Từ năm 1986 đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, thể chế pháp luật, trong đó có pháp luật kinh tế từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Tổng quan về quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế trong 30 năm qua có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1986-2000 với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp của thời kỳ đầu Đổi mới; giai đoạn thứ hai từ năm 2001-2013, bắt đầu bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001 và giai đoạn thứ ba từ khi bản Hiến pháp năm 2013 được ban hành đến nay.
Giai đoạn mới mở đầu khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thành lập. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, với quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Song hành với quá trình soạn thảo Hiến pháp và trên cơ sở Hiến pháp mới, Quốc hội đã và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản pháp luật phù hợp với bối cảnh và tình hình mới cũng như lộ trình hội nhập quốc tế của nước ta; trong đó, tập trung vào các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân, cải cách thể chế kinh tế, cải cách tư pháp. Trong lĩnh vực kinh tế, Quốc hội đã ban hành các luật như: Luật đất đai năm 2013, Luật đấu thầu năm 2013, Luật đầu tư công năm 2014, Luật phá sản năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật đầu tư năm 2014, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh năm 2014... Những văn bản pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế trong lâu dài và có tác động lớn đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thực hiện ba năm qua.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên, không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn; bản thân pháp luật cũng có tính kế thừa, tính đặc thù xã hội và văn hóa. Do vậy, việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật các quốc gia khác chỉ mang tính chất tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để từ đó đưa ra lựa chọn chính sách phù hợp cho Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu như vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã huy động đội ngũ chuyên gia luật học am hiểu sâu và có nhiều kinh nghiệm để thực hiện nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới trong suốt hai năm (2014-2015) và phát hành cuốn sách “thể chế” pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới”. Sáu quốc gia đã được lựa chọn nghiên cứu là: Hoa Kỳ, Úc (đại diện của hệ thống thông luật Ănglô-Xắcxông), Đức (đại diện của hệ thống dân luật Châu Âu lục địa), Hàn Quốc (quốc gia phát triển thành công của khu vực Châu Á), Malaysia (quốc gia phát triển ấn tượng khu vực Đông Nam Á) và Cộng hòa Liên bang Nga (quốc gia chuyển đổi). Đối với thể chế pháp luật kinh tế của mỗi quốc gia, các tác giả đã tìm hiểu và lựa chọn phân tích một số văn bản luật cơ bản, chính yếu trong các lĩnh vực pháp luật kinh tế cốt yếu, bao gồm:
Những luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể trên thị trường từ khi gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường tới khi rút lui khỏi thị trường. Nghiên cứu đã xem xét và đánh giá đặc trưng của các luật chủ yếu, trong một số trường hợp là các án lệ tiêu biểu điều chỉnh và tác động đến hành vi của các chủ thể trong thị trường tại các quốc gia trên, qua đó tác động đến sự phát triển một cách lành mạnh của thị trường.
Những thiết chế quản lý và điều tiết thị trường. Trong các trường hợp được lựa chọn nghiên cứu, các thiết chế được hình thành và cơ bản được hoàn thiện để quản lý và điều tiết thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên. Nghiên cứu đã xem xét vai trò và vị trí của các thiết chế như cơ quan quản lý cạnh tranh, Ngân hàng trung ương, Ủy ban Chứng khoán, cơ quan thống kê, cơ quan bảo hiểm tiền gửi... đặc biệt là tính độc lập cũng như sự phối hợp giữa các thiết chế trong quản lý và điều tiết thị trường.
Cuốn sách cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật nhằm góp phần đa dạng hóa pháp luật kinh tế và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam trong thời gian tới.
Với những phân tích mang tính giới thiệu, định hướng về thể chế pháp luật kinh tế của các quốc gia được lựa chọn nghiên cứu, cuốn sách nhằm giúp các đại biểu Quốc hội có thêm nguồn thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Cuốn sách này cũng sẽ được gửi đến các cơ quan nghiên cứu hoạch định chủ trương, chính sách và pháp luật để tham khảo; đồng thời, gợi mở hướng tìm hiểu, phân tích cho những nghiên cứu tiếp theo.