Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XI, ngày 3-2-2004 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch số 190/UBTVQH11 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung của Dự thảo này, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm sắp tới.
Đây là một sự kiện lớn trong hoạt động lập pháp của nước ta nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Việc ban hành Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự đã thể hiện được một số quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Thực hiện Kế hoạch số 190/UBTVQH11 ngày 3-2-2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 231/BTP ngày 18-2-2004 của Bộ Tư pháp về lấy ý kiến của cán bộ công chức ngành tư pháp về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương đã khẩn trương và nghiêm túc triển khai nghiên cứu Dự thảo, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để tập hợp các kết quả nghiên cứu, các ý kiến góp ý đối với nội dung của Dự thảo. Đến ngày 22-3-2004, Ban Chỉ đạo ngành tư pháp về việc lấy ý kiến cán bộ, công chức ngành tư pháp vào Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự đã nhận được ý kiến góp ý của 40 Sở Tư pháp, 5 Đoàn Luật sư, 19 tổ chức thuộc Bộ Tư pháp, ý kiến của Pháp chế Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự chủ yếu tập trung vào 9 vấn đề mà Ban soạn thảo xin ý kiến, đồng thời cũng bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến toàn bộ Dự thảo.
Thông tin chuyên đề này là kết quả tổng hợp ý kiến đóng góp của các cán bộ làm công tác quản lý và hoạt động thực tiễn ở các cơ quan nói trên, đặc biệt là các cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Viện Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp.