• Thuộc tính
Tên đề tài Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp - Công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

BỘ TƯ PHÁP

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ

 

 

 

 

ĐỀ TÀI

TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP -
CÔNG CỤ PHÁP LÝ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

 

 

BAN CHỦ NHIỆM ĐÈ TÀI

Chủ nhiệm: GS.TS. Lê Hồng Hạnh

Thư ký: ThS. Trần Thị Quang Hồng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội, tháng 04/2010


MỤC LỤC

Danh sách nhóm nghiên cứu

PHẦN MỞ ĐẦU

Chương I. TỔNG QUAN VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

1. Các vấn đề lý luận về trách nhiệm sản phẩm

1.1. Khái niệm, bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp

1.2. Vị trí của chế định trách nhiệm sản phẩm trong hệ thống công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

2. Lịch sử hình thành và phát triển của chế định trách nhiệm sản phẩm trên thế giới

Chương II. PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

1. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của các nước khu vực Bắc Mỹ

1.l. Hoa Kỳ

1.2. Canada

2. Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng châu Âu

3. Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia khu vực Đông Bắc Á

4. Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của một số quốc gia Đông Nam Á

5. Đánh giá kinh nghiệm quốc tế xây dựng và áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm

Chương III. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM Ở VỆT NAM VÀ TÌNH HÌNH THỰC THI TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP

1. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam hiện nay

1.1. Các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm sản phẩm

1.2. Các cơ chế hiện hành giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

2. Tình hình thực thi pháp luật trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam

2.1. Đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

2.2. Mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến việc thực thi trách nhiệm sản phẩm

2.3. Thực tế giải quyết, khôi phục các quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

Chương IV. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG Ở VIỆT NAM

1. Yêu cầu hoàn thiện chế định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam

2. Các kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam

2.1. Định hướng hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam hiện nay

Một số khái niệm cơ bản cần được đưa vào pháp luật về trách nhiệm sản phẩm

2.3. Các tác động đến hệ thống pháp luật nói chung

2.4. Các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật

KẾT LUẬN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHẦN BA

CÁC CHUYÊN Đ

Chuyên đề 1. Những khía cạnh xã hội, đạo đức và kinh tế của trách nhiệm sản phẩm với tư cách là công cụ bảo vệ nguời tiêu dừng

TS. Đinh Thị Mỹ Loan

Chuyên đề 2. Lịch sử hình thành, khái niệm, bản chất, đặc điểm và chức năng của chế định trách nhiệm sản phẩm nhìn góc độ bảo vệ người tiêu dùng

TS. Đồng Ngọc Ba

Chuyên đề 3. Các quan điểm lý luận học thuyết trách nhiệm sản phẩm với tư cách là công cụ bảo vệ người tiêu dùng ở một số nước

ThS. Nguyễn Văn Cương

Chuyên đề 4. Trách nhiệm sản phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm

TS. Hồ Tất Thắng

Chuyên đề 5.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm đối với người tiêu dùng

TS. Hồ Tất Thắng

Chuyên đề 5.2. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam

ThS. Trần Thị Quang Hồng

Chuyên đề 6. Việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm trong sản xuất và tiêu thụ dược phẩm xét từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng

ThS. Nguyễn Thị Hiệp - ThS. Tạ Thị Tài

Chuyên đề 7. Việc thực thi các quy định của pháp luật về “trách nhiệm sản phẩm” trong lĩnh vực khám, chữa bệnh xét xử từ góc độ bảo vệ quyền lợi “người tiêu dùng”

ThS. Nguyễn Hoàng Phúc

Chuyên đề 8. Đánh giá thực trạng cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm và vấn đề nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng

TS. Phan Chí Hiếu

Chuyên đề 9. Phân tích một số trường hợp điển hình về giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

TS. Nguyễn Hữu Huyên

Chuyên đề 10. Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Hoa Kỳ và Canada - khả năng áp dụng ở Việt Nam

GS.TS. Lê Hồng Hạnh - CN. Trương Hồng Quang

Chuyên đề 11.1. Một số vấn đề về pháp luật trách nhiệm sản phẩm của liên minh Châu Âu

TS. Nguyễn Am Hiểu

Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của liên minh Châu Âu

CN. Trương Hồng Quang

Chuyên đề 12. Giới thiệu về chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc

ThS. Nguyễn Văn Cương

Chuyên đề 13. Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật của một số quốc gia ASEAN

ThS. Trần Thị Quang Hồng

Chuyên đề 14. Yêu cầu hoàn thiện chế định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam

GS.TS. Lê Hồng Hạnh

Chuyên đề 15. Các kiến nghị nhằm hoàn thiện và thực thi chế định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam

ThS. Trần Thị Quang Hồng

 

DANH SÁCH NHÓM NGHIÊN CỨU

 

Chủ nhiệm đề tài:

GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.

Thư ký:

ThS. Trần Thị Quang Hồng - Phó trưởng Ban NCPL Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

Thành viên nghiên cứu và cộng tác viên:

1. ThS. Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Ban NCPL Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

2. TS. Phan Chí Hiếu, Văn phòng Bộ Tư pháp.

3. TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên thường trực Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

4. TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.

5. TS. Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp.

6. TS. Đồng Ngọc Ba, Cục phó Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.

7. TS. Nguyễn Hữu Huyên, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp.

8. ThS. Tạ Thị Tài, Bộ Tư pháp.

9. ThS. Nguyễn Hoàng Phúc, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế.

10. ThS. Nguyễn Thị Hiệp, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

11. CN. Lê Thị Hoàng Thanh, NCV, Ban NCPL Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

12. CN. Phạm Văn Bằng, Nghiên cứu viên, Ban NCPL Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

13. Trương Hồng Quang, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

14. CN. Nguyễn Mai Trang, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp.

 

PHẦN MỞ ĐẦU

         

1. TÍNH CẤP THIẾT CÙA ĐỀ TÀI

Trước đây trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá, các doanh nghiệp trong nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo kế hoạch chỉ tiêu pháp lệnh, trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp cũng chính là trách nhiệm của nhà nước. Trong điều kiện ấy, vấn đề trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp hầu như không được đặt ra. Mặt khác, ít khi người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của người sản xuất do sản phẩm, hàng hoá vừa thiếu, vừa được phân phối nên việc kiện nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tước đi quyền được cung cấp và phân phối hàng hoá.

Khi Việt Nam chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều. So với 13.000 doanh nghiệp Nhà nước tồn tại chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân trước đây thì hiện nay đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau[1]. Bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng được coi là một chủ thể thị trường. Kinh tế thị trường với qui luật cung cầu, lợi nhuận và cạnh tranh chắc chắn dẫn tới những hệ quả nhất định về kinh tế, xã hội. Do để cạnh tranh, do để chiếm lĩnh thị phần hoặc do lợi nhuận, các doanh nghiệp có thể tung ra thị trường những sản phẩm có chất lượng thấp với giá rẻ mà không tính đến tác hại của chúng đối với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã dùng tới biện pháp cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo độ an toàn cho người tiêu dùng nhằm thu lợi nhuận, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong đó có thiệt hại về sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng. Trong bối cảnh đó, bảo vệ người tiêu dùng trở thành yêu cầu có tính chất thường trực. Kinh nghiệm ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cho thấy, hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, cung ứng là một công cụ pháp lý hữu hiệu.

Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đã quan tâm xây dựng công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng từ những thập kỷ 60 của thể kỷ trước. Trong những năm qua, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam đã và đang dành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, những người làm chính sách, các cơ quan truyền thông và toàn xã hội. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đang được tích cực soạn thảo để trình Quốc hội.

Trong quá trình hoàn thiện các công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, chế định trách nhiệm sản phẩm đã ra đời như một sự tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ và hữu hiệu hơn. Chế định pháp luật này được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ, sau đó được tiếp nhận bởi các quốc gia ở Châu Âu (ở cấp độ Cộng đồng Châu Âu và quốc gia thuộc Liên minh), ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia ASEAN). Tuy nhiên, nhiều quốc gia ASEAN chỉ mới chú ý đến chế định trách nhiệm sản phẩm trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như Thái Lan mới ban hành Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn vào năm 2008. Ngay cả ở quốc gia khai sinh ra pháp luật về trách nhiệm sản phẩm là Hoa Kỳ thì cuộc tranh cãi về chế định pháp luật này vẫn chưa bao giờ kém sôi động. Những quan niệm khác nhau về phạm vi trách nhiệm, về căn cứ xác định trách nhiệm có những điểm khác nhau nhất định tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và hệ thống pháp luật của từng nước mặc dù bản thân chế định này được coi như là một hiện tượng pháp lý phổ biến. Có thể nói, những tranh luận về vấn đề trách nhiệm sản phẩm chính là sự thể hiện một cách rõ rệt nhất mối quan hệ giữa lợi ích của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế với lợi ích của công chúng, lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có bất kỳ cuộc tranh luận nào xung quanh chế định pháp luật này thì vẫn có được một sự thừa nhận chung: trách nhiệm sản phẩm là một công cụ pháp lý không thể thiếu để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại. Đầu năm 2010, Toyota mở đợt thu hồi kỷ lục 8,5 triệu chiếc trên toàn cầu, Nissaan thu hồi 500.000 chiếc, Huyndai thu hồi 500.000 chiếc, GM thu hồi 1,3 triệu chiếc và Honda cũng thu hồi 500.000 chiếc. Cơn địa chấn này của thị trường ô tô còn chưa lắng xuống thì nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lại đứng trước nguy cơ phải thông báo thu hồi 218.000 xe Tundra. Theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), các xe Toyota Tundra sản xuất trong hai năm 2000 và 2001 có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ăn mòn khung xe. Tiếp đó, Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã yêu cầu Toyota tiến hành thu hồi 13.000 xe tại nước này do nguy cơ thảm sàn chẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc ngoài kiểm soát. Những đợt thu hồi xe như này cho thấy sự cần thiết và tác động to lớn của vấn đề trách nhiệm sản phẩm.

Là một chế định pháp luật tương đối mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về chế định này là rất cần thiết. Chính vì vậy, đề tài khoa học “Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp – công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng”[2] rất có giá trị đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta.

2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Từ trước đến nay, ở nhiều quốc gia, sự tồn tại của chế định này có tầm quan trọng đến mức mà mỗi phán quyết của Toà án về các vụ kiện về bảo vệ người tiêu dùng luôn trực tiếp ảnh hưởng tới cách ứng xử của doanh nghiệp. Nhiều cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, không ít doanh nghiệp đã từ bỏ việc phát triển và tung ra thị trường những loại sản phẩm mới chỉ vì nỗi e ngại về khả năng gặp rắc rối với chế định về trách nhiệm sản phẩm[3]. Việc nhà sản xuất Toyta buộc phải thu hồi xe ô tô với số lượng lớn và qui mô toàn cầu đồng thời đối mặt với những khoản phát sinh lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, với những thiệt hại hàng trăm tỷ đô la cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề trách nhiệm sản phẩm trong thời đại hiện nay. Đã từng có những trường hợp vì phải bồi thường cho các nạn nhân trong các vụ kiện tập thể liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp mà doanh nghiệp bị kiện lâm vào tình trạng phá sản[4]. Chính vì thế, đã có thời kỳ thị trường bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm được hình thành. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do các phán quyết của toà án liên quan đến trách nhiệm sản phẩm hầu như luôn không thể mang lại những kết quả bất ngờ nên một số doanh nghiệp bảo hiểm ở Hoa Kỳ đã từ bỏ việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm này[5]. Điểm lại các bài nghiên cứu trên các tạp chí luật chuyên ngành xuất bản ở Anh, Mỹ, Canada hoặc Úc, chúng ta có thể thấy chủ đề trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp luôn được coi là một trong những chủ đề được quan tâm của các nhà nghiên cứu. Hầu như năm nào, các bài nghiên cứu về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp cũng được đăng tải. Trong số đó, nhiều bài nghiên cứu đề cập tới chế độ trách nhiệm sản phẩm ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản. Dưới đây là một số nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đề tài tiếp cận được:

- Bài viết “The future of products liability in America (Tương lai của pháp luật trách nhiệm sản phẩm ở Hoa Kỳ)” của ba luật sư của Hoa Kỳ là Gary Wilson, Vincent Moccio và Daniel O. Fallon đăng trên tạp chí William Mitchell Law Review (năm 2000) đã bàn về chế độ trách nhiệm sản phẩm ở Hoa Kỳ hiện tại, những tồn tại, bất cập và đề xuất một số hướng cải cách, đổi mới.

- Công trình “The Evolution of Products Liability Law (Quá trình phát triển của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm)”của Giáo sư Luật David G. Owen (Đại học South Carolina - Hoa Kỳ) đăng trên tạp chí “The Review of Litigation (Symposium 2007)” đã nghiên cứu khá tỉ mỉ quá trình phát sinh, phát triển của chế độ trách nhiệm sản phẩm ở Hoa Kỳ, nguồn gốc, những ý tưởng cơ bản của chế độ trách nhiệm ấy.

 - “Products Liability - Why the EU does not need the restatement (third) (Chế định trách nhiệm sản phẩm - Vì sao Cộng đồng Châu Âu không cần theo [mô hình của Hoa Kỳ])” của Giáo sư Rebekah Rollo (Đại học Maryland - Đức) trong bài viết đăng trên tạp chí “Brooklyn Law Review, Spring, 2004” đã nghiên cứu chế độ trách nhiệm sản phẩm theo quy định của Cộng đồng Châu Âu (EU) và tác động của những thay đổi trong chính sách trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ tới chính sách tương tự của Cộng đồng Châu Âu.

- Bài viết “The Japanese Product Liability Law (Pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản)” của Jason F. Cohen (Nghiên cứu sinh Đại học Fordham – Hoa Kỳ) đăng trên tạp chí “Fordham International Law Journal, November 1997” đã làm rõ cơ sở chính sách và những đặc điểm cơ bản của chế độ trách nhiệm sản phẩm ở Nhật Bản.

- “Products Liability in the United Kingdom (Chế định trách nhiệm sản phẩm ở Vương quốc Anh)” Giáo sư Jane Stapleton (Đại học quốc gia Australia), đăng trên tạp chí “Texas International Law Journal, Winter 1999” đã đề cập khá chi tiết về nguồn gốc, chức năng và các đặc điểm cơ bản trong chế định trách nhiệm sản phẩm ở Anh Quốc. Trong năm 2000, cũng chính giáo sư Jane Stapleton đã đăng tải bài viết “Products Liability, an Anglo-Australian Perspective (Chế định trách nhiệm sản phẩm – từ cách nhìn của Úc châu)” trên tạp chíWashburn Law Journal, Spring, 2000” trong đó ông làm rõ quan niệm của Úc về chế độ trách nhiệm sản phẩm.

- Chuyên khảo “Product liability” của giáo sư D.Cray, trường đại học Carleton, Otawa, Canada, đã xem xét vấn trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật của các quốc gia dưới cách nhìn luật học so sánh.

Có thể thấy rằng, quan điểm chung của các nhà nghiên cứu thể hiện trong các bài viết vừa nêu đều cho rằng, trách nhiệm sản phẩm là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, thời điểm bắt đầu áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm nên nhiều nội dung của chế định này trong từng nước có những sự khác nhau nhất định, nhất là về phạm vi của chế định trách nhiệm sản phẩm, cơ chế đảm bảo thực thi chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là trong những năm gần đây, với hướng tiếp cận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều học giả đã xem xét vấn đề trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp cũng như các yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng từ góc độ đạo đức kinh doanh. Nhiều học giả cho rằng, tuân thủ đúng yêu cầu trong chế độ trách nhiệm sản phẩm cũng như các quy định khác bảo vệ người tiêu dùng là góp phần xây dựng một nền kinh tế có luân lý, nền kinh tế dựa trên trật tự pháp luật và trật tự đạo đức, nền kinh tế của sự hài hoà và phát triển bền vững[6]. Có thể nói, các kết quả nghiên cứu về chế độ trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là thực tiễn xây dựng và áp dụng các quy định về chế độ trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp ở các nước, nhất là các quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Úc rất hữu ích cho việc triển khai đề tài nghiên cứu “Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp – công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng”.

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Có thể nói rằng, việc nghiên cứu trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp với tư cách là một trong những công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam chưa phải là chủ đề được giới nghiên cứu Việt Nam quan tâm. Cho đến nay, trên thị trường chưa có đầu sách nào về vấn đề này. Bên cạnh đó, khi tra cứu một số tạp chí nghiên cứu chuyên ngành luật như Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tạp chí Nhà nước và Pháp luật, tạp chí Dân chủ và Pháp luật (từ năm 1990 trở lại đây),... cũng hiếm có bài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Trên các tạp chí luật của các nước trên thế giới, chủ đề về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam cũng chưa được nghiên cứu và đăng tải.

Trong khuôn khổ Đề tài khoa học về tác hại của chất độc da cam, một số nghiên cứu về trách nhiệm sản phẩm cũng đã được tiến hành nhằm góp phần xác định trách nhiệm pháp lý của các công ty Mỹ đối với những hậu quả do chất độc màu da cam để lại cho các nạn nhân đang khởi kiện chống lại các công ty này. Một trong những nghiên cứu đó do GS.TS. Lê Hồng Hạnh thực hiện.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, việc nhận diện, làm rõ bản chất của chế độ trách nhiệm sản phẩm trong thực tiễn xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam, nhất là pháp luật kinh doanh và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng để từ đó đề ra các giải pháp hoàn thiện vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Ngay bản thân khái niệm “trách nhiệm sản phẩm” (product liability) vẫn còn xa lạ đối với đại đa số người tiêu dùng và thậm chí giới luật gia. Cho đến nay, “trách nhiệm sản phẩm” chưa được coi là thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Việc phân biệt hoặc giải quyết mối quan hệ giữa khái niệm “trách nhiệm sản phẩm” với nhiều khái niệm có liên quan khác như “trách nhiệm pháp lý”, “trách nhiệm dân sự”, “trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, “trách nhiệm của doanh nghiệp”,… cũng chưa được đầu tư, luận giải thoả đáng.

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu năm 2007, Viện Khoa học Pháp lý đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật của Canada tại Việt Nam (dự án Lerap) tổ chức Hội thảo “Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng: thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” (tổ chức tại Khách sạn Melia trong 3 ngày từ ngày 14-16/8/2007) với sự tham gia của gần 70 đại biểu là đại diện các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại, Cục quản lý thị trường - Bộ Thương mại, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế…), đại diện Bộ Tư pháp, Toà Dân sự - TAND Tối cao, Toà Dân sự - TAND thành phố Hà Nội, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia pháp lý, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, đại diện của một số doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí, một số chuyên gia của Canada. Với hơn 10 bài tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu rõ  những khoảng trống pháp lý trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, trong đó có khoảng trống về chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp[7]. Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo đã đề xuất việc hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam (chẳng hạn tham luận “Vấn đề trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam” của Thạc sỹ Nguyễn Văn Cương (đã đăng tải trên Thông tin khoa học pháp lý số 4+5/2007 của Viện Khoa học Pháp lý)). Tuy nhiên, đó mới chỉ là các nghiên cứu bước đầu về chế định trách nhiệm sản phẩm với tư cách một công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng.

Một điều rất đáng nói là trong khi vấn đề trách nhiệm sản phẩm là một trong các chủ đề được nhiều cơ sở đào tạo luật ở nước ngoài đưa vào chương trình giảng dạy (thường nằm trong các phần về luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), thì các chương trình đào tạo luật ở Việt Nam hầu như không đề cập. Các giáo trình về luật dân sự hoặc luật thương mại của khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật ĐH Kinh tế quốc dân và trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh đều nằm trong tình trạng chung đó… Xuất phát từ những thực tế như thế có thể nói rằng, việc nghiên cứu sâu hơn về bản chất, đặc điểm của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp, luận giải mô hình chế định trách nhiệm sản phẩm phù hợp với trình độ, đặc điểm kinh tế-xã hội-pháp lý của Việt Nam, đánh giá các tác động kinh tế-xã hội có thể xảy ra khi áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp từ đó có các đề xuất hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Ngay cả Ban soạn thảo Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng hiện nay cũng chưa có được cách tiếp cận đầy đủ đối với chế định trách nhiệm sản phẩm.

3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là nghiên cứu và đề xuất các giải pháp pháp lý nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chế độ trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, kịp thời xử lý những nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ kém chất lượng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Đề tài được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

- Làm rõ các vấn đề lý luận về chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp với tư cách là một công cụ bảo vệ người tiêu dùng trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay;

- Đánh giá đúng thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam hiện nay trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của nhà sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ; nghiên cứu so sánh pháp luật và thực tiễn thi hành của một số nước về trách nhiệm sản phẩm;

- Đề xuất và luận giải các giải pháp xây dựng và hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm với tư cách là một công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta hiện nay trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Do khuôn khổ thời gian và nguồn lực có hạn, trên cơ sở kế thừa một số kết quả của Hội thảo “Cơ chế pháp lý bảo vệ Người tiêu dùng: Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Viện Khoa học Pháp lý và Dự án Lerap phối hợp tổ chức tháng 8/2007, đề tài tập trung làm rõ các nội dung nghiên cứu cơ bản sau:

(i) Nghiên cứu khái niệm, bản chất, chức năng của chế định trách nhiệm sản phẩm với những tiếp cận khác nhau:

  + Nhận diện và phân tích nội hàm khái niệm “trách nhiệm sản phẩm”;

  + Làm rõ bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp (mục đích, chức năng, phạm vi tác động của chế định này đối với các loại chủ thể có liên quan như: doanh nghiệp, người tiêu dùng, hệ thống tòa án,…);

  + Làm rõ mối quan hệ giữa khái niệm “trách nhiệm sản phẩm” và một số khái niệm có liên quan được dùng trong khoa học pháp lý như “trách nhiệm pháp lý”, “trách nhiệm dân sự”, “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, “trách nhiệm của doanh nghiệp”,…

  + Làm rõ vị trí của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp trong hệ thống các công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng.

(ii) Lịch sử hình thành và phát triển của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp trên thế giới;

(iii) Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của một số nước trên thế giới (tập trung vào nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Canada, Cộng đồng Châu Âu, các nước Châu Á);

(iv) Đánh giá thực trạng pháp luật về chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay và các thiết chế thực thi;

(v) Kiến nghị hoàn thiện chế định về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới (đưa ra những kiến nghị cụ thể về ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các biện pháp áp dụng có tính khả thi).

Bên cạnh đó đề tài cũng xây dựng hệ các chuyên đề để phục vụ cho việc nghiên cứu, hình thành Báo cáo phúc trình.

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác-Lênin, đề tài sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung nghiên cứu. Đề tài sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh để giải quyết các vấn đề lý luận, phương pháp khảo sát, dự báo để đánh giá các vấn đề liên quan đến thực trạng thi hành pháp luật, thực trạng vi phạm pháp luật liên quan đến người tiêu dùng. Trong các chuyên đề nghiên cứu về kinh nghiệm của nước ngoài, phương pháp nghiên cứu chủ đạo sẽ là phương pháp nghiên cứu so sánh luật.

Ngoài ra, các phương pháp trừu tượng hóa, mô tả, thống kê cũng được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài này.

Đề tài cũng tổ chức các hình thức lấy ý kiến (thông qua tọa đàm, phỏng vấn sâu) với các chuyên gia về vấn đề hoàn thiện pháp luật quy định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp.

Đề tài cũng tổ chức các cuộc điều tra xã hội học ở quy mô nhỏ như đã đề cập ở phần trên.

6. CÁC DẠNG HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ TÀI TRIỂN KHAI

Để triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu, Ban chủ nhiệm Đề tài đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế và các chuyên gia ở cơ sở nghiên cứu, đào tạo tiến hành các hoạt động nghiên cứu mà Đề tài đặt ra. Các chuyên gia tham gia nghiên cứu Đề tài đã tiến hành thu thập thông tin từ báo, tạp chí, trang tin điện tử trên Internet để làm tài liệu tham khảo cho quá trình nghiên cứu.

Ban chủ nhiệm Đề tài cũng đã phối hợp với Ban soạn thảo Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tổ chức các hoạt động khảo sát tại các địa bàn Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Kiên Giang và trực tiếp làm việc với Cục quản lý thị trường, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục quản lý dược và các Sở Y tế, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát; làm việc với Câu lạc bộ Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Báo Sài Gòn Giải Phóng để thu thập thông tin thực tiễn liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm. Để có thêm thông tin mang tính thực tiễn, Ban chủ nhiệm Đề tài cũng đã triển khai một cuộc điều tra xã hội học quy mô nhỏ với 250 đối tượng người tiêu dùng với nghề nghiệp, trình độ văn hoá khác nhau về những vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu.

Trong quá trình nghiên cứu, Ban chủ nhiệm Đề tài cũng đã làm việc với một số công ty bảo hiểm có cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm như Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty bảo hiểm AIG Việt Nam để tìm hiểu về việc tình hình thực thi trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp trên thực tế. Các thành viên trong Ban chủ nhiệm Đề tài cũng đã cộng tác chặt chẽ với Tổ thường trực Ban soạn thảo Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng và tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo trong quá trình soạn thảo.

7. KẾT CẤU CỦA BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

Trên cơ sở các chuyên đề nghiên cứu, các thông tin thu thập được từ quá trình triển khai đề tài, kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng Báo cáo phúc trình của Đề tài với kết cấu gồm 4 chương giải quyết các vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành và các đề xuất kiến nghị cụ thể như sau:

- Chương I: “Tổng quan về trách nhiệm sản phẩm”. Trong chương này, các vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm sản phẩm như khái niệm, bản chất, vai trò, vị trí của trách nhiệm sản phẩm, lịch sử hình thành chế định trách nhiệm sản phẩm,… được quan tâm giải quyết. Những nội dung lý luận của chương I trở thành tiền đề để nghiên cứu, đánh giá và tiến hành các nhiệm vụ của các chương tiếp theo.

- Chương II: “Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của một số nước trên thế giới”. Nội dung của chương này tập trung làm rõ những nỗ lực quốc tế trong việc xây dựng, hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm của một số quốc gia, khu vực trên thế giới bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Asean. Chương II cũng đưa ra một số nhận xét, đánh giá kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật trách nhiệm sản phẩm để làm tiền đề cho việc tham khảo, học tập kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chế định này tại Việt Nam.

- Chương III: “Thực trạng pháp luật chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam và tình hình thực thi trách nhiệm sản phẩm của các doanh nghiệp”. Nội dung của chương này tập trung đánh giá thực trạng pháp luật hiện hành của Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm và thực tiễn thực thi trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, nêu rõ các thành tựu cũng như những bất cập và rút ra các nguyên nhân của những tồn tại đó.

- Chương IV: “Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ Người tiêu dùng ở Việt Nam”. Nội dung của chương này tập trung làm rõ bối cảnh hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở nước ta trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời đưa ra các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật trách nhiệm sản phẩm và các giải pháp thực thi những đề xuất này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG I

TỔNG QUAN VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

        

I. CÁC VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

1.1. Khái niệm, bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp

1.1.1. Khái niệm trách nhiệm sản phẩm

Trách nhiệm sản phẩm (product liability) được giải thích là trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán hàng trong việc bồi thường cho các thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của hàng hoá mà họ đã cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh.[8]

Với cách hiểu này, trách nhiệm sản phẩm có những đặc điểm sau:

- Trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tức là một loại trách nhiệm dân sự theo đó người gây thiệt hại có trách nhiệm phải bù đắp theo những hình thức và mức độ phù hợp những thiệt hại đã gây ra cho người khác dựa trên căn cứ pháp luật hoặc dựa trên những thoả thuận theo hợp đồng.

- Chủ thể của trách nhiệm sản phẩm là người sản xuất hoặc người bán hàng, tức là phải là một chủ thể nhất định tham gia vào quy trình đưa một sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Chủ thể đó có thể có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng hoặc không có mối liên hệ trực tiếp. Điều kiện cần để xác định một chủ thể có thuộc diện phải chịu trách nhiệm chỉ phụ thuộc vào việc người đó trực tiếp có mối liên hệ đối với sản phẩm mà người tiêu dùng đã sử dụng hay không. Mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm có thể là một trong các hình thức sau: (i) là người sản xuất ra sản phẩm: người sản xuất ra sản phẩm bao gồm cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là người sản xuất ra một phần, một bộ phận trong sản phẩm hoàn chỉnh đó; (ii) là người thực hiện vai trò phân phối trung gian đối với sản phẩm hoặc (iii) là người cung cấp sản phẩm đến tay của người tiêu dùng. Như vậy, về mặt nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp nào, đối với một sản phẩm xuất hiện trên thị trường luôn tồn tại chủ thể chịu trách nhiệm đối với sản phẩm này.

- Cơ sở để xác định trách nhiệm phát sinh trên thực tế là việc sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng: khuyết tật của sản phẩm có thể bắt nguồn từ thiết kế, từ chất liệu được sử dụng, từ kết hợp giữa các bộ phận, thành phần hay cách thức sử dụng, vận hành… mà có khả năng gây ra thiệt hại cho người sử dụng nó trong điều kiện thông thường. Có thể nói một cách khác là một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn. Tất nhiên, yêu cầu về tính an toàn đối với sản phẩm không phải là không có giới hạn và thường được xác định ở mức độ mà công chúng có thể trông đợi một cách hợp lý: có nghĩa là không có khả năng gây ra thiệt hại khi được tiêu dùng bởi một người tiêu dùng có nhận thức thông thường, trong điều kiện thông thường. Đối với một số sản phẩm nhất định, khả năng gây thiệt hại trong điều kiện thông thường có thể không bị coi là khuyết tật của sản phẩm nếu nhà sản xuất hay cung ứng đã có cảnh báo về khả năng gây nguy hiểm cũng như đưa ra phương pháp mà người tiêu dùng có thể phòng tránh mà không ảnh hưởng đến sự tiêu dùng bình thường cũng như là tính năng của sản phẩm. Ngoài ra, tính an toàn cũng được giới hạn ở phạm vi mà điều kiện phát triển khoa học, kỹ thuật… tại mỗi giai đoạn cho phép nhận biết. Nếu khả năng nhận biết về tính không an toàn vượt quá mức độ mà sự phát triển khoa học, kỹ thuật tại thời điểm đó cho phép nhận biết thì sự không an toàn vượt quá khả năng nhận biết đó không bị coi là khuyết tật.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ chế định bồi thường thiệt hại nào, sự tồn tại thực tế của khuyết tật có thể sẽ không phát sinh trách nhiệm nếu như không có thiệt hại thực tế xảy ra. Chỉ khi có một thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại đó thực sự là do khuyết tật của sản phẩm gây ra thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạm vi trách nhiệm cũng sẽ nằm trong phạm vi, mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm đó. Như vậy, cơ sở xác định trách nhiệm phải bao gồm sự tồn tại của khuyết tật của sản phẩm, có thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra với khuyết tật của sản phẩm.

- Trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà căn cứ phát sinh là trách nhiệm pháp lý của người sản xuất, người cung ứng sản phẩm hàng hoá đối với an toàn về sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Việc xác định trách nhiệm đối với sản phẩm không nhất thiết chỉ dựa vào quan hệ hợp đồng giữa người bị thiệt hại và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm. Như đã phân tích, mối liên hệ giữa người phải chịu trách nhiệm và người được xác định thông qua một sản phẩm mà người phải chịu trách nhiệm là người sản xuất hoặc cung ứng và người được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng nó, giữa họ có thể có quan hệ hợp đồng, giao dịch trực tiếp hoặc không có quan hệ hợp đồng[9].

1.1.2. Bản chất và các học thuyết cơ bản của chế định trách nhiệm sản phẩm

Về bản chất, trách nhiệm sản phẩm chính là sự ràng buộc về mặt pháp luật trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối cũng như người bán lẻ đối với công chúng khi cung ứng sản phẩm trên thị trường. Trách nhiệm đó thể hiện ở việc khi một sản phẩm được nhà cung cấp đưa ra thị trường, sản phẩm đó đương nhiên phải được coi là an toàn, không phụ thuộc vào việc người sản xuất hay cung ứng có công bố là sản phẩm đó có an toàn hay không. Với sự ràng buộc trách nhiệm này, để tránh hoặc giảm thiểu những hậu quả pháp lý mà sản phẩm khuyết tật gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải nỗ lực để loại trừ khuyết tật của sản phẩm, từ đó đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp sự an toàn không được đảm bảo và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại thì họ sẽ được bồi thường, do vậy lợi ích của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo ở mức độ cao nhất. Với hệ thống quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng đương nhiên được bảo vệ và không đòi hỏi phải có bất kỳ khả năng đàm phán, thuyết phục nào và không một nhà sản xuất hay cung ứng nào có thể sử dụng ưu thế của mình trong quan hệ với người tiêu dùng để loại trừ trách nhiệm này.

Để xác định liệu nhà sản xuất hay người bán có phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng về các thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra hay không, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm dựa trên ba chuẩn pháp lý cơ bản là học thuyết về sự bất cẩn (negligence), học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (warranty) và học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability).

Học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm đưa ra những căn cứ để người tiêu dùng khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp người sản xuất, cung ứng vi phạm nghĩa vụ bảo đảm. Theo học thuyết về sự bảo đảm, người sản xuất, cung ứng khi đưa sản phẩm ra thị trường thì cũng có nghĩa là đưa ra những bảo đảm nhất định về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng. Khi sản phẩm đó có khuyết tật và gây thiệt hại cho người tiêu dùng tức là người sản xuất, cung ứng đã vi phạm nghĩa vụ bảo đảm và vì vậy họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Các hình thức bảo đảm bao gồm bảo đảm công khai (express warranty); bảo đảm ngầm định, bao gồm bảo đảm ngầm định về tính thương mại (implied warranty of merchantability) và đảm bảo ngầm định về tính phù hợp về công dụng của sản phẩm (implied warranty of fitness).

(i) Bảo đảm công khai được xác định bởi tuyên bố hay giới thiệu của người bán hay người cung cấp sản phẩm rằng sản phẩm A hoặc X của họ có những công dụng nhất định. Ví dụ, nhà sản xuất dược phẩm Y ghi trên toa thuốc rằng dược phẩm này chữa được bệnh hen. Với đảm bảo này, nhà sản xuất cam kết rằng dược phẩm có công dụng chữa hen. Bảo đảm công khai cũng có thể thể hiện bằng lời nói đưa ra trong quá trình thương lượng hoặc được đưa vào các bản hợp đồng mua bán, vào mẫu thử, trong lần mua trước đối với cùng một loại sản phẩm, hoặc khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc những thứ đi kèm theo sản phẩm.

(ii) Bảo đảm ngầm định xuất hiện khi nhà sản xuất hay cung ứng không đưa ra sự thay đổi hoặc sự khước từ nào đối với tính thương mại của sản phẩm. Trong trường hợp đó, sản phẩm được coi là mang tính thương mại và phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm cùng loại, bao gồm cả những yêu cầu về mức độ an toàn hợp lý.

(iii) Bảo đảm về công dụng (sự phù hợp với một mục đích cụ thể) xuất hiện khi người bán biết hoặc có lý do để biết về mục đích cụ thể mà người mua sản phẩm mong đạt được. Khi đó, người bán được coi là bảo đảm rằng sản phẩm sẽ là phù hợp cho mục đích mà vì thế người mua đã mua nó. Ví dụ, trong trường hợp khách hàng nói với người bán máy vi tính rằng anh ta cần một chiếc máy vi tính tốc độ cao để quản lý kho dữ liệu và các hoạt động thu chi trong hoạt động kinh doanh của mình và người bán đã khuyên người mua mua một chiếc máy tính cụ thể để xử lý các yêu cầu này. Điều này có nghĩa là người bán đang đưa ra một bảo đảm ngầm định. Nếu người mua chiếc máy đó phát hiện thấy máy đã mua không đáp ứng được yêu cầu quản lý kho dữ liệu và các khoản thu chi của mình thì có thể kiện.

Bảo đảm ngầm định được thiết lập theo quy định của pháp luật, và đi kèm với việc chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa, trừ trường hợp bảo đảm ngầm định bị hạn chế hoặc loại trừ một cách rõ ràng bởi hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại gây ra là thương tích về thân thể, Luật mẫu về thương mại của Hoa Kỳ không cho phép bất kỳ sự hạn chế hay loại trừ trách nhiệm nào trong hợp đồng. Những hạn chế và loại trừ như vậy đều đương nhiên vô hiệu (Điều 2-719 (3)).

Trong thực tiễn toà án Mỹ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng ít sử dụng nghĩa vụ đảm bảo để làm cơ sở khởi kiện. Lý do là để áp đặt trách nhiệm trên cơ sở nghĩa vụ đảm bảo, cần phải chứng minh bản chất mối quan hệ giữa người bán, người cung ứng và người mua. Việc chứng minh mối liên hệ này không đơn giản. Hơn nữa, mức bồi thường được chấp nhận trong các vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng thường thấp hơn mức bồi thường có được nếu khởi kiện trách nhiệm sản phẩm dựa trên những cơ sở khác.

Sự bất cẩn là học thuyết gắn với việc xem xét hành vi của con người. Bất cẩn được hiểu một cách đơn giản là hành động sai được đánh giá dựa trên quan niệm chung về sự hợp lý hay không hợp lý. Nếu một hành vi được coi là không hợp lý thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mình đã gây ra. Nếu hành vi của một người là hợp lý thì người đó sẽ không phải chịu trách nhiệm, kể cả khi hành vi đó dẫn đến thiệt hại. Một hành vi được coi là hợp lý khi người có hành vi đó đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết tương xứng với mức độ hậu quả được đo lường từ trước. Trong trường hợp biện pháp phòng ngừa thấp hơn mức độ hậu quả có thể xảy ra thì hành vi đó sẽ bị coi là bất cẩn.

Trong việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, bất cẩn được coi là một cơ sở quan trọng. Sự bất cẩn (tắc trách) là việc nhà sản xuất không quan tâm ở mức độ cần thiết, tức là mức độ mà một nhà sản xuất hay cung ứng bình thường cần có khi sản xuất hay cung ứng sản phẩm của mình ở trong điều kiện và hoàn cảnh tại thời điểm sản xuất. Để xác định việc nhà sản xuất, cung ứng có bất cẩn hay không, cần phải chứng minh được sự hiểu biết của bên gây thiệt hại về khả năng xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự thiếu hiểu biết nào cũng tạo ra được cơ sở để miễn trách nhiệm. Công thức: biết và cần phải biết luôn được áp dụng ở đây. Ví dụ, nếu nhà sản xuất sữa sử dụng nguyên liệu từ những vùng bị dịch thì phải biết rằng sản phẩm của mình có thể tác động xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Điểm quan trọng khác khi xác định trách nhiệm do bất cẩn là sự tồn tại của nghĩa vụ quan tâm của người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh được là giữa hai bên có một liên hệ về nghĩa vụ quan tâm. Hai người không có mối liên hệ nào với nhau thì không thể phát sinh nghĩa vụ. Mối liên hệ nghĩa vụ này phát sinh căn cứ vào các tình huống cụ thể.

Điểm quan trọng khác khi xác định trách nhiệm sản phẩm đó chính là việc người có sản phẩm vi phạm nghĩa vụ quan tâm đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng sản phẩm. Người bị thiệt hại phải chứng minh được là người bán sản phẩm đã vi phạm nghĩa vụ của mình và chính sự vi phạm này đã làm phát sinh thiệt hại. Trong chừng mực nhất định có thể áp dụng tương tự mối quan hệ nhân quả được sử dụng rộng rãi trong các nước theo truyền thống luật dân sự khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tóm lại, để có cơ sở cho việc khởi kiện dựa trên sự bất cẩn từ phía người sản xuất, người bị hại phải chứng minh được: (1) Nghĩa vụ của người sản xuất; (2) Sự vi phạm nghĩa vụ đó; (3) Thiệt hại; (4) Mối liên hệ giữa vi phạm đó với thiệt hại. Học thuyết về sự bất cẩn là căn cứ để người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất khi nhà sản xuất có lỗi.

Học thuyết về sự bất cẩn đặt gánh nặng chứng minh lên người tiêu dùng. Nếu một sản phẩm có lỗi thiết kế và gây ra thương tích cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chứng minh rằng hành vi của nhà sản xuất khi thiết kế ra sản phẩm là không hợp lý. Đương nhiên, thông tin về việc nhà sản xuất thiết kế sản phẩm như thế nào lại nằm trong tay của nhà sản xuất, vì vậy rất khó cho người tiêu dùng để có thể có các thông tin này. Chính sự bất cập trong thực hiện trách nhiệm chứng minh đã đưa đến việc hình thành học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt - một học thuyết đang có xu hướng chiếm ưu thế trong việc vận dụng chế định trách nhiệm sản phẩm ở các quốc gia.

Học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt không quan tâm đến hành vi của các bên mà chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm gây ra thiệt hại. Người tiêu dùng không còn bị buộc phải chứng minh hành vi của nhà sản xuất khi thiết kế sản phẩm là không hợp lý mà chỉ cần chỉ ra rằng bản thân sản phẩm là có khuyết tật. Để yêu cầu trách nhiệm nghiêm ngặt, người tiêu dùng phải chứng minh ba yếu tố cơ bản: (i) nguyên nhân, (ii) thiệt hại và (iii) khuyết tật. Nguyên nhân và thiệt hại được chứng minh giống như trường hợp áp dụng học thuyết về sự bất cẩn và vì vậy, sự khác biệt sẽ thể hiện ở chứng minh về khuyết tật. Để xác định khuyết tật, có bảy yếu tố có thể được phân tích: 1) tính hữu ích của sản phẩm, 2) sự tồn tại của các sản phẩm đáp ứng cùng một nhu cầu nhưng an toàn hơn, 3) khả năng xảy ra thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, 4) mức độ rõ ràng của mối nguy hiểm, 5) khả năng nhìn thấy nguy hiểm của công chúng, 6) khả năng người sử dụng tránh được nguy hiểm bằng sự cẩn trọng, có tính đến cả tác dụng của các hướng dẫn và cảnh báo, 7) khả năng loại trừ các mối nguy hiểm của sản phẩm bởi người sản xuất hoặc người bán mà không làm cho sản phẩm mất đi tác dụng hoặc làm tăng giá thành của sản phẩm một cách quá mức. Đối với các sản phẩm có thiết kế lý tưởng thì các khuyết tật được loại trừ. Trong trường hợp khuyết tật không được loại trừ, người ta có thể đưa ra các biện pháp để khắc phục trong chính sản phẩm. Còn trong trường hợp không thể khắc phục thì biện pháp cuối cùng cần được thực hiện là cảnh báo cho người sử dụng về nguy cơ của rủi ro mà sản phẩm có thể mang lại. Khi không có biện pháp nào trong số các biện pháp nêu trên được áp dụng thì sản phẩm sẽ được coi là có khuyết tật và người sản xuất hay bán hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại và khuyết tật đó gây ra cho người tiêu dùng. Phân tích việc thu hồi hàng triệu ô tô của Toyota trong mấy tháng đầu năm 2010 có thể cho chúng ta thấy rõ bản chất của trách nhiệm sản phẩm. Toyota đã sản xuất ô tô và tiêu thụ với số lượng lớn, dưới nhiều chủng loại trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm thu hồi, các sự cố xảy ra với xe ô tô của hãng này so với số lượng ô tô là chưa nhiều. Thực tế, là Toyota cũng chưa đối mặt với những vụ kiện lớn về thiệt hại do việc sử dụng ô tô của hãng gây ra đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, Toyota buộc phải tuyên bố thu hồi xe vì có những chi tiết kỹ thuật đã không đáp ứng được yêu cầu an toàn. Ví dụ, như thảm sàn ép chân ga khiến ô tô chạy với tốc độ ngoài sự kiểm soát; lỗi dính chân ga hoặc khung xe có hiện tượng bị ăn mòn. Mỗi dòng xe bị vấp một trong những lỗi kỹ thuật như vậy và đây là điều mà nhà thiết kế, sản xuất ô tô phải nhận thấy. Bỏ qua những sự kiện này chính là sự bất cẩn. Toyota sẽ đối mặt với những thiệt hại lớn hơn nếu không thu hồi xe và khắc phục các lỗi kỹ thuật như vậy.

Việc lựa chọn học thuyết về sự bất cẩn hay học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt cũng là yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật về trách nhiệm sản phẩm trên thế giới.

1.1.3. Các cơ sở và vai trò của chế định trách nhiệm sản phẩm

Việc phát triển chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm phát sinh trên nhiều cơ sở khác nhau bao gồm không chỉ cơ sở kinh tế, chính trị, pháp lý mà cả đạo đức xã hội.

- Về mặt kinh tế: Sự phân công lao động xã hội trong một nền kinh tế phát triển là cơ sở quan trọng của chế định trách nhiệm sản phẩm. Trong một xã hội với lao động được chuyên môn hoá, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại độc lập và tự mình cung cấp các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của bản thân. Các doanh nghiệp luôn phải sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khác và đồng thời lại cung ứng cho các doanh nghiệp này sản phẩm của chính mình. Tính phụ thuộc lẫn nhau này đặc biệt phát triển trong nền kinh tế thị trường, với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh phân phối sản phẩm. Mặt khác, sản phẩm của một nhà sản xuất có thể được tiêu dùng bởi bất kỳ một người tiêu dùng nào trên phạm vi toàn cầu. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong khi không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào đòi hỏi pháp luật phải có cơ chế nhất định ràng buộc trách nhiệm giữa những người mà mối liên hệ duy nhất giữa họ là sản phẩm đang được tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người sản xuất, cung ứng là người chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Vì ở thế chủ động và với các thế mạnh về kỹ thuật, phương tiện, cán bộ chuyên môn, khả năng tài chính, các doanh nghiêp ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với người tiêu dùng trong việc đánh giá khả năng gây hại của sản phẩm. Do vậy, yêu cầu nhận biết khả năng có thể gây thiệt hại này và đưa ra các biện pháp chuyên môn nhằm ngăn ngừa khả năng này đối với nhà sản xuất, cung ứng là phù hợp. Hơn nữa, người sản xuất, cung ứng là người được thu lợi từ việc đưa sản phẩm ra thị trường. Do do vậy, họ có thể và có trách nhiệm phải bù đắp các thiệt hại mà sản phẩm của họ gây ra cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất, cung ứng cũng ở vị trí chủ động trong việc giảm thiểu các rủi ro về kinh tế do các thiệt hại mà sản phẩm gây ra bằng việc chia sẻ rủi ro với những người tiêu dùng: họ có thể mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và chi phí bảo hiểm được đưa vào giá thành. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra, nhà bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm thay cho nhà sản xuất.

