Hiến pháp năm 1992 được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đề ra. Sau gần 10 năm thi hành, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khóa X sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2001.
Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi và đặc biệt là tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối, nhằm phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XI đã xác định cần “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”
Trong bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc triển khai Chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Hiến pháp năm 2013). Đây là sự kiện chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.
Quá trình xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước, trong đó có Chính phủ. Đặc san Thông tin khoa học pháp lý chuyên đề “Chính phủ với Hiến pháp năm 2013” phân tích cụ thể vai trò của Chính phủ trong mỗi giai đoạn của quá trình xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; những nội dung cơ bản và những điểm mới của chế định “Chính phủ”, và “Chính quyền địa phương” theo quy định của Hiến pháp năm 2013.