Trước những yêu cầu mới của dân chủ hoá, của cơ chế thị trường, của hoàn cảnh quốc tế mới, luận án góp phần làm sáng tỏ địa vị pháp lý của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam đồng thời trong bối cảnh đổi mới hệ thống chính trị, cải cách nền hành chính Quốc gia, tác giả có những kiến nghị về phương hướng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
Thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận án là:
- Khái quát những vấn đề chung về thực chất các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền từ tư tưởng tới học thuyết, tới thực tiễn áp dụng làm cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
- Phân tích, so sánh vị trí chính trị - pháp lý của Chính phủ qua các giai đoạn, đặc biệt là vị trí của Chính phủ theo pháp luận hiện hành để tìm xu hướng điều chỉnh của pháp luật, nêu ý kiến hoàn thiện sự điều chỉnh pháp luật, phương hướng đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ.
- Nghiên cứu hoạt động xây dựng và ban hành quyết định (văn bản) pháp luật của Chính phủ, trong đó tập trung vào quyền ra văn bản của Chính phủ, giám sát các văn bản do Chính phủ và Thủ tướng ban hành.
- Phân tích thực trạng hệ thống công chức Nhà nước; vấn đề đổi mới công tác đào tạo, công chức hành chính - một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.
Cái mới về khoa học của luận án
Là công trình chuyên khảo nghiên cứu có hệ thống về tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt nam sau khi có Hiến pháp năm 1992. Những điểm mới của luận án:
+ Luận án góp phần làm sáng tỏ thêm về mặt lý luận và thực tiễn của nhà nước pháp quyền trên cơ sở phân tích quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật, phương thức tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước góp phần xây dựng khái niệm Nhà nước pháp quyền từ khía cạnh quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật. Đồng thời khẳng định, trong điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội như ở nước ta hiện nay thì việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước phải tuân theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, thống nhất vào Quốc hội, các cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền độc lập, nhưng không đối lập, trong khuôn khổ pháp luật.
+ Đổi mới tổ chức của Chính phủ thực chất là đổi mới thành phần các bộ phận cơ cấu của nó theo hướng chuyển dần các cơ quan quản lý theo ngành thành quản lý theo chức năng, hợp nhất chức năng các bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật và tiến dần xoá bỏ cơ chế “bộ chủ quản”, các cơ quan hành chính - Nhà nước chủ quản, nhưng không coi nhẹ vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
+ Đề nghị đổi mới cơ chế xây dựng pháp luật bằng cách Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật có hiệu lực trực tiếp. Khẳng định sự cần thiết ban hành “luật về văn bản pháp luật” điều chỉnh hoạt động xây dựng và ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan Nhà nước.
+ Đưa ra luận cứ về sự cần thiết ban hành luật công chức Nhà nước, hoàn thiện hệ thống đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính Nhà nước theo hướng xây dựng hệ thống thống nhất các cơ sở đào tạo hiện có, đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính, chuyển hướng đào tạo là chủ yếu và có tính chất lâu dài, kết hợp việc đào tạo theo chức danh gắn với chế độ bằng cấp chung.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Với kết quả đạt được, luận án góp phần làm rõ cơ sở lý luận, thực chất của các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, mối liên hệ giữa Nhà nước và pháp luật và vấn đề tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước trong điều kiện Việt nam, bước đầu lý giải mối liên hệ giữa tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước với kinh tế.
Những kiến nghị của luận án góp phần vào việc tìm kiếm mô hình tổ chức Chính phủ trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, và đổi mới hoạt động của nó. Luận án có thể sử dụng tham khảo vào việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ, đổi mới hệ thống đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính Nhà nước.
Kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, quản lý, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho quá trình đào tạo công chức hành chính trong những năm sắp tới.
Luận án gồm lời nói đầu, 2 chương, 5 tiết và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo.