Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và internet, giao dịch thương mại trực tuyến đã trở thành một trào lưu và trong nhiều trường hợp đang dần thay thế hình thức giao dịch mua bán truyền thống, kéo theo đó là các tranh chấp từ hoạt động kinh doanh này cũng phát sinh và gia tăng nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp thương mại điện tử với các đặc thù riêng theo cách thức thông thường như tòa án, thương lượng hòa giải, trọng tài và các biện pháp truyền thống không phải lúc nào cũng phù hợp. Trước thực tế đó, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) ra đời và đang ngày càng phổ biến, thể hiện những ưu điểm vượt trội của mình về thủ tục, sự thuận tiện cho các bên tham gia tố tụng như: tính tự nguyện, linh hoạt trong quy trình giải quyết, tiết kiệm thời gian và chi phí, đề cao sự tự quyết của các bên...
Theo xu hướng chung của sự phát triển thương mại điện tử trên thế giới, Việt Nam cũng chứng kiến sự bùng nổ số lượng các giao dịch thương mại điện tử trong thập kỷ vừa qua, đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn trong giải quyết các tranh chấp phát sinh trực tuyến. Nhu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, các tranh chấp trực tuyến nói riêng trở nên vô cùng cần thiết. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử có đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp trong các giao dịch điện tử, song những quy định này còn chung chung, khó áp dụng*. Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam chưa có nhiều quy định về giải quyết tranh chấp điện tử dưới hình thức trực tuyến. Để có thêm kinh nghiệm thực tiễn cho việc xây dựng phương thức giải quyết tranh chấp online hữu hiệu và khả thi, việc nghiên cứu phương pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến của các nước trên thế giới và nhất là phương thức do Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) đưa ra là cần thiết.
Số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý về “Giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương pháp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR)” là kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý về vấn đề này. Nội dung của số Đặc san Thông tin làm rõ thêm khái niệm giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trực tuyến, thực tiễn áp dụng giải quyết tranh chấp trực tuyến trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cần thiết cho Việt Nam ở giai đoạn trước mắt và lâu dài.
* Điều 52 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Điều 76 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.