• Thuộc tính
Tên đề tài Lý lịch tư pháp - thực trạng, phương pháp tổ chức, quản lý và hoạt động trong điều kiện mới
Nội dung tóm tắt

1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của việc quản lý lý lịch tư pháp

1.1. Quan điểm chung về lý lịch tư pháp

 

ĐỀ TÀI

LÝ LỊCH TƯ PHÁP – THỰC TRẠNG, PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC,

QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI

 

 

Cùng là việc ghi nhớ án tích của những kẻ phạm tội, ở mỗi thời kỳ có cách ghi nhớ riêng. Thời trung cổ đó là việc thích chữ vào mặt, chặt các ngón chân, ngón tay hoặc cắt tai... tùy từng loại tội. Thời hiện đại, việc đánh dấu trên được thay bằng lý lịch tư pháp thành văn. Lý lịch tư pháp thành văn lúc đầu được sử dụng đưới hình thức Sổ bộ ghi chép các bản án mà Tòa án đã tuyên hàng năm. Tuy nhiên, hình thức Sổ bộ có nhiều bất tiện như khó tra cứu, không phản ánh được diễn biến của can phạm sau khi kết thúc trình tự tố tụng. Để khắc phục những bất tiện này, lý lịch tư pháp theo kiểu Casier judiciaire ra đời theo sáng kiến của vị thẩm phán người Pháp. Đặc điểm của lý lịch tư pháp theo kiểu “Casier judiciaire” là việc lập ra 3 loại phiếu (số 1; số 2; số 3) về tiền án, tiền sự đối với từng cá nhân. Nội dung thông tin ghi chép trong mỗi loại phiếu được pháp luật quy định một cách cụ thể.  Ở Việt Nam, ngoài một số cuốn sách xuất bản trước năm 1975, thì Từ điển Pháp - Việt pháp luật - hành chính của Nhà xuất bản thế giới Hà Nội xuất bản năm 1992 cũng có giải thích lý lịch tư pháp.Theo đó "lý lịch tư pháp (Casier Judiciare)" ghi chép những hình phạt mà toà án đã tuyên phạt đối với một người đã phạm tội. Lý lịch tư pháp giúp cơ quan tyển dụng người nhận định được người xin việc là chưa hoặc đã can án, giúp toà án nhận định được một người là sơ phạm hoặc tái phạm (tái phạm là một tình tiết tăng nặng).

 Cụm từ "lý lịch tư pháp" qua tra cứu các văn bản đã được Nhà nước ta ban hành,  thấy chỉ chính thức đề cập rất sơ nét ở 3 văn bản pháp quy sau: Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp; Thông tư liên bộ 12/TTLB ngày 26/7/ 1993 của liên bộ Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương; Thông tư số 719b TT/LSTVPL ngày 8/9/1995 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù được đề cập đến nhưng cụ thể lý lịch tư pháp là gì? hệ thống các cơ quan quản lý gồm những cơ quan nào? mức độ quản lý đến đâu? nội dung quản lý những gì? thì hầu như chưa được giải thích và quy định, hoặc nếu có thì rất mơ hồ.

1.2. Phạm vi, nội dung quản lý lý lịch tư pháp

Phạm vi, nội dung quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa quyết định đối với nội dung và cơ chế quản lý lý lịch tư pháp của mỗi quốc gia. Xét về mặt lịch sử thì phạm vi, nội dung của lý lịch tư pháp lúc đầu chỉ là những vấn đề mang tính chất thuần tuý hình sự (tức là việc ghi nhớ về những án hình). Về sau, do sự phát triển và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nên phạm vi quản lý lý lịch tư pháp cũng được mở rộng ra các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, hành chính... Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi này tuỳ thuộc vào ý chí của mỗi quốc gia và xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội và cách làm của mỗi nước.

Để xác định rõ phạm vi nào cần được ghi nhớ trong lý lịch tư pháp, thông thường theo pháp luật của một số nước trong khi quy định các chế tài (ngoài hình sự) đồng thời cũng chỉ rõ là việc đó có bị ghi vào lý lịch tư pháp hay không. Còn trong các chế định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đều quy định những tiền án, tiền sự nào được ghi vào lý lịch tư pháp. Hơn nữa, các Tòa án khi đưa ra các bản án, quyết định về một vụ việc cụ thể cũng nêu rõ trong bản án hoặc quyết định đó việc được miễn hay không được miễn ghi vào lý lịch tư pháp. Ngoài việc phân loại thông tin theo lĩnh vực kể trên người ta còn phân loại theo thông tin ban đầu và thông tin bổ sung. Thông tin ban đầu là những bản án hay quyết định ban đầu về một vụ việc cụ thể. Thông tin bổ sung là loại thông tin phản ánh diễn biến về sau của vụ việc.

1.3. Mục đích, ý nghĩa của lý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp có ý nghĩa không chỉ trong lĩnh vực công tác tư pháp mà còn có ý nghĩa cả trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác trong đời sống xã hội. Cụ thể:

- Là nguồn cung cấp những cứ liệu chính thức về quá khứ nhân thân của bị can, bị cáo để cơ quan điều tra, truy tố và xét xử xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với họ trong khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

- Giúp cho công tác thi hành án thực hiện một cách đầy đủ, chính xác các bản án và quyết định của Tòa án.

- Là nguồn thông tin chính thức để các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các tổ chức kinh tế… xem xét tư cách đạo đức của công dân trong khi giải quyết những vụ việc cụ thể.

- Là phương tiện để thực hiện xóa án tích theo quy định của pháp luật.

- Là một căn cứ, cơ sở (nguồn) của thống kê tư pháp nói chung và thống kê hình sự nói riêng.

- Công tác lý lịch tư pháp nếu được tiến hành đầy đủ, thường xuyên và chặt chẽ góp phần rất lớn cho việc quản lý xã hội, quản lý con người trong cộng đồng. Nó không chỉ có ý nghĩa tiêu cực là đánh giá tình trạng phạm tội của một người mà còn có ý nghĩa lớn, tích cực là thông báo chính thức về tình trạng không phạm tội của một người khi họ có những yêu cầu trong một trường hợp cụ thể.

2. Lịch sử và thực trạng của công tác quản lý lý lịch tư pháp ở Việt Nam

2.1. Quản lý lý lịch tư pháp thời kỳ Pháp thuộc và Miền nam Việt Nam trước năm 1975

Về mặt pháp lý, lý lịch tư pháp chính thức được ghi nhận ở Việt Nam bởi Đạo luật ngày 05/08/1899 của toàn quyền Đông Dương về lý lịch tư pháp và phục quyền áp dụng tại Nam phần. Lý lịch tư pháp được lập khi một người đã có án và án đó có hiệu lực áp dụng, được lưu giữ và quản lý theo nơi sinh của đương sự. Lý lịch tư pháp được lập thành 3 phiếu, mỗi phiếu có những nội dung ghi chép và được cấp phát cho những đối tượng khác nhau. Mỗi cấp Tòa án đều có Phòng lục sự với chức năng lập, lưu trữ và cấp lý lịch tư pháp.

Ngày 01/09/1951, vua Bảo Đại ban hành Dụ số 14 quy định cụ thể chi tiết “về lý lịch tư pháp và phục quyền”. Cụ thể:

a. Về tổ chức: Ở Trung ương có Phòng Văn quỹ lý lịch tư pháp đặt tại Bộ Tư pháp dưới quyền của Giám đốc Nha hình vụ và chịu sự kiểm soát của một viên chức do Tổng trưởng Bộ Tư pháp cử ra. Ở địa phương có Văn quỹ lý lịch tư pháp hàng tỉnh đặt tại mỗi Tòa sơ thẩm hoặc Tòa hòa giải rộng quyền, do Chánh lục sự Tòa sơ thẩm hoặc Tòa hòa giải rộng quyền chuyên trách, hoạt động dưới sự kiểm soát của ông biện lý và dưới sự kiểm soát tối cao của ông Chưởng lý Sở Tư pháp mỗi phần.

Văn quỹ lý lịch tư pháp Trung ương có nhiệm vụ: Kiểm soát các phiếu lý lịch tư pháp số 1 (phiếu số 1 do Tòa thượng thẩm, Tòa sơ thẩm và Tòa hòa giải rộng quyền cấp phát ra; phiếu số 1 về những người Việt Nam hoặc nhập tịch Việt Nam sinh đẻ ở nước ngoài hay sinh quán không rõ; phiếu số 1 về những người mà căn cước lai lịch còn hồ nghi; phiếu số 1 của người nước ngoài); cấp phát phiếu số 2, 3; kiểm soát việc vào sổ, xếp, lữu trữ các phiếu; lập các phiếu lý lịch tư pháp về các vụ quản thúc và trục xuất ngoại kiều; thi hành các Hiệp định liên quan về lý lịch tư pháp; sưu tầm tài liệu về lý lịch tư pháp.

Văn quỹ lý lịch tư pháp hàng tỉnh có nhiệm vụ lưu trữ phiếu lý lịch tư pháp số 1, lập phiếu số 2 và cấp phát các phiếu lý lịch tư pháp số 3 của những người sinh quán thuộc quản hạt Tòa án đó.

b. Về các loại phiếu:

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (còn gọi là danh bản hay chính phiếu): ghi tất cả các án đã có hiệu lực pháp luật bao gồm cả án treo, trừ án về các tội vi cảnh.

Ngoài ra còn ghi: án xử miễn nghị hoặc miễn hình phạt cho các vị thành niên phạm pháp; án xử vì vi phạm trong các phiên tòa của Tòa án dân sự; án do Tòa án quân sự và Hải quân tuyên xử; án tuyên bố vỡ nợ khánh tận hay thanh toán tư pháp; các nghị định trục xuất đối với ngoại kiều; án xử cấm cư trú; quyết định trừng giới của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp quyết nghị ấy tước một phần quyền của người bị xử phạt.

Bên cạnh đó, Phiếu số 1 còn ghi đầy đủ các việc như ân xá, ân giảm, phóng thích có điều kiện, khôi phục công quyền, quyết định hoãn thi hành án, về sự tái phạm trong trường hợp một người đã có phiếu lý lịch tư pháp số 1 trước rồi.

Phiếu số 1 được lập thành 3 bản: 1 bản gửi cho Văn quỹ lý lịch tư pháp Trung ương, 1 gửi cho Phòng Lục sự Tòa án nơi sinh của đương sự, 1 lưu trữ tại Phòng Lục sự Tòa án nguyên thẩm.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 (còn gọi là quan phiếu): được lập cho người đã có phiếu số 1.

 Nếu trong hồ sơ lưu trữ không có phiếu lý lịch tư pháp số 1 của một người nào (tức là họ chưa can án nên không có lập phiếu lý lịch tư pháp số 1) thì trong phiếu số 2 phải ghi là "không”.

 Phiếu số 2 được cấp cho Toà án, Phòng công tố, Cảnh sát để phục vụ điều tra xét xử; cho các Toà án thương mại để đính vào các hồ sơ tuyên bố phá sản, thanh toán tư pháp; cho các cơ quan quân đội để xét đơn xin gia nhập và cấp cho các công sở quốc gia mỗi khi tiếp nhận các đơn xin việc làm, đề nghị thăng thưởng, truy cứu kỷ luật hành chính, xem xét cho mở trường học...

- Phiếu lý lịch tư pháp số 3 (hay còn gọi là thân phiếu). Khác với phiếu lý lịch tư pháp số 2 thường được cấp cho các cơ quan công quyền, phiếu số 3 được lập để cấp phát cho công dân. Công dân có quyền xin cấp phiếu số 3 của mình, nhưng nếu có hành vi gian trá mạo nhận thì sẽ bị luật pháp trừng trị.

Phiếu số 3 là bản trích lục của phiếu số 1, nhưng trừ ra không được ghi các nội dung:

* Các bản án miễn nghị cho người vị thành niên phạm pháp và truyền cho cha mẹ bảo lãnh hoặc giao cho Sở trừng giới nhận giáo dục trong thời hạn nhất định;

 * Án đã được xoá bỏ do sự phục quyền;

* Án treo dù có hay không có phạt tiền mà đã quá 5 năm kể từ ngày tuyên án đương sự không bị xử phạt về một tội nào khác;

 * Các sự tuyên bố vỡ nợ mà kẻ vỡ nợ được Toà xét là có thể dung thứ hay được chủ nợ ký kết một hợp đồng trả nợ, các án về thanh toán tư pháp.

Một người phạm vào các khoản nói trên mà lại bị kết án về các tội khác nữa thì chỉ có các tội bị kết án sau mới ghi vào phiếu lý lịch tư pháp số 3. Ngoài ra, sau một thời gian dài, ngắn tuỳ theo luật quy định (từ 02 đến 15 năm), thì các án phạt sau đây sẽ bị loại khỏi phiếu lý lịch tư pháp số 3:

+ Sau một thời gian 02 năm đối với các hình phạt 06 ngày tù giam và các án tuyên sự vỡ nợ.

+ Sau thời gian 05 năm đối với các hình phạt tù 06 tháng.

+ Sau một thời hạn 10 năm đối với các hình phạt tối đa 02 năm tù giam hoặc nhiều hình phạt nhưng tổng số không quá 02 năm.

+ Sau một thời hạn 15 năm nếu hình phạt duy nhất chỉ là một tội phạt giam trên 02 năm.

Một người nếu sau này bị xử phạt về một tội hình sự theo một hình phạt không phải là phạt tiền, thì phiếu số 3 sẽ ghi lại tất cả số phiếu số 1 ngoại trừ các trường hợp án đã được xoá bỏ do sự phục quyền, án miễn nghị cho người vị thành niên phạm pháp.

c. Sự phối hợp của các cơ quan và cách thức trong việc lập phiếu, lưu trữ và cung cấp các loại phiếu lý lịch tư pháp.

Trong thời hạn một tháng kể từ ngày Bản án của Toà án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, viên Chánh lục sự tại Toà án phải lập phiếu số 1 đối với những bản án xử phạt về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng hay về các án văn tuyên bố sự phá sản hoặc thanh toán tư pháp.

Đối với các bản án xử vắng mặt của Toà tiểu hình, thời hạn lập phiếu lý lịch tư pháp  nói trên kể từ ngày hết hạn kháng cáo.

- Các quyết định hành chính về trục xuất ngoại kiều, trừng giới, nhà chức trách nào đã ra quyết định ấy phải báo cho Bộ Tư pháp (Văn quỹ lý lịch tư pháp trung ương) biết trong thời gian ngắn nhất để Văn quỹ này lập phiếu số 1 và gửi một bản đến Văn quỹ lý lịch tư pháp Toà án sơ thẩm nơi sinh quán của đương sự.

- Ngay khi một bản án xử phạt đã có hiệu lực pháp luật, viên Chánh lục sự Toà sơ thẩm hoặc Toà thượng thẩm đã tuyên xử căn cứ theo mẫu của Bộ Tư pháp hướng dẫn và lập phiếu lý lịch tư pháp thành 02 bản trình Biện lý hay Chưởng lý (Toà thượng thẩm quản hạt) phê duyệt. Sau khi được chưởng lý duyệt, một bản được gửi cho Văn quỹ lý lịch tư pháp TW và một bản gửi cho Toà án nơi sinh quán của người bị kết án.

Trường hợp phiếu số 1 thuộc về một người đã có một phiếu số 1 trước rồi, thì phiếu số 1 mới phải ghi rõ chữ "tội phạm" ở phía trên bên phải của phiếu ấy.

 - Tại một Toà sơ thẩm sau khi lập hoặc tiếp nhận được phiếu số 1 (do Toà sơ thẩm thuộc quản hạt khác, hoặc Toà thượng thẩm, Văn quỹ lý lịch tư pháp trung ương gửi đến), viên lục sự phải kiểm tra lại căn cước, lai lịch của người đó trong sổ hộ tịch.

Nếu người đó có tên trong sổ hộ tịch, viên lục sự sắp phiếu vào ngăn theo thứ tự vần tên họ người ấy. Nếu có nhiều phiếu về cùng một người (do bị kết án nhiều lần) thì sắp tất cả các phiếu theo thứ tự thời gian vào một kẹp mang họ tên người can án và xếp vào ngăn.

 Trường hợp nếu viên lục sự kiểm tra trong sổ hộ tịch không có tên can phạm nhưng không thấy có điều gì bất thường, viên lục sự sắp phiếu vào ngăn và ghi chú sơ lược những việc khiếm khuyết ấy.

- Định kỳ viên lục sự loại bỏ các phiếu số 1 của những người đã chết hoặc ngoài 80 tuổi. Các phiếu số 1 mà sự xử phạt đã được giải trừ do đại xá hay được sửa đổi theo một Quyết nghị cho sửa đổi lý lịch tư pháp cũng được lấy ra khỏi Văn quỹ lý lịch tư pháp.

2.2. Quản lý lý lịch tư pháp của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 10/10/1946 Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh cho phép áp dụng tạm thời các luật lệ của chế độ cũ nếu không trái với mục tiêu cơ bản của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong đó có vấn đề về lục sự và lý lịch tư pháp. Ngày 24/01/1946, Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức Toà án và các ngạch thẩm phán, quy định về các chức vụ về lục sự và các việc về lục sự trong đó có công việc về lý lịch tư pháp. Sắc lệnh này quy định mỗi ban tư pháp xã có một thư ký giữ công việc lục sự, mỗi Tòa sơ cấp có 1 lục sự, Tòa đệ nhị cấp có một Chánh lục sự và các thư ký giúp việc, Tòa thượng thẩm có 1 Chánh lục sự và các lục sự. Trong số các nhiệm vụ của lục sự có nhiệm vụ lập và quản lý lý lịch tư pháp.

Ngày 02/11/1955, Bộ Tư pháp và Bộ Công an ban hành Thông tư liên bộ số 1909 -VHC về việc theo dõi lý lịch tư pháp và căn cước của bị can và những người bị tình nghi. Tại văn bản này đã xác định tập trung một đầu mối công tác lý lịch tư pháp và căn cước can phạm về ngành công an. Tất cả các hồ sơ, tài liệu về lý lịch tư pháp trước đây do lục sự Tòa án lập, lưu trữ đều được chuyển cho ngành công an quản lý. Do bị ảnh hưởng bởi chức năng cơ bản của ngành công an nên công tác lý lịch tư pháp đã bị biến đổi đồng hóa với căn cước can phạm, khác xa với bản chất vốn có.

Ngày 4/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp, và theo đó công tác lý lịch tư pháp được giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.  

2.3. Thực trạng quản lý lý lịch tư pháp hiện nay ở nước ta (tính đến năm 1997)

Thời gian này, ở Việt Nam chưa có hệ thống (thiết chế) về quản lý lý lịch tư pháp. Trên thực tế công tác này đang bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau và còn bỏ sót nhiều nội dung quan trọng.

1. Công tác tàng thư căn cước can phạm

Tàng thư căn cước can phạm là một trong những tàng thư nghiệp vụ chuyên thu thập, lưu giữ những tài liệu, thông tin cơ bản về can phạm như: danh bản, chỉ bản và những thông tin về diễn biến của can phạm… nhằm mục đích phục vụ cho công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm. Trên thế giới, cảnh sát nước nào cũng đều có hệ thống tàng thư căn cước can phạm, nhưng tùy theo điều kiện, tình hình mỗi nước có thể xây dựng hệ thống tàng thư căn cước can phạm riêng và tàng thư chứng minh nhân dân riêng hoặc cả hai loại đều chung một hệ thống nhưng có ký hiệu phân biệt những người đã có can án. Ở Việt Nam công tác tàng thư căn cước can phạm và tàng thư chứng minh nhân dân do một hệ thống cơ quan thuộc Bộ Nội vụ quản lý nhưng được sắp xếp riêng từng loại hồ sơ nghiệp vụ riêng.

Về mặt tổ chức, hệ thống cơ quan này được tổ chức ở 2 cấp: Bộ Nội vụ và Sở Công an.

Về nghiệp vụ: cách tổ chức sắp xếp các tài liệu thông tin về can phạm như sau:

- Tài liệu về danh bản gồm: họ, tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, họ tên của bố, mẹ, vợ, chồng…

- Tài liệu về chỉ bản: bao gồm vân tay 10 ngón tay và vân tay của cả 2 bàn tay của can phạm. Vân tay được phân loại và được sắp xếp theo từng loại nhóm vân tay để dễ tra cứu.

- Hồ sơ về tái phạm: những can phạm tái phạm được lập thành hồ sơ tái phạm. Cấu tạo hồ sơ tái phạm gồm: danh bản, chỉ bản, thống kê tiền án, tiền sự.

- Tài liệu về trích sao bản án: những bản trích sao bản án hình sự được sắp xếp theo từng tỉnh, thành phố. Nội dung những quyết định của bản án được ghi chú vào danh bản của can phạm.

2. Công tác hồ sơ và trích lục án của các Tòa án nhân dân

Theo Thông tư liên bộ số 1909 - VHC ngày 02/11/1955 thì các Tòa án nhân dân không có nhiệm vụ lập và quản lý lý lịch tư pháp nhưng trên thực tế do ta chưa có một hệ thống quản lý đầy đủ về lý lịch tư pháp nên để phục vụ cho công tác xét xử của mình Tòa án nhân dân đã phải tự tổ chức công tác quản lý hồ sơ mà nội dung thực chất là liên quan trực tiếp đến lý lịch tư pháp. Hồ sơ gồm: hồ sơ đầy đủ của vụ án; lưu án văn và trích lục bút ký phiên tòa; sổ thụ lý vụ án và kết quả phiên tòa; các sổ tra cứu theo vần A, B, C… Các hồ sơ được xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm. Ngoài ra chưa có phương pháp khoa học nào khác để thuận tiện cho việc tra cứu án tích.

3. Những đề xuất về hướng đổi mới tổ chức và quản lý lý lịch tư pháp.

3.1. Cơ sở pháp lý của việc quản lý lý lịch tư pháp

3.1.1. Những chế định pháp luật liên quan đến lý lịch tư pháp của công dân

- Trong lĩnh vực hình sự: theo Điều 3 Bộ luật hình sự, một trong các nguyên tắc quan trọng đó là: nghiêm trị kẻ lưu manh, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm và khoan hồng đối với người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng và đã ăn năn hối cải. Để nghiêm trị hay khoan hồng, Hội đồng xét xử cần phải có Giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để xác định và phân loại tội phạm. Giấy chứng nhận lý lịch tư pháp cũng được dùng làm căn cứ khi tiến hành việc xóa án, đặc xá, đại xá, cho hưởng án treo…

- Trong lĩnh vực quản lý hành chính: một trong những tình tiết tăng nặng quyết định mức độ xử phạt hành chính là việc “vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm” (khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh xử phạt hành chính). Mặt khác, trong các quyết định xử phạt hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có kèm theo biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hạn chế quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cũng cần được ghi nhận tại cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.

- Trong việc công nhận, bổ nhiệm, tuyển dụng vào một số ngành nghề nhất định (thanh tra, kiểm sát, Tòa án, hội thẩm nhân dân, luật sư, kiểm toán viên nhà nước, trọng tài viên phi Chính phủ…): theo quy định của pháp luật, người được công nhận, bổ nhiệm, tuyển dụng vào những ngành nghề này phải có đạo đức trong sáng, không có tì vết về hình sự.

- Pháp luật về kinh doanh: quy định người tham gia thành lập, tham gia quản lý hoặc tham gia hội đồng quản trị của một doanh nghiệp, công ty tư nhân, ngân hàng, hợp tác xã tín dụng, bảo hiểm, hành nghề y dược tư nhân, sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại trong một số ngành nghề đặc biệt... muốn được cấp giấy phép kinh doanh thì không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù mà chưa được xóa án.

- Trong việc quản lý hộ khẩu: những người đang bị quản chế, cải tạo tại chỗ, cải tạo tại địa phương, cấm cư trú… không được đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành, các thành phố trực thuộc trung ương, các xã biên giới hải đảo (Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 04/BT ngày 07/01/1988).

- Trong việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: những người đang bị khởi tố, truy tố, truy nã hoặc đang phải chấp hành các bản án hình sự, dân sự, các quyết định về xử phạt hành chính… không được xuất cảnh hoặc chưa được phép xuất cảnh (Nghị định số 24/CP ngày 24/05/1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh).

Đối với việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam: một số trường hợp người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam nếu bị Tòa án Việt nam kết án về tội hình sự và đã chấp hành xong hình phạt hoặc không còn nghĩa vụ chấp hành hình phạt…(Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21/02/1992).

-  Trong việc cho nhập, thôi quốc tịch Việt Nam, Luật quốc tịch và văn bản hướng dẫn thi hành quy định một số trường hợp chưa được thôi hoặc nhập quốc tịch Việt Nam.

- Trong lĩnh vực luật dân sự: mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong một số trường hợp cụ thể sẽ phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện hoặc phải được sự đồng ý của người đại diện, trừ những giao dịch nhỏ phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

- Trong lĩnh vực thi hành án đối với người được hoãn, miễn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hoặc bị tuyên một hình phạt là cấm cư trú, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, tước một số quyền công dân… được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, cư trú quản lý. Các cơ quan được giao quản lý này sẽ cần đến lý lịch tư pháp để kiểm tra, giám sát người thụ án, còn các cơ quan thi hành án sẽ cần đến lý lịch tư pháp để nắm được nhân thân của người thụ án để đề ra được những biện pháp giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.

3.1.2. Những chế định pháp luật trực tiếp định ra mô hình tổ chức, nguyên tắc quản lý lịch tư pháp

Ngoài Nghị định 38/CP, những chế định pháp luật thuộc loại này hiện nay ở nước ta hầu như không có. Ở các nước có những loại chế định sau:

- Chế định quy định mô hình tổ chức bộ máy quản lý lý lịch tư pháp.

- Chế định quy định hình thức và nội dung các phiếu lý lịch tư pháp.

- Chế định quy định trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc gửi các bản trích lục án, các quyết định liên quan đến lý lịch tư pháp.

- Chế định quy định trách nhiệm của những người do vi phạm nguyên tắc lập và quản lý lý lịch tư pháp.

Những chế định pháp luật nêu trên rất quan trọng, cần thiết nhằm trực tiếp định ra thể chế quản lý lý lịch tư pháp. Đề tài cho rằng trước mắt cần có sự quan tâm và tiến hành khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc loại này.

3.2. Phạm vi, nội dung của lý lịch tư pháp

Có quan điểm cho rằng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp ở Việt Nam cần phải bao gồm các lĩnh vực nêu ở mục trên (hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh…). Như vậy lý lịch tư pháp phải ghi nhớ toàn bộ các phán quyết, quyết định của toà án và các cơ quan nhà nước khác mà trong đó có áp dụng những chế tài nhất định đối với đương sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng: cần thu hẹp phạm vi quản lý lý lịch tư pháp chỉ trong vấn đề hình sự (tội phạm và hình phạt) bởi thực chất lý lịch tư pháp là lý lịch về tiền án (có thể là một số tiền sự nữa) của mỗi người. Thực tế hiện nay các quốc gia cũng chỉ quan tâm đến tình trạng tiền án của mỗi người khi xem xét lý lịch tư pháp của họ.

Theo quan điểm của đề tài, không nên quá mở rộng như quan điểm 1 và cũng không nên quá thu hẹp như quan điểm 2 mà cần đưa vào phạm vi và nội dung quản lý lý lịch tư pháp những nội dung sau:

3.2.1. Những vấn đề thuộc lĩnh vực hình sự

Phạm vi của lý lịch tư pháp dù mở rộng hay thu hẹp thì nội dung thông tin chủ yếu vẫn là những vấn đề thuộc hình sự. Vì vậy, những đối tượng sau nên đưa vào lý lịch tư pháp:

a) Những người đã có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên là có tội và phải chịu một trong những hình phạt chính và có thể có cả những hình phạt bổ sung sau:

- Hình phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội; tù có thời hạn; tù chung thân;

- Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tước danh hiệu quân nhân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

b) Những người đã được xác định là phạm tội nhưng được Viện kiểm sát nhân dân cho miễn trách nhiệm hình sự hoặc được Tòa án cho miễn hình phạt theo Điều 48 Bộ luật Hình sự.

c) Những bị can, bị cáo có lệnh truy nã.

d) Những người đang bị khởi tố với tư cách là bị can.

3.2.2. Trong lĩnh vực dân sự

Những người đã bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo các Điều 24, 25 Bộ luật Dân sự.

3.2.3. Trong lĩnh vực kinh doanh

 Những người làm giám đốc, Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố là phá sản đang trong thời gian bị cấm quyền theo khoản 1 Điều 50 Luật Phá sản doanh nghiệp.

3.2.4. Trong lĩnh vực xử lý hành chính

Những người đã bị xử phạt hành chính về các hành vi: buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh hàng giả, kinh doanh hàng cấm… với mức độ nghiêm trọng.

3.3. Kiến nghị mô hình quản lý lý lịch tư pháp thống nhất trong giai đoạn mới

3.3.1. Nội dung của công tác quản lý lý lịch tư pháp

Đề tài chia công tác quản lý lý lịch tư pháp làm 3 công đoạn: Nhận thông tin và lưu trữ thông tin - ghi chép và xử lý thông tin - cấp phát lý lịch tư pháp.

1. Nhận thông tin và lưu trữ thông tin.

a) Cơ quan nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp

Các văn bản pháp luật hiện hành chưa phân định rõ ràng trong hệ thống các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương, cơ quan nào nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp, cơ quan nào phân tích và xử lý thông tin và cơ quan nào thực hiện cấp phát lý lịch tư pháp.

Về việc xác định cơ quan nhận thông tin và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp, đã có nhiều ý kiến khác nhau:

- Ý kiến thứ nhất: nơi nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp của một người là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi sinh của người đó. Các cơ quan này sẽ lưu trữ và thực hiện cấp lý lịch tư pháp về sau. Cách này được dùng trong công tác quản lý lý lịch tư pháp của chế độ cũ. Nó có điểm thuận lợi là mỗi một người chỉ có một nơi sinh và yếu tố này không thay đổi, có thể chọn làm điểm tiếp nhận thông tin, bảo đảm tập trung thông tin lý lịch tư pháp về người đó.

- Ý kiến thứ hai cho rằng: Tthông tin về lý lịch tư pháp của một người sẽ được gửi cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi có hộ khẩu thường trú (hoặc sổ tạm trú đối với trường hợp không có hộ khẩu) của người đó.

Các ý kiến về chọn nơi lưu trữ thông tin đã trình bầy ở trên đều có thể thực hiện được nhưng nhìn chung vẫn bị hạn chế bởi các yếu tố: nơi sinh không rõ, không có khai sinh hoặc nơi thường trú thay đổi nhiều lần hay những trường hợp không có hộ khẩu thường trú.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý lý lịch tư pháp trong điều kiện hiện nay, nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng cần phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại và nên tập trung lưu trữ thông tin tại Cục quản lý lý lịch tư pháp hay Trung tâm quản lý lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, đưa toàn bộ thông tin, tài liệu lưu trữ vào máy vi tính và nối mạng với Sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý và làm cơ sở cho việc cấp - xác nhận lý lịch tư pháp. Trong giai đoạn trước mắt để đáp ứng được các yêu cầu của người dân đề tài kiến nghị cần có cơ chế phối kết hợp một cách hữu hiệu và khai thác nguồn thông tin hiện đang được quản lý và lưu giữ tại Bộ Nội vụ và từng bước xây dựng Trung tâm quản lý, lưu giữ và cập nhận các thông tin về lý lịch tư pháp một cách thống nhất tại Bộ Tư pháp.

b) Cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp

Các cơ quan phải cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp gồm:

- Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, huyện và Tòa án quân sự các cấp: cung cấp thông tin về những bản án hoặc quyết định do mình phán quyết, đã có hiệu lực thi hành gồm : bản án hình sự, giấy chứng nhận xóa án đương nhiên, quyết định xóa án; án dân sự, hành chính, lao động có áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền công dân của một người; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện và Viện Kiểm sát quân sự các cấp: cung cấp các quyết định khởi tố bị can, các quyết định rút quyết định truy tố.

- Cơ quan điều tra: cung cấp các quyết định khởi tố bị can.

- Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh: cung cấp thông tin về các quyết định xử phạt hành chính có áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như: đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; quyết định miễn thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục; quyết định giảm thời hạn quản chế hành chính…

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hành chính có liên quan đến việc tước quyền hoặc hạn chế quyền của người vi phạm.

- Bộ Nội vụ cung cấp thông tin về các quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục; về quyết định trục xuất người nước ngoài.

- Bộ Ngoại giao (cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài) cung cấp thông tin về việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

c) Cách thức cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp

Việc cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp của các cơ quan hữu quan cần phải dược lập thành văn bản theo mẫu chung thống nhất và chỉ ghi những thông tin cần thiết, gọi là Phiếu thông tin lý lịch tư pháp (những nội dung thông tin này cần được ghi dưới dạng mã hóa theo quy định).

Phiếu thông tin lý lịch tư pháp được lập theo cách sau:

- Lập riêng cho từng người can án, bị xử lý hành chính, bị áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền.

- Khi có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành, có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, Tòa án hoặc cơ quan thẩm quyền đã ra quyết định đó phải lập phiếu theo mẫu, ghi nhận các thông tin về lý lịch tư pháp của người can án hoặc người bị xử lý hành chính..., gửi cho cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.      

 - Tại các Toà án, việc lập phiếu thông tin lý lịch tư pháp nên giao cho một chuyên viên văn phòng chuyên trách thực hiện và phải trình chánh toà hay chánh án phê duyệt trước khi gửi, bởi vì việc lập Phiếu thông tin lý lịch tư pháp là để quản lý, ghi nhớ những tì vết về tư pháp của một người, do vậy, phải do người có thẩm quyền xét duyệt và chịu trách nhiệm.      

 Tương tự, nếu là phiếu thông tin lý lịch tư pháp ghi nhận về quyết định xử lý hành chính hoặc quyết định khác có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi lý lịch tư pháp, thì cần được người đã ra quyết định phê duyệt.      

 - Thời hạn phải lập phiếu thông tin lý lịch tư pháp để gửi đến cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cần được quy định rõ và phải phù hợp với thời gian cần thiết để một người làm thủ tục xin và được cấp lý lịch tư pháp, tránh tình trạng khi cơ quan quản lý lý lịch tư pháp đã cấp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp cho một người, ngay sau đó cơ quan này lại nhận được phiếu thông tin lý lịch tư pháp về người đó, trong cùng một khoảng thời gian.      

Theo đề tài, thời hạn phải lập phiếu thông tin lý lịch tư pháp để gửi đi nên quy định chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày bản án hoặc quyết định có chứa đựng thông tin về lý lịch tư pháp, có hiệu lực thi hành.      

 - Sau cùng, việc lập và gửi phiếu thông tin lý lịch tư pháp cần phải được ghi chú bên lề bản án hoặc quyết định có chứa các thông tin đó, để tạo một trật tự chung cho công tác này tránh xảy ra "sự cố" lập và gửi đi 2 lần hoặc chưa lập và gửi đi mà người có trách nhiệm không chủ động kiểm soát được.

d) Cách thức lưu trữ

+ Lưu trữ bằng văn bản       

Trên nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân (điều 34 Bộ luật Dân sự), trước tiên cần xác định phiếu thông tin lý lịch tư pháp của một người là văn bản "Mật", thể hiện quá khứ của một người có vi phạm pháp luật và bị xử lý. Do đó, Phiếu thông tin lý lịch tư pháp phải được lưu trữ cẩn thận, không được cho bất cứ ai xem trừ những người có trách nhiệm quản lý công việc này, không được phép mang ra khỏi nơi lưu trữ.

- Việc lưu trữ thông tin lý lịch tư pháp phải được lập theo tên họ từng người. Cũng không loại trừ trường hợp trùng tên, họ, ngày sinh... nên người lưu trữ cần chú ý thêm các yếu tố như tên cha, mẹ vợ (hoặc chồng)...     

- Trong trường hợp đã có nhiều phiếu thông tin lý lịch tư pháp của một người, các phiếu ấy phải được xếp chung vào ngăn hồ sơ mang tên người đó và phải theo thứ tự thời gian.    

+ Lưu trữ trên máy tính: Việc lập chương trình lưu trữ trên máy tính cần đáp ứng những yêu cầu sau đây:      

 - Việc lập trình để lưu trữ thông tin trên máy tính cũng theo nguyên tắc như lưu trữ bằng văn bản, tức là phải có các mục: họ và tên của đương sự; ngày tháng năm sinh; tên cha; mẹ, vợ hoặc chồng; số lượng phiếu thông tin lý lịch tư pháp đang lưu trữ; nội dung các phiếu đó (theo thứ tự thời gian và có thể theo loại án hình sự, dân sự, hành chính...).       

- Theo nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân, việc mở các chương trình quản lý lý lịch tư pháp phải thông qua "mật mã".       

2. Ghi chép và xử lý thông tin      

Loại bỏ những phiếu thông tin lý lịch tư pháp không cần thiết phải lưu trữ:

+ Loại bỏ phiếu ghi nhận thông tin lý lịch tư pháp của người đã chết: việc loại bỏ phiếu thông tin lý lịch tư pháp của người đã chết có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, triệt để nếu chúng ta kết hợp được công tác quản lý lý lịch tư pháp với công tác quản lý hộ tịch trên mạng vi tính.

+ Loại bỏ phiếu thông tin lý lịch tư pháp của người già: nên quy định việc loại bỏ phiếu thông tin lý lịch tư pháp của những người già ngoài 80 tuổi, vì những người ngoài 70 tuổi (theo quy định cũ) vẫn tham gia hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động xã hội khác hiện nay rất phổ biến.

+ Loại bỏ phiếu thông tin lý lịch tư pháp ghi nhận một tội phạm đã được luật xoá bỏ và sửa đổi thông tin sai lệch:

- Trường hợp có điều luật quy định xóa bỏ một tội phạm thì các phiếu thông tin lý lịch tư pháp ghi nhận về tội phạm đó, đang lưu trữ cũng cần loại bỏ.

- Sai sót do có người khai gian hộ tịch hoặc mạo danh người khác khi phạm pháp.

- Sai sót do cơ quan lập phiếu thông tin lý lịch tư pháp ghi chép thiếu sót hay không chính xác.

3. Cấp phát lý lịch tư pháp

Đề tài dự kiến đưa ra 3 loại phiếu lý lịch tư pháp gồm các phiếu số 1, phiếu số 2 và phiếu số 3.

a. Phiếu số 1 (được cấp cho Tòa án nhân dân các cấp): phiếu số 1 như hồ sơ đầy đủ về tiền án và một số tiền sự của đương sự. Nội dung phiếu số 1 bao gồm: hộ tịch của đương sự và những dị biệt có thể có của người đó; những bản sao các án tích; những quy định bổ sung, thay đổi, huỷ bỏ về những án tích đó (nếu có).

Phiếu số 1 có thể được yêu cầu cung cấp bằng công văn, điện tín, fax, truyền đạt viễn thông hoặc thiết bị từ tính. Phiếu số 1 được cấp bản sao theo giấy yêu cầu và được gửi theo đường công văn và trong trường hợp cấp bách có thể gửi bằng fax.

 b. Phiếu số 2 cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu.

Phiếu số 2 là một bản trích bộ phận của thông tin lý lịch tư pháp về một người cụ thể. Trong đó loại trừ một số thông tin như:

- Các án hình sự mà toà án đã có quyết định xoá án hay đương sự có giấy chứng nhận đã được xoá án.       

- Các quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, đã hết hạn bị tước quyền theo quyết định.

- Các án dân sự có áp dụng biện pháp cấm quyền đã hết hạn cấm quyền theo bản án.

- Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính đã hết 2 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt.       

- Các quyết định kỷ luật, quyết định hành chính khác có nội dung cấm quyền đã hết thời hạn cấm quyền theo quyết định.

Trong phiếu số 2 này cũng không ghi những án phạt mà cơ quan xét xử đã quy định rõ trong bản án (với mong muốn cho đương sự tái hoà nhập vào xã hội).

Phiếu số 2 cũng là một phương thức công bố có giới hạn những án phạt, cho phép trong trừng mực nào đó tuỳ theo mức độ thích hợp đánh giá đạo đức, tính trung thực và tập quán tốt của những người khác nhau.

Phiếu số 2 được cấp cho những cơ quan quản lý hành chính hoặc người sử dụng lao động khi có yêu cầu và với những lý do được quy định một cách có giới hạn (theo quy định của pháp luật).

c. Phiếu số 3 được cấp cho cá nhân công dân khi có yêu cầu.

Bất cứ công dân nào cũng có quyền xin và được cấp lý lịch tư pháp của bản thân mình để sử dụng khi tham gia vào các quan hệ mà pháp luật có yêu cầu xuất trình lý lịch tư pháp.

Phiếu số 3 chỉ được lập ra khi cần cấp phát theo yêu cầu của đương sự, vì nó chỉ thể hiện tình trạng pháp lý hiện tại của người đó.

Phiếu số 3 được cơ quan lý lịch tư pháp cấp dưới dạng đóng dấu không hoặc dưới dạng là một mẫu cụ thể. Phiếu số 3 chỉ ghi lại một số án tích chưa được xóa biểu thị trong phiếu số 2, đó là những án tích trực tiếp liên quan đến mục đích của việc xin phiếu số 3. Việc không ghi các án tích vào phiếu số 3 có thể được cơ quan xét xử loại trừ khi được ghi ngay trong bản án.

3.3.2. Mô hình tổ chức quản lý lý lịch tư pháp.

Mô hình 1: Bộ máy quản lý lý lịch tư pháp được thành lập theo hai cấp hành chính: cấp trung ương và cấp tỉnh.

a) Ở cấp Trung ương

Tại Bộ Tư pháp thành lập Cục quản lý lý lịch tư pháp và một Trung tâm (ngân quỹ) lý lịch tư pháp trực thuộc Cục. Chức năng, nhiệm vụ của Cục quản lý lý lịch tư pháp là:

- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý về lý lịch tư pháp để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp trong toàn quốc.

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ công tác quản lý lý lịch tư pháp ở các tỉnh, thành phố.

- Trực tiếp quản lý ngân quỹ lý lịch tư pháp của cả nước, của người Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài ở Việt Nam.

b) Ở các tỉnh (thành phố) trực thuộc trung ương

Thành lập bộ phận phòng hoặc Trung tâm quản lý lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp. Bộ phận này có nhiệm vụ:

- Thu nhận và quản lý lý lịch tư pháp của những công dân trong địa phương (cấp tỉnh).

- Xử lý các thông tin lý lịch tư pháp và chuyển cho Trung tâm lý lịch tư pháp ở trung ương lưu giữ, quản lý.

Mô hình 2: Bộ máy quản lý lý lịch tư pháp chỉ được thành lập ở một cấp là cấp trung ương.

Cụ thể: ở Bộ Tư pháp thành lập Cục quản lý lý lịch tư pháp đồng thời có ba Trung tâm (ngân quỹ) lý lịch tư pháp trực thuộc Cục đặt ở ba vùng: Bắc, Trung, Nam. Chức năng của Cục quản lý lý lịch tư pháp cũng tương tự như mô hình 1, chỉ khác là ba Trung tâm lý lịch tư pháp trực thuộc Cục sẽ thay thế tất cả các bộ phận quản lý lý lịch tư pháp của tất cả các Sở Tư pháp như đã nêu ở mô hình 1.

Theo nhóm nghiên cứu đề tài, mô hình 2 phù hợp với phương pháp quản lý hiện đại và áp dụng tin học trong quản lý, là mô hình tiết kiệm và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, mô hình này cũng đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo chuyên gia.

 
 
 

 

Nội dung toàn văn

Lời nói đầu

 

Đề tài "Lý lịch tư pháp - thực trạng, phương pháp tổ chức, quản lý và hoạt động trong điều kiện mới" đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường quyết định cho phép triển khai nghiên cứu và đưa vào danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 1996 - 1997 do Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì với mã số đăng ký: 96-98-003/ĐT. Đề tài được triển khai nghiên cứu từ ngày 01 tháng 04 năm 1996 và dự kiến kết thúc vào tháng 04 năm 1997, với nhiệm vụ đánh giá, tổng kết thực tiễn, xây dựng những cơ sở lý luận làm căn cứ cho việc quản lý lý lịch tư pháp thống nhất trong cả nước; kiến nghị xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng (Toà án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng...) trong việc quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp trong giai đoạn mới.

 

Trong một thời gian tương đối ngắn (1 năm), với lượng kinh phí eo hẹp, Ban chủ nhiệm đề tài đã khẩn trương triển khai công việc và đã thu hút được sự tham gia nghiên cứu của đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực này ở các cơ quan như: Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Nội vụ và một số Sở Tư pháp... tham gia nghiên cứu với đề tài; đồng thời Ban chủ nhiệm cũng đã tranh thủ được đông đảo ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí hiện đang công tác tại các cơ quan hữu quan thông qua các Hội thảo khoa học do Bộ Tư pháp tổ chức. Ban chủ nhiệm đã tổ chức một số cuộc họp với các cộng tác viên của đề tài; đã tổ chức được hai cuộc hội thảo vào tháng 10 và tháng 11 năm 1996 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kết hợp với Nhà pháp luật Việt - Pháp tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về lý lịch tư pháp. Đồng thời, Ban chủ nhiệm cũng đã tổ chức đi khảo sát thực tế việc thí điểm cấp xác nhận lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí minh và một số tỉnh phía nam để thu thập số liệu cũng như kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.

 

Sau một năm triển khai thực hiện, Ban chủ nhiêm đề tài xin báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu như sau:

 

Phần I

 

Báo cáo phúc trình

 

 

 

I

Một số cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp

 

 

I. quan điểm chung về Lý lịch tư pháp.

 

Về mặt khái niệm thì thuật ngữ "lý lịch tư pháp" không phải được sử dụng một cách giống nhau ở các nước khác nhau. Nhưng có thể nói rằng trong các thuật ngữ khác nhau theo cách gọi của mỗi nước đều hàm chứa những nội dung tương tự. Ví dụ: trong tiếng Anh có từ "Crimimal records", trong tiếng Đức có từ "Strafregister", trong tiếng Tây Ban Nha có từ "Registro de penados", trong tiếng Italia có từ "Casellario giudiziale".

 

Thuật ngữ "Casier judiciaire" trong tiếng Pháp (được dịch là Lý lịch tư pháp) có lẽ xuất hiện ở Pháp sớn nhất cách đây chừng 150 năm. Trong tiếng Pháp từ Casier có nghĩa là cái tủ hoặc cái giá nhiều ngăn. Như vậy, theo cách gọi của tiếng Pháp từ "Casier judiciaire" gợi cho ta hình dung về những ngăn tủ có chứa đựng những hồ sơ (những tập Fiche) về tư pháp. Nói một cách hình ảnh đó là nơi lưu trữ về án tích của những người đã can án.

 

Thực ra việc ghi nhớ án tích của những kẻ phạm tội không phải chỉ có trong luật hình của thế giới hiện đại và chỉ lưu giữ bằng các phiếu (fiche) của lý lịch tư pháp. Ngay từ thời trung cổ, luật hình của nhiều nước đã quy định việc ghi nhớ án tích của kẻ phạm tội bằng cách thích chữ vào mặt hoặc chặt các ngón tay, ngón chân hoặc cắt tai.v.v.. tuỳ theo từng loại tội*. Hình thức thích chữ vào mặt thường được áp dụng đối với tội đại hình với hình phạt lưu đày. Trong trường hợp này việc thích chữ vào mặt có ý nghĩa để đánh dấu nhiều hơn là hình phạt. còn hình thức chặt ngón tay, ngón chân thường được áp dụng đối với loại tội như trộm cắp chẳng hạn. Hình phạt này vừa có ý nghĩa là hình phạt vừa có ý nghĩa là để ghi nhớ án tích của kẻ phạm tội.

 

Lý lịch tư pháp thành văn (được ghi và quản lý bằng văn bản) ra đời thay thế cho hình thức đánh dấu, ghi nhớ tội phạm như trên của thời trung cổ. Lý lịch tư pháp thành văn có những ưu điểm nổi bật sau:

 

- Một là, lý lịch tư pháp thành văn không làm đau đớn và nhục nhã thân thể của can phạm.

 

- Hai là, trong lý lịch tư pháp thành văn có thể cho ta biết một cách đầy đủ, chi tiết về can phạm như: họ, tên, tuổi, nơi sinh, nơi cư trú, quan hệ thân thích, tội danh đã phạm phải, hình phạt, Toà án đã xét xử, nơi thụ án, can phạm đã có bao nhiêu tì vết về tư pháp.... Những thông tin này là hết sức cần thiết không những đối với công tác tư pháp mà đối với cả công tác quản lý hành chính Nhà nước và quản lý xã hội.

 

Lý lịch tư pháp thành văn được áp dụng để ghi nhận tình trạng tiền án của một người buổi ban đầu dưới hình thức Sổ bộ ghi chép các bản án mà Toà án đã tuyên hàng năm. Căn cứ vào sổ bộ của Toà án, người ta có thể truy tìm được án tích của một người nào đó. Tuy nhiên hình thức sổ bộ có những điểm bất tiện.

 

Thứ nhất sổ bộ là cuốn sổ chung trong đó ghi chép án tích của nhiều người hơn nữa sổ bộ lại thay đổi theo hàng năm; do đó, khi muốn tra cứu án tích của một người nào đó lại phải lần giở, tra cứu trong tất cả những quyền sổ bộ xem người đó có án tích không. Điều đó lại càng khó khăn hơn khi can phạm thay đổi chỗ ở dẫn ới việc thay đổi Toà án có thẩm quyền xét xử.

 

Thư hai là thường sổ bộ chỉ ghi chép được những thông tin ban đầu (tức là những bản án, quyết định ban đầu của Toà án mà không ghi nhận được những thông tin bổ sung như: các quyết định về ân xá, xóa án, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.... Do đó, những thông tin trong sổ bộ không phản ánh được diễn biến của can phạm sau khi kết thúc trình tự tố tụng. Mặt khác những thông tin về tiền án, tiền sự không những chỉ cần đối với cơ quan toà án mà nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp cũng rất cần biết những thông tin này ở những mức độ khác nhau để phục vụ cho công tác quản lý, tổ chức nhân sự của cơ quan mình.

 

Để khắc phục những nhược điểm nói trên của hình thức sổ bộ hồ sơ, lý lịch tư pháp theo kiểu Casier judiciaire ra đời theo sáng kiến của vị thẩm phán người Pháp. Đặc điểm của lý lịch tư pháp theo kiều Casier judiciaire là việc lập ra 3 loại phiếu (số 1; số 2; số 3) về tiền án, tiền sự đối với từng cá nhận. Nội dung thông tin ghi chép trong mỗi loại phiếu được pháp luật quy định một cách cụ thể.

 

ở Việt nam, từ thời Pháp thuôc, dân chúng đã biết đến "Tư pháp lý lịch" Qua đạo luật ngày 5-8-1899 "về Tư pháp lý lịch và phục quyền ". Sau đó, Tư pháp lý lịch đã được quy định khá đầy đủ và chi tiết trong dụ số 14 do Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 1-9-1951. Tuy trong dụ này không có định nghĩa "Tư pháp lý lịch" nhưng ta có thể tìm thấy khái niệm này ở một vài cuốn sách xuất bản trước năm 1975 liên quan đến pháp luật.Ví dụ như:

 

+ Trong cuốn sách "Đây toà án: Toà sơ thẩm, toà hoà giải rộng quyền" của tác giả Trần Thúc Linh và Phạm Mạnh Doanh, do nhà xuất bản tâm lý chiến in thì "phiếu Tư pháp lý lịch là phiếu ghi lý lịch về phương diện tư pháp của một người, có mục đích chứng minh rằng người ấy đã có tiền án hay chưa và nếu có thì án ấy của một người nào nhất định chớ không thể của người khác được" (trang 31).

 

+ Và ở một cuốn sách khác thì nêu: "Tư pháp lý lịch là một tổ chức nhằm tập trung những tài liệu về những tiền án liên hệ đến một cá nhân. Trong việc trừng trị những hành vi phạm pháp, cũng như trong việc thâu dụng một cá nhân vào công tư sở, cần biết quá khứ của người này, cần biết đương sự là người lương thiện, hay có làm những việc phạm pháp, đã bị kết án. Tư pháp lý lịch nhằm cho ta biết những điều ấy".(trang 182).

 

+ Trong "Từ điển pháp luật lược giải" của tác giả Trần Thúc Linh do nhà sách Khai Trí xuất bản thì "Tư pháp lý lịch (Casier Judiciare) là những giấy tờ chứng minh:

 

1- Các tiền án.

2- Các tiền án đó thuộc về can phạm nào (trang 182).

 

Ngoài một số cuốn sách xuất bản trước năm 1975 kể trên, trong cuốn: Từ điển Pháp-Việt pháp luật-hành chính "của nhà xuất bản thế giới Hà nội xuất bản năm 1992 cũng có giải thích lý lịch tư pháp. Theo đó "lý lịch tư pháp (Casier Judiciare)" ghi chép những hình phạt mà toà án đã tuyên phạt đối với một người đã phạm tội. Lý lịch tư pháp giúp cơ quan tyển dụng người nhận định được người xin việc là chưa hoặc đã can án, giúp toà án nhận định được một người là sơ phạm hoặc tái phạm (tái phạm là một tình tiết tăng nặng). ở Pháp lý lịch tư pháp được lưu giữ cập nhật ở phòng lục sự toà án quận huyện, sinh quán của tội phạm; ở Việt Nam tại văn phòng Sở công an nơi cư trú (trang 55).

 

Bên cạnh một số cuốn sách nêu khái niệm về lý lịch tư pháp mang tính chất lý luận kể trên, cho đến nay chưa có một văn bản nào mang tính chất quy phạm định nghĩa về lý lịch tư pháp.

 

Cụm từ "lý lịch tư pháp" qua tra cứu các văn bản đã được nhà nước ta ban hành, chúng tôi thấy chỉ chính thức đề cập rất sơ nét ở 3 văn bản pháp qui sau:

 

- Nghị định 38-CP ngày 4-6-1993 của chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, điêu 2 mục 4 về công tác tư pháp khác quy định; "Thực hiện việc quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch và các hoạt động tư pháp khác; trình chính phủ quyết định (hoặc quyết định theo sự uỷ quyền của chính phủ) qui chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức luật sư, công chứng, giám định thống nhất quản lý các biểu mẫu, sổ sách về công chứng, hộ tịch, thống kê tư pháp, lý lịch tư pháp; quản lý các công việc về quốc tịch theo qui định của pháp luậ"'.

 

 

- Thông tư 12/TTLB ngày 26-7-1993 của liên bộ Bộ Tư pháp và Ban tổ chức - Cán bộ chính phủ, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương. Phần I, điểm 5 quy định: "Quản lý các hoạt động công chứng, giám định tư pháp theo quy định của Bộ tư pháp; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ tư pháp"...

 

- Điểm 6.3 thông tư số 719b TT/LSTVPL ngày 8-9-1995 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành qui chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam quy định: "Chi nhánh muốn nhận công dân Vịêt nam tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại chi nhánh phải gửi Sở tư pháp hai bộ hồ sơ cá nhân của người được dự kiến nhận tập sự gồm các giấy tờ sau đây;

 

a/Bản sao bằng cử nhân luật có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt nam.

b/ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú.

c/ lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

 

 

ở đây chúng ta cũng thấy là mặc dù được đề cập đến nhưng cụ thể lý lịch tư pháp là gì? Hệ thống các cơ quan quản lý gồm những cơ quan nào? Mức độ quản lý đến đâu? Nội dung quản lý những gì? Thì hầu như chưa được giải thích và qui định, hoặc nếu có thì rất mơ hồ (Nghị định 38/CP và thông tư 12 nêu trên). Do đó, việc đưa ra một khái niệm lý lịch tư pháp là một yêu cầu cấp thiết,góp phần tạo ra một cách nhìn chung thống nhất. Từ đó qui định hệ thống cơ quan quản lý phù hợp, có sự phân định chức năng cụ thể.

 

Qua các khái niệm trong các sách cũ đã nêu trên, chúng tôi thấy ở đây các tác giả chưa phân định rõ chức năng của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp với khái niệm lý lịch tư pháp.

 

 

II. Mục đích, ý nghĩa của lý lịch tư pháp

 

Lý lịch tư pháp và công tác quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa, tác dụng cụ thể như sau:

 

+ Lý lịch tư pháp là một cơ sở để các cơ quan, đoàn thể đánh giá, xem xét và quyết định tuyển lựa 1 người nào đó vào làm việc hay cho phép họ được làm một việc gì mà người có đơn yêu cầu. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng nhất là đối với những cơ quan, đoàn thể có những nhiệm vụ đòi hỏi cần phải chọn lọc người. Đồng thời đây cũng là thể hiện sự bình đẳng theo pháp luật. Do vậy, những người muốn xin vào làm việc tại cơ quan Nhà nước, dự kỳ thi tuyển sinh, nhập ngũ, đi ra nước ngoài... cần phải xin lý lịch tư pháp để bổ sung vào hồ sơ. Pháp luật nhiều nước quy định chặt chẽ thủ tục này, nhưng ở ta, từ lâu, công tác này không được đặt ra một cách đầy đủ và chưa làm thường xuyên, phổ biến. Chỉ trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (như vào làm việc 1 số ngành nghề đặc biệt, xuất nhập cảnh hay đi ra học tập và công tác ở nước ngoài) thì yêu cầu này mới được đặt ra nhưng cũng đều do cơ quan an ninh tiến hành cung cấp.

 

Lý lịch tư pháp giúp cho Toà án xem xét nhân thân của bị cáo một cách khách quan, toàn diện hơn, nhờ đó việc xét xử được thực hiện đúng đắn, thực hiện tốt các chính sách về hình sự của Đảng và Nhà nước. Tư pháp lý lịch giúp cho Toà án nắm được các tiền án của bị cáo một cách đầy đủ, làm căn cứ cho các thẩm phán khi định tội và quyết định hình phạt. Đặc biệt đối với các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp và bọn tái phạm nguy hiểm; nếu không nắm được lai lịch của chúng, bọn chúng sẽ tìm cách lợi dụng sơ hở để trốn tránh pháp luật, dẫn đến việc thi hành pháp luật không nghiêm, gây nhiều tổn thất cho Nhà nước, xã hội và công dân. Luật pháp các nước đều quy định những chế tài rất nghiêm khắc đối với các trường hợp tái phạm hay phạm tội nhiều lần, do vậy, cần làm tốt công tác lý lịch tư pháp mới đảm bảo cung cấp được đầy đủ và chính xác những thông tin về tiền án của bị cáo, đảm bảo cho các quyết định của Toà án được chính xác, có hiệu quả cao.

 

+ Lý lịch tư pháp góp phần tích cực vào việc đánh giá tình hình phạm tội và đề ra biện pháp đấu tranh phòng ngừa và đề ra biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

 

Lý lịch tư pháp là một căn cứ, là cơ sở (nguồn) của thống kê tư pháp nói chung và thống kê hình sự nói riêng. Qua việc thống kê tình hình phạm tội có thể đánh giá được các đặc điểm của tội phạm, nhân thân của người phạm tội, diễn biến của tội phạm... trong từng thời gian, theo từng loại tội phạm, tìm ra nguyên nhân của tình hình... từ đó góp phần đề ra những biện pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng và chống tội phạm.

 

+ Công tác lý lịch tư pháp nếu được tiến hành đầy đủ, thường xuyên và chặt chẽ góp phần rất lớn cho việc quản lý xã hội, quản lý con người trong cộng đồng. Nó không chỉ có ý nghĩa tiêu cực là đánh giá tình trạng phạm tội của 1 người mà còn có ý nghĩa lớn, tích cực là thông báo chính thức về tình trạng không phạm tội của 1 người khi họ có những yêu cầu trong 1 trường hợp cụ thể.

 

 

Từ những nhu cầu mà xã hội đòi hỏi và pháp luật đã có quy định ở trên, có thể nói trong tình hình hiện nay, việc Nhà nước sớn hình thành hệ thống tổ chức quản lý và cung cấp lý lịch tư pháp là một yêu cầu rất cần thiết và cấp bách. Việc cung cấp chính xác lý lịch tư pháp của mỗi con người cụ thể không những giúp cho các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chung của xã hội thông qua việc xử lý hình sự, xử phạt hành chính, cho phép hoạt động trong một số ngành nghề, cho nhập khẩu, cư trú, đi lại, nhập quốc tịch, cho thôi quốc tịch Việt Nam... mà còn thông qua đó Nhà nước bảo vệ các quyền lợi hợp pháp về chính trị, dân sự, kinh tế... của công dân.

 

 

III. Sự cần thiết khách quan về việc quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp ở nước ta hiện nay.

 

Trong xã hội mỗi người là một chủ thể độc lập đối với các quan hệ xã hội và pháp lý riêng biệt; mỗi người có một thân trạng hộ tịch riêng và có những đặc điểm về quá trình hoạt động riêng của người đó trong xã hội; hay nói cách khác, trong xã hội mỗi người mang một đặc điểm pháp lý riêng biệt. Để quản lý xã hội, Nhà nước quản lý từng con người cụ thể thông qua các cơ quan chức năng của mình như: cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp, công an, toà án và các tổ chức xã hội...

 

Thông thường từ trước đến nay ở nước ta, việc xác nhận lý lịch của một người được giao cho Uỷ ban nhân dân hoặc công an phường xã nơi cư trú của người đó xác nhận. Việc xác nhận này đôi khi thiếu chính xác và không có cơ sở; bởi vì, đa phần cán bộ của Uỷ ban nhân dân và công an xã, phường không phải là những người có chuyên môn về luật pháp nên rất khó có thể xác nhận một cách chính xác về tình trạng pháp lý của người đó; mặt khác do tình trạng di dân, chuyển đổi chỗ ở trong giai đoạn hiện nay đã trở nên khá phổ biến và dễ dàng, do đó công an hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường không thể nắm bắt được toàn bộ quá khứ về nhân thân tư pháp của người đó được. Vì vậy, việc xác nhận lý lịch của một con người cụ thể theo cách làm từ trước đến nay là không đạt hiệu quả. Từ thực tế trên, yêu cầu cần có một cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý thống nhất và thực hiện công tác này được đặt ra một cách cấp bách.

 

Để quản lý xã hội, quản lý về nhân thân tư pháp của một con người cần có một cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Cơ quan này với chức năng, nhiệm vụ quản lý những giấy tờ, tài liệu chứng minh quá khứ của một công dân về phương diện tư pháp; ghi nhớ những hình phạt trong các bản án, quyết định của Toà án và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với từng con người cụ thể; cấp xác nhận về nhân thân tư pháp khi có yêu cầu theo các thủ tục do pháp luật quy định.

 

Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp sẽ đáp ứng được các yêu cầu bức xúc hiện nay của công dân và giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực sau:

 

* Trong lĩnh vực hình sự, theo Điều 3 Bộ luật hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một nguyên tắc hết sức quan trọng là nghiêm trị kẻ lưu manh, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm và khoan hồng đối với người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng và đã ăn năn hối cải. Do vậy, trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, để đảm bảo cho việc xét xử đúng người, đúng tội Hội đồng xét xử cần có Giấy chứng nhận lý lịch tư pháp của bị cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để làm căn cứ xác định và phân loại tội phạm, theo nguyên tắc trên. Mặt khác, để phục vụ cho chính sách về hình sự của Nhà nước ta trong việc xóa án, đặc xá, đại xá, cho hưởng án treo... các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần có Giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để làm căn cứ.

 

* Trong lĩnh vực quản lý hành chính, theo Điều 8 Pháp lệnh xử phạt hành chính (1995) quy định: "...vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm..." (điểm 2) là một trong những tình tiết tăng nặng quyết định mức độ xử phạt hành chính. Nhưng việc làm sáng tỏ "...vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm..." mỗi nơi thực hiện theo một cách khác nhau do đó cũng không bảo đảm tính trung thực và chính xác cho việc quyết định các hình thức xử phạt hành chính. Vì vậy, cũng cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp của người đóđể làm căn cứ xác định người đó đã vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Mặt khác, trong các quyết định xử phạt hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có kèm theo biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hạn chế quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cũng cần được ghi nhận tại cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.

 

* Pháp luật quy định những người vào làm việc trong một số ngành nghề nhất định như thanh tra, kiểm sát, Toà án, hội thẩm nhân dân, luật sư, kiểm toán viên Nhà nước, trong tài viên phi Chính phủ... người được công nhận, bổ nhiệm, tuyển dụng phải có đạo đức trong sáng, không có tì vết về hình sự như đang bị truy cứu trách nhiệm; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.... Do vậy, yêu cầu đặt ra là khi tuyển dụng một người vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức trên cần phải xuất trình giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

 

* Theo pháp luật quy định, một công dân để được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động trong một số ngành nghề như thành lập doanh nghiệp, công ty tư nhân, ngân hàng, hợp tác xã tín dụng, bảo hiểm, hành nghề y dược tư nhân, sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại trong một số ngành nghề đặc biệt... thì người tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, tham gia hội đồng quản trị không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù mà chưa được xoá án. Do vậy, để quản lý tốt lĩnh vực này các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để xem xét quyết định.

 

* Trong việc quản lý hộ khẩu, bảo đảm, duy trì trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, pháp luật quy định những người đang bị quản chế, đang cải tạo tại chỗ, cải tạo tại địa phương, cấm cư trú... không được đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành, các thành phố trực thuộc Trung ương, các xã biên giới hải đảo (theo Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩuban hành kèm theo Nghị định 04/ BT ngày 07/01/1988). Do vậy, trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước này cũng cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

 

* Trong việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam pháp luật quy định những người đang bị khởi tố, truy tố, truy nã hoặc đang phải chấp hành các bản án hình sự, dân sự, các quyết định về xử phạt hành chính... không được xuất cảnh hoặc chưa được phép xuất cảnh (Nghị định số 24/CP ngày 24/05/1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh); đối với việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam pháp luật quy định một số trường hợp người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt nam nếu đã bị toà án Việt Nam kết án về tội hình sự và đã chấp hành xong hình phạt hoặc không còn nghĩa vụ chấp hành hình phạt...(Pháp lệnh xuất nhập cảnh cư trú đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam ngày 21/02/1992). Để biết được những thông tin này các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

 

* Trong việc cho nhập, thôi quốc tịch Việt Nam. Luật quốc tịch và văn bản hướng dẫn thi hành quy định một số trường hợp chưa được thôi hoặc nhập quốc tịch Việt Nam. Do vậy, để giải quyết chính xác các trường hợp này cũng cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

 

* Khi thụ lý, xét xử một vụ án dân sự việc Toà án xác định một công dân bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị tước quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự cũng cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

 

* Trong lĩnh vực thi hành án đối với người được hoãn, miễn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hoặc bị tuyên một hình phạt là cấm cư trú, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, tước một số quyền công dân... được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, cư trú quản lý. trong trường hợp này vai trò của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp là rất cần thiết nó giúp cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nói trên đối với người thụ án và mặt khác giúp cho cơ quan thi hành án nắm được nhân thân của người thụ án để đề ra được những biện pháp giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.

 

 

 

 

II

khái niệm - Nội dung - Phạm vi của

Lý lịch tư pháp theo pháp luật việt nam

 

 

I. nhận định về pháp luật hiện hành liên quan đến lý lịch tư pháp

 

Qua thực trạng văn bản pháp luật hiện hành, có thể thấy được thực tế trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chúng ta đã đặt vấn đề xác định thân trạng pháp lý của mỗi cá nhân mà từ trước vẫn được gọi nôm na là "tiền án, tiền sự". Yêu cầu này được quy định ở hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý xã hội. Từ các tiêu chuẩn để tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức, cán bộ, tiêu chuẩn hành nghề đối với một số ngành nghề nhất định có ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân và xã hội, tiêu chuẩn để thực hiện quyền cư trú, tiêu chuẩn để nhập quốc tịch, thôi quốc tịch cho đến tiêu chuẩn để hưởng sự khoan hồng khi phải chịu trách nhiệm hành chính, hình sự... đều đặt ra một yêu cầu quan trọng là xác định tình trạng nhân thân của cá nhân ấy. Hơn nữa, việc xác định tình trạng nhân thân của một cá nhân không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức ở trong nước về việc xác định tình trạng pháp lý của cá nhân mà vấn đề này còn đặt ra khi một công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc khi muốn nhập quốc tịch nước ngoại. Pháp luật một số nước đòi hỏi trong trường hợp này phải có giấy xác nhận lý lịch tư pháp để chứng minh về phương diện tư pháp, đây không phải là đối tượng có thể gây nguy hại cho quyền và lợi ích xã hội của nước họ.

 

Như vậy, đây là một vấn đề không phải chỉ đặt ra ở nước ta mà là vấn đề mang tính quốc tế.

 

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một hệ thống quản lý về vấn đề này một cách hoàn chỉnh; vấn đề này hiện được nhiều ngành, nhiều cấp cùng quy định, như Quốc hội, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban tổ chức cán bộ chính phủ... Bằng nhiều hình thức văn bản khác nhău như Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Thông tư và cả công văn. Ví dụ như Luật Quốc tịch ngày 7-9-1988. Pháp lệnh ngân hàng ngày 23-5-1990, Nghị quyết 590/NQ-HĐNN8 ngày 27-5-1992, Nghị định 17-HĐBT ngày 23-12-1992, Thông tư 07/TM ngày 18-5-1992 của Bộ Thương mại, Công văn 99/TCCP-VC ngày 13-4-1992...

 

Do chưa có chuẩn mực chung nên các văn bản của mỗi ngành, mỗi cấp tuỳ theo nhận thức chủ quan mà quy định nội dung khác nhau, khi rộng, khi hẹp, có lúc lại quy định cả điều kiện đối với thân nhân của cá nhân tham gia vào một quan hệ cụ thể. Ví dụ như:

 

- "Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không có nghĩa vụ thi hành án hình sự, dân sự và quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật trong thời điểm đứng ra bảo lãnh" (Nghị định 59-TTg ngày 4-2-1994 Về việc giải quyết cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam).

 

- "Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất trung thực, liêm khiết, nắm vững luật pháp và chính sách, chế độ kinh tế, tài chính, kế toán thống kê của Nhà nước, không có tiền án tiền sự" (Nghị định 07/CP ngày 29-1-1994 Ban hành quy chế về kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân)

 

- "Người mất trí, người đang bị kết án tù mà chưa được xoá án, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được làm Trọng tài viên". (Nghị định 116/CP ngày 5-9-1994 về tổ chức và hoạt động của Trộng tài kinh tế).

 

- "Không phải đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài mà chưa được xoá án, hoặc còn ở trong thời gian bị cấm quyền kinh doanh theo bản án của toà án nước ngoài" (Nghị định 29-CP ngày 22-5-1995 Qui định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước).

 

Các văn bản này sử dụng các thuật ngữ và ngôn từ đôi khi rất trừu tượng khó hiểu, như "Có phẩm chất chính trị đạo đức tốt", "đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ", "đang trong thời gian bị cơ quan pháp luật khởi tố ", "Có lý lịch rõ ràng ".... Thế nào là có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, điều này hoàn toàn do sự nhận thức, đánh giá chủ quan của người tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

 

Về thẩm quyền xác nhận cũng được quy định khác nhau như "Lú lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp", " Sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án".

 

Trong một thời gian dài, việc quản lý lý lịch tư pháp đã không được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng bị biến tướng sang trạng thái khác, nếu như trước đây việc quản lý này do cơ quan Công an thực hiện thì hầu như chỉ còn là hình thức quản lý tàng thư căn cước can phạm, phục vụ chủ yếu cho công tác điều tra, phá án của nghành công an, an ninh. Do đó, cách thu nhận và ghi chép thông tin cũng rất cụ thể, tỉ mỉ, không chỉ là các hình phạt, bản án đã có hiệu lực mà còn lưu trữ cả những thông tin sự kiện xảy ra trong quá trình điều tra, những diễn tiến của một vụ án, một quá trình xét xử của toà án. Điều này khác rất xa với bản chất của việc quản lý lý lịch tư pháp. Về việc cung cấp lý lịch tư pháp, như trên đã nêu, việc lưu trữ của cơ quan công an nhằm phục vụ cho công tác chuyên môn trong ngành, do đó việc cung cấp các thông tin này rất hạn chế, trong phạm vị hẹp. Dẫn đến tình trạng đại đa số nhân dân khi có nhu cầu chứng nhận lý lịch thì đến yêu cầu Uỷ ban phường, xã thực hiện, vì không nắm được các sự kiện về tư pháp của một người nên các Uỷ ban nhân dân phường, xã chỉ căn cứ vào hộ khẩu thường trú hoặc giấy phép tạm trú chứng nhận việc cư trú tại địa bàn quản lý. Các cơ quan tiếp nhận cũng thừa nhận việc chứng nhận này, do đó, mặc nhiên việc chứng nhận lý lịch tư pháp được thay thế bằng việc chứng nhận thường trú.

 

Cũng từ các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến lý lịch tư pháp nêu trên, chúng ta còn thấy một thực tế đặt ra trong việc quản lý con người nói chung. Không chỉ quản lý lý lịch tư pháp của một cá nhân với ý nghĩa là những giấy tờ chứng minh quá khứ của một người về phương diện tư pháp mà vấn đề đặt ra là cần phải quản lý toàn bộ quá trình con người đó sống trong cộng đồng có các biểu hiện, thái độ gì vi phạm các quy tắc xã hội, các tiêu chuẩn đạo đức. Như vậy ở đây chúng ta thấy có thể phân ra quản lý lý lịch con người bao gồm hai mặt: quản lý về hạnh kiểm và quản lý về mặt tư pháp. Hai vấn đề này luôn phải thống nhât, song hành với nhau nhưng do cơ chế quản lý khác nhau nên phải có hai hệ thống quản lý khác nhau. Một bên là quản lý về mặt thái độ cư xử của một người trong một phạm vị dân cư đo đó chỉ có tổ dân phố, phường, xã nơi người đó cư trú. Một bên là quản lý về mặt tư pháp, các hành vi vi phạm pháp của một người, để thực hiện điều này thì phải có hệ thống cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan tư pháp.

 

Như vậy chúng ta thấy là cùng với việc xây dựng một cơ chế quản lý cấp giấy chứng nhận lý lịch tư pháp thì chúng ta cũng phải tiến hành tổ chức việc quản lý và cấp giấy chứng nhận hạnh kiểm. Bên cạnh đó, trong một số quy định về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài có quy định các trường hợp người nước ngoài chưa được phép nhập hoặc xuất cảnh, như vậy làm thế nào để kiểm tra các điều kiện này? Nhưng chúng ta cũng thấy rằng hầu như pháp luật mới chỉ quy định về việc quản lý nhân thân đối với những người là công dân Việt nam mà chưa đề cập đến những người nước ngoài làm ăn sinh sống có thời hạn hoặc không có ở Việt Nam thì việc quản lý nhân thân đối với họ như thế nào? Mức độ quản lý đến đâu? Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân và nhà nước trong các giao dich có người nước ngoài tham gia. Điều đó có nghĩa là cần phải quản lý lý lịch tư pháp của người nước ngoài.

 

Trong hoàn cảnh quản lý đất nước có nhiều đổi mới và đề hoà nhập vào thế giới thì việc xây dựng một cơ chế quản lý lý lịch tư pháp thống nhất và phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế là một yêu cầu thực sự cần thiết.

 

 

II. Khái niệm về lý lịch tư pháp

 

Căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành (được nêu ở phần trên)* có nội dung liên quan đến lý lịch tư pháp có thể đưa ra khái quát nội dung phạm vi lý lịch tư pháp và công tác quản lý lý lịch tư pháp như sau:

 

- Lý lịch tư pháp là những thông tin, tài liệu chứng minh quá khứ của một công dân về phương diện tư pháp. Ghi lại các hình phạt trong các bản án, các quyết định của Toà án nhân dân các cấp và các quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực .v.v.

 

- Công tác quản lý lý lịch tư pháp là việc cơ quan nhà nước ghi chép, lưu trữ, quản lý, cấp phát các loại giấy tờ ghi lại các hình phạt trong các bản án và các quyết định của Toà án nhân dân các cấp và các quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực v.v..

 

Từ sự phân biệt lý lịch tư pháp và công tác lý lịch tư pháp nêu trên, có thể đưa ra khái niệm lý lịch tư pháp như sau: "Lý lịch tư pháp là những giấy tờ, thông tin, tài liệu phản ảnh tình trạng pháp lý của một người, nội dung ghi lại các bản án, các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân các cấp và các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nội dung hạn chế, cấm quyền hoắc tước bỏ một quyền cơ bản đối với một cá nhân cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi người đó tham gia vào các quan hệ xã hội cụ thể".

 

ở trong khái niệm nêu trên không bao gồm khái niệm "Truy cứu trách nhiệm hình sự" vào lý lịch tư pháp vì chúng tôi quan niệm đây là cụm từ chỉ quá trình tiến hành tố tụng mà các cơ quan có thẩm quyền xem xét một cá nhân có phải chịu trách nhiệm hình sự về một hành vi nào đó bị coi là hành vi phạm tội đã được luật hình sự quy định. Hơn nữa, Bộ luật tố tụng hình sự, ở điều 10 đã quy định một nguyên tắc "Không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án đã có hiệu của Toà án", do đó chúng ta không thể ghi vào lý lịch tư pháp là một người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

III- Nội dung, phạm vị của lý lịch tư pháp

 

Qua phân tích và thực tiễn pháp lý hiện hành đã được nêu trên, có thể thấy nội dung của lý lịch tư pháp là những giấy tờ, thông tin, tài liệu phản ánh tình trạng pháp lý của một người nhằm chứng minh quá khứ của người đó về phương diện tư pháp. Hay nói cách khác, nội dung của lý lịch tư pháp là những công việc do các cơ quan nhà nước thực hiện thể hiện trên hai mặt sau:

 

- Thứ nhất là ghi chép vào các giấy tờ những sự kiện có ý nghĩa về mặt pháp lý để chứng minh thân trạng pháp lý của một công dân.

 

- Thứ hai là Cấp phát những giấy tờ đó theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, tổ xã hội của công dân khi công dân đó tham gia vào một quan hệ xã hội cụ thể mà theo quy định của Pháp luật họ phải có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh thân trạng pháp lý của họ.

 

Như vậy nội dung lý lịch tư pháp nhằm xác định tình trạng nhân thân của một người được đặt ra trong những trường hợp sau:

 

- Phục vụ cho chính sách xử lý hình sự, công tác xét xử của toà án, xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phục vụ cho việc xem xét để giảm án, đặc xá.

- Phục vụ cho việc tuyển dụng nhân viên.

- Phục vụ cho việc bổ nhiệm, ứng cử vao một vị trí nhất định.

- Phục vụ cho việc hành nghề một số nghề nhất định.

- Phục vụ cho yêu cầu di chuyển nơi cư trú.

- Phục vụ cho yêu cầu thôi quốc tịch.

- Phục vụ cho việc xuất cảnh,nhập cảnh.

- Phục vụ cho việc xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài ở Việt nam.

 

Từ những nội dung của lý lịch tư pháp và những yêu cầu đặt ra đối với công tác lý lịch tư pháp như trên, chúng tôi thấy rằng cần sớm có một cơ chế quản lý, cung cấp và cấp phát lý lịch tư pháp hoàn chỉnh thì mới có thể đáp ứng nhu cầu mà xã hội đặt ra.

 

Bên cạnh tiêu chuẩn "Không có tiền án, tiền sự", các văn bản pháp luật hiện hành của chúng ta cũng quy định trong một số trường hợp khi tham gia hoạt động trong một số ngành nghề như kiểm toán, luật sư, trọng tài kinh tế... thì những người này phải có "Phẩm chất đạo đức tốt", "trung thực, liêm khiết"... Như vậy, để chứng minh được tình trạng nhân thân của một người khi họ tham gia vào một số quan hệ xã hội cụ thể thì ngoài việc xuất trình giấy chứng nhận lý lịch tư pháp, người đó còn cần phải có "giấy chứng nhận hạnh kiểm" để chứng minh "Phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết...". Giấy này có thể do một cơ quan quản lý hành chính mà có thể nắm được tình trạng tư cách đạo đức của các cư dân trên địa bàn (ví dụ như phường, xã) nơi người đó cư trú cấp. Do đó, song song với việc quản lý và cấp phát phiếu lý lịch tư pháp chúng tôi cũng đề nghị nên sớm có quy định về quản lý, chứng nhận và cấp pháp "Giấy chứng nhận hạnh kiểm".

 

Qua khái niệm và nội dung của lý lịch tư pháp được nêu ở trên, có thể giới hạn phạm vị ghi vào lý lịch tư pháp bao gồm 3 nhóm chủ yếu sau đây:

 

Một là các bản án, quyết định của toà án nhân dân các cấp.

 

Các bản án, quyết định của toà án nhân dân các cấp được ghi vào lý lịch tư pháp phải là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đó là các loại cụ thể như sau:

 

1/ Các hình phạt trong các bản án hình sự:

 

- Hình phạt chính: (theo khoản 1,điều 21 Bộ luật hình sự)

 

* Cảnh cáo ;

* Phạt tiền;

* Cải tạo không giam gữi, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

* Tù có thời hạn;

* Tù chung thân;

 

- Hình phạt bổ sung :(Theo khoản 2 điều 21 Bộ luật hình sự ).

 

* Cấm đảm nhiệm những chức chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định;

* Cấm cư trú;

* Quản chế;

* Tước một số quyền công dân;

* Tước danh hiệu quân nhân;

* Tịch thu tài sản;

* Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

 

- ở đây chúng tôi không đưa các biện pháp tư pháp khác: Bắt buộc chữa bệnh (điều 35 Bộ luật hình sự) và các biện pháp tư pháp khác đối với trẻ vị thành niên như: Buộc phải chịu thử thách, đưa vào trường giáo dưỡng (Theo khoản 1 điều 60 Bộ luật hình sự) vì biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, trong trường hợp này họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 1 điều 12 Bộ luật hình sự ). Tương tự như vậy, điều 67 khoản 1 quy định "người chưa thành niên phạm tội được áp dụng những biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa qui đinh ở khoản 1 điều 60 thì không bị coi là có án".

 

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đương nhiên xoá án, quyết định xoá án của Toà án cũng phải được ghi vào lý lịch tư pháp vì đây là những cơ sở quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp loại bỏ bớt các "tì vết" trong lý lịch tư pháp của một người.

 

2/ Các bản án, quyết định về dân sư:

 

 

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, một yêu cầu đặt ra là: các quyết định của toà dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; các quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc tước quyền hưởng di sản thừa kế... đều phải được ghi nhớ trong lý lịch tư pháp của công dân.

 

3/ Các bản án, quyết định về phá sản của doanh nghiệp.

 

 

Để thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quyết định thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty có phù hợp với pháp luật không? thành viên của Hội đồng quản trị, ban giám đốc có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật không... điều đó phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý và ghi nhận của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.

 

4/ Các bản án,quyết định của các toà chuyên trách (toà hành chính, toà lao động...) Có tuyên bố tước hoặc hạn chế một số quyền nhân thân của người vi phạm.

 

Hai là các biên pháp xử phạt hành chính

 

Chương II pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 có quy định các hình thức xử phạt hành chính, bao gồm: Hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính Ngoài ra, trong khoản 3 điều 11 của pháp lệnh có quy định một số biện pháp như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc bồi thường, buộc tiêu huỷ...

 

Đối với những hình thức xử phạt trên không phải là đối tượng được ghi vào lý lịch tư pháp vì mức độ xử phạt phạm vi đối với những hành vi thuộc loại này xảy ra khá phổ biến, mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa cao và chưa phản ánh đầy đủ đặc điểm, bản chất của người vi phạm.

 

Vì vậy, "Các biện pháp xử lý hành chính khác" sau đây mới thuộc phạm vi ghi vào lý lịch tư pháp:

 

- Đưa vào trường giáo dưỡng;

- Đưa vào cơ sở giáo dục;

- Đưa vào cơ sở chữa bệnh;

- Quản chế hành chính.

(Điều 28 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).

 

Những biện pháp xử lý hành chính nói trên gắn với nhân thân người vi phạm, phản ánh bản chất của người vi phạm, có dấu hiệu chung là "vi phạm nhiều lần, có tính chất thường xuyên", do đó mức độ nguy hiểm cho xã hội cao nên cần được ghi vào lý lịch tư pháp.

 

Mặt khác, xét về mặt khách quan, thẩm quyền xử phạt hành chính được phân định cho nhiều cơ quan khác nhau (như Uỷ ban nhân dân các cấp, công an, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, thuế...) còn các biện pháp xử lý hành chính khác (về nhân thân được nêu trên) thì uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền, hơn nữa trình tự và thủ tục xử phạt cũng chặt chẽ (như lập hồ sơ, thông qua hội đồng tư vấn...). Do đó, việc xử phạt được đảm bảo ở mức độ chính xác cao. Bên cạnh đó, do tập trung một mối nên việc lưu trữ hồ sơ đối với những loại vi phạm thuộc dạng này cũng thuận tiện, dễ dàng hơn.

 

Bên cạnh đó, các quyết định xử phạt hành chính có kèm biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cũng cần được ghi vào lý lịch tư pháp vì việc này có kèm theo hậu quả là trong thời bị tước quyền sử dụng giấy phép, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép.

 

Ba là các quyết định khác.

 

 

1/ Quyết định kỷ luật của các cơ quan hành chính nhà nước kỷ luật công chức, viên chức nếu các quyết định đó có áp dụng biện pháp hạn chế một số quyền hoặc hành vi của người vi phạm (Ví dụ cấm đảm nhiệm một chức vụ, một vị trí công tác hoặc làm một nghề trong một thời gian nhất định..).

 

2/ Quyết định trục xuất người nước ngoài. Theo Pháp lệnh nhập cảnnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21-2-1992, điều 14 quy định một số trường hợp người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam khi:

 

- Có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia;

- Đã bị toà án Việt Nam kết án về tội hình sự và đã chấp hành xong hình phạt hoặc không còn nghĩa vụ chấp hành hình phạt;

- Bản thân là mối đe doạ tính mạng, sức khoẻ của những người khác tại Việt Nam.

 

Điều 6,7 Pháp lệnh trên cũng quy định:

 

- Thị thực nhập cảnh có thể không được cấp nếu: "Người xin thị thực vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước".

- Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn cấp thị thực xuất cảnh, thị thực xuất - nhập cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh nếu: "Đang bị truy cứu trách nhịêm hình sự hoặc đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự". Do đó, lệnh trục xuất ngoại kiều của Bộ trưởng Bộ nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền khác cũng cần phải được ghi vào lý lịch tư pháp.

 

Như vậy vấn đề đặt ra là chúng ta không chỉ quản lý lý lịch tư pháp của công dân Việt nam mà còn quản lý cả lý lịch tư pháp của người nước ngoài khi họ đã từng nhập cảnh Việt Nam.

 

Tóm lại, Pháp luật hiện hành của chúng ta có nhiều văn bản quy định trên nhiều lĩnh vực liên quan đến "lý lịch tư pháp". Tuy nhiên chưa có văn bản nào xác định rõ khái niệm lý lịch tư pháp, nội dung, pham vi lý lịch tư pháp cũng như chưa có định hình cụ thể về cơ quan quản lý và cung cấp lý lịch tư pháp. Vì vậy, việc đưa ra một khái niệm ban đầu để định hình lý lịch tư pháp cũng như xác định những công việc lý lịch tư pháp sẽ làm không những cần thiết cho lý luận mà cho cả thực tiễn thi hành, áp dụng.

 

Từ khái niệm lý lịch tư pháp, chúng tôi đã đi sâu phân tích mục đích ý nghĩa và giới hạn nội dung, phạm vị của công tác lý lịch tư pháp. Qua phân tích, chúng tôi thấy rằng vấn đề lý lịch tư pháp và vấn đề đạo đức có những điểm tương đối tương đồng. Lý lịch tư pháp là nội dung cao nhất, chủ yếu nhất của phạm trù đạo đức, tuy nhiên phạm vi đạo đức rộng hơn phạm vi của lý lịch tư pháp. Vì vậy, căn cứ vào pháp luật hiện hành, chúng tôi đề nghị bên cạnh định chế về lý lịch tư pháp do cơ quan tư pháp cấp cần có chứng chỉ hạnh kiểm do cơ quan hành chính cấp, khi đó mới phản ánh đầy đủ và toàn diện bản chất và quá trình hoạt động của một người cụ thể trong xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

Kiến nghị

xây dựng mô hình quản lý lý lịch tư pháp

Thống nhất trong giai đoạn mới

 

 

 

Sau một năm triển khai việc nghiên cứu đề tài; dựa vào kết quả nghiên cứu, kết quả điều tra, khảo sát thực tiễn tại một số tỉnh, thành cũng như dựa trên kinh nghiệm quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp của Việt Nam trước đây (trong thời pháp thuộc và ở miền nam Việt Nam trước năm 1975) và của một số nước trên thế giới; Ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị việc xây dựng mô hình quản lý lý lịch tư pháp thống nhất trong giai đoạn hiện nay với những nội dung sau đây:

 

A. Nội dung của công tác quản lý lý lịch tư pháp

 

Dựa trên khái niệm và nội dung của lý lịch tư pháp đã phân tích ở trên, chúng tôi chia công tác quản lý lý lịch tư pháp làm 3 công đoạn: Nhận thông tin và lưu trữ thông tin - ghi chép và xử lý thông tin - cấp phát lý lịch tư pháp.

 

I/ Nhận thông tin và lưu trữ thông tin.

 

Trong phần thứ hai chúng tôi đã nêu lên khái niệm của lý lịch tư pháp, đó là: "Lý lịch tư pháp là những giấy tờ, thông tin, tài liệu phản ảnh tình trạng pháp lý của một người, nội dung ghi lại các bản án, các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân các cấp và các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nội dung hạn chế, cấm quyền hoắc tước bỏ một quyền cơ bản đối với một cá nhân cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi người đó tham gia vào các quan hệ xã hội cụ thể". Như vậy, quản lý lý lịch tư pháp, trước tiên là việc thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của một người: Có vi phạm pháp luật và chịu hình phạt hay không? Do đó, tại cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cần phải tổ chức một bộ phận thâu nhận và lưu trữ đầy đủ thông tin về lý lịch tư pháp.

 

Một vấn đề khác đặt ra là làm thế nào để thâu thập được thông tin về lý lịch tư pháp?

 

Nói chung, pháp luật hiện hành cho phép mọi công dân có quyền tự do cư trú, đi lại trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt nam (điều 68 Hiến pháp 1992). Mỗi người có thể có nhiều mối quan hệ ở nhiều địa phương khác nhau. Trong quá trình hoạt động đó, nếu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng của địa phương nơi xảy ra vi phạm xem xét xử lý. Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp sẽ không thể nào biết được các hoạt động của người đó ở nhiều địa phương khác nhau có vi phạm luật hay không? Đã bị xử lý hay chữa?... trừ khi được cơ quan đã xử lý, thông tin đầy đủ về việc vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật. Do đó, về nguyên tắc, để thực hiện được công tác quản lý lý lịch tư pháp, yêu cầu các cơ quan đã xử lý vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của cơ quan lý lịch tư pháp phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý lý lịch tư pháp.

 

1/ Cơ quan nhận và lư trữ thông tin về lý lịch tư pháp:

 

 

- Nghị định 38/CP ngày 04-06-1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư Pháp, trong đó có chức năng quản lý công tác lý lịch tư pháp.

 

- Thông tư 12/TTLB ngày 26-7-1993 của liên Bộ Tư pháp -Ban tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương cũng xác định Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ban tư pháp xã, phường, thị trấn có chức năng quản lý công tác lý lịch tư pháp.

 

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa phân định rõ ràng trong hệ thống các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương, cơ quan nào nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp, cơ quan nào phân tích và xử lý thông tin và cơ quan nào thực hiện cấp phát lý lịch tư pháp.

 

Về việc xác định cơ quan nhận thông tin và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp, đã có nhiều ý kiến khác nhau:

 

* ý kiến thứ nhất cho rằng: Nơi nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp của một người là Bộ Tư pháp và Sở tư pháp tỉnh, thành phố nơi sinh của người đó. Các cơ quan này sẽ lưu trữ và thực hiện cấp lý lịch tư pháp về sau. Cách này được dùng trong công tác quản lý lý lịch tư pháp của chế độ cũ. Nó có điểm thuận lợi là mỗi một người chỉ có một nơi sinh và yếu tố này không thay đổi, có thể chọn làm điểm tiếp nhận thông tin, bảo đảm tập trung thông tin lý lịch tư pháp về người đó.

 

Nếu thực hiện theo quan điểm này, có một yêu cầu là khi nhận được thông tin về lý lịch tư pháp của một người hoặc khi đương sự khai nơi sinh của mình tại một tỉnh, thành phố để xin cấp lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp của tỉnh hoặc thành phố đó phải kiểm tra ngay lời khai đó là thực hay giả và phải xác định lại hộ tịch của người đó nếu gặp trường hợp đương sự khai gian. Để làm được điều này, trong chế độ cũ đã có một hệ thống quản lý hộ tịch tương đối ổn định, trên nguyên tắc một người được sinh ra sẽ được lập giấy khai sinh tại nơi sinh. Như vậy, nếu đương sự khai nơi sinh của mình, muốn xác minh lời khai chỉ cần tra sổ bộ khai sinh nơi đó. Cần lưu ý là trong chế độ cũ, cơ quan quản lý và cấp lý lịch tư pháp là Toà án đồng thời cũng là nơi lưu giữ sổ bộ khai sinh, do đó, việc tra sổ bộ khai sinh được thuận lợi hơn, nếu khi kiểm tra lời khai đó không có trong sổ bộ khai sinh thì mở cuộc điều tra riêng.

 

Trên cơ sở pháp luật hiện hành của nhà nước ta, việc thực hiện theo cách này có khó khăn,vì:

 

+ Việc lập khai sinh của một người được thực hiện tại nơi thường trú của cha hoặc mẹ của người đó vào lúc khai sinh. Như vậy, nếu chọn Sở tư pháp nơi sinh của một người làm nơi nhận và lưu trữ thông tin lý lịch tư pháp của người đó thì sẽ khó thực hiện việc điều tra xác minh vì nhiều trường hợp nơi sinh và nơi khai sinh của đương sự là khác nhau.

 

+ Trong giấy chứng minh nhân dân hiện nay đang được lưu hành không ghi rõ các mục: sinh quán, vợ, chồng, để có thể làm căn cứ kiểm tra và cấp lý lịch tư pháp.

 

* ý kiến thứ hai cho rằng: Thông tin về lý lịch tư pháp của một người sẽ được gửi cho Bộ Tư pháp và Sở tư pháp tỉnh, thành phố nơi có hộ khẩu thường trú (hoặc sổ tạm trú đối với trường hợp không có hộ khẩu) của người đó. Thực hiện cách này sẽ gọn nhẹ cho việc kiểm tra, vì từ trước đến nay việc quản lý cá nhân thông qua hộ khẩu gia đình là phổ biến (trong chứng minh nhân dân hiện hành cũng ghi rõ nơi thường trú). Khi nhận được thông tin về lý lịch tư pháp của một người hoặc khi đương sự khai nhận nơi thường trú để xin cấp lý lịch tư pháp, chỉ cần kiểm tra hộ khẩu (hay sổ tạm trú thay hộ khẩu) và giấy chứng minh nhân dân hiện hành.

 

Tuy nhiên, thực hiện theo cách này có điểm hạn chế là hộ khẩu thường trú của một người là yếu tố có thay đổi. Khi một người đã chuyển hộ khẩu đi tỉnh hay thành phố khác từ một lần trở lên, thì thông tin về lý lịch tư pháp của người đó không còn tập trung. Do vậy. khi một người nộp đơn xin cấp lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp nơi thường trú của mình, nếu nơi thường trú đó đã thay đổi một lần trở lên thì Sở tư pháp tỉnh, thành phố phải chuyển Bộ Tư pháp mới có thể cấp lý lịch tư pháp một cách chính xác.

 

* Nhận xét và đề xuất :

 

 

Các ý kiến về chọn nơi lưu trữ thông tin đã trình bầy ở trên đều có thể thực hiện được nhưng nhìn chung vẫn bị hạn chế bởi các yếu tố: nơi sinh không rõ, không có khai sinh hoặc nơi thường trú thay đổi nhiều lần hay những trường hợp không có hộ khẩu thường trú.

 

Để đáp ứng yêu cầu quản lý lý lịch tư pháp trong điều kiện hiện nay, chúng tôi nhận thấy cần phải được sử dụng công nghệ thông tin hiện đại và nên tập trung lưu trữ thông tin tại Bộ Tư pháp, đưa toàn bộ thông tin, tài liệu lưu trữ vào máy vi tính và nối mạng với sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý và làm cơ sở cho việc cấp - xác nhận lý lịch tư pháp. Yêu cầu này đòi hỏi phải rất công phu và có sự đầu tư lớn về công sức cũng như tài chính và thời gian; trong giai đoạn trước mắt để đáp ứng được các yêu cầu của người dân chúng tôi kiến nghị cần có cơ chế phối kết hợp một cách hữu hiệu và khai thác nguồn thông tin hiện đang được quản lý và lưu giữ tại Bộ Nội vụ và từng bước xây dựng trung tâm quản lý, lưu giữ và cập nhận các thông tin về lý lịch tư pháp một cách thống nhất tại Bộ Tư pháp.

 

Làm theo cách này, Bộ Tư pháp có thể nắm được công tác quản lý lý lịch tư pháp một cách rất cụ thể: Về con người vi phạm; hành vi và mức độ vi pham; tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật ở các địa phương nói chung, kể cả viêc vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài, nếu có.

 

Trên mạng vi tính do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, Sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể khai thác thông tin lưu trữ chung do đó để cấp lý lịch tư pháp tại địa phương mình một cách nhanh chóng, chính xác và không tuỳ tiện.

 

Về phía người dân với quyền được tự do đi lại, cư trú làm ăn sinh sống trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam, khi cần thiết họ có thể xin cấp lý lịch tư pháp tại nơi họ đang tạm trú, đang làm việc...

 

Quản lý lý lịch tư pháp trên mang vi tính sẽ không còn bị phụ thuộc vào yếu tố nơi sinh hay nơi thường trú nữa.

 

2/ Cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp.

 

Như đã trình bầy ở phần thứ hai, các thông tin thuộc phạm vi lý lịch tư pháp gồm có:

 

- Các tội danh và hình phạt trong bản án hình sự đã có hiệu lực thi hành; các quyết định xoá án hoặc giấy chứng nhận xoá án đương nhiên của toà án;

 

- Các bản án, quyết định của Toà dân sự có áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền dân sự của một người (Tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, tước quyền hưởng di sản...) và các quyết định huỷ bỏ biện pháp hạn chế hoặc tước quyền đó;

 

- Các quyết định của Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp;

 

- Các bản án, quyết định của toà hành chính, Toà lao động... có tuyên bố tước hoặc xử phạt hành chính một số quyền thân nhân;

 

- Các quyết định xử phạt hành chính có tước quyền của người vi phạm hoặc có áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác: đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; các quyết định giảm thời gian chấp hành các biện pháp xử lý hành chính kể trên;

 

- Các quyết định kỷ luật công chức, kỷ luật quân nhân, có áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền của người vi phạm;

 

- Quyết định trục xuất người nước ngoài của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Như vậy, các cơ quan phải cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp là:

 

a) Toà án nhân dân tối cao; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án quân sự các cấp cung cấp thông tin về những bản án hoặc quyết định do mình phán quyết, đã có hiệu lực thi hành, gồm có: Bản án hình sự, giấy chứng nhận xoá án đương nhiên, quyết định xoá án; án dân sự, hành chính, lao động có áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền công dân của một người; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

 

b) Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin về các quyết định xử phạt hành chính có áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác: đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; quyết định miễn thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục; quyết định giảm thời hạn quản chế hành chính...

 

c) Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hành chính có liên quan đến việc tước quyền hoặc hạn chế quyền của người vi phạm.

 

d) Cơ quan, tổ chức đã quyết định kỷ luật công chức, kỷ luật quân nhân mà nội dung có tước quyền hoặc hạn chế quyền của người bị kỷ luật.

 

e) Bộ Nội vụ cung cấp thông tin về các quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục; về quyết định trục xuất người nước ngoài.

 

f) Bộ ngoại giao (cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài) cung cấp thông tin về việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

 

 

Chúng tôi kiến nghị, để thực hiện được những công việc kể trên, cần phải có văn bản quy phạm Luật hoặc tối thiểu là Pháp lệnh để phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan kể trên, vì trong đó có một số cơ quan thuộc Quốc Hội.

 

 

3/ Cách thức cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp:

 

 

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp chỉ đơn giản là gửi các bản án hoặc quyết định (đã có hiệu lực thi hành) có chứa đựng các thông tin về Lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp.

 

Qua thảo luận, chúng tôi thấy rằng việc cung cấp thông tin bằng cách gửi nguyên văn các bản án hoặc quyết định (đã có hiệu lực thi hành, có chứa đựng các thông tin về Lý Lịch tư pháp) cho cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp là không hợp lý, có nhiều điểm bất lợi:

 

- Chỉ tính tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Hà Nội đã có hơn 20 Toà án (Toà án tối cao, Toà án Thành phố, Toà án quận, huyện và các Toà án quân sự), mỗi ngày có thể ra hàng trăm bản án hoặc quyết định thuộc phạm vi quản lý Lý lịch tư pháp. Nếu theo cách cung cấp thông tin như trên thì khối lượng văn thư chuyển đi rất lớn, tốn nhiều chi phí và khó khăn cho công tác lưu trữ.

 

- Điểm bất lợi thứ hai là nếu các cơ quan cung cấp thông tin bằng cách gửi nguyên bản án hoặc quyết định thì cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp phải lọc ra và chép lại những thông tin cần thiết. Như vậy sẽ tốn rất nhiều người để làm việc này và bộ máy cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp sẽ cồng kềnh, không phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay.

 

Do đó, việc cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp của các cơ quan hữu quan cần phải được lập thành văn bản theo mẫu chung thống nhất và chỉ ghi những thông tin cần thiết, gọi là Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp (những nội dung thông tin này cần được ghi dưới dạng mã hoá theo quy định).

 

Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp được lập theo cách thức sau đây:

 

- Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp được lập riêng cho từng người can án, bị xử lý hành chính, bị áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền.

 

- Khi có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành, có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi quản lý Lý lịch tư pháp, Toà án hoặc cơ quan thẩm quyền đã ra quyết định đó phải lập Phiếu theo mẫu, ghi nhận các thông tin về Lý lịch tư pháp của người can án hoặc người bị xử lý hành chính..., gửi cho Bộ Tư pháp.

 

- Tại các Toà án, việc lập Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp nên giao cho một chuyên viên văn phòng chuyên trách thực hiện và phải trình Chánh Toà hay Chánh án phê duyệt trước khi gửi, bởi vì việc lập Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp là để quản lý, ghi nhớ những tì vết về tư pháp của một người, do vậy, phải do người có thẩm quyền xét duyệt và chịu trách nhiệm.

 

Tương tự, nếu là Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp ghi nhận về quyết định xử lý hành chính hoặc quyết định khác có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi Lý lịch tư pháp, thì cần được người đã ra quyết định phê duyệt.

 

- Thời hạn phải lập Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp để gửi đến cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cần được quy định rõ và phải phù hợp với thời gian cần thiết để một người làm thủ tục xin và được cấp Lý lịch tư pháp, tránh tình trạng khi cơ quan quản lý lý lịch tư pháp đã cấp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp cho một người, ngay sau đó cơ quan này (Bộ Tư pháp) lại nhận được Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp về người đó, trong cùng một khoảng thời gian.

 

Theo chúng tôi, thời hạn phải lập Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp để gửi đi nên quy định chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày bản án hoặc quyết định có chứa đựng thông tin về Lý lịch tư pháp, có hiệu lực thi hành.

 

- Sau cùng, việc lập và gửi Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp cần phải được ghi chú bên lề bản án hoặc quyết định có chứa các thông tin đó, để tạo một trật tự chung cho công tác này tránh xảy ra "sự cố" lập và gửi đi 2 lần Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp hoặc chưa lập và gửi đi Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp mà người có trách nhiệm không chủ động kiểm soát được.

 

4/ Cách thức lưu trữ :

 

 

Tại điểm 1 trên đây nói về cơ quan nhận và lưu trữ thông tin về Lý lịch tư pháp, chúng tôi có đề xuất việc sử dụng công nghệ thông tin mới vào công tác quản lý Lý lịch tư pháp, theo đó các Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp sẽ được lưu trữ trên máy vi tính. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bỏ qua việc lưư trữ tài liệu bằng văn bản. ở đây cần xác định rõ việc lưu trữ tài liệu bằng văn bản là hệ thống lưu trữ chính, phải bảo đảm điều kiện vật chất: kho bãi, tủ, kệ đựng hồ sơ, con người trực tiếp quản lý bảo quản tài liệu lưu trữ, tránh mất mát, tiêu huỷ. Lưu trữ trên máy tính chỉ là phương tiện giúp chúng ta phân tích, tổng hợp thông tin và cấp phát Lý Lịch tư pháp dễ dàng, nhanh chóng.

 

a/ Lưu trữ bằng văn bản

 

 

Trên nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân (điều 34 Bộ luật dân sự), trước tiên cần xác định phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của một người là văn bản "Mật", thể hiện quá khứ của một người có vi phạm pháp luật và bị xử lý. Do đó, phiếu thông tin Lý lịch tư pháp phải được lưu trữ cẩn thận, không được cho bất cứ ai xem trừ những người có trách nhiệm quản lý công việc này, không được phép mang ra khỏi nơi lưu trữ.

 

- ở phần trên, chúng tôi đã trình bày phiếu thông tin Lý lịch tư pháp cần được lập riêng cho từng người can án hoặc bị xử lý hành chính..., như vậy việc lưu trữ thông tin Lý lịch tư pháp phải được lập theo tên họ từng người. Cũng không loại trừ trường hợp trùng tên, họ, ngày sinh... nên người lưu trữ cần chú ý thêm các yếu tố như tên cha, mẹ vợ (hoặc chồng)...

 

- Trong trường hợp đã có nhiều phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của một người, các phiếu ấy phải được xếp chung vào ngăn hồ sơ mang tên người đó và phải theo thứ tự thời gian.

 

b)Lưư trữ trên máy tính

 

 

Trong phạm vị đề tài này, chúng tôi không đề cập đến việc lập chương trình lưu trữ trên máy tính vì đây là lĩnh vực khác, cần phải có một đề án riêng. Tuy nhiên, dựa trên những vấn đề đã phân tích ở trên thì việc lập chương trình lưu trữ trên máy tính cần đáp ứng những yêu cầu sau đây:

 

- Việc lập trình để lưu trữ thông tin trên máy tính cũng theo nguyên tắc như lưu trữ bằng văn bản, tức là phải có các mục: họ và tên của đương sự; ngày tháng năm sinh đương sự; tên cha; mẹ, vợ hoặc chồng; số lượng phiếu thông tin Lý lịch tư pháp đang lưu trữ; nội dung các phiếu đó (theo thứ tự thời gian và có thể theo loại án hình sự, dân sự, hành chính...).

 

- Theo nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân, việc mở các chương trình quản lý Lý lịch tư pháp phải thông qua "mật mã".

 

-Trên mạng vi tính phải đặt ra chế độ riêng: Sở tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ có thể khai thác thông tin mà không thể sửa đổi thông tin và không thể sao chép thông tin (vì ở phần trên đây, chúng tôi đã đề ra nguyên tắc phiếu thông tin Lý lịch tư pháp phải được lưu trữ cẩn thận..., không được phép mang ra khỏi nơi lưu trữ).

 

II/ Ghi chép và xử lý thông tin

 

 

1/ Loại bỏ những phiếu thông tin Lý lịch tư pháp không cần thiết phải lưu trữ :

 

a/ Loại bỏ phiếu ghi nhận thông tin Lý lịch tư pháp của người đã chết.

 

Vịêc quản lý tư pháp lý lịch của một người chỉ cần thiết khi người đó còn sống, tức là còn khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật. Đối với những người đã chết thì cần loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đó (nếu có) để hệ thống lưu trữ được gọn nhẹ. Về mặt lý thuyết việc loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của những người đã chết có thể thực hiện như sau:

 

- Định kỳ hàng năm bộ phận lưu trữ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp thuộc Bộ tư pháp cần lập danh sách những người có phiếu thông tin Lý lịch tư pháp đang lưu trữ, theo từng địa phương tỉnh, thành phố. Danh sách này được lập theo mẫu gửi cho Sở tư pháp tỉnh, thành phố nơi đương sự thường trú để điều tra.

 

- Bộ phận quản lý Lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp tỉnh, thành phố có nhiệm vụ xác minh tại phường, xã, thị trấn nơi đương sự thường trú xem họ còn sống hay đã chết. Sau đó, báo cáo kết quả lên Bộ tư pháp để thực hiện việc loại bỏ các Phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đã chết.

 

Trong thực tế chúng ta khó có đủ lực lượng và thời gian để đi điều tra xác minh tất cả những người đã phạm pháp (những người có phiếu thông tin Lý lịch tư pháp đang được lưu trữ) hiện còn sống hay đã chết. Trong công tác quản lý Lý lịch tư pháp của chế độ cũ có đặt ra vấn đề này, nhưng cũng không thực hiện được một cách đầy đủ, Tuy nhiên, về nguyên tắc bất kỳ lúc nào mà biết được phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của một người đã chết thì nên loại bỏ phiếu đó vì không còn cần thiết nữa.

 

Trong tương lai, việc loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đã chết có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, triệt để nếu chúng ta kết hợp được công tác quản lý Lý lịch tư pháp với công tác quản lý hộ tịch trên mạng vi tính.

 

b) Loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người già.

 

 

Trong công tác quản lý Lý lịch tư pháp của chế độ cũ, người ta còn quy định việc loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của những người đã ngoài 70 tuổi, vì lý do nhân đạo. Người ta quan niệm rằng con người ngoài 70 tuổi đã "gần đất, xa trời" nên xoa hết mọi tội lỗi của quá khứ để người đó được thanh thản khi chết. Theo chúng tôi, vấn đề này thực chất là nhằm đơn giản hoá hệ thống quản lý Lý lịch tư pháp trong chế độ cũ, loại bỏ ngay phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người sắp chết. Mặt khác trong thời kỳ đó, người ngoài 70 tuổi ít tham gia vào hoạt động xã hội.

 

Chúng tôi nhận thấy nên áp dụng cách này để đơn giản hoá hệ thống quản lý Lý lịch tư pháp hơn là tổ chức điều tra, xác minh những người đã chết như đã trình bầy ở phần trên. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội hiện nay nên quy định việc loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của những người già ngoài 80 tuổi, vì những người ngoài 70 tuổi có tham gia hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động xã hội khác hiện nay rất phổ biến.

 

c) Loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp ghi nhận một tội phạm đã được luật xoá bỏ.

 

 

Điều 7 khoản 3 Bộ luật hình sự quy định: "Điều luật xoá bỏ một tội phạm hoặc quy định một hình phạt nhẹ hơn được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành". Do đó, trường hợp có điều quy định xoá bỏ một tội phạm thì các phiếu thông tin Lý lịch tư pháp ghi nhận về tội phạm đó, đang lưu trữ cũng cần loại bỏ.

 

- Sai xót do có người khai gian hộ tịch hoặc mạo danh người khác khi phạm pháp. Khi một người đến xin và được cấp Lý lịch tư pháp mà trong đó có ghi nhận những việc phạm pháp, không phải do mình thực hiện, thì có quyền khiếu nại yêu cầu chỉnh sửa.

 

Trường hợp này cần bổ sung luật hình sự về tội khai gian hộ tịch và mạo danh người khác, để bảo vệ danh dự cho công dân.

 

- Sai sót do sự ghi chép thiếu sót hay không chính xác. Việc này không loại trừ vì công tác hàng ngày của toà án hay cơ quan hành chính có khối lượng văn thư rất lớn. Nói chung, khi có người khiếu nại hoặc bằng cách nào khác mà phát hiện phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của một người có sai xót thì cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp cần hướng dẫn người khiếu nại (nếu có) nộp đơn tại cơ quan đã cung cấp phiếu thông tin sai, để được xem xét giải quyết hoặc cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp có văn bản yêu cầu cơ quan đã lập ra phiếu thông tin đó xem xét chỉnh sửa và cung cấp phiếu khác có nội dung chính xác.

 

 

III Cấp phát Lý lịch tư pháp

 

 

1/ Sơ lược về các loại Lý lịch tư pháp.

 

 

Trước khi đi vào cách thức cấp Lý lịch tư pháp, chúng tôi xin trình bầy sơ lược về các loại phiếu Lý lịch tư pháp. Đứng trên góc độ quản lý nhà nước, Lý lịch tư pháp là phương tiện cho chúng ta thấy rõ quá khứ của một người có phạm tội hay không hoặc có vi phạm khác dẫn đến việc xử lý về nhân thân tư pháp, bị cấm quyền hay không. Mặt khác, theo kinh nghiệm quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp của một số nước trên thế giới (nhất là của Pháp) cũng như kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta trong thời kỳ pháp thuộc cũng như ở miền nam Việt Nam trước năm 1975 thì tu theo yêu cầu quản lý Nhà nước đòi hỏi được biết đầy đủ quá khứ của một người hay chỉ cần biết một số nội dung cơ bản, có chọn lọc mà có thể lập ra nhiều loại mẫu phiếu Lý lịch tư pháp khác nhau ví dụ:

 

- Khi cần xem xét để bổ nhiệm một người vào giữ một chức vụ quan trọng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, thông thường cơ quan có trách nhiệm cần biết các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại của người đó có "trong sạch" hay không. Khi đó, nếu pháp luật có quy định, cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp sẽ cấp Lý lịch tư pháp của người sẽ được xét bổ nhiệm cho cơ quan có trách nhiệm xem xét, với nội dung ghi nhận tất cả những sự việc mà từ trước đến nay mình được cung cấp và lưu trữ.

 

- Một tình huống khác là, khi một cá nhân cần xin việc làm và cơ quan mà người đó sẽ xin việc yêu cầu được biết lý lịch của người đó có tiền án hay không. Để chứng minh điều này, cá nhân có thể xin cấp Lý lịch tư pháp của mình. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp không thể cung cấp thông tin về các án hình sự đã được xoá án, sự áp dụng các biện pháp xử lý hành đã đến thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp đó, những sự cấm quyền đã hết thời hạn v.v...

 

Tóm lại, có hai yêu cầu khác nhau về việc cấp Lý lịch tư pháp:

 

- Một là Lý lịch tư pháp thể hiện đầy đủ quá khứ của một người, dùng để cấp cho cơ quan khi thi hành một công vụ nhất định có liên quan đến người đó.

 

-Hai là Lý lịch tư pháp thể hiện tình trạng pháp lý hiện tại của một người (có tiền án hay không, có đang bị cấm quyền hay không) dùng để cấp cho cá nhân sử dụng khi thạm gia vào các quan hệ xã hội mà pháp luật quy định phải xuất trình Lý lịch tư pháp.

 

ở đây, chúng tôi dự kiến đưa ra hai mô hình cấp xác nhận lý lịch tư pháp cho công dân và cơ quan Nhà nước.

 

 

A/ Mô hình Cấp xác nhận lý lịch tư pháp bằng 2 mẫu phiếu.

 

1. Cấp Lý lịch tư pháp cho cá nhân.

 

 

a) Lý lịch tư pháp được cấp theo đơn yêu cầu của cá nhân.

 

 

Bất cứ công dân nào cũng có quyền xin và được cấp Lý lịch tư pháp của bản thân mình để sử dụng khi tham gia vào các quan hệ mà pháp luật có yêu cầu xuất trình Lý lịch tư pháp. Pháp luật hiện hành có quy định nhiều trường hợp cần xuất trình Lý lịch tư pháp như:

 

- Thông tư 719b/LS-TVPV ngày 8-9-1995 của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại việt nam quy định: "Chi nhánh muốn nhận công dân Việt nam tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại chi nhánh phải gửi Bộ tư pháp 2 bộ hồ sơ cá nhân của người được dự kiến nhận tập sự,gồm các giấy tờ sau đây:

......

b/ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt nam.

c/ Lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ".

 

- Thông tư 472-PLDSSKT ngày 20-5-1993 của Bộ tư pháp hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty :

 

"1.Người muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân phải lập hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp.Hồ sơ gồm có:

...

1.2 Sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án;

...

2. Các sáng lập viên phải làm hồ sơ xin phép thành lập công ty. Hồ sơ gồm có:

...

2.2 Sáng lập viên là cá nhân phải có sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án."

 

Mặt khác, ngay cả khi cá nhân có yêu cầu xin Lý lịch tư pháp của bản thân "đề xem cho biết" thì cũng được xét cấp, không có gì cản trở, vì đây là những tư liệu về bản thân họ, họ có quyền được biết.

 

Lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân chỉ được lập ra khi cần cấp phát theo yêu cầu của đương sự, vì nó chỉ thể hiện tình trạng pháp lý hiện tại của người đó.

 

b) Nội dung của Lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân

 

Điều 52 Bộ luật hình sự quy định; "...Người được xoá án coi như chưa can án và được cấp giấy chứng nhận".

 

Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi hành chính quy định:

 

"1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

 

2." Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu quá hai năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử lý, nếu chưa có tiến bộ thực sự, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú xác nhận, thì được coi như chưa áp dụng biện pháp đó".

 

 

Luật phá sản doanh nghiệp ngày 30-12-1993 quy định: "Giám đốc, chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp bị phá sản thì trong vòng 1 đến 3 năm không được gữi chức vụ này ".

 

 

Thông tư 07/TM ngày 18-5-1992 của Bộ thương mại quy đinh;

 

" II.2 Những người sau đây không được kinh doanh thương mại,dịch vụ theo nghị định 66/CP" :

 

....

d) "Bị xử phạt hành chính thu hồi giấy phép kinh doanh trong thời hạn hiệu lực của quyết định xử phạt ".

 

Thông tư 02/TT-BNV ngày 30-4-1995 về thủ tục xuất, nhập cảnh quy định những trường hợp chưa được phép xuất cảnh: "...người đã vi phạm quy chế nhập cảnh bị xử lý từ cảnh cáo trở lên thì trong thời gian từ 1 đến 5 năm tính từ ngày bị xử lý vi phạm, chưa được xét giải quyết xuất cảnh".

 

 

Căn cứ vào các quy định trên đây, Lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân có nội dung ghi lại các thông tin về Lý lịch tư pháp của người đó mà cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp đang lưu trữ, theo thứ tự thời gian trừ các nội dung sau:

 

- Các án hình sự mà toà án đã có quyết định xoá án hay đương sự có giấy chứng nhận đã được xoá án.

 

- Các quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, đã hết hạn bị tước quyền theo quyết định.

 

- Các án dân sự có áp dụng biện pháp cấm quyền đã hết hạn cấm quyền theo bản án.

 

- Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính đã hết 2 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt.

 

- Các quyết định kỷ luật, quyết định hành chính khác có nội dung cấm quyền đã hết thời hạn cấm quyền theo quyết định.

 

Trường hợp trong hệ thống lưu trữ không có phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đó hoặc có nhưng thuộc nội dung không cần phải ghi nhận như trình bầy trên đây, thì Lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân đó được gạch chéo một đường (theo mẫu) và được hiểu là tình trạng pháp lý hiện tại của người đó bình thường như mọi công dân khác.

 

C) Thủ tục cấp Lý lịch tư pháp cho cá nhân :

 

 

Vì Lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân theo yêu cầu của cá nhân đó nên hồ sơ xin cấp cần quy định như sau:

 

- Đơn xin cấp Lý lịch tư pháp do cá nhân đó ký tên.

 

- Giấy chứng nhận đã xoá án do Toà án cấp (nếu có).

 

- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong các biện pháp xử lý hành chính khác (nếu có).

 

Khi nhận Lý lịch tư pháp, đương sự phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác để kiểm tra đúng người xin cấp Lý lịch tư pháp theo đơn. Lý lịch tư pháp không được cấp cho người khác ngoài chính đương sự, trừ trường hợp có giấy uỷ quyền của đương sự.

 

2. Cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan để thi hành công vụ.

 

 

a) Lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật:

 

Ngoài việc cấp Lý lịch tư pháp cho cá nhân để họ sử dụng khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, Lý lịch tư pháp còn được cấp cho cơ quan nhà nước để thi hành công vụ, tuy nhiên việc này phải được pháp luật quy định cụ thể, không thể cấp tuỳ tiện, xâm phạm đời tư của công dân. Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành, đã liệt kê ở phần thứ nhất, Lý lịch tư pháp đước cấp cho các cơ quan sau đây để thi hành công vụ:

 

- Cấp cho cơ quan Công an, Viện kiểm soát, Toà án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử khi các cơ quan này yêu cầu.

 

- Cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

 

- Cấp cho cơ quan hữu quan trong việc xét tư cách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ứng cử đại biêu Quốc hội; xét bổ nhiệm Thẩm phán, kiểm sát viên, thanh tra viên; xét cử làm hội thẩm nhân dân; xét bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng trong nước khác.

 

Ngoài ra, qua nghiên cứu chúng tôi thấy cần thiết phải quy định cấp cho các cơ quan sau đây để thực hiện nhiệm vụ chính trị:

 

- Cấp cho cơ quan an ninh để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng.

 

- Cấp cho cơ quan Đảng để xem xét quyết định kết nạp Đảng viên hoặc phục vụ mục đích chính trị khác.

 

b) Lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan trong trường hợp ngoại lệ:

 

 

Tại điểm a trên đây, chúng tôi đã xác định việc cấp Lý lịch tư

pháp cho cơ quan phải theo pháp luật, không thể tuỳ tiện xâm phạm đời tư công dân. Tuy nhiên, pháp luật không thể dự liệu hết mọi tình huống trong thực tế. Do đó cần đặt thêm chế độ cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan trong những trường hợp ngoại lệ: Đối với các trường hợp cần thiết khác mà pháp luật chưa có quy định cụ thể, thì Bộ trưởng Bộ tư pháp quyết định cấp phát Lý lịch tư pháp.

 

Trong trường hợp pháp luật không có qui định cụ thể về việc cấp phát Lý lịch tư pháp cho cơ quan đó, thì có văn bản trả lời yêu cầu họ liên hệ Bộ Tư Pháp để được xem xét riêng.

 

c) Nội dung của Lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan nhà nước

 

 

Do yêu cầu thực hiện công vụ có liên đến một người mà cơ quan chứ năng cần biết đầy đủ quá khứ của người đó, do vậy, Lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan có nội dung ghi lại tất cả các thông tin về Lý lịch tư pháp của người đó mà cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp đang lưu trữ, theo thứ tự thời gian.

 

Trong trường hợp trong hệ thống lưu trữu không có phiếu thông tin về Lý lịch tư pháp của người cần tìm thì trong lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan nhà nước chỉ cần ghi chữ "Không" vào giữa các cột dành để liệt kê các bản án, quyết định xử phạt và được hiểu là người đó chưa hề can án hay bị xử lý hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính.

 

Lý lịch tư pháp chỉ được lập ra khi cần cấp phát theo yêu cầu của các cơ quan chức năng mà pháp luật có quy định.

 

d) Thủ tục cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan nhà nước:

 

Việc cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan nhà nước để thi hành công vụ là mối quan hệ nội bộ. Cơ quan chức năng cần được cấp Lý lịch tư pháp của một người chỉ cần gửi công văn nêu rõ yêu cầu được cấp Lý lịch tư pháp nếu pháp luật có quy định cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan chức năng đó thì sở tư pháp cấp tỉnh thực hiện cấp Lý lịch tư pháp.

 

Trong trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể về việc cấp phát Lý lịch tư pháp cho cơ quan đó, thì có văn bản trả lời yêu cầu họ liên hệ với Bộ tư pháp để được xem xét riêng.

 

 

B/ Mô hình Cấp xác nhận lý lịch tư pháp bằng 3 mẫu phiếu (Theo kinh nghiệm của Pháp và của Việt Nam trước đây).

 

Mô hình cấp xác nhận lý lịch tư pháp theo 3 mẫu phiếu (phiếu số 1, số 2, số 3) được cấp cho các Toà án, cơ quan hành chính Nhà nước và cho công dân khi có yêu cầu với nội dung sau:

 

1. Phiếu số 1 (được cấp cho Toà án nhân dân các cấp).

 

ích lợi chủ yếu của lý lịch tư pháp là cung cấp theo yêu cầu những thông tin về lý lịch tư pháp đã được ghi nhận từ trước thuộc về một cá nhân đười dạng biểu. Lý lịch tư pháp là một công cụ ưu tiên được sử dụng trong nội bộ cơ quan lý lịch tư pháp (về mặt hình sự). Hệ thống này được xây dựng chủ yếu để phục vụ cho các thẩm phán và kiểm sát viên có liên quan, dưới dạng một tờ phiếu có đánh số 1 (B1) với nội dung ghi lại toàn bộ các tiền án đã có từ trước để phục vụ cho việc xét xử của Toà án. Thẩm phán và kiểm sát viên có quyền yêu cầu cơ quan lý lịch tư pháp cấp biểu số 1 bất cứ lúc nào.

 

Nội dung phiếu số 1 bao gồm: hộ tịch của đương sự và những dị biệt có thể có của người đó; những bản sao các án tích; những quy định bổ sung, thay đổi, huỷ bỏ về những án tích đó (nếu có).

 

Phiếu số 1 có thể được yêu cầu cung cấp bằng công văn, điện tín, fax, truyền đạt viễn thông hoặc thiết bị từ tính. Phiếu số 1 được cấp bản sao theo giấy yêu cầu và được gửi theo đường công văn và trong trường hợp cấp bách có thể gửi bằng fax.

 

2. Phiếu số 2 cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu.

 

Phiếu số 2 là một bản trích bộ phận của thông tin lý lịch tư pháp về một người cụ thể. Trong đó loại trừ một số thông tin như:

 

- Các án hình sự mà toà án đã có quyết định xoá án hay đương sự có giấy chứng nhận đã được xoá án.

 

- Các quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, đã hết hạn bị tước quyền theo quyết định.

 

- Các án dân sự có áp dụng biện pháp cấm quyền đã hết hạn cấm quyền theo bản án.

 

- Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính đã hết 2 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt.

 

- Các quyết định kỷ luật, quyết định hành chính khác có nội dung cấm quyền đã hết thời hạn cấm quyền theo quyết định.

 

Trong phiếu số 2 này cũng không ghi những án phạt mà cơ quan xét xử đã quy định rõ trong bản án (với mong muốn cho đương sự tái hoà nhập vào xã hội).

 

Phiếu số 2 cũng là một phương thức công bố có giới hạn những án phạt, cho phép trong trừng mực nào đó tuỳ theo mức độ thích hợp đánh giá đạo đức, tính trung thực và tập quán tốt của những người khác nhau.

 

Phiếu số 2 được cấp cho những cơ quan quản lý hành chính công quyền hoặc người sử dụng lao động khi có yêu cầu và với những lý do được quy định một cách có giới hạn (theo quy định của pháp luật).

 

3. Phiếu số 3 được cấp cho cá nhân công dân khi có yêu cầu

 

Phiếu số 3 được cơ quan lý lịch tư pháp cấp dưới dạng đóng dấu không hoặc dưới dạng là một mẫu cụ thể, trong đó nội dung biểu hiện là Lưới pháp luật. Trong trường hợp một người không vi phạm pháp luật (tính đến thời điểm xin cấp) thì phiếu đó được gạch chéo toàn bộ phiếu số 3; còn trong trường hợp người đó có tì vết về tư pháp thì phiếu số 3 được cấp là biểu không được gạch chéo toàn bộ.

 

Phiếu số 3 chỉ gồm một số án phạt biểu thị trong phiếu số 2, đó là những án phạt nêu rõ một biện pháp hạn chế hoặc tước quyền đã được tuyên không cho hưởng án treo hoặc các án phạt tước quyền tự do thực sự (phạt tù).

 

Việc ghi án phạt vào phiếu số3 có thể được cơ quan xét xử loại trừ khi được ghi ngay trong bản án.

 

Phiếu số 3 chỉ có thể được cấp cho bản thân đương sự hoặc cho người có trách nhiệm đối với một vị thành niên hoặc một thành niên được bảo vệ (không được cấp cho người thứ ba). Nó cho phép người đó chứng minh một cách tối thiểu về tư cách đạo đức của mình đối với người thứ ba.

 

Đơn xin cấp phiếu số 3 phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự và có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân xã, phường). Sau khi đã kiểm tra căn cước, người có yêu cầu có thể được cấp phiếu số 3 tại cơ quan lý lịch tư pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

B. mô hình Tổ Chức Quản Lý Lý Lịch Tư Pháp

 

Dựa trên các nội dung của công tác quản lý Lý lịch tư pháp đã trình bày ở mục A trên đây, chúng tôi đề xuất 2 mô hình tổ chức bộ máy quản lý Lý Lịch tư pháp như sau:

 

 

 

Mô hình thứ nhất:

 

 

 

I/ ở cấp Trung ương.

 

Nghị định 38/CP ngày 04-06-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó tại điều 2 khoản 4 có qui định chức năng quản lý Lý Lịch tư pháp. Vì vậy, cần xác định rõ Bộ Tư Pháp là cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp cấp Trung ương.

 

Mặt khác, tuy quản lý Lý Lịch tư pháp có nội dung không lớn, bao gồm: thu nhập thông tin và lưu trữ thông tin - ghi chép và xử lý thông tin - cấp phát Lý lịch tư pháp, nhưng khối lượng công việc sẽ rất lớn, mỗi ngày có thể có đến hàng ngàn phiếu thông tin Lý lịch tư pháp gửi đến để lưu trữ, xử lý.

 

Do đó, chúng tôi đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách giúp Bộ trưởng Bộ tư pháp thực hiện công tác này, có thể gọi là Cục quản lý Lý lịch tư pháp với cơ cấu tổ chức như sau:

 

1/Chức năng, nhiệm vụ của Cục quản lý lý lịch tư pháp.

 

 

Các chức năng của cục quản lý lý lịch tư pháp:

 

- Chức năng lưu trữ thông tin về Lý lịch tư pháp, bao gồm: Lưu trữ tài liệu văn bản và lưu trữ trên hệ thống máy vi tính.

 

- Chức năng xử lý thông tin, bao gồm: kiểm tra, loại bỏ các phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đã chết, người ngoài 80 tuổi và các phiếu ghi nhận tội phạm đã được xoá bỏ; Khi phát hiện phiếu thông tin Lý lịch tư pháp có sai sót thì yêu cầu cơ quan đã thông tin điều chỉnh lại phiếu đó.

 

- Chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với các cơ quan cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp; quản lý các tài liệu về Lý lịch tư pháp; chỉ đạo công tác quản lý, cấp phát Lý lịch tư pháp của sở tư pháp tỉnh, thành phố; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện cấp phát Lý lịch tư pháp theo thẩm quyền hoặc thực hiện cấp Lý lịch tư pháp theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng.

 

Để thực hiện được các chức năng trên đây, Cục quản lý lý lịch tư pháp có những nhiệm vụ sau đây:

 

- Tiếp nhận phiếu thông tin Lý lịch tư pháp do các cơ quan chức năng gửi đến.

 

- Nhập nội dung các phiếu thông tin Lý lịch tư pháp vào lưu trữ trên máy vi tính theo chương trình thống nhất.

 

- Lập các tập hồ sơ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của mỗi cá nhân và lưu trữ cẩn thận các hồ sơ đó theo quy chế.

 

- Khi phát hiện nội dung phiếu thông tin có sai sót thì trình Bộ trưởng hoặc trực tiếp gửi văn bản theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng tư pháp, yêu cầu cơ quan hữu quan gửi phiếu thông tin khác có một nội dung chính xác.

 

- Tiếp nhận hồ sơ xin cấp Lý lịch tư pháp, nghiên cứu và trình Bộ trưởng cấp phát Lý lịch tư pháp theo thẩm quyền hoặc trực tiếp thực hiện cấp Lý lịch tư pháp theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng.

 

- Hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh để thực hiện việc cấp phát Lý lịch tư pháp tại địa phương.

 

2/ Về cơ sở vật chất của Cục quản lý lý lịch tư pháp đề nghị trang bị:

 

- Văn phòng làm việc;

 

- Kho lưu trữ hồ sơ về Lý lịch tư pháp ;

 

- Hệ thống máy vi tính để cập nhật và lưu trữ thông tin về Lý lịch tư pháp.

 

3/ Về con người:

 

Tuỳ theo khối lượng công việc ở từng thời kỳ, số biên chế của Cục quản lý lý lịch tư pháp do Chính phủ quyết định, nhưng cần thiết phải có đủ các bộ phận sau đây:

 

- Bộ phận phụ trách tiếp nhận phiếu thông tin Lý lịch tư pháp và phân loại, mã hoá tin học.

 

- Bộ phận nhập dữ liệu vào máy vi tính, chuyển hồ sơ qua kho lưu trữ.

 

- Bộ phận phụ trách kho lưu trữ, làm nhiệm vụ sắp xếp hồ sơ, lưu trữ và bảo quản hồ sơ.

 

- Bộ phận chuyên rà soát trên máy vi tính để xử lý các thông tin.

 

- Bộ phận nhận hồ sơ xin cấp Lý lịch tư pháp, nghiên cứu hồ sơ trình Bộ trưởng hoặc người được uỷ quyền cấp phát Lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.

 

- Bộ phận văn phòng để giúp Cục trưởng điều hành các công việc chung trong cơ quan.

 

II. ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

 

Theo thông tư Liên bộ số 12/TTLB ngày 26-7-1993 của Liên Bộ tư pháp -Ban tổ chức Cán bô chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan cơ quan tư pháp địa phương, Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có chức năng quản lý Lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, theo cách thức quản lý nêu ở mục A, Sở tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ có nhiệm vụ khai thác thông tin lưu trữ chung để cấp Lý lịch tư pháp, do đó ở các tỉnh, thành phố không cần thành lập cơ quan quản lý Lý lịch tư pháp ngoài Sở tư pháp.

 

Tại Sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông thường có phòng chuyên môn tham mưu cho Giám đốc Sở quản lý công tác tư pháp khác, nay chúng tôi đề nghị tăng thêm biên chế cho phòng này để thực hiện công tác cấp Lý lịch tư pháp.

 

Phòng chuyên môn về quản lý công tác tư pháp khác ở Sở tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ có thêm chức năng tham mưu cho giám đốc thực hiện cấp phát Lý lịch tư pháp (không có chức năng lưu trữ) do đó có thể cơ cấu như sau:

 

1/ Về biên chế cần 02 chuyên viên nhận hồ sơ, nghiên cứu và trình hồ sơ cấp Lý lịch tư pháp, vì số lượng xin cấp Lý lịch tư pháp tại địa phương rất nhiều, bao gồm cấp cho mọi cá nhân, cấp cho cơ quan theo quy định của pháp luật.

 

2/ Về cơ sở vật chất cần:

 

- Phòng làm việc, tiếp khách.

 

- Một máy vi tính nối mạng với trung tâm đặt ở Bộ tư pháp.

 

III Phân cấp quản lý Lý lịch tư pháp

 

 

1/ Bộ tư pháp (do Cục quản lý lý lịch tư pháp thực hiện):

 

- Nhận thông tin và lưu trữ thông tin về Lý lịch tư pháp.

 

- Định kỳ hàng năm, rà soát loại bỏ loại bỏ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đã ngoài 80 tuổi và của người đã chết (nếu phát hiện được).

 

- Nếu phát hiện được phiếu thông tin Lý lịch tư pháp có sai sót thì gửi văn bản yêu cầu cơ quan đã cung cấp phiếu đó chỉnh sửa và gửi phiếu khác có nội dung chính xác.

 

- Thực hiện cấp Lý lịch tư pháp cho những trường hợp không thuộc thẩm quyền của Sở tư pháp các tỉnh, thành phố.

 

- Thống nhất quản lý Lý lịch tư pháp trong cả nước.

 

2/ Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

 

 

- Cấp Lý lịch tư pháp cho mọi cá nhân không kể nơi thường trú, tạm trú, kể cả người nước ngoài.

 

- Cấp Lý lịch tư pháp cho cơ quan chức năng mà pháp luật có quy định có quyền được cấp.

 

Theo mô hình này việc xử lý về mặt kỹ thuật để quản lý, cập nhật thông tin và cấp phát phiếu lý lịch tư pháp là rất khó khăn và đòi hỏi một sự đầu tư về kinh phí là rất lớn mới có thể nối mạng giữa Cục quản lý lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp với tất cả các Sở Tư pháp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặt khác khối lượng công việc dồn về Cục lý lịch tư pháp là rất lớn; do vậy, về kỹ thuật thiết bị (máy chủ) phải có cấu hình đủ mạnh để quản lý và xử lý. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ.

 

 

Mô hình thứ hai

 

 

Xây dựng 3 Trung tâm quản lý và cấp xác nhận lý lịch tư pháp tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Các trung tâm này thực hiện chức năng quản lý, cập nhật, xử lý và cung cấp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp theo phạm vi hành chính của 3 miền và chịu sự quản lý chực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

3 Trung tâm này có chức năng, nhiệm vụ như sau:

 

- Chức năng lưu trữ thông tin về Lý lịch tư pháp, bao gồm: Lưu trữ tài liệu văn bản và lưu trữ trên hệ thống máy vi tính.

 

- Chức năng xử lý thông tin, bao gồm: kiểm tra, loại bỏ các phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của người đã chết, người ngoài 80 tuổi và các phiếu ghi nhận tội phạm đã được xoá bỏ; Khi phát hiện phiếu thông tin Lý lịch tư pháp có sai sót thì yêu cầu cơ quan đã thông tin điều chỉnh lại phiếu đó.

 

- Chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với các cơ quan cung cấp thông tin về Lý lịch tư pháp; quản lý các tài liệu về Lý lịch tư pháp.

 

- Chức năng quản lý, cấp phát Lý lịch tư pháp, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện cấp phát Lý lịch tư pháp theo thẩm quyền hoặc thực hiện cấp Lý lịch tư pháp theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng.

 

Để thực hiện được các chức năng trên đây, Cục quản lý lý lịch tư pháp có những nhiệm vụ sau đây:

 

- Tiếp nhận phiếu thông tin Lý lịch tư pháp do các cơ quan chức năng gửi đến.

 

- Nhập nội dung các phiếu thông tin Lý lịch tư pháp vào lưu trữ trên máy vi tính theo chương trình thống nhất.

 

- Lập các tập hồ sơ phiếu thông tin Lý lịch tư pháp của mỗi cá nhân và lưu trữ cẩn thận các hồ sơ đó theo quy chế.

 

- Khi phát hiện nội dung phiếu thông tin có sai sót thì trình Bộ trưởng hoặc trực tiếp gửi văn bản theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng tư pháp, yêu cầu cơ quan hữu quan gửi phiếu thông tin khác có một nội dung chính xác.

 

- Tiếp nhận hồ sơ xin cấp Lý lịch tư pháp, cấp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo các quy định của pháp luật.

 

Theo chúng tôi

 

IV. Bổ sung về tổ chức trong các cơ quan hữu

quan để thực hiện việc lập và gửi phiếu thông tin Lý lịch tư pháp

 

1/ Tại các Toà án:

 

Như đã phân tích ở mục A, ở các Toà án cần bố trí một nhân viên chuyên trách việc lập phiếu thông tin Lý lịch tư pháp. Nhân viên này có các nhiệm vụ sau đây:

 

- Theo dõi các án mà Toà đã tuyên xử, khi có bảm án hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành thì lập ngay phiếu thông tin Lý lịch tư pháp về án hoặc quyết định đó.

 

- Trình Chánh toà hoặc Chánh án phê duyệt phiếu thông tin để gửi cho Cục Lý lịch tư pháp.

 

- Ghi chú bên lề các bản án, quyết định đã được lập và gửi phiếu thông tin.

 

- Lưu các bản án, quyết định và các phiếu thông tin về các án, quyết định đó.

 

- Khi phát hiện phiếu thông tin Lý lịch tư pháp do mình lập ra có sai sót thì điều chỉnh bằng cách lập một phiếu khác có nội dung chính xác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt gửi cho cục Lý lịch tư pháp để thay thế phiếu có sai sót.

 

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này gồm: Phòng làm việc, tủ, kệ đựng hồ sơ, các mẫu phiếu thông tin Lý lịch tư pháp in sẵn.

 

2/ Tại các cơ quan hữu quan khác:

 

- Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là nơi tập trung ra các quyết định xử phạt hành chính có áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, có thông tin về Lý lịch tư pháp nhiều, do đó cần bố trí một nhân viên chuyên lập phiếu thông tin Lý lịch tư pháp. Nhiệm vụ và điều kiện làm việc của nhân viên này tương tự như nhân viên phụ trách lập phiếu thông tin Lý lịch tư pháp ở Toà án.

 

- Đối với cơ quan khác có thẩm quyền quyết định xử phạt hành chính, quyết định kỷ luật công chức, kỷ luật quân nhân, có áp dụng biện pháp tước quyền của người vi phạm, số lượng các quyết định không nhiều, không thường xuyên, thông tin Lý lịch tư

pháp ít nên không cần thiết có nhân viên chuyên trách việc lập phiếu thông tin. Khi có quyết định thuộc phạm vi thông tin Lý lịch tư pháp, thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định có thể giao cho phòng tham mưu trong việc ra quyết định xử lý thực hiện luôn việc lập phiếu cung cấp thông tin gửi cho Cục Lý lịch tư pháp.

 

 

Các chuyên đề

 

%0 dãn dòng, chữ: !E !0

 

 

 

 

 

 lịch sử phát triển của công tác

 lý lịch tư pháp ở Việt nam.

 

Theo sử,thì đến đời nhà Đinh (năm 968-980) nước ta mới tổ chức được

thành một quốc gia độc lập với tên nước là "Đại cổ Việt " và có một hệ

thống tổ chức chính trị hành chính tương đối vững chắc do các vua quan

người Việt tham gia điều khiển.

 

Nhưng do hoàn cảnh lịch sử,với cả ngàn năm đô hộ của phong kiến

phương bắc và cả thế kỷ bị đặt dưới ách "Bảo hộ" cai trị của chế độ thực

dâan Pháp,nên tổ chức bộ máy hành chính - tư pháp của nước ta qua từng

thời kỳ đều bị ảnh hưởng sâu đậm bởi khuôn mẫu của nhà nước Trung quốc và

nhà nước Pháp.

 

Vì vậy,trong chuyên đề nay,chúng tôi xin trình bầy lịch sử phát

triển của công tác lý lịch tư pháp (LLTP) của Việt nam qua các giai đoạn :

Một là : Trước thời Pháp thuộc (trước ngày ký hoà ước giáp thân

mồng 06/6/1884).

Hai là : Trong thời kỳ Pháp thuộc 9 từ 1884 đến 1945).

Ba là : Từ 1945 đến nay (bao gồm công tác LLTP ở miền Bắc và Miền

nam).

 

 

I - Trước thời kỳ Pháp thuộc (trước ngày 06/6/1884).

Theo cuốn pháp chế sử của giáo sư Vũ Quốc Thông (xuất bản năm 1973)

thì sau khi Đinh Bộ Lĩnh,vị anh hùng đất Hoa Lư dẹp xong loạn thập nhị

sứ quân và hoàn thành công cuộc thống nhất lãnh thổ thì chính thể quân

chủ đầu tiên đã xuất hiện ở Việt nam. Và sau khi lên ngôi lấy niên hiệu là

Đinh Tiên Hoàng,nhà Đinh đã bắt chước chế độ quân chủ của Triều Hán,Triều

Đường nước Trung Quốc,dựng nền quân chủ thế tập (tức là cha truyền ngôi

vua cho con),xây cung điện,chế triều nghi (tức là ấn định nghi lễ các

phiên triều),đinh phẩm hàm các quan văn,quan võ,đặt pháp luật nghiêm mật

và quân chế chỉnh tề.

 

Các triều vua sau vua Đinh Tiên Hoàng như triều Tiền Lê

(980-1009,khởi đầu là vua Lê Đại Hành),triều Lý (1010-1225)khởi đầu là Lý

Công uẩn),triều Trần (1225-1400,Bắt đầu từ Trần Cảnh),nhà Hồ (1300-1407,Hồ

quý Ly),nhà Lê (từ vua Lê Thái Tổ đến vua Lê Thần Tông:(1428-1788),nhà

Nguyễn Tây Sơn (1788-1802),nhà Nguyễn (từ vua Gia Long cho đến nước

Pháp đặt nền bảo hộ tại nước ta (1802-1884):nhìn chung tất cả các

triều đại phong kiến,triều nào cũng có sửa đổi triều nghi,triều chính,sửa

đổi luật lệ để thêm vẻ tôn nghiêm cho Hoàng đế và củng cố bộ máy cai trị

của nhà nước phong kiến.

Trong đó nếu xét riêng về mặt luật lệ thì trước thời kỳ pháp

thuộc qua tham khảo sách lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ;

cổ luật Việt nam và Tư pháp sử của giáo sư Vũ Văn Mẫu;pháp chế sử Việt

nam của giáo sư Vũ Quốc Thông ...Chúng tôi đều chưa thấy xuất hiện cụm

từ LLTP.

Theo các cuốn sách đã dẫn trên,thì dưới triều Đinh và triều Tiền

Lê (968-1009) về hình luật rất nghiêm khắc.Và việc trừng phạt các việc

phạm pháp do nhà vua đích thân xem xét,xử lý ngay trước cung điện nhà vua

(vạc dầu được đặt ngay ở trước sân điện,hổ báo được nuôi ở trong vườn

thương uyển,người tù phạm bị bắt bỏ vào vạc dầu hay vứt cho hổ báo ăn thịt,

có khi lấy rơm tẩm dầu bó vào người tù phạm để đốt sống...),có thể nói

lúc này nhà vua hoàn toàn nắm quyền tư pháp một cách triệt để.Cho đến đời

nhà Lý,nhà Trần thì nguyên tắc tập trung trên đã được san sẻ cho các quan

điac phương.Nhà vua chỉ việc xét sử các vụ án quan trọng hay chỉ giữ việc

phúc lại các bản án do các quan dưới đã tuyên xử và có sự khiếu nại của

đương sự.Lúc này các hình phạt đã bớt nghiêm khắc hơn và việc quyết định

hình phạt cao hay thấp được căn cứ trên cơ sở mức độ của kẻ phạm tội.

Đến thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) bộ quốc triều hình luật được

ban hành (hay còn gọi là luật Hồng Đức,vì Lê Thánh Tông lên ngôi lấy niên

hiệu là Hồng Đức).Trong bộ luật đã có đề cập đến vấn đề tổ chức bộ máy tư

pháp.Theo đó,về mặt hành chính nước ta được chia thành 12 đạo,đạo chia

thành phủ,phủ chia ra thành huyện hoặc châu và dưới cùng là xã.Về mặt tư

pháp mỗi đạo có một toà đô,toà thừa,toà hiến.Toà đô coi việc binh,toà thừa

coi việc hành chính còn toà hiến coi việc hình án.Đứng đầu toà Hiến có hai

vị quan : Hiến sát chánh sứ và hiến sát phó sứ .

Đến đời vua Lê thần Tông (1649-1662) thì tổ chức tư pháp được

hoàn chỉnh hơn,thẩm cấp toà án được ấn định gồm :

+ Toà đệ nhất cấp : Do các quan huyện trông coi .

+ toà đệ nhị cấp : Đặt ở mỗi phủ và do quan phủ chủ toạ.

+Toà đệ tam cấp :đặt ở mỗi đạo gọi là thừa ti.

+ Toà đệ tứ cấp : Gọi là hiến ti đặt ở cấp đạo.

+ Toà phúc thẩm (toà giám sát )và ngự sử đài.

Về thể thức tố tụng được chia làm 3 loại : Các vụ kiện thường (các vụ

kiện tạp tụng),các vụ án mạng (giết người) và các vụ cướp,trộm làm chết

người (đạo kiếp sinh án mạng). Về thủ tục tranh tụng,pháp luật có quy định

:dân phải làm đơn,xã trưởng xử lần đầu rồi đến quan huyện quan phủ ;nếu

đương sự không phục tùng bản án của phủ nha,thừa ti sẽ phúc thẩm lại lần

thứ nhất,rồi đến hiến ti phúc thẩm lại lần thứ hai.Ngoài ra,nếu đương sự

không đồng ý vẫn có quyền thượng tố lên quan cai đạo rồi đến ngự sử đài.

Bản án của ngự sử đài tuyên xử có tính cách chung thẩm.

 

Về mặt hình phạt,để phân biệt một người đã có án và một người bình

thường,luật pháp qua các triều đại phong kiến đã có các hình thức ghi nhớ

án tích của kẻ phạm tội như sau (theo cuốn pháp chế sử của Vũ Quốc thông):

 

* Luật năm thứ sáu,niên hiệu Thiên-Phủ Duệ-vụ (1126) đời vua Lý

nhân Tông định rằng :Kẻ đánh chết người phải làm tội đồ,bị đánh 100 trượng

và thích 50 chữ vào mặt.

* Năm 23,đời vua Lý Anh Tông (1161) luật định kẻ nào tự hoạn sẽ bị

đánh 80 trượng và thích vào cánh tay trái 23 chữ.

* Năm thứ 6,đời vua Thái Tông (1231) luật định kẻ phạm tội tuỳ theo

loại có thể bị thích 6 chữ vào mặt hoặc 4 chữ vào trán.

* Đời vua Thái Tổ nhà Lê ( 1428) đã đặt luật cấm cờ,bạc :đánh bạc

phải chặt ngón tay 5 phân đánh cờ chặt ngón tay 1 phân.

Ngoài ra theo cuốn Quốc triều hình luật của Viện Sử học và nhà xuất

bản pháp lý,xuất bản năm 1991 thì hình phạt lúc này được phân làm 5 loại

gồm: xuy hình (đánh roi),trượng hình (đánh trượng) đồ hình,lưu hình và tử

hình.

 

Người phạm tội bị hình phạt đồ hay lưu,thì theo điều 9 chương danh lệ

bộ luật trên quy định : " người phải tội lưu,thích chữ vào mặt;tội đồ thì

thích vào cổ,tượng phường binh thích hai chữ,chúng điền binh thích 4 chữ.

tội lưu thì thích ở mặt,châu gần thì thích 6 chữ châu ngoài 8 chữ châu xa

10 chữ.về khổ chữ thì quan lại phạm tội thì thích chữ lớn 3 phân,tạp phạm

5 phân,trộm cướp 7 phân,ác nghịch 10 phân hoặc không hạn định phân.Quan

lại có chức vụ từ ngũ phẩm trở lên,tản quan và tước từ tam phẩm trở lên

thì số chữ xét cho giảm bớt ".

 

Như vậy,qua một số ví dụ ở trên,có thể thấy từ thời xa xưa việc

ghi nhớ,đánh dấu án tích đã được thực hiện và việc này được tiến hành một

cách hết sức dã man,đơn giản bằng cách đánh dấu thương tích trực tiếp trên

chính ngay thân của can phạm.

 

II - lý lịch tư pháp trong thời kỳ Pháp thuộc .

 

Sau khi hoà ước giáp thân ngày 06/6/1884. được ký kết với nước Pháp,

nước Việt nam ta đã mất hẳn tính cách một quốc gia độc lập về phương diện

pháp lý vì đã trở thành một nước bảo hộ của Pháp quốc.Lúc này đất nước ta

được phân chia thành nhiều miền và mỗi miền có quy chế chính trị riêng,mỗi

miền có những luật hộ,luật hình,luật tố tụng riêng (ví dụ :Bắc kỳ thì có

Bộ dân luật Bắc 1931; Trung kỳ có luật hộ sự, thương sự tố tụng 1942 ; nam

kỳ có bộ dân sự tố tụng nam việt năm 1910...)

 

cũng bởi do chính sách ohân trị của thực dân Pháp,nên tổ chức tư

pháp trong thời kỳ này cũng hết sưc phức tạp .Lúc này,tại nước ta bên cạnh

toà án Việt nam đã xuất hiện một tổ chức pháp đình mới đó là Toà án Pháp

(Tây án).Các toà án Pháp không những được thiết lập ở các miền đất thuộc

Pháp (6 tỉnh nam kỳ) và các thành phố nhượng địa pháp( Hà nội,Hải phòng,Đà

nẵng) mà còn được thiết lập trên toàn cõi của lãnh thổ Việt nam gồm cả ở

Bắc kỳ và Trung kỳ.

 

Toà án Pháp,Lẽ dĩ nhiên khi xét xử được áp dụng luật của Pháp

quốc.Như vậy,có thể nói,LLTP xuất hiện và được áp dụng ở Việt nam cùng với

sự thành lập tổ chức và hoạt động của toà án Pháp tại Việt nam.

 

Và theo những tài liệu mà chúng tôi được biết,thì thừ năm

1808,Pháp đã có Bộ luật thẩm cứu tội phạm,trong đó đã quy định thiết lập

"sổ bộ hồ sơ " để ghi nhận các tiền sự tư pháp của công dân khi những

người này phạm tội và đã bị các cấp Toà án Pháp xét xử.Sau đó năm

1848-1850,Pháp đã ban hành văn bản quy định về chế định LLTP,theo đó đã

quy tự vào phòng lục sự những chỉ dẫn về LLTP được ghi vào sổ bộ tư pháp

nhằm mục đích: Trấn áp các trọng tội và kinh tội,bảo đảm sự thuần khiết

của danh sách cử tri và của Hội đồng bầu cử.

 

Tuy nhiên về mặt pháp lý,LLTP được chính thức ghi nhân ở Việt Nam

bới đạo luât ngày mồng 5 tháng 8 năm 1899 " về LLTP và phục quyền " do

toàn quyền Đông dương ban hành áp dụng tại Nam phần.

 

Từ đó,ở Việt nam mỗi cấp Toà án đều có Phòng Lục sự với chức năng

lập,lưu trữ và cấp LLTP,LLTP được lập khi một người đã có án và án đó đã

trở thành nhất định (tức là đã có hiệu lực pháp luật).LLTP được lưu giữ và

quản lý theo nơi sinh của đương sự.

 

Nội dung của LLTP,ngoài phần ghi những đặc điểm về hộ tịch như

họ tên,ngày tháng năm sinh,nơi sinh,trú quán,tên của bố,mẹ,vợ.con còn phải

ghi đầy đủ các yếu tố của bản án đã tuyên như: tội danh, hình phạt, ngày

tháng năm xét xử toà án nơi nào xét xử...

 

LLTP được lập thành 3 phiếu (phiếu số 1-gọi là chính phiếu,phiếu

số 2-gọi là quan phiếu,phiếu số 3 - gọi là thân phiếu).Mỗi phiếu có những

nội dung ghi chép và cấp phát cho những đối tượng khác nhau (chúng tôi sẽ

đề cập chi tiết ở mục LLTP ở miền nam trước năm 1975).

 

 III- Lý lịch tư pháp từ năm 1945 đến nay.

 

1/ công tác LLTP của chế độ việt nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà

xã hội chủ nghĩa Việt nam :

 

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công,hồ chủ Tịch đã ký sắc

lệnh ngày 10/10/1945 cho phép áp dụng tạm thời các luật lệ của chế độ cũ

nếu xét không trái với những mục tiêu cơ bản của nhà nước Việt nam dân chủ

cộng hoà.tiếp theo,Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng đã ký sắc lệnh số 13/SL ngày

24/1/1946 về tổ chức toà án và ngạch thẩm phán của nước ta.Trong văn bản

này đã có quy định mỗi ban tư pháp xã có một thư ký giữ công việc lục sự,

mỗi toà sơ cấp có 1 lục sự,Toà án đệ nhị cấp có một chánh lục sự và các

thư ký giúp việc,ở toà thượng thẩm có 1 chánh lục sự và các lục sự.Trong

số các nhiệm vụ của lục sự có nhiệm vụ lập và quản lý LLTP.

 

Tuy nhiên vì đất nước mới giành được độc lập,do đó chính quyền

cách mạng non trẻ phải lo toan trăm bề,một mặt vừa lo kháng chiến chống

giặc ngoại xâm,mặt khác lo kiến thiết xây dựng đất nước nên hoạt động của

ngành toà án cũng gặp nhiều khó khăn,và công tác LLTP cũng không có điều

kiện đầu tư và chú trọng đúng mức.

 

Sau đó,ngày 02/11/1955,Bộ Tư Pháp và Bộ công an đã ban hành thông

tư liên bộ số 1909 - VHC về việc theo dõi LLTP và căn cứơc của bị can và

những người bị tình nghi.Tại văn bản này,đã xác định tập trung một đầu mối

công tác LLTP và căn cước can phạm đều do ngành công an thực hiện.từ văn

bản này,tất cả các hồ sơ,tài liệu về LLTP trước đây do các Lục sự của Toà

án lập,lưu trữ đều được chuyển cho ngành công an quản lý.Nhưng bởi chức

năng cơ bản của ngành công an là phòng và chống tội phạm,nên công tác LLTP

cũng chủ yếu để phục vụ cho việc điều tra và đánh án.Kết quả là công tác

LLTP đã được biến đổi đồng hoá với căn cước can phạm và như vậy là khác xa

với bản chất vốn có của công tác LLTP.

 

Cụ thể,tàng như căn cước can phạm (được lưu trữ ở cục hồ sơ cảnh

sát và cục hồ so an ninh của Bộ nội vụ,và phòng hồ sơ cảnh sát của sở công

an )gồm các thông tin,tài liệu:

-Tài liệu về danh bản gồm họ ,tên.giới tính,ngày tháng năm sinh,địa

chỉ quê quán,nơi thường trú,tên cha mẹ vợ chồng con... của can phạm.

- Tài liệu về chỉ bản ; tức là in vân tay của 10 ngón tay và vân

tay của cả 2 bàn tay của can phạm.

- Hồ sơ tái phạm : Gồm danh bản, chỉ bản và bản thống kê tiền án,

tiền sự về những lần bị bắt,thời gian,địa điểm,ly do bi bắt...

 

Những tài liệu được lập,lưu trữ,quản lý nói trên chủ yếu để nhằm phục

vụ mục đích:Truy tìm vân tay để phát hiện thủ phạm gây án;tra cứu tiền án

tiền sự cung cấp đặc điểm nhận dạng của những tội phạm đang bị truy nã;tra

cứu truy tìm tung tích những xác chết không rõ tung tích.v.v... nói chung

là phục vụ cho việc nghiên cứu,đấu tranh phòng và chống tội phạm của ngành

công an.Do đó những tài liệu đó không được cung cấp rộng rãi cho nhân dân

cũng như các cơ quan nhà nước không có liên quan.

 

Và những tài liệu trên cũng chỉ lưu trữ những thông tin ban đầu

còn những thông tin bổ sung tiếp theo,nhìn chung cũng không được ngành

công an cập nhật, ghi chép một cách toàn diện và đầy đủ,Ví dụ: Công dân A

bị bắt,thì được ghi nhận trong hồ sơ của công an,nhưng sau khi bị bắt thì

bị xử lý như thế nào,đã được thả ra chua,có được Viện kiểm sát miễn truy

cứu trách nhiệm hình sự không bị toà án xử mấy năm tù,đã chấp hành xong

hình phạt chưa,đã được xoá án chưa v.v... thì ngành công an chưa theo dõi,

cập nhật.

 

Mặt khác,hồ sơ cảnh sát của sở công an chỉ lưu trữ,quản lý những

tài liệu thông tin của những người có hộ khẩu thường trú trong địa bàn,

nên thực tế những thông tin do ngành công an cung cấp cho ngành tư pháp để

ngành cấp giấy chứng nhận LLTP cho công dân cũng có giới hạn,không toàn

diện xuyên suốt,không phản ảnh đầy đủ quá khứ của đương sự.Vì có nhiều

trường hợp nếu đương sự trước đây thường trú ở địa phương khác thì sở công

an không quản lý,không nắm được,do đó không tránh khỏi những trường hợp

bỏ sót.Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay,đát nước ta đang trong giai đoạn

phát triển của nền kinh tế thị trường,thì việc di dân chuyển đồi chỗ ở là

việc bình thường,trong quá trình làm ăn sinh sống của mỗi công dân.

 

Với những lý do đó,chúng tôi thiết nghĩ nhà nước sớm hình thành

tổ chức LLTP để ghi chép,theo dõi,quản lý ,cập nhật đầy đủ và cung cấp

chính xác các thông tin pháp lý về quá khứ hoạt động của một người là

việc làm rất cần thiết và cấp bách.Vì qua đó,không những giúp ích cho các

cơ quan nhà nước trong việc duy trì và bảo vệ lợi ích chung của xã hội

thông qua việc xử lý hình sự,xử phạt hành chính,cho phép hoạt động trong

một số nghề... mà còn thông qua đó,nhà nước thực hiện việc bảo vệ các quyền

và lợi ích hợp pháp về chính trị,dân sự,kinh tế của công dân khi người đó

tham gia vào một số quan hệ cụ thể.

 

 2 - LLTP của chế đọ cũ tại Miền nam trước năm 1975.

 

Trên cơ sở Đạo luật ngaỳ 05/8/1899 của toàn quyền Đông dương,ngày

1/9/1951.Bảo Đại đã ban hành dụ số 14 quy định cụ thể chi tiết " về LLTP và

phục quyền "

 

sau đây,chúng tôi xin nêu LLTP theo dụ trên dưới 3 khía cạnh là về tổ

chức,các loại phiếu LLTP và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc

lập phiếu,lưu trữ và cung cấp LLTP.

a- Về tổ chức.

 

Dụ trên đã thiết lập tổ chức LLTP tưng đối hoàn chỉnh từ trung

ương đến địa phương có văn quỹ LLTP hàng tỉnh đặt tại mỗi toà sơ thẩm hoặc

toà hoà giải rộng quyền.

 

a1- phòng văn quỹ LLTP trung ương.

 

Theo tổ chức hành chính trung ương của Bộ tu pháp thời đó (nghị định

505/CTP/NĐ ngày 17/6/1955) gồm có các cơ quan ; Nha đổng lý văn phòng,nha

giám đốc nhân viên kế toán,nha giám đốc hộ vụ,nha hình vụ,dưới nha có các

sở trực thuộc.dưới sở tổ chức thành các phòng.phòng văn quỹ tư pháp lý

lịch trung ương nằm trong sở hình vụ thuộc nha giám đốc hình vụ trực thuộc

Bộ tư pháp .văn quỹ tư pháp lý lịch TW đặt dưới quyền của giám đốc Nha

hình vụ và kiểm soát của một viên chức do Tổng trưởng Bộ Tư pháp cử ra.

 

Phòng văn quỹ LLTP TW có nhiêm vụ sau :

* Kiểm soát các phiếu LLTP số 1 thu nhận được;

* Cấp phát phiếu số 2 và số 3;

* Kiểm soát công việc vào sổ,xếp và lửutữ cac phiếu LLTP;

* lập các phiếu LLTP về các vụ quản thúc và trục xuất ngoại kiều;

* Thi hành các hiệp định liên quan về LLTP;

* sưu tầm tài liệu về LLTP.

văn quỹ LLTP TW thu nhận:

+ Phiếu số 1 do các Toà thượng thẩm,so thẩm và toà hoà giải rộng

quyền cấp phát ra.

+ Phiếu LLTP số 1 về những người Việt nam,hoặc nhập tịch Việt nam

sinh đẻ ở nước ngoài hay sinh quán không rõ.

+ Phiếu số 1 về những người mà căn cứơc lai lịch còn hồ nghi.

+ Phiếu số 1 của người nước ngoài (ngoại kiều).

 

a2- Văn quỹ LLTP hàng tỉnh.

 

Được đặt tại mỗi toà sơ thẩm hoặc toà hoà giải rộng quyền,do

chánh lục sự toà sơ thẩm hoặc toà hoà giải rộng quyền chuyên trách.Hoạt

động dưới sự kiểm soát của ông biện lý và dưới sự kiểm soát tối cao của

ông chưởng lý sở tư pháp mỗi phần.

Văn quỹ LLTP cấp tỉnh có nhiệm vụ lưu trữ phiếu LLTP số 1 lập

phiếu số 2 và cấp phát các phiếu LLTP số 3 của những người sinh quán thuộc

quản hạt toà án đó.

 

b- Về các loại phiếu.

 

Có 3 loại phiếu là phiếu số 1,số 2,và số 3.

- Phiếu LLTP số 1 ( còn gọi là danh bản hay là chính phiếu):Là

phiếu được ghi tất cả các án đã có hiệu lực pháp luật do toà án đã xử phạt

bao gồm cả án treo,nhưng không ghi vào phiếu sô 1 các tội vi cảnh.Ngoài

ra phiếu số 1 còn ghi :

* án xử miễn nghị hoặc miễn hình phạt cho các vị thành niên phạm

pháp;

* án xử vì vi phạm trong các phiên toà của Toà án dân sự;

* án do toà án quân sự và Hải quân tuyên xử;

*án tuyên bố sự vỡ nợ khánh tận hay thanh toán tư pháp;

* các nghị định trục xuất đối với ngoại kiều;

* án xử cấm cư trú;

* Quyết định trừng giới của cơ quan có thẩm quyền trong trường

hợp quyết nghi ấy tước một phần quyền của người bị xử phạt.

 

Bên cạnh đó phiếu số 1 còn ghi đầy đủ các việc như ân xá,ân giảm,

phóng thích có điều kiện,khôi phục công quyền,quyết định hoãn thi hành án,

về sự tái phạm trong trường hợp một người đã có phiếu LLTP số 1 trước rồi.

Phiếu số 1 được lập thành 3 bản : 1 bản gửi về cho văn quỹ LLTP

trung ương,một bản gửi cho phòng Lục sự Toà án nơi sinh của đương sự và

một bản lưu trữ tại phòng Lục sự Toà án nguyên thẩm.

Phiếu LLTP số2 (còn gọi là quan phiếu ) : Phiếu này được lập cho

một người khi người đó đã có phiếu số 1 trước đó.

Nếu trong hồ sơ lưu trữ không có LLTP số 1 của một người nào (tức

là họ chưa can án nên không có lập phiếu LLTP số 1) thì trong phiếu số 2

phải ghi là " KHÔNG ".

 

Phiếu số 2 này được cấp cho toà án,phòng công tố,cảnh sát để phục

vụ điều tra xét xử,cho các toà án thương mại để đính vào các hồ sơ tuyên

bố phá sản,thanh toán tư pháp,phiếu LLTP số 2 cũng được cấp cho các cơ

quan quân đội để xét đơn xin gia nhập và cấp cho các công sở Quốc gia mỗi

khi tíêp nhận các đơn xin việc làm,hay mỗi khi có đề nghị thăng thưởng,hay

trong các vụ đấu thầu,hay dùng để truy cứu kỷ luật hành chính,xem xét cho

mở trường học...vv.

 

Phiếu LLTP số 3 (hay còn gọi là thân phiếu).khác với phiếu LLTP Số

2.thường được cấp cho các cơ quan công quyền,phiếu số3 được lập để cấp

phát cho công dân.công dân nào cũng có quyền xin phiếu số 3 của mình,nhưng

nếu có hành vi gian trá mạo nhận thì sẽ bị luật pháp trừng trị.

Phiếu số 3 là bản trích lục của phiếu số 1,nhưng trừ ra không được

ghi các nội dung :

* Các bản án miễn nghị cho người vị thành niên phạm pháp và truyền

cho cha mẹ bảo lãnh hoặc giao cho sở trừng giới nhận giáo dục y trong thời

hạn nhất định;

* án đã được xoá bỏ do sự phục quyền;

* án treo dù có hay không có tiền phạt mà đã quá 5 năm kể từ ngày

tuyên án đương sự không bị xử phạt về một tội nào khác;

* Các sự tuyên bố vỡ nợ mà kẻ vỡ nợ được Toà xét là có thể dung thứ

hay được chủ nợ ký kết một hợp đồng trả nợ,các án về thanh toán tư pháp.

một người phạm vào các khoản nói trên mà lại bị kết án về các tội

khác nữa thì chỉ có các tội bị kết án sau mới ghi vào phiếu LLTP số

3.ngoài ra,sau một thời gian dài,ngắn tuỳ theo luật quy định ( từ 02 đến

15 năm),thì các án phạt sau đây khỏi ghi vào phiếu LLTP số 3:

+ Sau một thời gian 02 năm đối với các hình phạt 06 ngày tù giam

và các án tuyên sự vỡ nợ .

+Sau thời gian 05 năm đối với các hình phạt tù 06 tháng.

+ Sau một thời hạn 10 năm đối với các hình phạt tối đa 02 năm tù

giam hoặc nhiều hình phạt nhưng tổng số không quá 02 năm.

+ Sau một thời hạn 15 năm nếu hình phạt duy nhất chỉ là một tội

phạt giam trên 02 năm.

 

Một người nếu sau này bị xử phạt về một tội hình sự theo một

hình phạt không phải là phạt tiền,thì phiếu số 3 sẽ ghi lại tất cả số

phiếu số 1 ngoại trừ các trường hợp án đã được xoá bỏ do sự phục quyền,án

miễn nghị cho người vị thành niên phạm pháp.

Phiếu LLTP số 3,về hình thức có 2 mầu:

Mầu xanh cấp cho những người sinh sống tại Sài gòn,chợ lớn,Gia định,

còn màu vàng cấp cho những nơi khác như Bắc di cư,ngoại kiều...

 

 C- Sự phối hợp của các cơ quan và cách thức trong việc lập phiếu,lưu

trữ và cung cấp các lọai phiếu LLTP.

 

Trong thời hạn một tháng kể từ ngày bản án của Toà án đã tuyên

trở thành nhất đinh (có hiệu lực pháp luật),viên Chánh lục sự tại Toà án

phải lập phiếu số 1 về những bản án xử phạt về tội ít nghiêm trọng và tội

nghiêm trọng do Toà án hình hoặc dân sự tuyên xử,hay về các án văn tuyên

bố sự vỡ nợ khánh tận hoặc thanh toán tư pháp.

Đối với các bản án xử vắng mặt của Toà Tiểu hình,thời hạn lập

phiếu LLTP nói trên kể từ ngày hết hạn kháng cáo.

-Các quyết định hành chính về trục xuất ngoại kiều,trừng giới,nhà

chức trách nào đã ra quyết định ấy phải báo trong một thời gian ngắn nhất

cho Bộ tư pháp (văn quỹ LLTP TW) biết để văn quỹ này lập phiếu số 1 và gửi

một phó ban phiếu này đến văn quỹ LLTP Toà án sơ thẩm nơi sinh quán của

một đương sự.

- Ngay khi một bản án xử phạt đã có hiệu lực pháp luật,viên chánh

lục sự Toà sơ thẩm hoặc toà thượng thẩm đã tuyên xử căn cứ theo mẫu của Bộ

Tư Pháp hướng dẫn và lập phiếu LLTP thành 02 bản trình Biện lý hay Chưởng

lý (Toà thượng thẩm quản hạt) phê duyệt.

Sau khi được chưởng lý duyệt một bản phiếu LLTP số 1 được gửi cho

văn quỹ LLTP TW và một bản gửi cho toà án nơi sinh quán của người bị kết

án.

Từ văn quỹ LLTP của Toà án sinh quán của người can án cùng với việc

gửi và lưu trữ LLTP số 1,viên lục sự phải ghi chú việc giữ hay lưu trữ ấy

vào lề nguyên văn của án văn.

Trường hợp phiếu số 1 th–ọc về một người đã có một phiếu số 1

trước rồi,thì phiếu số 1 mới phải ghi rõ chữ " Tội phạm" ở phía trên bên

phải của phiếu ấy.

- Tại một Toà sơ thẩm sau khi lập ra hoặc tiếp nhận được phiếu số 1

(do Toà sơ thẩm thuộc quản hạt khác,hoặc Toà thượng thẩm,Văn quỹ LLTP TW

gửi đến tuỳ trường hợp) của một người sinh đẻ tại quản hạt đó,thì viên lục

sự phải kiểm tra lại căn cước,lai lịch của người đó trong sổ hộ tịch.

Nếu người đó có tên trong sổ hộ tịch,viên Lục sự sắp phiếu vào ngăn

theo thứ tự vần tên họ người ấy.

Nếu có nhiều phiếu cùng một một người (do bị kết án nhiều lần) thì

sắp tất cả các phiếu theo thứ tự thời gian chung vào một kẹp mang họ tên

người can án và xếp vào ngăn (hộc).

 

Trường hợp nếu viên lục sự kiểm tra trong sổ hộ tịch không có tên

can phạm nhưng không thấy có điều gì bất thường,viên Lục sự sắp phiếu vào

ngăn và ghi chú sơ lược những việc khiếm khuyết ấy.

 

Hoặc trong trường hợp đã kiểm tra trong sổ hộ tịch không có lai

lịch của can phạm và nếu lai lịch của can phạm không đươc chứng tỏ bởi

một phiếu số 1 nào trước đó hay một giấy tờ nào trong hồ sơ vụ án thì Ông

Biện lý cho mở cuộc điều tra để tìm sự thực về lai lịch bị can đã khai ra.

Lúc ấy viên lục sự ghi chú vào sau phiếu số 1 cho biết căn cước,lai lịch

cảu can phạm đã được kiểm tra theo cách nào .

 

- Từng định kỳ viên lục sự loại bỏ các phiếu số 1 của những người

đã chết hoặc ngoài 80 tuổi.Các phiếu số 1 mà sự xử phạt đã được giải trừ

do đại xã hay được sửa đổi theo một quyết nghị cho sửa đổi LLTP cũng được

lấy ra khỏi văn quỹ LLTP.

 

Tóm lại,dưới chế độ cũ,LLTP rất được coi trọng,được qui định thành

luật và tổ chức,qảum lý chặt chẽ song song với các nhiệm vụ khác như xét

xử,quản lý nhà nước của ngành Tư Pháp.

LLTP là công cụ rất quan trọng để áp dụng các chế định của dân

luật,Hình luật,Luật thương mại,hạn chế các quyèn lợi dân sự của người bị

kết án và áp dụng chính sách đối với họ,phục vụ cho việc quản lý nhà nước,

duy trì trật tự xã hội,đảm bảo an toàn Pháp lý theo trật tự đã được pháp

luật thiết lập để nhằm bảo vệ lợi ích toàn xã hội và lợi ích của mỗi công

dân.

 

 Sơ kết một năm công tác thí điểm cấp chứng nhận lý lịch tư pháp

 tại Thành phố Hồ chí Minh.

 

 I- Tình hình cấp chứng nhận tình trạng không có tiền án,tiền sự

trước khi sở tư pháp thực hiện thí điểm cấp chứng nhận lý lịch tư pháp

(LLTP).

 

Việc xác nhận tình trạng không có tiền án ,tiền sự (TATS) trước đây

do cơ quan công an thực hiện,có thể do công an phường,xã cấp theo yêu cảu

người dân để xin việc làm,xin xuất cảnh hoặc để nhập quốc tịch nước ngoài;

hoặc do Công an Thành phố cấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra khi xây

dựng hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự,thực hiện các động tác nghiệp

vụ phá án.

 

Ngày 05/01/1995 Tổng cục cảnh sát nhân dân ra văn bản số

15/C11-C27 yêu cầu công an cấp dưới ngừng việc trực tiếp cung cấp chứng

nhận tình trạng TATS theo yêu cầu của công dân.Do chỉ đạo này mà yêu cầu

của công dân không được giải quyết,gặp khó khăn khi họ làm các thủ tục,

nhất là thủ tục xuất cảnh, thủ tục xin nhập quốc tịch nước ngoài, do phía

nước ngoài yêu cầu .

 

Trước nhu cầu bức xúc của công dân, Sở Tư pháp đã phối hợp với

Công an Thành phố để tìm cách giải quyết và nhất trí là Sở Tư pháp sẽ cấp

hồ sơ của Công an Thành phố, cụ thể là phòng PC27. Đồng thời Bộ Tư pháp

cũng chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện thí điểm công tác này .

 

II. Những việc đã làm.

 

1. Tổ chức thực hiện.

 

a. Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an Thành phố để thống nhất

quy trình thực hiện và các biểu mẫu cần thiết như đơn, phiếu chuyển, phiếu

trả lời xác minh, giấy chứng nhận LLTP.

 

Người có yêu cầu tự điền vào đơn, sau đó nộp kèm bản sao

Chứng minh nhân dân và Hộ khẩu thường trú tại Sở Tư pháp.

 

Các bộ phận nhận hồ sơ sẽ kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ

bản chính, nếu hợp lệ thì thu lệ phí và phát biên nhận cho đương sự .

 

Hồ sơ được chuyển cho Công an Thành phố để sưu tra tại các

tàng thư do Bộ Nội vụ quản lý .

 

Trên cơ sở kết quả do Công an Thành phố cung cấp,sở tư pháp

cấp chứng nhận LLTP.

 

Đối với những trường hợp có hồ sơ lưu trong tàng thư can phạm nhưng

không ghi rõ kết quả xử lý,sở Tư pháp phải cử cán bộ xác minh thêm hoặc

yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ có liên quan;trên cơ sở đó Sở tư pháp

cấp chứng nhận LLTP.

Trong quá trình giải quyết,sở tư pháp đã ba lần rút kinh nghiệm

và phối hợp với Công an Thành phố cải tiến biểu mẫu,nội dung chứng nhận để

việc chứng nhận được chính xác,đáng tin cậy hơn.

 

b) Thời gian cấp chứng nhận LLTP lúc đầu là 30 ngày,kể từ khi nhận

hồ sơ.Sau đó Sở Tư pháp đã xem xét lại quy trình và thống nhất với công an

thành phố,sắp xếp hợp lý lại một số khâu rút ngắn thời gian cấp chứng nhận

xuống 20 ngày.

 

C) Về lệ phí cấp chứng nhận LLTP,do Bộ tài chính chưa thể có quy định

chính thức,nên uỷ ban nhân dân Thnàh phố Hồ chí Minh đã tạm thời định mức

thu như sau :

-Công dân Việt nam : 50 000 đồng/3bản.

-Người Việt nam định cư ở nước ngoài: 100.000đ/3 bản.

-10.000 đ cho mỗi bản cấp thêm theo yêu cầu của đương sự.

Sau một năm,số tiền thu được là 245,220.000 đồng (hai trăm bốn mươi

lăm triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng),đã nộp toàn bộ vào ngân sách.

 

d) Đối tượng được cấp chứng nhận LLTP là người có hộ khẩu thường trú

hoặc đã từng có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ chí Minh,đã làm chứng

minh nhân dân (từ đủ 15 tuổi trở lên )không phụ thuộc vào mục đích sử dụng

giấy chứng nhận.

 

LLTP chỉ được cấp theo yêu cầu của chính người đó,hoặc phải có giấy

uỷ quyền hợp lệ (thường trong trường hợp xin giúp cho thân nhân đang sinh

sống ở nước ngoài).

 

Đối với người đã làm thủ tục đăng ký tạm trú dài hạn,được cấp "sổ

kiểm tra " thì công an thành phố vẫn xác minh để cấp chứng nhận LLTP cho

đến tháng 12/1995.Sau đó Sở Tư pháp và công an Thành phố đã thống nhất

không giải quyết đối với đối tượng loại này vì việc xác minh gặp khó khăn,

mất thời gian do không có hồ sơ gốc trong tàng thư chứng minh nhân dân do

Công an Thành phố quản ly.

 

2. Kết quả.

 

Trong 12 tháng (tính từ 05/6/1995 đến 04/6/1996) Sở tư pháp đã tiếp

nhận và giải quyết 4710 hồ sơ theo yêu cầu cá nhân,có thể phân loại như

sau:

* Theo mục đích sử dụng ghi trong đơn :

+ Làm thủ tục xuất cảnh(đoàn tụ gia đình,đi học,du lich...):2167 (47,5%)

+ Xin làm việc :2028 (42%)

+ Làm thủ tục thành lập doanh nghiệp,công ty :249 (5,2%)

+ Dùng vào một số mục đích khác (kinh doanh nhỏ,cho người

nước ngoài thuê nhà,nhập hộ khẩu...) : 204 (4,2%)

+ Xin nhập quốc tịch nước khác : 62 (1,1 %)

* Theo độ tuổi :

+ Dưới 17 tuổi : 77 (1,6%)

+ Từ 18 đến 30 tuổi :2663 (56,5%)

+ Từ 31 đến 55 tuổi :1863 (39,5%)

+ Từ 56 tuổi trở lên : 107 (2,3%)

 

III- Đánh giá.

 

Việc thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận LLTP ở thành phố Hồ

chí Minh trước hết đã giải quyết những yêu cầu bức xúc của người dân,đáp

ứng được thủ tục xin việc,kinh doanh ,xuất cảnh nhập quốc tịch nước ngoài .

..Đây là bước quá độ của việc chuyển giao việc cấp chứng nhận tình trạng

TATS từ công an sang việc quản lý và cấp chứng nhận LLTP của nghành tư

pháp.

Kết quả thí điểm đã cung cấp tình hình thực tiễn rất bổ ích cho

việc xây dựng đề án quản lý và cấp phát LLTP để triển khai trên toàn quốc,

thực hiện nhiệm vụ mà nghị định 38/CP ngày 04/6/1993 đã giao cho ngành tư

pháp.

 

Hơn một năm thực hiện thí điểm đã cho thấy rõ hơn những vướng măc

về mặt cơ sỏ pháp lý cùng những điểm bất cập trong việc tổ chức thực hiện

công tác quản lý lưu trữ và cấp phát LLTP hiện nay cụ thể là :

 

1.Khái niệm LLTP chưa được xác định rõ.

 

Cụm từ LLTP mới chỉ được nhắc đến trong nghị định 38/CP ngày

04/6/1993 về chức năng,nhiệm vụ,quyền hạn và tổ chức của Bộ tư pháp và

trong Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban TCCB

chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư

pháp địa phương,mà chưa được định nghĩa hay giải thích cụ thể.

 

Các văn bản pháp luật hiện hành yêu cầu chứng nhận tình trạng có

vi phạm pháp luật hay không với nhiều mức độ và cung bậc hết sức khác nhau,

đôi khi khó xác nhận về mặt pháp lý,ví dụ: Có hạnh kiểm tốt;phẩm chất đạo

đức tốt;không đang bi truy cứu trách nhiệm hình sự;không bị kết án;không

bị quản chế;không bị kỷ luật,xử phạt hành chính do vi phạm qui đinh về

chuyên môn kỷ luật vv... Quy định quản lý ở một số lĩnh vực đòi hỏi người

tham gia không ở tình trạng "đang bi truy cứu trách nhiệm hình sự " là

trái với nguyên tắc: Một người chỉ bị coi là có tội sau khi có bản án đã có

hiệu lực thi hành của Toà án.

 

Do đó,chứng nhận LLTP hiện nay về thực chất cũng gần như chứng nhận

TATS của công an trước đây.

 

Về tiền án,tuy còn nhiều điểm đáng bàn nhưng đã có thể xác định

được,căn cứ vào bản án của toà án.Riêng tiền sự thì thật mơ hồ,khó xác

định.Về mặt nghiệp vụ của ngành Công an,người nào đã bị bắt,lập danh chỉ

bản là coi như "có tiền sự " .Quy ước này phục vụ cho chuyên môn của

ngành công an nhưng không chính xác về mặt pháp lý xét theo bình diện xã

hội công dân,không thể dùng làm cơ sở xác định tình trạng phạm pháp hay

không phạm pháp của một công dân.

 

2.mức độ chính xác,tin cậy của chứng nhận LLTP hiện hành.

 

Hiện nay nhà nước quản lý công dân chủ yếu dựa vào hộ khẩu

thường trú,tức là nơi cư trú chính thức đã được cho phép.Công tác lưu trữ,

quản lý hồ sơ ghi nhận việc bắt giam hay xử lý hình sự của công dân cũng

lấy Hộ khẩu làm gốc. Nhưng công dân có thể thường trú ở nhiều nơi khác

nhău, việc quản lý tình trạng phạm pháp hay không phạm pháp của công dân

do đó không liên tục và xuyên suốt. Một người có thể đang có Hộ khẩu ở

Tỉnh này, nhưng phạm pháp và bị truy tố ở một Tỉnh khác, thì có thể

nơi thường trú cũng không biết, nếu người đó không khai thật về thân nhân .

Việc cấp giấy chứng nhận LLTP hạn chế ở thời gian thường trú tại địa

phương không đáp ứng được yêu cầu xuyên suốt về một cá nhân (sau một thời

gian thực hiện, giấy chứng nhận LLTP do Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

cấp phải ghi nội dung "Không có tiền án, tiền sự tại Thành phố Hồ Chí

Minh").

 

Như đã trình bày, việc cấp chứng nhận LLTP phụ thuộc vào kết

quả xác minh của Công an Thành phố. Hồ sơ lưu trữ của Công an Thành phố

được xây dựng với mục đích được xây dựng với mục đích phục vụ yêu cầu của

ngành (điều tra, phá án...), nhưng không phù hợp yêu cầu của công tác LLTP.

Ngành Công an lập hồ sơ ngay khi bắt, nhưng nhiều trường hợp không cập

nhật được là có bị xử án hay không , hình phạt thế nào, do Toà án nào xử,

số bản án v.v... hoặc đương sự có bị xử lý bằng biện pháp hành chánh hay

không .

Bộ luật hình sự quy định chế định xoá án, thể hiện chính sách

nhân đạo trong đường lối phòng chống tội phạm, vì người được xoá án coi

như chưa can án. Trong thực tế, quy định này chưa được tổ chức thực hiện

triệt để, nhiều người đáng lẽ được xoá án nhưng trong hồ sơ không thể

hiện , làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ.

 

Việc cấp chứng nhận LLTP căn cứ vào Hộ khẩu cũng gây khó khăn

cho người tạm trú dài hạn. Có người đã tạm trú nhiều năm ở Thành phố

Hồ Chí Minh, nơi cũ đã cắt Hộ khẩu, nơi mới thì không cho nhập. Tình

trạng đùn đẩy giữa các địa phương làm cho đương sự rơi vào tình trạng "vô

thừa nhận", không thể xin cấp chứng nhận LLTP, do đó gặp rất nhiều khó

khăn, thậm chí bế tắc trong đời sống (không xin được việc làm ổn định,

không làm được thủ tục xuất cảnh...).

 

3.Bộ máy thực hiện tạm bợ, thiếu ổn định.

 

Việc cấp giấy chứng nhận LLTPở Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự

tham gia của hai cơ quan: Công an Thành phố và Sở Tư pháp. Cơ quan được

giao nhiêm vụ chính thức là Sở Tư pháp thì chưa thể xây dựng hồ sơ cho

riêng mình để chủ động quản lý và cấp phát LLTP, còn Công an Thành phố

phải gánh thêm việc không thuộc chức năng chỉ vì đang quản lý hồ sơ có thể

tạm thời đáp ứng được yêu cầu cấp giấy chứng nhận LLTP. Tình trạng này rõ

ràng không thể kéo dài.

 

IV.kiến nghị

 

1. Công tác cấp giấy chứng nhận LLTP hiện nay ở Thành phố Hồ Chí

Minh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy công tác này còn

nhiều khiếm khuyết, nhưng vẫn cần phải tiếp tục thực hiện cho đến khi có

đề án quản lý hoàn chỉnh.

 

Tuy nhiên để tiếp tục duy trì được mô hình tạm thời này cần phải

giải quyết một số việc cấp bách :

 

a. Cần có sự chỉ đạo thống nhất giữa Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp bằng

một Thông tư liên ngành xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngành.

 

b. Cần có Thông tư liên ngành Tài chính - Tư pháp quy định mức lệ

phí cấp LLTP và có chế độ trích lại chi phí cho công tác LLTP như mua sắm

trang thiết bị và trợ giúp cho lực lượng của hai ngành Công an và Tư pháp,

đặc biệt cần có chế độ bồi dưỡng cho số cán bộ chiến sỹ công an trực tiếp

làm công tác sưu tra phục vụ công tác LLTP.

 

c. Bộ Tư pháp cần có một Thông tư quy định tạm thời khái niệm LLTP

là gì. Đặc biệt xác định cụ thể những tiền sự nào được ghi nhận vào LLTP,

thủ tục xoá án và chỉnh sửa LLTP của công dân.

 

d. Cần chấn chỉnh và quy định chặt chẽ chế độ cung cấp thông tin

thuộc nội dung LLTP của các cơ quan Công an , Toà án, Kiểm sát và các cơ

quan hành chính liên quan đến công tác LLTP, cần đặt ra một cơ chế liên

thông tin giữa các kho tàng thư của Công an giữa các Tỉnh với nhau và giữa

các Tỉnh với Bộ Nội vụ.

 

Tất cả những biện pháp trên đây là cần thiết để duy trì mô hình

LLTP tạm thời hiện có tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

2. Mặt khác, việc xây dựng đề án quản lý và cấp chứng nhận LLTP là

vô cùng bức xúc, vì Nghị định 38/CP đã giao nhiệm vụ này cho ngành Tư pháp

từ hơn 03 năm qua, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện .

 

Mô hình quản lí và cấp chứng nhận LLTP phải đảm bảo được sự quản

lý liên tục đối với cá nhân trên bình diện cả nước, không phụ thuộc vào cá

nhân đó đã từng cư trú ở đâu . Do việc quản lý LLTP gắn chặt với công tác

lập và quản lý giấy tờ tuỳ thân khác (Chứng minh thư sĩ quan, chứng minh

ngành công an ...) cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu đã nêu trên.

 

Thời đại ngày nay là thời đại tin học; sử dụng máy vi tính và nối

mạng giữa các cơ quan có liên quan trong cả nước chắc chắn sẽ hỗ trợ vô

cùng đắc lực cho công tác lập, lưu trữ và cấp phát LLTP.

 

3. Công tác lập, lưu trữ, quản lý và cấp phát LLTP có liên quan

đến nhiều ngành, nhất là Toà án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, Công an.

Để có cơ sở pháp lý thực hiện, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ đề

xuất để uỷ ban Thường vụ quốc hôi ban hành pháp lệnh về công tác LLTP.

 

 

 Thực tiễn khách quan và những quy định của pháp luật

 hiện hành liên quan đến lý lịch tư pháp.

 

 I/ Sự cần thiết khách quan về việc quản lý và cung cấp lý lịch tư pháp

 

Xã hội là cộng đồng người,trong đó mỗi người có thân trạng hộ tịch

riêng và có những hoạt động mang đặc điểm riêng gắn với từng cá nhân.Hay

nói cách khác,trong xã hội mỗi con người có những đặc điểm riêng về lý

lịch được thể hiện trên hai mặt :

-Mặt thứ nhất bao gồm những đặc điểm về hộ tịch (như tên,họ,

ngày tháng năm sinh,tên cha, tên mẹ...)

- Về mặt hộ tịch,Nhà nước đã thiết lập hệ thống cơ quan đăng ký,

quản lý hộ tịch và đã có văn pháp luật quy định về vấn đề này.Còn

về quản lý thân trạng pháp lý của con người thì hiện nay nhà nước còn

thiếu văn bản quy định.

 

Thông thường,từ trước đến nay,việc xác nhận lý lịch của một người

được giao cho uỷ ban nhân dân hoặc công an phường xã nơi cư trú của đương

sự xác nhận.Việc xác nhận này nhiều khi thiếu chính xác và không có cơ sở.

Thiếu chính xác vì đa phần cán bộ của uỷ ban nhân dân và công an phường xã

không phải là người có chuyên môn về mặt luật pháp nên rất khó ghi chính

xác nội dung và hình phạt của bản án đã tuyên.Không có cơ sở vì trong giai

đoạn phát triển của đất nước ta hiện nay,việc di dân chuyển đổi chỗ ở đã

trở nên khá phổ biến và dễ dàng,do đó công an hoặc uỷ ban nhân dân phường

xã hiện tại không có điều kiện xác minh nên không thể đoán biết toàn bộ

quá khứ trước đây của những người đó.Về phía nhà nước cũng không có yêu

cầu là họ phải đến xin xác nhận của tất cả các cơ quan địa phương mà trước

đây họ đã cư trú. Vì vậy,để giải quyết dung hoà vấn đề này và tránh trách

nhiệm về sau,các cơ quan này thay vì xác nhận ý lịch thì chỉ xác nhận

"đương sự hiện thường trú tại địa phương".

Với nội dung xác nhận chung chung như trên không thể đáp ứng đầy

đủ để phục vụ cho các yêu cầu đặt ra sau đây theo quy định của pháp luật

hiện hành:

1/ Phục vụ cho việc xử lý về hình sự,việc xét xử của toà án.

 

Nguyên tắc xử lý về mặt hình sự của nhà nước ta là nghiêm trị kẻ lưu

manh,côn đồ,tái phạm,tái phạm nguy hiểm và khoan hồng đối với người có

nhân thân tốt,phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng và đã ăn năn hối cải

(Điều 2 Bộ luật hình sự )

Để cụ thể nguyên tắc trên,điều 37,điều 39 của bộ luật hình sự đã

xá định "Tái phạm,tái nguy hiểm" là một trong những tình tiết tăng nặng

khi quyết định hình phạt.

Những việc xác định tái phạm,tái phạm nguy hiểm từ trước đến nay

thường do đương sự tự khai ,do đó mức độ trung thực không được bảo đảm,ảnh

hưởng đến quyết định hình phạt trong một số bản án không được chính xác.

Vì vậy cần phải có lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp để làm căn

cứ xác định tái phạm,tái phạm nguy hiểm,cũng như phục vụ cho chính sách về

hình sự của nhà nước ta trong việc xoá án,đặc xá,cho hưởng án treo...

 

2/ Phục vụ cho việc xử lý hành chính.

 

Điều 8 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 quy định

"Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm " (điểm 2)là một trong những tình tiết

tăng nặng quyết định mức độ xử phạt hành chính.Nhưng việc làm sáng tỏ " Vi

phạm nhiều lần hoặc tái phạm " Mỗi nơi thực hiện theo một cách khác nhau

do đó cũng không bảo đảm trung thực và chính xác cho việc quyết định các

hình thức xử phạt hành chính.

Vì vậy cần phải có lý lịch tư pháp của một người để xác định

người đó là đã " Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm".

3/ Phục vụ cho việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một số cơ quan

nhà nước hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp.

pháp luật quy định trong một số ngành,nghề nhất định như thanh tra,

kiểm soát,toà án,thẩm phán,hội thẩm nhân dân,luật sư,kiểm toán viên nhà

nước,trọng tài viên phi chính phủ... thì người được công nhận,bổ nhiệm,

tuyển dụng phải có đạo đức trong sáng,không có tỳ vết về hình sự (Tức phải

có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh).

 

4/ Phục vụ cho việc xem xét khi cấp giấy phép kinh doanh hoạt

động trong một số ngành nghề (như thành lập doanh nghiệp,công ty tư nhân,

ngân hàng,hợp tác xã tín dụng,công ty tài chính;bảo hiểm;hành nghề y dược

tư nhân;cho thuê nhà;sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại trong một số

ngành nghề đặc biệt ... thì người tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý,

tham gia hội đồng quản trị không phải là người đang bị hoặc từng bị truy

cứu trách nhiệm hình sự(tức là phải có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để

chứng minh).

 

5/ Phục vụ cho việc quản lý hộ khẩu ,bảo đảm duy trì trật tự an

toàn xã hội,an ninh quốc gia.

pháp luật qui định những người đang bị quản chế ,đang cải tạo tại

chỗ,cấm cư trú... không được đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành,cac

thành phố trực thuộc trung ương,các xã biên giới hải đảo.(Tức cần phải có

giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.)

 

6/Phuc vụ cho việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt nam hoặc nhập

cảnh ,xuất cảnh của người nước ngoài.

Pháp luật cũng quy định một số trường hợp chưa được nhập cảnh,chưa

được xuất cảnh,để biết được điều này,cần phải có giấy chứng nhận lý lịch

tư pháp để chứng minh.

7/Phục vụ cho việc nhập,thôi quốc tịch việt nam.

Luật quốc tịch và văn bản hướng dẫn thi hành quy định một số trường

hợp chưa được thôi hoặc nhập quốc tịch Việt nam.để giải quyết chính xác

cũng cần có giấy chứng nhận lý lịch tư pháp để chứng minh.

8/phục vụ cho việc thi hành Bộ luật Dân sự trong việc xác định

một công dân mất năng lực hành vi dân sự,bị hạn chế năng lực hành vi dân

sự hoặc bị tước quyền hưởng di sản thừa kế v.v...

 

9/phục vụ cho việc....

 

Từ những nhu cầu mà xã hội đòi hỏi và pháp luật đã có quy định ở

trên,có thể nói trong tình hình hiện nay,việc nhà nước sớm hình thành hệ

thống tổ chức quản lý và cung cấp lý lịch tư pháp là một yêu cầu rất cần

thiết và cấp bách.Việc cung cấp chính xác lý lịch tư pháp của mỗi một con

người cụ thể không những giúp ích cho các cơ quan nhà nước trong việc bảo

vệ lợi ích chung của xã hội thông qua việc xử lý hình sự ,xử phạt hành

chính,cho phép hoạt động trong một số ngành nghề,cho nhập khẩu,cư trú,đi

lại,thôi quốc tịch Việt nam ... mà còn thông qua đó ,nhà nước bảo vệ các

quyền lợi hợp pháp về chính trị,dân sự,kinh tế...của công dân.

 

Theo lễ thường đương nhiên người phạm tội lần đầu thì chính sách

xử lý khác với người vi phạm nhiều lần,tái phạm ,tái phạm nguy hiểm.

 

Tương tự như vậy,trong lĩnh vực lao động ,công nhận,tuyển dụng vào

một số cơ quan,tổ chức xã hội,doanh nghiệp yêu cầu đặt ra đối với họ là

ngoài các tiêu chuẩn chuyên môn phải có tư cách,phẩm chất đạo đức tốt để

phát huy hiệu quả công tác một cách cao nhất ;còn những người đã có tiền

án,tiền sự,chưa được xoá án thì sẽ được giao phó,bố trí những công việc

phù hợp với hoàn cảnh,đặc điểm từng người,tránh những môi trường tạo cho

họ điều kiện tái phạm.

*************

 

 II- Những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chứng nhận lý

 lịch tư pháp.

 

Bằng phương pháp thống kê,chúng tôi đã sưu tập được một số văn bản

sau đây,do nhà nước ban hành từ trước đến nay có quy định liên quan đến lý

lịch tư pháp.Có lẽ chưa phải là đẩy đủ ,nhưng những văn bản được liệt kê

sau đây cũng chứng minh được tính chất đa dạng của các quy định của pháp

luật có liên quan đến lý lịch tư pháp.

 

Chúng tôi chia các văn bản theo các lĩnh vực như sau :

 

A- Văn bản trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh,hành nghề :

 

1- Luật Doanh nghiệp tư nhân,ngày 21-12-1990.

Điều 6:

...Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù mà

chưa được xoá án thì không được thành lập Doanh nghiệp tư nhân.

 

2- Luật công ty,ngày 21-12-1990.

Điều 7:

... Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù

mà chưa được xoá án thì không được phép tham gia thành lập hoặc quản lý

công ty.

 

3-Luật phá sản doanh nghiệp,ngày 30-12-1993.

 

Giám đốc,chủ tịch,thành viên Hội đồng quản trị có doanh nghiệp bị

phá sản thì trong vòng 1 đến 3 năm không được giữ chức vụ này.

 

4- Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân.

Điều 11:

Người đang bị kỷ luật,bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định

về chuyên môn kỹ thuật y,dược hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm với

người bệnh và người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự,bị kết án tù

nhưng chưa được xoá án hoặc bị toà án vì vi phạm nghiêm trọng quy định về

chuyên môn kỹ thuật y,dược thì không được phép hành nghề y,dược tư nhân.

 

5- Pháp lệnh ngân hàng nhà nước Việt nam,ngày 23-5-1990.

 

Điều 8 : Không được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị.

 

3/ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự và công ty tài chính

ngày 23-5-1990.

 

 6- Pháp lệnh ngân hàng,hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ,

ngày 23-5-1990.

 

Điều 16 : Những người sau đây không được bầu vào hội đồng quản trị

hoặc bổ nhiệm làm người điều hành với bất cứ danh nghĩa nào một tổ chức

tín dụng hoặc nhận uỷ quyền làm một nghiệp vụ của tổ chức tín dụng :

1/ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2/ Đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia,xâm phạm sở

hữu xã hội chủ nghĩa,xâm phạm sở hữu của công dân,các tội phạm về kinh tế;

3/Đã bị kết án về các tội phạm hình sự khác chưa được xoá án;

4/Bị toà án nước ngoài kết án về tội phạm mà pháp luật Việt nam

cũng coi là tội phạm và theo pháp pháp luật Việt nam chưa được xoá án;bị

toà án nước ngoài tuyên bố khánh tận và chưa được phục quyền.

7- Nghị định 17-HĐBT ngày 23-12-1992 V/v quản lý các nghề kinh

doanh đặc biệt

 

Điều 3 : Những mgười sau đay không được làm nghề kinh doanh đặc

biệt:

1/Đang bị quản chế,cải tạo không giam giữ,bị tù cho hưởng án treo;

2/Có tiền án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội hình sự

khác có quan hệ trực tiếp tới nghề kinh doanh đặc biệt mà họ xin kinh

doanh; đã có tiền án mà chính họ đã lợi dụng hoạt động kinh doanh nghề

đặc biệt để hoạt động phạm tội;

3/Những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đang có liên quan

trực tiếp vào vụ án hình sự mà cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành điều

tra.

8- Nghị định 100/CT,ngày 13-12-1993 về kinh doanh bảo hiểm.

Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có các điều kiện :

....

3/Không ở trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự,đang

thi hành án hình sự hay bị mất trí.

 

9 - Nghị định 29/CP,ngày 22-5-1995.Quy đinh chi tiết thi hành luật

khuyến khích đầu tư trong nước.

 

Điều 5: Để được phép đầu tư trực tiếp thành lập doanh nghiệp tại

Việt nam,người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú lâu dài

tại Việt nam phải có đủ các điều kiện sau:

3/Không phải đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết

án ở Việt nam hoặc ở nước ngoài mà chưa được xoá án,hoặc còn ở trong thời

gian bị cấm quyền kinh doanh theo bản án của toà án nước ngoài.

 

10- Nghị định 26/CP ngày 18-9-1995 Ban hành quy chế cho người nước

ngoài,người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam.

Điều 2: Các đối tượng dưới đây không được phép cho người nước

ngoài thuê nhà.

b/ Người đanh bị truy cứu trách nhiệm hình sự,đang trong thời gian

chấp hành án,hoặc chưa được xoá án.

 

11/Thông tư 03-TT/BNV,ngày 27-3-1993.Hướng dẫn thi hành NĐ 17-CP

V/v quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.

 

Đ2 Giải thích thêm về tiêu chuẩn người xin làm nghề

2.1 Những người có tiền án về các tội hình sự khác có quan hệ

trực tiếp với nghề kinh doanh đặc biệt mà họ xin kinh doanh;người đã có

tiền án mà chính họ đã lợi dụng hoạt động kinh doanh nghề đặc biệt để hoạt

động phạm tội (khoản 2 điều 3 NĐ17),cụ thể là:Có tiền án về các tội giết

người,cướp của,buôn bán hàng cấm,buôn lậu,lừa đảo,làm hàng giả,chủ chứa

mại dâm.ma tuý,cờ bạc.

 

12- Thông tư 472-PLDSKT,ngày 20-5-1993 của Bộ Tư pháp.Hướng dẫn

thủ tục và thời hạn cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân,công ty.

 

I- Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân,công ty:

1-Người muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân phải lập hồ sơ xin

phép thành lập doanh nghiệp Hồ sơ gồm có :

1.2 Sơ yếu lý lịch trong đó có xác nhận của công an xã,phường ,thị

trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án;

2.Các sáng lập viên phải làm hồ sơ xin phép thành lập công ty .Hồ

sơ gồm có:

........

2.2 Sáng lập viên là cá nhân phải có sơ yếu lý lịc,trong đó có xác

nhận của công an xã,phường,thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị

truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án.

 

13- Thông tư 18 TT/PC-VT,ngày 20-1-1995.Hướng dẫn thực hiện NĐ 221,

ND 222/HĐBT ngày 23-7-1991 về kinh doanh vận tải hàng hoá,hành khách công

cộng bằng phương tiện vân tải hoạt động trên đường bộ,đường thuỷ nội địa.

 

I. Điều kiện xin thành lập doanh nghiệp,công ty kinh doanh vận tải

công cộng đường bộ ,đường thuỷ nội địa.

 

1/Người điều hành hoạt động kinh doanh :

Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị pháp luật

tước quyền kinh doanh.

.......

3/ Người điều khiển phương tiện vận tải (lái xe,lái tầu).

Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị pháp

luật tước quyền điều khiển phương tiện vận tải.

 

14- Thông tư 07?TM,ngày 18-5-1992.Hướng dẫn nghị định 66-HĐBT ngày

2-3-1992 về cá nhân và nhóm kinh doanh dưới vốn pháp định.

 

II.2 Những người sau đây không được kinh doanh thương mại,dịch vụ

theo nghị định 66:

c/Người đang bị giam giữ ,bị truy nã.truy tố,toà án tước quyền

kinh doanh;

d/Bị xử phạt hành chính thu hồi giấy phép kinh doanh trong thời

hạn hiệu lực của quyết định xử phạt.

 

B-Văn bản trong lĩnh vực bầu cử,bổ nhiệm,tuyển dụng vào một số cơ

quan nhà nước,tổ chức xã hội nghề nghiêp:

 

1- Luật bầu cử Đại biểu hội đồng nhân dân ,nagỳ 5-7-1994.

 

Điêu2 : Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam không

phân biệt dân tộc,nam nữ,thành phần xã hội,tín ngưỡng,tôn giáo,trình độ

văn hoá ,nghề nghiệp,thời hạn cư trú,đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và

đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân theo quy đinh

của pháp luật,trừ người mất trí và những người bị toà án nhân dân tước các

quyền đó.

 

2- Nghị quyết 590/NQ HĐNN8 ngày 27-5-1992 về những trường hợp

công dân không được bầu cử.

Điều 1- Những người sau đây bị tước quyền bầu cử :

a/Người đang trong thời gian bị tước quyền bầu cử theo bản án đã

có hiệu lực của toà án;

b/Người đang trong thời gian bị quản chế theo bản án đã có hiệu

lực của toà án.

Điều 2 - Những người sau đây không được sử dụng quyền bầu cử :

a/Người đang chấp hành hình phạt tù;

b/ Người đang bị bắt ,đanng bị tạm giữ,đang bị tạm giam theo quy

đinh của pháp luật;

c/Người đang trong thời gian bị tập trung giáo dục cải tạo theo

quyết định của UBND tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương đã được HĐBT

duyệt y.

 

3- Luật tổ chức toà án nhân dân công bố ngày 10-10-1992.

Công dân Việt nam trung thành với tổ quốc,có phẩm chất,đạo đức

tốt,có kiến thức pháp lý ,có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội

chủ nghĩa thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm thẩm phán,được bầu

hoặc cử làm hội thẩm (điêu 37)

 

4- Pháp lệnh về kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân,ngày26-5-1993.

Điều 2 : Công dân Việt nam trung thành với Tổ quốc ,có phẩm chất

đạo đức tốt,liêm khiết và trung thực,có kiến thức pháp lý và nghiệp vụ

kiểm sát,nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật,có tinh thần kiên quyết bảo vệ

pháp chế xã hội chủ nghĩa có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được

giao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm

sát nhân dân.

 

5- Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm Toà án nhân dân,ngày14-5-1994

 

Điều 4: Công dân Việt nam trung thành với tổ quốc,có phẩm chất ,

đạo đức tốt,liêm khiết và trung thực,có kiến thức pháp lý,nghiêm chỉnh

chấp hành pháp luật ,có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ

nghĩa,có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được

tuyển chọn làm thẩm phán,được bầu hoặc cử làm hội thẩm.

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về