Cũng ở góc độ kinh tế, khi cung cấp các sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ ra chi phí để xử lý các trường hợp thiệt hại phát sinh, đồng thời củng cố lòng tin và sự tín nhiệm của người tiêu dùng và đó là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

- Về mặt đạo đức: có được lợi ích nhưng không làm tổn hại đến lợi ích của những người xung quanh là một nguyên tắc đạo đức tồn tại trong bất kỳ xã hội nào. Nguyên tắc này đặt ra những đòi hỏi biệt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp. Rõ ràng, doanh nghiệp đã thu lợi từ việc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ. Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, không thể có đủ thời gian cũng như khả năng chuyên môn, phương tiện… để kiểm tra về độ an toàn của sản phẩm. Họ gần như lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp ở khía cạnh này. Nhà cung cấp không thể lạm dụng sự lệ thuộc, sự yếu thế này để đưa ra những sản phẩm với chi phí rẻ, thu lợi cao do không phải đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu cũng như kiểm định về mức độ an toàn của sản phẩm. Do vậy, trong phạm vi mà họ có thể biết và cần phải biết, nhà cung cấp cần loại trừ các mối nguy hiểm tồn tại trong sản phẩm của mình gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Nói một cách khác, đảm bảo an toàn của các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng chính là yêu cầu đạo đức mà bất kỳ một nhà kinh doanh nào cũng phải tuân thủ.

- Về mặt xã hội: mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là một trong những quan hệ phổ biến nhất trong xã hội. Có thể nói rằng tất cả các thành viên trong xã hội, hàng ngày dù với mức độ khác nhau đều tham gia vào mối quan hệ này. Khi tham gia vào các mối quan hệ này, người tiêu dùng luôn tin rằng sản phẩm mà họ tiêu dùng là an toàn, trừ khi có những cảnh báo từ chính nhà sản xuất, cung ứng. Điều này có nghĩa là luôn tồn tại một sự uỷ nhiệm chung của xã hội đối với nhà cung cấp về việc đảm bảo tính an toàn khi cung cấp các sản phẩm ra cho xã hội. Thực hiện tốt sự uỷ nhiệm này cũng là trách nhiệm của các nhà cung cấp, và đó cũng là yêu cầu tất yếu để đảm bảo trật tự xã hội và sự ổn định của các mối quan hệ xã hội.

Khi yêu cầu nhà sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại mà sản phẩm của họ gây ra cho người tiêu dùng, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm sẽ thực hiện được các vai trò sau đây:

  • Bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục đích đầu tiên và là mục đích cao nhất của chế định trách nhiệm sản phẩm. Với chế định trách nhiệm này, quyền của người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Khi gắn trách nhiệm của nhà cung ứng với sản phẩm của họ, cho dù sản phẩm đó được cung cấp cho người tiêu dùng bằng bất kỳ phương thức nào, doanh nghiệp đương nhiên sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sản phẩm được đưa ra thị trường là sản phẩm an toàn[10]. Trong trường hợp người cung cấp sản phẩm không thực hiện đầy đủ trách nhiệm này, hay vì một lý do nào đó mà sản phẩm của họ không an toàn và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, họ sẽ có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng.
  • Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội: bất kỳ thành viên nào trong xã hội cũng đều là người tiêu dùng và vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng là đảm bảo an toàn cho các thành viên trong xã hội nói chung. Khi đặt ra yêu cầu về tính an toàn của sản phẩm, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đồng thời cũng đóng vai trò ngăn ngừa các sự cố về mất an toàn sản phẩm, ngăn ngừa các hậu quả xã hội do các sự cố này gây ra như mất niềm tin của người tiêu dùng, sự phản ứng của xã hội, các hoạt động khác trong xã hội bị đình trệ…
  • Bảo vệ nền kinh tế nói chung: cùng với việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm bảo vệ những nhà sản xuất chân chính và có lương tâm trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh với những nhà cung cấp không muốn bỏ chi phí để áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời khi ngăn ngừa các sự cố mất an toàn do sản phẩm gây ra, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đã đóng vai trò giảm thiểu các chi phí phải bỏ ra để khắc phục các sự cố. Trong một nền kinh tế có sự ràng buộc rất lớn giữa các doanh nghiệp và sự tồn tại, vận hành bình thường của một doanh nghiệp này là cơ sở cho sự tồn tại và vận hành bình thường của một doanh nghiệp khác thì việc ngăn ngừa các sự cố đối với mỗi doanh nghiệp cũng sẽ giúp bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế nói chung.

- Trách nhiệm sản phẩm có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hướng tới sự phát triển bền vững. Việc áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm buộc doanh nghiệp luôn luôn chú ý đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm và vì thế uy tín, thương hiệu và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh được phát triển ổn định, bền vững. Dưới tác động của trách nhiệm sản phẩm, các doanh nghiệp luôn luôn phải thể hiện sự quan tâm tối đa đối với độ an toàn của sản phẩm. Ví dụ việc thu hồi xe khuyết tật của Toyota là một ví dụ về ảnh hưởng của trách nhiệm sản phẩm đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đầu tháng tư năm 2010, Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) đã quyết định phạt Toyota số tiền 16,4 triệu USD do đã cố tình giấu những rắc rối ở chân ga mà hãng đã biết từ tháng 9/2009 và đấy chính là lỗi khiến Toyota phải thu hồi hơn 8,3 triệu xe trên toàn cầu. Theo luật pháp liên bang, các công ty sản xuất xe hơi có trách nhiệm phải báo cáo lên NHTSA bất kỳ sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn của sản phẩm trong thời gian 5 ngày kể từ khi phát hiện được sự cố đó. Tuy nhiên, Toyota đã không thực hiện nghĩa vụ này. Toyota phải đối mặt với khoản tiền phạt 16,4 triệu USD do NHTSA phán quyết đối với Toyota. Tuy nhiên, nếu không chịu giới hạn của pháp luật, thì với 6.000 USD tiền phạt cho mỗi xe vi phạm bị thu hồi thì tổng số tiền phạt mà Toyota phải gánh chịu có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Bên cạnh những thiệt hại vật chất này là sự tàn phá thương hiệu và các giá trị của Toyota được công ty này xây dựng hàng thập kỷ qua. Cũng tương tự là tác động của vụ thu hồi 4,1 triệu laptop Dell sử dụng pin khuyết tật của Sony năm 2006. Rắc rối trong vụ thu hồi laptop sử dụng pin của Sony sản xuất đã làm tổn hại đến danh tiếng của Sony tại Nhật Bản rất nhiều. Với một nước luôn tự hào về sự phát triển công nghệ như Nhật Bản, laptop cháy nổ và việc thu hồi sản phẩm lớn nhất trong lịch sử nước này luôn luôn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng về độ tin cậy của các thiết bị điện tử do Sony sản xuất.

1.1.4. Trách nhiệm xã hội và mối quan hệ giữa trách nhiệm sản phẩm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Theo như các phân tích ở phần trên, trách nhiệm sản phẩm là một dạng của trách nhiệm pháp lí (legal responsibility). Bên cạnh đó, đây còn là một trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại chứa đựng những nội dung tương tự với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, ví dụ như vấn đề bảo đảm và bảo hành của thương nhân, doanh nghiệp. Trách nhiệm sản phẩm là vấn đề rất mới ở Việt Nam hiện nay.

(i) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự cần thiết điều chỉnh trách nhiệm này ở Việt Nam hiện nay.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility)[11] không phải là vấn đề mới trên thế giới. Nó là việc doanh nghiệp cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và bảo vệ môi trường cộng đồng. Đổi lại, doanh nghiệp nhận được thiện cảm, sự quan tâm, tin tưởng của xã hội. Điều này làm cho tên tuổi của doanh nghiệp càng nổi tiếng hơn, qua đó doanh nghiệp có thể thu hút được những lao động giỏi, tâm huyết với nghề. Người lao động có trách nhiệm cao hơn với doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động hay môi trường xã hội mà còn giúp doanh nghiệp tự quảng bá, nâng cao thương hiệu và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình. Theo chuyên gia của Ngân hàng thế giới: "Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung dể cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ, sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp vừa ích lợi cho phát triển"[12]. Vấn đề cốt lõi của khái niệm này là mỗi doanh nghiệp tự quyết định một cách tự nguyện về thực hiện Trách nhiệm xã hội của mình và doanh nghiệp đó có được lợi ích trong kinh doanh thông qua các hoạt động đó. Theo Nigel Twose, lợi ích cơ bản của doanh nghiệp là:

- Đối với bên mua:

  + Bảo vệ thương hiệu không bị xã hội chỉ trích;

+ Nâng cao uy tín của sản phẩm một cách bền vững; mở rộng thị trường và ưu thế về giá cả;

+ Được tham gia các chương trình đầu tư vì Trách nhiệm xã hội ;

- Đối với bên bán:

+ Duy trì hoặc ký thêm hợp đồng;

+ Tăng năng suất và chất lượng sản phẩm;

+ Giảm số công nhân bỏ việc;

+ Tăng uy tín xã hội để dễ dàng hoạt động hơn.

Nếu như trách nhiệm pháp lí của doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như đăng kí kinh doanh, hoạt động, tổ chức quản lí, kinh doanh, tranh chấp, hậu quả pháp lí của hoạt động kinh doanh,… thì trách nhiệm xã hội đặt doanh nghiệp vào những yêu cầu quan trọng phải thực hiện như: trách nhiệm đối với người lao động, môi trường và cộng đồng. Có thể nhận thấy việc thực hiện trách nhiệm pháp lí của doanh nghiệp có nhiều tác động đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp.

Hiện nay, tại Việt Nam, trách nhiệm xã hội là điều còn mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp[13]. Có thể nhận thấy rằng trong kinh doanh, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu song bên cạnh lợi nhuận, cần xem xét tới lợi ích của cộng đồng và xã hội. Qua thực tiễn những năm qua cho thấy trách nhiệm xã hội của cộng đồng nói chung và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói riêng đã được quan tâm và đang được khơi dậy ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm xã hội, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ[14].

Đường lối đổi mới và mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước đã đưa lại những thành tựu đầy ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta, làm thay đổi căn bản của hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Toàn cầu hoá kinh tế là một xu hướng khách quan tạo nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, nhất là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trước hết là nguồn nhân lực, tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội và không ít thách thức. Cùng với việc ban hành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài và một loạt các văn bản pháp luật hỗ trợ quá trình hội nhập, Việt Nam đã cam kết thực hiện AFTA trong khối ASEAN, gia nhập diễn đàn APEC, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Nhật Bản, kí hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ và đặc biệt đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đã mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cùng với những "luật chơi" mới. Một trong những luật chơi mới đó là thực hiện "Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp" liên quan đến một số nội dung chủ yếu thuộc lĩnh vực lao động và môi trường, thông qua những "Bộ Quy tắc ứng xử" (Code of Conduct).

Vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua thực hiện tốt "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" kết hợp hài hoà giữa việc thực hiện các quy định của luật pháp lao động Việt Nam và yêu cầu của bạn hàng, giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích xã hội, giữa quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao đông, đáp ứng các yêu cầu chung của Bộ Quy tắc ứng xử (CoC) thì chắc chắn khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện, luật pháp lao động quốc gia được thực hiện tốt hơn và quyền lợi của các bên liên quan cũng được bảo đảm. Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của "xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam" trong thời đại mới.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các doanh nghiệp luôn phải quan tâm đến môi trường xã hội trong công việc sản xuất kinh doanh của mình. Ngày nay xu hướng trên toàn thế giới là người ta ngày càng chú ý nhiều hơn tới những nhân tố khuyến khích doanh nghiệp đối xử có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm trong cải thiện quan hệ xã hội, môi trường và đạo đức, văn hoá ở doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài (bên mua) thường quan tâm tới những yếu tố cơ bản như kinh tế vĩ mô, quản trị đất nước và uy tín của doanh nghiệp họ trên những thị trường với những tiêu chuẩn cao. Từ đó thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với động lực của thị trường trên cơ sở nâng cao tiêu chuẩn lao động có thể mang lại lợi ích kinh tế, sự cân bằng hài hoà giữa mục tiêu kinh tế và xã hội và như vậy sẽ nâng cao được thương hiệu của mình. Còn đối với các nhà cung cấp (bên bán) lợi ích trong thực hiện trách nhiệm xã hội là duy trì được các hợp đồng hoặc thu hút thêm được các hợp đồng mới.

Hiện nay, tác động của cuộc suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp đang giảm thiểu hoặc thậm chí rủ bỏ hoàn toàn trách nhiệm xã hội của mình. Ngay cả trong môi trường kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình vì những lý do cơ bản sau đây[15]:

 (1) Các vấn đề toàn cầu then chốt giữa các quốc gia đòi hỏi các công ty đa quốc gia và các CEO của họ phải tìm kiếm các giải pháp xã hội cho dù đó là giai đoạn nền kinh tế suy thoái hay thịnh vượng.

 (2) Hậu quả của cuộc suy thoái là tình trạng nghèo đói hơn và làm trầm trọng thêm các vấn đề mà chính phủ quốc gia và các tổ chức phi chính phủ không thể tự giải quyết.

 (3) Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin kinh doanh. Các doanh nghiệp, tổ chức đã cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm xã hội nên cố gắng giữ vững lời cam kết và tìm cách cắt giảm chi phí qua các điều chỉnh nội bộ khác.

(4) Người lao động bị thu hút và luôn mong muốn làm việc với các công ty có trách nhiệm xã hội và mong muốn được chứng kiến doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội trong suốt khoảng thời gian khó khăn.

(5) Số lượng người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty có hồ sơ được chứng minh đã làm việc rất tốt, giữ vững cam kết trách nhiệm xã hội đang ngày càng gia tăng không ngừng

(ii) Mối quan hệ giữa trách nhiệm sản phẩm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách nhiệm pháp lí đặc biệt và khi đặt trong mối tương quan với trách nhiệm xã hội thì lại càng đặc biệt hơn. Đối với doanh nghiệp, khi thực thi pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, có thể thấy những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội như sau:

- Không có doanh nghiệp nào mong muốn bị áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm trong các vụ việc liên quan. Lý do đơn giản là nếu rơi vào trường hợp này, sản phẩm của họ có khuyết tật thực sự thì sẽ bị áp dụng các chế tài theo quy định. Tất nhiên, khi đó doanh nghiệp đã thực hiện sai các cam kết ban đầu về sản phẩm của mình. Việc đưa ra các sản phẩm khuyết tật gây ra các thiệt hại, tổn thất cho người tiêu dùng trong một chừng mực nào đó đã làm mất đi sự ổn định trong cuộc sống, sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, khi đó, các doanh nghiệp đã tự chối bỏ “trách nhiệm xã hội”. Bên cạnh đó cũng phải loại trừ các trường hợp các doanh nghiệp bị kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nhưng được miễn trừ trách nhiệm (đáp ứng được một trong các trường hợp miễn trừ do pháp luật quy định) bởi trong trường hợp này, thực chất họ đã chứng minh được rằng sản phẩm của họ không có khuyết tật, thiệt hại không xuất phát từ khuyết tật của sản phẩm mà họ đưa ra, và vì vậy, họ đã không thực hiện sai những cam kết về sản phẩm ban đầu.

- Trách nhiệm xã hội đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động sản xuất sản phẩm phải chú ý đến vấn đề thực hiện đúng các cam kết liên quan đến an toàn, bảo đảm,… cho người sử dụng (người tiêu dùng). Khi các sản phẩm khuyết tật gây ra các tổn thất lớn trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến xã hội nói chung. Nếu mức độ vi phạm ở phạm vi và mức độ rộng lớn thì doanh nghiệp đó đã không thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội. Như vậy, có thể khẳng định rằng ở một góc độ nhất định, trách nhiệm xã hội sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của họ. Ngược lại, nếu như trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp được cải thiện, tuân thủ đúng pháp luật thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng đồng thời được khẳng định và phát triển.

1.2. Vị trí của chế định trách nhiệm sản phẩm trong hệ thống công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đã được hình thành với mục đích bảo vệ người tiêu dùng - bên được coi là yếu thế trong mối quan hệ với các nhà sản xuất, những người phân phối, cung ứng dịch vụ. Bên cạnh chế định trách nhiệm sản phẩm, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng thông qua các chế định đặc thù sau:

  • Chế định về quyền của người tiêu dùng: Các quy định về quyền của người tiêu dùng chính là nền tảng của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bởi các chế định pháp luật khác về bảo vệ người tiêu dùng sẽ hình thành trên cơ sở các chế định này với tư cách là những biện pháp pháp lý đảm bảo thực thi các quyền của người tiêu dùng. Hiện nay, 8 quyền của người tiêu dùng đã được ghi nhận trong Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng (năm 1985), theo đó người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản là (i) Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản; (ii) Quyền được an toàn; (iii) Quyền được thông tin; (iv) Quyền được lựa chọn; (v) Quyền được lắng nghe; (vi) Quyền được khiếu nại và bồi thường; (vii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng; (viii) Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững[16].
  • Chế định về hành vi thương mại không lành mạnh: chế định về hành vi thương mại không lành mạnh là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Chế định này xác định những dạng hành vi mà thông qua đó, người kinh doanh được coi là lạm dụng vị thế của mình để làm hạn chế khả năng định đoạt một cách hợp lý của người tiêu dùng, từ đó người kinh doanh có thể thu lợi từ thiệt hại của người tiêu dùng. Từ việc xác định các hành vi được coi là hành vi thương mại không lành mạnh, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đưa ra những cơ chế nhất định để ngăn ngừa hoặc giúp người tiêu dùng khôi phục quyền lợi khi bị thiệt hại bởi các hành vi thương mại không lành mạnh từ phía những nhà kinh doanh.
  • Chế định về hợp đồng tiêu dùng: chế định hợp đồng tiêu dùng không nằm ngoài các quy định chung của pháp luật về hợp đồng. Tuy nhiên, xuất phát từ mối quan hệ đặc thù giữa những người kinh doanh và người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng có thể ở những vị thế nhất định cản trở họ thực hiện các quyền tự do thoả thuận, tự do định đoạt, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đưa ra những quy định nhất định để trong trường hợp người tiêu dùng không có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền thoả thuận và định đoạt của mình thì các nội dung của hợp đồng tiêu dùng vẫn sẽ được giải thích theo hướng đảm bảo một cách hợp lý lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
  • Chế định bảo hành cũng là một chế định tương đối đặc trưng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Chế định này đòi hỏi người sản xuất, cung ứng sản phẩm là hàng hoá trong một thời gian nhất định kể từ khi cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng phải có trách nhiệm đổi hàng mới hoặc sửa chữa nếu hàng hoá được mua không vận hành đúng theo yêu cầu mà sản phẩm phải đáp ứng. Để đảm bảo người kinh doanh tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ này, các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng sẽ đưa ra những ràng buộc để hạn chế nhà kinh doanh đưa ra những biện pháp nhất định nhằm giảm thiểu hoặc lảng tránh trách nhiệm bảo hành đối với hàng hoá đã cung cấp cho người tiêu dùng.

Mỗi chế định trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đều thực hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng ở các mức độ khác nhau. Điểm chung của các chế định này là đều thực hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ trực tiếp với người cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa các chế định về bảo vệ người tiêu dùng nêu trên với chế định về trách nhiệm sản phẩm, theo đó người tiêu dùng được bảo vệ không phụ thuộc vào việc họ có quan hệ hợp đồng với người cung cấp sản phẩm đó hay không. Nếu một người tiêu dùng bị thiệt hại bởi một khuyết tật trong sản phẩm và có thể xác định được nhà cung cấp sản phẩm đó thì người tiêu dùng sẽ có khả năng đòi bồi thường cho thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Nói cách khác, chế định trách nhiệm sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng trong tất cả các trường hợp có tiêu dùng sản phẩm chỉ với điều kiện sản phẩm đó có nguồn gốc xác định.

Có thể thấy, trách nhiệm sản phẩm là một bước để hoàn chỉnh cơ chế bảo vệ đối với người tiêu dùng khi mở rộng diện bảo vệ người tiêu dùng không phụ thuộc vào việc có quan hệ hợp đồng hay không. Với chế định này, nhà kinh doanh khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng cho sản phẩm đó, cho dù giao dịch đã được hoàn tất. Chế định này không chỉ giúp khôi phục quyền lợi của người tiêu dùng khi bị thiệt hại do sử dụng sản phẩm mà còn có ý nghĩa răn đe đối với bất kỳ nhà kinh doanh nào. Để tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường, tránh bị thiệt hại về mặt kinh tế và uy tín, nhà kinh doanh sẽ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ ở mức cao nhất các khuyết tật trong sản phẩm. Bằng các phương thức này, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn. Điều này có thể được lý giải bởi những lý do sau:

Thứ nhất, chế định trách nhiệm sản phẩm bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong việc được cung cấp các sản phẩm an toàn như một quyền tuyệt đối, chỉ phụ thuộc vào một thực tế là người tiêu dùng có tiêu dùng sản phẩm hay không, không phụ thuộc vào việc có quan hệ hợp đồng hay không hay các thỏa thuận trong hợp đồng được thiết lập với nội dung như thế nào. Nhờ đó, ngay cả khi không có cơ hội để thoả thuận về các điều khoản thương mại hay điều khoản pháp lý trong giao dịch thì quyền được sử dụng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng vẫn tồn tại và trách nhiệm tương ứng của nhà cung cấp là cung ứng sản phẩm an toàn vẫn ràng buộc nhà cung cấp.

Thứ hai, người tiêu dùng để thực thi được quyền của mình thì khi tham gia vào giao dịch chỉ cần sử dụng những biện pháp thông thường như kiểm tra nguồn gốc, kiểm tra nhà cung cấp, hạn sử dụng của các sản phẩm thương mại là đã có thể mặc nhiên coi đó là sản phẩm an toàn. Nếu họ bị thiệt hại do khuyết tật trong sản phẩm đó thì quyền đòi bồi thường thiệt hại đối với nhà cung cấp đương nhiên phát sinh. Với chế định trách nhiệm này, nhà cung cấp cũng không thể lợi dụng vị trí ưu thế của mình để đưa ra những điều khoản áp đặt, miễn trừ trách nhiệm đối với người tiêu dùng một cách bất hợp lý trong các điều khoản thương mại chung hay các hợp đồng mẫu đã in sẵn.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM TRÊN THẾ GIỚI

Ở góc độ lịch sử, quá trình hình thành của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm về căn bản được đánh đồng với quá trình suy vong của học thuyết về sự can dự (the doctrine of privity)[17]. Theo học thuyết về sự can dự, không thể trao quyền hay áp đặt nghĩa vụ qui định trong hợp đồng cho bất kỳ chủ thể nào không phải là một bên của hợp đồng đó. Sự can dự đưa đến một cách hiểu là chỉ có các bên trong quan hệ hợp đồng, giao dịch mới có thể kiện để yêu cầu thực thi quyền hay đòi bồi thường thiệt hại cho mình. 

Với quan niệm của học thuyết về sự can dự thì một người bị thiệt hại chỉ có thể kiện một người có hành vi bất cẩn nếu người đó mà một bên trong giao dịch với người bị thiệt hại. Như vậy, nghĩa vụ của một người phải có sự cẩn trọng hợp lý chỉ xuất phát từ hợp đồng và chỉ người nào cùng tham gia quan hệ hợp đồng đó mới có thể kiện vì sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng này. Điều đó cũng có nghĩa là khi một nhà sản xuất bất cẩn bán một sản phẩm cho một người kinh doanh bán lẻ và người kinh doanh bán lẻ đó lại bán sản phẩm cho khách hàng thì người sản xuất không phải chịu trách nhiệm gì cả. Khách hàng khi đó không có bất kỳ biện pháp nào để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vì không phải người bán lẻ mà chính nhà sản xuất mới là người gây ra thiệt hại. Còn nếu yêu cầu người sản xuất thì giữa người sản xuất và người mua không có quan hệ hợp đồng hay bất cứ giao dịch nào, tức là không có “sự can dự”.

Học thuyết về sự can dự đã thống trị đời sống pháp luật suốt thế kỷ XIX. Mặc dù các toà án cũng tạo ra một số ngoại lệ trong việc tránh để không phủ định việc đòi khôi phục quyền lợi cho những nguyên đơn bị thiệt hại. Học thuyết về sự can dự đã không được sử dụng trong trường hợp người bán đã lừa dối bằng việc che giấu khuyết tật của sản phẩm hay sản phẩm tự nó đã có thể gây nguy hiểm hoặc có nguy hiểm nhãn tiền (imminent danger) đối với sức khoẻ hoặc tính mạng, chẳng hạn như thuốc độc hay súng. Đối với một số toà án, việc một sản phẩm khuyết tật kết hợp với thực tế là bị đơn có mời nguyên đơn sử dụng sản phẩm theo một cách nào đó là đủ để xác định trách nhiệm. Trong một số trường hợp, thuật ngữ nguy hiểm nhãn tiền được giải thích theo nghĩa là đặc biệt nguy hiểm với lý do xuất phát từ chính khuyết tật chứ không phải giải thích bằng chính sự nguy hiểm. Chẳng hạn như cái giàn đỡ bị lỗi, hay một lọ cà phê gây nổ có thể được xem như là nguy hiểm nhãn tiền.

Phán quyết trong vụ macpherson kiện Công ty mô tô buick (N.Y. 1916) đã trở thành án lệ có ý nghĩa trong việc mở rộng phạm vi của sản phẩm nguy hiểm tự thân hay nguy hiểm nhãn tiền. Sự mở rộng này thực tế đã loại bỏ yêu cầu phải có quan hệ hợp đồng trong các trường hợp có sự bất cẩn. Phán quyết này đã xác định rằng việc không có quan hệ hợp đồng không phải là cơ sở để loại trừ trách nhiệm, nếu như một sản phẩm được sản xuất một cách bất cẩn và người ta có khả năng nhìn thấy trước được rằng nó có thể gây thương tích cho bất cứ người nào, bao gồm cả nguyên đơn. Với việc công nhận học thuyết về sự bất cẩn, vụ việc vốn được coi là ngoại lệ này đã phá bỏ quy tắc về sự can dự. Án lệ MacPherson nhanh chóng trở thành một quy định có tính dẫn dắt. Trong các vụ việc có xét đến sự bất cẩn, thì quy tắc phải có sự can dự đã  không còn được áp dụng. Sự đồng cảm ngày càng tăng của công chúng đối với các nạn nhân của sự bất cẩn trong các ngành sản xuất cũng đóng góp vào sự suy vong của quy tắc này.

Đối với trách nhiệm bảo đảm, yêu cầu tương tự về việc phải có sự can dự cũng được áp dụng, một phần bởi vì bảo đảm được coi là phần không tách rời của các hợp đồng bán hàng. Bắt đầu vào đầu thế kỷ XX, một ngoại lệ của quy tắc phải có sự can dự cũng đã hình thành với các vụ việc liên quan đến sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (thức ăn, đồ uống, thuốc) và mở rộng đến các sản phẩm khác như mĩ phẩm,... Bảo đảm trong các vụ việc này được mở rộng đến người sử dụng cuối cùng. Trong các trường hợp mà sự bảo đảm rõ ràng, chẳng hạn như sự bảo đảm được tuyên bố đối với công chúng thì học thuyết về sự can dự không được áp dụng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Chẳng hạn, một tuyên bố trong tài liệu kèm theo sản phẩm ô tô rằng kính chắn gió không vỡ sẽ tạo thành một sự bảo đảm rõ ràng đối với người mua về việc kính chắn gió không thể vỡ (Xem án lệ Baxter kiện Công ty Ford Motor [Wash. 1932]).

Đối với sự bảo đảm ngầm định, việc mở rộng các ngoại lệ đối với quy tắc phải có quan hệ hợp đồng không áp dụng đối với các sản phẩm không phải là thức ăn, đồ uống hay các sản phẩm tương tự cho tới khi có vụ việc Henningsen kiện Công ty ô tô Bloomfield (32 N.J. 358, 161 A.2d 69 (1960)). Trong vụ án này, Toà án Tối cao New Jersey đã bác bỏ yêu cầu phải có sự can dự. Tòa án đã xác định rằng sự đảm bảo ngầm định là đảm bảo cho người sử dụng hoặc tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm. Quyết định Henningsen, với tác dụng làm vô hiệu các miễn trách đối với đảm bảo ngầm định của nhà sản xuất, đã được các thẩm phán noi theo trong phần lớn các phán quyết toà án khác sau này.

Từ năm 1930 đến 1960, các nhà nghiên cứu pháp luật và một số thẩm phán đã thảo luận về việc tạo ra trách nhiệm nghiêm ngặt trong các vụ việc về bồi thương thiệt hại ngoài hợp đồng đối với các sản phẩm khuyết tật. Việc áp trách nhiệm này được nhắc đến nhiều nhất là phán quyết của thẩm phán Toà án tối cao California Roger John Traynor trong vụ việc Escola kiện Công ty sản xuất chai Coca Cola của Fresno, 24 Cal. 2d 453, 150 P.2d 436 (1944). Một loạt các lý giải đã được đưa ra cho việc trách nhiệm nghiêm ngặt: sự bất cẩn thường rất khó chứng minh; trách nhiệm nghiêm ngặt có thể được hình thành do một loạt các hành động vi phạm nghĩa vụ đảm bảo; trách nhiệm nghiêm ngặt khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra sự an toàn cần thiết đối với sản phẩm; các nhà sản xuất ở vị trí tốt nhất để hoặc là loại trừ tính gây hại, hoặc là bảo hiểm hoặc phân bổ chi phí rủi ro; nhà sản xuất một sản phẩm tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng rằng sản phẩm là an toàn và niềm tin này cần gắn với sản phẩm.

Cuối cùng, vào năm 1963, trong vụ việc Greenman kiện Yuba Power Products, Inc., 59 Cal. 2d 57, 377 P.2d 897, Toà án tối cao California đã khẳng định quy tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt đối với các sản phẩm khuyết tật. Trong một thời gian ngắn, quy tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt đã lan ra khắp nước Mỹ và vào năm 2003, nó đã trở thành luật của phần lớn các bang của Hoa Kỳ.

Có thể nhận định rằng Hoa Kỳ là quốc gia khởi nguồn của pháp luật cũng như các học thuyết về trách nhiệm sản phẩm. Các học thuyết này đã trở thành nền tảng, là cơ sở kiện đòi bồi thường thiệt hại trong các vụ án liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Các quốc gia trên thế giới đã học hỏi, tiếp thu các quy định pháp luật Hoa Kỳ, và điều này đã góp phần đưa chế định trách nhiệm sản phẩm ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ra khắp thế giới với những mức độ khác nhau. Các quốc gia, khu vực như Cộng đồng Châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối độc lập và ngày càng hoàn thiện về trách nhiệm sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy chế định này đã được phổ biến trên toàn thế giới, ngày càng được các quốc gia quan tâm xây dựng và phát triển. Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng như hiện nay, nhu cầu điều chỉnh pháp luật về trách nhiệm sản phẩm được các nước trên thế giới quan tâm và áp dụng. Chế định pháp luật trách nhiệm sản phẩm tạo khung pháp lý đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Đây là công cụ pháp lý hiệu quả nhất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Vì vậy, tuy mới được hình thành từ giữa thế kỉ XX nhưng chế định pháp luật trách nhiệm sản phẩm đã phát triển nhanh chóng và ngày càng hoàn thiện hơn để bảo vệ người tiêu dùng một cách có hiệu quả nhất.

 

CHƯƠNG II

PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

 

I. PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA CÁC NƯỚC KHU VỰC BẮC MỸ

1.1. Hoa Kỳ

1.1.1. Khái quát quá trình phát triển của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ

Chế định trách nhiệm sản phẩm được hình thành đầu tiên và phát triển rất lâu ở Hoa Kỳ với nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Đây cũng là nơi mà học thuyết về sự can dự tồn tại rất lâu, ảnh hưởng đến các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ hợp đồng[18]. Mãi sau này, học thuyết này mới bị sụp đổ trong vụ Henningsen kiện Bloomfield Motor[19]. Trong vụ án này, thẩm phán của toà án Mỹ đã bác bỏ thuyết in privity và áp dụng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với an toàn sản phẩm trong quá trình sử dụng. Vụ án này mở đường cho sự phát triển của chế định trách nhiệm sản phẩm và cùng với nó là sự sụp đổ của thuyết in privity. Tiếp sau đó, năm 1963, các thẩm phán trong vụ Green Man kiện Yuba Power Products[20] đã hoàn thiện thêm các luận điểm về trách nhiệm sản phẩm. Năm 1965, Viện luật Mỹ đã ban hành Bộ pháp điển “Restatement 2nd of Torts”[21] (bản sửa đổi lần thứ hai). Đáng chú ý trong đạo luật này là mục 402 A đã đưa ra định nghĩa và những quy định về trách nhiệm đối với những sản phẩm khuyết tật. Cụ thể như sau:

“1.1. Một người bán bất kỳ một sản phẩm nào trong tình trạng có khuyết tật có thể gây nguy hiểm cao cho người sử dụng, hoặc cho khách hàng, hoặc cho tài sản của họ, sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về thể chất xảy ra đối với người sử dụng hoặc khách hàng hay tài sản của họ nếu:

i. Người bán tham gia vào việc kinh doanh sản phẩm đó, và

ii. Sản phẩm đó đã có thể, hoặc đã tới được người sử dụng, hoặc khách hàng mà không có sự thay đổi đáng kể nào về điều kiện hay tình trạng của sản phẩm như lúc bán.

1.2. Nguyên tắc quy định tại khoản một trên cũng được áp dụng trong các trường hợp.

i. Người bán đã thực hiện tất cả những sự thận trọng có thể trong việc chuẩn bị và bán sản phẩm, và

ii. Người sử dụng hoặc khách hàng đã không mua sản phẩm từ hoặc giao kết bất kỳ một thoả thuận hợp đồng nào với người bán.

iii. Theo quy định tại mục 402 A này thì người bán bao gồm: người bán lẻ, người bán buôn, nhà sản xuất. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và thiệt hại về kinh tế, tài chính”.

Vào thời điểm đó hầu hết các bang của Mỹ đều áp dụng mục 402 A của Bộ pháp điển này cùng với luật bang để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong rất nhiều năm luật trách nhiệm sản phẩm cùng với điều 402 A này đã được phát triển và làm sáng tỏ rất nhiều lần. Nhưng như một tất yếu khách quan của sự phát triển, rất nhiều người cho rằng mục 402 A của Bộ pháp điển “Restatement of Torts” đã không còn phù hợp với thời đại nữa. Hơn nữa, bản thân các khái niệm được nêu ra trong đó còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và chính những mâu thuẫn này gây ra những hạn chế nhất định trong sự phát triển luật trách nhiệm sản phẩm nói chung và trong việc thực thi mục 402 A nói riêng. Chính vì những lý do trên mà Viện Luật Mỹ (American Law Institute) đã quyết định cần phải sửa đổi những vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm trong Bộ pháp điển “Restatement of Torts”. Năm 1995, Viện Luật Mỹ (ALI) đã soạn thảo một Luật mẫu của liên bang về trách nhiệm sản phẩm (Product Liability Fairness Act) nhằm thống nhất pháp luật về lĩnh vực này trong tất cả các bang. Đạo luật này hệ thống hoá và phát triển nhiều kết luận và các học thuyết được sử dụng trong các án lệ, các qui định trong các đạo luật của liên bang liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Dự án này đã hoàn thành năm 1997 sau khi được các thành viên của ALI phê chuẩn. Bộ pháp điển “Restatement of Torts” chỉ có điều 402A gồm 2 mục quy định về khuyết tật do sản xuất và khuyết tật do thiết kế. Trong khi đó, dự thảo Luật mới có đến gồm 21 mục[22] đề cập đầy đủ hơn đến khuyết tật do sản xuất, khuyết tật do thiết kế, khuyết tật do cảnh báo và những hướng dẫn thi hành. Do còn rất nhiều bang chưa chấp nhận dự luật này nên cho đến nay nó vẫn chưa được Quốc Hội Hoa kỳ thông qua. Tuy nhiên, nhiều qui định trong đó có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử của các toà án Mỹ trong các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Đạo luật này đã qui định một số nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể về trách nhiệm sản phẩm mà việc nắm vững chúng rất có ý nghĩa đối với những người khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do sử dụng sản phẩm khuyết tật hay không an toàn.

So sánh giữa phiên bản năm 1965 và năm 1997 có thể thấy rõ sự khác biệt về mức độ chi tiết trong các quy định (nhất là việc làm rõ các dạng khuyết tật của sản phẩm). Theo giáo sư David G. Owen[23], một trong những chuyên gia hàng đầu về luật trách nhiệm sản phẩm ở Hoa Kỳ, thì sở dĩ phiên bản năm 1965 khá đơn giản vì vào thời điểm đó, chế định về trách nhiệm sản phẩm (nhất là quy định về trách nhiệm nghiêm ngặt) ở Hoa Kỳ mới ở giai đoạn bắt đầu hình thành[24]. Có quan niệm cho rằng, khuyết tật trong sản phẩm trong thực tế chỉ tồn tại ở hoặc 1 trong 3 dạng là (1) khuyết tật trong quá trình sản xuất, (2) khuyết tật trong khâu thiết kế, và (3) khuyết tật do thiếu sự hướng dẫn hoặc cảnh báo cần thiết, chỉ được thừa nhận rộng rãi sau này. Thực tế là vào cuối thập niên 1990, khi biên soạn phiên bản 3 của Điều 402A, quan niệm đã được chấp nhận rất rộng rãi cả trong giới lý luận và hoạt động thực tiễn ở Hoa Kỳ[25]. Theo phân tích của giáo sư David G. Owen, thì với việc công nhận 3 loại khuyết tật kể trên, về hình thức, Điều 402A đã được thiết kế theo nguyên tắc “trách nhiệm nghiêm ngặt” và yếu tố then chốt cần xét tới là sự tồn tại hay không của khuyết tật trong sản phẩm chứ không phải là yếu tố “lỗi”. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định điều chỉnh trách nhiệm bồi thường gây ra bởi sản phẩm khuyết tật về cảnh báo thực chất là cách tiếp cận khác đối với trách nhiệm dựa trên lỗi bất cẩn. Chỉ với loại khuyết tật trong khâu sản xuất, nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó[26]. Như vậy có thể thấy pháp luật liên bang của Mỹ chưa có các qui định về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều qui định trong các văn bản pháp luật liên bang về nghĩa vụ đảm bảo trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được áp dụng để xác định các khía cạnh khác nhau về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung ứng đối với sản phẩm của mình khi chúng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

1.1.2. Nội dung cơ bản của pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ

(1) Các khái niệm cơ bản

- Sản phẩm.

Trong Bộ pháp điển “Restatement 2nd Torts” năm 1965 không có định nghĩa cụ thể về sản phẩm nhưng liệt kê sản phẩm được mở rộng tới cả nông sản, thậm chí cả nông sản chưa qua chế biến như trường hợp đối với nấm có độc. Bộ pháp điển “Restatements 3rd Torts” năm 1997 định nghĩa sản phẩm là những tài sản động sản hữu hình, bao gồm cả nguyên liệu chưa qua chế biến. So với khái niệm sản phẩm theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm ở nhiều nước, khái niệm sản phẩm của Hoa Kỳ không chỉ bó hẹp ở phạm vi bản thân sản phẩm ấy mà còn được mở rộng ra để chỉ tất cả những yếu tố có liên quan tác động đến nhận thức của khách hàng về sản phẩm hoặc các yếu tố tạo lên sự an toàn của sản phẩm[27]. Ví dụ: Khi bán sản phẩm cho khách hàng, người bán có nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm một cách an toàn và hiệu quả. Người bán thường  in thông tin chỉ dẫn và đính kèm theo sản phẩm. Nếu thông tin mà người bán cung cấp trên tờ hướng dẫn đó quá sơ sài và gây thiệt hại cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm thì người bán phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đó. Thông tin này được coi như là một phần của sản phẩm và cũng được luật trách nhiệm sản phẩm điều chỉnh. Tương tự như vậy, các thông tin quảng cáo, khuyến mại, các tờ rơi,... cũng là một bộ phận cấu thành sản phẩm và cũng chịu sự điều chỉnh của luật trách nhiệm sản phẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số luật sư cũng tỏ thái độ hoài nghi đối với những khiếu nại thái quá và từ chối quy trách nhiệm cho nhà sản xuất đối với những thiệt hại mà người sử dụng sản phẩm và những người tiếp xúc việc sử dụng sản phẩm đó gánh chịu. Lý do của sự hoài nghi này bắt nguồn từ những sự việc mà áp đặt trách nhiệm sản phẩm sẽ không hợp lý: (i) thương tích hoặc thiệt hại là hậu quả của việc say rượu, tức là người sản xuất lẽ ra không phải chịu trách nhiệm đối với rượu do người tiêu dùng uống say dẫn đến thiệt hại; (ii) người bị thương là nạn nhân của bạo lực, tức là các công ty sản xuất súng cũng không phải chịu trách nhiệm nếu người bị thiệt hại bị người sử dụng súng bắn; (iii) những thiệt hại do vải vóc bắt lửa; (iv) trẻ em bị bỏng do nghịch thuốc lá; (v) bỏng do café và socola nóng (những vụ kiện ăn theo vụ McDonald’s).

Tóm lại, thuật ngữ sản phẩm mà các luật sư căn cứ vào đó để quy kết trách nhiệm đối với nhà sản xuất hoàn toàn dựa trên khả năng sáng tạo của luật sư của bên nguyên đơn. Với các luật sư càng giàu kinh nghiệm thì việc giải thích thuật ngữ sản phẩm càng được mở rộng và khả năng quy kết trách nhiệm cho nhà sản xuất lại càng cao.

- Khuyết tật sản phẩm.

Cũng giống như các nước, khuyết tật sản phẩm theo Luật TNSP của Hoa Kỳ gồm ba loại cơ bản: khuyết tật do thiết kế, khuyết tật do sản xuất và khuyết tật do cảnh báo không đầy đủ. Tuy nhiên các qui định của pháp luật Hoa Kỳ lại chặt chẽ và cụ thể hơn nhiều[28].

Khuyết tật hàng hóa theo Luật trách nhiệm sản phẩm được chia thành ba loại cơ bản:

(i) Khuyết tật do lỗi cảnh báo không đầy đủ (có thể hiểu là khi thiệt hại lẽ ra có thể tránh được khi có những chỉ dẫn hay cảnh báo phù hợp)

Một sản phẩm không mắc bất kỳ lỗi nào trong sản xuất hay thiết kế vẫn có thể bị kiện khi nó gây tổn hại đến cho người tiêu dùng do các chỉ dẫn và cảnh báo đính kém với sản phẩm không đầy đủ, không rõ ràng hoặc quá phức tạp để hiểu rõ. Trong trường hợp này chỉ cần luật sư của nguyên đơn chứng minh được rằng những tổn hại mà nguyên đơn gánh chịu do không được chỉ dẫn và không được cảnh báo đầy đủ về việc sử dụng sản phẩm.

(ii) Khuyết tật do lỗi thiết kế (khi thiệt hại do sản phẩm gây ra có thể tránh hoặc được giảm nhẹ bằng một mẫu thiết kế hợp lý khác)

Theo nguyên tắc này, nhà sản xuất phải thiết kế các sản phẩm sao cho sản phẩm phải an toàn đối với mọi mục đích sử dụng có thể dự đoán trước. Cụ thể là luật sư của bên nguyên có thể kiện nhà sản xuất do thân chủ của mình đã bị tổn hại khi sử dụng sản phẩm mà đáng ra các tổn thương đó hoàn toàn có thể tránh được nếu nhà sản xuất đưa ra một mẫu thiết kế phù hợp hơn. Bên nguyên cần đưa ra các bằng chứng có tính thuyết phục và có xác nhận của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan về mẫu thiết kế chưa hợp lý của nhà sản xuất.

(iii) Khuyết tật sản xuất (khi sản phẩm sai lệch với thiết kế gốc mặc dù đã thực hiện tất cả những biện pháp cẩn trọng trong quá trình sản xuất và marketing)

Kể từ những năm 1940 các luật sư và giới chuyên môn đã tranh luận rất nhiều về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật trách nhiệm sản phẩm đối với những quảng cáo của nhà sản xuất đưa ra về sản phẩm trên đài, báo, tờ rơi hay các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tuy nhiên, chỉ đến những năm gần đây thì trách nhiệm đối với những khuyết tật như thế này mới được áp dụng. Có thể diễn giải trách nhiệm đối với khuyết tật này như sau: Nếu tổn hại của khách hàng xảy ra do việc sử dụng các sản phẩm với những mục đích như đã được nhà sản xuất quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các thương tổn đó. Do đó, khi đưa ra bất kỳ một quảng cáo nào ra công chúng, nhà sản xuất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự xác thực của quảng cáo đó.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng pháp luật Hoa Kỳ đã có sự mở rộng khái niệm sản phẩm, qui định chi tiết hơn về khuyết tật sản phẩm. Bên cạnh đó, ba loại khuyết tật sản phẩm ở trên còn được xem là ba loại trách nhiệm pháp lý (types of liability) bởi đó cũng chính là ba căn cứ khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm.

- Hệ thống phân phối

Thuật ngữ này cũng được hiểu khá rộng trong pháp luật của Hoa Kỳ. Theo ccá hiểu này, không chỉ nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng của mình mà các chủ thể khác có liên quan trong hệ thống phân phối như: marketing, phân phối, bán sản phẩm như: nhà bán buôn, bán lẻ, người đại diện, đôi khi cả người mua cũng phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại so việc sử dụng sản phẩm gây ra.

(2) Đối tượng chịu sự áp dụng trách nhiệm sản phẩm

Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ áp dụng với các chủ thể sau:

- Các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ (hệ thống phân phối) phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại do khuyết tật của hàng hoá gây ra cho người sử dụng hoặc những người ở gần sản phẩm đó;

- Công ty nước ngoài trực tiếp kinh doanh tại Hoa Kỳ. Ví dụ, một công ty nước ngoài mặc dù không hề có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng Hoa Kỳ, song nếu chi nhánh của nó phân phối các sản phẩm khuyết tật tại đây thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm khuyết tật.

(3) Các nguyên tắc áp dụng

- Nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”.

Theo nguyên tắc trách nhiệm tuyệt đối thì nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ có thể phải chịu trách nhiệm đối với những thương tật do khuyết tật của hàng hoá gây ra, bất kể đã áp dụng các biện pháp đề phòng[29].

- Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật liên bang khi có xung đột giữa luật bang và luật liên bang.

Trong quá trình thực thi luật trách nhiệm sản phẩm, một trong những vấn đề thường xuyên gây tranh cãi nhất chính là sự xung đột luật liên bang và các quy định dưới luật về độ an toàn của sản phẩm được thiết lập so với luật trách nhiệm sản phẩm chung. Các nhà sản xuất các sản phẩm phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn về sự an toàn của sản phẩm theo luật của liên bang và trách nhiệm đối với sản phẩm theo luật của bang. Hoa Kỳ ban hành khá nhiều luật về an toàn sản phẩm, ví dụ như Luật an toàn sản phẩm tiêu dùng (Consumer product safety Act), Luật liên bang về các chất nguy hiểm (Federal Hazadous Substainces Act), Luật về vải dễ cháy (Flammable Fabric Act), Luật về an toàn tủ lạnh gia đình (Household refregerator safety Act), Luật về đóng gói phòng ngộ độc (Poison prevention packaging Act). Trong trường hợp có xung đột giữa các qui định của pháp luật bang về trách nhiệm sản phẩm với các qui định của luật liên bang thì các thẩm phán ưu tiên áp dụng luật liên bang.

- Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành khi có xung đột giữa luật về trách nhiệm sản phẩm các các luật chuyên ngành.

Trong mối quan hệ với các luật về an toàn chất lượng, về đo lường, về vệ sinh, an toàn... này thì luật trách nhiệm sản phẩm là luật chung. Các bang, bên cạnh các luật của Liên bang vẫn ban hành những luật chuyên ngành nêu trên. Khi có xung đột giữa luật chuyên ngành của bang và với luật trách nhiệm sản phẩm chung thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

(4) Các yếu tố cần xác định trong một vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm

- Phạm vi sản phẩm.

Vì vụ kiện liên quan đến sản phẩm, đến thiệt hại do việc sử dụng sản phẩm gây nên xác định thế nào là sản phẩm là yếu tố đầu tiên cần xem xét. Như đã trình bày ở phần trên, khái niệm sản phẩm không được định nghĩa chính thức trong pháp luật liên bang cũng như pháp luật bang ngoại trừ qui định được tập hợp trong Tổng tập án lệ, mục 19. Theo định nghĩa trong Tổng tập án lệ thì tất cả tài sản lưu động hữu hình được mua bán thương mại đều thuộc đối tượng của chế định trách nhiệm sản phẩm. Như vậy, Tổng tập án lệ đã quan niệm sản phẩm là tất cả những tài sản lưu động hữu hình được mua bán thương mại. Tuy nhiên, có thể thấy định nghĩa này chưa làm rõ được nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn thương mại. Ví dụ, người cung cấp dịch vụ sửa chữa khi thay thế phụ tùng có bị coi là người bán phụ tùng đó hay không khi bản thân người sửa chữa thì không được coi là nhà sản xuất hay cung ứng. Điện có coi là sản phẩm hay không và có thuộc đối tượng của trách nhiệm sản phẩm hay không? Bất động sản được buôn bán thương mại có thuộc đối tượng của trách nhiệm sản phẩm hay không? Vì chưa có luật liên bang về vấn đề này nên pháp luật các bang tiếp cận những vấn đề này tương đối khác nhau.

- Người bị khiếu kiện có phải là người bán hay người phân phối

Pháp luật các bang của Mỹ chỉ áp đặt trách nhiệm sản phẩm lên những thương nhân. Việc mua bán hay phân phối của thương nhân có diện rộng và vì thế, sản phẩm nếu có nguy cơ gây hại sẽ đe doạ nhiều người. Pháp luật của phần lớn các bang không áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với những người bán đột xuất, không mang tính hành nghề thương mại. Ví dụ, người bán đồ đã dùng, bán đồ để chuyển nhà,... Nhiều bang còn loại khỏi chế định trách nhiệm sản phẩm những thương nhân chỉ kinh doanh đồ cũ vì nhiều lý do khác nhau.

- Sản phẩm có bị thay đổi sau khi đến với người tiêu dùng

Sự thay đổi sản phẩm bởi người tiêu dùng hay người phân phối là cơ sở giải phóng người sản xuất khỏi trách nhiệm sản phẩm. Chính vì vậy, khi khởi kiện về trách nhiệm sản phẩm thì bên khởi kiện phải tìm cách chứng minh rằng sản phẩm bị khuyết tật ngay từ thời điểm mua chứ không phải do có sự thay đổi nào đó sau khi mua. Nếu sản phẩm bị sửa đổi và sự sửa đổi này làm thay đổi mức độ rủi ro của sản phẩm thì người sản xuất hay phân phối có thể sử dụng nó để bảo vệ mình. Tuy nhiên, sự thay đổi sản phẩm phải là sự thay đổi ở mức độ đáng kể mới có thể trở thành cơ sở miễn hay giảm trách nhiệm sản phẩm

- Sản phẩm khuyết tật do sản xuất, do thiết kế hay do tiếp thị sản phẩm hay không?

Bất cứ sản phẩm nào đều có thể chứa khuyết tật, rủi ro nhất định. Sản phẩm có thể có khuyết tật do sản xuất, tức là không phù hợp với những tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Sản phẩm có thể khuyết tật do khâu thiết kế theo đó, sản phẩm ngay từ đầu đã hàm chứa nguy cơ gây thiệt hại như đã nêu ở phần trên. Khuyết tật do tiếp thị thể hiện ở việc khi tiếp thị sản phẩm, người sản xuất hay phân phối đã không cảnh báo nguy cơ rủi ro chứa đựng trong sản phẩm đưa ra để tiếp thị. Pháp luật mặc định rằng trách nhiệm của người sản xuất và phân phối là phải chỉ ra khuyết tật hay rủi ro trên bao bì hoặc nhãn mác sản phẩm hoặc theo cách thức khác để người mua hay sử dụng sản phẩm biết được.

 (5) Hậu quả pháp lý do vi phạm luật trách nhiệm sản phẩm

Vi phạm pháp luật về trách nhiệm sản phẩm có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý sau:

- Cấm các sản phẩm tiêu dùng nếu các sản phẩm đó không có các tiêu chuẩn bảo vệ công chúng một cách hợp lý và khả thi;

- Kiểm tra và đưa ra lệnh thu hồi sản phẩm khuyết tật hoặc yêu cầu những sản phẩm đó được sửa chữa;

- Cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ những sản phẩm không phù hợp với những yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng, với trách nhiệm nghiêm ngặt qui định trong luật trách nhiệm sản phẩm;

- Khi xác định một sản phẩm nguy hiểm, nhà sản xuất có thể bị yêu cầu thông báo cho công chúng biết khuyết tật hoặc sự không phù hợp của sản phẩm đó và yêu cầu nhà sản xuất hoặc phải sửa chữa, thay thế sản phẩm hoặc trả lại tiền cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhà sản xuất vi phạm luật lệ và có sản phẩm gây tổn thương cho người sử dụng có thể bị áp dụng chế tài dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(6) Các cơ sở giải phóng trách nhiệm của nhà sản xuất

Việc áp đặt trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất, cung ứng nhằm bảo vệ người tiêu dùng dĩ nhiên sẽ động chạm đến lợi ích của những chủ thể này. Khi bị kiện, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thường tìm cách chứng minh ngược lại với những gì người khởi kiện đòi hỏi. Những yếu tố nêu trên trong một vụ án liên quan đến trách nhiệm sản phẩm đều là mối quan tâm của các bên song theo chiều hướng có lợi cho mình. Bên cạnh việc qui định cơ sở áp đặt trách nhiệm đối với sản phẩm, pháp luật Hoa Kỳ còn qui định các điều kiện bảo vệ cho nhà sản xuất, cung ứng và người khởi kiện phải luôn luôn tính đến thực tế này.

Thứ nhất, pháp luật của nhiều bang xuất phát từ quan điểm cho rằng các nhà sản xuất hay cung ứng một sản phẩm mới, hiện đại về công nghệ và thiết kế có thể không nhận ra được nguy cơ rủi ro tiềm tàng trong sản phẩm. Vì vậy những bang này buộc người khởi kiện phải chứng minh được rằng người sản xuất, cung ứng biết được nguy cơ và có khả năng chọn được giải pháp tốt hơn. Nếu không chứng minh được thì đây là cơ sở để người sản xuất cung ứng được giải phóng trách nhiệm bồi thường. Đây chính là một trong những điểm khó khăn mà bên khởi kiện cần phải vượt qua được nếu muốn thắng.

Thứ hai, tương tự như đòi hỏi về việc chứng minh sự hiểu biết của nhà sản xuất, cung ứng về nguy cơ tiềm ẩn trong sản phẩm, pháp luật một số bang cũng đòi hỏi bên khởi kiện chứng minh rằng mình không biết gì về nguy cơ gây hại của sản phẩm. Nếu bên khởi kiện không chứng minh được điều này thì bên bị khởi kiện sẽ sử dụng tình tiết này như là một sự bảo vệ. Logic của đòi hỏi này là ở chỗ nếu như bên khởi kiện biết nguy cơ tiềm ẩn mà vẫn sử dụng sản phẩm thì đó là sự tự nguyện chấp nhận rủi ro.

Thứ ba, Sự bất cẩn của bên khởi kiện cũng có thể là cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm của người sản xuất nếu như sự bất cẩn đó dẫn đến thiệt hại. Tình tiết giảm nhẹ này cũng giống như trong các vụ kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật của một số nước.

Thứ tư, Việc sử dụng sản phẩm không đúng chỉ dẫn, sai công dụng hoặc việc thay đổi cấu trúc hay tính chất của sản phẩm là cơ sở giảm hay miễn trách nhiệm của người sản xuất. Cách tiếp cận việc sử dụng sản phẩm sai như tình tiết miễn hoặc giảm trách nhiệm của nhà sản xuất khác nhau ở mỗi bang. Có bang thì coi việc sử dụng sai là tình tiết miễn trách nhiệm, còn có bang thì chỉ coi là giảm trách nhiệm.

Thứ năm, Sai sót của các khâu trung gian. Trung gian thương mại là hoạt động phổ biến hiện nay. Vì trung gian đứng giữa người sản xuất và người sử dụng sản phẩm nên sai lầm của trung gian cũng có thể dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Những chỉ dẫn không đầy đủ, những sửa chữa sản phẩm thiếu kịp thời của khâu trung gian, sự thay đổi sản phẩm bởi khâu trung gian là tình tiết giảm hoặc miễn trách nhiệm của nhà sản xuất. “Học thuyết người trung gian” qui định trách nhiệm cảnh báo về sự mất an toàn của sản phẩm của người có trình độ chuyên môn. Nếu người có chuyên môn có điều kiện cảnh báo nhưng không thực hiện trách nhiệm đó, họ phải bồi thường cho thiệt hại phát sinh do việc cảnh báo không đầy đủ. Người sản xuất, người bán hàng… trong trường hợp này được miễn trách nhiệm.

Thứ sáu, Việc thực hiện các đơn đặt hàng của Chính phủ cũng là cơ sở giải phóng trách nhiệm của nhà sản xuất. Nhà sản xuất có thể chứng minh rằng sản phẩm sản xuất đúng theo thiết kế và những chỉ dẫn mà Chính phủ đã phê duyệt, bằng những thiết bị phù hợp với những chỉ dẫn đó và đã thông báo với Chính phủ về mối nguy hiểm mà mình có thể biết được về sản phẩm đã sản xuất theo đơn đặt hàng.

Thứ bảy, miễn trách nhiệm do ưu tiên luật riêng của từng bang[30].

Mặc dù luật Liên bang được ưu tiên áp dụng song vẫn có nhiều trường hợp miễn trách cho người sản xuất bởi ưu tiên luật của bang. Nguyên tắc này được áp dụng cho nhiều trường hợp áp dụng pháp luật mà Luật trách nhiệm sản phẩm không là ngoại lệ. Trong trường hợp này, quan hệ giữa người sản xuất và người mua sẽ không bị điều chỉnh bởi luật trách nhiệm sản phẩm mà là luật chuyên ngành khác của bang. Như thế khi có tranh chấp xảy ra thuộc phạm vi điều chỉnh của luật của bang thì sẽ do luật bang điều chỉnh.

Có thể nhận thấy Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ cũng đưa ra những miễn trách tương tự luật pháp các nước khác cho người sản xuất, người bán hàng như do hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện; miễn trách do khuyết tật nằm ngoài khả năng hiểu biết của khoa học kĩ thuật… Tuy nhiên, Luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ cũng đưa ra thêm hai trường hợp miễn trách nhiệm khác là miễn trách nhiệm do ưu tiên luật riêng của từng bang và miễn trách nhiệm theo học thuyết “người trung gian”. Điều này đã thể hiện tính đặc thù của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ vốn được xây dựng và phát triển từ các đặc điểm về tổ chức bộ máy, về lịch sử phát triển, về kinh tế, văn hoá, xã hội và pháp luật.

(7) Những điều cần lưu ý khi khởi kiện

Khi tiến hành vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm, cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Pháp luật của bang nơi khởi kiện. Do pháp luật về trách nhiệm sản phẩm chủ yếu là pháp luật bang nên khi khởi kiện phải xem xét kỹ lưỡng pháp luật của bang. Như đã nêu, giữa các bang có sự khác nhau nhất định về pháp luật trách nhiệm sản phẩm nên khởi kiện ở bang nào thì phải nghiên cứu pháp luật và án lệ ở bang đó.

- Cần xác định xem có cơ sở khởi kiện về trách nhiệm sản phẩm không. Đây là vấn đề mà người khởi kiện cần hết sức chú ý. Vụ án chất độc màu da cam mà các nạn nhân Việt Nam khởi kiện tại quận Brooklin, Bang Niu Ước cho thấy sự phức tạp về cơ sở khởi kiện. Chỉ riêng việc xác định cơ sở khởi kiện để thụ lý vụ án đã tốn mất rất nhiều công sức của luật sư cũng như thẩm phán.

- Thời hiệu khiếu nại và khởi kiện: Cũng giống như các nước, Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ không tách biệt thời hiệu khiếu nại và khởi kiện. Pháp luật Hoa Kỳ chỉ quy định khoảng thời gian, thông thường là 3 năm kể từ ngày người bị thiệt hại hoặc người đại diện biết được thiệt hại phát sinh do sản phẩm khuyết tật hoặc 10 năm kể từ ngày sản phẩm được sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường. Thông thường thì người bị thiệt hại về sức khoẻ, gia đình người bị thiệt hại về tính mạng khởi kiện ngay sau khi bị thiệt hại xảy ra. Thời hiệu cho các vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm được qui định rất ngắn trong pháp luật các bang. Thời hiệu này là từ 1 đến 2 năm tuỳ theo bang.

Về nguyên tắc[31], khi tiếp nhận đơn kiện của nguyên đơn, tòa án sẽ triệu hồi bị đơn trong khoảng thời gian 120 ngày kể từ ngày nguyên đơn đệ đơn kiện. Bị đơn phải trả lời khiếu nại của nguyên đơn trong khoảng thời gian 20 ngày từ ngày bị triệu hồi. Nguyên đơn có thể yêu cầu bị đơn bỏ qua khâu triệu hồi nhằm giảm thiểu những chi phí kiện tụng có liên quan. Bị đơn có thể khước từ yêu cầu này nhưng phải trả tiền một phần cho những chi phí liên quan đến việc triệu hồi. Trong trường hợp đồng ý bỏ qua khâu triệu hồi, bị đơn có 60 ngày kể từ ngày kí vào văn bản bỏ qua triệu hồi để trả lời đơn khiếu nại của nguyên đơn. Sau khi có câu trả lời của nguyên đơn trong thời hạn quy định, tòa án sẽ tiến hành các thủ tục điều tra, thủ tục tiền xét xử (Pre-trial procedures) và thủ tục xét xử (Trial procedures) vụ kiện. Để xử lí các vụ kiện liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm, các tòa liên bang hay tòa của từng bang đều có một đoàn bồi thẩm. Đoàn bồi thẩm của tòa án của bang thông thường có 6 thành viên và 2 thành viên dự khuyết và ra phán quyết theo nguyên tắc nhất trí. Tòa của liên bang có đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên và các thành viên có quyền đưa ra các phán xử khác nhau. Ở một số tòa liên bang áp dụng nguyên tắc nhất trí nhưng ở các bang khác, tòa án chỉ áp dụng nguyên tắc số đông, tức là có ít nhất 9/12 hoặc 10/12 thành viên có cùng quan điểm thì phán quyết cuối cùng phải theo số đông. Ở tòa của các bang mà đoàn bồi thẩm có 6 thành viên thì cần có sự nhất trí của ít nhất 5/6 thành viên thì hình thành phán quyết.

- Thời gian tiến hành xử kiện liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm có thể dài ngắn phụ thuộc vào quyền tài phán của các tòa. Với tòa liên bang, tính đến ngày 31/03/2006 thì thời gian trung bình để xử một vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm là 22,2 tháng. Có khi thời gian này ngắn hơn rất nhiều như trường hợp ở tòa Western District of Wisconsin (8,5 tháng) tòa Eastern District of Virginia (9,6 tháng) nhưng cũng có tòa dài hơn như trường hợp tòa Eastern District of New York (33,5 tháng), tòa District of Columbia(34,5 tháng), tòa Western District of New York Seeid (63 tháng)[32].

(8) Bồi thường thiệt hại

Ở Mỹ, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm bao gồm các qui định của trong các văn bản và các án lệ về bồi thường những tổn hại về sức khoẻ và tài sản xảy ra do việc sử dụng các sản phẩm khuyết tật, những sản phẩm có nguy cơ gây hại vô lý cũng như do việc người sản xuất hay người bán đã không cảnh báo về nguy hiểm của sản phẩm. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Mỹ chủ yếu là pháp luật bang. Các bang có các qui định riêng về trách nhiệm đối với sản phẩm. Những điểm khác nhau trong pháp luật của các bang chủ yếu là về mức độ bồi thường. Trên nền tảng của các án lệ, nhiều bang đã tập hợp và ban hành các qui định pháp luật, tạo thành chế định tương đối hoàn chỉnh về trách nhiệm sản phẩm. Bản chất của chế định này là người sử dụng sản phẩm khuyết tật nếu bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng có thể được toà án tuyên được bồi thường bởi người sản xuất, cung ứng sản phẩm khuyết tật. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe dưới một trong hai hình thức: (i) bồi thường thông thường hay bồi thường cho thiệt hại phi kinh tế (non-economic compensation), (i) bồi thường đặc biệt hay bồi thường cho thiệt hại kinh tế (economic compensation)[33]. Thiệt hại kinh tế bao gồm những chi phí hợp lý và cần thiết cho viêc điều trị, giảm sút hoặc mất thu nhập, chi phí cho người chăm sóc... Những thiệt hại phi kinh tế là sự đau đớn, sự bức xúc về tinh thần, sự mất mát trong việc hưởng thụ cuộc sống. Những thiệt hại phi kinh tế không thể xác định bằng tiền chính xác nên thường pháp luật giới hạn mức nhất định. Ví dụ, pháp luật bang Kansas giới hạn mức bồi thường thiệt hại phi kinh tế tối đa là 250.000 USD.

Trong những điều kiện thông thường, bồi thường thiệt hại kinh tế thường được thực hiện bằng tiền đối với thiệt hại đã, đang và sẽ phát sinh[34]. Bồi thường thiệt hại phi kinh tế dễ gây nhiều tranh cãi bởi thiệt hại phát sinh rất khó định lượng, ví dụ như bồi thường sự ức chế, tổn thương (Pain and suferring), bồi thường thiệt hại về tinh thần và tình cảm (mental anguish and emotional distress), bồi thường cho người bị thiệt hại vì mất cơ hội tận hưởng cuộc sống (Loss of enjoyment of life) và nguy cơ bị bệnh trong tương lai (the reasonable fear of future illness). Chế tài bồi thường thiệt hại phi kinh tế cũng có thể áp dụng cho cả trường hợp làm tổn thương tình cảm gia đình như trường hợp các cặp vợ chồng, con cái của người bị thiệt hại kiện nhà sản xuất đòi bồi thường vì khuyết tật sản phẩm gây thiệt hại tới người thân của họ, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ gia đình và tình cảm yêu thương của gia đình họ.

1.1.3. Một số đánh giá, nhận xét pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ

Qua việc tìm hiểu những nội dung cơ bản trong pháp luật về chế định trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ có thể rút ra một số đánh giá như sau:

Thứ nhất, pháp luật Hoa Kỳ vẫn chưa thống nhất điều chỉnh chế định về trách nhiệm sản phẩm. Ở tầm liên bang, đạo luật mẫu của Viện Luật Hoa Kỳ về trách nhiệm sản phẩm với các quy định khá cụ thể và viện dẫn, tổng hợp các án lệ có liên quan đã trở thành văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho các chủ thể có được những nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ của mình. Văn bản này đã góp phần định hướng cho việc xét xử các vụ án liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, mỗi bang cũng đã ban hành đạo luật riêng về trách nhiệm sản phẩm với những quy định có phần khác nhau.

Thứ hai, pháp luật của Hoa Kỳ đã đưa ra được các nguyên tắc cụ thể cho việc áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm, trong đó qua trọng nhất là nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt (xác định trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất đối với thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra không phụ thuộc vào yếu tố lỗi). Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã xác định được mối quan hệ, nguyên tắc áp dụng giữa luật chung về trách nhiệm sản phẩm và luật chuyên ngành, giữa luật liên bang và luật của các bang góp phần thống nhất, đồng bộ hóa việc ban hành và áp dụng luật.

Thứ ba, có thể nhận thấy chế định trách nhiệm sản phẩm là một trong những chế định thể hiện tính chặt chẽ, nghiêm ngặt nhất với những quy định cụ thể, rạch ròi, đặc biệt là về mức bồi thường thiệt hại. Thực tiễn xét xử cho thấy mức bồi thường này luôn là một nỗi ám ảnh cho các thương nhân[35]

Thứ tư, qua quá trình phát triển của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ đã hình thành nên những học thuyết nền tảng cho chế định này và được luật hoá trong các văn bản pháp luật cụ thể. Chính vì sự thành công này, cùng với pháp luật của Cộng đồng Châu Âu (EU), pháp luật của Hoa Kỳ đã có sức ảnh hưởng và lan toả mạnh mẽ đối với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới.

1.2. Canada

1.2.1. Khái quát quá trình ra đời và phát triển pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Canada

Cũng giống như Hoa Kỳ, Canada cũng là một nhà nước liên bang gồm 10 bang và 3 vùng lãnh thổ[36]. Xét về mặt lịch sử, hai quốc gia này có nhiều tương đồng với nhau trong quá trình hình thành, phát triển. Hoạt động lập pháp của Canada chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ bởi pháp luật Hoa Kỳ. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi cả hai quốc gia này đều theo hệ thống Common Law và pháp luật Hoa Kỳ đã có ảnh hướng khá mạnh đến nhiều quốc gia và các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, khu vực cũng có những đặc điểm lịch sử, xã hội, kinh tế cũng như hệ thống pháp luật của riêng mình. Điều này đã làm cho hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia, khu vực nào luôn có những điểm đặc thù và Canada cũng không phải là ngoại lệ. Ở Canada, việc bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện chủ yếu bởi chính quyền các bang mặc dù chính quyền liên bang cũng đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng có liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng như Luật Cạnh tranh năm 1985, Luật về đóng gói và ghi nhãn hàng tiêu dùng năm 1985, Luật xử phạt các sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng năm 1995[37]. Hầu hết các bang ở Canada đều đã ban hành một đạo luật riêng về bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện nay, Canada cũng chưa có đạo luật liên bang chuyên về trách nhiệm sản phẩm như Hoa Kỳ. Các bang đã xây dựng những quy định liên quan đến trách nhiệm sản phẩm được quy định trong một đạo luật bảo vệ người tiêu dùng hoặc Bộ Luật dân sự của riêng mỗi bang. Bên cạnh đó, các bang của Canada đều có một đạo luật riêng về sự bất cẩn (bất cẩn). Ví dụ bang British Columbia ban hành Luật về bất cẩn vào năm 1996, bang Ontario ban hành năm 1990,... Các Ủy ban cải cách tư pháp của Canada như: Uỷ ban Pháp luật của Canada; Viện cải cách pháp luật Alberta; Viện Luật British Columbia; Uỷ ban cải cách pháp luật Manitoba; Uỷ ban cải cách pháp luật của Nova Scotia; Viện luật chung thống nhất của Canada,… đã được thành lập và có nhiều hoạt động tích cực từ những năm 70 của thế kỷ XX. Các Uỷ ban này đã có nhiều kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong đó có việc đưa ra Luật mẫu về trách nhiệm sản phẩm của liên bang[38] bao gồm cả việc áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt. Các học giả và luật gia Canada đã và đang nỗ lực vận động việc xây dựng một đạo luật chuyên về trách nhiệm sản phẩm (theo hình mẫu của Hoa Kỳ). Tuy nhiên, dường như những sự nỗ lực này là chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể trong hệ thống pháp luật của Canada về trách nhiệm sản phẩm trong thời điểm hiện tại.

Tuy chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ pháp luật Hoa Kỳ nhưng pháp luật về chế định trách nhiệm sản phẩm Canada lại phát triển chậm hơn và được đánh giá ít nghiêm khắc hơn so với pháp luật Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm tại quốc gia này có những điểm khác biệt, trong đó điểm khác biệt lớn nhất là pháp luật trách nhiệm sản phẩm không dựa trên nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability)[39]. Tại Canada các loại trách nhiệm sản phẩm không phải được áp dụng đối với tất cả khuyết tật. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm thường được áp dụng đối với những trường hợp sau[40]:

  • Sự bất cẩn trong thiết kế của một sản phẩm;
  • Sự bất cẩn trong sản xuất một sản phẩm;
  • Sự bất cẩn trong việc cảnh báo;
  • Vi phạm nghĩa vụ bảo đảm.

Như vậy, pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Canada được xây dựng trên hai học thuyết về sự bất cẩn và học thuyết vi phạm nghĩa vụ bảo đảm.

1.2.2. Sự bất cẩn trong thiết kế, sản xuất một sản phẩm và cảnh báo

Nội dung của học thuyết về sự bất cẩn là nền tảng của pháp luật Canada về trách nhiệm sản phẩm tại Canada. Học thuyết này được hình thành và phát triển trong lĩnh vực pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Pháp luật Canada bắt đầu áp đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nhà sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm khuyết tật từ vụ án nổi tiếng Donoghue v. Stevenson. Trong vụ án này thẩm phán Lord Atkin đã tuyên: “Một nhà sản xuất bán sản phẩm theo cách qua đó thể hiện rằng mình muốn sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới hình thức mà người tiêu dùng không thể có khả năng hợp lý để kiểm tra ngay sản phẩm, và người sản xuất biết rằng nếu không có sự quan tâm hợp lý trong việc sản xuất, lắp ráp sản phẩm thì sẽ có nguy cơ thiệt hại cho tài sản, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, có nghĩa vụ thể hiện sự quan tâm hợp lý này.”. Cũng giống như ở Hoa Kỳ, trong việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm thì bất cẩn cũng được coi là một cơ sở quan trọng.

- Sự bất cẩn liên quan đến thiết kế một sản phẩm.

Sự bất cẩn về thiết kế thường bị cáo buộc khi một sản phẩm, mặc dù đã thiết kế theo bản chi tiết kĩ thuật nhưng không đáp ứng với mục đích được đề ra ban đầu của sản phẩm, không dự liệu được những tác động bên ngoài nên không chịu được các hao mòn hợp lý.

Vấn đề đầu tiên trong các vụ kiện liên quan đến thiết kế bất cẩn là liệu thiết kế đó có đáp ứng được tiêu chuẩn hợp lý được trông đợi trong mỗi ngành công nghiệp cụ thể, dựa trên thực trạng kĩ thuật tại thời điểm thiết kế sản phẩm. Nói gọn hơn, Toà án ít nhất sẽ buộc nhà sản xuất vào các yêu cầu của nguyên lý “thực trạng trình độ kỹ thuật”.

Có một khó khăn cho những người muốn sử dụng bất cẩn trong thiết kế như là căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại là việc chứng minh sự bất cẩn về thiết kế không đáp ứng được tiêu chuẩn tại một thời điểm thích hợp do lỗi rõ ràng. Tuy nhiên, nếu một bộ phận không thể chịu đựng được tiếp xúc với với các yếu tố bên ngoài mà lẽ ra cần phải được tiên liệu được khi đưa sản phẩm vào sử dụng, Tòa án sẽ coi việc thiết kế là do bất cẩn. Tuy nhiên, sự bất cẩn này có thể bị bác bỏ bằng việc chứng minh sản phẩm được sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt mà không tiên liệu được tại thời điểm sản xuất.

  • Sự bất cẩn liên quan đến sản xuất một sản phẩm.

Nói chung, bất cứ ai tham gia vào việc sản xuất một sản phẩm đều phải có nghĩa vụ chăm sóc, quan tâm hay bảo dưỡng đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm đó. Đặc biệt những ai có trách nhiệm phải dự đoán được trước sự nguy hại của việc sử dụng sản phẩm đều có thể phải có nghĩa vụ quan tâm đến sự an toàn của sản phẩm. Ví dụ, một nhà sản xuất chai có thể có trách nhiệm đối với khuyết tật của sản phẩm khi bao bì của chai không an toàn. Một nhà sản xuất có thể chịu trách nhiệm đối với những khuyết tật trong một thành phần của sản phẩm được sản xuất bởi một công ti khác vì nhà sản xuất phải tiên liệu được thành phần này có thể gây ra những tác động tiêu cực nào. Một nhà nhập khẩu có thể chịu trách nhiệm đối với sản phẩm nếu họ có cơ hội kiểm tra hay kiểm định những khuyết tật đó nhưng đã không thực hiện việc kiểm tra, kiểm định.

Một nhà sản xuất có nghĩa vụ thực quan tâm cần thiết đối với việc sản xuất các sản phẩm của mình, từ bản thân sản phẩm đến các bộ phận cấu thành nên sản phẩm đó. Việc không thể hiện sự quan tâm cần thiết có thể dẫn đến trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng. Nghĩa vụ của nhà lắp ráp sản phẩm không bị giới hạn bởi những bộ phận cấu thành nên sản phẩm đó nhưng do nhà lắp ráp tạo ra. Nghĩa vụ mở rộng cho toàn bộ các chi tiết cấu thành được cung cấp bởi nhà sản xuất phụ hoặc những người khác tham gia vào việc lắp ráp sản phẩm. Nếu người bị thiệt hại chứng minh được sự tồn tại của khuyết tật và thiệt hại do khuyết tật đó gây ra thì giả định về sự bất cẩn được áp dụng và chỉ có thể bị bác bỏ bởi nhà lắp ráp bằng những chứng cứ vững chắc.

Nhìn chung, để chứng minh sự bất cẩn của nhà sản xuất căn cứ vào tiêu chuẩn mà sản phẩm phải đáp ứng sẽ dễ dàng hơn vì các tiêu chuẩn này thường là các thông số kĩ thuật.

Cuối cùng, trách nhiệm có thể mở rộng đối với những người khác trong chuỗi phân phối khi họ có thể bị cho là có sự bất cẩn mặc dù họ không tham gia vào việc sản xuất sản phẩm. Các nhà nhập khẩu, các nhà bán buôn và nhà phân phối có thể phải chịu trách nhiệm nếu hoàn cảnh cho phép kết luận có đảm bảo ngầm định từ phía những người này đối với ngưởi sử dụng cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những nhà nhập khẩu, bán buôn, phân phối có thể giảm mức bồi thường thiệt hại mà họ phải trả bằng việc khiếu nại người sản xuất.

- Sự bất cẩn liên quan đến việc cảnh báo.

Đây là một phần quan trọng trong trách nhiệm pháp lý đối với các nhà sản xuất phát sinh từ nghĩa vụ theo hệ thống thông luật (the common law duty) cảnh báo những vấn đề tiềm tàng của các sản phẩm. Việc cảnh báo này có thể thực hiện vào thời điểm sản phẩm được cung cấp cho người sử dụng cuối cùng hoặc vào những thời điểm sau đó. Nhà sản xuất bất kì sản phẩm nào đều có nghĩa vụ cung cấp và cập nhật cho người sử dụng các thông tin cần thiết cho việc sử dụng an toàn sản phẩm.

1.2.3. Sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm

Tại Canada, nghĩa vụ bảo đảm có thể được quy định rõ ràng trong hợp đồng hoặc phát sinh từ các quy định pháp luật của mỗi bang về mua bán hàng hóa. Canada không có Bộ luật thương mại thống nhất và các Tòa án của Canada cũng không biết hết được các bảo đảm ngầm định. Vì thế việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra được thực hiện có hiệu quả nhất dựa trên cơ sở các bảo đảm công khai. Tuy nhiên, đảm bảo ngầm định cũng có vai trò lớn trong các vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm.

(i) Bảo đảm công khai

Thông thường, hợp đồng bán một sản phẩm thường chứa đựng những điều khoản theo đó các nhà sản xuất đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Nói chung những điều khoản như vậy sẽ tạo cơ sở cho việc sửa chữa hoặc thay thế những chi tiết khuyết tật. Những điều khoản như thế này xác định giới hạn của các bảo đảm công khai, loại trừ bảo đảm ngầm định hoặc những trách nhiệm pháp lý khác.

Có bốn loại bảo đảm thường xuất hiện trong các hợp đồng giữa người bán và người tiêu dùng, chẳng hạn như dịch vụ bảo đảm suốt đời (service life warranties); bảo đảm sửa chữa (turn-around warranties for maintenance), đảm bảo chi phí bảo đảm (maintenance cost warranties) và bảo đảm độ tin cậy của sản phẩm (product reliability warranties). Những loại bảo đảm này cũng có thể đóng vai trò trong việc xác định những trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hóa. Nếu nghĩa vụ bảo đảm bị vi phạm, trách nhiệm pháp lý sẽ áp dụng cho nhà cung ứng mà không cần một bằng chứng chứng minh rằng nhà cung ứng đó đã bất cẩn.

 (ii) Những điều kiện ngầm định trong pháp luật mua bán hàng hóa

Ngoại trừ bang Quebec, tất cả các bang còn lại ở Canada đều có những đạo luật được pháp điển hóa một số khía cạnh của án lệ theo mô hình của Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ song theo cách thức hạn chế hơn. Bộ luật Dân sự bang Quebec chứa đựng tất cả các qui định trong các luật mà  bang Quebec có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực mua bán hàng hóa.

Trong hệ thống án lệ của Canada, có thể nhận thấy rõ sự phân biệt giữa bảo đảm và điều kiện. Điều kiện là một điều khoản quan trọng trong một hợp đồng trong khi bảo đảm là một điều khoản phụ. Việc vi phạm điều kiện dẫn tới hậu quả là bên bị vi phạm có thể hủy hợp đồng trong khi đó việc vi phạm nghĩa vụ bảo đảm chỉ cho phép bên kia có quyền kiện bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng được thực hiện, tất cả các điều kiện đều được chuyển thành nghĩa vụ bảo đảm.

Trong hầu hết trường hợp, trách nhiệm sản phẩm của người bán được dựa trên bảo đảm ngầm định. Như vậy, một nghĩa vụ bảo đảm có thể được ngầm định là đã nằm trong các hợp đồng trên cơ sở sự cần thiết hợp lý đối với hiệu lực của hợp đồng. Bảo đảm ngầm định thường dựa trên Đạo luật về bán hàng hóa hoặc Luật bảo vệ người tiêu dùng được áp dụng tại các bang. Trong việc bán hàng hóa tiêu dùng, pháp luật không cho phép đưa vào hợp đồng các bảo lưu để loại trừ các đảm bảo ngầm định.

Các điều khoản ngầm định trong các giao dịch tiêu dùng được xác định rõ trong pháp luật, chẳng hạn như những điều khoản về mô tả sản phẩm, về sự phù hợp và về chất lượng. Việc vi phạm những điều khoản này có thể cho phép người tiêu dùng từ chối hàng hóa hoặc khởi kiện đòi bổi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đảm bảo ngầm định này.

Các nghĩa vụ bảo đảm áp dụng cho cả hàng hóa mới và hàng hóa đã được sử dụng. Nói chung, nghĩa vụ bảo đảm chỉ được áp dụng cho những hợp đồng bán hàng hóa. Các quà tặng miễn phí trong các giao dịch thương mại và các sản phẩm kèm theo sản phẩm được bán (thực tế là chỉ có các sản phẩm chính được bán còn sản phẩm kèm theo được tặng kèm) cũng có thể bị áp dụng nghĩa vụ bảo đảm. Những hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dịch vụ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật mua bán hàng hóa nhưng hệ thống thông luật (common law) ở Canada có thể ngầm định nghĩa vụ bảo đảm tương tự như đối với mua bán hàng hóa.

 (iii) Những điều khoản giới hạn của hợp đồng

Thỏa thuận mua bán thường có những điều khoản mà dường như có ý loại trừ các nghĩa vụ bảo đảm. Ngoài trừ các điều kiện ngầm định, hợp đồng bán hàng hoá, hoặc bất cứ hợp đồng thương mại khác có thể nói rõ ràng rằng một bên hoặc bên khác được miễn trách nhiệm hoặc giới hạn trách nhiệm trong một số trường hợp. Theo một nguyên tắc cơ bản, các tòa án sẽ giữ nguyên các điều khoản giới hạn của hợp đồng.

Tại một số bang, pháp luật cấm loại trừ trách nhiệm trong một số giao dịch nhất định của người tiêu dùng. Ví dụ, theo Luật bảo vệ Người tiêu dùng của bang Ontario không cho phép loại trừ những điều khoản bán hàng người tiêu dùng ngầm định theo Đạo luật bán hàng hóa. Ở đây có sự tương tự trong pháp luật của một số bang của Canada. 

Các Toà án Canada cũng áp dụng một số quy tắc pháp luật thông thường mà rất nhiều các trường hợp hạn chế, trong đó một bên sẽ có thể dựa vào một điều khoản giới hạn trách nhiệm. Ví dụ, một bên vi phạm một điều khoản cơ bản trong hợp đồng sẽ không nhất thiết phải được miễn giảm trách nhiệm theo những điều khoản về miễn giảm trách nhiệm trong hợp đồng, cho dù những điều khoản đó rất rõ ràng, dễ hiểu. Đây cũng là một nguyên tắc áp dụng luật quen thuộc trong pháp luật Canada.

Trong khi trong lịch sử các tòa án của Canada đã áp dụng học thuyết về sự tự do của hợp đồng để thực thi các điều khoản giới hạn trách nhiệm trong hợp đồng thì xu hướng tư pháp gần đây ở Canada đã hạn chế những trường hợp mà trong đó, một bên có thể thực thi một điều khoản trong đó có mục đích để loại trừ sự bảo đảm hoặc một điều khoản giới hạn trách nhiệm. Bên cạnh các quy định theo luật định, những trường hợp thông thường đã có kết quả trong việc áp đặt trách nhiệm cho một bên đối với một hợp đồng đã tồn tại những điều khoản loại trừ trách nhiệm.

1.2.4. Đánh giá khái quát

Qua nghiên cứu có thể đánh giá pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Canada như sau:

- Pháp luật Canada đã xây dựng được những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm sản phẩm. Hai học thuyết được áp dụng là sự bất cẩn (thiết kế, sản xuất, cảnh báo một sản phẩm) và vi phạm nghĩa vụ bảo đảm. Học thuyết về sự bất cẩn xuất phát từ pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại vì vi phạm nghĩa vụ bảo đảm có thể xuất phát từ một mối quan hệ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng (thể hiện qua bảo đảm công khai và bảo đảm định ngầm). Các nghĩa vụ bảo đảm thường được áp dụng trong các hợp đồng bán hàng hóa theo quy định của luật bán hàng hoặc luật bảo vệ người tiêu dùng của từng bang.

- Nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt không được pháp luật Canada luật hóa và áp dụng. Thay vào đó, các tòa án áp dụng những tiêu chuẩn rất cao về chăm sóc, bảo dưỡng áp dụng đối với các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm nguy hiểm. Điều này đã cho thấy pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Canada chưa phát triển so với pháp luật Hoa Kỳ và Canada. Việc nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt không được áp dụng đã làm cho pháp luật Canada về trách nhiệm sản phẩm thiếu đi tính nghiêm khắc. Hiện nay ở Canada, Ủy ban Cải cách pháp luật đã xây dựng một đạo luật về trách nhiệm sản phẩm trong đó có nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt. Tuy nhiên đến nay dự thảo luật này vẫn chưa được thông qua.

II. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA CỘNG ĐỒNG CHÂU ÂU

2.1. Quá trình hình thành luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu

2.1.1. Bối cảnh

Cộng đồng Châu Âu (EU) đặc biệt chú trọng yêu cầu hài hòa hóa pháp luật trách nhiệm sản phẩm giữa các nước thành viên. Mặc dù ra đời sau pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ, nhưng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của EU có phạm vi áp dụng ở 27 nước thành viên[41]. Các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của EU cũng được các quốc gia khác tham khảo để xây dựng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của quốc gia mình[42]. Quá trình hình thành pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của EU được nhìn nhận qua các giai đoạn sau đây[43]:

(i) Nhận thức được tầm quan trọng của việc thống nhất và hài hòa hóa pháp luật của các nước thành viên, ngay tại Điều 100 của Hiệp ước Rome thành lập EC đã quy định về việc ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh có hiệu quả các vấn đề chung của cộng đồng, trong đó có vấn đề bảo vệ người tiêu dùng[44].

(ii) Vào những năm 1970, một số nước châu Âu đã đưa ra sáng kiến kí kết một công ước về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm để giải quyết vấn đề xung đột pháp luật. Công ước Hague kí kết ngày 02 tháng 10 năm 1973 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 10 năm 1977[45] về luật áp dụng cho trách nhiệm sản phẩm. Công ước đã đưa ra các khái niệm về sản phẩm, thiệt hại, người bị thiệt hại, người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại và phạm vi áp dụng của công ước. Công ước cũng khẳng định, pháp luật của nước nơi người bị thiệt hại cư trú sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc về bồi thường thiệt  hại do trách nhiệm sản phẩm gây ra. Quy định về chọn luật áp dụng trên đã giải quyết khá triệt để vấn đề xung đột pháp luật. Hiện nay, công ước này vẫn còn có hiệu lực và hiện tại có 11 thành viên tham gia và phê chuẩn[46].

(iii) Vào năm 1975, bản dự thảo của Công ước châu Âu về trách nhiệm sản phẩm liên quan đến thương tật và tử vong của cá nhân[47] (còn gọi là công ước Strabourg 1977[48])  được đưa ra theo đề xuất của Hội đồng châu Âu[49]. Vào ngày 27 tháng 01 năm 1977, bản dự thảo cuối cùng của Công ước được thông qua. Nội dung của công ước này quy định về trách nhiệm sản phẩm của những người liên quan trong chuỗi cung cấp sản phẩm đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của cá nhân (Điều 3). Đây là trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt mà việc áp áp dụng không cần tính đến yếu tố lỗi của nhà cung cấp. Có 4 quốc gia đã ký kết vào công ước trên[50], tuy nhiên Công ước chưa có hiệu lực thi hành trên thực tế. Mặc dù vậy, sự ra đời của công ước Strasbourg 1977 đã tạo một dấu ấn cho sự phát triển của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng châu Âu và một số quy định của công ước này được kế thừa và phát triển trong Bản Chỉ thị số 85/374/EEC.

(iv) Ngày 14 tháng 04 năm 1975, tại hội nghị thượng đỉnh Paris, Hội đồng châu Âu đã ban hành Nghị quyết về chương trình ban đầu của cộng đồng trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Sau đó, năm 1981, bản Nghị quyết thứ 2 cũng được ban hành. Nguyên tắc chung của hai nghị quyết này là người tiêu dùng phải được bảo vệ trước những thiệt hại vật chất gây ra bởi sản phẩm khuyết tật[51].

Vào những năm 1974, 1975 thì hai bản dự thảo của Bản chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm được đề xuất. Năm 1976, Hội đồng châu Âu đề nghị Ủy ban châu Âu[52] ký kết theo cơ sở pháp lý của Điều 100 Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng chung châu Âu. Gần một thập niên sau, ngày 25 tháng 07 năm 1985, bản Chỉ thị mới được ban hành. Bản chỉ thị bao gồm 22 điều khoản quy định trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt của nhà sản xuất đối với sản phẩm của cộng đồng châu Âu, bắt đầu có hiệu lực ngày 01 tháng 08 năm 1988. Bản Chỉ thị 85/374/EEC cũng có các điều khoản tùy nghi cho phép các nước thành viên lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng chỉ thị. Các quốc gia thành viên EU có thể ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn trong bản Chỉ thị. Tiếp theo đó, Nghị viện và Ủy ban của EU đã ban hành Chỉ thị số 1999/34/EC vào ngày 25 tháng 5 năm 1999[53] để sửa đổi một số điều của Chỉ thị số 85/374/EEC

2.1.2. Hệ thống pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu

Hiện nay, vấn đề trách nhiệm sản phẩm của EU chủ yếu được điều chỉnh theo quy định tại các văn bản sau đây:

- Chỉ thị số 85/374/EEC ban hành ngày 25 tháng 7 năm 1985 của Uỷ ban của Cộng đồng Châu Âu để hài hoà hoá các quy định bắt buộc trong lĩnh vực pháp luật và hành chính của các nước thành viên về trách nhiệm của các sản phẩm bị khuyết tật[54] (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 85/374/EEC).

- Chỉ thị số 1999/34/EC do Nghị viện và Ủy ban của Cộng đồng Châu Âu ban hành ngày 25 tháng 5 năm 1999[55] sửa đổi một số điều của Chỉ thị số 85/374/EEC (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 1999/34/EC).

- Chỉ thị số 98/27/EC ngày 19 tháng 5 năm 1998 về việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[56].

- Chỉ thị 2001/95/EC ngày 03 tháng 12 năm 2001 về quy định chung về an toàn sản phẩm[57].

- Nghị định số 44/2001 thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và thương mại[58].

- Nghị định số 864/2007 của EC về luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng[59].

Như vậy, có thể nhận thấy rằng có rất nhiều văn bản pháp luật của Cộng đồng Châu Âu quy định về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, đề tài chỉ tập trung tìm hiểu, phân tích Bản Chỉ thị 85/374/EEC và Bản Chỉ thị 1999/34/EC sửa đổi một số điều của Bản Chỉ thị 85/374/EEC.

2.2. Nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Cộng đồng Châu Âu

2.2.1. Nguyên tắc và mục tiêu của các Chỉ thị

(1) Về các nguyên tắc trong pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu[60].

Nguyên tắc cơ bản của các Chỉ thị là việc xác định trách nhiệm bồi thường do sản phẩm khuyết tật gây ra không phụ thuộc vào yếu tố lỗi của nhà sản xuất. Chỉ thị tuyên bố rằng "Trách nhiệm nghiêm ngặt được áp dụng đối với nhà sản xuất là phương tiện duy nhất để giải quyết một cách đầy đủ vấn đề, do tính đặc thù của thời đại, kiến thức kỹ thuật ngày càng chuyên sâu, việc đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sản phẩm là rất khó khăn cho người tiêu dùng”. Đây chính là trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt của nhà sản xuất (không cần yếu tố lỗi) đối với người bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây nên. Như vậy, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu và cả Hoa Kỳ đều không quan tâm đến vấn đề lỗi của nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm. Các nhà soạn thảo ra Chỉ thị cũng cho rằng chỉ có dựa trên nguyên tắc trên mới có thể giải quyết được vấn đề giảm thiểu rủi ro do các sản phẩm có được trong quá trình hiện đại hoá sản xuất và tiến bộ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, thông qua nội dung của các Chỉ thị, một số nguyên tắc khác về chế định trách nhiệm sản phẩm cũng đã được làm rõ như sau: (i) Nghĩa vụ chứng minh của bên bị thiệt hại về các thiệt hại xảy ra, về khuyết tật, về mối quan hệ giữa thiệt hại và khuyết tật của sản phẩm mà không cần chứng minh lỗi của nhà sản xuất; (ii) Trách nhiệm riêng lẻ hoặc liên đới của tất cả những người có liên quan trong chuỗi cung cấp sản phẩm, cũng như quy định cơ chế đảm bảo việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nếu có nhiều hơn một người (nhà sản xuất) cùng rây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường được xác định là trách nhiệm chung; (iii) Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất nếu nhà sản xuất chứng minh được mình thuộc các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm; (iv) Thời hạn chịu trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất; (v) Cấm việc thỏa thuận hay giới hạn, loại trừ trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm đối với các nạn nhân; (vi) Giới hạn tài chính đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại; (vii) Cân bằng lợi ích giữa nhà cung cấp sản phẩm và nạn nhân của những thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra.

(2) Về mục tiêu của các Chỉ thị

Nhìn chung các Chỉ thị được ban hành với hai mục tiêu lớn là bảo vệ người tiêu dùng (mục tiêu chính yếu) và bảo vệ nhà sản xuất, tạo lập một trật tự trong thị trường kinh doanh lành mạnh. Việc bảo vệ người tiêu dùng đòi hỏi tất cả những người tham gia vào chu trình sản xuất phải có trách nhiệm nếu sản cung cấp có khuyết tật. Điều đó có nghĩa là những người được coi là nhà sản xuất khi đã đưa sản phẩm vào cộng đồng và trong sản phẩm đó có tên hoặc một dấu hiệu ghi nhận khác về tư cách của họ. Người cung cấp một sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thể xác minh được ai là người sản xuất ra sản phẩm đó. Người tiêu dùng được bảo vệ về thân thể cũng như sở hữu của họ trong việc xác định khuyết tật của sản phẩm không ở khả năng sử dụng sản phẩm bị khuyết tật mà ở sự khuyết tật về an toàn theo các điều kiện hợp lý chung. Việc đánh giá sự an toàn không dựa vào giá trị sử dụng của sản phẩm đã có khả năng bị lạm dụng được coi là không hợp lý trong điều kiện tương thích.

2.2.2. Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lí, sản phẩm, khuyết tật của sản phẩm và xác định thiệt hại

(1) Về chủ thể chịu trách nhiệm pháp lí

Điều 1 của Bản chỉ thị 85/374/EEC quy định nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại mà sản phẩm khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng. Theo Điều 3 của Chỉ thị này, phạm vi các nhà sản xuất bao gồm:

(i) Nhà sản xuất toàn bộ sản phẩm, nhà sản xuất một bộ phận của sản phẩm hay nhà cung cấp các bộ phận của sản phẩm.

(ii) Bất cứ người nào có dấu hiệu nhận biết trên sản phẩm như tên, nhãn hiệu thương mại, hoặc những đặc điểm có thể nhận biết và chứng minh người đó là người có liên quan đến việc cung cấp sản phẩm đó;

(iii) Nhà nhập khẩu hàng hóa vào thị trường chung Châu Âu để bán, cho thuê hay bất kì hình thức phân phối nào khác sẽ được coi như nhà sản xuất của sản phẩm đó và sẽ chịu trách nhiệm sản phẩm như nhà sản xuất nếu có thiệt hại xảy ra;

(iv) Khi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu của sản phẩm không được xác định thì người cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng [người bán] sẽ phải chịu trách nhiệm như nhà sản xuất, nhà nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu người đó cung cấp cho người bị thiệt hại, trong một khoảng thời gian hợp lý tên của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp sản phẩm cho mình thì người đó sẽ không phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, pháp luật của Cộng đồng Châu Âu đã mạnh dạn đưa loại chủ thể nhà nhập khẩu vào phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị. Nhà sản xuất ở đây có thể bao gồm cả nông dân, những người trông hoa quả, rau củ,... Nhìn chung, quy định về những người chịu trách nhiệm sản phẩm theo Bản chỉ thị 85/374/EEC khá rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho những người bị thiệt hại có thể xác định được bị đơn để khởi kiện một vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm[61]. Tuy nhiên, để hạn chế sự khác biệt giữa các nước thành viên thì cần phải có hướng dẫn thi hành chi tiết hơn[62].

(2) Về phạm vi sản phẩm (scope of products)

Điều 2 Chỉ thị 85/374/EEC quy định áp dụng đối với các sản phẩm là động sản được sản xuất theo quy trình công nghiệp, điều đó có nghĩa rằng, mặc dù có tên gọi là Luật trách nhiệm sản phẩm, nhưng sản phẩm đó chỉ bao gồm những sản phẩm do con người tạo ra theo một quy trình công nghệ nhất định. Các sản phẩm nông nghiệp và săn bắt không thuộc phạm vi Chỉ thị này, trừ trường hợp nó được chế biến theo quy trình công nghiệp đã dẫn đến khuyết tật của sản phẩm đó. Như vậy, trách nhiệm theo Chỉ thị này cũng bao gồm các động sản được sử dụng trong xây dựng hoặc đưa vào công trình xây dựng... Quy định trên cho thấy sự ưu đãi của EU cho các sản phẩm nông nghiệp của các nước thành viên[63].

Sản phẩm cũng không bao gồm các sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường trước ngày Bản chỉ thị 85/374/EEC có hiệu lực (trước ngày 30 tháng 07 năm 1988)[64]. Một sản phẩm được xem là được đưa vào lưu thông trên thị trường khi nó được chuyển đến người tiêu dùng thông qua các hành vi như bán, cho thuê, cho mượn... Sản phẩm phải là những sản phẩm hữu hình và được sử dụng với mục đích tiêu dùng. Sản phẩm có thể là toàn bộ sản phẩm hoặc một phần của sản phẩm. Trong nghiên cứu của Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu về việc thực hiện Bản chỉ thị 85/374/EEC vào ngày 28 tháng 07 năm 1999, các chuyên gia nghiên cứu đã khảo sát và đề nghị mở rộng phạm vi đối với các sản phẩm là bất động sản. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì bất động sản như nhà cửa cũng có những khuyết tật trong quá trình xây dựng, sử dụng và gây rất nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người sử dụng bất động sản đó nhưng hiện nay pháp luật của các nước thành viên còn quy định khác nhau[65].

(3) Về sản phẩm khuyết tật (defective products)

Theo khoản 1 Điều 2 Chỉ thị 85/374/EEC thì một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi nó không an toàn như những người có liên quan mong đợi. Khi xem xét khuyết tật của sản phẩm cần quan tâm đến những yếu tố sau: (i) Sự giới thiệu sản phẩm bao gồm lời hướng dẫn sử dụng sản phẩm hay lời cảnh báo an toàn, trưng bày hay quảng cáo về sản phẩm; (ii) Tình trạng thực tế của sản phẩm; (iii) Quá trình sử dụng sản phẩm kể từ khi được đưa vào lưu thông trên thị trường; (iv) Thời gian cụ thể sản phẩm được đưa vào sử dụng (yếu tố này cho thấy nhà sản xuất đương nhiên không phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm đã cũ và vì thế xảy ra khuyết tật).

Các yếu tố trên sẽ góp phần xác định được khi nào một sản phẩm được xem là có khuyết tật, chịu sự điều chỉnh về trách nhiệm sản phẩm của pháp luật, qua đó sẽ hình thành nên các trường hợp giải phóng trách nhiệm cho nhà sản xuất. Theo Khoản 2 Điều 6 Chỉ thị 85/372/EEC thì một sản phẩm sẽ không được coi là có khuyết tật khi một sản phẩm tốt hơn cùng loại được đưa ra thị trường. Điều này có liên quan đến vấn đề “rủi ro phát triển” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất.

Đối với khuyết tật sản phẩm, theo các học thuyết nền tảng chung trên thế giới nói chung và của pháp luật EU nói riêng đều có ba loại như sau: khuyết tật do thiết kế, khuyết tật do sản xuất và khuyết tật do không cảnh báo hoặc không cảnh báo đầy đủ để đảm bảo sự an toàn của sản phẩm. Đây chính là những cơ sở, những điều kiện để khởi kiện một vụ án liên quan đến trách nhiệm sản phẩm[66].

(4) Thiệt hại do các sản phẩm khuyết tật gây ra

Điều 1 của Chỉ thị 85/374/EEC quy định nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi sản phẩm khuyết tật. Điều 9 xác định thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra bao gồm:

- Thiệt hại gây ra cái chết hoặc thương tật cho người sử dụng;

- Thiệt hại về tài sản do khuyết tật của sản phẩm gây ra, không bao gồm thiệt hại của chính sản phẩm khuyết tật, có giá trị nhỏ nhất là 500 Euro với điều kiện sản phẩm bị thiệt hại phải là sản phẩm phục vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân và sản phẩm đó được người bị thiệt hại sử dụng cho mục đích tiêu dùng của mình. Bên cạnh đó, Chỉ thị 85/374/EEC chỉ quy định về thiệt hại vật chất nhưng cũng không hạn chế các quốc gia quy định về thiệt hại phi vật chất như danh dự, uy tín, tinh thần. Báo cáo lần thứ hai cũng đưa ra kiến nghị về việc mở rộng khái niệm thiệt hại của Bản chỉ thị 85/374/EEC đối với các thiệt hại phi vật chất. Chỉ thị 85/374/EEC cũng loại trừ các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản từ các thảm họa hạt nhân. Những thiệt hại này sẽ được giải quyết theo các Công ước quốc tế về thảm họa hạt nhân[67].

Chỉ thị 85/374/EEC cũng quy định hạn mức trách nhiệm vật chất của nhà cung cấp. Theo đó, Bản chỉ thị 85/374/EEC chỉ áp dụng cho những thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 EUR trở lên. Bản chỉ thị 85/374/EEC cũng cho phép các nước thành viên quy định hạn mức trách nhiệm của nhà sản xuất đối với khuyết tật của sản phẩm gây ra thương tích cho cá nhân nhưng không được thấp hơn 70 triệu EUR. Đối với thiệt hại về tài sản thì không quy định hạn mức cao nhất, mà tùy  thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại để xác định số tiền phải bồi thường.

2.2.3. Hậu quả pháp lí do vi phạm

Các Chỉ thị không nêu rõ ràng hậu quả pháp lí đối với các vi phạm về trách nhiệm sản phẩm mà để mở cho các quốc gia thành viên quy định khi nội luật hoá nội dung của các Chỉ thị. Bên cạnh đó, các nhà làm luật châu Âu cũng đưa ra một số quy định mang tính định hướng và khuyến nghị như theo Khoản 1 Điều 16 của Chỉ thị 85/374/EEC, bất kì một nước thành viên nào của cộng đồng Châu Âu cũng có thể quy định trách nhiệm tổng cộng của một nhà sản xuất cho thiệt hại là kết quả từ cái chết hay tổn thương cá nhân với cùng một khuyết tật như nhau sẽ bị giới hạn với một tổng số bồi thường không thấp hơn 70 triệu Euros.

2.2.4. Giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

(1) Hình thức giải quyết tranh chấp

Bản chỉ thị 85/374/EEC không quy định về vấn đề khởi kiện vụ kiện trách nhiệm sản phẩm[68]. Nhưng căn cứ theo quy định tại Bản chỉ thị số 98/27/EC ngày 19 tháng 5 năm 1998 về việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[69] và Chỉ thị 2001/95/EC ngày 03 tháng 12 năm 2001 về quy định chung về an toàn sản phẩm[70] cho phép người bị thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm có thể tiến hành khởi kiện riêng lẻ hoặc khởi kiện tập thể[71].

Ngoài hình thức khởi kiện tại tòa án, còn có thể áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác như hòa giải, thương lượng bồi thường. Việc khởi kiện trách nhiệm sản phẩm được thụ lý khi đáp ứng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hạn chịu trách nhiệm sản phẩm, giá trị tài sản bị thiệt hại[72].

(2) Các thiệt hại phát sinh được bồi thường

Trong mục đích của Chỉ thị 85/374/EEC, các thiệt hại bao gồm: (i) thiệt hại được gây ra bởi cái chết hay thương tích của cá nhân; (ii) làm thiệt hại đến một khối tài sản được dùng cho việc sử dụng cá nhân hay sự tiêu thụ khác hơn là sản phẩm khuyết tật với một mức thấp hơn 500 euros. Chỉ thị cũng không hạn chế việc bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại vật chất theo pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, Chỉ thị không áp dụng đối với thương tích hay thiệt hại phát sinh từ các tai nạn được đề cập bởi các công ước quốc tế do các quốc gia thành viên Liên minh phê chuẩn.

Tất cả những người tham gia gây ra nguyên nhân và có lỗi trong việc làm phát sinh một khuyết tật đều chịu trách nhiệm với tư cách là con nợ chung. Điều đó có nghĩa là người bị thiệt hại hoàn toàn có quyền yêu cầu đòi bồi thường từ bất kỳ người nào. Để bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bất kỳ một người nào trong những người phải chịu trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho họ trong trường hợp nhiều người phải chịu trách nhiệm về cùng một thiệt hại. Việc bảo vệ người tiêu dùng đòi hỏi không được hạn chế trách nhiệm của nhà sản xuất do hành vi của những người khác đã góp phần tạo ra nguyên nhân gây ra thiệt hại. Tuy nhiên cần xem xét việc người bị thiệt hại đã cùng có lỗi để giảm trừ trách nhiệm hoặc loại trừ trách nhiệm của nhà sản xuất. Mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu khắc phục các thiệt hại phát sinh do nguyên nhân chết người và gây thương vong, cũng như khắc phục các thiệt hại về vật chất...

(3) Khiếu nại và khởi kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

Theo quy định tại điều 10 của Bản chỉ thị 85/374/EEC thì người bị thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra có quyền khởi kiện hoặc khiếu nại trong vòng 3 năm kể từ ngày phát sinh thiệt hại. Thời hạn này được tính từ ngày nguyên đơn biết hoặc phải biết về thiệt hại và xác định được nhà sản xuất hay người chịu trách nhiệm sản phẩm. Các quy định của pháp luật quốc gia các nước thành viên về việc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thời hiệu khởi kiện sẽ không ảnh hưởng bởi quy định của Bản chỉ thị 85/374/EEC. Tuy nhiên, thiệt hại này phải phát sinh trong vòng 10 năm kể từ ngày sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường. Thời hạn 10 năm có thể kéo dài hơn nếu vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm đang diễn ra.

Không có điều khoản nào bằng hợp đồng có thể cho đồng ý cho nhà sản xuất giới hạn trách nhiệm của mình liên quan đến người bị thương tích. Các quy định của các quốc gia chi phối trách nhiệm hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng không bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị này. Cho nên, người bị thương tích (do khuyết tật của sản phẩm) có thể đòi, khẳng định quyền lợi của mình cho phù hợp. Giá trị sử dụng của sản phẩm sẽ bị giảm theo thời gian, các tiêu chuẩn về an toàn ngày càng nghiêm khắc hơn và các kiến thức về khoa học, kỹ thuật ngày càng tiến bộ. Vì vậy sẽ là bất công, nếu nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm vô thời hạn do sản phẩm của họ bị khuyết tật. Vì vậy trách nhiệm của họ được kết thúc trong một thời gian thích hợp. Tuy nhiên, một yêu cầu về pháp lý không vì thế mà bị cản trở[73].

Đối với nghĩa vụ chứng minh, người bị thiệt hại phải đưa ra được bằng chứng để chứng minh được những vấn đề sau: có thiệt hại thực sự, lỗi khuyết tật trong sản phẩm, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và khuyết tật, lỗi của sản phẩm. Khi Chỉ thị quy định trách nhiệm pháp lý của các nhà sản xuất không dựa vào yếu tố lỗi của họ thì việc đưa ra lỗi của nhà sản xuất để chứng minh của người bị thiệt hại là không cần thiết.

(4) Miễn giảm trách nhiệm liên quan đến sản phẩm khuyết tật

(i) Giảm trách nhiệm sản phẩm

Theo quy định tại điều 8 Chỉ thị 85/374/EEC, trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất sẽ được xem xét giảm trừ nếu :

- Thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm và hành vi của bên thứ ba.

- Thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm và do hành vi của chính người bị thiệt hại như việc người bị thiệt hại sử dụng sai hướng dẫn, cảnh báo, người sử dụng vô ý gây hư hỏng…

(ii) Miễn trách nhiệm sản phẩm

Người bị thiệt hại thường xuyên gặp khó khăn về nghĩa vụ chứng minh lỗi của nhà sản xuất đối với sản phẩm bị khuyết tật bới họ không thể quan sát tổ chức sản xuất nội bộ cũng như quá trình sản xuất nội bộ của nhà sản xuất. Vì vậy người ta đã đảo ngược quy trình thành nghĩa vụ của nhà sản xuất phải chứng minh việc không có lỗi. Theo đó, tại Điều 7 của Chỉ thị 85/374/EEC, nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lí khi chứng minh được một trong các vấn đề sau đây: (i) Họ đã không đưa sản phẩm đó vào lưu thông trong thị trường; (ii) Khuyết tật gây ra thiệt hại không tồn tại trong quá trình sản xuất mà phát sinh sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông (trong trường hợp này, bên nào gây ra khuyết tật, bên ấy phải chịu); (iii) Việc cung cấp sản phẩm đó cho người khác không vì mục đích lợi nhuận; (iv) Nhà sản xuất không bán hoặc phân phối các sản phẩm đó trong quá trình kinh doanh; (v) Khuyết tật của sản phẩm phát sinh do thương nhân buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (vi) Kiến thức khoa học và kĩ thuật của đất nước tại thời điểm các sản phẩm được đưa vào lưu thông không cho phép phát hiện các khuyết tật của sản phẩm (về điểm này, các nước thành viên của Cộng đồng Châu Âu được cho phép xác định bằng sự vi phạm); (vii) Trong trường hợp nhà sản xuất trong giai đoạn cuối cùng của sản phẩm chứng minh được khuyết tật của sản phẩm đó thuộc về thiết kế sản phẩm hay những lời chỉ dẫn của sản phẩm được đưa vào quá trình sản xuất bởi nhà sản xuất ra chúng.

(5) Xử lí các vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

Các Chỉ thị không đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường tiền đau đớn cũng như khắc phục các thiệt hại khác về tinh thần mà trong các lĩnh vực pháp luật khác có thể áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể. Đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng so với pháp luật về trách nhiệm sản phẩm tại Hoa kỳ[74].

Chỉ thị 85/374/EEC cũng cho phép mỗi quốc gia thành viên được thiết lập một giới hạn cho trách nhiệm toàn bộ của nhà sản xuất cho thiệt hại là kết quả của cái chết hay thương tích cá nhân gây ra bởi những sự đồng nhất với cùng một khuyết tật như nhau.

2.3. Quá trình nội luật hoá pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu vào pháp luật các nước thành viên

Các quốc gia thành viên của Cộng đồng Châu Âu đã xây dựng, nội luật hoá gần như nguyên văn nội dung các Chỉ thị. Có quốc gia đã sửa đổi hoàn toàn nội dung các văn bản pháp luật cũ về trách nhiệm sản phẩm và tập trung vào trong một văn bản chung về trách nhiệm sản phẩm, ví dụ như CHLB Đức. Cũng có  quốc gia sửa đổi văn bản cũ cho tương thích với các Chỉ thị. Ví dụ, Vương quốc  Anh đã sửa đổi đạo Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 1987. Có thể thấy, hầu hết các quốc gia thành viên đều theo hướng quy định chế định trách nhiệm sản phẩm trong một đạo luật riêng biệt. Hiện nay, các thành viên của Cộng đồng Châu Âu đã nội luật hoá hầu hết nội dung các Chỉ thị liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Có thể điểm qua tình hình ở một số quốc gia như sau[75]:

- CH Pháp đã bổ sung, sửa đổi các điều 1386-1 đến 1386-18 của Bộ luật Dân sự và Luật số 389/98 ban hành ngày 19/05/1998 để nội luật hóa các qui định của EU về trách nhiệm sản phẩm.

- CHLB Đức ban hành Luật Trách nhiệm sản phẩm năm 1989 với nhiều nội dung lấy từ các Chỉ thị của EU về trách nhiệm sản phẩm.

- Vương quốc Đan Mạch ban hành Luật số 371; Luật Trách nhiệm sản phẩm số sửa đổi số 1041 ngày 28/11/2000, Luật Trách nhiệm sản phẩm sửa đổi số 541 ngày 8/6/2006 theo những nguyên tắc cơ bản của các Chỉ thị.

- Vương quốc Tây Ban Nha ban hành Luật Trách nhiệm sản phẩm số 22 ban hành ngày 06/04/1994.

- Vương quốc Hà Lan ban hành Luật Trách nhịêm sản phẩm số 53 ban hành ngày 13/09/1990.

- Vương quốc Thuỵ Điển ban hành Luật số 18 ban hành ngày 23/01/1992 được sửa đổi bởi Luật số 1137 ngày 03/12/1992 và Luật số 647 ban hành ngày 10/06/1993.

2.4. Một số nhận xét các quy định của Cộng đồng Châu Âu về chế định trách nhiệm sản phẩm

Thứ nhất, có thể thấy rằng Cộng đồng Châu Âu đã chú ý đến việc điều chỉnh vấn đề trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất từ khá sớm. Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm năm 1985 là Chỉ thị quan trọng nhất của Cộng đồng Châu Âu. Chỉ thị đã tạo ra một quan niệm, một nhận thức mới về trách nhiệm sản phẩm. Như đã trình bày ở phần trên, Chỉ thị này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Chỉ thị 1999/34/EC với những nội dung mới, tiến bộ hơn. Có thể thấy, việc quan tâm đến vấn đề điều chỉnh trách nhiệm sản phẩm đã giúp cho cộng đồng Châu Âu tạo ra một môi trường kinh doanh có tính trách nhiệm cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kịp thời, hiệu quả. Hơn nữa, với việc ban hành các quy phạm liên quan đến trách nhiệm sản phẩm ngay từ đầu thì sẽ mang lại một hiệu quả tích cực đối với quá trình sửa đổi, bổ sung, cập nhật theo những yêu cầu mà thực tiễn áp dụng vào Chỉ thị[76] đặt ra. 

Thứ hai, các quy định của Cộng đồng Châu Âu về trách nhiệm sản phẩm khá đồng nhất và phù hợp, được các nước thành viên nội luật hoá khá đầy đủ, góp phần tạo ra những sự thay đổi lớn và hài hòa hóa trong pháp luật các nước thành viên về trách nhiệm sản phẩm. Các quy định của Cộng đồng Châu Âu được ban hành trong Chỉ thị mang tính mềm dẻo, có khả năng xác định những định hướng cho các nước thành viên trong quá trình xây dựng pháp luật quốc gia mình. Chính ưu điểm này đã làm cho hệ thống pháp luật của Cộng đồng Châu Âu trở thành một hình mẫu đáng chú ý trong việc điều chỉnh quan hệ trách nhiệm sản phẩm.

Thứ ba, các quy định pháp luật của Cộng đồng Châu Âu về trách nhiệm sản phẩm khá cụ thể, rõ ràng. Cụ thể, những nội dung quan trọng nhất trong chế định này như phạm vi chủ thể, khái niệm sản phẩm, vấn đề thời hạn, thời hiệu được quy định khá chi tiết. Quan trọng hơn, các Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu đã có những phần chung, rất mở để tạo điều kiện cho các nước thành viên quy định chi tiết như vấn đề về mức bồi thường thiệt hại. Do vậy, pháp luật của Cộng đồng Châu Âu vừa cụ thể, vừa linh hoạt phù hợp với những đặc điểm trong hoạt động lập pháp của Cộng đồng Châu Âu. Đáng chú ý, các quy định pháp luật của Cộng đồng châu Âu về giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm khá cụ thể và chi tiết. Quy định này tạo điều kiện cho các nước thành viên giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại dễ dàng khởi kiện theo pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất. Chính vì lý do này, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Cộng đồng Châu Âu được coi là nghiêm khắc và có khả năng thực thi nhất và hệ quả của nó là người tiêu dùng Châu Âu được bảo vệ rất hiệu quả.

Thứ tư, pháp luật Cộng đồng Châu Âu về trách nhiệm sản phẩm đã đạt được thành công trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ như, để bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất không cho phép quy định khác về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người bị thiệt hại thông qua một bảo lưu hợp đồng. Bên cạnh đó, nội dung các Chỉ thị cũng không làm mất tính cân bằng xét ở yêu cầu bảo vệ nhà sản xuất và trật tự, môi trường kinh doanh. Do đó, có thể đánh giá rằng các văn bản pháp quy điều chỉnh vấn đề trách nhiệm sản phẩm của không quá nghiêng hay nặng về bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ năm, tuy nhiên, pháp luật Cộng đồng Châu Âu về trách nhiệm sản phẩm về một số nhược điểm còn tồn tại: (i) về chủ thể chịu trách nhiệm về thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra, pháp luật của Cộng đồng Châu Âu chì dừng lại là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu mà chưa mở rộng đến các chủ thể khác như nhà xuất phân phối, nhà cung ứng,...; (ii) về phạm vi sản phẩm “khuyết tật”: các quy định hiện nay dừng lại ở các động sản được sản xuất theo quy trình công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp ban đầu (chưa qua chế biến), tức là dừng lại ở phạm vi hàng hoá; (iii) thời hiệu khởi kiện của người tiêu dùng và thời hạn chịu trách nhiệm của nhà sản xuất hiện nay còn chênh nhau khá lớn, chưa phù hợp với yêu bảo vệ quyền lợi của người bị hại cũng như của nhà sản xuất.

III. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA CÁC QUỐC GIA KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

3.1. Nhật Bản

Trước khi có Luật Trách nhiệm sản phẩm năm 1994, Nhật Bản đã có chế định về trách nhiệm sản phẩm dù trong pháp luật Nhật Bản lúc đó không hề tồn tại khái niệm pháp lý về "trách nhiệm sản phẩm"[77]. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong thực tiễn pháp lý của Nhật Bản không có các vụ kiện liên quan tới việc áp dụng trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất khi đưa ra thị trường sản phẩm khuyết tật, gây thiệt hại đối với người tiêu dùng. Điều này được thể hiện qua một số vụ việc điển hình diễn ra trong thời gian đó[78]. Dưới góc độ pháp lý, các vụ việc này được giải quyết theo các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm khuyết tật quy định trong Bộ luật dân sự Nhật Bản (các quy định về hợp đồng hoặc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo lỗi bất cẩn). Theo các quy định này, việc giải quyết trách nhiệm của nhà sản xuất chỉ đặt ra khi nhà sản xuất có lỗi trong việc gây ra thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Nhà sản xuất và người tiêu dùng được coi có địa vị bình đẳng về mặt tố tụng trong các vụ kiện. Lúc đó, khái niệm “trách nhiệm nghiêm ngặt” hoàn toàn không tồn tại. Chính vì thế, ngay từ những năm 1970, khi phong trào bảo vệ người tiêu dùng lên cao, trước ý kiến đề xuất việc du nhập chế định trách nhiệm sản phẩm kiểu Hoa Kỳ, trong đó có trách nhiệm nghiêm ngặt, nhiều học giả cho rằng, việc du nhập loại quy định này là không cần thiết. Trách nhiệm nghiêm ngặt là khái niệm hoàn toàn xa lạ với tư duy pháp lý của Nhật Bản cũng như với tâm thức chung của dân chúng Nhật Bản[79]. Nhiều người theo quan điểm này cũng bày tỏ sự nghi ngờ lớn về hiệu lực của đạo luật trách nhiệm sản phẩm sau khi được ban hành. Tuy nhiên cũng có quan điểm khác lại cho rằng: chế độ trách nhiệm sản phẩm trước đây của Nhật không đủ sức để đưa ra các biện pháp bảo vệ thoả đáng đối với người tiêu dùng. Do vậy, việc ban hành Luật riêng về trách nhiệm sản phẩm đối với xã hội Nhật Bản là cần thiết[80].

Tuy bị ảnh hưởng nhiều bởi chế định trách nhiệm sản phẩm trong Chỉ thị năm 1985 của Ủy ban Châu Âu về trách nhiệm sản phẩm[81], Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản năm 1994 chỉ gồm có 7 Điều với các nội dung cơ bản sau:

- Mục đích của Luật: Luật được ban hành với mục đích “góp phần vào sự ổn định và cải thiện đời sống quốc dân, sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc gia và bảo vệ những người bị thiệt hại từ quá trình sử dụng sản phẩm bằng việc quy định trách nhiệm của nhà sản xuất và những chủ thể tương đương đối với các thiệt hại về tính mạng, thân thể, sức khỏe hoặc tài sản gây ra bởi sản phẩm khuyết tật” (Điều 1). Các quy định của Luật được coi là các quy định bổ sung và ưu tiên áp dụng so với các quy định tương ứng trong Bộ luật dân sự Nhật Bản (Điều 6).

- Sản phẩm khuyết tật được hiểu theo đạo luật này chỉ là các động sản đã qua quá trình chế biến hoặc sản xuất mà “thiếu sự an toàn” thông thường xét ở tính tới các tính năng, phương thức sử dụng dự kiến, thời gian giao hàng, và các thuộc tính khác có liên quan.

- Nhà sản xuất được hiểu bao gồm: người kinh doanh, sản xuất, chế biến hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc người thể hiện mình là nhà sản xuất bằng cách gắn nhãn hiệu của mình lên sản phẩm hoặc người mà có các hành vi làm cho người khác tin một cách hợp lý rằng mình là nhà sản xuất sản phẩm ấy.

- Luật quy định một nguyên tắc chung là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra bởi sản phẩm khuyết tật (Điều 3). Tuy nhiên, Luật quy định rõ các trường hợp ngoại lệ theo đó nhà sản xuất có thể được miễn trừ trách nhiệm (Điều 4) gồm:

+ Khi khuyết tật không thể phát hiện được bởi nhà sản xuất tại thời điểm giao hàng do trình độ khoa học công nghệ chưa cho phép nhà sản xuất phát hiện được khuyết tật.

+ Khi sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu thô hoặc một thành phần của sản phẩm khác mà khuyết tật phát sinh là kết quả của việc tuân thủ các chỉ dẫn do nhà sản xuất sản phẩm khác đưa ra và nhà sản xuất ban đầu không có lỗi về việc gây ra khuyết tật ấy.

- Thời hiệu khởi kiện được Luật quy định là 3 năm kể từ thời điểm biết được thiệt hại và xác định được người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng không quá 10 năm kể từ thời điểm nhà sản xuất đã bàn giao sản phẩm (Điều 5 Khoản 1). Trường hợp thiệt hại được tích tụ trong cơ thể con người thì thời hiệu được tính từ ngày phát sinh thiệt hại (Điều 5 Khoản 2).

So sánh với các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật của EU hoặc Hoa Kỳ, có thể thấy rằng, mức độ chi tiết trong các quy định về trách nhiệm sản phẩm ở Nhật Bản còn khá hạn chế. Tuy cũng giống với pháp luật của Hoa Kỳ và EU trong việc chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt được công nhận và áp dụng nhưng pháp luật Nhật Bản còn kém chi tiết hơn khi quy định về các dạng khuyết tật, việc phân chia trách nhiệm chứng minh và các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm đối với nhà sản xuất. Thực tiễn áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm ở Nhật Bản cho thấy, kể từ sau khi có Luật Trách nhiệm sản phẩm năm 1994, Nhật Bản không chứng kiến sự tăng đột biến các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Nhật Bản hoàn toàn không trải qua giai đoạn gọi là tình trạng “khủng hoảng về trách nhiệm sản phẩm” như Hoa Kỳ đã từng trải qua vào những năm 1980-1990[82]. Nhiều nhà nghiên cứu đã từng giải thích tình trạng này bằng lý do văn hóa, cụ thể là người Nhật Bản  không ưa kiện tụng. Tuy nhiên, theo giáo sư Tsuneo Matsumoto, một chuyên gia về lĩnh vực Luật trách nhiệm sản phẩm của Đại học Hitotsubashi[83], lý do chính là vì bên cạnh Luật trách nhiệm sản phẩm, Nhật Bản còn các các đạo luật khác quy định các biện pháp bồi thường mà trong thực tế đã làm giảm hiệu quả các vụ kiện tụng về trách nhiệm sản phẩm. Trong số đó, phải kể đến các biện pháp như: (1) duy trì hệ thống bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông (theo Luật Bảo đảm bồi thường tai nạn giao thông); (2) duy trì hệ thống bảo hiểm lao động cho công nhân theo đó trong các trường hợp bòi thường thiệt hại do trong các vụ tai nạn do các thiết bị có khuyết tật gây ra thì tiền bồi thường công nhân được lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước chứ không phải từ công ty sản xuất sản phẩm khuyết tật (theo Luật Bảo hiểm bồi thường cho công nhân); (3) duy trì hệ thống bồi thường theo Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng (theo đó, Hội tiêu chuẩn an toàn được thành lập từ năm 1973 có trách nhiệm kiểm tra và cấp phép các sản phẩm hợp chuẩn và quản lý quỹ bồi thường cho các sản phẩm không an toàn; trường hợp sản phẩm khuyết tật gây thương tổn cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng có thể yêu cầu Hội này bồi thường đến 30 triệu Yên); (4) duy trì hệ thống bồi thường cho người sử dụng các sản phẩm dược phẩm theo Luật bồi thường cho người bị thiệt hại từ tác dụng phụ của thuốc (năm 1978) hoặc Luật bồi thường cho người bị thiệt hại từ tác dụng phụ của các sinh phẩm y tế.

3.2. Hàn Quốc

Trước thời điểm ban hành Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc (năm 2000), vấn đề bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra được áp dụng theo các quy định trong Bộ luật Dân sự Hàn Quốc[84] về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của Bộ luật này, chế định bồi thường theo lỗi bất cẩn (negligence) được áp dụng. Khi có vụ kiện tụng về trách nhiệm sản phẩm, nguyên đơn phải chứng minh sự tồn tại của khuyết tật, mối quan hệ giữa khuyết tật và thiệt hại, lỗi bất cẩn (hoặc lỗi cố ý) của nhà sản xuất. Trong thực tiễn, vấn đề chứng minh lỗi bất cẩn của nhà sản xuất là rất khó. Chính vì thế, không phải trường hợp nào nguyên đơn cũng thành công trong việc chứng minh sự tồn tại của lỗi của nhà sản xuất mặc dù có thể chứng minh được sự tồn tại của khuyết tật và mối quan hệ nhân quả giữa khuyết tật và thiệt hại xảy ra. Để tăng cường mức độ bảo vệ người tiêu dùng mà Bộ luật Dân sự đã có những quy định bước đầu, Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc đã được ban hành năm 2000 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2002).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ý tưởng về việc ban hành Luật về trách nhiệm sản phẩm ở Hàn Quốc đã được các học giả và công chúng nêu ra từ những năm 1970[85]. Năm 1982, một số nghị sỹ đã bảo trợ cho một dự luật về trách nhiệm sản phẩm và trình ra Nghị viện Hàn Quốc nhưng dự luật này không được thông qua. Mặc dù không được thông qua nhưng sau đó vấn đề xây dựng Luật về trách nhiệm sản phẩm tiếp tục được tranh luận rộng rãi trong giới học giả và công chúng mặc dù quan điểm của giới chính trị cầm quyền lúc đó cho rằng việc ban hành đạo luật này chưa phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế đương thời. Năm 1998, vấn đề xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm lại được khởi động lại với sự ủng hộ của chính phủ đương thời trong bối cảnh ngày càng phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại từ sản phẩm khuyết tật. Thêm vào đó, chính phủ đương thời cũng quan niệm luật trách nhiệm sản phẩm như một tiêu chuẩn phổ cập toàn cầu (khi mà không chỉ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản mà thậm chí cả một số nước đang phát triển cũng đã có luật này) [86]. Năm 1999, dự luật Trách nhiệm sản phẩm được chính thức trình Nghị viện và đạo luật này được thông qua vào tháng 12/1999 và công bố vào tháng 1/2000.        

Theo quy định của Luật này, chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt được áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm khuyết tật. Nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn được giảm xuống vì nguyên đơn không còn phải chứng minh nhà sản xuất có lỗi trong việc sản xuất ra sản phẩm khuyết tật. Cũng theo quy định này, sản phẩm được hiểu là các động sản được sản xuất, gia công hoặc chế biến. Điện hoặc khí ga cũng được coi là sản phẩm theo quy định của đạo luật này. Tuy nhiên, đạo luật có sự miễn trừ đối với một số sản phẩm chưa qua giai đoạn chế biến bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, gia cầm, gia súc, thủy sản, lâm sản. Bất động sản (chẳng hạn nhà được bán hoặc cho thuê) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, các động sản đã được gắn với bất động sản (chẳng hạn như các thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện gia dụng,...) lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Dịch vụ không thuộc phạm vi điều chỉnh của đạo luật.

Chủ thể phải gánh chịu trách nhiệm sản phẩm là nhà sản xuất. Nhà sản xuất được hiểu là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trường hợp sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài thì nhà sản xuất được xác định là nhà nhập khẩu. Cũng được coi là nhà sản xuất để xác định trách nhiệm sản phẩm khi tổ chức kinh doanh gắn tên, thương hiệu hoặc các ký hiệu riêng của mình lên sản phẩm để coi sản phẩm đó là của mình trong quá trình kinh doanh hoặc làm cho người tiêu dùng có cơ sở để tin rằng đó là sản phẩm của nhà sản xuất này (trường hợp này, có thể chính doanh nghiệp này lại không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm). Trường hợp không thể xác định được nhà sản xuất thì nhà phân phối sẽ bị quy trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà phân phối sẽ không bị quy trách nhiệm nếu trong một thời gian hợp lý, họ cung cấp được danh tính của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chứng minh được rằng họ đã thực hiện các biện pháp hợp lý để xác định danh tính của nhà sản xuất nhưng nhà phân phối vẫn không biết được danh tính của nhà sản xuất. Trường hợp có nhiều hơn hai nhà sản xuất cùng phải chịu trách nhiệm thì trách nhiệm của họ là trách nhiệm liên đới theo đó nguyên đơn có thể khởi kiện bất cứ nhà sản xuất nào hoặc khởi kiện tất cả các nhà sản xuất để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhà sản xuất các nguyên vật liệu hoặc linh kiện cũng có thể phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu thiệt hại này do khuyết tật trong nguyên vật liệu hoặc linh kiện gây ra.

Khuyết tật được giải thích theo quy định của Luật này là sự thiếu an toàn theo kỳ vọng chung của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Khuyết tật này có thể một trong 3 dạng là khuyết tật trong khâu sản xuất, khuyết tật về khâu thiết kế hoặc khuyết tật về khâu chỉ dẫn[87]. Sự thiếu an toàn được hiểu là rủi ro gây ra tử nạn, thương tổn hoặc thiệt hại về tài sản nhưng không bao gồm sự sai lệch chức năng hoặc chất lượng thấp. Ví dụ, một chiếc tivi bị bốc cháy, vì thế, chiếc tivi ấy trở nên không an toàn và bị xếp vào loại “có khuyết tật”. Tuy nhiên, chiếc tivi không lên hình khi bật sẽ chỉ coi là sản phẩm hỏng hóc hoặc kém chất lượng chứ không bị coi là sản phẩm “có khuyết tật”.

Ba loại khuyết tật được Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc đề cập tới được giải thích cụ thể trong luật này như sau: (i) Khuyết tật về sản xuất: đề cập tới việc sản phẩm không an toàn vì quá trình sản xuất, gia công hoặc chế biến đã làm sản phẩm không còn được đúng như chỉ dẫn thiết kế của sản phẩm mặc dù nhà sản xuất đã thực hiện mọi sự cẩn trọng cần thiết trong quá trình sản xuất, chế biến hoặc gia công sản phẩm; (ii) Khuyết tật về thiết kế: đề cập tới việc sản phẩm không an toàn vì nhà sản xuất đã không theo phương án thiết kế thay thế có thể giảm đi rủi ro gây thiệt hại của sản phẩm; (iii) Khuyết tật về chỉ dẫn: đề cập tới việc sản phẩm không an toàn vì nhà sản xuất không đưa ra các giải thích, hướng dẫn, cảnh báo hoặc các chỉ báo hợp lý khác để làm giảm khả năng gây ra thiệt hại từ sản phẩm.

Điều 4(1)(a)-(d) quy định 4 trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với nhà sản xuất trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn, theo quy định tại  Điều 4(1)(b), nhà sản xuất được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng, trình độ khoa học và công nghệ tại thời điểm đưa vào lưu thông sản phẩm không thể phát hiện ra khuyết tật trong sản phẩm. Các miễn trừ khác gồm: (a) nhà sản xuất không đưa sản phẩm vào lưu thông (Điều 4(1)(a)); (b) khuyết tật tồn tại trong sản phẩm mặc dù đã tuân thủ các tiêu chuẩn quy định bởi các đạo luật có liên quan tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông (Điều 4(1)(c)); (c) sản phẩm đã được sử dụng với tư cách là nguyên vật liệu hoặc phụ tùng, linh kiện để sản xuất một sản phẩm khác và khuyết tật này xảy ra vì tuân thủ với các chỉ dẫn sản xuất của nhà sản xuất sản phẩm mới (Điều 4(1)(d)). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4(2), các miễn trừ tại Điều 4(1)(b)-(d) kể trên sẽ không được chấp nhận nếu tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông, nhà sản xuất đã biết hoặc có thể đã biết sự tồn tại của khuyết tật trong sản phẩm có liên quan và không tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra từ khuyết tật ấy. Đây chính là một trong những điểm mới cơ bản của chế độ trách nhiệm sản phẩm theo quy định của Luật Trách nhiệm sản phẩm năm 2000 so với chế độ trách nhiệm sản phẩm quy định trong Bộ luật dân sự. So với các quy định tương ứng trong Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản (năm 1994), đây cũng là quy định hoàn toàn mới. So với Đức, tuy Luật Trách nhiệm sản phẩm của Đức không có quy định này nhưng Luật về an toàn sản phẩm của Đức lại có quy định tương tự.

Theo quy định mới này, sau khi sản phẩm đã được đưa vào lưu thông, khi phát hiện được sản phẩm khuyết tật, nhà sản xuất phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp tích cực và phù hợp (chẳng hạn, nhà sản xuất phải có trách nhiệm theo dõi thường xuyên tình trạng an toàn của sản phẩm khi sản phẩm đã được đưa vào lưu thông để đảm bảo rằng khi khuyết tật được phát hiện, nhà sản xuất phải có các biện pháp thích hợp như công bố ngay cho công chúng biết để đề phòng, sửa chữa khuyết tật hoặc thu hồi sản phẩm) để đảm bảo sự an toàn cho công chúng. Có như thế, nhà sản xuất mới được hưởng các miễn trừ quy định trong Điều 4(1)(b)-(d).

Về mức độ bồi thường thiệt hại, tuy Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc cũng như thông lệ chung ở Hàn Quốc không chấp nhận hình thức bồi thường có tính chất trừng phạt (punitive damages) nhưng Luật không đưa ra bất cứ giới hạn nào về mức bồi thường (nhất là trong trường hợp thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, thân thể…).

Thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án về trách nhiệm sản phẩm là 3 năm kể từ thời điểm nguyên đơn biết được mình bị thiệt hại và xác định được danh tính nhà sản xuất[88]. Tuy nhiên, sẽ bị coi là hết thời hiệu khởi kiện khi đã hết 10 năm kể từ thời điểm sản phẩm khuyết tật được giao cho nguyên đơn (ngoại trừ trường hợp sản phẩm có chứa hóa chất gây hại cho cơ thể con người và hóa chất ấy phải mất một thời gian tích tụ mới gây ra tác hại khiến nạn nhân có thể nhận biết được).

Luật cũng quy định rõ nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn theo đó nguyên đơn phải chứng minh 3 vấn đề: (1) sự tồn tại của khuyết tật, (2) có thiệt hại xảy ra; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa khuyết tật và thiệt hại[89].

3.3. Trung Quốc

Trước thập niên 1990, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì Trung Quốc rất khan hiếm về hàng hóa. Phong trào bảo vệ người tiêu dùng rất kém phát triển. Mặc dù tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng khá phổ biến, các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại liên quan tới sản phẩm khuyết tật hầu như không xuất hiện[90]. Theo các chuyên gia của công ty luật Lehman, Lee & Xu[91] của Trung Quốc, chế định trách nhiệm sản phẩm còn khá sơ khai. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật chất lượng sản phẩm của Trung Quốc[92] (cùng ban hành năm 1993) và các văn bản pháp luật có liên quan đã có những quy định về quyền của người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất hoặc người phân phối khi sản phẩm của họ có khuyết tật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 112 Luật về các nguyên tắc của Luật Dân sự (năm 1987), nhà sản xuất hoặc người bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với các thương tổn thân thể hoặc thiệt hại về tài sản. Bên bị thiệt hại có quyền tự do lựa chọn việc khởi kiện nhà sản xuất hoặc người bán hàng. Quan điểm chung của giới khoa học pháp lý ở Trung Quốc là quy định này cần được áp dụng theo hướng không cần phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất hoặc người bán trong việc tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trường hợp thiệt hại gây ra cũng có lỗi của phía nạn nhân thì nhà sản xuất hoặc người bán cũng được miễn giảm một phần trách nhiệm pháp lý[93]. Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm được quy định cụ thể như sau trong Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000):

Điều 41 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000):

“Trường hợp sản phẩm khuyết tật gây ra thiệt hại về tài sản hoặc thương tổn về thân thể cho người khác thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại hoặc thương tổn này. Nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại này nếu chứng minh được:

1. Họ không đưa sản phẩm vào lưu thông;

2. Khuyết tật không tồn tại tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông;

3. Trình độ khoa học và công nghệ tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông không thể phát hiện được khuyết tật”.

Điều 42 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000).

“Người bán phải chịu trách nhiệm về các thương tổn thân thể hoặc thiệt hại về tài sản của người khác gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm nếu khuyết tật này phát sinh từ lỗi của người bán. Người bán cũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu họ không thể đưa ra bằng chứng để xác định được nhà sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm khuyết tật”.

Điều 43 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000).

“Nếu khuyết tật của sản phẩm gây ra thương tổn hoặc thiệt hại về thân thể hoặc tài sản của người khác thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường từ nhà sản xuất hoặc người bán sản phẩm. Nếu trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà sản xuất nhưng người bán đã đứng ra bồi thường thì người bán có quyền yêu cầu nhà sản xuất bồi hoàn cho mình. Nếu trách nhiệm bồi thường thuộc về người bán nhưng nhà sản xuất đã đứng ra bồi thường thì nhà sản xuất cũng có quyền yêu cầu người bán bồi hoàn cho mình”.

Điều 44 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000)

“Nếu khuyết tật của sản phẩm gây ra thương tổn cho người khác, thì bên có sản phẩm gây ra thương tổn phải chịu bồi thường về chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe trong thời gian điều trị và tổn thất về thu nhập do không làm việc được; nếu khuyết tật này làm cho người bị thiệt hại mất khả năng lao động thì bên có sản phẩm khuyết tật còn phải chịu chi phí đối với các phương tiện phụ trợ việc đi lại, sinh hoạt, phụ cấp, bồi thường về mất khả năng lao động, khuyết tật, và chi phí cho những người mà người bị thiệt hại có trách nhiệm nuôi dưỡng; nếu khuyết tật làm chết người thì bên có sản phẩm khuyết tật còn phải chịu chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

“Nếu khuyết tật của sản phẩm gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì bên có sản phẩm khuyết tật phải khôi phục lại tài sản đã bị hư hại về trạng thái ban đầu hoặc bồi thường theo thời giá thị trường. Nếu bên có tài sản bị xâm hại còn chịu thiệt hại khác phát sinh từ việc tài sản bị hư hại thì thiệt hại này cũng được bồi thường”.

Điều 45 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000)

“Thời hiệu khởi kiện đối với thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm là 2 năm, tính từ ngày bên bị thiệt hại biết hoặc phải biết về hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

“Quyền đòi bồi thường này sẽ chấm dứt nếu đã qua 10 năm kể từ thời điểm sản phẩm khuyết tật gây thiệt hại được giao cho người tiêu dùng đầu tiên, trừ khi có chỉ dẫn khác một cách rõ ràng về thời hạn sử dụng an toàn của sản phẩm”.

Điều 46 Luật Chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi năm 2000)

“Trong phạm vi quy định của Luật này, khuyết tật được hiểu là nguy hiểm một cách bất hợp lý tồn tại trong sản phẩm làm mất an toàn cho thân thể hoặc tài sản của người khác; và trong trường hợp tồn tại các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn ngành về bảo đảm an toàn sức khỏe hoặc tài sản thì khuyết tật được hiểu là không tuân thủ với các tiêu chuẩn vừa nêu”.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật Trung Quốc vừa nêu, trong một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại gây ra bởi sản phẩm khuyết tật, vấn đề chính nằm ở việc chứng minh có hay không có khuyết tật trong sản phẩm. Nếu tồn tại các tiêu chuẩn mà sản phẩm phải tuân thủ (chẳng hạn do nhà nước quy định, doanh nghiệp tự cam kết,...) thì một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi sản phẩm ấy không tuân thủ tiêu chuẩn này. Nếu không có tiêu chuẩn như vậy thì sẽ được coi là có khuyết tật khi tồn tại một rủi ro quá mức đối với người hoặc tài sản phát sinh từ sản phẩm đó. Một điểm cần lưu ý là các quy định kể trên của Luật Chất lượng sản phẩm không giải thích thế nào là “nhà sản xuất”, liệu một doanh nghiệp đặt hàng gia công từ doanh nghiệp khác sau đó gắn nhãn hiệu của mình lên hàng hóa này để bán ra cho thị trường có được coi là “nhà sản xuất” theo nghĩa của Luật Chất lượng sản phẩm không? Trong một phán quyết của Tòa Tối cao Trung Quốc năm 2002 (vụ kiện Jingqilian vs General Motors), Tòa Tối cao phán quyết rằng bất cứ công ty nào gắn tên của mình lên sản phẩm để đưa vào lưu thông trên thị trường thì sẽ được coi là nhà sản xuất sản phẩm đó bất kể trong thực tế có thể công ty này không trực tiếp “sản xuất” sản phẩm. Cụ thể, trong vụ việc này, tuy sản phẩm của General Motors không phải do chính công ty này sản xuất tại Trung Quốc mà nhập khẩu từ một chi nhánh ở Brazil, nhưng công ty này vẫn được coi là “nhà sản xuất” và phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra bởi khuyết tật trong sản phẩm của mình[94].

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là theo quan niệm được thừa nhận rộng rãi trong giới lý luận pháp luật và hoạt động thực tiễn ở Trung Quốc thì chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại áp dụng cho nhà sản xuất sản phẩm khuyết tật là chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt (không dựa trên cơ sở lỗi). Tuy nhiên, hiện vẫn đang có tranh luận liệu chế độ trách nhiệm áp dụng cho nhà phân phối (người bán) là chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt hay chế độ dựa trên cơ sở lỗi[95].

Đối với vấn đề xác định thiệt hại được bồi thường, các quy định trên cũng quy định khá chi tiết loại thiệt hại được bồi thường. Chẳng hạn, trường hợp tổn hại về thân thể, các chi phí về y tế, tổn thất về thu nhập, các lợi ích bù đắp cho việc thương tật, và trong trường hợp nạn nhân chết, các chi phí về mai táng, tiền cấp dưỡng cho con chưa thành niên, vợ hoặc chồng sẽ phải thanh toán. Trường hợp thiệt hại về tài sản, thì tài sản bị hư hại phải được thay thế hoặc bồi thường theo giá thị trường. Tuy nhiên, không giống như Hoa Kỳ, pháp luật của Trung Quốc không quy định hình thức bồi thường mang tính trừng phạt.

Các quy định kể trên cũng đã chi tiết hóa nhiều nội dung quan trọng khác trong chế định về trách nhiệm sản phẩm như các quy định về thời hiệu khởi kiện (2 năm, tính từ thời điểm nạn nhân biết hoặc phải biết được quyền lợi của mình bị xâm phạm) cũng như các quy định về trường hợp miễn trừ (chẳng hạn, trường hợp nhà sản xuất chứng minh được rằng việc sản phẩm bị đưa vào lưu thông là nằm ngoài ý định của mình (chẳng hạn bị đánh cắp trong giai đoạn thử nghiệm) thì ngay cả khi thiệt hại đã xảy ra do sản phẩm khuyết tật thì nhà sản xuất vẫn không phải chịu trách nhiệm)[96].

IV. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á

Ở khu vực Đông Á và các nước ASEAN, việc tiếp nhận quy tắc về trách nhiệm sản phẩm còn chậm hơn so với Đông Á, nơi có Nhật Bản là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này với hàng chục năm tranh cãi, vận động của các Hội bảo vệ người tiêu dùng mà kết quả là Luật về trách nhiệm sản phẩm đến năm 1994 mới được ban hành. Ở Đông Nam Á, việc đưa các quy tắc về trách nhiệm sản phẩm chỉ diễn ra gần đây ngoại trừ trường hợp Philippines, nước bắt đầu có quy định về vấn đề này từ năm 1992. Mức độ tiếp nhận các vấn đề về trách nhiệm sản phẩm cũng không đồng đều với nhiều quan điểm khác biệt nhất định giữa các quốc gia trong khối. Tất nhiên, sự khác biệt này có lẽ cũng còn một nguyên nhân khác là do sự phát triển thiếu đồng đều giữa các quốc gia ASEAN.

4.1. Kinh nghiệm của Philippines

(1) Khái quát chung pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Philippines

Philippines thông qua Luật về người tiêu dùng năm 1992. Đây là một đạo luật toàn diện, điều chỉnh không chỉ vấn đề trách nhiệm sản phẩm mà cả vấn đề an toàn và chất lượng sản phẩm, hành vi lừa dối và hành vi thiếu công bằng, bảo hành, dán nhãn và đóng gói. Đạo luật này cũng quy định việc thành lập Hội đồng Quốc gia về các vấn đề của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, Luật người tiêu dùng cũng đã thiết lập một cơ chế mở rộng của trách nhiệm nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu dựa vào Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu. Không giống như Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu, Luật Người tiêu dùng của Philippines đặt trách nhiệm chứng minh lên nhà sản xuất. Nhà sản xuất phải chứng minh rằng sản phẩm họ đưa vào thị trường là không có khuyết tật.

Luật Người tiêu dùng chỉ quy định ba trường hợp mà nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm. Đó là các trường hợp nhà sản xuất chứng minh được rằng họ không đưa sản phẩm đó ra thị trường, sản phẩm đó không có khuyết tật, hoặc chỉ có người tiêu dùng hoặc một bên thứ ba là có lỗi. Những căn cứ loại trừ trách nhiệm này ít hơn nhiều so với các căn cứ được quy định trong Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu. Đạo luật này cũng mở rộng việc áp dụng học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt bằng việc yêu cầu các cơ quan nhà nước đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng đối với tất cả các sản phẩm và yêu cầu nhà sản xuất, nhà phân phối hoặc người bán hàng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà những sản phẩm không đảm bảo các tiêu chuẩn đó gây ra. Cơ chế này được đảm bảo thực thi bởi ba cơ quan:

- Cục Y tế: chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại về thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm;

- Cục Nông nghiệp: chịu trách nhiệm về những sản phẩm liên quan đến nông nghiệp và

- Cục Công - Thương: chịu trách nhiệm về tất cả các sản phẩm tiêu dùng khác[97].

Quá trình khiếu nại của người tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi các Văn phòng vì lợi ích người tiêu dùng thành lập bởi cả các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.

(2) Một số nội dung chính trong pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Phillippines

- Về chủ thể phải chịu trách nhiệm: Điều 97 Chương 5 của Luật người tiêu dùng qui định trách nhiệm đối với sản phẩm và dịch vụ, đối với các sản phẩm khuyết tật, theo đó “bất kỳ nhà sản xuất hay nhập khẩu nào của Philippines hay nước ngoài đều phải chịu trách nhiệm khôi phục hoặc bồi thường, không kể có lỗi hay không, đối với các thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng do các khuyết tật có nguyên nhân từ thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp ráp, dựng, nâng cấp, trình bày hay đóng gói sản phẩm, cũng như do cung cấp không đầy đủ thông tin về công dụng và các khả năng gây hại của chúng.

- Đối với trách nhiệm của người bán, Điều 98 Luật Người tiêu dùng quy định: người kinh doanh/bán hàng sẽ phải chịu trách nhiệm tương tự như các nhà sản xuất, nhập khẩu khi a) không thể xác định được người sản xuất, chế tạo, xây dựng, chế biến hay nhập khẩu; b) sản phẩm được cung cấp mà không chỉ rõ nhà sản xuất, chế tạo, xây dựng, chế biến hay nhập khẩu; c) người đó đã không áp dụng các biện pháp bảo quản cần thiết đối với các sản phẩm dễ hư hỏng. Bên bồi thường cho người bị thiệt hại có quyền đòi bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ khoản đã bồi thường từ các bên khác có trách nhiệm, căn cứ vào phần hoặc trách nhiệm của họ đối với thiệt hại đã xảy ra.

- Điều đáng chú ý là Luật người tiêu dùng của Philippines đã xác định chế trách nhiệm đối với sản phẩm dịch vụ. Cụ thể: Điều 99 về trách nhiệm đối với dịch vụ có khuyết tật quy định: nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khôi phục, bồi thường, không phụ thuộc vào việc có lỗi hay không, đối với những thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng do những khuyết tật liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cũng như việc không cung cấp đầy đủ thông tin về việc thực hiện dịch vụ và khả năng gây hại của nó.

- Về khái niệm sản phẩm khuyết tật: Theo Điều 97, một sản phẩm được coi là khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn ở mức độ mà người ta có thể trông đợi một cách hợp lý, có căn cứ vào những tình huống cụ thể, bao gồm nhưng không giới hạn bởi:

a) Việc trưng bày sản phẩm;

b) Công dụng và khả năng gây hại có thể nhìn thấy trước một cách hợp lý;

c) Thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông.

Một sản phẩm không bị coi là khuyết tật chỉ vì có một sản phẩm khác tốt hơn được đưa vào thị trường. Người sản xuất, lắp đặt, chế biến hay nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm khi chứng minh được:

a) Họ đã không đưa sản phẩm ra thị trường;

b) Mặc dù họ đã đưa sản phẩm vào thị trường nhưng sản phẩm đó không có khuyết tật;

c) Chỉ có người tiêu dùng hoặc bên thứ ba có lỗi.

- Về khái niệm dịch vụ có khuyết tật, theo Điều 99, Dịch vụ được coi là có khuyết tật khi nó không đảm bảo an toàn ở mức độ mà người tiêu dùng có thể trông đợi một cách hợp lý, có căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, bao gồm nhưng không giới hạn bởi:

a) Cách thức cung cấp dịch vụ;

b) Hậu quả của khả năng gây hại mà người ta có thể dự đoán một cách hợp lý;

c) Thời gian cung cấp dịch vụ.

Tương tự như sản phẩm hàng hoá, dịch vụ sẽ không bị coi là khuyết tật chỉ vì lý do có sử dụng hay giới thiệu một kỹ năng mới. Nhà cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được:

a) không có khuyết tật trong dịch vụ được cung cấp;

b) chỉ có người tiêu dùng hoặc bên thứ ba có lỗi.

4.2. Kinh nghiệm của Indonesia

Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới của Indonesia đã được Nghị viện thông qua vào ngày 30 tháng 3 năm 1999 sau 20 năm tranh luận, như một phần của gói cải cách kinh tế theo thoả thuận với Quỹ tiền tệ quốc tế. Luật này có hiệu lực vào ngày 20 tháng 4 năm 2000. Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Indonesia mở rộng cơ chế bảo vệ về mặt pháp lý đối với người tiêu dùng liên quan đến các hàng hoá và dịch vụ có khuyết tật. Luật này quy định việc thành lập Ban Bảo vệ người tiêu dùng quốc gia (NCPB), Hiệp hội những người tiêu dùng tự bảo vệ (SSCP) và Ban giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng (CDSB). Chức năng chính của NCPB là giúp Chính phủ hoạch định các chính sách và pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Còn SSCP là một tổ chức phi chính phủ được đăng ký, thực hiện vai trò tư vấn và giám sát công tác thông tin về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và phổ biến thông tin đến người tiêu dùng liên quan đến các quyền của người tiêu dùng và trách nhiệm của các nhà sản xuất, cung ứng. CDSB chịu trách nhiệm xét xử theo phương thức trọng tài các tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, đảm bảo nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Kết quả của những quy định này là các nhà sản xuất và cung ứng sẽ phải đảm bảo các hàng hoá của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và sự an toàn. Ngoài ra, đạo luật mới tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện đối với các nhà sản xuất sản phẩm khuyết tật. Trước đây, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không thể thực hiện có hiệu quả quyền khởi kiện do thiếu các công cụ pháp lý đảm bảo cho việc khởi kiện của họ.

4.3. Kinh nghiệm Malaysia

Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Malaysia có hiệu lực vào ngày 15 tháng 11 năm 1999, sau 10 năm xây dựng. Phần X của Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia quy định chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt liên quan đến hàng hoá có khuyết tật dựa theo quy định tại Chỉ thị của Cộng đồng Châu Âu. Tuy nhiên, trách nhiệm nghiêm ngặt không phải là khái niệm mới mẻ trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của Malaysia, bởi Luật Diễn giải thương mại cũng đã có một số các quy định dựa trên khái niệm này.

- Trách nhiệm đối với thiệt hại theo luật của Malaysia bao gồm cả cái chết, thương tật, hay bất kỳ mất mát, thiệt hại nào đối với tài sản cá nhân. Trách nhiệm này không bao hàm mất mát, thiệt hại đối với sản phẩm khuyết tật.

- Về khái niệm sản phẩm khuyết tật, luật của Malaysia xác định khuyết tật của sản phẩm theo căn cứ vào mức độ an toàn. Cụ thể là sản phẩm sẽ được coi là có khuyết tật nếu không đạt được yêu cầu về an toàn như mức độ mà một người tiêu dùng thông thường có quyền trông đợi. Việc xác định mức độ mà một người tiêu dùng thông thường có quyền trông đợi đối với một sản phẩm phải được thực hiện trên cơ sở xem xét tất cả các yếu tố liên quan được quy định trong Luật[98]. Luật này cũng quy định một sản phẩm sẽ không được coi là có khuyết tật chỉ vì mức độ an toàn của nó thấp hơn so với mức độ an toàn của một sản phẩm được cung cấp sau.

- Các chủ thể phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra trước hết là nhà sản xuất (bao gồm cả người đưa tên lên nhãn hiệu thương mại của sản phẩm) và nhà nhập khẩu. Trong trường hợp nhà cung cấp sản phẩm không thể thông tin về nhà sản xuất hay nhập khẩu thì nhà cung cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Trách nhiệm này cũng được loại trừ đối với người cung cấp nông sản chưa qua bất kỳ một quá trình chế biến nào. Trong trường hợp có từ hai người trở lên phải chịu trách nhiệm, mỗi người sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm với những người còn lại.

- Luật của Malaysia cũng trao cho Bộ trưởng Bộ Nội thương và bảo vệ Người tiêu dùng quyền quyết định không áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với một hoặc một loại hàng hoá cụ thể, và khi đã có quyết định của Bộ trưởng đăng trên Công báo tuyên bố rằng không một thủ tục tố tụng nào được áp dụng tại Toà án đối với khuyết tật của bất kỳ hàng hoá hoặc loại hàng hoá nhất định thì không một thủ tục tố tụng nào có thể được tiến hành tại toà án đối với khuyết tật của hàng hoá đó.

- Về phạm vi trách nhiệm, Điều 69 luật Malaysia quy định các thiệt hại thuộc phạm vi phải chịu trách nhiệm do khuyết tật của sản phẩm không bao gồm thiệt hại đối với chính khuyết tật của sản phẩm, thiệt hại đối với chính sản phẩm khuyết tật và thiệt hại đối với những tài sản tại thời điểm bị mất mát hay thiệt hại không phải là tài sản tiêu dùng hoặc không được người thiệt hại định sử dụng cho mục đích chính là tiêu dùng.

- Về cơ sở xác định trách nhiệm, Điều 70 của Luật người tiêu dùng Malaysia viện dẫn Luật Dân sự 1956, theo đó thiệt hại mà một người phải chịu trách nhiệm sẽ được coi là thiệt hại gây ra bởi hành vi sai trái, bất cẩn hay lỗi của người đó. Như vậy, lỗi trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Malaysia là lỗi suy đoán và để khiếu kiện, chỉ cần xác định có thiệt hại xảy ra hay không và có người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó hay không (nhà sản xuất, nhập khẩu hay cung ứng).

- Với mục đích bảo vệ người tiêu dùng, để ngăn ngừa các thương nhân sử dụng ưu thế của mình để đưa ra những điều khoản loại trừ trách nhiệm khi giao kết hợp đồng với người tiêu dùng, Điều 71 Luật Người tiêu dùng của Malaysia quy định trách nhiệm đối với người bị thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm và đối với người phụ thuộc của người đó sẽ không bị hạn chế hay loại trừ bởi bất kỳ điều  khoản hợp đồng, thông báo hay quy định nào.

- Về các trường hợp miễn trách nhiệm: Các trường hợp được miễn trách nhiệm theo Luật Người tiêu dùng Malaysia tương đối hạn chế và chỉ có năm trường hợp, đó là: (i) Hàng hoá có khuyết tật chỉ vì lý do phải tuân theo các tiêu chuẩn luật định; (ii) Nhà sản xuất đó đã không cung ứng sản phẩm khuyết tật đó; (iii) Khuyết tật được nêu ra không tồn tại khi hàng hoá được cung cấp; (iv) Kiến thức khoa học và kỹ thuật tại thời điểm hàng hoá được cung cấp không cho phép phát hiện ra khuyết tật; hoặc (v) Do áp dụng quy định về trách nhiệm của người cung cấp phụ kiện[99].

4.4. Kinh nghiệm Thái Lan

Luật Trách nhiệm đối với Sản phẩm không an toàn của Thái Lan được ban hành ngày 13 tháng 2 năm 2008 và có hiệu lực vào ngày 23 tháng 12 năm 2009. Đây có thể coi là đạo luật được ban hành mới nhất về trách nhiệm sản phẩm của khu vực ASEAN. Luật áp dụng trách nhiệm phát sinh từ sản phẩm không an toàn đối với nhà sản xuất, người bán hàng, nhà nhập khẩu và những người khác trong chuỗi phân phối. Các nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm sản phẩm thể hiện trong đạo luật này như sau: 

- Về phạm vi sản phẩm: Luật quy định sản phẩm thuộc tất cả các loại được sản xuất, nhập khẩu để bán, bao gồm cả nông sản và điện. Một số trường hợp có thể được loại trừ theo quy định của các Bộ trưởng. Nông sản được hiểu là các sản phẩm từ nông nghiệp, bao gồm trồng lúa, trồng rau, quả, chăn nuôi gia súc, trồng dâu nuôi tằm, trồng nho, cấy nấm và không bao gồm các sản phẩm tự nhiên.

- Về khái niệm sản xuất: Sản xuất theo luật của Thái lan được hiểu là việc chế biến, pha trộn, chuẩn bị, lắp ráp, tạo ra, chuyển đổi hình thái, tạo lại hình dạng, chỉnh sửa, lựa chọn, đóng gói, làm lạnh và làm nóng và cả các hoạt động khác tạo ra tác dụng tương tự. 

- Về chủ thể có thể khởi kiện theo quy định của Luật: người chịu thiệt hại, mất mát do sản phẩm không an toàn là người được kiện để đòi quyền lợi cho mình.

- Về khái niệm mất mát hay thiệt hại: mất mát hay thiệt hại được xác định trong luật là các mất mát hay thiệt hại gây ra do việc sử dụng sản phẩm không an toàn, bao gồm thiệt hại về tính mạng, thân thể, sức khoẻ, tinh thần, tài sản nhưng không bao gồm mất mát hay thiệt hại đối với chính sản phẩm khuyết tật. Thiệt hại về tinh thần có nghĩa là sự đau đớn, đau khổ, sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng, những xấu hổ hay bất kỳ sự thiệt hại về tinh thần nào có tác dụng tương tự.

- Sản phẩm không an toàn được xác định trong Luật này là sản phẩm có khả năng gây ra thiệt hại, có thể là do khuyết tật trong quá trình chế tạo, thiết kế, sự thiếu chỉ dẫn, bảo quản hay cảnh báo; hay thông tin khác liên quan đến sản phẩm, hay không có đủ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng liên quan đến tình trạng của sản phẩm, bao gồm cả thông tin về cách sử dụng và bảo quản trong khi sản phẩm ở tình trạng bình thường trong điều kiện bình thường.

- Các hoạt động là đối tượng của Luật: Theo quy định của Luật, “bán” có nghĩa là bán, phân phối hay trao đổi với mục đích thu lợi nhuận kinh doanh, thuê, mua trả góp, cung cấp và thuyết phục để mua, hay trưng bày với mục đích như đã nêu ở trên. “Nhập khẩu” có nghĩa là nhập khẩu hay đặt hàng sàn phẩm để bán trong lãnh thổ Thái Lan.

- Chủ thể chịu trách nhiệm: Nhà kinh doanh là chủ thể chịu trách nhiệm theo quy định của Luật này bao gồm: (i) Nhà sản xuất hay gia công; (ii) Nhà nhập khẩu; (iii) Người bán một sản phẩm không xác định được nhà sản xuất, gia công hay nhà nhập khẩu; (iv) Người sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu, đồ vật hay bất kỳ phương tiện nào khiến cho người khác nghĩ rằng người đó là nhà sản xuất, gia công hay nhà nhập khẩu. Luật cũng khẳng định tất cả những người kinh doanh đều phải chịu trách nhiệm về những mất mát hay thiệt hại do sản phẩm không an toàn gây ra, khi sản phẩm đó đã được bán cho người tiêu dùng, không kể là thiệt hại đó được gây ra do vô ý hay cố ý.

- Về trách nhiệm chứng minh: Để yêu cầu một người kinh doanh phải chịu trách nhiệm, người bị thiệt hại hay đại diện của người đó phải chứng minh rằng người bị thiệt hại đã phải chịu mất mát hay thiệt hại do sản phẩm đó, và người đó đã tuân thủ đúng các chỉ dẫn về sử dụng, bảo quản sản phẩm trong điều kiện bình thường, nhưng không cần phải chứng minh rằng nhà kinh doanh đó đã gây ra mất mát hay thiệt hại.

- Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm: Nhà kinh doanh không phải chịu trách nhiệm về những mất mát hay thiệt hại do sản phẩm không an toàn gây ra, nếu chứng minh được rằng: (i) Sản phẩm đó không phải là sản phẩm không an toàn; (ii) Bản thân người bị thiệt hại đã biết rằng sản phẩm đó không an toàn; (iii) Mất mát hay thiệt hại được gây ra bởi việc sử dụng, bảo quản không đúng cách, hay không tuân thủ những cảnh báo, hay bỏ qua các thông tin chỉ dẫn liên quan đến sản phẩm mà nhà kinh doanh đã chỉ ra một cách chính xác và rõ ràng.

- Đối với nhà sản xuất và gia công: người sản xuất theo đặt hàng của một nhà thầu không phải chịu trách nhiệm về các mất mát hay thiệt hại nếu chứng minh được rằng đặc tính không an toàn của sản phẩm là do thiết kế của nhà thầu, hay do tuân thủ các hướng dẫn của nhà thầu, bởi khi đó nhà sản xuất không có nghĩa vụ phải đoán biết hay nhìn thấy trước đặc tính không an toàn của sản phẩm. Người sản xuất các phụ kiện của sản phẩm không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được rằng đặc tính không an toàn của sản phẩm là do thiết kế, do việc lắp ráp hay hướng dẫn sử dụng, việc bảo quản, cảnh báo hay các thông tin khác liên quan đến sản phẩm.

- Về thoả thuận loại trừ hay miễn trách nhiệm: Thoả thuận giữa người tiêu dùng và nhà kinh doanh trước khi xảy ra mất mát hay thiệt hại, hay một thông báo của nhà kinh doanh về việc loai trừ hay hạn chế trách nhiệm đối với mất mát hay thiệt hại gây ra bởi một sản phẩm không an toàn không được chấp nhận với mục đích hạn chế hay loại trừ trách nhiệm. “Người tiêu dùng” ở đây có nghĩa là người mua hay tiếp nhận dịch vụ từ một nhà kinh doanh hoặc một người khác đã được nhà kinh doanh mời mua hàng hoá hay tiếp nhận dịch vụ, và bao gồm cả người sử dụng hàng hoá hay dịch vụ từ một nhà kinh doanh ngay cả khi người đó không thanh toán cho hàng hoá/dịch vụ đó.

- Liên quan đến trách nhiệm trong các đạo luật khác: Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn của Thái Lan cũng quy định các đạo luật khác có quy định liên quan đến sản phẩm không an toàn mà đưa ra mức độ bảo vệ cao hơn luật này thì quy định trong đạo luật đó sẽ được áp dụng thay thế. Về vấn đề quyền, quy định trong đạo luật này không hạn chế quyền của người bị thiệt hại đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của luật khác.

- Về quyền khởi kiện của Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng: Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng, hay một hiệp hội, tổ chức được Uỷ ban xác nhận sẽ có quyền khởi kiện thay mặt cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp đó, không có án phí nào được tính ngoại trừ án phí ở cấp cao nhất. Điều quan trọng là khi đó người bị thiệt hại vẫn có quyền tự khởi kiện.

- Về việc đánh giá thiệt hại: Cùng với việc đánh giá thiệt hại theo Bộ luật Dân sự và Thương mại, toà án có thể xác định mức bồi thường căn cứ vào các yếu tố sau: 

(i) Liên quan đến thiệt hại về tinh thần gây ra bởi các thiệt hại hay mất mát đối với thân thể, sức khoẻ của người bị thiệt hại, khi người bị thiệt hại chết, chồng, vợ, cha mẹ hay người thừa kế của người đó sẽ có quyền nhận bồi thường.

(ii) Nếu như nhà kinh doanh đó sản xuất, nhập khẩu hay bán sản phẩm mà biết rằng sản phẩm đó không an toàn, hay không biết do bất cẩn, hay chỉ biết rằng sản phẩm đó không an toàn sau khi sản xuất, nhập khẩu hay bán nhưng không có hành động hợp lý cần thiết để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, toà án có thể ra quyết định yêu cầu nhà kinh doanh bồi thường gấp hai lần thiệt hại thực tế, căn cứ vào các vấn đề như: mức độ mất mát hay thiệt hại, hiểu biết của nhà kinh doanh về sản phẩm không an toàn, độ dài thời gian mà nhà kinh doanh biết được đặc tính không an toàn của sản phẩm, phản ứng của nhà kinh doanh khi biết về tính không an toàn của sản phẩm, lợi ích mà nhà kinh doanh nhận được, tình hình tài chính của nhà kinh doanh, cách thức mà nhà kinh doanh đó giảm thiểu mất mát hay thiệt hại và việc người bị thiệt hại có làm gì tác động để cho mất mát hay thiệt hại xảy ra hay không. 

- Thời hiệu khởi kiện: Quyền khởi kiện sẽ chấm dứt sau 3 năm kể từ ngày người bị thiệt hại biết về tính không an toàn của sản phẩm và biết được danh tính của nhà kinh doanh phải chịu trách nhiệm về thua lỗ hay thiệt hại đó, hoặc là 10 năm sau khi sản phẩm được bán. Khi mất mát hay thiệt hại đối với thân thể, sức khoẻ gây ra bởi sự tích luỹ trong cơ thể của người bị thiệt hại, hay việc cần có thêm thời gian để xem xét các triệu chứng, người bị thiệt hại hoặc đại diện của người đó phải khởi kiện trong vòng 3 năm kể từ ngày biết được mất mát hay thiệt hại, và biết được danh tính của nhà kinh doanh phải chịu trách nhiệm về thiệt hại, nhưng không quá mười năm kể từ ngày biết được mất mát hay thiệt hại đó.

- Hệ quả của việc thương lượng: Nếu giữa nhà kinh doanh và người bị thiệt hại có thương lượng về vấn đề thiệt hại, thời hiệu được áp dụng sẽ được hoãn lại trong suốt quá trình thương lượng và chỉ được tính tiếp khi một trong hai bên kết thúc việc thương lượng.

4.5. Một số nhận xét chung

Nhìn trong bức tranh chung, có thể thấy mặc dù đều tuân thủ các nguyên tắc chung của chế định trách nhiệm sản phẩm nhưng mỗi quốc gia trong khối ASEAN, bên cạnh những quy định chung đều có những quy định tương đối đặc thù về vấn đề này. Về mặt hình thức, các nước có thể đưa những quy định này vào thành một phần của đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng, hoặc quy định trong một đạo luật riêng. Về mặt nội dung, quốc gia tạo sự khác biệt lớn nhất có thể nói chính là Philippines và Indonesia – hai quốc gia không chỉ luật hóa các nguyên lý chung về trách nhiệm nghiêm ngặt mà còn mở rộng chúng sang cả các sản phẩm dịch vụ, điều mà cả các quốc gia phát triển là Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, với tư cách là đạo luật được ban hành gần đây nhất, quy định về cơ chế áp dụng trách nhiệm sản trong luật của Thái Lan được quy định tương đối chi tiết và đặc biệt, thiệt hại được mở rộng đến cả những thiệt hại về tinh thần. Một điểm đáng chú ý nữa là Thái Lan không sử dụng khái niệm sản phẩm khuyết tật mà sử dụng khái niệm sản phẩm không an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh một số khác biệt thì pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia ASEAN được nêu ở trên đều đã thể hiện sự tiếp cận tương đối đầy đủ với các học thuyết về trách nhiệm sản phẩm của các nước phát triển và về cơ bản đều áp dụng nguyên tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt. Điều này khẳng định chính sách bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia ASEAN và đồng thời, thể hiện yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong việc nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đối với xã hội.

V. ĐÁNH GIÁ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật về chế định trách nhiệm sản phẩm của một số quốc gia, khu vực ở trên có thể rút ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, pháp luật trách nhiệm sản phẩm được hình thành và phát triển lâu đời ở hầu hết các quốc gia khu vực (trừ một số quốc gia ở khu vực Châu Á). Theo đó, pháp luật về chế định ra đời đầu tiên ở Hoa Kỳ, đến Cộng đồng Châu Âu và lan tỏa ra khắp thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia có tính tiên phong trong việc hoàn thiện chế định này theo hướng cho phép quy kết trách nhiệm đối với nhà sản xuất ngay cả khi nhà sản xuất không có lỗi trong việc gây ra khuyết tật của sản phẩm (còn gọi là trách nhiệm nghiêm ngặt - strict liability). Thời điểm ra đời quy tắc trách nhiệm nghiêm ngặt ấy vào khoảng những năm 1950 ở Hoa Kỳ. Sự ra đời của quy tắc ấy nhanh chóng tạo cảm hứng cho các nhà lập pháp, người tiêu dùng, các Hội bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực luật hoá quy tắc trách nhiệm nghiêm ngặt đối với nhà sản xuất không hề đơn giản. Ở châu Âu, cũng phải mất khá nhiều thời gian, các quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu mới đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết áp dụng quy tắc này trong thực tiễn pháp lý của mình. Sự kiện đánh dấu là vào năm 1985, Cộng đồng Châu Âu đã ban hành được Chỉ thị 85/374/EEC và năm 1999 là Chỉ thị 1999/34/EC.

Thứ hai, về vấn đề hình thành và ảnh hưởng trong việc xây dựng chế định trách nhiệm sản phẩm: (i) hầu hết pháp luật các quốc gia trên thế giới đều chịu ảnh hưởng các quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu; (ii) hầu hết các quốc gia là nơi khởi thủy của chế định trách nhiệm sản phẩm đều xuất phát từ việc từ bỏ một học thuyết pháp lý quan trong về “sự can dự”. Trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển của các quan hệ hợp đồng, của quan hệ thị trường đã có những sự biến đổi nhất định. Quan hệ hợp đồng với tư cách là một điều kiện tiên quyết cho việc bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực tiêu dùng không đứng vững trước yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng. Điều này có nghĩa, trách nhiệm sản phẩm là một chế định bồi thường có thể bao gồm cả các căn cứ phát sinh từ hợp đồng và các căn cứ pháp luật khác.

Thứ ba, pháp luật trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia khu vực hầu hết đều xuất phát từ học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt (trừ Canada chỉ dựa trên nguyên tắc về lỗi bất cẩn và nghĩa vụ bảo đảm). Và do đó, hầu hết pháp luật trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia, khu vực này đạt độ “nghiêm khắc” và “phát triển” ở những mức cao nhất. Có thể nhận định, mô hình “trách nhiệm nghiêm ngặt” là mô hình phổ biến và đạt hiệu quả ở mức cao nhất của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Có thể lí giải nguyên nhân của việc quy định trách nhiệm nghiêm ngặt như sau:

- Yếu tố thúc đẩy nhà sản xuất “nội sinh hoá” các chi phí ngoại ứng gây ra cho xã hội. Bằng cách quy kết trách nhiệm của nhà sản xuất đối với các loại thương tổn (thiệt hại) do sản phẩm gây ra, nhà sản xuất buộc phải tính toán, ở mức cao nhất có thể những thiệt hại mà sản phẩm có thể gây ra khi quyết định nên hay không nên sản xuất một sản phẩm, sản xuất theo cách nào (công nghệ nào) và với số lượng bao nhiêu. Nếu thiệt hại được nội sinh ấy lớn tới mức nhà sản xuất không còn lợi nhuận khi sản xuất sản phẩm ấy thì nhà sản xuất sẽ chấm dứt việc sản xuất hoặc buộc phải định giá cao hơn để chỉ có một số người tiêu dùng nhất định sẵn sàng trả giá cao mới có thể mua được. Theo cách này, trách nhiệm nghiêm ngặt tạo ra một cơ chế đảm bảo rằng mặt tốt của sản phẩm cung ứng cho xã hội lớn hơn mặt nguy hại mà sản phẩm ấy gây ra cho xã hội.

- Duy trì chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt do khuyết tật của sản phẩm còn lập luận rằng duy trì trách nhiệm nghiêm ngặt là khôn ngoan bởi khi cả 2 bên đều không có lỗi thì một bên vẫn phải chịu thiệt hại. Sẽ là phù hợp hơn nếu đặt trách nhiệm đó để cho nhà sản xuất giải quyết vì nhà sản xuất có thể bảo hiểm rủi ro này bằng cơ chế tích hợp vào chi phí và giá thành sản phẩm. Trong trường hợp đó, nhà sản xuất trở thành người bảo hiểm của người tiêu dùng bị thiệt hại bởi sản phẩm khuyết tật mà tiền bảo hiểm đã được người tiêu dùng trả.

- Sự bất cân xứng thông tin giữa nhà sản xuất sản phẩm người tiêu dùng  luôn nghiêng về ưu thế của nhà sản xuất. Họ biết rõ hơn về những nguy cơ tiềm tàng mà sản phẩm có thể gây ra cho người tiêu dùng. Chính vì thế, để thực thi được chính sách công về tối thiểu hoá các loại thiệt hại, sẽ là điều hợp lý hơn nếu gắn trách nhiệm phát hiện và sửa chữa những nguy hiểm đó vào nhà sản xuất thay cho việc gắn trách nhiệm phát hiện các nguy cơ và tránh các sản phẩm không an toàn đó cho người tiêu dùng. Những lập luận này thường được đề cập trong các vụ việc có khuyết tật về lỗi thiết kế và lỗi cảnh báo. Với trường hợp có khuyết tật liên quan đến các lỗi sản xuất, nói chung lý do này ít được đưa ra để lập luận vì loại nguy cơ đó cũng khó có thể lường bởi chính nhà sản xuất do bản thân nhà sản xuất đã hành xử một cách cẩn trọng.

- Tuy nhiên, cũng có người chỉ trích việc áp đặt chế độ trách nhiệm sản phẩm, coi nó là yếu tố khuyến khích các hành vi lạm dụng hoặc sử dụng sai sản phẩm (nhất là trong các vùng lãnh thổ mà việc sử dụng sai sản phẩm không phải là một lý do để miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất) và tạo ra vấn đề rủi ro đạo đức đối với phần người mua tiềm năng. Những người chỉ trích trách nhiệm sản phẩm cho rằng người tiêu dùng sẽ được bồi thường bất kể mức độ cẩn trọng của họ trong việc sử dụng sản phẩm dẫn đến việc không thể hiện sự cẩn trọng cần thiết. Trong khi đó những người ủng hộ chế định này cho rằng nhà sản xuất có thể đưa chi phí vào trong giá thành sản phẩm như là một biện pháp bảo hiểm, những người phản đối lập lại luận rằng quan điểm này thiếu luận cứ khoa học kinh tế, rằng nó chỉ đúng ở những vùng, lĩnh vực mà ở đó đường cầu không giao động và điều này là quá lý tưởng. Do tác động của chế định trách nhiệm nghiêm ngặt, nhà sản xuất không thể sản xuất ra mức sản lượng tối ưu xét từ góc độ xã hội. Đặc biệt là với các khu vực, lĩnh vực mà đường cầu có tính co giãn, nơi mà ứng xử của người tiêu dùng rất nhạy cảm với biến động giá cả, nhà sản xuất không thể chuyển các chi phí bảo hiểm đó cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng không sẵn sàng thanh toán cho khoản bảo hiểm này, người ủng hộ trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ lập luận rằng đây là bằng chứng của một sản phẩm mà thiệt hại của nó vượt quá những ích lợi của nó, chính vì thế, sản phẩm ấy nên bị loại bỏ khỏi thị trường.

Những người chỉ trích cũng lập luận rằng trách nhiệm sản phẩm sẽ dẫn tới chi phí giao dịch cao hơn. Ví dụ, đó là phải làm cho nhà sản xuất gắn kèm với sản phẩm một tuyên bố pháp lý về sản phẩm - điều mà sẽ không cần thiết đối với một người bình thường - kiểu việc phải ghi rằng “đây là sản phẩm không dùng cho con người” (gắn trên các loại thực phẩm dành cho gia súc, gia cầm, vật nuôi v.v hoặc thậm chí là một số sản phẩm không phải là thực phẩm cũng có hướng dẫn này). Điều này sẽ làm lãng phí thời gian và nguồn lực cho nhà sản xuất khi phải đưa cảnh báo này vào, từ đó làm giảm thặng dư của nhà sản xuất từ hoạt động thương mại. Điều này cũng làm giảm thặng dư của người tiêu dùng từ hoạt động thương mại vì những người tiêu dùng bình thường phải đọc cả những hướng dẫn không cần thiết, khi mà khả năng sử dụng sai lệch sản phẩm là hầu như không xảy ra ngay cả khi không đọc các lời hướng dẫn

- Ngoài ra, trách nhiệm nghiêm ngặt còn góp phần giảm chi phí tố tụng vì nguyên đơn chỉ cần chứng minh mối quan hệ nhân quả, không cần phải chứng minh lỗi bất cẩn của nhà sản xuất, phân phối. Khi tình tiết vụ án cho thấy rõ ràng là, sản phẩm gây ra thiệt hại của phía nguyên đơn, các bên thường có xu hướng muốn dàn xếp vụ kiện ngoài toà án vì như thế giảm được các vụ kiện khác.

Thứ tư, hầu hết pháp luật các quốc gia khu vực ở trên đều xây dựng Luật riêng về trách nhiệm sản phẩm, một số quốc gia khác xây dựng chế định này trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Điều này đã thể hiện được tầm quan trọng của chế định này trong hệ thống pháp luật. Nhìn chung các quốc gia, khu vực đã tiếp cận và xây dựng khá hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến chế định trách nhiệm sản phẩm, góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Điều này cũng thể hiện được tính đặc thù của chế định trách nhiệm sản phẩm là một công cụ pháp lý đặc biệt hơn so với các chế định đặc thù bảo vệ người tiêu dùng khác (quyền người tiêu dùng, hợp đồng tiêu dùng,…).

Thứ năm, sự lựa chọn của các quốc gia và khu vực trong quá trình xây dựng và phát triển luôn chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế, địa lý hoặc các truyền thống pháp luật khác trên thế giới, được thể hiện qua các khía cạnh sau đây:

(i) Sự chịu ảnh hưởng của các hệ thống pháp luật khác. Có thể thấy pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng sâu sắc và lan rộng ra các khu vực và quốc gia khác trên thế giới. Chế định trách nhiệm sản phẩm là một sản phẩm mang tính chất lịch sử. Chế định này được hình thành và phổ biến trước tiên ở Hoa Kỳ sau đó được chấp nhận rộng rãi ở các quốc gia công nghiệp phát triển khác như các quốc gia Châu Âu và Nhật Bản. Hiện nay, chế định này cũng được quy định trong pháp luật của nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có các quốc gia thuộc khối ASEAN như Indonesia, Malaysia, và Phillippines. Ngay từ khi ra đời, chế định trách nhiệm sản phẩm đã được coi là một trong các công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mô hình được xây dựng dựa trên một giả định về thực tế là người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế so với nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm trong việc phòng ngừa, khắc phục, gánh chịu những rủi ro phát sinh từ quá trình tiêu dùng sản phẩm khi những rủi ro đó có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng khuyết tật trong sản phẩm được tiêu dùng. Ở các quốc gia du nhập chế định trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ, chế định này thường chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp theo đó chế định trách nhiệm sản phẩm được hiểu đồng nghĩa với việc áp dụng quy định trách nhiệm nghiêm ngặt đối với nhà sản xuất khi người tiêu dùng sản phẩm gánh chịu các thiệt hại từ quá trình tiêu dùng sản phẩm mà không phải do lỗi của bản thân mình. Nói cách khác, chế định này, khi hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ là một bộ phận trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 85/374/EEC của Cộng đồng Châu Âu có thể coi là hình mẫu khá toàn diện về chế định trách nhiệm sản phẩm. So với các chế định về trách nhiệm sản phẩm của kể cả một số quốc gia đi sau trong việc ban hành Luật về trách nhiệm sản phẩm (chẳng hạn Nhật Bản hoặc các quốc gia khác), các quy định trong Chỉ thị này vẫn có sự chi tiết và toàn diện hơn. Lý do là, Chỉ thị không chỉ quy định rõ nguyên tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt, giải thích rõ các khái niệm pháp lý nền tảng của chế định (sản phẩm, sản phẩm khuyết tật và nhiều khái niệm pháp lý quan trọng khác) mà còn quy định rõ các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm bồi thường, thời hiệu bồi thường và việc phân chia trách nhiệm chứng minh.

(ii) Sự chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, địa lý. Pháp luật một mặt, luôn gắn liền với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội; mặt khác luôn phải đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bởi vậy, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Luật Bảo vệ Người tiêu dùng của Indonesia được ban hành sau 20 năm tranh luận, như một phần của gói cải cách kinh tế trong thoả thuận với Quỹ tiền tệ quốc tế. Các Chỉ thị của EU về trách nhiệm sản phẩm được ban hành xuất phát từ nhu cầu hài hoà hoá các quy định của các thành viên Liên minh này;… đã chứng minh cho điều này.

Thứ sáu, pháp luật trách nhiệm sản phẩm tại các quốc gia Đông Nam Á tuy còn non trẻ nhưng cũng đạt được những thành công nhất định. Các quốc gia khu vực này đã có sự cố gắng lớn trong việc quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến chế định này. Hơn nữa, có những quốc gia như Philippines và Indonesia áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt mở rộng đến các sản phẩm dịch vụ hay như Thái Lan, thiệt hại được mở rộng đến cả thiệt hại về tinh thần. Trong xu hướng chung, việc xây dựng và hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm trong tương lai theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và chi tiết là điều hết sức cần thiết. Đây là điều mà có lẽ, các quốc gia Đông Nam Á đã xác định được và bước đầu đi theo hướng này.

 

 

 

 

 

CHƯƠNG III

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM

SẢN PHẨM Ở VIỆT NAM VÀ TÌNH HÌNH THỰC THI

TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP

 

I. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

1.1. Các qui định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm sản phẩm

Mặc dù những vấn đề lý luận liên quan đến trách nhiệm sản phẩm còn là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, song trong các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007 và Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 đã có những quy định pháp luật phản ánh một phần các nội dung của chế định trách nhiệm này. Cụ thể như sau:

Khi xác lập các nguyên tắc quan trọng về bảo vệ người tiêu dùng, Điều 9 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, phân phối hàng cấm, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật. Quy định này đã xác định được một nguyên tắc của trách nhiệm sản phẩm là quyền đòi bồi thường cho thiệt hại của người tiêu dùng khi hàng hoá không đảm bảo chất lượng.

Trong Bộ luật Dân sự 2005, tại Điều 444 về bảo đảm chất lượng vật mua bán cũng đã có quy định phản ánh tư tưởng của trách nhiệm sản phẩm, đó là trách nhiệm phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ bảo đảm. Cụ thể, điều luật này quy định: bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại, nếu không có thoả thuận khác. Đây có thể nói là một dạng của bảo đảm ngầm định vì khi mua bán, người bán đương nhiên phải bảo đảm vật có giá trị sử dụng hoặc bảo đảm vật đó thoả mãn những đặc tính nhất định. Quy định này cũng cho phép người mua có quyền tiến hành những biện pháp nhất định để khôi phục quyền lợi khi người bán vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, bao gồm: yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật, giám giá hoặc bồi thường thiệt hại nếu sau khi mua, người mua phát hiện sản phẩm khuyết tật và khuyết tật đó làm mất giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng của vật đã mua. Điều 444 cũng quy định “bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hoá hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn”. Quy định này ràng buộc trách nhiệm của bên bán khi đã đưa ra những bảo đảm cụ thể, rõ ràng trên bao bì, nhãn hiệu hoặc vật mẫu, tức là một số hình thức thể hiện nội dung của những bảo đảm công khai. Khi đã đưa ra những bảo đảm công khai này thì người bán có nghĩa vụ tuân thủ và việc vi phạm các bảo đảm này đương nhiên sẽ làm phát sinh trách nhiệm của người bán và quyền tương ứng của người tiêu dùng trong việc áp dụng các biện pháp nhằm khôi phục quyền lợi của mình.

Ngoài ra, Điều 444 cũng quy định các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với người bán, cụ thể là bên bán không phải chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong các trường hợp: a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua; b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ; c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.

Như vậy, về mặt tư tưởng, Điều 444 Bộ luật Dân sự 2008 đã đi theo lô-gíc của học thuyết về trách nhiệm sản phẩm, bao gồm các vấn đề: xác định trách nhiệm của nhà cung cấp trong việc cung cấp sản phẩm không có khuyết tật cho người mua (thông qua các bảo đảm công khai và ngầm định), xác định các quyền của bên mua khi phát hiện ra khuyết tật, thủ tục mà bên mua phải tiến hành[100], các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với người bán ngay cả khi sản phẩm khuyết tật. Tuy nhiên, những quy định này về mặt học thuyết còn rất xa mới đạt được những yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng theo học thuyết về trách nhiệm sản phẩm. Nếu như trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không phụ thuộc vào việc giữa 2 bên có quan hệ hợp đồng hay không thì trách nhiệm theo Điều 444 Bộ luật Dân sự lại chỉ xác định trách nhiệm theo hợp đồng (giữa bên mua và bên bán). Quy định này, do đó không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng nói chung vì trong nền kinh tế thị trường, người bán chỉ là một khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng và có rất nhiều trường hợp mà người tiêu dùng không phải là người trực tiếp mua sản phẩm. Ở đây cũng có sự chưa nhất quán khi xác định rằng bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng và các đặc tính của vật, nhưng các trường hợp mà người mua có quyền yêu cầu sửa chữa, đổi, giảm giá, bồi thường thiệt hại lại chỉ liên quan đến việc giảm sút giá trị sử dụng. Quy định này cũng không đề cập đến trách nhiệm trong trường hợp khuyết tật của vật gây ra những thiệt hại khác về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho người sử dụng trong khi đây là loại trách nhiệm chủ yếu mà chế định trách nhiệm sản phẩm hướng đến.

Bên cạnh quy định liên quan đến trách nhiệm của bên bán trong hợp đồng mua bán, Bộ luật Dân sự cũng xác định cơ chế yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các trường hợp hàng hoá không đảm bảo chất lượng theo cơ chế về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Cụ thể là tại Chương XXI về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, một trong những trường hợp cụ thể về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Điều 630 quy định Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường. Quy định này cũng đã thiết lập ở một mức độ nhất định cơ chế về trách nhiệm sản phẩm đối với những người sản xuất, kinh doanh dựa trên hai cơ sở quan trọng: thứ nhất là việc vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (có thể coi như là nghĩa vụ bảo đảm đương nhiên liên quan đến chất lượng hàng hoá) và thứ hai là việc vi phạm đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài hai yếu tố đặc thù liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng này thì các căn cứ liên quan khác nhằm xác định trách nhiệm thực tế của người sản xuất, kinh doanh và khả năng, cách thức áp dụng các biện pháp cần thiết để khôi phục quyền lợi cho người tiêu dùng được thực hiện theo cơ chế về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, cụ thể là: việc xác định trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào yếu tố lỗi (cố ý hoặc vô ý), trong trường hợp do lỗi vô ý và mức bồi thường là quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của bên bị bồi thường thì có thể được giảm mức bồi thường[101];  thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ thời điểm quyền lợi bị xâm phạm[102]. Các thiệt hại được xác định có thể là thiệt hại về tài sản, về tính mạng, sức khoẻ và các chi phí trực tiếp phát sinh và các thu nhập thực tế bị mất do việc xâm phạm này. Các quy định này cho thấy Bộ luật Dân sự đã chấp nhận cơ chế khởi kiện để quy trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất, phân phối theo chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với điều kiện nhà sản xuất, phân phối phải có lỗi trong việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời cũng mở ra khả năng áp dụng trách nhiệm sản phẩm dưới dạng trách nhiệm nghiêm ngặt khi quy định “trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”[103]. Tuy nhiên, quy định này chưa phản ánh tính đặc thù trong mối quan hệ với nhà kinh doanh và người tiêu dùng, đồng thời cũng chưa điều chỉnh những vấn đề cơ bản phát sinh khi áp dụng cơ chế khởi kiện bồi thường thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra như người tiêu dùng có thể khởi kiện ai trong chuỗi cung cấp sản phẩm, như thế nào được coi là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thiệt hại được yêu cầu bồi thường bao gồm các loại nào; các trường hợp miễn trừ áp dụng như thế nào. Bản thân quy định về thời hiệu cũng rất khó áp dụng trong các trường hợp kiện yêu cầu áp dụng trách nhiệm sản phẩm bởi thời điểm quyền lợi bị xâm phạm có thể được hiểu là thời điểm người tiêu dùng sử dụng sản phẩm và bị thiệt hại, cũng có thể là thời điểm người sản xuất, người bán hàng cung cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, hoặc không thực hiện các nghĩa vụ cảnh báo, hướng dẫn sử dụng... Do vậy, các quy định này mặc dù đã thể hiện các ý tưởng về bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng giống như các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng, chúng cũng được nhận định là rất khó để người tiêu dùng có thể vận dụng trên thực tế để khôi phục quyền lợi cho mình.

Như vậy, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong pháp luật Việt Nam tương tự với chế độ trách nhiệm sản phẩm dựa vào yếu tố lỗi của nhà sản xuất trong pháp luật của các nước phát triển. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chính sách bảo vệ người tiêu dùng của nhà nước ta. Tuy nhiên, khi áp dụng chế độ trách nhiệm sản phẩm dựa vào yếu tố lỗi của nhà sản xuất thì quy định này gây rất nhiều khó khăn cho người tiêu dùng khi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.Vì vậy, khi có thiệt hại xảy ra do sản phẩm khuyết tật thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực hiện quyền được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại có hiệu quả.

Sự ra đời của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 có thể nói đã tạo ra một bước tiến trong chế định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam khi đặt các yêu cầu về trách nhiệm đối với sản phẩm của doanh nghiệp dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng. Trong Luật này, trách nhiệm “hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật” được quy định đối với tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối hàng hoá tới tay người tiêu dùng, bao gồm nhà sản xuất (Khoản 7 Điều 10), nhà nhập khẩu (khoản 8 Điều 12), người bán hàng (khoản 10 Điều 16). Ngoài ra, cũng có sự phân hoá về trách nhiệm đối với từng chủ thể tham gia vào quá trình tạo ra và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng: cụ thể là người sản xuất và nhà nhập khẩu còn có thêm trách nhiệm sửa chữa; người bán chỉ chịu trách nhiệm đối với người mua trong khi nhà sản xuất và nhập khẩu còn phải chịu trách nhiệm đối với cả nhà phân phối của họ và người tiêu dùng.

Luật Chất lượng sản phẩm cũng đặt ra cơ chế cho phép người tiêu dùng khiếu nại, kiện đòi bồi thường cho thiệt hại gây ra bởi sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng[104]. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 2 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hoá có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hoá không ghi hạn sử dụng[105]. Các thiệt hại được yêu cầu bồi thường có thể là 1. Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị h­ư hỏng hoặc bị huỷ hoại; 2. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người; 3. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản và 4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại[106]. Các trường hợp được miễn trừ bao gồm:

  1. Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;
  2. Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;
  3. Người sản xuất, nhập khẩu đã có thông báo thu hồi hàng hoá có khuyết tật đến người bán hàng, người tiêu dùng trước thời điểm hàng hoá gây thiệt hại;
  4. Sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  5. Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại;
  6. Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng;

Với các quy định này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá rõ ràng đã thể hiện sự tiếp cận gần hơn đối với chế định trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, khi đánh giá các quy định này ở góc độ trách nhiệm sản phẩm thì luật này lại bộc lộ hạn chế bởi các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất không thể vượt qua được giới hạn của cách tiếp cận từ góc độ quản lý chất lượng. Theo cách tiếp cận của Luật này, các trường hợp làm phát sinh trách nhiệm sản phẩm khi thì quá rộng, khi lại quá hẹp. Cụ thể là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiếp cận khái niệm chất lượng ở góc độ “mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”[107]. Như vậy, không đảm bảo chất lượng đồng nghĩa với không đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng. Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì trước hết cần xác định sản phẩm, hàng hoá có phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn mà sản phẩm, hàng hoá đó phải tuân thủ hay không, xác định sản phẩm đó có gây thiệt hại hay không. Điều này có nghĩa là trong nhiều trường hợp có thể không có mối liên hệ giữa sự không đáp ứng một tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định với thiệt hại mà sản phẩm, hàng hoá gây ra, trong khi trách nhiệm bồi thường vẫn phát sinh (vì trong phạm vi hữu hạn của các tiêu chuẩn và quy chuẩn, rất có thể một đặc tính của sản phẩm mặc dù không đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng lại không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Khi đó, mặc dù không có mối quan hệ nhân quả giữa việc không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn với thiệt hại xảy ra nhưng vẫn có khả năng quy trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, có thể có những sản phẩm, hàng hoá đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng vẫn có khuyết tật khác nằm ngoài tiêu chuẩn, quy chuẩn và có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, không có cơ sở để quy trách nhiệm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Điều này có nghĩa là chỉ cần tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì bất kỳ nhà sản xuất hay bán hàng nào cũng đều không phải đối mặt với trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trong khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn là do nhà nước ban hành hay nhà sản xuất tự công bố áp dụng và chắc chắn là không thể bao hàm hết các yêu cầu về an toàn đối với tất cả các sản phẩm. Cách tiếp cận hẹp này cũng khiến Luật này thiếu các quy định về phân định trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm toàn bộ với người sản xuất các chi tiết trong sản phẩm toàn bộ đó. Quy định về thời hiệu cũng không rõ ràng và không nhất quán với Bộ luật Dân sự khi xác định thời điểm để tính thời hiệu là từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại. Thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại là một thời điểm rất tương đối và có rất nhiều cách để tính thời điểm này (các bên gồm những bên nào, thời điểm gửi thông báo là từ khi gửi đi hay từ khi bên kia nhận được...), do vậy việc ấn định thời điểm này làm cơ sở để tính thời hiệu vừa không phù hợp với Bộ luật Dân sự và cũng không có tính khả thi.

Ngoài các quy định nêu trên, một số đạo luật chuyên ngành khác cũng đã có những quy định liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm, trong đó có thể kể đến các quy định sau:

Luật Dược (số 34/2005/QH11 ngày 14/6/2005): đạo luật này có quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ dược phẩm, đó là: cơ sở sản xuất, cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ và nhà nhập khẩu.

Đối với cơ sở sản xuất, Điều 16, Luật Dược quy định cơ sở sản xuất thuốc có trách nhiệm “1. Tuân thủ quy định về thực hành tốt trong sản xuất, phân phối, bảo quản, kiểm nghiệm thuốc và các quy định về chuyên môn có liên quan; Sản xuất thuốc theo đúng quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký; báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thay đổi trong quy trình sản xuất; 3. Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc do cơ sở sản xuất và chỉ được phép xuất xưởng thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký; 4. Có phương tiện kỹ thuật và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thuốc và quản lý thuốc do cơ sở sản xuất; 5. Lưu giữ mẫu thuốc theo từng lô sản xuất trong thời hạn ít nhất là một năm kể từ khi thuốc hết hạn dùng; các tài liệu về sản xuất và các tài liệu khác cần thiết cho việc kiểm tra và đánh giá toàn bộ hoạt động sản xuất thuốc theo quy định của pháp luật; 6. Theo dõi chất lượng thuốc do cơ sở sản xuất lưu hành trên thị trường và thu hồi thuốc theo các quy định của Luật này; 7. Đăng ký thuốc; kê khai giá thuốc trước khi lưu hành thuốc trên thị trường; 8. Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi của cơ sở sản xuất và 9. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở bán buôn, bao gồm: Doanh nghiệp kinh doanh thuốc; Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sản xuất, buôn bán dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; Đại lý bán vắc xin, sinh phẩm y tế,  Điều 23 Luật Dược quy định các cơ sở này có nghĩa vụ:

1. Bảo quản thuốc theo đúng các điều kiện ghi trên nhãn thuốc.

2. Giữ nguyên vẹn bao bì của thuốc, không được thay đổi bao bì và nhãn của thuốc. Trường hợp thay đổi nhãn, bao bì của thuốc đã được đăng ký thì phải được cơ sở sản xuất thuốc uỷ quyền và được Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản.

3. Bảo đảm việc giao, nhận, bảo quản thuốc phải do người có trình độ chuyên môn về dược đảm nhận.

4. Lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc trong thời hạn ít nhất là một năm, kể từ khi thuốc hết hạn dùng.

5. Niêm yết giá bán buôn thuốc và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc.

6. Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi của cơ sở bán buôn thuốc.

7. Tuân thủ các quy định về thực hành tốt trong bảo quản, phân phối thuốc, thu hồi thuốc và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với cơ sở bán lẻ (bao gồm: Nhà thuốc, Quầy thuốc, Đại lý bán thuốc của doanh nghiệp, Tủ thuốc của trạm y tế) , Điều 28 Luật Dược quy định:

1. Người bán lẻ thuốc có các nghĩa vụ sau đây:

a) Kiểm tra đơn thuốc trước khi bán;

b) Ghi rõ tên thuốc, hàm lượng trên bao bì đựng thuốc khi thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì ngoài của thuốc;

c) Bán đúng thuốc ghi trong đơn thuốc, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 của Luật này;

d) Trường hợp thay thế thuốc theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 của Luật này thì phải ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, nồng độ, số lượng thuốc, cách thức sử dụng thuốc đã thay thế vào đơn và chịu trách nhiệm về việc thay thế thuốc đó;

đ) Chịu trách nhiệm trước chủ cơ sở bán lẻ thuốc về hành vi của mình trong phạm vi được ủy quyền.

2. Chủ cơ sở bán lẻ thuốc có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ sở;

b) Niêm yết thời gian bán thuốc; niêm yết giá bán lẻ trên sản phẩm, trừ trường hợp giá bán lẻ được in trên sản phẩm; không được bán cao hơn giá niêm yết;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ sở, kể cả trong trường hợp uỷ quyền.

3. Người bán lẻ, chủ cơ sở bán lẻ thuốc phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Ngoài các chủ thể trên, Luật Dược cũng quy định trách nhiệm của một loại chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình đưa thuốc vào lưu thông trên thị trường, đó là các nhà nhập khẩu thuốc. Điều 18 Luật Dược quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp nhập khẩu thuốc như sau:

2. Tuân thủ quy định về thực hành tốt trong bảo quản, phân phối thuốc, kê khai giá thuốc.

3. Chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu những thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng, theo dõi và chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường do doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Đối với các trường hợp thuốc được pha chế tại nhà thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều 17 Luật Dược quy định:

“1. Thuốc pha chế theo đơn tại nhà thuốc, thuốc pha chế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải đăng ký thuốc, chỉ được cấp phát hoặc bán lẻ tại cơ sở đó. Hồ sơ pha chế thuốc phải được lưu giữ trong thời gian một năm kể từ ngày thuốc được pha chế.

2. Chủ nhà thuốc, người quản lý chuyên môn về dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc pha chế tại cơ sở; bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi pha chế thuốc.“

Liên quan đến trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất và phân phối dược phẩm, trong trường hợp thuốc bị đình chỉ lưu hành, Điều 38, Luật Dược quy định về việc thu hồi thuốc như sau: “Cơ sở nhập khẩu, sản xuất, đăng ký, cung ứng thuốc có trách nhiệm tổ chức thu hồi thuốc bị đình chỉ lưu hành và bồi thường thiệt hại về những hậu quả gây ra theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước về dược có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức thu hồi thuốc.

Ngoài các quy định trong Luật Dược, trong lĩnh vực dược phẩm, Quy chế quản lý chất lượng thuốc ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 2412/1998/QĐ-BYT ngày 15/9/1998 cũng quy định cơ sở sản xuất, cơ sở buôn bán thuốc “phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc”[108]; “Người tiêu dùng có quyền được thông tin về chất lượng thuốc, có quyền khiếu nại và đòi hỏi cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do thuốc sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng gây ra”[109].

Hệ thống các quy định về trách nhiệm của các nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ, nhập khẩu và pha chế thuốc phần nào đã phản ánh được những yêu cầu đặc thù của một mặt hàng thiết yếu và có tác động lớn đối với sức khoẻ con người. Các quy định này yêu cầu các chủ thể tham gia vào quá trình cung ứng thuốc cho người tiêu dùng phải thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng thuốc, yêu cầu các chủ thể này phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và khẳng định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có lỗi và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Như vậy, về cơ bản, các quy định trong pháp luật về dược xác định trách nhiệm xuất phát từ việc người cung cấp thuốc không làm hết trách nhiệm (bất cẩn) chứ không phải trách nhiệm tuyệt đối. Bản thân các quy định về trách nhiệm cũng không phản ánh hết yêu cầu đặc thù của lĩnh vực này, cụ thể là các trường hợp đình chỉ lưu hành chỉ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng đã công bố và quy cách đóng gói, trong khi có những trường hợp mà thuốc đã được đưa vào lưu hành nhưng lại bị phát hiện có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng trước đó chưa phát hiện ra thì lại không nằm trong diện các trường hợp bị đình chỉ thu hồi theo quy định. Bên cạnh đó, với tư cách là một văn bản pháp luật chuyên ngành, các quy định này cũng chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc chịu trách nhiệm, các trường hợp miễn trách, thời hiệu, các trường hợp được coi là có lỗi hay thủ tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vẫn tuân theo các quy định chung của luật dân sự và đương nhiên, không thể tránh khỏi những hạn chế như đã phân tích ở trên.

Việc có các quy định chung về trách nhiệm của nhà cung cấp và xác định các nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra không chỉ thấy trong Luật Dược mà còn trong nhiều các quy định pháp luật chuyên ngành khác. Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, Khoản 2 Điều 38 Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 quy định “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm có trách nhiệm áp dụng ngay các biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm nơi gần nhất và phải chịu mọi chi phí cho việc khắc phục ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của pháp luật”; Điều 51 quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này hoặc các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Hay đối với một sản phẩm đặc biệt khác là điện, Luật Điện lực số 28/2004/QH11 năm 2004 mặc dù đã chú ý đến các yêu cầu về đảm bảo an toàn trong cung ứng, sản xuất, phân phối và sử dụng điện nhưng đối với trách nhiệm của nhà sản xuất cũng chỉ quy định khách hàng sử dụng điện “Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật”[110] và quy định tại khoản 1 Điều 26 nội dung “Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm điện áp, tần số dòng điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật”. Nghị định của Chính phủ số 169/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 về an toàn điện cũng chỉ quy định tại Chương cuối cùng về Khen thưởng và xử lý vi phạm nội dung “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về an toàn điện, tùy theo hình thức và mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật”[111].

Nhìn chung, các quy định này đều chưa đủ rõ ràng để thiết lập một cơ chế trách nhiệm của những người cung cấp đối với sản phẩm mà họ cung cấp cho người tiêu dùng, cũng chưa tạo ra được một cơ chế hữu hiệu để giúp người dân đòi khôi phục quyền lợi cho mình khi bị thiệt hại bởi những sản phẩm này.

1.2. Các cơ chế hiện hành giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

Về cơ chế giải quyết tranh chấp và đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến trách nhiệm sản phẩm: hiện nay, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đã có những quy định nhất định về thủ tục mà người tiêu dùng có thể áp dụng để đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nói riêng và liên quan đến trách nhiệm của người cung ứng hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng nói chung.

Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định khi phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, người tiêu dùng hoặc đại diện hợp pháp của mình khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng phải cấp phiếu tiếp nhận khiếu nại và tiến hành giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng. Phiếu tiếp nhận khiếu nại có thể được thực hiện dưới hình thức văn bản hoặc thư điện tử và phải thể hiện rõ nội dung khiếu nại của người tiêu dùng, yêu cầu giải quyết khiếu nại và thời gian giải quyết khiếu nại cụ thể. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại (trường hợp đối tượng bị khiếu nại là hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng hoặc các trường hợp cấp thiết khác thì thời hạn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận khiếu nại).

Khiếu nại tới nhà sản xuất, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ là biện pháp mà người tiêu dùng có thể sử dụng song pháp luật chưa tạo ra được cơ chế hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước. Việc yêu cầu nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá dịch vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình, do vậy sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất, cung ứng và vào thông tin cũng như bằng chứng mà người tiêu dùng có được. Trong nhiều trường hợp, việc khiếu nại trực tiếp đến người sản xuất, cung ứng cũng có tác dụng giúp người tiêu dùng khôi phục được quyền lợi bị vi phạm của mình. Tuy nhiên, cũng do thiếu cơ chế hỗ trợ của quyền lực nhà nước nên việc sử dụng biện pháp này có tác dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của người cung cấp hàng hoá, dịch vụ và như vậy, không thể là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi phát sinh các trường hợp phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm khuyết tật.

Nghị định 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 cũng quy định một biện pháp mà người tiêu dùng có thể áp dụng trong trường hợp các bên không đạt được sự đồng thuận từ quá trình giải quyết khiếu nại trực tiếp. Đó là đưa vụ việc ra hoà giải tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Sở Công Thương hoặc Cục quản lý cạnh tranh). Trong quá trình hoà giải, cơ quan hòa giải có quyền hạn và trách nhiệm sau đây: Yêu cầu các bên liên quan tới vụ việc khiếu nại đến tham dự hoà giải; Yêu cầu các bên liên quan cung cấp các thông tin cần thiết; Xác nhận biên bản hoà giải; Đảm bảo bí mật thông tin trong quá trình hoà giải.

Ngoài việc đưa vụ việc ra hoà giải tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng theo quy định tại Nghị định 55/2008/NĐ-CP, người tiêu dùng cũng có thể tố cáo các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý lĩnh vực mà sản phẩm được cung cấp. Khi nhận được tố cáo của người tiêu dùng liên quan đến việc sản phẩm hàng hoá vi phạm các quy định pháp luật áp dụng đối với sản phẩm, cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét hành vi vi phạm của chủ thể có sản phẩm bị tố cáo và xử lý theo thẩm quyền, thường là xử phạt vi phạm hành chính. Mặc dù việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay không còn là hình thức xử lý bổ sung cho chế tài hành chính và cơ quan quản lý nhà nước không có thẩm quyền ra phán quyết yêu cầu nhà cung cấp phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng khi một nhà sản xuất hay cung ứng sản phẩm đã bị xác định là có hành vi vi phạm thì họ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng hơn so với khi chưa xác định được việc có hành vi vi phạm.

Ngoài các biện pháp trên, trong mọi trường hợp, người tiêu dùng có quyền khởi kiện ra toà án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại là cơ chế pháp lý chủ yếu có thể áp dụng cho các trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra. Căn cứ Nghị quyết số 03/2006/NQ–HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại có thể là thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thương về tinh thần. Bộ luật dân sự 2005 không quy định cụ thể về loại thiệt hại được bồi thường đối với trường hợp bồi thường thiệt hại theo Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ theo Điều 60 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 để xác định được thiệt hại được bồi thường cho người tiêu dùng là thiệt hại vật chất.

Thứ hai, phải có hành vi trái pháp luật. Đối với trường hợp bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất cho người tiêu dùng, hành vi trái pháp luật được xác định là hành vi trái với các quy định về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật dân sự, pháp luật về chất lượng hàng hóa các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Các thiệt hại mà người tiêu dùng gánh chịu phải là hậu quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thứ tư, phải có yếu tố lỗi của nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa. Yếu tố lỗi bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý của nhà sản xuất.

Nghị quyết số 03/2006/NQ–HĐTP cũng quy định về nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự trong tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, người tiêu dùng muốn được bồi thường thiệt hại phải chứng minh được 4 yếu tố trên. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trong việc khởi kiện yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm bồi thường thiệt hại. Vì người tiêu dùng luôn là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng không có đủ khả năng về khoa học, kỹ thuật cũng như tiềm lực tài chính để xác định đầy đủ các yếu tố trên. Do vậy, mặc dù đã có quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nhưng quy định này trên thực tế không được áp dụng có hiệu quả.

Trình tự, thủ tục khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được áp dụng theo trình tự chung mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định. Cụ thể: người tiêu dùng có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì có quyền tiến hành khởi kiện người có hành vi xâm phạm ra trước Toà án để đòi bồi thường. Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quyền khởi kiện nếu được người tiêu dùng ủy quyền bằng văn bản. Tinh thần này đã được quy định tại Điều 4 và Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2006. Trong quá trình giải quyết vụ kiện Người tiêu dùng và doanh nghiệp bị kiện bình đẳng với nhau trước Tòa án (Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự) có quyền thoả thuận, hoà giải với nhau về việc giải quyết vụ kiện (Điều 5 và Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự). Cả hai bên đương sự, khi khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ kiện, Người tiêu dùng, người bị kiện phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu của mình. Toà án chỉ xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự có quy định (Điều 6, Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Về thẩm quyền giải quyết vụ việc, vụ kiện về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, bất kể là vụ kiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng hay theo quy định của pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhìn chung đều thuộc thẩm quyền giải quyết tại Toà án nhân dân cấp huyện (thường là nơi cá nhân, doanh nghiệp bị kiện có trụ sở hoặc nơi cư trú)[112]. Về thủ tục khởi kiện, Người tiêu dùng muốn tiến hành khởi kiện đối tượng đã gây thiệt hại cho mình thì phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự. Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải gửi cho Toà án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp[113]. Chẳng hạn, Người tiêu dùng phải nộp các loại chứng cứ chứng minh mình đã mua hàng của doanh nghiệp bị kiện, các loại chứng cứ chứng minh mình bị thiệt hại, các loại chứng cứ chứng minh doanh nghiệp bị kiện đã có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ Người tiêu dùng. Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng cách nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua đường bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi[114]. Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: (1) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; (2) Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác; (3) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Trường hợp Toà án thụ lý vụ kiện, các thủ tục sau đó sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về việc nộp tạm ứng án phí và chi phí tố tụng khác, người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí theo mức quy định của Nhà nước (Điều 130 Bộ luật Tố tụng dân sự). Người tiêu dùng khi yêu cầu Toà án trưng cầu giám định thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định (Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự)... Về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người tiêu dùng có thể yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có thể buộc bên bị kiện thu hồi sản phẩm nếu việc tiếp tục cho lưu thông hàng hoá đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các loại thiệt hại không thể khắc phục được (Khoản 1 và 2 Điều 99, Khoản 12 Điều 102 và Điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự). Tuy nhiên, để có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người tiêu dùng có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền bảo đảm nhất định.

Đánh giá chung: Việc phân tích các quy định hiện hành ở góc độ trách nhiệm sản phẩm cho thấy ở việc xác định trách nhiệm của nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng chưa trong pháp luật Việt Nam chưa có một cơ sở lý luận chung về vấn đề trách nhiệm sản phẩm. Các quy định hiện hành mới dừng lại ở các quy định sơ khai về trách nhiệm sản phẩm chứ chưa tạo ra được một chế định pháp luật về vấn đề này và còn thiếu rất nhiều những quy định giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi các văn bản pháp luật chung như Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết lập được cơ chế trách nhiệm sản phẩm như một công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, các văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc là viện dẫn và lệ thuộc hoàn toàn vào các quy định pháp luật chung đó (như Luật Điện, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm) hoặc cố gắng đưa ra những quy định từ góc độ của chính văn bản đó để tăng cường khả năng bảo vệ người tiêu dùng (như Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Dược. Điều này dẫn đến sự tản mạn, chồng chéo và thậm chí là mâu thuẫn trong hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm mà nguyên nhân cơ bản là do thiếu một chủ thuyết chung cho vấn đề áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp ở Việt Nam và do sự thiếu đồng bộ trong quá trình xây dựng pháp luật. Về tổng thể, các quy định này có hiệu lực rất yếu trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

II. TÌNH HÌNH THỰC THI PHÁP LUẬT TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gần đây được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng và nóng bỏng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước ta[115]. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cho đến những ngày trước “đổi mới”, hầu như quyền lợi của người tiêu dùng nói chung và bộ máy bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói riêng chưa được chú ý một cách thích đáng, kể cả từ góc độ người sản xuất, kinh doanh hàng hoá và cung ứng dịch vụ lẫn nhận thức của toàn xã hội. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt, khi đất nước phải tập trung cho sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc và sau đó là giai đoạn phát triển trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nơi không có sự tồn tại của qui luật cung cầu và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nước ta đã chuyển mạnh từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan hệ mua bán, giao dịch giữa một bên là nhà sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ với một bên là người bỏ tiền ra mua hàng hoá và dịch vụ để phục vụ cho sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình và tổ chức (được gọi chung là người tiêu dùng) đã được xác lập với vai trò ngày càng được nâng cao của người tiêu dùng.

Mặc dù bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở thời kỳ này đã có những chuyển biết rất tích cực, đặc biệt sau khi Pháp lệnh Bảo vệ Người tiêu dùng có hiệu lực, song vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu, nhiều bất cập. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất chính là vấn đề thực thi trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp.

2.1. Đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Với một nền kinh tế đang chuyển đổi dần sang hình thức kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam thì những thách thức trong kinh tế, xã hội, giáo dục,… là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc mở cửa các ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cho doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài vào Việt Nam hiện nay đang làm nảy sinh nhiều vấn đề nóng hổi. Điều quan trọng ở đây là sự thay đổi trong quan niệm kinh doanh, cách nhìn nhận về chiến lược phát triển và gia tăng mức độ tuân thủ pháp luật của chính bản thân các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi nhắc đến các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trong mối tương quan với trách nhiệm xã hội, nhiều ý kiến đều nhìn nhận một cách khái quát rằng doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến hai loại trách nhiệm quan trọng này. Với vấn đề trách nhiệm sản phẩm – một vấn đề liên quan đến nhiều mặt của doanh nghiệp như: lợi nhuận của doanh nghiệp, chất lượng hàng hoá, chất lượng dịch vụ, độ an toàn của sản phẩm, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh thì bức tranh càng phức tạp hơn. Trong những năm qua doanh nghiệp Việt Nam đã có những sự thay đổi đáng ghi nhận về mặt nhận thức đối với vấn đề trách nhiệm sản phẩm, chuyển từ hướng ít quan tâm sang có quan tâm, và một số ít trong đó thực sự phấn đấu để đạt được những chuẩn về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, ở bình diện chung thì sự chuyển biến đó vẫn chỉ là những khởi đầu nhỏ so với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thị trường như hiện nay. Có thể nói rằng mức độ tuân thủ pháp luật trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với yêu cầu chung và so với các nước trong khu vực và quốc tế.

Điều này đã được minh chứng qua thực trạng các vụ việc liên quan, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm và an toàn sản phẩm trong một thời gian dài.

Theo như một khảo sát xã hội học do nhóm nghiên cứu đề tài này thực hiện thì đối với thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, có đến 64,9% số người được hỏi bị thiệt hại do hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gấp gần 3 lần số người không bị thiệt hại.

Theo Báo cáo Khảo sát Thực trạng xâm phạm quyền lợi Người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ Người tiêu dùng ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Dự án MUTRAP III thực hiện quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực được khảo sát, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về chất lượng, về ghi nhãn hàng hoá, về đo lường, và hành vi kinh doanh hàng giả, cụ thể như sau[116]:

  • Vi phạm quy định về chất lượng: chiếm 17,6 %
  • Vi phạm quy định về ghi nhãn: chiếm 15,1 %
  • Vi phạm quy định về đo lường: chiếm 12,3 %
  • Kinh doanh hàng giả: chiếm 9,9 %
  • Vi phạm khác: chiếm 45,1 %

Cũng theo Báo cáo này, các vi phạm về chất lượng xảy ra ở hầu hết các mặt hàng tiêu dùng với một số hành vi chủ yếu như hàng hóa không có chất lượng hoặc có nhưng chất lượng không đúng, không đủ như công bố, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng cá nhân, các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, vật tư nông nghiệp... Hành vi bán hàng hoá quá hạn sử dụng cũng thường xuyên bị phát hiện. Điều này rất đáng quan ngại khi hàng hóa chủ yếu bị vi phạm là mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm bởi khi quá hạn sử dụng, chất lượng dược phẩm giảm xuống, không còn đủ để thực hiện chức năng chữa bệnh; thực phẩm bị biến đổi về chất và phát sinh những chất có ảnh hưởng xấu đến người sử dụng[117]. Bên cạnh đó, các vi phạm về chất lượng hàng hóa còn được phát hiện đối với hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả trong nước và nhập khẩu sử dụng chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng hoặc sử dụng quá giới hạn cho phép. Những hàng hóa này tiềm tàng các ảnh hưởng tiêu cực đến Người tiêu dùng, nhất là đối với sức khỏe của họ trong khi khả năng nhận biết của Người tiêu dùng đối với vấn đề này gần như là không có. Đây là một trong những vấn đề bức xúc và khó kiểm soát nhất hiện nay và gắn liền với yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, pháp luật đã có quy định nhưng việc thực thi gặp nhiều khó khăn do khó kiểm soát, khó quản lý trong lúc các hành vi vi phạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhanh chóng, nhỏ lẻ và phổ biến.

Ở những góc nhìn khác, theo các chuyên gia, hiện nay đang gia tăng các trường hợp quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm, điển hình như trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các trường học, khu công nghiệp, sự lưu hành các loại rau trồng nhờ nguồn nước ô nhiễm ở Thanh Trì (Hà Nội), các loại hải sản ướp chất độc hại, mỹ phẩm, thực phẩm, sữa, trái cây... kém chất lượng, sử dụng hóa chất độc hại. Đặc biệt năm 2006, 2007 xảy ra những vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được dư luận đặc biệt chú ý như xăng pha aceton khiến hàng chục ngàn xe máy bị thiệt hại, sữa bột ghi thành sữa tươi của một số nhà sản xuất sữa ở Việt Nam, vụ nước tương chứa chất 3-MCPD,... [118]

Thời gian gần đây, các vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng ở quy mô khá lớn liên tục được phát hiện và đưa ra trước công luận. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hàng hoá lưu thông trên thị trường nước ta không chỉ là các hàng hoá do các doanh nghiệp nội địa sản xuất mà còn là hàng hoá được nhập khẩu từ các quốc gia khác..., trong khi hệ thống kiểm tra, giám sát giai đoạn nhập khẩu còn nhiều bất cập... nhiều loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng tiếp tục được đưa vào tiêu thụ trên thị trường nội địa. Tình trạng hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa có xu hướng giảm, cho thấy những biện pháp mà Nhà nước thực hiện trong thời gian qua vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng mong muốn. Pháp luật Việt Nam đã quy định quyền được khiếu nại, khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng pháp luật, quyền năng trên của người tiêu dùng chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Theo Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) thì trong năm 2008, cả nước có trên 2000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng[119]. Theo Báo cáo của văn phòng phía Nam của VINATAS tại thành phố Hồ Chí Minh về số liệu các khiếu nại của người tiêu dùng trong 2 năm 2007 và 2008:

 

Nội dung

Năm 2007

Năm 2008

 

Số khiếu nại

Tỷ lệ %

Số khiếu nại

Tỷ lệ %

Ý kiến phản ánh của người tiêu dùng

183

 

214

 

Tổng số khiếu nại

142

 

150

 

Khiếu nại về chất lượng hàng hóa

116

 

131

88

Khiếu nại về dịch vụ và khuyến mãi

26

 

19

12

Các nhóm hàng hóa bị khiếu nại

 

 

 

 

Thực phẩm

39

33

24

19

Điện tử, hàng gia dụng

50

43

73

56

Hàng tiêu dùng

27

24

34

25

Khiếu nại giải quyết thành công

130

92

136

91

(Nguồn: Báo cáo công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2008 của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam văn phòng phía Nam ngày 23 tháng 12 năm 2008).

 

Những thông tin và số liệu nêu trên đã cho thấy những sản phẩm bị coi là khuyết tật được cung cấp cho người tiêu dùng là vô cùng lớn và có thể suy đoán rằng ảnh hưởng của những sản phẩm khuyết tật này trên thực tế đến tài sản, sức khoẻ của người tiêu dùng là không nhỏ.

2.2. Mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến việc thực thi trách nhiệm sản phẩm

Thực trạng vi phạm chất lượng hàng hoá, dịch vụ như đã đề cập ở trên cũng cho thấy doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc thực thi trách nhiệm sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng, đặc biệt trong việc giải quyết khiếu nại từ phía người tiêu dùng. Trong thực tế, khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp, một số doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý một cách kịp thời và hợp lý, thậm chí tìm nhiều cách để thoái thác trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm sản phẩm không chỉ là vấn đề tuân thủ pháp luật mà còn liên quan đến vấn đề trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chưa hiểu được nếu thực hiện đúng các quy định về pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nói riêng là đồng thời doanh nghiệp đang nâng cao uy tín, danh dự của chính bản thân mình. Điều này đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng trong xã hội.

Một hiện tượng cũng thường thấy ở các nền kinh tế mà pháp luật về trách nhiệm sản phẩm được thực thi tốt là khi phát hiện sản phẩm khuyết tật, doanh nghiệp thường tự giác thu hồi. Điều này không chỉ do ý thức đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà cả ở góc độ kinh tế và pháp lụât, nếu sản phẩm đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì nguy cơ phải đối mặt với kiện tụng và trách nhiệm bồi thường và thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với việc tự thu hồi sản phẩm trước khi gây thiệt hại. Về vấn đề này, có thể thấy là việc doanh nghiệp Việt Nam tự thu hồi sản phẩm trên thị trường còn rất ít, không phải sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra tốt hơn sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài mà vì doanh nghiệp chưa phải quan tâm nhiều đến việc thực thi trách nhiệm sản phẩm[120].

Hiện nay, rất nhiều các công ty kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam đã cung cấp bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Đây là loại hình bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba. Điều khoản cơ bản của loại hình bảo hiểm này là doanh nghiệp mua bảo hiểm cho sản phẩm cung cấp trên thị trường, trong trường hợp sản phẩm đó có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay mặt nhà cung cấp sản phẩm bồi thường các thiệt hại cho người tiêu dùng. Trên cơ sở điều khoản cơ bản này, mỗi công ty bảo hiểm có thể xây dựng những điều khoản riêng biệt cho sản phẩm bảo hiểm của mình[121]. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp có cung cấp sản phẩm bảo hiểm này, nhóm nghiên cứu được biết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quan tâm nhiều đến loại hình bảo hiểm này, điều này có thể lý giải bằng một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam rất ít phải đối mặt với những rủi ro do kiện tụng xuất phát từ những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu do sản phẩm khuyết tật gây ra. Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cho đến nay mới được doanh nghiệp quan tâm khi tiến hành các hoạt động nhằm mục đích sau:

- Quảng bá cho sản phẩm của mình.

“Từ năm 2008, khách hàng bị ngộ độc do bánh trung thu Đồng Khánh sẽ được đền bù với số tiền lên tới 20 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất bánh trung thu mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Với động thái này, Đồng Khánh muốn khẳng định chất lượng sản phẩm sau vụ bị phát hiện lạp xưởng quá đát. Ngày 25/8, tại kho của Đồng Khánh ở 78 Bùi Hữu Nghĩa, Quản lý thị trường TP HCM đã phát hiện gần 1.900 kg lạp xưởng đóng trong bao nylon đã hết hạn sử dụng từ Tết Nguyên đán 2004 và 94 hộp lạp xưởng (loại 480 g/hộp) đã hết hạn dùng từ ngày 15/7. Theo ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng đại lý phía Bắc của Đồng Khánh, đó là số hàng đang chờ tiêu hủy. Từ trước khi xảy ra sự việc trên, công ty đã gửi công văn lên Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đề nghị hướng dẫn cách tiêu hủy số lạp xưởng hết hạn sử dụng. Còn lạp xưởng dùng trong sản xuất đều là loại tốt. Cũng theo ông Cường, ngay khi số hàng quá hạn sử dụng bị lập biên bản, Đồng Khánh đã gửi tất cả mẫu bánh của mình đi kiểm nghiệm và kết quả là đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Để khẳng định chất lượng bánh trung thu của mình, ngày 8/9, Đồng Khánh đã ký hợp đồng với công ty Bảo Minh để mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cho tất cả sản phẩm. Theo đó, nếu có vấn đề sức khỏe do dùng bánh trung thu Đồng Khánh, khách hàng sẽ được đền bù tối đa 20 triệu đồng/người. Số tiền đền bù cho mỗi vụ có thể lên tới 3 tỷ đồng. Thời hạn bảo hiểm là 2 tháng kể từ 8/9. Bảo Việt vừa ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cho ổ cắm điện an toàn do Công ty thiết bị điện An Phú sản xuất. Theo ông Huỳnh Minh Hải - giám đốc công ty, loại ổ cắm này được dùng để bảo vệ các thiết bị sử dụng điện (tủ lạnh, máy giặt, đồ dùng văn phòng…), giảm thiểu hư hỏng gây ra do các sự cố bất thường của mạng điện như điện thế tăng quá cao hay giảm quá thấp, nguồn điện chập chờn... Nếu hư hỏng xảy ra với các thiết bị được xác định do nguồn điện gây ra, Bảo Việt sẽ bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại với mức bồi thường cao nhất là 200 triệu đồng/vụ. Ông Hải cho biết đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế cho loại ổ cắm này”.

- Xuất khẩu hàng hoá.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá được đối tác yêu cầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mặc dù không được yêu cầu nhưng khi xuất khẩu hàng hoá cũng tự mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm để thuyết phục đối tác. Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nhựa Tân Đại Hưng, cho biết: “Mua bảo hiểm giống như lời khẳng định chất lượng của sản phẩm và sẽ khiến người đặt hàng cảm thấy tin tưởng, yên tâm hơn khi giao dịch với chúng tôi”. Với mức phí hằng năm phải trả trên 10.000 USD, mức bồi thường tối đa cho sự cố xảy ra liên quan đến sản phẩm là 1 triệu USD/khách hàng, ông Cang cho rằng công ty hoàn toàn có thể tự cân đối được trong cơ cấu giá thành sản phẩm. “Dù chưa có sự cố nào xảy ra nhưng công ty sẽ tiếp tục mua bảo hiểm cho hàng hóa vì đây cũng là một cách khẳng định vị thế kinh doanh và trách nhiệm của công ty đối với cộng đồng”. Bà Phạm Minh Hương, trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty dệt Phong Phú cho biết đã mua bảo hiểm cho các mặt hàng khăn, chỉ sợi, vải và quần áo may sẵn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ được hơn hai năm. Đối tác không có yêu cầu, nhưng theo bà Hương, công ty thấy cần phải mua dù “sản phẩm của công ty ít có rủi ro, nhưng bỏ ra một năm khoảng 7.000 USD để tạo sự yên tâm cho khách hàng và cho cả bản thân mình cũng chấp nhận được[122]. Thế nhưng, với thị trường nội địa thì nhiều doanh nghiệp (doanh nghiệp) lại không đặt nặng vấn đề mua bảo hiểm vì lý do ảnh hưởng đến giá thành. Một doanh nghiệp sản xuất sữa thuộc hàng top trong nước cho biết không có ý định mua bảo hiểm cho các mặt hàng sữa của công ty. Lý do giá thành sẽ đội lên rất cao vì công ty có hàng trăm sản phẩm, lúc đó khả năng cạnh tranh sẽ giảm hẳn đi. Còn một doanh nghiệp dệt may lại đưa ra lý do thị trường trong nước không bắt buộc doanh nghiệp phải làm có những hành động như vậy. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thường được yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm như gốm sứ mỹ nghệ, thủy sản, đồ gỗ, hàng may mặc... Còn tại thị trường nội địa, doanh nghiệp chủ yếu mua bảo hiểm cho các mặt hàng có độ rủi ro cao như bình gas, ổn áp, suất ăn công nghiệp, xe hơi...

- Phục vụ người tiêu dùng nước ngoài, người có trình độ văn hóa cao và đã quen với yêu cầu về trách nhiệm sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm thực sự đối với trách nhiệm của mình trong việc đưa hàng hóa phục vụ những người tiêu dùng nước ngoài, những người có trình độ văn hóa cao và hiểu biết pháp luật. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp, từ những nhận thức đã thành nếp quen của các thương nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cũng như hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng, do đó, các doanh nghiệp càng có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm hơn đối với những loại khách hàng khác, không thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình.

2.3. Thực tế giải quyết, khôi phục các quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm

Việc khôi phục các quyền lợi cho người tiêu dùng trong các vụ việc liên quan đến trách nhiệm sản phẩm hiện nay không đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay tại Việt Nam có khá nhiều cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Ở cấp Trung ương, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Ngoài ra có thể kể đến một số cơ quan như: Cục Quản lý thị trường, Cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý dược,.. Bên cạnh đó, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là một tổ chức đang góp vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Người tiêu dùng hiện nay.

Theo Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, trung bình những năm gần đây, Hội đã phải tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 khiếu nại các loại. Nhưng trong đó có khoảng 80% số vụ được giải quyết, chủ yếu bằng phương pháp hòa giải. Như vậy, quyền lợi người tiêu dùng có được giải quyết thỏa đáng hay không vẫn phải chờ doanh nghiệp tự nguyện[123]. Đó là lý do vì sao khi bị thiệt hại, người tiêu dùng ngại đến các cơ quan chức năng để khiếu kiện.

Theo kết quả điều tra xã hội học do nhóm nghiên cứu đề tài thực hiện thì:

- Khi bị thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng mang lại: 68 người, chiếm 33,2% lựa chọn giải pháp bỏ qua và tự mua sản phẩm khác thay thế. Chỉ có 8 người, khiếu nại với cơ quan nhà nước, 12 người phản ánh với báo chí, và nhiều hơn một chút, 14 người khiếu nại với hội bảo vệ người tiêu dùng. Số người tiêu dung tự khắc phục và tiếp tục sử dụng đứng thứ 2, ngay sau số người mua sản phẩm mới, 42 người, chiếm 20,5%. 13,7% còn lại khiếu nại với doanh nghiệp để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Về việc thực hiện bồi thường thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng gây ra: Qua khảo sát cho thấy đa số người tiêu dùng đều không được đền bù thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng gây ra, con số này lên đến 168 trên 205 người, chiếm 82%. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người tiêu dùng không đi khiếu nại, Chỉ có 23,9% là khiếu nại nhưng cũng không được bồi thường. Đối với những người được bồi thường thiệt hại, chiếm 15,1% , nguyên nhân chủ yếu được bồi thường là do có sự lên tiếng của cơ quan báo chí, sự can thiệp của cơ quan nhà nước chỉ chiếm 2,5% trong số các nguyên nhân này. Doanh nghiệp đã tự giác và tích cực trong bồi thường thiệt hại cũng chỉ chiếm lượng rất nhỏ là 3.4%. Điều này đi ngược lại với mong muốn của những người tiêu dùng vì khi được hỏi theo họ, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đến đâu đối với những thiệt hại do sản phẩm của mình cung cấp gây ra cho người tiêu dùng: có 62,4% số người được hỏi cho rằng doanh nghiệp phải chịu toàn bộ các trách nhiệm. Các loại thiệt hại mà những người này cho rằng doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường là những chi phí phát sinh do hàng hóa dịch vụ không đảm bảo gây ra và giảm giá, thay thế hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, sửa chữa hoặc hoàn lại tiền cho người tiêu dùng với 16,6% người tiêu dùng đồng ý; 56 người muốn doanh nghiệp bồi thường thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây ra. Ngoài ra, một số cũng cho rằng doanh nghiệp phải bồi thường cho những thu nhập bị mất do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây ra.

Kết quả điều tra trên cho thấy thực trạng bồi thường thiệt hại chưa đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng Việt Nam. Kết quả này cũng phù hợp với thực tế là có rất nhiều vụ việc nổi cộm với hành vi vi phạm rõ ràng, nhiều cơ quan nhà nước vào cuộc và được dư luận quan tâm nhưng mức độ bồi thường thiệt hại mà người tiêu dùng được hưởng vẫn không thoả đáng. Có thể đề cập đến một số vụ như sau[124]:

(i) Vụ xăng chứa chất Axeton làm hỏng các loại xe máy cũng đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam. Axeton được pha trong cả 12 triệu lít xăng của hai công ty nhập khẩu xăng dầu ở TPHCM Petrolimex Việt Nam và Công ty xăng dầu Quân đội đã gây xôn xao cho người dân[125]. Axeton là loại dùng môi sẽ làm trương nở các vật liệu bằng nhựa hay cao su tổng hợp trong hệ thống cung cấp xăng[126]. Vì vậy khi sử dụng xăng có chứa Axeton sẽ làm xe rất nhanh bị hỏng. Đây là hành vi lừa dối khách hàng được quy định trong Điều 39 của Luật cạnh tranh. Hành vi này đã gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, làm mất lòng tin của khách hàng. Hai đơn vị trên đã cho thu hồi số xăng trên và tiến hành những biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả. Petrolimex đã lập đường dây nóng để tiếp thu ý kiến khách hàng, giải quyết các vấn đề phát sinh và bồi thường thiệt hại tổng cộng 14 trường hợp (10 ô tô và xe máy), với tổng số tiền bồi thường khoảng 14 triệu đồng.

 (ii) Vụ các doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm nước tương có chứa chất 3-MCPD vượt quá hàm lượng cho phép, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Sau khi Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố 17/21 doanh nghiệp sản xuất nước tương có nồng độ chất 3-MCPD rất cao được lưu hành trên thị trường đã khiến người tiêu dùng rất lo lắng. Nhưng điều đáng nói là, chỉ sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng, các doanh nghiệp mới báo cáo về cơ quan quản lý biện pháp thu hồi và tiêu huỷ nước tương có chất độc hại và hiện nay mới thực hiện ở những thị trường tiêu thụ lớn, như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn tại các tỉnh, hầu như việc xử lý mới dừng ở mức độ thông báo tới người tiêu dùng. Trong vụ việc này, lần đầu tiên có người đứng ra khởi kiện là anh Hà Hữu Tường ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh chính thức nộp đơn khởi kiện 17 cơ sở sản xuất nước tương và yêu cầu đòi bồi thường lên đến 30 tỷ đồng đến Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, yêu cầu của anh đã không được tòa án thụ lý[127] với các lý do: thứ nhất, mặc dù anh Tường cho rằng anh thay mặt hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam nhưng anh không có sự ủy quyền của người này. Thứ hai, anh Tường chưa thu thập được đầy đủ các chứng cứ chứng minh thiệt hại mà các nhà sản xuất gây ra. Cụ thể là nếu nước tương chứa 3- MCPD gây bệnh ung thư thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế về nguyên nhân gây bệnh ung thư do nước tương. Tuy nhiên, khả năng chứng minh này là rất khó. Thứ ba, chưa đủ cơ sở để tính toán số tiền bồi thường là 30 tỷ đồng.

(iii) Vụ chị Nguyễn Thị Hiếu ở Quận 4 (TP.HCM) khiếu nại tại văn phòng phía Nam Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam VINATAS tại thành phố Hồ Chí Minh về việc một chai nước ngọt 7up do công ty Pepsico sản xuất bị nổ, mảnh chai văng vào mắt trái và làm mù mắt chị Hiếu, con trai chị bị thương nhẹ ở tay. Sau thời gian tìm hiểu và giải quyết sự việc, công ty Pepsico khẳng định nguyên nhân của vụ nổ là do vận chuyển bị va đập và mình không có lỗi trong vụ việc này vì quy trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.  Do không có lỗi nên công ty không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ có thể thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho chị Hiếu một số tiền[128]. Ngày 18/6/2008, sau một thời gian dai dẳng thì ba bên (chị Hiếu, đại lý và Pepsico) đã ký biên bản thỏa thuận hỗ trợ. Theo đó, Pepsico và đại lý sẽ hỗ trợ cho chị Hiếu sáu triệu đồng và thanh toán giúp các chi phí điều trị mắt. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ cho chị Hiếu vốn và phương tiện bán nước ngọt để chị có thu nhập hàng ngày[129]. Trong vụ việc này, nếu theo quy định về trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt của các nước phát triển trên thế giới thì chị Hiếu sẽ được bồi thường thiệt hại mà không cần phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay theo pháp luật Việt Nam thì cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng còn nhiều hạn chế và bất cập. Người tiêu dùng khó có cơ hội thắng các vụ kiện liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất đối với chất lượng sản phẩm.

(iv) Vụ việc chị Huỳnh Thị Ngoãn khiếu nại tại Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại phía Nam về việc sự cố xe gắn máy Future Neo do công ty Honda Việt Nam sản xuất[130]. Trong vòng một năm (từ tháng 10/2007 đến tháng 9/2008) chiếc xe này đã 3 lần hư hỏng nặng các linh kiện trong máy, mỗi lần hư hỏng chị Ngoãn phải sửa chữa hết hơn 4 triệu đồng. Công ty đã tiến hành kiểm tra nhiều lần và đi đến kết luận rằng do trong nhớt có chất lạ, chất đó đã phá hỏng linh kiện. Chị Ngoãn không chấp nhận lý do trên nhưng công ty cũng không chịu trách nhiệm và không có hỗ trợ gì cho chị trong cả 3 lần sửa chữa hết hơn 12 triệu đồng. Vụ việc này cho thấy nhà sản xuất rất xem nhẹ trách nhiệm đối với sản phẩm của mình sản xuất ra, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong vụ việc này, Hội bảo vệ người tiêu dùng có hướng dẫn chị làm thủ tục khởi kiện đòi bồi thường tại Tòa án nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, cũng trong báo cáo nhận xét của Hội thì cơ may thắng kiện của vụ việc rất thấp do chị phải chứng minh được lỗi của công ty Honda trong việc sản xuất và lưu hành sản phẩm kém chất lượng. Qua vụ việc này, một lần nữa cho thấy quyền được khiếu nại và bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam chưa được đảm bảo, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngoài các vụ việc trên, hiện nay rất nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng đang lưu hành trên thị trường cũng đã làm người tiêu dùng rất lo sợ. Trên thế giới, có những vụ kiện và hãng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đến hàng triệu đô la khiến cho nhiều tên tuổi lớn như Mc Donald, Pepsi Cola, Nike… chao đảo vì mất uy tín. Tuy nhiên, ở nước ta, các vụ vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng như ô nhiễm nước sinh hoạt, điện kế điện tử, trung tâm ngoại ngữ SITC, xăng pha axeton… đến nay người tiêu dùng vẫn chưa được đền bù thỏa đáng[131].

Những nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên

Tình hình vi phạm các qui định về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng, sự an tòan của sản phẩm đưa thị trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân song chủ yếu là những nguyên nhân dưới đây:

Thứ nhất, người tiêu dùng là tất cả mọi người, là số đông trong xã hội nhưng khi hành động thì chủ yếu là hành động riêng lẻ. Trong quan hệ giao dịch với doanh nghiệp, người tiêu dùng thường đứng ở thế yếu, và thường chịu thiệt thòi, nhiều khi bất bình nhưng không hoặc chưa biết cách đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Từ những điểm yếu trong nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình, người tiêu dùng Việt Nam thường e ngại khi cần khiếu nại trực tiếp với người sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ, chưa nói đến việc khiếu kiện ra các cơ quan chức năng hoặc tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Có thể nói rằng việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng còn rất nhiều khó khăn và bất cập.

Thứ hai, ngay cả khi người tiêu dùng tiến hành khiếu nại, khiếu kiện (tự mình hoặc thông qua Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng trực thuộc VINASTAS và các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các tỉnh/thành phố) thì việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng không hề đơn giản do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến thái độ coi thường người tiêu dùng, vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… từ phía doanh nghiệp cũng như những khó khăn từ phía người tiêu dùng trong quá trình theo đuổi một vụ khiếu nại, khiếu kiện hoặc vấn đề cung cấp chứng cứ. Một số ví dụ hết sức đơn giản như khiếu nại về bảo hành mà không có giấy bảo hành, thói quen không yêu cầu hoá đơn/biên nhận khi mua bán, sử dụng hàng hoá và dịch vụ… Hơn nữa, người tiêu dùng còn có tâm lý e ngại các thủ tục pháp lý và các chi phí khi khởi kiện ra tòa dân sự do thủ tục kiện tụng kéo dài cũng như những chi phí cho việc theo đuổi vụ kiện cũng làm nản lòng người khiếu kiện.

Thứ ba, các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm như chất lượng, độ an toàn, đo lường,… thường là những vấn đề khó chứng minh thiệt hại hoặc không phải lúc nào cũng có điều kiện khoa học kĩ thuật để chứng minh. Do đó, Người tiêu dùng ở vị thế yếu đôi khi không thể thực hiện được việc khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại do các sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất gây ra. Trong thời điểm hiện nay, đây đã trở thành những vấn đề bức xúc của đa số người dân trong xã hội.

Thứ tư, bên cạnh các nguyên nhân trên thì nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là hệ thống pháp luật về trách nhiệm sản phẩm chưa được hoàn thiện. Chính sự thiếu hụt các quy định về trách nhiệm sản phẩm đã khiến cho doanh nghiệp bỏ rơi trách nhiệm đối với người tiêu dùng và làm cho người tiêu dùng vẫn luôn là người chủ yếu phải gánh chịu thiệt hại.

CHƯƠNG IV

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG Ở VIỆT NAM

 

I. YÊU CẦU HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM Ở VIỆT NAM

Trong bối cảnh mà sự vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng ở đang ở mức báo động, yêu cầu hoàn thiện cơ chế pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng đang được đặt ra một cách hết sức bức thiết. Một trong những bất cập trong việc bảo vệ người tiêu dùng hiện nay ở nước ta chính là sự thiếu vắng chế độ trách nhiệm của người sản xuất, cung ứng đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi đã sử dụng hàng hoá, dịch vụ gần như không có cơ hội để yêu cầu nhà sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm nếu hàng hoá, dịch vụ đó gây thiệt hại cho họ. Điều này không chỉ do các quy trình thủ tục tố tụng quá phức tạp mà còn do thiếu cơ chế cụ thể về trách nhiệm: trường hợp nào phát sinh trách nhiệm, mức độ trách nhiệm đến đâu, cách thức tính thiệt hại như thế nào... Chính việc thiếu vắng một chế định pháp luật hoàn chỉnh về trách nhiệm sản phẩm làm cho pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nói chung giảm đi mức độ ràng buộc về trách nhiệm của doanh nghiệp trong mối quan hệ với xã hội, với người tiêu dùng, giảm đi tính hiệu quả của cơ chế pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng không thể tách rời việc hoàn thiện chế định về trách nhiệm sản phẩm. Sự cố thu hồi xe của Toyota và cách xử lý của pháp luật Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU cho thấy có nhiều bài học mà hệ thống pháp luật Việt Nam cần quan tâm. Việc Toyota đã thu hồi 8,5 triệu xe trên toàn cầu, Nissan thu hồi hơn nửa triệu xe, Hyundai thu hồi gần nửa triệu xe, GM thu hồi 1,3 triệu xe và Honda cũng thu hồi gần nửa triệu xe và phải chịu đựng những khỏan tiền phạt nặng nề. Việc xử phạt Chính phủ Hoa Kỳ xử phạt Toyota cho thấy sự cần thiết của chế độ trách nhiệm sản phẩm, nhất là thành tố cơ bản của nó là trách nhiệm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người tiêu dùng đang sử dụng những chiếc xe được nhập khẩu từ nơi có ô tô khuyết tật được sản xuất. Một trong những căn cứ để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm sản phẩm là chủ thể chịu sự áp dụng của chế định này. Do ô tô của Toyota nhập vào Việt Nam có thể đi qua một loạt các khâu trong hệ thống phân phối nên việc xác định ai phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của ô tô nhập khẩu hoàn toàn không dễ trong lúc pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm lại chưa có các qui định thích hợp. Chính khi bị hỏi về vấn đề này Toyota Việt Nam cho rằng do không biết các nhà nhập khẩu là ai, người tiêu dùng mua sản phẩm từ nước nào và do nhà máy nào sản xuất, không có những thông tin về sản phẩm của khách hàng nên không thể thực hiện việc thu hồi.

Chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm hình thành đầu tiên ở Hoa Kỳ và đã lan toả ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cho đến nay, nó đã được phần lớn các quốc gia vận dụng ở các mức độ khác nhau do tính hiệu quả đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng và đã được coi là một phần không thể thiếu trong cơ chế pháp lý chung về bảo vệ người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ người tiêu dùng hiện nay đã có một số quy định thể hiện những tư tưởng nhất định của chế định trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, các quy định này nằm tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và đều chưa dựa trên các nguyên lý cơ bản của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Điều này dẫn đến một thực tế là các quy định này thiếu nhất quán, thiếu tính ràng buộc và rất khó phat huy hiệu lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, vận dụng một cách triệt để các nguyên lý của trách nhiệm sản phẩm trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam là một nhu cầu hết sức bức thiết và xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn.

Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam bao gồm một hệ thống các quy định thuộc các văn bản pháp luật chuyên biệt về bảo vệ người tiêu dùng như Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sắp tới sẽ được thay thế bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), các văn bản pháp luật chung như Bộ luật Dân sự hay các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Luật An toàn thực phẩm,... Việc vận dụng các nguyên lý của chế định trách nhiệm sản phẩm vào hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đòi hỏi phải thực hiện một cách đồng bộ và dựa trên các chuẩn mực chung của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm.

Xuất phát từ thực trạng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm hiện nay ở Việt Nam, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm thực chất là việc thiết lập lại một hệ thống các quy định về trách nhiệm sản phẩm và các quy định liên quan đến trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Các công việc cần tiến hành bao gồm:

Thứ nhất: xác định các nguyên tắc của chế định trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam.

Để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong hệ thống các quy định này, cần xác định được các nguyên tắc của chế định trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam dựa trên các nguyên lý chung của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, bao gồm các yếu tố:

- Xác định trách nhiệm dựa trên sự bất cẩn hay trách nhiệm nghiêm ngặt;

- Phạm vi các sản phẩm áp dụng trách nhiệm sản phẩm và vấn đề có áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với dịch vụ hay không.

- Cách thức xác định khuyết tật của sản phẩm;

- Trách nhiệm chứng minh trong các trường hợp phát sinh trách nhiệm sản phẩm;

- Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm;

- Thời hiệu áp dụng trách nhiệm;

Các nguyên tắc của chế định trách nhiệm sản phẩm sẽ là cơ sở để xây dựng các quy tắc cụ thể về trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật. Các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật khác nhau đều cần phải thể hiện một cách nhất quán các nguyên tắc này.

Việc xác định các nguyên tắc này có thể nói là bước quan trọng nhất trong quá trình hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam và quyết định tính khả thi của các quy định về trách nhiệm sản phẩm. Các nguyên tắc này cần được xác định dựa vào các điều kiện đặc thù của Việt Nam, bao gồm điều kiện kinh tế- xã hội, trình độ dân trí, truyền thống văn hoá, sự hài hoà giữa yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng và yêu cầu bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, các đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam và cả yêu cầu hội nhập, trong đó đi theo các xu hướng chung về bảo vệ người tiêu dùng trên thế giới là vấn đề cốt lõi.

Thứ hai: Xác định các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cần thể hiện các quy tắc của trách nhiệm sản phẩm và mức độ cần được quy định trong từng văn bản.

Do tính đa dạng của hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, các quy định về trách nhiệm sản phẩm cũng sẽ không chỉ thể hiện trong một văn bản mà sẽ nằm trong nhiều văn bản có tính liên kết với nhau. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở bình diện tổng thể phải bao hàm việc  xác định xem các quy tắc về trách nhiệm sản phẩm cần được thể hiện trong các văn bản pháp luật nào. Cơ sở xác định là vị trí, vai trò của từng văn bản trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và mối liên hệ giữa các văn bản này trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Riêng việc xác định mức độ thể hiện các quy tắc về trách nhiệm sản phẩm trong từng văn bản sẽ chỉ được thực hiện một cách đầy đủ khi trả lời được các vấn đề ở bước thứ nhất trên đây.

Thứ ba: Rà soát các quy định hiện hành về trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành và đối chiếu với các yêu cầu đã được xác định ở bước thứ nhất và thứ hai, từ đó xác định các yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để hoàn thiện các quy định về trách nhiệm sản phẩm.

Trên cơ sở các nguyên tắc về trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam và các yêu cầu về việc cần có các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật nào, mức độ thể hiện trong từng văn bản đến đâu, việc rà soát văn bản ở bước thứ ba sẽ cho thấy trong các văn bản hiện hành, quy định nào phù hợp có thể giữ lại, quy định nào không phù hợp cần chỉnh sửa hay bỏ đi, quy định nào còn thiếu và chỉ ra được một hệ thống các yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để có thể hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm.

Thứ tư: Xây dựng các quy định pháp luật cụ thể để tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản trên thực tế.

Để thực hiện công việc này, các văn bản sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới, tuỳ vào hình thức văn bản, cần được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ban hành loại văn bản tương ứng và để ban hành các văn bản theo yêu cầu đã được chỉ ra.

Khi xây dựng các quy định cụ thể liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm cần lưu ý đến những đặc thù của hoạt động lập pháp hiện nay. Pháp luật Việt Nam là một hệ thống pháp luật thành văn và thẩm phán không có quyền giải thích pháp luật. Chính vì vậy, các nhà làm luật luôn cố gắng thể chế bằng pháp luật các quy phạm điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội ở mức độ có thể bao quát tất cả những vấn đề cần được pháp luật can thiệp. Vì thế, các quy định thường cố gắng hướng đến sự chi tiết, cụ thể trong phạm vi có thể và trong trường hợp điều đó không thể đạt được ở một văn bản tầm luật thì sẽ được thực hiện ở cấp độ nghị định, hoặc thông tư. Những nỗ lực thể hiện thành văn các quy phạm pháp luật cũng như cụ thể hoá các quy định ở mức cao nhất là nhằm đảm bảo sự dễ dàng và cũng giúp hạn chế sự tùy tiện của người áp dụng pháp luật. Đặc trưng lập pháp này đòi hỏi, học thuyết về trách nhiệm sản phẩm khi được vận dụng vào Việt Nam cần có sự cụ thể hoá ở mức cao nhất, thậm chí nếu có thể cần được cụ thể hoá nhiều hơn trong pháp luật các nước, đặc biệt là dự kiến về các tình huống phát sinh trên thực tế và phương án điều chỉnh đối với những tình huống này.

 Bên cạnh đó, để các quy định về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp phát huy được hiệu lực trên thực tế, không thể không tính đến các quy định pháp luật liên quan với tư cách là một trong những điều kiện đảm bảo khả năng thực thi cho cơ chế trách nhiệm này. Đó là:

- Các quy định đảm bảo xác định nguồn gốc của sản phẩm: Để xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng cần xác định được người cung cấp sản phẩm đó cho người tiêu dùng. Các quy định này bao gồm các cơ chế về dán nhãn, về chế độ sử dụng hoá đơn, chứng từ và cung cấp hoá đơn, chứng từ cho người tiêu dùng.

- Các quy định về việc kiểm định sản phẩm, đánh giá chất lượng.

- Các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng.

II. CÁC KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM Ở VIỆT NAM

2.1. Định hướng hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam hiện nay

Việc định hướng mô hình chế định trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam chính là xác định các nguyên lý cơ bản của chế định này, trong đó vấn đề đầu tiên cần quan tâm là cơ sở của trách nhiệm: dựa trên yếu tố lỗi (bất cẩn) hay không dựa trên yếu tố lỗi (trách nhiệm nghiêm ngặt). Như đã phân tích, trách nhiệm nghiêm ngặt đề cao yêu cầu và đưa ra cơ chế bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất bởi với cơ chế trách nhiệm này, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với khuyết tật trong sản phẩm của mình và mở rộng các trường hợp được bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đặt doanh nghiệp trước các rủi ro cao do khả năng xảy ra sơ suất, hay tỷ lệ có khuyết tật nhất định trong sản phẩm được cung cấp ra thị trường, ngay cả khi nhà sản xuất không có lỗi.

Trên cơ sở các nghiên cứu về thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu cho rằng việc áp dụng chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt ở Việt Nam là cần thiết. Về phía người tiêu dùng, trong bối cảnh mà quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ một cách hiệu quả và còn có sự thiếu tôn trọng từ phía doanh nghiệp, việc áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ người tiêu dùng. Hơn nữa, việc áp dụng chế độ trách nhiệm không cần yếu tố lỗi giúp mở rộng hơn phạm vi được bảo vệ của người tiêu dùng và giảm nhẹ gánh nặng chứng minh đối với người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng có thể được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự tạo được tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội để bảo vệ người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, việc áp dụng chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt khiến cho doanh nghiệp đứng trước nguy cơ lớn hơn trong việc đối mặt với các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát chất lượng, cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, giúp đào thải những doanh nghiệp có năng lực quản lý yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm, từ đó giúp nâng cao hơn sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế khi tham gia vào sân chơi chung toàn cầu. Việc phân tích kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy xu hướng chung hiện nay là áp dụng chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt. Trên thực tế, khi cung cấp sản phẩm trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa phải áp dụng các quy định về trách nhiệm sản phẩm nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp đã phải áp dụng các quy định này. Phần lớn các nhà nhập khẩu đều yêu cầu các doanh nghiệp khi cung cấp sản phẩm cho họ phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Như vậy, việc áp dụng chế định trách nhiệm nghiêm ngặt đối với sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự bình đẳng của người tiêu dùng trên thị trường nội địa với người tiêu dùng ở các quốc gia nhập khẩu mà cũng sẽ giúp các doanh nghiệp làm quen với các chuẩn mực về trách nhiệm được áp dụng chung trên thế giới. Để giúp các nhà cung cấp hạn chế các rủi ro khi phát sinh trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong trường hợp họ không có lỗi, hiện nay, các hãng bảo hiểm tại Việt Nam cũng đã cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm cho trách nhiệm của các nhà cung cấp khi phát sinh trách nhiệm với bên thứ ba là người tiêu dùng. Do vậy, việc áp dụng chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt khi xây dựng chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam là phù hợp.

Về phạm vi sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng của trách nhiệm sản phẩm: sản phẩm được cung cấp thương mại hiện nay có hai nhóm là hàng hoá và dịch vụ. Về mặt học thuyết, bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể và cần được áp dụng trách nhiệm sản phẩm bởi khả năng gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng do những khuyết tật trong sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các quốc gia mới dừng ở việc áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm đối với hàng hoá và chỉ có ngoại lệ duy nhất là một số quốc gia ASEAN có áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với dịch vụ (trường hợp Philippines, Indonesia). Cộng đồng Châu Âu cũng đã từng đưa ra dự thảo Chỉ thị về áp dụng trách nhiệm đối với dịch vụ có khuyết tật, tuy nhiên chưa ban hành được. Lý do của việc này có thể là do tính vô hình của sản phẩm dịch vụ, vì vậy, việc xác định khuyết tật đối với dịch vụ cũng sẽ là vấn đề rất phức tạp và sự xác định nếu không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích hoặc của người tiêu dùng, hoặc lợi ích của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với sản phẩm hàng hoá, việc mở rộng phạm vi của hàng hoá đến đâu cũng cần được cân nhắc, đặc biệt là đối với điện, nông sản và bất động sản là đối tượng được loại trừ ở một số quốc gia.

Trong điều kiện Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng các sản phẩm hàng hoá thuộc phạm vi áp dụng trách nhiệm sản phẩm trước hết cần bao gồm các sản phẩm công nghiệp. Một số sản phẩm đặc thù cần được qui định trong các văn bản chuyên ngành. Cụ thể là:

- Điện năng là một sản phẩm nguy hiểm tự thân (nguy hiểm từ nội tại) và có nhiều khả năng gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng cả về mặt sức khoẻ, tính mạng (trong trường hợp bị điện giật) hay thiệt hại về tài sản (điện mất bất ngờ hay sự cố điện gây hỏng các thiết bị điện), tuy nhiên,  các thiệt hại này chỉ có thể gây ra do lỗi của người tiêu dùng (không tuân thủ các quy tắc về an toàn theo những kiến thức cơ bản nhất) hay do lỗi của bên cung ứng, truyền tải điện (không cảnh báo về nguy hiểm, không có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa nguy hiểm, không duy trì tốt việc cung ứng điện. Như vậy, trong trường hợp có thiệt hại do điện gây ra thì đó cũng có thể coi là không phải khuyết tật của sản phẩm điện năng mà là do khuyết tật của dịch vụ cung ứng điện. Với những lý do này, nhóm nghiên cứu cho rằng không cần đưa sản phẩm điện năng vào danh mục sản phẩm áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm.

- Bất động sản: Phần lớn các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc… đều loại trừ bất động sản khỏi đối tượng áp dụng của chế định trách nhiệm sản phẩm, nhưng vẫn áp dụng trách nhiệm trong trường hợp sản phẩm là các động sản gắn liền với các bất động sản. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, bất động sản bao gồm đất đai và các tài sản khác gắn liền với đất đai[132]. Trên thực tế, đất đai là một tài sản tự nhiên, không phải là kết quả của bất kỳ quá trình sản xuất, chế tạo hay gia công nào và đương nhiên không phải là đối tượng của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Riêng công trình xây dựng thì là kết quả của việc kết hợp các vật liệu xây dựng và các dịch vụ thiết kế, thi công, lắp đặt và tất cả các yếu tố riêng biệt tạo thành sản phẩm công trình xây dựng này đều có thể xác định được người sản xuất hay cung cấp nó, do vậy các sản phẩm là vật liệu cấu thành công trình xây dựng đều có thể là đối tượng và có thể áp dụng được pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Riêng đối với các dịch vụ thiết kế, thi công, lắp đặt thì trách nhiệm sẽ được xác định theo cơ chế trách nhiệm đối với sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, trong trường hợp công trình xây dựng là một sản phẩm tổng thể trọn gói được nhà cung ứng cung cấp cho người tiêu dùng (cho thuê, bán…) thì công trình đó cũng cần được coi là một sản phẩm và là đối tượng của pháp luật trách nhiệm sản phẩm.

- Nông sản: nông sản có hai dạng là các sản phẩm thu hái, đánh bắt tự nhiên và các sản phẩm có được từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Các sản phẩm đánh bắt tự nhiên thường được các quốc gia loại trừ khỏi phạm vi đối tượng của trách nhiệm sản phẩm trong khi các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt thì được áp dụng chế độ trách nhiệm này. Ở Việt Nam, nhu cầu áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với nông sản là sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt hết sức bức thiết bởi trên thực tế, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh, thuốc tăng trưởng… gây tác hại cho sức khoẻ của người sử dụng đã phổ biến đến mức báo động và về mặt pháp lý, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng thì không thể loại trừ nông sản khỏi phạm vi các loại sản phẩm cần áp dụng chế độ trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn nông sản tiêu thụ trên thị trường đều là sản phẩm của hoạt động canh tác nhỏ, lạc hậu, chưa có cơ chế quản lý nguồn gốc của các sản phẩm nông sản nên đa phần nông sản đưa ra thị trường đều không rõ nguồn gốc và rất khó xác định người cung cấp. Nếu không có sự thay đổi trong cơ chế quản lý sản xuất và tiêu thụ nông sản như hiện nay thì việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với nông sản sẽ không đảm bảo tính khả thi. Với lý do đó, nhóm nghiên cứu thấy rằng việc quy định áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với nông sản là cần thiết, tuy nhiên cần giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có trách nhiệm quản lý quá trình sản xuất nông nghiệp quy định lộ trình áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp hoá trong nông nghiệp, đảm bảo xác định được người cung cấp nông sản, tạo cơ sở áp dụng trách nhiệm sản phẩm trong lĩnh vực này. Cũng liên quan đến lĩnh vực này, nhà sản xuất, cung ứng các hoá chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng nếu hoá chất họ cung cấp còn tồn dư trên nông sản gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi người sản xuất nông sản đã áp dụng đúng quy cách sử dụng hoá chất đó trong quá trình sản xuất nông nghiệp của mình.

- Đối với lĩnh vực dịch vụ, việc phân tích các quy định hiện hành cho thấy pháp luật Việt Nam đã hình thành các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong từng lĩnh vực dịch vụ. Do tính vô hình của dịch vụ cũng như sự đa dạng của các loại hình dịch vụ với các đặc thù khác nhau, nhóm nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh chưa có những nghiên cứu đầy đủ và chưa có những kinh nghiệm thích hợp về vấn đề này, cách tốt hơn cả là duy trì cách quy định về trách nhiệm sản phẩm đối với lĩnh vực dịch vụ như hiện nay, đó là quy định trong từng văn bản điều chỉnh chính lĩnh vực dịch vụ đó. Cách quy định như vậy phản ánh được đặc thù của các loại hình dịch vụ và do vậy, có thể đảm bảo tính phù hợp và khả thi. Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng chỉ dừng ở mức quy định các nguyên tắc chung nhất về áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với các dịch vụ có khuyết tật, làm cơ sở để các văn bản pháp luật chuyên ngành như chăm sóc sức khoẻ, du lịch, giao thông, xây dựng, tài chính… quy định cụ thể về các vấn đề về khuyết tật sản phẩm và phạm vi trách nhiệm phù hợp với đặc thù của lĩnh vực dịch vụ đó.

2.2. Một số khái niệm cơ bản cần được đưa vào pháp luật về trách nhiệm sản phẩm

Về khuyết tật và cách thức xác định: đây là một vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý khi xây dựng chế định về trách nhiệm sản phẩm và quy định này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện các biện pháp tố tụng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khuyết tật của sản phẩm có thể được xác định theo hai hướng là, đó là khuyết tật cụ thể: đó là trường hợp một khuyết tật cụ thể được chỉ ra đối với sản phẩm (chẳng hạn như trong sản phẩm có hoá chất gây độc hại, cấu tạo của sản phẩm có góc nhọn có thể gây thương tích cho người dùng v.v.) hoặc là khuyết tật suy đoán: là trường hợp có thể chỉ ra hoặc không chỉ ra một khuyết tật cụ thể nhưng sản phẩm đã không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thông thường khi sử dụng sản phẩm đó một cách bình thường trong điều kiện bình thường. Việc lựa chọn cách thức xác định khuyết tật, một lần nữa lại phải đảm bảo sự cân bằng về lợi ích giữa người tiêu dùng và các thương nhân. Pháp luật các nước khi xác định khuyết tật của sản phẩm thường sử dụng đặc tính là sản phẩm không đảm bảo mức độ an toàn mà người tiêu dùng có quyền trông đợi một cách hợp lý và quyền phán xét như thế nào là trông đợi một cách hợp lý thì thường được trao cho toà án. Ở Việt Nam, việc trao quyền này trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại vai trò của toà án trong sáng tạo pháp luật và đồng thời, năng lực của thẩm phán cũng đòi hỏi phải được nâng cao để có thể thực thi vai trò này. Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, phương án phù hợp nhất là xác định những phương thức cụ thể để có thể xác định khuyết tật của sản phẩm. Khuyết tật của sản phẩm có thể là (i) việc không đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định được áp dụng đối với sản phẩm đó, tức là căn cứ vào quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện hành thì sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng theo quy định và việc không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với sản phẩm là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng; trong trường hợp không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể áp dụng đối với sản phẩm hoặc sản phẩm đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với sản phẩm đó nhưng vẫn gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì có thể áp dụng phương thức thứ (ii) là sản phẩm có những đặc tính (về mặt thiết kế, nguyên liệu, phương thức vận hành v.v.) mà đặc tính đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng mặc dù được người tiêu dùng sử dụng đúng với công dụng và hướng dẫn sử dụng của người cung cấp (nếu có hướng dẫn sử dụng). Trong trường hợp thứ hai, việc nhà cung cấp đưa ra cảnh báo về những đặc tính có thể gây ra thiệt hại của sản phẩm và phương thức phòng ngừa nó có thể là một trong những căn cứ miễn trách nhiệm. Như vậy, phương thức xác định này sẽ bao hàm được cả các trường hợp xác định khuyết tật do cảnh báo là trường hợp mà nhà cung cấp không đưa ra các cảnh báo cần thiết nhằm giúp người tiêu dùng tránh được những nguy hiểm do sản phẩm gây ra.

Đối với trường hợp thiệt hại xảy ra do người sử dụng đã tin vào những đảm bảo đưa ra từ nhà cung cấp thì có thể được đưa vào trường hợp hành vi thương mại không lành mạnh (cung cấp thông tin không đúng sự thật về sản phẩm) và người đưa ra lời đảm bảo (nhà sản xuất, nhà phân phối hoặc người bán hàng) sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra thông tin không đúng sự thật đó, cụ thể là phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi dựa vào thông tin không đúng sự thật do nhà cung cấp đưa ra.

Khái niệm thiệt hại là yếu tố quyết định mức độ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi sử dụng một sản phẩm được cung cấp trên thị trường đương nhiên sẽ có quyền được đảm bảo rằng khi họ sử dụng sản phẩm đó một cách bình thường trong những điều kiện thông thường thì họ sẽ không bị thiệt hại gì về tính mạng, hay sức khoẻ, hay các tài sản mà họ đang có, và nếu có xảy ra thiệt hại đối với các yếu tố này thì đương nhiên người cung cấp có trách nhiệm phải bồi thường. Bộ luật Dân sự 2005 đã đưa ra các dạng thiệt hại được bồi thường, bao gồm thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm. Nhìn chung, các thiệt hại được xác định trên nguyên tắc thiệt hại trực tiếp và cụ thể, tuy nhiên, cần có những quy định hợp lý hơn về cách tính mức thiệt hại phải bồi thường để đảm bảo người thiệt hại có được sự đền bù thoả đáng hơn. Về vấn đề này, các trường hợp bồi thường thiệt hại xuất phát từ cơ chế trách nhiệm sản phẩm có thể áp dụng theo các quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định liên quan đến tính toán mức thiệt hại đặc thù trong pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên, cần xác định nguyên tắc chung là thiệt hại được bồi thường không bao gồm thiệt hại đối với chính sản phẩm khuyết tật.

Trên thực tế, sản phẩm khuyết tật có thể không gây hại cho chính người tiêu dùng mà là cho một bên thứ ba. Đây là những trường hợp mà sản phẩm có sự nguy hiểm ngay từ bên trong, chẳng hạn như thuốc lá. Người hút thuốc là có thể ý thức được sự nguy hiểm do khói thuốc gây ra, và họ tự mình chấp nhận những nguy cơ từ nó. Khi người sản xuất đã cảnh báo đầy đủ đối với người hút thuốc, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với sức khoẻ của những người này. Nhưng sẽ có rất nhiều người không trực tiếp hút thuốc vẫn phải chịu ảnh hưởng của khói thuốc (hút thuốc bị động). Liệu có thể yêu cầu nhà sản xuất thuốc lá phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại về sức khoẻ của những người này không. Trong thời điểm hiện nay, do những lý do về mặt kinh tế, yêu cầu này có thể sẽ không có tính khả thi, song trong tương lai, để đảm bảo sự an toàn cho xã hội, nhóm nghiên cứu cho rằng nên cân nhắc quy định trách nhiệm của những nhà sản xuất đối với nạn nhân của hút thuốc bị động.

Các trường hợp miễn trừ: giống như tất cả các trường hợp trách nhiệm khác thì đối với trách nhiệm sản phẩm cũng sẽ có các trường hợp mà thương nhân được miễn trừ trách nhiệm. Nguyên lý chung của việc miễn trừ là đối với những trường hợp thương nhân đó không biết và đồng thời cũng không thể biết về những khuyết tật trong sản phẩm của mình. Căn cứ vào hai yếu tố là không biết và không thể biết thì pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã xác định các trường hợp miễn trừ cụ thể có thể được vận dụng ở Việt Nam, đó là:

- Trường hợp người tiêu dùng có lỗi đối với thiệt hại xảy ra: pháp luật cần xác định cụ thể các trường hợp người tiêu dùng được coi là có lỗi.

- Trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm đã quá hạn đối với sản phẩm có hạn sử dụng.

- Trường hợp cung cấp sản phẩm không vì mục đích kinh doanh: chẳng hạn như viện trợ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng việc miễn trừ trong các trường hợp viện trợ, cứu trợ không nên áp dụng đối với các trường hợp người cung cấp có lỗi, cụ thể là họ biết rõ đó là sản phẩm gây nguy hiểm cho người được viện trợ và lợi ích mà người được viện trợ nhận được so với thiệt hại mà sản phẩm có thể gây ra là nhỏ hơn. Chẳng hạn trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm, nhà sản xuất có thể cung ứng vắc-xin phòng dịch chưa được kiểm nghiệm đầy đủ với điều kiện là ngay cả khi có người bị ảnh hưởng bởi loại vắc-xin chưa được kiểm nghiệm này thì việc bị ảnh hưởng đó cũng không đáng kể so với việc để dịch bệnh lây lan hàng loạt nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của chính người đó và cộng đồng (không có lỗi). Còn trong trường hợp dịch bệnh không có ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ con người và việc sử dụng loại vắc-xin đó có thể nhiều tác dụng phụ mà hậu quả còn lớn hơn cả bệnh dịch đó thì việc viện trợ là không được phép (có lỗi) và người viện trợ phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm viện trợ.

- Trường hợp thương nhân không cung cấp sản phẩm ra thị trường: chẳng hạn hàng hoá đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được đưa ra khai thác thương mại nhưng được những người không có thẩm quyền đưa ra thị trường.

- Trường hợp người phải chịu trách nhiệm chỉ ra được lỗi của chủ thể và lỗi đó là nguyên nhân gây ra toàn bộ hay một phần thiệt hại, trong trường hợp này, phần miễn trừ (toàn bộ hay một phần) sẽ tương ứng với mức độ thiệt hại do lỗi của chủ thể kia gây ra.

Về trách nhiệm chứng minh: vấn đề này không chỉ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nói riêng mà phải là nguyên lý chung áp dụng đối với các vụ việc tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng và phải được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Trách nhiệm chứng minh được xác định căn cứ vào đặc điểm của mối quan hệ giữa thương nhân và người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng được khẳng định luôn ở vị thế bất lợi hơn và thường không có đủ năng lực về tài chính, về kỹ thuật, về chuyên môn để có thể đưa ra được những bằng chứng chống lại thương nhân. Chính vì vậy, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung đều khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về thương nhân. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần chứng minh mình bị thiệt hại và thiệt hại đó là từ việc tham gia vào mối quan hệ với thương nhân với tư cách người tiêu dùng, không cần phải chứng minh thương nhân có lỗi. Thương nhân nếu muốn chứng minh ngược lại sẽ phải chứng minh mình không có lỗi. Liên hệ cụ thể với trách nhiệm chứng minh trong các vụ việc về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng có yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ cần chứng minh về thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại đó với một hoặc một số đặc tính trong sản phẩm. Vì đây là một loại trách nhiệm không phụ thuộc vào yếu tố lỗi nên thương nhân muốn loại trừ trách nhiệm của mình buộc phải chứng minh mình rơi vào những trường hợp được miễn trừ.

Về chủ thể chịu trách nhiệm: quá trình đưa sản phẩm tới người tiêu dùng có sự tham gia của rất nhiều chủ thể với vai trò là nhà cung cấp, trong đó có thể kể đến nhà sản xuất, người nhập khẩu (đối với sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài), người phân phối và người bán hàng. Ngoài ra, trách nhiệm của người cung cấp linh kiện và người cung cấp sản phẩm cuối cùng cũng hết sức quan trọng. Việc xác định trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung cấp này cũng là nội dung rất quan trọng trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm vì đây là cơ sở xác định ai sẽ là người bị kiện (hay nói cách khác: nguyên đơn có thể kiện ai để yêu cầu bồi thường thiệt hại khi phát sinh các vụ việc về trách nhiệm sản phẩm. Trên nền tảng của học thuyết về trách nhiệm sản phẩm, nhà sản xuất đương nhiện là chủ thể đầu tiên phải chịu trách nhiệm và là đối tượng đầu tiên có thể bị kiện (đối với hàng hoá sản xuất trong nước), còn trong trường hợp hàng hoá nhập khẩu thì đương nhiên trách nhiệm này thuộc về nhà nhập khẩu. Ở một số quốc gia, để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi gặp thiệt hại, người tiêu dùng có thể lựa chọn bất kỳ ai trong chuỗi cung cấp sản phẩm, trong trường hợp người phải bồi thường thiệt hại không có lỗi (chẳng hạn như người bán phải bồi thường thiệt hại trong khi lỗi thuộc về nhà sản xuất) thì có thể yêu cầu bên có lỗi bồi hoàn khoản đã bồi thường cho người tiêu dùng. Song theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng thì điều quan trọng nhất là có xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng hay không. Để tránh các trường hợp người tiêu dùng kiện một nhà cung cấp, nhà cung cấp này lại kiện nhà phân phối, nhà phân phối lại kiện lại nhà sản xuất… tạo ra các vụ kiện liên tiếp, việc kiện các chủ thể khác trong nhóm phân phối chỉ nên áp dụng trong trường hợp không xác định được nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu. Việc một nhà cung cấp cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng mà không có căn cứ hợp lý để xác định nhà sản xuất sẽ bị coi là  bị đơn trong vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Khi bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra, người tiêu dùng có thể lựa chọn kiện ngay người bán, hay yêu cầu người đó cung cấp thông tin về nhà sản xuất để kiện. Trong trường hợp người bán cung cấp thông tin về nhà sản xuất sau khi vụ kiện đã phát sinh thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn thay đổi đơn kiện hoặc tiếp tục vụ kiện và người bán sẽ phải chịu trách nhiệm, sau đó có thể yêu cầu bồi hoàn từ nhà sản xuất.

Đối với người sản xuất linh kiện: linh kiện là một phần trong sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng và trong trường hợp linh kiện đó có khuyết tật, người sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp nào người tiêu dùng cũng có thể xác định được linh kiện được sản xuất bởi chính nhà sản xuất sản phẩm toàn bộ, hay do người khác sản xuất, và trong trường hợp do người khác sản xuất thì không phải lúc nào cũng xác định được nhà sản xuất đó là ai. Một số nhà sản xuất linh kiện có nhãn mác rõ ràng để xác định nhà sản xuất, ngay cả khi nó chỉ là một phần trong sản phẩm toàn bộ, nhưng cũng có những nhà sản xuất không có nhãn mác xác định trên sản phẩm linh kiện. Xuất phát từ thực tế này, nên xác định trong trường hợp thiệt hại gây ra là do khuyết tật của linh kiện và có đầy đủ căn cứ để xác định được nhà sản xuất linh kiện đó thì người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất linh kiện sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra. Còn nếu không xác định được chủ thể sản xuất linh kiện hoặc không rõ thiệt hại là do sản phẩm toàn bộ, hay do linh kiện thì nhà sản xuất sản phẩm toàn bộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng và việc phân định trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm toàn bộ và người sản xuất linh kiện sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác.

Thời hiệu áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm. Thời hiệu này đồng nghĩa với thời hiệu mà một người có thể kiện nhà cung cấp của mình căn cứ vào pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Có thể thấy phần lớn các quốc gia đều lựa chọn quy định về thời hiệu với mức 10 năm kể từ thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu hành và 3 năm kể từ thời điểm người bị thiệt hại biết hoặc buộc phải biết về thiệt hại đó. Còn theo Bộ luật Dân sự hiện hành của Việt Nam, thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hiện nay là 2 năm kể từ thời điểm quyền lợi bị xâm phạm. Như đã phân tích, quy định về cách tính thời hiệu theo Bộ luật Dân sự có một số điểm bất cập cần được chỉnh sửa, tuy nhiên, việc áp dụng khoảng thời gian là 2 năm hay 3 năm như các quốc gia khác cần được nghiên cứu kỹ thêm.

2.3. Các tác động đến hệ thống pháp luật nói chung

Các định hướng hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm như đã phân tích sẽ tác động đến một hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng và phụ thuộc vào vai trò của văn bản đó trong bảo vệ người tiêu dùng và trong hệ thống pháp luật nói chung.

Bộ luật Dân sự là đạo luật chung, điều chỉnh tất cả các vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức với tư cách là những chủ thể bình đẳng, trong đó có những vấn đề như tài sản, quyền sở hữu, hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm với tư cách là một chế định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ dựa trên các nguyên tắc cơ bản về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được thiết lập trong Bộ luật Dân sự. Do vậy, liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm, Bộ luật Dân sự có vai trò thiết lập các nguyên tắc cơ bản của chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chung, đồng thời có những quy định mở để có thể áp dụng các quy tắc đặc thù trong chế định trách nhiệm sản phẩm.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là đạo luật thiết lập các biện pháp hành chính nhằm quản lý về mặt chất lượng đối với sản phẩm hàng hoá. Các vấn đề mang tính dân sự như trách nhiệm của người cung cấp hàng hoá trong trường hợp không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho đối tác, người mua, người tiêu dùng sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, thương mại. Việc không đảm bảo các quy định về chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá có thể coi là một trong những trường hợp sản phẩm khuyết tật và là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tuy nhiên, các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng cần được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hiện đang được soạn thảo) là đạo luật quy định các biện pháp về mặt hành chính, dân sự để bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ với các nhà cung cấp là những người kinh doanh chuyên nghiệp. Các biện pháp hành chính, dân sự này tạo thành những chế định đặc thù của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có chế định trách nhiệm sản phẩm. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định một cách toàn diện các vấn đề pháp lý về trách nhiệm sản phẩm, bao gồm các vấn đề (i) sản phẩm là đối tượng áp dụng trách nhiệm sản phẩm; (ii) khái niệm sản phẩm khuyết tật; (iii) chủ thể chịu trách nhiệm; (iv) thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm sản phẩm; (v) các trường hợp miễn trừ áp dụng trách nhiệm sản phẩm và (vi) xác định trách nhiệm chứng minh trong các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm.

Ngoài các đạo luật trên, các văn bản pháp luật về từng loại sản phẩm riêng biệt như pháp luật về dược, về an toàn thực phẩm… đối với sản phẩm là hàng hoá hay pháp luật về dịch vụ khám chữa bệnh, về du lịch, về bưu chính viễn thông… đối với sản phẩm là dịch vụ cũng tạo ra những cơ sở pháp lý nhất định để áp dụng cơ chế trách nhiệm sản phẩm. Việc các chủ thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ vi phạm các quy định quản lý trong các văn bản pháp luật chuyên ngành là yếu tố dễ xác định nhất để coi một sản phẩm là có khuyết tật và là căn cứ áp dụng trách nhiệm sản phẩm. Chỉ khi không có các quy định quản lý chuyên ngành thì mới cần áp dụng các nguyên tắc khác để xác định sản phẩm khuyết tật. Ngoài ra, riêng đối với lĩnh vực dịch vụ, mức độ bồi thường thiệt hại cũng cần được quy định riêng trong các đạo luật chuyên ngành để đảm bảo tính đặc thù của từng loại hình dịch vụ.

