Trong bất kỳ thời đại nào, đời sống xã hội luôn có sự đa dạng, phong phú nhất định. Sự thể hiện cảm xúc, tình cảm hay xu hướng giới tính không nằm ngoài quy luật đó. Trước đây, chúng ta hầu như chỉ nhắc đến một xã hội với những gia đình là sự kết hợp giữa một nam và một nữ với mục đích duy trì nòi giống. Khi đó, việc một người yêu người cùng giới tính hay mong muốn có giới tính khác là những điều rất kỳ lạ, thậm chí bị xem là bệnh hoạn. Thực tế, đồng tính, song tính, chuyển giới hay liên giới tính đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội và được khắc họa rõ nét trong xã hội hiện đại ngày nay.
Quyền con người là một trong những giá trị cao nhất mà các quốc gia đều công nhận và bảo vệ. Mỗi quốc gia đều xây dựng một hệ thống pháp luật riêng dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và các giá trị truyền thống văn hóa của quốc gia để bảo đảm các quyền con người được thực hiện một cách tốt nhất và đầy đủ nhất. Sự phát triển của quyền con người gắn liền với sự phát triển của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Trong lý luận về quyền con người hiện đại, quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính, cũng như quyền của nhóm khác như người nhiễm HIV/AIDS, lao động di cư… ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, nhóm người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính liên quan rất nhiều đến các vấn đề về giới, giới tính, thể hiện giới, xu hướng tính dục và bản dạng giới. Quyền của các đối tượng này trở thành vấn đề gây tranh luận ở nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy xu hướng ủng hộ quyền của các đối tượng này trên thế giới cũng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính là đối tượng được giới khoa học quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây. Trong lĩnh vực khoa học pháp lý, dư địa nghiên cứu về quyền và pháp luật về quyền của các đối tượng này còn khá nhiều dưới cả góc độ lý luận cũng như thực tiễn.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình tổ chức thi hành hoặc xây dựng, hoàn thiện một số văn bản pháp luật liên quan đến quyền của các đối tượng này như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Chuyển đổi giới tính…
Xuất phát từ bối cảnh nêu trên, việc nghiên cứu pháp luật về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính sẽ góp phần nâng cao nhận thức bảo đảm quyền con người, nâng cao giá trị xã hội của pháp luật tại Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đặc san Thông tin Khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu số chuyên đề: “Pháp luật về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính tại Việt Nam - Thực trạng và triển vọng”.