế

+ Kinh tế

+ Tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước

+ Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Thực trạng hiểu biết pháp luật nói trên là đối với pháp luật trong nước, còn đối với điều ước quốc tế thì hạn chế hơn nhiều. Đối với học sinh phổ thông và sinh viên đại học (không chuyên luật) được cung cấp những tri thức về pháp luật từ sơ giản đến cơ bản để tạo nên trình độ ý thức pháp luật thông thường vẫn chưa chú ý đề cập đến nội dung điều ước quốc tế và luạat pháp quốc tế. Ngay cả cán bộ viên chức Nhà nước thực thi pháp luật có liên quan đến điều ước quốc tế thì việc am hiểu nó vẫn còn hạn hẹp và quá mức mới mẻ. Về nhu cầu hiểu biết pháp luật, qua khảo sát các loại đối tượng đều chưa thấy đề cập đến cụ thể về điều ước quốc tế, nhưng có nhiều lĩnh vực pháp luật trong nước cần được nghiên cứu học tập lại có quan hệ mật thiêts với điều ước quốc tế như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam, Luật thương mại, các luật về doanh nghiệp, kinh doanh thuế, môi trường, lao động, hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, Luật quốc tịch, pháp luật về lãnh sự, hải quan, xuất nhập cảnh... Vì vậy, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân phải luôn quan tâm chú ý đến pháp luật trong nước và cả điều ước quốc tế. Trong điều kiện nước ta đang đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách kinh tế mở cửa vàg đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hầu hết các nước trên thế giới, việc tuyên truyền giáo dục điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam có ý nghĩa quan trọng đặc biệt

 

 

 

 

                                                  II

    

       CÁC CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

                 TRONG NƯỚC VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

1.Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục các điều ước quốc tế

 

Việc tuyên truyền, giáo dục các văn bản pháp luật nói chung, đã được tiến hành thường xuyên bằng sự phối hợp giữa bộ tư pháp với các ngành, đoàn thể hữu quan như Bộ văn hoá - thông tin, Bộ giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội, Ban tư tưởng -  văn hoá trung ương , Tổng liên đoàn lao động Việt nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam... Đã sử dụng và kết hợp nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền miệng trực tiếp (qua hội thảo, hội nghị tập huấn pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới, quan trọng có liên quan ); tuyên truyền phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ( báo, đài trung ương, địa phương và các ngành ); tuyên truyền thông qua thì tìm hiểu pháp luật, qua các hoạt động thông tin cổ động, tranh ảnh, áp phích; thông qua giáo dục pháp luậttrong hệ thống giáo dục quốc dân, từ các trường phổ thông đến đại học - trung học chuyên nghiệp và dậy nghề, các trường Đảng, trường hành chính, trường đoàn thể, trường bồi dưỡng nghiệp vụ ngành ... Có thể nói, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đáng kể đến công tác bồi dưỡng, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Từ Nghị quyết trung ương 8 (tháng 9-1980 ) đã đề cập đến việc giáo dục pháp luật và đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) một lần nữa lại nhấn mạnh phải coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật “và cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục nâng cao ý thức pháp luật ... cho nhân dân” (văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt nam NXB Sự thật, 1987-tr 121).      

                           

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, đã thu được những kết quả bước đầu, góp phần từng bước nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, hình thành dần ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đưa pháp luật vào các hoạt động quản lý Nhà nước và đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc phổ biến giáo dục về pháp luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam noí riêng còn bị coi nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tại, chưa được coi là nội dung pháp luật trọng tâm tuyên truyền phổ biến cho cán bộ và nhân dân. Mặt khác, mặc dù Nhà nước ta đã ký kết, gia nhập điều ước quốc tế khá nhiều, nhưng các văn bản đó chưa được hệ thống hoá đầy đủ và phát hành rộng rãi để thuận lợi cho việc tìm hiểu nghiên cứu của cán bộ và nhân dân; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyên truyền giáo dục pháp luật với cơ quan tham gia đàm phán, soạn thảo và ký kết điều ước quốc tế và cơ quan chủ quản của chủ thể thi hành điều ước quốc tế đẻe nghiên cứu đánh giá tác dụng, ưu điểm, nhược của các điều ước quốc tế mà ta đã ký kết hay gia nhập trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, chính sách đối ngọại và quan hệ hợp tác giữa CHXHCN Việt nam với các nước và các dân tộc trên thế giới.

 

Một số điều ước quốc tế gần đây có công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài phát thanh và một số tờ báo trung ương, song việc phổ biến, giáo dục sâu rộng chưa được thực hiện nên những văn bản pháp luật đó chưa đi vào cuộc sống, thậm chí cả khái niệm, nội dung sơ giản nhất người dân cũng không hiểu được. ở nước ta hiện nay, việc giới thiệu, nghiên cứu tương đối có hệ thống về luật pháp quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nói riêng mới được thực hiện ở các trường chuyên luật (Đại học luật Hà nội, khoa luật của một số trường đại học) và trường chuyên ngành (Học viện quan hệ quốc-Bộ Ngoại giao, đại học hàng hải, Ngoại thương, Hải quan, Hải quan...) còn các trường khác chưa có hoặc có không đáng kể chương trình, nội dung giảng dạy về điều ước quốc tế.

 

2.    Mối quan hệ giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế

 

    Như ở phần I đã trình bày, pháp luật trong nước và điều ước quốc tế không cùng một hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, điều ước quốc tế tự nó không phải là nguồn của pháp luật trong nước, nhưng chúng có quan hệ khăng khít với nhau. Để ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, các quốc gia ban hành pháp luật trong nước về vấn đề này và thông thường, điều ước quốc tế được chuyển hoá  thành luật trong nước để thực hiện, đồng thời pháp luật trong nước cũng mở ra định hướng, yêu cầu về việc ký kết điều ước quốc tế. Ví dụ: Điều 40 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 23.12.1992 quy định: “Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ CHXHCN Việt nam có thể ký với Chính phủ nước ngoài những hiệp định về hợp tác và đầu tuư phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt nam với nước ngoài”.

    

    Bộ luật dân sự nước ta thông qua ngày 28.10.1995 quy định tại điều 15 (điểm 4): Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác; hay điều 827 về áp dụng pháp luật dân sự của CHXHCN Việt nam, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và pháp luật nước ngoài quy định: Trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

 

    Pháp lệnh hải quan thông qua ngày 20.2.1990 - điều 1: Nhà nước CHXHCN Việt nam tạo điều kiện thuận tiện đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới Việt nam trên cơ sở tuân thủ  pháp luật Việt nam, điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động hải quan mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc công nhận. Điều 2: Trong hoạt động của mình,Hải quan Việt nam tuân theo pháp luật Việt nam và điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động hải quan mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc công nhận. Điều 40: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền quyết định không cho túi ngoại giao qua biên giới, nếu có căn cứ để khẳng định túi ngoại giao bị lạm dụng vào mục đích trái với Công ước Viên về quan hệ ngoại giao. Như vậy, khi tuyên truyền, phổ biến về pháp lệnh hải quan, không thể không giới thiệu các điều ước quốc tế liên quan; nhất là Công ước Viên về quan hệ ngoại giao. Cán bộ ngành hải quan không chỉ hiểu mà còn phải nắm chắc và luôn có tài liệu điều ước quốc tế liên quan trong tay thì mới bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước ta về phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá với nước ngoài, góp phần tăng cường sự giao lưu và hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.

 

     Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảch, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 21.2.1992 - quy định tại điều 2: Nhà nước CHXHCN Việt nam tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt nam của người nước ngoài, bảo hộ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp khác của người nước ngoài cư trú tại Việt nam trên cơ sở pháp luật Việt nam và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

     Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993 - quy định (điều 1): ở nước CHXHCN Việt nam, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật Việt nam cũng như các quy định về hôn nhân và gia đình trong các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

      Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt nam thông qua ngày 23.8.1993-Điều 29 quy định: Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp  quốc và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia ...

 Đơn cử một số điều của một vài văn bản pháp luật trong nước như trên để thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế, từ đó nhận thức đầy đủ mối quan hệ tất yếu giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế để quán triệt trong công tác giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay.

Thực tế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua ít nhiều đã có gắn pháp luật  trong nước và điều ước quốc tế ; chẳng hạn, khi tuyên truyền luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (của Việt nam) thông qua ngày 12.8 1991 và Luật phổ cập giáo dục tiểu học thông qua ngày 12.8.1991 đã kết hợp tuyên truyền: Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em thông qua ngày 20.11.1989; Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong vấn đề con người giữa các nước thông qua ngày 29/5/1993;  Công ước cả Tổ chức lao động quốc tế về tuổi tối thiểu làm việc (Công ước số 138) thông qua ngày 26.6.1973. Kết hợp tuyên truyền luật hình sự với “Những quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 29.11.1995 hay kết hợp tuyên truyền Bộ luật dân sự, Hình sự, Pháp lệnh lãnh sự với Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước ta và một số nước. Công ước Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981 đã được tuyên truyền phổ biến gắn với Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (thông qua ngày 2.12.1993). Tuyên truyền pháp luật về biên giới của ta gắn với tuyên truyền Điều ước hoạch định biên giới, lãnh thổ.

Cách tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam như trên theo chúng tôi là có trọng tâm và đúng định hướng cần được phát huy và mở rộng.

III. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Thực trạng hiểu biết và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nước cũng như điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam đã trình bày ở các phần trên cho thấy: trong những năm vừa qua, đặc biệt từ những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới gần đây, nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực tổ chức, triển khai việc phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và điều ước quốc tế nói riêng cho cán bộ, nhân dân; góp phần từng bước nâng cao ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý. Tuy nhiên, so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tại thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chúng ta còn nhiều thiếu sót. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn nghèo nàn; thiếu phương pháp, hình thức giáo dục chưa phù hợp cho từng loại đối tượng; thiếu sự quan tâm thường xuyên và đầu tư tương xứng cho phổ biến giáo dục điều ước quốc tế so với pháp luật trong nươcs; còn quá ít đề tài nghiên cứu về lý luận và thực tiễn phổ biến giáo dục pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam để tìm ra những luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng những đề án, kế hoạch tổng thể về phổ biến giáo dục điều ước quốc tế. Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót và tăng cường công tác phổ biến giáo dục điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam có hiệu quả, trước hết cần phải xác định được đối tượng, nội dung và phương pháp  tuyên truyền; phổ biến giáo dục sát hợp; tiếp theo phải xây dựng được một cơ chế và các biện pháp tổ chức phối hợp triển khai thực hiện.

Đổi mới việc xác định và lựa chọn nội dung, phương pháp phổ biến giáo dục điều ước quốc tế phù hợp với từng đối tượng là phải kịp thời cung cấp, phổ biến những thông tin điều ước quốc tế cần thiết, đúng đối tượng. Hay nói cách khác, phải có riêng nội dung điều ước quốc tế phù hợp cho từng  loại đối tượng sau đây:

1. Công chức Nhà nước tham gia đàm phán, soạn thảo, thông qua, ký kết, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế

Ký kết điều ước quốc tế là một hoạt động quan trọng tạo ra hình thức chưa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế để làm phương tiện, công cụ cho việc thực hiện chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Vì vậy, thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế được quy định chặt chẽ trong pháp luật quốc gia. ở nước ta, cơ quan có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế được quy định trong Hiến pháp năm 1992 ở Điều 83 khoản 13, Điều 103 khoản 10, Điều 112 khoản 8; trong Luật tổ chức Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 30.9.1992 ở Điều 8 khoản 8; trong Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 17.10.1989 tại Chương II, từ Điều 3 đến Điều 10. Theo quy định trong các văn bản pháp luật nói trên, cơ quan có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế gồm:

- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (cơ quan cấp ngành).

Như vậy, công chức Nhà nước có liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế qua các bước: đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước, ký điều ước, phê chuẩn điều ước, phê duyệt điều ước, gia nhập điều ước, bảo lưu điều ước gồm có các công chức chuyên môn thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, thuộc Chính phủ và thuộc cơ quan cấp ngành. Đó là loại đối tượng cần được quan tâm đầu tiên trong việc giáo dục bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Phải coi việc học tập, bồi dưỡng kiến thức cơ bản, có hệ thống  và thường xuyên về pháp luật trong nước và điều ước quốc tế cho đối tượng này, đó là yêu cầu bắt buộc gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ của họ và là tiêu chuẩn chức danh công chức Nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp hiện nay.

Trong nhóm đối tượng này, những công chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và một số cơ quan pháp luật khác thường là đã được đào tạo cơ bản về pháp luật nói chung và về chuyên ngành luật quốc tế, do đó nội dung và phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thêm đối với họ sẽ khác so với số công chức chưa qua đào tạo chính quy về pháp luật. Mặt khác, đối với số công chức chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp phải được quan tâm đặc biệt trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế và pháp luật trong nước của CHXHCN Việt Nam, vì họ có vai trò quan trọng trong suốt quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam, nhất là các điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHXHCN Việt Nam.

Nội dung học tập, bồi dưỡng về pháp luật cho nhóm đối tượng này cần tập trung vào các nguyên tắc của luật quốc tế, các điều ước quốc tế và pháp luật của quốc gia có liên quan như: Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam ngày 17.10.1989...để nắm chắc các nguyên tắc, cơ cấu, trình tự ký kết, điều kiện hợp pháp, hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế. Đồng thời bồi dưỡng kiến thức thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như: Các điều ước quốc tế chủ yếu về quan hệ ngoại giao và lãnh sự, về hàng không, về hàng hải, về lãnh thổ và biên giới quốc gia; Công ước về quyền con người, công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự..

Hình thức, phương pháp chủ yếu để đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả cho đối tượng này là đưa vào giảng dạy ở các trường đào tạo chính quy chuyên ngành như: Đại học Luật, Học viện quan hệ quốc tế, Học viện hành chính quốc gia.. Ngoài ra, mở các lớp chuyên đề, tổ chức hội thảo quốc gia và quốc tế, gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc bồi dưỡng cho nhóm đối tượng này ngoài các công chức chuyên môn nói trên, cần quan tâm đến cả thủ trưởng cơ quan cấp ngành, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ta ở nước ngoài hoặc bên cạnh tổ chức quốc tế và những công chức Nhà nước thường được uỷ nhiệm trực tiếp đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế.

2. Công chức các cơ quan Nhà nước thực thi các điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế sau khi phát sinh hiệu lực, việc thực hiện nó trong phạm vi lãnh thổ quốc gia do chính quốc gia đó tự quyết định. Hiến pháp và pháp luật nước ta quy định:

- Chính phủ phải chịu trách nhiệm chính về thi hành các điều ước quốc tế.

- Bộ Ngoại gia có quyền theo dõi việc thi hành điều ước quốc tế của các bên ký kết khác và các cơ quan của Nhà nước mình thực hiện.

- Các Bộ, uỷ ban cấp bộ và các cơ quan trung ương có liên quan đến thực hiện điều ước quốc tế cũng phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế trong khuôn khổ thẩm quyền của mình.

Trong thực tế, điều ước quốc tế không tồn tại độc lập, tách rời với pháp luật trong nước, mà thường được “chuyển hoá” thành luật trong nước bằng nhiều cách khác nhau. Vì vậy, thi hành điều ước quốc tế và pháp luật trong nước thường gắn liền với nhau.

Như vậy, đối tượng công chức Nhà nước liên quan đến thực thi điều ước quốc tế rộng hơn, đa dạng hơn đối tượng công chức liên quan đến ký kết điều ước quốc tế - đó là các công chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vơí đối tượng này, tập trung giới thiệu các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước có liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật của mỗi ngành, kể cả các quy định của pháp luật quốc gia trái với các quy định của điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc tham gia. Nội dung cụ thể cần tuyên truyền giáo dục cho loại đối tượng này là các điều ước quốc tế CHXHCN Việt Nam trong các lĩnh vực: đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thương mại; thuế; quỳền ưu đãi; miễn trừ ngoại giao, lãnh sụ, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, giao thông vận tải; vay vốn nước ngoài; tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự. Đồng kết hợp tuyên truyền pháp luật trong nước: Luật quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, Pháp lệnh Hải quan, Pháp lệnh lãnh sự, Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ luật Hàng hải..

Hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục cho nhóm đối tượng này kết hợp giữa tập huấn, học tập có hệ thống với mở các lớp chuyên đề tại các trường đào tạo chuyên ngành. đồng thời thường xuyên cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật mới liên quan, tổ chức hội thảo chuyên ngành với sự phối hợp của Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao và các ngành hữu quan, phát hành các loại sách, tài liệu bỏ túi, cho các công chức thi hành pháp luật có liên quan đến điều ước quốc tế.

3. Các tầng lớp nhân dân

Việc phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao dân chí pháp lý cho đối tượng này là yêu cầu và mục tiêu vưà cấp bách vừa có tính chiến lược của Chính phủ và của tất cả các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Nội dung pháp luật cần học tập, bồi dưỡng chủ yếu là hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung giới thiệu, phổ biến, giáo dục các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cùng các bảo đảm pháp lý được quy định trong Hiến pháp, nhất là có quyền về kinh tế, dân sự, văn hoá, quyền tự do dân chủ... Kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước với điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam như: khi giới thiệu “pháp luật về quyền trẻ em ở Việt nam” thì giới thiệu dưới dạng “quyền trẻ em trong pháp luật quốc gia và quốc tế”; Khi giới thiệu “các quyền của phụ nữ Việt nam” thì đề cập đến Luật hôn nhân và gia đình Việt nam, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài và công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981; kết hợp tuyên truyền Bộ luật lao động của nước ta với Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc, về an toàn, sức khoẻ và điều kiện lao động...

Về hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và điều ước quốc tế nói riêng cho các tầng lớp nhân dân cần chú trọng đến việc tuyên truyền miệng trực tiếp; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua hoạt động xét xử, hoà giải, thông qua sinh hoạt tập thể mang tính truyền thống theo cụm dân cư, làng xã, khối phố; thông qua giáo dục trong các hệ thống nhà trường từ phổ thông đến đại học, kể cả các lớp học xoá mù chữ, lớp học tình thương, các lớp học thuộc hệ giáo dục thường xuyên ..

 

                                               IV

                       MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ

 

Giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật , tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật . qua ngiên cứu thực tế cho thấy, việc tuyên truyền phổ biến điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam có vị trí quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật của Nhà nước ta - cùng với việc coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật trong nước, một số điều ước quốc tế cũng đã được tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng liên quan và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, so với tình hình của đất nước đang ngày càng đổi mới, tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, tích cực hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế thì việc tuyên truyền phổ biến pháp luật  quốc tế và điều ước quốc tế còn nhiều hạn chế và nhược điểm từ tư duy nhận thức đến tổ chức thực hiện.

Để khắc phục tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục điều ước quốc tế cho cán bộ và nhân dân, trên cơ sở thực trạng giáo dục pháp luật cũng như những thành tựu bước đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi nêu lên một số kiến nghị như sau:

 1. Cần xác định rõ vai trò của điều ước quốc tế trong mối quan hệ với pháp luật của quốc gia để thay đổi nhận thức lệch lạc và đề cao trách nhiệm của mọi người, mọi ngành trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

   2.Sớm hệ thống hoá, tập hợp hoá các điều ước quốc tế, phát hành rộng rãi và xây dựng hệ thống thống thông tin, sách báo, tài liệu phổ biến điều ước quốc tế .

     3, Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung giáo dục pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế trong các hệ thống nhà trường, đặc biệt ở các trường chuyên luật, chuyên ngành..

4.     Nghiên cứu cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục điều ước quốc tế cho phù hợp với từng loại đối tượng.

5.     Củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, luôn bồi dưỡng cho họ kiến thức khoa học và thực tiễn về điều ước quốc tế và dành cho họ một số ưu đãi nhất định.

6.     Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc tham gia ký kết điều ước quốc tế, phổ biến điều ước quốc tế và thi hành điều ước quốc tế                    

 

       

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN KÝ KẾT

VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

                                                               

 

                                                                 PTS. NGUYỄN THỊ MƠ

 

 

                                                       I

.KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC KHÁC TRONG THỜI KỲ BAO CẤP

Trước đây khi còn tồn tại hệ thống Xã hội chủ nghĩa, để điều chỉnh hoạt động thương mại nói chung và hoạt động buôn bán với nước ngoài nói riêng, Việt nam thường ký hai loại điều ước quốc tế. Loại thứ nhất là các điều ước quốc tế được ký kết với các Nhà nước XHCN và loại thứ hai là các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt nam ký kết với các nước ngoài hệ thống XHCN. Nội dung, vai trò, giá trị pháp lý của điều ước quốc tế cũng như đặc điểm về việc ký kết và thực hiện chúng hoàn toàn phụ thuộc vào chính hai loại điều ước quốc tế này.

1.Điều ước quốc tế ký giữa Việt nam với các nước XHCN khác:

Để điều chỉnh các hoạt động thương mại, Việt nam thường ký với các Nhà nước XHCN 3 loại điều ước quốc tế chủ yếu sau đây:

* Hiệp ước thương mại và hàng hải (Merchant Navigation Treaty). Hiệp ước Thương mại Hàng hải được coi là loại điều ước quốc tế quan trọng nhất  - cơ sở pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt nam nói riêng và hoạt động mua bán giữa Việt nam với các Nhà nước XHCN khác nói chung.

Nội dung chủ yếu của Hiệp ước Thương mại Hàng hải là các nguyên tắc pháp lý quốc tế được các nước ký kết ghi nhận trong đó chính là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động thương mại giữa các nước liên quan. Hiệp ước Thương mại và Hàng hải thường có các nguyên tắc như có đi có lại về thương mại, Đãi ngộ quốc dân về thương mại và Tối huệ quốc về thương mại, trong đó nguyên tắc Tối huệ quốc (MostFavoured Nation-MFN) về thương mại đóng vai trò chủ đạo.

Việt nam đã ký các Hiệp ước Thương mại và Hàng hải với hầu hết các Nhà nước XHCN trước đây (với Ba lan-1968, với Cuba-1970, với CHDC Đức-1972, với Liên bang CHXHCN Xô viết-1978..). Trong tất cả các Hiệp ước Thương mại và Hàng hải này đều quy định dành cho Việt nam hưởng chế độ “Tối huệ quốc” trong lĩnh vực thương mại và cả trong lĩnh vực hàng hải. Do vậy, khi hệ thống XHCN còn hùng mạnh, các hoạt động thương mại ở Việt nam nói riêng và hoạt động mua bán giữa Việt nam và các nước XHCN khác nói chung đều thuận lợi, tốt đẹp dựa trên các nguyên tắc “hợp tác toàn diện” (với Liên xô cũ), hợp tác trên tinh thần anh em đồng chí (với mọi Nhà nước XHCN khác) mà không có sự phân biệt đối xử, không có những điều kiện bảo hộ có tính chất “chính trị”.

Là loại điều ước quốc tế đề ra những nguyên tắc chung có tính chất chỉ đạo , các Hiệp ước Thương mại Hàng hải thường có hiệu lực trong khoảng thời gian dài, từ 10 năm trở lên hoặc tự động kéo dài thời hạn trừ phi các nước ký kết tuyên bố huỷ bỏ  (đơn phương hoặc song, đa phương). Thực tiễn trong thời gian kể từ khi Việt nam ký kết các Hiệp ước Thương mại Hàng hải với các nước XHCN cho đến khi hệ thống XHCN sụp đổ Việt nam luôn luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong đó. Hiệp ước Thương mại và Hàng hải thường có hiệu lực sau khi nó đã được phê chuẩn.

* Hiệp định Thương mại là loại điều ước quốc tế thứ hai sau Hiệp ước Thương mại và Hàng hải điều chỉnh mối quan hệ giuữa Việt nam và các Nhà nước XHCN khác.

Hiệp định Thương mại thường quy định danh mục, kim ngạch hàng hoá cụ thể mà Việt nam và các nước ký kết cam kết trao đổi buôn bán với nhau.

Do đặc thù là một Nhà nước XHCN, quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá, quan liêu bao cấp, kim ngạch và danh mục hàng hoá được nêu cụ thể trong Hiệp định Thương mại thường là những quy tắc có tính chất mệnh lệnh. Dựa vào kim ngạch và danh mục mà Chính phủ Việt nam đã ký với từng nước, Nhà nước ta, xuất phát từ chế độ độc quyền về mặt ngoại thương, giao cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu ngoại thương trực tiếp ký kết Hợp đồng mua bán cụ thể với các tổ chức ngoại thương của các Nhà nước XHCN khác đã trực tiếp ký kết Hiệp định Thương mại đó.

Khi ký kết các Hợp đồng  ngoại thương, các Tổng công ty ngoại thương của Việt nam phải quy định trong hợp đồng các điều khoản nhằm thực hiện tốt kim ngạch và đủ danh mục hàng có trong Hiệp định. Nếu kim ngạch và danh mục quy định trong Hiệp định Thương mại chưa được thực hiện xong thì mọi Hợp đồng ngoại thương ký ngoài phạm vi danh mục, kim ngạch đều không có giấy và bị huỷ bỏ.

Hiệp định Thương mại còn quy định khung giá tính cho một số loại mặt hàng nhất định. Khung giá ghi trong Hiệp định Thương mại thường là loại quy tắc mệnh lệnh đối với các Tổng công ty XNK ngoại thương Việt nam.

Trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại, nếu các tổ chức ngoại thương của các nước XHCN gặp khó khăn trong việc thực hiện kim ngạch, danh mục và khung giá đã quy định thì các Nhà nước XHCN thường ký các nghị định thư thương mại nhằm sửa đổi, bổ xung cho việc thực hiện tốt hơn các Hiệp định Thương mại đã ký kết.

Việt nam đã ký hầu hết các Hiệp định Thương mại với các Nhà nước XHCN. Thời hạn của Hiệp định Thương mại thường là 5 năm. Hiệp định Thương mại thường có hiệu lực ngay từ ngày ký kết.

* .Điều kiện chung giao hàng giữa Việt nam với các nước XHCN là loại điều ước quốc tế thứ 3 điều chỉnh hoạt động thương mại của Việt nam.

Điều kiện chung giao hàng là loại điều ước quốc tế trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại của Việt nam, vì điều kiện chung giao hàng (ĐKCGH) quy định những vấn đề liên quan đến thủ tục ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương giữa các Tổng công ty XNK ngoại thương Việt nam với các tổ chức ngoại thương của các Nhà nước XHCN khác. Nội dung của ĐKCGH gồm có: tư cách chủ thể ký kết Hợp đồng, hình thức Hợp đồng ký khi các bên đàm phán trực tiếp, hình thức hợp đồng khi các bên tiến hành đàm phán gián tiếp, các cơ sở giao hàng bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển, thời hạn giao hàng, phẩm chất hàng và vấn đề kiễm tra hàng trước khi giao từ Việt nam ra nước ngoài và khi nhận hàng chở từ nước ngoài về Việt nam, bao bì, ký mã hiệu, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên vi phạm hợp đồng, thủ tục thanh toán, cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh và luật áp dụng cho hợp đồng.

Có thể nói, với toàn bộ những vấn đề trên, ĐKCGH được coi là một điều ước quốc tế quan trọng điều chỉnh cụ thể hầu như toàn bộ những vấn đề về thủ tục ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại cụ thể ký giữa Việt nam với các bạn hàng các nước XHCN. Nhờ có ĐKCGH mà các chủ thể hợp đồng ngoại thương có thể tiết kiệm được thời gian đàm phán, ký kết, tiết kiệm được chi phí đi lại, giao dịch và đặc biệt là loại bỏ được những sự khác biệt trong cách quy định của luật pháp từng nước về vấn đề trên. Toàn bộ các quy tắc trong ĐKCGH chủ yếu được chia thành ba loại: quy tắc có tính chất mệnh lệnh tương đối và quy tắc có tính chất tuỳ nghi (tuỳ ý). Đây là đặc thù hết sức quan trọng của ĐKCGH-văn kiện pháp lý quốc tế riêng có của các Nhà nước XHCN mà chúng ta khó có thể tìm thấy trong các điều ước quốc tế được ký kết giữa các Nhà nước có các chế độ chính trị - kinh tế khác nhau. Dựa vào tính chất pháp lý của ba loại quy tắc nêu trên, các Tổng công ty XNK ngoại thương của Việt nam phải ký kết các hợp đồng ngoại thương thích ứng. Ví dụ, hình thức hợp đồng ngoại thương luôn luôn phải được ký kết bằng văn bản mới có giá trị vì hình thức văn bản của hợp đồng được quy định trong ĐKCGH là loại quy tắc mệnh lệnh tuyệt đối. Do đó, nếu một tổ chức ngoại thương Việt nam ký một hợp đồng ngoại thương bằng miệng với một Liên đoàn XNK ngoại thương Liên xô chẳng hạn, thì hợp đồng đó bị coi là vô hiệu. Bên cạnh đó, những quy tắc có tính chất tuỳ nghi lại tạo cho các chủ thể hợp đồng mua bán ngoại thương một sự linh hoạt năng động: hoặc theo quy định của ĐKCGH, hoặc các bên tự thoả thuận trong hợp đồng.

Hoạt động thương mại của Việt nam với các Nhà nước XHCN, trong suốt thời kỳ kể từ khi hình thành hệ thống XHCN cho đến trước ngày Liên xô sụp đổ, chủ yếu được quy định bởi ĐKCGH với ý nghĩa là nền tảng chắc chắn, đặc thù mang tính ưu việt XHCN. ĐKCGH còn được coi là sự đóng góp lớn lao của giới luật gia XHCN trong việc xây dựng khung pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại của mình.

Việt nam đã ký các ĐKCGH tay đôi với tất cả các nước XHCN từ những năm 1960 và chính thức áp dụng ĐKCGH khối SEV (ĐKCGH của các nước thuộc Hội đồng tương trợ kinh tế) vào tháng 5 năm 1989.

2. Điều ước quốc tế ký giữa Việt nam với các Nhà nước ngoài XHCN:

Trong thời kỳ bao cấp, hoạt động thương mại của Việt nam với các nước ngoài XHCN (chủ yếu là các nước phương tây) được ddiều tiết chủ yếu bằng các Hiệp định Thương mại. Do Mỹ đang xâm chiếm miền Nam (từ 1954-1974) và cũng do Mỹ dùng chính sách cấm vận, chiến tranh lạnh với Việt nam (từ 1975-1988) cho nên Chính phủ Việt nam không ký Hiệp ước Thương mại và Hàng hải với các nước ngoài XHCN mà chỉ ký tắt Hiệp định Thương mại.

Nội dung của các Hiệp định Thương mại mà Chính phủ Việt nam ký với các nước ngoài XHCN cũng đề cập tới kim ngạch và danh mục hàng cần trao đổi. Những kim ngạch và danh mục này thường không lớn. Ví dụ, Hiệp định Thương mại ký giưã Việt với Chính phủ Pháp năm 1967 quy định hai bên sẽ cam kết trao đổi hàng từ Pháp sang Việt nam là máy móc, thiết bị, vải... còn hàng từ Việt nam sang Pháp là than, tơ tằm...

Hoạt động thương mại giữa Việt nam với các Nhà nước ngoài XHCN còn rất hạn hẹp do lý do chính trị. Quan hệ thương mại song phương chưa phát triển, quan hệ khu vực (với các nước ASEAN) hầu như chưa có. Do phụ thuộc về kinh tế hoặc chính trị vào Mỹ nên nhiều nước không dám buôn bán với Việt nam một khi Mỹ đang cấm vận với Việt nam. Do đó, số lượng các điều ước quốc tế  về thương mại cũng được ký kết trong phạm vi rất nhỏ bé.

Cũng cần thấy rằng xuất phát từ quan điểm coi trọng luật quốc gia hơn điều ước quốc tế , các nước TBCN thường xuyên lẩn tránh nghĩa vụ quốc tế mà ở họ đã thừa nhận trong điều ước quốc tế , hoặc trì hoãn thực hiện các nghĩa vụ đó. Đặc biệt trong quan hệ với Việt nam nói riêng và các nước khác có chế độ kinh tế - chính trị đối lập nói chung, trong nhiều trường hợp các nước phương Tây còn đơn phương tuyên bố bỏ các điều ước quốc tế mà họ đã ký, gây nên sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế kể cả trong lĩnh vực thương mại.

                                            

 

                                                       II

KÝ  KẾT VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ THƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC KHÁC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN KINH TẾ THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN

Nền kinh tế thị trường với những quy luật khách quan vốn có của nó đã tác động mạnh mẽ tới toàn bộ các mối quan hệ về thương mại phát sinh ở Việt nam và giữa Việt nam với các nước trên thế giới. Sự tác động này thể hiện rõ nét nhất từ 1.1.1988 (từ sau khi Quốc hội thông quaLuật đầu tư nước ngoài tại Việt nam ngày 29.12 1987) và đặc biệt phong phú cho đến ngày hôm nay. Sự thay đổi trong việc quản lý nền kinh tế đất nước được đánh dấu bằng việc tuyên bố huỷ bỏ độc quyền ngoại thương (trong lĩnh vực thương mại quốc tế); tuyên bố mở cửa nền kinh tế (trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài) đối với tất cả các nước không phân biệt chế độ kinh tế – chính trị; chủ trương đa dạng hoá hình thức sở hữu; Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các  loại hình công ty ra đời... Những thay đổi sâu sắc này tạo cơ sở cho những hoạt động thương mại với đúng nghĩa thực của nó, và tạo điều kiện cho Việt nam tham gia sâu rộng vào các mối quan hệ kinh tế quốc tế nói chung và các quan hệ thương mại quốc tế nói chung. Những thay đổi này đồng thời cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại hiện nay.

Nghiên cứu thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại trong những năm gần đây cho thấy rõ một số đặc điểm nổi bật sau đây:

* Thứ nhất, tên gọi các điều ước quốc tế  về thương mại thay đổi.

* Nội dung của điều ước quốc tế cũng có nhiều thay đổi, phong phú hơn, đa dạng hơn: bên cạnh những ĐƯQT điều chỉnh các hoạt động thương mại thuần tuý (như mua-bán hoặc các dịch vụ mua bán như vận tải, bảo hiểm, thanh toán...) còn có nhiều hoạt động phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quan hệ thương mại đó như các điều ước quốc tế về thuế, cấm đánh thuế hai lần hoặc các điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại v.v...

* Về mặt chủ thể ký kết, Việt nam không chỉ ký kết các điều ước quốc tế với các Nhà nước XHCN (như Cuba, Trung quốc) mà cả các nước phương Tây, nhóm các nước khu vực (như ASEAN hoặc liên minh Châu Âu - EU ) v.v... không chỉ ký kết các điều ước quốc tế song phương mà cả các điều ước quốc tế nhiều bên.

Để có cơ sở cho việc nêu ra ba đặc điểm cơ bản này, ta có thể phân tích một số điều ước quốc tế điển hình sau đây theo các vấn đề đã nêu trên:

 

1. Tên gọi của điều ước quốc tế thương mại hiện nay

Nếu như trong thời kỳ bao cấp, những nguyên tắc pháp lý chỉ đạo (như nguyên tắc Tối huệ quốc) thường chỉ được quy định trong cacs Hiệp ước Thương mại và Hàng hải, và do đó, ở Việt nam, Hiệp ước Thương mại và Hàng hải là tên gọi truyền thống cho các loại điều ước quốc tế có tính nguyên tắc quan trọng thì những năm gần đây, tình hình đã phần nào thay đổi. Đại bộ phận các điều ước quốc tế về lĩnh vực thương mại có tính nguyên tắc hiện được gọi là Hiệp định Thương mại. Cũng có khi được gọi là Hiệp ước Thương và Hàng hải nhưng không nhiều. Có trường hợp gọi là công ước v.v... Mặc dù về mặt nguyên tắc, cho đến nay, thế giới chưa có một quan điểm thống nhất - một chuẩn mực cụ thể để xác định tên gọi của điều ước quốc tế . Do vậy, trong thực tế, tên gọi của điều ước quốc tế thường do chính các quớc gia ký kết tự quy định.

Thiết nghĩ, điều này cần phải được sửa đổi. Cần có một tiêu chuẩn thống nhất (nếu không phải là ở phạm vi toàn cầu thì có thể ở từng khu vực) để tạo nên một cách hiểu khá điển hình cho từng loại tên gọi. Chẳng hạn, có thể quy định rằng Hiệp ước là tên gọi các điều ước quốc tế có vai trò quan trọng trong đó nêu lên những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản nhất và những nguyên tắc được áp dụng riêng cho từng lĩnh vực. Còn Hiệp định là loại điều ước quốc tế đề cập tới những vấn đề cụ thể theo từng lĩnh vực chuyên môn nhất định; việc sửa đổi này cần được đưa vào đoạn cuối phần 1 của Điều 1 trong Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế  của CHXHCN Việt nam ngày 25.10.1989.

2. Nội dung của điều ước quốc tế về thương mại

Vì tên gọi chưa thống nhất và hầu hết các điều ước quốc tế về thương mại mà Việt nam ký với các nước khác trong những năm gần đây đều gọi là Hiệp định Thương mại cho nên trong Hiệp định Thương mại, tuỳ theo mối quan hệ giữa Việt với từng nước, thường quy định những nội dung không giống nhau và ấn định cả nguyên tắc pháp lý có tính chủ đạo lẫn nội dung hợp tác cụ thể về thương mại khá đa dạng và phong phú:

Ví dụ, Hiệp định thương mại ký giữa Việt nam với Australia ngày 14.6.1990 neu rõ hai Chính phủ cam két sẽ giành cho nhau chế độ tối huệ quốc trong việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu; trong việc phân bổ ngoại tệ có liên quan tới việc xuất nhập khẩu đó cũng như trong các lĩnh vực liên quan đến thếu, hải quan, các thứ thuế và lệ phí khác đánh vào hoặc có liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu và hải quan, và các thủ tục, thể lệ, nội quy cóliên quan khác (Điều 6 của Hiệp định). Hiệp định còn quy định những lĩnh vực được hai Chính phủ ưu tiên phát triển như năng lương, khai khoáng tài nguyên thiên, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chế biến tthực phẩm, vận tải, giáo dục... Đặc biệt, trong lĩnh vực thanh toán, hiệp định khẳng định rằng: “Chính phủ Australia sẽ hết sức cố gắng đảm bảo dành cho Việt Nam những điều kiện thanh toán thông thường để trang trải cho những  hàng hoá xuất, nhập khẩu của Australia thông qua phương thức tín dụng, đảm bảo tín dụng chung và dài hạn sẽ dành cho Việt Nam trong những trường hợp thích hợp”. Để đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định thương mại này, Chính phủ Việt Nam và chính phủ Australia (quy định ngay trong Hiệp định) đã thành lập một Uỷ ban hỗn hợp về thương mại và hợp tác kinh tế.

Hiệp định thương mại ký giữa Việt Nam với Malayxia ngày 11.8.1992 thì lại rất đơn giản. Ngoài việc quy định rằng hai bên dành cho nhau chế độ Tối huệ quốc trong lĩnh vực liên quan đến thuế quan và các loại thuế đánh vào hoặc liên quan đến xuất hoặc nhập, đánh vào việc chuyển tiền thanh toán đối với hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu (Điều 2) thì Hiệp đinhj chỉ quy định thêm một số vấn đề về biện pháp thực hiện Hiệp định, hiệu lực và huỷ bỏ Hiệp định.

Hiệp định thương mại song phương thường có hiệu lực ngắn: 1,2 năm hoặc 5 năm (như Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nauy, có hiệu lực từ ngày 1.1.1994 và hết hiệu lực từ ngày 31.12.1995).

Hiệp định thương mại ký giữa Việt Nam với Châu Âu (EU) về buôn bán hàng dệt may và may mặc ngày 15.12.1992 có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 1.1.1993 chỉ quy định danh mục mặt hàng và hạn ngạch hàng dệt và hàng may mặc của Việt Nam được phép vào thị trường EU cùng một số nghĩa vụ mà phía Việt Nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ Hiệp định này, ta sẽ thấy rõ tổng hạn ngạch được EU cấp cho Việt Nam, từ 1993 đến 1.1.1998 tăng rất nhiều (năm 1993 tăng gấp 10 lần) so với những năm trước đây; Hiệp định nêu rõ 151 nhóm mặt hàng dệt và may mặc của Việt Nam được phép vào EU trong đó có 106 nhóm mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch và 45 nhóm mặt hàng tự do. những mặt hàng được gọi là “hàng nhậy cảm” cũng được ấn định hạn ngạch riêng và được EU quản lý rất chặt chẽ. Những nghĩa vụ của phía Việt nam được quy định trong Hiệp định là những nghĩa vụ  không chỉ của Chính phủ Việt Nam mà còn của cả các doanh nghiệp Việt Nam liên quan, đặc là điều khoản chống hàng lậu trong Hiệp định. Ngoài ra, hàng năm hai bên còn ký các Hiệp định thư trao đổi nhằm cụ thể hoá hoặc bổ xung thêm những chi tiết cần thiết, tạo điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ được thuận lợi hơn. Dựa trên Hiệp định này, hàng năm Bộ Thương mại sẽ thông báo cụ thể hạn ngạch mà các doanh nghiệp Việt Nam được ký hợp đồng.

Ngoài những nội dung trên, các Hiệp định Thương mại còn đề cập tới vấn đề liên quan đến xuất xứ xứ của hàng, về phương pháp, cách thức điều hành quản lý hoặc giải quyết các tranh chấp phát sinh.v.v...

3. Về mặt chủ thể ký kết:

Từ một vài ví dụ trên đây có thể thấy rõ trong những năm gần đây, các điều ước quốc tế về thương mại được ký kết giữa Việt Nam với các nước phương Tây chiếm tỷ trọng lớn, các điều ước quốc tế thương mại có tính chất khu vực được ký kết trong 1,2 năm gần đây có số lượng với chiều hướng bắt đầu gia tăng. Song, đại bộ phận các điều ước quốc tế được ký kết là loại điều ước quốc tế song phương. Điều ước quốc tế về thương mại có tính chất đa phương hiện tại lại chính là ĐKCGH SEV 1968/1988. Vì sao như vậy? Bởi vì Hội đồng Tương trợ kinh tế ngừng hoạt động vào tháng 6.1991. Nhưng, về mặt pháp lý, chưa có văn bản nào tuyên bố rằng ĐKCGH SEV 1968/1988 hết liệu lực, do đó cho đến nay vẫn còn khá nhiều nước áp dụng nó. Trong thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức của nước Nga, người ta vẫn thường áp dụng ĐKCGH SEV 1968/1988 một cách mặc nhiên theo truyền thống.

Nói đến điều ước quốc tế đa phương về thương mại không thể không nói đến Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Công ước này được ký giữa các nước hội viên Liên hợp quốc ngày 11.4.1980. Công ước này ra đời để thay thế Công ước Lahay năm 1964 về mua bán hàng hoá quốc tế - Công ước của riêng các nước TBCN ở lục địa Châu Âu.

Với 4 phần và 101 điều khoản, Công ước Viên đề cập đến hầu hết các vấn đề liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán giữa các tổ chức, cá nhân của các nước hội viên. Công ước Viên năm 1980 được xây dựng với mục đích thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới mà Đại hội của Liên hợp quốc đã chấp nhận, với một nguyên tắc pháp lý quốc tế xuyên suốt là phát triển nền thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Việc thực hiện các nguyên tắc, mục đích này nhằm thúc đẩy việc loại trừ các trở ngại pháp lý trong thương mại quốc tế và  hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thương mại quốc tế nói chung và quan hệ thương mại trong moõi nước nói riêng. Chỉ đáng tiếc là cho đén nay Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước.

Tóm lại, cùng với việc chuyến đổi sang nền kinh tế thị trường, loại điều ước quốc tế về lĩnh vực thương mại mà Chính phủ Việt Nam ký kết đã tăng lên về số lượng, chủng loại, phong phú và đa dạng hơn về mặt nội dung. Trong những ngày này, chúng ta hy vọng rằng, cùng với việc gia nhập của Việt Nam vào ASEAN cùng với việc thiết lập ngoại giao và huỷ bỏ cấm vận của Chính phủ Mỹ, con số các điều ước quốc tế về thương mại sẽ còn tăng nhanh, nhiều hơn nữa, đặc biệt là các điều ước quốc tế đa phương và khu vực. Chính các điều ước quốc tế này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam hoà nhập thật sự vào các nước khu vực và toàn cầu bằng việc thi hành đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và có điều kiện để tiếp thu trình độ khoa học nói chung và kỹ thuật lập pháp nói riêng của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trong thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại cũng làm phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, cần phải có biện pháp cụ thể, cấp bách để khắc phục những tồn tại phát sinh. Sau đây, xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể:

                    

 

 

 

 

 

 

                                                   III

KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ NHẰM THÚC ĐẨY VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN NHỮNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ  VỀ THƯƠNG MAỊ

 

1. Ngày 28.10.1995 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Bộ luật dân sự nước CHXHCN Việt Nam . Đây là một việc làm hết sức kịp thời của Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường pháp luật dân sự cho hoạt động của công daan trên lãnh thổ Việt Nam .Vì chúng ta chưa ban hành Bộ luật thương mại, rất nhiều quy định của Bộ luật dân sự sẽ được áp dụng trong quan hệ thương mại có yếu tố quốc tế và điều này là không hợp lý. Như chúng ta đã biết, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển (kể cả các nước phương Tây lẫn các nước ở khu vực khác) ngành luật Dân sự mà hình thức cao nhất của nó là Bộ luật Dân sự chỉ điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật dân sự- các mối chỉ liên quan đến nhu cầu hàng ngày, đời thường của công dân, tổ chức...mà không vì mục đích lợi nhuận. Còn tất cả các mối quan hệ phát sinh liên quan đến kinh doanh, thương mại được quy định bởi Bộ luật (hoặc các văn bản pháp luật) về thương mại. Ngành luật thương mại có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội liên quan tới mục đích là thu lợi nhuận. Do đó nó sẽ mang nhiều đặc thù khác hẳn với Bộ luật thương mại. Chính vì vậy, đối với Việt Nam chúng ta, việc thông qua Bộ luật thương mại là một nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn qua năm 1996 được nữa.

2. Như đã trình bày ở trên, chúng ta cũng nên có một tiêu  chuẩn thống nhất về một số tên gọi thông dụng của các ĐƯQT (ít nhất nếu không phải là tất cả). Nghĩa là, cần bổ xung vào đoạn cuối của điểm 1 Điều 1- Pháp lệnh về và thực hiện ĐƯQT của CHXHCN Việt Nam  ngày 25.10.1989 những quy định Hiệp ước là gì, Công ước là gì, Định ước là gì, Hiệp định là gì... để làm rõ thêm đoạn đầu điểm 1 của Điều 1 này.

Việc chuyển hoá này là cần thiết để các vị đại diện có thẩm quyền của vn , trước khi đi ký các ĐƯQT, đã có được sự hiểu khá đầy đủ tên gọi của ĐƯQT mà Việt Nam sắp ký và do đó trong nội dung của ĐƯQT này phải đưa những quy định có tính nguyên tắc hay những quy định có tính chất cụ thể về từng lĩnh vực cho phù hợp với tên gọi của ĐƯQT .

3. Việt Nam  nên tuyên bố gia nhập Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc (như chúng ta vừa tuyên bố công nhận Công ước New  York 1958 về thừa nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài ). Khi công nhận Công ước này, Chính phủ vẫn có thể bảo lưu không áp dụng một số điều khoản của Công ước nếu thấy cần thiết. Thực tế cho thấy rằng, ngay từ thời bao cấp, nhiều Tổng công ty XNK Việt Nam đã dẫn chiếu tới việc áp dụng Công ước Viên. Việc công nhận về pháp lý Công ước Viên sẽ tạo một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mạiquốc tế nói chung và tạo cơ sở cho Việt Nam hoà nhập vào các hoạt động thương mại có tính hoàn cầu nói riêng.

4. Cùng với việc ký kết hoặc tuyên bố công nhận các ĐƯQT về thương mại nói trên sẽ phát sinh nhiều nghĩa vụ của Chính phủ Việt Nam , trong đó việc chấp hành tốt nghĩa vụ quốc tế cũng là một trong những biện pháp nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nước trên thế giới. Đấy là về nguyên tắc. Còn trong thực tế, nghĩa vụ quốc tế mà Chính phủ Việt Nam  cam kết lại đựơc quyết định bởi việc ký kết và thực hiện tốt hay không tốt các hợp đồng thương mại cụ thể của các doanh nghiẹep Việt Nam . Do đó, cần đào tạo lại đội ngũ này. Nhiệm vụ đào tạo kiến thức và kỹ thuật soạn thảo các hợp đồng thương mại cho cán bộ Việt Nam không chỉ thuộc về các trường Đại học mà còn là chính của Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại... Việc đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, đặc biệt là kiến thức liên quan đến kỹ thuật soạn thảo các ĐƯQT nói chung và ĐƯQT về thương mại nói riêng là hết sức cấp bách. Hãy nên nhớ tới lời dạy của Các Mác: “Nhà làm luật phải coi mình như một nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật pháp. Ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên, ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật, quy tắc thành văn, có ý thức”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM

 

                                                                Hoàng Phước Hiệp

 

 

                            

                                                       I

                               MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

 

 1. Tháng 12.1987, Quốc hội thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam . điều 40 của Luật ĐTNN này có quy định: “Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ CHXHCN Việt Nam có thể ký với Chính phủ nước ngoài những Hiệp định về hợp tác và đầu tư phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và mỗi nước”. Quy định này của Luật ĐTNN qua hai lần sửa đổi, bổ xung Luật ĐTNN (1990 và 1992) vẫn được giữ nguyên.

2. Căn cứ vào Điều 40 của Luật ĐTNN và Pháp lệnh năm 1989 về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam , ngày 18.5.1990, Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Chính phủ Italia. Đây là Hiệp định đầu tiên của Chính phủ ta với nước ngoài trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư theo Luật ĐTNN tại Việt Nam . Đến ngày 14.01.1996, ta đã ký được 30 Hiệp định loại này với các nước. Trong số 30 Hiệp định đó, có 16 Hiệp định đã được các bên phê duyệt theo pháp luật của nước ký kết, 12 Hiệp định chưa được nước ngoài thông báo về việc Chính phủ đã phê duyệt (Bỉ, Luxambua, Amenia, Phần lan, Liên bang Nga, Ucraina, Rumania, Balan, Hungari, Litva, Lào, Cuba, Latvia) và 2 Hiệp định (Đài loan, CH áo) chưa được Chính phủ nước nào phê duyệt (riêng Đài loan có vấn đề đặc biệt).

3. Việc soạn thảo, đàm phán, ký, phê duyệt... các Hiệp định đó hoàn toàn phù hợp với lý luận pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế (nhất là Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế ), cũng như phù hợp với thực tiễn điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo hộ ĐTNN.

Nội dung cơ bản của các Hiệp định đó có nhiều điểm giống nhau, tuy vậy, cũng có một số điểm đặc thù phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với mỗi nước và nói chung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư của nước ký kết này tại lãnh thổ nước ký kết kia, bảo hộ tài sản, vốn đầu tư và phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước .

 

                                                        II

  MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ NỘI DUNG CỦA HIỆP ĐỊNH

 

1. Về khái niệm “đầu tư” (ĐTNN):

Trong các Hiệp định, thường được hiểu là tất cả những loại giá trị vật chất mà nhà đầu tư (NĐT) của nước ký kết này đưa vào nước ký kết kia phù hợp với pháp luật nước ký kết nhận ĐTNN. Phạm vi các loại giá trị vật chất này khá rộng, chúng có thể là những động sản, bất động sản, tiền tệ, các quyền sở hữu công nghiệp, quyền cầm cố, quyền thu hoa lợi, cổ phần, chứng khoán, trái phiếu công ty, quyền chuyển nhượng theo hợp đồng ... Tuy vậy, cũng cần phải chú ý, khái niệm ĐTNN không áp dụng cho quan hệ pháp luật phát sinh từ các hợp đồng mua bán ngoại thương và thực tế cũng không bao hàm các quyền không có gía trị vật chất.

Dấu hiệu quan trọng của khái niệm ĐTNN theo các Hiệp định này nằm ở chỗ các giá trị vật chất đó phải là đối tượng của hoạt động kinh tế dài hạn có phát sinh lợi nhuận hoặc thua lỗ trong điều kiện thị trường.

2. Về khái niệm “Nhà đầu tư”:

Trong các Hiệp định đều có cách hiểu chung, đó là bất kỳ tổ chức, cá nhân của nước ký kết này được quyền thực hiện việc đầu tư theo pháp luật của chính nước mà tổ chức, cá nhân đó có quốc tịch trên lãnh thổ của nước ký kết kia theo những điều kiện và quy định của pháp luật nước ký kết nhận đầu tư. Các tổ chức- nhà đầu tư đó phải là các pháp nhân được thành lập phù hợp pháp luật nước ký kết, còn các cá nhân phải là công dân nước ký kết. Trong các Hiệp định đã ký kết chưa giải quyết vấn đề nhà đầu tư trong đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư của nước thứ ba.

3. Về khái niệm “thu nhập”:

Các Hiệp định hiểu đó là tổng số những khoản có thu được từ kết quả hoạt động đầu tư, đặc biệt là lợi nhuận, lãi cổ phần, tiền bản quyền hoặc các khoản thu hợp pháp khác như khoản thù lao dịch vụ kỹ thuật, các khoản hoa hồng uỷ thác, tiền bán license ... 

4. Về quy chế pháp lý của ĐTNN và nhà đầu tư:

Các Hiệp định đều có quy định nghĩa vụ của các quốc gia ký kết bảo đảm một quy chế pháp lý công bằng và thoả đáng, không phân biệt đối xử, không gây trở ngại cho việc quản lý các khoản ĐTNN, tiến hành hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư của các nước ký kết. ĐTNN được hưởng sự bảo hộ pháp lý cần thiết.

Phân tích nội dung các Hiệp định về vấn đề này cho thấy, các nước ký kết dành cho các nhà đầu tư của nhau quy chế Tối huệ quốc. Tuy vậy, các Hiệp định không dự liệu cho các nhà đầu tư được hưởng những ưu tiên, phát sinh từ việc một trong các bên ký kết sẽ có được khi tham gia vào các khu mậu dịch tự do, phi quan thuế, các tổ chức kinh tế quốc tế, hoặc phát sinh từ các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc từ mậu dịch đường biên.

Ngoài ra, các Hiệp định còn cho phép các nhà đầu tư được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn theo pháp luật của nước ký kết nhận đầu tư, tuỳ thuộc vào mức độ quan hệ kinh tế giữa các nước cụ thể. Các Hiệp định cũng không loại trừ khả năng cho các nhà đầu tư được hưởng quy chế đãi ngộ quốc dân của nước ký nhận ĐTNN.

5. Bảo hộ ĐTNN khỏi các biện pháp cưỡng chế hành chính:

Các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với vốn thu nhập và các tài sản hợp pháp của nhà đầu tư đưọc hiểu ở đây là các biện pháp về quốc hữu hoá, trưng thu, trưng dụng và các biện pháp khác mà hậu quả của chúng là dẫn đến việc tước mất quyền sở hữu hoặc hạn chế quyền sở hữu đối với các khoản vốn, thu nhập và các tài sản đó của nhà đầu tư nước ký kết này tại nước ký kết khác.

Các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã chú ý quy định khá rõ về các biện pháp bảo hộ càan thiết trong trường hợp quốc gia ký kết  có áp dụng những biện pháp cưỡng chế như vậy. Về nguyên tắc, các quốc gia ký kết sẽ cố gắng để không áp dụng các biện pháp đó đối với ĐTNN của các nước ký kết. Ngoài ra, các hiệp định cũng dự liệu đến khả năng các nước ký kết có thể áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp có nhu cầu đòi hỏi cấp bách về an ninh, trận tự cộng cộng hoặc vì lợi ích quốc gia. Tuy vậy, khi áp dụng các biện pháp đó nước ký kết phải bảo đảm các điều kiện cơ bản sau:

a) Các biện pháp đó phải được áp dụng theo một thủ tục hợp pháp, phù hợp với pháp luật của nước nhận đầu tư đó;

b) Không được phân biệt đối xử, không được trái với các cam kết cụ thể giữa hai nước ký kết;

c) Nhà đầu tư được bồi thường thoả đáng và kịp thời.

Trong các hiệp định đã ký, nhìn chung quy định khá chi tiết việc điều chỉnh pháp luật vấn đề bồi thường trong trường hợp nước nhận đầu tư áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với ĐTNN. Chẳng hạn, việc bồi thường phải phù hợp với giá trị thực của vốn đầu tư vào ngày hôm trước của ngày thông qua quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế. Các khoản bồi thường phải được thanh toán bằng đồng tiền có khả năng chuyển đổi tự do hoặc bằng đồng tiền của nước ngoài đầu tư. Các khoản này phải được trả ngay và có thể sẽ được tính thêm khoản lãi suất theo bảng lãi suất thương mại thông dụng kể từ ngày được tính bồi thường cho đến ngày thanh toán xong. Thể thức chi trả khoản bồi thường thường được xác định theo pháp luật của nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó.

Bên cạnh các quy định về bảo hộ ĐTNN khi có áp dụng các biện pháp cưỡc chế hành chính, các hiệp định còn quy định cả trường hợp bảo hộ ĐTNN khi có những sự cố bất ngờ xẩy ra như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, báo động ...Chẳng Hiệp giữa Việt Nam -Thái lan có quy định, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng bị thiệt hại do các hành động đó xẩy ra thì nhà đầu tư nước ngoài ký kết hữu quan sẽ được đối xử tử tế, được hoàn trả, bồi thường hoặc được hưởng các bảo hộ khác phù hợp với PLQT và không kém thuận lợi so với các nhà đầu tư các nước ký kết khác trong hoàn cảnh như vậy.

6. Bảo đảm chuyển vốn, thu nhập và tài sản hợp pháp ra nước ngoài:

Thực tiễn hiệp định của Việt Nam  không quy định một sự giới hạn về số lượng vốn, đồng tiền chuyển đổi và phương tiện tài chính được dùng để chuyển ra ngoài nước nhận đầu tư. Trong các hiệp định cũng không hạn chế thời điểm chuyển ra ngoài nước nhận đầu tư. Tuy vậy, vấn đề chuyển đổi ra ngoại tệ đối với phần vốn, thu nhập và tài sản hợp pháp có được trong quá trình hoạt động ĐTNN và sẽ chuyển ra ngoài, lại có những giải pháp khác nhau, tuỳ thuộc vào từng trường hợp chuyển vốn, thu nhập và tài sản đó ra ngoài. Thông thường, vấn đề chuyển đổi đồng tiền đó được thực hiện trong kỳ hạn 6 tháng sau ngày thanh toán xong các nghĩa vụ về thuế và các khoản chi, nợ khác và đối với các khoản:

      - Thu nhập từ hoạt động đầu tư, kể cả lãi cổ phần, lợi nhuận ...

       - Các khoản cần thiết để thanh toán các khoản vay hợp pháp

       - Vốn đầu tư ban đầu

       -  Các khoản bồi thường

        - Các khoản chi trả định kỳ theo bản quyền, trợ giúp thương mại ...

       - Các khoản thu nhập cá nhân đã trừ thuế

        - Một số khoản chi trả theo thoả thuận riêng

      Trong thực tiễn điều ước quốc tế của Việt Nam về vấn đề này, có phát sinh cái gọi là bảo đảm sự thế quyền. Đây là một khái niệm pháp lý - kinh tế khá phức tạp, chưa được luật ĐTNN tại Việt Nam quy định. Chẳng hạn, trong Hiệp định bảo hộ ĐTNN giữa Việt Nam và Indonesia (Điều 8), giữa Việt Nam và Bỉ-Luxambua (Điều 7) có quy định: Trong trường hợp bên ký kết này đưa ra các bảo đảm đối với các rủi do phi thương mại đối với các khoản đầu tư của tổ chức, cá nhân nước mình tại nước ký kết kia và sẽ thực hiện việc thanh toán cho các nhà đầu tư bị rủi ro đó, thì bên ký kết kia sẽ công nhận việc chuyển quyền đó cho bên ký kết này. Trong trường hợp như vậy, bên ký kết này sẽ chỉ định tổ chức đứng ra đảm nhiệm trách nhiệm đó, kiểu như một tổ chức bảo hiểm hoặc một hoạt động theo kiểu bảo đảm đối với các rủi ro phi thương mại của MIGA. Việc thế quyền đó sẽ nằm trong giới hạn của phần bồi thường rủi ro mà hợp đồng giữa nhà đầu tư và tổ chức bảo hiểm đã ghi nhận. Phần rủi ro phát sinh ngoài giới hạn hợp đồng thì do nhà đầu tư tự gánh chịu. Trong trường hợp đó, việc chuyển khoản tiền được bồi thường ra nước ngoài cũng như việc chuyển đổi đồng tiền ở đây sẽ do tổ chức thế quyền (bảo hiểm) thực hiện theo thoả thuận giữa các bên ký kết Hiệp định.

      7. Vấn đề giải quyết tranh chấp:

       Trong các hiệp định có đề ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp giữa các nước ký kết với nhau và giải pháp để giải quyết tranh chấp giữa nước ký kết nhận đầu tư và nhà đầu tư của nước ký kết khác.

        a) Đối với tranh chấp giữa các nước ký kết, đối tượng của các vụ tranh chấp đó thường có thể là việc giải thích hoặc áp dụng hiệp định.

         Các hiệp định đều có quy định giải quyết các tranh chấp này trước tiên bằng con đường ngoại giao.

         Trong trường hợp, nếu thông qua con đường ngoại giao mà không giải quyết được tranh chấp thì các bên ký kết sẽ áp dụng các biện pháp hoà bình khác phù hợp với PLQT và thực tiễn quốc tế để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp đó có thể được giải quyết tại Trọng tài quốc tế ad hoc, được thành lập theo thoả thuận trọng tài cụ thể giữa hai nước ký kết hữu quan. Hiệp định giữa Việt Nam - Amenia quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày không thể giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao thì sẽ điều ước quốc tếưa tranh chấp đó ra Trọng tài do các bên thành lập. Tranh chầp loại trên cũng có một số Hiệp định quy định được giải quyết tại một Uỷ ban hỗn hợp gômf đại diện của hai bên ký kết . Nếu Uỷ ban hỗn hợp không giải quyết được thì có thể giải quyết tại Trọng tài liên Chính phủ ad hoc (Hiệp định Việt Nam - Bỉ).

          Thực tiễn điều ước quốc tế về bảo hộ ĐTNN có các thông lệ khá chi tiết về việc thành lập các trọng taì loại này. Thông thường, để thành lập Trọng tài ad hoc, mỗi bên chọn một trọng tài viên, hai trọng tài viên cùng nhau chỉ định trọng tài viên thứ ba (làm Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài). Các Hiệp định đều ấn định thời gian cần thiết để chỉ định trọng tài viên và Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài. Trong trường hợp các bên không thể chỉ định được Chủ tịch Uỷ ban trọng tài, thì các bên có thể đề nghị Tổng thư ký LHQ hoặc một nhân vật cao cấp có uy tín chỉ định chủ tịch đó. Các hiệp định thường quy định giao cho Trọng tài quyền định lập quy tắc tố tụng của mình, các chi phí cần thiết và giá trị pháp lý của các quyết định của trọng tài.

        b) Đối với các tranh chấp giữa nước ký kết nhận đầu tư và nhà đầu tư của nước ký kết khác, đối tượng của các vụ tranh chấp này thường là thể thức và mức độ bồi thường trong trường hợp nứơc nhận đầu tư áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với ĐTNN. Trong một số hiệp định còn quy định cả tranh chấp về các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến ĐTNN tại nước nhận đầu tư.

       Khác với quy định của Luật ĐTNN tại Việt Nam , ở đó không có quy định về vấn đề này một cách rõ ràng, trong các Hiệp định bảo hộ ĐTNN ta đã ký với nước ngoài, có quy định khá chi tiết về vấn đề này. Tuy vậy, các Hiệp định quy định những cơ chế rất khác nhau trong giải quyết các tranh chấp đó, phù hợp với thực tiễn pháp luật từng nước cụ thể. Chẳng hạn, Hiệp định Việt Nam - Bỉ quy định cần phải tiến hành hoà giải trước. Nếu hoà giải không thành thì phải đưa ra Trọng tài quốc tế (mà không có vấn đề lựa chọn trọng taì hoặc trọng tài nước thứ ba). Hiệp định Việt Nam - Indonesia cũng quy định hoà giải trước, nhưng nếu hoà giải không thành thì cho nhà đầu tư tự do lựa chọn toà án của nước ký kết có thẩm quyền theo luật đầu tư hoặc Trọng tài quốc tế theo quy định của Luật mẫu UNCITRAL.

       Theo quy định phổ biến trong các Hiệp định, khi phát sinh tranh chấp, bất kỳ bên tranh chấp nào cũng có thể gửi cho bên kia văn bản thông báo liên quan đến đối tượng của vụ tranh chấp và bản ghi nhớ chi tiết liên quan đến vấn đề này. Trọng các tài liệu đó sẽ đề cập đến các thủ tục và biện pháp cần áp dụng để giải quyết tranh chấp. Các bên sẽ có một thời hạn nhất định (3 hoặc 6 tháng) để thương lượng, hoà giải trực tiếp hoặc qua con đường ngoại giao. Khi không thể giải quyết bằng con đường thương lượng, hoà giải, các bên sẽ đưa vụ tranh chấp ra trọng tài được lập phù hợp với quy tắc của trọng tài UNCITRAL (1976), hoặc quy tắc của Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và kiều dân của quốc gia khác.

Trong nhiều Hiệp định còn quy định giá trị pháp lý của các quyết định của trọng tài, việc thi hành quyết định đó phù hợp với quy định của Công ước New-york năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài.

8. Vấn đề hiệu lực của các Hiệp định:

- Về  người ký: cho đến hết tháng 12.1996, Chính phủ Việt Nam đã ký được 30 hiệp định bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Trong số 30 hiệp định đó có:

+ 6 hiệp định do Phó Thủ tướng ký (Belorusia, Phần lan, Thuỵ điển, Rumania,Hunggaria, Latvia);

+ 16 Hiệp định do các Bộ trưởng ký (Italia, Malasyia, Philippin, Singapore, Thái lan, Pháp, Đức, Ôxtrâylia, Trung quốc, Hàn quốc, Đan mạch, Hà lan, Ucraina, Áo, Litva,  Cuba);     

+ Các hiệp định còn lại ký ở cấp thấp hơn (Thứ trưởng, Vụ phó).

- Về việc phê duyệt của Chính phủ: ta thường phê duyệt sớm hơn hạn. Trong số 30 Hiệp định được ký, có hai hiệp định chưa thấy thông tin về việc phê duyệt của Chính phủ ta (Hiệp định với Cộng hoà áo ký ngày 27.3.1995 và Hiệp định ký với Đài loan ký ngày 21.4.1993), 13 Hiệp định chưa thấy thông tin phê duyệt của Chính phủ bạn.

- Về thực tiễn thực thi Hiệp định: nhìn chung, Chính phủ Việt Nam chưa có văn bản nào thật cụ thể về việc chuyển hoá các quy phạm của hiệp định đó thành các quy phạm pháp luật trong nước, chưa có hướng dẫn cụ thể cho các ngành trong thực hiện các quy định cụ thể của hiệp định.

Tóm lại, trên đây là một số điểm cơ bản trong lý luận và thực tiễn ký kết các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ ĐTNN. Việc ký kết các hiệp định đó về cơ bản, bảo đảm đúng quy định thể hiện ở Điều 40 của Luật ĐTNN tại Việt Nam .

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN

 

                                                                       LÊ HỒNG HẢI

 

 

 

                                                           I

     KHÁI QUÁT VỀ HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN

 

Luật thuế là một bộ phận của chủ quyền quốc gia, mỗi Nhà nước đều có những quy định luật lệ riêng để thu thuế các cá nhân, tổ chức ở trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các khuynh hướng ngày càng tăng lên của các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thông qua các dòng đầu tư về vốn, kỹ thuật, nhân lực cũng như sự di cư của các đối tượng cư trú mang quốc tịch thì việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc chủ quyền về thuế sẽ dẫn đến việc đánh thuế hai lần đối với đối tượng bị đánh thuế: đánh thuế tại nước nơi đối tượng đó cư trú và tại nước nơi đối tượng đó có nguồn thu nhập phát sinh. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả không tốt cho sự mở rộng và phát triển kinh tế của các quốc gia. Do đó, các quốc gia đi đầu tư cũng như các quốc gia nhận đầu tư đều mong muốn có được một sự thoả thuận để xoá bỏ việc đánh thuế hai lần, tạo thuận lợi cho đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Sự đàm phán và thoả thuận giữa các quốc gia đã dẫn đến sự ra đời của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Nội dung thoả hiệp của các quốc gia trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, bản thân nó, không tạo ra luật mới mà hoàn toàn dựa trên luật thuế hiện hành của các quốc gia ký kết .Bằng Hiệp định trán đánh thuế  hai lần này, các quốc gia cam kết giới hạn phạm vi quyền điều chỉnh về nghĩa vụ thuế đối với các pháp nhân  và thể nhân trên lãnh thổ của mình về thuế trực thu (thuế thu nhập và thuế tài sản).

 

 

 

 

NỘI DUNG CƠ BẢN

CỦA HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN LÀ:

1.     Hiệp định bao gồm các đièu khoản quy định việc phân chia quyền đánh thuế giữa hai quốc gia ký kết đối với thuế thu nhập và thuế tài sản và biện pháp tránh đánh thuế hai lần.

2.     Hiệp định bao gồm điều khoản quy định về việc bảo đảm đối xử bình đẳng về thuế giữa tổ chức và  nhân nước ngoài với tổ chức và các nhân trong nước.

3.     Hiệp định bao gồm điều khoản quy định việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế của các nước trong quản lý thuế để ngăn chặn việc trốn, lậu thuế.

Hiệp định bao gồm điều khoản quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trong khi áp dụng Hiệp định ở mỗi quốc gia.

 

 

                                                        - II -

THỰC TẾ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN

HIỆP ĐỊNH TRÁNH DÁNH THUẾ HAI LẦN

TỪ 1992-1995

 

1.VỀ ĐÀM PHÁN VÀ KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH

Tư năm 1990, thực hiện uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, nhưng đến năm 1992, ta mới chính thức ký Hiệp định này với nước đầu tiên là Ôxtraylia. Cho đến nay (tính đến tháng 12.1995), ta đã ký được 19 Hiệp định với các nước. Những nước đố là: Ôxtrâylia, Thái lan, Hàn quốc, Hung-ga-ri, Ba lan, Ấn độ, Hà lan, Trung quốc, Đan mạch, Na-uy, Ru-ma-ni, Ma-lay-xia, Nhật bản, Đức.

Nội dung của các Hiệp định này được soạn thảo dựa trên mẫu Hiệp định của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế-OCED (mẫu OECD) phối hợp với mẫu Hiệp định của liên hiệp quốc-UN (mẫu UN). Về cơ bản, mẫu UN được xây dựng trên mẫu OECD. Do đó, nôi dung các Hiệp định mà Việt nam đã ký kết với các nước, về cơ bản, là thống nhất với nhau cảc về hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, do quy định thẩm quyền ký kết điwuf ước quốc tế của Việt nam là căn cứ theo danh nghĩa Hiệp định được ký kết (daqnh nghĩa Nhà nước, danh nghĩa Chính phủ hay danh nghĩa ngành-Điều 4 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam); nên hiện nay Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Viêtk nam ký vơí các nước có cả loại ký với danh nghĩa Nhà nước như Hung-ga-ri, Đức và có loại ký với danh nghĩa Chính phủ (là 17 nước còn lại trong 19 nước kể trên). Điều này đã dẫn đến việc không thống nhất trong các thủ tục cho đàm phán, quyết định ký kết và phê duyệt hoặc phê chuẩn có hiệu lực của Hiệp định và cũng là Hiệp định thuế nhưng với nước này thì ta trình Chính phủ, cong nước khác ta lại trình Chủ tịch nước.

Quy định thẩm quyền quyết định ký kết Hiệp định này, trên thực tế, trong thời gian qua cũng đã làm cho cơ quan chủ trì việc đàm phán này có những bị động, lúng túng, thậm chí nếu căn cứ vào Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế thì đó là một sự vi phạm. Ví dụ như Điều 5 của Pháp lệnh quy định:”Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế phải được uỷ quyền của Hội đồng Nhà nước khi đàm phán với danh nghĩa nhà nước”. Trong khi đó, khi bắt đầu tiến hành đàm phán ta mới biết phía bên kia muốn ký Hiệp định với danh nghĩa nào, nên, nếu là danh nghĩa nhà nước thì đoàn đàm phán lúc đó không thể có được uỷ quyền của hôi đồng Nhà nước.

Trong thời gian đầu tiến hành đàm phán với các nước thì các hiệp định đều được ký kết với danh ghĩa Chính phủ, do đó, cơ quan đề xuất là Bộ Tài chính chỉ trình xin Chính phủ duyệt nguyên tắc, phương án đàm phán. Vì thế, trường hợp với Hung-ga-ri, sau khi kết thúc đàm phán, Bộ Tài chính trình lên Chính phủ để trình Chủ tịch nước duyệt ký Hiệp định,đã gặp những khó khăn do văn phòng Chủ tịch nước không nắm được Hiệp định này.tiếp theo, trường hợp với Hung-ga-ri là trường hợp với Đức. Cũng do luật pháp của các nước này đã quy định Hiệp định tránh đành thuế hai lần chỉ ký vớidanh nghĩa nhà nước nên ta phải đồng ý ký Hiệp định với danh nghĩa này, ví luật pháp của ta cho phép có thể được ký ở cả hai danh nghĩa. tuy hiện nay Chủ tịch nước đã có văn bản giao cho Chính phủ đàm phán Hiệp định và trình Chủ tịch nước duyệt ký và phê chuẩn Hiệp định, giải quyết được những vướng mắc trước đây, nhưng việc cùng một loại Hiệp định lại được ký dưới hai danh nghĩa khác nhau là không phù hợp vơí thông lệ quốc tế, thể hiện sự không thống nhất và chuẩn xác trong việc xác định thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề thẩm quyền ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nêu trên, cũng trong việc phân định thẩm quyền ký kết hiệp định, cong có quy định liên quan đến nội dung của hiệp định, đó là Điều 4 của Pháp lệnh ký kết điều ước quốc tế đã quy định: “Hội đồng Nhà nước quyết định việc ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa nhà nước CHXHCN Việt nam và những điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật hoặc pháp lệnh”. như thế nào là “trái với luật hoặc pháp lệnh”, điều này không có sự giải thích ở Nghị định 182/HĐBT ngày 28.5.1992 quy định chi tiêt thi hành Pháp lệnh. Do đó, hiện nay đang có hai cách hiểu khác nhau về vấn đề này, dẫn đến hai hướng xử lý khác nhau. Cách hiểu thư nhất là những điểm khác nhau trong nội dung của Hiệp định với luật trong nước chỉ là sự khác nhau chứ không phải là trái, do đó thẩm quyền ký kết hiệp định vẫn thuộc Chính phủ, không thuộc Hội đồng Nhà nước. những điểm khác nhau đó, ví dụ như Hiệp định quy định quyền đánh thuế của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn xí nghiệp có cơ sở thường trú hoặc các nhân có cơ sở cố định tại nước kia, trong khi Luật thuế lợi tức và Thuế thu nhập cá nhân  của Việt nam không xác định việc đánh thuế theo tiêu chuẩn này hoặc Hiệp định quy định định mức thuế áp dụng đối với một số loại thu nhập tháap hơn luật trong nước quy định như thế đối với thu nhập từ tiền bản quyền có thể ở mức 5%, trong khi luật trong nước quy định cao nhất là 15%.. .

Cách hiểu thứ hai là cho rằng, những điểm khác nhau nêu trên là trái với luật trong nước, do đó, phải trình Chủ tịch nước quyết định việc ký Hiệp định này. Hiện nay, việc trình ký Hiệp định này vẫn được xử lý theo cách thứ nhất.

Ngoài ra, trong đàm phán Hiệp định còn có vấn đề giấy uỷ quyền đàm phán khi đàm phán Hiệp định thuế. Theo quy định của Pháp lệnh ký kết các điều ước quốc tế, thì trưởng đoàn đàm phán phải có giấy uỷ quyền của hội đồng Nhà nước hoặc chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc này không được thực hiện. Lý do của nó là việc đàm phán Hiệp định thuế đã nằm trong chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ quy định cho Bộ tài chính. Do đó, việc cấp giấy uỷ quyền cho mỗi lần đàm phán là không cần thiết. Trên thực tế, giữa hai đoàn đàm phán cũng chưa bao giờ có thủ tục trao đổi giấy uỷ quyền đàm phán.

Trong đàm phán Hiệp định thuế, sau khi két thúc đàm phán, hai đoàn đàm phán thường có thủ tục ký tắt vào bản dự thảo hiệp định đã được thống nhất. Việc ký tắt này chỉ là để ghi nhận kết quả đàm phán của hai bên, vì sau khi đã được ký tắt, hai bên vẫn có thể sửa đổi các nội dung đã được thống nhất. Bản dự thảo được ký tắt luôn chỉ là bản tiếng Anh vì bản tiếng Anh là bản duy nhất được dùng để điều ước quốc tế đàm phán Hiệp định thuế giữa các nước. Do quan niệm ký tắt trong đàm phán Hiệp định chỉ là ghi nhận kết quả đàm phán như nêu trên, nên việc ký tắt Hiệp định được thực hiện bởi các đoàn đàm phán không theo như quy định ở điều 6 của Nghị định 182/HĐBT là: “.. .Trước khi ký tắt, văn bản tiếng Việt phải được rà soát kỹ và đối chiếu với bản tiếng nước ngoài. Trong quá trình đamg phán, nếu có những thay đổi về nội dung cơ bản so với dự thảo đã đựoc chuẩn y thì việc ký tắt chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền”. Quy định về ký tắt điều ước quốc tế này là chưa rõ ràng, do đó dẫn đến việc hiểu không thống nhất khái niệm “ký tắt”, và liên quan đến nó là những thủ tục cần phải được tiến hành cho phu hợp. Hiện nay, cũng có quan điểm là việc ký tắt Hiệp định thuế như nêu trên là cần phải thực hiện theo Nghị định 182/HĐBT. Về phía cơ quan đàm phán Hiệp định thì thấy rằng, những quy định đó là không phù hợp với đặc điểm của việc đàm phán Hiệp định thuế. Một hiệp định được đàm phán theo mẫu hiệp định với các nguyên tắc đã được Chính phủ duyệt. Văn bản đàm phán, ngôn ngữ đàm phán luôn là tiếng Anh, với quy định bản tiếng Anh là bản tham chiếu trong trường hợp bản tiếng Việt và bản tiếng nước ký kết kia được hiểu không thống nhất.

Liên quan đến việc ký tắt này là vấn đề ngôn ngữ của hiệp định. Điều 2 của Nghị định 182/HĐBT quy định: “Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên phải có một văn bản bằng tiếng Việt, trừ một ít trường hợp đặc biệt có thoả thuận riêng với phía bên kia”. Khái niệm “trường hợp đặc biệt” không được quy định rõ. Hiện nay, trong số hiệp định thuế đã ký đà có hai hiệp định với Hà lan và Bỉ chỉ ký bằng tiếng Anh do phía Hà lan và Bỉ không kịp chuẩn bị các văn bản bằng tiếng nước đó và như vậy, được coi là nằm trong trường hợp đặc biệt.

2. VỀ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

Như đã đề cập ở phần thẩm quyền quyết định việc ký kết Hiệp định, giữa nội dung của Hiệp định và luật thuế trong nước có những điểm khác nhau. Sự khác nhau này là do luật thuế của ta hiện nay đang ở trong thời kỳ mới bắt đầu xây dựng và chuyển đổi theo cơ chế quản lý của kinh tế thị trường, nên còn thiếu những loại thuế và những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế như thuế đối với tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, quy định về chống chuyển giá, quy định về đánh thuế theo cơ sở thường trú ...

Nguyên tắc giải quyết những vướng mắc do có những khác biệt này là điều ước quốc tế có giá trị cao hơn luật trong nước. Điều này đã được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Pháp lệnh này về việc nộp thuée thu nhập, thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó”. Trong Luật thuế lợi tức không có điều khoản tương tự như vậy, nhưng tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về thuế lợi tức đã có hướng dẫn là thực hiện theo Hiệp định, và Tổng cục thuế theo uỷ quyền của Bộ Tài chính, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định cũng đã hướng dẫn theo tinh thần Hiệp định có giá trị cao hơn nội luật. Đây là thông lệ chung của quốc tế trong việc áp dụng Hiệp định thuế.

Mẫu Hiệp định OECD hoặc mẫu hiệp định UN được các nước chấp nhận dùng để đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là do những mẫu này đã được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế về chính sách thuế và quản lý thuế. Hệ thống thuế Việt Nam  chưa đủ những quy định theo thông lệ quốc tế này. Tuy nhiên, khi ta đã thừa nhận và ký kết Hiệp định thuế với các nước thì điều đó đã có một ảnh hưởng tích cực trong ý nghĩa là một sự định hướng cho sự hoàn thiện chính sách thuế  trực thu của Việt Nam . Vừa qua, trong Pháp lệnh sửa đổi thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã bổ  sung quy định về đối tượng cư trú và không cư trú (tuy chưa thật đầy đủ) hoặc trong một số văn bản khác cũng đưa vào những nội dung theo quy định của Hiệp định như quy định về thuế đối với việc chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp, hoặc trong đề án ban hành Luật thuế công ty, Luật thuế thu nhập dân cư cũng đã đưa vào những nội dung của thuế quốc tế.

 

 

                                                   III

                              ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ

 

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là một trong những Hiệp định có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư giữa các nước theo xu thế tự do hoá nền kinh tế thế giới, nhằm xây dựng được một nền sản xuất hiệu quả nhất. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần không phải là một loại hiệp định khung mà là một loại hiệp định rất cụ thể với những quy định chi tiết, phức tạp, mang tính chuyên ngành rất sâu, chứa đựng những khái niệm, nội dung về thuế quốc tế, là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam . Nhằm đáp ứng được yêu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong một thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiến hành đàm phán và ký kết được Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 19 nước (từ 1990-1995). Các Hiệp định đã ký kết đèu bảo đảm bảo phù hợp với  luật trong nước trong việc khuyến khích thu hút đầu tư trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Việc đàm phán, ký kết và thực hiện hiệp định đã được dựa trên những quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Pháp lệnh này đối với Hiệp định thuế đã bộc lộ ra những điểm cong thiếu, còn chưa rõ, chưa phù hợp của pháp lệnh, dẫn đến việc hiểu, giải thích không thống nhất các quy định của Pháp lệnh giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, giữa Bộ ngoại giao, Bộ tư pháp và các Bộ chuyên ngành khác, gây nên những khó khăn vướng mắc trong việc đàm phán và ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Điều đó đòi hỏi cần     phải có sự sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về điều ước quốc tế , trong đó đặc biệt cần làm rõ quy định thẩm quyền quyết định ký kết điều ước quốc tế là căn cứ vào nội dung, tính chất của các điều ước quốc tế đó, chứ không chỉ dựa vào danh nghĩa của điều ước quốc tế như quy định hiện nay.

Trong các văn bản luật cơ bản của ta có liên quan đến điều ước quốc tế đều không có quy định về mức độ áp dụng điều ước quốc tế so với luật trong nước, nhưng trong Pháp lệnh điều ước quốc tế cũng đã quy địnhcho phép ký các điều ước quốc tế trái với luật và pháp lệnh. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định CHXHCN Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam đà ký kết và quy định trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải có bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới văn bản pháp luật của CHXHCN Việt Nam , thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó. Như vậy, gián tiếp ta đã thừa nhận nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế cao hơn nội luật.

Trong một số luật thuế hiện nay, đã có quy định về áp dụng điều ước quốc tế cao hơn luật như Luật thuế xuất nhập khẩu, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, và trong thực tế thi hành các điều ước quốc tế về thuế, cả Hiệp định tránh đánh thuế hai lần cũng như các thoả thuận quốc tế khác có liên quan đến thuế thì các điều ước quốc tế đó đều có giá trị cao hơn nội luật. Trong thực tế, chưa có trường hợp nào ta từ chối không thực hiện điều ước quốc tế do mâu thuẫn với nội luật.

Từ thực tế này, ta cần phải đưa vào trong luật điều ước quy định về điều ước quốc tế có giá trị cao hơn nội luật.

Trong lĩnh vực Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, quy định này rất có ý nghĩa vì nó có cách giải quyết hiệu quả nhất xung đột pháp luật giữa Hiệp ddịnh và nội luật. Do tính phức tạp của Hiệp định nêu ngoài mẫu hiệp định chung, các nước còn thốmg nhất sử dụng bản bình luận của mẫu hiệp định trong việc đàm phán và thực hiện Hiệp định, Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải đã giải quyết được hết các xung đột do giải thích Hiệp định khác nhau ở mỗi quốc gia. Do đó, Hiệp định còn quy định những thủ tục thoả thuận song phương để giải quyết những xung đột này, đồng thời, các nước cũng đã áp dụng Công ước Viên về luật điều ước quốc tế  trong việc giải thích và thực hiện Hiệp định. Công ước này đã được coi là một trong các nguồn của thuế quốc tế. Hiện nay, việc thực hiện Hiệp định tráng đánh thuế hai lần mới chỉ là bước đầu, ta còn thiếu những kinh nghiệm trong giải thích, quản lý thực hiện Hiệp định, trình độ quản lý thuế của ta đối với hoạt động của các công ty đa quốc gia còn rất hạn chế. Do đó, chưa phát sinh những xung đột. tuy nhiên, trong thời gian tới đây, chắc chắn sẽ là một thực tế mà ta gặp phải. Vì vậy, ta cần nghiên cứu và đề xuất việc tham gia Công ước Viên về thực hiện các điều ước quốc tế của ta được thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

 

 

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ THỰC TIỄN KÝ KẾT

 VÀ ÁP DỤNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC

HÀNG HẢI TẠI VIỆT NAM

 

                                                                Tạ Hoà Bình

                                             TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM

 

 

Theo chúng tôi biết, hiện nay chúng ta khó có thể thống kê một cách chính xác con số của những điều ước quốc tế về hàng hải đã được công bố hoặc sẽ được bắt đầu soạn thảo trong thời gian tới. Trong số đó, có các điều ước được hình thành dưới dạng thoả ước giữa một nhóm các quốc gia có chủ quyền (MOU / PSC) hoặc công ước quốc tế dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế chuyên trách của Liên hợp quôcs (IMO, UNCTAD, ILO ...) và thậm chí còn là do sáng kiến của các tổ chức tư vấn độc lập (CMI, BIMCO, ICC ...).

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Uỷ ban Kinh tế-Xã hội Châu á-Thái bình dương- (Ecenomic and Social Commision for Asia and the Pacific-ESCAP) cũng đã có khoảng gần một trăm điều ước đa phương các loại cần được nghiên cứu ứng dụng để đưa vào các văn bản pháp luật quốc gia liên quan hoặc chính thức rham gia ở cấp Bộ, Chính phủ. Chủ yếu là 04 loại công ước sau đây:

- Các công ước quốc tế Brussels về pháp luật hàng hải: 20 công ước

- Các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ( International Labour Organization-ILO): 30 công ước và 21 văn kiện chính thức.

- Các công ước của tổ chức Hàng hải quốc tế ( International Maritime Organization-IMO): 28 công ước và các phụ lục kèm theo.

- Các công ước của hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển ( The United Nations Conference on Trade and Developing-UNCTAD): 04 công ước

Tính cho đến ngày hôm nay, CHXHCN Việt Nam đã chính thức tham gia 06 công ước quốc tế về hàng hải do Tổ chức Hàng hải quốc tế đề xướng.

Trong đó bao gồm:

1- Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, 1974 và Nghị định thư, 1978 cùng với các bổ sung, sửa đổi 1981, 1983 ( International Convention for the Safety ò Life at Sea; Protocol, 1978 and Amendments 1981, 1983-SOLAS 1974 có hiệu lực từ năm 1980; 120 thành viên. Protocol/1978 có hiệu lực từ năm 1981; 82 thành viên).

Công ước này quy định cụ thể về các điều kiện an toàn kỹ thuật liên quan đến cấu trúc, trang thiết bị và vận hành tàu biển. Đồng thời, cũng quy định cả về trách nhiệm của các quốc gia  mà tàu treo cờ trong việc cấp các chứng chỉ an toàn kỹ thuật theo mẫu chung của IMO, bảo đảm thực thi Công ước và quyền của các  quốc gia tham gia Công ước kiểm tra các tàu biển của nhau.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và có hiệu lực tại vn từ ngày 18.03.1991.

2. Công ước quốc tế về ngăn ngừa tai nạn ô nhiễm môi trường biển do tàu biển gây ra 1973 ( International for the Prevention ò Pollution from Ships, 1973 as modified by Protocol of 1978-MARPOL 1973/1978 có hiệu lực từ 1983; có 78 thành viên).

Công ước này quy định một số tiêu chuẩn về cấu trúc tàu, trang thiết bị phòng chống ô nhiễm dầu và chế độ thải bỏ các chất độc hại như dầu, nước thải, rác ... từ tàu ra biển. Mục đích của Công ước  là nhằm hạn chế tối đa mọi nguy cơ gây ô nhiễm từ tàu biển cho hệ sinh thái xung quanh tàu.

Đây là một Công ước lớn, bao gồm 05 phụ lục được coi như luật chi tiết về các vấn đề khác nhau ( Phụ lục I: Luật chống ô nhiễm dầu; Phụ lục II: Luật kiểm tra ô nhiễm khi vận chuyển chất độc lỏng chở xô; Phụ lục III: Luật chống ô nhiễm biển do các chất độc hại được vận chuyển dưới dạng đóng gói hay đóng trong container; Phụ lục IV: Luật chống ô nhiễm do nước thải từ tàu gây ra; Phụ lục V: Luật chống ô nhiễm do rác của tàu gây ra).

Việt Nam chỉ mới phê chuẩn Phụ lục I, Phụ lục II vào ngày 29.5.1991 và Công ước có hiệu lực tại Việt Nam  từ ngày 29.8.1991.

3- Công ước quốc tế về mạn khô của tàu biển, 1966 ( Internationnal Convention on Load Lines of Ships, 1966-LOAD LINES/1966 có hiệu lực từ 1968; 128 thành viên).

Công ước này đước xây dựng nhằm chuẩn hoá trên phạm vi quốc tế những nguyên tắc và quy định thống nhất liên quan đến các mức chuyên chở giới hạn thấp nhất theo mùa và vùng hoạt động của tàu biển để bảo đảm an toàn sinh mạng con người và của cải trên biển.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 18.3.1991.

4- Công ước quốc tế về đo dung tích tầu biển, 1969 (International Convention on Tonnage Meaurement ò Ship, 1869-TONNAGE/1969 có hiệu lực từ 1982; 99 thành viên)

Công ước này quy định về cách thức xác định dung tích của tàu biển và nguyên tắc cấp các chứng chỉ liên quan.

Việt nam phê chuẩn ngày 18/12/1990 và bắt đầu có hiệu lực tại Việt nam từ ngày 18/03/1991.

5-Công ước quốc tế về đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên 1978 (International Convention on Standards ò Trainning, Certification and Watchkeeping for Seafarers, 1978-STVW/1978 có hiệu lực từ 1984; 96 thành viên).

Công ước này cũng đề cấp đến sự an toàn cho người, phương tiện, của cải trong hoạt động hàng hải thông qua việc thống nhất  các tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho thuyền viên làm việc trên các loại tàu biển khác nhau theo từng nganhf và chức danh cụ thể.

Ngay từ cuối năm 1982, sau khi Công ước được thông qua, chúng ta đã vận dụng một phần nội dung của nó vào việc đào tạo, tổ chức sách hạch và cấp chứng chỉ chuyên môn cho các sỹ quan trưởng ca buồng lái và máy. Đồng thời, cập nhật hoá một số vấn đề liên quan vào các văn bản quy định về chế độ thi sát hạch, cấp bằng và đảm nhận chức danh chuyên môn trên các tàu biển Việt Nam. Đến nay, khi Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước, các hoạt động này vẫn được tiếp tục triển lhai và về phương diện pháp lý, thì các chứng chỉ chuyên môn do Việt Nam theo Công ước đã có giá trị sử dụng trên phạm vi quốc tế.

Việt Nam phê chuẩn Công ước ngày 18.12.1990 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 18.3.1991.

6. Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm của tàu thuyền trên biển, 1972 (International Regulations for Preventing Collisons at Sea, 1972-COLREG/1972 có hiệu lực từ năm 1977; 117 thành viên).

Công ước này đưa ra các quy tắc phòng tránh va chạm tàu thuyền trên biển và phụ cận, trong đó bao gồm cả các quy định về kết cấu trang thiết bị an toàn giao thông như còi, đèn và các loại âm, tín hiệu. trước đây, nội dung của Công ước này nằm trong SOLAS, sau đó mới được tách ra thành một công ước độc lập.

Đây cũng chính là công ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam áp dụng vào thực tế bằng cách biên soạn lại và hiệu lực hoá trên lãnh thổ của mình bằng hai quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT ( Quyết định số 771/QĐ-PC, ngày 8.4.1988 và Quyết định số 1533/QĐ-PC, ngày 6.8.1991).Trước đó, chúng ta cũng đã từng làm như vậy đối với các quy tắc tiền thân của Công ước này là COLREG/1960.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và chính thức bắt đầu có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam từ ngày 18.3.1991.

Như vậy, mặc dù đã được coi là hội viên thứ 126 của tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã từ gần 12 năm nay, Việt Nam mới chỉ chính thức tham gia 06 trong tổng số 28 Công ước IMO đang có hiệu lực. đây cũng chính là 06 Công ước quốc té về hàng hải duy nhất mà chúng ta chính thức tham gia từ trưóc đến nay và người có công lớn nhất trong việc thúc đẩy việc tham gia, tuyên truyền áp dụng chúng là Cục Đăng kiểm Việt Nam và trường Đại học Hàng hải.

Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy là tất cả các Công ước này đều thuộc về lĩnh vực an toàn kỹ thuật hàng hải.

Với tư cách là tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc về hàng hải, IMO còn là người đề xướng rất nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác về trách nhiệm bồi thường tổn thất do ô nhiễm, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ, giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải như:

- OILPOL/1962-1969-1971; DUMPING/1972; INTERVENTION/1969 .

- INMARSAT/1976; SAR/1979; SALVAGE/1989.

- CLC/1969; FUND/1971; LLMC/1976; OPRC/1990.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, ngoài các 06/28 Công ước IMO nói trên, CHXHCN Việt Nam cũng chỉ mới tham gia duy nhất một công ước quốc tế đa phương khác có nội dung liên quan đến hàng hải là Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 ( UNLOS/1982 ). Việc gia nhập Công ước đặc biệt quan trọng này được Quốc hội thông qua ngày 23.6.1994.

Một điều đáng buồn là ngay trong số 12 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mới được phê chuẩn theo Quyết định số 193-QĐ/CTN, ngày 30.5.1994 của Chủ tịch nước không có công ước nào về lĩnh vực hàng hải. Trong khi đó, riêng Tổ chức này có tới hơn 30 Công ước về hàng hải và 21 văn kiện liên quan khác.

Đối với Việt Nam , việc tham gia Convention No 147/1987 về Minimum Standards in Merchant Ships và Convention No 55/1936 hoặc các công ước khác  về trách nhiệm của chủ tàu trong các trường hợp đau ốm, thương tật và tử vong của thuyền viên là hết sức cấp bách, nếu thực sự muốn tham gia thị trường xuất khẩu thuyền viên.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã tham gia ký kết một số điều ước song phương khác dưới dạng “Hiệp định hàng hải thương mại liên chính phủ”. Theo nhận xét của cá nhân tôi, trong điều kiện hiện nay chúng chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục là chính.

Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp quy liên quan. chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng một số Công ước quốc tế Brusels về hàng hải như:

- Hague-Visby Rules/1968 (về B/L và vận chuyển hàng hoá)

- Arrest ò Sea-going Ships/1952 ( về bắt giữ tàu biển )

- Collision/1910-1952 (về xử lý tai nạn đâm va)

- Limitation ò Civil Liability of Ship-owners/1957-1979 (về giới hạn trách nhiệm dân sự chủ tàu)

- Maritime Liens and Mortgages/1967 (về cầm cố, cầm giữ tàu biển) ...

- United Nations Convention on Conditions for the Registration of Shps/1986

Về bản chất, hoạt động hàng hải là một loại hình dịch vụ giao lưu kinh tế đặc thù, chịu sự tác động rất rõ nét của thị trường quốc tế cả về phương diện luật pháp lẫn vật chất. Trong điều kiện hiện nay, không một quốc gia nào có thể “đóng cửa” tự mình xây dựng và pját triển ngành công nghiệp hàng hải quốc gia, mà không cần sự trợ giúp về vốn liếng, công nghệ khai thác tàu, sửa chữa-đóng mới tàu biển hoặc liên kết kinh doanh của các quốc gia khác hay một nhóm quốc gia thành viên nào đó thông qua hoạt động của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là đối với những quốc gia. Tuy có nhiều tiềm năng tự mhiên để phát triển công nghiệp hàng hải nhưng lại quá yếu về khả năng tự đầu tư và khả năng tiếp cận công nghệ mới như Việt Nam , thì đó lại là một tất yếu khách quan trên con đường hợp tác, hội nhập với thế giới bên ngoài.

Về phương diện địa lý, ngay từ khi mới xuất hiện, các hoạt động hàng hải thường không chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia nào đó, mà còn được tổ chức thực hiện trên lãnh thổ của những quốc gia có chế độ chính trị và hệ thống pháp luật không giống nhau ... Có thể nói, cùng với việc mở rộng các hoạt động bang giao quốc tế và ngoại thương, hệ thống pháp luật hàng hải là một trong những lĩnh vực được quốc tế hoá sớm nhất, sâu rộng nhất và có nhiều điểm tương đồng nhất giữa các quốc gia với nhau (có dẫn chứng) .

Thực tế cho thấy rằng, ở những mức độ khác nhau, nhu cầu giao lưu hàng hoá, dịch vụ trên cơ sở sự phân công lao động, phân bố tài nguyên giữa các vùng khác nhau trên thế giới và sự cách biệt về tiềm năng kinh tế, tài chính của các quốc gia hàng hải hiện nay là những yếu tố có tác dụng thúc đẩy xu thế quốc tế hoá một số vấn đề liên quan đến hoạt động hàng hải

Do tính chất quốc tế đặc thù của mình, các hoạt động hàng hải không thể không bị ảnh hưởng bởi xu thế này. Trong quá trình đấu tranh và hợp tác với nhau trên thị trường, bất cứ một quốc gia nào tham gia hoạt động hàng hải cũng sẽ bị chính các nhu cầu tự thân của mình buộc phải thoả hiệp với các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Và sự thoả hiệp lớn nhất-hợp lý nhất chính là việc tham gia các điều ước quốc tế  hoặc áp dụng chúng vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia (có dẫn chứng) .

Từ nhiều năm qua, theo đà phát triển chung của luật pháp quốc tế hiện đại, xu hướng thống nhất pháp điển hoá các vấn đề về luật pháp hàng hải trên phạm vi thế giới ngày càng thể hiện rõ ràng hơn.

Điều này có thể chứng minh được thông qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về phạm vi điều chỉnh và tốc độ ra nhập công ước ngày càng tăng hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tán thành với một số ý kiến cho rằng, chúng ta cần tham gia một cách có chọn lọc, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở khả năng, trình độ và điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay hoặc không thế vì quá máy móc và nóng vội tham gia, áp dụng một số công ước quốc tế, làm ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Bởi vì, việc tham gia một số công ước về an toàn kỹ thuật sẽ kéo theo trách nhiệm đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm các trang thiết bị mới rất tốn kém hoặc thay đổi cả một hệ thống bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đã hình thành từ nhiều năm nay (ví dụ về STCW/1978 ) ...

Nhưng, cũng không thể chần chừ không tham gia các công ước quốc tế khác. Đặc biệt là các công ước nói về trách nhiệm tìm kiếm -  cứu nạn, giới hạn trách nhiệm trong tai nạ ô nhiễm dầu , an toàn công-ten-nơ, bắt giữ tàu biển ... Bởi vì, sớm hay muộn chúng ta cũng buộc phải áp dụng chúng. Nhất là khi đa số các quốc gia khác trong khu vực đã trở thành thành viên của các công ước đó.

Nếu Việt Nam không tiếp tục sớm công khai tham gia các công ước quốc tế thông dụng trong cộng đồng hàng hải, thì khó có thể tạo dựng cho mình một uy tín và hành lang pháp luật cần thiết trong hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Thậm chí, sẽ còn bị thua thiệt nhiều khi hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của các quốc gia khác hoặc hoặc tiếp tục bị phân biệt trong đối xử.

Theo chúng tôi được biết, trong những năm trước đây phong trào giải phóng Palestine rất tích cực tham gia các điều ước quốc tế về hàng hải. Mặc dù lúc đó họ không có Tổ quốc, nhưng họ hiểu rằng việc tham gia các công ước này không chỉ có ý nghĩa chuyên môn thuần tuý, mà còn đem lại những lợi ích đặc biệt về chính trị và ngoại giao.

Vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa tổ chức được  một sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan để nghiên cứu, đề xuất việc tham gia các công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế về hàng hải nói riêng.

Tôi cho rằng, việc chúng ta quá chậm chạp và thiếu chủ động trong việc ký kết, công nhận và tạo điều kiện thực thi các công ước quốc tế về hàng hải hiện nay chủ yếu là do sự thiếu quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên, phần nào thể hiện phong cách bảo thủ, trì trệ do chế độ bao cấp cũ để lại. Những khó khăn khách quan khác về tiền vốn đầu tư, trình độ công nghệ cũng rất đáng kể, nhưng chỉ nên coi là thứ yếu.

Chúng ta cũng cần sớm tìm cách tham gia góp phần trực tiếp xây dựng một hệ thống pháp luật hàng hải chung trên phạm vi thế giới dưới dạng các điều ước quốc tế đa phương dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế chuyên trách. Sự vắng mặt của các chuyên viên Việt Nam trong các tổ chức này cản trở sự theo dõi liên tục từ khi soạn hảo đến khi chúng được thông qua tại các Hội nghị quốc tế và làm giảm cơ hội để nâng cao lợi ích của Việt Nam ngay trong nội dung của các điều ước này. Tất nhiên, muốn làm được điều nàyNhà nước cần phải có những chính sách rất cụ thể về kinh phí, đào tạo, lựa chọn con người. Nhưng thiết nghĩ đó là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm thoả đáng.

Thực tiễn hàng hải cho thấy, các điều ước quốc tế  và tập quán hàng hải luôn luôn là một nguồn luật rất cơ bản của pháp luật quốc gia. Do quá trình quốc tế hoá mạnh mẽ hiện nay trong giao lưu kinh tế, đời sống ngày càng có nhiều vấn đề vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và trở thành những vấn đề có tính chất hoàn cầu như an toàn tàu dầu, vận chuyển container, ô nhiễm môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, chống cướp biển ... Những vấn đề đó đòi hỏi phải có một sự hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết một cách có hiệu quả được. Do vậy, việc sớm tận dụng mọi cơ hội ra nhập các điều ước quốc tế  đa phương là một việc làm không thể bỏ qua ngay trong thời gian tới. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ sớm tự đặt mình ra ngoài quỹ đạo chung và bị cô lập với các nước khác.

Mặt khác, tôi cũng tán thành nhận định của một số chuyên gia quốc tế cho rằng, các điều ước quốc tế  về hàng hải-với tư cách là nền tảng của một trật tự pháp lý mới trong hoạt động hàng hải sẽ có một vai trò rất lớn, không những đối với các hoạt động giao lưu quốc tế, mà còn tác động trực tiếp vào việc hình thành hệ thống văn bản  pháp luật quốc gia về hàng hải nói riêng và pháp luật quốc gia nói chung. T uy nhiên, việc tham gia ồ ạt hoặc áp dụng một cách máy móc các điều ước quốc tế cũng sẽ gây cho chúng ta những khó khăn không nhỏ về vốn đầu tư, khả năng thay đổi công nghệ và các vấn đề xã hội khác.

Ngày nay, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật hàng hải quốc tế thành quy phạm pháp luật quốc gia vừa là một nhu cầu tất yếu lại vừa là một phương thức nhằm nhanh chóng hiện đại hoá ngành hàng hải Việt Nam , cho phép chúng ta cập nhật được ngay những vấn đề mà thế giới đã giải quyết, mà không cần phải tốn nhiều công sức, thời gian. Ngoài việc tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng hội nhập với các nước khác về công nghệ, thị trường, pháp luật mà còn cải thiện được uy tín quốc gia trên trường quốc tế và xây dựng một hệ thống pháp luật quốc gia hiện đại, đảm bảo cho sựphát triển vững chắc của ngành công nghiệp mũi nhọn này ...

Do vậy, chúng tôi chủ trương tham gia một cách có chọn lọc các điều ước quốc tế  nào cần thiết nhất, phù hợp với khả năng hiện tại và nên ưu tiên việc nghiên cứu, ứng dụng các quy phạm pháp luật quốc tế vào việc xây dựng quy phạm pháp luật quốc gia. Đó cũng là một cách tham gia công ước quốc tế mà nhiều nước đang làm rất có hiệu quả.

                                                                  Tháng 01/1996

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TÍN DỤNG GIỮA CHXHCN VIỆT NAM VÀ NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

                                       

                                                             Luật gia Hoa Hữu Long

                                                                        Bộ Tư Pháp

 

Trong vài năm gần đây, Việt Nam nhận được nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA) khá lớn từ các nước, các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ bằng cả hai hình thức ODA không hoàn lại và ODA hoàn lại. Tổng số ODA hoàn lại chiếm tỷ trọng lớn và việc đầu tư chủ yếu là cho các công trình cơ sở hạ tầng ( cải tạo và nâng cấp quốc lộ, sân bay, bến cảng, các công trình trong lĩnh vực năng lượng, cấp nước đô thị ... của Nhà nước.

Nguồn ODA hoàn lại phần lớn do các tổ chức tài chính tín dụng lớn như Quỹ phát triển kinh tế hải ngoại của Nhật bản (OECF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) ... cung cấp, thông qua hai loại Hiệp định: Hiệp định tín dụng phát triển (Development Credit Agreement) và Hiệp định vay (Loan Agreement). Đây là nguồn vay tài chính được hưởng những ưu đãi đặc biệt về số vay, thời gian vay, thời gian trả nợ (ân hạn) và đặc biệt là lãi xuất rất thấp so với vay thương mại. Nguồn tài chính này rất có ý nghĩa đối với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy vậy, để nhận được những khoản vay này, chúng ta phải chấp nhận sự ràng buộc vào những chính sách và điều kiện của bên cho vay, nhất là những quy định liên quan đến việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, khuyến khích tư nhân hoá, thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Một số quy định mà Nhà nước ta cam kết thực hiện có những điều khoản trái với pháp luật hiện hành của Việt Nam , ít nhiều gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan thực thi. Thậm chí, việc áp dụng một số quy định không phù hợp với chính sách công bằng và xã hội.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề về ký kết và thực hiện một Hiệp định cụ thể mà Nhà nước ta đã ký kết với Ngân hàng thế giới.

1. Hiệp định tín dụng phát triển số 2549-VN( Dự án khôi phục quốc lộ 1) Giữa CHXHCN Việt Nam và hiệp hội phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới) đã được ký ngày 01.11.1993, với tổng số cho vay không quá 158 triệu đô la Mỹ, nhằm mục đích khôi phục quốc lộ 1A của Việt Nam đoạn Hà nội -Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ .

Đây là một trong những Hiệp định tín dụng đầu tiên mà Việt Nam  ký kết với Ngân hàng Thế giới, bởi vậy nhiều khó khăn, lúng túng đã xẩy ra đối với chúng ta ngay từ khâu đàm phán Hiệp định.

Theo quy chế của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định vay tín dụng phải được bên vay ký kết với danh nghĩa Nhà nước mà không chấp nhận ký kết với bất cứ danh nghĩa nào khác. Đây là điểm khác biệt so với các hiệp định vay vốn mà Chính phủ ta đã ký kết trước đó. Theo quy định của pháp luật việt nam (Hiến pháp năm 1992, pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam, nghị định số 20-CP của chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA) thì việc quyết định đàm phán, ký và phê chuẩn hiệp định này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Do chưa nghiên cứu kỹ quy chế của Ngân hàng thế giới cũng như các quy định của pháp luật trong nước, nên cơ quan chủ trì đàm phán chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm phối hợp với Bộ ngoại giao và Bộ tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét quyết định việc ký hiệp định nhân danh nhà nước XHCN Việt Nam và hiệp định có điều khoản trái với quy định ciủa pháp luật Việt nam, gây khó khăn cho việc xem xét phê chuẩn và thực hiện hiệp định này. Theo quy định của Hiệp định sau 3 tháng kể từ ngày ký, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta tiến hành một số lượng công việc rất lớn và phức tạp như xem xét phê duyệt dự án, phê chuẩn Hiệp định, sửa đổi pháp luật có liên quan, cấp ý kiến pháp lý... và nhất là xem xét các vấn đề liên quan đến việc bồi thường di dân và tái định cư. Do có nhiều ý kiến khác nhau, nên thời gian trên không đủ để giải quyết các công việc cần thiết, cần phải gia hạn thêm 3 tháng nữa.

2. để thực hiện Hịp định, Nhà nước Việt Nam cam kết dành một số tiền là 32,8 triệu đô la Mỹ để thực hiện việc giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho những ngươì bị ảnh hưởng bởi Dự án. Điều 1 của Hiệp định quy định người bị ảnh hưởng bởi Dự án mà bất kỳ người nào mà trước ngày 1.6.1993, đối với đoạn quốc lộ 1A Hà nội-Vinh và trước ngày 20.8.1993 đối với đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và trước ngày hoàn thành khảo sát, đang cư trú một cách bình thường hoặc đang sản xuất, kinh doanh sẽ bị dời chuyển khỏi nơi ở hoặc kinh doanh để thực hiện Dự án.

Theo quy tại Phần A, phụ lục 2 của Hiệp định này, những người bị ảnh hưởng sẽ được cấp đất để xây dựng nhà ở, được cấp tiền, nguyên vật liệu xây dựng nhà và Nhà nước phải dành kinh phí cho việc xây dựng các công trình công cộng trong khu tái định cư và các chi phí để đào tạo các ngành nghề cho họ. Cụ thể là Nhà nước phải đền bù cho những người bị ảnh hưởng bởi Dự án, không kể công trình xây dựng của họ là hợp pháp hay bất hợp pháp. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại công văn số 322/TB ngày 10.10.1993 và (Báo cáo Dự án khôi phục quốc lộ 1 đường Hà nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ tháng 01.1994 để thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư, Chính phủ ta đã cam kết:

- Cấp đất theo quy định của pháp luật Việt Nam

- Đền bù 100% giá trị công trình xây dựng theo giá thị trường cho những người có giấy phép cấp đất xây dựng từ cấp xã trở lên và trợ giúp những người không có giấy phép với mức 60% giá trị công trình.

- Trợ cấp cho mỡi gia đình phải di chuyển mỗi tháng 30 đô la Mỹ trong 03 tháng.

- Trợ cấp đào tạo nghề nghiệp cho các gia đình phải thay đổi nghề nghiệp do di chuyển, bình quân 100 đô la Mỹ cho mỗi gia đình.

- Cấp kinh phí san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư 100 đô la Mỹ cho mỗi gia đình

- Đền bù cho các công trình công cộng phải di chuyển ...

Tổng cộng số tiền phải chi phí cho kế hoạch này là 32,8 triệu đô la Mỹ trong tổng số kinh phí của Dự án là 176 triệu đô la Mỹ (chiếm gần 19%)

3. Nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ luôn luôn trật tự, an toàn và thuận tiện cho việc cải tạo, mở rộng đường sau này, ngày 21.12.1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ kèm theo Nghị định số 203-HĐBT.

Theo quy định của Điều lệ này, hệ thống đường bộ có hành lang bảo vệ rộng 20 mét. Trong phạm vi hành lang “nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán,kho tàng, công trình ( tạm thời hay vĩnh cửu)” (Điều 8); “Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm điều lệ này, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý theo các hình thức: phạt tiền, bắt bồi thường thiệt hại, truy tố trước pháp luật” (Điều 21) và “Điều lệ có hiệu lực từ ngày ký” (Điều 22).

Để thực hiện Nghị định số 203/HĐBT, ngày 3-1-1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 6-CT trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các cấp chính quyền các cấp từ phường, xã đến tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng trong hành lang bảo vệ đường là vi phạm luật lệ và buộc phaỉ tháo dỡ, di chuyển trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký Quyết định này. Tiếp theo đó, Bộ Giao thông vận tải và bưu điện đã ban hành Thông tư số 704/GTTB ngày 16-6- 1990 hướng dẫn thi hành Quyết định số 06/CT và Nghị định số 203-HĐBT.

Căn cứ vào những quy định này thì kể từ sau ngày 21-12-1982, cơ quan chính quyền từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố không có quyền cấp đất hoặc tự ý xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đường (20 m đối với quốc lộ 1) và những công trình hiện có trong hành lang bảo vệ đuờng và bắt buộc phải phá dỡ, di chuyển trước ngày 21-6-1983.

4. Những quy định này rõ ràng là không thể áp dụng đối với kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư của Hiệp định tín dụng phát triển (Dự án cải tạo quốc lộ mà Nhà nước ta đã ký kết với Ngân hàng thế giới. Bởi vậy, tại Công văn số 6103/KTN ngày 27-11-1993, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho dự án cải tạo quốc lộ 1 (phần sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới) được phép không áp dụng Mục 2 Phần 1 của Quyết định số 06/CT ngày 3-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (quy định về việc di chuyển không đền bù những công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đường) và các quy định tương ứng trong thông tư số 704/GTTB ngày 16-6-1990 của Bộ giao thông vận tải và Bưu điện.

Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án vay vốn nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 280/CV-NH8 ngày 14-5-1994, liên quan đến hiệp định tín dụng của Ngân hàng thế giới (Dự án cải tạo quốc lộ) có ghi: “Hiệp định đã đuợc Chủ tịch nước phê chuẩn nhưng chưa triển khai vì Bộ Tư pháp chưa ra được vănbản pháp lý do kế hoạch di dân dọc đường 1A không phù hợp với Nghị quyết Ban Bí thư số 94/CV-VPTW ngày 8-2-1994”. Theo chúng tôi, nội dung của Nghị quyết này là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Điều 23 của Hiến pháp 1992 ghi rõ “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. TRong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Mặt khác, Điều 58 và Điều 62 cũng quy định công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của cải để dành, nhà ở...đối với đất được Nhà nước giao thì theo quy định tại Điều 17 (đất đai thuộc sở hữu toàn dân); và Điều 18 (Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài); công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật (Điều 62).

Trong lý luận và thực tiễn điều ước quốc tế của nhiều nước, xu hướng chung là coi điều ước quốc tế nà họ ký kết hoặc tham gia là bộ phận cấu thành của pháp luật quốc gia và có gía trị ưu thế hơn so với pháp luật quốc gia. Vì theo từng nước mà việc xác định thứ bậc  của điều ước quốc tế  cao hơn các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia có khác nhau nhưng có nước xếp điều ước quốc tế  có vị trí thứ hai sau Hiến pháp.

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ  HÌNH SỰ

                                                            

                                                                  PTS. Nguyễn Ngọc Anh

 

Trong điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội giữa các quôcs gia thì việc tương trựo tư pháp trong đó có tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng trở nên cần thiết. Với ý nghĩa đó, trong vòng 15 năm trở lại đây Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) với một số nước : Liên xô cũ, ký ngày 10.12.1981 (hiện Liên bang Nga kế thừa Hiệp định này); Tiệp khắc cũ, ký ngày 12.10.1982 (hiện nay nước Cộng hoà Séc, Cộnh hoà Slovakia kế thừa Hiệp định này); Cộng hoà Cuba, ký ngày 30.11.1984; Cộng hoà Bungaria, ký ngày 3.10.1986; Cộng hoà Ba lan, ký ngày 22.3.1993; Cộng hoà Hungaria, ký ngày 18.1.1985; Cộng hoà dân chủ Đức, ký ngày 15.12.1980(1). Các HĐTTTP nêu trên đều quy định về sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai nước ký kết trong việc tương trợ nhau thực hiện các hành vi tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dãan độ tội phạm để thi hành bản án. Nhìn chung, các quy định về tương trợ tư pháp hình sự ở các Hiệp định(2) đều có nguyên tắc chung tương tự nhau. Tuy nhiên, ở mỗi Hiệp định, do thời gian ký kết khác nhau: điều kiện, hoàn cảnh nước ta ở thời gian đó còn thiếu nhiều văn bản pháp luật hữu quan cũng như trình độ khoa học pháp lý còn hạn chế và vì vậy không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mặt khác, qua một số năm thi hành Hiệp định cũng đã bộc lộ nhiều sơ hở, khuyết điểm, tình hình đó đã gây không ít khó khăn trong việc tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước ta với các nước ký kết. Chính vì vậy, nghiên cứu những vấn đề lý luận do thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế  của Việt Nam  trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các HĐTTTP mà Nhà nước ta sẽ đàm phán, ký kết với các nước khác là rất cần thiết và cấp bách.

1. Nghiên cứu nội dung của các HĐTTTP nói chung, các điều khoản của phần tương trợ tư pháp về hình sự trong từng Hiệp định cho thấy: Các Hiệp định được ký kết đều xuất phát từ sự thoả thuận, thống nhất trên cơ sở phù hợp với pháp luật của mỗi nước và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các Hiệp định đều do phía nước ngoài chuẩn bị. Vì vậy, về bố cục, nội dung, phạm vi các vấn đề được đề cập không thống nhất.

Về bố cục, phần tương trợ tư về hình sự phân chia chương, mục, điều khoản ở từng Hiệp định rất khác nhau; số lượng điều khoản cũng khác nhau. Có Hiệp định đề chương dẫn độ trước chương về truy cứu  trách nhiệm hình sự như Hiệp định với: Liên bang Nga, Hunggải, Bungải, Balan, Cuba. Về tiêu đề của phần này, các hiệp định cũng không nhất quán: Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga: “Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ”, Hiệp định Việt nam -Tiệp khắc: “Những vấn đề hình sự”, Hiệp định Việt Nam –Cuba: “Luật hình sự”, Hiệp định Việt Nam - Hunggari: “Tương trợ tư pháp về hình sự”, Hiệp định Việt Nam - Bungari: “ Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự”, Hiệp định Việt Nam - Balan chỉ có chương II mà không có tiêu đề.Chính từ sự khác nhau về tiêu đề phần tương trợ tư pháp về hình sự trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta đã ký kết, đã dẫn đến việc giới hạn phạm vi nội dung của phần này. Chúng tôi cho rằng cần phải cân nhắc, tính toán để xác định phạm vi điều chỉnh để tương trợ tư pháp cho phù hợp với pháp luật thực định của Việt Nam . ở đây cần phải xem xét lại, nếu đề cập “Luật hình sự” hoặc “tương trợ tư pháp về hịnh sự” là quá rộng. Bởi lẽ trong các HĐTTTP chỉ đề cập tương trợ một số vấn đề về hình sự chứ không phải tất cả các nội dung của Luật hình sự và tố tụng hình sự; theo đó chỉ “lựa chọn” tương trợ một số nội dung chủ yếu có liên quan. Nên chăng lấy tiêu đề: “Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự”, nói như vậy đầy đủ và rõ hơn.

Một số thuật ngữ pháp lý chuyên ngành dùng trong các Hiệp định không nhất quán và không phù hợp với pháp luật Việt Nam . Trong Hiệp định với Liên bang Nga, Bungari, Cuba dùng khái niệm: “tình nghi phạm tội”, khái niệm này theo pháp luật thực định Việt Nam là không chuẩn xác. Theo luật hình sự Việt Nam “Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự...” (Điều 2 BLHS). Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam  cũng quy định tại Điều 83: “1-Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyêts định khởi tố bị can”. Như vậy, chỉ truy cứu trách nhiệm một người, khi người đó thực hiện hành vi phạm tội, hay nói cách khác người đó đã có hành vi phạm tội. Từ các điều khoản viện dẫn trên cho thấy việc dùng khái niệm “người bị tình nghi phạm tội” vừa thiếu chính xác, vừa không phù hợp. Cần phải thay đổi thuật ngữ khái niệm này.

Trong các Hiệp định còn có thuật ngữ dùng không thống nhất, khi thì dùng “truy cứu trách nhiệm hình sự” (Hiệp định Việt Nam - Tiệp khắc, Liên bang Nga...); Hiệp định khác (Hiệp định Việt Nam – Bungari) lại dùng thuất ngữ “truy tố hình sự”. Theo chúng tôi nên dùng thuật ngữ : “Truy cứu trách nhiệm hình sự”, khái niệm này rộnh hơn, phù hợp hơn.

Hầu hết các Hiệp định đều quy định “chuyển giao đồ vật liên quan đến tội phạm...”, đề nghị nên thống nhất gọi là “chuyển giao đồ vật là vật chứng trong vụ án (hoặc của vụ án) “cho phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 

Về cách diễn đạt, văn phong trong một số Hiệp định chưa bảo đảm, đặc biệt là cách dùng từ ở một số điều khoản tối nghĩa hoặc chưa rõ. Ví dụ Điều 57 HĐTTTP Việt Nam-Tiệp khắc quy định “trừ phi...”, Điều 58 “...sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân...”, Điều 60 “a. những điểm về hộ tịch...” hoặc Hiệp định Việt Nam-Cuba; Điều 74 khoản 3 “...Kết quả của việc tố tụng hình sự...”, Điều 75 khoản 1:”...Hồ sơ, kể cả quốc tịch...”. Khoản 4: “Văn bản gốc của sắc lệnh...”v.v...

Mặc dù Nhà nước ta đã ký kết được 7 Hiệp định tương trợ tư pháp, nhưng nhìn chung các Hiệp định đó đều do phía nước ngoài chủ động soạn thảo rồi đưa văn bản cho ta tham gia đóng góp bổ xung, sửa đổi. Bên cạnh những bài học kinh nghiệm quý báu ta thu thập được trong quá trình tham gia đóng góp xây dựng các Hiệp định đó, phải kể đến yếu điểm rất lớn là ta thụ động, vì vậy ta chưa chuẩn bị được một đội ngũ chuyên gia vững vàng hoạt động trong lĩnh vực soạn thảo, đàm phán, ký kết các HĐTTTP. Nhất là trong tình hình hiện nay nhu cầu về ký kết Hiệp định này giữa nước ta với các nước khác ngày càng tăng, điều đó đòi hỏi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực này cần phải có kế hoạch khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn có trình độ cao mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

2. Nhìn lại hơn 10 năm thi hành các HĐTTTP mà nhà nước ta đã ký với một số nước, chúng ta có thể thấy việc ký kết các Hiệp định đã quan trọng nhưng việc tổ chức thi hành Hiệp định lại càng quan trọng hơn. Nhưng thất đáng tiếc cả thời gian dài chúng ta chưa có sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của các HĐTTTP, do đó chưa làm tốt công tác thi hành Hiệp định. Dường như chúng ta mới chỉ chú trọng đến công tác xây dựng, ký kết Hiệp định mà không chú ý tới việc tổ chức thi hành Hiệp định. Chính vì vậy, các HĐTTTP gần như tồn tại mang tính chất hình thức. Qua theo dõi việc thi hành Hiệp định nói chung và thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự nói riêng, chúng tôi thấy việc thi hành rất thụ động, sự vụ, vụn vặt, tức là khi có sự việc xẩy ra thì giải quyết đến đâu hay đến đó. Các cơ quan hữu quan chưa tập trung đi sâu nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của công tác thi hành Hiệp định. Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này dường như chưa được quan tâm. Ngoài công trình nghiên cứu tương đối toàn diện do Vụ PLQT & HTQT Bộ Tư pháp tiến hành với tiêu điều ước quốc tếề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết và thực hiện HĐTTTP với nước ngoài”, cho đến nay chưa có cơ quan hữu quan nào nghiên cứu lĩnh vực này. Mặt khác, để thực hiện HĐTTTP với nước ký kết, cần phải cụ thể hoá (chuyển hoá) các quy phạm của Hiệp định thành quy phạm pháp luật quốc gia. Thế nhưng ở nước ta việc cụ thể hoá các Hiệp định thành văn bản có tính chất hướng dẫn còn quá chậm chạp, vì lẽ đó, hiệu lực thi hành các Hiệp định còn bị hạn chế. Bên cạnh đó pháp luật nước ta còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là còn chưa xây dựng dược một hệ thống luật điều chỉnh nhân tố nước ngoài.

Để thi hành các HĐTTTP, ngày 12.3.1984 liên ngày Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ ngoại giao-Bộ nội vụ-Toà án nhân dân tối cao đã ra thông tư số 139 về việc quy định nhiệm vụ các ngành trong việc thi hành HĐTTTP. thông tư này bước đầu phân định nhiệm vụ của mỗi ngành, nhưng trên thực tế các ngành hữu quan không triển khai hướng dẫn cụ thể để thực hiện; theo đó không tạo ra được một cơ chế hữu hiệu để thi hành Hiệp định. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh Thông tư 139 còn chung chung, khó vận dụng, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan chưa thật hợp lý; chưa quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm cho từng cơ quan có trách nhiệm thi hành Hiệp định. Theo đó Thông tư này trên thực tế chỉ thực hiện một cách rất hình thức.

Thực tiền thực hiện tương trợ tư pháp về hình thức theo các HĐTTTP ở nước ta còn rất nhiều khuyết điểm, bất cập. Trong những năm qua các cơ quan hữu trách của Việt Nam chủ yếu nhận được các uỷ thác tư pháp hình sự của các nước ký kết với ta Hiệp định và thực hiện các uỷ thác đó hết sức chậm chạp. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trước hết là việc hồ sơ uỷ thác còn sơ sài, thiếu cụ thể, các tài liệu được chuyển giao không được dịch thuật. Có nhiều vụ nước ký kết đẩy đuổi người của ta, cơ quan chức năng của ta ra sân bay tiếp nhận người đó mà không có bất cứ một giấy tờ, tài liệu của của cơ quan chức nằn của nước đó. Nhiều trường hợp nước ký kết đã vi phạm HĐTTTP, nhưng thật đáng tiếc, nội dung của các Hiệp định lại không đề cập đến trách nhiệm, hình thức xử lý các bên có vi phạm. ở các cơ quan hữu trách thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự chưa có bộ phận chuyên môn làm công tác này, trình độ cán bộ còn rất yếu do chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cũng như về ngoại ngữ. Tóm lại, do nhiều nguyên nhân nên việc thực hiện các điều ước quốc tế  của CHXHCN Việt Nam  trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian qua đã tiến hành một cách kém hiệu quả, đièu đó ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các HĐTTTP. Bên cạnh các cơ quan hữu trách thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự theo các HĐTTTP. ở Việt Nam hiện nay còn có văn phòng Interpol Việt Nam , được thành lập năm 1993. đây là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin với các tổ chức Interpol và các nước thành viên Interpol để nắm tình hình hoạt động của bọn tội phạm hình sự quốc tế. Qua hai năm hoạt động của mình, văn phòng Interpol đã phối hợp thu tin, cung cấp thông tin, xác minh, điều tra được nhiều vụ lừa đảo quốc tế liên quan đến Việt Nam . Trong năm 1995, văn phòng này đã nhận được 80 thông tin xác minh các vụ việc về hình sự do các nước gửi đến. Văn phòng  được biên chế 9 sĩ quan, đa số là sĩ quan có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ, vì vậy trong giao dịch, trao đổi thông tin rất có hiệu quả. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan trong việc thi hành các HĐTTTP nếu được sự quan tâm đúng mức, chắc chắn kết quả công tác sẽ được nâng cao. Nên chăng ở Bộ Nội vụ cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa văn phòng Interpol với bộ phận cán bộ làm công tác thực hiện các uỷ thác tư pháp về hình sự.

3. Từ một số vấn đề trình bầy trên về thực tế ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nước ta trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, chúng tôi xin nêu một số ý kiến sau:

Cần phải rút kinh nghiệm việc đàm phán ký kết các HĐTTTP trước đây, dự kiến tình hình phát triển của pháp luật Việt Nam cũng như phải tính đến điều kiện thực tế của nước ta để xây dựng một Hiệp định khung về tương trợ tư pháp. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự nên dự kiến một số nội dung theo trình tư sau:

                                        

 

                                          CHƯƠNG ...

         TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ HÌNH SỰ 

 

I. Tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều ...Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Thủ tục, văn bản uỷ thác việc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Hậu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Chuyển giao vật chứng liên quan đến tội phạm;

Điều ...Thông báo về bản án và thông tin về án tích;

Điều... Trách nhiệm dẫn độ

Điều... Điều kiện dẫn độ

Điều... Từ chối dẫn độ

Điều... Văn bản yêu cầu dẫn độ

Điều... Bắt để dẫn độ

Điều... Bắt trước khi có yêu cầu dẫn độ,v..v...

- Để tăng cường hiệu quả việc thực hiện các HĐTTTP, cần phải ban hành các văn bản giải thích, hướng dẫn những nội dung của các HĐTTTP đã được ký kết để các cơ quan hữu quan nhận thức đúng và thống nhất; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục để mọi cán bộ và mọi công dân thấy rõ tầm quan trọng của các Hiệp định này.

- Khẩn trương nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 139 bằng một văn bản hướng dẫn việc thi hành HĐTTTP có hiệu lực, hiệu quả cao hơn trên cơ sở phân công rành mạch chức năng nhiệm vụ của từng ngành.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho một số cán bộ trực tiếp làm công tác thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.

Thực tiễn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ở nước ta trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự là vấn đề hết sức phức tạp liên quan đến lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ hiểu biết hạn hẹp, tác giả xin phép nêu một số vấn đề như nêu trên mong được trao đổi cùng các đồng nghiệp.

 

 

 

 

              MỘT SỐ VẤN ĐỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN

                      HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

TRONG LĨNH VỰC VỀ DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

                                                                

                                                           PTS.Nguyễn Văn Quyền

 

 I/ Tình hình ký kết và một số nội dung cơ bản của các HĐTTTP.

Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự với các nước Đức, Nga, Tiệp khắc (cũ), Cuba, Hunggari, Bungari và Balan. Các Hiệp định này là cơ sở pháp lý về lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình để các cơ quan có thẩm quyền của các nước hữu quan cùng nhau công nhận và bảo đảm tuân thủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ký kết này trên lãnh thổ cuả nước ký kết kia; cho phép ta điều chỉnh ổn định các quan hệ trên trong một thời gian dài, bảo vệ đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ta tại lãnh thổ của nước ký kết hữu quan. Với việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp, chúng ta đã và đang có đầy đủ những điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ và ổn định với các nước ký kết trong công tác tương trợ tư pháp.

Nét chung của 7 Hiệp định là chúng đề cập rộng, nhiều vấn đề hợp tác, tương trợ tư pháp và pháp lý  về dân sự, hôn nhân và gia đình: hợp tác pháp luật giữa các cơ quan tư pháp của ta và của các nước hữu quan; bảo hộ pháp lý các quyền tố tụng của công dân các nước ký kết; thực hiện uỷ thác tư pháp; công nhận và thi hành các quyết định về dân sự, hôn nhân  gia đình và lao động; hợp thức hoá, công nhận và cung cấp các văn kiện giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước ký kết, xác định thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xẩy ra.

Do đặc điểm trong pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình của mỗi nước ký kết có những nét riêng về tính dân tộc, tập quán nên Nhà nước ta và các nước không đi theo cách pháp điển hoá các quy phạm thực chất, mà thoả thuận đưa ra các quy phạm xung đột riêng lẻ về từng lĩnh vực để phục vụ cho sự hợp tác và tương trợ.

Các quy định của các Hiệp định có thể được phân ra hai loại: loại quy định về luật áp dụng và loại quy định về thẩm quyền.

Một vấn đề chung nhất mà cả 7 Hiệp định đều khẳng định có tính nguyên tắc là nội dung hợp tác trong việc bảo hộ pháp lý. Các Hiệp định quy định rõ: công dân của nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ và theo pháp luật của nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình; họ được tự do liên hệ với các toà án và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình; có thể được miễn cược án phí, miễn án phí v.v...Đây là những quy định đặc biệt, thể hiện tính nhân đạo cao trong việc áp dụng chế độ như công dân đối với việc bảo hộ quyền nhân thân và tài sản của công dân mỗi nước.

1) Hợp tác pháp luật trong việc công nhận và sử dụng các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền. Xuất phát từ yêu cầu khi đặt quan hệ hợp tác, tương trợ tư pháp, nhất thiết sẽ có vấn đề cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết Hiệp định đều có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để xử lý các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài phát sinh. Ngoài ra, nhiều văn kiện của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cũng phải được thừa nhận về giá trị pháp lý điều ước quốc tếể căn cứ vào đó mới xác định được quyền, nghĩa vụ của công dân nước ngoài và làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền của một nước giải quyết khi có tranh chấp.

Những nội dung quan trọng này đều được quy định cụ thể trong 7 hiệp định mà Nhà nước ta đã ký kết. Chính nhờ có những quy định này mà thời gian qua các cơ quan tư pháp nước ta cũng như của các nưóc hữu quan đã có cơ sở để thực hiện tốt trách nhiệm khi được yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp và hợp tác, tương trợ về những vấn đề pháp lý ...

Các văn kiện được đề cập trong các hiệp định có thể là các văn bản pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định ...) và cũng có thể là các giấy công chứng, các trích lục khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử ... đã được toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của một nước ký kết cấp hoặc chứng nhận sao đúng bản chính sẽ được thừa nhận có giá trị sử dụng tại các cơ quan của nước ký kết kia. Khẳng định những quy định này có nghĩa các bên ký kết hiệp định đương nhiên có trách nhiệm chuyển hoá nội dung các văn kiện của nước ký kết kia thành những quy định thực chất để giải quyết mỗi vấn đề cụ thể phát sinh trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình.

2) Giải quyết xung đột pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình.

Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình được các hiệp định đề cập và đưa ra công thức giải quyết gồm: vấn đề xác định năng lực hành vi và năng lực pháp lý; vấn đề kết hôn và ly hôn; quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái; vấn đề nuôi con nuôi, giám hộ và trợ tá; vấn đề xác định hình thức giao kèo và trách nhiệm do gây thiệt hại; quy định về thừa kế. Việc giải quyết xung đột pháp luật về từng loại việc cụ thể được quy định trong các hiệp định theo công thức kết hợp giữa nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi cư trú, nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi có tài sản, nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi ký kết giao kèo, trong đó nguyên tắc luật quốc tịch là nguyên tắc chủ đạo.

Về điều kiện kết hôn, trong tất cả các hiệp định đề giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch, nghĩa là người xin đăng ký kết hôn có quốc tịch nước nào thì phải tuân theo những điều kiện kết hôn do pháp luật nước đó quy định. Hình thức kết hôn thì theo pháp luật của nước nơi đăng ký kết hôn.

Đối với vấn đề ly hôn, tất cả các hiệp định đều quy định giống nhau cách thức giải quyết xung đột pháp luật theo các hệ thuộc như luật quốc tịch, luật nước toà án và luật nơi cư trú. Cụ thể được xử lý trong các hiệp định như sau:

- Trong trường hợp vợ chồng đề cùng quốc tịch một nước ký kết thì điều kiện ly hôn được giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch;

- Trong trường hợp hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước  ký kết khác nhau thì điều kiện ly hôn đưọc giải quyết theo nguyên tắc luật nước toà án.

Việc giải quyết các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng được phân biệt và theo bốn nhóm cách thức:

- Trong trường hợp hai vợ chồng có chung quốc tịch thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước mà họ có cùng quốc tịch;

- Trong trường hợp vợ chồng không cùng quốc tịch thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước nơi họ cùng cư trú;

 - Trong trường hợp hai vợ chồng không cùng quốc tịch và không cùng chung sống trên lãnh thổ một nước thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước nơi họ đã thường trú chung cuối cùng (hiệp định với Nga và Hunggari);

- Trong trường hợp hai vợ chồng không cùng quốc tịch, không có nơi thường trú chung bao giờ thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo luật của nước ký kết có toà án có thẩm quyền (hiệp định với Nga, Tiệp khắc, Hungari và Bungari).

Về quan hệ nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con cái, vấn đề trước tiên mà các hiệp định đề cập là việc xác định cha cho con bởi đây là yếu tố rất quan trọng để có cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của người cha đối với con cái. Theo các hiệp định thì việc xác nhận và tước quyền làm cha đối với con cái được giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch của đứa trẻ. Tiếp đó các hiệp định cũng đều đề cập cụ thể việc giải quyết quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng trong mỗi hiệp định lạ có phương thức giải quyết khác nhau, cụ thể:  

 - Theo hiệp định với Đức, Tiệp, Cuba, Bungari thì các quan hệ nói trên được giải quyết theo luật quốc tịch của đứa trẻ.

- Theo hiệp định với Hunggari thì vấn đề này được giải quyết theo hai cách: Thứ nhất, theo pháp luật quốc tịch của đứa trẻ; thứ hai, theo pháp luật của nước ký kết mà có điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của đứa trẻ, trong trường hợp đứa trẻ có quốc tịch của nước ký kết này, nhưng lại cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia.

Như vậy, trong tất cả các hiệp định, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản đều được giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích tối đa cho đứa trẻ.

- Về chế độ nuôi con nuôi, giám hộ và trợ tá, trong các hiệp định cũng được giải quyết trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ nuôi, người cần giám hộ và trợ tá.

Có ba cách thức giải quyết vấn đề nuôi con nuôi:

- Trong trường hợp người nhận nuôi và con nuôi có cùng quốc tịch thì mọi vấn đề về chế độ nuôi con nuôi được giải quyết theo pháp luật quốc tịch của người nhận nuôi;

- Trong trường hợp người nhận nuôi là hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước ký kết khác nhau thì vấn đề trên có thể được giải quyết theo pháp luật của cả hai nước;

- Đối với trường hợp người nhận nuôi và con nuôi coá quốc tịch của hai nước ký kết khác nhau thì các vấn đề về chế độ nuôi con nuôi được giải quyết theo pháp luật của cả hai nước (hiệp định với Hunggari); theo pháp luật quốc tịch của người nhận nuôi kết hợp với những điều khoản của pháp luật quốc tịch đứa trẻ liên quan đến thủ tục phải xin phép (hiệp định với Đức, Nga, Tiệp khắc, Cuba và Bungari).

Về vấn đề giám hộ và trợ tá được giải quyết như sau:

- Điều kiện xác lập và huỷ việc giám hộ và trợ tá được xác nhận theo pháp luật quốc tịch của người điều ước quốc tế được giám hộ và trợ tá;

- Quan hệ giữa người giám hộ, trợ tá với người cần giám hộ, trợ tá được xác định theo pháp luật của nước ký kết có cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết vấn đèe giám hộ và trợ tá.

- Quan hệ giữa cơ quan cử người giám hộ với người giám hộ được xác lập theo pháp luật quốc tịch người giám hộ.

Đối với vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế, nhìn chung các hiệp định đều phân di sản thừa kế thành động sản và bất động sản và áp dụng pháp luật quốc tịch của người để lại di sản thừa kế để giải quyết các vấn đề động sản, còn đối với bất động sản thì áp dụng pháp luật nơi có bất động sản. Để điều chỉnh các quan hệ về thừa kế theo di chúc, các hiệp định đều ấn định nguyên tắc chủ yếu là áp dụng pháp luật của nước người lập di chúc là công dân. Riêng về việc xác định hình thức hợp pháp của di chúc thì các hiệp định giải quyết theo các nguyên tắc luật quốc tịch người lập di chúc hoặc có thể theo pháp luật của nước ký kết nơi lập hoặc bỏ di chúc.

3) Một số vấn đề tố tụng dân sự trong các hiệp định tương trợ tư pháp.

Về tố tụng dân sự, các hiệp định tương trợ tư pháp đều đề cập và giải quyết các vấn đề về quyền tố tụng dân sự của công dân các nước ký kết khi tham gia vụ kiện, về xác định thẩm quyền giữa các cơ quan tư pháp của mỗi nước, về việc thực hiện uỷ thác tư pháp và về công nhận, thi hành và quyết định.

a- Quyền tố tụng dân sự của người tham gia tố tụng. Trong tất cả các hiệp định đều quy định công dân và pháp nhân của nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của nước ký kết kia chế độ bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như đôí với công dân và pháp nhân của nước sở tại. Như vậy, phạm vi bảo hộ pháp lý được áp dụng theo nguyên tắc chế độ như công dân. Trong cả 7 hiệp định đều có những điều khoản quy định rõ công dân và pháp nhân của một nước ký kết có quyền tự do và không bị cản trở nào được liên hệ với toà án, viện kiểm sát, cơ quan công chứng (gọi chung là cơ quan tư pháp) và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình của nước ký kết kia; có quyền bày tỏ ý kiến, đề đạt nguyện vọng, đưa đơn kiện và thực hiện các hành vitố tụng khác trước các cơ quan trên theo cùng những điều kiẹen mà nước ký kết kia dành cho công dân mình (điều 2 Hiệp định với Đức; Điều 1 Hiệp định với Nga; Điều 1 Hiệp định với Tiệp khắc; Điều 1 Hiệp định với Cuba; Điều 1 Hiệp định với Hunggari; Điều 1 Hiệp định với Bungari ...)

Việc bảo hộ pháp lý quan trọng này còn được thể hiện ở chỗ các hiệp định đều không bắt buộc công dân của một trong hai nước ký kết phải nộp tiền nộp án phí khi họ tham gia tố tụng chỉ vì họ là người nước ngoài hoặc vì họ không có chỗ thường trú ở nước ký kết, nơi họ tham gia tố tụng. Ngoài ra, các hiệp định còn quy định các ưu đãi đối với công dân ký kết được miễn trên lãnh thổ của nước ký kết kia các khoản lệ phí và chi phí liên quan đến việc giải quyết vụ án, được hưởng sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như đối với công dân của nước ký kết sở tại.

Về năng lực pháp lý và năng lực hành vi được quy định trong các hiệp định theo các nguyên tắc sau: đối với công dân thì theo pháp luật của nước mà công dân đó có quốc tịch; đối với pháp nhân thành lập theo pháp luật của nước ký kết nào thì do pháp luật của nước đó quy định. Trong các hiệp định với Nga, Cu Ba, Hungari và Bungari, vấn đề năng lực hành vi của công dân mỗi nước ký kết còn được quy định chi tiết trong những trường hợp khi công dân đó tham gia ký kết những giao kèo nhỏ phục vụ sinh hoạt theo hướng do pháp luật của nước ký kết nơi ký giao kèo quy định. Những quy định này là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho công dân của mỗi nước khi thực hiện những giao dịch nhỏ trên lãnh thổ nước ký kết kia được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân.

Riêng trong hiệp định với Tiệp Khắc (cũ) còn có một điều ( Điều 16) quy định việc mất và hạn chế năng lực hành vi. Điều này giải quyết chi tiết, cụ thể trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền được hạn chế hoặc tước năng lực hành vi đối với công dân của nước ký kết hiệp định.

Các hiệp định cũng quy định một số vấn đề về chế độ đại diện trong hoạt động tố tụng, kể cả việc đại diện thông qua cơ quan lãnh sự. Thí dụ, trong các hiệp định với Đức (Điều 56 khoản 1), với Tiệp khắc cũ (Điều 41 khoản 3), với Cuba (Điều 40 khoản 1), với Hunggari (Điều 50 khoản 1) và với Bungari (Điều 40 khoản 1) quy định rằng khi một người của nước ký kết này được hưởng tài sản thừa kế trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không có điều kiện nhận hoặc không có người thay mặt nhận thì số tài sản đó sẽ được giao cho đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân nhận hộ. Đây là chế định đại diện đương nhiên. Trong hiệp định với Đức còn có riêng Điều 54 quy định chế định đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự điều ước quốc tế đối với các việc thừa kế, trong các vụ việc về thừa kế: đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết có quyền thay mặt công dân nước mình trước các toà án và các cơ quan khác của nước ký kết kia mà không cần có sự uỷ nhiệm đặc biệt nào, trong trường hợp công dân đó vắng mặt và không cử người thay mặt. Đây là điều khoản rất đặc biệt nhằm tạo khả năng các cơ quan có thể có những biện pháp kịp thời điều ước quốc tếể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mỗi nước khi họ không có điều kiện tự mình hoặc uỷ nhiệm người khác bảo vệ được. Nội dung này không trái với những quy định pháp luật của mỗi nước về chế định đại diện và phạm vi uỷ quyền.

b- Tương trợ và thực hiện uỷ thác tư pháp.

Tương trợ và thực hiện uỷ thác tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của các hiệp định mà Việt Nam ký với các nước. Theo hiệp định,  các cơ quan tư pháp của mỗi nước có thẩm quyền về dân sự và gia đình sẽ thực hiện sự uỷ thác cuả các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia, bao gồm tống đạt giấy tờ và thực hiện các hành vi tố tụng, như lấy lời khai của người làm chứng hoặc của đương sự, tiến hành giám định, điều tra tại chỗ và các công tác khác. Các hiệp định đều quy định việc uỷ thác tư pháp thông qua các cơ quan tư pháp trung ương (đối vơí Việt Nam , pháp lệnh quy định là Bộ Tư pháp) khi thực hiện tương trợ và uỷ thác tư pháp, các cơ quan tư pháp dùng tiếng nước mình hoặc tiếng Pháp (hiệp định với Đức và Hungari) hoặc tiếng Nga (hiệp định với Tiệp khắc và Bungari) và căn cứ vào pháp luật nước mình. Cơ quan được yêu cầu chỉ có thể áp dụng pháp luật của nước có cơ quan yêu cầu khi các quy định pháp luật của nước đó không trái với pháp luật của nước có cơ quan được yêu cầu thực hiện uỷ thác.

Trong các hiệp định có các điều khoản quy định rõ trình tự nhận và thực hiện uỷ thác; trong trường hợp cơ quan nhận được uỷ thác lại không thuộc thẩm quyền thì cần phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước mình và thông báo điều đó  cho cơ quan yêu cầu uỷ thác của nước ký kêts kia biết. Ngay cả khi việc uỷ thác tư pháp có sai sót hoặc nhầm lẫn địa chỉ đối với người cần tống đạt giâý tờ thì cơ quan nhận uỷ thác cần phải có những biện pháp cần thiết để tìm kiếm, xác định địa chỉ đích thực. Các hiệp định cho phép các nước ký kết quyền tống đạt giấy tờ cho công dân nước mình thông qua coư quan ngoại giao và lãnh sự của nước mình. Tất cả mọi việc thực hiện uỷ thác tư pháp đều không mất tiền. Trong trường hợp việc thực hiện uỷ thác tư pháp không thực hiện được do không tìm được địa chỉ, hoặc người được tống đạt giấy tờ đã chết ... thì cơ quan nhận uỷ thác sẽ thông báo và gửi trả lại giấy tờ uỷ thác cho cơ quan uỷ thác.Một tromh các trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết là chuyển giao các giấy chứng nhận về hộ tịch, thời gian công tác, trình độ văn hoá và các giấy tờ khác có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân nước mình cho nước ký kết kia v.v... Các giấy tờ này được  chuyển giao bằng đường ngoại giao, không phải dịch và được miễn các khoản tiền (Điều 9 hiệp định với Nga, Điều 23 hiệp định với Đức; Điều 56 hiệp định với Tiệp khắc; Điều 14 hiệp định với Cuba; Điều 27 hiệp định với Hungari; Điều 13 hiệp định với Bungari). Ngoài ra, trong một số Hiệp định còn có điều khoản quy định từ chối tương trợ tư pháp nếu nước ký kết được yêu cầu cho rằng việc tương trợ sẽ xâm phạm đến chủ quyền, hoặc đến an ninh, hoặc đến các nguyên tắc pháp luật cơ bản của mình, điều quy định này khẳng định chủ quyền, độc lập của mỗi nước ký kết hiệp định (Điều 14 hiệp định với Tiệp khắc; Điều 17 hiệp định với Hungari).

c- Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp các nước ký kết Hiệp định.

Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp, việc xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp mỗi nước ký kết có ý nghĩa quan trọng, vì nó giải quyết được vấn đề xung đột thẩm quyền khi cần phải xử lý những tranh chấp dân sự có yeéu tố nước ngoài phát sinh. Nếu xác định đúng thẩm quyền giải quyết  các tranh chấp phát sinh sẽ đáp ứng việc giải quyết kịp thời các quyền và lợi ích cho các đương sự. Việc xác định thẩm quyền trong các hiệp định luôn gắn liền và có quan hệ chặt chẽ với việc giải quyết xung đột pháp luật về nội dung (vấn đề chọn luật). Có mấy nguyên tắc cơ bản sau đây khi giải quyết vấn đề thẩm quyền: Nguyên tắc theo quốc tịch; theo nơi cư trú của đương sự và theo nơi có tài sản là đối tượng tranh chấp. Nhưng thông dụng nhất là nguyên tắc quốc tịch có kết hợp với nguyên tắc nơi cư trú hoặc nguyên tắc nơi cư trú có kết hợp với yếu tố quốc tịch.

Đối với một số loại vụ việc, các hiệp định lại cho phép các cơ quan của cả hai nước đều có thẩm quyền. Trong các trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nào thụ lý vụ việc trước thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan của nước ký kết kia thụ lý sau thì phải chuyển hồ sơ để cơ quan đã thụ lý trước giải quyết theo thẩm quyền. Đối với nhiều loại vụ việc, các hiệp định đều xác định rõ thẩm quyền duy nhất của cơ quan tư pháp của một nước ký kết được quyền thụ lý giải quyết. Trong các trường hợp nói trên, các bên đương sự không được quyền bác bỏ, vì thẩm quyền đã được xác định rõ ràng. Riêng vấn đề xác định thẩm quyền trong nội bộ giữa các cơ quan tư pháp của mỗi nước ký kết thì do pháp luật của nước đó ấn định. Thí dụ, ở Việt nam pháp luật quy định việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam vơi người nước ngoài tại Việt Nam  được điều ước quốc tế đăng ký tại UBND tỉnh (Sở Tư pháp giúp), hoặc việc giải quyết ly hôn có nhân tố nước ngoài do toà án tỉnh giải quyết v.v...

Các hiệp định xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp về các loại vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình sau đây: Công nhận người mất tích hoặc người chết và xác nhận sự kiện chết; vấn đề kết hôn, ly hôn và công nhận hôn nhân vô hiệu; vấn đề về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con cái, việc xác định và tước quyền làm cha; vấn đề thừa kế; nuôi con nuôi; giám hộ và trợ tá; và vấn đề tước năng lực hành vi.

Đối với loại vụ việc trên, các hiệp định đều xác định thẩm quyền theo một trong hai nguyên tắc cơ bản như đã trình bày trên. Thí dụ, đối với việc công nhận người mất tích hoặc chết và xác nhận sự kiện chết, công thức giải quyết thẩm quyền theo nguyên tắc chính là quốc tịch (cơ quan có thẩm quyền là cơ quan của nước mà đương sự là công dân); kết hợp với nguyên tắc này, các hiệp định còn quy định cơ quan tư pháp của nước ký kết kia cũng có thể có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp đương sự có nơi cư trú cuối cùng tại nước mình và những người có quyền lợi chính đáng yêu cầu. Đối với việc ly hôn thì các hiệp định quy định rất chi tiết việc kết hợp chặt chẽ giữa nguyên tắc quốc tịch và nơi sinh để xác định thẩm quyền. Thí dụ, Điều 25 Hiệp định với Nga quy định: thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc các cơ quan tư pháp của nước ký kết mà cả hai vợ chồng là công dân khi ly hôn. Nếu khi đưa đơn xin ly hôn cả hai vợ chồng đều cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì các cơ quan tư pháp của nước đó cũng có thẩm quyền (nghĩa là các cơ quan tư pháp của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền). Đối với trường hợp xin ly hôn của hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước khác nhau thì cơ quan tư pháp có thẩm quyền là cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi cả hai vợ chồng đang cư trú; nếu hai vợ chồng không cùng cư trú ở một nước ký kết thì cơ quan tư pháp của cả hai nước đều có thẩm quyền giải quyết. Công thức xác định thẩm quyền này cũng được thể hiện trong các hiệp định với Đức (Điều 33), với Tiệp khắc (Điều 20), với Cuba (Điều 25 khoản 1)...

d- Công nhận và thi hành các quyết định.

Trong tất cả các hiệp định đều quy định các nước ký kết cùng hợp tác trong việc công nhận và thi hành các quyết định của cơ quan tư pháp nước ký kết kia. Theo các hiệp định, phạm vi các loại quyết định có thể được công nhận và thi hành trên lãnh thổ nước ký kết kia rất đa dạng-đó là các quyết định, bản án về dân sự, hôn nhân gia đình, về kinh tế (quyết định trọng tài), về lao động và cả các quyết định của các cơ quan giám hộ và trợ tá. các hiệp định cũng đề cập rõ việc công nhận và thi hành chỉ đối với các quyết định, bản án giải quyết về các quan hệ pháp luật phát sinh sau khi các hiệp định có hiệu lực (không áp dụng việc công nhận và thi hành hối tố), trừ các quyết định về bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự.

Các hiệp định quy định các điều kiện sau đây để các quyết định có thể được công nhận và thi hành:

- Các quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Cơ quan ra quyết định khi thông báo cho cơ quan tư pháp nước ký kết kia để thi hành thì phải khẳng định rõ quyết định đó đã có hiệu lực pháp lật. Việc xác định hiệu lực của quyết định (khi nào có hiệu lực và với những điều kiện gì...) là do pháp luật của nước có cơ quan ra quyết định quy định;

- Khi giải quyết vụ việc, cơ quan có thẩm quyền của nước ra quyết định phải tuân thủ các quyền tố tụng của các bên đương sự (thí dụ: người thi hành quyết định phải được triệu tập và có mặt khi giải quyết vụ việc ...);

- Toà án của nước ký kết nơi ra quyết định là toà án có thẩm quyền;

- Trước đây nếu về cùng một vụ tranh chấp và giữa cùng những bên đương sự chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp có thẩm quyền nào.

Trong trường hợp quyết định không đủ các điều kiện trên thì có thể bị từ chối công nhận và thi hanhf trên lãnh thổ nước ký kết kia.

Các hiệp định càn đề cập cụ thể trình tự công nhận và cho thi hành quyết định: trước hết phải có đơn xin công nhận và cho thi hành quyết định; các loại giấy tờ cần thiết gửi kèm theo đơn (bản sao quyết định có thị thực của cơ quan tư pháp, văn bản xác nhận bị đơn đã được triệu tập khi giải quyết vụ việc ...Các bản dịch giấy tờ có liên quan nêu trên...); thủ tục xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định, thủ tục cho thi hành quyết định. Điều cơ bản nhất khi xét đơn xin thi hành quyết định là cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước nơi quyết định yêu cầu thi hành (toà án) không xem xét lại nội dung vụ việc, mà chỉ xem xét quyết định có đủ điều kiện để công nhận và thi hành hay không. Khi quyết định đó đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho thi hành thì nó có giá trị pháp lý như các quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước nơi quyết định cần thi hành; việc thi hành các quyết định này sẽ tiến hành theo pháp luật của nước nơi quyết định được thi hành.

 

 

II/ Một số nết về việc triển khai thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình. Các kiến nghị và giải pháp.

1) Triển khai thực hiện các hiệp định.

Kể từ khi Việt Nam ký kết bản hiệp định tương trợ tư pháp đầu tiên (với Đức tháng 12.1980) và tiếp đó với Liên xô (cũ), Tiệp khắc (cũ), Cuba, Hungari, Bungari... đến nay đã được 15 năm. Trong thời gian đó chúng ta đã triển khai làm được nhiều việc.

- Do có ký kết của hiệp định tương trợ tư pháp, đã cho phép chúng ta điều chỉnh ổn định các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình và lao động, bảo về đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ta tại lãnh thổ của nước ký kết hữu quan. Chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ và ổn định với các nước trong công tác tư pháp và luật pháp, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng những quy phạm pháp luật mới, bổ khuyết các ngành luật và dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

- Trong những năm qua chúng ta đã triển khai nhiều công việc để xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện hiệp định, nhất là trong lĩnh vực dân sự, vấn đề kết hôn, ly hôn và công nhận các quyết định, bản án của cơ quan tư pháp nước ký kết hiệp định. Văn bản pháp lý có tính chất chung nhất là pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nưỡc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 7.11.1989.

Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, ngoài luật hôn nhân gia đình ban hành năm 1986 (trong đó có một chương riêng quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chương IV các điều 52, 53, 54), cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản khác cụ thể hoá trên từng loại vụ việc khác nhau. Như: Pháp lệnh lãnh sự; Nghị định số 12/HĐBT ban hành quy định ban hành quy định tạm thời  về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật đang sống trong các cơ nuôi dưỡng do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý, pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; Nghị định của Chính phủ số 184/CP quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam  và người nước ngoài v.v...

Về lĩnh vực công nhận và thi hành các quyết định của cơ quan tư pháp nước ngoài, chúng ta đã ban hành một số văn bản quan trọng: Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài ngày 1.7.1993, Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài; pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 21.4.1993; Thông tư liên ngành số 04-TT/LN ngày 24.7.1993 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

Trong lĩnh vực dân sự, ngoài những điều khoản bao hàm các quy phạm thực chất của Bộ luật dân sự vừa mới được Quốc hội thông qua (và có hiệu lực từ ngày 1.7.1996), Bộ luật còn dành riêng phần 7 đề cập đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (gồm 13 điều, từ điều 826 đến điều 838) trong đó điều 873 quy định về việc áp dụng pháp lệnh dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , điều ước quốc tế , tập quán quốc tế và pháp lutj nước ngoài trên nguyên tắc quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia luôn luôn được áp dụng ưu tiên nếu như điều ước quốc tế  có quy định khác với pháp luật Việt Nam . Với việc quy định này của Bộ luật dân sự, chúng ta đang nâng vị trí hợp tác về pháp luật với các nước ở một tầm mới và hội nhập với các nưóc để góp phần cùng thực hiện các quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp mà ta đã ký kết.

- Ngay khi ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, các cơ quan tư pháp trung ương đã phân nhiệm giữa Toà án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao thực hiện những phần việc mà các hiệp định đã quy định cho phía Việt Nam  (Thông tư liên Bộ số 139-TT/TB ngày 12.3.1984). Tiếp đó, dần dần từng thời gian chúng ta phân công rõ thêm cho từng cơ quan tư pháp Trung ương và địa phưoưng thẩm quyền giải quyết các loại vụ việc có yếu tố nước ngoài mà các hiệp định tương trợ tư pháp đề cập: đăng ký kết hôn giao cho UBND các cấp(Sở Tư pháp giúp); giải quyết ly hôn giao cho Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp nhận và quản lý công tác thực hiện uỷ thác tư pháp giao cho Bộ Tư pháp v.v...

- Các uỷ thác tư pháp do cơ quan tư pháp nước ký kết hiệp định yêu cầu cũng được các cơ quan tư pháp nước ta thực hiện ngày càng nhiều có chất lượng rõ rệt và bảo đảm tiến độ thời gian. Thí dụ, theo tổng kết của Bộ Tư pháp, trong năm 1994 ta nhận 199 uỷ thác thì đã thực hiện có kết quả là 153 (chiếm 77%).Các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của ta trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp đã dần dần quen với việc xử lý các loại việc này. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp của ta thông qua đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng đã thực hiện các uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai của công dân Việt Nam đang lao động, học tập và công tác tại các nước ký kết hiệp định để phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình đang thụ lý ở trong nước. Loại uỷ thác này ngày càng nhiều, tập trung ở Đức, Nga, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlovakia v.v...

Qua việc thực hiện tốt uỷ thác tư pháp đang tạo ra sự tin tưởng trong hợp tác với các nước, và ở chừng mực nhất định bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân nước ta trong các vụ việc liên quan.

2) Một số kiến nghị và giải pháp.

Cùng với những kết quả đạt được trong việc tổ chức thực hiện các quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta đã ký kết với các nước, về phía chúng ta cũng còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại hiện nay, với chủ trương đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với tất cả các nước. Chính vì thực hiện đường lối này mà số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống, cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoaì mỗi năm một tăng; các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cũng sẽ ngày càng nhiều v.v...

Để giải quyết tốt những vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài phát sinh trong quá trình hợp tác và giao lưu quốc tế, thực hiện tốt các hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký két với các nước, xin kiến nghị một số vấn đề:

- Tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nói chung, những văn bản pháp luật liên quan đến các nội dung mà các hiệp định đề cập nói riêng, cả những quy phạm pháp luật thực chất và cả những quy phạm pháp luật về tố tụng, tổ chức v.v... Những năm gần đây chúng ta đã ban hành được nhiều lụt, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nhất là luật hôn nhân và gia đình (liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài), pháp luật về giám hộ, trợ tá, về nuôi con nuôi, pháp luật về tố tụng dân sự. Có thể nói vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật nhưng vẫn còn để trống hoặc đã có nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới (thí dụ những văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề thực hiện uỷ thác tư pháp, về quy trình và thủ tục lập và gửi các hồ sơ uỷ thác của các toà án Việt Nam cho toà án nước ngoài).

- Để thực hiện tốt đường lối đổi mới, mở cửa và phát triển quan hệ hợp tác đa phương hoá, đa dạng hoá Nhà nước ta tiếp tục nghiên cứu để có thể ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, nhất là đối với các nước có nhiều người Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống hoặc có tổ chức và cá nhân liên doanh, hợp tác với các tổ chức và cá nhân của ta. Nội dung và phạm vi của hiệp định tương trợ tư pháp đối với mmỗi nước không nhất thiết phải như nhau hoặc đầy đủ như các hiệp định đã ký kết với 7 nước, mà có thể có khác nhau tuỳ vào đặc điểm, tình hình và quan hệ của ta với mỗi nước. Trước hết ta có thể ký kết hiệp định với Canađa v.v...

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các hiệp định tương trợ tư pháp đã được ký kết, bồi dưỡng trang bị những nội dung cần thiết cho số thẩm phán, cán bộ liên quan đến việc thực hiện tương trợ tư pháp; cũng cần có các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho số cán bộ chuyên trách và cán bộ pháp lý nghiên cứu và tiếp xúc  với các vấn đề pháp luật quốc tế và quan hệ quốc tế.

 - Tiếp tục chấn chỉnh hệ thống các cơ quan tư pháp theo chương trình cải cách hiện nay; rà soát và phân định thẩm quyền giữa các ngành thêm rõ hơn để có thể thực hiện phần trách nhiệm của phía ta được tốt, nhất là về vấn đề thực hiện các uỷ thác tư pháp. Thí dụ, xác định sự phân công, phối hợp công tác giữa các ngành trong việc bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các cam kết quốc tế; vấn đề hướng dẫn về quy trình và thủ tục lập và gửi các hồ sơ uỷ thác tư pháp của cơ quan tư pháp Việt Nam  cho các cơ quan tư pháp nước ngoài; vấn đề hướng dẫn về trình tự công nhận và cho thi hành tại Việt Nam  những quyết định của các cơ quan tư pháp nước ngoài.

- Hàng năm, ngoài việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan tư pháp của ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà các hiệp định đề cập, cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm nhiệm vụ thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp đề kịp thời có những chủ trương đối sách cần thiết./.

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ THỰC TIỄN QUỐC TẾ VÀ THỰC TIỄN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN HOÁ CÁC QUY PHẠM CỦA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀO PHÁP LUẬT TRONG NƯỚC VỀ LĨNH VỰC ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO VÀ LÃNH SỰ

                                               

 

                                                               PTS. NGUYỄN HOÀNG ANH

 

                                                     I

              NHỮNG CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN ƯU ĐÃI,

                               MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO VÀ LÃNH SỰ

 

Điều ước quốc tế chiếm một vai trò rất quan trọng trong quan hệ quốc tế, nó là nguồn của luật quốc tế và đồng thời cũng là phương tiện để phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia vì hoà bình và an ninh quốc tế, cho dù các quốc gia này có những chế độ chính trị xã hội và hệ thống pháp luật khác nhau.

Nền tảng và cơ sở pháp lý để phát triển mối quan hệ hợp tác nêu trên là những văn kiện quốc tế đặc biệt quan trọng như: Hiến chương Liên Hợp quốc và các Công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự và quan hệ với các tổ chức quốc tế. Đó là Công ước năm 1946 về các quyền ưu đãi, miễn trừ của Liên Hợp quốc (đã có 135 nước tham gia); Công ước năm 1947 về các quyền ưu đãi miễn trừ của các tố chức chuyên môn (có 102 nước tham gia); Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao (có 174 nước tham gia) Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự (có 152 nước tham gia). Ngoài ra, còn phải tính đến Công ước năm 1969 về phái đoàn đặc biệt; Công ước năm 1973 về việc tình phạt những tội ác chống lại người được bảo hộ quốc tế, kể cả nhà ngoại giao; Công ước năm 1975 về phái đoàn đại diện của các quốc gia trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập và gần đây nhất là Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua, theo thủ tục nhất trí, Công ước về sự an toàn của nhân viên Liên Hợp quốc và thành viên gia đình. Hiện nay, việc soạn thảo và hoàn thiện công ước về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với thẩm phán của toà án, Luật biển quốc tế cũng đang được tiến hành.

Trên đây là những công ước quốc tế đã đề cập một cách đầy đủ nhất về các quy phạm pháp luật quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự. Một lĩnh vực rất quan trọng, song cũng là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong mối quan hệ của các quốc gia và cũng có thể dẫn đến sự thành công hay “thất bại” của mỗi quốc gia trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt đặt ra những thách thức đối với chính sách lập pháp của quốc gia đó. Bởi vì, sự tự nguyện, thiện chí và lòng mong muốn thực hiện những cam kết quốc tế trong lĩnh vực này không chỉ đơn thuần là một vấn đề pháp lý mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng và việc các quốc gia thực hiện một cách đầy đủ các cam kết của mình trong lĩnh vực này sẽ được phản ánh ngay tức khắc trong “bức tranh” về mối quan hệ giữa các quốc gia này và sẽ có ảnh hưởng theo “nguyên tắc có đi có lại” theo hướng tích cực và có thể cả hướng tiêu cực đối với những quan hệ quốc tế đó. Chính vì vậy, việc chuyển hoá pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này thành pháp luật quốc gia đóng một vai trò rất quan trọng trong chính sách lập pháp của mỗi nước.

 

                                                        

 

                                                      II

       THỰC TIỄN CỦA CÁC NƯỚC TRONG VIỆC CHUYỂN HOÁ CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO                                      LÃNH SỰ THÀNH PHÁP LUẬT QUỐC GIA

 

Trên cơ sơ các Công ước quốc tế mà các quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, căn cứ vào lợi ích của quốc gia cũng như thực trạng xã hội và lập pháp của nước mình, nhiều quốc gia đã chuyển hoá các cam kết tại các Công ước quốc tế về lĩnh vực ưu đãi miễn trừ thành pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, cách thức chuyển hoá các quy phạm pháp luật này của từng quốc gia cũng khác nhau và nó phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử lập pháp nói chung và vào lịch sử hiến pháp nói riêng của những quốc gia naỳ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia quy định việc chuyển hoá các điều ước quốc tế  thành pháp luật quốc gia chủ yếu tại các văn bản hiến pháp như: Hàlan, Áo, Đức ... Cụ thể nó bao gồm cả việc chuyển hoá chung, tức là chuyển hoá nội dung toàn bộ một điều ước quốc tế thành pháp luật quốc gia, ví dụ như: Điều 67 Hiến pháp Hà lan quy định nghĩa vụ đối với các cơ quan Nhà nước phải thực hiện các Nghị quyết của Tổ chức quốc tế. Tại Hiến pháp của Áo (các điều 16,50,65 và 66) quy định việc công bố các điều ước quốc tế  trong Công báo của Liên bang. Bên cạnh những quy định của Hiến pháp, Áo còn ban hành luật về công báo của Liên bang (4.7.1972) và tại Điều 2 của Luật này quy định việc công bố những điều ước quốc tế  ký với danh nghĩa Nhà nước và cần sự phê chuẩn của Hội đồng quốc gia. Việc công bố này có thể được tiến hành với toàn bộ nội dung của điều ước quốc tế  hoặc từng phần của điều ước quốc tế  theo quyết định của Thủ tướng Liên bang. Và khi đưa ra quyết định việc ra nhập một điều ước quốc tế , Hội đồng quốc gia có thể đồng thời quyết định việc ban hành những văn bản pháp luật trong nước tưoưng ứng để thực hiện điều ước quốc tế nêu trên. Như vậy, đồng thời việc quyết định gia nhập điều ước quốc tế , cơ quan có thẩm quyền ký kết hoặc quyết định ra nhập đồng thời quyết định hình thức chuyển hoá điều ước quốc tế nêu trên thành luật quốc gia.

Một số nước khác như: Đức, Anh, Mỹ, Nga, Thuỵ điển, Pháp, Nhật bản và Trung quốc thì theo chiều hướng chuyển hoá đặc biệt, tức là ban hành những văn bản nội luật để điều chỉnh luật quốc gia cho phù hợp với luật quốc tế và nhằm mục đích thực hiện cam kết quốc tế.

Song về mức độ, tính chất và nội dung chuyển hoá trong văn bản của các nước cũng hoàn toàn khác nhau. Nga, Trung quốc, Anh ban hành một văn bản riêng (quy chế, sắc lệnh, quy định...) về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Đoàn ngoại giao với nội dung là cụ thể hoá và làm rõ hơn các công ước viên 1961 và 1963 và viện dẫn việc áp dụng các hiệp định ký với các tổ chức quốc tế. áo không có một văn bản riêng quy định các quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, nhưng tại nhiều văn bản khác lại có quy định về ưu đãi miễn trừ như: Luật tố tụng hình sự, Nghị định hướng dẫn thi hành luật về thẩm quyền xét xử của toà án hoặc thông tư của Bộ Tư pháp. Hơn nữa, do Áo (kể cả Mỹ) là nơi có trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế và nơi diễn ra những Hội nghị quốc tế nên Áo và Mỹ lại có Luật về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các Tổ chức quốc tế (14.12.1977) hoặc Sắc lệnh của Chính phủ Liên bang về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Liên đoàn các nước Ả rập và văn phòng đại diện của Liên đoàn tại áo. Cũng xin lưu ý rằng tại Luật nêu trên không có quy định các quyền ưu đãi, miễn trừ cụ thể mà viện dẫn việc áp dụng những điều ước quốc tế như Hiệp định thành lập tổ chức quốc tế này, công ước về quyền ưu đãi, miễn trừ của tổ chức cũng như những nguyên tắc quốc tế được công nhận rộng rãi.

Mỹ không có một văn bản quy định cụ thể như của Anh, Nga và Trung quốc, mang tính chất chuyển hoá nội dung chính của công ước viên 1961 và 1963 mà chỉ có những văn bản hướng dẫn chung của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho những cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp và không mang tính lập quy. Mỹ cho rằng nếu có quy định cũng chỉ quy định  những vấn đề mà các công ước viên chưa đề cập tới, hoặc mở rộng đối tượng áp dụng hoặc quy định những ưu đãi miễn trừ rộng hơn.

Trên cơ sở xem xét, thực tiễn các nước trong chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc té về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự hành pháp luật quốc gia, tác giả rút ra những kết luận sau:

1. Thực tiễn nêu trên cho thấy các nước đều tiến hành cả hai hình thức chuyển hoá, chuyển hoá chung đối với các văn kiện của Tổ chức quốc tế và chuyển hoá đặc biệt các quyền ưu đaĩ, miễn trừ Ngoại giao và lãnh sự.

2. Trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung chuyển hoá được quy định tại Hiến pháp hoặc ngay trong văn bản quyết định việc ra nhập điều ước quốc tế .

3. Song, mức độ chuyển hoá các điều ước quốc tế  cũng khác nhau: có thể là quy định cụ thể hoá các quy phạm của công ước, hoặc viện dẫn tới các công ước.

4. Chuyển hoá tại một văn bản thống nhất hoặc thành các quy phạm pháp luật trong nước tại nhiều văn bản khác nhau.

5. Chuyển hoá bằng cách công bố nội dung của điều ước quốc tế  trong công báo và coi đó là luật quốc gia.

6. Chuyển hoá những quy phạm của luật tập quán quốc tế dưới hình thức tuyên bố công nhận một số tập quán quốc tế.

 

                                                        III

                                 THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM

Nước ta đã gia nhập Công ích Viên năm 1961 về quan hệ Ngoại giao năm 1980; Công ước 1946 về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Liên hợp quốc vào năm 1988; Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự vào năm 1992; Công ước 1975 vào năm 1980; cũng như đã ký kết 14 Hiệp định lãnh sự với các nước. Song tính đến tháng 7.1993, ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý thống nhất để nội luật hoá các Công ước quốc tế nêu trên nhằm mục đích hướng dẫn các cơ quan chức năng của Việt Nam thi hành những nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia các Công ước quốc tế này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này tại nhiều văn bản nội luật như: Bộ luật hình sự,Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh hải quan, Pháp lệnh về thuế nhà đất và đặc biệt  Nghị định 131 của HĐBT (trước đây) và thông tư số 01-TTLN Kiểm soát-Nội vụ-Tư pháp-Ngoại giao đã có nhiều quy định cụ thể liên quan đến quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế. Thế nhưng, trong thực tế vào thời gian này các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài đều căn cứ vào nội dung các điều khoản trong Công ước 1961 và 1963 để yêu cầu được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ ghi trong những Công ước này. Do không có những văn bản quy định nhất quán nên việc một số cơ quan chức năng hoặc cán bộ thực thi công vụ của ta vẫn còn áp dụng hoặc thực hiện các quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ một cách tuỳ tiện. Và thậm chí, ở Một số địa phương cán bộ do thiếu sự hiểu biết pháp luật đã có những hành vi vi phạm những nghĩa vụ mà Việt Nam  đã cam kết thực hiện. Xuất phát từ tình hình nêu trên và để góp phần tăng cường quan hệ  hữu nghị và hợp tác giữa nước ta với các nước và các tôe chức quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan đaị diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế cũng như thành viên của cơ quan thực hiện một cách có hiệu quả chức năng đại tại Việt Nam , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao. Cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23.8.1993.

Như vậy, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc tế cơ bản về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự tại các Công ước Viên 1961 và 1963 đã được thực hiện thông qua những quy định tương ứng tại Pháp này.

Riêng đối với các tổ chức quốc tế, Pháp lệnh này không quy định rõ như những quy định đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự mà dùng phương pháp viện dẫn trực tiếp đến những điều ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết với các tổ chức này xét về mặt thực chất đã thực hiện việc chuyển hoá chung- chuyển hoá nội dung toàn bộ Công ước quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế mặc dù Việt nam chưa tham gia Công ước 1947 về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc cũng như Công ước năm 1959 về các quyền ưu đãi, miễn trừ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, nhưng tại khoản 2 điều 8 Nghị định 74 CP (ngày 30.7.1994) hướng dẫn thi hành pháp lệnh trên lại quy định Việt nam sẽ áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia và tập quán quốc tế được Việt Nam thừa nhận:

“- ...

 -Công ước năm 1947...

 -Hiệp định năm 1959...”

Như vậy thông qua quy định này Việt nam đã thực hiện việc chuyển hoá nội dung hai Công ước 1947 và 1959 được Việt nam công nhận như Luật tập quán quốc tế thành luật quốc gia. Đối với các cơ quan chức năng trong nước ngoài những hiệp định song phương Việt Nam ký với các tổ chức chuyên môn, quy định này cũng là cơ sở pháp lý trong nước để áp dụng các quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ trong công ước 1947 và công ước năm 1959 đối với những tổ chức quốc tế hữu quan. Công thức chuyển hoá này có mặt thuận, song cũng không tránh khỏi trong thực tế việc cơ quan chức năng trong nước và các cán bộ thực thi công vụ không phải lúc nào cũng nắm hết được nội dung của hàng loạt các hiệp định song phương và những quy định chi tiết về ưu đãi, miễn trừ. Đó chưa kể đến một số hiệp định chỉ ký bằng tiếng nước ngoài mà không có bản dịch, dẫn đế tình trạng khi phía cơ quan nước ngoài yêu cầu được hưởng ưu đãi miễn trừ trên cơ sở hiệp định, các cơ quan chức năng của ta đã từ chối thực hiện với lý do văn bản này không có giá trị pháp lý tại nước ta.

Từ những thực tiễn nêu trên, tác giả xin nêu một số kết luận và kiến nghị đối với việc xây dựng pháp lệnh sửa đổi về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế  như sau:

1. Về cơ bản, Việt Nam đã thực hiện việc chuyển hoá các điều ước quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự bằng cách chuyển hoá chung hoặc chuyển hoá đặc biệt thành một văn bản riêng hoặc rải rác tại nhiều văn bản khác nhau.

2. Tuy nhiên, để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong nước thực hiện tốt những cam kết quốc tế nên bổ xung thêm phương thức chuyển hoá điều ước quốc tế bằng cách công bố nội dung điều ước quốc tế trong công báo. Trách nhiệm công bố này có thể được đưa vào nội dung của Pháp lệnh sửa đổi về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế hoặc tại một văn bản pháp quy riêng quy định về thẩm quyền, trình tự cũng như nội dungviệc công bố điều ước quốc tế .

3. Nên bổ sung vào nội dung quy định về thẩm quyền quyết định tham gia điều ước quốc tế đồng thời thẩm quyền quyêts định chuyển hoá thành pháp luật quốc gia bằng việc ban hành những văn bản nội luật tương ứng để thực hiện điều ước quốc tế (ví dụ: Nghị quyết phê chuẩn công ước luật biển-đồng thời quyết định ban hành pháp luật về đường cơ sở, hoặc quyết định gia nhập Công ước viên 1963-đồng thời quyết định việc công bố hàng loạt các Hiệp định lãnh sự với những nội dung cần thiết).

4. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra rằng, có thể đưa hết những nội dung trên vào pháp lệnh sửa đổi hay không? Khi mà việc quyết định ra nhập điều ước quốc tế hoặc ban hành văn bản pháp luật quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc của Chủ tịch nước. Vậy, phải chăng pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế  phải được chuyển hoá thành luật.

 

 

 

VỀ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN PHÁP LỆNH KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

                                

                                                              Phạm Trường Giang LL.M

                                                                Vụ LPQT, Bộ ngoại giao

(Đây là những suy nghĩ bước đầu của cá nhân về một số vấn đề liên quan tới việc thực hiện pháp lệnh ký kết, thực hiện điều ước quốc tế 1989).

 

      ĐẶT VẤN ĐỀ

Điều ước quốc tế là thuất ngữ pháp lý chỉ các văn bản thoả thuận được các chủ thể của luật pháp quốc tế, như các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác xây dựng nên-thông qua con đường đàm phán, ký kết v.v... Được thể hiện dưới dạng các công ước, hiệp ước, thoả ước, hiệp định và nghị định thư, điều ước quốc tế đã, đang và sẽ cơ tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Điều ước quốc tế và các thủ tục liên quan, như ký kết, thực hiện và kết thúc điều ước v.v... là đối tượng của Luật quốc tế chung và luật quốc gia. Trên bình diện quốc tế, do tầm quan trọng của các điều ước quốc tế , nhu cầu pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế đã được đặt ra từ rất lâu. Các nước trong cộng đồng quốc tế, sau nhiều năm bàn bạc và trao đổi, đã nhất trí thông qua Công ước Viên ghi nhận các quy phạm và tập quán quốc tế hiện hành và phù họp với các quy định của luật quốc gia của nhiều nước tren thế giới.

Song song với Luật quốc tế và điều ước, mỗi quốc gia, trên cơ sở nhu cầu thiết thực, luật trong nước và có xem xét tới luật quốc tế, cũng có những quy định riêng về lĩnh vực điều ước quốc tế và các vấn đề có liên quan. Các quy định này có thể được thể hiện trong hiến pháp, một văn bản pháp lý Nhà nước riêng hoặc một quy chế nội bộ điều chỉnh việc đàm phán, ký kết hay thực hiện các điều ước.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Điều ước quốc tế của nước ta trong những năm qua đã trở thành một phương tiện có tầm quan trọng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mở rộng sự hợp tác hữu nghị về mội mặt và đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Nhà nước ta. Kể từ khi Nhà nước cách mạng non trẻ của ta ký hiệp định sơ bộ 6.3.1946 và Tạm ước 14.9.1946, thực tiễn xây dựng và ký kết điều ước song phương và đa phương của Nhà nước ta đã trải qua một thời gian dài. Công tác điều ước của ta, tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, cũng thể hiện một số thiếu sót trong một số khâu của công tác này. Để phát triển có hiệu quả về mọi mặt của công tác điều ước, ngày 17.10.1989 Nhà nước ta đã ban hành pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế .

Trong những năm của thập kỷ 1990, tình hình Việt Nam  có những thay đổi lớn lao. Về mặt kinh tế, ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Về mặt đối ngoại, ta đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc cơ bản với một số nước, tạo tiền đề cho việc phát triển hơn bao giờ, các mối quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới. Về pháp lý trong nước, ta đã ban hành Hiến pháp mới và bổ sung sửa đổi các luật, quy định cho phù hợp với hoàn cảnh chung của đất nước. Về mặt điều ước quốc tế , mặc dù đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của công tác điều ước, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 17.10.1989, trong tình hình hiện nay đã thể hiện một số điểm khiếm khuyết, không phù hợp. Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triẻn và hoàn thiện công tác đièu ước, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại, bảo về có hiệu quả chủ quyền và các quyền lợi khác của Nhà nước ta và  thực hiện đầy đủ các cam kết của ta với các quốc gia coa liên quan, việc sửa đổi, bổ sung tiến tới hoàn thiện Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế  của CHXHCN Việt Nam được đặt ra ngày càng cấp bách.

Trong khuôn khổ của bài viết này xin trình bày một số suy nghĩ về vấn đề nói trên.

I. CƠ SƠ CỦA PHÁP LỆNH VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước ngày 17. 10 .1989 (gọi tạm là Pháp lệnh) được xây dựng trên cơ sở luật pháp của ta và thực tiễn quốc tế lúc bâý giờ. Cơ sở quan trọng nhất là những quy định của Hiến pháp năm 1980 (Điều 83, 100 và 107 trong các chương về Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, cũng như các quyết định khác liên quan đến lĩnh vực điều ước. Ngoài ra, Pháp lệnh được dựa trên thực tiễn công tác điều ước của ta (cho đến năm 1989) và thực tiễn, luật pháp của nhiều nước, chủ yếu là luật về điều ước quốc tế  của các nước XHCN như của Liên xô, Cuba, CHDC Đức, Bungari, Mông cổ v.v...

Các căn cứ này, trong tình hình hiện nay, ở một chừng mực nào đó, đã tỏ ra là không phù hợp. Hiến pháp năm 1980 đã được thay thế bởi Hiến pháp 1992, theo đó chức năng quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đối với công tác điều ước đã được quy định một cách rõ ràng và đầy đủ hơn (Điều 84/khoản 13, Điều 103/khoản 10, Điều 112/khoản 8...) để đáp ứng được những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Từ năm 1989 tới nay công tác điều ước quốc tế của phát triển một cách mạnh, Nhà nước cũng như Chính phủ ta đac tham gia đàm phán ký kết điều ước quốc tế  với rất nhiều đối tác nước ngoài, như các quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ (Liên hợp quốc, UNDP, EU ...) và phi chính phủ (các quỹ tiền tệ như ngân hàng ADB ...). Thực tiễn này đã vượt qua khuôn khổ điều chỉnh của Pháp lệnh 1989 và đồng thời cũng làm nảy sinh không ít thiếu sót sai lệch (về hình thức cũng như nội dung). Hơn nữa, việc điều chỉnh pháp lý và quản lý công tác điều ước, do dựa trên các kinh nghiệm, thực tiễn của các nước XHCN (trước đây) có thể cũng phiến diện và hạn chế. Từ những nhận xét trên, về cơ bản, đã đến lúc chúng ta nên xem xét, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh 1989 cho phù hợp hơn với tình hình và nhiệm mới của Đảng và Nhà nước ta.

II. HÌNH THỨC CỦA PHÁP LỆNH

1. Về mức độ, văn bản sửa đổi, bổ sung lần này cũng nên giữ ở mức độ Pháp lệnh. Trên cơ sở so sánh với những vấn đề khác thuộc lĩnh vực pháp lý ở ta, phù hợp với những nội dung được đặt ra trong văn bản mới, theo tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội ngày 28.10.1995, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, ngày 25.11.1995 và căn cứ vào quy định tại điều 103, Hiến pháp 1992, việc để văn bản sẽ được sửa đổi và bổ sung ở mức độ Pháp lệnh là hoàn toàn hợp lý. Theo quy định của Hiến pháp 1992, phải là Chủ tịch nước.

2. Về tên gọi, Pháp lệnh sửa đổi nên được đặt tên khác, có tên gọi là Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế  của nước CHXHCN Việt Nam, văn bản ngày 17.10.1989 nhằm đề cập tới các giai đoạn và thủ tucj cơ bản của công tác điều ước của Việt Nam. Tuy nhiên, cách lấy tên như vậy là chưa đầy đủ, vì chưa đề cập tới giai đoạn đầu tiên (nhưng không kém phần quan trọng) - Giai đoạn đàm phán xây dựng điều ước quốc tế . Do đó, Pháp lệnh mới nên có tên rõ ràng và đầy đủ hơn, phải chăng là Pháp lệnh về đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam .

3. Về bố cục, Nhìn chung Pháp lệnh 1989 đã chứa đựng tương đối đầy đủ các quy định về các giai đoạn cơ bản của công tác điều ước. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, công tác điều ước vẫn là công tác còn mới mẻ đối với một số Bộ, ngành, để tăng cường sự phối hợp và hiệu quả của công tác này, việc bổ sung thêm phần về các thuất ngữ là cần thiết (phê chuẩn, phê duyết ...) cần được xem xét một cách một cách thoả đáng. Hơn nữa, việc chia nhỏ các chương để làm cho văn bản mới rõ ràng và cụ thể hơn, cũng cần được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi và bổ sung pháp lệnh. Đồng thời các điều khoản cụ thể cũng cần được sửa đổi bổ sung thêm (sẽ trình bày  trong các phần tiếp theo).

4. Về câu chữ, do cơ những quy định mới của Hiến pháp 1992, các danh từ như Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng (ở hầu như tất cả các đièu khoản của pháp lệnh 1989 ) nay phải được đổi thành Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

III. CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Các khái niệm và thuật ngữ

Đối tượng của Pháp lệnh 1989 là các điều ước quốc tế  của CHXHCN Việt Nam. Điều 1 (khoản 1) của Pháp lệnh quy định:

Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam bao gồm Hiệp ước, Công ước, Định ước, Hiệp định, Nghị định thư, công hàm trao đổi ...

Qua nghiên cứu, trên thực tiễn của công tác điều ước, Hiệp ước được hiểu là các điều ước có nội dung pháp lý quan trọng, như các vấn đề hợp tác, hữu nghị hay về phân định biên giới; Hiệp định, được hiểu là loại điều ước điều chỉnh một vấn đề chuyên môn cụ thể về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục ... được xây dựng được ký kết giữa hai hay nhiều quốc gia; Công ước, là điều ước đa phương (thuật ngữ này hầu như không dung cho các điều ước song phương) nhằm điều chỉnh những vấn đề riêng biệt có tính pháp lý cao hay nhằm thành lập một tổ chức quốc tế; Nghị định thư, là văn kiện được ký giữa các nước nhằm ghi nhận những thoả thuận đã đạt được về một vấn đề nào đó hoặc sửa đổi, bổ sung vào một điều đã ký trước đó. Văn bản loại này, cũng có thể là những thoả thuận để cụ thể hoá từng phần hay thực hiện từng phần đã được thoả thuận trong một điều ước đã ký trước đó. Biên bản thoả thuận, là loại văn bản ghi lại  những thoả thuận đã đạt được trong đàm phán hay trong các phiên họp của các đoàn đại biểu. Trong quá trình soạn thảo pháp lệnh 1989, do quan niệm rằng tên gọi không có ý nghĩa pháp lý, nên các thuật ngữ này đã không được quy định trong văn bản chính thức. Điểm khiếm khuyết này đã gây ra nhièu khó khăn cho công tác điều ướcư, từ khâu đàm phán, ký kết đến thực hiện.

Ngoài ra một số thuật ngữ quan trọng thường gặp trong công tác điều ước cũng cần phải làm rõ. Phê chuẩn điều ước quốc tế , là sự khẳng định của một trong những cơ quan cao nhất, theo đó bày tỏ sự chấp nhận sự ràng buộc đối với điều ước liên quan. Phê duyệt điều ước quốc tế , cũng được hiểu như phê chuẩn nhưng ở mức độ thấp hơn (thường là do Chính phủ tiến hành). Bảo lưu điều ước là tuyên bố đơn phương qua đó một quốc gia mông muốn loại trừ hoặc thay đổi việc thi hành quy định cụ thể nào đó của điều ước quốc tế đối với quốc gia mình. Gia nhập điều ước là hành vi pháp lý thể hiện ý chí của một quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của mình đối với một điều ước quốc tế  nhiều bên mà quốc gia đó không ký vào điều ước trong thời hạn điều ước đó  quy định mở ra cho các quốc gia ký. Pháp lệnh 1989 cũng có đề cập tới các thuật ngữ trên, tuy nhiên, nội dung của các thuật ngữ này không được đề cập tới. Chính vì lẽ đó, những cán bộ tham gia trong công tác điều ước không hoặc chưa thấy rõ được bản chất vấn đề. Trên thực tế nhiều điều ước được ký kết, nhưng không được làm thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt, văn bản được ký kết không có hiệu lặc được (có khi tới hàng năm). Điều này đã gây ra không ít hậu quả  về đối ngoại, đồng thời, cũng gây nhiều bất lợi cho các bên ký kết (trong đó có bên Việt Nam ). Vấn đề bảo lưu, trên thực tế vì cũng ít được vận dụng, nên cho tới nay cũng chưa xẩy ra những vướng mắc gì. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ nguyên cách quy định như Pháp lệnh 1989 sẽ không hợp lý và chắc sẽ đưa đến những khó khăn nhất định.

2. Chức năng quyền hạn của các cơ quan liên quan

a) Đề xuất ký kết điều ước

Là khâu đầu tiên trong công tác điều ước, việc đề xuất ý kiến ký kết điều ước cần phải được quy định một cách hợp lý. Pháp lệnh 1989 quy định Bộ ngoại giao có chức năng và nhiệm vụ đề xuất ký kết các điều ước quốc tế  về hoà bình, an ninh, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia và quyền, nghĩa vụ của công dân; và các cơ quan cấp ngành đề xuất về các điều ước quốc tế liên quan tới các vấn đề cụ thể sau khi có ý kiến của Bộ ngoại giao. Quy định này cho tới nay có thể vãn nên giữ. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa các ngành trong đề xuất ký kết các điều ước quốc tế  về các lĩnh vực cụ thể còn có nhiều lỏng lẻo. Nhiều điều ước mặc dù đã được đàm phán và ký tắt nhưng Bộ giao không hề biết và bị đặt vào sự viẹec đã rồi phải làm các thủ tục cần thiết cho các khâu tiếp theo. Nhiều trường hợp, Bộ ngoại giao phát hiện những sai sót trong các điều ước đó, nhưng không có đủ thời gian để khắc phục. Ngoài ra, vì yêu cầu cấp bách phục vụ cho các mục đích chính trị và kinh tế của Nhà nước và Chính phủ, nhiều khi các điểm thiếu sót này cũng đành phải bỏ qua. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp mặc dù không hoặc chưa có ý kiến của Bộ ngoại giao, các đề xuất trên đâyvẫn được các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Về mặt pháp lý, những thiếu sót này đã và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực có liên quan và quan hệ đối ngoại nói chung. Từ đó, việc xây dựng cơ chế hợp lý hơn, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và yêu cầu tiên quyết của các cơ quan có thẩm quyền sẽ được đặt ra trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh mới.

b) Thẩm quyền quyết định việc ký kết điều ước quốc tế

Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và các thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết điều ước quốc tế . Thẩm quyền quyết định này được đưa ra ở những mức độ khác nhau tuỳ theo tầm quan trọng và mức độ của điều ước liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều điều ước sẽ được ký kết dưới danh nghĩa Nhà nước, nhưng lại do Hội đồng Bộ trưởng (trước đây) quyết định. Những trường hợp này đã đúng với pháp luật Việt Nam  hay chưa cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu. Về mặt thực chất, những trường hợp này chưa được quy định trong pháp luật của ta. Do đó, nếu đây là thực tiễn có thể chấp nhận được, thì nội dung này cần được quy định trong pháp lệnh mới.

c) Vấn đề uỷ quyền

 Uỷ quyền là một khâu quan trọng trong công tác điều ước. Uỷ quyền là việc các cơ quan chức năng cho phép người đại diện cho mình đàm phán và ký kết điều ước. Pháp lệnh 1989 quy định điều ước dưới danh nghĩa Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan cấp ngành. Về thực chất những quy định trên đây vẫn hợp lý. Tuy nhiên, cách thể hiện văn bản có thể sẽ gây ra những hiểu lầm. Khoản 1 (a) không nói rõ chức năng của Bộ ngoại giao trong việc làm giấy xác nhận uỷ quyền cấp Nhà nước, trong khi đó phần (b) lại có quy định về việc Bộ ngoại giao xác nhận uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng, phải chăng có điểm gì thừa hoặc thiếu ở 1 trong 2 phần này? Mặt khác quy định về uỷ quyền của thủ trưởng trong việc đàm phán, ký kết điều ước cấp ngành có cần thiết ghi nhận trong khuôn khổ này hay không? (vì điều này đã được quy định trong các văn bản về chức năng quyền hạn của các ngành; việc uỷ quyền này không mang nhiều ý nghĩa pháp lý-trong thực tiễn vấn đề này ít được đặt ra và cơ chế như ở điều 5 (khoản 2) cũng ít được các ngành tuân theo).

Vấn đề khác, cũng có tầm quan trọng là nếu cơ chế trên không được tuân thủ, thì việc xử lý sẽ ra sao, các cơ quan liên quan và cơ thẩm quyền sẽ có trách nhiệm gì và điều ước đã được ký kết xuất phát từ những thiếu sót trên có được coi là cơ giá trị không? Các vấn đề này cần được nghiên cứu và xem xét nghiêm túc trong quá trình sửa đổi và bổ sung, tiến tới xây dựng Pháp lệnh mới.

d) Thực hiện điều ước

Sau tiến trình đàm phán, ký kết, vấn đề thực hiện điều ước được đặt ra không kém phần quan trọng. Pháp lệnh 1989 quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các điều ước quốc tế , trách nhiệm theo dõi, thúch đẩy việc thực hiện điều ước của bên Việt Nam và bên ký kết kia, quản lý điều ước, công bố, đăng ký và lưu chuyển điều ước quốc tế .

Về nguyên tắc, các quy định có thể chấp nhận được, tuy nhiên, một số cơ chế cụ thể dường như không hoặc chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Cơ chế Hội đồng Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện và Bộ Ngoại giao giúp Hội đông Bộ trưởng trong nhiệm vụ này; và, các cơ quan cấp ngành báo cáo lên Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng và thông báo cho Bộ Ngoại giao để theo dõi. Cách quy định này cho thấy thẩm quyền để Bộ Ngoại giao thi hành nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Theo đó Bộ Ngoại giao khó có thể yêu cầu các cơ quan cấp ngành thông báo về việc thực hiện điều ưóc của ngành mình và trên thực tế, mặc dù Bộ Ngoại giao yêu cầu thì các ngành hồi âm lại cũng không có. Cách quy định từng thời kỳ, theo quy hoặc khi có yêu cầu là chưa rõ ràng, theo đó, trách nhiệm báo cáo, thông báo về thực hiện điều ước ở cấp ngành có bắt buộc hay không ? Nếu là nghĩa vụ, thì thời hạn thực thi nghĩa vụ đó là bao giờ ? Nếu không hoàn thành thì trách nhiệm tới đâu ? Nhìn chung, cơ chế quy định ở Pháp lệnh 1989 chưa hoặc mới chỉ giải quyết phần nào của những câu hỏi trên.

Ngoài ra các quy định về đăng ký điều ước cũng cần được xem xét lại. Các điều ước quốc tế hai bên và nhiều bên phải đăng ký tại Ban thư ký Liên hợp quốc. Các điều ước quốc tế không đăng ký thì không có giá trị và không được lấy làm tài liệu viện dẫn trước Toà án quốc tế và các tổ chức của Liên hợp quốc. Pháp lệnh 1989 cũng quy định ta sẽ đăng ký các Điều ước tại Ban thư ký Liên hợp quốc hoặc các tổ chức quốc tế mà phía Việt Nam  là một bên ký kết. Trên thực tế, cho đến nay vấn đề này hầu như ít được đặt ra (vì trong nhiều trường hợp bên ký kết nước ngoài hoặc tự động hoặc có thoả thuận với bên Việt Nam  để tiến hành đăng ký những điều ước song phương với ta). Trong tình hình mới nếu thực tế này không được cải thiện sẽ gây không ít bất lợi cho phía Việt Nam  (nhất là trong trường hợp cả hai bên ký kết đều không quan tâm hoặc bỏ qua khâu này). Từ đó đặt ra trách nhiệm bắt buộc phải đăng ký các điều ước tại Ban thư ký LHQ và Tổ chức quốc tée liên quan. Theo đó, những điều ước gì sẽ được đăng ký hay tất cả cá điều ước đều phải được đăng ký ? Bộ Ngoại giao có phải xin phép tiến hành đăng ký hay cứ chủ trì công việc này ? Sự phối hợp với các cơ quan liên quan về vấn đề này ra sao ?

KẾT LUẬN

Nhìn chung, Pháp lệnh điều ước 1989 đã đề cập tới các nội dung cần thiết của công tác điều ước. Thực tế những năm qua cho thấy, Pháp lệnh 1989 được ban hành là cần thiết, đáp ứng các yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều ước phát triển góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hơpj tác giữa ta và các đối tác nước ngoài đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế của mình.

Tuy nhiên, do được xây dựng, ban hành trên cơ sở và tình hình tương đối khác hiện nay, Pháp lệnh 1989 không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Trong giai đoạn tới việc sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh trên được đặt ra cấp bách nhằm phục vụ cho các yêu cầu của tình hình mới. Việc nghiên cứu những vấn đề trên đòi hỏi có sự quan tâm và nỗ lực của các cơ quan hữu quan và các cán bộ nghiên cứu có liên quan trực tiếp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                          PHỤ LỤC

 

 

1. Mẫu phiếu điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế

 

2. Kết quả điều tra, khảo sát

 

3. Danh mục các điều ước quốc tế  đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tham gia

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                   BỘ TƯ PHÁP

                 ...........

   Đề tài NCKH “Mối quan hệ giữa

điều ước quốc tế và pháp luật Việt nam”

             (Mã số: 95-98-113/ĐT)

                       

                    PHIẾU KHẢO SÁT VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

  

Phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam” số đăng ký: 95-98-113/ĐT.

Đối tượng khảo sát: Thẩm phán dân sự,

                                   CÂU HỎI KHẢO SÁT

1. Đồng chí có biết trong việc áp dụng pháp luật vào công tác xét xử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết, tham gia (dưới đây gọi tắt là ĐƯQT) có giá trị ưu tiên hơn so với pháp luật Việt Nam hay không ?

Có                              Không                           Chưa bghĩ tới

2. Trên cương vị thẩm phán dân sự, đã có lần nào đồng chí phải áp dụng ĐƯQT vào xét xử chưa ?

Có                               Không

Nếu có áp dụng, thì cụ thể là ĐƯQT nào (Hiệp định, Công ước ...)?

...

...

...

3. Đã khi nào đồng chí được nghe giới thiệu, tập huấn hoặc tìm hiểu về ĐƯQT liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình chưa ?

Có                                  Không

Nếu có, thì bằng hình thức nào:

Tập huấn                    Bồi dường chuyên đề                 Tự tìm hiểu

Tên gọi của ĐƯQT đó là gì ?

4. Trong thư viện của Toà án hoặc trong tủ sách cá nhân của đồng chí cơ các văn bản ĐƯQT nào không ?

 Có                                    Không

 Nếu có, thì tên gọi của ĐƯQT đó là gí ?

...

...

...

5. Theo đồng chí, việc phổ biến, in ấn, phát hành các ĐƯQT liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình đã đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử hay chưa ?

Đã đáp ứng                                 Chưa đáp ứng

Đồng chí có kiến nghị gì về vấn đề này ?

...

...

...

Xin chân thành cảm ơn !

 

                                                              BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

  BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC                Hà nội, ngày 18 tháng 3 năm 1996

“MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

       VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

 

                                    BÁO CÁO TỔNG HỢP

                             VỀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT

                                             ------- ***------

        (Đề tài: “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam”

                                           Mã số: 95-98-113/ĐT

 

I. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT:

        - Đợt 1 :    Thẩm phán dân sự (lớp tập huấn về Bộ luật dân sự).

         - Đợt 2 :     Thẩm phán dân sự (Toà án nhân dân thành phố Hà nội)

II. KẾT QUẢ KHẢO SÁT CỤ THỂ :

         1. Số phiếu phát ra:                                     100 phiếu

         2. Số phiếu có ý kiến trả lời (thu lại được):   43 phiếu  = 43%

         3. Kết quả cụ thể :

* Vấn đề thứ nhất : “Đồng chí có biết trong việc áp dụng pháp luất vào công tác xét xử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký  kết, tham gia có giá trị ưu tiên hơn so với Pháp luật Việt Nam hay không ?”

- Có                                   16        = 37,2%

- Không :                             9        = 20,9%

- Chưa nghĩ tới :                15        = 34,8%

- Không trả lời :                   3        =   6,9%

* Vấn đề thứ hai : “ Trên cương vị Thẩm phán dân sự, đã có lần nào đồng chí phải áp dụng điều ước quốc tế vào việc xét xử chưa ?”

- Có :                                    8       =  18,7%

- Không :                            34       =  79%

- Không trả lời :                   1        =  2,3%

“Nếu có áp dụng thì cụ thể là điều ước nào ?”

- Hiệp định tương trợ tư pháp :  4    = 9,3%

- Công ước về quyền trẻ em :     1    = 2,3%

- Công ước 1982 về lật biển :      1   = 2,3%

- Hiệp định :                                 2   = 4,6%

* Về vấn đề thứ ba : “Đã khi nào đồng chí được nghe giới thiệu, tập huấn tìm hiểu về điều ước quốc tế  liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình chưa ?”       

- Có :                                             16   = 37,2%

- Không :                                       24   = 55,8%

- Không trả lời :                              3    =  6,9%

“Nếu có thì bằng hình thức nào ?”

- Tập huấn :                                      3    =  6,9%

- Bồi dưỡng chuyên đề :                   3    =  6,9%

 

- Tự tìm hiểu :                                  10   = 23,2%

- Giảng dạy ở trường Đại học :          1   =  2,3%

“ Tên gọi của điều ước quốc tế đó là gì ?”

- Hiệp định tương trợ tư pháp :           2   =  4,6%

- Công ước về quyền trẻ em :             2   =  4,6%

- Không nhớ :                                     1   =  2,3%

* Về vấn đề thứ tư : “Trong thư viện của Toà án hoặc trong tủ sách cá nhân của đồng chí có các văn bản điều ước quốc tế nào không ?”

- Có :                                                 14  = 32,6%

- Không :                                           25 = 58,1%

- Không trả lời :                                   4 =   9,3%

“Nếu có thì tên gọi của điều ước quốc tế đó là gì ?”

- Hiệp ước tương trợ tư pháp :             10  = 23,2%

- Công ước về quyền trẻ em :                2  =   4,6%

- Không nhớ :                                        1  =   2,3%

- Beme-Paris :                                        1  =   2,3%

* Về vấn đề thứ năm : “Theo đồng chí, việc phổ biến, in ấn, phát hành các điều ước quốc tế liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình đã đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử hay chưa ?”

- Đã đáp ứng :

- Chưa đáp ứng :                                  39  = 90,7%

- Không trả lời :                                     4  =  9,3%

“Đồng chí có kiến nghị gì về vấn đề này”

- Được bồi dưỡng, phổ biến điều ước quốc tế :                 7

- Cần in ấn và phát hành điều ước quốc tế :                       5

- Yêu cầu được học về điều ước quốc tế :                          2

- Cần tuyên truyền điều ước quốc tế :                                2

- Cần trang bị điều ước quốc tế đầy đủ :                            1

- Cần có hướng dẫn để thi hành điều ước quốc tế :            3

- Cần được tập huấn :                                                         7

- Cần gửi điều ước quốc tế cho Toà án địa phương :        4

- Cần ký kết điều ước quốc tế mới :                                  1

 

(Có 32/43 kiến nghị  = 47%

 Còn                           = 25,6% không có kiến nghị gì)                                                       

 

 

 

          DANH SÁCH NHỮNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ  ĐA PHƯƠNG

                                       VIỆT NAM ĐÃ THAM GIA

 

 

 

Số TT

tên công ước quốc tế

Ngày Việt Nam ký, t.gia, P.C hiệu lực đ/v Việt Nam

Bảo lưu

 

1

Công ước geneve 12.8.1949 về bảo hộ thường dân trong lúc chiến tranh

NĐTCông ước Geneve 12.8.1949 về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột Q.tế (Nghị định thư I).

Gia nhập: 5.6.1957

 

 

VNDCCH ký:12.12.1977

Phê chuẩn: 28.8.1981

 

Điều 11

 

2

Công ước Geneve 12.8.1949 về việc đối xử với tù binh.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

3

Công ước Geneve 12.8.1949 về cải thiện tình trạng thương binh bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

4

Công ước Geneve 12.8.1949 về cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu tren bộ.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

5

Công ước tổ chức khí tượng thế giới ký ngày 11.10.1947 tại Washington.

Gia nhập : 18.6.1975

(ngày gửi CH của CP)

Điều 29

 

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

8

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

 11

 

 

 

12

 

 

 

 

13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quy chế của Tổ chức y tế thế giới ký tại New york ngày 22.7.1946 và bổ sung bởi ĐHĐ y tế thế giới lần thứ 12 theo điều 79 của quy chế đó.

Điều lệ sửa đổi  điều 24 và 25 của quy chế tổ chức y tế thế giới thông qua ngày 17.5.1976.

 

Hiệp định thành lập quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp ký ngày 13.6.1976 tại Rôm

 

Hiệp định về hợp tác nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào các mục đích hoà bình ngày 13.7.1976 tại  Matxcova

 

Hiệp định thành lập trung tâm phát triển nông nghiệp tổng hợp cho khu vực Châu á Thái bình dương ký ngày 29.7.1978 Kuala Lumpur

 

Công ước về tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên máy bay ký tại Tôkyô ngày 14.9.1963

 

công ước về trừng trị những vụ cưỡng đoạt máy bay ký ngày 16.12.1970 tại La hay

 

Công ước về trừng trị các hành vi bất chính đối với an ninh hàng không dân dụng ký ngày 23.9.1971 tại Montreal

 

Quy chế điện tín Châu á-Thái bình dương ngày 27.3.1976

Gửi CHTT :1.8.1975

 

 

 

 

Chấp nhận : 30.12.1981

 

 

 

Gia nhập : 13.12.1977

 

 

 

Gia nhập : 10.1.1979

 

 

 

 

 

Phê chuẩn : 1.2 1979

 

 

 

 

 

Gia nhập : 8.8.1979

 

 

 

 

Gia nhập : 10.8.1979

 

 

 

Gia nhập : 8.8.1979

 

 

 

 

Chấp thuận : 11.9.1979

Điều 75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản1Điều 24

 

 

 

Khoản1Điều 12

 

 

Khoản1 Điều 14

 

 

 

 

14

 

 

 

15

 

 

 

 

 

 

 

 

16

 

 

 

 

 

17

 

 

 

 

 

 

 

 

18

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hiệp định về việc thành lập trung tâm khoa học và kỹ thuật quốc tế, ký ngày 27.2.1969.

 

Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế ký ngày 7.12.1944.

 

Nghị định thư về việc sửa đổi công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế ký tại Montreal ngày 30.9.1977.

 

Hiệp ước cấm đặt vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt ở đáy biển, đáy đại dương ký ngày 11.2.1971. Hiệu lực : 18.5.1972.

 

Công ước về cấm phát triển sản xuất, tàng trữ vũ khí vi trùng, các chất độc hại và việc phá huỷ các vũ khí đó (để ngỏ cho các nước ký tại Luân đôn, Mátcơva và Wshington ngày 10.4.1972, có hiệu lực ngày 26.3.1975).

 

Hiệp ước về những nguyên tắc hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng vũ trụ, kể cả mặt trăng và các thiên thể khác để ngỏ cho các nước ký tại Luân đôn, Mascơva và Wshington ngày 27.1.1967. (hiệu lực 10.10.67)

 

 

Gia nhập : 14.2.1979

(ngày gửi CHBTNG)

 

 

Tham gia : 13.3.1980

CPTBGN : 25.2.1980

 

 

Phê chuẩn : 1.9.1983

 

 

 

 

Gia nhập : 30.5.1980

(Ngày gửi CH cho BTNG Liên xô)

 

 

 

Ngày gửi CH GN của

BTBNG : 30.5.1980

 

 

 

 

 

 

 

Gia nhập : 30.5.1980

(ngày gửiCH)

 

19

 

 

 

 

 

 

 

20

 

 

 

21

 

 

 

 

22

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước về cấm sử dụng các kỹ thuật làm thay đổi môi trường vì mục đích quân sự hay cho tất cả các mục đích thù địch khác, ĐHĐ LHQ thông qua 10.12.76, ký tại Geneve 18.5.77.

 

Công ước viên về quan hệ ngoại giao ký ngày 18.4.1961.

 

 

Công ước viên về quyền đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập 14.3.1975.

 

Nghị định thư 1925 về cấm sử dụng trong chiến tranh các loại hơi độc, hơi ngạt hoặc các loại tương tự khác và các phương tiện chiến tranh vi trùng, ký tại Geneve ngày 17.6.1925.

Gia nhập : 26.8.1980

(hiệu lực đ/v Việt Nam)

gửi CH :31.5.1980

 

 

 

 

 

Gia nhập : 31.5.1980

(ngày gửi CH) H/lực đ/v

Việt Nam 25.9.1980

 

Gia nhập 26.8.1980

(LHQ nhận được CH)

gửi CH : 31.5.1980

 

 

Gia nhập : 23.9.1980

(ngày gửi CH)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ có cam kết với các quốc gia thành viên không giàng buộc trong quan hệ với quốc gia thù địch mà quân đội của họ mà đồng minh vi phạm công ước.

23

 

 

24

 

 

25

 

 

 

26

 

 

 

 

27

 

 

 

28

 

 

 

 

29

 

 

 

 

 

30

 

 

 

31

 

 

 

 

32

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước Paris về sở hữu công nghiệp 20.3.1883.

 

Thoả ước Mađrit về việc đăng ký nhãn hàng ngày 14.4.1891.

 

Công ước Stốc khôm về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí thức thế giới 14.7.1967.

 

Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng thông qua ngày 9.12.1948.

(hiệu lực 12.1.1951).

 

Công ước về xoá bỏ và trừng trị tội A-pa-thai, thông qua ngày 30.11.1973.

 

Hiệp định thành lập viện phát triển truyền thanh Châu á và Thái bình dương ký tại Kuana Lumpur ngày 12.8.1977.

 

Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, thông qua ngày 18.12.1979.

 

 

Công thức quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, thông qua ngày 21.12.65

 

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ký ngày 1.7.1968 tại Luân đôn, Mát cơ va và Wshington. Hiệu lực : 5.3.1970

 

Quy chế trung tâm phát triển Châu á-Thái Bình Dương, thông qua ngày 1.4.1982.

Tham gia : 6.4.1981

 

 

Gia nhập : 6.4.1981

 

 

Gia nhập : 6.4.1981

 

 

 

Gia nhập : 9.6.1981

(ngày LHQ nhận CH)

: CP thông báo

 

 

QĐGN :3.4.1981

H/lực đ/v Việt Nam: 9.8.81

Gửi CH : 26.5.1981

 

Tham gia : 8.9.1981

 

 

 

 

Ký : 29.8.1980

Phê chuẩn : 30.11.1981

H/lực đ/v Việt Nam 19.3.1982

 

 

Gia nhập : 6.5.1982

Gửi CH : 17.5.1982

 

 

Tham gia :14.6.1982

 

 

 

 

Ký ngày 9.9.1982

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản 1 Điều 29

 

 

 

 

 

 

 

 

33

 

 

 

34

 

 

 

35

 

 

 

 

 

36

 

 

 

37

 

 

 

 

38

 

 

 

 

 

39

 

 

 

 

 

40

 

 

 

 

 

Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, thông qua ngày 16.12.1966.

 

Công ước quốc tế về các quyền công dân và chính trị, thông qua ngày 16.12.1966.

 

Công ước không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, thông qua ngày 26.11.1968.

 

Công ước về tổ chức Hàng hải quốc tế ký ngày 6.3.1948 tại Geneve.

 

Quy chế của tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) ký tại Vienne ngày 8.4.1979

 

Công ước Paris về bảo vệ di sản thế giới về văn hoá và thiên nhiên thông qua ngày 16.11.1972 tại phiên họp thứ 17 của UNESCO.

 

Quy chế Trung tâm khoa học và kỹ thuật của phong trào không liên kết và các nước phát triển thông qua ngày 4.2.1985.

 

Công ước về thông báo nhanh chóng khi xẩy ra sự cố hạt nhân.

 

   

 

Gia nhập : 24.9.1982

 

 

 

Gia nhập : 24.9.1982

 

 

 

Gia nhập : 4.12.1982.

H/lực đ/v vn: 4.8.1983

 

 

 

 

QĐCP : 24.4.1984

Gửi CH : 28.5.1984

H/lực đ/v VN: 12.6.1984

 

Ngày LHQ lưu chiểu

QĐPD của VN: 28.4.1983

H/lực đ/v VN: 19.7.1985

 

 

Gia nhập : 6.10.1987

(Ngày gửi CH)

QĐCP : 5.9.1987

 

 

 

Gia nhập 4.6.1987

 

 

 

 

 

QĐCP : 4.9.1987

Gửi CHBTNG : 15.9.1987

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản2

Điều 11

 

41

 

 

 

 

42

 

 

 

43

 

 

 

 

44

 

 

 

 

45

 

 

 

 

 

46

 

 

 

47

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước về giúp đỡ trong trường hợp có sự cố hạt nhân hoặc có tình trạng khẩn cấp về phóng xạ.

 

Quy chế Liên minh Bưu chính CA-TBD (APU) ký tại Yogya-karta (Indonesia) 27.3.1981.

 

Hiệp ước hợp tác khu vực về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ nghệ hạt nhân.

 

Công ước về quyền ưu đãi miễn trừ của LHQ được ĐHĐLHQ thông qua ngày 13.2.1946.

 

Công ước về các vùng đầm lầy có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi trú ngụ của các loài chim nước thông qua ngày 2.2.1971 tại Ramsar (Iran)

 

Thể lệ chung Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Hamburg ngày 27.7.1984.

 

Công ước Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Hamburg ngày 27.7.1984

 

Nghị định thư thứ 3 bổ sung vào Hiến chương Liên minh Bưu chính thế giới ký tại đại hội lần thứ 19 của LMBCTG ngày 27.7.1984 tại Hambourg

 

 

 

Nghị định thư thứ 4 bổ sung vào Hiến chương của Liên minh Bưu chính

 

QĐCP : 4.9.1987

Gửi CHBTNG : 15.9.1987

 

 

 

Gửi CHCP : 12.12.1986

H/lực đ/v VN: 30.10.1987

 

 

 Gia nhập : 9.6.1987

 

 

 

 

QĐCPGN : 24.2.1988

Gửi CH : 15.3.1988

 

 

 

QQĐCPGN : 6.8.1988

Gửi CHBTNG : 22.8.1988

 

 

 

 

CPPD : 12.10. 1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

CPPD : 12.10.1089

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

QĐ-HĐNN : 17.10.1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

 

 

Khoản2

Điều 13

 

 

 

 

 

 

 

Tiết 30

Điều 8

 

 

 

 

 

 

48

 

 

49

 

 

 

 

50

 

 

 

51

 

 

 

 

52

 

Nghị định thư thứ 4 bổ sung vào Hiến chương của Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Washngton ngaỳ 14.12.1989

 

Hiệp định Bưu kiện ký tại Hambourg ngày 27.7.1984.

 

Hiệp định mạng lưới các trung tâm trồng thuỷ sản Châu á-TBD (NACA) thông qua 8.1.88 tại Băng cốc

 

Công ước của LHQ về quyền trẻ em do ĐHĐ LHQ thông qua ngày 20.11.1989.

 

Công ước quốc tế 1973 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra. (và NĐT 1978 của CW trên ta gửi CH : 8.2.1991).

 

Công ước quốc tế 1972 về tránh va trên biển.

 

Ký : 14.12.1989

CTN PC : 18.8.1994

Gửi CH : 19.8.1994

 

 

CPPD : 12.10.1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

Gia nhập : 10.1.1989

 (ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 6.1.1989

 

 

Phê chuẩn : 20.2.1990

 

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

 

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.12.1990

 

 

 

53

 

 

 

 

 

 

 

 

54

 

 

 

55

 

 

 

56

 

 

 

57

 

 

 

 

 

58

 

 

 

 

Công ước quốc tế 1974 về an toàn sinh mạng trên biển.

 

Nghị định thư năm 1978 của công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974, ký tại Luân Đôn 17.2.1978 hiệu lực ngày 1.5.81

 

Công ước quốc tế 1966 về mạn khô tàu biển.

 

 

Công ước quốc tế 1969 về đo dung tích biển.

 

 

Công ước quốc tế 1978 về tiêu chuẩn đào tạo cấp bằng và trực ca đ/v người đi biển

 

Hiệp định cà phê quốc tế 1983 và các điều kiện được quy định trong nghị quyết 353 do Hội đồng cà phê quốc tế thông qua ngày 28.9.1990.

 

Công ước Viên về quan hệ lãnh sự làm tại Viên (áo) ngày 24.4.1963.

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.3.1991

 

Gia nhập : 15.9.1992

 (ngày gửi CH)

QĐCP : 14.9.1992

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.3.1991

 

QĐCP :10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN : 18.3.1991

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN : 18.3.1991

 

Gia nhập : 24.2.1991

 (ngày gửi CHBTNG)

 

 

 

 

Gửi ngày : 12.8.1992

(có hiệu lực với Việt nam ngày 8.10.1992).

QĐPC-HĐNN : 20.6.1992

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản1

Điều 35

Khoản1

Điều 58

 

59

 

 

 

 

60

 

 

 

 

 

 

61

 

 

 

 

 

62

 

 

 

 

63

 

 

 

64

 

 

 

 

 

65

 

 

 

66

 

 

 

 

 

 

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông nam á ký tại Bali ngày 24.2.1976.

 

 

Hiệp định về phiếu chuyển tiền bưu chính ký tại Washington ngày 14.12.1989 và thể lệ thi hành hiệp định về phiếu chuyển tiền bưu chính ký tại Washington ngày 15.12.1989

 

Công ước về cấm phát triển, sản xuất tàng trữ và sử dụng vũ khí hoá học và về phá huỷ chúng (để ngỏ cho các nước ký tại Paris ngày 13.1.1993).

 

Hiệp ước hợp tác về bằng sáng chế (PCT), làm tại Washington ngày 19.6.1970. Bổ sung ngày 2.10.1979 và sửa đổi 3.2.1984.

 

Công ước thành lập Hội đồng hợp tác Hải quan ký tại Brusel ngày 15.12.1950

 

Công ước về buôn bán quốc tế các chủng loại động vật và thực vật hoang dại có nguy cơ diệt chủng ký tại Washington ngày 3.3.1973

 

Công ước của LHQ về luật biển ký tại Mông-tê-gô Bây (Gia-mai-ca) ngày 10.12.1982

 

Công ước viên 1985 về bảo về tầng ôzôn, ký tại Viên ngày 22.3.1985.

 

Gia nhập 16.6.1992

(ngày bạn xác nhận CH)

Ngày ký VKGN: 7.5.1992

CTN p.chuẩn : 30.5.1995

 

Tham gia : 16.11.1992

 (ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 28.10.1992

H/lực đ/v VN : 28.10.1992

 

 

 

Ký 13.1.1993

(chưa phê chuẩn)

 

 

 

 

Gia nhập : 17.11.1992

 (ngày gửi CHBTNG)

H/lực đ/v VN : 10.3.1993

 

 

Gia nhập : 8.6.1993

 (ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 21.5.1993

 

Gia nhập : 31.12.1993

 (ngày gửi CH)

QĐCP : 15.12.1993

 

 

 

Ký năm 1982

QĐQH : 23.6.1994

CHNT : 14.7.1994

 

QĐCP : 17.12.1993

Gửi CH : 7.1.1994

H/lực đ/v VN : 24.4.1994

 

 

 

 

 

 

67

 

 

 

 

68

 

 

 

69

 

 

 

 

70

 

 

 

 

 

 

Nghị định thư Montreal 1987 về các chất phá huỷ tầng ôzôn và các bổ sung nghị định thư ký ngày 16.9.1987.

 

Công ước quốc tế về đa dạng sinh học ký tại Rio De Janero (Braxin) ngày 5.6.1992

 

Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ký tại NewYork ngày 9.5.1992 (lưu chiểu tại TTKLHQ, New York)

 

12 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gồm : CW số : 5; 6 ; 14 ; 27 ; 45 ; 80 ; 81; 116 ; 120 ; 123 ; 124 và 155.

 

Công ước số 5 : công ước về quy định tuổi tối thiểu của trẻ em được vào làm trong các công việc công nghiệp.

 

Công ước số 6 : công ước về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp

 

Công ước số 14 : công ước về áp dụng nghỉ hàng tuần trong các cơ sở công nghiệp

 

Công ước số 27 : công ước về việc ghi trọng lượng trên các kiện hàng lớn chở bằng tàu

 

Công ước số 45 : công ước về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

 

 

 

(có hiệu lực với Việt nam từ 24.4.1994)

 

 

 

Ký 5.1993

PC : 17.10.1994

Gửi CH : 31.10.1994

 

Ký 15.5.1993

CTN PC : 17.10.1994

Gửi CH : 31.10.1994

 

 

CTN PC : 30.5.1994

Gửi CH : 19.9.1994

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

71

 

 

 

 

 

72

 

 

 

 

 

 

Công ước số 80 : Công ước về việc xem xét lại các điều khoản cuối cùng năm 1946

 

Công ước số 81 : công ước về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại

 

Công ước số 116 : công ước về việc xem xét lại các điều khoản cuối cùng năm 1961

 

Công ước số 120 : công ước về vệ sinh trong thương mại và văn phòng

 

Công ước số 123 : công ước về tuổi tối thiểu được làm những công việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

Công ước số 124 : công ước về việc kiểm tra y tế cho thiếu niên làm việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

Công ước số 155 : công ước về an toàn lao động, vệ sinh làm việc và môi trường làm việc

 

Công ước BASEL về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng ký tại Basel (Thuỵ sĩ) ngày 22.3.1989

 

Hiệp định thành lập Trung tâm Phương Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ký : 22.3.1994

CTN PC : 8.2.1995

Gửi CH : 27.2.1995

 

 

 

Ký : 25.11.1994

BTNG gửi CHGN : 8.4.95

CPQĐGN : 12.7.1994

 

 

 

 

 

73

 

Hiệp định thành lập Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam á ký tại Bangkok ngày 28.12.1967.

Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập TT phát triển nghề cá Đông Nam á

(SEAFDEC) ký tại Bangkok 10.11.1994

 

CPQĐGN : 24.1.1995

BTNG gửi CHGN : 8.4.95

 

 

 

                               

                                                              

                                                                                                                                           

   

 

 

 

 

 

 

 

Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "mối quan hệ giữa

điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam

và pháp luật Việt nam" (Một số vấn đề lý luận và thực

tiễn cơ bản), số đăng ký: 95-98-113/DT Xin chân thành cảm ơn

các đồng chí và các Bạn đã tham gia thực hiện đề tài, đánh giá và nghiệm thu đề tài, phục vụ công tác nghiên cứu và hoàn thiện đề tài.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

danh sách những người tham gia thực hiện đề tài

 

"Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt

nam và pháp luật Việt nam"

(Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản)

 

Số đăng ký: 95-98-113/DT

 

 

 

Ban chủ nhiệm đề tài:

 

Hà Hùng Cường, PTS, Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp – Chủ nhiệm Đề tài.

 

Hoa Hữu Long, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp – Phó Chủ nhiệm Đề tài.

 

Đỗ Đình Lương, Chuyên viên, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp – Thư ký Đề tài.

 

Nguyễn Công Khanh, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp –Thư ký Đề tài.

 

Cộng tác viên viết bài cho đề tài:

 

Nguyễn Hoàng Anh, PTS, Chuyên viện, Vụ Pháp luật quốc tế và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao

Nguyễn Ngọc Anh, PTS, Chuyên viên, Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ.

Tạ Hoà Bình, Tổng Công ty Hàng hải Việt nam.

Nguyễn Văn Bình, Chuyên viên, Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

Phạm Trường Giang, Thạc sĩ, Chuyên viên, Vụ Pháp luật quốc tế và Điều ứơc quốc tế, Bộ Ngoại giao.

10 . Lê Hồng Hải, Trưởng phòng thuế quốc tế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

11. Hoàng Phước Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Đặng Đình Luyến, Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội.

Dương Thanh Mai, Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Nguyễn Thị Mơ, PTS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

Đoàn Năng, PTS, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

Nguyễn Văn Quyền, PTS, Vụ trưởng Vụ pháp luật, Ban Nội chính Trung ương.

Lê Thu Sơn, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Đinh Xuân Thảo, Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

 

Những người tham gia hội thảo khoa học và phát biểu ý kiến (bao gồm Ban chủ nhiệm và các công tác viên nói ở mục AvàB, và những người dưới đây):

 

20. Đỗ Bình, PTS, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

21. Dương Ngọc Chiến, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

22. Nguyễn Văn Du, Phó trưởng Phòng Pháp chế – Bảo hiểm, Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt nam.

23. Phạm Mạnh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

24. Nguyễn Trường Giang, Chuyên viên Vụ pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

25. Hà Minh Huyền, Đại học Luật Hà nội.

26. Ngô Quốc Kỳ, Phó trưởng phòng Pháp chế, Ngân hàng Ngoại thương Việt nam.

27. Bùi Thị Mai Lan, Chuyên viên Vụ pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp.

28. Hoàng Thế Liên, PTS, Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

29. Vũ Đức Long, PTS, Chuyên viên chính Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

30. Nguyễn Văn Luận, Trưởng khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Hà nội.

31. Đỗ Đình Lương, Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

32. Vũ Xuân Nam, Hội Luật gia Việt nam.

33. Bùi Xuân Nhự, PTS, Phó trưởng khoa luật quốc tế, Đại học Luật Hà nội.

34. Đặng Hoàng Oanh, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

35. Hồ Văn Phú, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

36. Đặng Quang Phương, PTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao.

37. Hoàng Ngọc Thiết, Trường Đại học Ngoại thương.

38. Hồ Phong Tư, PTS, Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước.

39. Nguyễn Đức Tuấn, PTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

40. Nguyễn Hữu Tráng, Thạc sĩ, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự< Bộ Ngoại giao.

41. Nguyễn Minh Vũ, PTS, Chuyên viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Danh mục

 

 

Các bài viết chuyên đề

do các cộng tác viên thực hiện

 

……………..

 

 

 

 

Khái quát tình hiình và triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam.

 

 

Tác giả: Lê thu Sơn, Chuyên viên Vụ luật pháp quốc tế và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

 

2. Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; Mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

Tác giả: Đặng đình Luyến, Chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội.

 

3. Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở Cộng hoá Pháp và một số nước Châu Âu.

 

 

Tác giả: Nguyễn văn Bình, Chuyên viên chính Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

4.Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia qua kinh nghiệm của Vương quốc Anh.

 

Tác giả: Dương thanh Mai, Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

 

5. Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta.

 

 

Đồng tác giả: - Nguyễn duy Lãm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp;

- Đinh xuân Thảo, Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

 

6. Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực thương mại.

 

Tác giả: Nguyễn thị Mơ, PTS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

 

7. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam.

 

Tác giả: Hoàng phức Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

 

8. Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần.

 

Tác giả: Lê hồng Hải, Trưởng phòng Thuế quốc tế, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính.

 

9. Một số nhận xét về thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam.

 

Tác giả: Tạ hoà Bình, Tổng Công ty Hàng hải Việt nam.

 

10. Một số vấn đề ký kết và thực hiện Hiệp định tín dụng phát triển giữa CHXHN Việt Nam và Ngân hàng Thế giới

 

 

Tác giả: Hoa hữu Long, Chuyên viên Vụ PLQT và HTQT, Bộ Tư pháp.

 

 

 

11. Một số vấn đề thực tiễn về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự.

 

Tác giả: Nguyễn ngọc Anh, PTS, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ.

 

12. Một số vấn đề ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực về Dân sự, Hôn nhân gia đình.

 

 

Tác giả: Nguyễn văn Quyền, PTS, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban Nội chính Trung ương.

 

 

13. Một số vấn đề thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.

 

Tác giả: Nguyễn hoàng Anh, PTS, Vụ Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế , Bộ Ngoại giao.

 

14. Về vấn đề hoàn thiện pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam.

 

Tác giả: Phạm trường Giang, Thạc sĩ, Chuyên viên Vụ Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế , Bộ Ngoại giao.

 

Mục lục

 

Trang

- Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài 12

- Các chuyên đề do cộng tác viên thực hiện 62

- Khái quát tình hình và triển vọng của việc ký kết điều ước

quốc tế của CHXHCN Việt nam (Lê thu Sơn) 63

- Quy trình vây dựng Luật , Pháp lệnh; Mối quan hệ giữa thi hành

Luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế Của

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam (Đặng đình Luyến) 86

- Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào

pháp luật trong nước của Công hoà Pháp và moọt số nước Châu Âu

(Nguyễn văn Bình) 99

- Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm của điều ước

quốc tế và pháp luật trong nước qua kinh nghiện của

Vương quốc Anh (Dương thanh Mai) 120

- Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xẫ hội Chủ nghĩa Việt nam

trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước ta

(Nguyễn duy Lãm - Đinh xuân Thảo) 125

- Một số vấn đề thực tiễn về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế

của Việt nam trong lĩnh vực thương mại (Nguyễn thị Mơ) 148

- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các Hiệp định về

khuyến khích bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam

(Hoàng phức Hiệp) 164

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong

lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần (Lê hồng Hải) 176

- Một số nhận xét thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong

lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam (Tạ hoà Bình) 187

- Một số vấn đề về ký kết và thực hiện các Hiệp định tín dụng

phát triển giữa CHXHCN Việt nam và Ngân hàng thế giới

(Hoa hữu Long) 194

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của

Cộng hào Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong lĩnh vực tương

trợ tư pháp về hình sự (Nguyễn ngọc Anh) 99

- Một số vấn đề ký kết và thực hiện các Hiệp định tương trợ tư

pháp trong lĩnh vực về Dân sự và Hôn nhân gia đình

(Nguyễn văn Quyền) 207

- Một số thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình

chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật

trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự

(Nguyễn hoàng Anh) 221

- Về vấn đề hoàn thiện pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước

quốc tế của Việt nam (Phạm trường Giang) 229

- Phụ lục 237

- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế 238

- Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát 239

- Danh sách điều ước quốc tế đa phương mà Việt nam đã ký kết

hoặc tham gia 242

 

 

 

 

Báo cáo kết quả

nghiên cứu đề tài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ban chủ nhiệm đề tài

95-98-113/Dt

………………..

 

báo cáo kết quả

nghiên cứu đề tài khoa học

 

"mối quan hệ giữa điều ước quốc tế

của chxhcn việt nam và pháp luật việt nam"

(một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản)

 

I. sự cần thiết và mục đích nghiên cứu đề tài:

 

1. Quốc gia tồn tại và phát triển trong cộng đồng quốc tế. Quan hệ về mọi mặt giữa các quốc gia với nhau và với các chủ thể khác của cộng đồng đó ngày nay chủ yếu được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp lý quốc tế có tính chất điều ước. Do đó, các hoạt động đàm phán, soạn thảo, thương lượng, thông qua, phê duyệt, phê chuẩn, gia nhập, tham gia, thực hiện, áp dụng, giải quyết tranh chấp … về điều ước quốc tế (gọi chung là hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế), đã và đang là hoạt động chủ yếu, trọng tâm của quan hệ quốc tế. Điều này càng thể hiện rõ nét trên thế giới ngày nay, khi hoà bình, hợp tác trên tất cả mọi mặt, nhất là về kinh tế đang trở thành xu hướng chung của thời đại; khi mà thế giới ngày càng trở nên "nhỏ bé", các nước ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau.

 

Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền. Khi ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế , các quốc gia đếu thể hiện ý trí của mình trong việc hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm, nghĩa vụ xuất phát từ các điều ước quốc tế đó. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được thừa nhận chung là nguyên tắc tận tâm thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Theo luật tập quán quốc tế, cũng như theo Điều 27 Công ước viên về Luật điều ước quốc tế, các quốc gia không thể viện dẫn vào hệ thống pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật của nước mình để thoái thác nghĩa vụ tuân thủ cam kết quốc tế.

 

2. Thực hiện đường lối "đổi mới" do Đảng Công sản Việt nam đề xướng, 10 năm qua đất nước ta đạt được những thành tựu đáng khâm phục, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ký kết, thực hiện điều ước quốc tế .

 

Trong lịch sử 50 năm qua, chưa bao giờ số lượng các văn bản luật (bộ luật, luật) và pháp lệnh được Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua nhiều như vậy, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Về công tác điều ước quốc tế , chỉ trong 10 năm (từ 1987 đến nay) Nhà nước ta đã ký kết hàng trăm điều ước quốc tế song phương và ký kết hoặc tham gia số điều ước quốc tế đa phương bằng cả 40 năm trước đây cộng lại. Điều đó, một mặt thể hiện rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta từng bước hội nhập và đời sống cộng đồng quốc tế và khu vực. Đồng thời, mặt khác nó thể hiện rõ vị thế mới, vững chắc của Việt nam trong quan hệ với các nước.

 

Việc nước ta trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (7.1995) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấy bước ngoặt mới trong quan hệ giữa nước ta với các nước khu vực nói riêng và với các nước khác và các tổ chức quốc tế nói chung. Cùng với nó, việc thành lập quan hệ chính thức với Liên minh Châu Âu, việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ … có tác động trực tiếp đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong những năm tới.

 

Trong quá trình ký kết và nhất là thực hiện các điều ước quốc tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần xem xét, nghiên cứu và giải quyết từ giác độ khoa học pháp lý.

 

3. Cùng với công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta dã đề ra chủ trương xây dựng và tăng cường Nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam, Nhà nước do dân, của dân và vì dân. Nội dung chủ yếu của nó là Nhà quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN. Nghĩa vụ tuân theo pháp luật, chấp hành pháp luật được đặt ra không chỉ từ phía công dân, pháp nhân, các tổ chức xã hội, quần chúng mà trước hết và chú trọng nhất là từ phía các cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức Nhà nước. Công tác pháp luật được tăng cường trên cả ba nội dung: xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, giáo dục pháp luật và thi hành, áp dụng pháp luật. Trong đó một lĩnh vực đặc biệt quan trọng là luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế .

Điều ước quốc tế được ký kết một cách hợp pháp hợp thức, ở hầu hết các nước được công nhận như một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia (pháp luật trong nước) và có một vị trí đặc biệt trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Nhà nước ta cung có xu hướng chấp nhận luận điểm này. Cụm từ "điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" được quy định trongpháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và nhiều văn bản pháp luật khác không chỉ có nghĩa giới hạn, chỉ rõ các điều ước quốc tế mà Nà nước ta đã ký kết hoặc tham gia, mà còn bao hàm cả nghĩa là điều ước quốc tế đó là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật Việt nam. Bởi vậy, trong nội dung tăng cường công tác pháp luật, pháp chế, cần thiết phải tính đến công tác điều ước quốc tế, nhất là các quy định nhằm thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết.

 

4. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 17.4.1989 có vai trò quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức đối với công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Pháp lệnh này quy định khá chi tiết những nguyên tắc ký kết, từ việc đề xuất, đàm phán đến việc quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện các điều ước quốc tế . Về hiệu lực tạ Việt nam của điều ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết hoặc tham gia, Pháp lệnh quy định: "CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ" và "trong trường hợp điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam, thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị để bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó". Hiệu lực của điều ước quốc tế còn được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định …) theo một nguyên tắc chung là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật, Luật, Pháp lệnh, Nghị định … thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.

 

Cùng với các văn bản khác, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh các hoạt đoọng ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta, góp phần thể chế hoá đường lối đối ngoại của Đảng trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới.

 

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay một số quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế không còn phù hợp nữa và một số vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cần được nghiên cứu, điều chỉnh. Về nguyên nhân, có thể nói sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã gây cho chúng ta không ít lúng túng về công tác điều ước quốc tế.

 

Thứ nhất, về mặt lý luận, khi soạn thảo pháp lệnh, có thể nói rằng chúng ta bị ảnh hưởng sâu sắc của luận thuyết chính thống về điều ước quốc tế của các Luật gia các nước XHCN, mà chủ yếu là các luật gia Xô viết. Luận thuyết này ohù hợp với nền kinh tế tập trung cao độ và phản ánh nội dung tương trợ và giúp ddỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN. ở Liên Xô trước đây, thuyết về giá trị ưu thế của pháp luật quốc tế đối với pháp luật quốc gia có những lúc bị phê phán kịch liệt do xuất phát từ tiền đề cho rằng chúng là hai hệ thống pháp luật khác nhau, biệt lập với nhau, có giá trị như nhau, nên không nảy sinh vấn đề ưu thế giữa chúng.

 

Mặt khác, cũng do nhận thức về vấn đề tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nên hầu hết các điều ước quốc tế song phương của Việt nam và các nước XHCN trước đây chủ yếu đề cập đến các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước, mà ít chú trọng đến các quy định cụ thể để thực hiện các điều ước quốc tế đó.

 

Thứ hai, về chủ thể ký kết điều ước quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Từ chỗ trước đây chúng ta chỉ ký điều ước quốc tế với các nước nằm trong hệ thống XHCN và với Hội đồng tương trợ kinh tế, thì nay chúng ta đã ký kết điều ước quốc tế với tất cả các nước phát triển có chế độ xã hội, kinh tế khác nhau với Việt nam và trình độ phát triển rất khác. Quan niệm "tương trợ" không còn và không thể tồn tại như trước nữa. Điều này có thể thấy rõ trong các Hiệp định vay tín dụng phát triển mà Nhà nước ta đã ký kết với một số nước và tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á … Do ảnh hưởng của chế độ "bao cấp" cũ mà cho đến nay nhiều cơ quan và cá nhân vẫn nhận thức về các khoản vay như hình thức viện trợ không hoàn lại trước đây, nghĩa là không tính đến hiệu quả kinh tế và nghĩa vụ trả nợ, cũng như xa lạ với hình thức Nhà nước cho doanh nghiệp vay lại các khoản vay đó với lãi xuất thương mại.

 

Thứ ba, các điều ước quốc tế đã được ký kết trong thời kỳ đổi mới ngày càng có nội dung đa dạng, phức tạp, nhất là điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, như Công ước, Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, vay vốn, luật biển, luật hàng hải, luật hàng không, công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài … Nội dung của các điều ước quốc tế này còn rất mới mẻ đối với chúng ta. Việc ký kết không còn chỉ để ký kết, mà chúnh đòi hỏi phải được thực hiện, áp dụng trong thực tiễn của cuộc sống hàng ngày một cách đầy đủ, nhất quán, cũng giống như bản thân pháp luật vậy. Và trách nhiệm thực hiện chúng không chỉ đề ra với những cơ quan đề xuất việc ký kết, đối với cơ quan ngoại giao, mà đối với tất cả các chủ thể pháp luật có liên quan, đối với cả bộ máy Nhà nước, từ cơ quan lập pháp, hành pháp đến cơ quan tư pháp. Do đó, đòi hỏi phải có sự chuyển biến chung về nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của điều ước quốc tế, cũng như tầm quan trong của lĩnh vực công tác này.

 

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, pháp luật thực định của Nhà nước ta ngày một khẳng định rõ nguyên tắc hiệu lực ưu thế của điều ước quốc tế, không kể ký kết với danh nghĩa nào, so với pháp luật trong nước. Và việc khẳng định về mặt pháp lý nguyên tắc này xem ra không mấy khó khăn. Nhưng, việc thực hiện, áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn, ngay cả trong bộ máy hành chính, tư pháp của Nhà nước, là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ theo nguyên tắc này thì trong những tình huống cụ thể đó không phải pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ … ban hành, mà là điều ước quốc tế áp dụng. Vậy, điều ước quốc tế nào, nội dung của nó ra sao, hiệu lực cụ thể của nó như thế nào, giải thích, áp dụng nó ra sao … đang là những thách thức lớn, trước hết đối với các cơ quan và công chức Nhà nước. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cần thiết phải sửa đôi, bổ sung Pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Nhà nước, phục vụ cho việc hội nhập có hiệu quả của đất nước vào cộng đồng khu vực và quốc tế.

 

Trong chương trình vây dựng luật và pháp lệnh đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội khoá IX có việc xem xét và thông qua pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu sâu rộng và toàn diện, cả về lý luận cũng như thực tiễn, các vấn đề về điều ước quốc tế là một việc làm cần thiết, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về trí tuệ, thời gian và sự say mê, nỗ lực của các nhà khoa học pháp lý có liên quan.

 

5. Với đề tài này, do hạn chế về nhiều mặt, tập thể các tác giả xin bước đầu đề cập đến một số vấn đề thực tiễn cơ bản của mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam, mà trọng tâm là làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến bản thân mối quan hệ giữa chúng, việc chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, giá trị ưu thế của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước và bước đầu cố gắng xác định thứ bậc của nó trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

 

 

Việc thực hiện đề tài nhằm vào hai mục đích cụ thể là:

 

Thứ nhất, Mục tiêu có tính chất lâu dài là nhằm đưa công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta, bao gồm các bước từ đàm phán, đề xuất việc ký, quyết định việc ký, phê chuẩn, phê duyệt và thực hiện các nghĩa vụ, cam kết quốc tế xuất phát từ các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia vào nền nếp; đổi mới nhận thức chung của xã hội, đặc biệt của công chức, viên chức Nhà nước, đối với lĩnh vực công tác này; thông qua đó góp phần vào việc nâng cao và củng cố vị thế của Nhà nước ta trên trường quốc tế, vào sự hội nhập có hiệu quả của đất nước vào cộng đồng khu vực và quốc tế.

 

Thứ hai, trước mắt góp phần làm sáng tỏ các luận cứ khoa học để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXNCN Việt nam trong những năm qua. Từ đó dưa ra các kiến nghị cần thiết đối với việc sửa đổi pháp lệnh nói riêng và pháp luật Việt nam nói chung về lĩnh vực này.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và có hiệu quả của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các nhà luật gia có uy tín trong lĩnh vực pháp luật quốc tế của nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Cụ Hàng hải Việt nam, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Ngoại thương, Trường đại học Luật Hà nội …

 

Tuy vậy, do tính chất phức tạp, phạm vi tương đối rộng của đề tài và các lý do về thời gian, kinh phí, nên kết quả nghiên cứu có thể còn nhiều hạn chế, thiết sót ngoài sự mong muốn ban đầu của chúng tôi và cũng là điều khó tránh khỏi.

 

Mọi ý kiến đóng góp cho đề tài đều được hoan nghênh và chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong việc tiếp tục nghiên cứu đề tài này một cách sâu rộng hơn và toàn diện hơn, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật trong lĩnh vực điều ước quốc tế, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, có vị thế xứng đáng trong khu vực và quốc tế, nhất là bước vào thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá.

 

 

 

 

II. Phạm vi nghiên cứu đề tài:

 

1. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, cả về lý luận và thực tiễn, đều liên quan đến vấn đề lựa chọn trong trường hợp cụ thể loại quy phạm pháp luật nào để điều chỉnh các quan hệ pháp luật tương ứng.

 

Ngày nay, giá trị ưu thế của điều ước quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi trong lý luận và thực tiễn quốc tế và có thể trỏ thành một trong những tiêu chí xây dựng Nhà nước pháp quyền. Công ước viên năm 1969 của Liên Hợp quốc về luật điều ước quốc tế, có hiệu lực từ ngày 27.1 1980 và đẫ được hơn 80 nước ký kết tham gia, đã quy định rõ nguyên tắc giá trị ưu thế của điều ước quốc tế.

 

Măc dù nước ta chưa phải là một bên tham gia Công ước viên 1969, nhưng nguyên tắc nêu trên cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992, Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và đặc biệt rõ ràng trong các văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau.

 

Trong khi xem xét mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, cần phải lưu ý đến một số vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:

 

Thứ nhất, điều ước quốc tế là một loại thảo thuận quốc tế chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp lý điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau (chủ yếu là các quốc gia). Chúng thẻ hiện sự thảo thuận về ý chí của các quốc gia bị chi phối bởi tác động của cácquy luật và xu hướng phát triển của lịch sử. Các nguyên tắc và quy phạm chứa đựng trong cá điều ước quốc tế có tính chất ràng buộc đối với các quốc gia ký kết; còn pháp luật trong nước điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của pháp luật quốc gia, về nguyên tắc được giới hạn theo lãnh thổ và chủ quyền, quyền tài phán của mỗi quốc gia có hiệu lực trực tiếp đối với các chủ thể pháp luật của quốc gia.

 

Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng về vhủ quyền, tự mình quyết định việc ký kết hay không ký kết một điều ước quốc tế nào đó. Song, khi đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, các quốc gia đã thể hiện ý chí của mình về việc thực hiện các cam kết quốc tế đó và không thể viện bất cứ lý do gì để thoái thác việc thực hiện cam kết đó. Trong một Nhà nước hiện đại, bên cạnh việc ràng buộc bởi các điều ước quốc tế, các quốc gia, cũng chịu sự ràng buộc của chính luật pháp do mình soạn thảo và ban hành.

Thứ ba, tuân thủ các điều ước quốc tế là nghiã vụ của các quốc gia ký kết. Song, việc thực hiện chúng bằng cách nào, về nguyên tắc, lại thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia. Có quốc gia quy định hiệu lực trực tiếp của điều ước quốc tế đối với các chủ thể của luật quốc gia, và trong trường hợp này, luật quốc tế đương nhiên là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia; còn một số quốc gia khác tiến hành việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước và chỉ sau đó chúng mới trở thành quyphạm của pháp luật trong nước.

 

Từ những nguyênlý chung như vậy soi vào công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong hơn 50 năm qua và nhất là trong giai đoạn 10 năm gần đây, chúng ta thấy đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết.

 

2. Có thể nói đề tài "Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản)" là sự tiếp tục của đề tài "Một số vấn đề lý luận thực tiễn ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài" mà Bộ Tư pháp đã thực hiện trong các năm 1990 – 1991. Đương nhiên xét về mục đích, phạm vi và nội dung nghiên cứu thì đề tài lần này rộng và toàn diện hơn nhiều. Căn cứ vào mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm cùng các tác giả đã lựa chọn và thực hiện các chuyên đề sau đây:

 

1. Khái quát tình hình và triển vọng của việc ký két điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

2. Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; mối quan hệ giữa thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

3. Kinh nghiệm chuyển hoá pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước của Cộng hoà Pháp và một số nước Châu Âu.

 

4. Thông tin bổ sung về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước ở Vương quốc Anh.

 

5. Điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta.

 

6. Một số vấn đề về thực tiễn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam trong lĩnh vực thương mại.

 

7. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt nam.

 

8. Một số vấn đề về thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần.

 

9. Một số nhận xét về thực tiễn ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực Hàng hải tại Việt nam.

 

10. Một số vấn đề về ký kết và thực hiện Hiệp định tín dụng phát triển giữa CHXHCN Việt nam và Ngân hàng thế giới.

 

11. Một số vấn đề thực tiễn về thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự.

 

 

12. Một số vấn đề ký kết thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực về dân sự, hôn nhân và gia đình.

 

13. Một số thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt nam trong quá trình chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế và pháp luật trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.

 

14. Về vấn đề hoàn thiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam.

 

 

 

III. Phương pháp nghiên cứu đề tài:

 

1. Phương pháp lịch sử cụ thể:

 

Lịch sử hình thành công tác điều ước quốc tế của NHà nước ta hơn 50 năm qua gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước qua từng thời kỳ. Với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với các quốc gia khác, Nhà nước ta đã ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Tuỳ theo nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia có tính chất, nội dung và hình thức khác nhau. Điều quan trọng là cần phải xem xét, tổng kết chúng trên cơ sở tính đến sự phù hợp của việc ký kết các điều ước quốc tế đó với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.

Xét theo lịch sử ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta từ 1945 đến nay, có thể chia thành ba giai đoạn lớn;

a) Từ 1945 đến 1975: các điều ước quốc tế được ký kết hướng vào mục tiêu giải phóng điều ước quốc dân tộc và thống nhaats đất nước (Hiêph định Giơ- ne – vơ 1945, Hiệp định Pa- ri 1973, 4 Công ước 1949 về bảo hộn nạn nhân chiến tranh và các Hiệp định mua bán, viện trợ, chủ yếu giữa nước ta và các nước XHCN)

b) Từ 1975 đến 1986: các điều ước quốc tế phản ánh quan hệ mang tính chiến lược và tòan diện giữa nước ta và các nước XHCN, phản ánh quan hệ tương trợ và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

c) Từ 1986 đén nay: các điều ước quốc tế phản ánh đường lối đổi mới của Đảng ta, nhất là đổi mới về kinh tế và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dang hoá và từng bước thực hiện sự hội nhập quốc tế. Điều nổi bật của các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết và tham gia trong giai đoạn này mang nội dung của nền kinh tế thị trường (HIệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hàng không, Hiệp định hàng hải, Hiệp định vay tín dụng v.v..)

 

d) Cho đến năm 1986, công tác điều ước quốc tế của chúng ta chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của các nước XHCN, nhất là kinh nghiệm của Liên Xô (cũ).

 

e) Hiến pháp năm 1992 bước đầu đã định rõ quan điểm của Nhà nước ta về việc tuân thủ các điều ước quốc tế và phản ánh xu hướng chấp nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước.

 

g) Những kinh nghiệm tích luỹ từ giai đoạn lịch sử nêu trên có ý nghĩa to lớn cho việc triển khai thực hiện đề tài.

 

2. Phương pháp phân tích đánh giá thực trạng

 

Đề tài đã vận dụng phương pháp phân tích trong việc mô tả, đánh giá thực trạng nhằm phản ánh trung thực nhất bức tranh công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta trên cả ba nội dung: ký kết, tham gia điều ước quốc tế, phổ biến giáo dục điều ước quốc tế cà thực hiện điều ước quốc tế, và trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế khác nhau: dân sự, đầu tư, thương mại, tài chính, hình sự, hàng hải, ngoại giao, tư pháp … nhằm cố gắng chỉ ra các mặt được các mặt còn tồn tại của lĩnh vực công tác này. Các tác giả cũng đã cố gắng tìm hiểu các nguyên nhân của các mặt tồn tại, lý giải chúng và dự kiến các biện pháp khắc phục.

 

3. Phương pháp phân tích và dự báo

 

Trên cơ sở cương lĩnh phát triển đất nước, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000, căn cứ vào các văn kiện dự thảo chuẩn bị Đại hội VIII của Đảng nói chung và việc triển vọng của việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế trong những năm tới nói riền, các tác giả đã đưa ra những ý tưởng và giải pháp cho việc từng bước hoàn thiện công tác điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Trước mắt là xây dựng cơ sở lý luận và đề ra giải pháp cho việc sửa đổi Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

4. Phương pháp luật học so sánh

 

Trong điều kiện mở rộng giao lưu với nước ngoài, việc nghiên cứu đề tài có thuận lợi lớn là tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin của các hệ thống pháp luật khác nhau: Đề tài đã dành một phần thích đáng cho việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Qua đó, việc tham khảo, tiếp thu có chọn lọc những ý tưởng và định chế hay, phù hợp với hoàn cảnh của Việt nam có thể sẽ khắc phục được những quan niệm giáo điều, phiến diện còn rơi rớt trong nhận thức của mỗi chúng ta, góp phần vào việc chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chúng ta về công tác điều ước quốc tế.

 

III. Quá trình thực hiện đề tài

 

1. Việc thực hiện đề tài được bắt đầu ngay sau khi Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt, tức tháng 4 năm 1995 và đã tập trung giải quyết một số công việc chủ yếu sau đây:

 

Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của đề tài và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, trên cơ sở tổ chức hai lần các cuộc trao đổi ý kiến giữa Ban chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài.

 

Thứ hai, xác định cụ thể nội dung thực hiện đề tài và lập danh mục các chuyên đề, các yêu cầu cụ thể đối với từng chuyên đề. Trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hai đợt ký kết hợp đồng nghiên cứu với các cộng tác viên.

 

Thứ ba, tổ chức hai cuộc hội thảo về báo cáo chuyên đề và đánh giá chất lượng thực hiện từng chuyên đề.

 

Thứ tư, tiến hành việc điều tra, khảo sát (bằng phiếu) về công tác điều ước quốc tế của CHXHCN Việt namđối với các thẩm phán dân sự của Toà án thành phố Hà nội và thẩm phán dân sự tham dự lớp tập huấn Bộ luật dân sự được tổ chức tại Hà nội vào tháng 2.1996. Nội dung và kết quả điều tra, khảo sát được phản ánh trong Báo cáo tổng hợp tại các phụ lục kèm theo.

 

Thứ năm, chuẩn bị và thảo luận báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài và bảo vệ đề tài.

 

2. Về kết quả, cho đến nay Ban chủ nhiệm đã nhận được 14 bài viết trong tổng số 15 bài đã được ký hợp đồng. Nhìn chung, các bài viết đều có chất lượngcao và bám sát những yêu cầu cụ thể đối với mỗi chuyên đề. Nhiều bài viết được chuẩn bị rất công phu, có giá trị cao cả về mặt lý luận và thực tiễn.

 

Có thể phân các chuyên đề viết bài theo bốn nội dung là:

 

a) Những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước và việc chuyển hoá.

 

b) Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước theo quy định của pháp luật và thực tiễn của một số nước và kinh nghiệm chuyển hoá.

 

c) Pháp luật về điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và thực tiễn thi hành nó; và

 

d) Các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam trong một số lĩnh vực.

 

Nội dung của bài viết nêu trên đã được trình bày, thảo luận một cách sâu rộng trong hai cuộc hội thảo với sự tham gia của các tác giả và các luật gia chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật quốc tế từ nhiều cơ quan khác nhau, tổ chức tại Bộ Tư pháp vào tháng 1 và 3 năm 1996. Hai cuộc hội thảo này đã thu hút được sự quan tâm rộng lớn của nhiều chuyên gia và do đó, đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều chuyên gia, tuy không trực tiếp viết bài cho đề tài, nhưng đã có những ý kiến sâu sắc đóng góp cho thành công của hội thảo nói riêng và của việc thực hiện đề tài nói chung.

 

Sau đây là tóm tắt những nội dung đã được trình bày trong các bài viết tại hai cuộc hội thảo nói trên.

 

 

 

phần A

 

những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ

giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước

và việc chuyển hoá

 

 

Trên cơ sở trình bày những khái niệm chung về điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, đề tài tập trung phân tích mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia; phân tích những quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, chứng minh cho học thuyết về giá trị ưu thế của các điều ước quốc tế được các quốc gia ký kết hoặc tham gia.

 

điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế (trước hết và chủ yếu là các quốc gia) thoả thuận ký kết, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là văn bản pháp lý quốc tế ấn định các quy tắc xử xự giữa các chủ thể của luật quốc tế đối với nhau trong quan hệ quốc tế. Do đó, điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc các quốc gia và, để có hiệu lực trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ký kết, chúng phải được, bằng cách nào đó, có thêm hiệu lực đó.

 

Căn cứ vào số lượng các bên ký kết và tính chất của điều ước quốc tế mà điều ước quốc tế được phân thành điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương; loại đa phương lại được chia thành điều ước quốc tế chung, phổ cập và điều ước quốc tế khu vực.

 

Tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên ký kết và thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế có các tên gọi khác nhau như Công ước, định ước, hiệp ước, hiệp định, hiến chương, thoả thuận …

 

Pháp luật quốc gia (pháp luật trong nước) là hệ thống các quy phạm pháp lý, thành văn không thành văn, do Nhà nước đặt ta hoặc công nhận, nhằm điều chỉnh các quan hệ pháp lý của các chủ thể của pháp luật, và về nguyên tắc là những quan hệ phát sinh trong lãnh thổ hoặc quyền tài phán của quốc gia đó. Pháp luật trong nước có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia ban hành ra nó.

 

Ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, các quốc gia thể hiện ý chí của mình trong việc chấp nhận hiệu lực ràng buộc của điều ước quốc tế và gánh vác những nghĩa vụ và trách nhiệm xuất phát từ điều ước quốc tế đó. Như vậy, khi đã ký kết hoăc tham gia điều ước quốc tế, quốc gia cần phải tuân thủ nguyên tắc đã được thừa nhận chung và thực hiện tận yâm các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) và không thể dựa vào những lý do không hợp lý để biện minh cho việc không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đó, ngay cả khi chúng có nội dung trái với luật của nước mình. Nói cách khác, điều ước quốc tế được thừa nhận chung là có giá trị ưu thế so với pháp luật trong nước. Tuy nhiên, ưu thế đó không thể có được trong mọi trường hợp. Ưu thế đó chỉ đặt ra trong trường hợp thực hiện các điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia mà thôi.

 

Công ước viên 1969 của Liên Hợp quốc về Luật điều ước quốc tế đã được phần lớn các quốc gia ký kết hoặc tham gia và pháp luật quốc gia của nhiều nước đều quy định nguyên tắc điều ước quốc tế có giá trị ưu thế hơn so với pháp luật quốc gia.

 

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, các quốc gia đều có chung quan điểm là các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc tham gia được xem là một bộ phạan cấu thành của pháp luật quốc gia và có vị trí đặc biệt trong hệ thống các quy phạm pháp luật của quốc gia đó. Nhiều nước chính thức quy định điều ước quốc tế có vị trí sau Hiến pháp và trên các đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Bởi vậy, pháp luật của các nước này không cho phép ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến pháp của nước họ. Trong trường hợp các quốc gia đó muốn ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có những quy định trái với Hiến pháp, thì họ phải sửa đổi Hiến pháp trước khi ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế . Các cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp định Ma-stơ-rích thành lập Liên minh Châu Âu diễn ra ở các nước Tây Bắc Âu trong vài năm qua đã chứng minh điều đó.

 

Tuân thủ các điều ước quốc tế là nghĩa vụ của các quốc gia ký kết. Trong trường hợp quốc gia không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, thì tuỳ theo mức độ, có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất.

 

Trong đa số trường hợp điều ước quốc tế không ấn định cách thức thực hiện chúng trên lãnh thổ các quốc gia ký kết, mà việc thực hiện điều ước quốc tế bằng cách thức nào thuộc thẩm quyền riêng của mỗi quốc gia. Có quốc gia quy định hiệu lực trực tiếp của điều ước quốc tế trên lãnh thổ nước mình, cung như đối với chủ thể pháp luật quốc gia. Các quốc gia quy định việc bắt buộc việc phải chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia (hiệu lực điều ước quốc tế chỉ phát sinh với các chủ thể của pháp luật quốc gia khi đã được chuyển hoá); có quốc gia áp dụng cả hai cách thức này tuỳ theo các điều kiện do pháp luật của nước họ quy định.

 

Trong hội thảo, khi thảo luận về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước và hiệu lực của điều ước quốc tế đã nảy sinh hai loại ý kiến khác nhau về bản chất của hành vi phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế.

 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các quốc gia ký kết để quy định các quyền và nghĩa vụ đối với các quốc gia và do đó không đương nhiên ràng buộc các tổ chức và cá nhân của quốc gia ký kết. Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ này đòi hỏi các quốc gia phải chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia (chuyển hoá là trách nhiệm của mỗi quốc gia). Chỉ sau khi được chuyển hoá, điều ước quốc tế mới có hiệu lựcđối với tổ chức, cá nhân của quốc gia đó. Cách thức chuyển hoá được thực bằng việc phê chuẩn, phê duyệt các điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để "nội luật hoá" các quy phạm của điều ước quốc tế.

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đúng là điều ước quốc tế có hiệu lực độc lập đối với pháp luật quốc gia, nhưng khi quốc gia đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thì quốc gia đã thể hiện ý chí của mình một cách tự nguyện đối với việc thực hiện các điều ước quốc tế đó.Hiệu lực của điều ước quốc tế và việc chuyển hoá là hai vấn đề khác nhau. Hiệu lực của điều ước quốc tế phát sinh theo các điều kiệncó hiệu lực của từng văn bản điều ước cụ thể, mà không phụ thuộc vào việc quốc gia ký kết có thực hiện việc chuyển hoá hay không. Khi điều ước quốc tế có hiệu lực đối với quốc gia ký kết, thì đương nhiên ràng buộc không chỉ quốc gia, mà còn ràng buộc cả tổ chức và cá nhân quốc gia đó. Không được chuyển hoá điều ước quốc tế vẫn có hiệu lực và việc không thực hiện tận tâm điều ước quốc tế đã ký kết sẽ dẫn đến trách nhiệm pháp lý của quốc gia ký kết. Do đó, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế không phải là chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia, mà là một trong những giai đoạn của việc ký kết điều ước quốc tế. Bởi vậy, có nên đặt vấn đề chuyển hoá hay không ? ý kiến này cho rằng, thực hiện của việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta đặt chuyển hoá thành trách nhiệm chung của Nhà nước là vấn đề không thực tế và không thể làm được.

Nhiều điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia như: Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...vẫn được thi hành mà không cần thiết phải chuyển hoá. Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của mỗi điều ước quốc tế, mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc có chuyển hoá hay không. Cũng theo ý kiến này, vấn đề quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là cần phải đề ra các quy định pháp lý buộc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia.

 

phần B

 

Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước theo quy định của pháp luật và thực tiễn của một số nước và kinh nghiệm chuyển hoá

 

 

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay nhất là trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ quốc tế, số lượng các điều ước quốc tế được ký kết tăng lên một cách đáng kể. Cùng với nó, khoa học pháp lý về luật điều ước quốc tế cũng được phát triển một cách nhanh chóng và thu được những thành tựu rất có ý nghĩa. Tìm hiểu pháp luật và thực tiễn pháp lý ở nước ngoài là việc làm cần thiết của bất kỳ công trình khoa học nào, để từ đó rút ra những thông tin và kinh nghiệm bổ ích cho việc giải quyết các vấn đề trong nước.

 

Trong bài viết của mình, các tác giả đã trình bày rất cặn kẽ các vấn đề về mối quan hệ, về thứ bậc giữa quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật trong nước, cũng như việc chuyển hoá các quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước của một số nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau (Continental law and Common law).

 

ở Cộng hoà Pháp, theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, các điều ước quốc tế được Nhà nước Pháp phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực cao hơn luật, với điều kiện điều ước quốc tế đó cũng được các bên ký kết khác thực hiện. Cũng theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, khái niệm "điều ước quốc tế" được hiểu bao gồm cả cả các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó. Nghĩa là các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế cũng có giá trị hiệu lực cao hơn các luật trong nước và có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn hoặc phê duyệt, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại như đã nêu ở trên.

 

Việc xem xét đánh giá điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện điều ước quốc tế chỉ được đặt ra đối với điều ước quốc tế không phải là của Liên minh Châu Âu.

Một điểm nữa đánh lưu ý là, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của nước này, điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật trong nước và cacs quy phạm của nó có vị trí đứng sau Hiến pháp và do đó, không thể trái với các quy định của Hiến pháp.

 

Trái với các quy định của pháp luật Pháp, Toà án Liênminh Châu Âu cho rằng các điều ước quốc tế của Liên minh này có giá trị hiệu lực cao hơn pháp luật nói chung của các nước thành viên mà không cần tính đến việc nội dung của điều ước quốc tế đó có trái với các quy phạm của Hiến pháp của các nước thành viên hay không. Toà án Liên minh Châu Âu chỉ chấp nhận việc Toà án của các quốc gia thành viên áp dụng các quy phạm của điều ước quốc tế của Liên minh ở nước mình, còn các quy định về nội dung của điều ước quốc tế là không thể sửa đổi được.

 

Về nguyên tắc, pháp luật Pháp không đặt ra vấn đề phải chuyển hoá quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, nhưng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Pháp ký kết hoặc tham gia không đủ cụ thể để áp dụng trực tiếp, thì cơ quan lập pháp có thể phải ban hành văn bản cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế đó.

 

Việc giải quyết xung đột giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của Pháp được thực hiện theo hai cách:

 

Thứ nhất, nếu quy phạm của pháp luật trong nước có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm pháp luật trong nước được xem như bị "bãi bỏ", có nghĩa là nó hoàn toàn không được áp dụng đối với quan hệ pháp luật đã được điều ước quốc tế đó điều chỉnh.

 

Thứ hai, trường hợp quy phạm pháp luật trong nước được ban hành sau có nội dung trái với quy phạm của điều ước quốc tế, thì quy phạm thì quy phạm pháp luật trong nước cũng không được áp dụng trong giới hạn, phạm vi quan hệ của tổ chức cá nhân của các nước thành viên Liên minh Châu Âu. Tất nhiên, chúng có hiệu lực đối với quan hệ với các tổ chức và cá nhân của các nước ngoài Liên minh, bởi vì họ không có quyền yêu cầu áp dụng điều ước quốc tế hay pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu pháp luật của Pháp không có quy định khác.

 

Hiến pháp năm 1949 của Cộng hoà Liên Bang Đức quy định giá trị ưu thế của điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu so với pháp luật của Đức. Tuy nhiên, ở những thời kỳ khác nhau, Toà án Hiến pháp Liên Bang Đức đưa ra những ý kiến khác nhau.

 

Tại Quyết định ngày 8.10.1967, Toà án Hiến pháp Liên Bang cho rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu có giá trị ưu thế tuyệt đối so với pháp luật trong nước, nhưng tại Quyết định ngày 19.5.1974 Liên Bang lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu chỉ được chuyển hoá vào pháp luật của CHLB Đức, nếu không trái với các nguyên tắc dân chủ Hiến định.

 

Như vậy là ở Công hoà Pháp và CHLB Đức, điều ước quốc tế có giá trị hiệu lực đứng thứ hai sau Hiến pháp.

 

ở Italia có sự "đổi ngôi" về vị trí của điều ước quốc tế và Hiến pháp qua từng thời kỳ.

 

Tời kỳ đầu, Toà án Hiến pháp Italia giữ quan điểm về giá trị ưu thế của Hiến pháp so với điều ước quốc tế và pháp luật Côngj đồng Châu Âu, nhưng thời gian gần đây, Toà án lại phán quyết rằng điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị cao hơn pháp luật của Italia, kể cả Hiến pháp. Tuy nhiên, chỉ có Toà án Hiến pháp Italia mới có thẩm quyền phán quyết về vấn đề này.

 

Pháp luật Anh, quy định thẩm quyền tuyệt đối của Nghị viện, theo đó công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của nước Anh ban hành. Đối với các điều ước quốc tế, công dân Anh chỉ có nghĩa vụ thực hiện khi các điều ước quốc tế đó đã được các cơ quan có thẩm quyền của Anh chuyển hoá vào pháp luật Anh.

 

Một điều nữa có tính đặc thù của hệ thống pháp luật Anh là không có Hiến pháp. Các quy phạm pháp luật được quy định trong các đạo luật thông thường, nên rất có thể sảy ra tình trạng quy định của đạo luật này bãi bỏ quy định của đạo luật khác. Bởi vậy, Anh khó chấp nhận giá trị ưu thế của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Liên minh Châu Âu nói riêng, với quy định "có hiệu lực trực tiếp" và "tính không thể dảo ngược" của các cam kết quốc tế. Chính vì vậy, mà người ta còn một chút nghi ngờ về khả năng "thực sự" của Anh muốn gia nhập Liên minh Châu Âu. Mặc dù đã là thành viên của Cộng đồng Châu Âu nhiều năm nay, nhưng Anh vẫn đề nghị thảo luận lại vấn đề gia nhập của Anh và thậm chí còn đề nghị trưng cầu dân ý ở nước Anh về vấn đề này. Nói cách khác, Anh chỉ chấp nhận việc áp dụng điều ước quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu, nếu chúng không có nội dung trái với các quy định của pháp luật Anh.

 

Về việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu vào pháp luật trong nước, Anh đã ban hành "Luật về Cộng đồng Châu Âu" (European Communities Act) ngày 17.10.1972, nhằm giải quyết ba vấn đề cơ bản sau đây:

 

+ Được chuyển hoá vào pháp luật Anh không chỉ Hiệp ước thành lập Cộng đồng Châu Âu, mà còn chuyển hoá tổng thể các quy phạm có hiệu lực trực tiếp hoặc gián tiếp đã được ban hành trưóc Hiệp ước này;

 

+ Cũng được chuyển hoá vào pháp luật Anh các văn bản của Cộng đồng Châu Âu được ban hành sau này, nhất là các văn bản được thông qua tại Bruxen;

 

+ Nghị viện Anh không từ bỏ quyền giám sát trước các quan điểm của Chính phủ Anh có thể được đưa ra tại các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu.

 

Từ cách xử lý như vậy tác giả bài viết đã đưa ra hai nhận xét có tính khái quát là:

 

+ Về việc chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế nói chung và pháp luật của Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước được quy định bằng một đạo luật của Nghị viện Anh, thì sẽ có khả năng Nghị viện Anh bãi bỏ đạo luật này bất cứ lúc nào.

 

+ Việc chuyển hoá các quy phạm này chỉ được thực hiện, nếu nội dung của chúng không tríái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật mà Anh xem như là nguyên tắc có tính Hiến định.

 

Còn ở Hà Lan, không xảy ra sự xung đột giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước. Bởi vì, trước khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Hà Lan đã sửa đổi Hiến pháp của mình cho phù hợp với các quy định của pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

 

 

 

 

 

Phần C

 

Pháp luật điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam

 

 

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam sau hơn 40 năm, kể từ ngày thành lập nước, và trên cơ sở nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực điều ước quốc tế, chúng ta đã tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện pháp luật Việt nam trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Việc Hội đồng Nhà nước thông qua "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" ngày 17.10.1989 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong nhận thức của Nhà nước ta về vị trí của điều ước quốc tế nói chung và trong hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng. Pháp lệnh đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng nhằm điều chỉnh các hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước ta. Tiếp theo đó, ngày 28.5.1992 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 182/ HĐBT quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

 

Pháp lệnh và Nghị định quy định khá toàn diện các vấn đề như nguyên tắc ký kết, việc đề xuất ký kết, thẩm quyền quyết định việc ký kết, việc uỷ quyền đàm phán và ký, việc phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập và bảo lưu điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam, Pháp lệnh cũng quy định những nguyên tắc chung của việc thực hiện điều ước quốc tế.

 

Về hiệu lực tại Việt nam của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia, Pháp lệnh ghi rõ: "CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ" (Điều 11, khoản 1) và "trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam, thì các cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó" (Điều 11, khoản 6).

 

Hiến pháp năm 1992 cũng có những quy định về điều ước quốc tế trong chương VI (Quốc hội), chương VII (Chủ tịch nước) và chương VIII (Chính phủ). Theo các tác giả, những quy định này còn rất chung chung và đơn giản.

 

Cụ thể như sau:

 

+ Về thẩm quyền của Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp, Điều 83 khoản 13 ghi: "Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, theo đề nghị của Chủ tịch nước". Luật tổ chức Quốc hội năm 1992 cũng có quy định tương tự như vậy tại (Điều 2 khoản 13).

 

+ Chủ tịch nước với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt nam về đối nội và đối ngoại, có nhiệm vụ và quyền hạn "tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định (Điều 103 khoản10).

 

+ Về thẩm quyền của Chính phủ, với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, Chính pủ có nhiệm vụ và quyền hạn "ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia" (Điều 112 khoản 8). Luật tổ chức Chính phủ năm 1992 ghi nhận lại điều khoản này, đồng thời có quy định bổ sung việc Chính phủ "trình Chủ tịch nước quyết định việc ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam (Điều 15 khoản 2).

 

Theo pháp luật và thực tiễn hiện nay, điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được ký kết dưới ba danh nghĩa: Nhà nước, Chính phủ và Bộ, Ngành. Việc đàm phán và ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Chính phủ, còn điều ước quốc tế nhân danh Bộ, Ngành do chính Bộ, Ngành đó quyết định việc đàm phán, ký kết sau khi có sự đồng ý của Chính phủ.

 

Vấn đề giá trị hiệu lực của điều ước quốc tế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định …) thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, tài chính, tín dụng, hàng không, hàng hải … Công thức chung nhất của cá quy định này là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật (bộ luật, pháp lệnh, nghị định) này, thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó. Khái niệm điều ước quốc tế ở đây bao gồm cả điều ước quốc tế được ký kết nhân danh bộ, ngành. Rõ ràng với các quy định này, Nhà nước ta đã chấp nhận quan điểm về giá trị ưu thế của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia so với luật trong nước và coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của pháp luật Việt nam. Nhưng việc xác định vị trí cụ thể của điều ước quốc tế, theo các tác giả, là chưa được quy định rõ và sẽ được đề cập cụ thể hơn trong phần kiến nghị của Báo cáo này.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nói riêng, mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, trong mấy năm gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn bị coi nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Măc dù Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia có đến một nghìn điều ước quốc tế, nhưng các văn bản đó nhìn chung chưa có hệ thống hoá và phát hành rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và tìm hiểu của cán bộ và nhân dân; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyên truyền, giáo dục pháp luật với cơ quan soạn thảo, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, cũng như các cơ quan có trách nhiệm triển khai việc thực hiện điều ước quốc tế. Việc sơ kết, tổng kết công tác thực hiện điều ước quốc tế chưa được coi trọng và tiến hành thường xuyên.

 

Một vài điều ước quốc tế như Công ước về quyền trẻ em cũng đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng khá rộng rãi, song kết quả thu được còn rất hạn chế, thậm chí ngay cả đối với nội dung cơ bản nhất của điều ước quốc tế như khái niệm, những quyền và nghĩa vụ cơ bản … Việc giới thiệu ở mức độ chưa chuyên sâu về một số điều ước quốc tế mới được thực hiện ở các trường chuyên luật (Đại học Luật Hà nội, Khoa luật của một số trường Đại học) và các trường chuyên ngành (Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Hàng hải, Đại học Ngoại thương, Hải quan, Hàng không …) còn ở các trường Đại học khác chưa có hoặc có không đáng kể chương trình, nội dung giảng dạy về điều ước quốc tế. ngay cả những người có trách nhiệm phải áp dụng điều ước quốc tế cũng không có hiểu biết đầy đủ về điều ước quốc tế có liên quan. Kết quả điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế đối với một số thẩm phán dân sự mà Ban chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành, phản ánh phần nào thực trạng này.

 

Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nhìn chung đã có được một số kết quả tốt. Điều này đã góp phần thúc đẩy việc ký kết điều ước quốc tế của Nhà nước ta trong mấy năm gần đây được thuận lơị và có hiệu quả hơn so với trước. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót lớn cần được khắc phục, cụ thể là:

 

Thứ nhất, việc nghiên cứu pháp luật (hoặc quy chế của tổ chức quốc tế) của các bên ký kết kia chưa được các cơ quan đề xuất, đàm phán, ký của phía Việt nam quan tâm. Chẳng hạn, đối với các trường hợp đàm phán và ký các Hiệp định tín dụng với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu á; Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư với Hung-ga-ri, áo … Hậu quả là gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta như Chính phủ, Chủ tịch nước trong việc ra quyết định.

 

Thứ hai, có nhiều trường hợp do muốn đơn giản hoá các thủ tục và trình tự đàm phán và ký kết mà cơ quan đưọc giao đàm phán và ký kết điều ước đã thực hiện không nghiêm túc các quy định về uỷ quyền, về ngôn ngữ văn bản điều ước quốc tế , gây ra cản trở cho việc phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện điều ước quốc tế. Trong hai năm gần đây, xu hướng ký kết điều ước quốc tế song phương giữa Việt nam và nước ngoài bằng một văn bản tiếng Anh tăng lên. Nếu có văn bản tiếng Việt, thì trong một số trường hợp cũng khó có thể hiểu nổi nội dung của nhiều quy định chứa đựng trong điều ước quốc tế đó.

 

Thứ ba, một thiếu sót lớn biểu hiện trong nhiều trường hợp phía Việt nam chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt namcó liên quan đến nọi dung của các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta sẽ ký kết hoặc tham gia. Do đó, cũng khó mà phát hiện những quy định của điều ước quốc tế có nội dung trái với quy định của luật, pháp lệnh trong nước, thậm chí cả Hiến pháp nước ta.

 

Thứ tư, công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc ký kết điều ước quốc tế nhìn chung chưa được chặt chẽ. Vai trò điều phối về mặt đối ngoại của Bộ Ngoại giao về mặt pháp lý của Bộ Tư pháp chưa được coi trọng đúng mức. Thậm chí có nhiều trường hợp đặt Bộ Ngoại giao trước việc đã rồi.

 

Thứ năm, một thiếu sót lớn của Nhà nước ta chưa thực hiện được việc công bố các điều ước quốc tế đã được ký kết. Việc thông báo ngày có hiệu lực, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế cũng không được làm một cách đầy đủ. Về giác độ nghiên cứu, các điều ước quốc tế cũng không được quan tâm tập hợp, hệ thống hoá theo lĩnh vực, chủ đề, năm ký kết … Điều đó, ở mức độ nào, đi ngược lại tính công khai của Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Và nghiêm trọng hơn là người cần thực hiện, thi hành, áp dụng điều ước quốc tế không có văn bản điều ước quốc tế để thực hiện việc này. Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, pháp luật của Nhà nước ta quy định rằng cần phải áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp quy đinhj đó khác với quy định của pháp luật trong nước.

 

Thứ sáu, cũng giống như bản thân pháp luật, việc giải thích điều ước quốc tế để thực hiện, thi hành, áp dụng đúng ý đồ người soạn thảo là công việc hết sức chuyên môn. thậm chí đối với điều ước quốc tế công việc này còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ thông thường, chúng được giải thích không chỉ căn cứ vào quan niệm, thuật ngữ pháp lý thuần tuý của nước ta. Song, cho đến nay, pháp luật nước ta chưa giao cho một cơ quan cụ thể nào có thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế. Điều đó không tránh khỏi việc dẫn đến hiểu sai, thực hiện, áp dụng sai các quy định của điều ước quốc tế.

 

Cuối cùng, vấn đề thuộc về ai, nếu như việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế dẫn đến hậu quả nghiệm trọng và trách nhiệm pháp lý quốc tế về chính trị và vật chất của Nhà nước ta ? Vấn đề này hầu như chưa được quy định trong pháp luật nước ta, ít được bàn tới trong thực tiễn. Song về mặt pháp lý quốc tế, thì trách nhiệm của Nhà nước ta, với tư cách là chủ thể của Công pháp quốc tế, đã được quy định một cách rõ ràng, khó có thể thoái thác được!

 

 

phần D

 

điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam

trong một số lĩnh vực cụ thể

 

1. Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại

 

Việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam từ năm 1986 đến nay phản ánh một phần chính sách đổi mới của Nhà nước ta mà trọng tâm là đổi mới kinh tế. Việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam (12.1987) đã tạo điều kiện cho viêc thu hút vốn công nghệ nước ngoài vào Việt nam. Cùng với việc mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong vài năm gần đây Nhà nước đã ký kết nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế – thương mại có nội dung hoàn toàn mới đối với chúng ta (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay tín dụng ưu đãi, vay vốn thương mại …) Đề tài đã tập trung phân tích một số đặc điểm sau đây:

 

- Xét về đối tác ký kết, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này đa dạng hơn nhiều so với thời kỳ trước. Nều trước đây chúng ta chỉ ký kết với Liên Xô và các nước XHCN khác, thì nay, ngoài những đối tác truyền thống đó, Nhà nước ta đã ký kết với các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương, nơi nền kinh tế đang phát triển năng động nhất hiện nay.

 

Với các tổ chức kinh tế quốc tế, nếu trước đây chúng ta chỉ giới hạn ký kết Hiệp định trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), thì nay ta đã ký kết nhiều Hiệp định quan trọng với các tổ chức kinh tế – tài chính lớn, như Cộng đồng Châu Âu, Hiệp hội các nước Đông - Nam á, Liên Hợp quốc (Ngân hàng thế giới – WB, Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF, Ngân hàng phát triển Châu á - ADB) …

 

- Xét về nội dung, ngoài các loại điều ước quốc tế mang tính chất truyền thống về hợp tác kinh tế, khoa học – kỹ thuật, thương mại … chúng ta đã ký kết với nước ngoài các loại điều ước quốc tế có nội dung rất mới. Chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định MIGA), thuế (Hiệp định tránh đánh thuế hai lần) …

 

Ngay cả các loại điều ước quốc tế mang tính truyền thống cũng mang nội dung mới.

 

a) Về thương mại: trước đây Việt nam thường ký kết với các nước XHCN 3 loại điều ước quốc tế là:

 

- Hiệp định thương mại và Hàng hải (Merchant Navigation Treaty), loại điều ước quốc tế quan trọng nhất, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động thương mại giữa nước ta và nước ký kết. Trong đó, bao gồm các quy định có tính nguyên tắc như đãi ngộ quốc dân, Tối huệ quốc và có đi có lại. Hầu hết trong các Hiệp ước này, các bên đều cam kết dành cho nhau hưởng quy chế tối huệ quốc trong lĩnh vực thương mại và Hàng hải và quan hệ hợp tác xây dựng trên các nguyên tắc hợp tác toàn diện, thể hiện sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và không có điều kiện bảo hộ mang tính chính trị.

 

- Hiệp định thương mại có vị trí sau Hiệp ước thương mại và Hàng hải, quy định các danh mục, kim ngạch hàng hoá cụ thể mà Việt nam trao đổi buôn bán với bên ký kết, làm cơ sở để các Tổng công ty xuất nhập khẩu của hai bên ký kết trực tiếp ký kết các hợp đồng mua bán cụ thể.

 

- Điều kiện chung giao hàng SEV 1968/1988 loại hợp đồng mẫu được các nước thành viên SEV thông qua và áp dụng chung cho các hợp đồng thương mại giữa các tổ chức xuất nhập khẩu của các nước thành viên.

 

Trong giai đoạn hiện nay quan hệ hợp tác giưa Việt nam với các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển lên một bước mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những năm gần đây Nhà nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương, quan trọng nhất là Hiệp định bảo hộ đầu tư đa bên (MIGA) và Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (Công ước New york 1958), tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư nước ngoài vào Việt nam và quan hệ thương mại.

 

Về điều ước quốc tế song phương cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Tuỳ theo sự thoả thuận giữa Việt nam và bên ký kết kia, các Hiệp định thương mại mà ta đã ký với các nước trong mấy năm qua có phạm vi nội dung khác trưóc, theo xu hướng cụ thể và chi tiết hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế của nền kinh tế thị trường. Song, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đặt ra cho chúng ta là sớm ban hành một đạo luật về thương mại, tạo ra khuôn khổ pháp luật cần thiết để điều chỉnh quan hệ thương mại và sớm xem xét việc gia nhập Công ước viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế đã được nhiều nước ký kết hoặc tham gia.

 

b) Về lĩnh vực đầu tư: Cho đến tháng 1.1996 Việt nam đã ký 30 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Về cơ bản nội dung các Hiệp định này là tương đối giống nhau. Các quốc gia ký kết cam kết dành cho nhau sự đối xử công bằng, thoả đáng và đầu tư nước ngoài được hưởng sự bảo hộ pháp lý cần thiết của quốc gia nhận đầu tư (bảo hộ khỏi các biện pháp cưỡng chế hành chính, chuyển vốn và tài sản hợp pháp ra nước ngoài); các nhà đầu tư được hưởng quy chế tối huệ quốc. Hiệp định còn định ra cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện Hiệp định, chủ yếu thông qua thương lượng bằng con đường ngoại giao hoặc bằng Trọng tài ad hoc.

 

c) Về lĩnh vực thuế: Cho đến tháng 1.1996 đa có 20 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký kết giữa Việt nam và các nước. Hiệp định này có điểm chung là đều dựa trên Hiệp định mẫu của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và của Liên Hợp quốc (UN). Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định loại này đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến quy định pháp luật của nước ta (hoặc là chưa được quy định chẳng hạn như xí nghiệp có cơ sở thường trú, hoặc là có quy định khác, chẳng hạn như danh nghĩa ký kết, thuế xuất áp dụng đối với thu nhập từ tiền bản quyền; hoặc là ký bằng một văn bản duy nhất bằng tiếng nước ngoài …) Điều đó gây không ít khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam khi phê chuẩn, phê duyệt, giải thích và thực hiện Hiệp định.

 

d) Về các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải: Ngoài các Hiệp định hàng hải mà Việt nam đã ký kết với các nước, Nhà nước ta còn tham gia 6 Công ước quốc tế liên quan đến kỹ thuật và an toàn hàng hải (Công ước về an toàn sinh mạng trên biển, Công ước về mạn khô của tàu biển, Công ước về đo dung tích tầu biển, Quy chế phòng ngừa va chạm trên biển, Công ước về đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên, Công ước về ngăn chặn ô nhiễm môi trương do tầu biển gây ra). Quy định của các Công ước quốc tế khác về hàng hải như bắt giữ tầu biển, xử lý tai nạn đâm va, cầm cố và cầm giữ tầu biển, giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tầu … Tuy chưa được Nhà nươc ta chính thức tham gia nhưng đã dược "chuyển hoá" vào Bộ luật hàng hải Việt nam (1990) và các văn bản khác về hàng hải. Do đó, ở đây đặt ra vấn đề hết sức lý thú cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

 

2. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp:

 

Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự với Liên Xô (cũ) (Liên Bang Nga kế thừa), Tiệp Khắc (CH Séc và CH Xlôvakia kế thừa), Bungari, Hungari, Cuba, Ba lan, CHDC Đức (đã huỷ bỏ).

 

Về ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp đã tạo ra cơ sở pháp lý và cơ chế thực hiện việc hợp tác, tương trợ giữa nước ta và các nước trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta trên lãnh thổ nước ký kết hữu quan. Mặt khác, đã góp phần thúc đẩy công tác hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta trong lĩnh vực này.

 

Trong những năm qua, để thực hiện các Hiệp định chúng ta đã triển khai nhiều công việc như ban hành một số văn bản (Pháp lệnh lãnh sự, Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam và người nước ngoài, Pháp lệnh công nhận và thi hành ở Việt nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, Thông tư liên ngành số 139 về việc quy định nhiệm vụ của các ngành trong việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp …)

 

Công tác thực hiện các uỷ thác tư pháp nước ngoài của cơ quan tư pháp nước ta đang dần dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ trước mắt sau đây:

 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí của Hiệp định tương trợ tư pháp để có sự quan tâm chung, đúng mức của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các cam kết của Nhà nước.

 

Thứ hai, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong việc ký kết và thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp để kịp thời có những biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của sự hợp tác, tương trợ này.

 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến các nội dung cuae Hiệp định tương trợ tư pháp (cả về pháp luật nội dung và hình thức).

 

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về phạm vi, nội dung của các Hiệp định (không nhất thiết phải đầy đủ các nội dung trong các Hiệp định mà ta ký kết với các nước XHCN trước đây) để phù hợp với đường lối đa phơng hoá đa dạng hoá trong quan hệ với các nước.

 

Thứ năm, tiếp tục đổi mới hệ thống cơ quan tư pháp theo chương trình cải cách bộ máy, rà soát và phân định hợp lý hơn thẩm quyền giữa các cơ quan hữu quan và tổ chức tốt việc phối hợp trong việc thực hiện Hiệp định.

 

Thứ sáu, phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng các Hiệp định tương trợ tư pháp, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này.

 

3. Trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự:

 

Nhà nước ta tham gia Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước năm 1975 về phái đoàn đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập và đã ký 14 Hiệp định lãnh sự với các nước.

 

Về pháp luật trong nước, trong nhiều văn bản như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh về thuế nhà đất, Nghị định số 131 – HĐBT, Thông tư liên ngành số 01 – TTLN giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao … đã có một quyết định về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự dành cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và thành viên của các cơ quan này tại Việt nam. Tuy vậy, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài đều không viện dẫn vào các văn bản pháp luật trong nước của ta, mà viện dẫn đến các quy định của các Công ước viên năm 1961 và 1963 và các Công ước quốc tế khác để yếu cầu Nhà nước ta phải cho họ được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi miễn trừ.

 

Do nguyên nhân về nhận thức, thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể, nên một số cơ quan chức năng hoặc cán bộ thi hành công vụ của ta hiểu và áp dụng Công ước còn tuỳ tiện, đã gây ra không ít phản ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài.

 

Trước tình hình đó, ngày 23.8.1993, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt nam. Có thể nói, bằng việc thông qua Pháp lệnh này, Nhà nước ta đã thực hiện việc "chuyển hoá" các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, niễn trừ ngoại giao và lãnh sự vào pháp luật trong nước. Nhưng, cũng chính việc thông qua Pháp lệnh này đã đạt ra nhiều vấn đề lý luận cần quan tâm.

 

 

IV. Một số kiến nghị chủ yếu

 

Việc nghiên cứu quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất phức tạp và đa dạng. Xuất phát từ bản chất Nhà nước, truyền thống pháp luật của mình, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận, đánh giá từ đó có các quy định pháp lý khác nhau về mối quan hệ này.

 

Đặt vấn đề nghiên cứu đề tài khoa học này, với khuôn khổ thời gian và kinh phí hạn hẹp, các tác giả không có tham vọng tìm hiểu, phân tích một cách toàn diện những vấn đề lý luận thực tiễn liên quan được đặt ra ở các nước, cũng như trong quan hệ quốc tế. Việc thực hiện đề tài chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản nhất đã được các quốc gia thừa nhận một cách rộng rãi và cái chính là ở các vấn đề lý luận thực tiễn đã và đang đặt ra ở nước ta trong quá trình ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, cũng như thực hiện pháp luật của Nhà nước điều chỉnh lĩnh vực quan trọng này.

 

Mặc dù với phạm vi nghiên cứu hạn hẹp như vây, nhưng chúng ta thấy trong các bài viết của các tác giả, cũng như trong hai cuộc hội thảo, trong kết quả thực hiện phiếu điều tra, khảo sát đã có đến 70 kiến nghị lớn nhỏ được nêu ra, chủ yếu nhằm vào việc:

 

a) Giải quyết những vướng mắc trong nhận thức của xã hội ta, ngay cả của các luật gia, về vai trò, vị trí thực sự quan trọng của điều ước quốc tế nói chung và công tác điều ước quốc tế nói riêng đối với lợi ích của quốc gia, của dân tộc, nhất là trong giai đoạn "mở cửa" về kinh tế hiện nay;

 

b) Hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta điều chỉnh hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của công chức, viên chức trong quá trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế, nhất là phải thiết lập một quy trình xây dựng điều ước quốc tế sao cho ngang tầm với vai trò, vị trí của chúng và đồng bộ với quy trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay;

 

c) Cải tiến các hoạt động thực hiện và áp dụng điều ước quốc tế ở nước ta , nhất là từ phía bộ máy hành chính và tư pháp Nhà nước, phù hợp với nguyên tắc Pacta Sunt Servanda và bằng cách đó góp phần nâng cao, củng cố vị thế mới của Nhà nước ta trên trường quốc tế, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực thi điều ước quốc tế; và

 

d) Góp phần nâng cao vai trò tham gia chủ động của Nhà nước vào quá trình xây dựng và cải cách Công pháp quốc tế hiện đại thông qua công cụ đặc biệt quan trọng của nó là điều ước quốc tế, đồng thời dần dần tạo thế chủ động trong việc nắm giữ, sử dụng công cụ này phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

 

Dưới đây Ban chủ nhiệm đề tài xin tóm tắt một số kiến nghị chủ yếu được nêu ra:

 

1. Điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế do các chủ thể luật quốc tế (chủ yếu là quốc gia) thoả thuận ký kết nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế, từ việc giải quyết chiến tranh hay hoà bình, biên giới lãnh thổ đến sự hợp tác trên nhiều mặt về kinh tế, chống ô nhiễm môi trường … Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, điều ước quốc tế được thừa nhận là nguồn luật chủ yếu của Công pháp quốc tế, vốn là hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

 

Về phương diện quốc gia, việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế là sự thể hiện cao nhất chủ quyền của quốc gia. Khi ký kết hoặc tham gia một điều ước quốc tế nào đó, mỗi quốc gia đều phải tính toán đầy đủ, thận trọng các quyền mà mình có khả năng được hưởng và các trach nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cụ thể mà mình sẽ phải gánh vác. Nói cách khác, sự thiệt hơn, lợi hại phải được đưa ra đong đếm rõ ràng. Một đạo luật và ngay cả Hiến pháp cũng có thể dễ ràng được sửa đổi, huỷ bỏ, nhưng có những điều ước quốc tế, vì quan hệ với nhiều nước, không dễ gì thay đổi được. Do đó, đã từ lâu, đặc biệt trong một Nhà nước pháp quyền, các quốc gia đều coi trọng việc ký kết, tham gia điều ước quốc tế, ít ra cũng ngang bằng với việc soạn thảo, ban hành pháp luật trong nước. Thật vậy, Hiến pháp của các Nhà nước hiện đại đều quy định rất chi tiết không những thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong việc ký kết các điều ước quốc tế, mà còn cả các vấn đề về thực hiện, giải thích, áp dụng điều ước quốc tế cũng như về hiệu lực quy phạm của điều ước quốc tế trong sự so sánh thứ bậc các quy phạm pháp luật trong nước xuất phát từ các nguồn văn bản khác nhau. Việc quy định chi tiết, chặt chẽ như vậy không những thể hiện sự đánh giá đúng tầm hiệu lực ràng buộc hết sức đặc biệt của điều ước quốc tế mà còn tác dụng hạn chế sự tuỳ tiệncó thể có của các cơ quan Nhà nước trong quan hệ quốc tế, cố gắng bảo vệ đến mưc cao nhất lợi ích của quốc gia mình trong quan hệ với các quốc gia khác.

 

ở nước ta, ngay từ khi thành lập chế độ Dân chủ Cộng hoà, Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng mức vị trí vốn có của điều ước quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước – Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố bãi bỏ mọi điều ước quốc tế liên quan đến Việt nam mà trước đó Chính quyền Thực dân Pháp đã ký kết. Cũng không phải ngẫu nhiên trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, mặc dù là bản Hiến pháp ngắn nhất, cô đọng nhất, cũng đã quy định khá đầy đủ về các vấn đề ký kết điều ước quốc tế. Cũng là hệ quả tất yếu mà chiến thắng Điện biên phủ 1954 và chiến thắng Điện biên phủ trên không 1972 đã được ghi nhận một cách trọn vẹn trong Hiệp định Giơ-ne-vơ và Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt nam …

 

Thế rồi phải chăng, cùng với việc xem nhẹ vai trò, vị trí của pháp luật nói chung ở cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, mà nhận thức của xã hội ta và đặc biệt của bộ máy Nhà nước về điều ước quốc tế đã phát triển thụt lùi ? Nhận thức đó đã được thức tỉnh trong công cuộc đổi mới, nhất là từ sau khi ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam. Nhưng các tác giả đều cho rằng sự nhận thức lại đó vẫn chưa đồng bộ và do đó, đã dẫn đến những tồn tại và thiếu sót của lĩnh vực hoạt động quan trọng này như các bài viết đã đề cập đến.

 

Vậy, nên chăng cùng với việc thực hiện chủ trương soạn thảo, ban hành Pháp lệnh (sửa đổi) về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Đảng và Nhà nước ta nên phát động một phong trào rộng rãi, với các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về điều ước quốc tế ? Và rất nên, nhân dịp này, tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền một cách hệ thống hơn những tư tưởng của Hồ Chủ Tịch về công tác điều ước quốc tế.

 

2. Cần xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, về phương diện hiệu lực thi hành, của quy phạm điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia trong hệ thống các quy phạm pháp luật của Nhà nước.

 

Qua nhiều bài viết, các tác giả đã phân tích khá kỹ các quy định của Hiến pháp 1992, Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và nhiều văn bản luật, pháp lệnh khác để đi đến một kết luận có cơ sở cho rằng về nhận thức, cũng như về pháp luật thực định, NHà nước ta thừa nhận giá trị hiệu lực ưu thế của các quy phạm của điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia so với các quy định của pháp luật trong nước và, về phương diện hiệu lực thi hành, chúng giữ vị trí thứ hai, sau các quy định của Hiến pháp trước các quy định của luật, bộ luật. Thật vậy, Điều 11 Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam ghi rõ: "CHXHCN Việt nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết" (khoản 1), "các cấp, các ngành, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuộc chức năng của mình liên quan đến điều ước quốc tế đã ký kết" (khoản 3) và "trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của CHXHCN Việt nam thì cơ quan cấp hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó" (khoản 6).

 

Tại các Điều 4,7 và 9 của Pháp lệnh quy định về thẩm quyền quyết định việc ký, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên của các cơ quan Nhà nước đối với những điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật hoặc Pháp lệnh.

 

Trong các văn bản khác (luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định …) đều có quy định trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với văn bản này thì áp dụng với các quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Sự thừa nhận đó của Nhà nước ta là hoàn toàn phù hợp với một trong các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế – nguyên tắc Pacta sunt servanda, phù hợp với các quy định của luật điều ước quốc tế, cũng như thông lệ quốc tế.

 

Theo luật tập quán quốc tế và Công ước Viên năm 1969 của Liên Hợp quốc về luật điều ước quốc tế, thì quy định của điều ước quốc tế có giá trị ưu thế hơn pháp luật quốc gia.

 

Nguyên tắc này đã được quy định trong Hiến pháp của nhiều nước.

 

Song, nếu để suy đoán từ những quy định còn chung chung của pháp luật nước ta thì dễ dẫn đến những hậu quả khó lường trước. Do vậy, nếu đó là sự thừa nhận chính thức, thì trong dịp sửa đổi Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế tới đây cần phải đưa vào một trong các quy định cơ bản đó.

 

Có quy định được cụ thể, rõ ràng vị trí cần phải có cả quy phạm điều ước quốc tế, về phương diện hiệu lực thi hành ở nước ta, chẳng hạn sau Hiến pháp, trên các quy định của luật, bộ luật, thì, theo ý kiến chung của các tác giả, có thể đạt được các mục đích sau đây:

 

Thứ nhất, làm cho các cơ quan Nhà nước khi đề xuất, quyết định viêc ký kết điều ước quốc tế nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề cũng như hậu quả pháp lý có thể có của nó.

 

Thứ hai, để xác định rõ hơn, phù hợp hơn thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong viêc ký kết, gia nhập hoặc quyết định phê chuẩn, phê duyệt, đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế.

 

Thứ ba, làm cho mọi cơ quan Nhà nước, các chủ thể pháp luật nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện, cũng như áp dụng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia.

 

Cuối cùng, để khẳng định một cách dứt khoát nguyên tắc cấm ký điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến pháp nước ta, đồng thời phải tạo ra cơ chế kiểm tra trước và sau tính hợp hiến của các điều ước quốc tế.

 

3. Với vị trí đặc biệt của điều ước quốc tế, như chúng tôi đã trình bày ở trên, đòi hỏi Nhà nước ta phải sớm hoàn thiện một quy trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế sao cho thực sự chặt chẽ, đồng bộ, ít ra phải có nền nếp như trong công tác soạn thảo, ban hành luật, pháp lệnh hiện nay. Việc hoàn thiện này, theo tác giả, phải xuất phát từ các yếu tố cơ bản sau đây:

 

Thứ nhất, đảm bảo đồng bộ, hài hoà giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác ký kết, tham gia điều ước quốc tế. Hai quá trình này không thể diễn ra hầu như trong sự tách biệt như hiện nay, dễ dẫn đến tình trạng làm cho quá trình ký kết, tham gia điều ước quốc tế làm giảm hiệu lực hoặc thậm chí vô hiệu hoá trên nhiều khía cạnh pháp luật của Nhà nưóc.

 

Thứ hai, tuân theo nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta, tức là nguyên tắc mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, tập trung vào Quốc hội, song có sự phân công hợp lý giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đăc biệt, đã đến lúc phải đề cao vai trò của Quốc hội trong việc giám sát công tác ký kết, tham gia điều ước quốc tế, nhất là thông qua chế định phê chuẩn của Quốc hội và thẩm tra của các Uỷ ban thường trực của Quốc hội.

 

Thứ ba, bảo đảm sự kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động đối ngoại của Nhà nước, đặc biệt là của bộ máy hoạt động hành chính.

 

4. Cần đổi mới quan niệm về "chuyển hoá" các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Chuyển hoá không có nghĩa cơ học là "nội luật hoá" bằng việc ban hành các văn bản pháp luật trong nước quy định lại nội dung của điều ước quốc tế, giống như trờng hợp ban hành Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự. Phải chăng, cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn đối với vấn đề này.

 

Cụ thể, nên gắn việc phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế một ý nghĩa pháp lý nữa đó là sự chuyển hoá. Kinh nghiệm Quốc hội phê chuẩn tháng 6.1994 Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển có thể là tiền lệ cho việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài quyết định, nghị quyết về phê chuẩn, phê duyệt ra, chỉ có rất ít các điều ước quốc tế mà bản thân nó đòi hỏi các quốc gia ký kết phải ban hành nội luật của mình để cụ thẻ hoá quy định của điều ước quốc tế , mới bắt buộc phải ban hành luật, pháp lệnh, nghị định … để "chuyển hoá" chúng vào pháp luật trong nước. Cũng cần phải ban hành văn bản pháp luật trong trường hợp phải giải thích, hướng dẫn thi hành các điều khoản cần thiết của điều ước quốc tế.

Việc đổi mới nhận thức về "chuyển hoá" theo hướng đó có lẽ cũng giảm bớt gánh nặng của công tác lập pháp, lập quy của Nhà nước vốn đã rất đồ sộ hiện nay. Và đó cũng là sự giải đáp cho một vấn đề pháp lý đặt ra: vậy ở giai đoạn từ khi điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Nhà nước ta đến khi nó được chuyển hoá ("nội luật hoá") và có hiệu lực, thì điều ước quốc tế có hiệu lực trên lãnh thổ Việt nam hay không và việc không thực hiện điều ước quốc tế có dẫn đến trách nhiệm pháp lý nào không?

 

5. Cũng như đối với bản thân pháp luật, việc công bố, thông tin đầy đủ kịp thời các điều ước quốc tế được ký kết trước và sau khi chúng có hiệu lực pháp luật (trừ những điều ước quốc tế có nội dung bí mật và cũng chỉ trong thời hạn cần bảo mật mà thôi) là một yêu cầu bức xúc. Việc làm này cần phải quy định một cách triệt để hơn trong pháp luật. Nó không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, việc thi hành và áp dụng điều ước quốc tế, nhất là trong hoạt động hành chính và tư pháp, mà nó còn tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

 

Ngoài việc công bố hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, các ý kiến đều kiến nghị với Nhà nước cho đăng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ký kết hoặc tham gia trong công báo giống như các văn bản pháp luật của Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc đăng tải chúng trên Công báo cùng với toàn văn các quyết định, nghị quyết phê chuẩn, phê duyệt, bảo lưu … cũng đã thể hiện sự chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước.

 

6. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước ta nên nghiên cứu, sớm gia nhập Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế. Trên thực tế, Công ước này, với tính cách là văn bản pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế, đã có hiệu lực đối với Nhà nước ta như những tập quán quốc tế. Pháp lệnh năm 1989 đã ghi nhận một số điều khoản của Công ước này. Thực tế ký kết và thực hiện điều ước quốc tế giữa nước ta với các nước khác, ở mức độ quan trọng, cũng đã tuân theo các quy định của nó. Đặc biệt, trong trường hợp phải giải thích điều ước quốc tế, các đối tác ký kết điều ước quốc tế với nước ta đều yêu cầu giải thích theo các quy định của Công ước …

 

Trong khi đó, do chưa phải là một bên tham gia Công ước, tất nhiên, Nhà nước ta chưa thể thực hiện quyền bảo lưu đối với bất cứ điều khoản nào của nó xét thấy không có lợi cho ta, nhưng trong thực tế thì lại đang có hiệu lực đối với Nhà nước ta.

 

Việc tham gia Công ước 1969 điều chỉnh một trong các lĩnh vực quan trọng nhất của Công pháp quốc tế còn góp phần nâng cao vị thế của Nhà nước ta trong cộng đồng quốc tế.

 

7. Nhiều kiến nghị tập trung vào việc đào tạo, nâng cao trình độ về luật điều ước quốc tế, ngoại giao và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong việc tham gia soạn thảo, đàm phán, thông qua điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương, đặc biệt tại hội nghị của Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại quốc tế và ASEAN. Mặt khác, với vị thế hiện nay của đất nước, Đảng và Nhà nước nên sớm có chính sách về các mặt, kể cả phương diện kinh phí, tạo điều kiện cho đội ngũ này hoạt động một cách chủ động, tích cực hơn vào quá trình hình thành các điều ước quốc tế hay nói rộng ra là quá trình cải cách và xây dựng luật quốc tế hiện đại. Bằng cách đó, có thể tác động đến sự phát triển tiến bộ và công tác pháp điển hoá luật quốc tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của các nước lớn. Kinh nghiệm tham gia soạn thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển cho chúng ta thấy rõ điều đó. Cũng bằng cách này, cá chuyên gia và các cơ quan hữu quan của ta sẽ có sự hiểu biết đầy đủ, thấu đáo hơn các điều ước quốc tế được soạn thảo, giúp cho việc ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia của Nhà nước được thuận lợi hơn.

 

Mặc dù trong 10 năm qua, Nhà nước ta đã gia nhập, phê chuẩn một số lượng lớn các Công ước quốc tế (50), nhưng nhận xét chung của các tác giả và cũng là ý kiến của nhiều người quan tâm cho rằng về đại thể Nhà nước ta vẫn "đứng ngoài cuộc" đối với luật chơi chung của thế giới, nhưng gián tiếp vẫn bị ràng buộc bởi luật chơi chung đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hàng hải quốc tế, hiện tại đã có khoảng 100 Công ước quốc tế được ban hành, nhưng Việt nam mới chỉ gia nhập 6 Công ước. Trong khi đó, Bộ luật hàng hải Việt nam đã chứa đựng, trên nhiều vấn đề, các quy định của hàng chục Côngước khác.

 

8. Cho đến nay điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia chưa được xem đúng mức như một loại văn bản pháp luật. Do đó, hầu như chưa có sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế. Nếu có làm, chẳng hạn gần đây đối với Công ước về quyền trẻ em, thì cũng hoàn toàn tách biệt đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.

 

Từ thực tế đó, nhiều tác giả kiến nghị nên xem việc giới thiệu, tuyên truyền về điều ước quốc tế có liên quan là một bộ phận không thể tách rời của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuốn sách in các văn bản pháp luật mới, cũng như trong các lớp tập huấn, đào tạo về pháp luật.

 

9. Cuối cùng, xét trên nhiều phương diện, từ vị trí, vai trò, hiệu lựccó tính chất đặc biệt đến đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của xã hội về điều ước quốc tế, đa số tác giả kiến nghị với Nhà nước ban hành văn bản mới về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế dưói hình thức một đạo luật. Tốt nhất, Quốc hội nên xem xét và thông qua đạo luật này đồng thời với luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản pháp luật mà hiện nay đã có trong chương trình thông qua của Quốc hội.

 

Ngoài các ý kiến chủ yếu nêu trên đây, trongcác bài viết, từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, các tác giả còn đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc khác, rất đáng được quan tâm, đặc biệt đối với quá trình soạn thảo Pháp lệnh (sửa đổi) hoặc luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

 

 

 

 

* *

*

 

 

 

Trên đây là báo cáo về kết quả nghiên cứu đề tài "Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam và pháp luật Việt nam". Ban chủ nhiệm đề tài một lần nữa xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các tác giả - cộng tác viên của đề tài và các nhà khoa học khác đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo của đề tài, cũng như đối với Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, về sự hưởng ứng, giúp đỡ về mặt khoa học cho việc hoàn thành đề tài này ./.

 

 

Tháng 4 năm 1996

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

các chuyên đề

do cộng tác viên thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

khái quát tình hình và triển vọng

 

của việc ký kết điều ước quốc tế

của chxhcn việt nam

 

 

lê thu sơn – chuyên viên

vụ luật pháp và điều ước quốc tế

bộ ngoại giao

 

 

 

i

 

khái quát tình hình

 

 

Lịch sử phát triển của điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam suốt 50 năm qua (từ 2.9.1945 đến nay) đã gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. CHXHCN Việt nam (trước năm 1975 là Việt nam dân chủ Cộng hoà), với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương. Nội dung, hình thức và tính chất của chúng rất đa dạng, phù hợp với điều kiện nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước. Nhìn chung văn bản của các điều ước quốc tế nói trên cùng với thời gian, ngày càng hoàn thiện hơn và đã phù hợp hơn với các quy phạm của luật điều ước quốc tế chung. Có thể nói các điều ước quốc tế ký kết trong nửa thế kỷ qua đã được thực hiện nghiêm túc, và ở những mức độ khác nhau đã đáp ứng được lợi ích của Việt nam cũng như các Bên ký kết.

 

Phần này không nhằm tổng kết hoặc đánh giá toàn bộ quá trình phát triển của việc ký kết các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam, mà chỉ tập trung chủ yếu khái quát những nét đặc trưng của nó từ khi Đảng và Nhà nước Việt nam tiến hành chính sách đổi mới (năm 1996) đến nay. Mục đích nhằm giúp ta có thể nhìn nhận một cách khách quan những triển vọng cũng như những đòi hỏi mới đối với việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới.

 

Tuy nhiên, để nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống, ta xem lại khái quát tình hình trước khi có chính sách Đổi mới.

 

1. Giai đoạn từ 1945 đến 1986: Trên cơ sở những đặc điểm và nhiệm vụ của cách mạng Việt nam trong giai đoạn này, có thể chia quá trình phát triển điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam ra thành hai thời kỳ sau:

 

a. Từ khi đất nước giành được độc lập đến thắng lợi giải phóng miền Nam (1945-1975):

 

Về cơ bản điều ước quốc tế trong giai đoạn này đã góp phần hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của dân tộc là độc lập Tổ quốc và thống nhất đất nước, mà đỉnh cao của nó được đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.

 

đặc trưng của thời kỳ này là điều ước quốc tế song phương chiếm đa phần. Chủ yếu là các Hiệp định nhận gíup đỡ hoặc viện trợ. Hình thức và nội dung không đồi hỏi tuân theo các quy định chặt chẽ về luật điều ước quốc tế chung. Hoàn cảnh lịch sử có thể "cho phép" phía Việt nam bỏ qua trách nhiệm của mình mà lẽ ra phải thực hiện. Mặt khác ta cũng chưa có những văn bản pháp lý quy định cụ thể về lĩnh vực này. Số lượng các điều ước quốc tế đa phương mà Việt nam tham gia là không đáng kể. Vẻn vẹn chỉ có 4 Công ước Genève 12.8.1949 liên quan đến bảo hộ dân thường, nạn nhân chiến tranh, tù binh, và thương binh trong chiến tranh.

 

b. Thời kỳ sau 1975 đến 1986:

 

Sau khi đất nước hoà bình và hoàn toàn thống nhất, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam chuyển sang một bước mới, thay đổi cả về tính chất, nội dung, hình thức cũng như tính đa dạng.

 

Ngoài những nguyên tắc cơ bản trước đây làm cơ sở cho ký kết các điều ước quốc tế như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và bình đẳng thì nguyên tắc hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi lại đóng một vai trò chủ đạo và quan trọng.

 

Các văn bản điều ước quốc tế được ký kết đòi hỏi quy định chặt chẽ hơn nhằm vừa đảm bảo lợi ích của Việt nam đồng thời vừa phù hợp với các quy phạm chung của luật điều ước quốc tế hiện đại.

 

So với giai đoạn trước đó, số lương điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết tăng đáng kể, bao gồm cả đa phương cũng như song phương.

 

Các điều ước quốc tế song phương với nội dung liên quan đến hợp tác khoa học – kỹ thuật, thương mại, kinh tế, pháp lý giáo dục. Đối tác chủ yếu là Liên Xô, các nước Đông Âu cũ, Cuba và một số nước chậm phát triển khác. Các nước tư bản phát triển, Tây Bắc Âu, Nam Triều tiên, và Nhật Bản chưa đáng kể.

 

Việc CHXHCN Việt nam gia nhập hoặc ký kết hàng loạt các điều ước quốc tế đa phương (33 Điều ước) đã tạo một bươcs ngoặt mới trong giai đoạn này. Đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của điều ước quốc tế đa phương bằng việc Việt nam thamgia Liên Hợp quốc (năm 1978), tiếp theo đó là các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc, các Công ước liên quan đến quan hệ ngoại giao và miễn trừ ngoại giao (4 Công ước), Công ước Luật biển năm 1982 và các Công ước quốc tế liên quan đến đời sống chính trị, xã hội.

 

Một đặc điểm cần lưu ý trong giai đoạn này là trong nội bộ ta vẫn chưa hoàn toàn thống nhất được dùng luật nào: luật Việt nam hay điều ước quốc tế ta tham gia để điều chỉnh các vấn đề phát sinh khi thực hiện các điều ước quốc tế nói trên. Chính vì vậy trong quá trình thực hiện chúng ta gặp phải những khó khăn nhất định.

 

2. Giai đoạn từ năm 1986 đến nay:

 

a. Những nét đặc trưng chung của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam đã ký kết hoặc tham gia trong thời kỳ đổi mới:

 

Nét đặc trưng đầu tiên là số lượng các điều ước quốc tế của Việt nam, đa phương cũng như song phương tăng nhanh rõ rệt. Nếu tính từ năm 1957 đến tháng 6 năm 1995, Việt nam đã ký kết hoặc tham gia khoản 80 điều ước quốc tế đa phương, thì chỉ riêng từ năm 1986 đến nay có 37 điều ước quốc tế đã được ký kết. Cũng trong khoảng thời gian này, số điều ước quốc tế song phương được ký kết chiếm 1/3 tổng số đã ký kết trong nửa thế kỷ qua. Việc gia nhập các điều ước quốc tế trên ngày càng giúp Việt nam hoà nhập với Cộng đồng quốc tế cũng như nâng cao trách nhiệm quốc gia của mình trong quan hệ quốc tế. Đó cũng là những cơ sở pháp lý để các nước mở rộng hợp tác với Việt nam trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

 

Nét đặc trưng thứ hai là các điều ước quốc tế được ký kết thể hiện những thay đổi có ý nghĩa thực chất so với thời kỳ trước đó>

 

Một là, diện các nước hợp tác với Việt nam rông hơn. Nếu trước đây các điều ước quốc tế ký kết chủ yếu với Liên Xô và các nước Đông Âu cũ và các nước XHCN khác thì trong gia đoạn này, đồng thời tiếp tục ký kết các điều ước quốc tế với các nước trong khối truyền thống trên, Việt nam tăng cường mở rộng ký kết với ấn Độ, các nước tư bản phát triển, các nước khối Cộng đồng Châu Âu, Trung đông và đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam á. Đáng lưu ý là khối các nước sau cùng đang trở thành chủ yếu và đóng vai trò quan trọng (kinh tế) hơn so với các nước khối truyền thống.

 

Hai là, các loại điều ước quốc tế đa dạng hơn về nội dung. Bên cạnh các loại điều ước quốc tế vẫn thường ký kết trong giai đoạn trước như Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học – kỹ thuật, thương mại, giáo dục, y tế … một số loại điều ước quốc tế đang phát triển với tốc độ nhanh và được ký kết với nhiều nước như Hiệp định về hợp tác Du lịch, Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay vốn của Ngân hàng thế giới.

 

Nét đặc trưng thứ ba là việc ký kết, phê duyệt, phê chuẩn được tiến hành trên cơ sở của văn bản pháp lý "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam". Trách nhiệm quốc gia của Việt nam được xác định rõ nên việc tiến hành ký kết các điều ước quốc tế được thuận lợi hơn so với thời kỳ trớc. Nhìn chung, văn bản của các điều ước quốc tế nêu trên được quy định chặt chẽ hơn và phù hợp với tập quán và các quy phạm chung của luật điều ước quốc tế chung.

 

Việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam từ năm 1986 đến nay đã thể hiện một phần chính sách ngoại giao và chính sách kinh tế đối ngoại của Việt nam nhằm phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hai bên cùng có lợi.

 

Sơ bộ có thể nói rằng, trong suốt 50 năm qua, cùng với thời gian, các điều ước quốc tế của Việt nam ngày càng phát triển về lượng cũng như về chất. Việc ký kết chúng đã và đang bổ sung vào quá trình phát triển và pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế của Việt nam.

 

 

 

 

 

 

II

 

triển vọng của việc ký kết

các điều ước quốc tế của việt nam

trong tương lai.

 

 

Thật không dễ dàng để đưa một dự đoán đầy đủ và chính xác về một vấn đề nhất định nào đó. Nhất là nó lại liên quan đến ký kết điều ước quốc tế của Việt nam. Một lĩnh vực mà sự phát triển của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trọng như chính sách đôí ngoại, kinh tế đối ngoại, luật lệ trong nước đảm bảo cho môi trường hợp tác, sự ổn định về chính trị (hoặc môi trường chính trị ổn định như các nước phơng Tây thường nói).

 

Tuy vậy, trong chừng mực nhất định, dựa trên cơ sở chính sách đổi mới hiện nay của Đảng, Nhà nước và những thành quả đạt được về đối ngoại cũng như đối nội trong những năm vừa qua, nhất là hai năm cuối 1994-1995, đặc biệt trong lĩnh vực điều ước quốc tế của Việt nam, có thể mạnh dạn sở bộ nêu ra một số triển vọng cũng như đòi hỏi mới đối với việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới.

 

1. Để góp phần có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xem xét triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam một cách khách quan, ta hãy nhìn lại những kết quả đạt được trong hai năm cuối 1994-1995.

 

Nếu nói kết quả đạt được về ký kết điều ước quốc tế của Việt nam tạo nên một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển chung thì có thể coi sự tăng về số lượng cũng như chất lượng của điều ước quốc tế của Việt nam trong hai năm 1994-1995 là đỉnh cao của sự phát triển.

 

Về điều ước quốc tế đa phương: hai năm qua, cùng với việc gia nhập, tham gia Công ước quốc tế đa phương liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, Việt nam đã tiến hành phê chuẩn 8 Công ước quốc tế quan trọng đã ký trước đây. Điều đó lại khẳng định Việt nam quyết tâm thực hiện trách nhiệm quốc gia của mình đối với các điều ước quốc tế đã ký kết. Việc Quốc hội Việt nam phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 không chỉ có ý nghĩa pháp lý và thực tế đối với Việt nam, mà còn cả đối với các nước thành viên tham gia Công ước. Tạo sự tin cậy đối với các nướcc có biên giới biển với Việt nam cũng như góp phần củng cố và tăng cường sự ổn định khu vực; thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt. (Công ước số 5, 6, 14, 27, 45, 80, 81, 116, 129, 123, 124, và 135), Công ước của Liên Hợp quốc về đa dạng sinh học (5.6.1992) … và việc Việt nam ký Hiệp định với Cộng đồng chung Châu Âu (7.1995) ngày càng thể hiện rõ nỗ lực của Việt nam mong muốn hoà nhập vào Cộng đồng quốc tế. Việt nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (7.1995) là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác khu vực Đông Nam á. Những yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai.

 

Về điều ước quốc tế song phương: Tốc độ các loại này trong hai năm 1994-1995 tăng nhanh và đa dạng hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Nếu năm 1993, tổng số Hiệp định cấp Nhà nước và Chính phủ được ký kết là 87 thì năm 1994 là 153, tăng gần gấp đôi và riêng 6 tháng đầu năm 1995 bằng cả năm 1993. Đặc điểm nổi bật là số lượng và loại điều ước quốc tế của Việt nam được ký kết với các nước tư bản như úc, Nam Triều tiên, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á, Quỹ OECF của Nhật Bản đã chiếm lĩnh vị trí chủ đạo, khác với thời gian trước đó là với các nước "truyền thống". (Trong đó đáng lưu ý là loại Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vay vốn) tăng nhanh hơn cả.

 

Một yếu tố không thể không nhắc đến đoa là Việt nam và Mỹ ký Hiệp định bình thường hoá quan hệ ngoại giao (7.1995). Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị và ngoại giao mà thực sự mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển các điều ước quốc tế giữa Việt nam và Mỹ về nhiều lĩnh vực hợp tác.

 

2. Khả năng và điều kiện để thực hiện các điều ước quốc tế của Việt nam

 

a. Về điều kiện pháp lý: Việc trong những năm gần đây CHXHCN Việt nam tiến hành hệ thống hoá và pháp điển hoá luật pháp của mình đã và đang tạo nên những cơ sở, môi trờng pháp lý thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết. Thực tế cho thấy trong hầu hết các đạo luật, văn bản dưới luật được ban hành vừa qua, những vấn đề liên qua đến nhân tố nước ngoài hoặc trách nhiệm quốc gia của Việt nam đối với các điều ước quốc tế mà Việt nam là một Bên ký kết đều được xem xét thận trọng và được quy định phù hợp. Các quy định đó nhìn chung phù hợp với điều kiện, lợi ích, hoàn cảnh cụ thể của Việt nam cũng như phù hợp với các quy phạm của luật quốc tế chung hiện đại và xu thế của thế giới trong quan hệ quốc tế ngày nay.

 

Quá trình pháp điển hoá hệ thống pháp luật Việt nam nêu trên đã và đang thúc đẩy quá trình đổi mới ở Việt nam, đồnh thời tạo sự tin cậy của Cộng đồng quốc tế đối với Việt nam trong quá trình hợp tác.Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng hóp phần thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam, phát triển trong hiện tại cũng như tương lai.

 

b. Điều kiện thực tế: Chính sách đối ngaọi và đối nội phù hợp hiện nay của Việt nam đang tạo điều kiện thuận lợi đề các điều ước quốc tế đã được ký kết được thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, những thành quả đạt được vừa qua trong mọi lĩnh vực nhất là tạo được môi trường chính trị ổn định và những thành tựu bước đầu về kinh tế đã và đang tạo sự tin tưởng của các bên ký kết đối với Việt nam. Đó cũng là đonhgj lực thúc đẩy họ nỗ lực thực hiện Hiệp định đã ký kết.

 

3. Dự kiến những triển vọng của việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong những năm tới:

 

Dựa trên những cơ sở đã phân tích ở trên, có thể nói điều ước quốc tế của Việt nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng thuận lợi, tất nhiên không phải không có những khó khăn nhất định. Có khả năng nhịp độ và khối lượng ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam với các khối nước sẽ không giống như hai năm 1994 và 1995.

 

a. Đối với các điều ước quốc tế đa phương: sẽ tiếp tục ký hoặc tham gia các Công ước toàn cầu liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn. Có lẽ, các điều ước quốc tế đa phương về khu vực sẽ được chú trọng hơn cả và sẽ tiến hành với nhịp độ nhanh hơn. Sẽ tiến hành ký kết các Hiệp định với tư cách là thành viên đầy đủ của ASEAN. Trong đó có Hiệp định về khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA) và hàng loạt các Hiệp định chuyên môn khác.

 

b. Đối với các điều ước quốc tế song phương: Nhịp độ ký kết các Hiệp định với các nước khối SNG, Đông Âu cũ sẽ nhanh chóng hơn so với thời kỳ XHCN ở các nước đó vừa sụp đổ. Có thể các Hiệp định về đầu tư và phát triển kinh tế sẽ được chú trọng hơn.

 

Nhìn chung, việc ký kết đối với các nước khối EU cũng như các nước tư bản nói chung (trừ Mỹ và Nhật Bản) đang đi vào ổn định. Hầu như các loại Hiệp định về hợp tác cơ bản đã được ký kết. Trong những năm tới việc ký kết các Hiệp định hợp tác chuyên ngành sẽ phát triển nhanh hơn. Các nước hiện chưa ký kết Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần; có lẽ sẽ ký trong tương lai gần.

Vị trí đáng kể mà các nước đã giữ trong hai năm vừa qua, có lẽ trong những năm tới sẽ dành cho các nước ASEAN, Nhật Bản và Mỹ là các nước sẽ tăng cường ký kết các điều ước quốc tế với Việt nam. Tất nhiên, mức độ và phạm vi ký kết của từng nước sẽ không giống nhau.

 

Trong số các nước nêu trên, có lẽ các nước ASEAN sẽ ký điều ước quốc tế song phương với Việt nam với số lượng và tốc độ nhanh hơn cả.

 

Tiếp theo là Nhật Bản. Mặc dù hai năm 1994-1995, Nhật bản ký nhiều Hiệp định vay vốn và viện trợ cho Việt nam. Tuy vậy, nhưng Hiệp định cơ bản cấp Nhà nước và Chính phủ coi như không đáng kể, chưa xứng với Việt nam. Việc Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao không thể không tác động đến chính sách của Nhật bản đối với Việt nam mà việc thể hiện nó được thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế cấp Nhà nước và Chính phủ. Dù muốn hay không, Nhật bản phải tính đến khả năng không thể chậm hơn Mỹ nhưng cũng không quá nhanh so với Mỹ trong lĩnh vực này. Xu hướng là các Hiệp định sẽ được ký kết tương đối nhanh nhằm bảo đảm nhu cầu và lợi ích của cả Việt nam và Nhật bản.

 

Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt nam với Mỹ tháng 7 năm 1995 là cơ sở mở đầu cho việc ký kết mọi điều ước quốc tế giữa Việt nam và Mỹ. Trước mắt, hai bên phải đạt được một số Hiệp định về thương mại, theo đó quy chế tối huệ quốc đóng vai trò quyết định. Sau đó, có thể tính đến ký kết các loại điều ước quốc tế khác. Quá trình ký kết điều ước quốc tế của Việt nam với Mỹ có lẽ ít có khả năng tiến triển nhanh trước nhiệm kỳ Tổng thống mới.

 

4. Bên cạnh những triển vọng khả quan như nêu trên, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam không tránh khỏi những đòi hỏi mới nhất định.

 

Thực tế những năm gần đây cho thấy, đôi lúc, đôi nơi do các lý do khác nhau, việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam được tiến hành nhanh hơn dự định chủ quan. Vì vậy, đã không tránh khỏi sự thiếu chặt chẽ, thiếu hoàn chỉnh trong một số văn bản Hiệp định. Thậm chí chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của ta về đàm phán và ký kết điều ước quốc tế.

 

Những nước sẽ phát triển nhanh việc ký kết điều ước quốc tế với Việt nam trong tương lai là Mỹ, Nhật bản, ASEAN. Những nước mà luật lệ, thực tiễn của họ ta chưa hiểu và chưa biết nhiều. Vì vậy, để đáp ứng được sự phát triển của điều ước quốc tế đồi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ kưỡng, thận trọng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, các cơ quan hữu quan và Văn phòng Chính phủ.

 

 

 

III

 

việc thi hành

"pháp lệnh về ký kết và thực hiện

điều ước quốc tế

của CHXHCN Việt nam" ngày 25 tháng 10 năm 1989

 

 

 

Nhìn chung hệ thống pháp luật của Việt nam trước thời kỳ đổi mới chưa được hoàn chỉnh về hệ thống hoá vì những lý do đặc biệt và hoàn cảnh lịch sử của Việt nam trong suốt 50 năm qua. Luật điều ước quốc tế của Việt nam cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Để thúc đẩy quá trình đổi mới và khắc phục những tình trạng trên, CHXHCN Việt nam coi việc hệ thống hoá và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống pháp lý của mình, trong đó có Luật điều ước quốc tế của Việt nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

 

1. Tình hình chung về thi hành "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam"

 

Sau 44 năm phát triển, sau khi đúc kết các kinh ngiệm và thực tiễn của mình cũng như tham khảo luật thực tiễn quốc tế; văn bản luật quan trọng đầu tiên đã được ban hành nhằm điều chỉnh các mối quan hệ về điều ước quốc tế của Việt nam đó là "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" (ngày 25.10.1989).

 

Quá trình thực hiện "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" cho thấy "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đã và đang làm cơ sở quan trọng và không ngừng góp phần thúc đaảy điều ước quốc tế của Việt nam phát triển.

 

Các quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" về đàm phán, ký kết, phê duyệt, và phê chuẩn … đã giúp cho việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam có hệ thống hơn và phù hợp hơn với tập quán cũng như Luật điều ước quốc tế chung.

 

Trong những năm qua, Việt nam đã thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm quốc gia của mình cung như đã yêu cầu các Bên ký kết thực hiện nó theo các điều ước quốc tế đã ký kết như "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đã quy định (Điều 11 khoản1).

 

Quy định về sửa đổi, bổ sung pháp luật trong trường hợp cần thiết thực hiện trách nhiệm của mình trong các điều ước quốc tế đã ký kết Điều 11 khoản 6 ("Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam") đã được thực hiện một cách có hiệu quả và nghiêm túc và thông suốt trong các ngành, các cấp.

 

Về cơ bản, có thể nói "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đã được các ngành, các cơ quan hữu quan thực hiện khá nghiêm chỉnh. Chính vì vậy đã thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong sáu năm qua tiến hành thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn và có hiệu quả hơn so với thời kỳ trước "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" . Tuy nhiên, không tránh khỏi những tồn tại cần rút kinh nghiệm, khắc phục hoặc sửa đổi để đáp ứng với tầm phát triển của Luật điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai.

 

2. Một số thực tiễn nên lưu ý, rút kinh nghiệm để việc ký kết điều ước quốc tế trong tương lai phù hợp hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt nam hơn.

 

Như phân tích ý nghĩa, vai trò và những đóng góp của việc thực hiện "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đối với điều ước quốc tế của Việt nam ở trên. Bên cạnh đó không phải không có những tồn tại cần giải quyết. Xin mạnh dạn nêu lên một số thực tiễn để chúng ta cùng xem xét và suy nghĩ. Những vấn đề thường gặp trong việc thực hiện "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" là thẩm quyền đàm phán, ký kết, phê duyệt, phê chuẩn điều ước quốc tế đã ký kết, ngôn ngữ tiếng Việt của văn bản, tính chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết. Sơ bộ có thể chia làm hai loại sau đây:

 

- Một là, có sự quy định khác nhau giữa "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" của Việt nam và Luật hoặc quy chế (đối với tổ chức quốc tế) về một trong những vấn đề nêu trên. Do nhu cầu chính trị, kinh tế (phải chăng chủ yếu là kinh tế), do eo hẹp thời gian hoặc không thuyết phục được Bên ký kết kia, Việt nam buộc phải chấp nhận giải quyết ngoại lệ so với quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" .

 

Đương cử trờng hợp liên quan đến thẩm quyền uỷ quyền đàm phán và ký kết Hiệp định về vay vốn Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á. Đây là loại Hiệp định mới, thực tiễn ta chưa ký trước thời kỳ "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam".

 

Theo quy định của Việt nam ("Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam"), các loại Hiệp định này được ký kết với danh nghĩa Chính phủ. Như vậy thẩm quyền uỷ quyền đàm phán và ký kết thuộc Thủ tướng Chính phủ. Hiệp định loại này do Thủ tướng phê duyệt.

 

Trong khi đó quy chế của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu á lại quy định các loại Hiệp định vay vốn loại này được ký với các Bên ký kết với danh nghĩa Nhà nước (nhằm tránh trường họp thay đổi Chính phủ) và phải được phê chuẩn.

 

Thực tế thời gian vừa qua do nhu cầu tranh thủ vốn nước ngoài và do không "thuyết phục" được Bên ký kết kia, Việt nam buộc phải ký kết với danh nghĩa Nhà nước và Chủ tịch nước đã uỷ quyền cho cơ quan hữu quan đàm phán và ký kết các Hiệp định loại trên cũng như đã phê chuẩn chúng. Thực tế này đã gây khó khăn không những cho chính cơ quan thực hiện mà gây khó khăn cho cả cơ quan có thẩm quyền (Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước) vì buộc phải giải quyết những trường hợp "ngoại lệ" không phù hợp với quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam". Tình trạng này đôi lúc cũng xảy ra tương tự đối với một số Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Theo "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam", loại Hiệp định này được ký kết với danh nghĩa Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có trường hợp do Luật của Bên ký kết kia quy định khác (với Hungari), nhưng do thời gian gấp và chưa đủ "thuyết phục", Việt nam buộc phải quyết định ký kết với danh nghĩa Nhà nước và Hiệp đinh sẽ được phê chuẩn. Như vậy lại thêm trường hợp "ngoại lệ" đối với "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam".

 

Vấn đề nảy sinh tiếp là những ngoại lệ nêu trên có được coi là cơ sở để các cơ quan khác viện dẫn yêu cầu cơ quan thẩm quyền tiếp tục giải quyết những "ngoại lệ" tương tự tiếp theo hay không. Đây cũng là một vấn đề phức tạp cần được xem xét và đưa ra những phương thức thích hợp. Sửa đổi "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tập quán quốc tế hay là tiếp tục giải quyết trái với các quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam". Có lẽ khả đầu năng sẽ thích hợp và có hiệu quả hơn.

 

- Hai là, không có sự khác nhau về cơ bản giữa các quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" và luật của Bên ký kết kia nhưng đôi lúc có thể do một cơ quan chưa nghiêm túc nghiên cứu thận trọng Quy chế hoặc luật của Bên ký kết kia, có thể muốn "đơn giản hoá" hoặc tiến nhanh quá trình ký kết, gia nhập điều ước quốc tế đa phương nên việc thực hiện đã không phù hợp với "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam".

 

Thí dụ về việc thực hiện uỷ quyền đối ngoại khi tiến hành đàm phán hoặc ký kết điều ước quốc tế.Thời gian vừa qua, một vài cơ quan chủ quản đã không làm thủ tục uỷ quyền đối ngoại trước khi đàm phán hoặc ký kết (tất nhiên là đã có quyết định uỷ quyền nội bộ của Chính phủ hoặc Nhà nước). Sau khi ký Hiệp định một thời gian, do Bên ký kết yêu cầu gửi uỷ quyền đối ngoại mới đề nghị cơ quan chức năng làm thủ tục trên. Thực tế, để đảm bảo nhu cầu đối ngoại và phù hợp với luật điều ước quốc tế buộc ta phải đáp ứng. Trường hợp này không tuân theo quy định của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đã dẫn đến vi phạm một quy định khác là ký uỷ quyèen không đúng với thời gian ký (vì uỷ quyền phải được ký trước ngày ký Hiệp định).

 

Thí dụtiếp theo về việc chưa nghiên cứu thận trọng Quy chế của Bên ký kết kia, gây phức tạp cho việc tiến hành gia nhập Công ước quốc tế đa phương. Theo "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam", các Công ước quốc tế đa phương với danh nghĩa Nhà nước do Chủ tịch nước uỷ quyền gia nhập và phê chuẩn chúng sau khi đã ký. Theo quy định của một tổ chức quốc tế đa phương, các nước có thể gia nhập theo uỷ quyền của Tổng thống hoặc Thủ tướng nhưng phải được các nước đó phê chuẩn.

 

Trong trường hợp này có một vài cơ quan có thể do đơn giản cho rằng trình Thủ tướng sẽ "nhanh" hơn mà không nghĩ rằng, muốn để Công ước có hiệu lực đối với Việt nam, Công ước phải được Chủ tịch nước phê chuẩn (theo "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" cũng như Quy chế của Tổ chức quốc tế). Cuối cùng cũng phải trình Chủ tịch nước để Công ước được phê chuẩn. Rõ ràng sự thiếu thận trọng và nghiêm chỉnh thực hiện "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" đã cản trở quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

 

Qua một vài trường hợp điển hình trên cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ luật lệ của Bên ký kết kia cũng như "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" và các luật lệ liên quan khác để đạt được một văn bản Hiệp định chặt chẽ về mặt pháp lývừa đảm bảo được luật pháp hiện hành của Việt nam đồng thời phù hợp với luật lệ của Bên ký kết kia. Hạn chế đến mức tối thiểu phải giải quyết ngoại lệ trái với luật điều ước quốc tế của Việt nam.

 

- Ba là, ngôn ngữ tiếng Việt và một số quy định khác về văn bản Hiệp định chưa được tuân theo một cách đâỳ đủ và nghiêm chỉnh.

 

Ngôn ngữ tiếng Việt, theo "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam", được coi là một trong hai hoặc ba thứ tiếng làm văn bản điều ước quốc tế của Việt nam (trừ một số điều ước quốc tế quy định chỉ dùng một trong các ngôn ngữ quốc tế chung). Hai năm gần đây, xu hướng ký kết điều ước quốc tế của Việt nam bằng một bản tiếng Anh ngày càng tăng. Như vậy, ngoại lệ của luật đang trở thành thông lệ. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là có tiếp tục tuân theo "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" hay không ? Và cơ sở gì để không tuân theo. Nếu tiếp tục tình trạng trên thì luật sẽ có vai trò gì ?

 

Trường hợp khác đáng chú ý không kém là chưa thực hiện nghiệm chỉnh những quy phạm cơ bản đã dẫn đến việc gây khó khăn cho việc thực hiện Hiệp định đã ký. Thí dụ, trong một số trường hợp trong văn bản của Hiệp định quy định làm bằng ba thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng X và tiếng Anh. theo đúng luật điều ước quốc tế thì cả ba bản đều được ký một lúc và gắn si đóng dấu. Nhưng có một số trường hợp chỉ ký bản tiếng Anh. Còn hai bản tiếng Việt và tiếng X chưa biết lúc nào sẽ được ký. Quá trình ký tiếp theo sẽ không phải dễ dàng, gây khó khăn cho việc thực hiện.

 

 

 

3. Nguyên nhân của những tồn tại trên, sơ bộ có thể do hai nguyên nhân sau:

 

Nguyên nhân chủ quan, có thể do một số cơ quan hữu quan nhận thức chưa hết ý nghĩa của việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật điều ước quốc tế hoặc chưa có đầy đủ thông tin về luật của Bên ký kết kia. Mặt khác, có thể do muốn tiến hành nhanh việc ký kết nên đã "đơn gian hoá" các nguyên tắc lẽ ra phải tuân theo. Kết quả là, chính các cơ quan đó cũng gặp không ít khó khăn khi phải giải quyết những vấn đề phát sinh tiếp theo, nhất là quá trình thực hiện điều ước quốc tế đã ký. Đồng thời đã buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết "hậu quả" vì nhu cầu đối ngoại, chính trị hoặc kinh tế.

 

Nguyên nhân khách quan, là do quá trình phát triển các điều ước quốc tế của Việt nảmtong vài năm gần đây nhanh hơn, đa dạng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực hơn so với thời kỳ trước đổi mới. Vì vậy, có thể nói "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" ở chừng mực nào đó chưa đáp ứng được "nhiệm vụ ngang tầm" lịch sử của nó.

 

Nên chăng để thúc đẩy việc ký kết các điều ước quốc tế của Việt nam trong hiện tại và tương lai cũng như giải quyết những tồn tại, Việt nam tính đến việc phát triển hoá luật điều ước quốc tế của mình. Đồng thời quán triệt các ngành liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh đạo luật đó.

 

4. Sự cần thiết phải ban hành Luật "điều ước quốc tế của Việt nam" thay cho "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" ngày 25 .10.1989.

 

Sự phát triển của điều ước quốc tế của Việt nam trong nửa thế kỷ qua đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác chính trị, ngoại giao, tư pháp, kinh tế, thương mại … giữa CHXHCN Việt nam và các nước cũng như các tổ chức quốc tế.

 

"Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" ngày 25.10.1989 là văn bản luật đầu tiên về Luật điều ước quốc tế của Việt nam, đã vai trò có ý nghĩa và quan trọng như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, do "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam" được ban hành trong thời điểm mà mối quan hệ và hợp tác của Việt nam với Cộng đồng quốc tế chưa thật đa dạng và phong phú. Chủ yếu tập trung với Liên Xô, các nước Đông Âu cũ và các nước XHCN khác. Cũng phải công nhận rằng, trong quá trình xây dựng văn bản "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam", mặc dù đã tham khảo thực tiễn, tham khảo luật của các nước khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là luật và thực tiễn của khối các nước nói trên. Vì vậy, không tránh khỏi những hạn chế nhất định thể hiện trong văn bản. Nhất là thời điểm đó, ta chưa "tiếp xúc" nhiều với luật lệ cuae các nước hiện nay phát triển nhanh quan hệ với Việt nam.

 

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy ngày nay hơn lúc nào hết, đòi hỏi một đạo luật hoàn chỉnh, pháp điển hoá về điều ước quốc tế của Việt nam nhằm đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng của Việt nam trong thời kỳ mới, thời đại của Việt nam sau bình thường hoá quan hệ với Mỹ; Việt nam sau khi trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và Việt nam có quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau.

 

Một đạo luật mới nên chăng được hình thành trên cơ sở của "Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam", đúc kết thực tiễn về ký kết điều ước quốc tế của Việt nam trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời có sự tham khảo toàn diện và có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn và luật điều ước quốc tế của nhiều nước khác nhau.

 

Một đạo luật hoàn chỉnh, phù hợp và có hệ thống về điều ước quốc tế của Việt nam sẽ góp phần thúc đẩy việc ký kết điều ước quốc tế của Việt nam thuận lợi hơn, chặt chẽ hơn, có chất lượng hơn và sẽ thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết có hiệu quả hơn.

 

 

 

 

* *

*

 

 

Điều ước quốc tế của Việt nam đamg ở thời điểm thuận lợi chưa từng có trong quá trình phát triển của mình. Đó là kết quả của chính sách đối ngoại và đối nội của CHXHCN Việt nam trong những năm qua. Đồng thời điều ước quốc tế của Việt nam ngày càng góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn diện của Việt nam với Cộng đồng quốc tế.

 

Điều ước quốc tế của Việt nam đang đứng trước những triển vọng thuận lợi đồng thời cũng đòi hỏi Việt nam những nỗ lực và cố gắng mới để điều ước quốc tế của Việt nam có thể đáp ứng nhiệm vụ ngang tầm thời đại.

Hơn lúc nào hết, việc hợp tác chặt chẽ giữa các ngành hữu quan trong quá trình hoàn chỉnh Luật điều ước quốc tế của Việt nam cungx như thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết là không thể thiếu được ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

quy trình xây dựng luật, pháp lệnh

mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh

và việc thực hiện các điều ước quốc tế

của CHXHCN Việt nam

 

 

Đặng đình Luyến

Văn phòng Quốc hội

 

 

i

quy trình xây dựng luật, pháp lệnh

 

Để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật, phúc đáp yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật, nhất là phục vụ yêu cầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đến nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh. Trung bình mỗi năm Quốc hội xem xét và thông qua khoảng 6-8 luật và Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua khoảng 13-15 pháp lệnh. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Nhà nước ta ngày càng đi vào nền nếp, được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nhất định theo các giai đoạn từ lập chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh cho đến khi công bố luật, pháp lệnh.

 

1. Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

 

 

Bắt đầu mỗi khoá Quốc hội mới hoặc hàng năm các tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật như Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận tổ quốc Việt nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các Đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Uỷ ban pháp luật được giao trách nhiệm tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội và đại diện các tổ chức, cơ quan hữu quan để thẩm tra các kiến nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và làm báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến kiến nghị về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các tổ chức, cá nhân nói trên và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật, Uye ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận tập thể và lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội nghe đại diện Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội thảo luận, Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh theo ý kiến các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua.

 

2. Việc phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

 

Sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã triển khai việc phân công cho các tổ chức cơ quan soạn thảo và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan và yêu cầu xây dựng nội dung của từng dự án luật, pháp lệnh mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho tổ chức, cơ quan soạn thảo. Đối với một số dự án luật, pháp lệnh có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung mới và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn bao gồm đại diện của các tổ chức, cơ quan hữu quan trong đó có một cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo. Song song với việc phân công soạn thảo, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng phân công cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Việc phân công thẩm tra cũng căn cứ vào nhiệm vu, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Vì vậy, Hội đồng dân tộc hoặc cá Uỷ ban của Quốc hội được phân công thẩm tra những dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực do mình phụ trách. Đối với Uỷ ban pháp luật, ngoài việc chủ trì thẩm tra các dự án thuộc lĩnh vực mình phụ trách còn có trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án do Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban khác của Quốc hội thẩm tra nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với một số dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra và một số Uỷ ban khác tham gia thẩm tra.

 

3. Việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh

 

 

Theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn hảo đã lập kế hoạch soạn thảo, xây dựng đề cương dự án, tổ chức việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn những vấn đề có liên quan đến dự án, tổ chức các cuộc hội thảo, tham khảo kinh nghiệm và pháp luật trong nước và nước ngoài, biên soạn dự án luật, pháp lệnh.

 

Trong quá trình soạn thảo, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, theo dõi sát sao tiến độ soạn thảo, nội dung của dự án luật, pháp lệnh. Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban của Quốc hội được phân thẩm tra dự án đã tham gia ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo để sớm có sự thống nhất về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án và các nội dung chủ yếu.

 

Hầu hết các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ soạn thảo đều được thường trực Chính phủ theo dõi chỉ đạo và cho ý kiến trực tiếp. sau đó được tập thể Chính phủ thảo luận, thông qua trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội.

 

Đối với các dự án luật, pháp lệnh khác do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hoặc tổ chức, cơ quan khác soạn thảo thì trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng được tập thể Chính phủ thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự án rồi mới trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

 

4. Việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh

 

 

Việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Mỗi dự án luật, pháp lệnh trước khi được Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua thì đều được Hội ddồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra. Tuỳ theo điều kiện hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội, hoặc tuỳ thuộc và Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua dự án luật, pháp lệnh mà Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn để thể thẩm tra hay chỉ tổ chức phiên họp thường trực Hội đồng dân tộc hoặc thường trực Uỷ ban của Quốc hội để thẩm tra hoặc cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh. Tại các phiên họp thẩm tra, ngoài thành viên của cơ quan chủ trì thẩm tra còn đại diện của cơ quan tham gia thẩm tra (nếu có), đại diện của cơ quan tổ chức hữu quan tham dự. Sau khi nghe đại diện của cơ quan soạn thảo trình bày nội dung dự án, đại diện cơ quan, tổ chức tham dự phiện họp phát biểu ý kiến, các thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra thảo luận và chủ toạ cuộc họp kết luận. Sau phiên họp, cơ quan chủ trì thẩm tra, làm báo cáo thẩm tra trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, có nhiều dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhiều lần, do đó cơ quan thẩm tra cũng tổ chức cuộc họp để co ý kiến hoặc thẩm tra dự án nhiều lần.

 

 

 

5. Việc trình các dự án luật, pháp lệnh

 

 

a) Đối với các dự án pháp lệnh:

 

Việc xem xét, thông qua các dự án pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhưng theo quy định của Hiến pháp 1992, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, thông qua pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao. Sau khi có tờ trình và dự án của cơ quan soạn thảo, báo cáo thẩm tra về dự án pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp. Tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe đại diện cơ quan soạn thảo trình bày nội dung của dự án, đại diện cơ quan thẩm tra trình bày ý kiến của mình, đại diện cơ quan hữu quan, tổ chức trình bày ý kiến của mình, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận và chủ toạ phiên họp kết luận. Để bảo đảm chất lượng nội dung của pháp lệnh, nên có nhiều dự án pháp lệnh. Uỷ ban thưòng vụ Quốc hội cho ý kiến tới 2-3 lần, rồi mới thông qua. Cứ mỗi lần Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì cơ quan soạn thảo đã cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thịn thêm dự án pháp lệnh và chuẩn bị trình Uỷ ban thường vu Quốc hội thông qua tại phiên họp sau.

 

b) Đối với các dự án luật:

 

Việc xem xét thông qua luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.Để đảm bảo tiến độ soạn thảo, chất lượng nội dung của dự án luật trước khi trình ra Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về các dự án luật và quyết định việc đưa các dự án luật vào chương trình kỳ họp Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội nghe cơ quan đại diện soạn thảo trình bày nội dung dự án luật, đại diện Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội, được phân công thẩm tra, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật. Quốc hội tổ chức các cuộc họp theo tổ đại biểu Quốc hội hoặc đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi, thảo luận về dự án luật. Đoàn thư ký của kỳ họp tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội và cùng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội thảo luận từng chương, từng điều của dự án luật, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đoàn thư ký kỳ họp, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện thêm dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp sau. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội thảo luận và thông qua từng chương, điều của dự án luật đã được chỉnh lý và sau đó đại diện đoàn thư ký kỳ họp đọc lại toàn văn dự án luật để Quốc hội biểu quyết thông qua.

 

6. Về việc xin ý kiến Bộ chính trị

 

 

Để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với Nhà nước và xã hội, trong những năm gần đây có nhiều dự án luật, pháp lệnh đã được Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ chính trị, nhất là các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy Nhà nước …đều xin ý kiến Bộ chính trị. Việc xin ý kiến Bộ chính trị thường được tiến hành trong thời gian khi dự án luật, pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hoặc vào thời gian soạn thảo do Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội trình xin ý kiến Bộ chính trị. Sau khi Bộ chính trị cho ý kiến chỉ đạo, cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện thêm dự án để trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

 

7. Việc tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan hữu quan và nhân dân về dự án luật, pháp lệnh.

 

Nhằm thu hút trí tuệ của cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo tổ chức nhiều hội nghị bao gồm đại biểu của nhiều tổ chức, cơ quan hữu quan để trao đổi, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, tổ chức các đoàn về địa phương, cơ sở để khảo sát xin ý kiến hoặc gửi dự án luật, pháp lệnh cho các tổ chức, cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương để xin ý kiến trực tiếp vào văn bản. Đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân được tiến hành như sau: Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị bao gồm đại diện các bộ, các ngành, các tỉnh, thàng phố trực thuộc trung ương để phổ biến về mục đích, yêu cầu, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và nội dung cơ bản của dự án luật. Sau hội nghị này, các bộ, ban, ngành và các địa phương triển khai việc lấy ý kiến của nhân dân, tổ chức các hội nghị hướng dẫn, bồi dưỡng báo cáo viên hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt để trực tiếp cho ý kiến dự luật. Theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức cán bộ, nhân dân tham gia ý kiến về dự án luật và tổng hợp ý kiến gửi lên cấp trên. Ngoài ra, cán bộ nhân dân còn góp ý kiến trực tiếp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo. Cơ quan thẩm tra cùng Văn phòng Quốc hội, cơ quan soạn thảo giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các địa phương và nhân dân và gửi bản tổng kết ý kiến cho cơ quan hữu quan để nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật. Đối với nhiều dự án luật, bản tổng kết ý kiến còn được gửi cho các đại biểu Quốc hội.

8. Việc công bố luật, pháp lệnh

 

 

Việc công bố luật và pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Sau khi thông qua các luật, pháp lệnh phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét lại luật, pháp lệnh đã thông qua được Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực và gửi cho Chủ tịch nước. Trong thời hạn luật định, Chủ tịch nước xem xét, ra quyết định công bố. Riêng đối với pháp lệnh, nếu có vấn đề gì không nhất trí, thì Chủ tịch nước gửi lại Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại. Sau khi Uỷ ban thường vụ xem xét lại, nếu Chủ tịch nước nhất trí thì ra quyết định công bố, còn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào quyết định công bố của Chue tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức cuộc họp báo để công bố luật, pháp lệnh cho các cấp, các ngành và toàn dân biết để thực hiện.

 

 

 

II

 

Về mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh

và việc thực hiện các điều ước quốc tế

mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia

 

Trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh đã được ban hành có quy định về mối quan hệ giữa việc thi hành các văn bản này với việcthực hiện các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia. Nhưng việc quy định vấn đề này ở mỗi văn bản luật, pháp lệnh cũng khác nhau, có thể được chia thành các loại quy định sau đây:

 

1. Trong phàn lớn các luật, pháp lệnh có quy định chung là: nếu điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với luật (pháp lệnh) thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

 

2. Trong loại văn bản thứ hai có quy định việc áp dụng loại văn bản này cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt nam định cư ở nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

 

3. Trong loại văn bản thứ ba quy định về quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nước ngoài được bảo hộ theo quy định của loại văn bản này và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia.

4. Trong loại văn bản thứ tư quy định Nhà nước Việt nam bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

5. Trong loại văn bản thứ năm quy định, khi Chính phủ Việt nam ký kết điều ước quốc tế với Chính phủ nước ngoài về những vấn đề có liên quan đến các quy định của loại văn bản này, thì phải căn cứ vào các quy định đó để ký kết điều ước quốc tế.

 

6. Trong loại văn bản thứ sáu quy định những hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt nam có liên quan đến các quy định của loại văn bản này thì chỉ được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt nam ký kết với Chính phủ hữu quan hoặc được Chính phủ Việt nam cho phép riêng.

 

7. Trong loại văn bản thứ bẩy chỉ quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi vi phạm các quy định của loại văn bản này tại Việt nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

 

Tóm lại, mối quan hệ giữa việc thi hành luật, pháp lệnh và việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia, ở mỗi văn bản luật, pháp lệnh có cách quy định khác nhau. Nhưng trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản luật, pháp lệnh có liên quan đến các lĩnh vực mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế đã quy định, thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta là coi trọng cam kết quốc tế, ưu tiên thực hiện các quy định của điều ước quốc tế khi các quy định này khác với các quy định của luật, pháp lệnh, mặc dù các điều ước quốc tế do Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia ở các cấp độ khác nhau (điều ước quốc tế được ký kết hoặc tham gia nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt nam, nhân danh Chính phủ và điều ước quốc tế do cấp bộ, ngành ký kết).

 

Chúng tôi nhận thấy đây là việc làm cần thiết không chỉ riêng đối với Nhà nước ta mà đối với mọi quốc gia trên thế giới, nhằm bảo đảm các cam kết quốc tế cần được thực hiện nghiêm chỉnh, thể hiện sự thiện chí, lòng tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, góp phần vào việc củng cố hoà bình, an ninh quốc tế và tăng cường mở rông quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa các quốc gia. Tuy nhiên, việc ưu tiên thực hiện các quy định của điều ước quốc tế sẽ ảnh hưởng tới việc thi hành pháp luật của Nhà nước ta. Như trên chúng tôi đã trình bày, việc xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh của Nhà nước ta theo một quy trình rất chặt chẽ, do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất quyết định, còn việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế của Nhà nước được thực hiện ở ba cấp độ khác nhau. Quy trình ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế khác với việc xâydựng luật, pháp lệnh và đơn giản hơn. Song, khi thực hiện chúng ta lại ưu tiên việc thực hiện các cam kết quốc tế hơn là việc thực hiện một số quy định của luật, pháp lệnh khác với cam kết quốc tế. Như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng một quy định của luật, pháp lệnh sẽ không được thi hành trên thực tế, do đó chính sách, chủ trương của Đảng được thể chế hoá trong một số quy định này của pháp luật hoặc ý trí, nguyện vọng của nhân dân được thông qua cơ quan quyền lực Nhà nước để ban hành thành các quy định pháp luật này cũng không được thi hành. Đây là vấn đề mà chúng tôi thấy cần nghiên cứu để có biện pháp khắc phục tình trạng này nhằm bảo đảm việc Nhà nước vừa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của điều ước quốc tế đồng thời cũng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

 

 

III

 

kiến nghị

 

Để đảm bảo chất lượng nội dung của điều ước quốc tế phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chúng ta cần nghiên cứu chặt chẽ quy trình ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế ngay từ việc quyết định ký kết hoặc tham gia đến việc công bố điều ước quốc tế để các cấp, các ngành và nhân dân biết thực hiện.

 

Đối với những người có thẩmt quyền hoặc được uỷ quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế cầm phải được bồi dưỡng, tạo điều kiện để họ nắm chắc các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

Khi chuẩn bị ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế mà có quy định trái với quy định của pháp luật Việt nam thì chúng ta có thể tuyên bố bảo lưu những quy định này, trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định việc bảo lưu thì người có thẩm quyền quyết định việc ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế đó phải báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những quy định của điều ước quốc tế trái với luật hoặc pháp lệnh để có biện pháp xử lý, tránh trường hợp quy định của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia lại khác với các quy định của pháp luật trong nước.

 

Khi các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia có hiệu lực pháp lý thì cần phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố và phổ biến tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân biết thực hiện.

Cân nhắc lại cách quy định trong luật, pháp lệnh để thể hiện thái độ của Nhà nước là vừa coi trọng, nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế đồng thời cũng nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm

pháp luật quốc tế vào pháp luật trong

nước ở cộng hoà pháp và một số nước

châu âu

 

………………………………….

 

Ngyễn văn Bình

 

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với sự phát triển của các quan hệ quốc tế, ngày càng có nhiều điều ước quốc tế đượcký kết trong quan hệ song phương cũng như đa phương. Có người nói rằng ngành luật mới đã hình thành, đó là pháp luật điều ước quốc tế.

 

Vấn đề đặt ta là: quy phạm điều ước quốc tế được áp dụng ở các nước như thế nào ? áp dụng tực tiếp điều ước quốc tế hay chỉ áp dụng quy phạm điều ước quốc tế khi đã được "chuyển hoá" thành quy phạm pháp luật trong nước ? Cho đến nay trên thế giới vẫn có hai quan niệm khác nhau: một là quan niệm nhất hệ (moniste) cho rằng trật tự pháp luật quốc tế và trật tự pháp luật trong nước tạo thành tổng thể thống nhất các quy phạm pháp luật của một nước, và trong tổng thể các quy phạm ấy, quy phạm quốc tế có hiệu lực cao hơn quy phạm trong nước; và hai là quan niệm lưỡng hệ (dualiste) cho rằng hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật trong nước là hai hệ thống pháp luật độc lập, riêng biệt và bình đẳng.

 

Tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm lý luận và thực tiễn quốc tế là việc làm cần thiết giúp ta có thêm kinh nghiệm và hiểu biết trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt nam. Theo tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của Pháp và một số nước Châu Âu về vấn đề chuỷen hoá quy phạm điều ước quốc tế vào quy phạm trong nước, nhất là kinh nghiệm xử lý mối quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế vói quy phạm pháp luật trong nước ở Pháp.

 

I. Kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước.

 

1.Cơ sở pháp lý:

 

Điều 55 Hiến pháp Cộng hoà Pháp quy định: "Các điều ước quốc tế và Hiệp định, đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định, có hiệu lực cao hơn luật, kể từ ngày công bố, với điều kiện điều ước quốc tế và hiệp định đó cũng được Bên kia thực hiện". Với quy định trên đây, Pháp là một trong số rất ít nước mà pháp luật quốc tế được chuyển thẳng vào pháp luật trong nước mà không có sự can thiệp của cơ quan lập pháp quốc gia.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, Điều 55 Hiến pháp hiện hành của Pháp không chỉ quy định các điều ước quốc tế và hiệp định quốc tế mà cả các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế và hiệp định quốc tế cũng đều có hiệu lực cao hơn luật trong nước và được áp dụng tức thì khi điều ước quốc tế và hiệp định đó được phê chuẩn hoặc phê duyệt và được công bố ở Pháp, tất nhiên là với diều kiện có đi có lại như đã nêu ở trên.

 

Pháp quy định điều kiện có đi có lại đối với việc thực hiện điều ước quốc tế là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tình nguyên tắc và lý thuyết. Bởi lẽ, thên thực tế Toà án Pháp không có quyền xác minh và xem xét trường hợp nào có thể xem như Bên kia không thực hiện điều ước quốc tế đã ký kết với Pháp và vì vậy các quy phạm của điều ước quốc tế đó không có hiệu lực thi hành ở Pháp măc dù điều ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định. Thẩm quyền xem xét đánh giá điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện điều ước quốc tế thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Điều kiện này cũng chỉ đặt ra với điều ước quốc tế ngoài khuôn khổ pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Điều kiện có đi có lại trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu, hoàn toàn được thoả mãn bởi vì hệ thống pháp luật của Cộng đồng Châu Âu là một hệ thống hoàn chinhr boa gồm một tổng thể các quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu và trao cho Toà án Châu Âu quyền giám sát và xử lý vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Các hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu đương nhiên bị xử lý và vì vậy các quốc gia thành viên có nghĩa vụ chấm dứt hành vi đó và vì thế điều kiện có đi có lại trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thường xuyên được thoả mãn. Vì vậy Toà án quốc gia không cần xác minh về điều kiện có đi có lại khi áp dụng các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu trong công tác xét xử.

 

Giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật quốc tế trong quan hệ với các quy phạm pháp luật trong nước. Các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu được chuyển hoá thẳng vào pháp luật trong nước theo quy định của Điều 55 của Hiến pháp có phải phù hợp với Hiến pháp Pháp hay không ? Phải chăng các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu là một hệ thống pháp luật riêng, có giá trị cao hơn pháp luật trong nước ? Hay nói một cách khác, việc áp dụng các quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có cần phải xem xét đến tính hợp hiến của các quy phạm này không ? lời giải đáp cho câu hỏi này đặc biệt quan trọng trên hai bình diện:

 

- Thứ nhất, là đảm bảo thế cân bằng quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp;

 

- Thứ hai, là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Luật Hiến pháp Cộng hoà Pháp.

 

Vấn đề này quả thật là một thách đố không nhỏ ít ra là trên phương diện nguyên tắc. Bởi lẽ, tuỳ theo quan điểm về vấn đề này mà các thiết chế quyền lực quốc gia có thẩm quyền do Hiến pháp quy định vẫn phải tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế do các điều ước quốc tế quy định, hay ngược lại, công dân Pháp có quyền không tôn trọng các quy phạm điều ước quốc tế trái với các quy phạm pháp luật trong nước.

 

Về vấn đề này, quan điểm của Pháp khá rõ ràng. Thứ nhất, điều ước quốc tế là một bộ phận hữu cơ của hệ thống pháp luật Pháp; và thứ hai là quy phạm điều ước quốc tế chuyển hoá vào pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp không thể trái với các quy phạm Hiến pháp.

 

Toà án Cộng đồng Châu Âu lại có quan điểm hoàn toàn đối lập và cho rằng việc vi phạm các nguyên tắc hiến định cuả quốc gia không ảnh hưởng gì đến pháp lý và hiệu lực thi hành quy phạm điều ước quốc tế ở các quốc gia thành viên. Nói một cách khác, theo quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu, thì các quy phạm điều ước quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp ở các quốc gia tham gia điều ước quốc tế và có giá trị pháp lý cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước của các quốc gia thành viên kẻ cả quy phạm của Hiến pháp các quốc gia này. Tuy nhiên, Toà án Cộng đồng Châu Âu chấp nhận áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế phải do các Toà án quốc gia đảm nhiệm theo trình tự và thủ tục do pháp luật quốc gia quy định. Như vậy, chỉ có vấn đề trình tự và thủ tục là theo quy định của pháp luật quốc gia, còn nội dung cá quy phạm pháp luật quốc tế là bất di bất dịch.

 

Từ hai quan điểm đối lập trên đây chúng ta có thể rút ra hai nhận xét:

 

- Phải chăng với sự phát triển các quan hệ quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng ở Châu Âu, mà cho rằng quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu là thực tế hơn khi quan niện rằng các quy phạm luật quốc tế nói chung và đặc biệt là các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị pháp lý cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước (cao hơn cả quy phạm Hiến pháp của các nước thành viên).

 

- Mặt khác, xét trên bình diện pháp lý, có lẽ là ngẫu nhiên nếu quan niệm rằng khi điều ước quốc tế có hiệu lực thì pháp luật quốc gia, kể cả ở cấp độ quy phạm Hiến pháp sẽ phải lùi bước trước các quy phạm điều ước quốc tế; bởi lẽ pháp luật điều ước quốc tế nói chung và pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng bắt nguồn từ một điều ước được ký kết giưã các quốc gia thành viên trong khuôn khổ chủ quyền quốc gia và vì vậy được thực hiện ở các quốc gia thành viên phù hợp với chủ quyền quốc gia. Thực ra, điều ước quốc tế được thực hiện hoàn toàn hợp pháp ở mỗi quốc gia thành viên, chính là do các quy phạm hiến định của các quốc gia thành viên cho phép đạt được kết quả đó. Nếu như tiến trình thống nhất Châu Âu có thể dẫn đến việc vô hiệu hoá Hiến pháp của các quốc gia thành viên trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên, thì chí ít ra Hiến pháp quốc giacũng vẫn là cơ sở pháp lý làm căn cứ để xây dựng các quy phạm pháp luật trong nước.

 

2. Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước.

 

a) Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với luật trong nước.

 

 

Nghiên cứu quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với luật trong nước, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc tế nói chung và quy phạm luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước ở Pháp đặt ra 4 vấn đề:

 

Cơ quan lập pháp quốc gia có còn thẩm quyền lập pháp trong một lĩnh vực đã được điều ước quốc tế quy định (cho dù điều ước quốc tế do cơ quan hành pháp ký kết) ? câu trả lời của Pháp về vấn đề này rất rõ ràng: cơ quan lập pháp quốc gia không thể ban hành luật trong lĩnh vực này bởi vì hoặc là một điều khoản nào đó có hiệu lực thi hành trực tiếp của điều ước quốc tế đã quy định hoặc vấn đề đã được quy định tại một vaưn bản thi hành điều ước quốc tế đó.

Trường hợp cơ quan lập pháp quốc gia không tôn trọng quy định nói trên thì đương nhiên xét trong tương quan giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước có thể xem thái độ đó là bất hợp pháp. Nhưng xét trong tương quan nội tại giữa các quy phạm pháp luật trong nước thì câu trả lời thật không đơn giản và khá tế nhị.

Vấn đề này đã được đặt ra với các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu ban hành dưới hình thức văn bản Chỉ thị (Directive): mặc dù với tên gọi văn bản là Chỉ thị, nhưng có thể quy định những vấn đề thuộc lĩnh vực lập pháp của Pháp. Rõ ràng là nếu Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu không chỉ đặt ra mục tiêu định hướng mà còn quy định các biện pháp để đạt mục tiêu đó. Cơ quan lập pháp quốc gia sẽ không có phần thẩm quyền còn lại như điều ước thành lập Cộng đồng Châu Âu quy định.

Vấn đề thứ tư là có những lĩnh vực mà pháp luật Cộng đồng Châu Âu và pháp luật trong nước phải bổ sung cho nhau:

 

Trước hết trong lĩnh vực hình sự chẳng hạn: các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu không có thẩm quyền quy định chế tài hình sự. Pháp luật quốc gia ở đây phải bổ sung pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Trong lĩnh vực này cũng nảy sinh một vấn đề khá tế nhị bởi lẽ, theo thông lệ, luật hình sự Pháp quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu bằng kỹ thuật dẫn chiếu. Trường hợp quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thay đổi sau khi luật hình sự Pháp dẫn chiếu thì sẽ xử lý như thế nào ? Việc dẫn chiếu như vậy liệu còn phù hợp với nguyên tắc theo đó pháp luật hình sự chỉ được hiểu đúng theo nghĩa hẹp nữa không? án lệ Pháp, dù rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách xử lý nhất quán.

 

Quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng những chế tài hình sự của một quốc gia đối với hành vi vi phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu không phảp là không có cơ sở. Toà án Cộng đồng Châu Âu quan niệm rằng một chế tài hình sự đã tuyên theo quy định của một văn bản luật hình sự quốc gia trái với pháp luật Cộng đồng Châu Âu thì bản án đó cũng không phù hợp với pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Như vậy là ngay cả trong lĩnh vực hình sự về nguyên tắc thuộc thẩm quyền lập pháp quốc gia, pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định ở Pháp.

 

Trong lĩnh vực thuế khoá cũng vậy: Cộng đồng Châu Âu có xu hướng tạo nguồn thu riêng bằng thuế (T.V.A) hoặc các khoản thu có tính chất thuế khoá (lệ phí đồng trách nhiệm). Vấn đề đặt ra là các khoản thu như vậy chỉ cần căn cứe vào các quy định của Cộng đồng Châu Âu hay vẫn phải được Nghị viện biểu quyết thông qua theo quy định tại Điều 34 Hiến pháp và quy định tại Luật ngân sách? với tiến trình hội nhập và thống nhất Châu Âu, Pháp quan niệm rằng chỉ cần căn cứ vào quy định của Cộng đồng Châu Âu là đủ để thực hiện các khoản thu cho ngân sách Cộng đồng Châu Âu, bởi lẽ Nghị viện Châu Âu cũng được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

 

b) Quan hệ giữa quy phạm pháp luật quốc tế với quy phạm dưới luật.

 

Theo kinh nghiệm của Pháp có ba vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu và phân tích quan hệ giữa điều ước quốc tế với quy phạm dưới luật trong nước.

 

- Trừ một trường hợp có những khó khăn về cơ sở pháp lý của việc chuyển hoá như đã nêu ở trên, pháp luật quốc gia là cần thiết để bổ sung cho các quy định của pháp luật quốc tếvà pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Trường hợp này thường gặp nhất là đối với các văn bản dưới luật. Các quốc gia thành viên thường phải ban hành các văn bản quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy phạm của pháp luật quốc tế. Về phương diện kỹ thuật văn bản, hoàn toàn có thể ghi căn cứ vào một quy phạm quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu để ban hành quy phạm dưới luật trong nước. Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, ngày nay các văn bản quy phạm dưới luật trong hệ thống pháp luật của Pháp hoàn toàn có thể căn cứ vào quy phạm pháp luật quốc tế hay quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

- Đối với các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, Toà án Cộng đồng Châu Âu khẳng định quan điểm rằng chỉ văn bản quy phạm nào của Cộng đồng Châu Âu có quy định các quốc gia thành viên ban hành các quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, thì các quốc gia thành viên mới ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Điều này cũng dễ lý giải, bởi nếu các nước thành viên ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành quy phạm Cộng đồng Châu Âu tràn lan có thể dẫn đến tình trạng quy phạm Cộng đồng Châu Âu được thực thi không nhất quán ở các quốc gia thành viên do việc hướng dẫn thi hành khác nhau.

- Trường hợp quy phạm quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng đê cập đến những vấn đề thuộc thẩm quyền lập quy của Pháp, thì Pháp cần phải ban hành văn bản lập quy để "tái thể hiện" quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu trong quy phạm lập quy của Pháp.

 

c) Quan hệ giữa quy phạm điều ước quốc tế và việc thực thi pháp luật của Toà án quốc gia.

 

án lệ của Toà án Hiến pháp của Pháp cho rằng cơ sở pháp lý hiến định tại Điều 55 Hiến pháp về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước không quy định thẩm quyền của Toà án Hiến phảptong việc kiểm tra tính phù hợp của các quy phạm trong nước với quy phạm pháp luật quốc tế. Vậy phải chăng vấn đề này phải do Toà án giải quyết khi có xung đột giữa quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật trong nước về cùng một vấn đề?

 

Trước khi tìm lời giải đáp vấn đề này, xin giới thiệu cơ chế giải quyết xung đột giưa pháp luật Cộng đồng Châu Âu và pháp luật Pháp trong quá trình thực thi pháp luật trước Toà án. Nói một cách khác là phân tích những điều kiện, theo đó các Toà án quốc gia phải áp dụng Điều 177 Hiệp ước Roma về thành lập Cộng đồng Châu Âu: nguyên tắc là khi một quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu được viện dẫn trước một Toà án quốc gia và nếu quy phạm đó khó hiểu, thì bất kỳ Toà án nào cũng có quyền yêu cầu Toà án Cộng đồng Châu Âu giải tích quy phạm này, và nều là trước Toà án tối cao hoặc các Toà án khác xét xử chung thẩm thì Toà án này có nghĩa vụ phải đề nghị Toàn án Cộng đồng Châu Âu giải thích.

 

Hai Toà án tối cao Pháp: Toà phá án và Toà Hành chính tối cao là các cơ quan xét xử tối cao đều cho rằng cơ quan xét xử tối cao của một quốc gia không thể từ bỏ quyền giải thích pháp luật một cách đương nhiên và đơn giản như vậy, cho dù là quy phạm pháp luật quốc tế đã được chuyển hoá thành quy phạm pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp hay là quy phạm pháp luật trong nước. Hai Toà án tối cao tư pháp và hành chính Pháp đều cho rằng mặc dù Điều 177 của Hiệp ước Roma quy định như vậy, nhưng không phải trong mọi trường hợp, cứ có vấn đề giải thích quy phạm Hiệp ước Roma đặt ra là Toà án phải nhất thiết và đương nhiên chuyển việc giải thích pháp luật cho Toà án Cộng đồng Châu Âu. Theo quan điểm này, bất kỳ Toà án nào cũng có quyền giải thích quy phạm mà mình áp dụng để xử lý tranh chấp bất kể đó là quy phạm nước mình, quy phạm pháp luật nước ngoài hay quy phạm pháp luật quốc tế, một khi không có vấn đề gì phải bàn cãi về ý nghĩa của quy phạm đó nữa. Măc dù quan điểm này khác xa quan điểm của Toà án Cộng đồng Châu Âu và cũng còn bị nhiều người chỉ trích, nhưng có lẽ cũng không trái với Hiệp ước Roma về thành lập Cộng đồng Châu Âu.

 

Xét trên phương diện pháp lý, các Toà án tối cao của quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu chỉ có nghĩa vụ tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu khi thực sự có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu: như vậy là chỉ khi nào có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu mà Toà án tối cao quốc gia không giải thích được, mới phải tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu. Nếu quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu rõ ràng, nếu việc giải thích quy phạm không có vấn đề gì khó khăn, thì vấn đề giải thích quy phạm cũng không đặt ra, và như vậy cũng không tồn tại nghĩa vụ tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu. Cách xử lý như vậy về vấn đề giải thích quy phạm pháp luật trong nước từ lâu đã trở thành án lệ của Toà án tối cao Pháp. Cách xử lý như vậy nay cũng được vận dụng trong vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Xét về bình diện đường lối xứt xử, cũng khó có thể có cách xử lý nào khác được. Bởi lẽ trên thực tế khó có thể hình dung trường hợp các Toà án tối cao của quốc gia phải chịu bó tay không xét xử được chỉ vì một người đã lợi dụng một cơ hội nào đó để yêu cầu giải thích một đieèu khoản của Hiệp ước Roma, nhiều khi không có liên quan gì đến vụ việc đang xem xét trước Toà, chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian xử lý của Toà án quốc gia, như vậy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người khiếu kiện vì phải chờ quá lâu. Vì vậy nếu như lời văn của Hiệp ước Roma, nhìn bề ngoài theo câu chữ là tuyệt đối, cũng cần được áp dụng một cách hợp lý.

 

Có thể nói rằng, không riêng gì Toà án Pháp xử lý vấn đề này như vậy, mà có lẽ Toà án tối cao ở tất cả các quốc gia thành việc Hiệp ước Roma đều xử lý như vậy: Quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu bao giờ cũng rõ ràng, không có vấn đề giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu cần tham vấn Toà án Cộng đồng Châu Âu.

 

Tuy nhiên, cách xử lý như vậy cũng đặt ra ba vấn đề cần phải suy nghĩ: trước hết, xử lý như vậy phải chăng đã không tôn trọng "tinh thần" của Điều 177 Hiệp ước Roma, bởi lẽ mục đích của Điều này là giao cho các cơ quan tài phán duy nhất thẩm quyền giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu để bảo đảm có được sự giải thích thống nhất ở tất cả các nước thành viên trong trường hợp Hiệp ước hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Hiệp ước thực sự có những khó khăn trong việc giải thích. Và rất có thể là cách xử lý như vậy sẽ dẫn đến hậu quả là án lệ của các nước Cộng đồng Châu Âu, về giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, hình thành trên cơ sở quan niệm pháp luật khác nhau của các quốc gia thành viên nên có những giaỉ thích khác nhau ở các nước về cùng một quy phạm. Về vấn đề này, án lệ của Tham chính viện Pháp (Toà Hành chính tối cao) cũng không nhất quán: nếu như có lúc Tham chính viện cho rằng nên căn cứ trực tiếp vào quy định của Hiệp ước hơn là căn cứ vào lời giải thích quy phạm của Toà án Cộng đồng Châu Âu, thì cũng không nên quên rằng, nhìn ching Tham chính viện vẫn căn cứ vào lời giải thích quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu của Toà án Cộng đồng Châu Âu. Vì vậy có thể kết luận rằng về vấn đề này vẫn còn những mâu thuẫn nhất định giữa quan niệm chung của Cộng đồng Châu Âu và cách xử lý vấn đề ở các nước thành viên.

 

 

d) Về quan hệ thứ bậc quy phạm giữa quy phạn pháp luật quốc tế và quy phạm pháp lụât trong nước

 

Nghiên cứu vấn đề này, trước hết cần xem xét quan hệ thứ bậc giữa quy phạm quốc tế nói chung và đặc biệt là quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu với quy phạm pháp luật trong nước ban hành trước khi các quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu có hiệu lực. Hơn nữa quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật công đồng Châu Âu nói ở đây còn tuỳ thuộc đó là quy phạm của chính điều ước quốc tế hoặc Hiệp ước của Cộng đồng Châu Âu hay đó chỉ là quy phạm trong các văn bản hướng dẫn thi hành điều ước quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Đối với các quy phạm quốc tế hoặc Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp ở Pháp, vấn đề quan hệ thứ bậc so với các quy phạm trong nước không đặt ra: đương nhiên quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có thứ bậc quy phạm trong nước. Trong những lĩnh vực liên quan, các quy phạm trong nước đã ban hành trước đây, trái với các quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu sẽ không có hiệu lực thi hành nữa. Việc xem xét tính hợp pháp của các quy phạm mới chỉ căn cứ vào quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành mà không căn cứ vào quy phạm pháp luật trong nước hiện hành trước khi có quy phạm quốc tế hoặc Châu Âu nữa.

 

Tuy nhiên, ở đây có vấn đề thẩm quyền lập pháp lập quy đặt ra: bởi lẽ, ở Pháp thẩm quyền văn bản quy phạm được quy định khá rõ ràng, vậy thì, liệu quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có thể quy định thẩm quyền lập pháp hay lập quy cho hệ thống quy phạm pháp luật trong nước hay không? lý thuyết cũng như thực tiễn Pháp cho thấy rõ ràng rằng quy phạm quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu không có thẩm quyền lập pháp hay lập quy đối với quy phạm trong nước: có nghĩa là quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu không thể uỷ quyền cho Chính phủ Pháp sửa đổi các quy phạm lập pháp (luật) bằng một văn bản lập quy (Sắc lệnh). Như vậy, trường hợp một quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu liên quan đến vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp của Pháp, nhưng không đủ cụ thể để áp dụng trực tiếp, thì cơ quan lập pháp quốc gia có thể phải ban hành văn bản, đề quy định chế tài hình sự, hoặc quy định các biện pháp thuế khoá, hoặc uỷ quyền cho Chính phủ ban hành các quyđịnh cần thiết để hướng dẫn thi hành quy phạm điều ước quốc tế hoặc quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

Ngược lại việc xử lý xung đột giữa pháp luật quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu với quy phạm trong nước ban hành sau khi quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Cộng đồng Châu Âu đang có hiệu lực là cả một vấn đề khó khăn và nan giải ở Pháp. Cách xử lý của Pháp về vấn đề này tuỳ thuộc vào quy phạm trong nước là quy phạm lập quy hay quy phạm lập pháp.

 

- Đối với quy phạm lập quy trong nước, cách xử xử lý xung đột ở Pháp rất đơn giản: sắc lệnh hay nghị định của Pháp mới ban hành mà trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành trong trường hợp quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu có hiệu lực thi hành trực tiếp (không phải là văn bản giải thích và hướng dẫn thi hành) thì sắc lệnh hay nghị định đó sẽ bị tuyên là bất hợp pháp, bởi hai lẽ: một là, vì trái với quy phạm, xét về bản chất, ở Pháp có các cơ quan tài phán có chức năng và thẩm quyền xem xét và phán quyết về tính hợp pháp của các văn bản dưới luật.

- Ngược lại, đối với văn bản ban hành sau mà trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành, thì việc xử lý quả là khó khăn và cũng hết sức tế nhị. Điều này hoàn toàn không chỉ là một giả định sách vở. Cho dù các cơ quan công quyền đều có ý thức tôn trọng pháp luật quốc tế, cũng khó tránh khỏi một số văn bản luật trong nước trai với các quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu. Thực tế, quan điểm của hai cơ quan tài phán tối cao Pháp (Toà phá án và Toà hành Chính tối cao) về vấn đề này trái ngược nhau.

Toà phá án Pháp cho rằng quá trình thực thi pháp luật, gặp trường hợp quy phạm pháp luật trong nước ban hành sau, nhưng lại trái với quy phạm quốc hoặc quy phạm Châu Âu hiện hành, thì áp dụng quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu, mà không áp dụng quy phạm trong nước, mặc dù Toà phá án không có thẩm quyền huỷ bỏ quy phạm pháp luật trong nước. Nhưng gặp trường hợp xung đột nêu trên, Toà án căn cứ vào Điều 55 Hiến pháp quy định thứ bậc cao hơn của quy phạm quốc tế, so với quy phạm trong nước cho dù là ban hành sau để áp dụng quy phạm quốc tế mà không áp dụng quy phạm trong nước. Hơn nữa Hội đồng bảo hiểm của Pháp quan niệm rằng việc xem xét tính thứ bậc cao hơn của quy phạm quốc tế, so với quy phạm trong nước không thuộc thẩm quyền của Hội đồng bảo hiểm, vì vậy việc tôn trọng thứ bậc quy phạm giữa hai loại quy phạm này thuộc thẩm quyền Toà án, và trong hệ thống Toà tư pháp chủ yếu thuộc thẩm quyền của Toà phá án. Vì vậy Toà phá án có thẩm quyền xử lý xung đột giữa quan hệ quy phạm pháp luật quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu với quy phạm trong nước, kể cả quy phạm lập pháp (luật).

Tham chính viên Pháp (Toà hành chính tối cao) lại có quan điểm ngược lại: trường hợp quy phạm luật trong nước ban hành sau, dù có trái với quy phạm quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu ban hành trước, Toà án Pháp chỉ có thể áp dụng quy phạm trong nước. Quan điểm này của Tham chính viện Pháp dựa trên ba căn cứ sau đây:

Các điều ước quốc tế (hay Cộng đồng Châu Âu ) chỉ được chuyển hoá vào hệ thống pháp luật trong nước, theo đúng quy định của Hiến pháp, vì vậy chỉ có thể áp dụng điều ước quốc tế (hoặc Châu Âu) trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp;

- Tham chính viện, cũng như các cơ quan tài phán chuyên biệt khác, chỉ có thẩm quyền theo quy định, và vì vậy, không có quyền quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của mình;

- Nhiệm vụ của Tham chính viện là áp dụng, cho dù đạo luật được ban hành sau khi có điều ước quốc tế mà lại trái với điều ước quốc tế, vì đạo luật mới thể hiện ý chí mới nhất của cơ quan lập pháp, nên Tham chính viện có nghĩa vụ tôn trọng và không có quyền phán quyết và huỷ bỏ luật.

 

Như vậy không có nghĩa là Tham chính viện xem thường nguyên tắc hiến định nêu tại Điều 55 Hiến pháp về hiệu lực pháp lý của pháp luật quốc tế cao hơn quy phạm pháp luật trong nước. Nhưng Tham chính viện cho rằng quy phạm điều ước quốc tế chỉ được áp dụng ở Pháp theo đúng quy định của Hiến pháp, Toà án không thể xem thường tính cân bằng giữa các cơ quan quyền lực do Hiến pháp quy định. Nói một cách khác, Tham chính viện cho rằng, Toà án được lập ra là để áp dụng pháp luật vào công tác xét xử, không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của đạo luật, càng không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các quy phạm quốc tế được chuyển hoá vào pháp luật trong nước theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp. Chính vì vậy, khi Nghị viện đã thông qua một đạo luật, kể cả trong trường hợp trái với quy phạm của luật quốc tế hoặc quy phạm Châu Âu, Toà án trong phạm vi thẩm quyền Hiến pháp quy định, chỉ có thể áp dụng luật mà thôi.

 

Như vậy Tham chính viện, vì muốn tôn trọng nguyên tắc cơ bản về phân lập quyền lực giữa quyền lập pháp và quyền tư pháp, nên đã cho rằng nghĩa vụ hiến định về việc tôn trọng điều ước quốc tế nếu có đặt ra, cũng chỉ là nghĩa vụ đối với các cơ quan lập pháp mà thôi.

 

Tóm lại, Tham chính viện cũng như Hội đồng Bảo hiểm của Pháp, căn cứ vào những nguyên tắc hiến định của Pháp, đều cho rằng; là cơ quan tài phán có thẩm quyền chuyên biệt theo quy định, mình không có quyền giám sát việc tôn trọng nguyên tắc thuộc thẩm quyền duy nhất của Nghị viện. Tham chính viện đã không cho phép mình phán quyết về sự tôn trọng thứ bậc quy phạm đối với một văn bản do Nghị viện thông qua.

 

Nếu quan điểm của hai Toà án tối cao Pháp (Hành chính và Tư pháp) khác nhau về vấn đề này, có thể lý giải vì bản chất thẩm quyền của Toà Tư pháp tối cao và Toà Hành chính tối cao khác nhau:

 

- Đối với Toà phá án, về đề chỉ đơn thuần là lựa chọn giữa hai quy phạm pháp luật, cần phải áp dụng quy phạm nào để xét xử một vụ việc nhất định;

- Đối với Tham chính viện, vấn đề hoàn toàn khác bởi lẽ phải xem xét tính hợp hiến của một đạo luật

- Vấn đề còn lại là hiệu lực pháp lý của đạo luật trái với quy phạm điều ước quốc tế sẽ bị "bãi bỏ" hay chỉ đơn giản là "không được áp dụng" nữa. Hai cách xử lý có ý nghĩa rất khác nhau:

- Nếu quy phạm trong nước trái với quy phạm quốc tế bị "bãi bỏ", có nghĩa là hoàn toàn không có hiệu lực kể cả đối với những người không phải là công dân của các nước thành viên, lẽ ra không được viện dẫn đến quy phạm quốc tế mà nước mình không ký kết hoặc tham gia.

- Nếu quy phạm trong nước chỉ "không được áp dụng" nữa, đối với những người là công dân của các nước thành viên, thì vẫn có hiệu lực với những người là công dân của các nước không tham gia điều ước quốc tế, là những người không có quyền đòi hỏi áp dụng quy phạm quốc tế hay Cộng đồng Châu Âu, trong khi quy phạm pháp luật trong nước của Pháp quy định khác.

 

Cách xử lý vấn đề này ở Pháp thiếu nhất quán giữa các hệ thống cơ quan tài phán: Hội đồng bảo hiểm khẳng định mình không có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các quy phạm quốc tế được chuyển hoá vào pháp luật Pháp theo quy định tại Điều 55 Hiến pháp, vì vậy nếu có xung đột giữa quy phạm điều ước quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu với quy phạm trong nước của Pháp, thì chỉ áp dụng quy phạm điều ước quốc tế với công dân của các nước thành viên. Tham chính viện lại cho rằng xung đột giữa quy phạm điều ước quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu với quy phạm pháp luật trong nước là xung đột khách quan, nên bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu xem xét, bãi bỏ quy phạm pháp luật trong nước trái với quy phạm pháp luật quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Toà phá án Pháp lại cho rằng trong trường hợp xung đột giữa quy phạm pháp luật quốc tế hoặc Cộng đồng Châu Âu voứi quy phạm pháp luật trong nước thì chỉ không áp dụng quy phạm pháp luật trong nước với công dân các nước thành viên của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Cộng đồng Châu Âu, còn công dân các nước không phải là thành viên Công ước quốc tế hay pháp luật Cộng đồng Châu Âu thì vẫn áp dụng quy phạm pháp luật trong nước. Tất nhiên quan điểm này của Toà phá án Pháp có lẽ cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý xung đột giữa hai loại quy phạm trong việc lựa chọn quy phạm để áp dụng vào việc xét xử một vụ việc nhất định, và, vì thế có lẽ không hẳn trái ngược với quan điểm của Toà Tham chính viện, xét về phương diện bản chất.

 

Tóm lại, có lẽ nói chính xác về cách xử lý nói chung của Pháp trong trường hợp xung đột này là quy phạm pháp luật trong nước, ban hành sau, mà trái với quy phạm quốc tế hoặc của Cộng đồng Châu Âu sẽ "không còn hiệu lực thi hành" thì đúng hơn là bị "bãi bỏ".

 

Điều đáng lưu ý ở đây là, cho dù có ý kiến khác nhau, nhưng cả Hội đồng bảo hiểm, Toà phá án và Tham chính viện Pháp đều căn cứ vào Hiến pháp để đưa ra lập luận của mình. Vậy Toà án Cộng đồng Châu Âu lại khẳng định rằng quy phạm Cộng đồng Châu Âu trong mọi lĩnh vực đều có giá trị pháp lý cao hơnm pháp luật trong nước, kể cả trường hợp quy phạm pháp luật trong nước ban hành sau. Như vậy là vẫn có sự khác nhau trong quan điểm của các cơ quan tài phán Pháp với Toà án Cộng đồng Châu Âu. Vấn đề là ở chỗ, phải chăng Hiệp ước Roma, mặc dù có những đặc thù riêng, vẫn là một điều ước quốc tế như bất cứ một điều ước quốc tế nào khác và chỉ được áp dụng đúng theoe các nguyên tắc hiến định của quốc gia, hay Hiệp ước Roma về thành lập cộng đồng Châu Âu là một điều ước quốc tế đặc biệt, theo đó các quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu phải tuân thủ một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề xung đột nêu trên cũng ít xảy ra.

 

Sau khi giới thiệu khá chi tiết về kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước đặc biệt là kinh nghiệm xử lý mối quan hệ giữa quy phạm điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước trong quá trình thực thi pháp luật, chúng tooi xin giới thiệu vắn tắt về kinh nghiệm của một số nước Châu Âu (Đức, Anh, Italia và Hà Lan).

 

II. Cộng hoà liên bang đức

 

Nghiên cứu Hiến pháp Cộng hoà liên bang Đức (đạo luật cơ bản) 1949 có thể nhận thấy rằng Đức theo quan điểm "lưỡng hệ". Tuy nhiên đạo luật cơ bản của Đức không loại trừ việc hạn chế một phần chủ quyền quốc gia vì lợi ích của tổ chức quốc tế; Theo đó khi các quy phạm điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành sẽ được chuyển hoá không khó khăn gì vào pháp luật trong nước.

Vấn đề xung đột giữa các quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước được xử lý ở Đức mỗi thời kỳ một khác nhau: hai quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang Đức năm 1967 và năm 1974 về vấn đề này theo hai cách xử lý khác nhau. Năm 1967, Toà án Hiến pháp liên bang khẳng định ưu thế của quy phạm pháp luật quố tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng so với quy phạm pháp luật trong nước, kể cả quy phạm Hiến pháp. Năm 1974 Toà án Hiến pháp liên bang lại đưa ra một giải pháp khác (nếu không muốn nói là giải pháp "số lùi"). Theo quyết định này, Toà án Hiến pháp liên bang khẳng định rằng quy phạm điều ước quốc tế và Châu Âu chỉ đước chuyển hoá thành quy phạm pháp luật trong nước nếu không trái với những nguyên tắc dân chủ hiến định. Từ quyết định trên, có thể rút ra kết luận rằng Cộng hoà liên bang Đức cũng như Pháp, chỉ chấp nhận về nguyên tắc, chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu thành quy phạm pháp luật trong nưóc trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến của quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu.

 

Như vậy, Đức cũng như Pháp chưa chấp nhận tính ưu thế của quy phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu so với quy phạm pháp luật trong nước.

 

III. Cộng hoà Italia

 

Hiến pháp hiện hành của Cộng hoà Italia được ban hành ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nên vẫn mang tư tưởng "lưỡng hệ" từ thời quân chủ, nhưng cũng chấp nhận một phần chủ quyền quốc gia vì quyền lợi của tổ chức quóoc tế. Tư tưởng này được thể hiện trong các ĐIũu 10,11 của Hiến pháp Italia. Vì vậy khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Ita lia không cần phảI sửa đổi Hiến pháp.

 

Tuy nhiên, án lệ của Toà án Hiến pháp Ita lia về vấn đề quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu với quy phạm pháp luật trong nước lại cũng không nhất quán và theo hướng trái ngược với án lệ của Toà án Hiến pháp Đức.

 

Thời kỳ đầu, Toà án Hiến pháp Italia khẳng định tính ưu việt của Hiến pháp Italia so với quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu. Quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu chỉ được chuyển hoá vào pháp luật trong nước trên cơ sở ơhù hợp với Hiến pháp Italia. Những năm gần đây, Toà án Hiến pháp Italia lại khẳng định rằng pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu có giá trị pháp lý cao hơn quy phạm pháp luật quốc gia kể cả quy phạm Hiến pháp. Tuy nhiên, Toà án Hiến pháp Italia là cơ quam duy nhất có thẩm quyền phán xét vấn đền này.

 

IV. Vương quốc Anh

 

Hệ thống pháp luật Anh mang hai đắc thù chủ yếu sau đây:

 

1. Anh theo quan điểm "lưỡng hệ", theo đó chủ quyền tuyệt đối thuộc về Nghị viện: công dân Anh chỉ có nghĩa vụ tôn trọng các quy định do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Anh ban hành. Theo đó mọi quy phạm Điều ước quốc tế liên quan đến các công dân Anh chỉ được áp dụng khi đã được "tái hiện" trong các quy phạm pháp luật trong nước do các cơ quan có thẩm quyền của Anh ban hành.

 

2. Đặc thù thứ hai của hệ thống pháp luật của Anh là không có Hiến pháp, mọi quy phạm pháp luật đều được quy định trong các đạo luật thông thường, cho nên rất có thể một quy phạm do đạo luật này quy định lại bị một quy phạm của đạo luật khác bãi bỏ.

 

Với hai đặc thù nếu trên, Anh khó chấp nhận một hệ thống pháp luật quốc tế nói chung và hệ thống pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng, với những quy phạm có hiệu lực thi hành "trực tiếp" ở các quốc gia thành viên và với "tính bất khả đảo ngược" của các cam kết quốc tế. Có lẽ vì vậy mà một số người vẫn chưa tin vào khả năng Anh thực sự muốn gia nhập Cộng đồng Châu Âu (một cách trọn vẹn). Thực tế là nhiều năm sau khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Anh vẫn cho rằng việc thảo luận lại điều kiện Anh gia nhập Cộng đồng Châu Âu là việc làm bình thường, thậm chí Anh còn đề nghị đưa việc này ra trưng cầu dân ý toàn quốc. Cách xử lý của Anh về mối quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước có vẻ là trái Logic thông thường. Nhưng ít ra chúng ta có thể rút ra kết luận rằng Anh chỉ chấp nhận các quy phạm pháp luật quốc tế cũng như quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng trên cơ sở không trái với các quy phạm trong nước.

 

Riêng về quan hệ giữa quy phạm pháp luật Anh và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu, Anh đã tiến hành chuyển hoá quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu voà quy phạm pháp luật trong nước bằng một đạo luật thông thường: "European Communities Act" (Luật Cộng đồng Châu Âu) ngày 17.10.1972. Tại văn bản luật này, Anh đã giải quyết ba vấn đề cơ bản sau đây:

- Được chuyển hoá vào pháp luật Anh không chỉ riêng các quy định tạI Điều ước thành lập Cộng đồng Châu Âu mà chuyển hoá tổng thể các quy phạm có hiệu lực thi hành trực tiếp hay gián tiếp đã được ban hành trước;

 

- Cũng sẽ được chuyển hoá thành pháp luật Anh các văn bản pháp luật Cộng đồng Châu Âu được ban hành về sau này, nhất là các quy định thông qua tại Bruc-xen;

 

- Nghị viện Anh không từ bỏ quyền giám sát trước đối với các quan đIún mà Chính phủ Anh có thể đưa ra tại các thiết chế của Cộng đồng Châu Âu.

 

Quan cách xử lý của Anh về quan hệ giữa quy phạm Điều ước quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng với quy phạm pháp luật trong nước, có thể rút ra hai nhận xét sau đây:

 

- Việc quy định quan hệ giữa Anh với Cộng đồng Châu Âu nói riêng và với Cộng đồng quốc tế nói chung bằng một đạo luật thông thường của Nghị viện cũng có nghĩa rằng Nghị viện có thể bãi bỏ đạo luật này bất cứ lúc nào;

 

- Mặt khác, cách xử lý của Anh xét về phương diện hình thức, có thể suy ra rằng Anh chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế nói chung và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu nói riêng vào pháp luật trong nước trên cơ sở sự phù hợp với các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà Anh xem như là nguyên tắc có tính chất Hiến định.

 

V. Hà Lan

 

Hà lan theo quan điểm "lưỡng hệ" điển hình ở Châu Âu. ngay từ khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu, Hà lan đã sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với các cam kết quốc tế của mình.

 

Điều 66 sửa đổi Hiến pháp Hà lan quy định: "không áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật Hà lan trong trường hợp việc áp dụng các quy định này tráI với các quy định bắt buộc của các Điều ước quốc tế mà Hà lan ký kết hoặc tham gia".

 

Điều 67 sửa đổi Hiến pháp của Hà lan quy định: "... có thể uỷ nhiệm một số quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các tổ chức quốc tế theo quy định của một số Điều ước quốc tế ..."

 

Phân tích nội dung hai Điều 66 và 67 Hiến pháp Hà lan có thể rút ra hai kết luận sau:

 

- Luật hiến pháp Hà lan hoàn toàn phù hợp với các quy phạm của pháp luật Cộng đồng Châu Âu bởi vì Hiến pháp của Hà lan quy định giá trị pháp lý của quy phạm pháp luật của Cộng đồng Châu Âu nói riêng và quy phạm của pháp luật quốc tế nói chung cao hơn hẳn giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật trong nước;

 

- Mặt khác, khong thể lý giải được một cách rạch ròi tính ưu việt của các quy phạm pháp luật quốc tế và quy phạm pháp luật Cộng đồng Châu Âu so với quy phạm pháp luật trong nước là do Hiến pháp Hà lan quy định hay do hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật Cộng đồng Châu Âu quy định, bởi lẽ trên thực tế không thể phát sinh bất kỳ xung đột nào về vấn đề này.

 

Một vàI suy nghĩ so sánh

Thay lời kết luận

 

Qua tìm hiểu kinh nghiệm của các nước, so sánh với lí luận và thực tiễn pháp luật đIều ước quốc tế của Việt nam, xin nêu một vài suy nghĩ so sánh thay lời kết luận.

 

1. Trên thế giới có hai trường phái ( 2 quan niệm) về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước: quan niệm nhất hệ (moniste) và quan niệm lưỡng hệ ( dualiste) như đã trình bày ở trên. Việt nam có lẽ thuộc trường phái nhất hệ : Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có hiệu lực thi hành trực tiếp tại Việt nam, sau khi đã được ký kết, phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng thủ tục mà pháp luật Việt nam quy định, tuy nhiên Việt nam cũng đặt ra đIũu kiện có đi có lại trong việc thực hiện Điều ước quốc tế (Điều 11 khoản 1 pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ) như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế. Việt nam cũng không loại trừ việc ban hành văn bản trong nước, trong trường hợp cần thiết, để thực hiện Điều ước quốc tế (Điều 11 khoản 6 pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ), đIũu này càng thể hiện rõ ý chí của Việ nam trong việc thực hiện Điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hoặc tham gia.

 

2. Việt nam không quy định cơ sở pháp lý cho việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở văn bản cao nhất (Hiến pháp) như nhiều nước khác. Phải chăng nên quy định diều này ở văn bản cao nhất về pháp luật quốc tế của Việt nam – cụ thể là ở dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Điều ước quốc tế (hay ở dự luật Điều ước quốc tế của Việt nam trong tương lai).

 

3. Về quan hệ thứ bậc giữa quy phạm Điều ước quốc tế với quy phạm pháp luật trong nước, có lẽ Việt nam (đã thể hiện qua văn bản luật hiện hành) đặt vị trí của Điều ước quốc tế sau Hiến pháp: Điều 146 Hiến pháp 1992 quy định Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất và mọi văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp (thiết nghĩa kể cả Điều ước quốc tế). Hơn nữa pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế có quy định việc Điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật và pháp lệnh (Điều 4 khoản 1) – và thông thường các văn bản pháp luật Việt nam thường có điều khoản quy định trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế. Vậy nên chăng quy định vào văn bản pháp luật cao nhất của Việt nam về Điều ước quốc tế một điều để khỏi phải nhắc lại ở tất cả các văn bản khác, nếu điều này đã thực sự trở thành nguyên tắc.

 

Tuy nhiên ở đây có mấy vấn đề cần phải suy nghĩ cân nhắc:

 

Quy định như vậy thể hiện rõ cam kết của Việt nam có hiệu lực pháp lý cao nhất (cao hơn cả luật trong nước) có lẽ rất phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Việt nam.

 

Vấn đề là ở chỗ hiện tại Việt nam có 3 loại Điều ước quốc tế: danh nghĩa Nhà nước; danh nghĩa Chính phủ và danh nghĩa Bộ, Ngành. Vậy phải chăng mọi Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đều có giá trị cao hơn các quy phạm pháp luật trong nước? ở đây có vấn đề thẩm quyền: Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước là thể hiện ý chí của Nhà nước thông qua người đại diện cao nhất theo quy định của pháp luật Việt nam về phương diện đối ngoại là Chủ tịch nước ký hoặc phê chuẩn, và nếu cần có thể trình Quốc hội phê chuẩn, không có vấn đề lớn về thẩm quyền cần bàn. Nhưng Điều ước danh nghĩa Chính phủ và nhất là Điều ước danh nghĩa Bộ, Ngành, liệu có thể có hiệu lực cao hơn cả luật trong nước do Quốc hội thông qua không? Trường hợp một đạo luật, một pháp lệnh trong nước trái với Điều ước quốc tế danh nghĩa Chính phủ hay danh nghĩa Bộ, Ngành thì kiệu có thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế hay không? Thực tế với số lượng Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia ngày một nhiều, nhất là Điều ước quốc tế danh nghĩa Bộ, Ngành ký kết như tình trạng hiện nay thì thật đáng phải suy nghĩ về điều này và cần phải có giải pháp trong lần sửa đổi bổ sung Pháp lệnh về Điều ước quốc tế tới đây ./.

 

Thông tin bổ sung

Về việc chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế

Vào pháp luật quốc gia

Qua kinh nghiệm của vương quốc anh

 

 

thạc sĩ luật học dương thanh mai

 

 

 

 

Trên phương diện lý luận, Vương quốc Anh theo chủ nghĩa nhị nguyên về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

Trên thực tế, Anh áp dụng hai phương thức (hai học thuyết) khác nhau để đưa các quy phạm của luật điều ước quốc tế và luật tập quán quốc tế vào pháp luật quốc gia.

 

1. Phương thức chấp nhận (doctrine of incorporation) đối với tập quán quốc tế:

Nếu không có một văn bản quy định ngược lại thì các tập quán quốc tế sẽ trở thành một bộ phận cảu pháp luật Anh và có thể được Toà án Anh áp dụng trực tiếp trong ác vụ việc thích hợp (mà không cần có văn bản cho phép của Nghị viện)

Khi một tập quán quốc tế đã thay đổi thì Toà án Anh có quyền áp dụng tập quán mới đã được xác lập mà không bị ràng buộc bởi các án lệ dựa vào tập quán cũ.

Thí dụ: Vụ Công ty thương mại Trendex kiện Ngân hàng trung tâm Nigeria (1997, QB 529) tại Toà án Anh. Ngân hàng Nigeria khiếu nại để được hưởng quyền miễn trừ quốc gia trên cơ sở tập quán quốc tế về quyền về quyền miễn trừ quốc gia tuyệt đối. Toà thượng thẩm của Anh cho rằng do tình hình thế giơí thay đổi nên quy tắc mới về quyền miễn trừ quốc gia bị hạn chế (Restrictive Sovereign Immunty) đã được xác lập như một tập quán quốc tế. Theo phương thức chấp nhận, Toà án Anh có quyền áp dụng nguyên tắc (tập quán) quốc tế này mà không bị ràng buộc bởi các án ej của Anh dựa trên tập quán cũ về quyền miễn trừ quốc gia tuyệt đối (absolute immunity). Do đó, Toà án đã tuyên Ngân hành trung tâm Nigeria không được quyền miễn trừ quốc gia trong các hoạt động thương mại của mình.

 

2. Phương thức chuyển hoá (doctrine of tranformation) đối với quy phạm Điều ước quốc tế.

 

Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Điều ước quốc tế cần được chuyển hoá vào pháp luật quốc gia bằng một đạo luật do Nghị viện thông qua.

 

Theo quy tắc này, sẽ có hai trường hợp sảy ra đối với Điều ước quốc tế mà Anh tham qua:

 

a) Điều ước quốc tế được chuyển hoá (an enacted Treaty)

 

Điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi đạo luật chuyển hoá (An enabling Act). Việc giải thích đạo luật chuyển hoá do Toà án Anh thực hiện sẽ tuân theo các quy tắc phù hợp với việc giải thích chính các Điều ước quốc tế (Điều 32 Công ước viên).

 

2. Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá (An Unenacted Treaty)

 

Trong trường hợp này, Điều ước quốc tế tuy chưa có hiệu lực nhưng trên thực tế vẫn có ảnh hưởng đến pháp luật quốc gia thông qua những cách khác nhau trong từng trường hợp cụ thể.

 

Khi có một đạo luật hàm ý quy định các nghĩa vụ trong Điều ước quốc tế (chưa chuyển hoá) và nếu như điều khoản của đạo luật đó không rõ ràng, hoặc, có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì Toà án Anh có thể viện dẫn đến Điều ước quốc tế và ưu tiên áp dụng nghĩa phù hợp với Điều ước quốc tế .

 

Thí dụ: Nghị viện Anh ban hành đạo luật về hải quan và thuế (1952) với hàm ý thực hiện nghĩa vụ theo Công ước 1950 về đánh giá hàng hoá vì mục đích hải quan (Convention on the Valuation of Goods for Customs Purposes) mà Anh là thành viên. KHi được yêu cầu giải thích về một số điểm chưa rõ trong đạo luật trên, Toà án phúc thẩm Anh đã viện dẫn đến Công ước 1950 trên cơ sở lập luận rằng, khi điều khoản của luật không rõ ràng và một trong các nghĩa của nó phù hợp với Điều ước quốc tế thì nghĩa này được ưu tiên áp dụng với giả định là Nghị viện Anh không có ý định ban hành văn bản trái với nghĩa vụ quốc tế của mình. Toà án Anh khẳng định quyền và nghiã vụ của Toà án phải tham khảo Điều ước quốc tế để giải thích sự không rõ ràng trong đạo luật quốc gia sẽ không bị hạn chế vì lý do trong đạo luật không có chỉ dẫn đến Điều ước quốc tế.

 

Trong trường hợp không có cả đạo luật hàm ý quy định nghĩa vụ trong Điều ước quốc tế mà chỉ có đạo luật điều chỉnh trên thực tế cùng một đối tượng với Điều ước quốc tế (chưa được chuyển hoá) mà Anh đã tham gia thì:

+ Nếu đạo luật có điều khoản không rõ ràng, Toà án Anh có quyền giải thích theo nghĩa phù hợp với Điều ước quốc tế cũng trên cơ sở giả định Nghị viện Anh không có ý vi phạm Điều ước quốc tế.

 

+ Nhưng nếu đạo luật rõ ràng thì Toà án Anh không có cách nào khác là phải áp dụng đạo luật quốc gia cho dù nó trái với Điều ước quốc tế.

 

Ví dụ: Vụ Brind kiện Bộ trưởng Nội vụ (1991) trong đó:

 

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh ra Chỉ thị cho Hãng IBA và BBC không đưa trên các phương tiện truyền thanh và truyền hình lời phát biểu của bất kỳ đại diện nào cho các tổ chức được liệt kê trong đạo luật về chống khủng bố (1984). Chỉ thị này là phù hợp với đạo luật về quảng cáo (1981) và Thoả thuận cấp giấy phép giữa Bộ Nội vụ với BBC.

 

Các phóng viên của hai Hãng thông tấn này đã kiện lên Toà án Anh rằng Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là vượt quá thẩm quyền và vi phạm Công ước Châu Âu về nhân quyền. Toà án thượng thẩm Anh đã bác đơn của phóng viên trên cơ sở:

 

- Công ước chưa được chuyển hoá bằng đạo luật, do đó chưa phải là bộ phận của pháp luật Anh, Toà án Anh, vì vậy, không có quyền trực tiếp thi hành Công ước mà phải thi hành đạo luật quốc gia, nếu ngược lại thì Toà án sẽ bị coi là lấn quyền lập pháp.

 

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như các công chức khác trong khi thực thi quyền hạn cũng không bắt buộc phải tuân theo Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá nếu không thì họ sẽ bị coi là lầm một việc có thể gọi là "tuồn" Điều ước quốc tế vào pháp luật Anh bằng "cổng hậu".

 

Một Điều ước quốc tế chưa được chuyển hoá thành pháp luật Anh sẽ không thể làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ, do vậy, không thể đặt vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh có vi phạm Điều 10 Công ước Châu Âu về nhân quyền hay không.

 

Riêng các Điều ước quốc tế của Cộng đồng Châu Âu (European Community) thì luôn có hiệu lực cao hơn pháp luật quốc gia.

 

 

 

 

 

 

 

điều ước quốc tế của cnxhcn việt nam

trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

của nhà nước ta

 

 

nguyễn duy lâm-đinh xuân thảo

- I -

 

thực trạng về hiểu biết pháp luật trong nước

và điều ước quốc tế của chxhcn việt nam

 

 

1. Khái quát về hệ thống pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam

 

Hệ thống pháp luật trong nước là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ta ban hành theo những trình tự và hình thức nhất định. Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định hệ thống cácvăn bản quy phạm pháp luật gồm các loạu văn bản có giá trị pháp lý từ cao đến thấp: Hiến pháp, các đạo luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói trên là hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật (hệ thống nguồn của pháp luật trong nước), còn các chế định pháp luật, ngành luật thuộc hệ thống cấu trúc (bên trong) của pháp luật. Hệ thống pháp luật Việt nam bao gồm các ngành luật cơ bản: Luật Nhà nước (Hiến pháp); Luật hành chính; Luật tài chính; Luật đất đại; Luật dân sự; Luật lao động; Luật hôn nhân gia đình; Luật hình sự; Luật tố tụng hình sự; Luật tố tụng dân sự; Luật kinh tế. Bên cạnh hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế. Luật pháp quốc tế gồm hai bộ phận: Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế. Công pháp quốc tế là tổng hợp các nguyên tắc, những chế định, những quy phạm được các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế xây dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh các quan hệ nhiều mặt giữa chúng. Tư pháp quốc tế bao gồm những nguyên tắc và những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và tố tụng dân sự nảy sinh giữa các công dân, các tổ chức của các nước khác nhau.

 

Điều ước quốc tế là một khái niệm chung, nó bao gồm mọi sự thoả thuận quốc tế bằng các hình thức nhe: Hiệp định, Hiệp ước, Nghị định thư, Tuyên bố chung, Thông cáo chung, Hiến chương, Quy chế, Công ước, Tạm ước, Hoà ước, Minh ước v. v. v.

 

Điều ước quốc tế có điều ước tay đôi và điều ước nhiều bên. Điều ước quốc tế là nguồn của pháp luật quốc tế.

 

Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam theo Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam đã được Hội đoòng Nhà nước Việt nam thông qua ngày 17.10.1989 (Điều 1) bao gồm Hiệp ước, Công ước, Định ước, Hiệp định, Nghị định thư, Thoả thuận, Công hàm trao đổi và các văn kiện pháp lý khác ký kết giữa CHXHCN Việt namvới một hay nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam được ký kết với danh nghĩa: Nhà nước; Chính phủ; Bộ , Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Việc ký kết Điều ước quốc tế, hiệu lực của Điều ước quốc tế, và thực hiện Điều ước quốc tế như thế nào đều được thể hiện rõ trong pháp luật của các nước. Hiến pháp năm 1992 và Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam quy định rõ thẩm quyền, trình tự tham gia đàm phán, soạn thảo, thông qua văn bản Điều ước quốc tế, ký, phê chuẩn, gia nhập và thông qua Điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế tự nó không phải là nguồn của pháp luật trong nước. Các quy phạm Điều ước quốc tế là các quy phạm luật quốc tế chứ không phải là quy phạm luật quốc gia. Vì vậy, sau khi Điều ước quốc tế phát sinh hiệu lực, việc thực hiện Điều ước quốc tế trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia thành viên do chính quốc gia đó tự quyết định. Thông thường, các quốc gia có ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thực hiện Điều ước quốc tế được "chuyển hoá" thành luật trong nước bằng nhiều cách khác nhau. Thí dụ, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em thông qua ngày 20.11.1989 và có hiệu lực từ ngày 2.9.1990 được thể hiện trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt nam thông qua ngày 12.8.1991 .. . Nói chung, pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế phù hợp nhau, nhưng cũng có trường hợp khác nhau. Hiện nay, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định rằng, nếu các quy định của pháp luật quốc gia trái với các quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế. Trong nhiều văn bản pháp luật của Việt nam cũng quy định như vậy. Ví dụ: Điều 15 khoản 2 Bộ luật dân sự của CHXHCN Việt nam ngày 28.10.1995 quy định: "Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế"; Điều 2 khoản 3 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 21.2.1992; Điều 20 Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam và người nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993; Điều 3 khoản 2 Pháp lệnh về cơ quan đậi diện nước CHXHCN Việt nam ở nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993; Điều 6 Pháp lệnh lãnh sự thông qua ngày 13.11.1990; Điều 3 Pháp lệnh về ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt nam thông qua ngày 23.8.1993 quy định "Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó".

 

Điều ước quốc tế và pháp luật trong nước có mối quan hệ mật thiết với nhau như đã nêu ở trên, vì vậy việc phổ biến, giáo dục, tổ chức thực hiện pháp luật luôn gắn pháp luật trong nước và Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

 

2. Thực trạng hiểu biết pháp luật trong nước và điều ước quốc tế

 

Thực trạng hiểu biết pháp luật nói chung của cán bộ và nhân dân ta đang còn thấp. Qua khảo sát, thống kê xã hội học đối với một số đối tượng là học sinh các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng; cán bộ công nhân viên chức đang theo học ở các trường quản lý chuyên ngành và một số đồng bào ở nông thôn, miền núi cho thấy trình độ hiểu biết pháp luật và nhu cầu hiểu biết pháp luật ở của các đối tượng không đồng đều nhau.

 

Đối với học sinh đã qua phổ thông cơ sở (lớp 9) hoặc đã qua phổ thông trung học (lớp 12) mới được làm quen, tiếp xúc với pháp luật qua chương trình giáo dục công dân. Chương trình này được đưa vào chính khoá của các lớp 8,9,12 từ năm 1987 đến năm 1988. Các được trang bị một số kiến thức cơ bản về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khái quát về hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ở Trung ương và cơ sở. ít nhiều, các em đã có nhận thức, ý thức đối với pháp luật. Vì vậy, khi được hỏi: "Ban hiểu gì về pháp luật?" thì 85,71% các em trả lời: "Pháp luật là những quy định của Nhà nước bắt buộc mọi người phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh". Khi hỏi về thuế, 98,09% các em trả lời "nộp thuế là nghĩa vụ đương nhiên của mọi công dân khi hoạt động sản xuất kinh doanh ..". Về nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của đối tượng học sing phổ thông và trung học chuyên nghiệp, khi được hỏi: "bạn cần học pháp luật không?" thì 100% trả lời "cần học pháp luật". Các em rất quan tâm và nhu cầu hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật: 90,4% về quyền và nghĩa vụ công dân; 95,23% về pháp luật kinh tế; 70,47% về pháp luật dân sự; 60,95% về pháp luật hình sự.

 

Đối với sinh viên đại học, cao đẳng có tuổi đời bình quân cao hơn học sinh phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trình độ văn hoá và sự hiểu biết xã hội cũng có khác, vì vậy nhận thức, tình cảm, thái độ đối với pháp luật có phần sâu rộng hơn, tuy nhiên vẫn dừng lại ở mức độ thông thường.

 

ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có đồng bào dân tộc ít đang có sự chênh lệch về đời sống kinh tế, văn hoá quá nhiều so với các tỉnh đồng bằng, thành thị. Đời sống của đồng bào miền núi đang khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều làng bản còn chưa có trường học, trình độ dân chí thấp, số người mù chữ nhiều. Cùng với sự mù chữ ắt dẫn đến tình trạng "mù pháp luật". Ngay cả số học sinh đang học trong nhà trường cũng không thích học pháp luật vì cho là khó học. Khi yêu cầu nêu tên 6 văn bản luật được biết rõ thì 41,9% nêu đúng từ 1 đến 3 văn bản, còn lại không nêu được văn bản nào. Ngay cả về tuổi kết hôn theo luật định là thực tế bắt gặp thường xuyên trong cuộc sống thường ngày mà có tới 30% nói sai.

 

Đối với cán bộ viên chức Nhà nước nói chung, sự quan tâm và am hiểu pháp luật có khá hơn. Qua khảo sát một số cán bộ viên chức đang học tập, bồi dưỡng tại các trường Đảng, Hành chính, Công đoàn, trường cán bộ phụ nữ, trường cán bộ quản lý ngành thuộc một số ngành như lâm nghiệp, y tế, ngân hàng, bưu điện cho thấy:

Số người đã được học pháp luật (chủ yếu là trong trường họ đang theo học) là 62%.

Số người chưa được học pháp luật bao giờ là 38%.

Số người có biết đến các bản Hiến pháp của Nhà nước ta:

+ Hiến pháp 1946 57%

+ Hiến pháp 1959 42%

+ Hiến pháp 1980 60%

+ Hiến pháp 1992 62%

Số người có biết đến các ngành luật sau:

+ Luật hôn nhân và gia đình 80%

+ Luật đất đai 76%

+ Luật hình sự 70%

+ Luật dân sự 53%

+ Các luật thuế 52%

+ Luật lao động 44%

+ Luật hành chính 35%

+ Luật tố tụng hình sự 33%

+ Pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo 13%

Đối tượng này cho rằng, ngoài nắm kiến thức chuyên môn, việc học tập pháp luật là rất cần thiết và để đáp ứng yêu cầu công việc, cần hiểu biết sâu các văn bản pháp luật về:

+ Quyền nghĩa vụ cơ bản về công dân

+ Quản lý hành chính

+ Bảo vệ sức khoẻ nhân dân

+ Hôn nhân và gia đình

+ Dân sự

+ Lao động, công đoàn

+ Hình sự

+ Rừng, đất đai, môi trường

+ Kinh doanh

+ Các loại thuế

+ Kinh tế

+ Tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước

+ Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Thực trạng hiểu biết pháp luật nói trên là đối với pháp luật trong nước, còn đối với điều ước quốc tế thì hạn chế hơn nhiều. Đối với học sinh phổ thông và sinh viên đại học (không chuyên luật) được cung cấp những tri thức về pháp luật từ sơ giản đến cơ bản để tạo nên trình độ ý thức pháp luật thông thường vẫn chưa chú ý đề cập đến nội dung điều ước quốc tế và luạat pháp quốc tế. Ngay cả cán bộ viên chức Nhà nước thực thi pháp luật có liên quan đến điều ước quốc tế thì việc am hiểu nó vẫn còn hạn hẹp và quá mức mới mẻ. Về nhu cầu hiểu biết pháp luật, qua khảo sát các loại đối tượng đều chưa thấy đề cập đến cụ thể về điều ước quốc tế, nhưng có nhiều lĩnh vực pháp luật trong nước cần được nghiên cứu học tập lại có quan hệ mật thiêts với điều ước quốc tế như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam, Luật thương mại, các luật về doanh nghiệp, kinh doanh thuế, môi trường, lao động, hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, Luật quốc tịch, pháp luật về lãnh sự, hải quan, xuất nhập cảnh... Vì vậy, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân phải luôn quan tâm chú ý đến pháp luật trong nước và cả điều ước quốc tế. Trong điều kiện nước ta đang đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách kinh tế mở cửa vàg đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hầu hết các nước trên thế giới, việc tuyên truyền giáo dục điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam có ý nghĩa quan trọng đặc biệt

 

 

 

II

 

Các công tác phổ biến giáo dục pháp luật

trong nước và điều ước quốc tế

1.Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục các điều ước quốc tế

 

Việc tuyên truyền, giáo dục các văn bản pháp luật nói chung, đã được tiến hành thường xuyên bằng sự phối hợp giữa bộ tư pháp với các ngành, đoàn thể hữu quan như Bộ văn hoá - thông tin, Bộ giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban tư tưởng - văn hoá trung ương , Tổng liên đoàn lao động Việt nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam... Đã sử dụng và kết hợp nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền miệng trực tiếp (qua hội thảo, hội nghị tập huấn pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới, quan trọng có liên quan ); tuyên truyền phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ( báo, đài trung ương, địa phương và các ngành ); tuyên truyền thông qua thì tìm hiểu pháp luật, qua các hoạt động thông tin cổ động, tranh ảnh, áp phích; thông qua giáo dục pháp luậttrong hệ thống giáo dục quốc dân, từ các trường phổ thông đến đại học - trung học chuyên nghiệp và dậy nghề, các trường Đảng, trường hành chính, trường đoàn thể, trường bồi dưỡng nghiệp vụ ngành ... Có thể nói, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đáng kể đến công tác bồi dưỡng, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Từ Nghị quyết trung ương 8 (tháng 9-1980 ) đã đề cập đến việc giáo dục pháp luật và đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) một lần nữa lại nhấn mạnh phải coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật "và cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục nâng cao ý thức pháp luật ... cho nhân dân" (văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt nam NXB Sự thật, 1987-tr 121).

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, đã thu được những kết quả bước đầu, góp phần từng bước nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, hình thành dần ý thức, thói quen "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", đưa pháp luật vào các hoạt động quản lý Nhà nước và đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc phổ biến giáo dục về pháp luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam noí riêng còn bị coi nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tại, chưa được coi là nội dung pháp luật trọng tâm tuyên truyền phổ biến cho cán bộ và nhân dân. Mặt khác, mặc dù Nhà nước ta đã ký kết, gia nhập điều ước quốc tế khá nhiều, nhưng các văn bản đó chưa được hệ thống hoá đầy đủ và phát hành rộng rãi để thuận lợi cho việc tìm hiểu nghiên cứu của cán bộ và nhân dân; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyên truyền giáo dục pháp luật với cơ quan tham gia đàm phán, soạn thảo và ký kết điều ước quốc tế và cơ quan chủ quản của chủ thể thi hành điều ước quốc tế đẻe nghiên cứu đánh giá tác dụng, ưu điểm, nhược của các điều ước quốc tế mà ta đã ký kết hay gia nhập trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, chính sách đối ngọại và quan hệ hợp tác giữa CHXHCN Việt nam với các nước và các dân tộc trên thế giới.

 

Một số điều ước quốc tế gần đây có công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài phát thanh và một số tờ báo trung ương, song việc phổ biến, giáo dục sâu rộng chưa được thực hiện nên những văn bản pháp luật đó chưa đi vào cuộc sống, thậm chí cả khái niệm, nội dung sơ giản nhất người dân cũng không hiểu được. ở nước ta hiện nay, việc giới thiệu, nghiên cứu tương đối có hệ thống về luật pháp quốc tế nói chung và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam nói riêng mới được thực hiện ở các trường chuyên luật (Đại học luật Hà nội, khoa luật của một số trường đại học) và trường chuyên ngành (Học viện quan hệ quốc-Bộ Ngoại giao, đại học hàng hải, Ngoại thương, Hải quan, Hải quan...) còn các trường khác chưa có hoặc có không đáng kể chương trình, nội dung giảng dạy về điều ước quốc tế.

 

Mối quan hệ giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế

 

Như ở phần I đã trình bày, pháp luật trong nước và điều ước quốc tế không cùng một hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, điều ước quốc tế tự nó không phải là nguồn của pháp luật trong nước, nhưng chúng có quan hệ khăng khít với nhau. Để ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, các quốc gia ban hành pháp luật trong nước về vấn đề này và thông thường, điều ước quốc tế được chuyển hoá thành luật trong nước để thực hiện, đồng thời pháp luật trong nước cũng mở ra định hướng, yêu cầu về việc ký kết điều ước quốc tế. Ví dụ: Điều 40 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 23.12.1992 quy định: "Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ CHXHCN Việt nam có thể ký với Chính phủ nước ngoài những hiệp định về hợp tác và đầu tuư phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt nam với nước ngoài".

 

Bộ luật dân sự nước ta thông qua ngày 28.10.1995 quy định tại điều 15 (điểm 4): Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác; hay điều 827 về áp dụng pháp luật dân sự của CHXHCN Việt nam, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và pháp luật nước ngoài quy định: Trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

 

Pháp lệnh hải quan thông qua ngày 20.2.1990 - điều 1: Nhà nước CHXHCN Việt nam tạo điều kiện thuận tiện đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới Việt nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt nam, điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động hải quan mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc công nhận. Điều 2: Trong hoạt động của mình,Hải quan Việt nam tuân theo pháp luật Việt nam và điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động hải quan mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc công nhận. Điều 40: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền quyết định không cho túi ngoại giao qua biên giới, nếu có căn cứ để khẳng định túi ngoại giao bị lạm dụng vào mục đích trái với Công ước Viên về quan hệ ngoại giao. Như vậy, khi tuyên truyền, phổ biến về pháp lệnh hải quan, không thể không giới thiệu các điều ước quốc tế liên quan; nhất là Công ước Viên về quan hệ ngoại giao. Cán bộ ngành hải quan không chỉ hiểu mà còn phải nắm chắc và luôn có tài liệu điều ước quốc tế liên quan trong tay thì mới bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước ta về phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá với nước ngoài, góp phần tăng cường sự giao lưu và hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.

 

Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảch, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt nam thông qua ngày 21.2.1992 - quy định tại điều 2: Nhà nước CHXHCN Việt nam tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt nam của người nước ngoài, bảo hộ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp khác của người nước ngoài cư trú tại Việt nam trên cơ sở pháp luật Việt nam và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài thông qua ngày 2.12.1993 - quy định (điều 1): ở nước CHXHCN Việt nam, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật Việt nam cũng như các quy định về hôn nhân và gia đình trong các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt nam ký kết hoặc tham gia.

 

Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt nam thông qua ngày 23.8.1993-Điều 29 quy định: Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia ...

Đơn cử một số điều của một vài văn bản pháp luật trong nước như trên để thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế, từ đó nhận thức đầy đủ mối quan hệ tất yếu giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế để quán triệt trong công tác giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay.

Thực tế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua ít nhiều đã có gắn pháp luật trong nước và điều ước quốc tế ; chẳng hạn, khi tuyên truyền luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (của Việt nam) thông qua ngày 12.8 1991 và Luật phổ cập giáo dục tiểu học thông qua ngày 12.8.1991 đã kết hợp tuyên truyền: Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em thông qua ngày 20.11.1989; Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong vấn đề con người giữa các nước thông qua ngày 29/5/1993; Công ước cả Tổ chức lao động quốc tế về tuổi tối thiểu làm việc (Công ước số 138) thông qua ngày 26.6.1973. Kết hợp tuyên truyền luật hình sự với "Những quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 29.11.1995 hay kết hợp tuyên truyền Bộ luật dân sự, Hình sự, Pháp lệnh lãnh sự với Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước ta và một số nước. Công ước Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981 đã được tuyên truyền phổ biến gắn với Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (thông qua ngày 2.12.1993). Tuyên truyền pháp luật về biên giới của ta gắn với tuyên truyền Điều ước hoạch định biên giới, lãnh thổ.

Cách tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật trong nước và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam như trên theo chúng tôi là có trọng tâm và đúng định hướng cần được phát huy và mở rộng.

III. Đối tượng, nội dung và phương pháp phổ biến, giáo dục điều ước quốc tế

Thực trạng hiểu biết và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nước cũng như điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam đã trình bày ở các phần trên cho thấy: trong những năm vừa qua, đặc biệt từ những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới gần đây, nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực tổ chức, triển khai việc phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và điều ước quốc tế nói riêng cho cán bộ, nhân dân; góp phần từng bước nâng cao ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý. Tuy nhiên, so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tại thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chúng ta còn nhiều thiếu sót. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn nghèo nàn; thiếu phương pháp, hình thức giáo dục chưa phù hợp cho từng loại đối tượng; thiếu sự quan tâm thường xuyên và đầu tư tương xứng cho phổ biến giáo dục điều ước quốc tế so với pháp luật trong nươcs; còn quá ít đề tài nghiên cứu về lý luận và thực tiễn phổ biến giáo dục pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam để tìm ra những luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng những đề án, kế hoạch tổng thể về phổ biến giáo dục điều ước quốc tế. Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót và tăng cường công tác phổ biến giáo dục điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam có hiệu quả, trước hết cần phải xác định được đối tượng, nội dung và phương pháp tuyên truyền; phổ biến giáo dục sát hợp; tiếp theo phải xây dựng được một cơ chế và các biện pháp tổ chức phối hợp triển khai thực hiện.

Đổi mới việc xác định và lựa chọn nội dung, phương pháp phổ biến giáo dục điều ước quốc tế phù hợp với từng đối tượng là phải kịp thời cung cấp, phổ biến những thông tin điều ước quốc tế cần thiết, đúng đối tượng. Hay nói cách khác, phải có riêng nội dung điều ước quốc tế phù hợp cho từng loại đối tượng sau đây:

1. Công chức Nhà nước tham gia đàm phán, soạn thảo, thông qua, ký kết, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế

Ký kết điều ước quốc tế là một hoạt động quan trọng tạo ra hình thức chưa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế để làm phương tiện, công cụ cho việc thực hiện chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Vì vậy, thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế được quy định chặt chẽ trong pháp luật quốc gia. ở nước ta, cơ quan có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế được quy định trong Hiến pháp năm 1992 ở Điều 83 khoản 13, Điều 103 khoản 10, Điều 112 khoản 8; trong Luật tổ chức Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 30.9.1992 ở Điều 8 khoản 8; trong Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 17.10.1989 tại Chương II, từ Điều 3 đến Điều 10. Theo quy định trong các văn bản pháp luật nói trên, cơ quan có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế gồm:

- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (cơ quan cấp ngành).

Như vậy, công chức Nhà nước có liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế qua các bước: đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước, ký điều ước, phê chuẩn điều ước, phê duyệt điều ước, gia nhập điều ước, bảo lưu điều ước gồm có các công chức chuyên môn thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, thuộc Chính phủ và thuộc cơ quan cấp ngành. Đó là loại đối tượng cần được quan tâm đầu tiên trong việc giáo dục bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong nước và điều ước quốc tế. Phải coi việc học tập, bồi dưỡng kiến thức cơ bản, có hệ thống và thường xuyên về pháp luật trong nước và điều ước quốc tế cho đối tượng này, đó là yêu cầu bắt buộc gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ của họ và là tiêu chuẩn chức danh công chức Nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp hiện nay.

Trong nhóm đối tượng này, những công chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và một số cơ quan pháp luật khác thường là đã được đào tạo cơ bản về pháp luật nói chung và về chuyên ngành luật quốc tế, do đó nội dung và phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thêm đối với họ sẽ khác so với số công chức chưa qua đào tạo chính quy về pháp luật. Mặt khác, đối với số công chức chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp phải được quan tâm đặc biệt trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế và pháp luật trong nước của CHXHCN Việt Nam, vì họ có vai trò quan trọng trong suốt quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam, nhất là các điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHXHCN Việt Nam.

Nội dung học tập, bồi dưỡng về pháp luật cho nhóm đối tượng này cần tập trung vào các nguyên tắc của luật quốc tế, các điều ước quốc tế và pháp luật của quốc gia có liên quan như: Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam ngày 17.10.1989...để nắm chắc các nguyên tắc, cơ cấu, trình tự ký kết, điều kiện hợp pháp, hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế. Đồng thời bồi dưỡng kiến thức thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như: Các điều ước quốc tế chủ yếu về quan hệ ngoại giao và lãnh sự, về hàng không, về hàng hải, về lãnh thổ và biên giới quốc gia; Công ước về quyền con người, công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự..

Hình thức, phương pháp chủ yếu để đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả cho đối tượng này là đưa vào giảng dạy ở các trường đào tạo chính quy chuyên ngành như: Đại học Luật, Học viện quan hệ quốc tế, Học viện hành chính quốc gia.. Ngoài ra, mở các lớp chuyên đề, tổ chức hội thảo quốc gia và quốc tế, gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc bồi dưỡng cho nhóm đối tượng này ngoài các công chức chuyên môn nói trên, cần quan tâm đến cả thủ trưởng cơ quan cấp ngành, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ta ở nước ngoài hoặc bên cạnh tổ chức quốc tế và những công chức Nhà nước thường được uỷ nhiệm trực tiếp đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế.

2. Công chức các cơ quan Nhà nước thực thi các điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế sau khi phát sinh hiệu lực, việc thực hiện nó trong phạm vi lãnh thổ quốc gia do chính quốc gia đó tự quyết định. Hiến pháp và pháp luật nước ta quy định:

- Chính phủ phải chịu trách nhiệm chính về thi hành các điều ước quốc tế.

- Bộ Ngoại gia có quyền theo dõi việc thi hành điều ước quốc tế của các bên ký kết khác và các cơ quan của Nhà nước mình thực hiện.

- Các Bộ, uỷ ban cấp bộ và các cơ quan trung ương có liên quan đến thực hiện điều ước quốc tế cũng phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế trong khuôn khổ thẩm quyền của mình.

Trong thực tế, điều ước quốc tế không tồn tại độc lập, tách rời với pháp luật trong nước, mà thường được "chuyển hoá" thành luật trong nước bằng nhiều cách khác nhau. Vì vậy, thi hành điều ước quốc tế và pháp luật trong nước thường gắn liền với nhau.

Như vậy, đối tượng công chức Nhà nước liên quan đến thực thi điều ước quốc tế rộng hơn, đa dạng hơn đối tượng công chức liên quan đến ký kết điều ước quốc tế - đó là các công chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vơí đối tượng này, tập trung giới thiệu các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước có liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật của mỗi ngành, kể cả các quy định của pháp luật quốc gia trái với các quy định của điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc tham gia. Nội dung cụ thể cần tuyên truyền giáo dục cho loại đối tượng này là các điều ước quốc tế CHXHCN Việt Nam trong các lĩnh vực: đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thương mại; thuế; quỳền ưu đãi; miễn trừ ngoại giao, lãnh sụ, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, giao thông vận tải; vay vốn nước ngoài; tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự. Đồng kết hợp tuyên truyền pháp luật trong nước: Luật quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, Pháp lệnh Hải quan, Pháp lệnh lãnh sự, Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ luật Hàng hải..

Hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục cho nhóm đối tượng này kết hợp giữa tập huấn, học tập có hệ thống với mở các lớp chuyên đề tại các trường đào tạo chuyên ngành. đồng thời thường xuyên cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật mới liên quan, tổ chức hội thảo chuyên ngành với sự phối hợp của Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao và các ngành hữu quan, phát hành các loại sách, tài liệu bỏ túi, cho các công chức thi hành pháp luật có liên quan đến điều ước quốc tế.

3. Các tầng lớp nhân dân

Việc phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao dân chí pháp lý cho đối tượng này là yêu cầu và mục tiêu vưà cấp bách vừa có tính chiến lược của Chính phủ và của tất cả các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Nội dung pháp luật cần học tập, bồi dưỡng chủ yếu là hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung giới thiệu, phổ biến, giáo dục các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cùng các bảo đảm pháp lý được quy định trong Hiến pháp, nhất là có quyền về kinh tế, dân sự, văn hoá, quyền tự do dân chủ... Kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến giáo dục pháp luật trong nước với điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam như: khi giới thiệu "pháp luật về quyền trẻ em ở Việt nam" thì giới thiệu dưới dạng "quyền trẻ em trong pháp luật quốc gia và quốc tế"; Khi giới thiệu "các quyền của phụ nữ Việt nam" thì đề cập đến Luật hôn nhân và gia đình Việt nam, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài và công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981; kết hợp tuyên truyền Bộ luật lao động của nước ta với Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc, về an toàn, sức khoẻ và điều kiện lao động...

Về hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và điều ước quốc tế nói riêng cho các tầng lớp nhân dân cần chú trọng đến việc tuyên truyền miệng trực tiếp; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua hoạt động xét xử, hoà giải, thông qua sinh hoạt tập thể mang tính truyền thống theo cụm dân cư, làng xã, khối phố; thông qua giáo dục trong các hệ thống nhà trường từ phổ thông đến đại học, kể cả các lớp học xoá mù chữ, lớp học tình thương, các lớp học thuộc hệ giáo dục thường xuyên ..

 

IV

Một số đánh giá và kiến nghị

 

Giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật , tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật . qua ngiên cứu thực tế cho thấy, việc tuyên truyền phổ biến điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam có vị trí quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật của Nhà nước ta - cùng với việc coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật trong nước, một số điều ước quốc tế cũng đã được tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng liên quan và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, so với tình hình của đất nước đang ngày càng đổi mới, tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, tích cực hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế thì việc tuyên truyền phổ biến pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế còn nhiều hạn chế và nhược điểm từ tư duy nhận thức đến tổ chức thực hiện.

Để khắc phục tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục điều ước quốc tế cho cán bộ và nhân dân, trên cơ sở thực trạng giáo dục pháp luật cũng như những thành tựu bước đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi nêu lên một số kiến nghị như sau:

1. Cần xác định rõ vai trò của điều ước quốc tế trong mối quan hệ với pháp luật của quốc gia để thay đổi nhận thức lệch lạc và đề cao trách nhiệm của mọi người, mọi ngành trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam.

2.Sớm hệ thống hoá, tập hợp hoá các điều ước quốc tế, phát hành rộng rãi và xây dựng hệ thống thống thông tin, sách báo, tài liệu phổ biến điều ước quốc tế .

3, Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung giáo dục pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế trong các hệ thống nhà trường, đặc biệt ở các trường chuyên luật, chuyên ngành..

Nghiên cứu cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục điều ước quốc tế cho phù hợp với từng loại đối tượng.

Củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, luôn bồi dưỡng cho họ kiến thức khoa học và thực tiễn về điều ước quốc tế và dành cho họ một số ưu đãi nhất định.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc tham gia ký kết điều ước quốc tế, phổ biến điều ước quốc tế và thi hành điều ước quốc tế

 

 

 

Một số vấn đề thực tiễn ký kết

và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam

trong lĩnh vực thương mại

 

 

PTS. Nguyễn thị Mơ

 

 

 

I

.Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế giữa Việt nam với các nước khác trong thời kỳ bao cấp

Trước đây khi còn tồn tại hệ thống Xã hội chủ nghĩa, để điều chỉnh hoạt động thương mại nói chung và hoạt động buôn bán với nước ngoài nói riêng, Việt nam thường ký hai loại điều ước quốc tế. Loại thứ nhất là các điều ước quốc tế được ký kết với các Nhà nước XHCN và loại thứ hai là các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt nam ký kết với các nước ngoài hệ thống XHCN. Nội dung, vai trò, giá trị pháp lý của điều ước quốc tế cũng như đặc điểm về việc ký kết và thực hiện chúng hoàn toàn phụ thuộc vào chính hai loại điều ước quốc tế này.

1.Điều ước quốc tế ký giữa Việt nam với các nước XHCN khác:

Để điều chỉnh các hoạt động thương mại, Việt nam thường ký với các Nhà nước XHCN 3 loại điều ước quốc tế chủ yếu sau đây:

* Hiệp ước thương mại và hàng hải (Merchant Navigation Treaty). Hiệp ước Thương mại Hàng hải được coi là loại điều ước quốc tế quan trọng nhất - cơ sở pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt nam nói riêng và hoạt động mua bán giữa Việt nam với các Nhà nước XHCN khác nói chung.

Nội dung chủ yếu của Hiệp ước Thương mại Hàng hải là các nguyên tắc pháp lý quốc tế được các nước ký kết ghi nhận trong đó chính là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động thương mại giữa các nước liên quan. Hiệp ước Thương mại và Hàng hải thường có các nguyên tắc như có đi có lại về thương mại, Đãi ngộ quốc dân về thương mại và Tối huệ quốc về thương mại, trong đó nguyên tắc Tối huệ quốc (MostFavoured Nation-MFN) về thương mại đóng vai trò chủ đạo.

Việt nam đã ký các Hiệp ước Thương mại và Hàng hải với hầu hết các Nhà nước XHCN trước đây (với Ba lan-1968, với Cuba-1970, với CHDC Đức-1972, với Liên bang CHXHCN Xô viết-1978..). Trong tất cả các Hiệp ước Thương mại và Hàng hải này đều quy định dành cho Việt nam hưởng chế độ "Tối huệ quốc" trong lĩnh vực thương mại và cả trong lĩnh vực hàng hải. Do vậy, khi hệ thống XHCN còn hùng mạnh, các hoạt động thương mại ở Việt nam nói riêng và hoạt động mua bán giữa Việt nam và các nước XHCN khác nói chung đều thuận lợi, tốt đẹp dựa trên các nguyên tắc "hợp tác toàn diện" (với Liên xô cũ), hợp tác trên tinh thần anh em đồng chí (với mọi Nhà nước XHCN khác) mà không có sự phân biệt đối xử, không có những điều kiện bảo hộ có tính chất "chính trị".

Là loại điều ước quốc tế đề ra những nguyên tắc chung có tính chất chỉ đạo , các Hiệp ước Thương mại Hàng hải thường có hiệu lực trong khoảng thời gian dài, từ 10 năm trở lên hoặc tự động kéo dài thời hạn trừ phi các nước ký kết tuyên bố huỷ bỏ (đơn phương hoặc song, đa phương). Thực tiễn trong thời gian kể từ khi Việt nam ký kết các Hiệp ước Thương mại Hàng hải với các nước XHCN cho đến khi hệ thống XHCN sụp đổ Việt nam luôn luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong đó. Hiệp ước Thương mại và Hàng hải thường có hiệu lực sau khi nó đã được phê chuẩn.

* Hiệp định Thương mại là loại điều ước quốc tế thứ hai sau Hiệp ước Thương mại và Hàng hải điều chỉnh mối quan hệ giuữa Việt nam và các Nhà nước XHCN khác.

Hiệp định Thương mại thường quy định danh mục, kim ngạch hàng hoá cụ thể mà Việt nam và các nước ký kết cam kết trao đổi buôn bán với nhau.

Do đặc thù là một Nhà nước XHCN, quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá, quan liêu bao cấp, kim ngạch và danh mục hàng hoá được nêu cụ thể trong Hiệp định Thương mại thường là những quy tắc có tính chất mệnh lệnh. Dựa vào kim ngạch và danh mục mà Chính phủ Việt nam đã ký với từng nước, Nhà nước ta, xuất phát từ chế độ độc quyền về mặt ngoại thương, giao cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu ngoại thương trực tiếp ký kết Hợp đồng mua bán cụ thể với các tổ chức ngoại thương của các Nhà nước XHCN khác đã trực tiếp ký kết Hiệp định Thương mại đó.

Khi ký kết các Hợp đồng ngoại thương, các Tổng công ty ngoại thương của Việt nam phải quy định trong hợp đồng các điều khoản nhằm thực hiện tốt kim ngạch và đủ danh mục hàng có trong Hiệp định. Nếu kim ngạch và danh mục quy định trong Hiệp định Thương mại chưa được thực hiện xong thì mọi Hợp đồng ngoại thương ký ngoài phạm vi danh mục, kim ngạch đều không có giấy và bị huỷ bỏ.

Hiệp định Thương mại còn quy định khung giá tính cho một số loại mặt hàng nhất định. Khung giá ghi trong Hiệp định Thương mại thường là loại quy tắc mệnh lệnh đối với các Tổng công ty XNK ngoại thương Việt nam.

Trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại, nếu các tổ chức ngoại thương của các nước XHCN gặp khó khăn trong việc thực hiện kim ngạch, danh mục và khung giá đã quy định thì các Nhà nước XHCN thường ký các nghị định thư thương mại nhằm sửa đổi, bổ xung cho việc thực hiện tốt hơn các Hiệp định Thương mại đã ký kết.

Việt nam đã ký hầu hết các Hiệp định Thương mại với các Nhà nước XHCN. Thời hạn của Hiệp định Thương mại thường là 5 năm. Hiệp định Thương mại thường có hiệu lực ngay từ ngày ký kết.

* .Điều kiện chung giao hàng giữa Việt nam với các nước XHCN là loại điều ước quốc tế thứ 3 điều chỉnh hoạt động thương mại của Việt nam.

Điều kiện chung giao hàng là loại điều ước quốc tế trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại của Việt nam, vì điều kiện chung giao hàng (ĐKCGH) quy định những vấn đề liên quan đến thủ tục ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương giữa các Tổng công ty XNK ngoại thương Việt nam với các tổ chức ngoại thương của các Nhà nước XHCN khác. Nội dung của ĐKCGH gồm có: tư cách chủ thể ký kết Hợp đồng, hình thức Hợp đồng ký khi các bên đàm phán trực tiếp, hình thức hợp đồng khi các bên tiến hành đàm phán gián tiếp, các cơ sở giao hàng bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển, thời hạn giao hàng, phẩm chất hàng và vấn đề kiễm tra hàng trước khi giao từ Việt nam ra nước ngoài và khi nhận hàng chở từ nước ngoài về Việt nam, bao bì, ký mã hiệu, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên vi phạm hợp đồng, thủ tục thanh toán, cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh và luật áp dụng cho hợp đồng.

Có thể nói, với toàn bộ những vấn đề trên, ĐKCGH được coi là một điều ước quốc tế quan trọng điều chỉnh cụ thể hầu như toàn bộ những vấn đề về thủ tục ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại cụ thể ký giữa Việt nam với các bạn hàng các nước XHCN. Nhờ có ĐKCGH mà các chủ thể hợp đồng ngoại thương có thể tiết kiệm được thời gian đàm phán, ký kết, tiết kiệm được chi phí đi lại, giao dịch và đặc biệt là loại bỏ được những sự khác biệt trong cách quy định của luật pháp từng nước về vấn đề trên. Toàn bộ các quy tắc trong ĐKCGH chủ yếu được chia thành ba loại: quy tắc có tính chất mệnh lệnh tương đối và quy tắc có tính chất tuỳ nghi (tuỳ ý). Đây là đặc thù hết sức quan trọng của ĐKCGH-văn kiện pháp lý quốc tế riêng có của các Nhà nước XHCN mà chúng ta khó có thể tìm thấy trong các điều ước quốc tế được ký kết giữa các Nhà nước có các chế độ chính trị - kinh tế khác nhau. Dựa vào tính chất pháp lý của ba loại quy tắc nêu trên, các Tổng công ty XNK ngoại thương của Việt nam phải ký kết các hợp đồng ngoại thương thích ứng. Ví dụ, hình thức hợp đồng ngoại thương luôn luôn phải được ký kết bằng văn bản mới có giá trị vì hình thức văn bản của hợp đồng được quy định trong ĐKCGH là loại quy tắc mệnh lệnh tuyệt đối. Do đó, nếu một tổ chức ngoại thương Việt nam ký một hợp đồng ngoại thương bằng miệng với một Liên đoàn XNK ngoại thương Liên xô chẳng hạn, thì hợp đồng đó bị coi là vô hiệu. Bên cạnh đó, những quy tắc có tính chất tuỳ nghi lại tạo cho các chủ thể hợp đồng mua bán ngoại thương một sự linh hoạt năng động: hoặc theo quy định của ĐKCGH, hoặc các bên tự thoả thuận trong hợp đồng.

Hoạt động thương mại của Việt nam với các Nhà nước XHCN, trong suốt thời kỳ kể từ khi hình thành hệ thống XHCN cho đến trước ngày Liên xô sụp đổ, chủ yếu được quy định bởi ĐKCGH với ý nghĩa là nền tảng chắc chắn, đặc thù mang tính ưu việt XHCN. ĐKCGH còn được coi là sự đóng góp lớn lao của giới luật gia XHCN trong việc xây dựng khung pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại của mình.

Việt nam đã ký các ĐKCGH tay đôi với tất cả các nước XHCN từ những năm 1960 và chính thức áp dụng ĐKCGH khối SEV (ĐKCGH của các nước thuộc Hội đồng tương trợ kinh tế) vào tháng 5 năm 1989.

2. Điều ước quốc tế ký giữa Việt nam với các Nhà nước ngoài XHCN:

Trong thời kỳ bao cấp, hoạt động thương mại của Việt nam với các nước ngoài XHCN (chủ yếu là các nước phương tây) được ddiều tiết chủ yếu bằng các Hiệp định Thương mại. Do Mỹ đang xâm chiếm miền Nam (từ 1954-1974) và cũng do Mỹ dùng chính sách cấm vận, chiến tranh lạnh với Việt nam (từ 1975-1988) cho nên Chính phủ Việt nam không ký Hiệp ước Thương mại và Hàng hải với các nước ngoài XHCN mà chỉ ký tắt Hiệp định Thương mại.

Nội dung của các Hiệp định Thương mại mà Chính phủ Việt nam ký với các nước ngoài XHCN cũng đề cập tới kim ngạch và danh mục hàng cần trao đổi. Những kim ngạch và danh mục này thường không lớn. Ví dụ, Hiệp định Thương mại ký giưã Việt với Chính phủ Pháp năm 1967 quy định hai bên sẽ cam kết trao đổi hàng từ Pháp sang Việt nam là máy móc, thiết bị, vải... còn hàng từ Việt nam sang Pháp là than, tơ tằm...

Hoạt động thương mại giữa Việt nam với các Nhà nước ngoài XHCN còn rất hạn hẹp do lý do chính trị. Quan hệ thương mại song phương chưa phát triển, quan hệ khu vực (với các nước ASEAN) hầu như chưa có. Do phụ thuộc về kinh tế hoặc chính trị vào Mỹ nên nhiều nước không dám buôn bán với Việt nam một khi Mỹ đang cấm vận với Việt nam. Do đó, số lượng các điều ước quốc tế về thương mại cũng được ký kết trong phạm vi rất nhỏ bé.

Cũng cần thấy rằng xuất phát từ quan điểm coi trọng luật quốc gia hơn điều ước quốc tế , các nước TBCN thường xuyên lẩn tránh nghĩa vụ quốc tế mà ở họ đã thừa nhận trong điều ước quốc tế , hoặc trì hoãn thực hiện các nghĩa vụ đó. Đặc biệt trong quan hệ với Việt nam nói riêng và các nước khác có chế độ kinh tế - chính trị đối lập nói chung, trong nhiều trường hợp các nước phương Tây còn đơn phương tuyên bố bỏ các điều ước quốc tế mà họ đã ký, gây nên sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế kể cả trong lĩnh vực thương mại.

 

 

II

Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương giữa Việt nam với các nước khác trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN

Nền kinh tế thị trường với những quy luật khách quan vốn có của nó đã tác động mạnh mẽ tới toàn bộ các mối quan hệ về thương mại phát sinh ở Việt nam và giữa Việt nam với các nước trên thế giới. Sự tác động này thể hiện rõ nét nhất từ 1.1.1988 (từ sau khi Quốc hội thông quaLuật đầu tư nước ngoài tại Việt nam ngày 29.12 1987) và đặc biệt phong phú cho đến ngày hôm nay. Sự thay đổi trong việc quản lý nền kinh tế đất nước được đánh dấu bằng việc tuyên bố huỷ bỏ độc quyền ngoại thương (trong lĩnh vực thương mại quốc tế); tuyên bố mở cửa nền kinh tế (trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài) đối với tất cả các nước không phân biệt chế độ kinh tế – chính trị; chủ trương đa dạng hoá hình thức sở hữu; Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các loại hình công ty ra đời... Những thay đổi sâu sắc này tạo cơ sở cho những hoạt động thương mại với đúng nghĩa thực của nó, và tạo điều kiện cho Việt nam tham gia sâu rộng vào các mối quan hệ kinh tế quốc tế nói chung và các quan hệ thương mại quốc tế nói chung. Những thay đổi này đồng thời cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại hiện nay.

Nghiên cứu thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại trong những năm gần đây cho thấy rõ một số đặc điểm nổi bật sau đây:

* Thứ nhất, tên gọi các điều ước quốc tế về thương mại thay đổi.

 

* Nội dung của điều ước quốc tế cũng có nhiều thay đổi, phong phú hơn, đa dạng hơn: bên cạnh những ĐƯQT điều chỉnh các hoạt động thương mại thuần tuý (như mua-bán hoặc các dịch vụ mua bán như vận tải, bảo hiểm, thanh toán...) còn có nhiều hoạt động phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quan hệ thương mại đó như các điều ước quốc tế về thuế, cấm đánh thuế hai lần hoặc các điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại v.v...

* Về mặt chủ thể ký kết, Việt nam không chỉ ký kết các điều ước quốc tế với các Nhà nước XHCN (như Cuba, Trung quốc) mà cả các nước phương Tây, nhóm các nước khu vực (như ASEAN hoặc liên minh Châu Âu - EU ) v.v... không chỉ ký kết các điều ước quốc tế song phương mà cả các điều ước quốc tế nhiều bên.

Để có cơ sở cho việc nêu ra ba đặc điểm cơ bản này, ta có thể phân tích một số điều ước quốc tế điển hình sau đây theo các vấn đề đã nêu trên:

 

1. Tên gọi của điều ước quốc tế thương mại hiện nay

Nếu như trong thời kỳ bao cấp, những nguyên tắc pháp lý chỉ đạo (như nguyên tắc Tối huệ quốc) thường chỉ được quy định trong cacs Hiệp ước Thương mại và Hàng hải, và do đó, ở Việt nam, Hiệp ước Thương mại và Hàng hải là tên gọi truyền thống cho các loại điều ước quốc tế có tính nguyên tắc quan trọng thì những năm gần đây, tình hình đã phần nào thay đổi. Đại bộ phận các điều ước quốc tế về lĩnh vực thương mại có tính nguyên tắc hiện được gọi là Hiệp định Thương mại. Cũng có khi được gọi là Hiệp ước Thương và Hàng hải nhưng không nhiều. Có trường hợp gọi là công ước v.v... Mặc dù về mặt nguyên tắc, cho đến nay, thế giới chưa có một quan điểm thống nhất - một chuẩn mực cụ thể để xác định tên gọi của điều ước quốc tế . Do vậy, trong thực tế, tên gọi của điều ước quốc tế thường do chính các quớc gia ký kết tự quy định.

Thiết nghĩ, điều này cần phải được sửa đổi. Cần có một tiêu chuẩn thống nhất (nếu không phải là ở phạm vi toàn cầu thì có thể ở từng khu vực) để tạo nên một cách hiểu khá điển hình cho từng loại tên gọi. Chẳng hạn, có thể quy định rằng Hiệp ước là tên gọi các điều ước quốc tế có vai trò quan trọng trong đó nêu lên những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản nhất và những nguyên tắc được áp dụng riêng cho từng lĩnh vực. Còn Hiệp định là loại điều ước quốc tế đề cập tới những vấn đề cụ thể theo từng lĩnh vực chuyên môn nhất định; việc sửa đổi này cần được đưa vào đoạn cuối phần 1 của Điều 1 trong Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam ngày 25.10.1989.

2. Nội dung của điều ước quốc tế về thương mại

Vì tên gọi chưa thống nhất và hầu hết các điều ước quốc tế về thương mại mà Việt nam ký với các nước khác trong những năm gần đây đều gọi là Hiệp định Thương mại cho nên trong Hiệp định Thương mại, tuỳ theo mối quan hệ giữa Việt với từng nước, thường quy định những nội dung không giống nhau và ấn định cả nguyên tắc pháp lý có tính chủ đạo lẫn nội dung hợp tác cụ thể về thương mại khá đa dạng và phong phú:

Ví dụ, Hiệp định thương mại ký giữa Việt nam với Australia ngày 14.6.1990 neu rõ hai Chính phủ cam két sẽ giành cho nhau chế độ tối huệ quốc trong việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu; trong việc phân bổ ngoại tệ có liên quan tới việc xuất nhập khẩu đó cũng như trong các lĩnh vực liên quan đến thếu, hải quan, các thứ thuế và lệ phí khác đánh vào hoặc có liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu và hải quan, và các thủ tục, thể lệ, nội quy cóliên quan khác (Điều 6 của Hiệp định). Hiệp định còn quy định những lĩnh vực được hai Chính phủ ưu tiên phát triển như năng lương, khai khoáng tài nguyên thiên, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chế biến tthực phẩm, vận tải, giáo dục... Đặc biệt, trong lĩnh vực thanh toán, hiệp định khẳng định rằng: "Chính phủ Australia sẽ hết sức cố gắng đảm bảo dành cho Việt Nam những điều kiện thanh toán thông thường để trang trải cho những hàng hoá xuất, nhập khẩu của Australia thông qua phương thức tín dụng, đảm bảo tín dụng chung và dài hạn sẽ dành cho Việt Nam trong những trường hợp thích hợp". Để đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định thương mại này, Chính phủ Việt Nam và chính phủ Australia (quy định ngay trong Hiệp định) đã thành lập một Uỷ ban hỗn hợp về thương mại và hợp tác kinh tế.

Hiệp định thương mại ký giữa Việt Nam với Malayxia ngày 11.8.1992 thì lại rất đơn giản. Ngoài việc quy định rằng hai bên dành cho nhau chế độ Tối huệ quốc trong lĩnh vực liên quan đến thuế quan và các loại thuế đánh vào hoặc liên quan đến xuất hoặc nhập, đánh vào việc chuyển tiền thanh toán đối với hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu (Điều 2) thì Hiệp đinhj chỉ quy định thêm một số vấn đề về biện pháp thực hiện Hiệp định, hiệu lực và huỷ bỏ Hiệp định.

Hiệp định thương mại song phương thường có hiệu lực ngắn: 1,2 năm hoặc 5 năm (như Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nauy, có hiệu lực từ ngày 1.1.1994 và hết hiệu lực từ ngày 31.12.1995).

Hiệp định thương mại ký giữa Việt Nam với Châu Âu (EU) về buôn bán hàng dệt may và may mặc ngày 15.12.1992 có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 1.1.1993 chỉ quy định danh mục mặt hàng và hạn ngạch hàng dệt và hàng may mặc của Việt Nam được phép vào thị trường EU cùng một số nghĩa vụ mà phía Việt Nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ Hiệp định này, ta sẽ thấy rõ tổng hạn ngạch được EU cấp cho Việt Nam, từ 1993 đến 1.1.1998 tăng rất nhiều (năm 1993 tăng gấp 10 lần) so với những năm trước đây; Hiệp định nêu rõ 151 nhóm mặt hàng dệt và may mặc của Việt Nam được phép vào EU trong đó có 106 nhóm mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch và 45 nhóm mặt hàng tự do. những mặt hàng được gọi là "hàng nhậy cảm" cũng được ấn định hạn ngạch riêng và được EU quản lý rất chặt chẽ. Những nghĩa vụ của phía Việt nam được quy định trong Hiệp định là những nghĩa vụ không chỉ của Chính phủ Việt Nam mà còn của cả các doanh nghiệp Việt Nam liên quan, đặc là điều khoản chống hàng lậu trong Hiệp định. Ngoài ra, hàng năm hai bên còn ký các Hiệp định thư trao đổi nhằm cụ thể hoá hoặc bổ xung thêm những chi tiết cần thiết, tạo điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ được thuận lợi hơn. Dựa trên Hiệp định này, hàng năm Bộ Thương mại sẽ thông báo cụ thể hạn ngạch mà các doanh nghiệp Việt Nam được ký hợp đồng.

Ngoài những nội dung trên, các Hiệp định Thương mại còn đề cập tới vấn đề liên quan đến xuất xứ xứ của hàng, về phương pháp, cách thức điều hành quản lý hoặc giải quyết các tranh chấp phát sinh.v.v...

3. Về mặt chủ thể ký kết:

Từ một vài ví dụ trên đây có thể thấy rõ trong những năm gần đây, các điều ước quốc tế về thương mại được ký kết giữa Việt Nam với các nước phương Tây chiếm tỷ trọng lớn, các điều ước quốc tế thương mại có tính chất khu vực được ký kết trong 1,2 năm gần đây có số lượng với chiều hướng bắt đầu gia tăng. Song, đại bộ phận các điều ước quốc tế được ký kết là loại điều ước quốc tế song phương. Điều ước quốc tế về thương mại có tính chất đa phương hiện tại lại chính là ĐKCGH SEV 1968/1988. Vì sao như vậy? Bởi vì Hội đồng Tương trợ kinh tế ngừng hoạt động vào tháng 6.1991. Nhưng, về mặt pháp lý, chưa có văn bản nào tuyên bố rằng ĐKCGH SEV 1968/1988 hết liệu lực, do đó cho đến nay vẫn còn khá nhiều nước áp dụng nó. Trong thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức của nước Nga, người ta vẫn thường áp dụng ĐKCGH SEV 1968/1988 một cách mặc nhiên theo truyền thống.

Nói đến điều ước quốc tế đa phương về thương mại không thể không nói đến Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Công ước này được ký giữa các nước hội viên Liên hợp quốc ngày 11.4.1980. Công ước này ra đời để thay thế Công ước Lahay năm 1964 về mua bán hàng hoá quốc tế - Công ước của riêng các nước TBCN ở lục địa Châu Âu.

Với 4 phần và 101 điều khoản, Công ước Viên đề cập đến hầu hết các vấn đề liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán giữa các tổ chức, cá nhân của các nước hội viên. Công ước Viên năm 1980 được xây dựng với mục đích thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới mà Đại hội của Liên hợp quốc đã chấp nhận, với một nguyên tắc pháp lý quốc tế xuyên suốt là phát triển nền thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Việc thực hiện các nguyên tắc, mục đích này nhằm thúc đẩy việc loại trừ các trở ngại pháp lý trong thương mại quốc tế và hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thương mại quốc tế nói chung và quan hệ thương mại trong moõi nước nói riêng. Chỉ đáng tiếc là cho đén nay Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước.

Tóm lại, cùng với việc chuyến đổi sang nền kinh tế thị trường, loại điều ước quốc tế về lĩnh vực thương mại mà Chính phủ Việt Nam ký kết đã tăng lên về số lượng, chủng loại, phong phú và đa dạng hơn về mặt nội dung. Trong những ngày này, chúng ta hy vọng rằng, cùng với việc gia nhập của Việt Nam vào ASEAN cùng với việc thiết lập ngoại giao và huỷ bỏ cấm vận của Chính phủ Mỹ, con số các điều ước quốc tế về thương mại sẽ còn tăng nhanh, nhiều hơn nữa, đặc biệt là các điều ước quốc tế đa phương và khu vực. Chính các điều ước quốc tế này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam hoà nhập thật sự vào các nước khu vực và toàn cầu bằng việc thi hành đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và có điều kiện để tiếp thu trình độ khoa học nói chung và kỹ thuật lập pháp nói riêng của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trong thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại cũng làm phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, cần phải có biện pháp cụ thể, cấp bách để khắc phục những tồn tại phát sinh. Sau đây, xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể:

 

 

 

 

 

 

 

III

 

Kiến nghị về những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc ký kết và thực hiện những điều ước quốc tế về thương maị

 

1. Ngày 28.10.1995 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Bộ luật dân sự nước CHXHCN Việt Nam . Đây là một việc làm hết sức kịp thời của Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường pháp luật dân sự cho hoạt động của công daan trên lãnh thổ Việt Nam .Vì chúng ta chưa ban hành Bộ luật thương mại, rất nhiều quy định của Bộ luật dân sự sẽ được áp dụng trong quan hệ thương mại có yếu tố quốc tế và điều này là không hợp lý. Như chúng ta đã biết, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển (kể cả các nước phương Tây lẫn các nước ở khu vực khác) ngành luật Dân sự mà hình thức cao nhất của nó là Bộ luật Dân sự chỉ điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật dân sự- các mối chỉ liên quan đến nhu cầu hàng ngày, đời thường của công dân, tổ chức...mà không vì mục đích lợi nhuận. Còn tất cả các mối quan hệ phát sinh liên quan đến kinh doanh, thương mại được quy định bởi Bộ luật (hoặc các văn bản pháp luật) về thương mại. Ngành luật thương mại có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội liên quan tới mục đích là thu lợi nhuận. Do đó nó sẽ mang nhiều đặc thù khác hẳn với Bộ luật thương mại. Chính vì vậy, đối với Việt Nam chúng ta, việc thông qua Bộ luật thương mại là một nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn qua năm 1996 được nữa.

2. Như đã trình bày ở trên, chúng ta cũng nên có một tiêu chuẩn thống nhất về một số tên gọi thông dụng của các ĐƯQT (ít nhất nếu không phải là tất cả). Nghĩa là, cần bổ xung vào đoạn cuối của điểm 1 Điều 1- Pháp lệnh về và thực hiện ĐƯQT của CHXHCN Việt Nam ngày 25.10.1989 những quy định Hiệp ước là gì, Công ước là gì, Định ước là gì, Hiệp định là gì... để làm rõ thêm đoạn đầu điểm 1 của Điều 1 này.

Việc chuyển hoá này là cần thiết để các vị đại diện có thẩm quyền của vn , trước khi đi ký các ĐƯQT, đã có được sự hiểu khá đầy đủ tên gọi của ĐƯQT mà Việt Nam sắp ký và do đó trong nội dung của ĐƯQT này phải đưa những quy định có tính nguyên tắc hay những quy định có tính chất cụ thể về từng lĩnh vực cho phù hợp với tên gọi của ĐƯQT .

3. Việt Nam nên tuyên bố gia nhập Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc (như chúng ta vừa tuyên bố công nhận Công ước New York 1958 về thừa nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài ). Khi công nhận Công ước này, Chính phủ vẫn có thể bảo lưu không áp dụng một số điều khoản của Công ước nếu thấy cần thiết. Thực tế cho thấy rằng, ngay từ thời bao cấp, nhiều Tổng công ty XNK Việt Nam đã dẫn chiếu tới việc áp dụng Công ước Viên. Việc công nhận về pháp lý Công ước Viên sẽ tạo một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mạiquốc tế nói chung và tạo cơ sở cho Việt Nam hoà nhập vào các hoạt động thương mại có tính hoàn cầu nói riêng.

4. Cùng với việc ký kết hoặc tuyên bố công nhận các ĐƯQT về thương mại nói trên sẽ phát sinh nhiều nghĩa vụ của Chính phủ Việt Nam , trong đó việc chấp hành tốt nghĩa vụ quốc tế cũng là một trong những biện pháp nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nước trên thế giới. Đấy là về nguyên tắc. Còn trong thực tế, nghĩa vụ quốc tế mà Chính phủ Việt Nam cam kết lại đựơc quyết định bởi việc ký kết và thực hiện tốt hay không tốt các hợp đồng thương mại cụ thể của các doanh nghiẹep Việt Nam . Do đó, cần đào tạo lại đội ngũ này. Nhiệm vụ đào tạo kiến thức và kỹ thuật soạn thảo các hợp đồng thương mại cho cán bộ Việt Nam không chỉ thuộc về các trường Đại học mà còn là chính của Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại... Việc đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, đặc biệt là kiến thức liên quan đến kỹ thuật soạn thảo các ĐƯQT nói chung và ĐƯQT về thương mại nói riêng là hết sức cấp bách. Hãy nên nhớ tới lời dạy của Các Mác: "Nhà làm luật phải coi mình như một nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật pháp. Ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên, ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật, quy tắc thành văn, có ý thức".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt Nam

 

Hoàng Phước Hiệp

 

 

 

I

Một số vấn đề chung

 

1. Tháng 12.1987, Quốc hội thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam . điều 40 của Luật ĐTNN này có quy định: "Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ CHXHCN Việt Nam có thể ký với Chính phủ nước ngoài những Hiệp định về hợp tác và đầu tư phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và mỗi nước". Quy định này của Luật ĐTNN qua hai lần sửa đổi, bổ xung Luật ĐTNN (1990 và 1992) vẫn được giữ nguyên.

2. Căn cứ vào Điều 40 của Luật ĐTNN và Pháp lệnh năm 1989 về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam , ngày 18.5.1990, Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Chính phủ Italia. Đây là Hiệp định đầu tiên của Chính phủ ta với nước ngoài trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư theo Luật ĐTNN tại Việt Nam . Đến ngày 14.01.1996, ta đã ký được 30 Hiệp định loại này với các nước. Trong số 30 Hiệp định đó, có 16 Hiệp định đã được các bên phê duyệt theo pháp luật của nước ký kết, 12 Hiệp định chưa được nước ngoài thông báo về việc Chính phủ đã phê duyệt (Bỉ, Luxambua, Amenia, Phần lan, Liên bang Nga, Ucraina, Rumania, Balan, Hungari, Litva, Lào, Cuba, Latvia) và 2 Hiệp định (Đài loan, CH áo) chưa được Chính phủ nước nào phê duyệt (riêng Đài loan có vấn đề đặc biệt).

3. Việc soạn thảo, đàm phán, ký, phê duyệt... các Hiệp định đó hoàn toàn phù hợp với lý luận pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế (nhất là Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế ), cũng như phù hợp với thực tiễn điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo hộ ĐTNN.

Nội dung cơ bản của các Hiệp định đó có nhiều điểm giống nhau, tuy vậy, cũng có một số điểm đặc thù phù hợp với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với mỗi nước và nói chung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư của nước ký kết này tại lãnh thổ nước ký kết kia, bảo hộ tài sản, vốn đầu tư và phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước .

 

II

 

Một số vấn đề cụ thể về nội dung của Hiệp định

 

1. Về khái niệm "đầu tư" (ĐTNN):

Trong các Hiệp định, thường được hiểu là tất cả những loại giá trị vật chất mà nhà đầu tư (NĐT) của nước ký kết này đưa vào nước ký kết kia phù hợp với pháp luật nước ký kết nhận ĐTNN. Phạm vi các loại giá trị vật chất này khá rộng, chúng có thể là những động sản, bất động sản, tiền tệ, các quyền sở hữu công nghiệp, quyền cầm cố, quyền thu hoa lợi, cổ phần, chứng khoán, trái phiếu công ty, quyền chuyển nhượng theo hợp đồng ... Tuy vậy, cũng cần phải chú ý, khái niệm ĐTNN không áp dụng cho quan hệ pháp luật phát sinh từ các hợp đồng mua bán ngoại thương và thực tế cũng không bao hàm các quyền không có gía trị vật chất.

Dấu hiệu quan trọng của khái niệm ĐTNN theo các Hiệp định này nằm ở chỗ các giá trị vật chất đó phải là đối tượng của hoạt động kinh tế dài hạn có phát sinh lợi nhuận hoặc thua lỗ trong điều kiện thị trường.

2. Về khái niệm "Nhà đầu tư":

Trong các Hiệp định đều có cách hiểu chung, đó là bất kỳ tổ chức, cá nhân của nước ký kết này được quyền thực hiện việc đầu tư theo pháp luật của chính nước mà tổ chức, cá nhân đó có quốc tịch trên lãnh thổ của nước ký kết kia theo những điều kiện và quy định của pháp luật nước ký kết nhận đầu tư. Các tổ chức- nhà đầu tư đó phải là các pháp nhân được thành lập phù hợp pháp luật nước ký kết, còn các cá nhân phải là công dân nước ký kết. Trong các Hiệp định đã ký kết chưa giải quyết vấn đề nhà đầu tư trong đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư của nước thứ ba.

3. Về khái niệm "thu nhập":

Các Hiệp định hiểu đó là tổng số những khoản có thu được từ kết quả hoạt động đầu tư, đặc biệt là lợi nhuận, lãi cổ phần, tiền bản quyền hoặc các khoản thu hợp pháp khác như khoản thù lao dịch vụ kỹ thuật, các khoản hoa hồng uỷ thác, tiền bán license ...

4. Về quy chế pháp lý của ĐTNN và nhà đầu tư:

Các Hiệp định đều có quy định nghĩa vụ của các quốc gia ký kết bảo đảm một quy chế pháp lý công bằng và thoả đáng, không phân biệt đối xử, không gây trở ngại cho việc quản lý các khoản ĐTNN, tiến hành hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư của các nước ký kết. ĐTNN được hưởng sự bảo hộ pháp lý cần thiết.

Phân tích nội dung các Hiệp định về vấn đề này cho thấy, các nước ký kết dành cho các nhà đầu tư của nhau quy chế Tối huệ quốc. Tuy vậy, các Hiệp định không dự liệu cho các nhà đầu tư được hưởng những ưu tiên, phát sinh từ việc một trong các bên ký kết sẽ có được khi tham gia vào các khu mậu dịch tự do, phi quan thuế, các tổ chức kinh tế quốc tế, hoặc phát sinh từ các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc từ mậu dịch đường biên.

Ngoài ra, các Hiệp định còn cho phép các nhà đầu tư được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn theo pháp luật của nước ký kết nhận đầu tư, tuỳ thuộc vào mức độ quan hệ kinh tế giữa các nước cụ thể. Các Hiệp định cũng không loại trừ khả năng cho các nhà đầu tư được hưởng quy chế đãi ngộ quốc dân của nước ký nhận ĐTNN.

5. Bảo hộ ĐTNN khỏi các biện pháp cưỡng chế hành chính:

Các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với vốn thu nhập và các tài sản hợp pháp của nhà đầu tư đưọc hiểu ở đây là các biện pháp về quốc hữu hoá, trưng thu, trưng dụng và các biện pháp khác mà hậu quả của chúng là dẫn đến việc tước mất quyền sở hữu hoặc hạn chế quyền sở hữu đối với các khoản vốn, thu nhập và các tài sản đó của nhà đầu tư nước ký kết này tại nước ký kết khác.

Các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã chú ý quy định khá rõ về các biện pháp bảo hộ càan thiết trong trường hợp quốc gia ký kết có áp dụng những biện pháp cưỡng chế như vậy. Về nguyên tắc, các quốc gia ký kết sẽ cố gắng để không áp dụng các biện pháp đó đối với ĐTNN của các nước ký kết. Ngoài ra, các hiệp định cũng dự liệu đến khả năng các nước ký kết có thể áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp có nhu cầu đòi hỏi cấp bách về an ninh, trận tự cộng cộng hoặc vì lợi ích quốc gia. Tuy vậy, khi áp dụng các biện pháp đó nước ký kết phải bảo đảm các điều kiện cơ bản sau:

a) Các biện pháp đó phải được áp dụng theo một thủ tục hợp pháp, phù hợp với pháp luật của nước nhận đầu tư đó;

b) Không được phân biệt đối xử, không được trái với các cam kết cụ thể giữa hai nước ký kết;

c) Nhà đầu tư được bồi thường thoả đáng và kịp thời.

Trong các hiệp định đã ký, nhìn chung quy định khá chi tiết việc điều chỉnh pháp luật vấn đề bồi thường trong trường hợp nước nhận đầu tư áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với ĐTNN. Chẳng hạn, việc bồi thường phải phù hợp với giá trị thực của vốn đầu tư vào ngày hôm trước của ngày thông qua quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế. Các khoản bồi thường phải được thanh toán bằng đồng tiền có khả năng chuyển đổi tự do hoặc bằng đồng tiền của nước ngoài đầu tư. Các khoản này phải được trả ngay và có thể sẽ được tính thêm khoản lãi suất theo bảng lãi suất thương mại thông dụng kể từ ngày được tính bồi thường cho đến ngày thanh toán xong. Thể thức chi trả khoản bồi thường thường được xác định theo pháp luật của nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó.

Bên cạnh các quy định về bảo hộ ĐTNN khi có áp dụng các biện pháp cưỡc chế hành chính, các hiệp định còn quy định cả trường hợp bảo hộ ĐTNN khi có những sự cố bất ngờ xẩy ra như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, báo động ...Chẳng Hiệp giữa Việt Nam -Thái lan có quy định, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng bị thiệt hại do các hành động đó xẩy ra thì nhà đầu tư nước ngoài ký kết hữu quan sẽ được đối xử tử tế, được hoàn trả, bồi thường hoặc được hưởng các bảo hộ khác phù hợp với PLQT và không kém thuận lợi so với các nhà đầu tư các nước ký kết khác trong hoàn cảnh như vậy.

6. Bảo đảm chuyển vốn, thu nhập và tài sản hợp pháp ra nước ngoài:

Thực tiễn hiệp định của Việt Nam không quy định một sự giới hạn về số lượng vốn, đồng tiền chuyển đổi và phương tiện tài chính được dùng để chuyển ra ngoài nước nhận đầu tư. Trong các hiệp định cũng không hạn chế thời điểm chuyển ra ngoài nước nhận đầu tư. Tuy vậy, vấn đề chuyển đổi ra ngoại tệ đối với phần vốn, thu nhập và tài sản hợp pháp có được trong quá trình hoạt động ĐTNN và sẽ chuyển ra ngoài, lại có những giải pháp khác nhau, tuỳ thuộc vào từng trường hợp chuyển vốn, thu nhập và tài sản đó ra ngoài. Thông thường, vấn đề chuyển đổi đồng tiền đó được thực hiện trong kỳ hạn 6 tháng sau ngày thanh toán xong các nghĩa vụ về thuế và các khoản chi, nợ khác và đối với các khoản:

- Thu nhập từ hoạt động đầu tư, kể cả lãi cổ phần, lợi nhuận ...

- Các khoản cần thiết để thanh toán các khoản vay hợp pháp

- Vốn đầu tư ban đầu

- Các khoản bồi thường

- Các khoản chi trả định kỳ theo bản quyền, trợ giúp thương mại ...

- Các khoản thu nhập cá nhân đã trừ thuế

- Một số khoản chi trả theo thoả thuận riêng

Trong thực tiễn điều ước quốc tế của Việt Nam về vấn đề này, có phát sinh cái gọi là bảo đảm sự thế quyền. Đây là một khái niệm pháp lý - kinh tế khá phức tạp, chưa được luật ĐTNN tại Việt Nam quy định. Chẳng hạn, trong Hiệp định bảo hộ ĐTNN giữa Việt Nam và Indonesia (Điều 8), giữa Việt Nam và Bỉ-Luxambua (Điều 7) có quy định: Trong trường hợp bên ký kết này đưa ra các bảo đảm đối với các rủi do phi thương mại đối với các khoản đầu tư của tổ chức, cá nhân nước mình tại nước ký kết kia và sẽ thực hiện việc thanh toán cho các nhà đầu tư bị rủi ro đó, thì bên ký kết kia sẽ công nhận việc chuyển quyền đó cho bên ký kết này. Trong trường hợp như vậy, bên ký kết này sẽ chỉ định tổ chức đứng ra đảm nhiệm trách nhiệm đó, kiểu như một tổ chức bảo hiểm hoặc một hoạt động theo kiểu bảo đảm đối với các rủi ro phi thương mại của MIGA. Việc thế quyền đó sẽ nằm trong giới hạn của phần bồi thường rủi ro mà hợp đồng giữa nhà đầu tư và tổ chức bảo hiểm đã ghi nhận. Phần rủi ro phát sinh ngoài giới hạn hợp đồng thì do nhà đầu tư tự gánh chịu. Trong trường hợp đó, việc chuyển khoản tiền được bồi thường ra nước ngoài cũng như việc chuyển đổi đồng tiền ở đây sẽ do tổ chức thế quyền (bảo hiểm) thực hiện theo thoả thuận giữa các bên ký kết Hiệp định.

7. Vấn đề giải quyết tranh chấp:

Trong các hiệp định có đề ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp giữa các nước ký kết với nhau và giải pháp để giải quyết tranh chấp giữa nước ký kết nhận đầu tư và nhà đầu tư của nước ký kết khác.

a) Đối với tranh chấp giữa các nước ký kết, đối tượng của các vụ tranh chấp đó thường có thể là việc giải thích hoặc áp dụng hiệp định.

Các hiệp định đều có quy định giải quyết các tranh chấp này trước tiên bằng con đường ngoại giao.

Trong trường hợp, nếu thông qua con đường ngoại giao mà không giải quyết được tranh chấp thì các bên ký kết sẽ áp dụng các biện pháp hoà bình khác phù hợp với PLQT và thực tiễn quốc tế để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp đó có thể được giải quyết tại Trọng tài quốc tế ad hoc, được thành lập theo thoả thuận trọng tài cụ thể giữa hai nước ký kết hữu quan. Hiệp định giữa Việt Nam - Amenia quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày không thể giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao thì sẽ điều ước quốc tếưa tranh chấp đó ra Trọng tài do các bên thành lập. Tranh chầp loại trên cũng có một số Hiệp định quy định được giải quyết tại một Uỷ ban hỗn hợp gômf đại diện của hai bên ký kết . Nếu Uỷ ban hỗn hợp không giải quyết được thì có thể giải quyết tại Trọng tài liên Chính phủ ad hoc (Hiệp định Việt Nam - Bỉ).

Thực tiễn điều ước quốc tế về bảo hộ ĐTNN có các thông lệ khá chi tiết về việc thành lập các trọng taì loại này. Thông thường, để thành lập Trọng tài ad hoc, mỗi bên chọn một trọng tài viên, hai trọng tài viên cùng nhau chỉ định trọng tài viên thứ ba (làm Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài). Các Hiệp định đều ấn định thời gian cần thiết để chỉ định trọng tài viên và Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài. Trong trường hợp các bên không thể chỉ định được Chủ tịch Uỷ ban trọng tài, thì các bên có thể đề nghị Tổng thư ký LHQ hoặc một nhân vật cao cấp có uy tín chỉ định chủ tịch đó. Các hiệp định thường quy định giao cho Trọng tài quyền định lập quy tắc tố tụng của mình, các chi phí cần thiết và giá trị pháp lý của các quyết định của trọng tài.

b) Đối với các tranh chấp giữa nước ký kết nhận đầu tư và nhà đầu tư của nước ký kết khác, đối tượng của các vụ tranh chấp này thường là thể thức và mức độ bồi thường trong trường hợp nứơc nhận đầu tư áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với ĐTNN. Trong một số hiệp định còn quy định cả tranh chấp về các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến ĐTNN tại nước nhận đầu tư.

Khác với quy định của Luật ĐTNN tại Việt Nam , ở đó không có quy định về vấn đề này một cách rõ ràng, trong các Hiệp định bảo hộ ĐTNN ta đã ký với nước ngoài, có quy định khá chi tiết về vấn đề này. Tuy vậy, các Hiệp định quy định những cơ chế rất khác nhau trong giải quyết các tranh chấp đó, phù hợp với thực tiễn pháp luật từng nước cụ thể. Chẳng hạn, Hiệp định Việt Nam - Bỉ quy định cần phải tiến hành hoà giải trước. Nếu hoà giải không thành thì phải đưa ra Trọng tài quốc tế (mà không có vấn đề lựa chọn trọng taì hoặc trọng tài nước thứ ba). Hiệp định Việt Nam - Indonesia cũng quy định hoà giải trước, nhưng nếu hoà giải không thành thì cho nhà đầu tư tự do lựa chọn toà án của nước ký kết có thẩm quyền theo luật đầu tư hoặc Trọng tài quốc tế theo quy định của Luật mẫu UNCITRAL.

Theo quy định phổ biến trong các Hiệp định, khi phát sinh tranh chấp, bất kỳ bên tranh chấp nào cũng có thể gửi cho bên kia văn bản thông báo liên quan đến đối tượng của vụ tranh chấp và bản ghi nhớ chi tiết liên quan đến vấn đề này. Trọng các tài liệu đó sẽ đề cập đến các thủ tục và biện pháp cần áp dụng để giải quyết tranh chấp. Các bên sẽ có một thời hạn nhất định (3 hoặc 6 tháng) để thương lượng, hoà giải trực tiếp hoặc qua con đường ngoại giao. Khi không thể giải quyết bằng con đường thương lượng, hoà giải, các bên sẽ đưa vụ tranh chấp ra trọng tài được lập phù hợp với quy tắc của trọng tài UNCITRAL (1976), hoặc quy tắc của Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và kiều dân của quốc gia khác.

Trong nhiều Hiệp định còn quy định giá trị pháp lý của các quyết định của trọng tài, việc thi hành quyết định đó phù hợp với quy định của Công ước New-york năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài.

8. Vấn đề hiệu lực của các Hiệp định:

- Về người ký: cho đến hết tháng 12.1996, Chính phủ Việt Nam đã ký được 30 hiệp định bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Trong số 30 hiệp định đó có:

+ 6 hiệp định do Phó Thủ tướng ký (Belorusia, Phần lan, Thuỵ điển, Rumania,Hunggaria, Latvia);

+ 16 Hiệp định do các Bộ trưởng ký (Italia, Malasyia, Philippin, Singapore, Thái lan, Pháp, Đức, Ôxtrâylia, Trung quốc, Hàn quốc, Đan mạch, Hà lan, Ucraina, áo, Litva, Cuba);

+ Các hiệp định còn lại ký ở cấp thấp hơn (Thứ trưởng, Vụ phó).

- Về việc phê duyệt của Chính phủ: ta thường phê duyệt sớm hơn hạn. Trong số 30 Hiệp định được ký, có hai hiệp định chưa thấy thông tin về việc phê duyệt của Chính phủ ta (Hiệp định với Cộng hoà áo ký ngày 27.3.1995 và Hiệp định ký với Đài loan ký ngày 21.4.1993), 13 Hiệp định chưa thấy thông tin phê duyệt của Chính phủ bạn.

- Về thực tiễn thực thi Hiệp định: nhìn chung, Chính phủ Việt Nam chưa có văn bản nào thật cụ thể về việc chuyển hoá các quy phạm của hiệp định đó thành các quy phạm pháp luật trong nước, chưa có hướng dẫn cụ thể cho các ngành trong thực hiện các quy định cụ thể của hiệp định.

Tóm lại, trên đây là một số điểm cơ bản trong lý luận và thực tiễn ký kết các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ ĐTNN. Việc ký kết các hiệp định đó về cơ bản, bảo đảm đúng quy định thể hiện ở Điều 40 của Luật ĐTNN tại Việt Nam .

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số vấn đề về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần

 

Lê Hồng Hải

 

 

 

I

 

Khái quát về hiệp định tránh đánh thuế hai lần

 

 

Luật thuế là một bộ phận của chủ quyền quốc gia, mỗi Nhà nước đều có những quy định luật lệ riêng để thu thuế các cá nhân, tổ chức ở trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các khuynh hướng ngày càng tăng lên của các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thông qua các dòng đầu tư về vốn, kỹ thuật, nhân lực cũng như sự di cư của các đối tượng cư trú mang quốc tịch thì việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc chủ quyền về thuế sẽ dẫn đến việc đánh thuế hai lần đối với đối tượng bị đánh thuế: đánh thuế tại nước nơi đối tượng đó cư trú và tại nước nơi đối tượng đó có nguồn thu nhập phát sinh. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả không tốt cho sự mở rộng và phát triển kinh tế của các quốc gia. Do đó, các quốc gia đi đầu tư cũng như các quốc gia nhận đầu tư đều mong muốn có được một sự thoả thuận để xoá bỏ việc đánh thuế hai lần, tạo thuận lợi cho đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Sự đàm phán và thoả thuận giữa các quốc gia đã dẫn đến sự ra đời của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Nội dung thoả hiệp của các quốc gia trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, bản thân nó, không tạo ra luật mới mà hoàn toàn dựa trên luật thuế hiện hành của các quốc gia ký kết .Bằng Hiệp định trán đánh thuế hai lần này, các quốc gia cam kết giới hạn phạm vi quyền điều chỉnh về nghĩa vụ thuế đối với các pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ của mình về thuế trực thu (thuế thu nhập và thuế tài sản).

 

 

 

 

Nội dung cơ bản

của hiệp định tránh đánh thuế hai lần là:

1. Hiệp định bao gồm các đièu khoản quy định việc phân chia quyền đánh thuế giữa hai quốc gia ký kết đối với thuế thu nhập và thuế tài sản và biện pháp tránh đánh thuế hai lần.

2. Hiệp định bao gồm điều khoản quy định về việc bảo đảm đối xử bình đẳng về thuế giữa tổ chức và nhân nước ngoài với tổ chức và các nhân trong nước.

3. Hiệp định bao gồm điều khoản quy định việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế của các nước trong quản lý thuế để ngăn chặn việc trốn, lậu thuế.

Hiệp định bao gồm điều khoản quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trong khi áp dụng Hiệp định ở mỗi quốc gia.

 

 

- II -

 

Thực tế ký kết và thực hiện

hiệp định tránh dánh thuế hai lần

từ 1992-1995

 

1.về đàm phán và ký kết hiệp định

Tư năm 1990, thực hiện uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, nhưng đến năm 1992, ta mới chính thức ký Hiệp định này với nước đầu tiên là Ôxtraylia. Cho đến nay (tính đến tháng 12.1995), ta đã ký được 19 Hiệp định với các nước. Những nước đố là: Ôxtrâylia, Thái lan, Hàn quốc, Hung-ga-ri, Ba lan, ấn độ, Hà lan, Trung quốc, Đan mạch, Na-uy, Ru-ma-ni, Ma-lay-xia, Nhật bản, Đức.

Nội dung của các Hiệp định này được soạn thảo dựa trên mẫu Hiệp định của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế-OCED (mẫu OECD) phối hợp với mẫu Hiệp định của liên hiệp quốc-UN (mẫu UN). Về cơ bản, mẫu UN được xây dựng trên mẫu OECD. Do đó, nôi dung các Hiệp định mà Việt nam đã ký kết với các nước, về cơ bản, là thống nhất với nhau cảc về hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, do quy định thẩm quyền ký kết điwuf ước quốc tế của Việt nam là căn cứ theo danh nghĩa Hiệp định được ký kết (daqnh nghĩa Nhà nước, danh nghĩa Chính phủ hay danh nghĩa ngành-Điều 4 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam); nên hiện nay Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Viêtk nam ký vơí các nước có cả loại ký với danh nghĩa Nhà nước như Hung-ga-ri, Đức và có loại ký với danh nghĩa Chính phủ (là 17 nước còn lại trong 19 nước kể trên). Điều này đã dẫn đến việc không thống nhất trong các thủ tục cho đàm phán, quyết định ký kết và phê duyệt hoặc phê chuẩn có hiệu lực của Hiệp định và cũng là Hiệp định thuế nhưng với nước này thì ta trình Chính phủ, cong nước khác ta lại trình Chủ tịch nước.

Quy định thẩm quyền quyết định ký kết Hiệp định này, trên thực tế, trong thời gian qua cũng đã làm cho cơ quan chủ trì việc đàm phán này có những bị động, lúng túng, thậm chí nếu căn cứ vào Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế thì đó là một sự vi phạm. Ví dụ như Điều 5 của Pháp lệnh quy định:"Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế phải được uỷ quyền của Hội đồng Nhà nước khi đàm phán với danh nghĩa nhà nước". Trong khi đó, khi bắt đầu tiến hành đàm phán ta mới biết phía bên kia muốn ký Hiệp định với danh nghĩa nào, nên, nếu là danh nghĩa nhà nước thì đoàn đàm phán lúc đó không thể có được uỷ quyền của hôi đồng Nhà nước.

Trong thời gian đầu tiến hành đàm phán với các nước thì các hiệp định đều được ký kết với danh ghĩa Chính phủ, do đó, cơ quan đề xuất là Bộ Tài chính chỉ trình xin Chính phủ duyệt nguyên tắc, phương án đàm phán. Vì thế, trường hợp với Hung-ga-ri, sau khi kết thúc đàm phán, Bộ Tài chính trình lên Chính phủ để trình Chủ tịch nước duyệt ký Hiệp định,đã gặp những khó khăn do văn phòng Chủ tịch nước không nắm được Hiệp định này.tiếp theo, trường hợp với Hung-ga-ri là trường hợp với Đức. Cũng do luật pháp của các nước này đã quy định Hiệp định tránh đành thuế hai lần chỉ ký vớidanh nghĩa nhà nước nên ta phải đồng ý ký Hiệp định với danh nghĩa này, ví luật pháp của ta cho phép có thể được ký ở cả hai danh nghĩa. tuy hiện nay Chủ tịch nước đã có văn bản giao cho Chính phủ đàm phán Hiệp định và trình Chủ tịch nước duyệt ký và phê chuẩn Hiệp định, giải quyết được những vướng mắc trước đây, nhưng việc cùng một loại Hiệp định lại được ký dưới hai danh nghĩa khác nhau là không phù hợp vơí thông lệ quốc tế, thể hiện sự không thống nhất và chuẩn xác trong việc xác định thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề thẩm quyền ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nêu trên, cũng trong việc phân định thẩm quyền ký kết hiệp định, cong có quy định liên quan đến nội dung của hiệp định, đó là Điều 4 của Pháp lệnh ký kết điều ước quốc tế đã quy định: "Hội đồng Nhà nước quyết định việc ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa nhà nước CHXHCN Việt nam và những điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật hoặc pháp lệnh". như thế nào là "trái với luật hoặc pháp lệnh", điều này không có sự giải thích ở Nghị định 182/HĐBT ngày 28.5.1992 quy định chi tiêt thi hành Pháp lệnh. Do đó, hiện nay đang có hai cách hiểu khác nhau về vấn đề này, dẫn đến hai hướng xử lý khác nhau. Cách hiểu thư nhất là những điểm khác nhau trong nội dung của Hiệp định với luật trong nước chỉ là sự khác nhau chứ không phải là trái, do đó thẩm quyền ký kết hiệp định vẫn thuộc Chính phủ, không thuộc Hội đồng Nhà nước. những điểm khác nhau đó, ví dụ như Hiệp định quy định quyền đánh thuế của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn xí nghiệp có cơ sở thường trú hoặc các nhân có cơ sở cố định tại nước kia, trong khi Luật thuế lợi tức và Thuế thu nhập cá nhân của Việt nam không xác định việc đánh thuế theo tiêu chuẩn này hoặc Hiệp định quy định định mức thuế áp dụng đối với một số loại thu nhập tháap hơn luật trong nước quy định như thế đối với thu nhập từ tiền bản quyền có thể ở mức 5%, trong khi luật trong nước quy định cao nhất là 15%.. .

Cách hiểu thứ hai là cho rằng, những điểm khác nhau nêu trên là trái với luật trong nước, do đó, phải trình Chủ tịch nước quyết định việc ký Hiệp định này. Hiện nay, việc trình ký Hiệp định này vẫn được xử lý theo cách thứ nhất.

Ngoài ra, trong đàm phán Hiệp định còn có vấn đề giấy uỷ quyền đàm phán khi đàm phán Hiệp định thuế. Theo quy định của Pháp lệnh ký kết các điều ước quốc tế, thì trưởng đoàn đàm phán phải có giấy uỷ quyền của hội đồng Nhà nước hoặc chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc này không được thực hiện. Lý do của nó là việc đàm phán Hiệp định thuế đã nằm trong chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ quy định cho Bộ tài chính. Do đó, việc cấp giấy uỷ quyền cho mỗi lần đàm phán là không cần thiết. Trên thực tế, giữa hai đoàn đàm phán cũng chưa bao giờ có thủ tục trao đổi giấy uỷ quyền đàm phán.

Trong đàm phán Hiệp định thuế, sau khi két thúc đàm phán, hai đoàn đàm phán thường có thủ tục ký tắt vào bản dự thảo hiệp định đã được thống nhất. Việc ký tắt này chỉ là để ghi nhận kết quả đàm phán của hai bên, vì sau khi đã được ký tắt, hai bên vẫn có thể sửa đổi các nội dung đã được thống nhất. Bản dự thảo được ký tắt luôn chỉ là bản tiếng Anh vì bản tiếng Anh là bản duy nhất được dùng để điều ước quốc tế đàm phán Hiệp định thuế giữa các nước. Do quan niệm ký tắt trong đàm phán Hiệp định chỉ là ghi nhận kết quả đàm phán như nêu trên, nên việc ký tắt Hiệp định được thực hiện bởi các đoàn đàm phán không theo như quy định ở điều 6 của Nghị định 182/HĐBT là: ".. .Trước khi ký tắt, văn bản tiếng Việt phải được rà soát kỹ và đối chiếu với bản tiếng nước ngoài. Trong quá trình đamg phán, nếu có những thay đổi về nội dung cơ bản so với dự thảo đã đựoc chuẩn y thì việc ký tắt chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền". Quy định về ký tắt điều ước quốc tế này là chưa rõ ràng, do đó dẫn đến việc hiểu không thống nhất khái niệm "ký tắt", và liên quan đến nó là những thủ tục cần phải được tiến hành cho phu hợp. Hiện nay, cũng có quan điểm là việc ký tắt Hiệp định thuế như nêu trên là cần phải thực hiện theo Nghị định 182/HĐBT. Về phía cơ quan đàm phán Hiệp định thì thấy rằng, những quy định đó là không phù hợp với đặc điểm của việc đàm phán Hiệp định thuế. Một hiệp định được đàm phán theo mẫu hiệp định với các nguyên tắc đã được Chính phủ duyệt. Văn bản đàm phán, ngôn ngữ đàm phán luôn là tiếng Anh, với quy định bản tiếng Anh là bản tham chiếu trong trường hợp bản tiếng Việt và bản tiếng nước ký kết kia được hiểu không thống nhất.

Liên quan đến việc ký tắt này là vấn đề ngôn ngữ của hiệp định. Điều 2 của Nghị định 182/HĐBT quy định: "Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên phải có một văn bản bằng tiếng Việt, trừ một ít trường hợp đặc biệt có thoả thuận riêng với phía bên kia". Khái niệm "trường hợp đặc biệt" không được quy định rõ. Hiện nay, trong số hiệp định thuế đã ký đà có hai hiệp định với Hà lan và Bỉ chỉ ký bằng tiếng Anh do phía Hà lan và Bỉ không kịp chuẩn bị các văn bản bằng tiếng nước đó và như vậy, được coi là nằm trong trường hợp đặc biệt.

2. Về thực hiện Hiệp định

Như đã đề cập ở phần thẩm quyền quyết định việc ký kết Hiệp định, giữa nội dung của Hiệp định và luật thuế trong nước có những điểm khác nhau. Sự khác nhau này là do luật thuế của ta hiện nay đang ở trong thời kỳ mới bắt đầu xây dựng và chuyển đổi theo cơ chế quản lý của kinh tế thị trường, nên còn thiếu những loại thuế và những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế như thuế đối với tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, quy định về chống chuyển giá, quy định về đánh thuế theo cơ sở thường trú ...

Nguyên tắc giải quyết những vướng mắc do có những khác biệt này là điều ước quốc tế có giá trị cao hơn luật trong nước. Điều này đã được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Pháp lệnh này về việc nộp thuée thu nhập, thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó". Trong Luật thuế lợi tức không có điều khoản tương tự như vậy, nhưng tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về thuế lợi tức đã có hướng dẫn là thực hiện theo Hiệp định, và Tổng cục thuế theo uỷ quyền của Bộ Tài chính, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định cũng đã hướng dẫn theo tinh thần Hiệp định có giá trị cao hơn nội luật. Đây là thông lệ chung của quốc tế trong việc áp dụng Hiệp định thuế.

Mẫu Hiệp định OECD hoặc mẫu hiệp định UN được các nước chấp nhận dùng để đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là do những mẫu này đã được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế về chính sách thuế và quản lý thuế. Hệ thống thuế Việt Nam chưa đủ những quy định theo thông lệ quốc tế này. Tuy nhiên, khi ta đã thừa nhận và ký kết Hiệp định thuế với các nước thì điều đó đã có một ảnh hưởng tích cực trong ý nghĩa là một sự định hướng cho sự hoàn thiện chính sách thuế trực thu của Việt Nam . Vừa qua, trong Pháp lệnh sửa đổi thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã bổ sung quy định về đối tượng cư trú và không cư trú (tuy chưa thật đầy đủ) hoặc trong một số văn bản khác cũng đưa vào những nội dung theo quy định của Hiệp định như quy định về thuế đối với việc chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp, hoặc trong đề án ban hành Luật thuế công ty, Luật thuế thu nhập dân cư cũng đã đưa vào những nội dung của thuế quốc tế.

 

 

III

 

Đánh giá và kiến nghị

 

 

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là một trong những Hiệp định có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư giữa các nước theo xu thế tự do hoá nền kinh tế thế giới, nhằm xây dựng được một nền sản xuất hiệu quả nhất. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần không phải là một loại hiệp định khung mà là một loại hiệp định rất cụ thể với những quy định chi tiết, phức tạp, mang tính chuyên ngành rất sâu, chứa đựng những khái niệm, nội dung về thuế quốc tế, là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam . Nhằm đáp ứng được yêu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong một thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiến hành đàm phán và ký kết được Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 19 nước (từ 1990-1995). Các Hiệp định đã ký kết đèu bảo đảm bảo phù hợp với luật trong nước trong việc khuyến khích thu hút đầu tư trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Việc đàm phán, ký kết và thực hiện hiệp định đã được dựa trên những quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Pháp lệnh này đối với Hiệp định thuế đã bộc lộ ra những điểm cong thiếu, còn chưa rõ, chưa phù hợp của pháp lệnh, dẫn đến việc hiểu, giải thích không thống nhất các quy định của Pháp lệnh giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, giữa Bộ ngoại giao, Bộ tư pháp và các Bộ chuyên ngành khác, gây nên những khó khăn vướng mắc trong việc đàm phán và ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Điều đó đòi hỏi cần phải có sự sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về điều ước quốc tế , trong đó đặc biệt cần làm rõ quy định thẩm quyền quyết định ký kết điều ước quốc tế là căn cứ vào nội dung, tính chất của các điều ước quốc tế đó, chứ không chỉ dựa vào danh nghĩa của điều ước quốc tế như quy định hiện nay.

Trong các văn bản luật cơ bản của ta có liên quan đến điều ước quốc tế đều không có quy định về mức độ áp dụng điều ước quốc tế so với luật trong nước, nhưng trong Pháp lệnh điều ước quốc tế cũng đã quy địnhcho phép ký các điều ước quốc tế trái với luật và pháp lệnh. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định CHXHCN Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam đà ký kết và quy định trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải có bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới văn bản pháp luật của CHXHCN Việt Nam , thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó. Như vậy, gián tiếp ta đã thừa nhận nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế cao hơn nội luật.

Trong một số luật thuế hiện nay, đã có quy định về áp dụng điều ước quốc tế cao hơn luật như Luật thuế xuất nhập khẩu, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, và trong thực tế thi hành các điều ước quốc tế về thuế, cả Hiệp định tránh đánh thuế hai lần cũng như các thoả thuận quốc tế khác có liên quan đến thuế thì các điều ước quốc tế đó đều có giá trị cao hơn nội luật. Trong thực tế, chưa có trường hợp nào ta từ chối không thực hiện điều ước quốc tế do mâu thuẫn với nội luật.

Từ thực tế này, ta cần phải đưa vào trong luật điều ước quy định về điều ước quốc tế có giá trị cao hơn nội luật.

Trong lĩnh vực Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, quy định này rất có ý nghĩa vì nó có cách giải quyết hiệu quả nhất xung đột pháp luật giữa Hiệp ddịnh và nội luật. Do tính phức tạp của Hiệp định nêu ngoài mẫu hiệp định chung, các nước còn thốmg nhất sử dụng bản bình luận của mẫu hiệp định trong việc đàm phán và thực hiện Hiệp định, Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải đã giải quyết được hết các xung đột do giải thích Hiệp định khác nhau ở mỗi quốc gia. Do đó, Hiệp định còn quy định những thủ tục thoả thuận song phương để giải quyết những xung đột này, đồng thời, các nước cũng đã áp dụng Công ước Viên về luật điều ước quốc tế trong việc giải thích và thực hiện Hiệp định. Công ước này đã được coi là một trong các nguồn của thuế quốc tế. Hiện nay, việc thực hiện Hiệp định tráng đánh thuế hai lần mới chỉ là bước đầu, ta còn thiếu những kinh nghiệm trong giải thích, quản lý thực hiện Hiệp định, trình độ quản lý thuế của ta đối với hoạt động của các công ty đa quốc gia còn rất hạn chế. Do đó, chưa phát sinh những xung đột. tuy nhiên, trong thời gian tới đây, chắc chắn sẽ là một thực tế mà ta gặp phải. Vì vậy, ta cần nghiên cứu và đề xuất việc tham gia Công ước Viên về thực hiện các điều ước quốc tế của ta được thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

 

 

Một số nhận xét về thực tiễn ký kết

và áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực

hàng hải tại Việt Nam

 

Tạ Hoà Bình

Tổng công ty hàng hải Việt Nam

 

 

Theo chúng tôi biết, hiện nay chúng ta khó có thể thống kê một cách chính xác con số của những điều ước quốc tế về hàng hải đã được công bố hoặc sẽ được bắt đầu soạn thảo trong thời gian tới. Trong số đó, có các điều ước được hình thành dưới dạng thoả ước giữa một nhóm các quốc gia có chủ quyền (MOU / PSC) hoặc công ước quốc tế dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế chuyên trách của Liên hợp quôcs (IMO, UNCTAD, ILO ...) và thậm chí còn là do sáng kiến của các tổ chức tư vấn độc lập (CMI, BIMCO, ICC ...).

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Uỷ ban Kinh tế-Xã hội Châu á-Thái bình dương- (Ecenomic and Social Commision for Asia and the Pacific-ESCAP) cũng đã có khoảng gần một trăm điều ước đa phương các loại cần được nghiên cứu ứng dụng để đưa vào các văn bản pháp luật quốc gia liên quan hoặc chính thức rham gia ở cấp Bộ, Chính phủ. Chủ yếu là 04 loại công ước sau đây:

- Các công ước quốc tế Brussels về pháp luật hàng hải: 20 công ước

- Các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ( International Labour Organization-ILO): 30 công ước và 21 văn kiện chính thức.

- Các công ước của tổ chức Hàng hải quốc tế ( International Maritime Organization-IMO): 28 công ước và các phụ lục kèm theo.

 

- Các công ước của hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển ( The United Nations Conference on Trade and Developing-UNCTAD): 04 công ước

 

Tính cho đến ngày hôm nay, CHXHCN Việt Nam đã chính thức tham gia 06 công ước quốc tế về hàng hải do Tổ chức Hàng hải quốc tế đề xướng.

Trong đó bao gồm:

1- Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, 1974 và Nghị định thư, 1978 cùng với các bổ sung, sửa đổi 1981, 1983 ( International Convention for the Safety ò Life at Sea; Protocol, 1978 and Amendments 1981, 1983-SOLAS 1974 có hiệu lực từ năm 1980; 120 thành viên. Protocol/1978 có hiệu lực từ năm 1981; 82 thành viên).

Công ước này quy định cụ thể về các điều kiện an toàn kỹ thuật liên quan đến cấu trúc, trang thiết bị và vận hành tàu biển. Đồng thời, cũng quy định cả về trách nhiệm của các quốc gia mà tàu treo cờ trong việc cấp các chứng chỉ an toàn kỹ thuật theo mẫu chung của IMO, bảo đảm thực thi Công ước và quyền của các quốc gia tham gia Công ước kiểm tra các tàu biển của nhau.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và có hiệu lực tại vn từ ngày 18.03.1991.

2. Công ước quốc tế về ngăn ngừa tai nạn ô nhiễm môi trường biển do tàu biển gây ra 1973 ( International for the Prevention ò Pollution from Ships, 1973 as modified by Protocol of 1978-MARPOL 1973/1978 có hiệu lực từ 1983; có 78 thành viên).

Công ước này quy định một số tiêu chuẩn về cấu trúc tàu, trang thiết bị phòng chống ô nhiễm dầu và chế độ thải bỏ các chất độc hại như dầu, nước thải, rác ... từ tàu ra biển. Mục đích của Công ước là nhằm hạn chế tối đa mọi nguy cơ gây ô nhiễm từ tàu biển cho hệ sinh thái xung quanh tàu.

Đây là một Công ước lớn, bao gồm 05 phụ lục được coi như luật chi tiết về các vấn đề khác nhau ( Phụ lục I: Luật chống ô nhiễm dầu; Phụ lục II: Luật kiểm tra ô nhiễm khi vận chuyển chất độc lỏng chở xô; Phụ lục III: Luật chống ô nhiễm biển do các chất độc hại được vận chuyển dưới dạng đóng gói hay đóng trong container; Phụ lục IV: Luật chống ô nhiễm do nước thải từ tàu gây ra; Phụ lục V: Luật chống ô nhiễm do rác của tàu gây ra).

Việt Nam chỉ mới phê chuẩn Phụ lục I, Phụ lục II vào ngày 29.5.1991 và Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 29.8.1991.

3- Công ước quốc tế về mạn khô của tàu biển, 1966 ( Internationnal Convention on Load Lines of Ships, 1966-LOAD LINES/1966 có hiệu lực từ 1968; 128 thành viên).

Công ước này đước xây dựng nhằm chuẩn hoá trên phạm vi quốc tế những nguyên tắc và quy định thống nhất liên quan đến các mức chuyên chở giới hạn thấp nhất theo mùa và vùng hoạt động của tàu biển để bảo đảm an toàn sinh mạng con người và của cải trên biển.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 18.3.1991.

4- Công ước quốc tế về đo dung tích tầu biển, 1969 (International Convention on Tonnage Meaurement ò Ship, 1869-TONNAGE/1969 có hiệu lực từ 1982; 99 thành viên)

Công ước này quy định về cách thức xác định dung tích của tàu biển và nguyên tắc cấp các chứng chỉ liên quan.

Việt nam phê chuẩn ngày 18/12/1990 và bắt đầu có hiệu lực tại Việt nam từ ngày 18/03/1991.

5-Công ước quốc tế về đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên 1978 (International Convention on Standards ò Trainning, Certification and Watchkeeping for Seafarers, 1978-STVW/1978 có hiệu lực từ 1984; 96 thành viên).

Công ước này cũng đề cấp đến sự an toàn cho người, phương tiện, của cải trong hoạt động hàng hải thông qua việc thống nhất các tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho thuyền viên làm việc trên các loại tàu biển khác nhau theo từng nganhf và chức danh cụ thể.

Ngay từ cuối năm 1982, sau khi Công ước được thông qua, chúng ta đã vận dụng một phần nội dung của nó vào việc đào tạo, tổ chức sách hạch và cấp chứng chỉ chuyên môn cho các sỹ quan trưởng ca buồng lái và máy. Đồng thời, cập nhật hoá một số vấn đề liên quan vào các văn bản quy định về chế độ thi sát hạch, cấp bằng và đảm nhận chức danh chuyên môn trên các tàu biển Việt Nam. Đến nay, khi Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước, các hoạt động này vẫn được tiếp tục triển lhai và về phương diện pháp lý, thì các chứng chỉ chuyên môn do Việt Nam theo Công ước đã có giá trị sử dụng trên phạm vi quốc tế.

Việt Nam phê chuẩn Công ước ngày 18.12.1990 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 18.3.1991.

6. Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm của tàu thuyền trên biển, 1972 (International Regulations for Preventing Collisons at Sea, 1972-COLREG/1972 có hiệu lực từ năm 1977; 117 thành viên).

Công ước này đưa ra các quy tắc phòng tránh va chạm tàu thuyền trên biển và phụ cận, trong đó bao gồm cả các quy định về kết cấu trang thiết bị an toàn giao thông như còi, đèn và các loại âm, tín hiệu. trước đây, nội dung của Công ước này nằm trong SOLAS, sau đó mới được tách ra thành một công ước độc lập.

Đây cũng chính là công ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam áp dụng vào thực tế bằng cách biên soạn lại và hiệu lực hoá trên lãnh thổ của mình bằng hai quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT ( Quyết định số 771/QĐ-PC, ngày 8.4.1988 và Quyết định số 1533/QĐ-PC, ngày 6.8.1991).Trước đó, chúng ta cũng đã từng làm như vậy đối với các quy tắc tiền thân của Công ước này là COLREG/1960.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 18.12.1990 và chính thức bắt đầu có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam từ ngày 18.3.1991.

Như vậy, mặc dù đã được coi là hội viên thứ 126 của tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã từ gần 12 năm nay, Việt Nam mới chỉ chính thức tham gia 06 trong tổng số 28 Công ước IMO đang có hiệu lực. đây cũng chính là 06 Công ước quốc té về hàng hải duy nhất mà chúng ta chính thức tham gia từ trưóc đến nay và người có công lớn nhất trong việc thúc đẩy việc tham gia, tuyên truyền áp dụng chúng là Cục Đăng kiểm Việt Nam và trường Đại học Hàng hải.

Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy là tất cả các Công ước này đều thuộc về lĩnh vực an toàn kỹ thuật hàng hải.

Với tư cách là tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc về hàng hải, IMO còn là người đề xướng rất nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác về trách nhiệm bồi thường tổn thất do ô nhiễm, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ, giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải như:

- OILPOL/1962-1969-1971; DUMPING/1972; INTERVENTION/1969 .

- INMARSAT/1976; SAR/1979; SALVAGE/1989.

- CLC/1969; FUND/1971; LLMC/1976; OPRC/1990.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, ngoài các 06/28 Công ước IMO nói trên, CHXHCN Việt Nam cũng chỉ mới tham gia duy nhất một công ước quốc tế đa phương khác có nội dung liên quan đến hàng hải là Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 ( UNLOS/1982 ). Việc gia nhập Công ước đặc biệt quan trọng này được Quốc hội thông qua ngày 23.6.1994.

Một điều đáng buồn là ngay trong số 12 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mới được phê chuẩn theo Quyết định số 193-QĐ/CTN, ngày 30.5.1994 của Chủ tịch nước không có công ước nào về lĩnh vực hàng hải. Trong khi đó, riêng Tổ chức này có tới hơn 30 Công ước về hàng hải và 21 văn kiện liên quan khác.

Đối với Việt Nam , việc tham gia Convention No 147/1987 về Minimum Standards in Merchant Ships và Convention No 55/1936 hoặc các công ước khác về trách nhiệm của chủ tàu trong các trường hợp đau ốm, thương tật và tử vong của thuyền viên là hết sức cấp bách, nếu thực sự muốn tham gia thị trường xuất khẩu thuyền viên.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã tham gia ký kết một số điều ước song phương khác dưới dạng "Hiệp định hàng hải thương mại liên chính phủ". Theo nhận xét của cá nhân tôi, trong điều kiện hiện nay chúng chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục là chính.

Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp quy liên quan. chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng một số Công ước quốc tế Brusels về hàng hải như:

- Hague-Visby Rules/1968 (về B/L và vận chuyển hàng hoá)

- Arrest ò Sea-going Ships/1952 ( về bắt giữ tàu biển )

- Collision/1910-1952 (về xử lý tai nạn đâm va)

- Limitation ò Civil Liability of Ship-owners/1957-1979 (về giới hạn trách nhiệm dân sự chủ tàu)

- Maritime Liens and Mortgages/1967 (về cầm cố, cầm giữ tàu biển) ...

- United Nations Convention on Conditions for the Registration of Shps/1986

Về bản chất, hoạt động hàng hải là một loại hình dịch vụ giao lưu kinh tế đặc thù, chịu sự tác động rất rõ nét của thị trường quốc tế cả về phương diện luật pháp lẫn vật chất. Trong điều kiện hiện nay, không một quốc gia nào có thể "đóng cửa" tự mình xây dựng và pját triển ngành công nghiệp hàng hải quốc gia, mà không cần sự trợ giúp về vốn liếng, công nghệ khai thác tàu, sửa chữa-đóng mới tàu biển hoặc liên kết kinh doanh của các quốc gia khác hay một nhóm quốc gia thành viên nào đó thông qua hoạt động của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là đối với những quốc gia. Tuy có nhiều tiềm năng tự mhiên để phát triển công nghiệp hàng hải nhưng lại quá yếu về khả năng tự đầu tư và khả năng tiếp cận công nghệ mới như Việt Nam , thì đó lại là một tất yếu khách quan trên con đường hợp tác, hội nhập với thế giới bên ngoài.

Về phương diện địa lý, ngay từ khi mới xuất hiện, các hoạt động hàng hải thường không chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia nào đó, mà còn được tổ chức thực hiện trên lãnh thổ của những quốc gia có chế độ chính trị và hệ thống pháp luật không giống nhau ... Có thể nói, cùng với việc mở rộng các hoạt động bang giao quốc tế và ngoại thương, hệ thống pháp luật hàng hải là một trong những lĩnh vực được quốc tế hoá sớm nhất, sâu rộng nhất và có nhiều điểm tương đồng nhất giữa các quốc gia với nhau (có dẫn chứng) .

Thực tế cho thấy rằng, ở những mức độ khác nhau, nhu cầu giao lưu hàng hoá, dịch vụ trên cơ sở sự phân công lao động, phân bố tài nguyên giữa các vùng khác nhau trên thế giới và sự cách biệt về tiềm năng kinh tế, tài chính của các quốc gia hàng hải hiện nay là những yếu tố có tác dụng thúc đẩy xu thế quốc tế hoá một số vấn đề liên quan đến hoạt động hàng hải

Do tính chất quốc tế đặc thù của mình, các hoạt động hàng hải không thể không bị ảnh hưởng bởi xu thế này. Trong quá trình đấu tranh và hợp tác với nhau trên thị trường, bất cứ một quốc gia nào tham gia hoạt động hàng hải cũng sẽ bị chính các nhu cầu tự thân của mình buộc phải thoả hiệp với các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Và sự thoả hiệp lớn nhất-hợp lý nhất chính là việc tham gia các điều ước quốc tế hoặc áp dụng chúng vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia (có dẫn chứng) .

Từ nhiều năm qua, theo đà phát triển chung của luật pháp quốc tế hiện đại, xu hướng thống nhất pháp điển hoá các vấn đề về luật pháp hàng hải trên phạm vi thế giới ngày càng thể hiện rõ ràng hơn.

Điều này có thể chứng minh được thông qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về phạm vi điều chỉnh và tốc độ ra nhập công ước ngày càng tăng hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tán thành với một số ý kiến cho rằng, chúng ta cần tham gia một cách có chọn lọc, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở khả năng, trình độ và điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay hoặc không thế vì quá máy móc và nóng vội tham gia, áp dụng một số công ước quốc tế, làm ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Bởi vì, việc tham gia một số công ước về an toàn kỹ thuật sẽ kéo theo trách nhiệm đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm các trang thiết bị mới rất tốn kém hoặc thay đổi cả một hệ thống bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đã hình thành từ nhiều năm nay (ví dụ về STCW/1978 ) ...

Nhưng, cũng không thể chần chừ không tham gia các công ước quốc tế khác. Đặc biệt là các công ước nói về trách nhiệm tìm kiếm - cứu nạn, giới hạn trách nhiệm trong tai nạ ô nhiễm dầu , an toàn công-ten-nơ, bắt giữ tàu biển ... Bởi vì, sớm hay muộn chúng ta cũng buộc phải áp dụng chúng. Nhất là khi đa số các quốc gia khác trong khu vực đã trở thành thành viên của các công ước đó.

Nếu Việt Nam không tiếp tục sớm công khai tham gia các công ước quốc tế thông dụng trong cộng đồng hàng hải, thì khó có thể tạo dựng cho mình một uy tín và hành lang pháp luật cần thiết trong hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Thậm chí, sẽ còn bị thua thiệt nhiều khi hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của các quốc gia khác hoặc hoặc tiếp tục bị phân biệt trong đối xử.

Theo chúng tôi được biết, trong những năm trước đây phong trào giải phóng Palestine rất tích cực tham gia các điều ước quốc tế về hàng hải. Mặc dù lúc đó họ không có Tổ quốc, nhưng họ hiểu rằng việc tham gia các công ước này không chỉ có ý nghĩa chuyên môn thuần tuý, mà còn đem lại những lợi ích đặc biệt về chính trị và ngoại giao.

Vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa tổ chức được một sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan để nghiên cứu, đề xuất việc tham gia các công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế về hàng hải nói riêng.

Tôi cho rằng, việc chúng ta quá chậm chạp và thiếu chủ động trong việc ký kết, công nhận và tạo điều kiện thực thi các công ước quốc tế về hàng hải hiện nay chủ yếu là do sự thiếu quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên, phần nào thể hiện phong cách bảo thủ, trì trệ do chế độ bao cấp cũ để lại. Những khó khăn khách quan khác về tiền vốn đầu tư, trình độ công nghệ cũng rất đáng kể, nhưng chỉ nên coi là thứ yếu.

Chúng ta cũng cần sớm tìm cách tham gia góp phần trực tiếp xây dựng một hệ thống pháp luật hàng hải chung trên phạm vi thế giới dưới dạng các điều ước quốc tế đa phương dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế chuyên trách. Sự vắng mặt của các chuyên viên Việt Nam trong các tổ chức này cản trở sự theo dõi liên tục từ khi soạn hảo đến khi chúng được thông qua tại các Hội nghị quốc tế và làm giảm cơ hội để nâng cao lợi ích của Việt Nam ngay trong nội dung của các điều ước này. Tất nhiên, muốn làm được điều nàyNhà nước cần phải có những chính sách rất cụ thể về kinh phí, đào tạo, lựa chọn con người. Nhưng thiết nghĩ đó là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm thoả đáng.

Thực tiễn hàng hải cho thấy, các điều ước quốc tế và tập quán hàng hải luôn luôn là một nguồn luật rất cơ bản của pháp luật quốc gia. Do quá trình quốc tế hoá mạnh mẽ hiện nay trong giao lưu kinh tế, đời sống ngày càng có nhiều vấn đề vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và trở thành những vấn đề có tính chất hoàn cầu như an toàn tàu dầu, vận chuyển container, ô nhiễm môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, chống cướp biển ... Những vấn đề đó đòi hỏi phải có một sự hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết một cách có hiệu quả được. Do vậy, việc sớm tận dụng mọi cơ hội ra nhập các điều ước quốc tế đa phương là một việc làm không thể bỏ qua ngay trong thời gian tới. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ sớm tự đặt mình ra ngoài quỹ đạo chung và bị cô lập với các nước khác.

Mặt khác, tôi cũng tán thành nhận định của một số chuyên gia quốc tế cho rằng, các điều ước quốc tế về hàng hải-với tư cách là nền tảng của một trật tự pháp lý mới trong hoạt động hàng hải sẽ có một vai trò rất lớn, không những đối với các hoạt động giao lưu quốc tế, mà còn tác động trực tiếp vào việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật quốc gia về hàng hải nói riêng và pháp luật quốc gia nói chung. T uy nhiên, việc tham gia ồ ạt hoặc áp dụng một cách máy móc các điều ước quốc tế cũng sẽ gây cho chúng ta những khó khăn không nhỏ về vốn đầu tư, khả năng thay đổi công nghệ và các vấn đề xã hội khác.

Ngày nay, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật hàng hải quốc tế thành quy phạm pháp luật quốc gia vừa là một nhu cầu tất yếu lại vừa là một phương thức nhằm nhanh chóng hiện đại hoá ngành hàng hải Việt Nam , cho phép chúng ta cập nhật được ngay những vấn đề mà thế giới đã giải quyết, mà không cần phải tốn nhiều công sức, thời gian. Ngoài việc tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng hội nhập với các nước khác về công nghệ, thị trường, pháp luật mà còn cải thiện được uy tín quốc gia trên trường quốc tế và xây dựng một hệ thống pháp luật quốc gia hiện đại, đảm bảo cho sựphát triển vững chắc của ngành công nghiệp mũi nhọn này ...

Do vậy, chúng tôi chủ trương tham gia một cách có chọn lọc các điều ước quốc tế nào cần thiết nhất, phù hợp với khả năng hiện tại và nên ưu tiên việc nghiên cứu, ứng dụng các quy phạm pháp luật quốc tế vào việc xây dựng quy phạm pháp luật quốc gia. Đó cũng là một cách tham gia công ước quốc tế mà nhiều nước đang làm rất có hiệu quả.

Tháng 01/1996

 

 

 

 

 

 

Một số vấn đề về ký kết và thực hiện hiệp định tín dụng giữa CHXHCN Việt Nam và ngân hàng thế giới

 

Luật gia Hoa Hữu Long

Bộ Tư Pháp

 

Trong vài năm gần đây, Việt Nam nhận được nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA) khá lớn từ các nước, các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ bằng cả hai hình thức ODA không hoàn lại và ODA hoàn lại. Tổng số ODA hoàn lại chiếm tỷ trọng lớn và việc đầu tư chủ yếu là cho các công trình cơ sở hạ tầng ( cải tạo và nâng cấp quốc lộ, sân bay, bến cảng, các công trình trong lĩnh vực năng lượng, cấp nước đô thị ... của Nhà nước.

Nguồn ODA hoàn lại phần lớn do các tổ chức tài chính tín dụng lớn như Quỹ phát triển kinh tế hải ngoại của Nhật bản (OECF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) ... cung cấp, thông qua hai loại Hiệp định: Hiệp định tín dụng phát triển (Development Credit Agreement) và Hiệp định vay (Loan Agreement). Đây là nguồn vay tài chính được hưởng những ưu đãi đặc biệt về số vay, thời gian vay, thời gian trả nợ (ân hạn) và đặc biệt là lãi xuất rất thấp so với vay thương mại. Nguồn tài chính này rất có ý nghĩa đối với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy vậy, để nhận được những khoản vay này, chúng ta phải chấp nhận sự ràng buộc vào những chính sách và điều kiện của bên cho vay, nhất là những quy định liên quan đến việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, khuyến khích tư nhân hoá, thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Một số quy định mà Nhà nước ta cam kết thực hiện có những điều khoản trái với pháp luật hiện hành của Việt Nam , ít nhiều gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan thực thi. Thậm chí, việc áp dụng một số quy định không phù hợp với chính sách công bằng và xã hội.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề về ký kết và thực hiện một Hiệp định cụ thể mà Nhà nước ta đã ký kết với Ngân hàng thế giới.

1. Hiệp định tín dụng phát triển số 2549-VN( Dự án khôi phục quốc lộ 1) Giữa CHXHCN Việt Nam và hiệp hội phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới) đã được ký ngày 01.11.1993, với tổng số cho vay không quá 158 triệu đô la Mỹ, nhằm mục đích khôi phục quốc lộ 1A của Việt Nam đoạn Hà nội -Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ .

Đây là một trong những Hiệp định tín dụng đầu tiên mà Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới, bởi vậy nhiều khó khăn, lúng túng đã xẩy ra đối với chúng ta ngay từ khâu đàm phán Hiệp định.

Theo quy chế của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định vay tín dụng phải được bên vay ký kết với danh nghĩa Nhà nước mà không chấp nhận ký kết với bất cứ danh nghĩa nào khác. Đây là điểm khác biệt so với các hiệp định vay vốn mà Chính phủ ta đã ký kết trước đó. Theo quy định của pháp luật việt nam (Hiến pháp năm 1992, pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam, nghị định số 20-CP của chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA) thì việc quyết định đàm phán, ký và phê chuẩn hiệp định này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Do chưa nghiên cứu kỹ quy chế của Ngân hàng thế giới cũng như các quy định của pháp luật trong nước, nên cơ quan chủ trì đàm phán chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm phối hợp với Bộ ngoại giao và Bộ tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét quyết định việc ký hiệp định nhân danh nhà nước XHCN Việt Nam và hiệp định có điều khoản trái với quy định ciủa pháp luật Việt nam, gây khó khăn cho việc xem xét phê chuẩn và thực hiện hiệp định này. Theo quy định của Hiệp định sau 3 tháng kể từ ngày ký, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta tiến hành một số lượng công việc rất lớn và phức tạp như xem xét phê duyệt dự án, phê chuẩn Hiệp định, sửa đổi pháp luật có liên quan, cấp ý kiến pháp lý... và nhất là xem xét các vấn đề liên quan đến việc bồi thường di dân và tái định cư. Do có nhiều ý kiến khác nhau, nên thời gian trên không đủ để giải quyết các công việc cần thiết, cần phải gia hạn thêm 3 tháng nữa.

2. để thực hiện Hịp định, Nhà nước Việt Nam cam kết dành một số tiền là 32,8 triệu đô la Mỹ để thực hiện việc giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho những ngươì bị ảnh hưởng bởi Dự án. Điều 1 của Hiệp định quy định người bị ảnh hưởng bởi Dự án mà bất kỳ người nào mà trước ngày 1.6.1993, đối với đoạn quốc lộ 1A Hà nội-Vinh và trước ngày 20.8.1993 đối với đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và trước ngày hoàn thành khảo sát, đang cư trú một cách bình thường hoặc đang sản xuất, kinh doanh sẽ bị dời chuyển khỏi nơi ở hoặc kinh doanh để thực hiện Dự án.

Theo quy tại Phần A, phụ lục 2 của Hiệp định này, những người bị ảnh hưởng sẽ được cấp đất để xây dựng nhà ở, được cấp tiền, nguyên vật liệu xây dựng nhà và Nhà nước phải dành kinh phí cho việc xây dựng các công trình công cộng trong khu tái định cư và các chi phí để đào tạo các ngành nghề cho họ. Cụ thể là Nhà nước phải đền bù cho những người bị ảnh hưởng bởi Dự án, không kể công trình xây dựng của họ là hợp pháp hay bất hợp pháp. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại công văn số 322/TB ngày 10.10.1993 và (Báo cáo Dự án khôi phục quốc lộ 1 đường Hà nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ tháng 01.1994 để thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư, Chính phủ ta đã cam kết:

- Cấp đất theo quy định của pháp luật Việt Nam

- Đền bù 100% giá trị công trình xây dựng theo giá thị trường cho những người có giấy phép cấp đất xây dựng từ cấp xã trở lên và trợ giúp những người không có giấy phép với mức 60% giá trị công trình.

- Trợ cấp cho mỡi gia đình phải di chuyển mỗi tháng 30 đô la Mỹ trong 03 tháng.

- Trợ cấp đào tạo nghề nghiệp cho các gia đình phải thay đổi nghề nghiệp do di chuyển, bình quân 100 đô la Mỹ cho mỗi gia đình.

- Cấp kinh phí san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư 100 đô la Mỹ cho mỗi gia đình

- Đền bù cho các công trình công cộng phải di chuyển ...

Tổng cộng số tiền phải chi phí cho kế hoạch này là 32,8 triệu đô la Mỹ trong tổng số kinh phí của Dự án là 176 triệu đô la Mỹ (chiếm gần 19%)

3. Nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ luôn luôn trật tự, an toàn và thuận tiện cho việc cải tạo, mở rộng đường sau này, ngày 21.12.1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ kèm theo Nghị định số 203-HĐBT.

Theo quy định của Điều lệ này, hệ thống đường bộ có hành lang bảo vệ rộng 20 mét. Trong phạm vi hành lang "nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán,kho tàng, công trình ( tạm thời hay vĩnh cửu)" (Điều 8); "Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm điều lệ này, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý theo các hình thức: phạt tiền, bắt bồi thường thiệt hại, truy tố trước pháp luật" (Điều 21) và "Điều lệ có hiệu lực từ ngày ký" (Điều 22).

Để thực hiện Nghị định số 203/HĐBT, ngày 3-1-1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 6-CT trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các cấp chính quyền các cấp từ phường, xã đến tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng trong hành lang bảo vệ đường là vi phạm luật lệ và buộc phaỉ tháo dỡ, di chuyển trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký Quyết định này. Tiếp theo đó, Bộ Giao thông vận tải và bưu điện đã ban hành Thông tư số 704/GTTB ngày 16-6- 1990 hướng dẫn thi hành Quyết định số 06/CT và Nghị định số 203-HĐBT.

Căn cứ vào những quy định này thì kể từ sau ngày 21-12-1982, cơ quan chính quyền từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố không có quyền cấp đất hoặc tự ý xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đường (20 m đối với quốc lộ 1) và những công trình hiện có trong hành lang bảo vệ đuờng và bắt buộc phải phá dỡ, di chuyển trước ngày 21-6-1983.

4. Những quy định này rõ ràng là không thể áp dụng đối với kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư của Hiệp định tín dụng phát triển (Dự án cải tạo quốc lộ mà Nhà nước ta đã ký kết với Ngân hàng thế giới. Bởi vậy, tại Công văn số 6103/KTN ngày 27-11-1993, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho dự án cải tạo quốc lộ 1 (phần sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới) được phép không áp dụng Mục 2 Phần 1 của Quyết định số 06/CT ngày 3-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (quy định về việc di chuyển không đền bù những công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đường) và các quy định tương ứng trong thông tư số 704/GTTB ngày 16-6-1990 của Bộ giao thông vận tải và Bưu điện.

Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án vay vốn nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 280/CV-NH8 ngày 14-5-1994, liên quan đến hiệp định tín dụng của Ngân hàng thế giới (Dự án cải tạo quốc lộ) có ghi: "Hiệp định đã đuợc Chủ tịch nước phê chuẩn nhưng chưa triển khai vì Bộ Tư pháp chưa ra được vănbản pháp lý do kế hoạch di dân dọc đường 1A không phù hợp với Nghị quyết Ban Bí thư số 94/CV-VPTW ngày 8-2-1994". Theo chúng tôi, nội dung của Nghị quyết này là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Điều 23 của Hiến pháp 1992 ghi rõ "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. TRong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Mặt khác, Điều 58 và Điều 62 cũng quy định công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của cải để dành, nhà ở...đối với đất được Nhà nước giao thì theo quy định tại Điều 17 (đất đai thuộc sở hữu toàn dân); và Điều 18 (Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài); công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật (Điều 62).

Trong lý luận và thực tiễn điều ước quốc tế của nhiều nước, xu hướng chung là coi điều ước quốc tế nà họ ký kết hoặc tham gia là bộ phận cấu thành của pháp luật quốc gia và có gía trị ưu thế hơn so với pháp luật quốc gia. Vì theo từng nước mà việc xác định thứ bậc của điều ước quốc tế cao hơn các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia có khác nhau nhưng có nước xếp điều ước quốc tế có vị trí thứ hai sau Hiến pháp.

 

 

 

Một số vấn đề thực tiễn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự

 

PTS. Nguyễn Ngọc Anh

 

 

Trong điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội giữa các quôcs gia thì việc tương trựo tư pháp trong đó có tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng trở nên cần thiết. Với ý nghĩa đó, trong vòng 15 năm trở lại đây Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) với một số nước : Liên xô cũ, ký ngày 10.12.1981 (hiện Liên bang Nga kế thừa Hiệp định này); Tiệp khắc cũ, ký ngày 12.10.1982 (hiện nay nước Cộng hoà Séc, Cộnh hoà Slovakia kế thừa Hiệp định này); Cộng hoà Cuba, ký ngày 30.11.1984; Cộng hoà Bungaria, ký ngày 3.10.1986; Cộng hoà Ba lan, ký ngày 22.3.1993; Cộng hoà Hungaria, ký ngày 18.1.1985; Cộng hoà dân chủ Đức, ký ngày 15.12.1980(1). Các HĐTTTP nêu trên đều quy định về sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai nước ký kết trong việc tương trợ nhau thực hiện các hành vi tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dãan độ tội phạm để thi hành bản án. Nhìn chung, các quy định về tương trợ tư pháp hình sự ở các Hiệp định(2) đều có nguyên tắc chung tương tự nhau. Tuy nhiên, ở mỗi Hiệp định, do thời gian ký kết khác nhau: điều kiện, hoàn cảnh nước ta ở thời gian đó còn thiếu nhiều văn bản pháp luật hữu quan cũng như trình độ khoa học pháp lý còn hạn chế và vì vậy không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mặt khác, qua một số năm thi hành Hiệp định cũng đã bộc lộ nhiều sơ hở, khuyết điểm, tình hình đó đã gây không ít khó khăn trong việc tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước ta với các nước ký kết. Chính vì vậy, nghiên cứu những vấn đề lý luận do thực tiễn ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các HĐTTTP mà Nhà nước ta sẽ đàm phán, ký kết với các nước khác là rất cần thiết và cấp bách.

1. Nghiên cứu nội dung của các HĐTTTP nói chung, các điều khoản của phần tương trợ tư pháp về hình sự trong từng Hiệp định cho thấy: Các Hiệp định được ký kết đều xuất phát từ sự thoả thuận, thống nhất trên cơ sở phù hợp với pháp luật của mỗi nước và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các Hiệp định đều do phía nước ngoài chuẩn bị. Vì vậy, về bố cục, nội dung, phạm vi các vấn đề được đề cập không thống nhất.

Về bố cục, phần tương trợ tư về hình sự phân chia chương, mục, điều khoản ở từng Hiệp định rất khác nhau; số lượng điều khoản cũng khác nhau. Có Hiệp định đề chương dẫn độ trước chương về truy cứu trách nhiệm hình sự như Hiệp định với: Liên bang Nga, Hunggải, Bungải, Balan, Cuba. Về tiêu đề của phần này, các hiệp định cũng không nhất quán: Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga: "Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ", Hiệp định Việt nam -Tiệp khắc: "Những vấn đề hình sự", Hiệp định Việt Nam –Cuba: "Luật hình sự", Hiệp định Việt Nam - Hunggari: "Tương trợ tư pháp về hình sự", Hiệp định Việt Nam - Bungari: " Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự", Hiệp định Việt Nam - Balan chỉ có chương II mà không có tiêu đề.Chính từ sự khác nhau về tiêu đề phần tương trợ tư pháp về hình sự trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta đã ký kết, đã dẫn đến việc giới hạn phạm vi nội dung của phần này. Chúng tôi cho rằng cần phải cân nhắc, tính toán để xác định phạm vi điều chỉnh để tương trợ tư pháp cho phù hợp với pháp luật thực định của Việt Nam . ở đây cần phải xem xét lại, nếu đề cập "Luật hình sự" hoặc "tương trợ tư pháp về hịnh sự" là quá rộng. Bởi lẽ trong các HĐTTTP chỉ đề cập tương trợ một số vấn đề về hình sự chứ không phải tất cả các nội dung của Luật hình sự và tố tụng hình sự; theo đó chỉ "lựa chọn" tương trợ một số nội dung chủ yếu có liên quan. Nên chăng lấy tiêu đề: "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự", nói như vậy đầy đủ và rõ hơn.

Một số thuật ngữ pháp lý chuyên ngành dùng trong các Hiệp định không nhất quán và không phù hợp với pháp luật Việt Nam . Trong Hiệp định với Liên bang Nga, Bungari, Cuba dùng khái niệm: "tình nghi phạm tội", khái niệm này theo pháp luật thực định Việt Nam là không chuẩn xác. Theo luật hình sự Việt Nam "Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự..." (Điều 2 BLHS). Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng quy định tại Điều 83: "1-Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyêts định khởi tố bị can". Như vậy, chỉ truy cứu trách nhiệm một người, khi người đó thực hiện hành vi phạm tội, hay nói cách khác người đó đã có hành vi phạm tội. Từ các điều khoản viện dẫn trên cho thấy việc dùng khái niệm "người bị tình nghi phạm tội" vừa thiếu chính xác, vừa không phù hợp. Cần phải thay đổi thuật ngữ khái niệm này.

Trong các Hiệp định còn có thuật ngữ dùng không thống nhất, khi thì dùng "truy cứu trách nhiệm hình sự" (Hiệp định Việt Nam - Tiệp khắc, Liên bang Nga...); Hiệp định khác (Hiệp định Việt Nam – Bungari) lại dùng thuất ngữ "truy tố hình sự". Theo chúng tôi nên dùng thuật ngữ : "Truy cứu trách nhiệm hình sự", khái niệm này rộnh hơn, phù hợp hơn.

Hầu hết các Hiệp định đều quy định "chuyển giao đồ vật liên quan đến tội phạm...", đề nghị nên thống nhất gọi là "chuyển giao đồ vật là vật chứng trong vụ án (hoặc của vụ án) "cho phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam

Về cách diễn đạt, văn phong trong một số Hiệp định chưa bảo đảm, đặc biệt là cách dùng từ ở một số điều khoản tối nghĩa hoặc chưa rõ. Ví dụ Điều 57 HĐTTTP Việt Nam-Tiệp khắc quy định "trừ phi...", Điều 58 "...sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân...", Điều 60 "a. những điểm về hộ tịch..." hoặc Hiệp định Việt Nam-Cuba; Điều 74 khoản 3 "...Kết quả của việc tố tụng hình sự...", Điều 75 khoản 1:"...Hồ sơ, kể cả quốc tịch...". Khoản 4: "Văn bản gốc của sắc lệnh..."v.v...

Mặc dù Nhà nước ta đã ký kết được 7 Hiệp định tương trợ tư pháp, nhưng nhìn chung các Hiệp định đó đều do phía nước ngoài chủ động soạn thảo rồi đưa văn bản cho ta tham gia đóng góp bổ xung, sửa đổi. Bên cạnh những bài học kinh nghiệm quý báu ta thu thập được trong quá trình tham gia đóng góp xây dựng các Hiệp định đó, phải kể đến yếu điểm rất lớn là ta thụ động, vì vậy ta chưa chuẩn bị được một đội ngũ chuyên gia vững vàng hoạt động trong lĩnh vực soạn thảo, đàm phán, ký kết các HĐTTTP. Nhất là trong tình hình hiện nay nhu cầu về ký kết Hiệp định này giữa nước ta với các nước khác ngày càng tăng, điều đó đòi hỏi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực này cần phải có kế hoạch khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn có trình độ cao mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

2. Nhìn lại hơn 10 năm thi hành các HĐTTTP mà nhà nước ta đã ký với một số nước, chúng ta có thể thấy việc ký kết các Hiệp định đã quan trọng nhưng việc tổ chức thi hành Hiệp định lại càng quan trọng hơn. Nhưng thất đáng tiếc cả thời gian dài chúng ta chưa có sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của các HĐTTTP, do đó chưa làm tốt công tác thi hành Hiệp định. Dường như chúng ta mới chỉ chú trọng đến công tác xây dựng, ký kết Hiệp định mà không chú ý tới việc tổ chức thi hành Hiệp định. Chính vì vậy, các HĐTTTP gần như tồn tại mang tính chất hình thức. Qua theo dõi việc thi hành Hiệp định nói chung và thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự nói riêng, chúng tôi thấy việc thi hành rất thụ động, sự vụ, vụn vặt, tức là khi có sự việc xẩy ra thì giải quyết đến đâu hay đến đó. Các cơ quan hữu quan chưa tập trung đi sâu nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của công tác thi hành Hiệp định. Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này dường như chưa được quan tâm. Ngoài công trình nghiên cứu tương đối toàn diện do Vụ PLQT & HTQT Bộ Tư pháp tiến hành với tiêu điều ước quốc tếề "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết và thực hiện HĐTTTP với nước ngoài", cho đến nay chưa có cơ quan hữu quan nào nghiên cứu lĩnh vực này. Mặt khác, để thực hiện HĐTTTP với nước ký kết, cần phải cụ thể hoá (chuyển hoá) các quy phạm của Hiệp định thành quy phạm pháp luật quốc gia. Thế nhưng ở nước ta việc cụ thể hoá các Hiệp định thành văn bản có tính chất hướng dẫn còn quá chậm chạp, vì lẽ đó, hiệu lực thi hành các Hiệp định còn bị hạn chế. Bên cạnh đó pháp luật nước ta còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là còn chưa xây dựng dược một hệ thống luật điều chỉnh nhân tố nước ngoài.

Để thi hành các HĐTTTP, ngày 12.3.1984 liên ngày Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ ngoại giao-Bộ nội vụ-Toà án nhân dân tối cao đã ra thông tư số 139 về việc quy định nhiệm vụ các ngành trong việc thi hành HĐTTTP. thông tư này bước đầu phân định nhiệm vụ của mỗi ngành, nhưng trên thực tế các ngành hữu quan không triển khai hướng dẫn cụ thể để thực hiện; theo đó không tạo ra được một cơ chế hữu hiệu để thi hành Hiệp định. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh Thông tư 139 còn chung chung, khó vận dụng, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan chưa thật hợp lý; chưa quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm cho từng cơ quan có trách nhiệm thi hành Hiệp định. Theo đó Thông tư này trên thực tế chỉ thực hiện một cách rất hình thức.

Thực tiền thực hiện tương trợ tư pháp về hình thức theo các HĐTTTP ở nước ta còn rất nhiều khuyết điểm, bất cập. Trong những năm qua các cơ quan hữu trách của Việt Nam chủ yếu nhận được các uỷ thác tư pháp hình sự của các nước ký kết với ta Hiệp định và thực hiện các uỷ thác đó hết sức chậm chạp. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trước hết là việc hồ sơ uỷ thác còn sơ sài, thiếu cụ thể, các tài liệu được chuyển giao không được dịch thuật. Có nhiều vụ nước ký kết đẩy đuổi người của ta, cơ quan chức năng của ta ra sân bay tiếp nhận người đó mà không có bất cứ một giấy tờ, tài liệu của của cơ quan chức nằn của nước đó. Nhiều trường hợp nước ký kết đã vi phạm HĐTTTP, nhưng thật đáng tiếc, nội dung của các Hiệp định lại không đề cập đến trách nhiệm, hình thức xử lý các bên có vi phạm. ở các cơ quan hữu trách thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự chưa có bộ phận chuyên môn làm công tác này, trình độ cán bộ còn rất yếu do chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cũng như về ngoại ngữ. Tóm lại, do nhiều nguyên nhân nên việc thực hiện các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian qua đã tiến hành một cách kém hiệu quả, đièu đó ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các HĐTTTP. Bên cạnh các cơ quan hữu trách thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự theo các HĐTTTP. ở Việt Nam hiện nay còn có văn phòng Interpol Việt Nam , được thành lập năm 1993. đây là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin với các tổ chức Interpol và các nước thành viên Interpol để nắm tình hình hoạt động của bọn tội phạm hình sự quốc tế. Qua hai năm hoạt động của mình, văn phòng Interpol đã phối hợp thu tin, cung cấp thông tin, xác minh, điều tra được nhiều vụ lừa đảo quốc tế liên quan đến Việt Nam . Trong năm 1995, văn phòng này đã nhận được 80 thông tin xác minh các vụ việc về hình sự do các nước gửi đến. Văn phòng được biên chế 9 sĩ quan, đa số là sĩ quan có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ, vì vậy trong giao dịch, trao đổi thông tin rất có hiệu quả. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan trong việc thi hành các HĐTTTP nếu được sự quan tâm đúng mức, chắc chắn kết quả công tác sẽ được nâng cao. Nên chăng ở Bộ Nội vụ cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa văn phòng Interpol với bộ phận cán bộ làm công tác thực hiện các uỷ thác tư pháp về hình sự.

3. Từ một số vấn đề trình bầy trên về thực tế ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nước ta trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, chúng tôi xin nêu một số ý kiến sau:

Cần phải rút kinh nghiệm việc đàm phán ký kết các HĐTTTP trước đây, dự kiến tình hình phát triển của pháp luật Việt Nam cũng như phải tính đến điều kiện thực tế của nước ta để xây dựng một Hiệp định khung về tương trợ tư pháp. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự nên dự kiến một số nội dung theo trình tư sau:

 

 

CHƯƠNG ...

Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự

 

I. Tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều ...Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Thủ tục, văn bản uỷ thác việc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Hậu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều ...Chuyển giao vật chứng liên quan đến tội phạm;

Điều ...Thông báo về bản án và thông tin về án tích;

Điều... Trách nhiệm dẫn độ

Điều... Điều kiện dẫn độ

Điều... Từ chối dẫn độ

Điều... Văn bản yêu cầu dẫn độ

Điều... Bắt để dẫn độ

Điều... Bắt trước khi có yêu cầu dẫn độ,v..v...

- Để tăng cường hiệu quả việc thực hiện các HĐTTTP, cần phải ban hành các văn bản giải thích, hướng dẫn những nội dung của các HĐTTTP đã được ký kết để các cơ quan hữu quan nhận thức đúng và thống nhất; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục để mọi cán bộ và mọi công dân thấy rõ tầm quan trọng của các Hiệp định này.

- Khẩn trương nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 139 bằng một văn bản hướng dẫn việc thi hành HĐTTTP có hiệu lực, hiệu quả cao hơn trên cơ sở phân công rành mạch chức năng nhiệm vụ của từng ngành.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho một số cán bộ trực tiếp làm công tác thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.

Thực tiễn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ở nước ta trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự là vấn đề hết sức phức tạp liên quan đến lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ hiểu biết hạn hẹp, tác giả xin phép nêu một số vấn đề như nêu trên mong được trao đổi cùng các đồng nghiệp.

 

 

 

 

Một số vấn đề ký kết và thực hiện

hiệp định tương trợ tư pháp

trong lĩnh vực về dân sự, hôn nhân và gia đình

 

PTS.Nguyễn Văn Quyền

 

 

I/ Tình hình ký kết và một số nội dung cơ bản của các HĐTTTP.

Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự với các nước Đức, Nga, Tiệp khắc (cũ), Cuba, Hunggari, Bungari và Balan. Các Hiệp định này là cơ sở pháp lý về lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình để các cơ quan có thẩm quyền của các nước hữu quan cùng nhau công nhận và bảo đảm tuân thủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ký kết này trên lãnh thổ cuả nước ký kết kia; cho phép ta điều chỉnh ổn định các quan hệ trên trong một thời gian dài, bảo vệ đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ta tại lãnh thổ của nước ký kết hữu quan. Với việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp, chúng ta đã và đang có đầy đủ những điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ và ổn định với các nước ký kết trong công tác tương trợ tư pháp.

Nét chung của 7 Hiệp định là chúng đề cập rộng, nhiều vấn đề hợp tác, tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, hôn nhân và gia đình: hợp tác pháp luật giữa các cơ quan tư pháp của ta và của các nước hữu quan; bảo hộ pháp lý các quyền tố tụng của công dân các nước ký kết; thực hiện uỷ thác tư pháp; công nhận và thi hành các quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình và lao động; hợp thức hoá, công nhận và cung cấp các văn kiện giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước ký kết, xác định thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xẩy ra.

Do đặc điểm trong pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình của mỗi nước ký kết có những nét riêng về tính dân tộc, tập quán nên Nhà nước ta và các nước không đi theo cách pháp điển hoá các quy phạm thực chất, mà thoả thuận đưa ra các quy phạm xung đột riêng lẻ về từng lĩnh vực để phục vụ cho sự hợp tác và tương trợ.

Các quy định của các Hiệp định có thể được phân ra hai loại: loại quy định về luật áp dụng và loại quy định về thẩm quyền.

Một vấn đề chung nhất mà cả 7 Hiệp định đều khẳng định có tính nguyên tắc là nội dung hợp tác trong việc bảo hộ pháp lý. Các Hiệp định quy định rõ: công dân của nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ và theo pháp luật của nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình; họ được tự do liên hệ với các toà án và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình; có thể được miễn cược án phí, miễn án phí v.v...Đây là những quy định đặc biệt, thể hiện tính nhân đạo cao trong việc áp dụng chế độ như công dân đối với việc bảo hộ quyền nhân thân và tài sản của công dân mỗi nước.

1) Hợp tác pháp luật trong việc công nhận và sử dụng các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền. Xuất phát từ yêu cầu khi đặt quan hệ hợp tác, tương trợ tư pháp, nhất thiết sẽ có vấn đề cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết Hiệp định đều có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để xử lý các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài phát sinh. Ngoài ra, nhiều văn kiện của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cũng phải được thừa nhận về giá trị pháp lý điều ước quốc tếể căn cứ vào đó mới xác định được quyền, nghĩa vụ của công dân nước ngoài và làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền của một nước giải quyết khi có tranh chấp.

Những nội dung quan trọng này đều được quy định cụ thể trong 7 hiệp định mà Nhà nước ta đã ký kết. Chính nhờ có những quy định này mà thời gian qua các cơ quan tư pháp nước ta cũng như của các nưóc hữu quan đã có cơ sở để thực hiện tốt trách nhiệm khi được yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp và hợp tác, tương trợ về những vấn đề pháp lý ...

Các văn kiện được đề cập trong các hiệp định có thể là các văn bản pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định ...) và cũng có thể là các giấy công chứng, các trích lục khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử ... đã được toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của một nước ký kết cấp hoặc chứng nhận sao đúng bản chính sẽ được thừa nhận có giá trị sử dụng tại các cơ quan của nước ký kết kia. Khẳng định những quy định này có nghĩa các bên ký kết hiệp định đương nhiên có trách nhiệm chuyển hoá nội dung các văn kiện của nước ký kết kia thành những quy định thực chất để giải quyết mỗi vấn đề cụ thể phát sinh trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình.

2) Giải quyết xung đột pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình.

Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình được các hiệp định đề cập và đưa ra công thức giải quyết gồm: vấn đề xác định năng lực hành vi và năng lực pháp lý; vấn đề kết hôn và ly hôn; quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái; vấn đề nuôi con nuôi, giám hộ và trợ tá; vấn đề xác định hình thức giao kèo và trách nhiệm do gây thiệt hại; quy định về thừa kế. Việc giải quyết xung đột pháp luật về từng loại việc cụ thể được quy định trong các hiệp định theo công thức kết hợp giữa nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi cư trú, nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi có tài sản, nguyên tắc quốc tịch với nguyên tắc nơi ký kết giao kèo, trong đó nguyên tắc luật quốc tịch là nguyên tắc chủ đạo.

Về điều kiện kết hôn, trong tất cả các hiệp định đề giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch, nghĩa là người xin đăng ký kết hôn có quốc tịch nước nào thì phải tuân theo những điều kiện kết hôn do pháp luật nước đó quy định. Hình thức kết hôn thì theo pháp luật của nước nơi đăng ký kết hôn.

Đối với vấn đề ly hôn, tất cả các hiệp định đều quy định giống nhau cách thức giải quyết xung đột pháp luật theo các hệ thuộc như luật quốc tịch, luật nước toà án và luật nơi cư trú. Cụ thể được xử lý trong các hiệp định như sau:

- Trong trường hợp vợ chồng đề cùng quốc tịch một nước ký kết thì điều kiện ly hôn được giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch;

- Trong trường hợp hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước ký kết khác nhau thì điều kiện ly hôn đưọc giải quyết theo nguyên tắc luật nước toà án.

Việc giải quyết các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng được phân biệt và theo bốn nhóm cách thức:

- Trong trường hợp hai vợ chồng có chung quốc tịch thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước mà họ có cùng quốc tịch;

- Trong trường hợp vợ chồng không cùng quốc tịch thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước nơi họ cùng cư trú;

- Trong trường hợp hai vợ chồng không cùng quốc tịch và không cùng chung sống trên lãnh thổ một nước thì các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo pháp luật của nước nơi họ đã thường trú chung cuối cùng (hiệp định với Nga và Hunggari);

- Trong trường hợp hai vợ chồng không cùng quốc tịch, không có nơi thường trú chung bao giờ thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được giải quyết theo luật của nước ký kết có toà án có thẩm quyền (hiệp định với Nga, Tiệp khắc, Hungari và Bungari).

Về quan hệ nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con cái, vấn đề trước tiên mà các hiệp định đề cập là việc xác định cha cho con bởi đây là yếu tố rất quan trọng để có cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của người cha đối với con cái. Theo các hiệp định thì việc xác nhận và tước quyền làm cha đối với con cái được giải quyết theo nguyên tắc luật quốc tịch của đứa trẻ. Tiếp đó các hiệp định cũng đều đề cập cụ thể việc giải quyết quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng trong mỗi hiệp định lạ có phương thức giải quyết khác nhau, cụ thể:

- Theo hiệp định với Đức, Tiệp, Cuba, Bungari thì các quan hệ nói trên được giải quyết theo luật quốc tịch của đứa trẻ.

- Theo hiệp định với Hunggari thì vấn đề này được giải quyết theo hai cách: Thứ nhất, theo pháp luật quốc tịch của đứa trẻ; thứ hai, theo pháp luật của nước ký kết mà có điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của đứa trẻ, trong trường hợp đứa trẻ có quốc tịch của nước ký kết này, nhưng lại cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia.

Như vậy, trong tất cả các hiệp định, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản đều được giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích tối đa cho đứa trẻ.

- Về chế độ nuôi con nuôi, giám hộ và trợ tá, trong các hiệp định cũng được giải quyết trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ nuôi, người cần giám hộ và trợ tá.

Có ba cách thức giải quyết vấn đề nuôi con nuôi:

- Trong trường hợp người nhận nuôi và con nuôi có cùng quốc tịch thì mọi vấn đề về chế độ nuôi con nuôi được giải quyết theo pháp luật quốc tịch của người nhận nuôi;

- Trong trường hợp người nhận nuôi là hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước ký kết khác nhau thì vấn đề trên có thể được giải quyết theo pháp luật của cả hai nước;

- Đối với trường hợp người nhận nuôi và con nuôi coá quốc tịch của hai nước ký kết khác nhau thì các vấn đề về chế độ nuôi con nuôi được giải quyết theo pháp luật của cả hai nước (hiệp định với Hunggari); theo pháp luật quốc tịch của người nhận nuôi kết hợp với những điều khoản của pháp luật quốc tịch đứa trẻ liên quan đến thủ tục phải xin phép (hiệp định với Đức, Nga, Tiệp khắc, Cuba và Bungari).

Về vấn đề giám hộ và trợ tá được giải quyết như sau:

- Điều kiện xác lập và huỷ việc giám hộ và trợ tá được xác nhận theo pháp luật quốc tịch của người điều ước quốc tế được giám hộ và trợ tá;

- Quan hệ giữa người giám hộ, trợ tá với người cần giám hộ, trợ tá được xác định theo pháp luật của nước ký kết có cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết vấn đèe giám hộ và trợ tá.

- Quan hệ giữa cơ quan cử người giám hộ với người giám hộ được xác lập theo pháp luật quốc tịch người giám hộ.

Đối với vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế, nhìn chung các hiệp định đều phân di sản thừa kế thành động sản và bất động sản và áp dụng pháp luật quốc tịch của người để lại di sản thừa kế để giải quyết các vấn đề động sản, còn đối với bất động sản thì áp dụng pháp luật nơi có bất động sản. Để điều chỉnh các quan hệ về thừa kế theo di chúc, các hiệp định đều ấn định nguyên tắc chủ yếu là áp dụng pháp luật của nước người lập di chúc là công dân. Riêng về việc xác định hình thức hợp pháp của di chúc thì các hiệp định giải quyết theo các nguyên tắc luật quốc tịch người lập di chúc hoặc có thể theo pháp luật của nước ký kết nơi lập hoặc bỏ di chúc.

3) Một số vấn đề tố tụng dân sự trong các hiệp định tương trợ tư pháp.

Về tố tụng dân sự, các hiệp định tương trợ tư pháp đều đề cập và giải quyết các vấn đề về quyền tố tụng dân sự của công dân các nước ký kết khi tham gia vụ kiện, về xác định thẩm quyền giữa các cơ quan tư pháp của mỗi nước, về việc thực hiện uỷ thác tư pháp và về công nhận, thi hành và quyết định.

a- Quyền tố tụng dân sự của người tham gia tố tụng. Trong tất cả các hiệp định đều quy định công dân và pháp nhân của nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của nước ký kết kia chế độ bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như đôí với công dân và pháp nhân của nước sở tại. Như vậy, phạm vi bảo hộ pháp lý được áp dụng theo nguyên tắc chế độ như công dân. Trong cả 7 hiệp định đều có những điều khoản quy định rõ công dân và pháp nhân của một nước ký kết có quyền tự do và không bị cản trở nào được liên hệ với toà án, viện kiểm sát, cơ quan công chứng (gọi chung là cơ quan tư pháp) và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình của nước ký kết kia; có quyền bày tỏ ý kiến, đề đạt nguyện vọng, đưa đơn kiện và thực hiện các hành vitố tụng khác trước các cơ quan trên theo cùng những điều kiẹen mà nước ký kết kia dành cho công dân mình (điều 2 Hiệp định với Đức; Điều 1 Hiệp định với Nga; Điều 1 Hiệp định với Tiệp khắc; Điều 1 Hiệp định với Cuba; Điều 1 Hiệp định với Hunggari; Điều 1 Hiệp định với Bungari ...)

Việc bảo hộ pháp lý quan trọng này còn được thể hiện ở chỗ các hiệp định đều không bắt buộc công dân của một trong hai nước ký kết phải nộp tiền nộp án phí khi họ tham gia tố tụng chỉ vì họ là người nước ngoài hoặc vì họ không có chỗ thường trú ở nước ký kết, nơi họ tham gia tố tụng. Ngoài ra, các hiệp định còn quy định các ưu đãi đối với công dân ký kết được miễn trên lãnh thổ của nước ký kết kia các khoản lệ phí và chi phí liên quan đến việc giải quyết vụ án, được hưởng sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như đối với công dân của nước ký kết sở tại.

Về năng lực pháp lý và năng lực hành vi được quy định trong các hiệp định theo các nguyên tắc sau: đối với công dân thì theo pháp luật của nước mà công dân đó có quốc tịch; đối với pháp nhân thành lập theo pháp luật của nước ký kết nào thì do pháp luật của nước đó quy định. Trong các hiệp định với Nga, Cu Ba, Hungari và Bungari, vấn đề năng lực hành vi của công dân mỗi nước ký kết còn được quy định chi tiết trong những trường hợp khi công dân đó tham gia ký kết những giao kèo nhỏ phục vụ sinh hoạt theo hướng do pháp luật của nước ký kết nơi ký giao kèo quy định. Những quy định này là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho công dân của mỗi nước khi thực hiện những giao dịch nhỏ trên lãnh thổ nước ký kết kia được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân.

Riêng trong hiệp định với Tiệp Khắc (cũ) còn có một điều ( Điều 16) quy định việc mất và hạn chế năng lực hành vi. Điều này giải quyết chi tiết, cụ thể trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền được hạn chế hoặc tước năng lực hành vi đối với công dân của nước ký kết hiệp định.

Các hiệp định cũng quy định một số vấn đề về chế độ đại diện trong hoạt động tố tụng, kể cả việc đại diện thông qua cơ quan lãnh sự. Thí dụ, trong các hiệp định với Đức (Điều 56 khoản 1), với Tiệp khắc cũ (Điều 41 khoản 3), với Cuba (Điều 40 khoản 1), với Hunggari (Điều 50 khoản 1) và với Bungari (Điều 40 khoản 1) quy định rằng khi một người của nước ký kết này được hưởng tài sản thừa kế trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không có điều kiện nhận hoặc không có người thay mặt nhận thì số tài sản đó sẽ được giao cho đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân nhận hộ. Đây là chế định đại diện đương nhiên. Trong hiệp định với Đức còn có riêng Điều 54 quy định chế định đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự điều ước quốc tế đối với các việc thừa kế, trong các vụ việc về thừa kế: đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết có quyền thay mặt công dân nước mình trước các toà án và các cơ quan khác của nước ký kết kia mà không cần có sự uỷ nhiệm đặc biệt nào, trong trường hợp công dân đó vắng mặt và không cử người thay mặt. Đây là điều khoản rất đặc biệt nhằm tạo khả năng các cơ quan có thể có những biện pháp kịp thời điều ước quốc tếể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mỗi nước khi họ không có điều kiện tự mình hoặc uỷ nhiệm người khác bảo vệ được. Nội dung này không trái với những quy định pháp luật của mỗi nước về chế định đại diện và phạm vi uỷ quyền.

b- Tương trợ và thực hiện uỷ thác tư pháp.

Tương trợ và thực hiện uỷ thác tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của các hiệp định mà Việt Nam ký với các nước. Theo hiệp định, các cơ quan tư pháp của mỗi nước có thẩm quyền về dân sự và gia đình sẽ thực hiện sự uỷ thác cuả các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia, bao gồm tống đạt giấy tờ và thực hiện các hành vi tố tụng, như lấy lời khai của người làm chứng hoặc của đương sự, tiến hành giám định, điều tra tại chỗ và các công tác khác. Các hiệp định đều quy định việc uỷ thác tư pháp thông qua các cơ quan tư pháp trung ương (đối vơí Việt Nam , pháp lệnh quy định là Bộ Tư pháp) khi thực hiện tương trợ và uỷ thác tư pháp, các cơ quan tư pháp dùng tiếng nước mình hoặc tiếng Pháp (hiệp định với Đức và Hungari) hoặc tiếng Nga (hiệp định với Tiệp khắc và Bungari) và căn cứ vào pháp luật nước mình. Cơ quan được yêu cầu chỉ có thể áp dụng pháp luật của nước có cơ quan yêu cầu khi các quy định pháp luật của nước đó không trái với pháp luật của nước có cơ quan được yêu cầu thực hiện uỷ thác.

Trong các hiệp định có các điều khoản quy định rõ trình tự nhận và thực hiện uỷ thác; trong trường hợp cơ quan nhận được uỷ thác lại không thuộc thẩm quyền thì cần phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước mình và thông báo điều đó cho cơ quan yêu cầu uỷ thác của nước ký kêts kia biết. Ngay cả khi việc uỷ thác tư pháp có sai sót hoặc nhầm lẫn địa chỉ đối với người cần tống đạt giâý tờ thì cơ quan nhận uỷ thác cần phải có những biện pháp cần thiết để tìm kiếm, xác định địa chỉ đích thực. Các hiệp định cho phép các nước ký kết quyền tống đạt giấy tờ cho công dân nước mình thông qua coư quan ngoại giao và lãnh sự của nước mình. Tất cả mọi việc thực hiện uỷ thác tư pháp đều không mất tiền. Trong trường hợp việc thực hiện uỷ thác tư pháp không thực hiện được do không tìm được địa chỉ, hoặc người được tống đạt giấy tờ đã chết ... thì cơ quan nhận uỷ thác sẽ thông báo và gửi trả lại giấy tờ uỷ thác cho cơ quan uỷ thác.Một tromh các trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết là chuyển giao các giấy chứng nhận về hộ tịch, thời gian công tác, trình độ văn hoá và các giấy tờ khác có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân nước mình cho nước ký kết kia v.v... Các giấy tờ này được chuyển giao bằng đường ngoại giao, không phải dịch và được miễn các khoản tiền (Điều 9 hiệp định với Nga, Điều 23 hiệp định với Đức; Điều 56 hiệp định với Tiệp khắc; Điều 14 hiệp định với Cuba; Điều 27 hiệp định với Hungari; Điều 13 hiệp định với Bungari). Ngoài ra, trong một số Hiệp định còn có điều khoản quy định từ chối tương trợ tư pháp nếu nước ký kết được yêu cầu cho rằng việc tương trợ sẽ xâm phạm đến chủ quyền, hoặc đến an ninh, hoặc đến các nguyên tắc pháp luật cơ bản của mình, điều quy định này khẳng định chủ quyền, độc lập của mỗi nước ký kết hiệp định (Điều 14 hiệp định với Tiệp khắc; Điều 17 hiệp định với Hungari).

c- Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp các nước ký kết Hiệp định.

Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp, việc xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp mỗi nước ký kết có ý nghĩa quan trọng, vì nó giải quyết được vấn đề xung đột thẩm quyền khi cần phải xử lý những tranh chấp dân sự có yeéu tố nước ngoài phát sinh. Nếu xác định đúng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh sẽ đáp ứng việc giải quyết kịp thời các quyền và lợi ích cho các đương sự. Việc xác định thẩm quyền trong các hiệp định luôn gắn liền và có quan hệ chặt chẽ với việc giải quyết xung đột pháp luật về nội dung (vấn đề chọn luật). Có mấy nguyên tắc cơ bản sau đây khi giải quyết vấn đề thẩm quyền: Nguyên tắc theo quốc tịch; theo nơi cư trú của đương sự và theo nơi có tài sản là đối tượng tranh chấp. Nhưng thông dụng nhất là nguyên tắc quốc tịch có kết hợp với nguyên tắc nơi cư trú hoặc nguyên tắc nơi cư trú có kết hợp với yếu tố quốc tịch.

Đối với một số loại vụ việc, các hiệp định lại cho phép các cơ quan của cả hai nước đều có thẩm quyền. Trong các trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nào thụ lý vụ việc trước thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan của nước ký kết kia thụ lý sau thì phải chuyển hồ sơ để cơ quan đã thụ lý trước giải quyết theo thẩm quyền. Đối với nhiều loại vụ việc, các hiệp định đều xác định rõ thẩm quyền duy nhất của cơ quan tư pháp của một nước ký kết được quyền thụ lý giải quyết. Trong các trường hợp nói trên, các bên đương sự không được quyền bác bỏ, vì thẩm quyền đã được xác định rõ ràng. Riêng vấn đề xác định thẩm quyền trong nội bộ giữa các cơ quan tư pháp của mỗi nước ký kết thì do pháp luật của nước đó ấn định. Thí dụ, ở Việt nam pháp luật quy định việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam vơi người nước ngoài tại Việt Nam được điều ước quốc tế đăng ký tại UBND tỉnh (Sở Tư pháp giúp), hoặc việc giải quyết ly hôn có nhân tố nước ngoài do toà án tỉnh giải quyết v.v...

Các hiệp định xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp về các loại vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình sau đây: Công nhận người mất tích hoặc người chết và xác nhận sự kiện chết; vấn đề kết hôn, ly hôn và công nhận hôn nhân vô hiệu; vấn đề về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con cái, việc xác định và tước quyền làm cha; vấn đề thừa kế; nuôi con nuôi; giám hộ và trợ tá; và vấn đề tước năng lực hành vi.

Đối với loại vụ việc trên, các hiệp định đều xác định thẩm quyền theo một trong hai nguyên tắc cơ bản như đã trình bày trên. Thí dụ, đối với việc công nhận người mất tích hoặc chết và xác nhận sự kiện chết, công thức giải quyết thẩm quyền theo nguyên tắc chính là quốc tịch (cơ quan có thẩm quyền là cơ quan của nước mà đương sự là công dân); kết hợp với nguyên tắc này, các hiệp định còn quy định cơ quan tư pháp của nước ký kết kia cũng có thể có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp đương sự có nơi cư trú cuối cùng tại nước mình và những người có quyền lợi chính đáng yêu cầu. Đối với việc ly hôn thì các hiệp định quy định rất chi tiết việc kết hợp chặt chẽ giữa nguyên tắc quốc tịch và nơi sinh để xác định thẩm quyền. Thí dụ, Điều 25 Hiệp định với Nga quy định: thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc các cơ quan tư pháp của nước ký kết mà cả hai vợ chồng là công dân khi ly hôn. Nếu khi đưa đơn xin ly hôn cả hai vợ chồng đều cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì các cơ quan tư pháp của nước đó cũng có thẩm quyền (nghĩa là các cơ quan tư pháp của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền). Đối với trường hợp xin ly hôn của hai vợ chồng có quốc tịch của hai nước khác nhau thì cơ quan tư pháp có thẩm quyền là cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi cả hai vợ chồng đang cư trú; nếu hai vợ chồng không cùng cư trú ở một nước ký kết thì cơ quan tư pháp của cả hai nước đều có thẩm quyền giải quyết. Công thức xác định thẩm quyền này cũng được thể hiện trong các hiệp định với Đức (Điều 33), với Tiệp khắc (Điều 20), với Cuba (Điều 25 khoản 1)...

d- Công nhận và thi hành các quyết định.

Trong tất cả các hiệp định đều quy định các nước ký kết cùng hợp tác trong việc công nhận và thi hành các quyết định của cơ quan tư pháp nước ký kết kia. Theo các hiệp định, phạm vi các loại quyết định có thể được công nhận và thi hành trên lãnh thổ nước ký kết kia rất đa dạng-đó là các quyết định, bản án về dân sự, hôn nhân gia đình, về kinh tế (quyết định trọng tài), về lao động và cả các quyết định của các cơ quan giám hộ và trợ tá. các hiệp định cũng đề cập rõ việc công nhận và thi hành chỉ đối với các quyết định, bản án giải quyết về các quan hệ pháp luật phát sinh sau khi các hiệp định có hiệu lực (không áp dụng việc công nhận và thi hành hối tố), trừ các quyết định về bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự.

Các hiệp định quy định các điều kiện sau đây để các quyết định có thể được công nhận và thi hành:

- Các quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Cơ quan ra quyết định khi thông báo cho cơ quan tư pháp nước ký kết kia để thi hành thì phải khẳng định rõ quyết định đó đã có hiệu lực pháp lật. Việc xác định hiệu lực của quyết định (khi nào có hiệu lực và với những điều kiện gì...) là do pháp luật của nước có cơ quan ra quyết định quy định;

- Khi giải quyết vụ việc, cơ quan có thẩm quyền của nước ra quyết định phải tuân thủ các quyền tố tụng của các bên đương sự (thí dụ: người thi hành quyết định phải được triệu tập và có mặt khi giải quyết vụ việc ...);

- Toà án của nước ký kết nơi ra quyết định là toà án có thẩm quyền;

- Trước đây nếu về cùng một vụ tranh chấp và giữa cùng những bên đương sự chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp có thẩm quyền nào.

Trong trường hợp quyết định không đủ các điều kiện trên thì có thể bị từ chối công nhận và thi hanhf trên lãnh thổ nước ký kết kia.

Các hiệp định càn đề cập cụ thể trình tự công nhận và cho thi hành quyết định: trước hết phải có đơn xin công nhận và cho thi hành quyết định; các loại giấy tờ cần thiết gửi kèm theo đơn (bản sao quyết định có thị thực của cơ quan tư pháp, văn bản xác nhận bị đơn đã được triệu tập khi giải quyết vụ việc ...Các bản dịch giấy tờ có liên quan nêu trên...); thủ tục xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định, thủ tục cho thi hành quyết định. Điều cơ bản nhất khi xét đơn xin thi hành quyết định là cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước nơi quyết định yêu cầu thi hành (toà án) không xem xét lại nội dung vụ việc, mà chỉ xem xét quyết định có đủ điều kiện để công nhận và thi hành hay không. Khi quyết định đó đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho thi hành thì nó có giá trị pháp lý như các quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước nơi quyết định cần thi hành; việc thi hành các quyết định này sẽ tiến hành theo pháp luật của nước nơi quyết định được thi hành.

 

 

II/ Một số nết về việc triển khai thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình. Các kiến nghị và giải pháp.

1) Triển khai thực hiện các hiệp định.

Kể từ khi Việt Nam ký kết bản hiệp định tương trợ tư pháp đầu tiên (với Đức tháng 12.1980) và tiếp đó với Liên xô (cũ), Tiệp khắc (cũ), Cuba, Hungari, Bungari... đến nay đã được 15 năm. Trong thời gian đó chúng ta đã triển khai làm được nhiều việc.

- Do có ký kết của hiệp định tương trợ tư pháp, đã cho phép chúng ta điều chỉnh ổn định các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình và lao động, bảo về đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân nước ta tại lãnh thổ của nước ký kết hữu quan. Chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ và ổn định với các nước trong công tác tư pháp và luật pháp, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng những quy phạm pháp luật mới, bổ khuyết các ngành luật và dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

- Trong những năm qua chúng ta đã triển khai nhiều công việc để xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện hiệp định, nhất là trong lĩnh vực dân sự, vấn đề kết hôn, ly hôn và công nhận các quyết định, bản án của cơ quan tư pháp nước ký kết hiệp định. Văn bản pháp lý có tính chất chung nhất là pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nưỡc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 7.11.1989.

Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, ngoài luật hôn nhân gia đình ban hành năm 1986 (trong đó có một chương riêng quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chương IV các điều 52, 53, 54), cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản khác cụ thể hoá trên từng loại vụ việc khác nhau. Như: Pháp lệnh lãnh sự; Nghị định số 12/HĐBT ban hành quy định ban hành quy định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật đang sống trong các cơ nuôi dưỡng do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý, pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; Nghị định của Chính phủ số 184/CP quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài v.v...

Về lĩnh vực công nhận và thi hành các quyết định của cơ quan tư pháp nước ngoài, chúng ta đã ban hành một số văn bản quan trọng: Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài ngày 1.7.1993, Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài; pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 21.4.1993; Thông tư liên ngành số 04-TT/LN ngày 24.7.1993 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

Trong lĩnh vực dân sự, ngoài những điều khoản bao hàm các quy phạm thực chất của Bộ luật dân sự vừa mới được Quốc hội thông qua (và có hiệu lực từ ngày 1.7.1996), Bộ luật còn dành riêng phần 7 đề cập đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (gồm 13 điều, từ điều 826 đến điều 838) trong đó điều 873 quy định về việc áp dụng pháp lệnh dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , điều ước quốc tế , tập quán quốc tế và pháp lutj nước ngoài trên nguyên tắc quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia luôn luôn được áp dụng ưu tiên nếu như điều ước quốc tế có quy định khác với pháp luật Việt Nam . Với việc quy định này của Bộ luật dân sự, chúng ta đang nâng vị trí hợp tác về pháp luật với các nước ở một tầm mới và hội nhập với các nưóc để góp phần cùng thực hiện các quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp mà ta đã ký kết.

- Ngay khi ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, các cơ quan tư pháp trung ương đã phân nhiệm giữa Toà án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao thực hiện những phần việc mà các hiệp định đã quy định cho phía Việt Nam (Thông tư liên Bộ số 139-TT/TB ngày 12.3.1984). Tiếp đó, dần dần từng thời gian chúng ta phân công rõ thêm cho từng cơ quan tư pháp Trung ương và địa phưoưng thẩm quyền giải quyết các loại vụ việc có yếu tố nước ngoài mà các hiệp định tương trợ tư pháp đề cập: đăng ký kết hôn giao cho UBND các cấp(Sở Tư pháp giúp); giải quyết ly hôn giao cho Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp nhận và quản lý công tác thực hiện uỷ thác tư pháp giao cho Bộ Tư pháp v.v...

- Các uỷ thác tư pháp do cơ quan tư pháp nước ký kết hiệp định yêu cầu cũng được các cơ quan tư pháp nước ta thực hiện ngày càng nhiều có chất lượng rõ rệt và bảo đảm tiến độ thời gian. Thí dụ, theo tổng kết của Bộ Tư pháp, trong năm 1994 ta nhận 199 uỷ thác thì đã thực hiện có kết quả là 153 (chiếm 77%).Các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của ta trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp đã dần dần quen với việc xử lý các loại việc này. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp của ta thông qua đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng đã thực hiện các uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai của công dân Việt Nam đang lao động, học tập và công tác tại các nước ký kết hiệp định để phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình đang thụ lý ở trong nước. Loại uỷ thác này ngày càng nhiều, tập trung ở Đức, Nga, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlovakia v.v...

Qua việc thực hiện tốt uỷ thác tư pháp đang tạo ra sự tin tưởng trong hợp tác với các nước, và ở chừng mực nhất định bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân nước ta trong các vụ việc liên quan.

2) Một số kiến nghị và giải pháp.

Cùng với những kết quả đạt được trong việc tổ chức thực hiện các quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta đã ký kết với các nước, về phía chúng ta cũng còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại hiện nay, với chủ trương đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với tất cả các nước. Chính vì thực hiện đường lối này mà số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống, cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoaì mỗi năm một tăng; các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cũng sẽ ngày càng nhiều v.v...

Để giải quyết tốt những vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài phát sinh trong quá trình hợp tác và giao lưu quốc tế, thực hiện tốt các hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký két với các nước, xin kiến nghị một số vấn đề:

- Tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nói chung, những văn bản pháp luật liên quan đến các nội dung mà các hiệp định đề cập nói riêng, cả những quy phạm pháp luật thực chất và cả những quy phạm pháp luật về tố tụng, tổ chức v.v... Những năm gần đây chúng ta đã ban hành được nhiều lụt, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nhất là luật hôn nhân và gia đình (liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài), pháp luật về giám hộ, trợ tá, về nuôi con nuôi, pháp luật về tố tụng dân sự. Có thể nói vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật nhưng vẫn còn để trống hoặc đã có nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới (thí dụ những văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề thực hiện uỷ thác tư pháp, về quy trình và thủ tục lập và gửi các hồ sơ uỷ thác của các toà án Việt Nam cho toà án nước ngoài).

- Để thực hiện tốt đường lối đổi mới, mở cửa và phát triển quan hệ hợp tác đa phương hoá, đa dạng hoá Nhà nước ta tiếp tục nghiên cứu để có thể ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, nhất là đối với các nước có nhiều người Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống hoặc có tổ chức và cá nhân liên doanh, hợp tác với các tổ chức và cá nhân của ta. Nội dung và phạm vi của hiệp định tương trợ tư pháp đối với mmỗi nước không nhất thiết phải như nhau hoặc đầy đủ như các hiệp định đã ký kết với 7 nước, mà có thể có khác nhau tuỳ vào đặc điểm, tình hình và quan hệ của ta với mỗi nước. Trước hết ta có thể ký kết hiệp định với Canađa v.v...

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các hiệp định tương trợ tư pháp đã được ký kết, bồi dưỡng trang bị những nội dung cần thiết cho số thẩm phán, cán bộ liên quan đến việc thực hiện tương trợ tư pháp; cũng cần có các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho số cán bộ chuyên trách và cán bộ pháp lý nghiên cứu và tiếp xúc với các vấn đề pháp luật quốc tế và quan hệ quốc tế.

- Tiếp tục chấn chỉnh hệ thống các cơ quan tư pháp theo chương trình cải cách hiện nay; rà soát và phân định thẩm quyền giữa các ngành thêm rõ hơn để có thể thực hiện phần trách nhiệm của phía ta được tốt, nhất là về vấn đề thực hiện các uỷ thác tư pháp. Thí dụ, xác định sự phân công, phối hợp công tác giữa các ngành trong việc bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các cam kết quốc tế; vấn đề hướng dẫn về quy trình và thủ tục lập và gửi các hồ sơ uỷ thác tư pháp của cơ quan tư pháp Việt Nam cho các cơ quan tư pháp nước ngoài; vấn đề hướng dẫn về trình tự công nhận và cho thi hành tại Việt Nam những quyết định của các cơ quan tư pháp nước ngoài.

- Hàng năm, ngoài việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan tư pháp của ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà các hiệp định đề cập, cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm nhiệm vụ thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp đề kịp thời có những chủ trương đối sách cần thiết./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số thực tiễn quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong quá trình chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự

 

 

PTS. Nguyễn Hoàng Anh

 

 

I

Những công ước quốc tế về các quyền ưu đãi,

miễn trừ ngoại giao và lãnh sự

 

Điều ước quốc tế chiếm một vai trò rất quan trọng trong quan hệ quốc tế, nó là nguồn của luật quốc tế và đồng thời cũng là phương tiện để phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia vì hoà bình và an ninh quốc tế, cho dù các quốc gia này có những chế độ chính trị xã hội và hệ thống pháp luật khác nhau.

Nền tảng và cơ sở pháp lý để phát triển mối quan hệ hợp tác nêu trên là những văn kiện quốc tế đặc biệt quan trọng như: Hiến chương Liên Hợp quốc và các Công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự và quan hệ với các tổ chức quốc tế. Đó là Công ước năm 1946 về các quyền ưu đãi, miễn trừ của Liên Hợp quốc (đã có 135 nước tham gia); Công ước năm 1947 về các quyền ưu đãi miễn trừ của các tố chức chuyên môn (có 102 nước tham gia); Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao (có 174 nước tham gia) Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự (có 152 nước tham gia). Ngoài ra, còn phải tính đến Công ước năm 1969 về phái đoàn đặc biệt; Công ước năm 1973 về việc tình phạt những tội ác chống lại người được bảo hộ quốc tế, kể cả nhà ngoại giao; Công ước năm 1975 về phái đoàn đại diện của các quốc gia trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập và gần đây nhất là Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua, theo thủ tục nhất trí, Công ước về sự an toàn của nhân viên Liên Hợp quốc và thành viên gia đình. Hiện nay, việc soạn thảo và hoàn thiện công ước về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với thẩm phán của toà án, Luật biển quốc tế cũng đang được tiến hành.

Trên đây là những công ước quốc tế đã đề cập một cách đầy đủ nhất về các quy phạm pháp luật quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự. Một lĩnh vực rất quan trọng, song cũng là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong mối quan hệ của các quốc gia và cũng có thể dẫn đến sự thành công hay "thất bại" của mỗi quốc gia trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt đặt ra những thách thức đối với chính sách lập pháp của quốc gia đó. Bởi vì, sự tự nguyện, thiện chí và lòng mong muốn thực hiện những cam kết quốc tế trong lĩnh vực này không chỉ đơn thuần là một vấn đề pháp lý mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng và việc các quốc gia thực hiện một cách đầy đủ các cam kết của mình trong lĩnh vực này sẽ được phản ánh ngay tức khắc trong "bức tranh" về mối quan hệ giữa các quốc gia này và sẽ có ảnh hưởng theo "nguyên tắc có đi có lại" theo hướng tích cực và có thể cả hướng tiêu cực đối với những quan hệ quốc tế đó. Chính vì vậy, việc chuyển hoá pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này thành pháp luật quốc gia đóng một vai trò rất quan trọng trong chính sách lập pháp của mỗi nước.

 

 

 

II

Thực tiễn của các nước trong việc chuyển hoá các Công ước quốc tế về ưu đãi, miễn trừ ngoại giao lãnh sự thành pháp luật quốc gia

 

Trên cơ sơ các Công ước quốc tế mà các quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, căn cứ vào lợi ích của quốc gia cũng như thực trạng xã hội và lập pháp của nước mình, nhiều quốc gia đã chuyển hoá các cam kết tại các Công ước quốc tế về lĩnh vực ưu đãi miễn trừ thành pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, cách thức chuyển hoá các quy phạm pháp luật này của từng quốc gia cũng khác nhau và nó phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử lập pháp nói chung và vào lịch sử hiến pháp nói riêng của những quốc gia naỳ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia quy định việc chuyển hoá các điều ước quốc tế thành pháp luật quốc gia chủ yếu tại các văn bản hiến pháp như: Hàlan, áo, Đức ... Cụ thể nó bao gồm cả việc chuyển hoá chung, tức là chuyển hoá nội dung toàn bộ một điều ước quốc tế thành pháp luật quốc gia, ví dụ như: Điều 67 Hiến pháp Hà lan quy định nghĩa vụ đối với các cơ quan Nhà nước phải thực hiện các Nghị quyết của Tổ chức quốc tế. Tại Hiến pháp của áo (các điều 16,50,65 và 66) quy định việc công bố các điều ước quốc tế trong Công báo của Liên bang. Bên cạnh những quy định của Hiến pháp, áo còn ban hành luật về công báo của Liên bang (4.7.1972) và tại Điều 2 của Luật này quy định việc công bố những điều ước quốc tế ký với danh nghĩa Nhà nước và cần sự phê chuẩn của Hội đồng quốc gia. Việc công bố này có thể được tiến hành với toàn bộ nội dung của điều ước quốc tế hoặc từng phần của điều ước quốc tế theo quyết định của Thủ tướng Liên bang. Và khi đưa ra quyết định việc ra nhập một điều ước quốc tế , Hội đồng quốc gia có thể đồng thời quyết định việc ban hành những văn bản pháp luật trong nước tưoưng ứng để thực hiện điều ước quốc tế nêu trên. Như vậy, đồng thời việc quyết định gia nhập điều ước quốc tế , cơ quan có thẩm quyền ký kết hoặc quyết định ra nhập đồng thời quyết định hình thức chuyển hoá điều ước quốc tế nêu trên thành luật quốc gia.

Một số nước khác như: Đức, Anh, Mỹ, Nga, Thuỵ điển, Pháp, Nhật bản và Trung quốc thì theo chiều hướng chuyển hoá đặc biệt, tức là ban hành những văn bản nội luật để điều chỉnh luật quốc gia cho phù hợp với luật quốc tế và nhằm mục đích thực hiện cam kết quốc tế.

Song về mức độ, tính chất và nội dung chuyển hoá trong văn bản của các nước cũng hoàn toàn khác nhau. Nga, Trung quốc, Anh ban hành một văn bản riêng (quy chế, sắc lệnh, quy định...) về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Đoàn ngoại giao với nội dung là cụ thể hoá và làm rõ hơn các công ước viên 1961 và 1963 và viện dẫn việc áp dụng các hiệp định ký với các tổ chức quốc tế. áo không có một văn bản riêng quy định các quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, nhưng tại nhiều văn bản khác lại có quy định về ưu đãi miễn trừ như: Luật tố tụng hình sự, Nghị định hướng dẫn thi hành luật về thẩm quyền xét xử của toà án hoặc thông tư của Bộ Tư pháp. Hơn nữa, do áo (kể cả Mỹ) là nơi có trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế và nơi diễn ra những Hội nghị quốc tế nên áo và Mỹ lại có Luật về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các Tổ chức quốc tế (14.12.1977) hoặc Sắc lệnh của Chính phủ Liên bang về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Liên đoàn các nước ả rập và văn phòng đại diện của Liên đoàn tại áo. Cũng xin lưu ý rằng tại Luật nêu trên không có quy định các quyền ưu đãi, miễn trừ cụ thể mà viện dẫn việc áp dụng những điều ước quốc tế như Hiệp định thành lập tổ chức quốc tế này, công ước về quyền ưu đãi, miễn trừ của tổ chức cũng như những nguyên tắc quốc tế được công nhận rộng rãi.

Mỹ không có một văn bản quy định cụ thể như của Anh, Nga và Trung quốc, mang tính chất chuyển hoá nội dung chính của công ước viên 1961 và 1963 mà chỉ có những văn bản hướng dẫn chung của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho những cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp và không mang tính lập quy. Mỹ cho rằng nếu có quy định cũng chỉ quy định những vấn đề mà các công ước viên chưa đề cập tới, hoặc mở rộng đối tượng áp dụng hoặc quy định những ưu đãi miễn trừ rộng hơn.

Trên cơ sở xem xét, thực tiễn các nước trong chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc té về lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự hành pháp luật quốc gia, tác giả rút ra những kết luận sau:

1. Thực tiễn nêu trên cho thấy các nước đều tiến hành cả hai hình thức chuyển hoá, chuyển hoá chung đối với các văn kiện của Tổ chức quốc tế và chuyển hoá đặc biệt các quyền ưu đaĩ, miễn trừ Ngoại giao và lãnh sự.

2. Trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung chuyển hoá được quy định tại Hiến pháp hoặc ngay trong văn bản quyết định việc ra nhập điều ước quốc tế .

3. Song, mức độ chuyển hoá các điều ước quốc tế cũng khác nhau: có thể là quy định cụ thể hoá các quy phạm của công ước, hoặc viện dẫn tới các công ước.

4. Chuyển hoá tại một văn bản thống nhất hoặc thành các quy phạm pháp luật trong nước tại nhiều văn bản khác nhau.

5. Chuyển hoá bằng cách công bố nội dung của điều ước quốc tế trong công báo và coi đó là luật quốc gia.

6. Chuyển hoá những quy phạm của luật tập quán quốc tế dưới hình thức tuyên bố công nhận một số tập quán quốc tế.

 

III

Thực tiễn của Việt Nam

Nước ta đã gia nhập Công ích Viên năm 1961 về quan hệ Ngoại giao năm 1980; Công ước 1946 về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với Liên hợp quốc vào năm 1988; Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự vào năm 1992; Công ước 1975 vào năm 1980; cũng như đã ký kết 14 Hiệp định lãnh sự với các nước. Song tính đến tháng 7.1993, ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý thống nhất để nội luật hoá các Công ước quốc tế nêu trên nhằm mục đích hướng dẫn các cơ quan chức năng của Việt Nam thi hành những nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia các Công ước quốc tế này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này tại nhiều văn bản nội luật như: Bộ luật hình sự,Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh hải quan, Pháp lệnh về thuế nhà đất và đặc biệt Nghị định 131 của HĐBT (trước đây) và thông tư số 01-TTLN Kiểm soát-Nội vụ-Tư pháp-Ngoại giao đã có nhiều quy định cụ thể liên quan đến quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế. Thế nhưng, trong thực tế vào thời gian này các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài đều căn cứ vào nội dung các điều khoản trong Công ước 1961 và 1963 để yêu cầu được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ ghi trong những Công ước này. Do không có những văn bản quy định nhất quán nên việc một số cơ quan chức năng hoặc cán bộ thực thi công vụ của ta vẫn còn áp dụng hoặc thực hiện các quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ một cách tuỳ tiện. Và thậm chí, ở Một số địa phương cán bộ do thiếu sự hiểu biết pháp luật đã có những hành vi vi phạm những nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Xuất phát từ tình hình nêu trên và để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta với các nước và các tôe chức quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan đaị diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế cũng như thành viên của cơ quan thực hiện một cách có hiệu quả chức năng đại tại Việt Nam , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao. Cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23.8.1993.

Như vậy, việc chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc tế cơ bản về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự tại các Công ước Viên 1961 và 1963 đã được thực hiện thông qua những quy định tương ứng tại Pháp này.

Riêng đối với các tổ chức quốc tế, Pháp lệnh này không quy định rõ như những quy định đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự mà dùng phương pháp viện dẫn trực tiếp đến những điều ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết với các tổ chức này xét về mặt thực chất đã thực hiện việc chuyển hoá chung- chuyển hoá nội dung toàn bộ Công ước quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế mặc dù Việt nam chưa tham gia Công ước 1947 về các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc cũng như Công ước năm 1959 về các quyền ưu đãi, miễn trừ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, nhưng tại khoản 2 điều 8 Nghị định 74 CP (ngày 30.7.1994) hướng dẫn thi hành pháp lệnh trên lại quy định Việt nam sẽ áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia và tập quán quốc tế được Việt Nam thừa nhận:

 

"- ...

-Công ước năm 1947...

-Hiệp định năm 1959..."

Như vậy thông qua quy định này Việt nam đã thực hiện việc chuyển hoá nội dung hai Công ước 1947 và 1959 được Việt nam công nhận như Luật tập quán quốc tế thành luật quốc gia. Đối với các cơ quan chức năng trong nước ngoài những hiệp định song phương Việt Nam ký với các tổ chức chuyên môn, quy định này cũng là cơ sở pháp lý trong nước để áp dụng các quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ trong công ước 1947 và công ước năm 1959 đối với những tổ chức quốc tế hữu quan. Công thức chuyển hoá này có mặt thuận, song cũng không tránh khỏi trong thực tế việc cơ quan chức năng trong nước và các cán bộ thực thi công vụ không phải lúc nào cũng nắm hết được nội dung của hàng loạt các hiệp định song phương và những quy định chi tiết về ưu đãi, miễn trừ. Đó chưa kể đến một số hiệp định chỉ ký bằng tiếng nước ngoài mà không có bản dịch, dẫn đế tình trạng khi phía cơ quan nước ngoài yêu cầu được hưởng ưu đãi miễn trừ trên cơ sở hiệp định, các cơ quan chức năng của ta đã từ chối thực hiện với lý do văn bản này không có giá trị pháp lý tại nước ta.

Từ những thực tiễn nêu trên, tác giả xin nêu một số kết luận và kiến nghị đối với việc xây dựng pháp lệnh sửa đổi về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế như sau:

1. Về cơ bản, Việt Nam đã thực hiện việc chuyển hoá các điều ước quốc tế trong lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự bằng cách chuyển hoá chung hoặc chuyển hoá đặc biệt thành một văn bản riêng hoặc rải rác tại nhiều văn bản khác nhau.

2. Tuy nhiên, để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong nước thực hiện tốt những cam kết quốc tế nên bổ xung thêm phương thức chuyển hoá điều ước quốc tế bằng cách công bố nội dung điều ước quốc tế trong công báo. Trách nhiệm công bố này có thể được đưa vào nội dung của Pháp lệnh sửa đổi về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế hoặc tại một văn bản pháp quy riêng quy định về thẩm quyền, trình tự cũng như nội dungviệc công bố điều ước quốc tế .

3. Nên bổ sung vào nội dung quy định về thẩm quyền quyết định tham gia điều ước quốc tế đồng thời thẩm quyền quyêts định chuyển hoá thành pháp luật quốc gia bằng việc ban hành những văn bản nội luật tương ứng để thực hiện điều ước quốc tế (ví dụ: Nghị quyết phê chuẩn công ước luật biển-đồng thời quyết định ban hành pháp luật về đường cơ sở, hoặc quyết định gia nhập Công ước viên 1963-đồng thời quyết định việc công bố hàng loạt các Hiệp định lãnh sự với những nội dung cần thiết).

4. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra rằng, có thể đưa hết những nội dung trên vào pháp lệnh sửa đổi hay không? Khi mà việc quyết định ra nhập điều ước quốc tế hoặc ban hành văn bản pháp luật quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc của Chủ tịch nước. Vậy, phải chăng pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phải được chuyển hoá thành luật.

 

 

 

Về vấn đề hoàn thiện pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam

 

Phạm Trường Giang LL.M

Vụ LPQT, Bộ ngoại giao

(Đây là những suy nghĩ bước đầu của cá nhân về một số vấn đề liên quan tới việc thực hiện pháp lệnh ký kết, thực hiện điều ước quốc tế 1989).

 

Đặt vấn đề

Điều ước quốc tế là thuất ngữ pháp lý chỉ các văn bản thoả thuận được các chủ thể của luật pháp quốc tế, như các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác xây dựng nên-thông qua con đường đàm phán, ký kết v.v... Được thể hiện dưới dạng các công ước, hiệp ước, thoả ước, hiệp định và nghị định thư, điều ước quốc tế đã, đang và sẽ cơ tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Điều ước quốc tế và các thủ tục liên quan, như ký kết, thực hiện và kết thúc điều ước v.v... là đối tượng của Luật quốc tế chung và luật quốc gia. Trên bình diện quốc tế, do tầm quan trọng của các điều ước quốc tế , nhu cầu pháp điển hoá Luật điều ước quốc tế đã được đặt ra từ rất lâu. Các nước trong cộng đồng quốc tế, sau nhiều năm bàn bạc và trao đổi, đã nhất trí thông qua Công ước Viên ghi nhận các quy phạm và tập quán quốc tế hiện hành và phù họp với các quy định của luật quốc gia của nhiều nước tren thế giới.

Song song với Luật quốc tế và điều ước, mỗi quốc gia, trên cơ sở nhu cầu thiết thực, luật trong nước và có xem xét tới luật quốc tế, cũng có những quy định riêng về lĩnh vực điều ước quốc tế và các vấn đề có liên quan. Các quy định này có thể được thể hiện trong hiến pháp, một văn bản pháp lý Nhà nước riêng hoặc một quy chế nội bộ điều chỉnh việc đàm phán, ký kết hay thực hiện các điều ước.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Điều ước quốc tế của nước ta trong những năm qua đã trở thành một phương tiện có tầm quan trọng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mở rộng sự hợp tác hữu nghị về mội mặt và đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Nhà nước ta. Kể từ khi Nhà nước cách mạng non trẻ của ta ký hiệp định sơ bộ 6.3.1946 và Tạm ước 14.9.1946, thực tiễn xây dựng và ký kết điều ước song phương và đa phương của Nhà nước ta đã trải qua một thời gian dài. Công tác điều ước của ta, tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, cũng thể hiện một số thiếu sót trong một số khâu của công tác này. Để phát triển có hiệu quả về mọi mặt của công tác điều ước, ngày 17.10.1989 Nhà nước ta đã ban hành pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế .

Trong những năm của thập kỷ 1990, tình hình Việt Nam có những thay đổi lớn lao. Về mặt kinh tế, ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Về mặt đối ngoại, ta đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc cơ bản với một số nước, tạo tiền đề cho việc phát triển hơn bao giờ, các mối quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới. Về pháp lý trong nước, ta đã ban hành Hiến pháp mới và bổ sung sửa đổi các luật, quy định cho phù hợp với hoàn cảnh chung của đất nước. Về mặt điều ước quốc tế , mặc dù đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của công tác điều ước, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 17.10.1989, trong tình hình hiện nay đã thể hiện một số điểm khiếm khuyết, không phù hợp. Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triẻn và hoàn thiện công tác đièu ước, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại, bảo về có hiệu quả chủ quyền và các quyền lợi khác của Nhà nước ta và thực hiện đầy đủ các cam kết của ta với các quốc gia coa liên quan, việc sửa đổi, bổ sung tiến tới hoàn thiện Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam được đặt ra ngày càng cấp bách.

Trong khuôn khổ của bài viết này xin trình bày một số suy nghĩ về vấn đề nói trên.

I. Cơ sơ của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế

Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước ngày 17. 10 .1989 (gọi tạm là Pháp lệnh) được xây dựng trên cơ sở luật pháp của ta và thực tiễn quốc tế lúc bâý giờ. Cơ sở quan trọng nhất là những quy định của Hiến pháp năm 1980 (Điều 83, 100 và 107 trong các chương về Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, cũng như các quyết định khác liên quan đến lĩnh vực điều ước. Ngoài ra, Pháp lệnh được dựa trên thực tiễn công tác điều ước của ta (cho đến năm 1989) và thực tiễn, luật pháp của nhiều nước, chủ yếu là luật về điều ước quốc tế của các nước XHCN như của Liên xô, Cuba, CHDC Đức, Bungari, Mông cổ v.v...

Các căn cứ này, trong tình hình hiện nay, ở một chừng mực nào đó, đã tỏ ra là không phù hợp. Hiến pháp năm 1980 đã được thay thế bởi Hiến pháp 1992, theo đó chức năng quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đối với công tác điều ước đã được quy định một cách rõ ràng và đầy đủ hơn (Điều 84/khoản 13, Điều 103/khoản 10, Điều 112/khoản 8...) để đáp ứng được những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Từ năm 1989 tới nay công tác điều ước quốc tế của phát triển một cách mạnh, Nhà nước cũng như Chính phủ ta đac tham gia đàm phán ký kết điều ước quốc tế với rất nhiều đối tác nước ngoài, như các quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ (Liên hợp quốc, UNDP, EU ...) và phi chính phủ (các quỹ tiền tệ như ngân hàng ADB ...). Thực tiễn này đã vượt qua khuôn khổ điều chỉnh của Pháp lệnh 1989 và đồng thời cũng làm nảy sinh không ít thiếu sót sai lệch (về hình thức cũng như nội dung). Hơn nữa, việc điều chỉnh pháp lý và quản lý công tác điều ước, do dựa trên các kinh nghiệm, thực tiễn của các nước XHCN (trước đây) có thể cũng phiến diện và hạn chế. Từ những nhận xét trên, về cơ bản, đã đến lúc chúng ta nên xem xét, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh 1989 cho phù hợp hơn với tình hình và nhiệm mới của Đảng và Nhà nước ta.

II. Hình thức của Pháp lệnh

1. Về mức độ, văn bản sửa đổi, bổ sung lần này cũng nên giữ ở mức độ Pháp lệnh. Trên cơ sở so sánh với những vấn đề khác thuộc lĩnh vực pháp lý ở ta, phù hợp với những nội dung được đặt ra trong văn bản mới, theo tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội ngày 28.10.1995, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, ngày 25.11.1995 và căn cứ vào quy định tại điều 103, Hiến pháp 1992, việc để văn bản sẽ được sửa đổi và bổ sung ở mức độ Pháp lệnh là hoàn toàn hợp lý. Theo quy định của Hiến pháp 1992, phải là Chủ tịch nước.

2. Về tên gọi, Pháp lệnh sửa đổi nên được đặt tên khác, có tên gọi là Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế của nước CHXHCN Việt Nam, văn bản ngày 17.10.1989 nhằm đề cập tới các giai đoạn và thủ tucj cơ bản của công tác điều ước của Việt Nam. Tuy nhiên, cách lấy tên như vậy là chưa đầy đủ, vì chưa đề cập tới giai đoạn đầu tiên (nhưng không kém phần quan trọng) - Giai đoạn đàm phán xây dựng điều ước quốc tế . Do đó, Pháp lệnh mới nên có tên rõ ràng và đầy đủ hơn, phải chăng là Pháp lệnh về đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam .

3. Về bố cục, Nhìn chung Pháp lệnh 1989 đã chứa đựng tương đối đầy đủ các quy định về các giai đoạn cơ bản của công tác điều ước. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, công tác điều ước vẫn là công tác còn mới mẻ đối với một số Bộ, ngành, để tăng cường sự phối hợp và hiệu quả của công tác này, việc bổ sung thêm phần về các thuất ngữ là cần thiết (phê chuẩn, phê duyết ...) cần được xem xét một cách một cách thoả đáng. Hơn nữa, việc chia nhỏ các chương để làm cho văn bản mới rõ ràng và cụ thể hơn, cũng cần được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi và bổ sung pháp lệnh. Đồng thời các điều khoản cụ thể cũng cần được sửa đổi bổ sung thêm (sẽ trình bày trong các phần tiếp theo).

4. Về câu chữ, do cơ những quy định mới của Hiến pháp 1992, các danh từ như Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng (ở hầu như tất cả các đièu khoản của pháp lệnh 1989 ) nay phải được đổi thành Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

III. Các nội dung cụ thể

1. Các khái niệm và thuật ngữ

Đối tượng của Pháp lệnh 1989 là các điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam. Điều 1 (khoản 1) của Pháp lệnh quy định:

Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam bao gồm Hiệp ước, Công ước, Định ước, Hiệp định, Nghị định thư, công hàm trao đổi ...

Qua nghiên cứu, trên thực tiễn của công tác điều ước, Hiệp ước được hiểu là các điều ước có nội dung pháp lý quan trọng, như các vấn đề hợp tác, hữu nghị hay về phân định biên giới; Hiệp định, được hiểu là loại điều ước điều chỉnh một vấn đề chuyên môn cụ thể về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục ... được xây dựng được ký kết giữa hai hay nhiều quốc gia; Công ước, là điều ước đa phương (thuật ngữ này hầu như không dung cho các điều ước song phương) nhằm điều chỉnh những vấn đề riêng biệt có tính pháp lý cao hay nhằm thành lập một tổ chức quốc tế; Nghị định thư, là văn kiện được ký giữa các nước nhằm ghi nhận những thoả thuận đã đạt được về một vấn đề nào đó hoặc sửa đổi, bổ sung vào một điều đã ký trước đó. Văn bản loại này, cũng có thể là những thoả thuận để cụ thể hoá từng phần hay thực hiện từng phần đã được thoả thuận trong một điều ước đã ký trước đó. Biên bản thoả thuận, là loại văn bản ghi lại những thoả thuận đã đạt được trong đàm phán hay trong các phiên họp của các đoàn đại biểu. Trong quá trình soạn thảo pháp lệnh 1989, do quan niệm rằng tên gọi không có ý nghĩa pháp lý, nên các thuật ngữ này đã không được quy định trong văn bản chính thức. Điểm khiếm khuyết này đã gây ra nhièu khó khăn cho công tác điều ướcư, từ khâu đàm phán, ký kết đến thực hiện.

Ngoài ra một số thuật ngữ quan trọng thường gặp trong công tác điều ước cũng cần phải làm rõ. Phê chuẩn điều ước quốc tế , là sự khẳng định của một trong những cơ quan cao nhất, theo đó bày tỏ sự chấp nhận sự ràng buộc đối với điều ước liên quan. Phê duyệt điều ước quốc tế , cũng được hiểu như phê chuẩn nhưng ở mức độ thấp hơn (thường là do Chính phủ tiến hành). Bảo lưu điều ước là tuyên bố đơn phương qua đó một quốc gia mông muốn loại trừ hoặc thay đổi việc thi hành quy định cụ thể nào đó của điều ước quốc tế đối với quốc gia mình. Gia nhập điều ước là hành vi pháp lý thể hiện ý chí của một quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của mình đối với một điều ước quốc tế nhiều bên mà quốc gia đó không ký vào điều ước trong thời hạn điều ước đó quy định mở ra cho các quốc gia ký. Pháp lệnh 1989 cũng có đề cập tới các thuật ngữ trên, tuy nhiên, nội dung của các thuật ngữ này không được đề cập tới. Chính vì lẽ đó, những cán bộ tham gia trong công tác điều ước không hoặc chưa thấy rõ được bản chất vấn đề. Trên thực tế nhiều điều ước được ký kết, nhưng không được làm thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt, văn bản được ký kết không có hiệu lặc được (có khi tới hàng năm). Điều này đã gây ra không ít hậu quả về đối ngoại, đồng thời, cũng gây nhiều bất lợi cho các bên ký kết (trong đó có bên Việt Nam ). Vấn đề bảo lưu, trên thực tế vì cũng ít được vận dụng, nên cho tới nay cũng chưa xẩy ra những vướng mắc gì. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ nguyên cách quy định như Pháp lệnh 1989 sẽ không hợp lý và chắc sẽ đưa đến những khó khăn nhất định.

2. Chức năng quyền hạn của các cơ quan liên quan

a) Đề xuất ký kết điều ước

Là khâu đầu tiên trong công tác điều ước, việc đề xuất ý kiến ký kết điều ước cần phải được quy định một cách hợp lý. Pháp lệnh 1989 quy định Bộ ngoại giao có chức năng và nhiệm vụ đề xuất ký kết các điều ước quốc tế về hoà bình, an ninh, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia và quyền, nghĩa vụ của công dân; và các cơ quan cấp ngành đề xuất về các điều ước quốc tế liên quan tới các vấn đề cụ thể sau khi có ý kiến của Bộ ngoại giao. Quy định này cho tới nay có thể vãn nên giữ. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa các ngành trong đề xuất ký kết các điều ước quốc tế về các lĩnh vực cụ thể còn có nhiều lỏng lẻo. Nhiều điều ước mặc dù đã được đàm phán và ký tắt nhưng Bộ giao không hề biết và bị đặt vào sự viẹec đã rồi phải làm các thủ tục cần thiết cho các khâu tiếp theo. Nhiều trường hợp, Bộ ngoại giao phát hiện những sai sót trong các điều ước đó, nhưng không có đủ thời gian để khắc phục. Ngoài ra, vì yêu cầu cấp bách phục vụ cho các mục đích chính trị và kinh tế của Nhà nước và Chính phủ, nhiều khi các điểm thiếu sót này cũng đành phải bỏ qua. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp mặc dù không hoặc chưa có ý kiến của Bộ ngoại giao, các đề xuất trên đâyvẫn được các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Về mặt pháp lý, những thiếu sót này đã và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực có liên quan và quan hệ đối ngoại nói chung. Từ đó, việc xây dựng cơ chế hợp lý hơn, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và yêu cầu tiên quyết của các cơ quan có thẩm quyền sẽ được đặt ra trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh mới.

b) Thẩm quyền quyết định việc ký kết điều ước quốc tế

Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và các thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết điều ước quốc tế . Thẩm quyền quyết định này được đưa ra ở những mức độ khác nhau tuỳ theo tầm quan trọng và mức độ của điều ước liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều điều ước sẽ được ký kết dưới danh nghĩa Nhà nước, nhưng lại do Hội đồng Bộ trưởng (trước đây) quyết định. Những trường hợp này đã đúng với pháp luật Việt Nam hay chưa cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu. Về mặt thực chất, những trường hợp này chưa được quy định trong pháp luật của ta. Do đó, nếu đây là thực tiễn có thể chấp nhận được, thì nội dung này cần được quy định trong pháp lệnh mới.

c) Vấn đề uỷ quyền

Uỷ quyền là một khâu quan trọng trong công tác điều ước. Uỷ quyền là việc các cơ quan chức năng cho phép người đại diện cho mình đàm phán và ký kết điều ước. Pháp lệnh 1989 quy định điều ước dưới danh nghĩa Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan cấp ngành. Về thực chất những quy định trên đây vẫn hợp lý. Tuy nhiên, cách thể hiện văn bản có thể sẽ gây ra những hiểu lầm. Khoản 1 (a) không nói rõ chức năng của Bộ ngoại giao trong việc làm giấy xác nhận uỷ quyền cấp Nhà nước, trong khi đó phần (b) lại có quy định về việc Bộ ngoại giao xác nhận uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng, phải chăng có điểm gì thừa hoặc thiếu ở 1 trong 2 phần này? Mặt khác quy định về uỷ quyền của thủ trưởng trong việc đàm phán, ký kết điều ước cấp ngành có cần thiết ghi nhận trong khuôn khổ này hay không? (vì điều này đã được quy định trong các văn bản về chức năng quyền hạn của các ngành; việc uỷ quyền này không mang nhiều ý nghĩa pháp lý-trong thực tiễn vấn đề này ít được đặt ra và cơ chế như ở điều 5 (khoản 2) cũng ít được các ngành tuân theo).

Vấn đề khác, cũng có tầm quan trọng là nếu cơ chế trên không được tuân thủ, thì việc xử lý sẽ ra sao, các cơ quan liên quan và cơ thẩm quyền sẽ có trách nhiệm gì và điều ước đã được ký kết xuất phát từ những thiếu sót trên có được coi là cơ giá trị không? Các vấn đề này cần được nghiên cứu và xem xét nghiêm túc trong quá trình sửa đổi và bổ sung, tiến tới xây dựng Pháp lệnh mới.

d) Thực hiện điều ước

Sau tiến trình đàm phán, ký kết, vấn đề thực hiện điều ước được đặt ra không kém phần quan trọng. Pháp lệnh 1989 quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các điều ước quốc tế , trách nhiệm theo dõi, thúch đẩy việc thực hiện điều ước của bên Việt Nam và bên ký kết kia, quản lý điều ước, công bố, đăng ký và lưu chuyển điều ước quốc tế .

Về nguyên tắc, các quy định có thể chấp nhận được, tuy nhiên, một số cơ chế cụ thể dường như không hoặc chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Cơ chế Hội đồng Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện và Bộ Ngoại giao giúp Hội đông Bộ trưởng trong nhiệm vụ này; và, các cơ quan cấp ngành báo cáo lên Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng và thông báo cho Bộ Ngoại giao để theo dõi. Cách quy định này cho thấy thẩm quyền để Bộ Ngoại giao thi hành nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Theo đó Bộ Ngoại giao khó có thể yêu cầu các cơ quan cấp ngành thông báo về việc thực hiện điều ưóc của ngành mình và trên thực tế, mặc dù Bộ Ngoại giao yêu cầu thì các ngành hồi âm lại cũng không có. Cách quy định từng thời kỳ, theo quy hoặc khi có yêu cầu là chưa rõ ràng, theo đó, trách nhiệm báo cáo, thông báo về thực hiện điều ước ở cấp ngành có bắt buộc hay không ? Nếu là nghĩa vụ, thì thời hạn thực thi nghĩa vụ đó là bao giờ ? Nếu không hoàn thành thì trách nhiệm tới đâu ? Nhìn chung, cơ chế quy định ở Pháp lệnh 1989 chưa hoặc mới chỉ giải quyết phần nào của những câu hỏi trên.

Ngoài ra các quy định về đăng ký điều ước cũng cần được xem xét lại. Các điều ước quốc tế hai bên và nhiều bên phải đăng ký tại Ban thư ký Liên hợp quốc. Các điều ước quốc tế không đăng ký thì không có giá trị và không được lấy làm tài liệu viện dẫn trước Toà án quốc tế và các tổ chức của Liên hợp quốc. Pháp lệnh 1989 cũng quy định ta sẽ đăng ký các Điều ước tại Ban thư ký Liên hợp quốc hoặc các tổ chức quốc tế mà phía Việt Nam là một bên ký kết. Trên thực tế, cho đến nay vấn đề này hầu như ít được đặt ra (vì trong nhiều trường hợp bên ký kết nước ngoài hoặc tự động hoặc có thoả thuận với bên Việt Nam để tiến hành đăng ký những điều ước song phương với ta). Trong tình hình mới nếu thực tế này không được cải thiện sẽ gây không ít bất lợi cho phía Việt Nam (nhất là trong trường hợp cả hai bên ký kết đều không quan tâm hoặc bỏ qua khâu này). Từ đó đặt ra trách nhiệm bắt buộc phải đăng ký các điều ước tại Ban thư ký LHQ và Tổ chức quốc tée liên quan. Theo đó, những điều ước gì sẽ được đăng ký hay tất cả cá điều ước đều phải được đăng ký ? Bộ Ngoại giao có phải xin phép tiến hành đăng ký hay cứ chủ trì công việc này ? Sự phối hợp với các cơ quan liên quan về vấn đề này ra sao ?

Kết luận

Nhìn chung, Pháp lệnh điều ước 1989 đã đề cập tới các nội dung cần thiết của công tác điều ước. Thực tế những năm qua cho thấy, Pháp lệnh 1989 được ban hành là cần thiết, đáp ứng các yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều ước phát triển góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hơpj tác giữa ta và các đối tác nước ngoài đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế của mình.

Tuy nhiên, do được xây dựng, ban hành trên cơ sở và tình hình tương đối khác hiện nay, Pháp lệnh 1989 không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Trong giai đoạn tới việc sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh trên được đặt ra cấp bách nhằm phục vụ cho các yêu cầu của tình hình mới. Việc nghiên cứu những vấn đề trên đòi hỏi có sự quan tâm và nỗ lực của các cơ quan hữu quan và các cán bộ nghiên cứu có liên quan trực tiếp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục

 

 

 

1. Mẫu phiếu điều tra, khảo sát về điều ước quốc tế

 

2. Kết quả điều tra, khảo sát

 

3. Danh mục các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tham gia

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ Tư pháp

...........

Đề tài NCKH "Mối quan hệ giữa

điều ước quốc tế và pháp luật Việt nam"

(Mã số: 95-98-113/ĐT)

 

Phiếu khảo sát về điều ước quốc tế

 

 

Phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học "Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam" số đăng ký: 95-98-113/ĐT.

Đối tượng khảo sát: Thẩm phán dân sự,

Câu hỏi khảo sát

 

1. Đồng chí có biết trong việc áp dụng pháp luật vào công tác xét xử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết, tham gia (dưới đây gọi tắt là ĐƯQT) có giá trị ưu tiên hơn so với pháp luật Việt Nam hay không ?

Có Không Chưa bghĩ tới

2. Trên cương vị thẩm phán dân sự, đã có lần nào đồng chí phải áp dụng ĐƯQT vào xét xử chưa ?

Có Không

Nếu có áp dụng, thì cụ thể là ĐƯQT nào (Hiệp định, Công ước ...)?

...

...

...

3. Đã khi nào đồng chí được nghe giới thiệu, tập huấn hoặc tìm hiểu về ĐƯQT liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình chưa ?

Có Không

Nếu có, thì bằng hình thức nào:

Tập huấn Bồi dường chuyên đề Tự tìm hiểu

Tên gọi của ĐƯQT đó là gì ?

4. Trong thư viện của Toà án hoặc trong tủ sách cá nhân của đồng chí cơ các văn bản ĐƯQT nào không ?

Có Không

Nếu có, thì tên gọi của ĐƯQT đó là gí ?

...

...

...

5. Theo đồng chí, việc phổ biến, in ấn, phát hành các ĐƯQT liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình đã đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử hay chưa ?

Đã đáp ứng Chưa đáp ứng

Đồng chí có kiến nghị gì về vấn đề này ?

...

...

...

Xin chân thành cảm ơn !

 

Ban chủ nhiệm đề tài

 

Ban chủ nhiệm đề tài

Nghiên cứu khoa học Hà nội, ngày 18 tháng 3 năm 1996

"Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế

và pháp luật Việt Nam"

 

Báo cáo tổng hợp

 

Về kết quả điều tra, khảo sát

 

------- ***------

(Đề tài: "Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam"

 

Mã số: 95-98-113/ĐT

 

I. Đối tượng khảo sát:

- Đợt 1 : Thẩm phán dân sự (lớp tập huấn về Bộ luật dân sự).

- Đợt 2 : Thẩm phán dân sự (Toà án nhân dân thành phố Hà nội)

II. Kết quả khảo sát cụ thể :

1. Số phiếu phát ra: 100 phiếu

2. Số phiếu có ý kiến trả lời (thu lại được): 43 phiếu = 43%

3. Kết quả cụ thể :

* Vấn đề thứ nhất : "Đồng chí có biết trong việc áp dụng pháp luất vào công tác xét xử, điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết, tham gia có giá trị ưu tiên hơn so với Pháp luật Việt Nam hay không ?"

- Có 16 = 37,2%

- Không : 9 = 20,9%

- Chưa nghĩ tới : 15 = 34,8%

- Không trả lời : 3 = 6,9%

* Vấn đề thứ hai : " Trên cương vị Thẩm phán dân sự, đã có lần nào đồng chí phải áp dụng điều ước quốc tế vào việc xét xử chưa ?"

- Có : 8 = 18,7%

- Không : 34 = 79%

- Không trả lời : 1 = 2,3%

"Nếu có áp dụng thì cụ thể là điều ước nào ?"

- Hiệp định tương trợ tư pháp : 4 = 9,3%

- Công ước về quyền trẻ em : 1 = 2,3%

- Công ước 1982 về lật biển : 1 = 2,3%

- Hiệp định : 2 = 4,6%

* Về vấn đề thứ ba : "Đã khi nào đồng chí được nghe giới thiệu, tập huấn tìm hiểu về điều ước quốc tế liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình chưa ?"

- Có : 16 = 37,2%

- Không : 24 = 55,8%

- Không trả lời : 3 = 6,9%

"Nếu có thì bằng hình thức nào ?"

- Tập huấn : 3 = 6,9%

- Bồi dưỡng chuyên đề : 3 = 6,9%

 

- Tự tìm hiểu : 10 = 23,2%

- Giảng dạy ở trường Đại học : 1 = 2,3%

" Tên gọi của điều ước quốc tế đó là gì ?"

- Hiệp định tương trợ tư pháp : 2 = 4,6%

- Công ước về quyền trẻ em : 2 = 4,6%

- Không nhớ : 1 = 2,3%

* Về vấn đề thứ tư : "Trong thư viện của Toà án hoặc trong tủ sách cá nhân của đồng chí có các văn bản điều ước quốc tế nào không ?"

- Có : 14 = 32,6%

- Không : 25 = 58,1%

- Không trả lời : 4 = 9,3%

"Nếu có thì tên gọi của điều ước quốc tế đó là gì ?"

- Hiệp ước tương trợ tư pháp : 10 = 23,2%

- Công ước về quyền trẻ em : 2 = 4,6%

- Không nhớ : 1 = 2,3%

- Beme-Paris : 1 = 2,3%

* Về vấn đề thứ năm : "Theo đồng chí, việc phổ biến, in ấn, phát hành các điều ước quốc tế liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình đã đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử hay chưa ?"

- Đã đáp ứng :

- Chưa đáp ứng : 39 = 90,7%

- Không trả lời : 4 = 9,3%

"Đồng chí có kiến nghị gì về vấn đề này"

- Được bồi dưỡng, phổ biến điều ước quốc tế : 7

- Cần in ấn và phát hành điều ước quốc tế : 5

- Yêu cầu được học về điều ước quốc tế : 2

- Cần tuyên truyền điều ước quốc tế : 2

- Cần trang bị điều ước quốc tế đầy đủ : 1

- Cần có hướng dẫn để thi hành điều ước quốc tế : 3

- Cần được tập huấn : 7

- Cần gửi điều ước quốc tế cho Toà án địa phương : 4

- Cần ký kết điều ước quốc tế mới : 1

 

(Có 32/43 kiến nghị = 47%

Còn = 25,6% không có kiến nghị gì)

 

 

 

Danh sách những điều ước quốc tế đa phương

Việt Nam đã tham gia

 

 

 

Số TT

tên công ước quốc tế

Ngày Việt Nam ký, t.gia, P.C hiệu lực đ/v Việt Nam

Bảo lưu

 

1

Công ước geneve 12.8.1949 về bảo hộ thường dân trong lúc chiến tranh

NĐTCông ước Geneve 12.8.1949 về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột Q.tế (Nghị định thư I).

Gia nhập: 5.6.1957

 

 

VNDCCH ký:12.12.1977

Phê chuẩn: 28.8.1981

 

Điều 11

 

2

Công ước Geneve 12.8.1949 về việc đối xử với tù binh.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

3

Công ước Geneve 12.8.1949 về cải thiện tình trạng thương binh bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

4

Công ước Geneve 12.8.1949 về cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu tren bộ.

Gia nhập : 5.6.1957

Điều 10

5

Công ước tổ chức khí tượng thế giới ký ngày 11.10.1947 tại Washington.

Gia nhập : 18.6.1975

(ngày gửi CH của CP)

Điều 29

       
       

6

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

8

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

11

 

 

 

12

 

 

 

 

13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quy chế của Tổ chức y tế thế giới ký tại New york ngày 22.7.1946 và bổ sung bởi ĐHĐ y tế thế giới lần thứ 12 theo điều 79 của quy chế đó.

Điều lệ sửa đổi điều 24 và 25 của quy chế tổ chức y tế thế giới thông qua ngày 17.5.1976.

 

Hiệp định thành lập quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp ký ngày 13.6.1976 tại Rôm

 

Hiệp định về hợp tác nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào các mục đích hoà bình ngày 13.7.1976 tại Matxcova

 

Hiệp định thành lập trung tâm phát triển nông nghiệp tổng hợp cho khu vực Châu á Thái bình dương ký ngày 29.7.1978 Kuala Lumpur

 

Công ước về tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên máy bay ký tại Tôkyô ngày 14.9.1963

 

công ước về trừng trị những vụ cưỡng đoạt máy bay ký ngày 16.12.1970 tại La hay

 

Công ước về trừng trị các hành vi bất chính đối với an ninh hàng không dân dụng ký ngày 23.9.1971 tại Montreal

 

Quy chế điện tín Châu á-Thái bình dương ngày 27.3.1976

Gửi CHTT :1.8.1975

 

 

 

 

Chấp nhận : 30.12.1981

 

 

 

Gia nhập : 13.12.1977

 

 

 

Gia nhập : 10.1.1979

 

 

 

 

 

Phê chuẩn : 1.2 1979

 

 

 

 

 

Gia nhập : 8.8.1979

 

 

 

 

Gia nhập : 10.8.1979

 

 

 

Gia nhập : 8.8.1979

 

 

 

 

Chấp thuận : 11.9.1979

Điều 75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản1Điều 24

 

 

 

Khoản1Điều 12

 

 

Khoản1 Điều 14

 

 

 

 

14

 

 

 

15

 

 

 

 

 

 

 

 

16

 

 

 

 

 

17

 

 

 

 

 

 

 

 

18

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hiệp định về việc thành lập trung tâm khoa học và kỹ thuật quốc tế, ký ngày 27.2.1969.

 

Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế ký ngày 7.12.1944.

 

Nghị định thư về việc sửa đổi công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế ký tại Montreal ngày 30.9.1977.

 

Hiệp ước cấm đặt vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt ở đáy biển, đáy đại dương ký ngày 11.2.1971. Hiệu lực : 18.5.1972.

 

Công ước về cấm phát triển sản xuất, tàng trữ vũ khí vi trùng, các chất độc hại và việc phá huỷ các vũ khí đó (để ngỏ cho các nước ký tại Luân đôn, Mátcơva và Wshington ngày 10.4.1972, có hiệu lực ngày 26.3.1975).

 

Hiệp ước về những nguyên tắc hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng vũ trụ, kể cả mặt trăng và các thiên thể khác để ngỏ cho các nước ký tại Luân đôn, Mascơva và Wshington ngày 27.1.1967. (hiệu lực 10.10.67)

 

 

Gia nhập : 14.2.1979

(ngày gửi CHBTNG)

 

 

Tham gia : 13.3.1980

CPTBGN : 25.2.1980

 

 

Phê chuẩn : 1.9.1983

 

 

 

 

Gia nhập : 30.5.1980

(Ngày gửi CH cho BTNG Liên xô)

 

 

 

Ngày gửi CH GN của

BTBNG : 30.5.1980

 

 

 

 

 

 

 

Gia nhập : 30.5.1980

(ngày gửiCH)

 

19

 

 

 

 

 

 

 

20

 

 

 

21

 

 

 

 

22

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước về cấm sử dụng các kỹ thuật làm thay đổi môi trường vì mục đích quân sự hay cho tất cả các mục đích thù địch khác, ĐHĐ LHQ thông qua 10.12.76, ký tại Geneve 18.5.77.

 

Công ước viên về quan hệ ngoại giao ký ngày 18.4.1961.

 

 

Công ước viên về quyền đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ cập 14.3.1975.

 

Nghị định thư 1925 về cấm sử dụng trong chiến tranh các loại hơi độc, hơi ngạt hoặc các loại tương tự khác và các phương tiện chiến tranh vi trùng, ký tại Geneve ngày 17.6.1925.

Gia nhập : 26.8.1980

(hiệu lực đ/v Việt Nam)

gửi CH :31.5.1980

 

 

 

 

 

Gia nhập : 31.5.1980

(ngày gửi CH) H/lực đ/v

Việt Nam 25.9.1980

 

Gia nhập 26.8.1980

(LHQ nhận được CH)

gửi CH : 31.5.1980

 

 

Gia nhập : 23.9.1980

(ngày gửi CH)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ có cam kết với các quốc gia thành viên không giàng buộc trong quan hệ với quốc gia thù địch mà quân đội của họ mà đồng minh vi phạm công ước.

23

 

 

24

 

 

25

 

 

 

26

 

 

 

 

27

 

 

 

28

 

 

 

 

29

 

 

 

 

 

30

 

 

 

31

 

 

 

 

32

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước Paris về sở hữu công nghiệp 20.3.1883.

 

Thoả ước Mađrit về việc đăng ký nhãn hàng ngày 14.4.1891.

 

Công ước Stốc khôm về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí thức thế giới 14.7.1967.

 

Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng thông qua ngày 9.12.1948.

(hiệu lực 12.1.1951).

 

Công ước về xoá bỏ và trừng trị tội A-pa-thai, thông qua ngày 30.11.1973.

 

Hiệp định thành lập viện phát triển truyền thanh Châu á và Thái bình dương ký tại Kuana Lumpur ngày 12.8.1977.

 

Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, thông qua ngày 18.12.1979.

 

 

Công thức quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, thông qua ngày 21.12.65

 

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ký ngày 1.7.1968 tại Luân đôn, Mát cơ va và Wshington. Hiệu lực : 5.3.1970

 

Quy chế trung tâm phát triển Châu á-Thái Bình Dương, thông qua ngày 1.4.1982.

Tham gia : 6.4.1981

 

 

Gia nhập : 6.4.1981

 

 

Gia nhập : 6.4.1981

 

 

 

Gia nhập : 9.6.1981

(ngày LHQ nhận CH)

: CP thông báo

 

QĐGN :3.4.1981

H/lực đ/v Việt Nam: 9.8.81

Gửi CH : 26.5.1981

Tham gia : 8.9.1981

 

 

 

Ký : 29.8.1980

Phê chuẩn : 30.11.1981

H/lực đ/v Việt Nam 19.3.1982

 

Gia nhập : 6.5.1982

Gửi CH : 17.5.1982

 

Tham gia :14.6.1982

 

 

 

Ký ngày 9.9.1982

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản 1 Điều 29

 

 

 

 

 

 

 

 

33

 

 

 

34

 

 

 

35

 

 

 

 

 

36

 

 

 

37

 

 

 

 

38

 

 

 

 

 

39

 

 

 

 

 

40

 

 

 

 

 

Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, thông qua ngày 16.12.1966.

 

Công ước quốc tế về các quyền công dân và chính trị, thông qua ngày 16.12.1966.

 

Công ước không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, thông qua ngày 26.11.1968.

 

Công ước về tổ chức Hàng hải quốc tế ký ngày 6.3.1948 tại Geneve.

 

Quy chế của tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) ký tại Vienne ngày 8.4.1979

 

Công ước Paris về bảo vệ di sản thế giới về văn hoá và thiên nhiên thông qua ngày 16.11.1972 tại phiên họp thứ 17 của UNESCO.

 

Quy chế Trung tâm khoa học và kỹ thuật của phong trào không liên kết và các nước phát triển thông qua ngày 4.2.1985.

 

Công ước về thông báo nhanh chóng khi xẩy ra sự cố hạt nhân.

 

 

 

Gia nhập : 24.9.1982

 

 

 

Gia nhập : 24.9.1982

 

 

 

Gia nhập : 4.12.1982.

H/lực đ/v vn: 4.8.1983

 

 

 

 

QĐCP : 24.4.1984

Gửi CH : 28.5.1984

H/lực đ/v VN: 12.6.1984

 

Ngày LHQ lưu chiểu

QĐPD của VN: 28.4.1983

H/lực đ/v VN: 19.7.1985

 

 

Gia nhập : 6.10.1987

(Ngày gửi CH)

QĐCP : 5.9.1987

 

 

 

Gia nhập 4.6.1987

 

 

 

 

 

QĐCP : 4.9.1987

Gửi CHBTNG : 15.9.1987

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản2

Điều 11

 

41

 

 

 

 

42

 

 

 

43

 

 

 

 

44

 

 

 

 

45

 

 

 

 

 

46

 

 

 

47

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công ước về giúp đỡ trong trường hợp có sự cố hạt nhân hoặc có tình trạng khẩn cấp về phóng xạ.

 

Quy chế Liên minh Bưu chính CA-TBD (APU) ký tại Yogya-karta (Indonesia) 27.3.1981.

 

Hiệp ước hợp tác khu vực về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ nghệ hạt nhân.

 

Công ước về quyền ưu đãi miễn trừ của LHQ được ĐHĐLHQ thông qua ngày 13.2.1946.

 

Công ước về các vùng đầm lầy có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi trú ngụ của các loài chim nước thông qua ngày 2.2.1971 tại Ramsar (Iran)

 

Thể lệ chung Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Hamburg ngày 27.7.1984.

 

Công ước Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Hamburg ngày 27.7.1984

 

Nghị định thư thứ 3 bổ sung vào Hiến chương Liên minh Bưu chính thế giới ký tại đại hội lần thứ 19 của LMBCTG ngày 27.7.1984 tại Hambourg

 

 

 

Nghị định thư thứ 4 bổ sung vào Hiến chương của Liên minh Bưu chính

 

QĐCP : 4.9.1987

Gửi CHBTNG : 15.9.1987

 

 

 

Gửi CHCP : 12.12.1986

H/lực đ/v VN: 30.10.1987

 

 

Gia nhập : 9.6.1987

 

 

 

 

QĐCPGN : 24.2.1988

Gửi CH : 15.3.1988

 

 

 

QQĐCPGN : 6.8.1988

Gửi CHBTNG : 22.8.1988

 

 

 

 

CPPD : 12.10. 1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

CPPD : 12.10.1089

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

QĐ-HĐNN : 17.10.1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

 

 

 

Khoản2

Điều 13

 

 

 

 

 

 

 

Tiết 30

Điều 8

 

 

 

 

 

 

48

 

 

49

 

 

 

 

50

 

 

 

51

 

 

 

 

52

 

Nghị định thư thứ 4 bổ sung vào Hiến chương của Liên minh Bưu chính thế giới ký tại Washngton ngaỳ 14.12.1989

 

Hiệp định Bưu kiện ký tại Hambourg ngày 27.7.1984.

 

Hiệp định mạng lưới các trung tâm trồng thuỷ sản Châu á-TBD (NACA) thông qua 8.1.88 tại Băng cốc

 

Công ước của LHQ về quyền trẻ em do ĐHĐ LHQ thông qua ngày 20.11.1989.

 

Công ước quốc tế 1973 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra. (và NĐT 1978 của CW trên ta gửi CH : 8.2.1991).

 

Công ước quốc tế 1972 về tránh va trên biển.

 

Ký : 14.12.1989

CTN PC : 18.8.1994

Gửi CH : 19.8.1994

 

 

CPPD : 12.10.1989

Gửi CH : 30.10.1989

 

Gia nhập : 10.1.1989

(ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 6.1.1989

 

 

Phê chuẩn : 20.2.1990

 

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

 

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.12.1990

 

 

 

53

 

 

 

 

 

 

 

 

54

 

 

 

55

 

 

 

56

 

 

 

57

 

 

 

 

 

58

 

 

 

 

Công ước quốc tế 1974 về an toàn sinh mạng trên biển.

 

Nghị định thư năm 1978 của công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974, ký tại Luân Đôn 17.2.1978 hiệu lực ngày 1.5.81

 

Công ước quốc tế 1966 về mạn khô tàu biển.

 

 

Công ước quốc tế 1969 về đo dung tích biển.

 

 

Công ước quốc tế 1978 về tiêu chuẩn đào tạo cấp bằng và trực ca đ/v người đi biển

 

Hiệp định cà phê quốc tế 1983 và các điều kiện được quy định trong nghị quyết 353 do Hội đồng cà phê quốc tế thông qua ngày 28.9.1990.

 

Công ước Viên về quan hệ lãnh sự làm tại Viên (áo) ngày 24.4.1963.

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.3.1991

 

Gia nhập : 15.9.1992

(ngày gửi CH)

QĐCP : 14.9.1992

 

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN: 18.3.1991

 

QĐCP :10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN : 18.3.1991

 

QĐCP : 10.10.1990

Gửi CH : 10.11.1990

H/lực đ/v VN : 18.3.1991

 

Gia nhập : 24.2.1991

(ngày gửi CHBTNG)

 

 

 

 

Gửi ngày : 12.8.1992

(có hiệu lực với Việt nam ngày 8.10.1992).

QĐPC-HĐNN : 20.6.1992

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản1

Điều 35

Khoản1

Điều 58

 

59

 

 

 

 

60

 

 

 

 

 

 

61

 

 

 

 

 

62

 

 

 

 

63

 

 

 

64

 

 

 

 

 

65

 

 

 

66

 

 

 

 

 

 

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông nam á ký tại Bali ngày 24.2.1976.

 

 

Hiệp định về phiếu chuyển tiền bưu chính ký tại Washington ngày 14.12.1989 và thể lệ thi hành hiệp định về phiếu chuyển tiền bưu chính ký tại Washington ngày 15.12.1989

 

Công ước về cấm phát triển, sản xuất tàng trữ và sử dụng vũ khí hoá học và về phá huỷ chúng (để ngỏ cho các nước ký tại Paris ngày 13.1.1993).

 

Hiệp ước hợp tác về bằng sáng chế (PCT), làm tại Washington ngày 19.6.1970. Bổ sung ngày 2.10.1979 và sửa đổi 3.2.1984.

 

Công ước thành lập Hội đồng hợp tác Hải quan ký tại Brusel ngày 15.12.1950

 

Công ước về buôn bán quốc tế các chủng loại động vật và thực vật hoang dại có nguy cơ diệt chủng ký tại Washington ngày 3.3.1973

 

Công ước của LHQ về luật biển ký tại Mông-tê-gô Bây (Gia-mai-ca) ngày 10.12.1982

 

Công ước viên 1985 về bảo về tầng ôzôn, ký tại Viên ngày 22.3.1985.

 

Gia nhập 16.6.1992

(ngày bạn xác nhận CH)

Ngày ký VKGN: 7.5.1992

CTN p.chuẩn : 30.5.1995

 

Tham gia : 16.11.1992

(ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 28.10.1992

H/lực đ/v VN : 28.10.1992

 

 

 

Ký 13.1.1993

(chưa phê chuẩn)

 

 

 

 

Gia nhập : 17.11.1992

(ngày gửi CHBTNG)

H/lực đ/v VN : 10.3.1993

 

 

Gia nhập : 8.6.1993

(ngày gửi CHBTNG)

QĐCP : 21.5.1993

 

Gia nhập : 31.12.1993

(ngày gửi CH)

QĐCP : 15.12.1993

 

 

 

Ký năm 1982

QĐQH : 23.6.1994

CHNT : 14.7.1994

 

QĐCP : 17.12.1993

Gửi CH : 7.1.1994

H/lực đ/v VN : 24.4.1994

 

 

 

 

 

 

67

 

 

 

 

68

 

 

 

69

 

 

 

 

70

 

 

 

 

 

 

Nghị định thư Montreal 1987 về các chất phá huỷ tầng ôzôn và các bổ sung nghị định thư ký ngày 16.9.1987.

 

Công ước quốc tế về đa dạng sinh học ký tại Rio De Janero (Braxin) ngày 5.6.1992

 

Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ký tại NewYork ngày 9.5.1992 (lưu chiểu tại TTKLHQ, New York)

 

12 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gồm : CW số : 5; 6 ; 14 ; 27 ; 45 ; 80 ; 81; 116 ; 120 ; 123 ; 124 và 155.

 

Công ước số 5 : công ước về quy định tuổi tối thiểu của trẻ em được vào làm trong các công việc công nghiệp.

 

Công ước số 6 : công ước về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp

 

Công ước số 14 : công ước về áp dụng nghỉ hàng tuần trong các cơ sở công nghiệp

 

Công ước số 27 : công ước về việc ghi trọng lượng trên các kiện hàng lớn chở bằng tàu

 

Công ước số 45 : công ước về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

 

 

 

(có hiệu lực với Việt nam từ 24.4.1994)

 

 

 

Ký 5.1993

PC : 17.10.1994

Gửi CH : 31.10.1994

 

Ký 15.5.1993

CTN PC : 17.10.1994

Gửi CH : 31.10.1994

 

 

CTN PC : 30.5.1994

Gửi CH : 19.9.1994

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

71

 

 

 

 

 

72

 

 

 

 

 

 

Công ước số 80 : Công ước về việc xem xét lại các điều khoản cuối cùng năm 1946

 

Công ước số 81 : công ước về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại

 

Công ước số 116 : công ước về việc xem xét lại các điều khoản cuối cùng năm 1961

 

Công ước số 120 : công ước về vệ sinh trong thương mại và văn phòng

 

Công ước số 123 : công ước về tuổi tối thiểu được làm những công việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

Công ước số 124 : công ước về việc kiểm tra y tế cho thiếu niên làm việc dưới mặt đất trong hầm mỏ

 

Công ước số 155 : công ước về an toàn lao động, vệ sinh làm việc và môi trường làm việc

 

Công ước BASEL về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng ký tại Basel (Thuỵ sĩ) ngày 22.3.1989

 

Hiệp định thành lập Trung tâm Phương Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ký : 22.3.1994

CTN PC : 8.2.1995

Gửi CH : 27.2.1995

 

 

 

Ký : 25.11.1994

BTNG gửi CHGN : 8.4.95

CPQĐGN : 12.7.1994

 

 

 

 

 

73

 

Hiệp định thành lập Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam á ký tại Bangkok ngày 28.12.1967.

Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập TT phát triển nghề cá Đông Nam á

(SEAFDEC) ký tại Bangkok 10.11.1994

 

CPQĐGN : 24.1.1995

BTNG gửi CHGN : 8.4.95

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về