• Thuộc tính
Tên đề tài Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện
Nội dung tóm tắt

Thực hiện Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, ngày 14 tháng 5 năm 1993, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX đã ban hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân. Có thể nói rằng tinh thần chủ đạo của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 cũng như của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân là thực hiện thống nhất trong toàn quốc chế định bổ nhiệm Thẩm phán Toà án các cấp thay cho chế định bầu cử trước đây. Pháp lệnh đã thể hiện một bước chuyển biến tích cực và sự đổi mới quan trọng trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan Toà án, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta cũng như của xã hội về hoạt động xét xử, về vị trí cao quý của người Thẩm phán trong hoạt động Tư pháp. Sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, cho thấy chế định bổ nhiệm Thẩm phán về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của ngành, phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1993, tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước ta có nhiều đặc điểm khác với hiện nay. Chúng ta chưa nhận thức hết được sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Hệ thống cơ quan Toà án đã tồn tại qua nhiều năm trong cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp, nên chưa bắt kịp hoặc chưa thích ứng hoặc chưa có những thay đổi phù hợp với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này đã tác động trực tiếp đến cá nhân mỗi Thẩm phán và Hội thẩm cũng như các công chức Toà án. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức Toà án cũng như công tác quản lý cán bộ lúc bấy giờ cũng có rất nhiều điểm khác so với hiện nay, cho nên mặc dù trong quá trình nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh đã tính đến sự đón đầu, đi trước cho một số năm, nhưng không tránh khỏi sự lạc hậu, bất cập trong một số nội dung của Pháp lệnh. Cho đến nay, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 - căn cứ ban hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân - cũng đã có một số nội dung không còn phù hợp và từng bước được sửa đổi hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời, như: Pháp lệnh Công chức, Pháp lệnh về Tố cáo khiếu nại, Pháp lệnh chống tham nhũng ... chứa đựng các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ liên quan tới Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân - với tư cách là công chức Nhà nước.

Nhìn lại nhiệm kỳ Thẩm phán vừa qua, bộ máy của Toà án nhân dân địa phương có nhiều biến động. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc phân chia địa giới hành chính, đến nay toàn quốc đã có 61 Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 626 Toà án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nền kinh tế thị trường làm phát sinh thêm một số loại án, loại tranh chấp mới, như tranh chấp Hành chính, Kinh tế, Lao động... nên ở Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập thêm Toà Kinh tế, Lao động, Hành chính. Số lượng án các loại ngày càng tăng và mang tính đa dạng, phức tạp hơn dẫn đến tổ chức bộ máy của cơ quan Toà án ngày càng phát triển theo hướng chuyên sâu từng lĩnh vực. Yêu cầu về số lượng và chất lượng Thẩm phán trong thời kỳ mới phải được nâng cao và bổ sung nhanh chóng, kịp thời và thường xuyên hơn. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán có phẩm chất chính trị trong sạch, rõ ràng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, được lãnh đạo các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm, theo dõi. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều ý kiến chỉ đạo về việc cải cách tư pháp, xây dựng chế độ chính sách phù hợp với đặc thù hoạt động của cán bộ Tư pháp, trong đó có Thẩm phán.

Tóm lại, mặc dù đã qua 2 nhiệm kỳ thực hiện chế định bổ nhiệm Thẩm phán, nhưng chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn việc thực hiện Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội Thẩm Toà án nhân dân, đánh giá những ưu, khuyết điểm của Pháp lệnh và chúng ta cũng chưa tập trung nghiên cứu về cơ sở lý luận để kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý của Pháp lệnh này. Mặt khác, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội X đã thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân ( Sửa đổi). Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xây dựng một Pháp lệnh mới, phù hợp với yêu cầu đặt ra của thời kỳ phát triển mới của đất nước nói chung và của quá trình cải cách Tư pháp nói riêng.

Đáp ứng yêu cầu trên đây, công việc xây dựng, soạn thảo các chính sách pháp luật làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Toà án đã được triển khai một cách tích cực. Nhiều vấn đề lý luận và thực tế đã được đặt ra, đặc biệt là về công tác tổ chức quản lý Toà án nhân dân địa phương, về các chế độ và chính sách đối với Thẩm phán. Để có thêm luận cứ khoa học cho việc sửa đổi Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chấp nhận đề nghị của Bộ Tư pháp, cho phép triển khai nghiên cứu Đề tài “Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện” . Đề tài đã tập hợp được nhiều cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực quản lý về mặt tổ chức đối với Toà án nhân dân địa phương và cả các cán bộ đang công tác tại một số Toà án địa phương, có kinh nghiệm trong hoạt động xét xử của Toà án.

Với phương pháp luận biện chứng lịch sử, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng thi hành và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, kết hợp đối chiếu, so sánh, điều tra xã hội học, nhóm nghiên cứu đề tài đã kết hợp nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về các vấn đề tổ chức, hoạt động của Toà án nhân dân địa phương để xử lý các vấn đề thuộc nội dung và phạm vi nghiên cưú của đề tài. Trong quá trình thực hiện đề tài, các tác giả đã đưa ra được một số cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Chánh án, Thẩm phán Toà án nhân dân một số địa phương về các vấn đề đặt ra cho việc sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.

Đề tài Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân được triển khai nghiên cứu trong 2 năm 2000 - 2001, các chuyên đề được hoàn chỉnh trước khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân, do đó, có một số ít thông tin đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, các nội dung chủ yếu của đề tài trên thực tế đã được vận dụng ở những mức độ nhất định vào công việc của Bộ Tư pháp và có thể làm cơ sở lý luận cho việc sửa đổi Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân. 

Nội dung toàn văn
File đính kèm downloadTải về