Mục đích của luận án là trên cơ sở tiếp cận tổng thể, phân tích, làm sáng tỏ bản chất, đặc điểm, nguyên tắc của mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân ở nước ta; đánh giá thực trạng mối quan hệ đó hiện nay và đề xuất những phương hướng đổi mới, hoàn thiện nó. Để đạt được những mục đích đó, luận án có các nhiệm vụ sau đây:
Một là, phân tích làm rõ khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc của mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân; phân tích sự hình thành và phát triển của nó qua bốn Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992.
Hai là, phân tích thực trạng mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân hiện nay; khẳng định những ưu điểm, thành tựu và làm rõ những khuyết điểm, tồn tại.
Ba là, nêu rõ những quan điểm chủ yếu có tính chất định hướng việc đổi mới và hoàn thiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân; đề xuất những phương hướng đổi mới và hoàn thiện mối quan hệ đó.
Quan hệ giữa Nhà nước và công dân là một vấn đề lớn, phức tạp, có phạm vi rất rộng, được điều chỉnh bằng cả hệ thống pháp luật. Luận án chỉ đề cập mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân được Hiến pháp và luật điều chỉnh (trong đó Hiến pháp là chủ yếu), tức là mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân.
ĐÓNG GÓP MỚI VỀ MẶT KHOA HỌC CỦA LUẬN ÁN
Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam nghiên cứu tương đối toàn diện và hệ thống những vấn đề chủ yếu của mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá, kết luận làm cơ sở cho những kiến nghị hoàn thiện mối quan hệ ấy trong điều kiện đổi mới hiện nay. Đóng góp về mặt khoa học được thể hiện ở những điểm sau:
- Trên cơ sở nhận thức được giá trị pháp lý của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước và các đạo luật về phương diện xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của các chủ thể tham gia những quan hệ xã hội quan trọng nhất, luận án luận chứng khái niệm quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân, khái niệm có nội dung đặc biệt, gồm các quyền và nghĩa vụ cơ bản của hai bên, là cơ sở để hình thành các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể giữa Nhà nước (cụ thể là cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước) với công dân được ấn định trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
- Phân tích, làm sáng tỏ bản chất của mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân qua bốn đặc điểm chủ yếu của nó, để từ đó khẳng định quan hệ giữa Nhà nước và công dân dưới chế độ nhân dân lao động làm chủ có bản chất, mục đích khác với các kiểu quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trước đây.
- Bằng các phương pháp hệ thống, lô gích – lịch sử, phân tích – tổng hợp, luật học so sánh, đã phân tích các nguyên tắc của việc xác lập và thực hiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân, từ đó kết luận rằng những tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc đó luôn luôn được quán triệt đầy đủ trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Nhà nước ta nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Lần đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như bảo đảm pháp lý thực hiện chúng qua bốn Hiến pháp, từ đó kết luận rằng mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân không ngừng được củng cố, phát triển; các quyền tự do, dân chủ của công dân không ngừng được mở rộng phù hợp với sự phát triển về kinh tế-xã hội, văn hóa đất nước. Bên cạnh đó cũng phân tích đánh giá những ưu điểm, thành tựu và những khuyết điểm, tồn tại của mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân hiện nay, làm cơ sở để xác định những phương hướng đổi mới, hoàn thiện nó.
- Để tiến hành có kết quả việc đổi mới, hoàn thiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân theo đường lối của Đảng, luận án kiến nghị những quan điểm cơ bản về đổi mới, hoàn thiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân trong điều kiện hiện nay, từ đó, luận án đề cập những phương hướng đổi mới, hoàn thiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa Nhà nước và công dân.
Luận án gồm 3 chương, 7 mục, danh mục tài liệu tham khảo và 5 phụ lục