Trong quan hệ pháp luật dân sự, có sự đa dạng về chủ thể và phong phú về phương thức tham gia quan hệ pháp luật. Để bảo đảm vừa bao quát được tất cả các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, phát huy cao nhất năng lực chủ thể, sự ổn định của giao dịch và bảo vệ lợi ích của người thứ ba, pháp luật dân sự thường chia chủ thể thành hai loại: thể nhân (con người tự nhiên) và pháp nhân (chủ thể được thành lập, hoạt động và chấm dứt theo luật định). Bên cạnh đó, tùy thuộc đặc thù của mỗi quốc gia, các nước quy định thêm một số dạng chủ thể khác trong quan hệ pháp luật dân sự. Bộ luật dân sự năm 2005 (sau đây viết tắt là BLDS năm 2005) của Việt Nam, ngoài hai chủ thể truyền thống là cá nhân và pháp nhân còn có quy định về chủ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác.
Các quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác phần nào đã phát huy vai trò trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sau gần 10 năm thi hành BLDS năm 2005, nhiều quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn. Chẳng hạn: pháp luật chưa quy định rõ nội hàm khái niệm hộ gia đình, gây khó khăn trong việc xác định thành viên của hộ gia đình; khó khăn khi xác định người đại diện cho hộ gia đình khi tham gia các giao dịch dân sự; các quy định về xác định người đại diện cho tổ hợp tác, tài sản của tổ hợp tác, quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ hợp tác, trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác, và các quy định về nhận tổ viên, ra khỏi tổ hợp tác, chấm dứt tổ hợp tác, v.v…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Dự án điều tra cơ bản “Thực tiễn thi hành một số chế định của BLDS năm 2005 phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự”*, Đặc san Thông tin khoa học pháp lý chuyên đề “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về hộ gia đình và tổ hợp tác từ thực tiễn áp dụng” đưa ra các căn cứ khoa học và thực tiễn góp phần hoàn thiện các quy định của BLDS năm 2005.
Những nội dung chính:
PHẦN I. HỘ GIA ĐÌNH - BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
PHẦN II. TỔ HỢP TÁC - BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
Nhóm tác giả:
- TS. Võ Đình Toàn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp;
- TS. Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp;
- NCS. Trần Thị Quang Hồng - Nghiên cứu viên Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp;
- NCS. Chu Thị Hoa - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu chiến lược xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và quản lý ngành, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp;
- ThS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp.
- ThS. Đỗ Thị Thúy Hằng - Nghiên cứu viên Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp;
- ThS. Phạm Văn Bằng - Nguyên nghiên cứu viên Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp;
- CN. Lê Thị Thúy Nga - Nghiên cứu viên Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp;
* Dự án đã được bảo vệ thành công vào tháng 11/2013. Dự án tiến hành điều tra tại 08 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thái Bình, Long An, Phú Yên, Đà Nẵng, Đăk Lăk) với 3.668 phiếu thu được.