• Thuộc tính
Tên đề tài Phân định các vùng biển trong Luật quốc tế và thực tiễn phân định các vùng biển của Việt Nam và các nước trong khu vực
Nội dung tóm tắt

Biển luôn đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt kinh tế, quân sự, chính trị... Ngày nay, khi đất liền trở nên chật hẹp không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng dân số, năng lượng khan hiếm, các hệ sinh thái bị suy thoái, môi trường trở nên quá tải, biển và đại dương trở thành miền đất hứa cho tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh đó, các nước ven biển, nhất là các cường quốc đều có xu hướng "tiến ra biển”, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và sử dụng biển.

Là quốc gia nằm ven bờ biển Đông và với chiều dài bờ biển hơn 3.200 km, Việt Nam được đánh giá là quốc gia ven biển có các vùng biển giàu có về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên khoáng sản, đồng thời chiếm vị trí chiến lược quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Xu hướng "tiến ra biển” của các quốc gia đã dẫn đến nhiều tranh chấp về thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển. Theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (được gọi tắt là Công ước Luật biển năm 1982), mỗi quốc gia ven biển đều có quyền xác định: (i) nội thủy; (ii) lãnh hải (rộng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở); (iii) vùng tiếp giáp lãnh hải (rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở); (iv) vùng đặc quyền kinh tế (rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở) và (v) thềm lục địa. Đặc biệt, theo quy định của Công ước, quốc gia ven biển đồng thời được xác định những vùng biển nêu trên bao quanh các đảo nằm xa bờ và thuộc chủ quyền của quốc gia đó.

Như vậy, các vùng biển của quốc gia ven biển được mở rộng đáng kể và điều đó làm xuất hiện các vùng biển chồng lấn giữa những nước đối diện hoặc tiếp liền. Cho đến nay, còn khoảng 400 đường ranh giới trên biển cần được phân định. Những tranh chấp này vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên trên các vùng biển. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp, hoạch định rõ ràng các vùng biển đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm giữ vị trí quan trọng trong quan hệ chính trị, pháp lý quốc tế hiện đại.

Trong khu vực biển Đông, Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố về các vùng biển từ năm 1977 và củng cố việc xác lập các vùng biển bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật biển Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2012. Việc thiết lập các vùng biển của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với quy định của Công ước Luật biển 1982; đồng thời Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong hoạt động pháp điển hóa luật biển quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có quan điểm khác nhau về đường cơ sở thẳng của Việt Nam (ví dụ, báo cáo Limits in the sea của Mỹ). Vì vậy, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của việc xác định vùng biển Việt Nam, từ đó đánh giá tác động của việc thiết lập này trên cơ sở lợi ích của đất nước là việc làm cần thiết và cấp bách, nhằm nâng cao sức mạnh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều tranh chấp mà để giải quyết những tranh chấp này, yêu cầu khách quan đòi hỏi Việt Nam và các quốc gia liên quan sử dụng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhau và phù hợp với các quy định của luật quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu một cách có hệ thống những quy định này là điều cần thiết và có ý nghĩa lý luận cũng như thực tiễn sâu sắc.

Mục tiêu của Đề tài là: Hệ thống hóa, phân tích và đánh giá các quan điểm trong nước và quốc tế về phân định các vùng biển; nghiên cứu, làm sáng tỏ căn cứ pháp lý và thực tiễn phân định các vùng biển và xác định những tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, từ đó đưa ra các kiến nghị về giải quyết tranh chấp; cung cấp những kiến thức pháp lý cơ bản về phân định các vùng biển, phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên và sinh viên trong trường, các cơ sở đào tạo luật và quan hệ quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề tài tập trung nghiên cứu các quy định của luật quốc tế và thực tiễn của các quốc gia về phân định các vùng biển, thực tiễn giải quyết tranh chấp về phân định các vùng biển tại các cơ quan tài phán quốc tế và thực tiễn phân định các vùng biển của Việt Nam với các nước trong khu vực.Trên cơ sở khái quát về lịch sử hình thành và phát triển, các quan điểm khác nhau về phân định các vùng biển, Đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích và làm rõ 3 nội dung chính sau:

Thứ nhất, các quy định của luật quốc tế, đặc biệt những quy định của Công ước Luật biển năm 1982 về xác định các vùng biển, thực tiễn áp dụng của các nước, từ đó đánh giá thực tiễn cũng như yêu sách thiết lập vùng biển của các quốc gia ven biển Đông. Để góp phần làm rõ cơ sở pháp lý, từ đó đánh giá yêu sách của các quốc gia ven biển Đông, Đề tài đặc biệt tập trung nghiên cứu về quy chế pháp lý của các thực thể trên biển (đảo, đảo đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi) và vai trò của các công trình nhân tạo trong thiết lập vùng biển, từ đó áp dụng để xác định vùng biển bao quanh các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, Nhóm tác giả nghiên cứu, phân tích các quy định của luật quốc tế và thực tiễn quốc gia về phân định vùng biển chồng lấn, từ đó đánh giá thực tiễn phân định biển của các quốc gia ven biển Đông cũng như việc áp dụng khai thác chung với tính chất là giải pháp tạm thời trong khi các bên chưa đạt được giải pháp phân định cuối cùng.

Thứ ba, trên cơ sở quy định của luật quốc tế và thực tiễn quốc gia về xác định các vùng biển cũng như phân định vùng biển chống lấn, Nhóm tác giả đưa ra các kiến nghị và định hướng giải quyết tranh chấp, tập trung vào một số vấn đề sau: khả năng áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông, khả năng áp dụng biện pháp tài phán trong phân định các vùng biển chồng lấn, đặc biệt thông qua thực tiễn vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982, triển vọng quản lý xung đột ở biển Đông thông qua việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử và hợp tác khai thác chung giữa các quốc gia hữu quan.

Những nội dung trên được triển khai thông qua 07 phần sau:

I. TỔNG QUAN VỀ PHÂN ĐỊNH CÁC VÙNG BIÈN

  1. Khái quát sự phát triển của luật quốc tế về phân định các vùng biển

Quá trình phát triển của luật quốc tế về phân định các vùng biển có thể được chia thành ba giai đoạn: (i) giai đoạn trước năm 1958; (ii) giai đoạn 1958 - 1982 và (iii) giai đoạn từ năm 1982 đến nay.

  1. Giai đoạn trước năm 1958

Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự tồn tại các quy phạm tập quán điều chỉnh quá trình phân định các vùng biển.

Ngày 04/5/1493, Giáo hoàng Alexandre VI đã ban hành Sắc chỉ “Inter coetera” vạch một đường cách phía tây đảo Cap Vert (nằm ở Đại Tây Dương, cách bờ biển của Senegal và Mauritani khoảng 500 km) 100 liên (1 liên tương đương khoảng 182 mét), phân chia đại dương thành hai khu vực truyền đạo Thiên chúa cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau này, hai nước phát triển thành hai khu vực ảnh hưởng của họ.

Những năm tiếp theo, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và thương mại hàng hải, yêu sách nói trên gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia. Trước đòi hỏi thực tiễn về việc xác định cụ thể những vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, Hội nghị pháp điển hoá luật quốc tế được tổ chức tại La Haye (Hà Lan) vào năm 1930. Hội nghị đã đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận quốc gia ven biển có một vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

Tuy nhiên, các quốc gia vẫn không thống nhất được về chiều rộng lãnh hải. Nhìn chung, nhiều quốc gia áp dụng lý thuyết "tầm bắn đại bác”, xác định chiều rộng lãnh hải là 3 hải lý. Do đó, trong giai đoạn trước năm 1958, vấn đề phân định các vùng biển chủ yếu đặt ra đối với lãnh hải.

  1. Giai đoạn 1958 -1982

Trong giai đoạn này, bên cạnh sự tồn tại của các quy phạm tập quán, luật quốc tế về phân định các vùng biển chịu ảnh hưởng tích cực của Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về Luật biển tổ chức tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) năm 1958.

Hội nghị đã thông qua được bốn Công ước quan trọng: (i) Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; (ii) Công ước về biển cả; (iii) Công ước về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển cả và (iv) Công ước về thềm lục địa. Sự ra đời của những điều ước quốc tế nói trên đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình pháp điển hóa luật biển quốc tế nói chung, pháp luật về phân định các vùng biển nói riêng.

  1. Giai đoạn từ năm 1982 đến nay

Sau 5 năm trù bị (1967 - 1972) và 9 năm

thương lượng (1973 - 1982), Hội nghị lần thứ ba về Luật biển đã thông qua được Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển tại Montegobay (Giamaica) ngày 10/12/1982. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Theo quy định của Công ước, không ảnh hưởng đến vùng biển được sử dụng chung cho tất cả các quốc gia, mỗi quốc gia ven biển có quyền tuyên bố và xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Như vậy, Công ước đã mở rộng một cách đáng kể thẩm quyền của quốc gia ven biển. Không chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải, quốc gia ven biển còn thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển rộng lớn như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng thời làm xuất hiện thêm vùng biển chồng lấn giữa các nước có bờ biển nằm đối diện hoặc liền kề. Vì vậy, các quốc gia hữu quan có nghĩa vụ tiến hành các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phát sinh.

  1. Khái niệm phân định các vùng biển

Trong Công ước Giơ-ne-vơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958, thuật ngữ "phân định” (tiếng anh là delimitation) được đề cập tại Điều 12, theo đó “(...) đường phân định lãnh hải giữa hai quốc gia nằm đối diện hoặc tiếp liền được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận". Trong trường hợp này, vấn đề phân định lãnh hải được đặt ra khi: (i) các quốc gia có bờ biển nằm đối diện hoặc liền kề và (ii) tồn tại vùng chồng lấn buộc hai nước phải cùng nhau xác định đường biên giới chung. Thuật ngữ “phân định” theo nghĩa nêu trên được nhắc lại tại Điều 15 (phân định lãnh hải), Điều 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 83 (phân định thềm lục địa) của Công ước Luật biển năm 1982.

Tuy nhiên, trong Công ước Luật biển năm 1982, thuật ngữ phân định còn được đề cập tại một số điều khoản khác. Điều 50 của Công ước quy định: “phía bên trong vùng nước quần đảo, quốc gia quần đảo có thể vạch những đường khép kín để phân định nội thủy theo đúng các điều 9, 10 và 11”. Trong trường hợp này, thuật ngữ phân định được hiểu là quá trình xác định đường ranh giới phân chia các vùng biển của một quốc gia. Nói cách khác, quốc gia đơn phương tự xác định các vùng biển phù hợp với quy định của luật quốc tế. Như vậy, thuật ngữ "phân định” được sử dụng với hai nghĩa: xác định ranh giới của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của một quốc gia và xác định đường ranh giới chung trong trường hợp tồn tại vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia nằm đối diện hoặc liền kề.

Không được định nghĩa trong các điều ước quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế có quan điểm về phân định các vùng biển như thế nào? Trong phán quyết ngày 19/12/1978 về phân định thềm lục địa tại biển Aegean, Tòa công lý quốc tế nêu rõ "phân định là hoạt động nhằm vạch một đường hoặc nhiều đường chính xác nơi gặp nhau của các vùng không gian mà tại đó thực hiện quyền lực và quyền chủ quyền’’ của hai quốc gia. Như vậy, theo quan điểm của Tòa, phân định đặt ra trong trường hợp tồn tại vùng biển chồng lấn cần xác định đường ranh giới chung giữa các quốc gia nằm đối diện hoặc liền kề.

Trong khuôn khổ Đề tài, Nhóm tác giả sử dụng thuật ngữ phân định các vùng biển theo nghĩa rộng. Hiểu một cách khái quát, phân định các vùng biển là hoạt động do một hay nhiều quốc gia thực hiện, nhằm xác lập các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia hoặc trong trường hợp tồn tại vùng biển chồng lấn, thỏa thuận với các quốc gia hữu quan, phù hợp với các quy định của luật quốc tế, nhằm xác định danh nghĩa pháp lý tương ứng của mỗi quốc gia trên vùng biển chồng lấn.

  1. Tình hình tranh chấp về phân định các vùng biển ở biển Đông

Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, mỗi quốc gia ven biển có quyền tuyên bố và xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sự xuất hiện hai vùng biển rộng lớn là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã khiến nhiều quốc gia trước kia không có vùng biển chồng lấn nay trở thành các nước láng giềng, có các đường ranh giới trên biển cần phân định.

Việc giải quyết tranh chấp càng trở nên phức tạp khi có sự hiện diện của các đảo ven bờ hay nằm trong khu vực tranh chấp. Theo quy định tại Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982, đảo được đối xử ngang bằng với lãnh thổ đất liền, có nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng (khoản 2). Những đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (khoản 3). Vì vậy, đảo có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến quá trình giải quyết tranh chấp.

  1. Tranh chấp về quy chế pháp lý của các thực thể địa lý

Biển Đông bao gồm bốn nhóm thực thể địa lý quan trọng: Pratas, Macclesfield và Scarborough (Hoàng Nham), Hoàng Sa, Trường Sa.

Pratas nằm cách Hong Kong (Trung Quốc) về phía Tây Nam khoảng 340 km, thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan (Trung Quốc); tuy nhiên, cả Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều tuyên bố chủ quyền đối với thực thể này1.

Macclesfield và Scarborough (Hoàng Nham) nằm ở phía Bắc của biển Đông, cách đảo Luzon của Philippines khoảng 220 km về phía tây, là đối tượng tranh chấp giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines. Bãi Macclesfield hoàn toàn ngập dưới mực nước biển, ngay cả khi thủy triều xuống thấp nhất; trong khi đó, Scarborough (Hoàng Nham) cao hơn mực nước biển khi thủy triều lên cao nhất khoảng 3m[1].

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía bắc của biển Đông, chủ yếu giữa vĩ độ 16o và 17o Bắc, kinh độ 111o và 113o Đông, cách mũi Ba Làng An (thuộc tỉnh Quảng Nam) khoảng 250 km, cách Cù Lao Ré (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 228 km. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm hai nhóm chính là cụm Lưỡi Liềm và cụm An Vĩnh. Toàn bộ quần đảo, ngoài hai nhóm thực thể trên, còn bao gồm hơn 30 đảo nhỏ, bãi cạn hoặc đá ngầm, chiếm tới 15.000 km2 bề mặt đại dương.

Quần đảo Trường Sa nằm về phía Đông Nam của biển Đông, trong vĩ độ 6o50’ B - 12o00’ B và kinh độ 111o30’ Đ - 117o20’ Đ, cách Cam Ranh (Việt Nam) khoảng 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 600 hải lý và cách Đài Loan (Trung Quốc khoảng 960 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, được chia thành tám cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên) nằm rải trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng gần 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng hơn 360 hải lý, chiếm diện tích biển từ 160.000 đến 180.000km2.

Để xác định các vùng biển bao quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982 được các quốc gia giải thích và áp dụng theo những hướng khác nhau. Vì vậy, có thể hiểu tại sao có sự xung đột về quan điểm trong việc giải thích và áp dụng Điều 121 nói trên. Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Ngược lại, Việt Nam và Philippines có quan điểm cho rằng các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; một số cấu trúc có thể có lãnh hải rộng không vượt quá 12 hải lý.

  1. Tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn

Các tranh chấp đã được giải quyết: Là một quốc gia quần đảo, Indonesia phải đối diện với nhiều tranh chấp trên biển. Indonesia đã ký với Malaysia hai Hiệp định về phân định lãnh hải trong eo biển Malacca (1969) và phân định thềm lục địa (1970). Với Thái Lan, hai nước cũng đã ký Hiệp định phân định thềm lục địa nằm ở phần phía bắc eo biển Malacca và trong biển Andaman (1971). Việc phân định thềm lục địa trong biển Andaman được hai quốc gia hoàn tất vào năm 1975. Ngoài ra, Indonesia còn ký với Malaysia và Thái Lan Hiệp định phân định thềm lục địa của ba nước nằm ở phần phía bắc eo biển Malacca (1971), ký với Singapore Hiệp định phân định lãnh hải trong eo biển Singapore (1973).

Về phần mình, Malaysia cũng ký với Thái Lan hai Hiệp định về phân định lãnh hải (1979) và phân định thềm lục địa trong vịnh Thái Lan (1979). Myanmar ký Hiệp định về hoạch định biên giới trong vùng biển Andaman với Thái Lan (1980).

Đối với các tranh chấp trên biển, Việt Nam có ranh giới trên biển cần phân định với nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Với chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán, thương lượng trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia trong khu vực.

Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử với Campuchia (1982), Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (1997), Thoả thuận về hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn với Malaysia (1992), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá với Trung Quốc (2000) và Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia (2003).

Các tranh chấp còn tồn tại: Bên cạnh các hiệp định về biên giới, lãnh thổ đã ký kết, các quốc gia Đông Nam Á vẫn phải đối diện với nhiều tranh chấp còn tồn tại. Thái Lan có tranh chấp với Campuchia về phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Thái Lan; với Myanmar về chủ quyền một số đảo, đảo đá ở vùng biển Andaman.

Giữa Malaysia và Philippines tồn tại tranh chấp trong vùng biển Xulu và vẫn chưa giải quyết dứt điểm vấn đề Xaba. Thêm vào đó, Malaysia có tranh chấp với Singapore về hoạch định biên giới trong eo biển Johor.

Việt Nam có vùng chồng lấn trên biển với Malaysia. Mặc dù đã ký Thoả thuận hợp tác khai thác chung, hai bên vẫn chưa tiến hành phân định ranh giới biển giữa hai nước. Tương tự, ở Vịnh Thái Lan cũng có vùng chồng lấn ba bên Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Hiện nay các bên nhất trí rằng trong khi chưa phân định được rõ ràng chủ quyền của mỗi bên thì cùng nhau hợp tác để khai thác có hiệu quả vùng chồng lấn này.

  1. PHÂN ĐỊNH CÁC VÙNG BIÈN THEO QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC LUẬT BIÈN NĂM 1982
  1. Đường cơ sở - căn cứ xác định ranh giới các vùng biển

Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đường cơ sở là căn cứ quan trọng xác định ranh giới các vùng biển thuộc chủ quyền (nội thủy, lãnh hải, vùng nước quần đảo) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia (tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa). Xác định đường cơ sở là hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia ven biển trên cơ sở phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Việc kẻ đường cơ sở ở khoảng cách xa bờ sẽ khiến đường biên giới trên biển và ranh giới ngoài của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia được đẩy lùi tương ứng ra phía biển. Tuy nhiên, trong trường hợp phân định vùng biển chồng lấn giữa các nước có bờ biển nằm đối diện hoặc liền kề, đường cơ sở thường chỉ có những ảnh hưởng nhất định đến đường ranh giới chung phân định vùng biển chồng lấn của hai quốc gia.

  1. Các phương pháp xác định đường cơ sở

Công ước Luật biển năm 1982 ghi nhận hai phương pháp xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải: đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Trong trường hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 46 Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố quy chế quốc gia quần đảo, quốc gia quần đảo có thể xác định đường cơ sở theo phương pháp đường cơ sở quần đảo.

  • Đường cơ sở thông thường

Đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất chạy dọc theo bờ biển, được thể hiện trên các hải đồ tỉ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận. Việc xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất không phải là một quy trình phức tạp. Đó là ngấn giao nhau giữa bờ biển với mức thấp nhất của mặt nước biển. Phương pháp này liên quan trực tiếp đến sự thay đổi mực nước biển, tới mực 0 trên các hải đồ.

  • Đường cơ sở thẳng

Trong trường hợp đường cơ sở thông thường, được xác định là ngấn nước thủy triều thấp nhất, không còn phù hợp với địa hình thực tế của bờ biển, quốc gia ven biển được phép áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng là đường gãy khúc nối liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo ven bờ.

Điều 7 Công ước Luật biển năm 1982 quy định các trường hợp áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, đó là (i) Ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm hoặc (ii) Ở những nơi có chuỗi đảo chạy dọc bờ biển và nằm ngay sát ven bờ hoặc

  1. Ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ.

Ngoài ra, trong quá trình xác định đường cơ sở thẳng, quốc gia ven biển phải đảm bảo đường cơ sở đó không đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các vùng biển nằm bên trong đường cơ sở phải có liên quan đến phần đất liền để có thể đặt dưới chế độ nội thủy.

  • Đường cơ sở quần đảo

Việc xác định đường cơ sở quần đảo được quy định tại Điều 47 Công ước Luật biển năm 1982, theo đó "quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất thành đường liên tiếp gãy khúc”.

Điều đáng lưu ý là, mặc dù đường cơ sở quần đảo cũng là một dạng của đường cơ sở thẳng, tuy nhiên do tính chất đặc thù của quốc gia quần đảo nên việc xác định đường cơ sở quần đảo có những điểm khác biệt tương đối so với đường cơ sở thẳng của quốc gia lục địa. Điều 47 đưa ra các quy tắc có tính chất ràng buộc cho việc xác định đường cơ sở quần đảo như sau:

  • Tuyến các đường cơ sở quần đảo này phải bao lấy các đảo chủ yếu.
  • Tuyến các đường cơ sở này phải xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, trong tỷ lệ 1/1 cho đến 9/1. Điều này có nghĩa là diện tích phần nước ít nhất cũng bằng hoặc lớn hơn diện tích phần đất bị bao bọc nhưng không được vượt quá chín lần phần đất đó.
  • Chiều dài các đoạn cơ sở không được vượt quá 100 hải lý. Tuy nhiên, Công ước cho phép 3% tổng số các đoạn cơ sở bao quanh quốc gia quần đảo có thể có chiều dài từ 100 đến 125 hải lý.
  • Tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh chung của quần đảo.
  • Đường cơ sở này không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, trừ khi tại đó có xây dựng các đèn biển hoặc các công trình tương tự thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải.
  • Phương pháp kẻ đường cơ sở này không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách rời với biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế.
    1. Vai trò của đường cơ sở trong phân định các vùng biển chồng lấn

Việc xác định đường cơ sở là hành vi pháp lý đơn phương và thuộc thầm quyền của quốc gia ven biển. Vì vậy, nó không nhất định có hiệu lực ràng buộc đối với các quốc gia khác, đặc biệt trong trường hợp các quốc gia nằm đối diện hoặc liền kề.

Đường cơ sở có những vai trò nhất định trong phân định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Một là, tất cả các quốc gia có biển đều phải hoạch định và xác định ranh giới các vùng biển của mình. Với các quốc gia có biển nhưng không có các vùng biển chồng lấn thì đường cơ sở là căn cứ để xác định đầy đủ các vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

Hai là, đối với các quốc gia có bờ biển tiếp giáp nhau, đường cơ sở là căn cứ phân định ranh giới nội thủy, lãnh hải đồng thời điểm tiếp nối cho việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia hữu quan.

Ba là, với các quốc gia đối diện nhau, trước khi tiến hành phân định vùng biển chồng lấn và để phân định được thì các quốc gia phải xác định các danh nghĩa pháp lý căn cứ vào đường cơ sở. Điều này cho thấy đường cơ sở mà các bên thiết lập là tiền đề làm xuất hiện các vùng biển chồng lấn, từ đó đặt ra yêu cầu phân định biển.

Bốn là, trong phân định biển, yếu tố địa lý như sự hiện diện của các đảo ven bờ có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Công ước Luật biển năm 1982, đảo ven bờ được coi là thành phần của bờ biển và sẽ được quy thuộc vào bờ biển thông qua hệ thống đường cơ sở thẳng. Đây là yếu tố phức tạp trong phân định biển nhưng đồng thời cũng tạo nên những lợi thế cho các quốc gia hữu quan.

  1. Phân định lãnh hải
    1. Chiều rộng lãnh hải

Theo quy định tại Điều 2 Công ước Luật biển năm 1982, “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ (...) đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (...)”. Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền nội thủy, có chiều rộng không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Như vậy, ranh giới phía trong của lãnh hải là đường cơ sở và ranh giới phía ngoài là đường mà mỗi điểm trên đường đó ở cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách bằng chiều rộng của lãnh hải và không vượt quá 12 hải lý. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển.

  1. Phân định lãnh hải giữa các quốc gia đối diện hoặc liền kề

Trong trường hợp lãnh hải của hai quốc gia nằm đối diện hoặc tiếp liền tạo thành vùng chồng lấn, các quốc gia cần thỏa thuận để tiến hành phân định lãnh hải, nói cách khác xác định đường biên giới chung trên biển. Công thức phân định lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện được ghi nhận tại Điều 15 Công ước Luật biển năm 1982, cụ thể như sau: “Khi hai quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia khác với quy định đã nêu”.

  1. Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
    1. Xác định ranh giới của các vùng biển
  • Vùng đặc quyền kinh tế

Điều 55 và Điều 57 Công ước Luật biển năm 1982 quy định: Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền lãnh hải, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, ranh giới phía trong của vùng đặc quyền kinh tế là ranh giới phía ngoài của lãnh hải (đường biên giới quốc gia trên biển) và ranh giới phía ngoài là đường mà mỗi điểm trên đường đó ở cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách không vượt quá 200 hải lý.

  • Thềm lục địa

Khái niệm thềm lục địa được ghi nhận tại khoản 1 Điều 76 Công ước Luật biển năm 1982, theo đó; thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.

Theo định nghĩa trên, ranh giới phía trong của thềm lục địa là đường biên giới quốc gia trên biển (ranh giới ngoài của lãnh hải).

Ranh giới ngoài của thềm lục địa là bờ ngoài của rìa lục địa. Để xác định bờ ngoài của rìa lục địa, Điều 76 Công ước Luật biển năm 1982 quy định hai trường hợp:

  • Khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chiều rộng của thềm lục địa được mở rộng tới 200 hải lý tính từ đường cơ sở (khoản 1).
  • Khi bờ ngoài của rìa lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể sử dụng hai phương pháp sau để xác định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa: Phương pháp "chân dốc lục địa”, theo đó quốc gia ven biển nối những điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý (khoản 4, a, ii); Phương pháp "bề dày lớp đá trầm tích”, theo đó quốc gia ven biển xác định bề dày của lớp đá trầm tích với điều kiện bề dày này phải ít nhất bằng một phần trăm khoảng cách từ điểm xác định đến chân dốc lục địa (khoản 4, a, i).

Ranh giới phía ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển, được xác định theo hai phương pháp trên, không được mở rộng quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500 mét, là đường nối các điểm ở đáy biển có độ sâu 2500 mét, một khoảng cách không quá 100 hải lý (khoản 2, 5).

Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa về việc xác định các ranh giới thềm lục địa của mình, khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (khoản 8).

  1. Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia đối diện hoặc liền kề

Vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Luật biển năm 1982. Phân tích quy định tại 02 điều này có thể rút ra một số nhận xét sau:

Công ước Luật biển năm 1982 ghi nhận hai nguyên tắc nền tảng trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa: nguyên tắc thỏa thuận và công bằng. Nguyên tắc thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản và thích hợp cho quá trình phân định, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Thực tiễn cho thấy, nguyên tắc này luôn đứng vị trí quan trọng trong các quy định về phân định biển nói chung và phân định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nói riêng.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận sau khoảng thời gian hợp lý, Công ước Luật biển năm 1982 cho phép các bên sử dụng cơ chế giải quyết quy định tại phần XV của Công ước.

Công ước Luật biển năm 1982 đồng thời quy định việc áp dụng các dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi ký kết thỏa thuận cuối cùng. Điều khoản này trên thực tế đã pháp điển hóa một thực tiễn khá phổ biến, theo đó các bên tranh chấp thềm lục địa (hay vùng đặc quyền kinh tế) chồng lấn có thể thoả thuận về một "dàn xếp tạm thời” dưới các hình thức như hợp tác cùng thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, việc các bên ký kết "dàn xếp tạm thời” không được phương hại đến giải pháp cuối cùng, có nghĩa là dàn xếp tạm thời không được ảnh hưởng đến kết quả phân định.

  1. Cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982

Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật biển năm 1982 bao gồm tổng thể các nguyên tắc, cách thức, thủ tục, phương tiện và thiết chế pháp lý, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, được thiết lập để điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể tranh chấp, xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc giải quyết xung đột, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giải thích, áp dụng các quy định của Công ước.

  1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp

Phù hợp với nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, Điều 279 Công ước Luật biển năm 1982 quy định: "Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp (...) bằng các phương pháp hòa bình (...) và vì mục đích này, cần tìm ra các giải pháp bằng các biện pháp đã được nêu ở Điều 33 khoản 1 của Hiến chương Liên hợp quốc”. Đây là nguyên tắc cơ bản chi phối toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp của Công ước Luật biển năm 1982.

  1. Phạm vi giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại Điều 279, cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại phần XV được áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

Tuy nhiên, Công ước Luật biển năm 1982 quy định những ngoại lệ cho phép các bên hữu quan không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước. Những ngoại lệ này được quy định tại Điều 297, cụ thể:

  • Tranh chấp liên quan đến việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển;
  • Tranh chấp liên quan đến quyền tùy ý của quốc gia ven biển trong việc cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó theo đúng quy định tại Điều 246 và quyền của quốc gia trong việc đình chỉ hoặc chấm dứt việc nghiên cứu khoa học biển theo đúng quy định tại Điều 253; và
  • Tranh chấp liên quan đến việc thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế.

Công ước Luật biển năm 1982 đồng thời cho phép các bên tranh chấp, trên cơ sở tuyên bố bằng văn bản vào thời điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước, không áp dụng cơ chế của Công ước để giải quyết một số tranh chấp cụ thể:

  • Tranh chấp liên quan đến hoạch định ranh giới các vùng biển được quy định tại các điều 15, 74 và 83;
  • Tranh chấp liên quan đến xác lập chủ quyền lãnh thổ, đến vịnh lịch sử hoặc danh nghĩa lịch sử (historic titles);
  • Tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự được thực hiện bởi các tàu thuyền và phương tiện bay nhà nước sử dụng vào mục đích phi thương mại;
  • Tranh chấp liên quan đến các hoạt động đảm bảo thực thi pháp luật (law enforcement activities) của quốc gia ven biển để thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán được nêu tại khoản 2, 3 Điều 297 liên quan đến việc tiến hành nghiên cứu khoa học biển và khai thác tài nguyên sinh vật biển;
  • Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
    1. Các thiết chế giải quyết tranh chấp

Công ước Luật biển năm 1982 không quy

định một cơ quan tài phán duy nhất mà cho phép các quốc gia quyền lựa chọn trong số bốn thiết chế tài phán sau:

  • Tòa án Công lý quốc tế;
  • Tòa án Luật biển quốc tế;
  • Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước; và
  • Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII của Công ước.
    1. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

Giải quyết theo thủ tục mà các bên

tranh chấp lựa chọn; Mục 1 phần XV của Công ước Luật biển năm 1982 ghi nhận những biện pháp hòa bình mà các bên có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải hay thông qua thủ tục tố tụng trọng tài, tòa án. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục bắt

buộc dẫn đến những quyết định ràng buộc.

Thủ tục bắt buộc dẫn đến những quyết định ràng buộc được quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước Luật biển năm 1982. Trong trường hợp này, các bên có thể lựa chọn, theo hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp: (i) Tòa án luật biển quốc tế; (ii) Tòa án Công lý quốc tế; (iii) Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII; (iv) Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII. Nếu các bên không đưa ra tuyên bố lựa chọn thì được xác định là chấp nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII. Quyết định của Tòa Trọng tài là chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tranh chấp.

  1. THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH ĐƯỜNG CƠ SỞ VÀ VÙNG BIÈN CỦA CÁC QUỐC GIA TRONG KHU VỰC
  1. Việt Nam
  • Đường cơ sở của Việt Nam

Phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, Việt Nam đã xác định hệ thống đường cơ sở, bao gồm đường cơ sở ven bờ lục địa và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, Việt Nam áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, bao gồm 10 đoạn nối 11 điểm có tọa độ xác định từ A1 (Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu) đến A11 (đảo Cồn Cỏ).

Về cơ bản, đường bờ biển Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các điều kiện để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng. Việt Nam có hai đồng bằng châu thổ lớn là đồng bằng châu thổ sông

Hồng và đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, đứng hàng thứ tám trên thế giới về lượng phù sa đổ ra biển hàng năm là 475 tỷ m3.

  • Các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia

Các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bao gồm: nội thủy và lãnh hải. Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã khẳng định. “Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tại Điều 9 Luật biển Việt Nam năm 2012, văn bản luật đầu tiên thống nhất quy định các vấn đề pháp lý về quản lý các vùng biển tiếp tục khẳng định “Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam”. Các quy định trên đều đã thể hiện rõ ranh giới trong của nội thủy là bờ biển, ranh giới ngoài là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.

  • Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia

Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bao gồm: vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo quy định tại Điều 33 Công ước Luật biển năm 1982, chiều rộng thực của vùng tiếp giáp sẽ phụ thuộc vào chiều rộng của lãnh hải do quốc gia ven biển xác định. Trên cơ sở thiết lập lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, Việt Nam tuyên bố vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

Bên cạnh vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế đồng thời được ghi nhận tại phần V của Công ước Luật biển năm 1982, theo đó vùng đặc quyền kinh tế bao trùm lên vùng tiếp giáp lãnh hải, với ranh giới trong là đường biên giới quốc gia trên biển và ranh giới phía ngoài là đường mà mỗi điểm trên đường đó ở cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách không vượt quá 200 hải lý. Phù hợp với quy định trên của Công ước, Việt Nam tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Cùng với vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Ngày 07/5/2009, Việt Nam và Malaysia trình báo cáo chung về khu vực phía Nam biển Đông. Khu vực Bắc (VNM-N) do Việt Nam trình Báo cáo riêng ngày 8/5/2009 nằm ở phía Đông Bắc biển Đông. Khu vực này được xác định và giới hạn về phía Bắc bởi đường cách đều giữa đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam và Trung Quốc, ở phía Đông và phía Nam bởi ranh giới ngoài thềm lục địa được xác định trong Báo cáo phù hợp với Điều 76 (8) của Công ước Luật biển năm 1982, về phía Tây bởi đường 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Việt Nam khẳng định khu vực thềm lục địa trong Báo cáo không chồng lấn và tranh chấp và không ảnh hưởng gì đến vấn đề phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Việt Nam xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực VNM-N theo cả hai phương pháp "bề dày lớp đá trầm tích” và "chân dốc lục địa”.

  1. Các quốc gia Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực nằm ở phía Nam của lục địa Á - Âu, với tổng diện tích trên 40 triệu km2. Khu vực Đông Nam Á có 11 quốc gia bao gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore, Philipinnes, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Đông Timo.

Trừ Lào, các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á đều tiếp liền với biển. Philipinnes và Indonesia tuyên bố quốc gia quần đảo nên có quyền áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo và có vùng nước quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Các quốc gia ven biển khác đều tuyên bố thiết lập vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

  1. Trung Quốc

Là một quốc gia lục địa có diện tích đất liền lớn thứ 3 trên thế giới, đường bờ biển dài gần 18000km và được bao quanh bởi các bến cảng và hệ thống khoảng 5000 đảo lớn nhỏ trên các vùng biển, khai thác và phát triển kinh tế biển đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng chung của nền kinh tế Trung Quốc. Để thiết lập giới hạn các vùng biển cũng như tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên các vùng biển, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật, từ đó tiến hành xác định đường cơ sở và các vùng biển.

  1. Đường cơ sở của Trung Quốc Hệ thống đường cơ sở của Trung Quốc đã được đề cập đến trong các văn bản pháp lý như: Tuyên bố về lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1958; Luật về vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1992; Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của quần đảo Điếu ngư (Senkaku) năm 2012,... Cụ thể như sau: Về phương pháp xác định đường cơ sở, Điều 3 Luật về vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Trung Quốc xác định: "Đường cơ sở của lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xác định theo phương pháp đường cơ sở thẳng, bằng cách kết hợp các điểm cơ sở với các đường thẳng”.

Ngày 15/5/1996, Trung Quốc tiếp tục ban hành Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của lãnh hải, trong đó đưa ra hai hệ thống đường cơ sở cho mình đó là hệ thống đường cơ sở lục địa và hệ thống đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong Tuyên bố năm 1996, Trung Quốc cũng xác định đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định đường cơ sở của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

  • Quần đảo Hoàng Sa là khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong rất nhiều năm. Với nhiều chứng cứ lịch sử và pháp lý được đưa ra, Việt Nam có đủ cơ sở để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa.
  • Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia lục địa nên không được phép vạch đường cơ sở quần đảo. Chỉ những đảo vẫn ở trên mặt nước khi thủy triều lên mới có thể có đường cơ sở riêng.
    1. Các vùng biển do Trung Quốc thiết lập

Những quy định về vùng lãnh hải của Trung Quốc đã được quốc gia này ghi nhận trong cả Tuyên bố về lãnh hải năm 1958 và Luật về vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1992.

Về vùng tiếp giáp lãnh hải, Trung Quốc xác định trong Điều 4 Luật về vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1992 như sau: "Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là vùng nước nằm phía ngoài, liền kề với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải là 12 hải lý”.

Ngày 26/6/1998, Trung Quốc thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đã được Trung Quốc ghi nhận khá chi tiết và tương thích với các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. T uy nhiên, việc xác định đường cơ sở của Trung Quốc chưa thực sự phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982, do đó cũng khó tránh khỏi việc xác định các vùng biển còn bất cập do đường cơ sở là điểm mấu chốt trong việc xác định chiều rộng các vùng biển của quốc gia.

  1. Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc

Ngày 07/5/2009, cùng với Công hàm CML/17/2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, Trung Quốc đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện "đường đứt khúc 9 đoạn” trên biển Đông. Trong Công hàm, Trung Quốc yêu sách "chủ quyền (...) đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Công hàm ngày 07/5/2009, là văn bản đầu tiên thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về "đường đứt khúc 9 đoạn” và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới.

Trước yêu sách phi lý của Trung Quốc, ngày 08/5/2009, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có Công hàm số 86/HC-2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm bác bỏ công hàm và sơ đồ của Trung Quốc. Qua những chứng cứ lịch sử về xác lập chủ quyền, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi "đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Việc làm trên của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông. Quan điểm của Việt Nam còn được thể hiện trong các phát biểu chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chỉ trong năm 2010, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 19 lần lên tiếng, trong đó có những phản đối công khai yêu sách "đường lưỡi bò” và những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.

  1. XÁC ĐỊNH CÁC VÙNG BIÈN CỦA ĐẢO VÀ CÁC THỰC THÈ ĐỊA LÝ Ở BIÈN ĐÔNG
  1. Khái niệm đảo

Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982, đảo được định nghĩa “là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”.

Có thể thấy rằng, Công ước Luật biển năm 1982 đưa ra định nghĩa về đảo tương đối ngắn gọn, vắn tắt. Dù là tâm điểm của nhiều vụ tranh chấp được giải quyết thông qua thỏa thuận giữa các quốc gia hay tại cơ quan tài phán quốc tế, khái niệm đảo ghi nhận trong Công ước hầu như không được phát triển và chưa giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

  1. Vai trò của đảo trong xác định các vùng biển

Khoản 2 Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982 quy định "lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”. Như vậy, về mặt pháp lý, đảo có các vùng biển riêng tương tự như lãnh thổ đất liền.

Đối với những đảo gần bờ hoặc chuỗi đảo nằm ngay sát và chạy dọc bờ biển, quốc gia ven biển có thể áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải. Đối với các đảo nằm xa bờ, mỗi đảo sẽ có đầy đủ các vùng biển như lãnh thổ đất liền: nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

  1. Đảo và đảo đá - hai quy chế pháp lý khác nhau

Khoản 3 Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982 quy định: "Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Cùng được đề cập tại Điều 121 về chế độ của đảo, rõ ràng Công ước xác định đảo đá là một loại đảo đặc biệt. Công ước không đưa ra định nghĩa đảo đá nhưng lại không cho phép những đảo đá này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Một số tác giả căn cứ vào diện tích để xem xét đảo đá. Theo quan điểm của Hodgson, đá có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông; Đảo nhỏ có diện tích từ 0,001 đến 1 hải lý vuông; Đảo vừa có diện tích từ 1 đến 1.000 hải lý vuông; Đảo lớn có diện tích trên 1.000 hải lý vuông. Tại Hội nghị luật biển lần thứ III, một số quốc gia như Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị xem xét diện tích đảo trong việc quy thuộc cho hòn đảo đó những vùng biển riêng biệt. Tuy nhiên, yếu tố diện tích không được các quốc gia chấp nhận và Công ước

Luật biển năm 1982 chỉ nêu hai tiêu chí để phân biệt đảo và đảo đá: (i) không phù hợp cho con người đến ở (ii) hoặc không có đời sống kinh tế riêng.

Trên thực tế, việc xác định hai điều kiện nói trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết: những điều kiện nào cho phép kết luận một đảo đá thích hợp cho cuộc sống con người và cho đời sống kinh tế riêng? Một đảo đá có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn và tài nguyên sinh vật phong phú tại các vùng biển bao quanh liệu có quyền sở hữu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa? Khoản 3 Điều 121 có áp dụng đối với những đảo đá thích hợp cho cuộc sống con người nhưng chưa có người đến ở? Một đảo đá bắt buộc phải có các điều kiện tự nhiên đảm bảo cho việc định cư hay có thể thông qua sự can thiệp của con người như xây dựng các công trình phục vụ cho cuộc sống?

  1. Quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo
  • Khái quát thực tiễn các quốc gia trên thế giới

Hiện nay, một số hòn đảo mới đang từ từ định hình trên bề mặt địa cầu, nhưng không phải do tự nhiên mà có sự can thiệp của bàn tay con người. Thực tế cho thấy việc xây dựng các công trình nhân tạo đã được nhiều quốc gia tiến hành từ rất lâu. Quá trình khảo sát cho thấy, các công trình nhân tạo được xây dựng với nhiều mục đích khác nhau: phát triển nông nghiệp, du lịch, mở rộng cảng, cầu cảng phục vụ ngành giao thông vận tải biển. Tuy nhiên, hai mục đích chủ yếu là nhằm đối mặt với sự dâng lên của mực nước biển và tạo ra giải pháp cho sự tăng nhanh dân số hiện nay. Nếu trước kia, chỉ những nước phát triển mới có đủ khả năng xây dựng các công trình lấn biển thì ngày nay các công trình này tồn tại khắp nơi trên thế giới: ở châu Âu, châu Á, Mỹ, Úc và một số quốc gia quần đảo Thái Bình Dương.

  • Vai trò của các công trình nhân tạo trong việc xác định các vùng biển

Trong một chừng mực nhất định, các công trình lấn biển có thể có ảnh hưởng đến việc xác định ranh giới các vùng biển. Trên thực tế, cảng biển cũng như những công trình mở rộng cảng thường được sử dụng để vạch đường cơ sở, thậm chí ngay cả khi chúng vươn tương đối xa ra phía biển. Điều 11 Công ước Luật biển năm 1982 quy định "Để ấn định ranh giới lãnh hải, các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của một hệ thống cảng, nhô ra ngoài khơi xa nhất, được coi là thành phần của bờ biển. Các công trình thiết bị ở ngoài khơi xa bờ biển và các đảo nhân tạo không được coi là những công trình thiết bị cảng thường xuyên”.

Đối với những công trình nằm ngoài khơi xa bờ biển, Điều 60 của Công ước quy định cụ thể như sau "Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. "Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình những khu vực an toàn với kích thước hợp lý. (...) Các khu vực an toàn này (...) không mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình đó”. Như vậy, Công ước Luật biển năm 1982 chỉ ghi nhận hiệu lực pháp lý của một số công trình nhân tạo nằm ngay sát và liên kết với bờ biển thành một chỉnh thể thống nhất. Trong trường hợp được xây dựng ở ngoài khơi xa bờ, những công trình này sẽ không ảnh hưởng đến việc xác định và mở rộng các vùng biển.

  • Các công trình xây dựng và mở rộng các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, đảo và đảo đá

Một trong những vấn đề phức tạp là việc xây dựng công trình nhân tạo trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, các đảo nhỏ và đảo đá. Về mặt pháp lý, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không thể có quy chế pháp lý của đảo, cho dù ở đó có công trình nhân tạo thường xuyên nhô trên mặt biển. Trong trường hợp những bãi cạn này nằm cách lục địa hoặc một hòn đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải, chúng có thể được sử dụng trong hoạch định đường cơ sở thẳng phù hợp với khoản 4 Điều 7 Công ước Luật biển năm 1982.

Đối với trường hợp đảo và đảo đá thì sự phân biệt lại không rõ ràng. Các quốc gia có xu hướng giải thích mở rộng, gán cho đảo đá quy chế pháp lý của đảo. Họ thường không chỉ rõ trong hệ thống pháp luật quốc gia vai trò của từng hòn đảo hay các loại địa hình tương tự đảo: hoặc quy định chiều rộng các vùng biển tính từ đường cơ sở hoặc quy định tất cả đảo có các vùng biển phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Trường hợp Kolbeinsey thuộc Cộng hòa Ailen có thể coi là ví dụ điển hình. Kolbeinsey nằm cách bờ biển Tây - Bắc Ai Len khoảng 70 hải lý, với chiều rộng 400m và dài 700m. Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1616, Kolbeinsey hiện nay chỉ có diện tích khoảng 1.300m2 do bị sói mòn và đang có nguy cơ chìm dưới mực nước biển. Vì vậy, Ailen quyết định xây dựng các công trình nhân tạo nhằm duy trì sự tồn tại của Kolbeinsey. Trong Luật số 41 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (ngày 01/6/1979), Ailen đã áp dụng phương pháp đường cơ sở thông thường đối với Kolbeinsey và tuyên bố các vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ, cằn cỗi, không có nước ngọt và cũng không người ở, Kolbeinsey chỉ được coi là đảo đá theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982.

  1. Quy chế pháp lý của các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
    1. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề xác định các vùng biển

Theo quy định Công ước Luật biển năm 1982, các cấu trúc địa chất tự nhiên trên biển có quy chế pháp lý khác nhau, bao gồm: (i) Đảo là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước (khoản 1 Điều 121); (ii) Đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (khoản 3 Điều 121); (iii) Bãi cạn lúc nổi lúc chìm là vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì ngập nước (khoản 1 Điều 13). Các vùng đất hoàn toàn bị chìm ngập dưới biển thì được xác định là một phần của đáy biển và không có bất kỳ vai trò gì trong hoạch định các vùng biển.

Theo cách phân loại trên, chỉ những "vùng đất” thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không bị ngập dưới mực nước biển mới có hiệu lực trong hoạch định các vùng biển. Nếu đó là bãi cạn lúc nổi lúc chìm thì có thể được sử dụng để xác định đường cơ sở khi chúng ở cách một hòn đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải. Đối với những "vùng đất” cao hơn mặt biển ngay cả khi thủy triều lên cao, chúng có thể được hưởng quy chế của đảo hoặc đảo đá khi không đủ điều kiện cho người đến ở hay không có đời sống kinh tế riêng.

  1. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa

Một trong những trở ngại và thách thức lớn đối với Việt Nam và các nước ASEAN là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Trong bối cảnh tranh chấp khu vực phức tạp và nhạy cảm, Trung Quốc đã đơn phương, bất chấp sự phản đối từ phía các quốc gia khác, tiến hành cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn một số cấu trúc ở biển Đông, bao gồm Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Chữ Thập (FieryCross Reef),VànhKhăn (MischiefReef), TưNghĩa(HughesReef),GaVen(GavenReef) và Xu Bi (Subi Reef). Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các công trình quân sự sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép những thực thể trên. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng quy mô lớn thực sự được Trung Quốc đẩy mạnh từ năm 2013 và chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã mở rộng diện tích lên đến khoảng 809 ha với hoạt động xây dựng quy mô để hình thành các đảo nổi.

Hoạt động "đảo hóa” của Trung Quốc làm thay đổi tính chất tự nhiên của các thực thể địa lý, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan trong khu vực.

Từ hoạt động "đảo hóa” của Trung Quốc, một loạt các câu hỏi pháp lý đặt ra: Việc xây dựng có "chuyển hóa” đảo đá thành đảo theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982? Các đảo nhân tạo có ý nghĩa như thế nào trong việc xác lập các vùng biển? Các bãi cạn lúc chìm lúc nổi có thay đổi quy chế pháp lý sau khi được "đảo hóa”? Như trên đã phân tích, với hoạt động "đảo hóa” được thực hiện trên quy mô lớn, Trung Quốc đang cố gắng làm thay đổi tình trạng tự nhiên của các cấu trúc, từ đó làm cơ sở để tiếp tục đưa ra các yêu sách vùng biển. Tuy nhiên, hoạt động nhân tạo của con người không làm thay đổi bản chất pháp lý của các cấu trúc tự nhiên, không có giá trị trong việc chuyển hóa "đá” thành "đảo”.

  1. PHÂN ĐỊNH VÙNG BIÈN CHỒNG LẤN GIỮA CÁC QUỐC GIA NẰM ĐỐI DIỆN HOẶC LIỀN KỀ

Giải quyết tranh chấp về phân định biển cần được thực hiện trên cơ sở và phù hợp với các quy định của luật quốc tế. Những quy định này được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết từng vụ việc cụ thể và được khái quát hóa thành "công thức” điều chỉnh các bước của quá trình phân định biển. Trong vụ Vịnh Maine, Tòa công lý quốc tế đã chỉ rõ: quá trình phân định biển không thể được thực hiện bởi một hành vi pháp lý đơn phương mà đó phải là kết quả của sự thỏa thuận giữa những nước hữu quan nhằm hướng tới kết quả có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thỏa thuận, "phân định biển phải được thực hiện trên cơ sở áp dụng các tiêu chí công bằng và các phương pháp phân định hữu ích, có tính đến địa hình bờ biển và các yếu tố liên quan khác, nhằm đạt được kết quả công bằng”.

Công thức nói trên được đề cập trong nhiều phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế và được coi là cơ sở quan trọng trong quá trình phân định biển. Có thể rút ra một số nhận xét như sau: công thức trên được áp dụng cho việc phân định các vùng biển khác nhau, bao gồm cả việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như đường ranh giới chung cho các vùng biển; công bằng được xác định là yếu tố trung tâm và quan trọng trong quá trình phân định biển; các phương pháp phù hợp được áp dụng trên cơ sở xem xét các yếu tố, hoàn cảnh ảnh hưởng đến quá trình phân định nhằm đạt được một giải pháp công bằng.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế cho thấy, phương pháp đường trung tuyến/cách đều không có giá trị pháp lý bắt buộc và không đương nhiên được áp dụng. Xu hướng hiện nay là áp dụng phương pháp này với tính chất đường phân định tạm thời, có những điều chỉnh cần thiết trên cơ sở các yếu tố, hoàn cảnh hữu quan để đi đến kết quả phân định công bằng. Trong vụ phân định biển Greenland/Jan Mayen, Tòa công lý quốc tế chỉ rõ rằng "dường như, đối với thềm lục địa cũng như đối với vùng đặc quyền kinh tế, một cách thích đáng là tiến hành quá trình phân định bằng một đường cách đều được vạch ra với danh nghĩa tạm thời”.

Phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế đều khẳng định xu hướng chấp nhận các bước trong quá trình phân định:

  • Xác định danh nghĩa pháp lý của mỗi bên hữu quan trên vùng biển tranh chấp.
  • Xác định khu vực thuộc thẩm quyền phân định hay khu vực các danh nghĩa chồng lấn lên nhau.
  • Xác định vùng bờ biển tương ứng nhằm mục đích định rõ các hoàn cảnh hữu quan và tính toán tỷ lệ.
  • Vạch đường trung tuyến/cách đều với danh nghĩa đường tạm thời.
  • Kiểm tra kết quả mà đường trung tuyến/ cách đều mang lại; điều chỉnh đường này có tính đến các hoàn cảnh hữu quan để đi đến một kết quả công bằng.

Tóm lại, phân định biển là một vấn đề pháp lý có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Việc xây dựng một cơ chế pháp lý đầy đủ, công bằng, hợp lý về phân định biển sẽ là tiền đề để các bên giải quyết tốt vấn đề phân định trên thực tế, từ đó góp phần hạn chế các xung đột, tạo môi trường ổn định để các quốc gia sử dụng và khai thác biển, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên biển. Phân định biển có thể tiến hành qua biện pháp trực tiếp như đàm phán, thương lượng hoặc gián tiếp qua bên thứ ba, đặc biệt là hệ thống các cơ quan tài phán quốc tế. Kết quả của phân định biển có thể là một kết quả phân định rõ ràng hoặc một giải pháp tạm thời như khai thác chung cho tới khi có thỏa thuận phân định cuối cùng.

  1. HỢP TÁC KHAI THÁC CHUNG TẠI VÙNG BIÈN CHỒNG LẤN
  1. Khái niệm khai thác chung

Khái niệm khai thác chung không được hiểu một cách đồng nhất, một phần do thực tiễn quốc tế về vấn đề này vô cùng đa dạng. Trong nhiều trường hợp, các quốc gia thỏa thuận khai thác chung với tính chất là biện pháp tạm thời ở những nơi tồn tại vùng chồng lấn danh nghĩa chủ quyền và quyền chủ quyền khi chưa đạt được kết quả phân định biển cuối cùng. Trong một số trường hợp khác, khai thác chung được thực hiện ở những khu vực đã được các quốc gia hữu quan thỏa thuận và xác định đường ranh giới chung.

Tiếp cận với tính chất là một giải pháp cho các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ chưa được giải quyết ở biển Đông, khai thác chung ở đây được hiểu là "giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn” - hình thức hợp tác ở khu vực tranh chấp - chứ không phải "khai thác chung” theo mô hình hợp tác xuyên biên giới tại những nơi biên giới đã phân định rõ ràng.

  1. Khuôn khổ pháp lý và thực tiễn quốc tế về khai thác chung

Công ước Luật biển năm 1982 đã đưa ra một giải pháp cho các bên liên quan trong vấn đề khai thác chung. Khoản 3 Điều 74

Công ước Luật biển quy định: Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1 (về phân định vùng đặc quyền kinh tế), các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và trong giai đoạn quá độ này không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng. Các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến việc phân định cuối cùng.

Một trong những "dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn” là việc các quốc gia thiết lập "vùng xám”. Thuật ngữ "vùng xám” được dùng để chỉ vùng biển tranh chấp hay chưa được phân định mà các quốc gia tạm thời khoanh lại và đặt dưới dạng một quy chế quản lý riêng theo thỏa thuận hợp tác nghề cá của mình.

Các hiệp định "vùng xám” đã được ký kết ở nhiều nơi trên thế giới với con số lên đến hơn một chục hiệp định. Ngay ở châu Á, ba Hiệp định "vùng xám” đã ký kết trong thời gian gần đây đó là ba Hiệp định hợp tác nghề cá ký giữa lần lượt bởi Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc với Hàn Quốc vào các năm 1997, 1998 và 2000. Ba Hiệp định nói trên được ký kết để điều chỉnh và quản lý hoạt động nghề cá tại vùng đặc quyền chồng lấn song phương giữa ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, đáng lưu ý là tại "vùng xám” lập ra theo hai Hiệp định giữa Hàn Quốc với Nhật Bản và giữa Nhật Bản với Trung Quốc có tồn tại tranh chấp về chủ quyền đảo. Giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo

Dokdo (tiếng Hàn)/Takeshima (tiếng Nhật), còn giữa Nhật Bản và Trung Quốc đó là tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku (tiếng Nhật)/Diaoyu (tiếng Trung).

Thực tiễn cho thấy, việc hợp tác quản lý hoạt động đánh cá ở vùng biển chưa phân định là hoàn toàn có thể thực hiện được ngay cả khi có tồn tại tranh chấp về chủ quyền đảo. Đây chính là cơ sở để Việt Nam cũng như các quốc gia khác ven biển Đông tham khảo cho các hoạt động hợp tác, khai thác chung trong tương lai.

  1. KHẢ NĂNG VÀ TRIÈN VỌNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
  1. Áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982
  • Khái quát vai trò của Công ước Công ước Luật biển năm 1982 không quy định các nguyên tắc về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Việc giải quyết tranh chấp về xác lập chủ quyền phải dựa trên các quy định tập quán quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, Công ước Luật biển năm 1982 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phân định các vùng biển.

Vai trò nói trên của Công ước Luật biển năm 1982 được thể hiện ở ba khía cạnh: i) Trên cơ sở nguyên tắc "đất thống trị biển”, Công ước Luật biển năm 1982 quy định quyền và giới hạn cho các quốc gia trong việc thiết lập các vùng biển ven bờ, bao gồm các vùng biển thuộc chủ quyền (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa);

ii) Công ước Luật biển năm 1982 đồng thời quy định quyền và giới hạn cho các quốc gia trong việc thiết lập các vùng biển của các cấu trúc địa chất ngoài khơi xa bờ; iii) đối với từng vùng biển, Công ước Luật biển năm 1982 quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác.

  • Các quốc gia Đông Nam Á và thực tiễn áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển năm 1982

Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật biển năm 1982 chủ yếu được áp dụng tại hai thiết chế tài phán là Tòa án Luật biển quốc tế và Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII.

Thành lập từ năm 1996, Tòa án Luật biển quốc tế đã giải quyết được 24 vụ tranh chấp. Vụ đầu tiên có tên là M/VSAIGA do Saint Vicent và Grenadines kiện Guinea, liên quan đến các vấn đề pháp lý quốc tế về giải phóng tàu thuyền. Vụ việc được đưa ra giải quyết ngày 13/11/1997 và Tòa ra phán quyết ngày 04/12/1997. Tranh chấp gần đây nhất (2015) được giải quyết tại Tòa là vụ Enrica Lexie do Italia kiện Ấn Độ, liên quan đến việc áp dụng các biện pháp tạm thời.

Một số vụ tranh chấp đồng thời được giải quyết tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước. Trong số 12 vụ giải quyết theo trình tự trọng tài, 11 vụ được giải quyết dưới sự bảo trợ của Tòa trọng tài thường trực La Haye: 05 vụ đã kết thúc và 06 vụ đang trong quá trình xét xử.

Nhìn lại các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ đã được giải quyết, có thể thấy rằng, biện pháp đàm phán trực tiếp luôn được các quốc gia Đông Nam Á ưu tiên áp dụng. Nếu đây là biện pháp gần như duy nhất được sử dụng trong suốt thời gian dài, thì những năm gần đây, một số quốc gia thành viên ASEAN đã lựa chọn hình thức tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ thông qua con đường tài phán quốc tế là sự lựa chọn tương đối "mới” của các quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy ý chí, nguyện vọng của một số quốc gia mong muốn áp dụng biện pháp này khi không thể đạt được thoả thuận trên bàn đàm phán. Trong chừng mực nhất định, có thể đánh giá đây là bước đi mang tính tích cực của các quốc gia Đông Nam Á.

  • Vụ Philippines kiện Trung Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức triệu tập và gửi Thông báo và tuyên bố khởi kiện cho Đại sứ quán Trung Quốc về quyết định đưa tranh chấp trên biển với Trung Quốc ra giải quyết tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982. Trên cơ sở những cố gắng không thành về chính trị, ngoại giao, Philippines mong muốn tìm kiếm một giải pháp pháp lý bền vững nhằm giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước mà cả Phil­ippines và Trung Quốc đều là thành viên. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế và quyết định không tham gia vụ kiện.

Trong Thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc, Philippines đã lựa chọn Rudiger Wolfrum (Đức) là thành viên của Tòa trọng tài.

Ngày 22/02/2013, Philippines yêu cầu Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế chỉ định trọng tài viên. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của các bên liên quan, phù hợp với khoản c, e của Điều 3 Phụ lục VII, Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế đã chỉ định Stanislaw Pawlak (Balan) là thành viên của Tòa trọng tài.

Ngày 25/3/2013, trên cơ sở khoản d, e Điều 3 Phụ lục VII, Philippines yêu cầu Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế lựa chọn 3 thành viên còn lại của Tòa trọng tài, đồng thời chỉ định Chánh tòa của Tòa trọng tài trong số những thành viên này. Trên cơ sở tham vấn các bên tranh chấp, Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế chỉ định Thomas

  1. Ménah (Ghana) là Chánh Tòa của Tòa trọng tài và hai thành viên khác của Tòa trọng tài là Jean-Pierre Cot (Pháp) và Alfred Soons (Hà Lan). Như vậy, Tòa trọng tài gồm 5 thành viên đã được thành lập.

Ngày 30/3/2014, Philippines nộp bản lập luận cho Tòa trọng tài. Tòa đồng thời ấn định ngày 15/12/2014 là thời hạn cuối cùng để Trung Quốc nộp bản lập luận phản biện lại Philippines.

Ngày 17/12/2014, Tòa trọng tài ra thông báo về trình tự, thủ tục vụ việc theo quy định tại Điều 9 Phụ lục VII và Điều 25 (2) của Quy chế Tòa trọng tài, theo đó Philippines có thêm một khoảng thời gian đến ngày 15/3/2015 để nộp bản lập luận bổ sung và Trung Quốc có thời gian trả lời đến ngày 16/6/2015.

Phiên tòa về thẩm quyền của Tòa trọng tài diễn ra trong các ngày 7, 8 và 13/7/2015. Tòa cho phép một số quốc gia tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên, bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore và Australia.

Phiên tòa về xét xử nội dung và các vấn đề về thẩm quyền còn tồn tại diễn ra trong các ngày từ 24/11/2015 đến 30/11/2015, với sự tham gia của các nước (quan sát viên): Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản.

Philippines có thời gian đến ngày 18/12/2015 để trả lời các câu hỏi của Tòa và cung cấp các tư liệu liên quan.

Phù hợp với Điều 5 của Phụ lục VII,Tòa cho phép Trung Quốc nộp cho Tòa các lập luận phản biện lại lập luận của Philippines, với thời hạn nộp là tháng 1/2016. Tòa sẽ đưa ra phán quyết đầu năm 2016.

Tác động và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam: Vụ Philippines kiện Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt ở hai khía cạnh là đường "đứt khúc chín đoạn” và quy chế pháp lý các cấu trúc địa chất trên biển.

Đối với yêu cầu của Philippines về tính bất hợp pháp của yêu sách đường "đứt khúc chín đoạn”: tuyên bố của Tòa sẽ có lợi cho Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ yêu sách mập mờ của Trung Quốc về đường "đứt khúc chín đoạn”.

Đối với yêu cầu của Philippines về giải thích Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982: nội dung trên có liên quan đến Việt Nam với một số lý do sau: Ngoài bãi Hoàng Nham (Scarborough), các cấu trúc địa chất đề cập trong Thông báo và tuyên bố khởi kiện của Philippines đều thuộc quần đảo Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam; Một số bãi chìm được Philippines lập luận là nằm trên thềm lục địa của Philippines cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như vậy, những cấu trúc này không thuộc thềm lục địa của Philippines; quy chế pháp lý của chúng cần được xem xét trên cơ sở xác định các vùng biển bao quanh các cấu trúc địa chất của quần đảo Trường Sa.

Trên cơ sở vụ Philippines kiện Trung Quốc, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm ở hai nội dung: thứ nhất, cách thức Philippines áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển năm 1982 để khởi kiện Trung Quốc: khởi kiện theo thủ tục trọng tài quy định tại Phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982; thứ hai, nội dung khởi kiện của Philippines: tập trung vào những hành vi Trung Quốc vi phạm quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

Tóm lại, mặc dù không là công cụ giúp các quốc gia đi đến kết luận cuối cùng trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, Công ước Luật biển năm 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên làm rõ các tuyên bố và yêu sách của mình tại biển Đông. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước đã được nhiều quốc gia vận dụng, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Singapore. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp với các nước trong khu vực.

  1. Quản lý xung đột ở biển Đông

Trong khi chưa thỏa thuận được một giải pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp, yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia có liên quan là không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Một trong các biện pháp "quản lý xung đột” mà các quốc gia ven biển Đông đã từng bước và đang trong tiến trình xây dựng là hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông - COC). Dù Bộ quy tắc nói trên không thể là cơ sở để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhưng một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc "hạ nhiệt” những căng thẳng ở biển Đông, hướng các bên tranh chấp tới khuôn khổ hợp tác, từ đó tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

  1. Hướng tới khuôn khổ hợp tác khu vực

Một trong những giải pháp được coi là khả thi có thể dàn xếp các mâu thuẫn dường như đang có chiều hướng ngày càng phức tạp hiện nay tại biển Đông là thiết lập các thoả thuận khai thác chung song phương hoặc đa phương giữa các bên tranh chấp.

Một mô hình khai thác chung phù hợp phải đáp ứng được các nhu cầu, lợi ích của các bên và điều kiện tiên quyết là không được làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như phân định biển giữa các bên. Trong bối cảnh những tranh chấp biển Đông dường như đang có xu hướng ngày càng phức tạp, khả năng khai thác chung chỉ có thể thực hiện và phụ thuộc vào:

  • Làm rõ giá trị pháp lý của yêu sách "đường 9 đoạn” dưới tư cách là một yêu sách liên quan đến lịch sử, không dựa vào Công ước Luật biển năm 1982;
  • Việc giải thích và áp dụng Điều 121 của Công ước Luật biển năm 1982;
  • Việc áp dụng một cách có thiện chí các quy định về phân định biển, đặc biệt liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến quá trình phân định;
  • Các quốc gia thỏa thuận, xác định được "vùng tranh chấp” để đàm phán về khai thác chung;
  • Thiện chí, quan điểm của các bên tranh chấp đối với vấn đề khai thác chung.

Tóm lại, trước khi Công ước Luật biển năm 1982 có hiệu lực, Việt Nam đã có những bước đi phù hợp với tinh thần và quy định của Công ước trong tuyên bố thiết lập các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia.

Sau khi Công ước có hiệu lực, Việt Nam là nước đi đầu trong giải quyết tranh chấp với các quốc gia trong khu vực. Thực tiễn phân định biển của Việt Nam đã góp phần và làm phong phú thêm các quy định của luật quốc tế về phân định biển. Nguyên tắc công bằng đã được Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình phân định thực tế. Kết quả đàm phán, đặc biệt phân định biển giữa Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc góp phần khẳng định xu thế áp dụng đường trung tuyến/cách đều làm điểm xuất phát để đi đến giải pháp phân định công bằng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những đóng góp không nhỏ trong việc áp dụng và hoàn thiện lý thuyết về các dàn xếp tạm thời, với các hình mẫu về khai thác chung về dầu khí và tài nguyên cá.



[1] Trong phạm vi Đề tài, Nhóm tác giả không đi sâu phân tích về việc xác định các vùng biển bao quanh hai thực thể Macclesfield và Scarborough (Hoàng Nham).

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...