Trước yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, luận án có mục đích góp phần làm sáng tỏ những cơ sở thực tiễn và lý thuyết nhằm xác định nội dung, đặc trưng của pháp chế về kinh tế và vai trò của nó trong quản lý nhà nước. Từ đó làm rõ những yêu cầu chủ quan và khách quan, hệ quan điểm về phương hướng tăng cường pháp chế về kinh tế, kiến nghị những giải pháp chủ yếu thiết lập, củng cố và tăng cường pháp chế về kinh tế. Thực hiện mục đích trên nhiệm vụ của luận án là:
- Nghiên cứu những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về pháp chế XHCN, từ đó xác định nội dung hàm của pháp chế về kinh tế, đặc trưng của pháp chế về kinh tế.
- Phân tích vai trò của pháp chế về kinh tế trong quản lý nhà nước.
- Khái quát thực trạng pháp chế về kinh tế trong quản lý nhà nước ở nước ta.
- Phân tích những đòi hỏi khách quan tăng cường pháp chế về kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
- Xây dựng hệ thống các quan điểm cơ bản và các giải pháp chủ yếu tăng cường pháp chế về kinh tế trong quản lý nhà nước, nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.
Là công trình đầu tiên nghiên cứu pháp chế XHCN trong lĩnh vực kinh tế với tư cách là phương pháp quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Vì vậy có thể xem những đặc điểm sau là cái mới của luận án:
- Dựa trên phương pháp phân tích và tổng hợp các luận điểm của V.I.Lênin về pháp chế, đặc biệt là các luận điểm trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới. Xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội có sự phân chia ra các lĩnh vực chính trị, kinh tế…và ngày nay hệ thống pháp luật của bất kỳ nhà nước nào cũng có một bộ phận đặc biệt quan trọng là pháp luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ kinh tế, luận án đã hình thành khái niệm pháp chế XHCN nói chung và pháp chế về kinh tế nói riêng được phân tích trên cơ sở khoa học.
- Với tư cách là một bộ phận có tính độc lập tương đối cấu thành pháp chế XHCN, luận án cho rằng pháp chế về kinh tế có những đặc trưng cơ bản riêng của nó. Việc tìm kiếm và phân tích các đặc trưng cơ bản riêng này có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo tăng cường pháp chế về kinh tế trên thực tế.
- Xuất phát từ thực tiễn đổi mới, từ đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hưỡng XHCN, từ chính sách kinh tế mở và từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền, luận án đã phân tích một cách khoa học tính tất yếu khách quan phải tăng cường pháp chế về kinh tế ở nước ta hiện nay. Có thể xem đây là những căn cứ khách quan để xác định phương hướng tăng cường pháp chế về kinh tế trong điều kiện hiện nay.
- Tiếp cận thực tiễn pháp chế về kinh tế ở nước ta hiện nay, luận án đã đề xuất một số kiến nghị thiết thực trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế, tổ chức thực hiện pháp luật và cơ chế tài phán về kinh tế. Các kiến nghị này có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn tăng cường pháp chế.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án:
Kết quả đạt được của luận án trước hết góp phần làm sáng tỏ vai trò của pháp chế XHCN nói chung và pháp chế về kinh tế nói riêng trong điều kiện mới. Việc hình thành khái niệm pháp chế về kinh tế và các đặc trưng cơ bản của nó là cơ sở lý luận đểhoàn thiện cơ chế, phương pháp quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Vì thế luận án có thể làm tài liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý nhà nước về kinh tế.
Các kiến nghị của luận án có ý nghĩa thực tiễn góp phần tăng cường pháp chế về kinh tế trong quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay.