Dư luận xã hội đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Nó chiếm vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và có quan hệ tác động qua lại với các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác, đặc biệt là với pháp luật. Dư luận xã hội góp phần thúc đẩy, củng cố việc hình thành những tư tưởng, quan điểm pháp lý; là một “kênh” quan trọng để người dân phản biện, giám sát đối với quá trình xây dựng pháp luật.
Nhận thức được vai trò đó của dư luận xã hội, Đảng và Nhà nước ta coi việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân là một trong những công việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra được các chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp. Điều này đã được ghi nhận và nhấn mạnh trong một số văn kiện của Đảng (Khóa VII, X, XI) và văn bản pháp luật của Nhà nước (thông qua quyền tham gia của công chúng trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật).
Thực tế hoạt động xây dựng pháp luật cũng cho thấy, dư luận xã hội có nhiều tác động đến việc xây dựng pháp luật cả ở khía cạnh tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, dư luận xã hội tạo nên diễn đàn trao đổi, thảo luận rộng rãi, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để bày tỏ chính kiến, tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình xây dựng pháp luật. Các ý kiến phản hồi từ dư luận xã hội là một trong những cơ sở thông tin hết sức quan trọng giúp cho Nhà nước đưa ra những quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Về mặt tiêu cực, vẫn còn tình trạng dư luận xã hội phản ánh sai thực tế, hiểu sai nội dung, quy định trong các dự án, dự thảo gây nhiễu thông tin và làm cản trở quá trình xây dựng pháp luật.
Mặc dù dư luận xã hội có nhiều tác động tích cực đối với hoạt động xây dựng pháp luật nhưng lợi thế này chưa được tận dụng và phát huy có hiệu quả trong thực tế. Việc điều tra, nắm bắt từ dư luận xã hội phục vụ cho quá trình xây dựng pháp luật chưa kịp thời, độ tin cậy của thông tin chưa cao, thiếu tính phát hiện, dự báo. Việc tiếp thu, phản hồi các ý kiến từ dư luận xã hội về dự án, dự thảo văn bản pháp luật cũng chưa được chú trọng, bài bản và hiệu quả.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học: “Tác động của dư luận xã hội đối với việc xây dựng pháp luật tại Việt Nam hiện nay”, xin trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý “Tác động của dư luận xã hội đối với việc xây dựng pháp luật tại Việt Nam hiện nay” do Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp thực hiện, hy vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cả về mặt lý luận và thực tiễn về tác động của dư luận xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật cũng như các giải pháp nhằm phát huy vai trò của dư luận xã hội trong việc xây dựng pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới.