Mục đích của luận án là làm sáng tỏ về mặt lý luận một cách có hệ thống và toàn diện những vấn đề về tổ chức và hoạt động của công chứng nhà nước, để từ đó góp phần giải quyết các vướng mắc về tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta hiện nay.
Những đóng góp mới của luận án
- Đây là công trình nghiên cứu có hệ thống về lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta, một loại hình hoạt động có tính đặc thù và còn mới ở Việt nam.
- Luận án đã đưa ra được khái niệm mới về công chứng trên cơ sở phân tích và chứng minh để làm rõ những hạn chế trong việc xác định khái niệm về công chứng nhà nước trước đây. Tác giả đã nghiên cứu, phân tích, so sánh với các loại hình công chứng của các nước trên thế giới. Khái niệm mới về công chứng đảm bảo các yêu cầu về mặt pháp lý, phù hợp với tình hình, đặc điểm về tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng.
- Luận án chỉ ra được những bất cập về tổ chức bộ máy, về phạm vi, thẩm quyền hoạt động, về thủ tục thực hiện công chứng. Đặc biệt, tác giả đã phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa hoạt động của cơ quan có thẩm quyền thực hiện công chứng với hoạt động của công chứng viên và những người có thẩm quyền thực hiện hành vi công chứng.
- Luận án đã được mô hình tổ chức và hoạt động công chứng trên cơ sở nghiên cứu về lịch sử phát triển công chứng, chứng thực ở nước ta qua các thời kỳ, kết hợp với việc nghiên cứu có chọn lọc không áp đặt, rập khuôn máy móc, giáo điều mô hình công chứng của bất cứ quốc gia nào. Cơ cấu tổ chức bộ máy công chứng mà tác giả đưa ra là phù hợp với đường lối đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
- Luận án đã có những đề xuất cụ thể để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện những văn bản pháp luật về công chứng, chứng thực, về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan quản lý công chứng, về quy chế hoạt động của công chứng viên.