2.4. Các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật

Với các định hướng áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam như đã nêu, đặt trong thực trạng hiện nay của pháp luật Việt Nam liên quan đến trách nhiệm sản phẩm sẽ dẫn đến nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật sau đây:

(1) Sửa đổi Bộ luật Dân sự liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Các quy định cần sửa đổi bao gồm:

- Sửa đổi quy định về thời hiệu: hiện nay trong Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 02 năm, kể từ thời điểm quyền lợi bị xâm phạm. Việc xác định thời điểm quyền lợi bị xâm phạm trên thực tế sẽ rất khó khăn và có thể có nhiều cách xác định khác nhau, vì vậy nên sửa quy định này thành “kể từ thời điểm người khởi kiện biết hoặc buộc phải biết về quyền lợi bị xâm phạm, tính theo thời điểm nào đến sớm hơn”; đồng thời nên bổ sung một trường hợp hạn chế nữa là “nhưng không quá 10 năm kể từ thời điểm hàng hoá được đưa ra thị trường đối với thiệt hại do sản phẩm hàng hoá gây ra và người tiêu dùng có thể xác định được năm sản xuất của hàng hoá đó tại thời điểm mua hàng”.

- Sửa đổi quy định về các thiệt hại được bồi thường.

Bộ luật Dân sự hiện nay đã quy định tương đối đầy đủ về các thiệt hại được bồi thường, tuy nhiên cần có những quy định hợp lý hơn về cách tính mức bồi thường. Chưa có những quy định về trường hợp thiệt hại không xảy ra ngay mà mang tính tích luỹ trong một thời gian dài, có những dạng thiệt hại khó xác định đối với từng cá nhân cụ thể mặc dù về khoa học đã chứng minh khả năng gây thiệt hại (chẳng hạn như chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư nhưng để chứng minh một người bị ung thư có phải do 3-MCPD gây ra hay không thì rất khó), vì vậy cần có những quy định về cách tính bồi thường thiệt hại dựa trên các căn cứ khoa học và đối tượng được bồi thường là các quỹ dành cho cộng đồng (chẳng hạn quỹ phòng chống ung thư).

- Bổ sung quy định về chủ thể có trách nhiệm bồi thường.

Sửa quy định tại Điều 444 liên quan đến các trường hợp miễn trừ đối với trách nhiệm đảm bảo chất lượng vật mua-bán: bỏ quy định miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp vật mua thông qua đấu giá và mua tại cửa hàng đồ cũ, bổ sung trường hợp miễn trừ nếu khuyết tật là rõ ràng và cho phép người mua nhận biết được trước khi nhận vật. Trong trường hợp quan hệ mua-bán là giữa người cung cấp hàng chuyên nghiệp với người tiêu dùng, người mua có thể lựa chọn áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc áp dụng quy định tại Điều 444 này.

Sửa Điều 630 theo hướng mở rộng phạm vi phải bồi thường do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm phải bồi thường cho người tiêu dùng những thiệt hại  gây ra do sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc không đảm bảo yê cầu về an toàn.

(2) Xây dựng chương về Trách nhiệm sản phẩm trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Với tư cách là một chế định đặc thù của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, quy định về trách nhiệm sản phẩm cần được cơ cấu thành một chương trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các quy định này về cơ bản có thể học tập theo các quy định của Cộng đồng Châu Âu trong Chỉ thị số 85/374/EEC và điều chỉnh phù hợp với định hướng áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam, với các quy định cụ thể như sau:

- Về nguyên tắc chung: người tiêu dùng sản phẩm hàng hoá có khuyết tật và những người trực tiếp bị tác động bởi việc tiêu dùng sản phẩm hàng hoá có khuyết tật được quyền yêu cầu đòi bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do sản phẩm khuyết tật gây ra.

- Sản phẩm hàng hoá có khuyết tật là sản phẩm là sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hoặc quy định của các đạo luật khác; hoặc không đảm bảo yêu cầu theo đúng vật mẫu của sản phẩm hàng hoá đó; trong trường hợp không có quy định tương ứng hoặc không có vật mẫu được đưa ra thì sản phẩm được coi là có khuyết tật nếu sản phẩm đó có những đặc tính có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng ngay cả khi người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm đó đúng với công dụng và hướng dẫn sử dụng sản phẩm do nhà sản xuất đưa ra. Một sản phẩm không bị coi là có khuyết tật chỉ vì có một sản phẩm tốt hơn nó được cung cấp trên thị trường.

- Về chủ thể có trách nhiệm bồi thường: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật sẽ được xác định như sau: (i) là trách nhiệm của nhà sản xuất sản phẩm sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu; nhà sản xuất có thể là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm hoặc người ghi tên trên sản phẩm với tư cách là người sản xuất ra sản phẩm đó; (ii) là trách nhiệm của bất kỳ ai trong số những người tham gia vào quá trình cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu, nếu sau một thời gian nhất định do người tiêu dùng đặt ra, nhà cung cấp được người tiêu dùng yêu cầu cung cấp tên và địa chỉ nhà sản xuất hay nhập khẩu không cung cấp được tên và địa chỉ của nhà sản xuất hay nhập khẩu sản phẩm đó; (iii) là trách nhiệm của người sản xuất sản phẩm thành phần nếu thiệt hại do sản phẩm thành phần trong sản phẩm toàn bộ gây ra và sản phẩm thành phần đó được sản xuất bởi một nhà sản xuất khác có thể xác định được bởi người tiêu dùng. Trong trường hợp người tiêu dùng không tự mình xác định được người sản xuất sản phẩm thành phần thì người sản xuất sản phẩm toàn bộ sẽ phải chịu trách nhiệm.

- Quy định về trường hợp được bồi hoàn: nếu nhà sản xuất hay nhập khẩu phải bồi thường theo quy định tại điểm (i) trên đây chỉ ra được rằng khuyết tật của sản phẩm phát sinh là do lỗi của chủ thể khác trong quá trình phân phối thì có thể được yêu cầu đòi bồi hoàn từ chủ thể đó; nhà phân phối phải bồi thường theo quy định tại điểm (ii) trên đây có quyền yêu cầu đòi bồi hoàn từ nhà sản xuất hay nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu; nhà sản xuất sản phẩm toàn bộ phải bồi thường theo quy định tại điểm (iii) trên đây có quyền yêu cầu đòi bồi hoàn từ nhà sản xuất sản phẩm thành phần.

- Quy định về các trường hợp miễn trừ: nhà sản xuất, nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp (i) nhà sản xuất không đưa sản phẩm vào lưu thông; (ii) nhà sản xuất đã có những cảnh báo và chỉ dẫn cần thiết cho người tiêu dùng và việc tuân theo những cảnh báo và chỉ dẫn này không làm mất công dụng của sản phẩm, song người tiêu dùng đã không tuân thủ những chỉ dẫn đó; (iii) khuyết tật của sản phẩm là do lỗi của nhà phân phối; (iv) mức độ phát triển khoa học và công nghệ mà nhà sản xuất có thể và cần tiếp cận khi sản xuất sản phẩm không cho phép phát hiện ra khuyết tật của sản phẩm; (v) khuyết tật là do tuân thủ quy định của pháp luật hoặc nếu là trường hợp người sản xuất sản phẩm thành phần, khuyết tật là do phải tuân thủ yêu cầu của người sản xuất sản phẩm toàn bộ và trong trường hợp này, người sản xuất sản phẩm toàn bộ là người chịu trách nhiệm; (vi) sản phẩm được cung cấp với mục đích tài trợ, viện trợ và thiệt hại có thể lường trước do khuyết tật gây ra nhỏ hơn lợi ích mà người được viện trợ, tài trợ nhận được từ việc viện trợ, tài trợ đó hoặc (vii) thiệt hại phát sinh là do lỗi của người sử dụng. Đối với những người phân phối sản phẩm: họ sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thuộc các trường hợp quy định tại điểm (i), (ii), (iv), (v) và (vi) trên đây. Nếu thuộc trường hợp (iii), họ sẽ là người chịu trách nhiệm thay cho nhà sản xuất và không có quyền yêu cầu bồi hoàn.

- Quy định về trách nhiệm chứng minh: người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh thiệt hại mình phải gánh chịu và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại đó và sản phẩm khuyết tật.

- Các điều khoản trong hợp đồng quy định miễn cho nhà sản xuất, nhập khẩu hay phân phối khỏi các trách nhiệm đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị coi là vô hiệu.

- Trong trường hợp hợp đồng có quy định mức bồi thường cao hơn thì áp dụng quy định của hợp đồng;

- Áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với lĩnh vực dịch vụ: nhà cung cấp dịch vụ có khuyết tật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đối với những thiệt hại do dịch vụ có khuyết tật gây ra. Khái niệm dịch vụ có khuyết tật và các thiệt hại phải bồi thường được quy định trong các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực dịch vụ đó.

(3) Sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá phần quy định về trách nhiệm sản phẩm.

Với tư cách là đạo luật quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hoá bằng các biện pháp hành chính, nhóm nghiên cứu cho rằng nên bỏ quy định về trách nhiệm sản phẩm trong đạo luật này để đảm bảo sự nhất quán về phạm vi của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện nay. Các quy định về bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng theo quy định của luật dân sự, luật thương mại, trong trường hợp sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì áp dụng quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là một cơ sở để xác định sản phẩm khuyết tật được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng không cần thiết giữ lại quy định về trách nhiệm sản phẩm trong Luật về Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Ngoài ra, cần xem lại khái niệm sản phẩm trong Luật này theo hướng phù hợp với thông lệ chung: sản phẩm bao gồm hàng hoá và dịch vụ thay cho cách hiểu phân biệt giữa sản phẩm và hàng hoá như hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

Thực trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang là vấn đề đáng báo động ở nước ta và việc xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng.

Với mục đích bảo vệ người tiêu dùng với tư cách là bên yếu thế trong mối quan hệ với nhà cung cấp là các doanh nghiệp, nhà kinh doanh chuyên nghiệp, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nói chung trên thế giới đã hình thành ra các chế định đặc thù nhằm tạo công cụ pháp lý cho các cơ quan quản lý, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và chính bản thân người tiêu dùng có thể bảo vệ có hiệu quả hơn quyền lợi của mình. Trong hệ thống các chế định đặc thù về bảo vệ người tiêu dùng, chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm có thể nói là chế định hình thành sau cùng và có thể coi là một bước tiến trong việc hoàn thiện các công cụ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng. Chế định này bảo vệ người tiêu dùng mà không cần thiết phải có quan hệ hợp đồng với nhà cung cấp, yêu cầu nhà sản xuất nói riêng và những người cung cấp sản phẩm trên thị trường nói chung phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình. Việc áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm không dựa trên yếu tố lỗi (trách nhiệm nghiêm ngặt) cũng đã trải qua những thử thách trong lịch sử phong trào bảo vệ người tiêu dùng và không chỉ thể hiện tính hiệu quả trong bảo vệ người tiêu dùng mà còn thể hiện tính hợp lý trong ràng buộc trách nhiệm của những người kinh doanh chuyên nghiệp. Cho đến nay, trách nhiệm nghiêm ngặt là loại trách nhiệm được phần lớn các quốc gia trên thế giới áp dụng.

Chế định trách nhiệm sản phẩm trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cho đến nay mới được hình thành một cách sơ khai và chưa dựa trên những nguyên lý chung của trách nhiệm sản phẩm trên thế giới. Đây là một trong những nhân tố khiến cho trách nhiệm của những nhà kinh doanh chuyên nghiệp đối với các sản phẩm của họ tương đối lỏng lẻo và người tiêu dùng khó có khả năng đòi bồi thường thiệt hại khi bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra. Do vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để bổ sung chế định này vào hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam cần được đưa vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên cần đặt trong mối tương quan với các đạo luật khác có liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng và gắn với đặc thù về kinh tế, văn hoá và pháp lý của Việt Nam. Đây cũng là các căn cứ mà nhóm nghiên cứu dựa vào khi đưa ra những đề xuất về hoàn thiện pháp lụât về trách nhiệm sản phẩm./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

A. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

I. Văn bản pháp luật

1. Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001)

2. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989

3. Luật Cạnh tranh 2004

4. Luật Điện lực 2004.

5. Bộ Luật Dân sự 2005

6. Luật Dược 2005

7. Luật Sở hữu trí tuệ 2005

8. Luật Thương mại 2005

9. Luật Doanh nghiệp 2005

10. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007

11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009

12. Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng 1999

13. Pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm 2003.

II. Bài viết khoa học, sách tham khảo, sách chuyên ngành

14. Báo cáo Khảo sát Thực trạng xâm phạm quyền lợi Người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ Người tiêu dùng ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Dự án MUTRAP III thực hiện năm 2008.

15. Cục quản lý cạnh tranh (2006), Sổ tay công tác bảo vệ người tiêu dùng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

16. Vũ Duy Cương (2004), “Trách nhiệm sản phẩm theo Bản Chỉ thị 85/374/EEC và quy định pháp luật Việt Nam”, Luận văn thạc sỹ, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.

17. Nguyễn Văn Cương (2006), Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, Thông tin Khoa học Pháp lý, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp.

18. Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

19. Mr. NiGel Twose - WB tại Washington DC. USA - Hội thảo quốc gia về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh quốc gia, Hà Nội, 16-17/12/2002.

20. Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.

III. Tài liệu Internet

21. Đưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vượt qua suy thoái, nguồn:

http://tuanvietnam.net/2009-10-08-dua-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-vuot-qua-suy-thoai-

22. cpv.org.vn

23. Đinh Thị Mỹ Loan, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước,

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=223

24. “Hổng” cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

http://vneconomy.vn/67300P0C19/hong-co-che-phap-ly-bao-ve-nguoi-tieu-dung.htm

25. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Còn nhiều lúng túng

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=223

B. TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI

I. Văn bản pháp luật

26. European Convention on Products Liability in regard to Personal Injury and Death 1977 (Strabourg Convention 1977).

27. Directive 85/374/EEC on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products.

28. Directive 1999/34/EC of the European Parliament and of the Council of 10 May 1999 amending Council Directive 85/374/EEC on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products.

29. Directive 98/27/EC of the European Parliament and of the Council of 19 May 1998 on injunctions for the protection of consumers' interests.

30. Directive 2001/95/EC of the European Parliament and of the Council of 3 December 2001 on general product safety.

31. Council Regulation (EC) No 44/2001of 22 December 2000 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters.

32. Regulation (EC) No 864/2007 of the European Parliament and of the Council of 11 July 2007 on the law applicable to non-contractual obligations (ROME II).

33. Directive 98/27/EC of the European Parliament and of the Council of 19 May 1998 on injunctions for the protection of consumers' interests.

34. Luật về người tiêu dùng Philippines 1992.

35. Luật Bảo vệ người tiêu dùng Indonesia năm 1999.

36. Luật Bảo vệ người tiêu dung của Malaysia 1999.

37. Luật Trách nhiệm đối với Sản phẩm không an toàn của Thái Lan 2008.

38. Restatement 2nd of Torts.

II. Bài viết khoa học, sách tham khảo, sách chuyên ngành

39. Vargo, John F.; Understanding product liability; Mechanical Engineering-CIME ; October 1, 1995

40. Aaron N. Wise und Dr. Thomas Rinne, Amerikanische Produkthaftung - Gute Nachrichten fur Unternehmen! - Aktuelle Trends und Entwicklungen. Ein Lietfaden fur deutsche Unternehmen.

41. Allen M. Linden, Lewis N. Klar, Bruce Feldthusen, Canadian Tort Law: Cases, Notes and Materials, 12th edition (Ontario: LexisNexis Butterworths, 2004) pp. 542-546.

42. Convention of 2 October 1973 on the Law Applicable to Products Liability.

43. Report from the Commission on the Application of Directive 85/374 on Liability for Defective Products of 31 January 2001.

44. Andrew Marcuse, Why Japan's New Products Liability Law Isn't, 5 Pac. Rim. L. & Pol'y J. 365, 388 (1996) (arguing "the new [law] changes the Japanese products liability regime very little.")

45. Anita Bernstein & Paul Fanning, Weightier Than A Mountain: Duty, Hierarchy, and the Consumer in Japan, 29 Vand. J. Transnat'l L. 45, 67 (1996) (claiming "the [PL Law] is not likely to disrupt Japanese society or the function of law in Japan, despite optimistic expressions heard from American consumer advocates.").

46. Tsuneo Matsumoto, “Recent developments in the Law of Product Liability in Japan”, Hitotsubashi Journal of Politics and Law 25 (1997)

47. Jason F. Cohen "THE JAPANESE PRODUCT LIABILITY LAW: SENDING A PRO-CONSUMER TSUNAMI THROUGH JAPAN'S CORPORATE AND JUDICIAL WORLDS" (1997) 21 Fordham Int'l L.J

48. David G. Owen, “The Evolution of Products Liability Law”, 26 Rev. Litig. 955 (2007)

49. Luke Nottage, Product Safety and Liability Law in Japan: From Minamata to Mad Cows, Routledge, 2004

50. Zhen He & Hong Liu, “A Comparative Study of Product Liability of the United States and China”

III. Tài liệu Internet

51. http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/Product+Liability

52. http://law.jrank.org/

53. http://en.wikipedia.org/wiki/Doctrine_of_privity

54. http://en.wikipedia.org/wiki/Winterbottom_v_Wright

55. http://en.wikipedia.org/wiki/Henningsen_v._Bloomfield_Motors

56.http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_One_Piece_chapters_(1%E2%80%93186)

57. http://findarticles.com/p/articles/mi_qa3811/is_199904/ai_n8845101

58.http://en.wikipedia.org/wiki/Product_liability#Product_liability_in_the_United_States

59. www.uscourts.gov/caseload2006/tables/C05mar06.pdf

60.http://www.nyulawglobal.org/globalex/canada.htm#_Law_Reform_in_Canada

61. http://www.ulcc.ca/en/us/index.cfm?sec=1&sub=1p9

62. http://www.bclaws.ca

63. HTTP: / /

WWW.ELAWS.GOV.ON.CA/HTML/STATUTES/ENGLISH/ELAWS_STATUTES_90N01_E.HTM

64.http://conventions.coe.int/treaty/Commun/ChercheSig.asản phẩm?NT=091&CM=8&DF=6/18/2009&CL=ENG

65. European Commision (2003), Product Liability in European, Lovells in:http://www.lovells.com/NR/rdonlyres/E0EB016D-7C55-4E13-8E97- 567E6F28B510/2986/productliability.pdf

66. http://www.genre.com/sharedfile/pdf/PHi20015-KoreanPLA.pdf

67.http://english.cpb.or.kr/user/bbs/code02_detail.php?av_jbno=2003100900017

68. Jens Ole Rauh, “Product Liability in China and lessons learnt from Sanlu”, Business Forum China, dated 10/7/2009

69. http://china.ahk.de/en/news/single-view/article/1212/82/).

70. http://www.lehmanlaw.com/practices/product-liability.html.

 

------&-----

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN II

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

 

 



[1] Theo Kết quả Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê thì chỉ đến cuối năm 2006 đã có 105.569 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3.697 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 2.5 triệu hộ kinh doanh trong khi chỉ có 4.086 doanh nghiệp nhà nước.

[2] Khái niệm “doanh nghiệp” được sử dụng trong Báo cáo phúc trình này bao gồm các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các cá nhân có đăng ký kinh doanh. Do đó, khái niệm này bao hàm một số thuật ngữ “nhà sản xuất”, “nhà cung cấp” ở trong Báo cáo này.

[3] Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, Addison-Wesley, 1997, p. 318.

[4] Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, Addison-Wesley, 1997, p. 318.

[5] Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, Addison-Wesley, 1997, p. 318.

[6] Jerome Ballet và Francoise De Bry, Doanh nghiệp và Đạo đức (bản dịch tiếng Việt), NXB Thế giới 2005, tr.5, tr. 206-207; Cũng xem: Thorne Mcalister, Ferrell & Ferrell, Business and Society: a strategic approach to social responsibility, 2nd edition, Houghton Mifflin Company, 2005, pp. 191-225; Bộ Thương mại Hoa Kỳ: Đạo đức kinh doanh: Cẩm nang quản lý doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trong các nền kinh tế thị trường mới nổi (bản dịch tiếng Việt), NXB Trẻ, 2007, tr. 25.

[7] Kỷ yếu Hội thảo đã được tổng hợp và xuất bản thành 2 số Thông tin khoa học pháp lý của Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp (số 4+5/2007).

[8] http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/Product+Liability

[9] Một số ví dụ về các tình huống làm phát sinh trách nhiệm này có thể kể đến như phanh xe bị lỗi khiến người điều khiển không điều khiển được xe và bị tai nạn; thức ăn cho trẻ em bị nhiễm bẩn gây ngộ độc; bia chai gây nổ gây ra thương tích cho người mở bia; ổn áp không hoạt động được làm hỏng thiết bị điện; không có cảnh báo cần thiết về tác dụng tương tác của thuốc khiến người uống thuốc bị phản ứng phụ…

[10] Ở khía cạnh này, Vargo, John F so sánh công việc của những người sản xuất sản phẩm cũng giống như công việc của những người áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Nếu như khi áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người ta sẽ xem xét liệu khả năng gây ra thiệt hại trong sản phẩm có thể nhìn thấy trước được không, nhà sản xuất đã áp dụng các biện pháp cần thiết để loại trừ khả năng này chưa (bao gồm việc đưa ra thiết kế phù hợp, có cách khắc phục trong chính bản thân sản phẩm hoặc đưa ra cảnh báo) thì nhà sản xuất, khi chế tạo sản phẩm cũng phải xem xét liệu sản phẩm có khả năng gây ra thiệt hại hay không, có thể áp dụng biện pháp nào để loại trừ khả năng này (bằng việc sửa đổi để đưa ra thiết kế phù hợp, đưa cách thức ngăn ngừa khả năng gây hại vào sản phẩm hoặc nếu không thể thì đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng). Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai quá trình xem xét này chỉ là ở chỗ thời điểm thực hiện khác nhau: nhà sản xuất thì thực hiện những xem xét mang tính dự báo (nhìn trước vấn đề) trong khi người áp dụng pháp luật thì chỉ thực hiện các phân tích này khi thiệt hại đã xảy ra, với mục đích xem xét liệu có phát sinh trách nhiệm trên thực tế hay không. Xem: Vargo, John F.; Understanding product liability; Mechanical Engineering-CIME ; October 1, 1995

[11] Theo website cpv.org.vn

[12] Mr. NiGel Twose - WB tại Washington DC. USA - Hội thảo quốc gia về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh quốc gia, Hà Nội, 16-17/12/2002.

[13] Từ năm 2005, nước ta đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may tổ chức, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Năm 2006 đã có 50 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày tham dự. Theo tiến sỹ Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, "CSR trở thành một trong những yêu cầu đối với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới." Tuy nhiên ở Việt Nam việc thực hiện CSR còn tương đối khó khăn. Trước hết đó là sự hiểu biết của doanh nghiệp về CSR chưa đầy đủ, doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện mà chưa hiểu rằng việc thực hiện CSR là từ ngay trong DN. Việc làm thứ hai tác động đến việc thực hiện CSR là do DN thiếu nguồn tài chính, và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, mà phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa. Việc đánh giá thực hiện CSR quy định trong các quy tắc của Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct hay Code of Ethics) và các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, ISO 14000, GRI..., tuy nhiên các tiêu chuẩn này không phải là thoả thuận giữa các chính phủ hay quy định của các công ước quốc tế, vì vậy, ràng buộc chỉ là giữa các nhà xuất nhập khẩu hoặc do chính DN tự đặt ra. Chúng ta đã có các doanh nghiệp sản xuất sạch: sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản sạch, sản xuất than sạch... Nhưng những việc làm này mang nhiều tính bắt buộc hoặc là tự phát hơn là một việc làm tự nguyện gắn liền với hoạt động kinh doanh và hình ảnh của doanh nghiệp.

[14] Một số thể hiện như: Tỷ lệ mua bảo hiểm xã hội cho người lao động còn thấp. Theo kết quả điều tra khảo sát 120 DNNVV trong khu vực nông thôn ở 2 tỉnh Hà Tây (cũ) và Vĩnh Phúc, các DNNVV mới chỉ dành 7,1 triệu đồng để mua bảo hiểm xã hội cho người lao động, (bằng 0,12% tổng doanh thu của doanh nghiệp). Thực tế trong các doanh nghiệp được điều tra, mỗi doanh nghiệp sử dụng từ 7 đến 10 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ (khi có việc, hoặc đến thời vụ thì doanh nghiệp triệu tập lao động), nhưng các doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm cho một số rất ít người lao động (khoảng 3 - 4 suất bảo hiểm/doanh nghiệp), cho lao động chủ chốt như kế toán trưởng, các thợ và công nhân lành nghề. Một bộ phận lớn người lao động và đặc biệt là các lao động thời vụ thường không được mua bảo hiểm xã hội; Các loại quỹ hỗ trợ người lao động còn rất hạn hẹp. Các DNNVV ở nông thôn mặc dù đã ít nhiều quan tâm đến phúc lợi xã hội cho người lao động thông qua việc xây dựng các loại quỹ hỗ trợ người lao động, trong đó có quỹ thưởng về sáng kiến, thưởng năng suất lao động hay quỹ để tổ chức nghỉ hè tham quan... Tuy nhiên, các quỹ này chưa lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng có.

[15] Xem: Đưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vượt qua suy thoái, nguồn:

http://tuanvietnam.net/2009-10-08-dua-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-vuot-qua-suy-thoai-

[16] Cục quản lý cạnh tranh, Sổ tay công tác bảo vệ người tiêu dùng, NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 33.

[17] Xem http://law.jrank.org/

[18] Xem cụ thể nội dung thuyết này tại chương I của Báo cáo phúc trình.

[19] Xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Henningsen_v._Bloomfield_Motors

[20] Xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_One_Piece_chapters_(1%E2%80%93186)

[21] Đây là một loại của Restatements of law - một dạng văn bản quy phạm pháp luật do Viện Luật Hoa Kỳ (American Law Institute) biên soạn, trong đó tập hợp và “pháp điển hoá” các vụ kiện và phán quyết thông luật (common law) của các toà án trong một lĩnh vực cụ thể. Các Restatements hiện bao trùm 15 chuyên ngành.

[23] Giáo sư danh dự, Đại học Nam Carolina.

[24] Vào thời điểm đó, khái niệm “khuyết tật” trong sản phẩm được hiểu một cách đơn giản đó là tình trạng mà sản phẩm “nguy hiểm một cách quá mức”. Theo lối suy nghĩ đó, bất kỳ sản phẩm nào cũng hoặc được xếp hạng vào loại “có khuyết tật” (tức là nguy hiểm một cách quá mức) hoặc là loại “không khuyết tật” (tức là an toàn cho người tiêu dùng).

[25] David G. Owen, “The Evolution of Products Liability Law”, 26 Rev. Litig. 955 (2007), tr. 986.

[26] David G. Owen, “The Evolution of Products Liability Law”, 26 Rev. Litig. 955 (2007), tr. 987.

[27] Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật Trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, tr. 24.

[29] Cụ thể về các loại khuyết tật đã được trình bày ở phần trên.

[30] Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật Trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, tlđd, tr. 29.

[31] Xem thêm: Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật Trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, tlđd, tr. 30.

[33] Xem thêm: Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật Trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, tlđd, tr. 32.

[34] Xem thêm: Nguyễn Thái Hoàng (2008), Pháp luật Trách nhiệm sản phẩm và một số đề xuất xây dựng Luật Trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, tlđd, tr. 33.

[35] Chính vì vậy, Aaron N. Wise và Dr. Thomas Rinne khi nhận định về cảm nhận của các doanh nghiệp của Cộng hoà liên bang Đức về nỗi sợ lớn nhất của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Đức khi hoạt động ở Hoa kỳ là gì thì họ cho rằng đó là: Luật trách nhiệm sản phẩm. Mặc dù Đức và Cộng đồng Châu Âu đã có luật trách nhiệm sản phẩm. Xem: Aaron N. Wise und Dr. Thomas Rinne, Amerikanische Produkthaftung - Gute Nachrichten fur Unternehmen! - Aktuelle Trends und Entwicklungen. Ein Lietfaden fur deutsche Unternehmen.

[36] 10 bang bao gồm: British Columbia, Alberta, Saskatchewan, Manitoba, Ontario, Québec, New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island và Newfoundland và Labrador; 3 vùng lãnh thổ bao gồm: Yukon Territory, Northwest Territories và Nunavut. Xem:

http://www.nyulawglobal.org/globalex/canada.htm#_Law_Reform_in_Canada

[37] Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (2008), Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ Người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ, Chủ nhiệm: ThS. Đinh Thị Mai Phương, tr. 125.

[38] Xem Luật mẫu này tại đây: http://www.ulcc.ca/en/us/index.cfm?sec=1&sub=1p9

[39] Allen M. Linden, Lewis N. Klar, Bruce Feldthusen, Canadian Tort Law: Cases, Notes and Materials, 12th edition (Ontario: LexisNexis Butterworths, 2004) pp. 542-546.

[40] Timothy B. Trembley (2000), Product Liability Law In Canada, page 1.

[41] Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 26.

[42] Chẳng hạn như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc.

[43] Xem thêm: Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 26-28.

[44] Pháp luật trách nhiệm sản phẩm có mối quan hệ mật thiết trong việc bảo vệ Người tiêu dùng, là mục đích, là ý nghĩa quan trọng của chế định này.

[45] Convention of 2 October 1973 on the Law Applicable to Products Liability.

[49] Council of European.

[51] Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Directive_85/374/EEC và Vũ Duy Cương (2004), “Trách nhiệm sản phẩm theo Bản chỉ thị 85/374/EEC và quy định pháp luật Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.

[52] European Committee.

[53] Directive 1999/34/EC of the European Parliament and of the Council of 10 May 1999 amending Council Directive 85/374/EEC on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products.

[54] Directive 85/374/EEC on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products.

[55] Directive 1999/34/EC of the European Parliament and of the Council of 10 May 1999 amending Council Directive 85/374/EEC on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products.

[56] Directive 98/27/EC of the European Parliament and of the Council of 19 May 1998 on injunctions for the protection of consumers' interests.

[57] Directive 2001/95/EC of the European Parliament and of the Council of 3 December 2001 on general product safety.

[58] Council Regulation (EC) No 44/2001of 22 December 2000 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters.

[59] Regulation (EC) No 864/2007 of the European Parliament and of the Council of 11 July 2007 on the law applicable to non-contractual obligations (ROME II).

[60] Bản chỉ thị 85/374/EEC và 1999/34/EC được ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản gây ra bởi sản phẩm khuyết tật đồng thời tạo nền tảng cho sự thống nhất pháp luật các nước thành viên trong vấn đề trách nhiệm sản phẩm nhằm hướng đến việc xây dựng thị trường chung châu Âu. Bản chỉ thị 85/374/EEC cũng tạo nên sự cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua các hạn mức của trách nhiệm sản phẩm và các trường hợp miễn giảm trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra.

[61] Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 34.

[62] Hiện nay, tòa án Châu Âu đảm nhận việc hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật chung của EC.

[63] Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 30.

[64] Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 30.

[65] Bản báo cáo lần thứ ba của Ủy ban châu Âu ngày 14 tháng 09 năm 2006 cũng đề cập đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa được thông qua. Cũng  tại bản báo cáo này, Ủy ban châu Âu cũng đưa ra vấn đề mở rộng trách nhiệm sản phẩm đối với các sản phẩm là dịch vụ, các phần mềm, dữ liệu máy tính…, vấn đề này sẽ được xem xét trong thời gian tới.

[66] Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định khuyết tật của sản phẩm theo các quy định của Bản chỉ thị 85/374/EEC còn gặp nhiều khó khăn như: (i) không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định được “mức độ không an toàn như những người liên quan mong đợi”; (ii) thời hạn để nhà sản xuất chịu trách nhiệm sản phẩm đối với sản phẩm của mình là 10 năm (theo Điều 11) kể từ ngày sản phẩm được lưu thông ngoài thị trường. Thời hạn này được áp dụng chung với tất cả các loại sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi loại sản phẩm có tính năng, thời hạn sử dụng và độ bền khác nhau. Vì vậy, nếu quy định chung cho tất cả các sản phẩm thì không đảm bảo được sự cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; (iii) nghĩa vụ chứng minh sản phẩm khuyết tật thuộc về người bị thiệt hại, nhưng những tiêu chí xác định sản phẩm khuyết tật còn chưa thống nhất giữa các nước thành viên nên việc chứng minh rất khó khăn, nên khả năng thắng kiện của các nguyên đơn còn hạn chế.

[67] Điều 14 Chỉ thị 85/374/EEC.

[68] Nguyễn Thị Tường Vi (2009). Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 36.

[69] Directive 98/27/EC of the European Parliament and of the Council of 19 May 1998 on injunctions for the protection of consumers' interests.

[70] Directive 2001/95/EC of the European Parliament and of the Council of 3 December 2001 on general product safety.

[71] Khởi kiện tập thể là cơ chế pháp lý cho phép một người hoặc một nhóm người nhân danh cả tập thể người bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật được tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường mà không cần có văn bản ủy quyền chính thức của những người bị thiệt hại. Phán quyết của tòa án sẽ có hiệu lực chung đối với toàn bộ những người tiêu dùng được coi là tập thể khởi kiện, trừ những người không đồng ý tham gia vụ kiện đã gửi văn bản đến tòa án thông báo về việc mình không tham gia vụ kiện. Việc khởi kiện tập thể được quy định trong pháp luật của các quốc gia thành viên.

[72] Nguyễn Thị Tường Vi (2009), Trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, tlđd, tr. 36.

[73] Đây là điểm khác biệt về thời hiệu so với pháp luật Việt Nam. Hầu hết các nước không có thời hiệu khời kiện, chỉ có thời hiệu để thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, toà án các nước không bác đơn kiện khi đã hết thời hiệu. Người có nghĩa vụ được quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ khi hết thời hiệu.

[74] Theo luật trách nhiệm sản phẩm Hoa kỳ, một người Tiều phu đã kiện hãng Hitachi Nhật bản đòi bồi thường cho cá nhân anh ta 15 000 000 USD vì việc anh ta đã sử dụng cưa của hãng Hitachi để đốn gỗ nên bị đứt 3 ngón tay và bồi thường cho vợ anh ta 3 000 000 USD vì sợ hãi của vợ anh ta.

[75] Dịch từ Phụ lục 2 của Tài liệu: European Commision (2003), Product Liability in European, Lovells in:

 http://www.lovells.com/NR/rdonlyres/E0EB016D-7C55-4E13-8E97- 567E6F28B510/2986/productliability.pdf

[76] Điều này được thể hiện qua việc sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh của các Chỉ thị liên quan đến vẫn đề trách nhiệm sản phẩm này đã đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và môi trường chung cúa Cộng đồng Châu Âu.

[77] Andrew Marcuse, Why Japan's New Products Liability Law Isn't, 5 Pac. Rim. L. & Pol'y J. 365, 388 (1996) (arguing "the new [law] changes the Japanese products liability regime very little."); Anita Bernstein & Paul Fanning, Weightier Than A Mountain: Duty, Hierarchy, and the Consumer in Japan, 29 Vand. J. Transnat'l L. 45, 67 (1996) (claiming "the [PL Law] is not likely to disrupt Japanese society or the function of law in Japan, despite optimistic expressions heard from American consumer advocates.").

[78] Xem: Tsuneo Matsumoto, “Recent developments in the Law of Product Liability in Japan”, Hitotsubashi Journal of Politics and Law 25 (1997) 15-28.

[79] Andrew Marcuse, Why Japan's New Products Liability Law Isn't, 5 Pac. Rim. L. & Pol'y J. 365, 388 (1996) (arguing "the new [law] changes the Japanese products liability regime very little."); Anita Bernstein & Paul Fanning, Weightier Than A Mountain: Duty, Hierarchy, and the Consumer in Japan, 29 Vand. J. Transnat'l L. 45, 67 (1996) (claiming "the [PL Law] is not likely to disrupt Japanese society or the function of law in Japan, despite optimistic expressions heard from American consumer advocates.").

[80] Jason F. Cohen "THE JAPANESE PRODUCT LIABILITY LAW: SENDING A PRO-CONSUMER TSUNAMI THROUGH JAPAN'S CORPORATE AND JUDICIAL WORLDS" (1997) 21 Fordham Int'l L.J. tr.108.

[81] Tsuneo Matsumoto, “Recent developments in the Law of Product Liability in Japan”, Hitotsubashi Journal of Politics and Law 25 (1997) 15-28 p.25.

[82] Tsuneo Matsumoto, “Recent developments in the Law of Product Liability in Japan”, Hitotsubashi Journal of Politics and Law 25 (1997) 15-28 p. 18.

[83] Tsuneo Matsumoto, “Recent developments in the Law of Product Liability in Japan”, Hitotsubashi Journal of Politics and Law 25 (1997) 15-28 p. 18.

[84] http://www.genre.com/sharedfile/pdf/PHi20015-KoreanPLA.pdf

[85] http://english.cpb.or.kr/user/bbs/code02_detail.php?av_jbno=2003100900017

[86] http://english.cpb.or.kr/user/bbs/code02_detail.php?av_jbno=2003100900017

[87] Khá tương tự như quy định về khuyết tật trong Điều 402A (phiên bản 3) năm 1998 của Hoa Kỳ về trách nhiệm sản phẩm.

[88] http://english.cpb.or.kr/user/bbs/code02_detail.php?av_jbno=2003100900017

[89] http://english.cpb.or.kr/user/bbs/code02_detail.php?av_jbno=2003100900017

[90] Zhen He & Hong Liu, “A Comparative Study of Product Liability of the United States and China”, p. 2.

[91] Website: http://www.lehmanlaw.com/practices/product-liability.html

[92] Luật này được sửa đổi vào năm 2000 và hiện nay đây là căn cứ chủ yếu để giải quyết các vụ việc liên quan tới sản phẩm khuyết tật.

[93] Jens Ole Rauh, “Product Liability in China and lessons learnt from Sanlu”, Business Forum China, dated 10/7/2009 (http://china.ahk.de/en/news/single-view/article/1212/82/).

[94] Jens Ole Rauh, “Product Liability in China and lessons learnt from Sanlu”, Business Forum China, dated 10/7/2009 (http://china.ahk.de/en/news/single-view/article/1212/82/).

[95] Jens Ole Rauh, “Product Liability in China and lessons learnt from Sanlu”, Business Forum China, dated 10/7/2009 (http://china.ahk.de/en/news/single-view/article/1212/82/).

[96] Chẳng hạn, trong thực tiễn, Tòa án Trung Quốc đã phải giải quyết một vụ việc về trách nhiệm sản phẩm vào năm 2000 trong đó công ty xe hơi BMW đã bị khởi kiện với cáo buộc rằng, chiếc xe hơi do công ty này bán ra không đảm bảo độ an toàn cần thiết, khi bị đâm va, túi khí an toàn trong xe đã không bật ra theo đúng thiết kế. Tuy nhiên, BMW đã thắng trong vụ kiện này khi chứng minh được rằng, chiếc xe hơi được coi là của BMW đó thực chất là hàng giả (sau khi đối chiếu số hiệu nhận dạng của chiếc xe – Vehicle Identification Number - với hệ thống số hiệu nhận dạng của BMW thì không có sự trùng khớp) (xem: Jens Ole Rauh, “Product Liability in China and lessons learnt from Sanlu”, Business Forum China, dated 10/7/2009: (http://china.ahk.de/en/news/single-view/article/1212/82/))

[97] Điều 96 Luật Người tiêu dùng của Philippines.

[98] Theo khoản 2 Mục 67 Chương X Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia, các yếu tố được sử dụng để xem xét mức độ an toàn của sản phẩm bao gồm: (a) cách thức mà trong đó và mục đích mà vì nó sản phẩm được đưa ra thị trường; (b) kiểu dáng của sản phẩm; (c) các nhãn mác được sử dụng liên quan đến sản phẩm; (d) hướng dẫn hoặc cảnh báo liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi liên quan đến sản phẩm; (e) hành động được trông đợi một cách hợp lý để thực hiện đối với hoặc liên quan đến sản phẩm; và (f) thời điểm khi mà sản phẩm được nhà sản xuất cung cấp cho người khác.

[99] Điều 72 Luật Người tiêu dùng của Malaysia quy định (1) Trong bất kỳ thủ tục tố tụng dân sự nào theo quy định tại Phần này chống lại bất kỳ người nào liên quan đến khuyết tật của sản phẩm, người đó sẽ được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được -

(a) rằng khuyết tật là do phải tuân thủ các quy định của pháp luật;

(b) rằng người đó không hề cung cấp sản phẩm khuyết tật cho bất kỳ người nào khác;

(c) rằng khuyết tật không tồn tại tại thời điểm tương ứng;

(d) rằng trình độ kiến thức về khoa học và kỹ thuật tại thời điểm tương ứng không đủ để người sản xuất một sản phẩm có mô tả giống với sản phẩm đang bị xem xét có thể được trông đợi một cách hợp lý là phát hiện ra được khuyết tật nếu khuyết tật đó tồn tại trong sản phẩm tại thời điểm nó thuộc sự kiểm soát của người đó; hoặc

(e) khuyết tật đó -

(i) là khuyết tật trong sản phẩm mà sản phẩm đang bị xem xét là phần cấu thành của nó (“sản phẩm phái sinh”); và

(ii) hoàn toàn là do -

(A) cách thiết kế của sản phẩm phái sinh; hoặc

(B) sự tuân thủ của nhà sản xuất sản phẩm đang bị xem xét đối với các chỉ dẫn của nhà sản xuất sản phẩm phái sinh.

(2) Cho mục đích của tiểu mục (1), "thời điểm tương ứng "-

(a) liên quan đến điện: sẽ là thời gian mà nó được tạo ra và trước khi được truyền tải đi hay phân phối; và

(b) liên quan đến bất kỳ sản phẩm nào, có nghĩa là-

(i) khi mục 68 được áp dụng, là thời gian mà nhà sản xuất cung cấp sản phẩm cho người khác; và

(ii) khi mục 68 không được áp dụng, là thời gian mà sản phẩm được cung cấp gần nhất bởi người bị áp dụng quy định tại mục 68 cho người khác.

[100] Cụ thể là phải thông báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật theo quy định tại Điều 444 Bộ luật Dân sự 2005.

[101] Điều 605 Bộ luật Dân sự 2005.

[102] Điều 607 Bộ luật Dân sự 2005.

[103] Khoản 2 Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005.

[104] Điều 54 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

[105] Điều 56 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

[106] Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

[107] Khoản 5 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007.

[108] Điều 28, 29 Quy chế quản lý chất lượng thuốc.

[109] Điều 30 Quy chế Quản lý chất lượng thuốc.

[110] Điểm đ khoản 1 Điều 46.

[111] Điều 40 Nghị định 169/2003/NĐ-CP về an toàn điện.

[112] Điều 25, 33, 35 và 36 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[113] Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự.

[114] Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự.

[115] Đinh Thị Mỹ Loan, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, nguồn :

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=223

[116] Số liệu này do nhóm khảo sát tổng hợp từ thông tin do các chi cục quản lý thị trường cung cấp và chỉ có ý nghĩa tham khảo.

[117] Các nguyên nhân được Báo cáo đưa ra là: Cơ chế kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng hiện nay chủ yếu căn cứ trên các thông tin được doanh nghiệp tự công bố (khác với trước đây là cơ chế đăng ký chất lượng). Sự thay đổi về cơ chế quản lý này là phù hợp với xu thế chung của việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy trong bối cảnh trình độ dân trí của cả doanh nghiệp, Người tiêu dùng nói chung chưa cao; trình độ hiểu biết pháp luật của các doanh nghiệp, ý thức tôn trọng pháp luật không cao, Người tiêu dùng rất khó nhận biết những tiêu chuẩn, những chất, thành phần của hàng hóa nên đã dẫn đến các hành vi vi phạm chất lượng so với chất lượng tự công bố là tương đối phổ biến. Chúng ta có thể nhận thấy thời gian qua nổi lên nhiều mặt hàng là điểm nóng như sữa melamine, độ đạm trong sữa, chất lượng xăng dầu,… Để phát huy hiệu quả của cơ chế quản lý chất lượng hiện tại, việc cung cấp thông tin đầy đủ, trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết hàng hóa cho Người tiêu dùng  là hết sức cần thiết và đòi hỏi có thời gian. Bên cạnh đó, sự chậm trễ của cơ quan chức năng trong việc công bố những loại sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng đã làm cho Người tiêu dùng mặc dù biết đang có hiện tượng vi phạm như vậy nhưng không có thông tin cụ thể giúp họ có được nhận thức và quyết định đúng đắn khi đưa ra quyết định tiêu dùng của mình.

[118] Nguyên Linh, Hổng cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, nguồn : http://vneconomy.vn/67300P0C19/hong-co-che-phap-ly-bao-ve-nguoi-tieu-dung.htm

[119] Báo công tác tư vấn giải quyết khiếu nại của văn phòng Chính phủ khiếu nại của người tiêu dùng ở phía Nam.

[120] Ví dụ như trường hợp Công ty sữa Dutch Lady thu hồi sản phẩm sữa Vivinal Gos gây dị ứng cho người tiêu dùng.

[121] Ví dụ như đối với bảo hiểm Trách nhiệm sản phẩm của Tổng Công ty Bảo Việt thì đối tượng bảo hiểm là những doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hoá, sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp; phạm vi bảo hiểm: bồi thường cho trách nhiệm pháp lý của Người được bảo hiểm về những thiệt hại tài sản và thương tật thân thể của một bên thứ ba gây ra do hàng hoá, sản phẩm được bán, cung cấp, phục vụ bởi Người được bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình; ngoài ra, đơn bảo hiểm cũng bồi thường cho các chi phí và phí tổn pháp lý phát sinh trong quá trình bào chữa khiếu nại của Người được bảo hiểm với sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bảo Việt.

[122] Vào WTO: Làm ăn lớn phải có bảo hiểm, Báo Tuổi trẻ online ngày 20 tháng 06 năm 2007.

[123] Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Còn nhiều lúng túng:

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=223

[124] Tổng hợp từ Thời báo Kinh tế Sài gòn.

[125] http://www.vnmedia.vn/NewsDetail.asp?NewsId=64446&Catid=26

[126] dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn

[127] http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Toa-tra-don-vi-chua-du-dieu-kien/40206714/218/

[128] http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=61664

[129] http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=218787

[130] Báo cáo công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2008 của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam văn phòng phía Nam ngày 23 tháng 12 năm 2008.

[131] Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Còn nhiều lúng túng.

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ReviewDetails.aspx?ReviewID=223

[132] Xem Điều 174 Bộ luật Dân sự 2005.

 

 

File đính kèm downloadTải về downloadTải về