Luận án có mục đích nghiên cứu Lý luận hoạt động lập pháp, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, góp phần bảo đảm cho nhà nước xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, ổn định và khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Để thực hiện mục đích trên luận án có nhiệm vụ:
Thứ nhất: Phân tích quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền những yếu tố hợp Lý của nó, khẳng định vai trò của pháp luật trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Thứ hai: Làm rõ khái niệm hoạt động lập pháp (bản chất, đặc điểm, nội dung), quy trình lập pháp, vai trò của hoạt động lập pháp trong Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa lập pháp và lập quy.
Thứ ba:Phân tích hoạt động lập pháp của nhà nước ta trong các thời kỳ lịch sử, đánh giá thành tựu, tồn tại. Từ đó, luận án khái quát tư tưởng luật pháp Hồ Chí Minh, xem là cơ sở đề xuất các giải pháp.
Thứ tư: Đề xuất những giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.
Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
Một là: phân tích khái quát những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền, vai trò của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Hai là: Làm rõ về mặt lý luận khái niệm hoạt động lập pháp và các phạm trù liên quan; mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp; tư duy mới trong lĩnh vực lập pháp.
Ba là: Phân tích một cách tương đối hệ thống lịch sử lập pháp của Nhà Nước ta, đặc điểm, nôi dung lập pháp từng thời kỳ, bước đầu khái quát những tư tuởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực luật pháp.
Bốn là: Đề xuất giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân vì dân.
Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, đường lối đổi mới của đảng, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo công cuộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được khẳng định tại hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.
Trong khi thực hiện luận án, tác giả chú ý những khía cạnh hợp lý của các học thuyết chính trị pháp lý, các tư tưởng tiến bộ của các tác gia lớn của nhân loại về nhà nước và pháp luật, kinh nghiệm lập pháp của các nước.
Luận án còn được thực hiện trên cơ sở các số liệu điều tra, khảo sát về hoạt động lập pháp của nhà nước ta.
Luận án xử dụng phương pháp của triết học Mác - Lênin, như phương pháp Lôgích kết hợp với lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, khảo sát thực tiễn, thăm dò và điều tra dư luận.
Với kết quả luận án đạt được, luận án góp phần nâng cao thêm nhận thức về vai trò của luật pháp, hoạt động lập pháp, đóng góp và việc xây dựng luật về thẩm quyền và trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận về nhà nước và pháp luật trong các trường đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước.