Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001) đến nay đã trải qua 20 năm thi hành. Với tính chất là văn bản chính trị - pháp lý nền tảng của quốc gia, Hiến pháp năm 1992 đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời gian qua.
Trước những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và trong nước, đặc biệt trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, và thực tiễn cuộc sống đang có nhiều vấn đề mới được đặt ra, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp. Nhận thức rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết, là công việc đặc biệt quan trọng, cần có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng, tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn. Vì vậy, Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương: “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới[1]”. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ hai và lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và quy trình tiến hành.
Theo đó, các vấn đề về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, đặc biệt là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được khẳng định là những nội dung trọng tâm của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành bản Hiến pháp này và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.
Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách “Sửa đổi, bổ sung chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các chế định khác trong Hiến pháp 1992” do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị và TS. Bùi Nguyên Khánh, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ biên. Nội dung cuốn sách không chỉ góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc nghiên cứu, thảo luận, đề xuất quan điểm, nội dung, kỹ thuật sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số chế định khác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và tổ chức bộ máy nhà nước, mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích trong lĩnh vực Luật Hiến pháp.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 247.